" Tủ Sách Z.28 - Người Thứ Tám full prc pdf epub azw3 [Gián Điệp] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tủ Sách Z.28 - Người Thứ Tám full prc pdf epub azw3 [Gián Điệp] Ebooks Nhóm Zalo Người Thứ Tám Z.28 13 Giờ Định Mạng LÁ THƯ TÁC GIẢ... Trong 18 năm viết tiểu thuyết gián điệp Z.28, tác giả đã nhận được nhiều thư của bạn đọc. Mỗi tuổi tác, mỗi thành phần xã hội viết thư một khác, tuy nhiỉên hầu hết đều nêu câu hỏi "trong truyện Z.28, có bao nhiêu phần trăm tưởng tượng, bao nhiêu phần trăm sự thật ?". Sau đây là một đoạn thư điển hình : "Nghe nói ông xấp xỉ hoặc lớn tuổi hơn ba cháu nên cháu mạn phép được gọi bằng bác. Ba cháu đọc sách của bác từ sau khi đậu Tú Tài. Mẹ cháu cũng là độc giả của bác, song hồi ấy bác chưa in thành sách, ba mẹ cháu kể lại là hồi ấy phải đọc bữa đực bữa cái trên các báo hàng ngày. Giờ đây ba mẹ cháu vẫn tiếp tục đọc Z.28. Dĩ nhiên cháu cũng là độc giả trung thành. Năm nay cháu thi Tú Tài I, còn em gái của cháu sửa soạn lều lõng thi Trung học đệ nhất cấp và cũng đọc Z.28 như mẹ chúng cháu mười mấy năm về trước. Cháu tự giới thiệu dài dòng như vậy là để chứng tỏ gia đinh cháu thông thạo Z.28. Bác xuất bản trên 50 tác phẩm Z.28, gia đình cháu đã đọc hết, ấy thế mà có điều quan trọng nhất về Z.28 cháu lại chưa giải thích nổi. Điều quan trọng này là Z28 thật hay giả ? Thưa bác, chúng cháu có học, đâu đến nỗi dốt, ngoài bìa sách bác lại đã cẩn thận in giòng chữ (tiểu thuyết gián điệp) tất cháu phải hiểu rằng Z.28 do óc sáng tác phong phú của bác mà ra. Song không hiểu sao càng đọc sách của bác, cháu lại càng có ý nghĩ Z.28 là có thật. Khổ quá cháu hỏi ba mẹ cháu thì ba mẹ lại đáp Z.28 là nhân vật tiểu thuyết, đã là tiểu thuyết thì khó thể là có thật. Vậy cháu đánh bạo viết thư này hỏi bác. Yêu cầu bác cho biết ba mẹ cháu đúng hay cháu đúng, và nếu không đúng thì tại sao ?.....". ° ° ° Tác giả đã nhiều lần trả lời bằng thư riêng. Và đây là lần đầu tiên viết lên mặt sách. Dĩ nhiên, Z.28 là tiểu thuyết, nhưng những địa danh Z.28 ghé qua, những lữ quán nóng bỏng tình yêu Z.28 trọ lại ở bên này hoặc bên kia bức màn tre và sắt, những dụng cụ cơ khí, điện tử quỷ khốc thần kinh Z.28 đã dùng, những mưu kế do ông Hoàng và Z.28 sắp đặt, những thế võ vô địch do Z.28 thi thố để chiến thắng đối phương trên toàn thế giới... tất cả đều là sự thật. Sự thật trăm phần trăm. Sự thật không hề thêm bớt....Z.28 không phải là một người, mà là do nhiều người cả xấu lẫn tốt, kết đúc lại....Z.28 nghiện huýt-ky, thì sự thật đã có một điệp viên Do thái được đặt tên là "điệp viên sâm-banh" - Z.28 hảo ngọt thì đây chưa có siêu điệp viên nào từ trước đến nay mà chưa mềm lòng vì đàn bà...đẹp. Điệp viên Z.28 là tưởng tượng song cũng không hẳn là tưởng tượng. Đúng ra, Z.28 là sự hòa trộn giữa tưởng tượng và sự thật. Nghĩ cho cùng thì tưởng tượng cũng chỉ là một phần của sự thật. Cái gì con người biết rõ thì là sự thật, còn cái gì chưa học đến thì là tưởng tượng. Thế kỷ trước, khi Jules Verne viết truyện du hành nguyệt diện có ai dám nghĩ đó sẽ là sự thật, có ai dám nghĩ các phi hành gia sẽ đi đi về về cung Quảng như đi chợ ! Trên lãnh vực điệp báo, tưởng tượng và sự thật lại gắn nhau như bóng với hình. Nhiều vụ gián điệp đã xẩy ra với ngày tháng, tên tuổi, và hình ảnh tài liệu lịch sử hẳn hòi mà khi nghe thuật lại ta vẫn cứ tưởng là tiểu thuyết. Các bạn đã đọc tiểu thuyết Z.28, các bạn biết là tưởng tượng mà cứ cho là sự thật. Thì đây Người thứ Tám xin cống hiến với các bạn một số giai thoại gián điệp hoàn toàn là sự thật..... Và mặc dầu tác giả triệt để tôn trọng từng chi tiết lịch sử, chắc chắn nhiều bạn đọc sẽ hỏi trong bộ truyện "13 giờ định mạng" có bao nhiêu phần trăm tưởng tượng, bao nhiêu phần trăm sự thật ?. ° ° ° Muốn viết lại đủ phải mất nhiều năm và nhiều ngàn trang giấy. Vì hoàn cảnh eo hẹp, tôi chỉ xin ghi lại một số giai thoại điển hình. Tôi chỉ xin ghi lại một số vụ xẩy ra từ đầu thế kỷ đến nay mà thôi. Truyện thứ nhất miêu tả những phút cuối cùng trong đời của đại tá Rết, siêu lãnh tụ Phản gián trước thế chiến 1914 - 1918, từng nghĩ ra những phương pháp thần sầu để bắt điệp viên địch, nhưng rồi lại chết vì những phương pháp ruột của mình. Truyện thứ hai xoay quanh huyền thoại nữ điệp viên Mata Hari cũng trong thế chiến 1914 - 1918. Nếu thế chiến này có huyền thoại Mata Hari thì thế chiến sau lại có huyền thoại Richard Sorge. Truyện thứ ba là thiên anh hùng ca thê thảm của tiến sĩ Sorge. Richard Sorge chết vì bị Phản gián Nhật phăng ra vai trò điệp viên phụng sự Liên sô cộng sản của ông. Truyện thứ tư, anh hùng kháng chiến Âu châu King Kong cũng chết, nhưng lại chết vì bị Phản gián đồng minh khám phá ra y chỉ là anh hùng kháng chiến giả mạo. Truyện thứ năm, người gián điệp mặt ma, từng làm nhiều độc giả Tây phương rớt nước mắt. Nhưng sang đến truyện thứ sáu, bạn đọc sẽ phải cười nửa miệng, và thở phào: truyện Phản gián Đức quốc xã chơi tình báo Anh quốc một vố đau điếng, một vố đầy máu và cũng đầy nước mắt. Truyện thứ bảy, truyện mật vụ của Hítle đòn phép khiến Sít-ta-lin giết chết hàng trăm tướng lãnh cao cấp Hồng quân, chắc chắn sẽ làm ta ngạc nhiên, ngạc nhiên trong ngậm ngùi và phẫn nộ... Truyện thứ tám nhắc lại thành tích của một điệp viên Do thái tên là Tabê-Cohen. Không phải ngoa khi nói rằng phe Ả-rập thua trận liểng xiểng là do công lao cúa điệp viên Tabê. Truyện thứ chín và cũng là truyện kết thúc sẽ thổi một luồng gió nóng vào đêm khuya lạnh lẽo. Các bạn theo dõi hành động kinh thiên động địa của đại tá điệp viên đồng minh Shelley đột nhiên sẽ cảm thấy thoải mái. Và không nhiều thì ít, các bạn sẽ nhớ đến điệp viên Z.28 ° ° ° Tập truyện này gồm 9 đoản thiên gián điệp, với "13 Giờ Định Mạng" là truyện mở đầu. Vì nhiều bạn đọc không am tường ngoại ngữ nên Người Thứ Tám mạn phép phiên âm tên người và tên địa danh. Sự phiên âm chỉ lấy giản dị làm căn bản nên chắc chắn có nhiều thiếu sót vậy xin bạn đọc lượng thứ. NGƯỜI THỨ TÁM TRUYỆN THỨ NHẤT MƯỜI BA GIỜ ĐỊNH MẠNG Giữ chức vụ quan trọng trong guồng máy chánh quyền, và lợi dụng chức vụ này để cung cấp tin tức, tài liệu điệp báo cho địch, như vậy danh từ chuyên môn Anh ngữ gọi là "defection in place". Dịch nôm na và ngô nghê là "bội phản tại chỗ". Dịch thoát nghĩa (mặc dầu không đúng hẳn) là nội-tuyến. Nội-tuyến hiện giữ vai trò to lớn trong cuộc chiến tranh nóng cũng như lạnh giữa các phe trên thế giới. Đặc ký "13 giờ định mạng" sau đây thuật lại câu chuyện có thật trăm phần trăm về một nội-tuyến lỗi lạc, đại tá Rết (Alfred Redl) của quân đội Áo trước đại chiến thứ nhất. Câu chuyện xảy ra năm 1913. Nội-tuyến Rết bị sa lưới chỉ vì ưa con số 13. Và từ khi bại lộ đến khi từ giã cõi đời chỉ có 13 giờ đồng hồ, 13 giờ định mạng... Những năm mở đầu thế kỷ 20 là những năm đen tối nhất ở châu Âu, các cường quốc hồi ấy, Đức, Pháp, Anh, Nga, và Áo, đều ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Trừ Pháp, các cường quốc vừa kể đều theo chế độ quân chủ. Nước Áo hồi ấy gồm cả một phần Tiệp khắc, có thêm thủ đô Praha (Prague). Rết là lãnh tụ điệp báo chuyên nghiệp. Năm 1907 ông là nhân vật điệp báo số một của Áo. Nhưng ông cũng là điệp viên của Nga. Hồi ấy, Nga chưa phải là Nga sô. Nga cũng chưa có KBG hoặc RU như ngày nay. Cơ quan thu dụng Rết là Okrana (Okhrannoyé Odelenié). Okrana hoạt động khá hữu hiệu. Năm 1883, điệp viên Okrana đã qua Hoa kỳ, bí mật theo dõi những phần tử chống Nga-hoàng. Bằng chứng về sự hữu hiệu của Okrana : một bản phúc trình đề ngày 1-5-1904 đã miêu tả rành mạch là Sít-ta-lin, người sẽ nắm vận mạng nước Nga sau ngày Lênin chết, có bàn chân trái bị bẩm tật, ngón thứ nhì và ngón thứ ba dính vào nhau bằng một mảng da. Rết chết vì đàn bà. Cuộc đời Rết đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường gián điệp hầu lưu ý khóa sinh đến sự nguy hiểm của nội-tuyến, sự nguy hiểm của... đàn bà. Bạn đọc quen thuộc của loại truyện gián điệp sống động — như tủ sách Z.28 — chắc sẽ hài lòng. Vì những tình tiết có thật về đại tá Rết cũng ly kỳ không kém những tình tiết được tưởng tượng. I. 5 giờ sáng. 5 giờ sáng là giờ bắt đầu thức giấc của những thành phố lớn sau một đêm dài mê mệt. Buổi tỉnh ngủ của thành phố thường được đánh dấu bằng những đoàn xe hơi chở hàng từ ngoại ô rầm rộ phóng qua đại lộ tráng nhựa mênh mông, rực rỡ ánh đèn nê-ông muôn mầu, và những ngã tư gắn đèn giao thông đỏ vàng hấp háy liên hồi. Du khách ở bên trong đại lữ quán lộng kiếng trong suốt, được điều hòa khí hậu, lên xuống bằng thang máy điện tử cũng lục tục thức dậy để xuống xe "ca" ra phi trường, lên chuyến máy bay phản lực thương mãi cất cánh sớm nhất trong ngày. Tuy vậy 5 giờ sáng hôm ấy tại Praha (Prague) bắt đầu thức giấc lại không có những đoàn xe hơi chở hàng, những du khách sửa soạn đáp máy bay phản lực, những đại lữ quán trang bị tiện nghi tối tân. Lên, xuống, người ta còn phải dùng cầu thang xi-măng. Dọc đường cũng không có đèn nê-ông. Vì năm ấy là năm 1913, trước thế chiến thứ hai 26 năm. Praha chưa là thủ phủ của Tiệp khắc cộng sản. Praha còn là một thị trấn của hoàng gia Áo quốc. Đời sống chẳng có gì đặc sắc, ngoại trừ sự đặc sắc của đàn bà. Nhưng đàn bà hồi ấy chưa biết sửa mũi cao, mổ mắt thành hai mí, cặm lông nheo giả, vẽ mắt bằng chì xanh, và nhất là đệm mông cao su mút, bơm ngực nở với chất si-li-côn để đánh lừa giống đực...Và dĩ nhiên là đàn bà chưa biết nghệ thuật mồi chài hở ngực, hở đùi, hở rốn... Cho dẫu phụ nữ Praha hồi ấy am tường những mánh khóe tuyệt đỉnh để chinh phục nam giới, lão Câm cũng không cần. Vâng, lão Câm không cần. Lão Câm không quan tâm đến sắc đẹp phái yếu. Đối với lão, đàn bà đẹp hay đàn bà xấu, đàn bà ngực nhọn hay đàn bà ngực lép cũng vẫn là đàn bà. Và đàn bà cũng chẳng khác đàn ông bao nhiêu... 5 giờ sáng. Ngày 27 tháng 5 năm 1913. Như thường lệ, mỗi đêm cứ đúng 5 giờ sáng là lão Câm lặng lẽ rời tòa báo Quốc gia về nhà 1. Phuơng châm của lão dường như là sự lặng lẽ. Lão không ra đường bằng cửa trước như mọi nhân viên. Mà là lùi lũi ra bằng cửa sau, một cánh cửa nhỏ xíu, ọp ẹp, nằm giấu phía sau thân cây sồi. Cây cổ thụ này đứng sừng sững trên vỉa hè từ nhiều trăm năm nay, cành lá luôn luôn xum xuê thiết tưởng cả một trường học ở gần đấy gồm mấy trăm cậu bé xếp hàng phía dưới cũng không sợ mưa nắng. Trời mùa hạ, dầu là sáng tinh sương, phố sá đầy ắp sương mù, nên không khí có vẻ oi bức. Nhưng lão Câm lại co ro bước ra đường. Lão đặt đế giầy thật nhẹ, như thể nền đường được làm bằng vật ròn. Và, như thường lệ, lão đội cái mũ nỉ sùm sụp, bên nách cặp tờ báo mới ra khỏi máy in còn thơm mùi giấy và mùi mực, lão tạt qua đường đút đầu vào cái hẻm nhỏ nằm sau những ngôi nhà cao thấp và to nhỏ không đều. Lão Câm là người gác gian của tòa báo. Lão đến sở đúng 5 giờ chiều, và rời sở đúng 5 giờ sáng. Nhiệm vụ của lão là canh phòng ban đêm, ngăn ngừa kẻ lạ đột nhập tòa báo. Kể ra, công việc khá nhàn hạ, tòa báo không phải là nhà hàng bán thức ăn ngon hoặc tiệm kim hoàn mà sợ gian phi thăm viếng, báo chí hồi ấy được nhà cầm quyền chiếu cố chặt chẽ, tin tức bị kiểm duyệt nên mấy trang in ra mỗi buổi sáng chỉ gồm những tai nạn vặt vãnh và những biến động ở bên ngoài biên giới không liên quan đến Áo quốc. Lão Câm bắc cái ghể đẩu gần cái máy in lớn nhất, ngồi bó gối nhìn những ống trục cao su, lăn mực và liếm giấy quay đều, cặp mắt bâng khuâng. Lão không trò truyện với ai. Lão không hề cười lớn. Song mọi người trong tòa báo đều có cảm tình với lão. Có lẽ vì lão không làm ai mất lòng, và xía vào công chuyện riêng của kẻ khác Lão Câm làm gác gian trong tòa báo Quốc gia từ một năm nay. Công nhân chạy máy ban đêm không biết lý do lão được thu nạp, chỉ biết là đột nhiên lão xuất hiện sau khi người gác gian cũ bị chết đuối trên con sông lớn chạy ngang thành phổ. Lão không mắc tật câm, lão nói năng khá lưu loát và chín chắn, người ta đặt hỗn danh lão Câm vì lão hà tiện ngôn ngữ, hà tiện đến mức ai cũng có thể lầm là lão cấm khẩu. Lão chỉ cất tiếng mỗi khi thấy cần thiết. Và giọng nói của lão lại nhỏ nhẹ, rụt rè như giọng con gái ru rú trong phòng the lần đầu bước chân vào đời. Lão Câm trạc 45, 50 gì đó, lẽ ra gọi bằng ông mới đúng, mọi người dùng tiếng lão vì lão đã già trước tuổi. Lão ghét đàn bà đã đành, lão còn ghét cả cách làm dáng, thậm chí lão quên cả hớt tóc, chải đầu và... giặt quần áo nữa... Lão Câm đi được nửa con hẻm thì dừng lại. Lão nghển cổ nhìn lên lầu ba của căn nhà bên trái phía sau một cây sồi lớn. Lầu ba của căn nhà cũ xưa này có hai khung cửa sổ. Cả hai đều mở. Và chỉ mở một cánh. Cánh cửa bên vẫn đóng, ở trong phòng hắt ra một ánh đèn vàng lờ mờ. Lão Câm nhún vai quẹo sang bên phải, trở ra đường lớn. Praha là thị trấn có rất nhiều gác chuông nhà thờ. Qua màn sương trắng, tháp chuông cao lêu nghêu của nhà thờ thánh Vít, nhà thờ lớn nhất, vươn thẳng như mời mọc, và thách thức lão Câm. Lão Câm rẽ vào mái hiên tranh tối tranh sáng, lục túi lấy thuốc lá. Lão chuyên hút thuốc rê, hút liên tu bất tận, hút nhiều khi cháy đỏ quần áo. Nhưng từ khi rời tòa báo đến giờ lão chưa hề hút. Và thay vì rút ra cái bao da láng mềm, đựng thuốc rê và xấp giấy quyển mỏng dính để vấn thành điếu, lão Câm lại thưởng thức một điếu thuốc thơm đàng hoàng. Lối quẹt diêm của lão cũng nhanh nhẹn chứ không chậm chạp như những khi lão mồi lửa cho bạn đồng nghiệp ở tòa báo. Lão ngửa cổ rít một hơi dài. Trong khi ấy, lão kín đáo nhìn phía sau. Lão có cặp mắt mơ màng, như thể nhà thơ đang kẹt vận, nhưng trong khi ấy cặp mắt mơ màng của lão lại lóe sáng, xuyên thủng màn sương. Đường hẻm không có ai. Lão cười mỉm, thả bộ trên vỉa hè lót gạch lồi lõm. Được một quãng, lão Câm dừng lại. Chưa hết, lão còn đi vòng hai con hẻm quanh co khác trước khi quay lại căn nhà cũ xưa có hai khung cửa sổ đóng mở trên lầu ba. Nhanh nhẹn lão Câm trèo lên bậc thềm khá cao và xô cửa. Cửa nhà chỉ khép hờ nên lão mở ra dễ dàng. Dáng điệu quen thuộc, lão Câm bước qua bộ xa-lông. Cầu thang xi-măng ở góc nhà, bước chân của lão Câm êm như ru. Lão trèo cầu thang từ từ, hơi thở điều hòa, điếu thuốc thơm phì phèo thơm phức đã bị lão giật khỏi miệng, dẫm nát dưới đế giầy từ nãy. Trong chớp mắt, lão Câm đã lên đến lầu ba, và gõ cửa căn phòng đối diện cầu thang. Bên trong có tiếng : - Cám ơn. Sáng nay tôi không uống cà-phê. Lão Câm đáp gọn : - Vậy, uống la-ve nhá ? Nói đoạn, lão Câm tủm tỉm cười một mình. Rõ khỉ, thiếu gì mật khẩu mà thượng cấp lại bắt lão dùng những tiếng vớ vỉn như "cà-phê, la-ve"... Nhưng lão lại cảm thấy khoan khoái. La-ve là món uống lừng danh ở Áo, dân nhậu ở xa chỉ nghe nhắc đến cũng rệu nước miếng. Lão cũng có duyên nợ với la ve, ban đêm lão không dám uống vì sợ bị nghi ngờ, song ban ngày thì tha hồ, lão nốc hết chai này qua chai khác, và càng uống la-ve lão càng tỉnh. Lão Câm đang tủm tỉm cười một mình với mớ ý nghĩ rí rỏm trong đầu thì cửa phòng hé mở, và một người đàn ông trung niên gày rom rom, cặp mắt kiếng đen sì che gần nửa mặt ló đầu ra, giọng thân mật nhưng khô khan : - Vào đi. Căn phòng không được trang hoàng gì cả, ngoại trừ cái bàn gỗ vuông và hai cái ghế gỗ mỏng mảnh. Người đàn ông trung niên chỉ ghế cho lão Câm ngồi. Trên bàn đã có một đống vỏ chai la-ve, và một ly đựng la-ve vàng rộm còn sủi bọt. Lão Câm rót thêm cho thật đầy rồi nâng ly lên miệng, uống ừng ực. Gã trung niên hỏi : - Đúng là đại tá Rết bị xử bắn không ? Lão Câm lấy vạt áo lau những giọt bia đọng trên mép : - Thưa đúng. Lệnh của đại tướng tổng tư lệnh quân đội Áo là xử bắn Rết. Tuy nhiên, Rết đã yêu cầu được tự xử. - Tin này được đăng trên báo ? Lão Câm trải tờ nhật báo vừa lấy khỏi nhà in trên bàn: - Thưa vâng. Nhưng vì sở kiểm duyệt hoạt động quá gắt gao nên nhà báo chỉ dám lặp lại tin Rết tự sát bằng súng trong một phút quẫn chí. Họ ca tụng Rết là võ quan cao cấp có tài, có đức, từng lập nhiều công trạng trong ngành điệp báo, đồng thời họ cải chính những tin đồn cho rằng Rết là kẻ phản quốc đã lén bán tài liệu tối mật cho nước Nga... - Tại sao họ lại cải chính ? - Đó là một cách loan tin khôn khéo và an toàn. Họ nói thật thì sợ ngồi tù, nên họ nghĩ ra một mánh lới mà sở kiểm duyệt không làm gì nổi, ấy là loan tin đúng rồi cải chính tức thời. - Tờ báo lấy tin này ở đâu ? - Thưa, do sự tình cờ trong một trận đá banh.. - Đá banh? - Vâng, trận đá banh chiều chủ nhật cách đây hai hôm giữa đội Praha và đội Viên (Vienne). Đội Praha nắm chắc phần thắng, nên hầu hết khán giả đều đánh cá đội Viên thua, không ngờ... - Hừ... cả anh cũng thích báo cáo dài giòng nữa ư? Đá banh rồi làm sao ? Vụ đại tá Rết liên quan gì đến một buổi túc cầu và sự đánh cá ăn thua của đám khán giả thích đỏ đen ? - Thưa, liên quan một cách mật thiết. Số 1 thủ quân của đội Praha còn là phụ tá chủ bút của nhật báo Quốc gia..... - À, à... - Thưa, sự tiên đoán của khán giả đã trật lất hoàn toàn. Đội Praha bị đá thủng lưới 2 trái. Nguyên nhân là do hàng phòng vệ quá yếu. Giờ chót, Oác-ne 2 vắng mặt trên sân vì trường hợp bất khả kháng. Sự vắng mặt này làm mọi người phẫn nộ. Viên thủ quân lại càng phẫn nộ hơn ai hết. Đêm ấy, hắn hùng hổ đến nhà Oác-ne, dự định mắng cho một mẻ nên thân, và nếu cần tặng luôn vài ba trái đấm, nhưng không gặp. Viên thủ quân chờ đến khuya không thấy Oác-ne nên đành trở về. Cả đêm hắn không chợp được mắt, sáng tinh sương, hắn lò dò đến tìm Oác-ne lần nữa. Khi ấy, gã hậu vệ vừa về, mệt muốn đứt hơi. Gã thủ quân nghe bạn trần tình mới bật ngửa. Thì ra, bạn hắn không dự cuộc đấu được vì bị quân đội triệu dụng. Gã hậu vệ làm nghề thợ khóa, gã là thợ khóa giỏi nhất ở Praha. Gã nai nịt gọn ghẽ, sửa soạn ra sân cỏ thì một nhóm sĩ quan cao cấp đậu xịch xe trước nhà. Bình thường một ông úy cà mèng đến thăm gã cũng xanh mặt, huống hồ lại là một ông tướng3. Ông tướng cho biết gã được bộ tổng tư lệnh mời đi Viên để mở một ổ khóa kiên cố. - Trong nhà riêng của đại tá Rết ? - Dạ. Rết có một căn nhà riêng ở Viên, trong đó kê một tủ sắt vô cùng kiên cố. Rết chết từ đêm trước, nghĩa là đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật, chuyên viên của quân đội hì hục mở mãi không ra, họ đành nhờ đến tài khéo tay của gã thợ khóa kiêm hậu vệ đội banh Praha. - Gã thợ khóa có nói trong tủ két của Rết đựng những gì quan hệ không ? - Thưa, gã cũng mất khá nhiều thời giờ mới mở nổi. Rết là lãnh tụ điệp báo nên rất thận trọng, tủ két được chế bằng thép dầy, và gắn ổ khóa đặc biệt, phải nổ mìn mới phá vỡ được, nhưng nếu nổ mìn thì cháy hết tài liệu đựng bên trong, bộ tổng tư lệnh biết là triệu dụng gã thợ khóa thì khó giữ nổi bí mật song không còn cách nào khác. Khi mở ra, gã thợ khóa chỉ thấy toàn giấy tờ đóng dấu đỏ tối mật, và rất nhiều bản đồ tham mưu. Ngoài ra còn một số giấy tờ bằng chữ Nga. - Rết là thằng ngu. Dặn nó hoài mà nó chẳng thèm nghe. Anh có biết những giấy tờ bằng chữ Nga này nói gì không ? - Thưa không. Gã thủ quân là nhà báo nên cũng hỏi gặng, song tên thợ khóa đáp rằng tủ két vừa mở là gã bị các sĩ quan đuổi ra phòng ngoài. Tất cả giấy tờ đều được chở về bộ tổng, có binh sĩ võ trang hộ tống, gã thợ khóa bị lục soát tỉ mỉ, và sau đó người ta cấm gã được bép sép. - Nhưng gã vẫn bép sép. - Thật ra, gã định ngậm hột thị, nhưng vì gã thủ quân một mực nghi oan cho gã ăn tiền của đội banh Viên nên kiếm cớ lánh mặt cho đội nhà bại trận, danh dự và tự ái của gã bị va chạm nặng nề, gã đành phải mở miệng. Không dè gã thủ quân lại là nhà báo săn tin rồi cứ thế gã thợ khóa vô tình tiết lộ hết bí mật này đến bí mật khác. Lão Câm ngừng nói, vớ ly la-ve vừa rót đầy trên bàn uống cạn một hơi. Rồi lão ngước cặp mắt kèm nhèm giả mạo lên nhìn thượng cấp, giọng pha vẻ nghiêm trọng : - Thưa đại tá, sở dĩ tôi xin được gặp đại tá sáng nay vì gã thợ khóa tiết lộ một điều đáng chú ý. Trong khi gã bị đuổi ra phòng ngoài thì hai ông tướng bàn tán với nhau bằng tiếng Đức, đinh ninh gã là người Tiệp, không hiểu tiếng Đức. Họ nói phải làm một mẻ lưới rộng lớn và bất ngờ, hốt hết điệp viên Okrana ở đây. Gã đàn ông trung niên mà lão Câm gọi tên một cách kính cẩn là đại tá chắt lưỡi, hai tay chắp sau đít, đi đi lại lại trong phòng : - Biết rồi, tôi cũng định nói với anh như vậy, Một nguồn tin cho biết chúng ta có thể bị lộ. Vì vậy, sau cuộc gặp gỡ này, anh phải rút ngay vào bí mật. Thượng cấp chỉ cho phép anh rút vào bí mật, chứ chưa cho phép hồi hương, vì tình hình đang biến chuyển nhanh chóng, anh đã phục vụ đắc lực cho Tổ chức, anh còn phải ở lại hải ngoại để tiếp tục nhiệm vụ. Nhân tiện, tôi cũng thông báo với anh hai tin mừng: - Thưa, đại tá vừa nhận được tin về vợ con tôi ? - Đúng. Thứ nhất là tin nhà. Vợ anh đã khỏi bệnh. Đứa con lớn của anh vừa thi đậu. - Cám ơn đại tá. - Còn tin thứ hai. Trung ương nhiệt liệt khen thưởng anh, và đặc cách vinh thăng anh lên thiếu tá. Nào, thiếu tá chìa tay ra cho tôi bắt. Hà hà... bộ tổng tư lệnh Áo muốn bắt nhân viên Okrana, nhưng họ lại không biết rằng những nhân viên chỉ huy Okrana tại Áo là tôi và anh đang sống nhởn nhơ trước mắt họ, anh là gác gian tòa báo Quốc gia còn tôi là ông chủ tiệm làm bánh mì quèn, ha ha.... ha ha... Viên đại tá gián điệp Nga đã có đủ lý do để cười nhạo quân đội Áo quốc. Vì sự phản bội của Rết đã làm ngai vàng nhà vua lung lay trầm trọng để rồi đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ, vương quốc bị chia cắt tan hoang. Bộ tổng tư lệnh Áo bàng hoàng như bị sét đánh trước những đều tìm thấy trong tủ sắt của đại tá Rết nên quyết định giữ kín nội vụ bằng mọi giá. Ngay cả nhà vua cũng không được báo cáo về sự phản bội của Rết. Nhưng Okrana đã biết. Ngoại trừ những mẩu tin lặt vặt và rụt rè đăng trên báo địa phương, không một chi tiết đáng kể nào được thẩm lậu, dư luận hoàn toàn mù tịt. Phải chờ đến sau thế chiến đế quốc Áo xụp đổ và bị xâu xé người ta mới biết sự thật. Sự thật này là hơn nửa triệu người Áo đã chết trong khói lửa do sự phản bội của Rết. Nhưng Rết là ai ? II. Những tài liệu còn lại trong thư khố an ninh cho thấy Rết là một quân nhân có đặc tài, giỏi tổ chức, điều khiển bén nhọn và rất giàu nghị lực. Ông có năng khiếu về tình báo nên sau khi gia nhập quân đội ông được biệt phái vào Phòng Nhì. Cuộc đời binh nghiệp của Rết bay cao như diều gặp gió, trong một thời gian ngắn ông trèo lên chức vụ chỉ huy. Từ năm 1900 đến 1905 Rết làm phó giám đốc tình báo và phản gián Áo quốc. Và từ 1907 đẽn 1911, Rết làm giám đốc. Không khí châu Âu hồi ấy cực kỳ khẩn trương, Áo là một vương quốc rộng mênh mông và hùng hậu về mọi mặt, nên chức vụ giám đốc tình báo và phản gián đã tạo cho Rết những uy quyền lớn. Kể ra Rết xứng đáng làm giám đốc. Vì dưới quyền Rết guồng máy điệp báo của Áo đã trở thành một tổ chức hiện đại và đắc lực. Và không riêng điệp báo Áo, điệp báo trên toàn thế giới đều thừa hưởng của đại tá Rết những phát minh tân kỳ. Văn phòng của Rết, cũng như của các phụ tá cao cấp đều được trang bị ống ảnh bí mật, khách vào phòng bị chụp hình kín đáo, giọng nói của khách cũng bị ghi vào đĩa. Ngày nay, chụp hình trộm hoặc ghi âm trộm là chuyện quá thường, chẳng cứ là chuyên viên điệp báo mới làm nổi, nhưng cách đây gần 70 năm, kỹ thuật nhiếp ảnh và thu thanh vẫn còn thô sơ thì sự bố trí của Rết phải được coi là những phát minh tân kỳ bậc nhất. Rết còn nghĩ ra một phương pháp lấy dấu ngón tay thật tài tình. Sau vài lời đưa đẩy với khách, Rết chìa hộp thuốc lá bằng bạc mời khách rút thuốc. Hộp thuốc này được phủ một lớp mi-ni-om ở ngoài. Sau đó, vân tay của khách in lên trên mi-ni-om được chụp hình lại trong phòng thí nghiệm. Trong trường hợp khách không hút thuổc, Rết sẽ kiếm cớ bận việc, chạy qua phòng bên, để lại trên bàn, ngay trước mắt và trong tầm tay của khách một xấp hồ sơ "tối mật" hoặc tấm hình đàn bà trần truồng nẩy nở và khiêu khích. Mỡ để miệng mèo, thử hỏi có mèo nào chịu ngồi bất động ? Rết được thăng đại tá và thuyên chuyển từ Viên đến Praha. Thiếu tá Ron (Maximilian Ronge), phụ tá của Rết được đôn lên thay thế. Ron giữ nguyên những sự sắp xếp của Rết được coi là hữu hiệu. Ron lạị thực thi những chương trình cải tiến do Rết dự liệu song phải đình hoãn vì thiếu phương tiện. Trong số những chương trình cải tiến này, vấn đề kiểm duyệt thư tín được nâng lên hàng đầu. Việc kiểm duyệt được tiển hành hết sức bí mật. Mộl nhóm nhỏ nhân viên thân tín được thiếu tá Ron biệt phái đến Tổng nha bưu điện có nhiệm vụ mở đọc mọi thư từ, và đặc biệt là thư từ từ các vùng giáp biên gửi tới. Nhóm kiểm duyệt viên này đinh ninh việc mở đọc thư từ nhằm ngăn chặn và khám phá những vụ buôn lậu. Chỉ có 3 người được biết lý do của việc kiểm duyệt. Trong vòng một năm trường, nhóm kiểm duyệt viên hoạt động bình thường, chẳng có gì đáng nói. Đột nhiên tháng 2-1913 họ thộp được hai bức thư khả nghi, đóng dấu một trạm bưu điện dọc biên giới phía đông Đức quốc, gần cận lãnh thổ Nga. Cả hai phong thư đều gửi cho một hộp thư lưu trữ tại tổng nha bưu điện Praha mang số 13. Trong thư không có một giòng chữ nào. Mà chỉ đựng tiền. Một phong đựng 8 ngàn đồng tiền Áo, phong thư thứ nhì đựng 6 ngàn 4. Nội vụ được trình báo cho thiếu tá Ron và một hệ thống bẫy xập được thiết lập. Quầy thùng thư lưu trữ được đặt dưới sự theo dõi của các nhân viên mật vụ. Một nút chuông điện được gắn dưới quầy, ăn thông với bót cảnh sát kế cận, trong bót có hai nhân viên mật vụ luân phiên túc trực trong những giờ bưu điện mở cửa. Viên chức thùng thư lưu trữ có bổn phận bấm nút chuông báo tin trong trường hợp người thuê bao thùng số 13 xuất hiện và phải tìm mọi cách rềnh rang hầu hai mật viên có thể đến kịp. Những giờ, những ngày nhạt phèo trôi qua người thuê bao thùng thư số 13 vẫn biệt mù tăm tích, hai mật vụ viên giết thời giờ bằng cách chơi bài và viết thư... tình, đinh ninh đương sự bị động ổ đã lẩn trốn. Nhưng ngày 24-5, đúng 12 tuần sau ngày hệ thống chuông báo động được thiết trí tại quầy thùng thư lưu trữ thì một tiếng chuông ngắn reo vang trong bót cảnh sát. Cả tháng, cả buổi nó không chịu reo, đến khi hai mật vụ viên không có mặt nó mới reng reng. Khi ấy, một mật vụ viên mắc kẹt trong phòng vệ sinh. Mật vụ viên thứ hai cũng đang rửa tay. Họ chạy xấp chạy ngửa đến sở bưu diện. Song đã quá chậm. Nhân viên phụ trách thư lưu trữ đã tìm cách hoạt động chậm hơn rùa bò nhưng người mang số 13 đã lãnh thư và biến dạng. Hai mật vụ viên phóng nhanh ra cửa, và chỉ kịp nhìn thấy một chiếc tắc-xi quẹo ở ngã tư. Họ không có phương tiện di chuyển, xe gắn máy cũng không có chứ đừng nói xe hơi, họ đành đứng chờ trước nha bưu điện. Hồi ấy là năm 1913, tắc-xi còn là đại xa xỉ phẩm, đâu có nhiều như bây giờ, nên hai mật vụ viên đợi hoài, đợi hoài mà những con đường trước sở bưu điện vẫn vắng tanh. Họ hy vọng một chiếc xe nhà nào đó xình xịch chạy tới, họ sẽ chìa thẻ hành nghề ra...chặn lại. song chỉ là hy vọng hão huyền. Cho dẫu họ có xe thì cũng là vô ích. Chậm rồi. Chậm quá rồi. Chiếc tắc-xi cao lêu nghêu sơn đen, bóp kèn toe toe đã chở số 13 thùng thư lưu trữ khỏi tầm mắt họ được đúng 20 phút. 20 phút, trời ơi, 20 phút quái ác... Hai mật vụ viên ngơ ngẩn nhìn nhau, tiu nghỉu như mèo cắt tai. Nửa giờ trước, họ hùng dũng tin tưởng bao nhiêu thì giờ này họ mềm xèo và chán nản bấy nhiêu. Nhớ đến lời dặn của viên thiếu tá giám đốc, họ sợ phát lạnh người, hàm răng đánh vào nhau cầm cập, mặc dầu trời tháng 5 ở Praha nóng toát bồ hôi. Thiếu tá Ron nổi tiếng nghiêm khắc đối với nhân viên, ông ta đã lặp lại nhiều lần là phải túc trực trong bót cảnh sát, hễ kẻ tình nghi đến phòng thư lưu trữ là ập ngay tới, không được chậm trễ. Con chim đã bay bổng, họ sẽ ăn làm sao, nói làm sao với thiếu tá Ron ? Nhẹ ra thì tống xuất khỏi sở, không khéo còn bị bắt giữ và lôi ra tòa án về tội cẩu thả nghề nghiệp hoặc thông đồng với địch... Nghề điệp báo vốn là nghề của sự may rủi, hai mật vụ viên rủi không theo kịp kẻ tình nghi tại sở bưu điện nhưng lại gặp may kinh khủng. Là vì sau gần nửa giờ dậm chân than vãn, họ nhìn thấy chiếc tắc-xi cao lêu nghêu sơn đen hồi nãy lò dò quay lại. Họ vắt giò lên cổ chạy tới nơi xe đậu. Tài xế nhăn răng cười. Họ mừng đến nỗi họ muốn cười mà cười không được. Tài xế mở cửa xe, cả hai mật vụ viên đứng sững như trời trồng. Lát sau một nguời mới mở được miệng : - Anh vừa lái ông khách hồi nãy đến đâu ? Tài xế xịu mặt khi thấy tấm chứng minh thư in dấu son, dán ảnh oai vệ của sở Mật vụ, Hắn đáp vâng, rồi chỉ tên một quán cà-phê nhỏ 5. Hai gã nhảy lên xe, dọc đường tài-xế đã xả hết tốc lực mà họ vẫn kêu chậm. Cũng may quán cà-phê này không lấy gì làm xa, đường phố ở Praha năm 1913 chưa có xe cộ đông đúc và đèn hiệu giao thông khệnh khạng, nên hai mật vụ viên của thiếu tá Ron đã đến nơi sau mấy phút đồng hồ. Nhưng một lần nữa, hy vọng đã biến thành thất vọng. Tiệm cà-phê chỉ có lơ thơ một vài khách uống. Gã tài xế đi vòng các bàn, nhìn từng mặt, và sau cùng lắc đầu. Gần đó có một bãi đậu tắc-xi. Hai mật vụ viên hỏi chủ quán, được biết là ông khách có khuôn mặt và lối phục sức như họ miêu tả mới rời quán sau khi uống cà-phê và đi bộ lại bãi đậu tắc-xi. Họ sửa soạn phóng lại bãi thì gã tài xế gọi giật và giúi vào tay họ một cái túi da nhỏ. Túi da này được dùng để đựng dao nhíp. Nó màu xám, nền da đã lên nước bóng loáng, chứng tỏ chủ nhân của nó đã mua từ lâu. Gã tài xế tưởng hai mật vụ viên bỏ quên. Xe chạy khỏi quán được một quãng, một trong hai mật vụ viên mới reo lên : - Chắc chắn mình sẽ tóm được hắn. Hắn lạc quan không đển nỗi quá đáng vì một tài-xế ở bãi đậu xe cho biết người khách từ quán cà phê đến đã gọi tắc-xi về lữ quán Kờ-lom-se (Klomser). Hai mật vụ viên kêu một nhân viên tiếp tân cuả khách sạn Kờ-lom-se ra hỏi thì được báo cáo là trong vòng 30 phút vừa qua có 4 ông khách mới. Nhân viên tiếp tân này được lệnh gõ cửa phòng của 4 người khách để hoàn trả cái túi da đựng dao. Ngay khi ấy, một người đàn ông đứng tuổi mặc thường phục nhưng dáng diệu cứng nhắc, chứng tỏ là quân nhân chuyên nghiệp, từ cầu thang bước xuống phòng khách dưới nhà. Hai mật vụ viên ngồi thu hình trong góc, mỗi người cầm một tờ báo to tướng che kín mặt. Người khách đưa chìa khóa phòng cho bồi. Như vậy có nghĩa là khách sắp đi. Người nhân viên tiếp tân khúm núm tiến lại, chìa cái túi da xám ra. Hắn chưa kịp nói thì khách đã à lên một tiếng. Người nhân viên tiếp tân vội hỏi : - Thưa, quý ngài bỏ quên cái này. Khách cười, cất cái túi da vào trong túi rồi nói: - Vâng, cám ơn, cái túi này của tôi. Mặt khách đang tươi roi rói bỗng sa sầm. Khách bước theo người nhân viên tiếp tân, giọng hơi mất vẻ bình thường : - Này, ông bạn, ông bạn nhặt được cái túi này ở đâu đấy ? Người nhân viên tiếp tân đáp : - Thưa một tài xế tắc xi mang lại khách sạn, nói là quý ngài bỏ quên. - Tại sao y lại biết tôi bỏ quên ? - Thưa, tôi không được rõ. - Người tài xế này còn ở đây không ? - Thưa không. Khách khựng người, da mặt hơi xanh. Bản năng chuyên viên điệp báo vừa thức dậy trong lòng khách. Khách vẫn được coi là người khôn ngoan chín chắn. Lẽ ra khách không nên nhận là chủ nhân cái túi da dựng dao nhíp. Khách từng huấn luyện thuộc viên thận trọng để khỏi rơi vào cạm bẫy. Té ra sinh ư nghệ tử ư nghệ... khách đã đút đầu vào cạm bẫy do chính mình nghĩ ra. Khách là đại tá Rết, xếp sòng tình báo và phản gián Áo quốc. Đại tá Rết vừa vô tình hạ bút ký vào bản án tử hình của mình. Rết ra khỏi lữ quán, thờ thẫn như người mất hồn. Một mật vụ viên vứt tờ báo xuống đất, chạy bổ lại máy điện thoại. Thiếu tá giám đốc Ron chờ sẵn ở đầu dây. Sở Mật vụ đã được tin người thuê bao thùng thư lưu trữ số 13 đến lấy thư tại bưu điện trung ương. Giọng nói của thiếu tá Ron trào đầy xúc động khi gã mật vụ phúc trình rằng kẻ tình nghi là Rết. Thiếu tá Ron hỏi : - Anh nói sao, người thuê bao thùng thư lưu trữ số 13 là ông Rết, ông đại tá Rết ? Gã mật vụ cung kính đáp : - Thưa thiếu tá giám đốc, đúng là đại tá Rết. - Đại tá Rết, nguyên giám đốc Sở ? - Thưa vâng. - Tại sao anh dám chắc kẻ tình nghi là đại tá Rết ? - Thưa thiếu tá giám đốc, ngày trước tôi đã có lần làm việc trong văn phòng của đại tá Rết. - Anh có biết lời nói của anh sẽ dẫn đến những hậu quả nào không ? - Thưa biết. Cho đến phút này, tôi vẫn còn bàng hoàng. Thoạt đầu, tôi không tin. Thưa thiếu tá giám đốc, tôi không dám tin. Bạn tôi cũng vậy. Sợ tôi bị quáng mắt, nhìn lầm, tôi hỏi nó thì nó cũng hỏi lại tôi là có phải đại tá Rết xếp cũ của bọn mình đấy không. Thưa thiếu tá... bây giờ chúng tôi phải làm gì? - Anh phải bám thật sát. - Thưa..... III. Thiếu tá Ron đã cắt điện đàm. Hai nhân viên dưới quyền ông bàng hoàng là chuyện dĩ nhiên. Đến ông là cán bộ điệp báo chuyên nghiệp, trái tim được trui bằng thép, đời sống đã quen với quá nhiều biến cố bất ngờ, trái khoáy, mà còn bàng hoàng như bị đòn nốc-ao trên võ đài, huống hồ... Ông ngồi lặng trước bàn gỉẩy. Ông không cắt điện đàm song tự nhiên bàn tay ông đặt cái máy xuống giá. Đến khi nhấc lên không nghe tiếng báo cáo của gã thuộc viên nữa ông mới sực nhớ là đã cắt điện đàm. Đại tá Rết, thượng cấp trực tiếp của ông hằng được ông khâm phục và kính nể, có thể làm tay sai cho địch ư ? Thiếu tá Ron châm hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Ông chỉ hút vài hơi rồi dụi vào đĩa đựng tàn. Tâm thần ông bị bối rối cực độ.Ông suy nghĩ giờ lâu rồi gọi điện thoại cho viên chủ sự phòng thư lưu trữ ở tại Bưu điện. Ông cần biết một chi tiết quan trọng trước khi quyết định. - Muốn thuê bao thùng thư lưu trữ có phải làm đơn xin không ? Viên chủ sự đáp : - Thưa có ! Thiếu tá Ron nhấn mạnh từng chữ : - Vậy yêu cầu ông đích thân mang lá đơn của người thuê bao hộp thư số 13 lại văn phòng tôi. Mang lại ngay bây giờ. Tôi chờ. Trống ngực đập thình thịch—điều ít khi xảy đối với thiếu tá Ron — viên giám đốc tình báo phản gián Áo quốc mở tủ sắt, và lấy ra một tài liệu tối mật. Tài liệu này là một bản dự thảo tổ chức phản gián do đại tá Rết tự tay viết. Chỉ có một bản duy nhất, đại tá Rết sợ lộ nên không đọc cho thư ký ghi chép, cũng không cho phép đánh máy và in lại. Đại tá Rết có một tuồng chữ viết hơi đặc biệt, ông thường chấm dấu i quá cao, chữ t của ông luôn luôn cụt thun lủn gần giống chữ i và đáng kể hơn nữa là chữ y và chữ g đều được viết thảo. Thiếu tá Ron rút mù-soa chấm bồ hôi trán. Tờ đơn xin thuê bao gồm có nhiều đoạn viết tay. Ông đếm thấy nhiều chữ i, chữ t, chữ y, và chữ g được viết giống hệt như trong bản dự thảo tổ chức mang chữ ký chính thức của đại tá Rết. Sợ hấp tấp nhìn lộn, thiếu tá Ron ngả lưng lim dim ngủ một lát. Rồi ông dùng kiếng lúp so sánh hai tuồng chữ trong đơn và trong bản dự thảo tổ chức. Không còn hồ nghi gì nữa, kẻ phản bội là đại tá Rết. Nếu Rết là nguời thuê bao hộp thư số 13 thì địch đã hiểu hết nội tình nước Áo. Những tai biến to lớn sắp sửa giáng xuống. Thiếu tá Ron hối hả ra xe, đến trình diện đại tướng tổng tư lệnh. Những nhân viên đắc lực nhất của Sở được điều động cấp tốc để xiết chặt vòng vây quanh Rết. Trong khi ấy, Rết đang tìm cách bỏ rơi hai mật vụ viên bám sát sau lưng như bóng với hình. Họ không đến gần Rết, họ chia nhau mỗi người một bên đường, luôn luôn giữ khoảng cách một trăm mét. Họ đi ép vào lề, không cho Rết nhìn thấy. Nhưng họ quên rằng Rết đã từng dậy họ, Rết từng dậy những người điều khiển họ, Rết là ông vua không ngai của làng điệp báo Áo quốc. Nên sự khôn ngoan của họ không lừa được con mắt tinh tế của đại tá Rết. Ngay từ khi lỡ lời tại lữ quán, Rết biết là bị lộ. Song ông còn níu lấy một tia hy vọng mỏng manh. Phản gián chưa theo dõi ông, ông còn có thể đào tẩu. Ông giả vờ đứng lại, cúi xuống buộc dây giầy. Một thủ đoạn cũ rích. Ông nhìn thấy một mật viên. Rồi người thứ hai. Ông vừa gặp cả hai ngồi đọc báo say sưa trong lữ quán Kờ-lom-se. Ông rẽ vào một con đường vắng để kiểm soát lại lần nữa. Vẫn hai gã mật vụ quen thuộc gõ bước đều đều trên nền gạch. Rết bèn áp dựng một chiến thuật khác. Cũng cũ rích. Song có nhiều triển vọng thành công. Ông lấy một số giấy tờ trong mình ra, xé nhỏ thành miếng vụn, ông thả từ từ xuống đường. Mục đích của ông là nhử mồi hai gã mật vụ. Tham tài liệu chúng sẽ dừng lại để thu nhặt. Tội nghiệp cho Rết... cách đó không lâu, ông đã đích thân giảng dậy nhân viên về những mánh khóe thần sầu để phỉnh gạt địch trong khi bị địch bám sát. Một trong những mánh khóe này là xé vụn giấy tờ rồi vứt xuống. Ông căn dặn nhân viên đừng bao giờ dừng lại. Cứ phớt tỉnh, tiếp tục đi theo. Nếu cần, một người ở lại lượm giấy. Nhưng việc quan trọng vẫn là không lơ đễnh, dầu chỉ là lơ đễnh một tích-tắc đồng hồ. Hai mật vụ viên của thiếu tá Ron đã học thuộc bài. Họ không phụ công của giáo sư Rết. Nhưng họ đã giết điệp viên Rết... Biết không thoát nổi, đại tá Rết đành loanh quanh một hồi rồi quay về lữ quán. Thật ra, ông cũng có hẹn với một người bạn. Tiến sĩ Pô-lắc, một luật sư lỗi lạc. Tiến sĩ Pô-lắc thường đảm nhiệm những hồ sơ liên quan đến các bị can là gián điệp bị truy tố trước tòa. Hai người sẽ dùng bữa tối với nhau. Rết sắp sẵn trong óc một kế hoạch tinh vi, nếu vòng vây phản gián tỏ ra lỏng lẻo, ông sẽ bỏ trốn nội đêm nay, nhưng nếu ông hết lối thoát ông sẽ giả vờ mắc bệnh loạn trí và thất tình. Thiếu tá Ron đã gài nhân viên ngay trong phòng ăn. Người bồi bưng thức ăn cho hai người cũng là sĩ quan phản gián. Ron chọn toàn nhân viên tân tuyển nhưng kinh nghiệm, vì sợ Rết quen mặt. Tiến sĩ Pô-lắc kinh ngạc khi thấy bạn có gương mặt buồn như mặt đưa đám tang. Không đợi Pô-lắc hỏi han, Rết đã thở dài não ruột rồi bằng giọng xúc động kể lại những nỗi sầu đau tưởng tượng. Rết không quên nhấn mạnh đến bệnh tiêu tiền không đếm của mình, và những cô gái có sắc đẹp quyến rũ đã làm ông ta điêu đứng. Dĩ nhiên Rết không thú tội phản bội, làm gián điệp cho Nga-la-tư. Sau cùng, tiến sĩ Pô-lắc tỏ vẻ ái ngại, khuyên bạn nghỉ ngơi một thời gian. Rết toan nhờ Pô-lắc đưa ra khỏi thành phố song viên tướng tổng tư lệnh quân đội Áo đã hạ lệnh cho thiếu tá Ron đến bắt. Cùng đi với Ron còn có 3 sĩ quan cao cấp thân tín khác. Pô-lắc được mời ra trước khi Ron xuất hiện. Nhưng Ron chưa nói gì. Ông kéo ghế ngồi ; đại tá Rết thấy Ron từ xa, bèn giả vờ tản bộ cho tiêu cơm. Nhân viên Phản gián bám sát Rết từng bước. Biết Phản gián chỉ xiết chặt vòng vây, mặc cho ông tự xử, chứ không bắt giữ. Rết bèn trở về phòng. Còn 30 phút nữa đến nửa đêm. Không khí hoàn toàn im lặng. Ngoại trừ tiếng giầy của Rết và tiếng giầy của đám nhân viên Phản gián. Rết tra chìa khóa vào ổ rồi quay lại : - Các chú không nên đứng bên ngoài. Vào trong phòng tôi có đủ đồ uống và ghế ngồi nghỉ chân. Nhân viên Phản gián đáp : - Xin đại tá tha lỗi. Chúng em chỉ được phép canh gác bên ngoài. - Canh gác để làm gì ? - Thưa, chúng em không biết. - Nhưng tôi biết, tôi biết. Thiếu tá Ron hiện ở đâu? - Thưa, thiếu tá dặn là khi nào đại tá mời thì chúng em sẽ trình về bằng điện thoại. - Vậy, các chú gọi ngay cho thiếu tá Ron là tôi muốn gặp tại phòng tôi. Rết thở dài rồi khép cửa phòng. IV. Rết không phải chờ đợi lâu. Vì trong khoảng khắc đã có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ cửa đều đặn, rắn rỏi mà Rết biết là của thiếu tá Ron. Hồi Ron còn làm phụ tá, đại tá Rết đã chú ý đến lối gõ cửa của Ron, bộc lộ tâm tính ngăn nắp và cương nghị, hai yếu tố quan trọng đối với nghề điệp báo. Rết thường khen Ron và lặp đi lặp lại nhiều lần : "Ron ơi, anh có nhiều đức tính nghề nghiệp hơn tôi nhiều, anh chỉ còn thua tôi về kỹ thuật, nhưng kỹ thuật rất dễ học, trong một thời gian ngắn, anh sẽ bằng tôi, rồi sẽ vượt xa tôi, tôi rất sung sướng được có một người phụ tá như anh. Và mai đây, khi anh ngồi ở ghế giám đốc này thay tôi, bọn nhân viên điệp báo của địch sẽ thất điên bát đảo...". Lời nhận định của Rết đã thành sự thật. Rết đang thất điên bát đảo trước tài ba và mưu lược của viên cựu phụ tá. Rết nhìn ra cửa, cố lấy giọng điềm tĩnh : - Cứ vào. Rết đã uống non nửa chai rượu mạnh. Bình thường, ông là đồ đệ của Lưu Linh, nhưng có thói quen uống từ từ, mỗi lúc một hớp nhỏ, chứ không nốc cả li, và chưa bao giờ khiêng luôn nửa chai trong vòng 5,10 phút đồng hồ. Thật ra, ông uống rượu mà như uống nước lã vô vị, ông uống rượu mà không biết là mình uống rượu nữa. Thần trí ông đang bị xúc động mạnh mẽ, ông ngồi yên trong ghế, tay vẫn cầm chai rượu. Thiếu tá Ron bước vào, thân hình vạm vỡ thu gọn trong bộ quân phục cắt khéo, ủi thẳng tắp. Ron vẫn phục sức chững chạc như dạo nào còn làm phó giám đốc, nhưng nụ cười bất hủ trên môi đã biến hẳn. Ron rập hai chân vào nhau, giơ bàn tay lên trán, chào kính cẩn. Rết tiếp tục ngồi yên không đứng dậy. Cùng đi với Ron có hai thiếu tá lạ mặt. Họ khép cửa cẩn thận, và đứng ngay sau cửa, không tiến sâu vào. Mặt người nào cũng lạnh lùng. Rết nói : - Tôi không còn là đại tá nữa. Tôi cùng không còn là Rết nữa. Tôi đã thành kẻ có tội, giờ đây tôi đã sẵn sàng. Thiếu tá Ron đáp : - Anh vẫn là đại tá Rết, thượng cấp mà tôi hằng khâm phục tài ba và đức độ. Tôi đã trình lên đại tướng tổng tư lệnh, và đại tướng cho phép tôi thương lượng với anh trên tình chiến hữu từng hợp tác với nhau trong nhiều năm và trên tình bạn thắm thiết. - Tôi không còn xứng đáng là chiến hữu, là bạn thân của anh nữa. Tôi đã phản bội. Tôi là thằng khốn nạn. - Anh đang còn có cơ hội chuộc tội với quân đội, chuộc tội với gia đình, chuộc tội với Tổ quốc. - Hiểu rồi. Đại tướng sẽ không truy tố tôi ra tòa ? - Hồi anh điều khiển sở Mật vụ, nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra. Anh thường nói với tôi là truy tố chẳng có lợi gì cả. Chỉ có địch là được hưởng lợi. Ra tòa, chắc chắn anh sẽ bị kết án tử hình. Tử hình theo tôi hiểu không phải là điều anh sợ, anh là con người can đảm, có can đảm làm, anh có can đảm gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, điều anh sợ, điều mà tôi cũng sợ như anh, là những hậu quả sẽ xảy đến cho gia đình anh, cha mẹ anh, và nhất là thanh danh anh. Nếu câu chuyện bị vỡ lở, tên tuổi của đại tá Rết sẽ bị vùi dập xuống vũng bùn. Lá bạn anh, tôi có bổn phận phải... - Cám ơn anh. Đại tướng muốn biết tất cả những hoạt động phản bội của tôi trong thời gian tôi lãnh lương của do thám Nga-la-tư ? - Vâng. Càng gồm nhiều chi tiết càng tốt. Đại tá đã trao cho họ những tài liệu nào, và trao cho ai. Và... - Hiểu rồi. Tôi xin cố gắng làm đại tướng và làm anh thỏa mãn. Sau khi anh ra khỏi phòng tôi sẽ bắt đầu viết bản thú tội. Còn về giấy tờ, tài liệu xin anh mở cái tủ sắt cất trong nhà tôi ở Praha. Anh sẽ đảm bảo danh dự tôi được toàn vẹn ? - Tôi sẽ cố gắng hết sức, tuy nhiên, tôi cũng xin nói trước là giữ kín được mãi không phải là dễ. Sau khi anh chết, báo chí sẽ được lệnh loan tin trong thời gian qua, anh làm việc quá sức nên thần kinh bị căng thẳng, phải dùng thuốc trợ lực, và trong một phút quẫn chí đã tự tử. Gia đình anh sẽ được tiếp tục lãnh lương, nhà cửa, tiền bạc của anh sẽ không bị tịch thu, nhưng tôi cũng có nhiệm vụ nói rõ với anh là trong bản trần tình anh phải ghi hết, ghi thật, nếu không đại tướng sẽ không cứu xét. - Hiểu rồi. Phiền anh chuyển lời chào vĩnh biệt của tôi lên đại tướng. Tôi thành thật cảm ơn anh một lần nữa. Giờ đây, xin anh ban cho tôi một đặc ân. Tôi muốn được tự xử bằng khẩu súng của anh. Thiếu tá Ron rút khẩu súng lục ra khỏi bao đeo ở thắt lưng, kiểm điểm lại cối đạn, đoạn đặt ngay ngắn trên bàn trước mặt đại tá Rết, Rết chìa tay bắt. Bắt tay xong, thiếu tá Ron lùi lại, chào theo quân cách. Hai sĩ quan đứng sau cũng nghiêm mình. Cửa phòng được đóng lại. Rết hí hoáy viết. 5 giờ sáng. Nhân viên Phản gián rón rén bước vào. Lần này, họ không gõ cửa. Vì họ biết đại tá Rết đã chết. Họ rón rén vì sợ kinh động giấc ngủ ngàn năm của vị cựu thủ lãnh gián điệp Áo quốc trở thành kẻ thù của Áo quốc. Rết gục đầu trên đống giấy trắng viết dở, viên đạn chỉ gây ra một lỗ nhỏ trên màng tang, máu chảy rất ít rồi đông lại. Rết để lại hai bức thư tuyệt mạng ngắn ngủi. Bức thứ nhất : "Đời tôi tan nát vì nhẹ dạ và đam mê. Hãy cầu nguyện cho tôi. Tôi lấy cái chết để chuộc lại lỗi lầm - Rết. Đúng 1 giờ 15 sáng. Bây giờ tôi chết. Xin đừng cho pháp luật y khám nghiệm thi thể. Hãy cầu nguyện cho tôi...." Bức thư thứ hai gồm mấy giòng giành cho người thân. Thế là xong. 13 giờ đồng hồ sau khi đến thùng thư lưu trữ mang số 13 lấy tiền do Sở gián điệp Nga gửi qua, đại tá Rểt đã phải kết liễu cuộc sống bằng viên đạn 9 li. Thiếu tá Ron đã giữ đúng lời hứa. Nội vụ được ém nhẹm sau khi Rết thiệt mạng. Những người xa gần liên hệ đến nội vụ đều được bí mật triệu đến văn phòng đại tướng tổng tư lệnh để long trọng tuyên thệ ngậm miệrg. Ngay cả hoàng đế Áo quốc cũng không hề hay biết. Rết đã làm gián điệp cho Nga trong 10 năm. Ông đã yểm trợ điệp viên Nga hoạt động đắc lực trên đất Áo. Ngược lại, ông đã bán cho Nga các điệp viên do ông huấn luyện, và đặc phái sang Nga. Có lần một số người Nga cao cấp đề nghị bán tin tức tối mật cho Áo, Rết đã thông báo cho Nga. Với sự phản bội của đại tá Rết, do thám Nga đã thành công rạng rỡ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, người Nga vẫn tự hào là chưa nước nào tái diễn được tấn trò của đại tá Rết. Rồi vụ Penkốpky xảy ra. Penkốpky là một đại tá Nga. Cũng là yếu nhân mật vụ. Penkốpky làm gián điệp cho Tây phương. Và cũng chết như Rết. Gián điệp là cái vòng luẩn quẩn. Cười người hôm trước, hôm sau người cười, phải không các bạn ? 1 Thật ra, nhật báo này mang một tên địa phương, không hẳn là "Quốc gia", tác giả dùng tên "Quốc gia" với mục đích giản dị hóa địa danh và phương danh, xin bạn đọc am tường ngoại ngữ lượng thứ. 2 Tên người này là Wagner. Tên của người thủ quân là Egon Erwin Kinh. Và đội banh thành Praha này tên là D.B.C. Sturm... 3 Viên tướng có mặt tại nhà gã thợ khóa hôm ấy tên là bá tước von Giesl, mộl nhân vật có quyền thế trong bộ tổng tư lệnh quân đội Áo. 4 Tương đương với khoảng 5 ngàn mỹ-kim hiện nay. 5 Quán cà phê này mang bảng hiệu là Kaiserhof. TRUYỆN THỨ HAI GIAI NHÂN NGỰC LÉP Thường thường đàn bà ngực đẹp mới được coi là giai nhân. Thân hình đẹp cũng chưa đủ, da thịt phải thơm tho, chất nhờn của bồ hôi không được làm vương tôn công tử bịt mũi, trái lại, phải nở mũi thật rộng để thưởng thức. Từ gần nửa thế kỷ nay, trên trái đất chỉ có một thiếu phụ tứ tuần được thiên hạ tôn làm giai nhân mặc dù nàng có bộ ngực chảy xệ và lệch méo, và điều tối kỵ hơn nữa là nàng mắc bệnh....hôi nách. Tên nàng là Mata Hari, nữ điệp viên nổi tiếng trong Đại chiến thứ nhất. Nàng bị bắt ngày 13-1-1917 (trời ơi, cũng con số 13 tai quái như trường hợp đại tá Rết), trong tháng 9 bị đem ra xử trước Tòa án quân sự để rồi vào ngày 15-10 cùng năm bị đưa ra bắn. Mata Hari nổi tiếng, một phần vì bản án của nàng. Các vị quan tòa cứ khăng khăng là nàng phạm tội, nàng đã cung cấp tin tức quan hệ cho nước Đức, gây ra cái chết của hơn 50.000 binh sĩ Pháp, tuy rằng từ đầu đến cuối phiên xử rất ít bằng chứng xác đáng được đưa ra. Hồi đó là năm 1917. Năm xấu nhất của nước Pháp. Trên mặt trận Tây, quân đội tử trận hàng vạn, một số đơn vị muốn nổi loạn. Người ta cần tìm một bung xung để trút trách nhiệm. Và bung xung này là giai nhân Mata Hari, điệp viên mang bí số H.21 của Đức... Mata nổi tiếng phần khác cũng vì những huyền thoại được thêu dệt chung quanh nàng. Chính nàng đã đóng góp nhiều vào việc thêu dệt ấy. Nàng không hề sinh trưởng ở Ấn độ, giỏi vũ khỏa thân từ tấm bé, và từ năm 13 tuổi đã múa nhẩy trần truồng trong những ngôi đền thờ thần tình dục Siva. Thật ra, cha mẹ nàng là người Hòa lan trăm phần trăm, kết hôn với một đại úy Hòa lan phục vụ tại Nam Dương sau một mẩu tin rao vặt "tìm bạn tri ân" đùa bỡn trên báo chí, nàng sinh được một đứa con trai rồi... bỏ chồng. Mata lang thang đến Ba-Lê, xin làm người mẫu lõa thể song bị từ chối tàn nhẫn vì lẽ ngực nàng quá xấu. Nàng bèn lao thân vào xóm lầu xanh, bán vui cho khách, dần dà nàng múa lõa thể tại các rạp hát bình dân trước khi được ngả vào vòng tay nhiều bậc quyền quý. Dĩ nhiên Mata đã làm gián diệp. Làm cho Pháp. Và làm cho Đức. Nhưng làm theo kiểu tài tử thì đúng hơn Nàng chỉ giỏi về một môn làm, đó là làm tình. Trong những huyền thoại được lưu lại hậu thế, có một huyền thoại rất gần sự thật. Huyền thoại về làm tình. Huyền thoại về con số người yêu của nàng. Nàng đã có nhiều, rất nhiều người yêu. Tại sao đàn ông yêu nàng đông đảo và khăng khít như vậy, cho đến nay bí mật ấy vẫn chưa được trả lời, tuy đã có hơn một tác giá cự phách, hơn một cuốn sách giá trị, đã viết về nàng, về Nữ gián điệp Mata Hari ? Trung úy Mót-nê (Mornet), ủy viên chính phủ của phiên tòa, người đã yêu cầu tòa lên án tử hình nàng, đã tuyên bố mấy chục năm sau về vụ án năm 1917 "Vụ Mata Hari hả? Chẳng có cóc khô gì hết ! ". Thật vậy, nếu Mata không phải là đàn bà, nếu nàng không có nhiều người yêu thì có lẽ nàng đã không bị hành quyết và đời nàng "Chẳng có cóc khô gì hết". Ngựa xe dập dìu, bướm ong ve vãn nên Mata trở thành bất tử. Ngày 27-10-1963, khán thính giả đài truyền hình Pháp được theo dõi cuộc đời Mata lần đầu trên màn ảnh nhỏ. Hô-ly-út đã sản xuất một cuốn phim thành công rạng rỡ về nàng do nữ minh tinh thượng thặng Gờrơta Gátbô đóng. Trong khi ấy, ở nước ta vẫn chưa có giòng chữ nào, bức hình nào về Mata. Người Thứ Tám cố gắng gạn lọc huyền sử, để trình bầy sự thật trần truồng — cũng trần truồng như các điệu vũ dâm loạn của Mata —và sự thật trần truồng này cho thấy là câu chuyện về giai nhân ngực lép không đến nỗi tẻ nhạt như lời thú nhận của ủy viên chính phủ Mót-nê. I. Toán người vẻ mặt nghiêm trọng dừng lại trước cửa xà-lim mang số 12 trong lao thất Thánh Lazarê. Xà-lim 12 là phòng giam nữ tội nhân tử hình được nhiều người biết tiếng nhất. Mata Hari. Phòng giam khá rộng, ba cái giường kê song song mà vẫn còn thừa chỗ, tuy nhiên, không khí lại ngột ngạt, ban ngày cũng phải thắp đèn. Dầu bên ngoài trời nắng chang chang các giám thị cũng không dám tắt đèn vì trong này tối om, tường xây bằng đá ong kiên cố, lạnh lùng, ngay gần trần phòng chỉ có hai khung cửa sổ nhỏ xíu cắm chấn song sắt to tướng. Lệ thường các xà-lim trong khu tử hình đều kê 3 giường, một tử tội nằm chung với hai thường phạm khác giữ nhiệm vụ canh chừng. Nhưng xà-lim của Mata hoàn toàn trống trơn. Khóa cửa và xích sắt kêu rỏng rẻng. Tử tội đang còn ngủ, mặt quay vào tường. Tối hôm trước, nàng uống viên thuốc ngủ do y sĩ đưa sau khi nàng viết thư để lại. Trước đó nàng đã gội đầu sạch sẽ, tắm rửa thật lâu, và tắm nước thơm hoa hồng. Lần đầu tiên trong 8 tháng bị giam cầm, nàng được phép chọn thực đơn. Sau khi suy nghĩ, nàng kêu món bít-tết đặc biệt nấu nấm, uống kèm với rượu sâm-banh. Nàng yêu cầu viên chức khám đường mang hoa hồng tươi đến đặt trên mộ của mẹ nàng. Nàng ngồi gần một giờ đồng hồ với vị linh mục. Xong xuôi, nàng cầm bút... Suốt đêm ấy, biện pháp an ninh được gia tăng tối đa. Ngoài hành lang lính võ trang đứng gác. Không ai được bén mảng đến khu tử hình. Mọi vật dụng của tử tội đều bị kiểm soát chặt chẽ. Để múc thức ăn, tử tội chỉ được dùng muỗng gỗ, loại mềm. Đĩa bát cũng bằng gỗ. Đôi giầy vải của nàng được khâu tay, không đóng đinh. Nàng hút thuốc liên miên, song không được phép đốt lửa nên một nhân viên đề lao luôn luôn túc trực để quẹt diêm cho nàng. Tử tội được đánh thức đúng 4 rưỡi sáng. Giọng nói đều đều của viên thẩm phán quân pháp cất lên, xé tan màn im lặng rùng rợn lúc rạng đông - Giờ thi hành công lý đã đến... Tổng thống đã bác bỏ đơn xin ân xá của bà. Bà phải thức dậy. Và phải có can đảm. Nữ tử tội bàng hoàng trong giây phút. Nàng không hề sợ chết, nàng bàng hoàng vì nàng không tin chính phủ Pháp sẽ hành hình nàng. Trước vành móng ngựa tòa án quân sự vùng III, truớc 7 quan tòa lầm lỳ ngồi sau cái bàn dài bằng gỗ đào lên nuớc bóng loáng, trong phiên xử kín ngày 24-7-1917, nàng vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên, gần như ngạo nghễ bất cần khi ủy viên chính phủ tuyên đọc cáo trạng gồm 10 tội danh, tội nào cũng mang đến cái chết. Và khi tòa tuyên án, nàng không hề run rẩy.Trái lại, nàng còn mỉm cười, cái cười nửa miệng từng làm bao nhiêu người say đắm... Mata không hề sợ chết, trong chuỗi ngày bị giam ở khám tử hình nàng đã chứng kiến cái cảnh hơn 10 nữ tử tội bị dẫn qua phòng nàng tới đoạn đầu đài, trong số đó có một người ngất xỉu phải dìu lên máy chém với hai người xốc nách. Cho đến 4 rưỡi sáng hôm ấy, nàng vẫn vững tin thoát chết. Nàng không hề biết đường dây điện thoại của khám đường được canh suốt đêm mà Phủ Tổng thống không gọi đến. Tuy nhiều nhân vật và ảnh hưởng quan trọng tìm cách can thiệp, Tổng thống Pháp vẫn không ân giảm tội chết. Viên thẩm phán kêu gọi nàng giữ can đảm, điều này có nghĩa là nàng sắp bị đem bắn. Nàng sợ lầm nên hỏi lại : - Ông nói gì ? Tôi bị bác đơn ân xá ? - Vâng. Yêu cầu bà sửa soạn. - Lạ thật.. lạ thật... Lạ thật... vì nếu đơn xin ân xá của nàng bị bác thì không lẽ kế hoạch giải thoát nàng khỏi khám đường lại không thành tựu..Nàng bỗng nhớ đến bá tước Piô 1 một trong nhiều tình nhân trung thành của nàng. Bá tước Piô hứa áp dụng một kế hoạch táo bạo: bằng tiền bạc mua chuộc toán lính hành quyết, thay đạn thật bằng đạn giả, mua chuộc cả những người phụ trách trói tử tội vào cọc, trói cách nào thật lỏng để sau khi súng nổ tử tội có thể giả vờ bứt dây ngã gục xuống đất, rồi sau cùng là kiếm cái hòm đục lỗ cho nàng thở. Nàng bị đem chôn là bá tước sẽ cho đào lên... Tử tội ngồi bật dậy, hất tung cái mền xuống đất, đoạn yêu cầu dì phước Mari, một trong hai nữ tu tình nguyện sống bên nàng để an ủi, giúp trong những ngày còn lại trên dương thế : - Xơ ơi, xơ lấy giùm cho những đồ lót đẹp nhất của tôi cất trên ngăn tủ kia kìa. Dì Mari xuất thân từ một dòng tu đặc biệt gồm chừng 50 nữ tu chuyên phục vụ tội nhân trong khám đường. Dì hối hả mang đồ lại. Linh mục At-bu (Arboux) ghé tai tử tội nói thầm, nàng đáp : - Vâng, vâng, một lát nữa thôi. Nàng mặc đồ chậm rãi và bình thản, hai nữ tu không phải săn sóc như đối với các tử tội trước giờ đền tội. - Tôi có được phép nịt cót-xê không? Quản đốc khám đường đáp : - Thưa bà, được. Tử tội nịt cót-xê, xỏ chân vào đôi giầy tuyệt đẹp, rồi ngoảnh sang bên : - Còn găng tay nữa chứ ! Đó là tất cả những gì còn lại của nếp sống trà đình tửu quán, quăng tiền qua cửa sổ của nàng. Làn tất tay mịn màng vuốt ve da thịt nàng, như có ma thuật, làm Mata bỗng được sống lại quá khứ. II. Margareta Geertruida Zelle chào đời ngày 7.3.1876 tại một làng Hòa lan, sát biên giới Đức. Cha nàng làm nghề buôn tầm thường, song có bộ mã khôi ngô và số đào hoa. Năm nàng lên 14, mẹ nàng lìa đời, bỏ nàng ở lại với 3 em trai. Mẹ nàng chết chưa xanh cỏ thì cha nàng tục huyền, và cô bé Zelle được đưa vào nhà dòng học cho đến tuổi thành niên. Trong thời gian "kín cổng cao tường" này, mặc dầu kỷ luật nhà trường rất nghiêm minh, nàng yêu như vũ bão, yêu bừa bãi, gặp chàng trai nào nàng cũng bồng bột hẹn hò, như thể nàng thiếu đàn ông thì nàng không thể sống được. Tuy vậy, nàng có biệt nhỡn đối với sĩ quan. Nhất là các sĩ quan khôi ngô, hào hoa, ưa sống bềnh bồng. Ra trường, một ngày kia nàng đọc báo thấy mẩu lai cảo như sau : "Đại úy phục vụ trong quân đội viễn chinh Hòa lan tại Nam-Á, về nước nghỉ phép, muốn tìm một người con gái hợp nhãn... McLeod". Mẩu tin này thật ra do lũ bạn nghịch ngợm đồng ngũ của McLeod đăng để lỡm chơi. Chơi mà hóa thật... McLeod tiếp nhận được 16 lá thư xanh hẹn gặp, và định mạng đã khiến hắn chọn Zelle. Hắn đẹp trai, cường tráng, lại ăn nói hay ho, đeo lon quan ba, tương lai sáng lạn nên nàng yêu hắn chỉ là chuyện dĩ nhiên. Trở thành vợ McLeod, nàng sinh hạ ngày 30.1. 1896 một bé trai kháu khỉnh, đặt tên là Nót-man. Điều nàng không ngờ là đại úy McLeod với ngoài quân tử, hào phóng lại chính là tên ma-cô ăn bám vào vợ, chuyên thả cỏ vợ lấy tiền bài bạc hút xách, đĩ điếm. Hắn bố trí cho khách giàu sang quí tộc đặt chân vào phòng ngủ, rồi nàng cởi quần áo múa nhảy, khách đang lâng lâng ru hồn cõi mộng thì hắn xuất hiện. Và kết cuộc là khách phải ngậm bò hòn làm ngọt, dùng tiền mua chuộc sự im lặng. Chồng nàng bị đổi qua Nam Dương, nàng xuống tàu đi theo. Dọc đường, nàng tìm được hai người yêu và họ đã giúp nàng quên được cuộc hành trình nhọc nhằn trên biển. Sinh sống tại đảo Sumatờra với chồng, nàng yêu một tiểu vương bản xứ và sinh một con gái, đặt tên là Ban-đa. Số kiếp đã bắt nàng phải đau khổ : sau này nàng chết trước tiểu đội hành hình thì con nàng cũng vậy. Đứa con trai duy nhất của nàng từ trần vì bị đầu độc tại Sumatờra. Còn lại đứa con gái thứ hai theo cha về nước thì cũng chết bệnh thảm thương trước khi biết nếm mùi đời. McLeod ly dị vợ để sống chung với một góa phụ giàu có. Năm 1903, nàng tới kinh đô ánh sáng Ba-lê với ý định làm lại cuộc đời. Sau 3 tuần lễ lang thang thất nghiệp, giấc mộng trở thành nghệ sĩ tiêu tan, nàng gõ cửa một xưởng vẽ, xin làm người mẫu khỏa thân. Tiền thù lao quá ít, nàng bèn làm thêm nghề "phụ", và trong thời gian ba chìm bảy nổi này nàng mắc bệnh phong tình. Giữa cơn nguy biến chới với, nàng được một thân nhân của chồng cũ mời về ở chung. Cặp vợ chồng già nay làm ơn suýt mang oán vì Mata Hari dùng ma lực xác thịt để lôi kéo ông chồng. Bà vợ phải biếu nàng một món tiền lớn nàng mới chịu buông tha, dọn ra khỏi nhà, và một lần nữa nàng trở lại kinh đô ánh sáng. Nàng là người đầu tiên vũ thoát y theo kiểu thần bí Đông phương trên sân khấu Ba-lê. Cô-lét (Colette) là một nhà văn hào Pháp, cũng nhìn nhận "Mata có chân tài về nghệ thuật cởi bỏ quần áo trong khi vũ và phô bày một tấm thân thon mảnh, đẹp đẽ mà người Ba lê chưa từng thấy". Mỗi khi vũ, nàng chỉ mặc hai miếng tròn bằng vàng trên ngực, mục đích che giấu cặp nhũ hoa kém thẩm mỹ, và con rắn bằng bạc dưới bụng. Nàng tự nhận là đại vũ nữ Ấn-độ, từng múa trong đền thần. Na-muya (Paul Namur),họa sĩ trứ danh, từng vẽ nàng, đã phê bình nhan sắc của nàng như sau : "Mata thật ra không đẹp. Nét mặt nàng rất thường, song môi nàng, làn môi mà bao người thèm được hôn, đã có một cái gì, làm xuân tình phát động. Má nàng và cằm miệng nàng cũng vậy, nó chứa một cái gì rạo rực. Nhìn làn da ngăm bóng của nàng, người ta luôn luôn có cảm tưởng nó vừa được thoa dầu thơm hoa hồng để át mùi bồ hôi. Nàng băn khoăn rất nhiều về thân hình nàng vì ngực nàng lép và chảy, ngược lại, cặp giò, cánh tay và đôi mắt thì hoàn toàn đẹp. Không phải ngoa khi có người nói rằng nàng có những cánh tay đẹp nhất thế giới" Nàng thành công dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng nêu tiếng tăm của nàng lên như diều thì xuống cũng như xe hơi tuột giốc. Ba lê bắt đầu chán nàng, nàng bèn lên đường đi Bá linh. Rồi từ cuộc sống thâu đêm bên tiệc tùng, trác táng trong vòng tay vương tôn công tử Đức, nàng bước chân vào vòng vây.. điệp báo. Tại sao nàng trở thành con thiêu thân gián điệp ? Không ai có thể trả lời. Có lẽ vì bệnh ham của mới. Điệp báo là nghề có nhiều mới lạ và bất ngờ. Có lẽ vì cần tiền. Có lẽ vì nàng mang bệnh thác loạn thần kinh. Đúng hơn có lẽ vì tất cả các yếu tố này gộp lại. Tài liệu lịch sử cho biết Canari 2 tùy viên quân sự tại sứ quán Đức ở Tây ban Nha, viết thư cho giám đốc Công an Bá-linh Von Dagô (Hen Veta Jagow) đề nghị lưu tâm Mata. Dagô kết nạp nàng vào tổ chức. Sau này, bị cật vấn trước tòa, nàng khai như sau : - Tôi gặp Dagô trong một hí viện mà tôi trình diễn vũ điệu. Tại Đức, công an có quyền kiểm duyệt y trang của nghệ sĩ, một người đệ đơn kiện tôi về việc tôi phục sức hở hang nên Dagô đến hí viện để điều tra. Đúng hay sai ? Không ai có thể trả lời. Trước tòa, viên chánh thẩm hỏi nàng : - Von Dagô đã kết nạp bị cáo vào Sở mật vụ Đức? Nàng đáp lại cương quyết : - Không. - Bị cáo phủ nhận bí danh H.21 không ? - Không. - H.21 là bí số của bị cáo trong Sở Mật vụ Đức ? - Không. Tình nhân của tôi cho tôi bí số này để dễ liên lạc với tôi. Bằng lối này, chàng có thể xử dụng đường dây của chính phủ vì các phương tiện liên lạc tư nhân đã bị chiến tranh làm gián đoạn. Ngoài ra, chàng còn có thể dựa vào đó để lấy công quỹ bao tôi. - Bị cáo nhìn nhận đã lãnh tiền do Von Dagô trả ? - Vâng. Nhưng đó là tiền bao người yêu, chứ không phải tiền lương điệp viên. - Trong thời gian chiến tranh, bị cáo ở Pháp đã lui tới nhiều sĩ quan ? - Dĩ nhiên, vì ở đâu chả có sĩ quan, vả lại tôi vốn yêu sĩ quan. - Yêu sĩ quan Pháp ? - Yêu sĩ quan thuộc mọi quốc tịch. Tôi có óc quốc tế, tôi vốn khoái đàn ông khôi ngô và can đảm. Ông chánh thẩm lại hỏi : - Có đúng là bị cáo đã ăn trưa với giám đốc Công an Bá-linh Von Dagô không ? Và nàng đáp: - Đúng. Không riêng Von Dagô, rất nhiều tình nhân của tôi đã mời tôi ăn như vậy, tôi cũng xin khai thêm trong trường hợp quý tòa muốn ghi vào hồ sơ là Von Dagô ở trong số những tình nhân tốt nhất và trung thành nhất của tôi. - Bị cáo có chối là đã nhận của ông ta 30.000 mã-khắc? (tương đương với 10.000 mỹ-kim hồi ấy). - Tôi đâu có chối. Vâng, tôi đã nhận số tiền này, nhưng đó là số tiền do tôi đòi hỏi. Ông ta phải trả tiền bao tôi. Bao một người như tôi phải tốn rất nhiều tiền, thưa quý tòa ! Khi Tòa hỏi về sự liên hệ giữa nàng và viên chỉ huy do thám Đức tại Tây ban Nha, nàng đáp : - Vâng, tôi gặp chàng luôn, vì chàng là tình nhân của tôi. Chàng tặng tôi nhiều đồ quý. Có thể đó là tiền của chính phủ Đức, nhưng tôi không cần biết, vì nó không dính dáng đến tôi. Chàng đến ngụ cùng khách sạn với tôi, và tôi đã vận động cho phòng của chàng kế cận phòng tôi, hẳn quý tòa cũng đồng ý là người đàn ông có vợ đến khách sạn hò hẹn với tình nhân thường khôn ngoan thuê phòng riêng cho mình, đề phòng hậu quả tai hại ! - Bị cáo cũng đồng thời nhận tiền của một tình nhân ở Hòa lan? - Vâng, chàng cho tôi tiền để đền bù lại cảm tình của tôi trong thời gian tôi cư ngụ ở Hòa lan. Nàng núp sau bình phong tình yêu với hy vọng thoát khỏi bản án tử hình. Song nàng đã thất bại. Mata có những đức tính bẩm sinh của nghề gián điệp. Trí nhớ của nàng như tờ giấy thấm hút mực, bất cứ chi tiết nào lướt qua đều được ghi khắc. Nàng lại ít nói, không khi nào để lộ ý nghĩ, cảm xúc thầm kín của mình và nàng có biệt tài đóng kịch. Nàng còn có năng khiếu về ngoại ngữ. Thêm vào đó tấm thân bốc lửa, và sức quyến rũ kỳ lạ cũng như khả năng làm tình vũ bão, đam mê độc nhất vô nhị của nàng... Nàng chỉ có một nhược điểm, ấy là không đếm xỉa gì đến nguyên tắc an ninh cơ bản. Lẽ ra phải kín đáo, nàng lại chường mặt trước thiên hạ, bây giờ nàng là cái đinh của xã hội thượng lưu, nàng có mặt trong mọi cuộc du hí quốc tế, nàng ngủ đêm nay với người Đức, đêm mai với người Pháp, đêm mốt với người Anh, đêm mốt nữa với người Nga trong khi cuộc chiến tranh tàn bạo đang diễn ra... Cuối năm 1918, chiến tranh đã gây ra 37 triệu nạn nhân, trong số đó có 9 triệu người chết, và 4 đế chế bị lật đổ ; Đức, Nga, Áo-Hung và Thổ. Mata đã phục vụ cho mật vụ Đức từ năm 1912, hai năm trước thế chiến. Nàng thụ huấn tại trường điệp báo Lo-rát (Lorrach - gần Munich), và sau đó dưới bí số H.21 nàng được đưa về Pháp với nhiệm vụ mua chuộc một số ký giả viết bài thân Đức quốc. Nàng đi hết nước này đến nước khác, bề ngoài là để trình diễn vũ điệu, bên trong là để mở rộng màng lưới do thám. Nàng đến Áo quốc, Ai cập, Anh cát Lợi, Bỉ, Tây ban Nha, Hòa lan và Pháp. Nám 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ, nàng đang sống trong lữ quán sang trọng nhất ở Bá-linh, Von Dagô phái nàng sang Pháp nhờ ân huệ xác thịt, nàng đã lọt vào những ổ cung cấp tin tức quý giá, và giúp gián điệp Đức khá hữu hiệu. Đại úy Lơ-đu (Ledoux), chỉ huy trưởng Phòng Nhì, nghi ngờ nàng. Tương kế tựu kế nàng tình nguyện làm việc cho Lơ-đu. Hệ thống phản gián của đồng minh bắt đầu để mắt tới sự đi về của nàng. Nhân dịp nàng đáp tàu thủy qua Luân-đôn, nàng được mời đến gặp huân tước Thom-sơn (Sir Basil Thompson), nhân vật điều khiển Phản gián Anh quốc. Nàng thề thốt là không hợp tác với Đức và luôn luôn một lòng một dạ với đồng minh. Được yêu cầu giải thích tại sao nàng liên lạc với quá nhiều người Đức, nàng đáp lại, giọng khinh bạc : - Vâng, tôi viết thư cho họ vì họ trọng vọng tôi quí yêu tôi và cư xử tốt với tôi trước khi chiến tranh xảy ra. Tôi nghĩ rằng chiến tranh không thể làm trái tim thay đổi được, phải không thưa ngài ? Huân tước Thom-sơn bèn ân cần khuyên nàng : - Có thể tôi lầm. Có thể bà không vi phạm luật lệ. Nhưng với tư cách lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn bà, tôi mạn phép khuyên bà từ bỏ hoạt động gián điệp, dầu bà phục vụ cho phe nào đi nữa. Gián điệp là một nghề ghê tởm và nguy hiểm. Mata hứa sẽ đoạn tuyệt với nếp sống đi ngang về tắt. Song nói là một việc, thực hiện lời nói lại là một việc khác. Nàng vẫn tiếp tục hành nghề, và nhân viên phòng Nhì tiếp tục bám sát nàng như bóng với hình trên toàn cõi châu Âu. Để ru ngủ phòng Nhì, nàng viết thư cho đại úy Lơ-đu xin được móc nối với điệp viên Pháp trong vùng Đức chiếm đóng, Lơ-đu cung cấp một đường dây gồm 3 điệp viên. Nàng không biết 3 điệp viên này là nhị-trùng, vừa ăn lương Pháp, vừa ăn lương Đức, và Lơ-đu muốn dùng họ để thử lại đáp số bài toán. Nếu Mata trung thành với Phòng Nhì, ba điệp viên này sẽ không bị đốt cháy. Thực tế chứng tỏ hùng hồn là Lơ-đu đoán đúng. Mata Hari quả đã hợp tác chặt chẽ với địch. Ba điệp viên nhị-trùng bị Đức bắt giữ, trong số đó một người bị hành quyết tại chỗ về tội làm do thám cho Pháp. Lơ-đu bèn bố trí thộp cổ Mata. Nhưng nàng lại đang sống nghênh ngang ở ngoại quốc. Lơ-đu kiên nhẫn chờ cơ hội nàng đặt chân lên đất đồng minh. Cơ hội bằng vàng đã tới, Mata Hari - H.21 - được phái về Ba-lê. Trong thế chiến thứ nhất, đồng minh đã bắt giữ 11.000 nữ điệp viên địch. Tuy nhiên, chưa nữ điệp viên nào được trả lương hậu hĩ bằng H.21. Trước ngày nàng sa lưới, nàng lãnh hàng tuần 50.000 phật lăng, một số tiền khổng lồ, so với mức lương hồi ấy. Người ta không hiểu lý do nào đã khiến nàng trở về Pháp mặc dầu lãnh sự Hòa lan tại Tây ban nha khuyên nàng hủy bỏ ý định. Một số giả thuyết đã được đưa ra: có lẽ Đức sắp bại trận, mật vụ Đức muốn biết tin Mỹ đổ bộ mà không có ai, ngoại trừ Mata, là có đủ bản lãnh và phương tiện gần gũi các yếu nhân đồng minh giữa lúc các màng lưới do thám của Đức đã bị Phản gián phá hủy gần hết ở Âu châu. Có thể vì nàng thân mật quá trớn với viên chỉ huy gián điệp Đức tại Tây ban nha nên bà vợ nổi cơn ghen, buộc chồng tống khứ nàng đi cho rảnh nợ. Còn 2 lý do đau khổ khác: thứ nhất, Phòng Nhì Pháp lừa nàng, trong những ngày ở Tây ban nha, nàng cung cấp tin tức cho điệp viên Pháp nên đinh ninh được đại úy Lơ-đu bao che; thứ hai Mật vụ Đức lừa nàng, đúng hơn, múi chanh vắt kiệt nước Mata Hari đã đến lúc bị vứt vào xọt rác. Nàng không còn hữu ích cho họ nữa, nàng lại vòi quá nhiều tiền, nhiều tai to mặt lớn của Đức khốn đốn vì nàng, nên họ mượn tay Phòng Nhì Pháp giết nàng. Giả thuyết này có hy vọng gần sự thật nhất, vì mật vụ Đức đã dùng một mật mã cũ, hoàn toàn thiếu an toàn, mà họ biết là đồng minh đọc được, để báo tin nàng qua Ba-lê, và trả thêm cho nàng 15.000 phật-lăng tiền công tác phí. Một tuần sau khi về Ba-lê, nàng bị bắt. Năm triệu người Pháp đã chết, bị thương, mất tích hoặc bị bắt làm tù binh. Điệp viên H.21 phải đền tội. Mùa đông năm 1917 ấy, trời rét kinh khủng kinh đô ánh sáng như bị dầm trong thùng nước đá. Nhân viên Phòng Nhì mà nàng quen mặt, từng theo nàng khắp Âu châu 3 đang chờ sẵn trong phòng. Y cho phép nàng xếp quần áo vào va-li nhỏ, và còn yêu cầu nàng mặc thêm cái áo choàng lông ấm nhất. Đến trụ sở Phòng Nhì, nàng phải ngồi đợi phập phồng một giờ đồng hồ trên ghế gỗ. Từ nhiều năm nay, nàng không quen ngồi ghế gỗ, ghế được vinh dự nàng chiếu cố phải là ghế bọc nệm, gắn lò-xo êm ái. Từ nhiều năm nay, ngụp lặn trong danh vọng và tiền bạc, nàng không quen chờ ai. Nàng biết là thời kỳ cực thịnh của nàng đã tận. Nàng ngồi đối diện với đại úy Lơ-đu. Không chào hỏi, Lơ-đu tiến ngay vào đề : - Bà làm gián điệp cho Đức từ bao gìờ ? Mata suýt bổ ngửa. Rõ ràng là Lơ-đu cố tình quên công lao của nàng... Nhưng Lơ-đu không quên. Mặt viên chỉ huy Phòng Nhi vẫn lạnh như thời tiết bên ngoài : - Bà đã phản bội đồng minh, bà làm việc cho gián điệp địch từ bao giờ ? Thế là hết, gọng kềm đã khép lại. Thời chiến, gián điệp địch không thể đem ra xử trước tòa án dân sự. Tuy nhiên, người ta đã giành biệt lệ bằng cách cho phép bị đơn Mata Hari được chọn luật sư dân sự để biện hộ. Luật sư của nàng là Cờ-lu-nê (Edonard Clunet), là con cáo già pháp đình, lỗi lạc về quốc tế công pháp, bạn của tổng thống đương thời, và là anh hùng của trận chiến tranh 1870 Pháp-Đức. Nàng chọn Cờ-lu-nê vì tài biện hộ, nhưng cũng còn vì một lý do khác. Lý do tình cảm. Cờ-lu-nê vốn là một trong những người có diễm phúc được nàng ban phát ân ái khi nàng ngụp lặn trong hào quang nhan sắc, tiền tài và danh vọng, và cho đến giờ phút cô đơn buồn thảm ấy vẫn còn nặng nợ với nàng. Cờ-lu-nê tìm mọi cách cứu nàng khỏi chết, đồng thời tìm mọi cách an ủi nàng. Suốt trong thời gian nàng bị giam, Cờ-lu-nê sai mang cho nàng những món ăn riêng thịnh soạn, những bó hoa hồng tươi đẹp đắt tiền, những chai rượu hiếm có, những hộp súc-cù-là mà nàng ưa thích và những ve nước hoa thượng hảo hạng như thể nàng vẫn là đệ nhất giai nhân của kinh đô ánh sáng ngày nọ, Ngay sau khi tòa tuyên án, Cờ-lu-nê bất chấp dư luận đàm tiếu đã ôm hôn thật lâu trên miệng nàng. Cờ-lu-nê đã có mặt trong toán người tiễn điệp viên đa tình H.21 ra pháp trường. III. Nữ tử tội quì xuống để linh mục ban phép lần chót. Đứng bên, luật sư Cờ-lu-nê không ngăn được xúc động. Nàng đội mũ lên đầu rồi ngoảnh sang phía luật sư: - Em đội vừa lắm phải không ? Ấy, còn quên một thứ. Cái kim băng để giữ nón khỏi tuột. Dì phước Mari đáp nhỏ : - Kim băng không có. Quản đốc khám đường nói tiếp : - Luật lệ không cho phép. Viên đại úy phụ trách hồ sơ tòa án tiến lại, giấy bút sẵn sàng : - Bà muốn nói điều gì không ? Mata đáp, giọng có vẻ giận dữ: - Tôi ấy à? Tôi chẳng có gì đáng nói, và có gì đáng nói, tôi cũng không nói với ông. Nàng nhún vai, nhìn các sĩ quan quân pháp với điệu bộ khinh miệt. Xơ Mari bắt đầu sụt sùi, Mata phải an ủi : - Đừng khóc,xơ ơi, xơ phải vui vẻ như tôi đây này. Đoạn vuốt má xơ Mari : - Chà xơ bé nhỏ quá, phải hai xơ Mari mới bằng được một Mata. Kìa xơ, nín đi. Xơ vẫn sụt sùi. Tử tội nói thêm : - Kìa đã bảo mà...xơ hãy cứ tưởng tượng là tôi lên đường đi xa rồi trở về và chúng mình sẽ lại tái ngộ. Vả lại, xơ sẽ tiễn tôi đi mà... Xơ cùng đi với tôi nhé ! Tử tội hôn nữ tu Mari. Nàng đã sửa soạn xong. Nàng lại quay sang luật sư : - À, còn mấy lá thư. Phiền anh trao giùm. Đừng lộn địa chỉ, nghe cưng, râu ông nọ cắm cằm bà kia thì sẽ sẩy ra nhiều vụ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt đấy. Uổng quá, còn thiếu mấy cái nữa, chưa viết kịp. Quản đốc khám đường nói : - Bà có thể viết trong phòng Hồ sơ bên dưới cầu thang. Tử tội liếc trong gương, sửa lại mũ, kéo lon tóc cho ngay ngắn, đoạn dẫm một chân xuống đất, nói giọng điềm tĩnh : - Tôi đã sẵn sàng. Các ông có thể mang tôi đi ám sát. Các thẩm phán ra trước. Tử tội đi sau, giữa luật sư và linh mục. Khi nàng ra đến gần cửa, một người gác toan nắm cánh tay nàng, nàng bèn phản đối: - Không, không được đụng người tôi. Xơ Mary đâu, chìa tay cho tôi nắm. Đến phòng Hồ sơ, tử tội ngồi xuống ghế, tháo một bao tay và cắm cúi viết trong 7,8 phút đồng hồ, sau đó trao cả cho luật sư. Sau cánh cửa nhỏ là sân khám, một chiếc xe hơi nổ máy sẵn, đang đậu bên lề, một cảnh binh mở rộng cửa xe. Hệ thống canh gác được tăng cường vì có tin những người ái mộ tử tội bố trí đánh tháo dọc đường. Một hạ sĩ quan cung kính hỏi luật sư Cờ-lu-nê : - Thưa luật sư, chúng tôi được lệnh đề phòng cẩn mật. Nếu luật sư có tin gì về âm mưu đánh tháo tử tội, xin luật sư cho biết. Luật sư đáp : - Không, tôi không nghe thấy gì hết. - Xin luật sư lấy danh dự một công dân Pháp để xác nhận. - Vậy tôi xin thề danh dự. Tử tội sắp sửa ra xe. Luật sư đột nhiên ngăn lại : - Nhân danh điều 27 bộ Hình luật, quyển I, chương I, tôi yêu cầu tạm hoãn cuộc hành quyết. Con cáo già pháp đình thuộc làu luật lệ như cháo, và chờ đến phút chót mới quăng trái bom pháp lý. Quản đốc khám đường hiểu ngay mục đích của Cờ-lu-nê. Luật sư nói tiếp, ngón tay giơ cao một cách hùng hồn : - Luật này cấm được hành quyết nữ tử tội đang mang thai, vì lẽ cái chết của tử tội sẽ dẫn theo cái chết của một bào thai vô tội.... - Điều luật sư vừa nêu ra hoàn toàn khôi hài.Tử tội bị giam trong xà-lim từ 8 tháng nay, không thể có dịp chung đụng với đàn ông. - Ông lầm. Nàng đã có dịp chung đụng với tôi. Tôi là cha đứa trẻ trong bụng nàng. Ủy viên chính phủ Mót-nê sửng sốt, không rõ vì tức giận hay vì khoái trá : - Thôi thôi, cụ Cờ-lu-nê, ở tuổi cúp bình thiếc của cụ thì còn sinh con đẻ cái sao được ? - Ông đừng coi thường khả năng sinh lý của tôi. Trân trọng nhắc lại ông là năm 50 tuổi Abraham còn tạo được con. Tôi yêu cầu điều 27 được tôn trọng triệt để, các ông không có quyền hành quyết thân chủ của tôi. Tử tội vừa tới chỗ hai người đàn ông tranh luận, quản đốc khám đường bèn hỏi : - Luật sư Cờ-lu-nê cho biết bà đang có mang với ông ta, xin bà xác nhận lại, và bà phải để cho bác sĩ khám nghiệm mới có thể quyết định tạm đình chỉ cuộc hành quyết hay không. Luật sư Cờ-lu-nê nài nỉ : - Mata em, anh khẩn cầu em, em nên chịu cho y sĩ khám thai... Tử tội cười lớn : - Anh bạn già thân yêu ơi, anh ga-lăng lắm... Thật ra em cũng muốn được mang hột máu của anh để lưu lại một cái gì đó cho hậu thế, nhưng... Nàng nghiêm giọng với quản đốc khám đường : - Ông khỏi mẩt thời giờ nhờ y sĩ khám nghiệm, vì lẽ giản dị tôi không có thai. Sau 9 lần xổ thai, tôi không đến nỗi ngu lắm để ngừa thai, phải không hả ông ? Tôi thành thật xin lỗi đã làm các ông thất vọng. Nào, bây giờ mời các ông tiến hành cuộc ám sát... Nàng nhìn nữ tu đứng bên, nói tiếp, giọng đàn chị : - Xơ ơi, đàn ông gì mà rát như cáy. Ho hèn quá, họ đinh ninh là tôi sẽ khóc hết nước mắt. Họ sợ phải nghe tôi than van, nài nỉ, cho nên người nào cũng sắp sẵn những lời hoa mỹ để khuyên tôi can đảm. Ha ha... nếu họ biết tôi ngủ đêm qua một giấc thật ngon nhỉ ? Nếu là hôm khác tôi đã khiển trách họ đánh thức tôi dậy quá sớm, nhưng dầu sao tôi cũng không chịu nổi lề lối làm việc của họ, ai đời mang phụ nữ đi bắn mà quên dọn ăn điểm tâm ! Riềm xe được buông kín, tử tội ngồi phía sau bên cạnh là linh mục, hai nữ tu ngồi ghế đối diện. Một cảnh binh ngồi truớc với tài xế. Đoàn xe từ từ ra khỏi cổng khám, dẫn đầu là xe thẩm phán, sau đến xe tử tội, xe quản đốc khám đường, xe y sĩ và xe phòng hờ. Hồi đêm trời mưa to, đường sá trơn trượt như thoa mỡ. Đoàn công-voa chạy rất chậm, bùn bắn tung tóe mặc dầu tài-xế cố tránh những vũng nước đó. Khoảng gần 20 xe hơi chở ký giả chạy theo nhưng bị lạc đường và sau cùng không được phép vào pháp trường. Đoàn xe đậu lại cách pháp trường 50 mét. Tử tội sợ bùn lấm đôi giấy mới xinh xẻo, đôi giầy có sợi dây buộc tuyệt đẹp mà nàng tấm tắc khen ngợi trên đường ra sân bắn, nên bước chân có vẻ rụt rè, cố giữ cho nước bẩn khỏi văng lên. Có khi nàng phải đi vòng qua vũng nước. Và có khi nàng phải đứng lại, lấy trớn nhảy vọt qua. Trông nàng không ai dám nghĩ nàng là tử tội. Tử tội sắp bị hành quyết. Ai cũng tưởng nàng là người đàn bà tràn trề nhựa sống, phục sức đẹp đẽ và tinh khiết, đang tới nơi hẹn với người tình trong mộng... Trời đông đã hửng sáng. Những đám mây xám lững lờ trôi qua. Vũ trụ buồn ghê. Đâu đây có tiếng còi rít lên the thé. Tiếng còi nhà máy gọi công nhân đi làm việc. Thời tiết thật lạnh, không khí ẩm ướt và nghẹt thở như thể bên trong nhà xác. Cây sồi đơn độc trên bãi rộng được dùng làm cọc trói tử tội đã trụi hết lá. Nó đâm thẳng lên nền trời những nhánh đen gầy guộc, khẳng khiu như bộ xương khô. Vũ trụ buồn ghê. Tạo hóa như hạ lệnh cho mọi vật để tang tử tội Mata Hari... Binh sĩ xếp vòng trong vòng ngoài gồm cả thẩy ba vòng, tạo thành hình vuông chung quanh cây sồi đơn chiếc và rùng rợn. Linh mục At-bu xuống xe đầu tiên, trượt chân suýt té. Linh mục tỏ ra xúc động mạnh mẽ. Trái lại, tử tội vẫn thản nhiên, hơn thế nàng còn đưa tay cho hai tu sĩ nắm để xuống xe nữa...Khi ấy, thật khó mà biết ai là tử tội. Linh mục At-bu có vẻ là tử tội hơn là Mata Hari... Hai cảnh binh lon ton đến bên nàng, song nàng đã khoát tay đuổi họ. Nàng nói với dì phước : - Xơ nắm tay tôi chặt nhé ! Tử tội bước qua toán lính. Sĩ quan chỉ huy dõng dạc hô : - Nghiêm, chào ! Mata Hari ưỡn thẳng ngực, bước chầm chậm mắt hướng về đơn vị dàn chào, nàng có thái độ nghiêm trọng và oai nghi của bà hoàng khi duyệt đạo quân danh dự ở phi trường. Trong đời, nàng đã nhiều lần đóng vai bà hoàng duyệt đạo quân danh dự dàn chào như vậy. Chỉ khác là trước kia duyệt xong nàng lên xe về phòng ấm nệm êm, uống sâm-banh, nghe nhã nhạc; lần này, duyệt xong nàng sẽ về cõi chết lạnh lẽo.....lạnh lẽo... Kèn đồng của pháo binh trỗi điệu hùng tráng. Lưỡi lê và gươm tuốt trần lấp loáng. Gần đấy, một con chim se sẻ kêu chút chít. Sự trùng hợp của định mạng thật kỳ lạ. Mata Hari dịch nghĩa là "con mắt bình minh", "con chim ban mai", và đây là con chim ban mai đang cất tiếng chào Mata Hari sửa soạn từ giã cõi sống... Đội hành quyết gồm 12 lính bộ chiến, toàn thể đều từ mặt trận di tản về Ba-lê sau khi bị thương, người trẻ nhất mới chẵn 18 tuổi. Phía sau đội hành quyết là toán lính bộ chiến khác, quân phục đẫm nước, và phía bên kia là toán kỵ binh đội nón đồng buông tỏa những đám lông đen dài, rồi đến pháo binh mặc đồ trận. Khoảng 5 ngàn người hiếu kỳ chen chúc nhau ở xa, dưới sự canh chừng của cảnh binh nai nịt gọn ghẽ. Tử tội chỉ còn cách cọc bắn độ 8 mét. Nàng đứng thẳng người trên nền cỏ xanh, màu xanh của áo nàng nổi bật, nàng ngó binh sĩ tham dự cuộc hành quyết bằng luồng mắt dịu dàng. Rồi nàng nói với dì phước : - Giờ đây là hết. Xơ hãy để tôi đi. Nàng dứt khỏi tay nữ tu Mari. Luật sư Cờ-lu-nê ôm nàng hôn. Cảnh binh dẫn nàng lại gần cọc. Bản án của tòa được tuyên đọc lần chót. Linh mục Át-bu lầm rầm đọc kinh. Đội lính hành quyết bước rảo đến tập hợp thành hàng đối diện với tử tội. Một cảnh binh vòng dây qua ngực nàng, toan trói nàng vào cọc. Nàng phản đối. Một người đưa cho nàng cái mù-soa để nàng bịt mặt, nàng lắc đầu từ chối, rồi ngẩng lên nhìn thẳng mọi người. Sau đó nàng nhìn thật lâu những người thân : luật sư Cờ-lu-nê, linh mục, hai nữ tu và hôn gửi họ bằng môi. Mặt không lộ sợ sệt, nàng nói lớn, cốt cho mọi người cùng nghe : - Hãy đứng về bên phải tôi, tôi sẽ nhìn về phía ấy. Chào vĩnh biệt. Sĩ quan chỉ huy giơ cao gươm, ra lệnh : - Nhắm. Tử tội mỉm cười. Nụ cười cuối cùng của đệ nhất vũ nữ giành cho cử tọa cuối cùng. Hai nữ tu quỳ gối niệm kinh. - Bắn ! Chỉ nghe một tiếng nổ lớn. Vì cả 12 khẩu súng trường cùng bắn một lúc. Tử tội, tấm thân mĩ miều quấn chặt trong áo măng-tô lông đắt tiền, rùn lại, rồi gục xuống. Thân thể nàng đã cứng lặng, không quẫy mạnh như thường lệ. Một sĩ quan tì họng súng lục vào màng tang nàng, bắn phát thi ân. Đầu nàng chỉ gật nhẹ rồi im lìm. - Quay lưng lại, bước đều, bước ! Kèn đồng lại nổi lên, đoàn quân diễn hành qua. Bác sĩ Sốc-kê (Socquer) tiến lại, mở cổ áo tử tội nghe tim, ông lau vết máu dính nơi tay, miệng nói : - Chết ngay vì một viên đạn trúng tim. Bác sĩ Sốc-kê ghi vào biên bản ngày và gờ : ngày 15.10.1917 hồi 5 giờ 47 sáng, đoạn ký chứng thư khai tử. Hai nữ tu đứng dậy, miệng vẫn lâm râm. Nữ tu Mari lại rút cái nhẫn đeo trên ngón tay người chết. Luật sư Cờ-lu-nê quỳ bên tử tội, cầm bàn tay đưa lên môi hôn. Công chúng xô đẩy nhau, hòng tiến lại gần cọc bắn, song cảnh binh đã chặn lại. Viên chỉ huy lên tiếng lanh lảnh : - Có ai xin xác chết không ? Không một ai đáp lại. Không ai, trời ơi, loài người thật bội bạc..Suốt đời Mata Hari, có lẽ không lúc nào nàng thiếu đàn ông. Khi nàng còn sống, thiên hạ ao ước được chiếm hữu nàng, giờ đây nàng nằm bất dộng trên bãi cỏ trong vũng máu thì chẳng thấy ai. Chẳng thấy cha nàng, anh em nàng, chẳng thấy người yêu của nàng, chẳng thấy bạn bè của nàng. Tại phiên tòa, hai yếu nhân đã bất chấp dư luận và hậu quả tới bản thân cương quyết hăng say bênh vực cho nàng. Người thứ nhất là Cam-bông (Jules Cambon) thuộc bộ Ngoại giao. Cam-bông khai trước tòa là Mata không hề lợi dụng sự liên hệ mật thiết giữa hai người để lấy tin. Người thứ hai là tướng Messimy, cựu Tổng trưởng bộ Chiến tranh. Bận cầm quân ngoài tiền tuyến, Messimy viết thư tay gửi về cho tòa : "Theo chỗ tôi nhớ thì bị đơn chưa hề hỏi tôi điều nào có liên hệ gần xa đến chiến tranh, chính trường và những vấn đề của chính quyền. Bị đơn chưa hề yêu cầu tôi cung cấp một tin tức nào khả dĩ làm tôi nghi ngờ". Chỉ còn lại trên pháp trường người đàn ông 75 tuổi gần đất xa trời, luật sư Cờ-lu nê, là còn đoái tưởng đến giai nhân ngày nọ. Ba cảnh binh khiêng xác chết ném vào quan tài bằng gỗ thông rẻ tiền méo mó, rồi đặt trên cỗ xe ngựa cũ kỹ và ọc ạch. Chiếc xe di chuyển một cách mệt mỏi trên con đường lầy lội, người xa phu tọng thuốc lá đầy ống tẩu, châm lửa hút với dáng điệu tỉnh khô, rít một hơi rồi nói chuyện tầm phào với hai cảnh binh cưỡi ngựa lóc cóc chạy theo. Vô thừa nhận, xác tử tội được chở đến bệnh viện kế cận, đặt nằm tênh hênh trên nền đá hoa chờ các sinh viên y khoa thực tập mổ xẻ. Nhiều năm sau, hai mẩu chuyện được đăng báo chung quanh nữ tử tội Mata Hari. Chuyện thứ nhất là hồi ký của anh lính măng tơ 18 tuổi có chân trong tiểu đội hành quyết. Anh thấy nàng quá đẹp và quá can đảm nên tâm thần anh bị xúc động mãnh liệt, bàn tay anh run run, anh nhắm mắt bắn vào khoảng không trên đầu nàng. Chuyện thứ hai do một y sĩ giải phẫu nổi danh thuật lại. Ngày Mata bị xử bắn, và thi thể nàng được vứt bỏ còng queo tại nhà xác trên nền đá bẩn thỉu và lạnh lẽo thì y sĩ hữu danh này mới là một sinh viên trường Thuốc, và được cái vinh dự mổ bụng nàng. Đó là lần đầu tiên, ông thực tập mổ cắt ruột dư. Cũng như anh lính trẻ, chàng sinh viên nội trú đã lúng túng hồi lâu trước khi có đủ can đảm đâm lưỡi dao nhọn vào bụng người đẹp gián điệp.. 1 Đó là bá tước Pierre de Mortissac. Định mạng oái oăm đã khiến Mortissac bị chết như Mata Hari năm 1938 ở Tây ban Nha. Năm ấy Mortissac bị bắn về tội khuynh tả. 2 Walter Canaris, sau này trở thành trùm quân báo Quốc xã Đức trong Thế chiến thứ hai. 3 Điệp viên này tên là Triolet. TRUYỆN THỨ BA ĐIỆP VIÊN HUYỀN THOẠI Ở ĐÔNG KINH Cái chết của nữ điệp viên H.21 Mata Hari là một sự kiện lịch sử đã được chính thức xác nhận. Không phải một người mà hàng chục người chứng kiến vụ hành quyết đã chính thức xác nhận. Hồ sơ lưu trữ của bộ Chiến tranh và tòa án quân sự nước Pháp cũng đã chính thức xác nhận. Ấy thế mà huyền thoại vẫn còn... Theo huyền thoại, Mata còn sống. Rất nhiều người tin nàng còn sống kể ra cũng lạ. Theo huyền thoại, tử tội chỉ có mặc mỗi cái áo choàng trắng muốt. Khi sĩ quan chỉ huy hô bắn, nàng phanh áo, để lộ tấm thân trần truồng tuyệt mỹ khiến binh lính bủn rủn gân tay bắn chệch ra ngoài. Một huyền thoại khác cho biết là đạn dược hôm ấy đều giả, tử tội giả chết để rồi được tình nhân của nàng cứu thoát mang ra nước ngoài mai danh ẩn tích theo kiểu... Phạm Lãi đội tên Đào châu cặp kè với giai nhân Tây Thi chu du Ngũ hồ. Tiến sĩ Richard Sorge cũng vậy. Ông có thể được coi là điệp viên huyền thoại của thế kỷ 20.Trong 8 năm hoạt động tại Đông kinh dưới lốt nhà báo, thân đảng Quốc Xã Đức, ra vào các sở bộ cao cấp như chỗ không người, bạn thân với những yếu nhân có thẩm quyền định đoạt vận mạng Viễn Đông và thế giới trong thế chiến thứ 2. Sót (Sorge) đã cung cấp cho Sít-ta-Lin và cơ quan tình báo Liên Sô những tin tức vô cùng quý giá, đến nỗi lời nói và tự tin bậc nhất như nhà độc tài thép Sít cũng phải tuyên bố "chính Sót đã cứu chúng ta". Chúng ta đây là Liên sô. Quả là Sót đã cứu thành trì Cộng sản Quốc tế khỏi sụp đổ năm 1941 vì năm 1941 nhờ Sót báo tin Nhật không có ý định xua quân tấn công Tây bá lợi á nên Sít-ta-Lin mới dám rút hết lực lượng từ biên giới phía đông qua phía tây và cứu thủ đô Mạc tư Khoa khỏi gọng kềm bách chiến bách thắng của Hít-le. Nhưng cũng như mọi điệp viên khác, như mọi người hoạt-động nguy hiểm khác, tiến sĩ Sót bị lộ tẩy, bị sa vào tròng mỹ nhân muôn thuở, bị bắt, bị lôi ra tòa rồi bị hành quyết. Mata bị bắn thì Sót bị treo cổ. Hồ sơ của khám đường Sugamo ghi rõ tử tội Sót bị xử giảo vào buổi sáng 7-11-1944 hồi 10g36. Rồi huyền thoại bắt đầu... Huyền thoạiSót có vẻ gần với thực tế hơn huyền thoại nữ điệp viên H.21. Mấy tuần trước ngày hành hình, Sót được quản đốc khám đường mời viên nha sĩ nổi danh ở Đông kinh đến tận phòng giam nhổ răng sâu cho Sót và làm răng mới. Sắp chết thì làm răng làm gì ? Khi trước, Mata Hari cũng xin được trám răng thì y sỹ nhà lao khuyên thôi, lấy cớ rằng đục khoét rất đau. Cho nên huyền thoại nghĩ rằng Sót được lắp răng giả để trở về với đời sống của loài người. Một tiệm may lớn được lệnh may cho Sót một bộ đồ thật đẹp. Sao vậy ? Người ta giải thích là phong tục Phù tang muốn tử tội yết kiến thần Chết trong bộ đồ thật tươm tất. Tuy nhiên những kẻ biết chuyện cho rằng Liên xô bí mật can thiệp để cứu Sót. Trên nguyên tắc, mỗi khi kiều dân ngoại quốc bị xử tử thì đại diện ngoại giao xứ họ phải có mặt, nhưng ngày 7-11-1944, không có một người Đức hoặc người Nga nào hiện diện. Sau cuộc hành quyết một giờ, thi thể tử tội được trả cho thân quyến để mai táng. Ozaki, đồng lõa với Sót, đã bị treo cổ cùng ngày với Sót. Tại sao người ta chỉ trả xác Ozaki mà quên xác Sót ! Cuộc hành quyết diễn ra giữa lúc hải quân Thiên hoàng bị đánh thua liểng xiểng gần chính quốc -ở phía Nam tướng Mắc-At-tơ giải phóng Phi luật Tân, thủ đô Đông kinh ráo riết chuẩn chiến. Nói rõ hơn, Nhật đang xuống giốc. Hoàn cảnh này thuận tiện cho một cuộc dàn xếp ngầm giữa hai cơ quan an ninh Nga-Nhật. Sau ngày Nhật đầu hàng, cửa lao thất được mở rộng. Người ta cố gắng tìm những đồng lõa thân cận của Sót hầu khám phá sự thật của huyền thoại. Song kẻ thì chết trong tù, người được trả tự do đã biến dạng. Nữ nghệ sĩ Kiêu-mi, cô gái Nhật được Phản gián dùng làm mồi lôi cuốn Hạng võ Sót, khi ấy đang còn sống. Nàng chẳng sống được bao lâu. Năm 1947 nàng trình diễn ca vũ tại một hí viện Thượng hải và gặt hái được thành công vẻ vang. Một đêm kia, giọng nàng bỗng khản đặc, nàng ngưng ca và vũ, cặp mắt nàng trợn trừng trong sự hoảng sợ vô biên, hướng về phía một người đàn ông cao, gầy, phục sức xuề xòa, ngồi gần. Người đàn ông này lặng lẽ đứng dậy, đủng đỉnh bước ra ngoài. Kiêu-mi thét lên một tiếng khủng khiẽp rồi chạy vùng vào hậu trường. Khoác vội áo choàng, nàng lẻn ra ngoài bằng cửa sau. Nàng đinh ninh bóng tối giúp nàng thoát hiểm. Ba phút súng nổ, xé tan màn im lặng đêm khuya của thành phố Thượng hải. Một xác đàn bà nằm gục xuống rãnh nước bẩn thỉu. Nạn nhân là Kiêu-mi. Huyền thoại cho rằng siêu điệp viên Sót đã trả thù. Kiêu-mi đã chết nên thật khó xác nhận người đàn ông trong hí viện là Sót. Nhưng cùng năm ấy, hai người có thẩm quyền đã gặp Sót hẳn hòi, bằng xương bằng thịt. Cũng tại Thượng hải. Một nhà ngoại giao Pháp và một nhà báo Mỹ ngồi nhấm nháp tại một tửu quán tên là Long Bar. Họ không phải là tay mơ về tình hình Viễn đông. Đang uống rượu, đột nhiên nhà ngoại giao thốt lên "Trời ơi, Sót !". Nhà ngoại giao xô ghế, đứng dậy, tiến về phía người đàn ông được nhận diện là Sót. Nhanh như điện, Sót - nếu đúng là Sót - đã lẩn vào đám đông. Điệp viên Sót đã được tôn làm Anh hùng Liên sô. Một tàu buôn lớn mang tên Sót hiện đi khắp ngũ đại dương. Một đường phố ở Baku cũng mang tên Sót. Chưa hết, nhà cầm quyền sô-viết còn in một con tem (cò) với khuôn mặt lạ lùng của điệp viên Sót. Sót còn sống hay đã chết ? May ra vài ba chục năm nữa, hoặc vài ba thế hệ nữa, huyền thoại về Sót mới tan thành bụi... Và đây là Richard Sorge... I. Một người được dùng đúng chỗ có giá trị bằng hai chục ngàn người ngoài mặt trận - Hoàng đế Nã phá Luân. Con đường đang rộng rãi và thẳng băng đột nhiên thu hẹp lại và ngoẹo xiên sang trái. Khi ấy, trời đã tối. Buổi tối ở thủ đô Đông Kinh ngày nay còn đông đúc, náo nhiệt và vui vẻ hơn cả ban ngày ở nhiều nơi khác trên thế giới, tuy vậy khi ấy quang cảnh lại thưa vắng, tẻ lặng và hầu như ảm đạm. Có lẽ vì khi ấy là đầu năm 1938, thế chiến thứ II chưa thật sự bùng nổ song nước Nhật đã mắc kẹt trong trận bão lửa với Trung quốc. Lý do chính có lẽ là trời mưa và lạnh. Mưa không to nhưng đủ khiến mọi người lười biếng, không thích ra đường, khí lạnh đầu xuân lại thấm sâu xương tủy nên trên con đường nhựa loang loáng ánh đèn không thấy bóng người. Trừ một người đàn ông cao, gầy đang gò lưng trên chiếc mô-tô phóng nhanh như tên bắn. Y có tấm thân nhiều xương hơn thịt, nét mặt chẳng có gì đặc sắc, chứ đừng nói là khôi tuấn tú, nhưng không hiểu sao đàn bà gặp y, nhìn y, trò truyện với y lại thường mê y. Dường như sức quyến rũ của y do từ cặp mắt sâu và sáng phát ra. Đàn bà mê y, phần nào cũng vì y có một lối phục sức cẩu thả phớt đời... Mặt đường trơn như trải một lớp mỡ.Y vừa uống một bụng sa-kê, và ăn một bụng yakitôri, thịt gà nướng. Ngón tay y, da thịt y còn sặc mùi mỡ gà. Y cười lớn, và gia tăng tốc độ mặc dầu xe gắn máy đã chạy quá nhanh và khúc quẹo đã ngay trước mặt. Y thuộc làu đường phố Đông kinh như cháo, nếu y không thay đổi lộ trình mỗi lần thì y nhắm mắt cũng không gặp tai nạn. Con đường rẽ góc vuông này đang còn xa lạ với y. Y nhận thấy nguy hiểm thì đã muộn. Y chỉ còn cách xuống số hộp, bóp thắng tay và đạp thắng chân. Tiếng ren rét ghê răng nổi lên kèm theo mùi cao su cháy khét lẹt, chiếc mô-tô sơn đen đồ sộ bị kềm hãm bất ngờ đã chạy chồm lên vỉa hè rồi đâm sầm vào bức tường. Người cưỡi xe bị hất văng xa, áo quần rách bươm, thân thể đầy máu. Nạn nhân chỉ choáng váng, chứ không ngất xỉu. Y cố gắng giây lâu mới ngồi dậy nổi, công chúng đã bắt đầu bu quanh, và đâu đây the thé tiếng còi của cảnh sát. Nếu là người khác thì những vết thương trầm trọng cầy sâu đến xương đã làm bất tỉnh. Nhưng y không được quyền bất tỉnh. Y thở một hơi dài trước khi lên xe vào bệnh viện. Y không dám nằm dài trên băng ca để được khiêng đi vì sợ bị coi là bịthương nặng. Mặc dầu máu tuôn xối xả, tứ chi đau rần, đầu nặng mắt hoay, hắn vẫn giữ nụ cười trên môi. Đến nhà thương, y lắc đầu nhiều lần khi ngưòi ta định săn sóc cho y. Y kêu một nữ điều dưỡng lại gần, ghé tai nói tên và cho số điện thoại một người bạn, rồi ngồi điềm tĩnh và chờ đợi trên ghế. Chờ đợi thật lâu, thật lâu bạn y mới đến. Y đã kiệt sức. Đầu y nặng như đeo tảng đá, hai chân y chơi vơi, tưởng chỉ đụng nhẹ là ngã vùi. Song y vẫn tỉnh táo táo. Y nói thầm "hừ, minh phải tỉnh táo, bắt buộc mình phải tỉnh táo...". Bạn y tất tả cúi xuống nghe y dặn. Bàn tay nhầy nhụa máu của y run run luồn vào trong áo lót, và lôi ra một phong thư nhỏ cũng đầm đìa những máu. Hai ngườikhông nói với nhau lời nào nửa. Bạn y nhét kỹ phong thư vào túi rồi hối hả quay đi sau khi đã yêu cầu nhân viên bệnh viện băng bó và chích thuốc khỏe cho nạn nhân. Người mang phong thư vừa ra khỏi bệnh viện, nhòa mình trong bóng đêm dầy đặc thì người cưỡi xe mô-tô nằm lăn trên giường. Bất tỉnh. Và trong những ngày kế tiếp, nạn nhân sống trong cảnh nửa mê nửa tỉnh. Nhờ có sức khỏe, phương tiện điều trị tối tân, nạn nhân đã thoát khỏi tay Tử thần. Nạn nhân này là Sorge. Tiến sĩ Richard Sorge -Siêu điệp viên tại Nhật trong thế chiến thứ II. Khi Sót mê man, cảnh sát đã lục soát trong người y. Họ tìm thấy một số tiền lớn toàn bằng đô-la Mỹ. Món tiền kếch sù này có làm cảnh sát Phù tang ngạc nhiên không, họ không nói nên không ai biết. Nhưng chắc là không. Vì năm 1938, Sót đang là một thông tín viên báo chí người Đức, có liên hệ chặt chẽ với đảng Quốc xã của Hít-le, bồ bịch của sứ quán Đức, mà Đức lại là bồ bịch của Nhật. Vì năm 1938, Phản Gián Nhật chưa nghi ngờ Sót... Nếu Sót ngất xỉu trước khi phong thơ được trao cho bạn, và nếu cảnh sát lục soát quần Sót sớm hơn 15 phút thì không hiểu vận mạng của Á châu hậu chiến sẽ ra sao. Phải, vì những việc mà Sót đã hoàn thành trong 8năm công tác ở Nhật đã góp phần quyết định vận mạng của Á châu thời hậu chiến. Sót, ông là ai ? II. Sót ra đời năm 1895 tại Baku ở nam bộ Nga-sô. Ông nội là thư ký riêng của Kác Mác thủy tổ cộng sản dưới thời đệ nhất quốc tế. Khi Sót ra đời, phụ thân còn hành nghề kỹ sư trong một công ty dầu hỏa ở vùng núi Côcadơ. Cha ông người Đức, mẹ ông gốc Nga. Hồi nhỏ, ông rất siêng học, tính tình dễ mến, lại được cha mẹ nuông chiều hết mực. Đến tuổi thành niên, ông theo cha mẹ về Đức và nẩy ra khuynh hướng xã hội. Trong thế chiến thứ nhất, ông chiên đấu trong quân ngũ Đức. Tình trạng hỗn loạn tại Đức sau chiến tranh đã làm ông chán nản và xô đẩy ông về phía đảng Cộng sản. Một thiếu phụ khá duyên dáng và có nhiều bản lãnh đã lôi kéo ông vào con đường mới. nàng là vợ của một giáo sư đại học, chồng nàng bận bịu sách vở và chai lọ hóa chất, quên nghĩ đến nàng nên nàng phải tìm thú vui riêng, và nàng gặp chàng sinh viên trẻ tuổi Sót. Nàng lớn hơn ông nhiều tuổi, đầy đủ kinh nghiệm yêu đương làm chàng trai ngây thơ si mê. Ông theo nàng sang Nga và gia nhập đảng Cộng sản Bôn-sơ-vích. Tốt nghiệp tiến sĩ chính trị học, Sót là người thông minh trác tuyệt, sành tâm lý, giỏi tổ chức và viết lách. Ông nói được nhiều ngoại ngữ, như tiếng Nga, Anh, Pháp, ngoài tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ, ông còn thông thạo tiếng Nhật và tiếng Tàu. Sót trở thành nhà báo cừ khôi. Từ nhiều năm nay chưa thấy một điệp viên nào hội đủ điều kiện và khả năng nghề nghiệp như Sót. Ông được kết nạp vào ngành điệp báo, bí danh của ông trong Trung tâm 1 là Ram-xê (Ramsay). Ram-xê được gửi qua Trung hoa năm 1930. Ông tổ chức tại Thượng-hải một màng lưới do thám sô-viết đắc lực trong khi hành nghề thông tin viên báo chí cũng đắc lực không kém. Năm 1933, ông được chuyển qua Nhật. Trước đó, Trung tâm sắp xếp cho ông về Đức, tìm cách gây thiện cảm với đảng Quốc Xã, vì đó là chìa khóa giúp ông mở toang mọi cánh cửa ở Nhật. Ông trở thành đảng viên Quốc Xã trung kiên, kết thân với các lý thuyết gia và yếu nhân của Đảng. Sau đó, ông mầy mò xin việc tại báo Frankfurter Zeitung, và báo này phái ông sang Đông kinh. Sót đóng kịch khéo léo đến nỗi đại sứ Đức ở Nhật khoái ông và tin ông hơn cả người thân. Ông lại cung cấp tin tức sốt dẻo cho viên đại tá tùy viên quân sự, sau này là đại sứ. Phương châm hành động của Sót là "muốn có nhiều tin thì phải cung cấp thật nhiều tin". Sót mượn cớ cung cấp tin cho Đại sứ quán Đức để lấy tin gửi về Trung Tâm. Năm 1935, tân giám đốc Trung Tâm, tướng Urít-sơki (Uritskyi) gọi ông về Mạc tư khoa để giao công tác mới. Ông ghé lại Nữu ước, trên đường sang Đức, nói là để trình diện và thảo luận với ban giám đốc tờ báo mà ông là đại diện. Nhưng ông không về Đức: một đại úy G.R.U. từ Mạc-tư-khoa đến Nữu-ước trao tận tay Sót một sổ thông hành giả. Và Sót bí mật vượt bức màn sắt. Từ Nữu-ước, ông vẫn viết thư đều cho tòa bào của Đức và bạn bè ở Nhật, không ai hiểu rằng ông đang ở Mạc-tư-khoa và những bức thư này đã được viết sẵn từ trước do nhân viên Trung Tâm gửi đi lần lượt. Chỉ thị của tướng Uritsơki: Sót phải lấy kỳ được những tin tức và tài liệu liên quan đến tiềm lực quân sự và chính sách đối ngoại của Nhật bản. Để hoàn thành điệp vụ, Sót được xử dụng những quyền hạn rộng rãi, hầu như tự do hành động, về tiền bạc được chi tiêu bao nhiêu cũng được, về cộng sự viên thì toàn là cán bộ thượng thặng. Số một là Hozumi Ozaki, trước đây đã hoạt động với Sót tại Thượng hải. Ozaki còn trẻ, thông minh, quyền biến và uyên bác, lại là một ký giả sâu sắc, một nhà văn có chân tài và một học giả đầy triển vọng nữa. Ozaki quen biết rộng trong giới quý tộc và lãnh đạo, gần gũi hoàng gia, lại chơi thân với nhiều bộ trưởng, tướng lãnh, giám đốc. Ozaki được coi là công dân Nhật yêu nước nên hoạt động khá dễ dàng, không ai ngờ rằng Ozaki có khuynh hướng thân cộng từ lâu và sẵn sàng phản bội Tổ quốc để tôn thờ Liên bang Sô-viết. Ozaki là nguồn cung cấp tin tức số một cho Sót trong thời gian 8 năm, từ khi bắt đầu đến khi tan rã. Tuy nhiên các cộng sự viên khác cũng không thua là bao. Toàn thể đều được Mạc-tư-Khoa lựa chọn. Mỗi người mang một quốc tịch, một dĩ vãng khác nhau. Mỗi người đến Đông kinh bằng con đường riêng. Vu-kê-lích chẳng hạn (Branco de Voukelitch), trước kia y là sĩ quan trong quân đội Nam tư, y sang Nhật với danh nghĩa là thông tin viên một tạp chí Pháp. Rồi là Miagi (Yotoko Myiagi), nghệ sĩ Nhật và bạn lòng của y là Ki ta 2 cũng là con cháu Thái dương thần nữ. Cặp vợ chồng này sống tại Cựu kim Sơn, phục vụ hăng say Đảng Cộng sản Mỹ, Trung Tâm ra lệnh cho họ quay về Đông kinh, phụ lực cho hệ thống của Sót. Sót chuyền tin về Trung Tâm bằng hai đường dây, điện đài vô tuyến và giao liên hàng không. Tài liệu mật được chụp vào phim nhựa vi-ti, mỗi cuộn gồm một ngàn tấm hình, nhân viên của Sót đích thân mang đi Thượng hải, trao cho giao liên Trung tâm. Sau này, tài liệu chụp gia tăng vùn vụt, Trung tâm phải đặt thêm trạm tiếp nhận ở Hồng kông, Mani và ngay cả ở Đông kinh nữa. Chính tiến sĩ Sót cũng đã đi Mani một lần, với tư cách là "giao liên ngoại giao" chính thức của tòa đại sứ Đức, ông đã lợi dụng được chuyến công xuất này để chở một xấp tài liệu tối mật cho tướng Urítsơki. Những tin tức quan trọng có tính cách sốt dẻo thường được chuyển bằng điện đài, Trung tâm đã cử một chuyên viên điện-đài tháo vát đến giúp Sót. Chuyên viên này là Mắc (Max Clausen). III. Điều đáng ghi nhận là trong số các cộng sự viên sinh tử của trùm gián điệp Sót không có một người Nga nào. Họ hoạt động một thời gian dài mới bị lộ là như vậy 3. Chuyên viên vô tuyến Mắc là dân Đức chính cống cũng như Sót. Mắc cao lớn như đụn rạ, mặt luôn luôn đỏ, ngón tay chuối mắn thô ráp và cục cằn. Ngón tay y vụng về như thế, nhưng khi vào việc mới thấy chẳng vụng về tí nào. Y có thể một mình ráp lắp những điện đài tí hon nhất thế giới. Khi xử dụng điện đài, ngón tay y bay thoăn thoắt trên cần mã tự không khác ngón tay nữ nghệ sĩ dương cầm. Mắc từng phục vụ dưới quyền Sót tại Thượng hải. Đến Nhật, Mắc hủy bỏ điện đài cũ rích do đồng nghiệp để lại, và tự tay chế tạo một điện đài tối tân có tầm xa 4.000 cây số. Để che mắt thế gian ; Sót bố trí cho Mắc đứng chủ một cơ sở thương mãi chuyên in chụp tài liệu, hình ảnh. Cơ sở này đã in chụp nhiều tài liệu của chính phủ Nhật và thu được bộn tiền. Nhất cử lưỡng tiện, vừa lấy được tin, vừa phát triển được tài chính. Điện đài của Mắc được dùng trong 6 năm không nghỉ, chuyển đi khoảng 250 bức điện. Năm 1939 gồm 23.139 tiếng được chuyển đi. Mức cao nhất đượcđạt vào năm 1940 với gần 30.000 tiếng. Ngoài các cộng sự viên nòng cốt, tiến sĩ Sót còn được khoảng 30 điệp viên "hàng ngoài" phụ lực, quy tụ đủ mọi thành phần xã hội, từ ông thợ may già 57 tuổi đến anh thư ký trẻ 21, tòng sự tại Viện Khảo cứu Hóa học, một cơ quan tình báo của chính quyền,từ ông y sĩ giỏi đắt khách đến những chuyên viên hối đoái với vẻ mặt luôn luôn trịnh trọng. Sót hoạt động rất khôn ngoan, các cộng sự viên phải tuân theo một số kỷ luật nghiêm mật: không được công khai lui tới nhà nhau nhiều lần, người nào làm việc người nấy, mỗi người có những mật báo viên bản xứ riêng biệt, công việc trước du hí sau, và đặc biệt không ai được tiếp xúc với đảng viên đảng Cộng sản Nhật. Núp sau chiêu bài đảng viên Quốc Xã có thế lực ở chính quốc, Sót trở thành khách quý tại đại sứ quán Đửc. Ông ra vào văn phòng ông đại sứ như đi chợ 4, và kết thâm tình với tùy viên quân sự. Mỗi sáng, Sót ăn điểm tâm với ông tùy viên ; trao đổi tin tức. Theo lệnh Sót, ký giả Ozaki liên lạc hàng ngày với thủ tướng hoàng thân Kônoi. Mối lo canh cánh của Liên sô là Nhật có thể đột kích Tây bá lợi á. Năm 1933, Sit-ta-Lin bắt đầu được ăn no ngủ kỹ vì hệ thống do thám Sót đã nắm được tài liệu xác đáng cho thấy Nhật không đánh Nga mà là đánh Tàu. Sau đó, Sót đạt một thắng lợi phi thường : gửi về Mạc tư khoa những chi tiết về minh ước Đức Nhật chống Quốc tế Cộng sản trước khi minh ước này được hai nước ký kết. Nhờ Sót, Liên sô đã biết trước Đức quốc xã sửa soạn xâm chiếm Đan mạch, Na uy, Hòa lan, Bỉ và Pháp. Nhưng họ đã ngậm miệng ăn tiền, không báo cho các nước này biết. Các tin tức của Sót quá đúng, quá nhanh, nên nhiều khi làm cho Sít-ta-Lin hoài nghi. Bằng chứng là bức điện của Sót về việc Hít-le đang ráo riết chuẩn bị tấn công Liên sô. Họ Sít không tin. Anh-Mỹ đã từng nhiều lần thầm thì "ông ơi, ông nên đề phòng Hít-le, hắn sắp làm thịt ông đó", và họ Sít cho đó là mánh lới ly gián, tuyên truyền của bè lũ đế quốc. Họ Sít đã ký hiệp ước bất tương xâm với Hít-le, lẽ nào Đức trở mặt xâm lăng Liên sô ? Sít-ta-Lin ngây thơ đến nỗi mấy giờ đồng hồ trước khi chiến xa của Hít-le ào ào vượt biên, một đoàn tàu chở đầy cao su mua ở Mã-lai còn được chở qua Đức. Té ra Hít-le trở mặt thật! Té ra Sót nói đúng ! Nhà độc tài Sít thấy hố thì đã muộn, hơn nửa triệu (xin nhắc lại, hơn nửa triệu) binh sĩ Nga đã tử trận oan uồng. Muộn còn hơn không, từ đó đâm ra tin cậy Sót kinh khủng. Và tiến sĩ Sót đã không phụ lòng trông cậy của nhà độc tài thép. Tháng 10-1941, đất Nga đang bị quân Đức cày nát, mấy triệu người chết sau mấy tháng binh lửa phũ phàng, nếu không được tăng viện kịp thời thì quê hương của cộng sản quốc tế sẽ rơi vào tay quốc xã. Nhưng lấy ở đâu mà tăng viện ? Chỉ còn cách đưa những sư đoàn tinh nhuệ võ trang đầy đủ bị mắc kẹt ở phía đông, vì sợ Nhật bản mở mặt trận mới, đỡ đòn cho Đức. Tiến sĩ Sót đã tiêm cho Sít một nhát thuốc hồi sinh. Bức điện của ông gửi về Trung Tâm đã trình báo minh bạch là Nhật tiếp lục tôn trọng biên giới Sô viết, và chỉ thọc quân xuống miền nam, qua Phi luật Tân, Nam dương, trên biển Thái bình để chống Mỹ. Sót còn nói rõ là Nhật sẽ khai pháo đánh Mỹ trong tháng 12-1941, chậm lắm là đến tháng 1-1942. Bức điện này là bức điện cuối cùng của hệ thống Sót. Trên thực tế, Nhật đã bất thần đánh Mỹ tại Trân châu cảng, ngày 7-12 năm ấy. Cho dẫu bức điện ấy chưa phải là bức điện cuối cùng thì Sít-ta-Lin cũng không cần gì thêm nữa. Vì thời cuộc sắp đảo lộn hoàn toàn vì bức điện ngàn năm một thuở ấy. Liên sô cấp thời kéo các sư đoàn từ Tây bá Lợi á qua phía tây, giải vây Mạc-tư-khoa. Quân đội Đức đang hí hửng sửa soạn ăn gỏi thủ đô Sô viết, không dè những làn sóng người và võ khí không biết từ đâu tới đột ngột được tung ra ào ạt. Hit-le sửng sốt, kêu viên tham mưu trưởng đếnhỏi xuất xứ của viện binh. Viên tướng này cứng họng không thể nào đáp lại được. Hit-le đâu dè sự thay đổi hướng lịch sử ấy chỉ do một cá nhân lẻ loi tạo ra. Siêu điệp viên Sót. IV. Ngày 18-10-1941 Sót bị bắt. Phàm điệp viên bị bắt là do hoạt động hớ hênh. Sót là điệp viên phi thường. Nhưng sự phi thường ấykhông có nghĩa là không hớ hênh. Có lẽ những hớ hênh này do tự kiêu mà ra. Sót thành công liên tục, thành công rạng rỡ nên nhìn ai cũng bằng nửa con mắt. Chuyên viên điện đài Mắc sợ ông như sợ cọp. Đó là bề ngoài. Bên trong Mắc ngầm ghét Sót, ở Thượng hải, Mắc dính với một cô gái tên là An-na. Nàng không yêu chủ nghĩa cộng sản, nàng yêu Mắc. Sót tống khứ cặp trai gái về Mạc tư-khoa. Mắc bị thất sủng, chẳng hiểu sao sau đó lại được phục hồi, và được quay về Thượng hải, với An-na kè kè một bên. Mắc rất trung thành, y là người Sót chờ đêm đó tại bệnh viện để trao bức thư giấu trong phong thư trước khi bị mê man. Kể ra Sót khắc nghiệt cũng đúng:Mắc là con người ẩu tả. Dường như Mắc đi đến đâu, thần số đen theo đến đấy. Có lần mang những bộ phận điện đài hư cũ ra ngoại ô toan quăng xuống, Mắc bị cảnh sát rượt theo, đòi khám. Suýt nữa thì chết. Một lần khác, di chuyển điện đài tới địa chỉ mới, chẳng may một cảnh sát viên trèo vào ngồi lên thùng điện đài, Mắc phải hối lộ mới thoát hiểm. Đôi khi, Sót đã khắc nghiệt một cách lầm lẫn tai hại. Y đưa quá nhiều mật điện cho Mắc chuyển đi, có những tin tức mới tiếp nhận được đã chuyển đi không phối kiểm để rồi phải gửi tiếp những bản đính chính, bổ khuyết. Mắc cằn nhằn "đánh hoài hoài như thế này chắc lộ". Nhưng Sót không nghe. Sót không phải là chuyên viên diện đài nên không thể biết rằng mỗi chuyên viên có một lối đánh mã-tự riêng biệt. Ngay từ khi Mắc đánh những bức điện đầu tiên, ban kiểm thính của Sở Phản gián Tốc-kô-ka (Tokkoka) do đại tá Osaki 5 chỉ huy đã ghi được vào băng nhựa. Phản gián không hiểu được nội dung vì họ còn bết bát về khoản này, họ lại không tóm được chìa-khóa của mật mã. Họ cũng không biết được vị trí điện đài, vì nó luôn luôn di chuyển, hơn thế nữa dụng cụ tầm-đài họ còn bết bát như kỹ thuật khám phá mật mã. Họ bèn cấp tốc trang bị dụng cụ tầm-đài tân tiến do Đức chế tạo và bám sát điện đài của Sót như bóng với hình. Dầu sao Phản gián cũng đã phăng ra một điều quan trọng : những bức điện đã được chuyến đi đều do một người đánh. Nhưng phăng ra danh tính, sào huyệt, với đầy đủ bằng chứng đâu phải là chuyện dễ ? Thời Tam quốc, khi bị hộc máu chết vì quân sư Gia cát Lượng của Lưu Bị chơi khăm đô đốc Châu Du đã thốt lên câu nói lịch sử "Trời đã sinh ra Du sao lại còn sinh Lượng ?". Sau này, nằm trong khám tử hình, chắc hẳn siêu điệp viên Sót, rành truyện Tam quốc, cũng đã than thở "Trời đã sinh Sót sao lại còn sinh đại tá Osaki "... Vì nếu người đối đầu với siêu điệp viên không phải là siêu chỉ huy Phản gián Osaki thì sức mấy mà hệ thống Sót bị tan rã hoàn toàn... Công việc của đại tá Osaki dễ mà khó. Dễ, vì ở Đông kinh không có nhiều ngoại kiều, và thông lệ ngoại kiều nào nhập cảnh cũng bị điều tra và lập thành hồ sơ. Nhưng lại khó, vì dân ở Đông kinh đông nhung nhúc như giòi, nhân viên điều tra, theo dõi lại ít. Bù lại, đại tá Osaki có tính kiên nhẫn và nhiều mưu lược. Ông tuần tự mở lại hồ sơ từng ngoại kiều, nghiên cứu, phân tích từng li từng tí và không quên lưu tâm đến những quán rượu, những chốn ăn chơi sang trọng. Rủi mà hên cho Osaki, những bí mật tối cao của quốc gia bị lọt ra ngoài, nền an ninh Nhật bị đe dọa thật đấy, nhưng cũng nhờ sự thẩm lậu này mà nhiệm vụ mò kim đáy biển của Phản gián được giản dị hóa rất nhiều. Một tàu lớn của Đức vượt qua hàng rào mìn đồng minh cặp bến ở Nhật, chở theo nhiều dụng cụ điện tử quan trọng. Trên đường về, tàu chất đầy cao su. Chỉ riêng một chuyến tàu với 6 ngàn tấn cao su chưa chế biến này đã đủ cung ứng nguyên liệu cần thiết cho kỹ nghệ Đức để sản xuất lốp vỏ xe dùng trong 3 tháng. Ngày giờ tàu rời bến, đường đi ngoằn ngoèo của nó trên biển rộng, và nơi nó sẽ gặp một tàu dầu của Nhật để lấy thêm nhiên liệu, tất cả đều được giữ bí mật tuyệt đối6, chỉ riêng một số nhân vật cao cấp hạn chế thuộc hai bộ tổng tư lệnh Đức, Nhật là biết. Hai con tàu vừa gặp nhau ở chỗ hẹn thì bị đánh đắm. Trước đó, ban kiểm thính bắt được một bức điện rất ngắn từ điện đài bí mật phát ra. Osaki suy luận bức điện này đã loan báo nơi gặp của hai con tàu để phe đồng minh hành động. Bộ tổng tư lệnh Nhật không phải là nơi dễ bị nghe trộm, lấy trộm tài liệu, Osaki đã kiểm soát kỹ càng. Cho nên ông bắt đầu nghi ngờ nhân viên sứ quán Đức. Cuộc điều tra cho thấy có một số nhân viên cao cấp ở đại sứ biết tin này. Thoạt đầu Osaki nghi ngờ viên phụ tá thân cận của đại sứ Đức, tiến sĩ Ravenbua (Ravensburg)... Nhưng... Một bí mật quốc gia trọng đại khác lại bị thẩm lậu. Hoàng thân thủ tướng Kônoi vừa bàn luận về việc chuyển quân đến gần biên giới Tây bá lợi á, chỉ mới bàn luận với một số ít bộ trưởng trong Nội các chứ chưa hạ lệnh cho bộ tư lệnh ngoài mặt trận thì Liên Sô đã biết, đại sứ Liên Sô tại Đông kinh đùng đùng tới gặp chính phủ để trao kháng thư. Cũng có một bức điện bí mật được đánh đi trước đó. Như vậy có nghĩa là tên phản bội phải là kẻ được giới lãnh đạo cao cấp tin dùng ? Tên phản bội này là ai ? Trong một cuộc bệ kiến ngắn với Nhật hoàng, thủ tướng Kônoi đã cúi đầu làm thinh, không thể trả lời được khi ngài đặt câu hỏi : "Tên phản bội là ai ?". Thủ tướng Kônoi đặt lại câu này trong phiên họp thu hẹp với đại sứ Đức và đạị tá Phản gián Osaki. Tuy chưa biết "tên phản bội là ai", đại tá Osaki đã có thể nhìn thấy 3 tia sáng : - Tên phản bội có liên hệ với sứ quán Đức. - Tên phản bội có liên hệ với một vài yếu nhân lãnh dạo Nội các. - Tên phản bội có liên hệ với Liên Sô cộng sản. Đại tả Osaki bèn áp dụng chiến thuật xưa trái đất: mỹ nhân kế. Kiêu-mi (Kyomi), con gái duy nhất của nam tước Nomura, được Osaki tuyển chọn với sự chấp thuận của cha mẹ nàng, để dò xét tiến sĩ Ravenbua. Kiêu-mi từng sống ở tây phương, có học thức, con nhà quyền quý, lại có sắc đẹp tuyệt vời.. Nàng hát hay, đàn giỏi và đang học vũ điệu cổ truyền. Ông đại sứ Đức nghi ngờ Ravenbua. Nhiều bằng chứng cho thấy Ravenbua có thể là "tên phản bội". Riêng Osaki nghĩ khác. Osaki hướng cuộc điều tra về phía tiến sĩ Sót mặc dầu Sót được ông đại sứ Đức tin cậy và che chở tuyệt đối. Tuy vậy nghi ngờ là một chuyện, còn nắm bằng chứng để bắt giữ Sót lại là một chuyện khác. Thì lãnh tụ Nhật cộng Ritsu bị sa lưới Phản gián. V. Ritsu không có liên hệ với hệ thống do thám của tiến sĩ Sót. Sở dĩ Ritsu bị bắt là vì nước Nhật vốn không ưa Cộng sản. Tháng 6-1941, Ritsu lại đưa ra những lời tuyên bố bợ đỡ quan thầy một cách quá đáng nên bị công an thộp cổ. Một lý do khác khiến y phải ngồi nhà đá: đại tá Osaki suy luận rằng tên phản bội ít nhiều có liên hệ với Liên Sô, nên thượng sách là nhốt lãnh tụ cộng sản Ritsu lại rồi dùng kỹ thuật thẩm vấn để moi móc bí mật hòng tìm ra đầu mối tổ chức gián điệp Sô-viết. Kỹ thuật thẩm vấn của Nhật từng khét tiếng trên thế giới. Công an quốc xã Đức tra tấn không gớm tay, song so với Nhật thì còn thua một vực một trời. Ritsu khá gan góc, nhưng tượng đá công an Phù tang thẩm vấn cũng biết mở miệng nói huống hồ con người bằng xương bằng thịt đầy đủ hỉ nộ ai lạc. Do đó lãnh tụ Nhật cộng đã mở miệng... Sẵn căm hờn, Ritsu khai phăng cho Kita, nữ đảng viên cộng sản Mỹ, người đồng chí trung thành kiêm bạn lòng của họa sĩ Myagi. Nguyên ủy của sự căm hờn này như sau: trong những ngày đầu tiên của hệ thống Sót, Mạc-tư-Khoa huy động mọi tiềm lực để giúp Sót kết nạp điệp viên, và mở rộng hoạt động, cho nên Ritsu được yêu cầu tiếp xúc với Kita. Khốn nỗi khi ấy Kita đã cặp kè với Myagi, và được tổ chức vào hệ thống lấy tin của Sót. Myagi nằm trong đường dây của ký giả Ozaki, và Myagi ra chỉ thị minh bạch cho Kita chấm dứt mọi liên lạc với cộng sản đảng địa phương, và từ chối hợp tác với họ trong bất cứ trường hợp nào. Tuân hành đúng chỉ thị, Kita thẳng tay bác bỏ đề nghị của Ritsu. Cho đến nay, người ta vẫn không hiểu tại sao Trung tâm G.R.U. lại có thể hớ hênh đến như vậy. Tại sao hạ lệnh cho Ritsu tiếp xúc với Kita mà lại quên hạ lệnh cho Kita chấp nhận đề nghị của Ritsu ? Dầu sao chăng nữa thì ván cũng đã đóng thuyền, trong thâm tâm Ritsu nghĩ rằng "con mẹ Kita không thèm hợp tác với mình thì mình khai ra nó cho bõ ghét ". Và Kita bị bắt. Đại tá Osaki tiến từng bước một, tuy chậm mà chắc. Ông chỉ khai thác Kita, chứ chưa làm gì hết. Khai thác Kita dễ ợt, chưa tra tấn nàng đã khai tùm lum, và dĩ nhiên là trong số những ngưòi bị nàng nhắc đến tên phải có họa sĩ Miyagi. Osaki vẫn tiếp tục cuộc phản công thận trọng, vì ông muốn quy tụ được thật nhiều bằng chứng trước khi xuống tay. Nếu quăng ngay mẻ lưới e chỉ bắt được tôm tép còn những con cá lớn sẽ chạy thoát. Vả lại, phương châm bất di dịch của nghề phản gián không hẳn chỉ là bắt điệp viên địch, mà là phá vỡ toàn diện cơ sở của địch. Mùa hè trôi qua, Đông kinh đã bắt đầu mùa thu. Đầu tháng 10, nhân viên Phản gián gõ cửa nhà Miyagi. Khi ấy Miyagi đang bị bệnh đau phổi nặng. Biết bại lộ, y vớ con dao đâm vào người để tự tử. Nhân viên của Osaki đã nhanh tay cứu sống. Khỏe như Ritsu còn phải mở miệng huống hồ họa sĩ Miyagi chỉ là bộ xương sắp bị vi trùng Kốc đục ruỗng. Cho nên Phản gián nắm thêm được nhiều tin tức quan trọng. Đọc lời khai của Miyagi đại tá Osaki suýt ngã ngửa. Điều không ai ngờ đã xảy ra. Thượng cấp trực tiếp của Miyagi là Hozumi Ozaki, người được Thủ tướng và Chính phủ Nhật tin cậy, hoàn toàn tin cậy. Đến lượt ký giả Ozaki bị bắt. Từ Ozaki đến Sót, con đường không còn xa lắm nữa. Bị động ổ, biết bị nghi ngờ, Sót bèn khôn ngoan đánh lạc hướng phản gián bằng cách bố trí cho tiến sĩ Ravenbua bị chộp quả tang với một cuộn phim tài liệu quốc phòng. Đại sứ Đức giam lỏng Ravenbua, và về chính quốc xin chỉ thị. Bá linh ra lệnh đưa Ravenbua về nước, để ra trước Tòa án binh về tội phản quốc. Ravenbua sửa soạn xuống tàu. Các đại dương đều bị đồng minh phong tỏa, Ravenbua có nhiều cơ hội bị chết dọc đường. Hoặc nếu thoát bom đạn đồng minh thì cũng bị chết do 12viên đạn của tiểu đội hành quyết. Ravenbua bị oan...nhưng làm sao giải oan được cho y ? Và mỹ nhân kế được thi hành... Kiêu-mi, cô gái quý tộc được Osaki tiến cử làm bạn với Ravenbua với mục đích dò xét, bủn rủn tay chân khi nghe tin Ravenbua bị áp giải về Bá linh chịu tội. Nàng xúc động mãnh liệt vì trong thời gian gần gũi Ravenbua nàng thấy chàng có nhiều tính tốt, và đem lòng yêu nàng. Nhiều lần chàng ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ, ông đại sứ Đức phản đối, chàng bèn xin từ chức. Kiêu-mi cảm thấy có phần nào trách nhiệm trong vụ Ravenbua. Nàng bèn tất tưởi đến gặp đại tá giám đốc Phản gián Osaki. Osaki là bạn đồng ngũ của cha nàng. Mắt đỏ hoe, nàng hỏi : - Bác có tin là Ravenbua phản bội không ? Đại tá Osaki lắc đầu : - Không. - Tại sao trong tủ sắt của Ravenbua lại có cuộn phim chụp tài liệu mật của chính phủ ? - Người khác ở trong sứ quán lén mở tủ bỏ vào để ru ngủ sở Phản gián. - Bác đã biết rõ người ấy là ai ? - Rồi. Biết từ lâu. - Tiến sĩ Sót ? - Phải, Tiến sĩ Sót ! - Tại sao bác không bắt giữ Sót và giải oan cho Ravenbua ? - Hừ... Ravenbua bị oan là đáng đời. Tôi đã gặp y, yêu cầu y cho tôi biết rõ thêm về Sót nhưng y từ chối, y nói là y không thể làm hại một người bạn tốt. Làm việc công, việc nước, mà ôm chặt tình cảm cá nhân vụn vặt như Ravenbua thì chết là đúng... - Bác Osaki ơi, xin bác giúp cháu, bác bắt giữ Sót... - Bắt giữ một nhân vật như Sót đâu phải dễ. Cô đừng quên Sót là cộng sự viên thân cận sáng giá nhất và cũng là bạn tri kỷ của ông đại sứ Đức, muốn tóm cổ y tôi phải xuất trình bằng chứng. - Bác chưa có bằng chứng ? - Chưa ! - Bây giờ bác tính sao, hả bác ? - Phải làm cách nào để Sót bị bắt quả tang với tài liệu. Có như vậy thì Ravenbua mới được minh oan. Sót và đồng bọn mới có thể bị xử tử. Nghĩa là phải lừa Sót... Phải lôi Sót vào tròng.... - Thưa bác, bác dạy gì cháu chưa hiểu.... - Cô chưa hiểu là phải, vì cô còn ít tuổi. Tiến sĩ Sót là một điệp viên có nhiều tuổi đời cũng như tuổi nghề. Phàm làm nghề này thường mắc 3 nhược điểm, hầu như là cố tật, đó là rượu chè, tiền bạc và.. đàn bà. Muốn lôi điệp viên địch vào tròng, người ta luôn luôn nghĩ đến ba nhược điểm này. Tôi đã nghiên cứu Sót rất kỹ : y uống rượu rất nhiều, hễ ngồi xuống bàn là có chai rượu mạnh một bên, song khả năng chịu đựng của y cao hơn mức trung bình rất nhiều, trong nhiều bữa uống đông đảo, thiên hạ say bí tỉ, chân nam đá chân xiêu hoặc nằm quay lơ thì Sót vẫn tỉnh bơ. Nói vậy không có nghĩa là y không bao giờ say, chẳng qua vì y có tài biết trước chừng bao nhiêu ly y sẽ chếnh choáng, mà hễ đã chếnh choáng là y ngừng uống, chứ đừng nói là chờ đến lúc say tít cung Trăng mới chịu tốp lại... Đó là vấn đề rượu. Còn về tiền... Cô có để ý tới cách phục sức của Sót không ?. Lúc nào y cũng ăn mặc cẩu thả, bất cần thiên hạ. Y cũng chẳng thèm thuê nhà sang, đồ đạc sang, sắm xe cộ sang, y chỉ sống bình thường như mọi người, có cũng được mà không có cũng được. Về khoản đàn bà. Sót còn ghê gớm hơn nữa. Nói cô bỏ lỗi, y vốn khinh miệt đàn bà, y cho rằng đàn bà là giống thấp hèn, là đồ chơi hàng ngày.... - Thưa bác, đàn bà không phải là giống thấp hèn hoặc là đồ chơi hàng ngày của..... - Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý với cô. Quan niệm vừa nói chỉ là quan niệm của Sót. - Và là quan niệm sai lầm... - Trên lý thuyết, nó sai lầm, nhưng trên thực tế, nó lại đúng. Chắc cô chưa biết nhiều về tiến sĩ Sót. Y không đẹp trai lắm, song tạo hóa đã cho y một sức lôi cuốn lạ lùng, bất cứ đàn bà con gái nào gặp y cũng đều bị y mê hoặc. Phụ nữ đã dính vào y là chết cứng, không dứt ra được nữa, trong khi ấy y vẫn tỉnh táo như không, y xài một vài lần rồi vứt bỏ không thương tiếc. Có thể nói Sót là con người không có tình cảm. Một gã khổng lồ không tim..... - Thưa bác, cháu không tin Sót là con người bách chiến bách thắng. Khổng lồ đến như Samson... - Là vì có Dalila. Kiêu-mi chỉ nói mấy tiếng rồi ngưng bặt. Nàng chợt hiểu. Đại tá Phản gián Osaki cũng vậy. Ông nhắc đến giai nhân Dalila trong Thánh kinh công giáo rồi ngưng bặt, đầu cúi xuống đống hồ sơ dày cộm trên bàn. Bên ngoài trời đã khuya. Tuy hai người, một già một trẻ không nhìn nhau, không nói với nhau một lời, song cả hai đều nghĩ đến câu chuyện thần thoại Samson và Dalila trong đêm khuya tiền sử. Samson, phán quan xứ Do thái, có sức khỏe chẻ núi băng sông, lần nào quân Phi-lít-tin (Philistins) kéo đến toan tấn công Do thái cũng bị Samson đánh thua không còn manh giáp. Đối phương bèn dùng mỹ nhân kế, và anh hùng Samson đâm ra mê thuyền quyên Dalila. Nhiệm vụ của nàng là khám phá ra bí quyết sức khỏe địch muôn người của Samson. Khỏi cần điều tra xa xôi, nàng làm cho anh hùng chết mê chết mệt rồi hỏi thẳng chàng : - Anh ơi, tại sao anh lại khỏe như vậy ? Muốn đánh anh thua thì phải làm thế nào ? Tráng sĩ đang còn tỉnh nên lựa lời dối trá. Samson nói là muốn trói chàng phải lấy 7 sợi dây cung còn tươi, chưa khô. Dalila lừa chàng ngủ để trói lại. chàng chỉ cựa nhẹ là 7 sợi dây kiên cố bứt tung. Dalila không nản lòng. Nàng tiếp tục tạo cho anh hùng khổng lồ những rung cảm chưa từng có. Một ngày kia, trong cơn say tình chếnh choáng, chàng quên cả giữ gìn, chàng thú nhận với giai nhân rằng bí quyết sức khỏe siêu phàm của chàng nằm giấu trong mái tóc, Nàng bèn liên lạc với quân Phi-lít-tin, anh hùng Samson đang nồng nàn giấc điệp bên cạnh người yêu thơm tho thì bị cạo trọc đầu. Hết tóc, Samson trở nên yếu như sên, kẻ địch xông lại, bắt giữ. Tội nghiệp Samson dại gái... chàng bị kẻ địch móc mù mắt, tống vào nhà giam. Đạị tá Osaki đứng dậy : - Khuya rồi, cô về đi. Kiêu-mi vẫn ngồi, nét mặt nàng đanh lại : - Thưa bác. cháu chưa muốn về, cháu cần ở lại bàn với bác và xin chỉ thị của bác. - Về việc gì ? - Cháu tình nguyện làm Dalila. Đại tá Osaki và giai nhân quý tộc Kiêu-mi đã bắt tay ngay vào việc. Tiến sĩ Sót mắc cái bệnh thay cũ đổi mới hầu như mỗi đêm, bản chất kiêu căng lại chỉ ưa cái gì khó khăn và hiếm có nên không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước miếng mồi xác thịt độc nhất vô nhị là Kiêu-mi. Chưa bao giờ Sót một cô gái hội đủ điều kiện như nàng. Dĩ nhiên có người đẹp hơn. Nhưng không được tươi trẻ bằng. Không được học thức bằng. Và không quý phái bằng. Chiếm được Kiêu-mi, con gái của một nam tước tên tuổi trong hoàng gia, Sót sẽ có thể giã từ đất Nhật một cách hiên ngang. Sau bao nhiêu thành công nghề nghiệp, y tự nhủ sẽ đạt một thành công tình ái lớn lao. Siêu điệp viên Sót không ngờ rằng cái đêm đầu tiên ông được quàng vai bá cổ Kiêu-mi, được thưởng thức thân thể êm mát của nàng cũng là đêm cuối cùng của cuộc sống tự do trên cõi thế. Đêm ấy, Sót nhận được một tin quan trọng. Tin Nhật sửa soạn đánh úp Trân châu cảng. Ông cũng đã sửa soạn chu đáo. Ông ra lệnh cho Mắc chuyển bức mật điện. Ông dự tính hú hí với giai nhân một lát rồi vù trốn khỏi Đông kinh. Nhưng Dalila đã nắm được nhược điểm của Samson.... VI. Gần nửa đêm, Sót dìu người đẹp ra khỏi hộp đêm Phú Sĩ. Đông kinh dưới thời đại chiến thứ hai chỉ là móng tay so với Đông kinh tân tiến, cuồng loạn, hỗn tạp, si mê ngày nay, tuy vậy hộp đêm Phú Sĩ hồi đó cũng đã là một trung tâm hò hẹn sang trọng của giới thanh lịch quốc tế. Kiêu-mi với những điệu vũ cổ truyền gợi cảm, là cái đinh của hộp đêm, cho nên sự cặp kè của nàng đã làm ông nở mũi hãnh diện. Như để nhấn mạnh thêm tài ba chinh phục phái yếu của mình, Sót mặc bộ com Iê nhàu nát nhất và thắt cái cà-vạt cẩu thả nhất trong thiên hạ đều diện dạ phục. Ông lại mời giai nhân trên chiếc xe hơi méo mó, sọc sạch, đậu cạnh giẫy xe hơi bóng loáng. Mặt Sót vui vẻ lạ thường. Kiêu-mi đã đoán được lý do. Ông vui vẻ vì sắp "bẻ khóa động đào", điều nấy dĩ nhiên, nhưng lý do thầm kín và quan trọng hơn nhiều là ông vừa nhận được một mảnh giấy nhỏ. Nàng thoáng thấy một người trao tận tay ông, vì trong hộp đêm quá đông người, sáng lại lờ mờ nên ông chưa đọc. Trước khi ra xe với Sót, nàng đã nghe giọng nói chắc nịch của đại tá Osaki trong điện thoại : - Tôi lặp lại : cô phải lấy kỳ được mẩu giấy mà Sót vừa nhận được. Phải đoạt được mẩu này mới giải oan nổi cho Ravenbua và lôi Sót ra tòa án... Gió mát tạt vào xe, Sót lái thật nhanh. Ông hứa đưa nàng đến một thắng cảnh quen thuộc bên trong thành phổ, nhưng, ơ kìa... ông lại thay đổi lộ trình. Có lẽ ông đánh hơi thấy bị lộ. Ruột gan Kiêu-mi nóng ran. Ông ôm nàng hôn, nàng chỉ kháng cự yếu ớt, nên Sót lại tưởng nàng thành thật yêu mình, Sót đề nghị "chúng mình đi chơi với nhau cả đêm nay nhé !" nàng bận suy nghĩ, không đáp, ông lại tưởng nàng đồng ý, và phóng ra ngoại ô. Đến một khoảng tối, Sót đậu xe, rút mẩu giấy ra. Ông ló đầu ra cửa xe, lợi dụng ánh đèn đường từ xa hắt lại để đọc. Đoạn ông lục túi lấy quẹt máy. Ông bật hai lần, lửa không cháy. Quẹt máy đã hết đá. Thật may cho Kiêu-mi. Nếu có lửa, Sót đã đốt mẩu giấy định mạng ra than, ông nhún vai, xé mẩu giấy thành nhiều miếng vụn, vứt bay lả tả theo giỏ, rồi quay sang Kiêu-mi hôn nàng : - Đi nhé ! - Em sợ lắm. - Sợ gì ? À, anh hiểu rồi, em sợ ông già. - Vâng, chẳng gì ba em cũng là sĩ quan cao cấp, lại là vị nam tước có tiếng tăm, nếu em đi thẳng một mạch ba em báo tin cho cảnh sảt tìm kiếm thì nguy. - Có khó gì đâu. Em gọi điện thoại về nhà, nói là đến thăm một người bạn gái... - Vâng. Nhưng ở đây làm gì có điện thoại. - Ngay trước mặt em kia kìa... Em sợ ông già đến nỗi chẳng còn nhìn thấy được gì nữa. Sót quá tự tin, quá kiêu căng nên đã xét lầm Kiêu-mi. Nàng đã nhìn thấy trạm điện thoại công cộng trước ông. Song nàng chờ ông đề nghị trước. Sót mở cửa xe : - Em gọi cho ông già, còn anh đi mua thuốc và bao quẹt. Nhanh lên em. Nàng không quay số về nhà mà là cho đại tá Osaki đang ngồi chờ tại văn phòng. Khi nàng lên xe theo Sót ra ngoại ô thì đại tá Osaki cũng lên xe đến ngã tư Sibu và Nogi. Đoàn xe của Phản gián gồm nhiều chiếc trang bị dụng cụ vô tuyến và đèn pha sáng rực. Binh sĩ chặn bốn ngả đường lại, và dưới những cơn gió mạnh và cơnnmưa lất phất, họ rọi đèn tìm nhặt những vụn giấy tơi tả trên mặt đường và rớt vào các vườn kế cận. Sót đã thận trọng xé thật nhỏ, song Osaki đã huy động một số lớn chuyên viên và binh sĩ chỉ riêng làm một việc lượm các vụn giấy, lần lượt đem dán vào một tờ giấy lớn. Gần một giờ đồng hồ sau những giòng chữ viết tay hiện ra : "Không hải quân Nhật sẽ tấn công căn cứ Trân châu Cảng của Mỹ, 4 giờ sáng ngày 16 tháng 11 năm 1941")7 Thế là đủ. Đại tá Osaki ra lệnh cho đoàn xe Phản gián xả hết tốc lực phóng về Atami. Nhật là xứ có nhiều bãi biển đẹp. Atami có thể được coi là nơi có bãi biển đẹp nhất nước Nhật. Du khách thường gọi Atami là Riviera của Nhật8. Đặc điểm của Atami là có nhiều nước nóng. Suối nuớc nóng nóng nhất của Nhật là suối Oyu. Đến thăm Atami, du khách thường được nghe kể chuyện con chó Tôby thân yêu của vị sứ thần Anh quốc bị xẩy chân ngã xuống suối chết và được dân chúng địa phương làm ma chay đàng hoàng, có sư tụng kinh, có cúng cơm, và sau đó còn lập bia kỷ niệm nữa. Sót thuê một ngôi nhà mát trên vịnh Atami. Mặc dù Sót áp dụng phương pháp lẩn trốn tài tình, nhân viên Phản gián vẫn bám sát, và khi Sót vui thú với giai nhân trong căn nhà gỗ nên thơ thì bên ngoài những bóng đen giàn thành vòng tròn chia nhau mai phục, luôn luôn liên lạc bằng vô tuyến điện thoại với đại tá Osaki. Thoạt dầu, điệp viên Sót chỉ định ở lại một lát rồi đi. Nhưng Kiêu-mi đã có đủ bản lãnh giữ chân ông. Bản lãnh này là tấm thân trần trụi tuyệt mỹ của nàng. Vì nhiệm vụ, vì tổ quốc, nàng đã hiến thân cho điệp viên Sót. Sót không lạ gì đàn bà, nhưng rất ít khi ông được chiếm trọn thể xác một người đàn bà tuyệt sắc như Kiêu-mi, và đây là lần đầu một cô gái tuyệt sắc, học thức, thuộc giòng giõi quý tộc ngã vào tay Sót. Cơn truy hoan thần tiên làm Sót ngủ thiếp. Trời rạng sáng Sót mới bàng hoàng bừng tỉnh. Chợt nhớ đến đêm qua, đến đại tá Osaki, ông vội vã mặc quần áo, rót rượu uống trước khi ra xe. Sót nâng ly huýt ky lên môi, chưa kịp nhắp, phải đặt xuống vì có tiếng đập cửa. Sót lặng người một phút, tay chân cứng lại. Nhưng ông lấy lại bình tĩnh và bước ra cửa. Khách đến thăm Sót là đại tá Phản gián Osaki. Osaki rút trong túi ra tờ giấy dán đầy mẩu xé vụn và nói, giọng dịu dàng : - Chào tiến sĩ Sót. Hẳn ông đã hiểu lý do tôi đến thăm ông sáng nay. Sót từ lừ nâng ly rượu, uống cạn một hơi rồi nói : - Vâng, tôi hiểu. Tôi xin uống ly rượu này để mừng sự thành công vẻ vang của đại tá. VII. Khám đường Sugamô ngày 7-11-1944. Đối với tử tội của xà lim số 133 thì ngày 7-11 này cũng giống như 1088 ngày đã trôi qua. Thường thường tử tội không phải chờ đợi quá lâu trong khám. Tuyên án sau một thời gian ngắn là thọ hình. Tử tội Sót chờ đợi những 3 năm giòng dã nên không còn tin là mình sẽ phải thọ hình nữa. Khám tử hình gồm khá đông "thân chủ". Nhưng không ai được đối xử hậu hĩnh bằng Sót. Giường ngủ có nệm êm lưng, áo quần luôn luôn sạch sẽ đẹp mắt, ăn uống lúc nào cũng đầy đủ, đôi khi còn thừa mứa nữa, tuy nước Nhật đang lâm chiến, toàn dân phải thắt lưng buộc bụng, Sót được quyền chọn sách báo để đọc, và hơn ai hết, Sót đoán được là chiến tranh sắp chấm dứt với thắng lợi về phe đồng minh, nghĩa là Nhật sẽ bại trận và Liên sô sẽ là một trong những nước thắng trận. Ông đã tận tình giúp Liên sô. Chắc chắn Liên sô và thống chế Sít-ta-Lin, và Trung Tâm, và đại tướng tư lệnh Urítsơki, sẽ tận tình cứu ông ra khỏi xà lim 133. Sáng hôm ấy, một điều lạ xảy ra. Người mở khóa xà-lim không phải là gã cai ngục có bộ mặt xác chết trôi mà là quản đốc khám đường Mátsumôtô lẳn mình nghiêm trang trong bộ nhung phục đại tá, ngực gắn đầy huy chương. Mátsumôtô khom lưng chào tử tội rồi hỏi : - Ông đúng là tiến sĩ Sót ? Sót hơi xanh mặt, đáp "phải" một tiếng. Đại tá quản đốc hỏi tiếp : - Có đúng, ông sinh tại Baku ngày 12 tháng 4 năm 1895 không ? Thủ tục hỏi căn cước này, Sót đã biết tường tận. Quản đốc khám đường từng hỏi như vậy trong các xà lim tử hình trước giờ áp giải tử tội ra phòng xử giảo. Bất giác Sót đưa tay lên rờ cổ : - Tiến sĩ Sót, tuân lệnh ngài bộ trưởng Tư Pháp, tôi xin thông báo với ông là giờ thọ hình của ông sắp tới. - Ngay bây giờ ? - Vâng, ngay bây giờ, trừ phi ông muốn một bức thư, bức thư cuối cùng, hoặc viết cái gì đó... "Cái gì đó" là điều Phản gián Nhật luôn luôn nhắc đến trong những ngày Sót bị giam. Họ muốn ông khai hết. Nhưng ông chỉ trả lời bằng sự nín lặng. Họ cũng không tra tấn ông như đã tra tấn những đồng lõa của ông và những người xa gần dính líu đến những tổ chức gián điệp cộng sản do ông cầm đầu. Có lẽ họ biết tra tấn là vô ích, ông thà chết chứ không chịu nói. Họ hy vọng một ngày nào đó, ông sẽ xin khai đế xin đổi mạng sống. Ông không khai vì ông hy vọng một ngày nào đó, Liên sô sẽ đưa ông ra khỏi nhà giam. Không ai biết được trong giây phút nghiêm trọng ấy, tiến sĩ tử tội Sót đang nghĩ những gì. Nghĩ đến việc cung khai để xin ân xá chăng ? Hay là nghĩ đến thói đời đen bạc ? Liên sô đã làm thinh. Không thèm đếm xỉa tới mạng sống của siêu điệp viên Ram-xê. Thậm chí đồng chí Mắc, chuyên viên điện đài, cũng trút hết trách nhiệm lên đầu Sót để được nhẹ án. Đúng là thói đời đen bạc... Những người chứng kiến cuộc treo cổ hôm ấy -mà thật ra cũng chẳng có ai — thuật lại là Sót tỏ ra hết sức can đảm. Sót từ chối khi quản đốc khám đường đề nghị mời linh mục vào cầu nguyện cho tử tội. Sót điềm tĩnh đứng cho ba người khoác áo choàng đen, đầu phủ vải đen kín mít, trói ông lại và tròng nút thòng lọng vào cổ, trước khi chụp luôn vuông vải đen xuống đầu và vai ông. Cái thạp dưới chân tử tội tụt xuống, để lộ hố vuông đen ngòm, tử tội lủng lẳng chơi vơi, xương cổ gẫy kêu răng rắc. Quản đốc khám đường nói là Sót đã đền tội. Nhưng... 1 Trung Tâm (le Centre, the Center) là tiếng lóng mà giới điệp báo quốc tế dùng để chỉ cơ quan gián điệp G.R.U. tức Phòng IV Hồng quân Liên sô. 2 Kitabayashi. Thiếu phụ này là người Nhật sinh trưởng ở Mỹ và lấy quốc tịch Mỹ. 3 Thật đáng tiếc, nếu hồi ấy Nhật không chống Tây phương thì đâu đến nỗi. Vì từ năm 1929, tình báo Mỹ đã có một hồ sơ về Sót, với những bằng chứng Sót là đảng viên đảng Cộng sản trung kiên. Hồ sơ của tình báo Anh (Intelligence Servicer) còn rõ hơn nhiều. 4 Đại sứ Đức là tiến sĩ Herbert von Dirksen, sau này được thay thế bởi đại tá tùy viên quân sự Eugen von Ott, là bạn thân của gián điệp Sót. 5 Xin đừng lộn vói Ozaki, nhân vật thứ hai trong hệ thống gián điệp của Sót. Osaki là một tên thông thường ở Nhật, cũng như Tí, Sửubên ta... 6 Đó là tàu Aachen (Đức) và Inari-Maru. 7 Sự thật là Trân châu cảng bị tấn công vào ngày 7-12-1941. 8 Riviera là bờ biển từ Nice, đông nam nước Pháp, trở xuống, được coi là nơi nghỉ mát thần tiên nhất. TRUYỆN THỨ TƯ KINH KONG - ANH HÙNG... PHẢN QUỐC Thắng lợi của đại tá Osaki trong vụ siêu điệp viên Sót là một thắng lợi lớn của ngành Phản gián điệp. Nhiều người đồng ý là nếu giám đốc Phản gián Đông kinh hồi ấy không phải là Osaki thì vị tất Sót bị sa lưới. Tuy nhiên, các chuyên viên phản gián lại nghĩ khác : họ cho rằng Sót để lại quá nhiều hớ hênh nên bị tóm cổ là đúng. Sót lộng hành trong 8 năm liền rồi mới bị lột mặt nạ, đại tá Osaki chưa thể được coi là giỏi. Dầu sao, Osaki còn có phương tiện và nhân sự dưới tay. Như đại tá người Hòa lan Oreste Pinto mới thật là giỏi. Ông có tài đánh hơi, chỉ nhìn qua một người, đưa đẩy vài ba câu chuyện tầm phào là xuyên thấu được tâm can của họ. Pinto điển hình cho loại chuyên viên phản gián thầm lặng, quanh năm ngồi trong phòng giấy, thẩm cung, nghiên cứu hồ sơ. Vụ Christian Lindermans, anh hùng kháng chiến chống Đức Hòa lan, hỗn danh là King Kong, được công chúnq ca tụng, bái phục, là một trong những vụ phản gián quan trọng nhất trong thế chiến thứ hai, và cũng là một trong những thành tích quan trọng nhất đưa đại tá Pinto lên hàng thủ lãnh phản gián quốc tế. Công cuộc điều tra của ônq đã lột mặt nạ nhiều điệp viên địch, 7 tên bị hành quyết. Trong những tuần cuối cùng của thế chiến, ông được giao phó một nhiệm đặc biệt tại SHAEF (Supreme Headquarters Allied Expeditionary Forces — Tổng hành Doanh Tối cao Lực lượng Viễn chinh Đồng minh). Trong khi quân Mỹ, Anh và Gia-nã-Đại tiến qua Bỉ và Hòa lan, ông có bổn phận thộp cổ bọn gián điệp và phá hoại do Đức quốc xã gài lại. Ông bèn lập các trung tâm tiếp cư được canh phòng cẩn mật để gạn lọc phần tử tay sai của địch. Do một sự ngẫu nhiên kỳ thú, ông khám phá ra King Kong. Hồi ấy, thống chế Mon-go-mê-ry (Montgomery), cho toán binh sĩ nhảy dù xuống Ac-nơ-hem (Arnhem), chặn hậu tuyến địch, với hy vọng tiến thật sâu vào đất Đức, hợp với mũi dùi thiết kỵ của đồng minh. Kế hoạch thả quân này, nếu thành công, sẽ có thể rút ngắn chiến cuộc 6 tháng, nghĩa là đại chiến thứ hai có thể kết thúc vào lễ Giáng sinh năm 1944. Nhưng kế hoạch táo bạo của đồng minh bị thất bại. Sau 10 ngày bị kẹp trong cái bẫy mỗi ngày một thắt hẹp, binh sĩ dù đã phải rút lui để lại trên chiến địa 7000 thương vong. Nguyên nhân thất bại không phải vì lính dù chiến đấu kém. Cũng không phải vì cuộc hành quân thiếu chuẩn bị, hoặc chuẩn bị thiếu sáng suốt. Tất cả đã được trù liệu. Song điều Đồng minh quên trù liệu - hoặc không bao giờ ngờ đến — là bộ tư lệnh địch đã biết trước nơi đổ quân. 7.000 thương vong trong tổng số 10.000 binh sĩ nhảy xuống Ac-nơ-hem. Điều Đồng minh không bao giờ ngờ đến là cái chết của 7.000 binh sĩ dũng cảm hoàn toàn do một cá nhân gây ra. Tên phản bội ghê tởm này là Kinh Kong. Khi ấy King Kong đang là anh hùng kháng chiến, danh tiếng nổi như cồn... I. Đối với tiêu chuẩn tây phương thì cao một mét chín chỉ đủ được gọi là khá cao, chưa phải cao quá khổ. Tuy nhiên kiếm được một người cao mét chín mà cân nặng 115 kí thì chẳng dễ chút nào. Bởi vậy gã đàn ông đang khệnh khạng gồng cánh tay khoe bắp thịt trước cổng trại tiếp cư ở ngoại ô An-ve (Anvers) một thị trấn Bỉ, đã thu hút được một đám đông đáng kể. Người lính gác cổng trại thuộc 1 binh chủng quân cảnh, nghĩa là binh chủng toàn thanh niên cao to, bỗng nhiên bị lút hẳn. Gã đàn ông lạ vượt hơn người lính một cái đầu. Về bề ngang, còn thua tai hại hơn nữa : vai gã đàn ông như trái núi thịt, hắn mặc bộ đồ kaki ngắn tay để lộ bắp thịt vai lớn hơn cả bắp đùi đại lực sĩ. Ngực hắn vĩ đại đến nỗi làn vải kaki như muốn rách bung. Đặc điểm của thân thể hắn là không thấy mỡ bèo nhèo, mặc dầu hắn cao to, chỗ nào trên người hắn cũng đều bằng thịt, và rắn chắc như bọc thép... Chỉ riêng khối thịt khổng lồ của hắn đã khiến thiên hạ kinh hồn táng đởm, huống hồ hắn còn đem thêm từ đầu xuống chân một công binh xưởng vũ khí nữa. Nơi thắt lưng da to bản tòng teng hai con dao rèn bằng thép đen, tiếng là dao nhỏ nhưng lớn không thua mã tấu. Khẩu súng lục Luger nòng dài lê thê, được gắn thêm bộ đồ nhắm xa cồng kềnh, nằm dọc trên mông phải. Khẩu tiểu liên Schmeisser vắt ngang bộ ngực rộng mênh mông. Loại tiểu liên này đâu đến nỗi nhỏ, thế mà ở trên ngực hắn đã trở thành cái súng bắn nước tí hon của trẻ em. Chưa hết, túi quần, túi áo của hắn đều căng phồng xoàng ra cũng chứa 5,7 trái lựu đạn. Gã khổng lồ ôm mỗi tay một cô gái, chung quanh hắn số người hiếu kỳ mỗi lúc một gia tăng. Chú lính gác cổng có vẻ lúng túng. Nhiệm vụ chú lính là cấm người lạ đột nhập vào trung tâm tiếp cư. Nhưng gã khổng lồ cứ khệnh khạng bước tới, giọng vang rền như sấm : - Nè hai chú kia, hai cô em này là công dân Hòa lan yêu nước chính hiệu, phiền chú nói với ông đại tá của chú rằng anh hùng Kinh Kong đứng ra bảo đảm. Đại tá phải trả tự do tức thời cho họ để họ uống rượu với tôi nghe chưa. "Ông đại tá" mà Kinh Kong vừa nhắc tên chính là đại tá Oreste Pinto. Pinto đi ngang, nghe tiếng ồn nên đứng lại. Ông nghe danh con người mang hỗn danh Kinh Kong từ lâu. King Kong là thủ lãnh can trường có một không hai trong hàng ngũ kháng chiến Hòa lan. Trên các vùng đất bị Đức quốc xã chiếm đóng ở châu Âu, ít ai không biết tiếng và không khâm phục King Kong, người có sức khỏe ghê gớm, không hề biết sợ trong bất cứ trường hợp nào, người từng đánh quân Đức những trận thất điên bát đảo. Tuy vậy, là ai nữa cũng phải tôn trọng kỷ luật. Dầu là anh hùng kháng chiến King Kong cũng không được nghênh ngang đột nhập trung tâm tiếp cư, bất chấp nguyên tắc an ninh, đòi thả hai trại viên trong khi cuộc điều tra chưa hoàn tất... Ông bèn lớn giọng kêu hắn : - Anh kia lại đây. King Kong quay lại, mắt hơi chớp, đoạn thả hai cô gái ra. Hắn lấy ngón tay trỏ — lớn bằng nắm tay người khác — chỉ vào bộ ngực bê tông cốt sắt của hắn : - Ông muốn nói chuyện với tôi ? Pinto đáp: - Phải, đích anh. Lại đây tôi bảo. Hắn lưỡng lự một giây rồi rầm rộ bước lại. Pinto không lấy gì làm cao nên trông như chú lùn đứng trước ông khổng lồ. Trước khi Kinh Kong cất tiếng, Pinto sờ ba ngôi sao vàng dính trên cánh tay áo hắn, giọng hơi gay gắt : - Anh lấy quyền nào để đeo cái này ? Anh là đại úy hả ? Đại úy thuộc quân đội nào ? King Kong thở phù phù : - Ba ngôi sao vàng hả ? Tôi được quyền đeo lon theo lệnh của Kháng chiến quân bí mật Hòa lan. - Té anh là của Kháng chiến. Nhưng tên là gì ? - Tên tôi hả ? Hắn tỏ vẻ vô cùng kinh ngạc. Hắn kinh ngạc là phải vì hắn lừng danh như vậy không lẽ một sĩ quan cấp tá quèn không biết. Hắn bèn quay một vòng về phía đám đông, nhún vai một cách miệt thị, để như muốn nói "hừ, ông là đồ quê mùa, đồ cù lần, đồ ngu dốt, đứng trước King Kong vĩ đại mà chẳng thấy gì cả". Rồi hắn nói oang oang : - Tên tôi hả, đại tá ? Ở đây, ai ai cũng biết tên tôi. Tôi đang ngụ tại tổng hành doanh của Kháng chiến quân Hòa lan. Hắn ngưng nói, ưỡn phồng bộ ngực tủ đứng với dụng ý khoe khoang : - Mọi người thường gọi tên tôi là King Kong. Hắn nghiến răng, nắm chặt bàn tay chẳng khác con khỉ King Kong trong xi-nê. Đại tá Pinto chạm tay vào báng khẩu súng lục Walthur đeo dưới nách trong tư thế chuẩn bị rút bắn. Sau này kể truyện lại, ông cho biết nếu King Kong chộp được ông, hắn chỉ vặn nhẹ là ông gẫy xương cổ, và tất ông phải lẩy cò ngay để tự vệ. Song hắn chỉ trố mắt nhìn ông mà không làm gì hết. Sự rụt rè của hắn làm Pinto vững tâm và lấn át thêm : - Anh không phải là đại úy trong quân đội Hòa lan nên không được quyền đeo cấp bậc đại úy. Nói đoạn, ông giật phăng miếng da đính ba ngôi sao đại úy óng ánh vàng. Miệng của King Kong trễ ra trong sự tức tối, da mặt hắn đỏ ửng. Khi ấy hắn có thể làm liều vì tự ái bị va chạm nặng nề. Nhưng không hiểu sao hắn lại bước lùi. Bước lùi, thay vì bước tới để tấn công. Khổng lồ King Kong đột nhiên có thái độ ngượng ngùng, gần như xấu hổ của cậu học trò trốn học đi chơi bị bắt quả tang. Hắn thè lưỡi liếm mép, rồi nói : - Tôi sẽ chính thức khiếu nại về sự cư xử của đại tá. Không chờ Pinto đáp, hắn rảo bước ra xa, bỏ lại hai cô gái và đám đông ái mộ ngây người trong cơn sửng sốt chưa từng thấy. II. Đó là buổi gặp gỡ ngẫu nhiên giữa đại tá phản gián Pinto và anh hùng kháng chiến King Kong. Theo lời Pinto nếu ông gặp King Kong ở một nơi nào khác thì ông đã không ngần ngại xiết chặt tay khen ngợi hắn. Vì nhờ sự hy sinh dũng cảm của hắn, nhiều người tị nạn và phi công đồng minh bị bắn hạ trên vùng trời Hòa lan do Đức chiếm đóng đã thoát hiểm. Hắn đã đích thân dẫn họ qua vùng địch bằng những lộ trình an toàn. Hắn đã chỉ huy những vụ phục kích đẫm máu, đánh đuổi mật vụ địch chạy như vịt. Nếu hắn tôn trọng kỷ luật, không xồng sộc vượt qua cổng trại, và không đòi thả hai cô gái, chắc Pinto đã mời hắn vào câu lạc bộ sĩ quan khui chai rượu ngon nhất mời hắn cụng ly. Pinto là chỉ huy trưởng an ninh trong trại tiếp cư, ông bắt buộc phải "cạo" King Kong để làm gương cho kẻ khác. Nhưng có lẽ lý do khiến ông nặng lời với King Kong là sự "đánh hơi" của giác quan thứ sáu. Ông hoạt động từ lâu trong ngành Phản gián, nên giác thứ sáu bén nhậy khác thường ; đứng trước gã khổng lồ đeo súng đạn đầy mình ông bỗng cảmthấy có một cái gì là lạ khó hiểu. Nhiều câu hỏi hiện ra trong óc ông : tại sao King Kong chấp nhận quá dễ dàng, gần như ngoan ngoãn trước sự đối xử quá cứng rắn, quá phũ phàng của ông ? Một anh hùng kháng chiến như hắn, dẫu rằng làm quấy đi nữa, cũng không thể chịu rút dù một cách yếu ớt đến thế. Trừ hắn là anh hùng kháng chiến giả mạo... Bán tín bán nghi, đại tá Pinto trở về văn phòng tình báo của tổng hành doanh SHAEF. Ông hỏi viên sĩ quan phụ tá về lý lịch của King Kong. Sĩ quan này đã lăn lộn nhiều trong trường đời, cũng như ngoài mặt trận, từng đeo lon trung sĩ trong đạo quân Lê dương Pháp và hoạt động gián điệp ở Bắc-Phi. Y có trí nhớ phi thường, y thường được coi là cuốn tự điển bách khoa sống về các phong trào kháng chiến bí mật tại châu Âu và lý lịch các điệp viên phục vụ cho đồng minh hay Đức quốc xã. Tự điển sống suy nghĩ một lát, vẻ mặt đăm chiêu, trán hơi ríu lại, đoạn tuôn một hơi : -Tên thật của đương sự là Lin-đơ-man (Lindermans). Sinh tại Rốt-tơ-đam (Rotterdam), con một ông chủ ga-ra. Nguyên là võ sĩ và đô vật. Say rượu ẩu đả trong các quán rượu và đã đánh chết nhiều người. Có cả chục bạn gái thân thiết. Y cười đắc thắng và hỏi : - Đại tá muốn biết gì thêm nữa không ? Pinto đáp : - Anh em ? - Thưa, hắn là anh cả trong gia đình 4 anh em, toàn thể đều tham gia kháng chiến, và đều hoạt động trong đường dây đưa người từ hậu địch ra vùng tự do. - Có ai bị chết không ? Viên sĩ quan phụ tá bóp trán một phút và nhún vai bước lại tủ đựng phiếu tài liệu, loay hoay lựa chọn, sau đó rút ra một tấm phiếu, đọc lướt qua : - Thưa, không người nào thiệt mạng. Có lần đứa em út bị Phòng Nhì Đức bắt giữ. À, cô bạn gái khá thân của King Kong, tên là Verônica, làm nghề ca vũ, cũng bị bắt giữ. Cả hai đều ở trong đường dây đưa người. Nhưng cả hai đều được thả. - Được thả ? Viên sĩ quan phụ tá gật đầu : - Vâng, theo hồ sơ thì cả hai đều được Phòng Nhì Đức trả tự do. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về vụ này. Phản gián Đức ít khi phóng thích như vậy. Pinto bắt đầu nhìn thấy tia sáng. Tia sáng này tuy nhỏ song có thể soi sáng những vùng tối trong đời King Kong. Ông hất hàm : - Còn gì nữa ? - Thưa còn, tôi xin đọc nốt. Mấy tuần sau khi em gái và cô bạn bị tóm, đến luợt hắn bị sa lưới. Hắn bị đạn bắn lủng ngực thì phải. Toán kháng chiến của hắn đột nhập vào bệnh viện nhà lao giải cứu hắn sau một trận đọ súng chớp nhoáng. - Nhiều người bị giết ? - Một lính canh thiệt mạng, hai người khác bị thương, còn King Kong thoát hiểm. Nhưng phe kháng chiến bị tổn thất nặng nề. Chỉ có 3 người sống sót. Còn 47 người khác bị giết. Họ ra khỏi nhà thương thì rơi vào ổ phục kích. - Nghĩa là quân Đức có thể đã biết trước vụ đánh tháo King Kong ? Viên sĩ quan phụ tá nhìn đại tá Pinto bằng cặp mắt mở rộng, có lẽ y đã thoáng đọc được tư tưởng trong đầu thượng cấp. Song y chỉ ngúc đầu nhè nhẹ mà chẳng nói gì hết. Pinto mượn tập hồ sơ để nghiên cứu thêm, và sáng hôm sau ông đi Bờruxen (Bruxelles), thủ đô Bỉ. Mục đích của ông là tìm gặp những người từng chiến đấu với King Kong. Như thường lệ, công tác phản gián đòi hỏi sự nhẫn nại, tỉ mỉ khoa học và nhất là một thời gian dài. Đại tá Pinto tiếp tục công việc mò kim đáy biển, và một ngày kia, ông được giới thiệu với một đồng chí của King Kong. Ông đến gặp y tại một quán cà-phê (Café Vedettes). Thoạt đầu, ông hơi thất vọng, vì khi ông hỏi : - Ông là một trong các chiến sĩ thoát chết trong vụ tấn công nhà thương phải không? Thì y đáp : - Không, mặc dầu tôi có nhiều bạn chết trong vụ ấy. Tôi vẫn tiếc là không được góp mặt. Nhưng một tháng sau đó tôi cũng hút chết. Y nhấc cái mũ bê-rê đen đầy dầu mỡ và bụi ghét đang đội ra, và chỉ cái thẹo của viên đạn cầy một rãnh dài trên da đầu. Pinto phê bình : - Chỉ nhích thêm chút nữa là... Y cười vui vẻ : - Vâng, chỉ vào sâu độ một phân là ô hô... tôi chẳng còn được hân hạnh ngồi đây trò chuyện với đại tá nữa. - Ông bị vết thương này trong một cuộc phục kích quân Đức với King Kong phải không ? - Khi ấy, bọn tôi đang cho nổ một cây cầu. Tôi vừa khom lưng, gắn ngòi nổ dưới dạ cầu thì...chóc..chóc...chóc, một, hai, ba viên đạn rớt tung tóe chung quanh. Té ra địch biết trước kế hoạch của bọn tôi và mai phục sẵn sàng, đợi bọn tôi đến là tiêu diệt gọn. Tiếng súng nổ lớn làm tôi mất thăng bằng ngã lộn xuống sông, may tôi còn tỉnh, không đến nỗi ngu xuẩn nên nín thở lặn luôn một mạch, không ngoi lên mặt nước nữa. Vì, eo ơi đạn của quân Đức bắn chính xác kinh khủng, anh em tôi ngã lăn như rạ, nếu tôi ló mặt là đã..đi đoong từ khuya. - Còn King Kong ? - King Kong hả ? King Kong quả là thiên thần. Anh ta tả xung hữu đột mà vẫn không trầy da tróc vẩy. - Địch bắn bằng loại súng nào ? Súng máy phải không ? Y úp cái bê-rê xuống đầu, mặt hơi ngẩn ra trong một phút. Y ờ ờ rồi đáp : - Vâng, đại tá không hỏi thì tôi quên bẵng. Lạ quá, đại tá ơi, địch không bắn bằng súng máy. Địch chỉ đặt một cây trung liên gần cầu, quạt một băng là bọn tôi xụm hết, không còn mống nào. Địch lại chơi trò bắn xẻ mới kỳ cục chớ ! Chúng cứ chóc chóc, tỉa từng thằng một, 8 thằng trong bọn tôi đều trúng đạn, trừ King Kong. - Những người khác nhỏ con thì trúng đạn, còn King Kong to như bồ sứt cạp lại không trúng đạn ? - Vâng. Mà Kinh Kong có thèm núp cho cam... anh ta đứng sừng sững, bẳn trả lại nghe rát cả mặt. Có lẽ anh ta hên. Trời có mắt thật đấy, lần nào anh ta cũng gặp số đỏ. Đại tá Pinto không muốn làm hình ảnh King Kong anh hùng tan biến trong lòng người đối thoại. King Kong gặp hên quá nhiều, nhiều đến nỗi đâm ra nhàm chán. Trong hai trận phục kích, các đồng chí thương vong gần hết, trừ hắn. Hắn là cừu địch của mật vụ Đức, vậy mà em hắn, cô bồ của hắn bị mật vụ Đức bắt rồi thả. Hắn là anh hùng kháng chiến, coi cái chết nhẹ hơn lông hồng, vậy mà hắn sẵn sàng chịu nhục một cách vô lý trước đám đông ái mộ, nhất là trước hai cô gái đẹp... Ông rót đầy ly rượu vang, mời người kháng chiến Bỉ uống, rồi hỏi tiếp, giọng lơ đãng : - Tôi nghe người ta nói King Kong hảo ngọt một cây ? Y đáp ngay : - Đúng, đúng, họ nói rất đúng. Cái gì chứ về khoản ga-lăng với phái yếu thì ít ai ăn đứt King Kong. Vả lại, trông bộ vó lực sĩ khổng lồ của anh ta thì đố cô gái nào khỏi rệu nước miếng. Tôi xin kể cho đại tá nghe một chuyện : Trên ngọn đồi cao gần Laeken, có một tòa lâu đài to lớn và tráng lệ, chủ nhân là một mệnh phụ phu nhân giầu nứt đố đổ vách và đẹp mê hồn, chẳng hiểu mến phục King Kong ra sao mà bà ta tặng hết tư trang, tiền bạc và sản nghiệp cho quỹ kháng chiến của anh ta. Nhưng... Y ngần ngừ rồi nói tiếp : - Nhưng cũng có điều không lấy gì làm đẹp lắm. Có người nói mà tôi không tin hẳn. Họ nói là anh ta hảo ngọt một cây nên lấy một số tư trang do bà mệnh phụ biếu công quỹ dúi ngầm cho mấy cô bồ của anh ta ở Bờruxen..Tôi nghĩ King Kong là một anh hùng kháng chiến, chắc chắn có nhiều kẻ ganh ghét, bầy đặt bêu xấu cho bõ hờn, vả lại anh hùng thì cũng là con người, phải không đại tá, mà đã là con người thì đôi khi phải mềm yếu đối với đàn bà đẹp... Pinto đã biết được điều cần biết.Ngay sau cuộc nói chuyện, ông lên xe chạy thẳng đến lâu đài gần Laeken, và may mắn được gặp bà mệnh phụ. Dĩ nhiên, ông chưa nhập đề ngay. Vòng vo Tam quốc một hồi, ông mới nhắc đến King Kong. Bà mệnh phụ nhìn nhận có trao tận tay anh các đồ tư trang do song thân để lại. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý đó không phải vì tình riêng, mà chính vì bà cảm thấy có bổn phận đóng góp vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Bà đồng ý rằng King Kong là lãnh tụ vĩ đại, đáng khâm phục, tuy nhiên lãnh tụ vĩ đại này mắc một vài nhược điểm, và bà nghi ngờ King Kong chiếm công vi tư, không bán tư trang lấy tiền xung quỹ kháng chiến mà là đút túi... - Căn cứ vào đâu bà nghi ngờ King Kong. - Thật ra, tôi không muốn nói như vậy vì dầu sao anh ta cũng là người can đảm hiếm có, từng nhiều phen vào sinh ra tử cho Bỉ quốc. Sở dĩ tôi thắc mắc vì một hôm kia tôi bắt gặp trên phố một cô gái đeo sợi dây chuyền cổ của tôi, sợi dây này do mẫu thân tôi để lại, được cẩn ngọc bích rất độc đáo, tôi không thể lầm được. Cô ta không phải là con nhà tử tế cho nên tôi nghĩ là đeo sợi dây của mẹ tôi không xứng. Tôi đinh ninh kháng chiến đem bán tư trang do tôi tặng, và cô gái này mua được, vì vậy tôi gạ nàng bán lại cho tôi, tôi cũng đã thận trọng không lộ cho nàng biết tôi là chủ cũ. Thì nàng đáp lại là King Kong tặng nàng cho nên nàng không dám bán, King Kong biết được thì bóp nàng gẫy cổ. - Bà có biết tên cô ta không ? Bà mệnh phụ thở dài : - Ông để tôi nhớ lại xem. À, không phải một mà là hai, cả hai cô gái đều đeo nữ trang của tôi. Cô ả thứ nhất tên là Mia (Mia Zeist), và cô ả thứ hai tên là....tên là... quái, tôi vừa nhớ đó đã quên bẵng, tôi vẫn có tính hay quên bất tử như thế, à... à...nhớ ra rồi, Mác-gô (Margaretha Delden). Cả hai cô gái đều làm việc trong quán rượu ở đây và đều ăn chơi điếm đàng. Đại tá Pinto hơi giật mình. Cũng may bà mệnh phụ không nhìn lên nên không bắt gặp sự thay đổi trên nét mặt của nhà chuyên viên phản gián. Hai cô gái kia chẳng xa lạ gì đối với ông : họ nằm trong danh sách an ninh của quân đội đồng minh, kèm theo lời chú dẫn rõ ràng "mật báo viên ăn lương của Phòng Nhì quốc xã, từng được coi là đắc lực và tin cậy"..... Từ giã bà mệnh phụ, đại tá Pinto phóng như bay về thủ đô Bờruxen. Ông gọi ngay điện thoại cho văn phòng tình báo tại An-ve, và nói với viên sĩ quan phụ tá. Lát sau, ông đã có địa chỉ của hai cô gái. Ông mượn hai nhân viên tình báo Hòa lan đi theo. Xe hơi đậu lại trước địa chỉ thứ nhất. Địa chỉ của cô gái tên là Mia. Ông đã đến quá chậm. Căn phòng trống trơn. Con chim xanh đã bay bổng. Sau này ông mới biết Mia đã tẩu thoát qua Viên-na, thủ đô Áo quốc. Nhảy phóc lên xe Zíp, ông và đoàn tùy tùng vù đến căn phòng của Mác-gô. Cửa phòng được khóa chặt. Đại tá Pinto chỉ đến với tư cách riêng, không có giấy phép của tòa, nên rất có thể bị khiếu nại về tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Nhưng ông không thể trù trừ, vi dầu sao cũng là thời chiến, cô gái trong nhà có thể là đầu mối dẫn đến những bằng chứng phản quốc cụ thễ của King Kong, ông bèn ra lệnh phá cửa. Mác-gô đang nằm sóng sượt trên giường. Bất động. Thường ngày chắc nàng khá xinh đẹp. Giờ đây nhan sắc đã héo hắt, mặt nàng xám ngoẹt, môi nàng tím thâm, trễ ra, hàm răng nhe một cách ghê sợ. Thì ra nàng đã bị đầu độc. Bị đầu độc hay tự uống thuốc độc, đại tá Pinto không rõ. Chỉ biết là nạn nhân còn thoi thóp thở khi được chở đến bệnh viện. Chiều hôm ấy, nạn nhân thở hơi cuối cùng, không nói được lời nào. Đại tá Pinto thu hồi được sợi dây chuyền cẩn ngọc bích, nhưng cuộc điều tra dậm chân tại chỗ, hai nhân chứng quan trọng đã bị gạch tên ra khỏi danh sách. Pinto lưu lại Bờruxen thêm một đêm, một ngày nữa, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm nhằm tìm thêm chi tiết về hành vi của King Kong. Sự thật dần dà hiện ra : nhiều nhân chứng không quen biết xác nhận là khi đứa em út bị Phòng Nhì Đức bắt giữ, King Kong đang mắc nợ như chúa Chổm. Hắn mắc nợ nhiều món tiền lớn nên mặc dầu hắn có tiếng tăm trong hàng ngũ kháng chiến nhưng những chủ nợ của hắn vẫn dọa thưa kiện tùm lum. Cô gái bán bar Vêronica, bị bắt giữ cùng với đứa em út, té ra là tình nhân của King Kong từ thuở còn vị thành niên. Hắn lang chạ lung tung, song hắn luôn luôn về với nàng, nàng cũng trung thành với hắn. Hễ sa lưới mật vụ Đức là nhẹ ra cũng bị rút móng tay hoặc gẫy xương, thế mà nàng không bị trầy da. Theo lời một nhân chứng khác, sau ngày tình nhân và em hắn được thả, bỗng dưng King Kong có thật nhiều tiền. Không những hắn trang trải hết nợ nần, hắn còn dư tiền để tiêu xài đế vương nữa. Đồng thời hắn trở nên gan dạ hơn trong các trận du kích với quân Đức. Riêng có điều đáng nói là thương vong mỗi ngày một nhiều. Có thể vì kế hoạch tấn công của hắn mỗi ngày một táo bạo hơn. Và lần nào cũng vậy, nhà lãnh tụ kháng chiến anh dũng đều đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Hắn có ấn tượng là quân Đức được mật báo từ trước. Nghĩa là có kẻ bội phản. Hắn thề bóp nát ra cám kẻ bội phản. Song kẻ bội phản vẫn nhởn nhơ ngoài vòng cương tỏa. Còn một điều lạ khác là tuy thương vong gia tăng, nhiều người vẫn nguyện được đi theo King Kong, dường như vận đỏ và tài sống sót của hắn đã làm các du kích phấn chấn và tin tưởng mãnh liệt. Đại tá Pinto nhận thấy không ai nghi ngờ tinh thần yêu nước của King Kong. Ai cũng khen hắn, kể cả những người thoát chết trong những trận phục kích kỳ quặc. Ai cũng khen King Kong rốt cuộc Pinto đâm ra nghi ngờ khả năng suy luận của mình. Không khéo ông bị méo mó nghề nghiệp, trông gà hóa cáo cũng nên... Ông sực nhớ đến vụ King Kong bị bắn lủng phổi. Lẽ nào tình báo quốc xã dàn cảnh như vậy ? Nếu là dàn cảnh thì họ bắn vào chân. Bắn vào ngực dễ chết như chơi, họ chẳng dại gì để mất một cộng sự viên quý giá, trong khi họ đang suy yếu trên khắp các mặt trận. Pinto suy nghĩ một mình luôn trong mấy giờ đồng hồ nhưng không tìm ra lời giải đáp. Suýt nữa thì ông bỏ cuộc... Một chi tiết kỳ thú bỗng hiện ra : khi biết địa chỉ hai cô bạn gái của King Kong, ông đã liên lạc với các cơ quan tình báo địa phương nhưng họ bí xị, ông ta phải nhờ văn phòng SHAEF mới tìm thấy. Tình báo địa phương và đồng minh đều hoạt động cho mục đích chung là đánh đuổi quân Đức, song lại không chia xẻ tin tức cho nhau, nhiều khi còn kèn cựa nhau nữa là khác. Nếu phe đồng minh còn có sự giấu nghề, sự ích kỷ, sự tranh chấp, thi tại sao bên phe Đức làm sao có sự đồng tâm nhất trí giữa Phòng Nhì (Abwehr), Công an Quân báo (Sicherheitsdienst) và Mật vụ (Gestapo) được ? Hai cô bạn gái của Kinh Kong ăn lương Phòng Nhì (Abwehr), chắc King Kong cũng hưởng lương Phòng Nhì. Và Phòng Nhì giữ hắn làm của riêng, không chia phần với Công an Quân báo (Sicherheitsdienst) và Mật vụ (Gestapo). King Kong là nhân vật kháng chiến tối nguy hiểm nên Công an quân báo hoặc Mật vụ ra lệnh gặp đâu bắn đó. Và hắn đã bị thương lủng ngực. Sự suy dẫn này vừa cất gánh nặng trên vai đại tá Pinto. Ông cảm thấy tin tưởng hơn lên. Ông bèn quyết định đối diện với King Kong. Quyết định vào tận hang hùn bắt cọp dữ... III. Pinto gửi một điệp văn đến trụ sở tình báo Hòa lan. King Kong dọa khiếu nại về việc ông dứt cấp bậc của hắn, song hắn chỉ dọa mà không làm, Pinto không nói rõ lý do, ông chỉ yêu cầu King Kong đến trình diện với ông hồi 11 giờ sáng hôm sau tại khách sạn Palace, nơi các sĩ quan SHAEF trú ngụ. Palace là lữ quán sang trọng bậc nhất của Bờruxen. Khi xưa toàn là ghế nệm êm ái, giờ đây mang đầy dấu vết chiển tranh, quân đội dùng làm câu lạc bộ, ghế gỗ giường vải lung tung. Đại tá Pinto chờ quá giờ hẹn mà King Kong không tới. Ông không tỏ vẻ nóng ruột, có thể hắn lánh mặt, nhưng cũng có thể hắn đến chậm để biểu lộ thái độ ta đây. Dầu sao ông cũng đã chuẩn bị chu đáo, bao súng được đánh xi-ra trơn tru, đụng nhẹ là khẩu Walthur thân yêu tuột vào lòng bàn tay, nó được lắp đạn đàng hoàng, và ông bắn không đến nỗi dở. Có thể King Kong không ngờ được đây là cuộc họp sinh tử của đời hắn. Về phần ông, ông phải đề phòng mọi sự bất trắc. Nếu biết bị bại lộ King Kong sẽ kiếm cách thoát thân.... King Kong vẫn chưa vác mặt tới. Ông đinh ninh hắn chỉ chậm 10 phút hoặc 15 phút là cùng. Ngần ấy thời giờ chờ đợi cũng đủ trả cái thù bị hạ nhục tại trung tâm tiếp cư ở ngoại ô An-ve. Nhưng 12 giờ đã trôi qua...Phải có lý do chính đáng nào — hoặc hắn tự tin quá độ, hoặc hắn được bạn bè chính trị có thế lực che chở - hắn mới dám coi thường lệnh triệu tập. Hơn 2 giờ sau ông mới biết lý do. Hai sĩ quan Hòa lan đeo cấp bậc đại úy bước nhanh vào lữ quán. Họ lại bàn đại tá Pinto, nghiêm chào. Một người hỏi : - Đại tá đang chờ ông Lin-đơ-man ? Pinto gật đầu : - Phải, tôi ngồi đây đã 2 giờ đồng hồ ! - Xin lỗi đại tá đã phải chờ lâu, Lin-đơ-man không thể đến trình diện. Vì ông ta đã nhận lệnh khác. - Lệnh khác ? Lệnh của ai ? - Lin-đơ-man lên đường hồi sáng để thi hành công tác tối đặc biệt. - Hoạt động với quân đội du kích? Hai đại úy trẻ nhìn nhau, và cả hai đều có vẻ rụt rè. Đoạn cả hai trở nên trịnh trọng, nét mặt trịnh trọng đáng ghét của hầu hết những người tình cờ biết được bí mật mà thiên hạ không biết. Một người đáp : - Thưa không. Lin-đơ-man được cử đi theo quân đội Gia nã đại. Đặc biệt về tình báo. Chúng tôi không được phép tiết lộ, xin đại tá cảm phiền. "Sau này, Pinto mới biết là bộ tư lệnh, Gia nã đại cần một nhân vật địa phương hoàn toàn tin cậy để lẻn vào En-hô-ven (Endhoven) bị Đức chiếm giữ, liên lạc với thủ lãnh kháng chiến trong vùng, báo tin là nhiều đơn vị đồng minh sẽ được thả xuống phía bắc En-hô-ven vào sáng chủ nhật 17-9, và yêu cầu kháng chiến quân chuẩn chiến, giúp đỡ binh sĩ dù và khai thác triệt để sự hỗn loạn ban đầu trong hàng ngũ địch. Bộ tư lệnh Gia nã đại nhờ nhà đương cuộc Hòa lan tìm người thích hợp. Họ nghĩ ngay đến King Kong, họ không ngờ hắn đang bị Pinto điều tra ráo riết về tội phản quốc....". Pinto chỉ biết có vụ thả dù xuống khu vực địch sau khi ván đã đóng thuyền. Khi ấy, ông không còn làm gì hơn được nữa, ngoài việc chắp tay cầu nguyện cho số thương vong không đến nỗi quá nhiều. ........................ Tấn thảm kịch Ác-nơ-hem là một sự kiện lịch sử đầy máu và nước mắt mà ai cũng biết. Rạng đông 17-9 năm ẩy, cuộc đổ bộ bằng binh sĩ dù lớn nhất trong thế chiến thứ hai bắt đầu. Gần 10000 người của sư đoàn Dù I Anh quốc nhảy xuống Ác-nơ hem, trong khi 20000 quân dù Mỹ và 3000 quân Ba lan được thả xuống một vị trí kế cận, với nhiệm vụ chiếm giữ hai đầu cầu chiến lược, đồng thời các mũi dùi cơ giới sẽ tiến thật sâu vào địch, bắt liên lạc với các đơn vị dù.... Mọi việc đã diễn ra trôi chảy, gần đúng với dự định. Cuộc không thám sáng 16-9 cho thấy không có hoạt động bất thường của địch trong khu vực Ác-nơ-hem. Nhưng chập choạng tối đoàn chiến xa Đức lặng lẽ án ngữ những địa điểm yết hầu. Sáng sớm, quân đội không vận đồng minh đến nơi và rơi vào ổ phục kích khổng lồ. Tuy vậy, Bộ tổng tư lệnh Đồng minh còn tin là quân Đức gặp may mắn không ngờ, nên họ đã tập trung cả thiết kỵ lẫn bộ binh hùng hậu tại một địa điểm mà họ....không ngờ là nơi đồng minh thả dù... Chín ngày sau, lương thực và đạn dược thiếu hụt trầm trọng, vòng vây phòng thủ dần dà bị thu hẹp khiến đồ tiếp tế từ trên máy bay thả xuống đều lọt vào tay địch. 2400 binh sĩ sống sót của đạo thiên thần mũ đỏ Ac-nơ-hem phải liều chết mở con đường máu vượt qua sông, để lại phía sau 7000 thương vong. Kế hoạch tấn kích chớp nhoáng của quân Đồng minh đã thất bại. ........................ Đại tá Pinto viết một tờ trình chi tiết về vụ King Kong, đệ lên bộ tổng tư lệnh. Sau đó, ông phải bù đầu lo những vụ khác. Ông vẫn không quên theo dõi mặc dầu ông biết trước là bản báo cáo của ông nằm kẹt ở một góc ngăn kéo nào đó trong bộ tổng tư lệnh đồng minh bao la. Ngành Tình báo có hàng đống việc phải giải quyết, việc nào cũng quan trọng. Vảlại, đa số sĩ quan cao cấp quen điều khiển bằng giấy tờ, quen đọc những báo cáo ca tụng King Kong một tấc đến trời sẽ khó có thể "tiêu hóa" những lời buộc tội của Pinto. Chắc chắn họ sẽ gạt sang bên, với bút phê "để xét sau". Bởi vậy Pinto mỏi mẳt chờ đợi mà thượng cấp không hề hỏi đến. Ông đành than thở với một đại tá Phản gián Anh biệt phái tại SHAEF, với hy vọng tìm thêm đồng minh. Vị đại tá này có tiếng tăm và thế lực lớn. Nhưng Pinto đã thất vọng. Trong 6 tuần lễ dài đằng đẵng, Pinto không nhận được phúc đáp của Bộ tổng tư lệnh về vụ King Kong. Nói cho đúng tờ trình của ông cũng chỉ đề cập tới một số sự kiện khả nghi, kèm theo những suy dẫn, chứ ông chưa hề nắm được bằng chứng cụ thể. Tình cờ bằng chứng cụ thể này đã đến tay ông vào một buổi tối kia. Quân đội đồng minh vẫn tiếp tục chiếm đất, tuy rằng từ sau thảm bại Ac-nơ-hem thì cuộc chiến trở nên ác liệt hơn. Pinto di chuyển đến En-hô-ven, hiện đã rơi vào tay đồng minh và hôm ấy ông mới thẩm vấn xong một điệp viên địch sau ba giờ mệt nhọc. Ông không còn nhân viên phụ tá và xe cộ ê hề như trước nữa, ông phải hoạt động một mình, vừa là nhân viên thẩm vấn, vừa kiêm luôn chánh án và quản đốc khám đường. Điệp viên này là một người Hòa lan, tên là Vơ-lúp (Cornelis Verloop). Bằng thủ đoạn hạch hỏi tinh vi, ông đã thành công, Vơ-lúp chối quanh hồi lâu để rồi chịu thú nhận là tay sai của địch. Ông đứng dậy, vươn vai duỗi gân cốt, và phủi tàn thuốc bám đầy bộ quân phục. Vơ-lúp chăm chú nhìn ông, hỏi nhỏ, miệng khô đét vì sợ hãi : - Tôi có bị xử bắn không, đại tả ? Pinto nhún vai không đáp. Dĩ nhiên hắn sẽ bị đem bắn vì hắn là gián điệp địch. - Vợ tôi hiện ở Am-te-đam (Amsterdam) còn rất trẻ. Nàng là công dân Hòa lan tốt, nàng hoàn toàn vô tội, tôi xin thề với đại tá. - Vậy hả ? Anh yên tâm. Tôi không đi xử bắn vợ anh đâu. Tội ai nấy chịu. Bọn quan thầy Đức của anh bắn bất kể ai, chúng tôi thì không. Vơ-lúp bèn trắng trợn đề nghị : - Thưa đại tá, tôi xin cung cấp một tin vô cùng quan trọng... nếu tôi được tha chết. - Anh điên rồi. Anh cũng đừng trông đợi hão huyền nữa. Trước khi đem anh ra bắn, chúng tôi bắt anh phải khai hết những điều anh biết. - Nhưng thưa đại tá, đại tá chỉ có thể bắt tôi khai những điều đại tá tưởng tôi biết. Trên thực tế, tôi còn biết những điều lạ lùng hơn nhiều. - Hà hà... anh biết những điều lạ lùng nào ? Nói thử tôi nghe chơi ! Giọng nói của Pinto đượm vẻ khinh bỉ rõ rệt. Nhưng Vơ-lúp vẫn tỉnh bơ. Hắn ngồi thẳng người tay bóp trán một phút, đoạn cất tiếng đọc vanh vách tên và tướng mạo các cộng sự viên của Pinto trong tổng hành doanh tình báo. Pinto lặng người vì những nhân viên này đang hoạt động trong lòng địch, mạng sống của họ có thể bị đe dọa từng giây, từng phút. Tên khốn Vơ-lúp đã biết như vậy, chủ của hắn tất còn biết nhiều hơn nữa. Tuy vậy, ông giữ cho xúc động khỏi hiện ra mặt, rồi hỏi hắn, giọng bình thản : - Ai nói với anh ? Mắt hắn sáng rực : - Đại tá Ki (Kiesewetter) của Phòng Nhì Đức. Một người khác báo cáo với đại tá Ki. Tôi biết tên người ấy. Nhưng tôi sẽ không nói, trừ phi... Trong đời, Pinto đã gặp nhiều người bị dồn vào đường cùng sẵn sàng bán hết bạn bè, thân thích, cộng sự viên và cả tổ quốc nữa, miễn sao giữ được chỗ đội mũ, nhưng chẳng hiểu sao sự mặc cả của Vơ-lúp lại làm ông lộn mửa. Ông đã ra lệnh cho hắn bước ra ngoài. Trời tối om. Ông phải đích thân áp giải hắn về quân lao ở đầu kia thị trấn. Đề phòng hắn bỏ chạy, ông rút súng, gằn giọng : - Đi. Tôi đã chán ngấy cái trò lưu manh đổi chác của anh. Tôi hỏi và anh phải trả lời : Ai báo cáo với đại tá Ki ? Nụ cười hy vọng tắt ngúm trên môi, hắn cố nài nỉ: - Xin đại tá xét lại. Tôi xin khai rõ nếu đại tá hứa tha giết cho tôi. Pinto lia mạnh họng súng : - Đi ngay, đừng lộn xộn nữa. Bản tâm của ông là nhốt hắn một đêm, đến mai, sáng sẽ kêu hắn lên hỏi lại. Một đêm vắt tay lên trán sẽ làm hắn ngoan ngoãn hơn trước.Nhưng Vơ-lúp lại tưởng lầm ông ta lia súng để sửa soạn bắn hắn. Hắn kêu to, giọng hoảng hốt : - Thong thả, thong thả, đại tá. em xin nói, đại tá đừng bắn em...Người báo cáo mọi việc lên đại tá Ki là Lin-đơ-man, tức King Kong. IV. Đúng là món quà tự trên trời rơi xuống, Pinto không ngờ tới thì nó lại xảy ra. Ông dí mũi súng vào xương sống Vơ-lúp. Hắn run lẩy bẩy, như thể thân thể hắn trở thành bùn. Ông quát to : - King Kong báo cáo với đại tá Ki về vụ Ac-nơ-hem nữa phải không ? Hắn gật đầu lia lịa như chầy máy : - Thưa phải, thưa phải. - Báo cáo như thế nào ? - Thưa... thưa. King Kong báo cáo rằng binh sĩ Anh và Mỹ sẽ nhảy dù xuống. - King Kong đến gặp đại tá Ki ? - Vâng, gặp ngay tại trụ sở Phòng Nhì. King Kong nói rõ rằng một sư đoàn không vận Anh cát lợi sẽ... Pinto hạ mũi súng xuống làm tên gián điệp giật nảy người. Hắn vội quỳ gối, van lơn: - Đại tá ơi, đại tá định giết em ư ? Em đã khai hết rồi... đại tá thương hại em... Giọng nói mếu máo vá ướt nhèm nước mắt của tên gián điệp chỉ gây thêm sự khinh bỉ trong lòng Pinto. Ông nghiêm giọng: - Tôi không bắn anh đâu. Tòa án quân sự sẽ quyết định số phận của anh sau. Giờ đây nên đứng lên và ngoan ngoãn về khám. Vì nếu anh thiếu ngoan ngoãn tôi mới bắn, khi ấy anh đừng trách. Sau nhiều năm lăn lộn trong ngành phản gián, đại tá Pinto đã tập được bộ mặt luôn luôn lạnh như tiền. Theo ông, bộc lộ cảm xúc là điều tối kị của nghề nghiệp. Dầu vậy, ông vẫn không ngăn được cảm xúc trước lời tiết lộ của tên tay sai Phòng Nhì quốc xã. Ông giận dữ đến nỗi mặt ông trắng bệch như tờ giấy, lưỡi ông cứng lại, ông không nói thêm được tiếng nào nữa. Sở dĩ ông giận dữ vì ông đã trình báo đầy đủ, ông đã lưu ý thượng cấp đến sự khuất tất của King Kong, yêu cầu mở ngay cuộc điều tra sâu rộng, thượng cấp chẳng nghe thì thôi, lại còn giao hắn thực hiện điệp vụ quan trọng mà kết quả là tiềm lực quân sự của đồng minh bị thương tổn nặng nề. 7000 thương vong tại mặt trận Ac-nơ-hem... trời ơi, giờ đây không còn phép lạ nào cứu sống những chiến sĩ mũ đỏ anh dũng này nữa, chỉ còn cách bắt giữ, truy tố, hành quyết King Kong may ra linh hồn họ nơi chín suối mới khỏi ngậm hờn...Nhưng làm cách nào tóm được King Kong? Nhốt phạm nhân vào xà lim xong, đại tá Pinto lên xe phóng đến trụ sở tình báo Hòa lan, xô cửa chạy như điên vào câu lạc bộ sĩ quan. Nhìn thấy đồng bào ông, những sĩ quan Hòa lan phây phây thả lưng xuống ghế xa-lông êm ái, tay cầm ly rượu sủi bọt, miệng cười toe toét. Pinto muốn gầm thét, đập phá cho hả giận. Một người bạn của Pinto nhìn thấy, vội hỏi: - Ơ kìa, Pinto, anh đi đâu đấy? Tại sao mặt anh nhợt nhạt thế kia? Được thể, ông trút luôn một hơi: - Nhợt nhạt còn là tốt, tôi tưởng không còn đủ sức về đây nữa...Tôi nói hoài, nói hủy mà chẳng ai chịu nghe. Khi nào tôi nghi ngờ thì các anh nên lưu ý, các anh đừng ném báo cáo của tôi sọt rác... và như vậy còn chưa đủ, các anh còn phái hắn vào hậu địch, nướng mất mấy ngàn binh sĩ của ta nữa, trời ơi..... Mọi người xúm quanh, Pinto vẫn nói thao thao bất tuyệt, nhưng chẳng ai hiểu ông định nói gì. Mấy phút sau, ông mới thở dốc: - Lin-đơ-man, King Kong... thằng phản bội... Hắn là nhân viên gián điệp Đức. Phải đến bắt hắn ngay kẻo hắn trốn mất. - Bắt King Kong hả? Thôi, anh khùng rồi. Thứ nhất, ai cũng cho hắn là đệ nhất anh hùng kháng chiến, anh không thể bắt hắn vì những tin đồn lăng nhăng. Nghĩa là anh phải trưng bằng cớ. Và lại, dẫu anh có bằng cớ hẳn hòi, thộp cổ hắn cũng chẳng dễ chút nào. Chỉ bằng tay không, hắn có thể bóp chết hai người lực lưỡng như chơi. Thêm vào đó, hắn luôn luôn luôn đeo hàng đống súng ngắn, súng dài và lựu đạn. Chạm đến hắn chỉ tổ rước họa vào thân. Pinto lớn tiếng : - Nghĩa là chúng mình nhắm mắt cho gián điệp Đức hoành hành trong hàng ngũ đồng minh ? Một sĩ quan cao cấp vỗ vai ông. Không khí trong câu lạc bộ trở lại êm dịu hơn. Sĩ quan này nói : - Đồng ý, nhưng chưa ai ở đây hiểu gì hết. Yêu cầu đại tá kể lại từ đầu đến cuối. Nếu đại tá đưa ra bằng chứng xác đáng, chúng ta sẽ quyết định. Mọi người đều sững sờ sau cuộc thuyết trình ngắn của Pinto về vụ phản bội. Tuy nhiên, hầu hết còn băn khoăn về cách bắt giữ King Kong. Đột ngột, Pinto nghĩ ra mưu kế. Ông bèn chỉ hai sĩ quan đứng gần : - Giao việc ấy cho 2 anh. Nhưng không phải đi bắt hắn đâu. Hai anh đến trụ sở, gặp hắn và nói là Bộ tổng tư lệnh đồng minh tuyên dương công trạng của hắn đối với kháng chiến, và lễ gắn huy chương sẽ cử hành ngay. Nghe đến tuyên dương và mề-đay, hắn sẽ khoái chí tử, hai anh sẽ yêu cầu hắn thay đổi y phục, chải tóc chỉnh tề. Tham dự gắn huy chương hắn phải cất tạm võ khí ở một nơi, hai anh đã hiểu chưa ? Xong xuôi, dẫn hắn đến chờ ở một phòng riêng nào đó, về phần tôi, tôi sẽ liên lạc ngay với bộ Tổng xin 10 quân cảnh to con. Với hai tay không, hắn sẽ không thể nào đương đầu lại với 10 lực sĩ có súng ống hẳn hoi. Hai viên sĩ quan được chọn cười mỉm ra vẻ thú vị. Trước khi đi, một người nói với Pinto : - Đại tá kiếm 10 quân cảnh to con nhất mới được. Kế hoạch "gắn huy chương" của đại tá Pinto đã thành công đúng như dự tính. King Kong sướng rơn quên nghĩ rằng hắn là kẻ phản quốc. Bộ Tổng tư lệnh đồng minh vừa mù vừa điếc hay sao mà gắn mề-đay chiến công cho hắn. Ngoan ngoãn như một con cừu non, hắn tháo gỡ súng đạn, hối hả đi tìm sơ-mi mới, cạo râu, rẽ tóc tử tể. Hắn mở cửa phòng, ngực ưỡn lên, sửa soạn nhận tấm huy chương rực rỡ. Hỡi ôi, tấm huy chương đang đợi hắn chẳng rực rỡ chút nào. Vì đó là một tiểu đội quân cảnh, người nào cũng cao xấp xỉ bằng hắn, và bề ngang cũng chẳng thua hắn bao nhiêu. Hắn chùn lại, song không kịp nữa. Toán lực sĩ quân đội đã ùa lại, hắn trổ tài tả xung hữu đột, tuy nhiên, chỉ mấy phút sau hắn bị quật ngã trên đất, và hai tay khổng lồ của hắn bị đút vào còng sắt. Khác với bọn phản quốc bị lột mặt nạ trước hắn, Lin-đờ-man tức King Kong khỏi phải ra pháp trường, lãnh 12 phát đạn đền tội. Vì hắn đã tự tử chết trong nhà giam. TRUYỆN THỨ NĂM GIÁN ĐIỆP MẶT MA... Nhắc đến đại tá Orét Pinto, người ta không thể không nhắc đến thành tích phản gián của ông trong Đại chiến thứ hai, điển hình là vụ điệp viên King Kong đội lốt anh hùng kháng chiến Hòa lan. Nhiệm vụ của ông là tóm bắt điệp viên địch trà trộn trên vùng đất của đồng minh. Nhưng ông còn nổi danh trong những hoạt động khác mà ít người biết : huấn luyện, điều khiển điệp viên đồng minh thả xuống vùng địch tạm chiếm. Câu chuyện "Gián điệp mặt ma" sau đây tôi kể lại những ba chìm bẩy nổi của một điệp viên đồng minh tên là Jan Riebeek. Chàng thanh niên Hòa lan này khôi ngô như tài tử xi-nê nhưng lại tình nguyện sửa mặt thành méo mó để bí mật hồi hương, tổ chức lại những cơ sở điệp báo đồng minh đã bị Đức phá nát. Chàng đã thành công vẻ vang. Để rồi một đêm kia chàng biến mất, lưu lại trong lòng đại tá Pinto, con người có trái tim thép, một nỗi u hoài vô tận... I. Trăng sáng lờ mờ. Làng mạc, đồng ruộng, tất cả đều nhuộm một mầu ảm đạm, sáng không ra sáng, tối không ra tối. Nếu không có con sông uốn khúc loang loáng trong sương một đêm tháng 5 năm 1943 ấy, thì thật khó tìm đúng địa điểm thả dù. Gió lại thổi như điên, đông tây nam bắc hướng nào cũng có gió, chiếc phi cơ nhẹ loạng choạng như chiếc lá trong không gian mênh mông trước khi hạ thấp, rồi... a-lê hấp... chào các cậu, mình về quê đây. Giang Ri-bích, chàng trai yêu nước nồng nhiệt thót xuống lãnh thổ Hòa-lan đang bị quân đội Đức quốc xã dày xéo bên dưới... Giang mệt ứ hơi muốn chết. Chàng tập nhảy đã thuần thục, song không dè nhẩy giả và nhảy thật khác nhau đến thế. Cũng may được nhảy liền, chứ loăng quăng trên trời một lát nữa thì ruột gan chàng sẽ lộn lạo, chàng sẽ nôn ọe hết. Chàng loay hoay giây lâu chiếc dù ác ôn mới chịu tuân lệnh, ngoan ngoãn rớt thành đống tròn trên đất. Đất ruộng mới cầy, mầu nâu sẫm chạy dài đến tận chân trời. Mầu đất ăn nhịp với màu vải dù đen. Giang bỗng hết mệt. Dường như luống cầy e ấp một mùi gì đặc biệt. Làn gió trên ruộng cũng chứa tỏa một mùi gì đặc biệt. Đúng rồi... mùi quê cha đất tổ. Giang vươn vai thở đầy lồng ngực, lúicúi đào lỗ chôn dù, đoạn ngồi rụp xuống, quan sát tứ phía. Quang cảnh im lặng, và hoang vắng khác thường, tuy vậy chàng không cảm thấy cô đơn. Sau khi nhận định phương hướng, chàng bước ra đại lộ. Trước mặt chàng là con đường quen thuộc vào tỉnh lỵ U-tờ-rết (Utrecht) nơi chàng sống từ nhỏ đến lớn. Chàng đã quen thuộc từng hẻm nhỏ lót đá, từng vỉa hè lồi lõm, từng đống gạch lởm chởm, ẩn hiện trong bóng đêm. Sau nhiều ngày tháng ly hương vì chiến cuộc. Giang đã trở về. Chàng đi nép sát những hàng rào cây leo um tùm. Trăng chiếu không rõ lắm, nhưng chàng vẫn sợ. Biết đâu một tên lính Đức khệnh khạng đi qua. Biết đâu bọn tay sai chó săn đang rình rập trong tối, chờ chàng ló đầu là dí súng bắt chàng giơ tay, tống lên xe bít bùng. Chàng ngần ngừ một phút, trước khi dừng lại. Đúng là con đường kiệt này. Con đường nhỏ xíu, gồ ghề mà chàng đã bước qua hàng vạn, hàng triệu lần. Chàng gõ nhẹ đế giầy xuống mặt đường. Hai bên đường, mọi người đã ngủ say. Có thể họ còn thức nhưng họ không dám mở đèn và mở cửa sổ. Chàng nghe tiếng coong coong từ dưới chân vẳng lên. Nhanh nhẹn chàng quỳ gối, rút trong cái xắc vải đeo lủng lẳng sau lưng ra cái dùi nhọn. Chàng mắm môi cậy cái nắp cống tròn bằng sắt, kéo sang bên, và nhìn xuống lỗ sâu đen ngòm. Dáng điệu chậm rãi, chàng đặt chân xuống bậc thang sắt phía dưới. Chàng từ từ đậy nắp cống. Ánh sáng ngọn đèn bấm nhỏ như cây bút chiếu một vệt thẳng dài. Đây là cái cống ngầm. Nó cũng rất quen thuộc với Giang. Chàng bỗng hồi tưởng lại tuổi hoa niên, nhiều lần xưa kia chàng cũng mò mẫm dưới cống như vậy. Giày chàng lội nước lõm bõm. Chàng không để ý tới mùi hôi thối và bầy chuột chạy lạch bạch chung quanh. Chàng còn bận nghĩ đến vị trí của nắp cống ăn thông lên căn nhà của cậu chàng bên trên. Tuổi trẻ của Giang khác hẳn với tuổi trẻ của những đứa bạn cùng xóm. Giang mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé. Cậu ruột của Giang đã già, ông mang Giang về nuôi, và cậu đối xử rất tốt, tốt đến nỗi Giang tưởng cậu là cha đẻ. Cho đến khi thành niên, chàng chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà của cậu được dùng làm lữ quán. Những kỷ niệm của thời thơ ấu đột nhiên nhòa nhạt, nhường chỗ cho một niềm vắng lặng ghê rợn. U-tờ-rết đã bị địch chiếm. Trên đầu Giang,quân đội Đức quốc xã đóng đầy nghẹt. Từ năm 1940, các sư đoàn chiến xa dũng mãnh của Đức quốc xã rầm rộ kéo qua Hòa lan như vào chỗ không người. Hòa lan thất trận, và lữ quán của ông cậu bị trưng dụng, bộ tham mưu địa phương đóng ở đó. Trừ một số nhân viên lữ quán, không người Hòa lan nào được bén mảng tới, ngôi nhà này canh gác cẩn mật, bên trong các ông bự quốc xã ăn ngủ phè phỡn. Dưới cống ngầm, Giang vừa ra khỏi chỗ ướt. Nền cống mỗi lúc một lên cao, chàng chạm giầy vào mặt đất khô ráo. Đi được một quẵng ngắn nữa thì bề ngang cống thắt hẹp lại, đồng thời mặt trần hạ thấp. Giang hất cao ngọn đèn, và mỉm cười đắc thắng. Chàng vừa nhận ra những thanh gỗ đen nhằng nhịt, nắp mở lên hầm chứa rượu của lữ quán. Đồng hồ lân tinh trên cườm tay Giang chỉ đúng 10 giờ rưỡi. Đây là 10 giờ rưỡi đêm chủ nhật. Chuyến đi của chàng được tính toán sát nút ; mỗi đêm chủ nhật sau 10 rưỡi, cậu chàng có thói quen xuống hầm rượu để kiểm soát thực phẩm hàng tuần. Giang chắc chắc sẽ gặp ông cậu. Người già thường sống đều đặn như đồng hồ quả lắc gõ giờ, ít khi thay đổi thói quen. Từ lúc chàng lên đường đến giờ, mọi việc đã xảy ra đều đặn, đúng với dự tính. Giang tin tưởng sẽ không bị trục trặc. Ngoại trừ vấn đề thuyết phục ông cậu. Phải tìm cách nào tỏ cho ông cậu biết mình là thằng Giang, thằng cháu cưng của ông cậu. Vì trong 2 năm sống trên đất Anh, Giang đã thay đổi. Gần như hoàn toàn. Giang tắt đèn bấm, nghe lắng động tĩnh hồi lâu trước khi xô tấm thạp gỗ, lặng lẽ trèo ỉên. Gian phòng bên trên được dùng làm kho chứa đồ hộp và rau đậu. Chàng tìm một góc kín đáo, ẩn mình chờ đợi. Chẳng bao lâu, chàng nghe tiếng chân của ông cậu dận trên cầu thang. Lối đi của ông thật độc đáo, ông vừa bước vừa lê, chân trái nặng hơn chân phải, ông bật đèn vàng trên trần chiếu tỏa khắp phòng. Giang đứng thẳng dậy, bàn tay nắm chặt khẩu Beretta nhỏ xíu. Dầu sao chàng vẫn phải đề phòng. Đành rằng người đang xuống hầm là ông cậu. nhưng biết đâu đấy, biết đâu một tên Đức ác ôn nào đó đang bám theo ông. Ông sắp đi qua góc Giang núp, Giang cất tiếng kêu nho nhỏ : - Cậu Cát, cậu Cát (Karl).. Ông cậu đứng lại, mặt ngơ ngác và kinh hoàng. Giang bước ra : - Giang đây, cháu Giang đây. Ông cậu nhìn họng súng đen ngòm của Giang, vẻ sợ hãi vẫnchưa giảm bớt. Giang vội nói : - Giang đây mà... cậu đừng quan tâm đến khẩu súng của cháu. Đừng... đừng nói lớn. Cũng đừng có thái độ gì cả. Cháu về với cậu đây. Bàn tay ông cậu run bần bật. Ông liếc nhìn cầu thang, không rõ ông sợ người lạ nghe tiếng hay là ông nảy ra ý định bỏ chạy, đoạn ông ngó sững khẩu súng. Dần dà ông lấy lại bình tĩnh. Nghề chủ nhân khách sạn thường luyện được đức tính điềm đạm trước những biến chuyển bất ngờ. Ông hỏi Giang : - Cậu là Giang. Nhưng là cái gì...Giang ? Giang buông thõng bàn tay cầm súng. Vai chàng rung rung như thể chàng sắp òa khóc vì cảm động. Chàng đáp nhanh : - Giang Ri-bích, cháu là Giang Ri-bich của cậu đây. Cậu chưa nhận ra cháu ư ? Ông già vẫn nhìn chàng không chớp mắt. Ông vẫn còn hoài nghi. Hoài nghi là phải, vì khuôn mặt người thanh niên đang đứng trước mặt ông không có nét gì giống khuôn mặt thẳng Giang cháu ông ngày nọ, thằng Giang mà ông nuôi nấng thương yêu từ thưở còn nằm nôi. Tuy nhiên...tuy nhiên... nỗi thắc mắc chỉ thoáng nhẹ qua rồi tan biến. Vì giọng nói, cử chỉ có cái gì gần giống với ông... Nhất là mã người to lớn, và bờ vai vuông, khỏe... đúng rồi... đó là những đặc điểm của gia đình ông. Ông chỉ còn chưa hiểu tại sao cháu ông lại xấu xí đến thế. Cái mũi xẹp lép không khác mũi võ sĩ đã thượng đài hàng trăm lần. Xẹp lép chưa đủ, nó còn vẹo qua bên, trông thật mất cảm tình. Cái miệng còn làm mất cảm tình hơn nữa, miệng gì mà méo xẹo, bên cao bên thấp, mấy cái răng cải mả khấp khểnhlòi hẳn ra ngoài, eo ơi, răng ma-cà-rồng có lẽ còn đẹp hơn. Ông bèn hỏi : - Cháu Giang phải không ? Cháu làm gì mà mặt mũi cháu khác xưa như vậy ? Giang đáp : - Thưa cậu... vì cháu mổ. Mổ để thay đổi khuôn mặt.... II. Chuyến đi và khuôn mặt thay đổi của Giang Ri-bích, bắt nguồn từ một chỉ thị của thủ tướng Anh Sớt-sin gửi tình báo đồng minh. Chỉ thị này rất ngắn ngủi, song rất rõ ràng và quyết liệt : "....gia tăng tối đa công tác tình báo, phá hoại và du kích chiến trong các vùng bị địch chiếm ở Âu châu...". Từ đầu mùa đông năm 1942, đạo quân thứ năm của đồng minh đẩy mạnh hoạt động ở hậu địch. Mỗi đêm, hàng chục điện đài bí mật chuyển tin tức quan trọng về Luân đôn. Trung tâm của phong trào kháng chiến là Luân đôn. Sĩ quan, binh lính, viên chức, tư nhân các quốc gia bị Đức chiếm đóng lũ lượt kéo nhau qua Anh quốc, nơi bộ tổng tư lệnh đồng minh đặt văn phòng tuyển mộ giới thiệu, để lựa chọn những phần tử hội tụ điều kiện cần thiết cho công tác hậu địch. Những phần tử này được đưa đi huấn luyện. Sau đó, họ hồi hương lén lút bằng tầu ngầm hoặc bằng thả dù. Trong đó có Giang Ri-bích.... Hồi ấy, khác với tổ chức kháng chiến ở những quốc gia kế cận, tổ chức kháng chiến ở Hòa lan đang bị suy sụp trầm trọng. Đức quốc xã đã gài được nội tuyến trong guồng máy lãnh đạo ở Hòa lan, kết quả là đồng minh bị thảm bại. Suốt gần 2 năm dòng dã, Phản gián quốc xã gián tiếp kiểm soát một phần lực lượng kháng chiến. Các thủ lãnh lần lượt bị loại trừ. Cán bộ hành động bị xô vào chỗ chết. Phản gián Đức nắm được những bí mật về truyền tin điện đài giữa kháng chiến địa phương và Luân đôn. Điệp viên đồng minh nhảy dù xuống lần lượt bị đón bắt, tra tấn tàn bạo, và bị hạ sát sau khi mật vụ Đức moi móc tin tức. 51 người được Đồng minh phải tới Hòa lan thì 47 người thiệt mạng, 4 người còn lại sống dở chết dở trong các trại tập trung quốc xã. Trước tình trạng một mất một còn ấy, đồng minh triệu thỉnh đại tá Orét Pinto, một thủ lãnh phản gián lão thành từng đạt nhiều thành tích trong nền tình báo Pháp-Anh. Vừa được bổ nhiệm giám đốc Phản gián Hòa lan (lưu vong), Pinto đã lưu ý đến Giang Ri-bích. Giang gõ cửa văn phòng đại tá Pinto lần thứ nhất vào tháng 11-1942. Hồ sơ của chàng không có điều nào khả nghi : chiến tranh xẩy ra, chàng đang là sinh viên đại học, thân thể cường tráng, cộng với tinh thần yêu nước thành thật và hăng say, trốn khỏi Hòa lan trong đường tơ kẽ tóc. Riêng việc trốn khỏi màng lưới trùng điệp của mật vụ quốc xã đã chứng tỏ Giang rất thích hợp với công tác điệp báo. Tuổi trên tứ tuần, mái tóc muối tiêu, cặp mắt xanh thẳm như có tài đọc thấu lòng ngưởi, đại tá Pinto nổi tiếng về khoa tổ chức tình báo và thẩm vấn phản gián. Ông có cảm tình ngay với Giang tuy vậy, ông không muốn kết nạp chàng vì hai lý do: thứ nhất, chàng quá đẹp trai, đẹp trai hơi hơi thì còn chấp nhận được, chứ quá đẹp trai thì bất lợi hoàn toàn, phụ nữ thường dễ mềm lòng trước đàn ông khôi ngô, ngược lại đàn ông khôi ngô hay lụy vì tình ; thứ hai, Giang có thân hình quá khỏe mạnh, Đức quốc xã rất cần người khỏe mạnh để xung vào đạo quân lao động cưỡng bách. Giang chỉ lang thang ra đường là bị tóm giữ ngay tức khắc. Pinto ngần ngại song không nỡ từ chối. Linh tínhnghề nghiệp cho ông thấy Giang có thể trở thành một điệp viên đắc lực. Chàng hội đủ điều kiện : Ái quốc, thông minh, học thức, cường tráng. Chàng lại nằng nặc đòi trở về nước hoạt động với bất cứ giá nào. Đột ngột, Pinto nêu câu hỏi : - Giang, tại sao anh cứ muốn hồi hương? Tôi cần nói thật với anh là trong số những người được cử về Hòa lan chỉ có một số rất ít sống sót, còn phần đông bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, giết chết... Nét mặt không biến đổi, chàng điềm tĩnh đáp: - Tôi biết, nhưng tôi sẵn sàng tình nguyện. Vì tôi nghĩ có thể giúp nước một cách hữu hiệu. Ngừng một phút, chàng tiếp: - Một cách hữu hiệu hơn nhiều người khác. Pinto cũng không biến đổi nét mặt: - Chẳng hạn việc gì? Giang nói: - Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không còn ai thân thích. Do đó, liên hệ gia đình của tôi rất nhẹ. Tôi bị bắt, hay bị chết, chẳng làm ai buồn. Mật vụ địch cũng không hy vọng bắt cha mẹ, vợ con tôi để dụ tôi ra hàng...Trên đời này tôi chỉ còn lại một người thân độc nhất, ông cậu tôi. Hiện ông cậu Iàm chủ một lữ quán tại U tờ-rết. Từ nhỏ đến lớn, tôi sống tại U-tờ-rết, một thời gian sau khi bọn quốc xã xâm lược Hòa lan, đến chiếm ngụ lữ quán của ông cậu, tôi vẫn ở lại đó, không đi đâu cả. Lữ quán này đông nghẹt sĩ quan cấp Đức. Nó là kho tin tức quân sự. Nếu ông gài được một người bên trong lữ quán thì... Đại tá Pinto ngắt lời Giang : - Anh tình nguyện trở về lữ quán của cậu ? Giang gật đầu. Pinto xua tay : - Đề nghị của anh không ổn. Chắc khác nào anh dẫn thân đến chỗ chết. Mọi người ở U-tờ-rết đều quen biết anh. Bọn mật vụ sẽ không để anh yên. Và anh dư hiểu mật vụ sẽ làm gì anh sau khi anh bị bắt.. Giang đáp, giọng từ tốn và lễ độ: - Thưa, tôi đã nghĩ nhiều về việc này. Thiết tưởng có nhiều cách thay đổi con người. Đặc biệt là thay đổi diện mạo. Theo chỗ tôi biết, sở tình báo đồng minh có một bộ phận thay đổi diện mạo bằng giải phẫu thẩm mỹ. Pinto giật mình: - Anh là một thanh niên khôi ngô, không lẽ sửa anh khôi ngô thêm. Nhưng cũng không lẽ sửa anh xấu đi. - Thưa tôi muốn thay đổi cho hết vẻ khôi ngô. - Trời.... anh đừng quên sửa xấu thì dễ, chứ sau này sửa đền lại như cũ rất khó. Nghĩa là suốt đời anh sẽ..... - Thưa, tôi không mong gì hơn. Đối với tôi, phụng sự tổ quốc là điều trên hết, còn xấu hay đẹp chỉ là phụ. Vả lại, giờ phút này hàng trăm, hàng ngàn người hy sinh cả mạng sống của họ nữa thì sao. So sánh với họ, sự thay đổi diện mạo của tôi chẳng có ý nghĩa gì cả Pinto chấp thuận. Mấy ngày sau, Giang bắt đầu tham dự cuộc huấn luyện tại một cơ quan mà giới tình báo đồng minh gọi là SOE 1, cơ quan đặc vụ. Giang trở thành chuyên viên phim ảnh vi-ti, nổ mìn, gài bom, mật mã và điện đài. Chàng học tỉ mỉ về tổ chức quân sự địch. Chàng còn học phương pháp giết người. Giết bằng khí giới là chuyện thường. Phải học giết bằng hai tay không. Trường SOE báo cáo với Pinto rằng Giang tỏ vẻ nôn nóng, và mặc dầu các huấn luyện viên đốt cháy giai đoạn, Giang vẫn than phiền là chương trình huấn luyện chậm như rùa bò. Chàng muốn thanh toán thật nhanh. Chàng xin được học thêm giờ, và đòi được vào ngay bệnh viện để sửa mặt. Pinto gửi công văn cho ban giám đốc trường, hỏi ý kiến. Ban giám đốc phúc trình là Giang học rất sáng dạ, các huấn luyện viên đều bằng lòng. Ban giám đốc nói thêm là trong tương lai họ hy vọng Pinto tuyển chọn thật nhiều khóa sinh hội đủ điều kiện như Giang. Tốt nghiệp xong, Giang quay về Luân để mổ mặt. Chàng gọi điện thoại đến thăm Pinto. Cuộc sống điệp báo đã trui luyện lòng ông, ông tưởng không bao giờ còn biết xúc động nữa. Vậy mà ông xúc động trước bộ mặt mới của Giang. Những vết thẹo trên mặt chàng trai khôi ngô ngày nọ đã kéo da song những mảng đỏ vẫn còn. Sự đổi mầu này làm mặt Giang trở nên gớm ghiếc, tuy nhiên cũng chưa gớm ghiếc bằng hình thù của mũi, má và miệng. Cái mũi gần như là trái cà chua bẹp trong khi hai má phồng lên, cái miệng chữ V để lộ cả răng và nướu, nhất là cặp môi thâm sì. Pinto còn bàng hoàng thì Giang đã hỏi : - Ông thấy tôi ra sao? Cừ không? Ông có tin là bọn Đức nhận được mặt tôi nữa không? Dĩ nhiên là không. Giang phá lên cười. Chàng cười mà không khác mếu. Nhớ lại cái miệng đa tình, làn môi luôn luôn đỏ, cái má lúm đồng tiền, và sổng mũi cao, đều của Giang, Pinto cảm thấy trái tim đau nhói. Nhưng Giang vẫn vui như Tết, chàng nhanh nhẩu báo tin cho Pinto biết là để cải trang thêm hữu hiệu, chàng đã độn cao thêm đế giầy trái, khiến chàng bước khập khiễng. May ra bọn quốc xã tưởng chàng tàn tật, và miễn công tác lao động cưỡng bách. Sau đó một tuần, Giang được một oanh tạc cơ Anh quốc thả xuống vùng đồng ruộng gần thị trấn U-tờ-rết. Đại tá Pinto nóng ruột nghe ngóng tin tức của Giang. Rồi ban điện đài của tình báo Anh tiếp nhận được mật điện "hiệp ước đã được ký kết". Điều này có nghĩa là Giang đã móc nối được với ông cậu và bắt đầu làm việc trong lữ quán, ngay trước mũi bọn sĩ quan quốc xã. Pinto thở phào một cách khoan khoái. Ông vẫn sợngười cậu già của Giang không chịu nhìn nhận gã thanh niên mặt mũi xấu như ma lem kia là đứa cháu ruột. Giang Ri-bích hoạt động bén nhậy và đắc lực ngay từ buổi đầu. Chàng làm việc trong nhà bếp của khách sạn. Dần dà, với sự thỏa thuận của ông cậu, Giang được làm bồi trong phòng ăn, rồi hầu rượu. Hầu rượu là phần việc tốt nhất vì các sỹ quan cao cấp thường bàn bạc chung quanh ly rượu. Chỉ cần để ý, tai thính và trí nhớ vượt mức trung bình là có thể biết được nhiều tin tức quan trọng. Sở dĩ Giang được làm bồi rượu vì anh bồi rượu chính thức bị xung vào lực lượng lao động. Nhờ Giang, tình báo đồng minh thiết lập được một trạm nghe vô giá ngay tại trung tâm tổng hành doanh quốc xã Hòa lan. Giang dóng tai và ghi hết vào óc. Chàng vốn thông minh nên nghe đến đâu nhớ đến đó, không hề quên một chi tiết nhỏ nhặt. Chàng đạt được nhiều thành công bên quầy rượu. Mặt chàng quá xấu nên các sĩ quan không thèm nhìn khi chàng rót rượu. Chàng lại vâng dạ luôn miệng nên được coi là gia nhân ngoan ngoãn. Giang liên lạc bằng điện đài với Luân đôn, tuy nhiên, chàng không có điện đài riêng. Mỗi cần liên lạc, chàng phải tìm đến nơi ẩn náu của 2 nhân viên kháng chiến cách thị trấn U-tờ-rết một quãng đường. Pinto không muốn Giang quen biết rộng hoặc tiếp xúc thêm với tổ chức kháng chiến địa phương vì sợ bị bại lộ. Thu hẹp các đầu mối liên lạc. Giang có thể hoạt động mạnh mẽ mà ít lo bị phản bội. Những ngày được nghỉ việc tại khách sạn, Giang xin phép về vùng quê. Lấy cớ đi mua lương thực cho câu lạc bộ sĩ quan, chàng vẽ họa đồ những địa điểm tập trung binh sĩ và cơ sở quân sự. Chàng được di chuyển tự do trong vùng, chàng lại nghe lỏm được nhiều mẩu chuyện trong khách sạn nên chẳng bao lâu Luân đôn đã nắm vững được hình địch. Gần như phân nửa tin tức quân sự về Hòa lan là do Giang cung cấp. Đại tá Pinto tỏ ra mãn nguyện về tinh thần và khả năng phục vụ của Giang. Bởi vậy, ông đã hoàn toàn sửng sốt khi một người đến gặp ông tại văn phòng trong buổi chiều mùa hạ năm ấy. III. Ông đang chúi đầu vào đống hồ sơ dầy cộm thì thư ký riêng báo tin có một viên chức cảnh sát Anh ngỏ ý xin gặp. Tên viên chức này là Jenkins, thẩm sát viên. Pinto chỉ nghe nói đến tên Jenkins chứ chưa hề gặp mặt. Ông đoán rằng Jenkins gõ cửa văn phòng ông để ấn vào tay ông một đống giấy phạt vi phạm luật lệ giao thông. Nhân viên thuộc cấp của ông đều là người Hòa lan, họ không am tường luật lệ giao thông Anh quốc, họ lại thói quen lái ẩu, bất chấp đèn hiệu ở cácngã tư. À... cũng có thể là Jenkins đến cảnh cáo về vụ thuộc cấp của ông không tuân hành nghiêm chỉnh những chỉ thị về phòng thủ thụ động. Hàng đêm phi cơ địch bay đến bắn phá, đèn đuốc trong thành phố phải được che kín, nhưng theo chỗ ồng biết thì nhân viên trong ban vô tuyến điện của ông có vẻ đãng trí... Ông sửa soạn nụ cười ngoại giao thật tươi để đón chào đón thẩm sát viên Jenkins. Người Anh vốncứng nhắc về nguyên tắc, luật là luật, không có bên trọng bên khinh như ở Hòa lan. Khi bước vào Jenkins mang theo bộ mặt lạnh lùng như đá. Chậc, có chuyện quan trọng đây...Phạt là cùng, có gì mà phải nghiêm trang.. Jenkins chào Pinto rồi chưa kịp ngồi đã mở cặp da xách tay, lấy ra một tấm hình. Trong tấm hình lớn là một thanh niên khôi ngô, mặc com-lê chỉnh tề. Sơ-mi trắng tinh, cà-vạt đúng mổt. Bên dưới có hàng chữ viết tay bay bướm "suốt đời với em...G...". Thẩm sát viên Jenkins hỏi : - Đại tá biết người trong hình không ? Dĩ nhiên Pinto phải biết. Bộ mã khôi ngô của thanhniên trong hình là cộng sự viên của ông. Đó là Giang Ri-bích. Không phải Giang ở U-tờ-rết làm nghề bồi rượu cho tướng tá quốc xã, mà là Giang đẹp trai, Giang có số đào hoa, đàn bà con gái say mê như điếu đổ, Giang trước ngày tình nguyện mổ mặt, thay đổi sống mũi, gò má, và miệng... Pinto đáp : - Có lẽ... biết. Rồi hỏi lại Jenkins : - Có chuyện gì không, ông bạn ? Thẩm sát viên Jenkins bèn thuật tự sự cho Pinto nghe. Cách đó mấy ngày, bọn trẻ chơi đùa trên đống gạch vụn ở một khu vực Luân đôn bị bom đạn địch làm đổ nát đã khám phá ra bàn chân một thiếu phụ trẻ bị chôn vội trong một cái hồ bơi cạn. Cảnh sát được trình báo đã đến nơi chở nạn nhân vào nhà xác. Cuộc giải phẫu của luật y cho thấy mặc dầu thi thể bị rửa nát và bị vùi quá lâu đã có bằng chứng chắc chắn là nạn nhân bị bóp cổ đến chết. Theo cuộc điều tra, nạn nhân vốn là chiêu đãi viên tại một quán rượu gần nơi xảy ra vụ oanh tạc. Sau ngày nạn nhân đột nhiên biệt tích, chủ nhân căn phòng mà nàng thuê đã cho người khác thuê lại, còn áo quần, đồ đạc của nàng thì được cất giữ tử tế trong kho. Cảnh sát lục tấm hình của Giang Ri-bích. Bạn bè của nạn nhân đều khai Giang là người yêu, đồng thời nạn nhân cũng đã viết trong nhật ký về những liên hệ thắm thiết giữa nàng và Giang, nàng còn than thở về tính ghen tuông quá độ, ghen tuông đến gần như điên rồ của Giang. Thẩm sát viên Jenkins giải thích thêm : - Nàng có thân hình khá xinh đẹp, song lẳng lơ, điếm đàng một tí, dường như nàng còn làm thêm nghề... phụ nữa nên Giang Ri-bích mới ghen tuông. Và tôi sợ Giang đã dính líu vào thảm vụ sát. Ngừng một phút, Jenkins nói tiếp : - Hẳn đại tá ngạc nhiên tại sao tôi lại biết đến đây. Tôi được các sĩ quan Hòa lan giới thiệu. Họ nói là Giang làm việc dưới quyền đại tá. Pinto thừ người giờ lâu. Ông sực nhớ đến thái độ nôn nóng quá độ của Giang, muốn tốt nghiệp khóa điệp báo thật nhanh, giải phẫu thẩm mỹ thật nhanh và hồi hương cũng thật nhanh. Giang nôn nóng vì sợ bạii lộ. Khỏi cần điều tra ông đã có linh tính Giang liên hệ xa gần đến vụ cô gái chiêu đãi viên bị chẹn cổ chết. Ông bèn giải thích là Giang đã được phái về Hòa lan, hoạt động cho đồng minh trong vùng địch. Ông nhấn mạnh rằng triệu hồi Giang là việc rất khó. Thẩm sát viên Jenkins đáp, giọng bình thản, như thể đã biết trước phản ứng của Pinto: - Trong hoàn cảnh ấy, tôi đành phải yêu cầu triệu hồi Giang Ri-bích bằng đường lối khác. Pinto tìm kế hoãn binh : - Với tư cách riêng, tôi mạn phép bàn là hiện nay chưa rõ Giang hoàn toàn vô can hay phạm tội sát nhân. Nhưng muốn là gì nữa thì sự trở về Luân đôn của Giang cũng không thể làm cô gái chiêu đãi viên sống lại. Tôi không thể tiết lộ các chi tiết, nhưng đối với ông tôi không ngần ngại nói thẳng rằng đồng minh đang bị tổn thất nặng nề tại Hòa lan. Mỗi nhân viên của đồng minh ở đó là một lực lượng vô giá. Và xin ông hiểu rằng Giang Ri-bích đang thi hành một sứ mạng quan trọng, vô cùng quan trọng. Jenkins vẫn không hề lay chuyển : - Đại tá cảm phiền, đại tá có công việc của đại tá, tôi có công việc của tôi. Tôi sẽ vận động triệu hồi Giang Ri-bích. Viên thẩm sát đứng dậy và cáo từ. Pinto không tỏ ra lo lắng nhiều vì ông biết chắc thượng cấp sẽ hỏi ý kiến của ông trước khi ra quyết định. Và khi ấy, ông sẽ đưa ra những lý lẽ xác đáng để ngăn chặn. Từ Hòa lan, Giang vẫn điện về đều đặn, Giang đoạt hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có lần chàng dám chuốc rượu cho một sĩ quan Đức say bí tỉ rồi mở tép da lấy tài liệu quân sự ra chụp.Pinto được tin vội sai nhân viên giao liên đặc biệt đến U-tờ-rết nhận cuốn phim. Vì Giang cần chuyển nhiều bức điện nên Pinto ra lệnh cho hai chuyên viên điện đài của kháng chiến đến hợp tác thường trực với chàng. Hai người này trở thành nông gia tiếp tế rau và đồ trái cây cho câu lạc bộ sĩ quan khách sạn để tiện gặp Giang. Một trong hai người này là Orion. Theo lệnh Luân đôn. Orion mời Giang đến một trang trại hẻo lánh ở ngoại ô. Tại đó, Giang được tiếp xúc với hai nhân viên của Pinto vừa từ Luân đôn tới. Họ nhảy dù xuống U-tờ-rết với một điệp vụ đặc biệt. Giang có bổn phận giúp họ. Không quân Đức vừa áp dụng một chiến thuật oanh tạc mới. Hồi đó, các vụ ném bom đêm ở Luân đôn đã giảm cường độ. Đột nhiên phi cơ Đức thả xuống một loại bom kỳ lạ. Loại bom này được gắn theo bộ phận nổ chậm, nếu không ai đụng tới nó sẽ tự động nổ đúng một tuần sau khi rớt xuống đất. Chuyên viên tháo gỡ ngòi nổ đều bị đều bị nổ chết banh xác. Đặc điểm của ngòi nổ là không thể chạm tay. Do đó, loại bom nổ chậm của Đức trở thành mối nguy ngày một gia tăng, đối với sinh mạng người dân Luân đôn, đồng thời cũng làm tinh thần họ bị suy sút trầm trọng 2. Tuy nhiên, vấn đề hóa giải bom nổ chậm có thể được thực hiện nếu các cơ sở quốc phòng đồng minh có ngòi nổ dưới tay để nghiên cứu. Dịp đã đến trên lãnh thổ Hòa lan. Một oanh tạc cơ Đức chở bom nổ chậm qua Luân đôn để thả bị trúng đạn cao xạ phải lết về Hòa lan, đáp xuống một trường bay gần U-tờ-rết. Luân đôn bèn hạ lịnh cho các nhân viên đồng minh phải đánh cắp cho kỳ được những ngòi nổ chưa dùng. Công tác này chẳng dễ gì. Thứ nhất phải đột nhập vào phi trường được canh phòng cực kỳ cẩn mật. Thứ hai, phải đánh cắp ngòi nổ. Thứ ba, phải mang ngòi nổ an toàn về Luân đôn. Hai chuyên viên về bom được phái đến U-tờ-rết. Căn cứ vào kinh nghiệm của những toán tháo ngòi nổ đã bị tử thương, họ chỉ nhìn bề dài, bề ngang của thùng đựng, và mã số ghi bên ngoài là biết được ngòi nổ loại nào. Giang Ri-bích sẽ hoạt động chung với họ trong vụ đánh cắp ngòi nổ. Đêm ấy, Giang thảo luận kế hoạch với hai chuyên viên Anh. Gần sáng, chàng mới về đến khách sạn. Hôm sau, chàng lảng vảng đến gần phi trường để dò xét. Trước đây chàng đã vẽ họa đồ phi trường, và biết rõ hệ thống an ninh. Trong khi ấy, hai chuyên viên Anh ẩn náu trong vựa lúa ở ngoại ô thành phố, xa tầm mắt của mật vụ quốc xã. Giang kiếm cớ có hẹn với bạn gái để rời khách sạn thật sớm. Chàng hẹn hai chuyên viên Anh tại một con đường nhỏ. Cả hai chui vào trong xe ngựa chở đầy phân bón. Chiếc xe chạy cà rịch cà tàng trên những con đường băng qua cánh đồng vắng vẻ và đầy ổ gà. Rồi đậu trước một giẫy lều tranh bỏ trống, trước kia dùng để chứa rơm rạ trong mùa gặt. Xa xa là hàng rào dây kẽm gai cao ngất bao bọc xung quanh phi trường. Hai chuyên viên bò khỏi xe, nằm dán mình trên cỏ chờ đợi. Họ kiểm điểm lại giờ giấc trên đồng hồ lân tinh đeo ở cườm tay. Trước mặt họ, trên phi đạo lấp loáng ánh đèn để họ có thể nhìn thấy những oanh tạc cơ đen sì. Tiếng máy nổ rầm rầm. Phi công Đức đang chuẩn bị cất cánh để ném bom Luân đôn. Giang hồi hộp khi nhận ra những chiếc thùng vuông xếp thành hàng dài gần phi đạo. Đó là những thùng đựng ngòi nổ. Những oanh tạc cơ cuối cùng đã rời sân bay, vụt lên không gian đen sì như mực tàu. Quang cảnh đêm tối hoàn toàn thích hợp với công việc mà Giang được lệnh tiến hành. Im lặng trở lại. Ba người nằm trên cỏ không còn nghe thấy tiếng gì ngoại trừ tiếng côn trùng rỉ rả. Đột nhiên Giang chồm dậy. Từ xa có tiếng động cơ. Tiếng kêu the thé của oanh tạc cơ đồng minh. Qua ánh sáng lờ mờ, Giang thoáng thấy một phi đội lướt đến ở cao độ thấp. Thấp gần đụng ngọn cây. Rồi... ầm ầm... ầm ầm... mặt đất rung chuyển dữ dội, những trái bom đua nhau rớt xuống mục phiêu, lửa bốc đỏ ối, bùn, cát và cỏ vụn bay tứ tán phủ đầy người Giang, bịt cứng lỗ tai chàng, che kín mắt chàng. Sau loạt bom miểng đển bom xăng đặc. Đám cháy lan rộng khắp nơi, phi trường sáng rực như ban ngày giữa những tiếng nổ long trời lở đất. Cả ba người lao đầu về phía trước, như lực sĩ thế vận chạy nước rút gần đến mức ăn thua. Cuộc oanh kích làm hàng ngũ phòng vệ của quân đội Đức hỗn loạn. Những bóng đen binh sĩ chạy lăng xăng trên sân bay, in cắt trên nền trời đỏ. Trong chớp mắt, Giang đến vòng rào phi trường. Chàng thủ sẵn trong tay cặp kềm cắt dây kẽm gai. Hàng rào bị chàng bấm đứt một khoảng rộng, cả ba người lọt vào căn cứ. Họ khom lưng chạy như bay đến nơi đặt các thùng chứa ngòi nổ. Hai chuyên viên vội vã tìm thùng chứa ngòi nổ chậm. Các đám lửa do bom na pan gây ra vừa làm hệ thống an ninh của địch rời rạc, lại vừa chiếu đủ sáng hầu các chuyên viên đọc rõ những hàng chữ viết trên vỏ thùng gỗ. Giang nghe tiếng còi hiệu nhỏ. Một chuyên gia đang loay hoay khiêng đống thùng ở trên đặt xuống đất. Thùng chứa ngòi nổ chậm hiện ra. Giang cúi xuống, lấy hết sức lực, đỡ cái thùng nặng chĩu lên vai. Đôi vai chàng nổi tiếng từ xưa là đôi vai lực sĩ. Tuy vậy chàng cũng cảm thấy toàn thân chùn xuống. Nếu không có tinh thần vêu nước mãnh liệt, và không có hai bạn đồng hành kèm bên thì chàng đã vứt lại. Vì cái thùng quá nặng. Nặng đến nỗi chàng thở không ra hơi, bước đi loạng choạng chỉ muốn ngã... Nhưng rốt cuộc chàng vẫn ra khỏi trường bay và phóng vùn vụt qua ruộng đến giẫy nhà lều khuất trong bóng đêm mù mịt. Phi đội đồng minh lượn vòng cuối trên sân bay địch, tiếng đại liên réo liên hồi, những chuỗi bom đen sì lại tiếp tục rót xuống. Giang bới đống phân trên xe ngựa, nhét cái thùng ngòi nổ, và lấp lại như cũ. Chàng đánh ngựa vòng theo một lối khác. Chàng chọn con ngựa khỏe mạnh, thế mà cái thùng ngòi nổ đã làm nó thở phì phò, bọt trắng đầy mũi. Trước lúc rạng đông, Giang chui xuống hầm khách sạn, con đường chàng đã dùng lần đầu khi từ Luân đôn về quê nhà. Nhà bếp chưa có ai. Nhưng chàng vừa thay quần áo xong thì nhân viên nhà bếp đã lũ lượt tới. Công việc hầu hạ các sĩ quan địch lại bắt đầu, bình thường, đều đặn như những ngày khác đã qua.... Cùng khi ấy, trên con đường đồng quạnh quẽ dưới ánh mặt trời hửng sáng, chiếc xe ngựa ọc ạch chở hai chuyên viên ngòi nổ Anh quốc đang tiếp tục cuộc hành trình. Nếu không gặp trở ngại bất thần, họ có thể trèo lên chiếc phi cơ đồng minh từ Luân đôn hạ cánh xuống bốc họ chập tối hôm ấy. Trên thực tế, họ đã trở về căn cứ xuất phát an toàn, cả hai đều không ngớt lời ca ngợi Giang với đại tá Pinto. Và sự thành công lớn lao này đã làm Pinto quên bẵng thẩm sát viên Jenkins. """