"
Tuyển Tập Kịch Nguyễn Huy Thiệp - Nguyễn Huy Thiệp full mobi pdf epub azw3 [Sân Khấu]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuyển Tập Kịch Nguyễn Huy Thiệp - Nguyễn Huy Thiệp full mobi pdf epub azw3 [Sân Khấu]
Ebooks
Nhóm Zalo
BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI THƯ VIỆN KHTH TP.HCM
Nguyễn Huy Thiệp, 1950-
Tuyển tập kịch Nguyễn Huy Thiệp. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2012.
290 tr. ; 20 cm.
Nội dung : Hoa sen nở ngày 29 tháng 4 -- Còn lại tình yêu -- Cái chết được che đậy -- Nhà ôsin
1. Kịch Việt Nam -- Thế kỷ 21. 2. Văn học Việt Nam -- Thế kỷ 21.
1. Vietnamese drama -- 21st century. 2. Vietnamese literature -- 21st century.
895.92224 -- dc 22
N573-T43
Hoa Sen nở ngày 29 tháng 4
NHÂN VẬT
Sư Huệ
Ông Kiệm
Phượng
Quân
Ông Nhân
Ông Lương (tên trộm)
Viên đại diện và những người đi theo.
Chuyện kịch xảy ra trong một ngôi chùa nhỏ ở nông thôn Việt Nam.
6
LỚP MỘT
ĐẦU THAI
Sư Huệ đang tụng kinh Ma ha bát nhã Ba la mật (Maha Prajna pramita). Sư Huệ là hòa thượng trụ trì ngôi chùa này. Ông Kiệm vào. Ông là người giúp việc cho hòa thượng.
Ông Kiệm: Bạch thầy! Thầy dậy sớm thế! Con đã pha trà... Mời thầy nghỉ.
Sư Huệ: Cám ơn bõ... (Đứng dậy) Bõ bảo tôi dậy sớm. Thế bõ cũng dậy sớm đấy thôi.
Ông Kiệm: Bạch thầy! Con không ngủ được... Bây giờ đã đến tuổi già, gần đất xa trời, cứ nhìn thấy thời gian trôi mà sợ.
Sư Huệ: Thế bõ sợ cái gì? Sợ cái chết chăng?
Ông Kiệm: Bạch thầy! Con không biết con sợ gì... Chỉ thấy xung quanh mình tất cả đều trôi đi, tất cả đều biến đổi, đều mất hút vào đâu đó... Rồi tất cả không phải thế này nữa... Thế là con sợ.
7
Sư Huệ: Phải... Cảm giác rất đúng.
Ông Kiệm: Không phải sợ chết. Chết có gì mà sợ? Biến đổi mới sợ, cảm giác mất đi, bị hủy diệt trong từng giây khắc...
Sư Huệ: Ta hiểu... Ta hiểu... Bõ mới nhìn thấy một phía ý nghĩa của sự biến dịch, nên bõ sợ. Còn một phía ý nghĩa khác nữa. Khi mất đi, cũng có thể sự vật sẽ nảy sinh điều gì đấy. Cần phải có cách nhìn toàn bộ, toàn diện đối với sự biến dịch...
Ông Kiệm: Bạch thầy! Con không hiểu điều thầy nói.
Sư Huệ: Hiểu làm gì? Ta cũng tăm tối... Cũng vô minh như bõ thôi. Hôm nay là ngày mấy?
Ông Kiệm: Hôm nay là ngày 29 tháng 4 lịch Tây.
Sư Huệ: Thế là ngày 19 tháng 3 âm lịch. Hôm nay là ngày tốt đây. Hôm nay là ngày Hoàng đạo, sao Lâu(*), chủ về hưng thịnh, may mắn, tốt đẹp. Hôm nay sẽ có nắng đấy bõ ạ.
Ông Kiệm: Có nắng thì tốt quá... Con muốn cuốc cho xong mảnh vườn để kịp gieo đỗ... Bạch thầy, ấm trà nụ vối đã ngấm rồi đấy, thầy uống đi cho nóng.
Sư Huệ: Được rồi... Bõ ngồi xuống đây uống trà với ta... Hôm nay là ngày sinh nhật ta đấy, bõ ạ.
* Sao Lâu: một trong 28 sao (nhị thập bát tú) để xem ngày.
8
Ông Kiệm: Thế ạ? Nếu thế để con ra chợ sắm sanh vài thứ về làm bữa cỗ chay mừng thầy. Để con báo cho mọi người đến dự...
Sư Huệ: Thôi. Thôi... Bày vẽ làm gì. Mọi người ai cũng bận. Ta không muốn làm phiền lụy mọi người.
Ông Kiệm: Bạch thầy? Sao thầy nói thế? Thầy không biết rõ giá trị tinh thần nơi thầy. Nó có ý nghĩa nâng đỡ nào đó đối với chúng con. Kỷ niệm ngày sinh của thầy là điều cũng nên làm chứ?
Sư Huệ: Ta chịu bõ! Bõ cũng lý sự lắm... Thôi cứ tùy tiện... Nhưng như thế nghĩa là bõ, nghĩa là mọi người cũng lại đặt lên ta một trách nhiệm, một gánh nặng...
Ông Kiệm: Bạch thầy! Biết làm sao được... Nhưng ở đây, chốn hoang vu mọi rợ này, nếu không có thầy, không có ngôi chùa này, không có tôn giáo... Con không hình dung nổi nó sẽ thế nào...
Sư Huệ: Bõ lo xa đấy thôi. Không có ta cũng chẳng sao đâu. Nó sẽ không phải như thế này nữa, có thế thôi. Nó thế khác, nó vẫn có giá trị riêng của nó.
Ông Kiệm: Phải... Phải, nhưng nó xấu đi nhiều. Sư Huệ: Bõ lại bi quan rồi...
Ông Kiệm: Không phải đâu. Con đã sống gần hết cuộc đời, con biết. Gì thì gì, con cũng 60 tuổi rồi, con biết, không có đạo cơ cực lắm. Thầy còn lạ gì đời con, con
9
đã từng đi ở, đi buôn, đã từng ăn cắp, cướp của, vào tù... Người đời có gì thì con có nấy, tốt cũng có, xấu cũng có... Rốt cuộc con vẫn phải tìm đến nương nhờ cửa Phật.
Sư Huệ: Xét về khía cạnh nào đấy, đạo cũng chỉ là văn hóa thôi. Văn hóa cho toàn bộ đời sống.
Ông Kiệm: Con không biết... Nhưng trước hết là được an lòng... Con đi tìm sự an tâm nơi thầy.
Sư Huệ: Mô Phật! Chính ta cũng không biết ta có an tâm không... Bây giờ là mấy giờ rồi, hả bõ?
Ông Kiệm: Bạch thầy! Bây giờ là khoảng 2 giờ sáng!
Sư Huệ: Kìa! Sao bức tượng Phật Thích Ca trên bàn thờ lại rung động thế kia?
Ông Kiệm (dụi mắt): Bạch thầy! Thầy bảo pho tượng nào? Con chẳng thấy gì hết?
Sư Huệ: Đấy! Ngài bước đi kìa! Nam mô A di đà Phật!
Ông Kiệm (đến gần bàn thờ): Đâu? Tượng nào? Tất cả vẫn nguyên vẹn cả? Thầy bảo tượng nào? Tất cả vẫn nguyên vẹn cả? Thầy bảo tượng nào?
Sư Huệ: Đấy! Pho tượng Thích Ca một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất đấy! “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn.” Pho tượng ấy đấy!
Ông Kiệm: Thầy nói thế nào ấy chứ? Pho tượng vẫn nguyên một chỗ đấy mà?
10
Sư Huệ: Bõ nhìn xem! Mô Phật! Ngài giáng đấy... (vội vã quỳ lạy. Một ánh hào quang bay lên) Nam mô A di đà Phật! Nam mô A di đà Phật!
Ông Kiệm (sững sờ): Bạch thầy! Thầy nói thế nào chứ? Pho tượng ấy vẫn nguyên vẹn như cũ đây mà! (đỡ Sư Huệ dậy) Bạch thầy! Bạch thầy! Thầy không sao chứ?
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật! Không sao! Không sao! Thế là Ngài đã giáng... Ánh sáng đi về phía Đông... (chỉ tay) Có phải phía này là đằng chợ Bến không?
Ông Kiệm: Bạch thầy! Con chẳng trông thấy gì... Con chẳng nghe thấy gì... Bạch thầy! Bạch thầy! Thầy có lầm không?
Sư Huệ: Không! Ta không lầm! Có thể bõ không nhìn thấy... Ta xin lỗi, có thể vì đẳng cấp tu hành của bõ, vì trình độ trí huệ của bõ... Bõ không nhận ra... Điều ấy không sao... Thế bõ vừa rồi có thấy cảm giác gì không?
Ông Kiệm: Dạ có... con thấy hơi ớn lạnh... Thấy sờ sợ...
Sư Huệ: Đấy! Đấy chính là thời khắc ánh quang vụt hiện. Kinh “Diệu pháp liên hoa” nói “Nhân duyên xuất thế” là thế đấy.
Ông Kiệm: Mô Phật!
Sư Huệ: Bõ không tin... Bõ không tin chứ gì? Ông Kiệm: Dạ không... Con tin chứ.
11
Sư Huệ: Ta thấy có thoáng hoài nghi trong cử chỉ chớp mắt của bõ... Ta dối bõ làm gì? Ta bày đặt ra làm gì... Nhưng không sao... Hoài nghi cũng tốt.
Ông Kiệm: Không... Không... Thầy đừng nói thế. Con nghĩ rất có thể có điều gì đó huyền bí xảy ra mà con không có nhân duyên biết được... Thầy đừng hiểu nhầm con, tội nghiệp.
Sư Huệ: Thôi được... (chỉ tay) Có phải đây là hướng Đông, phía chợ Bến không?
Ông Kiệm: Dạ phải...
Sư Huệ: Thế này nhé... Bây giờ bõ đi theo hướng này về phía chợ Bến, bõ thử xem có nhà nào mới sinh trẻ con vào khoảng giờ vừa rồi không? Ta muốn biết... Rồi còn ta, còn bõ, ta với bõ thử ngầm dõi theo số phận đứa bé ấy xem.
Ông Kiệm: Dạ... Để con đi ngay.
Sư Huệ: Bõ mặc thêm cái áo vào. Ra ngoài trời lạnh đấy. Ông Kiệm: Con biết rồi... Thầy khỏi lo cho con... Ông Kiệm vào.
12
LỚP HAI
ĐẠO CHÍCH
Sư Huệ: A di đà Phật... Bõ già nói đúng... Xung quanh mình tất cả đều trôi đi, đều biến đổi, đều mất hút vào đâu đó. Những hốc đen... Những bước hụt. Chính ta, ta cũng đã từng sợ... Lại những hốc đen... Những bước hụt (có tiếng đổ vỡ sau bàn thờ)... Này, ai đấy? Ai? Có ai trốn trong đấy phải không... Ai đấy? Đi ra đi? Sao lại trốn thế? Ai muốn trộm đồ thờ phải không... Có phải trộm không? Ra ngay đi... Ra ngay... Ta trông thấy rồi!
Tên trộm ra, khăn bịt mặt, cầm dao.
Tên trộm: Im ngay! Thằng sư trọc! Mày mà kêu lên là tao đâm chết... Đi lại đằng kia... Đi sát tường... (vung dao) Hễ kêu lên là tao đâm chết!
Sư Huệ (xua tay): Được rồi... Được rồi... Hãy bình tâm nào... Hãy bình tâm đi... Ta không kêu đâu... Để ta lấy tiền cho ngươi. Ngươi hãy bình tâm lại đã... Không ai làm hại ngươi đâu... Ở đây không có ai cả...
13
Tên trộm: Đi lại gần tường... Kêu lên là tao đâm chết.
Sư Huệ: Bỏ dao xuống... Nam mô A di đà Phật... Ta nợ tiền ngươi, ta không nợ sinh mạng với ngươi... Ngươi đến chỗ bàn kia, ở đấy có cái tráp đen... Có 5 triệu đồng ở trong ấy đấy, ngươi lấy cả đi!
Tên trộm: Mày mà dối tao là tao đâm chết (lùi đến chỗ bàn, mở tráp ra)... Đúng! Chỉ có 5 triệu thôi à?
Sư Huệ: Phải! Tất cả tiền của nhà chùa ở đấy, tiền để sửa lại tam quan...
Tên trộm (cười): Cứ để tam quan đấy đã... Để tao vay tạm (cho tráp vào tay nải)... Tao sẽ lấy thêm một pho tượng nữa...
Sư Huệ: Hãy lấy pho tượng Thích Ca kia kìa... Pho tượng nhỏ ấy... Pho tượng “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” ấy.
Tên trộm: Không! Tao muốn lấy pho tượng quý, bán được nhiều tiền...
Sư Huệ: Ở đây chỉ có pho tượng ấy là quý, là bán được... lấy tượng khác phải tội đấy.
Tên trộm: Mày lừa tao... (đến cầm pho tượng Thích Ca lên xem) Pho tượng này mà quý à?
Sư Huệ: Ta lừa ngươi làm gì... Ngươi mang bán pho tượng ấy cho hàng đồ cổ có thể được 5 triệu đồng mà
14
không phải tội... Những pho tượng khác không bán được đâu... Không ai dám mua đâu...
Tên trộm: Thôi được! Mày mà lừa tao thì mày phải chết... Tao sẽ trở lại... Mày không lừa tao đấy chứ? Pho tượng này bán được 5 triệu đồng à?
Sư Huệ: Bán được 5 triệu.
Tên trộm: Mày thề đi.
Sư Huệ: Người tu hành không thề.
Tên trộm: Sao mày bảo pho tượng này bán không phải tội. Thế là thế nào?
Sư Huệ: Ngươi không hiểu được đâu.
Tên trộm: Thôi được. Tao sẽ nghe mày (cho tượng vào tay nải). Nếu tao không bán được 5 triệu đồng tao sẽ quay lại giết mày.
Sư Huệ: Ta đã nói rồi... Ta nợ tiền ngươi chớ không nợ sinh mạng với ngươi.
Tên trộm (cất dao): Thôi được. Tao cũng không muốn mang tội giết người. Nhưng mày nợ tao bao giờ?
Sư Huệ: Có thể từ kiếp trước... Kiếp trước nữa. Tên trộm: Cũng hay (cười). Thế mày trả hết nợ chưa? Sư Huệ: Ngươi phải tự biết chứ.
15
Tên trộm: Mày kỳ thật! (rót nước uống) Nước ngon lắm! Mày là sư thế là mày sướng. Tao vất vả cả đời mà chẳng bao giờ có được lúc ngồi pha một ấm trà thơm tho thế này mà uống.
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật!
Tên trộm: Này! Sao mày không kêu lên? Sao mày lại giúp tao ăn trộm của chùa? Mày không thấy việc tao làm là xấu phải không?
Sư Huệ: Mô Phật! Đừng nghĩ thế nào là xấu là tốt. Đừng nghĩ thế nào là đúng là sai. Không nghĩ thiện không nghĩ ác. Rồi ai cũng hiểu rõ bản lai diện mục của mình.
Tên trộm: Hay thật! Thôi tao đi đây... Mày đừng nghĩ xấu cho tao đấy nhé! Cũng vì hoàn cảnh khốn nạn của tao nên phải đi ăn trộm... nếu tao giàu sang thì rồi có ngày tao sẽ trả lại cho chùa... Mày hãy để tao ra khỏi chùa rồi mới được kêu đấy nhé.
Sư Huệ: Ta không kêu đâu... Ngươi cứ bình tâm mà đi. Không ai làm gì ngươi cả.
Tên trộm: Thôi được... Dù sao tao cũng cám ơn. Mày là thằng sư trọc mà tao thấy đáng nể đấy... Thôi tao đi đây. Mày chắc pho tượng bán được 5 triệu đồng chứ?
Sư Huệ: Bán được 5 triệu đồng!
Tên trộm: Thế thì tốt... Tao đi đây.
16
Sư Huệ: Ngươi còn quên cái côn sắt trên bàn thờ kia kìa.
Tên trộm: À còn cái côn... Đúng là quên thật... Mày không nhắc thì hỏng... Tự dưng tao lại quên tang vật (lấy côn). Thôi tao đi nhé.
Tên trộm vào.
Sư Huệ: Thiện tai! Thiện tai! Nam mô A di đà Phật... Không biết trong này có bị đổ vỡ gì không. Ta phải xem xét quanh chùa mới được.
Sư Huệ vào.
17
LỚP BA
TÌNH YÊU
Một đôi thanh niên người thành phố dìu nhau vào, người nam bị thương ở tay, đeo túi.
Người nam: Ta nghỉ ở đây thôi em ạ... Anh sợ bị trật khớp xương tay... lại còn máu be bét thế này... Anh mệt quá.
Người nữ (dìu người nam vào ghế): Anh ngồi xuống đi... Để em tháo túi cho anh...
Người nam: Đau... Đau quá!
Người nữ: Anh chịu khó nhé... Được... Được rồi. Để em băng tay cho anh (lấy vải). Chút xíu nữa thôi... Anh sẽ dễ chịu hơn mà... Được rồi... Cần buộc chặt để máu khỏi chảy... Vết thương không nặng đâu... Để sáng ra em đi kiếm thuốc về chữa cho anh.
Người nam: Em tốt quá. Phượng ạ... Anh cám ơn em... Anh đã làm khổ em không biết bao nhiêu...
18
Phượng: Anh Quân! Anh đừng nói thế... Chúng ta yêu nhau mà...
Quân: Ôi... Tình yêu... Em yêu anh... Em dại dột không biết chừng nào... Đáng ra bây giờ em đang ở trong hoàn cảnh cực kỳ sung sướng... Còn bây giờ chúng ta đang bị săn đuổi.
Phượng: Anh Quân... Sao anh nói thế? Đối với em, chỉ có tình yêu là đáng kể... Em yêu anh, được gần anh, thế là em sung sướng rồi... Anh còn đau không?
Quân: Còn... Nỗi đau cứ như từ đáy lòng đau ra... Không phải là ở cái tay đang trật khớp này... Không phải ở chỗ vết thương này... Em không ân hận vì em đã rời bỏ hoàn cảnh của em để theo anh chứ?
Phượng: Ôi... Anh Quân... Anh tưởng hoàn cảnh của em mà sung sướng à? Em ghê tởm... Em kinh sợ nó... Tất cả là những âm mưu, những tính toán... Những đồng tiền lớn đều rất đáng sợ. Hoàn cảnh của em rất ít nhân tính... Em sẵn sàng từ bỏ để theo anh, theo tiếng gọi tình yêu.
Quân (cảm động): Trời... Em không chê anh nghèo hèn, xấu xí, anh xuất thân hèn mọn phải không?
Phượng: Không! Sao lại chê anh được? Em đã quyết tâm bỏ nhà theo anh... Em quyết dứt tình với cha mẹ để trốn theo anh... Anh phải biết em yêu anh thế nào... Anh bình tĩnh lại đi... Chúng ta sẽ đi thật xa, chúng ta
19
sẽ có hạnh phúc... Chúng ta sẽ đi về với thiên nhiên... Chúng ta sẽ tạo lập cuộc sống mới.
Quân: Ôi... Đau... Anh đau quá! Em! Phượng ơi... Em chẳng biết gì về thiên nhiên cả... Em chẳng biết gì hết. Thiên nhiên vô tình, vô cảm, ở đấy không có lợi gì...
20
LỚP BỐN
CỨU ĐỘ
Sư Huệ ra.
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật! Các vị thí chủ bình an.
Quân (nhỏm dậy): Bạch thầy! Chúng con xin phép chào thầy. Chúng con là những kẻ khốn khổ đến nương nhờ thầy.
Sư Huệ: Không sao! Không sao! (xua tay) Các vị bình tâm.
Quân: Bạch thầy! Con bị thương, bị trật khớp tay... Con đau quá... chúng con lỡ bước vào chùa, xin thầy cứu độ!
Sư Huệ: Các vị bình tâm! Bình tâm! Để ta xem thử vết thương thế nào...
Phượng: Thưa thầy... Anh ấy bị ngã, bị trật khớp tay...
Sư Huệ: Được rồi! Thí chủ đưa tay ra xem... Khớp vai bị trật, cổ tay bị trật... Thí chủ đứng lên... Ta sẽ phát công cứu giúp.
21
Phượng dìu Quân đứng lên. Sư Huệ phất tay áo, nghiêm trang, dồn lực phát công, sau đó nắm tay Quân.
Sư Huệ: Thí chủ thử cử động tay xem nào.
Quân (co tay): Ô... Hay quá... Con không còn thấy đau nữa... Có thể cử động bình thường... Cám ơn sư phụ, con xin cám ơn sư phụ...
Sư Huệ: Không sao... Không phải cám ơn... Ta thấy các vị thần sắc hoảng loạn, chắc vừa mới gặp tai ương phải không? Các vị vào sau trai phòng nghỉ tạm. Hãy cứ tĩnh dưỡng... Vết thương sẽ khỏi...
Quân: Cám ơn sư phụ!
Sư Huệ (nhường lối): Xin đi lối này!
Phượng xách túi, dìu Quân vào.
Sư Huệ (đứng lại): Nam mô A di đà Phật! Xin Phật phù hộ độ trì mọi sự bình an.
22
LỚP NĂM
CHÚNG SINH
Ông Kiệm ra.
Ông Kiệm: Bạch thầy! Vừa có chuyện gì?
Sư Huệ (lại bàn uống nước ngồi): Không có chuyện gì! Bõ đi có chuyện gì không?
Ông Kiệm (nhìn quanh): Bạch thầy! Rõ ràng vừa có chuyện gì phải không?
Sư Huệ: Không có chuyện gì! Bõ bình tâm đi... Ra ngoài có chuyện gì không?
Ông Kiệm: Bạch thầy! Con theo lời thầy đi về hướng Đông, phía chợ Bến. Đến chỗ Đống Cao thấy có ánh đèn, lại thấy tiếng khóc trẻ con nên vào đó hỏi dò. Hóa ra có nhà vừa sinh con trai thật, thầy ạ!
Sư Huệ: Hay lắm! Bõ bảo chỗ Đống Cao, có phải là chỗ đê vòng ra phía bờ sông gần đình làng Hạ không?
23
Ông Kiệm: Dạ phải.
Sư Huệ: Thế cũng phải cách chùa ta đến bốn, năm cây số chứ có ít à?
Ông Kiệm: Dạ, cũng chỉ độ ba cây số thôi. Quãng đê này mới đắp thời thuộc Pháp, người ta phải đắp vòng ra để tránh phạm vào đất đình làng Hạ, hồi ấy làm kè chắn nước cũng chết mất đến mấy người.
Sư Huệ: Đất dữ đấy! Nhưng được cái phong thủy tốt, nước chảy trước mặt, chợ họp sau lưng, gần đình, không xa làng xóm. Ở chỗ ấy có mấy nóc nhà?
Ông Kiệm: Dạ! Cũng khoảng chục nóc nhà. Toàn là dân ở đâu đến ở, chiếm đất đê, người ta vẫn gọi đó là xóm Liều, trai thì cờ bạc, gái thì đĩ điếm thập thành...
Sư Huệ: Tiếc thay! Tiếc thay! Thế bõ có hỏi về cái nhà mới sinh đứa bé trai kia không?
Ông Kiệm: Dạ có... Con có đến hỏi dò người nhà hàng xóm. Gặp đúng ông lão có bệnh mất ngủ. Lão ấy được mình chuyện trò thì quý như vàng, lão ấy nói linh tinh đủ các thứ chuyện, lại còn đọc cả thơ của cụ Phan Sào Nam(*) cho nghe, cách đây đến gần thế kỷ, toàn duy tân với lại cách mệnh, nghe sốt cả ruột.
Sư Huệ: Thế nhà ấy gia thế thế nào?
* Phan Bội Châu (1867-1940)
24
Ông Kiệm: Chẳng ra gì... Bạch thầy... Chẳng ra gì cả. Thật là một tổ quỷ. Chủ nhà là một lão già toàn đi ăn trộm, ăn cướp với lại cờ bạc. Người mới đẻ sáng nay là con dâu lão, chồng nghe nói chết trong tù. Cô ta đi buôn bán, có kỳ lên tới tận biên giới Lạng Sơn. Một năm trước nghe nói là lỡ bước ngủ vạ ngủ vật ở đền ở miếu nào đấy, bị sơn thần ám vào người (con đoán là gặp mấy thằng buôn bán người Trung Quốc) trở nên điên điên dại dại, về nhà có mang, bây giờ đẻ ra đứa bé con này.
Sư Huệ: Cũng kỳ lạ nhỉ! Nhưng đừng võ đoán... Tại sao Phật lại giáng trần vào nơi tối tăm u mê làm vậy... À phải... Phải... Kể cũng tiếc thật... Đứa bé này chắc lớn lên sẽ da đen, tóc rễ tre, da khô, mắt sáng... Rồi nó sẽ khuynh đảo thiên hạ cho xem... Cám ơn bõ, bõ uống nước đi. Chắc bõ thất vọng phải không?
Ông Kiệm: Dạ không... Con cũng nghĩ mọi sự vô thường...
Sư Huệ: Đúng thế đấy... Ta hãy quên chuyện này đi. (cười) “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn.” Ta là ai? Câu hỏi này hành hạ đến cả Phật tổ, cả đấng Thế Tôn.
Ông Kiệm (nhìn bàn thờ): Chết! Bạch thầy! Pho tượng Phật Thích Ca chỉ thiên chỉ địa đâu rồi?
Sư Huệ: À... bõ vừa đi thì có lão ăn trộm mò đến, ta cho lão pho tượng ấy rồi.
25
Ông Kiệm: Chết thật! Bạch thầy! Không sợ phải tội hay sao?
Sư Huệ: Sao lại phải tội? Lão ấy còn định giết ta. Lão ấy còn lấy hết tiền đi nữa.
Ông Kiệm: Chết thật! Sao thầy không cho lão ấy một trận? Con mà ở đây thì lão ấy chết! Bạch thầy! Sao thầy còn dung lão ấy... Võ công của thầy... Chắc thầy không dụng võ công phải không?
Sư Huệ: Không! Ta không dụng võ công làm gì. Nhưng ta lại vừa phát công để giúp một người. Rồi sẽ rắc rối cho ta nhiều đấy... Khi lấy lòng nhân cư xử thì gặp sự phiền. Điều ấy vẫn thường... Thế gian thật nhiều nghịch lý.
Ông Kiệm: Bạch thầy! Thế hết cả tiền sửa lại tam quan thì làm thế nào? Lại hết cả tiền đi chợ nữa chứ! Rõ khổ! Hôm nay con lại định làm cỗ chay mừng sinh nhật thầy.
Sư Huệ: Có sao đâu... Có sao đâu... Không có thì thôi khỏi làm.
Ông Kiệm: Chết! Trời đã sáng bạch ra rồi. Để con xuống xóm xem có việc gì làm kiếm ít tiền đi chợ... Không có đồng tiền thì không làm được gì cả...
26
LỚP SÁU
NHÂN TÍNH
Phượng ra.
Phượng (chào ông Kiệm): Cháu chào ông... Ông không phải lo, cháu có tiền đây. Ông đi chợ cho cháu đi với nhé!
Ông Kiệm: Chào cô... Cô là ai? Bạch thầy! Cô ấy là thế nào ạ?
Sư Huệ: Nữ thí chủ này vừa đến tá túc ở đây cùng với một người nam nữa. Ta để họ nghỉ tạm ở sau trai phòng.
Ông Kiệm: Xin lỗi cháu... Lão không biết... Trông cháu có vẻ là người thành phố sang trọng. Sao lại lưu lạc đến đây hả cháu?
Phượng: Cháu đi với người yêu cháu. Cháu bỏ nhà trốn đi với người yêu cháu.
Ông Kiệm: Chết! Sao lại bất hiếu như vậy? Cháu ơi... Trẻ người non dạ...
27
Sư Huệ: Bõ Kiệm! Bõ đừng nói thế. Thế Phật tổ không bất hiếu à? Ta và bõ không bất hiếu à? Chúng ta có theo sắp xếp của đấng song thân ta đâu.
Ông Kiệm: Chắc cháu phải yêu cậu ấy ghê lắm phải không?
Phượng: Vâng... Cháu yêu anh ấy ngay lần đầu gặp. Anh ấy như người điên vậy. Vừa buồn cười, vừa vụng về, mà lại rất súc vật nữa... Vừa giống chó, vừa giống dê, lại vừa giống khỉ... Thế mà cháu lại mê mới chết chứ! Cháu có thể sai khiến anh ấy đủ thứ... Tình yêu rất là lạ lùng ông ạ...
Ông Kiệm: Thầy... Bạch thầy! Thế là thế nào? Sư Huệ: Mô Phật!
Phượng: Cháu rất yêu những trò cầm thú của anh ấy. Anh ấy ngọ nguậy, rên rẩm, rú rít. Anh ấy lảm nhà lảm nhảm. Anh ấy tặng cháu các đồ kỷ niệm rẻ tiền, vừa hèn hạ, vừa lố bịch. Anh ấy sống dở chết dở, không hề biết được sớm trưa chiều tối. Anh ấy quẩn quanh bên cháu, nào thở dài, nào uất ức, nào thề thốt... Cháu rất yêu những trò ngộ nghĩnh như thế.
Ông Kiệm: Thầy... Bạch thầy! Thế là thế nào?
Phượng: Ông ạ! Yêu nhau thú vô cùng. Cháu chỉ cần nhấm nháy, làm các cử chỉ gợi tình một chút là khiến anh ấy ngộp thở, anh ấy quên hết mọi sự trên đời. Công
28
danh, tiền bạc, nghĩa vụ, đạo đức... Tất cả lúc ấy trở thành thứ vứt đi cả. Anh ấy chẳng sợ gì hết, bất chấp hết... Vui không thể tả...
Ông Kiệm: Các cháu sống với nhau à?
Phượng: Vâng... Công việc của cháu là nhen lửa... cháu sẽ nấu thép.
Ông Kiệm: Cháu không sợ ư?
Phượng: Cháu không sợ. Cháu bảo gì anh ấy đều nghe. Anh ấy có thể giết người vì cháu, cướp nhà băng, lập hội kín, trở thành thi sĩ, thậm chí trở thành tổng thống, nghĩa là cháu có thể xui khiến đủ thứ.
Ông Kiệm: Thầy! Bạch thầy! Thế là thế nào?
Sư Huệ: Không có gì. Nam mô A di đà Phật! Dục tính là nhân tính.
Phượng: Ông ơi, cháu không làm hại ai đâu. Cháu xinh đẹp, người ta mê cháu. Thế không phải là tội chứ?
Ông Kiệm: Ừ... ừ... Không phải tội... Bạch thầy! Không phải tội phải không?
Sư Huệ: Mô Phật!
Phượng: Cháu thề là cháu sẽ làm cho anh ấy phá băng cái lớp vỏ bọc, cái lớp áo giáp mà gia đình, nhà trường, xã hội quấn xung quanh người anh ấy. Cháu sẽ thổi lửa để biến anh ấy thành một khối thép sắc bén, nhạy cảm,
29
sẽ biến anh ấy thành một anh hùng. Anh ấy sẽ đánh nhau với mọi người, gây chiến tranh, cướp giật của cải, ký các hòa ước, lập các tòa báo lá cải và đài phát thanh vu khống, in bạc giả và xây dựng mạng lưới chỉ điểm... Ông ơi, ông bảo kế hoạch của cháu có được không?
Ông Kiệm: Được... được... Bạch thầy! Như thế được không?
Sư Huệ: Mô Phật!
Phượng: Cháu sẽ bắt anh ấy sáng tạo. Anh ấy sẽ xây dựng những ngôi nhà kỳ quái, buôn bán ma túy, mở các sòng bạc, hội chợ, sẽ lập ra các trường đào tạo bọn hề, bọn luật sư và bọn viết văn trẻ. Thỉnh thoảng anh ấy sẽ nổ bom khủng bố ở những nơi công cộng... Nhân danh tình yêu, cháu sẽ làm cho sự nghiệp cuộc đời anh ấy cực kỳ vĩ đại.
Ông Kiệm: Cô bé ghê thật... Nhưng cháu ạ, cháu xem lại đi. Lão thấy đấy như là tham vọng chứ đâu phải là tình yêu... Bạch thầy! Đấy là tham vọng phải không?
Phượng: Là gì cũng được, cháu không cần biết. Nhưng cháu sẽ không yêu những pho tượng đâu, cháu là “duy ngã độc tôn”, cháu rất sợ sự bất biến... Cháu muốn những chuyển động vĩ đại, những bùng nổ, những cảm xúc mạnh mẽ.
Ông Kiệm: Đấy là vì cháu còn trẻ... Lão thì ngược lại...
30
Phượng: Ông ạ, từng phân vuông trên da thịt cháu đòi nhân lên thành ức, thành triệu. Cháu muốn nơi nào cũng có dấu vết của cháu, cũng có biểu tượng của cháu... Đấy là một bông hoa bé xíu, hình trái tim, hồng như môi người, có một mũi tên xuyên qua... Ông có hiểu không?
Ông Kiệm: Lão, lão... không hiểu được.
Sư Huệ: Ta hiểu.
Phượng: Ôi... Nếu thế thì cháu cảm ơn, cháu rất cảm ơn... Ông ơi, chúng ta đi chợ đi. Cháu sẽ mua thức ăn, mua cả thuốc chữa vết thương cho người yêu cháu.
Ông Kiệm: Bạch thầy... Con xuống chợ có được không? Con xuống chợ nhé!
Sư Huệ: Ừ... cứ tùy tiện...
Phượng và ông Kiệm vào.
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật! Trong thế giới Ta Bà này, ai có đủ lực lượng thõng tay vào chợ? Bõ Kiệm, bõ có đủ lực lượng thõng tay vào chợ không? Còn ta, ta có đủ lực lượng thõng tay vào chợ không? Ta là ai? Câu hỏi này không trừ ai cả... Nam mô A di đà Phật!
Giống hữu tình vốn động
Động là ảo đó mà
Tìm trong ảo cứu cánh
Bao giờ sen nở hoa?
31
Nào... Nào... hãy bình tâm lại đi... Bình tâm lại đi... (có tiếng đập cửa dữ dội và tiếng gọi mở cửa gay gắt). Ai đấy? Khoan khoan... Để ta mở cửa.
32
LỚP BẢY
THẾ QUYỀN
Sư Huệ mở cửa. Một toán bốn, năm người ùa vào, trong đó có một ông bệ vệ và một đại diện chính quyền sở tại.
Viên đại diện: Chào nhà chùa! Nhà chùa có khỏe không? Người nhà nước đến làm việc đây!
Sư Huệ: Cám ơn ngài hỏi thăm... Bần đạo vẫn thường...
Viên đại diện (suồng sã): Thường là thế nào? Thế nào là thường? Dạo này ngài béo ra đấy...
Sư Huệ: Mô Phật! Sáng ra các ngài đến chùa hẳn có việc gì?
Viên đại diện: Có việc chứ! Thế ngài không mời chúng tôi ngồi, không mời chúng tôi uống nước à?
Sư Huệ: Dạ... Mời các ngài ngồi... Mời các ngài xơi nước. Viên đại diện và ông bệ vệ ngồi ghế.
33
Viên đại diện: Giới thiệu với nhà chùa đây là ông Nhân (chỉ ông dáng bệ vệ). Ông Nhân ở trên thành phố. Hôm nay chúng tôi có việc... Thế nhà chùa có biết nhà chùa có tội gì không?
Sư Huệ: Mô Phật! Chúng tôi có sơ suất gì, xin ngài cứ dạy.
Viên đại diện: Tôi thấy nhà chùa tự do quá đấy! Người qua người lại phức tạp... của cải còn mất không hay... Đất của vua, nhà chùa ở trên đất vua phải có luật lệ nhà chùa...
Sư Huệ: Mô Phật! Nhà chùa lo việc đạo không siêng năng sao?
Viên đại diện: Ai cho ngài lo việc đạo! Thế chúng tôi không lo việc đạo à? Chúng tôi không siêng năng à? Tại sao ngài tách việc đời, việc đạo ra thế. Ngài muốn sinh sự gì?
Sư Huệ: Mô Phật! Xin ngài bình tâm.
Viên đại diện: Tôi việc gì mà phải bình tâm? Tôi lúc nào chẳng bình tâm? Bây giờ xin ngài đưa chìa khóa tất cả các phòng ốc trong chùa ra đây. Ngài hãy dẫn chúng tôi xem xét tất cả các phòng ốc ở trong chùa này!
Sư Huệ: Mô Phật! Thế là thế nào?
Viên đại diện: Thế nào thì đợi chúng tôi đi xem xét chùa
34
xong sẽ biết. Nào! Ngài đưa tất cả các chìa khóa phòng ốc trong chùa ra đây cho tôi.
Sư Huệ: Nhà chùa không khóa tất cả các cửa. Các ngài cứ tùy tiện, muốn xem xét gì cứ việc.
Viên đại diện: Được rồi... Ông Nhân! Mời ông cứ ngồi ở đây. Ông cứ ngồi đây để mặc chúng tôi. (nói với người đi theo) Bây giờ anh em theo tôi. Ta sẽ chia ra ba mũi... Không được bỏ sót chỗ nào đấy nhé! Không được sơ suất chỗ nào đấy nhé!
Viên đại diện và những người đi theo vào. Sư Huệ định đi theo nhưng ông Nhân ngăn lại.
35
LỚP TÁM
CHẤP PHÁP
Ông Nhân: Hòa thượng! Cứ để mặc họ.
Sư Huệ: Mô Phật!
Ông Nhân: Hòa thượng! Cứ yên tâm đi. Không có gì đâu. Họ làm theo ý muốn của ta. Họ hăng hái quá nên phiền hòa thượng. Bảo hoàng hơn vua là như thế đấy!
Sư Huệ: Mô Phật! Bần đạo giúp gì được khách? Ông Nhân: Hòa thượng! Mặt trời mọc ở đâu vậy?
Sư Huệ: Mô Phật! Khách muốn tham vấn công án Thiền chăng?
Ông Nhân: Không, ta muốn xác định vị trí của ta, của hòa thượng.
Sư Huệ: Mô Phật! Khi mở miệng là đã sai rồi. Còn Phật vô ngôn.
Ông Nhân: Hòa thượng ở chùa này cơ mà? Vị trí của hòa thượng là ở chùa này cơ mà?
36
Sư Huệ: Thưa, mặt trời mọc ở bên trong...
Ông Nhân (cười): Ta là người đời, ta sống trong đời. Ta phải hiểu rằng mặt trời mọc ở nơi quyền lực ngự trị: ở bạo lực, ở của cải và ở trí tuệ.
Sư Huệ: Thưa, mặt trời mọc ở bên trong... Ông Nhân: Hòa thượng! Đây đang là thời mạt pháp.
Sư Huệ: Mô Phật. Thôi cứ tùy tâm. Đến giờ đọc kinh, bần đạo xin phép cáo lui. Khách cứ tùy tiện, xin cứ tùy tiện ở trong việc đời.
Ông Nhân (cười): Không đi được! Ta nhớ Bồ Đề Đạt Ma hỏi người tụng kinh Niết Bàn: “Tụng làm chi?” Người kia nói: “Đưa kinh cho ta, ta phải đốt nó, ăn bánh vẽ làm sao mà ăn.” Có chuyện ấy không?
Sư Huệ: Có chuyện ấy thực.
Ông Nhân (cười): Bây giờ hòa thượng đọc kinh là ta đốt kinh đi đấy. Ăn bánh vẽ làm sao mà ăn?
Sư Huệ: Thưa khách là ai vậy? Sao kiêu ngạo vậy?
Ông Nhân: Là ai ư? “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn!” Đã nhận ra chưa?
Sư Huệ: Mô Phật!
Ông Nhân: Nói xong câu ấy, đáng lẽ ngươi phải quỳ xuống. Bởi vì nhiều người đã quỳ xuống trước ta.
37
Sư Huệ: Ai vậy?
Ông Nhân: Những kẻ yếu. Những kẻ yếu và những kẻ yếu.
Sư Huệ: Việc thiết lập hệ thống phải chăng là sự thiếu ngay thẳng thanh liêm?
Ông Nhân: Hòa thượng... Câu ấy người phải hỏi Phật, sao người hỏi ta?
Sư Huệ: Khách tìm ai vậy?
Ông Nhân: Ta tìm con ta, kẻ thù của ta.
Sư Huệ: Khốn khổ! Cơn cớ gì mà chạy vào cửa Phật?
Ông Nhân: Đấy là dục vọng chạy trốn, dục vọng được tinh thần hóa, bọn trẻ gọi nó là tình yêu. Con gái ta bị kẻ có tham vọng quyến rũ. Kẻ có tham vọng là kẻ tiện dân, những kẻ ở đẳng cấp thấp kém (buồn thay, chỉ có những kẻ tiện dân, những kẻ ở đẳng cấp thấp kém mới có tham vọng, mới dám tham vọng). Ta không đời nào để cho đám hạ lưu làm một cuộc cách mạng dân chủ bằng con đường dễ chịu như thế. Ta phải tiêu diệt nó... Tất cả những kẻ đang yêu đều cực kỳ nguy hiểm.
Sư Huệ: Mô Phật! Thế còn tự do?
Ông Nhân: Sao lại tự do?
Sư Huệ: Mô Phật! Khách đang nói với ai vậy?
38
Ông Nhân: Hòa thượng! Người là ai vậy? Sao lại hỏi ta điều ấy?
Sư Huệ: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn.”
Ông Nhân: Ta thấy người nói câu ấy với niềm hăng hái sầu thảm (cười). Cũng may đức tin ấy vô hại, chưa có hại với ta. Hòa thượng! Người nói câu ấy thật khó nhọc! Ta mỉm cười thỏa hiệp không phải vì ta thương hại người, cũng không phải vì ta tôn trọng người. Ta mỉm cười thỏa hiệp chính vì ta căm ghét tôn giáo!
Sư Huệ: Mô Phật!
Ông Nhân: Ta mỉm cười thỏa hiệp vì tôn giáo tồn tại ở một cực khác có lợi cho sự tồn tại của ta. Nó khiến ta thận trọng hơn, tỉnh thức hơn, sắc bén hơn... Hòa thượng! Người có nghe thấy tiếng rên xiết, tiếng kêu la đó không? (tiếng rên la, kêu cứu đau đớn của Quân, tiếng đánh đập dữ dội vào sân khấu).
Sư Huệ: Mô Phật! Tại sao lại thế?
Ông Nhân: Hòa thượng! Người phải chia sẻ niềm hân hoan của ta mới phải, điều ấy hợp với tôn chỉ của giáo phái mà người theo đuổi. Đấy là dục vọng bị hành hạ, bị tiêu diệt.
Sư Huệ: Mô Phật. Thế còn quả báo?
Ông Nhân: Chợ chiều đường xa... Đừng có hỏi ta.
39
Tiếng kêu đau đớn của Quân.
Ông Nhân: Đấy! Những tiếng kêu ấy là những bài học về bổn phận. Hãy biết tự do ở trong bổn phận của mình và chớ có đi quá bổn phận của mình. Chỉ có ta, ta mới có quyền tự do ở trên bổn phận của mọi người.
Tiếng kêu đau đớn của Quân.
Sư Huệ: Mô Phật! Sao lại biến chùa thành nơi hành hạ con người?
Ông Nhân: Tôn giáo chẳng phải là địa ngục sao? Chùa chiền chẳng phải là nơi hành xác con người sao?
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật! Công lý của lương tâm đâu rồi?
40
LỚP CHÍN
PHỤ TỬ
Phượng ra.
Phượng: Cha!
Ông Nhân: Con!
Phượng: Cha dừng tay lại!
Ông Nhân: Muộn rồi! Muộn lắm rồi!
Tiếng kêu cuối cùng của Quân.
Viên đại diện và những người đi theo ra.
Viên đại diện (phủi tay): Thưa ông Nhân, mọi việc xong rồi!
Sư Huệ: Mô Phật!
Viên đại diện: Hòa thượng! Trong chùa có giặc. Sao lại tự tiện chứa giặc trong chùa?
41
Phượng (túm ngực viên đại diện): Các người làm gì anh ấy? Ta hỏi các người! Các người làm gì anh ấy?
Ông Nhân: Con! Hãy buông họ ra... Họ chỉ thi hành công lý.
Phượng: Công lý! Công lý của ai! Trời hỡi trời! Các người đã giết anh ấy!
Ông Nhân: Phượng! Con hãy im đi!
Phượng: Không! Các người đã giết anh ấy! Quân giết người! Ta ghê tởm các người! Căm ghét các người! Đồ quỷ dữ! Đồ vô lương tâm! Các người đã chà đạp, giày xéo lên trên tình cảm con người!
Ông Nhân: Con! Tỉnh thức lại đi! Tỉnh thức lại đi!
Phượng: Các người không có lương tâm! Các người không cho anh ấy quyền sống, quyền được tham vọng, quyền được yêu thương... Các người săn đuổi anh ấy đến cùng... Các người tiêu diệt anh ấy! (túm ngực viên đại diện) Hãy trả anh ấy cho ta! Hãy trả anh ấy cho ta!
Ông Nhân: Con! Tỉnh thức lại đi! Hắn ở một thế giới khác, một đẳng cấp khác.
Phượng: Tôi căm ghét thế giới của ông, của đẳng cấp ông! Ở đấy không có tình người, ở đấy chỉ có bản năng suy đồi, chỉ có những con quỷ ác. Các người đã giết tình yêu con người!
42
Ông Nhân: Con! Con nhầm rồi. Ta không giết người, không giết tình yêu... ta chỉ giết giặc.
Phượng: Ông hãy cút đi! Giữa tôi và ông giờ là kẻ thù, ông hãy cút đi con đường của ông!
Ông Nhân: Con!
Phượng: Cút đi! Các người cút đi! Đồ giết người! Quân đao phủ! Cút hết đi! Cút hết cả đi!
Ném viên đại diện và những người đi theo.
Ông Nhân: Con! Giọt máu của cha!
Phượng (hung hãn): Không! Giữa tôi và ông giờ là cừu hận. Tôi kinh tởm dòng máu của ông... Tôi phải rửa sạch được dòng máu ấy bằng con đường riêng của mình. Cút đi! Cút đi! Tất cả cút đi! (ném) Cút tất cả đi! Đồ giết người! Đồ giết người! Đồ rắn độc!
Ông Nhân, viên đại diện và những người đi theo chạy ra. Phượng gục xuống nức nở.
Sư Huệ (dịu dàng): Thí chủ!
Phượng: Thầy! Thầy cứu con... (nức nở). Người ta đã giết anh ấy! Con đã giết anh ấy. Tình yêu của con đã giết anh ấy.
Sư Huệ: Mô Phật!
Phượng (níu lấy Sư Huệ): Thầy! Tại sao con người lại
43
thế? Tại sao không được quyền lựa chọn tình yêu? Tại sao tình yêu chứa chất hiểm họa giết người? Tại sao họ lại giết người? Thầy cứu con! Thầy hãy cứu con...
Sư Huệ: Thí chủ... Hãy bình tâm đi... Bình tâm để mà xét đoán... Không có việc gì là trái tự nhiên... Thí chủ hãy đi nghỉ đi, hãy bình tâm đi... Để ta đưa vào trong chùa nghỉ tạm (dìu Phượng vào).
44
LỚP MƯỜI
NHÂN QUẢ
Ông Kiệm và một ông lão bế đứa con nhỏ vào, đeo tay nải.
Ông Kiệm: Nào! Ông hãy ngồi đây... để tôi bẩm với hòa thượng...
Ông lão: Vâng! Xin ông nói giúp...
Ông Kiệm: Tôi đã nói rồi. Việc đó rất khó đấy. Nhà chùa đâu phải là trại tế bần, có thể cưu mang được hết mọi người?
Ông lão: Tình cảnh của tôi thật là tuyệt vọng... Ông cứ nói giúp cho tôi.
Ông Kiệm: Chùa này chỉ chứa được có hai người! Ông đưa cháu bé mới sinh lên chùa, làm sao nhà chùa có thể lo liệu được... Tôi sợ việc này rất khó.
Ông lão: Ông cứ bẩm giúp... Nhưng mà thật tình tôi tuyệt vọng rồi. Tôi hết đường rồi.
45
Sư Huệ ra.
Ông Kiệm: Bạch thầy!
Ông lão: Tôi xin chào thầy! Xin thầy cứu độ! Sư Huệ: Có việc gì thế?
Ông Kiệm: Bạch thầy! Đây là ông Lương ở dưới chợ Bến, xóm Đống Cao...
Ông lão: Thưa thầy... Tôi đến xin thầy mở lượng từ bi... Ông Kiệm! Ông lấy các thứ trong tay nải ra giúp tôi đi. Đấy! Lấy cái pho tượng Thích Ca chỉ thiên chỉ địa với cả gói tiền trong ấy...
Sư Huệ: Mô Phật! Thế ra ông là...
Ông lão: Thưa thầy... Tôi là Lương... Tôi chính là tên trộm hồi đêm đến chùa... Thưa thầy, tôi biết thế nào Phật cũng giáng tội... Tôi đến xin thầy cứu độ... Tôi xin quy y cửa Phật...
Sư Huệ: Mô Phật!
Ông Lương: Thưa thầy... Tôi đã biết tội rồi... Tôi ân hận lắm. Bây giờ nhà tôi chỉ còn mỗi hai ông cháu. Thằng bé này mới sinh sáng nay. Vừa mới đẻ xong thì mẹ nó chết... Tôi đã đến tuổi gần đất xa trời, tôi không muốn đứa cháu trai mồ côi trở thành cháu thằng ăn trộm... Lạy thầy cứu độ... Chúng tôi đến nương nhờ thầy!
Sư Huệ: Mô Phật!
46
Ông Kiệm: Bạch thầy! (đưa pho tượng Phật Thích Ca ra) Đúng là pho tượng “thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” của chùa đây rồi... Ông Lương! Ông biết trả lại chùa thế là tốt lắm... Thế nhưng làm sao hai ông cháu ở chùa này được? Bạch thầy! Ông cháu ông Lương làm sao ở chùa này được?
Ông Lương: Thưa thầy, thưa ông... Quả thật tôi hết cách rồi. Tôi hơn 60 tuổi rồi, đời tôi thật chẳng ra gì, chẳng còn ai là người thân. Thằng bé này ở với tôi chẳng có tương lai gì hết. Nó phải được ăn, được mặc, được sống... Không ai đi giúp cháu thằng ăn trộm. Tôi đến nương nhờ cửa Phật không phải vì tôi mà vì thằng bé. Tôi còn sống được bao ngày nữa đâu? Nhưng còn thằng bé, nó còn có cả cuộc đời. Nó cần có một người mẹ, cần được bú mớm, cần được nuôi dạy, học hành.
Ông Kiệm: Ông Lương! Ông nghĩ lại đi, ông cần phải hiểu nhà chùa. Nhà chùa phải tự nuôi mình, nhiều khi bữa đói bữa no. Chúng ta chịu được, thế còn đứa bé? Chúng ta còn tri túc được, đứa bé tri túc làm sao?
Ông Lương: Thưa thầy, thưa ông... Đến bước đường này là bước đường cùng. Nếu như đứa bé còn mẹ thì nói làm gì? Bây giờ tôi biết làm sao với nó? Đời tôi tội lỗi không nói làm gì. Nhưng còn đứa bé, hỏi nó có tội lỗi gì?
Ông Kiệm: Bạch thầy! Ta tính sao đây...
Sư Huệ: Cứ bình tâm đi... Rồi hoa sen nở... (đọc thần chú)...
47
Tất cả im lặng, sân khấu tắt đèn, ánh quang vụt chiếu. Phượng ra trong im lặng.
Phượng: Tôi nghe thấy hết rồi. Hãy đưa đứa bé cho tôi! Hãy đưa nó đây! Tôi sẽ nhận nó làm con, tôi sẽ dạy nó nên người...
Ông Lương (quỳ lạy): Lạy Bồ Tát! Lạy Bồ Tát! Hai ông cháu tôi cắn rơm cắn cỏ lạy người... Xin lạy Bồ Tát hiển linh... Xin lạy Bồ Tát hiển linh.
Ông Kiệm: Con gái! Con nhận đứa bé này sao? Con nhận đứa bé này sao?
Phượng: Bây giờ tôi là góa phụ, tôi không còn ai thân thích. Tôi đã dứt tình với cha mẹ tôi, người yêu tôi đã mất... Đứa bé này sẽ là ruột thịt với tôi. Tôi sẽ nuôi dạy cho nó nên người.
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật! Phật pháp thần thông, từ bi hỉ xả...
Phượng (đón đứa bé): Con! Đây là con tôi, con tôi... Sư Huệ, Ông Kiệm: Nam mô A di đà Phật! Ông Lương: Lạy Bồ Tát! Lạy Bồ Tát!
Phượng: Con tôi! Tôi sẽ nuôi dạy con tôi nên người! Đây là ruột thịt của tôi! Đây là máu thịt của tôi! Đây là tình yêu hạnh phúc của tôi! Đây là hy vọng của tôi!
Sư Huệ, Ông Kiệm: Nam mô A di đà Phật!
48
Phượng: Con tôi! Tôi sẽ nuôi dạy cho nó nên người. Phải. Nó sẽ thành thi sĩ! Thành anh hùng! Thành bác học! Nó sẽ tiến hành các âm mưu, sẽ nổi loạn, sẽ tiêu diệt... Nó sẽ thành tựu, sẽ ngạo nghễ, sẽ tự do. Nó sẽ đau khổ và hạnh phúc! Nó sẽ gian trá và rộng lượng! Sẽ yêu thương và căm thù! Sẽ hủy diệt và xây dựng... Nó sẽ đứng giữa trời và đất, nó phải được quyền yêu ghét, quyền chọn lựa, quyền được định đoạt giữa sinh và tử, quyền được nhảy múa trên cả vinh quang cũng như điếm nhục...
Sư Huệ: Mô Phật!
Phượng: Tôi sẽ đi khỏi nơi này. Con tôi phải được nuôi dạy ở giữa cuộc đời...
Ông Kiệm (quỳ xuống): Con gái! Nếu con không chê lão già này, xin con hãy nhận ở đây tình cảm nô bộc của lão. Lão nguyện xin đi hầu hạ... Lão xin làm người đầy tớ, làm một con chó giữ nhà cho con... Con gái, con hãy cho lão san sẻ đôi chút cực nhọc giúp con, được thế, những năm tháng cuối cùng của cuộc đời lão may ra mát mẻ phần nào.
Phượng: Cám ơn lão... Nếu lão muốn đi với tôi thì chuẩn bị đi, ta phải lên đường kẻo muộn.
Ông Kiệm: Bạch thầy! Con phải đi đây... Con ở với thầy, biết được đạo lý làm người... Đã đến lúc “nhân duyên xuất thế”. Xin thầy ở lại, đã có ông Lương ở đây thay con hầu thầy.
49
Ông Lương: Phải! Ông Kiệm ạ, ông cứ đi đi, tôi sẽ ở lại làm tròn mọi việc... Ông cứ an lòng... (lấy tay nải trao cho ông Kiệm).
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật! Bõ Kiệm. Nhân duyên xuất thế, xin cứ tùy tâm.
Ông Kiệm: Bạch thầy (quỳ xuống). Xin thầy nhận cho một lạy của bõ già này... Hôm nay là ngày 29 tháng 4 nhân duyên của lão ở chùa đến đây là hết, lão phải đi đây.
Sư Huệ: Bõ Kiệm! Bõ Kiệm... Xin đừng quyến luyến... Hãy đi đi. Chân cứng đá mềm. Bây giờ bõ sẽ không còn thấy cảm giác hẫng hụt nữa đâu.
Ông Kiệm: Ông Lương... Ông hãy thay tôi hầu hạ sư phụ tận tình...
Ông Lương: Ông cứ yên tâm... Tôi sẽ ở lại hầu Phật thay ông... Ông cầm lấy cái túi này, trong ấy có 5 triệu đồng... Cầm cả cái côn này nữa, còn khi dùng đến.
Ông Kiệm: Thôi, tôi đi đây... Con chào sư phụ con đi. Nào con gái, chúng ta lên đường.
Phượng: Chúng ta đi thôi. Tôi muốn đến được chỗ mới trước khi chiều xuống.
Sư Huệ: Mô Phật! Bõ Lương, bõ tiễn mọi người ra chùa giúp ta.
Phượng, ông Kiệm, ông Lương ra.
50
LỚP MƯỜI MỘT
DIỆU PHÁP LIÊN HOA Sư Huệ thắp hương, đọc kinh “Diệu Pháp liên hoa”.
51
LỚP MƯỜI HAI
SEN NỞ
Ông Lương vào, tay cầm hoa sen.
Ông Lương: Bạch thầy... con mời thầy nghỉ...
Sư Huệ (thôi đọc kinh, đứng dậy): Cám ơn bõ... Ồ... Hoa sen đẹp quá!
Ông Lương: Bạch thầy! Con hái bông sen này ngoài đầm... Bõ Kiệm nhắc con hôm nay là ngày 29 tháng 4, là sinh nhật thầy... Bạch thầy! (quỳ xuống) Xin thầy hãy nhận ở con một lạy... Từ nay con xin thay thế bõ Kiệm ở lại hầu thầy...
Sư Huệ (đỡ ông Lương): Đứng dậy, đứng dậy đi... Không phải giữ lễ... Công việc ở chùa cũng như công việc ở đời vậy thôi, cứ tùy tiện, tùy tâm mà xử.
Ông Lương: Bạch thầy... Con tìm thấy sự an tâm nơi thầy.
52
Sư Huệ: Nam mô A di đà Phật... Đừng trông chờ gì ở ta, đừng trông chờ gì ở Phật, hãy tìm sự an tâm chính nơi lòng mình... Mặt trời mọc ở bên trong là thế... Ngọc nở trong sen...
Ông Lương: Bạch thầy... Cũng đã khuya rồi... Sắp nửa đêm rồi... Xin mời thầy nghỉ?
Sư Huệ: Ừ... Bõ cũng vào chuẩn bị chỗ nghỉ đi... Có cái màn và cái chăn mới ở trong hòm gỗ, lấy ra mà dùng.
Ông Lương: Bạch thầy! Con cám ơn thầy... (ngạc nhiên) Bạch thầy! Trời nhiều sao quá... Ở chỗ góc trời phía nam có một ngôi sao sáng rực... Bạch thầy! Đấy là sao gì?
Sư Huệ: Ồ! Đấy là sao Vị(*) đấy mà. Sao ấy cũng chủ tốt lành, ngày mai cũng là ngày tốt... Ngày mai sẽ có mưa đấy bõ ạ.
Ông Lương: Mưa thì rất tốt... Bạch thầy! Con xin phép thầy (vào).
Sư Huệ (cầm lấy bông sen ngắm nghía): Hôm nay là ngày 29 tháng 4. Hôm nay có hoa sen nở. Nam mô A di đà Phật! Nam mô A di đà Phật!
Ánh sáng sân khấu thu vào nơi Sư Huệ đứng. Tiếng đọc kệ ở ngoài vọng vào:
* Cũng là một trong “Nhị thập bát tú”, kế tiếp sao Lâu.
53
“Ngày 29 tháng 4 có hoa sen nở
Hoa nở như lẽ vô thường
Kìa dòng nước kia trôi ra biển
Cuồn cuộn sóng dâng trào
Sao nước không quay lại?
Mà dòng đời không quay lại?
Mới sáng đã thoắt chiều
Thôi cứ vui buồn với bông sen này
Chợt nghĩ sao người phải ngắt,
giết những vật hiến tế?
Màu trắng mịn mà trên cánh hoa này
bao giờ chuyển sang màu khác?
Mùi thơm nơi nhụy hoa này bao giờ
chuyển sang mùi khác?
Thương cho sợi tơ lòng nơi cuống hoa
Cái sợi thiên tơ này, mỏng manh vô cùng
Thế mà dứt ra không được
Giữ lại không được
Úm mani bát mê hồng
Chớ bám theo lời, theo chữ
Nghe trong lòng vọng tiếng chuông...”
Ở ngoài vọng lại tiếng chuông chùa ngân nga. Màn hạ. 1994
54
Còn lại tình yêu
Tựa
“Còn lại tình yêu” được viết vào tháng 6 năm 1988, lần đầu tiên được công bố trên Tạp chí Sông Hương, sau này được in lại trong “Tuyển tập kịch Nguyễn Huy Thiệp” do Nhà xuất bản Trẻ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp xuất bản vào năm 2003. Trải qua 20 năm (1988-2008) tác giả đã phải sửa đi sửa lại tới 6 lần vở kịch này theo đề nghị của nhiều đạo diễn khác nhau nhưng rốt cuộc vẫn chưa có dịp nào được dàn dựng trên sân khấu.
Mỗi tác phẩm đều có số phận riêng của nó. Có lẽ đây cũng là một tác phẩm có số phận khác thường. Vở kịch không ngừng ám ảnh tác giả. Đây là lần chỉnh sửa gần nhất (lần thứ 7) cho hợp với những chuyển biến ở trong xã hội hiện tại. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn lại. Đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn chuyển tới các bạn đọc có lòng say mê đối với sân khấu kịch nước nhà.
56
NHÂN VẬT
• Nguyễn Thái Học • Lê Thị Minh
• Đào Xuân Khải • Nguyễn Văn Lễ (Đội Lễ) • Nguyễn Văn Tảo • Thiếu tướng
• Trung úy • Thư ký
• Bảo Tâm • Dật Công
• Hải Vân • Hoàng Trọng Phu
Một số diễn viên phụ:
- Cai đội (4-6 người)
- Vú già (1 người)
- Đại biểu phụ nữ (2-4 người)
- Lính khố đỏ
- Cảnh vệ công an (1 người)
- Hộ lý (2 người)
- Mật thám (3 người)
- Người hầu của Hoàng Trọng Phu (2 người)... - Những bóng ma Việt Nam Quốc Dân Đảng
57
TRANG TRÍ
- 3 cảnh (hồi 1, 2 và 5) lấy bối cảnh văn phòng Bộ Công an.
- 1 cảnh là nội thất một gia đình tư sản Hà Nội khoảng năm 1930 (hồi 3).
- 1 cảnh là nội thất Hỏa Lò Hà Nội năm 1930 (hồi 4)
58
HỒI THỨ NHẤT
Bộ Công an
Trung úy đang làm việc.
Thiếu tướng đi vào.
Trung úy (đứng dậy): Chào thiếu tướng! Khuya rồi, thiếu tướng vẫn chưa nghỉ ư?
Thiếu tướng: Chưa, cũng còn một số công việc ở trong chuyên án còn chưa làm xong... Bây giờ là mấy giờ rồi?
Trung úy (pha nước): Thưa thiếu tướng, bây giờ là 10 giờ đêm, tôi thấy thiếu tướng có vẻ mệt mỏi... Chuyên án kéo dài, mọi việc lại phức tạp...
Thiếu tướng (xua tay): Không... không phải thế! Cái gì mà chẳng phức tạp? Chuyên án đến nay đã kết thúc rồi. Đường dây buôn bán ma túy đã được phanh phui. Tôi cũng không ngờ quy mô của nó lại lớn đến thế! Tôi rất hài lòng vì công việc có kết quả tốt.
59
Trung úy: Vâng, thưa thiếu tướng. Vậy thiếu tướng cho phép chúng tôi kết thúc chuyên án, hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển sang khởi tố được chưa?
Thiếu tướng: Được, cơ bản là được. Tuy nhiên tôi vẫn áy náy vô cùng về cái bức thư lạ lùng mà chúng ta khám được ở trong nhà lão già quái gở ấy. Đây là điều tôi vẫn còn thấy băn khoăn.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, có phải là bức thư của Nguyễn Thái Học không?
Thiếu tướng: Đúng rồi! Thư của Nguyễn Thái Học! Bóng ma Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn đang quanh quẩn đâu đây. Bức thư ấy đây này... (mở hồ sơ trên bàn, lấy ra một chiếc ống sơn, sau đó lấy trong ống sơn ra một tờ giấy dó nhỏ bằng bàn tay, hai tay nâng niu) Anh còn nhớ khi chúng ta khám nhà lão già quái gở ấy, lão ta đã lúng túng thế nào khi chúng ta tìm được bức thư... Tôi để ý rất rõ (khẳng định). Không! Không phải là lão lúng túng mà rõ ràng là lão sợ hãi, lão rất sợ hãi! Vì sao lại thế?
Trung úy: Đúng rồi, thưa thiếu tướng, lão rất sợ hãi. Tôi cũng không hiểu vì sao lão già lại sợ hãi đến thế! Vì điều gì vậy? Với lão già quái gở ấy thì còn điều gì nữa khiến lão phải sợ hãi thế?
Thiếu tướng: Ừ, đúng thế... Tôi là người chơi đồ cổ nên có thói quen bất cứ thứ gì liên quan đến lịch sử là tôi chú ý. Đấy là một lẽ. Bức thư cổ này làm cho tôi rất đỗi bất
60
ngờ. Tôi đã gửi bức thư này đi kiểm tra. Hôm nay, khi bên phòng kỹ thuật báo cho tôi biết bức thư này đúng là đã được viết ra cách đây 78 năm, tôi lại càng suy nghĩ tợn... Đấy là hai lẽ. Người ta đã xác định chất giấy, nét mực... Rất có thể chính Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này. Linh tính không đánh lừa tôi...
Trung úy: Thưa thiếu tướng, đây là một bức thư bình thường... Có thể bức thư rơi vào tay lão già một cách ngẫu nhiên thì sao? (băn khoăn) Nhưng tại sao lão già lại sợ hãi đến thế? Tôi cũng không sao hiểu nổi!
Thiếu tướng: Đấy! Đấy chính là điều cũng khiến tôi mất ngủ. Tôi suy nghĩ, suy nghĩ mãi. Tôi tin bức thư rơi vào tay lão già không phải ngẫu nhiên (đi đi, lại lại). Đúng! Không phải ngẫu nhiên... Không phải ngẫu nhiên! Nhất định phải có lý do của nó! Nhất định như thế!
Trung úy: Thưa thiếu tướng, thực ra tất cả những điều ấy không có ý nghĩa gì. Lão già bị bắt vì tội tổ chức đường dây buôn lậu ma túy, chứng cứ rõ ràng, nhân chứng vật chứng đầy đủ, lão già đã nhận tội. Hơn nữa, thưa thiếu tướng, với một lão già đã gần kề miệng lỗ, tôi tin lão già không sống được lâu nữa đâu nên ta để ý làm gì!
Thiếu tướng: Đúng rồi... Không có ý nghĩa gì... Rất logic! Nhưng anh có phải là một sĩ quan nghiên cứu không, anh không thấy đây là bức thư của Nguyễn Thái Học à? Chính Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này! Không
61
hiểu sao tôi vẫn thấy bóng ma của Việt Nam Quốc Dân Đảng quanh quất đâu đây! Có lẽ chúng ta phải đánh giá lại về họ. Đấy là món nợ chúng ta phải trả.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi không hiểu... Thứ nhất là...
Thiếu tướng: Thứ nhất là vì sao lão già lại lo sợ, hoảng hốt khi chúng ta hỏi về bức thư có phải hay không? Thứ hai nữa, vì sao lão già lại giữ gìn bức thư cẩn thận đến thế? Bức thư gửi cho ai? Còn thứ ba nữa... Thứ ba là vì sao lão già lại có bức thư này? Còn thứ tư, anh biết không, cái này mới thật đặc biệt, cái này mới thật khiến tôi xúc động... Nguyễn Thái Học, anh có biết Nguyễn Thái Học là ai không đã?
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi biết, Nguyễn Thái Học là người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 dưới thời thuộc Pháp. Ở Hà Nội có một phố mang tên ông ấy.
Thiếu tướng: Đúng rồi! Nguyễn Thái Học là người lãnh đạo khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Ông ta bị xử tử hình khi mới 28 tuổi, 28 tuổi - anh biết không, đấy gần như là độ tuổi đẹp nhất của một đời người. Trong sáng, lãng mạn, chắc hẳn có chút viển vông... Thật là tuyệt diệu! Tôi đã cho tập hợp tất cả những tài liệu về ông ta và mang đến đây (đưa tập hồ sơ dày cho trung úy).
Trung úy (đỡ lấy tập hồ sơ): Thưa thiếu tướng, tôi vẫn không hiểu... Thứ nhất là... Tôi muốn nói là chuyên án
62
của chúng ta không liên quan gì đến Việt Nam Quốc Dân Đảng cả mà chỉ là một chuyên án hình sự đơn thuần mà thôi...
Thiếu tướng (ngắt lời): Anh nói gì vậy? Anh không nghĩ đến Nguyễn Thái Học sao?
Trung úy: Thưa thiếu tướng... ý tôi không hẳn như thế. Nguyễn Thái Học là một nhân vật lịch sử, một anh hùng, tên tuổi của Nguyễn Thái Học đã ổn định rồi... Nó là dĩ vãng. Những bóng ma Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng là dĩ vãng. Tôi không hiểu Nguyễn Thái Học liên quan gì đến chuyên án của chúng ta, đến cái lão già buôn bán ma túy khốn kiếp gần kề miệng lỗ?
Thiếu tướng: Anh nói rất đúng (suy nghĩ)... chẳng có liên quan gì cả! Đúng là mua việc vào mình! (chợt tỉnh) Nhưng thôi! Anh cứ mặc kệ tôi! Tôi vẫn thấy áy náy vô cùng về chuyện này. Tôi chưa cho kết thúc chuyên án này đâu! Ít ra, tôi cũng muốn giữ lão già lại. Chỉ một mình lão già ấy thôi...
Trung úy (mỉm cười): Tùy thiếu tướng, chúng tôi bao giờ cũng chấp hành mệnh lệnh thiếu tướng.
Thiếu tướng: Cám ơn anh! Thế này nhé! Chuyên án buôn lậu ma túy thế là xong, có thể khởi tố được, tôi không phản đối. Nhưng bức thư của Nguyễn Thái Học, đấy thực sự là một chuyên án khác (nhanh nhẹn, tác phong thay đổi). Tôi vẫn thấy những bóng ma của Việt
63
Nam Quốc Dân Đảng quanh quẩn đâu đây. Tôi linh cảm thấy đây là một chuyên án đặc biệt. Mặc kệ tôi! Bây giờ trung úy, anh hãy giúp tôi đưa lão già đến đây. Từ khi biết đích xác đây là một bức thư được viết ra cách đây 78 năm, tôi sốt ruột nôn nóng quá chừng. Linh cảm của tôi không phải chỉ là linh cảm của một người say mê đồ cổ. Tính chất của chuyên án này là rất khác thường. Gọi cho tôi thêm một thư ký vào đây, tôi muốn đích thân hỏi cung lão già ấy...
Trung úy (nghiêm chỉnh): Tuân lệnh thiếu tướng! (Trung úy ấn chuông, ở cửa xuất hiện một cảnh vệ).
Trung úy (với cảnh vệ): Mời cho tôi một thư ký. Sau đó đưa phạm nhân Nguyễn Văn Tảo vào!
Cảnh vệ: Rõ! (đi ra)
Trung úy (nhường chỗ): Mời thiếu tướng! Xin thiếu tướng cho phép tôi tham gia hỏi cung.
Thiếu tướng: Cám ơn! Cám ơn anh! Chúng ta sẽ cùng làm việc. Anh biết không? Từ khi được biết bức thư này, có thể, có thể thôi, do chính tay Nguyễn Thái Học viết ra, lòng tôi run lên vì cảm động. Nếu đúng là Nguyễn Thái Học thì lão già này không thoát được tay tôi đâu, nó phải có cái gì ẩn chứa ở đằng sau số phận của gia đình lão ấy...
Trung úy: Thưa thiếu tướng, thiếu tướng cho phép tôi xem lại bức thư được không?
64
Thiếu tướng đưa bức thư ra. Âm nhạc nổi lên... Những bóng ma của Việt Nam Quốc Dân Đảng xuất hiện âm thầm phía sau sân khấu với tiếng hô khe khẽ: “Không thành công cũng thành nhân. Không thành công cũng thành người!”
Trung úy: Thưa thiếu tướng, đây là nội dung bức thư, tôi xin đọc nguyên văn (đọc, trên nền âm nhạc, chậm rãi):
“Thưa cô! Trưa ngày mai chúng sẽ tử hình, chúng sẽ chặt cổ, bêu đầu tôi. Ước nguyện của tôi là mong cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Cô xứng đáng như thế, bởi cô có một trái tim cao thượng. Ký tên: Nguyễn Thái Học. Ngày 16 tháng 6 năm 1930.”
Âm nhạc dừng, sau đó từ trong hậu đài, nội dung bức thư lại được đọc lại một lần nữa:
“Thưa cô! Trưa ngày mai chúng sẽ tử hình, chúng sẽ chặt cổ, bêu đầu tôi. Ước nguyện của tôi là mong cô được sống cuộc đời hạnh phúc. Cô xứng đáng như thế, bởi cô có một trái tim cao thượng. Ký tên: Nguyễn Thái Học. Ngày 16 tháng 6 năm 1930.”
Thiếu tướng: Thế nào? Anh có thấy tôi quyết định mở ra chuyên án là chính xác không? Tôi có nhầm lẫn gì ở đâu đấy không?
Trung úy: Thưa thiếu tướng, hoàn toàn chính xác... Tôi rất xúc động. Thật tình, tôi rất xúc động. Nội dung bức thư quả thật lạ lùng (xem xét bức thư). Nét chữ mực tím, rất cứng cỏi... Đúng là nét chữ chân phương ở đầu thế
65
kỷ 20, đây là thời mà chữ Quốc ngữ mới chỉ bắt đầu phổ biến. Thưa thiếu tướng! Nếu đúng Nguyễn Thái Học là người viết bức thư này thì đây thật là một vật báu có một không hai.
Nữ thư ký vào, dừng ở cửa.
Thư ký: Báo cáo thiếu tướng. Tôi, thiếu úy Vũ Kim Dung có mặt theo lệnh thiếu tướng.
Thiếu tướng: Mời cô vào! Cô hãy ghi biên bản cuộc hỏi cung này. Tôi tin là sẽ thú vị. Hãy ghi âm lại!
Thư ký: Rõ!
Nữ thư ký ngồi vào bàn, chuẩn bị ghi chép. Cảnh vệ dẫn phạm nhân vào. Đấy là Tảo, một lão già cao lớn, khá phong trần nhưng không còn khỏe. Lão già mặc quần áo tù, đội mũ che hai tai.
Trung úy: Ông Nguyễn Văn Tảo! Mời ông ngồi!
Tảo (ho): Khổ thật! Khổ quá... Nửa đêm các ông còn dựng dậy hỏi cung. Tôi già rồi, sắp chết rồi. Có điều gì tôi đã khai hết để chết đi cho nó thanh thản, các ông còn hỏi gì nữa? Cả đường dây buôn bán ma túy từ Lai Châu, Sơn La đến Sài Gòn các ông đã tóm được ráo còn gì!
Thiếu tướng: Ông Tảo, còn đấy! Đêm nay tôi muốn hỏi ông những điều khác kia!
Tảo: Được, thưa ông, có gì ông cứ hỏi đi. Tôi già rồi, sắp
66
chết rồi, tôi chẳng còn cần gì nữa... Tôi muốn xin các ông một thứ gì uống có được hay không?
Trung úy: Ông muốn uống gì? Nước trắng được không?
Tảo (nhìn quanh): Ở đây thiếu gì thứ uống. Các ông thiếu gì rượu ngoại! Cho tôi một ly đúp Whisky đi! Như thế tôi sẽ tỉnh táo ra nhiều.
Trung úy ra rót rượu. Lão già nốc ngay một hơi hết cốc.
Thiếu tướng: Ông Tảo! Ông hãy nói về gia đình ông đi. Bố ông làm gì? Mẹ ông làm gì? Thời trẻ ông sống ở đâu?
Tảo: Thưa ông, trước năm 1945, bố tôi là cai đội, làm việc cho Sở mật thám Pháp, mẹ tôi buôn bán ở chợ Đồng Xuân...
Thiếu tướng (gõ bàn): Được... Bố ông là cai đội, bố ông đã bị Cách mạng tử hình vào hồi cải cách ruộng đất. Theo suy nghĩ của ông, bố ông là người thế nào?
Tảo: Thưa ông, bố tôi là người tốt nhất trần đời. Nói thật, tôi vẫn rất tự hào về ông ấy dù cho các ông có coi ông ấy là kẻ thù gì đi chăng nữa.
Thiếu tướng: Gia đình ông trước năm 1945 sinh sống thế nào?
Tảo: Thưa các ông, trước năm 1945 gia đình tôi là gia đình lương thiện. Chúng tôi sống rất hạnh phúc... Nói thật, chúng tôi chỉ trở nên hư hỏng từ khi bắt đầu có
67
cuộc cách mạng ở ta mà thôi. Thưa ông, cho tôi xin phép kể từ ngày gia đình tôi theo cách mạng...
Thiếu tướng (nghiêm nghị): Ông nghe đây! Ông hãy tuần tự kể từ khi ông sinh ra cho đến năm 1945, tức là cái thời kỳ mà ông cho là mình lương thiện ấy!
Tảo (nghĩ ngợi, chậm rãi): Thưa các ông, các ông định hành hạ tôi bằng cách kể lại thời thơ ấu ư? Không, không đâu, tôi chẳng dại... Tôi chẳng nhớ gì hết! Tôi không nhớ, tôi không nhớ gì!
Trung úy lấy hồ sơ, giở đọc.
Trung úy: Ông Tảo! Ông nghe nhé! Đây là những ghi chép lưu trong hồ sơ lý lịch của ông: Nguyễn Văn Tảo, tức Cả Tảo, tức Tảo Chột, sinh ngày 13 tháng 8 năm 1922, có một số giấy tờ ghi năm sinh là năm 1923 tại thôn Giai Lệ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân gia đình địa chủ phản động. Bố đẻ là cai Đội Lễ, trước đã từng là Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, có nhiều nợ máu đối với nhân dân. Năm 1930, Đội Lễ làm cai đội ở nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945 đến năm 1954, làm việc cho Sở mật thám Pháp ở Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên và Sài Gòn. Năm 1956 bị xử tử trong cuộc Cải cách ruộng đất. Nguyễn Văn Tảo ở với bố, chịu sự giáo dục của Đội Lễ. Nguyễn Văn Tảo tham gia vào đường dây buôn bán ma túy, trở thành một trong những tên cầm đầu khét tiếng. Có đúng thế không nào?
68
Tảo: Thưa ông... đúng... các ông đúng là mật thám, cái gì các ông cũng biết. Như vậy các ông còn hỏi làm gì?
Thiếu tướng: Khoảng năm 1930 khi bố ông làm cai đội ở nhà tù Hỏa Lò, ông ta có hay nhắc lại những kỷ niệm gì ở đó với ông hay không?
Tảo (nghĩ ngợi): Thưa các ông, thực ra cũng chẳng có kỷ niệm gì. Hồi ấy tôi còn bé, thỉnh thoảng bố tôi cũng cho tôi vào trong nhà tù Hỏa Lò để chơi. Nhà tôi giàu, tôi rất diện. Thường thì con cái nhà giàu như chúng tôi bấy giờ đều rất sung sướng...
Thiếu tướng: Được rồi, ấn tượng của ông về nhà tù Hỏa Lò hồi đó thế nào?
Tảo: Thưa các ông, riêng về nhà tù thì tôi thấy ngày xưa tốt đẹp hơn bây giờ... Nhà tù Hỏa Lò ngày xưa toàn những con người tử tế...
Trung úy: Thôi đi! Khi bố ông làm cai đội ở nhà tù Hỏa Lò, ông có thấy bố ông nói gì về cuộc khởi nghĩa Yên Bái không?
Tảo: Dạ biết chứ. Ai sống thời ấy mà không biết nó. Cuộc khởi nghĩa ấy do các ông Nguyễn Thái Học với Nguyễn Khắc Nhu chủ trương. Có điều hồi ấy người ta không gọi là khởi nghĩa mà gọi là giặc cỏ... Dân chúng theo họ đông lắm. Ai cũng cho họ là anh hùng. Bố tôi cũng biết rất rõ về những người ấy, ông ấy cũng còn là Đảng viên Quốc Dân Đảng nữa...
69
Thiếu tướng: Bố ông có biết gì về ông Nguyễn Thái Học hay không?
Tảo: Dạ có. Tôi chắc là ông ấy biết. Ông Nguyễn Thái Học bấy giờ là thần tượng của mọi người. Thanh niên ai cũng mê ông ta cả. Tôi còn bé tí nhưng tôi cũng mê ông ta... Cả nhà tôi đều mê ông ta... Bố tôi còn có ảnh của ông ta treo ở nhà...
Trung úy: Ông không bịa đấy chứ?
Tảo (phản ứng): Sao lại bịa? Ông khinh tôi quá! Hồi ấy, tôi còn được nhìn thấy ông Nguyễn Thái Học nữa. Tôi xin thề... Bố tôi thì còn được gặp ông ta ít nhất ba lần. Hình như bố tôi được giao việc trông nom ông ta, như bây giờ người ta gọi là quản giáo ấy... Tôi xin thề là thế!
Thiếu tướng: Thôi được! Tôi tin ông! Ông không phải thề. Ông nhìn thấy Nguyễn Thái Học như thế nào? Kỷ niệm về ông ta ra sao?
Tảo: Dạ thưa, tôi chỉ nhìn thấy từ xa. Còn kỷ niệm thì kỷ niệm nào của tuổi ấu thơ chẳng là tươi đẹp? Bố tôi kể rằng, bố tôi đã từng trực tiếp gặp mặt tiếp chuyện Nguyễn Thái Học hình như là ba lần. Bố tôi nói lần đầu gặp Nguyễn Thái Học là ở nhà cậu ruột tôi tên là Trần Văn Định bấy giờ làm đốc tờ ở nhà thương Đồn Thủy. Lần thứ hai bố tôi gặp Nguyễn Thái Học ở nhà ông Lê Hải Vân dưới phố Hàng Bạc. Sau này khi ông Nguyễn Thái Học bị bắt bố tôi có gặp một lần nữa, trước hôm
70
ông ấy bị xử tử hình. Đó là ngày 16 tháng 6 năm 1930, tôi vẫn còn nhớ như in vì hôm ấy cả Hà Nội như là có tang...
Thiếu tướng (lấy ra bức thư): Ông Tảo! Có phải Nguyễn Thái Học đã viết bức thư này và nhờ bố ông chuyển cho người quen hay không?
Tảo (đờ đẫn): Bức thư... bức thư nào (lo sợ, ôm đầu). Không! Không! Tôi không biết bức thư nào cả... Các ông để cho tôi yên. Bố tôi đã chết từ lâu lắm rồi. Hãy để cho ông ấy yên...
Thiếu tướng: Ông Tảo, ông bình tĩnh lại đi (lại gần Tảo, cầm chiếc ly lên). Trung úy, lấy cho ông ta một ly Whisky nữa... Tôi chỉ muốn xác minh rằng đây có phải là bức thư do chính tay Nguyễn Thái Học viết không? Tại sao nó có trong nhà ông?
Tảo: Không! Tôi không biết! Tôi không biết! (trở nên câm lặng)
Thiếu tướng: Ông Tảo, ông hãy lắng nghe đây: Nguyễn Thái Học là một nhân vật lịch sử. Chúng ta còn biết quá ít về ông ta... Bố ông đã từng gặp mặt Nguyễn Thái Học ít nhất ba lần, tôi biết, Nguyễn Thái Học chắc hẳn phải tin bố ông thế nào đấy, chính vì thế ông ấy mới viết bức thư này để nhờ bố ông gửi cho ai đấy... Đấy là lý do có bức thư này trong nhà ông có đúng hay không?
71
Tảo: Tin bố tôi. Vâng, tin tôi... Bố tôi vẫn nói Nguyễn Thái Học là người ngây thơ. Những người đi làm cách mạng ngày xưa ngây thơ ghê lắm... Nguyễn Thái Học là người trong sáng, ông ấy đặt lòng tin vào tất cả mọi người... Gặp ai ông ấy cũng tin, người nào ông ấy cũng tin. Bố tôi rất đau lòng, vì chính bố tôi cũng hay tin người...
Thiếu tướng: Đằng nào mọi việc cũng đã kết thúc từ lâu rồi. Ông Tảo, tôi rất muốn ông giúp chúng tôi... Ông có biết bức thư này gửi cho ai không... Bố ông có nói về bức thư này gửi cho ai không?
Tảo (ngoan cố): Không... thưa ông... Tôi không biết. Tôi không biết gì hết.
Thiếu tướng: Người ấy chắc không còn sống? Vậy thì gia đình người ấy ở đâu, bây giờ thế nào?
Tảo: Không! Tôi không biết gì hết!
Thiếu tướng: Trong tiểu sử Nguyễn Thái Học, tôi biết Nguyễn Thái Học có quan hệ thân thiết với một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Giang. Nguyễn Thị Giang là vợ chưa cưới của ông ấy. Có phải Nguyễn Thị Giang là người phụ nữ ở trong thư này không? Bố ông có nói gì không?
Tảo: Thưa ông, không phải... Gia đình tôi có tội với ông Nguyễn Thái Học, bố tôi và tôi có tội với ông Nguyễn Thái Học (mặc cảm tội lỗi).
72
Thiếu tướng: Ông đừng nghĩ ngợi nữa. Nguyễn Thái Học đã mất rồi, đã mất gần 80 năm nay rồi. Ông ấy sẽ tha thứ cho gia đình ông, cho tất cả chúng ta... Ông thử nhớ xem bố ông có nói gì về Nguyễn Thị Giang hay không? Bà ấy có phải là người phụ nữ trong thư này không?
Tảo: Dạ thưa ông... Không... Nguyễn Thị Giang là vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học. Bà ấy là đồng chí của ông ấy. Họ luôn ở bên cạnh nhau. Bà ấy đã tuẫn tiết sau khi ông Học mất. Chuyện ấy mọi người đều biết. Bố tôi cũng đã kể về điều ấy với tôi...
Thiếu tướng: Vậy bức thư này gửi cho ai vậy? Tại sao lại có bức thư ở trong nhà ông?
Tảo (lưỡng lự): Thưa ông, thưa ông... Tôi mỏi mệt quá. Tôi không biết nữa. Bố tôi cũng có nói với tôi về ấn tượng của ông qua ba lần ông ấy trực tiếp gặp Nguyễn Thái Học...
Thiếu tướng: Ông ấy nói thế nào?
Tảo: Thưa ông, thưa ông... Bố tôi nói rằng, bố tôi nói rằng...
Trung úy (lấy một viên thuốc): Ông chịu khó uống viên thuốc này, nó sẽ giúp ông tỉnh táo ra nhiều.
Tảo: Cám ơn ông, cám ơn ông.
Uống thuốc. Mọi người chú ý chờ đợi.
73
Âm nhạc khe khẽ nổi lên, khá gay gắt. Sau đó dừng. Đây là đoạn đối thoại quan trọng nhất của hồi kịch, sẽ được nhắc lại một lần nữa qua băng ghi âm.
Thiếu tướng: Ông Tảo! Qua ba lần trực tiếp gặp Nguyễn Thái Học, bố ông nói rằng ông Học là người thế nào?
Tảo: Thưa ông, bố tôi nói rằng Nguyễn Thái Học là một hòn ngọc trong suốt... Bố tôi không biết diễn đạt thế nào. Ông ấy nói rằng: Nguyễn Thái Học là một người tốt đến đau lòng... Cả tin, cả tin hết sức... Mà nhẹ dạ, nông nổi nữa.
Thiếu tướng: Ông Nguyễn Thái Học có khiến cho bố ông bị xúc động không?
Tảo: Không phải xúc động. Thưa ông... Bố tôi nói rằng ông ấy làm cho người ta can đảm. Với Nguyễn Thái Học, sự thịnh vượng của Tổ quốc Việt Nam đấy là trên hết... Ông ấy tin tưởng ở nòi giống con Lạc cháu Hồng.
Thiếu tướng: Tin tưởng ở nòi giống con Lạc cháu Hồng ư?
Tảo: Dạ vâng! Tin tưởng ở con người, tin tưởng ở dân tộc Việt Nam. Lý tưởng của Nguyễn Thái Học là một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Điều ấy cuốn hút tất cả mọi người, kể cả những người phàm tục xấu xa... Ông ấy cả tin hết sức... Chính bố tôi cũng bị lôi cuốn...
74
Thiếu tướng: Thế còn bức thư này... Cũng là cả tin ư?
Tảo: Vâng... Ông ấy mới 28 tuổi. Ở tuổi ấy, người ta làm gì có thể hiểu về phụ nữ được?
Thiếu tướng: Bức thư ấy không gửi cho bà Nguyễn Thị Giang. Vậy bức thư ấy gửi cho ai vậy? Bố ông nói gửi cho ai?
Tảo: Thưa ông, người ấy tên là Minh, là... là... là Lê Thị Minh. Bố tôi nói rằng người ấy là Lê Thị Minh... (ngã vật ra)
Thiếu tướng, trung úy và người thư ký bật cả dậy. Trung úy và người thư ký chạy lại đỡ Tảo. Thiếu tướng bấm chuông gọi. Cảnh vệ xuất hiện.
Thiếu tướng: Nhanh lên, nhanh lên! Hãy đưa người này đi cấp cứu.
Cảnh vệ ra ngoài, cùng một bác sĩ và một hộ lý mang băng ca vào. Họ đưa Tảo ra. Sân khấu còn lại thiếu tướng, trung úy và người thư ký.
Thiếu tướng: Tốt rồi! Tôi không ngờ cuộc hỏi cung lại có kết quả tốt như vậy. Ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Trung úy: Lão già hơi bị căng thẳng. Rõ ràng lão ấy cũng bị xúc động!
Thư ký: Thưa thiếu tướng, lão già cũng rất yếu nữa. Thiếu tướng: Tốt rồi... Vấn đề ở chỗ chúng ta đã moi
75
được từ miệng lão già ra những thông tin tuyệt vời. Thứ nhất, bức thư này là của Nguyễn Thái Học. Thứ hai nữa, bức thư này gửi cho một người phụ nữ tên là Lê Thị Minh. Từ những đầu mối này chúng ta có thể biết rất nhiều điều.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, tôi vẫn không hiểu, thực tình tôi vẫn không hiểu tại sao Nguyễn Thái Học lại quan trọng thế đối với hậu thế chúng ta?
Thiếu tướng (ngạc nhiên): Trung úy! Anh nói gì mà kỳ quặc vậy? Nào, chúng ta hãy nghe ấn tượng của hai bố con một lão già khốn nạn, một lão già lưu manh, một tên buôn lậu thuốc phiện và ma túy đã từng can tội giết người đánh giá nhận định về Nguyễn Thái Học. Đồng chí thư ký, đọc lại biên bản đi. Đọc đoạn cuối ấy. Mở máy ghi âm cũng được.
Thư ký mở máy ghi âm.
Hỏi: Ông Tảo! Qua ba lần trực tiếp gặp Nguyễn Thái Học, bố ông nói rằng ông Học là người thế nào?
Đáp: Thưa ông, bố tôi nói rằng Nguyễn Thái Học là một hòn ngọc trong suốt... Bố tôi không biết diễn đạt thế nào. Ông ấy nói rằng: Nguyễn Thái Học là một người tốt đến đau lòng... Cả tin, cả tin hết sức... Mà nhẹ dạ, nông nổi nữa.
Hỏi: Ông Nguyễn Thái Học có khiến cho bố ông bị xúc động không?
76
Đáp: Không phải xúc động. Thưa ông... Bố tôi nói rằng ông ấy làm cho người ta can đảm. Với Nguyễn Thái Học, sự thịnh vượng của Tổ quốc Việt Nam đấy là trên hết... Ông ấy tin tưởng ở nòi giống con Lạc cháu Hồng.
Hỏi: Tin tưởng ở nòi giống con Lạc cháu Hồng ư?
Đáp: Dạ vâng! Tin tưởng ở con người, tin tưởng ở dân tộc Việt Nam. Lý tưởng của Nguyễn Thái Học là một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Điều ấy cuốn hút tất cả mọi người, kể cả những người phàm tục xấu xa... Ông ấy cả tin hết sức... Chính bố tôi cũng bị lôi cuốn...
Hỏi: Thế còn bức thư này... Cũng là cả tin ư?
Đáp: Vâng... Ông ấy mới 28 tuổi. Ở tuổi ấy, người ta làm gì có thể hiểu về phụ nữ được?
Hỏi: Bức thư ấy không gửi cho bà Nguyễn Thị Giang. Vậy bức thư ấy gửi cho ai vậy? Bố ông nói gửi cho ai?
Đáp: Thưa ông, người ấy tên là Minh, là... là... là Lê Thị Minh. Bố tôi nói rằng người ấy là Lê Thị Minh...
Thiếu tướng: Thôi! Thế nào? Anh bạn trẻ? Có cần nghe lại để hiểu ra công việc chưa?
Trung úy (mỉm cười vui vẻ): Thưa thiếu tướng, tôi đã hiểu... Xin lỗi thiếu tướng tôi hiểu ra rồi.
Thiếu tướng: Anh bạn trẻ ạ, tin tôi đi, tôi đã ngần này tuổi đầu rồi, tôi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm cuộc
77
đời. Hãy nghe tôi. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu mất mát hy sinh, những điều còn mất của đời mỗi một con người... Hãy nghe tôi. Mọi sự rồi sẽ qua đi. Các cuộc cách mạng rồi sẽ qua đi. Thời gian rồi sẽ qua đi. Những người anh hùng và cả những tên đê tiện rồi đều sẽ chết... Chỉ có tình yêu là còn lại. Mãi mãi, chỉ có tình yêu còn lại... Có hiểu không? Chỉ có tình yêu là mãi mãi còn lại...
Âm nhạc. Sân khấu dừng một chút. Cảnh vệ vào.
Cảnh vệ: Báo cáo thiếu tướng, phạm nhân Nguyễn Văn Tảo, tức Tảo Chột đã bị đột tử vì xuất huyết não hồi 23 giờ 10 phút ngày hôm nay. Đây là biên bản xét nghiệm pháp y.
Trung úy (cầm biên bản): Cảm ơn cậu! (lắc đầu) Thật bất ngờ... Lão già đột tử hết sức bất ngờ.
Cảnh vệ ra.
Thiếu tướng: Sao lại đột tử? Tại sao lại đột ngột thế được?
Trung úy (xem biên bản): Thưa thiếu tướng, trong biên bản nói rằng lão già bị đứt mạch máu não vì quá căng thẳng, vì xúc động mãnh liệt.
Thiếu tướng: Như thế, nhất định người phụ nữ tên là Lê Thị Minh có một giá trị thật đáng kể... vì vậy nó mới gây sốc như thế đối với lão già. Có phải thế không? Có đúng là như thế không?
78
"""