"
Và Rồi Núi Vọng - Khaled Hosseini full prc pdf epub azw3 [Best Seller]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Và Rồi Núi Vọng - Khaled Hosseini full prc pdf epub azw3 [Best Seller]
Ebooks
Nhóm Zalo
Cuốn sách này dành tặng Haris và Farah, noor* cͿa đôi mắt cha, và cha tôi, người hẳn sẽ tΉ hào.
Tiếng Afghanistan: Ánh sáng.
Tặng Elaine
Một
MÙA THU NĂM 1952
Thế này nhé. Các con muốn nghe chuyện thì cha sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện. Nhưng chỉ một thôi nhé. Đừng đứa nào đòi thêm. Muộn rồi, mà chúng ta, Pari, con và cha, còn có cả một ngày dài phải đi phía trước. Tối nay con sẽ cần ngủ đấy. Cả con nữa, Abdullah. Cha trông cậy vào con, con trai, trong khi cha và em gái con vắng nhà. Mẹ con cũng vậy. Giờ thì một câu chuyện đây nhé. Nghe này, cả hai đứa, nghe cho kӻ. Và đừng có ngắt lời.
Ngày xửa ngày xưa, vào cái thuở div, jinn* và những người khổng lồ còn lởn vởn quanh vùng, có một người nông dân tên là Baba Ayub sinh sống. Ông ngụ cùng gia đình tại một ngôi làng nhỏ có tên Maidan Sabz. Vì phải nuôi cả nhà đông người, ngày ngày Baba Ayub chỉ biết nai lưng ra làm việc. Hôm nào ông cũng quần quật từ sáng sớm cho tới tối mịt, cày ruộng, xới đất, chăm sóc những cây hồ trăn khẳng khiu. Lúc nào cũng thấy ông trên ruộng nhà, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lưng cong như chiếc liềm ông vung cả ngày. Tay ông luôn chai sần, thường rướm máu, và đêm xuống, khi má vừa chạm gối là ông liền ngủ thiếp đi.
Những sinh vật siêu nhiên trong truyện dân gian Hồi giáo.
Các con biết không, ông nào phải người duy nhất chịu đựng cảnh này. Cuộc sống ở Maidan Sabz rất khắc nghiệt với người dân. Có những ngôi làng khác may mắn hơn nơi phương Bắc, trong thung lũng, với cây ăn quả, hoa tươi, không khí hiền hòa, và những con suối nước mát trong. Nhưng Maidan Sabz là vùng đất khỉ ho cò gáy, chẳng giống chút nào với hình ảnh Đồng Xanh mà cái tên của nó gợi ra. Nó nằm trên một đồng bằng bằng phẳng khô cằn, bao quanh là dãy núi lởm chởm. Gió oi nồng hắt bụi vào mắt. Để tìm ra nước mỗi ngày là biết bao nhọc nhằn vì giếng làng, kể cả những cái sâu nhất, cũng thường khá cạn. Cũng có sông đấy, nhưng dân làng phải cuốc bộ nửa ngày trời mới đến được đó, vậy mà nước lại đục ngầu quanh năm. Giờ đây, sau mười năm hạn hán, sông gần như khô cạn. Vậy là người dân Maidan Sabz phải làm việc vất vả gấp đôi mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống.
Tuy vậy, Baba Ayub vẫn thấy bản thân thật may mắn bởi ông có một gia đình mà ông trân trọng hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Ông yêu vợ mình và không bao giờ to tiếng với bà, nói gì đến động chân động tay. Có chuyện gì ông cũng bàn bạc với vợ và thấy thực sự hạnh phúc khi được làm bạn đời của bà. Về đường con cái, ông được trời thương cho nhiều con như số ngón tay trên một bàn tay, ba cậu con trai và hai cô con gái, đứa nào ông cũng yêu thương hết mực. Con gái ông đảm đang, ngoan hiền, nết na. Với con trai thì ông dạy chúng về giá trị của lòng trung thực, sự dũng cảm, tình bạn, và tinh thần không ngại khó ngại khổ. Chúng nghe lời ông, đúng như
bổn phận của những đứa con trai ngoan ngoãn, và giúp cha làm đồng áng.
Dù yêu thương cả đàn con của mình, Baba Ayub vẫn âm thầm dành tình cảm đặc biệt cho một đứa, chính là Qais, đứa con út mới ba tuổi. Qais là cậu bé có đôi mắt màu thiên thanh sẫm. Ai gặp cậu cũng bị mê hoặc bởi tiếng cười tinh ranh. Thằng bé còn hiếu động tới nỗi khiến người khác mệt nhoài. Khi lẫm chẫm tập đi, cậu thích thú đến độ hễ thức là đi cả ngày, và rồi, rắc rối thay, kể cả trong giấc ngủ ban đêm. Cậu mộng du rời khỏi căn nhà trát bùn mà thơ thẩn bước vào bóng đêm mờ trăng. Đương nhiên cha mẹ cậu rất lo lắng. Nhỡ cậu ngã xuống giếng, hay bị lạc, hay, tệ hơn hết thảy, bị một sinh vật rình rập nơi đồng bằng ban đêm tấn công? Họ đã thử nhiều cách nhưng đều vô ích. Cuối cùng, giải pháp mà Baba Ayub tìm ra lại khá đơn giản, đúng tinh thần cách hay nhất thường là cách đơn giản nhất: Ông tháo chiếc chuông nhỏ khỏi cổ một con dê đeo vào cổ Qais. Cách này như sau, nếu nửa đêm Qais nhỏm dậy thì chuông sẽ kêu leng keng. Việc mộng du ngừng một thời gian, nhưng Qais ngày càng dính chặt với cái chuông chẳng chịu tháo ra. Thành thử dù không phục vụ mục đích ban đầu, cái chuông vẫn toòng teng trên sợi dây đeo quanh cổ cậu bé. Khi Baba Ayub về nhà sau ngày dài làm việc, Qais sẽ từ trong nhà chạy ra dụi mặt vào bụng cha, cái chuông bé xíu leng keng theo từng bước chân nhỏ. Baba Ayub sẽ bế cậu lên đưa vào nhà, và Qais say sưa ngắm cha mình rửa ráy chân tay, rồi lại ngồi bên Baba Ayub khi cả nhà quây quần ăn tối. Ăn uống xong xuôi, Baba Ayub sẽ nhấm nháp trà, trìu mến ngắm gia
đình mình, mường tượng ra ngày lũ con lấy vợ lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, ngày ông trở thành vị trưởng tộc đầy tự hào của một đàn con cháu còn đông hơn nữa.
Than ôi, Abdullah và Pari ơi, những ngày tháng hạnh phúc của Baba Ayub đã đến hồi kết thúc rồi.
Chuyện xảy ra vào một ngày div đến Maidan Sabz. Khi nó tiến đến gần ngôi làng từ hướng núi, mặt đất rung chuyển ầm ầm theo từng bước chân nó. Dân làng vứt bỏ cuốc xẻng, rìu rựa chạy tán loạn. Họ khóa chặt mình trong nhà mà túm tụm với nhau. Khi tiếng bước chân chói tai của div dừng lại, bầu trời phía trên Maidan Sabz tối sầm vì cái bóng của nó. Người ta nói rằng đầu nó nhô ra đôi sừng cong, vai và cái đuôi dữ tợn được bao phủ bởi lớp lông đen thô ráp. Người ta nói mắt nó phát ra ánh sáng đỏ rực. Không ai, ít nhất không ai còn sống biết chắc cả, các con hiểu chứ: Bởi div xơi tái ngay tại chỗ kẻ nào dám liếc trộm dù chỉ một cái thôi. Biết thế, dân làng cứ khôn ngoan dán chặt mắt xuống đất.
Người dân làng nào cũng biết tại sao div đến. Họ đã nghe kể về những lần nó ghé qua những ngôi làng khác và họ chỉ biết ngạc nhiên sao Maidan Sabz lại không bị nó để mắt tới lâu đến vậy. Có lẽ, họ lý luận, cuộc sống nghèo khổ, tằn tiện ở Maidan Sabz lại là cái lợi cho họ, vì con cái họ không được ăn uống đầy đủ bằng nên còi cọc hơn. Dù vậy, cuối cùng vận may cũng thôi mỉm cười với họ.
Cả Maidan Sabz run rẩy nín thở. Các gia đình cầu nguyện div sẽ bỏ qua nhà mình vì họ biết rằng nếu div gõ lên mái nhà họ thì họ sẽ
phải cống cho nó một đứa trẻ. Div sẽ quăng đứa trẻ vào bao tải, vắt lên vai, rồi quay trở lại đường nó đã đến. Không ai có cơ hội gặp lại đứa trẻ tội nghiệp ấy nữa. Và nếu nhà đó không chịu thì div sẽ mang hết con cái của họ đi.
Vậy div mang lũ trẻ đi đâu? Tới pháo đài của nó, ngự trên đỉnh núi dốc. Pháo đài của div cách rất xa Maidan Sabz. Phải vượt qua các thung lũng, vài sa mạc, và hai dãy núi mới tới được đó. Mà có người tỉnh táo nào lại làm việc đó chứ, chỉ để gặp thần chết? Họ nói pháo đài đầy những hầm ngục mà ở đó dao phay treo khắp tường. Những cái móc treo thịt lủng lẳng thõng xuống từ trần nhà. Họ nói có những hố lửa và cây xiên khổng lồ. Họ nói nếu div tóm được một kẻ xâm nhập, ai cũng biết dẫu có ghét thịt người lớn tới đâu, nó cũng sẽ xơi tái kẻ đó.
Chắc là các con biết cú gõ đáng sợ của div rơi vào mái nhà nào phải không? Khi nghe thấy tiếng gõ, một tiếng kêu thống khổ liền bật khỏi môi Baba Ayub, còn vợ ông thì ngất lịm. Lũ trẻ khóc lóc sợ hãi, và đau đớn nữa, vì giờ đã biết chắc một trong năm anh chị em sẽ phải ra đi. Từ lúc đó cho tới rạng sáng hôm sau, gia đình họ sẽ phải nộp “cống vật”.
Sao cha có thể diễn tả cho các con nghe nỗi đau mà Baba Ayub và vợ ông phải chịu đựng đêm đó? Không bậc cha mẹ nào đáng bị đặt vào tình huống phải đưa ra một lựa chọn như vậy. Tránh không cho lũ trẻ nghe thấy, Baba Ayub và vợ ông tính xem nên làm gì. Họ bàn bạc rồi lại khóc than, bàn bạc rồi lại khóc than, cứ thế suốt đêm,
và khi bình minh dần hé rạng, họ vẫn chưa quyết được - đây có lẽ là điều div muốn, vì sự thiếu quyết đoán của họ sẽ khiến cả năm đứa trẻ phải ra đi thay vì một. Cuối cùng, Baba Ayub gom ngoài nhà năm viên đá tương đồng về hình dáng, kích cỡ. Trên mặt mỗi viên đá, ông nguệch ngoạc tên một đứa con, và khi làm xong, ông quẳng mấy viên đá vào bao tải. Khi ông đưa cái bao cho vợ, bà rụt lại như thể bên trong có rắn độc vậy.
“Tôi không làm được mình ơi,” bà lắc đầu nói với chồng. “Tôi không thể là người chọn lựa được. Tôi không chịu nổi đâu.”
“Tôi cũng thế,” Baba Ayub bắt đầu nói, nhưng khi nhìn qua cửa sổ ông thấy chỉ một chút nữa thôi mặt trời sẽ nhô lên khỏi dãy đồi phía Đông. Thời gian đang cạn dần. Ông đớn đau nhìn năm đứa con. Phải cắt một ngón tay thôi, để bảo vệ cả bàn tay. Ông bèn nhắm mắt lấy một viên đá từ trong bao ra.
Chắc là các con cũng biết Baba Ayub nhặt ra hòn đá nào. Khi nhìn thấy cái tên trên đó, ông ngửa mặt lên trời thét vang. Lòng đau như cắt, ông bế cậu con út lên ôm, và Qais, vốn tin cậy cha mình vô ngần, cũng hạnh phúc quấn tay quanh cổ Baba Ayub. Tới lúc Baba Ayub bỏ cậu ngoài nhà và đóng cửa lại thì cậu mới nhận ra có chuyện không ổn, còn Baba Ayub đứng đó, lệ ứa ra từ đôi mắt nhắm chặt, lưng dựa vào cửa trong khi đứa con trai yêu dấu nắm bàn tay nhỏ xíu gõ cửa thình thình, khóc xin cha cho vào nhà, nhưng Baba Ayub chỉ biết đứng thì thầm, “Tha lỗi cho cha, tha lỗi cho cha,” giữa lúc mặt đất rùng rùng bởi bước chân div, và con trai ông kêu la thất
thanh, rồi mặt đất lại rung chuyển từng hồi khi div rời khỏi Maidan Sabz, mãi đến lúc nó đi hẳn mới thôi rúng động, tứ bề yên lặng, chỉ còn tiếng Baba Ayub vẫn nức nở cầu xin Qais tha thứ.
Abdullah ơi. Em gái con ngủ rồi. Đắp chăn lên chân cho em đi con. Đấy. Ngoan lắm. Có lẽ cha nên dừng lại thôi nhỉ. Không à? Con muốn cha kể tiếp ư? Con chắc chứ, con trai? Được rồi.
Cha kể đến đâu rồi nhỉ? À phải rồi. Tiếp đó là bốn mươi ngày để tang. Ngày ngày hàng xóm nấu ăn cho họ và thức cầu nguyện cùng họ. Mọi người mang tới bất cứ món gì có thể - trà, kẹo, bánh mì, hạnh nhân - cả nỗi phân ưu lẫn lòng thương cảm. Baba Ayub hầu như không thể thốt ra dù chỉ là một lời cảm ơn. Ông ngồi trong góc nhà nức nở, những dòng nước mắt tuôn rơi như thể ông định lấy nước mắt mình xua tan cơn hạn hán của ngôi làng. Ngay cả với những kẻ đê mạt nhất, ta cũng không mong chúng phải chịu đựng nỗi đau đớn và bất hạnh như ông.
Bảy năm trôi qua. Hạn hán vẫn hoành hành, và Maidan Sabz rơi vào cảnh càng cùng quẫn hơn. Vài đứa bé chết khát trong nôi. Giếng còn cạn hơn trước, sông thì khô cằn, không như nỗi khổ tâm của ông, một con sông mà mỗi ngày trôi qua lại càng phình to hơn. Ông chẳng giúp ích cho gia đình được nữa. Ông không làm việc, không cầu nguyện, cũng chẳng ăn uống mấy. Vợ con ông đã nói hết nước hết cái, nhưng nào ích gì. Những cậu con trai còn lại phải thay cha gánh vác việc nhà, vì ngày nào Baba Ayub cũng chỉ ngồi bên bờ ruộng, một dáng hình đơn độc ủ rũ đăm đăm dõi về phía núi. Ông
cũng thôi nói chuyện với người dân trong làng, vì cho rằng người ta cứ thì thầm to nhỏ sau lưng ông. Họ nói ông là kẻ hèn nhát vì đã bằng lòng cho con trai đi. Rằng ông không xứng đáng làm cha. Một người cha đích thực lẽ ra phải chiến đấu với div. Lẽ ra ông nên hy sinh tính mạng để bảo vệ gia đình.
Một đêm ông nhắc đến chuyện đó với vợ mình.
“Người ta không nói vậy đâu,” vợ ông đáp. “Không ai nghĩ mình là kẻ hèn nhát cả.”
“Tôi nghe thấy mà,” ông nói.
“Đấy là mình nghĩ vậy thôi,” bà nói. Tuy nhiên, bà lại không kể với ông rằng dân làng có xì xào sau lưng ông. Và họ xì xào rằng có lẽ ông phát điên rồi.
Và rồi một ngày, ông chứng minh điều họ nói là đúng. Ông dậy lúc bình minh. Không đánh thức vợ con, ông nhét vài ổ bánh mì vào bao tải, đi giày, giắt liềm bên hông, rồi lên đường.
Ông đi mất bao ngày ròng. Ông đi cho đến khi mặt trời chỉ còn là đốm đỏ mờ mờ phía xa. Đêm xuống ông ngủ trong hang trong lúc gió rít bên ngoài. Hoặc ông ngủ ven sông, dưới những tán cây hay giữa đám sỏi đá. Ông ăn bánh mì mang theo, rồi ăn bất cứ thứ gì tìm thấy được - dâu dại, nấm, mấy con cá mà ông tay không bắt được dưới suối - và có những ngày ông chẳng ăn uống gì sất. Nhưng ông vẫn đi. Khi những người qua đường hỏi ông đi đâu, ông đáp lại thì có người cười, có kẻ vội vã bỏ đi vì sợ rằng ông bị mất trí,
cũng có người cầu nguyện cho ông, bởi họ cũng từng mất con vào tay div. Baba Ayub cứ cúi đầu mà bước. Giày long đế thì ông lấy dây buộc chúng vào chân, dây đứt thì ông cuốc bộ bằng chân trần. Cứ thế, ông băng qua các sa mạc, thung lũng và bao dãy núi.
Cuối cùng ông cũng đến được ngọn núi nơi có tòa pháo đài của div ngự trên đỉnh. Quá hăm hở bắt tay vào tìm kiếm, ông không nghỉ ngơi mà trèo ngay, quần áo ông rách tả tơi, chân rướm máu, tóc bám đầy bụi, nhưng quyết tâm thì không gì lay chuyển nổi. Đá lởm chởm cứa rách lòng bàn chân ông. Diều hâu mổ vào má ông khi ông trèo qua tổ chúng. Những cơn gió cuồng nộ sém chút nữa hất tung ông khỏi sườn núi. Nhưng ông vẫn cứ trèo, hết tảng đá này sang tảng đá khác, cho đến khi cuối cùng ông cũng đứng trước cánh cổng pháo đài khổng lồ của div.
Kẻ nào dám? giọng div rền vang khi Baba Ayub ném một hòn đá vào cổng.
Baba Ayub hô to tên mình. “Ta từ làng Maidan Sabz đến,” ông nói.
Ngươi muốn chết hả? Hẳn rồi, dám làm phiền ta ngay tại nhà ta kia mà! Ngươi tới có việc gì?
“Ta tới đây để giết ngươi.”
Giọng nói bên kia cánh cổng ngưng lại. Rồi cổng cót két mở ra, và div đứng đó, sừng sững phủ bóng xuống Baba Ayub với trọn vẹn vẻ choáng ngợp như cơn ác mộng của nó.
Vậy ư? nó hỏi bằng giọng vang như sấm dậy.
“Đúng thế,” Baba Ayub đáp. “Dù thế nào đi nữa, hôm nay một trong hai ta sẽ chết.”
Trong một thoáng có vẻ như div sẽ nện cho ông một cú trời giáng rồi kết liễu ông bằng một nhát cắn với hàm răng sắc nhọn như dao găm. Nhưng có gì đó khiến sinh vật này lưỡng lự. Nó nheo mắt. Có lẽ chính bởi những lời lẽ điên rồ của ông. Có lẽ chính bởi dáng vẻ của ông, quần áo tả tơi, mặt rướm máu, bụi phủ đầy từ đầu tới ngón chân, trên da đầy những vết thương hở. Hoặc có lẽ bởi div không tìm thấy một tia sợ hãi nào trong mắt người đàn ông già nua ấy.
Ngươi nói ngươi từ đâu đến?
“Maidan Sabz,” Baba Ayub đáp.
Nhìn ngươi ta đoán chắc là xa lắm, Maidan Sabz ấy. “Ta không đến đây để nói chuyện tào lao. Ta đến đây để…”
Div giơ một bàn tay đầy móng vuốt lên. Rồi. Rồi. Ngươi đến đây để giết ta. Ta biết. Nhưng chắc chắn ta được phép nói vài lời cuối cùng trước khi bị cắt tiết chứ nhỉ.
“Được rồi,” Baba Ayub nói. “Nhưng chỉ vài lời thôi đấy.”
Ta cảm ơn ngươi. Div cười nhăn nhở. Xin hỏi ta đã đắc tội gì với ngươi mà phải chết vậy?
“Ngươi đã cướp đứa con út của ta,” Baba Ayub đáp. “Thằng bé là người ta yêu thương nhất trên đời.”
Div lầm bầm đoạn gõ gõ cằm. Ta đã cướp nhiều đứa trẻ khỏi tay nhiều người cha lắm, nó đáp.
Baba Ayub tức giận vung liềm. “Thế thì ta sẽ thay mặt họ trả thù ngươi.”
Ta phải nói là sự can đảm của ngươi khiến ta trào dâng ngưỡng mộ đấy.
“Ngươi chẳng biết gì về can đảm cả,” Baba Ayub nói. “Để can đảm, ắt phải đánh cược một số thứ. Ta tới đây mà chẳng có gì để mất cả.”
Ngươi có mạng để mất đấy, div nói.
“Mạng ta đã bị ngươi lấy đi rồi.”
Div lại lầm bầm và trầm ngâm quan sát Baba Ayub. Một lúc sau nó nói, Thế thì được lắm. Ta sẽ cho ngươi được đọ sức tay đôi. Nhưng trước tiên ta yêu cầu ngươi phải theo ta.
“Nhanh lên,” Baba Ayub nói, “ta hết kiên nhẫn rồi.” Nhưng div đã tiến thẳng vào hành lang khổng lồ, Baba Ayub chỉ còn biết theo sau. Ông theo chân div qua một mê cung hành lang, trần mỗi hành lang gần như chọc vào mây, được chống đỡ bởi những cây cột đồ sộ. Họ băng qua nhiều dãy cầu thang, và những căn phòng đủ rộng để chứa cả Maidan Sabz. Họ cứ bước theo lối đó cho đến khi cuối cùng
div dẫn Baba Ayub vào một căn phòng thênh thang, tít phía cuối là một tấm rèm.
Lại gần hơn đi, div khoát tay.
Baba Ayub đến đứng bên div.
Div kéo tấm rèm ra. Đằng sau là cửa sổ kính. Qua cửa sổ, Baba Ayub thấy một khu vườn mênh mông. Những hàng cây bách bao quanh vườn, gốc cây phủ đầy hoa tươi rực rỡ đủ sắc màu. Có hồ bơi lát gạch xanh dương, sân hiên lát đá cẩm thạch và những bãi cỏ xanh mơn mởn. Baba Ayub thấy những hàng rào được tỉa tót mӻ miều, và những đài phun nước róc rách dưới bóng cây lựu. Có sống ba đời ông cũng không thể tưởng tượng ra một nơi đẹp đến vậy.
Nhưng điều thực sự khiến Baba Ayub quỵ ngã là cảnh lũ trẻ vui vẻ chạy nhảy và nô đùa trong vườn. Chúng đuổi nhau qua các lối đi và quanh những hàng cây. Chúng chơi trốn tìm sau hàng rào. Baba Ayub căng mắt tìm trong đám trẻ và cuối cùng cũng tìm ra thứ mình muốn. Thằng bé kia rồi! Cậu con trai Qais, còn sống, và khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Cậu đã cao lên, tóc dài hơn Baba Ayub nhớ. Cậu mặc một tấm áo trắng xinh xắn phía trên chiếc quần dài bảnh bao. Cậu vừa đuổi theo hai đứa bạn vừa cười hân hoan.
“Qais,” Baba Ayub thì thầm, hơi thở phả ra làm mờ lớp kính. Và rồi ông thét gọi tên con trai.
Thằng bé không nghe thấy ngươi đâu, div nói. Cũng chẳng nhìn thấy ngươi.
Baba Ayub nhảy lên nhảy xuống, vẫy tay rồi nện vào cửa kính, cho đến khi div kéo rèm lại.
“Ta không hiểu,” Baba Ayub nói. “Ta cứ tưởng…”
Đó là phần thưởng dành cho ngươi, div nói.
“Ngươi hãy giải thích đi,” Baba Ayub kêu lên.
Ta đã bắt ngươi vượt qua một thử thách.
“Thử thách?”
Thử thách về tình yêu. Ta nhận ra đó quả là một thách thức khắc nghiệt mà ngươi sẽ không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Nhưng ngươi đã vượt qua. Đây là phần thưởng của ngươi. Và của thằng bé.
“Ngộ nhỡ ta không chọn,” Baba Ayub hét lên. “Ngộ nhỡ ta không chịu thực hiện thử thách của ngươi?”
Thế thì tất cả các con ngươi sẽ chết, div nói, vì đằng nào chúng cũng bị nguyền rủa rồi, vì là con của một người cha yếu đuối. Một kẻ hèn nhát thay vì day dứt lương tâm lại giương mắt nhìn lũ con mình chết. Ngươi nói ngươi không can đảm nhưng ta thấy phẩm chất đó ở ngươi. Những gì ngươi đã làm, gánh nặng mà ngươi chấp nhận mang, đòi hỏi lòng can đảm. Chính vì điều đó, ta kính nể ngươi.
Baba Ayub yếu ớt vung liềm lên, nhưng nó trượt khỏi tay ông rơi đánh keng xuống sàn cẩm thạch. Đầu gối nhũn ra, ông đành phải ngồi xuống.
Con trai ngươi không nhớ ngươi, div nói tiếp. Đây là cuộc sống của nó bây giờ, và chính mắt ngươi đã thấy nó hạnh phúc thế nào. Ở đây nó được ăn ngon mặc đẹp, có bạn và được yêu thương. Nó được dạy nghệ thuật, ngôn ngữ và khoa học, theo những phương pháp thông tuệ và nhân ái. Nó chẳng muốn gì nữa. Một ngày nào đó, khi đã trưởng thành, nó có thể chọn cách rời đi, và nó sẽ được tự do làm vậy. Có lẽ với tấm lòng thiện lương, nó sẽ thay đổi được cuộc sống của nhiều người và mang hạnh phúc đến cho những kẻ chìm trong đau khổ.
“Ta muốn gặp nó,” Baba Ayub nói. “Ta muốn đưa nó về nhà.” Thật ư?
Baba Ayub ngước lên nhìn div.
Sinh vật này bước tới chiếc tủ kê sát bức rèm, mở ngăn kéo lấy ra cái đồng hồ cát. Con có biết đó là gì không, Abdullah, đồng hồ cát ấy? Con biết à. Giỏi lắm. Ừm, div lấy cái đồng hồ cát ra, lật ngược lại, và đặt nó dưới chân Baba Ayub.
Ta sẽ cho phép ngươi đưa nó về nhà, div nói. Nếu ngươi đồng ý, nó không bao giờ được quay lại đây nữa. Nếu ngươi từ chối, ngươi không bao giờ được quay lại đây nữa. Khi cát đã chảy hết, ta muốn biết quyết định của ngươi.
Nói xong, div ra khỏi phòng, để lại Baba Ayub với một lựa chọn đau đớn khác.
Ta sẽ đưa nó về nhà, ý nghĩ đó lập tức ập đến với Baba Ayub. Đó là việc ông khao khát nhất, tới từng thớ thịt trong con người ông. Chẳng phải ông đã luôn tưởng tượng ra điều này trong cả ngàn giấc mơ sao? Được ôm Qais bé nhỏ lần nữa, thơm lên má và cảm nhận bàn tay nhỏ mềm mại trong bàn tay ông? Nhưng… Nếu ông đưa cậu về nhà, cuộc sống nào sẽ đợi Qais ở Maidan Sabz đây? Khá lắm cũng chỉ là cuộc sống nhọc nhằn của một người nông dân, như ông bây giờ, có chăng đỡ hơn chút đỉnh. Thật vậy, nếu Qais không chết bởi hạn hán như bao đứa trẻ làng. Thế thì ngươi có thể tha thứ cho bản thân không, Baba Ayub tự vấn, khi biết rằng mình đã dứt nó khỏi cuộc sống sung sướng và nhiều cơ hội vì những lý do ích kӹ? Mặt khác, nếu ông để Qais lại, thì làm sao ông có thể chịu nổi, biết rằng con trai mình vẫn còn sống, biết cậu ở đâu nhưng lại bị cấm gặp cậu? Làm sao ông chịu nổi đây? Baba Ayub nức nở. Mỗi lúc ông lại thêm nản lòng đến nỗi ông cầm chiếc đồng hồ cát lên ném vào tường, khiến nó vỡ vụn thành hàng ngàn mảnh và lớp cát mịn vương vãi khắp sàn nhà.
Div trở lại căn phòng và thấy Baba Ayub đứng ngó xuống lớp thủy tinh vỡ, vai chùng xuống.
“Ngươi là đồ quái vật tàn nhẫn,” Baba Ayub cất tiếng.
Khi nào sống lâu bằng ta, div đáp, ngươi sẽ nhận ra rằng tàn nhẫn và nhân từ chỉ là những sắc thái khác nhau của cùng một màu mà thôi. Ngươi đã lựa chọn chưa?
Baba Ayub lau khô nước mắt, nhặt liềm lên giắt bên hông. Ông lê bước ra cửa, đầu gục xuống.
Ngươi là một người cha tốt, div nói, khi Baba Ayub đi qua nó.
“Cầu cho ngươi bị quay chín trong lửa Địa ngục vì những gì ngươi đã làm với ta,” Baba Ayub rệu rã nói.
Ông ra khỏi phòng, và đang men theo hành lang thì div gọi.
Cầm lấy cái này, div nói. Nó đưa cho Baba Ayub một lọ thủy tinh nhỏ chứa chất lỏng sẫm màu. Hãy uống trên đường về nhà. Tạm biệt.
Baba Ayub cầm lấy cái lọ và lẳng lặng rời đi.
Nhiều ngày sau, vợ ông vẫn đang ngồi bên bờ ruộng nhà, ngóng tin ông cũng đau đáu như khi ông ngồi đó mong mỏi nhìn thấy Qais. Từng ngày trôi qua, niềm hy vọng ông trở lại cứ tiêu tan dần. Dân làng đã dùng thì quá khứ để nói về Baba Ayub. Nhưng rồi một ngày, khi bà đang ngồi trên đụn đất lẩm nhẩm cầu nguyện thì trông thấy một dáng hình mỏng manh từ hướng núi đi về phía Maidan Sabz. Ban đầu bà tưởng ông là một thầy tu Hồi giáo bị lạc, một người đàn ông gầy guộc, quần áo rách như xơ mướp, mắt trũng sâu, thái dương hõm lại, nên mãi đến khi ông tới gần hơn bà mới nhận ra đấy là chồng mình. Tim bà đập rộn ràng vì vui mừng và bà cất tiếng reo nhẹ nhõm.
Sau khi tắm rửa, ăn miếng cơm, uống miếng nước, Baba Ayub nằm nghỉ trong nhà trong khi dân làng vây quanh ông hỏi hết câu
này đến câu kia.
Ông đã đi đâu hở Baba Ayub?
Ông đã thấy những gì?
Chuyện gì xảy ra với ông vậy?
Baba Ayub không thể trả lời họ, vì ông không nhớ nổi chuyện gì đã xảy ra với mình. Ông không nhớ chút gì về chuyến đi, về việc trèo lên ngọn núi div ở, nói chuyện với div, về cung điện hoành tráng, hay căn phòng rộng với tấm rèm. Cứ như thể ông vừa thức dậy khỏi một giấc mơ mà mình đã quên sạch mọi thứ. Ông không nhớ khu vườn bí mật, bọn trẻ, và trên hết, ông không nhớ là đã nhìn thấy con trai mình, Qais, nô đùa giữa đám cây cùng lũ bạn. Thực ra, khi có người nhắc đến tên Qais, Baba Ayub còn chớp mắt khó hiểu. Ai cơ? ông hỏi. Ông không nhớ mình đã từng có một đứa con trai tên là Qais.
Con có hiểu không, Abdullah, rằng đó lại là điều may? Thứ thuốc lú đã xóa sạch những ký ức ấy? Đó là phần thưởng dành cho Baba Ayub vì đã vượt qua thử thách thứ hai của div.
Mùa xuân năm ấy, bầu trời trên Maidan Sabz cuối cùng cũng nứt toác. Trút xuống không phải những giọt mưa phùn nhè nhẹ mấy năm qua mà là một cơn mưa ào ào thác đổ. Trời mưa xối xả, và cả ngôi làng vươn mình khao khát đón mưa. Cả ngày liền, nước rào rào trên những mái nhà Maidan Sabz và nhấn chìm mọi âm thanh khác trên đời. Những giọt mưa nặng hạt, căng tròn lăn khỏi mép lá.
Giếng làng được đổ đầy, nước sông dâng lên. Những ngọn đồi phía Đông chuyển sắc xanh tươi. Hoa dại bừng nở và lần đầu tiên trong bao năm qua, đám trẻ nô đùa trên đồng xanh còn lũ bò thảnh thơi nhai cỏ. Ai nấy đều hân hoan.
Mưa tạnh rồi thì dân làng phải khắc phục một số thứ. Mấy bức tường trát bùn đã tan chảy, vài mái nhà võng xuống, và cả vùng đất canh tác biến thành đầm lầy. Nhưng sau khi phải khốn đốn vì nạn hạn hán khắc nghiệt, dân làng Maidan Sabz không có ý kêu than. Tường được dựng lại, mái nhà được sửa sang, và những con kênh tưới tiêu được thoát nước. Tiết thu năm ấy, trong đời Baba Ayub chưa bao giờ được mùa hồ trăn đến thế, và quả vậy, năm sau đó, cả năm sau nữa, hồ trăn ông thu hoạch được càng thêm nhiều và thơm ngon. Ở những thành phố lớn nơi ông bán hàng, Baba Ayub tự hào ngồi sau hàng núi hồ trăn và nở nụ cười tươi rói như người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời. Maidan Sabz không bao giờ bị hạn hán hoành hành nữa.
Chẳng còn gì mấy mà kể nữa, Abdullah à. Tuy vậy chắc con băn khoăn, liệu có bao giờ xuất hiện một thanh niên tuấn tú cưỡi ngựa qua ngôi làng trên đường phiêu du? Anh ta có dừng lại uống miếng nước, món mà hiện giờ ngôi làng rất dồi dào, và liệu anh ta có ngồi xuống bẻ bánh mì với người dân, có khi là với chính Baba Ayub? Cha không biết, con trai à. Cha chỉ có thể nói rằng Baba Ayub đã già lắm rồi. Cha có thể cho con biết rằng ông đã thấy các con mình dựng vợ gả chồng, như tâm nguyện nằm lòng của ông, và cha có
thể nói rằng các con ông đã sinh cho ông một đàn cháu, mỗi đứa lại mang đến cho Baba Ayub niềm hạnh phúc vô bờ.
Và cha có thể cho con biết rằng có những đêm, không hiểu sao Baba Ayub không ngủ nổi. Dù giờ đã già lắm rồi, ông vẫn đi lại chừng nào còn chống gậy được. Và thế là trong những đêm mất ngủ ấy, ông nhẹ nhàng rời giường mà không làm vợ thức giấc, lấy cây gậy ra khỏi nhà. Ông đi trong bóng tối, cây gậy khua phía trước, gió đêm mơn man trên mặt ông. Có một tảng đá phẳng bên bờ ruộng nhà, ông bèn ngồi xuống. Ông thường ngồi đó một tiếng đồng hồ hoặc hơn, mê mải ngước nhìn các vì sao và những đám mây bồng bềnh trôi qua vầng trăng. Ông nghĩ về cuộc đời dài của mình, biết ơn những phúc lộc và niềm vui mà mình được hưởng. Ông biết, còn mong cầu nhiều hơn nữa thì thật tầm thường. Ông thở dài hạnh phúc, lắng nghe gió từ núi tràn xuống, nghe lũ chim đêm líu lo.
Nhưng thảng hoặc, ông nghĩ mình nghe thấy một tiếng động khác lẫn giữa những thanh âm ấy. Lúc nào cũng vậy, vẫn là tiếng chuông leng keng cao vút. Ông không hiểu sao mình lại nghe thấy âm thanh đó, lẻ loi trong bóng tối, trong khi lũ cừu và dê đều đã ngủ. Có lúc ông tự nhủ mình chẳng nghe thấy gì như vậy cả, có lúc lại tin chắc vào điều ngược lại đến nỗi ông nói vọng vào bóng tối, “Ai ngoài đó vậy? Ai đó? Ra mặt đi.” Nhưng chẳng có lời đáp nào. Baba Ayub không hiểu. Cũng như ông không hiểu tại sao có gì đó gờn gợn, như đoạn cuối một giấc mơ buồn, luôn lướt qua ông bất cứ khi nào ông nghe thấy tiếng chuông leng keng ấy, lần nào cũng khiến ông ngạc
nhiên như một cơn gió bất ngờ. Nhưng rồi nó trôi qua, như mọi thứ vậy. Nó cứ trôi qua.
Thế đấy, con trai. Chuyện đến đây là hết. Cha chẳng còn gì để kể nữa. Và giờ thì muộn lắm rồi mà cha cũng đã mệt, sớm mai cha và em con phải dậy rồi. Nên con thổi nến đi. Ngả đầu xuống, nhắm mắt lại. Ngủ ngon nhé, con trai. Sáng ra chúng ta sẽ nói lời tạm biệt.
Hai
MÙA THU NĂM 1952
Cha chưa bao giờ đánh Abdullah. Vì thế khi ông ra tay, khi ông đánh vào bên đầu cậu, ngay phía trên tai - mạnh và đột ngột, bằng cả lòng bàn tay - những giọt lệ ngỡ ngàng bỗng dâng lên mắt Abdullah. Cậu vội chớp mắt ghìm lại.
“Về nhà,” cha nói qua hàm răng nghiến chặt.
Abdullah nghe thấy tiếng Pari òa khóc nức nở ngay đằng trước.
Rồi cha lại đánh cậu, mạnh hơn, lần này vào bên má trái. Đầu Abdullah lật sang bên. Mặt cậu đỏ bừng, nước mắt lại ứa ra. Tai trái cậu lùng bùng. Cha khom xuống, gí sát khuôn mặt răn rúm đen sạm vào mặt cậu, che khuất cả sa mạc lẫn dãy núi và bầu trời.
“Cha bảo con về nhà cơ mà, thằng bé này,” cha nói vẻ đau đớn.
Abdullah không thốt ra tiếng nào. Cậu nuốt đánh ực rồi nheo mắt nhìn cha, chớp chớp mắt nhìn khuôn mặt đang che khuất vầng trời.
Từ chiếc xe kéo màu đỏ nhỏ xíu phía trước, Pari thét gọi tên cậu, giọng con bé cao vút, run rẩy hãi sợ. “Abollah!”
Cha trừng mắt nhìn cậu vẻ dữ dằn, rồi lê bước trở lại xe. Từ trong xe, Pari vươn tay về phía Abdullah. Abdullah để cha và em đi
trước. Rồi cậu lấy cườm tay chùi mắt, đoạn đuổi theo.
Một lát sau, cha ném một hòn đá về phía cậu, giống như lũ trẻ ở Shadbagh làm với Shuja, chú chó của Pari - có điều chúng cố ý ném trúng Shuja, cố ý làm đau nó. Hòn đá của cha thì rơi vô hại cách Abdullah chừng vài mét. Abdullah đợi, đến khi cha và Pari đi tiếp thì cậu lại làm cái đuôi nhằng nhẵng.
Cuối cùng, khi mặt trời vừa nghiêng bóng, cha lại dừng bước. Ông quay về phía Abdullah, tuồng như suy nghĩ lung lắm, rồi vẫy vẫy tay.
“Con sẽ không bỏ cuộc chứ gì,” ông nói.
Từ trong xe kéo, Pari thò tay ra luồn vào tay Abdullah. Con bé ngước nhìn cậu, đôi mắt sáng trong, và nở nụ cười với hàm răng thưa như thể sẽ chẳng có chuyện gì xấu xảy ra với nó chừng nào cậu vẫn còn đứng bên. Cậu nắm chặt tay nó, như vẫn làm hằng đêm khi cậu và em gái ngủ trên chiếc giường gấp, đầu kề đầu, chân đan vào nhau.
“Đáng lẽ con phải ở nhà,” cha nói. “Với mẹ con và Iqbal. Như cha đã bảo con ấy.”
Abdullah nghĩ, Bà ấy là vợ cha thôi. Mẹ cͿa chúng con, chúng ta đã chôn rồi. Nhưng cậu biết đường kìm những lời lẽ đó lại trước khi chúng vọt ra ngoài.
“Được rồi. Đi nào,” cha nói. “Nhưng đừng có rỏ giọt nước mắt nào nữa đấy. Con nghe cha nói không?”
“Có ạ.”
“Cha cảnh cáo con đấy. Cha không cho phép đâu.” Pari toét miệng cười với Abdullah, cậu liền nhìn xuống đôi mắt nhạt màu và bầu má phính hồng hào, toét miệng cười lại.
Từ lúc đó, cậu nắm tay Pari bước bên chiếc xe kéo trong khi nó ì ạch bò trên mặt sa mạc lỗ rỗ. Chúng lén trao nhau những ánh nhìn hạnh phúc, anh trai và em gái, nhưng lại rất ít lời vì sợ làm cha khó chịu cũng như phá hỏng vận may của mình. Suốt bao lâu chỉ có ba người bọn họ với nhau, ngoài những hẻm núi đồng đỏ sâu hun hút và những vách sa thạch đồ sộ ra thì chẳng nhìn thấy ai hay cái gì khác. Sa mạc trải ra phía trước, rộng mở mênh mang, như thể nó được tạo ra cho họ và chỉ họ mà thôi, không khí ngột ngạt nóng giãy, bầu trời cao xanh ngút ngát. Đá lấp lánh trên những kẽ nứt. Âm thanh duy nhất Abdullah nghe được là tiếng thở của chính mình và nhịp bánh xe kẽo kẹt khi cha kéo chiếc xe đỏ về hướng Bắc.
Một lát sau, họ dừng lại nghỉ ngơi dưới bóng một tảng đá. Rên lên một tiếng, cha hạ tay cầm xuống đất. Ông nhăn nhó gập cong lưng, ngước nhìn mặt trời.
“Bao giờ mới tới Kabul ạ?” Abdullah hỏi.
Cha nhìn xuống hai đứa trẻ. Tên ông là Saboor. Ông có nước da đen sạm và khuôn mặt khắc khổ, góc cạnh xương xẩu, mũi khoằm như mỏ diều hâu sa mạc, mắt lõm sâu vào hộp sọ. Cha gầy như cây sậy, nhưng cả đời lao động khiến cơ bắp ông rất dẻo dai, săn lại
như những dải mây bện quanh tay cầm của chiếc ghế liễu gai. “Chiều mai,” ông đáp, nâng bi đông nước làm từ da bò lên môi. “Nếu chúng ta đi nhanh.” Ông nuốt một ngụm dài, yết hầu nâng lên hạ xuống.
“Sao bác Nabi không chở chúng ta đi ạ?” Abdullah hỏi. “Bác ấy có xe mà.”
Cha đảo mắt về phía cậu.
“Thế thì chúng ta sẽ không phải cuốc bộ cả chặng đường.”
Cha không nói gì. Ông bỏ chiếc mũ chỏm lấm muội ra và lấy tay áo lau những giọt mồ hôi đọng trên lông mày.
Pari vung tay chỉ trỏ từ xe kéo. “Nhìn này anh Abollah!” Con bé hồ hởi reo. “Nữa kìa.”
Abdullah nhìn theo ngón tay nó tới một chỗ dưới bóng tảng đá, nằm chỏng chơ ở đó là một chiếc lông vũ dài màu xám như than đã cháy hết. Abdullah bước lại, nắm phần cuống nhặt lên. Cậu thổi những hạt bụi li ti khỏi chiếc lông. Một con chim cắt, cậu nghĩ, lật ngược nó lại. Cũng có thể là một con bồ câu, hoặc sơn ca sa mạc. Hôm đó cậu đã bắt gặp bao nhiêu chiếc lông thế này. Không, là một con chim cắt. Cậu lại thổi chiếc lông rồi đưa cho Pari, con bé hớn hở giật lấy khỏi tay anh.
Ở quê nhà Shadbagh, Pari cất dưới gối một hộp trà bằng thiếc cũ rích mà Abdullah cho con bé. Lẫy hộp đã gỉ sét, trên nắp là hình một người đàn ông Ấn Độ râu ria xồm xoàm, vấn khăn turban và
mặc áo chùng đỏ, cầm chén trà bốc khói bằng cả hai tay. Bên trong hộp là toàn bộ đám lông vũ mà Pari sưu tập được. Chúng là tài sản được con bé nâng niu nhất. Những chiếc lông gà trống màu đỏ tía đậm và xanh lục sẫm; một chiếc lông đuôi trắng của chim bồ câu; một chiếc lông chim sẻ, màu nâu xỉn, lấm tấm những đốm thẫm màu; và thứ Pari tự hào nhất, một chiếc lông công xanh lục óng ánh với một con mắt lớn đẹp mê hồn ở chóp.
Chiếc lông công là món quà Abdullah tặng cho con bé hai tháng trước. Cậu nghe nói nhà một cậu bé ở làng bên có nuôi công. Một hôm khi cha vắng nhà đi đào mương ở một thị trấn nằm ở phía Nam Shadbagh, Abdullah liền tới ngôi làng đó, tìm gặp cậu bé, và hỏi xin một chiếc lông vũ. Mặc cả mãi, cuối cùng Abdullah đồng ý đổi đôi giày lấy chiếc lông vũ. Đến khi cậu trở về Shadbagh, chiếc lông công giắt trong hông quần bên dưới áo, gót chân cậu đã nứt toạc, để lại trên đất những vệt máu lấm lem. Gai và dằm đâm vào bàn chân cậu. Mỗi bước đi cậu lại cảm thấy cơn nhói buốt xuyên thẳng vào chân.
Về đến nhà, cậu thấy bà mẹ kế Parwana đang ở ngoài căn nhà tranh vách đất, lom khom trước tandoor*làm món bánh naan* thường nhật. Cậu vội nấp sau cây sồi đồ sộ gần nhà đợi dì làm xong. Hé mắt sau thân cây, cậu nhìn dì nấu nướng, một người đàn bà vai thô tay dài, bàn tay chai sần, những ngón tay chuối mắn; một người đàn bà mặt núng nính chẳng sở hữu nét duyên dáng hồ điệp nào như cái tên của dì.
Lò nướng làm bằng đất sét có nguồn gốc từ Trung Á. Loại bánh mì dẹt phổ biến ở các nước Nam Á, Trung Á và Tây Á.
Abdullah ước ao có thể yêu dì như cậu từng yêu mẹ đẻ của mình. Mẹ, ba năm rưỡi trước đã băng huyết chết khi sinh Pari, năm ấy Abdullah mới bảy tuổi. Mẹ, khuôn mặt cơ hồ đã phai nhạt trong tâm trí Abdullah. Mẹ, khum tay vùi đầu cậu vào ngực bà và vuốt ve má cậu mỗi đêm trước giấc ngủ, ngân nga khúc ru:
Tôi thấy mͱt nàng tiên nhỏ buồn bã
Dưͳi bóng cây giấy.
Tôi biết mͱt nàng tiên nhỏ buồn bã
Mͱt đêm bị gió cuốn bay.
Cậu ước ao có thể yêu người mẹ mới của mình như vậy. Và cậu nghĩ có lẽ Parwana cũng thầm ước điều tương tự, rằng dì có thể yêu cậu. Như cách dì yêu Iqbal, đứa con trai một tuổi của dì, đứa trẻ luôn được dì thơm khắp mặt, đứa trẻ mà từng tiếng ho, tiếng hắt hơi của nó đều khiến dì lo lắng. Hay như cách dì yêu đứa con đầu Omar. Dì yêu thương nó hết mực. Nhưng nó đã chết rét vào mùa đông năm kia. Khi ấy nó mới được hai tuần tuổi. Parwana và cha còn chưa kịp đặt tên cho nó. Nó là một trong ba đứa trẻ bị mùa đông khắc nghiệt ở Shadbagh cướp đi năm ấy. Abdullah còn nhớ Parwana đã ôm chặt thi hài bé nhỏ quấn tã của Omar, nhớ những cơn vật vã của dì. Cậu còn nhớ cái ngày người ta chôn thằng bé tít trên đồi, một ụ đất nhỏ trên mặt đất đông cứng, bên dưới bầu trời
màu xám thiếc, giáo sĩ Shekib nói lời cầu nguyện, gió tạt những hạt tuyết và băng vào mắt mọi người.
Abdullah đoán chừng lát nữa Parwana sẽ nổi cáu khi biết cậu đã đổi đôi giày duy nhất của mình lấy một chiếc lông công. Cha đã phải làm việc quần quật dưới nắng mới mua được giày cho cậu. Dì mà phát hiện ra cậu sẽ bị ăn mắng. Có khi còn bị đánh nữa, Abdullah nghĩ. Trước kia dì đã đánh cậu vài lần rồi. Tay dì chắc khỏe - kết quả từ bao năm bồng bế người chị gái tật nguyền, Abdullah đoán vậy - và đôi tay ấy biết vung chổi hay giáng một cú tát chuẩn xác như thế nào.
Nhưng điều đáng nói là, Parwana lại chẳng có vẻ gì là hả hê khi đánh cậu. Dì cũng không phải là không biết cách đối xử dịu dàng với hai đứa con ghẻ. Có lần dì đã dùng cuộn vải mà chồng mua cho từ Kabul may cho Pari một cái váy màu bạc và xanh lục. Có lần dì đã dạy cho Abdullah, với lòng kiên nhẫn đáng kinh ngạc, cách đập hai quả trứng cùng lúc mà không làm vỡ lòng đỏ. Và cũng có lần dì chỉ cho chúng cách xoắn bện lá ngô thành con búp bê nhỏ, như dì đã chỉ cho chị gái ruột của mình thuở bé. Dì dạy chúng may quần áo cho búp bê từ những mẩu vải rách.
Nhưng những hành động đó, Abdullah biết, chỉ là vì nghĩa vụ mà thôi, nông hơn nhiều so với độ sâu của chiếc giếng tình cảm mà dì dành cho Iqbal. Nếu một đêm nhà họ bị cháy, Abdullah biết chắc Parwana sẽ vồ lấy đứa con nào mà tháo chạy. Dì sẽ chẳng phải nghĩ đến hai lần. Suy cho cùng, đơn giản một lẽ: Cậu và Pari, hai
đứa không phải con dì. Phần lớn mọi người chỉ yêu con đẻ của mình. Không thể tránh khỏi thực tế rằng cậu và em gái không thuộc về dì. Chúng chỉ là những gì còn lại của một người đàn bà khác mà thôi.
Cậu đợi Parwana mang bánh vào trong, rồi quan sát dì trở ra khỏi nhà lần nữa, một tay bế Iqbal, một tay kẹp mớ quần áo bẩn. Cậu nhìn dì thong thả đi về phía bờ sông và đợi cho đến khi dì khuất tầm mắt mới lẻn vào nhà, cứ mỗi lần chạm chân xuống đất là lại đau nhói. Vào đến trong nhà, cậu ngồi xuống xỏ chân vào đôi dép quai hậu nhựa cũ kӻ, thứ giày dép cuối cùng mà cậu có. Abdullah biết việc mình đã làm là không khôn ngoan chút nào. Nhưng khi cậu quỳ gối bên Pari, nhẹ nhàng lay nó dậy khỏi cơn chợp mắt, và chìa chiếc lông từ sau lưng ra như một nhà ảo thuật, cậu thấy việc đó xứng đáng biết bao - xứng đáng vì vẻ mặt con bé rạng ngời ra sao, ban đầu thì ngạc nhiên, sau là sung sướng; vì con bé thơm lên má cậu nồng nhiệt thế nào; vì con bé cười khúc khích khi cậu cù chóp lông mềm mại vào cằm nó - và bỗng nhiên chân cậu chẳng còn đau nữa.
Cha lại lấy tay áo lau mồ hôi lần nữa. Họ thay phiên nhau uống nước trong bi đông. Uống xong, cha nói, “Thằng bé này, con mệt rồi đấy.”
“Không đâu ạ,” Abdullah chối. Cậu mệt rã rời rồi. Và chân thì đau nhức. Đi dép quai hậu qua sa mạc thật chẳng dễ dàng gì.
Cha nói, “Trèo vào đi.”
Trong xe kéo, Abdullah ngồi sau Pari, lưng dựa vào thành gỗ mỏng, những đốt xương sống nhỏ xíu của em gái ép vào bụng và xương ngực cậu. Khi cha kéo chúng về phía trước, Abdullah chăm chú nhìn bầu trời, các dãy núi, dãy nọ kề sát dãy kia, những ngọn đồi bát úp mềm mại xa xa. Cậu ngắm lưng cha khi cha gò lưng kéo, đầu cúi thấp, chân đá tung những đám cát nâu đỏ. Một chiếc xe moóc của người du mục đi qua họ, một đoàn dài bụi bặm nào chuông leng keng nào lạc đà rên rỉ, và một phụ nữ với đôi mắt viền phấn côn và mái tóc màu lúa mì mỉm cười với Abdullah.
Tóc bà gợi Abdullah nhớ đến mẹ, và lòng cậu lại trỗi dậy nỗi khao khát được có mẹ, lòng dịu dàng, sự vui vẻ bẩm sinh, cả nỗi hoang mang của bà trước sự tàn bạo của con người. Cậu nhớ tiếng cười nấc lên của bà, và cách bà thi thoảng bẽn lẽn nghiêng đầu. Mẹ cậu thật mong manh, cả dáng vóc lẫn bản tính, một phụ nữ thắt đáy lưng ong với mớ tóc bồng lúc nào cũng tràn ra khỏi khăn. Trước đây cậu cứ băn khoăn mãi sao một cơ thể mảnh mai như vậy lại có thể chứa nhiều niềm vui đến thế. Không thể. Nó trào khỏi bà, trào khỏi đôi mắt bà. Cha thì khác. Ở cha có sự cứng rắn. Đôi mắt cha cùng nhìn ra một thế giới như mẹ, nhưng chỉ thấy nỗi dửng dưng. Công việc nhọc nhằn bất tận. Thế giới của cha thật khắc nghiệt. Chẳng có gì từ trên trời rơi xuống. Kể cả tình yêu. Ta phải chi trả cho tất cả mọi thứ. Và nếu ta nghèo, thì nỗi cơ cực chính là tiền bạc của ta. Abdullah nhìn xuống đường ngôi tóc đầy vảy của em gái, nhìn cổ tay gầy của em vắt trên thành xe kéo, và cậu biết rằng khi mẹ cậu mất, có gì đó ở bà đã truyền sang cho Pari. Nét gì đó trong sự tận tụy hết
lòng, vẻ ngây thơ, niềm hy vọng hồn nhiên của bà. Pari là người duy nhất trên đời này không bao giờ có thể làm cậu tổn thương, và sẽ không bao giờ làm cậu tổn thương. Có những ngày, Abdullah cảm thấy con bé là gia đình thực sự duy nhất mà cậu có.
Sắc ngày ngả dần sang xám, và những đỉnh núi xa xa biến thành những bóng mờ mang dáng hình kẻ khổng lồ lom khom. Trước đó họ đã băng qua vài ngôi làng, phần lớn đều xa xôi và lấm bụi hệt như Shadbagh. Những ngôi nhà vuông nhỏ xíu làm từ bùn nung, lác đác có cái ăn vào sườn núi, khói bếp bảng lảng từ mái nhà bay lên. Nào dây phơi quần áo, nào những người đàn bà ngồi xổm bên bếp lửa. Mấy cây dương, vài con gà, dăm con bò con dê, và đâu đâu cũng thấy đền thờ. Ngôi làng cuối cùng họ đi qua nằm kề một cánh đồng anh túc, một cụ già đang bóc vỏ quả trên đồng vẫy tay với họ. Cụ hét gì đó với Abdullah mà cậu nghe không ra. Cha vẫy tay đáp lại.
Pari gọi, “Anh Abollah ơi?”
“Ơi.”
“Không biết Shuja có buồn không nhỉ?”
“Chắc nó không sao đâu.”
“Không ai làm hại nó chứ?”
“Nó bự con lắm đấy, Pari. Nó tự vệ được mà.”
Shuja là một chú chó bự. Cha nói chắc hẳn có thời nó là chó chọi vì tai và đuôi của nó đã bị cắt cụt. Nhưng nó có tự vệ, hay có
thể tự vệ hay không lại là vấn đề khác. Khi chú chó lạc lần đầu xuất hiện ở Shadbagh, lũ trẻ đã ném đá nó, lấy cành cây hay nan hoa xe đạp gỉ sét thọc nó. Shuja chưa lần nào đánh trả. Dần dà, lũ trẻ trong làng đã chán hành hạ mà để nó yên, dù vậy Shuja vẫn giữ thái độ cẩn trọng và nghi ngờ, như thể nó chưa quên chúng đã tệ bạc với mình thế nào trong quá khứ.
Nó né tránh tất cả mọi người ở Shadbagh, trừ Pari. Vì Pari mà Shuja quýnh quáng hết cả lên. Tình yêu nó dành cho con bé mênh mang không chút vẩn đục. Con bé là cả vũ trụ với nó. Sáng sáng, khi thấy Pari ra khỏi nhà là Shuja bật dậy, toàn thân run lên. Mẩu đuôi cụt vẫy rối rít, và nó nhảy tưng tưng như giẫm phải than nóng. Nó hớn hở nhảy cỡn quanh con bé. Cả ngày chú chó đi theo Pari, khụt khịt ngửi gót chân con bé, và đêm xuống, khi hai đứa bị chia cắt, nó lại cô quạnh nằm ngoài cửa, đợi trời sáng.
“Anh Abollah ơi?”
“Ơi.”
“Khi nào lớn, em ở với anh nhé?”
Abdullah nhìn vầng mặt trời màu cam đang buông tàn, nhích dần xuống chân trời. “Tùy em. Nhưng em sẽ không muốn đâu.”
“Em có muốn mà.”
“Em sẽ muốn có nhà riêng cơ.”
“Nhưng bọn mình có thể làm hàng xóm mà.”
“Có lẽ.”
“Anh sẽ không sống xa em.”
“Nhỡ em chán anh thì sao?”
Con bé thúc khuӹu tay vào sườn cậu. “Không đâu mà.” Abdullah toét miệng cười với chính mình. “Được rồi, được rồi.” “Anh sẽ ở gần em.”
“Ừ.”
“Đến khi bọn mình già.”
“Già chát luôn.”
“Mãi mãi.”
“Ừ, mãi mãi.”
Từ đầu xe kéo, con bé quay lại nhìn cậu. “Anh hứa nhé, anh Abollah?”
“Mãi mãi và mãi mãi.”
Lát sau, cha cõng Pari lên lưng, còn Abdullah đi sau, kéo chiếc xe không. Trong lúc họ đi, cậu cứ thần người ra. Cậu chỉ nhận thấy đầu gối mình nhấp nhô và những giọt mồ hôi lăn dài từ mép mũ chỏm. Bàn chân nhỏ xíu của Pari vung vẩy đập vào hông cha. Chỉ nhận thấy cái bóng của cha và con gái trải dài trên mặt sa mạc xám ngắt, cứ thế bỏ xa cậu nếu cậu chậm bước.
Chính bác Nabi đã tìm công việc mới nhất cho cha - bác Nabi là anh ruột của Parwana, thành ra đương nhiên là bác của Abdullah. Bác Nabi là đầu bếp kiêm tài xế ở Kabul. Mỗi tháng một lần, bác lại lái xe từ Kabul về thăm người nhà ở Shadbagh, lần nào bác về cũng được báo hiệu bởi tràng còi giật cục và tiếng hò la của đám trẻ làng đuổi theo chiếc xe to oành màu xanh dương với mui xe vàng cát và vành bánh xe bóng loáng. Chúng vỗ đồm độp lên thanh chắn bùn và cửa sổ cho đến khi bác tắt máy, chui ra khỏi xe cười toe toét, bác Nabi điển trai với hàng râu quai nón dài và mái tóc đen lượn sóng chải ngược ra sau, vận bộ com lê ngoại cỡ màu ô liu mặc ngoài áo sơ mi trắng và đi đôi giày lười màu nâu. Ai cũng ra nhìn bác vì bác lái ô tô, dù đấy là xe của chủ, và vì bác mặc com lê và làm việc ở một thành phố lớn, Kabul.
Chính trong chuyến thăm gần đây nhất, bác Nabi đã mách việc cho cha. Những người giàu có mà bác làm thuê cho tính xây thêm một gian nhà nữa - một nhà khách nhỏ ở sân sau, đầy đủ phòng tắm, tách biệt hẳn với nhà chính - và bác Nabi đã gợi ý họ thuê cha, một người rất thạo việc ở công trường xây dựng. Bác nói họ sẽ trả công rất hậu và chỉ mất khoảng một tháng là xong thôi.
Cha quả rất thạo việc ở công trường xây dựng. Cha đã lăn lộn khắp chốn. Từ lâu lắm rồi, cha đã đi tìm việc, gõ cửa hết nhà này đến nhà khác xin làm công nhật. Có lần, cậu vô tình nghe thấy cha nói với một bác trong làng, giáo sĩ Shekib, rằng Nếu tôi sinh ra là con vật, giáo sĩ Sahib* à, tôi thề rằng mình sẽ là con la đấy. Đôi khi
cha đưa Abdullah đi làm cùng. Một bận họ hái táo ở một thị trấn cách Shadbagh cả ngày đi bộ. Abdullah còn nhớ cha đã ở tít trên thang cho đến khi mặt trời lặn, nhớ đôi vai khom, chiếc gáy nhăn nheo bỏng rát dưới nắng, làn da cánh tay ram ráp, những ngón tay thô kệch thoăn thoắt vặt từng trái táo một. Bận khác họ lại làm gạch xây đền thờ ở một thị trấn nọ. Cha đã chỉ cho Abdullah cách lượm đất tốt, thứ đất có màu nhạt hơn. Họ cùng nhau sàng đất, trộn thêm rơm, và cha đã kiên nhẫn dạy cậu đong nước vừa chuẩn để hỗn hợp không bị nhão. Năm ngoái thì cha thồ đá. Ông xúc đất, lần đầu thử cày ruộng. Ông còn tham gia vào đội làm đường lo việc rải nhựa.
Danh xưng gọi những người có vai vế trong xã hội.
Abdullah biết cha tự trách bản thân vì chuyện Omar. Nếu ông tìm được nhiều việc hơn, hoặc việc khá khẩm hơn, thì ông đã có thể mua cho nó những bộ quần áo mùa đông tử tế hơn, chăn dày hơn, thậm chí là cả một chiếc lò sưởi đàng hoàng để sưởi ấm ngôi nhà. Đó là điều cha nghĩ. Ông không hề nhắc đến Omar một lời với Abdullah từ sau lễ chôn cất, nhưng Abdullah biết.
Cậu nhớ có lần nhìn thấy cha, vài ngày sau khi Omar mất, đứng một mình dưới cây sồi đồ sộ. Cây sồi cao vượt hết thảy mọi thứ ở Shadbagh và là sinh vật sống lâu đời nhất làng. Cha nói ông sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu nó từng chứng kiến vua Babur dẫn quân chiếm Kabul. Cha kể rằng ông đã dành cả nửa tuổi thơ dưới tán cây rộng lớn này hay trèo lên những cành cây cong. Cha của
cha, ông nội của Abdullah, đã buộc mấy sợi dây thừng dài lên một cành cây chắc khỏe và treo một chiếc xích đu, món đồ chơi đã sống sót qua bao tiết mùa khắc nghiệt và lâu hơn cả chính ông nội. Cha nói thuở nhỏ ông với Parwana và chị gái dì, Masooma, đã thay nhau chơi đùa trên chiếc xích đu ấy.
Nhưng dạo này, cha lúc nào cũng trong tình trạng lao lực khi Pari giật giật tay áo ông và đòi ông đẩy xích đu cho nó.
Có khi để mai đi, Pari.
Chỉ mͱt xíu thôi, Baba*. Đứng lên đi mà.
Giờ không được. Lần sau đi con.
Cha (tiếng Farsi).
Cuối cùng con bé cũng đành thôi, buông tay áo cha ra mà ngậm ngùi bỏ đi. Có những lúc khuôn mặt hẹp của cha xịu xuống khi ông nhìn theo bóng nó. Rồi ông lật người quay mặt về phía bên kia giường, kéo chăn lên, và nhắm đôi mắt mỏi mệt lại.
Abdullah không hình dung nổi cha lại có thời chơi xích đu. Cậu không thể tưởng tượng ra cha hồi bé, như cậu. Một cậu bé. Vô tư, lanh lẹ. Lao đầu chạy ra cánh đồng bát ngát với đám bạn cùng chơi. Cha, người có đôi bàn tay đầy sẹo, khuôn mặt chằng chịt những nếp nhăn mỏi mệt in hằn. Cha, người có lẽ đã sinh ra với cái xẻng trong tay và bùn đất trong kẽ móng tay.
Đêm đó họ phải ngủ trên sa mạc. Họ ăn bánh mì và những củ khoai tây luộc cuối cùng mà Parwana đã gói ghém cho họ. Cha nhóm lửa rồi bắc ấm đun nước uống trà.
Abdullah nằm bên lò sưởi, cuộn tròn dưới tấm chăn len đằng sau Pari, lòng bàn chân lạnh lẽo của con bé áp vào cậu.
Cha cúi xuống đống lửa châm một điếu thuốc.
Abdullah trở mình nằm ngửa, Pari cũng điều chỉnh tư thế, má áp vừa khít vào vết hõm quen thuộc bên dưới xương quai xanh của cậu. Cậu hít vào mùi đồng của bụi sa mạc và ngước nhìn bầu trời đầy sao tựa những tinh thể băng, lung linh, lấp lánh. Mảnh trăng lưỡi liềm mỏng manh ấp ôm đường viền lờ mờ ma quái của cả mặt trăng.
Abdullah nhớ lại mùa đông năm kia, mọi thứ đều chìm trong bóng tối, gió lùa qua cửa, rít từng hồi chậm, dài, ào ào, và rít từ mọi kẽ nứt trên trần nhà. Ngoài trời, những đường nét của ngôi làng bị tuyết xóa nhòa. Những đêm dài không sao, ngày thì ngắn lại, u ám, mặt trời hầu như không ló dạng, và rồi chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Cậu nhớ tiếng khóc mệt nhọc của Omar, đến sự câm lặng của nó, rồi cha ảo não khắc một mảnh trăng lưỡi liềm lên chiếc bảng gỗ, giống hệt mảnh trăng treo trên đầu họ bây giờ, cắm cái bảng xuống nền đất cứng sạm màu vì băng tuyết trên đầu ngôi mộ nhỏ.
Và giờ một lần nữa lại tới lúc thu tàn. Mùa đông đã náu sẵn quanh đây, dù cả cha lẫn Parwana đều không nhắc đến, như thể nói
ra từ đó thôi cũng có thể thúc nó đến nhanh hơn.
“Cha ơi,” cậu lên tiếng.
Từ bên kia đống lửa, cha khẽ cất tiếng rên trầm.
“Cha cho phép con giúp cha nhé? Ý con là xây nhà khách ấy?”
Khói cuộn tròn bay lên từ điếu thuốc của cha. Ông đang nhìn đăm đăm vào bóng tối.
“Cha ơi?”
Cha cựa mình trên tảng đá ông đang ngồi. “Cha nghĩ là con có thể giúp trộn vữa,” ông nói.
“Con không biết cách làm.”
“Cha sẽ chỉ cho con. Con sẽ học được thôi.”
“Thế còn con?” Pari hỏi.
“Con ư?” cha chậm rãi nói. Ông rít một hơi thuốc dài rồi lấy cành cây cời lửa. Rải rác những tia lửa nhỏ phơ phất bay lên vào bóng tối. “Con lo chuyện nước uống nhé. Đảm bảo rằng chúng ta không bao giờ bị khát. Vì người ta không thể làm việc được nếu khát.”
Pari im lặng.
“Cha nói đúng đấy,” Abdullah nói. Cậu biết Pari muốn làm việc nặng như lội xuống bùn, và rằng con bé thất vọng với nhiệm vụ mà cha giao cho. “Em mà không tiếp nước cho anh và cha thì chúng ta còn lâu mới xây xong nhà.”
Cha luồn cành cây vào bên dưới quai ấm, nhấc nó ra khỏi bếp. Ông đặt ấm sang bên cho nguội.
“Thế này đi,” ông nói. “Con cho cha thấy con có thể lo ổn thỏa chuyện nước uống thì cha sẽ tìm cho con việc khác.”
Pari nghếch cằm nhìn Abdullah, mặt nó sáng bừng với nụ cười răng thưa.
Cậu nhớ hồi nó còn bé, hồi nó còn ngủ trên ngực cậu, thi thoảng cậu mở mắt giữa đêm thì thấy nó lặng lẽ toét miệng cười với mình, hệt như lúc này.
Cậu chính là người đã nuôi nó. Đúng vậy. Dẫu bản thân cậu vẫn là một đứa trẻ. Mười tuổi. Khi Pari còn ẵm ngửa, cậu chính là người đêm hôm thức dậy vì tiếng quấy khóc và rên rỉ của nó, chính cậu phải bế nó đi rong và vỗ về nó trong bóng tối. Cậu thay tã bẩn cho nó. Cậu là người tắm cho Pari. Đó không phải việc của cha - cha là đàn ông - vả lại, công việc đã vắt kiệt sức của cha rồi. Parwana, dạo ấy đã mang thai Omar, tỉnh dậy chăm Pari thì còn mất thời gian chán. Dì chẳng bao giờ có sự kiên nhẫn hay sinh lực cả. Vậy là việc chăm sóc đổ lên vai Abdullah, nhưng cậu chẳng mảy may ngại ngần. Cậu vui vẻ làm. Cậu thích lắm khi được là người giúp em đi bước đầu tiên, sửng sốt trước từ đầu tiên em nói ra trong đời. Đó là mục đích của cậu, cậu tin thế, lý do mà Chúa tạo ra cậu, để cậu chăm sóc Pari khi Người đưa mẹ chúng đi.
“Baba ơi,” Pari nói. “Kể chuyện đi.”
“Muộn rồi,” cha nói.
“Đi mà.”
Cha vốn là người kiệm lời. Ông hiếm khi nói nhiều hơn hai câu liên tiếp. Nhưng thi thoảng, Abdullah không hiểu sao cha lại mở lòng và những câu chuyện đột ngột tuôn trào. Đôi khi ông để Abdullah và Pari ngồi say sưa trước mặt ông, trong khi Parwana xủng xoảng nồi xoong trong bếp, và kể cho chúng nghe những câu chuyện mà thuở bé ông được bà nội truyền lại, đưa chúng đến những vùng đất nơi các vị sultan*, jinn, div ác tâm, và những thầy tu Hồi giáo thông tuệ cư trú. Bận khác ông lại sáng tác chuyện. Ông sáng tác ngay tại chỗ, những câu chuyện của ông bộc lộ thứ khả năng tưởng tượng và mơ mộng luôn khiến Abdullah ngỡ ngàng. Cha chưa bao giờ đem lại cảm giác hiện hữu rõ rệt đến thế với Abdullah, sôi nổi, cởi mở, chân thực tới vậy khi ông kể chuyện, như thể những câu chuyện là những lỗ kim thâm nhập vào thế giới mờ đục, bí hiểm của ông.
Vua (ở các nước Hồi giáo).
Nhưng nhìn nét mặt cha là Abdullah biết tối nay sẽ chẳng có câu chuyện nào.
“Muộn rồi,” cha nhắc lại. Ông lót mép chiếc khăn đang choàng quanh vai vào quai ấm, nhấc lên rót cho mình một chén trà. Ông thổi khói rồi nhấp một ngụm, khuôn mặt bừng sắc cam trong ánh lửa. “Đến lúc ngủ rồi. Ngày mai dài đấy.”
Abdullah kéo chăn trùm đầu hai đứa. Dưới lớp chăn, cậu hát vào gáy Pari.
Tôi thấy mͱt nàng tiên nhỏ buồn bã
Dưͳi bóng cây giấy.
Pari, đã lên cơn buồn ngủ, lờ đờ hát đoạn của mình. Tôi biết mͱt nàng tiên nhỏ buồn bã
Mͱt đêm bị gió cuốn bay.
Gần như ngay lập tức, nó cất tiếng ngáy.
Lát sau Abdullah tỉnh giấc thì không thấy cha đâu cả. Cậu hoảng hốt ngồi dậy. Lửa đã gần vạc, chẳng còn lại gì ngoài mấy đốm tàn đỏ thẫm. Abdullah lia mắt sang trái rồi sang phải nhưng chẳng thể xuyên thấu bóng tối, vừa mênh mông vừa trùm phủ. Cậu cảm thấy mặt mình trắng bệch. Tim đập gấp gáp, cậu dỏng tai lên, nín thở.
“Cha ơi?” cậu thì thầm.
Lặng phắc.
Cơn hoảng loạn nhanh chóng bám sâu vào ngực cậu. Cậu ngồi im như tượng, người thẳng đơ, căng cứng, lắng nghe hồi lâu. Cậu chẳng nghe thấy gì. Chúng đơn độc, cậu và Pari, trong vòng vây bóng tối. Chúng bị bỏ rơi. Cha đã bỏ rơi chúng. Lần đầu tiên trong đời Abdullah cảm thấy sự mênh mang của sa mạc, và của thế giới. Người ta thật dễ lạc lối trong không gian ấy. Không có ai giúp đỡ, không có ai chỉ đường. Rồi một suy nghĩ tệ hơn chui vào đầu cậu.
Cha đã chết. Ai đó đã cắt cổ cha. Bọn cướp. Chúng đã giết cha và giờ đang bao vây cậu và Pari, cứ từ từ, khoái trá, giở trò trêu đùa.
“Cha ơi?” cậu gọi lại, lần này giọng chói lói.
Không lời đáp.
“Cha ơi?”
Cậu gọi đi gọi lại, khí quản như bị bóp nghẹt. Cậu không biết mình đã gọi cha bao lâu và bao lần mà không có lời đáp nào từ bóng tối. Cậu hình dung ra những khuôn mặt, ẩn náu trong những ngọn núi phình ra từ đất, quan sát, nhăn nhở cười ác hiểm với cậu và Pari. Nỗi hoảng loạn xâm chiếm cậu, khiến lòng cậu thắt lại. Cậu bắt đầu run rẩy, và khẽ thút thít. Cậu cảm thấy mình chực thét lên.
Rồi có tiếng bước chân. Một dáng hình hiện ra từ bóng tối. “Con tưởng cha đi rồi,” Abdullah run run nói.
Cha ngồi xuống bên đám lửa tàn.
“Nãy cha đi đâu thế?”
“Ngủ đi, thằng bé này.”
“Cha đừng bỏ chúng con. Đừng làm thế cha ơi.”
Cha nhìn cậu, nhưng trong bóng tối khuôn mặt cha nhòa mờ thành một biểu cảm mà Abdullah không đoán ra. “Con làm em thức bây giờ.”
“Đừng bỏ chúng con.”
“Đủ rồi đấy.”
Abdullah lại nằm xuống, ôm chặt em gái trong vòng tay, tim đập thình thịch.
Abdullah chưa bao giờ tới Kabul. Những gì cậu biết về Kabul đều là qua lời kể của bác Nabi. Cậu từng cùng cha đến mấy thị trấn nhỏ hơn làm thuê, nhưng chưa bao giờ đặt chân tới một thành phố thực sự, và chắc chắn không có gì trong lời kể của bác Nabi chuẩn bị tinh thần cho cậu trước sự hối hả tấp nập của một thành phố lớn và nhộn nhịp hơn hết thảy. Đâu đâu cậu cũng thấy đèn giao thông, quán trà, nhà hàng, cửa hiệu mặt tiền lắp kính với biển hiệu rực rỡ đủ màu. Ô tô chạy rầm rầm dọc các con phố đông đúc, lạng lách từng chút một giữa đám xe buýt, khách bộ hành và xe đạp. Những chiếc gari* ngựa kéo lóc cóc ngược xuôi đại lộ, bánh xe vành sắt nẩy trên đường phố. Những vỉa hè mà cậu đi qua cùng Pari và cha đông nghẹt người bán thuốc lá và kẹo cao su, quầy báo, những bác thợ rèn đóng móng ngựa. Ở các giao lộ, cảnh sát giao thông trong bộ đồng phục chẳng mấy vừa vặn thổi còi và ra các hiệu lệnh mà xem ra chẳng ai để ý.
Một loại xe súc vật kéo.
Với Pari gọn lỏn trong lòng, Abdullah ngồi trên ghế băng vỉa hè gần một hàng thịt, chia nhau món đậu hầm và chutney* ngò rí đựng trong chiếc đĩa thiếc mà cha mua cho chúng ở một quán cóc ven đường.
Món truyền thống của ẩm thực Nam Á, gồm các loại rau củ, gia vị, hoa quả trộn lẫn với nhau.
“Nhìn kìa, anh Abollah,” Pari vừa nói vừa chỉ một cửa hàng bên kia đường. Đứng sau cửa kính là một cô gái diện bộ váy thêu màu lục tuyệt đẹp đính kim sa hạt cườm nhỏ xíu. Cô quàng một chiếc khăn dài rất hợp, với trang sức bạc và quần màu huyết dụ. Cô đứng im phắc, thờ ơ nhìn khách qua đường mà không một lần chớp mắt. Cô còn không động đậy ngón tay trong khi Abdullah và Pari ăn hết món đậu, và sau đó cũng vẫn bất động. Dọc theo khối phố, Abdullah thấy một tấm áp phích khổng lồ rủ xuống từ mặt tiền một tòa nhà cao tầng. Trên đó có hình một cô gái Ấn Độ xinh xắn giữa cánh đồng tulip, đứng dưới cơn mưa tầm tã, nghịch ngợm thụp xuống sau một bungalow. Cô cười bẽn lẽn, chiếc sari ướt ôm sát các đường cong. Abdullah tự hỏi liệu đây có phải thứ mà bác Nabi gọi là rạp chiếu bóng, nơi người ta đến xem phim, và hy vọng rằng tháng sau bác Nabi sẽ dẫn cậu và Pari đi xem. Cậu toét miệng cười trước suy nghĩ ấy.
Ngay sau hồi chuông cầu kinh gióng lên từ một thánh đường lát đá xanh dương trên phố, Abdullah thấy bác Nabi tấp xe vào lề đường. Bác Nabi chui ra từ ghế lái, vận bộ com lê màu ô liu, cửa xe suýt đập phải một thanh niên mặc chapan* đi xe đạp, người này kịp tránh trong tích tắc.
Áo choàng.
Bác Nabi vội vòng qua đầu xe và ôm cha. Khi bác thấy Abdullah và Pari, khuôn mặt bác bừng nở nụ cười rạng rỡ. Bác khom người xuống cho vừa tầm chúng.
“Mấy đứa thấy Kabul thế nào?”
“Ồn quá ạ,” Pari nói, bác Nabi liền phá lên cười.
“Đúng vậy đấy. Nào, vào xe đi. Các cháu sẽ thấy nhiều thứ hơn từ trong xe đấy. Lau giày dép đã rồi hẵng vào. Saboor, chú ngồi đằng trước đi.”
Ghế sau mát, cứng, và có màu xanh nhạt hòa hợp với bề ngoài xe. Abdullah trượt sang phía cửa sổ đằng sau ghế lái và đỡ Pari ngồi vào lòng mình. Cậu thấy khách qua đường nhìn chiếc xe với vẻ ghen tị. Pari quay đầu sang anh, và chúng lại toét miệng cười với nhau.
Chúng ngắm thành phố lướt qua trong khi bác Nabi lái xe. Bác nói bác sẽ đi tuyến đường dài hơn để chúng có thể thấy một phần nhỏ Kabul. Bác chỉ một chỏm đồi mang tên Tapa Maranjan và một lăng mộ mái vòm trên đỉnh trông xuống thành phố. Bác nói rằng Nāder Shah*, cha của vua Zahir Shah, được chôn cất tại đây. Bác chỉ cho chúng pháo đài Bala Hissar trên đỉnh núi Koh-e-Shirdawaza, nơi người Anh đã sử dụng trong cuộc chiến tranh với Afghanistan lần hai, theo lời bác nói.
Shah là danh hiệu được trao cho các hoàng đế / vua / lãnh chúa Ba Tư (ND). Ở đây nhân vật được nói đến là vua của Afghanistan
(Caruri).
“Cái gì kia hở bác Nabi?” Abdullah gõ gõ lên cửa kính, chỉ vào một tòa nhà hình chữ nhật lớn màu vàng.
“Silo đấy. Nhà máy bánh mì mới mở.” Bác Nabi lái xe bằng một tay đoạn rướn cổ ra sau nháy mắt với cậu. “Món quà từ những người bạn Nga của chúng ta.”
Một nhà máy làm bánh mì, Abdullah kinh ngạc, hình dung ra cảnh Parwana ở Shadbagh trát những phần bột được dàn mỏng vào thành chiếc tandoor làm từ bùn.
Cuối cùng, bác Nabi rẽ vào một con phố rộng rãi, sạch sẽ, hai bên đường là những cây bách cách đều nhau. Nhà ở đây thanh lịch và lớn hơn bất cứ ngôi nhà nào Abdullah từng thấy. Chúng có màu trắng, vàng, xanh nhạt. Phần lớn là nhà hai tầng, được bao quanh bởi những bức tường cao và khóa kín sau cánh cổng kim loại đôi. Abdullah nhận ra mấy chiếc xe như của bác Nabi đỗ dọc phố.
Bác Nabi đỗ tại lối vào được tô điểm với những bụi cây cắt tỉa gọn gàng. Bên kia lối vào là một ngôi nhà hai tầng quét vôi trắng hiện ra sừng sững đến khó tin.
“Nhà bác to quá,” Pari thốt lên, mắt mở to thích thú.
Đầu bác Nabi ngật ra sau vai khi bác cười. “Được thế thì tuyệt quá. Không, đây là nhà của ông chủ bác. Cháu sắp gặp họ rồi. Phải thật ngoan vào đấy.”
Ngôi nhà trông còn ấn tượng hơn khi bác Nabi dẫn Abdullah, Pari và cha vào trong. Abdullah ước chừng nó đủ lớn để chứa ít nhất nửa số nhà ở Shadbagh. Cậu cảm giác như bước vào cung điện của div vậy. Khu vườn, nằm tít phía sau, được tạo kiểu tuyệt đẹp, với những luống hoa đủ màu cắt tỉa gọn gàng, những bụi cây cao đến đầu gối và chi chít cây ăn quả - Abdullah nhận ra anh đào, táo, mơ và lựu. Một khoảng thềm lợp mái dẫn từ nhà ra vườn - bác Nabi bảo rằng nó được gọi là sân hiên - và được bao quanh bởi một hàng rào thấp phủ chằng chịt dây leo xanh mướt. Trên đường tới căn phòng nơi ông bà Wahdati đang đợi họ đến, Abdullah nhìn thấy buồng tắm với bồn cầu bằng gốm mà bác Nabi từng kể với chúng, cũng như bồn rửa tay sáng lấp lánh với vòi nước màu đồng. Abdullah, đứa trẻ tuần nào cũng mất hàng tiếng ròng xách nước từ cái giếng chung ở Shadbagh, ngỡ ngàng xiết bao trước cuộc sống nơi nước ở ngay trong tầm tay.
Giờ họ ngồi trên một chiếc đi văng đồ sộ có tua rua bằng vàng, Abdullah, Pari và cha. Những chiếc gối tựa êm ái sau lưng họ điểm những hạt kim sa nhỏ xíu hình bát giác. Bên kia đi văng là một bức tranh choán gần hết tường. Trong tranh là một người thợ khắc đá lớn tuổi gò lưng bên bàn thợ, cầm dùi đục đẽo một khối đá. Rèm cửa xếp nếp màu đỏ tía khoác lên những cánh cửa sổ rộng rãi lúc này đang mở ra một ban công với lan can sắt cao ngang thắt lưng. Mọi thứ trong căn phòng này đều bóng loáng, không một hạt bụi.
Chưa bao giờ trong đời Abdullah thấy rõ sự bẩn thỉu của chính mình đến thế.
Ông chủ của bác Nabi, ông Wahdati, ngồi trên chiếc ghế da, khoanh tay trước ngực. Ông nhìn họ với thái độ không hẳn là thiếu thân thiện nhưng xa cách, khó đoán biết. Ông cao hơn cha; Abdullah đã nhận thấy điều đó ngay khi ông đứng lên chào họ. Ông có bờ vai hẹp, môi mỏng, và vầng trán cao bóng lưỡng. Ông mặc com lê trắng, thắt lại ở phần eo, với sơ mi màu lục cổ mở mà cổ tay áo được cài kín bằng những viên đá xanh dương hình bầu dục. Suốt buổi gặp, ông không nói quá chục từ.
Pari nhìn xuống đĩa bánh quy trên chiếc bàn thủy tinh trước mặt họ. Abdullah chưa bao giờ tưởng tượng trên đời lại có nhiều loại bánh đến vậy. Bánh quy sô cô la hình ngón tay với lớp kem xoăn, bánh tròn nhỏ nhân cam, bánh xanh lục hình thù như chiếc lá, và còn nhiều nữa.
“Cháu muốn thử không?” bà Wahdati nói. Bà là người gánh hết nhiệm vụ trò chuyện. “Ăn đi. Cả hai cháu. Bác mang ra cho các cháu đấy.”
Abdullah quay sang cha xin phép, Pari cũng làm theo. Điều này có vẻ khiến bà Wahdati thích thú, bà nhíu mày, nghiêng đầu, và mỉm cười.
Cha gật nhẹ. “Mỗi đứa một cái,” ông khẽ nói.
“Ôi, thế sao được,” bà Wahdati nói. “Tôi đã bảo Nabi đi nửa vòng Kabul đến hiệu bánh này mua về đấy.”
Cha ngại ngùng ngoảnh đi. Ông ngồi trên mép đi văng, hai tay vò chiếc mũ chỏm rách nát. Ông nghiêng đầu gối tránh bà Wahdati và hướng sự chú ý vào chồng bà.
Abdullah nhón tay lấy hai chiếc bánh và đưa một chiếc cho Pari.
“Lấy nữa đi nào. Chúng ta không muốn Nabi nhọc công vô ích đâu,” bà Wahdati mắng yêu. Bà mỉm cười với bác Nabi.
“Có gì nhọc công đâu ạ,” bác Nabi đỏ mặt.
Bác Nabi đang đứng gần cửa, cạnh một tủ gỗ cao lắp kính dày. Trên các ngăn bên trong, Abdullah thấy những bức ảnh chụp ông bà Wahdati lồng khung bạc. Họ đây, bên một cặp đôi khác, choàng khăn dày và áo khoác nặng nề, sau lưng là một dòng sông chảy sủi bọt. Trong một bức ảnh khác, bà Wahdati cầm một chiếc ly, cười tươi, cánh tay trần khoác eo một người đàn ông mà, Abdullah không sao thể tưởng tượng được, không phải ông Wahdati. Có cả ảnh cưới của họ nữa, ông cao ráo bảnh bao trong bộ com lê đen, bà diện váy trắng thướt tha, cả hai đều cười mỉm.
Abdullah lén liếc nhìn bà, nhìn bờ eo mảnh mai, khuôn miệng nhỏ xinh và đôi mày cong hoàn mӻ, móng chân hồng và son môi tiệp màu. Cậu nhớ đã gặp bà hai năm trước, khi Pari gần hai tuổi. Bác Nabi đã đưa bà tới Shadbagh vì bà nói là muốn gặp gia đình bác. Hôm ấy bà mặc bộ váy không tay màu đào - cậu vẫn nhớ vẻ mặt
sững sờ của cha - và đeo chiếc kính mát đen có gọng dày màu trắng. Bà mỉm cười suốt, hỏi han về ngôi làng, cuộc sống của họ, hỏi tên tuổi lũ trẻ. Bà cư xử như thể bà thuộc về căn nhà trát bùn trần thấp của họ, lưng dựa vào bức vách lấm muội đen sì, ngồi bên cửa sổ lốm đốm vết phân ruồi và tấm mành nhựa hoen ố ngăn gian chính với bếp, cũng là chỗ ngủ của Abdullah và Pari. Bà đã thể hiện một màn thăm hỏi ra trò, nhất quyết bỏ đôi giày cao gót ngoài cửa, chọn sàn nhà khi cha tế nhị mời bà ngồi ghế. Như một người bọn họ. Hồi đó Abdullah mới tám tuổi, nhưng đã nhìn thấu sự việc.
Điều mà Abdullah nhớ nhất về chuyến thăm là Parwana - dạo ấy đã mang thai Iqbal - cứ thu mình lại, lặng người ngồi trong góc, co co quắp quắp. Dì ngồi đó với đôi vai so lại, chân nhét dưới bụng bầu, như đang cố nhòa lẫn vào tường. Khuôn mặt dì được che sau tấm mạng bẩn. Dì nắm mớ vải rúm ró dưới cằm. Abdullah gần như thấy nỗi tủi nhục bốc lên trong dì như hơi nước, thấy niềm xấu hổ, cảm nhận được dì cảm thấy mình nhỏ bé chừng nào, và lòng cậu trào lên một nỗi cảm thông đáng ngạc nhiên với bà mẹ kế của mình.
Bà Wahdati với lấy cái bao kế bên đĩa bánh và châm cho mình một điếu thuốc.
“Chúng tôi đã chọn một con đường vòng khá dài, và tôi đã cho họ thấy một phần nhỏ thành phố,” bác Nabi nói.
“Tốt! Tốt!” bà Wahdati thốt lên. “Anh đã bao giờ tới Kabul chưa, Saboor?”
Cha đáp, “Độ một hai lần, thưa Bibi* Sahib.”
Cách gọi tôn trọng phụ nữ trong tiếng Ba Tư.
“Vậy xin hỏi, anh có ấn tượng thế nào?”
Cha nhún vai, “Đông quá.”
“Phải.”
Ông Wahdati nhặt mẩu xơ vải trên tay áo khoác rồi nhìn xuống thảm.
“Đông, phải rồi, và đôi khi còn gây mệt mỏi nữa,” vợ ông nói. Cha gật đầu như thể ông hiểu.
“Kabul là một hòn đảo, thật vậy. Có người nói nơi đây tiến bộ, có lẽ đúng. Theo tôi thì tạm đúng, nhưng nó cũng cách biệt với phần còn lại của đất nước.”
Cha nhìn xuống chiếc mũ chỏm trong tay và chớp mắt.
“Đừng hiểu lầm tôi,” bà nói. “Tôi toàn tâm toàn ý ủng hộ bất cứ cải cách nào mà thành phố này mang lại. Chúa biết là đất nước này có thể tận dụng điều đó. Tuy nhiên, đôi khi nó hơi quá phô trương so với gu của tôi. Tôi thề đấy, sự xa hoa ở chốn này.” Bà thở dài. “Đúng là ngày càng khiến người ta mệt mỏi. Bản thân tôi luôn ngưỡng mộ vùng thôn quê. Tôi yêu mến nơi ấy vô cùng. Những tỉnh lỵ xa xôi, những qaria - ngôi làng nhỏ. Một Afghanistan đích thΉc, có thể coi như vậy.”
Cha ngập ngừng gật đầu.
“Tôi có thể không tán đồng tất cả hoặc thậm chí phần lớn những truyền thống bộ lạc, nhưng xem ra tôi thấy sống ngoài đó thật hơn. Ở họ có sự vững vàng. Cung cách khiêm nhường khác lạ. Cả lòng hiếu khách nữa. Tính kiên cường. Niềm kiêu hãnh. Em dùng từ đúng không, Suleiman? Kiêu hãnh?”
“Thôi đi, Nila,” chồng bà khẽ lên tiếng.
Bầu im lặng đặc quánh trùm xuống sau câu nói của ông. Abdullah nhìn ông Wahdati gõ ngón tay lên tay ghế, còn vợ ông thì mỉm cười cứng nhắc, một vệt son hồng lem trên đầu thuốc lá, chân bà bắt tréo nơi mắt cá, khuӹu tay đặt trên tay ghế.
“Chắc không đúng từ rồi,” bà nói, phá vỡ im lặng. “Có lẽ là lòng tΉ trọng.” Bà mỉm cười, khoe hàm răng trắng tinh thẳng tắp. Abdullah chưa bao giờ thấy một hàm răng như vậy. “Đúng rồi. Hay hơn nhiều. Người dân quê rất tự trọng. Họ mang nó trên người phải không? Như một tấm huy hiệu? Tôi thật lòng đấy. Tôi thấy điều đó ở anh, Saboor à.”
“Cảm ơn, Bibi Sahib,” cha lí nhí, cựa mình trên ghế, vẫn nhìn xuống chiếc mũ chỏm.
Bà Wahdati gật đầu. Bà quay sang nhìn Pari. “À, cho phép bác nói câu này nhé, cháu đáng yêu quá.” Pari nhích lại gần Abdullah hơn.
Khoan thai, bà Wahdati cất giọng đọc, “Hôm nay tôi đã gặp một khuôn mặt diễm kiều, mӻ lệ, duyên dáng vô ngần mà mình tìm kiếm
bấy lâu.” Bà mủn cười. “Rumi*. Cháu có biết ông ấy không? Cháu sẽ thấy ông ấy sáng tác bài này dành riêng cho cháu, cháu yêu.”
Rumi (1207-1273): nhà thần học, nhà thơ vĩ đại sinh ra tại Balkh, nay thuộc Afghanistan.
“Bà Wahdati là một nhà thơ tài hoa,” bác Nabi nói.
Bên kia phòng, ông Wahdati với lấy một cái bánh, bẻ đôi, rồi cắn một miếng nhỏ.
“Nabi, anh thật khéo miệng,” bà Wahdati nói, trao cho bác một ánh nhìn ấm áp. Abdullah lại bắt gặp sắc hồng ửng lên trên má bác Nabi.
Bà Wahdati dụi điếu thuốc, day mạnh đầu mẩu thuốc lá vào gạt tàn vài lần. “Tôi dẫn lũ trẻ đi đâu đó nhé?” bà hỏi.
Ông Wahdati trút một hơi thở bực dọc, đập cả hai lòng bàn tay vào tay ghế, ra vẻ định đứng dậy, dù không phải.
“Tôi sẽ đưa chúng ra chợ,” giờ bà Wahdati nói với cha. “Nếu anh đồng ý, Saboor. Nabi sẽ chở chúng tôi đi. Suleiman có thể dẫn anh đến nơi thi công sau nhà. Để anh tự mình xem thế nào.”
Cha gật đầu.
Ông Wahdati chầm chậm khép mắt lại.
Họ đứng lên chuẩn bị đi.
Bỗng nhiên, Abdullah ước gì cha sẽ cảm ơn những người này vì món bánh quy và trà, rồi nắm tay cậu và Pari rời khỏi ngôi nhà này,
khỏi đám tranh, rèm cũng như sự tiện nghi và xa hoa vô độ của nó. Họ có thể đổ đầy nước vào bi đông, mua bánh mì và mấy quả trứng luộc, và trở lại con đường đã đưa họ đến đây. Trở về qua sa mạc, những tảng đá, những ngọn đồi, cha lại kể chuyện cho chúng nghe. Họ sẽ thay phiên nhau kéo Pari ngồi trong xe. Và trong vòng hai hoặc ba ngày, dù phổi bám bụi và tứ chi rã rời, họ cũng sẽ trở lại Shadbagh. Shuja sẽ thấy họ về và cuống quýt chạy tới, nhảy cẫng quanh Pari. Họ sẽ ở nhà.
Cha nói, “Đi đi, các con.”
Abdullah tiến lên một bước, định nói gì đó, nhưng bàn tay thô kệch của bác Nabi đã đặt lên vai cậu, xoay cậu lại, bác Nabi vừa dẫn cậu đi dọc hành lang vừa nói, “Đợi mà xem chợ ở đây thế nào nhé. Các cháu chưa thấy nơi nào như vậy đâu, cả hai đứa.”
Bà Wahdati ngồi cùng chúng ở ghế sau, không khí nồng nàn hương nước hoa của bà và một mùi gì đó mà Abdullah không nhận ra, thứ mùi ngọt ngào, hơi gắt. Bà hỏi chúng hết câu này đến câu khác trong khi bác Nabi lái xe. Bạn chúng là những ai? Chúng có đi học không? Các câu hỏi về việc nhà, hàng xóm, những trò chúng chơi. Nắng chiếu xuống phần mặt phải của bà. Abdullah có thể thấy những sợi lông tơ trên má bà và đường viền mờ của lớp trang điểm bên dưới quai hàm bà.
“Cháu có một con chó,” Pari nói.
“Thế à?”
“Nó là một con chó hết sảy đấy,” bác Nabi nói từ ghế trước. “Tên nó là Shuja. Lúc nào cháu buồn là nó đều biết.”
“Chó là thế mà,” bà Wahdati nói. “Về điểm đó chúng giỏi hơn một số người mà bác từng gặp.”
Họ lái xe qua một tốp ba cô nữ sinh trung học nhảy chân sáo dọc vỉa hè. Họ vận đồng phục đen với khăn trắng thắt dưới cằm.
“Bác biết vừa nãy mình nói gì, nhưng Kabul không tệ đến mức ấy đâu,” bà Wahdati lơ đãng vân vê chuỗi vòng cổ. Bà đang nhìn ra ngoài cửa sổ, nét mặt u buồn. “Ở đây bác thích nhất là lúc cuối xuân, sau những cơn mưa. Không khí thật trong lành. Khúc dạo đầu của mùa hè. Cái cách nắng chiếu xuống núi.” Bà mỉm cười uể oải. “Có đứa trẻ trong nhà thì tốt. Ồn ào một chút, để thay đổi không khí. Có sức sống một chút.”
Abdullah nhìn bà và cảm thấy có gì đó đáng báo động ở người phụ nữ này, bên dưới lớp trang điểm và nước hoa và vẻ mong cầu cảm thông, có gì đó vụn vỡ. Cậu thấy mình nghĩ về mùi khói bếp của Parwana, cái kệ bếp bừa bãi chai lọ, những chiếc đĩa không đồng bộ và xoong nồi nhem nhuốc. Cậu nhớ tấm đệm dùng chung với Pari, dù nó bẩn, và mớ lò xo lúc nào cũng chỉ chực lòi ra. Cậu nhớ tất cả những thứ đó. Chưa bao giờ trong đời cậu nhớ nhà da diết đến vậy.
Bà Wahdati thở dài ngồi lút vào ghế, ấp chiếc ví vào lòng như bà bầu ôm cái bụng to tròn.
Bác Nabi tấp vào một vỉa hè đông đúc. Bên kia đường, cạnh một thánh đường với những ngọn tháp cao vút là chợ, được tạo thành từ mê cung các lối đi hẹp chật cứng như nêm, cả mái vòm lẫn lộ thiên. Họ thong thả đi qua những lối đi đầy quầy hàng bán áo khoác da, nhẫn nạm ngọc và đá màu mè, cùng gia vị đủ mọi chủng loại, bác Nabi đi sau, bà Wahdati và hai anh em chúng đi trước. Giờ đã ra ngoài, bà Wahdati bèn đeo chiếc kính mát khiến mặt bà trông giống mèo đến kỳ quặc.
Tiếng mặc cả oang oang khắp nơi. Tiếng nhạc ầm ĩ vọng ra từ hầu hết mọi quầy hàng. Họ đi qua những quầy bán sách, đài, đèn bàn, nồi xoong màu bạc. Abdullah thấy hai người lính đi đôi ủng bụi bặm và mặc áo khoác màu nâu sẫm vừa hút chung điếu thuốc vừa quan sát mọi người với vẻ thờ ơ chán chường.
Họ ghé vào một sạp giày. Bà Wahdati bới tung hàng dãy giày bày trên mấy chiếc thùng ra. Bác Nabi đi vu vơ sang quầy bên cạnh, tay chắp sau lưng, khinh bỉ nhìn xuống mấy đồng xu cũ kӻ.
“Đôi này thế nào?” bà Wahdati nói với Pari. Bà giơ một đôi giày thể thao màu vàng mới tinh lên.
“Xinh quá ạ,” Pari nói, nhìn đôi giày vẻ ngỡ ngàng.
“Cháu thử đi.”
Bà Wahdati giúp Pari xỏ chân vào giày, kéo quai, cài khóa cho nó. Bà hé mắt nhìn Abdullah qua cặp kính. “Cháu cũng chọn một đôi
đi. Bác thật không tin nổi là cháu đi đôi dép quai hậu đó suốt cả quãng đường từ làng cháu đến đây.”
Abdullah lắc đầu ngoảnh đi. Cuối lối đi, một ông già với chòm râu bờm xờm và đôi chân khoèo xin người qua lại bố thí.
“Nhìn này, anh Abollah!” Pari giơ một chân lên, rồi đến chân kia. Nó giậm chân xuống đất, nhảy tưng tưng. Bà Wahdati gọi bác Nabi lại và bảo bác dẫn Pari đi dọc lối nhỏ, xem có êm chân không. Bác Nabi nắm tay Pari dẫn đi.
Bà Wahdati nhìn xuống Abdullah.
“Cháu nghĩ bác là người xấu,” bà nói. “Cách nói năng của bác lúc trước ấy.”
Abdullah nhìn Pari và bác Nabi đi qua ông già ăn xin khoèo chân. Ông nói gì đó với Pari, Pari lại ngước mặt lên nói gì đó với bác Nabi, và bác Nabi bèn thảy cho ông một đồng xu.
Abdullah bắt đầu khóc không thành tiếng.
“Ôi, cháu ngoan,” bà Wahdati nói, giật mình. “Cháu yêu tội nghiệp.” Bà lấy khăn tay từ ví ra đưa cho cậu.
Abdullah gạt đi. “Xin bác đừng làm thế,” cậu nói, giọng vỡ vụn.
Giờ bà khom người bên cậu, kính gài lên tóc. Mắt bà cũng ướt, và khi bà chấm khăn lên mắt, nó bị lem mấy vết màu đen. “Bác không trách cháu nếu cháu có ghét bác. Đó là quyền của cháu.
Nhưng - giờ bác không mong cháu hiểu - thế này là tốt nhất. Thật đấy, Abdullah. Thế này tốt nhất. Có ngày cháu sẽ hiểu.”
Abdullah ngửa mặt lên trời rên rỉ vừa đúng lúc Pari nhảy chân sáo lại phía cậu, đôi mắt ngập tràn biết ơn, khuôn mặt sáng bừng hạnh phúc.
Một sáng mùa đông năm ấy, cha lấy rìu đốn cây sồi khổng lồ. Con trai của giáo sĩ Shekib, Baitullah, và vài người đàn ông nữa cùng giúp cha. Không ai tìm cách can thiệp. Abdullah đứng bên mấy thằng bé khác nhìn họ. Điều đầu tiên cha làm là hạ chiếc xích đu xuống. Cha trèo lên cây dùng dao cứa đứt sợi thừng. Rồi ông và những người đàn ông khác đốn cái thân cây đồ sộ đến tận chiều muộn, khi cái cây già nua cuối cùng cũng đổ xuống với một tiếng rắc lớn não nề. Cha bảo Abdullah rằng họ cần củi cho mùa đông. Nhưng ông đã thô bạo vung rìu vào cái cây già nua, với quai hàm siết chặt và khuôn mặt tối sầm như thể ông không thể chịu nổi nhìn nó thêm chút nào nữa.
Lúc này, bên dưới bầu trời xám xịt màu đá, những người đàn ông đang xẻ cái thân cây đổ, mũi và má họ đỏ bừng trong giá lạnh, tiếng rìu bổ vào gỗ dội lại trống rỗng. Xa hơn đằng ngọn cây, Abdullah bẻ những cành nhỏ khỏi những cành lớn. Trận tuyết đầu tiên của mùa đông đã đổ xuống cách đây hai ngày. Không dày lắm, chưa đến lúc, chỉ là báo hiệu cho những gì sắp tới. Sớm thôi, mùa đông sẽ tràn về Shadbagh, mùa đông cùng các cột băng, những đụn
tuyết cả tuần mới tan và những cơn gió làm nứt nẻ da mu bàn tay trong đúng một phút. Còn bây giờ, màu trắng trên đất mới chỉ thưa thớt, lỗ chỗ những đốm đất nâu nhạt rải từ đây tới sườn đồi.
Abdullah gom một ôm cành cây gầy guộc và mang đến chồng củi chung càng lúc càng cao thêm gần đó. Cậu đang đi đôi ủng lội tuyết mới, đeo găng tay và mặc áo khoác mùa đông. Đó là áo cũ, nhưng ngoại trừ cái phéc mơ tuya hỏng mà cha đã sửa lại thì nó còn tốt như mới - độn dày, xanh lam đậm, với lớp lông lót màu cam. Nó có bốn túi sâu đóng mở bằng khuy bấm và chiếc mũ chần bông ôm quanh mặt Abdullah khi cậu thắt dây lại. Giờ thì cậu hất mũ ra khỏi đầu và trút một hơi thở dài đầy khói.
Vầng dương đang hạ dần xuống chân trời. Abdullah vẫn có thể nhìn ra chiếc cối xay gió cũ, cái bóng sừng sững và xám xịt trùm xuống những bức vách bùn trong ngôi làng. Mỗi khi có gió lạnh từ trên đồi thổi xuống là cánh quạt lại kẽo kẹt rên rỉ. Cối xay gió chủ yếu là nơi trú ngụ của lũ diệc xanh trong hè, nhưng giờ đông đã về, lũ diệc đi hết và quạ liền chiếm chỗ. Mỗi sáng, Abdullah lại bị đánh thức bởi tiếng kêu quang quác quàng quạc chói tai của chúng.
Có gì đó thu hút ánh mắt cậu, bên tay phải, dưới đất. Cậu đi về phía đó và quỳ xuống.
Một chiếc lông vũ. Nhỏ xíu. Sắc vàng.
Cậu bỏ một chiếc găng tay ra mà cầm nó lên.
Tối nay họ sẽ đi dự lễ, cậu, cha cậu, và đứa em trai cùng cha khác mẹ, Iqbal. Con trai của Baitullah mới chào đời. Một motreb* sẽ hát cho những người đàn ông nghe, và ai đó sẽ vỗ trống lục lạc. Có trà và bánh mì mới nướng nóng hổi và shorwa* khoai tây. Sau đó, giáo sĩ Shekib sẽ nhúng một ngón tay vào bát nước đường rồi cho đứa trẻ mút. Ông sẽ lấy viên đá đen bóng loáng và chiếc dao cạo hai lưỡi ra, nhấc miếng vải trên bụng thằng bé lên. Một nghi thức thông thường. Cuộc sống vẫn chảy trôi ở Shadbagh.
Nhạc sĩ chuyên chơi những ca khúc có tiết tấu nhanh trong các dịp lễ tiệc.
Món xúp truyền thống của người Afghanistan. Nguyên liệu chủ yếu là khoai tây, thịt và đậu, thường được dùng kèm với bánh mì.
Abdullah lật chiếc lông vũ lại trong tay.
Cha không cho phép mͱt giọt nưͳc mắt nào rỏ xuống, cha đã nói thế. Không được khóc. Cha không cho phép.
Và cũng chẳng có thật. Không ai ở làng hỏi thăm Pari. Thậm chí không ai nhắc đến tên nó. Abdullah sững sờ khi thấy con bé lại biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống của họ như vậy.
Abdullah chỉ tìm thấy nỗi đau của chính mình phản chiếu ở Shuja. Ngày nào chú chó cũng xuất hiện bên cửa nhà họ. Parwana ném đá vào nó. Cha cầm cành cây đuổi đánh nó. Nhưng nó vẫn trở lại. Đêm đêm cậu nghe thấy nó tru não nùng và sáng sáng họ lại bắt gặp nó nằm bên cửa, cằm gối lên chân trước, chớp mắt nhìn người
đánh đuổi mình với cặp mắt buồn đau, không trách cứ. Chuyện đó diễn ra hàng tuần liền cho đến một sáng nọ, Abdullah thấy nó lê chân về phía ngọn đồi, đầu rũ xuống. Kể từ ấy không ai ở Shadbagh thấy nó nữa.
Abdullah nhét chiếc lông vũ vàng vào túi và khởi bước về phía cối xay gió.
Đôi khi, cậu vô tình thấy cha rầu rầu nét mặt, chìm trong những sắc thái cảm xúc lẫn lộn. Với cậu, giờ nom cha teo tóp hẳn lại, như bị tước mất một thứ thiêng liêng. Ông lờ đờ đi lại quanh nhà, không thì cũng ngồi trong hơi ấm của cái lò sưởi gang to mới tinh, với Iqbal bé bỏng trong lòng, đờ đẫn nhìn ngọn lửa. Giọng ông trở nên lè nhè theo cái cách mà Abdullah không nhớ nổi, như thể có gì đó đè nặng lên từng lời ông nói. Ông thu mình vào những khoảng lặng dài đằng đẵng, nét mặt kín bưng. Ông không còn kể chuyện nữa, không còn kể từ khi ông và Abdullah trở về từ Kabul. Có lẽ, Abdullah nghĩ, cha cũng đã bán nàng thơ của mình cho nhà Wahdati mất rồi.
Xa khuất.
Biến mất.
Chẳng còn lại gì.
Chẳng lời nào được nói ra.
Ngoại trừ những lời thốt ra từ miệng Parwana: Phải là con bé. Dì rất tiếc, Abdullah. Phải là con bé.
Cắt một ngón tay, để bảo vệ cả bàn tay.
Cậu quỳ xuống khoảng đất đằng sau cối xay gió, dưới chân ngọn tháp đá mục nát. Cậu cởi găng tay ra đào đất. Cậu nghĩ đến đôi mày rậm, vầng trán tròn rộng và nụ cười răng thưa của con bé. Đầu cậu văng vẳng tiếng cười lảnh lót vang khắp nhà thuở trước. Cậu nghĩ về cảnh hỗn loạn nổ ra khi họ từ chợ về. Pari hoảng loạn. Gào thét. Bác Nabi vội đưa con bé đi. Abdullah đào mãi cho đến khi ngón tay cậu chạm vào lớp kim loại. Rồi xoay xở nhấc hộp trà bằng thiếc từ dưới cái lỗ lên. Cậu gạt lớp đất lạnh khỏi nắp.
Gần đây, cậu nghĩ rất nhiều về câu chuyện cha kể cho chúng vào đêm trước chuyến đi Kabul, về người nông dân già nua Baba Ayub và div. Abdullah cứ thấy mình ở đúng chỗ Pari từng đứng, sự biến mất của con bé như một thứ mùi bốc lên từ lớp đất dưới chân, và chân cậu liền bủn rủn, lòng se lại, và cậu thèm được uống thứ thuốc lú mà div đã đưa cho Baba Ayub để giúp ông quên đi mọi sự.
Nhưng không thể nào quên được. Pari cứ quanh quẩn, tự nhiên xuất hiện nơi khóe mắt Abdullah ở mỗi nơi cậu đến. Con bé như hạt bụi bám vào áo cậu. Con bé ở trong cơn im lặng đã trở nên quá thường xuyên ở nhà, những cơn im lặng cứ trào lên giữa từng lời họ nói, đôi khi lạnh lẽo trống rỗng, đôi khi chất chứa những điều không được nói ra, như một đám mây trĩu nặng chẳng bao giờ chịu đổ mưa. Có những đêm cậu mơ thấy mình lại ở sa mạc, đơn độc, bao quanh là núi, xa xa có một ánh lửa nhỏ cứ chớp, tắt, chớp, tắt, như một thông điệp.
Cậu mở hộp trà ra. Chúng đều ở đó, đám lông vũ của Pari, nào lông gà trống, vịt, bồ câu; cả sợi lông công ấy nữa. Cậu thảy chiếc lông vàng vào hộp. Một ngày nào đó, cậu nghĩ.
Hy vọng.
Cuộc đời cậu ở Shadbagh được đếm từng ngày, như của Shuja vậy. Giờ thì cậu đã biết. Ở đây chẳng còn gì cho cậu. Ở đây cậu không có gia đình. Cậu sẽ đợi cho đến khi đông tàn và đất trời vào độ xuân ấm, một sáng cậu sẽ dậy trước lúc bình minh và bước ra khỏi cửa. Cậu sẽ chọn một hướng mà lên đường. Cậu sẽ đi xa khỏi Shadbagh đến chừng nào chân cậu còn chịu được. Và nếu một ngày, trong khi cuốc bộ qua một cánh đồng bát ngát, nỗi tuyệt vọng xâm chiếm lòng cậu thì cậu sẽ dừng bước, nhắm mắt lại nghĩ về chiếc lông chim cắt mà Pari đã tìm thấy ở sa mạc. Cậu sẽ hình dung chiếc lông rụng từ thân con chim, bay cao tít lên mây, cách mặt đất gần một cây số, xoay tít và cuồng quay trong luồng khí mạnh, bị những cơn gió dữ cuốn qua hàng cây số sa mạc và núi non, để cuối cùng hạ cánh, chính tại nơi này, bất chấp mọi nghịch cảnh, dưới chân chính tảng đá ấy cho em gái cậu tìm thấy. Cậu sẽ thấy ngỡ ngàng, và rồi, cả hy vọng nữa, khi những việc như vậy lại xảy ra. Và dẫu có thừa biết, cậu vẫn sẽ cảm thấy can đảm, và cậu sẽ mở mắt ra mà bước tiếp.
Ba
MÙA XUÂN NĂM 1949
Trước khi kéo chăn ra và nhìn thấy nó, Parwana đã ngửi thấy thứ mùi ấy rồi. Nó bê bết khắp mông Masooma, chảy xuống đùi, dính cả vào tấm trải giường lẫn chăn nệm. Masooma ngước nhìn cô qua vai với vẻ rụt rè cầu xin tha thứ, xen lẫn xấu hổ - vẫn nỗi xấu hổ ấy sau ngần ấy thời gian, ngần ấy năm.
“Chị xin lỗi,” Masooma thì thầm.
Parwana muốn gào lên nhưng cô nén lại thành một nụ cười yếu ớt. Những lúc như lúc này cô phải gồng mình để nhớ, để không lãng quên, một sự thật chẳng thể nào lay chuyển: Đây là tác phẩm của chính cô, cái mớ hỗn độn này. Chẳng có gì đổ xuống đầu cô là bất công hay vô lý. Đây là những gì cô đáng phải nhận. Cô thở dài, xem xét chỗ vải bẩn, ghê sợ công việc đang chờ đợi mình. “Em sẽ lau sạch cho chị,” cô nói.
Masooma bắt đầu khóc không thành tiếng, thậm chí không cả thay đổi nét mặt. Chỉ có nước mắt, trào lên, chảy dài.
Bên ngoài, trong hơi lạnh ban sớm, Parwana nhóm một ngọn lửa trong lò đất. Khi lửa bốc, cô đổ đầy nước lấy từ cái giếng chung ở Shadbagh vào xô rồi hơ nóng. Cô sưởi lòng bàn tay bên ngọn lửa.
Từ đây cô có thể thấy chiếc cối xay gió và nhà thờ làng, nơi giáo sĩ Shekib dạy cô và Masooma đọc khi họ còn nhỏ, và cả nhà của ông, nằm dưới chân một sườn đồi thoai thoải. Lát nữa, khi mặt trời lên, mái nhà sẽ trở thành một hình vuông đỏ rực hoàn hảo trên làn bụi nhờ những quả cà chua mà vợ ông đem ra phơi khô dưới nắng. Parwana ngước nhìn những vì sao sớm mai, tàn dần, nhạt nhòa, thờ ơ nhấp nháy với mình. Cô trấn tĩnh lại.
Vào nhà, cô lật Masooma nằm sấp xuống. Cô nhúng khăn vào nước rồi lau sạch mông Masooma, chùi chất thải khỏi lưng và đôi chân nhũn nhẽo của chị gái.
“Sao phải dùng nước ấm?” Masooma nói vào gối. “Sao phải khổ thế làm gì? Em không cần làm vậy. Chị có phân biệt được đâu.”
“Có thể. Nhưng em thì phân biệt được,” Parwana nói, nhăn mặt trước mùi thối. “Thôi đừng nói nữa để em làm cho xong nào.”
Từ đây, một ngày của Parwana lại trải ra như bao ngày khác, như bốn năm nay từ khi cha mẹ họ mất. Cô cho gà ăn. Cô chẻ củi rồi quẩy thùng ra giếng gánh nước hết lượt này đến lượt khác. Cô nhào bột và nướng bánh mì trong tandoor bên ngoài căn nhà trát bùn. Cô quét nhà. Vào buổi chiều, cô ngồi xổm bên suối, cùng những người phụ nữ khác trong làng, giặt đồ bằng cách chà quần áo vào đá. Sau đó, vì hôm nay là thứ Sáu, cô ra nghĩa trang thăm mộ cha mẹ và nói lời cầu nguyện ngắn ngủi cho mỗi người. Và cả ngày, xen giữa việc nhà tất bật, cô lại dành thời gian đổi tư thế cho
Masooma, từ bên này sang bên kia, nhét một cái gối vào một bên mông chị, rồi đến bên còn lại.
Hôm ấy, cô trông thấy Saboor hai lần.
Cô thấy anh ngồi xổm bên ngoài căn nhà nhỏ trát bùn, quạt lửa trong lò đất, mắt nheo lại vì khói, bên cạnh là cậu con trai Abdullah. Lát sau cô thấy anh nói chuyện với mấy người đàn ông khác, những người giống như Saboor, giờ đã có gia đình riêng nhưng một thời từng là đám trẻ làng đánh nhau với Saboor, cùng thả diều, đuổi chó, chơi trò trốn tìm. Thời gian này Saboor đang mang gánh nặng lớn, một tấn thảm kịch, vợ chết và hai đứa con mồ côi mẹ, trong đó một đứa mới chào đời. Giờ anh nói bằng thứ giọng mệt mỏi, rất khó nghe. Anh vác cái bộ dạng hốc hác tiều tụy đi lại trong làng.
Parwana nhìn anh từ xa với một niềm khao khát gần như đau đớn. Cô cố ngoảnh đi khi bước qua anh. Và nhỡ họ có vô tình chạm mắt nhau, anh chỉ gật đầu với cô thôi là máu đã dồn lên mặt cô.
Đêm ấy, khi Parwana đặt lưng xuống ngủ, cô hầu như không thể nhấc tay lên. Đầu cô mụ mị vì kiệt sức. Cô nằm trên giường, đợi chờ giấc ngủ tới.
Rồi, trong bóng tối:
“Parwana ơi?”
“Dạ.”
“Em có nhớ cái lần chúng ta đi xe đạp cùng nhau không?”
“Ừm.”
“Chúng ta đi nhanh thật! Lao vun vút xuống đồi. Lũ chó đuổi theo chúng ta.”
“Em nhớ.”
“Cả hai chúng ta đều hét. Và khi chúng ta va phải đá…” Parwana cơ hồ nghe thấy chị mình cười trong bóng tối. “Mẹ giận chúng ta ghê. Cả Nabi nữa. Chúng ta đã làm hỏng xe đạp của anh ấy.”
Parwana nhắm mắt lại.
“Parwana à?”
“Dạ.”
“Tối nay em ngủ với chị được không?”
Parwana đạp chăn ra, sang bên kia căn nhà tranh tới chỗ Masooma, và chui vào chăn nằm cạnh chị. Masooma gối má lên vai Parwana, một tay vắt ngang ngực em gái.
Masooma thì thầm, “Em xứng đáng có được nhiều thứ hơn là ở đây với chị nhiều.”
“Đừng thế nữa,” Parwana thì thầm lại. Cô vuốt tóc Masooma thật lâu, thật kiên nhẫn, đúng kiểu Masooma thích.
Họ rì rầm tán gẫu vu vơ một lúc về những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh, hơi thở người nọ tỏa ấm khuôn mặt người kia. Đây là những giây phút khá hạnh phúc với Parwana. Chúng gợi nhắc cô về thời thơ ấu của hai chị em, cuộn tròn dưới chăn, mũi chạm mũi, nhỏ to
những bí mật và các câu chuyện phiếm, khúc khích cười không ra tiếng. Chẳng mấy chốc, Masooma đã thiu thiu ngủ, đánh lưỡi chóp chép trong một giấc mơ nào đó, còn Parwana đăm đăm nhìn ra bầu trời đen thẫm ngoài cửa sổ. Tâm trí cô thoắt chuyển từ suy nghĩ rời rạc này sang suy nghĩ rời rạc khác và cuối cùng trôi đến một bức ảnh cô từng nhìn thấy trong một tạp chí cũ, chụp hai anh em người Xiêm dính liền thân, khuôn mặt ảm đạm. Cả hai người dính chặt vào nhau, máu hình thành trong tủy sống người này chảy trong tĩnh mạch người kia, sự gắn kết của họ là vĩnh viễn. Parwana cảm thấy đau thắt, tuyệt vọng, như bị một bàn tay siết chặt bên trong lồng ngực. Cô lấy hơi. Cô cố lái suy nghĩ sang Saboor một lần nữa và thay vào đó cô thấy tâm trí mình dạt tới lời đồn mà cô nghe thấy trong làng: rằng anh đang tìm một người vợ mới. Cô xua hình ảnh khuôn mặt anh khỏi đầu mình. Cô gạt suy nghĩ ngốc nghếch ấy đi.
Parwana là một ngạc nhiên.
Masooma vừa lọt lòng, đang khẽ ngọ nguậy trong vòng tay bà đỡ thì mẹ họ hét lên và một chỏm đầu nữa ló ra. Masooma chào đời thật suôn sẻ. Con bé tΉ mình chui ra, mͱt thiên thần, sau này bà đỡ đã nói vậy. Ca sinh Parwana thì kéo dài, khiến người mẹ quằn quại đau đớn, gây nguy hiểm cho cả đứa trẻ. Bà đỡ phải gỡ Parwana khỏi đám dây rốn quấn quanh cổ, như trong cơn lo sợ kinh hoàng vì phải phân ly. Trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất của mình, khi vô phương tránh khỏi bị dòng xoáy căm ghét bản thân nuốt chửng,
Parwana nghĩ rằng có lẽ cái dây rốn biết rõ nhất. Có lẽ nó biết nửa nào tốt hơn.
Masooma ăn đúng cữ, ngủ đúng giờ. Chị chỉ khóc nếu đói hoặc cần được lau rửa. Lúc thức, chị nghịch ngợm, tươi tỉnh, dễ vui, một bọc tã ngập tràn tiếng khúc khích và ré cười hạnh phúc. Chị thích ngậm cái lục lạc đồ chơi của mình.
Thật là một đứa bé ngoan, người ta nói thế.
Parwana thì khó nuôi. Nó mang hết mọi quyền lực ra hành mẹ. Cha họ, lúng túng trước sự ngang ngược của đứa con mới sinh, bèn mang con trai lớn trốn sang nhà anh trai ngủ. Ban đêm là khoảng thời gian vất vả tột cùng cho mẹ lũ trẻ, xen ngang vài phút nghỉ ngơi chập chờn. Đêm nào bà cũng vỗ về Parwana và bế nó đi rong cả đêm. Bà đu đưa và hát ru con. Bà nhăn nhó khi Parwana nghiến bầu ngực trầy xước, căng phồng của mình và ngậm chặt núm vú bà như muốn hút cạn sữa mẹ. Nhưng cho bú cũng không giải quyết được vấn đề: Kể cả với cái bụng no tròn, Parwana vẫn quẫy đạp và gào khóc, thờ ơ trước sự khẩn nài của mẹ.
Masooma từ trong góc nhà quan sát với nét mặt trầm ngâm, bất lực, như thể thương cho nỗi nhọc nhằn của mẹ.
Nabi đâu có như thế này, một hôm mẹ nói với cha.
Mͯi đứa mͯi khác mà.
Nó hành em chết mất, con bé đó.
Rồi sẽ qua thôi, ông nói. Như thời tiết xấu qua đi ấy.
Và rồi cũng qua đi thật. Có lẽ như một cơn đau bụng, hoặc một căn bệnh nhẹ. Nhưng quá muộn. Parwana đã ghi dấu ấn rồi.
Một chiều cuối hè, khi hai đứa trẻ sinh đôi được mười tháng tuổi, dân làng tụ họp tại Shadbagh sau một đám cưới. Cánh phụ nữ hết sức chăm chú bày biện những đĩa cơm trắng nở bung điểm nghệ tây hình kim tự tháp. Họ cắt bánh mì, cạo cơm cháy khỏi đáy nồi, chuyền nhau những đĩa cà tím chiên phủ sữa chua và lá bạc hà phơi khô. Nabi ra ngoài chơi với mấy cậu nhóc. Mẹ lũ trẻ ngồi cùng hàng xóm trên một tấm thảm trải dưới chân cây sồi khổng lồ của làng. Thi thoảng, bà lại liếc xuống nhìn hai cô con gái đang ngủ bên nhau dưới bóng râm.
Trong lúc mọi người thưởng trà sau bữa ăn thì lũ trẻ ngủ dậy, và gần như ngay lập tức, có người vồ lấy Masooma. Chị được hân hoan chuyền quanh, từ cô chị họ tới bà thím tới ông cậu. Được tưng trong lòng người này, được giữ yên trên đầu gối người kia. Nhiều bàn tay cù vào cái bụng mềm của chị. Nhiều chiếc mũi cọ vào mũi chị. Họ cười ngả nghiêng khi chị nghịch ngợm túm râu giáo sĩ Shekib. Họ ngạc nhiên trước vẻ thoải mái, dễ gần của chị. Họ nâng chị lên và trầm trồ ngắm bầu má hồng, cặp mắt màu xanh xa phia, đôi mày cong duyên dáng, những dấu hiệu của một nhan sắc tuyệt mӻ mà chỉ vài năm nữa thôi sẽ khiến chị nổi bật.
Parwana bị bỏ lại trong lòng mẹ. Khi Masooma biểu diễn, Parwana lặng lẽ quan sát như có chút hoang mang, một thành viên của đám khán giả nồng nhiệt theo kiểu khác hẳn, kẻ không hiểu sao
lại nhặng xị thế này. Thi thoảng, mẹ nhìn xuống nó, nhẹ nhàng siết bàn chân nhỏ xíu, gần như xin lỗi. Khi có người nhận xét Masooma mới nhú hai chiếc răng, mẹ yếu ớt bảo rằng Parwana đã có ba cái rồi. Nhưng chẳng ai để ý.
Năm hai cô bé chín tuổi, nhà họ quây quần tại nhà Saboor dùng bữa iftar* đầu buổi tối để chấm dứt thời gian ăn chay sau lễ Ramadan. Người lớn ngồi trên nệm quanh phòng, nói chuyện ồn ào. Trà, những lời chúc tốt đẹp, và những câu chuyện gẫu được chuyền quanh với tần suất ngang nhau. Các cụ già lần tràng hạt. Parwana ngồi lặng lẽ, hạnh phúc được thở chung bầu không khí với Saboor, được ở trong tầm nhìn của cặp mắt đen tựa mắt cú. Suốt buổi tối ấy, nó nhiều lần đánh liều đưa mắt nhìn về phía anh. Nó bắt gặp anh đang cắn dở một cục đường, hay xoa đường nghiêng mềm mại của vầng trán, hay cười sảng khoái trước điều mà một ông bác vừa nói. Và nếu bị anh phát hiện, đâu như một hai lần, nó vội ngoảnh mặt đi, đờ người vì xấu hổ. Đầu gối nó bắt đầu bủn rủn. Miệng nó khô đến nỗi cơ hồ không nói được.
Còn gọi là bữa “xả chay”.
Rồi Parwana nghĩ đến cuốn sổ giấu dưới đống đồ của nó ở nhà. Saboor lúc nào cũng sáng tác truyện, những câu chuyện đầy ắp jinn và các nàng tiên và yêu quái và div; lũ trẻ làng thường vây quanh anh mà phăng phắc lắng nghe trong khi anh sáng tác những câu chuyện ngụ ngôn cho chúng. Chừng sáu tháng trước, Parwana tình cờ nghe thấy Saboor bảo với Nabi rằng một ngày nào đó anh hy
vọng được viết ra những câu chuyện của mình. Chẳng bao lâu sau thì Parwana, cùng mẹ, thấy mình ở một khu chợ nơi thị trấn khác, và ở đó, tại một quầy bán sách cũ, nó trông thấy một quyển sổ xinh xắn với những trang giấy kẻ ngang mới cứng và bìa da dày màu nâu sẫm được rập nổi theo viền. Cầm quyển sổ trong tay, nó biết rằng mẹ không đủ tiền mua cho nó. Thế là nhân lúc người bán hàng không để ý, Parwana bèn nhanh tay thó quyển sổ nhét vào dưới áo len.
Nhưng đã sáu tháng trôi qua kể từ ngày ấy, Parwana vẫn không dám tặng quyển sổ cho Saboor. Nó sợ anh cười hoặc anh xem qua rồi trả lại cho nó. Thay vào đó, hằng đêm nó nằm trên giường, quyển sổ giấu chặt trong tay bên dưới lớp chăn, đầu ngón tay lướt qua những nét khắc trên bìa da. Ngày mai, đêm nào nó cũng tự hứa với mình. Ngày mai mình sẽ mang nó đến chͯ anh.
Cuối buổi tối hôm ấy, sau bữa iftar, lũ trẻ chạy ra ngoài chơi hết. Parwana, Masooma và Saboor thay nhau chơi trên chiếc xích đu mà cha của Saboor đã treo lên một cành vững chắc của cây sồi khổng lồ. Đến lượt Parwana, nhưng Saboor cứ quên đẩy xích đu cho nó vì anh còn mải kể một câu chuyện khác. Lần này về chính cây sồi khổng lồ mà theo lời anh là có phép thuật. Nếu em có một điều ước, anh nói, thì em phải quỳ trước cây và thì thầm điều ước ấy. Và nếu cây đồng ý ban tặng, nó sẽ rụng đúng mười chiếc lá xuống đầu em.
Khi xích đu chậm lại rồi gần dừng hẳn, Parwana quay sang toan bảo Saboor đẩy tiếp đi nhưng những lời ấy nghẹn lại trong cổ họng
nó. Saboor và Masooma đang cười với nhau, và Parwana nhìn thấy quyển sổ nằm ngay trong tay Saboor. Quyển sổ cͿa nó.
Chị tìm thấy trong nhà, lát sau Masooma nói. CͿa em à? Chị sẽ đền cho em bằng cách nào đó, chị hứa đấy. Em không bΉc chứ? Chị chỉ nghĩ là nó thật hợp vͳi Saboor. Cho nh·ng câu chuyện cͿa anh ấy. Em có thấy vẻ mặt anh ấy không? Em có thấy phải không, Parwana?
Parwana bảo không, nó không bực, nhưng lòng nó thì tan nát. Nó mường tượng đi mường tượng lại chị nó và Saboor đã mỉm cười với nhau ra sao, vẻ mặt họ chia sẻ cùng nhau thế nào. Parwana cứ như đã tan biến vào không khí như một vị thần trong câu chuyện nọ của Saboor, họ không hề biết đến sự hiện diện của nó. Điều đó làm nó đau xé lòng. Đêm ấy, trên chiếc giường nhỏ, nó đã khóc thầm lặng lẽ.
Đến năm hai chị em mười một tuổi, Parwana đã sớm nhận thức được những hành vi kỳ lạ của tụi con trai quanh những cô bé mà chúng thầm thích. Nó thấy điều này rõ nhất khi nó và Masooma tan trường về nhà. Trường thực chất là căn phòng trong cùng của nhà thờ làng, nơi ngoài việc giảng kinh Koran, giáo sĩ Shekib còn dạy mỗi đứa trẻ trong làng đọc viết, học thuộc các bài thơ. Shadbagh thật may mắn khi có một con người thông tuệ nhường ấy làm malik*, cha hai cô bé bảo vậy. Trên đường đi học về, hai cô bé sinh đôi thường đụng phải một nhóm con trai ngồi trên một bờ tường. Khi hai chị em đi qua, có lúc chúng buông lời cợt nhả, có lúc chúng ném sỏi.
Parwana thường hét lại và ném đá đáp trả mấy viên sỏi, trong khi Masooma luôn kéo khuӹu tay nó và bảo nó với giọng hiểu biết rằng hãy đi nhanh lên, đừng để chúng chọc giận. Nhưng chị đã nhầm. Parwana giận không phải vì chúng ném sỏi mà bởi chúng chỉ ném vào Masooma. Parwana biết: chúng ra vẻ chòng ghẹo, và càng ra vẻ thì chứng tỏ chúng càng thích chị. Nó để ý thấy mắt chúng lướt qua nó rồi dán vào Masooma, đau khổ vì ngây ngất, chẳng thể nào rời đi. Nó biết rằng đằng sau lời trêu ghẹo thô thiển và điệu cười nhăn nhở sỗ sàng kia, chúng sợ Masooma.
Thầy, tôn sư.
Rồi đến một hôm, một đứa trong bọn ném đá chứ không phải sỏi. Nó lăn lông lốc đến chân hai chị em. Khi Masooma nhặt lên, tụi con trai cười hinh hích và huých nhau. Một sợi dây thun buộc một mẩu giấy quấn quanh cục đá. Khi đã cách một khoảng an toàn, Masooma mở giấy ra. Cả hai cùng đọc.
Tôi thề rằng, từ khi nhìn thấy khuôn mặt Em,
cả thế giͳi huyền hoặc, mͱng mơ.
Khu vườn bối rối đâu lá đâu hoa.
Lũ chim sao nhãng không phân biệt nổi hạt vͳi bẫy.
Một bài thơ của Rumi, một trong những bài mà giáo sĩ Shekib đã dạy.
Chúng tinh tế hơn rồi đấy, Masooma khúc khích nói.
Bên dưới bài thơ, cậu ta viết Tôi muốn cưͳi em. Và, dưới câu đó, cậu ta nguệch ngoạc thêm một dòng: Tôi có mͱt thằng em họ cho em gái em. Hợp lắm. Hai đứa nó có thể cùng nhau gặm cỏ trên cánh đồng cͿa chú tôi.
Masooma xé mẩu giấy làm đôi. Đừng bận tâm đến chúng, Parwana, chị nói. Lũ đần.
Bọn ngu xuẩn, Parwana đồng tình.
Nó gắng gượng lắm mới rặn ra được một nụ cười tươi. Mẩu giấy đã tồi tệ lắm rồi, nhưng điều thực sự làm Parwana đau lòng là phản ứng của Masooma. Thằng nhóc kia không đề cụ thể là gửi cho ai trong hai chị em, nhưng Masooma đã mặc nhiên cho rằng cậu ta dành bài thơ cho chị còn thằng em họ cho Parwana*. Lần đầu tiên, Masooma thấy bản thân mình qua đôi mắt chị gái. Nó thấy chị nhìn nhận mình thế nào. Cũng hệt như cách nhìn của những người khác. Những điều Masooma nói để lại trong lòng nó nỗi thất vọng tràn trề. Khiến nó suy sụp.
Lá thư dùng từ sister, có thể hiểu là chị hoặc em gái.
Vͳi cả, Masooma nhún vai và toét miệng nói thêm, chị đã có người thương rồi.
Nabi về thăm nhà như hằng tháng. Anh là câu chuyện thành công của gia đình, có lẽ là của cả làng nữa, vì anh làm việc ở Kabul, anh lái chiếc ô tô màu xanh dương to oành bóng lộn của ông chủ với
hình trang trí đầu con đại bàng sáng loáng trên nắp ca pô, ai nấy đều xúm xít lại xem anh về, đám trẻ làng hò la chạy theo xe.
“Mọi chuyện thế nào?” anh hỏi.
Ba người họ ngồi trong nhà uống trà và nhấm nháp hạnh nhân. Nabi thật điển trai, Parwana nghĩ, với xương gò má được đẽo tạc hoàn hảo, cặp mắt màu gỗ phỉ, hàm râu quai nón, và mớ tóc dày vuốt ngược ra sau. Nabi vận bộ com lê màu ô liu quen thuộc nom rộng hơn khoảng một cỡ so với anh. Nabi tự hào về bộ com lê lắm, Parwana biết, lúc nào cũng kéo tay áo, vuốt thẳng ve áo, gập nếp quần, dù anh chưa bao giờ khử được mùi hành cháy vương vất.
“À, hôm qua hoàng hậu Homaira đến dùng trà và bánh quy với bọn em,” Masooma nói. “Bà ấy khen nhà ta bài trí rất trang nhã.” Chị mỉm cười nhã nhặn với anh, để lộ hàm răng ngả vàng, Nabi bèn cười, nhìn xuống chiếc tách. Trước khi tìm được việc ở Kabul, Nabi đã giúp Parwana chăm sóc em gái. Hay anh cũng từng cố gắng một thời gian. Nhưng anh không làm được. Việc đó vượt quá sức chịu đựng của anh. Kabul là lối thoát của Nabi. Parwana ghen tị với anh trai, nhưng cô không hoàn toàn so bì kể cả nếu anh có suy nghĩ ấy - cô biết rằng trong khoản tiền hằng tháng anh đem về cho cô ẩn chứa không ít ăn năn.
Masooma đã chải tóc và viền mờ phấn côn quanh mắt như chị vẫn làm mỗi khi Nabi về thăm. Parwana biết chị làm thế chỉ có một phần vì anh, còn chủ yếu bởi anh là sợi dây nối chị với Kabul. Trong tâm trí Masooma, anh kết nối chị với sự xa hoa lộng lẫy, tới thành
phố của ô tô và ánh đèn, những nhà hàng thời thượng và cung điện hoàng gia, bất kể mối liên kết ấy có xa xôi tới mức nào. Parwana nhớ, đã lâu lắm rồi, Masooma từng nói chị là một cô gái thành thị bị giam hãm ở chốn làng quê.
“Thế còn anh? Anh đã tìm được cho mình cô vợ nào chưa?” Masooma hỏi đùa.
Nabi phẩy tay và cười gạt đi, như anh từng làm khi bị cha mẹ hỏi câu tương tự.
“Thế khi nào anh định cho em thăm thú Kabul lần nữa đây, anh trai?” Masooma nói.
Nabi từng đưa họ tới Kabul một lần, vào năm ngoái. Anh đón họ từ Shadbagh và chở họ đến Kabul, ngược xuôi những con đường của thành phố. Anh cho họ xem tất cả các thánh đường, các khu mua sắm, rạp chiếu bóng, nhà hàng. Anh chỉ cho Masooma thấy cung điện mái vòm Bagh-e-Bala nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống thành phố. Ở vườn Babur, anh nhấc Masooma từ ghế trước lên và bế chị tới nơi đặt ngôi mộ của hoàng đế Mughal. Họ đã cầu nguyện ở đó, ba người bọn họ, tại thánh đường Shah Jahan, và rồi, bên rìa một bể nước lát đá xanh dương, họ xơi ngon lành chỗ đồ ăn mà Nabi đã gói ghém cho họ. Đó có lẽ là ngày hạnh phúc nhất trong đời Masooma kể từ sau vụ tai nạn, và vì lẽ đó Parwana cảm thấy biết ơn anh trai mình.
“Sớm thôi, Inshallah*,” Nabi nói, gõ tay vào chiếc tách.
Cầu trời phù hộ.
“Anh giúp em chỉnh cái nệm dưới đầu gối em được không, Nabi? À, thoải mái hơn nhiều rồi đấy. Cảm ơn anh.” Masooma thở dài. “Em yêu Kabul. Nếu có thể, ngay sáng mai em sẽ cuốc bộ cả quãng đường đến đó.”
“Có lẽ một ngày nào đấy,” Nabi nói.
“Gì cơ, em đi lại được á?”
“Không,” anh lắp bắp, “Ý anh là…” Và rồi anh toét miệng khi Masooma phá lên cười.
Lát sau ra ngoài, Nabi đưa tiền cho Parwana. Anh dựa một bên vai vào tường và châm một điếu thuốc. Masooma nằm trong nhà ngủ trưa.
“Nãy anh có gặp Saboor,” anh nói, búng ngón tay. “Chuyện kinh khủng quá. Cậu ta cho anh biết tên đứa trẻ. Anh quên mất rồi.”
“Pari,” Parwana nói.
Anh gật đầu. “Anh không hỏi, nhưng cậu ta bảo là đang tính tái hôn.”
Parwana quay đi, cố giả vờ không quan tâm, nhưng tim cô đập thình thình trong tai. Cô cảm thấy da dấp dính mồ hôi.
“Như anh vừa nói đấy, anh không hỏi. Chính Saboor tự nói ra. Cậu ta kéo anh sang bên. Cậu ta kéo anh sang bên và nói cho anh biết.”
"""