" Tuyệt Kỹ Giao Dịch Bằng Đồ Thị Nến Nhật - Steve Nison & Thái Phạm (dịch) & Đỗ Phan Thu Hà(dịch) full mobi pdf epub azw3 [Phân Tích] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuyệt Kỹ Giao Dịch Bằng Đồ Thị Nến Nhật - Steve Nison & Thái Phạm (dịch) & Đỗ Phan Thu Hà(dịch) full mobi pdf epub azw3 [Phân Tích] Ebooks Nhóm Zalo TUYỆT KỸ GIAO DỊCH BẰNG ĐỒ THỊ NẾN NHẬT MỘT HƯỚNG DẪN ĐƯƠNG ĐẠI VỀ CÁC KỸ THUẬT ĐẦU TƯ CỔ ĐẠI Ở PHƯƠNG ĐÔNG Nguyên tác: Japanese Candlestick Charting Techniques: A Contemporary Guide to the Ancient Investment Techniques of the Far East Tác giả: Steve Nison Dịch giả: Thái Phạm, Đỗ Phan Thu Hà Nhà xuất bản: Thế Giới Nhà phát hành: Happy Live Trọng lượng: 400g Kích thước: 16 x 24 cm Số trang: 392 Năm xuất bản: 09/2017 Giá bìa: 499.000đ Thể loại: Tài Chính ebook©vctvegroup MỤC LỤC Đi theo dấu chân tiền nhân để lại. LỜI TỰA LỜI NÓI ĐẦU LỜI CẢM ƠN Chương 1: GIỚI THIỆU Chương 2: BỐI CẢNH LỊCH SỬ Phần I NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN Chương 3: CẤU TẠO NẾN Chương 4: CÁC MẪU HÌNH ĐẢO CHIỀU Chương 5: CÁC MẪU HÌNH SAO Chương 6: CÁC MẪU HÌNH ĐẢO CHIỀU KHÁC Chương 7: CÁC MẪU HÌNH TIẾP DIỄN Chương 8: DOJI MA THUẬT Chương 9: KẾT HỢP TẤT CẢ Phần II PHỐI HỢP NHIỀU TÍN HIỆU Chương 10: TỔ HỢP TÍN HIỆU NẾN Chương 11: NẾN VỚI ĐƯỜNG XU HƯỚNG Chương 12: NẾN VỚI CÁC MỨC THOÁI LUI Chương 13: NẾN VỚI ĐƯỜNG TRUNG BÌNH ĐỘNG Chương 14: NẾN VỚI CHỈ BÁO DAO ĐỘNG Chương 15: NẾN VỚI KHỐI LƯỢNG Chương 16: ĐO LƯỜNG CÁC CHUYỂN ĐỘNG Chương 17: ĐÔNG TÂY KẾT HỢP: SỨC MẠNH CỦA HỘI TỤ KẾT LUẬN PHẦN CHÚ THÍCH A TỪ ĐIỂN HÌNH ẢNH VÀ THUẬT NGỮ NẾN NHẬT PHẦN CHÚ THÍCH B THUẬT NGỮ PHÂN TÍCH KỸ THUẬT PHƯƠNG TÂY THAM KHẢO THÔNG TIN SÁCH LỜI TỰA Quý vị độc giả thân mến! Trong suốt chiều dài phát triển, thị trường chứng khoán chưa bao giờ mất đi sự hấp dẫn của mình. Chứng khoán vẫn luôn là một trong những kênh đầu tư hiệu quả để gia tăng tài sản. Ngày càng có nhiều sự quan tâm hơn của công chúng khắp thế giới đến thị trường chứng khoán, cũng như ngày một nhiều hơn những nghiên cứu, khảo sát, phát minh, cải tiến,... liên quan tới chủ đề chứng khoán. Sau tất cả, những gì mà con người chúng ta mong muốn có được từ thị trường chứng khoán, đó là kiếm được nhiều tiền và nhiều tiền hơn nữa. Vì vậy, chúng ta vẫn liên tục nâng cấp các hệ thống đầu tư, hệ thống giao dịch, tinh chỉnh các công cụ để có thể nắm bắt những cơ hội cũng như tránh xa những cạm bẫy sớm hơn. Thành công trên thị trường chứng khoán chưa bao giờ là một điều dễ dàng, điều đó đòi hỏi các nhà đầu tư luôn phải bỏ rất nhiều công sức để củng cố về tư duy, tối ưu chiến lược, thành thạo các phương pháp cũng như sở hữu một kế hoạch quản trị vốn chặt chẽ. Bởi lẽ, luôn có những “con cá mập” ngoài thị trường sẵn sàng “làm thịt” toàn bộ tài sản của các nhà đầu tư bất cẩn và nghiệp dư. Và mặc dù cho trên thị trường hiện nay tồn tại rất nhiều trường phái đầu tư khác nhau (như kinh doanh ngắn hạn, hoặc kinh doanh dài hạn), nhưng có một thực tế rất hiển nhiên đó là: Đối với thị trường, không gì là quan trọng trừ khi thị trường có phản ứng. Trò chơi thị trường được diễn ra là nhờ tâm lý và cảm xúc. Chúng ta vẫn luôn đề cao Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis - FA), chú trọng vào các yếu tố nội tại doanh nghiệp. Nhưng không thiếu những trường hợp “công ty tốt, nhưng giá vẫn giảm”, có thể bạn rất hiểu doanh nghiệp, nhưng có lẽ bạn chưa hiểu “những người chơi cùng” của mình. Dù bạn là có nhà đầu tư giá trị hay tăng trưởng,... cuộc chơi vẫn đang được vận hành dựa trên tâm lý và cảm xúc. Và đó là lúc chúng ta nhận ra tầm quan trọng của Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis - TA), nơi những điều tưởng chừng là phi lý trí nhất được phơi bày. Nếu chỉ xét riêng trong giao dịch theo Phân tích kỹ thuật, chúng ta cũng đứng trước rất nhiều những lựa chọn: Giao dịch Swing, Giao dịch theo hệ thống đẩy, Giao dịch theo xu hướng, Giao dịch trong ngày, Giao dịch theo sóng Elliott, Giao dịch theo hệ thống đám mây Ichimoku Kinko Hyo,... Tất nhiên sẽ không có cái gọi là chén thánh, không có phương pháp, công cụ nào có thể áp dụng được trong mọi trường hợp. Tất cả đều dựa trên sự phù hợp. Để thành công, không gì khác ngoài việc chúng ta phải liên tục nâng cấp hệ thống giao dịch của chính mình và hoàn thiện kỹ năng đến thành thục. Với trên tinh thần luôn luôn phụng sự nhằm cung cấp cho nhà đầu tư Việt Nam với nhiều kĩ thuật, giúp các bạn thêm đa dạng những phương pháp kinh doanh đầu tư chứng khoán, tôi và những cộng sự tại Happy Live - Cộng đồng Đầu tư và Thịnh vượng vẫn đang mỗi ngày nỗ lực cho ra mắt những ấn phẩm mới chất lượng, những cập nhật kiến thức mới, những khóa học và hội thảo. Chúng tôi hy vọng các bạn có thể chắt lọc và tìm ra cho mình một phương pháp kinh doanh phù hợp và thực hành “10.000 lần” phương pháp đã chọn một cách kiên định. Và, cuốn sách này - TUYỆT KỸ GIAO DỊCH BẰNG ĐỒ THỊ NẾN NHẬT là một vinh dự lớn lao cho tôi và Happy Live khi giới thiệu nó một cách chính thức tới quý đọc giả và những nhà đầu tư Việt Nam. Một cuốn “sách giáo khoa” nến Nhật đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đồ thị nến Nhật thậm chí còn lầu đời hơn cả đồ thị thanh và đồ thị P&F, nhưng nó lại hoàn toàn là một bí mật với phương Tây. Cho đến khi Steve Nison giới thiệu chúng qua các bài báo, hội thảo và cả cuốn sách này. Kể từ đó “bộ vuốt diều hâu” của Nhật Bản hay Nến Nhật, đã thay đổi hoàn toàn nền Phân tích kỹ thuật tiên tiến của phương Tây. Thế giới chính thức bước qua khỏi kỷ nguyên mà tác giả gọi là B.C. (Before Candlestick). TUYỆT KỸ GIAO DỊCH BẰNG ĐỒ THỊ NẾN NHẬT là một bản giáo trình, hướng dẫn, ghi chú chi tiết không chỉ về nến Nhật, mà còn là cả những sự kết hợp đến mức tuyệt vời với các công cụ phân tích kỹ thuật phương Tây. Với hơn 14 năm kinh nghiệm “chinh chiến” tại thị trường chứng khoán Việt Nam, đồ thị nến Nhật đã, đang và sẽ luôn nằm trong hệ thống “binh khí” trong hệ thống giao dịch của tồi (bạn sẽ hiểu tại sao tôi luôn sử dụng các thuật ngữ trong chiến tranh với các công cụ phân tích ở trong cuốn sách này) bên cạnh những đường kiếm dài MA, “lựu đạn” Fibonacci, và những đám mây Ichimoku Kinko Hyo,... Bằng tất cả tâm huyết và sự khát khao, tôi và những cộng sự ở Happy Live mong muốn cuốn sách TUYỆT KỸ GIAO DỊCH BẰNG ĐỒ THỊ NẾN NHẬT sẽ tạo nên một chương mới trên con đường đầu tư của quý độc giả, những nhà đầu tư đang khao khát và hướng tới thành công trên thị trường chứng khoán. Đương nhiên, nó phải là một con đường lung linh dưới ánh đèn của “nến Nhật”. Chúc quý vị đầu tư thành công! Sài Gòn, tháng 05 năm 2020 Thái Phạm LỜI NÓI ĐẦU Diều hâu thông minh biết giấu vuốt. Thật khó tin khi đồ thị nến Nhật, “bộ vuốt” của phân tích kỹ thuật Nhật Bản lại không được phương Tây biết đến cho tới khi tôi giới thiệu chúng với Tây bán cầu vào năm 1989. Hiện tại, đồ thị nến phổ biến đến độ khó mà tưởng nổi trước ấn bản đầu tiên của cuốn sách, không người phương Tây nào biết về kỹ thuật tuyệt vời này và không dịch vụ đồ thị nào có đồ thị nến Nhật. Tôi cảm thấy điều này rất thú vị, khi bây giờ, đồ thị nến Nhật được tích hợp trên hầu hết các dịch vụ đồ thị. Tôi tự hào khi được nói rằng Kỹ thuật đồ thị nến Nhật nhanh chóng trở thành nền tảng của các công trình đồ thị nến ở phương Tây. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách này là lý do bạn có đồ thị nến trên Internet và bất cứ nơi nào khác. Như một minh chứng cho sự phổ biến sâu rộng cũng như hiệu quả của đồ thị nến, cuốn sách đã được dịch sang sáu thứ tiếng và đi qua 13 lần in. Các công cụ, kỹ thuật và chủ đề được trình bày trong ấn bản thứ nhất của cuốn sách trường tồn với thời gian và có thể sử dụng trong mọi thị trường cũng như khung thời gian. Nhưng qua những lý lẽ rất vững chắc (và qua việc giữ chú chó nhà tôi làm con tin!), người biên tập của ấn bản này thuyết phục tôi đã đến lúc phải cho ra ấn bản mới (Người biên tập cuốn sách đã bắt giữ chú chó của tác giả làm con tin để thuyết phục tác giả làm ấn bản mới - chú thích của người dịch). Một vài khía cạnh mới của cuốn sách bao gồm cập nhật các đồ thị, nhiều thị trường hơn, tập trung vào việc giao dịch năng động với đồ thị trong ngày (intraday), tình chỉnh và chiến lược mới, sự phối hợp mới mẻ giữa phân tích kỹ thuật phương Tây với công cụ đồ thị nến. Có lần, trong một buổi hội thảo, tôi hỏi khán giả điều họ mong muốn có được từ buổi hội thảo. Một người đã viết: “Kiếm ra thật nhiều tiền”. Dù tôi không thể cam đoan “nhiều tiền”, nhưng tôi mong các công cụ, chiến lược, kỹ thuật trong cuốn sách này sẽ góp phần rất lớn giúp bạn cải thiện giao dịch và hạn chế rủi ro. Cảm ơn các bạn đã khiến ấn bản đầu tiên của cuốn sách này phổ biến như vậy. Tôi nghĩ bạn cũng sẽ thấy ấn bản này có giá trị, thực tiễn và thú vị tương đương. Tôi rất mong được nghe các nhận xét, trải nghiệm cũng như ý tưởng của các bạn về đồ thị nến. Xin mời các bạn liên lạc qua email info@candlecharts.com và ghé thăm trang web của chúng tôi tại www.candlecharts.com. Tuy không dám hứa sẽ hồi âm, nhưng chúng tôi sẽ đọc tất cả các email và thư được gửi tới. LỜI CẢM ƠN Nghĩa nhỏ không quên, lỗi nhỏ bỏ qua. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các bạn, nhưng người đã góp phần thổi bùng ngọn lửa đam mê với đồ thị nến. Những phản hồi vô cùng tích cực của các bạn giữ cho ánh lửa của nến Nhật thêm phần cháy sáng. Tôi muốn gửi tới những khán giả dự hội thảo cho cá nhân và tổ chức, các khách hàng tư vấn và các khách hàng trực tuyến lời cảm ơn vì đã luôn ủng hộ và động viên tôi. Người Nhật có câu “Một đêm thỉnh giáo chân nhân còn hơn mười năm học”. Tôi rất vinh hạnh nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những nhân vật vô cùng ưu tú. Trong Chương 1, tôi nhắc đến một số người xứng đáng được vinh danh với công lao của mình. Đó là những người tôi muốn cảm ơn vì đã góp phần thắp sáng con đường tôi đi. Có rất nhiều người đóng góp vào dự án này, thành thử nếu tôi quên đề cập tới bất cứ ai, thì tôi rất xin lỗi vì sự vô ý này. Nền tảng chắc chắn của mọi nghiên cứu về đồ thị tôi thực hiện là các bản dịch được cung cấp bởi Richard Solberg. Lượng sách đồ thị nến Nhật ông nắm giữ, những ý kiến và công trình của ông đã tạo khung nền cho mọi nỗ lực nghiên cứu về nến của tôi. Hiệp hội Các nhà phân tích kỹ thuật Thị trường (Market Technicians Association - MTA) xứng đáng được đề cập đặc biệt. Lần đầu tiên tôi tìm được tài liệu về kỹ thuật nến được viết bằng tiếng Anh là ở thư viện của MTA. Tuy rất ít ỏi nhưng rất khó mới có được những tài liệu ấy, và một thư viện với lượng sách vô cùng đồ sộ như thư viện MTA vẫn sở hữu nó. Yoji Inata đã dành hàng giờ để trả lời các câu hỏi nâng cao hơn của tôi. Anh ấy cũng rất tử tế khi liên hệ với các đồng nghiệp ở Nhật Bản để có câu trả lời chi tiết hơn nếu cần thiết. Hiệp hội Phân tích Kỹ thuật Nippon (NTAA) xứng đáng nhận được sự tán dương lớn nhất với sự hỗ trợ tận tình. Ông Kojiiro Watanabe đã giúp tôi liên lạc với các thành viên NTAA. Mọi người đã giúp đỡ tôi rất nhiều, bao gồm: ông Minoru Eda, ông Yasushi Hayashi và ông Nori Hayashi. Có rất nhiều phần mềm đồ thị nến sẵn có. Trong cuốn sách này, tôi dùng hai phần mềm mà tôi đánh giá là tốt nhất: Aspen Graphics (www.aspenres.com) và CQG (www.cqg.com). Sản phầm và sự hỗ trợ của họ đứng đầu bảng. Như đã làm trong ấn bản đầu tiên, tôi xin một lần nữa cảm ơn Bruce Kamich “Mỗi ngày một ý tưởng - Idea a day”. Bruce vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp phân tích kỹ thuật của tôi với hơn 25 năm kinh nghiệm. Anh luôn cung cấp cho tôi nhiều ý tưởng và đề xuất có giá trị. Mark Tunkel, một người bạn và đồng nghiệp lâu năm của tôi, có cái nhìn rất sâu rộng về đồ thị nến. Tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của anh đối với cuốn sách này. Susan Barry, người biên tập của ấn bản đầu tiên đã nhìn xa trông rộng mà thuyết phục sếp của cô rằng đồ thị nến sẽ trở nên phổ biến nên hãy thử xuất bản sách. Doanh số bán sách liên tục tăng kể từ lần phát hành đầu tiên năm 1991 đã xác nhận suy nghĩ đó của cô. Với ấn bản này, Ellen Schneid Coleman và Sybil Grace tại Prentice Hall đã thu thập phần than thô còn lại của cuốn sách và biến chúng thành kim cương. Và tất nhiên là cả gia đình tôi. Thật khó tin vào lúc tôi viết ấn bản đầu tiên, con trai tôi chỉ mới chào đời (giờ thằng bé đã 11 tuổi). Tôi kể với con rằng suýt tí nữa tôi đã đặt tên nó là Candlesticks Nison. Cái tên ấy sẽ rất hợp vì Evan học rất nhanh - nhất là những thứ liên quan đến tài chính - và tiếp thu đồ thị nến trong chớp mắt. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đặt tài chính của gia đình vào tay thằng bé. Còn Rebecca, lên 4 tuổi vào năm ấn bản đầu tiên được phát hành, giờ nó đã trở thành một thiếu nữ rạng rỡ rồi. Con bé khiến tôi rất tự hào được làm cha nó. Nếu đặt tài chính của cả nhà vào tay nó, chắc chúng tôi sẽ thành vô gia cư hết, nhưng được một điều là có nhiều quần áo và đồ trang điểm. Bonnie, vợ tôi, vẫn luôn là hòn đá tảng của gia đình. Nếu không có cô ấy, mọi thứ sẽ rối như mớ bòng bong và cuốn sách này sẽ chẳng có mặt trên đời. Chương 1: GIỚI THIỆU Khởi đầu là quan trọng nhất. Phân tích đồ thị nến Nhật có cái tên này vì hình dạng các đường kẻ trông giống cây nến, hệ thống đã được tinh chỉnh bởi nhiều thế hệ sử dụng ở phương Đông xa xôi. Cho đến trước khi cuốn Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật được xuất bản, suốt hơn một thế kỷ, “bộ vuốt” của phân tích đồ thị Nhật Bản (tức đồ thị nến) vẫn là một bí mật được chôn giấu với phương Tây. Lần đầu tiên, cuốn sách tiết lộ đầy chi tiết với bán cầu Tây những “Bí ẩn phương Đông” này. Do cụm từ “nến Nhật” thường được gọi ngắn gọn là “nến”, tôi sẽ dùng đan xen cả hai thuật ngữ trong cuốn sách. Tôi rất lấy làm phấn khởi khi công trình của mình được đánh giá là cách mạng hóa phân tích kỹ thuật, cũng như việc những cuốn sách, bài báo, v.v... theo sau của các tác giả khác đã lấy ấn bản đầu tiên của cuốn sách này làm nền tảng. Đó là điều ngày trước tôi hy vọng. Tiền đề của cuốn sách là đặt nền móng cho các tài liệu đồ thị nến trong tương lai. Vậy nên, tôi rất vui sướng khi cuốn sách hay được gọi với cái tên “thánh kinh của đồ thị nến”. Trước khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1991 B.C. (Before Candlesticks - Trước thời điểm phương Tây tiếp cận nến Nhật), liệu có ai từng nghe về đồ thị nến chưa? Còn hiện giờ, có ai chưa nghe qua kia chứ? Các nhà giao dịch trực tuyến, nhà giao dịch trong ngày, khối tự doanh tổ chức và những nhà tạo lập thị trường chỉ là một trong số những người đam mê đồ thị nến. Các website, hệ thống giao dịch thời gian thực và gói phần mềm phân tích kỹ thuật đều tích hợp đồ thị nến. Nó là minh chứng cho độ phổ biến và sức hấp dẫn phổ quát của nến trong giao dịch các thị trường biến động như hiện tại. Nói không ngoa, đồ thị nến đang nổi như cồn. Có lần, cậu con trai 11 tuổi tên Evan của tôi (lúc nó sinh ra, suýt nữa tôi đã đặt tên con là Candlesticks Nison) trông thấy một dịch vụ đồ thị trực tuyến có đồ thị nến. Nó bèn hỏi: “Bố ơi, nếu không nhờ bố, sẽ không có đồ thị nến trong bất cứ trang web hay bất cứ đâu ở Mỹ phải không ạ?” Tôi bảo đúng là vậy. Nó lưỡng lự rồi bảo tôi, “Tuyệt, con muốn được cho thêm tiền tiêu vặt”. ĐIỂM MỚI CỦA SÁCH Dù định dạng và các kiến thức bên trong vẫn giống ấn bản đầu tiên (không có gì sai thì tốt hơn hết không sửa), môi trường giao dịch và các thành phần tham gia thị trường đã thay đổi kể từ ấn bản đầu. Do vậy, ngoài việc dùng đồ thị mới hoàn toàn, ấn bản này có: • Nhiều thị trường trong ngày (intraday) hơn. • Tập trung nhiều hơn vào giao dịch năng động cho các nhà giao dịch xoay chiều (swing traders), trực tuyến (online traders) và trong ngày (infraday traders). • Các chiến thuật mới để tận dụng tối đa đồ thị trong ngày (intraday). • Những kết hợp mới giữa các kỹ thuật phương Tây với nến. • Tập trung hơn vào bảo vệ vốn. Online trading - Giao dịch trực tuyến là những giao dịch được thực hiện qua Internet dựa trên các nền tảng do các nhà môi giới phát hành. Swing trading - Giao dịch xoay chiều là những giao dịch được thực hiện dựa trên sự di chuyển của giá trong một phạm vi. Thời gian năm giữ vị thế thường từ vài ngày cho đên vài tuần. Intraday trading - Giao dịch trong ngày là những giao dịch chỉ được thực hiện trong một ngày. Tức là không có vị thế nào được giữ qua đêm. Ế Ú Ú TẠI SAO KỸ THUẬT ĐỒ THỊ NẾN LẠI THU HÚT ĐƯỢC SỰ CHÚ Ý CỦA CÁC NHÀ GIAO DỊCH VÀ ĐẦU TƯ TRÊN THẾ GIỚI? Qua các năm, ngọn lửa đam mê dành cho công cụ nến Nhật lại càng cháy sáng. Lý do là bởi đồ thị nến: • Dễ hiểu: Bất cứ ai, từ người lần đầu tiên phân tích đồ thị đến những nhà phân tích chuyên nghiệp có thâm niên, đều có thể dễ dàng tiếp thu sức mạnh của đồ thị nến. Đừng lầm tưởng trước sự đơn giản của công cụ này. Sức mạnh phân tích sức khỏe thị trường của chúng toàn năng hơn bất cứ phương thức đồ thị nào. • Cung cấp tín hiệu đảo chiều thị trường sớm hơn: Đồ thị nến thường cho tín hiệu đảo chiều trước các chỉ báo truyền thống trên đồ thị thanh hoặc đồ thị P&F. Điều này giúp bạn mở và đóng vị thế với thời điểm chuẩn hơn. • Bổ sung góc nhìn thị trường độc nhất: Đồ thị nến không chỉ cho thấy xu hướng của chuyển động giá như đồ thị thanh, mà hơn đồ thị thanh ở chỗ, nó còn cho thấy áp lực nào đang làm chủ xu hướng. • Rất thú vị khi học: Các cụm từ đầy tượng hình như Mây đen bao phủ (dark-cloud cover), Búa (hammer) hay Cửa sổ (window) khiến việc sử dụng đồ thị nến rất vui thú. Nhưng đừng xem nhẹ những cái tên “tượng hình" trên. Các kỹ thuật này sẽ là những vũ khí đắc lực trong cuộc chiến của bạn với thị trường. • Mở rộng phân tích đồ thị phương Tây: Đồ thị nến rất linh hoạt, chúng có thể kết hợp với bất cứ công cụ kỹ thuật phương Tây nào. Chúng tôi phối hợp thông tin đưa ra bởi đồ thị nến với các công cụ phân tích kỹ thuật hữu hiệu nhất của phương Tây để cung cấp cho khách hàng của mình. Nếu là một nhà phân tích kỹ thuật có thâm niên, bạn sẽ thấy kết hợp nến Nhật với công cụ kỹ thuật ưa thích của bạn sẽ tạo ra tổ hợp kỹ thuật vô cùng mạnh mẽ. Việc phối hợp phân tích Đông - Tây này sẽ cho bạn lợi thế hơn so với những ai chỉ dùng thuần kỹ thuật đồ thị phương Tây truyền thống. • Nâng cao hiệu quả phân tích của bạn: Vì đồ thị nến cho thông tin trực quan ngay lập tức, chúng sẽ giúp bạn phân tích thị trường nhanh và hữu hiệu hơn. Phương Đông có câu “Hành trình vạn dặm khởi đầu bằng một bước chân”. Chương này là bước đi đầu tiên và quan trọng trên con đương đến với phân tích đồ thị nến. Sau Chương giới thiệu này, bạn sẽ khám phá nến giúp việc phân tích thị trường của bạn hiệu quả hơn, cải thiện thời điểm vào ra, đồng thời mở ra những hướng phân tích mới, hiệu quả và độc đáo. Trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách, tôi đã đưa ra một dự đoán táo bạo rằng “Trong tương lai gần, đồ thị nến có thể trở thành chuẩn mực như đồ thị thanh. Khi mà ngày càng nhiều nhà phân tích kỹ thuật hiểu về đồ thị nến, họ sẽ không còn dùng đồ thị thanh nữa”. Và thực tế, điều này đang diễn ra. Ở phần kết luận trong các hội thảo tổ chức và cá nhân của mình, tôi thường hỏi khán giả, “Giờ bao nhiêu người trong số các bạn sẽ dùng đồ thị thanh?” Trong số hàng nghìn nhà giao dịch dự hội thảo, không ai giơ tay. Nếu bạn còn lạ lẫm với nến, bạn sẽ hiểu lý do sau khi đọc xong cuốn sách (hoặc chỉ vài chương đầu). Dùng đồ thị nến thay vì đồ thị thanh là một việc lợi cả đôi đường. Như ta sẽ thấy trong chương vẽ nến, dữ liệu dùng để vẽ đồ thị nến cũng giống như đồ thị thanh (giá mở cửa, cao nhất, thấp nhất, đóng cửa). Điều này rất quan trọng. Nó có nghĩa rằng bất cứ phân tích kỹ thuật nào sử dụng với đồ thị thanh (như Đường trung bình động, Đường xu hướng, các mức Thoái lui, v.v...). đều có thể dùng cho đồ thị nến. Nhưng, và cũng là điều chính yếu, đồ thị nến cho tín hiệu mà đồ thị thanh không có. Yếu tố này sẽ cho bạn lợi thế so với những ai chỉ dùng kỹ thuật đồ thị phương Tây truyền thống. Bằng cách sử dụng đồ thị nến thay đồ thị thanh, bạn có thể sử dụng tất cả các phân tích giống với đồ thị thanh. Song đồ thị nến cho ta góc nhìn về độ khỏe của thị trường mà không đâu có được. CUỐN SÁCH NÀY DÀNH CHO AI? Cuốn sách này phù hợp với bạn nếu: • Dịch vụ đồ thị bạn dùng tích hợp đồ thị nến và bạn muốn khai thác toàn bộ tiềm năng của chúng. • Bạn muốn có lợi thế trong cạnh tranh. • Bạn muốn vào ra thị trường với thời điểm tốt hơn. • Bạn muốn có những kỹ thuật mang đến giá trị để bổ sung vào những công cụ giao dịch bạn đang dùng. • Bạn muốn có niềm vui khi học. • Bạn mới tiếp xúc đồ thị nến hoặc là một nhà giao dịch chuyên nghiệp, có thâm niên. BỐI CẢNH Tôi thường tự hỏi “Tại sao một hệ thống giao dịch lâu đời đến vậy mà phương Tây hầu như không biết đến?” Có phải người Nhật đang cố giữ bí mật đó không? Tôi không biết câu trả lời, nhưng phải mất nhiều năm nghiên cứu để tôi có thể lồng ghép tất cả các mảnh với nhau. Trông ra tôi cũng được ông trời ưu ái. Có lẽ tính kiên trì của tôi và những hạnh vận đã kết hợp với nhau một cách đầy đặc biệt, đây là thứ mà những người khác không có. Năm 1987, tôi quen với một môi giới người Nhật Bản. Ngày nọ, lúc tôi có mặt tại văn phòng cô ấy, cô đọc một cuốn sách đồ thị chứng khoán Nhật Bản (sách đồ thị Nhật Bản đều ở dạng nến). Cô ấy cảm thán, “Anh xem, mẫu hình Cửa sổ (window) kìa”. Tôi hỏi cô ấy đang nói về cái gì thì nhận được lời đáp: Cửa sổ tương tự khái niệm Khoảng trống (gap) trong kỹ thuật phương Tây. Cô tiếp tục giải thích rằng nếu các nhà phân tích kỹ thuật phương Tây diễn tả “Lấp Khoảng trống (filling in the gap)” thì người Nhật sẽ gọi đó là “Đóng Cửa sổ (close the window)”. Cô ấy còn dùng những từ khác như “Doji” và “Mây đen bao phủ”. Nó khiến tôi tò mò. Tôi dành ba năm tiếp theo để tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích bất cứ điều gì tôi có thể tìm thấy về đồ thị nến. Quá trình ấy không hề dễ dàng. Ban đầu, tôi học hỏi với sự giúp đỡ của nhà môi giới người Nhật và thông qua tự vẽ, tự phân tích đồ thị nến. Sau đó, nhờ thư viện Market Technicians Association (MTA) (1), ở thành phố New York, tới tình cờ tìm ra cuốn sách nhỏ được xuất bản bởi Nippon Technical Analysts Association có tên Analysis of Stock Price in Japan (Tạm dịch: Phân tích Giá cổ phiếu tại Nhật Bản). Cuốn sách nhỏ này là của Nhật Bản và được dịch sang tiếng Anh. Đáng tiếc là chỉ có mười trang giải thích về đồ thị nến. Tuy nhiên, cuối cùng thì tôi cũng đã có được một ít tài liệu tiếng Anh về kỹ thuật nến. Hiệp hội phân tích kỹ thuật Nippon của Nhật Bản (NTAA), được thành lập năm 1978, là một tổ chức phi lợi nhuận. NTAA dành riêng cho việc phát triển phân tích kỹ thuật và thúc đẩy sử dụng nhiều hơn và hiểu đúng về phân tích kỹ thuật như một công cụ đầu tư quan trọng. Trọng tâm chính của Hiệp hội là đào tạo các thành viên của mình kiến thức tích hợp và thực tế về phân tích kỹ thuật để trở thành các chuyên gia thị trường hiệu quả. Nguồn: Wikipedia Vài tháng sau, tôi mượn được một cuốn sách cung cấp thêm một số thông tin đồ thị nến cơ bản. Một lần nữa, tôi cũng tìm ra nó ở thư viện MTA. Giám đốc văn phòng MTA, Shelley Lebeck, đã mang về từ Nhật Bản một cuốn sách có tên The Japanese Chart ofcharts (Tạm dịch: Các đồ thị Nhật Bản) của tác giả Seiki Shimizu được dịch bởi Greg Nicholson (cuốn sách này được xuất bản bởi nhà xuất bản Tokyo Futures Trading). Việc tìm ra cuốn sách này rất ý nghĩa bởi nó chứa khoảng 70 trang đồ thị nến và được viết bằng tiếng Anh. Tôi phát hiện ra cuốn sách mang lại những thông tin rất bổ ích, nhưng cần chút nỗ lực và thời gian để làm quen với các thuật ngữ. Tất cả đều quá đỗi mới mẻ. Tôi cũng cần phải làm quen với thuật ngữ tiếng Nhật. Phong cách viết đôi lúc rất khó hiểu. Một phần có thể là do khó khăn trong dịch thuật. Cuốn sách gốc được viết bằng tiếng Nhật từ khoảng 25 năm trước dành cho độc giả Nhật Bản. Tôi cũng phát hiện ra khi tôi nhờ người dịch tài liệu của mình, để dịch một chủ đề chuyên ngành như vậy từ tiếng Nhật sang tiếng Anh cũng là một việc cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã có một số tài liệu tham khảo từ trước. Tôi mang cuốn sách theo người suốt mấy tháng trời, đọc đi đọc lại, ghi chú chi chít, áp dụng các phương pháp kỹ thuật nến cho các đồ thị nến mình tự vẽ tay (vì không có phần mềm nào vẽ đồ thị nến cả nên tôi phải làm tất cả đồ thị thủ công). Tôi đã ngấu nghiến và cày nát những ý tưởng và thuật ngữ mới. Và với sự may mắn theo một cách khác, tôi được chính tác giả Seiki Shimizu giúp trả lời nhiều câu hỏi của mình. Mặc dù ông Shimizu không nói tiếng Anh, nhưng người dịch cuốn sách, Greg Nicholson, đã ân cần đóng vai trò trung gian giữa chúng tôi qua các tin nhắn fax. Cuốn sách The Japanese Chart of Charts (Tạm dịch: Các Đồ thị Nhật Bản) cung cấp nền tảng cho phần còn lại trong hành trình tìm hiểu của tôi về đồ thị nến. Để tiếp tục phát triển các kỹ thuật sơ khai của mình về đồ thị nến, tôi đã tìm kiếm những người thành thạo nến Nhật Bản, có thời gian và quan tâm trao đổi với tôi về chủ đề này. Tôi gặp một nhà giao dịch người Nhật, Morihiko Goto, anh ấy có thâm niên sử dụng đồ thị nến và sẵn sàng chia sẻ thời gian cũng như những hiểu biết quý giá của anh ấy với tôi. Thật hào hứng biết bao! Sau đó anh ấy còn kể với tôi rằng gia đình anh có truyền thống sử dụng đồ thị nến suốt nhiều thế hệ! Chúng tôi dành nhiều giờ để thảo luận về lịch sử và cách sử dụng đồ thị nến. Anh ấy là một kho tàng kiến thức vô giá. Kho tàng kiến thức quý báu của tôi chính là lượng lớn tài liệu nến Nhật Bản được tôi dịch. Trong chuyện này, phải nói tôi vô cùng may mắn khi tìm ra dịch giả Richard Solberg. Ông đã giúp tôi thu thập toàn bộ tài liệu về nến ở nước Nhật (theo tôi được biết, bộ sưu tập sách về đồ thị nến đồ sộ nhất ngoài Nhật Bản) và kỹ năng dịch thuật của ông là vô giá. Tháng 12 năm 1989, tôi viết một bài báo hai trang về đồ thị nến. Đó là nguồn thông tin đầu tiên về chủ đề này do một người không phải người Nhật viết nên. Đầu năm 1990, tôi chọn chủ đề cho bài luận văn kỳ thi CMT - Chartered Market Technician để lấy bằng MTA là về đồ thị nến. Đó là bài viết chi tiết đầu tiên của một tác giả Tây phương về đồ thị nến Nhật. Chẳng bao lâu, nhà xuất bản Merrill Lynch phát hành bản tài liệu đó sau khi nhận được hơn 10.000 yêu cầu. Cuốn sách Tuyệt kỹ giao dịch bàng đồ thị nến Nhật được xuất bản năm 1991 và theo sau đó là cuốn Beyond Candlesticks (Tạm dịch: Nến Nhật mở rộng) được nhà xuất bản John Wiley cho ra mắt năm 1994. Vào thời điểm tôi viết những dòng này, những cuốn sách này đã được dịch thành tám thứ tiếng và qua nhiều lần in. Công trình của tôi đã được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông về tài chính khắp thế giới, bao gồm The Wall Street Journal, The Japan Economic Journal, Barron’s, Worth Magazine, Institutional Investor và rất nhiều ấn phẩm khác. Sự xuất hiện của tôi trên FNN (tiền thân của CNBC) đã thu hút lượng khán giả lớn nhất mà kênh này từng có. CNBC là một kênh tin tức kinh doanh truyền hình trả tiền của Mỹ, chủ yếu thực hiện đưa tin một ngày làm việc của thị trường tài chính Hoa Kỳ và quốc tế. Sau khi kết thúc ngày làm việc và vào những ngày không giao dịch tài chính, CNBC chủ yếu thực hiện các bộ phim tài liệu và chương trình thực tế có chủ đề tài chính và kinh doanh. CNBC ban đầu được thành lập vào ngày 17 tháng 4 năm 1989 dưới dạng liên doanh giữa NBC và Cablevision với tư cách là Consumer News and Business Channel (CNBC) - Kênh tin tức và kinh doanh tiêu dùng. Hai năm sau, vào năm 1991, kênh đã mua lại đối thủ cạnh tranh chính là Financial News Network (FNN), một động thái mở rộng cả thị phần và lực lượng lao động của mình. Cablevision sau đó đả bán cổ phần của mình cho NBC, trao quyền sở hữu duy nhất cho NBC. Tính đến tháng 2 năm 2015, CNBC có sẵn cho khoảng 93.623.300 hộ gia đình truyền hình trả tiền (80,4% hộ gia đình có truyền hình) tại Hoa Kỳ. Năm 2007, kênh này được xếp hạnh là kênh truyền hình cáp có giá trị thứ 19 tại Hoa Kỳ, trị giá khoảng 4 tỷ đô la. Nguồn: Wikipedia Tôi đã có vinh hạnh tiết lộ những chiến lược giao dịch của mình tới hàng triệu nhà giao dịch và nhà phân tích ở hơn 17 quốc gia, bao gồm cả Hà Nội, Việt Nam. Tôi cũng có vinh dự được phát biểu trước Ngân hàng Thế giới và Cục Dự trữ Liên bang. Năm 1997, tôi thành lập Nison Research International để cung cấp các buổi hội thảo và dịch vụ phân tích tại chỗ cho các tổ chức. Năm 2000, tôi lập Candlecharts.Com, cung cấp các hội thảo, video và các dịch vụ trên web. Xin mời các bạn đến thăm trang web của chúng tôi ở www.candlecharts.com. CÓ GÌ TRONG CUỐN SÁCH NÀY? Trong phần thứ nhất của cuốn sách, bạn sẽ học cách vẽ và diễn giải các loại nến và mẫu hình nến. Phần này sẽ từ từ tạo nền móng vững chắc cho phần thứ hai, ở đó bạn sẽ khám phá giá trị của việc kết hợp đồ thị nến với các kỹ thuật phân tích kỹ thuật phương Tây. Mục đích của tôi không phải trao cho các bạn khả năng toàn tri toàn thức thị trường. Tôi hy vọng các ý tưởng trong cuốn sách này sẽ chỉ ra cách nến Nhật có thể “khai sáng” hành trình giao dịch của bạn. Cách tốt nhất để giải thích cách hoạt động của một chỉ báo là thông qua các ví dụ trên thị trường. Người Nhật có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”. Do vậy, tôi sẽ đưa ra rất nhiều ví dụ thực tiễn cho từng kỹ thuật. Tôi sẽ tập trung chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng các công cụ và kỹ thuật trong cuốn sách này có thể áp dụng cho bất cứ thị trường nào và khung thời gian nào. Điều này được khẳng định nhờ việc đồ thị nến được dùng trên khung thời gian tuần (cho các nhà phòng hộ), khung thời gian ngày (cho các nhà giao dịch dao động và trung hạn), và đồ thị trong ngày (cho các nhà giao dịch dao động và trong ngày). Những chiến thuật được nhắc đến trong cuốn sách này có thể dùng cho Chứng khoán, Hợp đồng tương lai, Quyền chọn, Giao dịch ngoại hối - bất cứ nơi nào và bất cứ khung thời gian nào có thể áp dụng phân tích kỹ thuật. Tôi đã vẽ minh họa các mẫu hình nến để hỗ trợ quá trình học tập. Những minh họa này chỉ là ví dụ tiêu biểu. Các hình mẫu phải được xem xét trong bối cảnh mà chúng thỏa mãn đúng các hướng dẫn và nguyên tắc nhất định. Các mẫu hình thực tế sẽ không chính xác hoàn toàn như trong các ví dụ minh họa để cung cấp cho bạn tín hiệu rõ ràng. Điều này được nhấn mạnh xuyên suốt cuốn sách trong nhiều đồ thị minh họa. Bạn sẽ nhìn thấy các dạng biến thể của các mẫu hình, và chúng vẫn có thể cung cấp các manh mối quan trọng về tình trạng của thị trường. Do đó, sẽ có yếu tố chủ quan trong việc quyết định liệu một mẫu hình nến nhất định có đáp ứng được các nguyên tắc cho sự hình thành mẫu hình cụ thể nào đó hay không, nhưng tính chủ quan này cũng không khác gì so với khi sử dụng với các công cụ phân tích kỹ thuật đồ thị khác. Chẳng hạn, cổ phiếu có hỗ trợ ở mức 100 đô la, liệu ngưỡng hỗ trợ có bị xem là phá vỡ khi giá đi xuống dưới mức 100 đô la trong ngày, hay giá phải đóng cửa dưới mức 100 đô la? Liệu giảm xuống 50 xu so với mốc 100 đô la có đồng nghĩa với việc hỗ trợ đã bị phá vỡ, hay cần một con số lớn hơn? Bạn sẽ phải quyết định các câu trả lời trên dựa theo tính cách giao dịch, mức độ chấp nhận rủi ro và quan niệm về thị trường của bạn. Tương tự như vậy, thông qua các diễn giải, hình minh họa và ví dụ thực tế, tôi sẽ cung cấp các nguyên tắc và hướng dẫn chung để nhận biết sự hình thành của mẫu hình nến. Nhưng bạn không nên mong đợi các ví dụ trong thực tế hoàn toàn giống với các mẫu hình lý tưởng. Có hai phần chú thích ở cuối cuốn sách. Phần đầu bao gồm các thuật ngữ nến và phần hai là các thuật ngữ của phân tích kỹ thuật phương Tây được sử dụng trong cuốn sách. Phần chú thích nến bao gồm phần chú thích trực quan của tất cả các mẫu hình. MỘT SỐ LƯU Ý Vì tính chủ quan của bất kỳ phương pháp phân tích kỹ thuật nào, tùy thuộc vào kinh nghiệm và nền tảng mà từng người lại có cách định nghĩa khác nhau. Điều này đúng với nhiều mẫu hình nến. Tùy theo nguồn thông tin mà có những trường hợp, tôi bắt gặp những định nghĩa khác nhau, dù không đáng kể, về các yếu tố tạo nên mẫu hình. Ví dụ, một tác giả người Nhật Bản viết rằng giá mở của nến sau phải trên mức giá đóng cửa nến trước thì mới hình thành mẫu hình Mây đen bao phủ. Nhưng nhiều nguồn sách vở và truyền miệng lại cho rằng mẫu hình này cần giá mở cửa nến sau cao hơn mức giá cao nhất của nến trước. Trong trường hợp có các định nghĩa khác nhau, tôi chọn những quy tắc làm tăng xác suất dự đoán đúng của mẫu hình. Ví dụ, mẫu hình được nhắc tới ở đoạn trước là một tín hiệu đảo chiều ở đỉnh. Vì thế, tôi chọn định nghĩa rằng thị trường phải mở cửa trên mức giá cao nhất của nến trước. Lý do là vì mẫu hình có nhiều khả năng giảm hơn khi thị trường mở cửa trên mức cao nhất của phiên trước sau đó quay đầu, thay vì chỉ mở cửa trên mức giá đóng cửa của phiên trước đó rồi quay đầu. Đa phần các tài liệu tiếng Nhật tôi dịch đều khá mơ hồ. Một phần xuất phát từ việc người Nhật có xu hướng mập mờ trong văn hóa. Xu hướng này có lẽ bắt nguồn từ thời phong kiến khi samurai có thể chém đầu thường dân nếu người đó không cung kính với vị samurai theo đúng lễ nghi. Nhưng không phải lúc nào thường dân cũng biết samurai muốn mình cư xử ra sao hay đối đáp thế nào. Bằng cách cư xử mập mờ, nhiều người đã giữ được đầu mình không lìa khỏi cổ. Tuy nhiên, tôi nghĩ lý do quan trọng nhất cho những giải thích có phần mơ hồ đó là do phân tích kỹ thuật có tính nghệ thuật nhiều hơn là khoa học. Đừng mong đợi sẽ có những quy tắc chặt chẽ. Hầu hết các công cụ phân tích kỹ thuật chỉ là những hướng dẫn. Chẳng hạn, nếu một cuốn sách Nhật nói rằng một cây nến phải bị “vượt qua” để dự báo tín hiệu tăng giá tiếp theo, tôi đánh đồng từ “vượt qua” với “đóng cửa bên trên”. Điều đó là do đối với tôi, giá đóng cửa quan trọng hơn việc giá trong ngày trên mức kháng cự hay dưới mức hỗ trợ. Một ví dụ khác về tính chủ quan: Trong các tài liệu Nhật Bản đánh giá nhiều mẫu hình nến có vai trò quan trọng tại khu vực giá cao hoặc giá thấp. Rõ ràng, thế nào gọi là “khu vực giá cao” hoặc “khu vực giá thấp” lại tùy thuộc theo từng cách hiểu. Một trong những kỹ thuật tôi gợi ý sử dụng để xác định mức giá “thấp” hay “cao” là chỉ báo dao động (oscillator) để xem thị trường đang quá bán hay quá mua. Đây là một ví dụ cho thấy việc bổ sung các công cụ kỹ thuật cổ điển của phương Tây (như các chỉ báo dao động) cho đồ thị nến là điều rất có giá trị. Cũng như các phương pháp đồ thị khác, các mẫu hình nến sẽ phụ thuộc vào cách hiểu của người sử dụng. Kinh nghiệm lâu năm với đồ thị nến trên thị trường bạn tham gia sẽ cho bạn biết những mẫu hình nến và các dạng biến thể của mẫu hình nào sẽ hoạt động tốt nhất trong thị trường của mình. Theo khả năng phán đoán đó, tính chủ quan có thể không phải là điều xấu. Đây có thể là lợi thế của bạn so với những người không dành thời gian và nỗ lực để theo dõi thị trường một cách sát sao như bạn. Trong Chương 3, tôi sẽ bàn về việc vẽ một đồ thị nến riêng lẻ yêu cầu giá đóng cửa. Do đó, có thể bạn sẽ phải chờ mức giá đóng cửa để có tín hiệu giao dịch xác thực. Điều này có nghĩa là bạn phải đặt lệnh giao dịch theo mức giá đóng cửa của thị trường, hoặc bạn phải cố gắng dự đoán mức giá đóng cửa và đặt lệnh giao dịch vài phút trước khi thị trường kết phiên. Bạn cũng có thể đợi mức giá mở cửa của ngày tiếp theo trước khi đặt lệnh. Việc đợi giá đóng cửa không phải chỉ bó hẹp ở đồ thị nến. Nhiều hệ thống phân tích kỹ thuật (đặc biệt là những hệ thống dựa trên các Đường trung bình động của giá đóng cửa) yêu cầu có mức giá đóng cửa để hình thành tín hiệu. Đây là lý do tại sao thường có một sự đột biến trong hoạt động giao dịch vài phút cuối của phiên, bởi các tín hiệu mua bán được tự động hóa bắt đầu hoạt động dựa theo giá đóng cửa sắp hình thành. Ngược lại, một số nhà phân tích kỹ thuật quan niệm giá đóng cửa trên ngưỡng kháng cự mới là tín hiệu mua hợp lệ, nên họ phải đợi có giá đóng cửa để xác nhận. Đồ thị nến cung cấp nhiều tín hiệu giao dịch hữu ích. Tuy nhiên, nó không cung cấp giá mục tiêu. Đó là lý do việc sử dụng các kỹ thuật phương Tây trên đồ thị nến là điều hết sức quan trọng. Đây sẽ là nội dung trọng tầm của Phần 2. Với hàng trăm đồ thị trong suốt cuốn sách này, đừng ngạc nhiên nếu bạn nhìn thấy có các mẫu hình nến mà tôi bỏ sót trong các đồ thị. Cũng sẽ có những ví dụ về các mẫu hình nến thỉnh thoảng không hoạt động. Không có một công cụ kỹ thuật nào, kể cả nến Nhật, là bất khả chiến bại. Đồ thị nến không phải một hệ thống hoàn chỉnh, chúng chỉ là một vũ khí, nhưng là một vũ khí mạnh mẽ để bạn sử dụng trong cuộc chiến giao dịch của mình. Trước khi tôi đi sâu vào chủ đề đồ thị nến, tôi sẽ thảo luận ngắn gọn tầm quan trọng của phân tích kỹ thuật như là một chuyên ngành riêng biệt. Với những độc giả còn xa lạ với chuyên ngành này, phần sau đây sẽ nhấn mạnh tại sao phân tích kỹ thuật lại quan trọng đến vậy. Nhưng đây không phải là phần viết chuyên sâu. Nếu bạn đã biết về những lợi ích của phân tích kỹ thuật, bạn có thể bỏ qua phần này. Đừng lo lắng, dù bạn không đọc phần này thì điều đó cũng sẽ không cản trở việc bạn tiếp nhận các thông tin phân tích đồ thị nến ở những phần sau. TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÂN TÍCH KỸ THUẬT Tầm quan trọng của phân tích kỹ thuật bao gồm nhiều yếu tố. Đầu tiên, mặc dù phân tích cơ bản có thể cung cấp một thước đo về tình trạng cung/cầu (như tỷ lệ P/E, các thống kê kinh tế,...) thì yếu tố tâm lý không được bao gồm trong dạng phân tích này. Tuy nhiên, thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý, đôi khi ở mức độ rất lớn. Như John Maynard Keynes đã phát biểu: “Không có gì thảm họa bằng một chính sách đầu tư lý trí trong một thế giới phi lý trí”. Phân tích kỹ thuật cung cấp cách thức duy nhất để đo lường thành phần “phi lý trí” (cảm xúc) hiện hữu trong tất cả các thị trường (2). Phân tích cơ bản là gì? Phân tích cơ bản là một chiến lược phân tích đầu tư cổ phiếu hoặc chứng khoán bằng cách xác định giá trị nội tại của nó. Một thành phần rất quan trọng của phương pháp này là phải xem xét tình trạng tài chính của một công ty. Các khía cạnh khác như quản lý, xu hướng cóng nghiệp, và điều kiện tổng thể của nền kinh tế cũng được tính đến. Mục tiêu chính là ước tính một giá trị nhất định cho công ty để có thể được sử dụng làm cơ sở quyết định. Phân tích kỹ thuật là gì? Phân tích kỹ thuật không xem xét giá trị của cổ phiếu như một động cơ chính để mua hay bán cổ phiếu. Nó đòi hỏi phải nghiên cứu xu hướng và động lực của giá và số lượng của cổ phiếu. Dựa trên xu hướng, các nhà kinh doanh có thể quyết định khi nào mua hoặc khi nào bán cổ phiếu. Các nhà phân tích kỹ thuật chủ yếu sử dụng biểu đồ, và không thường xuyên tham khảo ý kiến về tình hình tài chính của công ty. John Maynard Keynes (5 tháng 6 1883 - 21 tháng 4 1946) là một nhà kinh tế học người Anh. Những ý tưởng của ông, hình thành nền Kinh tế học Keynes, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị cũng như các chính sách tài chính của nhiều chính phủ. Ông ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, bởi nhờ đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài chính và chính sách tiền tệ để điều chỉnh tổng cầu do đó làm giảm nhẹ những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra. Ông là người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại và là nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất TK 20. -Wikipedia- Đây là một câu chuyện giải trí về việc tâm lý có thể ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào đến thị trường. Mẩu truyện này được lấy từ cuốn sách The Great Gatsby (Tên tiếng Việt: Gatsby vĩ đại) (3). Nó diễn ra tai Ủy ban Giao dich Chicago. Giá đậu tương đã tăng mạnh. Có một đợt hạn hán ở Illinois Soybean Belt. Và nếu đợt hạn hán đó không sớm kết thúc, sẽ xảy ra sự thiếu hụt đậu tương trầm trọng... Đột nhiên, một vài giọt nước trượt xuống cửa sổ. “Nhìn kìa, mưa rồi!”, ai đó la lên. Hơn 500 cặp mắt (ở đây chỉ các nhà giao dịch) quay sang các cửa sổ lớn... Rồi mưa tí tách rơi, hồi sau thành một trận mưa như trút nước. Trời đã đổ mưa ở trung tâm thành phố Chicago. Bán. Mua. Mua. Bán. Những tiếng hô vang lên từ miệng của những nhà giao dịch hòa cùng tiếng sét đì đùng bên ngoài. Giá đậu tương bắt đầu từ từ đi xuống. Và rồi, giá đậu tương đã rơi xuống không phanh. Đúng là Chicago có mưa rơi, nhưng không ai trồng đậu tương ở Chicago cả. Ở trung tâm Soybean Belt, cách khoảng 300 dặm về phía Nam Chicago, trời xanh ngắt, nắng chói chang và rất khô cạn. Nhưng ngay cả khi trời không mưa trên những cánh đồng đậu tương, trời vẫn mưa trong đầu của các nhà giao dịch, và chừng đó là đủ rồi. Đối với thị trường, không gì là quan trọng trừ khi thị trường có phản ứng. Trò chơi diễn ra là nhờ tâm lý và cảm xúc. Để nói về tầm quan trọng của tâm lý đám đông, hãy nghĩ về những gì xảy ra khi bạn trao đổi một mảnh giấy gọi là “tiền” cho một mặt hàng nào đó như thực phẩm hoặc quần áo. Tại sao một mảnh giấy không hề mang giá trị nội tại lại có thể đổi lấy một thứ hữu hình? Đó là vì đám đông mang tâm lý chung. Mọi người cùng tin rằng nó sẽ được chấp nhận, nên nó được chấp nhận. Một khi tâm lý chung này biến mất, khi mọi người ngừng tin vào tiền, nó sẽ trở nên vô giá trị. Thứ hai, phân tích kỹ thuật cũng là một thành phần quan trọng giúp tạo nên kỷ luật giao dịch. Kỷ luật sẽ giúp giảm thiểu cảm xúc, kẻ thù của tất cả các nhà giao dịch. Một khi bạn đặt tiền vào thị trường, chủ nghĩa cảm xúc đã ngồi vào ghế lái, sự lý tính và khách quan lúc này chỉ là hành khách mà thôi. Nếu bạn nghi ngờ điều này, hãy thử giao dịch trên giấy rồi sau đó thử giao dịch bằng tiền thật của mình. Bạn sẽ sớm khám phá ra các khía cạnh phản tác dụng của sự căng thẳng, tâm lý mong đợi và lo lắng sẽ thay đổi cách bạn giao dịch và quan điểm của bạn về thị trường như thế nào - mà thường chúng sẽ tỷ lệ thuận với số tiền mà bạn giao dịch. Phân tích kỹ thuật có thể giúp bạn đặt tính khách quan trở lại ghế lái. Nó cung cấp một hệ thống thiết lập điểm mở và đóng vị thế, tính toán tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận hoặc đặt vị trí các mức dừng lỗ. Bằng cách sử dụng chúng, bạn sẽ kiểm soát được rủi ro và quản lý vốn trong giao dịch. Như đã đề cập trong phần thảo luận trước, các phân tích kỹ thuật đóng góp vào tính khách quan của thị trường. Bản chất của con người là nhìn thị trường theo cách chúng ta muốn thấy, chứ không phải như cách nó thực sự diễn ra. Bạn đã bao nhiêu lần ở trong trường hợp như vậy? Một nhà giao dịch mua vào, ngay lập tức thị trường giảm mạnh. Anh ấy có chấp nhận cắt lỗ không? Thường là không. Mặc dù trên thị trường không có chỗ cho hy vọng, nhà giao dịch sẽ lượm lặt tất cả các tin tức cơ bản tích cực mà anh ta có thể để có thể bấu víu vào hy vọng rằng thị trường sẽ quay trở lại theo chiều hướng kỳ vọng (hay như một khách hàng cố vấn của chúng tôi nói: “Bạn bám rễ vào vị thế của mình”). Trong khi đó giá vẫn tiếp tục giảm thêm. Có lẽ thị trường đang cố nói với anh ta điều gì đó. Thị trường đang giao tiếp với chúng ta. Chúng ta có thể theo dõi những thông điệp này bằng cách sử dụng phân tích kỹ thuật. Nhà giao dịch kia đang nhắm mắt bịt tai trước những thông điệp được thị trường gửi tới. Nếu nhà giao dịch kia lùi lại và nhìn nhận khách quan hành động giá, anh ta có thể có “cảm” thị trường tốt hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một thông tin được cho là tích cực tung ra nhưng giá không đi lên hoặc thậm chí còn giảm xuống? Loại hành động giá đó đang gửi rất nhiều thông tin về tâm lý của thị trường hiện tại và cho chúng ta biết nên giao dịch theo hướng nào. Nếu tôi không lầm, chính nhà giao dịch nổi tiếng Jesse Livermore đã bày tỏ ý tưởng rằng chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh tốt hơn khi nhìn nó từ xa. Phân tích kỹ thuật giúp chúng ta lùi lại để có một quan điểm khác về thị trường, và biết đâu quan điểm ấy lại tốt hơn. Thứ ba, tuân theo các phân tích kỹ thuật là điều quan trọng ngay cả khi bạn không hoàn toàn tin vào công dụng của chúng. Điều này là vì đôi khi, hành động đồ thị chính là lý do cho một chuyển động giá của thị trường. Vì chúng là một nhân tố di chuyển thị trường, ta nên theo dõi chúng. Thứ tư, bước đi ngẫu nhiên cho rằng giá thị trường trong một ngày không liên quan tới giá ngày hôm sau. Nhưng quan điểm học thuật này đã loại trừ một thành phần quan trọng - con người. Mọi người nhớ giá ngày hôm nay qua ngày tiếp theo và có hành động phù hợp. Một cách dí dỏm, phản ứng của mọi người ảnh hưởng đến giá cả, nhưng giá cả cũng ảnh hưởng đến phản ứng của mọi người. Do đó, chính giá cả là một thành phần quan trọng trong việc phân tích thị trường. Những người chê bai phân tích kỹ thuật quên điểm cuối cùng này. Thứ năm, và cuối cùng, hành động giá là phương pháp trực tiếp và dễ tiếp cận nhất để xem tổng thể mối quan hệ cung/cầu. Có thể có những thông tin và tin tức cơ bản không được công chúng biết đến nhưng bạn có thể mong đợi rằng những tin tức đó đã phản ánh vào giá. Những người sớm nhận biết những sự kiện chuyển động thị trường hầu hết sẽ mua vào hoặc bán ra cho đến khi giá hiện tại phản ứng với thông tin của họ. (1). Tôi nhiệt liệt kêu gọi những ai thực sự quan tâm đến phân tích kỹ thuật tham gia MTA. Website của họ là www.mta.org. (2). Smith, Adam. The Money Game (New’ York: Random House, 1986, trang 154). (3). Tamarkin, Bob. The New Gatsby’s (Chicago: Bob Tamarkin, 1985, trang 122 - 123). Chương 2: BỐI CẢNH LỊCH SỬ Hiểu cái cũ để biết cái mới. Chương này cung cấp lịch sử quá trình phát triển của phân tích kỹ thuật Nhật Bản. Đối với những người đang vội để có thể “thịt” xong cuốn sách (nghĩa là mong đọc xong hết về các kỹ thuật và cách sử dụng kỹ thuật nến), bạn có thể bỏ qua chương này, hoặc có thể trở lại sau khi bạn đã hoàn thành phần còn lại của cuốn sách. Phần lịch sử này rất lôi cuốn. Một trong số những người đầu tiên và nổi tiếng nhất ở Nhật Bản sử dụng giá quá khứ để dự đoán biến động giá trong tương lai là huyền thoại Munehisa Homma (1). Ông đã tích lũy được một tài sản khổng lồ nhờ giao dịch trên thị trường gạo những năm 1700. Tuy nhiên, trước khi thảo luận về Homma, tôi muốn cung cấp một cái nhìn tổng quan về nền tảng kinh tế thời bây giờ lúc Homma gặt hái được thành công. Khoảng thời gian đó là từ cuối những năm 1500 đến giữa những năm 1700. Trong thời kỳ này, Nhật Bản đi từ 60 tỉnh thành thống nhất thành một quốc gia, từ đó giao thương ngày càng nở rộ. Từ năm 1500 đến năm 1600, Nhật Bản là một quốc gia không ngừng chiến tranh vì mỗi Daimyo (lãnh chúa phong kiến) tìm cách kiểm soát các lãnh thổ lân cận. Khoảng thời gian 100 năm giữa 1500 và 1600 được sử sách gọi là “Sengoku Jidai”, tức “Thời Chiến quốc”. Giai đoạn ấy đầy hỗn loạn. Vào đầu những năm 1600, ba vị tướng kiệt xuất gồm Nobunaga Oda, Hideyoshi Toyotomi, và leyasu Tokugawa - đã thống nhất Nhật Bản trong khoảng thời gian 40 năm. Năng lực cùng những chiến công của họ được tôn vinh trong lịch sử và văn hóa dân gian Nhật Bản. Có một câu nói của người Nhật là: “Nobunaga chất gạo, Hideyoshi nhào bột và Tokugawa ăn bánh”. Nói cách khác, cả ba vị tướng đóng góp cho sự thống nhất của Nhật Bản, nhưng Tokugawa, người cuối cùng trong số những vị tướng vĩ đại này, đã trở thành Mạc chúa, và gia tộc của ông cai trị Nhật Bản từ năm 1615 đến năm 1867. Thời đại này được gọi là Mạc phủ Tokugawa. Chiến sự bao trùm Nhật Bản suốt nhiều thế kỷ đã trở thành một phần không thể thiếu trong thuật ngữ nến. Và nghĩ kỹ bạn sẽ thấy giao dịch cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng cần có để giành chiến thắng trong một trận chiến. Những kỹ năng như vậy bao gồm chiến lược, tâm lý, cạnh tranh, rút lui có chiến lược và thậm chí là cả may mắn. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi xuyên suốt cuốn sách này, bạn sẽ thấy các cụm từ nến dựa trên các hiện tượng trên chiến trường. Có Tấn công buổi tối và Tấn công buổi sáng (night and morning attack), Mẫu hình Ba chàng lính tiến lên (advancing three soldiers pattern), Phản công (counter attack lines), Bia mộ (gravestone),... Sự ổn định do chế độ phong kiến tập trung của Nhật Bản dưới hệ thống lãnh đạo bởi Tokugawa đã tạo ra các cơ hội phát triển đất nước mới. Nền kinh tế nông nghiệp phát triển, nhưng quan trọng hơn là có sự mở rộng và thuận tiện trong việc giao thương trong nước. Vào thế kỷ 17, thị trường toàn quốc đã phát triển thành công thay thế hệ thống thị trường địa phương và biệt lập. Khái niệm về thị trường tập trung chính là điều đã gián tiếp dẫn đến sự phát triển của phân tích kỹ thuật tại Nhật Bản. Hideyoshi Toyotomi coi Osaka là thủ đô của Nhật Bản và khuyến khích nơi đây phát triển thành một trung tâm thương mại. Osaka nằm sát biển, đúng lúc việc đi lại trên đất liền chậm chạp, nguy hiểm và tốn kém, nhờ đó, thành phố này trở thành kho hàng quốc gia để dự trữ và phần bổ vật tư. Nó đã phát triển thành thành phố lớn nhất của Nhật Bản về giao thương và tài chính. Sự giàu có và kho vật tư khổng lồ của Osaka đã khiến nơi đây có tên gọi “Nhà bếp của Nhật Bản”. Osaka đóng góp nhiều cho sự ổn định giá cả bằng cách làm dịu đi sự khác biệt giữa các khu vực về nguồn cung. Ở Osaka, cuộc sống nơi đây tràn ngập khao khát kiếm tiền (trái ngược với các thành phố khác, việc kiếm tiền bị coi thường). Hệ thống xã hội thời đó gồm có bốn giai cấp. Xếp theo thứ tự từ trên xuống là Quân nhân, Nông dân, Nghệ nhân và Thương nhân. Phải đến những năm 1700, các thương gia mới phá vỡ được rào cản xã hội. Thậm chí ngày nay, lời chào truyền thống ở Osaka là “Mokarimakka” có nghĩa là “Bạn có đang kiếm được lợi nhuận không?” Tại Osaka, Yodoya Keian đã trở thành một thương nhân hỗ trợ chiến tranh cho Hideyoshi (một trong ba vị tướng quân sự vĩ đại thống nhất Nhật Bản). Yodoya có tài thiên phú trong việc vận chuyển, phân phối và thiết lập giá gạo. Sân trước nhà của Yodoya trở nên quan trọng đến nỗi lần trao đổi gạo đầu tiên đã phát triển ở đó. Ông trở nên rất giàu có - hay nói đúng hơn là quá giàu. Năm 1705, Mạc phủ (Bakufu - chế độ quân sự do Mạc chúa lãnh đạo) đã tịch thu toàn bộ tài sản của ông vì cho rằng ông sống quá xa xỉ và không phù hợp với giai cấp xã hội của mình. Mạc phủ đã lo ngại về quyền lực ngày càng bành trướng của một số thương nhân. Năm 1642, một số quan chức và thương nhân đã tìm cách lũng đoạn thị trường gạo. Họ phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc: con cái bị xử tử, thương nhân bị lưu đày, và của cải bị tịch thu. Thị trường gạo ban đầu phát triển tại sân nhà của Yodoya được thể chế hóa sau khi Sàn giao dịch gạo Dojima được thành lập vào cuối những năm 1600 ở Osaka. Các nhà giao dịch tại Sàn giao dịch tiến hành phân loại gạo và thỏa thuận để thiết lập giá. Cho đến năm 1710, Sàn giao dịch tiến hành các giao dịch trên gạo thực. Từ năm 1710 trở về sau, Sàn giao dịch gạo bắt đầu phát hành và chấp nhận giấy biên lai kho gạo. Những giấy biên lai kho gạo được gọi là phiếu gạo (rice coupon). Phiếu gạo đã trở thành loại Hợp đồng tương lai đầu tiên tùng được giao dịch. Việc môi giới giao dịch gạo đã trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng của Osaka. Có hơn 1.300 đại lý gạo vào thời đó. Vì không có chuẩn tiền tệ nào (những nỗ lực để hình thành tiền đồng trước đó đã thất bại do giá trị của tiền xu bị giảm), gạo trở thành phương tiện trao đổi chính. Khi cần tiền, Daimyo (lãnh chúa) sẽ gửi số gạo dư của mình đến Osaka và trữ chúng trong một nhà kho mang danh mình. Ông sẽ nhận một phiếu gạo mang tính chất giống như biên lai cho số gạo này và có thể bán phiếu gạo này bất cứ khi nào vị lãnh chúa muốn. Các lãnh chúa phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ngân khố, do vậy họ thường bán phiếu gạo trước khi lần nộp thuế gạo kế tiếp (thuế nộp cho lãnh chúa được trả bằng gạo - thường là 40% đến 60% vụ mùa của nông dân). Đôi khi vì vậy mà các vụ lúa trong vài năm bị đem ra thế chấp. Người ta mua bán phiếu gạo rất thường xuyên. Các phiếu gạo lấy căn cứ trên hoạt động giao gạo trong tương lai trở thành loại Hợp đồng tương lai đầu tiên của thế giới. Sàn giao dịch Gạo Dojima, nơi giao dịch các phiếu này, đã trở thành Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai đầu tiên trên thế giới. Phiếu gạo còn được gọi là “phiếu gạo trống” (empty rice coupon - nghĩa là không sở hữu gạo thực tế). Tôi xin cung cấp một thông tin để bạn có thể hình dung mức độ phổ biến của giao dịch Hợp đồng tương lai gạo: Trong năm 1749, tổng số phiếu gạo rỗng giao dịch tại Osaka có giá trị là 110.000 kiện (gạo buôn bán theo kiện). Tuy nhiên, trên thực tế, khắp Nhật Bản chi có 30.000 kiện gạo (2). Trong bối cảnh lịch sử này, Homma xuất hiện và được xem là “vị chúa của thị trường”. Munehisa Homma sinh năm 1724 trong một gia đình giàu có. Gia tộc của ông giàu đến mức thời ấy có câu: “Trở thành người gia tộc Homma khó quá, thà tìm cách làm điền chủ còn dễ dàng hơn”. Năm 1750, khi được trao quyền kiểm soát công việc kinh doanh của gia đình, ông bắt đầu giao dịch tại Sàn giao dịch gạo địa phương ở thành phố cảng Sakata. Thành phố này là nơi dự trữ và phân phối gạo. Homma xuất thân từ Sakata nên bạn sẽ thường xuyên bắt gặp cụm từ “Quy tắc của Sakata” trong các tài liệu phân tích nến Nhật Bản. Tất cả đều đề cập đến Homma. Khi cha của Munehisa Homma qua đời, mặc dù là con út, Munehisa được giao cho việc quản lý tài sản gia tộc (Thời xưa, thường con trai cả trong gia đình sẽ được quyền thừa kế). Nguyên nhân có lẽ là do Munehisa rất am hiểu thị trường. Với tài sản này, ông đến Sàn giao dịch gạo lớn nhất của Nhật Bản thời bấy giờ, Sàn giao dịch gạo Dojima ở Osaka và bắt đầu giao dịch Hợp đồng tương lai gạo. Gia tộc Homma sở hữu rất nhiều đất trồng lúa. Vốn có thế lực, nên họ luôn nắm bắt kịp thời các thông tin về thị trường gạo. Chưa kể, Homma ghi lại chi tiết tình hình thời tiết hàng năm. Ông phân tích giá gạo bắt đầu từ lúc giao dịch gạo được diễn ra ở sân của Yodoya để nghiên cứu về tâm lý của các nhà đầu tư. Thậm chí ông còn thiết lập hệ thống thông tin liên lạc của riêng mình. Ông cho người lên mái nhà để gửi tín hiệu đi bằng cờ vào những thời điểm định trước. Những người này thu hẹp khoảng cách từ Osaka đến Sakata. Sau khi thống trị thị trường Osaka, Homma đến giao dịch tại Edo (Tokyo bây giờ). Ông vận dụng kiến thức của mình và tích lũy được một gia tài kếch xù. Tương truyền, ông đã thành công trong 100 lần giao dịch liên tiếp. Uy tín của ông lớn đến nỗi có bài hát dân gian ở Edo như sau: “Khi Sakata có nắng (thị trấn của Homma), Dojima (Sàn giao dịch gạo Dojima ở Osaka) âm u và Kuramae (Sàn giao dịch Kuramae ở Edo) mưa xối xả”. Nói cách khác là: khi ở Sakata được mùa, giá gạo giảm trên Sàn giao dịch gạo Dojima và giảm không phanh tại Edo. Bài hát này phản ánh sức ảnh hưởng của Homma trên thị trường gạo. Trong những năm sau đó, Homma trở thành cố vấn tài chính cho chính quyền và được phong samurai danh dự. Ông qua đời năm 1803. Các cuốn sách của Homma về thị trường (Sakata Senho và Soba Sani No Den) được viết vào những năm 1700. Nguyên tắc giao dịch của ông vốn dĩ được áp dụng cho thị trường gạo, về sau được phát triển thành kỹ thuật nến hiện đang được sử dụng tại Nhật Bản. LƯU Ý: 1. Tên ông đôi khi được dịch là Sokyu và họ của ông đôi khi được dịch là hơnma. Thông qua đó, bạn có thể thấy dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh trúc trắc thế nào rồi đấy. Cùng một chữ Hán nhưng cách đọc sẽ khác nhau, và tuỳ theo người dịch mà tên của ông có thể là Sokyu hoặc Munehisa. Họ của ông cũng vậy, một lần nữa tuỳ thuộc vào người dịch, có thể là Homma hoặc hơnma. Tới chọn bản dịch tiếng Anh tên của Homma mà Hiệp hội phân tích Kỹ thuật Nippon sử dụng. 2. Hirschmeier, Johannes, and Tsunehiko, Yui. The Development of Japanese Business 1600 -1973 (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1975, trang 31). Phần I NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chương 3: CẤU TẠO NẾN Thuyền không mái chèo chẳng thể vượt sông. Đồ thị nến sử dụng dữ liệu giá mở cửa, cao, thấp, và đóng cửa tương tự đồ thị thanh truyền thống của phương Tây. Đồ thị thanh được trình bày trong Hình 3.1. Còn Hình 3.2 là đồ thị nến thể hiện cùng một thông tin giá như đồ thị thanh. Trên đồ thị nến, giá nhìn như thể nổi lên khỏi trang giấy. Nó cho ta thấy cái nhìn có chiều sâu hơn về thị trường bởi nó đẩy đồ thị thanh phẳng, hai chiều chuyển thành đồ thị nến gần như ba chiều. Riêng về mặt này, đồ thị nến nhìn trực quan thú vị hơn. Hình 3.3 là cùng một dữ liệu trên đồ thị thanh và đồ thị nến. Hình 3.1: Lucent, Đồ thị thanh theo ngày Hình 3.2: Lucent, Đồ thị nến theo ngày Hình 3.3: Đồ thị thanh và đồ thị nến CÁCH VẼ NẾN Phần hình chữ nhật của cây nến trong Hình 3.4 đến 3.6 được gọi là thân nến. Nó đại diện cho phạm vi giữa giá mở cửa và đóng cửa trong phiên đó. Khi thân nến có màu đen (tức là được lấp đầy), điều đó có nghĩa là mức giá đóng cửa trong phiên thấp hơn mức giá mở cửa. Nếu thân nến màu trắng (tức là trống rỗng), nó có nghĩa là giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa. Hình 3.4: Nến trắng Hình 3.5: Nến đen Hình 3.6: Nến Con quay (Spinning Top) Các đường mỏng phía trên và dưới thân nến là những bóng nến (những cái tên nghe hết sức thi vị - thân nến và những bóng nến của thân nến). Bóng nến đại diện cho cực trị của giá trong phiên. Bóng nến phía trên thân nến được gọi là bóng nến trên và bóng nến bên dưới thân nến được gọi là bóng nến dưới. Theo đó, đỉnh của bóng nến trên là mức giá cao nhất trong phiên và đáy của bóng nến dưới là mức giá thấp nhất trong phiên. Nếu một cây nến không có bóng nến trên, nó được gọi là nến Cạo đầu (shaven head). Một cây nến không có bóng nến dưới được gọi là nến Cạo đáy (shaven bottom). Chúng ta có thể thấy tại sao đồ thị này lại được gọi là đồ thị nến hay nến Nhật, các đường kẻ nhìn giống nến với bấc nến. Như có nhắc trong phần Giới thiệu, chúng ta sẽ dùng từ nến và nến Nhật luân phiên trong suốt cuốn sách. Người Nhật quan niệm thân nến là “tinh túy của chuyển động giá”. Điều này phản ánh quan niệm chủ chốt về sức mạnh của thân nến: bằng cách nhìn vào chiều cao và màu của thân nến, ngay lập tức ta có thể thu được gợi ý một cách tượng hình về việc phe mua hay phe bán đang kiểm soát thị trường. Nhờ thế, đồ thị nến giúp phân tích thị trường nhanh và tiện lợi hơn. Lấy nến trắng dài trong Hình 3.4 làm ví dụ, ai đang kiểm soát? Phe mua hay phe bán? Rõ ràng đó là phe mua bởi trong phiên đó, thị trường mở cửa gần mức thấp nhất và đóng cửa gần mức cao nhất. Tương tự, nến đen dài (Hình 3.5) là một hình ảnh đại diện cho việc phe bán đang kiểm soát, ít nhất là trong phiên hôm ấy, bởi thị trường mở cửa gần mức cao nhất và đóng cửa gần mức thấp nhất. Ta có thể vẽ đồ thị nến trên bất cứ khung thời gian nào - từ đồ thị giao dịch trong ngày đến đồ thị ngày và tuần. Ví dụ, một nến trắng như trong Hình 3.4 nếu nằm trên đồ thị ngày sẽ có nghĩa đáy của thân nến là giao dịch đầu tiên trong ngày (bạn hãy nhớ rằng thân nến trắng có nghĩa giá mở cửa nằm ở đáy của thân nến) và đỉnh thân nến là mức giá đóng cửa của ngày hôm đó. Mức giá cao nhất và thấp nhất trong ngày lần lượt là phần đỉnh của bóng trên và phần đáy của bóng dưới. Tương tự, một nến đen khung năm phút cho ta biết mức giá mở cửa của khoảng thời gian năm phút là ở đỉnh của thân nến đen và mức đóng cửa là ở đáy. Mức cao nhất và thấp nhất trong khoảng thời gian năm phút sẽ hình thành bóng nến trên và dưới. Một ứng dụng của thân nến vào thực tiễn là dùng kích thước của nó để đo lường động lượng (momentum) của thị trường. Nến trắng và nến đen dài cho thấy hành động giá nghiêng về một phía, ngoài ra, nếu thân nến nhỏ dần, ta có thể đoán ra động lượng trước đó đang giảm sút. Từ tiếng Nhật để chỉ thân nến nhỏ (trắng hoặc đen) là nến Con quay (spinning top). Hình 3.6 là ví dụ của nến Con quay. Các đường vẽ trong Hình 3.6 có bóng trên và dưới, nhưng độ dài bóng nến không quan trọng. Quan trọng thân nến phải có kích thước nhỏ thì mới hình thành Con quay. Nến Con quay là một phần của các mẫu hình nến bao gồm Sao Mai (morning stars), Sao Hôm (evening stars), Harami, Nến Búa (hammer) và các nến khác. Chúng ta sẽ đi sâu vào thảo luận trong các phần tương ứng. Bạn có để ý thấy điều gì về thân nến trong Hình 3.7 không? Không có thân nến nào cả! Những nến này gọi là nến Doji, chúng thể hiện một phiên có giá đóng cửa và giá mở cửa là như nhau (hoặc sát nhau). Doji ngụ ý tín hiệu đảo chiều. Chúng ta sẽ xem xét khía cạnh ấy ở phần sau chương này và chi tiết hơn ở Chương 8. Trong Hình 3.8, tuần giao dịch từ ngày 01 tháng 04 bắt đầu một nhịp giảm gần mức 315 với nhiều nến đen liên tiếp. Nhịp giảm càng mạnh thì các thân nến càng dài, cho thấy đà giảm ngày càng lớn. Sự xuất hiện của một nến Con quay vào ngày 07 tháng 04 thay đổi cục diện kỹ thuật từ việc người kiểm soát hoàn toàn thị trường sang mất dần sự lấn át. Do chỉ có một phiên giao dịch cho nến thân nhỏ, nên nó chỉ được xem là một dấu hiệu thảm dò. Dù sao đó cũng là tín hiệu đầu tiên cho một đợt đảo chiều tiềm năng. Đây là một trong những lợi thế lớn của đồ thị nến: Chúng thường cho bạn tìm ra những điểm đảo chiều tiềm năng của thị trường rất nhanh chỉ trong một phiên. Hình 3.7: Ví dụ của Doji Hình 3.8: Semi-Conductor Index, Đồ thị ngày (Con quay) Con quay vào ngày 07 tháng 04 là một tín hiệu nến, và đồng thời cũng góp phần xác nhận một công cụ phân tích kỹ thuật truyền thống của phương Tây, ở đây chính là một đường hỗ trợ hướng lên hình thành bằng cách nối hai đáy ngày 10 tháng 03 và 23 tháng 03. Vì thế, chúng ta có hai tín hiệu, đường hỗ trợ và Con quay, củng cố hỗ trợ gần mức 285. Việc phối hợp kỹ thuật phương Tây và phương Đông này sẽ được tập trung thảo luận ở Phần 2. Một ví dụ khác về nến Con quay báo hiệu đảo chiều là ở điểm bắt đầu nhịp giảm từ 315: Con quay ngày 02 tháng 04 (hãy nhớ là màu của thân nến nhỏ không quan trọng) theo sau một nến trắng dài (lúc này người mua vẫn nắm quyền kiểm soát). Một trong những đặc điểm rất hay của nến Nhật là chúng cho ta các tín hiệu cảnh báo không thấy rõ trên đồ thị thanh. Ví dụ, hãy xem lại đồ thị ở Hình 3.2 và tuần tăng ngày 18 tháng 01. Hãy chú ý đến hai cây nến lúc cổ phiếu tiệm cận mức giá 60 đô la. Ở đồ thị thanh, cổ phiếu nhìn rất khỏe vì nó đang tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước, thậm chí mức giá đóng cửa cũng cao hơn. Tuy nhiên, nến Nhật lại cho ta góc nhìn khác. Các nến thân nhỏ cho tín hiệu người mua không hoàn toàn kiểm soát. Và bạn cũng hãy để ý mức giá tuần ngày 18 tháng 01 đang gần vùng kháng cự. Do đó, các nến thân nhô đang xác nhận vùng kháng cự ấy. Chúng ta có thể thấy người Nhật rất chú trọng đến mối quan hệ giữa giá mở cửa và giá đóng cửa vì chúng là hai mức giá nhiều cảm xúc nhất trong một ngày giao dịch. Người Nhật có câu tục ngữ: “Sáng sóm là bánh lái của cả ngày”. Tương tự, giá mở cửa chính là bánh lái cho cả phiên giao dịch. Nó cung cấp manh mối đầu tiên về phương hướng của phiên hôm ấy. Đó là thời gian mà tất cả các tin tức và tin đồn tù đêm qua được lọc và tổng hợp lại tại một thời điểm. Càng lo lắng, nhà giao dịch càng muốn mua bán sớm hơn. Vì thế, khi thị trường mở cửa, phe bán khống có thể lo lắng mua lại, phe mua tiềm năng nay lại muốn mua một cách dứt khoát, những người phòng hộ rủi ro có thể mở một vị thế mới hoặc thoát khỏi vị thế cũ, v.v... Sau một tổ hợp những hành động lúc thị trường mở cửa, bên mua và bên bán tiềm năng có một mức giá tiêu chuẩn. Có sự tương đồng nhất định giữa các giao dịch trên thị trường và xung trận chiến đấu. Theo đó, giá mở cửa cung cấp góc nhìn sớm về chiến trường và dấu hiệu tạm thời cho thấy đội quân thân thiện hay hiếu chiến. Một mức giá quan trọng khác là giá đóng cửa. Dựa trên cách thị trường đóng cửa, chúng ta có thể thấy nhà giao dịch có bị chi phối bởi nhiều cảm xúc hay không. Giá đóng cửa cũng là một điểm giá quan trọng đối với nhiều nhà phân tích kỹ thuật. Họ có thể chờ giá đóng cửa để xác nhận sự bứt phá từ một điểm quan trọng trên đồ thị. Những cuộc gọi thông báo vi phạm tỷ lệ ký quỹ (margin call) trong thị trường hợp đồng tương lai cũng dựa trên mức giá đóng cửa. Thêm vào đó, nhiều hệ thống giao dịch máy tính (ví dụ: hệ thống đường trung bình động) được tính toán dựa trên mức giá đóng cửa. Người Nhật sử dụng rất nhiều thuật ngữ trong quân sự để áp dụng vào kỹ thuật nến, điển hình là cách họ gọi các lệnh lớn bất thường lúc mở cửa hay đóng cửa. Nếu có một lệnh mua hoặc bán lớn đẩy vào thị trường lúc kết phiên hoặc gần kết phiên với mục đích ảnh hưởng đến giá đóng cửa, người Nhật gọi hành động này là một cuộc “Tấn công buổi tối” (night attack). Nếu điều này diễn ra vào lúc mở cửa, cũng không bất ngờ lắm khi nó được gọi là cuộc “Tấn công buổi sáng” (morning attack). NHỮNG THUẬT NGỮ NẾN VÀ CẢM XÚC CỦA THỊ TRƯỜNG Phân tích kỹ thuật là cách duy nhất để đo lường yếu tố cảm xúc của thị trường. Chúng ta đều biết không hiếm lần, một lạng cảm xúc có giá trị tương đương một cân sự thật. Còn cách nào khác đề giải thích sự biến chuyển bất ngờ trong thị trường khi các yếu tố cơ bản không thay đổi? Một điều rất thú vị của đồ thị nến Nhật Bản chính là tên các mẫu hình, chúng là những cụm từ đầy màu sắc mô tả độ khỏe và cảm xúc của thị trường tại thời điểm mẫu hình được hình thành. Liệu sau khi nghe cụm từ như “Mây đen bao phủ”, bạn có nghĩ rằng độ khỏe về mặt cảm xúc của thị trường đang tốt không? Tất nhiên là không! ở những phần sau bạn sẽ thấy đó là mẫu hình giảm giá và tên của chúng truyền tải rõ ràng tình trạng yếu ớt của thị trường. Có nhiều mẫu hình và nhận định trong cuốn sách này, nhưng những cái tên tượng hình người Nhật sử dụng không chỉ khiến việc sử dụng đồ thị nến vui hơn mà còn giúp bạn dễ ghi nhớ mẫu hình tăng hay giảm giá. Tôi lấy ví dụ, trong Chương 5, bạn sẽ tìm hiểu về mẫu hình “Sao Hôm” (Evening stars) và “Sao Mai” (Morning stars). Không cần biết những mẫu hình này trông như thế nào hoặc là gì, chỉ cần nghe tên của chúng, bạn nghĩ mẫu hình nào tích cực và mẫu hình nào tiêu cực? Ngôi Sao Hôm (cái tên chỉ Sao Kim) chỉ xuất hiện trước khi màn đêm buông xuống, nghe cỏ vẻ là một tín hiệu tiêu cực - và đúng là như vậy! Còn Sao Mai mang ý nghĩa tích cực vì ngôi sao này chỉ xuất hiện khi mặt trời mọc. 1. Con quay được thảo luận chi tiết hơn trong cuốn sách Beyond Candlesticks (New York: John Wiley and Sons, 1994). Chương 4: CÁC MẪU HÌNH ĐẢO CHIỀU Phía trước hoàn toàn mờ mịt. Các nhà phân tích kỹ thuật theo dõi các tín hiệu giá cảnh báo họ về sự thay đổi trong tâm lý và xu hướng thị trường. Mẫu hình đảo chiều là những tín hiệu kỹ thuật đó. Các mô hình đảo chiều của phương Tây bao gồm Hai đỉnh và Hai đáy, Ngày đảo chiều, Vai đầu vai, Hòn đảo tại đỉnh và Hòn đảo tại đáy. Tuy nhiên, thuật ngữ “mẫu hình đảo chiều” lại dễ gây ra hiểu lầm. Nghe các thuật ngữ này có thể khiến bạn tưởng xu hướng cũ kết thúc đột ngột và sau đó đảo chiều thành một xu hướng mới. Điều này hiếm khi xảy ra trong thực tế. Tín hiệu đảo chiều xu hướng thường mang hàm ý rằng xu hướng trước có khả năng sẽ thay đổi, nhưng không nhất thiết là đảo chiều ngược lại. Bạn hãy hình dung xu hướng như chiếc xe đang chạy về phía trước. Đèn phanh của xe nháy đỏ và rồi xe dừng lại. Đèn phanh chính là chỉ báo đảo chiều cho thấy xu hướng trước đó (tức xe đang chạy về phía trước) sắp kết thúc. Nhưng dù xe đang đứng yên chăng nữa, chắc gì tài xế sẽ quyết định cho xe đánh ngược lại? Hay anh ta sẽ dừng tại chỗ? Hoặc biết đâu anh ta lại quyết định đi tiếp thì sao? Nếu không có nhiều tín hiệu hơn thì chúng ta vẫn chưa thể biết được. Hình 4.1 đến 4.3 là các ví dụ về những gì có thể xảy ra sau khi tín hiệu đảo chiều xuất hiện. Ví dụ, xu hướng tăng trước đó có thể chuyển đổi thành giai đoạn hành động giá đi ngang. Sau đó một xu hướng tăng mới, hoặc một xu hướng giảm mới đều có thể bắt đầu (Xem Hình 4.1 và 4.2). Hình 4.3 minh họa một xu hướng tăng có thể đột ngột đảo chiều thành một xu hướng giảm. Hãy nhớ rằng khi tôi sử dụng thuật ngữ “mẫu hình đảo chiều” (reversalpattern), điều này chỉ có nghĩa xu hướng trước đó có thể thay đổi nhưng không nhất thiết phải đảo chiều ngược lại. Tốt nhất hãy xem các mẫu hình đảo chiều là các “mẫu hình thay đổi xu hướng” (trend change pattern). Nhận diện sự xuất hiện của các mẫu hình đảo chiều là một kỹ năng rất có giá trị. Giao dịch thành công đòi hỏi phải có cả xu hướng và xác suất ủng hộ vị thế của bạn. Các tín hiệu đảo chiều chính là các biển báo giao thông mà thị trường cho ta, ví dụ như “Cảnh báo - Xu hướng đang trong quá trình thay đổi”. Nói cách khác, tâm lý của thị trường đang có sự biến chuyển. Bạn nên điều chỉnh phong cách giao dịch của bạn để phù hợp với tình hình thị trường mới. Có nhiều cách để giao dịch đóng mở vị thế theo các chỉ báo đảo chiều. Chúng ta sẽ đi qua rất nhiều ví dụ trong suốt cuốn sách này. Một nguyên tắc quan trọng là chỉ mở một vị thế mới (dựa trên tín hiệu đảo chiều) khi tín hiệu đó cùng chiều với xu hướng chính. Hãy để tôi lấy ví dụ, trong một thị trường tăng giá, một mẫu hình đào chiều đỉnh xuất hiện. Tín hiệu giảm giá này sẽ không đảm bảo khả năng thành công cho vị thế bán khống. Điều này là do xu hướng chính vẫn còn tăng. Tuy nhiên, nó sẽ báo hiệu một đợt bán ra của vị thế mua từ trước. Khi đó, chúng ta có thể tìm kiếm tín hiệu tích cực để mua khi giá điều chỉnh vì xu hướng chủ đạo vẫn đang đi lên cao hơn. Tôi đã trình bày khá chi tiết về chủ đề các mẫu hình đảo chiều bởi vì hầu hết các tín hiệu nến đều thể hiện sự đảo chiều. Bây giờ, chúng ta hãy chú ý đến nhóm đầu tiên của các tín hiệu nến đảo chiều này, nến Búa (hammer) và nến Người treo cổ (hanging man). NẾN CÂY DÙ Hình 4.4 là hình các cây nến có bóng nến dưới dài và thân nhỏ (trắng hoặc đen) gần đỉnh biên độ giá trong ngày của cây nến. Các nến trong Hình 4.4 được gọi là nến Cây dù vì hình dáng của chúng trông giống những cây dù. Nến Cây dù có bóng nến dưới rất dài và thân nến nhỏ ở đỉnh biên độ giá. Các nến Cây dù thú vị ở điểm các nến có thể mang tính tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào tình hình thị trường. Nếu nến Cây dù xuất hiện trong một xu hướng giảm, đó là một tín hiệu cho thấy xu hướng giảm có thể kết thúc. Trong trường hợp đó, nến Cây dù này được gọi là nến Búa, lấy ý tưởng từ “thị trường đang lấy búa nện ra một nền giá” (Xem Hình 4.5). Nến Búa trong tiếng Nhật là takuri. Từ này có nghĩa là “cố gắng đo mực nước sâu đến mức nào bằng việc cảm nhận vùng đáy”. Đây là hình tượng hoàn hảo cho nến Búa bởi lúc này, thị trường đang cố dò đáy. Một cách ngẫu nhiên, nến Búa trông cũng giống hình ảnh cây búa với phần đầu và tay cầm. Như có đề cập ở trên, đặc tính của nến Cây dù thay đổi dựa trên xu hướng giá trước khi cây nến này xuất hiện. Nến Cây dù sau một nhịp giảm giá là tín hiệu tích cực và được gọi là nến Búa. Tuy nhiên, nếu một trong các cây nến trong Hình 4.4 xuất hiện sau một đợt tăng giá, đây có thể là tín hiệu đảo chiều tại đỉnh rất tiêu cực và được gọi là nến Người treo cổ (xem Hình 4.6). Cái tên “Người treo cổ” bắt nguồn từ hình dáng cây nến trông giống một người treo cổ với đôi chân lủng lẳng bên dưới. Có thể hơi lạ khi cùng một cây nến có thể mang ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, đối với những nhà giao dịch quen với mẫu hình Hòn đảo ở đỉnh và Hòn đảo ở đáy của phương Tây, bạn sẽ nhận ra ở đây cũng áp dụng cách nhìn nhận tương tự. Mẫu hình Hòn đảo mang ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào vị trí của nó trong một xu hướng. Một Hòn đảo sau xu hướng tăng kéo dài mang ý nghĩa tiêu cực, ngược lại, mẫu hình Hòn đảo giống vậy nhưng xuất hiện sau xu hướng giảm mang nghĩa tích cực. Để các bạn hình dung được những thách thức khi tìm hiểu các kỹ thuật của đồ thị nến Nhật, một trong những cuốn sách tôi sử dụng cho công cuộc nghiên cứu của mình đã mô tả các nến Cây dù trong Hình 4.4 bằng câu “mua từ dưới và bán từ trên”. Câu này nghĩa là gì? Lúc đọc những dòng này, tôi có biết về nến Búa và nến Người treo cổ. Thế mà vẫn mất khá nhiều thời gian và nghiền ngẫm để hiểu được hóa ra ý tác giả là mẫu hình này mang nghĩa tích cực sau một thị trường giá xuống (“mua từ dưới”) và tiềm tàng nghĩa tiêu cực sau một thị trường giá lên (“bán từ trên”). Tôi bỏ bao năm trời nghiên cứu mới giải mã những “bí mật Đông phương” này là vì đa số các mẫu hình và kỹ thuật nến được mô tả bằng những diễn giải mơ hồ như vậy. May mà tôi thích đối đầu với thử thách! Ta có thể xác định nến Búa và Người treo cổ dựa trên ba tiêu chí sau: 1. Thân nến nằm ở phần trên của biên độ giao dịch trong ngày. Màu thân nến không quan trọng. 2. Bóng nến dưới dài, ít nhất nên gấp đôi chiều cao của thân nến. 3. Không có bóng nến trên hoặc có nhưng rất ngắn. Có ba yếu tố khác biệt giữa nến Người treo cổ và nến Búa: xu hướng, độ dài của chuyển động giá trước nến và sự xác nhận. Cụ thể là: • Xu hướng: Nến Búa phải xuất hiện sau một nhịp giảm giá. Nên Người treo cổ phải xuất hiện sau một nhịp tăng giá. • Độ dài của chuyển động giá trước nến: Nến Búa có ý nghĩa ngay cả khi xuất hiện sau một nhịp giảm ngắn hạn, nhưng nến Người treo cổ nên xuất hiện sau một nhịp tăng dài, và tốt hơn nên xuất hiện ở mức giá cao nhất trong lịch sử. • Sự xác nhận: Ở phần tới vấn đề này sẽ được bàn kỹ hơn, nhưng nến Người treo cổ nên có sự xác nhận, còn nến Búa thì không cần. Bóng nến dưới càng dài, bóng nến trên càng ngắn và thân nến càng nhỏ sẽ khiến cây nến Búa tăng giá hoặc nến Người treo cổ giảm giá mang nhiều ý nghĩa hơn. Giờ chúng ta sẽ tập trung vào nến Búa, sau đó đi sâu vào nến Người treo cổ. NẾN BÚA (HAMMER) Thân của nến Búa có thể là màu trắng hoặc đen. Lý do là vì ngay cả khi thân nến Búa màu đen, giá vẫn đóng cửa ở gần mức cao nhất trong phiên như ta thấy trong Hình 4.5. Ta có thể nói sẽ tích cực hơn một chút nếu thân nến Búa có màu trắng (vì giá đóng cửa ở mức giá cao). Biệt danh trong tiếng Nhật của nến Búa màu trắng là “nến quyền lực”. Theo kinh nghiệm của tôi, nến Búa có thành công hay không, không phụ thuộc vào màu của thân nến. Nến Búa có bóng dưới dài và đóng cửa gần hoặc tại mức giá cao nhất phiên cho tín hiệu trên đồ thị rằng thị trường bán mạnh trong phiên rồi bật lên để đóng cửa gần hoặc tại mức giá cao nhất phiên. Điều này có thể mang đến kết quả tích cực. Yếu tố đóng cửa gần hoặc tại mức giá cao nhất chính là lý do nến Búa không nên có bóng nến trên hoặc bóng trên rất nhỏ. Bóng nến trên dài nghĩa là thị trường đóng cửa cách xa mức giá cao nhất, mà đây lại là yếu tố quan trọng của nến Búa. Nến Búa là tín hiệu đảo chiều ở đáy, do vậy ta cần phải có xu hướng giảm giá để đảo chiều. Ở Hình 4.7, ta có thể thấy nến Búa vào ngày 24 tháng 02. Đây là một nến kinh điển vì nó có bóng dưới rất dài và thân nến nhỏ ở vùng trên cùng của biên độ dao động. Nến còn xuất hiện sau một nhịp giảm. Đây là điều kiện cần thiết của nến Búa. Nến ngày 22 tháng 02 không được xác định là nến Búa vì nó không có bóng nến dưới dài hơn hai hay ba lần chiều dài thân nến như yêu cầu. Ta cần bóng nến dưới vì nó thể hiện thị trường bị đẩy sâu xuống trong phiên, nhưng về cuối phiên, như cách người Nhật nói, có một “trận chiến kamikaze” khi bên bán mất quyền kiểm soát, bằng chứng là thị trường đóng cửa gần hoặc tại mức giá cao nhất phiên. Ta có thể quan sát thấy điều này với cây nến Búa kinh điển ngày 24. Bạn có thể chắc chắn rằng sau một ngày với nến Búa kinh điển như vậy, bên bán đang rơi vào tình trạng lưỡng lự. Hình 4.7: Wal-Mart Stores, Đồ thị ngày (Nến Búa) Thần phong, gió thần hay Kamikaze (tiếng Nhật: 神 ⾵ ; kami = thần kaze = phong) là một từ tiếng Nhật, được những tiếng khác vay mượn để chỉ các cuộc tấn công cảm tử bởi các phi công chiến đấu Nhật Bản chống lại tàu chiến của các nước Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai trong giai đoạn kết thúc Chiến dịch Thái Bình Dương. Phi công Kamikaze sẽ lái máy bay của mình, thường là chở đầy thuốc nổ, bom, thuỷ lôi và bình đựng xăng đâm vào tàu địch. Máy bay của anh ta như vậy có vai trò giống như hoả tiễn có người lái. Đó là một nỗ lực cảm tử nhằm tăng tối đa độ chính xác và tổn thất cho địch quân so với bom đạn thông thường. Mục tiêu của các phi công này là đánh phá càng nhiều càng tốt tàu bè của phe Đồng Minh. Nguồn: Wikipedia Hình 4.7 chỉ ra một yếu tố then chốt trong đồ thị nến Nhật. Giao dịch thành công bằng đồ thị nến bắt buộc chúng ta hiểu các mẫu hình nến, biết mẫu hình nến xuất hiện ở đâu và trong phạm vi phân tích rủi ro/lợi nhuận. Một nhà giao dịch luôn cần phải xem xét yếu tố rủi ro/lợi nhuận trước khi thực hiện giao dịch dựa trên mẫu hình nến hay một cây nến nào đó. Hãy nhìn vào cây nến Búa lý tưởng ngày 24 và ghi nhớ sâu sắc yếu tố rủi ro/lợi nhuận. Khi nến Búa hình thành (nên nhớ là ta phải đợi giá đóng cửa), cổ phiếu đóng cửa gần 48 đô la. Vì thế, nếu nhà giao dịch mua khi nến Búa đã hình thành (gần mức 48 đô la), rủi ro sẽ nằm dưới mức giá thấp nhất của nến Búa, tức là gần 43 đô la. Mức chênh lệch vào khoảng 5 đô la. Chúng ta phải chịu rủi ro 5 đô la. Điều này không có gì sai nếu mục tiêu của bạn lớn hơn nhiều so với 5 đô la. Tuy nhiên, đối với một số nhà giao dịch chủ động, 5 đô la có thể là một khoảng rủi ro quá lớn. Do vậy, để giảm thiểu rủi ro tiềm năng của một giao dịch, ta có thể đợi sự điều chỉnh về lại phần bóng nến dưới của nến Búa (tất nhiên, sẽ có nhiều lần thị trường không điều chỉnh sau khi tạo nến Búa). Nếu dùng mức giá thấp của nến Búa là vùng mua tiềm năng, chúng ta sẽ mua được ở gần giá cắt lỗ hơn. Giả sử nhà giao dịch A nhận ra nến Búa vào ngày 24 tháng 02. Anh ta cảm thấy phấn khích khi thấy một cây nến Búa đẹp như vậy nên mua ở giá đóng cửa gần giá 48 đô la. Phiên tiếp theo, thị trường tạo Khoảng trống giảm giá về 44.5 đô la ngay lúc mở cửa. Nhà giao dịch A hiện đang lỗ 3.50 đô la. Anh ta có thể quyết định thoát vị thế mua của ngày hôm trước với mức lỗ 4.50 đô la. Trong trường hợp ấy, nhà giao dịch A có thể nói rằng nến Nhật không có tác dụng. Nhà giao dịch B nhận ra tín hiệu đảo chiều tiềm năng của cây Nến Búa, nhưng nhờ nhớ đến yếu tố rủi ro/lợi nhuận mà không mua lúc đóng cửa nến Búa (vì với cô ấy, mức rủi ro là quá lớn). Ngày hôm sau, khi thị trường mở cửa thấp hơn, gần vùng hỗ trợ tiềm năng ở cuối phần bóng nến dưới. Nhà giao dịch B nhận định cổ phiếu đang gần vùng hỗ trợ tiềm năng nên quyết định mua vào. Khi cổ phiếu tăng lên từ vùng hỗ trợ, nhà giao dịch B tán dương nến Nhật hết lời. Tất nhiên sẽ có những lúc thị trường không thể giữ các ngưỡng hỗ trợ hay kháng cự tiềm năng như cây nến Búa này. Cách bản thân bạn vận dụng sức mạnh của đồ thị nến sẽ là một thành tố quan trọng quyết định nến Nhật thành công đến mức nào với bạn. Ở đồ thị trước, chúng ta đã thấy nến Búa có thể trở thành ngưỡng hỗ trợ tiềm năng thế nào. Trong Hình 4.8, chúng tôi sẽ cho thấy ta còn có thể sử dụng nến Búa để xác nhận hỗ trợ. Ở đồ thị NASDAQ-100 (NDX), có một nhịp tăng bắt đầu từ vùng A. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy đà tăng đang dần trở nên lỏng lẻo là việc xuất hiện của hai nến đen thân nhỏ (ở 1 và 2) gần mức 3723. Thị trường giảm mạnh từ mức này. Khi tiệm cận vùng hỗ trợ tiềm năng gần mức 3680 (hỗ trợ ở A), một nến Búa được hình thành. Nếu hỗ trợ này vững chắc, nến Búa trở thành hỗ trợ, và nó đã phát huy vai trò ấy cho hai phiên kế tiếp. Tất nhiên, nếu NDX đóng cửa dưới vùng hỗ trợ 3680, góc nhìn tích cực của chúng ta sẽ thất bại. Đây là một yếu tố quan trọng của tín hiệu kỹ thuật: ta phải luôn xác định rõ mức giá cho ta biết nhận định của mình đã sai. Trong trường hợp này, mức đó là dưới 3680. Trong Hình 4.9, chúng ta thấy một nến Búa với bóng nến dưới rất dài, thân nến nhỏ và nằm ở vùng đáy giá của phiên giao dịch. Xin lưu ý là nến Búa có thể có bóng nến trên nhỏ như trường hợp này. Nến Búa đã thành mức nền hỗ trợ vững chắc. Hình 4.8: NDX, Đồ thị 5 phút (Nến Búa) Hình 4.9: IBM, Đồ thị 5 phút (Nến Búa) NẾN NGƯỜI TREO CỔ (HANGING MAN) Nến Người treo cổ có hình dáng giống nến Búa, điểm khác nhau duy nhất chính là nến Người treo cổ xuất hiện sau một nhịp tăng (xem Hình 4.6). Bóng nến dưới dài được xem là một điểm cộng, và vì nến Người treo cổ có một bóng nến dài như thế, một điều tối quan trọng ở đây là đợi tín hiệu xác nhận tiêu cực với nến này. Ít nhất phải có một nến mở cửa thấp hơn thân nến của nến Người treo cổ. Nhưng thường thì tôi khuyến nghị đóng cửa dưới nến Người treo cổ. Lý do chờ đợi giá đóng cửa dưới thân nến Người treo cổ là nếu thị trường đóng cửa thấp hơn vào ngày hôm sau, những người mua vào lúc mở cửa hoặc đóng cửa của phiên tạo nến Người treo cổ (và rất nhiều giao dịch xảy ra vào giữa hai khoảng thời gian này) đang bị “treo” ở một vị thế thua lỗ. Đó là lý do tôi luôn muốn thấy nến Người treo cổ ở đỉnh giá mọi thời đại, hoặc ít ra cũng là đỉnh giá của một nhịp tăng đáng kể. Trong trường hợp này, những người mở vị thế mua trong phiên hình thành nến Người treo cổ đang ở mức giá tạo đỉnh mới, nên tâm lý họ sẽ lo lắng hơn. Từ đó, các vị thế mua này có thể quyết định đóng vị thế thua lỗ của mình. Điều này dễ dẫn đến áp lực bán cao hơn. Lưu ý thân nến nhỏ thứ hai trong Hình 4.8 (nến 2) là một nến Người treo cổ cho tín hiệu tiêu cực và được xác nhận bởi một nến đóng cửa thấp hơn vào phiên tiếp theo. Hình 4.10 là một ví dụ tuyệt vời của việc cùng một nến nhưng có thể tiêu cực (như nến Người treo cổ ngày 29 tháng 01) hay tích cực (nến Búa ngày 22 tháng 02). Mặc dù cả nến Người treo cổ và nến Búa trong ví dụ này đều có thân trắng, nhưng màu thân lại nến không gây ra tác động gì. Nến đầu tiên là một nến Người treo cổ vì xu hướng trước đó là xu hướng tăng. Nến Người treo cổ đang ở đỉnh giá mới của nhịp tăng này. Ngày hôm sau (ngày 01 tháng 02), thị trường đóng cửa dưới thân nến Người treo cổ, khiến những nhà giao dịch đang giữ vị thế mua - những người mua vào lúc nến Người treo cổ mở cửa hoặc đóng cửa - như ngồi trên đống lửa. Hình 4.10: Microsoft, Đồ thị ngày (Nến Người treo cổ và nến Búa) Nến ngày 22 tháng 02 là một nến Búa vì nó xuất hiện sau một xu hướng giảm. Phiên giao dịch trước nến Búa có một thân nến nhỏ. Đây là gợi ý sớm cho thấy lực của bên bán đang chững lại. Nến Búa là bằng chứng tích cực của điều này. Trong Hình 4.11, ngày 13 tháng 12, chúng ta thấy giá bứt phá đi lên từ một biên độ hộp ngắn hạn (box range - tên tiếng Nhật chỉ một vùng giao dịch đi ngang). Nhịp tăng từ lần bứt phá này được duy trì với ba cây nến trắng rất dài, tất cả đều mở cửa gần mức giá thấp nhất và đóng cửa tại hoặc gần mức giá cao nhất. Điều này nhấn mạnh sự chiếm lĩnh của phe mua. Có vài tín hiệu đáng cẩn trọng sau nến trắng dài thứ ba khi một chuỗi nến với bóng nến trên xuất hiện. Chú ý cả việc độ dốc của mức giá cao nhất khi các bóng nến trên liên tục hình thành. Độ dốc của mức giá cao nhất từ phiên này qua phiên sau đang giảm dần (thể hiện qua đường cong). Điều này có nghĩa dù vẫn tạo đỉnh giá mới, tốc độ tăng đang giảm sút. Hình 4.11: Unibanco Uniao de Bancos Brasileros, Đồ thị ngày (Nến Người treo cổ) Gợi ý thực sự cho thấy phe mua đang mất đi quyền kiểm soát thị trường là phiên Người treo cổ. Đây không chỉ là một nến Người treo cổ, nó còn là nến có thân nến đen đầu tiên và là nến Con quay đầu tiên của nhịp tăng. Xác nhận cho nến Người treo cổ xuất hiện là giá đóng cửa của phiên tiếp theo ở dưới thân của nến Người treo cổ. Nỗ lực đẩy thị trường cao hơn vài ngày sau chững lại ở gần mức 32 đô la với một chuỗi các bóng nến trên dài. Nhịp giảm từ nến Người treo cổ tại 32 đô la mất đi động lực giảm ở gần vùng 27 đô la. Ta có thể nhận xét như vậy sau cây nến đen thân dài ở A và B. Cụ thể, vào ngày sau khi tạo nến đen thân dài đã xuất hiện nến thân nhỏ. Chúng ta có thể suy luận rằng sau hai phiên giao dịch giảm mạnh ở A và B, thị trường tiếp tục giảm ở phiên tiếp theo. Nhưng điều đó đã không xảy ra bởi sự xuất hiện của nến Con quay. Nó cho thấy phe bán đã hai lần cố gắng chiếm quyền kiểm soát song đều thất bại. Điều này có thể khiến phe bán nghi ngại về hành động bán và khuyến khích hơn cho những nhà giao dịch đang tính đến hành động mua. Hình 4.12 nhấn mạnh sự quan trọng của việc chờ đợi một sự xác nhận giảm cho nến Người treo cổ. Các nến ở 1, 2 và 3 đều là nến Người treo cổ (các bóng nến trên đủ nhỏ để chúng hình thành loại nến này). Mỗi nến lại đóng cửa ở mức giá cao hơn trong nhịp tăng và duy trì động lực tích cực. Để xác nhận tín hiệu tiêu cực với bất cứ nến nào trong các nến này và để chuyển xu hướng từ tăng thành kém tích cực, ta cần một nến đóng cửa dưới thân của một trong ba nến Người treo cổ kia. Nhưng điều này đã không xảy ra. Nên nhớ là những nhà giao dịch mua vào mở cửa hoặc đóng cửa của phiên Người treo cổ đã mua với giá cao nhất trong nhịp tăng. Nếu thị trường tiếp tục tăng cao hơn sau những phiên Người treo cổ (như trong trường hợp này), những người giữ vị thế mua có sốt ruột không? Tất nhiên là không. Họ đang vui vì mức giá thị trường cao hơn mức giá họ mua. Vì thế, như ví dụ này chỉ ra, nếu thị trường không đóng cửa dưới thân nến của nến Người treo cổ, xu hướng tăng vẫn được duy trì. Hình 4.12: Gabelli Asset Management, Đồ thị ngày (Nến Người treo cổ và Xác nhận) MẪU HÌNH NHẤN CHÌM (ENGULFING PATTERN) Nến Búa và nến Người treo cổ là những mẫu hình nến đơn. Như ta đã thấy từ trước, các nến riêng lẻ có thể cung cấp các tín hiệu quan trọng về độ khỏe của thị trường qua màu sắc, độ dài và kích cỡ thân nến cũng như bóng nến. Tuy nhiên, hầu hết các tín hiệu nến có nền tảng dựa trên sự kết hợp của nhiều nến riêng lẻ. Mẫu hình Nhấn chìm là loại đầu tiên trong số những mẫu hình kết hợp này. Mẫu hình Nhấn chìm là một tín hiệu đảo chiều quan trọng với hai thân nến có màu đối nghịch nhau ghép thành. Hình 4.13 cho thấy một mẫu hình Nhấn chìm tăng (bullish engulfing). Thị trường đang trong một xu hướng giảm, sau đó một thân nến dài màu trắng nuốt trọn, hoặc nhấn chìm thân nến màu đen trước đó (tên mẫu hình xuất phát từ đây). Với lý do đó mà mẫu hình còn một tên khác là “nến Ôm”. (Có thể vào ngày Valentine, tôi sẽ gọi mẫu hình Nhấn chìm là mẫu hình Ôm). Mẫu hình này cho thấy lực mua đã áp đảo lực bán. Hình 4.14 minh họa một mẫu hình Nhấn chìm giảm (bearish engulfing). Ở đây, thị trường đang trong xu hướng tăng. Một thân nến màu trắng bị nhấn chìm bởi một thân nến dài màu đen là tín hiệu đảo chiều tại đỉnh. Điều này cho thấy lực cung đã áp đảo lực cầu. Có ba tiêu chí cho một mẫu hình Nhấn chìm: 1. Thị trường phải ở trong một xu hướng tăng rõ ràng (đối với mẫu hình Nhấn chìm giảm) hoặc giảm rõ ràng (đối với mẫu hình Nhấn chìm tăng), ngay cả khi xu hướng đó là ngắn hạn. 2. Hai cây nến cấu tạo thành mẫu hình Nhấn chìm. Thân nến thứ hai phải nhấn chìm thân nến trước đó (không cần nhấn chìm cả bóng nến). 3. Thân nến thứ hai của mẫu hình Nhấn chìm phải có màu đối nghịch với màu của thân nến đầu tiên. (Ngoại lệ cho quy tắc này là khi thân nến đầu tiên của mẫu hình Nhấn chìm là một nến Doji. Tức sau một xu hướng giảm kéo dài, một nến Doji bị nhấn chìm bởi một thân nến rất lớn màu trắng có thể là đảo chiều đáy. Trong một xu hướng tăng, nến Doji bọc bởi một thân nến màu đen rất dài có thể là mẫu hình đảo chiều tiêu cực). Mẫu hình kỹ thuật phương Tây tương đồng nhất với mẫu hình Nhấn chìm của nến Nhật là mẫu hình đảo chiều bên ngoài (outside reversal session). Theo phân tích kỹ thuật cổ điển của phương Tây, mẫu hình này xảy ra trong một xu hướng tăng (hoặc xu hướng giảm), một đỉnh giá mới (hoặc đáy mới) được tạo ra khi giá đóng cửa nằm dưới (hoặc nằm trên) so với giá đóng cửa của phiên trước. Một số yếu tố góp phần nâng cao khả năng báo hiệu điểm đảo chiều quan trọng của mẫu hình Nhấn chìm: 1. Ngày đầu tiên của mẫu hình Nhấn chìm có thân nến rất nhỏ (tức là nến Con quay) và ngày thứ hai có một thân nến rất dài. Thân nến rất nhỏ ban đầu phản ánh áp lực của xu hướng trước đã tiêu tan và thân nến rất lớn của nến sau chứng tỏ áp lực của chuyển động mới đang gia tăng. 2. Mẫu hình Nhấn chìm xuất hiện sau một đợt tăng giá kéo dài hoặc đợt tăng rất nhanh. Một nhịp tăng nhanh hoặc mạnh khiến thị trường rơi vào trạng thái quá mức (quá bán hoặc quá mua) và dễ xảy ra hiện tượng chốt lời. 3. Xuất hiện khối lượng lớn tại cây nến thứ hai của mẫu hình Nhấn chìm. Khối lượng giao dịch sẽ được thảo luận ở Phần 2. Một ứng dụng quan trọng của mẫu hình Nhấn chìm chính là dùng chúng làm ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự. Điều này được minh họa trong Hình 4.15 và 4.16. Trong Hình 4.15, tôi sử dụng mức giá cao nhất của hai cây nến tạo nên mẫu hình Nhấn chìm giảm. Mức giá cao nhất này trở thành kháng cự (dựa trên giá đóng cửa). Còn trong Hình 4.16, ý tưởng tương tự được áp dụng cho mẫu hình Nhấn chìm tăng. Như thế tức là mức giá thấp nhất của mẫu hình trở thành hỗ trợ. Kỹ thuật sử dụng mẫu hình Nhấn chìm làm kháng cự và hỗ trợ đặc biệt rất hữu ích khi thị trường đã đi quá xa khỏi các mức giá thấp (trong trường hợp mẫu hình Nhấn chìm tăng) hoặc các mức giá cao (trong trường hợp mẫu hình Nhấn chìm giảm) khiến ta khó cảm thấy thoải mái khi bán hoặc mua. Ví dụ, khi mẫu hình Nhấn chìm tăng đã hoàn thành (hãy nhớ là chúng ta phải đợi mức giá đóng cửa của phiên thứ hai trước khi biết đó có phải mẫu hình Nhấn chìm tăng hay không), giá có thể đã cách quá xa mức giá thấp nhất. Vì thế, tôi sẽ cảm thấy nó đã ra khỏi vùng giá mua hấp dẫn. Trong trường hợp ấy, chúng ta có thể đợi giá điều chỉnh về vùng hỗ trợ ở mức giá thấp của mẫu hình Nhấn chìm tăng rồi mới xem xét có vào vị thế mua hay không. Điều tương tự, nhưng ngược lại, cũng đúng với mẫu hình Nhấn chìm giảm. Trong Hình 4.17, chúng ta có thể thấy cây nến trắng đầu tiên sau sáu nến đen giảm giá xuất hiện vào đầu phiên giao dịch ngày 05 tháng 05. Cây nến trắng này hoàn thành mẫu hình Nhấn chìm tăng. Ta có thể dùng mức giá thấp nhất của mẫu hình Nhấn chìm tăng (mức giá đáy của hai cây nến tạo nên mẫu hình) làm hỗ trợ ở gần 56 đô la. Lucent tăng giá sau mẫu hình Nhấn chìm tăng này và chững lại khi xuất hiện mẫu hình Nhấn chìm giảm. Hãy để ý rằng mức giá cao của mẫu hình Nhấn chìm giảm trở thành kháng cự cho cây nến tiếp đó. Có một nhịp giảm sau mẫu hình Nhấn chìm giảm này, và nến Doji xuất hiện cho ta manh mối rằng cổ phiếu đang cố gắng cân bằng lại ở gần hỗ trợ tiềm năng tại mẫu hình Nhấn chìm tăng. Sau khi kiểm định hỗ trợ của mẫu hình Nhấn chìm tăng thành công, cổ phiếu tăng giá, lưỡng lự một vài cây nến ở kháng cự của mẫu hình Nhấn chìm giảm, sau đó tiếp tục tăng dọc theo đường hỗ trợ hướng lên. Hình 4.17: Lucent, Đồ thị 60 phút (Mẫu hình Nhấn chìm tăng) Ở Chương 1, tôi đã nói đến tầm quan trọng của thân nến, nhưng bóng nến mới là phần then chốt trong phân tích của bạn. Chúng ta hãy nhìn vào ví dụ minh họa yếu tố này trong Hình 4.18 (1). Một chuỗi bóng nến trên dài (hay còn được biết đến như là bóng nến tiêu cực) xuất hiện trong tuần từ ngày 02 đến ngày 16 tháng 11. Những bóng nến trên dài này gửi một tín hiệu tượng hình rất mạnh cho thấy thị trường đang từ chối vùng 1.1850. Nhịp giảm bắt đầu sau bộ nến thứ hai có bóng nến trên dài, và kết thúc với một nến Búa (nến có bóng nến dưới rất dài, đây là một ví dụ khác cho thấy tầm quan trọng của bóng nến). Vài ngày sau phiên xuất hiện nến Búa, cổ phiếu bị kéo ngược xuống bằng một nến đen thân dài (và phá vỡ một chút hỗ trợ của nến Búa). Phiên hôm sau, một nến trắng thân dài hoàn thành mẫu hình Nhấn chìm tăng. Nhịp tăng bắt đầu bằng mẫu hình Nhấn chìm tăng này kết thúc với nến Doji tại 1.1950. Hãy chú ý nến Doji này xác nhận vùng kháng cự hình thành bằng chuỗi bóng nến trên dài vào cuối Tháng 10 như thế nào. Biết mẫu hình Nhấn chìm tăng có thể trở thành hỗ trợ tiềm năng, chúng ta kỳ vọng mẫu hình Nhấn chìm tăng ngày 27 và 28 tháng 11 gần 1.1470 sẽ thành hỗ trợ. Cổ phiếu kiểm định thành công vùng này vào tuần ngày 11 tháng 01. Hình 4.18: Euro/Dollar, Đồ thị ngày (Mẫu hình Nhấn chìm tăng) Một đáy quan trọng của giá dầu thô xuất hiện với mẫu hình Nhấn chìm tăng rất kinh điển như trong Hình 4.19. Đây là một mẫu hình kinh điển bởi nến thứ nhất có một thân nến nhỏ màu đen (cho thấy phe bán đang mất dần vị thế) và cây nến thứ hai có thân nến rất dài, mở cửa ở mức giá thấp nhất phiên và đóng cửa gần mức giá cao nhất. Mẫu hình Nhấn chìm tăng này còn ý nghĩa ở chỗ thân nến trắng không chỉ nhấn chìm một thân nến đen mà cả ba thân nến đen. Bạn hãy ghi nhớ rằng dù điều này cho thấy rất rõ là phe mua đã lấy quyền kiểm soát hoàn toàn từ phe bán, nhưng nó không báo hiệu mức độ của nhịp tăng giá sau mẫu hình Nhấn chìm tăng. Nến Nhật là công cụ vô cùng đắc lực cho ta các tín hiệu đảo chiều sớm, song chúng không cung cấp mục tiêu giá. Vậy nên phân tích kỹ thuật theo phương Tây cũng rất quan trọng, vì chúng có thể được dùng để dự đoán mục tiêu giá. Chúng ta sẽ đi sâu vào điều này trong Phần 2. Hình 4.19: Dầu thô, Đồ thị tuần (Mẫu hình Nhấn chìm tăng) Trong Hình 4.20, một nhịp tăng bắt đầu ở vùng A, lưỡng lự vài phiên cuối Tháng 03 gần mức 43.50 đố la khi cho các nến có bóng trên dài và nến Doji. Sau đó, giá vượt vùng kháng cự kéo dài năm ngày, như người Nhật có câu “Bụi đã được thổi bay”. Đà tăng mạnh mẽ trở lại cho đến khi bị chặn lại bởi mẫu hình Nhấn chìm giảm vào ngày 13 và 14 tháng 04. Hãy để ý trong mẫu hình này, thân nến đen có kích thước rất lớn. Điều này nhấn mạnh phe bán đã cướp lấy quyền kiểm soát thị trường từ tay phe mua. Mẫu hình Nhấn chìm giảm được xác nhận trở thành kháng cự vài tuần sau đó với sự xuất hiện của một mẫu hình Nhấn chìm giảm khác. Nó thể hiện phe mua nhiều lần đẩy giá lên vùng 51.50 đô la nhưng lần nào cũng thất bại trong việc kiểm soát thị trường. Hình 4.20: Citibank, Đồ thị ngày (Mẫu hình Nhấn chìm giảm) Hãy quan sát hai mẫu hình Nhấn chìm giảm này và so sánh chúng với mẫu hình đảo chiều bên ngoài (outside reversal session của phương Tây. Trong mẫu hình đảo chiều bên ngoài của phương Tây (tôi sẽ tập trung vào phiên đảo chiều tại đỉnh), thị trường tạo đỉnh cao mới trong chuyển động giá và đóng cửa phiên hôm sau dưới mức đóng cửa của phiên hôm trước. Mẫu hình Nhấn chìm giảm đầu tiên nếu ở dạng đồ thị thanh cũng sẽ là mẫu hình đảo chiều bên ngoài của phương Tây truyền thống vì cổ phiếu tạo đỉnh mới trong chuyển động giá với đỉnh của cây nến đen rồi đóng cửa thấp hơn mức đóng cửa của phiên hôm trước. Giờ hãy nhìn vào mẫu hình Nhấn chìm giảm thứ hai vào cuối Tháng 04. Chú ý cây nến thứ hai trong mẫu hình Nhấn chìm giảm này thất bại trong việc tạo đỉnh mới (mức giá cao nhất là 51 đô la và mức giá cao nhất của phiên hôm trước là 51.75 đô la). Vì thế, nếu đây là đồ thị thanh truyền thống, giá sẽ không thể hiện tín hiệu đảo chiều thông qua mẫu hình đảo chiều bên ngoài (vì giá không tạo đỉnh cao mới). Nhưng với đồ thị nến Nhật, chỉ cần thân nến đen bọc quanh thân nến trắng là đã đủ hình thành mẫu hình Nhấn chìm giảm, như những gì xảy ra trong trường hợp này. Đây là một ví dụ tốt cho thấy sử dụng nến Nhật sẽ cung cấp lợi thế về định thời điểm so với những nhà giao dịch chỉ dùng phân tích đồ thị thanh truyền thống. Trong Hình 4.21, mẫu hình Nhấn chìm giảm ở đầu Tháng 07 khiến đà tăng trước đó mất đi sức mạnh. Mẫu hình Nhấn chìm giảm này trở thành kháng cự trong 1.5 tuần tiếp theo. Ngày 15 tháng 07, khi Cisco đóng cửa trên mức giá đỉnh của mẫu hình Nhấn chìm giảm này, cổ phiếu đã tạo một lần phá vỡ tăng giá (dù chỉ là nến Doji, nhưng việc nến đóng cửa ở mức đỉnh mới là một điều tích cực). Đối với những nhà giao dịch theo xu hướng (momentum), việc giá phá vỡ trên mẫu hình Nhấn chìm giảm có thể được xem là một tín hiệu cho nhịp tăng mới và thời điểm xem xét mua vào. Để xác nhận sự bứt phá thành công, tôi khuyến nghị đợi giá đóng cửa trên vùng kháng cự, chứ không chỉ bứt phá trong phiên. Một mẫu hình Nhấn chìm giảm khác được hình thành vào ngày 21 tháng 07 và trở thành kháng cự được kiểm định vào cuối Tháng 08. Hãy để ý khi giá tiệm cận vùng kháng cự của mẫu hình Nhấn chìm giảm, một chuỗi các nến thân nhỏ phản ánh sự lưỡng lự của nhà đầu tư. MẪU HÌNH MÂY ĐEN ĐAO PHỦ (DARK-CLOUD COVER PATTERN) Mẫu hình đảo chiều tiếp theo của chúng ta là mẫu hình Mây đen bao phủ (xem Hình 4.22). Nó là một mẫu hình hai nến cho tín hiệu đảo chiều vùng đỉnh sau một xu hướng tăng hoặc đôi khi là tại vùng đỉnh của một giai đoạn đi ngang. Cây nến đầu tiên của mẫu hình hai nến này có một thân nến màu trắng mạnh mẽ. Cây nến thứ hai mở cửa cao hơn mức giá cao nhất của phiên trước đó (nghĩa là trên đỉnh của bóng nến trên). Tuy nhiên, vào cuối phiên thứ hai, thị trường đóng cửa sâu vào thân nến màu trắng của phiên trước. Mức xâm lấn vào thân nến trắng càng nhiều thì càng có khả năng đây là đỉnh. Một số nhà phân tích kỹ thuật Nhật Bản yêu cầu thân nến màu đen xâm lấn hơn 50% thân nến màu trắng. Nếu cây nến màu đen không đóng cửa ở nửa dưới cây nến trắng, tốt nhất là chờ thêm xác nhận giảm sau mẫu hình Mây đen bao phủ. Trong vài trường hợp, nếu giá mở cửa chì nằm trên mức giá đóng cửa của phiên trước đó chứ không trên mức giá cao nhất của phiên trước, tôi vẫn sẽ xem đó là mẫu hình Mây đen bao phủ. Hình 4.22: Mẫu hình Mây đen bao phủ TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC MỨC DỪNG LỖ BẢO VỆ Một trong những khía cạnh khác rất đặc lực của phân tích kỹ thuật chính là việc nó có thể được dùng như một cơ chế quản trị tiên và rủi ro trong giao dịch. Xác định rủi ro có nghĩa là sử dụng các mức dừng lỗ bảo vệ chúng ta khỏi các chuyển động giá đi ngược kịch bản kỳ vọng. Một mức dừng lỗ nên được đặt ra ngay vào thời điểm thực hiện giao dịch ban đầu, vì đó là lúc chúng ta khách quan nhất. Chỉ giữ vị thế khi thị trường hành động theo kỳ vọng. Nếu hành động giá tiếp theo đi ngược hoặc thất bại trong việc xác nhận kỳ vọng của chúng ta, đó là lúc ta phải thoát khỏi vị thế. Nếu thị trường đi ngược vị thế đã chọn, bạn có thể nghĩ “Tại sao phải dừng lỗ? Đây chỉ là một chuyển động giá chống lại mình trong ngắn hạn thôi”. Và rồi bạn ương bướng giữ vị thế với hy vọng thị trường sẽ quay lại hướng của bạn. Hãy nhớ hai thực tế sau: 1. Tất cả các xu hướng dài hạn bắt đầu từ những chuyên động giá ngắn hạn. 2. Trong thị trường không có chỗ cho hy vọng. Thị trường đi theo cách riêng mà không mảy may quan tâm đến bạn hay vị thế của bạn. Thị trường không quan tâm bạn có đang năm giữ hay không. Điều tồi tệ hơn việc mình làm sai là biết mình sai mà mặc kệ. Mất quan điểm chứ đừng để mất tiền của bạn. Hãy tự hào mình có khả năng nhận biết sai lầm từ sớm. Đóng vị thế do chạm dừng lỗ tức là chấp nhận sai lầm. Con người ghét phải nhận sai vì nó dính đến tự tôn và uy tín của họ. Những nhà giao dịch tốt không kiên quyết giữ góc nhìn của mình. Nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett có hai quy tắc: 1. Bảo vệ vốn 2. Không quên quy tắc 1. Dừng lỗ đồng nghĩa với quy tắc 1. Bạn có nguồn lực hạn chế. Những nguồn lực này nên được tối đa hóa, hoặc ít nhất là được bảo tồn. Nếu bạn đang ở trong một thị trường đi ngược lại vị thế của mình, đã đến lúc thoát ra và tìm một cơ hội tốt hơn. Hãy nghĩ dừng lỗ như một chi phí kinh doanh. Vì rất nhiều thuật ngữ nến Nhật dựa trên thuật ngữ quân sự, chúng tôi cũng sẽ xem xét các điểm dừng lỗ trong bối cảnh này. Mỗi giao dịch bạn thực hiện là một trận chiến và bạn sẽ phải làm những gì mà ngay cả những vị tướng vĩ đại nhất phải làm thực hiện các cuộc rút lui theo chiến thuật, tạm thời. Mục tiêu chung là bảo tồn được đội quân và đạn dược. Còn đối với bạn là bảo vệ vốn và sự thanh thản. Đôi khi bạn phải thua một vài trận chiến để giành chiến thắng cả cuộc chiến. Người Nhật có câu: “Một cái móc câu bị mất để bắt một con cá hồi”. Nếu bạn dừng lỗ, hãy nghĩ về nó như mất một cái móc câu. Có thể bạn sẽ bắt được giải thưởng của mình với cái móc tiếp theo. Lý do đằng sau mẫu hình giảm giá này được giải thích khá rõ ràng. Vào phiên đầu tiên của mẫu hình Mây đen bao phủ, thị trường đang trong một xu hướng tăng với một cây nến trắng mạnh mẽ. Theo sau là một Khoảng trống tăng giá vào lúc mở cửa phiên tiếp theo. Tới lúc này, phe mua vẫn đang hoàn toàn kiểm soát giá. Nhưng bức tranh kỹ thuật đã thay đổi hoàn toàn vào ngày thứ hai của mẫu hình khi thị trường đóng cửa dưới mức giá đóng cửa của phiên trước và đóng sâu vào thân nến của ngày hôm trước, lấy lại gần như phần lớn mức tăng của phiên thứ nhất. Trong trường hợp như vậy, những nhà giao dịch giữ vị thế mua sẽ nghi ngờ về vị thế của mình. Những nhà giao dịch đang chờ bán khống bây giờ có một điểm tiêu chuẩn để đặt dừng lỗ: ở đỉnh giá mới của phiên thứ hai trong mẫu hình Mây đen bao phủ. Một số yếu tố gia tăng tầm quan trọng của mẫu hình Mây đen bao phủ bao gồm: 1. Mức độ xâm lấn của thân nến đen vào thân nến trắng trước càng lớn, khả năng tạo đỉnh càng cao (Nếu thân nến màu đen bao phủ toàn bộ thân nến màu trắng của ngày hôm trước, chúng ta sẽ thu được mẫu hình Nhấn chìm giảm chứ không phải mẫu hình Mây đen bao phủ). Hãy xem mẫu hình Mây đen bao phủ như nhật thực bán phần, che phủ một phần mặt trời (tức chỉ che phủ một phần thân nến trắng trước đó). Mẫu hình Nhấn chìm giảm có thể xem như nhật thực toàn phần, che hết toàn bộ mặt trời (tức che hết thân nến trắng). Do đó, mẫu hình Nhấn chìm giảm là một tín hiệu đảo chiều mạnh hơn. Nhưng nếu một thân nến trắng dài xuất hiện và đóng cửa trên mức giá cao nhất của mẫu hình Mây đen bao phủ hoặc mẫu hình Nhấn chìm giảm, nó có thể báo hiệu cho một đợt tăng giá mới bắt đầu. 2. Trong một xu hướng tăng kéo dài, nếu mẫu hình có một cây nến trắng dài mạnh mẽ mở cửa ở giá thấp nhất (nghĩa là không có bóng nến dưới), đóng cửa ở giá cao nhất (không có bóng nến trên), ngày hôm sau có thân nến dài màu đen mở cửa ở mức giá cao nhất, đóng cửa ở mức giá thấp nhất, tức nến này không có bóng nến trên và không có bóng nến dưới. 3. Nếu thân nến thứ hai (cây nến màu đen) của mẫu hình Mây đen bao phủ có giá mở cửa trên một mức kháng cự quan trọng và sau đó thất bại, nó sẽ chứng minh rằng phe mua đã không thể kiểm soát thị trường. 4. Nếu đầu phiên thứ hai có khối lượng giao dịch lớn, thì có thể đã xảy ra một đợt mua mạnh. Ví dụ, khi mở cửa, giá tạo đỉnh mới, đi kèm với khối lượng giao dịch lớn, điều này có thể mang nghĩa là nhiều người mua mới đã quyết định lên tàu. Sau đó, thị trường bị bán tháo. Và không mất quá lâu trước khi những người mua mới (và cả những người mua cũ đã đi theo xu hướng tăng) nhận ra con tàu họ nhảy lên là tàu Titanic. Đối với các nhà giao dịch Hợp đồng tương lai, Hợp đồng mở (Open Interest) có khối lượng rất cao có thể là một tín hiệu cảnh báo khác. Royal Mail Ship/Steamer (RMS) Titanic hay còn gọi là Steam Ship (SS) Titanic là một tàu vượt đại dương chở khách chạy bằng động cơ hơi nước đã đi vào lịch sử ngành hàng hải vì vụ tai nạn hàng hải đã xảy ra với nó cũng như những bí ẩn liên quan. Tên chính thức của nó là RMS Titanic (RMS là viết tất của Royal Mail Ship). Tàu bắt đầu được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912. Là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất lúc đó, Titanic mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của công ty sở hữu nó, hãng vận tải biển The White Star Line. Tuy nhiên, trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó vào tháng 4 năm 1912, Titanic đã đắm do đâm vào một tảng băng trôi, khiến hơn 1.500 người tử nạn. Vụ đắm tàu này đã đi vào lịch sử như là vụ tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình. Thảm họa Titanic đã là đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kì đồng thời dẫn đến các thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế. Titanic cũng trở thành bối cảnh và đề tài cho rất nhiều tác phẩm văn học, hội họa và điện ảnh. -Wikipedia Nếu mẫu hình Nhấn chìm giảm có thể trở thành kháng cự thì đỉnh giá cao nhất trong hai nến hình thành mẫu hình Mây đen bao phủ cũng có thể là kháng cự. Điều này được mô tả trong Hình 4.22. Hình 4.23: Intel, Đồ thị ngày (Mẫu hình Mây đen bao phủ) Hình 4.24: Wolverine Tube, Đồ thị ngày (Mẫu hình Mây đen bao phủ) Mẫu hình Mây đen bao phủ trong Hình 4.23 đã chặn đứng nhịp tăng. Qua ngày hôm sau, Intel đẩy giá lên và thất bại gần đỉnh của mẫu hình ở vùng 71 đô la. Một tuần và hai tuần sau đó, cổ phiếu tiếp tục chững lại khi tiệm cận mức 71 đô la. Hãy quan sát Intel rướn qua đường kháng cự này như thế nào vào ngày 20 tháng 01, nhưng thất bại trong việc đóng cửa trên kháng cự khiến kháng cự vẫn còn nguyên vẹn. Trong Hình 4.24, chúng ta thấy một nhịp tăng bắt đầu từ giữa Tháng 08. Vào ngày 22 tháng 08, cổ phiếu tạo Khoảng trống tăng giá và hình thành một nến Người treo cổ, nhưng phiên tiếp theo không xác nhận tín hiệu tiêu cực tiềm năng của nến vì giá đóng cửa vẫn nằm trên thân nến Người treo cổ. Cổ phiếu có lần đẩy giá cuối cùng bằng một Khoảng trống tăng giá lúc mở cửa vào ngày 28 tháng 08 ở 43.25 đô la. Vào lúc mở cửa, cổ phiếu nhìn hoàn toàn ổn từ góc độ của phe mua. Giá đóng cửa ở 40.62 đô la vào cuối phiên, hoàn thành mẫu hình Mây đen bao phủ vì cây nến đen giảm vào sâu trong thân nến trắng trước đó. Dù đây là một mẫu hình Mây đen bao phủ theo đúng định nghĩa, nhìn từ góc độ rủi ro/lợi nhuận, chúng ta có thể không có điểm giá tốt để bán. Lý do là vì mẫu hình Mây đen bao phủ được hoàn thành vào lúc phiên thứ hai của mẫu hình đóng cửa, và khi đó, giá đã xa mức cao nhất. Vậy nên chúng ta có thể dùng mẫu hình Mây đen bao phủ làm một mức kháng cự tiềm năng, đợi giá nảy lại gần mẫu hình Mây đen bao phủ để bán (giả định điều này xảy ra). Vào đầu Tháng 10, một nhịp tăng lên mức giá cao nhất của mẫu hình Mây đen bao phủ cho thấy tín hiệu giá cổ phiếu hết đà với một thân nến đen nhỏ và mức giá cao nhất của bốn phiên liên tục là như nhau ở 43.25 đô la. Nhịp giảm bắt đầu từ đầu Tháng 10 và kết thúc bằng một nến Búa xác nhận vùng hỗ trợ ở cuối Tháng 09. Hai mẫu hình Nhấn chìm tăng ở 1 và 2 trong Hình 4.25 nhấn mạnh độ vững chắc của hỗ trợ ở vùng 3250-3275. Nhịp tăng từ mẫu hình Nhấn chìm tăng thứ hai và lưỡng lự ở mẫu hình Mây đen bao phủ. Ngay sau mẫu hình này, một thân nến trắng xuyên thủng một chút kháng cự của mẫu hình Mây đen bao phủ (qua đường nằm ngang). Dù đó là một sự bứt phá không dứt khoát, nhưng giá đã đóng cửa ở trên kháng cự và là một tín hiệu tích cực. Hình 4.25: NASDAQ Composite, Đồ thị 60 phút (Mẫu hình Mây đen bao phủ) Hình 4.25 phản ánh tầm quan trọng của việc thích nghi với các điều kiện thị trường thay đổi. Cụ thể, lần phá vỡ lên trên kháng cự ở mẫu hình Mây đen bao phủ đầu tiên đã đẩy xu hướng lên cao hơn, nhưng phiên tiếp theo, thị trường đã chuyển từ tích cực sang thận trọng hơn. Tại sao lại vậy? Vì vào ngày sau phiên bứt phá, một nến đen đã hình thành và trở thành mẫu hình Mây đen bao phủ. Nến đen thứ hai này phản ánh phe mua đã thất bại trong việc giữ đỉnh giá mới. MẪU HÌNH XUYÊN THẤU (PIERCING PATTERN) Trong đa số các mẫu hình nến, với một mẫu hình tiêu cực chúng ta sẽ có một mẫu hình tích cực đối nghịch lại. Mẫu hình Mây đen bao phủ cũng không phải ngoại lệ. Ngược lại với một mẫu hình Mây đen bao phủ là mẫu hình Xuyên thấu (xem Hình 4.26). Mẫu hình này bao gồm hai cây nến, xuất hiện trong một thị trường giảm. Đầu tiên là một cây nến màu đen và thứ hai là một cây nến trắng dài. Phiên nến trắng mở cửa thấp hơn, lý tưởng nhất là dưới mức thấp nhất của cây nến màu đen trước đó. Sau đó giá bật lên cao hơn xuyên thấu phần lớn thân nến màu đen. Mẫu hình Xuyên thấu gần giống với mẫu hình Nhấn chìm tăng. Trong mẫu hình Nhấn chìm tăng, thân nến màu trắng nhấn chìm toàn bộ thân nến đen. Còn với mẫu hình Xuyên thấu, thân nến màu trắng chỉ xuyên qua thân nến màu đen ở trước chứ không bao phủ hoàn toàn. Trong mẫu hình Xuyên thấu, mức độ xuyên vào thân nến đen càng lớn thì khả năng đảo chiều ở đáy xảy ra càng cao. Một mẫu hình Xuyên thấu lý tưởng sẽ có thân nến trắng xuyên cao hơn một nửa vào thân nến đen của phiên trước. Tâm lý đằng sau mẫu hình Xuyên thấu như sau: Thị trường đang trong xu hướng giảm. Thần nến màu đen tiêu cực cùng cố quan điểm này. Ngày hôm sau thị trường mở cửa tạo một Khoảng trống giảm giá thấp hơn. Phe bán đang nhìn thị trường với một sự hài lòng. Sau đó, thị trường tăng mạnh lên vào cuối phiên, khiến giá đóng cửa không chỉ ngang với mức giá đóng cửa của ngày hôm trước mà còn vượt mạnh lên trên mức đó. Phe bán sẽ bị dao động với vị thế của mình. Những ai đang muốn mua có thể nói rằng mức đáy mới đã không thể giữ vững và xem đây là cơ hội để mua. Tín hiệu của mẫu hình Xuyên thấu sẽ gia tăng tầm quan trọng dựa trên các yếu tố từ 1 đến 4 tương tự với của mẫu hình Mây đen bao phủ, nhưng ngược lại. (Xem lại phần trước). Trong mẫu hình Mây đen bao phủ, chúng ta muốn nhìn thấy thân nến màu đen đóng cửa bao phủ hơn một nửa thân nến trắng trước đó. Nhưng quy tắc này có thể linh hoạt. Còn với mẫu hình Xuyên thấu lại có ít tính linh hoạt hơn. Cây nến trắng của mẫu hình Xuyên thấu nên đẩy giá lên nhiều hơn một nửa thân nến đen liền trước. Lý do cho sự chặt chẽ này với mẫu hình Xuyên thấu tích cực so với mẫu hình Mây đen bao phủ tiêu cực đó là bởi trong thực tế, người Nhật có ba mẫu hình khác được gọi là Dưới viền cổ (on-neck), Tại viền cổ (in-neck) và Vượt viền cổ (thrusting) (xem các Hình từ 4.27 đến 4.29). Chúng có hình dạng cơ bản giống với mẫu hình Xuyên thấu. Điểm khác biệt giữa các mẫu hình này là ở mức độ xuyên thấu của nến trắng vào thân nến đen. Nến trắng của mẫu hình Dưới viền cổ (thường là một nến nhỏ) đóng cửa gần mức giá thấp nhất của phiên hôm trước. Nến trắng của mẫu hình Tại viền cổ đóng cửa vào thân nến trước đó một chút (cũng nên là một nến trắng nhỏ). Mẫu hình Vượt viền cổ lại có nến trắng dài hơn, tức tín hiệu mạnh hơn mẫu hình Tại viền cổ nhưng giá không đóng cửa ở phần nửa trên của thân nến màu đen trước đó. Chúng ta không cần nhớ các mẫu hình riêng lẻ trong các Hình từ 4.27 đến 4.29. Chỉ cần nhớ rằng cây nến trắng đẩy giá lên cao hơn một nửa thân nến đen sẽ cung cấp một tín hiệu đảo chiều đáy tiềm năng hơn. Một chuỗi bóng nến dưới dài trong Hình 4.30 ở vùng 1 và 2 cho thấy hỗ trợ tiềm năng ở gần 56 đô la. Tuy nhiên, vào ngày 08 tháng 09, Dayton Hudson liên tục đâm thủng hỗ trợ này khi mở cửa ở gần 54 đô la. Phe bán đã tưởng rằng họ đã giành quyền kiểm soát, nhưng không. Vào cuối ngày 08 tháng 09, phe mua đã đẩy giá cổ phiếu lên vượt xa mức giá đóng cửa của phiên hôm trước. Các nến ngày 07 và 08 tháng 09 hình thành mẫu hình Xuyên thấu. Một tuần sau mẫu hình Xuyên thấu, nến Búa ngày 16 tháng 09 củng cố hỗ trợ của mẫu hình ở gần 54 đô la. Một tuần sau nến Búa, một chuỗi bóng nến dưới lại càng củng cố tín hiệu. Hình 4.30: Dayton-Houdson, Đồ thị ngày (Mẫu hình Xuyên thấu) Nhịp tăng bắt đầu từ mẫu hình Nhấn chìm tăng vào giữa Tháng 03 trong Hình 4.31 cho thấy manh nha những vấn đề với nến Con quay ngày 24 tháng 03 gần 59 đô la. Việc giá đóng cửa trên 59 đô la vào ngày 03 tháng 04 cùng với một nến trắng thân dài đã đưa người mua trở lại nắm kiểm soát, ít nhất là được phiên tiếp theo. Vào phiên ngày 04 tháng 04, cổ phiếu hình thành một biến thể của mẫu hình Mây đen bao phủ. Nói như vậy là vì theo lý thuyết, mẫu hình này nên có giá mở cửa của phiên thứ hai cao hơn mức giá cao nhất của phiên trước đó. Trong trường hợp này, giá mở cửa chỉ nằm trên giá đóng cửa ngày hôm trước. Tuy nhiên, nến đen vào ngày 04 tháng 04 kéo quá sâu vào thân nến trắng, nó tăng khả năng của mẫu hình này hiệu quả hơn một mẫu hình Mây đen bao phủ truyền thống. Hình 4.31: American General, Đồ thị ngày (Mẫu hình Xuyên thấu) Mẫu hình Xuyên thấu vào ngày 17 và 18 tháng 04 báo hiệu một nhịp tăng. Nhịp tăng từ mẫu hình này tiếp tục cho đến khi mẫu hình Mây đen bao phủ xuất hiện vào ngày 24 và 25 tháng 04. Mẫu hình Mây đen bao phủ thứ hai cũng có thể xem một biến thể của mẫu hình Mây đen bao phủ cổ điển. Vì sao? Vì thân nến đen không xuống hơn một nửa thân nến trắng. Một lần nữa, dù đây không phải là mẫu hình Mây đen bao phủ cổ điển, nhưng có hai yếu tố khiến tôi tin nó cũng tiêu cực như mẫu hình Mây đen bao phủ cổ điển là: (1) nến đen vào ngày 25 tháng 04 mở cửa rất cao so với mức cao nhất của ngày hôm trước và đóng cửa dưới giá đóng cửa của ngày hôm trước, (2) mẫu hình cho thấy sự thất bại, nên xác nhận kháng cự của mẫu hình Mây đen bao phủ đầu Tháng 04. Đồ thị này nhấn mạnh một điều: chúng ta phải xem xét một mẫu hình nến không lý tưởng bằng (1) cách nó hình thành như thế nào và (2) bức tranh tổng thể của thị trường ra sao. Hai yếu tố này sẽ giúp ta xác định liệu mẫu hình không quá hoàn hảo có thể cho các tín hiệu như mẫu hình nến rõ ràng và kinh điển hơn hay không. Chính sự chủ quan này là điểm khiến nhận diện mẫu hình nến bằng thuật toán máy tính gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, hai mẫu hình Mây đen bao phủ bàn luận trong hình vừa rồi không đáp ứng định nghĩa kinh điển của mẫu hình Mây đen bao phủ, nhưng tôi xem chúng là Mây đen bao phủ vì vị trí và cách chúng hình thành như đã nói ở đoạn trước. Hình 4.32: International Business Machines, Đồ thị 15 phút (Mẫu hình Vượt viền cổ) Với mẫu hình Xuyên thấu không xuyên sâu vào nến đen trước đó, tôi thường khuyến nghị đợi xác nhận với phiên sau khi nến trắng đóng cửa ở mức giá cao hơn. Trong Hình 4.32, gần trưa ngày 31 tháng 03, một nến trắng xuyên vào nến đen. Nó không đóng cửa cao hơn nửa cây nến đen, nên đây không phải là mẫu hình Xuyên thấu mà là mẫu hình Vượt viền cổ (thrusting pattern). Ở phiên sau mẫu hình Vượt viền cổ, giá đóng cửa cao hơn giúp củng cố đây có thể là tín hiệu tạo đáy. Về cuối phiên ngày 31 tháng 03, một mẫu hình Vượt viền cổ khác lại hình thành gần 117 đô la. Bình thường, với mẫu hình Vượt viền cổ (như đã thấy ở đầu ngày), chúng ta nên đợi xác nhận tín hiệu tích cực. Nhưng với mẫu hình Vượt viền cổ thứ hai này lại khác, nó đã xác nhận vùng giá hỗ trợ trước đó nên chúng ta sẽ cần ít xác nhận tích cực hơn (tức là ta cần ít lý do để đợi cây nến kế tiếp đóng cửa cao hơn). Vì thế, với những nhà giao dịch chủ động theo xu hướng, giá đóng cửa của nến trắng trong mẫu hình Vượt viền cổ có thể được dùng làm cơ hội mua. Tín hiệu thoát vị thế xuất hiện với mẫu hình Nhấn chìm giảm vào đầu buổi sáng hôm sau. 1. Bóng nến được nghiên cứu chi tiết hơn trong cuốn sách Beyond Candlesticks (Newyork: John Wiley, 1994). Chương 5: CÁC MẪU HÌNH SAO Cẩn tắc vô áy náy. Một nhóm các mẫu hình đảo chiều hấp dẫn là các mẫu hình Sao. Nến Sao là một nến có thân nhỏ (trắng hoặc đen) tạo Khoảng trống (gap) khỏi thân nến lớn trước nó (xem Hình 5.1). Nói cách khác, thân nến Sao có thể nằm trong bóng nến trên của phiên trước đó miễn là các thân nến không trùng lấp vào nhau (có vài ngoại lệ cho quy tắc này, tôi sẽ bàn đến ở phần sau). Nếu nến Sao là một Doji thay vì có thân nến nhỏ, nó được gọi là một nến Sao Doji (xem Hình 5.2). Nến Sao, đặc biệt là nến Sao Doji cảnh báo rằng xu hướng trước đó có thể đang kết thúc. Thân nến nhỏ của nến Sao thể hiện sự giằng co bất phân thắng bại giữa phe mua và bán. Trong một xu hướng tăng mạnh, rõ ràng phe mua đang thắng thế. Nhưng khi có sự xuất hiện của một nến Sao trong bối cảnh này, ta sẽ thu được tín hiệu chuyển dịch, trước đó bên mua đang kiểm soát nhưng bây giờ lại đang có sự bế tắc giữa lực bán và mua. Sự bế tắc này xảy ra có thể là do lực mua suy yếu hoặc lực bán gia tăng. Dù bằng cách nào chăng nữa, nến Sao cho chúng ta biết sức mạnh của xu hướng tăng trước đó có phần bị kìm hãm. Điều này có nghĩa thị trường đang ở giai đoạn nhạy cảm, dễ điều chỉnh. Điều tương tự nhưng ngược lại được áp dụng đối với một nến Sao trong xu hướng giảm (đôi khi nến Sao trong xu hướng giảm còn được gọi là giọt nước mưa). Nhìn vào, ta có thể thấy cây nến đen dài trong một xu hướng giảm phản ánh phe bán đang kiểm soát giá. Nhưng sự xuất hiện của nến Sao báo hiệu thay đổi, cho chúng ta thấy phe bán và phe mua đã về trạng thái cân bằng hơn. Nói cách khác, áp lực giảm đã “nguội” đi phần nào. Điều này không phải là một tín hiệu thuận lợi cho thị trường tiếp tục đà giảm. Nến Sao là một phần hình thành nên bốn mẫu hình đảo chiều bao gồm: 1. Sao Mai (Morning stars) 2. Sao Hôm (Evening stars) 3. Sao Doji (Doji stars) 4. Sao Băng (Shooting stars) MẪU HÌNH SAO MAI (MORNING STARS) Mẫu hình Sao Mai (xem Hình 5.3) là mẫu hình đảo chiều đáy. Mẫu hình này có tên như vậy là vì tương tự như Sao Mai (biệt danh của Sao Kim) báo trước mặt trời mọc, nó báo trước giá sẽ lên cao hơn. Có ba cây nến tạo nên mẫu hình này: Hình 5.2: Sao Mai • Nến 1: Một thân nến đen dài, hình ảnh cho ta thấy phe bán đang chiếm thế thượng phong. • Nến 2: Một thân nến nhỏ không chạm vào thân nến trước đó (hai nến này hình thành mẫu hình Sao cơ bản). Thân nến nhỏ thể hiện người bán đang đánh mất khả năng đẩy giá xuống thấp hơn. • Nến 3: Nến mang tính kết luận cho mẫu hình Sao Mai là một thân nến dài màu trắng xuyên sâu vào thân nến màu đen đầu tiên. Điều này là một tín hiệu cho thấy phe mua đã chiếm lấy quyền kiểm soát. Sao Kim là hành tinh phía trong tính từ Trái Đất, nó không bao giờ xuất hiện trên bầu trời mà quá xa Mặt Trời: góc ly giác đạt cực đại bằng 47,8°. Sao Kim đạt độ sáng lớn nhất ngay sát thời điểm hoàng hôn hoặc bình minh, do vậy mà dân gian còn gọi là Sao Hôm, khi hành tinh này mọc lên lúc hoàng hôn, và Sao Mai, khi hành tinh này mọc lên lúc bình minh. -Wikipedia Mức giá thấp nhất của ba nến hình thành mẫu hình này có thể dùng làm ngưỡng hỗ trợ, như đường nét đứt ở Hình 5.3. Một mẫu hình Sao Mai lý tưởng sẽ có Khoảng trống giữa thân nến thứ hai và thứ ba. Theo kinh nghiệm của tôi, thiếu Khoảng trống này cũng không khiến sức mạnh của mẫu hình này yếu đi. Yếu tố quyết định nằm ở chỗ nến thứ hai nên là một nến Con quay và cây nến thứ ba xuyên sâu vào nến đen. Hình 5.4 là một ví dụ của điều này. Vào cuối Tháng 07 đầu Tháng 08, ta thấy ba nến thỏa mãn điều kiện cần của một mẫu hình Sao Mai: một nến đen dài, một thân nến nhỏ và một nến trắng dài. Tất nhiên, mẫu hình này phải xuất hiện sau một nhịp giảm. Một yếu tố khiến mẫu hình này không phải mẫu hình Sao Mai lý tưởng là thân nến thứ ba bọc quanh nến thứ hai. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của tôi, dù nến thứ hai và nến thứ ba trùng lắp nhau, độ hiệu quả của mẫu hình cũng không giảm sút. Trên thực tế, nến thứ hai và thứ ba của mẫu hình Sao Mai tạo mẫu hình Nhấn chìm tăng. Hình 5.4: Lúa mì, Tiếp diễn theo đồ thị tuần Tuần (Sao Mai) Đồ thị này cũng là một ví dụ thể hiện đồ thị nến thường cho các tín hiệu đảo chiều trước khi các tín hiệu truyền thống xuất hiện trên đồ thị thanh. Một kênh giá giảm bắt đầu từ Tháng 02 duy trì sức mạnh đến quý 03 năm này. Giá đóng cửa trên đỉnh của kênh giá giảm là tín hiệu phương Tây truyền thống cho thấy xu hướng giảm đã bị phá vỡ. Bằng cách sử dụng ánh sáng từ các cây nến (ở đây là mẫu hình Sao Mai), chúng ta có được một báo hiệu đảo chiều nhiều phiên trước khi giá bứt phá khỏi kênh giá giảm. Giới hạn của mẫu hình Sao Mai nằm ở việc mẫu hình này có ba nến, nên ta phải đợi giá đóng cửa của nến thứ ba để hoàn thành mẫu hình. Thường thì nếu cây nến thứ ba là một nến trắng dài, chúng ta sẽ chỉ thu được tín hiệu sau khi thị trường đã bật mạnh. Nói cách khác, việc mẫu hình Sao Mai hoàn thành có thể không cho ta một cơ hội giao dịch với mức rủi ro/lợi nhuận hấp dẫn. Ta có thể chọn việc đợi giá điều chỉnh về vùng hỗ trợ của mẫu hình Sao Mai để bước vào vị thế mua một phần. Như trong Hình 5.5, mẫu hình Sao Mai xuất hiện đầu Tháng 02. Nếu nhà giao dịch mua khi mẫu hình hoàn thành gần 74 đô la, ngày hôm sau, anh ta sẽ phải chịu lỗ. Bằng cách đợi giá điều chỉnh về vùng giá thấp của mẫu hình Sao Mai (về 65.60 đô la) trước khi mua, nhà giao dịch sẽ giảm rủi ro của mình vì mức cắt lỗ nằm ở mức giá thấp nhất của mẫu hình Sao Mai. Khi cổ phiếu đi lên, giá bám vào một đường hỗ trợ hướng lên. (Đường xu hướng sẽ là chủ đề chính của Chương 11). Hình 5.5: Merrill Lynch, đồ thị ngày (Sao Mai) Thị trường ngoại hối (Forex, FX, hoặc thị trường tiền tệ) là một thị trường phi tập trung toàn cầu cho việc trao đổi các loại tiền tệ. Những người tham gia chính trong thị trường này là các ngân hàng quốc tế lớn. Các trung tâm tài chính khắp thế giới giữ chức năng như các neo của trao đổi giữa một loạt các loại người mua và người bán khác nhau suốt ngày đêm, ngoại trừ những ngày cuối tuần. Chỉ số giá hàng hóa là một chỉ số gia quyền cố định hoặc trung bình (gia quyền) của các giá cả hàng hóa có lựa chọn, có thể được dựa trên giá cả giao ngay hoặc giá cả tương lai. Các thành phần trong chỉ số giá hàng hóa có thể được nhóm lại thành các loại sau: • Năng lượng như than, dầu thô, rượu cồn, dầu khí, xăng, dầu sưởi, khí thiên nhiên, Prô-pan) • Kim loại - Kim loại cơ bản (như chì, kẽm, niken, đồng) """