"Tuổi 20 Nhiệt Huyết PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tuổi 20 Nhiệt Huyết PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo HỘI MÊ SÁCH Tải eBooks miễn phí tại https://hoimesach.com Nhận eBooks miễn phí qua Zalo: https://zalo.hoimesach.com Group: https://facebook.com/groups/mesachhoi Lời mở đầu TUỔI 20 – ĐẸP VÀ TRÔI NHANH NHƯ “NHÁY MẮT” Đầu tiên tôi muốn gởi lời cảm ơn chân thành đến các bạn vì đã đồng hành cùng tôi trong cuốn sách này, giữa muôn vàn lựa chọn. Khi đặt tay lên quyển sách, có lẽ bạn cũng ý thức được rằng mình đang trưởng thành, mình cần học hỏi nhiều, đồng thời cũng háo hức muốn khám phá cuộc sống này thật nhiều, phải không? Tuổi 20 của tôi cũng như vậy. Tôi trải qua rất nhiều cảm xúc, từ háo hức muốn trưởng thành, đến mơ hồ trên con đường tiến thân, mập mờ trong các mối quan hệ tình cảm, hay lúng túng trước các vấn đề cuộc sống. Tuổi 20 của tôi đầy ắp những hy vọng nhưng thất vọng cũng rất nhiều. Thậm chí tôi còn từng trải qua cảm giác bất an, tuyệt vọng khi cảm thấy cuộc đời mình như một hố đen mà dù tôi cố gắng nhiều đến chừng nào cũng không thoát ra được. Khi tâm trạng vui vẻ, tôi có thể quyết tâm làm tất cả mọi việc. Nhưng khi công việc không trôi chảy, tôi lại cảm thấy chán nản, bất lực. Tình cảm thì mạnh mẽ như ngọn núi lửa chực phun trào, luôn luôn khao khát được yêu thương, được chú ý, được cảm phục. Còn bạn đang cảm thấy như thế nào? Bạn đang chán chường, mệt mỏi? Đang căm ghét bản thân? Bạn đang cảm thấy như cả thế giới quay lưng với mình? Rằng số phận mình thật kém may mắn? Hay bạn đang tràn đầy năng lượng, dạt dào cảm xúc và đang trải qua những ngày tháng như mơ? Ôi tuổi 20 thật nhiều cảm xúc! Nhưng khi nghĩ về giai đoạn này, tôi chỉ có một ấn tượng duy nhất là “Tuổi 20 nhanh như một cái chớp mắt, thoắt cái đã trôi qua”. Ngày hôm nay nhìn lại, nếu như có thể nói với bạn một câu, tôi sẽ khuyên rằng “Đừng lo lắng gì cả, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi!”. Dù bạn đang ở trong tâm trạng như thế nào, tôi nghĩ rằng đó cũng là điều rất tốt cho bạn. Đó sẽ là nguồn năng lượng quý giá cho cuộc đời bạn sau này. Nếu bạn đang lạc lối, tôi hy vọng quyển sách này để soi sáng con đường cho bạn. Nếu bạn đang mệt mỏi, tôi hy vọng quyển này sẽ tiếp thêm năng lượng. Nếu bạn đang rực cháy nhiệt huyết, quyển sách này sẽ càng chắp cánh cho ước mơ. Đời người có muôn ngàn cách sống. Sống lao động cật lực cũng có, sống an nhàn hưởng thụ cũng có. Sống theo đuổi đam mê cũng có, sống để làm hài lòng mọi người cũng có. Bạn là người quyết định tương lai của chính mình. Bạn là người quyết định cách sống cho riêng mình! Những trang sách bạn sắp mở ra là những điều tôi đúc kết được từ kinh nghiệm bản thân, là những bài học của những người thành công trong sự nghiệp và có cuộc sống thật sự hạnh phúc. Tôi cũng từng phỏng vấn thử những người trên 30 tuổi để tìm hiểu điều gì làm họ hối hận nhất, điều gì làm họ cảm thấy hối tiếc vì đã không làm ở những năm tuổi 20. Những ý kiến hữu ích đó, tôi đã truyền tải tất cả vào quyển sách này. Tôi mong rằng bạn có thể thực hiện tất cả những điều mà các bậc tiền bối đã không thể làm ở lứa tuổi 20. Tôi hy vọng khi nhìn lại tuổi 20, bạn không cảm thấy hối tiếc về điều gì. Tôi hy vọng các độc giả của tôi sẽ tìm ra cho riêng mình con đường đi đến hạnh phúc và thành công. Hãy lập tức tiến hành những điều bạn cảm thấy cần thiết với bản thân trong lúc đọc quyển sách này! Chắc chắn từ hôm nay, những ngày tháng thú vị đang chờ đón bạn phía trước! Thân mến, – Ken Honda 1 ĐỪNG NGẠI NHỮNG THẤT BẠI LỚN NHẤT TRONG ĐỜI 1. Không thành công nào mà không trải qua thất bại Có lẽ các bạn đang hoang mang vì vừa bước vào những trang sách đầu, tôi đã nói đến việc “thất bại”. Tôi nghĩ rằng, thất bại ở độ tuổi này không phải là chuyện gì quá ghê gớm. Bạn có thể gặp đôi ba chuyện thất vọng ở tuổi đôi mươi, thậm chí, bạn có vấp phải thất bại lớn nhất của cuộc đời cũng chẳng sao. Nếu bạn thất bại ở nửa sau của cuộc đời, thì việc làm lại từ đầu sẽ gặp không ít khó khăn. Từ việc khôi phục tình trạng kinh tế, hay vị thế xã hội, cho đến việc khôi phục tinh thần đều cần rất nhiều thời gian. Nhưng bạn có thể vượt qua tất cả và làm lại từ đầu nếu gặp bất cứ thất bại nào ở tuổi 20. Vì vậy, đừng lo sợ gì cả, hãy vững tin đứng dậy và tuyên chiến với bất cứ thử thách nào trong đời. Tôi có cơ hội được trò chuyện với nhiều người đã thành công trong cuộc sống. Và bạn biết gì không? Hầu hết trong số họ là những người đã từng thất bại nặng nề ở độ tuổi đôi mươi. Có những thất bại nặng nề và kinh khủng đến nỗi chỉ nghe thôi cũng đủ choáng. Nhưng họ đã kể lại với giọng điệu hài hước, nhẹ nhàng, cứ như đang kể về thất bại của ai đó chứ không phải của họ. Những câu chuyện xương máu mà làm người nghe tưởng như chuyện đùa. Ví dụ như việc một người vay 100 triệu yên, rồi đầu tư hết vào kinh doanh chẳng hạn. Nghe cứ như đùa vì việc này có vẻ bồng bột, thiếu cân nhắc nếu suy nghĩ theo cách thông thường. Trong cuộc đời, có thể xem việc sớm gặp thất bại nặng nề là một may mắn, vì các bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu và có những bước điều chỉnh thích hợp. Ngược lại, nếu không gặp thất bại nào từ sớm, nếu chỉ đi trên những con đường an toàn, cuộc sống sẽ thật vô vị. Và tôi nghĩ rằng tài sản lớn nhất của tuổi 20 là tinh thần dám đương đầu với mọi rủi ro, mọi thất bại. Vì vậy, muốn tương lai có thể “sống ngẩng cao đầu”, bạn đừng lo sợ gặp phải những “thất bại thảm hại đến mức phải cúi đầu”! 2. “Hiện tại” chính là thời điểm thích hợp nhất Trong một buổi thuyết trình, có một nữ sinh viên năm 3 đã hỏi tôi rằng: “Em rất thích vẽ tranh, nhưng em đang băn khoăn không biết mình nên thử theo nghiệp vẽ trước khi nộp đơn xin việc, hay bắt tay vào làm việc văn phòng như mọi người luôn?”. Đây dường như là vấn đề muôn thuở làm chúng ta đau đầu: Chọn con đường an toàn đã được vạch sẵn, hay chọn đi theo sở thích của mình? Tôi hỏi lại cô bé: “Bản thân em nghĩ như thế nào?”. Rồi tôi thở mạnh ngay lập tức và đáp luôn rằng: “Không được rồi, tuổi của em không phải là tuổi để đắn đo những việc như thế này!!!”. Cả hội trường cũng đồng loạt cười và thở mạnh ra giống vậy. Lần này tôi hỏi cả hội trường: “Các bạn đang ngồi đây cho tôi hỏi, có ai cho rằng cô gái này nên chọn điều cô ấy đam mê, dù cô ấy có thể thất bại?”. Cả hội trường đồng loạt giơ tay lên, khiến cho cô nữ sinh không khỏi bất ngờ. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một ví dụ nữa. Trong buổi tiệc, có một anh chàng than thở: “Lại thêm một tuổi nữa rồi, tương lai thật ảm đạm quá”. Nhìn vẻ bề ngoài còn rất trẻ của anh chàng, tôi ngạc nhiên hỏi: “Cậu bao nhiêu tuổi rồi?”. Anh ta đáp: “24 tuổi rồi”. Nguyên nhân của những câu than thở ấy là do anh ta vừa bị loại khỏi cuộc tuyển chọn nhân viên mới, sau khi trải qua khóa đào tạo của công ty. Người đời thường nhìn những người thành công với đôi mắt ngưỡng mộ. Nhưng bạn biết không, cho dù thành công cỡ nào đi nữa, không một ai có thể đi đến đích thuận buồm xuôi gió từ đầu đến cuối cả. Ai cũng phải vượt qua hết thử thách này đến trở ngại khác rồi mới thành công. Người thành công là người dám đi những con đường không ai muốn đi, rồi từ đó mà tìm ra các giá trị quý báu cho mình. Trên thế giới, có những người 23 tuổi nghĩ rằng: “Với tôi, cuộc đời đến đây là kết thúc”; cũng có người 83 tuổi nghĩ rằng” “Chà, cuộc sống bây giờ mới bắt đầu thú vị đây!”. Khi khởi đầu không được như kỳ vọng, bạn có thể tự nhủ như thế này: “Đối với tôi, khởi đầu như thế nào không quan trọng, chủ yếu thắng hay thua là ở chung cuộc”. Sở dĩ nhiều bạn trẻ có tâm lý tuyệt vọng là vì các bạn không nhận ra được mình đang trẻ thế nào. Một người, dù đang còn trẻ đến mức nào đi chăng nữa, thì thời điểm hiện tại vẫn là thời điểm già nhất trong cuộc đời của họ. Vì vậy, họ luôn cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh, tưởng chừng như họ đã sắp già đến nơi. Bạn vẫn còn rất trẻ, một khi bạn ngừng quan tâm đến mức độ trẻ hay già của bản thân. Những người trên 30 tuổi thường hay nói rằng: “Ước gì tôi được sống lại những năm tuổi 20”. Vậy thì bạn cần biết rằng, bạn đang được ở ngay độ tuổi 20 mà bất kỳ ai cũng phải khao khát đấy! 3. Hãy tự ủng hộ mình Tuổi 20 là thời kỳ mà đa số chúng ta phải trải qua nhiều lo lắng, nếm trải nhiều cực khổ. Đây cũng là thời kỳ khởi đầu nhiều việc làm nhưng chưa được người khác công nhận kết quả, khiến bản thân cảm thấy bất an, nghi ngờ. Những cảm giác ấy sẽ tan biến dần khi bạn bước vào tuổi 30, 40, 50,... bởi số tuổi tỉ lệ thuận với độ từng trải của bạn. Khi ấy, những cảm giác chông chênh, lo âu,... sẽ dần bị đẩy lùi. Bạn sẽ tìm thấy sự an tâm, dù gặp chuyện gì cũng có thể tự nhủ “Uhm... Như vậy cũng tốt...”. Ví dụ đơn giản như việc soi dáng mình trong gương. Càng đậm tuổi, bạn càng tự hài lòng: “Uhm... nhìn cũng được nhỉ...”, chứ không còn chăm chút trong trạng thái mơ hồ như tuổi 20 nữa. Khi đó, nếu gặp người quen trên đường, thay vì vồ vập như tuổi 20, bạn sẽ chào nhẹ nhàng: “Uhm... vui nhỉ...”. Và khi gặp thất bại, bạn cũng sẽ đón nhận thật nhẹ nhàng: “Uhm... cũng không đến nỗi nào...”. Nguyên nhân của những điềm tĩnh đó là do chúng ta đã bước vào một “vùng đất thỏa hiệp”. Ở nơi đó, bản thân ta chấp nhận mọi thứ một cách dễ dàng hơn mà không còn tò mò háo hức như xưa. Có thể xem đây như là cách thích nghi của cơ thể với môi trường xung quanh, để bảo vệ bản thân mình khỏi những tác động xấu và giúp chúng ta có thể tồn tại mỗi ngày. Thế nhưng, tuổi 20 lại là một lứa tuổi vô cùng nhạy cảm. Khi ta 20, ta cảm thấy không thể thỏa hiệp với “bản thân hiện tại” và cũng không hài lòng với quá khứ. Ta không thấy hài lòng với cả bố mẹ hay xã hội, nên lúc nào cũng có cảm giác tất cả đều như đối thủ của mình. Ý tôi muốn nói rằng tuổi 20 là độ tuổi khá ngang ngạnh, không chịu thỏa hiệp với tất cả mọi thứ; bản thân lúc nào cũng lo lắng, khắc khoải băn khoăn, tạo cho mình áp lực dẫn đến việc phản ứng mạnh với mọi việc trên mức cần thiết, làm cho chính bạn cũng không thể chấp nhận được bản thân mình. Thế nhưng, ở lứa tuổi này, những ai không chùn bước trước khó khăn – dẫu cho những khó khăn đó có thể vùi dập bạn tơi tả – người đó sẽ đến gần với tương lai thành công. Vậy nên hãy cứ ủng hộ cho những cảm xúc cao độ của mình đi nhé! Bạn có thể dễ dãi với bản thân mình một chút cũng không sao. Nếu quá nghiêm khắc với những hạn chế của bản thân, bạn cũng khó nếm được hương vị ngọt ngào của hạnh phúc. Lứa tuổi 20 trẻ trung cũng nên thay đổi một chút cách nhìn về những khó khăn trên con đường mình đi. Ví dụ, tuổi 20 có đặc quyền suy nghĩ lạc quan về việc “đang ở trạng thái chưa có tiền”. “Đang ở trạng thái chưa có tiền” hoàn toàn khác với “đang nghèo”. Ở những năm tháng của tuổi 20, không ai được xem là nghèo cả. Hãy suy nghĩ theo hướng lạc quan hơn nhé! Bản thân tôi từng trải qua những năm tháng của tuổi 20 “ở trạng thái chưa có tiền”. Cho đến hôm nay, tôi vẫn khẳng định rằng đó là những năm tháng vô cùng quý báu. Ngày đó, tôi sống trong một căn hộ chung cư cũ kỹ có tuổi thọ đã hơn 40 năm. Căn hộ không có phòng tắm nên tôi phải ra nhà tắm công cộng mỗi ngày. Có những lần tiệc tùng về trễ, khi đi bộ đến nơi thì nhà tắm công cộng đã đóng cửa, tôi lại phải lủi thủi đi về. Nhưng giờ đây, khi nghĩ về những năm tháng đáng nhớ đó, tôi lại cười nhẹ nhàng và xem như đó là những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên. Vì vậy, tôi hy vọng các bạn sẽ thay đổi tư duy của mình một chút. Hãy lạc quan khi nghĩ về tình trạng hiện tại của mình, dẫu bạn có đang ở hoàn cảnh nào đi nữa. 4. Hãy hào hứng, hãy tỏa sáng Có bạn trẻ từng hỏi tôi rằng: “Làm thế nào để cháu có thể viết sách được giống như chú?”. Tôi khuyên các bạn ấy như thế này: Thay vì cố gắng viết sách giống như những cuốn của tôi, thì có một con đường ngắn hơn, đó là hãy sống một cuộc sống đầy hào hứng và thú vị. Điều đó có nghĩa là đối với việc trở thành một tác giả thành công, văn chương lai láng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Cũng như thời học sinh, khi nhà trường chọn người phiên dịch tiếng Anh, những bạn nào có vốn sống nhiều hơn, có trải nghiệm phong phú hơn sẽ được trọng dụng hơn so với những bạn chỉ giỏi ngoại ngữ. Việc trở thành tác giả cũng giống như vậy. Bạn có trở thành một nhà văn thành công hay không, không phụ thuộc vào năng khiếu viết văn của bản thân, mà quan trọng là bạn có quan niệm như thế nào, có điều gì thú vị, đáng giá để chia sẻ hay không. Bản thân tôi lúc nào cũng sống với cảm xúc hào hứng, phấn khởi, vui vẻ. Nhờ lối sống ấy mà tôi chẳng bao giờ hết chuyện để viết. Nó không chỉ giúp tôi trở thành một tác giả viết tốt, mà cuộc đời cũng trở nên tươi đẹp, hoàn hảo. Những người có nhiều trải nghiệm thú vị luôn toát ra một sức hút vô cùng mạnh mẽ. Dù là trong công việc hay ngoài đời thường, họ đều dễ dàng kết thân với khách hàng hoặc đồng nghiệp, khiến cho cuộc sống của họ luôn được dễ dàng, thuận lợi. Những người đang sống với ước mơ cũng có sức hút mạnh mẽ đối với mọi người xung quanh. Còn bạn thì sao? Bạn có ước mơ nào không? Nếu bạn chưa thể xác định được ước mơ của mình ngay lập tức cũng không sao. Bạn không cần phải vội vàng. Có khi bạn đang là nhân vật chính trong câu chuyện biến giấc mơ ấy thành hiện thực, mà bạn không để ý thấy đó thôi. Chỉ cần háo hức tiến về phía trước, bạn đã bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường mơ ước của mình rồi. 2 TÌM HIỂU LĨNH VỰC BẠN ĐAM MÊ 1. Cuộc sống tươi đẹp sẽ đến nhanh hơn với những ai có đam mê Điều quan trọng thứ hai đối với lứa tuổi 20 là: “Hãy tìm ra đam mê của mình”. Có lẽ các bạn từng được dạy khi mới lên 9 lên 10 tuổi, rằng để trở thành người lớn, chúng ta không thể chỉ làm những gì mình thích, chúng ta còn phải đảm nhận những việc khó khăn. Nhưng chẳng phải bây giờ chúng ta đã trở thành người lớn cả rồi sao? Nên các bạn ạ, chúng ta không cần lao vào những việc trái ý muốn như vậy ở độ tuổi 20 nữa. Tôi muốn khuyên các bạn: “20 tuổi rồi, hãy làm điều gì mình thích đi!”. Tại sao vậy? Rất nhiều người khi bước vào tuổi 30 đã canh cánh với ý nghĩ “Mình như vậy đã tốt chưa?”. Rồi không tự hài lòng: “Mình phải làm gì đó hơn nữa cho bản thân!”. Từ đó luôn tạo áp lực, căng thẳng cho chính mình trong sinh hoạt hàng ngày. Ngày qua ngày, sau một khoảng thời gian dài sống trong áp lực như vậy, họ trở nên mất cảm giác với tất cả mọi việc, trở thành người dường như không muốn suy nghĩ gì nữa. Bạn đã gặp những người tuổi 30 nào như vậy chưa? Sở thích của con người có thể thay đổi qua năm tháng. Đó là điều đương nhiên. Nhưng “bản lĩnh” là mãi mãi, nên dù sau này bạn thay đổi sở thích, tôi tin bạn vẫn có thể nhanh chóng thích nghi được. Người sáng lập chuỗi thức ăn nhanh KFC nổi tiếng, ông Colonel Sanders, phải đến hơn 60 tuổi mới tìm được công việc yêu thích cho mình. Cuộc sống của ông từ đó trở nên vô cùng tốt đẹp, vô cùng thành công. Nhưng đáng tiếc là những năm tháng cuối đời quá ít ỏi để ông tận hưởng thành quả đó. Vì vậy, tôi khuyên các bạn: “Hãy tìm kiếm niềm đam mê của mình càng sớm càng tốt”. Điều đó chắc chắn sẽ kéo dài khoảng thời gian tận hưởng thành quả của bạn. 2. Hãy sống ít phàn nàn, đầy nhiệt huyết Đam mê của bạn cũng giống như “nam châm của trái tim”, và nam châm ấy sẽ không hút được bất cứ thứ gì nếu như nó yếu ớt. Lúc đó, càng lớn tuổi, bạn càng cảm thấy mình chẳng nhiệt huyết với bất kỳ thứ gì cả. Ví dụ, đối với tiền bạc, hay đối với các việc mà bạn thực sự thích làm, hoặc đối với người khác giới mà bạn rất thích, không hiểu từ đâu có một cảm giác ngại khó khăn nào đó khiến bạn dễ dàng bỏ cuộc, không cố sức để đến với những điều yêu thích đó. Rõ ràng là bạn thích việc đó, lẽ ra bạn phải lao đến chạm vào những ước muốn đó, nhưng không hiểu sao bạn cứ chần chừ, chậm chạp mà không hành động. Khi đó, trong đầu bạn thay vì suy nghĩ: “Mình tuyệt đối mong muốn điều này”, bạn lại nghĩ: “Ừhm, cũng tốt nhỉ”, rồi sau đó sẽ dễ dàng từ bỏ. Thật may mắn, thái độ này ít xảy ra ở tuổi 20. Đây là độ tuổi còn nhiều năng lượng. Nếu bạn thất bại khi tỏ tình, đừng nản lòng. Bạn có thể trả lời câu: “Tôi không thích anh” một cách tích cực rằng “Hãy thử nhìn anh lại xem, cũng được mà”, hoặc “Ngoài anh ra không ai xứng với em hơn nữa đâu”. Nghe có vẻ hơi điên khùng, nhưng đó chính là nhiệt huyết, là trải nghiệm mà tuổi 20 cần có. Nếu bạn an phận suy nghĩ “Thôi vậy là xong”, “Thôi cứ sống độc thân như thế này tiếp cũng được”, đó mới là suy nghĩ tiêu cực, dễ dàng bỏ cuộc. Điều đó mới đáng trách. Những suy nghĩ chần chừ trước khi bắt đầu như “Khó quá, chắc tôi làm không được rồi”, hoặc “Vụ này có vẻ khó khăn à!” cũng đồng nghĩa với đầu hàng mất rồi! “Dù có chuyện gì đi nữa, đừng bao giờ đầu hàng!”. Hãy thuộc lòng câu nói đó và tìm nguồn năng lượng đầy quyết tâm ấy từ chính bên trong bạn. Con gái cũng có những chuyện cảm thấy “Không thể chấp nhận được”. Ví dụ, khi ở độ tuổi 10-20, các cô gái sẽ phàn nàn nếu như tóc họ ngắn đi, dù chỉ một phân. Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện về một người bạn. Ngày trước, khi đang sửa nhà, bạn tôi có sơn một vạch hồng rất mỏng ở góc tường trong phòng của cô con gái nhỏ. Cô bé ấy còn đang học tiểu học. Ngay khi bước vào nhà, nhìn thấy căn phòng của mình, cô bé lập tức hét lên: “Đáng ghét quá!” rồi khóc một hồi rất lâu. Sau đó, tôi hỏi thăm thử thì biết được rằng màu hồng bạn tôi vừa sơn có một chút xíu khác biệt so với màu cũ mà phải tinh tế lắm mới nhận ra được. Bất cứ người lớn nào nhìn vào cũng cho rằng “Thật sự chẳng có gì khác cả”, nhưng cô bé lại không chấp nhận. Có thể nói đây là một ví dụ điển hình cho “sự khó tính” của giới trẻ. Sự khó tính này sẽ dần dần biến mất cùng với độ tuổi càng tăng của mỗi người. Nguyên nhân có thể là do con người khi trưởng thành có suy nghĩ chín chắn hơn, nhưng cũng có thể là do lối sống của chúng ta khi có tuổi cũng trở nên đơn giản hơn, dễ chịu hơn. 3. Hãy nhìn lại tuổi thơ và tìm xem điều gì đã từng làm bạn thích nhất Đặc biệt đối với những bạn chưa tìm được đam mê, hãy thử nhớ lại tuổi thơ ấu của mình. Đó là lứa tuổi mà trái tim ta tự do, sẽ dễ dàng chạm tới những nguồn ý tưởng, đam mê. Hãy nhớ lại những gì tưởng chừng bạn đã quên trong suốt gần 10 năm. Hãy thử trả lời những câu hỏi sau: Thuở nhỏ bạn đã từng chơi đùa như thế nào? Bạn thấy vui và hào hứng nhất khi làm gì? Bạn đã làm điều gì trong nhiều giấc mơ của mình? Bạn đã được ủng hộ nhiều nhất khi làm việc gì? Ngày xưa bạn đã từng mơ ước làm công việc gì? Nếu bản thân bạn không trả lời được các câu hỏi đó, hãy hỏi bố mẹ, hay bạn bè thuở nhỏ thử xem. Có thể có những câu trả lời sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn! Ngày trước, trong một buổi thuyết trình của tôi, có một người học trò kể rằng cô bé đã gặp lại người bạn lúc nhỏ của mình trong đám tang của một người họ hàng. Sau vài lời thăm hỏi và những câu chuyện ôn lại kỷ niệm xưa, cô bé nhớ ra mình khi còn nhỏ đã từng rất thích thú mỗi khi nói chuyện với người khác. Trước đó, cô hoàn toàn không ý thức được rằng mình có tài “nói chuyện trước công chúng”. Và bây giờ cô gái đó đã trở thành chuyên viên tư vấn kinh doanh, kiêm giáo sư thuyết trình vô cùng thành công. Nếu như có thể dần dần nhớ lại từng sở thích của mình khi còn bé, bạn cũng có thể dần tìm lại được những niềm đam mê lớn cho mình sau này. Khi đã xác định được đam mê của mình, hãy tập trung cho niềm đam mê ấy, và tạm thời gác lại những việc khác để khỏi bị phân tâm. 4. Hãy giả lập cuộc sống mà bạn được thực hiện đam mê của mình, so với cuộc sống chỉ làm điều mình không thích Ở tuổi 20 này, bạn cần giả lập và hình dung ra hai tình huống sau: “Cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu làm điều mình không thích?” “Cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu được thực hiện đam mê?” Bạn sẽ trở thành con người như thế nào trong hai trường hợp trên? Đầu tiên, hãy thử nghĩ về công việc nhé! Hãy tưởng tượng thật cụ thể cuộc sống của bản thân khi bạn làm một công việc yêu thích, và khi phải làm công việc bạn chán ghét. Nếu đột nhiên bạn không thể tiếp tục làm công việc yêu thích mà trước giờ bạn vẫn đang làm thì sinh hoạt hiện tại có bị xáo trộn không? Khi đó bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Và ngược lại, sau khi tìm được công việc yêu thích, mỗi ngày bạn sống với năng lượng tràn trề, bạn sẽ cảm giác như thế nào? Bạn sẽ có người yêu sau 25 tuổi chứ? Nếu bạn đã tìm được công việc yêu thích, mỗi ngày sống vui vẻ với công việc đó, thì bạn có tưởng tượng được mối quan hệ với người yêu sẽ tốt đẹp như thế nào không? Ngược lại, nếu hằng ngày phải sống với công việc chán nản, khi đó bạn có cảm giác thế nào về mối quan hệ tình cảm của mình? Hãy thử tưởng tượng cả đến việc nuôi dạy con cái, hay khi về già nữa. Cuộc sống khi bạn được làm những việc mình yêu thích so với khi bạn phải làm những điều bắt buộc, sẽ khác nhau như thế nào? Bạn hãy tưởng tượng xem giây phút hấp hối của đời mình, khi bạn nhìn lại cuộc đời, rồi tự trả lời câu hỏi: “Mình đã sống như thế nào?”. Riêng tôi, những năm 20 tuổi, tôi đã quyết tâm tuyệt đối không để về già phải nói câu: “Phải chi ngày đó mình đã làm việc này thì tốt biết bao”. Từ đó, tôi luôn sống sao để sau này mình không có gì phải ân hận hay hối tiếc. Và bây giờ tôi đã có thể sống hạnh phúc trọn vẹn. Còn bạn thì sao, bạn sẽ sống như thế nào? Nếu bạn đã từng có điều ân hận, thì điều gì làm bạn cảm thấy ân hận nhất? 3 TIẾP XÚC VỚI NHỮNG ĐIỀU ƯU TÚ NHẤT 1. Cuộc đời mỗi người chính là những gì ta đã từng tiếp xúc Tôi cho rằng “Cuộc đời mỗi người chính là những gì ta đã từng tiếp xúc”. Nếu giới hạn bản thân quanh những công việc hạng ba, chỉ tiếp xúc với các tiêu chuẩn hạng ba thì cuộc đời bạn cũng chỉ hạng ba mà thôi. Nếu mong muốn hướng đến những công việc hạng nhất, tiếp xúc với các tiêu chuẩn hạng nhất thì cuộc đời bạn sẽ dần trở thành hạng nhất. Nếu bạn có nhiều giấc mơ và đang chạm được đến nó, bạn là người đầy hoài bão. Nếu bạn ngược đãi những người bất hạnh, thì chính bản thân bạn cũng trở nên bất hạnh và đầy bạo lực. Bạn giao tiếp với hoàn cảnh xung quanh như thế nào, bạn sẽ trở thành như thế ấy. Tuổi 20 là lứa tuổi rất nhạy bén, nên khi bạn tiếp xúc với một “bức tranh” hạng nhất, đến một nơi sang trọng hạng nhất, bạn sẽ có mong muốn trở thành một con người hạng nhất. Tôi có một may mắn trong cuộc đời, đó là năm 20 tuổi được gặp gỡ và tiếp xúc với những người thành đạt thuộc loại tầm cỡ trên thế giới. Tôi đã có cơ hội gặp mặt một vài giáo sư được trao giải thưởng Nobel, đồng thời cũng gặp một số ủy viên trong ban giám khảo trao thưởng. Khi ấy, tôi hỏi họ người nhận giải được tuyển chọn như thế nào. Thật bất ngờ khi được nghe câu trả lời rằng thực tế quy trình tuyển chọn giải Nobel không khác với quy trình tuyển chọn giáo viên chủ nhiệm của trường tiểu học là bao. Sự thật là vậy, thế giới này có nhiều việc đơn giản hơn ta nghĩ rất nhiều. Bạn thấy một người thành công và bạn cứ tưởng họ cao siêu lắm nhưng thật ra họ vô cùng gần gũi với ta, vì họ cũng là con người bằng xương bằng thịt cả thôi. Hãy nắm lấy cơ hội tiếp xúc với những người thuộc tầng lớp hạng nhất, có nhiều cống hiến cho xã hội, không chỉ những người trong lĩnh vực hàn lâm mà cả trong nghệ thuật, thể thao, hay mỹ thuật. Khi có cơ hội gặp gỡ, bạn sẽ được cảm nhận thực tế, trực tiếp về tài năng và cả khó khăn mà họ từng gặp. Đó là bài học quý giá nhất để bạn cũng sẽ trở thành con người của tầng lớp hạng nhất. 2. Hãy vẽ ra thế giới mà bạn mong muốn Những người làm công việc hạng nhất thường có một điều rất đáng ngưỡng mộ. Lúc nào họ cũng có những mối quan hệ nhẹ nhàng với các đồng nghiệp nhưng vẫn giữ một sức mạnh uy nghiêm đặc biệt. Trong mỹ thuật, trong chính trị, hay trong kinh doanh cũng vậy, xung quanh những người sống và làm việc nghiêm túc đều có một bầu không khí khác biệt. Các bạn cần lắm sự tiếp xúc với một môi trường có sức cuốn hút như vậy khi còn trẻ. Bản thân tôi cũng vậy, từ hồi trẻ đã có cơ may kết giao với một doanh nhân thành đạt, nên tôi rất quyết tâm: “Nhất định mình phải tận hưởng được cuộc sống như vậy”. Môi trường xung quanh tôi khi đó cũng có nhiều người tập trung chí thú làm ăn, nên đa số đều ủng hộ và giúp đỡ tôi rất nhiều. “Làm một công việc hoàn hảo và lương cao” chưa hẳn là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống, thế nhưng đó sẽ là tiền đề để mang đến cho ta một cuộc đời sung túc, để từ đó ta có thể làm bất cứ điều gì trọng đại hơn, hoàn mỹ hơn mà ta muốn. Thế giới mà bạn mong muốn là gì? Nếu có thể, ngay lúc này đây hãy hình dung trước thế giới đó một cách rõ ràng. Cuộc sống của bạn có thể sẽ thay đổi đến mức chính bạn cũng không ngờ tới. Tôi luôn cho rằng: “Những người bạn chơi thân hôm nay chính là những người quyết định tương lai của bạn”. Nếu xung quanh bạn đều là những người sống tốt, bạn cũng sẽ trở thành người tốt như họ. Còn nếu bạn bị bao quanh bởi những người có tâm địa xấu xa, bản thân bạn ít nhiều cũng sẽ nhiễm cái xấu đó. Tương tự vậy, nếu giao lưu với những người thành đạt, bạn cũng sẽ dễ dàng trở nên thành đạt giống họ. Một điều nữa, môi trường sống là vô cùng quan trọng. Hãy tham khảo thêm về phong thủy sao cho không gian sống xung quanh tạo cho bạn một cảm giác thật sảng khoái, dễ chịu. Sống trong một căn phòng thoải mái, làm việc thật hăng say, giữa những con người thành đạt, tôi tin chắc tương lai của bạn sẽ sáng ngời. 3. Ở tuổi 20, “Giao tiếp với những ai” sẽ quyết định cuộc đời bạn Những người bạn gặp trong đời đều để lại điều gì đó quý giá cho bạn. Đặc biệt với tuổi 20, bạn gặp những ai, cuộc đời bạn sau này đều sẽ có những chuyển biến sâu sắc. Khi bước ra xã hội, bạn có thể gặp rất nhiều vị tiền bối có những hoàn cảnh khác nhau. – Người sống hạnh phúc và thành công trong xã hội. – Người sống hạnh phúc, nhưng không thành công trong xã hội. – Người sống bất hạnh, nhưng thành công trong xã hội. – Người sống bất hạnh đáng thương. – Người sống lạc quan. Ai cũng sẽ dạy bạn một bài học nào đó. Hãy lựa chọn và xem chúng ta sẽ học được gì từ họ. Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau cho câu hỏi “Cuộc đời là gì?”. Có người nghĩ rằng cuộc đời thật thi vị, cũng có người cho rằng cuộc đời chỉ là chuỗi ngày dài chán chường. Câu trả lời nào cũng đều sẽ ảnh hưởng đến bạn, đến cái nhìn về cuộc đời mà các bạn không hề hay biết. Tôi khuyên bạn nên gặp nhiều loại người là vì nếu không thử tiếp xúc, bạn không bao giờ có thể hiểu được con người thật của họ. Người suy nghĩ lạc quan, người suy nghĩ bi quan, người ranh mãnh, người suy đồi đạo đức, người hiền lành,... đều có đủ cả. Nếu bạn giao tiếp với tất cả những kiểu người như vậy, bạn sẽ biết được mình hợp với dạng người nào. Ví dụ, trước khi hiểu rõ về ai đó có vẻ bề ngoài “hơi đáng sợ”, bạn không thể biết được thực tế tính cách họ có dữ tợn, xấu xa hay hiền hòa, lành tính hay không. Hãy thử tiếp xúc với họ thêm một chút nữa, bạn sẽ biết ngay được họ có hợp tính với mình hay họ thật sự đáng ghét! 4 SỐNG TRỌN CUỘC ĐỜI VỚI 100% NIỀM VUI 1. Dốc toàn lực để cuộc sống trọn niềm vui Người sống hạnh phúc có một đặc trưng, đó là họ luôn sống với tâm trạng 100% vui vẻ. Sống vui vẻ không phải là sống lúc nào cũng phải cố gắng tươi cười, cố gắng tỏ ra hạnh phúc, mà là cảm giác có nụ cười thuần túy từ bên trong trái tim lan tỏa ra, mỗi khi khi đối diện với mọi sự vật sự việc. Những người sống vui vẻ luôn có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái tự nhiên trong sâu thẳm mà không cần bất cứ nỗ lực nào. Nhờ tận hưởng cảm giác đó mà họ có thể hoàn thành bất cứ việc gì. Điều quan trọng là họ hoàn toàn không có cảm giác đang “phải cố gắng làm việc”, thay vào đó là cảm giác “làm vì thấy vui, thấy hứng thú”, từ đó họ không còn cảm thấy vất vả nữa. Họ luôn háo hức được lao động vì khi ấy họ cảm thấy thật là khoan khoái, dễ chịu. Ở tuổi 20 đầy nhiệt huyết, dù có nhiều việc lôi cuốn sự chú ý của bạn, nhưng đâu đó thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một cảm giác bất thường. Có nhiều việc khiến 70% trong bạn nghĩ rằng “việc này hợp với khả năng của mình”, hay “đây thật sự là việc mình yêu thích”, nhưng chẳng hiểu sao vẫn có đến 30% suy nghĩ khiến bạn cảm thấy “có cái gì đó hơi khó khó” ngăn cản bạn không làm nữa. Cứ mỗi lần cảm giác đó ngăn cản bạn làm việc gì, hãy nghĩ rằng “Đừng quan tâm quá nhiều đến những vấn đề chưa xảy ra, những việc này có lo nghĩ cũng không giải quyết được gì. Ta sẽ làm việc này, dù thế nào đi nữa!”. Như vậy, bạn sẽ có được 100% vui vẻ để thực hiện mọi việc. Chỉ cần có tâm trạng thoải mái, dù làm việc gì bạn cũng có thể dốc toàn tâm toàn lực. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, không như lúc trẻ, khi tuổi tác càng lớn, bạn càng khó dốc toàn lực để làm bất cứ việc gì. Vậy bây giờ, khi còn ở độ tuổi 20 đầy năng lượng, bạn còn chần chừ gì mà không dốc toàn tâm toàn sức vào công việc đang làm, để có thể vừa làm vừa tận hưởng niềm vui ấy? 2. Hãy làm thật tốt vì luôn có những đôi mắt sẽ dõi theo bạn Những người xung quanh bạn, đặc biệt là những người lớn tuổi hơn luôn luôn để ý đến từng chi tiết những việc bạn làm. Họ lúc nào cũng quan sát xem bạn thật sự cố gắng hoàn thành công việc hay chỉ làm chiếu lệ; bạn sẽ làm tốt công việc hay sẽ để lại nhiều sai sót? Đừng cảm thấy khó chịu khi được “chiếu cố” như vậy. Bạn hãy cảm thấy vui mừng vì có những người này. Họ có liên quan đến những cơ hội trong cuộc đời bạn. Họ là một trong nhiều chìa khóa cho những thăng tiến của bạn. Điều đó có nghĩa là: Ở tuổi 20, bạn đừng nghĩ đến việc phải “ăn gian” bất kỳ điều gì để hoàn thành công việc, mà phải cố gắng 100% khả năng của mình. Hãy xem như có ai đó đang dõi theo mình, lấy đó làm động lực mà tập trung làm việc thật tỉ mỉ. Dù cho không có ai soi xét công việc của mình, bạn vẫn hãy cố gắng hết sức mà hoàn thành công việc nhé! Vì khi kết quả công việc tốt, mọi người sẽ nhận ra bạn đã nỗ lực và chăm chỉ như thế nào. Hãy làm việc như thể mọi người đang dõi theo bạn! Một trong những chuyên gia đầu tư hàng đầu Nhật Bản, ông Wahei Takeda, CEO của công ty Takeida Seika – một công ty nổi tiếng với mặt hàng bánh bi trứng – luôn có câu cửa miệng rằng “Ông trời luôn chứng giám cho những việc chúng ta làm”. Theo các bạn, với tâm niệm như vậy, ông sẽ lựa chọn nguyên liệu trứng rẻ tiền hay trứng đắt tiền, chất lượng cao trong quá trình sản xuất món bánh bi trứng? Dĩ nhiên ông hoàn toàn có thể lựa chọn việc sử dụng trứng rẻ tiền để giảm giá thành nguyên liệu. Đây không phải việc phạm pháp, cũng không phải việc vô nhân đạo để mọi người lên án. Nhưng ông luôn quan niệm: Mọi người có thể không biết hoặc không trách cứ việc ta làm nhưng ông trời luôn chứng giám mọi hành động của ta. Dù làm việc gì, đừng để bản thân dính vào “ma đạo”. Vì vậy, ông luôn chọn nguyên liệu tốt nhất cho sản phẩm của mình ngay từ khi công ty mới thành lập, dù cho khi đó vấn đề tài chính công ty còn nhiều khó khăn. Đó là một trong những nguyên nhân bất cứ ai nếm xong món bánh của ông cũng phải xuýt xoa: “Sao mà ngon đến thế!”. Những người đang sống với quan điểm như vậy, họ không cần thể hiện cho người khác biết, họ dùng những sản phẩm chất lượng của mình làm minh chứng hùng hồn cho cá tính và quan điểm sống của họ. Chính điều đó tạo dựng cho họ hình ảnh uy tín trong mắt mọi người. Bây giờ bạn hãy thử nhìn xung quanh. Bạn có nhận thấy một số đồng nghiệp hoặc bạn bè có tính gian dối, hoặc làm việc ẩu tả, lười biếng hay không? Có thể đồng nghiệp hoặc bạn bè xung quanh họ không nói thẳng ra, nhưng lối sống ích kỷ của những người gian dối, lười biếng dần dần sẽ tạo thành một hình ảnh tiêu cực lan truyền ra bên ngoài. Hình ảnh xấu xí đó như một vết nhơ trên thân thể, sẽ in sâu vào mắt những người xung quanh, sẽ được truyền miệng từ người này sang người khác, và bạn không thể đơn giản tẩy rửa vết nhơ đó trong một sớm một chiều. Vậy đó, sẽ luôn có những đôi mắt dõi theo bạn. Mọi người xung quanh ai cũng có những năng lực nhận biết của riêng họ. Hãy đường đường chính chính dốc sức hoàn thành công việc của mình, đừng bận tâm đến việc người khác có đánh giá bạn tốt hay không. 3. Hãy tích cực tạo cơ hội cho mình Người thành công là người nhạy cảm với những cơ hội từ khi còn trẻ. Và họ luôn ở tư thế sẵn sàng đón nhận những cơ hội ấy. Ví dụ như để có cơ hội làm bài luận văn được 1.000 điểm, trước đó các học viên phải chuẩn bị rất nhiều; ngoài giờ học, họ còn phải luyện viết vô cùng vất vả, hoặc phải học thêm tiếng Anh, hay nghiên cứu lịch sử kỹ càng. Người thành công là người biết tự giác chuẩn bị hành trang cho mình mà không cần sự nhắc nhở của bất cứ ai. Thử xem xét ví dụ khi bạn nói chuyện xã giao với cấp trên về những kế hoạch công việc của mình. Nếu cấp trên ủng hộ kế hoạch của bạn, rằng: “Đó là một kế hoạch hấp dẫn đấy, hãy ghi vào sổ nhé!”, bạn sẽ làm gì? Đối với người bình thường, họ sẽ nhanh chóng viết vào sổ kế hoạch của mình ngay lập tức. Nhưng đối với người thành công, họ đã ghi sẵn vào sổ từ trước, chỉ đợi nghe xong lời khen là họ sẽ lấy quyển sổ ra và đưa cho cấp trên xem. Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi, cấp trên sẽ có cái nhìn khác hẳn về bạn. Thậm chí nếu đó là một kế hoạch hay, dự án đó sẽ được triển khai nhanh chóng và bạn còn có thể được bổ nhiệm làm trưởng nhóm cho dự án nữa. Thành công không bao giờ tự đến với những người chỉ biết ngồi chờ đợi, cho dù công việc có tiềm năng lớn cỡ nào chăng nữa. Người biết nắm lấy cơ hội là người tự nỗ lực tìm kiếm những cơ hội cho bản thân. Họ không cần ai nhắc nhở, họ luôn luôn trau dồi bản thân để một khi cơ hội đến, họ sẽ có đủ hành trang để giữ cho cơ hội ấy không vụt khỏi tầm tay, để biến cơ hội thành thành công. Để tôi kể các bạn nghe câu chuyện của tôi năm 20 tuổi, khi tôi còn là phiên dịch cho các khách hàng nước ngoài. Trước các buổi thông dịch, tôi thường sưu tầm các tài liệu có liên quan, phiên dịch ra và gửi tặng họ. Tôi cũng thường sao chép tài liệu thành nhiều bản và gửi kèm với lời cảm ơn cho các tác giả có liên quan. Khách hàng của tôi chưa bao giờ được nhận những tài liệu như vậy nên họ rất cảm kích và luôn nghĩ đến tôi cho những lần phiên dịch sau đó. Nhờ chu đáo và tận tâm trong công việc, tôi luôn nhận được rất nhiều lời mời thông dịch. Vì vậy, dù còn đang đi học nhưng tôi không bao giờ gặp khó khăn tài chính. Còn bạn thì sao? Bạn có tự tin nắm bắt lấy ngay lập tức khi cơ hội đến? Cơ hội thường đến vào những lúc chúng ta không ngờ tới nhất, cũng là khi chúng ta không chuẩn bị nhất. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng ngay từ bây giờ để có thể nắm bắt ngay khi cơ hội xuất hiện, rồi từ đó có thể dang rộng đôi cánh bay thật xa trên con đường thăng tiến của mình. 4. Hãy mở rộng lòng mình để nắm bắt lấy cơ hội Tôi xin chia sẻ thêm một câu chuyện của chính mình. Năm 10 tuổi, tôi đã bắt đầu mơ ước được học kiếm đạo Sakamoto Ryoma. Nhưng tôi biết rõ rằng thế kỷ 21 không phải là thời hoàng kim của kiếm đạo. Vậy tôi sẽ sống như thế nào nếu theo học môn này? Kể từ đó, tôi luôn cố gắng tìm hiểu xem điều gì cần thiết nhất, kỹ năng nào là quan trọng nhất hay kiến thức nào không thể thay thế được trong thời đại này. Và cuối cùng, tôi cũng rút ra được kết luận rằng: lý luận và Anh ngữ là hai thứ tôi không thể bỏ qua. Để sánh kịp với các nhân tài trên thế giới, tôi buộc phải có lý luận tốt và có khả năng trình bày bằng tiếng Anh lưu loát. Đó là hai chuyên môn tuyệt đối không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Vậy là bắt đầu từ năm 17 tuổi, tôi triệt để đi theo hai hướng này. Cứ như vậy, việc du học Mỹ của tôi không phải là chuyện tình cờ hay ngẫu nhiên gì cả. Trong lúc luyện tập Anh ngữ, tôi tìm hiểu thêm về các chế độ học bổng. Và tôi đã tìm thấy một mẩu tin nhắn trên nhật báo đăng tuyển các tình nguyện viên đến Mỹ. Chắc hẳn có đến hàng trăm hàng vạn người đã đọc mẩu tin đó, nhưng thực tế chỉ có 100 người ứng tuyển và trong số 100 người đó chỉ có một phần tám được chọn trao học bổng, trong đó có tôi. Chuyến đi đó đã mở ra một cuộc sống hoàn toàn tươi đẹp cho bản thân tôi đến tận ngày hôm nay. Hãy luôn trong tư thế: “Tôi đã chuẩn bị kỹ, chỉ cần cơ hội đến, tôi sẽ lập tức chắp cánh bay”. Khi đó, cơ hội sẽ thực sự đến với bạn. Bạn đừng chỉ ngồi mơ mộng cơ hội đến với mình, rồi khi nó đến mới giật mình bàng hoàng bắt đầu lo chuẩn bị – khi đó đã quá muộn rồi! Các vị thần cơ hội như một cơn gió, đến và đi lúc nào chẳng ai hay biết. Nếu bạn không biết nắm bắt cơn gió “cơ hội” ngay tập tức thì sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội ấy. Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, các vị thần cơ hội đến và đi càng dễ dàng hơn bao giờ hết, chỉ những ai đã chuẩn bị thật tốt, có phản xạ thật tốt mới có thể nắm lấy được. 5 YÊU BẰNG CẢ TRÁI TIM 1. Bạn đã yêu như thế nào? Hiện tại bạn đang có người yêu chứ? Mục đích lớn nhất trong cuộc đời bạn là gì? Theo như tôi biết, ai cũng mong muốn tìm được cho mình một mẫu người lý tưởng để yêu. Với hầu hết mọi người, đó còn là mục đích lớn nhất cuộc đời. Vì người yêu, bạn có thể hăng say làm những thỏi sô-cô-la, bạn có thể miệt mài nấu cả một bữa ăn thịnh soạn. Hay bạn có thể làm tất cả mọi điều cho đứa con yêu của mình. Hoặc bạn không ngại khó khăn vất vả để báo hiếu cha mẹ. Vì những người thương yêu, bạn có thể dốc toàn tâm toàn sức. Đó là những thể hiện tự nhiên trong cuộc sống tình cảm của con người. Có phải khi yêu thương một ai đó, trong bạn bỗng có một sức mạnh vô hình? Bạn luôn có động lực làm mọi việc, kể cả những việc bạn chưa từng làm hoặc không hứng thú. Niềm vui và sự háo hức cứ đến một cách tự nhiên khi bạn làm những việc cho người mình yêu thương. Tình yêu mới kỳ diệu làm sao! Nhưng tình yêu không nên chỉ xuất phát từ một phía mà nên có sự đáp lại từ đối phương. Trong tình yêu, nếu bạn không biết được tình cảm của đối phương như thế nào, tình yêu của bạn có thể sẽ trở thành một “rủi ro”. Bạn có thể đau khổ hoặc tự hủy hoại sức khỏe của mình nếu bị từ chối. Vậy bạn có nên bỏ qua những “rủi ro” đó để yêu hết lòng hết dạ hay không? Bạn sẽ làm mọi thứ trên đời để có được tình cảm của người đó bất chấp kết quả thế nào? Nghe này, bạn chỉ mới 20 tuổi thôi, bạn không cần phải lo nghĩ quá nhiều như vậy, thậm chí không cần nghĩ đến việc kết hôn cũng được. Ở tuổi 20, bạn chỉ cần biết yêu người đó, như vậy là đủ rồi. Bạn đừng quá quan trọng kết quả như thế nào. Chuyện tương lai không ai nói trước điều gì. Và bạn chỉ mới 20. Chỉ cần bạn yêu một cách chân thật, cùng người mình yêu hướng đến tương lai mà bước đi, cùng họ trải qua những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống là đủ rồi. Hãy ghi nhớ điều ấy để có thể sống hết mình với tuổi 20 đầy vui vẻ và nhiều kỷ niệm. 2. Hãy sống nhiệt tình với một trái tim luôn rộng mở Nhớ lại tuổi 20 ngày ấy, tôi vẫn thường hay lân la hỏi các cụ già 60, 70 tuổi những câu hỏi như sau: “Trải qua mấy chục năm sóng gió cuộc đời, cụ cảm thấy hối hận nhất là điều gì?”. Tôi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau nhưng đa số trong đó là: “Tôi chưa bao giờ được trải qua cảm giác yêu đến mức sống chết với một ai cả”. Có lẽ tôi cũng sẽ nhận được câu trả lời tương tự nếu hỏi những người ở độ tuổi 40. Mặc dù đã xem rất nhiều tiểu thuyết hoặc phim ảnh lãng mạn, nhưng số lượng người thực sự sống với tình yêu mãnh liệt như vậy không có được bao nhiêu. Tại sao ít ai có thể yêu một cách sống chết như vậy? Đó là vì hai lý do sau đây: Thứ nhất, họ không chịu mở rộng con tim mình. Nếu như không mở cửa trái tim thì dù có gặp được người trong mộng, bạn cũng sẽ để lỡ mất. Nếu bạn cứ lo sợ những chuyện ở phía trước mà không rộng mở trái tim mình, bạn sẽ không thể trải qua được cảm giác hạnh phúc khi yêu mãnh liệt một người nào. Để có thể có một mối tình nồng cháy, việc đầu tiên là phải mở rộng trái tim của mình. Những ai đã từng có một tình yêu mãnh liệt, cho dù không thể trở thành vợ chồng sau này, họ cũng có được những khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc bên nhau. Trong công việc cũng vậy, bạn có thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với người khác thành công hay không cũng tùy thuộc vào chính bản thân bạn có chịu mở rộng trái tim hay không. Nếu bạn đã chịu mở cánh cửa của sự nhiệt tình ấy một lần, bạn sẽ có thể dễ dàng mở cánh cửa ấy thêm nhiều lần nữa. Và những ai không sẵn sàng sống hết mình với tình yêu thì chính bản thân họ cũng không thể sống hết mình với bất kỳ điều gì khác. Tình yêu rất đẹp. Những tình yêu đôi khi lại là một điều hết sức kinh khủng. Vì sao vậy? Bởi vì bạn hoàn toàn không lường trước được việc đối phương có chấp nhận mình hay không. Nếu bị cự tuyệt, hẳn là chúng ta sẽ đau đớn đến nát cả tâm can. Nhưng hãy tạm gác qua việc có bị cự tuyệt hay không. Chỉ nên đắn đo về việc người ấy có đáng để yêu hay không. Đầu tiên bạn cũng cần phải xác định xem bản thân mình có yêu thật sự hay không. Mỗi khi ở gần người ấy, bạn có cảm giác tim đập nhanh, tâm trạng bồi hồi hay không. Bạn có thể chưa cần lo đến việc quyết định tiến tới với người ấy hay không, quan trọng là phải có cảm giác thật sự tuyệt vời khi ở gần người ấy. 3. Một khi càng có tuổi thì sức hút của tình yêu sẽ càng giảm đi Nguyên nhân thứ hai làm cho bạn không thể sống chết với tình yêu là vì khi ở tuổi 30 – 40, bản thân bạn đã từng trải qua quá nhiều điều yêu, điều ghét rồi, bạn sẽ bắt đầu nguội lạnh cảm giác muốn bắt đầu tình cảm với một người khác. Ở phần trước, tôi có viết rằng: Khi càng có tuổi thì cảm giác thích thú với những sự việc mới mẻ sẽ càng bị chai cứng đi. Điều đó càng đúng hơn đối với chuyện tình yêu. So với lứa tuổi 20, sức hút của tình yêu ở tuổi 30 – 40 sẽ giảm đi rất nhiều. Do đó sẽ không thể có chuyện yêu một ai đó bằng cả sinh mệnh của mình. Tuổi 20 rất thần kỳ. Dù bạn có thất bại trong tình trường cũng chẳng mất mát gì nhiều. Thế nhưng ở lứa tuổi 30, 40, 50 thì lại khác. Vì từng trải nên lối sống của con người cũng thay đổi, chắc chắn hơn và cân nhắc mọi việc kỹ lưỡng hơn. Khi đó, họ sẽ phân biệt rạch ròi giữa tốt và xấu, yêu và ghét. Tuổi 20 là lứa tuổi mà ngay cả bản thân cũng chưa hiểu rõ được chính mình, nên các bạn cũng thường không đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe với người mình yêu. Người bạn yêu có thể ít nhiều có những xử sự không khéo léo, có thể thu nhập thấp, có thể khá ngạo mạn, có thể không biết cách quan tâm chăm sóc,... thế nhưng chỉ cần hai bạn có cảm giác cuốn hút bởi đối phương thôi, các bạn cũng có thể bên nhau một cách vô cùng hạnh phúc. Từ độ tuổi 30 trở lên, chuyện yêu đương sẽ đi gần đến hôn nhân hơn, do đó ngoài những vấn đề của riêng hai người, còn phải tính thêm nhiều vấn đề của cả hai gia đình nữa. Vì vậy tình yêu tuổi 30 đã không còn được cảm thụ một cách vui vẻ và tinh khiết như tình yêu tuổi 20 nữa rồi. Bạn đã nhận ra mình đang trải qua độ tuổi tươi đẹp như thế nào chưa? Bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm khoảng thời gian yêu trong sáng, không tính toán, không ưu phiền trong lứa tuổi 20. Tôi đề cập khá nhiều đến chuyện tình cảm và khuyên bạn cố gắng để có một tình yêu như ý vì thường thì một người thành công trong tình yêu cũng sẽ thành công trong sự nghiệp. Một người biết cách thu hút người mình yêu cũng sẽ biết cách tạo thiện cảm tốt với đối tác trong công việc. Vì vậy, đừng bao giờ đè nén ngọn lửa trong tim mình. Không liên tục duy trì ngọn lửa đó cũng đồng nghĩa với việc không duy trì sức cuốn hút của bản thân bạn. Hiện tại, có thể cảm thấy mình lúc nào cũng hừng hực, mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết. Nhưng không có gì chắc chắn 10 năm sau bạn vẫn còn giữ được cảm giác đó. Sau một khoảng thời gian trải qua nhiều chuyện buồn – vui, yêu – ghét, dù cho có việc gì đó khiến trái tim bạn trở nên thổn thức, bạn cũng khó có thể tràn đầy sự hào hức như tuổi 20. Có khi trong bạn lúc đó chỉ còn lại một cảm giác quen thuộc, cảm giác mà ngày xưa bạn đã trải qua, không còn gì mới mẻ nữa. Điều đó vô tình làm cho những rung động trong con tim của bạn cũng yếu dần đi. Đó là dấu ấn của thời gian, không ai tránh được cả. Vì vậy, tôi mách bạn một bí quyết là: “Hãy yêu hết mình khi còn vẫn còn ở tuổi 20 đầy nhiệt huyết”. 4. Khi bạn không gặp được người đáng để yêu Các bạn có thể sẽ đưa ra vô vàn lý do để viện cớ cho việc mình chưa có một mối tình sâu đậm. Một trong số đó là vì bạn không thể tìm thấy xung quanh mình một người đủ tốt để yêu. Các bạn đã từng nghe câu nói “Khi bạn muốn, bạn tìm cách. Khi bạn không muốn, bạn tìm lý do” chưa? Nếu xung quanh chưa có mẫu người yêu lý tưởng để bạn nguyện yêu hết lòng thì bạn cần phải gặp gỡ, phải giao tiếp thật nhiều người hơn nữa. Hãy tạo cho mình cơ hội được tiếp xúc với đủ mọi tuýp người. Hãy tự tạo cơ hội cho mình gặp được một người đáng để yêu. Có một phương pháp thông dụng để bạn có thể gặp được người tốt, gọi là phương pháp “Danh sách chờ đợi”. Theo lẽ thường, hầu hết những người tốt bụng, xinh đẹp đều đã có ý trung nhân của họ. Bạn có thể sẽ gặp được một người rất tốt, rất hợp với mình nhưng họ đã có người yêu rồi. Đó là chuyện hết sức bình thường. Bạn không cần quá lo lắng. Chúng ta đều đang còn rất trẻ và chúng ta không bao giờ nói trước được điều gì ở tuổi 20, độ tuổi mà tỷ lệ tình yêu đi đến hôn nhân rất thấp. Bạn hãy cứ kết thân với họ một cách hết sức tự nhiên, hãy giúp đỡ và tâm sự với người ấy trong những lúc họ gặp khó khăn, một cách thành tâm không vụ lợi. Như vậy có nghĩa là bạn đã xếp hàng vào “danh sách chờ đợi” của người ấy. Dù bạn chưa thực sự có một mối tình sâu đậm, nhưng cơ hội của bạn vẫn còn rất nhiều, và bạn cũng được ở rất gần người mình yêu. Bạn có thể vừa toàn tâm toàn ý cho công việc và gia đình, đồng thời vẫn có thể có một cảm giác thật sự yêu thương một ai đó. Hãy luyện tập cách giữ ngọn lửa yêu thương luôn rực cháy nhé! 5. Hãy luôn có một hình mẫu người yêu lý tưởng Có một điều hết sức quan trọng, đó là bạn cần phải có trong tim mình hình mẫu một người yêu lý tưởng. Bạn muốn người yêu tương lai của mình là người như thế nào? Bạn hãy vẽ ra một hình mẫu lý tưởng cho mình, càng chi tiết càng tốt. Bạn có thể tưởng tượng ra “Một anh chàng như thế này sẽ thật tuyệt vời” hay “Một cô nàng có đặc điểm này sẽ đáng yêu biết bao”. Khi có hình mẫu lý tưởng trong tim rồi, bạn sẽ có thể phân biệt được những người đi qua cuộc đời mình. Bạn sẽ biết chắc chắn mình cần điều gì trong cuộc đời này. Có nhiều cuộc hôn nhân đầy hối hận khi người trong cuộc quyết định đến với nhau vì đối phương “chỉ khác hình mẫu của mình một chút thôi”. Khi xác định rõ trong tim người mình thương yêu là một người thế nào, khả năng bạn bước vào một mối quan hệ không như ý sẽ giảm đi rất nhiều. Sau khi đã xác định được mẫu người yêu lý tưởng rồi, bạn hãy bắt đầu mở rộng phạm vi sinh hoạt, học tập, làm việc, vui chơi của mình. Điều này cũng giống như quy luật marketing trong kinh doanh. Bạn hãy suy nghĩ xem mẫu người như vậy thường đi ăn ở đâu, vui chơi nơi nào? Họ sẽ gặp gỡ những người như thế nào? Họ sẽ có những sở thích, thói quen ra sao? Ví dụ bạn nghĩ rằng người con gái mình thích sẽ thường đi học nấu ăn, thích ăn uống hoặc thích xem triển lãm mỹ thuật thì bạn hãy thử đến các lớp dạy nấu ăn, các sự kiện sinh hoạt mỹ thuật, hoặc các hội nhóm làm bánh kẹo. Như vậy bạn đang tạo cơ hội cho mình gặp được mẫu người bạn đang giữ trong tim. Nếu mẫu người yêu của bạn là các bạn nam thiên về lý trí, bạn có thể đến các lễ hội đọc sách hoặc các buổi diễn thuyết của vài tác giả lớn. Nếu bạn thích mẫu người yêu thể thao, bạn có thể tham gia các câu lạc bộ leo núi, hoặc các khóa dạy quần vợt, cầu lông. Chuyện tình cảm thường khó nói trước, việc yêu hay không tùy thuộc vào sự rung động của trái tim. Nhưng khi bạn có một hình mẫu lý tưởng, bạn mở rộng con đường của mình đến những nơi họ có thể thường ghé qua, cũng là bạn đang mở rộng con đường tìm được tình yêu lý tưởng của mình. Bạn không cần phải hình dung chi tiết việc “yêu hết mình” là như thế nào, bạn chỉ cần có một niềm tin mạnh mẽ rằng người ấy sẽ đáp lại tấm chân tình của mình, thế là đủ. Hãy chuẩn bị tâm lý như vậy để tình yêu có thể bước đến bên bạn một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. 6. Cuộc sống sẽ thật vui khi bạn chọn người có thể bắt đầu với mình từ con số 0 Nếu bạn không biết bản thân mình mong đợi người như thế nào, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận quen bất kỳ một người độc thân nào đó ở gần bên cạnh. Và có một thực tế là các cuộc hôn nhân thông thường lại bắt đầu từ việc này. Nói một cách cực đoan thì con người quá bận rộn với công việc đến nỗi họ thường có xu hướng tìm bạn đời cho mình chỉ trong phạm vi bán kính 10 mét. Đó cũng có thể xem như là duyên phận. Nhưng cũng có người phải ân hận cả đời vì sự lựa chọn không đúng của mình. Theo tôi, điều quan trọng nhất trong cuộc sống là lựa chọn người đồng hành như thế nào để có thể sống vui vẻ và hạnh phúc trọn đời. Có hình mẫu người yêu lý tưởng thật sự quan trọng! Điều đó không có nghĩa là bạn đặt ra một loạt những điều kiện, rồi nếu ai không thỏa mãn được thì ngay lập tức đóng sập cánh cửa lại. Những tiêu chuẩn như thu nhập hay vẻ bề ngoài của đối phương đều không cần thiết. Mặc dù những tiêu chuẩn đó cũng khá quan trọng nhưng đều là các yếu tố có thể thay đổi được. Một người bạn của tôi than thở rằng: “Tôi đã bị lừa, sau khi kết hôn thì ông chồng tôi đã mập hơn tận 20 ký!”, thế nhưng họ vẫn sống hạnh phúc với nhau dài lâu. Theo quan điểm của tôi, chọn bạn đời là một người có cùng quan điểm sống và cùng sở thích thì tốt hơn nhiều so với chọn người có ngoại hình đẹp và có đầy đủ điều kiện vật chất. Tại sao như vậy? Nếu thu nhập hiện tại của người yêu bạn chỉ khoảng 2 triệu yên một năm, nhưng sau khi các bạn kết hôn, với sự nỗ lực và hỗ trợ lẫn nhau của cả hai vợ chồng, các bạn hoàn toàn có thể tăng thu nhập lên đến 20 triệu yên. Cùng nhau cố gắng sẽ vui vẻ và hạnh phúc hơn so với kết hôn vì tiền, phải không? Đời người còn rất dài, khi cùng nhau xây dựng từ con số 0 sẽ tạo ra những kỷ niệm rất đẹp bên nhau; và khi cùng nhau đạt được mục đích, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tuyệt vời. 6 TÌM NHỮNG NGƯỜI BẠN TRI KỶ 1. Mấy ai tìm được tri kỷ trong đời? Trong cuộc sống vội vã này, tìm thấy người mình yêu thương, tâm đầu ý hợp đã khó, tìm được một người bạn tri kỷ còn khó hơn gấp nghìn lần. Những khao khát trong đời người, dù khó khăn thế nào thì chỉ cần bạn nỗ lực, bạn sẽ đạt được. Ví dụ về ước muốn kiếm tiền, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền nếu bạn cố gắng làm việc. Nếu bạn có tham vọng thăng tiến trong công việc, chỉ cần nỗ lực, chăm chỉ và không ngừng học hỏi, một ngày nào đó bạn cũng sẽ có cơ hội thành công. Ngay cả chuyện lập gia đình, dựa theo tỷ lệ hôn nhân trong xã hội, có thể nói rằng việc lập gia đình cũng không phải là một điều quá khó khăn. Còn việc có một người bạn tri kỷ? Đó là một điều tuyệt vời không gì sánh bằng nhưng có một thực tế đáng ngạc nhiên là hầu hết mọi người đều cho rằng “Hình như mình không có được một người bạn nào thật sự thân thiết”. Một người bạn thân thiết là một người luôn ở bên khi ta cần, và vì người bạn đó, ta cũng có thể sẵn sàng bỏ hết tất cả mọi thứ để đến bên cạnh, giúp đỡ họ. Không quan trọng hai bạn ở gần nhau hay cách nhau cả nửa vòng trái đất, hai bạn gặp nhau mỗi ngày hay có khi một năm chỉ gặp nhau một lần, lúc nào đôi bên cũng nghĩ về đối phương và luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Tôi tin chắc rằng xung quanh bạn vẫn có nhiều người bạn tốt, những người bạn mà khi bạn mượn tiền, họ sẽ vui vẻ giúp đỡ: “Mình chỉ có thể cho bạn mượn 2 triệu, mình không thể giúp bạn nhiều hơn được. Xin lỗi nhé”. Thật may mắn khi có những người bạn như vậy; nhưng nếu bạn có được một mối quan hệ tin tưởng cao hơn tất cả những toan tính, cố gắng hết sức lúc bạn gặp khó khăn, thì đó mới là món quà vô giá trong cuộc đời bạn. Bởi vậy mà người ta vẫn thường nói “Đi hết một đời người, liệu mấy ai tìm được tri kỷ?”. Tôi hy vọng rằng bạn có thể tìm được cho mình một vài tri kỷ trong đời. Hãy bắt đầu tìm kiếm những người bạn tuyệt vời ấy ngay từ tuổi 20 này nhé! 2. Bạn nhất định phải có một cuộc sống phong phú Tình bạn là một điều quan trọng trong cuộc sống nhưng đó không phải là ưu tiên số một. Hầu như ai cũng tâm niệm rằng hai điều quan trọng nhất trong cuộc sống là bạn đời và gia đình. Bạn sẽ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho bạn đời và gia đình. Nhưng cũng không nên bỏ quên việc nuôi dưỡng tình cảm bạn bè, không nên đặt tình bạn ở một vị trí quá thấp. Quay ngược thời gian, nhớ lại thời thơ ấu, hẳn ai cũng từng có khoảng thời gian thật sự vui vẻ cùng bạn bè. Nhưng sau ngày rời ghế nhà trường, bước chân vào công ty, sau đó lập gia đình riêng, những người bạn ấy cũng dần dần rời xa. Vì sao thế? Bởi vì trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, bạn hữu không phải là điều bắt buộc phải có. Bạn sẽ không cảm thấy quá khổ sở khi không có bạn bè kề cận xung quanh. Bạn không cần mỗi ngày phải gặp bạn bè để chuyện trò tâm sự. Thậm chí, nếu hỏi rằng: “Có nhất thiết phải có bạn bè hay không?” thì bạn vẫn có thể trả lời là “Không”. Nhưng các bạn trẻ tuổi 20 thân mến, tôi hy vọng các bạn sẽ có một đời sống phong phú, có nhiều mối quan hệ bạn bè thân thiết, có những mối quan tâm và niềm vui trong cuộc sống. Giống như một bông hoa sẽ khiến cho căn phòng tươi sáng hẳn lên, người bạn thân sẽ giúp cuộc sống chúng ta đổi thay và rộn rã sắc màu hơn. Bạn hãy chăm sóc tình bạn thân như chăm sóc bông hoa ấy. Bông hoa cần tưới nước mỗi ngày để tươi thắm, tình bạn cũng cần nuôi dưỡng để phát triển. Tôi không nói rằng bạn phải gặp gỡ hoặc viết thư cho bạn thân thường xuyên, nhưng cũng đừng chỉ có vài lời thăm hỏi khách sáo đôi lúc rảnh rỗi nhé! Để nuôi dưỡng tình bạn, có nhiều việc nhất định không được bỏ qua. 3. Biến tình bạn thông thường thành tình bạn thân Tình bạn thông thường là khi bạn tặng tôi cái này thì tôi sẽ tặng lại bạn cái kia. Mối quan hệ đó cơ bản là mối quan hệ cho và nhận. Nếu tình bạn chuyển thành tình yêu, mối quan hệ này sẽ không chỉ là mối quan hệ rạch ròi lợi ích đơn thuần nữa, sẽ có những lúc bạn cảm thấy có thể làm bất kỳ điều gì vì người mình yêu. Từ một người bạn thông thường trở thành người bạn thân cũng giống như vậy, sẽ vượt trên tất cả những toan tính được mất, để trao tặng những điều tốt đẹp nhất cho người bạn của mình. Bạn trai, bạn gái đơn giản cũng giống như một người bạn đồng hành trên con đường đời của mình. Bạn luôn mong hạnh phúc sẽ đến với người bạn thân. Và bạn sẽ làm mọi điều có thể để điều ấy thành hiện thực. Chính những suy nghĩ như vậy, chính những việc làm vì đối phương sẽ giúp gắn kết tình bằng hữu càng bền chặt hơn. Tôi có một người bạn thân tên là Toshitaka Mochizuki. Mỗi lần nghĩ về cậu ấy, tôi lại nhớ đến biết bao nhiêu điều hay mà chúng tôi đã cùng nhau học được. Cả hai đã cùng nhau đi đến cùng trời cuối đất, vượt trên những toan tính được mất. Từ sâu thẳm trong trái tim, tôi nghĩ rằng nếu không có vợ chồng anh ấy, có lẽ tôi không thể sống một cuộc đời vui vẻ hạnh phúc như thế này. Trong thâm tâm, tôi lúc nào cũng muốn làm điều gì đó thay cho lời cảm ơn đến anh ấy. Anh ấy chính là người mà tôi muốn tự do cho đi và tự do nhận lại, không phải suy nghĩ tính toán gì nhiều. Điểm khác nhau giữa bạn bè và bạn thân là giữa bạn bè thường sẽ có một đường ranh giới với nhau. Chúng ta thường cảm thấy lo lắng trước khi làm một việc gì đó vì không biết họ có cảm thấy phiền hay không, họ có cảm thấy bất tiện hay không. Để duy trì bạn bè thì phải giữ một cự ly xã hội nào đó. Nhưng đối với bạn thân thì mọi chuyện lại khác hẳn. Chẳng có đường ranh giới nào giữa những người bạn thân. Bạn có thể xem họ như người trong gia đình, có thể nói chuyện hoặc hành động mà không cần phải quá giữ kẽ hay sợ bị hiểu nhầm. Bạn thân tin tưởng nhau đến mức nào có thể đo lường bằng việc họ tâm sự cho nhau nghe về bản thân nhiều như thế nào. Tôi đã trở thành một tác giả viết sách như ngày hôm nay là nhờ vào một câu nói khắt khe của bạn Toshitaka Mochizuki. Khi tôi đang trong giai đoạn nghỉ hưu sớm để nuôi dạy con, anh ấy đã trách tôi một câu như thế này: “Tôi không muốn chỉ có gia đình chúng ta sống hạnh phúc như vậy. Tôi hy vọng có thật nhiều người khác nữa cũng có thể hiểu được hạnh phúc là gì. Đó là nghĩa vụ anh phải làm!”. Nếu như ngày đó anh ấy vẫn giữ thái độ nhẹ nhàng như thường ngày chứ không nghiêm khắc như thế, thì có lẽ giờ đây tôi vẫn chưa viết được cuốn sách nào. 4. Nơi có thể tin tưởng phó thác cuộc sống của mình Bạn có bao giờ suy nghĩ mình nên đặt lòng tin vào người bạn thân nhiều đến mức nào? Tôi xin phép kể cho các bạn nghe một câu chuyện trong cuốn sách Phương pháp thành công sau khi học từ nhà triệu phú mà tôi đã từng phiên dịch. Đó là câu chuyện của một nhà mạo hiểm vượt sông Niagara bằng dây thừng: Vào một ngày nọ, có 5.000 người tập trung lại để xem biểu diễn vượt sông Niagara bằng dây thừng. Nhà phiêu lưu đứng trước khán giả và hỏi: “Các bạn có tin rằng tôi sẽ bình an vượt qua sông bằng dây thừng không?”. Đám đông trả lời bằng một tràng pháo tay thật lớn thay cho lời nói họ tin anh. Và anh ấy đã vượt qua được dòng sông, một cách tự tin và bình an. Sau đó anh ấy lại quay sang khán giả và hỏi: “Lần này tôi sẽ dùng tay điều khiển xe một bánh chạy trên dây băng qua sông, có ai tin rằng tôi sẽ làm được không?”. Khán giả lại một lần nữa vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng, và một lần nữa anh ấy lại thành công. Cuối cùng, nhà mạo hiểm hỏi khán giả: “Bây giờ tôi sẽ băng qua dòng sông bằng sợi dây này khi cõng một người trên vai, có ai tin tôi sẽ làm được không?”. Và lần này khán giả vỗ tay lớn hơn bao giờ hết để ủng hộ. Nhà mạo hiểm vui vẻ hỏi: “Cảm ơn các bạn nhiều lắm. Vậy có bạn nào leo lên vai tôi để cùng vượt qua sông không?”. Bỗng nhiên bầu không khí chùn xuống, mọi người im bặt đi, không một ai lên tiếng cả. Chỉ có duy nhất người bạn thân của nhà mạo hiểm ấy vui vẻ bước lên vai anh ta. Và sau đó cả hai băng qua dòng sông thành công. Người bạn thân ấy trở thành người đầu tiên trên thế giới được cõng trên vai vượt sông thành công bằng dây thừng. Tôi đặc biệt yêu thích câu chuyện này. Một người bạn thân đúng nghĩa phải là như vậy các bạn ạ! Họ sẽ tin tưởng chúng ta tuyệt đối, vô điều kiện, cho dù mất mạng cũng không hề oán trách. Thật may mắn cho ai có được một người bạn thân đúng nghĩa như vậy. Họ là dũng khí, là niềm tin để ta có thể vững tâm làm nhiều việc lớn trong cuộc đời. Có ai sẵn sàng bước lên vai bạn ngay lúc này? 5. Hãy giữ một “đối thủ” luôn kéo bạn tiến về phía trước Đối thủ cũng giống như bạn thân, là người mà bạn bạn cần phải có trong đời. Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy điều tôi nói ở trên nghe có gì đó vô lý. Nhưng sự thật là vậy, “đối thủ” cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho ta. Nếu có một đối thủ tích cực, tự nhiên bên trong bạn sẽ có một sự cạnh tranh và nỗ lực hơn hẳn. Một khi bạn nhìn vào đối thủ, bạn sẽ cảm thấy người kia đang rất cố gắng và sắp vượt qua mình. Điều đó thôi thúc bạn cố gắng thêm một chút nữa, tận tâm thêm một chút nữa. Cứ mỗi một chút đó, dần dần bạn vượt qua chính sức lực vốn có của mình lúc nào không hay. Bạn sẽ không thể biết được giới hạn của bạn thân cho đến khi bạn có một “đối thủ” đúng nghĩa. Quả thật, bạn cần có một đối thủ cạnh tranh phù hợp. Không cần quan tâm ai thắng ai thua, cả hai sẽ hỗ trợ nhau cùng tiến nhanh trên đường đời. Võ tướng Lã Mông trong Tam quốc diễn nghĩa có một câu nói nổi tiếng: “Kẻ sĩ ba ngày không gặp thì nên rửa mắt mà nhìn”. Ông vốn xuất thân từ nông dân ít học nên dù là võ tướng, ông vẫn luôn bị chúa công và các quan văn khinh thường. Họ luôn bảo ông phải cố gắng đọc sách nhiều hơn cho biết chữ nghĩa với người khác. Vài năm sau gặp lại, mọi người đều bất ngờ trước kiến thức uyên bác của ông. Lã Mông cười mà nói rằng: “Kẻ sĩ ba ngày không gặp thì nên rửa mắt mà nhìn”. Nhìn lại cuộc sống của chúng ta, bạn thân cũng vậy, đối thủ cũng vậy, gặp nhau mỗi ngày là điều khó khăn, nhưng nếu mỗi lần gặp lại đều thấy đối phương trưởng thành hơn thì quả thật quý giá biết bao. Câu nói đó của võ tướng Lã Mông không chỉ dành cho nam giới mà còn đúng với cả nữ giới. Bạn sẽ không thể tưởng tượng ra đối thủ đã trưởng thành đến mức nào chỉ sau ba ngày không gặp. Có được những người bạn và đối thủ như vậy là một điều hạnh phúc. Trong khi bạn thân tiếp thêm niềm tin cho bạn thì đối thủ giúp bạn nghiêm khắc hơn với chính mình. Bạn sẽ luôn cố gắng hoàn thiện mình, cố gắng làm tốt hơn nữa bởi vì đối thủ của bạn chưa bao giờ ngừng tiến bộ. Các bạn đừng hiểu nhầm ý tôi theo nghĩa tiêu cực nhé! Tôi không đề cập đến việc xem đối thủ như kẻ thù và quyết tâm vượt lên người đó bằng mọi cách. Ý nghĩ “Thua ai cũng được, chỉ cần mình không thua thằng đó!” sẽ làm bạn mất đi cảm giác hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn sẽ không hưởng thụ cuộc chơi, thưởng thức việc lao động một cách tích cực nữa. Đối với tôi, đối thủ là người ta không gặp mỗi ngày nhưng lại tạo động lực để cả đôi bên cùng tiến bộ, cùng có thêm quyết tâm và dũng khí. Suy cho cùng, chúng ta cần có một “đối thủ” để hàng ngày cùng “giữ lửa quyết tâm” cho nhau. 7 HÒA HỢP VỚI CHA MẸ 1. Bạn yêu thương cha mẹ nhiều như thế nào? Tình cảm của bạn dành cho cha mẹ lúc này đây lớn đến cỡ nào? Tôi may mắn được giảng dạy rất nhiều lớp học, rất nhiều chủ đề, và cũng từng được tiếp xúc với đông đảo tầng lớp người trong xã hội. Một trong số những người làm tôi ấn tượng nhất là một học viên nam 75 tuổi, vừa khóc bù lu bù loa vừa than thở như một học sinh tiểu học: “Chính vì bố mà cuộc đời tôi đã hỏng như thế này đấy!”. Quả là đau đớn và cay đắng biết bao khi một người đã 75 tuổi rồi mà còn không thể hòa hợp với bố mình. Đáng ngạc nhiên là những trường hợp xa cách trong gia đình thì nhiều vô số kể. Có những người con đi xa, đã mấy năm rồi không về nhà thăm cha mẹ. Cũng có những gia đình giữa cha mẹ và con cái không hề nói chuyện với nhau hằng ba bốn năm trời. Thậm chí còn có những trường hợp đoạn tuyệt tình cha con, tình mẹ con. Bạn không thể tưởng tượng nổi con số khổng lồ cho tình trạng đau lòng này đâu. Bạn có phải là một trong số ấy? Tôi không phải là mảnh ghép hoàn hảo của một gia đình hoàn hảo. Giữa tôi và bố mẹ cũng có nhiều mâu thuẫn, khó chịu. Ngay từ ngày còn học tiểu học, tôi đã bị bố mẹ đánh mắng nhiều lần, có lúc còn bị bố mẹ dọa sẽ từ bỏ. Tôi cũng không phải là một đứa con hiểu chuyện, có lần còn đôi co hỗn xược với bố mẹ kiểu như “Bố mẹ muốn bỏ thì bỏ. Con không cần!”. Khoảng thời gian tồi tệ nhất là những lần bố tôi uống rượu say và cho tôi những trận đòn nhừ tử, dù khi đó tôi hãy còn rất bé. Những ký ức ấy luôn ám ảnh tôi, thậm chí tôi còn nghĩ đến chuyện tự vẫn. Tôi thấy căm hận bố vô cùng. Tôi luôn cố gắng tránh mặt ông nhiều nhất có thể. Mối quan hệ giữa tôi và bố đã từng có giai đoạn xấu đến mức như vậy. Nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi đã được cải thiện đáng kể sau này, khi chúng tôi tiến hành rất nhiều phương pháp trị liệu. Vài năm trước, bố tôi qua đời. Điều đáng mừng là trước phút lâm chung, tình cảm cha con tôi đã trở nên tốt đẹp. Nếu không, chắc hẳn bố sẽ chẳng yên lòng nhắm mắt, và tôi sẽ sống tiếp quãng đời còn lại trong niềm ăn năn vô bờ. Hẳn ai cũng hiểu rõ rằng mình nên giữ mối quan hệ tốt với cha mẹ. Đó như là một điều hiển nhiên mà ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Nếu bạn sống không hòa hợp với cha mẹ thì tự nhiên bạn cũng mất đi cảm giác yên bình trong cuộc sống. Tự trong thâm tâm bạn luôn có một cảm giác ấm ức nào đó khiến bạn không thể tận hưởng cuộc sống, khiến cho mọi việc, mọi vật xung quanh đều xấu đi trong mắt bạn. Theo tâm lý học hiện đại, nếu bạn có thể hòa hợp với cha thì bạn có thể giảm thiểu những trở ngại thuộc phương diện tình cảm trong sự nghiệp hay bất cứ việc gì trong cuộc sống. Còn việc sống hòa hợp với mẹ sẽ nuôi dưỡng tính sáng tạo, vui vẻ, cuộc sống tự nhiên cũng trở nên nhiều ý vị hơn. Khi bạn nhìn vào lối sống của một người, ít nhiều bạn có thể đoán được người đó có bất mãn với bố hoặc mẹ không. Ví dụ như, một người suốt cuộc đời chỉ biết đến công việc thì có nhiều khả năng họ có mâu thuẫn, không hòa hợp với mẹ. Còn những ai đang mất phương hướng trong công việc, hoặc gặp vấn đề tài chính, thì họ có nhiều khả năng là bất đồng với người cha. Nếu đang có mối quan hệ không tốt với cha hay mẹ, bạn hãy nhanh chóng tìm hướng giải quyết ngay. Cha mẹ ngày một già yếu và bạn không thể biết trước ngày mai ra sao. Đừng để đến khi hiểu ra chuyện và quyết tâm bắt đầu hàn gắn mối quan hệ gia đình thì ba mẹ đã không còn. Lúc đó có hối hận thì cũng đã muộn màng. Hãy lấy dũng khí và thử nỗ lực làm cho mối quan hệ với bố mẹ trở nên hòa hợp hơn, trước khi quá muộn! 2. Đừng để lại bất kỳ điều ân hận nào trong đời Ở những năm tuổi 20, tôi may mắn được một người thầy thông thái chỉ dạy nhiều bài học. Tôi từng hỏi ông rằng: “Trong cuộc đời, thầy hối hận nhất điều gì?”. Khi đó, ông có một sự nghiệp thành công, có rất nhiều bạn bè, có một gia đình tuyệt vời nên cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Có vẻ như ông chẳng có điều gì phải hối hận nữa cả. Dù vậy tôi vẫn muốn hỏi thử xem sao. Và câu trả lời hoàn toàn nằm ngoài những gì tôi có thể dự đoán. “Bố thầy qua đời khi thầy còn rất bé. Thầy đã không thể làm cho ông một đám tang. Và cho đến giờ này thầy vẫn còn cảm thấy ân hận lắm!” Điều làm tôi bất ngờ hơn cả đó là mối quan hệ của thầy và bố không phải tốt đẹp hoàn hảo từ lúc đầu. Bố thầy là một người nghiện rượu, ông đánh đập thầy rất nhiều từ lúc thầy còn bé. Thầy căm ghét bố vô cùng. Thậm chí khi đọc báo về cái chết của bố, thầy còn chẳng có cảm giác đau buồn gì cả, nếu không muốn nói là nhẹ nhõm với suy nghĩ “chết đi vậy còn tốt hơn”. Sau đó, qua quá trình trị liệu, thầy dần dần đã thay đổi. Có nhiều cách để thể hiện tình cảm, ví dụ như ôm hoặc bắt tay, hay một cái chạm nhẹ vào vai. Thế nhưng cách thể hiện của bố thầy thì chỉ toàn là đòn roi. Sau này, qua lời kể của họ hàng, thầy biết được nguyên nhân là do ngày xưa bố của ông ấy (nghĩa là ông nội của thầy tôi) cũng là một người mang tư tưởng giáo dục bằng đòn roi. Tư tưởng thể hiện tình cảm như vậy đã được truyền qua nhiều thế hệ. Thầy tôi bảo rằng: “Bố đánh thầy không phải vì ông ấy ghét thầy, mà là do ông không còn biết cách thể hiện tình cảm nào khác ngoài việc nghiêm khắc với con. Nếu hiểu được điều này sớm, có lẽ mối quan hệ giữa thầy với ông ấy đã tốt hơn rất nhiều, và giờ này thầy cũng không phải hối hận về điều gì nữa”. Tôi biết rằng có những trường hợp khác tương tự như hoàn cảnh của thầy tôi, có những người là nạn nhân của những hành động bạo lực, đã và đang sống trong một gia đình không khác gì địa ngục. Đó quả là bi kịch của gia đình! Nhưng các bạn hãy hiểu rằng mọi vấn đề đều có nguyên nhân gốc rễ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Bất kỳ gia đình nào cũng có những bí mật không thể nói ra, bất cứ cá nhân nào cũng có những mảng tối phía sau không muốn người khác biết đến. Có thể nói một cách cực đoan rằng những bất hạnh gia đình đó là khởi điểm của nhiều ý nghĩ tiêu cực và bạo lực, làm cho thế hệ sau tiếp tục phải gánh chịu những đau khổ của thế hệ trước. 3. Hàn gắn mối quan hệ trong gia đình, cuộc đời bạn sẽ thay đổi Bất cứ gia đình nào cũng tồn tại những chuyện không vui. Và điều kỳ diệu mang tên gia đình luôn có thể tự hóa giải những điều không vui ấy. Dù bạn cảm thấy gia đình như địa ngục, vẫn luôn có một “cánh cửa” dần được hé mở ra để giải thoát. Chỉ là đôi khi, vì một lý do nào đó, có một người nào đó đang cố ấn chặt nó lại. Đó thường là người bị chứng nghiện rượu, hay bệnh mất ngủ. Họ phải loay hoay chống chọi với những năng lượng tiêu cực xung quanh và cả bên trong họ. Trường hợp của thầy tôi cũng giống vậy, cha của thầy không thể giữ được một công việc ổn định, và đối với con cái cũng chỉ biết giữ mối quan hệ đòn roi mà thôi. Khi thầy tôi trở thành một người cha, ông ấy mới thấu hiểu được tình thương con là bao la vô bờ bến đến chừng nào. Khi đó ông mới biết không có gì đau đớn hơn cảm giác bị con mình ghét bỏ, tránh mặt, thậm chí còn không chịu gặp mặt khi mình đến phút lâm chung. Hiểu ra được cảm giác đó thì đã quá muộn, bố của thầy đã ra đi, dẫu thầy cố gắng cỡ nào cũng không thể xóa sạch được nỗi ân hận to lớn này. Lúc ấy, khi nhìn lại quãng thời gian cùng cha, thầy thực sự cảm thấy vô cùng tự hào về cha, vô cùng biết ơn và yêu quý những gì cha đã làm cho mình, dẫu cho cha có phần nghiêm khắc. Nghe câu chuyện của thầy, lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi niềm khó tả, tôi cảm thấy mình cần nói chuyện với cha ngay lập tức. Tôi hiểu ra rằng cha tôi không ghét bỏ gì tôi cả. Và sau nhiều cuộc trò chuyện với ông, tôi cũng hiểu ra rằng tâm lý ông đang cực kỳ hỗn loạn nên ông không thể yêu thương được chính bản thân ông hay người nào khác cả. Hiểu ra những mảng tối đằng sau đòn roi của cha, tôi cảm thấy thương ông nhiều. Sau những nỗ lực, cuối cùng tôi và cha đã có thể sống hòa hợp với nhau. Kể từ đó, cuộc đời của tôi đã thay đổi một cách diệu kỳ. Tôi hy vọng bạn cũng sớm hiểu ra tình cảm cha mẹ dành cho mình lớn lao như thế nào. Dẫu cách thể hiện có làm bạn không vừa lòng, không ai có thể phủ nhận tình yêu thương vô bờ bến mà họ dành cho bạn. Tranh thủ khi song thân còn đang khỏe mạnh, hãy cố gắng sống thật hạnh phúc với họ, để không cảm thấy hối hận sau này. Tôi cũng tin rằng, mối quan hệ hòa hợp với cha mẹ sẽ giúp cho cuộc sống của bạn từ nay về sau có được cảm giác an yên mà tiến bước, mạnh mẽ chống chọi với những mưa bão của cuộc đời. 8 BIẾT CỘI NGUỒN CỦA MÌNH 1. Cội nguồn và tầm ảnh hưởng Tuổi 20 là lứa tuổi vừa bước vào đời. Vì các bạn đang theo đuổi nhiều điều trong cuộc sống nên có thể ít quan tâm chu đáo đến đấng sinh thành. Nhưng, như tôi đã đề cập ở chương trước, gia đình là ưu tiên số một trong cuộc sống, bạn hãy tranh thủ báo hiếu lúc bố mẹ còn khỏe mạnh, đồng thời tìm hiểu thêm về nguồn gốc của mình. Đây là việc cần thiết để giúp bạn có thể tự tin vững bước khi tiến thân trên đường đời. Nói như vậy là vì tìm hiểu gốc gác cội nguồn của mình chính là một cách để bạn hiểu thêm về bản thân. Nếu họ hàng bên nội của bạn có nhiều người là giáo sư thì nhiều khả năng bạn có tài giảng dạy ở một lĩnh vực nào đó. Nếu bên họ ngoại của bạn đa số là thương nhân thì có thể bạn đang thừa hưởng gen của một nhà kinh doanh tài giỏi. Vì cội nguồn có liên quan mật thiết đến tài năng trong bạn, bạn sẽ dễ dàng vạch ra đường đi cho mình, từ đó con đường đi đến thành công cũng gần hơn một chút. Bạn có thể nghĩ rằng công việc của bố mẹ, công việc của anh chị em hay sự nghiệp của ông bà chẳng liên quan gì đến mình. Nhưng có một thực tế đáng ngạc nhiên là tất cả đều ảnh hưởng đến bạn khá nhiều. Tôi xin đưa ra một ví dụ thế này: giả sử bố của bạn là một người làm công ăn lương, nhưng ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chính trị từ đời này sang đời khác. Trong môi trường sinh hoạt như vậy, dưới sự phản đối và khuyên nhủ của mọi người trong gia đình, nhiều khả năng dần dần ông sẽ bước vào sự nghiệp chính trị. Trên thế giới đã có nhiều ví dụ minh họa cho điều này. Cũng có rất nhiều người lựa chọn nghề nghiệp hoàn toàn độc lập với gia đình, nhưng cội nguồn sẽ có ảnh hưởng đến cách thức suy nghĩ, lối sống, quan điểm và nhiều yếu tố khác mà bạn chưa nhận ra. Nếu không biết điều đó, có thể bạn sẽ vấp phải nhiều khó khăn không lường trước được. Câu chuyện của tôi là một ví dụ điển hình. Bố và ông nội tôi là những nhà kinh doanh tài giỏi. Họ thành công từ khi còn rất trẻ, sau đó họ thừa thời gian và năng lượng không biết dùng vào việc gì. Họ giải khuây bằng rượu chè và phụ nữ. Sau một thời gian, cả hai đều mắc chứng nghiện rượu nặng, làm cho cơ thể và nội tạng bị hủy hoại nặng nề, và kết cục phải trải qua nửa đời sau vô cùng khổ sở. Là người chứng kiến từ đầu đến cuối bi kịch đó, và cũng là một người thành công khá sớm, lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an lo lắng, không biết mình tránh được vết xe đổ của cha ông hay không. Và thực tế là, cho dù tôi không trở thành một kẻ nghiện rượu, nhưng bệnh của bố đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi rất nhiều. May mắn là theo một chiều hướng tích cực. Những năm đầu của tuổi 20, tôi đã trải qua một cuộc hôn nhân không êm đẹp, sau đó tôi đã phải ly hôn. Trong niềm đau đó, tôi biết tôi cần phải bắt đầu quá trình chữa trị cho vết thương tinh thần của chính mình. Tôi bắt đầu đi du lịch nhiều hơn, tham gia các lớp tâm lý học, và nhận được rất nhiều lời tư vấn. Tôi còn may mắn nhận được sự giúp đỡ của nhiều bạn bè. Cuối cùng, những vết thương từ bé cho đến vết thương của cuộc hôn nhân tan vỡ đã được chữa lành một cách diệu kỳ. Nhờ trải qua thời gian chữa trị cho bản thân như vậy, sau đó tôi gặp được người vợ hiện tại và có một cuộc sống hạnh phúc hơn bao giờ hết. Cũng giống như bố và ông nội, tôi có một khởi đầu thành công về mặt kinh tế khi còn rất trẻ, nhưng tôi không kết thúc cuộc đời trong khổ sở giống họ. Khi hiểu về cội nguồn của mình, tôi nhìn thấy những điểm tốt và điểm xấu để chọn cho mình con đường tốt nhất. Vì vậy, tôi hy vọng các bạn hãy quan tâm và tìm hiểu về cội nguồn của mình ngay từ bây giờ. Hãy khám phá những tài năng tiềm ẩn của bản thân, nhìn nhận những mặt xấu đã từng xảy ra để chọn lựa những điều nên làm, những điều nên tránh. 2. Có những công việc phải cần đến ba thế hệ để hoàn thành Công việc hiện tại của tôi chính là “Giúp mọi người hiểu về tiền bạc và hạnh phúc”. Tôi không dám tự nhận mình là người thành công nhưng tôi tự hào về những gì mình đã đạt được. Tôi cũng đã từng vấp ngã nhiều lần mới nhận được nhiều bài học quý giá và có ngày hôm nay. Như tôi đã kể với các bạn, ông nội tôi đã rất thành công trong sự nghiệp, nhưng vì chứng nghiện rượu, ông chỉ sống được đến hơn 40 tuổi. Đến đời con ông, tức là bố tôi cũng vậy. Bố cũng từng thành công khi rất trẻ và lại bị chứng nghiện rượu tàn phá cơ thể. Chính vì vậy, từ thuở bé trong tôi đã khắc ghi chân lý: “Có rượu là không bao giờ có hạnh phúc”. Những mùi vị đau khổ do rượu mang đến cho gia đình làm tôi ngày ngày trăn trở về vấn đề “Làm cách nào để gia đình luôn hạnh phúc”. Chắc ít có người ngay từ nhỏ đã phải suy nghĩ về “tiền bạc và hạnh phúc” nhiều đến vậy. Điều này có nghĩa là, để có thể hiểu được hạnh phúc và cách tạo ra hạnh phúc trong gia đình, chúng tôi đã phải trải qua đến ba thế hệ: đời ông, đời bố, đời tôi. Tôi được truyền cảm hứng để thực hiện công việc này, là nhờ vào mong muốn thiết tha được chữa lành vết thương cho chính mình. Tôi khao khát có thể hóa giải những bất hạnh của mình và những năng lượng xấu xung quanh tôi. Nếu ngày xưa ông nội và bố tôi có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc, thì có lẽ giờ đây tôi đã không quyết tâm theo đuổi công việc này và không yêu nó đến như vậy. Tôi cảm thấy mình đang hoàn tất sứ mệnh đã trải dài suốt ba đời với biết bao nhiêu nước mắt, khổ đau, căm phẫn và nỗ lực chữa trị. Phải, chúng tôi đã mất ba đời để tìm được con đường hạnh phúc. Điều này càng làm tôi thêm quyết tâm và dũng khí thực hiện công việc này. Trước khi chữa trị cho mình, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về cội nguồn của bản thân, và luôn tự dằn vặt với nỗi sợ hãi: “Tại sao ông nội, tại sao bố, tại sao tôi cùng gặp những chuyện giống nhau như vậy?”. Tôi cảm thấy sợ đồng tiền, sợ những thành công trong sự nghiệp. Tôi sợ mình đang đi trên chính con đường mà ông nội và bố đã từng đi. Thật may mắn là sau khi được chữa trị, tôi đã thấu hiểu hoàn cảnh của bố và ông nội. Tôi hiểu rõ điều mình cần tìm kiếm. Tôi biết hạnh phúc đích thực và gì và phải làm như thế nào để có được hạnh phúc. Từ đó, tôi đã xác định sẽ dùng tất cả kỹ năng và nhiệt huyết của mình để truyền đạt đến cho tất cả mọi người. Và ngày hôm nay, khi viết những dòng này, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn ông nội, biết ơn bố tôi, biết ơn những trải nghiệm đã dạy tôi trên đường đời. Chúng ta cần hiểu rõ gốc gác của mình để có thể đưa ra những quyết định thích hợp nhất. Tôi biết việc này có phần khó khăn nhưng tôi khuyên bạn hãy sớm tìm hiểu về cội nguồn của mình, trước khi bắt đầu lựa chọn con đường đi trong cuộc sống! 3. Hãy sống chứ đừng chỉ tồn tại “Hiểu được nguồn gốc của mình” và “Làm cách nào tìm ra mục đích sống” có một mối liên hệ vô hình. Bạn có biết mục đích sống của mình là gì không? Mỗi ngày bạn có thực sự sống, hay chỉ đang tồn tại? Bạn thực sự sống khi tìm ra mục đích sống của mình và sống vì mục đích đó. Tìm ra mục đích sống là khoảnh khắc chợt nhận ra “đây là lý do mình được sinh ra”. Khoảnh khắc đó vô cùng thiêng liêng. Nó không giống cảm giác khi bạn xách ba lô đi du lịch vòng quanh thế giới, rồi vô tình tìm thấy một vùng đồng quê tươi đẹp nào đó. Cũng không phải cảm giác vui thú khi bỗng phát hiện ra điều gì mới mẻ trong cuộc sống. Mà đó là cảm giác vừa nhẹ nhàng, an yên như khi khám phá ra một điều thiêng liêng trong cuộc sống; vừa mạnh mẽ, to lớn như tìm ra được một lý tưởng vĩ đại. Tôi quen một vị giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ. Một hôm, ông nhận được thư cảm ơn từ khách hàng với nội dung: “Tôi vô cũng biết ơn ngài”. Ngay khoảnh khắc ấy, ông có cảm giác rằng: “À thì ra mình được sinh ra để làm công việc này, để giúp mọi người trở nên xinh đẹp và hạnh phúc hơn”. Vị giáo sư ấy nói rằng: “Chỉ khi trải qua khoảnh khắc chứng kiến tận mắt lòng biết ơn sâu sắc của bệnh nhân như thế này, tôi mới thực sự tin rằng mình được sinh ra trong đời với mục đích cao đẹp là phục vụ cho công việc đó”. Đương nhiên, đây không phải lần đầu tiên, cũng không phải trường hợp đặc biệt mà một giáo sư phẫu thuật được ai đó cảm ơn hay tặng quà. Điều quan trọng là khoảnh khắc cảm tạ cuộc sống ấy đã được nắm bắt đúng lúc, làm cho cuộc đời cống hiến của ông có ý nghĩa hơn rất nhiều. Vì vậy, lưu lại được đúng khoảnh khắc quý giá và trân trọng nó chính là mấu chốt để cuộc đời bạn thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. 4. Hiểu rõ mục đích của cuộc đời mình để xác định tầm nhìn cho bản thân Những người ở độ tuổi 30 đã trải qua thực tế và đúc kết được nhiều kinh nghiệm khiến họ có cái nhìn chững chạc và toàn diện về mục đích cuộc đời. Nhưng theo tôi, tuổi 20 cũng cần một vài lần thử suy nghĩ về những vấn đề cơ bản sau đây. Thứ nhất: “Tại sao mình được sinh ra trong cõi đời này?”. Nếu không tìm ra được câu trả lời, bạn sẽ trải qua cuộc sống hàng ngày lặp đi lặp lại những việc công sở, việc nuôi dạy con cái. Cái vòng xoay ấy sẽ có lúc khiến bạn cảm thấy vô cùng chán nản, trống trải, vô vị. Chưa kể đến những khó khăn, phiền muộn trong cuộc sống sẽ đánh gục bạn bất cứ lúc nào. Đối với những người có cái nhìn vững vàng về cuộc đời, dẫu cho có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Còn những người vẫn loay hoay với cuộc sống, khi gặp những trở ngại, nghe lời nói vào ra của mọi người, họ sẽ dễ dàng bị lạc lối, lo lắng, nổi giận hoặc buồn rầu. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải suy nghĩ về các câu hỏi: “Tại sao mình được sinh ra trong cõi đời này?”, “Tôi muốn làm điều gì trong cuộc đời?”. Khi bạn có thể tự tin mà trả lời rằng: “Tôi được sinh ra để làm công việc này”, tôi tin bạn có thể vững bước trên con đường mình đã chọn. Khi có hành trang là niềm tin mạnh mẽ, dù phải đối diện với những lời phê phán, phủ nhận,... bạn cũng sẽ không bị chi phối. Một khi vững tâm trên con đường mình đi, tầm nhìn của bạn sẽ được nâng lên rất nhiều. Tôi may mắn đã xác định mục tiêu cho đời mình từ ngày tôi mới 20, nhờ sự chỉ dạy của một số vị tiền bối. Và bây giờ, tôi rất vui có thể chia sẻ điều này đến các bạn, tiếp thêm một hành trang để các bạn bước vào đời. Khi bạn bắt đầu làm một việc gì đó, bạn sẽ sống trong lời ra tiếng vào của rất nhiều người, thậm chí là những lời không hay từ chính gia đình mình. Đó là lẽ tự nhiên. Con người thường hay phản ứng lại khi người khác muốn làm những việc họ chưa bao giờ làm. Họ sợ sự thay đổi, sợ bản thân mình thay đổi, sợ cả những người xung quanh thay đổi. Họ cũng không thể chịu nổi áp lực là tất cả mọi người đều thay đổi trong khi họ vẫn dậm chân tại chỗ. Vì vậy, họ quay sang cố gắng điều khiển những người đầu tiên muốn thay đổi. Những lúc như vậy, chỉ có duy nhất một thứ có thể khiến bạn vững tin để tiếp tục chống chọi với mọi dư luận xung quanh, đó chính là niềm tin vào mục đích sống của mình. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chỉ cần biết điều gì là quan trọng đối với bản thân, bạn sẽ tìm ra con đường đúng trong vô số ngã rẽ cuộc đời. 9 NHẬN RA TÀI NĂNG CHÍNH MÌNH 1. Diện mạo tài năng của bạn là gì? Diện mạo tài năng? Một khái niệm nghe có vẻ lạ lẫm với mọi người. Thực ra, đó đơn giản là những lĩnh vực mà bạn có khả năng làm tốt nhất. Có rất nhiều “diện mạo” của tài năng, cũng giống như có rất nhiều “tuýp người” vậy. Ví dụ có người giỏi “điêu khắc”, cũng có người giỏi “chữa bệnh”, có người lại giỏi “dạy học”, và có người thì có năng khiếu “ca hát”, “kinh doanh”, hoặc là “điều phối”, “lên kế hoạch” hay “phân tích”. Vậy, ngay bây giờ, bạn hãy xác định xem mình giỏi ở lĩnh vực nào? Mình có thể làm tốt việc gì? Đó là diện mạo tài năng của bạn. Khi biết được mình có khả năng gì, bạn sẽ xác định được công việc phù hợp để theo đuổi. 2. Cảm nhận rõ bản thân yêu và ghét điều gì Khi bạn bước qua nửa sau đời người, cảm giác cực kỳ thích một điều gì đó sẽ dần phai nhạt. Trong tim bạn lúc ấy mọi thứ có vẻ ổn gần như nhau bởi độ nhạy cảm giữa yêu và ghét đã không còn rạch ròi như trước. Nhưng ở tuổi 20 của các bạn thì cảm giác “yêu thích” và “căm ghét” vẫn còn mạnh mẽ. Do đó tôi mong rằng bạn hãy cảm nhận tất cả những gì mình yêu và ghét thật rõ ràng, ngay lúc này. Khi còn nhỏ, bạn có thể từng được nghe lời khuyên “Đừng thích hoặc ghét một thứ gì đó quá nhiều, đừng để cảm xúc chi phối hành động của mình”. Ví dụ bạn ghét ăn cơm thì cũng phải bỏ cảm giác đó qua một bên để cố ăn mà tăng cân. Nhưng lần này tôi muốn bạn thử làm khác đi, hãy cảm nhận “thích” và “ghét” rồi chọn ra những điều sẽ đi theo bạn suốt cuộc đời. Vì sao yêu và ghét quan trọng đến thế? Vì nó quyết định hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta đơn thuần cảm thấy hạnh phúc tràn đầy khi được làm những gì mình thích làm, ở tại những nơi mình thích ở, ăn những món mình thích ăn. Ngược lại, nếu bạn bị bắt buộc phải ở chung với người mình căm ghét, làm những việc mình căm ghét, ăn những món mình căm ghét thì bạn sẽ phát bệnh mất thôi. Hãy nhắm mắt và nghĩ về điều này, cảm nhận xem điều gì mang lại niềm vui cho bạn và điều gì chỉ cần nghĩ đến cũng đủ khiến bạn thấy chán chường. Đối với từng lĩnh vực, từng vấn đề – từ quần áo đến công việc hay món ăn – bạn hãy phân biệt yêu, ghét thật rõ ràng. Kể từ bây giờ, bạn đã có thể xây dựng nên hình ảnh cuộc sống mà bạn mong ước. 3. Bí quyết tìm ra phương hướng cuộc sống Bạn có thể nhìn ra tài năng của một người từ những gì họ yêu, họ ghét. Người thích giao tiếp xã hội sẽ có tài xây dựng mối quan hệ. Người này sẽ phù hợp với công việc bán hàng, kinh doanh hoặc tư vấn. Những người thích mày mò sáng chế đồ vật sẽ thích hợp với các vị trí như lập trình viên, kỹ sư, thiết kế. Con người không thể làm việc mình ghét trong một thời gian dài được. Vì vậy, bạn phải nhìn rõ trong tim mình yêu thích điều gì, căm ghét điều gì rồi sau đó quyết tâm mạnh mẽ đầu tư cho những việc hợp với sở thích. Tập trung vào những việc đó, bạn sẽ thấy được kết quả mỹ mãn. Bạn hãy để ý một điều quan trọng này: Nếu sau khi thử làm điều mình thích, bạn nhận ra mình không nên đi theo hướng này thì hãy lập tức từ bỏ. Nếu từ đâu đó trong bạn vang lên ý nghĩ “Điều này không được. Việc này không ổn” thì hãy chuyển qua một con đường khác. Người Nhật có câu thành ngữ “Tảng đá lạnh cũng có thể được làm ấm nếu bạn kiên trì ngồi trên đó ba năm” để đề cao tính kiên trì, nhẫn nại. Nhưng theo quan điểm của tôi, bạn không nhất thiết phải ngồi tận ba năm trên một tảng đá. Khi bạn nỗ lực hết mình mà vẫn cảm thấy mình đang ngồi sai vị trí thì hãy lập tức nhảy qua một tảng đá khác. SÁCH CÙNG TÁC GIẢ Bí Quyết Để Có Bạn Đời Lý Tưởng Người bạn đời là người giúp bạn mạnh mẽ hơn để vượt qua những cơn khủng hoảng trầm trọng nhất,... Bí Quyết Trở Thành Người Xuất Sắc Trên thế gian này, rất ít người có thể giàu sang nhờ sử dụng năng khiếu của bản thân, nhưng... Bí Quyết Làm Chủ Đồng Tiền Làm sao để bạn có đươc sự tự do với tiền bạc? Làm sao để cuộc sống của bạn không... Bí Quyết Để Có Sự Nghiệp Mơ Ước Bí quyết để có sự nghiệp mơ ước viết về những suy nghĩ xung quanh vấn đề công việc, cuộc sống... 10 GIỎI ÍT NHẤT MỘT LĨNH VỰC CHUYÊN MÔN 1. Người có chuyên môn cao sẽ thành công cả trong những lĩnh vực khác Tuổi 20 còn quá trẻ để nhận ra bản thân mình xuất sắc một lĩnh vực chuyên môn nhất định nào. “Lĩnh vực chuyên môn” chính là con đường bạn yêu thích, có khả năng làm tốt và muốn tiến tới lâu dài với nó. Nhiều bạn trẻ còn chưa tự tin trên con đường mình chọn. Đó là khi bạn tự nói với mình rằng “Hãy sống bằng nghề làm bánh”, “Hãy sống bằng gu thẩm mỹ của mình”, “Hãy sống bằng nghề viết báo”,... mà đâu đó trong bạn vẫn không vững tin đó là “lĩnh vực chuyên môn” của mình. Còn một khi bạn biết rõ mình muốn gì, mình thành thạo gì và dõng dạc tuyên bố “Tôi kinh doanh về lĩnh vực này” thì bạn đang nắm trong tay “lĩnh vực chuyên môn” của mình. Tôi muốn bạn có được sự tự tin đó khi còn ở tuổi 20 và toàn tâm toàn ý cho chuyên môn của mình. Kiến thức là vô hạn, bạn hãy tập trung nâng cao năng lực bản thân trong lĩnh vực mình đã chọn. Hãy học hỏi thật nhiều để trở thành người tài giỏi trong lĩnh vực đó. Chỉ cần như vậy, dù sau này bạn đổi sang lĩnh vực khác thì cũng sẽ có kết quả mỹ mãn. Trong số bạn bè của tôi, có người ban đầu học tại trường dạy chế tạo tên lửa, sau đó chuyển sang làm tư vấn viên và đạt được những thành công nhất định. Cũng giống như ông Kenichi Ohmae, một người từng vô cùng nổi tiếng trong lĩnh vực điện nguyên tử, sau đó trở thành một nhà kinh doanh xuất sắc. Ngài Norio Ohga, nguyên giám đốc tập đoàn Sony, vốn xuất thân từ âm nhạc, sau khi được Akio Morita và Masaru Ibuka khuyên rằng “Cậu nên làm kinh doanh”, ông đã đổi hướng đi và trở thành nhà kinh doanh ưu tú trên thế giới. Bạn thấy không, khi một người tìm được niềm đam mê của mình, dốc 100% sức lực cho đam mê ấy, thì luôn có thể đạt được những thành tựu to lớn dù chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Đừng mãi ngồi đó và lăn tăn “Việc này có tốt không?”, mà hãy thử lao vào “lĩnh vực chuyên môn” của mình với nhiệt huyết nóng bỏng nhất có thể. 2. Mình nên làm gì cho xã hội? Người hạnh phúc là người biết trả lời rõ ràng cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Họ cũng là người biết rõ bản thân mình có tài năng gì và biết cách thổi bùng những tài năng đó thành ngọn lửa nhiệt huyết, thắp sáng cuộc đời mình và làm rạng rỡ con đường cống hiến cho mọi người xung quanh. Dù bạn là bác sĩ hay là thợ làm bánh, chỉ cần thành công trên con đường mình đã chọn, có thể cống hiến sức mình cho đời, bạn đều có thể có một cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Vì vậy, ở tuổi 20 này, bạn hãy suy ngẫm và tìm câu trả lời rằng mình muốn làm điều gì cho xã hội này, và điều gì làm mình gắn kết với xã hội này. Nếu bạn đã có câu trả lời rồi, hay tuyệt vời hơn là bạn đang đóng góp sức mình cho xã hội rồi, thì hãy tiếp tục! Cuộc đời bạn chắc chắn sẽ nhận được những phản hồi tích cực. Những năm 20 tuổi của tôi, do có hiểu biết về cấu trúc xã hội và nắm được quy luật dòng chảy của đồng tiền nên tôi đã chọn tài chính kế toán làm sự nghiệp cho mình. Khi đó, thâm tâm tôi cũng hướng đến tương lai có thể góp phần ảnh hưởng đến cộng đồng vào năm mình 30 tuổi. Vậy nên từ những năm 20 tuổi, tôi gắng sức tìm hiểu, học tập, nghiên cứu rất nhiều về sự phân phối của tiền tệ. Tôi cố gắng tích lũy nhiều kinh nghiệm từ việc hiểu rõ dòng chảy của đồng tiền trong nhà hàng, trong các công ty vừa và nhỏ, trong các văn phòng thiết kế, rồi tìm hiểu xem tiền thuế được chi trả ra sao. Chính nhờ như vậy, ngày hôm nay tôi có thể hoàn thành tâm nguyện của mình, góp phần giúp cộng đồng hiểu rõ về “tiền tệ” qua công việc tư vấn và giảng dạy. Và tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc với con đường mình chọn. 3. Hãy tích lũy kiến thức về cấu trúc xã hội Kinh nghiệm cuộc sống dạy tôi một điều rằng: Dù bạn tài năng và nhiệt tình cỡ nào, nếu bạn không có hiểu biết về cấu trúc xã hội thì cũng khó sống tốt được. Một nhân viên văn phòng hay một người tự kinh doanh, hoặc nhà đầu tư khác nhau ở điểm nào? Người nhận được tiền và người không được tiền khác nhau ở chỗ nào? Vận tốt hay xấu thực chất là gì? Bạn cần phải hiểu về cấu trúc xã hội để có câu trả lời cho tất cả, để chọn trở thành người mà bạn muốn trở thành. Hãy hiểu rằng bạn không thể đánh giá bất cứ sự việc hay con người nào chỉ qua vẻ bề ngoài. Có những vị giám đốc bề ngoài trau chuốt hàng hiệu, đi siêu xe mắc tiền, nhưng thực chất tình hình tài chính rất eo hẹp. Và cũng có những vị chỉ đi xe nội địa giá thấp nhưng thực chất là nhà đầu tư tài chính lớn khủng khiếp. Trong xã hội cũng tồn tại rất nhiều loại người: người kiếm tiền theo cách dơ bẩn, người kiếm tiền theo cách trong sạch, người giỏi kiếm tiền, người giỏi tiêu tiền,... Với mỗi người bạn tiếp xúc, bạn cần quan sát xem những họ đang sống như thế nào. Từ đó, hãy chọn cuộc sống mà bạn muốn. Tôi biết điều này nghe có vẻ mơ hồ với tuổi 20 vừa mới chập chững bước vào đời, nhưng bạn hãy tập trung cảm nhận, tôi tin bạn sẽ ít nhiều nhận ra những điều tốt xấu trong xã hội nhiều giá trị lẫn lộn này. Khi có được nhiều kiến thức xã hội, bạn sẽ biết được người như thế nào sẽ có nhiều khả năng trở thành người giàu có, sẽ nhận ra cách thức luân chuyển của dòng tiền trên thế giới và làm cách nào để nhận được dòng tiền đó. Kiến thức xã hội quan trọng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Hãy quyết định xem bạn có nên học về kiến thức xã hội ở độ tuổi 20 này hay không. Chi tiết hướng dẫn sẽ được tôi đề cập ở phần kế tiếp. 11 TÌM NGƯỜI THẦY THÔNG THÁI 1. Người thầy và tầm ảnh hưởng đến cuộc đời bạn Câu hỏi mà ai cũng thắc mắc là “Thế nào là người thầy thông thái?”. Đó là người thầy sẽ dẫn dắt cuộc đời bạn. Theo ngôn ngữ Âu Mỹ, đó là một người nắm rõ kiến thức chuyên môn mà bạn đang theo đuổi. Theo tiếng Nhật, người thầy thông thái có nghĩa tôn kính giống như quan hệ sư phụ – đệ tử ngày xưa. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ta đã xa dần với những mối quan hệ như sư phụ với đệ tử như thời xưa trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như trà đạo, cắm hoa, kịchnghệ, ca múa nhạc truyền thống, đấu vật Sumo. Nhưng để thành công và hạnh phúc, ai cũng cần có ít nhất 1 đến 2 người thầy trong đời để dẫn dắt mình, hướng dẫn trong công việc, chỉ dạy cách sống tốt đẹp. Đó cũng là người sẽ ở cạnh để đưa ra những lời khuyên hữu ích cho ta trong tất cả mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, không quá lời nếu cho rằng cuộc đời bạn phần nào được quyết định bởi khả năng của người thầy đó. Có nhiều người từ bé đến lớn tự bơi giữa vô vàn cơn sóng cuộc đời mà không được một ai hướng dẫn nên cuộc sống không hạnh phúc như mong đợi. Người thầy chính là người hướng dẫn ta cách bơi khi gặp sóng to, là người dẫn đường khi ta đang cheo leo giữa núi, là người soi sáng khi ta mất phương hướng. Họ cũng đã từng ở vào độ tuổi như bạn, từng gặp vấn đề khó khăn như bạn đang gặp, và cũng đã giải quyết được những khó khăn đó. Nếu bạn nhận được lời khuyên từ những người ấy, bạn có thể tránh được hậu quả nặng nề của những vấn đề đang gặp phải. “Người thầy” là người đưa ra những chỉ bảo, giúp đỡ để ta có thể sống tốt hơn. Có những người tài giỏi và biết nắm bắt cơ hội nên thành công rất nhanh trong sự nghiệp nhưng sau đó dễ dàng đi vào ngõ cụt, bế tắc, vì từ đầu không được định hướng tốt. Nếu họ được một người thầy thông thái chỉ bảo, họ sẽ đạt được sự thành công vững bền. Bạn cần phải cố gắng tìm cho mình người thầy thông thái ngay từ bây giờ, bởi vì việc đó hoàn toàn không dễ dàng chút nào đâu. 2. Hãy nhìn những cuộc đời tốt và xấu Bạn đang ở tuổi 20, hãy cố gắng tham khảo ví dụ cuộc đời của thật nhiều người, càng nhiều càng tốt. Đó có thể là cuộc đời của người giàu, người không giàu, người tốt bụng nhiệt tình, người lạnh lùng ích kỷ, kẻ đạp lên người khác để thành công, người sống tách biệt với xã hội,... Hãy nhìn vào những cuộc đời ấy, bạn có cảm nhận gì? Bạn sẽ ngưỡng mộ hình mẫu nào? Bạn ghét cách sống nào? Con đường nào đi ngược lương tâm và quan điểm sống của bạn? Hãy tham khảo tất cả những lối sống và nhìn lại bản thân rồi suy nghĩ xem mình muốn chọn con đường như thế nào. Hầu hết mọi người hay có cảm giác rằng cuộc sống hiện tại của mình sao cứ vô vị, chán chường một cách khó hiểu. Thế nhưng cần phải thay đổi làm sao, cần phải thay đổi thế nào thì không ai hình dung ra được một cách cụ thể. Vì vậy bạn cần phải xem thật nhiều những ví dụ tốt lẫn ví dụ xấu của nhiều người, lúc đó tự nhiên bạn sẽ nhận ra rằng “Mình muốn sống thử cuộc sống giống như thế này”. Từ những năm 20 tuổi tôi đã may mắn gặp rất nhiều người. Tôi có cơ hội ở gần cựu thủ tướng và những nhà kinh tế hàng đầu thế giới. Tôi cứ luôn có cảm giác rằng: “Tuy người này đứng đầu một quốc gia nhưng vẫn không có vẻ hạnh phúc, hình như ông đang chán ngán điều gì đó”. Khi ấy tôi còn là một anh chàng sinh viên 20 tuổi nên những người đối diện cảm thấy rất yên tâm mà bộc lộ nhiều phương diện của họ. Đó là lợi thế của tuổi trẻ. Khi đối diện với những người 30 tuổi, ta sẽ cảm thấy có chút dè chừng, không tự do thể hiện bản thân mà cư xử kín kẽ như những người trưởng thành. Còn đối với tuổi 20 vô tư, trong sáng, người ta sẽ không suy nghĩ quá nhiều mà tự nhiên thể hiện con người mình hơn. Ngày ấy, tôi có gặp một người đàn ông, tuy không nổi tiếng nhưng được mọi người xung quanh hết sức kính nể, ai cũng gọi ông bằng “Ngài” một cách tôn kính. Ông cũng rất được bọn trẻ chúng tôi yêu quý. Ông cũng có nhiều bạn bè thân thiết, lúc nào cũng đùa vui gọi nhau bằng những biệt danh ngộ nghĩnh. Khi đó, tôi đã tự nhủ “Mình muốn trở thành một người được kính nể và quý mến giống “Ngài” khi lớn lên”. Và tôi quyết tâm định hướng bản thân sống thật tốt, giống như ông. Bạn hãy tập hợp thật nhiều cảm giác như vậy, cảm giác muốn được giống một ai đó. Khi càng có nhiều ví dụ cuộc đời, bản thân bạn càng có nhiều lựa chọn để có thể quyết định chính xác sau này mình sẽ trở thành người như thế nào. Càng biết về cuộc đời của nhiều người, bạn càng có tư duy và khả năng nhìn nhận, đánh giá về người khác. Bạn sẽ không bị đánh lừa bởi vỏ bọc địa vị xã hội, tiền bạc, trang phục, thần thái. Riêng đối với tôi, tiêu chí quan trọng nhất để tôi đánh giá một người dựa trên việc người đó được kính nể như thế nào, và người đó tôn trọng những người xung quanh như thế nào. Đó là tiêu chuẩn trọng yếu trong cách nhìn người của tôi. Với cách nhìn như vậy, tôi nhận ra rằng có rất nhiều người gọi là thành công trong xã hội, nhưng thật ra chỉ là “thành công nửa vời”. Khi hiểu được điều đó rồi, bạn nên suy nghĩ xem “Nên sống như thế nào là tốt?”. Với tôi, tôi cho rằng việc tìm được một người thầy vừa hạnh phúc vừa thành công là một bước vô cùng quan trọng để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó. 3. Phương pháp tìm người thầy thông thái Sau khi xem xét rất nhiều ví dụ cuộc đời mà bạn được tiếp xúc, tôi tin rằng bạn đã bước đầu tìm ra phương hướng cho mình. Mỗi người tài giỏi mà bạn ngưỡng mộ có một cách sống khác nhau. Vì vậy, bạn có rất nhiều sự lựa chọn khi tìm cho mình một người thầy thông thái. Hãy tự hỏi bản thân muốn một cuộc sống như thế nào, từ đó muốn chọn ai để học hỏi. Có thầy giỏi sáng tạo sản phẩm, có thầy giỏi buôn bán, có thầy giỏi văn chương,... Điều quan trọng là giữa thầy trò phải có sự gắn bó dài lâu. Hãy để ý thái độ những người xung quanh thầy. Nếu ông ấy kinh doanh ở cửa hàng, bạn hãy xem khách hàng có quý mến ông, nhân viên có kính nể ông không. Sau khi có được sự lựa chọn chính xác, cuộc sống của bạn sẽ gắn liền với ông ấy. Bạn có thể ngưỡng mộ sự thành công và lối sống của nhiều người nổi tiếng. Nhưng khoan hãy nghĩ đến việc chọn họ là người thầy của mình. Vì người nổi tiếng thường rất bận rộn, họ không thể trở thành thầy của một người bình thường như bạn được. Trong số những người thân quen xung quanh bạn, hãy tìm một người sẵn sàng hướng dẫn cho bạn, đưa ra những lời khuyên lý thú và bổ ích, rồi nhận người ấy làm đàn anh hướng dẫn. Dĩ nhiên không phải bạn chỉ đơn giản xách cặp qua nhà người đó rồi nhận thầy và nhờ họ chỉ dạy. Ban đầu, bạn hãy cố gắng kết thân với họ trước, cùng nhau chia sẻ một số sở thích, có một vài buổi trà nước nói chuyện rồi từ từ mới dẫn dắt vào vấn đề. Một điều quan trọng nữa cần lưu ý khi lựa chọn người hướng dẫn cho mình đó là phải chọn người đang sống thật hạnh phúc. Ngày trước, tôi gặp một người rất thành công trong công việc. Tôi cảm thấy ngưỡng mộ ông vô cùng và có ý định nhận ông làm người hướng dẫn cho mình. Khi tôi hỏi: “Bí mật thành công của ông nằm ở đâu?” thì ông trả lời rằng: “Phải tạm gác chuyện gia đình qua một bên mà tập trung hết sức cho công việc”. Tôi rất ngạc nhiên với câu trả lời nên tìm hiểu thêm về ông và qua cô thư ký. Tôi được biết ông và vợ đang sống riêng, thậm chí ông còn hiếm khi gặp mặt con mình. Nhân viên trong công ty thì thay đổi liên tục, ngay cả thư ký cũng mới được vừa được tuyển vào, do đó cũng chưa quen với công việc. Lúc này tôi nhận ra mình không thể nhận một người như vậy làm thầy. Có thể ông là người thành công trong công việc nhưng lại là người bất hạnh trong cuộc sống. Tôi không muốn mình sẽ đi vào con đường ấy. 4. Những người thầy khác nhau tại những đoạn đời khác nhau Tùy thuộc vào từng giai đoạn trưởng thành của bạn, người thầy hướng dẫn cũng sẽ thay đổi. Ví dụ như ông Hideyo Noguchi (nhà vi khuẩn học xuất chúng của thế giới) từng được thầy Kobayshi Sakae dẫn dắt khi còn học tiểu học. Sau này, khi ông trở thành bác sĩ, ông nhận được sự hướng dẫn từ bác sĩ Morinosuke Chiwaki. Và đến khi du học tại Mỹ, ông tiếp tục nhận giáo sư Flexner làm thầy. Với từng giai đoạn cuộc đời, kiến thức chúng ta cần tiếp thu sẽ khác nhau. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dù bạn may mắn được chỉ dạy bởi một giáo viên xuất sắc đến đâu thì bạn cũng phải tốt nghiệp. Sau này khi ra đời, bạn lại cần học hỏi ở nhiều lĩnh vực khác. Vì vậy, việc thay đổi người hướng dẫn là điều tất nhiên cho mỗi giai đoạn trưởng thành của con người, hoàn toàn không có gì bất nghĩa ở đây. Đối với một người thầy, khi cô cậu học trò thân yêu của mình “tốt nghiệp”, từ sâu trong tim họ luôn muốn chúc phúc cho bạn, mong bạn gặp những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, họ vẫn có thể có một cảm giác hụt hẫng khi chia tay, khi bạn tôn người khác làm thầy. Đôi khi họ còn có cảm giác đau lòng hay nổi giận. Và đó là điều bạn không hề mong muốn. Cảm giác đang từ một mối quan hệ thầy trò thân thiết trở nên mâu thuẫn, xích mích thật khổ sở, u tối biết bao. Đó không chỉ là cảm giác của bạn mà thầy bạn cũng đang trong tâm trạng giống như vậy. Đó là điều phải chấp nhận khi ly biệt, khi thay đổi người thầy. Có những người thầy tích cực, và cũng có người thầy tiêu cực. Có người khi biết bạn sắp nhận thầy mới thì sẽ khinh thường bạn ra mặt, hoặc trách móc, hoặc đe dọa. Những lúc như vậy, điều bạn cần làm là cư xử đúng mực, không ồn ào, không oán thán. Hãy giữ sự biết ơn từ sâu trong trái tim, vẫn dành cho thầy sự tôn trọng và ra đi trong im lặng. Có thể sẽ có nhiều lời đàm tiếu đến với bạn. Hãy nhìn nhận đó như là thử thách để giúp bạn trưởng thành hơn. Đó là những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Suy cho cùng, bạn hãy luôn cố gắng giữ mối quan hệ tốt đẹp với người thầy cũ, bởi đó là người đã cho bạn những bài học đầu đời quý báu. Hãy nhớ rằng, người thầy cũng giống như người bạn thân, là người có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời của bạn. 12 TÌM ĐỌC NHỮNG CUỐN SÁCH THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI 1. Cách đọc sách của tuổi 20 sẽ quyết định cuộc đời về sau Chúng ta thường được dạy rằng “Đọc sách nhiều từ khi còn trẻ là rất tốt”. Đối với tôi, có thể nói rằng ba yếu tố đặc biệt đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi là: giao tiếp học hỏi người khác, đọc sách, và xem phim ảnh. Trong ba điều trên, “giao tiếp học hỏi người khác” có hiệu quả thấp nhất, bởi rất ít khi gặp được một người tuyệt vời trong số những người chưa quen biết. Tôi đã thử nói chuyện với rất nhiều người, người nổi tiếng cũng có, người giàu cũng có, nhưng đa phần sau đó tôi đều cảm thấy thất vọng và tự hỏi: “Mình đang giao tiếp với những loại người gì thế này?”. Đa phần tôi không thể nể phục họ, nói chuyện cũng không hợp được. Theo thống kê của cá nhân của tôi, trong số những người nổi tiếng, sau khi gặp mặt thực tế thì hơn phân nửa đã làm tôi cảm thấy thất vọng. So với việc đi bắt chuyện với người này người kia, việc tìm một cuốn sách thích hợp cho mình có vẻ dễ dàng hơn nhiều, cũng ít hao tốn thời gian và tiền bạc hơn. Đọc sách, cho đến tận hôm nay vẫn còn đem đến nhiều ảnh hưởng tốt đẹp cho cuộc đời tôi. Từ kinh nghiệm của mình, tôi mong bạn sớm tìm cho mình những cuốn sách có khả năng thay đổi cuộc đời. Tôi khuyên bạn hãy đặt việc đọc sách lên hàng đầu. Hãy đọc một cách ngấu nghiến và xem đó như là chất dinh dưỡng cho tâm hồn bạn. 2. Đừng viện lý do không có thời gian đọc sách Khi 20 tuổi, tôi hầu như đã đọc tất cả các thể loại sách. Nào là tiểu thuyết giả tưởng, huyền bí, kinh tế, phát triển bản thân, tôn giáo,... kiểu nào tôi cũng đọc. Khi đó có khi tôi bận rộn, có khi rảnh rỗi, nhưng khi đến tuổi 30, 40 tuổi rồi nhìn lại tôi mới thấy tuổi 20 là giai đoạn có nhiều thời gian rảnh rỗi nhất. Sau này chúng ta còn phải chia sẻ thời gian cho con nhỏ, cho vợ chồng, chăm sóc bố mẹ già,... còn ở tuổi 20, các bạn có thể dành thời gian hoàn toàn cho bản thân. Do đó có thể nói các bạn đang ở giai đoạn rảnh rỗi nhất. Có bạn nghĩ rằng mình quá bận bịu để đọc sách, nhưng lại có thể dành nhiều giờ mỗi ngày để lướt web, xem truyền hình, chơi game,... Theo tôi, như thế thật là lãng phí. Bạn hãy xem lại mình nên ưu tiên thời gian cho việc nào. 3. 17 cuốn sách bạn nên đọc ở tuổi 20 Đối với từng người, nhu cầu đọc sách sẽ khác nhau, Vì vậy tôi chỉ nêu ra để các bạn tham khảo những cuốn sách đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của tôi: 1. The Gospel of Wealth (Phúc âm về sự giàu có) – Andrew Carnegie 2. Think and Grow Rich (Nghĩ giàu và làm giàu) – Napoleon Hill 3. The Alchemist (Nhà giả kim) – Paulo Coelho 4. I Had It All the Time: When Self- improvement Gives Way to Ecstasy (Tôi đã có tất cả câu trả lời) – Alan Cohen 5. The Choice (Sự chọn lựa) – Og Mandino 6. The Book of Secrets (Cuốn sách của những điều bí mật) – Robert J. Petro 7. Leadership and Self-Deception: Getting Out of the Box (Lãnh đạo và sự tự lừa dối) – Arbinger Institute 8. Source (Cội nguồn) – Mike Mcmanus 9. The Millionaire Next Door (Người hàng xóm tỉ phú) – Thomas J. Stanley & William D. Danko 10. The Secret (Bí mật) – Rhonda Byrne 11. The Law of Attraction (Luật hấp dẫn) – Esther Hicks & Jerry Hicks 12. Live the Life You Love (Sống cuộc đời bạn muốn) – Barbara Sher 13. Prisoners of Childhood (Những tù nhân của tuổi thơ) – Alice Miller 14. Endlich mehr verdienen (Cuối cùng bạn có muốn thử trở thành người giàu chứ?) – Bodo Schafer 15. The Artist’s Way (Con đường của người nghệ sĩ) – Julia Cameron 16. Love Is Letting Go of Fear (Yêu là vứt bỏ nỗi sợ) – Gerald G. Jampolsky 17. Earl Nightingale’s Greatest Discovery (Khám phá lớn nhất của Earl Nightingale) – Earl Nightingale Nếu liệt kê cho đủ thì sách nhiều vô kể. Cuốn Phúc âm về sự giàu có của Carnegie với lối suy nghĩ rằng cuộc đời mình do chính mình tạo nên, đã giúp tôi giác ngộ ra được nhiều điều. Trước đó tôi cho rằng cuộc sống chỉ là một trò đùa của tạo hóa, bởi tất cả mọi thứ đều đã được định sẵn từ trước. Hóa ra không phải! Sau khi đọc sách, tôi nhận thấy mình có thể làm lại mọi thứ từ con số 0. Quyển sách này đã giúp tôi vượt qua giai đoạn bế tắc trong cuộc đời. Nhờ đọc sách mà tôi có thể hoàn thiện quan điểm và cảm nhận của bản thân. Tôi hy vọng bạn cũng có thể tìm được những cuốn sách hay cho mình, để ngay từ những năm 20 tuổi đã có thể làm chủ cuộc sống. 4. Những gì bạn học được không hề vô ích Khi đọc một cuốn sách hay nghe một câu chuyện, mỗi người lại có những cảm nhận khác nhau. Có người thấy hay, ứng dụng được vào cuộc sống; cũng có người thấy dở và vô ích. Không phải điều gì bạn đọc được đều hữu ích với bạn, nhưng tất cả những điều chúng ta đã từng gặp sẽ hình thành nên cách sống của chúng ta. Nếu ví quyển sách như một chiếc máy radio, thì sóng vô tuyến của mỗi người sẽ hợp với một tần số riêng biệt nhất định, và chỉ thu lại những tần số ấy. Những cuốn sách ở tần số khác sẽ bị bỏ qua vì không đủ sức thu hút. Nếu bạn đọc nhầm sách của “tần số” khác thì cũng không phải là điều xấu. Cho dù không hợp thì nó cũng giúp chúng ta biết được thêm nhiều hiện thực của cuộc sống. Vì vậy, tất cả những điều chúng ta đọc được, cho dù không đúng, cho dù tồi tệ, hoặc nếu may mắn đích thực gặp được sách tốt, thì nó đều là những trải nghiệm sống quý giá. Vì bấy nhiêu trải nghiệm sống ấy chính là cuộc đời, mà cuộc đời thì những thứ “tốt” và “xấu” thường hay lẫn lộn vào nhau. Chúng không được gắn bảng hiệu ghi rõ “đây là điều tốt” hoặc “đây là điều xấu”. Cho nên bạn phải tự khám phá, mà có như thế thì mới thú vị, phải không nào? Đương nhiên ai cũng muốn gặp toàn chuyện tốt. Nhưng hãy cứ trải nghiệm đi – trải nghiệm tốt hay xấu đều có ý nghĩa cả – đặc biệt với những người ở độ tuổi 20 này. Hãy thử tất cả, dù sau này có thể bạn nhận ra rằng điều đó không thật sự cần thiết, thì cũng không có gì phải ân hận. Không chỉ riêng đối với sách, mà đối với công việc và con người cũng vậy. Thay vì bạn cứ ngồi suy nghĩ đắn đo xem nó có tốt cho bản thân hay không, thì hãy cứ đọc cuốn sách đó, làm công việc đó, tiếp xúc với người đó thử đi. Không có gì là vô ích cả. 5. Đừng phán xét đúng hay sai Tôi có thói quen đọc sách từ khi còn rất bé. Cho đến năm 20 tuổi, tôi không nhớ được đã từng đọc qua bao nhiêu cuốn sách. Và cũng không biết từ bao giờ, tôi đã chuyển quan điểm của mình từ một người đọc sách thành quan điểm của một người viết sách. Tuy vậy, khi viết sách, tôi luôn cố gắng hết sức để không bao giờ áp đặt quan điểm phán xét. Trong sách của tôi không phán xét việc gì là đúng, việc nào là sai. Vì sao như vậy? Tôi cho rằng cần phải để phần đó cho độc giả quyết định. Đúng hay sai là do chính mỗi người quyết định, chứ không phải do người khác kết luận thay cho mình. Nói theo cách khác, bản thân sự vật không có đúng hay sai. Cùng là một sự vật, nếu 10 người nhìn ở 10 hướng thì chúng ta có được 10 sự thật khác nhau. Cũng đồng nghĩa là có 10 con đường dẫn đến hạnh phúc cho 10 người, không ai giống ai cả. Tuổi 20 là tuổi thường hay thích chỉ trích người khác. Khi gặp ai đó khác với mình, nhiều bạn trong độ tuổi này hay buông lời phán: “Người này làm thế này là không được rồi!”. Thế nhưng, bạn hãy tập đứng trên quan điểm của đối phương để chậm rãi cảm nhận sự việc, xem thử thế nào. Tương tự như thế, sách cũng cần cái nhìn cởi mở và không cực đoan. Cho dù bạn đọc sách nào, ý nghĩa của sách đều do hai yếu tố kết hợp với nhau mà thành: thứ nhất là nội dung sách viết những gì, thứ hai là bản thân người đọc cảm nhận ra sao. Tùy theo người đọc, mà cuốn sách sẽ gây ấn tượng tốt hay xấu, hoặc là không gây một ấn tượng nào cả. Sách có đi vào ký ức hay không, có làm cho bạn phải thổn thức hay không, còn phụ thuộc vào cách sống của chính bạn, phụ thuộc vào ước mơ mà bạn đang theo đuổi. 13 RÈN LUYỆN NĂNG LỰC TỰ VẤN 1. Khi gặp khó khăn, bạn thường tự vấn điều gì? Đối với tôi, có một năng lực nữa cũng rất quan trọng, đó là năng lực tự vấn. Năng lực đó giữ cho cuộc sống của chúng ta được vững vàng. Dù ít người để ý, nhưng sự thật là chúng ta đang tự chất vấn bản thân mình mỗi ngày. Ví dụ mỗi khi chuyện tình cảm không suôn sẻ, chúng ta lại tự hỏi mình rằng “Tại sao tôi không có người yêu?”. Nghĩa là dù bạn không nói ra nhưng tiềm thức của bạn đã nhận ra được đây là câu hỏi quan trọng cần được giải quyết, từ đó cũng trong vô thức có thể sẽ xuất hiện câu trả lời. Câu trả lời đó có khả năng là “Bởi vì bản thân mình chưa có sức hấp dẫn”, “Bởi vì mình cư xử không khéo”, “Vì mình không có tài năng” chẳng hạn, hoặc ngay cả những nhược điểm khác mà bản thân bạn cũng không để ý đến, đột nhiên lại xuất hiện trong câu trả lời. Những lúc như vậy, chúng ta thường có biểu hiện ra bên ngoài qua tâm trạng buồn rầu, xuống tinh thần, hoặc chán nản. Câu trả lời đó sẽ không rõ ràng, nó chỉ như là một ấn tượng, một cảm giác mơ hồ thoáng qua tâm trí, đôi khi như một lời độc thoại, bạn phải khá nhạy cảm mới nhận ra được. Từ nhỏ, đa phần chúng ta đã từng có những câu hỏi mang tính tiêu cực đối với bản thân. “Tại sao tôi không thể học được gì nên hồn cả?” “Vì sao tôi không có tài cán gì cả?” “Tại sao tôi không thể học giỏi môn thể dục?” “Tại sao tôi không thể phát âm tốt tiếng Anh?” Ngay từ thời điểm tự hỏi những câu đó, thì những cụm từ khẳng định tiêu cực như “bản thân mình không làm được”, “không có tài năng gì cả” đã tự in vào tâm trí bạn, và vô thức bạn tin rằng đây chính là hiện thực. Về lâu dài, vô thức cũng điều khiển bạn hành động như thể bạn là người hoàn toàn không có những khả năng ấy. Khi gặp phải bế tắc, người bình thường sẽ than thở “Làm như vậy không được đâu, tại sao phải cực khổ như vậy chứ?”. Và như vậy thì ý thức của người đó chỉ chăm chú phân tích về lý do của những bế tắc. Người thành công và hạnh phúc thì khác, trong trường hợp như vậy họ chỉ hỏi bản thân về cách giải quyết vấn đề: “Mình học được gì từ những bế tắc này?”, “Mình làm gì để vượt qua những khó khăn?”. Đó là những câu hỏi có thể giúp họ hăng hái hơn trong việc ra những quyết định cụ thể, làm những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề. Người tuyệt vọng thì ít có khả năng đưa ra được những đối sách sáng tạo. Chỉ có người mang trái tim tự do, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng có thể đề xuất được ý tưởng táo bạo. 2. Xây dựng tương lai từ những câu hỏi thường ngày Bạn cần tạo thói quen đặt câu hỏi đúng đắn cho bản thân. Vì sao vậy? Bởi vì những câu hỏi ấy sẽ hình thành “vận mệnh” của bạn. Nếu bạn tự hỏi câu “Tại sao tôi không có khả năng này?” thì vô tình bạn đang chọn cách sống như một người không có năng lực đó, dù cho bản thân bạn vẫn tiềm ẩn một tài năng nào đó. Ngược lại, nếu bạn tự hỏi rằng “Làm thế nào để có thể phát triển được khả năng của mình trong hoàn cảnh này?” đồng nghĩa với việc bạn đang khai mở cho mình một cuộc sống đầy tài năng. Nếu bạn đã hiểu được tầm ảnh hưởng to lớn của những câu hỏi đó, thì hãy thử áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Tôi đã áp dụng từ những năm 20 tuổi và đã thoát ra được giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Hãy đừng chần chờ mà tự hỏi bản thân mình những câu sau: “Cần phải làm gì để thoát ra khỏi hoàn cảnh rối rắm này?” “Nên nhờ ai giúp đỡ thì tốt nhỉ?” “Ta học được điều gì sau những chuyện như vậy?” “Cho đến giờ phút này, mình nên cảm ơn cuộc đời về những điều gì?” Cuộc sống của bạn cho đến thời điểm này có thể không được hoàn toàn thuận lợi. Những lúc rơi vào bế tắc, bạn hãy tự đặt câu hỏi để giúp mình có sức mạnh vượt qua. Một câu hỏi tốt cũng giống như chiếc ghế thoát hiểm của phi công, nó sẽ hỗ trợ bạn an toàn trong những lúc bị rơi tự do. 3. Hãy phân biệt câu hỏi đưa đến hạnh phúc và câu hỏi đưa đến bất hạnh Bạn có để ý không, hầu hết các cuộc trò chuyện trong giao tiếp sẽ xoay quanh hàng loạt câu hỏi và câu trả lời. Nếu muốn kiểm chứng, bạn hãy ghi âm một cuộc trò chuyện bất kỳ rồi nghe thử xem. Bạn sẽ thấy cuộc hội thoại đầy những câu hỏi, từ những câu xã giao như “Hôm qua anh ăn gì thế?” cho đến những câu quan trọng hơn “Tại sao cậu lại không nói với anh ấy về chuyện này?”. Và bạn biết không, tùy theo cách đặt câu hỏi mà chất lượng của cuộc giao tiếp cũng sẽ được đẩy cao """