"
Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen & Bình Bồng Bột (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vẫy Vùng Giữa Vũng Lầy - Carl Hiaasen & Bình Bồng Bột (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
CHƯƠNG 1
Sự vụ xảy ra đúng 11 giờ khuya vào một đêm tháng Tư thanh mát. Một phụ nữ tên Joey Perrone ngã khỏi boong tàu sang trọng của du thuyền M.V. Sun Duchess. Rơi thẳng xuống Đại Tây Dương đen ngòm, Joey choáng váng đến độ không kịp hoảng sợ.
Mình cưới phải thằng chó đẻ rồi, Joey nhủ thầm khi đang lao đầu xuống biển.
Cú tiếp nước quá mạnh khiến Joey gần như trụi lủi. Chiếc váy lụa rách toạc, áo sơ mi, quần lót, đồng hồ, đôi giày sandal đều trôi về đâu không biết. May mắn thay, cô vẫn giữ được sự tỉnh táo cần thiết. Cũng phải thôi, hồi đại học cô từng là đồng thủ quân đội bơi mà. Lúc hất Joey xuống biển, thằng chồng tệ bạc hẳn là đã quên tiệt điều đó.
Bập bềnh giữa những đợt sóng từ đuôi tàu, Joey nhìn con tàu hơi nước M.V. Sun Duchess hoan hỉ tiếp tục cuộc hành trình với tốc độ 20 hải lý/giờ. Duy nhất một người trong số 2.049 hành khách trên tàu biết chuyện gì vừa xảy ra. Mà kẻ ấy ngu sao mà nói.
Chó đẻ thiệt, Joey thầm rủa.
Joey ngọ nguậy để thoát khỏi chiếc áo lót tội nghiệp bị sóng đánh rơi
xuống tận eo. Xem nào, hướng Tây kia rồi. Cái màu vàng lấp lánh êm dịu kia chẳng phải là bờ biển Florida đó sao. Joey bắt đầu bơi. Hải lưu Gulf Stream ấm áp hơn một chút so với bầu trời phía trên cô. Nhưng cơn gió Đông Bắc tạt qua làm sóng chồm lên tê tái mặt mũi. Joey cố giữ nhịp bơi. Và để quên đi lũ cá mập, cô tua lại một lượt những gì đã diễn ra trong suốt một tuần du ngoạn vừa qua. Chuyến đi hấp hôn của cô đã kết thúc một cách tào lao, y như lúc khởi đầu.
Du thuyền Sun Duchess rời cảng Everglades trễ mất ba tiếng đồng hồ so với dự kiến. Tất cả là do một con gấu mèo chẳng biết từ đâu chui vào quậy banh bếp bánh. Một đầu bếp đã vật lộn để nhét con vật đang nhe răng sùi bọt mép vào trong cái thùng đựng gần 230 lít kem sữa trứng vị ổi. Nhưng nó đã kịp lẩn xuống đáy tàu sau khi cào nát hàm dưới của vị đầu bếp tội nghiệp. Một nhóm từ Tổ chức Kiểm soát động vật Broward được mời đến, tháp tùng là một ông thanh tra và nguyên dàn nhân viên y tế hùng hậu, đề phòng con gấu mèo táp thêm mấy cái cằm nữa. Để trấn an du khách, nhà bếp đã hết lòng thết đãi rượu rum dùng kèm canapé khai vị.
Lát sau thì du thuyền cũng khởi hành. Joey lướt qua mấy vị bên kiểm soát động vật đang bước xuống cầu phao. Nhìn hai tay buông thõng thế kia là biết xôi hỏng bỏng không rồi.
“Em cá là họ chưa tóm được nó,” cô thì thầm với chồng, phát hiện mình đang đứng về phía con quái thú tí hon trong vai phản diện. “Nó bị dại xiềng,” thằng chồng tỏ ra hiểu biết. “Nó mà dám cào anh một phát là anh xì tiền mua lại nguyên hãng tàu này luôn.”
“Ôi gớm chưa, Chaz.”
“Và từ đó, em có thể gọi anh là Onassis. Nhìn mặt anh giống giỡn không?”
Tàu Sun Duchess dài 260 mét, tải trọng non bảy vạn tấn. Joey biết nhờ đọc tờ bướm đặt trong phòng. Lộ trình chuyến đi gồm Puerto Rico, Nassau và một đảo tư nhân ở Bahamas. Người ta đồn mấy hãng tàu đã mua lại đảo này từ quả phụ của một tên buôn ma túy đã bị chặt hết tứ chi. Key West là nơi dừng chân cuối trong hành trình trước khi quay trở về Fort Lauderdale.
Chaz là người đã lên kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi này. Quà kỷ niệm ngày cưới mà, phải chơi lớn chớ. Đêm đầu tiên, Chaz chơi golf sau đuôi tàu, vụt xoáy mấy quả bóng xuống biển. Ban đầu Joey rất bực vì trên tàu Sun Duchess có cả sân tập golf, chỗ chơi bóng quần lẫn khu leo núi giả lập. Ủa chơi mấy thứ ấy thì ở lại Boca cho rồi chứ lên du thuyền làm chi?
Chỗ tắm nắng trên tàu cũng tào lao chẳng kém. Trời vừa trở râm mát là cả đám lao ra chen chúc như cá mòi. Nhà tàu khoái vụ này lắm. Vì ai cũng sẽ trở về với làn da rám nắng hoặc bỏng đỏ, bảy ngày ở miền nhiệt đới phải vậy chớ.
Nhưng rồi Joey cũng đành phải trèo lên mấy bức tường đá và trải nghiệm bằng hết mấy cái tiện ích trên tàu, cái sân bowling vỏn vẹn hai làn cô cũng làm láng. Bởi nếu không chơi thì biết làm gì khác, ngoài ăn dọng đến phát ớn thì thôi. Ẩm thực là thú vui chính trên mấy cái du thuyền kiểu này. Mà Sun Duchess lại lừng danh bởi trò buffet cao đạm thâu đêm suốt sáng. Chồng cô cắm mặt ở khu đó suốt.
Đồ con heo, Joey vừa rủa vừa lặn xuống để gỡ búi tảo biển như một vòng hoa Giáng Sinh nhớp nháp đang thắt qua cổ.
Mỗi buổi sáng nắng lên lại mang đến những hải cảng mới rực rỡ. Vậy mà những thị trấn, những chợ thủ công địa phương mà tàu neo lại thì nhàm chán đến phát nhợn. Tất cả giống nhau lạ kỳ, cứ như có một doanh nghiệp phía sau thiết kế kiêm luôn quản lý vậy. Joey ráng tỏ ra thích thú với những
món đồ lưu niệm truyền thống, dù có vẻ kha khá thứ được chế tác ở Singapore hay Hàn Quốc. Vả lại, người ta có thể làm gì với cái vỏ sò bị tô vẽ vụng về bằng sơn móng tay? Hay vỏ dừa được sơn phết cho giống mặt Hoàng tử Harry xứ Anh quốc?
Tình hình thê thảm đến nỗi Joey thấy mình mong chờ đến thăm “hòn đảo cấm hoang sơ” được quảng cáo trong tờ bướm. Vậy mà nơi đó cũng thật đáng chán. Hãng du thuyền đã láo lếu đổi tên nơi này thành Đảo Mê Ly trong khi chỉ phục dựng hời hợt dăm ba địa điểm giải trí. Gà tây, dê và lợn rừng là quần thể động vật chính của nơi này, tay trùm buôn lậu hẳn đã vỗ béo chúng cho những buổi chiêu đãi anh em trước khi ngủm củ tỏi. Bãi trồng mía của hòn đảo lác đác những xác máy bay từng chở thuốc phiện. Trên những bờ biển trơ trọi, du khách đi tìm vỏ sò nhưng nào thấy, chỉ có vỏ đạn 45 mà thôi.
“Anh sẽ đi thuê một chiếc mô tô nước,” Chaz hồ hởi tuyên bố. “Còn em sẽ đi kiếm một bóng râm để đọc nốt quyển sách này,” Joey đáp. Khoảng cách giữa vợ chồng họ cứ thế mà xa dần. Trước khi tàu cập bến
Key West, mỗi ngày Joey và Chaz chỉ thực sự ở cạnh nhau đúng một tiếng đồng hồ lúc vừa thức dậy. Một tiếng ấy nếu không chịch chán chê thì sẽ cãi nhau ỏm tỏi. Đi chơi mà lịch trình y hệt ở nhà.
Hấp hôn cái khỉ mốc, Joey thầm ước giá mà mình có thể đau buồn hơn. Lần đó tại quảng trường Mallory, khi thằng chồng vừa quay lưng đi “thăm thú một chút”, một ý nghĩ chợt lóe trong đầu Joey: Hay là mình hốt luôn anh tiếp viên ngon cơm người Peru tên Tico này nhỉ? Nhưng rồi tự dưng đâm ngại, cô bèn bo cho anh ta 50 đô kèm cái hôn phớt ở cằm rồi quay gót. Cô vẫn chưa đủ dũng khí để cắm sừng Chaz, dù nghi Chaz đã cắm đầy sừng lên đầu mình. Ngay chuyến đi này thôi, có khi nó đã kịp cho
cô mấy cái vào bộ sưu tập sừng.
Tối đó trở về Sun Duchess, Chaz đột nhiên huyên thuyên như bị lột lưỡi. “Em thấy mây đen không? Chắc sắp mưa,” trời mưa mà giọng nó vui thấy rõ.
“Vậy sao anh đánh golf được?” Joey hỏi.
“Này, anh đếm được hai mươi sáu cửa hàng bán áo phông trên đường Duval. Bảo sao Hemingway nổ banh đầu.”
“Ông tự sát ở Idaho mà,” Joey chỉnh.
“Thôi, đi ăn nhé. Anh đói quá. Giờ nuốt nguyên con cá voi cũng được.” Giờ nhớ lại, Joey mới hiểu vì sao suốt bữa tối Chaz không ngừng rót thêm rượu vào ly của mình. Cô phản đối cỡ nào thằng Chaz cũng ép uống cho hết.
Lúc này cô đang cảm thấy mệt bã vì mất nước, ai uống rượu nhiều chẳng vậy. Nãy giờ quẫy đạp lên xuống bở hơi tai, cả sức lực lẫn sức chịu đựng cũng tới lúc cạn dần. Đây đâu phải hồ bơi tiêu chuẩn Olympic ở Đại học California. Cô đang chơi vơi giữa Đại Tây Dương khốn kiếp. Xoa nhẹ nơi mí mắt, nước muối làm cô bỏng rát.
“Chắc là nó chẳng còn yêu thương gì mình,” Joey nghĩ. Nhưng đâu cần cạn tàu ráo máng như vậy.
Chaz Perrone dỏng tai chờ một tiếng “uỳnh”, nhưng giữa đêm đen chỉ vọng lại tiếng động cơ đều đều của con tàu Sun Duchess đang rẽ sóng. Đầu buông thõng, thằng chồng bạc tình đứng giữa bao lơn, bất động nom hệt một con cò.
Chaz đâu có muốn xô con vợ xuống biển vào lúc này. Nó định bụng làm từ trước cơ, khi con tàu đang ở đâu đó giữa Nassau và San Juan, với hy vọng dòng chảy sẽ mang xác con vợ đến tận Cuba. Ở đó thì yên trí, luật pháp Mỹ khỏi rớ tới được.
Nếu có bầy cá mập đói nào nữa thì hên quá.
Người tính không qua trời tính. Thời tiết mấy bữa trước tuyệt đẹp mới chết. Đêm đến, nam thanh nữ tú lũ lượt kéo nhau ra boong tàu ngắm trăng. Suýt nữa nó bỏ ý định rồi, may sao lại có cơn mưa kéo tới chỉ ba tiếng sau khi tàu rời Key West. Mưa nhỏ thôi, nhưng vậy cũng đủ để đám du khách ru rú trong phòng. Chén salad tôm hùm với kéo máy casino phải sướng hơn ra ngoài dầm mưa chứ.
Boong tàu trống vắng rồi, bây giờ phải làm sao đánh úp cho thật gọn. Joey dù đã trung niên, nhưng vốn là dân chơi thể thao nên sức khỏe còn ngon. Còn Chaz tuy thân đàn ông nhưng cũng bệu rồi. Thế nên dụ con vợ ra mũi tàu chưa đủ, còn phải chuốc rượu cho nó say để chắc ăn. Bốn ly rưỡi vang đỏ tổng cộng, Chaz đếm. Bình thường chỉ hai ly là con vợ chếnh choáng, hôm nay đặc biệt nên phải trừ hao.
“Chaz, ngoài này ướt quá!” Con vợ nói, không nhận ra sự bất thường trong hành động của Chaz. Bình thường chỉ hơi mưa tí là nó giãy nảy cả lên. Đàn ông đàn ang mà trong nhà không dưới bảy cây dù.
Giả vờ không nghe, Chaz tiếp tục kéo con vợ ra mũi tàu. “Bao tử anh nhộn nhạo quá. Cái món cá sống tẩm chanh chết tiệt.”
“Mình vào trong đi anh!” Joey đề nghị.
Chaz giả vờ thò tay vào túi kiểm tra coi cái chìa khóa phòng còn không. “Úi,” nó kêu lên sau khi vờ đánh rơi xuống chân.
“Chaz, trời lạnh rồi anh!”
“Chắc anh làm rớt chìa khóa rồi,” nó cúi xuống tìm. Hoặc Joey cho là thế.
Rồi nó chộp lấy hai bàn chân vợ. Tội con vợ mình, dám nó nghĩ là mình xỉn rồi bày trò giỡn hớt.
Nếu Joey nghĩ vậy thật, thì suy nghĩ ấy cũng chẳng tồn tại lâu. Vì rất nhanh chóng, cô thấy mình rơi tõm xuống biển. Nhanh cấp kỳ, còn chưa kịp hé mắt nhìn.
Chaz dỏng tai chờ một tiếng “uỳnh”, thứ thanh âm báo hiệu cuộc hôn nhân chuyển sang tội ác. Phải cái boong tàu cao quá, chẳng nghe gì ngoài tiếng máy tàu.
Nó nhoài người nhìn con vợ lần cuối, nhưng có thấy gì đâu ngoài bọt biển rậm rì dưới ánh đèn tàu. Sun Duchess vẫn tiến về phía trước, nhẹ nhõm làm sao. Không có tiếng còi báo hiệu.
Chaz lượm chìa khóa lên rồi nhanh chóng trở về phòng. Chốt cửa lại, treo cái áo lên, nó mở một chai rượu, rót vào hai ly, mỗi ly một nửa. Vali của Joey đã mở sẵn để chuẩn bị gom đồ đi về. Chaz đẩy nó từ giường xuống sàn. Gã mở toang túi đồ du lịch của mình rồi lục tìm thuốc đau bao tử. Phải thừa nhận Joey là nhà vô địch của bộ môn “xếp đồ phối hợp”. Bên dưới những chiếc quần lót được để gọn gàng, Chaz tìm thấy một hộp quà với sợi dây nơ màu xanh lá mạ.
Trong hộp quà có bộ bao da chụp gậy đánh golf với những chữ viết tắt tên nó là C.R.P. được khắc phía trên, kèm thiệp chúc mừng “Mừng kỷ niệm hai năm tụi mình cưới nhau. Mãi yêu anh, Joey.”
Chaz cảm thấy một chút tội lỗi trào lên trong khi trầm trồ ngắm nhìn chất liệu món quà. Cảm giác ấy trôi tuột rất nhanh, như trào ngược dạ dày. Vợ nó dĩ nhiên là người tinh ý, hẳn là thế. Phải chi mà cô ta đừng… tinh ý
quá.
Đúng sáu tiếng sau, nó sẽ báo cho cảnh sát vụ mất tích.
Cởi quần áo, Chaz mặc độc cái quần lót và ném đồ vào góc cabin. Bên trong túi đồ của nó là một cuốn Madame Bovary bản bìa mềm. Nó mở một trang bất kỳ và đặt trên tủ đầu giường Joey.
Cài lại đồng hồ báo thức, người đàn ông có cái tên đầy đủ là Charles Regis Perrone ngả đầu xuống gối, ngủ luôn.
Dòng chảy cuốn Joey về hướng bắc đã được gần bốn hải lý. Cô biết mình phải thoát ra khỏi dòng hải lưu này càng nhanh càng tốt, nếu không muốn trở thành cái xác trương phình bị đánh dạt vào bờ cát Bắc Carolina. Nhưng Chúa ơi, sao mà mệt dữ thần.
Chắc tại rượu mà ra. Chaz biết cô không phải là đứa tửu lượng khá. Và rõ ràng nó tính cả rồi. Dám nó còn mong cú tiếp nước sẽ khiến cô gãy chân hoặc bất tỉnh. Mà lỡ không thì sao? Thì cũng vậy, làm gì đây khi thân thể cô giữa đại dương bao la đen ngòm, cách bờ ngàn dặm và sợ mất hồn. Có báo mất tích, có cử người đi tìm cũng khỏi thấy. Khi mặt trời lên thì đã chết vì kiệt sức rồi.
Chaz đã tính hết, mẹ nó!
Chaz không hề quên cô từng vô địch môn bơi thuở còn ở Đại học California. Nó nhớ và nhớ rất rõ là đằng khác. Nó cũng biết nếu cú tiếp nước không giết được cô, thì cô sẽ bơi. Dám cá con vợ kiêu ngạo, cứng đầu ấy sẽ bơi đến khi kiệt sức, thay vì chỉ cố nổi để chờ trời sáng, họa may có cái tàu đi ngang cứu cho. Mà phải công nhận là thằng chồng tính đúng,
vì cô vẫn đang bơi như điên đây này.
Thỉnh thoảng mình cũng chán mình ghê, Joey nghĩ.
Cái gì kia? Một chiếc tàu chở dầu khổng lồ lướt qua che khuất cả mặt trăng. Bóng con tàu to bè, đen ngòm và vuông cả hai đầu, như một chung cư cao tầng nằm ngang. Joey nhào lộn, vùng vẫy và la hét. Nhưng giữa đêm đen này, tiếng la của cô lọt thỏm giữa tiếng máy tàu gầm rú. Tàu chở dầu cứ thế đi qua và Joey đành phải bơi tiếp.
Chân cô tê liệt, chuột rút từ ngón chân rồi bắt đầu lan dần lên. Nhưng điều ấy không khiến cô hoảng bằng việc cơ thể đang đuối dần. Cô thấy mình vật lộn ngoi mặt lên khỏi sóng, cuối cùng cô linh cảm mình sắp hết sức để quẫy đạp. Không còn cách nào khác, cô chuyển sang bơi ếch, hai chân lết theo như hai sợi dây cáp đứt.
Khốn nạn thiệt. Mới cưới hai năm chứ mấy, sao nó phải giết cô mới hả? Để khỏi nghĩ đến chuyện chết đuối, Joey thử lập một danh sách những điều mà Chaz không thích ở mình.
1. Joey thường nấu gia cầm đến rục, nhất là món gà, cũng bởi sợ mấy con vi khuẩn đường ruột sống dai.
2. Mùi kem dưỡng da ban đêm của cô hơi giống mùi thuốc trừ sâu. 3. Thỉnh thoảng ngủ gật ngay giữa trận hockey căng thẳng. 4. Cô từ chối thổi kèn cho chồng khi nó đang lái xe trên Xa lộ 95 liên
bang, Sunshine State Parkway hay bất cứ đường nào có gắn biển vận tốc tối đa hơn 50 dặm/giờ.
5. Khi chơi tennis, nếu thích, cô đánh cho thằng chồng đến nhục thì thôi.
6. Cô thỉnh thoảng giấu mấy cái CD của George Thorogood mà thằng
chồng rất ghiền. Nghe gì nghe lắm.
7. Có lần chồng cô mời thằng tạo mẫu tóc của nó về nhà và rủ chơi ba, nhưng Joey từ chối.
8. Cô là thành viên của một hội đọc sách họp hằng tuần. 9. Cô kiếm tiền nhiều hơn chồng.
10. Cô đánh răng bằng baking soda chứ không dùng kem đánh răng…
Thôi nào, Joey nghĩ. Ai mà đi giết vợ mình chỉ vì ả nấu con gà hơi rục chứ?
Tổ mẹ, nó có gái khác chắc luôn. Mà ngay cả thế thì vẫn có thể ly dị mà. Nhưng thôi, hơi đâu nghĩ làm quái gì. Cô đã cưới một thằng khốn vô dụng và giờ nó hất cô xuống biển trên chuyến du thuyền kỷ niệm ngày cưới và chẳng chóng thì chầy, cô sẽ chìm lỉm và lũ cá mập đói ăn sẽ mò tới. Vùng biển này thì đủ loại dữ dằn: cá mập đầu đen, cá mập chanh, cá mập đầu búa, cá mập báo, cá mập bò, cá mập mako…
Trời ơi. Tụi bây ăn tao cũng được, nhưng để tao chết rồi hãy ăn cho tao đỡ đau nha, Joey cầu nguyện.
Mấy đầu ngón tay đã bắt đầu tê tê. Joey biết hai cánh tay của cô cũng sẽ sớm mỏi nhừ và vô dụng như hai chân. Môi khô queo vì nước biển, lưỡi phồng lên như miếng xúc xích chiên còn mắt thì sưng tấy. Nhưng ánh đèn từ Florida vẫn đang vẫy gọi mỗi khi ngọn sóng đưa cơ thể cô nhô lên.
Thế là Joey vẫn ráng, vẫn tin rằng mình còn cơ hội thoát chết mỏng manh. Chỉ cần vượt qua được dòng Gulf Stream là có thể nghỉ ngơi, thả nổi và chờ mặt trời lên.
Đã tạm quên mối hiểm họa mang tên cá mập rồi, thì bỗng nhiên cô giật nảy mình khi vú trái chạm phải một thứ gì đó rất nặng và nhám. Gom nốt
chút hơi tàn, cô tống cả hai nắm đấm vào thứ đó.
Trước khi hôn mê, đầu óc cô lờ mờ hiện lên hình ảnh của Chaz. Trong phòng ngủ của hai đứa trên tàu Sun Duchess, Chaz kéo một ả chia bài tóc vàng về quất khí thế, rồi tiến về đuôi tàu làm một trận golf cuối cùng. Cái thằng chó đẻ, Joey rủa.
Rồi hình ảnh ấy cũng tan biến mất. Joey đã chìm vào hôn mê.
CHƯƠNG 2
Chaz Perrone về bản chất đúng là một thằng vong ân bội nghĩa, nhưng tính tình lại nhát như thỏ đế. Trong tất cả bạn bè của Chaz, chẳng ma nào dám tin nó sẽ giết người. Chính Chaz còn chẳng tin nữa là.
Khi chuông báo thức đổ, Chaz tỉnh dậy, tự hỏi phải chăng màn kịch giết vợ chỉ là do nó tưởng tượng mà ra. Nó quay người lại, chỗ Joey nằm trống trơn. Rồi nó chồm ra cửa sổ nhìn, kè chắn sóng của cảng Everglades sờ sờ kia kìa. Không còn nghi ngờ chi nữa, nó đã giết vợ thật rồi.
Chaz không ngờ mình máu lạnh đến thế. Vớ lấy cái phôn, nó gọi cuộc điện thoại đã tập dượt như cháo chảy. Nó súc miệng sơ nhưng để nguyên tóc tai rối bù. Vợ mất tích mà, thằng chồng nào chẳng hoảng.
Con tàu Sun Duchess vừa cập bến là màn thẩm vấn diễn ra lia lịa. Đầu tiên là trưởng ban an ninh tàu, kế là một cặp cảnh sát Tuần duyên mặt mày non choẹt và cuối cùng là thanh tra của Hạt Broward, mặt ó đâm y như bị táo bón. Trong lúc Chaz trả lời thẩm vấn, cảnh sát túa ra kiểm tra con tàu từ đầu tới đuôi. Ai biết được, lỡ bà Perrone đang hú hí quên trời đất với một hành khách nào đó, hay tệ hơn là một thủy thủ đoàn thì sao?
“Lúc vợ ông ra khỏi phòng ngủ chính xác là mấy giờ?” Viên thanh tra
hỏi.
“3 giờ rưỡi sáng,” Chaz nói.
Lời nói dối này có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì nó sẽ khiến cho nỗ lực tìm kiếm của nhóm cứu nạn trở nên vô ích. Lúc 3 rưỡi sáng thì con tàu đã cách chỗ nó ném con vợ xuống những 70 dặm về phía bắc. Có khoanh vùng cách mấy cũng vậy thôi.
“Hồi nãy, ông bảo vợ mình nổi hứng lên boong ngắm trăng à?” Viên thanh tra lại hỏi.
“Cổ nói với tui vậy,” Chaz vừa nói vừa dụi mắt, cố giữ cho mắt luôn đỏ và lờ đờ, ra chiều vẫn còn say rượu và đang lo muốn chết. “Rồi tui ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy thấy trời đã sáng, tàu đang cập bến còn Joey thì chẳng thấy đâu. Hoảng quá nên tui gọi điện báo liền.”
Mặt viên thanh tra lạnh tanh đúng kiểu dân Scandinavia. Tốc ký một câu xuống sổ, thanh tra chỉ vào hai ly rượu đặt cạnh giường.
“Rượu còn chưa uống hết kìa.”
“Đúng rồi!”
“Thế sao cổ không xách ly theo để uống tiếp?”
“Vợ chồng tui đã uống hết một chai lúc ăn tối rồi.”
“Vậy mà còn khui thêm chai mới?” Viên thanh tra hỏi dồn. “Thường ra ngoài ngắm trăng là phụ nữ hay xách rượu theo mới đúng kiểu. Có mấy bà còn xách theo cả chồng nữa.”
Chaz thận trọng nhìn phản ứng của viên thanh tra. Rắc rối có vẻ đến hơi sớm.
“Joey có rủ tui lên boong cùng đó chứ. Tui bảo thôi lên trước đi, rồi lát tui xách rượu lên cho. Vậy mà ngủ quên luôn một phát tới sáng. Thiệt sự là
tối hôm qua bọn tui uống hơi quá.”
“Hơn một chai chứ mấy?”
“Vậy là nhiều rồi!”
“Vợ ông xỉn chứ?”
Chaz gật đầu, làm mặt thảm.
“Tối hôm qua hai ông bà có cãi nhau không?”
“Hoàn toàn không!” Từ nãy đến giờ đây là câu đầu tiên mà Chaz nói thật.
“Vậy tại sao ông lại bỏ vợ lên boong một mình mà chẳng đi cùng?” “Vì tui đang ngồi bồn cầu, được chưa? Tui phải giải quyết,” Chaz làm ra vẻ ngượng ngùng. “Cái món cá sống của nhà hàng làm bao tử của tui tã tượi. Tui mới bảo thôi em lên boong trước, rồi mấy phút nữa anh lên sau.” “Mang theo hai ly rượu nữa chứ?”
“Đúng rồi. Nhưng thay vì làm thế thì tui ngất luôn. Nên ông nói đúng, rõ ràng là lỗi của tui.”
“Lỗi gì cơ?” Viên thanh tra tỉnh bơ hỏi.
Chaz thấy ngực mình hơi nhói một chút: “Ngộ nhỡ Joey gặp chuyện gì thì ngoài mình ra, tui còn biết trách ai đây?”
“Tại sao?”
“Lẽ ra thấy vợ ra ngoài khuya khoắt vậy thì tui phải cản. Ủa, ông tưởng tui không biết hả? Tui cũng biết mình phải có trách nhiệm với vợ chứ?” Viên thanh tra đóng cuốn sổ tay lại và đứng dậy.
“Có lẽ vợ ông sẽ bình an thôi, ông Perrone. Hy vọng chúng ta sẽ sớm tìm được bà ấy.”
“Cầu Chúa cô ấy sẽ quay về.”
Viên thanh tra nở một nụ cười bâng quơ: “Tàu bự quá nhỉ.” Và đại dương còn bự hơn nhiều, Chaz nghĩ.
“À, tôi muốn hỏi câu nữa. Dạo gần đây bà Perrone có biểu hiện gì bất ổn về tâm lý không?”
Chaz cười thầm trong bụng. Nó giơ cả hai tay lên liền. “Đừng nói thế. Không bao giờ có chuyện đó. Joey không thể nào tự sát được. Cứ hỏi bất kỳ người nào từng quen cổ…”
“Người quen, không phải từng quen,” viên thanh tra chỉnh lại. “Ừ. Đấy là con người lạc quan nhất mà ông từng gặp,” Chaz nhấn mạnh, trong bụng mở cờ vì biết nó vừa đưa ra một thông tin hết sức có lợi cho mình. Trước khi giết vợ, nó cũng nghiên cứu tâm lý này nọ chứ. Các thống kê chỉ ra trong những vụ tự sát, đa số người thân đều không tin là người chết từng chiến đấu với trầm cảm trước đó.
Thanh tra nói: “Thỉnh thoảng chuyện ấy vẫn xảy ra mà, nhất là khi rượu vào…”
“Đúng, nhưng Joey thì không.” Chaz chen vào. “Cổ uống vô là chỉ có cười khúc khích cả buổi thôi.”
Nãy giờ nói chuyện, Chaz nhận ra nó vẫn chủ động cắn vào môi dưới. Như thế lại hay, hành động ấy chứng tỏ nó có vẻ rất lo cho an nguy của vợ. Thanh tra cầm cuốn Madame Bovary lên. “Của ông hay của vợ?” “Của cổ đó,” Chaz lại cười thầm, cá đã cắn mồi.
“Cuốn sách này không có vui đâu nhen,” thanh tra nói khi nhìn vào cái trang được đánh dấu đọc dở.
“Tui chưa đọc nữa,” Chaz nói. Câu này là thật. Trước đó khi đến nhà
sách Barnes & Noble, nó nói với cô nhân viên: ‘Kiếm cho anh cuốn nào lãng mạn mà bi kịch ấy!’
“Sách kể về một người phụ nữ khốn khổ. Chẳng ai chịu cảm thông cho cổ, kể cả chính cổ. Rồi cổ quyết định uống thuốc tự tử.”
Hoàn hảo, Chaz nghĩ.
“Trời ơi không có đâu. Tối hôm qua Joey vui dữ lắm,” Chaz nói, hơi thiếu chắc chắn. “Không vui sao 3 giờ rưỡi sáng lại trèo lên boong nhảy múa chứ?”
“Nhảy dưới ánh trăng?”
“Chính xác!”
“Thuyền trưởng bảo tôi đêm qua có mưa.”
“Đúng, nhưng mưa từ trước đó rồi. Tầm 11 giờ hoặc cỡ đó. Lúc Joey lên boong thì trời đã tạnh, thời tiết đẹp lắm!”
Trước khi Sun Duchess rời khỏi Key West, Chaz đã xem kỹ dự báo thời tiết trên TV ở quán bar nổi tiếng Sloppy Joe’s. Nó biết vào lúc 3 giờ 30 sáng là trời rất đẹp. Bởi vậy nó mới ấn định giờ mất tích cho vợ đó chứ.
“Đêm qua trăng tròn mà đẹp nữa,” Chaz nói, ra vẻ như ta đây cũng có nhìn thấy.
“Tôi cũng tin vậy,” thanh tra nói, nhưng vẫn chưa rời đi như chờ đợi Chaz nói thêm gì nữa.
Thế là Chaz đía tiếp: “Tui chợt nhớ ra điều này. Trên tàu có một con gấu mèo, chẳng hiểu sao nó đi lạc lên trên tàu.”
“Ừa.”
“Tui nghiêm túc đó. Ông có thể hỏi thuyền trưởng. Tụi tui phải chờ mấy tiếng đồng hồ lúc rời Lauderdale hồi Chủ nhật tuần trước, để cho người ta
lên tàu tìm nó.”
“Rồi sao nữa?”
“Rồi ai biết họ tìm có ra không? Ngộ nhỡ Joey bị con gấu táp sảng khi đang đi trên boong thì sao? Có khi nào vì chạy trốn con gấu điên mà Joey lỡ chân rơi xuống biển không?”
“Đấy là một giả thuyết không thể bỏ qua.”
“Ông đã từng thấy mấy con thú bị bệnh dại chưa? Dã man!” “Tôi biết vụ con gấu mèo rồi. Người ta đã tóm được nó trong giỏ đựng quần áo thủy thủ đoàn. Lúc tàu neo ở San Juan họ đã trả nó về đất liền. Trong biên bản thuyền trưởng ghi thế.”
“Ồ. Hên là ông đã kiểm tra thông tin ấy.”
“Chúng tôi không muốn bỏ sót điều gì,” chất giọng lạnh lùng của viên thanh tra này nghe khó chịu thật. Ai lại đi nói cái giọng ấy với một người chồng đang rối trí vì vợ bị mất tích cơ chứ. Nhưng Chaz mừng vì gã cũng rời đi. Mừng hơn khi biết mình được tự do xếp đồ rời du thuyền. Người ta sẽ sớm dọn phòng, vì Sun Duchess phải tức tốc chuẩn bị cho một chuyến hải hành mới.
Lát sau, khi Chaz Perrone đi theo tay khuân vác xuống cầu tàu, nó nhìn thấy hai chiếc trực thăng màu cam cất cánh từ bãi đáp của trạm Tuần duyên phía bên kia cảng. Chúng trực chỉ hướng Đại Tây Dương, ở đó đã có một chiếc ca nô và hai xuồng cứu hộ được cử đi tìm Joey. Chaz nghĩ dám lát nữa họ sẽ cử thêm một con phản lực từ Opa-locka tham gia cùng lắm.
Nó nhìn đồng hồ lẩm nhẩm tính: mười ba tiếng đồng hồ trên biển, con vợ đi đời nhà ma chắc.
Nên cứ tha hồ mà tìm đi nhé!
Ở Elko, bang Nevada có cặp vợ chồng chuyên kinh doanh đỏ đen là Hank và Lana Wheeler. Sòng bạc của họ ăn nên làm ra là nhờ tiết mục “gấu nhảy đầm” kiểu Nga, do một dominatrix đã nghỉ hưu huấn luyện. Ả tự đặt cho mình cái biệt danh Đại Hùng, theo tên một chòm sao nổi tiếng.
Ban đầu vẫn là quan hệ chủ-tớ, nhưng một thời gian sau, vợ chồng Wheeler yêu mến và coi Đại Hùng như người trong nhà. Trong đám đồ đệ ruột của Đại Hùng có Boris, một con gấu gốc Á nặng ngót hai tạ. Một hôm Boris lăn đùng ra ốm vì đau răng. Nhà Wheeler hào phóng thuê luôn chuyên cơ Gulfstream chở Boris đến gặp bác sĩ thú y nức tiếng ở Lake Tahoe. Hai vợ chồng còn tháp tùng tận nơi để khích lệ tinh thần và đồng thời tranh thủ trượt tuyết mùa xuân.
Bay đi thì bình thường nhưng bay về thì có biến. Giữa đường, máy bay phản lực lao đầu thẳng xuống dãy núi Cortez. Điều tra Liên bang vào cuộc, khẳng định lúc xảy ra tai nạn, con gấu đang hồi phục không hiểu vì lý do gì lại ngồi ở ghế của phi công phụ. Sau khi trích xuất ảnh từ máy camera 35 li của nhà Wheeler nhằm phục vụ điều tra, người ta thấy có lúc con gấu ngồi ngay sau cần lái. Ở một khung hình khác, Đại Hùng đang ngồi ngả ngớn trên đùi Boris, đút luôn chai rượu Bailey cho con gấu tu ừng ực. Một ảnh sau đó, Boris còn đeo tai nghe và kính phi công mới oách.
Nghe lại băng ghi âm cuộc trao đổi giữa Gulfstream và trạm kiểm soát không lưu, người ta càng xác nhận màn giao lưu sôi nổi, thậm chí xao nhãng quá đà, giữa người và động vật hoang dã trên chiếc trực thăng. Nhưng vì sao nó đột ngột lao đầu xuống vẫn là một bí ẩn. Trợ lý của Đại Hùng đồ rằng Boris đã đổi tính sau khi thuốc gây tê dần hết tác dụng. Khi
cú rơi tử thần diễn ra, trạm kiểm soát không lưu cố liên lạc với buồng lái, nhưng đáp lại họ chỉ là tiếng khụt khịt và gầm gừ của con gấu. Thế là gia sản kếch xù của nhà Wheeler được chia đều cho hai đứa con thơ. Khi ấy, cô bé Joey Wheeler - được đặt theo tên ca sĩ kiêm diễn viên Joey Heatheron - mới lên bốn. Đứa con trai lớn Corbett - đặt theo tên diễn viên hài Corbett Monica - cũng mới có sáu tuổi. Mỗi đứa tự dưng có gần bốn triệu đô la rơi vào đầu, chưa kể phần lợi tức hằng tuần của cái sòng bài vẫn đang hốt bạc.
Hai đứa trẻ từ đó được chuyển đến Nam Cali để sống chung với bà dì, vốn là chị em song sinh của mẹ chúng. Bà dì làm đủ mọi cách để hốt gia tài của hai đứa cháu, nhưng không cách chi mó được một xu. Rồi chúng cũng đến tuổi trưởng thành, tài sản thừa kế vẫn nguyên vẹn, chỉ có sự ngây thơ là sứt mẻ nghiêm trọng.
Corbett bay sang New Zealand định cư, còn Joey bỏ đến Florida. Ở chốn xa lạ, Joey giấu nhẹm thông tin về khối tài sản. Ngay cả tay chồng đầu của cô - một tay chơi chứng khoán tên Benjamin Middenbock - cũng chẳng biết tăm hơi gì. Hai người quen nhau năm năm, rồi kết hôn bốn năm nữa trước khi tai họa (một lần nữa) từ trên trời rơi xuống khi Benny đang câu cá ở sau nhà. Hôm ấy, Benny hí hửng mang cái cần Loomis mới toanh ra thực tập phóng mồi, nào biết ngay lúc đó có một người nhảy dù đang đáp thẳng xuống đầu mình. Dù không bung và người nhảy dù lao lặng lẽ nhưng vùn vụt như một tảng xi măng xuống Benny. Joey đột ngột trở thành quả phụ. Chính xác hơn là một quả phụ siêu giàu, vì công ty bảo hiểm của hãng dù đã đền cho cô một tấm séc lên tới bảy con số.
Lần thứ hai trong đời, Joey thấy mình bỗng dưng giàu sụ nhờ vào cái chết của người thân thương nhất. Còn trẻ đã dính hai cú choáng váng, Joey
đâu còn tâm tư nghĩ đến tiền, nói chi tới việc xài nó như thế nào. Mặc cảm tội lỗi vô cớ khiến cô lao đầu đi làm từ thiện, chấp nhận sống cuộc đời bình dân, dù thỉnh thoảng vẫn yếu lòng trước mấy đôi giày của Ý. Joey ước mình có thể sống một đời bình thường, giữa những người bình thường; hay chí ít là tìm hiểu xem liệu ước mơ ấy có phải là điều quá xa xỉ hay không.
Joey gặp Chaz Perrone lần đầu vào một buổi chiều tháng Giêng. Địa điểm là bãi giữ xe bên ngoài khu vui chơi Animal Kingdom ở Walt Disney World. Nhìn thấy một du khách người Bỉ bị giật xắc, Joey đuổi theo thằng du côn và tung một cú song phi trúng đích. Thằng trẻ trâu có xa lạ gì đâu, nó thuộc nhóm hỗ trợ xã hội mà Joey đang làm tình nguyện viên. Người ta bảo nó bị chứng rối loạn tập trung bẩm sinh. Vậy mà giữa một rừng du khách, nó phát hiện ra cái túi Prada xịn mới tài. Và nó cũng chẳng gặp khó khăn gì khi bám theo vị khách già, âm thầm chờ thời cơ từ khu trưng bày Giant Anteater đến tận Dinoland rồi mới ra tay.
Joey đuổi theo thằng du côn từ cửa soát vé, thu hẹp khoảng cách, rồi bay người hạ nó ngay bên ngoài khu vui chơi. Trong khi chờ bảo vệ của Disneyland tới, Joey đã lục soát người nó xem sáng giờ “làm ăn” khá không. Và kìa: chìa khóa Gucci, bật lửa Tiffany, rối loạn tập trung chi lạ vậy.
Chaz Perrone chứng kiến toàn bộ cảnh ấy từ cửa xe điện, lập tức nhảy xuống tiến đến ca ngợi hành vi nghĩa hiệp của Joey. Còn Joey sững sờ vì Chaz đẹp trai quá mạng, nên chẳng buồn tảng lờ mấy lời đòng đưa của nó. Chaz tự hào giới thiệu mình là nhà sinh vật học, đang trên đường tham dự hội thảo tìm cách giải cứu vùng ngập mặn Everglades cùng với những nhà khoa học lừng danh. Chaz còn thú nhận là theo lịch trình, lẽ ra nó phải tham
gia tour xem thú hạng VIP ở Animal Kingdom. Nhưng vì quá mê golf nên lẻn qua khu Bay Hill, vốn là sân nhà lẫn sân golf ưa thích nhất của Tiger Woods.
Đẹp trai ác liệt là một lẽ, Chaz còn khiến Joey mê mẩn bởi nó tham gia vào những hoạt động cao thượng như giải cứu hệ sinh thái hoang dã khỏi tình trạng ô nhiễm trầm trọng của Florida. Lúc đó, Chaz có vẻ là một mối rất được, dù bây giờ nghĩ lại, Joey trách mình đã đánh giá hơi vội vàng. Lúc đó, cô vừa trải qua một loạt những cú sốc tình cảm. Cặp với vận động viên tennis, gãy. Cặp anh cứu hộ, gãy. Cặp một anh dược sĩ bị tước bằng, gãy nốt. Thành ra khi gặp Chaz, cô vồ ngay, còn màng gì đến cái tôi hay tiêu chuẩn chọn chồng.
Joey mê mẩn Chaz đến mức bất cần, chỉ muốn ổn định thật nhanh. Mà dù lúc đó có tỉnh táo thì Joey cũng sẽ sớm gục trước cơn mưa hoa hồng, thư tình, những bữa ăn tối lãng mạn cùng những lời rót mật vào tai. Cô như cái cây run rẩy, còn chiến dịch cưa cẩm của Chaz thì đến như một cơn lốc. Hồi ức đáng nhớ nhất trong 12 tháng hôn nhân đầu tiên là sex: sex cuồng nhiệt, sex không biết mệt mỏi. Nhưng rồi Joey vỡ lẽ: đó cũng là sở trường duy nhất của thằng chồng. Chaz gần như ám ảnh với sex. Đến năm thứ hai thì Joey đã đủ tỉnh táo để nhận ra: những màn mây mưa cuồng nhiệt ấy thừa năng lượng nhưng lại thiếu yêu thương. Chaz xem sex không khác gì một cữ thể dục, chống đẩy cho thỏa nhu cầu chứ nào phải mặn nồng ân ái. Cô cũng cay đắng hiểu ra chuyện Chaz khá thoáng trong suy nghĩ hôn nhân. Joey không cho chồng sex thì nó tìm người khác cũng được.
Gặp con đàn bà khác thì đã bỏ của chạy lấy người, ngặt nỗi Joey quá kiêu hãnh và háo thắng. Cô quá ớn cuộc đời lông bông, nên cố gắng chiều theo mọi ý thích của chồng và gò mình làm người “bạn đời tận tâm” như
mấy cuốn self-help thường gọi. Cô tin là chỉ cần dốc hết tâm sức làm vợ, rồi sẽ có lúc Chaz hồi tâm và trở thành một người chồng đúng nghĩa. Thành ra khi chồng rủ đi du lịch kỷ niệm ngày cưới, Joey sướng rơn, vì đại công có lẽ chuẩn bị cáo thành. Cô nôn nóng được “tái liên kết” với gã chồng, theo lời khuyên của mấy vị chuyên gia tư vấn tình cảm. Cái khó nhất là lôi Chaz vào một cuộc trò chuyện chân thành, thay vì chỉ sau dăm ba câu là lại vật ra “chịch” lia lịa.
Xui xẻo là giây phút thân mật ấy không thể hiện hình. Hoặc thời cơ đã đến, nhưng chính Joey lại cảm thấy chẳng hứng thú gì để nói. Ngoại trừ sex, Chaz rõ ràng chẳng phải vị phu quân lý tưởng gì cho cam. Càng lắng nghe lời nói của Chaz - lắng nghe thật sự ấy - Joey càng cảm thấy trống rỗng. Dân khoa học gì mà nhàm chán, ích kỷ và thực dụng phát sợ. Nó hiếm khi mở miệng nói gì về công việc ở Everglades và hầu như vô cảm trước thực trạng hành tinh đang bị con người giẫm đạp. Nó dửng dưng hoàn toàn về việc giàn khoan dầu được đặt ngay khu vực sinh sống của động vật hoang dã ở Alaska. Vậy mà chỉ cần nghe Titleist rục rịch tăng giá banh golf là nó điên tiết đến mức phun luôn con ngao đang nhai dở trong miệng, rồi làu bà làu bàu suốt cả tiếng đồng hồ.
Joey nhận ra mình không thể sống tiếp quãng đời còn lại với thứ hạnh phúc giả tạo bên chồng. Bởi vì Chaz có quan tâm đến vợ mình đếch đâu. Ủa vậy sao lúc đầu nó lấy mình ta? Joey đã tính mang thắc mắc ấy hỏi chính đương sự trong cái đêm cuối cùng trên tàu Sun Duchess. Nhưng thời tiết âm u và cơn mưa phùn khiến lòng cô thêm lạnh giá, chỉ muốn quay về giường ngủ cho rồi.
Cô đang nhìn về hướng Phi châu, suy nghĩ mông lung thì thằng chồng quỳ xuống tìm gì đó trên sàn. Tìm chìa khóa, nó bảo vậy. Khi bàn tay ẩm
ướt của Chaz chạm vào cổ chân và mắt cá, Joey thoáng xao động. Nó chuẩn bị banh chân mình ra để làm một cú tàu nhanh đây mà. Chaz rất mê trò sex ngoài trời, Joey còn lạ gì. Tội nghiệp, làm sao cô dám nghĩ Chaz chuẩn bị hất tung mình ra khỏi boong tàu, rơi tòm xuống biển.
Má cái thằng chó, Joey nghĩ.
Và giờ thì mình ở đây, rã rời, mê sảng, mắt thì mù dở, đang bám víu vào con cá mập chực chờ ăn thịt mình. Càng suy nghĩ lại càng thấy phi lý. Có lẽ mình đã ngủm củ tỏi, nếu chưa thì cũng sắp trút nốt hơi tàn.
Nó thừa biết sẽ không lấy được một xu nào ngay cả khi mình ngủm. Nó quá rõ là chẳng thể rớ vào mớ tài sản thừa kế, sao lại xuống tay? Chuyện này quá sức phi lý với Joey Perrone.
Phi lý không kém là con quỷ cá mập da nhám, có mùi thơm, cứ bơi lòng vòng mà chưa chịu kết liễu mình. Trên đầu thì lũ hải âu nhặng xị điếc cả tai. Trời đất ơi, đến chết mà cũng chẳng thể bình yên hay sao?
Giờ đã có thêm tiếng tạch tạch tạch tạch của động cơ máy tàu. Và tiếng gì đang to dần kia, phải chăng là tiếng sóng đánh vào mạn tàu? Thôi đi, đừng tin vào tai mình, Joey tự nhủ. Tàu quái nào ra tận chỗ này?
Mọi thứ ngày càng trở nên viển vông. Kể cả tiếng người văng vẳng gọi, một giọng đàn ông động viên “Cố lên, cố lên nào.” Rồi vẫn giọng nói ấy bảo: “Mọi thứ sẽ ổn, tôi giữ được cô rồi, giờ lên nào!”
Thứ gì đó kéo cô lên, cơ thể nhẹ hẫng và tự do như bong bóng. Nước chạy thành dòng xuống đôi chân trần khi người cô được nhấc khỏi mặt nước, đầu ngón chân Joey còn cảm nhận được ngọn sóng sủi bọt.
Rồi tiếp theo là một cái ôm ấm áp. Mùi vải khô dễ chịu quá. Và Joey ngất đi, chìm vào một giấc ngủ say như chết.
CHƯƠNG 3
“Đừng nhúc nhích,” người đàn ông lên tiếng.
“Tôi đang ở đâu đây?”
“Một chỗ an toàn. Cô ráng nằm yên đi.”
“Con cá mập đâu rồi? Tôi có bị cắn không?”
“Cá mập nào?”
“Lúc được vớt lên, tôi còn đang bám vô người nó mà.”
Người đàn ông cười nhẹ: “À. Cái kiện cần sa ấy hả?”
“Anh giỡn hả?”
“Thật mà. Bó ấy phải gần 30 ký, cỏ Jamaica loại tuyệt đỉnh.” “Trời đất ơi!” Trong cơn mê sảng Joey đã lầm tưởng cái bao vải bố là da cá mập. “Nhưng mà tôi ở đâu đây?” Cô hỏi lại lần nữa. “Sao tôi không thấy gì hết? Mắt tôi mù rồi ư?”
“Nó đang sưng vù thôi.”
“Vì muối đúng không? Làm ơn nói với tôi là chỉ tại muối đi…” “Còn do sứa đốt nữa,” người đàn ông nói.
Joey đưa tay lên, chầm chậm chạm vào mi mắt bỏng rát. Có lẽ một con
sứa Bồ Đào Nha đã chạm vào mặt lúc cô đang trôi dạt trên biển. “Mai mốt gì đó là hết thôi,” người đàn ông trấn an.
Joey thò tay xuống dưới lớp mền. Mình đang mặc gì đây? Một cái áo mềm như lông cừu và chiếc quần dài làm từ cotton nhẹ.
“Cám ơn anh cho mượn đồ nhen,” Joey nói. “À, có khi là đồ của vợ anh chứ nhỉ?”
“Đồ của bạn tôi đấy.”
“Cổ có ở đây không?”
“Đã đi từ kiếp nào.”
Vậy là chỉ có hai đứa ở đây, Joey và người ân nhân xa lạ. “Tôi còn nghe tiếng đại dương vỗ trong óc mình,” Joey nói.
“Đại dương ngay bên ngoài cửa sổ chứ đâu. Cô đang trên đảo.” Joey chẳng còn sức mà hoảng sợ nữa. Cô thích giọng người này, nghe không giống một tên tâm thần hay biến thái. Nhưng cũng chẳng nói trước được. Cô là chuyên gia nhìn nhầm người mà.
“Ngồi dậy chút nhé,” người đàn ông bảo. Joey ngửi thấy mùi chanh, nếm vị trà nóng đậm đặc khi người đàn ông đưa cái cốc lên môi cô. Cô uống đến giọt cuối cùng, rồi chén sạch phần xúp rau củ.
“Phải chi tôi được nhìn thấy anh,” cô nói với người đàn ông tốt bụng. “Chứ anh… thấy tôi hết rồi còn đâu.”
Người đàn ông nói: “Tôi không cố ý, tại lúc vớt cô lên thì…” Trần như nhộng trên một bó cần sa bự chảng, Joey rầu rĩ nghĩ. Người cô run lên vì xúp ấm đang chạy xuống cơ thể đang lạnh. Cô chợt cảm thấy buồn nôn. Người đàn ông đón lấy cái tách, hạ đầu Joey xuống gối, rồi nói: “Ráng ngủ lại một chút đi.”
“Sao tôi ngửi thấy mùi chó ướt.”
“Đúng rồi. Con quỷ quấy ghê lắm, nhưng nó không cắn phụ nữ đâu.” Joey mỉm cười, ôi cười thôi cũng đau, da của cô đang khô ráp quá chừng, nhưng vẫn ráng hỏi thêm: “Giống gì vậy anh?”
Người đàn ông huýt sáo. Joey nghe tiếng móng chân gõ lộp cộp trên sàn gỗ, cảm nhận rõ cái mũi ươn ướt cọ vào cổ mình. Joey vỗ về đầu con chó trước khi người đàn ông huýt sáo thêm tiếng nữa và con chó rút đi tức thì. “Con này có vẻ chiến.”
“Một con Doberman. Không biết bơi,” anh nói. “Mà Joey này, cô khỏe hơn chút nào chưa? Kể tôi nghe chuyện gì đã xảy ra được không?” “Ơ, sao anh biết tên tôi?”
“À, chữ Joey khắc ở mặt trong chiếc nhẫn cưới. Tôi tháo nó ra cất trước khi mang cô vào bồn tắm.”
“Anh tắm cho tôi luôn hả?”
“Xin lỗi, vì lúc ấy cô hôi như cái boong cần sa ấy.”
Joey sờ lên bàn tay trái, chiếc nhẫn bạch kim vẫn ở đó. Người đàn ông có thể thuổng nó dễ dàng, rồi bịa ra là nó đã rơi ở ngoài biển hay sao đó. Nhưng không, anh đã tháo nó ra, rồi đeo ngược trở lại ngón tay cho cô. Đến lúc này thì Joey gần như đã tin đây là một người đàn ông tốt. Mấy biểu hiện ban đầu hứa hẹn quá mà.
“Tôi bị văng khỏi thuyền,” Joey nói.
“Thuyền loại gì?”
“Thuyền du lịch khổng lồ ấy. Chiếc Sun Duchess.”
Giọng anh chuyển sang hồ nghi: “Gì? Mấy cái thuyền du lịch cỡ ấy thì sóng phải cao gần năm thước mới đánh nổi tới boong. Mà đêm qua biển
đâu có động dữ vậy.”
“Tôi đâu có bị sóng đánh văng ra khỏi tàu. Chồng tôi nó đẩy tôi xuống biển ấy chứ!”
“Ồ.”
“Anh không tin à?”
Bầu không khí thoắt im lặng khó đoán định. Joey ngẩng đầu lên rồi xoay về hướng mà cô nghĩ người kia đang ngồi. “Tôi không bị rớt khỏi thuyền, được chưa? Thằng chó đẻ nó hất tôi xuống.”
“Ai đời lại làm thế nhỉ,” người đàn ông nói.
Joey kể lại chính xác từng động tác mà Chaz đã làm với cô. “Nhưng tại sao chồng cô lại làm thế?” Anh hỏi.
“Tôi không biết. Thề có trời đất, tôi cũng muốn biết lắm.” Joey nghe tiếng anh đứng dậy, chiếc ghế dịch khỏi giường. Joey hỏi anh đi đâu đó.
“Trong nhà không có điện thoại. Mà điện thoại tôi cắm sạc trên tàu.” “Ủa mà anh định gọi ai vậy?”
“Gọi Tuần duyên trước, rồi cảnh sát sau.”
“Xin đừng.”
“Ủa sao vậy?”
“Anh tên gì?”
“Mick.”
“Anh Mick này,” Joey nói, “Khoan gọi ai cả. Tôi cần suy nghĩ thấu đáo đã.”
“Để tôi giúp. Chồng cô đã phạm tội mưu sát, phải báo cảnh sát ngay
chớ.”
“Cứ chờ đi mà.”
“Rồi. Chờ thì chờ.”
Giọng vọng từ khá xa, Joey biết anh đang còn đứng ở ngưỡng cửa. Cô đoán anh nói thế chỉ để cô an lòng. “Anh vẫn sẽ gọi đúng không? Ngay khi tôi thiếp đi, anh sẽ lẻn ra tàu và gọi cảnh sát liền.”
“Đã nói không gọi là không gọi. Tôi hứa.”
“Vậy anh định đi đâu vậy Mick?”
“Đi tè thôi mà.”
Joey ngả lưng ra giường, tự cười mình: Thỉnh thoảng mình phiền thiệt chớ.
Đội Tuần duyên mở rộng cuộc tìm kiếm đến gần ba ngàn dặm vuông. Nhưng vì chiếu theo lời khai của Chaz Perrone nên nỗ lực điều tra chủ yếu tập trung vào khu vực hình thang ở phía bắc Miami-Dade. Rất tự tin là họ không cách chi tìm ra Joey được, lòng Chaz chỉ còn một nỗi sợ mơ hồ: nếu lũ cá mập không thèm táp, cái xác vợ nó có thể bị đánh vào bờ gần Keys, khoét một lỗ hổng to tướng trong câu chuyện bịa đặt. Khi ấy, viên điều tra Broward sẽ mở lại hồ sơ vụ án liền.
Chỉ một tiếng sau khi rời Sun Duchess, Chaz được một pha đứng tim. Đang trong phòng khách sạn ở Harbor Beach Marriot thì nó nghe được đoạn tóm tắt bản tin tối từ TV: Một tàu đánh cá thuê ở Ocean Reef câu được xác người khi đang đánh bắt cá kiếm - đón xem chi tiết ngay sau đây! Hổn hà hổn hển, Chaz vọt ra khỏi phòng tắm cấp kỳ, đúng lúc đang thủ
dâm khí thế với chồng ảnh khiêu dâm của gái Đan Mạch. Suốt 3 phút TV quảng cáo thuốc nhuận tràng nó run lẩy bẩy, sợ tê tái, không biết cái xác dính câu ấy có phải vợ mình hay không.
Bản tin khởi đầu với thước phim rung lắc được quay từ trực thăng. Đầu tiên hiện ra chiếc tàu cá neo ở cảng, rồi zoom vào xác chết quấn trong tấm vải bạt màu vàng sáng, đang được kéo lên chiếc ca-nô của đội Tuần duyên. Rồi người ta phỏng vấn người ngư dân trẻ với gương mặt rám nắng. Người này nói: “Vừa câu lên là chúng tôi biết ngay chẳng phải cá kiếm rồi, vì nó không nhảy.”
Cuối cùng, phóng viên mặt mày nghiêm trọng cho biết nạn nhân là một du khách đến từ Newport News, đã mất tích ba ngày trước đó. Anh này thuê chiếc mô tô nước, chạy thế nào lại đâm ngay vào một cặp rùa Quản Đồng đang giao phối. Chaz ngã vật ra giường thở phào, yên trí là vợ nó vẫn đang mất tích trên biển.
Chaz có ý khi chọn khách sạn Marriott để ở. Khu này gần cảng Everglades và đồn Tuần duyên. Nhà nó chỉ cách nơi này có 30 phút đường xa lộ. Nhưng vợ mất tích mà, chồng phải ở gần để nghe ngóng tình hình chớ. Có thế thì những người điều tra mới không nghi ngờ.
Nó ngạc nhiên khi biết phóng viên tờ Sun-Sentinel đã mò ra địa chỉ. Nhưng không sao, nó vẫn diễn vai người chồng vô tội. Nữ phóng viên bảo lúc đến chỗ cảnh sát lấy tin thì đọc thấy trong sổ trực có vụ mất tích. Ở đó có ghi số khách sạn Marriott, phòng khi có gì cần liên lạc với chồng của nạn nhân.
“Có gì mới không cô?” Chaz hỏi người phóng viên.
Cô bảo chưa có gì, rồi hỏi liền: “Lần cuối ông gặp vợ là khi nào vậy, ông Perrone?”
“Tiến sĩ Perrone đi.”
“Ồ, chuyên ngành gì ạ?”
“Sinh thái đầm lầy.”
“Ồ ra ông dân nghiên cứu, chứ không phải bác sĩ.”
“Vâng, tôi là nhà sinh vật,” Chaz hy vọng người phụ nữ bên kia đầu dây không nghe thấy tiếng mình nghiến răng. Chaz rất bực nếu đối phương có thái độ khinh khỉnh khi nó yêu cầu gọi bằng danh xưng Tiến sĩ.
Người phóng viên hỏi tiếp: “Thế lần cuối ông thấy bà Perrone là khi nào ạ?”
Chaz diễn lại câu chuyện đã kể với vị thanh tra, vắn tắt hơn một tí. Cô phóng viên có vẻ thờ ơ, mà vậy cũng đỡ. Chaz ớn nhất là truyền thông làm lớn chuyện lên.
Phóng viên hỏi tiếp: “Ông có giả định gì không?”
“Tôi không nghĩ ra được gì cả. Cô đã từng nghe vụ gì tương tự chưa?” “Có chứ. Người ta vẫn mất tích trên du thuyền mà. Thường là do…” “Do gì cơ?” Chaz hỏi ra vẻ hồi hộp, dù nó thừa biết câu trả lời: say xỉn hoặc tự sát. Nó thuộc bài lắm chứ bộ.
“Họ thông tin cho tôi rất nhỏ giọt. Tôi đang lo đến phát điên đây,” nó đế thêm.
“Nghe được gì mới tôi sẽ gọi cho,” cô phóng viên nói. “Ông còn ở đây lâu không?”
“Chừng nào người ta tìm ra cổ thì thôi,” Chaz đáp giọng chịu đựng. Cúp máy, Chaz phi xuống sảnh và gọi Ricca tức thì từ quầy điện thoại trả tiền.
“Có chuyện lớn cưng ơi,” Chaz nói. “Joey bị ngã tàu.”
“Trời đất ơi, sao ngã được?”
“Người ta nghĩ thế. Vì tìm mãi không thấy cổ đâu.”
“Ôi Chúa ơi!”
“Không thể tin được em à!”
“Anh có nghĩ bả tự sát không?”
“Sao lại thế được?”
“Thì phát hiện ra tụi mình chứ sao?”
“Không có chuyện đó đâu.”
“Vậy thì tốt,” Ricca nói. Rồi đột nhiên ả im lặng. Chaz nghe mùi là biết Ricca đang nghĩ gì.
Ricca nói: “Hay là bả phát hiện ra điều gì khác?”
“Nè. Đừng có nói vậy lúc này em à,” Chaz cãi.
Ricca biết thừa cái thói “mèo mỡ” của Chaz, ả hỏi dồn: “Anh cặp con khác nữa chứ gì?”
“Em điên à. Em là người duy nhất của anh.”
“Giá mà được vậy!”
“Ricca, bỏ ngay cái màn nhại Glenn Close đó đi. Nửa đội Tuần duyên Hoa Kỳ đang truy lùng vợ anh. Nào tàu, nào máy bay phản lực, nào trực thăng, loạn hết cả lên.”
“Mà chắc chắn là anh không có mèo khác, đúng không Chaz?” “Trời ơi thiệt mà, thôi anh cúp máy nhen…”
“Tối em ghé chỗ anh nha,” ả gợi ý, “giúp anh đỡ căng thẳng tí.” Chaz suýt nữa đã nói “ừ”, nhưng nó chợt nhớ Ricca là một ả ồn ào kinh khủng. Ít nhất ba lần, bảo vệ khách sạn phải lên đập cửa phòng nó vì nghi
có án mạng. Tất cả chỉ vì ả rên to quá. Bây giờ ả đến có khi hỏng bét kế hoạch. Làm chồng kiểu gì mà vợ mất tích chưa được một ngày đã chơi gái rồi.
“Thôi thôi, mai anh gọi,” Chaz nói với Ricca.
“Cưng à, em rất tiếc vụ Joey.”
“Anh cũng vậy. Bái bai Ricca.”
“Í mà khoan. Glenn Close là con nào?”
Chaz dừng chân ở quầy bar khách sạn, gọi một ly martini. Đúng lúc đó thì viên thanh tra Broward, tên Rolvaag, đi tới.
“Ông uống gì không?” Chaz hỏi.
“Đi dạo một chút đi,” viên thanh tra nói.
Chaz trút đồ uống vào ly mang đi rồi theo chân Rolvaag ra ngoài. Mặt trời đã lặn, thời tiết ấm áp với gió biển nhè nhẹ, cũng y chang như đêm hôm ấy. Sảnh khách sạn đang có đám cưới. Cô dâu đang tạo dáng chụp hình ngay trước dàn hoa giấy nở rộ ngoài sân, một cô gái gợi cảm người Cuba, chắc mới mười chín đôi mươi. Chaz bắt đầu tưởng tượng mấy cảnh trăng mật nóng bỏng.
“Chưa có tiến triển gì cả,” Rolvaag nói.
“Gì cơ?”
“Vụ tìm kiếm vợ ông ấy.”
“À.”
“Ngày mai có khi cả đội phải rút về.”
“Ông giỡn chơi à? Tôi nghĩ họ phải lùng sục một tuần là ít!” “Tôi không rành về thủ tục. Ông có thể hỏi đội Tuần duyên.” “Họ không thể bỏ cuộc như thế!” Chaz nói, nghĩ thầm: thế thì tốt quá.
Nó đã hơi lo khi biết cuộc tìm kiếm mở rộng xuống phía nam, nghĩa là có thêm máy bay quan sát ở gần khu vực nó ra tay.
“Tôi vẫn còn vài câu hỏi,” thanh tra nói. “Tôi biết là hơi phiền, nhưng phải theo thủ tục.”
“Lúc khác được không?”
“Nhanh thôi à!”
“Lạy Chúa. Thôi được rồi, ông hỏi lẹ giúp cho.” Chaz hy vọng giọng nó đúng chuẩn bực mình.
“Ông có mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ không?”
“Không.”
“Vậy bà nhà có mua không?”
“Ý ông là tôi có bảo vợ mua không hay gì?”
“Ai bảo cũng được.”
“Theo tôi biết thì vợ tôi không mua bảo hiểm gì cả.”
“Kiểm tra mấy vụ này cũng dễ ông Perrone à.”
“Và ông sẽ làm việc ấy, tôi biết mà. Nhân tiện, tôi là Tiến sĩ.” Vị thanh tra nhìn nó đầy tò mò trước khi hỏi thêm một câu: “Ông có làm ăn gì với vợ không? Đầu tư liên kết, tài khoản thương mại, đứng tên bất động sản v..v…”
Chaz cắt ngang: “Để tôi nói cho lẹ, Joey đang có tài sản riêng của cô ấy, tài sản kếch xù.” Thâm tâm Chaz tự tán dương mình khi nhét chữ “đang” vào câu. “Nhỡ chẳng may cô ấy qua đời, tôi sẽ không động vào một xu.
Toàn bộ tiền sẽ được trao cho một quỹ ủy thác.”
“Ai hưởng thưa ông?”
“Hiệp hội bảo vệ thế giới hoang dã. Ông từng nghe đến họ chưa?” “Chưa,” Rolvaag nói.
“Họ đi khắp thế giới để giải cứu những loài động vật quý hiếm như chim cánh cụt và gấu trúc. Kiểu kiểu vậy.”
“Vụ đó có làm ông khó chịu không ông Perrone?”
“Sao phải khó chịu? Tôi là nhà sinh vật học mà. Tôi làm tất cả để cứu lấy môi trường.”
“Không. Ý tôi là ông chẳng được nhận một xu nào thừa kế.” “Thưa ông, đó không phải là tiền của tôi,” Chaz bình tĩnh trả lời. “Đó là di sản của gia đình, cổ có quyền làm bất kỳ thứ gì mình muốn.” “Không phải ông chồng nào cũng nghĩ thế.”
Chaz mỉm cười: “Nếu đột nhiên cổ đổi ý và để hết lại tài sản cho tôi, tất nhiên là tôi sẽ không chê rồi. Nhưng đó chưa từng là điều cổ muốn.” “Hai người có bất hòa vì vụ này không?”
“Tuyệt đối không, cổ đã nói rõ vụ này từ trước khi chúng tôi đính hôn. Gia đình của cổ mất trong tai nạn máy bay và để lại cả một gia tài. Không lẽ tôi nói: chia cho anh một nửa nhé, em yêu?”
Thanh tra muốn biết giá trị chính xác của số tài sản ấy. Nhưng Chaz bảo chính nó cũng không biết và nó không biết thật.
“Cỡ vài triệu đô không?” Rolvaag hỏi.
“Tôi đoán vậy. Trong hợp đồng tiền hôn nhân không ghi con số chính xác.”
Tất nhiên còn lâu Chaz mới khai là nó đặt bút ký vào hợp đồng hôn
nhân cho có vậy thôi, vì tự tin sẽ khiến Joey hồi tâm chuyển ý. Nó mường tượng trong đầu đêm tân hôn tại phòng ngủ, sau một cú mây mưa cuồng nhiệt, con vợ lâng lâng tận chín tầng mây sẽ lôi hợp đồng hôn nhân ra, châm lửa từ ngọn nến thơm mùi tử đinh hương. Cảnh ấy đã không diễn ra. Và sau hai năm thì Chaz suy sụp hẳn. Chẳng phải Joey cố bảo vệ gia tài, mà đơn giản là nó chẳng buồn để tâm đến đống tiền kếch xù ấy. Với Chaz, đó là một tội ác. Nó tự hỏi, cưới một con đàn bà giàu có mà không tiêu xài như người giàu có thì để làm gì? Câu trả lời: chẳng để làm gì cả.
“Hợp đồng tiền hôn nhân ghi vậy, nhưng sau đó thì sao hả ông?” Rolvaag thẩm vấn tiếp. “Ông và bà Perrone phải có thỏa thuận tài chính gì chứ.”
“Đơn giản mà. Tài khoản riêng, sổ sách riêng,” Chaz nói. “Cái gì mua chung thì chia đôi ra.”
“Rồi, tôi đã hiểu.”
“Sao ông không ghi thông tin này vào sổ?”
“Không cần thiết ông à. Mà ông có luật sư chớ?”
“Tôi phải cần đến luật sư à?”
Cho đến thời điểm ấy, cuộc đối thoại đã diễn ra chính xác theo những gì Chaz mường tượng trong đầu. Chaz nói thêm: “Ý tôi là ông có gì giấu tôi hả? Có bằng chứng nào cho thấy đây là một vụ hình sự sao?”
“Không đâu,” Rolvaag nói. “Ban nãy tôi tình cờ thấy ông dùng điện thoại công cộng. Tôi thắc mắc sao ông không dùng điện thoại từ phòng mình, vừa tiện vừa riêng tư.”
“À. Tại vì…”
Thanh tra chêm vô ngay: “Tại thấy thế nên tôi mới nghĩ chắc ông nói
chuyện với luật sư. Vì luật sư hay khuyên thân chủ của mình nên xài điện thoại công cộng.”
“Tại sao?”
“Để khách sạn không ghi âm được cuộc gọi,” Rolvaag nói. “Mấy ông luật sư hay lậm phim hình sự ấy mà.”
“Tôi không biết luật sư nào cả,” Chaz nói.
“Ừ, biết vậy.”
“Tôi gọi cho người dọn dẹp ở nhà tôi ấy mà. Tôi phải cho cô ta mật mã vào nhà, vì khi cô ấy tới dọn nhà theo lịch vào thứ Hai thì có khi tôi chưa về kịp. Tôi quên béng vụ ấy cho đến khi chui vào thang máy xuống bar. Xuống tới nơi thì lười lên nên tôi dùng quầy điện thoại trả tiền ấy mà.”
“Ồ, ông phải lo nhiều việc quá nhỉ,” Rolvaag nói.
“Tên cổ là Ricca, ông có thể kiểm tra.”
“Không cần thiết đâu.”
“Ricca… Cô ấy họ gì ấy nhỉ?” Chaz lẩm bẩm, như tự nói với chính mình.
Lúc này, hai người đã đi bộ ra tới bãi biển, bước trên cát mềm về phía cầu cảng. Chaz hài lòng về câu chuyện nó vừa bịa ra để che giấu cuộc điện thoại và viên thanh tra thì có vẻ như tin sái cổ.
Đột nhiên Rolvaag dừng lại, đè tay lên vai Chaz: “Nhìn kìa ông Perrone.” Trong một thoáng, Chaz không dám nhìn về hướng thanh tra chỉ. Rõ ràng gã thanh tra không hề nổi hứng đi dạo biển chơi. Gã đã chơi xỏ nó đây mà. Gã thấy cái xác của Joey rồi và muốn nó lộ mặt ra. Đầu gối của Chaz run rẩy như muốn sụm bà chè tới nơi. Nhưng thực ra Rolvaag chỉ chiếc du thuyền lấp lánh đang hướng ra biển.
“Chiếc Sun Duchess đó,” thanh tra nói. “Họ giữ nó ở cảng thêm hai tiếng nữa, rồi kết thúc cuộc tìm kiếm.”
Chaz cố điều hòa hơi thở, cố giấu vẻ nhẹ nhõm. “Liệu có chút hy vọng nào là cổ còn ở trên đó không?”
“Tôi e là không.”
“Nghĩa là cổ thật sự đã rơi xuống biển ư?”
“Đấy là giả thiết hợp lý nhất.”
“Joey là một tay bơi, một tay bơi vô địch nữa là khác. Họ không được phép bỏ cuộc chỉ sau một ngày, thậm chí là hai ngày. Họ không được…” “Tôi hiểu cảm giác của ông,” Rolvaag an ủi.
“Giờ tôi biết làm gì đây hả ông?” giọng Chaz đứt quãng y như thiệt, tập dữ lắm chứ đùa. “Bây giờ tôi phải làm cái quái gì đây?”
Họ quay lưng trở về khách sạn. Thanh tra nói: “Ông có quen linh mục nào không, ông Perrone? Người nào thân cận với gia đình ấy.” “Để tôi nghĩ đã,” Chaz miệng thì nói thế nhưng trong bụng thì đang cười như điên.
CHƯƠNG 4
Mick Stranahan cột mồi vào lưỡi câu rồi quăng dây từ đuôi tàu, vừa để thư giãn vừa để kiếm cá hồng tươi cho bữa tối. Cũng lâu rồi không có đàn bà trên đảo, thành thử Stranahan không biết mình nên cư xử với Joey sao cho phải.
Stranahan không mảy may hoài nghi câu chuyện của Joey, chính xác hơn là không quan tâm. Dính líu nhiều chỉ tổ mệt thân. Không khéo anh còn bị lôi trở lại đất liền, mà anh đã chán ghét chốn thị thành đến tận xương tủy. Mỗi lần từ phố trở về, anh thấy đầu mình nhưng nhức cứ như bị đóng đinh vào óc.
Anh quen sống trên đảo rồi, chỉ về Miami để bổ sung lương thực, sẵn tiện nhận trợ cấp thương tật. Ngày trước, Stranahan vốn là cảnh sát. Anh bắn một tên thẩm phán tham nhũng đã nổ súng bắn anh trước trong khi đang bị bắt giữ. Bản thân Stranahan không xây xước, nhưng Tòa án bang cần một lý do khả dĩ để cho anh hưu non ở tuổi 39. Một vết thương do đạn bắn là hợp lý hơn cả.
Stranahan đâu muốn nghỉ làm ngang xương vậy. Nhưng chính trị mà, Nhà nước không thể giữ lại một nhân viên điều tra (dù mẫn cán) đã bắn
chết một vị thẩm phán (dù tham nhũng). Đâu còn cách nào khác, Stranahan chấp nhận sự dàn xếp lố bịch này. Anh mua một căn nhà gỗ ở Vịnh Biscayne, sống yên bình nhiều năm trước khi bão Andrew nổi hứng ghé thăm.
Cái đêm bão tới, Stranahan đang ở nhà bà chị tại Coconut Grove. Bà chị vô phước lấy phải ông chồng vô dụng, chỉ lo bù khú với hội nghị luật sư gì đó ở Boston mà nhất quyết không chịu về gắn cửa sổ cho vợ. Hai ngày sau, khi trời yên biển lặng rồi, Stranahan mới lên xuồng, chèo qua tàn tích của cơn bão để về lại Stiltsville. Trước mắt anh, căn nhà gỗ giờ chỉ còn lại trơ trọi tám cây cọc. Anh bèn gom chúng lại rồi chèo tiếp xuống phía nam.
Cuối cùng anh dừng lại ở một hòn đảo, rộng chừng hơn một bãi san hô. Đảo nhỏ nhưng vẫn đủ chỗ cho một căn nhà hình chữ L nằm án ngữ tại đó. Kết cấu vững vàng giúp nó sống sót qua cơn bão một cách đầy kinh ngạc, dù thủy triều đã đập nát cửa sổ, cuốn đi hết nội thất ở hai tầng, kể cả…
người trông coi nó. Mick Stranahan vui vẻ đảm nhận nhiệm vụ người đã khuất để lại.
Chủ căn nhà là một tiểu thuyết gia có tiếng người Mễ. Ông này có đời sống riêng tư rất phức tạp, thành thử thỉnh thoảng phải nương nhờ pháp luật ngoại quốc. Suốt tám năm coi nhà trên đảo, Stranahan nhớ rõ ông chủ nhà ghé qua đúng bốn lần, mỗi lần chỉ ở lại vài ngày. Lần cuối ông ghé, Stranahan nom ông tái nhợt và hốc hác. Anh hỏi thăm tình trạng sức khỏe, ông cười rộ và rủ anh vật tay, ai thua phải mất cho người kia một triệu peso.
Nhưng chỉ vài ngày sau, đúng như anh lo, Stranahan thấy một chiếc tàu tuần tra ghé qua. Người ta thông báo văn sĩ đã qua đời và hòn đảo được bán cho Sở Lâm viên. Stranahan quyết định tiếp tục chăm nom căn nhà cho
đến khi có lệnh giải tỏa chính thức.
Bầu bạn duy nhất với anh lúc này là một con Doberman, từng trôi dạt vào đây sau một cơn bão tháng Mười cách đây hai năm. Stranahan đoán con chó mém chết đuối này bị rơi khỏi thuyền của ai đó, nhưng chờ mãi chẳng ai đến nhận. Con chó không chỉ ngu mà còn lì, y hệt như một cái tường đất sét. Thế là anh đặt cho nó biệt danh Đầu Đất. Cũng như mọi con Doberman khác, Đầu Đất rất giỏi ở hai kỹ năng: sủa ỏm tỏi và sùi bọt mép. Phải chi nó đừng vụng về, mắt đừng kèm nhèm thì đã có thể tận dụng làm chó canh nhà. Thành ra Stranahan hay cột nó vào gốc cây dừa. Nếu không nó sẽ lao thẳng ra đê chắn sóng mỗi lần thấy thấp thoáng cái gì giống như một con tàu đi ngang.
Stranahan liếc nhìn con chó đầy thương cảm. Nó đang ngủ say sưa dưới gốc dừa. Ba con cá hồng ú núc đang quẫy đành đạch trong xô nhưng Đầu Đất tuyệt nhiên không nhổm dậy. Nó luôn tỏ thái độ thờ ơ trước hầu hết những hoạt động của chủ, từ câu cá cho đến mấy màn ái tình chớp nhoáng. Phụ nữ ghé lên đảo nó cũng chỉ hít hà mấy cái chiếu lệ. Cứ như thể nó biết mấy bà mấy cô này chỉ là dạng qua đường của ông chủ, nên khỏi làm thân mất công.
Mặc cho ý kiến của con chó, Mick Stranahan chẳng bao giờ coi mình là một kẻ lập dị hay một ẩn sĩ. Dù một gã đàn ông 53 tuổi, sống một mình trên đảo ở rìa Đại Tây Dương, không điện thoại, không chảo vệ tinh, không máy tính, thì nhìn kiểu gì cũng thấy bất thường. Phụ nữ nào đến đây cũng ở được tối đa vài tháng, trước khi sự yên bình và tĩnh lặng vô biên khiến họ phát điên. Stranahan buồn bã tiễn người đi, nhưng vậy vẫn tốt hơn là lấy họ làm vợ, như thói quen hồi còn ở đất liền.
Chưa biết gì nhiều về Joey Perrone, nhưng Stranahan phục lăn thể lực và
sự điềm tĩnh của cô. Nhiều tay bơi sẽ bấn loạn hoặc rên rỉ không ngừng sau một đêm mù lòa trên biển. Nhưng Joey vẫn tỉnh táo và minh mẫn. Stranahan dự định sẽ để cô tĩnh tâm bình phục một thời gian, như cô yêu cầu. Nếu Joey thật sự bị mưu sát hụt như cô kể, anh hoàn toàn có thể chia sẻ được.
Nói là sẽ để yên, nhưng Stranahan cũng tò mò muốn biết thêm về Joey quá. Máu thanh tra trong người vẫn còn, anh muốn đặt ra hàng tá câu hỏi và đào sâu vụ án. Nhưng tiếng nói khôn ngoan trong đầu anh đã trỗi dậy. Nó đang bảo anh hãy mặc kệ bà Perrone, để cho cô và vấn đề của mình trở về đất liền cho rồi.
Để cảnh sát xịn người ta lo, mình nghỉ hưu rồi mà, Stranahan tự nhắc nhở mình trước khi gỡ một con cá khác ra khỏi móc câu.
Nghỉ hưu.
Sau chừng ấy năm, nghĩ đến từ này anh vẫn cảm thấy tào lao hết sức. “Anh làm gì ở ngoài ấy vậy?” Joey hỏi.
“Ngoài nào cơ?”
“Ngoài đại dương ấy, trên con thuyền nhỏ của anh kìa.”
Stranahan nhúng từng miếng phi lê cá vào chén đựng trứng. “Thiệt ra đây cũng chẳng phải đại dương gì đâu. Nó cách Elliott Key có nửa dặm thôi. Lúc tìm thấy cô thì tôi đang đi tìm mấy con cá cháo.” “Ý là nếu không gặp anh, thì tôi cũng sẽ dạt vào bờ ư.”
“Đúng rồi, kiểu gì cũng sẽ sống.”
“Nghĩa là không thể gọi đó là một màn giải cứu ư? Tôi lại đang thích thú với cái ý tưởng được giải cứu đấy.”
“Coi chừng cái lò kìa,” Stranahan nói.
Anh nhúng từng miếng phi lê đã ngâm trứng vào vụn bánh mì rồi cho lên chảo. Joey nghe tiếng mỡ nóng xèo xèo khi anh làm việc. Tám miếng tổng cộng, cô đếm và tự hỏi nhiêu đó có đủ không. Lần đầu tiên trong đời, cô thấy mình như chết đói.
“Kể chuyện cho tôi nghe đi, anh Mick. Kể những chuyện bí mật nhất cũng được, tôi hứa sẽ kín như bưng.”
“Trong người cô sao rồi? Mắt đã ổn hơn chưa?”
“Không biết nữa, chắc khi nào tháo cái bịt mắt này ra thì mới nói được.” “Nó cũng chẳng phải đồ bịt mắt gì đâu. Thích thì tháo ra ngay cũng được.”
Anh đã cắt miếng vải ấy từ một cái khăn tắm, nhúng nó vào nước mát với dầu lô hội rồi cột lại nhẹ nhàng quanh chân mày trong lúc cô bất tỉnh. Một tiếng trước đó, Joey ráng đi lòng vòng quanh nhà và té ập mặt vô mớ đồ ăn chó, chút xíu nữa là trật mắt cá chân.
“Tôi chưa biết họ của anh,” cô nói.
“Stranahan.”
“Vậy thưa ông Stranahan, những lúc không vớt đàn bà ngoài khơi xa thì ông làm gì ạ?”
“Thực ra nó cũng không xa mấy. Chỗ tôi vớt cô sâu tầm sáu thước thôi.” “Ơ, anh này kỳ ghê. Sao cứ nhăm nhe phá hủy chuyến phiêu lưu của tôi vậy,” Joey nói. “Nợ ơn cứu mạng trùm buôn lậu cần sa Jamaica đã quá oải rồi. Giờ anh bảo tôi chỉ còn cách bờ biển có năm phút khi anh thực hiện cuộc-tạm-gọi-là-giải-cứu nữa chớ.”
“Mới tuần trước, tôi thấy một con cá mập đầu búa dài bốn mét rưỡi ngay chỗ tôi vớt cô luôn. Thông tin này có khiến nó ly kỳ hơn chút nào
không?”
“Anh nói chơi.”
Stranahan lắc đầu. “Nghiêm túc 100%. Lúc đó nó đang dùng món cá đuối cho bữa trưa.”
“Trời đất!”
“Cô muốn dùng sốt chanh hay sốt tartar?” Anh hỏi.
“Cả hai đi,” Joey hơi giật mình khi anh cầm lấy tay cô.
“Được rồi,” anh nói và dẫn cô ra cái bàn ăn kê trên sàn gỗ ngoài trời. Joey hơi chùn bước vì ánh sáng đột ngột. Anh bảo cô cứ nhắm mắt lại. Dẫu không thấy gì, cô vẫn dễ dàng tìm thấy thức ăn. Joey xử đẹp bốn miếng phi lê cá, ăn cùng hai bát đậu đen và cơm. Ăn xong, Stranahan mời cô chén một miếng bánh chanh và bia lạnh.
“Tôi chưa bao giờ ăn bữa nào ngon thế,” cô nói, vớ thêm một cái khăn ăn.
“Tôi thấy cô đã khỏe lại.”
“Tiếng gì kia, trực thăng hả anh?”
“Đúng rồi. Đội tuần duyên đó,” Stranahan nói, nhìn về phía chiếc đốm màu cam ở ngoài xa.
“Có khi họ đi tìm tôi đấy nhỉ,” Joey nói.
“Dám lắm.”
Cô bỗng nhấp nhổm không ngừng. “Hay mình vô trong đi anh?” “Ủa sao vậy?”
“Mặt trời đang lặn phải không? Tôi đoán thế vì trời mát hẳn nè. Đẹp lắm phải không anh, cảnh hoàng hôn ấy?”
“Mặt trời xuống biển lúc nào cũng đẹp.”
“Ngày mai tháo khăn bịt mắt ra, tôi sẽ được nhìn thấy anh. Tôi đoán anh giống Clint Eastwood ở tuổi trung niên.”
“Vậy thì sẽ thất vọng não nề thôi.”
“Nhưng anh cao mà, đúng không,” Joey nói. “Anh bao nhiêu tuổi rồi? Gần 50 nhỉ?”
“Năm mấy rồi ấy chứ.”
“Tóc mai anh bạc hết rồi chớ?”
“Làm thêm tí bia nữa không?”
“Lát nữa đi,” Joey nói. “Đưa tay cho tôi mượn lại nhen.”
Stranahan cười to. “Thôi đi. Giờ thì nó toàn mùi cá.”
“Anh ăn bốc hả? Tôi thích thế.”
“Thói quen ăn uống của tôi đã xuống cấp dữ dội,” anh nói. “Chắc tại sống có một mình.”
“Anh có mấy đời vợ rồi? Hỏi vậy bất lịch sự quá, nhưng tại tôi có linh cảm vậy.”
“Sáu,” Stranahan nói. “Sáu lần.” Anh đứng dậy và bắt đầu dọn bàn. “Chúa ơi, vậy mà tôi đoán có ba lần.”
“Thấy chưa, tôi nhiều điều bất ngờ lắm.”
“Sao mà cưới nhiều dữ vậy hả anh?” Joey hỏi. Nhưng anh đáp lời cô bằng một tiếng sập cửa cái rầm. Rồi cô nghe tiếng vòi nước chảy và tiếng anh rửa chén trong chậu. Khi Stranahan trở lại, cô xin lỗi anh. “Xin lỗi chuyện gì cơ?” Anh nói.
“Tôi tọc mạch quá mà. Nghe anh đóng cửa, tôi đoán chừng anh giận.” “Đâu, cái bản lề cũ quá đó mà,” anh nói rồi lại đặt một chai bia lạnh lên
tay cô. “Nhưng cưới xin mà tới sáu lần thì cũng chẳng có gì để khoe.” “Ít ra thì không có ai định giết anh,” Joey nói.
“Một người cũng mém giết tôi đó chớ.”
“Thiệt hả? Rồi cổ có ở tù không?”
“Không. Người chết không ở tù.”
Hơi thở của Joey như nghẹn lại trong cổ họng. Cô uống một ngụm bia lớn để nuốt nó xuống.
Stranahan nói: “Thư giãn đi cưng. Tôi có giết người ta đâu.” “Mà cô ấy là ai?”
“Khi mới quen á hả? Cổ làm phục vụ, y hệt mấy cô kia.” Joey kiềm không nổi bèn cười khúc khích. “Anh cưới sáu cô bồi bàn lận hả?”
“Thực ra là năm thôi. Vì cô cuối làm bên đài truyền hình.” “Trời ơi, anh Mick.”
“Thiệt ra ban đầu cô nào cũng tuyệt vời hết. Hôn nhân sau đó đổ bể thường là do tôi cả.”
“Nhưng cũng… Vừa vừa thôi chứ. Gì mà cưới đến người thứ sáu mới chịu.”
“Tôi có nghĩ ngợi gì đâu,” Stranahan nói. “Yêu đương mà tính toán gì. Bộ cô khác sao?”
Joey Perrone ngả người ra sau, xoay gương mặt băng bó của mình về phía ánh sáng đang dần mờ đi. “Ráng chiều đỏ nhuận chắc đẹp lắm. Trời ơi, đeo cái bịt mắt này hẳn là nhìn tôi phát gớm.”
“Chaz là chồng đầu hả?”
“Chồng hai đó chứ. Chồng đầu của tôi qua đời,” rồi cô thêm vô liền. “Do tai nạn.”
“Trời.”
“Ảnh là dân chơi chứng khoán. Còn Chaz là dân sinh vật.” Stranahan nói: “Lũ muỗi kéo tới rồi kìa. Thôi vào trong kẻo nó xực cho.” “Buồn cười hen, mãi đến khi khóc, mắt tôi mới thấy đau. Giá như tôi có thể ngưng được.”
“Thôi nào, nắm tay tôi dẫn vào.”
“Không. Tôi thích ngoài trời. Bọn muỗi mòng chẳng thèm chích tôi đâu,” Joey khịt mũi ngang bướng. “Mà không phải tôi đang khóc vì thằng khốn Chaz Perrone. 99% là tôi đã hết yêu hắn rồi.”
Stranahan không nói gì. Anh là chuyên gia của những mối quan hệ chết dần, sự trống rỗng xâm chiếm cho đến khi một trong hai người chịu hết nổi.
“Nhưng Chaz lại dám làm thế với tôi,” cô nói, chỉ tay về mặt biển. “Nó khiến tôi uất nghẹn. Anh không hiểu cảm giác ấy đâu.”
Có, tôi hiểu chứ, Stranahan nghĩ. Nhưng câu hỏi cứ treo lơ lửng trong đầu, nên anh bèn hỏi: “Vậy sao cô khóc?”
“Chắc tại tôi thấy đời mình sao lạ kỳ. Bao nhiêu năm trời vật vã để rồi dẫn tới giây phút này, nơi chốn này, cái tình trạng hôi hám, te tua này,” cô vung tay giận dữ. “Không có ý xúc phạm anh đâu Mick, nhưng tôi nào dám ngờ mắt tôi sẽ mù dở, thân tôi hoang tàn trên một hòn đảo hoang với một người hoàn toàn xa lạ. Tôi đâu ngờ mình sẽ bước vào tuổi băm theo kiểu này.”
“Rồi mọi chuyện sẽ ổn mà.”
“Ổn sao? Sau khi thằng chồng chó má, xin lỗi tôi nói bậy, ném mình khỏi boong tàu vào đúng kỷ niệm ngày cưới. Làm sao một người phụ nữ có thể bước qua cú sốc đó đây? Làm sao có thể quên đây?”
Stranahan nói: “Nhìn nó tra tay vào còng có khi sẽ đỡ hơn đó. Sao không để tôi gọi cảnh sát gô cổ nó cho rồi?”
Joey lắc đầu nguầy nguậy, mạnh đến mức khăn bịt mắt suýt nữa rơi xuống. “Rồi người ta sẽ mang nó ra tòa, anh Mick. Mà ra tòa là cực hình với tôi. Lời khai của tôi sẽ khác hoàn toàn của nó. Nó sẽ nói tôi say rượu, trượt chân và rơi khỏi tàu. Nó đã nói thế với đội Tuần duyên, dám chắc luôn. Bốn năm trước, lúc còn ở Daytona, tôi từng bị phạt lái xe khi đã uống rượu. Luật sư của Chaz sẽ đào ra vụ này trong hai nốt nhạc. Xin mời bước lên bục, thưa bà Perrone. Phiền bà kể lại cho tòa nghe vụ bạn trai của bà là vận động viên tennis đá bà vì một cô người mẫu áo tắm. Rồi bà đậu xe giữa đường A1A, ngủ ngon lành sau khi đã nốc một chai rượu chát…”
“Nào nào, bình tĩnh lại.”
“Nhưng tôi đúng, phải không? Nó sẽ đấu tới cùng.”
Stranahan đồng ý là trên tòa thì mọi thứ sẽ lộn tùng phèo. “Xin lỗi vì hơi tò mò, nhưng vụ này có dính dáng gì tới tiền không? Cô chết rồi Chaz nó có giàu lên không?”
“Không.”
“Tiền bảo hiểm chẳng lẽ nó cũng chẳng được nhận?”
“Theo tôi biết là không,” Joey nói. “Bởi vậy tôi mới… tôi mới sốc chứ. Chẳng có lý do gì hắn xuống tay với tôi cả. Muốn ly dị thì hắn chỉ cần nói thôi mà.”
Joey hỏi nếu là mình thì Stranahan sẽ làm gì. Anh đáp: “Đầu tiên là tháo
cái nhẫn cưới.” Joey ngượng ngùng tháo chiếc nhẫn bạch kim trên tay rồi cầm nó. “Rồi, sao nữa?”
“Rồi đi thẳng tới cảnh sát chớ sao,” Stranahan nói, tự hỏi trong đầu cô còn có phương án nào khác. Nhưng anh không hỏi, vì một cơn gió nhẹ dường như đã thổi bay cơn giận của Joey.
“Cô đang mỉm cười kìa. Coi bộ có tiến triển.”
“Vì nó ướt và nhột quá.”
“Hả, cái gì nhột?”
“Mick, con chó của anh đúng không?”
Stranahan cúi xuống bàn. “Đầu Đất, mày hư dữ vậy,” anh nói, rồi giơ tay túm vòng đeo cổ của con Doberman.
“Tôi nghĩ nó thích mình rồi,” Joey nói, rồi cười chua chát. “Mới đầu ai cũng thích tôi cả.”
Thanh tra Karl Rolvaag chỉ hợp sống ở miền Trung Tây. Anh biết rõ như vậy và ngày nào đi làm cũng được nhắc nhở về điều đó. Bất kỳ nơi đâu ở phía thượng Trung Tây Hoa Kỳ cũng ổn: Michigan, Wisconsin, Minnesota hay thậm chí là hai bang Dakota. Tội ác ở đó chân phương và rõ ràng: không từ lòng tham, dục vọng thì cũng do rượu mà ra. Florida thì phức tạp và cực đoan hơn nhiều, không thể vội vàng đưa ra phán đoán. Mọi âm mưu ghê tởm nhất nước Mỹ sớm hay muộn cũng kéo về đây, làm như chỗ này… hợp phong thủy.
“Tôi chẳng quan tâm mấy về ông Perrone,” Rolvaag báo cáo lại với thủ trưởng.
“Xong rồi à?”
Đội trưởng tên Gallo. Ông thích người cấp dưới vì Rolvaag quả rất được việc, chuyên xử mấy vụ khó nhai nên làm sếp cũng được tiếng thơm. Nhưng về giao tiếp xã hội thì chán thôi rồi.
“Anh nghi thằng cha ấy giết vợ à?” Gallo hỏi. “Coi mòi tìm chứng cớ không ra.”
Rolvaag rụt vai. “Tôi đã nói là không quan tâm đến gã nữa, sếp à.” Họ đang ngồi uống cà phê ở trạm nghỉ dừng xe tải trên Đường 84. Cũng gần nửa đêm rồi và Rolvaag đang muốn phi ra xe để xem lũ chuột có xổng thoát bên trong hay không.
“Người vợ xấu số ấy,” Gallo vẫn hỏi thêm, “Để lại bao nhiều tiền?” “Trên dưới 13 triệu. Văn phòng ở quỹ tín thác đang xác định con số.” “Nhưng thằng chồng thì chẳng rớ nổi một xu nào, đúng không? Ngay cả bảo hiểm nhân thọ cũng không?” Gallo hỏi.
“Theo như thông tin tôi có từ đầu tới giờ là thế, nhưng vẫn còn sớm để kết luận điều gì.”
“Nếu nó mà hót láo với mình thì nó chết chắc.”
“Đúng rồi,” Rolvaag đáp, lén nhìn đồng hồ. Viên thanh tra đã rời cửa hàng thú cưng được sáu tiếng, hy vọng lũ chuột chưa kịp khoét một cái lỗ từ trong hộp đựng giày.
“Nhà vợ có nói gì về Chaz không?” Gallo hỏi tiếp.
“Bố mẹ bà Perrone mất cả rồi, người anh trai duy nhất thì sống ở trại cừu mãi tận New Zealand.”
Gallo cau mày. “Chúa ơi, thế thì chết tiền điện thoại đường dài. Anh có gọi điều tra thì ngắn gọn rốp rẻng dùm.”
“Biết dzồi,” Rolvaag thỉnh thoảng vẫn nhại kiểu đối thoại trong phim Fargo khi tay sếp nói gì đó ngớ ngẩn. Viên thanh tra đã chuyển nơi ở từ St. Paul đến Fort Lauderdale chỉ vì bà vợ nổi hứng bất tử muốn trải nghiệm khí hậu ẩm ướt. Sau một thập kỷ, bà vợ ly dị chồng rồi trở về Twin Cities, Rolvaag vẫn ở lại Florida, đổ mồ hôi như tắm suốt 11 tháng rưỡi hàng năm.
Nhưng bây giờ, Rolvaag hy vọng tìm thấy một sự cứu rỗi. Trong cặp táp là một lá thư từ Cảnh sát trưởng Edina, Minnesota - một vùng ngoại ô dễ chịu thuộc Minneapolis. Vị này muốn mời Rolvaag về nhận mảng trọng án, mà ở đó thì lâu lâu mới có một vụ. Anh đã định báo tin này với sếp Gallo ngay khi có cơ hội.
“Tôi đồ rằng không ai trên tàu nghe hay thấy gì cả đúng không?” Gallo lại hỏi. “Cô gái đẹp cứ thế đi lại trên boong trong lúc mọi người đang ngủ.” Tuyệt không một chút mỉa mai, Rolvaag nghiêm túc nói cho sếp nghe là mình không có đủ thời gian để thẩm vấn toàn bộ 2.048 du khách trên tàu.
“Cũng không thấy ai tình nguyện khai báo gì luôn,” anh nói thêm. Gallo xoay chùm chìa khóa trên ngón út của bàn tay phải. “Và đội cứu hộ nữa, họ cũng xong việc rồi chớ?”
“Chiều mai là xong rồi. Họ sẽ ráng giữ trực thăng ngoài đó cho đến khi mặt trời lặn, nhưng chỉ là thủ tục thôi. Chứ khó mà tìm được gì hơn,” Rolvaag nói.
“Gã chồng thì sao, có tức giận hay lộ ra cảm xúc gì không?” “Nói năng cực kỳ chuẩn mực, cứ như từ kịch bản viết ra.” Gallo mỉm cười gian giảo. “Karl này, ngay cả khi cô ta có nổi lên ở đâu đó…”
“Sếp khỏi nói, tôi biết.”
“Thì anh cũng phải tìm cho ra vết xiết cổ hay vết trói thì mới…” “Rõ ràng. Chúng ta rất khó chứng minh gã có tội.”
“Gã có bồ nhí chăng?”
“Tôi đang rình vụ đó.”
“Nhưng ngay cả khi gã có bồ đi nữa…”
“… thì cũng không thể chứng minh được là gã đã giết vợ,” Rolvaag chen vào. Anh quá rành cái tính trăng hoa của sếp Gallo, dám ông ta phần nào thông cảm cho kẻ bội bạc.
“Tôi thấy rõ mồn một là anh không tin gã Perrone này,” Gallo nói. “Tôi tin là mình chưa nhìn được toàn cảnh vụ hôn nhân của gã.” Gallo phá ra cười. “Karl, ông nội anh cũng không nhìn được đâu. Đừng
nói là của gã, mà là của mọi thằng đàn ông trên đời, kể cả… chính anh luôn.”
“Nhưng vợ của sếp đâu có bị mất tích trên biển.”
“Cậu có vẻ khó chịu vụ này nhỉ? Tôi thấy nó lồ lộ trên gương mặt cậu.” Rolvaag cố rặn ra một nụ cười. “Cũng chỉ là một vụ, như bao vụ khác thôi,” anh nói, dù không thật sự cảm thấy như vậy.
“Anh còn nuôi mấy con trăn chà bá ở nhà chớ,” sếp Gallo hỏi. “Còn hai con à. Mà mỗi con dài có hai mét chứ nhiêu.”
“Và anh vẫn cho tụi nó xơi chuột sống?”
“Chứ nó chịu ăn thịt xào thì tôi đỡ rồi sếp.”
“Ban quản lý chung cư chưa đuổi cổ cậu đi kể cũng tài.”
“Họ hăm miết đó chớ.”
Đa số hàng xóm cùng chung cư với Rolvaag đều có nuôi chó nhỏ. Họ lúc nào cũng nơm nớp thú cưng của Rolvaag xổng chuồng. Vì nuôi hai con trăn, Rolvaag đã phải nộp phạt hơn 6.000 đô.
“Chúa ơi, tụi nó là bò sát đó. Sao không ném phứt đi cho rồi?” “Tôi thích tụi nó.”
“Nhưng quan trọng hơn là tụi nó có thích cậu không?”
“Bọn tôi vẫn đang hòa hợp mà sếp. Tôi cho chúng thức ăn và chỗ ở, chúng trao cho tôi sự hờ hững vô điều kiện.”
Gallo bảo ông ta biết một vũ công ngực trần ở Oakland Park sẵn sàng nhận nuôi mấy con mãng xà để phục vụ cho tiết mục biểu diễn. “Cho cổ đi. Ở đó tụi nó sẽ có một mái nhà lý tưởng. Mái nhà tất cả chúng ta đều mơ ước.”
“Thôi khỏi, cám ơn sếp,” Rolvaag đã đứng dậy. “Tôi phải đi thôi, kẻo lũ chuột xổng ra và cạp nát đống dây nhợ trong xe tôi.”
“Cậu quả là tên cứng đầu,” Gallo hỉ hả. “Thôi chốt vụ Perrone trước thứ Sáu nhé.”
“Gì mà thứ Sáu?”
“Karl nè, đâu phải lúc nào mọi thứ cũng trôi chảy. Thỉnh thoảng phải chấp nhận là mình không thể làm gì thêm.”
Đặc biệt là trong vỏn vẹn có sáu ngày, Rolvaag bực dọc nghĩ. Anh nói: “Chồng cô ta có nói một chi tiết mà tôi cho là quan trọng: cô ta là ngôi sao bơi lội hồi học đại học.”
“OK, thì sao. Trường đại học có dạy môn bơi giữa đại dương hay bơi cùng cá mập luôn hả? Thứ Sáu là thứ Sáu, Karl. Anh cứ để ngỏ vụ án, nhưng nhét nó dưới đáy chồng hồ sơ hộ tôi.”
“Được dzồi.”
Sau đó, khi lên xe đi về cùng lũ chuột, Rolvaag mới sực nhớ là mình quên nói vụ lá thư. Anh tự trách mình sao không nói với Gallo cho xong. Ba vụ giấy tờ thuyên chuyển công tác này mất thời gian phết.
Thôi thứ Hai mình làm liền, viên thanh tra thề thốt. Anh muốn trốn khỏi cái nóng hầm hập như trong nồi áp suất này để quay về Minnesota. Muốn lắm luôn.
CHƯƠNG 5
Charles Regis Perrone trở thành nhà sinh vật học vì hoàn toàn không có lựa chọn khác.
Ban đầu nó muốn làm bác sĩ, xác định theo khoa X-Quang cho nhàn. Chaz mê mẩn bổng lộc của ngành y, nhưng vốn là người mắc bệnh tưởng trầm trọng, viễn cảnh phải tiếp xúc hằng ngày với người bệnh làm nó nổi gai ốc. Nghiên cứu mấy tấm phim X-Quang trong phòng sạch sẽ vô trùng sẽ giải quyết việc ấy, lại còn dư dả thời gian để đi chơi bời nữa.
Kế hoạch hoành tráng ấy gặp trở ngại vì chính thói hiếu dâm của nó. Suốt mấy năm sơ cấp, Chaz chi tiền mua bao cao su nhiều hơn sách chuyên ngành. Hậu quả là với điểm GPA có 2.1, không ban nào trong đại học Florida dám chứa. Ngành y càng không đời nào nhận sinh viên loại C. Nhưng Chaz cũng chẳng lấy làm phiền muộn. Nó tự nhủ: làm bác sĩ bận chết, thời gian đâu mà giao lưu xã hội. Ta phải làm giàu cách khác.
Trong lúc chờ đợi, nó đã bước vào đời với gương mặt bô trai, khả năng chịch vô độ và tấm bằng cử nhân của cái ngành bất đắc dĩ: sinh vật học. Ba tháng sau khi tốt nghiệp, nó miễn cưỡng dọn tới ăn nhờ ở đậu nhà mẹ. Lúc này, bà mẹ đã đi thêm bước nữa với một cựu phi công RAF tên Roger. Tay
này rất thích hành hạ Chaz với những trò quái đản. Chẳng hạn cứ mỗi lần Chaz vào nhà tắm quay tay (một ngày chừng chục lần chứ mấy), thằng cha dượng lại mở bài Irish Rover to hết cỡ, đập cửa rồi cất cái giọng nam cao quái đản: “Quay đều, quay đều!”
Kiếp ở nhờ ê chề là thế, nhưng thất nghiệp mà, Chaz còn biết đi đâu. Nó cũng ứng tuyển chỗ này chỗ kia nhưng chỉ duy nhất một nơi tỏ ra hứng thú: Hội Nhân đạo quận Bay. Chỗ này đang tuyển người làm sạch cống rãnh hai lần một ngày.
Rồi Chaz dần nhận ra: chỉ có một thứ mới cứu mình thoát khỏi cuộc đời của một người làm công ăn lương hạng bét: tấm bằng thạc sĩ. Vì thế nó quyết định mua ngay một cái. Ở Colorado có nguyên đường dây làm bằng giả. Người đăng ký sẽ theo học một khóa đào tạo tám tuần bao đậu với chi phí 999 đô la. Tiền này tất nhiên Chaz phải mặt dày xin mẹ. Luận văn thạc sĩ chỉ cần có dính tới sinh vật học, kèm thêm một ràng buộc nữa: phải giãn hàng đôi giữa các dòng. Chaz bỏ ra tận một buổi chiều tại siêu thị địa phương để lấy tư liệu làm luận văn, nhan đề: “So sánh và phân tích những loại trái cây cuối vụ: cam, bưởi hồng và quýt lai.”
Mười ngày sau khi gửi công trình nghiên cứu của mình đi, đính kèm một tấm séc xác nhận chuyển khoản ngay trang bìa, Chaz nhận được phản hồi. Thư thông báo “trung tâm đào tạo” đã bị đóng cửa, tước giấy phép, văn phòng bên trong một trung tâm thương mại cũng bị yêu cầu tháo dỡ ngay tức khắc.
Chaz chấp nhận sự thật đau lòng: muốn có bằng thạc sĩ thì đành phải trở lại trường. Nhìn thằng con sống bám, bà mẹ cũng nản, chưa kể mấy phen té chổng gọng vì đống tạp chí khiêu dâm của nó. Bà quyết định gây áp lực lên một người em họ, vốn là giảng viên của Đại học Khoa học Khí quyển
và Hàng hải Rosenstiel ở Miami. Dù điểm GRE của Chaz tệ chẳng thua gì bảng điểm, nhưng nhờ “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nó cũng được nhận vào chương trình thạc sĩ của trường.
Thế là chàng nghiên cứu sinh hăm hở nhập học tại trường Rosenstiel ở Virginia Key. Nó đã hào hứng vẽ lên viễn cảnh nằm dài trên du thuyền, quan sát bọn cá heo đáng yêu. Một tay cầm ống nhòm, tay kia cầm một ly margarita mát lạnh.
Nhưng đời không như là mơ. Nếu chịu khó đọc chương trình đào tạo, có lẽ nó đã không sốc đến thế trước sự buồn tẻ kinh hoàng của ngành sinh vật học. Bài tập đầu tiên cho Chaz là hỗ trợ một vị Tiến sĩ tương lai nghiên cứu về rận biển, một trải nghiệm càng củng cố thêm lòng căm ghét của nó dành cho mọi chủng loài thiên nhiên, từ lớn đến bé.
Một trong những nhiệm vụ của Chaz là thu thập các loài tảo dại mang những hạt nhỏ trên người. Những hạt này không phải chấy rận, mà là ấu trùng của loài sứa Linuche unguiculata. Chaz không ưa gì thiên nhiên và thiên nhiên có lẽ cũng thế. Mới được hai ngày, thứ ấu trùng ấy lọt vào áo lặn và khiến toàn bộ thân trên của nó mưng mủ, ngứa ngáy. Những loại nước hoa rẻ tiền mà nó xức lên người càng góp phần làm tình hình thêm tệ. Trước khi học kỳ 1 kết thúc, Chaz trông tơi tả như vừa được lôi ra từ đám cháy ở giàn khoan. Nó nói với giảng viên hướng dẫn: lý do duy nhất loài người nghiên cứu về rận biển là để tìm ra thứ thuốc độc để có thể quét sạch chúng khỏi hành tinh.
Chaz rõ ràng không có chút năng lực hay sự thích thú cần thiết cho việc nghiên cứu khoa học. Tệ hơn, nó cũng đếch thèm quan tâm tới những giống loài thấp kém. Gã nghiên cứu sinh ôm mớ kiến thức lộn xộn của mình qua từng học phần, học gạo vừa đủ để không bị đánh rớt. Nhưng
ngoài thực địa thì chuyện ăn gian là không thể. Công việc diễn ra trong tiết trời oi ả, lặp đi lặp lại và vô cùng cực nhọc. Cứ mỗi lần nó hỏi “chừng nào mới đi ngắm cá heo” là y như rằng đều bị sai đi vớt tảo biển.
Không vì mối quan hệ gia đình, Chaz đã bị tống cổ ra đường từ lâu. Nó được chuyển sang một đề tài khác ít phải va chạm với thiên nhiên hơn, ấy là nghiên cứu chu kỳ sinh sản của loài cá bắt muỗi. Sau hai năm ảm đạm quanh những bể cá, rốt cục Chaz cũng “vớt” được tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành hải dương học. Hôm tốt nghiệp, cả trường Rosenstiel nhất loạt đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt khi Chaz lên bục nhận bằng. Ai nấy đều vui, vì từ đây không phải nhìn thấy bản mặt của nó nữa.
Tấm bằng còn chưa ráo mực, Chaz đã có việc làm tức thì. Công việc này không cần kiến thức về hải dương học, cũng chẳng màng tới điểm số lè tè của nó. Một công ty mỹ phẩm danh tiếng đang tìm một gương mặt có bằng cấp để về làm đại diện. Đây là loại công việc mà các nhà sinh vật học chân chính khinh bỉ vô cùng. Vị đại diện ấy chẳng phải làm gì ngoài việc chứng nhận trong các sản phẩm nước hoa có chứa hàm lượng chất độc, acetone và carcinogen trong mức cho phép. Phía công ty này rất ấn tượng với dáng vẻ chải chuốt đẹp trai của Chaz. Đây sẽ là một vũ khí giúp nhãn hàng gia tăng uy tín, nhất là để lôi kéo thêm những khách hàng nữ.
Chaz được mời đến làm tại văn phòng công ty ở Jacksonville. Ở đó nó có phòng làm việc riêng, cùng một phòng thí nghiệm nhỏ với khởi điểm là một trăm con chuột bạch. Lâu lâu nó được giao nhiệm vụ xịt lên người lũ chuột những lọ Blue Passion, Shiver hoặc bất kỳ dòng sản phẩm nước hoa nào chuẩn bị tung ra thị trường. Thỉnh thoảng lũ chuột cũng dị ứng và nổi mấy cục u to như trái quất. Chaz giải quyết vấn đề cấp kỳ, lấy vỉ kẹp thịt nướng cố định con “quái vật” và ném nó xuống cái cống phía sau tòa nhà.
Đôi bàn tay sạch như lau như ly của Charles Regis Perrone không bao giờ động vào mấy sinh vật bệnh tật, nhất là với mức lương rẻ mạt ba mươi tám ngàn đô mỗi năm.
Rồi một buổi sáng kia, trong lúc Chaz cắt giấy báo để lót lồng chuột, tình cờ đập vào mắt nó một bài báo sẽ giúp nó đổi đời. Bài có nhan đề: “QUỐC HỘI CÂN NHẮC CHI 8 TỶ ĐÔ LA CHO KẾ HOẠCH KHÔI PHỤC HỆ SINH THÁI EVERGLADES.”
Một món hời rớt thẳng vào cuộc đời Chaz. Với tinh thần hăm hở chắc hẳn sẽ làm các giáo sư ở trường cũ lé mắt, nó lao vào một chiến dịch nghiên cứu đầy tham vọng và rốt cuộc bắt liên lạc được với một người tên là Samuel Johnson Hammernut, thường được bạn bè lẫn kẻ thù biết đến với biệt danh “Red”.
Chaz đã biết đến cái tên Hammernut từ trước, thông qua mấy tờ báo mà nó cắt để lót lồng chuột. Trong những bài viết ấy, Hammernut hiện lên như một hung thần với chính đồng loại của mình, đặc biệt là những nông dân nhập cư. Và gã cũng là kẻ thù của chính hành tinh này nốt. Ban đầu, Hammernut “Red” khá e dè trước đề nghị táo bạo của Chaz, nhưng rồi chúng kết thân với nhau rất nhanh. Và bây giờ, chính gã đang gọi điện đến khách sạn Marriott cho Chaz lúc 3 giờ sáng.
“Nói to lên, tao chẳng nghe gì hết!” Hammernut gào lên, không biết gã đang ở đâu mà nghe ù ù như trong ống dẫn gió của NASA. Chaz nhìn cái đồng hồ điện tử: “Anh đang ở đâu mà ồn vậy?” “Châu Phi chớ đâu, chú mày quên à?”
Hammernut “Red” đang trên đường săn lùng con cá cháo to kỷ lục thế giới. Gã gọi điện cho Chaz bằng điện thoại vệ tinh trên con tàu mẹ đang neo đâu đó gần bờ biển Gabon. Gã hỏi tiếp: “Thế vụ Joey là sao? Lũ báo
đài nói đúng không?”
Chaz ngồi dậy, đột ngột cảnh giác: “Thật vậy đó, Red à. Hai vợ chồng em đang yên lành thì vợ em… chắc nó rơi khỏi thuyền. Người ta tìm mãi chẳng thấy tăm hơi gì.”
“Đù má.”
“Mà sao anh biết?”
“Đọc trên báo Fort Lauderdale. Lisbeth nó fax cho tao.”
“Ý em là sao anh biết em ở đây mà gọi?”
“Tao gọi con phóng viên viết bài rồi bảo tao là chú của mày. Ha ha ha!” “Ồ.”
Chaz hiểu ra cuộc gọi này chẳng phải để cảm thông hay chia sẻ gì đâu. Hammernut “Red” mà có lòng trắc ẩn chắc trời sập. Gã chỉ hóng chuyện và nhắc khéo Chaz về trách nhiệm lớn lao của nó.
“Em không biết Joey nó bị sao nữa,” Chaz dụng ngôn cẩn trọng, vì sợ Thanh tra Rolvaag đang nghe lén phôn của khách sạn. “Nửa đêm Joey nổi hứng lên boong tàu rồi không quay lại nữa. Không có ai nhìn thấy cổ rơi xuống biển, nhưng mọi giả thiết đều khẳng định như vậy.”
“Thì chỉ có vậy thôi, chứ vợ mày còn đi đâu được nữa?” Tiếng Hammernut méo mó trong điện thoại. “Sao mà khốn nạn thế. Thật khốn nạn mà. Ê cu nói tao nghe coi, người ta còn đang tìm vợ mày không? Cái lũ tuần duyên ấy.”
“Họ vẫn đang tìm đó, nhưng tới trưa mai thì ngừng.”
“Trời má, kỳ vậy!”
Chaz có thể hình dung ra dáng vóc của “Red” ngay lúc này: thân hình mập mạp lùn chủn chễm chệ trong cabin du thuyền, tay vỗ nhẹ vào cái cốc
đựng Jack Daniel’s. Cặp giò tròn lẳn như đùi heo lấm chấm tàn nhang chắc đang đỏ tấy lên vì phơi nắng. Mái tóc thưa chẻ ngôi màu đồng hẳn đã xơ xác vì gió biển. Còn đôi mắt lác chắc đang được tô điểm thêm hai vòng tròn trắng ởn vì hằn vết cặp kiếng bơi quá khổ, nhìn xa nom y hệt con vượn cáo.
“Chú mày cần gì cứ nói tao một tiếng nha Chaz,” Hammernut nói. “Tao có thể cử sáu chiếc trực thăng ngay sáng sớm mai. Tụi mình tự tổ chức tìm kiếm và cứu hộ luôn.”
Tự dưng Chaz đâm lo, không biết “Red” đã nốc mấy chai rồi. Nó đáp lại: “Anh nghĩa hiệp quá. Nhưng họ đã quần nát bờ biển cả chục bận rồi, có tăm hơi gì của Joey thì họ phải biết chớ. Chỗ đó lại toàn cá mập không.”
“Bỏ mẹ,” Hammernut “Red” giật mình. “Mày nghe tiếng gì không?” “Dạ có.”
“Gió giật như trúng thuốc, cỡ ba mươi hải lý chứ không ít.” “Anh cẩn thận nha.”
“Ủa mà cu, sao mày không hỏi tình hình câu cá của tao thế nào?” “Ừ nhỉ, câu tốt không anh?” Chaz cảm giác mình nên kết thúc cuộc nói chuyện thật sớm, trước khi “Red” kịp nhớ ra vụ kia.
“Tốt mẹ gì, đen đéo đỡ được. Bốn ngày trời mà tụi tao chẳng câu nổi một con nào trên 45 ký. Mày là nhà khoa học biển, mày nói tao nghe coi chớ mấy con cá lớn đi đâu cả rồi?”
Chaz biết gì đâu. Nó trả lời đại: “Chắc đang mùa đẻ trứng.” Hammernut cười rú lên như bị chọc tiết: “Đẻ đái gì mày! Đừng nói với tao là người ta đào tạo Tiến sĩ ra chỉ để giải thích vớ vẩn vậy nha. Bằng Tiến sĩ đó tao mua cũng được à.”
“Có phải chuyên môn nghiên cứu của em đâu,” Chaz cố giấu sự khó chịu.
“Cái gì không phải chuyên môn nghiên cứu?”
“Mấy vụ cá di cư này nè.”
Hammernut lại cười hô hố: “Mẹ nó, mày biết thì đỡ quá. Chuyến này ngốn của tao tới ba ngàn một ngày đó.”
Vậy thì mày chỉ nên câu cá rô hay cá trê thôi, Chaz muốn nói toẹt ra cho rồi. Hammernut chỉ vừa nghiện môn câu cá thể thao này ba tháng trở lại đây.
“Không chừng ngày mai hên hơn đó,” Chaz xoa dịu, nhưng thằng khốn kia vẫn chưa chịu kết thúc câu chuyện.
“Tao nghĩ là chú mày sẽ rành về cá mập hơn là cá cháo,” gã nói. “Mày hiểu ý tao không?”
Thằng khốn này ghê tởm thật, Chaz nghĩ, dám lôi cái chết của vợ mình ra đùa.
“Hình như mất sóng rồi hay sao ấy,” Chaz hét vào ống nghe. “Anh bảo trọng, khi nào về rồi nói chuyện tiếp.”
“Ừ, chắc rồi,” Hammernut nói. “Mà nè, tao chia buồn vụ vợ mày nhé. Cú này ám ảnh thiệt.”
Tên vô lại đang hạ giọng thương tiếc, nhưng Chaz không tin lấy nửa lời. Gã này có trái tim của một con bọ cạp.
“Mà mày cũng cẩn thận là vừa,” Red nói thêm, trong giọng đã có mùi cảnh báo. “Mày hiểu ý tao đúng không? Tuyệt đối cẩn thận nghe chưa. Nghe lủng chưa?”
“Lủng rồi, Red à!”
Joey Perrone tỉnh giấc lúc mặt trời còn chưa lên. Cô gỡ miếng gạc băng mắt. Mí còn sưng to do vết cắn của con sứa biển, nhưng đã có thể nhìn mọi thứ rõ ràng rồi. Cô nhẹ nhàng vào phòng tắm, cố lờ đi bộ dạng lôi thôi lếch thếch của người phụ nữ trong gương.
Tối qua, cô đi ngủ với chiếc áo thi đấu của trường Stanford to quá cỡ, cùng cái quần chạy bộ màu trắng vốn là của cái cô làm bên truyền hình, một trong những người vợ cũ của Mick Stranahan. Joey hỏi cuộc hôn nhân này kéo dài bao lâu, Mick bảo: “Còn tùy là cô hỏi về phía người nào.”
Joey rửa mặt chậm rãi, ráng súc miệng mà không gây ra tiếng động nào. Rồi cô quờ quạng trong hộp đồ trang điểm và tìm thấy sợi dây thun buộc tóc. Stranahan nằm dài trên sofa phòng khách. Joey rón rén đi tới chỗ anh, rồi đánh bạo cúi xuống nhìn cho tạng mặt. Trong ánh sáng lờ mờ, cô đã kịp nhìn thấy diện mạo anh và mỉm cười.
Cũng được quá chớ, cô nghĩ, mình biết mà.
Cô dừng lại ở bếp, vớ lấy hai quả táo và một quả chuối chín. Lẻn ra cửa sau, cô đóng cánh cửa lại nhẹ nhàng hết cỡ. Đầu Đất ngẩng đầu nhìn theo khi cô đi chân không ra ngoài bờ cảng. Joey vuốt cái mõm của nó rồi thì thào: “Cưng đẹp mã lắm, chó ngoan. Một ngày nào đó ông chủ khó ưa sẽ tìm bạn gái cho cưng.”
Lúc trèo lên thuyền, Joey đã thoáng nghĩ: Mình cũng vô ơn thiệt, ít ra cũng phải để lại vài dòng.
Nhưng nghĩ thế thôi, vì cô tháo dây cột và đẩy thuyền khỏi bờ. Khi con thuyền nhẹ nhàng trôi đi, Joey ngồi xuống sau bánh lái, lột vỏ trái chuối mang theo và chờ đợi. Chưa thể nổ máy ngay được, Stranahan sẽ giật mình
thức dậy mất và cô thì đang cảm thấy tội lỗi ngập lòng.
Điện thoại của Stranahan vẫn đang cắm sạc trong khoang điều khiển. Vậy là anh không thể gọi cảnh sát khi phát hiện cả thuyền lẫn người đều đã mất tích. Một lần nữa Joey cảm thấy hối hận, nhưng cô rất cần thời gian để thực hiện những việc cần làm trước khi Mick đánh động mọi người.
Khi con thuyền trôi dần xa, Joey đã ăn hết quả chuối và đặt vỏ dưới ghế ngồi. Ở đuôi tàu có một cái bóng mồi xăng. Cô bóp nó cho đến khi nó cứng lại trong nắm tay cô. Joey cũng có chút kiến thức về thuyền bè. Mấy năm trước cô từng dạy chồng đầu của mình chơi trượt nước. Hai đứa đã mua một chiếc Aquasport 150 mã lực của Yamaha.
Con thuyền Evinrude già nua của Stranahan cũng chịu nổ máy sau lần thử thứ ba. Cô nhích cái van bướm về phía trước và ngoái đầu nhìn lại cảnh vật sau lưng. Chưa thấy bóng dáng Mick nhưng con Doberman thì đang ngó theo từ đuôi tàu, tai vểnh cao và mông lắc liên tục ra chiều háo hức. Cô vẫy tay chào nó rồi lái thuyền về hướng Miami.
“Nữa hả trời,” Stranahan lầm bầm, rồi co chân đá một quả dừa trên cát. Anh ngồi xuống bàn ăn cùng tách cà phê, con Đầu Đất ngồi cạnh chân chủ. Joey không phải là người phụ nữ đầu tiên giông khỏi đảo trên thuyền của anh. Nhưng cô là người đầu tiên bỏ đi khi chưa kịp ngủ với nhau, sống với nhau và cãi nhau một trận ra trò. Trước khi giông thuyền bỏ đi, đám phụ nữ này bao giờ cũng kịp để lại một màn than thân trách phận. Tất cả dần trở thành nghi thức.
Người cuối cùng thực hành nghi thức ấy là Susan, một nữ luật sư thành
công bên mảng sở hữu trí tuệ. Cô này tỏ ra thích thú với đời sống biệt lập trên đảo. Ngặt nỗi thỉnh thoảng cô ả nổi khùng vì không kết nối được con Blackberry với vệ tinh - để làm gì không biết - vì bầu khí quyển thất thường tại đây. Cũng có thể cô ả không chỉ điên vì mỗi việc ấy, Stranahan kết luận sau đó.
Susan lẻn đi vào một buổi hoàng hôn. Sau khi đánh mê Stranahan với rượu rum pha Coke và thuốc ngủ, cô luật sư thu dọn hành lý, nhào lên thuyền của anh và nhanh chóng lao thẳng vô tảng đá ngầm của Ragged Keys. Xương đòn của cả Susan và trục chân vịt của con Evinrude đều bị gãy, khiến Stranahan đi sửa hết 1.800 đô la.
“Lạy Chúa! Sao không nói anh đưa em về?” Stranahan hỏi cô luật sư trong phòng cấp cứu.
“Tại em sợ anh giận,” cổ nói. “Em biết tính anh mà.”
Bọn họ đều nói thế: “Em biết tính anh mà.” Thực ra chẳng có ma nào biết cả. Họ nào có hiểu gì anh đâu. Vấn đề là Stranahan cũng không giỏi trong việc cởi mở tâm tình nên cũng không trách được họ đã đọc nhầm tín hiệu. Tai nạn của Susan đã thực sự khiến anh đặt câu hỏi nghiêm túc về cách hành xử của mình. Nhưng trước khi tìm ra câu trả lời cho câu hỏi nghiêm túc ấy, anh phải tìm cách bảo vệ con thuyền tội nghiệp khỏi mấy cô tình nhân bất mãn cái đã.
Với ống nhòm chuyên dụng, Stranahan dễ dàng nhìn thấy Joey, chỉ cách đảo chưa đầy hai dặm. “Đi với tao không mày?” Stranahan hỏi Đầu Đất, con này ngồi xuống liếm bi thay cho lời từ chối.
Stranahan vào kho, lôi chiếc kayak màu vàng ra và hạ thủy. Anh cởi áo, đá đôi dép tông sang một bên rồi lên xuồng. Chẳng mấy chốc anh đã tiến ra biển, với những nhịp chèo ngắn và mạnh mẽ. Vết cháy nắng trên vai dễ
chịu quá. Nếu gió cứ thổi thuận chiều thế này thì chỉ 20 phút là sẽ đến được con thuyền què quặt ngoài kia.
Lúc anh tới nơi thì Joey đang ngồi đung đưa chân ở mũi thuyền. Cô nói: “Được giải cứu hai lần trong ba ngày. Sao mà ê chề thế cơ chứ!” Stranahan nhảy lên thuyền, cột con kayak vào phía sau: “Vụ này không tính là giải cứu. Chỉ là một màn chơi khăm.”
“Mick, tôi không có ý chôm thuyền của anh. Thiệt đó.”
Anh mở cửa trước, cố đưa đầu và cánh tay vào trong.
“Tôi định cột nó ở đâu đó tại Dinner Key,” Joey nhấn mạnh. “Tôi không có ý phá hư nó. Để tôi đền cho anh nhen.”
Từ dưới hầm tàu, anh nói vọng lên: “Ai nói cô nó hư?”
“Ủa chưa hư sao?”
“Chạy ngon nữa là khác,” anh leo lên, chùi tay vào ống quần kaki, ngồi vào bàn điều khiển, mở khóa, con thuyền đã nổ máy.
Joey hờn dỗi hỏi: “Anh làm sao tài vậy?”
“Có một cái van tay, dẫn xăng từ thùng vào máy. Tối hôm qua tôi đã khóa nó,” anh bảo. “Chắc do thói quen.”
“Van dẫn xăng?”
“Đúng vậy. Cô xài hết số xăng còn sót lại trong máy sáng nay. Xăng không vào máy nữa thì nó ngỏm thôi.”
“Thông minh quá!” Joey há hốc mồm.
“Cũng không phải lần đầu người ta chôm thuyền tôi.”
“Cũng không lạ.”
Anh giúp cô leo lên mui thuyền. Joey đến thùng nước đá, cúi người xuống nhìn anh xoay bánh lái, chuẩn bị lái con thuyền về lại đảo.
Anh nói: “Tôi không trách cô đâu. Thất vọng là điều khó tránh mà. Cô mong dạt lên đảo với Clint Eastwood, ai ngờ chỉ có tôi thôi.” Joey trợn mắt.
Stranahan lái con thuyền chầm chậm trở lại. Chiếc xuồng kayak dập dềnh phía sau đuôi. “Nếu cô muốn về đất liền cứ nói một tiếng, tôi sẽ đích thân chở cô về.”
“Tôi sợ anh sẽ gọi tuần duyên hoặc cảnh sát. Mà tôi thì không muốn thế.”
“Vậy chứ cô định làm gì?”
“Tôi định hù thằng chồng một phen. Nhìn bản mặt nó khi nó biết tôi còn sống mới thật khoái chí.”
“Rồi sao nữa? Để nó thử giết cô lần nữa hả?”
“Thì nghe cũng không thông minh lắm. Nhưng tôi điên đến chết mất. Tôi định lẻn vào nhà, đợi nó tắm thì chui vào trong nhà tắm, giật mạnh rèm ra. Nó mà đứng tim chết ngay tại chỗ thì hay quá.”
“Cảnh tượng tuyệt vời đấy,” Stranahan nói. “Nhưng kế hoạch bết quá…”
“Tôi có một kế hoạch hay hơn nè, anh muốn nghe không?” “Khỏi,” anh nói.
“Tôi mới nghĩ ra khi con thuyền chết máy vài phút trước thôi. Tôi nghĩ anh sẽ ưng kế hoạch này,” cô nói.
“Nghi quá,” Stranahan nói. “Nhưng phải nói ngay kẻo cô quên: tôi là người giữ lời. Cô không cần phải trốn chạy như thế. Tôi sẽ không gọi cảnh sát cho đến khi cô sẵn sàng.”
Joey gỡ dây buộc tóc: “Ngộ nhỡ tôi không bao giờ sẵn sàng thì sao?”
“Kế hoạch mới nghĩ ra vài phút trước đó hả? Muốn mọi người tiếp tục tin mình đã chết?”
“Chủ yếu là thằng chồng chó đẻ của tôi thôi.”
Stranahan hỏi tiếp: “Rồi sau đó là gì? Đến một thành phố xa lạ để sống? Lấy một cái tên mới, rồi làm lại cuộc đời?”
“Đâu có. Tôi phải xử thằng chồng cho ra ngô ra khoai chớ.” “Một màn báo thù ngọt ngào.”
“Công lý thì đúng hơn là báo thù.”
“Trời đất,” Stranahan phá ra cười. Cô gái này thiệt dữ dội. “Joey, còn gia đình và người thân của cô thì sao? Bạn bè nữa? Cô thực sự muốn họ phải gánh chịu nỗi đau mất người thân sao?” Cô kể anh nghe chuyện mình mồ côi từ sớm, còn anh trai duy nhất thì đang ở xa tận nửa vòng trái đất.
“Tôi sẽ nói với ảnh sau,” cô nói “Và ảnh sẽ ủng hộ tôi thôi.” “Còn sếp thì sao? Cả đồng nghiệp nữa?”
“Lấy chồng rồi thì tôi nghỉ việc ở nhà,” cô nói. “Tiện đây nói cho anh biết là tôi có tiền, rất nhiều tiền, đủ xông xênh để xử thằng Chaz lên bờ xuống ruộng.”
“Chúa ơi, cô nói thiệt đó hả?”
“Hoàn toàn nghiêm túc. Anh ngạc nhiên là phải,” Joey quay lưng đi, đưa tay che mắt khỏi ánh nắng.
Khi thuyền của họ cập bến, Đầu Đất nhảy cả xuống nước vì phấn khích. Stranahan cột thuyền, kéo kayak vào trong kho và bỏ đi chiên trứng. Joey đã thay một chiếc váy màu vàng rực và đội một cái mũ rơm to đùng. Bữa sáng có thêm nước ép bưởi được dọn ra trên boong thuyền, phía
dưới bầu trời gợn mây. Stranahan đợi xong bữa rồi mới bắt đầu thuyết phục Joey.
“Nghe tôi đi. Không thể giết chồng rồi thoát tội được đâu. Đừng tưởng giả chết là xong chuyện. Mấy kịch bản kiểu này chỉ có trên phim thôi.” Cô ngước nhìn anh qua kẽ hở của chiếc nón quá khổ, mặt ánh lên sự khoái chí: “Mick này, tôi đâu có muốn giết Perrone. Tôi muốn chơi cho nó lăn lê bò toài, đến mức nó thà tự sát còn sướng hơn!”
Stranahan giật mình khi thấy mình có vẻ thích thú với ý tưởng này. Anh hy vọng cô không nhìn thấy điều đó.
Cô cố ý ngồi chồm lên phía trước một chút: “Có bao giờ anh bị ám sát chưa? Kể thiệt tôi nghe đi.”
“Có. Sự thiệt đó.”
“Rồi anh làm gì?”
“Hai chuyện khác nhau mà, Joey. Tôi là người bên hành pháp.” Joey đập tay lên bàn đắc thắng. “Tôi biết mà! Đoán trúng phóc luôn!” “Ý là từng làm. Tôi nghỉ lâu rồi.”
“Trả lời câu hỏi đi, Mick. Anh đã làm gì với kẻ muốn giết anh?” Anh hít một hơi thật chậm rồi trả lời: “Thì tôi giết tụi nó.” Cô ngả người ra sau cái phịch như có ai xô. “Trời đất ơi!” “Ăn đu đủ không?”
“Anh vừa bảo tụi nó? Ý là anh giết nhiều người lắm rồi hả?” “Hồi đó tôi có đi lính nữa,” Stranahan nói. “Chờ tôi chút.” Anh đi vào bếp. Khi trở ra, anh đặt lên bàn hai ổ bánh mì vòng và một đĩa đu đủ tươi đã cắt sẵn.
“Kể tôi nghe hết đi,” mắt Joey sáng lên.
“Thôi bỏ đi.”
Stranahan có hai chủ đề cấm kỵ: vợ cũ và những người mà anh đã giết, về chủ đề thứ hai, tên quan tòa tha hóa Raleigh Goomer là vụ nổi tiếng nhất. Trước và sau đó, anh còn giết thêm nhiều mạng. Mấy vụ ấy nhìn chung đều có lý do chính đáng, từ những kẻ thù anh bắn trên chiến trường, hay tên sát thủ chậm chân bị anh xiên thanh kiếm qua người. Đấy đều là những câu chuyện hấp dẫn cả, nhưng Stranahan không muốn kể cho một người trẻ tuổi xa lạ.
Joey nói: “Chắc tôi nên sợ anh là vừa.”
Anh lắc đầu. “Tôi sợ cô thì có.”
“Tôi nói anh rồi mà, Mick, tôi đâu có muốn giết Chaz. Đến ruồi muỗi mà tôi còn không nỡ giết. Nhưng nó phải trả giá cho tội ác của mình.” “Vậy thì tống nó vào tù thôi!” Stranahan nói. “Tin tôi đi, bóc lịch mười năm ở Raiford hãi hùng hơn mọi hình phạt mà cô nghĩ ra đó.” Joey lấy thêm một miếng đu đủ nữa. “Muốn tống nó vào tù thì phải ra tòa đúng không? Nhưng nhân chứng và động cơ đều không có cả. Tôi nói đúng không?”
“Phải có động cơ, Joey. Những vụ như này chắc chắn phải có.” “Tôi vẫn chưa rành mọi ngóc ngách của vụ việc. Nhưng tôi quá rành Chaz, nó mưu mô quỷ quyệt kinh khủng, mồm nó trơn như bôi mỡ. Tôi tả vậy không biết anh mường tượng ra được chưa?”
“Cũng được rồi,” Stranahan nói.
“Nghĩ đến cảnh phải cãi nhau với nó trên tòa là tôi nổi hết gai ốc. Tôi không mạo hiểm đâu.”
Stranahan buộc phải tán thành sự e dè của Joey. Tòa án ở Nam Florida lôm côm có tiếng.
“Trước khi gặp tôi, Chaz làm cho một công ty mỹ phẩm,” Joey nói. “Công ty dùng bằng cấp của nó như một kiểu bảo lãnh khoa học. Nó từng cho tôi coi một đoạn băng ghi lại nó đứng ở bục nhân chứng, anh biết sao không? Chém gió là nghề của nó luôn rồi. Nó mà hót thì cả tòa chỉ có tin sái cổ.”
Stranahan biết là mình nên khuyên nạn nhân phải tin vào cơ chế, khổ cái anh còn không tin thì làm sao dám mở miệng. Chẳng phải anh đã từng tận mắt chứng kiến mấy tên tội phạm máu lạnh rời khỏi tòa khơi khơi mà không phải lãnh một bản án nào đó sao?
“Vậy giờ mình làm gì đây?” Joey hỏi. “Anh định làm gì với tôi?” Anh định trả lời thì nhìn bất ngờ thấy chiếc trực thăng màu cam đang bay tầm thấp từ biển vào. Con Đầu Đất cũng đã nhìn thấy và giờ nó đang sủa loạn lên, vừa sủa vừa chạy vòng vòng. Chiếc nón rơm khổng lồ của Joey bay thẳng về hướng chiếc trực thăng khi cô ngẩng đầu nhìn. Stranahan để ý thấy nhân viên đội Tuần duyên đang ngồi ở cửa trực thăng. Người này đang đội một chiếc mũ bảo hiểm trắng, mắt gắn chặt vào ống nhòm, rõ ràng là đang đi tìm bà Charles Perrone mất tích trên biển. Để chấm dứt mọi phiền toái, Stranahan chỉ việc đứng dậy, giơ tay ra hiệu rồi chỉ tay về phía người phụ nữ váy vàng vừa đội lại cái nón rơm lên đầu. Người phụ nữ ấy đang nhìn anh hồi hộp. Anh có quá đủ lý do để làm thế. Nhanh gọn, rốp rẻng, anh thấy mình quá già cho mấy chuyện kiểu này. Nhưng rồi anh không vẫy, cũng không chỉ, càng không ra một tín hiệu nào. Thay vào đó, anh kéo bàn tay trái của Joey lại gần rồi đặt lên đó một cái hôn. Một nụ hôn phớt nhưng đủ dài để người cảnh vệ biển kia nhìn thấy.
Và từ trên trực thăng, người cảnh vệ (hoặc bất kỳ ai) làm sao nghĩ được người phụ nữ trong cái áo đầm thậm thượt kia lại là một người từ biển dạt vào cho được. Kiểu gì cũng là vợ hay bồ của cái tay trung niên số hưởng kia!
Và vì nghĩ thế, nên chiếc trực thăng đổi hướng bay mất. Họ cùng nhìn cho đến khi chiếc trực thăng chỉ còn là một cái chấm bé nhỏ trên nền trời xanh dương. Thỏa mãn vì hoàn thành nhiệm vụ phòng vệ, Đầu Đất ngưng sủa và lại cuộn tròn trên cát. Trên đầu họ, một đàn hải âu vỗ cánh bay ngang qua.
“Cám ơn anh,” Joey Perrone nói với Stranahan. “Vậy giờ tôi ở lại đây với anh đúng không?”
“Tôi điên mẹ nó rồi,” anh nói.
CHƯƠNG 6
Đội Tuần duyên gọi điện cho Chaz vào đúng 12 giờ trưa.
“Các anh nỡ lòng nào bỏ cuộc!” Chaz bắt đầu diễn qua phôn, kế bên là đống hành lý đã được dọn từ cả tiếng trước. “Vợ tôi đang trôi dạt đâu đó ngoài kia, lỡ cổ còn sống thì sao?”
“Cơ hội thấp lắm. Tôi rất tiếc, ông Perrone à.”
Rời khỏi khách sạn Marriot, Chaz lái xe về nhà, lòng nhẹ nhõm và đắc thắng. Nó vừa thực hiện một tội ác hoàn hảo. Ba mươi bảy tiếng đồng hồ đã trôi qua mà người ta vẫn chưa tìm thấy dù là sợi tóc của Joey. Biển khơi đã giải quyết mọi thứ.
Bước vào nhà, lòng nó trỗi dậy một cảm xúc mãnh liệt. Cái gì thế nhỉ? Chẳng phải lòng trắc ẩn, mà là một cơn hứng tình đang ào tới trong cái không gian thoang thoảng mùi nước hoa quen thuộc. Cái mùi yêu thích của Joey luôn làm Chaz rạo rực. Nó tinh tế hơn hẳn loại dầu thơm trái cây mà Ricca hay dùng. Chaz tự nhủ: mai mốt mình phải xui con bồ đổi qua xài cái hiệu của Joey mới được.
Chaz mở hộp thư thoại, nghe cả đống tin nhắn nghẹn ngào từ bạn bè của Joey, những người đã kịp biết tin qua báo đài. Chaz nghĩ mình thật may
mắn khi cưới một người phụ nữ gần như tứ cố vô thân. Chứ không thì phiền phải biết. Joey vẫn còn ông anh ruột, nhưng Chaz chưa từng gặp người anh vợ này lần nào. Và nó đang thắc mắc cái chết của Joey có đủ mạnh để lôi ông Corbett Wheeler rời khỏi đất nước New Zealand yêu thích hay không.
Nhìn đống quần áo của Joey treo trong tủ đồ, Chaz cũng bồi hồi chút đỉnh. Nhưng sau khi dọn sạch cái tủ, dọn luôn đống mỹ phẩm và đồ dùng cá nhân trong nhà tắm như xà bông, kem, dưỡng ẩm, dưỡng thể, dầu xả… thì chút bồi hồi ấy cũng tan biến. Chaz đi lòng vòng gom đồ của vợ, rồi bày hết lên trên cái giường ngủ cỡ bự của cả hai, không bỏ sót một thứ gì, ngoại trừ cái áo ngực ren và một đôi quần lót gợi cảm. Ricca mà giảm được vài kí thì mặc vừa y. Nữ trang của Joey cũng được để lại, đống ấy phải tới mười hai ngàn đô chứ ít gì.
Nhà Chaz không có cái thùng nào đủ lớn để chứa hết đống đồ của vợ. Thế là nó chạy đến trạm chuyển phát gần BrandsMart, mang về mấy cái thùng các tông khổng lồ. Vừa đánh xe vào nhà, nó phát hiện một con Ford sedan màu xám đậu ngay trước sân. Một người đang chờ trước cửa, chính là Karl Rolvaag.
Theo lẽ thường, mấy tên sát nhân sẽ để lại mớ thùng trong xe để sắm tròn vai kẻ mất vợ đau khổ, tránh bị nghi ngờ. Nhưng Chaz hết sức bình tĩnh, không chút nao núng.
“Ông lái chiếc gì thế?” Rolvaag hỏi. “Một trong những con Hummer mới ra nhỉ?”
Không hồi đáp, Chaz mở cửa nhà và mang mớ thùng các tông vào trong. Nó đi thẳng đến chỗ phòng ngủ, viên thanh tra cũng im lặng theo sau. “Tôi không chịu nổi khi nhìn thấy đồ đạc của cổ ở đây. Đau lòng lắm,
ông biết không?” Chaz bắt đầu hót. Nó bắt đầu ném váy vủng, quần áo vào cái thùng tivi Sanyo 40 inch. “Nhìn đâu cũng thấy hình ảnh của cổ hết,” Chaz chuyển sang sụt sịt. “Tôi còn chưa dám mở đống hành lý mà cổ mang đi du lịch ra nữa kìa.”
Rolvaag nhìn quang cảnh trước mắt, nghĩ ngợi rồi nói: “Mỗi người đều có cách phản ứng khác nhau trước những mất mát. Có người giữ nguyên mọi thứ, đồ ở đâu thì để yên đấy, từ chăn màn cho tới quần áo dơ. Ông sẽ choáng khi biết một số người giữ nguyên bàn chải đánh răng của người thân xấu số trong ly. Giữ như vậy suốt nhiều năm liền luôn.”
Chaz tiếp tục cho đồ vào hộp: “Tôi không phải kiểu ấy. Mấy vật dùng này nhắc tới cổ, giữ nó lại thì mỗi sáng làm sao tôi thức dậy nổi.” “Rồi ông định làm gì với đống đồ này?”
“Tôi chưa biết nữa. Có khi mang cho từ thiện.”
Viên thanh tra chồm tới, vớ lấy cây lược chải đầu đồi mồi: “Tôi lấy cái này được không?”
“Cứ tự nhiên,” Chaz đáp lời ngay. Nhưng sau một chốc suy nghĩ thì nó hỏi: “Mà ông lấy làm gì?”
“Sau này có khi cần đến ông à.”
“Vậy hả?”
“Biết đâu sau này người ta tìm được gì đó,” Rolvaag nói. “Một phần cơ thể hay bất kỳ thứ gì. Tôi không hứa hẹn gì đâu, ông Perrone, nhưng khả năng nhỏ nhất thỉnh thoảng vẫn xảy ra đó.”
“Ồ, tôi hiểu rồi. Ông muốn có DNA của Joey.”
“Chuẩn rồi. Tóc trên cây lược này cũng đủ để ta đối chiếu, nếu cần,” viên thanh tra nói. “Ông có phiền không?”
“Tất nhiên là không!” Chaz đáp ngay tức khắc, rồi lấy mấy cái ví trên giường cho vào thùng.
Rolvaag bỏ cây lược của Joey vào túi áo khoác, nói tiếp: “Từng có mấy vụ xảy ra ngay tại Florida này, lúc ngư dân câu được cá mập bự. Khi người ta hạ con cá mập xuống boong tàu, có con ọe ra một phần xác người. Người ấy được báo mất tích cả mấy tuần lễ trước, còn con cá mập thì cũng bơi được hai, ba trăm dặm so với lúc xảy ra tai nạn.”
Chaz cắt ngang, mặt như muốn nôn mửa: “Thôi, tôi hiểu rồi.” “Xin lỗi ông Perrone. Tôi nghĩ ông đâu có lạ gì mấy việc này, có khi ông từng thấy mấy vụ ở Rosenstiel ấy nhỉ?”
Ánh nhìn của Chaz từ mấy cái thùng liếc nhanh lên mặt viên thanh tra. “Đúng, chúng tôi cũng từng nghe mấy chuyện đó.” Chaz nghe giọng mình có đôi phần giận dữ. Gã này rõ ràng đã điều tra lý lịch nó.
“Cần gì thì cứ lấy,” Chaz chỉ về mớ đồ của Joey. “Tôi sẽ hết sức hợp tác để vụ việc kết thúc tốt đẹp.”
Viên thanh tra nở một nụ cười mà Chaz dịch ra là sự thông cảm. “Kết thúc được thì tốt,” Rolvaag nói. “Có đau lòng thì vẫn là một bước tiến. Tôi xin lỗi vì đã đường đột xâm phạm nơi riêng tư của ông.”
Chaz tiễn thanh tra ra cửa và nói: “Bên tuần duyên có gọi. Họ bảo sẽ ngưng cuộc tìm kiếm vào chiều nay.”
“Tôi biết rồi,”
Chaz giả bộ đía thêm: “Họ rà soát cả khu vực ba nghìn dặm mà không tìm ra được gì!”
“Ồ, họ có tìm được vài thứ,” Rolvaag nói. Chaz chợt thấy rét run, một tay cố giữ tay nắm cửa. “Bốn kiện cần sa chứ đâu có ít.”
Chaz chờ đợi cơn sợ hãi qua đi. “Trời đất ơi!” Nó nói. “Chắc là của đám giang hồ bạt mạng ở Colombia.”
“Thật ra đống cần sa ấy đến từ Jamaica. Nhưng ông nói đúng, họ không bao giờ tìm ra được ai đã ném chúng xuống và ném từ đâu. Dòng hải lưu Gulf Stream hẳn đã lôi chúng đến đảo.”
Chaz khịt mũi: “Vậy là nó từ Bermuda, chứ sao Jamaica được nhỉ?” “Ý ông là sao?”
“Dòng Gulf Stream đúng không? Nó chảy từ bắc xuống nam mà.” Cặp chân mày vàng hoe của Rolvaag cau lại: “Lần cuối tôi ở đó thì ngược lại đó ông Perrone. Tôi cam đoan là dòng hải lưu ấy chảy về phía bắc.”
Chaz tự nhiên nổi cơn ho. Lỡ tên thanh tra rách việc này đúng thì sao nhỉ? Chaz tự hỏi. Nghĩa là thủy triều sẽ mang xác Joey từ vùng rìa xa xôi vào thẳng trung tâm của cuộc tìm kiếm cứu hộ.
“Ừ nhỉ, có khi ông đúng,” Chaz tằng hắng. “Đầu óc tôi mấy nay rối bời, không còn phân biệt được mặt trăng với mặt trời nữa là.” “Tôi hiểu mà. Thôi ông cố nghỉ ngơi,” Rolvaag trả lời rồi đi về phía xe mình.
Chaz đóng cửa, rồi tựa lưng vào đó chết lặng. Trong hàng triệu người không biết chút gì về hướng chảy của dòng Gulf Stream, nó có lẽ là kẻ duy nhất có bằng hải dương học. Gọi ngay cho một giáo sư trong trường cũ là biết đáp án, nhưng làm thế thì chỉ tổ chuốc thêm ê chề cho cái sự dốt của mình. Đây là một trong những lần hiếm hoi Chaz hối hận vì hồi đó học ngu quá.
Cuộc tự vấn trôi qua cấp kỳ, vì nó đã quay lại dọn nốt đống đồ. Vừa
dọn vừa trấn an bản thân rằng lũ cá mập dọc bờ biển Miami ăn tạp y như đám ở Keys. Joey rõ ràng đã bị thịt rồi, nếu không thì bên cứu hộ phải thấy xác chứ.
Những hồ nghi cứ vang lên trong đầu, thế nên khi Ricca gọi tới, Chaz kiềm không nổi hỏi ngay tức thì: “Cục cưng, dòng Gulf Stream chảy về hướng nào thế?”
“Ủa mình chơi trắc nghiệm hả anh? Có mấy đáp án nè?”
“Chảy về phía bắc hay phía nam?” Chaz nói.
“Em không biết cưng à.”
“Bố khỉ!”
“Ủa sao anh lên cơn với em? Trong hai đứa thì ai mới là Tiến sĩ tầm cỡ vậy?”
Ricca nói chính xác điều Karl Rolvaag nghĩ trong đầu khi lái xe về lại trạm tuần duyên.
Năm hai mươi hai tuổi, Corbett Wheeler chuyển đến sống tại New Zealand. Anh biết nếu còn nấn ná ở lại nước Mỹ thì e sẽ phải dành cả thanh xuân để bảo vệ món tiền thừa kế trước bà dì “tay nhám”.
Cobertt đã năn nỉ em gái đi cùng, nhưng Joey chỉ yêu Florida. Anh không ngạc nhiên mấy khi em mình kết hôn với Benjamin Middenbock, chỉ bất ngờ là thằng em rể chơi chứng khoán hóa ra lại rất ngay thẳng, không thèm đoái hoài đến số tiền thừa kế. Sau này, chỉ khi Benny chẳng may bị tay nhảy dù đè cho bẹp dí, Corbett mới biết là nhỏ em mình không hề hé môi nửa lời với chồng về số tiền kia. Rồi Corbett đâm lo, không biết em gái có
biết tự chăm sóc bản thân sau cú sốc này không.
Nhưng lúc đó thì anh đã trót yêu New Zealand mất rồi. Đất đai ở đây bạt ngàn và tráng lệ y hệt California, nhưng là một phiên bản không có tiếng còi xe. Ngoài ra, anh còn đâm nghiện mấy cái trang trại cừu, đúng giai đoạn giống Đông Friesia của Thụy Điển bắt đầu được nhập về. Đông Friesia là giống cừu lấy sữa năng suất nhất thế giới. Phối giống chúng với bọn cừu New Zealand thì sẽ cho ra một đàn cừu béo tròn, lông mềm và xốp. Corbett Wheeler kiếm bộn tiền từ trang trại cừu. Nhưng anh đâu còn màng đến tiền bạc nữa, chỉ ngày càng mê mẩn cái thú điền viên tao nhã. Không gì làm anh vui hơn được ngồi bên hàng rào nông trại, phì phèo cần sa, phóng tầm mắt ra sườn dốc xanh mướt, lốm đốm nào là cừu con, cừa cha, cừu mẹ…
Một đêm nọ, Joey gọi đến, giọng hào hứng rõ, thông báo cho anh là bà dì chị em song sinh với mẹ đã vào tù vì tội gian lận bảo hiểm. Bà dì ấy tên Dottie Babcock, kiếm sống ở Los Angeles bằng nghề “nạn nhân chuyên nghiệp”. Cứ mỗi tháng mụ lại dàn dựng mấy vụ tai nạn, rồi thông đồng với một tay bác sĩ lưu manh để làm hồ sơ bệnh án giả. Sau mỗi vụ dàn cảnh, hồ sơ bệnh án của Dottie Babcock lại dày thêm một chút: nào gãy xương sống, nào nứt xương chậu, nào bong võng mạc…
Một tờ báo đã âm thầm lần theo mụ và cuối cùng ưu ái cho mụ lên luôn trang nhất. Trong bức ảnh, mụ đang mang đôi giày trượt patin, kế bên là tay huấn luyện viên thể lực ở Santa Monica. Chính quyền buộc phải vào cuộc và vị thẩm phán tuyên Dottie 8 đến 12 năm tù giam. Joey gọi cho anh trai để thông báo, mong cái tin tốt lành này sẽ dụ được anh trở lại Mỹ. Nhưng Corbett một mực chối từ. Từ khoảng cách địa lý xa xôi (lại còn thông qua lăng kính của BBC), anh thấy xã hội Mỹ ngày càng điên loạn và
ghê gớm. Quan trọng hơn, Corbett Wheeler biết sống làm sao nếu không có lũ cừu.
Thực ra anh cũng từng về lại Mỹ một lần, để dự đám tang của thằng em rể Benjamin Middenbock. Nhưng chỉ lưu lại chưa đầy 48 tiếng. Sự thô tục của miền Nam Florida làm anh phát ốm. Bay vội về Christchurch, Corbett quyết định từ nay sẽ ở ẩn, chỉ chuyên tâm chăm sóc lũ cừu. Anh vẫn điện thoại cho em gái thường xuyên, qua đó anh biết Joey đang ngày càng nghi ngờ sự chung thủy và đàng hoàng của thằng chồng thứ hai, ngài Tiến sĩ Charles Perrone. Nhưng trong cuộc hội thoại, chưa bao giờ Joey thoáng chút sợ sệt cho an nguy của mình.
“Nó dám xô em khỏi tàu thật ấy hả?” Corbett Wheeler thấy cánh tay đang cầm điện thoại của mình run lên. “Nó làm thế nào? Mà tại sao lại làm thế hả trời ơi?”
Joey kể anh nghe tường tận chuyện đêm ấy. Chuyện đúng hồi hộp, nhưng đến khúc nhỏ em mình vớ phải nguyên bó cần sa thì thằng anh chịu hết nổi phải phá ra cười.
“Rồi ai giải cứu em lên, bọn DEA à?”
“Không anh, khác xa.”
“Nhưng em báo cảnh sát rồi chứ hả?”
Joey không trả lời.
“Ủa chứ em tính sao?”
“Chaz nó đã tính cả đường em tố nó rồi,” Joey nói. “Nó đóng kịch hơi bị siêu, anh Corbett à. Siêu hơn em chắc.”
Corbett Wheeler suy nghĩ một chốc rồi hỏi: “Nhưng em phải có tính toán gì rồi, đúng không?”
"""