"
Tương Lai Văn Hóa Việt Nam - Hồ Hữu Tường full prc pdf epub azw3 [Biên Khảo]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tương Lai Văn Hóa Việt Nam - Hồ Hữu Tường full prc pdf epub azw3 [Biên Khảo]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : TƯƠNG LAI VĂN HÓA VIỆT NAM Tác giả : HỒ HỮU TƯỜNG
Nhà xuất bản : MINH ĐỨC
Năm xuất bản : 1946
------------------------
Nguồn sách : ndclnh-mytho-usa.org Đánh máy : Yen Ai
Kiểm tra chính tả : Thư Võ
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 03/11/2018
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả HỒ HỮU TƯỜNG và nhà xuất bản MINH ĐỨC đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
I. TIẾNG GỌI ĐÀN
II. NHẮN BẠN…
III. TÌM TRẢ THÙ TRƯỚC ĐẠI HỒI ĐỒNG CỦA NHÂN LOẠI… IV. …GẶP SỰ SỐNG
V. ĐÔNG PHƯƠNG ĐẠO HỌC…
VI. TÂY PHƯƠNG KHOA HỌC
VII. ĐẾN LƯỢT VIỆT NAM
LỜI BẠT
HỒ HỮU TƯỜNG
TƯƠNG LAI VĂN HÓA VIỆT NAM MINH ĐỨC XUẤT BẢN
KÍNH TẶNG X.T. YÊU MẾN người độc giả vị lai của quyển này. H.H.T.
« Dõi theo đường báo thù, người ta gặp sự sống… » MALRAUX
TƯƠNG LAI VĂN HÓA VIỆT NAM của HỒ HỮU TƯỜNG do Tô Ngọc Vân trình bày. Nguyên bản gồm có : 1 bản Impérial Annam do tác giả chép tay từ câu : « Văn hóa bắt nguồn nơi những bản năng của dân tộc Việt Nam » đến câu : « Chừng đó, tên của nó sẽ trơn tru là Văn hóa » đề tặng Trần Thiếu Bảo ghi ngày 7-7-46. 5 bản đặc biệt trên giấy vàng lụa có thủ bút của tác giả ghi chữ DC, TNV, MD, TL, NT. In trên giấy Bạch Minh châu : 1 bản ghi chữ NMT, 13 bản ghi từ Thái Bình 1 đến Thái Bình 13. In trên giấy Voiron : 20 bản ghi từ HHT1 đ TB 20. In trên giấy dó : 32 bản ghi từ TLVHVN 1 đến TLVHVN 32. In trên giấy Velin parfumé 10 bản ghi từ Minh Đức 1 đến Minh Đức 10. Tất cả 82 bản này đều ghi bằng thủ bút riêng dưới trang và mang chữ ký của tác giả. Và có in thêm một ít bản trên giấy bản tốt dành riêng cho các độc giả thân yêu của nhà Minh Đức.
I. TIẾNG GỌI ĐÀN
Tôi muốn cất tiếng mà kêu to. Kêu thực to để ai nấy cùng nghe. Tôi muốn có một giọng tha thiết. Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm. Tôi muốn có những luận điệu đanh thép. Thực đanh thép để ai nấy cùng tin. Nghe, cảm, tin… để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta, cho dân tộc Việt Nam.
Đây là một gia đình nghèo nàn, khốn khổ. Mẹ bệnh la liệt, không tiền chạy thuốc. Gạo trong vò hết sạch. Em nhịn đói không nổi, kêu khóc vang tai. Một món nợ to sắp đến kỳ phải trả. Tất cả anh, chị, đều đuối sức, mệt hơi, vì thời buổi làm ăn vất vả… Ngẫu nhiên, một đứa con trong gia đình này gặp ở giữa rừng một khối vàng to. Khối vàng quá to, thừa sức cung cấp để chạy thuốc cho mẹ, mua gạo nuôi cả nhà, trang trải các mối nợ và làm cho gia đình trở nên mấy nghìn lần triệu phú. Khối vàng quá to, nên sức mình ôm về, hay lăn về không nổi. Rồi hối hả, đứa con ấy chạy đi kêu anh, chị, em, lên tiếng gọi đàn, để vào rừng cùng đem khối vàng về. Đem khối vàng có thể giải quyết tất cả sự khốn nạn của gia đình và có thể làm cho từ đây trở nên giàu sang không ai bì kịp.
Trong lòng của đứa con ấy, ồ ạt những nỗi vui mừng, sung sướng. Say mê, nó sống trước những giờ khoái lạc. Khoái lạc vì sắp cổi thoát được bao nhiêu cùng cực đè nặng trĩu từ bao giờ. Khoái lạc vì đượm nhuần cái bầu không khí huy hoàng, tráng lệ của một tương lai mà những chuyện thần
tiên cũng chưa tả nổi.
Trong lòng của đứa con ấy nhộn nhịp những sự tính toán, suy nghĩ. Khối vàng quá to, thì làm sao mà đem về ? Để nguyên khối, rồi anh, chị, em ráng sức cùng lăn một lượt chăng ? Hay là dùng đòn mà xeo, mà bắn nó đi tới ? Hay là chia nó ra từng khối nhỏ lần lượt mà đem về ?
Trong lòng của đứa con ấy, bận rộn những mối lo âu. Khi về gọi đàn, phỏng có kẻ khác gặp khối vàng của mình chăng ? Nếu họ có gặp, liệu tự họ có đem về một mình được không ? Hay là họ cũng phải như mình mà trở về gọi đàn, rồi trong khoảng thời giờ ấy, anh, chị, em mình đến kịp mà đem vàng về chăng ? Hay là phải tranh giành với họ, và nếu không đem cả khối về, thì cũng được lấy một phần… một phần mà cũng đủ tạo ra cái hạnh phúc và vinh quang đã mộng thấy chăng ?
Trong lòng của đứa con dồn dập những luồng thổn thức, e ngại. Làm sao mà có được một giọng tha thiết để cảm, làm sao mà có được một dáng thực thà để hòa, làm sao mà có được những lý lẽ đanh thép để cho anh, chị, em tin ? Cảm, hóa, tin rằng mình đây không phải là điên rồ, không phải là mê mộng và sáng suốt mà báo tin mừng cho gia đình và lên tiếng gọi đàn, để cùng nhau chung sức, nắm ngay lấy hạnh phúc và vinh quang…
Nếu tôi là văn sĩ, tôi sẽ hổ thẹn vì phải dài giòng để kể lể cái hình ảnh tượng trưng ở trên. Nhưng tôi không phải là văn sĩ. Tôi không muốn cho người ta khen mến một vài nét chấm phá có tài hoa. Tôi chỉ tha thiết muốn cho ai ai cũng cảm thấy sự vui mừng, sung sướng, những sự tính toán, suy nghĩ,
những nỗi lo âu, những điều thổn thức kia. Để rồi tôi mượn tình trạng ấy mà diễn tả tâm hồn của tôi trong lúc này. Thế mà tôi vẫn tiếc. Tiếc sao không đủ tài, đủ lời để tả cái tâm trạng ấy cho linh hoạt. Tiếc rằng, dù tả cái tâm trạng ấy cho linh hoạt đến bậc nào, cũng khó thể làm cho người ta lĩnh hội được bao nhiêu ồ ạt trong lòng tôi.
Bởi vì sự nghèo nàn túng bấn của gia đình kia, đem so với những khốn nạn của dân tộc Việt Nam, thì nào có ra gì ? Bởi vì món nợ to mà nó phải trả, đem sánh với món nợ mà dân tộc Việt Nam phải trả với lịch sử nhân loại, thì nào có ra gì ? Bởi vì khối vàng của đứa con kia tìm được, đem cân với cái tôi thấy có thể đem hạnh phúc và vinh quang cho dân tộc Việt Nam, thì giá trị có bao nhiêu ?
Nhưng mà tôi biết. Tiếng gọi đàn của đứa kia còn có thể làm cho anh, chị, em của nó cảm, hóa, tin theo được. Còn tiếng gọi đàn của tôi, dù có thét to đến bậc nào, dù có một giọng tha thiết như thế nào, dù có những luận điệu đanh thép cho cách nào, tiếng gọi đàn của tôi cũng sẽ là tiếng kêu trong sa mạc. Tung lên trời, nó chạy thẳng, đuổi theo cái vô biên, không một tiếng vang, không lời đáp lại… Mà lòng thổn thức, không thể nào dằn. Phải cất giọng to mà lên tiếng gọi đàn. Ấy là để cổi lòng, nếu không đem lại tất cả những kết quả của tôi trông thấy.
Ngài không làm như lời tôi bày vẽ, thì ngài hãy tin giùm. Ngài không tin theo lời tôi bày vẽ, thì ngài hãy cảm giùm. Ngài không cảm vì lời tôi bày vẽ, thì ngài hãy nghe giùm. Nghe cho nốt tiếng gọi đàn của tôi, để giúp cho tôi khỏi cái đau khổ của một kẻ phải thét to trong sa mạc.
II. NHẮN BẠN…
Bạn đã lên đường. Bạn đi dự hội nghị văn hóa toàn quốc. Bạn là Nguyễn. Bạn là Lê. Bạn là Lý. Bạn là Trần. Bạn là Đinh. Bạn là… một nhà văn hóa Việt Nam. Bạn là « anh ». Mà bạn cũng là « chị » nữa. Ủy ban vận động hội nghị đã vạch rõ sứ mạng lớn lao của bạn. Này : « Cuộc phấn đấu giải phóng dân tộc của chúng ta đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn giành độc lập hoàn toàn trên lập trường chính trị, kinh tế, văn hóa nhiều hơn là bằng võ lực tuy rằng việc chuẩn bị võ lực không phút nào chúng ta sao lãng ».
Bạn tham gia vào công việc của hội nghị. Bạn say sưa với sứ mạng, cảm động vì thấy dân tộc sở cậy vào bạn, sung sướng vì lần thứ nhất bạn được trình bày tài ba riêng tư và hoài bão thầm kín của bạn với một hy vọng nồng nàn rằng mộng bạn sắp được thực hiện ! Bấy lâu, tinh thần thượng võ chỉ ca tụng những đấng anh hùng sống dưới làn tên mũi đạn, chết da ngựa bọc xương, lấy xương máu xây đắp vinh quang cho dân tộc. Bạn là nhà văn hóa. Bạn sống trong cảnh yên tĩnh, bạn chết giữa thân thuộc vợ con, bạn chỉ đem cái văn hóa vô hình mà gom góp vào việc xây dựng xã hội. Trong những lúc ai nấy góp phần xương máu để xây dựng một tương lai khoáng đãng và rực rỡ, bạn muốn đem một cái mà, riêng bạn, bạn cho là cao quý hơn, có công hiệu hơn, để góp phần cái ấy là trí óc của bạn mà hiện thân là văn hóa. Điều này, chỉ riêng bạn biết. Khổ nỗi ! « Người ta » phỏng có chê bạn hèn nhát, không dám đem xương máu mà góp phần, lại bày đặt đem một cái vô hình là văn hóa mà thay thế vào
chăng ? Càng khổ hơn nữa là « người ta » ấy, chính là lương tâm của bạn !… Nay trong giai đoạn mới này, văn hóa của bạn được lãnh một sứ mạng lớn lao, ngang hàng với chính trị và kinh tế. Chắc bạn đã khỏi phải phập phồng, e ngại như hồi xưa ! Không còn băn khoăn riêng tây ở cõi lòng, bạn sẽ tham gia vào công việc của hội nghị với tất cả tâm lực.
Tôi không phải là một nhà văn hóa.
Vì lẽ ấy, tôi cảm thấy văn hóa có một cái gì thiêng liêng, có một sự sáng suốt toàn tri, có một sức lực toàn năng như Thượng Đế. Hơn nữa, Thượng Đế chỉ là một vật sáng tạo của những văn hóa cũ xưa, thì tôi tin rằng văn hóa tương lai sẽ đến bực thiêng liêng toàn tri và toàn năng ! Phỏng có ai cắt nghĩa cho tôi rằng tôi lầm, tôi sẽ không nghe. Tôi sẽ tin mãi nơi văn hóa… cho đến chừng, thành một nhà văn hóa, đạt đến tuyệt đỉnh của văn hóa, xem đã cùng, đã khắp, đã thấu, đã triệt những đại thể, chi ly và khả năng của văn hóa, tôi lại phải đến kết luận rằng văn hóa không có gì là thiêng liêng cả. Chừng đó, tôi sẽ thay đổi tin tưởng của tôi. Nhưng bây giờ tôi chưa phải là một nhà văn hóa. Thì hãy để cho tôi tin vậy.
Đuổi theo một mục đích thực tiễn, bạn thấy « nghề văn hóa » nuôi sống bạn rất khỏe thân hơn là nghề cầm cày, nghề phu mỏ. Bạn chọn một ngành hoạt động văn hóa nào đó làm sinh kế. Tôi nào có trách chi bạn về việc gán cho văn hóa một giá trị quá ư thực tiễn. Tôi chỉ nhằm vào giá trị tinh thần của hoạt động của bạn. Tôi chỉ kể tính cách tu dưỡng của sự hoạt động ấy. Hễ thấy loài người được rèn, luyện, uốn, nắn, hun, đúc, cho ngày càng tốt đẹp cao quý hơn nhờ cái
« nghề văn hóa », thì tôi đã cảm thấy giá trị thiêng liêng của văn hóa rồi. Tôi sẽ thay lời cho tất cả những kẻ như tôi mà cảm ơn bạn, đinh ninh với nhau rằng : những sung sướng vật chất hãy để cho nhà văn hóa riêng hưởng, còn cái văn hóa tự thân, thì chúng ta, nhân loại đây, chúng ta hãy giành hưởng lấy tinh hoa !
Đuổi theo những hương vị riêng của thuật hành lạc, bạn thấy « chơi văn hóa » thích ý bạn hơn là uống rượu, hút thuốc phiện, đánh bạc. Bạn chọn một ngành văn hóa nào đó làm tháp ngà để riêng sống một đời thú vị. Tôi nào có trách chi bạn về việc gán cho văn hóa một tính cách quá ư vị kỷ. Tôi chỉ nhằm vào giá trị nhân bản của sự hành lạc của bạn. Tôi chỉ kể tính cách phổ biến của sự hành lạc ấy. Hễ thấy loài người được rèn, luyện, uốn, nắn, hun, đúc cho ngày càng tốt đẹp cao quý hơn nhờ cái « chơi văn hóa », thì tôi đã cảm thấy giá trị thiêng liêng của văn hóa rồi. Tôi sẽ thay lời cho tất cả những kẻ như tôi mà cám ơn bạn, đinh ninh với nhau rằng : những vui thú ở tâm hồn hãy để cho nhà văn hóa riêng hưởng, còn cái văn hóa tự thân, thì chúng ta, nhân loại đây, chúng ta hãy giành hưởng lấy tinh hoa !
Đuổi theo những phương tiện quảng cáo và tuyên truyền, bạn thấy « ngón văn hóa » khéo léo, hiệu quả hơn là những phương tiện khác, Bạn chọn một ngành văn hóa nào đó làm phương tiện để đeo đuổi một mục đích chính trị, kinh tế, quân sự. Tôi nào có trách chi bạn về việc lợi dụng văn hóa để bước sang qua một địa hạt khác. Tôi chỉ kể năng lực tiềm ẩn của sự vận dụng tâm hồn quần chúng. Hễ thấy loài người được rèn, luyện, uốn, nắn, hun, đúc cho ngày càng tốt đẹp
cao quý hơn nhờ cái « ngón văn hóa », thì tôi cảm thấy giá trị thiêng liêng của văn hóa rồi. Tôi sẽ thay lời cho tất cả những kẻ như tôi mà cảm ơn bạn, đinh ninh với nhau rằng : những oai quyền chính trị, kinh tế, quân sự, hãy để cho nhà văn hóa riêng cầm lấy, còn cái văn hóa tự thân, thì chúng ta, nhân loại đây, chúng ta hãy giành hưởng lấy tinh hoa !
Bạn là anh ?
Bạn là chị ?
Bạn là già ?
Bạn là trẻ ?
Bạn là ở tầng lớp xã hội nào đó, giai cấp nào đó, bạn có học lực nào đó, có sự nghiệp danh vọng nào đó ?
Tôi nào có nghĩ đến những điều ấy bao giờ. Nhà văn hóa của tôi là kẻ gắng sức một cách thường xuyên để rèn, luyện, uốn, nắn, hun, đúc loài người cho ngày càng tốt đẹp cao quý hơn. Bạn có cố gắng như thế, bất cứ ở một địa hạt nào, hoặc cải tạo hoàn cảnh sinh sống, hoặc cải tạo điều kiện xã hội, hoặc cải tạo thân thể, lý trí, tâm hồn của loài người, mục đích tu dưỡng, bạn đạt bằng đường lối cá nhân hay bằng đường lối tập thể, ý nghĩa cao quý bạn đeo đuổi bằng ý thực hệ này hay bằng ý thức hệ khác… bạn có cố gắng « người » trở nên NGƯỜI, bạn là nhà văn hóa của tôi vậy.
Mà nếu là như thế, tất cả những ai không buông mình thả trôi theo cái chiều của sự sống lười biếng, trái lại cố gắng vận dụng tinh thần để đeo đuổi mục đích « người » trở nên NGƯỜI, tất cả những kẻ ấy đều nuôi nấng một tinh thần văn hóa.
Thú thực với bạn. Tôi vẫn hoài bão tinh thần nhân bản ấy. Tôi vẫn muốn rèn, luyện, uốn, nắn, hun, đúc tôi, cho tôi ngày nay đẹp hơn tôi ngày hôm qua, cho tôi ngày mai càng đẹp hơn tôi ngày nay, để rồi bây giờ tôi là « người » dần dần đuổi theo NGƯỜI, cái NGƯỜI ngày càng to lớn, đẹp đẽ, phát triển với thời gian. Tôi chưa ghi được một thành tích gì trong phong trào văn hóa, song lòng ham muốn tha thiết, tôi vẫn có thừa. Phỏng tôi bất tài, không đủ sức lượm được một kết quả gì, bạn có cho tôi nhập vào đại gia đình văn hóa chăng ?
Cao vọng ấy, ngày nay tôi chưa đặt ra. Nhưng tôi xin bạn một điều : bạn hãy nghe những lời băn khoăn, những đòi hỏi tha thiết của một kẻ yêu mến văn hóa và hãy nghe cuồng mộng của một kẻ, vì không phải là nhà văn hóa, nên có thể tưởng rằng đó là tương lai văn hóa Việt Nam.
III. TÌM TRẢ THÙ TRƯỚC ĐẠI HỒI ĐỒNG CỦA NHÂN LOẠI…
Bạn dự hội nghị văn hóa toàn quốc. Bạn sẽ theo một chương trình nghị sự rõ rệt. Tâm trí của bạn sẽ căng thẳng như giây đờn, rung động và hòa nhịp theo những bản đờn đã kê cứu từ lâu và thích ứng với những đòi hỏi thực tiễn của hiện tại.
Lẽ tất nhiên, bạn có thể đưa ra những lối giải quyết có tính cách thời thượng, thích hợp với những điều kiện hiện tại. Những lối giải quyết ấy kết thành hệ thống, sẽ đào tạo ra một ý thức hệ cho bạn, cho tôi, cho tất cả chúng ta ở thời này, một ý thức hệ do điều kiện hiện tại chi phối. Tôi muốn nói : một ý thức hệ Việt Nam 1946.
Đó là một thái độ thực tiễn. Bạn có thể an ủi bạn rằng : sang năm, ta sẽ kiểm điểm lại, ta sẽ tu chỉnh lại. Rồi mỗi năm, một hội nghị văn hóa toàn quốc, mỗi năm một canh cải thêm cho gần thực tế, cho kịp với thời gian.
Bạn hãy tin rằng tôi đồng tình với phép làm việc thiết thực ấy. Song không khỏi có một hai ý muốn riêng, tôi trình bày sau đây một vài ước vọng, bạn hãy nhớ cho !
Ý thức hệ (sản phẩm, hay là một ngành, hay là tinh hoa, hay là hình thức của văn hóa tùy ý bạn) có một sinh hoạt độc lập và trường cửu. Đâm manh nha vào những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và những di vật của văn hóa cũ xưa, ý thức hệ thành hình là một tòa kiến trúc lộng lẫy. Mà khác
hơn, nó có một sinh hoạt : nó hút nhựa sống nơi những điều kiện cụ thể, nó trưởng thành, phát triển. Rồi, khi những điều kiện này không còn nữa, tuy không hút nhựa vào đâu, nó còn sống thừa, sống thêm rất lâu với thời gian. Bạn hãy cùng với tôi kiểm điểm những ý thức hệ đã sống dư đến một hai nghìn năm. Bạn sẽ lấy làm lạ mà thấy rằng đó là những ý tưởng đang chế ngự đa số nhân loại.
Sức sống thừa của ý thức hệ là một tai vạ cho nhân loại. Khi nó không còn thích hợp với điều kiện cụ thể, khi cái xác nó xung đột với điều kiện cụ thể, thì cái xác nó không nhường nhịn chút nào. Xác nó là khung khổ phản tiến hóa, xác nó là lực lượng phản động, bao giờ cũng giành phần thắng cho mình. Khi mới thành lập, nó giúp ích cho sự tiến bộ khá nhiều, nhưng mà về sau, đến giai đoạn nó sống thừa, loài người phải lắm bận rộn vì xác nó. Hầu gần hết sức hoạt động của loài người là phá vỡ xác nó để lập ra một ý thức hệ mới, thích hợp hơn…
Loài người không thể cổi bỏ ý thức hệ cũng như một người không thể cổi bỏ tâm hồn. Bạn tham gia vào việc thành lập một ý thức hệ Việt Nam 1946. Đều đó rất cần vậy. Tôi chỉ nhắc bạn những băn khoăn của tôi về cách thành lập. Tôi có những băn khoăn ấy khi tôi nhớ đến sức sống thừa của ý thức hệ. Bạn là kẻ có phần trách nhiệm trong việc thành lập ý thức hệ. Bạn hãy thận trọng với trách nhiệm, biết định luật sống thừa kia mà tìm một cách giải quyết cho xứng đáng.
Để một ngày kia, con cháu của chúng ta tấm tắc khen lối giải quyết tinh xảo của bạn : « Ồ ! Cái ý thức hệ Việt Nam
1946 đến bây giờ hãy còn thích ứng, ta khỏi phải khổ vì nó, bận vì nó. Hay thay ! »
Như vậy, biết được luật sống thừa của ý thức hệ bạn xây đắp một nền văn hóa Việt Nam có thể tự hào rằng thoát được sự chi phối của luật ấy. Đẹp đẽ thay !
Tôi còn mơ mộng to hơn, đẹp hơn. Tôi đã muốn bạn xây đắp cho chúng ta một tòa văn hóa khoáng đãng, rực rỡ và bền chắc. Tôi đã muốn tòa văn hóa ấy sống đời, sống thực được lâu, và hãy còn xa tít mù kia, thời kỳ mà nó phải sống đời sống thừa. Tôi còn muốn tòa văn hóa ấy được làm kiểu mẫu cho văn hóa của loài người. Đã có những thời một văn hóa nào đó sáng chói lọi một góc trời. Tôi lại muốn về sau văn hóa Việt Nam rực rỡ, khắp nhân loại. Tôi còn mong sao cho ý thức hệ Việt Nam 1946 được nhân loại công nhận làm ý thức hệ của mình ; và khắp đâu đâu người ta quay đầu về Việt Nam để ngưỡng mộ một văn hóa rực rỡ, như buổi sáng người ta hướng về phương Đông để đón mặt trời…
Ước vọng này không phải tự nhiên mà tôi có được. Trong lúc căng thẳng tâm trí, cân não để chống chọi mọi sự áp bức, đè-nén, trong lúc tìm một lối giải thoát để ra khỏi cảnh tủi nhục, thì « dõi theo đường báo thù, người ta gặp sự sống… »
Tôi tỉ mỉ dõi theo từng giai đoạn cái quá trình tranh đấu giải phóng của dân tộc ta. Giành hoàn toàn độc lập về chính trị. Được lắm, tốt lắm, nhưng chưa đủ. Giành thêm cho được hoàn toàn độc lập về kinh tế. Hay lắm, đẹp lắm ; song thể xác đã giải phóng rồi, còn cái linh hồn, còn cái văn hóa. Sau một nghìn năm đô hộ của Tàu, ta giải phóng thể xác ta được,
mà một nghìn năm thêm về sau, ta hãy còn chịu cái ách văn hóa nặng nề. Vậy phải lo giải phóng về văn hóa. Quá trình trừu tượng là như thế ấy. Thực ra tôi không biết phải để bao nhiêu năm mới diễn xong…
Trong lúc dân tộc ta ngụp lặn trong cuộc tranh đấu gay go, khổ sở ở một giai đoạn nào, thì không biết sau cuộc chiến tranh thứ ba, thứ tư, thứ năm gì đó, nhân loại sinh chán chê cái văn hóa của đè nén, của áp bức, của bất công, của gạt gẫm, của ngu dốt, của giết người, nhân loại vùng vẫy để thoát khỏi cái văn hóa ấy và để xây dựng một tương lai huy hoàng, tráng lệ. Chừng thành công rồi, nhân loại sẽ lập một cuộc đại hội đồng (cái phòng đại của hội nghị văn hóa toàn quốc của ta chăng ?) để kiểm điểm sự nghiệp, công trình và giá trị của mỗi dân tộc, và để vạch một đường lối tiến triển chung cho nhân loại.
Ở đại hội đồng của nhân loại này, ta sẽ không còn nghe những lời kêu ca thống thiết của một dân tộc bị dày xéo nào cả. Ở đại hội đồng của nhân loại này, ta sẽ không thấy những mưu mô làm bá chủ của một dân tộc nào cả. Đâu còn dân tộc này đè nén dân tộc kia ? Bởi vì không còn những dân tộc riêng rẽ, mà chỉ còn chung một nhân loại.
Ở đại hội đồng của nhân loại này, người ta không bàn đến quyền lợi vị lai của dân tộc. Sở dĩ còn nhắc đến dân tộc, ấy vì muốn ghi những công to của mỗi dân tộc đối với nhân loại, trong quyển sử của nhân loại.
Ở đại hội đồng của nhân loại này, tôi muốn cho đại biểu dân tộc Việt Nam trình bày một cái chi cho vĩ đại, cho huy
hoàng. Cái chi cũng được. Sự nghiệp quân sự cũng được. Sự nghiệp chính trị cũng được. Sự nghiệp kinh tế cũng được. Cái chi cũng được. Miễn cho là vĩ đại, là huy hoàng để đại hội đồng của nhân loại hoan nghinh, là tôi mãn nguyện.
Bạn hãy ráng hiểu tâm trạng tôi sao ra như thế. Có gì khó hiểu đâu ? Thuộc vào một dân tộc bị đè nén, bóc lột, dày xéo, bấy lâu nay tôi ngậm hận, tôi căm hờn. Thuộc vào một hạng người mang bao nhiêu ách, chịu bao nhiêu thiệt thòi, thua sút, bấy lâu nay tôi mong mỏi chường mặt dưới ánh mặt trời. Để có thể hãnh diện trông vào mặt bọn thù xưa mà công bố cách trả thù anh hùng của mình : « Này ! Ta chịu khổ hạnh để cung cấp cho nhân loại cái vĩ đại huy hoàng này làm tinh-thần. Sự nghiệp của ta thành nền móng của đạo NGƯỜI. Với cái sự nghiệp ích kỷ, hèn hạ của chúng bay, chúng bay hãy giấu mặt, đừng chường trước đại hội đồng nhân loại ! »
Bạn đã hiểu chưa ?
Tôi muốn bạn đào tạo cho dân tộc Việt Nam một văn hóa hùng vĩ, tráng lệ, để được dâng cho nhân loại làm văn hóa nhân loại. Điều ấy vốn để trả thù, trả thù bằng tinh thần.
Bạn có thể cho điều tôi mơ mộng ấy là ngông cuồng. Nhưng tôi xin van bạn. Bạn hãy khoan xếp sách này lại. Bạn hãy đọc nốt. Bạn sẽ thấy rằng : « dõi theo đường báo thù, người ta gặp sự sống ». Chừng đó, bạn sẽ cố gắng đào tạo cho dân tộc Việt Nam một văn hóa huy hoàng, tráng lệ, hầu khắp đâu đâu người ta quay đầu về Việt Nam để đón rước một văn hóa rực rỡ, như buổi sáng người ta hướng về phương Đông để đón mặt trời.
IV. …GẶP SỰ SỐNG
Bạn có tin không ? Dân tộc Việt Nam sẽ sống, sống mãi bất cứ dưới điều kiện khổ khắc nào. Sức sống của dân tộc Việt Nam vẫn hăng, vẫn mạnh từ bốn ngàn năm…
Sức sống ấy tượng trưng là con chim Lạc, con chim khổng lồ ở thời tiền sử, đại diện cho sự thức thời, khi tuyết lạnh đến, chống chọi không lại, biết trốn tuyết, hướng về Nam mà tiến… chờ xuân về mà cùng về với xuân. Con chim Lạc đã biết đến Côn đảo1, dưới bóng mặt trời ấm áp mà tìm cái Sống. Giống Việt thờ kính sức sống mãnh liệt ấy, thờ kính con chim Lạc2, và tự nhận mình là dòng dõi của chim Lạc, của Tiên.
Sức sống ấy cũng tượng trưng là con Rồng, con thú khổng lồ mình dài, có vảy, có bốn chân, hai cánh, đầu như sư tử có sừng. Rồng vốn ở lưu vực sông Hồng hà, thời hồng thủy. Nó đã dõi theo đường Nam tiến. Thầy địa lý Cao Biền – một thứ địa chất học ở thời xưa – đã theo dấu nó đến xứ Việt Nam, định giết cho hết không để chúng nó hun đúc tinh thần của dân tộc Việt. Nào dè chúng nó đã ẩn ở Vịnh Hạ long3, thỉnh thoảng một vài con lên chơi và khách du-lịch có khi gặp được. Giống Việt thờ kính sức sống mãnh liệt ấy, thờ kính con Rồng và tự nhận mình là dòng dõi của Rồng.
Bạn đã thấy chưa ? Đã mấy trăm đời, tổ tiên chúng ta tự nhận là con Rồng cháu Tiên. Ấy là hô to để người biết, để tự nhắc mình cái sức sống mãnh liệt bất cứ ở hoàn cảnh nào.
Sức sống mãnh liệt ấy đã dìu dắt đoàn người Việt đến bờ
sông Nhĩ Hà. Sức sống ấy đã dìu dắt tinh thần Việt Nam trong mấy hồi vận bĩ. Nghìn năm đô hộ, dân tộc Việt Nam không hóa theo người, giữ ngôn ngữ riêng, tập quán riêng, tâm hồn riêng. Đã mấy lần sức sống ấy khuyến khích hai bà Trưng, Lê Lợi. Đã mấy lần sức sống ấy hiện ra ở Bạch đằng, ở Đống đa… Hơn nữa, sức sống ấy biết hạn chế những mộng ngông cuồng : khi có kẻ muốn mượn kiếm phục quốc mà mở rộng đế nghiệp, thì sức sống ấy hiện làm con Rùa mà thu kiếm lại.
Bạn đã rõ chưa ? Sức sống của dân tộc Việt Nam có một cái gì uyển chuyển, sáng suốt chớ không phải ngây ngô và mù tối. Khi oanh liệt, biết oanh liệt, khi dụng mưu, biết dụng mưu, khi thức thời, biết thức thời, khi tiến, biết tiến, khi thủ, biết thủ, khi cần đổi hình thức và thể chất, biết đổi. Sức sống này không chỉ vì nhu cầu hiện tại, mà luôn ngóng theo sự thắng lợi trong cuộc tranh đấu cuối cùng.
Hiện nay, trong thời đại của phi cơ, của bom nguyên tử, của chiến tranh toàn diện này, ta có thể lập những chiến công rực rỡ như Alexandre, Koubilaï, Napoléon chăng ? Sức sống tự nhiên đi truyền dạy ta : « Không nên dấn thân vào đường ấy. Đó là con đường chết, con đường đã hại tiêu bài dân tộc Đức – Nhật còn hùng cường gấp mấy lần ta ! ». Vả lại, « nhất tướng công thánh bạn cốt khô », chiến công xâm lược đã đem ích gì cho nhân-loại, đã có tính cách gì là nhân
đạo mà hòng đeo đuổi ?
Hiện nay, đế quốc chủ nghĩa lũng đoạn tất cả nền kinh tế thế giới, ta có thể lập một sự nghiệp kinh tế vĩ đại và giành lại ngôi bá chủ được chăng ? Sức sống di truyền dạy ta : « Ảo
vọng ! Tài nào mà rượt theo kịp những nước to, giàu nguyên liệu, thừa tư bản và tiến hơn về mặt kỹ thuật ? ». Vả lại, xây dựng sự giàu có của chúng ta bằng sự bóc lột, kiến thiết sự nghiệp kinh tế của ta bằng sự nghèo đói khó nhọc của dân tộc khác, điều đó có ích gì cho nhân-loại, có tính cách gì là nhân-đạo mà hòng đeo đuổi ?
Hiện nay, các cường quốc tranh hùng, giành làm bá chủ thế giới, ta có thể lập một sự nghiệp chính trị khổng lồ, chiếm địa-vị tối thượng chăng ? Sức sống di truyền dạy ta : « Cuồng mộng ! Phương tiện nào mà lấn át được những nước dân số nhiều, địa thế rộng, kinh tế phong phú và quân sự dồi dào ». Vả lại sắp đến thời kỳ không còn dân tộc riêng rẽ, thì đè nén, áp bức, đô hộ dân tộc khác như thế được bao lâu và có ích gì cho nhân-loại, có tính cách gì là nhân đạo mà hòng đeo đuổi ?
Sống. Phải sống !
Sống cho đúng ý nghĩa của sự sống ở thế kỷ XX này, sống cho có ích cho nhân-loại, cho hợp với nhân-đạo.
Sống cho được với những sự khó khăn mới của một thời hắc ám. Thân thể, chúng có thể trói buộc, của cải, chúng có thể cướp giựt, nhưng mà tinh thần, tâm hồn, nếu ta chống cự lại, ai đá động được bao giờ ?
Ta sống một cái đời đầy đủ của tâm hồn.
Ta chống chọi lại mọi thứ xâm lăng tinh thần. Ta nêu lên một sinh hoạt tinh thần mà kẻ khác phải chịu phục theo. Đã có lượt, dưới gót đè nén của đế quốc La mã, nền văn hóa Gia Tô phát huy để chiếm tâm hồn của kẻ chinh phục. Dân tộc
Việt Nam tìm lối sống phải tạo một nền văn hóa mãnh liệt để chiếm tâm hồn của cả nhân loại. Điều đó không cần binh lực đông, chiến xa khỏe, phi cơ to, bom nguyên tử nhiều, tư bản thừa hay điều kiện chính trị thuận tiện. Với tâm hồn cố gắng sống, kém hơn người về quân sự, chính trị, kinh tế thì tìm địa hạt khác để hơn người. Mà địa hạt văn hóa không ai tranh giành, bá chiếm được. Ta hãy cố gắng ở địa hạt văn hóa.
Vì đó là sự sống của ta. Bằng không cố gắng thì chúng ta sẽ là một dân-tộc không có văn hóa, mượn cái văn hóa của kẻ khác mà sống… một đoàn những xác không hồn.
*
Vậy bạn hãy thận trọng.
Tôi vốn là kẻ tìm một kế hoạch trả thù một cách cho anh hùng, hãnh diện nhìn cao, khi mà kẻ thù thảy gục mặt trước hội đồng của nhân loại. Tôi chỉ thấy vẻn vẹn một kế hoạch. Đó là đưa văn hóa Việt Nam đến một tương lai rực rỡ.
Cả dân tộc tìm một đường lối để sống đầy đủ ý nghĩa trong thời kỳ phi cơ, bom nguyên tử và độc quyền đế quốc. Dân tộc cũng phải chọn kế hoạch văn hóa.
Tôi cũng vậy. Cả dân tộc cũng vậy. Cùng sở cậy vào văn hóa. Thì trách nhiệm của bạn nặng nề biết bao !
V. ĐÔNG PHƯƠNG ĐẠO HỌC…
Bạn là một nhà văn hóa đông phương. Bạn theo Khổng học. Bạn đuổi theo mục đích « tu, tề, trị, bình ». Hướng nội, bạn theo một phép tu dưỡng : « thành ». Hướng ngoại, bạn theo những quy tắc : « nhân, nghĩa, lễ, trí, tín ». Trong Khổng học, bạn thấy rèn luyện ở cái Tín, Thành ; bạn thấy uốn nắn ở cái Lễ ; bạn thấy hun đúc ở cái Khí, Tiết. Bạn thấy đó là cái Văn hóa. Bạn muốn đem Khổng học nêu lên Văn hóa Việt Nam.
Xin lỗi bạn. Tôi muốn trả thù tinh thần ở trước Đại hội đồng nhân loại. Tôi không thể nào đem sự nghiệp của một người Tàu, của Khổng phu Tử mà cổ võ ồ ạt, bảo đó là Văn hóa Việt Nam. Và dân Việt Nam muốn sống, nào có chịu quay đầu về cái văn hóa đã bại trận trước sự xâm lăng của tư bản chủ nghĩa Âu Tây, cái văn hóa đã chôn phần nửa nhân loại trót hai nghìn năm dưới sự lầm than, đói rét và ngu muội ! Bạn hãy thực tiễn, bạn không tài nào làm cho lịch sử đi ngược chiều của nó.
*
Bạn là một nhà văn hóa đông phương. Bạn chia sẻ tư tưởng của Lão Trang. Bạn đuổi theo một mục đích duy nhất là Đạo Đức, Hướng nội. Bạn theo một phép tu dưỡng : « cốc thần ». Hướng ngoại, bạn theo một phương châm duy nhất : « vô vi ». Trong Lão, Trang học, bạn thấy rèn luyện ở cái cốc thần ; bạn thấy uốn nắn ở cái vô vi ; bạn thấy hun đúc ở cái Đạo. Bạn thấy đó là cái Văn hóa. Bạn muốn đem Lão học nêu
lên làm Văn hóa Việt Nam.
Xin lỗi bạn. Tôi muốn trả thù tinh thần ở trước Đại hội đồng nhân loại. Tôi không thể đem sự nghiệp của những người Tàu, của Lão Tử, của Trang Tử mà cổ võ ồ ạt, bảo đó là Văn hóa Việt Nam. Và dân tộc Việt Nam muốn sống nào có chịu quay đầu về cái văn hóa đã bại trận trước sự xâm lăng của phong kiến, của tư bản chủ nghĩa Âu Tây, cái văn hóa chưa từng đem một ích lợi gì cho nhân loại trót hai nghìn năm cơ cực và ngu muội ! Bạn hãy thực tiễn, bạn không tài nào làm cho mấy tỉ sinh linh cùng « cốc thần bất tử » để thông cảm với cái « đạo ».
*
Bạn là một nhà văn hóa đông phương. Bạn qui y Phật pháp. Bạn theo đuổi mục đích diệt khổ. Hướng nội, bạn theo một phép tu dưỡng : « Huệ Tâm ». Hướng ngoại, bạn theo những quy tắc : « đại hùng, đại lực, đại từ bi ». Trong Phật pháp, bạn thấy rèn luyện ở cái Tịnh tâm : bạn thấy uốn nắn ở cái Pháp ; bạn thấy hun đúc ở cái Giác. Bạn thấy đó là cái Văn hóa. Bạn muốn đem Phật pháp nêu lên làm Văn hóa Việt Nam.
Xin lỗi bạn. Tôi muốn trả thù tinh thần ở trước Đại hội đồng nhân loại. Tôi không thể đem sự nghiệp của một người Ấn, của Thích ca mà cổ võ ồ ạt, cho đó là Văn hóa Việt Nam. Và dân tộc Việt Nam muốn sống nào có chịu quay đầu về cái văn hóa đã bại trận trước sự xâm lăng của phong kiến, của tư bản chủ nghĩa Âu tây, cái văn hóa chưa từng đem lại một sự giải phóng cho nhân loại trót hai nghìn năm cơ cực và ngu
muội ! Bạn hãy thực tiễn, bạn không tài nào làm cho chúng sinh cùng « nhập nát bàn » để chừng đó bạn mới có thể « nhập nát bàn ».
*
Bạn là một nhà văn hóa đông phương. Bạn theo một chi phái nào đó. Bạn có rèn luyện, uốn nắn, hun đúc, bạn có một văn hóa. Trước khi bạn nêu lên trong hội nghị văn hóa toàn quốc cái văn hóa của bạn để làm Văn hóa Việt Nam, bạn hãy nghe mấy lời.
Tính cách Văn hóa là rèn luyện uốn nắn, hun đúc. Đành vậy. Nhưng rèn luyện, uốn nắn, hun đúc, trái trở lại nào phải là Văn hóa ? Đó là những phương châm, đó là những hình thức. Bạn rèn luyện con người cho hiếu chiến như dân của Đức quốc xã, bạn uốn nắn cho người theo những khuôn mẫu phục tòng như thanh niên Nazi, bạn hun đúc tinh thần chinh phục cho người theo cao vọng Hitler, rèn luyện ấy, uốn nắn ấy, hun đúc ấy không phải là Văn hóa. Nó ngược lại Văn hóa. Nó làm cho người trở về cảnh cơ cực và hắc ám.
Tính cách Văn hóa là ở trong tinh thần của Văn hóa. Văn hóa phải làm cho người ngày càng cao quý, đẹp đẽ hơn, phải làm cho « người » trở nên « NGƯỜI ». Tính cách Văn hóa là một tính cách nhân bản, lấy người, lấy loài người là cỗi gốc. Văn hóa sẽ không phải là Văn hóa nữa, nếu nó không phụng sự loài người và đi phụng sự cái gì khác. Văn hóa sẽ không phải là Văn hóa nữa, nếu nó không làm cho người ngày càng cao quý, tốt đẹp hơn và đi đóng một cái trò gì khác. Bạn hãy nhớ. Ngày nào cái mà người ta gọi là Văn hóa lại đem dùng
vào mục đích khác, cũng như Napoléon đem « tự do, bình đẳng, bác ái » làm khí giới chinh phục, thì cái đó hết còn là Văn hóa nữa. Tính cách Văn hóa phải là tính cách nhân bản, xin nhắc lại cho bạn. Và khéo thay kẻ nào đã biết chọn chữ văn (tốt đẹp) chữ hóa (biến cải) mà để trỏ cái mà phương tây chỉ tìm đến chữ culture (trồng trọt) để gọi tên !
Này nhà nho ! Khổng học của bạn rèn luyện, uốn nắn, hun đúc con người để phụng sự cho lý tưởng cao quý nào, để phụng sự cho nhân loại chăng ? Bạn nhớ lại xem. Nó phụng sự cho oai quyền, oai quyền của vua, của thầy, của cha, của chồng. Nó phụng sự cho chế độ phong kiến, chế độ áp bức, bóc lột và ngu tối. Nó không phụng sự cho nhân loại. Nó không có tính cách nhân bản. Việc tu dưỡng của nó có hơn gì sự tu dưỡng của Hitler, Goebels ? Dù Khổng phu Tử là người Việt Nam, tôi cũng không dám cho Khổng giáo là Văn hóa và đem trình làm Văn hóa Việt Nam trước Đại hội đồng nhân loại. Loài người còn nên theo cái gì cao quý, đẹp đẽ hơn là những oai quyền thối nát, những chế độ tàn ác và tối đen mà !
Này đạo sĩ ! Lão học của bạn rèn luyện, uốn nắn, hun đúc con người để đuổi theo mục đích cao quý nào, để phụng sự cho nhân loại chăng ? Bạn nhớ lại xem ! Nó phụng sự cho cái Đạo, cái hư vô. Nó tập cho bạn giải thoát cá nhân. Bạn dưỡng sinh trong lúc tất cả quằn quại trong cảnh khổ. Tôi không thể nhận cái cá nhân chủ nghĩa tuyệt đối ấy là văn hóa, dù là một cá nhân chủ nghĩa có tu dưỡng chớ không buông lung lãng mạn. Tôi chưa dám trình văn hóa của bạn cho dân tộc Việt Nam mà cổ võ thì làm sao tôi dám trình cái văn hóa ấy
trước Đại hội đồng của nhân loại ?
Này nhà sư ! Phật pháp của bạn rèn luyện, uốn nắn, hun đúc con người để đuổi theo mục đích nào, để phụng sự cho nhân loại chăng ? Bạn nhớ lại xem ! Nó phụng sự cho Nát bàn. Nó lấy mục đích là diệt nhân loại : Tôi không vu cáo bạn đâu ! Bạn khởi sự nơi bạn. Bạn không lấy vợ sinh con. Bạn tuyệt tự. Phật pháp truyền khắp cả, thì ai nấy đều tuyệt tự để nhập Nát bàn. Chúng sinh đều thành Phật cả thì đâu còn nhân loại ? Vậy bạn vì Nát bàn hơn là vì nhân loại. Tôi không nhận Phật pháp có tính cách nhân bản. Tôi thấy sự nhân loại tất cả nhập Nát Bàn – mục đích tối cao của bạn – không có gì là Văn hóa.
*
Tôi vẫn biết, trong Nho, Đạo, Thích, trong các phép tu dưỡng của Đông phương, lắm thuật có ý nghĩa và công hiệu, lắm lối tinh tế và huyền diệu. Song ý nghĩa ấy, công hiệu ấy, tinh tế ấy, huyền diệu ấy để phụng sự cái gì… ?
Bạn là nhà Văn hóa. Tôi là kẻ yêu mến Văn hóa. Tối đại vấn đề của chúng ta phải chăng là mục đích của Văn hóa ?
Theo tôi, Văn hóa Việt Nam phải có hẳn tính cách nhân bản của nó. Văn hóa Việt Nam không thể là một mớ phương châm để tha hồ đuổi theo mục đích gì cũng được.
Không. Trở nên « đàn cừu » tùng phục oai quyền, trở nên « Tiên », trở nên « Phật », tôi đều không muốn cả. Tôi chỉ muốn trở nên NGƯỜI. Và dân tộc Việt Nam cũng chỉ muốn trở nên NGƯỜI. Thì Văn hóa Việt Nam phải làm cho « người » trở nên « NGƯỜI » vậy !
VI. TÂY PHƯƠNG KHOA HỌC
Bạn là một nhà « văn hóa » tây phương. Bạn là một nhà triết học. Bạn là một nhà khoa học. Bạn theo một thuyết nào đó. Bạn hoạt động theo một ngành văn hóa nào đó.
Bạn cảm thấy sức mạnh của tây phương. Tôi không nói bạn mê say sức mạnh của tàu bay, tàu lặn, của đại bác, của bom. Không đâu ! Bạn thấy văn chương cổ điển có cái gì phổ biến, văn chương lãng mạn có cái gì say sưa, ồ ạt. Bạn thấy nghệ thuật có cái gì sâu sắc, đậm đà, ủy mị. Bạn thấy triết học có cái gì uyển chuyển, tinh tế. Mà nhất là khoa học. Khoa học, cái quý báu độc nhất vô nhị của tây phương !
Hiện nay, bạn thấy tây phương đắc thắng, chiếm địa vị tối thượng, hãnh diện với thế giới. Về quân sự, về kinh tế, về chính trị, tây phương là tất cả. Bạn cho tây phương là cái gương duy nhất, rồi bạn toan nêu cái « văn hóa » tây phương làm Văn hóa Việt Nam.
Tôi van bạn. Tôi ước mong bạn xây đắp riêng cho Việt Nam một nền Văn hóa rực rỡ. Để trước Đại hội đồng nhân loại, tôi trình nó ra mà hãnh diện trả thù lại Tây phương. Sao bạn nỡ vô tình, bảo tôi cúi đầu dưới « văn hóa » tây phương ? Sao bạn còn ác ý, bảo tôi đem cái « văn hóa » tây phương mà cổ võ gọi là của mình ? Không đâu ! Tôi không chịu đâu ! Đã tủi nhục về mặt quân sự, đã thiệt thòi về mặt kinh tế, đã khổ sở về mặt chính trị, tôi còn lòng nào đem tâm hồn tôi mà rèn luyện, uốn nắn, hun đúc theo khuôn mẫu của kẻ thù ?
Tôi đã như thế. Mà dân tộc Việt Nam có lẽ cũng như thế.
Một nghìn năm bị Tàu đô hộ mà còn không bị đồng hóa, nay lại hăm hở đồng hóa với Tây phương sao ?
Bạn thấy văn chương tây phương đáng yêu.
Thì bạn cứ yêu !
Bạn thấy nghệ thuật tây phương đáng thích.
Thì bạn cứ thích !
Bạn thấy triết học tây phương đáng quý.
Thì bạn cứ quý !
Bạn thấy khoa học tây phương đáng dùng.
Thì bạn cứ dùng !
Nhưng văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học của tây phương là khác. Mà « văn hóa » tây phương là khác. Bạn hãy phân biệt.
Tây phương không có Văn hóa. Tây phương chỉ có Quái hóa. Chính cái Quái hóa này chế ngự tâm hồn của tây phương nó rèn luyện, uốn nắn, hun đúc con người ngày càng hạ tiện, xấu xa.
Văn chương vốn là đẹp, là đáng yêu. Cái Quái hóa này lại chi phối lấy, hướng dẫn lấy làm một cái lợi khí ru ngủ, lường gạt để đặt lên đầu cổ loài người áp bức, đè nén, bóc lột.
Nghệ thuật vốn là khéo, là đáng thích. Cái Quái hóa này lại chi phối lấy, hướng dẫn lấy làm một phương tiện mê ngủ, lường gặt để đặt lên đầu cổ loài người sự áp bức, đè nén, bóc lột. Đến những tư tưởng đẹp đẽ như tự do, bình đẳng, bác ái, cái Quái hóa này cũng đổi làm khí giới chinh phục. Đến Xã hội chủ nghĩa cao quý kia, mà Quái hóa này cũng biến làm một khí giới chinh phục (Đến nỗi có kẻ như Lénine tức mình
đặt ra một danh từ mới : social impérialisme để trỏ bọn mồm nói xã hội chủ nghĩa mà hành động đế quốc).
Cái Quái hóa ấy rèn luyện, uốn nắn, hun đúc người tây phương xảo trá, quỷ quyệt, nham hiểm vô cùng. Họ không đuổi mục đích phụng sự loài người. Họ không theo nhân đạo. Họ không lấy nguồn gốc ở nhân bản.
Ở thế kỷ XVI đã có người thấy các trạng thái ấy, giật mình và cả tiếng kêu : « Khoa học mà không lương tâm chỉ tổ làm tiêu hủy tâm hồn ». Nhưng mà cái Quái hóa ấy đã thúc giục mãnh liệt hơn lời gọi kia. Quái hóa ấy nô lệ hóa khoa học nốt.
Quái hóa ấy đã xui khoa học chế ra đại bác, chiến xa, tàu chiến, phi cơ, hơi ngạt, vi trùng, bom nguyên tử… để giết người, để chinh phục kẻ yếu, để đè nén, áp bức, dày xéo chúng ta.
Quái hóa ấy đã xui khoa học đẻ ra tư bản chủ nghĩa, cấp những máy móc tinh xảo, tổ chức những cuộc mậu dịch khổng lồ, kiến thiết cả một bộ máy bóc lột nhân loại.
Thỉnh thoảng, một hai cá nhân tự nhiên xướng một hai học thuyết cao siêu, một hai chủ nghĩa hùng vĩ. Nhưng không lâu, học thuyết ấy, chủ nghĩa ấy bị Quái hóa biến thành phương tiện ru ngủ và chinh phục.
Thỉnh thoảng, một hai nhóm quần chúng tự nhiên vùng vẫy nổi lên làm cách mạng. Nhưng không lâu, phong trào cách mạng ấy bị Quái hóa biến thành phương tiện để lập một bộ máy đè nén, áp bức và chinh phục.
Quái hóa ấy điều khiển, chế ngự, làm cho tinh vi tất cả cái « ngành văn hóa » để đi ngược lại mục đích của Văn hóa.
Cũng đồng rèn luyện, uốn nắn, hun đúc loài người. Nhưng Văn hóa đuổi theo cái mục đích làm cho « người » trở nên NGƯỜI. Còn Quái hóa đuổi theo một mục đích trái lại, làm cho người trở nên nô lệ. Nô lệ tất cả. Người hèn yếu bị làm nô lệ cho kẻ giàu mạnh. Kẻ giàu mạnh bị làm nô lệ của tiền bạc. Tiền bạc bị làm nô lệ của một lực lượng huyền bí, vô hình… của Quái hóa.
*
Tinh túy của tây phương không phải là rèn luyện cho người trở nên NGƯỜI. Tinh túy của tây phương là rèn luyện, uốn nắn, hun đúc tất cả cái gì cũng thành phương tiện, bất cứ phương tiện nào cũng trở nên tinh xảo, để cho Quái hóa sai khiến, lợi dụng.
Ở tây phương không có gì là Văn hóa cả. Văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học… tất cả đều là phương tiện. Thử cho tây phương một cái văn hóa nào đó xem ! Chẳng bao lâu, cái văn hóa ấy bị đổi thành phương tiện nốt.
Bạn hãy kiểm điểm lại xem. Có tư tưởng, học thuyết, chủ nghĩa nào không bị đổi làm phương tiện, không bị lợi dụng đâu ? Bạn cãi với tôi. Bạn nói rằng đó là thời cũ, người cũ, văn hóa cũ. Bạn nói rằng, thời mới, người mới, văn hóa mới, sẽ không còn trạng thái ấy nữa. Tôi cũng ráng tin theo bạn vậy.
Nhưng mà ít nữa, cái Quái hóa phải bị tiêu diệt. Nó không còn chế ngự hướng dẫn văn chương, nghệ thuật, triết học,
khoa học. Tây phương không còn đeo đuổi mục đích chinh phục, đè nén, áp bức, bóc lột. Tây phương phải đi ngược dòng lại. Người tây phương phải đeo đuổi tha thiết cái mục đích rèn luyện, uốn nắn, hun đúc, cho người ngày càng tốt đẹp, cao quý hơn, cho « người » trở nên NGƯỜI.
Tây phương phải có Văn hóa. Và cái Văn hóa ấy, chúng ta đây, dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy xây đắp để cung cấp cho tây phương, cho đông phương, cho tất cả nhân loại.
Này bạn ! Ở hội nghị văn hóa toàn quốc, bạn có thể nêu lên khẩu hiệu : thu nạp các phương tiện của tây phương. Trong văn chương của tây phương bạn có thể chọn lọc những tinh hoa, những nguồn cảm hứng, những thuật diễn tả để cung cấp cho văn chương Việt Nam. Trong nghệ thuật của tây phương, bạn có thể chọn lọc những ưu điểm, những dị tài, những ngón tinh xảo để bồi bổ cho nghệ thuật Việt Nam. Trong triết học tây phương bạn có thể chọn lọc những siêu việt, những phương pháp, những tư biện, để gây dựng một nền triết học Việt Nam. Trong khoa học, bạn có thể chọn lọc những thành tích, những nề nếp, những tinh thần, để kết cấu một tòa khoa học Việt Nam.
Chọn lọc. Chọn lọc ! Nhưng bạn phỏng theo cây thước đo nào mà chọn lọc ? Nhưng bạn phỏng theo tâm hồn nào mà chọn lọc ? Nhưng bạn phỏng theo mục đích nào mà chọn lọc ?
Tất cả cái gì của tây phương đã khoa học hóa, kỹ thuật hóa, nghĩa là đã thành những phương tiện. Bạn chọn ở tây phương cái gì không phải là phương tiện để phỏng theo ?
Không còn cái gì không phải là phương tiện mà khác hơn Quái hóa cả.
Bạn chỉ còn có một con đường. Ấy là phỏng theo Văn hóa, cái làm cho « người » trở nên NGƯỜI. Mà cái Văn hóa ấy, ở tây phương khoa học chưa có.
Bạn hãy tạo ra vậy ! Bạn hãy tạo ra để làm ý nghĩa sống cho dân tộc Việt Nam, để làm vinh quang cho dân tộc Việt Nam… Và tôi mượn nó mà trả thù cho tôi vậy !
VII. ĐẾN LƯỢT VIỆT NAM
Mãi đến bây giờ…
Ở đông phương từ xưa vốn có những phép tu dưỡng, những thuật rèn luyện, uốn nắn, hun đúc người. Nhưng để đuổi theo những mục đích đâu đâu. Mãi đến bây giờ chưa có cái gì đích thực là Văn hóa.
Ở tây phương từ xưa vốn có những nề nếp hành động, những phương pháp rèn luyện, uốn nắn, hun đúc người. Nhưng để đuổi theo những mục đích đâu đâu. Mãi đến bây giờ chưa có cái gì đích thật là Văn hóa.
Họ đã có những suy luận cao siêu, có những tư tưởng thâm thúy, có những chủ nghĩa đẹp đẽ, có những ý thức hệ phong phú, có những hành động oanh liệt, có những cách mạng hùng vĩ. Nhưng vì thiếu Văn hóa, thiếu mục đích tối cao làm cho « người » trở nên NGƯỜI, hùng vĩ ấy, oanh liệt ấy, phong phú ấy, đẹp đẽ ấy, thâm thúy ấy, cao siêu ấy, bị đổi thành trái ngược lại.
Thỉnh thoảng loài người không chịu nổi sự đốn mạt ấy ; những bản năng mãnh liệt xô đẩy họ ra làm một cuộc cách mạng để toan đi ngược dòng. Nhưng vì thiếu Văn hóa mà phải đi cái đà của nó, cái đà đưa đến chỗ đốn mạt như cũ.
Họ cũng còn có thể sẽ nêu ra những cái gì cao siêu, thâm thúy, đẹp đẽ, phong phú, oanh liệt, hùng vĩ, một lần nữa, hai lần nữa… nhiều lần nữa. Nhưng vì thiếu Văn hóa, thiếu mục đích tối cao làm cho « người » trở nên NGƯỜI, hùng vĩ ấy, oanh liệt ấy, phong phú ấy, đẹp đẽ ấy, thâm thúy ấy, cao
siêu ấy, sẽ đi cái đà của nó, bị đổi thành trái ngược lại.
Không có một cái Văn hóa đích thực, thì bao nhiêu giá trị, giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần, phải lụn bại, hóa thành đốn mạt.
Bạn có thấy sự đòi hỏi của nhân loại từ muôn thuở chăng ? Bạn có thấy những khốn khổ của nhân loại từ muôn thuở chăng ?
*
Mãi cho đến bây giờ… Đến bây giờ, bạn lãnh sứ mạng xây đắp một nền văn hóa Việt Nam.
Có người giục bạn. Họ bảo bạn mượn ở phương đông đạo học. Nhưng ở đông phương chỉ có những thuật tu dưỡng, chớ đã có Văn hóa bao giờ ?
Có người giục bạn. Họ bảo bạn mượn ở tây phương khoa học. Nhưng ở tây phương chỉ có những kỹ thuật, phương pháp, chớ đã có Văn hóa bao giờ ?
Có người giục bạn. Họ bảo bạn tổng hợp đạo học với khoa học. Nhưng làm sao từ hai cái không có gì là văn hóa, bạn lại chế luyện ra Văn hóa được ?
Những người giục bạn đi theo con đường bắt chước ấy là những kẻ thiếu suy nghĩ. Nếu họ không phải cố tình giục bạn đi con đường sai lầm.
Sứ mạng của bạn là một sứ mạng sáng tác.
Bạn phải sáng tác vì sự ép buộc của thực tiễn : bạn không thể thâu nạp một cái gì mà ở đâu cũng chưa có.
Bạn phải sáng tác vì tinh thần ham sống của dân tộc Việt Nam. Nếu không sáng tác một Văn hóa đích thực, thì khi nhân loại kiểm điểm sự nghiệp của các dân tộc, nhân loại sẽ ghi cái gì cho dân tộc Việt Nam ?
Bạn phải sáng tác vì văn hóa, vì cái Văn hóa đích thực. Nhân loại quằn quại đau khổ vì chưa có văn hóa, dân tộc lầm than vì nhân loại chưa có văn hóa, nếu bạn không đuổi theo mục đích làm cho « người » trở nên NGƯỜI, thì bạn đeo đuổi
mục đích nào ? Bạn sống để làm chi ?
*
Tôi gọi là văn hóa Việt Nam. Ấy bởi vì chính bạn, người Việt Nam sáng tác nó, xây đắp nó. Ấy bởi nó làm cho « người Việt Nam » trở nên NGƯỜI. Khởi điểm có một cái gì riêng tư, đặc biệt. Khởi điểm có thể khác nhau về thời gian, về không gian, về phương tiện, về tính cách. Song mục đích vẫn là NGƯỜI. Và đuổi theo cái mục đích NGƯỜI ấy, bất cứ dân tộc nào trên quả địa cầu đều có thể dõi theo Văn hóa Việt Nam.
Cũng như khoa học vốn phát sinh ở Hy lạp đã thành cái Khoa học, lan rộng khắp địa cầu, Văn hóa phát sinh ở Việt Nam sẽ lan rộng khắp thế giới.
Văn hóa bắt nguồn gốc nơi dân tộc Việt Nam, nơi cái ý ham sống một cách đầy đủ và cao quý, nơi những tình cảm yêu đương dồi dào, nơi những nề nếp quý trọng giá trị tinh thần và nhân bản, nơi cái chí cao cả và khoan hồng, sẽ đạt được tính chất là rèn luyện, uốn nắn, hun đúc cho người càng đẹp đẽ cao quý hơn, cho « người » trở nên NGƯỜI. Ấy là đồng thời, nó đã đạt được tính chất nhân loại. Nó không còn
là của riêng của dân tộc Việt Nam nữa, dù nó vốn là con đẻ của dân tộc Việt Nam. Nó sẽ là của chung của nhân loại. Nó sẽ phụng sự cho nhân loại. Nó sẽ dìu dắt các dân tộc riêng rẽ, một dân tộc đi con đường của mình nhưng nhằm vào mục đích chung là nhân loại. Nhiệm vụ của nó là kiến thiết nhân loại. Nhiệm vụ của nó là củng cố nhân loại, làm ý thức hệ cho nhân loại. Nhiệm vụ của nó còn là díu dắt nhân loại lên nữa, lên hoài, lên mãi, lên đến chỗ tận thiện tận mỹ. Chừng đó, tên của nó sẽ trơn tru là Văn hóa.
*
Tôi chưa biết nó sẽ làm thế nào. Nhưng chắc chắn nó phải là cái « phản kỳ sở vi » của đè nén, áp bức, bóc lột, ngu tối, gạt gẫm, phá hoại và trụy lạc.
Văn hóa không làm cho giai cấp này đàn áp, bóc lột, dày xéo giai cấp kia. Vì như thế kẻ bị đàn áp, bóc lột, dày xéo sẽ không sống được cái đời đầy đủ của người. Vì như thế, kẻ đi đàn áp, bóc lột dày xéo sẽ không phải là người. Chưa phải là người, làm sao trở nên NGƯỜI được ?
Văn hóa không làm cho dân tộc này chinh phục, đè nén, cướp giựt dân tộc kia. Vì như thế kẻ bị chinh phục, đè nén, cướp giựt sẽ bị làm nô lệ. Vì như thế kẻ đi chinh phục, đè nén, cướp giựt sẽ không phải là người. Chưa phải là người, làm sao trở nên NGƯỜI được ?
Văn hóa không làm cho những giá trị tinh thần phải bị lệ thuộc vào vật chất. Vì cái giá trị của người chính là sự chiến thắng vật chất, thu phục được vật giới, làm cho vật giới phụng sự cho người.
Văn hóa không làm cho số đông phải phục tùng những cá nhân dù đó là những « siêu nhân ». Vì như thế, số đông là bầy nô lệ và siêu nhân kia là quái vật : bầy nô lệ do quái vật chỉ huy không phải là nhân loại.
Văn hóa không làm cho nhân tài lui bước trước quần chúng. Mục đích của Văn hóa không phải làm cho tất cả ai ai đều sống một cái đời bình đẳng, đồng đẳng nhưng hạ đẳng. Nhân tài cần phải nhấc đưa lên cao nữa. Quần chúng cần phải nâng lên cao nữa. Cao lên, cao hoài, cao mãi. Để rồi không còn ai là nhân tài, ai là quần chúng. Để rồi chỉ có những NGƯỜI sống một đời bình đẳng mà siêu đẳng.
Văn hóa không phụng sự một chế độ một oai quyền nào cả, Chế độ, oai quyền là sản phẩm của người, khi người còn sống một đời eo hẹp, bỉ ổi. Văn hóa chỉ phụng sự cho NGƯỜI sống một đời khoáng đãng, cao quý, đầy ý nghĩa.
Văn hóa còn là…
Nhưng mà tôi có biết nào ? Tôi mong mỏi, mơ ước, tôi hy vọng. Tôi thấy một cái gì đẹp đẽ, huy hoàng. Tôi thấy một cái gì xán lạn, rực rỡ. Tôi thấy một cái gì nguy nga, hùng vĩ.
Nhưng mà tôi có biết nào ? Tôi không phải là nhà văn hóa. Tôi không phải là kỹ sư kiến trúc tòa văn hóa. Tôi cũng không phải kiến trúc sư vẽ họa đồ cho tòa văn hóa ấy. Tôi là kẻ thèm muốn, tôi là kẻ đòi hỏi.
Bạn là nhà văn hóa. Bạn hãy xây đắp lấy cho tôi. *
Nhưng mà bạn ép tôi vẽ vời tỉ mỉ những tính cách làm chi
? Vẽ vời, kết cấu như thế, tôi không đưa ra một cái Văn hóa, mà tôi chỉ đưa ra một cái học thuyết, một chủ nghĩa, cái thứ đang lưu hành rất nhiều bất cứ thời nào và ở đâu.
Văn hóa hơn hẳn một học thuyết, hơn hẳn một ý thức hệ. Nó là đời sống, tinh thần sống. Nó là một sự cố gắng, một sự thành thực, một sự tu dưỡng để đạt đến mục đích cao cả của nó. Người có thể biết cái gì là giá trị tinh thần, đâu là ý nghĩa cao quý của đời. Biết ấy chưa phải là Văn hóa. Nếu giá trị tinh thần chưa thấm nhuần lý trí, tình cảm, tiềm thức, thể chất của con người, nếu ý nghĩa kia chưa làm động cơ cho đời sống, thì cái biết kia lại đổi thành tai vạ.
Văn hóa là một sự chọn lựa. Trong đời sống của cá nhân, của đoàn thể, của nhân loại, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, đều đặt cho loài người những sự chọn lựa.
Tại sao Hitler không đem tinh thần của dân tộc Đức, kỹ thuật của thợ thuyền Đức, tài tổ chức của nhân tài Đức mà phụng sự cho nhân loại, lại chọn con đường chiến tranh, giết người và tự sát ?
Tại sao tinh lực nguyên tử không được đem ra phụng sự cho cái hạnh phúc vật chất của loài người, lại bị chọn làm bom để tàn sát loài người và củng cố chế độ người đè nén người ?
Ấy chẳng phải do nơi vấn đề căn bản là lựa chọn hay sao ?
Tôi có thể vẽ vời những nét diễm lệ, hùng tráng, một hệ thống huy hoàng. Nhưng loài người chưa rèn luyện, uốn nắn, hun đúc để quen, để tự nhiên chọn lựa theo cái thiện cái mỹ,
thì diễm lệ kia, hùng tráng kia, huy hoàng kia sẽ đổi thành phương tiện cho cái xấu xa, hạ tiện, hắc ám lại thành công.
Đời sống, nề nếp sống, tinh thần sống rèn luyện, uốn nắn, hun đúc thế nào để mỗi lúc sự chọn lựa hướng dẫn về cái thiện, cái mỹ, thì con người ngày càng đẹp đẽ cao quý.
Đạo sĩ đã có lối dưỡng sinh. Nhà nho đã có phép tu thân. Tăng già đã có thuật diệt dục. Triết học tây phương đã có ngón dọn mình. Khoa học đã có phương pháp khách quan hóa. Thì Văn hóa phải tìm ra, có thể tìm ra những thuật, những phép, những ngón nhiệm mầu để mỗi khi chọn lựa, thì thành tự nhiên, ta chọn lựa theo cái thiện, cái mỹ. Văn hóa, phải làm sao cho cái chân, cái thiện, cái mỹ thấm nhuần lý trí, tình cảm, bản năng, cơ thể, của mỗi người của mỗi chế độ, của mỗi tương quan xã hội để cho nhất cử nhất động đều đượm nhuần cái chân, cái thiện, cái mỹ, phát tiết tràn trề cái chân, cái thiện, cái mỹ.
Văn hóa nhiệm mầu như thế. Tôi vẽ nó ra trong chi tiết đâu có được nào. Nó không thể huyền ngưng vào một trạng thái nào cả. Vì huyền ngưng vào một trạng thái nào, cái trạng thái ấy chỉ là một chủ nghĩa, một học thuyết, một tư tưởng. Nó không thể thuần hóa theo một xu hướng nào cả. Vì thuần hóa theo một xu hướng nào, xu hướng ấy chỉ là một ý thức hệ. Nó là một cuộc vận dụng thường xuyên của tinh thần, không phút nào ngừng, không khi nào nghỉ, không chỗ nào không đến, không nơi nào chừa. Vận dụng ấy thành nề nếp, thành chiều, lý trí tình cảm, bản năng ta ngay đến cơ thể ta phải đi theo cái chiều ấy, cái nề nếp ấy. Mà theo chiều ấy, nề nếp ấy, thì luôn luôn đạt cái chân, cái thiện, cái mỹ.
Mà vì mầu nhiệm, nên văn hóa ấy thành đơn giản. Người đã theo văn hóa – nhà văn hóa ấy – sẽ hiện thân của chân, thiện, mỹ. Bạn cho phép tôi mượn một cái hữu hình mà ví. Cái vũ trụ của ta có những điểm hấp dẫn làm cho vũ trụ phải rẽ những đường hấp dẫn cho vật chất. Bạn phát ra một tia sáng, tia sáng dễ dàng tự nhiên, theo đường hấp dẫn mà đi. Công cuộc của văn hóa cũng làm cho tinh thần vận dụng để gây trong cái vũ trụ nội tâm của ta những điểm hấp dẫn mãnh liệt, để rồi chúng nó rẽ những đường hấp dẫn như thế nào mà lý trí, tình cảm, bản năng, cơ thể ta buông ra thì để theo cái đà của nó mà luôn luôn hướng về chân, thiện, mỹ.
Chừng ấy, con người ngày càng tốt đẹp, cao quý. Chừng ấy, cái đà tự nhiên là « người » trở nên NGƯỜI. Lương tri không còn là của trời cho. Lương tri sẽ là sản phẩm của người. Nó có nguồn gốc ở người. Nó là một vật nhân bản.
Chừng ấy tính cách của người không còn là chó sói cho người. Áp bức, bóc lột, đè nén gạt gẫm, ru ngủ không còn ở quả địa cầu. Người ngày càng cao quý tốt đẹp, thời cái chi bắt nguồn ở người sẽ tự nhiên tươi tốt đẹp đẽ. Nhân bản chủ nghĩa sẽ theo cái đà của nó mà ngày càng cao, càng quý, càng đẹp.
Cuộc vận dụng thường xuyên của tinh thần, gọi là Văn Hóa, đã có mục đích như thế, thì tha hồ mà chọn phương tiện.
Khoa học, triết học, nó sẽ dùng làm tay sai để tìm kiếm đâu là chân, thiện, mỹ, những phương pháp để đạt chân, thiện, mỹ.
Văn chương, nghệ thuật, nó sẽ dùng làm tay sai để ca tụng ngợi khen cái chân, thiện, mỹ, để gây một luồng cảm hứng, một bầu không khí thuận tiện cho vận dụng tinh thần. Rèn khí tiết, luyện tĩnh tâm, dưỡng tinh thần… cái chi cũng sẽ được chọn lựa, nếu đem đến kết quả để sung bổ vào việc vận dụng tinh thần ấy.
Bạn thấy chưa ?
Một cái Văn hóa đích thực có từ chối không mượn thành tích nào, một « ngành văn hóa » nào đâu ? Bạn nói là « ngành » thì tôi xin nương theo hình ảnh ấy mà diễn. Đời sống có những hoạt động riêng rẽ, những phương diện riêng rẽ. Khoa học, Văn chương, Triết học, Nghệ thuật, Luân lý, Tôn giáo… Đó là những ngành của cái cây sinh hoạt. Còn Văn hóa là nhựa sống trong thân cây, trong các ngành, trong các lá, một nhựa sống vận chuyển thường xuyên. Thì cái cần dùng cho cây nào phải là ngành mà chính là nhựa sống.
Cái ví dụ tượng trưng trên đây rất thô kệch. Bạn hãy tha thứ cho. Bởi vì trong thế giới, chưa có cái gì xứng đáng làm Văn hóa, thì tôi biết nói làm sao mà hình dung cho rõ rệt ?
Nhưng tôi biết. Nhân loại đương nài nỉ, đòi hỏi một cái Văn hóa.
Đã có lượt Tàu và Ấn độ cung hiến cho nhân loại đạo học. Đã có lượt Hy lạp dâng cho nhân loại khoa học. Nhưng đạo học, khoa học không có nguồn gốc, tính cách và mục đích nhân bản. Loài người vẫn đau khổ đến nay.
Nay đến lượt nhân loại đòi hỏi một cái Văn hóa, đòi hỏi cho đạo học, khoa học xưa « chân ngược lên trời, đầu dộng
xuống đất » nay « đi chân đụng đất, đầu hướng lên trời » để phụng sự cho Văn hóa. Để rồi Văn Hóa phụng sự cho nhân loại.
Và lượt này, có phải là lượt của dân tộc Việt Nam không ? Câu hỏi này, chính bạn, nhà văn hóa, bạn phải trả lời cho. Cho tôi là kẻ tha thiết ngóng mong, tha thiết ngóng mong như hầu hết tất cả nhân loại đã chán chê một dĩ vãng và hiện tại quá ư bỉ ổi.
LỜI BẠT
Bạn mắng tôi là điên rồ. Thì bạn cứ mắng cho hả dạ.
Bạn rầy tôi sao đòi hỏi quá nhiều. Bạn trách tôi sao không để cho bạn chắp nối những mảnh, những mủn của cái gì gì đó ở đông phương, ở tây phương, lập ra một thứ chiết trung rồi đặt tên là Văn hóa mà dùng.
Nếu cái ngón ấy giải được lòng thèm khát của tôi, tôi cũng xin vâng theo bạn. Nhưng lang thang cùng khắp, tìm cái này đến cái kia, tôi đã giải khát cho tôi được bao giờ ? Đâu đâu, tôi cũng thấy loài người khao khát như tôi. Và khao khát nhất, có lẽ chính là kẻ mà chúng ta tưởng họ không khao khát đó…
Loài người quằn quại, đớn đau trong cảnh khổ. Một cái hy-di-vi nào đó có thể trịch đường lối của nhân loại một tí thôi. Thì là chiến tranh nguyên tử, chiến tranh vi trùng, chiến tranh bí mật như Joliot Curie vừa bảo đó. Còn trịch qua một chút thôi, thì con đường hạnh phúc, con đường của thiên đàng trên quả địa cầu. Khổ nỗi, chỉ có một chút đó thôi, mà nhân loại vươn mình qua không được… Vì thiếu Văn Hóa.
Vậy cần Văn hóa.
Dân tộc Việt Nam bấy lâu sống một quãng đời tối tăm, tẻ lạnh và tủi nhục. Cơ hội này, nhà văn hóa Việt Nam phải xây đắp một nền Văn hóa đích thực để cung cấp cho loài người. Khỏi phải đến sự tự sát bằng bom nguyên tử, bằng vi trùng, bằng chiến tranh bí mật. Và để đến cái hạnh phúc chung.
Chừng ấy, nếu có Đại hội đồng của nhân loại, những sự nghiệp của đế vương, của tướng soái, của tài phiệt, thảy đều bị loại ra, bị kết án nặng nề về cái tội đã đưa nhân loại theo cái đà chết.
Và vinh quang thay cho dân tộc nào đã cống hiến cho nhân loại một nền Văn hóa, cái Văn hóa đã đưa nhân loại thoát khỏi cái chết và từ nay, mãi mãi theo cái đà sống.
Bạn cứ mắng tôi đi. Nhưng bạn hãy để cho tôi hy vọng !
Hà-nội 29-VI-1946
HỒ-HỮU-TƯỜNG
Notes
[←1]
Ở Côn-đảo có một hòn nhỏ, trên có sân chim đến đẻ. Thỉnh thoảng có một con chim thực to, không biết tên gì, cũng đến và các loài chim khác rất kính phục. Vì vậy mà tên của quần đảo là Poulo Condore (Poulo = tiếng polynésien nghĩa là đảo ; Condor = loại chim to ở Thái Bình dương).
[←2]
Xem Đào duy Anh : Nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, sắp xuất bản.
[←3]
Hạ long : chỗ rồng xuống.
"""