"
Văn Học Việt 1800 -1945 - Vũ Hân full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Văn Học Việt 1800 -1945 - Vũ Hân full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : VĂN-HỌC VIỆT-NAM (1800-1945) Tác giả : VŨ-HÂN
Nhà xuất bản : Nhà sách KHAI-TRÍ
Năm xuất bản : 1973
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : kehetthoi
Kiểm tra chính tả : Vũ Minh Anh, Nguyễn Minh Khôi, Võ Ngọc Thùy Trinh, Kim Thoa, Nguyễn Phát An, Trương Thu Trang, Nguyễn Mỹ Quỳnh Dao
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 11/09/2018
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả VŨ-HÂN và Nhà sách KHAI-TRÍ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
LỜI NHẮN GỞI
CHƯƠNG MỞ ĐẦU : MỘT ÍT KHÁI-NIỆM VỀ 2 VẤN ĐỀ VĂN-HỌC VÀ VĂN-HỌC-SỬ
I. NHẬN ĐỊNH SƠ LƯỢC VỀ DANH TỪ VĂN-HỌC A) Văn học là gì ?
B) Quan niệm về văn học của người Trung Hoa trước kia C) Quan niệm về văn học của người Việt-Nam ta ngày nay II. NHẬN ĐỊNH SƠ LƯỢC VỀ KHOA VĂN HỌC SỬ
A) Văn học sử là gì ? Vài dòng nhận xét về văn học sử nước Tàu và nước Pháp
B) Nhận xét sơ lược về Văn học sử Việt Nam và những công tác của cố giáo sư Dương Quảng Hàm cùng các học giả đương thời
C) Quan niệm của chúng ta đối với vấn đề Văn học sử
CHƯƠNG THỨ I : ĐẠI CƯƠNG VĂN-HỌC VỀ THẾ-KỶ XIX Ở VIỆT-NAM
I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ TINH THẦN CỦA NỀN VĂN HỌC THẾ KỶ XIX TẠI VIỆT NAM : VĂN HỌC NHÀ NGUYỄN
II. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA NỀN VĂN HỌC THẾ KỶ XIX TẠI VIỆT-NAM
A) Nhà Nguyễn thống nhất sơn hà vào đầu thế kỷ XIX và cục diện Âu Châu lúc bấy giờ
B) Xã hội và chính sách nội trị cùng ngoại giao của nhà Nguyễn
1. Xã hội và nội trị
2. Về ngoại giao
C) Học qui và thi cử dưới đời nhà Nguyễn
III. PHÂN ĐOẠN LỊCH SỬ VĂN HỌC NHÀ NGUYỄN A) Văn chương tiền bán thế kỷ mười chín (XIX) B) Văn chương hậu-bán thế kỷ XIX
IV. TÍNH CHẤT ĐẠI CƯƠNG VỀ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CỦA NỀN VĂN HỌC NHÀ NGUYỄN
A) Nội dung văn học nhà Nguyễn
1) Khuynh hướng đạo lý
2) Khuynh hướng tình cảm
3) Khuynh hướng thời thế
4) Khuynh hướng trào phúng
B) Hình thức văn học nhà Nguyễn
1) Văn thể
2) Văn Từ
V. KẾT LUẬN
CHƯƠNG THỨ II : ĐẠI CƯƠNG VĂN HỌC THẾ-KỶ XX KỂ TỪ 1900-1945 (GIAI ĐOẠN TIỀN-BÁN THẾ-KỶ)
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA NỀN VĂN HỌC VÀO KHOẢNG TIỀN BÁN THẾ KỶ XX TẠI NƯỚC TA (1900-1945)
A) Sơ lược lịch sử trong và ngoài nước
1) Những sự kiện chính trị quốc tế quan trọng sau cuộc đại chiến thứ I
2) Tình hình quốc nội từ sau cuộc đại chiến lần thứ I và sau 3 phong trào : Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân
B) Chính sách cai trị của thực dân Pháp (kinh tế, chính trị và giáo dục)
1) Chính sách kinh tế
2) Chính sách chính trị
3) Chính sách giáo dục
II. VAI TRÒ CỦA CHỮ QUỐC NGỮ VÀ NHẮC SƠ QUA NGUỒN GỐC CỦA THỨ CHỮ NÀY
III. CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN CỦA CHỮ QUỐC NGỮ A) Thời kỳ phôi thai
B) Thời kỳ phát triển
1) Báo chí
2) Biên khảo và dịch thuật
3) Thi ca
4) Tiểu thuyết
C) Thời kỳ thịnh hành (1913-1934)
1) Báo chí
2) Biên khảo và tạp chí
3) Thi ca
4) Tiểu thuyết
5) Kịch bản
IV. TÓM LƯỢC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM CẤU TẠO TRONG BA THỜI KỲ TIẾN TRIỂN CỦA CHỮ QUỐC NGỮ
A) Luận thuyết, khảo cứu, phê bình
B) Dịch thuật
C) Du ký và phóng sự
D) Truyện và tiểu thuyết
1) Truyện của thời kỳ phôi thai
2) Truyện và tiểu thuyết thời kỳ phát triển
3) Truyện và tiểu thuyết của thời kỳ thịnh hành E) Kịch bản
G) Thi phẩm
V. THAY LỜI KẾT LUẬN
A) Giai đoạn thứ nhất (1905-1925)
1) Điều kiện lịch sử
2) Văn chương
B) Giai đoạn thứ nhì (1925-1945)
1) Điều kiện lịch sử
2) Tình trạng văn chương
CHƯƠNG THỨ BA : LỊCH-SỬ BÁO-CHÍ VIỆT-NAM KỂ TỪ 1905-1945 (GIAI ĐOẠN TIỀN-BÁN THẾ-KỶ 20)
I. SỰ XUẤT HIỆN CỦA BÁO CHÍ VIỆT-NAM
II. TÌNH TRẠNG CHUNG CỦA BÁO CHÍ VIỆT NAM
III. CÁC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ BÁO CHÍ VIỆT NAM TỪ 1905- 1945
1) Giai đoạn thứ nhất (1905-1914)
2) Giai đoạn thứ hai (1914-1930)
3) Giai đoạn thứ ba (1930-1939)
4) Giai đoạn thứ 4 (1939-1945)
IV. SƠ LƯỢC VỀ 3 NHÓM : NAM PHONG TẠP CHÍ, ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ VÀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
A) Đông Dương tạp chí (1913-1917)
1) Sự thành lập
2) Mục đích
3) Ban biên tập và nội dung Đ.D.T.C.
4) Thành tích
B) Nam Phong tạp chí : (1917-1934)
1) Nguyên nhân và sự thành lập tạp chí Nam Phong 2) Ban biên-tập và nội dung tạp chí Nam Phong 3) Mục đích
4) Thành tích
C) Nhóm Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945)
1) Tự Lục Văn Đoàn được thành lập trong hoàn cảnh nào của đất nước ?
2) Ban biên tập và hình thức hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn
3) Chủ trương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn
4) Thành tích và ảnh hưởng của nhóm T.L.V.Đ. 5) Những khuyết điểm của Tự-Lực Văn-Đoàn
V. TÌM HIỂU SƠ LƯỢC BA TẠP CHÍ ĐỒNG THỜI VỚI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN : THANH NGHỊ – TRI TÂN – TAO ĐÀN
A) Thanh nghị tạp chí
1) Sự sáng lập
2) Mục đích
3) Ban biên tập
4) Thành tích
B) Tri Tân tạp chí
1) Sự sáng lập
2) Mục đích
3) Ban biên tập
4) Thành tích
C) Tao đàn tạp chí
1) Sự sáng lập
2) Mục đích
3) Ban biên tập
4) Thành tích
CHƯƠNG PHỤ LỤC : VĂN CHƯƠNG TlỀN-BÁN THẾ KỶ 20 TẠI VIỆT-NAM
I. VẤN ĐỀ THƠ MỚI
A) Thái độ xét lại của các học giả văn nhân thi sĩ đối với vấn đề thi ca
B) Sự phát triển của thơ mới từ tiệm tiến đến bột phát C) Bàn về thể cách Thơ Mới
1) Số câu và số khổ trong bài
2) Số chữ trong câu
3) Cách hiệp vần
4) Điệu thơ
II. VẤN ĐỀ TIỂU THUYẾT
A) Từ phôi thai tiến dần đến phát triển
B) Bước vào thế kỷ 20, tiểu thuyết tiến đến thời thịnh hành
1) Thời kỳ dịch thuật
2) Thời kỳ sáng tác
C) Truyện và tiểu thuyết khác nhau như thế nào ? 1) Truyện là gì ?
2) Truyện và tiểu thuyết khác nhau ở điểm nào và có gặp nhau không ?
III. VẤN ĐỀ BÚT KÝ VÀ TÙY BÚT
A) Bút ký là gì ?
B) Tùy bút là gì ?
C) Nguyễn Tuân và tùy bút
IV. VẤN ĐỀ PHÓNG SỰ
A) Phóng sự là gì ?
B) Nội dung và hình thức của văn phóng sự
1) Nội dung
2) Hình thức
C) Kỹ thuật xây dựng các thể văn phóng sự
1) Tính cách báo chí
2) Tính cách văn chương
V. VÀI DÒNG VỀ CÁC TƯ TRÀO VĂN CHƯƠNG THẾ GIỚI TRONG KHOẢNG TIỀN BÁN THẾ KỶ 20
A) Tính chất đại cương về các tư trào văn học thế giới B) Điểm qua các tư trào văn học trên thế giới. 1) Khuynh hướng cổ điển
2) Khuynh hướng lãng mạn Pháp, Đức và Anh 3) Khuynh hướng tả thực
4) Khuynh hướng tượng trưng và những giai đoạn suy đồi của nó
KẾT LUẬN
VŨ-HÂN
GIÁO-SƯ VIỆT-VĂN
BIÊN KHẢO
VĂN-HỌC VIỆT-NAM Thế-kỷ XIX
Tiền-bán thế-kỷ XX
(1800-1945)
Nhà sách KHAI-TRÍ
62, Đại-lộ Lê-Lợi – SAIGON
Kính dâng Hương hồn phụ thân,
Người đã mở lòng tôi bằng dăm câu lục bát của Nguyễn-Du.
LỜI NHẮN GỞI
Quyển « Văn-học Việt-Nam thế-kỷ XIX, tiền-bán thế-kỷ XX » đây, lẽ dĩ nhiên không phải là một sáng-tác-phẩm mà nó chỉ là một tập sách biên khảo nho nhỏ để giúp cho các bạn học sinh nam-nữ xa gần có một ý-niệm tổng-quát về một giai đoạn lịch sử văn-học nước nhà : Giai đoạn từ thế-kỷ 19 đến tiền-bán thế kỷ 20 (1802-1945), nghĩa là từ thời cực thịnh của văn Nôm đến khoảng vươn cao của văn chương Quốc-ngữ.
Bởi vậy, sau khi biên khảo tập sách nhỏ này, Vũ-Hân tôi chỉ có 2 điều ước mong rất cụ-thể :
Điều ước mong thứ nhất là cố-gắng làm sao cho tập sách nhỏ này được ra mắt bạn đọc bốn phương nhất là để nó được đến với các bạn học sinh nam nữ hiện tại ở bậc Trung-Học đệ-nhị-cấp, đang hằng ngày cắp sách đến trường hoặc đến với các bạn vì thiếu điều kiện đến trường mà phải ở nhà « tự học », hầu giúp cho họ có thêm chút ít tài liệu về văn chương đất nước trong khi tra khảo học tập làm bài hoặc soạn bài.
Điều ước mong thứ hai là làm sao cho tập sách nhỏ này được các bạn Giáo-sư đồng-nghiệp khắp nơi chú ý đến để nếu có thể, được các bạn góp phần xây dựng thêm cho, nghĩa là Vũ-Hân tôi rất chân thành mong được các bạn góp thêm ý kiến hoặc chỉ giáo cho những điểm sai lệch và thiếu sót mà soạn giả không thể nào tránh khỏi trong khi biên soạn. Và đồng thời cũng rất mong quý bạn đồng nghiệp giới thiệu tập tài liệu nhỏ này với những học trò của quý bạn,
khuyên họ nên xem tập sách này như là một phần nào về tài liệu văn chương Việt-Ngữ để họ có thể dùng đó mà soạn những bài giải đáp, những câu hỏi về giảng-văn cũng như về luận văn mà quý bạn sẽ ra cho họ.
Tóm lại, nếu 2 điều ước mong trên được thực-hiện hoàn toàn thì kẻ « lược khảo » tập « Văn học Việt Nam thế kỷ XIX, tiền-bán thế kỷ XX » nầy lẽ tất nhiên sẽ vô cùng vui sướng. Tuy nhiên, trước khi kết thúc mấy dòng nhắn gởi trên đây, Vũ-Hân tôi xin nguyện mãi mãi ghi ơn các bậc thầy đã dầy công rèn luyện tôi về môn Việt-ngữ cách đây trên 20 năm đã gây cho tôi một ý thức sâu đậm về nền văn chương đất nước. Bên cạnh đó tôi cũng không bao giờ dám quên ơn các bậc học-giả, các vị giáo-sư đàn anh, vì nhờ những tài liệu về văn học rất uyên-thâm của quý-vị mà tôi đã hằng ngày nghiên cứu, tìm tòi học tập thêm để trong một thời gian « góp gió thành bão » mới có thể biên soạn ra được tập sách cỏn con này…
Đến đây tôi không còn dám dài dòng nhắn gởi nữa, chỉ kính mong các thầy của tôi trước kia hiện còn sống hoặc đã quá vãng, mong các bậc học giả, các bậc giáo sư đàn anh thông cảm cho… và cuối cùng cũng rất mong các bạn học
sinh xa gần nên tìm đến với tôi, tìm để thông cảm tôi qua mấy chương sách nhỏ sắp bắt đầu lược trình kế tiếp theo đây…
Đà-nẵng, đầu hè năm Đinh-Mùi (1967)
Người soạn sách
VŨ-HÂN
CHƯƠNG MỞ ĐẦU : MỘT ÍT KHÁI-NIỆM VỀ 2 VẤN ĐỀ VĂN-HỌC VÀ VĂN-HỌC-SỬ
I. NHẬN ĐỊNH SƠ LƯỢC VỀ DANH TỪ VĂN-HỌC
A) Văn học là gì ?
Đối với nền cổ học Trung Hoa, nhất là với học thuyết Khổng Mạnh, « văn » là vẻ đẹp (đầy màu sắc), điều hay (thâm thúy, cao xa). Bởi vậy « Văn học » là một trong tứ khoa mà các môn đệ Khổng Tử cần phải trau dồi mãi mãi : văn, hạnh, trung, tín. Cho nên ta có thể nói : « Hạnh, Trung, Tín » là thuộc phần tư cách đạo đức, còn « văn » thì thuộc về mặt trí tài. Do lẽ đó, kẻ nào thấu triệt quán xuyến về « văn » thì được thế nhân gọi là văn nhân thức giả.
B) Quan niệm về văn học của người Trung Hoa trước kia
Qua thời Dân Quốc (Trung Hoa Dân Quốc) vấn đề văn học lại được quan niệm bằng hai cách khác nhau.
1) Phái học giả vào thời kỳ đầu quan niệm rằng : Văn học tức là dùng văn tự ghi chép lại mọi tư tưởng, mọi lý luận, phép tắc, v.v… Bởi vậy, theo họ, văn tự học, bách gia chư tử triết học, sử học, lý học, v.v… đều được gọi là văn học.
Quan niệm văn học của phái học giả này cũng có vẻ giống với quan niệm của các học giả về thời phong kiến là : « Trước ư trúc, bạch vị chi văn ; luận kỳ pháp thức vị chi văn học » (viết trên tre, lụa thì gọi là văn ; bàn đến phép tắc của
nó thì gọi là văn học).
2) Phái học giả về sau nầy vì chịu ảnh hưởng các tư trào Âu Mỹ nên lại quan niệm vấn đề văn học một cách có giới hạn hơn. Họ cho rằng chỉ những tác phẩm nào bao hàm ý vị nghệ thuật, nghĩa là chỉ chuyên tả tình cảm, tưởng tượng, phô bày cảm giác, cảm xúc mới được gọi là văn học. Như thế tự nhiên các loại sách về kinh học, triết học, lý học và ngay cả những danh tác cổ văn mang nặng các tư tưởng về vũ trụ, nhân sinh, đạo đức cũng bị xem như là không phải văn học. Tựu trung, theo phái sau nầy, chỉ có thi ca, từ phú, tân văn, tiểu thuyết, kịch tuồng, bút ký, v.v… mới được mệnh danh là văn học mà thôi.
C) Quan niệm về văn học của người Việt-Nam ta ngày nay
Ngày nay ở nước ta, ảnh hưởng từ trào Đông, Tây, kim cổ này ngày càng sâu rộng, quan niệm về 2 chữ văn học lẽ tất nhiên phải được mới mẻ và xác đáng hơn. Do đó môn quốc văn phải được đề cao và sẽ chiếm một địa vị quan trọng trên mọi ngành học thuật.
Với một quan niệm mới mẻ và xác đáng như thế những yếu tố mà trước kia các học giả ta đã đặt nặng cho văn học như : học qui, khoa cử, từ chương, cú pháp, Hán văn, tam giáo (Nho, Thích, Lão), v.v… đều không phải là phần cốt yếu của văn học nữa.
Mà phần cốt yếu của văn học, cái đối tượng chính của văn học Việt Nam là các sáng tác phẩm bằng quốc âm, tức là
những áng danh tác bằng văn nôm trước kia hay bằng chữ quốc ngữ về sau nầy vậy. Ngoài ra, bao nhiêu kho tàng Hán văn quí báu của tiền nhân để lại đều không thể liệt nhập vào lĩnh vực của văn học Việt Nam được. Vì nền văn học một quốc gia, một dân tộc không thể xây dựng bằng văn tự nước ngoài. Cho nên cái kho tàng « Văn học Hán Việt » của ta vốn sẵn còn lại đó chỉ đáng xem như là những tài liệu quí giá để giúp ta soi sáng, hoặc đi sâu vào sự tìm hiểu các tác giả, các tác phẩm bằng văn nôm ngày trước hiện còn lưu lại mà thôi.
Tóm lại, hai chữ văn học của ta ngày nay cần phải nhận định với 3 ý nghĩa dưới đây :
1. Văn học của một quốc gia là toàn thể những công trình sáng tác về văn vần cũng như văn xuôi viết bằng tiếng mẹ đẻ của quốc gia ấy.
2. Nó không chỉ những là thi ca, tiểu thuyết, kịch tuồng, ký sự mà còn phải bao quát tất cả công trình về triết lý, sử ký, khoa học xây dựng có nghệ thuật, có kiến trúc mỹ lệ gây được nhiều hứng thú văn chương tuyệt vời.
3. Văn học còn có nghĩa là một khoa học, một khoa nghiên cứu về các tác phẩm văn chương mỹ lệ tuyệt vời nói trên.
II. NHẬN ĐỊNH SƠ LƯỢC VỀ KHOA VĂN HỌC SỬ
A) Văn học sử là gì ? Vài dòng nhận xét về văn học sử nước Tàu và nước Pháp
Nói tóm một câu, văn học sử là lịch sử tổng quát về các
thời đại văn học, tiểu sử các tác giả và sự nhận định giá trị về nội dung cùng hình thức các tác phẩm tiêu biểu nhất của họ. Bởi vậy nước nào có một nền văn học tương đối quy mô, tất nhiên nước ấy phải có văn học sử.
Pháp có văn sử Pháp, Trung Hoa có Văn Học Trung Hoa, Việt Nam cũng có văn học sử Việt Nam và khoa chuyên nghiên cứu các nền văn học sử ấy gọi là khoa văn học sử.
Ở Pháp, khoa văn học sử phát minh từ hơn một thế kỷ nay và dần dần tiến theo sự tiến bộ của sử học. Xưa kia, khoa văn học sử Pháp chỉ là những áng văn phê bình mang nặng tâm khí và thiên kiến của phê bình gia hơn là nói rõ về tác giả và tác phẩm. Nhưng vào đầu thế kỷ XIX các học giả mới chịu đổi mới lối phê bình cũ mà làm việc theo phương pháp khoa học, theo gương các sử gia chuyên tâm tìm tòi sự thực về giá trị tác phẩm, sự thực về cuộc đời tác giả, về hoàn cảnh xã hội mà họ đã hoặc đang sống, v.v… gạt bỏ chủ quan mỗi khi đem các văn kiện ra suy cứu và thẩm định. Do đó, môn phê bình văn học chính thức thành khoa văn học sử. Sainte-Beuve là nhà văn học sử đầu tiên đã có công xây đắp nền móng cho tòa lâu đài văn học sử Pháp.
Ở Trung Hoa, nền văn học đã thành qui mô trên 3000 năm, nhưng mãi cách đây trên nửa thế kỷ Lâm truyền Giáp, một giáo sư Đại học, mới viết tập « Trung quốc văn học sử ». Đó là quyển lịch sử văn học Trung Hoa đầu tiên chính thức xuất bản vào năm Tuyên Thống thứ hai. Từ đó, quan niệm người Tàu về Văn học sử càng ngày càng tiến triển theo tư trào Âu Mỹ… Cho nên qua thời kỳ dân quốc, khoa văn học sử càng nẩy nở phồn thịnh, kể đến nay đã có hơn 50 bộ văn học
sử ra đời.
B) Nhận xét sơ lược về Văn học sử Việt Nam và những công tác của cố giáo sư Dương Quảng Hàm cùng các học giả đương thời
Trong công việc xây dựng nền văn học quốc gia, riêng ở Việt Nam ta môn Văn học Sử dần dần thành hình bắt đầu từ khoảng hạ bán thế kỷ 19 cho đến ngày nay.
Từ hạ bán thế kỷ 19 nước ta bị đặt dưới quyền Pháp đô hộ, tức thì Pháp văn thay thế cho Hán văn. Nhờ đó, chữ quốc ngữ tự nhiên chiếm địa vị khả quan dần trong chương trình học mới.
Thêm vào đó, qua sự trung gian của sách vở Pháp các tư trào Âu Tây rầm rộ du nhập vào đất nước ta… Lại còn những tân thư Trung quốc luôn luôn tìm cơ hội truyền sang, phong trào Nhật-Bản Duy tân từ bể Đông dội đến, rồi tin Nhật chiến thắng quân đội Nga Hoàng (1905) vang dậy khắp nơi… cũng thúc đẩy sĩ phu trí thức Việt Nam hăng hái biên khảo, sáng tác bằng tiếng Việt, gây cơ sở cụ thể cho nền quốc gia văn học sau nầy : tiếp đến, ở địa hạt sư phạm, môn Văn Học Sử Việt Nam được bắt đầu xây dựng nhờ công lao và thiện chí của 2 vị giáo sư tiên phong : Giáo sư G. Cordier và giáo sư Dương Quảng Hàm. Chính 2 vị nầy đã soạn thảo trước hết những khóa trình về Việt Văn và giới thiệu các tác phẩm Hán Việt cho các bạn trung học Pháp, Việt.
Tuy nhiên, công trình của Dương Quảng Hàm mới thật là đáng kể. Ông Hàm là một vị giáo sư lão thành, tinh thông cả
Tây lẫn Hán học, vừa chịu ảnh hưởng cổ truyền về văn học Đông Phương, vừa tiếp nhận các trào lưu tư tưởng cùng học thuật mới Tây Phương nhất là của Pháp… Do đó, làm sách Việt-văn, chép văn học sử Việt Nam, ông đã noi theo gương của các nhà văn học sử Pháp hồi đầu thế kỷ 20, nghĩa là ông thiên về sử nhiều hơn là thiên về văn chương bằng cách chỉ cố tâm sưu tầm văn liệu rồi dồn lại để phân trần, biện hộ, v.v… Trong khi biên soạn, ông lại còn quan niệm rằng văn học Việt-Nam phải gồm cả những tác phẩm vừa bằng Hán văn, vừa bằng văn Nôm hoặc bằng chữ Quốc ngữ do người Việt sáng tác. Thật giống với ngày nay, có một vài học giả cũng cho rằng các tác phẩm bằng Pháp văn của Văn Nhân nước Việt rất đáng được nằm trong kho tàng Văn học Việt Nam.
Đồng thời với Dương Quảng Hàm, các học giả trong 2 nhóm « Nam Phong tạp chí » và « Đông Dương tạp chí » cũng rất lưu tâm đến vấn đề tìm tòi biên khảo các văn liệu nước nhà. Nhưng các tài liệu văn học được các vị ấy cho đăng tải trên 2 tờ tạp chí đó vẫn còn trong phạm vi khảo luận eo hẹp, chưa lấy gì làm chắc chắn lắm.
Bên cạnh các vị trong 2 nhóm tạp chí kể trên lại còn một số học giả gồm có các ông như : Lê Dư, Bùi Kỷ, Trần văn Giáp, Nguyễn văn Tố, Hoàng xuân Hãn, với một quan niệm rộng rãi hơn, đã dày công tìm lục những áng cổ văn để đưa ra đối chiếu, hiệu đính lại đích xác cho khỏi cái nạn « Tam sao, thất-bổn ». Thành tích cải tiến văn học này của các vị học giả vừa kể đều được cho in thành sách hoặc được thấy trong các mục thi văn cổ của những tập san, tạp chí như : Trí
Tri, Khai Trí, Tiến Đức, Tri Tân, Thanh Nghị, v.v… Nhất là công trình hiệu đính biên khảo các văn liệu của 3 ông Giáp, Tố, Hãn, khả dĩ đáng tin cậy vì các vị nầy rất sẵn điều kiện quý báu để làm việc, sẵn kiến thức uyên thâm, kiên tâm lớn và phương pháp rất khách quan rất khoa học.
C) Quan niệm của chúng ta đối với vấn đề Văn học sử
Rồi từ sau những chính biến 1945 cho đến nay, quốc gia Việt Nam bắt đầu thoát ly ách ngoại thuộc, lẽ tất nhiên môn Việt Văn và khoa Văn học sử cần phải được quan niệm lại một cách rõ ràng và đúng đắn hơn để tỏ cho thế giới biết rằng dân tộc ta đã có một trình độ văn học rất có giá trị quốc tế. Bởi vậy, ngày nay chúng ta không nên ngộ nhận rằng văn học sử là một khoa hoàn toàn ghi chép những văn kiện dĩ vãng như sự ghi chép lịch sử, có bao nhiêu chép lại bấy nhiêu, không cần phân biệt cái nào là ngoại lai, cái nào là thuần túy của dân tộc. Trái lại chúng ta nên dứt khoát quan niệm rằng Văn học sử Việt Nam không thể nhận các di văn bằng chữ Hán trước kia hoặc bằng chữ Pháp sau nầy do người Việt sáng tác để làm sử liệu văn học. Sử liệu chính của nền Văn học Việt Nam phải là toàn thể những di văn, những sáng tác bằng tiếng Việt do người Việt ghi theo lối truyền khẩu, chép lại bằng văn nôm trước kia hoặc bằng chữ Quốc ngữ hiện thời.
Tóm lại, Văn học sử là một cái nhìn bao quát vì văn học là cuộc sống, là tâm hồn có mật thiết liên quan đến thiên nhiên, thế hệ và xã hội của từng mỗi dân tộc trên thế giới từ xưa tới
nay. Cho nên, khảo cứu văn học, chép văn học sử của một dân tộc tức là tìm hiểu sức sống của dân tộc ấy, theo dõi thời kỳ nó phát sinh, thời gian nó trưởng thành và biến hóa trên trường lịch sử về cả hai phương diện hình thức và nội dung.
Xây dựng khoa Văn học sử Việt Nam cũng không ngoài các quan niệm và nguyên lý cùng nguyên tắc kể trên.
CHƯƠNG THỨ I : ĐẠI CƯƠNG VĂN-HỌC VỀ THẾ-KỶ XIX Ở VIỆT-NAM
I. NHẬN XÉT TỔNG QUÁT VỀ TINH THẦN CỦA NỀN VĂN HỌC THẾ KỶ XIX TẠI VIỆT NAM : VĂN HỌC NHÀ NGUYỄN
Có thể nói thế kỷ thứ XIX ở Việt Nam là một thế kỷ rất quan trọng về lịch sử chính trị cũng như về lịch sử văn chương nhất là văn chương chữ nôm trong giai đoạn cực thịnh của nó mà chúng ta sắp thảo luận riêng dưới đây.
Nhìn chung, do 3 phương diện chính trị, xã hội, kinh tế của thế kỷ thứ XIX tại nước ta biến chuyển quá mạnh nên nền văn học sản phẩm của 3 điểm vừa nói đó chiếm một địa vị vô cùng quan trọng để phản ảnh một cách trung thực hiện trạng của xã hội Việt Nam trong thời đại bấy giờ.
Nhìn sâu hơn nữa về phương diện khác nền văn học của thế kỷ XIX ở Việt Nam sở dĩ được chói lọi là nhờ ngọn đuốc chữ nôm rực rỡ chói sáng. Văn chương chữ nôm của thế kỷ XIX đã bước vào thời kỳ thứ 3 của nó, thời toàn thịnh. Nó toàn thịnh trong phong phú về nội dung lẫn hình thức. Đã thế mà ngọn đuốc văn học « nôm na » này lại được một số đông thiên tài nêu cao ngày càng chói lọi trong toàn một thế kỷ để xây dựng vô số sáng tác mà những kiệt phẩm đâu phải là hiếm hoi gì… Ta có thể tự hào rằng văn chương thế kỷ thứ XIX nhất là văn nôm ở nước ta đã gây được một mối thống nhất về phẩm cũng như về lượng mà từ Nguyễn Du đến Trần Tế Xương trên dưới đến 30 vị lừng danh đã góp sức vào. Và
mặc dù thời đại làm cho họ có những tình cảm và khuynh hướng khác nhau, năng khiếu gây cho họ có những hình thức văn loại khác nhau, nhưng họ, từ Nguyễn Du đến Trần Tế Xương là cả một quần tinh xán lạn trên nền trời văn học nước nhà dưới thế kỷ XIX. Có thể nói với « Đoạn Trường Tân Thanh », với những nụ cười châm biếm, Nguyễn Du và Trần Tế Xương đã mở và đóng cái kỷ nguyên văn học nầy. Mà cái kỷ nguyên văn học nầy, soạn giả của bất cứ bộ văn học sử nào cũng đều trịnh trọng mệnh danh là « nền văn chương triều Nguyễn ».
II. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA NỀN VĂN HỌC THẾ KỶ XIX TẠI VIỆT-NAM
A) Nhà Nguyễn thống nhất sơn hà vào đầu thế kỷ XIX và cục diện Âu Châu lúc bấy giờ
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi khai sáng triều Nguyễn và đem lại cho bề ngoài của quốc gia một vẻ thống nhất và thái bình, sau 200 năm nội chiến. Bộ mặt thống nhất và thái bình nầy hiện ra trên đất nước có thể kể từ đời Gia Long cho đến giữa triều Nguyễn vua Tự-Đức là thời sơ diệp nhà Nguyễn, vào khoảng tiền bán thế kỷ XIX. Trong khi ấy, khoa học Tây phương tiến bộ mạnh, làm thay đổi cả cục diện hoàn cầu. Nhờ sự tiến bộ của khoa học, nhất là khoa học cơ khí, phương tiện giao thông được canh tân vượt mức. Với những tàu bè chạy bằng động cơ, nhanh chóng và tiện lợi, người các nước Tây phương thi nhau đi khắp thế giới tìm kiếm thị trường và chiếm lĩnh vực thuộc địa để bành trướng thế lực.
Trước tình thế mới ấy, vua quan nhà Nguyễn vẫn khư khư giữ chính sách nội trị ngoại giao cũ và phép học phép thi theo lề lối xưa.
Đó là nguyên do tất cả các việc quan trọng đã xảy ra trong lịch sử Việt-Nam về thời đại cận kim mà kết quả là cuộc đô hộ của người Pháp.
Để hiểu rõ tình trạng văn học nước ta trong hoàn cảnh lịch sử ấy, ta cần xét qua về chính sách nội trị cùng ngoại giao và học quy dưới triều Nguyễn, trong các đời vua Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848- 1883) như sau :
B) Xã hội và chính sách nội trị cùng ngoại giao của nhà Nguyễn
1. Xã hội và nội trị
Triều đình nhà Nguyễn theo chính sách thủ cựu. Toàn dân chia làm 4 hạng : sĩ, nông, công, thương. Đứng đầu là sĩ tức là phái nhà nho, theo giáo lý Khổng Mạnh, trọng luân thường đạo nghĩa, giữ trật-tự tôn ti. Những người giúp vua trị nước được tuyển lựa trong hạng này. Nhưng phần nhiều kẻ sĩ hồi đó thường câu nệ, cố chấp, nặng đầu óc bảo thủ, thiếu sáng kiến, phát minh chuộng văn chương, khinh thực nghiệp nên kiến thức hẹp hòi, không nghĩ xa trông rộng. Thứ là nông tức đa số thường dân cổ cày vai bừa, dẻo dai chịu đựng, nhưng chỉ biết quyến luyến quê hương với lề lối làm việc cổ lỗ thô sơ cùng những tập tục phần nhiều lạc hậu. Còn 2 hạng công và thương có thể gọi là không đáng kể, vì công nghệ, chỉ là
những thủ công nghệ thô sơ truyền lại từ bao đời mà không hề được cải tiến ; còn thương mại thì dĩ nhiên không được phát đại trong một xã hội « dĩ nông vi bản » như xã hội ta thời bấy giờ.
Trước tình thế mới, cách tổ chức xã hội ta thời bấy giờ quá xưa và quá đơn giản ấy dĩ nhiên là không hợp thời. Thế mà vua quan, sĩ thứ nước ta thời ấy vẫn u mê không hay biết gì. Vua và triều đình vẫn cứ giữ lề lối cũ, việc nội trị rập theo đúng khuôn mẫu Trung Hoa không hề nghĩ đến sự canh tân, nên nước yếu dân nghèo, nghiễm nhiên tự liệt vào hàng quốc gia chậm tiến.
2. Về ngoại giao
Vì chủ trương « Bế môn tỏa cảng » đóng cửa không giao thiệp với người nước ngoài. Vì có chủ trương hẹp hòi ấy, nên vua và triều đình hồi đó nhất quyết không cho người ngoại quốc vào thông thương (nhiều lần các nước Anh, Pháp sai sứ sang xin giao hảo và ký thương ước đều bị cự tuyệt), một mặt cấm các giáo sĩ người Âu truyền đạo thiên chúa, cho là họ đem truyền những tà thuyết trái với chế độ phong tục nước ta.
C) Học qui và thi cử dưới đời nhà Nguyễn
Chính sách nội trị ngoại giao đã có nhiều khuyết điểm, việc học hành thi cử cũng không hơn gì ! Sĩ phu chỉ nhai đi nhai lại mấy bộ tứ thư, ngũ kinh, bắc sử… mài miệt lối văn cử nghiệp, trích cú tầm chương, quá chuộng hư văn mà xao lãng cái học thực dụng, truyện cổ nước Tàu thì đọc vanh vách mà
việc mới năm châu thì mù mịt không hay.
Cách tổ chức việc học việc thi dưới triều nhà Nguyễn vẫn là những phép tắc cũ, phỏng theo quy củ đời Hậu Lê.
Về việc học : Toàn quốc chỉ có một trường lớn là Quốc Tử Giám ở kinh đô. Ở các tỉnh, huyện thì có các chức đốc học, huấn đạo, giáo thụ. Còn bực tiểu học quan trọng nhất thì chính quyền lại không lưu tâm đến và phó mặc tư nhân (các ông đồ) đảm nhiệm.
Về việc thi : cũng vẫn có hai khoa chính là thi hương và thi hội (3 năm 1 lần) và chương trình thì cũng vẫn có thơ phú, kinh nghĩa, văn sách, tứ lục.
Tuy vậy, nếu kể về phương diện sáng tác trong lĩnh vực văn Nôm thì nền văn học nhà Nguyễn có những đặc điểm rất đáng kể trong hai giai đoạn tiền và hậu bán thế kỷ của nền văn học đó mà chúng ta cần đem phân đoạn và tìm hiểu dưới đây :
III. PHÂN ĐOẠN LỊCH SỬ VĂN HỌC NHÀ NGUYỄN
Ta cũng có thể chia lịch sử văn chương Việt Nam của thế kỷ XIX ra làm 3 thời kỳ như giáo sư Dương Quảng Hàm đã phân đoạn trong bộ « Việt Nam văn học sử yếu » của ông :
1) Thời Nguyễn sơ.
2) Thời kỳ tiền Pháp xâm.
3) Thời kỳ hậu Pháp xâm.
Nhưng phân đoạn như thế e rằng thiếu sự cân đối giữa 3 thời kỳ vì trong giai đoạn Nguyễn sơ rất ít sự kiện văn
chương đáng ghi chú. Vậy theo ý kiến hữu lý của một số học giả, ta thử chia văn chương thế kỷ thứ XIX ở Việt Nam ra làm 2 thời kỳ song song với hai thời bình, loạn của lịch sử chính trị và xã hội ở nước ta về thế kỷ đó.
Chia như thế là cốt dựa vào hai tính chất bình, loạn của lịch sử ấy để dễ nhận định tư tưởng và khuynh hướng của các văn thi gia. Chứ thật ra ở Việt Nam, nhất là ở Á Đông, văn chương khó phân được thời đoạn rành mạch.
A) Văn chương tiền bán thế kỷ mười chín (XIX)
Như đã nói ở phần bối cảnh lịch sử chung về văn chương của thế kỷ XIX, giai đoạn tiền bán thế kỷ này là 1 thời kỳ lịch sử tương đối có được cảnh thái bình trên toàn cõi đất nước. Cảnh tượng khả dĩ thái bình nầy có thể kể từ năm vua Gia Long lên ngôi đến nửa triều Tự Đức tức là từ năm 1802 đến độ 50 năm kế tiếp.
Tuy nhiên, người ta cũng không quên trong thời kỳ thái bình đó. Những cuộc bạo động và biến loạn liên tiếp xảy ra dưới thời Minh Mạng và Tự Đức. Vua Gia Long lên ngôi ; sơn hà được thống nhất, triều đình được tổ chức kỷ cương, đối với các sĩ phu cựu thần của Lê triều, nhà vua có một thái độ khôn khéo. Rồi Minh Mệnh, Thiệu Trị, và Tự Đức lần lượt kế vị, nội chính liên tục củng cố, ngoại giao vẫn giữ một chính sách cổ truyền.
Rồi biến loạn và bạo động liên tiếp xảy ra trong nước làm cho quan quân mà nhất là cụ Nguyễn Công Trứ thêm hào hứng trên đường đi lập công và cùng làm cho các sĩ phu ngày
đêm hô hào dân chúng phải giữ đạo tôi con, hiếu trung khắc cốt. Tất cả những sự kiện lịch sử ấy đã gây cho thời kỳ tiền bán thế kỷ XIX một nền văn chương cổ điển cực thịnh. Nhưng trong cái khung văn chương cổ điển quy mô như triều cương và nội chính của thời sơ Nguyễn, tình cảm và bản ngã của văn nhân thi sĩ vẫn được bộc lộ rõ ràng qua từng giai đoạn của thời kỳ.
Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra sao ?
Hay là : Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Đền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Hoặc : Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, v.v…
Và : Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Cuối cùng những câu như :
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Hay là : Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu
Thờ cha sớm viếng khuya hầu.
Hoặc : Nhà dột vài ba gian, một thầy, một cô, một chó cái,
Học trò dăm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Tất cả những câu thơ dẫn chứng trên phải chăng đã nói lên được phần nào tình cảm và bản ngã của các tác giả cổ
điển trong giai đoạn tiền bán thế kỷ XIX, giai đoạn nhà Nguyễn bề ngoài tương đối còn tỏ vẻ thanh bình và có nhiều uy lực ?
B) Văn chương hậu-bán thế kỷ XIX
Hết tương đối yên tĩnh đến triệt để rối ren, hậu bán thế kỷ XIX là một thời mà nước ta lâm vào thế tao loạn. Bên trong, suốt nửa đời Tự Đức kể về sau, giặc giã nổi lên. Bên ngoài chính sách « đóng ải, tỏa bến » của triều đình gây ra cuộc tranh chấp với Tây phương. Rồi từ hòa ước nầy đến hòa ước nọ, nước ta mất trọn chủ quyền vào tay đế quốc Pháp. Sĩ phu cùng với nhân dân tìm mọi cách chống lại kẻ xâm lược. Đây, đó lòe lên những ngọn lửa Cần Vương. Rồi phong trào xuất dương sôi nổi vì người ta tin rằng biết đâu vấn đề du học ngoại quốc sẽ có nhiều hiệu lực như vấn đề cầu cứu ngoại viện để thu phục lại sơn hà. Thời thế đó đẩy Nho học đến chỗ suy tàn. Văn hóa Âu Tây được dịp xâm nhập vào bờ cõi nước ta cuồn cuộn như làn sóng mạnh.
Nước ta tiếp nhận một cách vừa lạ lùng, ngơ ngác vừa phục thiện và thích thú cả một kỷ nguyên cơ khí dựng trên nền kinh tế tư bản. Thế là khuôn thước tư tưởng nghìn xưa lại bị sụp đổ, trật tự xã hội cũ của nước ta lúc bấy giờ bị các tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, cá nhân chủ nghĩa, duy lý chủ nghĩa, từ bên ngoài ùa vào xáo trộn, trật tự xã hội, khuôn vàng thước ngọc của Khổng Mạnh bị sứt mẻ, lẽ tất nhiên nền văn chương từng khuôn rập với tư tưởng cũ và xã hội cũ phải đổi lối thay bình. Thế nghĩa là nền văn chương cổ điển của thời tiền bán thế kỷ 19 qua thời hậu bán thế kỷ 19
tao loạn nầy tự nhiên phải biến chứng rồi tan rã.
Nếu không, tại sao một Tự Đức đang đạo đức và nghiêm trang bỗng trở nên ủy mị và có vẻ lãng mạn trước cái chết của Thị Bằng, một người Ái phi của ngài :
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi…
Rồi từ Tự Đức mê si đến Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Dương Lâm đa tình, bay bướm và ưa thích hòa mình trong khoái lạc : « Cho hay danh sĩ với giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ… ngán nỗi non xanh, đất đỏ, để riêng ai lưu lạc, đau lòng ». (Chu-Mạnh-Trinh – Tựa Truyện Kiều). Hoặc :
Thôi đừng mang lão lệ với đàn tranh
Kìa kỹ nữ cũng thương sinh đâu đấy nhỉ ?
Mảnh ti trúc ai là tri kỷ
Ngón tỳ bà năn nỉ với ai đây ?
(Dương Lâm)
Tuy nhiên cũng có một số văn nhân thi sĩ rất đa tình, nhưng không đa tình trong trăng, hoa, đàn, phách. Họ đa tình trước thời cuộc, họ dào dạt tình ưu ái trước bao cảnh nhiễu nhương trong giai đoạn cuối của thời hậu bán thế kỷ XIX : Khói lửa, chạy loạn, thành mất, người vong :
Non nước tan tành lẽ bởi đâu ?
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.
Hoặc : Ầm ầm tiếng súng khắp nơi,
Khói đùn mù đất, lửa lòe nhoà mây, v.v…
Đó là những lời than trước thế sự và một bức tranh thời đại của Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn nhược Thị.
Và trong khi ông Tôn Thọ Tường giãi bày tâm sự và chí hướng của mình trong bài Tôn phu nhân quy Hán :
Son phấn thà cam dày gió bụi,
Đá vàng chỉ để thẹn non sông ?
Ai về nhắn với Chu công Cẩn,
Thà mất lòng anh được bụng chồng.
Thì Phan Văn Trị lập tức họa lại ngay :
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cương thường nặng núi sông.
Anh hỡi Tôn Quyền, anh có biết,
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng.
Trong khi ấy ở Bắc Hà, Từ Diễn-Đồng với nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục đối với thời đại lại có một thái độ đáng kể hơn nữa. Hãy nghe đôi dòng văn thơ của nhóm ấy :
Ngồi mà ngắm năm châu trên trái đất
Bể văn minh dào dạt nổi phong triều
Kìa ai : người thời không, sức thời mạnh, đất thời rộng, của thời nhiều.
Nào có phải trời thương yêu riêng một cõi
Sao ta cứ dã man quen thói
Đem thân nô mà luồn cúi dưới cường quyền.
Cuối cùng một buổi giao thời thứ hai lại tái diễn. Một khuynh hướng văn thơ khác dấy lên làm phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam của thời hậu bán thế kỷ XIX. Nói đến
khuynh hướng này không ai có thể quên được những cây bút đặc biệt của nó : Nguyễn văn Lạc tức là Học Lạc, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương…
Nếu Học Lạc đã làm cho ta không thể nhịn cười được trong mấy câu :
Hóa An Nam, lữ khách trú,
Trăn trói lằng xằng nhau một lũ.
Ngoài mặt ngỡ ngàng lạ Bắc Nam,
Trong tai cắc cớ xui đoàn tụ.
Thì Trần Tế Xương trong khi viết đôi dòng thơ tặng một cô me Tây :
Rứt cái mề đay vứt xuống sông
Thôi thôi tôi cũng méc xì ông.
Chắc cũng làm cho cô ấy dầu không cười xòa thì cũng phải nhăn mày.
Tóm lại hậu bán thế kỷ XIX là thời loạn ly đưa Việt Nam đến chỗ mất chủ quyền, cái chủ quyền kỷ cương của thời tiền bán không còn nữa thì văn chương cổ điển tất nhiên phải lạt chủng đi, nẩy ra những cái bất ngờ và mạnh mẽ để rồi tan rã và lột xác bước sang thế kỷ XX. Nếu cái màu cổ điển có còn vương vấn thì cũng chẳng qua vương vấn một cách ngượng ngập trong thơ văn của Tản Đà, một thi sĩ cuối thời mà cũng là giao thời giữa thế kỷ XIX và XX.
IV. TÍNH CHẤT ĐẠI CƯƠNG VỀ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CỦA NỀN VĂN HỌC NHÀ NGUYỄN
Căn cứ vào hai giai đoạn văn học của toàn thế kỷ XIX nói trên, chúng ta được dịp nhận xét những dòng tư tưởng đáng kể của một số đông đảo tác giả đầy dẫy thiên tài trong thế kỷ ấy. Nhìn chung nền văn học của một thế kỷ phong phú như vậy, không còn ai chối cãi văn chương thời này là một môn thống nhất về phẩm cũng như về lượng tức là về nội dung và hình thức. Mà cũng nhờ đó chúng ta mới có thể biết tường tận những khuynh hướng và các văn thể của số đông tác giả đã biểu lộ rõ rệt ở hai phần nội dung và hình thức.
A) Nội dung văn học nhà Nguyễn
Xét về phần này tức là tìm hiểu những dòng tư tưởng của các tác giả để chia những khuynh hướng văn chương của họ một cách cho hợp lý.
Như chúng ta đã biết, sau thời kỳ sơ diệp nhà Nguyễn, nho học ngày một suy tàn. Hán suy, Nôm thịnh làm cho văn chương nước nhà được dịp nẩy nở. Nhưng Hán học đã suy tàn thì những ý tưởng gò bó trong khuôn khổ Khổng Mạnh cũng lần lần vượt hẳn ra ngoài vòng cương tỏa. Một kỷ nguyên tư tưởng từ đó bắt đầu.
Trước hết nó còn nhè nhẹ, sau nó càng trở nên quyết liệt với Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du bắt đầu cởi mở cõi lòng, mặc cho bà Huyện Thanh Quan còn vẩn vơ hoài cổ. Rồi Hồ xuân Hương quyết liệt tự do hơn nữa, đả phá chế độ hiện hành. Trong khi ấy, Nguyễn Công Trứ lại hào hùng và tin tưởng thì Cao Bá Quát lại hoài nghi yếm thế và khinh người. Nhà Nguyễn vừa đi đến chỗ bại vong, thì một Tôn-thọ-Tường và một Phan văn Trị đã công kích lẫn nhau giữa hai thuyết
tùy thời và tiết tháo.
Lại tiếp những tư tưởng bình đẳng, bác ái, cá nhân duy tân theo gót giày của người Tây Phương xâm nhập vào thành trì phong kiến ở nước ta gây một phong trào canh tân rộng lớn. Chính trước Từ-Diễn-Đồng và Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn-Trường-Tộ cũng đã nói đến canh tân xứ sở rồi. Tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam cứ như thế mà tiến triển ngày càng sâu sắc. Tình cảm và tư tưởng đến Chu Mạnh-Trinh, đến Trần-Tế-Xương, Nguyễn-Khuyến là đã cởi mở tới cực độ. Đó là chưa kể công trạng gây những ý thức quốc gia của Nguyễn-Văn-Giai, Nguyễn Nhược Thị, Trần-Tế
Xương, v.v… mà những ý thức đó đã làm cho văn chương thêm phần thực tiễn, gạt bỏ những cái gì phù phiếm di sản của thời Lê. Hơn nữa, con người của thế kỷ XIX vì hoàn cảnh chính trị và xã hội đã gây cho họ biết nhận cái xấu, phục cái đẹp, bỏ cũ, đón mới và điều hòa các thái cực.
Tất cả những cái chúng ta nói trên là đều bởi tư tưởng tự do của thế kỷ XIX tạo nên để làm cho nền văn chương của thế kỷ đó càng vô cùng phong phú. Phải chăng đó là cái hậu quả của nền Nho học suy tàn ? Đặc biệt hơn nữa, những tư tưởng đó không rơi vào chỗ hỗn độn mà trái lại ta có thể căn cứ vào đấy chia văn chương toàn thế kỷ thứ XIX ra làm 4 khuynh hướng chính : tình cảm, đạo lý, thời thế và trào phúng.
Tuy nhiên cũng vì tính chất tự do và phong phú nên không có sự cách biệt quá đáng giữa các khuynh hướng. Bởi vậy, một tác giả có thể vừa là tình cảm, vừa là trào phúng và cũng vì lẽ đó chúng ta thường bị lúng túng khó khăn trong
việc sắp xếp các khuynh hướng. Đó cũng là một cái đặc điểm của văn nghệ đông phương là không có trường, phái, không có ký hiệu riêng biệt.
Sở dĩ ta phải tạm chia các khuynh hướng như thế là để gọi là khoa học hóa được phần nào hay phần ấy.
1) Khuynh hướng đạo lý
Sau thời kỳ nhiễu nhương tao loạn, xã hội Việt Nam được khoác một chiếc áo thái bình và hưng thịnh suốt thời sơ diệp Nguyễn triều. Trong thời đó, đa số nhà nho, thạch trụ của chế độ, theo quan niệm cổ điển của văn học Tàu và Ta, đã đứng ra dùng văn chương trực tiếp hoặc gián tiếp cổ súy cho giường mối thánh hiền (trung, hiếu, tín, nghĩa) mục đích chấn hưng và củng cố lại nhân tâm đã từng xao động hoang mang trong thời gian biến động dài đằng đẵng vừa qua. Ta có thể ghép những nho gia thi sĩ ấy vào một khuynh hướng lớn là khuynh hướng đạo lý : Lý văn Phức, các tác giả « Đại Nam quốc sử diễn ca », Vua Tự Đức, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Thanh Giản, tất cả đã đem bốn chữ trung, hiếu, tiết, nghĩa lồng vào những tác phẩm của mình.
2) Khuynh hướng tình cảm
Đây là một khuynh hướng rộng lớn có thể lẫn lộn với các khuynh hướng khác, vì dù ở khuynh hướng nào, nghệ sĩ cũng không giấu nổi tình cảm mình, huống gì nói đến nghệ sĩ tức là nói đến tình cảm. Đáng lẽ không nên đặt tình cảm, một vấn đề vô cùng bàng bạc thành một khuynh hướng riêng biệt. Nhưng sở dĩ ta phải sắp xếp như thế là cốt để tìm những
khía cạnh nổi bật của vấn đề tình cảm, nhất là vấn đề tình cảm trong văn chương thế kỷ XIX vô cùng phức tạp. Tuy nhiên sự phức tạp này không thể vượt khỏi hẳn những giai đoạn đặc biệt của thế kỷ. Bởi vậy, mỗi giai đoạn của thế kỷ là mỗi một mớ tình cảm khác nhau.
Đầu thế kỷ XIX xã hội Việt-Nam đứng trên một cảnh giao thời giữa triều đại cũ sụp đổ, triều đại mới đang lên.
Sống giữa cảnh giao thời ấy, tình cảm con người sao cho khỏi ngơ ngác, hoài nghi và hoài cựu, Nguyễn Du, bà Huyện Thanh Quan đã sống rất nhiều trong tâm trạng đó.
Nhưng rồi thời gian qua, với công danh, với nhiệm vụ, người ta không còn lạ lùng nữa. Tình cảm của họ đòi hỏi sự chia sớt tất cả những cái vui cũng như những cái buồn của thời đại mà họ đang sống. Do đó, khuynh hướng tình cảm nẩy ra tính cách hưởng thụ.
Tính cách hưởng thụ này cũng tùy theo sự hưng thịnh và suy vong của triều đại mà biến đổi theo, dù tích cực hay tiêu cực. Vào buổi đầu trong cái vẻ huy hoàng nhất của nhà Nguyễn, từ triều Minh Mệnh qua đến triều Tự Đức, Nguyễn Công Trứ vừa hào hùng, vừa phóng đãng tỏ rõ chí lập công, lập danh trong tất cả các tác phẩm của ông. Tình cảm Nguyễn Công Trứ đã đòi hỏi một sự hưởng thụ tích cực vậy. Bên cạnh sự đòi hỏi hưởng thụ tích cực của tình cảm Nguyễn Công Trứ, tình cảm một số đông tác giả khác lại theo sự biến chuyển của xã hội mà đòi hỏi một sự « hưởng thụ trần tục » hơn. Xã hội ngày càng rối reng, khe khắt một số thi văn gia đâm ra chán ngán tiêu cực.
Họ tiêu cực đến si mê, sầu lụy trong tửu sắc, cầm ca, chẳng sá gì đến địa vị tước quyền hiện có của mình. Có kẻ lại ngao ngán đến khinh nhân yếm thế, không cần thèm biết đến « Thế sự thăng trầm ». Một Phan Huy Định với bản dịch « Tỳ Bà Hành », một Dực Tôn với bài « khóc thị Bằng Phi » và một Cao Bá Quát với bài « Ngán Đời » cũng như đủ làm tiêu biểu cho tính cách hưởng thụ tiêu cực ấy. Cuối cùng do các biến cố chính trị và kinh tế ngày càng dồn dập đến tính cách hưởng thụ tiêu cực nói trên đẩy một số đông văn nghệ sĩ cuối thời hậu bán thế kỷ XIX và đầu thời tiền bán thế kỷ XX vào con đường lãng mạn, vong quốc, thừa nhận sự thỏa hiệp nhục nhã của đương triều với kẻ thù xâm lược : Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Dương Lâm, Vũ Phạm Hàm, v.v… đã đi vào con đường lãng mạn vừa nói đó. Tinh thần lãng mạn tai hại này đưa văn nhân thi sĩ đến sự ăn chơi trầm túy, hoặc nhàn du theo bóng nước mây, khoác áo Lão, Trang để tránh mọi thực tại đau buồn bằng cách ca lên những khúc điệu diệu kỳ tiêu biểu cho cả nỗi niềm u thảm trong cảnh thu tàn trăng lạnh.
3) Khuynh hướng thời thế
Sau các hòa ước 1862… 1884, người Pháp tiến hành đặt nền đô hộ lần lần trên toàn lãnh thổ của ta. Trước thời thế đó một ý thức quốc gia gợi mạnh trong trí các văn nhân nghệ sĩ, nhất là làm xúc động những văn nghệ sĩ từ xưa nay đã nằm trong lâu đài đạo lý. Cho nên, nếu bảo thời thế tạo anh hùng thì cũng có thể nói thời thế tạo văn chương. Do đó một khuynh hướng khoác áo thời thế hay đúng hơn khoác áo chính trị ra đời, đi song song với khuynh hướng tình cảm đầy
khía cạnh vừa kể trên. Tuy nhiên cùng một khuynh hướng này, nhưng các tác giả lại chia thành nhiều nhóm.
Trước cảnh non sông đầy khói lửa, trung, hiếu, tiết, nghĩa bị sứt mẻ, thành mất, tướng vong, vua quan bôn tẩu, thì trong Nam với tác phẩm Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã trút hết nỗi đau lòng. Ngoài Bắc, Nguyễn văn Giai biểu dương đức trung kiên của quan Tổng đốc họ Hoàng trong bài ca « Chính Khí » ; trong Trung, với bài « Hạnh Thục ca », bà Nguyễn Nhược Thị đã kể lại cảnh thất thủ kinh thành với một giọng đầy nước mắt. Tích cực hơn nữa, Phan văn Trị, Phan Đình Phùng quyết lấy văn chương làm lợi khí chống giặc và làm búa rìu để đánh vào đầu bọn bội phản. Những tác giả này có thể ghép vào thành một nhóm đầy lòng ưu ái với đất nước đáng kể trong khuynh hướng thời thế vừa nêu trên kia.
Bên cạnh nhóm này, trong Nam có Tôn Thọ Tường, ngoài Bắc có Hoàng Cao Khải và bè phái đã dùng văn chương ca tụng những nhân vật lịch sử của Việt-Nam hoặc của Trung Hoa. Bề ngoài hình như có mục đích biểu dương những gương anh hùng trung liệt của các nhân vật lịch sử ấy, nhưng bên trong là cốt để che đậy hoặc ngụy biện chối cãi của sự bội phản chạy theo giặc của mình. Đó cũng là một nhóm trong khuynh hướng thời thế vậy.
4) Khuynh hướng trào phúng
Trong lúc những người đang đau lòng than thở cho thời cuộc hoặc xướng lên thuyết tùy thời để che đậy sự phản bội của mình, hay là có kẻ lại tỏ vẻ chán ngán trước thời cuộc hoặc có kẻ quyết tâm tìm cách xoay lại thời cuộc, thì có
những người lại nhìn đời, nhìn thời cuộc bằng những nụ cười ranh mãnh, chua chát hoặc khinh bỉ. Thái độ nhìn đời của những người ấy tạo ra một khuynh hướng nữa trong văn chương : khuynh hướng trào phúng. Căn cứ vào những nụ cười của họ ta có thể phân tách được tính chất đặc biệt của sự cười cợt đó… Có kẻ cười đời là do sự thừa hưởng truyền thống trào phúng và « tiếu-lâm » của dân tộc : nụ cười của Nguyễn Quỳnh. Có kẻ không chịu nổi những cái lố lăng giả nhân, giả nghĩa của hạng người tự xưng là quân tử, hiền nhân trong thời đại mình, nên bật ra những chuỗi cười tinh quái : nụ cười Hồ Xuân Hương. Có kẻ đầy chí khí hào hùng trong tâm hồn đa tình, đa cảm lại thỉnh thoảng điểm những nụ cười ranh mãnh nghiệt ngã để đối với đời : nụ cười Cao Bá Quát, và cuối cùng Nguyễn Khuyến, sau khi đạt vận, càng về già càng nhìn đời bằng những nụ cười hóm hỉnh, đại lượng. Trần Tế Xương, trái lại, trọn đời lận đận với sự nghiệp khoa danh, lại bật ra những tràng cười mỉa mai mà hằn học, chua xót và ghen tức.
B) Hình thức văn học nhà Nguyễn
Ai cũng biết tư tưởng và tình cảm là phần nội dung của văn chương, còn từ ngữ và văn thể là phần hình thức của nó vậy. Bởi thế nếu có sự phát triển và biến chuyển về phần nội dung thì phần hình thức cũng biến chuyển và phát triển theo. Như mấy phần trên đã nói, sau khi thoát khỏi khuôn khổ nho học cổ điển, tình cảm và tư tưởng của nền văn chương thế kỷ thứ XIX ngày càng dạt dào phong phú. Lẽ tất nhiên văn từ và văn thể dùng để diễn đạt những tình cảm tư tưởng phong
phú ấy cũng theo đà tiến hóa mà thay hình đổi dạng. Vậy dưới đây chúng ta lần lượt xét về 2 điểm văn thể và văn từ để hiểu rõ sâu rộng hơn nữa hình thức của nền văn chương thế kỷ 19 ở nước ta.
1) Văn thể
Trước nhất ta xét qua phần văn thể. Ta thử xem lại các thể tài cũ mà phần lớn là mượn của Trung Hoa rồi chen lẫn đến các thể nguyên của ta sẵn có. Cuối cùng ta sẽ đề cập đến những thể gọi là con đẻ của thời đại.
a) Văn thể mượn của Trung-Hoa : Nhìn chung những văn thể mượn của Trung Hoa thường dùng làm lối văn khoa cử trường qui gồm có những thể như Tứ lục, phú, văn tế, câu đối, kinh nghĩa, văn sách, thơ Đường. Nhưng theo bước tiến của lịch sử, văn nôm thế kỷ thứ XIX sử dụng các thể này càng ngày càng mới mẻ, thoát ly lần lần khỏi ảnh hưởng Hán Văn. Bởi vậy, nếu bài « Hàn Nho Phong vịnh Phú » của Nguyễn Công Trứ còn phảng phất không khí Hán tự đầy điển cổ, thì bài « Phú hỏng thi » của Trần Tế Xương lại đầy hương vị nôm na, nói lên được tiếng nói của dân gian nhưng không kém phần thanh nhã và ngộ nghĩnh. Đến như thể Tứ Lục cũng như loại Chiếu, Biểu, Hịch, v.v… thường viết bằng Hán Văn, thế mà ở thế kỷ XIX vẫn có nhiều bài thảo bằng văn nôm là cốt để phổ cập sâu rộng trong dân chúng.
Hãy đọc những bài Hịch, Văn Tế viết dưới đời vua Gia Long như « Hịch Bắc Phạt » của Lê Huy Giao, « Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Chu » của Đặng Đức Siêu, « Văn tế Trận Vong Chiến Sĩ » của Nguyễn Văn Thành, v.v… Cũng đủ thấy
rằng văn nôm dưới thế kỷ XIX không những có một địa vị xán lạn trên văn đàn mà lại đã có lần dự vào công cuộc « Quân Trung từ Mệnh ».
Những điểm nổi bật nhất trong hình thức của cả nền văn chương thế kỷ là thơ ca, nhất là thơ Đường luật mà những tay kiện tướng của thể thơ này là Tự Đức, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Hồ xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, v.v…
Thật là cả một thời mà thơ Đường hàm xúc đầy màu sắc, đến nỗi vua Tự Đức đã hạ bút phô trương một cách quá đáng rằng : « Thi đáo Tùng, Tuy, thất Thịnh Đường ».
Tuy nhiên, thơ Đường của thế kỷ thứ XIX ở Việt Nam ngày càng Việt Nam hóa để phục vụ những tư tưởng mới do thời đại đưa đến :
Ai xui con cuốc gọi vào hè ?
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê ?
Ngõ trước, vườn sau um những cỏ
Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê !
Đầu cành kiếm bạn oanh xao xác
Trong tối đua bay đóm lập loè.
Mong được nồm nam, cơn gió thổi.
Đàn ta, ta gảy khúc Nam nghe.
Đọc bài thơ vừa đan cử trên, hoặc lấy năm mười bài của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, đọc qua một vài lần và phân tách kỹ, ta sẽ thấy đầy một giọng điệu Việt Nam, một cảm hứng Việt Nam, nhiều từ ngữ Việt Nam hòa hợp lại rất tự nhiên đẩy dòng thơ đi một mạch làm cho ta
quên rằng đó là những bài thơ luật mà lại là thơ Đường Luật. Thêm vào đó, cái tài đối liên của Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, sau này cũng tế nhị, mau lẹ không thua gì Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm trước thuở sơ diệp Nguyễn Triều. Sử dụng các văn thể mượn của Trung Hoa một cách vô cùng kỹ thuật như vậy và ngày càng làm cho nó thêm nhiều tính cách Việt Nam, thế kỷ thứ XIX thật không hổ với nền văn chương đất nước.
b) Các thể văn của ta sẵn có : Ai đã nói đến tính chất đất nước trong văn chương tất phải nghĩ ngay đến 3 thể văn có thể gọi là hoàn toàn của Việt Nam mà một trong 3 thể ấy đã có sẵn từ hồi ca dao và tục ngữ mới xuất hiện : thể lục bát. Dần dần qua các thời đại, thì lục bát hòa hợp với lối thơ thất ngôn của Trung Hoa mà biến loại, thành ra thể song thất lục bát hay còn gọi là Lục bát giáng thất. Rồi lục bát, song thất lục bát hỗn hợp với các lối từ khúc của Tàu mà biến thành một thể mới hơn nữa : thể hát nói. Vậy Lục bát, song thất lục bát và hát nói có thể gọi là các thể văn nguyên sẵn có của ta. Lục bát dùng trong lối viết truyện tức là loại tiểu thuyết dài bằng thơ mà các cụ xưa kia rất sở trường. Song thất lục bát được sử dụng trong những bài ngâm khúc. Hát nói tức là một điệu hát đào nương có cung đàn, nhịp phách hòa theo do các cụ bày ra trong những lúc « Danh sĩ giai nhân » tương ngộ. Nhưng có một điều là không hiểu hát nói xuất hiện từ đời nào. Suốt cả triều Lê chúng ta không hề đọc được một bài hát nói nào cả, mà trải qua triều Nguyễn thể tài nầy lại rất thịnh hành với Nguyễn công Trứ, Cao Bá Quát là những tác giả đầu tiên. Về sau, Ngô thế Vinh, Dương Khuê,
Dương Lâm, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương lần lượt tung ra không biết bao nhiêu bài phóng túng cả ý lẫn lời và cùng đặc sắc. Bởi thế ta có thể ngờ rằng Hát nói là 1 thể văn riêng biệt của triều Nguyễn.
Nói đến truyện tức là nói đến thể lục bát. Dưới triều Nguyễn thể thơ nầy đã sáng tạo ra biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị mà Đoạn Trường Tân Thanh là cả một thiên tài không tiền khoáng hậu làm vinh dự cho nền văn học Việt Nam. Nếu đừng kể theo thứ tự thời gian mà kể theo giá trị nghệ thuật, thì sau Đoạn Trường Tân Thanh, Đại Nam Quốc sử diễn ca là một bản ca trầm hùng về lịch sử Việt Nam, một tập thể sáng tác mà Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái và Phạm Xuân Quế đã góp vào đó rất nhiều năng lực.
Về sau, vào thời mạt diệp nhà Nguyễn, trong giai đoạn tranh chấp với Tây Phương, « Lục Vân Tiên » của Nguyễn Đình Chiểu, « Hạnh Thục Ca » của Nguyễn nhược Thị, « Chính khí ca » của Nguyễn văn Giai đều là những tác phẩm bằng thể lục bát mà giá trị về hình thức không kém xa bao nhiêu. Riêng về thể song thất lục bát được sử dụng trong các tác phẩm ngâm khúc của Nguyễn Triều, thì bản dịch « Tỳ bà hành » của Phan Huy Vịnh và bản « Tự tình khúc » của Cao Bá Nhạ thật là vô cùng đặc sắc với những danh từ bóng bẩy, âm điệu du dương. Trái lại bản « Nhị Thập Tứ Hiếu » của Lý Văn Phức thì cũng rất du dương nhưng quá cổ kính.
c) Thể văn gọi là con đẻ của thời đại : Thời đại càng biến chuyển nhất là cuối thời đại của thế kỷ XIX và bắt đầu sang thế kỷ XX văn chương càng đòi hỏi rất nhiều thể tài mới để nói hết được tiếng lòng của thời đại. Bởi thế, ngoài 2 thể
văn vay mượn của Trung Quốc và nguyên của ta có sẵn, giai đoạn cuối thế kỷ XIX ở nước ta lại đẻ thêm một mớ thể tài mang nhiều dấu vết của thời đại hơn nữa. Những thể tài này sở dĩ bị lãng quên là vì cái công dụng của chúng hơi xa với học đường và tính cách quá phổ thông. Đó tức là các thể ca, mọi lối hát của 3 miền trên đất Việt… Mà mỗi thể ca, mỗi thể hát đều có một vẻ riêng biệt rất hợp với tính chất địa phương của nó. Ngoài Bắc có hát nói, hát chèo, hát trống quân, hát quan họ, v.v… Trong Trung có hát bộ, ca Huế, hát hò, hát dặm (điệu dặm Nghệ Tĩnh). Trong Nam đặc biệt nhất là ca cải lương, hò lô tô, hát bài chòi, v.v… Có thể nói những điệu này là con đẻ của đại chúng vì nó được đại chúng theo nhu cầu của bản thân và của thời đại mà sáng tác ra.
2) Văn Từ
Tiếp theo đây ta thử đề cập đến phần văn từ. Tức là phần thứ 2 của toàn bộ hình thức một thế kỷ văn chương.
Nói đến văn từ tức là nói đến cách viết lời văn, cách vận dụng từ ngữ trong thơ văn mà các tác giả của thế kỷ XIX ở nước ta rất có nhiều đặc sắc và có lắm công phu.
Điều đáng chú ý nhất là tính chất quan trọng của lời văn và chữ dùng trong thế kỷ XIX là mang rất nhiều màu sắc Việt Nam. Các nguyên nhân sinh ra tính chất ấy là do sự tàn tạ của Hán học và cảnh ly loạn diễn ra trên đất nước. Lúc bấy giờ, đứng trước thế cuộc như vậy, người nghệ sĩ thế kỷ XIX thấy yêu quê hương xứ sở hơn lúc nào hết. Từ sau năm Thăng Long mất ngôi đế đô, Bắc Hà đã đại chúng hóa ngay. Rồi ly loạn càng làm cho sĩ phu tự xếp mình vào hàng ngũ
dân chúng.
Những cái gì đã làm cho họ được gần với đại chúng nhân dân ? Vấn đề văn từ.
Trong vấn đề vận dụng văn từ, các tác giả thế kỷ XIX ở nước ta có 3 đặc điểm đáng kể như sau.
a) Công tác chế tạo văn từ : Với công tác này, Nguyễn Du rất đáng được tuyên dương. Thật vậy, Nguyễn Du đã chế tạo cả một pho danh từ nguyên là của văn thơ Hán : Nguyễn Du đã V.N. hóa nó. Ngày nay mỗi lần chúng ta đọc đến những từ ngữ : mây tần, song the, bụi hồng, gương nga, vi lô, lối mòn, trăng ngàn, quan san, cầu sương, điếm nguyệt, v.v… Chúng ta không còn thấy một vẻ gì là Tàu nữa mà trái lại chúng ta thấy thương thương những chữ ấy và còn nhiều nữa, chúng ta không kể sao cho xiết được.
b) Công tác sử dụng văn từ một cách khéo léo tài tình : Với Hồ Xuân Hương, thành ngữ, câu ví, câu đố, những vần hiểm hóc, những tĩnh từ, trạng từ ngộ nghĩnh được khai thác tận cùng. Có thể nói cái lối chơi chữ V.N. của Hồ Xuân Hương sau này truyền lại cho Trần Tế Xương sử dụng một cách sâu hơn nữa, bộc lộ, bạo dạn với những tư tưởng sắc bén quật khởi để đưa tiếng V.N. đến một độ tối thịnh đạt của nó.
c) Tài sử dụng danh từ mới của thời đại để làm giàu thêm cho văn từ đất nước : Về sau Trần Tế Xương lại còn dùng cả lời nói của thời đại, lại vừa nhập cảng những từ ngữ phương Tây vào nữa :
Biết rày, thuở bé đi làm quách,
Chẳng ký, không thông cũng cậu bồi.
Hoặc : Cống hỉ, méc xì thông mọi tiếng.
Hay là : Chi bằng đi học làm ông Phán
Tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò.
Xem thế đủ thấy rằng thế kỷ XIX vốn có nhiều tư tưởng, nhiều khuynh hướng, nhiều việc xảy ra, nhiều vấn đề mới mà Hán Học cũng bị lãng bỏ dần, lẽ tất nhiên tiếng Việt Nam phải tự tìm cách làm giàu mạnh lên để dùng trong hoàn cảnh mới.
V. KẾT LUẬN
Trước khi kết luận chúng ta nên nhớ rằng với những chương tóm tắt trong bài này chúng ta chỉ đề cập đến phần chữ nôm của cả nền văn học thế kỷ XIX mà thôi. Nhìn chung tánh cách của nền văn học thế kỷ XIX, nói một cách rõ hơn là nền văn học Nguyễn Triều, thì ta có thể truy phong thế kỷ XIX là một đại thế kỷ văn chương của nước nhà. Sở dĩ chúng ta dám nêu lên như thế là vì chúng ta thấy một số đông đảo tác giả lắm thiên tài của thế kỷ đã xây dựng biết bao tác phẩm phong phú, kiệt tác bằng những tư tưởng tự do, thực tiễn, mới mẻ. Hơn thế nữa, số đông đảo tác giả kia với những khuynh hướng giàu mạnh, với những văn thể dồi dào, đã xây dựng một kỷ nguyên văn chương V.N. cực thịnh, sau khi đã đả phá những cái gì gọi là gò bó của thời đại.
Nhìn chung, ta lại thấy thêm rằng phôi thai dưới triều Trần, thành lập và chịu qui chế dưới nhà Lê, văn chương V.N. lên đến chỗ cực thịnh dưới triều Nguyễn mà mở đầu là tất cả
cái thiêntài củaNguyễnDutrongĐ.T.T.T.,mộtngôi sao sángtrênnềntrời Vănhọc.
CHƯƠNG THỨ II : ĐẠI CƯƠNG VĂN HỌC THẾ-KỶ XX KỂ TỪ 1900-1945 (GIAI ĐOẠN TIỀN-BÁN THẾ-KỶ)
Từ xưa đến nay bất cứ thời đại nào, lịch sử và văn tự là 2 sự kiện quan trọng không thể nào tách rời ra khỏi nền văn học của một quốc gia.
Bởi vì lịch sử là một sự kiện gây ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng và tình cảm các văn nhân thi sĩ, gây xúc động cho họ rất mạnh trên 2 lãnh vực đó. Cho nên muốn nói lên mọi sự xúc động của mình, muốn phô bày mọi tư tưởng, mọi tâm tình cho người đương thời lẽ dĩ nhiên các văn nhân, nghệ sĩ phải dùng đến văn tự. Vậy văn tự đương nhiên là một phương tiện để các văn nhân thi sĩ sáng tác, xây dựng tác phẩm, nói rõ hơn xây dựng cả một nền văn học cho một thời đại xã hội nào đó của nước nhà.
Cũng như bất cứ trong một thời đại nào, nền văn học của thế kỷ XX ở Việt Nam ta không thể tách rời khỏi 2 sự kiện nói trên : lịch sử và văn tự.
Nến 2 giai đoạn lịch sử bình, loạn của thế kỷ thứ XIX vừa qua tại nước ta và sự cực thịnh của văn nôm đã dính liền mật thiết với nền văn học thì qua thế kỷ XX nhất là vào giai đoạn tiền bán lịch sử trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta và vai trò chữ quốc ngữ thay thế chữ nôm trong công việc xây dựng nền quốc văn mới, cũng không thể tách rời ra khỏi toàn bộ văn học của đất nước.
Nhưng tại sao chúng ta không đề cập luôn đến cả nền văn học của thời hậu bán thế kỷ 20 nầy nữa mặc dù chúng ta đang ở trong thời kỳ hậu bán nầy ?
Cái ấy cũng rất dễ hiểu vì cổ nhân đã dạy « Muốn định luận một người nào phải chờ nắp quan tài của người ấy khép lại đã » (Cái quan định luận) hiện tình chúng ta cũng vậy. Giai đoạn thế kỷ mà chúng ta đang sống đây vẫn còn đang tiến diễn, chưa chấm dứt, thì chúng ta làm gì có quyền và dám tự hào hiểu biết rõ đến mực nào để có thể dám bàn luận đến văn chương, lịch sử của giai đoạn hậu bán thế kỷ nầy ? Như thế chúng ta chỉ có thể được phép đề cập đến văn chương lịch sử của thời tiền bán thế kỷ vừa qua như đã có nhiều học giả, nhiều giáo sư từng đề cập đến. Do đó, muốn lược trình khái quát riêng về nền văn học Việt Nam vào khoảng tiền bán thế kỷ 20 nầy, chúng ta không thể nào bỏ qua được những vấn đề quan trọng sau đây.
- Các giai đoạn lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc ta và chính sách cai trị dân ta của Pháp trong thời tiền bán thế kỷ XX.
- Sự phát triển của chữ quốc ngữ với vai trò của nó trong công việc xây dựng nền quốc văn mới.
- Đại cương các giai đoạn văn học của nước ta trong khoảng tiền bán thế kỷ 20.
- Lược kê các tác giả và các sáng tác phẩm của họ với mọi bộ môn chính yếu.
Vấn đề đặt ra dưới đây chúng ta chỉ lần lượt trình bày để gọi là có một cái nhìn chung trên toàn bộ nền văn học của
nước ta trong khoảng tiền bán thế kỷ XX (20) vừa chấm dứt cách đây đã tròn 20 năm chẵn.
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA NỀN VĂN HỌC VÀO KHOẢNG TIỀN BÁN THẾ KỶ XX TẠI NƯỚC TA (1900-1945)
Dù muốn dù không bất cứ nền văn học của một quốc gia nào, trong giai đoạn thế kỷ nào, cũng đều phải có một hay nhiều bối cảnh lịch sử của nó. Nền văn học Việt Nam ta trong giai đoạn tiền bán thế kỷ thứ 20 lẽ tất nhiên cũng phải dính liền rất nhiều với hoàn cảnh lịch sử trong và ngoài nước vào giai đoạn thời gian mà nó đang tiến triển.
Nếu trong giai đoạn tiền bán thế kỷ thứ 20 vừa qua, trên thế giới nhân loại đã phải chứng kiến những cuộc cách mạng vĩ đại (Cách mạng Trung Hoa 1911, Cách mạng Nga 1917) và đã phải trải qua 2 trận đại chiến khủng khiếp (Đại chiến thứ I 1914-1918, đại chiến thứ II 1939-1945) v.v… thì cũng trong giai đoạn thời gian nầy, tại Việt Nam ta nhân dân đã phải trường kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, chống mọi chính sách cai trị hiểm độc của bọn chúng để mưu giành lại nền độc lập quốc gia. Thật là một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng của đất nước, mà tưởng chúng ta cũng nên điểm qua sơ lược dưới đây và cũng nhân đó chúng ta nên nhắc sơ qua nguồn gốc chữ quốc ngữ, một lợi khí mà dân tộc ta vừa dùng để giác ngộ quần chúng, hướng dẫn họ trên con đường đấu tranh giành độc lập, vừa để xây dựng cho một nền quốc văn mới cho nước nhà.
A) Sơ lược lịch sử trong và ngoài nước
Sau khi ba phong trào Cần Vương, Văn Thân và Duy Tân tan rã, dân tộc V.N. luôn luôn tỏ tinh thần bất khuất đối với thực dân Pháp. Sau cuộc đại chiến thứ nhất, tình hình chung trong và ngoài nước rất ảnh hưởng đến các phong trào giành độc lập của ta sẽ càng ngày càng quyết liệt.
1) Những sự kiện chính trị quốc tế quan trọng sau cuộc đại chiến thứ I
Sau cuộc đại chiến, các cường quốc họp nhau bàn về hiệp ước hòa bình, Tổng Thống Mỹ Wilson đề nghị sửa đổi chính sách thuộc địa cho công bình hơn, nhưng bị bác bỏ, tuy nhiên lời đề nghị của Wilson rất có tiếng vang.
Trước đó ở Trung Hoa, sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) dựng lên nước Trung Hoa dân quốc đã thúc đẩy sĩ phu ta chuyển hướng qua đường lối cách mạng dân chủ, theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên và ngay khi cuộc đại chiến thứ I gần kết thúc, vào năm 1917 chế độ Nga Hoàng sụp đổ cũng ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần cách mạng đuổi thực dân, đánh đổ phong kiến của dân tộc ta.
Cách mạng và binh lửa vừa chấm dứt, thì khoảng trên mười năm về sau, thế giới lại phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế rất trầm trọng, hình như cuộc khủng hoảng này kéo dài từ 1930 đến đầu 1935. Rồi qua năm 1936 tại Pháp, tình hình chính trị bỗng nhiên thay đổi lớn : mặt trận bình dân lên nắm chính quyền. Tình hình này ảnh hưởng không ít đến lịch sử đấu tranh về mọi mặt của nước ta trong giai đoạn đó. Nhưng đùng một cái, qua năm 1939 thế giới đại chiến lần thứ II lại bùng nổ đưa nhân loại vào chỗ chém giết
thảm thê và sau đó đã kết thúc bằng 2 trái bom nguyên tử rơi trên đất phù tang vào năm 1945 !
Cuộc thế giới đại chiến lần thứ II khủng khiếp này lại đẩy lịch sử đấu tranh về chính trị về văn học của dân tộc ta sang một kỷ nguyên mới…
2) Tình hình quốc nội từ sau cuộc đại chiến lần thứ I và sau 3 phong trào : Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân
Tình hình quốc nội từ sau cuộc đại chiến lần thứ I đến 1945 và các giai đoạn tiếp tục tranh đấu của dân tộc ta sau khi 3 phong trào : Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân tan rã.
Sau khi 3 phong trào Cần Vương, Văn Thân và Duy Tân tan rã và nhất là sau cuộc vũ trang khởi nghĩa của vua Duy Tân với Trần Cao Vân lãnh đạo bị thất bại nặng nề vào năm 1916, tình hình đất nước bề ngoài bỗng trở nên yên tĩnh như chịu an phận dưới chế độ cai trị của phong kiến thực dân. Tuy nhiên, bên trong dân tộc Việt Nam đang ngấm ngầm chuẩn bị những cuộc tranh đấu giành độc lập, tranh đấu về mọi mặt khi bí mật lúc công khai, khi mềm dẻo, lúc cương quyết, tùy theo sự biến chuyển của đất nước, qua từng giai đoạn lịch sử từ sau cuộc đại chiến thứ I đến 1945…
Dưới đây là những biến chuyển đáng kể theo sát với tình hình trong nước mà dân tộc ta đã thừa cơ tạo ra để gọi là hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn thời gian nêu trên.
a) Đấu tranh công khai bằng báo chí do trí thức lãnh đạo, đáng kể nhất là trong giai đoạn từ năm 1920-1940.
b) Tranh đấu bằng chính trị, nghĩa là bí mật thành lập các đảng với 2 khuynh hướng quốc gia và quốc tế nhưng cùng một mục đích là giành độc lập, đánh đổ thực dân phong kiến dựng nền dân chủ, giải phóng dân tộc, v.v…
Do đó lần lượt xảy ra những vụ bạo động khởi nghĩa đáng kể như :
- Cuộc khởi nghĩa Yên Báy vào năm 1930 do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo nhưng bị thất bại.
- Khởi nghĩa Bắc Sơn (1940), Nam Kỳ (1940), khởi nghĩa Đồ lương (1941) do Cộng sản lãnh đạo nhưng cũng bị đàn áp thê thảm.
c) Nhân Bảo Đại về nước 1932. Và nhân tại Pháp mặt trận bình dân lên cầm quyền vào năm 1936 các đảng phái chính trị của ta với mọi xu hướng lại hoạt động công khai rầm rộ như gây đình công, tổ chức mít-tinh biểu tình vào dịp lễ lao động 1 tháng 5, lập hội ái hữu, vận động nghiệp đoàn, đưa kiến nghị cho ủy ban điều tra từ Pháp sang, xuất bản báo chí để đấu tranh bằng ngôn luận v.v… làm cho thực dân Pháp hoảng sợ tìm mọi cách kềm hãm. Nhưng chẳng bao lâu mặt trận bình dân Pháp bị tan vỡ, tiếp đến 1939 đại chiến II bùng nổ nên mọi phong trào tranh đấu vừa kể bị thẳng tay đàn áp và các chiến sĩ cách mạng quốc gia cũng như Cộng Sản đều bị tù đày. Phong trào tranh đấu của các đảng phái đành phải rút lui vào bóng tối.
d) Rồi từ 1939 đến 1945, nhân cuộc thế chiến lần thứ II đang tiến triển, tình hình đất nước trở nên vô cùng trầm trọng và có nhiều sự việc thay đổi bất ngờ : Đẩy nền thống
trị của Pháp đến chỗ cáo chung.
Năm 1940, Nhật sau khi tuyên chiến với đồng minh, kéo quân vào Đông Dương để làm căn cứ và cấu kết với thực dân Pháp áp bức dân ta nên gây ra trong nước nhiều cuộc võ trang bạo động : Bạo Động Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đồ Lương do phe Cộng sản chỉ huy.
- Năm 1941 phe Cộng sản lại cho ra đời mặt trận Việt Minh với mục đích đánh Pháp đuổi Nhật.
- Tháng 3 năm 1945 trước khi thua trận, Nhật lại làm đảo chính lật đổ Pháp để một mình thống trị Đông Dương với chiêu bài « Khu thịnh vượng Đông Nam Á », và giả vờ cho Việt Nam được độc lập dưới sự lãnh đạo của chính phủ Trần Trọng Kim.
- Tháng 8 năm 1945 thừa cơ đại chiến thứ II chấm dứt, Nhật đầu hàng Đồng-minh, Việt-Minh nổi lên cướp chính quyền và tuyên ngôn Việt Nam độc lập với chính thể dân chủ cộng hòa.
B) Chính sách cai trị của thực dân Pháp (kinh tế, chính trị và giáo dục)
Như trên đã nói, sau khi 3 phong trào Cần Vương, Văn Thân, Duy Tân tan rã và cũng sau khi cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân vào năm 1916 bị thất bại, từ đó cho đến 1945 nhân dân Việt Nam đã vẫn không hề chịu lùi bước… Trái lại, dân ta vẫn tùy theo tình hình trong và ngoài nước mà tiếp tục đấu tranh chống lại các chính sách cai trị của thực dân Pháp đang đè nặng trên đầu để cuối cùng giành lại độc lập
cho tổ quốc. Chính sách cai trị của thực dân Pháp rất thâm độc mà đáng kể là 3 phương diện : kinh tế, chính trị và giáo dục, ba phương diện trọng yếu nhất trong toàn bộ chính sách cai trị của thực dân.
1) Chính sách kinh tế
Sau cuộc đại chiến lần thứ I, Pháp mở mang kinh tế rất lớn tại nước ta, càng ra tay bóc lột dân ta để bù đắp những thiệt hại của chúng trong trận chiến tranh vừa qua. Muốn thi hành chính sách bóc lột ấy Pháp tỏ ra ngày càng hà khắc. Hơn nữa lúc bấy giờ dân ta có một số người nhờ sự kinh doanh đứng làm trung gian cho Pháp trong vấn đề kinh tế mà trở nên giàu có. Nhưng họ vẫn bị Pháp kìm hãm nên họ trở nên bất mãn, nhất là các phần tử trí thức giàu có này cũng ngả về hàng ngũ cách mạng để chống thực dân pháp về mọi mặt mà đáng kể là họ chống Pháp trên 2 mặt trận chính trị và văn chương.
2) Chính sách chính trị
Với chính sách này, người Pháp áp dụng bằng 2 lối : mua chuộc và đàn áp.
Với chính sách đàn áp họ thẳng tay dùng vũ lực, tù đày để dập tắt tất cả mọi phong trào cách mạng yêu nước của nhân dân đã dám đứng lên chống họ để giành lấy lại chủ quyền cho đất nước.
Với chính sách mua chuộc họ dùng đủ thủ đoạn, chính trị để dụ dỗ, gây chia rẽ các hàng ngũ dân tộc. Bên ngoài họ giả vờ tôn trọng các giá trị cũ để cản đường tiến hóa. Bên trong họ chia rẽ, lập ra một triều đình và mua chuộc bọn sĩ phu
« Thoả hiệp » đem ra đối lập với các phần tử cách mạng. Thêm vào đó họ còn giả vờ cho cải cách đôi sự việc để đánh lừa hoặc đánh lạc hướng đấu tranh của toàn dân.
Chứng minh vài sự việc đáng kể dưới đây : Năm 1932 Bảo Đại ở Pháp về lại Việt Nam và thi hành vài điều cải cách theo mệnh lệnh của thực dân Pháp : cải tổ nội các, tuyển dụng nhân tài mới.
Nhưng toàn quyền Pasquier lại đặt ngay Phạm Quỳnh và Nguyễn Đệ bên cạnh Bảo Đại để kìm chế. Tuy nhiên bên cạnh Phạm Quỳnh họ lại đưa tên L. Marty và viên tổng đốc Hoàng trọng Phu để kiểm soát, cũng như họ đã đưa Vayrae ở bên Nguyễn văn Vĩnh để dòm ngó về các công tác văn học của ông nầy và đưa Nguyễn năng Quốc vào hội Phật giáo để xem xét mọi hành động về Phật sự của hội. Thật quả thực dân Pháp đã cố tình cho tay sai len lỏi vào để « lái » hết mọi ngành hoạt động chính trị, văn học và tôn giáo của dân ta lúc bấy giờ.
Đã vậy họ lại còn hướng thanh niên về đường vật chất cho tinh thần trở nên ủy mị, lãng mạn lặn ngụp ở vũng bùn thị dục hầu mong thanh niên quên hết các nhiệm vụ chính nghĩa mà toàn dân đang mong đợi ở tuổi trẻ.
Sau hết để làm thỏa mãn các khuynh hướng quốc gia, dân tộc, thanh niên, xã hội mà họ đã biết đa số dân chúng đang mang nặng trong trí óc, họ bèn cho tổ chức những trò « giả hiệu » như : Lễ Hưng quốc Khánh niệm, lễ chào cờ có hát quốc ca Việt Nam (bài Đăng Đàn Cung), các tổ chức thể dục, thanh niên, v.v… với mục đích lừa gạt những người nhẹ dạ dễ
tin…
3) Chính sách giáo dục
Để phục vụ chính sách chính trị kể trên, người Pháp lẽ tất nhiên phải nắm cả nền giáo dục quốc gia và có một chính sách rõ ràng trong các vấn đề học quy thi cử. Bởi vậy người Pháp dần dần dùng chữ Pháp và chữ quốc ngữ để thay thế chữ Hán và chữ Nôm trong các trường học. Nói một cách khác, họ đã dùng học thuật của họ thay vào học thuật của dân bản xứ, có như thế đương nhiên Hán nho nhường chỗ cho Tây Nho, thì các kỳ thi hương thi hội cũng dần dần phải bị bãi bỏ. Rồi bắt đầu từ đó nền học chính quy được tổ chức thành 3 cấp rõ ràng : Sơ, Trung, Đại.
Ở 2 bậc Trung và Đại Học, chữ Pháp được xem là một văn tự chính. Chỉ riêng ở bậc sơ học chữ quốc ngữ mới được đem giảng dạy khá nhiều, mặc dù ở bậc nầy mỗi tuần học sinh bắt buộc cũng phải học thêm Pháp ngữ.
Nhưng dù sao chữ quốc ngữ cũng có địa vị vững vàng và ngày càng phổ cập vào trong dân chúng.
Trên thực tế người Pháp muốn dùng chữ quốc ngữ để đánh bại Hán học, không ngờ chữ quốc ngữ là một con dao 2 lưỡi đã quay trở lại làm một lợi khí cho dân V.N. trên đường tranh đấu, dù người Pháp tìm mọi cách cản trở và xoay ngược lại thế cờ.
Chứng minh là : Bằng sơ học yếu lược, hội truyền bá quốc ngữ, những tổ chức chống nạn mù chữ, bình dân học vụ, đã ghi dấu trong công cuộc dân-chúng-hóa văn học V.N. làm cho người Pháp không ngờ rằng chính sách giáo dục của
mình đã có một hậu quả rất thuận lợi cho sự nghiệp đấu tranh của dân tộc V.N. ta trên con đường văn chương học thuật.
II. VAI TRÒ CỦA CHỮ QUỐC NGỮ VÀ NHẮC SƠ QUA NGUỒN GỐC CỦA THỨ CHỮ NÀY
Như đã trình bày trên, do chính sách của người Pháp nhằm vào mục đích đè bẹp Hán học để lấy Tây học thay vào qua sự trung gian của chữ quốc ngữ, không ngờ đã biến chữ quốc ngữ thành một lợi khí cho dân tộc ta dùng để đấu tranh chống thực dân Pháp. Vậy chữ quốc ngữ do đâu mà ra ? Nó đã tiến triển như thế nào để xứng đáng với vai trò xây dựng nền quốc văn mới cho đất nước ? Đó là những vấn đề chính yếu mà chúng ta cần lần lượt tìm hiểu dưới đây…
Khác với Hán tự do Trung Quốc truyền sang, Quốc ngữ tự là một thứ chữ ghép bằng các mẫu tự La Mã do các cố đạo Tây Phương du nhập vào nước ta trong khoảng thế kỷ XVI, ở thời Hậu Lê nhằm giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh.
Thật vậy, trong khoảng thời gian kể trên, các đường giao thông trên mặt bể giữa Âu, Á được mở mang, người Tây Âu bắt đầu đến xứ ta, phần nhiều là nhà buôn và giáo sĩ đi truyền đạo thiên chúa. Các giáo sĩ học nói tiếng bản xứ, và muốn đem kinh thánh ra giảng dạy tất phải dịch ra tiếng Việt, nhưng chữ nôm khó học, dùng không tiện, họ bèn nghĩ cách lấy chữ La Mã để ghi âm tiếng V.N.
Công cuộc sáng chế chữ Quốc ngữ là công việc chung của nhiều người (có cả giáo sĩ Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, v.v…) Những
sách trứ thuật đầu tiên đáng kể là 2 quyển tự vựng V.N. Bồ Đào Nha và Bồ Đào Nha V.N. do các giáo sĩ Bồ Đào Nha biên soạn.
Về sau có vị cố đạo người Pháp, cố Alexandre de Rhodes nhân hai cuốn từ vựng đó mà soạn ra quyển tự điển V.N. – Bồ Đào Nha La Tinh và cho in tại La Mã vào khoảng 1651. Tiếp đó cố Alexandre de Rhodes còn dùng chữ Quốc ngữ soạn các sách giảng đạo cho con chiên tại nước ta. Cho nên ta có thể nói cố Alexandre de Rhodes đã góp nhiều công sức vào sự sáng chế chữ quốc ngữ vì vị cố đạo nầy đã xây dựng nhiều sáng kiến để sửa chữa thêm bớt làm cho chữ Quốc ngữ mỗi ngày thêm hoàn hảo. Nhưng vị cố đạo người Pháp nầy đâu có ngờ rằng về sau chữ quốc ngữ lại trở nên một lợi khí mà dân tộc ta dùng để vừa giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp, vừa xây dựng nền quốc văn mới cho nước nhà. Tuy nhiên sự nghiệp xây dựng nền Quốc văn mới cho đất nước là một công tác trường kỳ theo các giai đoạn tiến triển của chữ quốc ngữ đi đôi với sự nghiệp trường kỳ đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
III. CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN CỦA CHỮ QUỐC NGỮ
Từ ngày được các cố đạo Tây Phương sáng chế, sửa chữa và hoàn bị, chữ quốc ngữ không ngừng theo thời gian mà tiến triển, nghĩa là nó không phải chỉ thu hẹp trong các sách giảng đạo Gia Tô mà dần dần nó tràn qua địa hạt văn học của nước nhà, đóng vai trò xứng đáng trong công việc xây dựng nền quốc văn mới V.N. Sự tiến triển của chữ Quốc Ngữ trải qua ba thời kỳ đi song song với lịch sử đấu tranh của dân
tộc mà chúng ta cần phải ghi nhớ và tóm lược như sau.
A) Thời kỳ phôi thai
Trong thời kỳ nầy, vì khởi đầu người Pháp chiếm Nam Việt (lục tỉnh) nên chữ quốc ngữ ở đây được truyền ra ngoài phạm vi tôn giáo sớm hơn cả so với toàn quốc, hai người rất có công trong sự làm cho quốc văn có khuôn mẫu và được lan rộng trong lục tỉnh là Trương vĩnh Ký và Paulus Của tức Huỳnh tịnh Trai.
Nhìn chung trong thời kỳ nầy, sự trứ thuật sáng tác chưa có gì nổi bật. Các học giả chỉ mới dùng chữ Quốc Ngữ để phiên dịch các sách truyện chữ nôm của ta và các tiểu thuyết Tàu hoặc các sách bằng chữ Pháp hay là phỏng theo sách ngoại quốc mà soạn ra các sách giáo khoa phổ thông dùng tại nhà trường. Nhưng chính vì thế mà chữ Việt được dịp chung đụng thử thách với chữ Nho, chữ Pháp là 2 thứ chữ sẵn có một quy củ vững vàng mà dần dần trở nên chỉnh đốn biến thành một dụng cụ mềm mại có thể diễn đạt được hết thẩy sự vật, cảm tình, tư tưởng, và không bao lâu giúp chúng ta thành lập một nền văn xuôi phong phú tinh vi để làm lợi khí sáng tác mọi bộ môn về văn học, báo chí, v.v… Có thể nói thời kỳ phôi thai này kéo dài cho đến khi Đông Dương tạp chí ra đời.
B) Thời kỳ phát triển
Nếu đứng về phương diện văn chương, học thuật, thì thời kỳ này có thể đánh dấu từ năm 1913, năm Đông Dương tạp chí ra đời đến 1934 năm Nam Phong tạp chí đình bản. Bởi lẽ
các văn nhân thi sĩ, các học giả trong hai nhóm Đông Dương và Nam Phong đã góp rất nhiều công sức để đẩy bánh xe quốc ngữ tiến lên…
Nhưng nếu căn cứ vào phương diện chính trị, văn hóa, xã hội tư tưởng thì việc làm của các nhà chí sĩ trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục trước kia cũng đã tạo cho chữ Quốc Ngữ muôn vàn điều kiện để mỗi ngày mỗi thêm tiến mạnh trên con đường đấu tranh và sáng tác của dân tộc V.N. ta.
Thật vậy, trước kia, trong khoảng thời gian Đông Kinh Nghĩa Thục còn hoạt động, hầu hết các nhà trí thức của ta đều nhất trí quan niệm rằng chỉ có chữ Quốc ngữ và môn Quốc văn mới có thể dùng làm lợi khí sắc bén nhất, phổ thông nhất trong việc mở mang dân trí, giáo dục quần chúng để đưa quốc gia tiến kịp theo đà văn minh của nhân loại trên thế giới. Do đó, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục tuy dạy 3 thứ chữ Hán, Pháp, Việt nhưng phổ thông thì chuyên trọng Quốc văn, nhất là ngoài giờ giảng dạy tại trường, nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục lại thường xuyên mỗi tuần tổ chức một buổi diễn thuyết về mọi vấn đề : khoa học, giáo dục, văn hóa… với mục đích phổ thông mọi kiến thức cho quần chúng nhân dân. Các vị trong nhóm lại còn cố gắng biên tập không ngừng các sách học, không những cho học sinh dùng trong Nghĩa Thục mà còn đem in ra phát không cho mọi người, có quyển in đi in lại hàng mấy lượt vẫn chưa đủ dùng.
Để tiếp tục công tác hướng dẫn chữ quốc Ngữ tiến lên của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục vừa kể trên, những cây bút tên tuổi sau nầy trong 2 bộ biên tập Đông Dương Tạp chí và Nam Phong tạp chí cũng đã dồn hết khả năng mình để khai triển
chữ quốc ngữ và đẩy nền quốc văn tiến xa thêm hơn nữa trên con đường văn chương học thuật.
Nhìn chung, ta thấy các vị học giả trong Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí đã tài tình và khéo léo sử dụng chữ quốc ngữ trong 3 công việc đáng kể nhất dưới đây :
- Chuyên dùng chữ quốc ngữ để dịch thuật Hán và Pháp văn ra tiếng Việt mục đích vừa để nâng cao dân trí, giúp quốc dân hiểu biết học thuật, tư tưởng Tây-Âu Đông-Á vừa để tài bồi cho nền quốc văn ngày một phong phú.
- Dùng chữ Quốc Ngữ để diễn đạt giới thiệu những tư tưởng học thuật Âu, Á cho người xem lĩnh hội.
- Luyện quốc văn trở nên hoàn toàn đầy đủ, làm cho tiếng Việt ta có đủ chữ phô bày hết mọi tính tình ý niệm. Lần lần mài luyện cho câu văn mỗi ngày thêm sáng sủa, gọn gàng, đặt cho quốc văn một cơ sở vững chắc làm nền tảng cho lớp người sau xây dựng trên đó tòa lâu đài văn học rực rỡ cho đất nước Việt Nam.
Xem thế chúng ta có thể xác nhận rằng nhờ công lao, thiện chí và năng lực của các vị học giả, mô phạm, văn nhân thi sĩ trong nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục và trong 2 bộ biên tập Đông Dương cùng Nam Phong tạp chí mà phong trào dùng chữ quốc ngữ để biên khảo sáng tác về mọi ngành học thuật và phát triển không ngừng suốt trong khoảng 20 năm (1913-1934), khoảng thời gian được mệnh danh là thời kỳ tiến triển của chữ quốc ngữ. Phong trào khảo cứu và sáng tác nầy được thể hiện rõ nhất trong 4 lĩnh vực : báo chí, biên khảo, thi ca và tiểu thuyết mà chúng ta tưởng cũng nên tóm
lược tính cách đại cương của từng mỗi lĩnh vực như sau đây : 1) Báo chí
Nước ta trước hồi Pháp thuộc không có báo chí. Mãi đến sau khi Pháp thành lập xong chế độ bảo hộ thì báo chí mới bắt đầu xuất hiện và dần dần phát triển về nội dung cũng như về hình thức.
Riêng về báo, ngoài một vài tờ do chính quyền thuộc địa Pháp trong Nam và Nha Kinh-Lược ngoài Bắc cho xuất bản đầu tiên vào năm 1865, phải chờ đến 1900 trở đi, các tư nhân mới lần lượt cho ra những tờ nhật báo hoặc tuần báo mà nội dung lẫn hình thức đều có vẻ thô sơ, vụng về. Có những tờ viết bằng cả 2 thứ chữ : Quốc ngữ và Hán văn. Ban đầu mấy tờ báo đó chỉ có mục đích thông tin và báo cáo các chỉ thị của chính phủ. Rồi dần dần về sau theo đà sẵn có báo chí đua nhau ra mắt công chúng với mục đích rộng rãi hơn trước như vừa thông tin, vừa có các mục đích : xã thuyết, tiểu thuyết, thơ văn, tự do diễn đàn… để giãi bày ý hướng quốc dân và thỉnh thoảng giữa 2 đồng nghiệp cũng xảy ra một vài cuộc bút chiến nho nhỏ. Trong số những tờ báo đó có vài ba tờ thời bấy giờ rất nổi tiếng mà ngày nay người ta còn nhắc tên như : Trung Bắc Tân Văn, Tiếng Dân, Thần Chung, Ngọ Báo…
Còn về phần tạp chí, phải chờ đến năm 1913, năm Đông Dương tạp chí ra đời và 1917, năm Nam Phong tạp chí xuất hiện, từ đó trở đi một số tạp chí khác như Hữu thanh tạp chí, An Nam tạp chí, Phụ Nữ tân văn, Khoa học tạp chí, v.v… mới lần lượt ra mắt độc giả. Nhưng chỉ có tính cách và mục đích
cùng công trình của 2 tờ Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí mới là đáng kể nhất vì dù sao, 2 tờ tạp chí nầy cũng đã có công mài luyện chữ quốc ngữ, xây dựng nền Quốc văn để làm một phương tiện dịch thuật và biên khảo các sách vở Đông, Tây, Kim, Cổ với mục đích mở mang kiến thức cho thanh niên nước nhà như chúng ta vừa trình bày ở đoạn trên.
Tuy nhiên, riêng về hai tờ tạp chí nầy, chúng ta sẽ đặc biệt đề cập đến một cách rõ ràng hơn nữa ở chương : khảo luận về lịch sử báo chí nước nhà.
2) Biên khảo và dịch thuật
Trong thời kỳ chữ quốc ngữ phát triển này, công tác biên khảo và dịch thuật của các học giả tân và cựu học trong 2 nhóm Đông dương tạp chí và Nam Phong tạp chí là đáng kể hơn hết. Bởi vì lúc bấy giờ các vị học giả ấy đều có quan niệm rằng nhờ sự biên khảo và dịch thuật thì mới có thể hy vọng sẽ truyền bá vào trong dân chúng hai nền học thuật mới và cũ, họ tin rằng có thể chiết trung, hợp thái những tư tưởng Âu, Á rồi sẽ liệu cách điều hòa để xây dựng nền Quốc học Việt Nam. Thật vậy, lúc bấy giờ ngoài những công trình dịch thuật và biên khảo của các vị tân và cựu học đã từng cộng tác với hai tờ tạp chí Đông Dương và Nam Phong như : Nguyễn văn Tố, Lê Dư, Phan Khôi, Trần trọng Kim, Bùi Kỷ, v.v… thì đáng kể nhất là những công trình của bốn vị học giả đại diện cho 2 phái tân và cựu học được xem như là những cây bút trụ cột cho 2 tờ tạp chí vừa kể trên : Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh (tân học), Phan kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến (cựu học) mà dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu sơ qua thiện chí và văn tài của họ.
- Nguyễn văn Vĩnh nổi tiếng dịch rất nhiều sách Tây và có công tập hợp các nhà văn tân, cựu cùng thời lập nên một cơ quan văn học (Đông Dương tạp chí) trong buổi quốc ngữ mới sơ khai, gây thành phong trào yêu mến tiếng Việt trong lòng thanh niên trí thức.
Ông dịch gần đủ các loại : thơ ngụ ngôn, kịch, truyện dài, truyện ngắn của các văn sĩ nổi danh nhất ở Pháp vào khoảng thế kỷ 17, 18 và 19 mà đáng kể là mấy bộ như : Mai Vương Lệ Cốt, Ba người ngự lâm pháo thủ, Những kẻ khốn nạn, v.v… Ông dịch thuật thật tài, chỉ cần thoát ý, không cần đúng từng chữ từng câu, lời văn của ông có tính chất V.N. hoàn toàn làm cho hứng thú kẻ đọc tăng lên, nhiều đoạn ông dịch rất sát nghĩa, vô cùng linh hoạt, tự nhiên. Chúng ta không ngờ rằng trước đây hơn 30 năm chữ quốc ngữ mới ở bước đầu đã có thể diễn dịch được hết ý nghĩa và tinh thần câu văn Pháp.
- Phạm Quỳnh khác hẳn Nguyễn văn Vĩnh vì ông chuyên về mặt tư tưởng và lưu ý biên khảo các học thuyết Thái Tây để rèn luyện cho Quốc văn có thể phô diễn được những ý niệm mới, văn phẩm của ông đều đăng ở Nam Phong tạp chí rồi sau in lại thành sách trong Nam Phong tùng thư.
Tuy nhiên nếu sự nghiệp Nguyễn văn Vĩnh đáng kể là phần dịch thuật thì sự nghiệp của Phạm Quỳnh lại quan trọng ở các tác phẩm biên khảo bởi vì Phạm Quỳnh rất chú trọng về phương diện nầy. Ông đã biên khảo đủ các loại văn chương, học thuyết, nghệ thuật Đông, Tây, Kim, Cổ nhất là của Pháp, của Trung Hoa, và ông cũng không quên khảo cứu
văn chương học thuật nước nhà (cả bác học lẫn bình dân).
Xem thế, qua 2 công trình dịch thuật và biên khảo của 2 vị học giả vừa kể trên, ta thấy rằng : văn ông Vĩnh giản dị nhẹ nhàng, văn ông Quỳnh chắc chắn trang nghiêm, cho nên ta có thể nói rằng văn ông Vĩnh là để phổ cập trong đám đại chúng bình dân, còn văn ông Quỳnh có tính chất đạo mạo của học giả.
Bên cạnh những công trình dịch thuật và biên khảo lớn lao của 2 vị tân học giả Vĩnh và Quỳnh vừa kể trên, những công trình cùng một loại của 2 vị cựu học giả Phan Kế Bính và Nguyễn hữu Tiến dưới đây cũng không thể bỏ qua được.
- Phan Kế Bính là tay bỉnh bút trong Đông dương tạp chí. Ông giữ mục Hán Văn, chuyên trích dịch tác phẩm Bách Gia Chư Tử, hay các chuyện rút trong Kim cổ kỳ quan, Tình sử và các truyện ký Trung Hoa, v.v…
Ngoài ra ông cũng còn biên khảo các vấn đề có tính cách lịch sử, văn chương phong tục của nước nhà.
Văn dịch ông có biệt tài (tỉ như bộ Tam Quốc Chí) thực hiếm người dịch được hơn ông, văn biên soạn của ông rất công phu, lối hành văn biên soạn của ông đúng mực, sáng sủa, gọn gàng, đã giản dị lại đanh thép kể cả văn xuôi lẫn văn vần, dù dịch hay tự viết ra, bài nào của ông cũng già dặn và viết rất đều…
Không những ở thời kỳ phôi thai, ngay đối với trình độ Quốc văn bây giờ, ông vẫn là bực đàn anh, đáng lấy làm khuôn mẫu.
Nếu muốn biết học thuật Thái Tây, thanh niên cần xem Nam Phong và đọc họ Phạm, thì trái lại, muốn thưởng thức cái hay cái đẹp trong Hán học, muốn có được một vài ý niệm về Á Đông cổ điển, tất phải nhờ Phan kế Bính dẫn lối chỉ đường.
- Nguyễn hữu Tiến trong bộ biên tập Nam Phong tạp chí sau đó cũng kế tiếp công việc của Phan Kế Bính. Nguyễn hữu Tiến chuyên biên khảo những bài về phong tục, luân lý, văn chương, tôn giáo Trung Hoa, ông cũng đã nghiên cứu học thuyết Khổng Mạnh hay trần thuật văn nghiệp các danh nho của Tàu (như Từ-Mã-Quang, Lương Khải Siêu) và giải thích bộ Mạnh Tử ra quốc văn (cùng làm với Tùng Vân đạo nhân Nguyễn Đôn Phục). Bên cạnh đó ông cũng rất chú trọng khảo cứu thơ Đường và thơ Việt. Về thơ Đường, ông đã từng viết những bài giảng giải rành mạch. Về thơ Việt ông rất chú trọng đến thơ nôm cổ, ông đã từng sưu tầm các bài thơ nôm nổi tiếng từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19 ở nước ta (từ Nguyễn gia Thiều đến Tam nguyên Yên Đổ), ngoài ra ông cũng đã dịch trọn bộ Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ là một bộ sách rất có giá trị về lịch sử, địa lý, phong tục học thuật, lễ nghi của nước ta cuối đời Lê.
Tóm lại tác phẩm của ông rất có ích cho các nhà Tân học bây giờ nếu họ muốn tìm hiểu trong đó văn minh học thuật Á Đông và Việt Nam thời cổ.
3) Thi ca
Những công trình biên khảo và dịch thuật kể trên dù sao cũng không thể làm xúc động lòng người bằng thơ ca. Bởi vì
bất cứ thời nào thơ ca cũng là một nghệ thuật làm rung cảm tâm tình người đọc nhiều nhất. Hơn nữa trong thời kỳ này, thơ ca phản chiếu rất rõ rệt trong tâm hồn dân tộc đang sống trong vòng áp bức mà dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu.
Về hình thức, trong thời kỳ này lẽ dĩ nhiên thơ ca còn phải ở trong khuôn sáo cũ dù Cổ phong hay Đường luật.
Về nội dung nó chứa đựng 2 tính chất đáng kể là : Ủy mỵ lãng mạn và tiềm tàng một tinh thần dân tộc hào hùng.
- Tính chất ủy mỵ lãng mạn : Tính chất này thường chứa đựng trong các thi phẩm của những nhà thơ thuộc thành phần trí thức tư sản thiếu nghị lực, sợ đấu tranh và không dám nhìn thẳng vào thực tế đau buồn đang hằng ngày diễn ra trên đất nước bị mất chủ quyền. Do đó, họ đâm ra chán nản, ngày ngày mượn thi ca để vớ vẩn ngâm vịnh trong những lúc trà dư tửu hậu. Họ dùng thi ca chuyên tả những nỗi buồn không đâu hay để bộc lộ những nỗi chán chường trước cuộc sống không lý tưởng, không mảy may hy vọng vào ngày mai. Đó là những vần thơ lãng mạn, bệnh hoạn, tuyệt vọng và say sưa mộng mị của những tác giả tiêu biểu nhất lúc bấy giờ như : Đông Hồ, Tương Phố, Tản Đà, v.v…
- Tính chất tiềm tàng một tinh thần dân tộc hào hùng : Nếu đừng kể những bài thơ, những khúc ca chứa đựng rõ ràng một tinh thần đấu tranh cách mạng, Duy Tân Ái Quốc như những bài của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục trước đó đã phổ biến sâu rộng trong dân chúng (Khuyên thanh niên, bài ca Á tế Á, Chiêu hồn nước v.v…) thì bên cạnh những vần thơ lãng mạn ủy mị vừa kể cũng có những bài tiềm tàng
mang một ý thức quốc gia dân tộc. Đó là những bài của Dương Bá Trạc và nhất là của Á Nam Trần tuấn Khải mà đáng kể là những bài như Vào hè (Dương Bá Trạc), Loa thành hoài cổ, Thủy hử đề từ, v.v… của Á Nam Trần tuấn Khải.
4) Tiểu thuyết
Về loại nầy chúng ta chỉ cần xét sự tiến triển của nó căn cứ vào kỹ thuật sáng tác và tư tưởng của các tiểu thuyết gia, ở hai miền nước Việt lúc bấy giờ : Trong Nam và ngoài Bắc
- Buổi đầu trong Nam chỉ có truyện dịch theo truyện Tàu như Phong Thần, Tây Du, Chinh Đông, Chinh Tây, Thủy hử…
- Ngoài Bắc, trong Nam Phong tạp chí, lúc mới xuất bản, thỉnh thoảng có đăng tiểu thuyết phần nhiều là truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, trong truyện thường hay pha những đoạn giảng về luân lý, động tác vì thế mà chậm lại, câu chuyện thành buồn tẻ, tỏ ra soạn giả chưa giàu kinh nghiệm về loại văn nầy.
- Về sau trong Nam, tiểu thuyết xuất bản ngày một nhiều song chỉ có Hồ biểu Chánh là nổi tiếng hơn. Sở dĩ Hồ biểu Chánh đã chiếm một địa vị cao trong làng tiểu thuyết tại Nam phần lúc bấy giờ là vì :
Ông đã quyến rũ độc giả với cái tài bố trí các động tác trong tác phẩm ông, gây tính hiếu kỳ và nhiều hứng thú cho người đọc.
Ông không chuyên tả tình một cách tỉ mỉ, tinh vi về cảnh, ông cũng chỉ dùng vài nét bút tả rất đơn sơ.
Hơn nữa, ông là một nhà văn bình dân nên các vai trong
truyện của ông chỉ gồm toàn những hạng công chức trung lưu, thợ thuyền, dân quê, v.v… được ông mô tả một cách rất tinh tế và linh hoạt vô cùng.
Sau hết ông chủ trương duy trì tổ chức gia đình và bảo vệ nền đạo đức Khổng Mạnh truyền lại từ nghìn xưa. Bởi vậy các tác phẩm của ông đều có khuynh hướng luân lý rõ rệt.
Tóm lại Hồ biểu Chánh, với một lối văn mạnh mẽ, giản dị, đã xây dựng những bộ tiểu thuyết có tính cách vừa xã hội vừa luân lý đầy một sức sống của các nhân vật trong truyện một cách rất linh động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không quên nhà văn Phú Đức chuyên viết những pho tiểu thuyết vừa ái tình vừa trinh thám rất đượm mùi chớp bóng Âu Mỹ rất ly kỳ và làm say mê độc giả toàn quốc một thời.
- Ngoài Bắc, trái lại về sau này tiểu thuyết thiên hẳn về mặt ngôn tình nhu cảm mà đáng kể nhất là bộ Tuyết Hồng Lệ Sử, truyện dịch của (Từ Trẩm Á) và bộ Tố Tâm sáng tác của Hoàng Ngọc Phách đã gieo vào lòng thanh niên lúc bấy giờ những mối tình lãng mạn, sầu bi tuyệt vọng.
Hai tác giả của 2 bộ tiểu thuyết nổi tiếng một thời vừa kể trên đã dày công gọt nặng nhiều đoạn văn lâm ly bi đát… mỗi câu là một dòng huyết lệ, mỗi chữ là một tiếng nức nở chan chứa biết bao đau thương, uất hận não nùng làm cho tâm hồn người đọc đã ủy mỵ càng thêm ủy mỵ và đâm ra mơ mộng thương nhớ vẩn vơ quên cả một thực tại đau buồn của đất nước. Đến nỗi 2 bộ tiểu thuyết Tuyết Hồng Lệ Sử và Tố Tâm lúc đó được đa số thanh niên xem như là 2 quyển sách gối đầu giường của họ, nhất là bộ Tố Tâm…
Nhưng những bộ tiểu thuyết kể trên chẳng qua là chỉ để dành riêng cho bọn người sống nơi đài các phong lưu và làm cho thanh niên quên cả bổn phận đối với đời, tâm hồn trụy lạc, nghị lực tiêu ma. Một chứng cớ : hồi ấy họ đua nhau đi trầm mình ở hồ Trúc Bạch, hồ Tây hay hồ Hoàn Kiếm. Lý do là tại tuyệt vọng vì tình !
- Song hồn dân tộc không thể tiêu trầm mãi mãi vì vẫn có những luồng gió hồi sinh ở Á, Âu đưa lại, do đó… dần dần trên mặt các báo hằng ngày xuất hiện truyện dịch có tính chất dân tộc, quốc gia như hai bộ Trung Hoa Quang Phục của Hồng Tú Toàn. Từ trong Nam Việt « Hồi trống tự do » (dịch văn Ẩm-Băng của Trần Hữu Độ) tràn ra đến Bắc Hà và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.
Chẳng bao lâu, 2 cụ Phan (Tây Hồ, Sào Nam) về nước, thanh niên đua nhau viết và đọc tiểu sử của các nhà cách mạng thế giới.
Cảnh sôi nổi trên văn đàn này báo hiệu phong trào giải phóng sắp đến lúc bộc phát. Để nhân đó đẩy môn quốc văn vào thời kỳ thứ 3 của nó : Thời kỳ thịnh hành.
C) Thời kỳ thịnh hành (1913-1934)
Sau 20 năm phát triển chữ quốc ngữ bước sang thời kỳ thịnh hành. Bởi vậy nếu dựa theo chương trình hạn chế vạch cho môn Việt văn ở bậc trung học đệ nhị cấp hiện nay thì chúng ta có thể đánh dấu thời kỳ thịnh hành này từ sau ngày Nam Phong tạp chí đình bản vào khoảng 1934. Đến tháng cuối năm 1946, tháng lịch sử oanh liệt nhất của đất nước ;
toàn quốc vùng lên kháng chiến chống thực dân.
Qua thời kỳ phát triển, chữ quốc ngữ đương nhiên dần dần đầy đủ sinh lực, khả năng, để bước sang thời kỳ thịnh hành. Quả thật như vậy, ở thời kỳ thứ 3 này ta sẽ thấy tiếng Việt cố gắng, đã mới lại mới thêm, giành giựt lấy địa vị học thừa để mở mang nền quốc học về cả 2 chiều sâu, rộng.
Sự phát triển ấy cũng lại sẽ được trình bày lần lượt trong năm loại : báo chí, biên khảo, thi ca, tiểu thuyết, kịch bản nhưng có lẽ điều cốt yếu cần nói trước là việc truyền bá chữ quốc ngữ rất sâu rộng trong dân chúng, vì đấy mới là điều kiện « không có không được » để xây dựng lâu đài Quốc Học Việt Nam.
Về việc truyền bá chữ quốc ngữ :
Vấn đề này đã bắt đầu từ 1926, phát triển mạnh nhất vào khoảng 1936-1937 để cuối cùng trở nên một công tác quan trọng nhất trong chương trình giáo dục Quốc gia của những chính phủ Việt Nam độc lập từ 1945 trở đi.
Trong một quốc gia độc lập, mọi ngành học thuật cần phải được phổ biến sâu rộng trong đại chúng nhân dân. Muốn đạt được mục đích này, toàn dân cần phải được biết đọc, biết viết thứ chữ của mình.
Ở các nước văn minh tiên tiến, bậc tiểu học bao giờ cũng cưỡng bách và không mất tiền. Riêng ở nước ta thì khi bước sang thế kỷ thứ 20 này thì chữ quốc ngữ được xem như thứ quốc gia văn tự và thứ chữ này được chánh thức dạy tại các cấp học đường, nhất là ở cấp tiểu học. Thế mà sự học chữ quốc ngữ lại không được cưỡng bách, tuy các em không trả
tiền khi đến học tại các trường tiểu học. Đã thế, số trường tiểu học lại quá ít nên dễ học như chữ quốc ngữ mà vẫn chưa lan rộng trong toàn dân.
Do đó vào khoảng 1926 tại Hà Nội có Nguyễn Khuông Trực là người đầu tiên đã đứng ra tổ chức những lớp trưa, lớp tối, để dạy chữ quốc ngữ cho các từng lớp lao động. Công việc này được đồng bào thủ đô lúc bấy giờ rất hoan nghênh và nhiệt liệt ủng hộ về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Đến nỗi cả một số anh em công chức bỏ cả ngủ trưa mà nhiệt thành tham gia công tác truyền bá chữ quốc ngữ nầy. Nhận thấy công việc trên có vẻ bất lợi về chính trị nên sở mật thám Pháp lúc đó cho ghi ngay vào sổ đen tên tuổi các người đã dự vào hoặc đã ủng hộ phong trào truyền dạy chữ quốc ngữ. Dù sao ý đã gieo, gặp khi hoàn cảnh thuận tiện sẽ nẩy mầm phát triển.
Rồi đến năm 1936-1937, thừa dịp mặt trận bình dân ở Pháp đang lên, Phan Thanh cùng một số bạn bè đứng dậy cổ động hô hào thành lập hội truyền bá quốc ngữ. Nếu xét về xã hội thì đó là một việc nghĩa nên nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ bề ngoài giả bộ làm ngơ. Nhưng về chính trị bên trong thì họ vẫn cảm thấy bất lợi cho họ nên không ngần ngại gì mà không lưu ý hoặc tìm cách khủng bố những người đang tham gia phong trào do Phan Thanh đề xướng…
Nhưng rồi tình thế biến chuyển cực nhanh, Đức thắng Pháp, Nhật chiếm Đông Dương, vài năm sau quân Nhật thua trận đầu hàng.
Riêng tại Việt Nam, cách mạng mùa thu bùng nổ vào
tháng 8-1945 mở một kỷ nguyên độc lập cho nước nhà từ đó, và cũng từ đó, các chính phủ Việt-Nam độc lập kế tiếp nhau, tuy khác màu sắc chính trị, tuy thay đổi chính thể, nhưng chính phủ nào cũng đặc biệt lưu ý đến sự truyền bá chữ quốc ngữ cho toàn dân vì đó là một nhiệm vụ rất quan trọng, rất liên quan đến nền độc lập và dân tộc tự chủ của đất nước V.N. Bởi vậy từ công tác « Bình dân học vụ » của chính phủ « Việt Minh » được thành lập sau ngày cách mạng mùa thu (1945) đến các công tác « Bình dân giáo dục » của các chính phủ quốc gia kế tiếp từ đó đến nay, tuy danh từ thay đổi nhưng công việc làm vẫn là một. Đó là công việc cố gắng xóa cho bằng được nạn mù chữ mà dân tộc V.N. đã mắc phải từ lâu, vì nếu trong nước mà còn có kẻ mù chữ thì đó là một điều sỉ nhục cho nhà cầm quyền.
Thế là dù muốn dù không, chữ quốc ngữ đã trở nên học thừa, được chính thức công nhận trong các cấp học từ bậc Đại học chuyên môn trở xuống đến lớp vỡ lòng. Thật không ngờ rằng cái thứ chữ « b » méo, « o » tròn, « t » dài, « i » ngắn, ngày nay lại có thể giảng đủ các loại khoa học, triết lý Âu, Á, Cổ, Kim ngang hàng cùng chữ nho chữ pháp.
Chữ quốc ngữ như thế đã bước sang giai đoạn thịnh hành và đã ghi lại rất nhiều thành tích trong các ngành văn chương học thuật viết bằng tiếng mẹ đẻ kể từ sau ngày Nam Phong tạp chí đình bản. Cho đến ngày toàn quốc kháng chiến khoảng cuối năm 1946 mà ta lần lượt điểm qua sau đây.
1) Báo chí
Nhờ phong trào truyền bá chữ quốc ngữ trước kia và công
tác bình dân giáo dục sau này mà công chúng càng ngày càng thoát nạn mù chữ. San khi công chúng đã biết đọc biết viết khá nhiều thì họ đua nhau tìm đọc sách báo để học hỏi thêm các điều mới lạ xảy ra trong nước cũng như ngoài nước. Do đó báo chí viết bằng chữ quốc ngữ đua nhau ra mắt độc giả mỗi ngày mỗi tăng, tăng cả về lượng lẫn về phẩm.
Bởi vậy dưới đây tưởng ta cũng nên điểm qua 2 phương diện hình thức và nội dung của báo chí lúc bấy giờ giai đoạn từ (1934-1945) để tìm xem báo chí lúc đó có những giá trị gì về văn học.
- Về phương diện hình thức : Báo chí lúc đó có những điều đáng chú ý như sau.
Khuôn khổ ấn loát đã có vẻ mỹ thuật, bài vở đã có một lối trình bày minh bạch gọn gàng và đặc sắc.
Cách vận dụng văn từ cũng đã có một chủ trương mạnh mẽ và mới lạ do nhà văn Nguyễn Hảo Vĩnh lúc bấy giờ đề xướng trong Nam. Chủ trương nầy đã gây ra nhiều cuộc bút chiến rất hứng thú giữa ông với nhóm Nam Phong tạp chí ngoài Bắc vì nhóm này không triệt để bài xích chữ Hán như ông. Thật vậy, Nguyễn Hảo Vĩnh lúc đó đã có xu hướng chống lại lối dùng nhiều danh từ Hán Việt trong văn quốc ngữ, ông Vĩnh muốn rằng tiếng mẹ đẻ hoàn toàn độc lập không để cho những tiếng ngoại lai ùa vào nhiều quá. Tuy chủ trương của Nguyễn Hảo Vĩnh hơi cực đoan những bài văn mạnh mẽ của ông dù sao vẫn là « tiếng còi báo động » hợp thời để cảnh cáo các nhà văn ưa dùng nhiều danh từ Hán Việt.
Đối với sự vận dụng cú pháp, Hoàng tích Chu lúc bấy giờ cũng đã có một chủ trương khá « cách mạng » mà ông thường nêu lên trong tờ (Đông Tây tuần báo). Chính ông đã hô hào không nên viết những câu văn quá dài dòng với sự lạm dụng quá nhiều những chữ như : « thì, mà, than ôi, lắm thay, ru, vậy, v.v… » Họ Hoàng đã bắt đầu áp dụng lối đặt câu ngắn, gọn, dùng nhiều dấu chấm câu, phân đoạn rõ ràng. Văn xuôi theo ông, phải hoàn toàn là văn xuôi, quý ở giản dị, hoạt bát nhẹ nhàng… và phải hết sức thoát ra ngoài ảnh hưởng biền văn, tránh dùng quá nhiều điển cổ, tránh viết những câu văn vần đối chọi với nhau.
- Về nội dung : báo chí lúc bấy giờ đáng chú ý nhất là ở tinh thần bài vở và nhất là đã có vài ba tờ báo đã gây ra những phong trào có tính chất đấu tranh và châm biếm những cái xấu xa trong xã hội mà chúng ta lần lượt điểm qua dưới đây :
Điểm qua tinh thần bài vở, ta thấy rằng lúc đó phần đông báo chí đều đã chứa đựng nhiều tin tức nhanh chóng, tường thuật rành mạch, không rườm rà hay kèm theo những lời phê bình luân lý vớ vẩn. Các bài xã thuyết « đại cà sa » như trước kia cũng đã nhường chỗ cho các thiên phóng sự, và ngoài ra mỗi báo thường có phụ trương. Bên cạnh đó người ta lại còn đua nhau trình bày trên mặt báo các vấn đề quan trọng như : kinh tế, chính trị khoa học, văn chương, thanh niên, thể thao, xã hội, v.v… hoặc giới thiệu với độc giả mọi hoạt động văn hóa mới nhất cùng những kết quả thâu lượm được ở các nước văn minh.
Ấy là chưa kể gặp lúc các cao trào chính trị xã hội dồn
dập xảy ra trong nước, lợi dụng thời cơ đó, một số báo chí không ngần ngại gì mà không gây nên những phong trào tranh đấu, đòi hỏi hoặc châm biếm để mưu cầu được có một sự cải cách lớn lao về mọi mặt… Đó là những tờ như : Thần Chung, Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn, Phong Hóa, Ngày Nay, v.v… mà đến bây giờ mọi người còn nhắc nhở. Riêng lập trường và chủ trương trào phúng của 2 tờ Phong Hóa và Ngày Nay tuy có vẻ quá mạnh đượm nhiều tính cách đả phá, nhưng nhóm thanh niên trí thức lãnh đạo 2 tờ báo này cũng đã có công phá tan hết thành kiến, tập quán cổ hủ đã làm cản trở bước đường tiến triển của toàn dân. Vẫn biết lập trường và lý thuyết đấu tranh của họ không được rõ ràng, chỉ mang nhiều tính chất phá hoại, thiếu phần xây dựng cụ thể nhưng có phá hoại như thế mới có dịp mở đường cho kẻ kiến thiết đến sau. Cho nên những chuỗi cười của 2 tờ Phong Hóa và Ngày Nay không phải là không có ích.
2) Biên khảo và tạp chí
Nói đến mục nầy, chúng ta không thể không xét đến năng lực của tiếng Việt đã được dùng làm phương tiện biên khảo mọi ngành học thuật và cũng không quên so sánh giá trị của những tạp chí chuyên đăng tải các bài biên khảo của các học giả đã xuất bản liên tiếp qua 2 thời kỳ : Thời kỳ phát triển và thời kỳ thịnh hành của chữ quốc ngữ. Bên cạnh đó, chúng ta lại còn phải ghi nhớ công lao và giá trị của các vị học giả đã vì dân tộc và tổ quốc mà kiên tâm xây dựng sự nghiệp biên khảo hầu làm cho tiếng Việt chiếm địa vị độc tôn trong sự giảng giải mọi ngành học thuật tại các cấp học đường.
Trước hết chúng ta xét đến những tạp chí chuyên đăng tải các bài biên khảo của các vị học giả thời đó đã xuất bản qua 2 thời kỳ của chữ quốc ngữ : thời phát triển và thời thịnh hành, để tiện bề so sánh.
Trong thời kỳ phát triển, chỉ có tờ Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí là đã cho đăng rất nhiều bài biên khảo của các vị học giả trong 2 nhóm ấy, nhất là của Phạm Quỳnh. Tiếp đến thời kỳ thịnh hành một số đông tạp chí mang đủ màu sắc tôn giáo, khoa học, chính trị, văn học, v.v… đua nhau xuất bản và đua nhau cho đăng tải các thiên biên khảo làm cho bộ môn này trở nên mỗi ngày mỗi phong phú. Đó là những tạp chí như : Khoa Học, Tao Đàn, Tri Tân, Viên Ám, Tòa Sen, Thanh Nghị, v.v…
Cho nên nếu đem so sánh 2 tờ Đông Dương và Nam Phong tạp chí với các tạp chí vừa kể thì ta sẽ thấy rất rõ nhiều bài trong những tạp chí sau này giá trị cao, vượt hẳn các bài của 2 tạp chí trước kia : Quả đúng như vậy, vì trong thời kỳ quốc ngữ thịnh hành này, việc biên khảo đã có tính chất sáng tác hẳn hoi chứ không còn là một việc phiên dịch văn người.
Nhà biên khảo nào cũng đứng trong phạm vi học hỏi chuyên môn của mình, chứ không như Phạm Quỳnh « phiêu lưu » qua hết mọi ngành, từ sử ký văn chương đến Đạo Giáo, triết học, khoa học.
Và tiếp theo đây, chúng ta lại xét đến giá trị thấy rõ nhất trong công tác biên khảo của các vị học giả thời đó, một điều kiện gây cho ta lòng cảm phục vô vàn về sự thiện chí thiện
tâm của họ. Thật thế, lúc bấy giờ ta đã có những vị học giả rất xứng đáng với danh hiệu biên khảo. Họ là những người rất thành tâm, khiêm tốn, họ làm việc chăm chỉ và nhẫn nại, làm việc một cách rất có phương pháp, rất khoa học… Bởi vậy dù bất cứ với ngành học thuật nào : văn chương, khoa học, chính trị, triết lý, tôn giáo, v.v… Họ đều viết ra những bài rất công phu, tỏ ra họ là những học giả đã biết thận trọng vì người họ đã có sẵn một cái vốn trí thức vững chãi làm căn bản.
Cuối cùng nhân đây chúng ta xét đến năng lực của tiếng Việt đã thể hiện trong bộ môn biên khảo và phê bình cũng như trong sự giảng giải về các nghành học thuật mà các vị học giả thời đó đã vận dụng.
Muốn hiểu rõ năng lực của tiếng Việt đã phát triển như thế nào chúng ta chỉ cần đến dự các buổi giảng dạy về mọi ngành tại các bậc Trung và Đại học… thì chúng ta sẽ thấy lòng vô cùng hãnh diện : Nhất là ở bậc Đại học, khi cần phải giảng giải các ngành như : Văn chương, khoa học, toán học, kinh tế chính trị, triết lý, v.v… Nếu các giảng sư thành tâm yêu tiếng Việt có đầy đủ thiện chí biên khảo, sưu tầm và phiên dịch thì trong khi giảng dạy, trần thuyết bằng tiếng Việt sẽ thấy vô cùng hào hứng không có gì làm vấp váp, cản trở. Như vậy ai dám bảo rằng tiếng Việt của ta không đủ dụng, phong phú để diễn đạt hết mọi tư tưởng mọi vấn đề dù chuyên môn hay trừu tượng tới mực nào.
Tóm lại tiếng Việt mà trở nên có một năng lực dồi dào như thế là nhờ công lao của các vị học giả giảng sư đã tự đào luyện cho mình có cái học chính xác và theo phương pháp tối
"""