"
Tựa Lưng Vào Nỗi Nhớ - Dương Hồng Phúc full prc pdf epub azw3 [Tản Văn]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tựa Lưng Vào Nỗi Nhớ - Dương Hồng Phúc full prc pdf epub azw3 [Tản Văn]
Ebooks
Nhóm Zalo
TỰA LƯNG VÀO NỖI NHỚ
---❊ ❖ ❊---
Tác giả: Dương Hồng Phúc
Thể loại: Văn học, Tự truyện
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM Nguồn text: Waka
Đóng gói: @nguyenthanh-cuibap ebook©vctvegroup
Thay Lời Tựa
T
háng Mười hai. Sài Gòn vào mùa lễ hội nhộn nhịp, ồn ã nhất trong năm. Nhưng ở góc nhỏ nào đó, vẫn có những không gian tiệm nước đủ yên để mình cứ thế ngồi lặng lẽ hàng giờ, thả trôi suy nghĩ về phía những ngày xưa cũ.
Tháng Mười hai. Tôi gặp mình ngồi đó, lơ đãng nhìn những bước chân hối hả nối nhau ngoài phố. Mắt như chăm chú nhưng tâm trí tôi dường như không dõi theo họ. Một cách lờ mờ, một vài nhân ảnh, một giọng nói nghe như hờn dỗi, một nụ cười, một cảm xúc đậm sâu hay một thoáng tư lự của năm cũ lần lượt được gợi lại, hiện lên và quẩn quanh trong tâm trí. Sau một năm, ta còn lại gì đâu ngoài những ký ức sống động lẫn đằm sâu? Sau tất cả, ta biết mình có gì ngoài nỗi nhớ về những-điều-đã-từng?
Tôi gặp Phúc và được may mắn đọc trước bản thảo Tựa lưng vào nỗi nhớ trong những ngày như vậy. Phúc không hẳn viết về nỗi nhớ, cũng không giới thiệu về những địa danh mới mẻ trên những chặng đường rong ruổi ở Heidelberg, Hamburg, Cologne, Paris… Mà bắt đầu từ nỗi nhớ trong những ngày lang thang đó, Phúc tự sự về lòng mình, về những khoảng chênh vênh, những rung cảm, trăn trở của tuổi trẻ, rồi sau đó lại tiếp tục miên man trong những nỗi nhớ bỏ lửng.
Đi, để nhớ, rồi về, lại đi. Nỗi nhớ, vừa là cái cớ để bắt đầu, vừa là điều đọng lại sau khi gấp lại cuốn sách này. Rồi những nỗi nhớ đó
sẽ tiếp tục mở ra trong bạn những cảm xúc thi vị hơn nữa. Lần theo từng câu chữ và những chuyến đi của Phúc, tôi như thấy mình đơn độc đi – về giữa những khoảng ký ức thênh thang của chính tôi. Tôi sẽ đọc lại cuốn sách này nhiều lần nữa trong đời. Để biết rằng, dẫu có những ngày tưởng chạm đáy cô đơn, thì nỗi nhớ vẫn luôn ở đó để mình có thể đến bên và tựa vào. Tác giả Nguyễn Minh Đức
1
NGƯỢC BẮC
“Giữa chúng ta là những khoảng không nho nhỏ.”
Thành Phố Ngẫu Nhiên
M
ắt biếc giữ cho mây muôn trùng
Vào một ngày thật êm, người yêu bỗng quay lưng đi bằng một câu nói, một tin nhắn không dấu vội vàng: Mình chỉ là bạn thôi anh nhé. Tình yêu ta chưa đủ lớn để ở gần bên nhau.
Chia tay. Người ta trượt dài trên ý nghĩ chẳng thiết tha chi những sự hanh hao. Sài Gòn. Tháng Ba. Có một người ngồi yên bên góc bàn của một quán café rất nhỏ, nghe giọng trầm Tuấn Ngọc trong lúc ngơ ngác nhìn mây trôi lững thững trên mái nhà của chiếc tổ chim câu. Ừ thì, tôi tập thả những yêu đương về trời vào một ngày như thế.
Sài Gòn đi vào cơn áp thấp, mùi oải hương trong ngôi nhà gỗ không đủ sưởi ấm một góc không gian của những ngõ tường ô vuông đi một vòng rồi cũng trở về nơi xuất phát. Bạn biết đấy, khi mình buồn và một ai đó hát, điều đó cũng có thể khiến trái tim bị tổn thương. Cửa quán hé mở. Một người bước vào, ai đó bước ra. Trong khoảnh khắc mông lung, tôi chợt thấy em đang ngồi phía bên kia cửa sổ.
Là ngẫu nhiên.
*
Thành phố này kỳ lạ lắm, giấu người rất kỹ mà cũng rất sơ sài. Có những năm tháng loay hoay mãi không nhìn được người đã gửi thư tình, nhưng một lúc nào đó, khi bước lại trên những dấu chân của ký ức, thế là ta vô tình tìm ra nhau.
Ngẫu nhiên – Khi hai con người ở hai miền đất khác nhau lại cùng học tại một trường, cùng làm một công việc, và cùng kể cho nhau nghe những ấn tượng đầu tiên về một Sài Gòn rất khác trong tâm tư, suy nghĩ. Tôi yêu Sài Gòn trong từng nhịp ồn ã của phố thị, em lại lắc đầu, chỉ có thể cảm nhận thành phố yên ả về đêm trên ban công nhà trọ trong nỗi nhớ nhà và nhớ bầu trời đầy sao. Tôi chưa bao giờ xa nhà nhiều và lâu, nên có lẽ cho đến giờ vẫn không thể hiểu một thành phố như thế trong em. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi mất đi một nửa Sài Gòn, một nửa của chính mình nay đã chìm vào đâu đó giữa quên và nhớ.
Ngẫu nhiên – Khi trong hàng triệu người của Sài thành và hàng tỉ người trong nhân loại, tôi chỉ nhớ hoài một ánh mắt thật hiền, một chút đanh đá rồi lại chông chênh, một chút ngây ngô khó hiểu bước qua câu chuyện bình thường trong những lần hẹn hò rất muộn. Hôm chia tay ấy, tôi về nhà, nằm suy nghĩ mãi những điều em nói, mang cả vào trong mơ, lại bắt gặp em ở đó. Cuộc tình ngắn ngủi nhưng quá nhiều phức tạp, ưu tư, mệt mỏi cho con tim của tôi và em, những con tim trước nay đều chỉ có những vách ngăn rất mỏng…
Ngẫu nhiên – Khi những vụng về trẻ dại chỉ trong một phút cùng thổi bùng lên ngọn lửa xa xôi. Ngẫu nhiên đôi lúc tôi cảm thấy căm ghét chính bản thân mình, cảm thấy cô đơn khi giọt nước đã tràn ly nhưng không thể nào níu giữ. Sài Gòn đã quá nhiều góc khuất. Tôi
miệt mài giấu bớt bản thân mình trong căn phòng nhỏ, em ẩn nấp trong toa tàu rời xa thành phố. Người trở về với những thói quen riêng.
Rồi tôi và em sẽ tập yêu một ai khác, khẩn cầu rằng vẫn chưa làm điều gì tổn thương họ và chính bản thân chúng ta, trong khi thực tế, những vết nứt đã bắt đầu len lỏi vào tâm hồn. Cứ thế, chúng ta lại vấp ngã, lại làm dày thêm cho bộ sưu tập những câu chuyện tình không hạnh phúc vốn dĩ đã quá ngổn ngang trên thế giới.
Ngẫu nhiên – Khi ta phải đối mặt nhau vào một thời khắc không hẳn-là-thoải-mái thế này. Em trở lại Sài Gòn. Tôi thì quyết tâm rời khỏi. Hai ta vẫn một mình, vẫn cùng một căn phòng nhưng đã ngồi ở những góc riêng. Em cố tìm cho mình một quyển sách mới. Tôi uống cạn ly café, uống cạn cả những xúc cảm lạ lẫm lẫn thân quen khi nhìn em. Tình yêu thì vẫn không tên, không một câu nói hay nụ cười. Sau tất cả, chúng ta chỉ giữ cho mình những khoảng cách riêng, để không thể nào đến gần nhau hơn được nữa…
Ừ thì, em thấy đấy, yêu thương đôi lúc cũng chia ra làm hai ngả. Cuộc sống không bao giờ là logic, và trong thế giới ấy, điều không logic nhất lại chính là tình yêu. Từ đó, ngẫu nhiên vẫn vô tư tồn tại khi người ta yêu nhau, dẫu cho nhân loại đã hay chưa nhận ra. Người ta sẽ lại đi mãi, đi hết những con đường của Sài Gòn, gặp những gương mặt lạ lẫm lẫn thân quen. Để rồi một ai trong số đó sẽ bất chợt bước thẳng vào tim, như cái cách chúng ta ngẫu nhiên gặp nhau, xa nhau rồi lại tình cờ tìm thấy nhau.
Vì yêu, đôi khi vẫn là mơ hồ vậy.
*
Ngẫu nhiên giữa Sài Gòn, tôi lại yêu em.
Yêu em, tôi yêu lấy riêng mình một chút của chênh vênh, một chút khắc khoải của những câu chuyện tình dang dở. Yêu em, tôi dang rộng tay chờ đón những bối rối bất chợt ùa qua mi mắt, qua ngày nắng xanh đương thì thầm vào phố phường sôi động một bản tình ca rất êm.
Tháng Ba, tôi đến châu Âu, tạm biệt Sài Gòn, tạm biệt đôi bàn tay của những đứa con thành phố hãy còn miết dài trên phím đàn nhớ nhung. Giữa quá khứ và tương lai, có ngẫu nhiên nào nối liền những con đường chúng ta đã đi qua với những gì tôi sẽ đi tới? Có ngẫu nhiên nào để tôi lại một lần được gặp em, tay trong tay, môi thật mềm và đáy mắt thật trong, để ta lại nói cho nhau nghe những câu chuyện không kết thúc lẫn bắt đầu, giữ trái tim mình rộng mở đón chờ những yêu đương xưa?
Để giả vờ như chưa một lần gặp gỡ…
1.
Ðôi Giày Lười
Tháng Tư.
Tôi đến nước Đức với hai đôi giày. Một đôi giày “siêng” vẫn thường mang ở quê nhà, và một đôi giày “lười” nằm gọn trong vali ký gửi.
Đôi giày siêng, hẳn nhiên là cũ kỹ và xấu xí hơn một chút, lại còn được “trang điểm” thêm một vài vết bùn giặt mãi không ra. Đôi giày lười còn mới cứng, trắng tinh, người yêu mua tặng trước khi lên đường. Của quý thế nên tôi chẳng dám mang, vừa đặt chân đến phòng trọ đã vội vã mở vali ra, đem đôi giày để vào một góc trên… nóc tủ.
Tất nhiên, tôi vẫn thương đôi giày siêng nhiều lắm. Món quà đầu tiên em tặng tôi, và cũng đã cùng tôi đi qua các nẻo đường Sài Gòn, bước chân lên tầng cao nhất của khu chung cư cũ kỹ chỉ để tìm đến nhau qua những tách café. Đôi giày cùng tôi lang thang ở Đà Lạt, vật vờ giữa sảnh chờ sân bay Istanbul, để gió cuốn đi trong nắng hoàng hôn tại trạm tàu điện Hamm, và đến lúc này vẫn đang bước vội cùng tôi trên con đường lất phất mưa bay giữa phố cổ Soest. Đôi giày mang tất cả những gì thuộc về tôi ngay lúc ấy: nước Đức, Sài Gòn và em.
Tôi là một người sống trên dòng ký ức.
2.
Nước Đức đón tôi bằng một cơn bão nhẹ tênh. Không mịt mùng hay gió cuốn, chỉ đơn giản là mây mù suốt cả ngày và nhiệt độ đôi lúc xuống còn âm 4 độ C. Đang là kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, tôi dành cả tuần đầu tiên ngồi trong phòng của mình, để “làm quen” với múi giờ, đọc sách, nghe nhạc và gọi điện, nhắn tin đến những người thân thiết. Hẳn nhiên trong số đó có em. “Ừ anh đây, anh vẫn ổn!” – Tin nhắn đầu tiên kết thúc đơn giản như thế.
Tôi và em, nhìn nhau qua màn hình vi tính mà vui mừng vô hạn. Tôi háo hức kể về những cảnh vật mới, con người mới. Em nói ngắn gọn tình hình ở nhà, mọi người lo lắng và thở phào nhẹ nhõm ra sao. Những câu chuyện không đầu không đuôi cứ thế tiếp diễn hàng giờ, như em còn ở đó và tôi còn ở đây. “Anh vẫn ổn là tốt rồi” – Em mỉm cười, tôi cũng sẵn sàng chìm vào giấc ngủ êm.
3.
Tuần thứ hai, đôi giày lười bỗng trở nên chật chội. Tôi nhớ lần cuối cùng mang thử, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng chẳng hiểu do tôi phát tướng hay cái lạnh châu Âu làm đôi giày bỗng bất ngờ “thu nhỏ” đi rồi trở nên chật chội. Lần thử lại này, tôi phải cố gắng lắm mới nhét vừa cả bàn chân mình vào trong. Thở dài. Tôi đành đặt lại đôi giày lười vào hộp và cất vào ngăn sâu nhất trong tủ áo.
Bạn biết đấy, bài học đầu tiên khi đến với châu Âu là đi bộ. Nhà nhà đi bộ, người người đi bộ. Những cụ già dắt thú cưng đi dạo hãy còn sải bước nhanh hơn tôi. Những ngày này khi chưa có vé xe buýt, vé tàu sinh viên, tôi chọn cách đi bộ gần mười cây số từ nhà tôi ở một ngôi làng ngoại ô đến trường gần trung tâm thành phố.
Thật lạ, chỉ sau ba ngày thở không ra hơi, tôi chợt đâm ra “nghiện” không khí trong lành và hít thở khí trời lành lạnh khi một mình băng qua những cánh đồng nơi đây. Đôi giày siêng vẫn ổn, vẫn theo tôi trên những chuyến đi chụp ảnh bất chợt hay trên đoạn đường từ nhà đến trường. Đôi lần tôi kiểm tra, ngắm nghía, cũng đã phát hiện những vết mòn, bong tróc dần xuất hiện nơi đế giày. Em bảo tôi dùng đôi giày mới đi. Tôi chỉ cười: “Chẳng sao đâu, còn mang được cả năm nữa!”.
Cơn bão vẫn còn đấy, nhưng mọi thứ bắt đầu vào guồng quay. Tôi đến trường, học xong là chạy đi khắp thành phố làm các thủ tục cần thiết. Đôi lần tôi thấy mình đứng lạc ở trạm xe, nơi những bạn đến trước đã có vé đi xe buýt miễn phí lũ lượt bước lên, còn tôi để tiết kiệm 3 euro mà chờ ngớt mưa rồi chầm chậm cuốc bộ về. Những lần chuyện trò xuyên biên giới cũng vì thế mà thưa dần. Đi học, về nhà. Mọi thứ lặp đi lặp lại trong tuần làm cho câu chuyện trở nên nhạt nhẽo. Ai cũng thế, cũng có việc của riêng mình. Tôi hiểu và chấp nhận điều đó.
4.
Tuần thứ ba, đôi giày siêng bắt đầu thủng một lỗ dưới đế giày, trong lúc tôi vội vã chạy đuổi theo chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày. Khi đã yên vị trên xe, tôi mới nhận ra vết rách ấy. Về đến nhà, tôi lại lấy đôi giày lười kia ra để mang thử. Vẫn chật chội như lần trước, lại thêm cái lạnh cuối Đông do đã để trong tủ quá lâu. Một chút hoài niệm khiến tôi quyết định vẫn sẽ mang đôi giày siêng kia cho đến khi nào không còn đi được nữa thì thôi, còn hơn cứ phải
chịu đau với đôi giày lười. Xong đâu đó, tôi an tâm tắt đèn và leo lên giường ngủ.
Vết thủng ngày càng lớn, đế giày mỗi lúc một mòn đi. Có đôi khi tôi cảm nhận được lòng bàn chân mình ma sát trực tiếp xuống mặt đường. Nhưng kỷ niệm thì nào có dễ bỏ rơi. Tôi vẫn cố níu kéo, vẫn mang đôi giày thoi thóp cho đến một buổi chiều, khi vô tình trượt chân trên bậc tam cấp dẫn vào quảng trường thành phố, chiếc vớ rách toạc. Lòng bàn chân mình là những vết trầy xước còn rướm máu đỏ tươi.
Tôi biết lúc này đôi giày siêng đã thật sự chết. Lê chân về nhà, tôi leo ngay lên máy tính, mở màn hình và định nhắn với em một câu đồng tình:
“Đúng là anh nên mua giày mới”. Chưa kịp gõ phím, tôi đã nhìn thấy dòng tin nhắn em gửi lúc ban trưa:
“Em không muốn giấu anh, em đã yêu người khác.” Thời gian như dừng lại.
5.
Đêm ấy, cơn bão bỗng dưng trở mạnh. Gió từng hồi thổi ào ạt trên mái ngói nhà thờ cổ. Tôi lại bắt gặp chính mình lang thang đếm những ngọn đèn vàng trên những nẻo đường thành phố. Đi cùng tôi là đôi giày siêng. Đúng là đôi giày đã thủng lỗ ấy. Tiếng bước chân hòa lẫn trong tiếng gió và tiếng rung xào xạc nơi những hàng cây. Kỳ lạ ở chỗ, lúc ấy tôi không còn cảm thấy gì nữa. Mọi giác quan đều trở nên vô nghĩa. Tôi như người mộng du, cứ đi và đi, thế thôi...
Thứ duy nhất hiện diện trong tâm trí tôi vào buổi tối lang thang vô định ấy chỉ là những câu hỏi. Ừ thì, ai có thể ngờ hơn năm trăm ngày bên cạnh cũng chẳng thể nào bằng vài tuần cách xa. Nếu biết chia xa là không thể hàn gắn, cớ gì lại chọn nỗi đau cũ để khi vượt qua sẽ lại đặt chân vào nỗi đau mới toanh? Nếu biết đếm những ngày thương nhau là hữu hạn, cớ gì huyễn hoặc tình yêu này là mãi mãi trong nhau?
Và, nếu có thể biết mãi mãi là bao lâu…
6.
Cơn bão tan đi ngay sớm hôm sau. Buổi sáng hôm ấy, những tia nắng trời Âu tràn qua song cửa sổ, soi sáng cả căn phòng nhỏ của tôi. Trong cái chớp mắt đầu tiên sau khi thức giấc, những gì đã qua bỗng hiện lên như một cuốn phim được tua nhanh cấp kỳ nhưng vẫn muôn phần sắc nét. Có cái ôm thật chặt bên bờ hồ Đà Lạt. Có thương, có nhớ, có khóc và cười. Có em lặng lẽ đứng một mình dõi theo khi tôi bước vào cửa sân bay. Có đôi ánh mắt lướt qua nhau, cất giấu ngàn vạn điều chưa kịp nói.
Rồi thanh âm ngày mới đã bắt đầu xao động. Vệt máu dưới bàn chân đã khô đi tự lúc nào. Những đôi giày vẫn ở đó, lặng lẽ nhìn tôi, xa xăm và bất khả thấu tri, như một vết nhăn mờ trên trán của một mảnh nhân loại tuổi 23. Tôi đứng dậy, đặt đôi giày siêng vào gầm tủ, rồi thật chậm, xỏ chân vào đôi giày lười chật hẹp, đến bên bàn viết và gõ cho em:
“Ừ thôi, mình chia tay.”
7.
Vào khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra một điều đơn giản: Giữa những nỗi đau không có khái niệm mới hay cũ.
Chỉ có những ngày lạc lõng nhất thế gian…
Chia Tay Bình Yên
E
m này, cô bạn thân anh hôm nay vừa mới chia tay. Bạn anh là một cô gái nông nổi và giản đơn. Chỉ với một vài dòng trạng thái, bạn đã có thể hét lên cho mọi người biết mình đã chia tay theo cách mạnh mẽ và trực tiếp nhất.
Cuộc chia tay ấy, là kết quả của một mối tình nửa năm với một anh họa sĩ. Từng một thời gian anh thấy phiền phức vì mỗi lần mở máy tính là lại thấy được một bức tranh đại diện mới của bạn, đi kèm chú thích ngắn gọn: “from him”. Từng một thời gian anh ngán ngẩm đi café với bạn, vì câu chuyện sẽ không có gì ngoài khoe khoang những bức ảnh mới và chuyện hai người hạnh phúc bên nhau thế nào.
Từng một thời gian anh chán nản với bản thân, vì chấp nhận rằng mình không biết vẽ và sẽ không bao giờ có đủ năng khiếu để vẽ. Cuộc chia tay ấy, để lại cho bạn không ít bất ngờ và rất nhiều dấu chấm hỏi. Trong một ngày đẹp trời, chàng họa sĩ tải lên mạng một bức chân dung của người con gái khác, dĩ nhiên không giống bạn ở bất kỳ đặc điểm nào. Bạn sững sờ, chưa kịp ghen tuông thì đã nhận được tin nhắn đơn giản từ anh ta: “Chia tay em nhé”. Bạn quay cuồng trong những câu hỏi. Anh họa sĩ vẫn mải mê với những bức
tranh mới, chẳng thèm thương hại chìa ra lấy một câu trả lời. Bạn, ngay buổi chiều hôm đó, đáp máy bay đến Thái Lan, tươi cười chụp ảnh chợ đêm, đăng lên Facebook một bức ảnh chiếc áo mới mua, rồi nằm khóc như mưa một mình trong khách sạn.
Cuộc chia tay ấy khiến trang cá nhân của bạn có vẻ sôi động hơn hẳn. Tràn ngập là hình tập gym, ca hát, tiệc tùng. Bạn muốn cho cả thế giới biết là mình vẫn ổn. Rồi chàng họa sĩ, không hiểu vì sao lại có vẻ không vừa mắt, bắt đầu bình luận những câu đầy ngụ ý, đôi khi lại khá khó nghe. Bạn nổi giận, gọi thẳng anh ta là “Đồ đàn bà”. Vài trăm lượt “like” cho bạn và vài mươi nhận xét kèm theo. Hội chị em phụ nữ thì ủng hộ công khai, còn hắn thì biến mất khỏi danh sách bạn bè chỉ một đêm sau đó.
Cuộc chia tay ấy, như cách em vẫn thường nói, là “ồn ào và huyên náo quá mức cần thiết”.
Không như cuộc chia tay của chúng ta.
*
Soest. Quán vắng. Trời lạnh. Đường phố không người. Anh và bạn ngồi ở góc tường bên trái, nơi có bản sao bức tranh Mùa thu vàng của Levitan trong ánh nến nhập nhoạng buổi đêm. Bản hòa tấu piano đã đi đến những nốt cuối cùng, rồi bạn khóc. Chính lúc ấy, anh bắt đầu nhớ về cuộc chia tay của chúng ta.
Anh và em, giữ nhau hơn một năm, và buông nhau chỉ trong một tháng. Anh tạm biệt Sài Gòn, còn em thì ở lại. Hai tuần sau, em gửi một tin nhắn, anh gật đầu. Em xin lỗi, anh gượng cười. Thế là chúng ta chia tay nhau. Hai ngày sau, trên Facebook của em xuất hiện một chàng trai mới.
Em, kính trên mắt và ba lô trên vai, vẫn là cô sinh viên thông minh, lém lỉnh, thi thoảng đăng lên những bức ảnh cười tươi rạng rỡ, đôi lúc có thêm sự hiện diện của “một ai đó” mới toanh. Em vẫn
giữ thói quen lên mạng khoảng một giờ trước khi đi ngủ và mở Instagram ngay sau khi thức dậy. Em vẫn chưa có bằng lái xe máy, vẫn say café và say xe buýt, và vẫn ngồi sau lưng một ai đó để đi khắp các nẻo đường của Sài Gòn. Chỉ khác rằng người đó không phải là anh.
Anh, trở lại với những buổi đêm chỉ có một mình, quen dần với việc về đến nhà, mở máy tính và nhận ra bạn bè, người thân đã ngủ từ lúc nào. Có những ngày một mình giữa châu Âu, anh chẳng nói được câu nào bằng tiếng Việt. Rồi anh bắt đầu đến trường, tập nghĩ ra và bảo vệ ý tưởng của mình. Mùa này trời đã vào Xuân. Những ngày cuối tuần, anh xách ba lô đi men tuyến xe buýt vào thành phố, qua những cánh đồng hoa vàng và cỏ xanh, qua vườn bồ công anh chỉ đợi chờ một cơn gió thổi lên là những cánh hoa tung bay trắng xóa.
Em và anh, thi thoảng vẫn gõ cho nhau vài dòng chào hỏi, lan man về những điều vụn vặt (có đôi lần em bảo rằng người yêu em không thích thế). Em nói chuyện vượt qua kỳ thi tốt thế nào. Anh khoe đôi giày mới mua ra sao. Những câu chữ chẳng chút hờn giận, ngụ ý hay mỉa mai. Những bức ảnh anh chụp, đôi lúc vẫn nhận được một “like” muộn từ em. Anh tự cười với mình, ừ thì có vẫn còn hơn không, em nhỉ?
Một cuộc chia tay bình yên. Đó là lý do anh ngồi đây với cô bạn, chuẩn bị sẵn tâm thế dỗ dành và sẻ chia, như một người chiến thắng đến trao cái ôm an ủi nhẹ nhàng cho kẻ không may thất thế trong cuộc thi xem ai chia tay êm đẹp nhất.
Nhưng anh lầm.
*
Lần đầu tiên trong một buổi café, anh không biết làm gì ngoài việc chỉ ngồi đấy và chìa khăn giấy, đưa vai ra cho bạn khóc ngất tựa vào. Anh rất muốn nói gì đó để chia sẻ hoặc động viên, nhưng tất cả chỉ còn sự thinh lặng như chính cuộc chia tay của chúng ta. Lần đầu tiên trong đời anh thèm được nông nổi, được phá tung mạng xã hội, được nhắn tin những lời châm biếm mỉa mai nhất, bình luận những câu sáo rỗng nhất, tàn nhẫn nhất vào bức ảnh gần đây em đang tay trong tay cùng người mới kia.
Lần đầu tiên trong đời anh ước mình được làm kẻ xấu trong câu chuyện tình không lành lặn ấy...
Khoảnh khắc ảo tưởng ấy rồi cũng biến mất. Thực tại còn lại vẫn là anh, ngồi yên bên ly café nhạt nhẽo nguội lạnh tự bao giờ. Em vẫn đẹp quá đỗi trong anh, và để ghét em, để đập tan vẻ đẹp đó, chẳng khác nào tự dùng tay giày xéo trái tim mình. Trong ánh nến trầm mờ của quán café tuyệt đẹp nhưng lại luôn vắng người vào buổi tối, lần đầu tiên, anh thấy mình tan vỡ, thù ghét với bản thân biết chừng nào.
Em ạ, giờ đây, lòng anh đang đứng giữa ngổn ngang hiện tại và quá khứ. Anh tin là em bây giờ vẫn ổn, nhưng dấu hiệu của hoang mang đã bắt đầu tìm đến trong anh, trong lúc bạn vẫn vừa khóc vừa nhấn nút xóa dần đi những bức vẽ đã từng là niềm vui, từng là tất cả trong bạn. Ừ thì, anh biết rằng sau cơn vật vã miên man này, bạn sẽ lại bình thường ngay ngày mai, hoặc tuần sau, hoặc tháng sau, đại loại thế. Rồi bạn sẽ lại bước vào một chặng đua mới khi những vết thương đã liền sẹo, mạnh mẽ hơn, kinh nghiệm hơn. Vậy còn anh,
kẻ thắng cuộc vĩ đại của ngày hôm nay? Còn cuộc đua nào cho anh, hay yêu đương trong anh sẽ cứ thế trôi đi, trôi mãi trong thinh lặng? Ngay giây phút này đây, anh bắt đầu đối diện với những câu hỏi của riêng mình, rằng chúng ta đã trao nhau thứ tình cảm gì trong những năm tháng qua?
Và trong một cuộc chia tay bình yên, thì ai sẽ là người phải khóc?
Quên Nhau Dễ Không?
K
hông phải ngày nào trong năm cũng là một ngày để nhớ... Đêm. Mưa như trút nước. Phía Đông giờ đã sang mùa. Tháp chuông nhà thờ Gia Tam vừa điểm đúng mười hai tiếng, em về đến căn phòng mình sau một ngày mệt nhoài với hàng núi công việc vẫn đang trượt dài theo dòng chảy thời gian, nhấc điện thoại lên, tìm trong danh bạ và bắt đầu cuộc gọi.
Ngay lúc ấy, ở phía Tây cách xa hơn nghìn dặm, tôi vừa bước chân ra khỏi giảng đường, đón lấy ánh nắng màu nhạt và mùi hương nồng nàn của một chiều lặng yên mùa Hạ. Tiếng chuông điện thoại trong túi vang lên khi những cành hoa trắng ven đường đã bắt đầu ngân vang những hòa âm điền dã thanh xuân.
“Này người yêu cũ, em thật sự thật sự muốn quên anh. Quên nhau dễ không?”
Em là thế, không bao giờ tiếc tiền điện thoại, và một khi đã nói thì sẽ nói với tôi rất lâu và vô vàn thứ. Những câu nói của em vẫn không đầu không đuôi, hình ảnh vẫn nhạt nhòa, ký ức có phần chắp vá, chỉ duy nhất cảm xúc là dày đặc và cũng là điều dẫn dắt tôi hiểu được câu chuyện đôi phần. Headphone đeo trên tai, có đôi lúc tôi tưởng như em muốn hét lên ở đầu dây bên kia, rằng em muốn lôi tôi
ngay lập tức từ châu Âu xa xôi trở về với Sài Gòn. Để được nhìn thấy nhau. Để cầu cứu. Hoặc chỉ đơn giản là để ngồi đó bên ly café và nghe em nói, thế thôi.
Ừ thì, em của tôi vốn dĩ vẫn là con sóng trào dâng như thế. “Quên nhau dễ lắm”
Quên nhau dễ lắm, em ạ. Có những người sẽ tập quên bằng cách cố gắng nhét thật nhiều thứ vào đầu mình để nó trở nên bận bịu, đặc nghẹt đi, không còn chỗ cho những khoảng không dù là nhỏ nhất. Quá trình này được lặp đi lặp lại cho đến lúc lý trí của em chẳng còn tin vào những hoài niệm, cuối cùng sẽ phải xóa bớt những thứ đã cũ để có thể được lấp đầy bởi những điều mới. Hãy tiếp tục cho đến khi em quên được những gì muốn quên.
Quên nhau dễ lắm. Là tìm đến phần còn lại của thế giới đang chọn đơn giản hơn là cố xóa sạch mọi thứ để lý trí của mình được trở nên trống rỗng hoàn toàn. Rồi từ đó, họ dùng lý lẽ của con tim để bắt đầu thu lấy cho riêng mình những ký ức mới nhất, tinh khôi nhất, với một niềm tin rằng mình sẽ chỉ nhớ về những gì nằm trong hiện tại, không còn chút gợn sóng quá khứ, ngoài sự lãng quên.
Quên nhau dễ lắm. Là khi em làm việc cho đến kiệt sức, về tới chỉ muốn nằm lả ra giường cho một giấc ngủ sâu, rồi tỉnh giấc lại tiếp tục lao vội vào guồng quay khắc nghiệt trong hai mươi bốn giờ sau đó. Tin anh đi, em sẽ chẳng thể nhớ đến một điều gì khi chính mình cũng đã quên đi khái niệm của ngày tháng, của thời gian. Là khi em bắt đầu tạo cho mình một thói quen mới tinh khôi, không bị ràng buộc bởi những quy tắc vô hình đã đặt ra từ trước.
Dậy muộn hơn và ngủ sớm hơn mọi ngày, thay café bằng trà, hay thay bản nhạc chờ em đã cùng tôi lựa chọn hơn một năm qua, như thế.
Những bước chân trên thềm phố cổ mỗi lúc một thưa. Tiếng dương cầm lọt qua khung cửa sổ ven đường, nói với tôi rằng ai đó đàn vội khúc dạo đầu bản nhạc bằng những nốt đơn trong một cuốn phim buồn đã cũ. Tôi nhắm mắt, thở thật sâu, tưởng tượng ra em và căn phòng của em lúc này với những dây đèn vàng treo lấp lánh trong đêm, rồi nhẹ nhàng nói với em trong từng nhịp bước: “Quên nhau dễ lắm. Là khi mình buông tay...”.
“Nhưng mà, anh ơi...”
Phải chăng trước khi có thể đến với niềm quên, chính bản thân em sẽ phải lướt qua những ký ức đó thêm một lần, phải nhìn tận mắt, cầm tận tay, hít thật sâu mùi hương của sự chia ly thêm một lần nữa? Nếu như thế, có khác gì thêm một lần bận lòng nhắc lại, một lần khắc sâu thêm vào vết sẹo đau thương đã hằn sâu trong những ngày qua, và sẽ mất bao nhiêu lần như thế, cho hôm nay và cho mãi về sau?
Nếu chọn cách xóa sạch ký ức, phải chăng em sẽ buộc lòng bỏ đi tất cả quá khứ của mình, trong đó có cả em và người cũng đã, đang như em? Có một điều chắc chắn rằng em không muốn mất đi những kỷ niệm về chúng ta, về gia đình, về những điều quý giá chỉ để đổi lấy việc quên đi anh là kẻ đáng phải quên. Cái giá như thế liệu có đáng không?
Những ngày ngắn không vừa hai mươi bốn tiếng, em vùi đầu vào công việc chỉ là để tồn tại trong cuộc giằng xé giữa nỗi nhớ và niềm quên. Phải chăng em đang đánh đổi nỗi đau thể xác để xoa dịu nỗi đau tinh thần, dùng chính máu của mình để hàn gắn trái tim tan vỡ? Những ngày như thế, em mất đi hiện tại, mất đi cuộc sống và bản ngã. Bước qua năm tháng, cuối cùng em sẽ là ai?
Còn anh, người bước đi phía bên kia quả đất, lẽ nào anh đã bỏ đi bài hát yêu thích nhất, tách café ngon nhất cùng những gì yêu thương và đau thương nhất ở Sài Gòn, để cố sức trở thành một con người mới giữa mây trời châu Âu? Anh gần đây không còn viết, cũng đã ngừng công việc chụp ảnh, bắt lấy những nụ cười của mọi người. Những ngày như thế, anh có còn nhận ra chính anh?
Và phải chăng, sau tất cả, chúng ta sẽ chỉ kết thúc mà không có được sự bắt đầu?
“Ừ, là vậy đó, em ạ”
Những trái tim đau vẫn thường hay dễ đoán. Niềm vui của một kẻ cô đơn chỉ đơn giản là dùng con dao có tên “quá khứ” vẽ nên những vết ngắn dài trong tim. Sâu trong tận cùng của những người muốn quên lại chính là nỗi nhớ. Nhớ thật sâu và thật rõ, để rồi lại đau, lại khóc và lại than van trong lặng lẽ.
Em có cảm thấy như anh không? Giữa hoa và gió tháng Tư nơi xứ người, anh lang thang hơn mười cây số mông lung vô định sau khi nhận được dòng tin nhắn ngắn ngủi và lời cảm ơn cho quá khứ xa vời. Anh thề rằng đã mặc áo ấm, quàng khăn và bỏ hai tay vào túi, nhưng những ngón tay vẫn cứ thế lạnh đến tận xương...
Em có cảm thấy như anh không? Lạc loài và xa xăm. Có nghĩ về lời tạm biệt và hẹn gặp lại giữa trời Âu vẫn còn đang chơi vơi giữa biển đêm dậy sóng? Em có từng nghe những cuộc gọi “đơn chiều”, khi một người vẫn mải mê tìm kiếm những lần đầu tiên trong khi người kia chỉ mải miết mong chờ giây phút nói câu tạm biệt? Những lúc ấy, hơn năm trăm ngày yêu của chúng ta bỗng xuất hiện một cách rõ ràng ngay trong từng khoảnh khắc. Rất gần mà cũng rất xa. Trong khoảng không mênh mông giữa những trái tim yêu, ai trong chúng ta mới là người đáng trách?
*
Kể từ giây phút ấy, cuộc gọi cứ thế trôi đi trong lặng lẽ. Em thương mến, bấy nhiêu đã đủ để chúng ta đánh đổi tất cả và quên hay chưa?
Và quên nhau, thì có dễ không?
K
hông, không, em ơi Rồi sẽ ổn thôi
Em về kẻo đợi
Tôi về trong tôi.
Anh, Hôm Nay
Nước Đức một ngày tháng Năm, trời bỗng dưng đổ mưa ào ạt. Anh bước lên xe buýt, headphone trên tai và ba lô trên vai, quyết định phó mặc tất cả cho người tài xế già trong một ngày mưa uể oải. Dortmund đã vào Hạ, khi mưa vẫn luôn đẹp và buồn. Những ngày như thế này, nhốt mình trong phòng sẽ là một quyết định vô cùng tồi tệ. Ít nhất, anh biết rằng nếu chỉ ở trong phòng anh sẽ ngủ vùi hơn mười hai tiếng trong nỗi nhớ em.
Xe lăn bánh. Nhạc vang lên. Russian Red bắt đầu dạo những nốt guitar đầu tiên: Love me, well I am twenty three…
*
Anh của hôm nay, đã bắt đầu tập cho mình những bước đi vội vã. Ừ thì, ai ở đây cũng thế, không có nhiều thời gian để thảnh thơi. Người ta đi là để đến, rất rõ ràng. Anh để mình bị cuốn vào vòng xoáy bất tận ấy và chẳng còn biết sẽ dừng lại ở đâu. Đơn giản, điều ấy sẽ ngăn anh nghĩ quá nhiều về kỷ niệm, về những ngày ta ngắm thời gian trôi trong những câu chuyện bất tận về nhân tình thế thái, và về nhau. Anh, chơi đùa với những suy nghĩ của mình như mọi lần. Nhưng lần đầu tiên sau chia tay, anh bắt đầu có ý thức nghĩ đến những viễn cảnh tương lai, thôi dâng hiến bản thân mình cho em của quá khứ.
Anh của hôm nay, một giờ đêm giật mình thức giấc rồi tự nhủ với lòng mình: “Ngày mai rồi lại đến”. Gần như một thói quen. Anh bắt đầu tập nghe Jazz Blue, bàn về tôn giáo, tập nấu ăn và tập uống café một mình. Ngày cứ thế trôi qua thầm lặng. Tất cả là nỗ lực để bước ra khỏi những khuôn khổ của trước đây, nỗ lực để bỏ lại phía sau cuộc chia tay rũ rượi vừa qua. Không tiếc nuối hay hờn giận. Không khóc hay cười. Anh chỉ đôi lúc tự giận bản thân khi nhận ra trái tim với lý lẽ rất riêng vẫn còn đang bối rối, vẫn chưa thể nào an nhiên…
Anh của hôm nay, nỗ lực an nhiên tìm về thế giới của riêng anh. Về lại viết những câu chuyện tình, thêm một chút vui sướng, một chút khổ đau cho cuộc đời nhỏ bé. Người ta thường bảo vận mệnh con người thường gắn liền với một điều gì đó, thì những chuyện tình này có lẽ là vận mệnh của anh, muôn đời vẫn thế. Có lẽ ở cái tuổi 23 không xa nhưng vẫn nhớ, anh vẫn chưa thể kết lại câu chuyện của riêng mình một cách trọn vẹn. Chúng ta còn quá trẻ để cứ mãi
tiếc nuối sau mỗi cuộc chia tay, nhưng lúc này có lẽ xin để lại “chúng ta” trong những khoảng không nho nhỏ giữa những con chữ ướt mềm nỗi nhớ nơi trang sách của quá khứ.
Anh của hôm nay, vẫn yêu và nhớ Sài Gòn, mỗi tối lướt vội qua Sài Gòn bằng những bức ảnh trên mạng xã hội, đôi lúc vô nghĩa nhưng lại rất đỗi thân quen. Sài Gòn và em vẫn thấm đẫm trong từng suy nghĩ của anh về những ngày ngẫu nhiên tươi đẹp ấy. Giờ đây, khi đã cách xa hơn mười nghìn cây số, thành phố bỗng chốc trở thành nơi lưu giữ những điều đẹp và buồn nhất trên đời. Không có gương mặt quen thuộc, không còn cái ôm nhiệt thành và hít căng lồng ngực mùi hương của thành phố. Em biết đấy, sau câu chuyện yêu đương của chúng ta trong hơn năm trăm ngày không vội vã, anh biết mình bị bỏ lại trong khoảng lặng vô hình. Lạc lối.
Anh, hôm nay, trong nỗi nhớ nhân loại tha thiết, tập nói chuyện với những người lạ rồi quên, với cả những ai chưa từng một lần gặp mặt. Tình cờ phát hiện một cô bé có đôi mắt âu sầu với những suy tư dài thượt và có phần “sến sẩm”, như cách mà em đã từng nhắc về anh. Mỉm cười. Quá khứ là một lời nguyền kỳ lạ, càng trốn chạy ta lại càng đến gần hơn. Anh tin rằng mình đang trải qua những ngày khó khăn nhất cuộc đời mình, khi hiện tại bị cả quá khứ và tương lai níu lấy…
Khi tất cả dồn bước chân anh đến những cực hạn, hôm nay, trên chuyến xe buýt cuối tuần đi một vòng thành phố, cũng là lúc anh lấy được đầy đủ can đảm để nhìn thẳng vào tim. Ở đó, những vết chai sạn đã bắt đầu thành hình. Bên ngoài trời vẫn mưa và anh vẫn một mình. Trạm dừng cuối cùng đã ngay trước mắt. Giữa đất nước xa lạ
cùng những giọng nói xa lạ, anh chợt nhớ về tách café nguội lạnh nhưng nụ hôn ấm nồng trong quán nhỏ bên đường Hàn Thuyên. Giờ đây, ở nơi đó, có lẽ ai đó vẫn còn đang ngủ say, và tay đã buông tay...
Chỉ còn những dại khờ đầu tiên ở lại.
*
Em ạ, cô gái của quá khứ. Hãy cho anh biết, hôm nay, em đã có đủ dũng cảm để thôi ám ảnh, để viết thêm một câu chuyện tình nữa của riêng mình?
Và viết, vào nỗi đau?
Sau Mùa Thi
1.
Sau mùa thi, là mùa… buông thả
Soest. Tháng Bảy.
Mùa thi kết thúc bằng giây phút chuông đồng hồ reo lên thành tiếng đúng một giờ chiều. Hết thời gian. Bọn sinh viên chúng tôi có đứa đứng dậy nộp bài, có người vẫn cố hý hoáy thêm một vài chữ cho kịp đầy trang giấy. Tôi nhắm mắt, hít một hơi thật căng, tận hưởng từng phút giây sắp xếp lại giấy và bút trên bàn, đi đến chỗ giáo sư, mỉm cười và đặt vào tay ông bài làm của mình. “Vậy là xong học kỳ rồi đấy” – tôi tự nhủ.
Ngoài cửa sổ, cơn mưa rào vừa chợt đến, mang chút hương cỏ dại bay lên giữa bầu không khí khô khan mùa Hạ. Tôi bước đi dưới mưa, buông thả những chữ nghĩa trong đầu lên bầu trời cao vợi. Thả cả những lo lắng và khẩn trương, những ngày ôn thi miệt mài nhìn vào mớ chữ hỗn độn đến mê người. Thả luôn những kỳ vọng vô hình của gia đình và người thân cứ quấn chặt lấy thân mình trong suốt ba tháng vừa qua giữa trời Âu. “Ừ, thế là xong, xong thật”. Giọng nói ấy lặp đi lặp lại trong tôi.
Cơn mưa hãy còn đó. Hôm nay, tôi tự cho phép mình chọn con đường dài nhất về nhà, vòng qua cổng thành Osthofentor, dẫn đến công viên trung tâm với bãi cỏ dài xanh mướt. Ngồi dưới gốc dẻ gai cổ thụ, tôi buông thả lòng mình, nhớ về Sài Gòn những ngày tháng Bảy mây mịt mù, nhớ cả Đà Lạt tháng Mười, cả đất trời như tan ra cùng thành phố. Mưa của hoài niệm in dấu chân ai đó cùng tôi băng qua từng con đường quen thuộc, rơi trên đôi bàn tay ướt mềm vẫn nắm chặt lấy nhau. Mưa, phố và em.
Sau mùa thi ấy, tôi để mình trở lại với những chuyện tình, để lý trí ngủ một giấc thật yên và cảm xúc dẫn đường cho những gì mình viết. Trái tim có lý lẽ của riêng nó, và vẫn thường chơi trò chơi đi ngược lại với logic ta vốn đã quen. Chia tay rồi mà vẫn quay quắt nhớ nhung, đó là một trong những ví dụ điển hình của trò chơi ấy. Rồi còn kỷ niệm. Rồi còn phôi pha. Khi nỗi nhớ bất chợt ùa về, tôi tự cho mình buông thả ngủ một giấc thật sâu trong niệm khúc của những chuyện tình an yên. Em biết đấy, ngày mai chẳng còn một lớp học nào, một bài làm nào, một hạn chót nào để đánh thức tôi vào buổi sáng.
Chỉ còn đó lặng im.
2. Sau mùa thi, là mùa… phim
Những ngày mưa, châu Âu hiu hắt chẳng kém chi những ngày hoang hoải nhất của Sài Gòn. Tôi giữ mình trong phòng, ngẫu nhiên xem lại vài bộ phim cũ mới lẫn lộn vẫn còn lưu trong ổ cứng. Sau mùa thi, là mùa để xem phim.
Căn phòng tôi đang ở, chiếc giường đơn nhỏ xíu nhưng chăn gối lại dày, sẽ rất thoải mái cho mọi cách xem phim lười biếng nhất. Tôi
vẫn chưa quên có đôi lần chúng ta đến Đà Lạt, lần nào cũng chọn khách sạn thân quen, nơi có giường rộng nhưng chăn lại rất hẹp. Em dạy tôi một thói quen kỳ lạ: Đặt nghiêng màn hình laptop, rồi hai đứa cùng nằm nghiêng mà xem phim trong cái lạnh của phố núi mù sương. Tôi ôm em từ phía sau, mùi oải hương từ tóc em thoảng bay nhẹ nhàng, ướp vào đôi môi tôi ngọt lịm…
Lúc này giữa châu Âu, trong bộ sưu tập của tôi vẫn còn đó 500 ngày hè, hay Cô gái năm ấy chúng tôi theo đuổi. Tôi bỗng nhớ lại những lúc em khóc như mưa trên gác vắng của một quán café gần trường đại học năm nào, khi cảnh cuối cùng nhân vật nam chính đang hôn thật sâu… chồng của cô dâu. Em, hôm ấy, ôm chặt lấy tôi, khóc nức nở, khóc mãi không buông. Về đến nhà mà mắt em vẫn đỏ hoe. Em tiếc cho một chuyện tình thật đẹp. Rồi sau đó, tôi dùng môi mình khẽ chạm nhẹ môi em chỉ để em thôi khóc nữa. Là nụ hôn đầu tiên. Đến hôm nay, nụ hôn trong phim thì vẫn cứ diễn ra (và có thể lặp đi lặp lại hàng nghìn lần nếu tôi muốn), nhưng nụ hôn của chúng ta có lẽ bây giờ đã trôi xa biền biệt… Nhân loại vốn dĩ là loài yếu đuối. Tôi thích cái cách Tom Hansen nằm sóng soài trên giường với nỗi thất tình chán chê, tay ném quả bóng tennis bật nảy theo nhịp bass của bài nhạc Vagabond, bài nhạc phim cho đến bây giờ với tôi vẫn là đáng nhớ nhất. Tôi thích cảnh Kha Đằng ngã sóng soài trên đường chạy 100 mét, nhìn về phía mặt trời và tự nhủ: “Tôi sai rồi, sai thật rồi”. Phần đông những phim tôi xem, nam chính đều có ít nhất một vài lần yếu mềm như thế…
Nhưng này em, có gã đàn ông nào mà không yếu đuối, không xé toang lồng ngực mà dâng cả trái tim khi đối diện với người mình thật
sự yêu thương?
3. Sau mùa thi, là mùa… đi
Sau mùa thi, khu trọ tôi ở bắt đầu thưa thớt dần. Bữa tối hôm nay, bạn tôi vỗ vai chào tạm biệt.
Mai hắn trở về Ai Cập, về với Alexandria biển xanh và cát trắng, về với kim tự tháp Cairo cao vợi và những đêm mùa Hạ sao đầy trời. Ba tháng nữa hắn lại sang đây, nhưng chẳng ai biết trước sẽ ở nơi nào. Thôi thì, cứ xem hôm nay là buổi tối cuối cùng để nói lời chào tạm biệt.
Trước đó, tôi đã lần lượt vẫy tay với một cậu Indonesia, một cậu Nhật Bản và một cô nàng tóc vàng người Lithuania. À, tất nhiên, sao có thể quên được cô nàng Việt Nam nhỏ nhắn, bị giục giã về trước kỳ hạn, chẳng kịp chờ tôi đến sân bay Frankfurt để tiễn đưa. Sau mùa thi, là mùa chia tay. Chúng tôi như những cơn gió đến Hè lại bắt đầu hành trình lang thang. Hết tan rồi lại hợp.
Ừ thì, tôi vẫn thế, vẫn ngồi đây, nghe Lê Cát Trọng Lý một mình, nghĩ về câu chuyện tình đã mất cùng những lời hứa hẹn hai người đi khắp thế gian. Không ngủ ở Bangkok. Đón tuyết ở Sapa. Cùng nghe Loving stranger ở Rome và hôn nhau trên đỉnh tháp Eiffel trong một chiều Paris lộng gió. Vậy đấy! Đâu phải lúc nào những gì ta toan tính đều sẽ trở thành hiện thực, dù cho cảm giác mình đã nắm lấy thật chặt trong tay. Tình yêu không bao giờ là hoàn hảo, nên trách sao cho được một ngày người ta bỗng quyết định trở nên tàn nhẫn với mình, dù cho bản thân đã chân thành và tận tụy biết bao. Logic của con tim bất công như thế đó.
Em của tôi.
Tôi viết những dòng này cho em khi đang ngồi trong một quán café nhỏ, bên lề đại lộ Maximilian vào giờ tan tầm. Những dòng người hối hả va đập vào nhau, xuyên qua nhau. Chỉ có ký ức những ngày ta gặp nhau thật chậm trở về trong hoài niệm. Tôi nghiện café, còn em lại yêu trà. Hôm nay, vô thức lại gọi một ly double tea em ưa thích, chỉ để tự an ủi lòng mình rằng em vẫn còn đâu đó trong tôi và vẫn đâu đó cách đây hơn nghìn dặm. Tôi tin rằng, những ai yêu được vị đắng dẫu là của trà hay café đều sẽ yêu rất chân thành và rất sâu. Còn tình yêu, dẫu là ở đâu, đến với ai, thì cũng vẫn là may mắn cho những người dám chìa tay đón lấy.
Đẹp và buồn, chuyện tình của chúng ta ấy. Dẫu biết tim mình sẽ lại hanh hao sau mỗi lần tin tưởng, nhưng đó lại là động lực cho tôi thêm một lần tìm đến những chuyến đi từ trái tim đến trái tim. Quán đã đóng cửa. Khách cũng khoác áo ra về. Em ạ, giữa nhân loại rộng lớn và lựa chọn con đường hành hương của một trong những kẻ lãng mạn cuối cùng, tôi tin rằng mình sẽ lại bước đi, thật an nhiên như thế.
Chỉ là, cần thêm một chút thời gian thôi…
4. Sau mùa thi, là mùa yêu
Và gió ru tình ta
Mây đan gối êm, dịu dàng…
(Lê Cát Trọng Lý)
V
iết cho tuổi 23
Dưới Mây Trời Berlin
Bạn gửi cho tôi một tin nhắn, nhẹ nhàng như mây: “Hôm nay mình học cả ngày, bạn chịu khó lang thang một tí nhé”. Tôi gấp vội quyển sách, khoác thêm một lớp áo, vừa kịp lúc chuyến xe dài hơn sáu tiếng đồng hồ dừng bánh tại bến xe trung tâm. 9 giờ sáng, tôi, Berlin, và những câu chuyện kể.
Chuyện của Berlin
Thành phố đón tôi với vẻ trầm mặc của một ngày cuối Thu sương mờ ảo. Cơn gió ùa qua tóc mai mang hơi lạnh ướp vào da thịt, trôi vào cuống họng để người thở ra những ngụm khói mệt nhoài. Đứng từ nhà ga trung tâm nhìn về phía bên kia quảng trường, tôi thấy mây trời bay lãng đãng trên mặt sông Spree, dòng sông thẫn thờ trôi như một vết cắt thật đẹp, thật mềm, xẻ ngọt thành phố làm hai nửa.
Chị tôi có lần bảo: “Trên thế giới này, mỗi thành phố đều có một màu riêng”. Chuyện của Berlin, là thành phố này nhuốm đầy màu hoài niệm. Phía cuối đường, dưới chân những tòa nhà chọc trời sang trọng mới xây, là những dãy phố sầu não rất cũ. Bên góc phải, một dãy quầy lưu niệm san sát nhau còn lấp đầy cửa kính bằng những quyển sách đỏ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Dưới chân tôi là thảm lá vàng nhàu nhĩ, là những gì còn sót lại của hàng cây chết lặng sau trận mưa giông bão đêm qua. Berlin để lại trong tôi một cảm giác hụt hẫng như đôi tình nhân tan vỡ nheo mắt nhìn nhau nhớ về một thời đã xa, tiếc cho nhau, tiếc cho những tháng ngày phí hoài tuổi trẻ, mải miết giận hờn chia xa để rồi khi gặp lại, giật mình nhận ra thời gian đã muộn màng trôi khỏi tầm tay, trôi đi xa biệt.
Bất giác Berlin khiến tôi nửa nhớ về Hà Nội, nửa day dứt về Sài Gòn (có lẽ đi đâu tôi cũng nhớ Sài Gòn). “Nàng” cũng đỏng đảnh, cũng thất thường thời tiết. Ẩn trong lớp ngoại trang cổ kính và có phần khe khắt là một tâm hồn sâu thẳm, phức tạp như những con đường phố cổ không thấy lối ra. Buổi sáng, phố phường Berlin khoác lên mình chiếc mặt nạ sơ sài như một bức tranh vẽ vội, thoạt nhìn tưởng như rất nhạt, rất ngậm ngùi, nhưng ẩn sâu trong tâm lại là những đợt sóng ngầm chỉ chờ màn đêm kéo đến là được dịp hân hoan hoàn toàn tự do, được dịp trào dâng cho thỏa chí.
Có lẽ vì thế mà Berlin rất được lòng một kẻ ngẫu nhiên như tôi. Trên những nẻo đường lang thang, chúng ta cần gì hơn ngoài sự im lặng đồng điệu trong một phút giây? Ít nhất là hôm ấy, tôi được trở lại với những mảnh ghép của lòng mình, được thả bước chân mình trôi theo những con đường thành phố thật dài, cô đơn nhìn những
gương mặt không quen lướt qua những ô cửa sổ. Kính trên mắt và headphone trên tai, tôi bắt gặp chính mình lẻ loi dưới mây trời thành phố, giữa cái lạnh 7 độ C và giọng Nguyệt Ánh hát Quốc Bảo trong album chill-out từ những năm 2008. Từ đại lộ Ku’damm nhìn về tòa tháp dang dở của nhà thờ Gedächtniskirche, tôi tin rằng Berlin là một thành phố tuyệt vời cho những ai đang chập chững bước qua những đổ nát vụn vỡ, những đền đài bỏ hoang đầu tiên của đời mình, cho cả những người trải qua nhiều nỗi thăng trầm hãy còn lặng lẽ tìm lại xúc cảm thanh xuân đầy ưu tư mà thiêng liêng bối rối ấy...
Chuyện của tôi
Chuyện là, ở Berlin rất khó để tìm một quán café không người, như cái quán nhỏ ở góc đường Hai Bà Trưng tôi thường đến, hay phát nhạc Trịnh, nến thơm lừng mùi oải hương. Chiều cuối tuần, café Berlin đông nghẹt người, hai người pha chế xoay đi xoay lại giữa các loại máy móc, nguyên liệu như những con quay. Tôi nhận Cappuccino trong chiếc cốc giấy, để tiền vào đĩa rồi bước ra bờ sông, nhìn những chuyến tàu trên sông Spree trầm mặc đón những vị khách cuối cùng đi một vòng thành phố.
Đôi lúc tôi nghĩ có thể tóm gọn đời mình chỉ trong một tách café và vài ba trang giấy. Cô đơn là bạn, lưng chừng là bến bờ. Chẳng có gì đặc biệt ngoài những chuyện tình theo gió bay đi. Kỳ lạ thay, ở Sài Gòn, tôi có thể hòa mình vào một-ai-đó trên đường để vui nỗi vui của họ mà tạm quên đi nỗi đau của mình. Nhưng tại đây, Berlin, tôi chỉ thấy mình tôi khi lướt qua những ô cửa kính mờ. Ừ, là tôi. Một tôi đầy lạ lẫm.
Phố phường thì có bao giờ khác, chỉ có con người là đổi thay. Tôi đang hoài niệm cho chính mình về những ngày xưa cũ, như chính đôi kính đã ngả màu trên mắt tôi. Sài Gòn có em. Berlin không em. Những thói quen vô thức khiến tôi nhận ra mình đã yêu Sài Gòn và yêu em như thế nào. Người Sài Gòn này tưởng như vẫn đang bay bổng đâu đó giữa mây trời, thực chất lại cố tình tìm đến lòng mình, chỉ để khắc thêm một vết sẹo vô hình giữa bầu trời và nước mắt.
Có khi cuộc đời tôi chỉ là cảm xúc, hoặc đơn giản chỉ là những nghĩ suy. Giữa muôn trùng vật đổi sao dời, tôi bước ra thế giới nhỏ, bước vào thế giới lớn, đứng giữa muôn vạn người tại thủ đô của nước Đức. Tôi nhìn về tuổi 23 của hiện tại, 24 của tương lai và hơn cả thế nữa, sao thấy mình vẫn cứ một mình…
Không còn những bức thư tình của tuổi 20, những bài tình ca hát đi hát lại của tuổi 21. Tôi, hôm ấy, ngồi trên bậc tam cấp của Berliner Dom đếm lại những di sản của tuổi 22. Trên vai tôi là chiếc túi rỗng.
Chẳng có gì ngoài tự do, tuổi trẻ và chút niềm tin vào câu viết của Dostoyevsky: “Rồi tình yêu làm bạn với loài người cho đến ngày tận thế”.
Café đã nguội. Mưa của trời, thì cũng đã rơi.
Và yêu đương kia đã từ lâu nhuốm màu cô độc…
Chuyện của chúng ta
Dear Alice,
Chuyện là ngày cuối cùng ở Berlin, tôi có một giấc mơ kỳ lạ. Đêm trước, tôi và bạn say khướt, lảo đảo trở về căn hộ tầng 10. Khi say, tôi chỉ muốn ngủ và ngủ một giấc thật sâu, không mộng mị.
Ngay khi mở mắt, ngẫu nhiên điều đầu tiên tôi thấy lại là em. Ừ, đúng vậy đấy. Em đang ở đây, giữa trời Âu, ngay tại Berlin, tại chính căn hộ tầng 10 này trong một ngày nắng đẹp rạng ngời. Em ngồi ngay cạnh tôi, cười thật nhẹ. Còn tôi, cứ thế ngẩn ngơ nhìn, hút thật sâu vào đôi mắt. Cả nhân loại cũng đang thinh lặng để ngắm nhìn đôi mắt em.
Có cảm giác như rất lâu sau đó, như một hòn sỏi phá tan mặt hồ yên ắng, em bắt đầu cử động. Tiến đến. Áp má vào má tôi. Đặt môi vào môi tôi.
Rồi tôi giật mình tỉnh giấc.
Bảy giờ sáng. Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo inh ỏi. Cổ họng ho khan không thành tiếng, khô cháy sau cơn chếnh choáng của đêm qua. Bạn thì vẫn nằm đó, ngủ say.
Trong chính khoảnh khắc ấy, tôi bỗng dưng nghĩ đến những cơn gió đang bay về phía mặt trời. Buổi sáng hôm đó, mây trời Berlin nhuộm một màu nắng trong. Tôi nốc cạn ly nước, siết lại chiếc khăn choàng, vẫy tay chào tạm biệt Berlin, tạm biệt bạn tôi để trở về thành phố tạm bợ của mình. À, nói đúng hơn là thành phố nơi mình vẫn sống một mình.
Lúc ấy, ở giường bên, bạn của tôi vẫn còn đang say ngủ. Lúc ấy, hơn mười nghìn dặm về phía Đông, có lẽ em cũng đã yên lành giấc mơ trưa.
Nhưng câu chuyện của chúng ta, câu chuyện về nỗi dại khờ và lòng kiêu hãnh, câu chuyện tưởng như đã chìm khuất trong những
tách café nhỏ bé suy tư, câu chuyện có khúc ngoặt điên rồ và không chắc sẽ có kết cục tốt đẹp kia, có lẽ hãy còn đang dang dở. Hãy còn chờ em, viết hộ lòng tôi…
Chúng Ta Có Hẹn Ở Paris
C
hẳng ai gọi Paris là “chàng”. Tôi từng đọc hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài viết về kinh đô ánh sáng của nước Pháp, tất cả đều chọn cho mình một người phụ nữ để nói về Paris. Là cô tiểu thư trong sáng và lộng lẫy, là nàng thơ ngây ngất và diễm lệ, thậm chí là nàng vũ công burlesque đầy nhục cảm và đam mê. Tất cả đều là phụ nữ. Thế nên những gì viết về Paris cũng là những gì nhân loại thường viết về phụ nữ: vẻ đẹp và tình yêu.
Tôi ở miền Bắc nước Đức, cách Paris sáu tiếng tàu chạy về hướng Nam. Em ở Sài Gòn, cách châu Âu hơn nghìn dặm chim bay. Những ngày yêu nhau, tôi và em có hẹn gặp nhau dưới mây trời Paris vào mùa Giáng sinh năm ấy. Bỏ ngoài tai những lời cảnh báo ví tiền có thể không cánh mà bay khi chen chân ở Bảo tàng Louvre, bỏ qua cả những ánh mắt dè dặt khi nói về sự bất ổn của quận 13 với rất nhiều người nhập cư, tôi và em, tự nhắn nhủ lòng mình và nhắn với nhau lời hẹn bằng niềm tin của những đứa trẻ không màng về thế sự, nghĩ đến thành phố cũng chỉ bằng vẻ đẹp và cả tình yêu.
Chúng ta chia tay nhau khi cuộc hẹn ấy còn chưa kịp bắt đầu. Còn Paris, sau đêm thứ Sáu tuần rồi(1), người ta (trong đó cũng có tôi) đang nhắc đến thành phố trong một cảm thức hoàn toàn khác
biệt: cảm thức của sự vỡ tan. Cuộc tấn công vào thứ Sáu tháng Mười một hôm ấy (cũng là sinh nhật tôi) sẽ được ghi vào lịch sử như là một trong những ngày mùa Đông đáng quên nhất của kinh đô ánh sáng...
(1) Ngày 13/11/2017.
Những ngày sau tiếng nổ, khắp các nẻo đường Paris trở nên thưa thớt và im ắng đến vô chừng. Đại lộ Champs-Élysées vốn luôn tráng lệ và sầm uất, nay chỉ như vệt nước mắt lăn dài trên đôi má của trời đêm. Quán vắng, mưa bụi, phố không người. Một mùi u uất rất nhẹ lan tỏa khắp thành phố trên những ngọn đèn vàng. Tháp Eiffel, nàng “vedette” của thành phố, cũng cô đơn ngẩn ngơ nhìn Paris không buổi diễn, không đèn nháy, không còn cả tiếng phong cầm mềm vang vọng dưới bậc tam cấp Notre Dame. Paris lúc này thu mình trong chiếc vỏ chai, nguyện cầu sự bình yên, lặng lẽ chờ thời gian nối liền những vết thương đang rỉ máu.
*
Với tôi, Paris đã không còn vẹn nguyên kể từ khi chuyện tình chúng ta kết thúc. Em vẫn ở Sài Gòn. Tôi vẫn đang ở Đức. Paris thì vẫn là thủ đô nước Pháp, vẫn là nơi khởi đầu và kết thúc của những bức thư tình. Khi không còn là của nhau, khoảng cách của không gian lẫn thời gian bỗng trở nên quá dài. Những bức thư bất chợt hóa ra vô nghĩa và mông lung. Kinh đô ánh sáng trong tôi chẳng còn gì khác ngoài biểu trưng cho một giấc mơ dang dở.
Bằng tất cả sự thành thật, tôi chấp nhận rằng Paris và mình nhất thời không thuộc về nhau. Dù vậy, cho đến bây giờ, tôi vẫn rất yêu cái cách người Paris gọi nhau và gọi bản thân mình là Parisian như một lời tỏ tình lãng mạn dành cho thành phố. Thẳng thắn, say mê và rất mực tự hào, sự nhạy cảm của Parisian khiến tôi nhớ về những câu chuyện tình bi kịch kiểu Pháp rất tuyệt vọng nhưng vẫn tràn đầy lòng kiêu hãnh.
Tiếc thay, những ngày này, cùng với sự im lặng của thành phố, niềm tin đó cũng đang ít nhiều bị lung lay, một chút nào đó cũng nghe chừng như rạn nứt.
Anh bạn đồng nghiệp người Pháp xuất hiện trong buổi sáng thứ Hai đầu tuần với vẻ mặt có đủ các cảm xúc chán chường, mệt mỏi và lo âu. Tin tức lan nhanh, ngay thứ Bảy anh đã đặt vé tàu về Paris nơi bố mẹ anh đang sống, nhưng lệnh khóa cửa biên giới khiến anh phải ở lại nước Đức. Anh bảo với tôi hai người vẫn bình an, nhưng cảm giác lo lắng và bất an thì vẫn không thể nào xóa bỏ.
Cô bạn thân thuở nhỏ bốn năm qua du học tại Paris, nức nở với tôi trên điện thoại đường dài, kể về giây phút tim như rơi ra khỏi lồng ngực khi nghe tiếng nổ cách nhà cô chỉ khoảng vài cây số, tiếng la hét vội vã, tiếng xe cảnh sát và cứu thương ồn ã ngược xuôi trên đường suốt cả đêm. Cô kể về việc nỗi sợ đã hạ gục cả cơn đói trong cả ngày hôm sau, giữ chân cô không dám bước ra khỏi phòng mình dù chỉ để mua thức ăn. Hàng quán lẫn siêu thị đều nhất loạt đóng cửa im lìm. Cô kể về việc cảm thấy mình may mắn như thế nào khi vẫn còn thấy mặt trời lên, vẫn còn có thể trả lời hàng chục tin nhắn hỏi thăm, có thể gọi về Việt Nam chỉ để nói là “Con vẫn ổn”.
Không còn nụ cười lịch sự và thân thiện của người Pháp mà những quyển sách du lịch thường nhắc đến. Parisian, theo lời kể của bạn tôi, đang dè chừng và rất mực hoài nghi. Người ta đi vội hơn, ăn nhanh hơn, ngại mở lời và cố lảng tránh những ánh mắt không quen biết. Con người luôn có xu hướng giấu mình trong chiếc vỏ ốc khi cảm nhận được sự hiểm nguy. Người Paris cũng thế, hiểu rằng những tháng ngày bình yên ấm áp đã thật sự qua đi.
*
“Nhưng chắc là mình vẫn sẽ ở lại đây, bạn ạ!” “Tại sao?” “Vì mình vẫn còn yêu nơi này.”
Cô bạn, giọng còn run nhưng nghe chừng rất cương quyết, kết thúc câu chuyện khi tôi (và rất nhiều người khác) đã gợi ý việc trở về hoặc chuyển sang một thành phố khác sau khi học xong. Tương tự câu trả lời của anh bạn đồng nghiệp tôi: “Tôi nghĩ chắc bố mẹ sẽ không muốn chuyển đi đâu, vì họ thật sự thuộc về Paris, dù cho thế nào đi nữa”.
Tôi đặt điện thoại xuống bàn, bất giác nghĩ về những lựa chọn của con người khi đứng trước cơn dông bão. Có người bình tĩnh, có người nóng nảy, có người chỉ muốn quên tất cả đi. Những ngày này, trên mạng xã hội, hàng triệu người ồ ạt đổi ảnh đại diện với nền là ba màu quốc kỳ Pháp. Trên khắp thế giới, những địa điểm du lịch, những công trình nổi tiếng cũng đồng loạt rọi đèn ba màu xanh – trắng – đỏ để thông cảm, sẻ chia. Trong lúc ấy, những người Paris mà tôi quen, chọn cách yên lặng và tiếp tục bước đi. Không ồn ã hay phô trương, họ tự do trầm mặc với vết thương của thành phố, cố nâng niu chút niềm tin còn nguyên vẹn vào con người, vào một Paris lãng mạn của Rimbaud, Baudelaire hay Verlaine, một Paris vẫn rất đẹp và rất đáng để yêu, để gào lên “loài người yêu đi để mai tiếc đã không yêu cho thật lâu” như chúng ta vẫn luôn tìm đến.
Có thể là vô tình hay huyễn hoặc, nhưng tôi vẫn tin rằng sự im lặng ấy là cách tốt nhất để những ai đã và đang đi qua vụn vỡ hàn gắn vết thương của lòng mình, và cả những vết thương trong nhau.
*
Này em...
Rồi một ngày chúng ta sẽ phải đối diện với việc những êm đềm giả tạo trong cuộc đời mình bỗng dưng biến mất, nhường chỗ cho những khúc quanh trắc trở, nỗi sợ và cả tuyệt vọng trong nỗi cô đơn.
Một ngày, chúng ta nhận ra mình không thể mãi là những đứa trẻ chẳng cần quan tâm chi ngoài câu chuyện của chính ta. Một ngày, chúng ta phải đối mặt với những va vấp của cuộc đời, với sự đối lập giữa thực tế và niềm tin, thậm chí là thách thức đến những điều tưởng như chân lý nhất như nhân loại, như tình yêu chẳng hạn.
Đó cũng là lúc chúng ta phải lựa chọn, hoặc dừng lại và chấp nhận đổ vỡ, hoặc gom góp những mảnh vụn và tiếp tục bước đi. Biên giới đến giờ vẫn đang đóng cửa. Nhà xe gửi thư thông báo vé có thể bị hủy cũng như hướng dẫn các thủ tục hoàn tiền. Bên tách café uống dở, tiếng chuông điện thoại bất chợt vang lên. Từ hơn mười nghìn dặm, em gửi cho tôi một tin nhỏ: “Anh vẫn muốn đi Paris à?”.
Chắc chắn rồi em ạ. Cô nàng Paris sau cơn chếnh choáng điên cuồng rồi sẽ trở lại với vẻ lộng lẫy vốn có. Nhân loại sau muộn phiền tan vỡ sẽ lại yêu như chưa từng yêu. Tôi thì vẫn đang gom góp chiếc ba lô của những niềm riêng, cùng với một trái tim cần để lấp đầy. Thế nên, tôi tin rằng chúng ta vẫn có hẹn ở Paris, với nhau, hoặc với một ai đó trong cuộc đời này…
… vỗ về nhau qua những thương đau.
Cologne Là Hương Là Gió Tháng Ba
T
ôi thích đến Cologne những khi trời trở gió, chẳng cần quan tâm là sáng hay chiều. Miễn là có gió, Cologne luôn mềm mại nằm bên dòng sông Rhein như một bức tranh lụa là, phiêu bồng theo từng bước lãng du. Tháng Ba, mùa Đông nước Đức hãy còn đang vương vấn trong sự thiếu vắng hơi ấm con người và trong từng hạt tuyết đánh rơi. Trên chuyến tàu cuối cùng chạy dọc theo vùng Ruhr, tôi gấp lại quyển sách, nhìn quanh một lượt, nhận ra mình chỉ có một mình trên toa tàu rộng thênh thang. Một năm qua rồi đấy, cô đơn và nỗi nhớ rất dài đã trở thành thông lệ cho những chuyến đi xa. Cứ thế, tiếng tàu đêm lặng lẽ trôi êm vào giấc mơ tôi cho đến khi trời sáng.
Cologne đánh thức tôi trong tiếng leng keng mảnh khảnh của những ổ khóa tình trên lan can cầu Hohenzollernbrücke dẫn vào thành phố. Chiếc cầu sắt có lẽ là đã cũ, rung lên theo từng nhịp tàu tìm đến Cologne như nói hộ tâm tình của những người chờ yêu sẽ không bao giờ thôi rung động khi tìm được chút manh mối của đời mình. Nhà ga lớn được đặt ngay cạnh bên Thánh đường Cologne Dom, trái tim của cả thành phố vẫn đứng vững hơn một thế kỷ qua. Chiếc cầu, nhà ga và nhà thờ. Với ba thứ ấy, dù là những ngày tàu đi vội vã, người ta vẫn có thể rơi vào lưới tình của thành phố này chỉ
trong ánh mắt đầu tiên. Tôi vốn vẫn luôn tin rằng Cologne mang tất cả những gì thuộc về con người và tình yêu của nước Đức cũng như cả châu Âu, trực tiếp, giản đơn và thành thật với bản ngã.
Người ta thường nhớ đến Cologne bằng những điều cũ kỹ, bằng thơ tình của Heine cho buổi sáng và tiểu thuyết của Heinrich Böll cho buổi tối. Bằng những mê đắm dành cho tia nắng hoàng hôn cuối cùng buông mình trên sông Rhein, va vấp đâu đó vào những góc cong vênh trên đỉnh Bảo tàng Peter Ludwig để rồi tự do trượt ngã vào lòng người, thành những chiếc bóng lặng lẽ ngồi trên bậc tam cấp dẫn vào tòa thị chính. Bằng cả tiếng thời gian gõ nhịp trên mặt đồng hồ quán bar Alt-Köln và những cốc bia 7,9 độ cồn chẳng bao giờ lỗi mốt. Ai đến với Cologne cũng sẽ tự khắc đi tìm những điều cũ kỹ. Như tôi, hôm nay thả bước trên những đại lộ hun hút dài trong bức tranh phố thị vắng người, vẫn giữ trên tay những dòng viết vội cho ngọt ngào lẫn chua chát trong quá khứ: Vào một ngày thật êm, người yêu sẽ quay lưng đi bằng một câu nói, một tin nhắn không dấu vội vàng: “Mình chỉ là bạn thôi anh nhé. Tình yêu ta chưa đủ lớn để đến gần bên nhau…”.
Nhưng thôi, hãy trở lại với cơn gió tháng Ba, cơn gió của sự tình cờ đưa tôi sang một giai đoạn khác trong cuộc đời mình và trong đoạn đường chia tay. Người thất tình có lẽ đã quen với nỗi cô đơn. Một cuộc gọi, một vài email và rất nhiều cơ duyên khiến tôi tìm được một công việc thực tập tại miền Nam nước Đức. Những ngày lạc lối sau chia tay, tôi có thói quen leo lên tàu ngủ một giấc vào ngày cuối tuần (vé dành cho sinh viên có thể đi được bất kỳ thành phố nào ở bang NRW), để mỗi lần thức dậy đều thấy mình ở một thành phố mới. Chẳng có chuyến đi nào tôi mở mắt thấy Cologne. Thế nên hôm nay, trên chặng đường xuôi Nam, tôi quyết định dành cho Cologne một ngày như thể dành thời gian cho một chuyện tình cũ,
cho những thói quen mà mình sẽ buộc phải quên đi. Ngẫu nhiên, tôi bỗng nhớ ra mình cũng có một người bạn đang sống tại nơi đây, một người đã lâu không gặp.
Bạn gặp tôi trong căn hộ nhỏ ở phía Tây thành phố, tóc dài buộc sau gáy và thuốc lá trên môi. Cậu theo học mỹ thuật đã hơn ba năm, sang châu Âu trước tôi ba tháng để tiếp tục theo đuổi đam mê đó. Cậu vốn ghét người khác gọi mình là họa sĩ, nhiều lần khẳng định rằng mình sẽ bỏ nghề hay “chỉ thật sự vẽ trước khi chết, vì chết đi thì tranh mới có giá”. Tất nhiên, dù lời nói có thể theo gió đi muôn nẻo, chúng tôi đều rõ rằng cậu vốn đã là một họa sĩ ngay từ ngày mới sinh ra. Cả hai gặp nhau lần đầu tại Sài Gòn trong một lớp học cấp tốc tiếng Đức cả sáng lẫn chiều, để rồi hơn một năm sau lại nhìn thấy nhau tại Cologne, lắng lòng trong sự hối hả của những thân phận xa nhà. Như phần lớn những sinh viên khác, căn hộ một phòng của cậu bạn nhỏ nhắn và tối giản, điểm nhấn duy nhất chỉ là bức tranh vẫn còn dang dở đặt ngay giữa căn phòng. Dù những nét phác thảo vẫn còn khá thô sơ, nhưng không khó để nhận ra cậu đang vẽ một cô gái, phía xa xa là bóng dáng chiếc cầu Hohenzollernbrücke. Tôi nhắm mắt, bắt đầu tưởng tượng ra khung cảnh toàn vẹn của bức tranh.
Cả bạn và tôi đều có chung một nỗi ám ảnh về phụ nữ. Chúng tôi cùng nấu bữa tối ngay tại nhà, đơn giản với mì xào, trà thảo mộc và một ít whiskey. Mùa này ngày vẫn còn rất ngắn. Khi việc nấu nướng cơ bản đã hoàn thành, tôi chợt nhận ra nắng ở phía ngoài cửa sổ đã tắt tự lúc nào. Cologne yên lặng bước vào đêm. “Chờ mình một chút” – cậu bạn để tôi ngồi bên cốc rượu, chạy đến
tủ quần áo, lôi ra một chiếc máy quay đĩa cũ. Em biết không, tiếng lắp đĩa vào máy và tiếng kim đọc bắt đầu chạy những vòng đầu tiên là một trong những thứ âm thanh quyến rũ nhất mà nhân loại có thể làm ra. Xong đâu đó, cậu trở lại bàn, nâng cốc và kể cho tôi nghe nguồn cơn của bức tranh kia trong ngọt ngào của giọng hát Thái Thanh và bồi hồi của giai điệu từ những ngày xưa lắm.
“Đó là một cuộc gặp kỳ lạ” – cậu bạn bắt đầu câu chuyện. “Giữa muôn vàn người vẽ chân dung bên góc nhà thờ Dom, nàng tìm đến mình và đề nghị vẽ một bức chân dung trong hai ngày, nhưng phải vẽ đôi mắt sau cùng. 100 euro được đưa trước, không hề tính toán hay mặc cả. Rồi nàng chiến thắng tuyệt đối, hạ gục trái tim mình chỉ trong một ngày vẽ vời và nói chuyện với nhau. Đó là sáu tháng đẹp nhất đời mình. Bọn mình đã cùng nhau vẽ mọi thứ của Cologne, nhưng tuyệt nhiên không hề nghĩ đến việc vẽ tiếp bức tranh này. Nàng sau đó tạm biệt cũng đơn giản như cách bắt đầu, biến mất không chút tăm hơi. Cologne phút chốc trở nên quá trống trải. Rồi từ đó, mỗi ngày mình đều tìm cách nhớ lại đôi mắt nàng để hoàn tất bức tranh, để cho rằng mọi chuyện rồi sẽ qua, và mỗi ngày đều kết thúc bằng việc phũ phàng nhận ra điều đó là bất khả…”
Đêm đó, chúng tôi nói nhiều về tình yêu, về chia tay và nỗi nhớ, về những câu chuyện không rõ khởi sự thế nào, cũng chẳng biết được sẽ kết thúc ra sao. Chúng tôi trò chuyện cho đến hai giờ đêm, cho đến khi rượu cạn, bản nhạc im lời và cơn mưa trong trận bão đêm hoang mang ập tới. Cho đến khi cả hai cùng gục ngã trên bàn và khi tiếng chuông điện thoại báo hiệu đến giờ phải ra nhà ga vang lên, những nỗi niềm hoang hoải ấy vẫn còn xao động không nguôi.
Nhớ nhất có lẽ là lời bài hát cuối cùng được vang lên từ chiếc đĩa Vinyl:
Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa, mà khóc với cười…
Cologne đã khuất sau lưng. Bạn trở về bức tranh của bạn. Tôi trở về chuyến đi của tôi. Trên chuyến tàu xuôi Nam, tôi viết thêm vào quyển sổ của mình: “Ừ thì chia tay, dù với bất kỳ ai, về cơ bản vẫn là buồn như vậy”.
*
Này em, đến bây giờ, tôi vẫn chưa một lần được dịp gặp lại cậu chàng họa sĩ ấy. Khi đặt bút viết nên những dòng này, tôi vẫn đang không ngừng tự hỏi chính mình. Cậu vẫn ở đấy giữa Cologne hay đã đi đâu đó thật xa? Vẫn ôm hoài một mối tương tư để vẽ tròn bức ảnh hay đã bỏ lại đâu đó dở dang trên căn phòng áp mái váng vất mùi lá đâm chồi? Đôi mắt cô gái kia đã có lần nào quay lại nhìn về phía bạn tôi, đã giao nhau trong một khoảnh khắc, một phút giây? Hay đôi mắt ấy cũng như mẩu tin nhắn được gõ đi gõ lại vạn lần trong điện thoại của tôi, đã trôi trong khoảng dung nhan chưa thành hình giữa hy vọng và tuyệt vọng ấy?
Và tôi, cho đến ngày gặp lại em, tháng Ba nào có còn chút an yên?…
Giữ Cho Em Mùa Ðông Hamburg
"L
âu rồi không gặp…”
Hamburg. Một giờ sáng. Tiếng tàu đêm đi lạc trôi từ bến cảng về qua cửa sổ phòng tôi, hòa vào giọng hát Uyên Linh ngọt ngào trầm lắng: Và mùa Đông đến trong muộn màng… Giữa màn đêm yên tĩnh, đèn điện thoại báo hiệu tin nhắn bất chợt nhấp nháy màu xanh. “Là em đây, lâu rồi không gặp, anh có khỏe không?”
Tôi ngỡ ngàng như nghe rõ nhịp đập tim mình. Trong cái lạnh dưới 3 độ mỗi đêm của mùa Đông nước Đức, người ta chẳng dễ dàng gì để có thể phản ứng nhanh nhạy trước những điều bất ngờ. Số điện thoại của em tôi vẫn nhớ (thậm chí là thuộc nằm lòng). Tin nhắn cũ vẫn còn lưu. Nhưng khoảnh khắc này bỗng trở nên quá đỗi xa lạ đến sững sờ. “Anh vẫn ổn” – tôi nhấn nút gửi đi sau hơn ba mươi phút đồng hồ loay hoay, hết viết rồi lại xóa.
Một rồi hai giờ chờ đợi. Có lẽ đêm hôm ấy là đêm Đông dài nhất mà tôi từng trải giữa châu Âu. Điện thoại không rung lên thêm một lần nào nữa, chỉ có tiếng còi tàu, tiếng nhạc và tin nhắn ấy theo tôi khắc khoải đến lúc mặt trời lên. “Lâu rồi không gặp…”
Ừ thì, cũng đã lâu rồi đấy, kể từ ngày chúng ta chia tay nhau. “Cocktails và những giấc mơ”
Ai đó có lần bảo với tôi: Làm việc trong hiệu sách là cách đơn giản nhất để nhìn thấy sự trôi của thời gian. Tôi tin vào điều đó. Ở
châu Âu, tháng Mười hai là chuỗi những ngày vội vã. Ngày và đêm chỉ cách nhau bởi một nhịp thở dài, và nhân loại hãy còn đang tất bật trong dịp lễ Giáng sinh. Tình nhân giấu tay nhau trong túi áo măng-tô, dạo bước trên con đường mua sắm Mönckebergstraße, khóa môi nhau dưới chân cầu cảng Landungsbrücken, ngồi cạnh lò sưởi trong những quán café bên bờ hồ Alster gọi trà và chocolate nóng. Còn tôi, sau một đêm mất ngủ, vẫn bắt gặp chính mình làm việc trong tiệm sách cũ bên hông nhà thờ, nhìn những bước chân người qua lại cứ thế đan vào nhau, cùng nhịp rồi lỗi nhịp với nhau. Thời gian trôi qua như thế.
“Cậu thấy đấy, nhân loại thật dễ dàng để lại nghi hoặc trong nhau, đôi khi giản đơn chỉ bằng một tin nhắn.” Tôi kết thúc câu chuyện với cậu bạn đồng nghiệp, sắp xếp lại những quyển sách, lật úp tấm biển Willkommen(1) treo trước cửa quầy rồi bắt đầu mang thêm áo khoác. Ngày trôi đi trong cái chớp mắt, chẳng mấy chốc đã hơn tám giờ đêm. Tôi bỗng nhận ra mình suốt cả hôm nay như người mất hồn, chẳng thể nhớ được rằng đã làm gì từ khi mở mắt thức dậy cho đến tận lúc này. Cậu bạn, chừng như đã xong hết phần việc của mình và cũng nhận ra điều bất bình thường nơi tôi, nhẹ nhàng vỗ vai: “Nào, ta đi uống gì đó chứ?”.
(1) Xin chào.
Hamburg mùa Đông là những dấu chấm cuối dòng, mọi thứ đều gói gọn cái lạnh tê buốt ngón tay, để rồi chậm rãi xuất hiện trong những dòng tiếp theo như những nhân vật phụ trong một bộ phim truyền hình dài tập. Thành phố này có chỗ cho mọi thứ thuộc về con người, cả tốt lẫn xấu, cả yên lành lẫn bất an. Là nơi dành cho những
kẻ lang thang vẫn còn đang loay hoay đi tìm bản ngã. Khu St. Georg đơn giản là những tòa biệt thự. Neuer Wall tràn ngập ánh đèn sáng giữa màn trời đêm. St. Pauli chìm trong những sợ hãi, hoan lạc và hỗn mang. Ở Hamburg, người ta sẽ nghĩ ngay đến khu Schanze mỗi khi muốn đi tìm một quán bar. Hơn một trăm quán rượu ở Schanze là hơn một trăm thế giới khác nhau. Trong một ngày ngây ngất đến nỗi chẳng có cảm giác nào là thật, chúng tôi dừng chân tại một quán phía sau trạm tàu điện ngầm có cái tên chẳng thể nào thích hợp hơn: “Cocktails and dreams”.
Quán rượu nhỏ, vắng và tĩnh lặng, chỉ có hai hay ba người khách bên trong. Mỗi người có một giấc mơ riêng. Một người đang đọc sách, một người đang ngồi trầm ngâm trước quầy bar, và một người đang bận thả những đồng xu 1 euro vào chiếc máy jackpot bên phía góc tường. Chẳng ai có vẻ là bạn của ai, và cũng chẳng ai muốn quay đầu lại nhìn chúng tôi khi bước qua cánh cửa. Trên radio, Patty Page hãy còn đang hát Tennessee Waltz trong một bản thu lỗi thời. Rồi người giữ bar xuất hiện. Martini cho tôi và Long Island cho cậu đồng nghiệp người Ukraine.
Chúng tôi ngồi đây, bên quầy bar, kể cho nhau nghe về những giấc mơ dang dở.
“Nghe như một câu chuyện buồn…”
Khi những ly cocktail đã được cầm trên tay, Ilya (tên cậu trai) bắt đầu kể cho tôi nghe giấc mơ của mình. Ở Ukraine, cậu có một quán rượu và một cô người yêu. Cả hai học cùng nhau suốt những năm trung học và những năm đầu đại học y khoa. Họ yêu nhau như những điều hiển nhiên nhất trên cõi đời này. Hằng ngày, Ilya sẽ đi
học vào buổi sáng và giúp đỡ công việc quán rượu của gia đình vào buổi tối. Cậu và quán bar của cậu. Nàng và tình yêu của nàng. Cuộc sống êm ả cứ thế trôi đi cho đến ngày chiến tranh xảy ra. Cậu bỏ dở việc học, trôi đến Hamburg, xin làm việc tại hiệu sách cũng đã hơn một năm, giữ lại cho mình lời hứa sẽ trở lại quán bar và tìm cô người yêu bé nhỏ. Quán bar rồi cũng phải đóng cửa, bố của cậu gia nhập quân ngũ, còn cô người yêu thì cũng biệt tăm. Vài tháng trước, ai đó đã nói với cậu rằng cô đang đến Đức tìm cậu, cũng có người bảo cô đã đến Kiev để tìm một công việc nào đó. Ilya khuấy nhẹ ly cocktail. Không gian tĩnh lặng đến mức tôi có thể nghe tiếng viên nước đá va vào thành ly, tạo nên những âm thanh mỏng manh cứ thế hòa lẫn trong từng lời nói.
“Còn cậu thì sao?” – Ilya nhìn vào mắt tôi.
“À, chuyện của mình chỉ là chia tay.” – Tôi đáp, rồi bắt đầu kể cho Ilya nghe về Sài Gòn, về quán café mùa Hè và những buổi chiều vàng nhạt nắng. Tôi gặp em lần đầu vào một chiều như thế, nơi quán quen trên con đường Ngô Thời Nhiệm. Em ngồi đó, bên cây đàn dương cầm, đang dạo những nốt đầu tiên của bản nhạcSong from a secret garden. Tôi và bản thảo của tôi. Em và bản nhạc của em. Tất cả gặp nhau, va chạm và đến bên nhau trong hơn năm trăm ngày của mùa Hè năm ấy.
Rồi sau đó, chúng tôi chia tay nhau.
Rồi sau đó, tôi đến Đức, nhận ra mình tự bao giờ đã quên mất tiếng đàn dương cầm và mùi vị café. Bản thảo ngày ấy, đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ.
“Nghe như một câu chuyện buồn, nhỉ?” – Ilya nghe hết câu chuyện, rồi dốc cạn ly cocktail.
“Ừ, nghe như một câu chuyện buồn” – Tôi đáp lời, khẽ nhét tờ tiền vào đáy cốc rồi bước ra cửa.
Ngoài trời, tuyết đã bắt đầu rơi.
“Và thế là hết…”
Bạn thân mến, nếu bạn vẫn kiên nhẫn theo tôi đến tận đây, thì cũng đã là lúc cho phút giây thành thật. Trong lúc Ilya vẫn còn đang say sưa với câu chuyện của mình, điện thoại của tôi cũng đồng thời rung lên. Là em. Là thêm một tin nhắn. Là lời giải đáp cho một ngày buông tay khỏi mọi thứ ở Hamburg vừa qua.
“Anh biết không, có lẽ chúng ta đã thật sự quên nhau.” Hương vị ly Martini bắt đầu đỏ bừng trên đôi mắt. Tôi cố giữ cho mình thật tập trung, đếm từng bông tuyết rơi trên vai áo, cố ngăn cách trái tim và lý trí cùng nhìn về một hướng chỉ trong lần này, chỉ mỗi lần này thôi, cố tìm ra một thứ gì đó để bám víu, thoát khỏi trạng thái lơ lửng giữa say và tỉnh, giữa giấc mơ và hiện thực. Tuyết của Hamburg có lẽ là dành cho nỗi nhớ. Như lúc này đây, những nỗi nhớ bé nhỏ đơn giản là đang tựa vào vai tôi.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra rằng, thẳm sâu trong thâm tâm của mỗi con người đều có những lúc mong chờ ngày tận cùng của thế giới. Mong chờ thời gian ngừng trôi.
Và ngày mai thì cũng đừng vội tới…
2
XUÔI NAM
“Rồi trở về trong lý lẽ trái tim nhau.”
Uống Rượu Ở Heidelberg
N
ước Đức mùa Đông, ngày rất ngắn còn đêm lại rất dài. Tôi quấn vội khăn quàng cổ, chụp headphone lên tai, rồi bước thật nhanh về phía trạm xe điện ngầm. Điện thoại di động vẫn đang nhấp nháy tin nhắn của chị trong túi áo măng-tô bên phải:
“Cho em 30 phút. Đi uống với chị. Heidelberg.”
Tàu dừng tại bến Heidelberg Hbf vào đúng 9 giờ 30 tối. Chuông nhà thờ phố cổ đánh từng tiếng thâm trầm vang vọng từ phía bên kia đồi. Gió trên đỉnh đồi thổi về ga tàu lồng lộng. Buổi tối hôm ấy, chị ngồi trên băng ghế đá dài trước cổng lớn của nhà ga trung tâm, mắt chăm chú đọc sách, tóc mai bay ngang lưng trời. Gặp tôi, chị mỉm cười, gửi tặng tôi một cái ôm rất chặt sau hơn hai tháng không gặp mặt.
Heidelberg đẹp, tất nhiên là thế. Một vẻ đẹp cổ điển, giản đơn và có phần nào dễ đoán. Một hoặc hai lần tìm đến, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp trong vắt của thành phố được xem là đẹp nhất nước Đức. Heidelberg yên ả như một câu chuyện tình hiếm hoi với kết thúc hạnh phúc có thể mỉm cười, rằng chàng trai lấy được cô gái và họ sống với nhau hạnh phúc trọn đời, đại loại thế. Sau bao thế kỷ, tòa lâu đài cổ vẫn đứng vững trên đỉnh đồi, lặng lẽ nhìn dòng Neckar trôi dưới chân cầu Karl-Theodor nhẹ nhàng ôm ấp lấy trái tim phố cổ. Mùi gỗ thông và sách cũ thoang thoảng bay qua những ô cửa kính kiểu vintage, bay vào lòng người bằng một xúc chạm rất tinh vi đến từ quá khứ. Những điều cũ kỹ ấy đủ để dẫn dụ chúng ta tìm được cho mình một băng ghế giữa Heidelbeg, nhấp ngụm café, thả trôi những suy nghĩ thông thường và khẽ hát theo một giai điệu thân quen, đủ để cho mọi sự xê dịch đều trở nên vô nghĩa.
Nếu có thể so sánh Berlin với Hà Nội, Munich (miễn cưỡng một chút) với Sài Gòn, thì Heidelberg sẽ không gì khác trong tôi ngoài Đà Lạt. Người ta dễ sa lầy vào một chút cổ kính, một chút tản mạn suy tư khi đặt chân đến những thành phố có linh hồn như thế. Lang thang trong cái lạnh 2 độ C, nhân loại không khó để bắt gặp chính mình lạc lối trong những ngã rẽ giữa phố cổ Altstadt, giữa những bức tường đôi chỗ ám màu rêu xanh của nhà thờ Heiliggeistkirche để rồi dừng lại, thở một hơi khói thật dài, nghĩ rằng nếu đời mình dừng lại ở đây thì chắc cũng chẳng có gì hối tiếc. Không ồn ã, không lấp lánh, Heidelberg nhỏ nhắn nhưng lại tràn đầy mê đắm, như hai câu đầu trong bài thơ tình mà Goethe lúc ở Palais Boisserée từng viết:
Hoa hồng và hoa lily buổi sáng
Nở trong vườn gần gũi với tôi…
Nhưng uống rượu ở Heidelberg thì lại là một câu chuyện khác. *
Cả hai chúng tôi quyết định ghé vào một quán rượu nhỏ kiểu Thổ. Mười một giờ đêm. Quán vắng, tối và yên ắng đến nỗi tiếng kẽo kẹt phát ra khi bàn chân giẫm trên sàn gỗ cũng đủ để khiến ai đó giật mình. Chị và tôi tưởng như vào nhầm chỗ.
Nhưng không, cô nàng phục vụ với đôi mắt xanh lơ và mái tóc bạch kim rất mực Scandinavian tiến đến, đốt ngọn nến thơm, đặt vào tay chúng tôi bản thực đơn với một danh sách dài các loại cồn. Bên ngoài song cửa sổ, những chiếc lá vàng cuối cùng của mùa Thu đang nhẹ nhàng rơi. Chậm rãi.
Chúng tôi bắt đầu bằng một cốc bia nền, rồi một shot Tequila, đến một ly Jägermeister, rồi từ đó chỉ liên tục luân phiên hai loại rượu ấy. Hương bia Guinness nồng nàn và dịu nhẹ vừa trôi êm qua cuống họng, đang trông chờ vương vấn đã bị đánh bật bởi Tequila, bởi hỗn hợp bỏng cháy của muối, rượu và chanh. Trái tim chưa kịp vỡ òa thổn thức, shot Jägermeister ngọt lịm đã tìm đến, ôm ấp, vuốt ve những vết cay nồng bằng mùi hương thảo dược ngây ngất và mông lung. Một chút choáng váng ngỡ ngàng, vòng rượu đầu tiên nhanh chóng diễn ra và kết thúc trong thinh lặng.
Tôi thích cái cách người ta gọi ly rượu là shot, như một phát đạn xuyên vào trong vòm họng mang đến cả khoái cảm lẫn đau thương,
như cái cách Dan Reynolds dang rộng cánh tay trên sân khấu, mắt nhắm và mồ hôi ướt đẫm, từ trong mê hoặc hát lên:
And then I shot a hole through everything I love. Tại đây, những shot rượu bước ra ngoài định kiến thông thường, không phân tốt xấu, chỉ trần trụi một thứ sự thật phũ phàng. Phát bắn thứ tư, tôi và chị kể cho nhau nghe về một cô gái và một chàng trai. Phát thứ năm, chúng tôi nói về tình yêu, về những xúc cảm rất kỳ lạ của chính mình dành cho những người tưởng quen nhưng lạ kia. Phát thứ sáu, cô gái của tôi đang ở Sài Gòn, còn chàng trai của chị thì đang ở đây, Heidelberg.
Trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi nhận ra mình gặp nhau trên con đường hành hương của những kẻ si tình. Những shot rượu trôi nhanh theo lời kể, hết vơi rồi lại đầy. Trên bức tường quầy bar, bức ảnh trắng đen cũ kỹ đã loang lổ những vết thủng mốc meo. Cứ thế, tôi và chị chơi trò Good cop bad cop với thể xác và tâm hồn mình bằng ánh nến, liquor và trái tim tan vỡ…
Quán đã bắt đầu đông dần. Những thanh âm ồn ã xen lẫn lời nói, để lại câu chuyện của chúng tôi một vài khoảng không nho nhỏ. Chúng tôi quyết định rời đi. Bước ra khỏi cửa quán, tôi biết rằng mình đã ngộ nhận về thành phố này ngay từ giây phút đầu tiên. Một chút men và cồn là đủ để khiến Heidelberg “lột xác”, tháo đi lớp mặt nạ cổ điển và sang trọng bên ngoài, như nàng công chúa trèo ra khỏi cung cấm lúc nửa đêm để được dịp hân hoan cho thỏa chí. Mùi rượu và bia phảng phất, con đường phố cổ lúc này tràn ngập người say. Những nhóm thanh niên tụm năm tụm ba ca hát bên vệ đường. Một cậu trai, khoảng chừng mười chín, hai mươi tuổi bỗng vỗ vai
chúng tôi, với một gương mặt ngơ ngác đến mức không thể nào say khướt hơn, chỉ tay về phía nhà thờ và hỏi: “Này, thế quái nào mà cái cây thông Giáng sinh kia lại bò ra mặt đường được nhỉ?”.
Trong cơn chếnh choáng của thành phố, chúng tôi ngồi lại một góc yên tĩnh nơi quảng trường. Phía bên kia đường, người nhạc công guitar đường phố già đang chơi lại khúc Habanera trong vở nhạc kịch Carmen theo phong cách fingerstyle của Igor Presnyakov. Nhịp chậm và đều, những cú miết dây gọn và chắc, nhưng thi thoảng thêm một chút biến tấu ngân nga gần phía cuối câu. Chắc lão nhạc công cũng đã say. Còn chút biến tấu kia lại khiến người ta phải ngỡ ngàng, như một nút thắt nho nhỏ của những câu chuyện tình, khiến cho những kẻ bản lĩnh đủ sức tháo gỡ và ngạo nghễ cười, còn những kẻ ngây si thì chỉ còn biết ngậm ngùi tự trách.
Nhạc đã tắt. Tiếng gót giày in trên đường phố cũng thưa dần. Thỉnh thoảng tôi thấy chị đưa mắt nhìn về phía xa, nơi con đường và những ngọn đèn vàng dẫn lối thẳng vào màn đêm tịch mịch. Rượu và nỗi nhớ khiến đôi má chị ửng hồng. Cũng như tôi ngày trước đã từng lang thang ở Sài Gòn, chị hôm nay đang bước chân trên một thành phố xa lạ, trông chờ vào sự ngẫu nhiên chỉ để gặp gỡ một bóng dáng thân quen, một ai đó vẫn còn hoài chờ đợi.
Lúc ấy, tôi biết mình đã đánh rơi trái tim ở Sài Gòn, còn chị là ở nơi đây, vĩnh viễn.
*
Ba giờ sáng. Chị nhìn tôi, bảo muốn về nhà. Chúng tôi tạm biệt nhau bằng một cái ôm, chỉ khác là cái ôm lần này lại đầy mông lung, nhẹ hẫng như mây, như gió.
Ừ thì, Heidelberg là thế. Dù tỉnh hay say, bạn vẫn muốn về nhà. Như những kẻ tin vào tình yêu, những nhân vật chính của câu chuyện tình, dù trải qua nhiều tan vỡ hay khổ đau, dù biết tâm hồn mình đã cô đơn và chai sạn đến đâu, vẫn luôn khát khao tìm về nơi nương náu.
Mannheim, Khói Và Mưa
M
annheim đổ mưa, ngay lúc tôi vừa bước chân ra khỏi cửa. Cơn mưa liêu xiêu khiến tôi nhìn mọi thứ theo một chiều nghiêng ngả. Ở châu Âu, mưa và mùa Đông là đủ để xua tất cả mọi thứ đi chạy trốn ánh mặt trời. Phố phường im lặng, u ám một màu xám cô liêu như bức ảnh trắng đen chụp vụng về thiếu sáng. Tiếng bước chân lẫn trong tiếng mưa. Những bóng ô lao đi vội vã trên lề đường. Thi thoảng có một chiếc ô tô rẽ ngang, đèn pha vàng chóe tát thẳng vào đôi kính trên mắt tôi. Choáng ngợp bởi thứ ánh sáng hiếm hoi nhưng lại gắt gỏng đến phũ phàng ấy, tôi nhìn theo ánh đèn xe nóng hổi, hơi nóng đang thiêu đốt giọt mưa bay lên thành những làn hơi. Thở dài. Những ngày như thế này, cơn mưa có lẽ sẽ kéo dài đến vô tận.
Mất khoảng hai giây để tôi bắt đầu nhận ra tiếng vỡ tí tách của hạt nước xôn xao trên mái hiên, thêm hai giây nữa để cảm giác ướt át lạnh lẽo nơi đầu ngón tay xuất hiện. Thật lạ. Là kim đồng hồ hay là những giác quan tôi bỗng dưng trở nên thật chậm? Cũng như hàng trăm, hàng nghìn điều ngẫu nhiên trên thế giới, những cơn mưa bất chợt là đủ và rất đủ để khiến con người đột nhiên cảm thấy trong lòng có đôi chút hụt hẫng, đôi chút bất an về chính bản thân
mình. Tôi ngồi xuống bậc tam cấp, với tay lấy chiếc máy nghe nhạc Walkman đã bên mình từ trước đến nay, nhấn chọn một bài nhạc không tên. Giọng Nat King Cole chậm rãi lang thang trong tâm trí tôi, với bản ballad vô hình và con đường ướt mưa đang dần vắng bóng người qua lại.
In a restless world like this is
Love is ended before it began.
*
"""