"Tướng Cướp Liêu Đông - Độc Cô Hồng full prc pdf epub azw3 [Kiếm Hiệp] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tướng Cướp Liêu Đông - Độc Cô Hồng full prc pdf epub azw3 [Kiếm Hiệp] Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Chương 1: Phần vào truyện - Hình cây biết nói Chương 2: Con rồng ngủ cựa mình Chương 3: Ngọn roi ngự trị người Chương 4: Di vật của Nghiêm đại nhân Chương 5: Người mù họ Cổ Chương 6: Hỏi chuyện ngày xưa Chương 7: Sát mạng phi đao Chương 8: Lấy mắt tiểu nhân nhìn lòng quân tử Chương 9: Ván cờ sai nước Chương 10: Những ngón đòn vay trả Chương 11: Thây ma cử động Chương 12: Người của Thị Vệ Dinh Chương 13: Gậy ông đập lưng ông Chương 14: Lệnh tầm nã từ Kinh sư Chương 15: Hẻm móng ngựa Chương 16: Cô gái lầu xanh Chương 17: Giang hồ và kỹ nữ Chương 18: Gặp nhau trong sòng bạc Chương 19: Những lá bài linh Chương 20: Cánh hồng bay bổng Chương 21: Má hồng phận bạc Chương 22: Niềm thương xin gói trong lòng Chương 23: Những kẻ quyết tìm nhau Chương 24: Đoàn xe ngược Bắc Chương 25: Thả miếng mồi ngon Chương 26: Ngọn roi họ Phí Chương 27: Tên đúng mà người không đúng Chương 28: Ngoài bạn trong thù Chương 29: Tướng cướp và quan Nha Chương 30: Thâm nhập quan trường Chương 31: Những kẻ bán thân Chương 32: Những màn lưới vô hình Chương 33: Gặp lại người xưa Chương 34: Bàn tay xoa dịu vết thương Chương 35: Đối diện mà nghìn trùng diệu vợi Chương 36: Bên gối còn hương Chương 37: Tân quan Hiệu úy Chương 38: Thứ dữ gặp thứ không hiền Chương 39: Những kẻ trong bóng tối Chương 40: Hung ma đền tội ác Chương 41: Mới lên khỏi vực lại hang sâu Chương 42: Trong bãi tha ma Chương 43: Người theo người tránh Chương 44: Trộm viếng Nha môn Chương 45: Một cuộc hành hương Chương 46: Gặp lại người quen Chương 47: Bức màn thưa lay động Chương 48: Những câu hỏi không lời giải Chương 49: Những nỗi u tình Chương 50: Gặp lại cố nhân Chương 51: Thù cũ - Nợ mới Chương 52: Kẻ cầm đầu Thiên Tâm hội Chương 53: Ân đền oán trả Chương 54: Thiếu gia Trung Đường phủ Chương 55: Một âm mưu Chương 56: Sự thương lượng cần thiết Chương 57: Náo loạn trong Trung Đường phủ Chương 58: Hoàn thành sứ mạng TƯỚNG CƯỚP LIÊU ĐÔNG Độc Cô Hồng dtv-ebook.com Chương 1: Phần vào truyện - Hình cây biết nói Năm thứ ba đời Nhân Tông Gia Khánh, nhà Thanh. Tháng năm mùa hạ. Vành trăng lưỡi liềm lơ lửng ở góc trời Tây trải xuống nhân gian một màu trắng đục và càng lờ mờ hơn nữa ở con đường cái phía Nam, vì sáu con kiện mã phi nước đại vào Phụng Thiên thành, bụi vàng cuốn mịt. Ngựa, toàn một màu hung đỏ, bờm cao, giống tuấn mã vùng Đại Uyển; kỵ sĩ là năm tên đại hán; năm người ngồi trên năm ngựa, con sau cùng chỉ có yên không; một con ngựa cao lớn màu đen, yên cương có đủ nhưng không người cỡi. Sáu con kiện mã, năm tên kỵ sĩ lướt gió trong màn đêm, thẳng vào Phụng Thiên thành giữa canh khuya.... * * * * * Canh đã quá khuya, xa xa, trên một vọng lâu, tiếng trống trổ ba dùi. Trung tâm thành thị, cũng như vùng phụ cận dẫn đến ngoại ô, nhà nhà im lìm, người và cảnh vật đang say giấc đêm trường, rải rác đó đây, xa tít, một vài ánh đèn còn ẩn khuất đìu hiu. Từ những con đường cái, từ những khu đông dân cư dẫn đến ngõ hẻm trổ ra vùng hoang vắng, không một tiếng động, không một bóng người. Năm tên kỵ sĩ, sáu con tuấn mã vượt thẳng về hướng Đông thành, ở đây, nhà đã thưa lần và cuối cùng là một vùng rừng bụi um tùm cách vòng tường của một tòa trang viện non một dặm. Sáu con ngựa dừng ngay nơi đó. Năm người kỵ sĩ áo đen cùng một lượt rời yên. Sát góc tường của tòa trang viện, chỗ giáp tiếp khu rừng, một bóng người vụt nhóng lên: một người đàn ông trung niên mặc áo màu tro xám... Hắn đã nghe tiếng ngựa, hắn đã thấy năm người kỵ sị áo đen, hắn dòm trước, dòm sau mấy lượt, hình như hắn còn đề phòng những vấn đề khác nữa và cuối cùng hắn băng nhanh theo những lùm bụi thấp, đi thẳng về phía năm kỵ sĩ. Hắn vòng tay cúi mình, nhưng hình như vẫn chưa thấy đủ, hắn bồi thêm một tiếng cười, giọng cười mơn lạt nhách. - Năm vị đến thật là đúng hẹn! Hắn cười thêm tiếng nữa để chấm câu, tiếng cười rè rè gắng gượng Dẫn đầu năm kỵ sĩ, cũng là một người trung niên có màu da trắng bệt làm nổi bật chòm râu ngăn ngắn đen mướt dưới cằm, hắn nhìn người áo xám bằng tia mắt lạnh băng băng : - Có chưa? Người áo xám đáp nhanh : - Có, có... tôn giá đã giao việc thì làm sao lại có thể sai chạy được? Nếu không có thì tiểu nhân đâu dám đến... Người có chòm râu đen gật nhẹ : - Tốt, trao đây. Người áo xám lại toét miệng cười, giọng cười hè hè thâm thấp y như giọng nói : - Vâng, vâng... nhưng... Người râu đen hất mặt : - Nhưng cái gì? Không có mang theo phải không? Người áo xám vội đáp : - Không không, có chứ, có chứ, tôn giá nghĩ xem, đây đâu phải là chuyện chơi, làm lỡ chuyện của quý vị để mang họa hay sao? Chỉ có điều... Người râu đen cười, giọng cười lạnh hơn giọng nói, hắn chận ngang : - Yên lòng không lỗ công đâu mà sợ... Hắn ra lịnh bằng cái gật đầu : - Hãy trao cho hắn! Một tên kỵ sĩ đứng sau nhích tới đưa về phía người áo xám một cái túi vải. Đôi mắt người áo xám rực lên, hắn thò tay ra nhưng, tên kỵ sĩ vụt nhếch môi và rút tay về, cái túi vải cũng về theo. Người áo xám vội gật lia : - Phải phải... “Tiền trao cháo múc”, vâng, không ai hơn ai, mà cũng không ai thua thiệt... Vừa nói, hắn vừa móc trong lưng ra một tờ giấy cuốn tròn. Tên kỵ sĩ lại trao túi vải bằng tay trái, tự nhiên tay phải cũng đưa ra một lượt. Người áo xám trao cuộn giấy và chụp lấy túi vải, cử động của hắn thật ăn khớp, nhịp nhàng, xem chừng chuyện “trao đổi” này, hắn thuộc vào hạng chuyên môn. Tên kỵ sĩ cũng làm giống như thế, nhưng thái độ khá bình tĩnh chớ không lụp chụp như người áo xám. Hắn mở cuốn giấy ra trước mặt và đảo mắt từ trên xuống dưới thật nhanh. Đó là một tấm bản đồ. Trong bản đồ vẽ một khu nhà đồ sộ, có cổng có sân, nhưng không giống như những ngôi nhà thường, vì con đường dẫn vào cửa chính quá dài, bên trong, dãy hành lang lại cắt hai ngôi nhà thành một đường trung tâm thật thẳng. Thêm vào đó, từ cổng dẫn vào, dọc theo dãy hành lang, nhiều chỗ lại có gạch chéo bằng mực đỏ. Người râu đen hỏi : - Sao? Có đúng không? Tên kỵ sĩ gật đầu nhẹ... Người áo xám lại tưởng hỏi mình nên vội gật lia : - Đúng, đúng, đúng chẵn năm mươi lượng, không hơn, không kém! Người có râu mỉm cười : - Đủ rồi thì đi đi. Tiếng đi sau cùng còn chưa dứt thì ngón tay trỏ của tên kỵ sĩ đã chạm vào dưới ngực bên trái của người áo xám, điểm đúng vào tâm mạch. Vành môi của người áo xám chỉ kịp giựt lên chứ không kêu thành tiếng, hắn gập thân mình xuống như cây chuối bị đốn ngang và sau đó là co rút bất động trên bãi cỏ. Bằng một động tác thật bình thường, tên kỵ sĩ móc ra một cái lọ đen bằng cổ tay, hắn mở nút rắt lên thây ngưới áo xám một chất trăng trắng như bột mì, hắn rắt tới đâu, hơi khói mong mỏng bốc lên tới đó... Người có râu cầm lấy tấm bản đồ chăm chú nhìn rất kỹ và ngẩng mặt hỏi bốn tên kỵ sĩ : - Chỗ nào là trung tâm Đại lao, chỗ nào có canh phòng, các ngươi đã nhớ tất cả rồi phải không? Bốn tên kỵ sĩ cùng gật gật đầu : - Có, thấy rất rõ. Người có râu vo tròn mảnh giấy nhét vào lưng và quăng mình lên ngựa : - Đi ! Tiếng “đi” phát ra cùng một lúc với tiềng roi vút trót vào không khí, sáu con kiện mã cất đầu bỏ vó về Nam... * * * * * Đề lao. Vòng tường thật cao, xám xịt, lâu đời. Trên đầu tường, những thanh sắt ken dầy nhọn lểu như sẵn sàng xuyên từ bụng ló thấu ra lưng của bất cứ kẻ nào dại dột vượt đầu tường. Nhưng năm người kỵ sĩ không “dại dột”, họ từ yên ngựa tung lên thật nhẹ nhàng, thân người họ còn cao hơn đầu sắt nhọn cả sải tay. Không khí bên ngoài và bên trong thật cách biệt, vừa đặt chân vào sân hơi nóng đã nghe hầm hập, qua khỏi sân, bước vào khung cửa hẹp, giữa hành lang hun hút, nhà lao chia thành hai dãy sâu thẳng vào trong. Từng cánh cửa bằng gỗ lim thật dầy thật nặng nằm khít vào nhau như những đáy hòm dựng đứng, Trên mỗi khung cửa, ngang tầm mắt đều có một lỗ trống vuông nho nhỏ, những lỗ đó, cho dầu cái đầu thật nhỏ cũng không thể chui qua, thế nhưng người ta vẫn cẩn thận thêm vào đó ba song sắt to bằng ba cổ tay đứa bé. Thành ra tuy có được một lỗ trống, nhưng ba thanh sắt đó đã biến thành bốn cái kẽ hẹp không thể đút lọt bàn tay. Nếu đứng ngoài sân, người ta có cảm giác đang đứng gần một lò nung thì khi đặt chân vào dãy hành lang mà hai bên là những gian ngục hẹp này, người ta mới thấy đúng là đã đi thẳng vào miệng lò. Ngay đầu hành lang tuy không có cửa nhưng lại có một cái bàn chắn ngang gần bít lối, sau bàn, một gã đại hán, có lẽ là tên giữ ngục, đang bật lưng vào ghế dựa ngửa, hai chân duỗi thẳng, đôi mắt lim dim. Dãy hành lang, giữa hai hàng lao ngục có treo ngọn đèn, hai đầu và chính giữa cách khoảng khá xa. Ánh sáng từ ngọn đèn tỏa ra vừa vàng vọt nặng nề, vừa eo sèo bịnh hoạn. Gian ngục cuối cùng sâu hút vào trong chỉ nhốt có một người, người đàn ông mặc áo đen. Hắn nằm dài dưới nền đất im lìm bất động. Gian lao ngục giống y như lòng cỗ quan tài, chỉ cần đứng gần lỗ trống trên cửa là nghe hơi nóng phựt ra nóng như nồi nước sôi hừng hực, thế mà người áo đen lại có thể nằm ngủ một cách ngon lành. Có lẽ cái “hộp” vuông vuông này “đựng” hắn cũng khá lâu, cho nên hắn đã... thích nghi hoàn cảnh! Hắn nằm bất động như một cái xác chết, nhưng thình lình cái đầu hắn ngóc lên, đôi mắt chớp sáng... Dãy hành lang vẫn im phăng phắc, tên giữ ngục vẫn dựa ngửa duỗi chân. Ánh đèn trầm trầm nặng chịt. Người áo đen nằm trong ngục đặt đầu trở xuống, nhưng hắn không nhắm mắt lại, vành môi hắn nhếch lên - không phải nhếch cười mà là thách đố đợi chờ. Như một cây gió thốc, năm tên kỵ sĩ lao vút vào cửa khám. Tên giữ ngục đứng phắt lên... Phản ứng của hắn thật nhanh, nhưng bàn tay của hắn vẫn chưa đặt kịp đến cán đao thì bàn tay của một tên kỵ sĩ đã chạm vào cổ hắn. Bàn tay xòe thẳng phạt ngang của tên áo đen không nghe hơi gió, tên giữ ngục nghẽo đầu qua bên trái, thân hình cao lớn của hắn đổ xuống luôn. Cũng như tên áo xám bán bản đồ, hắn chỉ giựt giựt vành môi chứ không kịp phát ra thành tiếng. Người có râu dẫn đầu khoát nhẹ cánh tay và lao vút vào trong, bốn tên kỵ sĩ bám sát theo hai bên, họ thẳng vào gian ngục cuối cùng. Bình. Một cái đá của tên kỵ sĩ áo đen tung ra thật lẹ, cánh cửa khám bật then. Y như một con mèo, gã áo đen trong ngục tung mình lên thật lẹ. Bây giờ mới nhìn được rõ, hắn là một con người tấm thước, trên mép, dưới cằm râu đen tua tuả, nhưng đó chỉ là râu tù ngục, vì bằng vào đôi mắt như hai ánh sao đêm, bằng vào đôi mày thật bén xuyên thấu tóc mai, bằng vào sóng mũi thẳng và da mặt mịn màng, người ta có thể biết ngay hắn chưa đầy ba mươi tuổi, Hắn vừa tung mình dậy thì cánh cửa đã bật ra, người có râu dẫn bốn tên kỵ sĩ tràn vào. Giữa khoảng chân mày của người áo đen trong ngục ẩn sát khí, hắn hất mặt lạnh lùng : - Cho biết lai lộ? Bằng vào lối hỏi đó, chứng tỏ hắn đã biết năm tên kỵ sĩ không phải cùng bọn với đám người đang giam cầm hắn. Người có râu móc ra một phong thư còn niêm kín, giọng hắn cũng lạnh băng băng : - Xem đi! Ánh mắt gã tù nhân chớp sáng nhưng rồi lại tắt ngay, hắn đưa tay cầm phong thư và thấp giọng : - Các vị là... Người có râu chận đáp : - Xem xong hẳn nói. Ðưa đôi mắt ngời ngời từ trên xuống, gã tù nhân buông tay xuống nhưng không xếp lá thư, hắn có vẻ ngạc nhiên : - Như thế... là... Người có râu vẫn với vẻ mặt thản nhiên cố hữu : - Có bằng lòng hay không? Gã tù nhân gặn lại : - Nhưng tại làm sao lại tìm đến với ta? Người có râu một mực lạnh lùng : - Có bằng lòng hay không? Gã tù nhân trở lại sắc thái bình tĩnh lúc ban đầu: - Sát nhân vượt ngục, nếu ta là hạng người như thế, thì ta đã đi lâu rồi chứ không nằm mãi trong cái ngục hôi hám này đến ngày nay... Người có râu nhướng mắt : - Chính như thế nên các hạ mới được tín nhiệm. Quá khứ của các hạ, bọn ta đã điều tra rất rõ ràng, chuyện này chỉ có các hạ mới có khả năng làm được, nhưng cần nhất là các hạ phải tình nguyện, phải bằng lòng chứ bọn ta không cưỡng ép. Gã tù nhân làm thinh Người có râu nói tiếp : - Các hạ có thể suy nghĩ nhưng thời gian suy nghĩ không được quá lâu. Gã tù nhân làm thinh Người có râu lại nói : - Các hạ không phải vì một, mà là vì quá nhiều người, các hạ biết rõ điều đó, bọn ta cũng biết rõ như thế. Ðôi mày dài của gã tù nhân máy động, vẻ mặt hắn thật lạ lùng và hắn vụt gật đầu : - Ðược rồi, ta nhận! Người có râu nghiêng mặt : - Các hạ hãy nghe thật rõ, sau khi rời khỏi nơi đây, các hạ đã trở thành tên tù vượt ngục sát nhân, không ai có thể giúp được, các hạ phải bằng vào khả năng của chính mình, chỉ có một thù lao duy nhất là ngày thành công, lúc miễn tội... Gã tù nhân nhếch môi : - Ta không yêu cầu... Người có râu chận nói : - Chưa hết, các hạ hãy nghe, vạn nhất các hạ bị bắt lại, tuyệt đối không được nói tiếng nào về chuyện đêm nay; vạn nhất thất bại, các hạ lọt vào tay của họ, bọn ta cũng tuyệt đối không thừa nhận có chuyện đêm nay, các hạ biết rõ chứ? Gã tù nhân thản nhiên : - Nói những lời đó là thừa. Người có râu gật gật đầu : - Tốt, phía sau tường đã có sẵn một con kiện mã, các hạ cứ thong thả ra đi ! Không nói thêm một tiếng, cũng không cần quan sát gã tù nhân, người có râu vói tay lấy lại lá thư và cùng với bốn tên kỵ sĩ vút ra khỏi khám... Lão Long Hà Một con sông khá rộng nhưng nổi tiếng không phải vì thế, bất cứ ai, cứ nghe đến “Lão Long Hà” cũng đều hình dung ngay trong cảm giác đầu tiên là những trận cuồng phong. Mưa ở đây rất ít nhưng gió lốc thì gần như không vắng một ngày nào. Con đường đất đỏ bên tả nhạn luôn cuốn bụi mù, nhuộm vàng cả đầu cây ngọn cỏ. Dựa bên con đường đất đỏ bụi mù đó có một cái quán. Quán rượu. Chủ quán là lão già họ Vuơng, không ai biết tên, nhưng không cần, lão có một chân cà thọt, người ta đã lấy nó làm tên. Lão Vuơng Què. Quán rượu này có hai đặc điểm. Thứ nhất, quán chỉ bán rượu chứ tuyệt đối không bán thức nhắm hay bất cứ món ăn nào khác. Khách nhậu, nếu cần, có thể mang theo. Thứ hai, khách nhậu không cần gọi rượu, vì rượu có sẵn từng ché đặt dài theo mé vách chỗ quầy tiền, mỗi ché đều có một ống tre cưa ngang cỡ gang tay chừa cán dài móc bên ngoài ché, khách nhậu “tự tiện” mang chén tới múc uống, uống bao nhiêu cũng được, miễn là trước khi đi ra “làm ơn” để lại đủ tiền. Không nghe có chuyện uống thiếu hay uống “chạy”, không ai rõ nguyên do không xảy ra chuyện đó, nhưng cũng không có người bàn tán, Không ai bàn tán, nhưng nhất định mỗi người đến đó đều có một dấu hỏi trong bụng, có thể vì nghi vấn đó mà người ta ngại. Hạng người thường “uống chạy” ở những nơi khác cũng đâm ra dè dặt. Quán rượu của lão Vuơng Què không sợ ế, một là trong vòng trăm dặm quanh đây không hề có thêm một cái quán nào khác, hai là tả ngạn Lão Long Hà luôn có cuồng phong, bất cứ khách qua đường nào, đã lọt vào vùng này, lỡ gặp cơn gió lớn là cũng tìm vào chỗ trú duy nhất: quán rượu của lão Vuơng Què. Khách của lão là những kẻ ngược xuôi khoảng đường dài càt bụi, nếu không ngồi xe thì cũng là đi ngựa, bộ hành rất ít vì trong một chu vi rộng lớn này không hề có xóm làng. Gặp cơn gió lớn là quán lão luôn luôn chật nứt. Lão Vuơng Què không phải là hạng người “hạnh tai lạc họa”, không phải vui mừng trước cái khổ của người khác, lão không bao giờ “van vái” cứ có gió lớn hoài hoài, không biết vì lòng lão tốt, hay tại vì ở đây mỗi ngày ít nhất là có hai cơn giông kéo dài như bữa hôm nay, nên lão không cần phải vái, Bữa nay quán lão chật ken người. Kể cả tốt lẫn xấu, quán lão có cả thảy là năm cái bàn, đáng lý mỗi bàn có thể ngồi được sáu, bảy người, thế nhưng năm cái bàn bây giờ chỉ ngồi có mười người, còn lại bao nhiêu “ẩm khách” thì ngồi trên những cái ghế dài kê dọc theo vách hoặc ngồi chồm hổm xa xa phía quầy tiền. Năm bàn tuy đều có người ngồi nhưng vẫn còn trống, vậy mà họ bằng lòng ngồi dưới đất chứ không léo hánh đến bàn. Họ ngồi nên khép cửa lại để tránh gió, vừa uống rượu vừa “len lén” nhìn từ bàn này sang bàn khác. Bàn thứ nhất, gồm có bốn người. Bốn gã đại hán ăn vận cùng một cách. Có gió nhưng vẫn là mùa nóng nực, thế nhưng cả bốn gã vẫn đội mũ da sụp tới mang tai, mình cũng mặc áo da với sợi dây đai bằng da to bản, dáng cách người nào trông cũng dữ dằn, thêm vào đó, bốn thanh đao đặt trên bàn, cán đao buộc vải lụa màu đỏ rực thỉnh thoảng theo gió phất lên như thách thức càng làm cho cái bàn đó thêm nặng nề sát khí. Bàn thứ hai, có ba người. Ngồi giữa là một lão già râu ba chòm đen mượt, mắt sáng mày dài, mình vận áo xanh, vẻ mặt không dữ nhưng rất uy nghiêm. Chỉ cần nhìn qua là không ai dám nhìn thẳng thêm lần nữa. Hai người ngồi hai bên lão già áo xanh thật là tương phản, một người mập thù lù, da trắng mỏng như đứa trẻ sơ sanh, nhìn vào mặt lão, người ta dễ mỉm cười liên tưởng đến pho tượng Di Lặc trong chùa. Lão mặc chiếc áo trắng, quá trắng, trắng đến mức những hạt bụi e dè không dám bám. Người ngồi bên phải ốm tong như cây sậy, da đã đen như cục than hầm mà lại còn vận thêm bộ quần áo đen, càng làm cho lão giống như cây cột cháy. Bàn thứ ba, gồm có... một người. Một ẩm khách ngồi chồm hổm gần ché rượu thúc nhẹ cùi chỏ vào hông bạn đồng hành và nhỏ giọng : - Bàn chỉ có một người sao mình ngồi dưới đất? Lại ngồi với người ta đi chứ, bạn! Người kế bên chỉ trả lời bằng cái rùn vai, cái miệng hắn chằng ra, hai mắt nháy lia và quay qua hướng khác. Bàn thứ ba chỉ có một người thật đó, nhưng nhìn còn không dám thì làm sao bảo hắn dám đến ngồi? Người ngồi ở bàn thứ ba chỉ là một trung niên khoảng bốn muơi, vóc dáng cũng không có gì khác lạ, giá như con mắt trái của hắn đừng bị chột, giá như con mắt chột đừng bịt miếng đồng đen, giá như cặp răng khóe của hắn đừng quá nhọn và hơi dài hơn những cái răng khác, giá như... Người ngồi bên ché rượu dưới đất lại nhăn mặt, quay vào trong, hình như hắn không muốn nhìn thêm chỗ khác của người một mắt, chỉ bao nhiêu đó mà xuơng sống của hắn đã ớn lạnh rồi! Bàn thứ tư, cái bàn đặt quá vào trong cũng chỉ có một người. Khác hẳn với những người ngồi ở ba bàn trước, đây là một gã thanh niên mảnh khảnh, ngoài cái chất thư sinh trói gà không chặt ra, hắn lại còn giống như một cô gái. Từ ánh mắt long lanh, vành môi đo đỏ đến sóng mũi dọc dừa, nếu hắn không có bộ quấn áo đàn ông thì chắc chắn người ta sẽ gọi hắn bằng... cô! Gần bàn người thư sinh là cái bàn chót trong quán, bàn này cũng chỉ có một người. Nhìn sắc diện, hắn chưa đến tuổi trung niên, nhưng râu mép, râu cằm tua tủa, thứ râu của người ở vào một nơi không có phương tiện hớt cạo, chứ không phải râu... già. Hắn vận áo đen, áo không dơ nhưng quá cũ, nhìn vào, ngưới ta có cảm tưởng hắn là một tên tù mới vừa ra khỏi khám. Lạ một điều là dáng cách của hắn không hung dữ như bốn tên đại hán ngồi ở bàn đàu, nhưng không hiểu sao, nhìn vào hắn, không biết ở chỗ nào, có thể do đôi mắt quá sáng, có thể do đôi mày quá dài, nhưng chắc hơn hết có lẽ do khoảng giữa chân mày của hắn đang hừng hực một “khí thế” lạ lùng, cho nên nếu bảo bốn tên đại hán ngồi ở bàn ngoài là bốn cây trụ đá vững vàng thì người ta có cảm tưởng gã áo đen ngồi riêng một bàn này như một trái núi, vì hắn vững vàng bá bội. * * * * * Lão chủ quán Vuơng Què vụt trở thế ngồi. Hai chân lão đang duỗi thẳng trên thanh ngang của quầy tiền bỗng trở thành tréo ngoảy, tự nhiên cái chân có tật của lão gát trên cái chân nguyên. Có tiếng đập cửa bên ngoài. Gió mạnh lắm, vào quán rồi là cửa luôn được gài then. Mười người ngồi ở năm cái bàn vẫn cứ nhâm nhi với chén rượu chứ không hề quay lại, có thể họ không nghe tiếng đập cửa, cũng có thể nghe mà không thèm để ý. Điều đó không lạ, vì họ là khách, họ không có bổn phận tiếp khách. Người có bổn phận đó là lão Vương Què. Vậy mà lão chỉ đổi thế ngồi chứ đôi mắt lão cứ lim dim, làm như cái chuyện dập cửa quán của khách không... dính líu gì đến lão. Nhưng nếu đã quen với cái quán này, chắc cũng không ai thấy lạ lùng. Rượu có sẵn từng ché bên vách, mỗi ché có sẵn gáo múc. Chén cũng úp sẵn dài dài gần đó, khách cứ tự tiện như của... nhà mình, lão Vuơng Què chỉ có mỗi một việc là ngồi một chỗ thâu tiền, như vậy, chuyện mở cửa được mặc nhiên coi như... ngoài bổn phận. Quả nhiên, người nào ngồi dưới đất gần cửa nhất đã nhổm dậy rút cái chốt ngang. Bên ngoài, một người xồng xộc ào vào cùng một lượt ngọn gió mang theo cát bụi... Người mở cửa đóng ập cửa lại và ngồi thụp xuống thật nhanh, gió bị cản lại bên ngoài, trong quán, quần áo thực khách bị tốc lên rồi lặng im như cũ. Người mới vào dụi dụi mắt, hắn không biết ai đã mở cửa dùm, nhưng cũng rối rít cám ơn : - Đa tạ, đa tạ, mẹ họ, gió lớn quá, thiếu chút nữa đã bị tống tuốt xuống sông! Không biết hắn mặc áo gì, chỉ thấy bụi đã nhuộm màu vàng, đầu tóc mặt mũi cũng vàng hoe. Người ta chỉ thấy hắn tròm trèm cỡ trung niên, có bộ mặt như mặt khỉ, mắt lồi, tai dảo, mũi lộ, môi dầy, đặc biệt là hàm răng hô trớt ra ngoài, không làm sao ngậm kín. Không biết vì hắn ở dơ hay vì bụi, hàm răng của hắn vàng bệt trông thấy phát nôn. Nhưng cái lối nói chửi thề kèm theo giọng cười hền hệch, làm cho những người ngồi dưới đất phát cười theo, không biết họ cười vì thấy con người dị hợm, hay cười vì cách nói bô bô của hắn. Chỉ có những người ngồi ở năm cái bàn là không cười. Không cười mà cũng không thèm nhìn lại. Năm bàn hình như năm phe khác nhau, nhưng lại có điểm giống nhau, họ cùng một dáng cách trầm ngâm, gần như không hề hay biết chung quanh còn nhiều người khác nữa. Gã răng hô mới vào, cung cách tuy có khác nhưng thái độ lại giống những kẻ ngồi ở năm bàn, ai cười, ai ngó, hắn không cần biết, hắn thản nhiên quăng cái túi lớn đang cỏng trên vai ra trước mặt, rồi một tay xách túm miệng túi, tay còn lại đập phủi liên hồi. Bụi đóng từng lớp quanh cái túi bay mù khắp quán. Nhiều người ngồi dưới đất lật đật xòe tay che chén rượu la lên : - Coi, coi... nhè nhẹ một chút chứ, bụi bay vào rượu thì uống cái chó gì được nữa! Gã răng hô toét miệng cười : - Chi mà gắt thế, ông bạn? Đất này gặp gió to đâu phải là chuyện lạ, ai cũng vậy mà? Là cát, là bụi chứ có phải thuốc mê, sao mà sợ dữ vậy? Nói xong là hắn ngồi bệt xuống đất, hắn không cần nhìn chỗ sạch chỗ dơ, có lẽ hắn nghĩ chắc không còn có chỗ nào dơ hơn thân người của hắn. Những người ngồi quanh năm cái bàn vẫn làm thinh, nhưng nhiều người ngồi dưới đất đã phát cáu vì câu nói của gã răng hô, có người hằn hộc : - Mẹ họ, nói cái gì bậy bạ đó? Cái quán của lão Vuơng Què này đâu phải là “hắc điếm” làm sao trong rượu lại có thuốc mê? Thọt đại hai ngón tay trỏ vào lỗ mũi ngoái ngoái rồi rút ra quẹt quẹt vào thân áo, gã răng hô cười hền hệch : - Ai nói trong rượu có thuốc mê? Tôi nói bao giờ? Ông bạn? Quả thật, hắn không có nói một câu như thế. Người vừa lên tiếng hơi khựng, thế nhưng vẫn gân cổ lên vặt lại : - Không nói thì... mới nói cái gì lộn xộn đó? Gã răng hô lại cười : - Đâu có lộn xộn? Ông bạn, bọn mình đều là kẻ lăn lộn giang hồ, chết sống tuy không quan trọng, chỉ có điều khi cần chết, sông hào cũng xong, muơng rãnh cũng được, nhưng chắc chắn không một ai chịu gởi mạng vào tay kẻ khác, trừ khi không biết, chứ đã biết là nhất định phải tránh đi, phải không? Giả như trước mặt có hai chén rượu, một chén có thuốc mê, một chén có bụi đất, ông bạn ưng uống chén nào? Chắc chắn không ai bưng chén có thuốc mê, phải không? Người đối thoại mấp máy đôi môi nhưng lại nín im luôn. Gã răng hô nói đúng. Chén rượu có bụi đất, uống vô đâu làm chết được ai, nhất là vùng tả ngạn Lão Long Hà này, đến cơm cũng có đất bụi chứ đừng nói chi đến rượu. Giữa chỗ đông người đập bụi tùm lum là bậy, nhưng lý của hắn đưa ra là đúng, gã răng hô này chém cha cũng thuộc loai... giỏi cày. Không cãi lại nhưng vẫn còn ấm ức; ấm ức nhưng chưa ai kịp nói vì ngay lúc đó có chuyện lạ xảy ra... Cái túi của gã răng hô vùng lúc lắc, cái túi vừa cục cựa thì từ trong đó chợt có tiếng nói phát ra, tiếng nói văng vẳng xa xa như tiếng người đút đầu vô lu nói chuyện : - Ủa, nói loanh quanh cái gì thế? Ta khát rượu thấy mẹ rồi đây. Tất cả những người ngồi dưới đất sững sờ, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn về phía cái túi của gã răng hô. Mười người ngồi chiếm năm cái bàn bây giờ mới bắt đầu động đậy. Họ có chậm rãi hơn nhưng trước sau gì cũng đều quay đầu nhìn cái túi. Gã răng hô gật gật nói : - Ái chà, xin lỗi, xin lỗi, lão Nhị, mở ra, để mở ra... Vừa nói, hắn vừa tháo dây miệng túi, hắn làm việc rất chậm chạp, thận trọng. Cuối cùng, hắn lôi từ trong túi ra một vật, bao nhiêu con mắt trong quán đều mở trừng trừng kinh ngạc, cả mười người ngồi ở năm bàn cũng không còn giữ được vẻ thản nhiên. Vật trong túi của gã răng hô là một hình nhân bằng cây, hình nhân cao bằng đứa bé bốn, năm tuổi, chạm trổ tinh vi, cái hay là cũng “mắt lồi, tai dảo, mũi lộ, môi dầy, đặc biệt là hàm răng hô trớt ra ngoài không làm sao ngậm kín”... Cả quần áo giầy vớ cũng y hệt như gã răng hô. Như không để ý đến vẻ kinh ngạc của mọi người, gã răng hô đặt hình nhân bằng cây đứng trước mặt mình và đảo mắt nhìn quanh cười cười giới thiệu : - Xin giới thiệu với chư vị, đây là “thằng” em thứ hai của tại hạ... Hắn nói chưa dứt thì quai hàm của hình cây động đậy, quai hàm của hình cây vừa động là gã răng hô ngậm miệng lại ngay. Hắn vừa ngậm miệng thì có tiếng nói phát ra, cũng thứ tiếng “trong lu” hồi nãy : - Khoan, cái lối ỡm ờ đó hãy chờ chút nữa, bây giờ phải có rượu cho ta, cổ họng gần muốn cháy rồi đây. Gã răng hô gật gật : - Được, được... chà chà, kể ra thì “hiền đệ” ghiền rượu còn hơn ta rồi đó, bậy quá, giá như biết thế thì trước kia ai dám tập “hiền đệ” uống đến ghiền như thế! Mà cũng không sao, bây giờ cũng chả có chuyện gì, muốn... uống thì cứ uống Nói chưa dứt thì hắn đã đứng lên, vừa đi về phía ché rượu vừa mò quanh lưng mình và hắn vùng lựng khựng quay trở lại cúi xuống nói nhỏ bên tai hình nhân bằng gỗ mấy câu. Quai hàm hình cây máy động và tiếng nói phát ra gắt gỏng : - Sao? Không có tiền? Không được, bất luận như thế nào cũng phải trả cho ta một chén. Đâu có được, mới hồi hôm đây mà, thua sạch rồi chắc? Quai hàm của hình cây vừa ngưng thì gã răng hô đã kêu lên : - Lão nhị, coi kìa, nói năng cũng nuơng nhau một chút chứ, anh em mà, vạch thẹo nhau làm chi! Hình nhân bằng cây nói : - Sao? Muốn cho thiên hạ đừng biết à. Dễ ợt, nhưng làm sao lại hoảng lên như thế? Bình thường da mặt dầy lắm kia mà? Được, không muốn nói cũng được, có một chén rượu ngay cho ta là êm chuyện. Liệu đấy nghe... Gã răng hô lật đật đáp : - Được được.. có ngay, lão đệ thế thì thôi... Hắn quay về phía lão Vuơng Què toét miệng cười : - Ông chủ nè, ra khỏi nhà không ai tránh khỏi chuyện rủi may, xin ông chủ vui lòng bán chịu cho một chén, hôm nào ngang qua đây, tại hạ xin mang đến trả ngay. Nếu tại hạ có lòng quịt nợ thì xin thề... thiên lôi đả tử! Không nghe ai nói lão Vuơng Què bị điếc, nhưng có lẽ lão đang “thiu thiu ngủ” nên lão không nghe. Không nghe là không có chuyện trả lời, mà một khi chủ quán chưa lên tiếng bằng lòng, thì người mua chịu không có quyền múc rượu. Gã răng hô gải đầu gải tai nhăn nhó... Cũng may, một người khách ngồi gần hắn vội đưa sang chén rượu đầy : - Thôi, khỏi phải nài thêm nữa, coi như tôi mời một chén vậy. Có lẽ thấy câu chuyện hơi kỳ cục, nên người khách muốn thử chơi, nhưng đối với gã răng hô thì y như ân cứu mạng, hắn lật đật hai tay tiếp lấy cùng câu cám ơn... Nhưng khi hắn vừa đưa chén rượu tới trước hình cây thì “tiếng nói trong lu” lại phát lên : - Ta có bao giờ uống rượu kiểu đó đâu? Hãy mớm từng hớp một. Y như “tuân lệnh bề trên”. Gã răng hô gật lia và kê chén rượu lên miệng hớp một hớp đầy. Hình cây nói tiếp : - Không có được như mấy lần trước nghe chưa? Không được uống bớt nghe chưa? Gã răng hô đỏ mặt, nhưng hắn chỉ ư ư, vì hớp rượu còn đầy trong miệng... Hình cây nói tiếp : - Được rồi, bắt đầu đi, đừng để lâu rượu sẽ hóa thành nước miếng. Gã răng hô kê miệng hắn vào ngay miệng hình cây, rượu trong miệng hắn quá đầy, phải mớm đến hai lần mới hết. “Uống” xong hai hớp, hình cây hừ hừ trong miệng : - Khá, khá hơn rượu của quán mụ Mã nhiều lắm, pha đúng mức, không lấy nước ba, được, nữa đi, làm hết một hơi đi. Gã răng hô “tuân lệnh”, làm đến ba hớp đầy nữa là cạn trơn chén rượu. Hầu hết những người ngồi dưới đất gần như quên nháy mắt, họ nhìn hình cây uống rượu đến sững sờ. Có người kinh ngạc thì cũng có người không, một trong bốn gã đại hán ngồi chung một bàn vùng cười lạt : - Cái trò đó ta đã có thấy rồi, dùng công phu “Phuc Ngữ” để làm “ảo thuật” không có gì lạ đâu, chỉ có chuyện uống rượu là hơi lạ, nhưng có chắc hình cây đã uống chén rượu đó không? Hắn nói một câu, nhưng đám người ngồi dưới đất chỉ nghe có hai tiếng “Phúc Ngữ” và họ chợt hiểu ra. Bao nhiêu kinh dị nãy giờ biến mất. “Phúc Ngữ” là tiếng nói từ trong bụng, thứ công phu đó, người nói không cần há miệng, họ chỉ dùng công lực rèn luyện đặc biệt cho tiếng nói thoát ra từ hơi thở ở mũi, nhưng cũng không phải nói bằng giọng mũi, mà tiếng nói được thoát hẳn ra ngoài như một người khác nói, giọng nói âm âm văng vẳn, không phân biệt gần xa. Nhưng trong câu nói của gã đại hán còn có một nghi vấn. Đó là chuyện hình cây uống rượu. Hắn muốn hỏi có quả thật hình cây uống rượu, hay là gã răng hô uống rượu? Gã răng hô có vẻ hiểu ngay ý của câu hỏi đó, nhưng hắn chưa kịp trả lời thì quai hàm của hình cây máy động... Lần này không phát ra tiếng nói mà từ miệng hình cây lại phát ra luồng ánh sáng bắn thẳng vào giữa mặt gã đại hán nói về thuật “Phúc Ngữ” vừa rồi. Luồng ánh sáng từ cửa miệng hình cây bắn ra quá nhanh, chẳng những gã đại hán không tránh kịp, cũng không ai nhìn kịp là cái gì? Mãi cho đến khi có những giọt nước từ trên mặt trên đầu gã đại hán rơi xuống nồng nặc hơi men, người ta mới biết đó là vòi... rượu. Không nghe rõ lắm, nhưng hình như vừa phun rượu, hình cây vừa nói : - Thử xem ông bạn, chén rượu vừa rồi ai uống? Hình cây này quả thật biết quá nhiều, đã biết nói, biết uống rượu, lại còn biết “vận công” đưa rượu đã nuốt vào trong bao tử ra ngoài biến thành... ám khí. Nếu theo tình thế mà suy luận, chén rượu vừa rồi quả thật hình cây đã uống chứ không phải gã răng hô. Giọng cười của đám đông ngồi dưới đất chưa lên tới môi là ngưng lại, vì “nghi vấn” có tính cách cợt đùa đó không còn giá trị. Gã răng hô như đâm hoảng trước “hành động” của vị “lão đệ” mình, hắn nhướng mắt kêu lên : - Lão nhị tại sao lại làm thế!... Vừa gắt, hắn vừa vội vàng quay lại vòng tay như định ngỏ lời tạ lỗi, nhưng tên đại hán bị phun rượu vào mặt đã đập bàn đứng dậy : - Mẹ họ, đừng có giả đò... Từ miệng hình cây cũng vẫn phát ra thứ giọng “trong lu”, nhưng hơi hám lạnh băng băng : - Muốn gì? Hãy ngồi trở xuống. Cho ngươi biết, ta là kẻ luôn khoái lột mặt, vạch lưng thiên hạ, người khác không biết bọn ngươi là ai, chứ ta thì biết rõ như ban ngày. Ngươi có muốn ta nói toẹt ra không? Ở đây nhứt định người muốn nghe đông lắm đó. Tên đại hán chụp lấy thanh đao, dải lụa đỏ buộc nơi cán phất lên, nhưng hắn chưa nhích chân thì gã đại hán ngồi đối diện lừ mắt hừ hừ, chỉ bằng cái lừ mắt đó, tên đại hán muốn gây sự bỗng như cái bong bóng xẹp hơi, hắn vội buông đao ngồi trở xuống. Hình cây cười khẩy : - Như thế có phải không! “Thức thời vụ mới có thể gọi là tuấn kiệt, biết tiến thoái mới có thể gọi là cao nhân”. Anh đi đường của anh, tôi theo ngỏ của tôi, tôi không xía chuyện ai thì cũng mong đừng ai ghẹo tới. Nếu không, tôi sẽ cho anh áo rách trở về “phục lệnh”. Không tin thì cứ thử xem. Gã răng hô y như là hồn vía bay tận mây xanh, làm như hằn rất thuộc làu cái câu “quyền huynh thế phụ”, cho nên khi thấy “thằng em cây” vô lễ với thiên hạ là lật đật la rầy : - Lão nhị, trời ơi, sao bữa nay nhiều lời như thế? Bậy, bậy rồi đó nghe, bậy dữ rồi đó nghe! Hình cây đáp : - Làm sao lại bậy? Cùng cha mẹ sinh ra, từ trong bụng mẹ, tiểu đệ đã mang theo một cái mật không biết sợ thằng nào, con nào, cứ co đầu rút cổ như đại ca nên bị thiên hạ theo ăn hiếp... Mà thôi, nếu không nghe lời đại ca thì lại e trái với câu “huynh hữu đệ cung”, với lại dầu gì cũng phải ráng, chứ nếu không thì lại e cháy cổ vì không có rượu. Gã răng hô cúi xuống mở miệng túi và lừ lừ mắt : - Thôi thôi... đừng có nói tầm xàm nữa, chui vô dùm tôi một cái.. Hình cây nói giọng vùng vằng : - Sao lại có chuyện “lọa” như thế he? Không, bảo đừng gây sự thì được chứ bảo chui vô cái “nốp” đó thì chịu thua. Đại ca có làm như vậy được không nè? Mấy ngày rồi biết không? Mẹ họ, nằm mãi như thế cho ngộp hơi mà chết đi à? Nhiều người ngồi dưới đất há hốc mồm, họ muốn cười nhưng không thành tiếng. Cái tay răng hô này cũng lắm điều, hắn dùng thuật “Phúc Ngữ” mà giọng điệu lại giống hệt như “hai anh em” nói chuyện! Dáng cách của hắn rất tự nhiên, nét mặt và bộ điệu “diễn tả” đúng như nói chuyện với người em bằng xuơng bằng thịt, hắn làm riết một hồi khiến cho có một số người chợt hoang mang, họ không dám xác nhận đó là thuật “Phúc Ngữ” hay là... chuyện thật! Cũng may là hình cây chỉ máy động quai hàm mà thân hình bất động, chứ nếu không thì... * * * * * - Mẹ họ, nó đi... Một người khách ngồi gần ché rượu dưới đất miệng vừa bật ra tiếng chửi thề thì thân hình cũng bật nghiêng vô vách. Không phải hắn té mà hắn né nghiêng trong trạng thái... hết hồn. Những người có ý nghĩ hình cây bất động càng hoảng hơn nữa, vì “hắn” đã động rồi. “Hắn” chưa bước đi nhưng hắn quay mình lại. Những kẻ “nặng bóng vía” hơn, như mười tay ngồi ở năm bàn chẳng hạn, họ không đến đỗi giật mình nhưng họ cũng hơi kinh ngạc... Những người lịch lãm giang hồ đều biết, bằng vào thuật “Phúc Ngữ” đến một trình độ cao, người sử dụng có thể làm cho thiên hạ tin là hình cây nói thật, nhưng chuyện hình cây cử động thì quả là chuyện phi thường. Đám người ngồi dưới đất bắt đầu “cử động” theo hình cây. Đầu tiên là gã vừa mời hình cây chén rượu. Vì hình cây quay lại đối diện với hắn và nói bằng giọng điệu... cám ơn trịch thượng : - Vị khách quan nè, “tại hạ” vốn thật lòng không muốn dính chuyện với ai, nhưng “thực nhân tài phải cứu nhân tai”. Tại hạ không thể làm ngơ để cho khách quan lâm nạn. Chuyện như thế này nghe, cái lỗ mũi của tại hạ đặc biệt lắm, bất cứ chuyện gì, dầu chưa xảy ra, nhưng tại hạ vẫn “đánh hơi” được như thường. Cứ theo cái lỗ mũi của tại hạ báo cáo thì tại ngôi quán này sắp sửa có mùi... máu tanh dữ lắm. Gió bên ngoài tuy có mạnh, nhưng chẳng làm chết được ai đâu, cho nên tốt hơn hết là khách quan nên tránh... đi chơi chỗ khác, bởi vì đao kiếm một khi đã vung lên thì những kẻ đứng gần, dầu vô tội cũng dễ dàng oan mạng lắm nghe! Gã đối diện hình cây đảo mắt nhanh về phía năm bàn, hắn nhăn mặt cười trông còn hơn sắp khóc : - A... a... cám ơn, cám ơn... Hắn cúi xuống cầm cái chén đặt vội ở quầy tiền, bỏ nhanh vào đó mấy miếng bạc vụn rồi tông cửa dông tuốt. Bên ngoài bây giờ trời có sập, hắn có lẽ cũng không thèm đếm xỉa đến chứ đừng nói chi là gió lớn. * * * * * Chỗ đông người thường có một qui luật tự nhiên mà khá lạ lùng. Cho dầu xảy ra chuyện kinh thiên động điạ, nếu đừng có ai nhút nhích thì y như người nào cũng... gan mật đầy mình, trái lại, chỉ cần một người “bỏ chân ra” thì người can đảm đến đâu, nhất định cũng teo luôn. Người thứ nhất vừa tông cửa dông đi thì đám người ngồi dưới đất ùn ùn càn lên nhau chạy như bay ra cửa. Y như những kẻ đi trong đêm tối sợ ma, càng chạy càng nghe phía sau có tiếng đuổi theo... thình thịch. Gã răng hô bước lại gài cửa lẩm bẩm : - Mẹ họ, gió mạnh như thế này cũng không chịu khép trái lại dùm, chưa gì đã không chạy kịp! * * * * * Bây giờ trong quán chỉ còn lại mười hai người, kể cả lão Vuơng Què. Không phải nói mười ba mới đúng. Vì phải kể sự “hiện diện” của người em gã răng hô. Lão Vuơng Què vẫn ngồi... ngủ ngon lành, chẳng những không cựa quậy mà cũng không hí mắt. Gã thư sinh trẻ tuổi cũng vẫn ngồi ở bàn mình, nhưng hắn có vẻ bất an. Ba lão ngồi chung một bàn thái độ lại khác nhau, lão râu dài áo xanh thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, lão áo đen khẽ cau mày, vẻ mặt lạnh lùng khó chịu, chỉ có lão mập áo trắng là vẫn nở nụ cười. Hình như trong bất cứ trường hợp nào, nụ cười “Di Lặc” của lão cũng không bao giờ chịu tắt. Người chột mắt tuy chỉ còn con mắt một, nhưng con mắt đó từ đầu đến cuối như dán dính vào mặt gã răng hô. Người áo đen có mớ râu “tù” thì khác hẳn, lão già áo xanh trong ba lão ngồi chung bàn tuy cũng thản nhiên nhưng, là thứ thản nhiên đến lạnh lùng, còn gã áo đen này thì mới đúng là... không có chuyện gì xảy ra. Hắn xoay xoay cái chén không trên tay và chăm chú nhìn đến xuất thần, y như vừa phát giác cái chén khờn miệng của lão Vuơng Què là món đồ cổ cực kỳ quý giá. TƯỚNG CƯỚP LIÊU ĐÔNG Độc Cô Hồng dtv-ebook.com Chương 2: Con rồng ngủ cựa mình Mọi người có thể làm thinh nhưng gã một mắt thì không, hắn nhìn gã răng hô hồi lâu rồi bỗng bật cười : - Khá lắm, làm được chuyện đó không phải dễ, ta đã nhớ lại rồi, nhân vật của “Phong Trần bát quái” không nài lao khổ, ngàn dặm đến đây, vượt đường xa đến một nơi hoang vắng như thế này quả là chuyện không tiền khoáng hậu! Hắn cười kệ hắn, hắn nói cũng cứ kệ hắn, gã răng hô làm như không nghe thấy, không hề có một phản ứng nào. Nhưng khi bốn tên đại hán ngồi chung bàn đứng dậy, họ ném lại mấy thoi bạc vụn và chụp lấy đao đi ra khỏi cửa thì gã răng hô có phản ứng ngay. Hắn bước ra gài cửa lại và nhún vai : - Lại thêm bốn tên cúp đuôi dông nữa, cũng được... Gã quay trở lại toét miệng cười : - Khá, câu nói của lão nhị thật không phí một chút nào, những kẻ ham sống quả đã cút rồi, cũng hay, có bàn trống ngồi cũng đỡ! Gã xách túi đựng “người em” đi ngay lại và đưa tay đùa mớ bạc qua một góc bàn, ung dung ngồi xuống. Từ trong túi, tiếng của “lão Nhị” vang ong óng : - Ừ, lão đại, bây giờ có được chỗ ngồi thong thả rồi, quên mất thằng em à? Mẹ họ, đại ca phải nhớ chớ, cái chỗ trống có được cho đại ca ngồi là nhờ tiểu đệ “dọn dẹp” đó nghe! Gã răng hô đập đập tay lên bàn : - Đâu có, làm sao lại quên được? Không có hiền đệ thì làm sao đại ca có thể đi đó đi đây, làm sao đại ca được người nể mặt? Không, chỗ ngồi của hiền đệ phải cao hơn đại ca mới được chớ? Đấy, hiền đệ phải ngồi trên bàn này mới phải chớ! Không biết do câu nói của hắn hay vì cái đập tay, hình nhơn bằng cây từ trong túi nhảy dựng lên đứng sững trên bàn : - Đại ca, bây giờ bọn bá láp đã đi hết rồi thì mình bàn về chính sự đi chớ? Gã răng hô nhướng mắt : - Sao vậy? Không uống thêm vài chén nữa sao? Hình cây đáp : - Người ta không biết chớ đại ca lại cũng quên luôn luôn à? Khi đã đi vào “chính sự” thì tiểu đệ có uống rượu bao giờ đâu? Gã răng hô gật gật : - Phải phải, đại ca đã nói rồi mà, hiền đệ hơn đứt đại ca lâu rồi mà, được rồi, đại ca xin nghe hiền đệ, xin hiền đệ hành sự... Mệt quá, đường xa quá mà. Nghỉ chút nghe, khi làm xong chuyện, có đi nhớ gọi đại ca một tiếng nghe. Nói xong, hắn uốn uốn lưng, ngáp một cái gần tréo quai hàm và khoanh tay trước ngực nhắm nghiền mắt lại. Giọng hình cây như gọi giật : - Coi, coi... lão đại, khoan đã chớ. Cái chuyện này một mình tiểu đệ làm thì được rồi, đại ca cứ ngủ thẳng cẳng cũng không sao, nhưng đại ca còn quên chưa cho biết vật đó ai giữ, nói rồi ngủ nghê gì thì... Gã răng hô mở choàng mắt ra gặn lại : - Sao? Chuyện đó tiểu đệ còn phải hỏi đại ca à? Hình cây đáp : - Mẹ họ, không hỏi anh thì hỏi ai? Chẳng lẽ anh bảo tôi hỏi người ta à? Gã răng hô gật gật : - Đó đó, đúng rồi đó, chính đại ca có ý như thế ấy. Hắn bật ngửa ra ghế và lim dim đôi mắt : - Hỏi mấy tiếng cũng chẳng mất công gì cho lắm, nhưng nếu hiền đệ tiếc lời thì cứ dùng mũi đánh hơi cũng được mà. Quên rồi sao, hiền đệ vừa mới nói đánh hơi giỏi lắm mà? Chuyện đã giao cho hiền đệ thì hãy để cho đại ca nghỉ yên một chút chớ. Khi nói thì hắn lim dim, nhưng khi tiếng cuối cùng vừa dứt thì hắn đã nhắm nghiền, phảng phất hình như còn nghe tiếng ngáy. Hình cây nói : - Mẹ họ, mới nói đó đã ngáy rồi, đúng là thứ no rồi ngủ... Hừ, hừ... làm anh kể ra cũng sướng, không sao, một mình thì một mình, hỏi cái đã, hỏi không ra thì sẽ dùng đến lỗ mũi... Nói xong là “hắn” quay mình, cách quay mình của “hắn” thật đúng dáng cách của... hình cây, “hắn” không phải bước mà là nhảy, “hắn” phải nhảy tưng lên một cái rồi mới quay mình qua hướng khác. Hình cây quay lại và giọng nói hơi cao hơn : - Chư vị, ta có lời nói trước nghe, khi ta hỏi đến cái vật mà ta cần, người nào có trong mình thì cứ thong thả lấy đặt lên bàn rồi thong thả bước ra, muốn đi đâu tùy ý, ta không hề làm khó dễ gì cả, nhưng nếu trái lại, để cho đến lúc ta dùng mũi đánh hơi ra thì... lúc đó có muốn đi cũng không còn được nữa đấy nghe. Hình cây máy động quai hàm, tiếng nói nghe phảng phất từ trong miệng phát ra, nhưng thật sự thì gã răng hô đã dùng “Phúc Ngữ”, chỉ có điều trình độ tập luyện của hắn quá cao, trong khi hình cây “nói” thì hắn vẫn ngửa mặt ngáy khò khò. Sau câu nói của hình cây, sáu người ngồi trong bốn bàn im lặng, không thấy ai có phản ứng gì cả, chỉ có vẻ mặt của gã thư sinh công tử hơi xanh. Người một mắt bật cười, hắn không nhìn hình cây mà lại ngó về phía gã răng hô : - Các hạ, ta xem câu nói đó chắc là vô hiệu, có lẽ các hạ nên “đánh hơi” là phải. Gã răng hô vẫn ngáy và hình cây lên tiếng : - Ừ, khá quá, cho đến bây lớn đây, ta mới được ông bạn là người thứ nhứt gọi bằng “các hạ”, được quá, vậy thì... đánh hơi, và xin lỗi, bắt đầu từ ông bạn đó. “Hắn” lại nhảy tưng lên, từ bàn của gã răng hô nhảy phóc qua bàn của người một mắt một cách vững vàng. Con mắt còn lại của người một mắt lóe lên như sét chớp, hắn cười : - Chắc các hạ lại thêm một lần nữa phí công. Hình cây hỏi : - Nghĩa là sao? Người một mắt đáp : - Các hạ đã nhắm lầm người. Hình cây hừ hừ trong... gió : - Không, ta nghe, rõ ràng là có mùi. Người một mắt gật gật à à : - Có thật vậy không hè? Nhưng mà mùi gì mới được chớ? Hình cây đáp : - Mùi giặc! Nét cười trên mặt người một mắt ngưng đọng lại, hắn hơi sửng sốt, nhưng thật nhanh, nét cười hiện lại và cuối cùng bật ra thành tiếng : - Bây giờ thì ta bắt đầu hơi thích thú các hạ rồi đó, nhích tới thêm một chút nữa đi, chút nữa đi... Chưa nói dứt câu là tay hắn đã chớp lên. Nếu ăn khớp theo câu nói thì bàn tay đưa lên phải “ngoắc”, nhưng không hắn chụp. Cử động của người một mắt rất nhẹ nhàng, y như người lớn đưa tay xoa đầu đứa bé, nhưng khi bàn tay tới đầu của hình cây thì hắn mới bắt đầu biến thế. Đáng lý bàn tay xếp khít khum khum theo tư thế xoa nhẹ thì bây giờ lại vươn ra bấu lại. Những ai có biết qua võ công cũng đều dễ dàng nhận thấy bằng vào cái “bấu” đó của người một mắt, cho dầu hình nhân bằng sắt mà bộng ruột thì lớp sắt có dày cách mấy cũng bị bể ngay chớ đừng nói hình cây. Cái đầu của hình cây có lẽ không bị bể mà có thể thành bụi cám. Năm ngón tay gân guốc nổi vòng bấu lại. Y như nắm một cục than hực lửa, năm ngón tay vừa bấu lại là bung ra. Lòng bàn tay của người một mắt đỏ rần. Màu đỏ ửng lên thật lẹ và thoáng qua, chỉ một thoáng nhanh hơn nháy mắt, lòng bàn tay rịn máu. Lòng bàn tay vừa rịn máu thì mu bàn tay đã tím đen, dấu tím đó bò dần vào cổ tay và trong nữa thật nhanh. Người một mắt đứng phắt lên, con mắt còn lại của hắn long lên xồng xộc và hắn khụm mình xuống. Hắn khụm xuống thật nhanh và nhóng lên thật nhanh. Khi hắn đứng lên thì tay trái của hắn đã có thêm một ngọn chủy thủ, ánh thép xanh rờn. Người ta vừa nhìn thấy ngọn chủy thủ của hắn thì cánh tay phải, cánh tay đang mang thương của hắn cũng đã rơi xuống mặt bàn và bây giờ thì máu mới xối ra. Cánh tay được tiện ngang thật ngọt trên cùi chỏ. Tay trái phóng ngọn chủy thủ cắm phập lên bàn, người một mắt dùng bàn tay còn lại điểm nhanh vào chung quanh vết thương để cầm máu rồi quay mình đi luôn ra cửa. Hắn không nói một câu, cũng không nhìn ai một cái, thái độ hắn thật thản nhiên, coi như chuyện đã mất một mắt, bây giờ mất thêm một cánh tay không có gì quan hệ... Gã răng hô còn thản nhiên hơn nữa. Khi người một mắt vừa khuất ngoài cửa thì hắn vươn vai đứng lên bước ra gài cửa lại, miệng hắn lầm bầm : - Muốn ngủ cũng không được, mẹ họ, con người gì mất lịch sự quá mức, gió như vầy mà ra đi cũng không thèm khép dùm cánh cửa. Hắn lại ngáp dài và ngồi trở xuống chỗ cũ, duỗi chân nhắm mắt. Hắn làm như không nghe chuyện gì đã xảy ra, làm như không thấy ngọn chủy thủ còn đang ghim bần bật trên mặt bàn, và cũng trên mặt bàn đó một khúc tay nằm chình ình với một vũng máu đỏ bầm mà hắn cũng không hề liếc tới. Làm như chuyện xảy ra vừa rồi không ăn nhằm gì với hắn, cho nên vừa ngồi xuống duỗi chân nhắm mặt lại là nghe tiếng hắn ngáy pho pho. Ba người ngồi chung một bàn, lão già áo xanh biến sắc, lão “Di Lặc” áo trắng tắt ngắm nụ cười, lão già áo đen cau mặt, khoảng giữa chân mày của lão sát khí hừng hừng. Gã thư sinh công tử cúi đầu thật thấp, làm như bây giờ chỉ có mặt bàn mới đáng cho hắn nhìn, những chỗ khác, nhứt là chỗ có khúc tay, vũng máu và ngọn chủy thủ thì hắn rất... không buồn ngó. Chỉ có gã áo đen có hàm râu “tù” tua tủa thì vẫn một mực an nhiên vô sự, hắn vẫn say mê nghiên cứu cái chén mẽ của lão Vương Què. Còn lão Vương Què thì khỏi nói, lão là chủ quán nhưng lão khoái ngủ hơn là khoái thức. * * * * * Tất cả đều kinh dị, hết hồn hay vô sự, nhưng cũng không một ai cử động, chỉ có mỗi một hình cây cử động. Người sống ngồi yên để cho hình cây nhảy nhót, “hắn” nhảy một cái nữa là đứng sững ngay bàn của ba lão già lên tiếng ngay : - Bây giờ thì đến phiên ba vị. Năm ngón tay đặt trên mép bàn của lão già áo đen hơi máy động, nhưng ánh mắt của lão già áo trắng đã nhanh hơn. Năm ngón tay của lão áo đen vừa máy động thì gặp ngay ánh mắt của lão áo trắng, năm ngónt ay trở lại sự yên lặng bình thường. Hình cây lại nhảy tưng lên hai bận nữa, quay trái rồi sang phải, cuối cùng cất giọng như thảng thốt : - Có rồi, có mùi rồi! Sát khí từ trong ánh mắt của lão áo đen tràn bắn ra ngoài, nhưng lão chưa có thái độ thì hình cây vùng nói tiếp : - Có thì tuy có, nhưng cái thứ ấy đối với ta cũng chẳng lạ lùng gì. Thôi, ba vị cứ vững tâm uống rượu. “Hắn” lại nhảy tưng lên, tung thẳng qua bàn gã thư sinh công tử. Sát khí của lão già áo đen như ngọn lửa tàn lần, thun lại và cuối cùng thụt vô đáy mắt. Gã thư sinh công tử cúi đầu gần sát mặt bàn. Hình cây lên tiếng hỏi : - Cô nương, còn chờ gì nữa? Ba lão già ngồi cùng bàn hơi sửng sốt, họ cùng ném mắt nhìn về bàn gã thư sinh công tử. Tuy gã thư sinh quả có vóc dáng nhỏ thó, nhứt là gương mặt quá đẹp, nhưng trong đời cũng thường có những thư sinh như thế, không ai trong quán này nghi ngờ hắn là gái giả trai, họ không hiểu tại sao “hình cây” lại nhận chắc như thế, vì nếu không nhận chắc thì làm gì dám gọi thẳng là “cô nương”? Câu chuyện có vẻ lạ lùng, nhưng gã áo đen có bộ râu “tù” vẫn thản nhiên, hắn vẫn xâm xoi cái chén mẽ trên tay. Có lẽ chuyện hình cây náo loạn nãy giờ, chuyện người một mắt mất luôn một cánh tay, cũng như chuyện gã thư sinh công tử bỗng được gọi là cô gái, gần như đối với hắn không có gì quan hệ. Gã thư sinh công tử ngẩng phắt lên, đôi mắt phượng của “hắn” đầy oán hận : - Ta có thù gì? Oán gì với ngươi? Hình cây đáp : - Cô nương, giữa ta và cô nương không thể nói đến chuyện thù oán, vì vốn không hề có. Gã thư sinh gặn lại : - Thế thì tại sao? Hình cây chận nói : - Cô nương cũng có thể kể là nhân vật giang hồ, đáng lẽ cô nương cũng thừa biết rằng trong giang hồ có một số chuyện không cần thù oán, nếu không thế thì làm sao ngày nay có quá nhiều chuyện xảy ra, làm sao trong gió trong sương máu tanh nồng nặc? Gã thư sinh công tử cau mặt : - Như vậy chẳng hóa ra giang hồ không có công lý gì cả hay sao? Như vậy là cứ muốn giết người là tự do. Hình cây chận nói : - Cô nương, giang hồ vốn là chỗ không bao giờ có lý lủ gì cả, cô không thấy nói đến giang hồ là nói chuyện mạnh được yếu thua, chuyện tranh giành cướp đoạt hay sao? Da mặt của gã thư sinh công tử từ đỏ hồng chuyển màu tái xạm vì giận dữ : - Được rồi, ngươi không cần nói nữa, ta đã hiểu rõ rồi. Chỉ tức là đáng lý năm xưa ta không nên học võ, đáng lý không nên dấn thân vào chốn giang hồ... Ta không biết ngươi muốn đoạt vật gì, ta cũng không biết ngươi nhắm có đúng hay lầm, nhưng những vật hiện có trong mình ta không thể dễ dàng trao cho bất cứ một ai, trừ phi kẻ muốn đoạt biến ta thành xác chết. Hình cây cười, giọng cười lạnh băng băng : - Xem chừng cô nương có vẻ ương ngạnh hơn gã một mắt vừa rồi, như vậy kể cũng hơi phiền, bởi vì ta là người từ trước đến nay vốn có tánh lân hương tích ngọc, vốn không hay mạnh tay đối với nữ lưu... Gã thư sinh gằn giọng : - Như vậy thì ngươi đừng hòng đoạt vật của ta. - Cô nương lại lầm rồi, ta chỉ là người thương hương tiếc ngọc, chỉ là người không muốn mạnh tay với hạng nữ lưu, chớ không phải là không có biện pháp đối với những ai muốn ương ngạnh, chẳng những có cách đối phó mà còn có thể nói là cách đối phó khá nhiều. Chẳng hạn như đối với cô nương, ta dư sức làm cho cô nương phải mở giây đai, phải cởi không còn một miếng vải trong người, bằng vào cách đó, chẳng những ta không làm thương hại gì đến cô nương mà ý muốn của ta vẫn đạt một cách dễ dàng. Gã thư sinh đỏ mặt : - Ngươi... ngươi... khốn nạn, ta sẽ sống chết với ngươi... Cánh tay “hắn” đưa lên, ngón tay thon nhỏ trắng ngần máy động. Từ lâu, cứ xâm xoi cái chén mẽ trên tay, gã áo đen có bộ râu “tù” bây giờ vùng lên tiếng : - Vết xe trước đã đổ, xe sau không nên lăn bánh, cô nương hãy dừng tay lại. Thêm một người nữa gọi gã thư sinh bằng hai tiếng “cô nương”, hẳn là người có dáng cách trầm trầm và bây giờ mới nói lần thứ nhứt, chắc chắn hắn nói là phải đúng. Chỉ khó một điều là trong mình “gã” thư sinh vẫn đầy đủ bộ y phục đàn ông nên vẫn chưa có thể gọi “hắn” là “nàng”. Bàn tay của “hắn” hơi ngưng lại sau câu nói của gã áo đen, nhưng chỉ một thoáng thôi, bàn tay “ngà ngọc” đó lại nhấc lên. Câu nói của gã áo đen có tánh cách nhắc nhở độc chất trong hình cây, một thứ nguy hiểm mà vừa rồi đã làm cho người một mắt phải chặt bỏ tay mình, lời cảnh cáo đó đối với “gã” thư sinh không phải là không có giá trị, nhưng giọng điệu bộc lộ thái độ khiêu khích của hình cây khiến cho lòng tự ái của “gã” thư sinh nỗi dậy, sự nguy hiểm trước mắt nhưng vẫn không ngăn chận được. Người áo đen buông cái chén, hắn chụp lấy cây roi ngựa đặt trên bàn đưa sang bên trái. Thật là vừa vặn cánh tay của “gã” thư sinh vừa nhấc lên thì chiếc roi ngựa của tên áo đen cũng đã đến ngay, đến kịp lúc để chận không cho cánh tay đưa tới. “Gã” thư sinh quay qua trừng mắt : - Các hạ muốn gì? Tên áo đen nhìn lại “hắn” bằng tia mắt dịu dàng : - Ít nhất hành động của tôi cùng không phải để đoạt vật gì đó của cô... Ngưng một giây, tia mắt hắn dời về phía gã răng hô : - Hiên Viên Kỳ, bất luận các hạ muốn kiếm vật gì, cứ kiếm ngay ở con người của ta là nên hơn cả. Đang “ngủ say” trên ghế vụt cựa mình, hắn cựa quậy thật nhẹ, nếu không chú ý là không thấy và cùng ngay lúc đó hình cây lại nhảy tưng lên, nhảy sang qua bàn của gã áo đen : - Sao? Các hạ biết Lão Đại của ta à? Người áo đen thâu ngọn roi ngựa, lại mỉm cười : - “Mộc Ngẩu Ma” Hiên Viên Kỳ, một trong “Phong Trần bát quái”, người mà đại danh đã rền như sấm nổ, làm sao ta lại không nghe? Cũng bằng thứ giọng “đút đầu vô lu” nhưng lần này tiếng nói của hình cây có vẻ kinh nghi : - Trung Nguyên, ngươi biết “lão đại” của ta kể cũng không phải ít, nhưng Quan ngoại thì người biết không thể có nhiều... - Nhưng nếu từ Quan nội đi ra Quan ngoại thì lại là trường hợp khác. Vừa rồi đã chẳng có một người rồi đó hay sao? Hình cây nói : - Các hạ đã biết danh “lão đại” của ta thì nhứt định phải biết chuyện gì thuộc về hắn là không nên đút miệng xía vào, các hạ biết chớ, “lão đại” của ta cũng giống giống tử thần, ai đụng đến hắn là coi như... mạt vận. Người áo đen điềm đạm mỉm cười : - Ta đã mạt vận nhiều năm rồi, hàng bao nhiêu năm nay ta luôn luôn là mạt vận, bây giờ nếu có thêm một lần nữa cũng chẳng sao. Hình cây gặn lại : - Cứ theo cách đó thì câu chuyện này các hạ nhứt định nhúng tay? Người áo đen đáp : - Đã nhiều năm rồi, ta luôn luôn mạt vận, vì thế cho nên ta rất ít chen vào chuyện của người khác, thế nhưng hiện tại có khác. Ta đến đây vốn để tránh gió, gặp chuyện, đó là bất đắc dĩ, cũng có thể gọi đây là ý trời đã định, mà một khi đã là thiên ý rồi thì không làm sao tránh được, can thiệp vào chuyện này, cũng có thể là ta phải thêm một lần mạt vận cũng nên. Hình cây lại cười lạt : - Ta không nghĩ như thế, ta nghĩ lần này không phải mạt vận, mà có lẽ vận ngươi đã cáo chung rồi. Người áo đen gật gật đầu : - Cũng có thể nhưng ta thì không xem chuyện đó vào đâu. Hình cây cười gằn : - Một con người khi mà đã muốn chết rồi thì không ai có thể cản ngăn, vì thế nên có lẽ ta sẽ giúp cho các hạ sớm đạt thành tâm nguyện. Thái độ cũng như giọng nói của người áo đen thật khoan thai, hắn chờ cho hình cây nói dứt rồi mới nhấc roi lên. Tay hắn thật chậm, nhưng khi ngọn roi cất lên thì không còn chậm nữa, ngọn roi y như một con rắn, đầu roi không cuốn lại như bị vút thông thường mà lại thẳng băng, thân roi lượn qua lượn lại “thót” tới nhanh không kịp thấy. Không ai thấy hình cây bị trúng ở đâu, chỉ thấy “hắn” nhảy tưng lên và bắn lui về hướng gã răng hô. Y như tỉnh ngủ vươn vai, hai tay của gã răng hô vừa vươn ra thì hình cây cũng vừa nhảy đúng tầm. Gã răng hô chụp hình cây vào tay và như giật mình mở mắt : - Ủa, sao đó lão nhị? Hình cây đáp bằng một giọng giận dữ : - Đụng rồi, mang một roi dội ngược lại đây. Gã răng hô toét miệng cười : - Đại ca biết chuyện này hiền đệ một mình làm không xuể, thật tình thì đại ca đã thấy trước tại đây có hai tay khó ăn lắm, bây giờ một đã bắt đầu cục cựa, còn một hãy nằm yên.. Không hẹn mà ba lão già cùng đưa mắt về phía lão Vương Què. Cái lão chủ quán này nết ngủ kể cũng hay, cho đến bây giờ lão không thấy trở mình. Gã răng hô lại cười hềnh hệch : - Thôi, bây giờ tới phiên “hiền đệ” ngủ đi, để đó cho anh. Hắn chưa quay lại thì người áo đen đã lên tiếng : - Tới màn này thì nên dẹp quách cái trò anh anh em em đó cho rồi, các hạ đừng tưởng dùng nội lực điều khiển hình cây như thế là lạ, chỉ cần một người học võ biết qua công phu “chỉ lực” hay “cách không điểm huyệt” thì cũng thấy rất dễ dàng chuyện dùng bù nhìn làm binh khí đó cả, các hạ nên dẹp cái trò “ảo thuật đó là vừa. Gã răng hô cười hềnh hệch : - Khá, nhưng hãy nói về phần các hạ đi, chắc các hạ mạng vận của mình khi can thiệp vụ này rồi chớ? Người áo đen gật đầu : - Có biết, nhưng trời sinh lở đã cho một cái nết như thế đó rồi dầu có biết cũng không phải làm sao. Tuy nhiên, theo tại hạ thấy thì hình như vận hạn của tại hạ cũng đã bắt đầu thay đổi khi can thiệp về chuyện làm của các hạ. Gã răng hô nhướng mắt : - Ta thì thấy khác, cái mà các hạ gọi là “tánh trời tạo” đó chắc hôm nay phải hủy diệt luôn. Tiếng sau cùng của hắn hơi dài và cánh tay hắn đưa xa, nhưng khi đưa lên, bàn tay hắn lại phẩy ra phía trưóc, phẩy ngang miệng chén rượu đặt trên bàn hắn. Y như có đòn bật bên dưới, cái chén không vụt bắn lên, bắn thẳng vào giữa mặt gã áo đen. Cái chén bay quá nhanh nhưng không nghe hơi gió, cái phẩy tay của hắn coi như đuổi một con ruồi, mà cái chén lại bắn tới như một mũi tên, tiếng gió có phát ra nhưng khi tới sát mặt của người áo đen rồi mới nghe thoang thoáng. Đà đi của cái chén quá nhanh, quá mạnh, nhưng khi tới sát mặt người áo đen thì bỗng nhiên dừng đứng lại y như có bàn tay đón bắt nửa chừng. Tay phải của người áo đen cầm cán roi, ngọn roi mềm quấn quấn trong ngón tay trỏ của bàn tay trái, một cử động lơ đãng của người ngồi nói chuyện, nhưng khi cái chén bay sát tới trước mặt thì cùng giống như trò “ảo thuật”, thay vì quấn trong ngón tay, ngọn roi lại quấn chung quanh cái chén. Bàn tay nắm cán roi của người áo đen vẫn đặt yên trên mặt bàn chớ không thấy cất lên. Cách sử dụng ngọn roi quả là tuyệt diệu. Ba lão già ngồi chung bàn bên trái cùng một lượt buộc miệng kêu lên : - Hay, đường roi hay quá! Người áo đen mỉm cười : - Không dám, chư vị quá khen. Ngay lúc đó, gã răng hô lại phất tay lên, một làn trắng chói từ tay hắn xẹt thẳng vào ngực gã áo đen. Ánh sáng xanh rờn, thứ ám khí bằng kim loại và dưới con mắt kinh nghiệm giang hồ, ai cũng biết đó là ám khí tẩm độc. Bây giờ tay cầm roi của người áo đen mới may động, cái chén bị đầu roi quấn cứng lưng chừng trong không khí vụt quay ngang, miệng chén hướng ra ngoài. Một tiếng chạm nghe chát chúa, lằn sáng chói từ tay gã răng hô phóng ra lọt ngay vào chén, và người áo đen lại nhấc tay lên. Cái chén lật ngửa trở lại và bay vù về phía gã răng hô, nhưng không bay vào mặt hắn mà lại rơi xuống mặt bàn thật ổn y như có người thận trọng nhẹ nhàng mời rượu. Chuyện hứng ám khí, chuyện sử dụng đầu roi tuy có thần diệu nhưng không làm cho gã răng hô sợ sệt, hắn hoảng hốt là nội lực dồn lên làm cho ám khí chạm vào lòng chén dính luôn mà không bể, so với chuyện dùng nội lực điều khiển hình cây của hắn, nội lực của người áo đen đủ cao hơn mấy bực. Gã răng hô tái mặt đứng lên : - Các hạ, xin báo danh cho biết? Đầu roi lại quấn trở vào ngón tay trỏ của người áo đen, hắn cuốn cuốn ngón tay và nhìn vào đó trả lời : - Ba nhiêu năm nay, tại hạ cứ lắm mạt vận, vì thế cho nên tên tuổi thế nào đã quên luôn, xin lỗi! Gã răng hô chụp lấy hình cây thồn vào túi vả, hắn hất ngược cái túi lên vai tông cửa ra ngoài y như một luồng gió lạnh... TƯỚNG CƯỚP LIÊU ĐÔNG Độc Cô Hồng dtv-ebook.com Chương 3: Ngọn roi ngự trị người Khi vào, gã răng hô đã làm cho bụi cát ùa vô quán, bây giờ trở ra hắn cũng cho bụi ập vô vì hắn không còn nghĩ đến chuyện khép trái cửa lại. Đám người ngồi dưới đất cũng như bốn gã đại hán áo da khi nãy rút đi như thế nào bây giờ hắn cũng rút theo như thế đó, còn muốn nhanh hơn là khác. Nhưng bây giờ vì chính hắn “rút” nên không có ai để nói hắn cúp đuôi. Lão già áo trắng “Di Lặc” đứng lên định bước ra khép cửa, nhưng gã áo đen nhẹ lắc đầu : - Không cần phải đóng, tại hạ nghĩ rằng bọn giặc ngựa đó sẽ trở lại và trở lại lần này chắc chắn không phải bốn người. Lão già áo trắng khựng lại liếc lão áo xanh... Đưa mắt nhìn dáng sắc và nhứt là bộ râu “tù” của người áo đen, lão già áo xanh đứng lên nghiêm trang : - Tráng sĩ biết chắc họ đến đây là nhắm vào bọn ba người của lão phu? Người áo đen đáp : - Tại hạ chỉ nghĩ như thế, nhưng không dám quyết đoán, vừa rồi vì có mặt người một mắt ở đây nên bốn tên mặc áo da hơi do dự, vì thế nên chúng không tiện ra tay sớm. Thật ra vị khách nhân một mắt đó không hề nghĩ đến ba vị mà lại nghĩ đến vị cô nương đây, cho đến khi vị “Mộc Ngẩu Ma” của “Phong Trần bát quái” đến đây, bốn người áo da bị người một mắt nói lộ lai lịch nên họ phải rút lui. Tuy nhiên cũng mong rằng tại hạ nghĩ lầm, cũng mong họ không phải nhắm vào ba vị. Lão già áo xanh hỏi : - Làm sao tráng sĩ nhìn ra họ? Người áo đen đáp : - Chư vị không thấy giải lụa đỏ buộc ở cán đao của họ hay sao? Lão già áo xanh trầm ngâm một chút rồi vòng tay : - Thêm một việc vẫn không bằng giảm đi một việc, lão phuxin tôn mạn đi trước, bất luận bốn người đó có nhắm vào bọn lão hay không, tất cả chúng tôi đều vô cùng cảm kích tráng sĩ. Dứt tiếng, ông ta đưa mắt cho lão áo trắng và lão áo đen và quay mình ra cửa. Người áo đen vụt cau mày : - Không kịp nữa đâu! Lão già áo xanh quay lại : - Không kịp? Lão già áo trắng nghiêng tai và gật gật đầu : - Từ tiên sinh, họ đã đến rồi, nhưng vì gió lớn quá nên khó nghe tiếng ngựa. Nghiêng tai nghe kỹ mà cũng hãy còn phảng phất, thế mà trước đó người áo đen đã phát giác ra, thính giác của hắn quả là bén nhạy. Lão già áo đen chỉ tay vào phía trong và thấp giọng : - Bên trong tấm rèm là phòng ngủ của chủ quán, ba vị có thể tạm thời tránh mắt vào trong đó, tại hạ tin chắc chủ nhân cũng chẳng hẹp hòi. Đôi mắt của lão áo đen vụt bừng bừng sát khí, giọng lão lạnh băng băng : - Hai chúng ta lăn lộn trong giang hồ đã bao nhiêu năm nay, chưa từng có trường hợp nào thốt ra câu tránh né. Vẫn nhìn vào những vòng roi quấn hờ trong ngón tay của mình, gã áo đen điềm đạm : - Tự nhiên, “Hắc Bạch song tinh” đã tung hoành trong giang hồ quá lâu rồi, quả thật chưa hề biết sợ, thế nhưng bọn “Mã Tặc” này chẳng những quá đông mà bất cứ người nào trong bọn chúng thảy đều hung hản, huống chi vật không quí nhứt định không khi nào chúng chịu ghé mắt dòm vào, mà khi đã nhắm vào rồi thì nhứt định không buông. Như thế, giả như vị lão tiên sinh áo xanh đây lỡ có bề nào thì sợ e rằng nhị vị khó lòng gánh vát. Lão già áo đen hơi biến sắc... Lão già áo trắng quay hẳn lại, đôi mắt như điện chăm chăm vào gã áo đen... Lão già áo xanh chận nói : - Vị tráng sĩ đây nói phải, sự an nguy của lão phu không phải trọng, nhưng trong trường hợp này có lẽ ta nên tránh là hơn, xin nhị vị nể mặt lão phu mà ẩn nhẩn một lần. Nói xong, ông ta quay mình lại đi ngay vào phía trong rèm. Lão già áo trắng đưa mắt ra hiệu cho lão già áo đen, và bước theo ngay. Lão già áo đen cau mặt mím môi, nhưng cuối cùng ông ta cũng đành phải đi theo sau với dáng điệu vùng vằn... * * * * * Tiếng vó ngựa vụt rền lên. Gió bên ngoài có mạnh nhưng vẫn không át nổi tiếng chân ngựa nện gần như rung rinh mặt đất. “Gã” thư sinh có vẻ bất an. Người áo đen thấp giọng : - Họ không phải nhắm vào cô đâu, cứ ngồi yên nơi đó không sao. “Gã” thư sinh nghiêng đầu lại, ánh mắt “hắn” chớp ngời, “hắn” nhìn chăm chú gã áo đen, không biết muốn quan sát bộ râu “tù” hay vì đôi mắt xếch với vành môi cương nghị... “Gã” do dự một giây rồi nói : - Công... tử có thể lui họ được chăng? A! Bây giờ thì đã “rõ bông” rồi. Không phải đàn ông không gọi người khác bằng “công tử”, nhưng thông thường đó là tiếng dành cho những cô gái gọi chàng trai mới quen mà lòng thấy có cảm tình. Trong trường hợp này, nếu là đàn ông như nhau, chắc chắn “gã” thư sinh không bao giờ dùng lối xưng hô như thế. Nhưng người áo đen như không để ý, mắt hắn vẫn nhìn xuống những vòng roi quấn trong ngón tay trỏ của mình, hắn đáp : - Cũng chưa biết, cái đó còn phải xem quả thật tôi đã “chuyển vận” hay chưa. Tiếng vó ngựa ào ào như muốn càn sập quán và sau đó là ngưng bặt. “Gã” thư sinh cau mặt ngạc nhiên : - Tại sao họ lại... Người áo đen lắc đầu : - Đừng nói nữa, họ đã vào... * * * * * Họ vào. Đúng như người áo đen dự đoán, họ vào không phải bốn người xách đao bỏ chạy lúc nãy, bây giờ họ đến mười người. Cũng mũ da sụp tới mang tai, cũng áo da giày ủng và cũng những thanh đao có buộc giải lụa hồng. Họ gồm có mười người, nhưng chỉ có chín thanh đao. Chín thanh đao với chín dải lụa chập chờn màu máu. Chỉ có một người không mang đao, người đó cầm roi ngựa, thứ roi ngựa không biết thắc bằng gân gì trông nhấp nháy như giây cước bạc. Đó là một đại hán mày dáng mắt sáng, tướng mạo khá thanh tú, nhưng không hiểu do bẩm sinh hay do hóa mình trong cái sinh hoạt của đồng bọn mà gương mặt sáng rở của hắn cũng phảng phất khí âm nằng nặng. Bốn tên đại hán ngồi uống rượu và bỏ ra đi lúc nãy cũng có mặt trong đám mười người, và chính họ là kẻ đưa đường vào trước. Nhưng khi bước vào trong quán, khi đưa mắt nhìn khắp các bàn, bốn tên đại hán đó đều biến sắc. Người cầm roi ngựa hất hàm : - Họ đâu? Đúng rồi, họ đâu? Bốn tên đại hán khi nãy nhìn nhau có vẻ bất an. Một tên trong bọn bước tới vòng tay : - Tam gia, mới vừa rồi họ còn... Người được gọi “Tam gia” trầm giọng : - Ta không hỏi “vừa rồi”, ta chỉ hỏi bây giờ họ ở đâu? Bốn tên đại hán khi nãy cứ nhìn nhau ngơ ngác. Người gọi là “Tam gia” thấp giọng : - Dưới lỗ mũi còn có cái miệng, bây giờ không dùng nó được hay sao? Không phải hạng lờ ngờ, nhưng không hiểu sao khi phát giác ra ba lão già vắng mặt, bốn tên đại hán bỗng lựng khựng ngang, bây giờ được nhắc, có lẽ họ thấy chủ nhân của minh “thông minh” quá xá, chính vì mừng như thế nên bốn tên đại hán cùng bước một lượt tới trước bàn gã áo đen : - Ê, những người hồi nãy ở đây đâu rồi, bạn? Đó là câu hỏi của một trong bốn tên đại hán. Người hỏi là một gã mặt có vết thẹo dài từ chót mày bên phải vắt ngang sống mũi, kéo thẳng xuống khóe môi bên trái, vết thẹo rọc một đường sâu chính giữa, hai bên thịt lồi thành bờ đỏ hỏn. Giọng nói của hắn tuy có xấc những cũng không đến nỗi dữ dằn, chỉ có điều nhìn vào bộ mặt, nhứt là vết thẹo ai cũng có cảm tưởng hắn là quỷ sứ. Người áo đen “bận” nhìn xuống những vòng roi quấn trong ngón tay của mình nên không ngó hắn, và cũng không trả lời hắn. Bàn tay “nãi chuối” của tên mặt thẹo đập xuống bàn, cái chén rượu không văng tưng lên và rơi xuống... Giọng hắn hầm hầm : - Hỏi ngươi có nghe hay không? Lần này thì người áo đen trả lời, nhưng vẫn không ngẩng mặt : - Nghe chớ. Ta không có điếc thì tự nhiên là nghe thấy. Tên mặt theo gặn lại : - Nghe tại sao không chịu trả lời? Người áo đen bình thản : - Vừa rồi người ở đây đông lắm, làm sao ta có thể biết các vị hỏi ai? Tên mặt thẹo trừng mắt : - Ta hỏi cái tên răng hô có mang cái hình cây và ba lão già ngồi một bàn khi nãy. Người áo đen gật gật : - Ạ à... Như vậy là hỏi vị răng hô và vị lão nhân đi rồi! Tên mặt thẹo gắt : - Họ đi đâu? Người áo đen hỏi lại : - Các hạ hỏi ai? Vị răng hô hay là ba vị lão nhân? Tên mặt theo bực dọc : - Tất cả. Người áo đen lắc đầu : - Tất cả thì tại hạ đều... không biết. Tên mặt thẹo mở tròn đôi mắt : - Mẹ họ, giỡn mặt hả? Người áo đen chậm rãi : - Các hạ chửi ai vậy? Tên mặt thẹo nổi xung : - Chửi ai? Chửi ngươi, chửi ông nội ngươi, được không?... Tiếng “không” của hắn chưa dứt thì tiếng roi đã khua rồi. Một tiếng “trót” dội lên, gã mặt thẹo đưa ty bụm mặt. Thân hình cao lớn của hắn lảo đảo thối lui, hắn vừa giở tay ra thì lòng bàn tay đỏ ối. Máu phun ra đầy mặt hắn, không biết thương tích ở chỗ nào. Ba tên còn lại nhoáng đao. Nhưng ánh đao vừa chớp lên thì liên tiếp nổi lên ba tiếng “trót” gần như cùng một lúc, cả ba xuôi đao xuống, cổ tay mỗi tên đều nổi một vòng và máu cũng ứa ra ngay. Tên mặt thẹo định thần rút phắt thanh đao lao tới. Bựt! Người áo đen vẫn ngồi, nhưng hai chân hắn nhóng lên. Cả bàn bật ra trúng ngay giữa bụng tên mặt thẹo. Hắn “hự” một tiếng đứt nghẹn, thanh đao rơi xuống đất, thân mình gập lại, cái mặt đập vô bàn và bật ngửa ra sau. Cạnh bàn dội vô bụng hắn một cú không còn gượng nổi. Năm tên đại hán phía sau tuốt đao ra ào ào xốc tới. Người được gọi là “Tam gia” đưa roi ngựa ra cản lại và hất mặt ra lệnh cho bốn tên đã mang thương : - Các ngươi hãy lui ra. Ba tên đại hán bị đánh trúng tay, bây giờ đành phải cầm thanh đao bằng tay trái và lùi nép qua bên trái. Tên mặt thẹo một tay ôm bụng, một tay chụp thanh đao bắn lùi vào góc vách. Cứ nhìn vào bộ mặt nhăn nhó, vết thẹo giật giật và hai con mắt gần như lòi hẳn ra ngoài của hắn, chắc chắn cái cạnh bàn vừa rồi đã làm cho hắn dập mỡ sa! Người được gọi là “Tam gia” nhìn châm bẩm vào mặt người áo đen, khoảng giữa chân mày của hắn sát khí càng lúc càng hừng, hắn lừ lừ nhích tới. Hắn dừng lại cách người áo đen vài bước, hắn bật cười, giọng cười dễ sợ : - Đường roi của các hạ khá lắm. Người áo đen vẫn thản nhiên : - Ta vốn không muốn ghẹo ai, ta cũng không muốn ai nhắm ta gây chuyện. Tên được gọi “Tam gia” hỏi : - Các hạ thuộc cánh nào? Người áo đen đáp : - Làm một nghề nào cũng đều có qui cũ của nghề đó, các người đã vượt quá vùng hoạt động của mình, bây giờ triệt thoái ba mươi kỵ mã của các người thì cũng hãy còn kịp đó. Tên được gọi là “Tam gia” gặn lại : - Đến bao giờ thì không kịp? Người áo đen nói : - Các hạ không nên bức ta phải ra tay, nếu chờ cho đến lúc ta đã ra tay thì cũng không sao, lúc đó cũng còn đi kịp, chỉ sợ cách đi không đẹp lắm. Đôi mày của tên “Tam gia” hơi nhướng, nét cười thách thố tràn đầy trên mặt hắn : - Thật thế sao? Người áo đen vẫn một mực thản nhiên : - Ta nói đã cạn lời, nghe hay không là tùy các hạ, nhưng ta rất mong các hạ nên nghe. Tên “Tam gia” hất chân lên : - Hắn hất thật nhẹ, nhưng cái bàn bị ngã khi nãy vụt bay lên, trớn bay của cái bàn làm cho người ta liên tưởng hắn hất trái cầu bằng giấy. Nội lực của hắn quả đáng kinh người. Người áo đen vẫn ngồi y một chỗ, hắn đưa tay lên nắm lấy chân bàn đặt sang cạnh, nếu bảo tên “Tam gia” hất cái bàn như một trái cầu bằng giấy thì cái bắt của người áo đen giống như bắt cái... lông chim. Hắn cử động thật nhẹ nhàng và nói cũng nhẹ nhàng : - Năm nay buôn bán làm ăn coi có mối khốn đến, ngôi quán này chủ nhân thâu lợi chẳng có là bao, thêm vào đó là có lòng nhân “nửa bán nửa cho”, vì thế không một ai có quyền vô ý làm hư hại của người. Khóe miệng của “Tam gia” vẫn đọng nét cười nhưng khoảng giữa chân mày thật là u ám và cánh tay cầm roi của hắn nhấc lên... Ngọn roi cuốn thẳng vào mặt của người áo đen, đường roi “trườn” đi dẻo quẹo. Người áo đen vẫn ngồi yên trên ghế, đầu hắn nhích sang bên trái : - Ta có thể nhịn các hạ ba roi, nhưng nếu đến roi thứ tư thì không được. “Tam gia” rít lên một tiếng và ngọn roi trong gió cũng rít theo, bóng roi vút vút... Người áo đen vẫn ngồi nhưng thắc lưng của hắn thật dẻo, hắn tránh đường roi bằng nửa thân trên và hai roi kế tiếp của tên “Tam gia” cũng chỉ vút tuột vào không khí. Da mặt tên “Tam gia” vốn đã trắng, bây giờ càng lợt màu hơn, có lẽ bây giờ rạch mũi dao lên đó cũng không chảy ra chút máu. Người áo đen nói thật chậm rãi : - Ba roi đã qua rồi, nếu muốn đi thì thật là đúng lúc. Hắn nói thật tình. Nhưng đó chỉ là thật tình với hắn chớ đối với tên “Tam gia” thì không, vì nhứt định không làm sao đi được. Từ trắng bệt chuyển màu xanh, da mặt của tên “Tam gia” giận đến tím bầm, hắn ném mạnh cây roi xuống đất và cho tay phải vào lưng... Thật là một sự sơ xuất đáng trách, cao thủ giao đấu với nhau chỉ hơn kém trong nháy mắt, thế nhưng tên “Tam gia” lại để trống trong nháy mắt đó. Có lẽ “thế đối địch” của người áo đen quá dịu và khoảng cách hãy còn xa, nhưng tên “Tam gia” lại còn quên một điều là cây roi ngựa trong tay đối thủ, cái quên đó không thể tha thứ được, đó là cái quên dẫn đến sự bại vong. Cái quên thứ ba của tên “Tam gia” là câu nói của người áo đen, “chỉ có thể nhịn ba roi”, trong khi đó thì vừa đánh đủ con số đó. Qua cái hất bàn, qua mấy đường roi tấn công, đủ thấy nội lực và võ công của tên “Tam gia” thuộc vào hạng khá, nhưng nhứt định hắn không được liệt vào hàng “cao thủ”, vì nếu là cao thủ thì không có quyền sơ hở đến mức như thế. Chỉ cần sơ hở trong nháy mắt,thảm hại sẽ đến với mình... Tên “Tam gia” thảm bại. Ngọn roi từ đầu vẫn cứ quấn quấn vào ngón tay của người áo đen vụt bung ra. Bung ra nhưng không quấn mà đầu roi lại “mổ” đúng vào mu bàn tay vu`a hưo vào lưng của “Tam gia” và y như một con rắn đầu roi mổ vừa ngóc lên, ngóc đúng yết hầu địch thủ. Thông thường kẻ sử dụng “nhuyễn tiên”, ngọn roi tuy mềm nhưng khi họ vung lên, ngọn roi có thể thẳng băng như côn, như trượng, tuy nhiên đó cũng chỉ là khi “động”, chỉ có “động” thì công lực mới dồn lên làm cho ngọn roi thẳng cứng. Bây giờ, người áo đen lại dùng đầu roi “chĩa” thẳng vào yết hầu của đối phương, ngọn roi trong trường hợp “tịnh”, “tịnh” mà lại thẳng băng. Một trường hợp phi thường. Tên “Tam gia” bị khống chế bởi đầu roi đó, nhưng có lẽ cái làm cho hắn phải đứng chết trân bất động, chính là cách sử dụng ngọn roi, “tịnh” mà thẳng, thứ “tiên pháp” chưa từng nghe, chưa từng thấy bao giờ! Chín tên đại hán phía sau nắm chặt cán dao chồm chồm lăm le lao tới. Người áo đen nhướng mắt lên, bây giờ mới thấy rõ từ mắt hắn, tia mắt như điện lạnh : - Các ngươi không kể đến cái mạng của chủ nhân à? Chín tên đại hán khựng lại, những cặp mắt vẫn long lên, những bàn tay vẫn nắm chặt nhưng chân không nhúc nhích. Người áo đen trầm giọng : - Bạch tam gia, ta không biết các người muốn vật chi, ta cũng không biết các người nhằm ai hạ thủ, chỉ có điều theo ta biết thì bao nhiêu hàng hóa ra khỏi phạm vi Trường Bạch gần hết phân nửa đã nuôi sống các người đầy đủ quá rồi, đáng lý các người nên vượt quá phạm vi hoạt động. Hôm nay may là gặp ta, nếu đổi lại người khác chắc chắn các người không còn mạng để quay về. Bây giờ, ta nhờ, hãy về trao lời nói cho Long đại gia, từ đây về sau đừng nên coi ngoài xứ Liêu Đông không người, nhớ nghe, đi đi. Hắn đặt bàn tay trở xuống mặt bàn, ngọn roi vụt như bị mất xương, mềm quặt. Người áo đen lại quấn quấn roi vào ngón tay một cách lơ đãng như từ lúc ban đầu. Bạch “Tam gia” vụt nhích ra sau. Tám tên đại hán xốc xốc ngọn dao, tên mặt thẹo hãy còn ôm bụng nhưng bây giờ cũng đã nhích lên phía trước. Họ chỉ còn chờ lệnh của Bạch “Tam gia” nữa là áp tới ngay. Đã thấy rõ không đương cự nổi, nhưng họ vẫn hung hăng, một phần có lẽ do bản tánh “giặc cướp” là như thế, nhưng một phần khác, cũng có thể do bên ngoài lực lượng hãy còn đông. Người áo đen vẫn ngồi yên một chỗ, tư thế hắn giống như một tòa núi đá. Bạch “Tam gia” nhìn đối phương bằng đôi mắt trừng trừng và thinh linh, hắn quay lại thật nhanh và cũng thật nhanh, hắn bước thẳng ra ngoài cửa. Đó là một thứ lệnh. Chín tên đại hán “xốc đao” bước nhanh theo chủ nhân. Không khí trong quán cũng khác theo luôn. Khi họ mới đến, khi mới nghe vó ngựa bao quanh, “gã” thư sinh cảm thấy nôn nao nghẹt thở, nhưng bây giờ cũng với vó ngựa rập rộn, nhưng “hắn” lại ngồi thẳng mình len thở một hơi dài nhẹ nhỏm. Vó ngựa hút về xa, người áo đen vẫn không ngẩng đầu lên, giọng hắn thản nhiên cố hữu : - Tam vị có thể đi ra. Tấm rèm bên trong lay động, lão già áo xanh và “Hắc Bạch song tinh” lách mình ra và lão già áo xanh bước tới trước vòng tay : - Lão phu không dám dùng tiếng tạ ơn, chỉ xin được thỉnh giáo... Người áo đen điềm đạm chận ngang : - Lão tiên sinh không nên khách sáo, tại hạ vì toàn thể giang hồ bên ngoài Trường Bạch chớ không phải vì một cá nhân, lần nay tuy có nên việc, nhưng giang hồ cũng sẽ vì thế mà khó có ngày yên, cũng như... Hình như hắn có thở ra nhưng cố giữ cho không bộ lộ, và hắn tiếp lời : - Những ngày tới đây, không biết bao nhiêu bá tánh sẽ bị gia phá thân vong dưới vó ngựa hung tàn của chúng. Lão già áo xanh hơi đổi sắc : - Nghĩa khí của tráng sĩ đủ khiến cho đám quan lại hưởng lộc Triều đình phải đỏ mặt thẹn thùa, lão phu xin thỉnh giáo... Người áo đen vẫn điềm đạm : - Trời lại gió cát, cứ xem tình hình như càng lúc càng gió lớn, chư vị chỉ là núp gió tạm thời, không nên nấn ná ở lâu, đến khi trời tối có thể đến Vạn gia trang, xin chư vị hãy sớm lên đường. Lão già áo xanh gật đầu : - Đa tạ tráng sĩ, lão phu sẽ lên đường ngay... Ngưng một giây, lão nói tiếp : - Lão phu tên Từ Trị Bình, thụ chúc tại Nha môn Tổng đốc “Liêu Đông” Người áo đen vòng tay và hơi nghiêng mình : - Thất kính! Từ Trị Bình nhìn người áo đen bằng đôi mắt thật sâu : - Tráng sĩ có một trình độc võ công siêu phàm như thế, tại làm sao lại không tiến thân bằng nẻo quan nha... Người áo đen điềm đạm mỉm cười : - Thảo dân lỗ mãng, với chút nghề mọn phòng thân còn không đủ thì dám đâu nghĩ đến chuyện hưởng bổng lộc quan gia? Đại nhân có lòng chiếu cố, thảo dân nguyện ghi ơn nhưng vì nhân sinh chí ý khác nhau, xin đại nhân lượng thứ. Từ Trị Bình lại nhìn thẳng vào mặt người áo đen lần nữa : - Đã thế thì lão phu không dám cưỡng cầu, sau này nếu có dịp ngang qua Phụng Thiên, xin nhịn chút thì giờ để cho lão phu được tiếp một chén trà đạm bạc, dám mong tráng sĩ chiếu cố và bây giờ thì lão phu xin tạm cáo từ. Ông ta vòng tay gật đầu và bước ra ngoài cửa. “Hắc Bạch song tinh” cùng đưa mắt về phía người áo đen, nhưng họ không chào... Vó ngựa bên ngoài lại nổi lên. Người áo đen cúi xuống cầm lấy cái nón rộng vành phủi bụi qua loa, và đứng dậy bước ra. “Gã” thư sinh vụt nhất tay lên ngập ngừng như muốn chận ngăn : - Công tử... Bước chưa không dừng, người áo đen nói mà cũng không quay đầu lại : - Dọc hai bên bờ Lão Long Hà là chỗ ẩn tàng của cường sơn đạo tặc, vốn không phải đất lành, xin cô nương cũng nên gấp lên đường, tốt hơn hết là theo cho kịp ba vị quan nhân để vầy đoàn cho có bạn. Tiếng nói cuối cùng vừa dứt thì bóng hắn cũng đã khuất ra ngoài, tiếp liền theo là tiếng ngựa hí dài, nện vó vội vàng mất hút về xa. “Gã” thư sinh ngẩn ngơ nhìn theo người áo đen ra cửa, cho đến khi ngựa hí lên thì “hắn” mới giật mình. Có những người giật mình vì sợ sệt nhưng cũng có người không phải sợ sệt mà vì trong lúc bàng hoàng như trường hợp của “gã” thư sinh. Lão Vương Què chắc chắn không giật mình, có nhiều chuyện đáng giật mình thế mà lão vẫn ngủ khò. Lão không giật mình nhưng lão không “ngủ” nữa. TƯỚNG CƯỚP LIÊU ĐÔNG Độc Cô Hồng dtv-ebook.com Chương 4: Di vật của Nghiêm đại nhân Lão chủ quán Vương Què thức dậy thật tỉnh và lão nói ngay : - Con rồng bị nhốt đã sút chuồng, giang hồ từ đây sẽ nổi phong ba. “Gã” thư sinh định thần quay lại : - Lão chủ nói... Lão Vương Què cầm cán gậy cà nhắc bước ra khỏi quày tiền, lão nói : - Hắn nói đúng, dọc dải Lão Long Hà này bọn cướp của giết người đầy dẫy, vốn không phải đất lành, cô nương hãy lên đường cho gấp, ba cái lão chuyên hưởng lương bổng vừa rồi đang đi về ngả hướng tay. “Gã” thư sinh nói : - Lão chủ, tôi phải đi về hướng đông mà. Lão Vương Què hơi khựng lại và lão lắc đầu : - Như vậy thì quả thật không may! Lão chống cây gậy cà nhắc đi ra phía cửa... “Gã” thư sinh bước theo sau : - Lão chủ, xin làm ơn cho hỏi thăm một việc, chẳng hay từ đây đi về hướng đông, trước khi trời tối có tìm được nơi này ăn nghỉ hay không? Lão Vương Què quay lại : - Chẳng hay cô nương định về đâu? Đã có mấy người chỉ thẳng mình là cô nương, cho đến cái lão chủ quán kèm nhèm này cũng gọi luôn hai ba lần như thế, vị “thư sinh” không phải đàn ông bỗng hơi lựng khựng, nhưng bây giờ thì hắn - không phải gọi là “nàng” vì không còn chối cãi vào đâu - không còn thì giờ băn khoăn về chuyện ấy, nàng đáp : - Tôi phải đến Phụng Thiên. Lão Vương Què gặn lại : - Đến Phụng Thiên? Cô gái “thư sinh” gật đầu : - Theo bờ Lão Long Hà này mày đi, nếu ngựa nhanh một chút thì trước giờ trời tối có thể đến “Ngọa Hổ Cấu”, nơi đó có chỗ nghĩ, sáng ra đi đến xế là đến Phụng Thiên. Vị cô nương “thư sinh” vội vòng tay : - Đa tạ lão chủ... Lão Vương Què nhìn thẳng vào mặt nàng : - Xin thứ cho kẻ già nua tàn tật, lão có lời mạo muội vì lão thấy hình như cô nương không hẳn là người trong giới giang hồ? Cô gái “thư sinh” khẽ lắc đầu : - Vâng, tôi không phải người sinh trưởng trong võ lâm. Lão Vương Què hỏi : - Có nương có biết võ công? Cô gái “thư sinh” đỏ mặt ấp úng : - Tôi cũng có học qua được đôi ngày. Lão Vương Què lắc đầu : - Nếu chỉ học... đôi ngày thì đáng lý cô nương không nên đi trong khoảng đường này, càng không nên dấn bước giang hồ hơn nữa, vì đi vào khoảng đường này, lăn lộn trong giang hồ, tuy cô nương đã có cải trang, nhưng những người lịch lãm chỉ cần nhìn qua một lượt là đã biết ngay, chẳng lẽ quí phu huynh lại không thấy mà để cho cô nương băng mình vào nguy hiểm như thế? Viền mắt của cô gái ửng đỏ, nàng cúi đầu thật thấp : - Nếu có cách khác thì đâu có ai lại muốn làm cái chuyện nguy nan như thế ấy? Lão Vương Què có vẻ ngạc nhiên : - Chẳng lẽ cô nương đang ở vào một hoàn cảnh khó xử lắm hay sao? Cô gái ngẩng mặt lên, nàng cố ẩn nhẩn cho nước mắt không tràn : - Lão chủ, gia đình tôi không còn có một ai. Lão Vương Què chắc lưỡi : - Cô nương, lão thật vô tình, xin lỗi... Cô gái cố gượng cười : - Lão chủ khách sáo thì thôi... Lão Vương Què lại hỏi : - Thế thì cô nương đến Phụng Thiên chắc là để... tìm thân thích? Cô gái đáp : - Tôi đến Phụng Thiên để tìm một người. Lão Vương Què nghi ngờ : - Cô nương tìm người đó chắc không phải là thân nhân? Cô gái lắc đầu : - Không phải, người đó là bằng hữu... không, cũng không phải là bằng hữu, tôi chỉ biết tên biết họ, nhưng chưa gặp mặt bao giờ... Lão Vương Què hỏi : - Nhưng chắc cô nương biết chỗ ở của người đó? Cô gái gật đầu : - Vâng, tôi biết. Lão Vương Què cũng gật gù : - Như thế mới được, chớ thành Phụng Thiên mênh mông lắm, nếu chỉ hỏi thăm để tìm thì thật không khác nào mò kim đáy biển... Ngưng một giây, lão nói : - Thôi, xin cô nương hãy đi cho kịp, nếu không trì hoãn dọc đường thì có thể đến kịp Ngọa Hổ Cấu trước khi trời tối. Cô gái khẽ cúi đầu, chầm chậm bước ra phía cửa, nhưng chỉ được ít bước, cô ta quay lại hỏi : - Lão chủ, người vừa rồi lão chủ có quen biết gì không? Lão Vương Què hỏi lại : - Cô nương muốn hỏi người áo đen đánh đuổi gã răng hô và đám cướp đó phải không? Cô gái gật đầu : - Vâng. Lão Vương Què có vẻ ngập ngừng : - Cô nương hỏi người đó... Cô gái chận nói : - Tôi chỉ muốn hỏi xem người đó tên họ là gì, vì người đó đã giúp tôi thoát hiểm, không thể quên ơn... Lão Vương Què cười : - Cô nương, hắn giúp đỡ cho người, cứu mạng cho người, nhưng không muốn cho người biết tên biết họ, cô nương đã chẳng nghe hắn nói hay sao? Cô gái cố hỏi : - Nhưng đây là tôi hỏi thăm lão chủ thôi mà. Lão Vương Què lại cười : - Cô nương, tôi... thật tôi cũng không làm sao biết được con người đó... Cô gái do dự một chút rồi nói : - Nếu tôi không lầm thì lão chủ cũng là một nhân vật giang hồ, nhứt là câu nói “con rồng bị nhốt đã sút chuồng” vừa rồi, tôi nghĩ lão chủ chắc chắn đã biết người đó là ai, chỉ có điều lão chủ không muốn nói ra. Lão Vương Què cười : - Người ta thường nói “tiến giang hồ, thôi bán quán”, chuyện đó không phải lạ, nhưng thật ra thì bao nhiêu năm nay, nhận biết lão là người giang hồ chỉ có hai người, vừa rồi là hắn, bây giờ là cô, tuy nhiên lão cũng vẫn không sao nói rõ danh tánh của người đó được, bởi vì hắn đã không muốn nói, tự nhiên cũng không muốn có kẻ lắm lời về hắn, nhứt là lão không muốn ghẹo hắn làm gì.. Cô gái muốn nói thêm, nhưng lão Vương Què đã chận : - Thôi, như thế này, tôi chỉ nói cái họ của hắn, nói qua về lai lịch của hắn, sau này nếu cần cô nương hỏi thăm thêm người khác nữa để biết về tên hắn, có được không nào? Cô gái gật đầu : - Vâng, tùy lão chủ... Lão Vương Què nói : - Thật ra thì tôi phải phải tiếc lời, nhưng cô nương cũng đã thấy chính hắn không muốn... Lại ngưng một chút như để đắn đo, lão nói tiếp : - Hắn họ Phí, một tên đại đạo khét tiếng.... Cô gái thảng thốt kêu lên : - Lão chủ, hắn... hắn là gì? Lão Vương Què lập lại : - Hắn là một tên cướp khét tiếng. Cô gái trố mắt : - Đại cường đạo? Không, con người đó không có gì giống là một tên cướp khét tiếng cả. Lão Vương Què hỏi : - Bằng vào chỗ nào cô nương bảo hắn không phải là tên đại đạo? Cô gái đáp : - Không rõ ràng hay sao? Nếu hắn là tên đại đạo khét tiếng thì làm gì hắn lại giúp tôi đánh đuổi cái gã Hiên Viên Kỳ? Làm gì hắn lại giúp ba vị lão quan nhân đánh đuổi bọn Mã Tặc? Nếu hắn là tên đại đạo khét tiếng thì đồ vật trong người tôi, cũng như của ba vị lão quan gia đã chẳng về tay hắn rồi sao? Lão Vương Què gật gù và thở ra một hơi dài : - Mỗi người có một cái nhìn khác hẳn nhau, có khi một tên chặt đầu lột da thiên hạ thì lại được nhiều người trọng vọng bước ra tấc đường là... tiền hô hậu ủng, đầy đường hương án tiếp nghinh, coi như là một, gần như... cục cứt của người đó cũng là “nhân đức”, trái lại những kẻm dám đem mạng mình che người có thể thì lại được gắn tội danh giặc cướp, suốt gầm trời gần như không có một tấc đất để dung thân... Cô gái bè môi, nhưng lão Vương Què lại lắc đầu : - Gã một mắt cũng như tên răng hô đó cô có biết không? Họ toàn là nhân vật tiếng tăm trong bạch đạo giang hồ đó. Bạch đạo giang hồ tự nhiên được mệnh danh là “hiệp nghĩa”, còn gã họ Phí thì lại bị nguyền rủa, bị hăm he, bị tìm bắt, giết chóc, lão nghĩ, nếu người như hắn mà bị gọi là đại đạo thì cả thế gian này được biến thành “đại đạo” tất cả, có lẽ mà hay, còn thứ “hiệp nghĩa” như gã răng hô và người một mắt càng ít đi càng tốt, giả như không có một người nào “hiệp nghĩa” như họ, không chừng thiên hạ lại còn được yên vui. Cô gái ngời ngời đôi mắt : - Lão chủ, ý của ông, tôi biết. Quả là chẳng có một chút công bình, nhưng không lẽ những người chân chính trong giang hồ lại không có một ai vì hắn, vì lẽ phải mà nói lên sự thật hay sao? """