"
Tù Nhân Của Thiên Đường - Carlos Ruiz Zafón full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tù Nhân Của Thiên Đường - Carlos Ruiz Zafón full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
Ebooks
Nhóm Zalo
CARLOS RUIZ ZAFÓN
Võ Hồng Long dịch
—★—
TÙ NHÂN CỦA THIÊN ĐƯỜNG
• THE PRISONER OF HEAVEN •
(The Cemetery of Forgotten Books, #3)
NHÃ NAM & NXB VĂN HỌC
ebook©vctvegroup | 08-10-2020
Tôi luôn biết một ngày nào đấy mình sẽ quay về những con phố này để kể câu chuyện về một người đàn ông đã đánh mất linh hồn và tên họ giữa bóng tối của một Barcelona bị mắc kẹt trong thời kỳ của tàn tro và câm lặng. Đây là những trang được viết ra trong đám lửa của thành phố bị nguyền rủa ấy, những ngôn từ được khắc vào lửa dựa trên ký ức của một người trở về từ cõi chết với một lời hứa neo chặt trong tim và một lời nguyền trong tâm trí. Bức rèm kéo lên, khán giả rơi vào yên lặng và trước khi bóng tối đang treo mình bên trên số mệnh của họ đổ bộ lên sân khấu, một dàn những linh hồn thuần khiết sẽ bước lên với một vở hài kịch trong tay và cái ngây thơ đáng thương của những kẻ tin rằng hết hồi ba là vở kịch kết thúc, muốn đem đến cho khán giả một câu chuyện Giáng sinh - mà không biết rằng khi trang cuối cùng được lật qua, chất độc của những ngôn từ trong trang viết ấy sẽ kéo họ, thật chậm nhưng không thể nào xoay chuyển nổi, thẳng vào tâm của bóng tối.
Julián Carax
Tù nhân của thiên đường
(Bản của nhà Lumière, Paris, 1992)
PHẦN MỘT
CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH
1
Barcelona, tháng Mười hai, 1957
Năm ấy vào mùa Giáng sinh, mỗi buổi sớm mai được bao phủ trong làn sương giá dưới bầu trời xám xịt. Sắc xanh nhạt bao phủ lên thành phố và người ta đi qua đi lại, quấn kín đến tận tai và vẽ nên những đường hơi nước bằng hơi thở của họ trong tiết trời giá lạnh. Chẳng mấy ai nán lại để nhìn vào hiệu sách 'Sempere & Con trai', lại càng ít người đánh bạo bước vào để hỏi cuốn sách đã chờ đợi họ suốt cuộc đời mà việc nó bán được, ngoài đem lại niềm vui thi ca, sẽ góp phần làm vơi nhẹ tình trạng tài chính đang khốn khó của cửa hàng.
“Con nghĩ hôm nay sẽ là ngày đó. Hôm nay vận may của chúng ta sẽ thay đổi,” tôi tuyên bố khi đang nhâm nhi ly cà phê đầu tiên trong ngày, với một niềm lạc quan thuần khiết ở trạng thái lỏng.
Cha tôi, người đã chiến đấu với cuốn sổ cái từ tám giờ sáng, xoay xoay cây bút chì và cục tẩy, ngước lên từ quầy và theo dõi đám khách hàng khó với đang mất hút vào con phố.
“Chúa nghe được lời con, Daniel, vì cứ thế này, nếu chúng ta không bù được lỗ trong mùa Giáng sinh, ta sẽ không đủ sức trả hóa đơn tiền điện tháng Giêng đâu. Chúng ta sẽ phải làm gì đó.”
“Hôm qua Fermín có một ý,” tôi ướm thử. “Anh ta nghĩ đó là một kế hoạch thông minh và sẽ cứu hiệu sách này khỏi vụ phá sản sắp
xảy ra.”
“Chúa phù hộ chúng ta.”
Tôi dẫn lại lời Fermín, từng chữ một:
“Nếu nhỡ tình cờ người ta bắt gặp tôi đang mặc quần lót chỉnh lại mấy tấm kính của cửa hàng, một số quý cô đang cần những cảm xúc văn chương mạnh mẽ sẽ bị hút vào và bị xui khiến phải chia tay với một mớ tiền mặt. Theo ý kiến chuyên gia, tương lai của văn chương phụ thuộc vào phụ nữ, và Chúa chứng giám, chỉ có phụ nữ chưa sinh ra mới có thể cưỡng lại sức cám dỗ nguyên sơ của cái vóc dáng kỳ diệu này,” tôi thuật lại.
Nghe sau lưng mình cây bút chì của cha rơi xuống sàn, tôi liền quay lại.
“Fermín đã nói vậy đấy,” tôi thêm vào.
Tôi nghĩ cha sẽ mỉm cười trước đề nghị của Fermín, nhưng nhận thấy ông vẫn yên lặng, tôi lén nhìn ông. Chẳng những Sempere Bố không thấy gợi ý này có chút gì hài hước, mà ông còn mang cái vẻ suy tư, cơ hồ đang cân nhắc điều đó thật nghiêm túc.
“Chà, chà... có lẽ Fermín đã vô tình chạm đúng nguyên nhân rồi,” ông lẩm nhẩm.
Tôi nhìn ông mà không tin nổi. Có lẽ tình trạng hiếm khách diễn ra mấy tuần vừa rồi cuối cùng đã ảnh hưởng đến óc xét đoán đáng tin của cha tôi.
“Bố đừng nói là sẽ cho phép anh ta mặc quần chẽn* đi quanh hiệu sách đấy nhé.”
“Không, dĩ nhiên là không. Là về mấy tấm kính hiệu sách. Con nhắc đến làm bố nghĩ ra một ý... Có lẽ rốt cuộc vẫn còn cơ hội để chúng ta cứu mùa Giáng sinh này.”
Ông biến mất vào phòng sau, rồi xuất hiện trở lại, vận bộ trang phục mùa đông quen thuộc: chiếc áo khoác, chiếc khăn, và chiếc mũ mà tôi nhớ ông đã mang từ hồi tôi còn bé. Bea ngờ rằng kể từ năm 1942 cha tôi chẳng hề mua quần áo mới và mọi thứ dường như chứng minh vợ tôi đúng. Khi xỏ găng tay, cha bất giác mỉm cười, mắt ông hấp háy niềm phấn khích như trẻ nhỏ, dáng vẻ mà chỉ những công việc trọng đại mới gợi lên được ở ông.
“Bố để mình con trông hiệu sách một lát,” ông tuyên bố. “Bố định làm một việc vặt.”
“Con có thể hỏi bố định đi đâu được không ạ?”
Cha nháy mắt với tôi.
“Một điều bất ngờ. Rồi con sẽ thấy.”
Tôi theo ông ra cửa, và thấy ông rảo bước về phía Puerta del Ángel, lại thêm một dáng người nữa trong làn sóng xám xịt những khách bộ hành đang băng qua một mùa đông dài khác của bóng tối và tro bụi.
2
Tranh thủ tối đa việc được ở một mình, tôi quyết định mở radio và hưởng thụ chút nhạc trong lúc sắp xếp lại sách trên giá theo cách mình yêu thích. Cha tôi lý luận rằng mở radio khi cửa hiệu có khách là thiếu tế nhị và nếu tôi mở trong lúc Fermín đang ở đây, anh ta sẽ bắt đầu lẩm nhẩm theo bất cứ điệu nhạc nào, hoặc tệ hơn, nếu có cơ hội anh ta sẽ bắt đầu lắc lư theo cái anh ta gọi là “điệu Caribe nhục cảm” và chỉ sau vài phút anh ta sẽ làm tôi phát điên. Tính đến những khó khăn thực tế ấy, tôi đi đến kết luận rằng tôi sẽ giới hạn niềm vui thú nghe sóng radio vào những khoảnh khắc hiếm hoi khi cửa hiệu chẳng còn ai ngoài tôi với hàng ngàn cuốn sách.
Sáng hôm ấy, Radio Barcelona đang phát một bản thu âm hiếm hoi buổi hòa nhạc của Louis Armstrong trác tuyệt - được thu hồi người nghệ sĩ trumpet ấy và ban nhạc của ông chơi ở khách sạn Windsor Palace trên đại lộ Diagonal, ba mùa Giáng sinh trước. Trong giờ nghỉ giữa chương trình, người dẫn chương trình một mực gắn mác cho thứ nhạc đó là chass, với lời cảnh báo rằng những âm nhấn lệch khơi gợi của thứ nhạc này hẳn sẽ không phù hợp với những thính giả Tây Ban Nha ngoan đạo lớn lên theo những điệu tonadilla và bolero phổ biến từng thống trị sóng phát thanh.
Fermín thường nói nếu ông Isaac Albéniz* sinh ra là người da đen, thì nhạc jazz hẳn sẽ được sáng tạo tại làng Camprodón, gần Pyrenees. Cái âm thanh rực rỡ ấy, anh ta nói, là một trong số ít
những thành tựu đích thực của thế kỷ hai mươi cùng với chiếc áo ngực nhọn cô đào Kim Novak anh ta tôn sùng mặc trong những bộ phim chúng tôi xem suất chiếu ban ngày ở rạp Fémina. Tôi sẽ không tranh cãi vụ đó. Tôi để cho phần còn lại của buổi sáng lơ lửng giữa ma thuật của âm nhạc và hương thơm của những cuốn sách, nhấm nháp niềm thỏa mãn từ việc làm tròn một nhiệm vụ đơn giản.
Fermín nghỉ buổi sáng để hoàn tất việc chuẩn bị cho đám cưới của anh ta với chị Bernarda, sẽ tổ chức vào đầu tháng Hai, hay ít nhất là vậy theo lời anh ta. Lần đầu tiên anh ta nêu ra chủ đề này, tức là chưa đầy hai tuần trước, chúng tôi bảo anh ta vội vã quá và cứ hấp tấp như vậy sẽ chẳng đi đến đâu cả. Cha tôi cố thuyết phục anh ta hoãn lễ cưới lại ít nhất hai hoặc ba tháng nữa, bảo hay nhất là cưới vào hè khi thời tiết đang đẹp. Nhưng Fermín khăng khăng giữ ngày anh ta định, viện cớ rằng, là giống người đã can qua thời tiết khắc nghiệt và khô hạn của những ngọn đồi ở Extremadura, anh ta có thiên hướng vã mồ hôi như tắm trong mùa hè Địa Trung Hải, theo nhận định của anh ta đó là một vấn đề cận nhiệt đới, và sẽ chẳng phù hợp nếu trong lúc ăn mừng ngày cưới mà anh ta lại đổ mồ hôi đến mức tạo thành một vệt to như chiếc bánh kếp dưới nách đâu.
Tôi bắt đầu nghĩ rằng hẳn đã có chuyện bất thường xảy ra với Fermín Romero de Torres - người tiên phong kiêu hãnh trong cuộc phản kháng dân sự đối với nhà thờ Đức Mẹ, các ngân hàng và những cung cách cao đẹp của đất nước Tây Ban Nha ngoan đạo những năm 1950, nơi dành trọn mình cho những buổi lễ tôn giáo và các phim thời sự tuyên truyền - thế nên anh ta mới thể hiện sự gấp gáp như vậy với chuyện cưới xin. Trong cơn sốt sắng tiền hôn nhân, anh ta thậm chí kết bạn cả với cha Jacobo, cha xứ mới ở nhà thờ
Santa Ana, người được phú cho tư tưởng thoải mái và cái cung cách của một tay đấu vật về vườn. Fermín đã tiêm nhiễm cho ông ta niềm đam mê vô hạn với những quân cờ domino và cùng nhau họ đã có những cuộc đấu vĩ đại ở quán bar Admiral vào các chiều Chủ nhật sau lễ Misa. Cha Jacobo sẽ cười ngặt cười nghẽo khi bạn tôi hỏi ông ta, sau những ly rượu ngon, rằng từ nguồn tin mật, ông ta có thể tìm hiểu xem các bà xơ có thực sự có đùi không, và nếu là có, thì chúng có mềm và dễ cắn như anh ta vẫn tưởng từ thuở dậy thì hay không?
“Anh sẽ làm cho ông cha xứ mất phép thông công đấy,” cha tôi quở mắng anh ta. “Không được nhìn vào hay đụng vào các bà xơ đâu.”
“Nhưng cái bậc tôn kính kia còn xỏ lá hơn cả tôi,” Fermín phản đối. “Nếu không phải vì bộ trang phục ấy...”
Tôi đang nhớ lại cuộc trò chuyện ấy và lẩm nhẩm theo tiếng kèn trumpet của ngài Armstrong thì nghe thấy có tiếng chuông cửa khe khẽ, bèn ngước lên, tưởng sẽ thấy cha tôi trở về sau nhiệm vụ bí mật, hay Fermín đã sẵn sàng bắt đầu ca chiều.
“Xin chào,” một giọng trầm và thô ráp cất lên ở ngưỡng cửa.
3
In lên trên vùng sáng ở ngoài đường, bóng người ấy giống như một thân cây bị gió quật. Vị khách mặc chiếc áo vét lỗi thời, sẫm màu và tư thế đứng dựa vào chiếc gậy để lộ dáng vẻ dữ dằn. Ông ta tiến thêm một bước, thấy rõ cái dáng đi tập tễnh. Ánh sáng từ chiếc đèn nhỏ trên bàn chiếu vào một khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi tác, và cái dấu vết không thể nhầm lẫn được của sự bất hạnh. Người đàn ông ấy nhìn chằm chằm tôi một lát, và thư thả đánh giá tôi. Ông ta có cặp mắt lạnh lùng của một con chim săn mồi, kiên nhẫn và toan tính.
“Có phải ông Sempere đây không?”
“Tôi là Daniel. Ông Sempere là bố tôi, lúc này bố tôi không ở đây. Tôi có thể giúp gì ông không?”
Vị khách lờ câu hỏi của tôi và bắt đầu dạo quanh hiệu sách xem xét mọi thứ thật tỉ mỉ với vẻ thích thú gần như thèm thuồng. Dáng khập khiễng nơi ông ta cho thấy vết thương giấu dưới lớp quần áo kia hẳn phải rất nghiêm trọng.
“Món quà của chiến tranh,” người lạ nói như đọc được ý nghĩ của tôi.
Tôi cứ nhìn ông ta, dõi theo cuộc thăm dò của ông ta ở hiệu sách, đoán xem ông ta sẽ thả neo ở đâu. Đúng như tôi tưởng tượng, ông ta dừng ở trước cái tủ kính khung gỗ mun, một di vật có từ thời cửa hàng mới mở năm 1888, khi cụ cố Sempere, lúc bấy giờ còn là
chàng thanh niên mới trở về sau cuộc phiêu lưu tìm kiếm vận may ở châu Mỹ, đã vay được chút tiền để mua một cửa hàng bán găng tay cũ, và biến nó thành hiệu sách. Cái tủ ấy, báu vật của cửa hiệu, được dành cho những món giá trị nhất.
Vị khách ghé sát tủ đến mức hơi thở lưu dấu lên mặt kính. Ông ta lôi ra cặp kính mắt, đeo vào đặng tiếp tục nghiên cứu những thứ bên trong, vẻ mặt của ông ta làm tôi nghĩ đến một con chồn đang quan sát ổ trứng mới trong chuồng gà.
“Món này đẹp đấy,” ông ta lẩm nhẩm. “Trông hơi bị đắt tiền.” “Một vật gia bảo. Giá trị của nó chủ yếu là về mặt tinh thần,” tôi đáp, cảm thấy khó chịu trước cách đánh giá của vị khách hàng khác thường có kiểu nhìn chòng chọc như quyết tâm định giá đến cả không khí chúng tôi đang hít thở.
Sau một lát, ông ta cất cặp kính, đoạn nói với giọng cân nhắc. “Tôi hiểu rằng có một quý ông, nổi tiếng vì trí thông minh, đang làm việc cho cậu.”
Thấy tôi không đáp lời ngay, ông ta quay lại ném cho tôi cái nhìn khinh khỉnh.
“Như ông có thể thấy, tôi chỉ có một mình. Có lẽ, thưa ông, nếu ông vui lòng cho tôi biết ông đang tìm cuốn sách nào, tôi có thể tìm giúp ông một bản.”
Người lạ ban cho tôi một nụ cười chẳng lấy gì làm thân thiện, đoạn gật đầu.
“Tôi thấy trong tủ kia cậu có một cuốn Bá tước Monte Cristo.” Ông ta không phải khách hàng đầu tiên để ý cuốn sách ấy. Tôi tuôn ra một tràng những lời quảng cáo vốn được dành cho những dịp như vậy.
“Quý ông đây quả có con mắt tinh đời. Đó là một ấn bản cực đỉnh, được đánh số và do Arthur Rackham minh họa. Nó thuộc về thư viện tư nhân của một nhà sưu tầm có uy thế ở Madrid. Một bản độc nhất, và đã được xếp danh mục.”
Vị khách nghe nhưng chẳng mấy để tâm, chú ý vào sự kiên định của cái giá sách gỗ mun, và tỏ rõ rằng những lời của tôi làm ông ta chán.
“Sách nào tôi thấy cũng như nhau cả thôi, nhưng tôi thích màu xanh trên bìa kia,” ông ta đáp lại, giọng khinh miệt. “Tôi sẽ lấy nó.” Trong những tình huống khác, tôi sẽ nhảy cẫng lên vui sướng trước ý nghĩ có thể bán được cuốn sách hẳn là đắt nhất trong hiệu, nhưng ý nghĩ rằng nó rốt cuộc lại vào tay của nhân vật kia làm tôi tức cả bụng. Điều gì đó mách bảo tôi rằng nếu cuốn sách kia rời khỏi hiệu, hẳn sẽ không ai thèm đọc dù chỉ là đoạn đầu tiên. “Đây là một ấn bản rất đắt tiền. Nếu ông thích, thưa ông, tôi có thể cho ông xem các ấn bản khác của tác phẩm này, trong tình trạng hoàn hảo, và với giá hợp lý hơn nhiều.”
Những người có linh hồn cằn cỗi luôn cố làm cho người khác cảm thấy nhỏ bé, và người lạ kia, kẻ có thể che giấu linh hồn mình trong chiếc đầu kim, ném cho tôi cái nhìn khinh khỉnh nhất của ông ta.
“Và bìa cũng màu xanh,” tôi nói thêm.
Ông ta lờ đi sự xấc xược trong cái giọng châm biếm của tôi. “Không, cảm ơn cậu. Đây là cuốn tôi muốn. Tôi không quan tâm giá cả.”
Tôi miễn cưỡng đồng ý, đoạn bước đến tủ. Khi lấy chìa khóa và mở tủ kính, tôi có thể cảm thấy ánh mắt người lạ như xuyên vào
lưng tôi.
“Hàng giá trị thì luôn đằng sau ổ khóa và chìa,” ông ta lẩm nhẩm trong cổ họng.
Tôi lấy cuốn sách và thở dài.
“Quý ông đây có phải một nhà sưu tầm không?”
“Tôi cho là cậu có thể gọi tôi như thế. Nhưng không phải sưu tầm sách.”
Tôi quay lại với cuốn sách trong tay.
“Vậy ông sưu tầm gì, thưa ông?”
Một lần nữa, người lạ lờ câu hỏi của tôi và đưa tay ra lấy cuốn sách. Tôi phải cưỡng lại nỗi thôi thúc bỏ cuốn sách ấy vào tủ rồi vặn chìa khóa. Cha tôi sẽ không bao giờ tha thứ nếu tôi để lỡ một cuộc mua bán như vậy khi kinh doanh đang đi xuống.
“Giá là ba trăm năm mươi đồng peseta,” tôi nói trước khi giao sách cho ông ta, hy vọng con số ấy sẽ khiến ông ta đổi ý. Ông ta gật đầu mà mi mắt không buồn động, đoạn rút ra tờ một ngàn peseta từ chiếc áo vét hẳn không đáng giá một đồng xu. Tôi tự hỏi tờ tiền ấy có phải tiền giả không.
“Tôi e không đủ tiền thối lại đâu, thưa ông.”
Tôi tính đề nghị ông ta chờ một lát trong khi tôi chạy ra ngân hàng gần nhất để đổi tiền, và nhân thể xem luôn có phải tiền giả không, nhưng tôi không muốn bỏ ông ta một mình trong hiệu sách.
“Đừng lo. Tiền thật đấy. Cậu biết làm thế nào để nhận ra không?” Người lạ giơ tờ tiền lên đèn.
“Hãy nhìn hình in mờ này. Và những dòng này. Cái họa tiết này...” “Quý ông đây có phải chuyên gia tiền giả không?”
“Trên đời này, mọi thứ đều là giả, chàng trai ạ. Mọi thứ, ngoại trừ tiền.”
Ông ta đặt tờ tiền vào tay tôi và khép nắm tay tôi lại, vỗ nhẹ lên những đốt tay tôi.
“Cứ giữ tiền thừa cho lần tới tôi ghé mua sách,” ông ta nói. “Coi như là trả trước.”
“Như thế nhiều quá, thưa ông. Sáu trăm năm mươi peseta...” ‘”Chút xu lẻ ấy mà.”
“Vậy tôi sẽ làm biên nhận cho ông.”
“Tôi tin cậu.”
Người lạ xem xét cuốn sách mà chẳng hề có sự thích thú. “Tiện thể thì, đây là một món quà. Tôi phải nhờ đích thân cậu giao giùm.”
Trong một lát, tôi dè dặt.
“Chúng tôi thường không nhận giao sách, nhưng trong trường hợp này chúng tôi sẵn lòng xử lý gói hàng của ông, miễn phí. Liệu tôi có thể hỏi địa chỉ giao hàng ở Barcelona này hay...?” “Ngay tại đây,” ông ta nói.
Cái nhìn lạnh băng dường như hé lộ nhiều năm căm hờn và oán giận.
“Ông có muốn viết lời đề tặng, hoặc lời nhắn riêng trước khi tôi bọc sách không, thưa ông?”
Vị khách mở trang bìa lót với vẻ khó khăn. Lúc này tôi mới nhận thấy tay trái của ông ta là tay giả, được làm từ sứ sơn màu. Ông ta lấy ra cây bút máy và viết mấy chữ. Rồi ông ta đưa cuốn sách cho tôi đoạn quay lưng đi. Tôi nhìn ông ta tập tễnh bước ra cửa.
“Xin ông vui lòng cho tôi tên và địa chỉ ông muốn gửi cuốn sách, thưa ông?” tôi hỏi.
“Tất cả trong đó,” ông ta nói, không quay đầu lại.
Tôi mở cuốn sách ra và nhìn vào trang có dòng chữ người lạ đã viết lên.
Gửi Fermín Romero de Torres,
người từ cõi chết trở về
và giữ chìa khóa đến tương lai.
Mười Ba
Lúc ấy tôi nghe thấy tiếng chuông cửa leng keng, khi tôi ngước lên, người lạ đã đi mất.
Tôi lao đến cửa và nhìn ra phố. Vị khách đang tập tễnh đi, hòa vào những chiếc bóng đang chuyển động xuyên qua màn sương xanh đang cuốn lấy phố Santa Ana. Tôi toan gọi ông ta, nhưng tôi câm lặng... Điều dễ dàng nhất là cứ để ông ta đi, và coi như xong chuyện, nhưng bản năng cùng cái tính thiếu thận trọng đã chiến thắng tôi.
4
Tôi treo biển ĐÓNG CỬA lên và khóa cửa lại, quyết tâm đi theo người lạ kia, xuyên qua đám đông. Tôi biết nếu cha về và phát hiện ra tôi bỏ vị trí - ngay đúng dịp ông để tôi trông hiệu sách một mình và tất tả lo việc trong mùa buôn bán ế ẩm - thì tôi sẽ gặp rắc rối to. Nhưng tôi sẽ nghĩ ra một lý do thích hợp nào đó trên đường đi. Thà đối mặt với cơn giận dữ của cha tôi, còn hơn là chịu giày vò bởi nỗi lo lắng do nhân vật hiểm độc ấy đã để lại, và không biết ý định thực sự của ông ta với Fermín.
Một người bán sách chuyên nghiệp có ít cơ hội đạt được cái nghệ thuật tinh tế trong việc theo dõi kẻ tình nghi ngoài thực địa mà không bị phát hiện. Trừ phi một số lượng đáng kể khách hàng của anh ta là những kẻ quỵt nợ nổi tiếng, bằng không thì cơ hội như vậy chỉ được trao cho anh ta nhờ những tuyển tập các câu chuyện tội phạm và mấy thứ truyện ba xu trên giá sách. Cái áo không làm nên thầy tu, nhưng một tội ác, hay một tội ác giả định, làm nên thám tử, nhất là những tay mơ.
Khi theo dõi người lạ mặt đi về phố Ramblas, tôi nhớ lại những điểm trọng yếu, trước tiên là giữ khoảng cách năm chục mét, ẩn sau ai đó cao lớn hơn và luôn nhanh chóng thủ sẵn một chỗ nấp - một ngưỡng cửa hoặc một cửa hàng - phòng khi đối tượng dừng lại và quay ra sau mà không báo trước. Khi đến phố Ramblas, người lạ băng qua đường để vào đại lộ trung tâm và bắt đầu bước về phía
cảng. Đại lộ được bài trí những đồ trang hoàng Giáng sinh truyền thống, và có nhiều hơn một cửa hàng đã tô điểm ngoài cửa sổ bằng đèn, những hình ngôi sao và thiên thần báo hiệu một mùa phồn thịnh. Nếu kênh truyền thanh của chế độ nói rằng thời kỳ tươi đẹp đang ở phía trước, thì ắt hẳn đúng thế thật.
Vào thời ấy, Giáng sinh vẫn giữ được không khí kỳ diệu và bí ẩn. Cái ánh sáng như bột trắng của mùa đông, những vẻ mặt sáng lên hy vọng của những người sống giữa bóng tối và sự im lặng, tạo cho bối cảnh ấy một không khí hứa hẹn mỏng manh, mà ít nhất trẻ con và những người đã học được nghệ thuật lãng quên vẫn có thể còn thấy tin tưởng.
Có lẽ vì vậy mà tôi càng lúc càng thấy rõ rằng dường như không có ai lạc lõng giữa Giáng sinh bằng đối tượng kỳ dị mà tôi đang điều tra. Ông ta tập tễnh đi chầm chậm, thường dừng lại bên một cửa hàng chim cảnh, hay một hàng hoa để chiêm ngưỡng chú vẹt đuôi dài hay đóa hồng, cơ hồ chưa bao giờ ông ta được nhìn thấy chúng. Có đôi lần ông ta bước đến một quầy báo, thứ chốc chốc lại xuất hiện ở Ramblas và thích thú liếc nhìn trang bìa những tờ báo hay tạp chí và lơ đãng xoay giá bán bưu thiếp. Ông ta xử sự như thể trong đời chưa bao giờ được đến đây, như một đứa trẻ hay một du khách lần đầu tiên đi dạo trên phố Ramblas - nhưng đứa trẻ và du khách thường thể hiện một vẻ ngây thơ vì không biết mình ở đâu, trong khi đó người đàn ông của chúng ta không thể bớt ngây thơ đi dù được ban phước bởi Chúa hài đồng, bức tượng ông ta mới đi ngang qua khi tới nhà thờ Belén.
Rồi ông ta dừng lại, chừng như bị mê hoặc bởi một con vẹt mào đang căng mắt nhìn ông ta từ một trong những quầy bán thú đối diện lối vào phố Puertaferrisa. Ông ta tiến đến chuồng chim với cùng
cái cung cách như khi tiến lại chiếc tủ kính trong hiệu sách, và bắt đầu lẩm bẩm gì đấy với chú vẹt mào. Chú chim, sinh vật có cái đầu lớn, mình như con gà trống thiến, và bộ lông lộng lẫy, sống sót trước hơi thở mùi sulphuric của người lạ kia và tỏ vẻ thích thú lẫn tập trung cao độ vào điều vị khách đang ngâm nga. Để cho chắc chắn, chú ta còn gật đầu lia lịa và giương cái mào hồng mượt lên, phấn khích thấy rõ.
Sau vài phút, người lạ, đã hài lòng sau cuộc trao đổi với chú chim, lại tiếp tục hành trình. Chưa đầy ba mươi giây sau, khi bước qua quầy bán chim, tôi nhận ra rằng một cuộc huyên náo nho nhỏ đã nổ ra. Nhân viên bán hàng, rõ ràng là xấu hổ, vội vàng lấy khăn trùm che lồng chim lại, vì chú chim cứ nhắc đi nhắc lại đoạn điệp khúc sau với chất giọng ngâm thơ mẫu mực, Franco, cái đồ ngu, cu không ngỏng. Tôi không mảy may nghi vấn nguồn gốc của câu vè ấy. Người lạ mặt ít nhất cũng có khiếu hài hước táo bạo, và thiên hướng chính trị liều lĩnh, mà trong thời ấy thật hiếm hoi như chiếc váy ngắn trên gối.
Bị phân tâm bởi biến cố này, tôi nghĩ mình đã mất dấu ông ta, nhưng lập tức tôi thấy hình dáng lù khù của ông ta đang đứng trước cửa sổ của hiệu trang sức Bagués. Tôi nép vào một quầy viết thuê nằm sát cổng vào Điện La Virreina và thận trọng quan sát ông ta. Mắt ông ta sáng lên như hồng ngọc và việc nhìn thấy vàng và đá quý đằng sau những ô cửa kính chống đạn ấy dường như đã đánh thức một nỗi thèm khát trong ông ta mà đến cả một dàn vũ nữ ở La Criolla vào những năm vàng son cũng không thể nào gợi lên được.
“Một bức thư tình, một lá đơn, một thư kiến nghị gửi đến một quan chức lỗi lạc tùy anh chọn, một dòng bốc đồng ‘mong thư này đến tận tay anh, chị’ cho họ hàng trong nước, sao hả chàng trai trẻ?”
Chú thợ viết thuê ở quầy mà tôi chọn làm chỗ ẩn nấp đang hé mắt nhìn ra như một cha xứ nghe xưng tội, đoạn nhìn tôi như mong mỏi, hy vọng tôi sẽ sử dụng dịch vụ của chú ta. Tấm áp phích trên bàn có chữ:
OSWALDO DARÍO DE MORTENSSEN
NHÀ VĂN VÀ NHÀ TƯ TƯỞNG TỰ DO
Viết những bức thư tình, kiến nghị, di chúc, thơ, lời tán dương, thư chào, lời biện hộ, điếu văn, lời hát ca, diễn văn, đơn từ và mọi loại văn tự theo phong cách kinh điển và vần luật. Mỗi câu mười xu (vân vân tính phụ phí). Giá ưu đãi cho các góa phụ, thương binh và trẻ nhỏ.
“Thế nào, chàng trai? Một bức thư tình đúng kiểu khiến các thiếu nữ tuổi cập kê ướt đẫm váy lót vì thèm khát thì sao? Tôi sẽ giảm giá đặc biệt cho cậu.”
Tôi cho chú ta xem nhẫn cưới. Oswaldo, chú thợ viết, nhún vai không hề nao núng.
“Giờ là thời hiện đại rồi,” chú ta lý luận. “Giá mà cậu biết số đàn ông phụ nữ đã có gia đình đến gian hàng của tôi...”
Tôi đọc dòng quảng cáo. Có gì đó quen thuộc mà tôi không thể gọi ra được.
“Tên của chú gọi lên điều gì đó...”
“Tôi đã qua thời hoàng kim rồi. Có lẽ cậu thấy tên tôi từ ngày xưa.”
“Đây có phải tên thật của chú không?”
“Bút danh. Tên của một nghệ sĩ cần phù hợp với sứ mệnh của anh ta. Trên giấy khai sinh tôi là Jenaro Rebollo, nhưng với một cái
tên như vậy, ai sẽ tin tưởng nhờ tôi viết thư tình đây...? Cậu nghĩ sao với lời đề nghị giảm giá? Chúng ta sẽ biên một bức thư đầy đam mê và khao khát chứ?”
“Để lúc khác.”
Chú thợ viết thuê gật đầu cam chịu. Chú ta dõi theo ánh mắt tôi, đoạn nhíu mày vì tò mò.
“Đang theo dõi tên què kia, phải không?” chú ta nhận xét bâng quơ.
“Chú biết ông ta không?” tôi hỏi.
“Độ một tuần nay, ngày nào tôi cũng thấy ông ta đi qua đây, và dừng lại ở ngay đó, chỗ cửa hàng trang sức, ông ta cứ nhìn chằm chằm vào, miệng há hốc, như thể vật được bày biện không phải những chiếc nhẫn hay vòng cổ, mà là cặp mông trần của Dorita xinh đẹp,” chú ta giải thích.
“Đã bao giờ chú nói chuyện với ông ta chưa?”
“Hôm kia một đồng nghiệp của tôi đã chép cho ông ta một bức thư; ông ta mất mấy ngón tay, cậu thấy đấy...”
“Đồng nghiệp nào thế?” tôi hỏi.
Chú thợ chữ nhìn tôi ngờ vực, e sợ khả năng mất đi một khách hàng nếu chú ta đáp lời.
“Luisito, ở đằng kia, cạnh cửa hàng nhạc, người trông như học sinh trường dòng ấy.”
Tôi gửi chú ta mấy đồng xu gọi là cảm ơn, nhưng chú ta từ chối. “Tôi kiếm sống nhờ ngòi bút, không phải bằng nước bọt. Ở khu vực này có rất nhiều người sống bằng nước bọt. Nếu cậu thấy cần cứu giúp văn phạm, cậu sẽ tìm thấy tôi ở đây.”
Chú ta đưa tôi tấm danh thiếp, lời lẽ y như trên tờ áp phích. “Thứ Hai đến thứ Bảy, từ tám giờ sáng tới tám giờ tối,” chú ta nói rõ. “Oswaldo, chiến binh văn tự, phục vụ cậu khi cậu có nhu cầu về giấy má thư từ.”
Tôi cất tấm danh thiếp đi và cảm ơn chú ta đã giúp đỡ. “Con chim của cậu đang bay kìa.”
Tôi quay lại và có thể thấy người lạ mặt lại đang di chuyển. Tôi vội vã đuổi theo ông ta, bám ông ta theo dọc phố Ramblas đến tận cổng chợ Boquería, ở đó ông ta dừng lại để nhìn những quầy hàng cùng những người đến rồi đi, nâng lên và dỡ xuống những món đặc sản. Tôi thấy ông ta tập tễnh bước đến quán Pinocho và leo lên một chiếc ghế, dù khó khăn nhưng tự tin. Nửa tiếng sau đó, người lạ cố vét sạch những đồ ăn thức uống mà người trẻ nhất trong quầy bar, Juanito, cứ phục vụ ông ta, nhưng tôi có cảm giác ông ta chẳng đủ sức để chiến tiếp. Ông ta dường như ăn bằng mắt nhiều hơn, như khi yêu cầu món tapas*mà ông ta hầu như chẳng nếm, ông ta hẳn đang nhớ lại những ngày còn ăn khỏe. Đôi khi vòm miệng không dùng để nếm náp mà để cố gắng nhớ lại. Cuối cùng, đành phải hưởng thú vui phái sinh ấy là nhìn những người khác ăn uống liếm mép, người lạ mặt trả tiền và tiếp tục hành trình cho tới khi đến lối vào đường Hospital, tại đây cách sắp xếp kỳ quái của các con phố Barcelona đã thẳng tay đặt một trong những nhà hát opera tuyệt vời của cựu thế giới cạnh một trong những phố đèn đỏ dơ dáy nhất của Bắc bán cầu.
5
Vào giờ này trong ngày các thủy thủ đoàn của một số các tàu quân sự và tàu buôn cập cảng sẽ phiêu lưu đến tận phố Ramblas để thỏa mãn nhiều nỗi thèm khát. Trước nhu cầu đó, nguồn cung đã xuất hiện nơi góc phố: một dàn những quý cô bán hoa xếp hàng dài đến cả vài dặm và sẵn sàng chào mức giá tối thiểu có thể chấp nhận được. Tôi co rúm trước cảnh tượng những chiếc váy ôm lấy những tĩnh mạch bị dãn ra và vết bầm tím mà chỉ nhìn thôi cũng thấy đau, những khuôn mặt nhăn nheo có cùng cái nét làm-cuốc-cuối-trước khi-về-vườn có thể kích thích được bất cứ điều gì trừ ham muốn. Một thủy thủ hẳn phải ở nhiều tháng ngoài biển khơi thì mới dính mồi, tôi nghĩ, nhưng ngạc nhiên thay, người lạ dừng lại để chòng ghẹo mấy cô gái mà tuổi xuân đã xa rời từ lâu ấy như thể ông ta đang đùa cợt với những hương sắc tươi mới trong dàn ca múa tinh túy bậc nhất.
“Nào, tình yêu của em, hãy để em làm anh trẻ hơn hai chục tuổi bằng tài xoa bóp đặc biệt của em,” tôi nghe một bà nói. Bà ta dễ đáng tuổi bà ngoại của chú thợ chữ Oswaldo.
Bà sẽ giết ông ta bằng trò mát xa thôi, tôi nghĩ. Người lạ, với động tác thận trọng, từ chối lời mời ấy.
“Để hôm khác, em yêu ạ,” ông ta đáp khi bước vào khu phố Raval.
Tôi theo ông ta thêm vài trăm mét nữa, cho tới khi thấy ông ta dừng lại trước một ngưỡng cửa hẹp, tối đen, gần đối diện khách sạn Europa. Ông ta biến mất vào tòa nhà và tôi đợi nửa phút mới vào trong theo ông ta.
Phía bên trong, một cầu thang tối tưởng như mất hút vào lòng của tòa nhà. Bản thân tòa nhà cơ hồ nghiêng về phía cảng, hay thậm chí có lẽ đang gần như chìm vào hầm mộ của quận Raval, nếu xét đến mùi hôi thối của hệ thống cống rãnh ẩm ướt và hỏng hóc. Ở phía bên kia lối đi có cái gì đó giống như là phòng bảo vệ, một nhân vật trông nhầy nhụa trong chiếc áo cộc tay, ngậm tăm trên môi và cầm chiếc đài bán dẫn, ném cho tôi ánh nhìn nằm đâu đó giữa tò mò và thù nghịch.
“Cậu đi một mình sao?” ông ta hỏi.
Chẳng phải thiên tài cũng nhận ra là tôi đang ở trong sảnh của một nơi cho thuê phòng theo giờ và nét lạc điệu duy nhất trong cuộc viếng thăm của tôi ấy là cái việc tôi không cầm tay một trong những Thần Vệ Nữ giảm giá đang tuần tra nơi góc phố kia.
“Nếu cậu muốn, tôi sẽ kiếm cho cậu một cô ngon lành,” ông ta đề nghị, vừa chuẩn bị một gói gồm khăn, miếng xà phòng và cái tôi đoán hẳn là bao cao su hoặc dụng cụ tránh thai, phương kế cuối cùng.
“Thực ra, tôi chỉ muốn hỏi ông một câu,” tôi bắt đầu.
Người gác cổng đảo mắt.
“Nửa giờ giá hai mươi peseta và tiền gái cậu chịu.”
“Hấp dẫn đấy. Có lẽ để hôm khác. Điều tôi muốn hỏi ông là cách đây vài phút có một quý ông kia vừa lên cầu thang phải không. Một
người đứng tuổi. Không còn sung sức nữa. Đi một mình. Không có gái đi kèm.”
Người gác cổng nhíu mày. Từ vẻ mặt ông ta tôi nhận ra rằng ông ta ngay lập tức hạ cấp tôi từ một khách hàng tiềm năng xuống một con ruồi phiền phức.
“Tôi chẳng thấy ai hết. Thôi cậu lượn đi, biến ngay đi trước khi tôi gọi Tonet.”
Tôi đồ rằng Tonet không thể nào là một nhân vật dễ mến được. Tôi để mấy đồng xu còn lại lên bàn và trao cho lão gác cổng một nụ cười cầu tài. Thoắt một cái, món tiền biến mất như thể ấy là con côn trùng, còn đôi bàn tay người gác cổng - với những cái đê nhựa - là cái lưỡi nhanh như cắt của con tắc kè hoa.
“Cậu muốn biết gì?”
“Người đàn ông mà tôi vừa tả có sống ở đây không?” “Ông ta thuê phòng đã một tuần nay.”
“Ông biết tên ông ta không?”
“Ông ta trả tiền trước một tháng, nên tôi không hỏi.”
“Ông biết ông ta người vùng nào không, ông ta làm gì để kiếm sống...?
“Đây không phải chương trình hộp thư bạn nghe đài. Người ta đến đây để chơi gái, và tôi không hỏi han gì cả. Và gã này thậm chí còn không chơi gái. Nên cậu tự mà nghĩ đi.”
Tôi suy xét lại chuyện này.
“Tất cả những gì tôi biết là thỉnh thoảng ông ta ra khỏi phòng rồi quay về. Đôi khi ông ta bảo tôi mang lên một chai rượu, bánh mì và một ít mật ong. Ông ta trả rất hậu hĩnh và không nói một lời.”
“Ông có chắc là không nhớ cái tên nào không?”
Ông ta lắc đầu.
“Được rồi. Cảm ơn ông, và xin lỗi vì làm phiền ông.” Tôi toan đi thì bị ông bảo vệ gọi lại.
“Romero,” ông ta nói.
“Gì cơ?”
“Tôi nghĩ tên ông ta là Romero hay đại loại thế...”
“Romero de Torres?”
“Đúng vậy.”
“Fermín Romero de Torres?” tôi nhắc lại, ngờ vực.
“Đúng cái tên đấy. Chẳng phải trước chiến tranh có một võ sĩ đấu bò tên như vậy sao?” người bảo vệ hỏi. “Tôi nghĩ cái tên đó quen lắm...”
6
Tôi quay về hiệu sách, còn bối rối hơn cả lúc đi. Khi bước qua Điện La Virreina, Oswaldo, chú thợ chữ, đưa tay lên chào. “Gặp may không?” chú ta hỏi.
Tôi lầm bầm câu trả lời phủ định.
“Thử hỏi Luisito xem, cậu ta chắc sẽ nhớ được gì đó.” Tôi gật đầu với Oswaldo, đoạn bước đến quầy của Luisito. Luisito đang làm sạch bộ ngòi bút. Khi thấy tôi, anh ta mỉm cười mời tôi ngồi.
“Chuyện gì đây? Là niềm vui hay công việc?”
“Đồng nghiệp của anh, Oswaldo, bảo tôi đến.”
“Người thầy và là người dẫn dắt chúng tôi,” Luisito tuyên bố. “Một học giả vĩ đại, con người không được thể chế thối nát này thừa nhận. Và ông ấy ở đó, trên phố, làm công việc chữ nghĩa để phục vụ những người dốt nát.”
“Oswaldo bảo rằng hôm trước anh viết thuê cho một ông đứng tuổi, hơi tiều tụy, mất một bàn tay, còn bàn tay kia thiếu mấy ngón...” “Tôi nhớ ông ta. Tôi luôn nhớ những người chỉ có một tay. Nhờ Cervantes đấy - ông ấy mất một tay trong trận Lepanto, cậu biết không?”
“Tôi biết. Và anh có thể cho biết sự vụ gì đã đưa người đàn ông này đến với anh?”
Luisito khẽ cựa người trên ghế, không thoải mái trước hướng rẽ của cuộc trò chuyện.
“Này, chuyện này gần giống như một lời thú tội đấy. Bí mật nghề nghiệp là điều tối thượng.”
“Tôi hiểu. Vấn đề là, chuyện này rất nghiêm trọng.”
“Nghiêm trọng thế nào?”
“Đủ nghiêm trọng để đe dọa đến an nguy của một người thân thương với tôi.”
“Tôi hiểu, nhưng...”
Luisito rướn cổ ra và đoán định ánh mắt Oswaldo phía bên kia sân. Tôi thấy Oswaldo gật đầu, và lúc ấy Luisito mới thả lỏng người. “Quý ông kia mang đến một bức thư ông ta viết. Ông ta muốn nó được sao lại cho chữ đẹp hơn, vì tay ông ta...”
“Thư nói về cái gì...?”
“Tôi cũng chẳng nhớ, mỗi ngày chúng tôi viết rất nhiều thư...” “Anh thử cố xem, Luisito. Vì Cervantes.”
“Ồ, dù tôi có thể nhầm với một bức thư khác viết cho một khách hàng nào đó, tôi tin rằng nó liên quan đến một số tiền rất lớn mà quý ông cụt tay kia hy vọng nhận được hoặc thu hồi hoặc cái gì đó đại loại vậy. Và gì đó về chìa khóa.”
“Chìa khóa.”
“Đúng. Ông ta không nói rõ là chìa khóa Allen*, hay phím đàn piano hay khóa cửa*.”
Luisito mỉm cười với tôi, tỏ ra hài lòng về trí khôn của mình. “Anh còn nhớ được gì khác không?”
Luisito liếm mép trầm ngâm.
“Ông ta bảo thấy thành phố đã thay đổi nhiều.” “Thay đổi ư, theo hướng nào?”
“Tôi không biết. Thay đổi. Không có xác người trên phố.” “Xác người trên phố? Ông ta nói thế sao?” “Nếu tôi nhớ không lầm...”
7
Tôi cảm ơn Luisito vì thông tin rồi vội vã quay về, hy vọng sẽ đến cửa hiệu trước khi cha tôi xong việc trở về và phát hiện ra sự vắng mặt của tôi. Bảng ĐÓNG CỬA vẫn treo. Tôi mở cửa, gỡ bảng báo xuống và về chỗ phía sau bàn, tin rằng chưa một khách hàng nào ghé qua trong thời gian gần bốn lăm phút tôi đi vắng.
Vì chẳng bận gì, tôi bắt đầu nghĩ xem phải làm gì với cuốn Bá tước Monte Cristo này và làm thế nào khơi chủ đề này với Fermín khi anh ta đến. Tôi không muốn làm anh ta sợ một cách không cần thiết, nhưng chuyến thăm của người lạ mặt và nỗ lực nghèo nàn của tôi để khám phá ra ông ta đang có ý gì đã làm tôi cảm thấy không yên. Chính ra, tôi chỉ cần kể cho Fermín chuyện đã xảy ra, và không dính dáng gì đến nữa, nhưng tôi biết rằng trong trường hợp này, tôi phải khéo léo. Dạo gần đây Fermín tỏ ra chán nản và tâm trạng cáu bẳn. Tôi đang cố làm cho anh ta vui lên, nhưng những nỗ lực kém cỏi của tôi không tài nào làm anh ta mỉm cười cho được.
“Không cần phải lau sách kỹ thế đâu, Fermín,” tôi sẽ nói. “Tôi vừa nghe được rằng chẳng bao lâu nữa chỉ có đọc sách noir* mới là hợp mốt đấy.” Tôi đang bóng gió cách báo chí bắt đầu mô tả các tiểu thuyết mới về tội ác và hình phạt, một thứ mới chỉ xuất hiện nhỏ giọt và thông qua những bản dịch chán ngắt.
Đã không mỉm cười thích thú với câu đùa của tôi thì chớ, Fermín còn chộp lấy bất cứ cơ hội nào để lao vào đả kích nhằm bày tỏ sự
ủng hộ cho mấy thứ u ám và tuyệt vọng.
“Dù sao thì toàn bộ tương lai cũng đang sực mùi noir,” anh ta tuyên bố. “Nếu có một cái hương vị nào đó trở nên thời thượng trong thời đại giết chóc này, nó sẽ là mùi của sự giả dối và tội ác núp bóng dưới hàng ngàn uyển ngữ.”
Ôi đây rồi, tôi nghĩ. Cuốn sách Khải huyền theo thánh Fermín Romero de Torres.
“Đừng làm quá, Fermín. Anh nên nạp thêm nhiều ánh mặt trời và không khí trong lành. Hôm trước tôi đọc trên báo rằng vitamin D làm tăng niềm tin của chúng ta vào đồng loại.”
“Ồ, tôi cũng đọc được trên báo rằng thuốc lá nhập khẩu giúp chúng ta cao lớn hơn, và các ngân hàng trên thế giới đang tận tâm cam kết diệt tận gốc sự nghèo đói và bệnh tật trên hành tinh trong chưa đầy mười năm nữa,” anh ta đáp. “Tin vào báo thế nào được.”
Khi Fermín bi quan có hệ thống như vậy, lựa chọn tốt nhất là đừng tranh luận với anh ta.
“Cậu biết không, Daniel? Đôi khi tôi nghĩ là Darwin đã phạm sai lầm và rằng kỳ thực con người tiến hóa từ lợn, vì cứ mười tên trong chủng người thì có tám tên thuộc giống ủn ỉn, và vòng vo lươn lẹo như cái đuôi heo.”
“Fermín, tôi thích hơn khi anh có cách nhìn tích cực và nhân văn về mọi chuyện, như hôm trước anh bảo là trong sâu thẳm con người không ai buồn cả, chỉ sợ hãi thôi.”
“Hẳn là hôm ấy lượng đường thấp trong máu tôi đã lên tiếng đấy. Thật rác rưởi.”
Dạo gần đây, gã Fermín mà tôi muốn nhớ đến dường như đã e dè rút lui và thay vào đó là con người héo hon bởi những lo âu cùng
tâm trạng bão bùng mà anh ta không muốn chia sẻ. Có lúc, khi nghĩ không ai để ý đến mình, anh ta sẽ co vào một góc, cơn đau gặm nhấm tâm can. Anh ta sút cân, và vốn dĩ những lúc đỉnh cao anh ta cũng đã gầy như cây cào và cơ thể anh ta dường như chỉ được hợp thành từ xương sụn và điệu bộ, thế nên diện mạo của anh ta hiện tại thật đáng lo ngại. Tôi đã một đôi lần nhắc đến điều đó, nhưng anh ta chối rằng chẳng có chuyện gì hết, và né tránh vấn đề bằng những cái cớ kiểu nhà nước Byzance*.
“Không có gì đâu, Daniel. Chỉ là độ này tôi theo dõi giải vô địch bóng đá và mỗi khi Barca thua huyết áp tôi lại tụt. Tất cả những gì tôi cần là một miếng pho mát Manchego và tôi sẽ lại khỏe như một con bò thôi.”
“Thật ư? Nhưng cả đời anh đã bao giờ xem trận bóng nào đâu.” “Cậu nghĩ thế thôi. Khi còn bé mọi người bảo tôi có đôi chân để làm vũ công hoặc cầu thủ bóng đá đấy.”
“Ồ, tôi lại thấy anh nhàu nhĩ toàn tập, chân cho đến thân. Hoặc là anh đang ốm, hoặc anh đang không chăm lo cho bản thân.” Để trả lời, anh ta cho tôi xem mấy búi cơ to bằng quả hạnh tẩm đường đoạn nhe răng cười như thể anh ta là người bán dạo kem đánh răng.
“Có thấy không! Thép đấy, như thanh gươm của Cid!” Cha tôi lại cho cái vẻ xuống cấp của anh ta là vì lo lắng cho đám cưới và những chuyện liên quan, từ việc phải kết thân với giới tăng lữ đến việc tìm nhà hàng hay quán cà phê phù hợp cho bữa tiệc cưới, nhưng tôi ngờ rằng nỗi sầu muộn này có nguồn gốc sâu xa hơn. Tôi đang cân nhắc có cho Fermín hay chuyện xảy ra lúc sáng và cho anh ta xem cuốn sách hay không, hay là sẽ đợi vào thời điểm
tốt hơn, thì trông thấy anh ta lê thân ra cửa với vẻ mặt hẳn sẽ giành được vị trí danh dự nhất tại một đám tang. Khi thấy tôi, anh ta mỉm cười yếu ớt và chào theo kiểu quân nhân.
“Thật vui được gặp anh, Fermín. Tôi đang nghĩ rằng hôm nay anh sẽ không đến đấy.”
“Tôi thà chết còn hơn là ăn không ngồi rồi. Tôi bị bác thợ đồng hồ Federico giữ lại. Khi tôi đi ngang qua cửa hàng, bác ta nhồi cho tôi mấy lời đồn rằng có người đã thấy ông cụ Sempere đi trên phố Puertaferrisa sáng nay, trông rất là bảnh bao và đang trên đường tới một nơi bí ẩn. Bác ta Federico và Merceditas nông nổi muốn biết có phải ông ấy có bồ không - dường như, dạo gần đây chuyện này giúp người ta có được sự tín nhiệm nhất định giữa những người bán hàng trong quận và nếu cô gái ấy là một ca sĩ trong đoàn ca múa, thì lại càng hay ho hơn.”
“Thế anh trả lời sao?”
“Rằng bố cậu, một ông góa kiểu mẫu, đã quay về trạng thái trinh nguyên căn bản, thứ khiến cả cộng đồng khoa học bối rối nhưng lại giúp ông ấy có được một đề cử cấp tốc vào hàng thánh ở văn phòng của tổng giám mục. Tôi không bàn luận về đời tư của ông Sempere với cả bạn hay thù vì đó không phải là chuyện của ai khác ngoài ông ấy. Và bất kỳ ai tiếp cận tôi với thứ rác rưởi như vậy sẽ nhận được của tôi không gì khác ngoài một cái tát. Thế đấy.”
“Anh là một quý ông truyền thống, Fermín ạ.”
“Chính cha cậu mới là người truyền thống, Daniel. Chỉ tôi với cậu biết thôi nhé, và chuyện không được lọt ra khỏi bốn bức tường này, tôi nghĩ cũng chẳng phải là cái gì tồi tệ nếu lúc này hay lúc khác cha cậu sống thoáng hơn một tí. Kể từ khi chúng ta bắt đầu vượt cơn
hoang mạc tài chính này ông ấy đã dành toàn bộ thời gian để chôn chặt mình trong nhà kho cùng cuốn Tử thư Ai Cập đấy.” “Đó là cuốn sổ kế toán,” tôi chỉnh lại anh ta.
“Sao cũng được. Thực ra, dạo gần đây tôi đã nghĩ đến việc đưa ông ấy đi nghe nhạc ở El Molino rồi đi chơi đêm. Mà kể cả trong chuyện đó người hùng của chúng ta có nhàm chán như món cơm thập cẩm làm từ bắp cải, tôi dám chắc rằng cuộc đụng độ mặt đối mặt với một thiếu nữ đẫy đà, căng mọng và quyết đoán sẽ làm lay động ông ấy đến xương tủy,” Fermín nói.
“Xem ai nói kìa. Cuộc đời và linh hồn của cả bữa tiệc. Nói thật nhé, anh mới là người làm tôi lo lắng đấy,” tôi phản bác. “Dạo này anh trông như con gián dính vào áo mưa ấy.”
“Tôi trộm nghĩ đó là một so sánh khéo léo đấy, nếu tôi có thể nói vậy. Vì con gián có thể không có cái vẻ đẹp kênh kiệu như đòi hỏi của các chuẩn mực phù phiếm của cái xã hội ngớ ngẩn mà chúng ta có may mắn được sống, cơ mà cả loài vật chân đốt bị đánh giá thấp ấy và kẻ hèn mọn này đều có đặc trưng là bản năng sinh tồn vô song, ấy là cái tính háu ăn vượt trội và khả năng dục tình của sư tử mà đến cả môi trường phóng xạ cực cao cũng không làm suy chuyển nổi.”
“Thật chẳng thể nào tranh cãi với anh được, Fermín.” “Đó là bởi tài biện luận bẩm sinh cao siêu của tôi, luôn sẵn sàng phản công dẫu là dấu hiệu mờ nhạt nhất của sự ngốc nghếch, bạn thân mến ạ. Nhưng cha cậu là một bông hoa dịu dàng, mong manh, và tôi nghĩ đã đến lúc hành động trước khi ông ấy biến thành hóa thạch hoàn toàn.”
“Hành động gì cơ, Fermín?” giọng cha tôi xen vào từ sau lưng chúng tôi. “Đừng bảo anh định dàn xếp một bữa tiệc trà cho tôi với Rociíto đấy.”
Chúng tôi quay lại như hai cậu học trò bị bắt quả tang. Cha tôi, trông chẳng giống bông hoa dịu dàng chút nào cả, đang đứng ở cửa nghiêm nghị nhìn chúng tôi.
8
“Làm thế nào ông biết được kế hoạch với Rociíto hay vậy?” Fermín lẩm bẩm kinh ngạc.
Sau khi nhấm nháp nỗi sợ hãi gây ra cho chúng tôi, cha mỉm cười dịu dàng và nháy mắt với cả hai.
“Tôi có thể bị hóa thạch, nhưng tai tôi còn nhạy lắm. Tai tôi và óc tôi. Thế nên tôi quyết định phải làm gì đó để vực lại việc kinh doanh của chúng ta,” ông tuyên bố. “Chuyện đi xem nhạc để sau đã nhé.”
Chỉ đến lúc ấy chúng tôi mới để ý cha đang mang hai túi to nặng trịch và một hộp lớn bọc giấy nâu được buộc bằng dây sợi to. “Đừng bảo con là bố vừa cướp ngân hàng khu này đấy,” tôi nói. “Bố cố tránh ngân hàng càng nhiều càng tốt: như Fermín nói, bọn họ mới là người hay cướp của chúng ta. Bố vừa ra chợ Santa Lucía.”
Fermín và tôi nhìn nhau hoang mang.
“Hai người có định giúp tôi không? Cái này nặng cả tấn ấy chứ.” Chúng tôi tiến hành lấy các thứ trong túi đem bỏ lên bàn trong khi cha tôi mở gói bọc hộp ra. Mấy cái túi chứa toàn những thứ nho nhỏ, thứ nào cũng được gói trong giấy nâu. Fermín mở một món ra rồi nhìn vào, vẻ mặt bối rối.
“Cái gì thế?” tôi hỏi.
“Tôi trộm nghĩ là một con vật thồ trưởng thành, to bằng một phần trăm kích cỡ thực,” Fermín gợi ý.
“Cái gì cơ?”
“Cụ thể là, một con lừa hay một thằng ngốc*, loài thú bốn chân hay ho có móng mang theo vẻ quyến rũ và say mê cư trú trên miền đất Tây Ban Nha độc đáo của chúng ta. Khác một nỗi đây là một phiên bản thu nhỏ, như mô hình tàu hỏa người ta bán ở Casa Palau,” Fermín giải thích.
“Đó là con lừa đất sét, con vật đặt gần máng,” cha tôi giải thích. “Cái máng nào cơ?”
Cha tôi mở hộp các tông và lôi ra một cái máng khổng lồ, cùng lô bóng đèn ông vừa mua, và cái, mà tôi đoán, ông định đặt ở gian trưng bày như một chiêu trò quảng cáo mùa Giáng sinh. Trong khi đó, Fermín đã tháo bọc ra, nào bò, nào lợn, nào vịt, và cả ba vị vua già thông thái cưỡi lạc đà, mấy cây cọ, Thánh Joseph và Đức Mẹ Mary.
“Chịu khuất phục trước sự bạo ngược của bộ máy tuyên truyền Công giáo-Quốc gia và những phương pháp nhồi sọ kín đáo bằng việc trưng bày các nhân vật Giáng sinh và những câu chuyện hoang đường, với tôi đó không phải là một giải pháp,” Fermín tuyên bố.
“Đừng nói vớ vẩn, Fermín,” cha tôi cắt ngang. “Đây là một truyền thống đáng yêu và mọi người thích xem cảnh Chúa giáng sinh trong mùa Noel. Cửa hàng cần cái tia sáng hạnh phúc, rực rỡ mà mùa Giáng sinh đòi hỏi. Hãy nhìn khắp các cửa hàng trong khu phố mà xem, và nếu so sánh anh sẽ thấy tại sao cửa hàng của chúng ta trông như nhà tang lễ vậy. Thôi làm tiếp đi nào, giúp tôi đặt cái này bên cửa sổ. Và dời hết đống sách vật lý và lịch sử triết học phương
Tây này qua hàng hai hết đi, Fermín. Chúng đang dọa khách hàng mùa Giáng sinh chạy mất dép.”
“Sắp tận thế rồi,” Fermín lẩm bẩm.
Ba người chúng tôi thu xếp đặt chiếc máng và sắp xếp những nhân vật nhỏ vào đúng chỗ. Fermín miễn cưỡng hợp tác, anh ta nhíu mày tìm bất cứ lý do gì để bày tỏ sự phản đối.
“Ông Sempere này, với tất cả lòng kính trọng, tôi mong ông chú ý rằng Chúa hài đồng to gấp ba lần nhân vật được cho là người cha và khó mà vừa cái nôi?”
“Chẳng quan trọng. Người ta bán hết những cái nhỏ rồi.” “Ồ, tôi nghĩ để cạnh Đức Mẹ Mary cậu ấy trông giống như những võ sĩ Nhật Bản có vấn đề về kiểm soát cân nặng, tóc thì chải hết ra phía sau và quần lót xoắn lại trông như cái khố thắt quanh vùng hạ bộ vậy.”
“Đô vật sumo, người ta gọi thế đấy,” tôi nói.
“Chính là họ,” Fermín đồng tình.
Cha tôi lắc đầu thở dài.
“Hơn nữa, nhìn ánh mắt kia kìa. Ông có nghĩ cậu ấy bị ma nhập không.”
“Nào Fermín, im miệng và bật đèn máng lên xem nào,” cha tôi ra lệnh, tay đưa phích cắm cho anh ta.
Bằng cách trình diễn một trong những chiêu giữ thăng bằng của mình, Fermín chui xuống dưới bàn đặt máng, và với đến ổ cắm phía đằng kia của kệ.
“Và đèn đã sáng,” cha tôi thông báo, phấn khởi nhìn ngắm cảnh Chúa giáng sinh mới bóng loáng ở hiệu sách Sempere & Con trai.
“Thích nghi hay là diệt vong!” ông nói thêm, tự lấy làm hài lòng. “Diệt vong,” Fermín lẩm nhẩm trong họng.
Chưa đầy một phút kể từ giờ lên đèn chính thức, một quý bà, dắt theo ba đứa trẻ, dừng lại cửa hàng chiêm ngưỡng cái máng và sau một hồi dè dặt, mạnh dạn bước vào cửa hàng.
“Xin chào,” bà nói. “Ông có cuốn sách thiếu nhi nào nói về cuộc đời các vị thánh không?”
“Dĩ nhiên,” cha tôi nói. “Cho phép tôi được giới thiệu một bộ sách đáng đọc là Chúa hài đồng ánh sáng đời tôi, mà tôi chắc lũ trẻ sẽ thích. Sách được minh họa phong phú và do ngài tổng giám mục kính mến của chúng ta viết lời tựa. Không có bộ nào hay hơn đâu.”
“Nghe thật đáng yêu. Kỳ thực, thời buổi này thật khó tìm được những cuốn sách có thông điệp tích cực, những cuốn sách cho ta cảm giác thật sự tốt về bản thân, giờ đây chỉ có toàn những cuốn sách thúc đẩy các thứ bạo lực và tha hóa đang rất được ưa chuộng thời nay.”
Fermín trợn tròn mắt. Anh ta sắp sửa há miệng thì tôi kịp ngán lại và kéo ra xa khỏi khách hàng.
“Tôi hiểu ý của bà, thưa bà,” cha tôi đồng tình, ông nhìn tôi qua khóe mắt, và ra cái vẻ ám chỉ rằng tôi nên giữ chặt và bịt miệng anh ta lại, bởi bằng bất cứ giá nào chúng tôi cũng sẽ không chịu để tuột mất vụ mua bán này.
Tôi đẩy Fermín vào phòng sau, bảo đảm rằng rèm được kéo xuống để cha tôi có thể thoải mái xử lý tình huống này. “Fermín này, tôi không biết anh bị làm sao. Tôi nhận thấy là anh không tin vào mấy cái vụ Giáng sinh giáng xiếc này, và tôi tôn trọng điều đó, nhưng nếu Chúa hài đồng to bằng cả chiếc xe lu và bốn
chú lợn con làm bằng đất sét làm cha tôi phấn chấn tinh thần và trên hết kéo được khách hàng vào hiệu sách, thì tôi sẽ đề nghị anh gạt bài thuyết giảng hiện sinh sang một bên, và tỏ ra anh là một phần của dàn đồng ca, ít nhất là trong giờ làm việc.”
Fermín thở dài và gật đầu, trông luống cuống.
“Dĩ nhiên, Daniel,” anh ta nói. “Thứ lỗi cho tôi. Tôi sẵn sàng đi bộ đến Santiago ăn mặc như một bà tiên răng nếu điều đó làm vui lòng cha cậu và để cứu hiệu sách này.”
“Anh chỉ cần bảo cha tôi rằng ý tưởng cái máng là rất hay, và ra vẻ hợp tác với ông thôi.”
Fermín gật đầu.
“Coi như xong nhé. Tôi sẽ xin lỗi ông Sempere sau vì đã đi quá giới hạn, và để tỏ lòng hối lỗi tôi sẽ đóng góp một bức tượng Chúa nhỏ nhằm chứng minh rằng thậm chí các cửa hàng lớn cũng không thể địch lại tôi trong khoản Giáng sinh. Tôi có một người bạn phải chuyển sang sống lén lút vì đã tạo nên những bức tượng ngồi xổm rất đáng yêu - những người đi cầu tiêu ấy* - dựa trên hình ảnh của Franco, thật đến mức làm ta nổi da gà.”
“Một con cừu non hoặc vua Balthazar là được rồi.”
“Mong ước của cậu là mệnh lệnh với tôi, Daniel. Bây giờ, nếu cậu không phản đối, thì tôi sẽ đi làm gì đó hữu ích, và bắt đầu mở các hộp trong lô hàng của góa phụ Recasen. Chúng đã nằm đóng bụi ở đây cả tuần rồi.”
“Tôi giúp anh nhé?”
“Đừng lo. Cậu cứ làm việc của cậu đi.”
Tôi nhìn anh ta đi vào kho để mặc chiếc quần yếm màu xanh.
“Fermín này,” tôi bắt đầu.
Anh ta quay lại vẻ thân thiện. Tôi ngừng một lúc.
“Hôm nay xảy ra một việc tôi cần cho anh hay.”
“Vậy ư?”
“Thực ra, tôi không rõ phải giải thích thế nào. Có người đến đây hỏi anh.”
“Cô ta đẹp không?” Fermín hỏi, đang cố tỏ ra thích thú nhưng không giấu nổi vẻ lo lắng trong đôi mắt.
“Là một quý ông. Trong bộ dạng khá tệ, và trông hơi kỳ lạ, nói thực là vậy.”
“Ông ta có để lại tên không?” Fermín hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Không. Nhưng để lại cái này cho anh.”
Fermín nhíu mày. Tôi đưa anh ta cuốn sách mà người lạ đã mua mấy tiếng trước. Fermín đón lấy và nhìn chằm chằm bìa sách mà không hiểu gì.
“Đây chẳng phải cuốn Dumas trong tủ kính của chúng ta được rao bán với giá ba trăm năm mươi đồng sao?”
Tôi gật đầu.
“Mở trang đầu tiên đi.”
Fermín làm như tôi bảo. Khi đọc lời đề tặng anh ta bỗng tái nhợt và thở hổn hển. Anh ta nhắm mắt một lúc rồi nhìn tôi mà không nói một lời, tưởng như đã già thêm năm tuổi chỉ trong từng ấy giây.
“Khi ông ta rời khỏi cửa hàng, tôi đã đi theo,” tôi nói. “Trong tuần qua, ông ta đã sống trong một chốn dơ đáy mà người ta thuê phòng theo giờ, ở đường Hospital, đối diện khách sạn Europa, và từ những
gì tôi tìm hiểu được, ông ta dùng tên giả - thực ra là tên anh: Fermín Romero de Torres. Tôi đã phát hiện ra, qua một người thợ viết thuê ở La Virreina, rằng ông ta đã thuê chép lại một bức thư, trong đó nhắc đến một khoản tiền lớn. Điều đó có gợi cho anh chuyện gì không?”
Fermín chừng như đang co rúm người lại, cơ hồ từng lời tôi nói đều là một cái tát giáng xuống người anh ta.
“Daniel, cậu tuyệt đối đừng có theo dõi người này hay nói chuyện với hắn nữa nhé. Đừng làm gì cả. Cứ tránh xa hắn ra. Hắn rất nguy hiểm.”
“Người này là ai, Fermín?”
Fermín gập sách lại và giấu sau chồng hộp trên giá sách. Anh ta lướt nhìn về phía cửa hàng rồi khi biết chắc cha tôi còn mải bận bịu với khách hàng, và không thể nghe chúng tôi nói, anh ta tiến sát gần hơn và nói rất khẽ.
“Xin đừng kể cho cha cậu hay bất kỳ ai chuyện này.” “Fermín...”
“Cậu giúp tôi chuyện này. Vì tình bằng hữu.”
“Nhưng, Fermín...”
“Làm ơn đi, Daniel. Không phải ở đây. Tin tôi đi.”
Tôi miễn cưỡng đồng ý và cho anh ta xem tờ một ngàn peseta mà người lạ đã trả. Tôi không phải giải thích nó ở đâu ra. “Tiền này bị nguyền rủa đấy, Daniel. Hãy đưa cho các xơ ở Hội Từ thiện, hay cho kẻ ăn mày trên phố. Hay, tốt nhất là, đốt nó đi.” Không nói thêm gì nữa, anh ta cởi chiếc quần yếm đoạn chui vào chiếc áo mưa sờn rách rồi đội mũ bê rê. Trên cái đầu như đầu que
diêm của anh ta, cái mũ bê rê trông như chiếc đồng hồ tan chảy trong tranh của Dali.
“Anh định đi đấy à?”
“Bảo cha cậu là có việc đột xuất xảy ra. Được chứ?” “Dĩ nhiên, nhưng...”
“Tôi không thể giải thích lúc này được, Daniel.”
Anh ta một tay ôm bụng như thể ruột gan đang vặn xoắn. “Fermín, nếu anh kể cho tôi, có lẽ tôi sẽ giúp được...” Fermín ngừng một lát, nhưng rồi lắc đầu và bước ra khỏi hành
lang. Tôi theo ra đến cửa và thấy anh ta bước vào cơn mưa, giống như một con người bé nhỏ gánh cả thế giới trên hai vai, khi màn đêm, tối đen hơn bao giờ hết, đã phủ khắp Barcelona.
9
Khoa học đã thừa nhận rằng bất kỳ đứa trẻ vài tháng tuổi nào cũng có trực giác cảm nhận được đâu là thời điểm bố mẹ nó ngủ thiếp đi, lúc ấy nó sẽ khóc gào lên và bằng cách đó họ sẽ không thể ngủ quá ba mươi phút mỗi lần.
Hôm đó, như hầu hết những đứa trẻ khác, Julián bé bỏng đã thức dậy lúc ba giờ sáng và không ngần ngại công bố cái sự thật ấy bằng tiếng gào xé phổi. Tôi mở mắt và lật người. Cạnh tôi, dưới ánh sáng mờ ảo, Bea đang chầm chậm trở mình, đường nét cơ thể nàng lộ ra dưới tấm chăn, và nàng lẩm bẩm gì đó. Tôi cưỡng lại thôi thúc tự nhiên được hôn lên cổ nàng và giải thoát cho nàng khỏi chiếc váy ngủ quá dài và chắc chắn mà bố vợ tôi, hẳn là có chủ ý, đã tặng vào hôm sinh nhật nàng. Tôi cố gắng, nhưng không thể làm nó biến mất ở phòng giặt đồ được.
“Để anh dậy,” tôi thầm thì, hôn vào trán nàng.
Bea đáp lại bằng cách xoay người và lấy gối che lên đầu. Tôi dừng lại để chiêm ngưỡng đường cong trên lưng nàng và cái chỗ dốc xuống đầy quyến rũ mà không bộ váy ngủ nào trên đời có thể che mờ được. Tôi kết hôn với sinh thể diệu kỳ ấy đã gần hai năm, và vẫn ngạc nhiên khi thức dậy bên cạnh nàng, cảm nhận hơi ấm của nàng. Tôi bắt đầu kéo chăn và đang chực ve vuốt cặp đùi như nhung kia thì móng tay Bea chặn lên cổ tay tôi.
“Không phải bây giờ, Daniel. Con đang khóc kìa.”
“Anh biết em thức mà.”
“Thật khó mà ngủ nổi khi chung nhà với hội đàn ông mà người này cứ gào khóc không ngớt còn kẻ kia thì mơn trớn sau lưng ta - họ không cho ta ngủ nổi hai tiếng mỗi đêm.”
“Ồ, thì thôi vậy.”
Tôi bật dậy và đi dọc hành lang đến phòng của Julián ở đằng sau. Sau đám cưới không lâu chúng tôi chuyển lên căn hộ gác mái trong cùng tòa nhà với hiệu sách. Anacleto, ông giáo cấp hai đã sống tại đây hai mươi nhăm năm, quyết định nghỉ hưu và quay về quê nhà ở Segovia để viết những áng thơ trữ tình dưới bóng của một chiếc cầu La Mã cổ và mở rộng hiểu biết về nghệ thuật nướng lợn sữa.
Julián bé bỏng chào đón tôi bằng tiếng gào khóc có nguy cơ xé nát màng nhĩ của tôi. Tôi bế con lên và sau khi ngửi tã, biết rằng lần này không có điều bất ngờ mang mùi hôi hám nào chờ đợi mình, tôi làm bất cứ việc gì mà một ông bố trẻ có chút ý thức vẫn làm: thì thầm những lời vô nghĩa và nhún nhảy trong phòng bằng những điệu lố bịch. Tôi đang làm vậy thì nhận ra Bea đã đứng ở ngưỡng cửa nhìn tôi tỏ ý không hài lòng.
“Đưa con cho em nào. Anh làm con hoảng thêm đấy.” “Con có kêu ca gì đâu,” tôi phản đối, trao con cho nàng. Bea bế con trên tay, và hát thầm một giai điệu vào tai thằng bé
trong khi nhẹ nhàng đung đưa nó. Năm giây sau, Julián thôi khóc và nở nụ cười nửa miệng say đắm mà nàng bao giờ cũng khơi ra được ở thằng bé.
“Anh về phòng đi,” Bea nói khẽ. “Lát nữa em sẽ về.”
Bị tống ra khỏi phòng, hoàn toàn thất bại trong việc dỗ dành trẻ ở tuổi tập bò, tôi quay về phòng ngủ và nằm xuống, biết rằng mình sẽ không thể chợp mắt được suốt phần còn lại của đêm nay. Một lát sau, Bea xuất hiện nơi cửa và nằm xuống cạnh tôi cùng một tiếng thở dài.
“Em mệt chết đi được.”
Tôi quàng tay lên người nàng, và chúng tôi nằm lặng lẽ trong mấy phút.
“Em đang nghĩ,” Bea nói.
Chuẩn bị mà run đi, Daniel, tôi nghĩ. Bea nhỏm dậy, hai tay hai chân tì xuống giường, quay mặt về phía tôi.
“Khi Julián lớn thêm chút nữa, và mẹ em có thể chăm cho con vài tiếng mỗi ngày thì em tính sẽ đi làm.”
Tôi gật đầu.
“Ở đâu?”
“Hiệu sách.”
Tôi nghĩ tốt nhất nên im lặng.
“Em nghĩ thế sẽ tốt cho tất cả mọi người,” nàng nói thêm. “Bố quá già rồi, không thể làm suốt ngày được, và anh đừng lấy làm khó chịu nhé, nhưng em nghĩ trong việc tiếp đón khách hàng thì em giỏi hơn anh, ấy là chưa kể đến Fermín, người gần đây đang khiến khách hàng chạy mất dép.”
“Anh sẽ không tranh luận vụ này.”
“Có chuyện gì với anh ấy thế? Hôm trước em gặp Bernarda trên phố và chị ấy bật khóc. Em đưa chị ấy vào một hàng sữa trên phố Petritxol và sau khi em tống cho chị ấy mấy cốc sô cô la nóng và
kem sữa béo, chị ấy mới kể rằng Fermín dạo gần đây cư xử thực sự rất lạ. Mấy ngày nay, dường như anh ấy không chịu làm đơn đến nhà thờ giáo khu để tổ chức đám cưới. Em có cảm giác không phải Fermín sắp sửa kết hôn. Anh ấy có kể gì cho anh không?”
“Ừ, anh cũng nhận thấy chuyện đó,” tôi nói dối. “Có lẽ Bernarda thúc ép anh ấy quá...”
Bea nhìn tôi nhưng không nói gì.
“Sao cơ?” cuối cùng tôi hỏi.
“Bernarda bảo em đừng kể cho ai.”
“Đừng kể cái gì cơ?”
Bea nhìn chằm vào mắt tôi.
“Tháng này chị ấy bị trễ đấy.”
“Trễ ư? Chị ấy bê trễ việc à?”
Bea nhìn tôi như thể tôi là thằng ngu rồi tôi mới vỡ lẽ. “Bernarda đang có hầu ư?”
“Đừng nói lớn thế, Julián thức bây giờ.”
“Chị ấy có mang à, hay không phải?” tôi nhắc lại, thì thầm. “Có vẻ là vậy.”
“Fermín biết không?”
“Chị ấy không muốn nói với anh ấy. Chị ấy sợ anh ấy sẽ cao chạy xa bay.”
“Fermín sẽ không bao giờ làm thế đâu.”
“Tất cả đàn ông đều làm thế, nếu có cơ hội.”
Tôi ngạc nhiên bởi sự khắc nghiệt trong giọng nàng, rồi nàng nhanh chóng dịu lại với nụ cười nhu mì đến khó tin.
“Em chẳng hiểu mấy về đàn ông bọn anh cả.”
Nàng ngồi dậy trong bóng đêm, không nói một lời, rồi cởi chiếc váy ngủ ra, đoạn thả nó trên giường. Nàng để tôi nhìn nàng đôi ba giây, rồi, chầm chậm, cúi xuống liếm môi tôi, không vội vã. “Em có hiểu anh mấy đâu,” nàng thì thầm.
10
Hôm sau sức hút của chiếc máng sáng lung linh đã tỏ rõ giá trị của nó và tôi thấy cha mỉm cười lần đầu tiên trong nhiều tuần khi ông ghi tiền bán sách vào sổ cái. Từ sáng sớm những khách hàng cũ lâu lắm không đặt chân vào hiệu sách đã bắt đầu ghé qua, cùng với những độc giả mới lần đầu tiên đến chỗ chúng tôi. Tôi để cho cha chỉ dẫn họ với bàn tay lão luyện của ông và thích thú nhìn ông giới thiệu các đầu sách, kích thích sự tò mò của họ và phỏng đoán thị hiếu và sở thích của họ. Hôm nay hứa hẹn là một ngày tốt đẹp, lần đầu tiên trong nhiều tuần.
“Daniel, chúng ta nên bày ra bộ sách minh họa kinh điển cho trẻ em. Ấn bản Vértice, với gáy màu xanh.”
“Con nghĩ chúng ở dưới tầng hầm. Bố có giữ chìa khóa không?” “Hôm trước Bea hỏi mượn. Vợ con muốn lấy gì đó - cái gì cho em bé ấy. Bố không nhớ nó đã đưa lại cho bố chưa. Con tìm trong ngăn kéo xem.”
“Không có ở đây. Con sẽ lên nhà tìm.”
Tôi để bố phục vụ quý ông vừa mới vào, ông ta tìm lịch sử các quán cà phê cổ ở Barcelona, rồi đi ra qua phòng sau lên cầu thang chỗ hành lang. Căn hộ Bea và tôi sống ở trên cao và, ngoài việc được thêm chút ánh sáng, việc đi lên đi xuống cầu thang tiếp thêm sinh lực cho cả tinh thần và đôi chân chúng tôi. Giữa chừng tôi gặp Edelmira, một góa phụ sống ở tầng ba, chị từng làm vũ nữ và hiện
kiếm sống nhờ ngồi nhà vẽ tranh Đức Mẹ và những vị thánh. Quá nhiều năm trên sân khấu của nhà hát Arnau đã làm đầu gối chị đi tong và giờ chị phải vịn lan can bằng cả hai tay mới chống chọi được với một lượt cầu thang thông thường. Dù có những khó khăn như thế, chị vẫn luôn nở nụ cười trên môi và nói những điều tốt đẹp.
“Cô vợ xinh đẹp của cậu thế nào rồi, Daniel?”
“Không đẹp được như chị đâu, Edelmira. Tôi giúp chị đi xuống nhé?”
Như mọi khi, Edelmira từ chối sự giúp đỡ của tôi và gửi lời hỏi thăm Fermín, người luôn đưa ra những lời nhận xét pha chút tán tỉnh hay những lời đề nghị táo tợn khi thấy chị đi qua.
Khi tôi mở cửa căn hộ, nó vẫn đượm mùi hương của Bea và cái hỗn hợp mùi tỏa ra từ các em bé và mớ đồ linh tinh của chúng. Bea thường dậy sớm và dẫn Julián đi dạo cùng chiếc xe đẩy Jane mới cóng Fermín đã tặng, tất cả chúng tôi đều gọi là chiếc “Mercedes.”
“Bea?” tôi gọi.
Căn hộ này nhỏ và giọng tôi vọng lại trước cả khi tôi đóng cửa. Bea đã ra khỏi nhà. Tôi bước vào phòng ăn, cố lần theo mạch suy nghĩ của vợ, tìm xem nàng để khóa tầng hầm ở đâu. Bea là người ngăn nắp và có phương pháp hơn tôi rất nhiều. Tôi bắt đầu tìm ở các ngăn tủ bếp trong phòng ăn nơi nàng thường cất hóa đơn, những bức thư chưa trả lời và chút tiền lẻ. Từ đây tôi chuyển sang các bàn nhỏ, bát đựng trái cây rồi giá sách.
Điểm dừng tiếp theo là tủ kính trong bếp, chỗ Bea thường để các ghi chú và giấy nhắc việc, vẫn chưa gặp may, tôi vào phòng ngủ, đứng trước giường nhìn xung quanh với con mắt dò xét. Quần áo của Bea chiếm ba phần tư tủ quần áo, tủ ngăn kéo và các chỗ chứa
khác trong phòng ngủ. Lý lẽ của nàng là tôi luôn mặc theo một kiểu, nên tôi có thể dễ dàng xoay xở được với một góc tủ. Cái cách sắp xếp các ngăn tủ của nàng quá phức tạp với tôi. Tôi bất chợt cảm thấy tội lỗi khi lục tìm đồ đạc cá nhân của vợ, nhưng sau khi lục lọi trong vô vọng từng góc tủ một, tôi vẫn không tìm thấy chìa khóa.
Phải dựng lại hiện trường tội ác thôi, tôi tự nhủ. Tôi nhớ mang máng Bea có nói gì đó về việc đi lấy thùng đựng quần áo hè. Mới vài ngày trước thôi. Nếu tôi nhớ đúng, hôm đó Bea mặc chiếc áo khoác màu xám mà tôi tặng nàng nhân kỷ niệm một năm ngày cưới. Tôi mỉm cười trước năng lực suy đoán của mình và mở tủ đồ tìm chiếc áo khoác ấy. Nó đây rồi. Nếu mọi thứ tôi học được từ việc đọc Conan Doyle và các nguyên tắc của ông là đúng, thì chìa khóa của cha tôi phải ở trong túi chiếc áo khoác này. Tôi thọc tay vào túi bên phải và mò thấy hai đồng xu, cùng mấy thanh kẹo bạc hà, thứ người ta hay phát ở quầy dược phẩm. Tôi tiếp tục tìm sang túi còn lại và hài lòng khi thấy giả thuyết của mình là đúng. Ngón tay tôi chạm vào chùm chìa khóa.
Và một thứ khác nữa.
Một mẩu giấy trong túi áo. Tôi lấy chìa khóa ra, và sau một lát ngờ vực, quyết định lấy cả mảnh giấy. Có lẽ là danh sách những việc vặt Bea thường ghi lại cho khỏi quên.
Khi nhìn kỹ hơn tôi nhận ra đó là một phong bì. Một bức thư. Tên người nhận là tên thời con gái của nàng, Beatriz Aguilar, và dấu bưu điện là từ một tuần trước. Bức thư được gửi đến nhà Bea, không phải căn hộ ở Santa Ana. Tôi lật bức thư và khi tôi đọc tên người gửi, chìa khóa tầng hầm tuột khỏi tay tôi.
Pablo Cascos Buenđía
Thấy hoang mang, tôi ngồi xuống giường và nhìn chằm vào bức thư. Pablo Cascos Buendía từng là vị hôn phu của Bea trước khi chúng tôi hẹn hò với nhau. Là con trai của một gia đình giàu có sở hữu nhiều xưởng đóng tàu và doanh nghiệp ở El Ferrol, hắn ta luôn làm tôi cáu tiết, và tôi có thể nói rằng cảm giác của hắn về tôi cũng vậy. Lúc ấy, hắn ta đang phục vụ trong quân đội, hàm thiếu úy. Nhưng kể từ khi Bea viết thư cho hắn ta báo hủy hôn ước, tôi không nghe tin gì của hắn nữa. Cho đến lúc này.
Sao một bức thư từ vị hôn phu cũ của Bea, với dấu tem vài ngày trước, lại ở trong túi áo nàng? Phong bì đã mở, nhưng tôi dè dặt một lúc mới lôi thư ra. Nhận ra đây là lần đầu tiên mình rình mò sau lưng Bea, tôi toan để nó lại và vội vã ra khỏi phòng. Khoảnh khắc đức hạnh chỉ kéo dài mười giây. Những dấu vết của tội lỗi và xấu hổ hết thảy tan biến trước khi tôi đọc hết chữ cuối cùng của dòng đầu tiên.
Beatriz thân mến,
Anh hy vọng em khỏe và cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống mới ở Barcelona. Em không trả lời bức thư nào anh gửi cho em những tháng gần đây và đôi khi anh tự hỏi anh đã làm gì để em phải lờ anh đi. Anh nhận ra em là phụ nữ đã có chồng
cùng một đứa con, và có lẽ việc anh viết thư cho em là một điều sai trái, nhưng anh phải thú nhận rằng sau chừng ấy thời gian, anh vẫn không quên được em, dù đã cố và anh không xấu hổ khi phải thừa nhận rằng anh vẫn yêu em.
Cuộc sống của anh đã chuyển sang hướng mới. Một năm trước, anh bắt đầu làm trưởng bộ phận kinh doanh cho một công ty xuất bản lớn. Anh biết sách vở có ý nghĩa thế nào
với em và làm việc với sách vở khiến anh cảm thấy gần em hơn. Anh làm việc ở chi nhánh Madrid, nhưng vì công việc anh đi lại khắp Tây Ban Nha.
Anh chưa bao giờ thôi nghĩ về em, về cuộc sống chung lẽ ra chúng ta đã có thể chia sẻ với nhau, về những đứa con lẽ ra chúng ta sẽ có... Hằng ngày anh tự hỏi liệu chồng em có làm em hạnh phúc không và liệu nếu không phải hoàn cảnh ép
buộc thì em có lấy anh ta không. Anh không tin rằng cuộc sống khiêm nhường mà anh ta mang lại cho em chính là điều em muốn. Anh biết rõ em mà. Chúng ta là đồng nghiệp và là bạn bè, giữa chúng ta chẳng có bí mật nào cả. Em còn nhớ những buổi chiều chúng ta bên nhau ở bãi biển San Pol không? Em còn nhớ những dự định, những ước mơ chúng ta đã chia sẻ, những lời hứa chúng ta trao nhau không? Anh chưa bao giờ cảm thấy như vậy với ai khác cả. Kể từ khi chúng ta hủy hôn ước, anh đã hẹn hò với đôi ba cô gái, nhưng giờ anh biết rằng không ai có thể sánh được với em. Mỗi khi hôn lên môi người khác anh lại nghĩ đến đôi môi em, và mỗi lần anh chạm vào da người khác, anh lại cảm thấy đấy là da em.
Một tháng nữa anh sẽ đến Barcelona để thăm văn phòng công ty ở đó và tổ chức vài cuộc gặp với nhân viên về việc tái cấu trúc công ty trong tương lai. Anh có thể dễ dàng giải quyết những vấn đề này qua thư từ và điện thoại. Lý do thực sự của chuyến đi này không gì khác là hy vọng được gặp lại em. Anh biết em nghĩ là anh điên, nhưng thế còn tốt hơn là em nghĩ rằng anh đã quên em. Anh sẽ đến vào ngày hai mươi tháng Giêng và sẽ ở khách sạn Ritz trên phố Gran.
Làm ơn, anh xin em, chúng ta hãy gặp nhau, dù chỉ một lát thôi. Hãy để anh trực tiếp nói ra những gì chất chứa trong tim anh. Anh đã đặt chỗ trong nhà hàng của khách sạn, vào ngày hai mốt lúc hai giờ. Anh sẽ ở đó, đợi em. Nếu em đến, em sẽ khiến anh là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời và anh biết rằng những giấc mơ có lại được tình yêu của em trong anh sẽ thành hiện thực.
Anh yêu em, mãi mãi.
PABLO
Trong mấy giây, tôi ngồi đó, trên chiếc giường tôi ngủ cùng Bea mới vài tiếng trước. Tôi cho thư vào phong bì và khi đứng lên tôi cảm giác mình vừa bị thụi vào bụng. Tôi chạy đến bồn rửa trong phòng tắm và nôn hết cà phê bữa sáng. Tôi mở nước và khoát lên mặt. Cặp mắt của một Daniel trẻ hơn, với bàn tay run rẩy lần đầu tiên ve vuốt Bea, nhìn tôi trong gương.
11
Khi tôi quay lại hiệu sách cha bắn cho tôi cái nhìn chất vấn, đoạn liếc nhìn đồng hồ trên tay ông. Tôi biết hẳn ông thắc mắc tôi đã ở đâu suốt nửa giờ qua, nhưng ông chẳng nói gì. Tôi đưa cho ông chìa khóa tầng hầm, tránh ánh mắt ông.
“Con không định xuống kho lấy sách ư?” ông hỏi.
“Dĩ nhiên rồi. Con xin lỗi. Con đi ngay đây.”
Cha nhìn tôi ngờ vực.
“Con có sao không, Daniel?”
Tôi gật đầu, giả vờ ngạc nhiên trước câu hỏi ấy. Không để ông có cơ hội hỏi lại, tôi đã lao xuống tầng hầm để lấy thùng sách ông yêu cầu. Lối đi xuống nằm ở cuối hành lang tòa nhà. Một cánh cửa sắt có khóa móc, dựng dưới gầm cầu thang, mở ra một cầu thang xoắn ốc dẫn xuống bóng đen, mùi ẩm ướt và hoa khô. Một dãy bóng đèn nhỏ, chập chờn, treo trên tường, khiến nơi này trông như hầm tránh bom. Tôi đi xuống cầu thang và, khi đặt chân xuống tầng hầm, mò mẫm tìm công tắc đèn.
Một bóng đèn vàng vọt sáng trên đầu tôi, lộ ra đường nét của một căn phòng chứa đồ tạp nham những tưởng ta đây ghê lắm. Những chiếc xe đạp cũ han gỉ không có chủ, những bức tranh vô giá trị mạng nhện chăng đầy và những hộp các tông chất đầy lên giá gỗ đang ruỗng mục tạo nên một bức tranh không mời gọi người ta lai
vãng đến đây lâu hơn mức cần thiết. Mãi cho tới lúc nhìn thấy quang cảnh trước mặt, tôi mới nhận ra thật lạ là Bea lại muốn xuống đây thay vì kêu tôi đi. Tôi quét mắt một lượt qua mê cung những vật dụng bỏ đi của gia đình và tự hỏi không biết còn bao nhiêu bí mật nữa nàng giấu ở đây.
Khi nhận ra điều mình đang làm tôi thở dài. Lời lẽ trong bức thư ấy như những giọt a xít ngấm vào tâm trí tôi. Tôi tự hứa sẽ không bắt đầu lục lọi mấy cái hộp, tìm kiếm đống phong bì ướp hương tên tởm lợm gửi cho Bea. Tôi hẳn đã thất hứa với bản thân mấy giây sau nếu không nghe thấy tiếng bước chân đang đi xuống. Tôi ngước lên và thấy Fermín ở chân cầu thang, đang nhìn cảnh tượng này với ánh mắt kinh tởm.
“Bốc mùi như thể có một cái xác rữa đang ở đây. Cậu chắc là không có ai bỏ lại cái xác ướp của mẹ cô Merceditas, đặt giữa đám đồ thêu, trong một cái hộp nào ở đây chứ?”
“Sẵn có anh ở đây, anh có thể giúp tôi mang mấy thùng sách cha tôi cần lên không?”
Fermín xắn tay áo lên, sẵn sàng bắt đầu. Tôi chỉ mấy thùng có nhãn Vértice và chúng tôi mỗi người ôm một thùng.
“Daniel này, trông cậu còn tệ hơn tôi đấy. Có chuyện gì không ổn sao?”
“Chắc do hơi ẩm dưới tầng hầm.”
Tôi đặt thùng xuống sàn rồi ngồi lên đó.
“Tôi hỏi anh một câu nhé, Fermín?”
Fermín cũng đặt thùng của anh ta xuống và dùng nó làm ghế. Tôi nhìn anh ta, sẵn sàng nói, nhưng không thể bật lời ra khỏi miệng. “Rắc rối trong phòng the à?” anh ta đánh bạo.
Tôi đỏ mặt khi nhận ra anh bạn biết rõ mình ra sao.
“Đại khái như thế.”
“Cô Bea, một món quà của tạo hóa, không có hứng lâm trận, hay ngược lại, cô ấy quá hăng, và cậu gần như không đáp ứng được ở mức tối thiểu? Hãy nhớ trong đầu là khi phụ nữ có con, thì cũng giống như kiểu ai đó đã thả một quả bom nguyên tử hormone vào huyết quản họ. Một trong những bí ẩn vĩ đại của tự nhiên ấy là làm sao bọn họ không phát điên lên trong hai mươi giây đầu tiên sau khi sinh. Tôi biết tất cả chuyện này là bởi, sau thơ tự do thì sản khoa là một trong những mối quan tâm của tôi.
“Không, không phải vậy. ít nhất là như tôi được biết.” Fermín quăng cho tôi một cái nhìn bối rối.
“Tôi phải đề nghị anh đừng cho ai biết chuyện tôi sắp kể nhé, Fermín.”
Fermín nghiêm nghị làm dấu thánh.
“Vừa mới đây, tôi tình cờ phát hiện ra một bức thư trong túi áo khoác của Bea.”
Việc tôi dừng lại dường như chẳng làm anh ta ngạc nhiên. “Và?”
“Bức thư ấy là từ vị hôn phu cũ của cô ấy.”
“Gã thiếu úy Nhạt Nhẽo ấy hả? Chẳng phải anh ta đã quay về El Ferrol để vào vai một cậu ấm và sắm cho mình một sự nghiệp hoành tráng sao?”
“Đó là tôi nghĩ vậy. Nhưng dường như lúc rảnh rỗi hắn ta viết thư tình cho vợ tôi.”
Fermín nhảy cẫng lên.
“Thằng khốn kiếp,” anh ta lẩm bẩm, thậm chí còn phẫn nộ hơn cả tôi.
Tôi lấy trong túi ra bức thư đoạn đưa cho anh ta. Fermín ngửi qua trước khi mở thư.
“Là tôi tưởng tượng ra hay con lợn kia gửi thư bằng giấy thơm vậy?” anh ta hỏi.
“Tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Kẻ đó là cái kiểu như thế. Phần hay ho nhất là sau đó kia. Đọc, đọc đi...”
Fermín đọc bức thư, lẩm nhẩm một mình và lắc đầu. “Không những thuộc giống loài cứt đái ghê tởm, hắn còn là đứa sến súa đến phát ngán nữa. Cái đoạn ‘hôn lên môi người khác’ cũng đủ cho hắn tù chung thân rồi.”
Tôi cất bức thư đi và nhìn xuống sàn.
“Đừng bảo là cậu nghi ngờ Bea chứ?” Fermín hỏi, vẻ không tin được vào mắt mình.
“Không, dĩ nhiên là không.”
“Đồ nói dối.”
Tôi đứng dậy và bắt đầu đi quanh tầng hầm.
“Thế anh sẽ làm sao nếu tìm thấy một bức thư như vậy trong túi áo của Bernarda?”
Fermín từ tốn suy xét.
“Tôi sẽ tin tưởng mẹ của con tôi.”
“Tin ư?”
Fermín gật đầu.
“Đừng coi đây là chuyện xấu, Daniel, nhưng cậu gặp phải một vấn đề căn bản của đám đàn ông lấy vợ đẹp đấy. Cô Bea, người theo như tôi biết luôn và sẽ mãi là một vị thánh, và theo cách nói dân dã, là một món ăn thơm ngon mà cậu sẽ muốn liếm cho sạch cả đĩa. Do vậy, cũng chẳng lạ gì nếu những hạng nhếch nhác chuyên nghiệp, cái lũ ăn hại toàn tập, bọn đĩ đực cạnh bể bơi và hết thảy những kẻ đần độn giả danh quý tộc trong thành phố đều sẽ theo đuổi cô ấy. Có chồng con hay không thì lũ khỉ diện vét mà chúng ta đều quá tử tế mà gọi là Homo sapiens* ấy cũng chả quan tâm gì sất. Có lẽ cậu không để ý đấy thôi, nhưng tôi lấy cả bộ đồ lót của tôi ra mà cá rằng cô vợ thánh thiện của cậu thu hút lũ ong còn hơn là lọ mật trong kho kìa. Thằng ngu kia chỉ như một con chim ăn xác thối, cứ ném hú họa mấy cục đá xem có trúng gì không. Tin tôi đi, một người phụ nữ tỉnh táo và có lối ăn mặc đoan chính như cô ấy chỉ cần trông thấy từ đằng xa cũng đã nhận ra hạng người ấy.”
“Anh chắc không?”
“Tuyệt đối. Nếu cô Beatriz muốn lừa dối cậu, cô ấy lại phải chờ gã thiểu năng sến súa kia dỗ ngon dỗ ngọt bằng những điệu bolero hâm nóng lại của hắn ư? Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu có ít nhất cả chục tên theo đuổi cố làm màu mỗi lần cô ấy ra đường, khi cô ấy phô diễn vẻ quyến rũ và dắt theo đứa con của mình. Tin tôi đi, tôi biết mình đang nói gì mà.”
“Thẳng thắn mà nói là tôi chẳng biết mấy lời an ủi của anh có giúp tôi cất được gánh nặng hay không.”
“Này, điều cậu cần làm là cho bức thư vào túi áo cậu tìm thấy, và quên hết chuyện này đi. Và chớ có mà nhắc đến chuyện này trước mặt vợ cậu.”
“Anh sẽ làm như thế à?”
“Điều tôi sẽ làm là đi tìm gã đần độn kia và đá vào hạ bộ hắn một cú ra trò làm hắn phải phẫu thuật gáy để lấy bi ra, và lúc đấy tất cả những gì hắn muốn làm là vào một tu viện dòng Carthusian mà thôi. Nhưng đó là tôi.”
Tôi cảm thấy nỗi giày vò lan khắp cơ thể như một giọt dầu rỏ xuống nước trong.
“Tôi không chắc là anh giúp được gì nhiều, Fermín.” Anh ta nhún vai, bê thùng sách lên, rồi biến mất vào cầu thang.
Chúng tôi dành phần còn lại của buổi sáng làm việc trong hiệu sách. Sau vài tiếng ngẫm nghĩ về vụ bức thư kia, tôi đi đến kết luận rằng Fermín nói đúng. Điều tôi không quyết được là anh ta đúng ở chuyện nên tin nàng và im lặng, hay chuyện đi kiếm thằng khốn kia và cho hắn một cuộc cải tổ ngọc hành. Lịch trên bàn ghi hôm nay là hai mươi tháng Mười hai. Tôi còn một tháng nữa để quyết định.
Sổ sách bán được trong ngày cứ nhích dần lên từng chút, với doanh số khiêm nhường nhưng ổn định. Fermín không bỏ lỡ một cơ hội nào để ca ngợi cha tôi về cái máng tuyệt vời và ý tưởng mua tượng Chúa hài đồng trông giống một lực sĩ xứ Basque.
“Với cái tài bán hàng đỉnh cao này, có lẽ tôi sẽ nhường sân cho ông chủ, và rút lui vào phòng sau để sắp xếp sổ sách mà người góa phụ để lại hôm trước.”
Tôi tranh thủ cơ hội này chạy theo Fermín và kéo rèm xuống. Fermín nhìn tôi, có chút cảnh giác, nhưng tôi lại mỉm cười thân thiện.
“Tôi sẽ giúp nếu anh muốn.”
“Tùy cậu thôi, Daniel.”
Trong mấy phút chúng tôi bắt đầu gỡ các thùng sách và phân loại chúng theo thể loại, tình trạng và kích thước. Fermín không hé môi và tránh ánh mắt tôi.
“Fermín này...”
“Tôi đã bảo cậu đừng lo lắng vụ bức thư. Vợ cậu đâu phải hạng lẳng lơ, và nếu lúc nào đó muốn chấm dứt với cậu - cầu trời rằng chuyện đó đừng bao giờ xảy ra - cô ấy sẽ nói thẳng vào mặt cậu mà không cần mấy trò mèo sướt mướt này.”
“Hiểu ý anh rồi, Fermín. Nhưng không phải chuyện đó.” Fermín ngước lên, vẻ khổ sở, khi biết chuyện gì đang xảy ra. “Tôi nghĩ là hôm nay, sau khi xong việc, chúng ta có thể ra ngoài,
kiếm gì đó ăn và nói chuyện, một câu chuyện giữa đàn ông với nhau, chỉ tôi với anh thôi,” tôi bắt đầu. “Về chuyện đời chúng ta. Về vị khách ngày hôm qua. Và về cái chuyện quái gì đó đang làm anh lo lắng, mà tôi linh cảm thấy rằng có liên quan.”
Fermín bỏ cuốn sách đang lau lên bàn. Anh ta cáu kỉnh nhìn tôi đoạn thở dài.
“Tôi đang gặp rắc rối to, Daniel ạ,” cuối cùng anh ta lẩm nhẩm. “Một rắc rối mà tôi không biết cách nào thoát ra được.” Tôi đặt tay lên vai anh ta. Dưới chiếc áo liền quần kia, tôi chỉ có thể cảm nhận được xương và da.
“Vậy để tôi giúp anh nhé. Hai cái đầu bao giờ cũng hơn một mà.” Anh ta bối rối không biết phải đáp lại thế nào.
“Chúng ta đã cùng nhau vượt qua nhiều chuyện tồi tệ hơn nhiều, anh và tôi,” tôi khăng khăng.
Anh ta mỉm cười buồn bã, không tin lắm vào lời nói của tôi. “Cậu là bạn tốt của tôi, Daniel.”
Không tốt được bằng một nửa so với cái anh đáng nhận được, tôi nghĩ.
12
Lúc bấy giờ, Fermín vẫn sống tại nhà trọ nhỏ trên phố Joaquín Costa, nơi mà theo một nguồn đáng tin cậy, những người cư ngụ ở đó, với sự thông đồng bí mật của Rociíto và các chị em cùng hội cùng thuyền, đang chuẩn bị cho anh ta một bữa tiệc độc thân có lẽ sẽ đi vào lịch sử. Chỉ hơn chín giờ một chút, lúc tôi đến đón thì Fermín đã đợi sẵn ở cửa trước.
“Nói thực nhé, tôi không đói lắm,” anh ta tuyên bố khi nhìn thấy tôi.
“Tiếc thật, vì tôi nghĩ chúng ta có thể đến Can Lluís,” tôi đề nghị. “Ở đó tối nay có món thịt hầm đậu và sườn cừu non.” “Ồ, vậy thì tôi không được khinh suất,” Fermín xem xét lại. “Một bữa ăn ngon cũng giống như một thiếu nữ đang độ xuân thì: không biết trân trọng thì đúng là lũ ngu.”
Với lời vàng ý ngọc lấy từ kho cách ngôn của quý ngài Fermín Romero de Torres lỗi lạc ấy, chúng tôi thong dong bước đến một trong những nhà hàng ưa thích của bạn tôi trên toàn cõi Barcelona và trên thế giới. Can Lluís tọa ở số 49 phố Cera, ngay đầu phố Raval. Đằng sau vẻ ngoài khiêm nhường, Can Lluís mang lại một không gian ấm cúng thấm đẫm những bí ẩn của Barcelona cổ kính, đem đến những món ăn tinh tế và cung cách phục vụ hoàn hảo với một mức giá thậm chí Fermín, hay tôi, cũng đủ khả năng chi trả. Vào những ngày trong tuần, quán thu hút được cộng đồng những người
bô hê miêng, và biến thành chỗ những người thuộc giới kịch nghệ, văn chương và những nhân vật đủ tầng lớp cao thấp vai kề vai chúc tụng nhau.
* * *
Khi bước vào chúng tôi thấy một trong những khách hàng quen của hiệu sách, Giáo sư Alburquerque, một người điểm sách xuất chúng và một con người uyên bác trong vùng dạy ở khoa văn và coi Can Lluís như ngôi nhà thứ hai của ông. Ông thích vừa ngồi ăn tối ngoài quán bar vừa lướt qua mấy trang báo.
“Đã lâu không gặp, thưa giáo sư,” tôi nói khi bước qua ông. “Hôm nào đó ông phải ghé thăm chúng tôi và bổ sung kho sách của ông. Người ta không thể sống nhờ vào những bài điếu văn trên tờ La Vanguardia được.”
“Tôi ước giá được như vậy. Ấy là vì những bài nghị luận trời đánh kia. Phải đọc những lời lảm nhảm vô nghĩa do lũ trẻ con nhà giàu hư hỏng kinh qua trường đại học trong thời buổi này viết ra khiến cho tôi bắt đầu vướng chứng mù mặt chữ.”
Lúc ấy, một người phục vụ đang mang đến cho ông món bánh pudding, một miếng caramel kem béo ú đang rung rinh dưới sức nặng của những giọt đường cháy và ngậy lên một thứ mùi vani tinh tế nhất.
“Đức ngài sẽ thoát được tình trạng đó sau khi thưởng thức mấy thìa món ăn kỳ diệu này,” Fermín nói. “Ôi trời đất ơi: nó cứ rung rinh như thể bộ ngực dữ dội của quý bà Margarita Xirgu.”
Lắng nghe những lời ấy, vị giáo sư uyên bác nhìn chằm chiếc bánh pudding và đồng ý, hoàn toàn say đắm. Chúng tôi để cho con người thông thái ấy tận hưởng món trang sức bọc đường của nữ
diễn viên nổi tiếng và đến trú vào một bàn ở góc cuối căn phòng, và nhanh chóng được phục vụ một bữa ăn xa hoa. Fermín ngấu nghiến với vẻ thèm thuồng của một đoàn lính đang rút quân. “Tôi cứ nghĩ anh không đói cơ đấy,” tôi buông lời.
“Cơ bắp chắc khỏe đốt nhiều năng lượng lắm,” Fermín giải thích, dùng mẩu bánh mì cuối cùng trong giỏ vét sạch đĩa, dù tôi cho rằng vì lo lắng nên anh ta mới ăn như vậy.
Pere, người bồi bàn phục vụ chúng tôi, bước đến xem và khi thấy đĩa thức ăn bị quét sạch của Fermín, anh ta đưa cho Fermín thực đơn tráng miệng.
“Một chút tráng miệng để hoàn tất bữa ăn chứ, quý ngài?” “Suy cho cùng thì, tôi sẽ không chối từ vài chiếc bánh caramel kem nhà hàng tự làm tôi thấy lúc nãy, nếu có thể hãy cho thêm quả sơ ri đỏ roi rói lên trên mỗi miếng,” Fermín nói.
Pere gật đầu. Anh ta bảo chúng tôi rằng khi nghe thấy Fermín diễn giải về độ đầy đặn và nét khiêu gợi của món ăn này, chủ nhà hàng đã quyết định đặt lại tên món caramel kem là “margarita”. “Tôi dùng espresso được rồi,” tôi nói.
“Ông chủ bảo cà phê và tráng miệng nhà hàng sẽ mời,” Pere nói. Chúng tôi nâng ly về phía chủ quán, ông đang đứng sau quầy bar tán gẫu với Giáo sư Alburquerque.
“Những người tốt,” Fermín lẩm bẩm. “Đôi khi ta quên rằng trên đời này không phải ai cũng là đồ khốn.”
Tôi ngạc nhiên trước giọng điệu cay đắng của anh ta. “Sao anh lại nói thế, Fermín?”
Bạn tôi nhún vai. Không lâu sau, món caramel kem đã đến, rung rinh khiêu gợi, và có những quả sơ ri lóng lánh đính ở trên. “Tôi xin nhắc anh nhớ rằng vài tuần nữa anh sẽ kết hôn và những ngày margarita của anh sẽ kết thúc đấy.” Tôi đùa.
“Tội nghiệp tôi,” Fermín nói. “Tôi e mình chỉ to mồm thế thôi. Tôi không phải như con người trước đây đâu.”
“Ai cũng không còn là con người trước đây nữa.”
Fermín bắt đầu thưởng món caramel kem, nhấm nháp từng miếng một.
“Tôi không biết đã đọc ở đâu đó rằng trong sâu thẳm chúng ta không còn là con người như trước đây ta từng nghĩ mình là nữa, và chúng ta chỉ nhớ đến những điều chưa bao giờ xảy ra...” Fermín nói.
“Đó là đoạn mở đầu trong một tiểu thuyết của Julián Carax,” tôi đáp.
“Đúng. Ông bạn Carax của chúng ta đang ở đâu nhỉ? Cậu không bao giờ băn khoăn sao?”
“Từng ngày một.”
Fermín mỉm cười, nhớ lại những cuộc phiêu lưu trước đây của chúng tôi. Đoạn anh ta chỉ vào ngực tôi và trao cho tôi cái nhìn chất vấn.
“Còn đau không?”
Tôi gỡ vài cúc áo ra và chỉ cho anh ta vết sẹo mà viên đạn của thanh tra Fumero đã bỏ lại khi nó xuyên qua ngực tôi vào cái ngày xa xưa ấy, trong đống tro tàn của Thiên thần Mù sương. “Thỉnh thoảng.”
“Vết sẹo không bao giờ biến mất được, phải không?”
“Chúng đến rồi đi, tôi tin vậy. Fermín: nhìn vào mắt tôi này.” Đôi mắt lảng tránh của Fermín nhìn thẳng vào mắt tôi. “Anh có định kể cho tôi chuyện gì đang xảy ra không?” Trong vài giây, Fermín còn dè dặt.
“Cậu có biết rằng Bernarda đang có bầu không?” anh ta hỏi. “Không,” tôi nói dối. “Đấy là điều anh lo lắng à?”
Fermín lắc đầu khi dùng thìa ăn nốt miếng bánh caramel kem thứ hai, nhấp phần xi rô còn lại.
“Cô ấy chưa muốn nói với tôi, tội nghiệp, bởi cô ấy lo lắng. Nhưng cô ấy sẽ khiến tôi là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời.” Tôi thận trọng nhìn anh ta.
“Nói thật nhé, lúc này, anh không hề có cái vẻ của người đàn ông hạnh phúc đâu. Có phải bởi đám cưới không? Anh lo lắng về việc làm đám cưới ở nhà thờ và những chuyện kiểu đó à?”
“Không, Daniel. Kỳ thực tôi khá phấn khích nữa kìa, dù có dính líu đến mấy cha xứ. Tôi có thể kết hôn với Bernarda mỗi ngày trong tuần.”
“Rồi sao?”
“Cậu có biết điều đầu tiên người ta hỏi khi cậu muốn kết hôn không?”
“Tên anh” tôi nói, không suy nghĩ.
Fermín chầm chậm gật đầu. Tôi không hề nghĩ đến chuyện này, mãi cho tới lúc ấy. Bỗng nhiên, tôi hiểu ra tình thế tiến thoái lưỡng nan bạn thân tôi đang đối mặt.
“Cậu có nhớ chuyện tôi kể mấy năm trước không, Daniel?”
Tôi nhớ như in. Trong cuộc nội chiến, nhờ những phi vụ hung hiểm của thanh tra Fumero, kẻ trước khi gia nhập đoàn quân phát xít đã hành xử như người của cộng sản, nên anh bạn tôi đã đặt chân vào chốn tù tội, và suýt mất cả tâm trí lẫn mạng sống. Khi thoát được ra, kỳ diệu thay là vẫn sống sót, anh ta quyết định tạo một danh tính mới và xóa đi quá khứ. Lúc ở ngưỡng cửa cái chết, anh ta đã mượn cái tên anh ta nhìn thấy trên tấm áp phích cũ tại trường đấu bò Arenas. Fermín Romero de Torres sinh ra như thế, một người đang từng ngày tạo dựng nên câu chuyện cuộc đời mình.
“Thế nên anh không muốn điền vào giấy tờ tại nhà thờ giáo khu,” tôi nói. “Vì anh không thể dùng cái tên Fermín Romero de Torres.” Fermín gật đầu.
“Này, tôi chắc là chúng ta có thể nghĩ ra cách kiếm cho anh giấy tờ mới. Anh còn nhớ Trung úy Palacios, người đã rời lực lượng cảnh sát không? Anh ta dạy giáo dục thể chất ở khu vực Bonanova, nhưng thỉnh thoảng anh ta cũng ghé qua hiệu sách. Chậc, hôm trước, lúc nói chuyện này chuyện nọ, anh ta kể tôi nghe về một thị trường ngầm tạo căn cước mới cho những người trở về Tây Ban Nha sau nhiều năm ở xa. Anh ta bảo biết một người làm công việc đó ở gần Xưởng Đóng tàu Hoàng Gia, người này có quan hệ với lực lượng cảnh sát và chỉ cần một trăm peseta là ta đã có thẻ căn cước mới và được ghi tên ở phòng hộ tịch.”
“Tôi biết. Anh ta từng có tên Heredia. Một nghệ sĩ.”
“Từng có?”
“Anh ta đã nổi xác ngoài cảng vài tháng trước. Người ta bảo anh ta rơi khỏi tàu du lịch khi nó đâm vào đê chắn sóng. Tay bị trói chặt sau lưng. Hài hước kiểu phát xít.”
“Anh biết anh ta ư?”
“Chúng tôi thỉnh thoảng có gặp nhau.”
“Vậy anh ta hẳn phải có đủ giấy tờ xác nhận anh là Fermín Romero de Torres...”
“Heredia làm những giấy tờ đó cho tôi từ năm 1939, khi ấy chiến tranh đã gần kết thúc. Hồi ấy đó là một công việc đơn giản, Barcelona là một trại điên, và khi người ta nhận ra con tàu đang chìm dần họ còn bán cả huy hiệu quý tộc với giá chỉ vài xu.”
“Thế tại sao giờ anh không thể dùng tên của anh?”
“Bởi vì Fermín Romero de Torres chết năm 1940. Đó là quãng thời gian tồi tệ, Daniel ạ, tệ hơn cả thời buổi này. Anh ta không sống được quá một năm, tên khốn tội nghiệp.”
“Anh ta chết rồi ư? Ở đâu? Như thế nào?”
“Trong nhà tù lâu đài Montjuic. Phòng giam số mười ba.” Tôi nhớ lại lời đề tặng mà người lạ đã để lại cho Fermín trong cuốn Bá tước Monte Cristo.
Gửi Fermín Romero de Torres,
người từ cõi chết trở về
và nắm giữ chìa khóa đi vào tương lai.
Mười Ba
“Đêm hôm đó, tôi chỉ kể cho cậu một phần câu chuyện thôi, Daniel ạ.”
“Tôi nghĩ anh đã tin tưởng tôi.”
“Tôi tin tưởng cậu bằng cả tính mạng của tôi. Nếu như tôi có kể một phần câu chuyện, thì cũng là để bảo vệ cậu thôi.” “Bảo vệ tôi ư? Khỏi điều gì?”
Fermín cúi xuống, suy sụp.
“Khỏi sự thật, Daniel ạ... khỏi sự thật.”
PHẦN HAI
TỪ CÕI CHẾT
1
Barcelona, 1939
Những tù nhân mới được đưa vào đây ban đêm, trên ô tô hoặc xe tải chạy từ đồn cảnh sát trên phố Vía Layetana qua thành phố trong lặng lẽ, không ai nhận thấy hoặc mong nhìn thấy chúng. Những chiếc xe của cảnh sát đi trên con đường mòn theo triền dốc của đồi Montjuic và không chỉ một tù nhân đã kể lại rằng, cái thời khắc họ thoáng thấy tòa lâu đài trên đỉnh đồi hiện ra giữa những đám mây đen từ phía biển đổ về, họ chắc rằng mình sẽ không bao giờ sống sót thoát ra khỏi nơi đó.
Pháo đài neo mình trên đỉnh cao nhất của rặng núi đá, nằm cheo leo giữa một bên là biển, một bên là tấm thảm những bóng đen của Barcelona, và về phía nam là thành phố của cái chết trải dài bất tận - nghĩa trang Montjuic cổ kính với cái mùi hôi thối bốc lên giữa những tảng đá và len lỏi qua những khe nứt trong đá và xuyên qua những song chắn của phòng giam. Thời trước, lâu đài này được người ta sử dụng để oanh tạc thành phố bên dưới, nhưng chỉ vài tháng sau khi Barcelona sụp đổ, vào tháng Giêng, và trận thua cuối cùng vào tháng Tư, thần chết lặng lẽ đến trú ngụ ở đó và những người Barcelona, bị mắc kẹt trong cái đêm dài nhất lịch sử của họ, không muốn nhìn lên bầu trời và để mắt đến cái nhà tù ngự trên đỉnh núi.
Khi đến nơi, các tù nhân bị cảnh sát giải đến sẽ được đánh số, thường sẽ là số của phòng giam nơi họ sẽ trú ngự và rất có thể là sẽ nằm lại. Đối với hầu hết khách trọ, như cai ngục thường gọi, hành trình đến lâu đài này là con đường chỉ có một chiều. Vào đêm khách trọ số mười ba đến Montjuic trời mưa như trút. Những mạch nước đen mỏng manh rỉ xuống từ tường đá và không khí sặc mùi đất bị đào xới. Hai viên cảnh sát giải anh vào một căn phòng chỉ có mỗi cái bàn đá và một chiếc ghế. Một bóng đèn trơ trọi treo trên trần nhà, sáng chập chờn mỗi khi dòng điện của máy phát yếu đi. Anh đứng đó chờ đợi trong nửa tiếng đồng hồ, áo quần ướt sũng, được một tên lính gác có khẩu súng trường canh chừng.
Cuối cùng, anh nghe thấy có tiếng bước chân, cửa mở ra và một người đàn ông chưa quá tuổi ba mươi bước vào. Hắn mặc một bộ vét mới được là và người toát lên mùi nước hoa. Hắn không có cái nét hung dữ của một sĩ quan hay quân nhân chuyên nghiệp: nét mặt hắn mềm mại và gọi vẻ dễ chịu. Với người tù hắn ta bộc lộ cái vẻ một người tỏ ra ta đây sang giàu, đang chiếu cố mà đến một chốn dơ đáy thế này. Nét nổi bật nhất ở hắn chính là cặp mắt. Màu xanh dương, xuyên thấu và sắc sảo, đượm vẻ tham lam và hoài nghi. Chỉ mỗi cặp mắt thôi, đã lột tả hết bản chất hắn giấu sau cái vẻ lịch thiệp học thức và cung cách tử tế.
Cặp kính tròn tôn chúng lên, và mái tóc bôi sáp thơm, chải ngược ra sau, tạo cho hắn một vẻ giả tạo mơ hồ chẳng ăn nhập gì với khung cảnh xấu xa kia. Gã đó ngồi lên chiếc ghế sau bàn và mở tập hồ sơ hắn mang theo. Sau một hồi xem xét sơ qua nội dung bên trong, hắn đan hai tay lại, đầu ngón tay chống lên cằm, và ngồi soi mói tù nhân, anh cuối cùng cũng đã chịu lên tiếng.
“Xin lỗi, nhưng tôi nghĩ chắc có nhầm lẫn nào ở đây...”
Cú đánh bằng báng súng vào bụng người tù khiến anh nghẹt thở và ngã xuống, cuộn tròn như quả bóng.
“Mày chỉ được nói khi ngài giám thị hỏi mày,” tên lính gác bảo anh.
“Đứng lên,” viên giám thị nói, giọng run run, vẫn chưa quen với việc ra lệnh.
Người tù xoay xở đứng lên và bắt gặp cái nhìn chằm chặp không mấy dễ chịu của viên giám thị.
“Tên?”
“Fermín Romero de Torres.”
Người tù nhận thấy vẻ khinh bỉ và thờ ơ trong đôi mắt xanh kia. “Tên cái kiểu gì thế? Anh nghĩ tôi là thằng ngớ ngẩn à? Nói đi: tên, tên thật kia.”
Người tù, một người đàn ông nhỏ bé, yếu đuối, đưa giấy tờ ra cho viên giám thị xem. Tên lính gác giật lấy và đưa lên bàn. Viên giám thị nhìn lướt qua, đoạn tặc lưỡi và mỉm cười.
“Lại một tác phẩm khác của Heredia...” hắn lẩm bẩm trước khi ném chỗ giấy tờ vào sọt rác. “Những giấy tờ này chẳng có nghĩa lý gì cả. Anh có định khai tên không hay chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh?”
Khách họ số mười ba cố thốt ra mấy lời, nhưng môi anh run rẩy và anh chỉ biết lắp bắp điều gì đó không tài nào hiểu nổi. “Đừng sợ, anh bạn tốt, không ai định cắn anh đâu. Người ta đã nói gì với anh? Có rất nhiều tên đỏ khốn kiếp ngoài kia đang cố lan truyền những lời lẽ vu khống, nhưng ở đây, nếu người ta hợp tác, họ
sẽ được đối xử tốt, như những người Tây Ban Nha. Thôi nào, cởi quần áo ra.”
Vị khách trọ mới đến dường như dè dặt một lát. Viên giám thị nhìn xuống, như thể toàn bộ tình huống này khiến hắn cảm thấy khó chịu và chỉ có sự cứng đầu của người tù mới giữ hắn ở lại đó. Liền ngay sau đấy, tên lính gác dùng báng súng thọi một cú nữa, lần này đau vào đến thận, và khiến anh ngã gục.
“Mày nghe ngài giám thị nói rồi đấy. Cởi đồ ra. Chúng tao không có cả đêm đâu.”
Vị khách trọ số mười ba gặng gượng quỳ dậy và cởi bộ quần áo bẩn thỉu, bê bết máu. Khi anh đã hoàn toàn trần trụi, tên lính canh chọc nòng súng vào nách và ép anh đứng lên. Viên giám thị ngước mắt từ bàn nhìn lên và cau mày ghê tởm khi thấy những vết cháy phủ khắp người, sau mông và gần như khắp đùi anh.
“Có vẻ như nhà vô địch của chúng ta là người quen cũ của Fumero,” tên lính canh nhận xét.
“Câm mồm đi,” viên giám thị ra lệnh, không mấy tự tin. Hắn sốt ruột nhìn người tù và nhận ra rằng anh đang khóc. “Thôi đi, đừng khóc nữa và nói tên của anh đi.”
Người tù lí nhí nhắc lại tên mình.
“Fermín Romero de Torres...”
Viên giám thị thở dài mệt mỏi.
“Này, tôi bắt đầu mất kiên nhẫn rồi đấy. Tôi muốn giúp anh và tôi thực sự không thích phải gọi thanh tra Fumero và cho ông ta biết anh ở đây...”
Người tù bắt đầu lắp bắp như một con chó bị thương và run rẩy dữ dội đến mức viên giám thị, rõ ràng thấy khó chịu trước cảnh tượng này và muốn kết thúc vụ việc càng sớm càng tốt, bèn liếc nhìn tên lính gác, không nói một lời, rồi vừa viết cái tên mà người tù đã khai vào sổ đăng ký, vừa chửi thầm trong bụng.
“Cuộc chiến chết tiệt này,” hắn ta lẩm bẩm một mình khi người ta đưa tù nhân về phòng giam bằng cách kéo cơ thể trần trụi của anh qua đường hầm đầy máu.
2
Phòng giam là một khối vuông tối đen, ẩm ướt. Khí lạnh thổi vào qua một lỗ nhỏ khoan vào vách đá. Những bức tường đầy rẫy các ký hiệu và những thông điệp được khắc nham nhở do khách trọ trước để lại. Một số viết tên, ngày tháng, hay những bằng chứng khác về sự tồn tại của họ. Một người trong số đó đã khắc nguệch ngoạc không biết bao nhiêu hình thập ác trong bóng đen, nhưng thượng đế dường như không để ý đến họ. Những song sắt phòng giam bị han gỉ và để lại một lớp màng nâu lên tay ta.
Co ro trên chiếc giường xiêu vẹo, Fermín cố che cơ thể trần trụi của mình bằng những mảnh vải rách rưới mà anh đồ là được dùng để làm chăn, đệm và gối. Ánh sáng mờ nhạt pha sắc đồng, như hơi thở của một ngọn nến đang tàn. Sau một lát, mắt anh dần quen với bóng tối, và đôi tai tinh nhạy hơn, giúp anh bắt được tiếng của những chuyển động rất nhẹ bị lấn lướt bởi tiếng những giọt nước rỉ xuống và tiếng gió lùa rít từ ngoài vọng vào.
Fermín ngồi ở đó được nửa tiếng thì nhận thấy một hình dạng trong bóng đêm, đằng kia phòng giam. Anh đứng lên và chầm chậm bước đến: đó là một chiếc túi vải bẩn thỉu. Cái lạnh và sự ẩm ướt đã bắt đầu ngấm vào xương cốt, và dù mùi của cái bọc ấy, cái bọc dính đầy vết bẩn, không báo cho biết nó là gì, Fermín nghĩ có lẽ nó chứa quần áo của tù nhân mà không ai thèm đưa cho anh, và với chút
may mắn, cả một tấm chăn bao bọc anh khỏi cái lạnh buốt. Anh quỳ xuống và tháo nút buộc ở đầu túi.
Khi anh mở toang cái túi ra, ánh sáng lờ mờ từ chiếc đèn dầu lập lòe nơi hành lang làm lộ ra thứ mà ban đầu anh tưởng là khuôn mặt của một con búp bê, một ma nơ canh mà thợ may đặt trong cửa hàng để bày quần áo. Mùi hôi thối và chất nôn mửa khiến anh nhận ra đấy không phải người giả. Anh lấy một tay che mũi và miệng, kéo phần còn lại của tấm bạt ra, rồi lui lại cho đến khi anh chạm vào bức tường phòng giam.
Cái xác dường như là của một người trưởng thành đâu chừng giữa bốn mươi đến bảy lăm, và chắc chắn là chưa đầy năm chục cân. Một mớ tóc trắng, bộ râu phủ kín khuôn mặt, và thân hình gầy giơ xương. Bàn tay gầy guộc, móng tay dài cong vút, trông như móng vuốt của loài chim. Đôi mắt anh ta mở to, giác mạc teo lại như trái cây chín héo. Miệng anh ta há, lưỡi đen và sưng phồng lên giữa hai hàm răng.
“Hãy lấy quần áo của anh ta trước khi người ta đến khiêng anh ta đi,” một giọng nói từ phòng giam đối diện cất lên. “Anh sẽ không có gì khác để mặc cho đến tháng sau đâu.”
Fermín liếc nhìn trong bóng tối và nhận thấy cặp mắt sáng long lanh từ chiếc giường ở phòng giam bên kia đang quan sát anh. “Đừng sợ, linh hồn tội nghiệp kia không thể làm hại ai được nữa,” giọng nói trấn an anh.
Fermín gật đầu và bước đến cái túi, tự hỏi làm thế nào để tiếp tục thực hiện hành động này.
“Tôi thành thực xin lỗi,” anh lẩm nhẩm với người đã khuất. “Mong Chúa phù hộ cho linh hồn anh.”
“Anh ta là người vô thần,” giọng nói từ phòng giam đối diện cho anh biết.
Fermín lại gật đầu và quyết định bỏ qua các thủ tục. Cái lạnh thấm vào phòng giam buốt đến độ cắt da thịt và bất kỳ phép lịch sự nào cũng cơ hồ thừa thãi. Anh nín thở và bắt tay vào việc. Bộ quần áo có mùi y như mùi của người chết kia. Cơ thể anh ta đã bắt đầu đông cứng và nhiệm vụ cởi bỏ quần áo cái xác hóa ra lại khó khăn hơn anh dự đoán. Khi bộ quần áo tốt nhất của người chết đã được cởi bỏ, Fermín lấy bao tải đắp lên người chết và buộc lại với một nút thắt mà đến cả Houdini vĩ đại cũng không tài nào tháo ra được. Cuối cùng, khi đã mặc vào bộ đồ tù rách rưới và sặc mùi xú uế, Fermín lại nằm co trên giường, tự hỏi trước anh đã có bao nhiêu tù nhân khoác bộ quần áo này.
“Cảm ơn nhiều lắm,” cuối cùng anh nói.
“Không sao,” giọng nói từ phòng giam bên kia đáp.
“Fermín Romero de Torres.”
“David Martín.”
Fermín nhíu mày. Cái tên nghe quen quá. Phải đến năm phút lục tìm trong ký ức xa xưa anh mới thình lình nhận ra. Anh nhớ đến những buổi chiều ngồi trong góc thư viện trên phố Carmen, ngấu nghiến một loạt những cuốn sách có nhan đề và bìa sách đầy hấp dẫn.
“Tác giả Martín? Của cuốn Thành phố bị nguyền rủa?” Một tiếng thở dài trong bóng đêm.
“Không còn ai trân trọng bút danh nữa.”
“Xin thứ lỗi cho lời nói bất cẩn của tôi. Chỉ là tôi sùng kính các tác phẩm của ông và tìm đọc tất cả. Thế nên tôi mới biết chính ông đã viết những tiểu thuyết về Ignatious B. Samson bất tử...” “Rất hân hạnh.”
“Ồ, thưa ông Martín, thật là vinh hạnh được gặp ông, dù là trong hoàn cảnh khốn cùng này, bởi tôi là người ngưỡng mộ ông đã nhiều năm nay...”
“Hai kẻ si tình kia có định câm miệng không hả? Để cho người khác ngủ với chứ,” giọng nói gay gắt gầm lên dường như là ở phòng giam bên cạnh.
“Lão Càu Cọ lại bắt đầu rồi,” giọng nói thứ hai xen vào từ cuối hành lang. “Đừng để ý đến lão ta, Martín. Nếu ông mà ngủ ở đây, ông sẽ bị lũ bọ ăn sống mất, bắt đầu từ bộ củ. Nói tiếp đi, Martín, sao ông không kể chuyện cho chúng tôi? về Chloé...”
“Đúng rồi, để ông có thể xóc lọ như con đười ươi ấy à,” một giọng thù nghịch đáp lại.
“Fermín, bạn của tôi,” Martín thông báo từ phòng của mình. “Để tôi giới thiệu anh với Mười Hai, người luôn tìm thấy điều sai trái trong mọi sự, ý tôi là tất cả, và Mười Lăm, một kẻ mất ngủ, có giáo dục và là nhà tư tưởng chính thức của khu phòng giam. Những người còn lại không nói nhiều, đặc biệt là Mười Bốn.
“Tôi nói khi có gì đó để nói,” một giọng trầm lạnh băng ngắt lời, mà Fermín cho là của Mười Bốn. “Nếu chúng ta ai cũng làm thế, thì chúng ta sẽ có một chút yên bình trong đêm.”
Fermín hòa nhập vào cộng đồng kỳ quái này.
“Chào mọi người. Tôi là Fermín Romero de Torres và thật vui khi được quen với các vị.”
"""