" Tự Truyện Michael Carrick - Giữa Những Lằn Ranh - Michael Carrick full mobi pdf epub azw3 [Thể Thao] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tự Truyện Michael Carrick - Giữa Những Lằn Ranh - Michael Carrick full mobi pdf epub azw3 [Thể Thao] Ebooks Nhóm Zalo NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI Số 4 ‐ Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ĐT: (04) 38252916 – Fax: (04) 39289143 Email: nxbhanoi@yahoo.com.vn TỰ TRUYỆN MICHAEL CARRICK - GIỮA NHỮNG LẰN RANH Chịu trách nhiệm xuất bản: Tổng giám đốc - Lê Tiến Dũng Biên tập: Hoàng Thị Tâm Vẽ bìa: Gia Long Trình bày: Song Ngư Sửa bản in: Lê Nguyên - Thanh Thủy Liên kết xuất bản: Cty CP Đầu tư và Phát triển TTV Việt Nam Nhà sách THBooks Địa chỉ: Số 68/255, Đường Hoàng Mai, P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hoàng Mai, Hà Nội Tel: (84-24) 32011882 - 097.354.0078 Website: http://thbooks.vn Fanpage: http://m.facebook.com/THBooks Mã ISBN: 978-604-55-4532-4 In 1.500 cuốn, khổ 16x24 cm tại Công ty TNHH In Thương mại Thuận Phát, Tổ dân phố Văn Trì, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số xác nhận ĐKXB: 2815-2019/CXBIPH/04-161/HN. Quyết định xuất bản số: 1285/QĐ-HN ngày 17/10/2019. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019. 1 MÀU ĐỎ T ôi không chỉ chơi bóng cho Manchester United. Tôi sống vì đội bóng. Cả đời tôi gắn liền với nơi này. Dù tôi làm gì hay đi tới đâu, Manchester United luôn ở trong tâm trí và trái tim tôi. Tôi yêu và đón nhận thách thức mà Manchester United đặt ra cho mình. Bạn biết đấy, đã chơi cho đội bóng vĩ đại này thì phải sẵn sàng chấp nhận thực tế là ở đấy không bao giờ có những lối thoát dễ dàng. Mức độ áp lực và kỳ vọng đều cao ngất ngưởng. Một vài cầu thủ vượt qua được và tận hưởng thực tế đó, một số khác thì không. Rất khốc liệt. Tôi từng nghĩ rằng mình là một người tận tâm trước khi tới United, nhưng hóa ra không phải. Thứ Hai, ngày 31 tháng 7 năm 2006, là ngày mà cuộc đời của tôi vĩnh viễn thay đổi, bắt đầu với việc gia nhập một trong những đội bóng vĩ đại nhất trên thế giới. Câu chuyện về Manchester United là câu chuyện về các huyền thoại - Những đứa trẻ của Busby, Thảm họa hàng không Munich, George Best, Sir Bobby Charlton, Bryan Robson, Thế hệ ’92, Sir Alex Ferguson, Cú ăn ba ’99, và còn nhiều nữa. Lịch sử, truyền thống và văn hóa đã biến Old Trafford thành một nơi đặc biệt. Vừa tới từ Tottenham Hotspur, tôi lập tức bị sức mạnh và sự lãng mạn của Manchester United cuốn đi, để rồi chính thức bước vào một cuộc phiêu lưu mà tôi chưa từng dám mơ tới. Tôi là một trong số ít những người may mắn được đại diện cho đội bóng tuyệt vời này, nhưng tôi chưa từng một lần xem đặc ân ấy là điều mặc nhiên. Tôi hy sinh rồi hy sinh và lại hy sinh để có thể làm được tốt nhất trong khả năng của mình. Đấy là trách nhiệm mà tôi luôn mang theo với niềm tự hào. Tôi chỉ là một gã trai bình thường tới từ Wallsend, miền Đông Bắc nước Anh, chẳng có gì đặc biệt, không giỏi hơn mà cũng chẳng tệ hơn bất kỳ ai khác. Tôi cảm thấy mình may mắn một cách khó tin khi được trở thành thành viên của một đội bóng đã chắp cánh cho cuộc đời của không biết bao nhiêu con người với đủ mọi thành phần xuất thân. Cảm xúc mà United mang tới cho cuộc sống của mọi người là một cái gì đó thực sự đẹp đẽ. Tôi yêu cách các cổ động viên của United thể hiện và sẻ chia tình cảm, như thể cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nó vậy. Ở Old Trafford, cảnh tượng và âm thanh mà 75.000 người tới để cổ vũ cho chúng tôi mỗi tuần tạo ra là đầy ma thuật. Không còn là họ và chúng tôi. Mà là CHÚNG TA. Ngay từ đầu, tôi đã xác định mình cũng chỉ là một cổ động viên, chỉ khác một chút ở chỗ, tôi là một cổ động viên với đôi giày thi đấu và phải gánh trên vai những trách nhiệm và áp lực. Tôi đã học thuộc tất cả các bài hát của United, tự tìm tòi về lịch sử của câu lạc bộ, và rốt cuộc đã yêu United tới mức tự hứa rằng sẽ có một ngày tôi đứng chung vai với các cổ động viên trong một trận đấu trên sân khách. Tôi đã được nghe những âm thanh vang dội và đầy tự hào từ các cổ động viên trong mọi trận đấu sân khách, và mỗi lần như thế, tôi lại ao ước được có cơ hội trở thành một phần của bữa tiệc đó. Cơ hội ấy cuối cùng cũng xuất hiện, vào ngày 17 tháng 1 năm 2016, khi tôi phải vắng mặt vì chấn thương ở trận đấu trên sân của Liverpool, đối thủ khó chịu nhất của chúng tôi. Ban đầu, khi tôi bày tỏ ý định theo dõi trận đấu từ khán đài cùng các cổ động viên, ban lãnh đạo đội bóng tỏ ra lo lắng, vì lý do an ninh. Họ muốn tôi ngồi trong khu vực dành cho quan chức. “Cảm ơn, nhưng sẽ không có chuyện đó,” tôi đáp lại. “Tôi sẽ đi cùng với các cổ động viên.” Phil Jones, lúc ấy cũng đang chấn thương, nghe được từ đâu đó ý định của tôi. “Anh định vào sân với các cổ động viên à, Carras?!” “Đúng, 100% là tớ sẽ đi, Jona ạ.” “Thế được rồi! Tôi cũng đi luôn!” Thế là Jona đi cùng bạn của anh ấy, còn tôi thì đi cùng em trai Graeme và cậu bạn thân Alex Bruce. Chúng tôi đỗ xe ở công viên Stanley, rồi từ đó bước những bước đầu tiên lên lãnh địa của kẻ thù. Tôi đã tới Anfield rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng tới trên xe buýt của đội và được bảo vệ nghiêm ngặt. “Có thể sẽ có nhiều chuyện hay ho đấy,” tôi thì thầm vào tai Graeme trong khi cả bọn đang cố đi thật nhanh về phía lối vào dẫn lên khu khán đài Anfield Road. Tôi không muốn đánh nhau hay những thứ đại loại thế, nhưng cũng hy vọng là sẽ trải qua một chút gì đó cam go để có thể hiểu được những gì các cổ động viên của United thường phải trải qua khi tới Anfield. Khi vào được sân, trong tôi dâng lên một cảm giác phấn khích khó tả. Hôm đó tôi đội một chiếc mũ len và quàng khăn để không ai có thể nhận ra mình. Nhưng tôi thì nhìn được tất cả. Tôi thâu vào mọi chi tiết. Bên trong sân, dưới những mái che, người chen kín. Nhiều cổ động viên của United nhận ra tôi nhưng vẫn phải kiểm tra lại vì không thực sự tin đó là sự thật. Một số khác thì vừa vỗ vỗ lên vai người bên cạnh vừa há hốc miệng nhìn tôi. Đó có phải là Carrick không?! Chính xác! Đấy chính là trải nghiệm mà tôi luôn muốn có. Ở ngoài sân, tôi đã kiểm tra kỹ vé để chắc chắn về chỗ ngồi của mình. Nhưng khi vào sân, nhìn các cổ động viên, tôi chợt muốn cười lớn. Làm gì có ai ngồi! Tất cả đều đứng! Cứ kiếm một khoảng trống và đứng vào đó! Thật tuyệt vời! Màn ca hát trước trận của các cổ động viên thực sự đẳng cấp, và tới khi trận đấu diễn ra thì còn ấn tượng hơn nữa. Không khí ở đó thật điên rồ, còn hơn cả những kỳ vọng của tôi! Tới khi Wayne Rooney ghi bàn thì không còn gì để nói. Có những người chạy một mạch qua 20 hàng ghế tới chỗ tôi chỉ để ăn mừng. Thực sự hỗn loạn! Tôi có mặt ở đây hôm nay chính vì điều đó - sự bùng nổ của cảm xúc mà chỉ có bóng đá mới tạo ra được. Tôi yêu từng thời khắc được ở cùng với các cổ động viên của Manchester United ở Anfield. Chúng tôi đã đứng bên nhau và cùng cổ vũ cho đội bóng giành thắng lợi. Một trong những lời khen tặng tuyệt vời nhất mà tôi từng nhận được trong suốt cuộc đời mình là từ Gary Neville, khi anh viết trong tờ giới thiệu của trận đấu vinh danh tôi vào năm 2017: “Mỗi khi chúng tôi giành được một danh hiệu nào đó và tổ chức ăn mừng, anh ấy chẳng bao giờ vắng mặt, luôn là người hát hò nhiệt tình nhất và cũng luôn là người cuối cùng ra về. Không ai tận hưởng cuộc sống ở United nhiều hơn anh ấy.” Các con tôi, Louise và Jacey, cũng bị ám ảnh với United chẳng kém gì tôi. Với Louise, tình cảm ấy tích tụ dần dần, khi con bé đã lớn hơn. Con bé lúc này cũng đang chơi bóng và biết về các cầu thủ nhiều hơn cả tôi. Nó lúc nào cũng thể hiện được sự am hiểu, và không ngừng nói về các chiến thuật. Lou bắt đầu yêu United và bóng đá khi nó đi học và phải tìm cách thích nghi với thực tế khó khăn khi là con gái của tôi. Không may cho nó là chẳng có nơi trú ẩn nào cả. Nó phải lao vào những cuộc chiến trên sân chơi, để bảo vệ... tôi. Và tôi cũng luôn về phe con bé. Jacey thì bập vào bóng đá từ rất sớm, giống như tôi, ngay khi vừa biết đi là nó cũng bắt đầu đá bóng. Old Trafford giống như một ngôi nhà với bọn trẻ. Dù chúng tôi từng tới Wembley, nhưng Jacey vẫn không ngừng nài nỉ tôi đưa nó đi xem một trận sân khách của United, nên vào ngày 20 tháng 1 năm 2018, tôi quyết định chở nó tới Burnley. Chúng tôi dừng lại trước Turf Moor, và Jacey tỏ ra ngạc nhiên,“Bố, sân đây á bố?” Phản ứng của Jacey không hề tiêu cực, nó không có ý chê bai sân bóng của Burnley, chỉ là nó quá ấn tượng với cảnh tượng mà nó vừa nhìn thấy. Một kiểu tò mò. “Đúng rồi, Jace, sân này cũng nằm ngay bên đường. Đúng kiểu cũ đấy con!” “À, vâng, đúng rồi!”, nó trả lời, và rảo chân bước về phía Turf Moor. Để lên được chỗ ngồi, tôi và Jacey phải đi qua đường hầm, đúng vào lúc các cầu thủ đang ra sân để khởi động, nên Jacey có cơ hội đập tay với từng người một. Nó nghĩ tất cả các cầu thủ đều là bạn của nó, sau những lần tới Carrington để xem tôi tập luyện. Chúng tôi còn phải đi qua cả phòng thay đồ, và bởi vì trong phòng không có ai, nên tôi đánh bạo cho Jacey vào tham quan. Bất ngờ José Mourinho xuất hiện, và thế là thằng bé xoắn hết cả lên. Jacey ngồi vào vị trí của David de Gea, đọc từng chữ trên tờ giới thiệu trận đấu, trước khi hát các bài hát cổ động quen thuộc với những người phụ trách trang phục. “From the banks of the Irwell to Sicily, we will fight, fight, fight for United FC”, nó ngân nga, vẻ thích thú ghê lắm. Bucks, một trong những người phụ trách trang phục của chúng tôi, cũng rất thích các bài hát cổ động, và ông ấy luôn có cách khiến cho Jacey phải hát. Louise và Jacey đều đặc biệt thích bài hát về Cantona,“We’ll drink a drink, a drink, a drink; to Eric the king, the king, the king…” Chúng thuộc hầu như tất cả các bài hát, và biết mặt rất nhiều cầu thủ cũ của United. Tôi thường nghĩ, Làm thế nào mà bọn nó biết được nhỉ? Chắc hẳn là chúng phải thừa hưởng điều đó từ tôi, bởi vì khi còn là một đứa trẻ, tôi rất thích các bài hát cũng như cảm giác gắn bó trong tập thể. Có đôi lần tôi bắt gặp chúng đang bắt nhịp một bài hát của United cho đám bạn, và những lần như thế, tôi đều nghĩ thầm, Hay lắm, nữa đi các con! Chúng đang chia sẻ tình yêu dành cho Manchester United cùng với tôi. Mỗi lần chúng hát bài hát mà các cổ động viên sáng tác riêng cho tôi là tôi lại bật cười. Nhưng tôi biết chúng sẽ dõi theo Manchester United trong suốt phần đời còn lại. Trở lại với Turf Moor, tôi không chắc là Jacey ý thức được nó may mắn tới nhường nào. Từ khi tới United, tôi chưa bao giờ thấy có đứa trẻ nào được phép có mặt trong phòng thay đồ trước một trận đấu. Tôi biết là chúng tôi phải nhanh chóng rút lui trước khi các cầu thủ trở lại sau màn khởi động. Tôi bảo Jacey đứng ngoài trong khi nói chuyện với các đồng đội. Hành lang ở Turf Moor rất hẹp, nên Jacey và tôi phải ép sát người vào tường để nhường chỗ cho các cầu thủ khi họ quay trở lại sân. Một lần nữa các cầu thủ mỗi người lại dành tặng cho Jacey một cái đập tay, sau mỗi cú đập, khuôn mặt nhỏ nhắn của nó lại sống động như một bức tranh. Đội bóng của tôi là như thế đó, lúc nào cũng đầy quan tâm. Chúng tôi bước ra ngoài đường hầm. Ở Turf Moor, ngay giữa khán đài dành cho cổ động viên của đội khách là khu vực ban tổ chức dành riêng cho ban huấn luyện của hai đội; vì khu vực này ở ngay trước phòng thay đồ nên các thành viên trong ban huấn luyện có thể nhanh chóng đi vào đó trong giờ nghỉ. Jacey và tôi quyết định tới đấy ngồi và lập tức nhận ra mình đúng đắn đến thế nào khi các cổ động viên của United chỉ cách chúng tôi năm hay sáu hàng ghế gì đó. Jacey có dịp hát hò tưng bừng. Các cổ động viên nhanh chóng nhận ra chúng tôi, và cũng rất nhanh chóng ra cho tôi một “đề bài” quá khó. “Carrick, Carrick, hát một bài đi.” Ngay cả bây giờ, ở tuổi ngoài 30, tôi vẫn là một người rụt rè, nên tôi cứ lưỡng lự mãi trước yêu cầu của họ cho tới khi Jacey huých vào mạng sườn tôi. “Cố lên bố ơi. Hát một bài thôi.” Những cú huých nặng dần lên. “Thôi nào bố. Bố phải hát một bài đi.” “Con bắt nhịp đi, Jacey, rồi bố sẽ hát.” “Không, không, không. Bố tự hát đi. Ngay bây giờ.” Chả biết làm gì khác, tôi đứng dậy và bắt đầu rống lên,“U-N-I-T E-D, UNITED ARE THE TEAM FOR ME…” Rồi tôi dừng lại và ngồi xuống. Các cổ động viên hát nốt phần còn lại, và cả khu khán đài gần chỗ chúng tôi trở nên sôi động hơn bao giờ hết! Tôi yêu cảm giác đó! Vào giờ nghỉ, chúng tôi trở lại phòng thay đồ. Jacey chờ ở ngoài hành lang với một túi kẹo. Marouane Fellaini đi ngang qua và tiện tay nhón mấy cái. Sang hiệp hai, Jacey tiếp tục ca hát không ngừng. Và khi Anthony Martial ghi được bàn thắng, thằng bé yêu cầu tôi nhấc nó lên cao để có thể thấy được cảnh tượng các cổ động viên của United đang phát cuồng vì sung sướng. Thật là một ngày tuyệt vời! Trên ô tô trở về nhà, tôi hỏi Jacey,“Hôm nay con có vui không?” “Vui lắm ạ! Bố có biết phần vui nhất là gì không? Đó là khi bố đứng dậy hát!” Câu trả lời làm tôi sướng âm ỉ. Sau tất cả, nó đã có một ngày đầy ắp sự kiện: được có mặt trong phòng thay đồ, đập tay các cầu thủ, gặp gỡ José... Đấy đâu phải là những chuyện tầm thường, đúng không? Xe vừa dừng, Jacey đã phóng như bay vào nhà, miệng thì hát vang bài hát mà nó mới học được,“Rom, Rom, Romelu, Romelu Lukaku, Man United’s No 9, Romelu Lukaku.” Hành động đó của Jacey, sự phấn khích mà nó thể hiện trong suốt và sau chuyến đi tới Burnley, đã đưa tôi trở lại thời thơ ấu, với những ngày bố còn hay dẫn tôi tới St James’ Park để xem Newcastle United chơi bóng. Tôi có cảm giác như bản thân đang trao lại chiếc quyền trượng mang tên tình yêu bóng đá mà tôi nhận từ bố sang cho các con của mình! 2 THE BOYZA C hơi bóng có thể chưa bao giờ là một lựa chọn đối với tôi. Tôi có thể đã phải dành cả cuộc đời trên xe lăn. Khi mới sinh, hai đầu gối của tôi dính vào nhau và các bàn chân thì bị dẹt. Bác sĩ ở Wallsend, nơi tôi lớn lên, sợ rằng khi bắt đầu phát triển, tôi sẽ không thể đi lại hay chạy nhảy bình thường được, nên họ muốn tiến hành phẫu thuật. Bố mẹ tội nghiệp của tôi ngồi trong văn phòng của bác sĩ phẫu thuật, vật lộn với câu hỏi quá hóc búa - phẫu thuật, hay là cứ để vậy và hy vọng khi lớn lên tôi sẽ trở lại bình thường? Không dễ mà đưa ra quyết định. Nhưng ngay khi bác sĩ nói về việc ca phẫu thuật chỉ có 50% khả năng thành công, và tôi vẫn có nguy cơ phải ngồi xe lăn, bố mẹ tôi lập tức trả lời, “Không đời nào, rủi ro như thế là không đáng.” Rồi họ đưa tôi về. Tạ ơn Chúa vì bố mẹ đã quyết định ngừng ý định phẫu thuật. Khi lớn lên, đầu gối của tôi vẫn hơi bị chụm vào, bàn chân vẫn hơi nông, nhưng tôi vẫn chạy được bình thường. Mà còn chạy nhanh cơ! Sau vài năm tôi tới gặp một chuyên gia về bàn chân để xem có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các thiết bị chỉnh hình hay không. Vị chuyên gia sau khi kiểm tra kỹ đã nói rằng hông của tôi cũng bị hẹp một cách bất thường. Việc bị chụm gối gây ra cho tôi một số vấn đề, gót Achilles yếu và đại loại thế, nhưng chưa bao giờ ngăn được tôi chơi bóng. Bóng đá luôn là cuộc sống của tôi. Ngay từ khi còn chập chững, tôi đã dính chặt với trái bóng, nếu không đá thì cũng mang nó đi khắp nơi. Ngay cả khi được đưa vào một cửa hàng đồ chơi, thì kiểu gì tôi cũng đi ra với một kiểu bóng nào đó. Ký ức rõ nét nhất về lần đầu chơi bóng của tôi là vào một buổi tối thứ Bảy ở Wallsend Boys Club - còn gọi là “Boyza”. Lúc đó là đầu năm 1986, tôi mới được 4 tuổi rưỡi. Câu lạc bộ cách nhà 15 phút lái xe; bố chở tôi và ông nội tới trên chiếc Austin Princess cũ kỹ của ông. Đó là một sự kiện trọng đại đối với họ. Đưa con cháu tới buổi tập bóng đá nghiêm túc đầu tiên đâu phải chuyện đùa. Bây giờ bố tôi lại chở Jacey đi chơi bóng. Chứng kiến tình yêu của thằng bé với trái bóng, tôi cảm thấy có gì đó thực sự đặc biệt. Theo cách nào đó thì bóng đá trở thành một kiểu di sản gia đình. Ông nội đưa bố đi chơi bóng, rồi họ cùng đưa tôi tới Wallsend, còn tôi thì đưa Jacey tới Turf Moor cùng với các cổ động viên của Manchester United. Tình yêu bóng đá đang được truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác. Trở lại với buổi tối hôm đó. Wallsend Boys Club tổ chức một sự kiện mở dành cho trẻ em từ 9 tuổi trở xuống, nơi mỗi người tham gia đều sẽ được chơi bóng với những đối thủ bất kỳ. Sự kiện bắt đầu từ 5 giờ và kéo dài khoảng hai tiếng. Không có yêu cầu nào về trình độ, đơn giản là cứ có mặt và chơi thôi. Với một cậu nhóc như tôi ở thời điểm đó, thì đấy là một cuộc phiêu lưu khó tin. Tôi lập tức phải lòng Boyza. Tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng ấy mang một cái mùi độc nhất vô nhị mà với tôi gần như là ma thuật. Sau khi vượt qua lối vào hẹp, người tham gia sẽ đóng một khoản phí ở một cái bàn nhỏ, trước khi bước nhanh vào khu vực mà trong ký ức của tôi là cực kỳ rộng. Không gian đột ngột mở ra và tôi như thể bị hút vào. Đập ngay vào mắt là một tấm bảng lớn trên đó ghi các cặp đấu trong tuần và giờ bắt đầu của những giải đấu mà câu lạc bộ đang tổ chức. Bọn trẻ và bố mẹ của chúng vây quanh tấm bảng để xem đội nào chuẩn bị gặp đội nào, bảng xếp hạng hiện tại ra sao và đội của họ/con họ cần phải đánh bại đối thủ nào để có thể leo lên những thứ hạng cao hơn. Cạnh đó, một nhóm đông trẻ con khác đang quây quanh mấy chiếc bàn bi-a. Một số chỉ đứng xem, số khác thì chờ tới lượt chơi, sau khi đã bỏ ra 20 đồng đóng phí. Ngoài ra còn có một số máy chơi game arcade[1], nhưng không được quan tâm lắm. Người ta thường bước nhanh qua chúng để lên canteen, nơi họ có thể mua một cái xúc xích hay một cây kem. [1] Các trò chơi trên máy sử dụng đồng xu - Người dịch (ND). Trung tâm, trái tim và linh hồn của câu lạc bộ là sân bóng, nơi những giấc mơ bắt đầu. Để xuống được sân phải đi qua sáu hay bảy bậc cầu thang gì đó. Ngay ở rìa của sân bóng là một gallery khổng lồ, cao phải tới hơn 1,5m. Ở phía trên là một ban công, nơi mọi người đứng xem các trận đấu. Bố mẹ đi cùng con cái, hoặc các anh chị em đi cùng nhau. Cả khu vực đã gần như không còn một chỗ trống. Trong buổi tối đầu tiên đó, tôi đã chạy như bay trên những bậc thang trước khi mê mẩn nhìn ngắm cái sàn được lát gỗ phong tuyệt vời. Đó chính là sân bóng linh thiêng nơi chỉ cho phép không gì khác ngoài những đôi giày thể thao. Bóng đá bắt đầu với tôi chính ở đó. Tôi là đứa ít tuổi nhất trong số khoảng 30 cậu nhóc có mặt hôm ấy. Tất cả chúng tôi tập trung hết về một đầu của nhà thi đấu, xếp hàng theo các nhóm năm hay nhóm sáu, như trong môn chạy tiếp sức, lần lượt chạy về đầu kia, chạm vào tường, rồi chạy lại. Đấy là màn khởi động. Thời điểm đó, phụ trách các trận đấu sân 5 là một người đàn ông tên Bob Slone. Bob không phải là một huấn luyện viên. Ông giống một youth worker, một tình nguyện viên chỉ muốn kéo bọn trẻ tránh xa đường phố và mở ra cho chúng một sân chơi mới với trái bóng. Ông thuộc nhóm những người chỉ mong muốn được giúp đỡ người khác. Bob có một túi đựng đồ trong đó chứa đầy quần áo đá bóng, thỉnh thoảng bạn có thể bắt gặp ông trên cao tốc Wallsend với chiếc túi đó trên vai. Buổi tối hôm ấy, chúng tôi ngồi đó, lòng đầy phấn khích, còn Bob thì đi xuống từng hàng để phát quần áo trước khi viết tên các đội lên trên một tấm bảng đen lớn. “Các cậu này là Brazil.” “Các cậu này Đức.” “Cậu là Newcastle.” “Còn các cậu là Dundee.” Bob từng chơi thủ môn ở Scotland, nên ông lúc nào cũng cố gắng nhồi nhét vài đội bóng Scotland vào. Sau khi đã biết mình ở đội nào, các cầu thủ rộn rã hẳn lên. Rồi Bob sẽ nói, “Được rồi, Newcastle gặp Aberdeen, ra sân luôn.” Tôi không thể nhớ nổi trong cái đêm đầu tiên ấy tôi thuộc về đội nào, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được cảm xúc khi lần đầu tiên được đặt chân lên một sân bóng. Có hai lối bậc thang dẫn xuống sân bóng ở hai bên của gallery. Trên những bậc thang đó lố nhố thành viên của hai đội chuẩn bị ra sân thi đấu, mỗi đội đứng ở một lối bậc thang. Cầu thủ hai đội không bao giờ đứng lẫn, bởi vì hoặc là bạn quá căng thẳng, hoặc quá phấn khích để có thể đứng gần cầu thủ đối phương trước khi trận đấu bắt đầu. Tôi nhớ là tôi đã đến được những bậc thang đó, nhìn xuống rồi dừng lại, trước khi thu hết can đảm để đi tới bậc thang cuối cùng. Rồi tôi bật khóc một cách ngon lành. Cảm xúc ở thời điểm đó là quá sức chịu đựng đối với tôi. Tôi vừa muốn có mặt trên sân, vừa thấy sợ. Tôi có thể thấy là ngoài sân có những anh lớn 7 hay 8 tuổi gì đó, và với tôi lúc đó thì họ chẳng khác nào những người khổng lồ. Lúc ấy tôi thực sự háo hức được ra sân, được trở thành một phần của trò chơi kỳ diệu này, nên tôi cho rằng cảm giác sợ hãi mà tôi trải qua chỉ là phản ứng tất yếu khi chúng ta lần đầu trải nghiệm một cái gì đó mới mẻ. Bố xuống sân để trấn an tôi, và ông nội cũng tìm được cách để truyền cho tôi thêm một chút can đảm. Nhờ nỗ lực của hai người, sự tự tin đã trở lại với tôi. Tôi bước vào sân, và ngay lập tức cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Khoảnh khắc ấy, mọi sự nhút nhát trong tôi dường như tan biến. Tôi cảm thấy khác hẳn, thoải mái hơn rất nhiều. Như ở nhà vậy. Từ đó, tôi không bao giờ nhìn lại nữa. Tôi nhanh chóng nắm được “quy trình” - hai đội sẽ chạy đua tới trái bóng, đội nào thắng sẽ có 30 giây chuyền bóng qua lại, và quan trọng hơn, đội đó sẽ được giao bóng trước. Khi tôi lớn hơn một chút, các trận đấu thường diễn ra với nhịp độ rất nhanh bởi vì khu vực thi đấu rất nhỏ. Không có bóng bổng, trái bóng chủ yếu lăn sát mặt đất với rất nhiều những pha phối hợp 1-2 phức tạp với đồng đội hay với những bức tường. Các trận đấu kéo dài trong 10 phút, không có màn chỉ đạo giữa hai hiệp và việc thay người chỉ diễn ra trong giờ nghỉ, trừ khi có cầu thủ bị chấn thương. Các cầu thủ dự bị luôn đứng trong suốt cả hiệp một như là một lời nhắc nhở rằng sẽ có ai đó phải rời sân và rằng niềm vui của người đó sẽ kết thúc trong ít phút nữa, thế nên tốt nhất là hãy nỗ lực 200% nếu không muốn bị thay ra trong giờ nghỉ. Không có gì tồi tệ hơn việc bị thay ra trong giờ nghỉ. Bạn sẽ cảm thấy tâm hồn mình bị phá hủy hoàn toàn. Giữa gallery và sân bóng có một tấm lưới cao hơn 6m có tác dụng ngăn không cho bóng bay ra ngoài. Ở phía sau tấm lưới, các phụ huynh không ngừng gào thét cổ vũ, trong khi bọn trẻ cố chui đầu qua những cái lỗ, một số đứa vì quá phấn khích còn mắc luôn vào lưới. Đây chính là ngôi nhà mới của tôi. Tôi còn nhớ mình đã sung sướng thế nào khi Bob quyết định cho một đội U5 tham gia thi đấu ở giải dành cho lứa U8 và tôi là một trong số những người được chọn. Ông ấy gọi đội chúng tôi là “Scotland”. Trong trận đầu tiên, chúng tôi thua tan tác 0-7. Bob bảo,“Quên tỷ số đi, cứ ra sân, tận hưởng và học cách chơi bóng.” Thật là những lời thông thái. Ông nội xem tôi chơi bóng ở Boyza được mấy năm thì mất. Tôi biết ông là một người hùng trong chiến tranh, đồng thời có chơi bóng chút ít, và tôi rất tự hào về tất cả những điều đó. Nhưng tôi còn quá nhỏ nên chưa bao giờ thực sự hỏi ông về cuộc chiến hay về bóng đá. Thế hệ ông tôi, người ta chưa bao giờ nói về những gì họ đã trải qua. Dẫu vậy thì ông là người đã sát cánh bên tôi từ những ngày đầu tiên, và tôi luôn biết ơn ông vì điều đó. Bố cũng thường có mặt ở câu lạc bộ. Trước khi tôi gia nhập, ông đã tham gia câu lạc bộ với tư cách một tình nguyện viên, hỗ trợ việc điều hành các giải đấu và làm trọng tài. Nhưng bây giờ thì ông dành hết thời gian để hỗ trợ tôi. Tôi tham gia Boyza trong suốt thời gian đi học, đầu tiên là ở trường tiểu học Stephenson Memorial ở Howdon, sau đó là trường trung học (cơ sở) Western ở Wallsend, và cuối cùng là trường trung học (phổ thông) cộng đồng Burnside. Tới năm 16 tuổi thì tôi mới nghỉ ở Boyza, nên có thể nói, những trận đấu sân 5 ở đó đã có những tác động to lớn lên sự phát triển của tôi. Mỗi độ tuổi lại chơi bóng vào một buổi tối khác nhau, thế nên giả sử giải đấu của chúng tôi diễn ra vào tối thứ Tư, thì ở trường cả ngày hôm đó tôi sẽ chỉ nghĩ về các trận đấu. Thời gian như trôi chậm đi, ngày kéo dài ra, bởi vì tôi chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng tới Boyza. Đôi khi tôi phải chơi hai trận trong một buổi tối, đó là khi số đội bóng trong một giải bị lẻ. Với chúng tôi thì tối hôm đó chẳng khác nào Giáng sinh. Thật may mắn với tôi là các giải đấu sân 5 diễn ra vào tất cả các ngày trong tuần, từ giải U9 tới giải U16, mỗi giải cách nhau 5 phút. Bob có đội ở gần như tất cả các giải, và đội hay nhất của ông là “Brazil”. Lên 8 tuổi, khi được chọn vào đội Brazil của Bob, tôi luôn có cảm giác như mình đang chơi cho đội bóng hay nhất trên thế giới. Đồng phục của đội không phải là màu vàng như “Brazil xịn”, mà là màu xanh, nhưng chúng tôi chẳng quan tâm. Chẳng đứa nào trong đội nghĩ mình không phải là Brazil cả! Ở câu lạc bộ, ông bà Sweeney quản lý một đội bóng có tên là Ardieonians, và mỗi khi Ardieonians đụng độ Brazil của Bob, không khí chẳng khác nào một trận Derby lớn. Cả khu Wallsend đều biết về “trận Derby” này. Đôi lúc có cảm giác cả khu phố như bị chia làm hai nửa. Một nửa ủng hộ Ardies, nửa kia về phe Brazil! Tôi chơi cho Brazil của Bob trong vài năm, và sau đó chuyển sang chơi cho Ardies cũng trong vài năm. Giống như là chuyển từ United sang City vậy! Bob tận tâm cống hiến cho Câu lạc bộ Bé trai trong suốt 35 năm. Khi ông qua đời vào năm 2013, tôi có viết vài lời tri ân dành cho ông trên mạng xã hội, kết thúc với hashtag “#Brazil”. Sau đó, tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ những người biết rõ ý nghĩa của nó, cũng như ý nghĩa của những gì mà Bob đã làm cho chúng tôi. Về cơ bản, dân Wallsend dường như tụ hết về Boyza. Vốn là nơi sinh hoạt cho các công nhân trong các xưởng đóng tàu của Swan Hunter, Boyza giờ đây đã nổi tiếng nhờ việc không ngừng sản sinh ra những cầu thủ đủ giỏi để chơi bóng chuyên nghiệp. Tôi nhớ từng xem một trận đấu của Blackburn Rovers, ở St James’ Park, trong đó Alan Shearer ghi được bàn thắng ngay khi vừa trở lại sau một chấn thương đầu gối, và bình luận viên đã nhắc tới việc anh là người Wallsend. Ngoài Alan, tôi còn dõi theo bước chân của những Peter Beardsley, Steve Watson, Alan Thompson và Lee Clark. Steve Bruce cũng từng chơi bóng ở Boyza, gần đây có thêm Steven Taylor và Fraser Forster. Wallsend Boys Club chính là nơi ươm mầm tài năng, đã có hơn 60 cầu thủ chuyên nghiệp bắt đầu tất cả từ đây. Tôi từng rất phấn khích khi trong những buổi lễ giới thiệu thành viên mới được nhìn tận mặt những chàng trai địa phương trở lại với câu lạc bộ sau khi đã thi đấu cho Newcastle; đôi lúc tôi còn có cơ hội bắt tay họ! Và tôi sẽ không bao giờ có thể quên được cuộc diễu hành Wallsend năm 1992 - 12 cậu nhóc chúng tôi đã hát hò tới khản cả cổ trong hành trình xuyên thị trấn trên thùng của chiếc xe tải màu đỏ, trên đó giăng tấm banner ghi “Wallsend Boys Club, tự hào là nhà cung cấp cho ngành công nghiệp bóng đá”. Trên bản đồ bóng đá khu vực Đông Bắc, Boyza có một vị thế rất quan trọng. Chúng tôi gần như mặc định xem việc những người đi lên từ Wallsend như mình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp là điều đương nhiên. Dù chỉ mới ở bước khởi đầu, nhưng cơ hội để làm điều đó có vẻ không hề xa vời. Và tôi thực sự khát khao có được nó. 3 TRƯỞNG THÀNH N hìn lại, tôi nhận ra mình đã may mắn thế nào. May mắn của tôi là được lớn lên một cách bình thường trong một gia đình yên bình nơi mà bố mẹ chưa bao giờ tranh cãi hay động chân động tay. Bố mẹ vừa khiến cho Graeme và tôi cảm thấy hạnh phúc và được bảo vệ, lại vừa cho phép chúng tôi theo đuổi những giấc mơ của mình trong thế giới rộng lớn bên ngoài, và đó luôn là điều mà tôi trân trọng nhất. Nhà chúng tôi ở Howdon, một khu vực thuộc Wallsend, cách sân St James’ Park khoảng gần 10km. Chúng tôi sống trong một căn hộ thuộc tầng hai của một ngôi nhà chung tường. Tôi và Graeme ngủ giường tầng, vì là anh, tôi được nằm tầng trên. Ở thời điểm đó Howdon bị xem là một khu vực khó khăn, nhưng chúng tôi chưa bao giờ phải sống trong cảnh thiếu thốn. Bố làm việc rất chăm chỉ trong vai trò người quản lý ở các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới, chịu trách nhiệm kiểm soát những thiết bị được đưa vào các lò phản ứng khác nhau. Có những thời điểm bố phải đi làm xa nhà, có thể là xa nhà ba tuần và ở nhà một tuần, hoặc xa nhà từ thứ Hai tới thứ Sáu và ở nhà vào cuối tuần. Những lúc được ở nhà, ông sẽ dành nhiều giờ để chơi bóng cùng với chúng tôi trong vườn nhà. Mẹ chắc là đã cảm thấy khó khăn lắm khi bố liên tục xa nhà, buộc bà phải bất đắc dĩ đóng vai người bảo vệ pháo đài. Khi bố về thì hai thằng chúng tôi lại lập tức quấn lấy ông, thi nhau biểu diễn những chiêu trò mà chúng tôi vừa mới học được. Mẹ, cầu Chúa phù hộ cho bà, lại phải chờ đợi thêm nhiều tiếng nữa trước khi có thể có được đôi chút thời gian riêng tư với ông. Việc phải làm xa nhà và không thể có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng có thể đã khiến bố phát điên, nhưng mẹ thì cũng không khá hơn khi phải quản lý hai thằng con trai cuồng thể thao trong khi vẫn phải hoàn thành công việc của bà ở một trường học. Do ngôi nhà trong đó có căn hộ của chúng tôi nằm ở góc đường, nên chúng tôi có một cái vườn lớn hơn một chút, và đó chính là điều khiến chúng tôi cảm thấy tuyệt vời nhất. Chúng tôi dùng các cọc gôn cricket để làm khung thành, dùng hàng rào làm lưới, và thế là chúng tôi đã có Wembley của riêng mình. Graeme và tôi thường chơi với nhau trong nhiều giờ đồng hồ liên tục. Chúng tôi cùng nhau tạo ra những pha phối hợp mới, những tình huống 1-2 rồi ghi bàn vào lưới trống trong khi không ngừng bình luận về mọi thứ. Trong tưởng tượng của mình, chúng tôi đang chơi tất cả những trận đấu mà chúng tôi xem trên ti vi. Ngay từ nhỏ Graeme đã là một cầu thủ giỏi, thế nên nó nhanh chóng được chơi bóng cùng với tôi và các bạn của tôi, đều lớn hơn nó bốn hay năm tuổi cả. Mỗi khi Graeme tham gia cùng, tôi luôn cảm thấy rất tự hào. Các bạn tôi đều chấp nhận thằng bé bởi nó không bao giờ là gánh nặng của cả bọn. Tôi và Graeme thường về một phe và đấu với ba hay bốn bạn của tôi, thi thoảng Graeme làm thủ môn còn tôi phải một mình chống lại tất cả các cầu thủ còn lại, như thế sẽ khó hơn và tôi sẽ có cơ hội để luyện tập khả năng rê dắt cũng như tự kiểm tra trình độ của bản thân. Chúng tôi có thể chơi bóng trong ba hay bốn tiếng liên tục, và chính trong thời gian đó, tôi thường chợt nảy ra những ý tưởng, kiểu như Hôm nay mình sẽ thử dùng chân trái nhiều hơn xem sao. Tôi tự huấn luyện cho mình rất nhiều. Tôi sẽ cố tạt bằng chân phải, rồi chân trái, làm sao để có thể đạt được cùng một kỹ thuật với cả hai chân. Tôi cố gắng hoàn thiện cả kỹ năng chuyền bóng lẫn bấm bóng, vừa tập luyện vừa tự nhủ rằng, “Nếu mình có thể làm được điều này, mình sẽ trở thành một cầu thủ, hay giành được một danh hiệu”. Tôi không ngừng thách thức bản thân. Tôi thường luyện tập với một quả bóng nhỏ bằng bọt biển trong nhà - tôi đá quả bóng vào ghế sofa, chờ nó nảy lên hai nhịp rồi tung ra một cú đá nửa nảy, và lặp lại chu trình. Tôi thường cố sút trúng một cánh cửa tủ hoặc bấm quả bóng tới một tấm đệm xác định trước, vừa làm vừa đặt ra những thách thức,“Làm được cú này, mày sẽ chơi cho đội tuyển Anh” hoặc “Làm được cú này, mày sẽ ghi bàn ở St James’.” Mỗi động tác tôi chỉ thực hiện một lần, vì tôi biết rằng khi đã bước vào một trận đấu thực sự, thì tôi sẽ chỉ có một cơ hội mà thôi. Tôi nhận ra rằng khi dùng chân trái, tôi toàn đá bóng xuống sàn nhà, nên tôi tự điều chỉnh kỹ thuật của mình và luyện tập nhiều hơn nữa. Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy Jacey chạy quanh nhà với một trái bóng, tôi lại nghĩ, Đó, chính xác là ngày xưa mình đã từng như thế. Tôi luôn có ý thức cải thiện kỹ thuật của bản thân. Tôi thường suy nghĩ theo kiểu, Sao mình không làm cho bóng xoáy hơn một chút nhỉ? Và sau đó tôi sẽ dành ra hai hay ba lượt để thử sức với cú đá xoáy đó. Ngay sau khi vừa từ trường về, tôi thường chơi đập tường xuyên qua các cột đèn. Tôi yêu việc chuyền bóng, vừa cảm nhận sức nặng của trái bóng khi nó chạm vào chân tôi, vừa suy nghĩ xem mình có thể làm gì với nó. Nếu trái bóng không rời khỏi chân tôi theo cách mà tôi mong muốn, tôi sẽ cảm thấy thực sự bực bội. Đường chuyền phải trông thực sự gọn ghẽ. Để làm được thế thì kỹ thuật phải chuẩn, và tôi gần như bị ám ảnh về điều đó. Mẹ phát điên lên vì Graeme và tôi đã cày cho cỏ chết hết và bãi cỏ đẹp đẽ sớm bị biến thành một thửa đất bùn nơi có cái khung thành mà chúng tôi tự tạo. Khi trời mưa, chúng tôi phải kéo nhau ra đường để chơi bóng vì cả khu vườn đều đã bị hủy hoại. Graeme và tôi luôn rất thân thiết, gần gũi với nhau, dù chúng tôi rất khác biệt về tính cách. Tôi hơi lạnh lùng, có chút lãnh đạm hơn và luôn cố gắng nhìn sự việc một cách khách quan. Trong khi đó, Graeme lại rất dễ nổi nóng, nhất là khi tôi cướp được bóng từ trong chân của nó. Những lúc như thế, tôi lại đặt tay lên trán của nó. Vì tay của tôi dài hơn, nên mặc cho cố gắng vươn tay hết mức nó cũng chỉ có thể đấm được vào khoảng không trước mặt tôi. Nên nó lại càng cáu tiết. Bố và tôi sẽ cùng cười, và cơn giận của nó lại được đẩy lên một nấc mới. Nhưng chuyện đó thường không kéo dài lâu. Mẹ sẽ nhanh chóng đứng về phía Graeme, em bé bé bỏng của bà. “Để nó yên đi, đừng làm nó điên lên nữa,” bà nói. Một ngày nọ, chúng tôi đang chơi bóng ở trung tâm thể thao Wallsend thì một cậu nhóc, tên là Skiv, đẩy Graeme ngã vào các tấm bảng. Graeme bật dậy gần như ngay lập tức, vừa khóc nhưng vừa muốn đánh lại Skiv, người to gần gấp đôi nó, khiến cho chúng tôi cảm thấy vừa thương vừa buồn cười. Tôi thì không bao giờ dám làm như thế. Tôi là kẻ mềm yếu. Graeme rất dễ nổi nóng, trong khi tôi tự thấy chẳng điều gì có thể làm cho tôi giận dữ. Rất hiếm khi tôi rơi vào tình trạng không kiểm soát được bản thân. Khi còn là trẻ con, điều khiến tôi bực mình nhất là trong số những đứa trẻ chơi bóng ngoài đường, anh em tôi luôn là những đứa phải về sớm nhất. Tại sao? Một số đứa bạn tôi được chơi tới tận 9 giờ tối. Có thể thế là hơi muộn, tôi biết. Nhưng mẹ tôi thì lúc nào cũng chỉ một điệp khúc,“Không, hai đứa phải có mặt ở nhà trước 7 giờ 30. Mẹ không quan tâm lũ bạn con làm gì, đó là việc mà các con phải làm.” Nếu mà được quyền quyết định, chúng tôi có thể chơi bóng xuyên đêm. Tôi thích chơi với lũ bạn lắm. Khi lên 9 tuổi, tôi bắt đầu thi đấu các trận sân 11 ở Boyza. Chất lượng của các trận đấu không tồi, nhưng cũng có những trận đấu diễn ra như một trận chiến trên những mặt sân tồi tệ trong điều kiện thời tiết tồi tệ chẳng kém. Ken Richardson và Alan Train, cũng là những tình nguyện viên như Bob, là những huấn luyện viên của tôi trong hai hay ba năm gì đó, và đấy là quãng thời gian mà tôi lần đầu được đào tạo một cách bài bản. Cả Ken lẫn Alan đều rất tuyệt. Ken làm việc bán thời gian ở Newcastle United, đồng thời còn làm thêm công việc giao sữa, ông có một chiếc xe tải nhỏ với một bên thùng xe để mở để ông có thể chuyển sữa lên và xuống dễ dàng. Vào các ngày Chủ nhật, ông sẽ dọn sạch các thùng sữa để tất cả chúng tôi có thể trèo lên thùng xe. Tôi vẫn còn nhớ cảnh chúng tôi chen chúc trên chiếc xe tội nghiệp - đôi lúc số người lên tới 12 nên một đứa phải ngồi lên ốp chắn bánh xe - và huyên thuyên đủ thứ chuyện trong khi đang trên đường tới trận đấu với Cramlington Juniors hay một đội nào đó khác. Bây giờ nhìn lại thì thấy chúng tôi đã quá liều lĩnh, nhưng ở thời điểm đó chúng tôi đều cảm thấy mình được sống trong một quãng thời gian rất tuyệt, khi mọi thành viên trong đội đều rất gắn bó. Được đại diện cho Wallsend Boys Club là một niềm tự hào thực sự. Chúng tôi thậm chí còn phải nộp phạt 10 đồng nếu mang giày bẩn tới các trận đấu. Tôi vẫn nhớ trận đấu với Ponteland trên sân khách. Hôm đó có mưa đá kèm ít tuyết, gió mạnh và rất lạnh - nói chung là thời tiết rất tệ - nhưng chúng tôi vẫn dẫn trước đối thủ 3-0, và tôi chuẩn bị được thay ra. Tôi cũng chỉ mong được ra sân sớm để có thể nhét lên người càng nhiều đồ càng tốt - chân và tay của tôi gần như đã mất cảm giác rồi, thế rồi bỗng nhiên một trong các đồng đội của tôi bật khóc. Cậu ta quá lạnh, và thế là cậu ta được ra sân. Tôi như muốn phát điên. Ngày đó chúng tôi đâu có đồ giữ nhiệt mà mang như bây giờ! Ken là một “cảnh sát tốt”. Ông là người dạy cho tôi về kỷ luật chiến thuật, về cấu trúc của đội bóng, dù tôi lúc đó chỉ mới 9 tuổi. Alan thì lại đóng vai một “cảnh sát xấu”. “Michael, cháu mà không sút banh thủ môn đối phương ra, thì cháu không có cơ hội làm cầu thủ đâu”, Alan nói với tôi như thế hết ngày này tới ngày khác. Lúc đó tôi đang chơi trung phong, nhưng không tài nào hiểu nổi, “Sút banh thủ môn ra thì để làm gì?” Tôi nghe Alan nói với bố mẹ,“Michael lành quá, nó sẽ không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nếu không hạ gục được thủ môn...” “Nó sẽ không bao giờ làm thế,” bố trả lời. Còn mẹ thì nói, “Không đời nào. Tôi sẽ không bao giờ cho phép Michael làm điều đó,” bà tỏ ra rất giận dữ. “Và nó sẽ không bao giờ làm điều đó.” Tôi chưa bao giờ là mẫu cầu thủ bạo lực. Alan thì không có ý nói tôi phải gây chấn thương cho thủ môn, ông chỉ cảm thấy tôi hơi thiếu quyết liệt. Những đứa khác ở Boys Club thường lao chỗ này, húc chỗ kia, tranh chấp quyết liệt khắp nơi trên sân. Tôi thì khác. Tôi thích xem Jacey chơi bóng và thấy rằng nó cũng không khác tôi ngày xưa là mấy. Nếu thủ môn đối phương lao ra, nó cũng sẽ cố gắng lách người và thoát đi. Jacey có phong cách giống của bố tôi, cũng chân trái, cũng chơi một chạm, hoặc chạm và chuyền. Theo một cách nào đó, tôi nghĩ rằng nhà Carrick có một phong cách chơi bóng riêng. Ông nội thường hay bảo tôi phải “chuyền bóng” và “chuyển hướng”. Đó là điều mà ông từng dạy bố, và ông cũng muốn dạy cả tôi luôn. Giống với ông, bố luôn bảo tôi phải “chuyền, chuyền, chuyền cho ai đó khác ở vị trí tốt hơn”. Với bố thì “chơi bóng vì tập thể” là điều hết sức quan trọng. Ông không thể chịu đựng nổi những cầu thủ chơi bóng cá nhân. Với ông thì đội bóng phải luôn được đặt lên trên hết. Gần đây, chúng tôi tổ chức một trận đấu giữa nhân viên và khách mời trong một khách sạn ở Dubai, đội tôi có bố, tôi, Graeme và Jacey. Ở tuổi 66, bố vẫn là người chơi tốt nhất! Ngay từ khi còn bé, tôi đã biết rằng bố thích xem tôi chơi bóng nhiều đến thế nào, ông luôn động viên tôi cố gắng, dù không bao giờ muốn thể hiện quá nhiều tình cảm. Tôi may mắn có những phụ huynh luôn yêu thương và ủng hộ mình. Họ chưa bao giờ bỏ lỡ một trận đấu nào của tôi hay của Graeme. Chúng tôi là tất cả với hai người. Nhìn thấy họ, biết được những hy sinh mà họ phải trải qua, là điều tuyệt vời với chúng tôi. Một điều tuyệt vời khác là họ không bao giờ đặt lên chúng tôi bất kỳ áp lực nào. Bố sẽ chỉ nói, “Cứ tận hưởng thôi. Nỗ lực hơn nữa. Dồn hết tâm trí. Cố gắng hết sức. Tốt lắm.” Tới tận bây giờ bố vẫn thế. Nếu Manchester United thất bại, ông sẽ chỉ nói, “Thôi, cố gắng lần sau làm tốt hơn.” Bố không phải mẫu người hiếu thắng, thực sự như thế, ông quá hiền để có thể trở thành như vậy. Tôi tự nhìn lại mình và nghĩ, đúng rồi, mình đang sở hữu hai nhân cách: trong bóng đá, tôi là người cực kỳ hiếu thắng, sẵn sàng làm tất cả vì chiến thắng, nhưng ngoài đời, tôi lại rất, rất dễ tính. Nếu tôi thua một trận golf nhưng biết rằng mình đã chơi tốt, thì tôi thấy rất bình thường. Tôi đoán đó là phần xuề xòa trong tôi, nhưng tôi còn một phần khác nữa, mà nhờ nó, ở những thời điểm quan trọng trong các trận đấu, tôi luôn được thôi thúc bởi khát khao phải thắng. Tôi chỉ không bao giờ cảm thấy cần phải hò hét hay gào thét. Tuổi thơ của tôi là những mảng ký ức đầy hạnh phúc mà ở trung tâm luôn là bóng đá, nếu không phải là chơi thì cũng là xem. Tôi sẽ không bao giờ quên được trải nghiệm đầu tiên của tôi về một đám đông (xem) bóng đá, khi tôi được 6 tuổi. Tới giờ tôi vẫn còn cảm nhận được sự phấn khích khi lần đầu tiên bước nhanh ra khỏi ga Metro và choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của sân St James’ Park. Sân nhà của Newcastle United được dựng lên trên một ngọn đồi và với tôi thì đó là nơi tuyệt nhất trên đời. Tôi cũng nhanh chóng “phải lòng” bầu không khí ở đó. Chúng tôi tới sớm. Bố lúc nào cũng tới sớm. Lúc đó chỉ có tôi và bố đi thôi, vì Graeme chỉ mới 2 tuổi. Hai bố con xếp hàng trước một cái lỗ nhỏ và hẹp trên tường. Ngày đó chúng tôi không cần mua vé vào cửa, tôi chỉ phải trả 3 bảng, đẩy mạnh cái cửa quay màu đen nặng nề, và sau đó đã có thể bước vào thiên đường có tên Gallowgate. Cảm giác hồ hởi khi leo lên những bậc thang bên trong Gallowgate sẽ không bao giờ rời bỏ tôi. Tôi nóng lòng muốn được ngắm nhìn sân bóng và hòa mình vào đám đông đang ca hát trên các khán đài ngay. Khi đã bước qua bậc thang cuối cùng, tôi lao ngay về khán đài, nhìn xuống dưới, và một cảnh tượng khó tin mở ra trước mắt tôi - một sân bóng khổng lồ! Tôi như bị ngộp thở, sân bóng lớn tới mức tôi không thể thốt lên một lời nào trong 1 hay 2 phút gì đó. “Thật không thể tin nổi!”, tôi thì thầm, chỉ vừa đủ để mình nghe thấy. “Chính là nó! Sân bóng tuyệt vời nhất trên thế giới!” Bố bế tôi đặt lên cái barie bằng bê tông để tôi có thể nhìn rõ các cầu thủ Newcastle. Mirandinha tạo được ấn tượng ngay lập tức, và lâu bền, với tôi, bởi vì ông trông hoàn toàn khác biệt. Thực sự thì tôi cũng không biết là ông có giỏi như người ta nói hay không, nhưng tôi có thể cảm nhận được việc tất cả những người có mặt ở Gallowgate hôm ấy đều hy vọng vào một điều gì đó đặc biệt từ ông. Một người Brazil ở Newcastle cơ mà! Âm thanh trong sân vận động khiến thằng nhóc 6 tuổi là tôi cảm thấy thích thú. Tôi chưa từng tới chỗ nào ồn ào như vậy. Tôi không hề thấy sợ hãi hay lo lắng, chỉ thấy yêu thôi. Tôi thấy như ở nhà, cảm nhận rõ sự thân thiết, chúng tôi cùng hát Blaydon Races và tôi có thể thấy rõ bài hát ấy có ý nghĩa với các cổ động viên của Newcastle nhiều đến y ý g ộ g thế nào. Tôi có thể hát thoải mái dù đang ngồi trên cái barie bê tông không mấy tiện nghi ở khu vực phía sau cầu môn. Tôi luôn cảm thấy an toàn, bởi vì tôi biết rằng bố luôn đứng ở phía sau tôi, sẵn sàng giữ lấy tôi nếu đám đông có bất ngờ ùa lên. Tôi nhớ là tôi luôn ngồi trên cùng một cái barie, cái barie ở ngay phía trước bảng tỷ số. Bầu không khí thật khó tin, tôi bị cuốn vào ngay lập tức. Tôi lưu giữ rất nhiều ký ức về St James’ Park, từ những tiểu tiết như việc họ thường ném hạt quả hạch từ dưới sân qua hàng rào lên khán đài, tới những sự kiện trọng đại mang tính lịch sử. Khi Kevin Keegan trở lại làm huấn luyện viên vào năm 1992, tôi mới 10 tuổi, nhưng vẫn nhớ rõ là St James’ hôm đó như phát cuồng. Bầu không khí phấn chấn ngập tràn. Ông ấy có thể bán được cả giấc mơ, đúng không? Keegan cứu cho đội bóng khỏi rớt xuống hạng ba, Rob Lee được mang về, Steve Watson và Lee Clark đã ở đó, và Peter Beardsley cũng sớm trở lại. Đó là một quãng thời gian thực sự đặc biệt. Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá tuyệt vời nhất, lúc còn ở giải hạng nhất ấy, bởi vì đơn giản là chúng tôi thắng suốt và ghi được rất nhiều bàn thắng. Andy Cole ghi bàn không ngừng. Chúng tôi bay thẳng lên Premier League. Những ngày tươi đẹp đã trở lại. Cả thành phố hân hoan. Ở nơi này, sự khác biệt giữa việc Newcastle chơi tốt và không tốt là rất lớn. Trong khoảng ba hay bốn năm sau đó, thành phố lúc nào cũng tưng bừng. Bố tôn thờ Newcastle. Ông hiện đang là một thành viên của câu lạc bộ Fairs Club, nơi các các cổ động viên của Newcastle chia sẻ cảm xúc về các trận đấu trước đây của Newcastle và gặp gỡ những cầu thủ cũ. Tôi biết nghe có vẻ hơi lạ tai, nhưng bố chưa bao giờ thực sự hiểu được ý nghĩa của việc khoác áo Manchester United đối với tôi. Ông không bao giờ ủng hộ mấy chuyện ồn ào. Với ông, chúng chả có chút ý nghĩa nào. Bố không quan trọng là đá với Coventry hay Barcelona, ông chỉ đơn giản là muốn tận hưởng cảm giác xem một trận đấu, có thể là tới sân, mà cũng có thể là ở nhà xem qua ti vi. Chúng tôi có một cái ti vi, không có điều khiển, và chỉ có bốn kênh. Một ngày nọ, bố trở về sau chuyến công tác với một chiếc ti vi mới, một chiếc ti vi hình vuông mà bọn tôi chỉ có thể nhìn không rời mắt trong sự kinh ngạc. Chiều sâu và chiều rộng của nó là như nhau, màn hình thì được bọc gỗ. Chúng tôi cắm cái máy chơi game Spectrum vào và chơi trò đánh tennis, ngày xưa vẫn là một trò chơi rất đơn giản với hai đường kẻ ở hai đầu, và một chấm nhỏ chạy từ bên này qua bên kia. Tôi dành rất nhiều thời gian cùng với bố và Graeme xem bộ sưu tập băng từ VHS về George Best của bố - Best là cầu thủ mà bố yêu thích nhất. Ông cũng thường mở băng của cầu thủ Newcastle mà ông yêu thích, Malcolm “Supermac” Macdonald! Chúng tôi còn có băng hình của Best, Law, Charlton, của Brazil, Maradona, hay “500 bàn thắng đẹp nhất châu Âu”, kiểu kiểu thế. Bố cũng thích Celtic, vì thế chúng tôi cũng có ít băng hình của họ, những con sư tử Lisbon, đại loại vậy, và ông còn mua cho tôi một vài chiếc áo đấu của Celtic. Tôi thường nhìn chiếc tủ trong đó bố giữ các băng hình của ông như thể đấy là một cái rương chứa kho báu vậy. Ông còn có băng ghi hình các trận chung kết FA Cup, trong đó có những trận chúng tôi xem đi xem lại không chán như trận Liverpool thắng Everton 3-2 vào năm 1989. Sau khi xem xong, Graeme và tôi sẽ chạy ngay ra vườn để luyện cú đảo chân Beardsley. Beardsley, John Barnes - và những cầu thủ từng gắn bó với Liverpool khác, tôi nhớ hết tên của họ. Tôi bắt đầu theo dõi Liverpool bởi vì cậu em họ Gary của tôi là một fan lớn của đội bóng. Tôi thường mặc chiếc áo đấu của Liverpool thời Crown Paints còn là nhà tài trợ và tên của họ được in trước ngực. Từ năm 1988 thì Candy thay thế, và tôi cũng có áo của đội thời điểm đó. Tôi thường xem John Barnes một cách say mê. Ông ấy rất uyển chuyển, đúng không? Lúc nào cũng “sạch sẽ” và “gọn ghẽ”. Beardsley là một người hùng trong mắt tôi. Jan Mølby cũng rất đặc biệt. Tôi ước có thêm nhiều hình tư liệu về Mølby, thực sự là thế, vì tôi thấy trong cách chơi của ông ấy và của tôi có nhiều điểm tương đồng. Không bao giờ vội vã, rõ ràng, dù Mølby ghi được nhiều bàn thắng hơn tôi. Chúng tôi cũng hay xem chương trình The Big Match vào Chủ nhật, mọi người quây g g ậ ọ g q y quần bên ti vi, cùng theo dõi các trận đấu được truyền trực tiếp. Tôi sẽ không bao giờ quên được trận Liverpool - Arsenal, trận đấu quyết định chức vô địch quốc gia năm 1989. Hôm đó là thứ Sáu, tôi và bố cùng xem với nhau. Bố gần như không nói gì cả. Thực tế thì ông chưa bao giờ là người thích nói nhiều, ngay cả bây giờ cũng vậy. Italia ’90 là giải đấu lớn đầu tiên mà tôi thực sự nhớ rõ, và cho tới giờ, những ký ức về giải đấu ấy vẫn còn như mới trong tôi. Trong mùa hè kỳ diệu ấy, tôi gần 9 tuổi và hầu như không thể rời khỏi màn hình ti vi. Một ngày nọ khi tôi và Graeme tới nhà bà để uống trà, chúng tôi xin bà mở ti vi cho xem trận tứ kết giữa Argentina với Nam Tư. Tôi cũng sẽ không bao giờ quên được quả đá penalty thành công của Diego Maradona trong loạt luân lưu ở trận bán kết với Italy. Tôi xem không sót một khoảnh khắc nào ở kỳ World Cup ấy, nhớ hết tất cả những cầu thủ nước ngoài tuyệt vời với những cái tên lạ tai mà tôi nhắc đi nhắc lại mãi: Schillaci! Baggio! Völler! Klinsmann! Matthäus! Careca! Tất nhiên, Anh chính là tình yêu của tôi. Tôi là Gazza, lúc nào cũng là Gazza, số 19 của tuyển Anh, cả trong sân vườn, cũng như trong những giấc mơ. Tôi thậm chí còn có một bộ tracksuit[1] của tuyển Anh - một bộ shell suit[2] thì đúng hơn - mà tôi đã mặc như một thứ bùa may khi Anh vượt qua Italy. Tôi tin tưởng rằng Anh sẽ làm được, rằng chúng tôi sẽ trở thành những nhà vô địch thế giới. Chúng tôi có GAZZA cơ mà!!! Trận bán kết với Tây Đức ở Turin, và thất bại trong loạt 11m khiến tôi hoàn toàn suy sụp. Bóng đá, tuyển Anh và Gazza là tất cả đối với tôi, nên khi chúng tôi phải dừng bước trước ngưỡng của thiên đường, tim tôi như tan vỡ. [1] Bộ quần áo thể thao - ND. [2] Cũng là bộ quần áo thể thao nhưng nhẹ hơn và có khóa kéo - ND. Hồi 1988, bố thậm chí còn mua được vé xem trận Liverpool tranh Charity Shield (Siêu Cúp Anh) với Wimbledon ở Wembley. Đúng rồi, là Wembley! Cũng giống như với Boys Club và sau đó là St James’, chuyến đi đầu tiên tới Wembley chắc chắn sẽ rất đặc biệt - nó phải đặc biệt! Chúng tôi dự định sẽ ở lại qua đêm, cả nhà chúng tôi, gồm mẹ, bố và hai anh em tôi. Vì thế, chúng tôi đặt một phòng B&B[3] ở bắc London. Bố và tôi nhanh chóng tới sân để kịp theo dõi trận đấu, trong khi mẹ đưa Graeme đi shopping ở London trên chiếc xe đẩy. Bố muốn tới Wembley một cách “đúng điệu”. “Nhanh lên con trai, chúng ta sẽ đi tàu điện ngầm, sau đó lên Wembley Way.” Với bố thì đó là điều hết sức trọng đại, ông thuộc mẫu người cực kỳ coi trọng truyền thống, hay còn gọi là mẫu cổ điển, nhưng tôi yêu cái thực tế rằng ông là một người như vậy. [3] Bed & breakfast, một kiểu homestay, khách thuê có chỗ ngủ qua đêm và ăn sáng miễn phí - ND. Tôi từng nghĩ như sân St James’ là lớn lắm rồi. Nhưng Wembley, trời ơi, là một con quái vật! Chúng tôi ngồi ngang với khu vực cấm địa, đối diện khu Hoàng gia - Royal Box. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lạnh sống lưng khi các cầu thủ chạy ra từ đường hầm, khi được sống trong những âm thanh sống động của cả sân bóng, và khi John Aldridge lập cú đúp. Liverpool giành chiến thắng trước Wimbledon, trả được món nợ thua ở chung kết FA Cup, tôi nghĩ vậy. Tuy nhiên, trải nghiệm đầu tiên về Wembley của tôi lại kết thúc trong tồi tệ. Khi chúng tôi trở lại phòng trọ, mẹ đang khóc nức nở. Khổ thân mẹ, có lẽ bà đã nghĩ là thời gian ngừng trôi khi ngồi đó chờ bố con chúng tôi về. “Em không thể nào ở lại đây được”, mẹ nói. Căn phòng quả thật hết sức tồi tệ. Đó là một căn hộ tầng hầm bẩn thỉu với những túi rác màu đen nằm chình ình ngay ngoài cửa, và mẹ thì không dám đụng vào bất kỳ thứ gì. “Thôi,” bố nói,“Chúng ta về thôi.” Thế là chúng tôi leo lên chiếc Princess có cái nắp capo dài ngoẵng của bố và trở về nhà. Chuyến đi kéo dài tới bảy tiếng, nhưng cũng bõ. Chúng tôi không thể nào ở lại chỗ đó được. Đấy là một nơi thảm họa, mà chúng tôi thì lúc nào cũng yêu cảm giác được ở nhà. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã đi lễ vào mỗi Chủ nhật ở nhà thờ của Salvation Army (Đội quân Cứu thế, một nhà thờ đạo Tin lành). Chúng tôi luôn được nuôi dạy với những giá trị Cơ đốc giáo mạnh mẽ. Điều đó rất quan trọng với bố mẹ. Mẹ gần như lúc nào cũng có mặt ở Salvation Army. Vì thế, cứ vào Chủ nhật là chúng tôi lại đi lễ nhà thờ và sau đó vào học ở trường đạo. Khi tới nơi, tôi, Graeme và cậu em họ Garry sẽ chạy thẳng đến nhà cộng đồng để chơi bóng. Chúng tôi chơi trước và thậm chí cả sau khi hành lễ. Chúng tôi lúc nào cũng mang theo quả bóng bằng bọt biển bên người, nên có thể đá ở mọi nơi, thường là dùng ghế để làm khung thành. Nhưng rồi dần dần tôi phát hiện ra rằng không có bất kỳ cậu bạn nào của tôi ở Boyza tới trường đạo, điều đó khiến tôi cảm thấy khó hiểu hết sức. Cuối cùng, tôi mang thắc mắc của mình nói với mẹ. Tôi nói rằng không có cậu bạn nào của tôi ở Boyza học ở trường đạo, vậy tại sao chúng tôi lại phải làm thế? Tôi duy trì thói quen nói trên thêm một thời gian nữa, nhưng tới năm 11 tuổi thì tôi không còn đi lễ vào tất cả các ngày cuối tuần, dù cả gia đình vẫn đi vào những dịp đặc biệt. Mẹ không thấy có vấn đề gì. Bà luôn động viên chúng tôi, nhưng chưa bao giờ muốn áp đặt đức tin của mình. Thực tế thì tôi là một người Công giáo, vì bố được sinh ra trong một gia đình Công giáo, Ông tôi thậm chí còn từng quản lý một ngôi trường Công giáo. Khi lũ trẻ nhà tôi trở lại Wallsend, chúng rất thích được tới nhà thờ và trường đạo với mẹ. Chúng cũng háo hức nghe bà kể chuyện về thời bà còn là thủ lĩnh trong Câu lạc bộ Thanh niên, là Cú Nâu (Brown Owl, lãnh đạo cao nhất) và Người hướng dẫn (Guider) trong phong trào Girlguiding. Mẹ luôn tổ chức được những chuyến đi dã ngoại trong ngày hay những kỳ nghỉ dài ngày tuyệt vời tới những địa điểm như là Scarborough, Skegness, Butlin’s và thậm chí cả Corfu. Nhưng khổ thân mẹ, ngay khi vừa tới nơi và nhìn thấy bãi cỏ, chúng tôi sẽ lập tức gào lên “Lấy bóng ra, lấy bóng ra.” Khi đó mẹ chỉ có thể cười và nói, “Mấy thằng nhóc nhà tôi thế đấy.” Tới bây giờ, đôi lúc tôi vẫn nghĩ, phải sống trong một ngôi nhà toàn con trai như thế, có bao giờ mẹ tôi mơ ước có một đứa con gái không? Tôi yêu và ngưỡng mộ mẹ lắm. Mẹ là một người phụ nữ tuyệt vời. Mẹ thích gửi thiệp cho mọi người, vào sinh nhật, đám cưới, để cảm ơn, chúc mừng - bà hẳn phải có một quyển sách dày với đầy ắp những ngày tháng và địa chỉ. Cộng đồng chính là “đội” của bà, và bà đóng góp cho đội của mình rất nhiều. Không bao giờ bà nghĩ tới mình, bao giờ cũng là người khác trước. Khi tôi còn ở Boyza, mẹ chính là người mang bánh quy và trà tới cho mọi người. Khi đi picnic, lại là mẹ chuẩn bị bữa trưa. Mẹ thường tỏ ra hơi bực mình khi tất cả mọi người đều đến tay không rồi nói, “Ô, Lynn có gì kìa.” Khách quan mà nói, mẹ luôn có gì đó thật. Mẹ còn có một bình cà phê kiểu công nghiệp cỡ lớn, đủ chứa cà phê cho cả một đội quân. Chúng tôi còn lôi theo đủ thứ lỉnh kỉnh khác, từ áo khoác, mũ, găng tay, túi, vì mẹ luôn lo lắng sẽ có lúc có ai đó cần đến chúng. Mẹ thích làm thế, bởi bà biết rằng Graeme và tôi rất hạnh phúc ở Boyza. Mẹ luôn có mặt trong các trận đấu của chúng tôi, đôi khi vì thế mà phải bắt tới bốn chuyến xe bus, nhất là trong những lúc bố đi công tác. Bà không bao giờ nói, “Ôi, tối nay mẹ không đưa các con đi được rồi.” Mẹ không biết lái xe. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ bỏ lỡ các trận đấu, vì mẹ luôn đưa chúng tôi tới sân đúng giờ bằng xe buýt. Tôi biết mình sẽ không bao giờ có thể nói ra được hết sự biết ơn với những hy sinh của bà. Mẹ cũng dạy tôi sống có nguyên tắc và có trách nhiệm với tiền bạc. Tôi nhớ có một hôm bà gọi tôi lại và nói rằng bà đã lập cho tôi một cuốn sổ tiết kiệm nhỏ để tôi có thể gửi tiền vào. “Mẹ sẽ chuyển tiền ăn tối và một ít tiền tiêu vặt hằng tháng của con vào ngân hàng, nên con cần phải nhanh chóng học cách quản lý chúng,” mẹ nói. “Nếu con có thể tiết kiệm được khoản nào trong tháng thì khoản đó sẽ là của con. Nhưng con cũng nên nhớ là nếu vào thứ Sáu con đã tiêu hết tiền ăn tối rồi, thì tối hôm đấy con sẽ phải nhịn đó.” Một trong những ký ức đẹp đẽ nhất về thời thơ ấu của tôi là khi tôi cùng đội U12 của Wallsend Boys Club tới Hà Lan du đấu. Cả đội choáng ngợp trước những pha lên bóng từ phần sân nhà của đối thủ. Nhưng đấy không phải phần tôi nhớ nhất. Tôi còn không nhớ chúng tôi đá với đội nào, tuy nhiên lại nhớ rất rõ cảnh mẹ cầm túi xách dọa trọng tài. Những cảnh như thế cả đời ta cũng không quên được! Để tôi tóm tắt câu chuyện. Chỗ chúng tôi ở có một cái hồ và một cầu trượt, trong khi chơi, tôi bị xước hết cả đầu gối. Thế là trên gối tôi xuất hiện một mớ băng bướm kiểu cũ, và một miếng gạc to đùng. Nhưng bởi vì chúng tôi đang đi du đấu, nên tôi vẫn quyết ra sân. Trong đội hình của đội bóng mà Wallsend phải đối đầu có một vài cầu thủ gian tuổi, đó là điều chắc chắn bởi vì họ không thể nào mà cũng 11 tuổi như chúng tôi được, và một trong những kẻ gian tuổi đó, một gã to lớn, đã đẩy tôi ngã dúi dụi khiến tôi ôm gối đau đớn. Mẹ gào lên với trọng tài, rồi sau đó lao vào sân, tay lăm lăm cái túi. Được nửa đường thì mẹ nhận ra việc mình đang làm, bà dừng lại, sau đó từ từ lùi về chỗ cũ. Chuyện đó khiến bà xấu hổ mãi. Cho tới giờ thì bà vẫn chưa hết ngại khi nhắc lại sự cố ấy! Graeme giống mẹ, trong khi tôi giống bố nhiều hơn. Khi nhỏ, tôi hơi nhút nhát, thậm chí còn có thể ngây ngô nữa. Lũ bạn tôi lúc nào cũng bày ra đủ trò, vướng vào đủ kiểu rắc rối, không đánh nhau chí chóe thì cũng quấy rối người khác bằng cách tới gõ cửa nhà người ta rồi ù té chạy. Đại loại là những trò ngớ ngẩn như thế. Tôi thì không bao giờ tham gia - chỉ vì tôi quá lo lắng về chuyện bị tóm. Tôi không sợ bố, nhưng sợ mẹ một phép. Bà là một người rất mạnh mẽ, và có thể rất cứng đầu (về điểm này thì tôi giống bà). Nhưng bà là người giàu tình yêu thương và luôn quan tâm tới người khác. Cứ khoảng vài tháng một, mẹ lại có một lần nổi đóa, đôi khi tới mức mất cả kiểm soát, nhất là khi chuyện bóng bánh của chúng tôi khiến cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng. Bà sẽ gào lên,“Suốt ngày bóng với chả bánh. Tôi không thể chịu đựng được nữa.” Rồi bà đóng sầm cửa và đi ra ngoài. Bố và tôi sẽ nhìn nhau và cười mỉm, “Mẹ lại thế nữa rồi!” Nếu tôi mà chưa làm xong bài tập, mẹ chắc chắn sẽ không cho tôi tới Boyza. “Học hành trước, bóng bánh để sau” là câu bà thường nói. Cả mẹ lẫn bố đều rất quan tâm tới chuyện học hành. Có một lần tôi đã lỡ một buổi tập bởi vì chưa hoàn thành bài tập về nhà. Tôi đã rất xấu hổ khi phải nói với Ken lý do tôi không thể có mặt. Đấy là lần duy nhất tôi để chuyện đó xảy ra. Ở ngôi trường đầu tiên của tôi, Stephenson, tôi chưa chơi bóng nhiều lắm. Ở đó có thầy Dobson là một thầy giáo thể dục kiểu cũ, rất nghiêm khắc. Ở Stephenson không có một cầu thủ bóng đá thực sự nào, đội cùng khóa với tôi thì rất tệ, nên tôi thường nhảy lên chơi với các anh lớp trên. Và bởi vì tôi ít ra cũng có đôi chút khái niệm về việc phải chơi như thế nào, nên thầy Dobson thường bố trí tôi đá hậu vệ quét. Tôi đã chơi ở vị trí đó một buổi chiều nọ, khi đội chúng tôi đấu với đội Western. Colin Mackay, một trong các giáo viên của đội Western, sau khi xem tôi chơi đã có lời mời tôi tới thử việc ở Wallsend Town. Lúc ấy thì đó là cả một sự kiện. Không lâu sau đấy, tôi chuyển tới Western và chơi bóng dưới sự chỉ bảo của thầy Mackay, người mà tôi luôn đánh giá là tuyệt vời, là người tốt nhất. Phong trào bóng đá ở Western mạnh hơn hẳn so với ở Stephenson. Ở Western, chúng tôi có một nhóm gồm sáu hay bảy thằng cuồng thể thao như tôi, trong đó có những người bạn thân nhất của tôi là Chris Hood, Steven Bradley và Stephen Rutherford. Hoody sau đó tới Trung tâm năng khiếu của Newcastle, Paul Docherty và Kevin Urwin thì ở Middlesbrough trong thời gian ngắn tôi tập luyện ở đó, Phil Walton tới học việc ở Hartlepool, Chris Thorman chuyển sang chơi rugby, gia nhập Super League, làm đội trưởng đội tuyển Anh và nay đang là trợ lý huấn luyện viên ở Huddersfield Giants. Steven Bradley và Stephen Rutherford ký hợp đồng với Hull và sau đó là Gateshead Thunder ở giải vô địch rugby. Chúng tôi đều ngon lành cả! Western thậm chí còn giành được quyền tham dự vòng chung kết giải vô địch sân 5 dành cho khối các trường học trên toàn quốc, giải đấu diễn ra ở Trung tâm thể thao Aston Villa vào năm 1992. Chúng tôi tự thúc đẩy nhau tiến bộ dưới sự hướng dẫn của thầy Mackay. Khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, tôi nhận ra mình đã may mắn đến nhường nào khi có được một người thầy tuyệt vời như thầy Mackay, người đã luôn động viên, khích lệ tôi trong những năm đầu của cuộc đời và sự nghiệp. Ông tới từ Aberdeen, là một người rất nhiệt thành, cứ mỗi lần tôi nghĩ ông đã giúp đỡ mình nhiều thế nào, từ sâu thẳm trong tôi lại trào lên một cảm giác biết ơn. Tôi chưa bao giờ để mất liên lạc với thầy Mackay, bởi vì ông chính là người đã giúp định hình sự nghiệp của tôi. Ông dành rất nhiều thời gian - các buổi tối trong tuần và các buổi sáng thứ Bảy - để chỉ bảo cho chúng tôi. Thầy Mackay thậm chí còn đăng ký cho tôi tham gia giải vô địch điền kinh hạt Northumberland hồi năm 1991. “Chúng ta cần một người tham gia nội dung vượt rào 60m cho lứa tuổi U12,” ông nói. “Thầy ơi để con thử xem sao,” tôi đáp lời. Tôi, 9 tuổi, tham gia nội dung cho lứa tuổi 11, và chưa tập được buổi nào. Thực sự là điên rồ, bởi vì tôi chẳng biết bất kỳ cái gì cả, thậm chí còn không biết phải chạy bao nhiêu bước giữa hai cái rào. Tôi còn chẳng biết ăn mặc thế nào cho phải. Tôi nhớ là hôm đi thi, tôi mặc một bộ Reebok thùng thình, đi một đôi giày cũng thùng thình không kém. Anh chàng bên cạnh mang giày đinh, còn chuẩn bị cả các khối giậm đà, tôi thì đứng đó và nghĩ, Mình sẽ làm cái quái gì với mấy thứ thùng thình trên người này? Nhưng dù thế nào thì tôi cũng xuất phát được, và tất cả những gì mà tôi có thể nghe thấy là tiếng mẹ hét,“Cố lên, Michael, cố lên!” Tôi vượt qua được vài vòng, và chiến thắng trong trận chung kết. Vô địch hạt Northumberland đấy nhé! Năm tiếp theo, thầy Mackay lại đăng ký cho tôi tham gia, nhưng năm đó tôi chỉ về nhì, và sự nghiệp điền kinh của tôi coi như chấm dứt ở đó. Một ngày, thầy Mackay lại nói, “Hạt đang tổ chức tuyển vận động viên cricket, các con chơi cũng ổn, có muốn tham gia không?” Chúng tôi không chắc lắm. Rồi thầy nói tiếp,“Buổi thi tuyển sẽ diễn ra ở Câu lạc bộ Cricket Jesmond, vào lúc 2 giờ chiều. Nên các con sẽ phải nghỉ học sớm.” Nghỉ học sớm ư? Yeah, đăng ký ngay cho bọn con đi thầy! Chúng tôi cứ thế tới Jesmond, và ngay lập tức nhận ra rằng mình đã tới nhầm chỗ. Trông bọn tôi đứa nào cũng lếch tha lếch thếch, đúng kiểu vừa từ ngoài đường vào, và chẳng thằng nào có nổi một cây gậy. Nói chung, chúng tôi chẳng biết mình đang làm cái quái gì. Tất cả những đứa trẻ khác đều đến từ các trường tư, tất cả đều vận đồ trắng, và tôi biết tất cả đều đang nghĩ: “Ở đâu ra cái đám này vậy?” Nhưng kệ, chúng tôi, gồm tôi, Hoody và mấy cậu khác, cứ đeo đệm ống chân vào, mượn một cây gậy, rồi bước ra sân. Tôi sẽ không bao giờ quên được cách Hoody quật những quả bóng đi bốn hướng. Cậu ta khiến cho những tay ném chạy tán loạn. Thorman cũng chứng tỏ mình là một tay ném nhanh nhẹn. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi được liên hệ lại. Thi đấu cho đội tuyển của hạt ư? Đương nhiên là người ta sẽ không để chúng tôi có được vinh dự đó. Đám nhóc ở Wallsend không hợp với tiêu chí của họ. Tôi biết là mình chơi được cricket, nhưng thực sự là tôi không biết nhiều về môn này. Khi chơi, tôi cảm thấy hơi bị ngợp, và không thoải mái. Như thể đấy là một thế giới mà tôi không nên thuộc về. Tôi vẫn nhớ quả bóng đầu tiên được ném về phía mình, chưa bao giờ tôi thấy cái gì bay nhanh như thế. Ngay ở đó và vào thời điểm ấy, tôi đã quyết định, Không, đây không phải là món dành cho mình. Thầy Mackay còn cho chúng tôi chơi rugby ở trường; một vài đứa còn tham gia giải vô địch vào các thứ Bảy. Graeme chơi rugby khá giỏi, đủ để được tham gia giải vô địch giữa các trường khu vực Đông Bắc được tổ chức ở Wembley ngay trước giải Vô địch thế giới rugby 1995. Nhưng cậu ta lại không máu me với môn này lắm. “Muốn chơi một trận rugby không?” Chơi luôn, “Luật lệ thế nào?” Cứ ghi vài điểm try[4] và làm vài cú tắc thôi. Đấy, thực sự, không phải là môn chơi hợp với tôi; tới giờ tôi vẫn còn mấy vết sẹo vì rugby. Một ngày nọ, chúng tôi chơi rugby trên bãi biển ở vịnh Whitley, cách Wallsend khoảng 11km. Trận đấu diễn ra rất căng thẳng, và rồi tôi lãnh một cú trời giáng vào mũi. Khi lũ bạn nhìn thấy mặt tôi be bét máu, chúng mới gọi xe cấp cứu. Chúng tôi đi xuống chân của một vách núi nhỏ, rồi lũ bạn để tôi lại đó. Nhân viên y tế đã phải mất bao công mới tới được cái chân vách đó; tới nơi, tất cả những gì ông ấy thấy là một thằng nhóc 14 tuổi với một cái mũi sưng vù. “Cậu có thể tự đi lên mà,” ông nói, giọng không được thoải mái lắm. Dù sao thì ông cũng đưa tôi tới bệnh viện North Tyneside General và sau đó họ gọi điện cho mẹ. Tôi không muốn sửa mũi, nhưng khi mẹ tới, mẹ khăng khăng yêu cầu các bác sĩ phải nắn lại nó. “Con bà sẽ là người quyết định việc đó, thưa bà,” vị bác sĩ nói với mẹ. Mẹ gay gắt,“Xin lỗi ông, tôi là người nhà của nó. Đó là con trai tôi. Nó mới 14 tuổi, và tôi vẫn là người chịu trách nhiệm về nó!” Vị bác sĩ vẫn tỏ ra rất cương quyết: “Michael đã chọn không can thiệp gì cả, và nếu chúng ta nói về trách nhiệm, thì tôi xin nhắc lại với bà rằng bà đã không có mặt ở đó khi tai nạn xảy ra.” Tới bây giờ mẹ vẫn giữ lá thư mà bệnh viện North Tyneside General gửi về trường Western để thông báo rằng tôi đã tự đi ra chỗ bãi biển với đám bạn. [4] Bằng cách đặt trái bóng xuống khu vực cầu môn bên trong, giữa vạch cầu môn và vạch hết sân - ND. Tới thời điểm đó, bóng đá đã trở thành một nỗi ám ảnh toàn phần với tôi, tôi không còn chơi nhiều môn thể thao khác nhau nữa, mà tập trung hoàn toàn cho bóng đá. Hoody từng được nhận vào Trung tâm năng khiếu của Newcastle, nhưng cả cậu ấy, Bradley lẫn Rutherford không có ai là cuồng bóng đá như tôi. Họ thích rugby hơn. Có lần Rutherford gọi cho tôi khi tôi đang ở nước ngoài, đúng lúc tôi đang ở trên xe bus của Manchester United. “Cậu đang ở đâu đấy?” “Ở Bernabéu!” “Có gì ở đó thế?” “Tôi sắp đấu với Real Madrid. Là trận lượt đi vòng knock-out Champions League ấy mà!” “Thế à, được rồi, chúc may mắn nhé! Để mai tớ sẽ gọi lại.” Không thể tin nổi! Một trong những trận đấu lớn nhất trên thế giới, thế mà cậu ấy không mảy may bận tâm! Nhưng đó là điều mà tôi yêu quý ở Rutherford. Tôi thấy như thế lại hay. Sau tất cả, thì cuộc đời đâu chỉ có mỗi bóng đá. Chuyện trường lớp chen vào giữa sự nghiệp bóng ban của tôi, nhưng tôi biết là mình phải học, và tôi thực sự đã học rất chăm chỉ. Tôi tìm thấy niềm vui trong việc đọc lại những bản nhận xét môn thể dục của tôi trong thời gian học ở Burnside, để xem tôi đã nắm bắt được những điều cơ bản của bóng đá trong những ngày đầu như thế nào. “Michael đã thể hiện được sự am tường về chiến thuật trong các trận đấu... dù luôn tranh chấp quyết liệt, song em luôn làm điều đó một cách fair play,” bản nhận xét môn thể dục năm 1993 viết. Hai mươi lăm năm sau, tôi hy vọng là mình không thay đổi. Không thể nói quãng thời gian của tôi ở trường học là lãng phí, nhưng thực tế thì tham vọng duy nhất của tôi luôn là trở thành một cầu thủ bóng đá. Các tuyển trạch viên thường xuyên theo dõi tôi và mời tôi tới tập luyện ở các câu lạc bộ của họ. Khi 9 tuổi, tôi tới thử sức ở Middlesbrough, chỉ đơn giản là vì một vài trong số các bạn tôi ở Boyza, Kev Urwin và Paul Docherty, đã tới đó. Docherty là một cầu thủ nhỏ con nhưng rất tuyệt vời, dường như kỹ năng nào anh ấy cũng có - sút chân phải, chân trái, xoay kiểu Cruyff, đảo chân, kiểu kiểu thế. Tôi chỉ chơi duy nhất một trận cho Boro, ở vị trí trung phong, và khi các bạn tôi không được giữ lại, thì khoảng một năm sau, khi 12 tuổi, tôi cũng rời đi. Tôi vẫn còn giữ bức hình chụp tôi đứng bên cạnh Gary Pallister bên ngoài lối vào dành cho các cầu thủ của sân Ayresome Park hồi năm 1992. Tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội thử sức ở các câu lạc bộ khác. Tôi từng “làm khách” của Stoke ở giải Ayr vào năm 13 tuổi. Tôi cũng bắt đầu dành thời gian cho West Ham United, ban đầu là tới đó vào các kỳ nghỉ vừa để tập luyện vừa để làm quen với đội ngũ cũng như cách tổ chức của đội bóng, và sau đó là đều đặn mỗi tháng một lần. Tôi cũng chơi cho cả các câu lạc bộ khác nữa. Rồi Newcastle muốn ký hợp đồng với tôi. Với tư cách là một cổ động viên của Newcastle, tôi đã phấn khích thực sự khi giám đốc Trung tâm năng khiếu của Newcastle, John Carver, mời tôi cùng đội U14 của họ dự Milk Cup được tổ chức ở Bắc Ireland. Khi tôi đồng ý, John đi thẳng vào một cửa hàng của câu lạc bộ ở sân St James’, lôi khỏi giá một bộ tracksuit và đưa luôn cho tôi. “Đây,” John nói, “Thế là đủ để cậu có thể bắt đầu rồi.” Nhớ lại chuyện đó, tôi và mẹ vẫn còn thấy buồn cười. Vấn đề là cái quần trông như dở hơi, nó quá dài; khi về lại Wallsend, mẹ phải mang nó ra tiệm để sửa lại, và bà mất cả gia tài vì việc đó. Nhưng dù thế nào, thì đúng sinh nhật thứ 13, ngày 28 tháng 7 năm 1994, trong bộ quần áo đã được sửa lại cho vừa, tôi cũng đã có mặt ở St James’ để trình diện. Peter Beardsley xuống và mang cho tôi một cái bánh. Tôi rất cảm kích trước hành động ấy của ông, nhưng thực sự là tôi ghét chuyến đi của mình. Giải đấu năm đó rất chất lượng, toàn những cầu thủ hàng đầu, nhưng ngoài sân thì mọi chuyện khá khó khăn. Một đêm nọ ở Portrush, các huấn luyện viên của Newcastle phát cho chúng tôi ít tiền và bảo chúng tôi ra chỗ mấy cái máy đánh bạc mà chơi. Một số cầu thủ tách ra đi riêng, họ mượn một chiếc Mini từ một cô gái mà họ vừa quen, và lái nó vòng vòng quanh chỗ đỗ xe. Chuyến đi năm đó toàn những chuyện như thế, vì vậy mặc dù rất yêu Newcastle United, tôi biết rằng tôi không thể ký hợp đồng với họ được. Không khí ở đó không thể sánh được với ở West Ham, tôi nói thật. “Con thích Newcastle nhưng con sẽ không tới đó đâu,” tôi nói với mẹ khi về nhà. Trái tim tôi chưa bao giờ dành cho Newcastle. Họ không có đội dự bị, nên tôi cũng không hình dung nổi con đường vươn lên đội Một sẽ là như thế nào. Có một thứ mà mọi đứa trẻ đều mong muốn khi tới một câu lạc bộ mới. Cơ hội. Bất chấp tình yêu lớn dành cho đội bóng và niềm vui mà tôi từng có ở Gallowgate, tôi đơn giản là không cảm thấy thoải mái ở Newcastle. Tôi muốn tới West Ham hơn, và mỗi ngày thì mong muốn này lại lớn thêm một chút. Một năm sau, tôi trở lại Milk Cup, lần này là trong thành phần của West Ham; bên cạnh tôi có thêm Mark Maley và Steven Watson, những người bạn ở Boyza. Suốt giải đó, tôi được bố trí ở chung phòng với Shaun Byrne. Chúng tôi trở thành một đôi bạn thân trong nhiều năm. Thật tình cờ, đối thủ của chúng tôi chính là Newcastle. Trước trận đấu, huấn luyện viên làm tất cả những gì có thể để chắc chắn là chúng tôi sẽ vào trận với quyết tâm cao nhất. “Được rồi, chúng ta có ba chàng Geordie (biệt danh dành cho dân vùng Tyneside) ở đây, mà chúng ta lại sắp đấu với Newcastle, thế nên tốt nhất là các cậu hãy đá đấm cho ngon lành và giành chiến thắng vì ba anh chàng này nhé,” ông nói trước toàn đội. Trận ấy, chúng tôi đánh bại Newcastle 5-1. Lúc nào cũng phải vui. Trong phần lớn thời thơ ấu của tôi, bóng đá đồng nghĩa với niềm vui. Tôi luôn thấy hứng thú cả trong thi đấu lẫn lúc tập luyện, cả khi chơi hay lúc mắc sai sót. Chưa bao giờ tôi nói những câu kiểu,“Tối nay mình có phải tập luyện không nhỉ?” Tôi mong chờ từng phút từng giây để được gặp những người bạn của mình ở Boyza. Chủ đề chính trong các câu chuyện trong thời gian nghỉ ở Western của chúng tôi luôn là Boyza và bóng đá. “Đội cậu sẽ gặp đội nào? Trận đấu bắt đầu từ mấy giờ? Tôi sẽ tới xem và cổ vũ.” Chơi bóng vì tình yêu cũng có thể là lý do khiến tôi cảm thấy trường năng khiếu của FA ở Lilleshall không phải là nơi dành cho mình. Chỗ đó giống như một cái nhà kính chỉ dành cho những đứa trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu. Khi 14 tuổi, tôi được chọn thử việc ở Doncaster và sau đó có cơ hội tham gia hai kỳ thi tuyển khác để vào Lilleshall. Nơi bố mẹ chở tôi tới là một khu xa xôi ở vùng nông thôn Shropshire; ngay khi vừa xuống xe, và nhìn thấy xung quanh toàn những đứa trẻ cực kỳ lanh lợi, tôi lập tức cảm thấy lạc lõng. Những đứa trẻ khác trông già dặn hơn hẳn so với tôi, dường như đứa nào cũng hiểu rõ cách thế giới vận hành, nắm vững những bí quyết để thành công trong bóng đá, và tường tận chu trình của cả hệ thống. Tôi thì vẫn ngây ngô, nói đúng hơn là chưa đủ trưởng thành. Suy cho cùng tôi chỉ là một thằng nhóc tháng 7, một đứa sinh muộn, luôn là đứa nhỏ tuổi nhất trong nhóm tuổi. Quá nhỏ thì đúng hơn. Trong thời gian ở Lilleshall, tôi thường nằm dài trên giường trong tâm trạng đau khổ, với một suy nghĩ duy nhất, Liệu ta có muốn mất hai năm ở nơi này, nơi không có mẹ, bố và Graeme, không có cả bạn bè? Tôi khát khao trở thành một cầu thủ, nhưng luôn cần phải cảm thấy thoải mái, cảm thấy mình được chăm sóc, cảm thấy an toàn. Đó là lý do tôi chơi không tốt trong cuộc thi tuyển, trái tim tôi có dành cho nó đâu mà. Tôi tự cho phép mình đứng ngoài lề trận đấu. Bố mẹ hôm đó cũng tới xem, và ngay lập tức bố hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau một hay hai năm gì đó, mẹ kể lại cho tôi những gì bố đã nói, “Có chuyện gì với Michael vậy nhỉ? Anh không nghĩ là nó muốn ở lại chỗ này.” Khi đang trên xe trở về nhà, tôi nói hết những gì mình nghĩ, “Bố ơi, con không muốn ở lại Lilleshall. Con không thể nào sống xa nhà được. Con không muốn phải ở đây những hai năm. Nên con sẽ không chơi đâu.” Thực tế thì tất cả những gì mà bố mẹ quan tâm là tôi có thấy hạnh phúc hay không. Nên bố nói, “Được rồi, con trai, nếu con không thích tới đó thì con không phải tới.” “Mẹ à, con không muốn xa nhà.” “Thế thì con sẽ không cần phải làm điều đó,” mẹ trả lời. Sau hai trận đấu, FA chọn được 30 cầu thủ, và sau đó sẽ rút lại còn 20 người. Hai tuần sau, tôi nhận được một lá thư từ FA, họ nói rằng tôi thuộc diện chờ, nghĩa là có cơ hội được chọn trong trường hợp có cầu thủ nào đó rút lui. Tuyệt vời! Tôi có lẽ là đứa trẻ đầu tiên trong lịch sử Lilleshall ăn mừng vì không được chọn. Tôi cho đó là một vụ tẩu thoát may mắn. Tôi biết là nếu tới Lilleshall, tôi sẽ không trụ lại được mấy hồi. Ở Lilleshall, bố mẹ có nhiều cuộc trò chuyện bên đường biên với các phụ huynh khác, những người thể hiện rõ mong muốn và quyết tâm cho con họ vào trường. Trong số những đứa tham gia thi tuyển, có những đứa như thể được sinh ra cho môi trường “nhà kính” ở Lilleshall vậy. Tôi thì không. Tôi chưa sẵn sàng. Ở Lilleshall, tôi cảm thấy dễ tổn thương. Trong tờ giới thiệu chương trình của Lilleshall, tôi thấy có cả Alan Smith. Alan và tôi sau này trở thành đồng đội ở Manchester United, nhưng từ lúc đó thì chúng tôi đã biết nhau rất rõ, do cùng đi theo một con đường là từ trung học Doncaster tới các cuộc thi tuyển của Lilleshall. Tôi lúc nào cũng nghĩ, Chà, Smudger (tên gọi khác của Alan) có vẻ sẵn sàng cho Lilleshall rồi, hắn ta biết làm thế nào để tồn tại ở đây. Thế nhưng được vài tháng thì Alan cũng rút lui. Khi nghe được tin này, tôi càng thêm tin tưởng là mình đã né được một viên đạn. Và khi tôi nhìn ngắm những bức ảnh chụp tất cả các cầu thủ chuyên nghiệp thành công trên tường ở Boyza, tôi càng tin rằng giấc mơ trở thành cầu thủ của tôi là trong tầm với cho dẫu tôi bị “trượt” khỏi Lilleshall. Sâu thẳm trong lòng, tôi luôn nghĩ rằng tôi có thể trở thành cầu thủ. Đấy là sự ương ngạnh, là sức mạnh nội tâm mà tôi lúc nào cũng tự cảm thấy trong mình. Tôi sẽ không bao giờ nói ra miệng rằng tôi giỏi hơn cầu thủ này hay cầu thủ kia, nhưng tôi sẽ nghĩ như thế. Khi nhìn vào những cầu thủ đã vượt qua được kỳ thi tuyển của Lilleshall, tôi tự nhủ rằng, Mình sẽ trụ lại lâu hơn tất cả bọn họ. Vì thế, tôi hoàn toàn thoải mái với việc tới hết câu lạc bộ này đến câu lạc bộ khác, vừa tập luyện vừa ngó nghiêng, không hề chịu áp lực phải lập tức gắn bó với bất kỳ câu lạc bộ nào. West Ham là một trong những câu lạc bộ đầu tiên mà tôi tìm tới, và tôi rất nhanh chóng cảm thấy có sự kết nối với đội bóng. Nhưng rồi có thêm nhiều tuyển trạch viên từ các đội bóng khác tìm đến ngôi nhà mới của chúng tôi ở Wallsend (chúng tôi chuyển tới đó vào năm tôi 11 tuổi). Tính ra, đã có tới mười hai câu lạc bộ liên hệ với tôi, và tất cả đều muốn tôi ký hợp đồng với họ. “Tất cả tùy thuộc vào con thôi, con trai,” bố nói. “Đấy là môi trường của con, là công việc của con. Nên hãy chọn lấy một câu lạc bộ làm con cảm thấy thoải mái nhất.” Bởi thế, tôi dành trọn tất cả những kỳ nghỉ khi 13 và 14 tuổi để tìm hiểu các câu lạc bộ. Vào mùa hè năm 14 tuổi, tôi dành sáu tuần ở tám chỗ khác nhau. Tôi cũng tới Arsenal, nhưng vì họ nhét tôi vào một cái ký túc xá to đùng nên tôi thấy mất thiện cảm. Dẫu vậy thì tôi cũng có cơ hội được xem Ian Wright tập luyện. Lúc đó tôi chỉ biết há mồm thôi. Tôi còn tới Crystal Palace, rồi sau đó mẹ đưa tôi xuống Chelsea bằng tàu. Chelsea cử một chiếc minibus tới đón và đưa chúng tôi đến Harlington, sân tập của câu lạc bộ ở thời điểm đó, gần Heathrow. Tôi xuống xe và tới thẳng chỗ chơi bóng, nhưng vấn đề là họ bắt mẹ ngồi trong xe hàng tiếng đồng hồ. Họ quên mất bà, tôi nghĩ thế. Gwyn Williams, người phụ trách các cầu thủ trẻ của Chelsea, cuối cùng cũng để bà ra ngoài. Mẹ trách,“Tôi đã mất bao công để tới được đây, vậy mà...” Khi tôi trở lại phòng thay đồ thì chiếc đồng hồ của tôi đã bốc hơi. Nói thật là tôi chỉ muốn rời khỏi đó càng sớm càng tốt. “Bọn họ có thèm chuyền bóng cho con đâu,” tôi kể với bố khi chúng tôi về tới nhà. Ở Chelsea, tôi cảm thấy như mình là một kẻ ngoài cuộc. Những ấn tượng đầu tiên thường đọng lại rất lâu, mà tôi thì không thấy thoải mái chút nào ở Chelsea. “Con gào lên xin bóng suốt, nhưng không được ai chuyền cho quả nào.” Chelsea nhanh chóng bị gạt ra khỏi danh sách. Thực tế thì cuối cùng tôi đã chọn West Ham. Đó là đội bóng đã khiến cho tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu nhất, chưa kể họ còn chơi thứ bóng đúng kiểu tôi ưa thích, kiểu West Ham, theo cách gọi của họ. “Họ chơi bóng đá hai chạm bố ạ, không phải bóng dài. Hai chạm, 1-2, chuyền và di chuyển.” Tôi lấy West Ham làm chuẩn để đánh giá tất cả các câu lạc bộ khác, đơn giản vì tôi quá thích họ. Tôi còn tới thử sức ở Oldham, Swindon, Forest, Everton, Sunderland, Wimbledon. Nhưng sau một đợt thử việc ở đội U14 của Coventry vào tháng 4-1995, tôi nói với bố,“Con thấy thế là quá đủ rồi.” Trái tim tôi đã dành trọn cho West Ham. Năm 14 tuổi, tôi vẫn tập luyện ở khu đông bắc. Từ 14 đến 16 tuổi, tôi tham gia một trung tâm năng khiếu độc lập, Chester-le-Street, được lập ra để dành cho những cầu thủ không thể đến tập luyện ở câu lạc bộ hằng tuần vì quá xa. Các huấn luyện viên của tôi lúc đó là Kenny Wharton, người từng chơi bóng và sau đó làm huấn luyện viên ở học viện của Newcastle, và Vince Hutton, người sau này sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đối với tôi; ông đón và chở tôi tới Boro mỗi tuần. Cả hai đều là những huấn luyện viên tuyệt vời, tôi học được rất nhiều từ họ. Dưới sự kèm cặp của những huấn luyện viên nghiêm túc như Wharton và Hutton, tôi chơi đủ loại bóng đá - sân 11, sân 5, đá giải - trong khi vẫn tiếp tục thói quen chơi bóng trên đường phố với bạn bè. Sự đa dạng ấy là rất quan trọng cho quá trình phát triển của tôi. Thật tuyệt khi được mặc sức thử nghiệm và khám phá mà không phải lo lắng về việc bị đánh giá. Thời điểm đó cũng là lúc tôi hình thành thói quen sử dụng những kỹ năng hay những động tác mới. Giống như là tập trung học một ngôn ngữ mà ta muốn sử dụng thuần thục. Cái này có hiệu quả không? Tôi thường tự hỏi mình như thế, và sau đó thử luôn. Tôi dám thử những chiêu trò và động tác mới, đấy là nhờ có những lúc chơi bóng với bạn bè. Trong các trận đấu trên sân trường, tôi thường chọn về phe của đội có ít người hơn hay là có những cầu thủ tệ hơn, xem đó là cách để tạo ra thêm thách thức cho mình. Đấy là những lúc tôi cảm thấy thoải mái nhất. Nhưng nói thế nào thì West Ham lúc ấy vẫn là mối bận tâm lớn nhất của tôi. Người tư vấn nghề nghiệp cho tôi ở trung tâm hướng nghiệp Tyneside Careers, ông Allott, khuyên tôi chọn một trong số các trường trung học địa phương ở Redbridge và Barking khi tôi Nam tiến. Tôi rất trân trọng lời khuyên của ông, nhưng đi học đại học chưa bao giờ có trong suy nghĩ của tôi. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới là Học viện Bóng đá West Ham. 4 HỌC VIỆN T ôi luôn cảm thấy buồn cười khi nhớ lại cảnh thằng bé 14 tuổi là tôi, vẫn còn rất ngây ngô và đầy nhút nhát, tay ôm đôi giày, lòng đầy mơ ước, lập cập trèo lên tàu ở Ga trung tâm để hướng về West Ham trong những kỳ nghỉ ngắn thường chỉ kéo dài trong từ hai, ba ngày tới một tuần. Ở trên tàu, tôi lặp đi lặp lại một chu trình quen thuộc: tới quầy buffet mua một gói khoai tây chiên, một hộp sữa, rồi sau đó mới trở lại chỗ nhóm bạn cùng đi. Ban đầu nhóm chúng tôi có khoảng sáu hay bảy người, và trông chừng chúng tôi là những tuyển trạch viên phụ trách khu vực Đông Bắc - Dave Mooney và Bill Gibbs. Mỗi khi nhớ lại những ngày đó, tôi thường nghĩ về việc tất cả bọn tôi đều lên tàu với nhiều hy vọng, và thật buồn là không phải ai cũng theo đuổi được tới cùng giấc mơ của mình. Thời điểm đó West Ham cũng muốn ký hợp đồng với Mark Maley; Maley cũng là người từ Boyza như tôi và từng giữ băng đội trưởng của đội tuyển học sinh quốc gia và đội U18 Anh. Mark có xuống thử sức ở West Ham một vài lần, nhưng cuối cùng lại chọn Sunderland. Anh chơi một vài trận cho đội Một, trước khi sự nghiệp bị cắt ngang bởi một tai nạn. Tôi nhớ anh từng là một hậu vệ rất cừ, và cũng nhớ cả cảm giác rùng mình khi nhận được tin dữ là anh không thể chơi bóng được nữa sau khi bị người đồng đội John Oster vô tình bắn vào mắt bằng súng hơi. Mark và tôi từng có rất nhiều kỷ niệm đẹp nên thông tin ấy với tôi là một cú sốc. Khi tàu vào tới ga King’s Cross, luôn có một người đàn ông tuyệt vời tên Jimmy Hampson chờ sẵn. Chức danh của Hampson ở West Ham là Trưởng Bộ phận Phát triển bóng đá trẻ, nhưng thực tế thì ông giống như một người bạn, lúc nào cũng khiến chúng tôi cảm thấy được chào đón. Tôi yêu hình ảnh ông đứng chờ chúng tôi ở cuối sân ga. Sự tốt bụng của ông khiến những người bên cạnh cảm thấy ấm lòng. Một người con của khu Đông (East End) đúng chất. Tôi lúc nào cũng mong được ngồi trong xe của ông, nghe ông nói liên hồi khi chúng tôi phóng như bay qua những con phố hẹp để tới được Chadwell Heath, sân tập của West Ham. Ông dường như rành rẽ mọi lối tắt ở khu Đông London. Trong khi lái xe, ông không ngừng nói về West Ham, và cùng với sự ấm áp cũng như nụ cười thân thiện của mình, ông khiến tôi yêu đội bóng lúc nào không hay. Ban đầu, tôi chỉ tới theo dạng thử việc. “Cứ xuống đó xem các cậu có thích không,” đại diện của West Ham nói. Tôi nhanh chóng nhận ra West Ham tuyệt vời tới thế nào, đặc biệt là sau khi gặp được những người như Jimmy Hampson và Tony Carr, Giám đốc Học viện. Tôi cảm nhận được sự chân thành của họ, và biết rằng họ sẽ luôn đối xử công bằng với mình. Ở thời điểm đó, huấn luyện đội U14 là Brian Nichols. Ông thân thiện tới mức khiến tôi cảm thấy thoải mái ngay lập tức. Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy mình thực sự là một phần của gia đình lớn West Ham, và bởi thế luôn chơi bóng với nụ cười thường trực trên môi. Chưa có câu lạc bộ nào khiến tôi cảm thấy thích thú nhiều như West Ham. Tôi cũng nắm được phần nào lịch sử của đội bóng sau khi nghe bố kể về Bobby Moore và mối liên hệ giữa West Ham với chức vô địch World Cup 1966 của đội tuyển Anh. Tôi cũng nhanh chóng được biết về truyền thống chơi bóng sử dụng những pha ban bật ở tốc độ cao của West Ham được đặt nền tảng bởi Ron Greenwood và John Lyall, những cái tên không ngừng được các huấn luyện viên ở Chadwell Heath nhắc tới. Tôi cảm thấy con người ở câu lạc bộ ai cũng thật thà, từ những người phụ nữ ở khu lễ tân, các cô thư ký, những nhân viên ở canteen cho tới đội ngũ huấn luyện viên. Shirley và Dawn ở canteen là những người quý như... vàng. Shirley luôn đảm bảo rằng trong khẩu phần của tôi có thêm một lát bánh mì, chính những chi tiết nhỏ nhặt như thế lại làm cho tôi thấy rằng mọi người ở câu lạc bộ thực sự đều quan tâm tới người khác. Ian Jackson, người phụ trách sân bãi, cũng là người thường đón tôi từ khách sạn tới chỗ tập luyện, không khi nào ngừng cười. Ông qua đời ít năm sau đó, mọi người đều cảm thấy rất, rất tiếc thương, nhất là khi ông đâu đã già, chỉ mới có 38 tuổi. Những người phụ trách trang phục - Stan Burke, Pete Williams và Eddie Gillam - cũng góp phần khiến cho bầu không khí gia đình ở West Ham trở nên dễ cảm nhận hơn bằng sự tận tình của họ. Jimmy Frith, một trong các huấn luyện viên ở học viện, người đã gắn bó với nơi này trong nhiều năm, lúc nào cũng có mặt để quan sát mọi người tập luyện và đưa ra những lời khuyên. “Đừng di chuyển, con trai!” -ông thường nói sau khi chuyền bóng. Ngoài ra trong đại gia đình West Ham còn có “Tel”, một người đàn ông gặp bất lợi về thể chất. Tel thường đuổi mọi người chạy khắp canteen chỉ để kể một câu chuyện... đùa mà anh ấy vừa mới nghĩ ra. West Ham đã đối xử tuyệt vời với tôi, và điều đó là cực kỳ có ý nghĩa, bởi tôi phải thừa nhận rằng bản thân đã rất lo lắng trong lần đầu tới câu lạc bộ. Đấy là lần đầu tiên tôi phải sống xa gia đình, phải tự xoay xở và hòa nhập với một môi trường hoàn toàn mới. Tôi biết rằng tôi sẽ phải chứng minh được năng lực chơi bóng của mình, và rằng đội bóng sẽ đánh giá tôi hằng ngày qua những gì tôi làm cả trong lẫn ngoài sân bóng. Tôi không cảm thấy sợ hãi, bởi vì khát khao được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của tôi đủ lớn để đè bẹp bất kỳ nỗi sợ hãi nào, nhưng chắc chắn là cách West Ham chào đón tôi luôn có một vai trò rất quan trọng. Chadwell Heath trong thời gian tôi ở West Ham luôn có những con người cực kỳ thú vị: Ian Bishop, Trevor Morley, Les Sealey, Don Hutchison, John Moncur, Iain Dowie, John Hartson, Ian Wright, Slaven Bilic, Neil Ruddock, Paul Kitson, Trevor Sinclair, Stuart Pearce và Steve Lomas. Tôi nhớ có một lần sau khi kết thúc một buổi tập, tôi nghe Hutchison và vị huấn luyện viên thể lực, Tony Strudwick, tranh cãi về việc tăng cường thể lực ở trong phòng gym. “Trên máy chèo thì tớ ngon lành hơn cậu,” Hutch nói. “Đùa hả?” Strudders trả lời. “Ờ, thế thì thi thử xem sao, chèo 1.500m nhé.” Cả hai đều tỏ ra rất nghiêm túc. Bình thường thì chúng tôi sẽ có mặt lúc 9 giờ 30 sáng để 10 giờ có thể bắt đầu tập luyện. Nhưng vào ngày tiếp theo, tất cả mọi người đều có mặt từ lúc 9 giờ. Tin tức về cuộc so tài đã bay khắp học viện. Bọn chúng tôi chen chúc nhau trong phòng gym bé xíu, ở đó Hutch và Strudders đã xếp sẵn hai chiếc mái chèo theo thế đấu đầu với nhau. Cuộc thi sẽ kéo dài trong 10 phút và người chiến thắng là người chèo được xa hơn. “Bắt đầu!” Hutch xuất phát tốt và nhanh chóng vượt lên dẫn trước, nhưng mắc lỗi và đánh mất lợi thế. Strudders thì cứ từ từ mà tiến. Hutch ngã lăn ra sàn. Cả phòng gym cười rộ lên, ai nấy lăn ra mà gào. Chadwell Heath là thế đấy - chính những con người ở đó đã tạo nên bầu không khí tuyệt vời của nó. Tôi thường phải đề phòng Julian Dicks, người khét tiếng với lối chơi rắn. Tôi từng chết khiếp anh ấy. Thời đấy khắc nghiệt lắm, va chạm là thường xuyên, chứ không phải như bây giờ. Các cầu thủ tắc bóng rầm rầm, và tranh cãi thì nổ ra ở khắp nơi. Bạn phải luôn biết cách tự bảo vệ mình, phải cứng thì mới tồn tại được. Ở đội bóng có văn hóa nhậu nhẹt. “Tới thẳng quán rượu nhé,” tôi thường nghe một số cầu thủ lớn tuổi nói với nhau sau khi kết thúc các buổi tập. Nhưng cũng phải nói rằng chính những cầu thủ đó trong các buổi tập đã rất chăm chỉ và nghiêm túc. Tất nhiên, những người không đủ mạnh mẽ hay không phù hợp sẽ không tồn tại được lâu. Tôi yêu tất cả những thứ hay ho diễn ra hằng ngày ở West Ham như thế, nhưng trên hết, cách đội bóng duy trì triết lý bóng đá đẹp một cách xuyên suốt, và yêu niềm tin mà huấn luyện viên Harry Redknapp dành cho các cầu thủ trẻ. Trong những kỳ nghỉ, tôi thường được luyện tập cùng với đội trẻ, và với một học sinh ở tuổi 13, 14 như tôi thì đó là một đặc ân lớn. Những cầu thủ ấy đều lớn tuổi hơn tôi, họ hoàn toàn có thể ngó lơ, hoặc từ chối tôi, theo kiểu, Một thằng nhóc tới từ phương Bắc đang làm cái gì trong các buổi tập của chúng ta thế này? Nhưng họ không làm thế, họ luôn cố gắng giúp tôi cảm thấy là một phần của đội. Một vài cầu thủ trong đội đã 18 tuổi, nên tôi thực sự thấy căng thẳng khi ở chung phòng thay đồ với họ. Bởi vậy, tôi quyết định giữ im lặng, và thật chịu khó lắng nghe để có thể học hỏi được càng nhiều càng tốt. Trong đội trẻ những năm đó có Frank Lampard và Rio Ferdinand. Trong cả sự nghiệp của mình, tôi luôn cố gắng để có thể được sánh ngang với những cầu thủ giỏi nhất, như Frank và Rio. Ở thời điểm đó, Lee Hodges được đánh giá là ngôi sao sáng của đội. Lee là người Plaistow (một quận của khu West Ham), rất khéo léo, tôi thường quan sát các buổi tập của anh và cố gắng học hỏi thật nhiều từ anh. Frank ở một trình độ hoàn toàn khác. Tôi rất ngưỡng mộ kỹ thuật của anh ấy, đặc biệt là những cú volley, và tôi cũng ấn tượng với thái độ tập luyện của anh ấy. Một số cầu thủ tập luyện không đến nơi đến chốn, họ thường chỉ muốn tập cho xong. Những cầu thủ ấy thường không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp được, giả sử có thành cầu thủ thì sự nghiệp cũng chẳng có gì nổi bật. Frank thì khác, anh luôn tự tập thêm. Anh không ngừng thúc đẩy bản thân, và đó chính là lý do anh có thể vươn tới đẳng cấp cao nhất. Tôi thường tập thêm với bố của Frank, ông Frank Senior, người lúc đó là trợ lý cho Harry. Frank Senior lúc nào cũng có mặt ở đó, thúc ép chúng tôi tập thêm, có thể là tập sút, chạy, chống đẩy hay gập bụng. Về cơ bản thì tôi cố gắng bắt chước Frank, người ngay từ đầu đã được số phận “quy hoạch” thành cầu thủ đội Một. Tôi nhớ khi thấy anh mua một đôi giày đinh nhọn để tập chạy nước rút, tôi cũng làm theo, và cố gắng tập chạy với anh càng nhiều càng tốt. Các cổ động viên West Ham thi thoảng lại chỉ trích Frank, họ mỉa mai, “Hắn ta có mặt trong đội chẳng qua là nhờ bố.” Điều đó là không công bằng. Nếu đội bóng chơi không tốt, dường như Frank luôn là người duy nhất bị mang ra làm vật tế thần. Những cổ động viên từng không ưa Frank hẳn đã nhận ra mình sai lầm thế nào khi chứng kiến phần còn lại của sự nghiệp của anh ấy. Anh đã chứng minh được anh giỏi đến thế nào. Tôi thì tin rằng chính những lời mỉa mai kiểu anh “dựa hơi” bố đã khiến cho Frank trở nên mạnh mẽ và quyết tâm vươn tới đỉnh cao hơn. Frank là nguồn cảm hứng đầu tiên của tôi, nhưng khi lớn hơn một chút, tôi thần tượng Rio hơn. Tính cách của Rio biến anh thành một người rất dễ gần - anh luôn ồn ào, đầy tự tin, và lúc nào cũng tỏ ra yêu đời. Bóng đá trở thành một trò chơi đơn giản với anh. Rio rất tự tin khi có bóng, và còn rất ồn ào nữa. Anh có thú vui xỏ háng người khác rồi làm ầm lên. Tôi yêu tinh thần không biết sợ của anh. Trong lần đầu tiên được chơi cho đội Một, anh chẳng ngần ngại dẫn bóng từ hàng thủ lên, phô diễn đủ kiểu kỹ năng, động tác giả, và còn rê qua cả tiền đạo của đối phương. Đúng là Rio đôi khi gặp rắc rối với sự liều lĩnh của mình, nhưng với những cầu thủ còn đang ở đội trẻ như chúng tôi thì những gì anh làm quả thật là không thể tin nổi. Anh ấy chính là người truyền cảm hứng. Chúng tôi thường nói với nhau,“Anh ấy làm cú đó kiểu gì ấy nhỉ? Anh ấy lấy đâu ra tự tin mà làm được thế!?” Mà cũng không nhiều huấn luyện viên cho phép điều đó, đúng không? Nhưng Harry Redknapp khác các huấn luyện viên bình thường khác. Tôi biết là cũng có đôi lúc ông ấy cảnh cáo Rio một chút, chủ yếu để anh không đi quá giới hạn. Không có nhiều trung vệ có được khả năng xử lý bóng tốt như Rio, phải xem đó là một phẩm chất cần được nuôi dưỡng, thay vì là một thói quen xấu phải gạt bỏ. May mắn cho Rio, anh đã tới đúng chỗ. Một điều khác về Rio Ferdinand không nhiều người biết nhưng tôi được chứng kiến tận mắt, đó là anh có thể là kẻ thua cuộc tồi tệ nhất mà tôi từng biết. Dù là head tennis[1], trò chơi điện tử hay bóng đá - anh ấy luôn tỏ ra háo thắng, không ngừng hò hét và gào thét. Ai chẳng muốn có một người như thế ở bên mình suốt tuần! Tôi không nghĩ là ngày nay có nhiều đứa trẻ tập luyện chăm chỉ được như Frank và Rio thời họ còn ở Chadwell Heath. Ở đó chúng tôi có một nhà thi đấu trong nhà cũ với một sân bóng đá năm người có hai cầu môn được sơn trắng lên tường. Chúng tôi hay chơi trò chơi các chữ D - Ds, đặt theo hình dáng của hai khu vực cầu môn. Bạn có hai chạm - từ chữ D này tới chữ D kia - và trái bóng không thể dừng chết trong khu vực chữ D trước cầu môn. Nếu nó bật ra ngoài chữ D, bạn mất một điểm. Để chơi được trò đó, bạn cần kỹ thuật, kỹ thuật và rất nhiều kỹ thuật, chân trái, chân phải, demi-volley, đá cuộn… Ai không có kỹ thuật tốt sẽ nhanh chóng “lòi đuôi” và bị mọi người cười nhạo. Chúng tôi thường chơi Ds hàng giờ sau các buổi tập, cứ đá tới rồi lại đá lui, như một cách để mài giũa kỹ năng chuyền bóng của mình. Ngay cả bây giờ, trong các cuộc nói chuyện, tôi và Rio vẫn thường nhắc tới Ds và cười. [1] Môn thể thao kết hợp giữa bóng đá và bóng bàn - luật như bóng bàn, chỉ khác là người chơi dùng đầu thay vợt và bóng đá thay bóng bàn - ND. Ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân tới West Ham, tôi đã biết rằng đội bóng đang sở hữu một cầu thủ sẽ trở thành ngôi sao - Joe Cole. Ai cũng nói về anh ấy. Trong trận đấu đầu tiên cho đội U14 của tôi, gặp Norwich, Joe cũng có trong đội hình. Cậu ấy trẻ hơn tôi hai tháng nhưng học kém hẳn một lớp. Joe có những pha đi bóng hay những động tác giả mà tôi chưa từng thấy trên các sân bóng, nhất là một sân bóng lầy lội như sân ở Chadwell Heath. Trận đó tôi lập được một cú đúp, nhưng tất cả mọi người dường như đều choáng ngợp trước năng lực và sự táo bạo của Joe. Các đội bóng khác thường cố gắng cho Joe ăn đòn, bởi vì cậu ấy có đủ cách để bỡn cợt họ. Cậu ấy có thể gẩy bóng qua đầu người này, rồi đảo chân trước mặt người kia. Cậu ấy là người đầu tiên tôi gặp thực sự chơi bóng bằng kỹ năng. Những cú vê bóng bằng gầm giày của cậu ấy là tuyệt hảo. Cậu ấy luôn biết phải điều chỉnh tư thế thân mình như thế nào để có thể kiểm soát trái bóng, biết phải dùng bao nhiêu sức mạnh để có thể che chắn nó. Cậu ấy có kiểu che bóng thường thấy ở Paul Gascoigne, nhưng so với Gazza, cậu ấy có nhiều chiêu trò hơn. Joe còn có một biệt tài là mượn lực từ các hậu vệ đối phương để bật ra và thoát đi. Ở khoản này thì cậu ấy khác hoàn toàn với tôi. Tôi chưa bao giờ dám va chạm với các hậu vệ. Tôi luôn cố gắng duy trì một khoảng cách từ 1 tới 2m với đối thủ. Wow, thằng nhóc này là ai vậy? Đó là suy nghĩ của tôi trong lần đầu tiên nhìn thấy Joe. Cậu ấy giỏi một cách khó tin. Không ngừng khủng bố các hậu vệ trong những buổi tập. Một vài năm sau, khi đã được lên đội Một, Joe thường phải nhận những cú đá không nương chân từ Stuart Pearce, nhưng mỗi lần bị như thế, cậu ấy lại nhanh chóng bật dậy. Joe cũng có kêu ca về việc đó, nhưng không vì thế mà cậu ấy né tránh va chạm. Đó là thời điểm Pearce đã bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp, ông đáng sợ có tiếng - không phải tự dưng người ta đặt cho ông biệt danh “Kẻ thần kinh” - và những gì mà ông làm với Joe có thể xem như một lời cảnh cáo,“Đừng có bất kính với ta. Chú không thể làm điều đó với ta được.” Tôi cũng có cảm giác là ông đang muốn thử thách Joe, theo kiểu,“Tới đi! Nếu chú ngon như người ta nói, thì hãy quay lại đây chơi tiếp.” Joe quay lại thật. Cậu ấy chỉ đơn giản là đam mê chơi bóng, và thường được Harry động viên,“Cố lên, Joe. Tuyệt vời, cứ ra sân và chơi thôi, con trai.” Joe gia nhập Lilleshall nên tôi không thường xuyên có cơ hội thấy cậu ấy ở West Ham trong những năm tháng đầu tiên, khi chúng tôi đang leo từng bậc trên hệ thống đào tạo của câu lạc bộ. Joe xuất sắc tới mức người ta miễn cho cậu ấy không phải tham gia đội trẻ mà nhảy thẳng lên đội Một luôn. Cậu ấy thâu hết ánh sáng về mình, và với tôi thì đó như một đặc ân. Tôi có thể tiếp tục theo đuổi hành trình lên đội Một theo cách của mình. Tôi hình dung được bản thân sẽ đi hết hành trình ấy như thế nào, và sau một sự kiện đặc biệt xảy ra vào năm 14 tuổi, thì tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tương lai của tôi chính là ở West Ham. Một tối nọ, Jimmy Hampson thả tôi ở ga King’s Cross để tôi có thể bắt chuyến tàu 8 giờ tối về Newcastle. Khi tôi đang ngồi trên tàu đợi xuất phát thì nhận được thông báo, tất cả các chuyến tàu chạy về phía Bắc đều bị hoãn. Tôi đang mắc kẹt ở London, một mình, và bắt đầu cảm thấy hơi lo lắng. Tôi gọi cho bố mẹ bằng điện thoại công cộng, sau đó họ gọi cho Jimmy, lúc ấy đã về gần tới nhà. “Cái gì cơ? Michael vẫn còn ở trên sân ga King’s Cross à? Bảo nó đứng dưới cái đồng hồ. Cứ đứng đấy. Tôi sẽ tới ngay.” Bố mẹ có chút hoảng loạn, bởi vì dù thế nào thì lúc ấy tôi cũng chỉ có một mình, điện thoại di động như bây giờ thì chưa có, nên họ chỉ còn biết chờ tôi liên lạc bằng điện thoại công cộng. Khi Jimmy trở lại được chỗ tôi ở sân ga, đồng hồ đã chỉ 9 giờ rưỡi. “Được rồi Michael. Chú biết sáng mai con phải tới trường. Nhưng đừng lo. Chú sẽ lái xe đưa con về.” Rồi ông lại nói, “Cái này là cô Sue làm cho con.” Vợ của Jimmy đã chuẩn bị cho tôi ít sandwich và đồ ăn vặt. Jimmy gọi cho bố mẹ tôi để trấn an hai người. “Đừng lo lắng về Michael nữa nhé. Tôi đón được thằng bé rồi. Đừng có vội tắt bếp nha!” Chúng tôi chạy ra khỏi London, đi theo đường A1, và về tới Newcastle lúc 3 giờ sáng. Gần 500km! Ông vào nhà, nói đôi câu với bố mẹ, uống một tách trà, rồi nhanh chóng trở lại xe. “Tôi phải về ngay để còn kịp làm việc,” ông giải thích. “Tôi có một cuộc họp ở Upton Park vào lúc 8 giờ sáng.” Mẹ, bố và tôi chỉ còn biết nhìn nhau khi Jimmy bước ra xe để bắt đầu một hành trình dài trở về nhà. Lại gần 500km nữa. Jimmy không cho rằng chuyện đó có gì to tát. Ông cũng không nghĩ tới việc cứ nhét đại tôi vào một khách sạn nào đó ở King’s Cross, để tôi qua đêm ở đấy và sáng hôm sau bắt một chuyến tàu sớm về nhà. Ông sẵn sàng lái xe gần 1.000km, hầu như không được chợp mắt tí nào trước khi đi làm, bởi vì ông quan tâm và muốn điều tốt nhất cho tôi. Jimmy không muốn tôi bị lỡ buổi học ở trường, và ông ấy cũng không muốn bố mẹ tôi, hay tôi, phải lo lắng. Ông ấy xem tôi như con. Khoảnh khắc ông lái xe đi là lúc tôi nói với bố mẹ, “Bố mẹ biết gì không? Con đã chọn West Ham. Mọi người ở đó quan tâm tới con lắm.” Sau khi ký hợp đồng hai năm cho giai đoạn từ 14-16 tuổi, quyết định tiếp theo sẽ là quyết định quan trọng nhất. Không còn là chuyện chơi nữa, tôi sẽ phải chọn được một nơi phù hợp để bắt đầu chơi bóng toàn thời gian. Thời điểm đó, bố mẹ nhận được rất nhiều đề nghị hấp dẫn từ các đội bóng khác. Một số bạn của tôi ở Boyza cũng được đề nghị những hợp đồng theo kiểu sau hai năm YTS (chương trình đào tạo trẻ) là ba năm chuyên nghiệp. “Sao con không nhận được đề nghị nào kiểu ấy nhỉ?” - tôi hỏi. Bố mẹ không bao giờ nói cho tôi chi tiết của những đề nghị đó, bởi vì hai người muốn lựa chọn của tôi phải dựa trên những lý do liên quan tới bóng đá. Bố mẹ không bao giờ nghĩ cho mình, ngay cả khi có một số câu lạc bộ sẵn sàng hỗ trợ tài chính để hai người mua đứt căn nhà, có giá khoảng 50.000 bảng. Tôi thực sự đánh giá rất cao việc bố mẹ cố cưỡng lại những đề nghị như thế, bởi vì thực tế là hai người không có nhiều tiền, và hai người hoàn toàn có quyền chấp nhận hay từ chối những lời đề nghị. Nếu bố mẹ có làm thế thì tôi cũng sẽ không bao giờ trách cứ gì hai người, bởi vì những đề nghị mà họ nhận được thực sự mang tính đổi đời. Bố đi công tác cũng nhiều, nên ông hoàn toàn có thể nhận thêm việc làm tuyển trạch viên cho một trong các đội bóng muốn có tôi. Khi tôi lớn lên và bây giờ cũng đã làm cha làm mẹ rồi, tôi hiểu rõ hơn bao giờ hết tầm vóc của quyết định đó đối với họ là lớn lao đến thế nào; thực ra thì với bố mẹ, đó không hề là quyết định của họ. “Con thích chỗ nào nhất?” Bố mẹ hỏi tôi, nhấn mạnh tiếng “con”. “West Ham ạ,” tôi trả lời dứt khoát. Bố mẹ cũng vui khi tôi chọn West Ham, bởi vì hai người đã tận mắt chứng kiến sự quan tâm mà Jimmy dành cho tôi. “Thằng bé sẽ nhận được sự chăm sóc tốt,” mẹ nói. Sau khi hoàn thành chương trình học, ở tuổi 15 gần sang 16, tôi ký hợp đồng YTS có thời hạn hai năm, vớimức lương 42,50 bảng mỗi tuần. Không lâu sau khi ký hợp đồng, tôi gọi điện cho Tony Carr. “Cháu vừa được triệu tập vào đội tuyển Boys Club quốc gia tham dự một giải đấu ở Blackpool. Liệu cháu có thể đi được không?” Đấy là vinh dự quốc gia đầu tiên của tôi. Giải đấu này được tổ chức hoàn toàn tách bạch với hệ thống chuyên nghiệp. Đội tuyển là tập hợp của tất cả các Boys Clubs trên toàn quốc, và bởi vì tôi chơi cho đội U16 của Wallshend nên tôi đủ tư cách để tham gia. Nhưng đấy là điều... bất thường. Tony giải thích với tôi là giải đấu diễn ra trùng với thời gian tập huấn đầu mùa, West Ham đã có kế hoạch dự Dallas Cup. “Nhưng cái này quan trọng với con lắm, Tony à.” Ông ấy hiểu rằng tôi khao khát được tham gia, bởi tôi cảm thấy đó chính là cách lý tưởng để khép lại những năm tháng chơi bóng cho Boys’ Club của mình. Cuối cùng thì Tony đồng ý. Một lần nữa, West Ham lại là đội bóng quan tâm tới từng thành viên nhiều tới thế nào. Tôi còn phải trải qua một khóa tuyển chọn ở Lilleshall ít lâu trước khi chính thức gia nhập West Ham. Tôi tự bắt tàu đi Lilleshall, còn mẹ, bố và Lisa, bạn gái của tôi lúc đó và vợ tôi bây giờ, thì lái xe tới để xem. Lisa đã luôn ở bên tôi ngay từ đầu. Cô ấy chính là chỗ dựa, là bệ đỡ nâng bước cho tôi trong suốt hành trình sự nghiệp. Dù cũng như tôi, cô ấy lúc đó còn trẻ con và nhìn đời ngây ngô lắm. Khi trận đấu kết thúc, một lái xe được West Ham cử tới sẽ đón tôi tại điểm hẹn định trước là bãi đỗ xe của một quán rượu địa phương. Bố mẹ mang hết vali của tôi xuống và người lái xe ấy chuyển chúng từ cốp xe của bố sang xe của đội bóng. Tâm trạng của mẹ lúc ấy hẳn phải kinh khủng lắm. Đứa con trai của bà đang chuẩn bị rời xa gia đình, mãi mãi. Thời điểm đó, phải vài tuần nữa tôi mới sang tuổi 16. Bỗng dưng, nỗi sợ hãi phút cuối xâm chiếm. Tôi hoảng loạn. “Tại sao bố mẹ lại không cho chúng con tới Coventry?” - tôi hỏi. Một trong các cậu bạn của tôi ở Boyza, Steve Watson, đang chuẩn bị tới Coventry; đội bóng này cũng có đề nghị tôi ký hợp đồng. Tới Coventry là một lựa chọn dễ dàng hơn nhiều cho tôi vì ở đó có Steve, một gương mặt thân quen. “Mẹ, con không muốn tới West Ham đâu.” Một câu nói thừa thãi. Tôi biết là tôi sẽ ổn thôi, thực sự đấy, nên sau khi khóc lóc chút đỉnh, tôi leo lên chiếc xe của West Ham rồi quay lại nhìn bố mẹ và Lisa khi mọi người cũng đang leo lên xe của mình. Người tài xế chở tôi tới gia đình mới của tôi ở Đại lộ Salisbury, Barking, nơi tôi sẽ sống cùng ông bà Pam và Danny Fletcher, một cặp vợ chồng già đang sống một mình sau khi con cái rời nhà hết. Tối hôm đó, tôi gọi về cho bố mẹ. Họ vừa phải trải qua một hành trình về nhà khủng khiếp, mẹ và Lisa thi nhau khóc cạn nước mắt. “Mẹ à, ở đây tuyệt lắm, con rất thích.” “Michael, con không biết con vừa gây ra cái gì cho mẹ đâu. Đó chính là chuyến đi kinh khủng nhất trong đời mẹ, con trai à.” “Đây là nơi mà con muốn thuộc về. Chỉ là, việc phải rời xa bố mẹ khiến con cảm thấy tồi tệ.” Tôi nói với họ là tôi ổn. Thực tế, tôi háo hức được bắt đầu cuộc sống mới của mình. Hầu hết các cầu thủ U17 và U18 đều đang ở Dallas cả, nên tôi bắt đầu bằng cách ổn định cuộc sống ở nhà của Pam và Danny. Cách chúng tôi bốn nhà là một gia đình khác cũng nhận chăm sóc những đứa trẻ từ West Ham; Richard Garcia, một cậu bạn người Australia, cũng chuyển tới đó vào cùng ngày với tôi. Nhìn lại thì thấy buồn cười, chứ lúc ấy, tôi không thể hình dung được là tôi sẽ có một tình bạn thân thiết và kéo dài với một người có cá tính hoàn toàn khác mình, và tình bạn ấy được hình thành trên chuyến xe bus số 62 đưa chúng tôi tới Chadwell Heath. Rich và tôi quấn quýt với nhau cả ngày trong suốt bảy năm tiếp theo. Tôi từng nghĩ tôi tới từ Newcastle là xa lắm rồi, nhưng cậu ấy còn tới từ tận Perth! Cả Rich lẫn tôi đều rất nhớ gia đình, và có lẽ cũng vì thế mà chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết, như anh em ruột thịt, và vẫn thân thiết cho tới tận bây giờ. Gia đình của cậu ấy, Janelle, hai đứa con tuyệt vời Zac và Lauren, cũng như là gia đình của tôi. Cả nhà đã trở lại Australia rồi, tôi lúc nào cũng nhớ họ. Chúng tôi vẫn gặp nhau khoảng hai năm một lần, bất cứ khi nào thu xếp được. Mối liên hệ giữa chúng tôi là thực sự đặc biệt. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều chuyện với nhau, thậm chí còn cùng có mặt ở World Cup 2010. Ít nhất thì cậu ấy cũng được ra sân. Tôi thường bị những người có cá tính mạnh thu hút, mà Rich thì là một người rất dữ dội. Trong khi tôi lúc nào cũng điềm tĩnh, Rich cứ sồn sồn hết cả lên. Chỉ riêng chuyện quần áo cũng có thể khiến cậu ta nổi xung với tất cả mọi người. Rich để tóc dài, là fan cứng của những ban nhạc như Green Day, Red Hot Chili Peppers và Pearl Jam. “Cái gì thế?!” - tôi thường hỏi, một cách hơi thô lỗ, mỗi khi cậu ta bật nhạc lên. Nhưng nghe nhiều thành... quen, bây giờ tôi lại đâm ra thích nhạc của cậu ta, ít ra một số bài trong đó. Gần đây tôi có tới xem một buổi biểu diễn của Chili Peppers - đó chính là đêm nhạc tuyệt vời nhất mà tôi từng được xem. Vào ngày tập đầu tiên, khi tất cả các cầu thủ đã trở lại, Rich xộc thẳng vào phòng thay đồ và ngồi phịch xuống. Quy trình với các cầu thủ trẻ là mỗi người sẽ tự nhận quần áo của mình từ người phụ trách trang phục. Nhưng cái gã người Úc láo toét bạn tôi thì cứ ngồi đó với kiểu đầu bù xù đầy khiêu khích của mình và hỏi đầy xấc xược,“Được rồi, thế thằng nào sẽ đi lấy quần áo về đây cho tao?” Tất cả những người có mặt, đặc biệt là những người năm hai như Anthony Henry, Gary “Trigger” Alexander, Alex “Meatball” O’Reilly và Danny Fernley, đều quay lại nhìn Rich và lập tức buông lời rủa xả. “Mày nghĩ q y ạ ập g y g mày là bố tướng hả thằng kia?” Thế rồi mọi người bất ngờ cùng nhau lăn ra cười. Bầu không khí ngượng ngập ban đầu đã hoàn toàn bị xua tan. Phòng thay đồ của đội trẻ là một nơi đặc biệt. Một trong những ký ức đẹp đẽ nhất của tôi là khi chúng tôi ngồi đó và “chém gió” tán loạn đủ chuyện trên trời dưới biển. Cảm giác giữa chúng tôi lúc ấy chẳng còn chút khoảng cách nào. Chúng tôi cũng bày ra đủ trò để quậy. Một ngày nọ, Craig Etherington, người có biệt danh là “Ugaz”, bị chúng tôi lột truồng rồi nhét vào một cái thùng bằng kim loại có thể nhìn xuyên qua được. Chúng tôi quấn chặt cái thùng bằng tất cả những cuộn băng dính thó được từ phòng y tế, sau đó hò nhau đẩy nó tới canteen. Tôi vẫn nhớ như in gương mặt của Danny Fernley khi anh quay đi, cố giấu sự khoái trá của mình. Nhưng không phải ký ức nào cũng toàn tiếng cười. Tôi nhớ là trong năm đầu tiên chơi theo diện YTS, đội trẻ chúng tôi có đấu với Luton một trận ở một giải đấu diễn ra vào buổi tối, và trận ấy tôi chơi khá thường. Trận ấy bố có xuống xem. Sau trận, ông lái xe đưa chúng tôi đi đâu đó tôi không còn nhớ rõ, chỉ nhớ là ông bất ngờ hỏi, “Cái biển kia ghi gì vậy con trai?” “Sao mà con biết được hả bố, nó cách xa cả dặm thế kia mà.” Bố không nói thêm gì cả, nhưng sau này tôi phát hiện ra, ông đã nói với mẹ là,“Có gì đó không ổn với thằng Michael, nó không đọc được chữ nào trên cái biển hiệu dù cái biển ấy ở ngay sát xe. Mắt nó có vấn đề rồi.” Mẹ biết là bà không thể nói gì với tôi, vì tôi sẽ nói ngay là,“Con ổn mà, con sẽ không đi kiểm tra mắt đâu.” Thế nên, bà gọi thẳng cho Trưởng Bộ phận Y tế của câu lạc bộ là John Green và nói với ông ấy rằng, “Có gì đó không ổn với mắt của Michael.” Ông ấy kéo tôi lại, “Michael, chú vừa nói chuyện điện thoại với mẹ cháu.” “Chú sao cơ?!” Tôi gọi lại cho mẹ ngay khi có thể. “Mẹ, mẹ gọi cho bác sĩ đội con làm gì?” Con là người tự lập. Con có thể tự lo cho bản thân, tôi nghĩ. Nhưng cuối cùng thì câu lạc bộ cũng bắt tôi phải đi kiểm tra mắt; hóa ra mắt tôi kém tới mức gọi là mù cũng không quá. Trong vòng ba tháng, thị lực của tôi giảm sút rõ rệt, buộc tôi phải bắt đầu mang kính áp tròng. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đeo kính áp tròng, ôi Chúa ơi, bây giờ thì tôi không thể làm gì mà thiếu chúng được nữa. Tôi có thể chuẩn bị bữa sáng mà không cần kính, nhưng lái xe thì không thể nào. Trước khi đeo kính, khi nhìn sang phần sân đối diện, tôi chẳng thấy gì ngoài những khoảng mờ mờ, nên đôi lúc tôi chuyền bóng theo cảm tính vì nghĩ rằng cầu thủ mà tôi định chuyền đang ở vị trí đó. West Ham lo hết cho tôi. “Chúng tôi sẽ lo cho cháu,” Tony Carr nói. “Chúng tôi có trách nhiệm với cháu và gia đình.” Khi tôi có thời gian nghĩ về những người đã giúp đỡ tôi trong sự nghiệp, Tony Carr chắc chắn là một trong những cái tên đầu tiên nảy ra trong đầu. Trong số 23 tuyển thủ Anh dự World Cup 2010 ở Nam Phi, có bảy người nợ Tony một món nợ ân tình: tôi, Frank, Rio, Joe, Jermain Defoe, Glen Johnson và John Terry, người có một thời gian ngắn tập luyện ở West Ham khi còn là một cậu bé. Tony luôn có tầm nhìn xa về sự phát triển của chúng tôi. Thực tế thì ông ấy và Jimmy không chắc chắn 100% về việc có nên nhận tôi hay không, bởi vì có một giai đoạn, lúc 14 hay 15 tuổi gì đó, cơ thể phát triển nhanh tới mức tôi không thể nào theo kịp. Giai đoạn ấy tôi lúc nào cũng sợ rằng cơ thể mình sẽ không phát triển như mong muốn và hủy hoại sự nghiệp của tôi ngay khi nó còn chưa bắt đầu. Tôi tập luyện rất tệ, người lúc nào cũng yếu đuối, và khả năng phối hợp vận động là gần như bằng không. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong di chuyển bởi những vấn đề liên quan tới đầu gối. “Con đuối quá,” tôi nói với bố mẹ. “Con không biết cái gì đang xảy ra với con nữa. Con không thể nào chơi bóng được.” Các huấn luyện viên ở West Ham khi nhìn thấy tình trạng của tôi như thế, có thể đã đặt ra với nhau nhiều câu hỏi, đại loại như, “Liệu Carrick có thể chơi bóng được hay không?” Tony không biết là tôi có thoát ra được khỏi giai đoạn đó hay không. Nhưng nếu nhìn vào cách ông đối xử với tôi thì tôi sẽ không tài nào nhận ra được những nghi ngờ đó trong ông. Tony lúc nào cũng hỗ trợ và động viên tôi hết mức. Tôi biết rằng ông nhìn tôi như là một cầu thủ mà ông có nghĩa vụ phải rèn luyện để vào được đội Một, và tới một ngày nào đó bán đi, nhưng tôi cũng biết là ông còn nhìn tôi như một con người. Tony biết làm thế nào để giữ cho chúng tôi sung sức. Mỗi buổi sáng thứ Hai, tất cả các học viên diện YTS - cả năm một lẫn năm hai - được vào đội trẻ đều phải hoàn thành một bài tập chạy được gọi là “The Mile” (Dặm đường). Cả bọn được yêu cầu “nuốt trôi” năm vòng quanh sân vận động, một cách hữu hiệu để kéo chúng tôi lại với thực tại sau ngày Chủ nhật ăn chơi phè phỡn. Toàn bộ xuất phát cùng lúc, ai cũng cố gắng chạy nhanh nhất có thể. Có một số cầu thủ rất mê món “The Mile” này. Danny Bartley, một trung phong rất cao lớn, luôn là người xuất phát đầu tiên, và nhanh chóng vượt lên, bỏ cách phần còn lại một quãng dài. Danny khỏe lắm, nên việc anh ấy sau này trở thành người huấn luyện thể lực cho Không lực Hoàng gia không khiến ai thấy ngạc nhiên. Tôi không gặp vấn đề gì với “The Mile”, thường kết thúc ở một vị trí trong top 5 hoặc top 6, đặc biệt là sau khi cơ thể của tôi đã tự tìm lại được sự cân bằng. Tony tuyệt đối tin tưởng vào “The Mile”. Đó là một phương pháp huấn luyện kiểu cũ, một phần để rèn thể lực, nhưng phần khác là để cho chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Tony chắc chắn không phải mẫu người cố tỏ ra dễ thương. Chúng tôi tập rất nhiều bài “di chuyển người thứ ba”, một trong những bài tập mà ông ưa thích nhất. Tony tổ chức các bài tập kiểm soát bóng, chuyền, chuyền, chuyền, rồi một người bất ngờ di chuyển từ phía sau. Những bài tập ấy của Tony dạy cho chúng tôi về cách di chuyển và kiểm soát thời gian - những yếu tố cơ bản mang tính sống còn. Chúng tôi là lứa cuối cùng trước khi mô hình học viện bắt đầu, với những thay đổi to lớn trong cả hệ thống. Với hệ thống vận hành theo kiểu cũ, ta phải chịu khổ sở một chút thì mới mong thu được thành tựu. Điều đó dạy cho ta những giá trị, và mang tới cho ta thêm một chút hài lòng khi đã đạt được mục tiêu. Tony yêu cầu chúng tôi làm tất cả những công việc thường ngày, từ lau chùi các đôi giày, phòng thay đồ, tới thu gom quần áo bẩn. Ông kiểm soát rất chặt để đảm bảo rằng chúng tôi làm những việc đó một cách chỉn chu. Việc đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với các cầu thủ trẻ, vì nó giữ cho chúng tôi ở đúng nơi đúng chỗ. Khi ở West Ham, tôi ý thức rất rõ về thứ bậc và tôi biết rằng mình phải nỗ lực hết mình để có thể vươn tới cấp độ tiếp theo. Đó là một bài học rất quan trọng, tôi thấy buồn là ngày nay nó đã mai một, thậm chí biến mất. Cuộc đời và sự nghiệp của tôi chủ yếu xoay quanh tầm quan trọng của thái độ tôn trọng. Tôi không chỉ học được cách tôn trọng từ bố mẹ và Boys Club, tôi còn học từ Tony nữa. Trong thời gian còn ở đội trẻ của West Ham, nếu tôi đang ở trong phòng tập và có một cầu thủ thuộc đội Một bước vào, tôi sẽ lập tức nhường đường, thậm chí rời hẳn khỏi phòng tập. Họ có quyền ưu tiên. Còn tôi thì chưa ở đẳng cấp của họ. Đấy là điều mà tôi phải nỗ lực giành được. Văn hóa ấy tạo động lực cho tất cả mọi người: khi tôi ở đội trẻ, tôi là người lau giày, nhưng khi tôi lên được đội dự bị, sẽ có ai đó lau giày cho tôi. Khi ấy, tôi sẽ thấy trân trọng những nỗ lực to lớn mà tôi phải bỏ ra để có thể vươn tới đỉnh cao. Bóng đá bây giờ không còn những cái đấy nữa, do đó trở nên nghèo nàn hơn. Luật lệ ở các học viện đã thay đổi, người ta nói là các cầu thủ trẻ không cần phải (hay không thể) làm được những công việc như xưa. Thế nhưng rõ ràng là vẫn cần phải có cách để các cầu thủ trẻ hiểu rằng họ phải bước từng bước một trên bậc thang của sự nghiệp thay vì cứ thế lướt lên mà không cần quan tâm tới việc lên như thế nào. Cuộc sống của các cầu thủ trẻ thời nay dễ dàng hơn rất nhiều, họ không còn phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt như thời chúng tôi nữa. Để có thể lên tới đỉnh, tôi đã phải nỗ lực kinh khủng. Đầu tiên tôi lau giày cho Tim Breaker, rồi sau đó là Steve Potts, và tiếp theo là Ian Pearce; Pearce chủ động “săn” tôi bởi vì cậu chàng có trách nhiệm đánh giày cho anh trước đó làm không tốt. Tôi là người gọn gàng, đôi khi cầu kỳ quá mức, và các đôi giày qua tay tôi lúc nào cũng phải sạch bong. Lau giày cho Pottsy khá đơn giản vì anh ấy chỉ đi cỡ 6, nên không mất thời gian lắm. Trong khi đó, Pearcey có một đôi Puma Kings cũ mèm to tổ chảng (cỡ 12); đôi đó nặng phải cả tấn nên lau rất mất thời gian, nhưng bao giờ tôi cũng làm đâu ra đấy. Pearcey hứa sẽ tip cho tôi vào Giáng sinh, thế nhưng cuối cùng lại làm lơ. Thật là bê bối, đúng không? Pearcey - nếu anh đang đọc những dòng này, thì hãy nhớ là tôi chưa quên đâu! Chúng tôi thường lau bóng và giày trong một bể nước lớn ngoài trời; vào những ngày trời lạnh, các ngón tay tôi như kiểu muốn rớt ra ngoài. Bàn chải thì bẩn. Khi lau giày, phải cẩn thận không được để nước ngấm hai bên, nếu không thì chả có cách nào làm cho nó khô trở lại. Lau giày cũng cần kỹ thuật đấy. Tôi có một tí OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), thực ra là hơn một tí. Tôi yêu cái cảm giác chạm tay vào các đôi giày. Puma Kings là đỉnh nhất, rất mềm, rất đẳng cấp. Hồi 14 tuổi tôi từng van nài bố mua cho tôi một đôi, đâu có biết là chỉ một đôi thôi cũng đủ khiến cả nhà... khánh kiệt. Hồi còn bé tôi bị ám ảnh với các đôi giày, tôi có thể nói chính xác cầu thủ nào đi loại giày gì. Tôi thích những đôi Predator kiểu cũ, không phải là mẫu đầu tiên to đùng cục mịch mà là mẫu ngay sau đó. Tôi cũng thích những đôi Specialis của Umbro mà Alan Shearer và Michael Owen thường mang. Ở West Ham chúng tôi lại được phát các đôi Pony, rồi sau đó là Fila, nên kiến thức của tôi về giày dép thời đó phong phú lắm. Ngoài chuyện lau giày, chúng tôi còn làm tất cả những việc vặt dành cho đội học việc khác. Oải nhất là việc di chuyển những khung thành to đùng và nặng trịch trước và sau các buổi tập của đội Một. Thời đó khung thành còn rất nặng chứ không nhẹ nhàng, xinh xắn như bây giờ nên bê chúng chỉ muốn gãy lưng. Đã thế chúng lại còn lạnh ngắt. Mỗi khi có một trái bóng văng đi đâu đó, Tony sẽ lùa tất cả lũ YTS chúng tôi đi tìm. Có đôi lúc khi tôi đang ngồi thư giãn ở canteen sau khi đã hoàn thành hết mọi công việc được giao, mãn nguyện nhìn ngắm đôi Reebo Classic mới mua, thì nghe tiếng Tony gào lên,“Đi ra ngoài và tìm mấy trái bóng đi!” Nếu hôm đó vào mùa đông thì đôi giày mới của tôi coi như xong. Chuyện tôi bị lôi đi khiêng khung thành giữa mùa đông lạnh giá, hai tay như muốn rời ra khỏi người còn bộ quần áo mới thì lem luốc hết cả là điều bình thường như cân đường hộp sữa. Tony là mẫu hà khắc, nhưng cũng bởi thế, ông dạy cho chúng tôi nhiều bài học giá trị về việc làm cái gì ra cái đấy. Nếu có ai đó không chịu làm việc, chính những đồng đội của anh ta sẽ “xử” anh ta trước tiên. Một số cầu thủ hay tranh thủ trở lại khu Nam London để chơi. Ok thôi, nhưng nếu họ trễ tàu hay xe buýt, thì “phần thưởng” cho họ sẽ là thêm một giờ lao động nữa. Đó là bài học về trách nhiệm và khả năng phối hợp nhóm. Không khoan nhượng, và lúc nào cũng phải chuẩn chỉ. Nhiệm vụ của một cầu thủ 16 tuổi theo diện YTS như tôi là lau dọn phòng thay đồ sau các trận đấu ở Upton Park. Mệt mỏi nhất là khi dọn phòng thay đồ của đội nhà, bởi vì các cầu thủ thường chẳng mấy khi tỏ ra vội vã. Tôi thường nghĩ thầm, Nhanh lên, làm ơn nhanh lên. Nếu trận đấu diễn ra vào buổi tối, tôi sẽ không kịp bắt chuyến tàu cuối cùng về Barking, mà sáng mai vẫn phải tới sớm để tập luyện, nên đấy thực sự là một thảm họa. Nhưng tôi nào được lựa chọn. Tôi cũng ý thức được vị trí của mình. Nếu được chọn, tôi sẽ chọn lau dọn phòng thay đồ của đội khách, bởi vì các cầu thủ của họ thường rời đi rất nhanh, nên chúng tôi cũng có thể kết thúc công việc rất sớm. Tôi cũng thích được nhìn ngắm các siêu sao. Trước các trận đấu, tôi thường đứng trong hành lang với khoảng ba hay bốn đứa khác trong nhóm YTS. Mỗi khi Arsenal tới thi đấu, tôi thường tranh thủ nhìn Tony Adams hay Patrick Vieira, và nhìn không chớp mắt. Adams luôn nổi bật so với những người khác, bởi vì từ anh toát ra một thần thái rất khó diễn tả. Sau một trận đấu, khi đang cố lách người để bước qua hành lang chật hẹp, anh ấy bỗng nhiên nhìn chúng tôi rồi gật đầu và hỏi, “Ổn cả chứ, các chàng trai?! Cảm ơn nhé!” Anh gậ g ấy đã làm việc mà chẳng ai có thể bắt anh phải làm, riêng việc biết rằng anh ấy có để ý tới mình cũng đủ khiến chúng tôi ngất ngây. Riêng tôi thì mãi mới trấn tĩnh được; tôi cũng chưa nghe ai gọi mình là “chap” (chàng trai) trước đây, nên khi từ ấy thoát ra khỏi miệng Tony Adams, nghe nó thật ngầu. Khi Chelsea tới, tôi sẽ nhìn ngắm Gianfranco Zola, Ruud Gullit và Gianluca Vialli và ngưỡng mộ khí chất của họ. Các trận đấu với Chelsea có thể trở nên đáng sợ, bởi vì bầu không khí ở Green Street, ngay ngoài Upton Park Tube, thường rất nóng. Không ít lần tôi phải cắm mặt đi một mạch tới sân trong khi xung quanh người ta đánh nhau hay quậy phá tưng bừng. Có những lần khác, vì tôi vẫn mang đồng phục của West Ham sau một trận đấu cho đội trẻ ở Chadwell Heath, nên để tới được sân, tôi phải vừa đi vừa ngó nghiêng đề phòng. Chuyện gì cũng có thể xảy ra trong một trận đấu giữa West Ham và Chelsea. Chính điều đó lại khiến cho tôi trở nên mạnh mẽ hơn, mang tới cho tôi thêm một chút chất đường phố. Nhưng đội bóng mà tôi sùng bái nhất vẫn phải là Manchester United, và chính Upton Park là nơi tôi bắt đầu phải lòng đội bóng này. Bất cứ khi nào West Ham chuẩn bị tiếp đón Manchester United, không khí xung quanh Upton Park luôn rộn ràng một cách khác biệt. Tôi thường nhìn ngắm Roy Keane, Gary Neville, David Beckham và Ryan Giggs rồi phân tích cách họ bước ra khỏi phòng thay đồ, xem liệu họ có nói câu gì không, hay họ chỉ tập trung vào trận đấu phía trước. Đó là cơ hội để tôi tự góp nhặt những kinh nghiệm để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu như họ. Khi Manchester United tới đây thi đấu, các cầu thủ của họ thường diện vest, nên trông ai cũng thực sự rất bảnh. Nhưng với tôi, không gì có thể so sánh được với lần đầu tiên nhìn thấy Alex Ferguson. Cách ông bước xuống hành lang để hướng về đường hầm cũng như cách một vị tướng háo hức chuẩn bị bước vào trận chiến mà ông hoàn toàn tự tin là mình có thể giành chiến thắng. Từ lúc ấy tôi đã mơ về một ngày được chơi bóng dưới sự chỉ bảo của ông. Thực tế là tôi có mơ về việc được chơi bóng cho Manchester United thật. Lúc đó tôi mới 19 tuổi và vẫn đang dò dẫm tìm kiếm chỗ đứng ở West Ham. Trong giấc mơ ấy có Becks, có cả Gary Neville nữa, tất nhiên có cả tôi, và đội chúng tôi giành chức vô địch quốc gia. Một bằng chứng cho thấy những giấc mơ có thể trở thành hiện thực! Nhưng nói chung thì ở West Ham, chúng tôi không có nhiều thời gian để mà mơ mộng kiểu như thế, bởi vì ở đó, người ta xoay chúng tôi như chong chóng trong nỗ lực gò chúng tôi thành những cầu thủ chuyên nghiệp. Sự khác biệt giữa việc một tuần chỉ tập một hay hai lần cả ở trường lẫn ở Boys Club với việc chỉ vài tuần sau đó phải tập luyện hằng ngày, thậm chí hai buổi mỗi ngày, là không dễ vượt qua. Trong hai hay ba tháng đầu tiên, tôi cảm thấy thực sự khó khăn để thích nghi với thay đổi đó. Nhưng thật may là một khi cơ thể đã quen được rồi thì mọi chuyện lại trở thành giống như thói quen. Có một số ngày thực sự tồi tệ, những ngày mà chúng tôi phải tập luyện quần quật cả ngày, nhưng cũng chính những ngày đó đã giúp định hình tôi với tư cách một cầu thủ. Chuyện tôi phải tập hai buổi mỗi ngày, mệt tới mức gần như ngủ gục trên xe buýt về nhà, nhưng sau đó vẫn phải tới xem một trận đấu của đội Một hay đội dự bị diễn ra thường xuyên. West Ham thử thách chúng tôi cả về tinh thần lẫn thể chất. Nhiều khi, sau một trận đấu cho đội dự bị, tôi ngồi một mình trong phòng thay đồ và nghĩ, Đó là cơ hội của mình, thế mà mình lại thể hiện không tốt. Liệu mình có thể có cơ hội tiếp theo hay không? Mình có đủ giỏi không? Áp lực ở đây là không có giới hạn. Nhưng khi nhìn lại, tôi trân trọng tất cả những nỗi đau mà tôi đã phải trải qua, chúng đã tạo thành một nền tảng hoàn hảo cho sự nghiệp chuyên nghiệp của tôi. Và nói gì thì nói, những ngày tháng trong đội trẻ đó cũng chính là những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tôi. Mỗi khi có dịp nhìn lại, tôi đều cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ. Ký ức về những người bạn và những trò điên rồ mà chúng tôi đã làm chắc chắn sẽ theo tôi tới hết cuộc đời. Tôi nhớ Danny Fernley, người cuối cùng lại theo đuổi sự nghiệp trong ngành xây dựng, bởi anh có một đam mê khó diễn tả với việc xâu kim người khác. Cứ sau mỗi lần thực hiện thành công một cú xâu kim như thế, anh lại thốt lên, vẻ đầy hối lỗi, “Úi! Xin lỗi nha!” Trong một trận đấu ở Chadwell Heath, Fernley xâu kim một cầu thủ ở khu vực ngay trước khu kỹ thuật. Cậu ta lại “Úi! Xin lỗi nha!” Sau khi đã chạy vòng qua cầu thủ kia, cậu ta bất ngờ quay lại nhìn các cầu thủ dự bị và... cười. Tony Carr lập tức nổi điên và thay cậu ta ra luôn. Peter Brabrook giúp Tony quản lý đội trẻ. Ông ấy là một người rất hay ho, nên rất được các cầu thủ chúng tôi yêu quý. Ông ấy thích tham gia trò đá ma với chúng tôi, và sẵn sàng xâu kim bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào. Ông ấy sử dụng tiếng lóng có vần cho mọi thứ, ngay cả cách gọi tên các cầu thủ và vị trí của từng người. Ví dụ khi ông ấy nói, “Michael ở trong cuộn xúc xích (sausage roll)”, thì phải hiểu là ông muốn nói tôi đang chơi ở khu vực trước vòng cấm của đối phương (the hole, đọc vần với roll), như một số 10. Tất cả các cầu thủ trong đội thường gọi tôi là “Spuggy” - tên của một nhân vật người Tyneside trong serie truyền hình Byker Grove. Nhưng Brabs đâu có hiểu được nguyên nhân đằng sau, nên ông cứ gọi tôi là “Boogie”. Brabs, ông quả xứng danh huyền thoại! Phòng thay đồ của chúng tôi là một ổ quậy, ở đó, sau mỗi trận đấu, tôi lại nghe được đủ thứ chuyện từ các cầu thủ khác. Họ nói về tất cả những gì mà họ có thể nghĩ tới hay đã trải qua, từ cuộc sống trên đường phố, lũ con gái, những rắc rối - đó là một thế giới mà trước đó tôi không nghĩ là có tồn tại. Một vài trong số các cầu thủ năm hai có ô tô. Đúng rồi, là ô tô! Tôi thì thậm chí còn không có nổi một cái xe đạp. Trong khi chúng tôi lọ mọ đi bắt xe buýt, họ nhảy tót lên những chiếc Peugeot 306 cáu cạnh. Một lần nữa, việc phải chứng kiến những điều như thế đã cho tôi thêm động lực để cố gắng nhiều hơn. Cầu thủ trẻ bọn tôi thường kiếm cớ để “dìm hàng” nhau, không với lý do này thì cũng lý do kia. Không hiểu làm cách nào mà tôi thoát được. Nhưng nhiều cầu thủ khác thì không, họ bị trêu chọc không ngừng vì bất kỳ lý do nào, có thể là trang phục của họ, tóc tai, vẻ ngoài, cái mũi lớn, cái cằm buồn cười, hoặc một chuyện gì đó liên quan tới bố hay mẹ của họ. Ai đó sẽ buông ra một nhận xét vu vơ, và Fernley sẽ nhanh chóng “tóm” lấy nó, “Không phải là cậu như thế thật đấy chứ?” Một ai đó sẽ trả lời, và những tiếng xì xào nổi lên từ đám đông. Fernley nhân cơ hội tung ra đòn tiếp theo,“Hắn nói thế về mẹ cậu mà cậu cũng chịu bỏ qua á, không thể nào.” Tiếng bấc ném qua, tiềng chì ném lại, sau mỗi lần ném, không khí lại ồn ào thêm một chút. Và trước khi bạn kịp nhận ra, đã có một cuộc tranh cãi dữ dội nổ ra rồi. Fernley cười như nắc nẻ, trong khi những người còn lại cũng đã trở nên rộn ràng hết cỡ. Mỗi năm, chúng tôi lại tổ chức một trận đánh nhau ở trong phòng tập, năm nhất đấu với năm hai. Có năm, tôi phải đấu với Stephen Purches, một anh chàng người Ilford hiện đang làm huấn luyện viên ở Bournemouth. Tôi không phải là người thích đánh nhau, Purches cũng vậy, nhưng “luật” là “luật” và chúng tôi không có lựa chọn. Chúng tôi đối phó bằng cách giả vờ vật nhau thật, mồm miệng gào thét ầm ĩ nhưng tay chân thì tránh đụng phải nhau, tạo ra một cảnh tượng thực sự thảm hại. Thực chất thì những trận đánh như thế chỉ mang tính nghi thức thôi, chẳng có ai bị gì nghiêm trọng ngoại trừ đôi ba vết bầm tím ở chân hay ở tay. Đó chỉ là cách để những người năm hai cố gắng khẳng định vị thế của mình. Đội trẻ West Ham là một đấu trường khắc nghiệt. Tôi không phải mẫu mềm yếu, cũng chưa bao giờ là kẻ ồn ào. Nhưng ở West Ham, chẳng ai có thể làm được việc là cứ thế ngồi đó và im như hến. Những kẻ không thể thoát ra khỏi vỏ ốc của mình sẽ không thể tồn tại, thế nên tôi buộc phải vượt qua sự nhút nhát của bản thân. Thời gian đầu, tôi từng có suy nghĩ rằng Thế này căng quá. Chắc mình phải về thôi. Tôi không nói với bất kỳ ai ở West Ham về suy nghĩ đó, nhưng tôi có nói với Lisa. Hồi ấy tôi không có điện thoại di động, nên chúng tôi toàn viết thư cho nhau, và trong các bức thư, tôi thường kể cho cô ấy nghe cuộc sống mới của tôi khắc nghiệt tới nhường nào. Mỗi lần nhìn thấy những lá thư của cô ấy trượt qua khe cửa là một lần tôi thấy phấn chấn hơn một chút. Lisa luôn cảm nhận được tôi cần cái gì, dù đó là cần được ở một mình, hay cần được hỗ trợ. Không ai hiểu tôi hơn cô ấy. Có một lần, tôi cảm thấy mình thực sự oải, nên đã viết thư cho bố mẹ,“Con muốn về nhà. Con ngán chỗ này lắm rồi.” Nhưng đó luôn chỉ là cảm xúc nhất thời, dù “nhất thời” ở đây có thể là một ngày, một tuần hay một tháng. Điều quan trọng là tôi luôn vượt qua được và không bao giờ từ bỏ. Tôi được thừa hưởng từ mẹ quyết tâm sắt đá và khát khao chống lại nghịch cảnh. Tôi biết rằng cầu thủ như chúng tôi có cuộc sống rất ổn, nhưng con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp thực sự rất dài và cần nhiều hy sinh. Phải sống xa nhà là điều khiến cho tôi bị tổn thương tinh thần nhiều nhất, nhưng chính điều đó lại tạo nên con người tôi như ngày hôm nay. Sau sáu tháng xa nhà, khi trở lại và gặp gỡ các bạn cùng trường cũ, tôi mới nhận ra mình đã trưởng thành lên nhiều như thế nào. West Ham đã rèn luyện tôi thành một người đàn ông thực thụ. Tôi đã phải tự ném mình vào thế giới thật, trong khi bạn bè ở Newcastle của tôi thì vẫn sống với gia đình, và dù có lên lớp Sáu thì thực ra vẫn chỉ là sống trong một phiên bản mở rộng của cuộc sống kiểu cũ. Harry Redknapp luôn cố hết sức để có thể nói chuyện với bố mẹ tôi. Ông ấy là một người tuyệt vời, rất ồn ào và thân thiện, có thể nhớ hết tên của từng cầu thủ trẻ. Khi tôi 13 hay 14 gì đó, Harry thường nhờ ai đó đưa bọn cầu thủ trẻ chúng tôi vào phòng thay đồ sau một trận đấu của đội Một. “Vào đây chơi nào các cậu bé,” ông nói. Không hề có màn giới thiệu chính thức nào, chúng tôi chỉ đơn giản là cứ thế bước vào và cảm thấy mình được chào đón. Điều đó cũng nói lên hết về West Ham, về mối liên kết mạnh mẽ giữa những cầu thủ trẻ và đội Một. Bạn có thể cảm nhận được sự sung sướng, tự hào, thỏa mãn ở Harry và các thành viên trong ban huấn luyện khi nhìn thấy một cầu thủ trẻ vươn được lên đội Một. Tôi biết rằng ở West Ham, tôi sẽ có cơ hội, tất nhiên nếu tôi đủ giỏi. Ngày 3 tháng 1 năm 1998 sẽ là một ngày mà tôi không bao giờ quên, bởi hôm đó tôi đã thông báo với Harry và West Ham rằng tôi sẽ ký hợp đồng chuyên nghiệp với đội bóng. Tôi sẽ ký một hợp đồng ba năm từ ngày 28 tháng 7, là sinh nhật thứ 17 của tôi. Tôi vẫn đang giữ bản hợp đồng đó, chữ thì đã mờ đi rồi nhưng các con số thì tôi vẫn nhìn ra được. Lương cơ bản của tôi trong mùa giải 1998-99 là 400 bảng mỗi tuần, tăng lên thành 500 bảng trong mùa 1999-2000 và 600 bảng vào mùa 2000-01. West Ham sẽ trả thêm 700 bảng cho mỗi trận tôi được đá chính, và 350 bảng cho mỗi trận tôi vào sân từ ghế dự bị. Sau trận đấu trọn vẹn đầu tiên, tôi sẽ nhận được 2.500 bảng, và thêm 10.000 bảng nữa sau 10 lần đá chính. Hợp đồng của tôi cũng có điều khoản thưởng cho các trận thắng, mức thưởng tùy thuộc vào vị trí của West Ham trên bảng xếp hạng Premiership. Nếu chúng tôi xếp từ thứ 16 tới 18, tôi sẽ nhận 325 bảng cho mỗi trận thắng, từ thứ 11 tới 15 sẽ là 500 bảng, từ thứ 6 tới 10 sẽ là 650 bảng, từ thứ 2 tới thứ 5 sẽ là 800 bảng và nếu đứng đầu bảng thì con số sẽ là 950 bảng. Ở giải hạng Nhất, mức thưởng tối đa là 300 bảng, và nếu chúng tôi đứng ở vị trí thấp hơn vị trí thứ 13 thì sẽ chẳng có gì cả. Tôi cũng nhận được những khoản tiền khuyến khích khi tham gia giải FA Trẻ: vòng đầu tiên là 10 bảng, và sau đó là 15, 20 rồi 30 bảng. Tới vòng bán kết thì mỗi trận sẽ nhận từ 40 đến 50 bảng, và nếu vào được chung kết thì con số sẽ lên tới 100 bảng mỗi trận. Nhưng tiền bạc chưa bao giờ là động lực đối với tôi, và tới bây giờ vẫn vậy. Cơ hội tiến thêm những bước mới có ý nghĩa với tôi nhiều hơn, bây giờ tôi biết rằng mình sẽ có cơ hội. Nếu vào lúc 11 giờ sáng ở Chadwell Heath có một trận đấu của đội trẻ, thì Harry và Frank bố sẽ cùng xem trong khoảng một tiếng đầu tiên trước khi đi vội tới Upton Park. Tất cả các đội bóng đều cảm nhận được sự kết nối. Chúng tôi chỉ có ba sân, sân cho đội Một, đội dự bị và đội trẻ, và cả ba đều nằm cạnh nhau. Hồi 1997, một ngày khi tôi đang tập luyện cùng với đội trẻ thì nghe Harry hét lên,“Tony, tôi cần một tiền vệ. Gửi sang bên này cho tôi một đứa đi.” “Michael, sang bên kia đi.” Thế là cuối cùng thì điều khao khát bấy lâu nay của tôi - được tập luyện cùng với đội Một - cũng đã tới. Tôi chắc chắn phải thể hiện rất tốt trước đó, vì sau này tôi được nghe kể là vào hôm ấy, Eyal Berkovic đã hỏi Tony tôi là ai, và Tony đã trả lời rằng tôi là người sẽ chiếm lấy vị trí của anh ấy vào một ngày nào đó. Chuyện đó khiến tôi thấy ngất ngây, bởi vì Berkovic là một cầu thủ tuyệt vời. Chỉ riêng việc anh ấy hỏi về tôi cũng đủ củng cố niềm tin của tôi về việc tôi có thể trở thành một thành viên của đội Một. Tôi quan sát Berkovic rất kỹ, cho tới khi anh ấy chuyển sang thi đấu cho Celtic. Tôi chỉ muốn học hỏi càng nhiều càng tốt. Tôi từng chơi bóng với nhiều cầu thủ giỏi hơn Berkovic, nhưng không phải ai cũng có sự nhạy cảm để thực hiện được những đường chọc khe thông minh như anh. Anh yêu nó, cái góc hẹp ơi là hẹp ấy, và cho tới thời điểm ấy thì đó có thể là cú chọc khe đẹp nhất mà tôi từng được chứng kiến. Vì tôi sinh nhật muộn, mà hợp đồng chuyên nghiệp chỉ bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm tôi bước qua tuổi 17, nên tôi tiếp tục phải sống tằn tiện với khoản trợ cấp học việc chỉ vỏn vẹn 42,4 bảng trong vòng sáu tháng tiếp theo, sáu tháng dài nhất trong đời tôi. Nhưng dù sao thì tôi cũng không có nhu cầu tiêu tiền lắm, ngoài quần áo ra thì tôi chỉ mua thêm mấy cái CD của Craig David hay Usher thôi. Ở nhà của Pam và Danny, tôi chung phòng với Anthony Hudson, con trai của Alan Hudson, tiền vệ nổi tiếng từng khoác áo Chelsea, Stoke và Arsenal. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm giác bàng hoàng khi được Pam đánh thức vào nửa đêm ngày 16/12/1997 để thông báo tin dữ liên quan tới bố của Anthony. Ông Alan bị một chiếc xe đâm phải, và sau đó bị hôn mê trong một thời gian dài. Đó là một cú sốc rất nặng với Anthony. Nên bây giờ, khi tôi nhìn anh, một huấn luyện viên thành công, người suýt đưa New Zealand tới World Cup, tôi thực sự ngưỡng mộ cách mà anh vượt qua cú sốc ấy. Sau một năm sống ở nhà Pam và Danny, tôi với Rich Garcia đột nhiên nảy ra ý tưởng tìm một chỗ cho riêng mình. Chúng tôi ngu ngốc tới mức nghĩ rằng mình đã trở thành những người đàn ông thực thụ và cứ thế sồn sồn hết cả lên. Thực tế là chúng tôi vẫn còn quá ngây thơ. Chúng tôi hỏi thuê một căn hộ ở Chadwell Heath, hy vọng sẽ có được chút tự do ở đấy. Nhưng khi Jimmy Hampson nghe nói về chuyện đó, ông đã nổi điên lên. Ông biết điều gì là tốt nhất cho chúng tôi rõ hơn nhiều so với chính chúng tôi. Ngay cả Frank bố cũng nói chuyện với chúng tôi về điều đó. Sự cố ấy cho tôi thấy thêm một lần nữa cảm nhận về mối liên kết vững chắc giữa các đội bóng trong câu lạc bộ. Jimmy thấy vẫn cần phải có trách nhiệm với chúng tôi, và tình cờ làm sao, đúng lúc ấy ông lại đang hoàn tất thủ tục mua một ngôi nhà liền kề có sáu phòng ngủ ở đường Kingston, Romford cho câu lạc bộ. Nên ông đã cho chúng tôi dọn vào đó, cùng với một số cầu thủ nữa, và thuê cặp vợ chồng già Bob - Val Rayson tới ở, đồng thời trông nom bọn tôi. Ở tầng trên cùng có hai phòng ngủ, một cái bếp và một nhà tắm, thế nên với chúng tôi, sống ở đó cũng không khác nào sống trong căn hộ của chính mình. Vì vậy tôi và Rich xin được lên ở trên đó, coi như bước những bước đầu tiên tới sự tự lập hoàn toàn. Tất cả đều hoàn hảo. Val luôn đảm bảo tủ lạnh sẽ không bao giờ ở tình trạng trống rỗng. Trong nhà, ngoài chúng tôi còn có hai anh chàng người Australia, Mick Ferrante và Steve Laurie, họ sống cùng với Izzy Iriekpen ở tầng dưới. Izzy đã có thể trở thành cầu thủ trẻ nhất trong lịch sử được ra sân ở Premiership khi West Ham làm khách ở Old Trafford vào tháng 1 năm 1999. Phút cuối cùng của trận đấu, khi mọi chuyện coi như đã an bài (chúng tôi đang bị dẫn 1-4), Harry quyết định sẽ cho Izzy vào sân. Ông muốn biến trải nghiệm buồn thành cơ hội để hướng tới tương lai, với một cậu bé mới 16 tuổi. Nhưng Izzy lại không sẵn sàng. Cậu ta chưa đeo ống đồng, chưa mặc áo, và dây giày cũng chưa buộc. Tới lúc mà cậu ta sẵn sàng và bước ra ngoài đường biên chuẩn bị vào sân thì trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu. Đó là một bài học đắt giá. Izzy không bao giờ có cơ hội khoác áo West Ham. Tới bây giờ bạn vẫn có thể nhìn thấy những cảnh tương tự. Các huấn luyện viên quay đầu lại bảo một cầu thủ sẵn sàng, nhưng cầu thủ đó hoàn toàn không sẵn sàng. Ngay cả các cầu thủ lớn tuổi cũng gặp tình trạng này. Dây giày chưa buộc, ống đồng không có, áo cũng chưa mặc. Số lần ta thấy các cầu thủ quay ngang quay ngửa để tìm đồ nhiều tới mức khó có thể tin nổi. “Ai đang cầm ống đồng của tôi? Áo tôi đâu?” Đôi khi, áo của anh ta nằm tận trong phòng thay đồ. Chứng kiến những gì xảy ra với Izzy, tôi tự hứa rằng sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra với mình, rằng tôi phải luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Tôi có thể nới giày ra một chút để cho thoáng chân, nhưng ngoài ra luôn chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. Thật đáng tiếc cho Izzy, cậu ta không bao giờ có cơ hội thứ hai. Sau một năm, West Ham mua nốt căn nhà bên cạnh và nối hai nhà bằng một phòng trò chơi. Thêm Shaun Byrne và Adam Newton chuyển vào. Chỉ một thời gian ngắn sau, số nhân khẩu trong nhà đã tăng lên thành 10 - tất cả đều là những người tôi biết từ năm 13 tuổi. Tất cả đều đang sống trong cùng một giấc mơ. Chúng tôi thân thiết như tay với chân. Lúc này tôi đã có cả một mạng lưới hỗ trợ ở West Ham, với những người như Rich, Mick và Byrney, những người mà tôi đã thiết lập được một mối quan hệ tồn tại cho đến tận bây giờ. Dù xa nhau - Rich và Mick đang sống ở Australia, Shaun nay đang là một thợ sửa nhà ở Slough - nhưng chúng tôi vẫn rất thân thiết. Và tất cả chúng tôi đều trân trọng, xem những gì mà chúng tôi có ở West Ham là thực sự đặc biệt. Giáng sinh một năm nọ, mọi người đều được về nhà để đoàn tụ với gia đình, chỉ có tôi là phải ở lại để tập luyện cùng với đội Một. Thế là mẹ, bố và Graeme xuống chỗ tôi. Mẹ nấu bữa tối cho cả nhà, gia đình chúng tôi cùng đón Giáng sinh trong phòng ngủ của tôi ở trên tầng bốn. Tôi ở đó trong hai năm và đấy là hai năm tuyệt vời. Rich ở với tôi trong cả hai năm ấy. Cậu ta cũng nhận được một bản hợp đồng rất khá, nhưng cũng như tôi, cậu ta không hoang phí tiền bạc. Tôi có mua một chiếc xe nhỏ, một con Fiesta 1.4 màu bạc đã qua sử dụng với táp-lô bọc gỗ và có ốp cửa. Tôi tốn 7.000 bảng cho con xe này, một số tiền hợp lý. Tôi máu lái xe lắm, nên đã cầu nguyện cho buổi kiểm tra lấy bằng diễn ra suôn sẻ. Tôi khá tự tin, nhưng vẫn biết rằng chỉ cần một hay hai lỗi nhỏ cũng đủ khiến cho mọi thứ tan tành. Khi tôi đang chuẩn bị vào bài thi đỗ xe song song, vị giám thị bắt đầu huyên thuyên về trận đấu vừa xong của West Ham. Tôi nghĩ thầm, “Để sau đó ông ơi. Vứt quả bóng sang một bên đi, tôi đang thi lấy bằng lái, và tay tôi thì ướt nhẹp mồ hôi rồi đây này.” Vị giám thị giải thích là ông ta đang làm nhân viên phục vụ ở Upton Park. Thật là những ngày tuyệt vời! Tôi đỗ điểm cao, có lẽ một phần nhờ “nhân tố West Ham”. Nhưng tôi vẫn nghĩ là dù thế nào thì tôi cũng đỗ thôi. Sướng nhất là vị giám thị, khi có cả ngày trời để nói về West Ham! Chiếc Fiesta nhanh chóng trở nên chật chội đối với tôi, nên tôi quyết định tặng nó cho bố. “Không không không, bố không lấy đâu con trai. Bố có xe rồi.” “Cứ nhận đi bố. Bố có thể bán hai cái xe cũ và dồn tiền mua một cái tốt hơn. Con nghĩ là xe sắp đến hạn bảo dưỡng, nên bố chỉ cần mang nó đi bảo dưỡng, rồi bán nó, hay làm bất cứ điều gì mà bố thích với nó.” “À ừ nhỉ, ý tưởng tuyệt vời đấy, cảm ơn nhé con trai.” Khi bố mang chiếc xe Fiesta đi bảo dưỡng, ông tốn mất 400 bảng. Cả bốn bánh đều mòn vẹt hết, ngoài ra còn phải thay đĩa phanh và phanh. Bố bị sốc. Thế nhưng trong suốt hai năm trời, ông không hề nói gì với tôi. “Con có bao giờ nhận ra là con từng lái một chiếc xe trong tình trạng như thế không?” Cuối cùng thì vào một ngày, bố cũng nói với tôi. “Không hiểu sao mà con lái được, bánh xe hỏng hết cả rồi.” Không phải là bố muốn quở trách gì tôi, ông chỉ cảm thấy lo lắng. “Xin lỗi bố.” Tôi cảm thấy mình đã khiến ông thất vọng. Thực tế tôi từng lái một chiếc xe mà cả bốn bánh đều mòn vẹt giống như một lời cảnh tỉnh. Từ đó về sau, tôi để ý nhiều hơn tới những chuyện như thế. Tôi lái nhanh, nhưng không ẩu. Tôi cũng không phải là kẻ cứ lên xe là phóng, đúng ra là bây giờ tôi không như thế nữa. Trước đây, khi còn trẻ, thì có. Sau chiếc Fiesta, tôi mua một chiếc BMW 3 Series Coupé màu xanh, giá 20.000 bảng. Đó là một chiếc xe tuyệt vời. Tôi không phải người thích mặc cả. “Giá của anh như thế à?” Tôi sẽ hỏi người bán, và nếu thấy ổn, tôi sẽ mua. Sau nữa, tôi sở hữu một trong những chiếc X5 đầu tiên. Tôi từng có tổng cộng ba chiếc X5 khác nhau. Cũng trong thời gian ở West Ham, tôi mua thêm một chiếc Mercedes SL 55 AMG hai chỗ làm bằng kim loại nguyên khối, rất đẹp, nhưng sau đó tôi quyết định trả lại. Rồi mua một chiếc Dodge Viper tay lái nghịch - trông khá là buồn cười. Giám đốc quản lý của DaimlerChrysler, có trụ sở ở Milton Keynes, tự mình lái chiếc xe tới. Bạn tôi, Rich, Mick, Byrney và Steve Laurie, đều có mặt và bị chiếc Viper làm cho mê mẩn ngay lập tức. “Mua đi, Michael, mua đi,” cả bọn không ngừng hối thúc tôi. “Tuyệt đấy, trông rất khác biệt, tớ sẽ mua nó,” tôi nói. 45.000 bảng ra đi. Tôi không biết mình đang làm cái gì nữa. Chiếc Viper ấy thực sự là một con quái vật, toàn thân nó màu xám, với điểm nhấn là hai đường kẻ màu da cam ở giữa. Một ngày nọ, cả bọn đang tụ tập ở nhà của Rich tại Romford thì nổi hứng đòi tới nhà tôi ở Theydon Bois. Tôi đi chiếc Viper, nó chỉ có hai chỗ, trong khi chúng tôi có tới ba người, Rich, Byrney, và tôi. Chúng tôi đã có một quyết định ngu ngốc là gỡ cái bánh dự phòng ra khỏi cốp và nhét Byrney vào đó. Từ đấy về nhà tôi mất khoảng 20 phút. Âm thanh mà chiếc xe tạo ra quả thật ấn tượng. Nhưng ở phía sau, Byrney không ngừng gào lên,“Dừng lại! Dừng lại!”. Tôi và Rich cười chảy cả nước mắt. Khi ra khỏi xe, Byrney gần như không đi nổi. Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy các cầu thủ trẻ trong những chiếc xe lạ mắt như thế, tôi lại nghĩ, “Chúng nó đang lái cái gì ấy nhỉ?” Những cầu thủ lớn tuổi hơn ở West Ham chắc cũng từng nghĩ về tôi như thế,“Thằng kia nó nghĩ nó là ai nhỉ?” Lúc đó tôi mới 20. Một hôm tôi lái chiếc Viper tới Chadwell Heath và đỗ ngay cạnh xe của Tony Carr. Ông ấy nhìn tôi trân trân, vẻ mặt đầy ngạc nhiên như muốn nói, “Cái quái gì đang diễn ra ở đây thế này?” Hôm đó Tony không nói gì cả, nhưng tôi nhớ là khi nhìn thấy ánh mắt của ông, tôi biết là ông thất vọng về mình ghê gớm lắm. Tôi nhận ra mình không nên mua chiếc Viper. Sau đó tôi gần như không chạm vào nó nữa, và cuối cùng đẩy đi với giá 30.000 bảng. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình đúng là một thằng đần. Tôi tốn nhiều tiền nhất cho việc tìm một chỗ ở riêng. Tôi yêu quãng thời gian sống cùng Bob và Val, nhưng cuộc sống ở một căn hộ trên tầng chỉ càng khiến tôi thêm khát khao có được một nơi chốn cho riêng mình. Vì thế, khi bước sang tuổi 19, tôi đã chi ra 280.000 bảng để mua một căn nhà ở khu vực không xa chỗ cũ lắm, khu Brunel Close, cùng một khu phố với nhà của Joe Cole. Rich cũng chuyển vào sống cùng. Cậu ấy trả tiền thuê, và cả hai chúng tôi đều cảm thấy thoải mái. Tôi xem ngôi nhà một phần như một khoản đầu tư. Bố mẹ tôi luôn rất cẩn thận trong chuyện tiền bạc và tôi cũng muốn làm như họ. Lisa học cấp ba và sau đó là đại học ở Newcastle, nhưng bất cứ khi nào rảnh rỗi là cô ấy lại xuôi Nam. Bạn gái của Rich, Janelle, hiện đã là vợ của anh thì thường bay tới từ Perth. Hồi đầu, chúng tôi quên không nói cho Lisa biết về Janelle. Một ngày, cả tôi và Rich đều đi tập, Lisa ở nhà một mình và nghe thấy tiếng gõ cửa. Là Janelle. Lisa đâu biết đấy là ai. Cô ấy mở cửa và trước mắt là một người phụ nữ lạ hoắc. Janelle mở lời trước,“Xin chào! Cô là ai?” “Tôi là Lisa. Thế cô là ai?” “Janelle.” Lisa hỏi hơi gắt,“Có chuyện gì không?” Trong vòng 5 giây tiếp theo, họ nhìn chằm chằm vào nhau như kẻ thù. Rồi Janelle quyết định phá vỡ sự im lặng, “Tôi tới từ Australia để thăm Rich.” “Còn tôi ở đây với Michael!” Lisa trả lời. “Được rồi! Được rồi! Xin mời vào!” Kể từ đó, Lisa và Janelle trở thành bạn thân nhất của nhau. Tôi gặp Lisa lần đầu tiên trong hội trường của một nhà thờ ở Wallsend. Gia đình của tôi và gia đình của cô ấy cùng tới đó để dự một bữa tiệc mừng năm mới. Tôi trầm tính, hơi bẽn lẽn, và không nói được gì nhiều. Cô ấy thì ngược lại, rất tự tin và cởi mở. Tôi phải lòng cô ấy, người con gái với mái tóc vàng gợn sóng, ngay lập tức, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội. Lisa là bạn của Steven Bradley và Stephen Rutherford, hai đồng đội của tôi ở đội trẻ West Ham, những người sôi nổi và cởi mở hơn tôi rất nhiều. Chúng tôi thường cùng nhau đạp xe tới công viên Wallsend, chơi tennis ở đó, hoặc đạp xuống vịnh Whitley rồi bắt xe buýt về để đỡ phải leo dốc. Em của Lisa, Glen, hiện đang là một ca sĩ, nhưng trước đây cậu ta rất mê đá bóng và từng là đồng đội của Graeme ở Boys Club. Đó cũng là lý do mà bố mẹ chúng tôi quen biết nhau. Trường tôi tổ chức diễn một vở kịch, có tên là Người tình của tôi, trong đó bạn tôi - Chris Wood - là người đóng vai chính. Nhóm chúng tôi rủ nhau đi xem, Bradley, Rutherford, tôi, Lisa và vài người bạn của cô ấy. Đêm đó tôi định ngỏ lời với cô ấy, nhưng cuối cùng lại không tìm được thời điểm thích hợp. Thế nên, tôi quyết định gọi cho cô ấy vào sáng hôm sau, ngay trước khi đi học, cô ấy tỏ ra rất ngạc nhiên,“Sao cậu lại gọi cho tớ vào lúc này, lúc 8 giờ kém 10?” Thế là tôi thú thật,“Bọn bạn bảo tớ phải ngỏ lời hẹn hò với cậu vào tối qua, nhưng vì tớ không làm, nên tớ nghĩ rằng tốt nhất là nên gọi cho cậu trước khi đi học.” “À, tối nay tớ phải học nhảy, mai lại chơi bóng lưới, nên tớ sẽ gọi lại cho cậu vào thứ Năm nhé,” cô ấy trả lời. Tới thứ Năm cô ấy gọi lại thật, nhưng lại nói rằng chỉ vài tuần nữa là cô ấy phải thi GCSE[2] nên không có thời gian cho chuyện yêu đương. Vì chúng tôi vốn rất thân nhau, nên tôi nghĩ rằng cô ấy nói thế chẳng qua chỉ để khiến tôi không bị tổn thương quá nhiều. [2] Tương đương tốt nghiệp trung học - ND. Nhưng sau đó chúng tôi bắt đầu nói chuyện qua điện thoại thường xuyên, đề tài chủ yếu là mấy chuyện thường ngày. Sau vài tuần, sau khi cô ấy hoàn thành kỳ thi của mình, cô ấy đổi ý. Lúc đó là vào khoảng tháng 5, mà tới tháng 7 tôi đã phải xuống tập trung ở West Ham. Thật éo le làm sao. Tôi thường nói với cô ấy rằng,“Khi nào anh kiếm đủ tiền, anh sẽ mua vé cho em xuống đây.” Thời điểm đó tôi vẫn đang nhận lương 42,5 bảng mỗi tuần, nên tôi phải tằn tiện lắm, mà cũng chỉ có thể mua cho cô ấy vé máy bay giá rẻ. Mỗi tuần tôi sẽ gọi về cho cô ấy một lần, nhưng chúng tôi chủ yếu liên lạc qua thư, đôi khi còn gửi cả thơ cho nhau. Tôi giữ tất cả những lá thư Lisa gửi cho tôi và cô ấy cũng vậy. Mỗi khi tôi được về nhà, chúng tôi lại tổ chức tiệc tùng, hoặc ở nhà tôi hoặc ở nhà của cô ấy. Lisa kiên trì theo đuổi sự nghiệp học hành, sau khi hoàn thành A-level[3], cô ấy tiếp tục học lên đại học, chuyên ngành Quản trị Doanh nghiệp. Sau khi ra trường, cô ấy chuyển xuống phía Nam để được gần tôi, làm công việc gì đó liên quan tới kế toán ở Romford. Cô ấy rất mê nhảy, và nhảy rất giỏi, nên thường tham gia các show diễn hay các vở kịch câm, ngoài ra còn dạy nhảy cho trẻ em. Nhưng sau đó thì cô ấy chuyển sang mê Pilates (hệ thống các bài tập giảm cân và phục hồi do Joseph Pilates phát triển đầu thế kỷ XX), bắt đầu từ khi tôi theo môn này để điều trị chấn thương háng. Cô ấy thậm chí còn đăng ký học một khóa về Pilates. Trong thời gian tôi thi đấu cho West Ham và Spurs, cô ấy thường dạy Pilates tại nhà cho đủ kiểu khách hàng - cả người trẻ lẫn người già, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Cô ấy biết rằng đó là một kỹ năng mà cô ấy có thể mang theo tới bất cứ nơi nào, trong trường hợp tôi được chuyển nhượng tới một đội bóng khác. Lisa đã phải hy sinh rất nhiều để chúng tôi có thể luôn ở bên nhau. Cô ấy phải rời xa gia đình, và từ bỏ sự nghiệp riêng của mình. [3] Tương đương bằng tốt nghiệp phổ thông trung học ở Việt Nam - ND. Ở West Ham, Rich, tôi và nói chung tất cả mọi người trong đội, rất gần gũi với nhau. Bất cứ khi nào có một trận đấu tối ở Cup FA trẻ, chúng tôi sẽ cùng nhau đi tới một tiệm bánh ở Romford vào lúc 11 giờ sáng, mua một cái sandwich nhân xúc xích - trứng và một cái sandwich nhân thịt muối - trứng, trở lại trung tâm, ngấu nghiến chúng, chợp mắt một lúc vào buổi chiều, sau đó đi thẳng tới sân Upton Park. Thành thật mà nói thì những cái bánh sandwich to ú ụ và ngậy mỡ đó không được lành mạnh cho lắm. Nhưng ở thời điểm đó, chúng tôi không mấy quan tâm tới chế độ ăn hay vấn đề dinh dưỡng. Đâu có ai dạy chúng tôi những thứ như thế. Theo thời gian thì điều này thay đổi rất nhanh. Vào các buổi tối, chúng tôi hay tụ tập ở Romford. Nói đúng hơn là tụ tập hơi thường xuyên quá. Một số đứa đi chơi vào tối thứ Tư, thậm chí là tối thứ Năm. Nhưng tôi thường ở nhà vì nghĩ tới trận đấu sẽ diễn ra vào thứ Bảy. Ngay cả ở tuổi đó, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị. Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn cần một hôm xả trại để giải phóng hết những áp lực tích tụ trong tuần. Thời gian đầu, chúng tôi thường tới The Barking Dog, một quán pub nhỏ ở bên cạnh nhà ga, uống vài cốc ở đó, rồi lại kéo nhau tới The Golfer, một quán pub khác có dịch vụ hát karaoke ở Beckton, gần cái dốc trượt tuyết cũ. Chúng tôi bắt đầu với những bài hát thông thường, nhưng bởi vì quán nằm trong “lãnh địa” của West Ham và khách toàn là cổ động viên của đội, nên cuối cùng cả bọn lại quay sang hát các bài cổ động. Buổi tối thứ Bảy xả trại của chúng tôi thường kết thúc tại một câu lạc bộ đêm có tên là 5th Avenue ở Ilford. Nhưng tôi xuôi Nam không phải để đi bar, mà là để chơi bóng. Và để có thể vươn tới trình độ cao nhất, tôi phải đi qua con đường Cúp FA Trẻ, một giải đấu mà tất cả mọi thành viên của West Ham đều thấy bị ám ảnh. Tôi nhớ hồi năm 1996, khi West Ham chuẩn bị đấu với Liverpool trong trận chung kết Cúp FA Trẻ - Frank Lampard và Rio Ferdinand đối đầu với Michael Owen, Jamie Carragher và David Thompson - trận đấu ấy chính là chủ đề duy nhất trong tất cả các câu chuyện ở câu lạc bộ. West Ham thua 0-2 ở Upton Park. Nên trong trận lượt về ở Anfield, Harry yêu cầu mang tôi đi cùng để tôi có thể tích lũy kinh nghiệm. West Ham lại bị đánh bại với tỷ số 2-1, mọi người ai cũng thất vọng. Cúp FA Trẻ thực sự rất quan trọng với đội bóng. Tôi sẽ không bao giờ quên được quả penalty mà tôi đá hỏng trong trận đấu trên sân của York ở vòng năm diễn ra vào tháng 3 năm 1989. Sau trận đấu, Frank Senior giận tới mức thiếu điều đè tôi ra cho một trận. Chúng tôi cuối cùng vẫn có thể đi tiếp, và đi thẳng tới trận chung kết với Coventry City. Sau khi chúng tôi thắng 3-0 ở trận lượt đi trên sân Highfield Road của đối phương, mọi người bắt đầu nói về việc West Ham đang có một lứa cầu thủ trẻ tốt. Tất cả các thành viên của đội Một ở Chadwell Heath đều hỏi han về trận lượt về ở Upton Park và chúc chúng tôi may mắn. Mọi người đặt rất nhiều kỳ vọng vào chúng tôi. Trước trận lượt về, khi đang khởi động, tôi nhìn quanh và không thể tin nổi vào mắt mình khi có quá nhiều người tới xem trận đấu. Upton Park như rung chuyển. Ban tổ chức sân chỉ mở cửa ba khán đài và khóa cửa khán đài còn lại vì họ cho rằng như thế là đủ rồi. Nhưng cuối cùng trận đấu đã không thể bắt đầu đúng giờ bởi vì còn quá nhiều người chưa vào được sân. Ban tổ chức sau đó phải mở cửa khán đài East Stand, nhưng vì họ chỉ mở cổng, không mở cửa xoay, nên các cổ động viên phải đi một vòng quanh sân rồi mới lên được khán đài. Bóng lăn rồi mà người vẫn lũ lượt đi vào. Quả là một cảnh tượng hỗn loạn có tổ chức. Tôi sẽ không bao giờ quên được bầu không khí tuyệt vời hôm đó, tất cả mọi người đều hát hò như thể chúng tôi đang chơi một trận đấu ở Cúp FA “xịn”. Thật là điên rồ. Các thành viên trong đội rất thân thiết với nhau, bầu không khí lúc nào cũng rất khó tin. Tôi thích nghĩ về đội bóng ấy, vì chúng tôi có một vài cầu thủ thực sự xuất sắc chứ không riêng gì Cole. Trong khung gỗ, chúng tôi có Stevie Bywater; trong suốt cuộc đời tôi chưa thấy ai tự tin hơn anh ấy, là kiểu tự tin dễ thương chứ không phải kiêu ngạo. “Các anh đừng mơ ghi bàn vào lưới tôi,” Stevie hét lên như thế với các thành viên của đội Một khi được gọi lên tập cùng họ. Anh ấy tất nhiên là bị các đàn anh xử đẹp ngay vì tội láo nháo, nhưng thành thật mà nói thì ở tuổi của mình, Stevie là vô đối ở vị trí thủ môn, những người khác phải chạy sau anh cả kilomet. West Ham mua anh từ Rochdale và thực sự anh đã thể hiện tuyệt vời, nhưng rất tiếc là anh lại gặp vấn đề với cổ tay. Tôi vẫn nhớ Bywatet từng bực bội thế nào khi xương thuyền (phần xương ngay phía dưới ngón cái) của anh cứ gãy đi gãy lại, khiến cho sự nghiệp của anh không sao cất cánh được. Nhưng dù vậy, anh lúc nào cũng là người hài hước nhất. Khi chúng tôi đang chuẩn bị phòng ngự chống một quả phạt góc, anh ấy sẽ nói, “Đừng lo, các chàng trai. Tớ sẽ phóng như tàu hỏa để tóm quả tạt này.” Khi bóng được tạt vào, anh sẽ hét lên “Tu, Tu” và hất văng tất cả để tóm lấy trái bóng. Chúng tôi chơi thứ bóng đá đẹp mắt, Tony Carr lúc nào cũng khuyến khích cả đội triển khai bóng qua hàng thủ. Ba trung vệ của chúng tôi - Terrell Forbes, Stevland Angus và Iriekpen - đều là những tay rất khỏe, yêu phòng ngự và thích chuyền bóng. Tôi nhớ là khi Stev mới 15 tuổi, mọi người ở West Ham đã dự đoán anh sẽ trở thành “Rio mới”. Hoàn toàn dễ hiểu, bởi Stev rất nhanh, mạnh mẽ và có thể chơi được cả chân trái lẫn chân phải. Điều đáng tiếc là dù không thiếu tài năng, Stev lại không một lần được có cơ hội xuất hiện trong màu áo đội Một. Nhưng dẫu sao thì anh cũng đã có những năm tháng hạnh phúc ở Cambridge United. Lối chơi của đội còn có đủ cả chiều rộng lẫn tốc độ. Ở bên cánh phải, Newtz, trong vai trò một wing back (cầu thủ chạy biên trong sơ đồ ba trung vệ), không ngừng lên xuống như con thoi. Cánh trái vốn thuộc về Byrney, nhưng trước trận chung kết cậu ấy lại dính chấn thương, nên Sam Taylor được trao cơ hội và anh đã chơi tốt. Tôi biết anh vẫn đang gắn bó với câu lạc bộ trong vai trò một thành viên của Foundation. Chỉ riêng việc điểm lại những cái tên trong đội hình xuất phát cũng đủ khiến tôi có cảm giác như thể trận đấu vừa diễn ra hôm qua. Những cảm xúc lại ùa về, bởi vì chúng tôi không chỉ là những đồng đội, mà còn là những người bạn thực sự của nhau. Chúng tôi cùng chơi bóng bằng niềm vui, cùng tận hưởng một quãng thời gian đẹp đẽ khó quên trong cuộc đời. Mick là tiền vệ kiến tạo, cả chân trái, chân phải anh đều chơi tốt. Và tất nhiên, chúng tôi có một Joe Cole xuất sắc. Rich thì chơi ở vị trí tiền đạo. Bertie Brayley là một anh chàng thuận chân trái rất hoạt bát và tài năng, nhưng hơi thiếu một chút chuyên cần để có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Sau này anh chơi rất nhiều trận cho những đội bóng bán chuyên như Heybridge Swifts và Dorking Wanderers. Chúng tôi thi đấu mà như đang chơi đùa. Tôi volley một cú dội xà ngang, quay lại nhìn Mick và cả hai tự nhiên cùng bật cười. Có cái gì đó sai sai. Cú volley ấy của tôi đẹp hơn cú đá thành bàn sau đó (được ghi bằng chân trái, sau đường chuyền của Rich). Đêm đó chúng tôi làm gì cũng đúng. Chúng tôi đơn giản là ra sân và cùng nhau chơi bóng như những người bạn. Cho tới tận bây giờ thì trận thắng 6-0 ấy vẫn là một trong những ký ức tuyệt vời nhất trong cuộc đời bóng đá của tôi. Ngày hôm sau có ai đó cho tôi xem một bài báo của The Times, trong đó có đoạn viết,“Carrick và Cole là một phần của một trong những đội trẻ tài năng nhất từng thấy ở nước Anh sau thời của Những đứa trẻ của Busby (Busby Babes) và Những chú chim non của Fergie (Fergie’s Fledglings, ý nói thế hệ 1992 với những Beckham, Giggs, Scholes, anh em nhà Neville).” Một nhận định quá táo bạo nhưng tôi nghĩ là không sai. Chỉ là Cúp FA Trẻ thôi, có phải Champions League hay gì đâu, nhưng với chúng tôi, đó vẫn là danh hiệu tuyệt vời nhất. Tuần tiếp theo, chúng tôi tiếp tục vô địch giải U19 quốc gia. Thế hệ West Ham ấy là một trong những lứa cầu thủ tuyệt vời nhất, vừa có khả năng lại vừa có sự gắn kết. Sau trận chung kết lượt về, ngày tiếp theo, chúng tôi tập thả lỏng ở Chadwell Heath. Cả đội chỉ chạy nhẹ quanh sân; ở phía trong, Ian Wright đang tập dứt điểm. Chắc các bạn biết rồi, Wrighty không phải mẫu người trầm lặng. Khi chúng tôi chạy tới sau khung thành, anh ấy như phát cuồng, vừa hát vừa hét, cố làm tất cả những gì có thể để nói rằng chúng tôi đã làm tốt đến thế nào ở trận chung kết. Nhìn phản ứng và sự hài lòng của anh ấy, cảm giác thật khó diễn tả. Nhưng West Ham ở thời đó là """