"
Văn Minh - Phương Tây Và Phần Còn Lại Của Thế Giới - Niall Ferguson full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Văn Minh - Phương Tây Và Phần Còn Lại Của Thế Giới - Niall Ferguson full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
Danh mục bảng biểu, sơ đồ, bản đồ
Các đế quốc phương Tây tương lai, 1500
Các đế quốc phương Tây, 1913
Cuộc hải hành thứ bảy của Trịnh Hòa (1430-1433) và Cuộc hải hành thứ nhất của da Gama (1497-1499)
Tỷ lệ GDP trên đầu người Anh/Trung Quốc 1000-2008 Sự tan rã của Đế quốc Ottoman kể từ năm 1683
Nước Phổ bành trướng từ năm 1668
Hiệu suất tác chiến của quân đội Pháp: Tốc độ bắn trúng ở lính bộ binh (1600-1750)
Sự bành trướng của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ từ năm 1783 Sự phân rã của Đại Colombia
Cấu trúc chủng tộc của Tân Thế giới, 1570-1935
Các đế quốc Pháp và Đức ở châu Phi năm 1914
Tuổi thọ bình quân ở Anh, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, 1725-1990 Thời gian và tốc độ tiến bộ tuổi thọ ở Đế quốc Pháp
Đạo đức làm việc: số giờ làm việc hàng năm ở phương Tây và phương Đông, 1950-2009
Niềm tin và nghi thức tôn giáo, đầu các năm 1980 và giữa các năm 2000 Hoạt động truyền giáo Tin Lành ở Trung Quốc
Số bằng phát minh thống kê theo quốc tịch của người đăng ký GDP của “Trung Hoa lớn” (CHND, thêm Hồng Kông, Singapore và Đài Loan) tính theo % GDP của Hoa Kỳ (1950-2009)
Điểm Toán trung bình của học sinh lớp 8 (14 tuổi) năm 2007 (bình quân quốc tế là 500 điểm)
Âu Châu, Mỹ, Trung Hoa và Ấn Độ, phần trăm trong GDP toàn cầu, các năm lựa chọn 1500-2008
Thông tin
– SCAN: @cuoicaisudoi
– TEXT: @machine
– Trình bày và soát lần cuối: @tran ngoc anh
– Hoàn thành: 04/02/2022
CIVILIZATION
Copyright © 2011, Niall Ferguson
All rights reserved.
VĂN MINH
Phương Tây và phần còn lại của thế giới
Bản quyền tiếng Việt © Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam, 2015 Công ty Cổ phần Sách Alpha xuất bản, bìa cứng áo ôm, 2017
Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam xuất bản, bìa cứng áo ôm, 2018
Biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam
Ferguson, Niall
Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới / Niall Ferguson ; Nguyễn Nguyên Hy dịch. – Xuất bản lần thứ 2. – H : Thế giới ; Công ty Sách Omega Việt Nam, 2018. – 480 tr ; 24 cm
Tên sách tiếng Anh: Civilization the west and the rest
ISBN: 9786048948115
1. Lịch sử 2. Văn minh 3. Chính trị 4. Phương Tây
909.09821-dc23
TGL0103p-CIP
“… câu hỏi chủ đạo của cuốn sách này chính là câu hỏi lý thú nhất mà một nhà sử học nghiên cứu về kỷ nguyên hiện đại có thể đặt ra. Tại sao bắt đầu từ khoảng những năm 1500, vài ba quốc gia nhỏ bé miền viễn
Tây của liên lục địa Âu-Á lại có thể nổi lên nắm quyền thống trị phần còn lại của thế giới, trong đó có cả những xã hội nằm ở phía đông lục địa Âu-Á vốn đông dân hơn và tinh tế hơn xét về nhiều mặt? Còn câu hỏi phụ là: Nếu chúng ta có thể tìm được một lời giải thích thỏa đáng về sức mạnh của phương Tây trong quá khứ, thì khi đó liệu chúng ta có thể đưa ra được dự báo về tương lai của nó không? Phải chăng đây đã thực là sự cáo chung của thế giới phương Tây và là sự ra đời của một thời đại phương Đông mới?”
– Trích Lời nói đầu
Lời nói đầu
(Cho lần xuất bản tại Anh)
G
iờ đây, tôi đang cố nhớ lại xem ý nghĩ đó đã đến với tôi ở đâu và vào lúc nào. Phải chăng đó là khi lần đầu tiên tôi đi dạo trên Bến Thượng Hải vào năm 2005? Hay khi giữa màn khói bụi của Trùng Khánh
nghe một quan chức địa phương chỉ tay vào một đống gạch đá ngổn ngang mà nói đây sẽ là trung tâm tài chính tương lai của Tây Nam Trung Hoa? Chuyện đó diễn ra vào năm 2008, và không hiểu vì sao nó gây cho tôi ấn tượng mạnh hơn tất cả những màn trình diễn sôi động và nhịp nhàng trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh? Hay là tại nhà hát Carnegie Hall vào năm 2009, khi tôi ngồi nghe như bị hút hồn vào âm nhạc của Angel Lam, nhà soạn nhạc trẻ kỳ tài người Hoa, hiện thân của xu hướng Đông phương hóa trong nhạc cổ điển? Tôi đồ rằng chỉ đến khi đó tôi mới hiểu được điểm mấu chốt về thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, đúng vào lúc nó đang gần kết thúc, rằng chúng ta đang sống chặng cuối của 500 năm quyền lực thống trị của phương Tây.
Càng lúc tôi càng cảm thấy câu hỏi chủ đạo của cuốn sách này chính là câu hỏi lý thứ nhất mà một nhà sử học nghiên cứu về kỷ nguyên hiện đại có thể đặt ra. Tại sao bắt đầu từ khoảng những năm 1500, vài ba quốc gia nhỏ bé miền viễn Tây của liên lục địa Âu-Á lại có thể nổi lên nắm quyền thống trị phần còn lại của thế giới, trong đó có cả những xã hội nằm ở phía đông lục địa Âu-Á vốn đông dân hơn và tinh tế hơn xét về nhiều mặt? Còn câu hỏi phụ là: Nếu chúng ta có thể tìm được một lời giải thích thỏa đáng về sức mạnh của phương Tây trong quá khứ, thì khi đó liệu chúng ta có thể đưa ra được dự báo về tương lai của nó không? Phải chăng đây đã thực là sự cáo chung của thế giới phương Tây và là sự ra đời của một thời đại phương Đông mới? Nói cách khác, phải chăng chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn của một kỷ nguyên mà trong đó đa phần nhân loại ít nhiều đều phụ thuộc vào làn sóng văn minh nổi lên ở Tây Âu từ sau thời kỳ Phục hưng+ và Cải
cách+ – công cuộc văn minh nhờ được đà từ thời kỳ Cách mạng Khoa học+ và thời kỳ Khai sáng+ đã vươn qua Đại Tây Dương và đến tận châu Úc, cuối cùng đạt tới cực thịnh trong các thời kỳ Cách mạng+, thời kỳ Công nghiệp+ và thời kỳ Đế quốc+?
Chính việc tôi muốn đặt ra những câu hỏi ấy đã nói lên điều gì đó về thập kỷ đầu tiên của thế kỷ. Sinh ra và lớn lên ở Scotland, từng học ở trường Trung học Glasgow và trường Đại học Tổng hợp Oxford, suốt những năm tuổi hai mươi, ba mươi, tôi cứ ngỡ sẽ phải theo đuổi sự nghiệp hàn lâm của mình ở Oxford hay Cambridge.
Lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc chuyển đến Hoa Kỳ là do thắc mắc của Henry Kaufman, nhà bảo trợ hàng đầu của trường Kinh doanh Stern thuộc trường Đại học New York và là một nhân vật kỳ cựu ở Phố Wall. Ông hỏi tôi vì sao một người quan tâm đến lịch sử của tiền tệ và quyền lực lại không đi tới nơi thực sự có cả hai thứ ấy. Và nơi đó có thể là đâu khác ngoài khu Hạ Manhattan? Vào lúc bình minh của thiên niên kỷ mới, Sàn Chứng khoán New York hiển nhiên là trung tâm của một mạng lưới kinh tế toàn cầu khổng lồ mang đậm phong cách Mỹ về thiết kế và do người Mỹ sở hữu phần lớn. Lúc này quả bong bóng dotcom+ rõ ràng đang xì hơi, và một cuộc suy thoái nhẹ cũng đủ khiến Đảng Dân chủ mất Nhà Trắng ngay khi lời cam kết trả hết nợ công của họ bắt đầu có vẻ đáng tin. Nhưng chỉ trong vòng 8 tháng sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, George W. Bush đã phải đối đầu với một biến cố làm nổi bật lên vai trò trung tâm của Manhattan đối với thế giới do phương Tây thống trị. Sự sụp đổ của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới do những kẻ khủng bố Al-Qaeda gây ra là một lời hỏi thăm ghê gớm dành cho New York. Đó là mục tiêu số một cho bất kỳ ai có ý định thách thức sự thống trị của phương Tây.
Những sự kiện kế tiếp diễn ra đầy bạo liệt. Taliban bị lật đổ ở Afghanistan. Một “trục ma quỷ”+ được coi là đã tới lúc phải “thay đổi chế độ”. Saddam Hussein bị hất cẳng ở Iraq. Ông lớn Xả độc Bang Texas+ lúc này đang dẫn đầu trong các vòng bầu cử và đang trên đà tái đắc cử. Nền kinh tế Hoa Kỳ
hồi phục nhờ cắt giảm thuế. Không kể nước Mỹ, “châu Âu già cỗi”+ giận dữ một cách bất lực. Hào hứng trước những sự kiện trên, tôi lao vào đọc và
viết ngày càng nhiều về các đế quốc, đặc biệt là những bài học mà đế quốc Anh để lại cho đế quốc Mỹ. Kết quả là vào năm 2003, tôi ra mắt cuốn sách Empire: How Britain Made the Modern World (Đế chế: Nước Anh kiến tạo thế giới hiện đại như thế nào). Khi suy nghiệm về sự nổi lên, sự thống trị
và sự sụp đổ tiềm năng của Đế chế Mỹ, tôi dần nhận thấy rõ ba sự thiếu hụt chết người ngay tại trái tim quyền lực Mỹ: thiếu nhân lực, thiếu sự ủng hộ (công chúng không đủ nhiệt tình đối với việc chiếm đóng dài hạn ở các quốc gia đã bị chinh phục) và trên hết là sự thiếu hụt về tài chính (tiết kiệm không tương xứng với đầu tư và thu nhập từ thuế không đủ đáp ứng các khoản chi tiêu công).
Trong cuốn sách ra mắt năm 2004 – Colossus: The Rise and Fall of America’s Empire (Gã khổng lồ: Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế Mỹ), tôi đã cảnh báo rằng Mỹ đã dần dần đi đến chỗ phải trông cậy vào tư bản của Đông Á để đổ tiền vào các tài khoản hiện hành và tài khoản tài chính vốn đang mất cân bằng của mình. Do đó, sự suy tàn và sụp đổ của đế chế không ngai của Mỹ có lẽ không phải do họa khủng bố vào nhà, cũng không phải do các chế độ xấu xa bảo trợ cho chúng, mà bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính ở ngay trung tâm của chính đế chế. Cuối năm 2006, Moritz Schularick và tôi sáng tạo ra từ Chimerica+ để nói về cái mà chúng tôi coi là mối quan hệ không bền vững một cách nguy hiểm giữa Trung Quốc tằn tiện và Mỹ hoang phí (từ này là một lối chơi chữ dựa trên từ chimera). Khi đó, chúng tôi đã xác định được một trong những điều then chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sắp xảy ra. Bởi lẽ, nếu người tiêu dùng Mỹ không có sẵn cả hai thứ là nguồn nhân công Trung Quốc rẻ mạt và nguồn tư bản Trung Quốc giá hời thì cái bong bóng những năm 2002- 2007 đâu có tệ hại đến thế.
Trong thời gian tại nhiệm của Tổng thống George W. Bush, cái ảo ảnh “siêu quyền lực” Mỹ đã bị tan vỡ không chỉ một mà hai lần. Sự báo ứng ập đến lần đầu trên những con phố heo hút của thành phố Sadr+ và trên những cánh đồng ở Helmand+, không những bộc lộ những hạn chế của quân lực Hoa Kỳ mà quan trọng hơn, nó còn cho thấy sự ngây thơ trong các ảo tưởng của những người theo phái tân bảo thủ về một làn sóng dân chủ ở Đại Trung Đông. Nó gõ cửa lần thứ hai với việc cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn năm 2007 leo thang thành cuộc khủng hoảng tín dụng
năm 2008 và cuối cùng trở thành cuộc “Đại suy thoái” năm 2009. Sau vụ phá sản của Lehman Brothers+, những chân lý giả dối của “Đồng thuận Washington”+ và sự “điều tiết vĩ đại”+ – những thuật ngữ của các ngân hàng trung ương, tương đương với “Sự Cáo chung của Lịch sử” – đều chìm vào quên lãng. Đã có lúc nguy cơ xảy ra cuộc Đại suy thoái thứ hai trở nên nhãn tiền. Trục trặc ở đâu? Trong một loạt các bài báo và bài giảng bắt đầu từ giữa năm 2006 và đỉnh điểm là sự ra đời của cuốn sách The Ascent of Money (Sự lên ngôi của đồng tiền) vào tháng Mười một năm 2008 – khi cuộc khủng hoảng tài chính đang vào lúc tồi tệ nhất – tôi đã lập luận rằng tất cả mọi thành phần chủ đạo của hệ thống tài chính quốc tế đã bị suy yếu trầm trọng do khoản nợ ngắn hạn quá lớn trên bảng cân đối thu chi của các ngân hàng, các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp bị định giá quá mức cùng các sản phẩm tài chính cấu trúc khác, chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang, một bong bóng bất động sản nhuốm ý đồ chính trị, và cuối cùng là đợt bán đổ bán tháo các hợp đồng bảo hiểm ma (còn gọi là chứng khoán phái sinh) với các điều khoản bảo vệ giả mạo trước những điều không chắc chắn chưa ai biết đến chứ không nhằm bảo vệ trước những rủi ro có thể định lượng được. Xu hướng vươn ra toàn cầu của các thể chế tài chính gốc gác từ phương Tây từng được kỳ vọng là sẽ mở đầu một kỷ nguyên mới ít biến động hơn về kinh tế. Phải hiểu biết về lịch sử mới có thể dự đoán được rằng một cuộc khủng hoảng thanh khoản kiểu cũ có thể khiến hệ thống đòn bẩy tài chính vốn đang lung lay sụp đổ như thế nào.
Hiểm họa về một cuộc suy thoái thứ hai đã lùi xa sau mùa hè năm 2009, mặc dù nó chưa biến mất hoàn toàn. Nhưng dù vậy, thế giới đã đổi thay. Sự suy sụp đến nghẹt thở trong thương mại toàn cầu (do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra khi nguồn tín dụng cấp vốn cho hoạt động xuất nhập khẩu đột ngột cạn kiệt) có thể phá hủy cả những nền kinh tế lớn ở châu Á, những khu vực được cho là phụ thuộc vào nguồn hàng xuất khẩu sang phương Tây. Tuy nhiên, nhờ chương trình kích thích kinh tế có hiệu quả cao của chính phủ dựa trên sự nới rộng tín dụng quy mô lớn, Trung Quốc chỉ phải chịu đựng sự giảm chậm về tăng trưởng. Đây là chiến công đáng kể mà chỉ một số ít chuyên gia có thể dự đoán được. Hiển nhiên, Trung Quốc gặp phải nhiều khó khăn khi vận hành nền kinh tế đại lục với 1,3 tỉ dân (như thể họ là một Singapore khổng lồ vậy). Nhưng Trung Quốc vẫn
cho thấy một khả năng – và khả năng này hiện nay còn cao hơn nữa so với thời điểm tôi viết cuốn sách này vào tháng Mười hai năm 2010 – rằng họ sẽ còn tiếp tục tiến nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp của mình, và rằng chỉ nội trong thập kỷ này họ sẽ vượt Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội, như Nhật từng qua mặt Anh vào năm 1963.
Rõ ràng là gần trọn 500 năm qua, phương Tây đã được hưởng những lợi thế thực sự và liên tục so với phần còn lại của thế giới. Khoảng cách thu nhập giữa phương Tây và Trung Quốc bắt đầu nới rộng từ tận những năm 1600 và còn tiếp tục nới rộng thêm cho tới những năm 1970, nếu không nói là còn sau đó nữa. Nhưng từ sau đó khoảng cách thu nhập đã thu hẹp lại với tốc độ đáng kinh ngạc.
Cuộc khủng hoảng tài chính đã định hình nên câu hỏi tiếp theo về lịch sử mà tôi muốn đặt ra. Lợi thế ấy của phương Tây giờ đây đã biến mất chăng? Phải tìm hiểu cái lợi thế ấy chính xác gồm những gì thì tôi mới có thể hy vọng tìm ra câu trả lời.
Phần tiếp theo dưới đây nói về phương pháp luận lịch sử. Những độc giả sốt ruột có thể bỏ qua nó và đi thẳng đến phần Nhập đề. Tôi đã viết cuốn sách này vì mang ấn tượng mạnh mẽ rằng những người đang sống hiện nay không mấy ai dành sự chú ý đầy đủ cho những người đã khuất. Theo dõi ba đứa con của mình lớn lên, tôi có cảm giác lo ngại khi thấy chúng học môn lịch sử ít hơn hẳn so với tôi khi cùng lứa tuổi chúng, không phải vì thầy giáo của chúng kém, mà vì chúng có những cuốn sách lịch sử dở, và những bài kiểm tra thì còn tệ hại hơn. Theo dõi diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính, tôi nhận ra rằng chúng không phải là trường hợp cá biệt; dường như ngoài một nhúm người làm việc trong các ngân hàng và kho bạc của thế giới phương Tây, những người còn lại đều chỉ có chút ít thông tin sơ sài đại khái về cuộc suy thoái gần đây. Suốt gần ba mươi năm nay, giới trẻ ở các trường trung học và đại học phương Tây được tiếp nhận ý tưởng về một nền giáo dục tự do, không có thực chất nào về kiến thức lịch sử. Họ được nhồi vào đầu những “học phần” bị cô lập, thiếu đầu đuôi, và thiếu nhất là trình tự thời gian. Họ được rèn luyện cách phân tích các trích đoạn tư liệu theo kiểu công thức chứ không được rèn kỹ năng then chốt là đọc rộng và nhanh. Họ được khích lệ theo hướng đồng cảm với
những chiến binh La Mã tưởng tượng hay những nạn nhân Holocaust+ chứ không phải là viết những bài tiểu luận lý giải nguyên nhân và con đường dẫn tới những nghịch cảnh của các nhân vật đó. Trong vở The History Boys (Những anh chàng lịch sử, nhà viết kịch Alan Bennett đã đưa ra một “bộ ba bất khả thi”+: nên giảng dạy lịch sử như một phương thức nêu các luận cứ trái chiều, một sự chia sẻ với Chân Thiện Mỹ của quá khứ, hay chỉ là “cái vớ vẩn này tiếp theo cái vớ vẩn khác?” Rõ ràng là ông đã không nhận ra rằng học sinh phổ thông ngày nay không nhận được bất kỳ cái nào trong bộ ba trên – may lắm thì chúng chỉ có được “một nhúm thứ vớ vẩn” chẳng theo một thứ tự cụ thể nào hết.
Vị hiệu trưởng cũ của trường tôi đang làm việc bây giờ từng có lần bộc bạch rằng, khi ông đang là sinh viên ở Học viện Công nghệ Massachusetts, mẹ ông đã năn nỉ ông phải học ít nhất là một khóa về lịch sử. Nhà kinh tế trẻ xuất sắc đã tự phụ trả lời mẹ rằng anh quan tâm đến tương lai hơn là quá khứ. Giờ đây ông đã biết rằng điều đó chỉ là ảo tưởng. Thực ra, không hề có thứ nào là “một tương lai” đơn độc như vậy hết mà chỉ có “các tương lai” ở ngôi số nhiều. Chắc chắn là có nhiều cách lý giải khác nhau về lịch sử và không có cách lý giải nào là duy nhất – nhưng quá khứ thì chỉ có một. Và mặc dù quá khứ đã trôi qua, nhưng vì hai lý do sau đây mà nó trở thành thứ không thể thiếu trong quá trình chúng ta tìm hiểu về những gì chúng ta đang trải qua ngày hôm nay, cũng như về những gì đang chờ ở phía trước vào ngày mai và xa hơn nữa. Thứ nhất, dân cư thế giới đang sống hiện nay chỉ bằng gần 7% tổng số người từng sống trên hành tinh này. Nói cách khác, số người đã mất đông gấp 14 lần số người đang sống, và chúng ta, rủi ro thay, lại đang bỏ qua những kinh nghiệm mà đại đa số nhân loại đã tích lũy được. Thứ hai, quá khứ thực sự là nguồn kiến thức đáng tin cậy duy nhất giúp chúng ta tìm hiểu về hiện tại ngắn ngủi và về các tương lai ở phía trước mà chỉ một trong số đó sẽ trở thành hiện thực. Lịch sử không đơn thuần là nghiên cứu quá khứ mà còn là nghiên cứu chính bản thân thời gian.
Trước tiên, chúng ta hãy thừa nhận những hạn chế của chủ đề này. Sử gia không phải là nhà khoa học. Họ không thể (và không nên, dù chỉ thử) thiết lập các quy luật phổ quát về “vật lý học” xã hội hay chính trị với khả năng dự đoán đáng tin cậy. Vì sao vậy? Vì không thể lặp lại cái thí nghiệm duy
nhất kéo dài trong nhiều nghìn năm qua vốn đã làm nên quá khứ. Kích thước mẫu của lịch sử nhân loại chỉ có một. Hơn nữa, các “hạt” trong thí nghiệm mênh mông này lại có ý thức, và cái ý thức này bị bóp méo bởi mọi kiểu thành kiến nhận thức. Điều đó có nghĩa là hành vi của chúng thậm chí còn khó dự đoán hơn so với khi chúng chỉ là những hạt quay tròn vô tri vô giác. Một trong vô số những điều kỳ quặc của con người là chúng ta đã tiến hóa đến chỗ gần như bằng bản năng mà biết rút ra kinh nghiệm từ những gì chính mình đã trải qua trong quá khứ. Vậy nên hành vi của chúng ta mang tính thích nghi; nó thay đổi theo thời gian. Chúng ta không lang thang vô định mà đi trên những con đường, và những gì chúng ta đã từng gặp sẽ quyết định phương hướng chúng ta chọn khi tới chỗ rẽ, mà chỗ rẽ thì luôn xuất hiện.
Vậy các sử gia có thể làm gì đây? Thứ nhất, bắt chước các nhà khoa học xã hội và dựa vào các dữ liệu định lượng, sử gia có thể lập ra “các quy luật bao quát” – từ “bao quát” ở đây được hiểu theo cách hiểu của Carl Hempel+ là các nhận định chung về quá khứ dường như có thể áp dụng trong hầu hết các trường hợp (chẳng hạn, khi một nhà độc tài chứ không phải một lãnh đạo dân chủ lên nắm quyền ở một đất nước thì khả năng cao là đất nước ấy sẽ đi đến chiến tranh). Hoặc – dù hai cách tiếp cận này không loại trừ nhau – sử gia có thể tìm cách thấu cảm những người đã khuất thông qua việc phục dựng trong trí tưởng tượng các trải nghiệm của họ, như nhà triết học Oxford vĩ đại R. G. Collingwood đã mô tả trong cuốn Autobiography (Tự truyện) năm 1939 của mình. Hai cách điều nghiên sử học này cho phép chúng ta có thể biến những di tích của quá khứ thành lịch sử – một trường kiến thức và cách lý giải sắp xếp theo trật tự hồi cố và qua đó soi sáng thân phận con người. Mọi dự đoán nghiêm túc về những tương lai khả dĩ mà chúng ta có thể gặp đều trực tiếp hoặc gián tiếp dựa trên một hoặc cả hai quy trình sử học trên. Nếu không, nó sẽ chẳng khác gì trò chiêm tinh trên báo hàng ngày.
Trong sự thất vọng với ngành khoa học tự nhiên và tâm lý học trong giai đoạn sau cuộc tàn sát của Thế chiến I, Collingwood đã nảy ra tham vọng là đưa lịch sử vào kỷ nguyên hiện đại, bỏ lại đằng sau cái mà ông chối từ và gọi là thứ “lịch sử cắt dán”, trong đó những người viết “chỉ nhắc lại điều
mà những người khác đã nói trước họ, nhưng với những cách sắp xếp và tô vẽ khác nhau”. Bản thân quá trình tư duy của ông cũng đáng được tái dựng:
– “Quá khứ mà nhà sử học nghiên cứu không phải một quá khứ chết mà là một quá khứ theo nghĩa nào đó vẫn đang còn sống trong hiện tại” dưới dạng các dấu vết (tài liệu và đồ tạo tác) còn tồn tại.
– “Tất cả lịch sử đều là lịch sử của tư tưởng”, theo nghĩa rằng một bằng chứng lịch sử sẽ là vô nghĩa nếu không suy luận được cái mục đích đã gán cho nó.
– Quá trình suy luận ấy đòi hỏi một bước nhảy của trí tưởng tượng xuyên qua thời gian: “Tri thức lịch sử là sự tái hiện trong tâm trí nhà sử học về tư tưởng của lịch sử mà ông ta đang nghiên cứu”.
– Nhưng ý nghĩa đích thực của lịch sử lại phát xuất từ việc đặt quá khứ và hiện tại cận kề nhau: “Tri thức lịch sử là sự tái hiện một tư tưởng quá khứ bị đóng kín trong bối cảnh của những tư tưởng hiện tại vì đối lập với nó nên đã giam hãm nó trong một bình diện riêng, khác với bối cảnh của tư tưởng hiện tại”.
– Do vậy, vai trò của sử gia “đối với người không nghiên cứu sử cũng tương tự như vai trò của một người thợ rừng sành sỏi đối với một du khách ngây thơ. Du khách nghĩ: ‘Ở đây chẳng có gì ngoài cây cỏ’, rồi bước đi. Nhưng người thợ rừng nói: ‘Hãy nhìn kìa, trong đám cỏ ấy có một con cọp đấy.’” Nói cách khác, Collingwood cho rằng lịch sử mang lại điều gì đó “khác hoàn toàn so với các quy tắc [khoa học], tức là sự thấu hiểu”.
– Chức năng thực thụ của sự thấu hiểu lịch sử là “thông báo [cho con người] biết về hiện tại, xét ở khía cạnh rằng quá khứ – chủ đề hiển nhiên của nó – được bao bọc trong hiện tại và [cấu thành] một phần trong cái hiện tại ấy, tuy rằng điều này không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng trước con mắt của những người không chuyên”.
– Về việc lựa chọn chủ đề để nghiên cứu lịch sử, Collingwood chỉ ra rằng cái mà Herbert Butterfield+, người cùng thời với ông, lên án là “thiên vị hiện tại” không có gì sai cả. “Những vấn đề lịch sử thực sự nảy sinh từ các vấn đề thực tiễn. Chúng ta nghiên cứu lịch sử nhằm nhìn nhận rõ hơn cái tình thế mà trong đó chúng ta đang cần phải hành động. Như vậy, cái bình diện mà mọi vấn đề chung quy đều nảy sinh
trên đó chính là bình diện của đời sống ‘thực sự’, và để tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó, cần phải liên hệ chúng với lịch sử”.
Là một nhà bác học am tường cả về khảo cổ học và triết học, một người kiên định phản đối thói thỏa hiệp vô nguyên tắc, và là một trong những người đầu tiên chỉ trích tờ DailyMail+, Collingwood là người dẫn đường cho tôi suốt nhiều năm qua, nhưng chưa bao giờ vai trò của ông lại cần thiết như khi tôi viết cuốn sách này. Bởi lẽ, việc lý giải sự sụp đổ của các nền văn minh là một vấn đề quá ư quan trọng, không thể mặc tình để vào tay những kẻ làm sử cắt dán được. Đây đúng là một vấn đề thực tiễn của thời đại chúng ta, và mục đích ra đời của cuốn sách này là trở thành “cẩm nang đi rừng” trong vấn đề này. Vì núp sau đám cỏ ấy không chỉ có một con cọp mà thôi.
Để làm tròn bổn phận tái phục dựng tư tưởng quá khứ, lúc nào tôi cũng cố gắng ghi nhớ một chân lý đơn giản về quá khứ mà những người thiếu trải nghiệm lịch sử thường quên mất. Tuổi thọ của con người trong quá khứ thường ngắn, và những người sống lâu hơn thường xuyên phải nhìn thấy cảnh những người thân yêu rời xa mình. Hãy xem trường hợp của John Donne, nhà thơ mà tôi yêu thích, bậc kỳ tài trong triều đại của vua James I. Ông hưởng dương 59 tuổi, hơn tôi mười ba tuổi vào lúc tôi đang ngồi viết cuốn sách này. Ông là một luật gia, một nghị sĩ, một thầy tế Anh giáo, nhưng sau khi không thừa nhận Công giáo La Mã, Donne đã kết hôn vì tình yêu. Kết quả là ông mất việc làm thư ký cho người chú của cô dâu, Nam tước Thomas Egerton, một vị quan chưởng ấn+. Trong mười sáu năm bần hàn, Anne Donne sinh hạ mười hai người con. Ba trong số đó, Francis, Nicholas và Mary, đều mất trước tuổi lên mười. Bản thân Anne cũng qua đời sau khi sinh đứa con thứ mười hai và người con này cũng mất ngay lúc chào đời. Sau khi Lucy, người con gái mà ông yêu quý, qua đời, và chính ông cũng gặp bạo bệnh đến mức suýt theo con xuống mồ, năm 1624 Donne đã viết cuốn Devotions upon Emergent Occasions (Lời nguyện cầu cho những điều bất trắc), chứa đựng những lời thúc giục mạnh mẽ nhất, kêu gọi sự đồng cảm với những người đã khuất:
Mỗi cái chết của con người đều khiến tôi suy yếu
Vì tôi dự phần vào nhân loại
Vậy nên nào ai biết chuông kia nguyện hồn ai
Nó nguyện cầu cho anh đấy.
Ba năm sau, cái chết của một người bạn thân là nguồn cảm hứng để ông viết bài thơ A Nocturnal upon St. Lucy’s Day, Being the Shortest Day (Suy ngẫm về ngày Nữ Thánh Lucy, Ngày ngắn nhất):
Nào những kẻ sẽ yêu trong xuân hồng mùa tới
Với tôi xuân giờ như một thế giới xa xăm
Hãy nhìn tôi, và nhìn tôi thật kỹ
Vì giờ đây tôi với cái chết nào khác chi nhau
Tình yêu như nhà giả kim xảo diệu
Đã chưng luyện nên tôi
Từ tận cùng hư không và những trống vắng u sầu
Nhưng tình yêu đã hủy hoại tôi
Để giờ đây lại tái sinh tôi lần nữa
Từ nỗi thiếu vắng, từ bóng tối, từ cái chết
Những thứ chưa từng tồn tại.
Những ai muốn tìm hiểu rõ hơn hoàn cảnh sống của con người trong thời đại khi mà tuổi thọ con người chưa bằng phân nửa thời nay đều nên đọc những dòng thơ ấy.
Quyền năng vĩ đại của cái chết – tước đi sinh mạng của con người khi họ đang ở thời kỳ sung mãn nhất – không chỉ khiến cuộc đời trở nên quá đỗi vô thường và ngập tràn đau khổ. Nó còn có nghĩa rằng hầu hết những con người đã gây dựng nên những nền văn minh của quá khứ kia đều làm nên chuyện khi họ còn rất trẻ. Nhà triết học vĩ đại người Hà Lan gốc Do Thái Baruch (hay Benedict Spinoza), người đặt ra giả thiết rằng chỉ có một vũ
trụ vật chất duy nhất của bản thể và nhân quả tiền định, và rằng “Thượng Đế” – theo cách hiểu lờ mờ của chúng ta – chính là trật tự tự nhiên của cái vũ trụ đó, đã qua đời năm 1677 ở tuổi 44, có lẽ do các hạt thủy tinh ông đã hít phải khi làm thợ mài mắt kính để kiếm sống.
Blaise Pascal, nhà tiên phong về lý thuyết xác suất và thủy động lực học, cũng là tác giả của Pensée (Những suy ngẫm về tôn giáo), cuốn sách có
những lời biện giải thuyết phục nhất cho đức tin Cơ Đốc giáo, chỉ hưởng dương 39 tuổi. Trước đó ông còn suýt chết vì một tai nạn giao thông, sự cố đã thức tỉnh ông về mặt tâm linh. Biết đâu những bậc thiên tài ấy có thể mang lại những công trình vĩ đại khác nữa nếu như họ có được tuổi thọ như của nhà nhân văn học vĩ đại Erasmus (69 tuổi) và Montaigne (59 tuổi) chẳng hạn? Mozart, tác giả của vở opera hoàn hảo nhất Don Giovanni qua đời khi mới 35 tuổi. Franz Schubert, tác giả của bản Ngũ tấu cung Đô trưởng (D956) hùng tráng, qua đời khi mới 31 tuổi, có lẽ do bệnh giang mai. Mặc dù họ có sức sáng tác lớn, song ai biết liệu họ còn có thể tạo ra được những gì nữa nếu như họ được phú cho 63 năm dương thọ như Johannes Brahms điềm đạm, hay như Anton Bruckner cần cù ở tuổi “cổ lai hy” (72 tuổi). Nhà thơ Scotland Robert Burns, người đã viết câu tuyên ngôn bất hủ về sự bình đẳng “Đàn ông sau tất cả mọi chuyện vẫn là đàn ông”, qua đời năm 1796 khi mới 37 tuổi. Bất công biết bao khi nhà thơ khinh bỉ chuyện kế thừa địa vị (Thứ bậc chỉ là con dấu trên đống vàng/ Con người mới chính là chất vàng mười trên tay) lại hưởng dương ít hơn nhiều so với nhà thơ tôn sùng nó nhất – Alfred, Hầu tước Tennyson, người qua đời trong vinh dự ở tuổi 83. Tuyển tập các bài thơ và nhạc của nước Anh mang tên Kho vàng của Palgrave hẳn sẽ tốt hơn khi có nhiều người như Burns và ít những người như Tennyson hơn+. Và các phòng triển lãm tranh nghệ thuật trên thế giới ngày nay liệu sẽ thay đổi ra sao nếu ngược lại, Jan Vermeer+ cần cù tỉ mẩn thọ 91 tuổi còn Pablo Picasso với sức làm việc năng suất hơn người thường qua đời ở tuổi 39?
Chính trị cũng là một môn nghệ thuật dự phần vào nền văn minh của chúng ta như triết học, opera, thơ ca hay hội họa. Nhưng nhà nghệ sĩ chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, Abraham Lincoln, lại chỉ đảm nhận được vỏn vẹn một nhiệm kỳ trong Nhà Trắng. Chỉ sáu tuần sau bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai, ông bị một kẻ có hiềm khích nhỏ với ông ám sát. Lúc đó ông 56 tuổi. Sinh ra trong một túp lều gỗ, con người tay không mà dựng cơ đồ này còn là tác giả của bài diễn văn Gettysburg+ hùng hồn đã đưa ra một định nghĩa mới về nước Mỹ là “một quốc gia được thai nghén trong tự do và dâng hiến trọn vẹn cho niềm xác tín rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” với một “chính phủ của dân, do dân và vì dân”. Liệu thời kỳ Tái thiết sẽ thay đổi ra sao nếu ông cũng được hưởng 63 năm
tuổi thọ như Franklin Delano Roosevelt vĩ đại, vận động viên chơi polo bị bệnh bại liệt đánh gục song nhờ sức mạnh của y học mà ông có đủ thời gian để kinh qua gần bốn nhiệm kỳ tổng thống?
Đời sống của chúng ta khác xa so với đời sống của hầu hết con người trong quá khứ, đặc biệt là về tuổi thọ và tiện nghi vật chất. Vì vậy, chúng ta phải vận dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để tìm hiểu về con người trong quá khứ. Trong cuốn sách Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết về Cảm xúc Luân lý), được viết ra một thế kỷ rưỡi trước cuốn hồi ký của Collingwood, nhà kinh tế học và xã hội học vĩ đại Adam Smith đã xác định được lý do tại sao một xã hội văn minh không phải là cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả – vì xã hội đó được vận hành dựa trên sự đồng cảm:
Vì không trải nghiệm trực tiếp điều người khác cảm nhận nên chúng ta không thể biết họ đã bị tác động ra sao nếu không hình dung mình sẽ cảm thấy thế nào trong cùng hoàn cảnh ấy. Dù người anh em của chúng ta đang chịu một nỗi thống khổ lớn, song nếu bản thân chúng ta vẫn cảm thấy thoải mái thì các giác quan sẽ không bao giờ cho ta biết được về những gì người kia phải chịu đựng. Chúng chưa từng và không bao giờ có thể đưa chúng ta vượt ra ngoài con người riêng của mình, và chỉ thông qua trí tưởng tượng chúng ta mới có thể hình thành được cảm nhận về cảm giác của người khác. Khả năng này cũng chỉ mô phỏng giúp chúng ta thấy mình sẽ cảm thấy thế nào nếu ở vào hoàn cảnh của người đó. Đó chỉ là ấn tượng về cảm giác của riêng chúng ta chứ không phải của người kia – điều mà trí tưởng tượng của chúng ta mô phỏng lại. Bằng óc tưởng tượng, chúng ta đặt mình vào tình cảnh của người khác.
Đó chính xác là những gì Collingwood khuyên sử gia phải làm, và đó cũng là điều tôi mong độc giả hãy làm khi bắt gặp trong những trang sách này tư tưởng của người đã khuất được tái hiện lại. Điểm mấu chốt của cuốn sách này là tìm hiểu xem điều gì đã khiến nền văn minh của họ bành trướng
ngoạn mục đến thế về sự giàu có, tầm ảnh hưởng và quyền lực. Nhưng không thể có được sự hiểu biết nào nếu thiếu đi mối đồng cảm, yếu tố giúp phát huy trí tưởng tượng để đặt chúng ta vào hoàn cảnh của họ. Việc phát huy trí tưởng tượng sẽ càng thêm bội phần khó khăn khi chúng ta làm
sống lại tư tưởng của cư dân trong những nền văn minh khác – những nền văn minh mà phương Tây đã chinh phục, hay chí ít là đã tự mình quy thuận phương Tây. Bởi họ là các diễn viên có tầm quan trọng như nhau trong vở
kịch này. Đây không phải là lịch sử của phương Tây mà là lịch sử của cả thế giới, trong đó địa vị thống trị của phương Tây là hiện tượng sẽ được lý giải.
Ở một mục trong cuốn bách khoa toàn thư viết năm 1959, sử gia người Pháp Fernand Braudel đã định nghĩa về nền văn minh như sau:
trước tiên là một không gian, một “khu vực văn hóa”… một địa điểm. Với địa điểm này… bạn phải hình dung ra vô vàn “tài sản”, những đặc trưng văn hóa, từ hình dáng nhà cửa trong nền văn hóa ấy, các nguyên
vật liệu dùng để xây nhà, nóc nhà, cho đến các kỹ năng như gắn lồng chim vào các mũi tên, đến thổ ngữ hay nhóm thổ ngữ, đến khẩu vị ăn uống, đến một công nghệ cá biệt, đến kết cấu các tín ngưỡng, đến cách làm tình, thậm chí đến cả cái la bàn, giấy viết, nghề in ấn. Nó là việc sắp xếp thường xuyên, là tần suất lặp lại các đặc trưng cụ thể, sự phổ biến của chúng trong một khu vực xác định [kết hợp với].,. Một số yếu tố nhất thời khác…
Tuy nhiên, Braudel giỏi phác họa các cấu trúc hơn lý giải những đổi thay. Ngày nay người ta cho rằng các sử gia phải biết kể chuyện.
Đáp ứng yêu cầu ấy, cuốn sách này mang đến một câu chuyện đồ sộ – một siêu ký tự lý giải vì sao một nền văn minh đã vượt ra khỏi những giới hạn từng kìm giữ mọi nền văn minh trước đó – và vô số những giai thoại nhỏ hay các vi-lịch sử bên trong nó. Dẫu vậy, việc phục hồi nghệ thuật kể chuyện chỉ là một phần của những gì cần làm. Bên cạnh các câu chuyện thì việc đặt ra các câu hỏi cũng quan trọng không kém. “Vì sao phương Tây lại nổi lên thống trị phần còn lại của thế giới?” là một câu hỏi cần đến nhiều hơn là một câu chuyện kể khơi khơi để đáp lại. Câu trả lời phải được phân tích, được hậu thuẫn bằng những chứng cứ và phải được kiểm nghiệm bằng câu hỏi phản chứng: Nếu những thay đổi thiết yếu mà tôi xác định được ở đây không tồn tại, liệu phương Tây vẫn sẽ thống trị phần còn lại của thế giới vì lý do nào khác mà tôi đã bỏ qua hoặc chưa đánh giá đúng vai trò của
nó? Hay phải chăng thế giới đã diễn biến hoàn toàn khác, theo đó Trung Quốc hoặc một nền văn minh nào đó đứng hàng đầu? Chúng ta không nên tự dối mình rằng các tường thuật lịch sử, theo cách làm phổ biến bây giờ, không phải là việc phục dựng theo trật tự hồi cố. Như chúng ta sẽ thấy trong cuốn sách, đối với những người đương thời bấy giờ, kết quả về sự thống trị của phương Tây dường như không phải là tương lai khả dĩ nhất mà họ có thể hình dung ra; kịch bản về một cuộc chiến bại thê thảm ám ảnh tâm trí của các “diễn viên lịch sử” ấy nhiều hơn cái kết thúc vui vẻ mà các bạn đọc hiện đại cảm nhận được. Thực tại lịch sử với tư cách một trải nghiệm sống-còn, thắng-bại có vẻ giống một ván cờ vua hơn một thiên tiểu thuyết; giống một trận bóng đá hơn một vở kịch.
Không phải tất cả đều tốt đẹp. Không có tác giả nghiêm túc nào lại đi tuyên bố rằng sự thống trị của văn minh phương Tây không có gì đáng chê trách. Vẫn có những người khăng khăng khẳng định nó chẳng có gì là tốt hết. Lập trường này quá phi lý. Như mọi nền văn minh lớn, văn minh phương Tây cũng có hai mặt: có khả năng cao quý thì cũng có khả năng đồi bại. Có lẽ một sự tương đồng tốt hơn là ví phương Tây giống như hai anh em cừu thù trong các cuốn sách Private Memoir and Confession of a Justified Sinner (Hồi ức riêng tư và Lời thú nhận của tội nhân chính nghĩa) của James Hogg và cuốn Master of Ballantrae (Bậc thầy ở Ballantrae) của Robert Louis Stevenson. Cạnh tranh và độc quyền; khoa học và mê tín; tự do và nô lệ; cứu chữa và sát hại; siêng năng và lười nhác – trong mỗi cặp phạm trù đó, phương Tây sản sinh ra cả cái tốt lẫn cái xấu. Chỉ có điều là, như trong các tiểu thuyết của Hogg và Stevenson, phần trội hơn trong hai anh em đều lên đến đỉnh điểm. Chúng ta cũng phải cưỡng lại sức cám dỗ tô hồng kẻ thua cuộc trong lịch sử. Các nền văn minh bị nền văn minh phương Tây đè bẹp, hoặc bị nó biến đổi trong êm đềm thông qua vay mượn nhiều chẳng kém gì áp đặt, không thiếu gì những khuyết tật, hoặc rõ ràng nhất trong số đó là chúng không thể cung cấp nổi cho cư dân của mình bất kỳ sự cải thiện bền vững nào về chất lượng vật chất cho cuộc sống. Một điều khó khăn là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phục dựng lại các tư tưởng trước đây của các dân cư không-phải-người phương Tây, vì không phải tất cả đều sống trong những nền văn minh có các phương tiện ghi chép và bảo tồn tư tưởng. Cuối cùng, sử học về cơ bản chính là việc nghiên cứu những cuộc văn minh khai hóa, bởi do thiếu các
ghi chép văn tự nên sử gia đành phải nhờ vào những mũi giáo, cây thương và mảnh vỡ nồi niêu rơi rớt lại, mà từ đó chẳng mấy điều có thể luận suy.
Nhà sử học và chính khách Pháp François Guizot đã nói rằng lịch sử khai hóa văn minh là lịch sử “lớn hơn tất thảy… nó chứa đựng mọi lịch sử khác”. Nó chắc chắn vượt lên những đường ranh phân chia các ngành do các học giả dựng lên: Họ buộc phải biệt hóa giữa lịch sử kinh tế, xã hội, văn hóa, tri thức, chính trị, quân sự và lịch sử quốc tế. Nó chắc chắn phải bao trọn sự dài rộng của thời gian và không gian, vì các nền văn minh đâu phải những thứ nhỏ bé hay mong manh chốc lát. Nhưng một cuốn sách như cuốn sách này không thể là một cuốn bách khoa toàn thư. Với những ai than phiền về những gì bị bỏ qua, tôi chẳng thể làm gì hơn là trích dẫn lời của nghệ sĩ dương cầm chơi nhạc jazz độc đáo Thelonious Monk: “Đừng chơi mọi thứ (hay mọi lúc); hãy để vài thứ qua đi… Thứ ta không chơi có thể còn quan trọng hơn thứ ta chơi”. Tôi đồng tình. Nhiều nốt và hợp âm đã bị lược đi trong bản nhạc dưới đây. Nhưng chúng bị lược đi là có lý do. Phải chăng những phần được chọn phản ánh thiên kiến của một ông người Scotland độ tuổi trung niên, nguyên mẫu thụ hưởng những lợi lộc của nền thống trị phương Tây? Có thể lắm. Nhưng tôi nuôi hy vọng rằng những nội dung tuyển chọn sẽ không bị bác đi bởi những người hùng hổ và nóng nảy nhất khi bảo vệ các giá trị phương Tây hiện nay, những người mà gốc gác dân tộc của họ khác hẳn với gốc gác của tôi – từ Amartya Sen+ đến Lưu Hiểu Ba+, từ Hernando de Soto+ đến tất cả những người mà cuốn sách này dành lời đề tặng.
Một cuốn sách nhằm bao trọn 600 năm lịch sử thế giới tất yếu phải là cuộc phiêu lưu của cả một tập thể và tôi phải chịu ơn của nhiều người. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến nhân viên các trung tâm lưu trữ hồ sơ, thư viện và các tổ chức sau đây: Trung tâm lưu trữ AGI, Bảo tàng Albert Kahn, Thư viện Bridgeman Art Library, Thư viện Anh quốc, Hiệp hội Thư viện Charleton, Thư viện Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, Corbis, Viện Pasteur ở Dakar, Bảo tàng Lịch sử Phổ ở Berlin, Geheimes Staatsarchiv Preussischer Kulturbesitz ở Berlin-Dahlem, kho ảnh trực tuyến Getty Images, Đài Thiên văn Greenwich, Bảo tàng Heeresgschichtlish ở Vienna, Thư viện Quốc gia Ireland, Thư viện Quốc hội, Bảo tàng lịch sử Missouri, Bảo tàng Chemin de Dames, Bảo tàng de Oro ở Lima, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia London, Bảo
tàng Hàng hải Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Hồ sơ Ottoman Basbakanhk Osmand ở Istanbul, PA Photos, Bảo tàng khảo cổ học và dân tộc học Peabody ở Harvard, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Senegal ở Dakar, Hội Lịch sử Nam Carolina, Trường nghiên cứu phương Đông và châu Phi, Thư viện sách chép tay Sulemaniye và tất nhiên không thể thiếu Thư viện Mở rộng có một không hai của Harvard. Sẽ không phải nếu không thêm đôi dòng cảm tạ Google, nguồn tra cứu lịch sử cực nhanh không gì sánh được, cũng như Questia và Wikipedia, những công cụ đã giúp công việc của nhà sử học trở nên dễ dàng hơn.
Tôi cũng nhận được sự trợ giúp nghiên cứu vô giá từ Sarah Wallington, cũng như từ Daniel Lansberg-Rodriguez, Manny Rincon-Cruz, Jason Rockett và Jack Sun.
Như thông lệ, đây là cuốn sách của nhà xuất bản Penguin trên cả hai bờ Đại Tây Dương, được biên tập bằng sự khéo léo và nhiệt tình của Simon Winder ở London và Ann Godoff ở New York. Peter James tuyệt vời không chỉ đơn thuần chỉnh sửa bản thảo. Tôi cũng xin cảm ơn Richard Duguid, Rosie Glashier, Stefan NcGrath, John Makinson và Pen Vogler Cling nhiều người khác nữa.
Giống như bốn trong năm cuốn sách gần đây nhất của tôi, ngay từ đầu, cuốn sách này đã xuất hiện dưới cả hai dạng: chương trình truyền hình và sách. Trên Kênh 4, Ralph Lee đã giúp tôi tránh khỏi tình trạng trở nên khó hiểu hay quá thâm thúy, với sự trợ giúp của Simon Berthon. Cả loạt chương trình truyền hình lẫn cuốn sách này đều không thể ra đời nếu thiếu đội ngũ xuất sắc mà Chimerica Media quy tụ được: Dewald Aukema, ông hoàng quay phim, James Evans, người trợ lý sản xuất hai tập phim 2 và 5, Alison McAllan, nhà nghiên cứu hồ sơ lưu trữ, Susanah Price, người đã sản xuất tập phim 4. James Runcie, giám đốc phụ trách các tập phim 2 và 5, Vivienne Steel, giám đốc sản xuất, và Charlotte Wilkin, trợ lý sản xuất cho các tập phim 3 và 4. Đóng vai trò then chốt trong giai đoạn đầu dự án còn có Joanna Potts. Chris Openshaw, Max Hug William, Grant Lawson và Harrik Maury là những người điều khiển tài ba quá trình quay phim ở Anh và Pháp. Với sự nhẫn nại và độ lượng đối với tác giả, những đồng nghiệp của tôi ở Chimerica Media, Melanie Fall và Adrian Pennink, đã bảo đảm
rằng chúng tôi còn quảng cáo khá tốt cho tam đầu chế như là một hình thức chính phủ. Và bạn tôi Chris Wilson một lần nữa bảo đảm tôi không lỡ chuyến bay nào.
Trong số nhiều người đã giúp đỡ loạt phim của chúng tôi và hỗ trợ đắc lực quá trình nghiên cứu cho cuốn sách này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Manfred Anderson, Khadidiatou Ba, Lillian Chen, Tereza Horska, Petr Janda, Wolfgang Knoepfler, Deborah McLauchlan, Matias de Sa Moreira, Daisy Newton-Dunn, José Couto Nogueira, Levent Oztekin và Ernst Vogl.
Tôi cũng xin cảm ơn nhiều người mà tôi đã phỏng vấn khi lang thang khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Gonzalo de Aliaga, Nihal Bengisu Karaca, Pastor John Lindell, Mick Rawson, Ryan Squibb, Ivan Touska, Stefan Wolle, Hanping Zhang và cuối cùng là các học sinh ở Robert Clack School, Dagenham.
Tôi may mắn được hợp tác với Andrew Wylie, người đại diện tốt nhất thế giới trong lĩnh vực xuất bản và Sue Ayton, người đại diện tốt nhất thế giới trong lĩnh vực truyền hình ở Anh quốc. Tôi cũng xin cảm ơn Scott Moyers, James Pullen và tất cả thành viên khác tại các chi nhánh của hãng Wylie ở
London và New York.
Nhiều nhà sử học xuất sắc đã nhiệt tình đọc tất cả hoặc từng phần bản thảo, nhiều người bạn cũng như sinh viên cũ và sinh viên hiện tại của tôi cũng vậy: Xin cảm ơn Rawi Abdelal, Ayan Hirsi Ali, Bryan Averbuch, Pierpaolo Barbieri, Jemy Catto, J. C. D. Clark, James Esdaile, Campbell Ferguson, Matin Jacques, Maya Jasanoff, Joanna Lewis, Charles Maier, Hassan Malik, Noel Maurer, Ian Morris, Charles Muray, Aldo Musacchio, Glen O’Hara, Steven Pinker, Ken Rogoff, Emma Rothschild, Alex Watson, John Wong và Jeremy Yellen. Cũng xin cảm ơn Philip Hoffman, Andrew Robert và Robert Wilkinson. Mọi sai sót còn lại là lỗi của riêng tôi mà thôi.
Về phía Đại học Oxford, tôi xin cảm ơn giám đốc và các cán bộ của Trường Jesus, giám đốc và các cán bộ của trường Oriel và các thủ thư của thư viện Bodleian. Ở Học viện Hoover, Stanford, tôi mắc nợ John Raisian, giám đốc và các nhân viên xuất sắc của ông.
Cuốn sách này được hoàn tất tại Trung tâm IDEAS thuộc Trường Kinh tế London, nơi tôi công tác trong vai trò giáo sư theo chương trình giáo sư Philippe Roman niên khóa 2010-2011. Món nợ lớn nhất của tôi là với các đồng nghiệp tại Harvard. Sẽ rất dài nếu tôi gửi lời cảm ơn tới từng thành viên của Khoa Lịch sử Harvard, vậy nên cho phép tôi khoanh lại bằng một lời cảm ơn tập thể: Cuốn sách này không thể ra đời nếu thiếu sự cổ vũ, khích lệ tinh thần và ủng hộ tập thể của các bạn. Xin cảm ơn các đồng nghiệp tại Trường Kinh doanh Harvard, đặc biệt là các thành viên giảng dạy môn Kinh doanh và Chính quyền tại Bộ môn Kinh tế Quốc tế cũng như đội ngũ giảng viên và nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu Âu châu. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn các các bạn tôi ở Trung tâm Dự báo về Quan hệ Quốc tế, Trung tâm Belfer về Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Hội thảo về Lịch sử kinh tế và nhà Lowell. Nhưng trên hết, tôi cảm ơn các sinh viên của tôi ở cả hai bờ sông Charles, đặc biệt là những ai dự lớp Giáo dục Chung, Các hiệp hội của thế giới 19. Cuốn sách này bắt đầu thành hình khi các bạn xuất hiện và hưởng lợi rất nhiều từ các bài viết cũng như những câu trả lời của các bạn.
Cuối cùng tôi dành những lời cảm ơn sâu sắc nhất tới gia đình tôi, nhất là các cụ thân sinh ra tôi và những đứa con đã bị tôi bỏ bê Felix, Freya và Lachlan, cũng không quên Susan – người mẹ sinh thành ra chúng và đại gia đình nhà chúng tôi. Các con! Theo nhiều cách khác nhau, cha đã viết cuốn sách này cho các con!
Tuy nhiên, xin dành tặng cuốn sách này cho những ai muốn hiểu thấu (hơn bất cứ ai mà tôi biết) văn minh phương Tây thực ra là gì – và nền văn minh ấy vẫn còn điều gì để dành tặng cho thế giới này.
London, tháng Mười hai năm 2010
Nhập đề
CÂU HỎI CỦA RASSELAS
Ô
ng+ không công nhận từ văn minh [trong lần tái bản thứ tư cuốn từ điển của mình] mà chỉ công nhận từ lịch thiệp. Với lòng tôn kính ông, tôi nghĩ từ văn minh, xuất phát từ nghĩa truyền bá văn minh, là từ phù hợp hơn so với lịch thiệp để làm từ đối nghĩa của man rợ.
– James Boswell+
Tất cả các định nghĩa về văn minh… đều thuộc về một chuỗi các biểu đạt: “Tôi được khai hóa, anh thuộc về một nền văn hóa, hắn ta là một kẻ man rợ”.
– Felipe Fernández-Armesto+
Khi Kenneth Clark+ đưa ra định nghĩa về văn minh trên loạt chương trình truyền hình mang tên Civilization của mình, ông khiến người xem hiểu rằng ông đang nói đến nền văn minh của phương Tây, mà chủ yếu là nghệ thuật và kiến trúc của Tây Âu từ thời Trung cổ đến thế kỷ XIX. Tập đầu tiên trong loạt 13 tập phim ông làm cho đài BBC đã phớt lờ một cách lịch sự nhưng cương quyết thành phố Ravenna+ thời Đế chế Byzantine, quần đảo Hebrides thời Celtic+, Na Uy thời Viking+ và thậm chí là cả vùng Aachen của Charles Đại đế+. Theo cách hiểu của Clark về từ văn minh, giai đoạn đêm trường Trung cổ kể từ khi La Mã sụp đổ đến thời kỳ Phục hưng ở thế kỷ XII không đủ tiêu chuẩn để được gọi là văn minh. Nền văn minh chỉ phục hưng với việc xây dựng Nhà thờ Chartres, được cung hiến vào năm 1260 dẫu khi ấy nhà thờ vẫn chưa được hoàn thiện, và tới thời đại của Clark thì bắt đầu có những dấu hiệu mệt mỏi với sự xuất hiện của những tòa nhà chọc trời ở Manhattan.
Loạt phim của Clark được phát sóng lần đầu tiên tại Anh khi tôi năm tuổi và đã tạo được thành công vang dội. Loạt phim này đã vạch rõ định nghĩa về văn minh cho cả một thế hệ trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh.
Văn minh là những tòa lâu đài vùng thung lũng sông Loire. Là những cung điện ở thành Florence. Là Nhà nguyện Sistine. Là cung điện Versailles. Từ phong cách nội thất trang nhã của thời Cộng hòa Hà Lan cho đến các mặt tiền sặc sỡ mang phong cách baroque, Clark đã thể hiện thế mạnh của mình trên cương vị một sử gia về nghệ thuật. Ông nhắc đến âm nhạc và văn chương; chính trị và thậm chí kinh tế thỉnh thoảng cũng được đề cập tới. Nhưng cái cốt lõi trong từ “văn minh” theo cách hiểu của Clark là Văn hóa Thị giác Đỉnh cao. Những người hùng của ông là Michelangelo, da Vinci, Durer, Constable, Turner, Delacroix.
Trong cuốn sách này, tôi chọn một góc nhìn tương đối hơn, rộng hơn, và tôi dự định sẽ tàn nhẫn và phũ phàng hơn là kiêu căng và tự phụ. Với tôi, văn minh vừa là hình ảnh những chiếc ống dẫn nước thải lại vừa là hình ảnh những trụ chống tường uy nghi. Bởi lẽ, nếu không có hệ thống thoát
nước công cộng hiệu quả thì các thành phố sẽ trở thành những cái bẫy chết người, biến các dòng sông và giếng nước thành những ổ vi khuẩn tả Vibrio cholera. Tôi cũng không cảm thấy có lỗi khi bên cạnh giá trị văn hóa của một tác phẩm nghệ thuật thì tôi còn quan tâm đến giá cả của nó nữa. Đối với tôi, một nền văn minh còn bao gồm nhiều thứ hơn là những gì trưng bày ở các phòng tranh hạng nhất. Nó là một tập hợp con người cực kỳ phức tạp. Những bức tranh, pho tượng và tòa nhà có thể là những thành quả bắt mắt nhất của một nền văn minh, nhưng không thể hiểu được chúng nếu thiếu đi những kiến thức về các thể chế kinh tế, xã hội và chính trị đã sáng tạo ra chúng, bỏ tiền của và công sức để hoàn thành chúng, đồng thời gìn giữ chúng để ngày nay chúng ta được thưởng lãm.
Từ “văn minh” (civilisation) trong tiếng Pháp, được nhà kinh tế học Pháp Anne-Robert-Jacques Turgot dùng lần đầu năm 1752, và được xuất bản bốn năm sau đó bởi Victor Riqueti, Hầu tước xứ Mirabeau, cha của nhà cách mạng vĩ đại+. Như câu trích dẫn trong Phần Nhập đề đã làm rõ, Samuel Johnson không chấp thuận từ mới này mà thích dùng từ lịch thiệp (civility) hơn. Đối với Johnson, nghĩa ngược lại của từ man rợ (barbarism) là cuộc sống đô thị lịch thiệp (tuy đôi lúc cũng hết sức thô lỗ) ở London mà
ông yêu thích. Một nền văn minh (civilization), như gốc từ nguyên học của nó cho thấy, xoay quanh các thành thị (city), và xét trên nhiều góc độ, các thành phố chiếm vị trí chủ chốt trong cuốn sách này. Nhưng các luật lệ của một thành phố (luật dân sự hoặc các luật lệ khác) cũng quan trọng như các bức tường của nó; các pháp lệnh và tập tục – tức lối sống của các cư dân trong đó (của người dân hoặc của đối tượng khác) – cũng quan trọng như các cung điện của nó. Văn minh liên quan đến phòng thí nghiệm của các nhà khoa học cũng như với căn gác xép ọp ẹp của giới nghệ sĩ. Nó có quan hệ với những hình thái sở hữu đất đai cũng như với phong cảnh. Sự thành công của một nền văn minh không chỉ được đánh giá bằng các thành tựu về thẩm mỹ, mà còn bằng – và chắc chắn điều này còn quan trọng hơn – tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của các cư dân trong đó. Mà chất lượng sống lại có nhiều khía cạnh và không phải khía cạnh nào cũng có thể dễ dàng định lượng được, chúng ta có thể ước đoán mức thu nhập bình quân hay tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới trong thế kỷ XV. Nhưng cuộc sống của họ có thoải mái không? Điều kiện vệ sinh của họ thế nào? Hạnh phúc của họ thì sao? Họ có bao nhiêu bộ quần áo? Họ phải làm việc trong bao nhiêu giờ? Họ có thể mua được những loại thực phẩm gì với số tiền kiếm được? Chúng ta có thể biết đôi điều từ các công trình nghệ thuật do họ làm ra, nhưng chúng không thể trả lời cho các câu hỏi đó.
Tuy nhiên, rõ ràng là một thành phố không làm nên một nền văn minh. Nền văn minh là đơn vị tập hợp con người lớn nhất, tuy vô hình dạng nhưng còn cao hơn cả một đế chế. Các nền văn minh phần nào là một câu trả lời thực tiễn của các quần thể dân cư đối với môi trường xung quanh – những thách thức trong việc tìm kiếm đồ ăn, nước uống, nơi trú ngụ và tự vệ – nhưng chúng cũng mang đặc tính văn hóa; chúng thường có những tín ngưỡng tôn giáo và thường là các cộng đồng ngôn ngữ. Tuy ít nhưng khoảng cách giữa chúng không quá xa. Carroll Quigley+ đếm được 24 nền văn minh trong suốt mười ngàn năm qua. Trong thế giới cận hiện đại, Adda Bozeman+ chỉ xác định được năm nền văn minh: phương Tây, Ấn Độ, Trung Quốc, Byzantine và Hồi giáo. Matthew Melko+ xác định được tổng cộng 12 nền văn minh, bảy trong số đó đã biến mất (Lưỡng Hà, Ai Cập, Crete, Cổ đại+, Byzantine, Trung Mỹ, Andes), và năm nền văn minh còn lại hiện vẫn đang tồn tại (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hồi giáo,
phương Tây). Shmuel Eisenstadt+ tính thêm nền văn minh Do Thái thành sáu nền văn minh đang tồn tại. Sự tương tác giữa các nền văn minh này với nhau, cũng như giữa chúng với môi trường riêng xung quanh, đã và đang là một trong những động lực quan trọng nhất dẫn tới những chuyển biến trong lịch sử. Điều thú vị về những sự tương tác này là những nền văn minh đích thực dường như giữ được bản sắc của mình trong một thời gian rất dài, bất chấp tác động từ bên ngoài. Như Fernand Braudel+ nhận xét: “Văn minh quả thực là câu chuyện dài nhất trong tất thảy… Một nền văn minh… có thể tồn tại qua hàng loạt những nền kinh tế hay xã hội”.
Nếu năm 1411 bạn có thể chu du khắp thế giới, hẳn điều khiến bạn ấn tượng nhất sẽ là chất lượng cuộc sống trong các nền văn minh phương Đông. Lúc này, nhà Minh đang cai trị Trung Quốc; Tử Cấm Thành đang trong quá trình xây dựng ở Bắc Kinh, cùng lúc kênh Đại Vận Hà+ vừa bắt đầu được tái khơi thông và nâng cấp. Ở Cận Đông, người Ottoman đang bao vây thành Constantinople (họ chiếm được thành vào năm 1453). Đế chế Byzantine đang thoi thóp. Cái chết của thủ lĩnh Thiếp Mộc Nhi+ vào năm 1405 đã chấm dứt mối đe dọa thường trực từ những bộ tộc xâm lược khát máu ở Trung Á – kẻ thù của văn minh. Với Hoàng đế Vĩnh Lạc+ của Trung Quốc và Sultan+ Murad II của Ottoman thì tương lai đã bừng sáng.
Ngược lại, có lẽ bạn sẽ sửng sốt khi thấy Tây Âu vào năm 1411 là một vùng trì trệ khốn khổ, khi đó đang phục hồi sau những thiệt hại của Cái Chết Đen+ – đại dịch đã làm giảm tới một nửa dân số như khi nó càn quét về phía Đông vào giữa những năm 1347-1351 – và nạn dịch lúc này vẫn còn tiếp tục hoành hành do vệ sinh kém và chiến tranh liên miên không dứt. Tại Anh, vua hủi Henry IV+ lên ngôi sau khi lật đổ và sát hại vị vua xấu số Richard II. Nước Pháp đang mắc kẹt trong cuộc chiến tương tàn giữa những người theo Công tước Burgundy và những người ủng hộ Công tước Orléans đã bị ám sát. Cuộc Chiến tranh Trăm năm+ giữa Anh và Pháp vẫn đang tiếp diễn. Những vương quốc hay tranh chấp khác của Tây Âu – Aragon, Castile, Navarre, Bồ Đào Nha và Scotland – có lẽ chỉ khá khẩm hơn chút ít. Một tín đồ Hồi giáo vẫn cai trị ở Granada. James I, vua Scotland, sau khi bị cướp biển Anh bắt cóc thì lúc này đang bị cầm tù ở Anh. Các vùng phồn thịnh nhất của châu Âu thực sự chỉ còn các thành
bang ở Bắc Italy là Florence, Genoa, Pisa, Siena và Venice. Về phần Bắc Mỹ, vào thế kỷ XV nơi này chỉ là một vùng hoang vu hỗn loạn, trong khi ở các vương quốc Aztecs, Maya và Incas ở Trung và Nam Mỹ đã mọc lên những đền đài cao vút và những con đường đắp cao. Vào cuối chuyến du hành thế giới tưởng tượng này của bạn, ý tưởng rằng phương Tây có thể sẽ thống trị phần còn lại của thế giới trong gần trọn nửa thiên niên kỷ sắp tới chắc chắn là hết sức điên rồ.
Tuy nhiên, điều đó đã xảy ra.
Vì căn nguyên nào đó, bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, những nhà nước bé nhỏ ở Tây Âu – với thứ ngôn ngữ hạ đẳng vay mượn từ tiếng Latinh (và một chút tiếng Hy Lạp), với tín ngưỡng bắt nguồn từ những lời rao giảng của một người Do Thái đến từ Nazareth+, và với những món nợ trí tuệ đối với ngành toán học, thiên văn học và công nghệ của phương Đông – đã làm nên một nền văn minh không những có khả năng chinh phục được các đế chế phương Đông vĩ đại và thần phục châu Phi, châu Mỹ và châu Úc, mà còn có thể khiến các dân tộc khắp nơi trên thế giới chuyển sang lối sống phương Tây – một cuộc chuyển đổi chung quy đạt được bằng sự rao giảng hơn là bằng lưỡi gươm.
Có những ý kiến phản bác cho rằng xét trên một số bình diện mọi nền văn minh đều bình đẳng, rằng phương Tây không thể tuyên bố là vượt trội hơn các khu vực khác như phương Đông của liên lục địa Âu-Á chẳng hạn. Nhưng thứ chủ nghĩa tương đối như vậy rõ ràng là vô lý. Không một nền văn minh nào trước đó từng đạt được sự thống trị như phương Tây đã đạt được đối với phần còn lại của thế giới. Vào năm 1500, các đế quốc tương lai của châu Âu chiếm khoảng 10% bề mặt thế giới và cùng lắm chỉ chiếm 16% tổng dân số toàn cầu. Vào năm 1913, 11 đế quốc phương Tây+ kiểm soát gần ba phần năm tổng lãnh thổ và dân số và hơn ba phần tư (tới 79%) sản lượng kinh tế toàn cầu+. Tuổi thọ bình quân ở Anh gần gấp đôi tuổi thọ ở Ấn Độ. Các tiêu chuẩn sống cao hơn của phương Tây cũng được phản ánh trong chế độ ăn uống tốt hơn, ngay cả đối với lao động nông nghiệp, và vóc dáng cao hơn, ngay cả đối với binh lính và tù nhân thông thường. Văn minh, như chúng ta đã thấy, xoay quanh các thành thị. Theo thước đo ấy, phương Tây cũng vươn lên đứng đầu. Theo những gì chúng
ta có thể biết được, vào năm 1500, thành phố lớn nhất trên thế giới bấy giờ là Bắc Kinh, với dân số khoảng 600.000-700.000 người. Trong số 10 thành phố lớn nhất thế giới thời đó chỉ có duy nhất Paris là thuộc châu Âu, và dân số của thành phố này chưa đến 200.000 người. London có lẽ có khoảng 50.000 người. Tỉ lệ đô thị hóa ở Bắc Phi và Nam Mỹ cũng cao hơn ở châu Âu. Thế nhưng đến năm 1900, gió đã xoay chiều một cách đáng kinh ngạc. Khi ấy, châu Á chỉ có một thành phố nằm trong danh sách 10 thành phố lớn nhất thế giới là Tokyo. Với dân số khoảng 6,5 triệu người, London lúc này đã trở thành đại đô thị của toàn cầu. Ngôi thống trị của phương Tây không kết thúc với sự suy tàn và sụp đổ của các đế quốc châu Âu. Sự trỗi dậy của Hoa Kỳ càng khiến cho khoảng cách giữa phương Tây và phương Đông nới rộng thêm, tới năm 1990, một người Mỹ trung bình giàu có gấp 73 lần một người Trung Quốc trung bình+.
Hơn nữa, nửa sau của thế kỷ XX cho thấy rõ ràng rằng cách duy nhất để san bằng cái vực sâu ngăn cách về thu nhập ấy là các xã hội phương Đông phải noi gương Nhật Bản trong việc hấp thụ một số (dù không phải tất cả) các thể chế và phương thức vận hành của phương Tây. Kết quả là nền văn minh phương Tây đã trở thành một mô hình kiểu mẫu mà phần còn lại của thế giới mong mỏi được tổ chức theo. Tất nhiên, trước năm 1945 từng có hàng loạt những mô hình phát triển – hay mượn hình ảnh ẩn dụ trong ngành máy tính là các hệ điều hành – mà các xã hội phi-phương Tây có thể áp dụng. Song những mô hình hấp dẫn nhất đều có gốc gác châu Âu: chủ nghĩa tư bản tự do, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa cộng sản Xô-viết. Thế chiến thứ Hai đã kết liễu chủ nghĩa quốc xã ở châu Âu, dẫu nó vẫn tiếp tục sống dưới các tên gọi giả hiệu khác tại nhiều quốc gia đang phát triển. Sự sụp đổ của Đế chế Xô-viết giữa những năm 1989-1991 đã kết liễu chủ nghĩa cộng sản Xô-viết.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chắc chắn là đã có nhiều tranh luận nổ ra về các mô hình kinh tế châu Á thay thế. Nhưng ngay cả người theo thuyết tương đối văn hóa+ nhiệt tình nhất cũng không đưa ra đề xuất quay trở lại với các thể chế của triều đại nhà Minh hay Mông Cổ. Về cốt lõi, cuộc tranh luận hiện nay giữa những người ủng hộ thị trường tự do và những người ủng hộ sự can thiệp của nhà nước chính là cuộc tranh luận giữa các trường phái tư tưởng phương Tây rõ nét; những người theo Adam
Smith+ và những người theo John Maynard Keynes+, và một số ít đệ tử trung thành của Karl Marx vẫn miệt mài tranh đấu. Quê quán của cả ba nhân vật trên tự nó đã nói lên tất cả: Smith sinh ra ở Kirkcaldy, Scotland, Keynes ở Cambridge, Anh và Marx ở Trier, Đức. Trong thực tiễn, hầu như toàn bộ thế giới ngày nay đều được tích hợp vào một hệ thống kinh tế phương Tây trong đó thị trường quyết định phần lớn giá cả cũng như dòng chảy thương mại và sự phân công lao động như Smith đã đề xuất, song các chính phủ cũng đóng một vai trò giống như Keynes đã hình dung: Họ can thiệp để bôi trơn chu kỳ kinh tế+ và làm giảm các bất bình đẳng về thu nhập.
Các đế quốc phương Tây tương lai, 1500 (a)
Các đế quốc phương Tây, 1913 (b)
Với các tổ chức phi kinh tế thì không có gì phải tranh cãi nữa. Khắp nơi trên thế giới, các trường đại học đều đang đồng quy về những chuẩn mực của phương Tây. Điều tương tự cũng đúng với cung cách tổ chức của ngành y tế, từ các lĩnh vực nghiên cứu hiếm hoi cho tới vấn đề chăm sóc sức khỏe nổi cộm hàng đầu. Hầu hết mọi người giờ đây đều chấp nhận những chân lý khoa học vĩ đại mà Newton, Darwin và Einstein đã phát hiện ra; mà dù nếu không thế thì họ vẫn sốt sắng tìm đến lọ “thuốc Tây” ngay khi thấy có triệu chứng cảm cúm hay viêm phế quản. Chỉ còn lại một số rất ít những xã hội vẫn tiếp tục chống lại sự xâm lấn của các mô hình tiếp thị và tiêu dùng cũng như lối sống phương Tây. Ngày càng có nhiều người ăn đồ Tây, mặc đồ Tây và sống trong các căn nhà kiểu Tây. Ngay cả phương thức lao động đặc thù của phương Tây – làm 5-6 ngày mỗi tuần, giờ làm từ 9 giờ sáng cho tới 5 giờ chiều, mỗi năm được nghỉ 2-3 tuần – cũng đang trở thành một thứ tiêu chuẩn phổ cập. Trong khi đó, thứ tín ngưỡng mà trước đây các nhà truyền giáo phương Tây từng nỗ lực “xuất khẩu” sang phần còn lại của thế giới hiện cũng đã được một phần ba nhân loại tin theo – và nó cũng đang gặt hái những thành quả nổi bật tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngay cả chủ nghĩa vô thần được phương Tây chủ trương giờ cũng đang phát triển rất ấn tượng.
Mỗi năm trôi qua lại có thêm ngày càng nhiều người mua sắm giống chúng ta, học tập giống chúng ta, giữ gìn sức khỏe (hay không giữ gìn sức khỏe) giống chúng ta và cầu nguyện (hay không cầu nguyện) giống chúng ta. Bánh hamburger, đèn Bunsen+, băng dán vết thương+, mũ bóng chày và Kinh Thánh – bạn không dễ dàng chạy thoát khỏi chúng đâu, dẫu bạn có đi tới đâu đi chăng nữa. Chỉ có các thể chế chính trị là vẫn tồn tại sự đa dạng đáng kể trên toàn cầu. Rất nhiều chính phủ trên thế giới vẫn đang chống lại ý tưởng lấy tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó các quyền cá nhân được bảo vệ, làm nền tảng cho một chính phủ mang tính đại diện đúng nghĩa. Vừa đứng trên ý thức hệ chính trị vừa từ quan điểm tôn giáo, một cộng đồng Hồi giáo hiếu chiến đã tìm cách chống lại bước tiến của những chuẩn mực phương Tây cuối thế kỷ XX về bình đẳng giới và tự do tình dục.
Như vậy, không phải xuất phát từ quan điểm “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) hay (phản) “dĩ Đông vi trung” (lấy phương Đông làm trung
tâm) mà người ta cho rằng sự trỗi dậy của nền văn minh phương Tây là hiện tượng lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thiên niên kỷ thứ hai sau Công nguyên. Nó là một lời khẳng định về sự thật hiển nhiên. Vấn đề nằm ở chỗ phải lý giải nó đã diễn ra như thế nào. Yếu tố nào trong nền văn minh của Tây Âu sau thế kỷ XV đã giúp nó chiến thắng các đế quốc thượng đẳng của phương Đông? Rõ ràng, nó không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp của Nhà nguyện Sistine.
Câu trả lời dễ dàng, nếu không muốn nói là thừa thãi, đối với câu hỏi trên là phương Tây đã thống trị phần còn lại của thế giới nhờ chủ nghĩa đế quốc. Ngày nay vẫn còn nhiều người phẫn uất với những tội ác của các đế quốc châu Âu. Hẳn là có tội ác rồi, và chúng sẽ không thể vắng mặt trong những trang sách này. Một điều hiển nhiên khác nữa là những hình thức thực dân hóa khác nhau – chẳng hạn như thực dân định cư hay thực dân bóc lột – sẽ gây ra những tác động dài hạn rất khác nhau. Nhưng chủ nghĩa đế quốc chưa phải là sự giải thích đầy đủ về mặt lịch sử để lý giải cho sự thống trị của phương Tây… Trên thực tế, vào thế kỷ XVI, một loạt đế quốc châu Á đã phát triển mạnh mẽ cả về quyền lực và phạm vi bành trướng. Trong khi đó, sau thất bại của vua Charles V+ trong tham vọng xây dựng một đại đế quốc Hapsburg trải dài từ Tây Ban Nha xuyên qua các quốc gia vùng đất thấp+ tới tận nước Đức, châu Âu càng trở nên bị chia cắt hơn bao giờ hết. Phong trào Cải cách đã mang đến cho châu Âu hơn một thế kỷ chiến tranh tôn giáo.
Một du khách thế kỷ XVI hẳn sẽ chẳng khó khăn gì để nhận ra sự tương phản. Không chỉ bao trùm khắp Anatolia, Ai Cập, Ả-rập, Lưỡng Hà và Yemen, đế quốc Ottoman dưới thời Suleiman Phi thường+ còn mở rộng đến tận Balkan và Hungary, uy hiếp các cửa ô thành Vienna năm 1529. Xa hơn về phía Đông, đế quốc Safavid dưới thời Abbas I+ trải dài từ Isfahan và Tabriz đến Kandahar; trong khi đó Bắc Ấn Độ từ Delhi đến Bengal nằm dưới quyền cai trị của hoàng đế Mughal Akbar+ hùng mạnh. Triều Minh ở Trung Quốc cũng có vẻ thái bình và an toàn sau bức Trường Thành. Khó có ai trong số các du khách châu Âu đến triều đình hoàng đế Vạn Lịch+ lại có thể hình dung được vương triều này sẽ sụp đổ chỉ không đầy ba thập kỷ sau khi ông băng hà. Trong lá thư viết từ Istanbul vào cuối những năm
1550, Orgier Ghiselin de Busbecq, nhà ngoại giao xứ Flanders+ – người đã di thực thành công giống hoa tulip từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hà Lan – đã không khỏi lo lắng khi so sánh tình trạng chia năm xẻ bảy ở châu Âu với nguồn “của cải vô tận” của đế quốc Ottoman.
Đúng là thế kỷ XVI là thời kỳ hoạt động mạnh của châu Âu ở hải ngoại. Nhưng đối với các đế quốc phương Đông vĩ đại thì những người đi biển Bồ Đào Nha và Hà Lan hoàn toàn không có vẻ gì là sứ giả của văn minh;
ngược lại, họ chỉ là những kẻ man rợ đến uy hiếp Quốc gia Trung tâm+, có chăng thì họ đáng ghê tởm hơn – và chắc chắn là hôi tanh hơn – so với bọn hải tặc Nhật Bản. Và còn lý do nào khác cuốn hút người châu Âu tìm tới châu Á ngoài chất lượng siêu hạng của vải lụa Ấn Độ và đồ sứ Trung Hoa?
Cho đến tận năm 1683, một đội quân Ottoman vẫn còn có thể diễu hành đến cửa ngõ thành Vienna – thủ đô của đế quốc Hapsburg – ra lệnh cho cư dân thành phố này phải đầu hàng và cải đạo sang Hồi giáo. Chỉ sau khi cuộc bao vây này chấm dứt, các tín đồ Cơ đốc giáo mới từng bước đẩy lùi được sức mạnh của Ottoman ở Trung Âu và Đông Âu từ bán đảo Balkan cho tới eo biển Bosphorus, và các đế quốc châu Âu phải mất nhiều năm mới có thể đạt được những thành tích ngang ngửa với những gì mà chủ nghĩa đế quốc phương Đông đã giành được. Ở những nơi khác, quá trình “đại phân kỳ”+ giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới thậm chí còn diễn ra muộn hơn. Khoảng cách giàu nghèo giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ chưa được định hình chắc chắn cho đến tận thế kỷ XIX, và đến đầu thế kỷ XX, ngoại trừ một vài dải đất duyên hải, phần lớn châu Phi vẫn chưa hề bị người Âu chinh phục.
Như vậy, nếu không thể lý giải sự thống trị của phương Tây bằng thứ chủ nghĩa đế quốc cũ mòn thì phải chăng đó chỉ đơn thuần là vận may như lời khẳng định của một số học giả? Phải chăng chính địa lý hoặc khí hậu của
vùng đất ở rìa phía tây liên lục địa Âu-Á đã xui khiến cho quá trình “đại phân kỳ” kia diễn ra? Phải chăng người châu Âu chỉ nhờ may mắn mà tình cờ phát hiện ra các quần đảo vùng Caribe nơi lý tưởng để trồng mía, loại cây cho món đường giàu calo? Phải chăng Tân Thế giới đã cung cấp cho châu Âu những “thửa ruộng ma”+ mà Trung Quốc không có? Và phải chăng con tạo trớ trêu đã làm cho những mỏ than ở Trung Quốc khó khai
thác và vận chuyển hơn so với châu Âu? Hay phải chăng Trung Quốc, xét theo một ý nghĩa nào đó, đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình – rằng họ đã bị mắc kẹt trong cái “bẫy cân bằng mức cao”+ trong đó nông dân đủ khả năng để cung cấp cái ăn cho cả biển người rộng lớn? Liệu có thật là nước Anh trở thành quốc gia công nghiệp đầu tiên trên thế giới chủ yếu do vệ sinh kém và dịch bệnh liên miên đã khiến đại đa số người dân chết yểu, nên thiểu số những người giàu có và khỏe mạnh có cơ hội tốt hơn để truyền lại bộ gen của mình?
Nhà từ điển học bất tử người Anh Samuel Johnson đã bác bỏ tất cả những lý giải mang tính ngẫu nhiên như thế đối với sự thống trị của phương Tây. Trong cuốn History of Rasselas: Prince of Arbissina (Chuyện về Rasselas, chàng hoàng tử xứ Abissinia) xuất bản năm 1759, ông đã để nhân vật
Rasselas đặt câu hỏi:
Do đâu… mà người châu Âu mạnh đến thế? Họ có thể dễ dàng đi tới châu Á và châu Phi để giao thương hay chinh phạt, vậy thì vì sao những người Á hay Phi kia lại không thể xâm lấn vào các bờ biển của họ, thiết lập thuộc địa trên các hải cảng của họ và ban hành luật lệ cho các ông hoàng của họ? Ngọn gió đã mang họ trở về sẽ dẫn chúng ta đến đó+.
Đáp lại, nhân vật nhà triết học Imlac nói:
Thưa ngài, họ mạnh mẽ hơn chúng ta vì họ thông thái hơn; tri thức luôn luôn thống trị sự ngu dốt, như con người thống trị các loài động vật. Nhưng vì sao tri thức của họ lại hơn tri thức của chúng ta? Tôi không biết có thể đưa ra một lý do nào khác ngoài ý chí bất khả tri của Thượng đế.
Tri thức quả thực là sức mạnh khi nó mang đến những phương thức ưu việt để lái tàu, để khai thác khoáng sản, để bắn súng và chữa bệnh. Nhưng liệu có đúng là người châu Âu uyên bác hơn so với người dân các châu lục khác? Điều này có lẽ đúng vào thời điểm năm 1759; những phát kiến khoa học suốt gần hai thế kỷ rưỡi kể từ sau năm 1650 hầu hết đều có gốc gác phương Tây. Nhưng vào năm 1500 thì sao? Như chúng ta sẽ thấy khi đọc
Ả
cuốn sách này, công nghệ Trung Quốc, toán học Ấn Độ và thiên văn học Ả rập đã đi trước phương Tây nhiều thế kỷ.
Vậy thì phải chăng tồn tại một sự khác biệt nào đó mơ hồ hơn về văn hóa giúp người châu Âu có thể “đi tắt đón đầu” các dân tộc phương Đông? Đó là lập luận của nhà xã hội học người Đức Max Weber+. Lập luận này có nhiều biến thể – từ chủ nghĩa cá nhân ở Anh thời Trung cổ cho tới chủ nghĩa nhân đạo và đạo đức Tin Lành+ – và nó cũng được tìm kiếm ở khắp nơi, từ ý chí của những người nông dân Anh cho tới những cuốn sổ ghi chép của các thương gia Địa Trung Hải và những nghi thức của các vương triều. Trong cuốn The Wealth and Poverty of Nations (Sự thịnh vượng và nghèo khó của các quốc gia), David Landes+ đã lập luận trên khía cạnh văn hóa rằng Tây Âu dẫn đầu thế giới trong việc phát triển con đường tìm kiếm tri thức độc lập, tức phương pháp thẩm định khoa học và sự lý giải cho các nghiên cứu cũng như việc truyền bá chúng. Tuy vậy, ngay cả ông cũng thừa nhận rằng để phương thức vận hành ấy phát triển được cần phải có thêm những yếu tố khác: Đó là các trung gian tài chính và việc cai trị tốt. Sự việc càng lúc càng trở nên rõ ràng rằng lời lý giải nằm ở các thể chế.
Tất nhiên, nhìn từ góc độ nào đó thì các thể chế chính là sản phẩm của văn hóa. Nhưng vì thể chế thể thức hóa các chuẩn mực nên chúng thường là phương tiện để bảo đảm sự trung thực trong một nền văn hóa, là yếu tố quyết định rằng nền văn hóa đó hướng thiện hay khuyến khích các hành vi xấu. Để minh họa cho điều này, thế kỷ XX đã thực hiện một loạt những “thí nghiệm” trong đó các thể chế khác nhau được áp dụng cho hai khối người Đức (Tây Đức và Đông Đức), hai khối người Triều Tiên (Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên) và hai khối người Trung Quốc (bên trong và bên ngoài nước Cộng hòa Nhân dân). Kết quả thật kinh ngạc và bài học rút ra là rất rõ ràng. Nếu ta lấy những người giống nhau, được hưởng nền văn hóa ít nhiều tương đồng nhau, rồi áp dụng các thể chế cộng sản lên một nhóm và các thể chế tư bản lên nhóm kia, thì gần như ngay lập tức họ sẽ thể hiện những sự khác biệt trong hành vi cư xử.
Nhiều sử gia ngày nay có lẽ đều tán thành rằng vào thời điểm những năm 1500, có rất ít điểm khác biệt thực sự sâu sắc giữa các rìa phía Đông và phía Tây của lục địa Âu Á. Cả hai khu vực đều sớm tham gia hoạt động
nông nghiệp, trao đổi dựa theo nhu cầu thị trường và áp dụng các cấu trúc nhà nước lấy đô thị làm trung tâm. Nhưng có một sự khác biệt then chốt về thể chế. Lúc này ở Trung Quốc, một đế chế đơn nhất và vững mạnh đã được củng cố từ lâu, trong khi châu Âu vẫn đang bị phân tán về chính trị. Trong cuốn Súng, Vi trùng và Thép, tác giả Jared Diamond+ đã lý giải vì sao đại lục Âu Á lại vượt lên phần còn lại của thế giới. Nhưng phải đến bài tiểu luận viết năm 1999 mang tựa đề How to get Rich (Làm giàu như thế nào) thì ông mới đưa ra được một câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao một đầu của lục địa Âu Á lại tiến xa đến vậy so với đầu kia? Câu trả lời của ông là: Trên các bình nguyên phía đông của lục địa Âu Á, các đế chế phương Đông vững như bàn thạch đã bóp nghẹt mọi canh tân; trong khi đó tại rìa phía Tây trập trùng đồi núi và bị chia cắt bởi những con sông, nhiều nền quân chủ và các thành bang đều tham gia vào hoạt động cạnh tranh và giao lưu đầy sáng tạo.
Đó là một câu trả lời thú vị nhưng vẫn chưa đầy đủ. Chỉ cần nhìn vào hai loại tranh khắc mang tiêu đề Miseries of War (Những bất hạnh của chiến tranh) do nghệ sĩ xứ Loraine là Jacques Callot+ thực hiện vào những năm 1630 là chúng ta sẽ thấy; loạt tranh như để cảnh báo với phần còn lại của
thế giới về những hiểm họa của xung đột tôn giáo. Sự tranh chấp giữa các nhà nước nhỏ bé trong lòng châu Âu vào nửa đầu thế kỷ XVII đã gây ra nhiều thiệt hại, làm sụt giảm đáng kể số lượng dân cư khắp những vùng rộng lớn của Trung Âu, đồng thời đẩy quần đảo Anh vào những cuộc xung đột liên miên và kiệt quệ kéo dài hơn một thế kỷ. Sự phân tán về chính trị thường kéo theo hệ quả đó. Nếu bạn nghi ngờ, xin hãy hỏi các cư dân Nam Tư cũ mà xem. Sự tranh chấp chắc chắn là một phần trong câu chuyện về sự thống trị của phương Tây – chúng ta sẽ nhận thấy điều này ở Chương 1 – nhưng chỉ là một phần mà thôi.
Trong cuốn sách này tôi muốn chỉ ra rằng cái làm cho phương Tây khác biệt với phần còn lại của thế giới – động lực chính của sức mạnh toàn cầu – là sáu tổ hợp thể chế tách biệt cùng với các ý tưởng và hành vi liên quan. Để cho đơn giản tôi gói gọn chúng vào sáu tiêu đề dưới đây:
1. Cạnh tranh
2. Khoa học
3. Quyền tư hữu đất đai
4. Y học
5. Xã hội tiêu dùng
6. Đạo đức lao động
Sử dụng ngôn từ của thế giới đã được máy tính hóa và đồng bộ hóa ngày nay thì đó là sáu “ứng dụng lợi hại”+. Nhờ chúng mà một thiểu số nhân loại bắt nguồn từ rìa phía Tây của lục địa Âu Á đã tiến lên nắm quyền thống trị thế giới trong suốt hơn 500 năm.
Trước khi bạn đọc phẫn nộ phản đối rằng tôi đã bỏ qua vài điểm căn bản tạo nên sự thống trị của phương Tây, chẳng hạn như chủ nghĩa tư bản hay quyền tự do hoặc chế độ dân chủ (và kéo theo đó là súng, vi trùng và thép), xin hãy đọc những định nghĩa vắn tắt dưới đây:
– Cạnh tranh – sự phi tập trung hóa của cả đời sống chính trị và kinh tế, từ đó tạo ra bệ phóng cho các nhà nước dân tộc và chủ nghĩa tư bản. – Khoa học – một phương thức nghiên cứu) tìm hiểu và cuối cùng làm thay đổi thế giới tự nhiên. Khoa học đã mang lại cho phương Tây một ưu thế quân sự quan trọng (cùng nhiều thứ khác) so với phần còn lại của thế giới.
– Quyền tư hữu đất đai – quy tắc luật pháp thực hiện vai trò bảo vệ các chủ sở hữu tư nhân và giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp giữa họ. Đây là nền tảng cho hình thái bền vững nhất của chính phủ đại diện.
– Y học – ngành khoa học mang đến những cải thiện quan trọng về sức khỏe và tuổi thọ. Ngành này khởi đầu từ các xã hội phương Tây, rồi lan tới cả các thuộc địa của họ.
– Xã hội tiêu dùng – phương thức sinh hoạt vật chất trong đó hoạt động sản xuất và mua sắm quần áo và các hàng hóa tiêu dùng khác đóng vai trò kinh tế trung tâm. Thiếu nó, cuộc Cách mạng Công nghiệp sẽ không thể bền vững.
– Đạo đức lao động – một khuôn khổ đạo đức và phương thức hoạt động xuất phát từ Tin Lành (và các nguồn gốc khác). Đây là “ứng dụng” đã tạo nên chất keo dính cho cái xã hội năng động và đầy bất ổn tiềm tàng hình thành nên từ các “ứng dụng” 1-5 ở trên.
Xin bạn đọc đừng hiểu lầm: Đây không phải một phiên bản tự mãn khác của cuốn sách The Triumph of the West+ (Chiến công của phương Tây). Tôi muốn chỉ ra rằng không phải chỉ nhờ vào sự ưu việt của mình mà phương Tây có thể chinh phục và biến phần lớn phần còn lại của thế giới thành thuộc địa; họ làm được thế còn nhờ vào những điểm yếu tình cờ của các đối thủ nữa. Chẳng hạn, vào những năm 1640, khủng hoảng công quỹ và tiền tệ, sự biến đổi khí hậu và dịch bệnh lan tràn đã cùng lúc diễn ra, gây nên bạo loạn và dẫn tới cuộc khủng hoảng cuối cùng của nhà Minh ở Trung Quốc. Điều này không liên quan gì đến phương Tây cả. Cũng vậy, sự suy yếu về chính trị và quân sự của đế quốc Ottoman xuất phát từ nguyên nhân nội bộ hơn là do tác động bên ngoài. Các thể chế chính trị Bắc Mỹ hưng thịnh trong khi các thể chế chính trị Nam Mỹ lại thối nát; còn Simón Bolivar+ thất bại trong việc tạo nên một Hợp chủng quốc Mỹ Latin không phải do sai lầm của những kẻ ngoại bang.
Điểm khác biệt then chốt giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới nằm ở thể chế. Tây Âu bắt kịp và vượt qua Trung Quốc một phần là do ở phương Tây có nhiều sự cạnh tranh hơn xét cả trên bình diện chính trị và kinh tế. Áo, Phổ và sau đó thậm chí là cả Nga đều dần đạt được những hiệu quả cao hơn về quản lý hành chính và quân sự, vì mạng lưới tạo nên cuộc Cách mạng Khoa học chỉ xuất hiện trong thế giới Ki-tô giáo chứ không phải Hồi giáo. Sở dĩ các thuộc địa cũ của Bắc Mỹ phát triển hơn nhiều so với các thuộc địa cũ của Nam Mỹ là do những người thực dân Anh đã thiết lập được một hệ thống quyền tư hữu và đại diện chính trị hoàn toàn khác so với những hệ thống mà người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã xây dựng nên ở Nam Mỹ. (Bắc Mỹ là một “hệ thống tiếp nhận mở” chứ không phải một hệ thống khép kín, chỉ hoạt động vì lợi ích của tầng lớp tinh hoa thượng lưu độc quyền và trục lợi.) Các đế quốc châu Âu có thể thâm nhập vào châu Phi không chỉ vì họ có súng Maxim+, mà còn vì họ đã phát minh ra các loại vaccine giúp phòng chống các bệnh dịch nhiệt đới mà người dân châu Phi dễ mắc phải.
Tương tự, quá trình công nghiệp hóa của phương Tây trong giai đoạn đầu phản ánh sự ưu việt về thể chế: tiềm năng về một xã hội tiêu dùng lớn đã tồn tại từ lâu trên quần đảo Anh, trước cả khi máy hơi nước hay hệ thống các nhà máy xuất hiện và phát triển. Thậm chí sau khi các công nghệ trong
ngành công nghiệp gần như đã được phổ cập khắp nơi, thì sự khác biệt giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới vẫn tiếp tục tồn tại; không những thế, sự khác biệt này còn trở nên sâu rộng hơn. Với các máy se sợi và máy dệt đã được tiêu chuẩn hóa hoàn toàn, người thợ châu Âu hay Bắc Mỹ vẫn có thể lao động với năng suất cao hơn, và người chủ tư bản của họ có thể tích lũy được của cải nhanh hơn so với người thợ hay người chủ ở phương Đông. Những đầu tư vào phát triển nền y tế cộng đồng và giáo dục công đã mang lại những lợi ích lớn lao; nơi nào không đầu tư vào hai lĩnh vực này thì người dân vẫn phải chịu đói nghèo. Cuốn sách này nói về tất cả những sự khác biệt ấy – vì sao chúng tồn tại và vì sao chúng lại quan trọng đến thế.
Cho đến nay tôi thường dùng từ “phương Tây” khá thoải mái. Nhưng khi nói đến “nền văn minh phương Tây” thì chính xác là tôi đang ngụ ý điều gì hay ám chỉ đến khu vực nào? Thời hậu chiến, những người đàn ông da trắng thuộc chủng Anglo-Saxon theo đạo Tin Lành thường mặc nhiên định vị phương Tây (còn gọi là “thế giới tự do”) trong một hành lang khá hẹp chạy từ London tới Lexington, Massachusetts, và có thể là từ Strasbourg tới San Francisco. Vào năm 1945, sau khi các cuộc chiến chấm dứt, ngôn ngữ đứng đầu của phương Tây là Anh ngữ. Sau đó đến thứ tiếng Pháp không chuẩn. Với sự tích hợp, gắn kết thành công châu Âu khoảng những năm 1950-1960, câu lạc bộ phương Tây ngày càng lớn mạnh. Một số người tranh cãi rằng các Quốc gia vùng Thấp (Low Countries – Hà Lan, Bỉ…), Pháp, Đức, Italy, Bồ Đào Nha, vùng Scandinavia và Tây Ban Nha – tất cả đều thuộc về phương Tây, trong khi Hy Lạp chỉ là một thành viên không chính thức, bất chấp lòng trung thành muộn mằn của nó đối với đạo Ki-tô Chính thống, nhờ món nợ dai dẳng của chúng ta đối với triết học Hy Lạp cổ đại và các khoản nợ gần đây hơn của Hy Lạp đối với Liên minh châu Âu (EU).
Nhưng còn về các phần còn lại của Nam và Đông Địa Trung Hải, bao quanh không chỉ Balkan, Bắc của bán đảo Peloponnese, mà cả Bắc Phi và Anatolia thì sao? về Ai Cập và Lưỡng Hà (Mesopotamia), cái nôi của nền văn minh đầu tiên, thì sao? Nam Mỹ – thuộc địa của châu Âu, y như Bắc Mỹ, và về địa lý ở cùng một bán cầu Tây – có là một phần phương Tây chăng? Còn Nga nữa? Có phải Nga thuộc châu Âu thực sự theo văn minh
Âu-Mỹ, còn Nga thuộc châu Á theo ý nghĩa nào đó lại là một phần của phương Đông? Trải qua suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và các nước vệ tinh của nó được xem như “phe phương Đông”. Nhưng chắc chắn có một lý do để nói rằng Liên Xô cũng là một sản phẩm của văn minh phương Tây y như Hoa Kỳ vậy. Ý thức hệ cốt lõi của nó có cùng nơi sinh với các hệ tư tưởng thời đại Victoria, như chủ nghĩa dân tộc, chống nô lệ, và quyền bầu cử của phụ nữ – nó được sinh ra và nuôi dưỡng trong Phòng Đọc sách hình tròn cũ kỹ của Thư viện nước Anh. Và sự bành trướng địa lý của nó cũng có thua gì sản phẩm của sự bành trướng và thực dân hóa mà châu Âu dựng lên ở Mỹ. Ở Trung Á, cũng như ở Nam Mỹ, người Âu thống trị hết những người không Âu. Theo ý nghĩa ấy, những gì xảy ra vào năm 1991 đơn giản là cái chết của đế chế cuối cùng tại châu Âu mà thôi. Còn một định nghĩa văn minh phương Tây gần đây có ảnh hưởng nhất, do Samuel Huntington đưa ra, loại bỏ không những nước Nga, mà còn tất cả các nước theo Chính Thống giáo. Phương Tây của Huntington chỉ gồm Tây và Trung Âu (loại trừ phương Đông Chính Thống giáo), Bắc Mỹ (loại trừ Mexico) và Australia. Hy Lạp, Israel, Romania và Ukraine không đáp ứng được tiêu chuẩn của ông; các hòn đảo Caribe cũng vậy, dù sự thật là chúng cũng Tây y như Florida.
Vậy thì “phương Tây” bao hàm nhiều thứ hơn chứ không chỉ về mặt địa lý. Nó là cả một loạt các tiêu chuẩn, hành vi và thể chế với các đường ranh giới cực kỳ mờ ảo. Hàm ý của nó rất đáng được cân nhắc. Liệu một xã hội châu Á cũng thuộc “phương Tây” nếu nó tuân theo các chuẩn mực phương Tây về ăn mặc, làm việc, như Nhật Bản đã làm kể từ thời đại Minh Trị và cũng như phần còn lại của châu Á đang làm ngày nay? Từng có “mốt” khăng khăng rằng “hệ thống thế giới” tư bản chủ nghĩa áp đặt một kiểu phân công lao động vĩnh viễn giữa cái “cốt lõi phương Tây” và “mép rìa Phần còn lại”. Nhưng sẽ thế nào nếu toàn thế giới cuối cùng đều trở nên “Tây hóa”, ít ra là về biểu hiện bề ngoài và phong cách sống? Hoặc có thể đó là các nền văn minh khác chăng, như Huntington biện luận rất xuất sắc, thích ứng nhanh hơn – đặc biệt như “văn minh Trung Hoa”, nghĩa là văn minh Đại Trung Quốc+ và văn minh Hồi giáo với “những đường biên và bộ lòng đẫm máu” của nó? Việc họ tiếp nhận các phương pháp vận hành phương Tây như sự “hiện đại hóa bề ngoài” chứ không có chiều sâu văn hóa còn kéo dài bao lâu nữa? Đó là những câu hỏi sẽ được đề cập dưới đây.
Một điều rắc rối khác nữa về văn minh phương Tây, chính là sự bất đồng nhất bên trong hóa ra lại là một trong những đặc trưng mang tính quyết định của nó. Vào đầu những năm 2000, nhiều bình luận gia người Mỹ phàn nàn về “Đại Tây Dương đang mở rộng” – sự tan vỡ của các giá trị chung vốn liên kết Hoa Kỳ với các đồng minh Tây Âu của nó suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tình hình trở nên sáng sủa hơn một chút khi Henry Kissinger trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông là người mà bất kỳ chính khách Mỹ nào cũng sẽ hỏi ý kiến nếu muốn đối thoại với châu Âu. Sẽ khó hơn nhiều để nói ai sẽ nhấc máy trả lời với tư cách là đại diện của văn minh phương Tây. Dù sao sự chia tách ngày nay giữa Mỹ và “châu Âu già cỗi” vẫn còn hòa dịu và thân mật hơn so với những cuộc ly khai mạnh mẽ trong quá khứ, liên quan tới tín ngưỡng, ý thức hệ và thậm chí liên quan đến cả ý nghĩa của chính từ văn minh. Suốt Thế chiến thứ Nhất, người Đức tuyên bố phát động cuộc chiến vì một văn minh cao cấp hơn và chống lại thứ văn minh vật chất rẻ tiền Pháp-Anh (sự kỳ thị được quảng bá bởi Thomas Mann và Sigmund Freud, không kể những người khác). Nhưng sự kỳ thị này khó lòng mà được hòa giải với vụ hỏa thiêu trường Đại học Tổng hợp Leuven và cuộc hành quyết tràn lan những thường dân Bỉ vào giai đoạn đầu cuộc chiến tranh này. Các nhà tuyên truyền Anh quốc trả đũa bằng cách định nghĩa người Đức như người Hung – bọn người man rợ ở bên ngoài Lãnh địa của văn minh – và đã vinh danh cuộc chiến tranh này là “Cuộc Chiến tranh vĩ đại Vì Văn Minh”, khắc trên tấm huân chương Victory của họ. Còn gì giàu ý nghĩa hơn khi ngày hôm nay ta nói với nhau về “phương Tây” như một nền văn minh thống nhất, so với nó vào năm 1918?
Cuối cùng, phải nhắc lại rằng văn minh Tây phương đã từng suy và sụp một lần trước đây. Các tàn tích La Mã rải rác khắp châu Âu, Bắc Phi và Cận Đông là những kỷ vật nhắc nhở hùng hồn về điều đó. Câu chuyện thứ nhất về phương Tây – Văn minh phương Tây 1.0 – nảy sinh trong cái gọi là “Vùng Lưỡi liềm trù phú” trải rộng từ Thung lũng sông Nile đến chỗ hợp lưu hai con sông Euphrates và Tigris, và đạt đến bộ đôi đỉnh cao của nó là nền dân chủ Athen và Đế chế La Mã. Những yếu tố chủ chốt của nền văn minh chúng ta ngày nay – không chỉ nền dân chủ, mà cả môn điền kinh, số học, bộ luật dân sự, hình học, phong cách kiến trúc cổ điển và một phần căn bản của từ ngữ trong tiếng Anh hiện đại – đều bắt nguồn từ phương Tây cổ đại. Vào thời kỳ hưng thịnh nhất của mình, Đế chế La Mã
từng là một hệ thống phức hợp đến kinh ngạc. Lương thực, thủ công nghệ và đồng tiền đúc lưu thông trong một nền kinh tế trải khắp từ Bắc nước Anh đến ngọn nguồn sông Nile, tri thức phát đạt, có các bộ luật, có y học và thậm chí cả các đô thị thương mại giống như quảng trường Diễn thuyết của Trajan ở La Mã. Nhưng quang cảnh ấy của văn minh phương Tây đã tàn tạ, rồi sụp đổ mau chóng vào thế kỷ V, vì những cuộc xâm lấn dã man lẫn những phân hóa nội bộ. Trong khoảng một thế hệ, thủ đô Rome đồ sộ của đế chế đã trở thành đống đổ nát, các kênh dẫn nước xây nổi bị đổ vỡ, những dãy chợ bị bỏ hoang. Nền tri thức phương Tây cổ kính lẽ ra đã bị mất theo, nếu không có những người giải phóng đến từ Byzantium, các tu sĩ Ireland, các giáo hoàng và linh mục Công giáo La Mã – đừng quên các lãnh tụ “Hồi giáo Đan viện”+. Nếu không có sự chăm sóc tận tâm của họ, nền văn minh phương Tây đã không thể hồi sinh như nó đã diễn ra ở Italy vào thời Phục hưng.
Liệu sự suy tàn và sụp đổ có phải là định mệnh đầy ám ảnh của Văn minh phương Tây 2.0? Theo phân tích nhân khẩu học, dân số của các xã hội Tây phương suốt một thời kỳ dài chỉ chiếm phần thiểu số của cư dân thế giới, nhưng ngày nay thì rõ ràng là dân số đang suy giảm. Từng áp đảo đến thế
mà giờ đây các nền kinh tế Hoa Kỳ và Âu châu đang phải đối mặt với triển vọng thực sự bị Trung Hoa vượt mặt trong vòng hai chục, thậm chí mười năm nữa thôi, với Brazil và Ấn Độ bám gót không xa. “Quyền lực cứng” của phương Tây dường như đang phải vật lộn khó nhọc ở Đại Trung Đông, từ Iraq đến Afghanistan, y như “đồng thuận Washington” đang lao đao với các chia rẽ chính sách kinh tế thị trường-tự do. Cuộc khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ năm 2007, cũng có vẻ bộc lộ một sai lầm căn bản nằm ở ngay trái tim của xã hội tiêu dùng, với tác động nặng nề của nó lên các liệu pháp bán lẻ nợ đọng. Đạo lý Tin Lành về đức cần kiệm, có thời tưởng chừng quan trọng đến thế đối với sự vươn lên của phương Tây, đã tiêu biến sạch. Trong khi đó, những người phương Tây ưu tú đang đau đầu với những nỗi lo thiên niên kỷ về thảm họa môi trường đang đến gần.
Còn gì nữa, văn minh phương Tây tỏ ra đã đánh mất niềm tin vào chính mình. Bắt đầu từ Đại học Stanford vào năm 1963, một loạt các trường đại học tổng hợp lớn đã tiếp nối nhau dừng giảng dạy môn “Văn minh phương Tây” cho sinh viên của mình. Tại các trường trung học cũng vậy, các câu
chuyện sự tích huy hoàng về sự trỗi dậy của phương Tây đã trở nên lỗi thời. Nhờ nỗi đam mê nhất thời của một nhà giáo dục đề cao “kỹ năng lịch sử” lên trên kiến thức (lịch sử) trong môn học mang danh “Lịch sử Mới” – gắn liền với những hậu quả không lường trước của quá trình cải cách chương trình giảng dạy – quá nhiều học sinh nước Anh đã rời trường trung học mà chỉ biết tới những câu chuyện rời rạc về lịch sử phương Tây: Vua Henry VII và Hitler, với một chút kiến thức về Martin Luther King (Con). Một cuộc điều tra trong số sinh viên lịch sử năm thứ nhất ở một trường đại học tổng hợp hàng đầu của Anh phát hiện thấy: Chỉ 34% sinh viên biết ai là vua nước Anh vào thời Hạm đội Armada+, 31% sinh viên biết đâu là nơi xảy ra Chiến tranh Boer+, 16% biết ai chỉ huy lực lượng Anh tại trận Waterloo (số người nghĩ đó là Nelson [đáp án sai] gấp đôi số người nghĩ đó là Wellington [đáp án đúng]) và 11% sinh viên có thể nêu tên một thủ tướng Anh thế kỷ XIX. Trong một cuộc thăm dò tương tự ở các học sinh Anh lứa tuổi từ 11 đến 18, 17% nghĩ Oliver Cromwell chiến đấu ở pháo đài Hastings và 25% đưa ra đáp án sai cho câu hỏi Thế chiến thứ Nhất xảy ra vào thế kỷ nào. Không những thế, ở khắp nơi trong cộng đồng Anh ngữ, các chứng cứ đều khẳng định rằng còn phải nghiên cứu nhiều nền văn hóa khác chứ không chỉ riêng văn minh phương Tây. Bộ tuyển tập âm nhạc gửi tới không gian cùng với tàu vũ trụ Voyager vào năm 1977 ghi 27 đường rãnh, trong đó chỉ có 10 rãnh là của các nhà soạn nhạc phương Tây và không chỉ Bach, Mozart và Beethoven, mà còn có cả Louis Armstrong+, Chuck Berry+ và Blind Willie Johnson+. Lịch sử của thế giới “trong 100 sản phẩm tiêu biểu”, do Giám đốc Bảo tàng Anh xuất bản năm 2010, chỉ có không quá 30 sản phẩm của văn minh phương Tây.
Nhưng, nếu một ghi chép lịch sử nào về các nền văn minh thế giới mà xem nhẹ mức độ lệ thuộc của chúng vào phương Tây sau năm 1500 là đồng nghĩa với việc bỏ sót mất một điểm quan trọng cần giải thích nhất. Sự nổi lên của phương Tây, rất giản dị thôi, là hiện tượng lịch sử nổi bật của nửa sau thiên niên kỷ thứ hai. Nó là câu chuyện nằm ngay ở trái tim của lịch sử hiện đại. Đó có lẽ là câu đố thách thức nhất mà các sử gia phải giải đáp. Và chúng ta phải giải đáp nó không chỉ để thỏa mãn trí tò mò của mình. Vì chỉ bằng cách nhận dạng được những nguyên nhân thực sự làm cho phương
Tây nổi trội lên thì chúng ta mới hy vọng đánh giá được, với mức độ chính xác tương ứng, nguy cơ suy tàn và sụp đổ của nó đang ập đến.
1
CẠNH TRANH
D
ường như Trung Hoa đã trải qua một thời kỳ trì trệ kéo dài, và có lẽ từ lâu đã đạt được nguồn tài sản dồi dào tương xứng với bản chất luật lệ và thể chế của nó. Nhưng sự sung túc ấy có thể vẫn còn thấp
hơn nhiều so với tiềm năng mà nếu đất đai, khí hậu và vị trí trời cho đó có thể tiếp nhận các thể chế và luật lệ khác. Một quốc gia xem thường hay kỳ thị ngoại thương và chỉ cho tàu thuyền nước ngoài ra vào một hoặc hai hải cảng, không thể giao dịch với số thương vụ như nó có thể làm nếu có các luật lệ và thể chế khác… Một nền ngoại thương rộng mở hơn… khó lòng thất bại trong việc mở rộng nền công nghiệp sản xuất của Trung Hoa, Đồng thời cải thiện hiệu năng của nó. Bằng giao thương hàng hải rộng mở hơn, người Trung Hoa có thể đương nhiên học hỏi nghệ thuật sử dụng và tự mình chế tạo được tất cả những thứ máy móc thường dùng tại quốc gia khác, cũng như những tiến bộ khác về nghệ thuật và công nghệ đang diễn ra ở tất cả các khu vực khác trên thế giới.
– Adam Smith
Tại sao họ nhỏ mà lại mạnh? Vì sao chúng ta to lớn mà lại yếu?… Thứ chúng ta phải học từ đám người dã man chỉ là… những con tàu vững chãi và súng ống đầy uy lực.
– Phong Quế Phan+
Hai con sông
Tử Cấm Thành được xây dựng tại trung tâm Bắc Kinh bởi hơn một triệu nhân công, sử dụng nguyên vật liệu từ khắp đế quốc Trung Hoa. Với gần 1.000 tòa nhà được sắp đặt, xây dựng và trang hoàng làm biểu tượng cho
quyền lực của triều đại nhà Minh, Tử Cấm Thành không chỉ là di sản của nền văn minh vĩ đại nhất thế giới; nó còn là tượng đài nhắc nhở rằng không một nền văn minh nào là vĩnh cửu. Cho đến cuối năm 1776, Adam Smith vẫn còn có thể dẫn chứng Trung Quốc như “một trong những quốc gia giàu có nhất, nghĩa là một trong những quốc gia phì nhiêu nhất, canh tác trồng trọt tốt nhất, siêng năng nhất và đông dân nhất trên thế giới… Một xứ sở giàu có hơn nhiều so với bất kì nơi nào ở châu Âu”. Smith còn nhận ra tình trạng Trung Quốc “trì trệ lâu dài” hay “đứng yên một chỗ”. Về điều này, chắc chắn ông đã đúng. Trong vòng chưa đến một thế kỷ, từ lúc bắt đầu xây cất Tử Cấm Thành (1406-1420), sự suy tàn của phương Đông có thể nói là đã bắt đầu. Các quốc gia nhỏ bé bần hàn, bị rách nát do tranh chấp ở Tây Âu đã dấn thân vào một cuộc phiêu lưu nửa thiên niên kỷ bành trướng dường như không thể ngăn chặn được. Các đế quốc hùng cường phương Đông khi đó quá trì trệ, cuối cùng đều phải đầu hàng sự thống trị của phương Tây.
Vì sao Trung Quốc suy sụp còn châu Âu thì vùng lên? Adam Smith cho rằng chủ yếu do Trung Quốc không chịu “khuyến khích ngoại thương”, vì thế đã đánh mất những lợi ích từ các ưu thế so sánh và sự phân công quốc tế về lao động. Song cũng có những lý giải khác. Vào những năm 1740, Charles de Secondat+, Nam tước xứ Montesquieu, khi lần theo dân số lớn khác thường của Trung Quốc, ông đã lên án “kế hoạch định cư bạo ngược”, mà kế hoạch đó lại do khí hậu của vùng Đông Á gây ra:
Tôi suy luận thế này: Châu Á hoàn toàn không có vùng khí hậu ôn hòa nào hết, những nơi nằm trong vùng khí hậu rất lạnh lại tiếp giáp những vùng hết sức nóng, như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa, Triều
Tiên và Nhật Bản. Ở châu Âu thì ngược lại, vùng khí hậu ôn hòa rất rộng… khiến cho khí hậu mỗi nước gần giống với nước bên cạnh; và không có sự khác biệt đáng kể giữa chúng… Từ đó suy ra rằng ở châu Á, các dân tộc mạnh trực diện các dân tộc yếu; những kẻ năng động, dũng cảm và hiếu chiến kề sát ngay những người lười biếng, nhu nhược; kẻ này do đó chế ngự, chiếm đoạt kẻ kia. Ở châu Âu thì ngược lại, các dân tộc mạnh đối đầu các dân tộc mạnh; và những ai gần kề nhau đều có lòng quả cảm như nhau. Đây là lý do cơ bản cho sự yếu kém của châu Á
và sức mạnh của châu Âu; cho tự do của châu Âu và thân phận nô lệ của châu Á – một nguyên nhân tôi chưa từng thấy được nói đến.
Sau này những tác gia châu Âu tin rằng chính công nghệ phương Tây đã chiến thắng phương Đông – đặc biệt là thứ công nghệ đã tiếp tục sản sinh ra Cách mạng Công nghiệp. Earl Macartney đã ngộ ra điều này sau chuyến đi sứ khổ sở của mình đến triều đình hoàng đế Trung Hoa năm 1793 (xem phần cuối chương). Một kiểu biện giải khác, phổ biến vào thế kỷ XX, cho rằng triết lý của Khổng Tử chính là thứ đã cản trở sự canh tân. Còn có những cách giải thích đương thời sai lầm khác nữa cho sự thất bại phương Đông. Xếp đầu tiên trong số “sáu ứng dụng lợi hại”, chính là thứ phương Tây có mà phương Đông thì không, đó không phải là thương mại, hay khí hậu, hay công nghệ, cũng chẳng phải là triết lý. Trên tất cả, như Smith đã nhận thấy, đó là thể chế.
Nếu vào năm 1420, bạn thực hiện hai chuyến du lịch dọc theo hai con sông – sông Thames và sông Dương Tử – bạn sẽ ngạc nhiên vì sự tương phản.
Sông Dương Tử thuộc hệ thống thủy đạo rộng lớn nối liền Nam Kinh tới Bắc Kinh hơn 500 dặm về phía Bắc và Hàng Châu về phía Nam. Xương sống của hệ thống ấy là con kênh lớn Đại Vận Hà với mức nước cực đại
trải dài hơn một nghìn dặm. Được tính tuổi từ thế kỷ VII TCN, với các cửa cống nặng nề xây dựng từ thế kỷ X CN và các cây cầu thanh mảnh, như chiếc cầu 53 nhịp có tên là Bảo Đới Kiều, Đại Vận Hà được tu sửa và nâng cấp nhiều lần thời hoàng đế Vĩnh Lạc (1402-1424) nhà Minh. Vào thời đó nhà thủy lợi Bạch Anh đã hoàn thành việc ngăn đập và nắn dòng sông Hoàng Hà, giúp cho 12.000 tàu thuyền bơi ngược xuôi trên Đại Vận Hà mỗi năm. Gần 50.000 người được huy động thường xuyên duy tu bảo trì con kênh này. Ở phương Tây, tất nhiên, kênh lớn nhất luôn là các kênh ở Venice. Nhưng khi Marco Polo, nhà thám hiểm dũng cảm người Venice, viếng thăm Trung Quốc những năm 1270, ông thậm chí vẫn bị xúc động mạnh vì quy mô giao thông trên sông Dương Tử:
Rất nhiều tàu thuyền qua lại trên con sông rộng lớn này, nó lớn đến nỗi chỉ nghe và đọc thì chẳng ai tin nổi. Số lượng hàng hóa vận chuyển
ngược xuôi vượt quá sức tưởng tượng. Quả thực nó lớn như thể biển chứ không phải là sông nữa.
Đại Vận Hà không chỉ đóng vai trò là động mạch chủ của mậu dịch nội địa. Nó còn cho phép triều đình điều hòa được giá cả lúa gạo của năm kho nhà nước, chuyên mua vào khi giá hạ và bán ra khi giá lên.
Nam Kinh có lẽ là đô thị lớn nhất thế giới vào năm 1420, với dân số trong khoảng nửa triệu đến một triệu người. Đối với các nước khác, đây là một trung tâm công nghiệp lụa và vải phát đạt trong nhiều thế kỷ. Dưới thời hoàng đế Vĩnh Lạc, nó còn trở thành trung tâm trí thức. Cái tên Vĩnh Lạc có nghĩa là “niềm vui vĩnh cửu”, nhưng vận hành vĩnh cửu có thể là một cách miêu tả hay hơn. Vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều Minh này không bao giờ làm gì nửa vời. Vĩnh Lạc đại điển, do ông lệnh triệu tập 2.000 học giả để thực hiện, gồm trên 11.000 tập. Nó chỉ bị bộ Bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới do Wikipedia cho ra đời năm 2007 đẩy lùi thứ hạng sau tròn 600 năm ngự trị ở ngôi đầu.
Nhưng Vĩnh Lạc không thỏa mãn với Nam Kinh. Ngay sau khi lên ngôi, ông quyết định xây dựng thủ đô mới hoành tráng hơn ở phía Bắc: Bắc Kinh. Khoảng năm 1420, khi Tử Cấm Thành (Cố cung) được hoàn thành, nước Trung Quốc triều Minh đã phát đi lời tuyên ngôn không thể tranh cãi rằng Tử Cấm Thành hay Trung Quốc chính là nền văn minh tiên tiến nhất trên thế giới.
So với Dương Tử, sông Thames vào đầu thế kỷ XV chỉ là ao tù. Thực ra, London đã là một cảng khẩu nhộn nhịp, cửa ngõ chính của mậu dịch nước Anh với lục địa. Richard Whittington, Thị trưởng nổi tiếng nhất của thành phố, là thương nhân buôn vải hàng đầu, ông phát đạt nhờ việc xuất khẩu số lượng vải len Anh ngày một lớn. Công nghiệp đóng tàu của London được thúc đẩy do nhu cầu vận chuyển người và đồ tiếp tế cho các chiến dịch chống Pháp đều đặn của nước Anh. Tàu thuyền có thể neo đậu để sửa chữa ở Shadwell và Ratcliffe. Và tất nhiên là còn có Pháo đài London, mang vẻ đáng sợ hơn “Cấm Thành”.
Nhưng khách đến từ Trung Quốc sẽ khó bị ấn tượng bởi tất cả những điều này. Pháo đài chỉ là một kiến trúc mộc mạc thô sơ so với các dãy lầu Tử Cấm Thành. Cầu London chỉ là cái tiệm tạp hóa khoa trương vụng về so với Bảo Đới Kiều. Và các kỹ thuật hàng hải thô sơ giam thuyền nhân Anh trong những vũng nước chật hẹp – sông Thames và Kênh đào Channel – nơi họ vẫn ở trong tầm nhìn của bãi sông bờ biển thân quen. Không gì có thể khó tưởng tượng hơn đối với người Anh cũng như người Trung Hoa là ý nghĩ sẽ cưỡi tàu biển đi từ London đến tận sông Dương Tử.
So với Nam Kinh thì London, nơi vua Henry V trở về vào năm 1421 sau các cuộc chinh phục nước Pháp của ông, trong đó nổi tiếng nhất là trận Agincourt, chỉ là một thị trấn với những vách tường chắp vá tạm bợ dài khoảng 3 dặm, một mẩu nhỏ li ti so với các bức tường thành Nam Kinh. Người lập nên Minh triều đã mất hơn hai chục năm để xây bức tường thành bao quanh kinh đô của ông, trải dài nhiều dặm, với những cổng thành lớn đến nỗi chỉ một cái cũng có sức chứa khoảng 3.000 binh sĩ. Và tường thành này được xây cất để trường tồn. Phần lớn tường thành vẫn đứng vững đến hôm nay, trong khi hiếm có thứ gì còn sót lại từ những bức tường London thời Trung cổ.
Theo các tiêu chí của thế kỷ XV, Trung Quốc triều Minh là một xứ khá dễ chịu để sinh sống. Luật lệ phong kiến nghiêm khắc được thiết chế đầu đời Minh dần dần nới lỏng bởi nền mậu dịch nội thương ngày một phát đạt. Khách đến Tô Châu ngày nay vẫn có thể chứng kiến những thành quả kiến trúc của thời phồn vinh ấy dọc những con kênh râm mát bóng cây và các con đường đi bộ thanh nhã ở trung tâm phố cổ. Cuộc sống đô thị ở nước Anh thì hoàn toàn khác biệt. Cái Chết Đen – nạn dịch hạch do vi trùng Yersinia pestis từ con bọ chét truyền sang người đổ bộ vào nước Anh năm 1349 – làm dân số London giảm đi còn khoảng 40.000 người, tương đương khoảng một phần mười dân số Nam Kinh. Ngoài nạn dịch hạch, các dịch sởi, kiết lỵ và đậu mùa cũng hoành hành dữ dội. Và thậm chí nếu không có dịch truyền nhiễm, điều kiện vệ sinh tồi tàn cũng đủ biến London thành cái bẫy chết người. Khắp London không có bất kỳ một hệ thống cống rãnh nào, phố sá bốc mùi hôi thối lên tận trời cao, trong khi phân người được thu gom có hệ thống ở các thành thị Trung Hoa và được dùng làm phân bón cho các cánh đồng lúa ở xa trung tâm. Vào thời Dick Whittington làm
Thị trưởng, bốn lần từ năm 1397 đến 1423 – năm ông qua đời – đường phố London đã được lát bằng đủ mọi thứ, miễn là rẻ.
Trẻ em đến trường được nhồi sọ để nghĩ về vua Henry V như một nhân vật anh hùng của lịch sử nước Anh, trái hẳn với hình ảnh người tiền nhiệm ngay sát trước ông, nhà vua kiệt sức Richard II. Thực tế đáng buồn là, triều đình của họ khác xa với “Hòn đảo Vua chúa” của một Richard II mà Shakespeare mô tả – còn hơn cả một “Hòn đảo Nhiễm trùng”. Nhà soạn kịch đã ưu ái mô tả “Chốn Địa đàng khác ấy, bán-thiên đường/Đồn lũy này được tạo dựng hoàn toàn bởi thiên nhiên/Bất khả bại trước mọi nạn dịch lây nhiễm…” Trên thực tế, tuổi thọ trung bình của người Anh suốt khoảng thời gian từ năm 1540 đến 1800 là con số 37 đáng thương. Riêng ở London tuổi thọ trung bình là hơn 20. Ước đoán một phần năm trẻ con Anh chết ngay khi chưa tròn một tuổi, còn ở London con số này là một phần ba. Bản thân Henry V lên ngôi vua ở tuổi 26 và chết vì bệnh kiết lỵ lúc 35 tuổi – một lời nhắc ta nhớ rằng hầu như lịch sử cho đến khá gần đây thôi đã được làm nên bởi những con người trẻ tuổi đoản thọ.
Bạo lực chỉ mang tính địa phương. Còn cuộc chiến tranh với Pháp hầu như rơi vào tình trạng thường trực. Khi không có chiến sự với Pháp, nước Anh lại giao chiến với người xứ Wales, Scotland và Ireland. Lúc không đánh nhau với người xứ Wales, họ lại chìm trong chuỗi giao tranh giành quyền kế vị, kiểm soát vương miện. Cha của Henry V đã lên ngôi bằng bạo lực, con của ông là Henry VI thì mất nó theo cách tương tự cùng với sự bùng nổ các cuộc Chiến tranh hoa hồng+, chứng kiến bốn vị vua bị mất ngôi và bốn mươi quý tộc phải chết trong chiến trận hay trên đoạn đầu đài. Khoảng giữa các năm 1330 và 1479, một phần tư quý tộc Anh đã chết do bạo lực; việc giết người thường diễn ra nơi công cộng. Dữ liệu ghi nhận được từ thế kỷ XIV cho thấy tỉ lệ tội sát nhân hàng năm ở Oxford là hơn 100 trên 100.000 dân. London có vẻ an toàn hơn với tỉ lệ 50 trên 100.000 dân. Tỉ lệ diễn ra các vụ giết người cao nhất trên thế giới ngày nay là ở Nam Phi (60̷100.000), Colombia (53) và Jamaica (34). Ngay ở Detroit vào những năm 1980 tồi tệ nhất thì con số đó cũng chỉ là 45̷100.000.
Như lý thuyết gia chính trị Thomas Hobber+ quan sát sau này (về cái mà ông gọi là “trạng thái nguyên thủy” của cư dân Anh), cuộc sống người Anh
thời kỳ này thực sự là “cô độc, bần hàn, bẩn thỉu, tàn bạo và đoản thọ”. Ngay cả một gia đình khá giả ở Norfolk như gia đình ông Paston cũng không được đảm bảo. Bà Margaret, vợ của John Paston bị đuổi khỏi nhà mình bằng vũ lực khi cố gắng bảo vệ chủ quyền của gia đình với đất đai ở Gresham, nơi đã bị người thừa kế của chủ trước chiếm đoạt. Gia đình Paston được thừa hưởng Lâu đài Caister từ Nam tước Fastolf nhưng lại bị Công tước Norfolk chiếm đoạt suốt 17 năm ngay sau khi John Paston chết. Dù sao nước Anh vẫn còn thuộc số các nước phồn vinh và ít bạo lực nhất ở châu Âu. Cuộc sống thậm chí còn đáng sợ, mong manh và ngắn ngủi hơn tại nước Pháp – nó càng tồi tệ hơn khi bạn càng đi về phía Đông Âu. Ngay đầu thế kỷ XVIII, người Pháp trung bình có mức ca-lo nạp vào hàng ngày là 1.660, chỉ nhỉnh hơn nhu cầu tối thiểu duy trì sự sống con người và gần bằng một nửa mức trung bình của phương Tây ngày nay. Người Pháp thời trước Cách mạng có chiều cao trung bình khoảng 1,64 m. Và trong tất cả các quốc gia lục địa mà chúng ta có được số liệu về thời Trung cổ, tỉ lệ tội sát nhân đều cao hơn so với ở nước Anh. Với Italy – một đất nước mà những kẻ sát nhân cũng nổi tiếng không thua gì các nghệ sĩ – thì tình hình chắc chắn phải là tồi tệ nhất.
Đôi khi người ta bao hiện rằng tình trạng tàn tạ ấy của châu Âu là một thứ ưu thế tiềm ẩn, vì tỉ lệ tử vong cao tập trung trong số người nghèo, và có lẽ điều đó đã giúp cho người giàu trở nên giàu có thêm. Chắc chắn, một kết quả của Cái chết Đen là giúp thu nhập trên đầu người của châu Âu tăng lên; những kẻ sống sót có thể kiếm được đồng lương cao hơn do lao động khan hiếm. Thực tế cho thấy phần lớn trẻ con nhà giàu ở Anh dễ sống sót đến tuổi trưởng thành hơn so với trẻ con nhà nghèo. Chưa chắc những điều kỳ quặc của dân số học châu Âu này lại có thể giải thích sự khác biệt to lớn giữa phương Tây với phương Đông. Trong thế giới hiện nay vẫn còn những quốc gia có cuộc sống bất hạnh chẳng khác gì cuộc sống từng diễn ra ở nước Anh thời Trung cổ, nơi dịch bệnh truyền nhiễm, nạn đói, chiến tranh và chết chóc khiến cho tuổi thọ trung bình vẫn thấp thảm hại, nơi chỉ người giàu mới hy vọng sống lâu. Afghanistan, Haiti và Somalia là những nơi có dấu hiệu cho thấy người ta đang lợi dụng từ những tai họa ấy. Như chúng ta sẽ thấy, châu Âu đã nhảy vọt lên phía trước tiến đến phồn thịnh và quyền lực bất chấp sự chết chóc, chứ không phải nhờ nó.
Các học giả hiện đại và các bạn đọc cần được nhắc nhở về cái chết từng được khắc họa như thế nào. The Triumph of Death (Khúc khải hoàn của Thần Chết), một đại kiệt tác như mơ của Pieter Bruegel Già (1525-1569), tất nhiên không phải là một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa, nhưng Bruegel chắc chắn không chỉ dựa vào trí tưởng tượng của mình để dựng nên một cảnh tượng chết chóc và hủy diệt đau lòng đến thế. Một đất nước được cai trị bởi một ông vua nằm hấp hối, không ai ngó ngàng tới, trong khi một con chó đang gặm xác chết bên cạnh, quân đội thì đói ăn. Tại hậu cảnh chúng ta thấy hai người bị treo trên giá treo cổ, bốn người đang bị phanh thây và gần đó kẻ khác bị xử chém đầu. Binh lính giao chiến, nhà cửa bốc cháy, tàu thuyền bị đánh chìm. Ở tiền cảnh, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, lính tráng, thị dân, tất thảy bị xô đẩy vào một đường hầm hình vuông chật hẹp. Không ai có thể tẩu thoát.
Ngay cả người hát rong đang hát cho bà chủ của anh ta nghe cũng chắc chắn sẽ phải chết. Bản thân nghệ sĩ – họa sĩ tài hoa này đã chết ở tuổi ngoài 40, một người đàn ông đoản thọ hơn tôi, người đang viết những dòng này.
Một thế kỷ sau, Salvator Rosa+, một nghệ sĩ Italy khác, đã vẽ nên một quang cảnh có lẽ là cảm động nhất trong tất cả những “hồi ức về cái chết”, có tên đơn giản là “Humana fragilità” (Nỗi mong manh đời người). Đó là trải nghiệm thấm thía từ nạn dịch hạch quét qua quê hương Naples của ông năm 1655, cướp đi sinh mạng đứa con trai nhỏ bé của ông, Rosalvo, đồng thời lấy đi người em trai của ông, em gái ông cùng chồng của cô với năm đứa con của họ. Thần chết lờ mờ hiện ra trong bóng tối với nụ cười nham hiểm từ phía sau người vợ của Rosa, cố bắt đứa con nhỏ của họ, ngay cả khi ông bắt đầu cố viết mấy dòng chữ. Tâm trạng đau buồn của người nghệ sĩ với trái tim tan vỡ được gửi gắm vào tám chữ Latin viết trên nền vải đã thành bất tử:
“Mang bầu là có tội,
Sinh đẻ là đớn đau,
Sống là khó nhọc,
Chết – không tránh khỏi”.
Còn lời nào cô đọng súc tích hơn để nói về cuộc sống ở châu Âu thời bấy giờ?
Viên hoạn quan và con kỳ lân
Làm sao chúng ta có thể hiểu người phương Đông tài giỏi như thế nào? Với lợi thế ban đầu, nông nghiệp châu Á đã có năng suất cao hơn đáng kể so với châu Âu. Ở Đông Á, một mẫu+ đất đủ nuôi sống một gia đình, hiệu quả việc trồng lúa là thế, trong khi ở Anh bình quân phải là 20 mẫu. Điều đó giúp ta giải thích vì sao Đông Á đông dân hơn Tây Âu. Phương thức trồng lúa công phu hơn của phương Đông giúp nuôi sống nhiều miệng ăn hơn. Không nghi ngờ gì việc Chu Thị Tu (1354-1402), nhà thơ thời Minh đã nhìn nông thôn qua lăng kính màu hồng; hơn thế, bức tranh ở đây là về một đám dân nơi thôn dã thái bình:
Những cánh cổng sơ sài lờ mờ trong ngõ tối, một đường hẻm quanh co dẫn xuống thung lũng nhỏ. Nơi đây có mười gia đình… đã sinh sống bên nhau nhiều đời. Làn khói từ bếp lửa của họ hòa lẫn vào nhau tới hút tầm mắt; theo thông lệ, mọi người cùng làm việc. Một làn gió thu lạnh lướt qua bàn thờ thổ địa; những con lợn và rượu gạo được hiến tế cho thần nông, một vị pháp sư già đang đốt những tờ tiền giấy, trong khi bọn trẻ đánh trống đồng. Sương mù lặng lẽ bao phủ vườn mía, mưa phùn lây phây rắc lên cánh đồng khoai môn, khi người dân trở về nhà sau buổi tế lễ, trải những manh chiếu ngồi tán gẫu vui vẻ, nửa say nửa tỉnh…
Nhưng cuộc sống dân dã vô tư như thế chỉ là một phần của câu chuyện. Người phương Tây xem Đế chế Trung Quốc như một xã hội trì trệ, dị ứng với canh tân. Max Weber, nhà xã hội học Đức trong cuốn Confucianism and Taoism (Khổng giáo và Đạo giáo, 1915) đã định nghĩa học thuyết duy lý Khổng giáo như cốt lõi của “sự hài hòa hợp lý với thế giới”. Quan điểm này về cơ bản được triết gia người Trung Quốc Phùng Hữu Lan (1895- 1990) tán thành trong cuốn History of Chinese Philosophy (Lịch sử Triết học Trung Quốc, 1934), cũng như bởi học giả Cambridge, Joseph Needham, trong bộ lịch sử nhiều tập Science and Civilization in China (Khoa học và văn minh ở Trung Hoa). Những cách lý giải văn hóa như thế luôn cuốn hút những người như Phùng Hữu Lan và Joseph Needham, vốn
có cảm tình với chế độ Mao sau 1949 – thật khó phù hợp với chứng cứ rằng, từ rất lâu trước triều Minh, văn minh Trung Hoa đã không ngừng tìm tòi để vượt lên trước thế giới nhờ các đổi mới về công nghệ.
Chúng ta không biết chắc chắn ai là người đã thiết kế ra chiếc đồng hồ nước đầu tiên. Đó có thể là người Ai Cập, Babylon hoặc Trung Hoa. Nhưng vào năm 1086, Tô Thông+ đã bổ sung bộ hồi cơ để sáng tạo ra chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên trên thế giới, một dụng cụ kỳ lạ cao 12,2 m rất phức tạp, cho biết không chỉ thời gian, mà còn vạch nên quỹ đạo chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh. Marco Polo đã thấy một tháp chuông vận hành bởi một chiếc đồng hồ như thế khi ông thăm Đại Đô+ ở Bắc Trung Hoa, không lâu sau khi tháp được xây dựng vào năm 1272. Không có chiếc đồng hồ nào ở Anh đạt được độ chính xác cao như thế cho tới một thế kỷ sau, khi những chiếc đồng hồ thiên văn đầu tiên được chế tạo cho các nhà thờ tại Norwich, St. Alban và Salisbury.
Máy in được cho là sáng chế ở Đức vào thế kỷ XV nhưng thực ra nó được phát minh tại Trung Hoa vào thế kỷ XI. Nghề làm giấy cũng bắt nguồn ở Trung Hoa từ rất lâu trước khi nó được biết đến ở phương Tây. Tiền giấy, giấy dán tường và giấy vệ sinh cũng vậy.
Người ta thường cho rằng Jethro Tull (1674-1741), nhà tiên phong nông nghiệp Anh, đã sáng chế ra cối xay bột mì vào năm 1701. Thực ra người Trung Hoa đã phát minh ra nó từ 2.000 năm trước. Cái cày Rotherham với lưỡi cong bằng sắt, là một nông cụ cơ bản trong cuộc Cách mạng Nông nghiệp Anh thế kỷ XVIII, cũng là một phát minh khác của người Trung Hoa. Cuốn Treatise on Agriculture (Khảo luận về nghề nông)+ của Vương Trinh có nói về những dụng cụ khi đó chưa từng được biết đến ở phương Tây. Cuộc Cách mạng Công nghiệp cũng đã được báo trước ở Trung Hoa. Lò luyện kim đầu tiên để luyện sắt không phải được dựng lên ở Coalbrookdale năm 1709, mà là ở Trung Hoa năm 200 TCN. Chiếc cầu treo bằng sắt cổ nhất thế giới không phải ở Anh, mà ở Trung Hoa; được xây dựng từ năm 65 CN, di tích của nó vẫn còn thấy ở gần Cảnh Đông thuộc tỉnh Vân Nam. Mãi đến năm 1788, sản lượng sắt của Anh vẫn còn thấp hơn sản lượng của Trung Hoa năm 1708. Chính người Trung Hoa đã cách mạng hóa ngành dệt vải với những cải cách như bánh xe quay và
guồng quấn tơ, được du nhập vào Italy thế kỷ XIII. Và hoàn toàn sai lầm khi cho rằng người Trung Hoa sử dụng phát minh nổi tiếng nhất của họ là thuốc súng chỉ để đốt pháo hoa chơi! Cuốn sách Huolongjing (Hỏa long Kinh) của Tiêu Ngọc và Lưu Cơ xuất bản cuối thế kỷ XIV, đã mô tả địa lôi, thủy lôi, tên lửa và các quả đạn rỗng nhồi đầy thuốc nổ.
Còn nhiều phát minh khác nữa của Trung Hoa, như hóa chất khử trùng, guồng quay tay câu cá, cờ tướng, la bàn nam châm, chơi bài, bàn chải răng, xe cút-kít. Ai cũng cho rằng trò đánh golf được phát minh ở Scotland. Vậy mà Dongxuan Records (Đông Suất bút lục – Ghi chép Các kỷ lục phương Đông) từ thời nhà Tống (960-1279) đã mô tả một trò chơi gọi là “chùy hoàn” (chuiwan), nghĩa là “đập quả bóng”. Trò chơi với 10 thứ gậy (các loại gậy cuanbang, pubang và shaobang...), đại thể giống với chơi golf Scotland, hai-gậy và ba-gậy. Các cây gậy được dát đá cẩm thạch và vàng, cho thấy đánh golf, cũng giống như ngày nay, là trò chơi của người giàu có.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Mở đầu thế kỷ XV, vào năm 1400, Trung Hoa đã đàng hoàng vươn tới một đột phá công nghệ khác, một đột phá có tiềm năng đưa hoàng đế Vĩnh Lạc lên ngôi chế ngự không chỉ Vương quốc Trung tâm thế giới (Trung Quốc) mà còn toàn thế giới – tóm lại là “Mọi thứ trong thiên hạ”!
Ở Nam Kinh ngày nay bạn có thể nhìn thấy một phiên bản phục chế đúng kích cỡ con tàu cao sang của Đô đốc Trịnh Hòa, nhà hàng hải nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tàu dài 122 m, gấp gần năm lần chiều dài chiếc Santa Maria mà Christopher Columbus cưỡi băng qua Đại Tây Dương năm 1492. Và đấy chỉ là một phần của một hạm đội gồm hơn 300 chiếc thuyền đi biển đồ sộ. Với nhiều cột buồm và các khoang nổi ngăn cách nhau để phòng chìm tàu khi gặp sự cố thủng vỏ tàu ở mức thấp hơn mép nước, các con tàu này lớn hơn nhiều so với bất kỳ con tàu nào được đóng ở châu Âu thế kỷ XV. Với đoàn thủy thủ 28.000 người, hạm đội thủy quân của Trịnh Hòa lớn hơn bất kỳ hạm đội nào từng thấy ở phương Tây cho tới Thế chiến thứ Nhất.
Chỉ huy hạm đội là một con người xuất chúng. Lúc 11 tuổi ông đã bị Chu Nguyên Chương, người sáng lập nên triều Minh, bắt tại trận tiền. Theo luật tù binh thời đó, ông bị hoạn. Sau đó ông được chỉ định làm người hầu cho Chu Đệ, hoàng tử thứ tư của hoàng đế, người sẽ cướp ngôi vua, lập nên đế hiệu Vĩnh Lạc. Tin tưởng vào sự trung thành của Trịnh Hòa, Vĩnh Lạc phó thác trọng trách toàn quyền thám hiểm các đại dương thế giới cho ông.
Trong một loạt sáu hành trình huyền thoại giữa các năm 1405 và 1424, hạm đội của Trịnh Hòa đã vươn xa và rộng đến kinh ngạc+. Vị Đô đốc này đã lướt tới Thái Lan, Sumatra, Java và hải cảng vĩ đại một thời Calicut (ngày nay là Kozhikode ở Kerala); tới Temasek (sau này là Singapore), Malacca và Ceylon; tới Cuttack ở Oisa; tới Hormuz, Aden và lên đến Biển Đỏ tới Jeddah. Trên danh nghĩa, các hành trình này là nhằm đi tìm kẻ tiền nhiệm của Vĩnh Lạc, người đã biến mất một cách bí ẩn, cũng như tìm viên Ngọc tỉ hoàng đế đã mất cùng với ông. (Phải chăng Vĩnh Lạc cố gắng chuộc lỗi vì đã triệt đường tới ngai vàng của người kia, hoặc để che đậy sự thật rằng chính ông đã làm như thế?) Nhưng việc tìm kiếm vị hoàng đế mất tích không phải là động cơ thực sự của họ.
Trước chuyến đi cuối cùng của ông, Trịnh Hòa đã được lệnh “đại diện cho hoàng đế đến Hormuz và các quốc gia khác với những con tàu kích cỡ khác nhau gồm 61 chiếc… chở lụa màu… và mua sợi gai”. Các sĩ quan của ông cũng được chỉ thị phải “mua đồ sứ, nồi vạc bằng sắt, tặng phẩm và đạn được, giấy, dầu, sáp, v.v….” Điều này có thể giống như gợi ý về một động cơ thương mại và chắc chắn Trung Hoa có những hàng hóa mà khách buôn Ấn Độ Dương thèm muốn (đồ sứ, lụa và xạ hương), cũng như các hàng hóa mà họ muốn đem về Trung Hoa (hạt tiêu, trân châu, đá quý, ngà voi và sừng tê giác được nói là để làm thuốc).
Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan tâm hàng đầu của vị hoàng đế này không phải là thương mại như Adam Smith sau này đã hiểu ra. Theo những chữ nghĩa trên một tấm bia khắc đương thời thì hạm đội này đã “đi đến các quốc gia (của đám người dã man) và ban ‘các tặng vật’ để cải hóa họ bằng sự phô trương quyền lực của chúng ta… “Điều Vĩnh Lạc muốn được đền đáp lại từ “các tặng vật” là những kẻ cai trị ngoại quốc phải dành cho ông sự tôn kính giống như các láng giềng trực tiếp ở châu Á đã làm, và do đó
phải thừa nhận uy quyền siêu việt của ông ta. Ai dám phản đối không khấu đầu quy phục một vị hoàng đế nắm trong tay một hạm đội đồ sộ đến thế?
Cuộc hải hành thứ bảy của Trịnh Hòa (1430-1433) và Cuộc hải hành thứ nhất của da Gama (1497-1499)
Trong ba chuyến hành trình, các con tàu hạm đội Trịnh Hòa đã đến duyên hải phía Đông châu Phi. Họ dừng ở đây không lâu. Các sứ giả của khoảng 30 nhà vua châu Phi đã được mời lên boong tàu để nhìn thấy “quyền thế
trùm trời” của hoàng đế nhà Minh. Quốc vương của xứ Malindi (nay là Kenya) đã gửi một phái đoàn mang các món quà kỳ trân dị thảo, trong đó có một con hươu cao cổ. Vĩnh Lạc đích thân tiếp nhận con vật này tại cổng cung điện hoàng đế ở Nam Kinh. Chú hươu cao cổ được nghênh đón như con kỳ lân trong huyền thoại – “một biểu tượng của đức hạnh toàn thiện, cai trị toàn thiện và hài hòa toàn thiện trong đế chế và trong hoàn vũ”.
Nhưng sau đó, vào năm 1424, sự hài hòa này đã hoàn toàn sụp đổ. Vĩnh Lạc chết và tham vọng vượt biển của Trung Hoa bị chôn vùi theo ông. Các chuyến vượt biển của Trịnh Hòa bị đình chỉ và chỉ hồi sinh chốc lát với một lần thám hiểm Ấn Độ Dương cuối cùng vào năm 1432-1433. Sắc luật “cấm biển” tuyệt đối cấm mọi chuyến đi biển. Từ năm 1500, bất kỳ ai ở Trung Hoa bị phát hiện đóng con thuyền có hai cột buồm trở lên đều bị khép tội tử hình. Vào năm 1551, sắc luật xiết chặt đến mức thậm chí chỉ cần đi biển trên tàu cũng bị xử tội. Ghi chép về các chuyến đi của Trịnh Hòa đều bị tiêu hủy. Bản thân Trịnh Hòa chết và hầu như chắc chắn bị chôn vùi ngoài biển khơi.
Điều gì ẩn khuất đằng sau quyết định then chốt ấy? Phải chăng do khó khăn công quỹ và bất đồng chính trị tại triều đình? Có phải do phí tổn của cuộc chiến tại An Nam cao vọt không ngờ? Hay chỉ đơn giản do mối ngờ vực của đám nho sĩ trước các món đồ “quái dị”, đặc biệt là con hươu cao cổ, mà Trịnh Hòa mang về? Có lẽ chúng ta không bao giờ biết được sự thật. Nhưng các hậu quả của việc quay ngoắt về “hướng nội” của Trung Hoa thì khá rõ ràng.
Giống như sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của tàu Apollo, các cuộc hải hành của Trịnh Hòa là sự phô diễn đáng nể phục sự giàu có và công nghệ tinh vi. Theo nhiều cách, việc phái một hoạn quan Trung Hoa tới bờ biển Đông Phi vào năm 1416 đã là một thành tựu sánh ngang với việc đưa các phi hành gia vũ trụ Mỹ lên Mặt Trăng năm 1969. Nhưng với việc bất ngờ hủy bỏ các cuộc thám hiểm đại dương, những người kế vị Vĩnh Lạc đã tin chắc rằng những lợi ích kinh tế của thành tựu ấy chẳng có gì đáng kể.
Nhưng không thể nói như vậy về các chuyến đi biển khác vào gần thời ấy, được thực hiện bởi một thủy thủ khác, xuất phát từ một vương quốc châu Âu bé xíu ở đầu kia của liên đại lục Âu-Á.
Cuộc đua gia vị
Chính tại Castelo de Sao Jorge, khi đứng trên đỉnh cao ven vịnh cảng Lisbon, Manuel, nhà vua Bồ Đào Nha mới được tấn phong, đã giao cho Vasco da Gama quyền chỉ huy bốn chiếc tàu nhỏ với một sứ mạng lớn. Tất
cả bốn con tàu này có thể dễ dàng nhét gọn vào bên trong con tàu sang trọng của Trịnh Hòa. Thủy thủ đoàn có 170 người, nhưng sứ mệnh “thực hiện những phát kiến và tìm kiếm gia vị, hương liệu” của họ lại có tiềm năng đảo nghiêng toàn thế giới về phía Tây!
Người châu Âu rất thèm muốn các loại gia vị để tăng hương vị cho món ăn. Chúng có thể là quế, đinh hương, nhục đậu khấu… mà họ không tự trồng được. Trong nhiều thế kỷ, con đường gia vị, hương liệu chạy từ Ấn Độ Dương sang Biển Đỏ, hoặc băng qua Ả-rập và Anatolia. Đến giữa thế kỷ XV, nhánh sinh lời cuối cùng dẫn vào châu Âu đã bị người Thổ và người Venice kiểm soát chặt cứng. Người Bồ Đào Nha nhận ra nếu tìm được một tuyến đường khác men theo bờ biển phía Tây của châu Phi, vòng qua Mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ Dương, thì mối kinh doanh béo bở này sẽ thuộc về họ. Một nhà hàng hải Bồ Đào Nha khác, Bartolomeu Dias, đi vòng đất Mũi vào năm 1488, nhưng chính thủy thủ đoàn đã buộc ông phải quay về. Chín năm sau, cờ đến tay và Gama đã đi hết con đường ấy.
Sắc lệnh của vua Manuel mách bảo cho chúng ta biết đôi điều quan trọng về cách nền văn minh phương Tây bành trướng ra bên ngoài. Như ta sẽ thấy, phương Tây có không chỉ một ưu thế so với phần còn lại của thế giới. Nhưng ưu thế thực sự đẩy bóng lăn chắc chắn là cuộc tranh giành quyết liệt xô đẩy thế giới vào Kỷ nguyên Khám phá. Với người châu Âu, bơi vòng châu Phi không phải là để đem về mấy “tặng vật tượng trưng” cho vị vua kiêu ngạo nào đó, mà là để vượt trước các đối thủ, cả về kinh tế, lẫn về chính trị. Nếu da Gama thành công, khi đó Lisbon sẽ vượt qua Venice. Cuộc thám hiểm biển khơi, tóm lại, là cuộc tranh giành không gian của châu Âu thế kỷ XV. Hoặc, đúng hơn, là cuộc tranh giành gia vị, hương liệu của nó.
Da Gama giương buồm ra khơi ngày 8 tháng Bảy năm 1497. Khi ông cùng thủy thủ đoàn bơi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi bốn tháng sau đó, họ không hề quan tâm đến những con vật lạ kỳ nào có thể mang về cống vua. Họ muốn biết rốt cuộc mình có thành công ở nơi kẻ khác đã
từng thất bại – khi đi tìm con đường mới cho các thứ hương liệu, gia vị… Họ muốn lợi nhuận, chứ không phải tặng vật.
Vào tháng Hai năm 1498, tròn 82 năm sau khi Trịnh Hòa đến Malindi, da Gama cũng đến được đây. Người Trung Hoa đã bỏ lại đây một ít đồ sứ và ADN của 20 thủy thủ người Hoa rớt lại trên con tàu bị đắm gần đảo Pate,
nhưng đã bơi được vào bờ, ở lại đó, lấy vợ người Phi và truyền cho thổ dân kỹ năng đan rổ rá và dệt lụa kiểu Trung Hoa. Những người Bồ, trái lại, nhận ngay ra tiềm năng của Malindi như một cứ điểm thương mại. Da Gama đặc biệt phấn khích khi chạm trán những nhà buôn Ấn Độ ở đó và được một trong số họ trợ giúp, ông đã đón kịp các luồng gió mùa để đi thẳng tới Calicut.
Lòng ham mê buôn bán không phải là sự khác biệt duy nhất giữa người Bồ và người Hoa. Có một lằn ngăn cách giữa họ về độ tàn bạo – đúng ra, là về độ dã man cùng cực – của những người đến từ Lisbon, mà Trịnh Hòa không thể sánh bằng. Khi vua Calicut xem xét hàng hóa của người Bồ mang đến từ Lisbon với con mắt nghi ngờ, da Gama liền bắt 16 ngư dân làm con tin. Vào chuyến đi thứ hai tới Ấn Độ, ông chửi bới Calicut và tra tấn dã man những người bị bắt làm con tin đó. Trong một lần khác, ông hạ lệnh nhốt các hành khách trên một con tàu hướng về Macca và châm lửa đốt cháy nó.
Người Bồ Đào Nha chủ trương bạo lực cực đoan vì họ biết rằng việc mở con đường gia vị mới vòng qua đất Mũi chắc chắn sẽ gặp phải phản kháng. Họ chủ trương lấy trừng phạt, báo thù làm đầu. Như Afonso de Albuquerque, vị Toàn quyền thứ hai ở Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha hãnh diện tâu với đức vua của mình như sau vào năm 1513: “Có tin đồn khi chúng ta đến, các con tàu (bản xứ) đều bị tiêu diệt và thậm chí chim chóc không dám sà xuống uống nước”. Với một số kẻ thù, chỉ có súng thần công và thanh đoản kiếm là chưa đủ. Một nửa số người trên chuyến thám hiểm đầu tiên của da Gama đã thiệt mạng, chính vì thuyền trưởng của họ cố sức căng buồm trở lại châu Phi ngược chiều gió mùa. Chỉ có hai trong bốn chiếc tàu ban đầu về đến Lisbon. Chính da Gama bị chết vì sốt rét trong chuyến đi thứ ba đến Ấn Độ năm 1524; xác ông được đưa về châu Âu và được chôn trong một ngôi mộ đẹp ở tu viện Thánh Jerome ở Lisbon. Nhưng các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khác vẫn giong buồm đi tiếp, qua Ấn Độ, đi hết con đường đến Trung Hoa. Trước kia, người Trung Hoa đã có thể đối mặt với những kẻ dã man châu Âu xa lạ một cách lạnh nhạt, nếu không nói là
khinh bỉ. Nhưng cuộc tranh giành hương liệu đã đem bọn người dã man vào tận cửa ngõ của chính Vương quốc Trung tâm (Trung Quốc). Và cần phải nhớ rằng, dù Bồ Đào Nha có nhiều hàng hóa quý giá mà Trung Hoa muốn, họ vẫn đem theo cả bạc trắng, thứ mà Trung Hoa triều nhà Minh có nhu cầu rất lớn, khi lấy đồng tiền đúc bằng bạc thay thế tiền giấy và lao dịch làm biện pháp thanh toán căn bản, thay cho tiền, vì không kiếm đâu ra tiền.
Vào năm 1557 người Bồ Đào Nha đến Macau, một bán đảo trên vùng châu thổ sông Châu Giang. Một trong những việc đầu tiên họ làm là dựng một cái cổng cảng – Porta do Cerco – mang dòng chữ: “Hãy khiếp sợ sự vĩ đại của ta và hãy kính trọng lòng tốt của ta”. Khoảng năm 1586, Macau là một tiền đồn thương mại đủ quan trọng để nhà vua Bồ Đào Nha công nhận nó là một thành phố: thành phố vinh danh Chúa (Cidade de Nome de Deus). Nó là “tô giới” đầu tiên trong số nhiều khu tô giới thương mại châu Âu kiểu ấy ở Trung Hoa. Luis da Camoes, tác giả sử thi anh hùng ca Os Lusiads kể về việc thám hiểm đại dương của Bồ Đào Nha, đã sống một thời gian ở Macau, sau khi bị trục xuất khỏi Lisbon vì tội hành hung. Ông lấy làm ngạc nhiên rằng tại sao một vương quốc bé nhỏ như Bồ Đào Nha, với dân số không bằng 1% của Trung Hoa, lại có tham vọng thống trị nền thương mại của một đế chế châu Á đông dân hơn gấp bội? Và những người đồng hương của ông còn giương buồm khắp nơi dựng nên một mạng lưới các cứ điểm buôn bán như một chuỗi hạt châu toàn cầu, suốt từ Lisbon vòng qua bờ biển châu Phi, Ả-rập và Ấn Độ, qua các Eo biển Malacca, tới ngay các hòn đảo hương liệu và còn xa hơn cả Macau. “Nếu còn thế giới nào nữa để phát kiến thì họ cũng tìm ra chúng thôi”, Camoes viết về những đồng hương của mình.
Các đối thủ ở châu Âu của Bồ Đào Nha cũng không bỏ phí những lợi ích thám hiểm biển cả. Tiếp bước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cũng chiếm Tân thế giới (xem Chương 3) và thiết lập cả một tiền đồn châu Á tại Philippines, từ đó người Tây Ban Nha đã chở một khối lượng bạc khổng lồ của người Mexico sang Trung Hoa. Trong vòng mấy chục năm kể từ Hiệp ước Tordesillas (1494) thế giới được họ đem chia nhau, hai quyền lực xứ Iberia này coi những thành quả đế quốc của họ là nhờ lòng quả cảm cao cả. Nhưng những thần dân Hà Lan ương ngạnh và giỏi buôn bán của người
Tây Ban Nha đã đánh hơi thấy tiềm năng của con đường gia vị mới; quả nhiên, vào giữa các năm 1600 họ đã vượt qua Bồ Đào Nha về cả số lượng tàu đi biển và tổng tải trọng vận chuyển vòng qua đất Mũi. Nước Pháp cũng được ghi tên vào danh sách.
Còn với nước Anh, vốn từng có các tham vọng lãnh thổ chẳng thua gì với Pháp, và ngay từ thời Trung cổ đã có ý tưởng kinh doanh mới mẻ là bán đồ len dạ đến vùng Flanders+. Làm sao họ chịu ngồi yên khi biết các kẻ thù truyền kiếp Tây Ban Nha và Pháp đang phát tài khắp các đại dương? Chắc chắn chẳng bao lâu sau nước Anh cũng lao vào cuộc tranh giành thương mại trên biển. Năm 1496, John Cabot đã thực hiện nỗ lực lần đầu tiên vượt qua Đại Tây Dương từ Bristol. Năm 1553, Hugh Willoughby và Richard Chancellor đã giương buồm từ Deptford đi tìm một “con đường từ phía Bắc sang phương Đông” tới Ấn Độ. Willoughby bị cóng lạnh đến chết trong nỗ lực này, nhưng Chancellor đã xoay xở tới được Archangel và sau đó đi theo đường bộ đến triều đình của Sa hoàng Ivan Tàn bạo ở Moscow. Trên đường trở về London, Chancellor liền thành lập Công ty Muscovy (tên đầy đủ là The Mystery and Company of Merchant Adventurers for the Discovery of Regions, Dominions, Islands, and Places Unknown (Phép Màu nhiệm và Công ty của những thương gia – Người phiêu lưu vì sự nghiệp phát kiến các lãnh thổ, nước tự trị, các đảo và các miền chưa biết) để mở mang thương mại với nước Nga. Các dự án tương tự mọc lên như nấm với sự nâng đỡ nhiệt tình của hoàng gia, không chỉ vắt ngang qua Đại Tây Dương mà còn dọc theo tuyến đường hương liệu. Tới giữa thế kỷ XVII, nền thương mại của nước Anh đã phát đạt thịnh vượng suốt từ Belfast tới Boston, từ Bengal đến Bahamas.
Cả thế giới đang điên cuồng tranh giành cắn xé lẫn nhau. Song vẫn còn nguyên đó câu hỏi: Vì sao những người châu Âu lại hăng say buôn bán hơn người Trung Hoa nhiều đến thế? Vì sao Vasco da Gama lại khát khao kiếm tiền đến thế, đến mức có thể chết vì nó?
Bạn có thể tìm thấy câu trả lời khi nhìn vào tấm bản đồ châu Âu thời Trung cổ, đúng là có hàng trăm nước đang tranh giành nhau trải khắp từ các vương quốc ven biển phía Tây cho tới nhiều thành-bang nằm giữa các biển Baltic và Địa Trung Hải, từ Lubeck đến Venice. Có khoảng 1.000 tổ chức
nhà nước ở châu Âu thế kỷ XIV; và vẫn còn gần 500 thực thể ít nhiều độc lập 200 năm sau đó. Vì sao vậy? Câu trả lời giản dị nhất đó là địa lý. Trung Hoa có ba con sông lớn: Hoàng Hà, Dương Tử và Châu Giang, đều chảy từ Tây sang Đông. Châu Âu có rất nhiều con sông chảy theo nhiều hướng, không kể số đông các vùng núi như Alps và Pyrenees, chưa nói đến các vùng rừng rú và biên thùy heo hút của Đức và Ba Lan, từng quá dễ bị người Mông Cổ đến cướp phá qua cửa ngõ Trung Hoa. Châu Âu khó bị xâm nhập hơn bằng những đoàn kỵ binh – và do đó ít cần phải đoàn kết lại với nhau. Chúng ta không thể biết chính xác vì sao mối đe dọa từ Trung tâm châu Á lại lùi xa khỏi châu Âu sau thời Thành Cát Tư Hãn. Có lẽ Nga đã biết cách phòng thủ tốt hơn. Có lẽ những con ngựa Mông Cổ chỉ thích đồng cỏ thảo nguyên.
Quả thực, như chúng ta đã thấy, xung đột đã tàn phá châu Âu – hãy thử nghĩ đến những tổn hại do cuộc chiến tranh Ba mươi năm ở Đức giữa thế kỷ XVII. Khốn khổ cho những ai sống ở vùng giới tuyến giữa hàng tá hay nhiều hơn các nhà nước châu Âu, nơi chiến tranh liên miên chiếm bình quân hai phần ba thời gian giữa các năm 1550 và 1650. Trong tất cả các năm từ 1500 đến 1799, Tây Ban Nha lâm chiến với các kẻ địch ngoại quốc 81% thời gian; nước Anh con số này là 53% và Pháp là 52%. Nhưng chiến tranh liên miên có ba cái lợi không lường trước được. Thứ nhất, nó thúc đẩy sự đổi mới kỹ thuật quân sự. Trên bộ, công sự vững chắc hơn vì đại bác tăng hỏa lực và dễ tác chiến hơn. Số phận của bức thành “các bá tước kẻ cướp” bị tan tành ở Tannenberg gần Seeheim miền Nam Đức như một lời cảnh báo: Vào năm 1399 nó đã trở thành công sự châu Âu đầu tiên bị hủy diệt bằng đạn pháo.
Trên biển, khi đó, các tàu thuyền vẫn nhỏ bé để dễ sử dụng. So với các chiến thuyền “galley” chạy bằng buồm và mái chèo ở Địa Trung Hải với thiết kế rất ít đổi mới kể từ thời La Mã, thuyền “caravel” Bồ Đào Nha cuối thế kỷ XV ưu việt hơn nhiều với các cánh buồm hình vuông và hai cột buồm, đạt được sự cân bằng lý tưởng giữa vận tốc và hỏa lực. Nó dễ quay đầu và khó bị húc trúng hơn nhiều so với những chiếc tàu “junk” đồ sộ của Trịnh Hòa. Năm 1501, người Pháp thiết kế các dãy bệ đại bác trong những ụ pháo đặc biệt dọc theo hai bên sườn tàu, biến các “thuyền chiến” châu Âu thành những “pháo đài nổi”. Giả sử nếu có một trận thủy chiến
giữa Trịnh Hòa và Vasco da Gama, người Bồ có thể dễ dàng “tiễn những người khổng lồ vô dụng kềnh càng Trung Hoa xuống đáy biển”, y như họ đã kết liễu rất nhanh các chiến thuyền “dhow” Ả-rập nhỏ nhưng lanh lẹ hơn tại Ấn Độ Dương, dù rằng tại Đại Miếu Môn năm 1521, một hạm đội nhà Minh đã đánh chìm được một chiếc “caravel” Bồ Đào Nha.
Cái lợi thứ hai của chiến sự hầu như không dứt tại châu Âu là ở chỗ các nước cừu thù đã dần biết nâng cao tổng thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu cho các chiến dịch quân sự của họ. Tính theo số gram bạc trên đầu người, những nhà cầm quyền Anh và Pháp đã thu được nhiều thuế hơn so với đối tác Trung Hoa của họ suốt giai đoạn từ 1520 đến 1630. Khởi đầu là ở Italia thế kỷ XIII, người châu Âu cũng bắt đầu thử nghiệm với những phương pháp chưa có tiền lệ về cho vay nhà nước, gieo mầm mống cho các thị trường khế ước, giao kèo hiện đại. Nợ công là một thể chế chưa từng được biết tại Trung Hoa thời nhà Minh và chỉ được du nhập dưới ảnh hưởng của châu Âu vào cuối thế kỷ XIX. Một sự canh tân tài chính khác nữa có tầm quan trọng làm biến đổi thế giới là ý tưởng của Hà Lan: Công nhận các quyền thương mại độc quyền cho các công ty cổ phần để đổi lấy một phần ăn chia lợi nhuận của họ; và một thỏa thuận rằng các công ty ấy sẽ xử sự như những nhà thầu phụ của hải quân chống lại các thế lực thù địch. Công ty Đông Ấn Độ của Hà Lan, thành lập năm 1602 và những kẻ người Anh bắt chước tên của nó+ là các tập đoàn tư bản chủ nghĩa thực sự đầu tiên, với vốn được chia thành những cổ phần có thể mua bán được, chi trả tiền lãi cho cổ đông theo cân nhắc sáng suốt của các ông chủ. Không có thứ gì tương tự với các thể chế năng động đáng kinh ngạc ấy nảy nở ở phương Đông. Và, mặc dù chúng làm tăng ngân sách hoàng gia, nhưng đồng thời lại làm giảm các đặc quyền hoàng gia bằng việc tạo ra các cổ đông mới và vững chắc trong nhà nước cận đại: các chủ ngân hàng, trái chủ và các giám đốc công ty.
Thứ ba, cuối cùng, nhưng trên hết, sự nảy sinh hết đời này sang đời khác của các cuộc xung đột tương tàn đã khẳng định rằng không một vương triều châu Âu nào đủ lớn mạnh để có thể cấm đoán việc thám hiểm biển khơi. Ngay cả khi quân Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa Đông Âu, điều lặp đi lại suốt các thế kỷ XVI và XVII, không thấy có một hoàng đế quyền thế nào ở châu Âu ra lệnh cho Bồ Đào Nha ngừng việc thám hiểm trên biển để tập
trung vào kẻ thù phương Đông của mình. Ngược lại, các vương triều châu Âu đều khuyến khích thương mại, chinh phục và chiếm thuộc địa, như một phần của sự cạnh tranh giữa họ với nhau.
Chiến tranh tôn giáo là thảm họa của cuộc sống châu Âu suốt hơn một trăm năm, sau khi Phong trào Cải cách của Luther càn quét qua Đức (xem Chương 2). Nhưng các trận chiến đẫm máu giữa người thuộc Giáo phái Tin Lành và các Giáo hội Công giáo La Mã, cũng như những cuộc khủng bố Do Thái lặp đi lặp lại từng lúc, từng nơi, cũng có những hiệu ứng phụ có lợi. Năm 1492, người Do Thái bị trục xuất khỏi Castile và Aragon vì bị cho là theo dị giáo. Ban đầu nhiều người tìm cách lánh nạn sang Đế chế Ottoman, nhưng có một cộng đồng Do Thái đã hình thành ở Venice sau năm 1509. Năm 1566, với cuộc nổi loạn của người Hà Lan chống lại sự cai trị của Tây Ban Nha và việc thiết lập nên Các tỉnh hợp nhất như một nước cộng hòa Tin Lành, Amsterdam trở thành một nơi trú ẩn khoan dung khác nữa. Khi những người Pháp theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi Pháp năm 1685, họ đã có thể tái định cư ở Anh, Hà Lan và Thụy Điển. Và, tất nhiên, niềm tin tôn giáo cũng cung cấp thêm những động cơ kích thích khác nữa cho việc bành trướng ra biển. Ông hoàng Bồ Đào Nha, Henrique – Người đi biển đã khích lệ thủy thủ của mình đi khám phá bờ biển châu Phi, một phần là hy vọng họ tìm ra vương quốc thần thoại của Thánh Prester John đã mất, và rằng ông ta có thể giúp châu Âu chặn đứng quân Thổ. Bên cạnh lời lẽ nhấn mạnh việc miễn trừ cho trách vụ hải quan Ấn Độ, Vasco da Gama còn ngang nhiên đòi hỏi vua xứ Calicut phải trục xuất tất cả người theo Hồi giáo ra khỏi vương quốc của ông và tiến hành một chiến dịch cướp bóc chủ đích chống lại thuyên bè của người Hồi giáo qua lại Mecca.
Tóm lại, sự vỡ vụn chính trị đặc trưng cho châu Âu lại ngăn chặn được sự xuất hiện của cái gì đó mơ hồ giống với Đế chế Trung Hoa. Nó cũng thúc đẩy người châu Âu đi tìm những cơ hội – về kinh tế, địa chính trị và tôn giáo – ở các miền đất xa xôi. Bạn có thể nói đó là một trường hợp chia để trị – trừ một điều rằng, rất nghịch lý, đó là bằng cách phân chia chính mình, người châu Âu đã có thể thống trị thế giới. Ở châu Âu, “nhỏ là đẹp” vì nó có nghĩa là cạnh tranh – không chỉ giữa các nhà nước với nhau, mà còn chính bên trong các nhà nước đó nữa.
Trên danh nghĩa, Henry V là vua của nước Anh, xứ Wales và thực ra cả Pháp, như ông tuyên bố. Nhưng tại các vùng nông thôn ở Anh, quyền bính thực sự lại nằm trong tay các đại quý tộc, con cháu của những người đã được Đại hiến chương Magna Carta thời vua John+ công nhận, cũng như hàng nghìn chủ đất quý tộc nhỏ và vô số các thực thể liên minh khác, công khai hay giấu mặt. Nhà thờ không nằm dưới quyền kiểm soát của hoàng gia cho đến thời trị vì của Henry VIII. Các thành thị thường là theo chế độ tự quản. Và, về căn bản, trung tâm thương mại quan trọng nhất trong nước gần như hoàn toàn tự trị. Châu Âu không chỉ được tạo nên bởi các nhà nước; nó còn được tạo ra bởi các giai cấp: quý tộc, tăng lữ và thị dân.
Tập đoàn Thành phố London (The City of London Corporation) có thể lần lại gốc gác và cơ cấu của mình ngược về tới thế kỷ XII. Nổi bật là, nói cách khác, thị trưởng, cảnh sát trưởng, ủy viên thành phố, Hội đồng Thị dân, thành viên các phường hội và công dân tự do đã tồn tại hơn 800 năm. Tập đoàn này là một trong những ví dụ lâu đời nhất về một thể chế thương nghiệp tự trị – theo cách nào đó nó là tiền thân của các tập đoàn doanh nghiệp mà ta thấy ngày nay, theo những cách khác, nó chính là tiền thân của nền dân chủ.
Ngay từ đầu những năm 1130, vua Henry I đã ban cho người dân London quyền chọn lựa cảnh sát trưởng và chánh án của riêng họ “là người tự nguyện” điều hành công việc tư pháp và tài chính mà không có sự can thiệp của vua hay thế lực nào khác. Năm 1191, trong khi vua Richard I dẫn quân Thập tự chinh đến Đất Thánh, quyền bầu cử thị trưởng vẫn được bảo đảm, một quyền được vua John khẳng định vào năm 1215. Kết quả là Thành phố chưa bao giờ khiếp sợ nhà vua. Được thị dân tự do ủng hộ, ngài Thị trưởng Thomas Fitz Thomas đã hậu thuẫn cuộc nổi dậy của Simon de Montfort chống lại vua Henry III vào các năm 1263-1265. Năm 1319, Edward II quay ra đương đầu với Thành phố vì những nhà buôn vải vóc đòi cắt giảm đặc quyền của các nhà buôn nước ngoài. Khi nhà vua cự tuyệt, “đám đông London” bèn ủng hộ Roger Mortimer hạ bệ nhà vua. Dưới thời cai trị của vua Edward III, lại quay lại xu thế chống Thành phố. Các nhà buôn Italy và Hanseatic+ tự mình lập tổ chức ở London, không chỉ hào phóng cho nhà vua vay tiền, một chiều trò được tiếp diễn suốt tuổi vị thành niên của vua Richard II. Nhưng người London tiếp tục thách thức uy quyền nhà vua, bày
tỏ sự thiếu nhiệt tình trước những khó khăn của nhà vua suốt cuộc nổi dậy của nông dân (1381) hay chống đối sự cai trị của Richard thông qua các quý tộc Appellant. Năm 1392, nhà vua hủy bỏ các đặc quyền và quyền tự do của London, nhưng năm năm sau, một “món quà” hào phóng trị giá 10.000 bảng – được điều đình đổi chác bởi Thị trưởng Whittington – bảo đảm cho việc khôi phục lại các quyền lợi đó. Các món nợ và quà cống vua trở thành bí quyết bảo đảm sự tự trị của Thành phố. Thành phố càng giàu mạnh thì ảnh hưởng của nó càng lớn hơn. Whittington cho vua Henry IV vay ít nhất 24.000 bảng và cho con ông ta, Henry V, vay khoảng 7.500 bảng.
Thành phố không chỉ cạnh tranh quyền lực với nhà vua mà trong nội bộ Thành phố cũng vậy. Các công ty có máu mặt, có màu cờ sắc áo đều có gốc gác từ thời Trung cổ: hàng dệt từ năm 1130, bánh kẹo từ 1155, hàng cá từ 1272, vàng bạc-trang sức, đồ may mặc và da thú từ 1327, hàng chăn màn từ 1364, vải vóc từ 1384, tạp hóa từ 1428. Các phường hội hay “thương hội” phát huy quyền lực to lớn ở khắp mọi lĩnh vực kinh tế riêng, nhưng họ còn có cả quyền lực chính trị nữa. Vua Edward III biết rõ điều này khi tuyên bố mình là “người anh em” Thương hội Linen-Armourers (về sau có tên là Merchant Taylors). Cho đến năm 1607, trong số thành viên danh dự của Merchant Taylors cả trong quá khứ đến thời điểm đó gồm 7 vị vua, một quận chúa, 17 hoàng tử và công tước, 9 phu nhân của hầu tước, công tước, bá tước, trên 200 bá tước, nam tước cùng các quý tộc khác và một tổng giám mục. “Mười hai Ông lớn – các công ty – theo thứ tự: buôn vải, tạp hóa, chăn màn quần áo, hàng cá, vàng bạc-trang sức, da thú, buôn muối, đồ sắt thép, buôn rượu vang và may mặc – là một lời nhắc nhở về thứ quyền lực mà những thợ lành nghề và nhà buôn London đã có thể thao túng, dù rằng ngày nay vai trò của họ phần lớn chỉ có tính nghi thức. Vào thời cạnh tranh hoàng kim của mình, họ đã phải chiến đấu như cơm bữa với nhau”.
Bên cạnh những thứ khác, sự cạnh tranh đa cấp độ, giữa các nhà nước và bên trong chính các nhà nước đó – thậm chí bên trong các thành phố – giúp ta lý giải sự mở rộng và cải tiến nhanh chóng công nghệ đồng hồ cơ khí ở châu Âu. Đến những năm 1330, Richard xứ Wallingford mới lắp đặt một chiếc đồng hồ cơ khí tinh vi nổi bật trên bức tường phía Nam Tu viện
Thánh Albans, chỉ ra chuyển động của mặt trăng, thủy triều và một số thiên thể. Với các tiếng chuông báo giờ mang âm sắc riêng của mình (mà từ đó ra đời các tên gọi: clock, clokke, Glocke, cloche – đều là hồi chuông báo hiệu), đồng hồ cơ khí và đồng hồ chạy lò xo dây cót thay thế nó trong thế kỷ XV không chỉ chính xác hơn các đồng hồ nước của Trung Hoa. Chúng còn được dự định sản xuất đại trà, chứ không bị độc chiếm bởi các nhà thiên văn học của hoàng đế. Vậy nên, nếu một nhà thờ thành phố nào đó trưng ra một mặt đồng hồ mới, đối thủ cạnh tranh gần nhất của nó sẽ lập tức buộc phải bám sát ngay. Nếu các thợ đồng hồ người Tin Lành bị xua đuổi ở Pháp sau năm 1685, thì Thụy Sĩ lại vui vẻ đón nhận họ. Và, cũng như với công nghệ quân sự, sự cạnh tranh sản sinh ra các tiến bộ khi các tay thợ lành nghề mày mò tìm ra các cải tiến tuy nhỏ nhưng nhờ tích lũy dần nên nâng cao sự chính xác và thanh lịch của sản phẩm. Vào thời gian Matteo Ricci, nhà truyền giáo Dòng Tên (Jesuit), đem những chiếc đồng hồ châu Âu đến Trung Hoa vào cuối thế kỷ XVI, chúng đã vượt trội hơn hẳn các đối thủ phương Đông mà chúng từng chào đón với lòng sợ hãi thuở nào. Vào năm 1602, theo yêu cầu của hoàng đế Vạn Lịch, Ricci đã chế ra một tấm bản đồ thế giới trên tờ giấy bổi rất đẹp, vẽ Trung Hoa nằm ở trung tâm Trái Đất. Tuy nhiên, ông cũng thừa hiểu rằng về mặt công nghệ giờ đây Trung Hoa đã bị gạt ra ngoài rìa của thế giới!
Do độ chính xác cao hơn trong đo lường và định vị tọa độ, sự nổi lên của đồng hồ và sau đó là đồng hồ đeo tay đã bước đi sát cánh (có thể nói như vậy), tay trong tay, cùng với sự nổi lên của châu Âu và sự phổ biến của văn minh phương Tây.
So sánh với châu Âu chắp vá toàn những mảnh vụn, thì Trung Hoa, về mặt chính trị, ít ra cũng từng là một tấm chăn nguyên lành rộng lớn. Các kẻ tranh giành chủ yếu của Vương quốc Trung tâm chỉ là những người Mông Cổ lang sói ở phía Bắc và bọn cướp biển Nhật Bản ở phía Đông. Từ thời của Tần Thủy Hoàng – thường được coi là “hoàng đế đầu tiên” của Trung Hoa (221-210 TCN) – mối đe dọa từ phương Bắc luôn lớn hơn – nó đòi hỏi một cuộc đầu tư đặc biệt trong quốc phòng mà ngày nay còn được biết đến với tên gọi Vạn Lý Trường Thành. Không một công trình nào như thế từng được xây dựng ở châu Âu kể từ thời hoàng đế La Mã Hadrian+ tới thời Erich Honecker+. Về quy mô, so sánh được với nó thì chỉ có mạng
lưới kênh đào và hào rãnh tưới tiêu nước cho đồng ruộng trồng trọt của Trung Hoa, mà Karl Wittfogel (1896-1988), nhà Trung Quốc học theo chủ nghĩa Mác, đã coi như là các thành tựu của một nền chuyên chính phương Đông “quan liêu hóa – thủy lực”.
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh là một tượng đài nữa biểu trưng cho quyền thế Trung Quốc vững như bàn thạch. Để có thể cảm nhận được kích thước đồ sộ và khí chất nổi trội, khách tham quan phải đi bộ qua Thái Hòa Môn tới Điện Thái Hòa, nơi đặt Ngai Rồng, sau đó tới Điện Trung Hòa, chỗ ở riêng của hoàng đế, rồi đến Điện Bảo Hòa, nơi tổ chức bước cuối cùng của mỗi kỳ thi tuyển nhân tài làm nô bộc cho hoàng đế (xem ở dưới). Chữ “Hòa” (和) có ý nghĩa là sự liên kết chặt chẽ với ý niệm về oai quyền hoàng đế không thể chia sẻ.
Giống như Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành hiển nhiên không có đối thủ nào ở phương Tây thế kỷ XV, đặc biệt là ở London, nơi quyền lực được chia nhỏ giữa hoàng gia, các quý tộc thế quyền thần quyền và dân thường, cũng như Tập đoàn Thành phố London và các công ty có màu cờ sắc áo. Tất cả đều có nơi chốn và trụ sở của mình, nhưng chúng đều bé nhỏ so với tiêu chuẩn phương Đông. Cũng vậy, trong khi các vương quốc châu Âu thời Trung cổ được vận hành bởi một tổ hợp các chủ đất thế tập và giới tăng lữ, được lựa chọn (và thường bị vùi dập tàn nhẫn) trên cơ sở các đặc ân nhân danh hoàng gia, thì Trung Hoa bị thống trị từ trên xuống dưới thông qua một bộ máy quan lại Nho giáo, được tuyển lựa dựa trên hệ thống thi cử có lẽ là gắt gao nhất trong lịch sử. Những kẻ khao khát tìm kiếm một chân nô bộc phụng sự hoàng đế đều phải tuân thủ, vượt qua ba kỳ thi nghiêm khắc và căng thẳng tiến hành tại các khu trường thi được xây dựng đặc biệt, giống với một khu trường thi mà ngày nay còn thấy được tại Nam Kinh – một khoảnh đất rộng có tường bao quanh chứa hàng nghìn cái ô nhỏ xíu hơi nhỉnh hơn chỗ rửa tay trên tàu hỏa.
Một căn buồng gạch bé tí xíu (theo lời một du khách người Âu đã viết) sâu khoảng 1,1 m, rộng 1 m và cao 1,7 m. Có hai cái kệ bằng đá, một làm bàn, một làm ghế. Suốt hai ngày trời diễn ra cuộc thi, các sĩ tử luôn bị giám sát bởi những người lính đứng trong tháp cao trông chừng… Di chuyển duy nhất được phép là việc đi lại của những người lính hầu tiếp
thêm thức ăn nước uống, hoặc ai phải ra ngoài xả chất thải cơ thể. Khi một sĩ tử bị mệt, anh ta có thể nằm ra sàn và nghỉ tại chỗ. Nhưng một ánh đèn sáng ở ô bên cạnh có thể sẽ buộc anh ta cầm ngay cái bút lông của mình lên… Một vài sĩ tử bị mất trí hoàn toàn dưới áp lực ấy.
Không nghi ngờ gì việc sau ba ngày và hai đêm trong “cái hộp đựng giày”, các sĩ tử nào có khả năng nhất – và chắc chắn là bền bỉ gắng gỏi nhất – sẽ vượt qua được kỳ thi. Nhưng với tầm quan trọng trên hết đặt vào Tứ Thư,
Ngũ Kinh của Khổng giáo với 431.286 con chữ tượng hình rắc rối phải thuộc lòng, và bài tiểu luận (bài phú, văn sách) niêm luật tám-vế nghiêm khắc đưa vào từ năm 1487, đây là một bài thi tưởng thưởng sự tuân phục và tận tụy. Đó đúng là một cuộc tranh giành gay gắt, không thể nghi ngờ gì nữa, nhưng không phải là kiểu cạnh tranh khích lệ cái mới, khuyến khích sự đổi mới; ở đây rất ít khẩu vị cho cái mới. Ngôn ngữ viết, trung tầm nền văn minh Trung Hoa, được thiết kế để sản sinh ra một thiểu số người ưu tú, thủ cựu, bảo hoàng và loại bỏ quần chúng ra rìa, xa khỏi hoạt động của họ. Sự tương phản có lẽ chỉ gần đây mới trở nên mạnh hơn với sự tranh giành vị thế tiếng mẹ đẻ tại châu Âu – Italy, Pháp, Tây Ban Nha cũng như tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh – dùng được cho văn chương tinh hoa, nhưng phải đến được với đông đảo quần chúng vốn chỉ được học hành khá sơ sài.
Như lời chính Khổng Tử đã nói: “Người bình thường thì ngạc nhiên trước cái khác thường. Người thông minh khác thường thì ngạc nhiên với cả những thứ tầm thường”. Nhưng có quá nhiều những thứ tầm thường theo cách Trung Hoa triều Minh đã vận hành và có quá ít cái khác thường mới mẻ ở đây.
Vương quốc trì trệ
Các nền văn minh là những phạm trù phức tạp. Suốt nhiều thế kỷ chúng có thể phát triển và thịnh vượng. Nhưng sau đó, thường là rất đột ngột, chúng có thể biến đổi khó lường.
Triều Minh ở Trung Hoa ra đời năm 1368, khi lãnh tụ khởi nghĩa Chu Nguyên Chương tự phong mình là Hồng Vũ Đế, có nghĩa là “Quyền thế
trùm trời”. Suốt gần ba thế kỷ tiếp sau đó, như chúng ta đã thấy, ở hầu hết mọi góc độ, Trung Hoa nhà Minh đã trở thành nền văn minh hiện đại, tinh vi nhất thế giới. Nhưng sau đó, vào giữa thế kỷ XVII, cỗ xe đã trật bánh, không thể khuếch trương sức mạnh ban đầu của nó nữa. Vĩnh Lạc, sau tất cả, đã kế vị ngôi báu của cha mình là Hồng Vũ Đế bằng cuộc nội chiến và phế truất người thừa kế hợp pháp là con trai anh cả của mình. Nhưng cuộc khủng hoảng giữa thế kỷ XVII mới là sự đổ vỡ lớn hơn nhiều. Nạn chia rẽ bè phái chính trị bị trầm trọng thêm bởi khủng hoảng công quỹ, khi đồng tiền bạc bị mất giá làm hao mòn giá trị thực của tổng thu nhập thuế. Thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát, đói kém và dịch bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân làm bùng phát các cuộc bạo loạn trong nước và nạn ngoại xâm. Năm 1644, Bắc Kinh rơi vào tay lãnh tụ khởi nghĩa Lý Tự Thành. Hoàng đế cuối cùng nhà Minh phải treo cổ tự vẫn để thoát nhục. Sự quá độ đầy kịch tính từ học thuyết Trung dung Khổng Tử sang hỗn loạn vô chính phủ diễn ra trong không quá một thập kỷ.
Tỷ lệ GDP trên đầu người Anh/Trung Quốc 1000-2008
Hậu quả sự sụp đổ của nhà Minh rất đáng sợ. Giữa các năm 1580 và 1650, xung đột và dịch bệnh đã làm dân số Trung Hoa giảm đến 35-40%. Nguyên
nhân ở đâu? Câu trả lời là chính sách hướng nội+ là con đường chết, đặc biệt đối với một xã hội phức tạp và quá đông dân như Trung Hoa. Hệ thống Minh triều đã tạo ra “sự thăng bằng bong bóng” – bề ngoài thì ấn tượng, bên trong thì dễ đổ vỡ. Vùng nông thôn có thể tải được một số lượng khá lớn dân cư, nhưng chỉ trên cơ sở một trật tự xã hội thật sự ổn định, nói trắng ra là một xã hội cự tuyệt đổi mới. Đó là một kiểu cài bẫy. Một khi có lực tác động, bẫy bèn sập, không cần sức giật kéo bên ngoài nào. Quả thực, có khá đông học giả uyên bác đã theo đuổi quan điểm cho rằng nước Trung Hoa triều Minh là một xã hội phồn thịnh, có nội thương mạnh mẽ và một thị trường hàng hóa xa hoa sôi động. Tuy nhiên, việc nghiên cứu Trung Hoa gần đây nhất cho thấy thu nhập trên đầu người dẫm chân tại chỗ trong suốt thời nhà Minh, ngân khố thì thật sự bị thâm hụt.
Ngược lại, dân số nước Anh tăng trưởng nhanh vào cuối thế kỷ XVII, bành trướng ra hải ngoại, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đất nước thoát khỏi cái bẫy Malthus+. Thương mại xuyên Đại Tây Dương đem lại các nguồn dinh dưỡng mới như khoai tây và đường – một mẫu mía đường thu được phần năng lượng bằng 12 mẫu lúa mì – cũng như rất nhiều cá thu, cá mòi. Việc chiếm thuộc địa kéo theo việc di dân – chuyển số cư dân quá mức đến thuộc địa. Theo thời gian, hiệu quả là gia tăng năng suất, thu nhập, dinh dưỡng và thậm chí kể cả chiều cao.
Hãy xem số phận của dân chúng một hòn đảo khác, địa thế rất giống nước Anh nằm ở một vùng bờ biển lắm đảo, phía bên kia liên lục địa Âu-Á. Trong khi nước Anh mãnh liệt chuyển mình hướng ra bên ngoài, đặt cơ sở cho cái gọi đúng ra là “Anh hóa toàn cầu”, thì người Nhật lại chọn con đường ngược lại, với chính sách sakoku (tỏa quốc) của Mạc phủ (Sogun) Tokugawa từ sau năm 1640. Mọi hình thức tiếp xúc với thế giới bên ngoài đều bị cấm. Kết quả là nước Nhật bị mất hết lợi ích gắn liền sự tăng nhanh thương mại và di dân toàn cầu. Hậu quả thật thê thảm. Vào cuối thế kỷ XVIII, khẩu phần của hơn 28% thợ giỏi người Anh có thịt; trong khi các đối tác Nhật của họ thì qua bữa với khẩu phần ăn đơn điệu, 95% là ngũ cốc, chủ yếu là gạo. Sự chênh lệch dinh dưỡng này lý giải khoảng cách thấy rõ trong tăng trưởng vóc dáng sau năm 1600. Chiều cao trung bình của tù nhân Anh trong thế kỷ XVIII là 1,703 m. Chiều cao bình quân người
lính Nhật cùng thời kỳ ấy là 1,585 m. Khi đó, nếu người phương Tây gặp người phương Đông, họ không còn có thể nhìn ngang mắt nhau được nữa.
Nói cách khác, từ lâu, trước cuộc Cách mạng Công nghiệp, nước Anh bé nhỏ đã tiến trước các nền văn minh vĩ đại phương Đông, nhờ các tiến bộ vật chất của thương nghiệp và thực dân hóa. Đường lối Trung Hoa và Nhật Bản – quay lưng lại với ngoại thương và đẩy mạnh trồng lúa – đồng nghĩa với việc dân số tăng, thu nhập giảm, dinh dưỡng, chiều cao và năng suất cũng giảm theo. Khi ngũ cốc bị thiếu hoặc mùa màng thất bát, hậu quả rất thảm khốc. Về khoản nghiện ngập, người Anh cũng may mắn hơn: Từ lâu quen uống rượu cồn, nay ở thế kỷ XVII họ được phấn chấn say sưa với thuốc lá Mỹ, cà phê Ả-rập và trà Trung Hoa. Họ hứng thú với quán cà phê, quán đổi tiền, quán tán-gẫu; người Trung Hoa thì chìm đắm trong chán nản trì trệ tại ổ hút thuốc phiện, ống điếu của họ được nhồi không gì khác ngoài thứ Công ty Đông Ấn của Anh đem đến+.
Không phải mọi nhà bình luận châu Âu đều nhận ra “sự trì trệ đình đốn của Trung Hoa” như Adam Smith. Năm 1697, nhà triết học và toán học Đức Leibniz tuyên bố: “Tôi sẽ phải viết một tấm biển lên cửa nhà tôi: Văn phòng Thông tin về tri thức Trung Hoa”. Trong cuốn The Latest News from China (Tin tức mới nhất từ Trung Hoa), ông đề xuất rằng “các sứ thần Trung Hoa nên được gửi đến đây để họ rao giảng về mục đích và thực hành thần học tự nhiên, còn chúng ta thì gửi các sứ thần đến đó để đào tạo họ về tín ngưỡng mới”. “Mọi người không nên do dự về các tài nghệ của người Trung Hoa”, nhà triết học Pháp Voltaire tuyên bố năm 1764, “phải công nhận rằng… đế chế của họ thực sự là đế chế tuyệt vời nhất mà thế giới từng có”. Hai năm sau đó Francois Quesnay (1694-1774), nhà kinh tế học trọng nông người Pháp, xuất bản cuốn The Despotism of China (Chế độ chuyên chế ở Trung Hoa) ca tụng sự ưu việt của nông nghiệp ở Trung Hoa.
Cho đến bây giờ những người ở bờ bên kia của con Kênh lớn+ ít có thiên hướng lý tưởng hóa “nước Trung Hoa xưa” như một cách chỉ trích quanh co không thẳng thắn chính phủ của họ – đã nhận rõ sự trì trệ trên thực tế của Trung Hoa. Năm 1793, lần đầu tiên Earl Macartney (1737-1806) dẫn một phái đoàn yết kiến Hoàng đế Càn Long, trong một nỗ lực khoa trương nhằm thuyết phục người Trung Hoa mở cửa thông thương buôn bán trở lại.
Mặc dù đã phải chua chát cúi mình hành lễ “khấu đầu”, ông vẫn dâng lên ngài những tặng vật cung hiến: kính thiên văn do Đức chế tạo, “những thấu kính thủy tinh hoàn hảo nhất có lẽ chưa từng có bao giờ”, cả các kính viễn vọng, máy đo kinh vĩ, máy bơm-không khí, máy phát điện và “các thiết bị quý giúp việc giải thích và minh họa các nguyên lý khoa học”. Ông hoàng đế cổ lỗ (lúc này 80 tuổi) và thuộc hạ của ông đã không hề thấy ấn tượng trước những kỳ công của văn minh phương Tây:
Giờ đây tôi phát hiện ra rằng năng lực (về khoa học kỹ thuật), nếu đã từng tồn tại, thì nay hoàn toàn hư nát cùn mòn hết rồi. (Tất cả)… đều đã mất và bị vứt bỏ khỏi những con người Trung Hoa ngu dốt… kẻ nghe nói ngay sau khi sứ đoàn rời đi bèn dồn đống chúng lại vào nhà kho của Uyên Minh Viên (cung điện Mùa hè cũ). Chẳng có kết quả nào khác cho những bộ mẫu vật quý hóa của khoa học và nghệ thuật được lựa chọn tiêu biểu cho thủ công nghệ Anh quốc. Ấn tượng mà các đồ vật tạo tác ấy gây ra trong đầu bọn triều thần duy nhất chỉ là ghen tức và cảnh giác… Cách xử sự như thế có thể quy kết về một kiểu chính sách quốc gia, vốn chỉ gây trở ngại cho việc du nhập những điều mới lạ…
Hoàng đế này sau đó đã gửi một “chỉ dụ” đầy miệt thị cho vua George III: “Không cái gì Trẫm không có”, ông ta tuyên bố, “Trẫm không thừa nhà kho để chứa các thứ lạ lẫm hay ngu xuẩn, Trẫm không cần bất cứ thứ gì nữa của kỹ nghệ nước các khanh”.
Thất bại của Macartney trong việc mở cửa Trung Hoa là biểu tượng hoàn hảo cho sự chuyển dịch sức mạnh toàn cầu từ phương Đông sang phương Tây, diễn ra từ năm 1500. Vương quốc Trung tâm, từng là đất mẹ của những phát minh, giờ đây đã là Vương quốc trì trệ, kẻ thù địch ương ngạnh đối với những sáng chế của người khác. Một phát minh kiệt xuất của Trung Hoa, chiếc đồng hồ, đã trở về nơi khai sinh ra nó, nhưng dưới diện mạo đã được châu Âu biến tác và cải thiện, với động cơ và bánh răng chính xác chưa từng thấy. Ngày nay có cả một căn phòng lớn trong Tử Cấm Thành trưng bày bộ sưu tập máy móc định giờ qua các thời đại. Khác với hoàng đế Càn Long ngạo mạn, những hoàng đế tiền nhiệm của ông ta đã có những chiếc đồng hồ rất ấn tượng. Gần như tất cả đều được làm ra ở châu Âu, hoặc do thợ lành nghề người Âu di cư sang Trung Hoa.
ẳ
Sự vượt lên của phương Tây được khẳng định vào tháng Bảy năm 1842, khi các tàu chiến thủy quân hoàng gia bơi theo sông Dương Tử đến Đại Vận Hà để trả đũa việc một quan chức Trung Hoa quá khích đã phá hủy kho thuốc phiện. Trung Hoa đã phải bồi thường thiệt hại 21 triệu đô-la bạc, mở cửa năm cảng khẩu cho thương nhân Anh và nhượng Hồng Kông. Thật trớ trêu nhưng lại thích hợp khi hiệp ước đầu tiên trong những cái gọi là “Những hiệp ước bất bình đẳng” này lại được ký kết tại Nam Kinh, trong Tịnh Hải tự – ban đầu được xây nên để vinh danh Đô đốc Trịnh Hòa và thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu, Bà Thánh của biển cả, người phù hộ độ trì cho ông ta và hạm đội của ông hơn bốn thế kỷ trước.
Họ lại đóng tàu tại Trung Hoa (ngày nay) – những con tàu to lớn có thể đi vòng quanh thế giới, rời cảng với các thùng hàng đầy ắp sản phẩm của Trung Hoa và mang về các nguyên liệu thô cần cho nền kinh tế công nghiệp đang không ngừng lớn mạnh của đất nước này. Khi tham quan xưởng đóng tàu lớn nhất Thượng Hải vào tháng Sáu năm 2010, tôi đã bị choáng ngợp bởi kích thước của những con tàu đang đóng. Quang cảnh ấy khiến cho những cái ụ tàu Glasgow trong tâm trí thuở nhỏ của tôi trở nên nhỏ nhoi, vô nghĩa. Tại các nhà máy ở Ôn Châu+, công nhân sản xuất từng ca hàng trăm nghìn bộ áo quần và bút nhựa thì hàng triệu chiếc mỗi ngày. Nước sông Dương Tử không ngớt cuộn lên bởi vô số xà-lan chất ngất than đá, xi măng và quặng. Sự cạnh tranh, các công ty, chợ búa, buôn bán – đó là những thứ mà Trung Hoa từng có thời ngoảnh mặt quay lưng. Giờ thì không còn như thế nữa. Ngày nay, Đô đốc Trịnh Hòa, hiện thân của chủ nghĩa bành trướng Trung Hoa từng bị lãng quên từ lâu, đang tái hiện trong một người anh hùng ở Trung Hoa, theo lời nhà cải cách kinh tế vĩ đại nhất thời đại Mao Trạch Đông, đó là Đặng Tiểu Bình:
Ngày nay, không một nước nào muốn phát triển lại theo đuổi các chính sách đóng cửa. Chúng ta đã nếm trải kinh nghiệm đau đớn này và tổ tiên chúng ta cũng đã nếm trải nó. Vào đầu thời nhà Minh, dưới sự cai trị của Vĩnh Lạc, khi Trịnh Hòa giong buồm sang đại dương phía Tây, đất nước chúng ta đã cởi mở. Sau khi Vĩnh Lạc chết, triều chính suy yếu. Trung Hoa bị xâm lược. Tính từ giữa thời Minh đến cuộc chiến tranh Nha phiến, suốt 300 năm cô lập, Trung Hoa trở nên nghèo đói, bị tụt hậu, lâm
vào tối tăm và dốt nát. Đóng cửa hiển nhiên không phải là một lựa chọn tốt.
Đó là một nhận xét đáng tin cậy về lịch sử (và giống hệt nhận xét của Adam Smith).
30 năm trước, nếu tiên đoán rằng trong vòng nửa thế kỷ Trung Hoa sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, bạn sẽ bị xua đuổi như một kẻ điên khùng. Nhưng nếu ngược trở về năm 1420, nếu khi đó bạn tiên đoán rằng Tây Âu sẽ có ngày sản xuất nhiều hơn toàn thể châu Á, và chỉ trong vòng 500 năm, thu nhập trung bình của một người Anh sẽ gấp 9 lần một người Trung Hoa, bạn đáng bị xem là kẻ mất trí. Đó là hiệu ứng động lực của sự cạnh tranh tại Tây Âu và tác động kéo lùi lịch sử của nền chuyên chính ở Đông Á.
2
KHOA HỌC
T
ôi giả vờ quan tâm sâu sắc về khoa học, bởi cứ giả vờ mãi nên chẳng bao lâu sau tôi lại thành ra gắn chặt với nó. Tôi thôi không làm con người của công việc nữa… Việc rút lui khỏi triều đình giúp
tôi có một lý do hợp lý để cương quyết rời xa mảnh đất quê hương. Tôi đến yết kiến nhà vua; tôi nhấn mạnh nguyện vọng to lớn được làm quen với khoa học của phương Tây và ngụ ý rằng chuyến đi của tôi thậm chí chỉ nhằm mục đích phụng sự nhà vua.
– Montesquieu
Sẽ rất có ích khi lý giải tại sao một đất nước toàn cát sỏi của Brandenburg lại có trong tay quyền lực to lớn đến nỗi những lực lượng được tập hợp để chống lại nó còn khủng khiếp hơn những nỗ lực từng được tập hợp để chống lại vua Louis XIV.
– Voltaire
Cuộc phong tỏa
Rất nhiều cuộc xung đột giữa phương Tây và phương Đông đã xảy ra kể từ khi đạo Hồi bùng phát từ các vùng hoang vu Ả-rập trong thế kỷ VII. Những môn đồ của Muhammad tiến hành thánh chiến chống lại môn đồ của Chúa Jesus, và những người Ki-tô giáo quay sang ủng hộ các cuộc Thập tự chinh đến Đất Thánh – đã có tổng cộng chín cuộc giữa các năm 1095-1272 với mong muốn chiếm lại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Suốt gần 300 năm qua, trừ những thất bại tạm thời hiếm hoi, phương Tây luôn giành được thắng lợi trong cuộc chiến giữa các nền văn minh. Một trong
những lý do chính giải thích cho thắng lợi đó là sự vượt trội của khoa học phương Tây. Tuy nhiên, ưu thế ấy không phải lúc nào cũng tồn tại.
Niềm tin tôn giáo không phải là thứ duy nhất thôi thúc những người kế thừa của Đấng Tiên tri Muhammad dựng nên một vương quốc Hồi giáo (Caliphate) vào giữa thế kỷ VIII, kéo dài từ Tây Ban Nha thẳng qua Bắc Phi, qua miền đất trung tâm Ả-rập, hướng sang phía Bắc lên Syria, xâm
nhập vào Caucasus, rồi quay về phía Đông băng qua Ba Tư và vào Afghanistan – toàn bộ từ Toledo đến Kabul. Vương quốc của Abbasid đã đạt đến đỉnh cao của khoa học. Lâu đài Thông thái được Quốc vương Harun al-Rashid xây dựng ở Baghdad vào thế kỷ IX; thư tịch Hy Lạp của Aristotle và các tác gia khác đã được dịch sang tiếng Ả-rập. Vương quốc này cũng tạo ra những cơ sở có thể coi như những bệnh viện đầu tiên, chẳng hạn như một “bimaristan”+ được Caliph al-Waleed bin Abdel Malek xây ở Damas năm 707, với mục đích làm nơi chữa bệnh chứ không chỉ là nơi ở cho những người đau yếu. Có thể kể đến khu nhà được xem như học viện thực sự đầu tiên của giáo dục bậc cao – trường Đại học Tổng hợp Al Karaouine được xây dựng tại Fez năm 859. Xuất phát từ nền móng là kho tri thức Hy Lạp, đặc biệt là tri thức Ấn Độ, các nhà toán học Hồi giáo đã sáng tạo nên môn Đại số (algebra – xuất phát từ chữ Ả-rập al-jabr nghĩa là “khôi phục lại”) – tách khỏi Số học và Hình học. Cuốn sách đầu tiên về Đại số The Compendious Book on Calculation by Completion and Balancing – Hisab al-Jabr W’al-Musqabalah (Cẩm nang về tính toán và phương trình) được nhà thông thái Ba Tư Muhammad ibn Musa al Khwarizmi viết bằng tiếng Ả-rập vào khoảng năm 820. Nhà khoa học thực nghiệm đầu tiên là một người Hồi giáo: Abu Ali al-Hasan ibn al-Haytham (965-1039), cuốn Sách về Quang học gồm 7 tập của ông đã bác bỏ phần lớn các quan niệm sai lầm trước đó về quang học, như việc cho rằng chúng ta có thể nhìn thấy các vật thể là do mắt phát ra tia sáng. Chính Ibn al Haytham là người đầu tiên chứng minh vì sao một viên đạn bắn ra sẽ dễ xuyên vào tường hơn nếu nó va chạm theo phương vuông góc; ông cũng nhận ra rằng các ngôi sao không phải là các vật thể đặc và là người dựng lên buồng tối chụp hình đầu tiên – thứ camera lỗ kim mà ngày nay vẫn được học sinh sử dụng để học môn quang học. Các nghiên cứu của ông được tiếp tục phát triển nhờ công trình của nhà thông thái Ba Tư cuối thế kỷ XIII – Kamal al-Din al-Farisi – về cầu vồng. Phương Tây mang một
món nợ với thế giới Hồi giáo Trung cổ khi được kế thừa những tinh hoa tri thức cổ xưa, cả về sự phát triển những nguồn tri thức mới trong phép vẽ bản đồ, y học và triết học cũng như trong toán học và quang học. Nhà triết học Anh Roger Bacon (1214-1294) đã nhấn mạnh điều đó: “Triết học có nguồn gốc từ người Hồi giáo”.
Vậy tại sao thế giới Hồi giáo lại tụt hậu so với phương Tây trong lĩnh vực khoa học? Và chính xác thì cuộc Cách mạng Khoa học đã giúp phương Tây vượt lên trên thế giới, về quân sự cũng như khoa học bằng cách nào? Để trả lời những câu hỏi ấy, chúng ta cần du hành ngược thời gian về hơn ba thế kỷ trước, tới lần cuối cùng một đế chế Hồi giáo uy hiếp sự an toàn của phương Tây.
Đó là năm 1683 – và một lần nữa – như đã xảy ra vào năm 1529 – một đội quân Ottoman đến cửa ngõ thành Vienna, đứng đầu là Kara Mustafa Koprulu, Đại tể tướng của Sultan Mehmed IV.
Với một triều đại Anatolia được lập lên trong sự tàn lụi của đế chế Byzantine, người Ottoman là những người thừa kế chuẩn mực của đạo Hồi từ khi họ chiếm được Constantinople vào năm 1453. Đế chế của họ không quét sang hướng Đông của vua Hồi Abbasid+, nhưng lại thành công trong việc truyền bá đạo Hồi vào những vùng lãnh thổ cho tới bây giờ vẫn thuộc Ki-tô giáo – không chỉ các vương quốc Byzantine già nua ở phía Đông eo Biển Đen mà còn cả Bulgaria, Serbia và Hungary. Belgrade đã rơi vào tay Ottoman năm 1521, Buda năm 1541. Lực lượng hải quân Ottoman cũng đè bẹp được Rhodes (1522). Vienna có thể đã thoát (giống như Malta); nhưng một khi sự thống trị của Ottoman được mở rộng từ Baghdad đến Bastra, từ Van ở Caucasus tới Aden ngay yết hầu của Biển Đỏ, và dọc theo Duyên hải Barbary từ Algiers tới Tripoli, thì Suleiman Tráng lệ (Suleiman the Magnificent) (1520-1566) đã có lý do để lớn tiếng tuyên bố: “Ta là Đấng Sultan+ của các Sultan, Đấng Cai trị của các nhà cai trị, Đấng ban cấp vương miện cho vua chúa khắp hoàn vũ, là Trợ thủ của Thượng đế trên Mặt Đất.. .”+
Tòa Thánh đường Hồi giáo ở Istanbul mang tên ông ta là một minh chứng vĩnh cửu cho tuyên ngôn về sự vĩ đại ấy. Một điều ít được biết đến hơn là
"""