"
Tư Duy Như Leonardo Da Vinci PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tư Duy Như Leonardo Da Vinci PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
MICHAEL J. GELB
Tên eBook: Tư Duy Như Leonardo Da Vinci (full prc, pdf, epub)
Tác giả : Michael J. Gelb
Thể loại: Rèn luyện trí óc, Tư duy, Văn học phương Tây
Hình thức: Bìa Mềm
Giá bìa: 75.000 ₫
Công ty phát hành: Alphabooks
Nhà xuất bản: NXB Lao Động Xã Hội Trọng lượng vận chuyển: 580 g Kích thước: 13 x 20.5 cm
Số trang: 319
Nguồn: waka.vn
Ebook: Đào Tiểu Vũ eBook
- http://www.dtv-ebook.com
Giới thiệu:
Leonardo da Vinci (1452 – 1519) là một thiên tài toàn năng người Italia. Ông vừa là hoạ sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, nhà khảo luận mỹ thuật, thiên tài của nền
văn hoá và chủ nghĩa nhân đạo thời Phục hưng, xuất chúng trong mọi hình thái nghệ thuật, vừa là nhạc sĩ, nhà toán học kiêm kỹ sư cơ khí, triết gia, bác sĩ, nhà giải phẫu, người đi đầu trong rất nhiều lĩnh vực phát minh khoa học sau này. Ở Leonardo da Vinci, năng lực tư duy sáng tạo là vô hạn và độc nhất vô nhị.
Tuy nhiên, thiên tài không chỉ đến từ tự nhiên. Loài người đã được trao tặng nhiều tiềm năng vô hạn để học tập và sáng tạo. Và bạn hoàn toàn có thể khám phá và mài sắc tiềm năng còn ẩn giấu trong bạn, giải phóng trí thông minh của bạn bằng cách đi theo con đường của Leonardo da Vince.
Trong tư duy như Leonardo da Vinci, thông qua phân tích các tác phẩm nghệ thuật, những bản vẽ sáng chế của thiên tài lớn nhất mọi thời đại, Michael J. Gelb giới thiệu với bạn 7 nguyên tắc Da Vinci, những yếu tố cốt lõi và nền tảng của khả năng sáng tạo vô hạn đã giúp Leonardo trở thành hoạ sĩ đại tài, từ Curiosità (trí tò mò) - tiếp cận cuộc sống với trí tò mò vô hạn và nỗ lực học tập không mệt mỏi, đến Connessione (kết nối) – tư duy hệ thống, nhận ra và đánh giá đúng tính chất liên kết giữa sự vật và hiện tượng.
Với cuốn sách, bạn sẽ khám phá một cách tư duy hoàn toàn mới. Từng bước, thông qua các bài tập và bài học, bạn sẽ khai thác được thế mạnh và nhiều điều kỳ
diệu khác trong con người mình, làm chủ cuộc đời và tận dụng khả năng để:
Giải quyết vấn đề
Suy nghĩ sáng tạo
Biết cách thể hiện bản thân
Thưởng thức thế giới xung quanh Đặt ra mục tiêu và cân bằng cuộc sống Hài hoà cơ thể và trí não.
Mời các bạn đón đọc Tư Duy Như Leonardo Da Vinci của tác giả Michael J. Gelb.
LỜI GIỚI THIỆU
Tư duy như Leonardo da Vinci?
Trong thời đại kinh tế tri thức, khi nhận thức của con người đã đạt đến một trình độ cao hơn, thì năng lực tư duy không còn giữ nguyên nghĩa mà đã trở thành năng lực tư duy sáng tạo. Bởi lẽ, người ta không chỉ tư duy để có những khái niệm về thế giới, mà còn sáng tạo nhằm thay đổi thế giới làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Năng lực tư duy sáng tạo là tốc độ tư duy, khả năng chuyển hóa thông tin thành kiến thức, và từ kiến thức tạo ra giá trị, tạo ra sản phẩm, dịch vụ. Với thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ
Việt Nam nói riêng, năng lực tư duy sáng tạo đã trở thành một trong những điều kiện cần thiết để đem lại cho họ một công việc hứa hẹn, hay xa hơn nữa là một chỗ đứng vững chắc trong xã hội và trên thế giới. Do đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi người đều đã phải tự chuẩn bị và tạo dựng cho mình năng lực tư duy sáng tạo, coi nó như là hành trang để bước vào đời.
Tuy nhiên, trong thế giới bùng nổ thông tin ngày nay, học tập chăm chỉ không còn là giải pháp tối ưu, bởi khi có nhiều sự lựa chọn thì vấn đề không chỉ là học cái gì mà còn là học như thế nào và sử dụng công nghệ gì. Các phương pháp học tập trước đây đã không còn phù hợp với
thực tiễn hiện nay. Thông tin đa chiều đòi hỏi chúng ta không chỉ cần có kiến thức mà còn phải có khả năng tạo ra giá trị gia tăng từ kiến thức. Vậy, khi gặp một vấn đề cần giải quyết, bạn phải mất bao nhiêu thời gian? Tại sao có những người tìm ra cách giải quyết vấn đề thông minh hơn người khác?
Leonardo da Vinci (1452 - 1519) là một thiên tài toàn năng người Italia: là họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, nhà khảo luận mỹ thuật, thiên tài của nền văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo thời Phục hưng, xuất chúng trong mọi hình thái nghệ thuật, hơn nữa, còn là nhạc sĩ, nhà toán học kiêm kỹ sư cơ khí, triết gia, bác sĩ, nhà giải phẫu, người đi đầu trong rất nhiều
lĩnh vực phát minh khoa học sau này. Leonardo da Vinci là một thiên tài lớn. Ông có năng lực tư duy sáng tạo vô hạn. Tuy nhiên, thiên tài là do học tập chứ không phải tự nhiên mà có. Loài người đã được trao tặng nhiều tiềm năng vô hạn để học tập và sáng tạo. Bạn có thể khám phá khả năng tiềm ẩn của mình, mài sắc nó và giải phóng trí thông minh bằng cách thực hiện theo những cách mà thiên tài lớn nhất mọi thời đại Leonardo da Vinci đã làm.
Là một nhà cải cách trong nhiều lĩnh vực như tư duy sáng tạo, học tập nhanh và phát triển khả năng lãnh đạo, Michel J. Gelb đã giúp hàng nghìn người nâng cao khả năng tư duy để hoàn thành tốt công
việc của mình trong cuốn Tư duy như Leonardo da Vinci. Đó là bí quyết làm giàu bộ não bằng cách thiết lập kế hoạch cho công việc. Bí quyết của Leonardo da Vinci là học cách tung hứng những vấn đề phức tạp một cách đối ngược nhau, sau đó rút ra kết luận.
Trong cuốn sách này, thông qua những phân tích các tác phẩm nghệ thuật, những bản vẽ sáng chế của họa sĩ Leonardo da Vinci, Gelb giới thiệu với bạn đọc bảy nguyên tắc Da Vinci, những yếu tố cốt lõi giúp Leonardo trở thành họa sĩ đại tài, từ curiosità (trí tò mò) tiếp cận cuộc sống với trí tò mò vô hạn và nỗ lực học tập không biết mệt mỏi, đến Connessione (kết nối) – nhận ra và đánh giá đúng tính
chất liên kết giữa sự vật và hiện tượng, tư duy hệ thống. Mỗi nguyên tắc đều có trích dẫn những đoạn trích từ các cuốn sổ tay của thiên tài và được minh họa bằng những phác thảo hay tác phẩm hội họa của ông. Sau phần minh họa là một số câu hỏi để bạn suy ngẫm và tự đánh giá. Những câu hỏi này nhằm kích thích tư duy và thôi thúc bạn áp dụng các nguyên tắc này. Không chỉ dừng lại ở đó, cuốn sách còn thiết kế một chương trình gồm các bài tập thực hành nhằm “vun trồng” một con người Phục hưng cả trên phương diện cá nhân và công việc. Phần cuối cùng của cuốn sách, bạn sẽ khám phá “Khóa học vẽ cho người mới bắt đầu của Da Vinci” và học cách tham gia vào một dự án làm nên lịch sử, thể hiện được tinh
hoa trong tâm hồn Da Vinci.
Thiên tài cũng là người bình thường, nhưng họ suy nghĩ và hành động khác chúng ta. Với óc sáng tạo và tư duy
logic, bạn có thể đạt được những thành tựu như họ. Học theo cách nghĩ của thiên nghĩ của thiên tài, bạn có thể phát triển khả năng tư duy, nâng cao sức sáng tạo của mình. Đó là con đường để đi đến thành công.
Tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách rất có giá trị này do Alpha Books, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và CLB Leonard de Vinci phối hợp xuất bản!
Tôi tin rằng các bạn có thể tìm thấy,
khám phá những tài năng tiềm ẩn trong mỗi con người và thành công hơn nhờ cuốn sách này.
NGUYỄN XUÂN THẮNG
Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới (WFUCA)
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội UNESCO Việt Nam
Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay
LỜI TỰA CHO ẤN PHẨM
MỚI: “NÉT ĐẸP VĨNH HẰNG”
Một trong những hình ảnh được Leonardo yêu thích là hình ảnh mặt nước lăn tăn cùng những gợn sóng tròn đồng tâm tiếp nối nhau mãi, từ nơi viên đá được ném xuống mặt hồ. Tôi thấy cuộc đời của chính Leonardo cũng như viên đá quý tung vào cái hồ thời gian thời Phục hưng và tài năng bẩm sinh của ông cứ lay động mãi tới vĩnh hằng. Hình ảnh
này lại ùa đến vào một đêm hè năm 2003, khi tôi đang xem vở kịch tuyệt vời của Mary Zimmerman có tên là The Notebooks of Leonardo da Vinci (Những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci) trong nhà hát Second Stage ở thành phố New York, và tác phẩm đó một lần nữa nhắc tôi nhớ lại cách thức bộc lộ tài năng bẩm sinh của nhạc sư đại tài. Tại đây, nhờ tài dàn dựng sân khấu tuyệt diệu, ấn tượng chung tuyệt vời về diễn viên và sự tái hiện sáng tạo, thế giới sống động của Leonardo hiển hiện ở mọi góc cạnh, từ những việc làm hàng ngày, danh mục mua sắm đến những câu hỏi cơ bản nhất về nghệ thuật, kiến trúc, vũ trụ, lịch sử và triết học. Hơn năm thế kỷ đã qua từ khi Leonardo viết những cuốn sổ tay đó,
những lời ông viết ra hàng ngày đã trở thành chất liệu cơ bản để xây dựng một vở kịch dài với những buổi diễn luôn “sốt” vé và nhiều bài phê bình đáng chú ý.
Tôi được giám đốc nghệ thuật nhà hát mời nói chuyện với khán giả sau buổi diễn. Trong buổi nói chuyện đó, tôi đặc biệt ấn tượng với câu hỏi của một phụ nữ trẻ, nó phản ánh một điều gì đó khiến bạn cũng phải suy nghĩ: “Làm thế nào để hiểu được phạm vi và tầm hiểu biết sâu rộng của thiên tài Leonardo? Và tại sao tầm ảnh hưởng của ông lại ngày càng tăng thêm?”
Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi đầu
tiên. Càng nghiên cứu tiểu sử và tác phẩm của ông, thì sự huyền bí về tài năng thiên bẩm không ai sánh kịp của ông lại càng tăng. Nhưng lý do giải thích tầm ảnh hưởng của ông thì dễ hiểu hơn và được nhà phê bình nghệ thuật Bernard Berenson khái quát chính xác: “Mọi thứ ông chạm vào đều trở thành vẻ đẹp vĩnh hằng”. Không chỉ vậy, chúng ta thấy mình có được khả năng biến cuộc sống thành những nỗ lực sáng tạo, dẫn hướng những nỗ lực tới việc tạo ra cái đẹp thông qua những cuốn sổ tay và những ghi chép khác của Leonardo.
Chính với ý tưởng tìm ra những nguyên tắc làm nền tảng cho khả năng sáng tạo vô hạn của Leonardo, tôi bắt đầu viết
cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay. Bảy nguyên tắc mà cuối cùng tôi tìm được đơn giản chỉ là nỗ lực diễn tả thành lời những chỉ dẫn mà Leonardo chưa bao giờ ghi lại trên giấy; hệ thống hóa những nguyên tắc ẩn chứa trong tác phẩm của Leonardo để người khác cũng có thể dùng được. Tôi cảm nhận chắc chắn tài năng thiên bẩm của Leonardo không chỉ nằm trong những gì ông tạo nên mà trong cả những gì có thể truyền lại giúp chúng ta sáng tạo. Vượt ra ngoài những thành tựu xuất sắc, Leonardo da Vinci trở thành nguyên mẫu toàn cầu về tiềm năng của con người, cho chúng ta biết khả năng của mình. Tôi cho rằng đó chính là điểm mà cuốn sách này đã khai thác, là lý do tại sao những người thuộc mọi lứa tuổi,
tầng lớp, quốc tịch và sở thích đã đáp lại với niềm đam mê đến thế.
Kể từ khi ra mắt năm 1998, cuốn Tư duy như Leonardo da Vinci đã được dịch sang mười tám thứ tiếng và tôi nhận được phản hồi của những người yêu thích trên khắp thế giới. Một giáo viên tiểu học người Ba Lan đã sử dụng bảy nguyên tắc này để soạn giáo án lên lớp. Người đứng đầu bộ phận chiến lược của một hãng tư vấn lớn có trụ sở tại London khám phá ra Leonardo là đồng minh vô giá giúp các khách hàng đa quốc gia của ông giải quyết một số vấn đề kinh doanh quan trọng. Một người cha ba mươi hai tuổi, ở Tennessee nhận xét: “Cuốn sách này là công cụ giúp tôi dạy dỗ con cái”.
Phản hồi mà tôi yêu thích nhất là của nhà nhân chủng học nổi tiếng, người có tầm nhìn xa trông rộng, tác giả kiêm pháp sư Jean Houston. Jean, một phụ nữ hiện đại chuyên nghiên cứu thời kỳ Phục hưng và làm cố vấn cho các nhà lãnh đạo thế giới
tiếp cận tinh hoa của các nguyên mẫu toàn cầu trong các nền văn hóa và truyền thống khác nhau. Khoảng một năm sau khi cuốn Tư duy như Leonardo da Vinci lần đầu xuất bản, tôi được mời đến nói chuyện với một nhóm năm trăm nhà trị liệu tâm lý ở Thủ đô Washington về chủ đề làm cách nào áp dụng cách tư duy của Da Vinci vào liệu pháp tâm lý gia đình. Sau khi tôi thuyết trình, Jean, cũng có mặt ở đó để phát biểu tại hội nghị, xuất hiện và thì thầm vào tai tôi: “Leonardo
rất hài lòng đấy!”.
Nếu đúng như vậy thì lần xuất bản của cuốn sách này chỉ là một trong rất nhiều sự kiện khiến ông hài lòng chỉ trong một thập kỷ trở lại đây, bởi số lượng đông đảo người hâm mộ vẫn tiếp tục ngợi ca, tưởng nhớ linh hồn ông bằng những tác phẩm sáng tạo của riêng họ, tái tạo và đặc biệt là thực hiện nốt những công trình và kế hoạch mà Leonardo để lại. Ví dụ như, tôi thích tưởng tượng niềm vui mà Leonardo chắc hẳn đã cảm nhận thấy trong lễ kỷ niệm diễn ra vào tháng 9 năm 1999 tại nhà hát opera La Scala ở Milan. Trong ngày vinh quang đó, nhạc trưởng danh tiếng người Italia, Ricardo Muti chỉ huy dàn nhạc chơi bản concerto số Năm
của Beethoven để tưởng nhớ Leonardo. Đây cũng là dịp phục chế lại tác phẩm “Lost Horse” (Con ngựa đã mất) của Leonardo, tác phẩm điêu khắc tuyệt vời với hình ảnh người cưỡi ngựa cao 7,3 m dựa trên khuôn mẫu đã bị phá hủy đúng năm thế kỷ trước khi quân Pháp xâm lược. Rời nhà hát, người ta dường như có thể nhìn thấy nụ cười từ đôi mắt bức tượng Leonardo đặt tại trung tâm quảng trường La Scala, Milan.
Việc phục chế Con ngựa của Leonardo xuất phát từ trí tưởng tượng của cựu phi công và cũng là nhà sưu tầm nghệ thuật Charles Dent, người mà cuốn sách này dành tặng. Mặc dù Dent quyết tâm phục chế tuyệt tác nghệ thuật đã thất lạc này,
nhưng ông qua đời năm 1994 trước khi giấc mơ đó trở thành hiện thực. Song công việc đó vẫn tiếp tục duy trì bởi tổ chức phi lợi nhuận do ông sáng lập. Giữ lời hứa với Dent trong phút lâm chung, ban điều hành Công ty Leonardo da Vinci’s Horse, Inc., đã tập hợp các nhà tài trợ, nghệ sĩ, nhà luyện kim, tình nguyện viên và học giả phục chế lại tác phẩm Con ngựa và đã thành công. Dưới bàn tay của nhà điêu khắc Nina Akamu, Con ngựa oai nghiêm hiện đang đứng kiêu hãnh tại Milan. Một bản đúc cùng cỡ thứ hai đặt tại Vườn Fredrik Meijer ở Grand Rapids, Michigan và các bản sao bằng đồng nhỏ hơn đặt trang hoàng tại quê hương của Leonardo tại Vinci, Italia và quê hương của Dent tại Allentown,
Pennsylvania.
Leonardo hẳn rất vui khi tháng 10 năm 2001, Nữ Hoàng Sonja đã dành tặng cây cầu nối liền đất nước Na Uy với Thụy Điển để tưởng nhớ ông. Được xây dựng theo bản thiết kế nguyên gốc do Leonardo da Vinci lập năm 1502, cây cầu ban đầu dự định dành tặng Vua Bajazet II của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vị vua này đã từ chối thực hiện dự án do kỹ thuật vòm ép đột phá và chiều dài 720 foot là “quá dị thường”. Năm 1996, nghệ sĩ người Na Uy, Vebjorn Sand nhìn thấy bản thảo của Leonardo và ấn tượng bởi vẻ đẹp duyên dáng và tính tượng trưng đầy sức mạnh, đã mơ ước sẽ xây lại cây cầu. Sau sáu năm gây quỹ và cùng
Bộ Giao thông Vận tải Na Uy thử nghiệm, Cầu Leonardo của Sand được khánh thành phía ngoài thành phố Oslo. Bắc qua đường cao tốc và nối Na Uy với nước láng giềng Thụy Điển, đây là dự án xây dựng dân dụng đầu tiên trong lịch sử dựa trên một thiết kế của Leonardo. Giờ đây, Sand đang tưởng tượng về những cây cầu Leonardo trên mỗi châu lục – một cách thể hiện lòng ngưỡng mộ trên toàn thế giới với cuộc đời và tài năng thiên bẩm của Leonardo da Vinci.
Mùa xuân năm 2003, một sự kiện khác có liên quan tới Leonardo đã đưa Peter Dent và Vebjorn Sand tới New York. Hai người này đều có mặt tại buổi khai mạc phòng triển lãm các bức họa của
Leonardo tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York và tôi đã rất may mắn được gặp họ. Qua một vài ly Prosecco , chúng tôi chia sẻ những nhận xét của mình về các bức họa và vóc dáng đầy sức sống của ông. Chúng tôi đều thống nhất rằng nếu Chúa có thể vẽ thì chắc cũng chỉ như ông thôi. Khi đó, Sand cười và kể chuyện một hội đồng thành phố đã từ chối xây dựng cầu Leonardo vì họ cảm thấy thiết kế “quá hiện đại”.
Nhưng tài năng của Leonardo vẫn tồn tại – vượt qua tầm nhìn hạn chế của vua Thổ Nhĩ Kỳ, sự phá hoại của những binh lính
Pháp xâm lược Milan năm 1499 và cái tầm thường của một hội đồng thành phố. Đúng vậy, Leonardo vẫn “xuất hiện” sau
suốt những năm tháng này, như chúng ta đã thấy trong cảnh đầu của bộ phim ăn khách nhất mùa hè năm 2003, The Italian Job (Công việc của người Italia), từ một rapper rồi trở thành diễn viên, Mos Def đi dọc bờ kênh thành Venice, đọc cuốn sách này và giải thích cho đồng bọn Jason Statham tại sao Leonardo lại “tuyệt vời” đến vậy. Đại danh họa còn xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết bestseller bí hiểm của Dan Brown là The Da Vinci Code (Mật mã Da Vince) và vai phụ nhưng quan trọng trong nhiều tập của bộ phim khoa học viễn tưởng Star Trek, trong vai nhà cố vấn ảo ba chiều cho thuyền trưởng của tàu Enterprise.
Và thiên tài sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người trong nhiều thế kỷ tới nhờ đóng góp của những người đã được ngọn lửa sáng tạo của ông chạm
vào, họ đang làm việc để giữ cho ngọn lửa đó luôn cháy, tìm ra cách thức mới để duy trì mãi lý tưởng của ông trong các thế hệ sau này. Như Peter Dent giải thích cho tôi trong buổi tối hôm đó tại Bảo tàng Metropolitan rằng hiện giờ, tổ chức của anh đã giữ lời hứa dựng lại tác phẩm Con ngựa của Leonardo khi họ đang hợp tác cùng Trung tâm Khám phá Khoa học và Công nghệ, một bảo tàng dành cho trẻ em đặt tại Đông Pennsylvania, có nhiệm vụ đưa cảm hứng của Leonardo vào giáo dục khoa học cho trẻ em trên khắp thế giới.
Nhiệm vụ giáo dục của trung tâm được thể hiện qua bảy nguyên tắc để “tư duy như Leonardo” mà bạn có thể tự khám phá trong những trang sách sau đây. Tôi
hy vọng những nguyên tắc này tạo ra những gợn sóng trong tâm trí và trái tim bạn, tạo ra làn sóng cảm hứng bất tận như những làn sóng được tạo nên từ một viên đá rơi xuống mặt hồ, và hy vọng bạn sẽ tìm thấy trong bảy nguyên tắc này một lời chỉ dẫn để thể hiện cái đẹp trong con người mình.
MICHAELJ. GELB
Tháng 12 năm 2003
LỜI TỰA: “SINH RA TỪ MẶT
TRỜI”
Hãy nghĩ về những người anh hùng vĩ đại nhất, những hình mẫu khơi dậy nhiều cảm hứng nhất của bạn. Có thể nếu bạn là người thật may mắn, cha mẹ bạn sẽ có tên trong danh sách này. Nhưng có lẽ, những nhân vật vĩ đại trong lịch sử đã truyền cảm hứng nhiều nhất cho bạn. Đắm mình vào cuộc đời và tác phẩm của những nghệ sĩ, nhà lãnh đạo, học giả và những người thầy tinh thần vĩ đại sẽ tạo nguồn dinh dưỡng phong phú cho tâm
hồn và trái tim. Bạn chọn cuốn sách này vì bạn nhận ra Leonardo là một hình mẫu lý tưởng về tiềm năng của con người và bị hấp dẫn bởi khả năng có thể tạo dựng mối liên hệ gần gũi hơn với ông.
Khi tôi còn nhỏ, Siêu nhân và Leonardo da Vinci là những người hùng của tôi. Trong khi niềm yêu thích với “Người đàn ông thép” nhạt dần, thì niềm đam mê với Leonardo ngày càng tăng lên. Sau đó, vào mùa xuân năm 1994, tôi được mời đến thăm Florence để nói chuyện với hiệp hội các chủ tịch công ty danh tiếng và có những yêu cầu khắt khe. Chủ tịch nhóm này hỏi: “Ông có thể làm điều gì đó giúp các thành viên của chúng tôi sáng tạo và cân bằng hơn, cả trong cuộc
sống riêng tư và công việc được không? Một điều gì đó sẽ chỉ lối cho họ trở thành những con người của thời kỳ Phục hưng?” Ngay lập tức, tôi trả lời điều mà tôi vẫn ấp ủ: “Vậy nếu đó là một bài tập giúp suy nghĩ như Leonardo da Vinci thì sao?”
Đây không phải là một nhiệm vụ mà tôi có thể coi thường. Các học viên chắc hẳn đã đóng một khoản học phí tương đối cao để theo học “trường đại học” sáu ngày, cơ hội mà hiệp hội dành cho các thành viên mỗi năm để họ gặp gỡ nhau tại các thành phố lớn trên thế giới nhằm khám phá lịch sử, văn hóa và công việc kinh doanh khi đang theo đuổi sự thăng tiến của cá nhân và nghề nghiệp. Lớp học
của tôi vào học cùng lúc với năm lớp khác, trong đó có một lớp của cựu Chủ tịch Tập đoàn ô tô Fiat, Giovanni Agnelli. Các thành viên được mời chấm điểm từng diễn giả theo thang điểm từ một đến mười và được khuyến khích bỏ ra ngoài nếu không thích bất kỳ bài thuyết trình nào. Nói cách khác, nếu họ không thích bạn, họ sẽ “ăn tươi nuốt sống” bạn!
Cho dù cả đời đam mê chủ đề mới mẻ này, tôi biết mình còn nhiều việc phải làm. Ngoài việc đọc thêm rất nhiều, khâu chuẩn bị của tôi còn bao gồm cả chuyến hành hương về với Da Vinci, bắt đầu bằng chuyến tham quan Portrait of Ginevra De’ Benci (Bức chân dung Ginevra De’ Benci) của Leonardo trong
khu Triển lãm Quốc gia tại Thủ đô Washington. Ở New York, tôi kịp xem buổi triển lãm “Sổ tay Leicester” do Bill Gates và Tập đoàn Microsoft tài trợ, sau đó tới London xem những bản thảo trong Bảo tàng Anh, bức The Virgin and Child with St. Anne (Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng với Thánh Anne) tại Triển lãm Quốc gia và tới Bảo tàng Louvre ở Pari vài ngày để nghiên cứu bức họa Mona Lisa và Thánh John Baptist. Tuy nhiên, điểm nhấn trong chuyến hành hương này là cuộc ghé thăm lâu đài Cloux gần Amboise, nơi Da Vinci ở trong những năm cuối đời. Nơi đây giờ là bảo tàng Da Vinci, với những bản sao một vài phát minh của ông được các kỹ sư của IBM khéo léo chế tạo. Đi
trên con đường mà ông đã đi, ngồi trong phòng làm việc và đứng trong phòng ngủ, nhìn qua cửa sổ, nhìn cảnh vật mà ông đã từng quan sát hàng ngày, trái tim tôi ngập
tràn sự sợ hãi, niềm tôn kính, nỗi băn khoăn, u buồn và cả lòng biết ơn.
Lẽ dĩ nhiên, cuối cùng tôi phải ghé thăm Florence, nơi tôi có buổi nói chuyện với các vị chủ tịch. Câu chuyện hài hước bắt đầu khi người giới thiệu nhầm lẫn giữa
tiểu sử của tôi với bài viết tôi đã nộp trước đó về Da Vinci. Cô ấy nói: “Thưa quý vị, hôm nay, tôi vô cùng vinh hạnh được giới thiệu với quý vị một con người mà lai lịch đã vượt trên mọi thứ tôi từng gặp: nhà giải phẫu, kiến trúc sư, nhà thực vật học, nhà quy hoạch thành
phố, nhà thiết kế trang phục và sân khấu, đầu bếp, nhà tấu hài, kỹ sư, kỵ sĩ, nhà phát minh, nhà địa lý, nhà địa chất, nhà toán học, nhà khoa học quân sự, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà triết học, nhà vật lý học và người kể chuyện… Kính thưa quý vị, cho phép tôi được giới thiệu… ngài Michael Gelb!”
Ôi, nếu như…
Dù sao thì buổi nói chuyện cũng thành công (không ai bỏ ra ngoài), và nó là khởi đầu cho sự ra đời của cuốn sách bạn đang cầm trên tay.
Trước phần giới thiệu ấn tượng đó, một thành viên đến gần tôi và nói: “Tôi không tin ai đó có thể học để được như
Leonardo da Vinci, nhưng dù gì thì tôi cũng sẽ nghe bài giảng của ông”. Chắc bạn cũng đang nghĩ điều tương tự: Liệu
lập luận của cuốn sách này có phải là mọi đứa trẻ đều được sinh ra với khả năng và năng khiếu như Leonardo da
Vinci? Tác giả có thật sự tin tưởng tất cả chúng ta đều có thể là những tài năng ở tầm của Leonardo? Sự thật là không. Dù đã dành hàng chục năm tìm hiểu tiềm năng trọn vẹn của con người và cách đánh thức nó, tôi đồng tình với ý kiến của Francesco Melzi, học trò của Da Vinci, người đã viết những lời tưởng niệm trong ngày mất của đại danh họa: “Tất cả chúng ta tiếc thương sự ra đi của con người này, bởi ngay cả quyền năng của đấng Tạo Hóa cũng không thể tạo
nên một người khác như thế”. Càng biết nhiều về Da Vinci, cảm giác kính sợ và bí ẩn trong tôi càng tăng gấp bội. Mọi thiên tài vĩ đại đều phi thường và Leonardo có lẽ là thiên tài vĩ đại nhất trong tất cả các thiên tài.
Nhưng vẫn còn câu hỏi chủ chốt: Liệu có thể cô đọng và áp dụng những nguyên tắc cơ bản trong phương pháp học tập và nuôi dưỡng trí tuệ của Leonardo để truyền cảm hứng và dẫn lối cho chúng ta khơi dậy được toàn bộ tiềm năng của mình không?
Dĩ nhiên, câu trả lời của tôi là: Có! Những yếu tố cần thiết trong phương pháp học tập và nuôi dưỡng trí tuệ của
Leonardo da Vinci rất rõ ràng và có thể học tập, tranh đua và ứng dụng được.
Có xấc xược không khi tưởng tượng chúng ta có thể học tập để giống người vĩ đại nhất trong các thiên tài? Có lẽ là có. Một cách khiêm tốn, ta nên nghĩ rằng tấm gương của ông sẽ giúp chúng ta là chính mình.
Những mỹ từ trong bài thơ của nhà thơ Stephen Spender sẽ là lời tựa hoàn hảo nhất giúp chúng ta khởi đầu hành trình tìm hiểu một tâm hồn cao quý nhất trong lịch sử:
TÔI LUÔN NGHĨ VỀ NHỮNG CON NGƯỜI THẬT SỰ VĨ ĐẠI
Tôi luôn nghĩ về những con người thật sự vĩ đại.
Những người từ lúc lọt lòng đã nhớ lịch sử của tâm hồn
Qua những hành lang ánh sáng nơi thời gian là mặt trời,
Bất tận và đang ca hát. Những người mà hoài bão đẹp
Là những gì đôi môi họ, có lửa chạm vào,
Kể về tâm hồn phủ kín trong lời ca.
Và những người gom góp từ cây lá mùa xuân
Những khát vọng chảy trong họ như hoa nở cành biếc.
Những điều quý giá không bao giờ rơi vào quên lãng
Niềm hạnh phúc của nhiệt huyết từ những mùa xuân không tuổi
Mở đường qua lớp sỏi đá của thế giới có từ trước Trái đất;
Không khi nào chối bỏ một niềm vui trong ánh sớm mai bình dị,
Hay một ước mong cho tình yêu trong buổi chiều sạm tối;
Không khi nào để dòng tàu xe
với tiếng ồn ào và màn khói bụi Dần bóp ngạt một tâm hồn đang nở hoa.
Sát tuyết trắng, sát mặt trời và trên tầng cao nhất
Hãy xem những tên tuổi kia được chào đón bởi cỏ non dập dờn,
Và bởi những vầng mây trắng,
Bởi tiếng thì thào của gió trên bầu trời đang lắng tai nghe;
Tên những người trong cuộc sống đã đấu tranh cho sự sống,
Những người mang trong tim tâm của ngọn lửa
Sinh ra từ mặt trời, họ lại hành trình hướng về mặt trời.
Và ngọn gió ở lại được tên tuổi họ làm rạng danh.
Chúng ta sống trong một thế giới đầy tiếng động, những đợt sương mù và hệ thống giao thông trước đây chưa từng có. Nhưng bạn cũng được sinh ra từ mặt trời và bạn đang đi về hướng mặt trời. Đây là cuốn sách hướng dẫn, được một tâm hồn vĩ đại của lịch sử khơi nguồn, dành cho hành trình, đó là lời mời hít thở bầu không khí đầy sực sống, cảm nhận ngọn lửa tận trái tim bạn và sự thăng hoa của
tinh thần.
MICHAELJ. GELB Tháng 1 năm 1998
PHẦN MỘT: Giới thiệu
Bộ não của bạn tuyệt vời hơn bạn nghĩ rất nhiều
Cho dù khó có thể cường điệu tài hoa của Leonardo da Vinci, một nghiên cứu khoa học gần đây tiết lộ có lẽ bạn vẫn thường đánh giá thấp tiềm năng của chính mình. Bạn được ban tặng tiềm năng học tập và sáng tạo gần như vô hạn. 95% những điều chúng ta biết về khả năng của não người được khám phá trong hai mươi năm qua. Các trường phổ thông, đại học và các công ty mới chỉ bắt đầu
ứng dụng những hiểu biết về tiềm năng của con người. Chúng ta hãy sẵn sàng học cách tư duy như Leonardo bằng cách xem xét quan điểm hiện nay về trí thông minh và một số kết quả nghiên cứu về bản chất và phạm vi tiềm năng của não bộ.
Hầu hết chúng ta đều lớn lên với khái niệm trí thông minh dựa trên bài kiểm tra trí thông minh (IQ) truyền thống. Bài kiểm tra chỉ số IQ do nhà tâm lý học Alfred Binet
(1857 – 1911) xây dựng để đánh giá khách quan khả năng hiểu, lập luận và óc phán đoán. Động lực của Binet là sự hamthích mãnh liệt bộ môn tâm lý học mới
xuất hiện và khát vọng vượt qua những định kiến về văn hóa và giai cấp ở nước Pháp vào cuối thế kỷ XIX trong đánh giá khả năng học vấn của trẻ. Mặc dù khái niệm truyền thống về chỉ số IQ là bước đột phá tại thời điểm ra đời, song nghiên cứu hiện đại chỉ ra nó có hai sai lầm lớn.
Sai lầm thứ nhất là quan niệm trí thông minh vốn có từ lúc được sinh ra và không thể thay đổi. Mặc dù trên khía cạnh di truyền, mỗi cá nhân đều được ban tặng ít nhiều tài năng trong một lĩnh vực nhất định, các nhà nghiên cứu như Buzan, Machado, Wenger và nhiều người khác cho thấy có thể tăng đáng kể điểm số trong bài kiểm tra IQ bằng cách tập luyện hợp lý. Trong một báo cáo thống
kê từ hơn 200 bài nghiên cứu về IQ công bố trên tạp chí Nature, cựu Giám mục Thiên Chúa giáo La Mã Bernard Devlin kết luận, gen đóng vai trò chưa đầy 48% IQ. 52% còn lại là nhờ quá trình chăm sóc trước khi sinh, môi trường và giáo dục.
Sai lầm thứ hai trong khái niệm trí thông minh vẫn được nhiều người chấp nhận là quan điểm các kỹ năng tư duy ngôn ngữ và toán học được đánh giá qua bài kiểm tra IQ (và các bài kiểm tra SAT – kiểm tra năng lực học tập) là điều kiện cần của trí thông minh. Tầm nhìn hạn hẹp về trí thông minh này đã bị các nghiên cứu tâm lý hiện đại bác bỏ hoàn toàn. Trong tác phẩm kinh điển hiện đại Frames of Mind
(Những khung trí tuệ) năm 1983 của mình, nhà tâm lý học Howard Gardner đã giới thiệu thuyết đa thông minh, trong đó chỉ ra mỗi người đều sở hữu ít nhất bảy loại trí thông minh có thể đo đếm được (trong công trình sau này, Gardner và các đồng nghiệp đã liệt kê hai mươi lăm tiểu loại thông minh khác nhau). Bảy loại trí thông minh và một số tấm gương về các thiên tài cho từng loại (ngoại trừ Leonardo da Vinci – là thiên tài trong tất cả các lĩnh vực) là:
• Thông minh Logic-Toán học: Stephen Hawking, Isaac Newton, Marie Curie.
• Thông minh Từ vựng-Ngôn ngữ: William Shakespeare, Emily Dickinson,
Jorge Luis Borges.
• Thông minh Không gian-Cơ học: Michelangelo , Georgia O’Keeffe, Buckminster Fuller.
• Thông minh Âm nhạc: Mozart, George Gershwin, Ella Fitzgerald.
• Thông minh Cơ bắp: Morihei Ueshiba, Muhammad Ali, F. M. Alexander.
• Thông minh Tương tác-Xã hội: Nelson Mandela, Mahatma Gandhi, Nữ hoàng Elizabeth I.
• Thông minh Nội tâm (Tự biết mình): Viktor Frankl, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Đức mẹ Teresa.
Thuyết đa thông minh ngày nay được chấp nhận rộng rãi và khi kết hợp với nhận thức có thể phát triển trí thông minh trong suốt cuộc đời, đã mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho việc tìm hiểu những con người thời Phục hưng.
Cùng với việc mở rộng vốn hiểu biết về bản chất và phạm vi của trí thông minh, nghiên cứu tâm lý học hiện đại đã hé mở những chân lý gây sửng sốt về mức độ tiềm năng của bạn. Chúng ta có thể tóm tắt lại bằng câu: bộ não của bạn tuyệt vời hơn bạn nghĩ rất nhiều. Đánh giá đúng khả năng phi thường của bộ não bạn là bước khởi đầu tuyệt vời cho khóa học thực hành về tư duy như Da Vinci. Hãy suy ngẫm về những điều sau: bộ não của
bạn
• Linh hoạt và đa chiều hơn bất kỳ siêu máy tính nào.
• Có thể nắm được bảy dữ liệu mỗi giây và cứ thế từng giây cho đến hết cuộc đời mà vẫn còn có thể học thêm nữa.
• Sẽ tích lũy theo tuổi tác nếu bạn khai thác hợp lý.
• Không chỉ nằm trong đầu bạn. Theo nhà thần kinh học nổi tiếng, Tiến sĩ Candace Pert: “… trí thông minh không chỉ nằm trong não bộ mà còn trong từng tế bào trên cơ thể bạn… Sự phân tách truyền thống những quá trình tinh thần, gồm cả cảm xúc, khỏi cơ thể người không còn
phù hợp nữa”.
• Là duy nhất. Trong sáu tỷ người đang sống và trong hơn chín mươi tỷ người đã từng sống, chưa có bất kỳ ai thật giống bạn, trừ phi bạn là một người trong cặp song sinh giống hệt nhau. Năng khiếu sáng tạo, dấu vân tay, những biểu lộ tình cảm, ADN, những giấc mơ của bạn đều chưa từng có và là duy nhất.
• có thể tạo ra một lượng gần như vô hạn những liên kết tiếp hợp hay những kiểu tư duy tiềm năng.
Điểm cuối cùng này được Pyotr Anokhin, học trò của nhà tâm lý học tiên phong huyền thoại Ivan Pavlov, Đại học Moscow, đưa ra đầu tiên. Anokhin làm
chấn động toàn bộ cộng đồng khoa học khi ông công bố công trình nghiên cứu năm 1968, trong đó chứng minh số lượng tối thiểu những kiểu tư duy tiềm năng mà não của người bình thường có thể thực hiện là con số 1 và đằng sau nó là 10,5 triệu km những số 0.
Điều gì xảy ra với bộ não khi bạn già đi? Nhiều người cho rằng năng lực tinh thần và thể chất nhất thiết sẽ giảm cùng tuổi tác; rằng sau tuổi 25, cứ mỗi ngày qua đi, não chúng ta lại mất dần những năng lực quan trọng. Thực ra, một bộ não bình thường có thể cải thiện cùng tuổi tác. Các nơron thần kinh có thể hình thành những liên kết mới ngày càng phức tạp trong suốt cuộc đời của chúng ta. Và khả
năng của bộ não tuyệt vời đến mức ngay cả nếu chúng ta mất đi 1.000 tế bào não mỗi ngày trong suốt phần đời còn lại, con số này chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số tế bào mà chúng ta có (đương nhiên, điều quan trọng là không mất 1% mà bạn thật sự sử dụng).
Anokhin so sánh não người với “một nhạc cụ đa chiều có thể chơi cùng lúc một lượng vô hạn các bản nhạc”. Ông
nhấn mạnh, mỗi người chúng ta đều được ban tặng một món quà tự nhiên là tiềm năng gần như vô hạn. Và không ai, dù trong quá khứ hay hiện tại, có thể tìm hiểu được đầy đủ khả năng của bộ não. Tuy nhiên, Anokhin chắc chắn cũng sẽ đồng ý rằng có thể coi Leonardo da
Vinci là tấm gương khơi nguồn cảm hứng nhất cho những ai có ước mong khám phá trọn vẹn khả năng của mình.
HỌC HỎI TỪ LEONARDO
Những con vịt con học cách sinh tồn bằng cách bắt chước mẹ mình. Học qua bắt chước là cách thức cơ bản của nhiều loài, trong đó có cả con người. Khi trưởng thành, chúng ta có lợi thế độc nhất mà không loài nào có: có thể chọn người và điều mà mình muốn bắt chước. Chúng ta cũng có thể lựa chọn có ý thức những hình mẫu mới để thay thế hình mẫu mà mình đã vượt qua. Vì vậy, rất hợp lý khi chọn những “hình mẫu tiêu biểu” tốt nhất để dẫn hướng và tạo cảm hứng cho
chúng ta thể hiện được tiềm năng của mình.
Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành tay gôn giỏi, hãy học hỏi từ Ben Hogan, Jack Nicklaus và Tiger Woods. Nếu bạn muốn trở thành nhà lãnh đạo, hãy học hỏi từ Winston Churchill, Abraham Lincoln và Nữ Hoàng Elizabeth I. Và nếu bạn muốn trở thành người của thời kỳ Phục hưng, hãy học hỏi từ Leon Battista Alberti, Thomas Jefferson, Hildegard von Bingen và tốt nhất là Leonardo da Vinci.
Trong The Book of Genius (Cuốn sách của thiên tài), Tony Buzan và Raymond Keene đã nỗ lực khách quan để xếp hạng những thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử.
Với việc xếp hạng các đối tượng này theo mục, gồm “Sức sáng tạo”, “Sự đa tài”, “Lĩnh vực nổi trội”, “Vũ trụ quan” và “Sức mạnh và Năng lượng”, hai tác giả đưa ra mười người đứng đầu như sau:
10. Albert Einstein (nhà vật lý người Mỹ gốc Đức – Do Thái, cha đẻ của Thuyết Tương đối);
9. Phidias (kiến trúc sư thành Athen);
8. Alexander Đại Đế (vua xứ
Macedonia, là một trong những nhà chỉ huy quân sự thành công nhất trong lịch sử);
7. Thomas Jefferson (Tổng thống thứ ba
của Mỹ);
6. Isaac Newton (nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học tự nhiên và nhà toán học vĩ đại người Anh);
5. Michelangelo (nhà điêu khắc, kiến trúc sư, họa sĩ và thi sĩ Rôma);
4. Johann Wofgang von Goethe (nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ của Đức);
3. Những người thợ xây Đại Kim Tự Tháp;
2. William Shakespeare (nhà thơ và nhà soạn kịch người Anh lừng danh thế giới).
Và theo nghiên cứu hết sức thấu đáo của Buzan và Keene, ai là thiên tài vĩ đại nhất của mọi thời đại? Đó chính là Leonardo da Vinci.
Như Giorgio Vasari viết về Leonardo trong bản gốc cuốn The Lives of the Artists (Cuộc đời của các nghệ sĩ): “Thiên đàng đôi khi phái xuống cho chúng ta những con người không chỉ đại diện cho nhân loại mà còn cho cả thần thánh; vì vậy, khi lấy họ làm hình mẫu để làm theo, tâm hồn và những gì tinh túy nhất trong trí thông minh của chúng ta có thể vươn tới bầu trời cao nhất. Kinh nghiệm cho thấy những người được học tập và theo bước những tài năng tuyệt đỉnh này, ngay cả khi tạo hóa cho rất ít
hay không trợ giúp họ chút nào, thì chí ít cũng có những công trình siêu nhiên tạo nên sự thần thánh nơi họ”.
Hiểu biết ngày càng mở rộng của chúng ta về đa thông minh và năng lực của bộ não cho thấy Tạo Hóa giúp đỡ chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Trong cuốn Tư
duy như Leonardo da Vinci, chúng ta sẽ cùng “học và tiếp bước” thiên tài vĩ đại nhất trong các thiên tài này, mang sự thông thái và cảm hứng của ông vào cuộc sống của bạn mỗi ngày.
PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH HƯỚNG TỚI THIÊN TÀI
Trong những trang tiếp theo, bạn sẽ học cách thức tiếp cận thực hành đã được
kiểm chứng để ứng dụng những nhân tố cần thiết của thiên tài Leonardo nhằm làm phong phú cuộc sống. Bạn sẽ khám phá bản thân khi phát triển những chiến lược tư duy sáng tạo hiệu quả và những phương thức tiếp cận mới bằng tinh thần phấn chấn và độc đáo, để nhìn nhận và thưởng thức thế giới. Bạn sẽ được học những kỹ thuật đã được chứng minh để “mài sắc” giác quan, giải phóng trí thông minh, hòa quyện cơ thể với tâm hồn. Lấy Leonardo làm nguồn cảm hứng, bạn sẽ biến cuộc sống thành một tác phẩm nghệ thuật.
Mặc dù có thể bạn đã biết rõ cuộc đời và tác phẩm của Leonardo, bạn vẫn sẽ đọc xong cuốn sách này với một cái nhìn
trong trẻo và thấu hiểu sâu sắc về nhân vật bí ẩn bậc nhất này. Nhìn thế giới từ quan điểm của ông, bạn có thể cũng sẽ cảm thấy hương vị cô đơn mà tài năng
thường mang lại. Nhưng tôi đảm bảo bạn sẽ được tâm hồn ông nâng lên, được truyền cảm hứng và được kết nối với ông tôn quý.
Cuốn sách bắt đầu bằng một phần tổng kết sơ lược về thời Phục hưng và sự tương đồng của thời đại này với thời đại của chúng ta, tiếp đó là một vài nét phác thảo về tiểu sử và phần tóm tắt những thành tựu chính của Leonardo. Điểm cốt lõi của cuốn sách nằm trong phần bàn luận về Bảy nguyên tắc Da Vinci. Các nguyên tắc này được rút ra từ một nghiên
cứu chuyên sâu về Leonardo và các phương pháp của ông. Tôi đặt tên cho các nguyên tắc theo tiếng Ý – tiếng mẹ đẻ của Leonardo. Điều thuận lợi là các nguyên tắc của Da Vinci về mặt trực giác có lẽ là hiển nhiên đối với bạn. Bạn không phải cố tạo ra chúng trong cuộc sống. Dù vậy, cũng như những kiến thức thông thường khác, chúng vẫn cần được ghi nhớ, phát triển và áp dụng.
Giorgio Vasari (1511–1574), kiến trúc sư công trình Uffizi của thành Florence và là học trò của Michelangelo, xuất bản cuốn sách đầu tiên The lives of the Artists (Cuộc đời các nghệ sĩ) năm 1549. Các học giả cho rằng với cuốn sách này, ông đã sáng tạo ra môn lịch sử
nghệ thuật. Đây là nguồn tư liệu quan trọng nhất về nghệ thuật Phục hưng Ý. Với năng khiếu kỳ lạ, Vasari miêu tả sơ lược cuộc đời và sự nghiệp của gần hai trăm họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư, trong đó có Giotto, Masaccio, Brunelleschi, Donatello, Botticelli, Verrochio, Raphael, Michelangelo, Titian, và lẽ đương nhiên, Leonardo.
Bảy nguyên tắc Da Vinci là:
Curiosità (Trí tò mò) – Tiếp cận cuộc sống với trí tò mò vô hạn và nỗ lực học tập liên tục không mệt mỏi.
Dimostrazione (Chứng minh) – Khẳng định sát hạch kiến thức thông qua kinh nghiệm, sự kiên trì và sẵn sàng học hỏi
từ những lỗi lầm.
Sensazione (Cảm xúc) – Không ngừng hoàn thiện các giác quan, đặc biệt là thị giác, để chúng trở thành phương tiện làm giàu kinh nghiệm.
Sfumato (Di mờ) – (nghĩa đen “tan thành mây khói”) Sẵn sàng chấp nhận sự mơ hồ, nghịch lý và điều không chắc chắn.
Arte/Scienza (Nghệ thuật/Khoa học) – Sự phát triển cân đối giữa khoa học và nghệ thuật, logic và trí tưởng tượng. Tư duy “toàn bộ não”.
Corporalita (Cơ thể) – Tạo sự tao nhã, khả năng thuận cả hai tay, sức khỏe và tư thế thăng bằng.
Connessione (Kết nối) – Nhận ra và đánh giá đúng tính chất liên kết giữa sự vật và hiện tượng. Tư duy hệ thống.
Đọc đến đây là bạn đang áp dụng nguyên tắc thứ nhất của Da Vinci rồi. Trí tò mò – sự theo đuổi việc học tập thường xuyên – có được trước hết bởi khát vọng được
biết, học hỏi, phát triển; là động lực của tri thức, sự thông thái và khám phá.
Nếu bạn quan tâm đến việc nghĩ cho mình và muốn giải phóng tâm trí khỏi những thói quen và định kiến hạn chế thì bạn đang bắt đầu nguyên tắc thứ hai: Chứng minh. Trong cuộc kiếm tìm chân lý, Da Vinci kiên trì đặt câu hỏi cho những hiểu biết thông thường. Ông dùng
từ chứng minh để thể hiện tầm quan trọng của việc học cho chính mình, thông qua kinh nghiệm thực tế.
Dừng lại đôi chút và nhớ lại những thời điểm bạn cảm thấy tràn trề sinh lực nhất trong năm qua. Khi đó, các giác quan của bạn trở nên sinh động hơn, vào lúc đó Nguyên tắc thứ ba – Cảm xúc – tập trung vào việc mài sắc các giác quan. Leonardo tin rằng việc hoàn thiện năng lực cảm nhận là cơ sở để làm phong phú kinh nghiệm.
Khi bạn mài sắc các giác quan, khám phá chiều sâu kinh nghiệm và đánh thức năng lực đặt câu hỏi như thời còn trẻ thơ, bạn sẽ gặp ngày càng nhiều sự mơ hồ và
không chắc chắn. “Khả năng chịu đựng tình trạng hỗn loạn” là điểm khác biệt của những người có sức sáng tạo cao, và có lẽ, Leonardo sở hữu đặc điểm này nhiều hơn bất kỳ ai. Nguyên tắc thứ tư – Di mờ – sẽ hướng dẫn bạn biết nhiều điều hơn mà bạn chưa biết khi ở nhà và làm bạn với nghịch lý.
Để sự cân bằng và sáng tạo xuất hiện từ điều chưa chắc chắn, phải cần đến nguyên tắc thứ năm – Nghệ thuật/Khoa học – cái mà ngày nay chúng ta gọi là tư duy toàn bộ não. Nhưng Da Vinci tin rằng sự cân bằng này không chỉ nằm ở tinh thần. Ông minh họa và khẳng định tầm quan trọng của nguyên tắc thứ sáu – Cơ thể – sự cân bằng giữa cơ thể và tâm
hồn. Nếu bạn đề cao các mô hình, mối quan hệ, sự kết nối và những hệ thống – nếu bạn cố gắng hiểu được cách kết hợp những giấc mơ, mục tiêu, giá trị và những khát vọng lớn nhất vào cuộc sống hàng ngày, bạn đang áp dụng nguyên tắc thứ bảy rồi: Kết nối. Kết nối ràng buộc mọi thứ lại với nhau.
Mỗi nguyên tắc được làm nổi bật bằng những đoạn trích từ các cuốn sổ tay của thiên tài và được minh họa bằng những
phác thảo hay tác phẩm hội họa của ông. Sau phần minh họa là một số câu hỏi để bạn suy ngẫm và tự đánh giá. Những câu
hỏi này nhằm kích thích tư duy và thôi thúc bạn áp dụng các nguyên tắc này. Tiếp theo là một chương trình gồm các
bài tập thực hành nhằm “vun trồng” một con người Phục hưng cả trên phương diện cá nhân và công việc. Để thu nhiều kiến thức nhất từ cuốn Tư duy như Leonardo da Vinci, trước tiên, bạn hãy đọc toàn bộ cuốn sách mà chưa làm bài tập. Chỉ nghĩ về những câu hỏi suy ngẫm và tự đánh giá. Sau lần đọc này, xem lại phần giải thích từng nguyên tắc và làm bài tập. Một vài bài tập rất dễ và thú vị, nhưng một số bài tập khác cần phải suy nghĩ. Tất cả các bài tập này đều được thiết kế để đem tinh thần của danh họa bậc thầy vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Cùng với các bài tập, một danh sách đọc thêm và chú giải sẽ giúp bạn tìm hiểu và ứng dụng từng nguyên tắc. Danh mục đọc thêm đưa ra những khuyến nghị
về thời kỳ Phục hưng, lịch sử các ý tưởng, bản chất của thiên tài và dĩ nhiên là cuộc đời và sự nghiệp của Leonardo.
Trong phần cuối cùng của cuốn sách, bạn sẽ khám phá “Khóa học vẽ cho người mới bắt đầu của Da Vinci” và học cách tham gia vào một dự án làm nên lịch sử, thể hiện được phần tinh hoa trong tâm hồn Da Vinci.
1. Thời Phục hưng, quá Khứ và hiện Tại
Bức tranh “trục xuất” Adam và Eva của Masaccio là chủ đề cho cuộc tranh luận khôi hài, là bức tranh thật sự đầu tiên của thời kỳ Phục hưng. Cả Michelangelo và Leonardo đều đã dành nhiều thời gian nghiên cứu nó. Leonardo nhận xét: “Bằng sự hoàn hảo của tác phẩm, Masaccio chỉ cho thấy những người lấy cảm hứng từ một hình mẫu thay vì từ tự nhiên, bà chủ của tất cả các ông chủ, đang lao động trong vô
vọng như thế nào.”
Chỉ ngang qua sông Arno, chệch đôi chút ra khỏi tuyến đường du lịch mà nhiều người thường lui tới của Florence, bạn sẽ thấy nhà thờ Santa Maria del Carmine. Khi vào trong, hãy rẽ trái rồi lại rẽ trái thêm lần nữa và bạn đã ở trong nhà nguyện Brancacci, bao quanh là các bức bích họa của Masolino và
Masaccio. Bức đầu tiên, bên trái là sự gợi tả của Masaccio về cảnh Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Và đây chính là nơi thời Phục hưng bắt đầu: thay vì tiếp tục những bức vẽ trung cổ hai chiều về một thế giới khác, Adam và Eva của Masaccio là những con người thật. Dáng người trĩu nặng và vẻ mặt thất vọng
của họ diễn tả những cảm xúc thật. Được vẽ trong không gian ba chiều, với những đôi bàn chân vững chắc trên mặt đất, hai nhân vật của Masaccio báo trước một kỷ
nguyên mới của những hứa hẹn và tiềm năng con người.
Để đánh giá đúng kỷ nguyên mới này và thu được hiệu quả cao nhất từ nghiên cứu về Leonardo da Vinci, trước tiên, chúng ta cần có cái nhìn thấu đáo về giai đoạn trước đó. Trong A World Lit Only by Fire: The Medieval Mind and the Renaissance (Một thế giới chỉ có lửa thắp sáng: Tâm hồn thời Trung cổ và thời Phục hưng), William Manchester cho rằng đặc trưng của châu Âu trước thời kỳ Phục hưng là “sự pha trộn của chiến
tranh liên miên, tham nhũng, không luật pháp, nỗi ám ảnh về những chuyện hoang đường kỳ lạ và tình trạng thiếu suy xét không thể vượt qua”. Khi miêu tả giai đoạn từ buổi hoàng hôn của Đế chế La Mã phương Tây tới buổi bình minh của thời Phục hưng, Manchester viết: “Trong suốt quãng thời gian đó, không điều gì quan trọng thật sự trở nên tốt hơn hoặc xấu đi. Ngoại trừ sự xuất hiện của bánh xe nước trong những năm 800 và cối xay gió trong những năm 1.100, không có một phát minh quan trọng nào ra đời. Không một ý tưởng mới mẻ gây chấn động nào đưa ra, không một lãnh thổ mới nào ngoài châu Âu được khám phá. Mọi thứ vẫn y nguyên như trước đó rất lâu, như trong tiềm thức của người châu Âu già
nhất nhất có thể nhớ”. Chỉ một thế giới được biết đến mà theo Ptolemaic là trung tâm của vũ trụ – đó là châu Âu với Vùng Đất Thánh và Bắc Phi trên vùng rìa bao quanh. Mặt trời quay xung quanh thế giới đó mỗi ngày. Thiên Đường nằm đâu đó trong bầu trời hình vòm trên một Trái đất đứng yên; địa ngục đang sục sôi rất sâu dưới chân con người. Vua chúa cai trị với sự đồng ý của Đấng Toàn Năng; tất cả những người khác chỉ làm điều được sai bảo… Nhà thờ là không thể tách rời, cuộc sống sau cái chết là điều tất yếu; mọi tri thức đều đã được biết đến. Và không gì còn có thể thay đổi”.
Từ Phục hưng (Renaissance) là sự kết hợp động từ hồi sinh (renaitre) và danh
từ sự ra đời (naissance) trong tiếng Pháp. Từ này trong tiếng Italia là Rinascimento. Sau nhiều thế kỷ của chế độ nông nô thời Trung cổ và mê tín, ý tưởng về sức mạnh và tiềm năng của con người lại xuất hiện trở lại. Sự hồi sinh ý tưởng cổ điển này đã được Giotto dự báo, được Brunelleschi, Alberti, Masaccio đề xướng và được Leonardo, Michelangelo, Raphael phát triển hoàn chỉnh. Sự chuyển biến nhanh chóng thế giới quan từ thời Trung cổ này diễn ra đồng thời với một loạt khám phá, cải tiến và phát minh, bao gồm:
• Công nghệ in ấn: đưa tri thức vượt ra ngoài sự cai trị của tầng lớp quý tộc và tăng lữ để đến với số đông. Vào năm
1456, mới có chưa đầy 60 cuốn kinh thánh – cuốn sách đầu tiên được in ở châu Âu bằng máy in của Gutenberg. Đến thế kỷ sau, đã có hơn 15 triệu cuốn sách in được lưu hành;
• Bút chì và giấy rẻ tiền: giúp người dân có thể viết lách, ghi chú và sao lưu nghiên cứu;
• Dụng cụ đo độ cao thiên thể, la bàn và thuyền buồm cỡ lớn: Kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của giao thông trên biển, thương mại quốc tế và trao đổi thông tin. Khi Columbus và Magellan chứng minh được Trái đất không phẳng, nhiều tri thức truyền thống đã bị đảo ngược;
• Súng thần công tầm xa: Mặc dù ná, máy
"""