" Tư Duy Logích, Biện Chứng Và Hệ Thống PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tư Duy Logích, Biện Chứng Và Hệ Thống PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Quyển một “Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về Sáng tạo học và Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLSTVĐM). Quyển hai “Thế giới bên trong con người sáng tạo” và quyển ba “Tư duy lôgích, biện chứng và hệ thống” có mục đích trình bày các kiến thức, được rút ra một cách chọn lọc từ những khoa học có đối tượng nghiên cứu là tư duy, hoặc liên quan, hỗ trợ hoạt động tư duy. Các kiến thức này đóng vai trò các kiến thức cơ sở của PPLSTVĐM, theo nghĩa, chúng giúp bạn đọc hiểu cơ sở khoa học của PPLSTVĐM và sử dụng các công cụ có trong PPLSTVĐM (sẽ trình bày từ quyển bốn trở đi) một cách chủ động với hiệu quả cao. Như bạn đọc đã biết, quyển hai dành nói về tâm lý học, lý thuyết thông tin, điều khiển học, nhằm giúp bạn đọc biết, hiểu và sử dụng những hiện tượng phong phú thuộc thế giới bên trong của mình tốt hơn. Từ đó, bạn đọc có thể thấy rằng, cần có những nỗ lực cá nhân hướng đến phát triển khả năng điều khiển thế giới bên trong cũng như các hành động của chính mình, đáp ứng nhu cầu phát triển các nhân cách sáng tạo. Quyển ba này trình bày các kiến thức lấy từ lôgích học hình thức, phép biện chứng duy vật và khoa học hệ thống. Theo chủ quan của người viết, cùng với quyển hai, đây là những kiến thức cần thiết nhất và phục vụ tốt nhất trong tư cách là các kiến thức cơ sở của PPLSTVĐM. Giống như trong quyển hai, những gì trình bày trong quyển ba này là kết quả người viết được học, tự học, nghiên cứu và sử dụng chúng. Bạn đọc nên xem những gì viết ở đây chỉ là tối thiểu, mang tính chủ quan, do vậy, cần tự suy xét, đánh giá và tìm hiểu sâu, rộng thêm các kiến thức liên quan thông qua những nguồn khác. Quyển ba “Tư duy lôgích, biện chứng và hệ thống” có ba chương. Chương 8: Tư duy lôgích dành những phần đầu tóm tắt các quy luật của lôgích hình thức, ba hình thức tư duy như khái niệm, phán đoán và suy luận cùng các quy tắc của chúng. Phần cuối cùng của Chương 8 trình bày một số áp dụng kiến thức của lôgích hình thức trong suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định. Chương 9: Tư duy biện chứng, tương tự như Chương 8, cũng dành những phần đầu để trình bày tóm tắt các kiến thức của phép biện chứng duy vật, bao gồm các nguyên lý, quy luật, các cặp phạm trù. Phần tiếp theo nói về mối quan hệ giữa phát triển và sáng tạo, các loại mâu thuẫn có trong giải quyết vấn đề và ra quyết định như mâu thuẫn hành chính, mâu thuẫn kỹ thuật, mâu thuẫn vật lý, cùng phương hướng giải quyết chúng. Phần cuối của chương sẽ cung cấp một số minh họa về tư duy biện chứng. Chương 10: Tư duy hệ thống trình bày những khái niệm cơ bản của khoa học hệ thống như hệ thống, yếu tố, mối liên kết, tính hệ thống, thang bậc hệ thống; các điểm quan trọng rút ra từ khoa học hệ thống để xây dựng tư duy hệ thống; các tiêu chuẩn xác định như thế nào là lời giải, quyết định tốt nhìn theo quan điểm hệ thống; tính ì hệ thống cùng các cách khắc phục. Phần cuối của quyển sách này có nhiệm vụ tổng kết và cung cấp những lời khuyên chung về việc áp dụng các kiến thức cơ sở được trình bày trong quyển hai và quyển ba vào thực tế suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định. Đồng thời, người viết đặc biệt nhấn mạnh, nếu như các khoa học nghiên cứu tư duy theo các khía cạnh khác nhau, với các mức độ cụ thể – khái quát khác nhau, thì tư duy sáng tạo (tư duy giải quyết vấn đề và ra quyết định) đòi hỏi vận dụng kiến thức của những khoa học này một cách tổng hợp và linh động, theo tinh thần “Chân lý luôn luôn là cụ thể”, “Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. “Cuộc đời của mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra. Mỗi người cần giải quyết tốt các vấn đề và ra các quyết định đúng”. “Cuộc đời của mỗi người là quá trình liên tục biến đổi thông tin thành tri thức và tri thức đã biết thành tri thức mới”. “Cuộc đời của mỗi người phải là chuỗi những sáng tạo và đổi mới hoàn toàn”. Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới xây dựng và trang bị loại tư duy: “Nhìn xa, trông rộng, xem xét toàn diện, thấy và hành động giải quyết các mâu thuẫn để đưa các hệ liên quan phát triển theo các quy luật phát triển hệ thống”. LỜI NÓI ĐẦU CỦA BỘ SÁCH “SÁNG TẠO VÀ ĐỔI MỚI” (CREATIVITY AND INNOVATION) Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (viết tắt là PPLSTVĐM, tiếng Anh là Creativity and Innovation Methodologies) là phần ứng dụng của Khoa học về sáng tạo (Sáng tạo học, tên cổ điển – Heuristics, tên hiện đại – Creatology), gồm hệ thống các phương pháp và các kỹ năng cụ thể giúp nâng cao năng suất và hiệu quả, về lâu dài tiến tới điều khiển tư duy sáng tạo (quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định) của người sử dụng. Suốt cuộc đời, mỗi người chúng ta dùng suy nghĩ rất nhiều, nếu không nói là hàng ngày. Từ việc trả lời những câu hỏi bình thường như “Hôm nay ăn gì? mặc gì? làm gì? mua gì? xem gì? đi đâu?...” đến làm các bài tập thầy, cô cho khi đi học; chọn ngành nghề đào tạo; lo sức khỏe, việc làm, thu nhập, hôn nhân, nhà ở; giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc, trong quan hệ xã hội, gia đình, nuôi dạy con cái..., tất tần tật đều đòi hỏi phải suy nghĩ và chắc rằng ai cũng muốn mình suy nghĩ tốt, ra những quyết định đúng để “đời là bể khổ” trở thành “bể sướng”. Chúng ta tuy được đào tạo và làm những nghề khác nhau nhưng có lẽ có một nghề chung, giữ nguyên suốt cuộc đời, cần cho tất cả mọi người. Đó là “nghề” suy nghĩ và hành động giải quyết các vấn đề gặp phải trong suốt cuộc đời nhằm thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của cá nhân mình, đồng thời thỏa mãn các nhu cầu để xã hội tồn tại và phát triển. Nhìn dưới góc độ này, PPLSTVĐM giúp trang bị loại nghề chung nói trên, bổ sung cho giáo dục, đào tạo hiện nay, chủ yếu, chỉ đào tạo các nhà chuyên môn. Nhà chuyên môn có thể giải quyết tốt các vấn đề chuyên môn nhưng nhiều khi không giải quyết tốt các vấn đề ngoài chuyên môn, do vậy, không thực sự hạnh phúc như ý. Các nghiên cứu cho thấy, phần lớn mọi người thường suy nghĩ một cách tự nhiên như đi lại, ăn uống, hít thở mà ít khi suy nghĩ về chính suy nghĩ của mình, xem nó hoạt động ra sao để cải tiến, làm suy nghĩ của mình trở nên tốt hơn, như người ta thường chú ý cải tiến các dụng cụ, máy móc dùng trong sinh hoạt và công việc. Cách suy nghĩ tự nhiên nói trên có năng suất, hiệu quả rất thấp và nhiều khi trả giá đắt cho các quyết định sai. Nói một cách nôm na, cách suy nghĩ tự nhiên ứng với việc lao động bằng xẻng thì PPLSTVĐM là máy xúc với năng suất và hiệu quả cao hơn nhiều. Nếu xem bộ não của mỗi người là máy tính tinh xảo – đỉnh cao tiến hóa và phát triển của tự nhiên thì phần mềm (cách suy nghĩ) tự nhiên đi kèm với nó chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng của bộ não. PPLSTVĐM là phần mềm tiên tiến giúp máy tính – bộ não hoạt động tốt hơn nhiều. Nếu như cần “học ăn, học nói, học gói, học mở” thì “học suy nghĩ” cũng cần thiết cho tất cả mọi người. PPLSTVĐM dạy và học được như các môn học truyền thống: Toán, lý, hóa, sinh, tin học, quản trị kinh doanh... Trên thế giới, nhiều trường và công ty đã bắt đầu từ lâu và đang làm điều đó một cách bình thường. Dưới đây là vài thông tin về PPLSTVĐM trên thế giới và ở nước ta. Từ những năm 1950, ở Mỹ và Liên Xô đã có những lớp học dạy thử nghiệm PPLSTVĐM. Dưới ảnh hưởng của A.F. Osborn, phó chủ tịch công ty quảng cáo BBD & O và là tác giả của phương pháp não công (Brainstorming) nổi tiếng, Trung tâm nghiên cứu sáng tạo (Center for Studies in Creativity) được thành lập năm 1967 tại Đại học Buffalo, bang New York. Năm 1974, Trung tâm nói trên bắt đầu đào tạo cử nhân khoa học và năm 1975 – thạc sỹ khoa học về sáng tạo và đổi mới (BS, MS in Creativity and Innovation). Ở Liên Xô, G.S. Altshuller, nhà sáng chế, nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng và là tác giả của Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt theo tiếng Nga và chuyển sang ký tự Latinh – TRIZ) cộng tác với “Hiệp hội toàn liên bang các nhà sáng chế và hợp lý hóa” (VOIR) thành lập Phòng thí nghiệm các phương pháp sáng chế năm 1968 và Học viện công cộng về sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity) năm 1971. Người viết, lúc đó đang học ngành vật lý bán dẫn thực nghiệm tại Liên Xô, có may mắn học thêm được khóa đầu tiên của Học viện sáng tạo nói trên, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy G.S. Altshuller. Chịu ấn tượng rất sâu sắc do những ích lợi PPLSTVĐM đem lại cho cá nhân mình, bản thân lại mong muốn chia sẻ những gì học được với mọi người, cùng với sự khuyến khích của thầy G.S. Altshuller, năm 1977 người viết đã tổ chức dạy dưới dạng ngoại khóa cho sinh viên các khoa tự nhiên thuộc Đại học tổng hợp TpHCM (nay là Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TpHCM). Những khóa PPLSTVĐM tiếp theo là kết quả của sự cộng tác giữa người viết và Câu lạc bộ thanh niên (nay là Nhà văn hóa thanh niên TpHCM), Ủy ban khoa học và kỹ thuật TpHCM (nay là Sở khoa học và công nghệ TpHCM)... Năm 1991, được sự chấp thuận của lãnh đạo Đại học tổng hợp TpHCM, Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải ra đời và trở thành cơ sở chính thức đầu tiên ở nước ta giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu PPLSTVĐM. Đến nay đã có vài chục ngàn người với nghề nghiệp khác nhau thuộc mọi thành phần kinh tế, xã hội, từ Hà Nội đến Cà Mau tham dự các khóa học từng phần hoặc đầy đủ chương trình 120 tiết của TSK dành đào tạo những người sử dụng PPLSTVĐM. TSK cũng tích cực tham gia các hoạt động quốc tế như công bố các công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng các báo cáo, báo cáo chính (keynotes) tại các hội nghị, các bài báo đăng trong các tạp chí chuyên ngành và giảng dạy PPLSTVĐM cho các cán bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài theo lời mời. Năm 2000, tại Mỹ, nhà xuất bản Kendall/Hunt Publishing Company xuất bản quyển sách “Facilitative Leadership: Making a Dif erence with Creative Problem Solving” (Tạm dịch là “Lãnh đạo hỗ trợ: Tạo sự khác biệt nhờ giải quyết vấn đề một cách sáng tạo”) do tiến sỹ Scott G. Isaksen làm chủ biên. Ở các trang 219, 220, dưới tiêu đề Các tổ chức sáng tạo (Creativity Organizations) có đăng danh sách đại biểu các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới trên thế giới. Trong 17 tổ chức được nêu tên, TSK là tổ chức duy nhất ở châu Á. Bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” gồm những quyển sách trình bày tương đối chi tiết và hệ thống dựa theo giáo trình môn học dành đào tạo những người sử dụng PPLSTVĐM, được các giảng viên của Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) dạy ở nước ta trong các lớp do TSK mở và theo lời mời của các cơ quan, trường học, tổ chức, công ty. Những quyển sách này được biên soạn nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu môn học PPLSTVĐM trong khi chưa có điều kiện đến lớp học và các cựu học viên muốn có thêm các tài liệu giúp nhớ lại để áp dụng các kiến thức đã học tốt hơn. PPLSTVĐM, tương tự như các môn học đòi hỏi thực hành và luyện tập nhiều như thể thao chẳng hạn, rất cần sự tương tác trực tiếp giữa các huấn luyện viên và học viên mà đọc sách không thôi chắc chắn còn chưa đủ. Tuy đây không phải là những quyển sách tự học để sử dụng PPLSTVĐM, lại càng không phải để trở thành cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, người viết không loại trừ, có những bạn đọc với các nỗ lực của riêng mình có thể rút ra và áp dụng thành công nhiều điều từ sách vào cuộc sống và công việc. Người viết cũng rất hy vọng có nhiều bạn đọc như vậy. Các quyển sách của bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” không chỉ trình bày hệ thống các phương pháp và các kỹ năng cụ thể dùng để sáng tạo và đổi mới mà còn có những phần được biên soạn nhằm tác động tốt lên nhận thức, quan niệm, thái độ và xúc cảm của bạn đọc, là những yếu tố rất cần thiết thúc đẩy những hành động áp dụng PPLSTVĐM vào cuộc sống, công việc. Nói cách khác, PPLSTVĐM còn góp phần hình thành, xây dựng, củng cố và phát triển những phẩm chất của nhân cách sáng tạo ở người học. Dự kiến, bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” sẽ gồm những quyển sách trình bày từ đơn giản đến phức tạp, từ những kiến thức cơ sở đến những kiến thức ứng dụng của PPLSTVĐM với các tên sách sau: 1. Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới. 2. Thế giới bên trong con người sáng tạo. 3. Tư duy lôgích, biện chứng và hệ thống. 4. Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (1). 5. Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (2). 6. Các phương pháp sáng tạo. 7. Các quy luật phát triển hệ thống. 8. Hệ thống các chuẩn dùng để giải các bài toán sáng chế. 9. Algôrit (Algorithm) giải các bài toán sáng chế (ARIZ). 10. Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới: Những điều muốn nói thêm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xã hội loài người trong quá trình phát triển trải qua bốn thời đại hay nền văn minh (làn sóng phát triển): Nông nghiệp, công nghiệp, thông tin và tri thức. Nền văn minh nông nghiệp chấm dứt thời kỳ săn bắn, hái lượm, du cư bằng việc định cư, trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng các công cụ lao động còn thủ công. Nền văn minh công nghiệp cho thấy, mọi người lao động bằng các máy móc hoạt động bằng năng lượng ngoài cơ bắp, giúp tăng sức mạnh và nối dài đôi tay của con người. Ở thời đại thông tin, máy tính, các mạng lưới thông tin giúp tăng sức mạnh, nối dài các bộ phận thu, phát thông tin trên cơ thể người như các giác quan, tiếng nói, chữ viết... và một số hoạt động lôgích của bộ não. Nhờ công nghệ thông tin, thông tin trở nên truyền, biến đổi nhanh, nhiều, lưu trữ gọn, truy cập dễ dàng. Tuy nhiên, trừ loại thông tin có ích lợi thấy ngay đối với người nhận tin, các loại thông tin khác vẫn phải cần bộ não của người nhận tin xử lý, biến đổi để trở thành thông tin có ý nghĩa và ích lợi (tri thức) cho người có thông tin. Nếu người có thông tin không làm được điều này trong thời đại bùng nổ thông tin thì có thể trở thành bội thực thông tin nhưng đói tri thức, thậm chí ngộ độc vì nhiễu thông tin và chết đuối trong đại dương thông tin mà không khai thác được gì từ đại dương giàu có đó. Thời đại tri thức mà thực chất là thời đại sáng tạo và đổi mới, ở đó đông đảo quần chúng sử dụng PPLSTVĐM được dạy và học đại trà để biến thông tin thành tri thức với các ích lợi toàn diện, không chỉ riêng về mặt kinh tế. Nói cách khác, PPLSTVĐM là hệ thống các công cụ dùng để biến đổi thông tin thành tri thức, tri thức đã biết thành tri thức mới. Rất tiếc, ở nước ta hiện nay chưa chính thức đào tạo các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu Sáng tạo học và PPLSTVĐM với các bằng cấp tương ứng: Cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ như một số nước tiên tiến trên thế giới. Người viết tin rằng sớm hay muộn, những người có trách nhiệm quyết định sẽ phải để tâm đến vấn đề này và “sớm” chắc chắn tốt hơn “muộn”. Hy vọng rằng, PPLSTVĐM nói riêng, Sáng tạo học nói chung sẽ có chỗ đứng xứng đáng, trước hết, trong chương trình giáo dục và đào tạo của nước ta trong tương lai không xa. Người viết gởi lời cảm ơn chung đến các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các cựu học viên đã động viên, khuyến khích để bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” ra đời. Người viết cũng chân thành cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của các cán bộ Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TpHCM: Th.S. Trần Thế Hưởng, Th.S. Vương Huỳnh Minh Triết, Th.S. Lê Minh Sơn, anh Nguyễn Hoàng Tuấn, đặc biệt là Th.S. Lê Minh Sơn đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc trình bày bộ sách này trên máy tính. Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) Trường đại học khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia TpHCM 227 Nguyễn Văn Cừ, Q.5, Tp.HCM ĐT: (848) 38301743 FAX: (848) 38350096 E-mail: pdung@hcmus.edu.vn Website: www.hcmus.edu.vn/CSTC/home-v.htm (tiếng Việt) hoặc www.cstc.vn www.hcmus.edu.vn/CSTC/home-e.htm (tiếng Anh) Phan Dũng Danh từ “lôgích” (Logic – tiếng Anh, Логика – tiếng Nga) thường được dùng theo những nghĩa sau: 1) Khoa học về các quy luật của tư duy và các hình thức của nó. Ví dụ, lôgích học hình thức; lôgích học biện chứng. 2) Cách suy luận (suy lý), lập luận, lý lẽ, mặc dù cách đó có thể đúng, có thể sai. Ví dụ, anh ấy có lôgích của mình; lôgích của kẻ mạnh; lôgích đàn bà; cách lập luận thiếu lôgích; các vấn đề khai triển có lôgích. 3) Tính hợp lý, chặt chẽ, quy luật nội tại của cái nào đó. Ví dụ, lôgích các sự vật; lôgích các sự kiện. Đi ngược thời gian, từ lôgích có gốc Hy Lạp là logos với những nghĩa như lời nói, ý nghĩ, sự hợp lý, quy luật. Trong số các nghĩa đó, logos có nghĩa khởi đầu là quy luật phổ biến, cơ sở của thế giới, trật tự và sự hài hòa của thế giới. Logos là một trong những khái niệm cơ bản của triết học Hy Lạp. Như chúng ta biết từ quyển hai (xem Chương 6: Tư duy sáng tạo: Nhìn theo góc độ thông tin–tâm lý), tâm lý học nghiên cứu quá trình suy nghĩ của cá nhân dẫn đến các kết quả, sản phẩm của tư duy dưới dạng các khái niệm, ý tưởng... Tâm lý học nghiên cứu, trả lời các câu hỏi như ý nghĩ này hoặc ý nghĩ khác của cá nhân phát sinh, phát triển như thế nào? Tại sao? Nói cách khác, tâm lý học nghiên cứu các quy luật diễn tiến của quá trình tư duy, ở đó có sự tham gia tích cực của các hiện tượng tâm lý. Lôgích học hình thức là khoa học nghiên cứu các hình thức của tư duy như các khái niệm, phán đoán, suy luận, mà không xét đến nội dung cụ thể của chúng và các quy luật, nguyên tắc, quy tắc biến đổi mà chúng phải tuân theo để có những kết luận đúng. Nói một cách dễ hiểu, điều này cũng tương tự như trong đẳng thức sau: (a+b)2 = a2 + 2ab + b2, người ta không quan tâm a, b là những con số cụ thể nào, do đâu mà có, sẽ được dùng làm gì, quy tắc biến đổi ở trên vẫn luôn luôn có hiệu lực. Lôgích học hình thức tựa như nghiên cứu các ý nghĩ có sẵn (khái niệm, phán đoán...) và thiết lập sự tương quan nhất định (kiểu như các đẳng thức, các biến đổi) giữa chúng. Bằng cách đó, lôgích học hình thức không chú ý đến các điều kiện (tâm lý, hoàn cảnh bên ngoài) trực tiếp làm phát sinh và phát triển các ý nghĩ dưới dạng các khái niệm, phán đoán, suy luận. Đi xa hơn nữa trong việc hình thức hóa, G. Boole (1815 – 1864) xây dựng đại số lôgích với việc sử dụng các ký hiệu toán học và toán học hóa các lập luận lôgích. N. Wiener, cha đẻ của điều khiển học nhấn mạnh, không có lôgích toán học thì không có điều khiển học kỹ thuật. Ở đó, các hệ thống tự động và máy tính phải sử dụng đại số lôgích, là phần đầu tiên của lôgích học hình thức hiện đại. Trong các hệ thống điều khiển, các mạch rơle–tiếp điểm mô hình hóa các thao tác lôgích đóng vai trò rất quan trọng. G.Y. Povarov cho rằng: “Lôgích toán học là công cụ cần thiết để “máy hóa” lao động trí óc”. Hiện nay có không ít sách, kể cả sách giáo khoa về lôgích học hình thức bằng tiếng Việt (xem phần Tài liệu tham khảo và nên tìm đọc thêm ở cuối quyển sách này) và lôgích học là môn học bắt buộc dạy trong nhiều trường đại học, cao đẳng. Do vậy, về lôgích học hình thức, người viết chỉ trình bày vắn tắt và nhấn mạnh những ý mà chủ quan người viết cho là quan trọng, cần thiết, đóng vai trò các kiến thức cơ sở của môn học PPLSTVĐM. Đồng thời, cũng trong Chương 8 này, người viết sẽ cụ thể hóa một số ứng dụng lôgích học hình thức vào các giai đoạn của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định như tiếp thu thông tin (hiểu bài toán), xử lý thông tin, phát ý tưởng lời giải (xem Hình 43: Mô hình tư duy trong ngữ cảnh của mô hình nhu cầu–hành động của quyển hai “Thế giới bên trong con người sáng tạo”), dưới dạng liên quan đến suy luận, giả thiết, chứng minh, bác bỏ. Trong quá trình trình bày, người viết không sử dụng các ký hiệu đặc trưng của lôgích học hiện đại mà diễn giải bằng ngôn ngữ tự nhiên (ngôn ngữ dùng trong đời sống hàng ngày). Điều này là cần thiết, ít nhất, do hai lý do sau: 1) Phần lớn các bài toán gặp trong cuộc đời của mỗi người được phát biểu và suy nghĩ giải bằng ngôn ngữ tự nhiên; 2) Nhiều bạn đọc nhìn thấy các ký hiệu, liên tưởng ngay đến toán học và trở nên ngần ngại trong việc tiếp thu các kiến thức của lôgích hình thức. Quy luật được hiểu là sự liên hệ bản chất, phổ biến và lặp lại giữa các hiện tượng, mà sự liên hệ đó tạo ra sự thay đổi, điều chỉnh các hiện tượng. Nói cách khác, các quy luật tồn tại một cách khách quan, độc lập với ý thức của mọi người và thể hiện các mối liên hệ bên trong cơ bản, tất yếu giữa các sự vật, tính chất của các sự vật hoặc giữa các khuynh hướng khác nhau của sự phát triển. Trên thực tế, các quy luật rất đa dạng. Biết các quy luật, người ta có thể giải thích, đoán trước (dự báo) tiến trình của quá trình thay đổi và sử dụng các quy luật phục vụ cho các nhu cầu của con người. Theo nghĩa rộng, các quy luật của tư duy lôgích nói chung (hình thức, biện chứng...) là sự phản ánh lôgích thế giới khách quan trong tư duy chủ quan của con người: Lôgích khách quan quyết định lôgích chủ quan chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên, lôgích chủ quan có tính độc lập tương đối của nó, vì tư duy có các quy luật riêng. Nếu như thế giới khách quan có nhiều khía cạnh thì lôgích hình thức chỉ phản ánh khía cạnh tương đối ổn định của sự vật. Điều này có nghĩa, lôgích hình thức có phạm vi áp dụng của mình và ở ngoài phạm vi áp dụng của lôgích hình thức, bạn cần tư duy theo lôgích khác. Người viết còn quay trở lại vấn đề này trong hai chương sau. Từ Chương 8: Tư duy lôgích hình thức này, nếu không có chú thích đặc biệt, đôi khi để cho gọn, các cụm từ “tư duy lôgích hình thức” sẽ được người viết thay bằng “tư duy lôgích” và “lôgích hình thức” - “lôgích”. Dưới đây là các quy luật cơ bản của tư duy lôgích: 1) Quy luật đồng nhất Đối tượng cho trước (hiểu theo nghĩa rất rộng) là đối tượng cho trước (nó đồng nhất với chính nó) chứ không phải là đối tượng khác. Quy luật đồng nhất đòi hỏi người suy nghĩ xác định, nhận dạng đối tượng cho trước; phân biệt đối tượng cho trước với các đối tượng khác; sử dụng đối tượng cho trước một cách nhất quán. Các đối tượng thường được đặt tên bằng các từ ngữ và con người suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Người suy nghĩ cần bảo đảm mỗi từ, ngữ thể hiện một đối tượng ở trạng thái ổn định, không có sự thay đổi về chất (không có thêm chất mới hoặc mất đi chất đang có) trong suốt quá trình suy nghĩ. Tuân thủ quy luật đồng nhất đem lại ích lợi: Người suy nghĩ một mình có được quá trình suy nghĩ nhất quán, rút ra những kết luận đúng đắn; những người cùng suy nghĩ có được sự thống nhất, hiểu nhau khi trao đổi các ý nghĩ, giao tiếp với nhau. Ví dụ, một người thắng trong một cuộc chơi vật tay với bạn, trong khi những lần trước thì thua. Anh chỉ vào bắp tay của mình và giải thích lý do: “Thắng được là nhờ miếng thịt ăn ngày hôm qua đấy”. Anh đã vi phạm quy luật đồng nhất vì, “miếng thịt” ăn ngày hôm qua và “miếng thịt” trong bắp tay ngày hôm nay không phải là một. Ví dụ khác, nếu đặt chữ “a” là tên của âm “a” (đối tượng cho trước) thì trong toàn bộ các văn bản, chữ “a” chỉ thể hiện âm “a”. Bạn không được dùng những chữ khác hoặc ký hiệu khác để nói rằng đấy là âm “a”, hoặc lúc nào đó, bạn nói rằng chữ “a” thể hiện đại lượng gia tốc của chuyển động trong vật lý, mà không thông báo trước cho chính mình và cho những người khác về sự thay đổi đó. Bạn cũng vi phạm quy luật đồng nhất. Quy luật đồng nhất dẫn đến hai quy luật: Quy luật về mâu thuẫn và quy luật triệt tam, được trình bày tiếp theo sau đây. 2) Quy luật về mâu thuẫn Đối tượng cho trước không thể vừa là chính nó, vừa không là chính nó. Tương tự, hai ý nghĩ trái ngược nhau về đối tượng cho trước không thể cùng một lúc đều đúng. Nếu cả hai cùng đúng thì ở đây có mâu thuẫn lôgích và có sự vi phạm quy luật về mâu thuẫn. Do vậy, trong hai ý nghĩ trên, nếu ý nghĩ này đúng thì ý nghĩ kia sai và ngược lại, ý nghĩ kia đúng thì ý nghĩ này sai. Ví dụ, hai người bạn A và B đang nói chuyện với nhau thì có người bước vào phòng. A nói: “Ông ấy là ông C đấy”. B nói: “Ông ấy không phải là ông C, tớ biết mà”. Người bước vào phòng không thể vừa là ông C, vừa không phải là ông C. Còn nếu A đúng thì B sai, hoặc nếu B đúng thì A sai. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp sau: Trước năm 2000, người bước vào phòng có tên là C nhưng từ năm 2000, người đó đổi tên thành D. Để không xảy ra mâu thuẫn, những người suy nghĩ về người bước vào phòng phải biết trước điều đó và trình bày một cách phân biệt. Chẳng hạn A nói: “Trước năm 2000, ông ấy là ông C đấy”, còn B nói: “Từ năm 2000 đến nay, ông ấy là ông D, tớ biết mà”. 3) Quy luật triệt tam (bài trung, loại trừ khả năng thứ ba) Một đối tượng nào đó (hiểu theo nghĩa rất rộng) hoặc có hoặc không có, không có khả năng thứ ba. Ví dụ, có ma hoặc không có ma, không có khả năng thứ ba, do vậy, trong hai ý kiến mâu thuẫn trên, một cái là đúng, một cái là sai; anh ấy học giỏi hoặc không học giỏi, không có khả năng thứ ba; chị ấy đồng ý hoặc không đồng ý, không có khả năng thứ ba; ý nghĩ đó đúng hoặc không đúng, không có khả năng thứ ba... 4) Quy luật lý do đầy đủ Mọi đối tượng (hiểu theo nghĩa rất rộng) tồn tại đều có các lý do (các nguyên nhân) để tồn tại. Do vậy, các ý nghĩ phản ánh đúng các đối tượng đó cũng phải có các lý do đầy đủ. Các lý do để các đối tượng tồn tại trong hiện thực là các lý do có thật. Ví dụ, sự trao đổi chất là lý do để các cơ thể sống tồn tại. Khi sự trao đổi chất ngưng hoạt động, các cơ thể sống cũng chết theo. Để có được các ý nghĩ phản ánh đúng các đối tượng, các lý do đầy đủ là các lý do lôgích. Có nguồn gốc từ hiện thực, các lý do lôgích là các tiền đề dưới dạng các ý nghĩ phản ánh các định lý, quy luật... (các chân lý) đã biết, được tìm ra từ hiện thực. Do vậy, suy nghĩ tuân theo quy luật lý do đầy đủ bảo đảm có được các ý nghĩ mang tính kết luận đúng đắn. Ví dụ, muốn chứng minh hai tam giác và bằng nhau (kết luận đúng), bạn cần dựa vào các lý do lôgích đúng đã biết. Đó là ba trường hợp bằng nhau của tam giác đã được chứng minh là đúng trước đó: Cạnh–cạnh–cạnh; cạnh–góc–cạnh và góc–cạnh–góc. Nhìn tuần tự theo thời gian, bất kỳ đối tượng tồn tại nào đều có thể xem là kết quả (hệ quả) của các nguyên nhân (các lý do) nhất định trước đó. Nói cách khác, ở đây có quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả (hệ quả), hay gọi tắt là quan hệ nhân–quả. Đến lượt mình, bất kỳ đối tượng tồn tại nào lại có thể trở thành nguyên nhân tạo nên kết quả mới (hướng tới mục đích nào đó, có thể đã biết, có thể chưa). Ví dụ, nước, các chất khoáng, các chất hữu cơ, khí hậu, thời tiết... cùng cơ chế trao đổi chất của cây mận cụ thể là các nguyên nhân dẫn đến kết quả tạo hoa, trái, hột mận. Hoa, trái mận lại trở thành nguyên nhân (thức ăn) của sự tồn tại nhiều loài như ong, chim. Hột mận trở thành nguyên nhân để thế hệ cây mận mới ra đời. Trái mận còn dùng làm ô mai, là kết quả mới, còn chưa ai biết, khi món ăn đó chưa được tạo ra. 8.3.1. Nội hàm, ngoại diên, mở rộng và thu hẹp khái niệm Như chúng ta đã biết (xem mục 1.1. Vai trò của khái niệm của quyển một và mục nhỏ 6.4.2. Tiếp thu thông tin và các mức độ hiểu của quyển hai), các ý nghĩ phản ánh các đặc tính của một hay nhiều đối tượng (hiểu theo nghĩa rộng: Bất kỳ cái gì cũng có thể coi là đối tượng) hoặc chính đối tượng là các khái niệm, được đặt tên bằng các từ ngữ. Con người suy nghĩ, giao tiếp, đối thoại với chính mình và những người khác bằng các từ ngữ – các tên của các khái niệm. Khi sử dụng ngôn ngữ, người sử dụng gởi gắm trong mỗi từ ngữ – khái niệm hai điều: 1) Tập hợp các đối tượng mà từ ngữ đó phản ánh, gọi là ngoại diên của khái niệm. 2) Hệ thống các tính chất mà tất cả các đối tượng ngoại diên đều có, gọi là nội hàm (nội dung) của khái niệm. Nhờ nội hàm, người ta có thể xác định một đối tượng nào đó có thuộc ngoại diên của khái niệm cho trước hay không. Ví dụ, khi dùng từ “người”, chúng ta dùng khái niệm “người” với ngoại diên là tất cả mọi người trên Trái Đất này và nội hàm là các thuộc tính của con người. Trong quá trình suy nghĩ, con người có những lúc phải làm thao tác mở rộng hoặc thu hẹp khái niệm cho trước thành những khái niệm khác; hoặc chuyển sự suy nghĩ từ khái niệm cho trước sang những khái niệm rộng hơn hoặc hẹp hơn. Thực chất của mở rộng khái niệm cho trước là xây dựng khái niệm có ngoại diên rộng hơn khái niệm cho trước. Lúc này, số lượng các thuộc tính có trong nội hàm của khái niệm mở rộng, giảm đi so với nội hàm của khái niệm cho trước. Ví dụ, mở rộng khái niệm “người” sang khái niệm “động vật”, ngoại diên “động vật” rộng hơn ngoại diên “người”. Nội hàm của “động vật” hẹp hơn nội hàm “người”, vì một số hoạt động, thuộc tính chỉ có con người mới có như tư duy bằng ngôn ngữ, biết chế tạo và lao động bằng công cụ phải bỏ ra. Tương tự như vậy nhưng theo chiều ngược lại, thu hẹp khái niệm là đưa ra khái niệm có ngoại diên hẹp hơn khái niệm cho trước. Số lượng các thuộc tính có trong nội hàm của khái niệm thu hẹp, tăng lên so với nội hàm của khái niệm cho trước. Ví dụ, thu hẹp khái niệm “người” sang khái niệm “các thầy, cô giáo”, ngoại diên “các thầy, cô giáo” hẹp hơn ngoại diên “người”. Nội hàm của “các thầy, cô giáo” rộng hơn nội hàm “người”, vì ngoài những thuộc tính người nào cũng có, cần phải tính thêm thuộc tính: Làm nghề dạy học. Tóm lại, quan hệ giữa ngoại diên và nội hàm là quan hệ ngược: Ngoại diên càng rộng thì nội hàm càng hẹp, hiểu theo nghĩa, số lượng các thuộc tính giảm đi; Ngoại diên càng hẹp thì nội hàm càng rộng: Số lượng các thuộc tính tăng lên. Khi mở rộng khái niệm, ví dụ từ “người” sang “động vật”, người suy nghĩ đi từ cái đặc thù sang cái phổ biến hơn. Trong lôgích học hình thức, mở rộng này được gọi là chuyển từ khái niệm giống sang khái niệm loài. Có nhiều khái niệm giống nằm trong khái niệm loài: Người, bò sát, chim, cá... đều nằm trong khái niệm “động vật”. Thu hẹp khái niệm là thao tác ngược lại: Chuyển từ khái niệm loài sang khái niệm giống, đi từ cái phổ biến đến những cái đặc thù hơn. Ví dụ, khái niệm “người” có thể đặc thù hóa thành các khái niệm giống: “Người da trắng”, “người da vàng”, “người da đen”. Đến đây, bạn đọc có thể thấy tính tương đối của “giống” và “loài”: Một khái niệm cho trước là loài của khái niệm hẹp hơn và là giống của khái niệm rộng hơn. Ví dụ, khái niệm “người” là khái niệm giống của khái niệm loài “động vật”, đồng thời là khái niệm loài của các khái niệm giống “người da trắng”, “người da vàng”, “người da đen”. Trong mỗi lĩnh vực có một loại các khái niệm đặc biệt, gọi là các phạm trù. Các phạm trù là các khái niệm mang tính khái quát cao nhất của lĩnh vực cho trước. Nói cách khác, các phạm trù là các khái niệm loài cao nhất và không là khái niệm giống của loài nào cả trong lĩnh vực cho trước. Ví dụ, trong lĩnh vực lôgích hình thức, “khái niệm”, “phán đoán”, “suy luận (suy lý)”... là các phạm trù; trong lĩnh vực vật lý, “khối lượng”, “năng lượng”... là các phạm trù; trong sinh học, “di truyền”, “biến dị”... là các phạm trù; trong kinh tế học, “hàng hóa”, “giá trị”... là các phạm trù... Nếu xét trên phạm vi bao quát tất cả các lĩnh vực thuộc tự nhiên, xã hội, tư duy, các phạm trù triết học là những khái niệm chung nhất, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản phổ biến nhất của toàn bộ thế giới hiện thực. Ví dụ, các khái niệm của phép biện chứng như “vật chất”, “ý thức”, “số lượng”, “chất lượng”, “mâu thuẫn”, “nguyên nhân”, “kết quả”, “tất nhiên”, “ngẫu nhiên”, “khả năng”, “hiện thực”... là các phạm trù triết học. Người viết muốn lưu ý bạn đọc: Để tránh hiểu lầm do nhiều khái niệm có cùng tên gọi giống nhau, “ý tại ngôn ngoại”, bạn cần chỉ rõ khái niệm bạn đang dùng thuộc lĩnh vực nào. Ví dụ, bạn sử dụng khái niệm “ngẫu nhiên” khi thì trong lĩnh vực xác suất, thống kê khi thì trong lĩnh vực triết học. Mỗi lần chuyển qua, chuyển lại, bạn cần thông báo cho người thu thông tin biết. Nếu minh họa ngoại diên của khái niệm dưới dạng một hình khép kín thì một khái niệm nhất định (ví dụ, khái niệm A) với ngoại diên của nó, được biểu diễn bằng hình vẽ sau: Hình 86: Khái niệm A và ngoại diên của nó Dưới đây là các loại quan hệ thường gặp giữa các khái niệm theo ngoại diên: 1. Quan hệ đồng nhất: Quan hệ giữa những khái niệm cùng chỉ một loại đối tượng mà ngoại diên của chúng hoàn toàn trùng nhau và nội hàm được coi tương đương nhau. Ví dụ: A là khái niệm “người”. B là khái niệm “động vật ở bậc thang cao nhất của sự tiến hóa tự nhiên”. Hình 87 minh họa ví dụ nói trên. Hình 87: Quan hệ đồng nhất 2. Quan hệ lệ thuộc (hay còn gọi là quan hệ bao hàm): Quan hệ giữa hai khái niệm mà ngoại diên của khái niệm này nằm trọn và chỉ chiếm một phần ngoại diên của khái niệm kia. Ví dụ: A là khái niệm “người”. B là khái niệm “người da vàng”. Xem Hình 88. Hình 88: Quan hệ lệ thuộc (bao hàm) Cần phân biệt quan hệ lệ thuộc nói trên với quan hệ “cơ học” giữa “toàn thể” và “bộ phận” kiểu như “người” và “chân người”, “tay người”... Bởi vì, nếu như “người” có thuộc tính chế tạo, lao động bằng công cụ thì “chân người”, “tay người”... đứng riêng, không có thuộc tính đó. 3. Quan hệ giao nhau: Quan hệ giữa hai khái niệm mà ngoại diên của chúng có phần chung nhau và các nội hàm không loại trừ nhau. Ví dụ: A là khái niệm “người da vàng”. B là khái niệm “người Mỹ”. Xem Hình 89. Hình 89: Quan hệ giao nhau 4. Quan hệ ngang hàng: Quan hệ giữa các khái niệm mà các ngoại diên của chúng (có thể giao nhau hoặc không giao nhau) cũng bị bao hàm bởi khái niệm lớn hơn (khái niệm loài). Ví dụ 1: A là khái niệm “người” (khái niệm loài). A1là khái niệm “người da vàng” (khái niệm giống). A2là khái niệm “người da trắng” (khái niệm giống). A3là khái niệm “người da đen” (khái niệm giống). Quan hệ giữa các khái niệm A1, A2 và A3là quan hệ ngang hàng với các ngoại diên không giao nhau. Xem Hình 90. Hình 90: Quan hệ ngang hàng với các ngoại diên không giao nhau Ví dụ 2: A là khái niệm “người” (khái niệm loài). A1là khái niệm “người da vàng” (khái niệm giống). A2là khái niệm “người da trắng” (khái niệm giống). A3là khái niệm “người da đen” (khái niệm giống). B1là khái niệm “người Mỹ” (khái niệm giống). Xem Hình 91. Hình 91: Quan hệ ngang hàng với các ngoại diên giao nhau 5. Quan hệ mâu thuẫn: Quan hệ giữa hai khái niệm mà nội hàm của chúng phủ định lẫn nhau (đã là cái này thì không phải cái kia), trong đó, chỉ có nội hàm của một khái niệm là được biết một cách chính xác và tổng ngoại diên của chúng bằng ngoại diên của khái niệm lớn hơn kế tiếp (khái niệm loài). Trong quan hệ mâu thuẫn, cái này đúng thì cái kia sai. Ngược lại, cái này sai thì cái kia đúng. Ví dụ 1: A là khái niệm “người”. A1là khái niệm “người da vàng”. A10là khái niệm “không phải người da vàng”. A1 và A10 phủ định lẫn nhau. Nội hàm của khái niệm “người da vàng” được biết chính xác trong khi nội hàm của khái niệm “không phải người da vàng” không thật rõ. Không phải người da vàng thì có thể là người da trắng hoặc da đen, hoặc da đỏ. Xem Hình 92. Hình 92: Quan hệ mâu thuẫn 6. Quan hệ đối chọi (loại trừ, đối lập, ngược nhau): Quan hệ giữa hai khái niệm mà nội hàm của khái niệm này ngược với, đồng thời loại trừ nội hàm của khái niệm kia và tổng ngoại diên của chúng nhỏ hơn ngoại diên của khái niệm lớn hơn kế tiếp (khái niệm loài). Trong quan hệ đối chọi, cái này đúng thì cái kia sai, cái kia đúng thì cái này sai nhưng nếu biết một cái là sai thì không thể kết luận cái kia là đúng. Có thể cả hai cái đều sai. Ví dụ 1: A là khái niệm “người”. B là khái niệm “người da trắng”. (-B) là khái niệm “người da đen”. Trong trường hợp một người là người da đen thì người đó không phải là người da trắng. Ngược lại, một người là người da trắng thì người đó không phải là người da đen. Tuy nhiên, khi phát hiện ra người đó không phải là người da trắng thì không thể nói chắc chắn người đó là người da đen, có thể cả hai cùng sai vì còn có người da vàng, người da đỏ. Xem Hình 93. Hình 93: Quan hệ đối chọi Theo nghĩa chung nhất, định nghĩa khái niệm là thao tác lôgích giải thích đầy đủ nội hàm (tất cả các tính chất mà tất cả các đối tượng ngoại diên của khái niệm cần được định nghĩa đều có) của khái niệm đó. Về mặt nguyên tắc, định nghĩa khái niệm là một trong những thao tác lôgích tin cậy nhất để ngăn ngừa những hiểu lầm có thể xảy ra trong suy nghĩ, giao tiếp, thảo luận, tranh luận, nghiên cứu... Tuy quan trọng như vậy, do nhiều lý do, trong các lập luận của chúng ta, định nghĩa các khái niệm không được chú ý xứng đáng như là nó cần phải được chú ý. R. Abelson nhận xét: “Thật là nghịch lý, không có vấn đề nhận thức nào được đặt ra tệ hơn vấn đề định nghĩa và cũng không có vấn đề nào cần có cách tiếp cận mới mẻ để giải quyết như vấn đề định nghĩa”. Dưới đây, người viết đề cập một số khó khăn liên quan đến định nghĩa khái niệm trong thực tế. Định nghĩa khái niệm cho trước là khái niệm đó được giải thích thông qua các khái niệm đã biết. Trong quá khứ, chính các khái niệm đã biết nói trên cũng được định nghĩa thông qua các khái niệm đã biết trước đó nữa... và cứ như thế. Vậy, những khái niệm đầu tiên có được định nghĩa không? Chúng được định nghĩa như thế nào? Để giải quyết khó khăn này, người ta phải đưa ra và chấp nhận những khái niệm đầu tiên như những khái niệm đương nhiên có, mà không định nghĩa. Khó khăn khác, gặp khi định nghĩa là: Các thuộc tính (nội hàm) của đối tượng được định nghĩa có rất nhiều. Nếu định nghĩa liệt kê đầy đủ các thuộc tính thì nó trở nên quá dài, rất bất tiện khi sử dụng. Chưa kể, trong công việc định nghĩa còn có khó khăn liên quan đến quá trình nhận thức: Tất cả các thuộc tính của đối tượng cho trước không thể được nhận thức ngay từ đầu và một lần là xong. Nhận thức là quá trình kéo rất dài về mặt thời gian, nếu như không nói là vô tận. Điều này làm cho nội dung định nghĩa của khái niệm thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào những tiến bộ của nhận thức (khoa học, công nghệ, nghệ thuật...), mặc dù tên của khái niệm vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, còn cần phải kể đến khó khăn thuộc về phương pháp luận nhận thức. Hiện nay, khó khăn này thể hiện ở chỗ, khi chuyển sang nhận thức các đối tượng phức tạp, cách tiếp cận chuyên môn hóa của nhà nghiên cứu chỉ cho phép nhận thức một khía cạnh của đối tượng, tương ứng với chuyên môn cho trước. Do vậy, có những trường hợp cùng nghiên cứu một đối tượng, các nhà chuyên môn khác nhau căn cứ vào khía cạnh chuyên môn của mình, đưa ra các định nghĩa khác nhau về chính đối tượng đó. Bạn đọc có thể xem lại mục nhỏ 3.3.4. Giáo dục và đào tạo của tương lai: Vài nét phác thảo của quyển một và Hình 65: Các nghĩa của đối tượng cho trước tùy thuộc vào chiều xem xét của quyển hai. Ví dụ quá trình định nghĩa khái niệm “con người” sau đây sẽ giúp minh họa phần nào các khó khăn vừa nêu: Một trong những nhiệm vụ của định nghĩa là xác định (giúp nhận ra) đối tượng được định nghĩa và phân biệt nó với tất cả các đối tượng khác. Nhà triết học Platon định nghĩa: “Con người là sinh vật không có lông vũ, đi bằng hai chân”. Rõ ràng, trong tất cả các động vật di chuyển bằng hai chân chỉ có chim và người. Thân thể của tất cả các loài chim đều được phủ bằng lông vũ. Như vậy, động vật hai chân không có lông vũ chỉ có thể là con người. Nhà triết học Diogen nhổ sạch lông một con gà, mang đến chỗ Platon và nói: “Đây là con người của ông đấy”. Sau “sự cố” này, Platon sửa lại định nghĩa của mình: “Con người là động vật không có lông vũ, đi bằng hai chân với những móng rộng”. Một nhà triết học khác định nghĩa: “Con người là động vật có dái tai mềm”. Quả thật, trớ trêu thay, trong tất cả các động vật, chỉ có con người có dái tai mềm. Tuy đạt yêu cầu nhận dạng đối tượng được định nghĩa và phân biệt nó với các đối tượng khác, các định nghĩa trên không nêu được nội dung sâu sắc của khái niệm “con người”. Chúng nhắm đến các đặc điểm bên ngoài mang tính ngẫu nhiên mà không cho biết gì về bản chất của con người. Liệu con người có đánh mất bản chất của chính mình không, nếu các móng thu hẹp lại, hoặc dái tai trở nên cứng? Chắc chắn là không. Chính vì vậy, ngoài yêu cầu nhận dạng và phân biệt, yêu cầu làm rõ bản chất của đối tượng được định nghĩa cũng phải được đáp ứng. Các vấn đề phức tạp thường nảy sinh liên quan đến việc làm thỏa mãn cả yêu cầu làm rõ bản chất của đối tượng, khi tiến hành định nghĩa các khái niệm. Một định nghĩa tốt là định nghĩa phản ánh được bản chất của đối tượng được định nghĩa. Nhưng bản chất thường không nằm lộ trên bề mặt, do vậy, cần có những nghiên cứu càng ngày, càng sâu sắc để phát hiện những thuộc tính bản chất của đối tượng cho trước. Đằng sau bản chất bậc một luôn ẩn giấu bản chất bậc hai; đằng sau bản chất bậc hai – bản chất bậc ba... cứ như thế không có bản chất cuối cùng. Điều này giải thích, vì sao một đối tượng nào đó cứ được nghiên cứu dài dài, không có điểm dừng; vì sao định nghĩa của nó thay đổi theo thời gian và vì sao kiến thức của một bộ môn khoa học nào đó nằm trong chính nội dung (định nghĩa) của các khái niệm chứ không phải hình thức (tên gọi) của các khái niệm. Như vậy, tính sâu sắc của định nghĩa phụ thuộc trực tiếp vào mức độ hiểu biết bản chất của đối tượng được định nghĩa. Chúng ta hiểu biết về bản chất của đối tượng nào đó càng sâu sắc, xác suất có được định nghĩa tốt về đối tượng đó càng lớn. Quay trở lại với quá trình “tiến hóa” của định nghĩa về con người. Nhà văn F. Rable coi con người là động vật biết cười, nhà triết học A. Bergson: Con người là động vật có khả năng cười và, đặc biệt, khả năng làm những người khác cười. Đây là những thuộc tính chỉ có con người mới có. Nhà văn J. Kardan định nghĩa con người là động vật có khả năng lừa dối và thường xuyên lừa dối chính mình cũng như những người khác. Nhà triết học A. Schopenhauer xem con người là động vật sầu thảm không có bản năng tạo ra những hành động tự tin, không sai lầm và lý trí con người không thể thay thế cho bản năng đó được. Có thể dẫn thêm nhiều định nghĩa tương tự về con người. Chúng đều giống nhau ở điểm: Giải quyết chủ yếu vấn đề phân biệt người với các động vật khác. Chúng còn chưa đề cập đến những thuộc tính bản chất của con người. Sự tồn tại các định nghĩa khác nhau về một đối tượng nào đó còn cho thấy, đối tượng càng phức tạp, có càng nhiều phương diện, khía cạnh thì số lượng các định nghĩa có thể có cũng càng nhiều. Bạn đọc có thể xem lại các định nghĩa khái niệm thông tin trong mục nhỏ 6.3.1. Thông tin của quyển hai để thấy rằng, thông tin là đối tượng phức tạp và chúng ta cần xử sự ra sao khi một khái niệm có nhiều định nghĩa khác nhau. Ngày nay, cùng với những hiểu biết về sự phức tạp của con người, số lượng các định nghĩa con người cũng tăng lên. Con người được định nghĩa như “động vật trí tuệ”, “động vật kinh tế”, “động vật sử dụng ký hiệu”, “động vật thẩm mỹ”... Tuy nhiên, tính sâu sắc của định nghĩa vẫn chưa đạt yêu cầu. Bởi vì, từ những quan tâm kinh tế của con người không suy ra được thái độ của con người đối với cái đẹp (thẩm mỹ). Tương tự như vậy, từ việc sử dụng các ký hiệu, không thể biết thêm được các khía cạnh khác của con người như kinh tế, thẩm mỹ... Định nghĩa tốt về con người cần chứa đặc trưng đầy đủ có thể có một cách cô đọng, mà từ đặc trưng đó có thể suy ra được các đặc điểm quan trọng khác của con người. Trong ý nghĩa đó, hiện nay, định nghĩa sau về con người được coi là sâu sắc: “Con người là động vật chế tạo các công cụ lao động”. Chính đặc trưng này quy định các đặc điểm trong quan hệ của con người với kinh tế, ký hiệu, cái đẹp... Như chúng ta đã biết, thao tác định nghĩa là nêu ra nội dung của khái niệm. Nhiệm vụ tưởng như đơn giản này được thực hiện theo những cách thức rất đa dạng trên thực tế. Đi vào cụ thể, trước hết, người viết phân biệt các định nghĩa rõ ràng và các định nghĩa không rõ ràng. Các định nghĩa rõ ràng có dạng đẳng thức giữa hai khái niệm. Sơ đồ chung của chúng: “A là (được xác định bởi) B”. Trong đó, A và B là hai khái niệm mà mỗi khái niệm được thể hiện bằng một từ hoặc cụm từ. Ví dụ, “Phân tử là hạt nhỏ nhất của chất, mà hạt đó vẫn còn bảo toàn tất cả các tính chất hóa học của chất cho trước”. Các định nghĩa không rõ ràng không có dạng đẳng thức của hai khái niệm. Một đoạn văn bản, văn cảnh, trong đó có khái niệm mà chúng ta quan tâm, trong nghĩa nhất định, là định nghĩa không rõ ràng của khái niệm đó. Văn cảnh làm công việc kết nối với các khái niệm đã biết và một cách gián tiếp, giúp chúng ta hiểu nội dung của khái niệm được quan tâm. Ví dụ, đọc một bài báo, bạn bắt gặp khái niệm “công nghệ cao”. Căn cứ vào văn cảnh của bài báo, bạn có thể đoán “công nghệ cao là các công nghệ liên quan đến điện tử, phần cứng của máy tính” hoặc “công nghệ cao là các công nghệ sử dụng các hiệu ứng ở mức vi mô”. Những định nghĩa không rõ ràng dựa trên văn cảnh, ngữ cảnh như vậy luôn không đầy đủ, không bền vững và ổn định. Rất tiếc, hầu như tất cả các định nghĩa mà chúng ta gặp và sử dụng trong đời thường đều là các định nghĩa không rõ ràng. Trong giao tiếp, khi nghe một từ không hiểu, chúng ta thường cố gắng xác định nghĩa của nó căn cứ vào nội dung câu chuyện. Khi đọc văn bản tiếng nước ngoài, gặp một, hai từ không hiểu, chúng ta thường không tra tự điển ngay mà cố gắng suy đoán, hiểu chúng theo văn cảnh. Chưa kể, không có tự điển nào có thể bao quát được hết sự phong phú về nghĩa và sắc thái của các từ, mà sự phong phú này lại phản ánh sự phong phú của các tình huống (ngữ cảnh) có trên thực tế. Thông thường, từ ngữ được mọi người hiểu và sử dụng nhuần nhuyễn không phải nhờ từ điển giải thích, mà chủ yếu, nhờ các mối liên kết đa dạng giữa từ cho trước với các từ khác của ngôn ngữ sống động hàng ngày. Trong ý nghĩa này, các định nghĩa theo văn cảnh, dù chúng không hoàn hảo, là tiền đề cơ bản để sử dụng tốt ngôn ngữ. Một dạng định nghĩa không rõ ràng là định nghĩa bằng cách tiếp xúc trực tiếp. Ví dụ, có người đề nghị bạn cho biết các đặc điểm của ngựa vằn, mà bạn gặp khó khăn khi giải thích bằng lời. Bạn có thể dẫn người đó ra sở thú, chỉ con vật được quan tâm và nói: “Đây là ngựa vằn”. Định nghĩa kiểu này có phần tương tự như định nghĩa dựa theo văn cảnh. Thay vì văn cảnh là một đoạn văn phản ánh tình huống, ở đó sử dụng khái niệm cho trước, thì ở đây, tình huống là tình huống thực tế: Sở thú, hàng rào, chuồng thú, các khách tham quan... và con ngựa vằn trong khung cảnh đó. Định nghĩa bằng cách tiếp xúc trực tiếp cũng giống với các định nghĩa dựa theo văn cảnh ở chỗ: Chúng thiếu sự trọn vẹn, đầy đủ và bị nhiễu. Người tiếp xúc có thể quan niệm rằng: Ngựa vằn là con vật bị nuôi nhốt, dùng làm cảnh cho mọi người xem và trông rất thụ động. Nói cách khác, ở đây có thể có sự nhầm lẫn giữa cái đơn lẻ (con ngựa vằn cụ thể) với cái chung (khái niệm “ngựa vằn”). Không phải tất cả các đối tượng của các khái niệm đều có thể định nghĩa theo kiểu tiếp xúc trực tiếp. Ví dụ, bạn có thể tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng như “hạt nhân”, “điện tử”, “trừu tượng”, “vô cùng”, “ma”... không? Ngoài các nhược điểm, định nghĩa tiếp xúc trực tiếp có ưu điểm gắn kết các đối tượng được định nghĩa với từ ngữ một cách sống động. Các từ ngữ không giúp tạo ra hình ảnh, âm thanh, xúc giác... về đối tượng là các từ ngữ bất lực và trống rỗng. Bây giờ chúng ta quay trở lại tìm hiểu nhiều hơn về các định nghĩa rõ ràng có dạng “A là B” (A = B) với A và B là hai khái niệm. Trong đó, A là khái niệm cần được định nghĩa (nội hàm của nó cần được làm rõ); B là khái niệm dùng để định nghĩa (dùng để làm rõ nội hàm của A). Khái niệm B thường bao gồm khái niệm C rộng hơn khái niệm A (C là loài kế liền trên đối với A) và D là các dấu hiệu đặc thù (các dấu hiệu của khái niệm giống A), giúp tách những đối tượng thuộc ngoại diên khái niệm A riêng ra. Cách định nghĩa vừa nêu được gọi là định nghĩa thông qua loài và sự khác nhau về giống. Ví dụ, “Tam giác đều (A) là tam giác có ba cạnh bằng nhau (B)”. Ở đây, A là “tam giác đều”; B gồm C là “tam giác” (“tam giác” là loài so với “tam giác đều”, hay nói khác đi, “tam giác đều” là giống của “tam giác”); D là “ba cạnh bằng nhau” (“ba cạnh bằng nhau” là các thuộc tính đặc thù của giống A – “tam giác đều”). Định nghĩa thông qua loài–giống là một trong những cách định nghĩa đơn giản và phổ biến nhất. Trong từ điển các loại, phần lớn các định nghĩa là thuộc loại này. Định nghĩa thông qua loài–giống đòi hỏi phải tuân theo những quy tắc định nghĩa nhất định: 1) Khái niệm cần được định nghĩa và khái niệm dùng để định nghĩa phải thay thế nhau được. Điều này có nghĩa, trong một đoạn văn chẳng hạn, lúc dùng khái niệm A, lúc thay thế bằng khái niệm B, tính đúng đắn của đoạn văn không vì thế mà thay đổi. 2) Ngoại diên của khái niệm cần được định nghĩa và ngoại diên của khái niệm dùng để định nghĩa phải như nhau. Nếu như ngoại diên của khái niệm dùng để định nghĩa rộng hơn ngoại diên của khái niệm cần được định nghĩa, chúng ta có loại sai lầm: Định nghĩa quá rộng. Ngược lại, nếu như ngoại diên của khái niệm dùng để định nghĩa hẹp hơn ngoại diên của khái niệm cần được định nghĩa, chúng ta có loại sai lầm: Định nghĩa quá hẹp. 3) Định nghĩa không được luẩn quẩn. Không được định nghĩa khái niệm thông qua chính nó một cách trực tiếp hay gián tiếp. Ví dụ, “Thơ là thơ, không phải là văn xuôi”, “Tranh của Picasso là tuyệt tác, vì ông là họa sỹ vĩ đại; Picasso là họa sỹ vĩ đại vì các bức tranh của ông ấy là tuyệt tác”. 4) Định nghĩa phải dễ hiểu đối với người cần sử dụng. Điều này có nghĩa, phần dùng để định nghĩa phải gồm các khái niệm, mà người cần sử dụng đã biết và hiểu trước đó. Đồng thời, phần dùng để định nghĩa không có những hình ảnh, biểu tượng mang tính ẩn dụ, đa nghĩa hoặc tối nghĩa. Ví dụ, định nghĩa kiểu: “Trẻ em là hoa của cuộc sống”, “Kiến trúc là âm nhạc ở thể tĩnh”, “Cơ hội đang đến với chúng ta là cơ hội để chúng ta trở thành Thánh Gióng” là vi phạm quy tắc này. 5) Định nghĩa không thể là phủ định. Bởi vì, khi phủ định khái niệm nào đó, người ta chưa khẳng định được điều gì, nếu như ở đó có nhiều khái niệm ngang hàng. Ví dụ, “Đen không phải là trắng”, nhưng không phải là trắng còn có rất nhiều màu sắc khác, mà đen chỉ là một màu trong số đó. 6) Định nghĩa phải ngắn gọn, hiểu theo nghĩa, không chứa những thuộc tính có thể suy ra lẫn nhau. Ví dụ, định nghĩa “Tam giác đều là tam giác có ba cạnh bằng nhau, ba góc bằng nhau và bằng sáu mươi độ” là thừa vì “tam giác có ba cạnh bằng nhau” đủ để suy ra các thuộc tính kia. 7) Định nghĩa phải chứa đầy đủ các thuộc tính bản chất của khái niệm. Đây là quy tắc không dễ thực hiện đối với tất cả các khái niệm. Bởi vì, như đã nói ở phần trên, các thuộc tính bản chất của khái niệm phức tạp không thể phát hiện đầy đủ và một lần là xong. Liệu bạn có thể nêu đầy đủ hết các thuộc tính bản chất của các khái niệm như “người”, “kinh tế”, “xã hội”, “hiện đại hóa”, “công bằng”, “dân chủ”, “văn minh”... được không? Ngoài những gì đã trình bày trong mục nhỏ này về định nghĩa khái niệm, người viết muốn lưu ý bạn đọc thêm một số điểm liên quan đến việc sử dụng các định nghĩa trong cuộc sống, công việc hàng ngày: - Các định nghĩa dùng trong thực tế thường kết hợp các yếu tố mô tả với các yếu tố mang tính yêu cầu đối với nội hàm của khái niệm được định nghĩa. Ví dụ, từ điển giải thích không chỉ mô tả các nghĩa (nội dung) của các từ, mà các từ đó cùng với các nghĩa của chúng nảy sinh dần dần trong suốt quá trình phát triển của một dân tộc. Các nhà soạn từ điển còn đề ra nhiệm vụ: Chấn chỉnh, chuẩn hóa các nghĩa thành yêu cầu đối với việc hiểu và sử dụng đúng các từ (khái niệm). Chẳng hạn, “Đại từ điển tiếng Việt”(Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, năm 1999) định nghĩa khái niệm “xuất sắc”: “Xuất sắc là tốt, giỏi, vượt trội hẳn so với bình thường”. Một mặt, định nghĩa vừa nêu mô tả các thuộc tính bản chất của khái niệm “xuất sắc”. Mặt khác, định nghĩa cũng yêu cầu người sử dụng khái niệm “xuất sắc” dùng cho đúng đối tượng và đối tượng chưa “xuất sắc” biết được yêu cầu để trở thành “xuất sắc” là như thế nào. Từ đây chúng ta có thể thấy, một lớp học có hầu hết học sinh là học sinh xuất sắc, lạm phát danh hiệu cá nhân và đơn vị xuất sắc chứng tỏ khái niệm “xuất sắc” đã bị dùng ra ngoài phạm vi áp dụng của nó, không còn chính danh nữa. Lẽ ra khi danh không chính thì ngôn không thuận. Rất tiếc, hiện nay, không ít từ tiếng Việt bị dùng sai định nghĩa có trong từ điển và nhiều người có danh hiệu “xuất sắc” cứ tự hào, tưởng mình là “xuất sắc” thật. Điều này rất nguy hiểm, vì con người suy nghĩ và giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ. Cái sai ngôn ngữ dẫn đến cái sai suy nghĩ, xúc cảm và hành động. Tóm lại, chức năng mô tả của định nghĩa cho biết đối tượng được định nghĩa có những đặc điểm gì và chức năng yêu cầu chỉ ra đối tượng được định nghĩa phải như thế nào mới đạt: - Định nghĩa là công cụ cần thiết để có được các khái niệm, phán đoán và sự suy luận dễ hiểu không chỉ cho mình mà cho cả những người khác, nhờ giải thích cái chưa biết thông qua những cái đã biết. Cũng giống như các công cụ nói chung, thao tác định nghĩa cũng có phạm vi áp dụng. Không thể định nghĩa mọi thứ cũng như không thể chứng minh mọi thứ. Định nghĩa thường không dùng đối với những đối tượng thấy rõ, hiển nhiên. Ví dụ, bạn thử định nghĩa chân, tay, anh, chị, em... của bạn xem. Thứ nhất, bạn thấy công việc định nghĩa trở nên rối rắm, phức tạp. Thứ hai, quan trọng hơn, bạn không thấy sự cần thiết phải định nghĩa những đối tượng kiểu như vậy vì khi bạn nói về chân, tay, anh, chị, em... của bạn, mọi người đều hiểu bạn rất tốt. - Mặt khác, cố gắng định nghĩa đối tượng vào lúc đối tượng đó còn ít được hiểu biết có thể dẫn đến sự ngộ nhận, thậm chí lạc hướng, cản trở nhận thức. Ví dụ, trong một thời kỳ lịch sử khá dài, nguyên tử được định nghĩa là hạt nhỏ nhất không thể phân chia thêm nữa. Nếu bạn tiếp tục giữ định nghĩa đó, bạn sẽ không nghĩ đến việc tìm hiểu cấu trúc bên trong của nguyên tử. Vật lý nguyên tử, hạt nhân, điện tử... không có cơ hội để ra đời và phát triển. Như chúng ta biết, cùng với sự phát triển của vật lý, định nghĩa vừa nêu là sai và bị thay thế bằng những định nghĩa khác, càng ngày, càng sâu sắc, phản ánh bản chất nguyên tử chính xác hơn. - Thực tế cho thấy, các định nghĩa chặt chẽ nhất, ổn định nhất là các định nghĩa của các đối tượng trừu tượng một cách lý tưởng trong các khoa học chính xác như toán học. Người ta dễ dàng định nghĩa hình vuông, hình tròn, hình tam giác, số chẵn, số lẻ... trong khi định nghĩa những đối tượng cụ thể, có thực với các tính chất đa dạng thì khó hơn rất nhiều. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, các định nghĩa của các khái niệm hình học, số học không thay đổi trong suốt hàng ngàn năm. Còn khái niệm điện tử, chỉ trong vài chục năm, đã có hàng chục định nghĩa khác nhau, thay thế nhau. - Chưa kể, trong các lĩnh vực tri thức khác nhau, các yêu cầu về định nghĩa cũng khác nhau. Ví dụ, không thể đòi hỏi đạo đức học, khoa học nghiên cứu các hiện tượng phức tạp của nhân cách, phải có được các định nghĩa chặt chẽ, chính xác như toán học. Định nghĩa là rất quan trọng, nhưng không nên cho rằng càng đưa vào nhiều định nghĩa thì lập luận của chúng ta càng trở nên rõ ràng, chính xác. Một lần nữa, chúng ta cần nhớ lại luận điểm “Chân lý luôn luôn là cụ thể” và khái niệm “Phạm vi áp dụng”. Nói chung, thao tác lôgích định nghĩa phát huy tác dụng trong khoảng giữa, bị chặn bởi đầu này là những đối tượng hiển nhiên không cần định nghĩa và đầu kia là những đối tượng còn ít hiểu biết, chưa chín muồi để định nghĩa. Ngoài ra, cần linh động trong việc sử dụng các hình thức định nghĩa cho thích hợp, tùy theo hoàn cảnh và mục đích cụ thể. Ví dụ, trong trường hợp cụ thể này cần dùng định nghĩa rõ ràng thông qua loài–giống. Trong trường hợp cụ thể khác, định nghĩa dựa theo văn cảnh thích hợp hơn. Trong trường hợp cụ thể khác nữa, định nghĩa bằng tiếp xúc trực tiếp lại đem đến ích lợi nhiều nhất. Việc khăng khăng đòi hỏi chỉ sử dụng định nghĩa rõ ràng thông qua loài–giống ở mọi nơi, mọi lúc là không phù hợp với sự đa dạng, gặp trong thực tế. Phân chia khái niệm là thao tác lôgích làm rõ ngoại diên khái niệm, bằng cách sắp xếp tất cả các đối tượng thuộc ngoại diên khái niệm bị phân chia thành các nhóm (gọi là các bộ phận phân chia) theo những dấu hiệu nhất định (gọi là cơ sở phân chia). Ví dụ, các tam giác có thể phân chia thành các nhóm: Các tam giác nhọn, các tam giác vuông, các tam giác tù (các bộ phận phân chia). Việc phân chia tiến hành theo dấu hiệu (cơ sở phân chia): Đặc trưng góc của tam giác. Như vậy, ngoại diên của khái niệm “tam giác” được phân chia thành ngoại diên của các khái niệm: “Tam giác nhọn”, “tam giác vuông”, “tam giác tù”. Trong trường hợp chung, khái niệm có ngoại diên bị phân chia chính là khái niệm‑loài, còn các khái niệm mới, có được như là kết quả của việc phân chia, là các khái niệm‑giống. Phân chia ngoại diên khái niệm‑loài thành các khái niệm‑giống tức là đi tìm các dấu hiệu (cơ sở phân chia) mà những dấu hiệu đó có ở những giống này và không có ở những giống khác. Điều này có nghĩa, sau khi phân chia, trong nội hàm của các khái niệm‑giống có các dấu hiệu của khái niệm‑loài và khái niệm‑giống này có các dấu hiệu khác với khái niệm‑giống kia. Ví dụ, nội hàm các khái niệm‑giống “tam giác nhọn”, “tam giác vuông”, “tam giác tù” có tất cả các dấu hiệu của nội hàm khái niệm‑loài “tam giác”. Đồng thời nội hàm khái niệm‑giống “tam giác nhọn” có dấu hiệu tất cả ba góc đều nhọn, là dấu hiệu mà nội hàm của hai khái niệm‑giống kia “tam giác vuông”, “tam giác tù” không có. Đến lượt mình, các khái niệm‑giống lại có thể trở thành đối tượng bị phân chia và... cứ như thế. Cách phân chia nhiều bậc, nhánh như vừa nêu là trường hợp riêng của phân chia khái niệm và gọi là sự phân loại theo nghĩa chặt chẽ nhất. Một dạng phân chia đặc biệt là phân đôi với cơ sở phân chia cực đoan: Có dấu hiệu đó và không có dấu hiệu đó. Ví dụ, thay vì phân chia mọi người thành nam và nữ; hoặc người lớn và trẻ em, phân đôi phân chia mọi người thành nam và không nam; người lớn và không người lớn. Tuy có ưu việt trong một số trường hợp, phân đôi khái niệm là cách phân chia nghèo nàn vì không quan tâm đến những dấu hiệu, đặc trưng cụ thể của một nửa kia của khái niệm bị phân chia. Nếu đem so sánh phân chia khái niệm với phép tính chia, chúng ta thấy có sự tương tự: Khái niệm bị phân chia (khái niệm‑loài) ứng với số bị chia; cơ sở phân chia – số chia; các bộ phận phân chia (khái niệm‑giống) – thương số (kết quả của phép tính chia). Phân chia khái niệm cần tuân theo các quy tắc sau: 1) Phân chia phải nhất quán theo một cơ sở. Quy tắc này đòi hỏi, dấu hiệu hoặc tập hợp các dấu hiệu được chọn làm cơ sở phân chia phải không được thay đổi, thay thế bằng các dấu hiệu khác trong suốt quá trình phân chia. Ví dụ, lúc đầu khí hậu phân chia theo dấu hiệu nhiệt độ trung bình năm, người thực hiện phân chia thu được: Khí hậu lạnh, ôn hòa và nóng. Sau đó, khí hậu lại phân chia theo dấu hiệu địa lý và thu được: Khí hậu biển, lục địa. Kết quả cuối cùng của quá trình phân chia thu được: Khí hậu lạnh, ôn hòa, nóng, biển, lục địa. Cách phân chia trong ví dụ này đã vi phạm quy tắc một. 2) Phân chia phải hợp tỷ lệ (còn gọi là cân đối hoặc sử dụng hết). Điều này có nghĩa, tổng ngoại diên của các bộ phận phân chia (các khái niệm‑giống) phải bằng ngoại diên của khái niệm bị phân chia (khái niệm‑loài). Đòi hỏi này ngăn ngừa khả năng bỏ quên, bỏ sót bộ phận phân chia nào đó. Ví dụ, phân chia các tam giác chỉ thành các tam giác nhọn, vuông sẽ bỏ sót các tam giác tù; phân chia mọi người thành trình độ văn hóa tiểu học, trung học, đại học có thể sẽ bỏ quên những người không đi học. 3) Các bộ phận phân chia (các khái niệm‑giống) phải loại trừ lẫn nhau. Theo quy tắc này, mỗi đối tượng thuộc ngoại diên khái niệm‑loài phải thuộc ngoại diên của chỉ một khái niệm‑giống và không thuộc ngoại diên của các khái niệm‑giống khác. Ví dụ, tam giác vuông cụ thể nào đó sẽ thuộc ngoại diên của khái niệm‑giống “tam giác vuông” và không thuộc ngoại diên của các khái niệm‑giống “tam giác nhọn” và “tam giác tù”. Nói cách khác, các ngoại diên của các khái niệm‑giống không giao nhau. Do vậy, cách phân chia sau bị xem là sai vì vi phạm quy tắc ba: Phân chia mọi người thành những người thích xem phim và những người thích xem kịch mà trong số đó còn có cả những người vừa thích xem phim, vừa thích xem kịch. 4) Phân chia phải liên tục. Quy tắc này đòi hỏi phải phân chia tuần tự từ khái niệm‑loài sang các khái niệm‑giống kế tiếp liền kề chứ không được “nhảy cóc” sang các khái niệm‑giống của các bậc thấp hơn. Ví dụ, động vật có xương sống phân chia thành các lớp: Cá, lưỡng cư, bò sát, chim và có vú. Sau đó, từng lớp nói trên có thể phân chia thành các khái niệm‑giống kế tiếp như cá thành cá có vảy, cá không có vảy... Cách phân chia vừa nói tuân theo quy tắc bốn. Còn cách phân chia sau sẽ là không liên tục: Động vật có xương sống được phân chia thành cá có vảy, cá không vảy, lưỡng cư, bò sát, chim và có vú. Ở đây, có sự “nhảy cóc”, bỏ qua khái niệm‑giống “cá”, là khái niệm‑giống kế liền dưới khái niệm‑loài “động vật có xương sống”. Dưới đây là một số điểm lưu ý về phân chia khái niệm: - Phân chia khái niệm là thao tác lôgích thường dùng trong lập luận. Khi định nghĩa khái niệm, chúng ta tập trung làm rõ nội hàm của nó thông qua các dấu hiệu (các thuộc tính bản chất) của đối tượng được định nghĩa. Thực hiện phân chia khái niệm, chúng ta có được cái nhìn tổng quan, chi tiết hơn về các đối tượng tạo nên ngoại diên của khái niệm. Như vậy, định nghĩa khái niệm và phân chia khái niệm bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Ví dụ, với định nghĩa khái niệm “tam giác”, bạn nhận dạng được tam giác thông qua các thuộc tính bản chất của nó. Với phân chia khái niệm “tam giác”, bạn thấy được sự đa dạng của tam giác như tam giác thường, cân, đều; tam giác nhọn, vuông, tù. - Cần phân biệt phân chia khái niệm với phân chia đối tượng nào đó một cách “cơ học”. Ví dụ, cây phân chia thành cây lá rộng, cây lá kim, là phân chia khái niệm (lôgích). Còn phân chia cây thành tán lá, thân và rễ là phân chia “cơ học”. Phân chia “cơ học” là phân chia đối tượng ra các bộ phận cấu thành. Trong đó, mỗi bộ phận cấu thành không phải là chính đối tượng: Tán lá, thân và rễ đứng riêng không phải là cây. Cây lá rộng hoặc cây lá kim đứng riêng, trong phân chia khái niệm, vẫn là cây. - Phân loại, với tư cách là trường hợp riêng của phân chia lôgích, được sử dụng rộng rãi trong khoa học. Cũng chính tại đây, người ta có được những phân loại phức tạp, chặt chẽ và hoàn thiện nhất. Phân loại khoa học giúp hệ thống hóa sự đa dạng, phát hiện các mối liên kết mang tính quy luật giữa các đối tượng ngoại diên. Từ đó, các nhà nghiên cứu có những dự báo về các tính chất của các đối tượng ngoại diên đã biết và cả về sự tồn tại những đối tượng ngoại diên chưa biết cùng các tính chất của chúng. Một trong các ví dụ tiêu biểu về phân loại khoa học là hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Đ.Y. Menđeleev. Lịch sử phát triển “Bảng tuần hoàn” với những ô trống của các nguyên tố hóa học cùng các tính chất của chúng được dự báo trước, dần dần được lấp đầy bởi sự phát hiện các nguyên tố đó trong thực tế, đã chứng minh một cách thuyết phục về các ích lợi của phân loại trong khoa học. Tuy nhiên, chúng ta không nên tuyệt đối hóa vai trò của việc phân loại vì nhiều lý do. Thứ nhất, cái gọi là các dấu hiệu bản chất dùng làm cơ sở để phân loại có thể thay đổi theo thời gian, do các nhà nghiên cứu hiểu biết bản chất các đối tượng ngày càng tốt hơn. Thứ hai, hiện thực khách quan luôn ở trong trạng thái vận động, tiến hóa, phát triển, do vậy, những biên giới rạch ròi giữa các khái niệm‑giống trong khái niệm‑loài không phản ánh chính xác hiện thực khách quan như hiện thực khách quan vốn có. Ví dụ, người ta tìm được trên thực tế những đối tượng có những dấu hiệu vừa thuộc giống này, vừa thuộc giống kia, hoặc những đối tượng nằm ở chính biên giới của các giống. Thứ ba, có thể có những sai lầm trong việc diễn giải sự phân loại. Ví dụ, phân loại người theo nhóm máu rồi đi đến kết luận về sự phụ thuộc giữa trí thông minh và nhóm máu. Tóm lại, rất cần sự chú ý và thận trọng trong cả quá trình thực hiện phân loại và diễn giải các kết quả thu được từ phân loại, để có được các kết luận đúng. - Trong thực tế cuộc sống, công việc, phân chia khái niệm diễn ra không chặt chẽ như trong khoa học và vẫn được mọi người tiếp nhận vì những ích lợi nhất định. Ví dụ, bước vào hiệu sách, bạn thấy các chỗ để sách phân loại như: Sách văn học, khoa học, kỹ thuật, ngoại ngữ, từ điển, lớp 1, lớp 2,..., lớp 12, đại học. Nhìn theo quan điểm phân chia lôgích, ở đây có vấn đề vi phạm các quy tắc phân chia như quy tắc một: Phân chia phải nhất quán theo một cơ sở; quy tắc ba: Các bộ phận phân chia (các khái niệm‑giống) phải loại trừ nhau. Cụ thể, cơ sở phân chia theo lĩnh vực chuyên môn (văn học, khoa học, kỹ thuật...) khác cơ sở phân chia theo trình độ văn hóa (lớp 1, lớp 2,..., lớp 12, đại học). Quyển sách vật lý lớp 12 chẳng hạn, vừa thuộc khái niệm‑giống “sách khoa học”, vừa thuộc khái niệm‑giống “sách lớp 12”. Giả sử, sách trong hiệu sách được phân chia rất lôgích, chỉ theo dấu hiệu chuyên môn. Trong khi cái mà bạn muốn mua là một số hoặc trọn bộ sách giáo khoa lớp 12, bạn sẽ thấy bất tiện như thế nào, khi phải tìm lần lượt các kệ bày, thu gom từng quyển sách. Qua ví dụ vừa nêu, người viết muốn lưu ý bạn đọc tránh cực đoan: Lúc nào cũng đòi hỏi phải phân chia lôgích một cách chặt chẽ. Phân chia không phải vị phân chia, phân chia nhằm phục vụ cho mục đích nào đó, đối tượng sử dụng nào đó, nhằm giải quyết vấn đề nào đó. Trong cuộc sống, công việc hàng ngày, các mục đích, đối tượng sử dụng sự phân chia khái niệm rất đa dạng, do vậy, sự phân chia cũng phải rất đa dạng về cơ sở phân chia, tổ hợp của chúng... Bạn đừng ngại, nếu như có những tình huống, để đạt mục đích tốt, giải quyết được vấn đề và ra quyết định đúng, bạn phải vi phạm một hay vài quy tắc phân chia lôgích, như ví dụ về hiệu sách nêu ở trên. Có những lúc bạn cần cả sự phân chia không lôgích để tạo những hiệu ứng cần thiết như tạo tò mò, lôi cuốn sự chú ý, gây cười... Tóm lại, phân chia lôgích cũng có phạm vi áp dụng của nó và không nên dùng nó ra ngoài phạm vi áp dụng đó. 8.4.1. Định nghĩa, cấu trúc và hình thức ngôn ngữ của phán đoán Phán đoán là ý nghĩ liên kết các khái niệm lại với nhau và có dạng khẳng định: Khái niệm này là khái niệm kia, hoặc phủ định: Khái niệm này không là khái niệm kia. Phán đoán có thể đúng, có thể sai. Ví dụ, phán đoán khẳng định: “Hình dạng của Trái Đất là hình cầu” (phán đoán đúng). Phán đoán phủ định: “Học sinh A không là học sinh kém”. Nếu trên thực tế A là học sinh kém thì phán đoán này là sai. Ý nghĩ–khái niệm được hình thức hóa bằng từ (cụm từ). Ý nghĩ– phán đoán (liên kết các khái niệm) có hình thức là một câu (mệnh đề) khẳng định hoặc phủ định. Mỗi câu (phán đoán) có ba bộ phận: Chủ từ (trong lôgích học ký hiệu là S), liên từ lôgích (sẽ gọi tắt là liên từ) và thuộc từ (từ chỉ thuộc tính ký hiệu là P). Trong hai ví dụ về phán đoán ở trên, Trái Đất và học sinh A là những chủ từ (S); là, không là – những liên từ; hình cầu, kém – những thuộc từ (P). Chúng ta có thể thấy, chủ từ phản ánh đối tượng mà bạn nghĩ đến; thuộc từ phản ánh thuộc tính của đối tượng; liên từ cho biết cách liên kết (khẳng định hay phủ định) chủ từ với thuộc từ. Trong trường hợp chung, phán đoán lôgích có cấu trúc: - S là P đối với phán đoán khẳng định. - S không (phải) là P đối với phán đoán phủ định. Hình thức của phán đoán là câu nhưng câu–phán đoán lôgích và câu của ngôn ngữ tự nhiên (đời thường) có nhiều điểm khác nhau, không thể đồng nhất chúng với nhau. Bởi vì, lôgích học không nghiên cứu ngôn ngữ và các quy luật, quy tắc trong lôgích hình thức không giống như các quy luật, quy tắc trong ngôn ngữ. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý về sự khác nhau đó: - Trong khi câu–ngôn ngữ có nhiều loại thì câu–phán đoán chỉ quan tâm hai loại câu khẳng định và phủ định. Do vậy, những câu không thuộc hai loại trên như nghi vấn, mệnh lệnh, khuyên bảo... không được coi là các phán đoán. Ví dụ, các câu như “Liệu có nền văn minh ngoài Trái Đất không?”, “Anh làm ơn ra ngoài chờ tôi một lát!”, “Chị nên tìm đọc sách dạy nấu ăn!”... không phải là các phán đoán. - Câu–ngôn ngữ có nhiều hình thức để diễn đạt cùng một ý nghĩ. Ví dụ, để diễn tả “Hình dạng Trái Đất là hình cầu”, có nhiều cách như “Trái Đất tròn”, “Quả Đất giống quả cam”, “Hành tinh của chúng ta là quả cầu xanh”, “Quả cầu xanh”, “Nó tròn”... - Có nhiều bẫy trong ngôn ngữ dẫn đến sự hiểu lầm (xem mục nhỏ 6.4.3. Ngôn ngữ, ký hiệu, hình vẽ của quyển hai). - Ngôn ngữ phục vụ nhiều mục đích. Do vậy, có những trường hợp, để đạt mục đích, ngôn ngữ không quan tâm đến các thao tác lôgích, thậm chí, cố ý tạo ra sự phi lôgích. Các mục đích loại này thường gặp trong văn học, quảng cáo, chuyện vui, ngụy biện, nghịch lý. - Ngôn ngữ do con người sáng chế ra và sử dụng hàng ngày, không chỉ diễn tả ý nghĩ, mà còn phản ánh các hiện tượng tâm lý khác như nhu cầu, xúc cảm, mong muốn (thói quen) tự nguyện (xem mục nhỏ 5.7.1. Mô hình nhu cầu–hành động của quyển hai), nên rất chủ quan, mang tính chọn lọc. Trong khi đó, tư duy lôgích có nhiệm vụ phản ánh đúng khía cạnh của hiện thực khách quan, được con người suy nghĩ quan tâm. Tính đến và chú ý sự khác nhau giữa các thao tác tư duy lôgích có sử dụng ngôn ngữ với chính ngôn ngữ, giúp người suy nghĩ khai thác những mặt mạnh của ngôn ngữ và lôgích, đồng thời tránh những sai lầm không đáng có về ngôn ngữ và lôgích. I. Phán đoán đơn Phán đoán đơn là phán đoán chỉ có một chủ từ (một khái niệm) và một thuộc từ (một khái niệm khác). Dưới đây là một số cách phân loại của phán đoán đơn: 1) Phân loại phán đoán theo nội hàm của thuộc từ: 1a) Phán đoán thuộc tính là phán đoán về thuộc tính (dấu hiệu) của đối tượng. Ví dụ, “Trái Đất có dạng cầu”. 1b) Phán đoán quan hệ là phán đoán chỉ ra quan hệ giữa các đối tượng hoặc giữa các thuộc tính (dấu hiệu) của chúng. Ví dụ,”Trái Đất lớn hơn Mặt Trăng”. 1c) Phán đoán tồn tại là phán đoán khẳng định hoặc phủ định sự tồn tại của đối tượng. Ví dụ, “Không tồn tại nền văn minh ngoài Trái Đất”. 2) Phân loại phán đoán theo quan hệ với hiện thực: 2a) Phán đoán khả năng là phán đoán phản ánh những điều có thể đúng hoặc sai, chưa biết một cách chắn chắn. Ví dụ, “Mùa đông này có thể ấm”, “Có thể đã có con người sống ở đây”, “Máy tính có thể bán hết trong tuần sau”. 2b) Phán đoán thực là phán đoán phản ánh tình trạng có thực của đối tượng trong quá khứ và hiện tại. Ví dụ, “Bạn An năm ngoái cao 1,57 mét”, “Bạn Hoa có nước da trắng”. 2c) Phán đoán tất yếu là phán đoán khẳng định hoặc phủ định một cách chắc chắn dựa trên những hiểu biết mang tính quy luật. Ví dụ, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Hết mưa, trời lại sáng”. Người ta còn phân loại phán đoán theo chất, lượng, chất và lượng. 1) Phân loại phán đoán theo chất: Chất ở đây được hiểu là sự khác nhau giữa “có thuộc tính đó” và “không có thuộc tính đó”. Do vậy, phân loại phán đoán theo chất, người ta có hai loại sau: 1a) Phán đoán khẳng định với công thức “S là P”. 1b) Phán đoán phủ định với công thức “S không là P”. 2) Phân loại phán đoán theo lượng: Lượng ở đây được hiểu là số lượng. Phân loại phán đoán theo lượng, trên thực tế là phân loại phán đoán theo số lượng các đối tượng thuộc ngoại diên của chủ từ. Người ta có ba loại sau: 2a) Phán đoán toàn thể (còn gọi là phán đoán chung) là phán đoán chỉ ra toàn bộ các đối tượng thuộc ngoại diên chủ từ đều có cùng một thuộc tính nào đó. Ví dụ, “Mọi người đều phải chết”, “Bất kỳ sinh vật sống nào cũng phải trao đổi chất”. Phán đoán toàn thể có công thức: “Mọi S là P” hoặc “Mọi S không là P”. 2b) Phán đoán bộ phận là phán đoán chỉ ra rằng, chỉ có một số đối tượng thuộc ngoại diên chủ từ có thuộc tính cho trước. Ví dụ, “Một số học sinh là học sinh giỏi”, “Có những sinh vật chịu lạnh rất tốt”. Phán đoán bộ phận có công thức: “Một số S là P” hoặc “Một số S không là P”. 2c) Phán đoán đơn nhất là phán đoán chỉ ra thuộc tính của chủ từ, mà ngoại diên của chủ từ chỉ bao gồm một đối tượng. Ví dụ, “Học sinh A là học sinh giỏi”, “Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất”. 3) Phân loại phán đoán theo chất và lượng: Đây là phân loại kết hợp 1) và 2). Điều này có thể làm được vì phán đoán nào cũng hàm chứa thuộc tính P và số lượng S. Nếu xem trường hợp 2c) Phán đoán đơn nhất như trường hợp đặc biệt của phán đoán bộ phận, chúng ta có bảng sau: Hình 94: Bảng hình thái phân loại phán đoán theo chất và lượng Phân loại phán đoán theo chất và lượng có dạng chung sau: Cc – Ll với c, l = 1, 2. Từ đây, chúng ta có bốn loại phán đoán: 3a) C1 – L1là phán đoán khẳng định toàn thể và ký hiệu là A. 3b) C2 – L1là phán đoán phủ định toàn thể và ký hiệu là E. 3c) C1 – L2là phán đoán khẳng định bộ phận và ký hiệu là I. 3d) C2 – L2là phán đoán phủ định bộ phận và ký hiệu là O. Trong lôgích học, bốn phán đoán trên gọi là bốn phán đoán cơ bản và các ký hiệu A, E, I, O tương ứng với chúng được sử dụng rộng rãi. Phán đoán phức là phán đoán bao gồm các phán đoán đơn, liên kết với nhau bằng các liên từ lôgích. Phán đoán phức có thể phân thành các loại sau: 1) Phán đoán kết hợp Đây là phán đoán phức, tạo thành từ các phán đoán đơn, liên kết với nhau bằng liên từ lôgích “và”. Ví dụ, từ hai phán đoán đơn “Hà thích bóng chuyền”; “Minh thích bóng đá”, ta có phán đoán kết hợp: “Hà thích bóng chuyền và Minh thích bóng đá”. Đối với phán đoán kết hợp, chỉ khi các phán đoán đơn đồng thời đều đúng thì phán đoán kết hợp mới đúng. Nó sẽ sai khi ít nhất có một phán đoán đơn sai. 2) Phán đoán lựa chọn Phán đoán lựa chọn, tạo thành từ các phán đoán đơn, liên kết với nhau bằng liên từ lôgích “hoặc”. Đi vào cụ thể, phán đoán lựa chọn lại chia thành: 2a) Phán đoán lựa chọn kết hợp Ở đây, sự lựa chọn có khả năng kết hợp với nhau chứ không phải loại trừ nhau. Ví dụ, “Sản xuất hàng hóa có thể nộp thuế bằng tiền hoặc hiện vật”. Người nộp thuế có quyền lựa chọn tiền hoặc hiện vật; hoặc kết hợp phần này nộp tiền và phần kia nộp hiện vật. 2b) Phán đoán lựa chọn tuyệt đối Lúc này, sự lựa chọn là hoặc cái này, hoặc cái kia vì chúng loại trừ nhau. Ví dụ, “8 giờ sáng mai tôi sẽ đi xe lửa hoặc máy bay ra Hà Nội”. Trong ví dụ này, không thể vừa đi xe lửa, vừa đi máy bay ra Hà Nội được. 3) Phán đoán có điều kiện Phán đoán có điều kiện, tạo thành từ các phán đoán đơn, liên kết với nhau bằng liên từ lôgích “Nếu... thì...”. Ví dụ, “Nếu bật máy lạnh thì phòng mát”. Trong phán đoán có điều kiện, có sự phản ánh quan hệ nhân quả. Hình 95 mô tả quan hệ giữa các phán đoán cơ bản (xem mục nhỏ 8.4.2. Các loại phán đoán, phần I.3) Phân loại phán đoán theo chất và lượng). Hình 95: Quan hệ giữa các phán đoán cơ bản (hình vuông lôgích hay còn gọi là hình vuông các mặt đối lập) Các phán đoán đơn so sánh được là các phán đoán đơn có cùng chủ từ và thuộc từ nhưng khác nhau về chất hoặc lượng; hoặc cả chất và lượng của chúng. Để dễ trình bày quan hệ giữa các phán đoán cơ bản, người viết sử dụng các ví dụ cụ thể: A (Phán đoán khẳng định toàn thể), ví dụ, “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình”. E (Phán đoán phủ định toàn thể), ví dụ, “Tất cả học sinh lớp này không là học sinh trên trung bình”. I (Phán đoán khẳng định bộ phận), ví dụ, “Một số học sinh lớp này là học sinh trên trung bình”. O (Phán đoán phủ định bộ phận), ví dụ, “Một số học sinh lớp này không là học sinh trên trung bình”. Chúng ta có thể thấy: - Quan hệ giữa A và I là quan hệ lệ thuộc (bao hàm). Điều này có nghĩa, cái đã khẳng định đúng với toàn thể cũng khẳng định đúng với bộ phận. Còn khi biết bộ phận được khẳng định đúng thì không thể kết luận toàn thể đúng hay sai được. Còn nếu I là sai thì A cũng sai. Nếu A “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là đúng thì I “Một số học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” đương nhiên là đúng. Nếu I “Một số học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là đúng thì không thể kết luận A “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” đúng hay sai. Nếu I “Một số học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là sai thì A “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là sai. Vì, “một số” còn chưa đạt thì làm sao có thể có “tất cả”. Tóm lại, trong quan hệ A–I: Toàn thể đúng thì bộ phận cũng đúng; nếu toàn thể sai thì bộ phận có thể sai hoặc đúng; bộ phận sai thì toàn thể cũng sai; bộ phận đúng thì chưa đủ để kết luận toàn thể đúng hay sai. - Tương tự như A và I, quan hệ giữa E và O là quan hệ lệ thuộc (bao hàm). Bạn đọc thử tự kiểm tra. - Quan hệ giữa A và E là quan hệ đối chọi trên cho toàn thể. Trong quan hệ đối chọi trên, nếu cái này đúng thì cái kia sai chứ không thể cùng đúng. Nếu đi từ một cái sai thì không thể biết cái kia sai hay đúng. Chúng có thể cùng sai. Quả thật, nếu phán đoán A “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là đúng thì E “Tất cả học sinh lớp này không là học sinh trên trung bình” là sai và ngược lại, E đúng thì A sai. Còn nếu A sai hoặc E sai, không thể kết luận E đúng hoặc A đúng. Có thể A và E cùng sai, vì trong lớp có một số em trên trung bình, trung bình và số em còn lại dưới trung bình. - Quan hệ giữa I và O là quan hệ đối chọi dưới cho bộ phận: Các phán đoán đối chọi dưới có thể cùng đúng. Rõ ràng, I “Một số học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” và O “Một số học sinh lớp này không là học sinh trên trung bình” đều có thể đúng. Trường hợp này được mô tả trên Hình 96. Hình 96: Quan hệ có thể cùng đúng giữa I và O Tuy nhiên, từ phán đoán này đúng không thể suy ra phán đoán kia là đúng hay sai, vì còn phụ thuộc vào phán đoán A. Ví dụ, nếu I đúng thì O có thể đúng, khi rơi vào trường hợp mô tả trên Hình 96 (A là sai); O có thể sai, khi A “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là đúng. Tương tự như vậy với trường hợp O đúng thì I có thể đúng hoặc sai. Bạn đọc có thể tự mình kiểm tra. Trong khi đó, nếu I sai thì suy ra O đúng và nếu O sai thì suy ra I đúng. Ví dụ, nếu I “Một số học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là sai. Điều này có nghĩa: Không có học sinh nào trong lớp này là học sinh trên trung bình, hoặc có các nghĩa: 1) Tất cả học sinh lớp này là học sinh từ trung bình trở xuống (trung bình và dưới trung bình); 2) Tất cả học sinh lớp này là học sinh trung bình; 3) Tất cả học sinh lớp này là học sinh dưới trung bình. Do vậy, O “Một số học sinh lớp này không là học sinh trên trung bình” là đúng: Luôn luôn có thể tìm được một số học sinh từ trung bình trở xuống (trung bình và dưới trung bình; hoặc chỉ có trung bình; hoặc chỉ có dưới trung bình, tùy theo trường hợp cụ thể). Bạn đọc tự mình kiểm tra trường hợp nếu O sai thì suy ra I đúng. Cũng từ những gì trình bày về quan hệ giữa I và O ở trên, chúng ta thấy I và O không thể cùng sai. Tóm lại, quan hệ đối chọi dưới giữa I và O là quan hệ có thể cùng đúng; cái này đúng thì cái kia chưa rõ, cái kia đúng thì cái này chưa rõ; cái này sai thì cái kia đúng, cái kia sai thì cái này đúng; không thể cùng sai. - Quan hệ giữa A và O là quan hệ mâu thuẫn. Trong quan hệ mâu thuẫn, nếu cái này đúng thì cái kia sai và ngược lại, cái này sai thì cái kia đúng. Các phán đoán mâu thuẫn không thể cùng đúng; không thể cùng sai. Ví dụ, nếu A “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là đúng thì O “Một số học sinh lớp này không là học sinh trên trung bình” là sai. Ngược lại, nếu A “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình” là sai thì O “Một số học sinh lớp này không là học sinh trên trung bình” là đúng. Tương tự, nếu giả thiết O đúng thì A sẽ sai và O sai thì A sẽ đúng. - Quan hệ giữa E với I cũng là quan hệ mâu thuẫn. Bạn đọc có thể tự kiểm tra. Các phán đoán đơn không so sánh được là các phán đoán có chủ từ hoặc thuộc từ khác nhau. Ví dụ: A: “Tất cả học sinh lớp này là học sinh trên trung bình”. E: “Tất cả học sinh lớp này không là học sinh Việt Nam”. I: “Một số cây trong vườn này là do các em học sinh trên trung bình trồng”. O: “Một số cây trong vườn này không là cây mít”. Các phán đoán phức có thể so sánh được là các phán đoán phức có cùng số phán đoán đơn tạo thành và giống nhau, chỉ khác nhau về liên từ lôgích. Các phán đoán phức không so sánh được là các phán đoán phức vi phạm các điều kiện đã nói ở trên. 8.5.1. Định nghĩa, cấu trúc và các dạng suy luận Suy luận (còn gọi là suy lý) được xem là hình thức thứ ba của suy nghĩ, cùng với hai hình thức khác là khái niệm và phán đoán, đã trình bày trong các mục trước. Suy nghĩ, giao tiếp của mọi người bằng ngôn ngữ trong đời sống và công việc đòi hỏi phải có những phán đoán (câu ngôn ngữ) mang tính thuyết phục. Nói cách khác, trừ những phán đoán là kết quả của linh tính (trực giác) không nhận biết, các phán đoán phải có cơ sở hợp lý, giải thích được. Có thể kể ra ba cơ sở hợp lý của các phán đoán: 1) Dựa trên kinh nghiệm của các giác quan như cảm giác, tri giác, biểu tượng tâm lý (xem mục nhỏ 6.4.2. Tiếp thu thông tin và các mức độ hiểu của quyển hai). Ví dụ, “Bông hoa này màu đỏ”, “Trời đang mưa”. 2) Dựa trên sự quy ước, thỏa thuận về nghĩa của các từ ngữ cụ thể. Ví dụ, để lý lẽ hóa các phán đoán “Một mét có một trăm xentimét”, “Đối thoại không phải là một người nói”, bạn có thể viện dẫn lời giải thích (định nghĩa) có trong từ điển. 3) Dựa trên các phán đoán khác đã được công nhận là đúng hoặc đã được công nhận là có cơ sở hợp lý. Kiểu lý lẽ hóa này luôn là quá trình suy luận nhất định. Ví dụ, phán đoán “Bây giờ trời nóng” có thể được lý lẽ hóa dựa trên cơ sở cảm giác. Nhưng phán đoán này cũng có thể được lý lẽ hóa dựa trên cơ sở suy luận như: Bây giờ là mùa hè, mà mùa hè thì luôn có nhiệt độ cao nhất trong năm. Theo nghĩa rộng, suy luận là thao tác lôgích, nhờ nó mà từ một hoặc vài phán đoán được tiếp nhận ban đầu (tiền đề), người suy nghĩ thu được phán đoán mới (kết luận, hệ quả). Như vậy, suy luận là quá trình nhận thức hiện thực một cách gián tiếp chứ không phải trực tiếp thông qua các giác quan. Suy luận có cấu trúc gồm ba phần (bộ phận, yếu tố): Tiền đề, cách lập luận và kết luận. Tiền đề có thể là một hoặc nhiều phán đoán, được xem là chân thực. Cách lập luận là phương pháp tư duy lý lẽ hóa quá trình dẫn dắt từ tiền đề đến kết luận. Kết luận là phán đoán mới có được nhờ cách lập luận. Kết luận là nội dung hiểu biết mới không thấy rõ ngay trong các phán đoán tiền đề. Suy luận trong thực tế có thể đúng, có thể sai, mặc dù, người suy nghĩ luôn mong suy luận, đặc biệt, kết luận của mình là đúng. Để có suy luận đúng, cần những điều kiện cụ thể và cần tuân theo các quy luật, quy tắc lôgích. Những vấn đề này sẽ được trình bày trong các mục nhỏ tiếp theo. Suy luận có hai dạng cơ bản: Suy luận diễn dịch và suy luận quy nạp. Ngoài ra, còn có dạng suy luận quy nạp đặc biệt: Suy luận dựa trên sự tương tự, được gọi tắt là suy luận tương tự hoặc phép tương tự. Suy luận diễn dịch là suy luận với cách lập luận đi từ tiền đề phản ánh hiểu biết chung, đến kết luận phản ánh hiểu biết riêng. Ví dụ: - Nếu mưa, đất ướt; mưa, vậy đất ướt. - Tất cả chất lỏng có tính đàn hồi; nước là chất lỏng, cho nên, nước có tính đàn hồi. - Nếu ngày bắt đầu, thì thấy ánh sáng mặt trời; không thấy ánh sáng mặt trời, điều này có nghĩa, ngày còn chưa bắt đầu. Điểm đặc biệt của suy luận diễn dịch về mặt nguyên tắc là: Từ tiền đề đúng, nó luôn dẫn đến kết luận đúng, khi cách lập luận tuân theo các quy luật, quy tắc lôgích. Nói cách khác, trong suy luận diễn dịch đúng, tính chân lý của tiền đề luôn bảo đảm tính chân lý của kết luận mà không cần phải dùng các phương tiện khác để có kết luận như linh tính, thực hiện thí nghiệm, thực nghiệm. Thực tế cuộc sống, công việc cho thấy, trong suy nghĩ và giao tiếp, người ta không hay dùng suy luận diễn dịch dưới dạng đầy đủ. Thường thường các phán đoán tiền đề không được trình bày hết mà chỉ một số. Những phán đoán tiền đề còn lại bị bỏ qua, đặc biệt, những phán đoán tiền đề được coi là đã biết một cách rộng rãi (ai cũng biết). Ở đây, cần có sự hiểu ngầm về các phán đoán tiền đề bị bỏ qua. Ngay cả các kết luận rút ra từ các phán đoán tiền đề, nhiều khi, cũng không được phát biểu một cách rõ ràng. Còn cách lập luận (mối liên hệ lôgích giữa tiền đề và kết luận) chỉ thỉnh thoảng mới được đánh dấu bằng những từ, tương tự như các từ “cho nên”, “có nghĩa là”. Không hiếm trường hợp, suy luận diễn dịch bị rút gọn đến mức, người thực hiện và người tiếp nhận không phải dễ dàng khôi phục lại tất cả các bộ phận, mối liên kết của toàn bộ quá trình diễn dịch. Điều này có thể hiểu được vì, thực hiện đầy đủ suy luận diễn dịch mà không rút gọn, không bỏ qua bất kỳ yếu tố, mối liên kết nào, là công việc nặng nề, mất nhiều thời gian. Chưa kể, do những lý do tế nhị, người nào trình bày đầy đủ, nhiều khi, bị quy kết là sách vở, quá cầu toàn hoặc có thái độ coi thường trình độ của người tiếp nhận. Do vậy, mỗi khi có nghi ngờ về tính lý lẽ hóa chặt chẽ của kết luận, bạn cần rà soát lại từ đầu quá trình suy luận diễn dịch và cố gắng khôi phục lại nó càng đầy đủ càng tốt. Nếu không làm điều đó, bạn sẽ khó, thậm chí không phát hiện ra sai lầm mà bạn hoặc người đối thoại đã phạm phải. Các sơ đồ (công thức) suy luận diễn dịch đúng (kể cả tam đoạn luận kiểu “Mọi người đều phải chết; Socrates là người, vậy, Socrates phải chết”) có nhiều (xem lại các phần trước, ví dụ, Hình 95: Quan hệ giữa các phán đoán cơ bản (hình vuông lôgích hay còn gọi là hình vuông các mặt đối lập) của mục nhỏ 8.4.2. Các loại phán đoán). Dưới đây là bốn loại sơ đồ diễn dịch khá phổ biến: 1) “Nếu PA, thì PB; PA, cho nên PB”, trong đó PA, PBlà các phán đoán. Công thức này cho biết, dù PA, PBlà các phán đoán với bất kỳ nội dung cụ thể gì, miễn chúng là đúng, thì kết luận là đúng. Ví dụ, “Nếu một người có thân nhiệt cao (PA), thì người đó bị bệnh (PB); người này có thân nhiệt cao (PA), do vậy, người đó bị bệnh (PB)”. 2) “Nếu PA, thì PB; PB không đúng, có nghĩa PA không đúng”. Ví dụ, “Nếu làm nóng nước đá, nó sẽ chảy; nước đá không chảy, có nghĩa, nó không bị làm nóng”. 3) “Không PA nào là PB; PA, vậy, không là PB”. Ví dụ, “Không người nào là chó; anh X là người, vậy anh X không phải là chó”. 4) “Không PA nào là PB; PB, vậy, không là PA”. Ví dụ, “Không người nào là chó; con Vàng là chó, vậy, nó không phải là người”. Những suy luận không đúng là những suy luận với cách lập luận không tuân theo các quy luật, quy tắc lôgích. Do vậy, dù người suy luận xuất phát từ các phán đoán tiền đề đúng, các kết luận rút ra là sai. Dưới đây là hai cách lập luận sai: 1) “Nếu PA, thì PB; PB, do vậy PA”. Công thức này cho biết, có những phán đoán cụ thể PA, PB đúng làm cho kết luận thu được từ tiền đề đúng trở thành sai. Ví dụ, PA – “Hổ là động vật ăn cỏ”; PB – “Hổ không sống ở Bắc Cực”. Tiền đề “Nếu hổ là động vật ăn cỏ, thì hổ không sống ở Bắc Cực” là đúng, vì ở Bắc Cực không có cỏ. Phán đoán PB – “Hổ không sống ở Bắc Cực” cũng đúng, vì Bắc Cực quá lạnh đối với hổ. Từ những phán đoán tiền đề đúng nói trên, thấy “Hổ không sống ở Bắc Cực” (PB), kết luận PA – “Hổ là động vật ăn cỏ” là sai. Do vậy, trong trường hợp chung, công thức nói trên có khả năng sai và không được coi là có cơ sở lôgích. 2) “Nếu PA, thì PB; PA sai, do vậy, PB sai” cũng không có cơ sở lôgích. Ví dụ, PA “Sắt là chất dẫn điện tốt”; PB – “Sắt được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp”. Ta có: “Nếu sắt là chất dẫn điện tốt thì sắt được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp; sắt không dẫn điện tốt, do vậy, sắt không được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp”. Một lần nữa, ở đây, kết luận sai mặc dù tiền đề là đúng. Bạn đọc thử tự mình phân tích cách suy luận trong hai ví dụ sau do V. Bilibin đưa ra vào đầu thế kỷ 20: ♦ Nếu không có Mặt Trời thì phải thường xuyên thắp nến và đèn dầu hỏa. Nếu thường xuyên thắp nến và đèn dầu hỏa thì các quan chức phải ăn hối lộ để có tiền bù vào lương. Do vậy, các quan chức không ăn hối lộ bởi vì có Mặt Trời. ♦ Nếu bò và gà trong chăn nuôi là bò và gà nướng sẵn, thì người ta không cần phải đốt bếp lò, có nghĩa, số vụ hỏa hoạn giảm đi. Nếu số vụ hỏa hoạn giảm đi, thì các công ty bảo hiểm đã không tăng tiền thưởng bảo hiểm cao như thế. Do vậy, các công ty bảo hiểm tăng tiền thưởng bảo hiểm cao như thế là do bò và gà trong chăn nuôi không là bò và gà nướng sẵn. Suy luận quy nạp là suy luận với cách lập luận đi từ tiền đề phản ánh hiểu biết cụ thể về cái đơn nhất, cái riêng lẻ, cái bộ phận đến kết luận phản ánh một cách trừu tượng, khái quát về cái bản chất, cái chung, cái quy luật của tập hợp các sự vật, hiện tượng loại đó. Ví dụ: - Đồng dẫn điện, nhôm dẫn điện, sắt dẫn điện, thiếc dẫn điện. Đồng, nhôm, sắt, thiếc là kim loại. Kết luận: Kim loại dẫn điện. - Huệ thích diện, Hương thích diện, Thắm thích diện. Họ đều là phụ nữ. Kết luận: Phụ nữ thích diện. - Thủ trưởng X nóng tính đối với vợ, con, nhân viên Y, nhân viên Z. Kết luận: Thủ trưởng X nóng tính đối với tất cả mọi người mà ông ta có quan hệ. - Anh A bị bắt gặp nói dối lần một, lần hai, lần ba. Kết luận: Anh A là người luôn luôn nói dối. Công thức chung của suy luận quy nạp có dạng: “ S1 có dấu hiệu P (hiểu theo nghĩa rất rộng) S2 có dấu hiệu P ....... Sn có dấu hiệu P Vậy, tất cả đối tượng thuộc S có dấu hiệu P” Có hai loại suy luận quy nạp: Quy nạp hoàn toàn (đầy đủ) và quy nạp không hoàn toàn (không đầy đủ). Quy nạp hoàn toàn (đầy đủ) có công thức: “S1 có dấu hiệu P S2 có dấu hiệu P ....... Sn có dấu hiệu P Ngoài S1, S2, ..., Sn không còn có đối tượng thuộc S nào khác Vậy, tất cả đối tượng thuộc S có dấu hiệu P” Ví dụ, thầy giáo điểm danh lớp học có 50 em tất cả theo danh sách: Học sinh 1: có Học sinh 2: có ........ Học sinh 50: có Thầy kết luận: Tất cả học sinh của lớp đều có mặt. Kết luận nói trên là kết luận tất yếu đúng, rút ra từ tiền đề đúng, chứ không phải đúng với xác suất nào đó như trong quy nạp không hoàn toàn, sẽ trình bày tiếp theo đây. Trong ý nghĩa này, người ta xem quy nạp hoàn toàn là một dạng của suy luận diễn dịch, có hình thức giống suy luận quy nạp. Quy nạp toán học cũng thuộc về quy nạp hoàn toàn. Sơ đồ chung của quy nạp toán học đối với tính chất P có dạng: “Nếu P(1) đúng; P(k) đúng, thì P(k+1) phải đúng; do vậy, đối với số tự nhiên “n” bất kỳ P(n) là đúng”. Do vậy, đối với số tự nhiên “n” bất kỳ, P(n) là đúng. Trong suy luận quy nạp không hoàn toàn, kết luận về tất cả S chỉ dựa trên một số đối tượng thuộc S chứ không phải tất cả chúng. Bốn ví dụ nêu ở phần đầu mục nhỏ này về quy nạp đều là quy nạp không hoàn toàn. Quy nạp không hoàn toàn có ưu điểm: Nó giúp mở rộng hiểu biết của chúng ta, kể cả phát hiện các quy luật với mức độ khái quát khác nhau. Từ một số hữu hạn kim loại cụ thể như đồng, nhôm, sắt, thiếc dẫn điện, chúng ta có hiểu biết rộng hơn: Kim loại nói chung dẫn điện. Tuy nhiên, kết luận của quy nạp không hoàn toàn luôn có sự mạo hiểm về tính đúng đắn, hiểu theo nghĩa, trong tất cả các đối tượng thuộc S có những Sm ngoại lệ. Ví dụ, các kết luận “Phụ nữ thích diện”, “Thủ trưởng X nóng tính đối với tất cả mọi người mà ông ta có quan hệ”, “Anh A là người chuyên môn nói dối” đều có thể tìm được các ngoại lệ, do vậy, kết luận là sai về mặt lôgích. Chính xác hơn, cần phải nói là: “Phần lớn phụ nữ thích diện” hoặc “Nhiều phụ nữ thích diện”; “Thủ trưởng X thường nóng tính với những người mà ông ta có quan hệ”; “Anh A đã vài lần nói dối”. Các kết luận khái quát nói chung, các quy luật khoa học nhận được nhờ quy nạp không hoàn toàn nói riêng, chưa phải là những chân lý đầy đủ. Chúng còn phải trải qua con đường dài và phức tạp để thực tiễn kiểm tra một cách trực tiếp hoặc/và gián tiếp. Có thể nói, hầu như tất cả các phán đoán chung, kể cả các quy luật khoa học là kết quả của suy luận quy nạp. Bản thân quy nạp chưa đủ bảo đảm tính chân lý của các phán đoán chung, nhưng nó đưa ra được các giả thuyết, từ đó người ta có thể làm các thí nghiệm (thực nghiệm) để kiểm chứng theo nguyên tắc thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Trong ý nghĩa này, quy nạp là cơ sở của toàn bộ tri thức loài người. Nói chung, suy luận quy nạp không chỉ là suy luận từ cái riêng đến cái chung mà bao gồm tất cả các suy luận đi từ những hiểu biết đúng, đã biết, đến những hiểu biết mới đúng với một xác suất nhất định. Do vậy, suy luận tương tự (phép tương tự) và suy luận tìm nguyên nhân của các hiện tượng (suy luận phát hiện mối quan hệ nhân–quả) cũng được xem là suy luận quy nạp. Chúng được trình bày tiếp theo dưới đây. Suy luận tương tự là quá trình lập luận đi từ tiền đề – sự giống nhau giữa hai (hoặc một số) đối tượng về (một số) dấu hiệu nào đó, đến kết luận – sự giống nhau giữa chúng cả (các) dấu hiệu khác. Các dấu hiệu được hiểu theo nghĩa rộng nhất như hình dạng, tính chất, các mối quan hệ... Trong suy luận tương tự, hiểu biết (phán đoán) nhận được nhờ nghiên cứu tốt đối tượng này, chuyển sang cho đối tượng khác còn ít được nghiên cứu hơn. Suy luận tương tự có thể bắt gặp rộng rãi trong đời sống, công việc. Dưới đây là một số ví dụ minh họa suy luận tương tự: - Đứa bé lần đầu tiên nghe radio. Nó nghĩ rằng, chắc phải có người tý hon nấp trong đó nói vọng ra. Đứa bé đi đến kết luận này dựa trên sự giống nhau về dấu hiệu (cũng có tiếng nói mà không thấy người) giữa hai đối tượng: trò chơi trốn tìm và radio. Trong trò chơi trốn tìm, đứa bé biết rằng, có tiếng nói thì người nói nấp đâu đó, như sau cánh cửa, dưới gầm giường, trong tủ quần áo... và đi tìm. Nay gặp radio, bé chuyển hiểu biết thu được trong trò chơi trốn tìm sang đối tượng khác là radio: có tiếng nói, vậy phải có người nấp trong radio. - Xem truyền hình, bạn thấy nhiều phóng viên sử dụng thông thạo ngoại ngữ phỏng vấn người nước ngoài. Đến một hôm, người ta giới thiệu với bạn: “Đây là anh A, phóng viên đài truyền hình”. Bạn hỏi: “Chắc anh giỏi ngoại ngữ lắm nhỉ”. Bạn đọc còn có thể đọc lại phần liên quan đến tương tự trong các mục nhỏ từ 6.4.4. Xử lý thông tin đến 6.4.7. Tìm thông tin ý tưởng của quyển hai “Thế giới bên trong con người sáng tạo”. Tương tự còn là phần không thể thiếu được trong phương pháp mô hình hóa. Mô hình chính là bản sao (hiểu theo nghĩa rộng) của đối tượng nguyên bản. Khi không thể hoặc khó nghiên cứu đối tượng nguyên bản, người ta xây dựng và nghiên cứu mô hình, rồi chuyển các hiểu biết, kết quả thu được từ mô hình sang nguyên bản. Nhiều người cho rằng, bằng quan sát có thể phát hiện mối quan hệ nhân–quả. Thực tế cho thấy, người ta chỉ có thể xác định nguyên nhân trên cơ sở suy luận. Trong lôgích hình thức, F. Bacon (1561 – 1626) và sau này, J.S. Mill (1806 – 1873) đưa ra năm nguyên tắc (hay còn gọi phương pháp) quy nạp dùng để thực hiện suy luận phát hiện mối quan hệ nhân–quả: 1) Nguyên tắc giống nhau duy nhất Nếu như có một cái gì đó (hiểu theo nghĩa rộng) thường xuyên xảy ra trước hiện tượng được nghiên cứu, trong khi những cái khác thay đổi (có thể đến mức không tham gia nữa), thì có nhiều khả năng, cái đó là nguyên nhân của hiện tượng được nghiên cứu. Ví dụ, chúng ta cần tìm nguyên nhân tăng trưởng chậm của loại cây cụ thể nào đó. Hiện tượng tăng trưởng chậm được ký hiệu là X. Trước hết, chúng ta cần lập danh sách các hiện tượng có thể là nguyên nhân của X: sâu bệnh (ký hiệu A); nhiệt độ cao (B); độ ẩm thấp (C); thành phần hóa học của đất không thích hợp (D); kỹ thuật làm đất (E). Tiếp theo, chúng ta nghiên cứu một số khoảnh đất với các điều kiện tiền đề khác nhau, có trồng loại cây nói trên và thu được bảng sau: a) Trong các điều kiện A, B, C, D, nhưng không có E; có X. b) Trong các điều kiện A, B, C, E, nhưng không có D; có X. c) Trong các điều kiện A, C, D, E, nhưng không có B; có X. d) Trong các điều kiện B, C, D, E, nhưng không có A; có X. Điều này có nghĩa, C có nhiều khả năng là nguyên nhân của X. 2) Nguyên tắc khác nhau duy nhất Đây là nguyên tắc được coi là tin cậy và quan trọng nhất trong năm nguyên tắc quy nạp: Nếu như một cái gì đó có, khi hiện tượng được nghiên cứu bắt đầu xảy ra, và không có, khi hiện tượng nghiên cứu không xảy ra, còn tất cả những cái khác không thay đổi, thì cái đó là nguyên nhân của hiện tượng được nghiên cứu. Công thức của nguyên tắc khác nhau duy nhất có dạng: a) Trong các điều kiện A, B, C, D; có X. b) Trong các điều kiện A, B, D, nhưng không có C; không có X. Có khả năng, C là nguyên nhân của X. Ví dụ, nếu sự cháy xảy ra tốt trong không khí thường, nhưng không xảy ra trong không khí rút hết ôxy. Từ đây có thể kết luận: Ôxy là điều kiện cần cho sự cháy. 3) Nguyên tắc kết hợp sự giống nhau và khác nhau Nguyên tắc này kết hợp hai nguyên tắc vừa trình bày là nguyên tắc giống nhau duy nhất và nguyên tắc khác nhau duy nhất. Nếu như có từ hai trường hợp trở lên, khi hiện tượng được nghiên cứu bắt đầu xảy ra, đều giống nhau về một cái gì đó; đồng thời, có từ hai trường hợp trở lên, khi hiện tượng được nghiên cứu không xảy ra, chỉ khác nhau bởi cái đó không có, thì cái đó là nguyên nhân của hiện tượng được nghiên cứu. 4) Nguyên tắc cùng thay đổi Nếu như cùng với sự thay đổi hiện tượng này, có sự thay đổi hiện tượng khác, còn những cái khác vẫn giữ nguyên, thì giữa hai hiện tượng nói trên có mối quan hệ nhân–quả. Công thức nguyên tắc cùng thay đổi có dạng: a) Trong các điều kiện A, B, C; có X. b) Trong các điều kiện làm thay đổi A, không thay đổi B, C; có sự thay đổi của X. Do vậy, A có khả năng là nguyên nhân của X. Ví dụ, khi thay đổi nhiệt độ của chất khí, vẫn giữ cho áp suất không thay đổi, thể tích của chất khí thay đổi. Chúng ta có thể kết luận về quan hệ nhân–quả giữa nhiệt độ và thể tích chất khí. 5) Nguyên tắc phần còn lại Nếu như nguyên nhân phức tạp tạo ra kết quả phức tạp và đã biết rằng, một phần nguyên nhân tạo ra một phần nhất định kết quả, thì phần còn lại của nguyên nhân là nguyên nhân của phần còn lại của kết quả. Công thức của nguyên tắc phần còn lại có dạng: Hiện tượng phức tạp AB là nguyên nhân của hệ quả phức tạp XY. B là nguyên nhân của Y. Suy ra, A là nguyên nhân có thể của X. Năm nguyên tắc quy nạp giúp tìm nguyên nhân trong quan hệ nhân–quả được xây dựng dựa trên giả thiết cho rằng, những cái có thể trở thành nguyên nhân đứng độc lập, không tương tác với nhau và kết quả không ảnh hưởng ngược trở lại nguyên nhân. Chúng chỉ phát huy khả năng của mình, khi được sử dụng, nghiên cứu các hệ thống cô lập (đóng kín), ở đó các yếu tố tạo nên hệ thống phân biệt được một cách rõ ràng và không ảnh hưởng lẫn nhau. Lúc này, người ta có thể tách ra được những cái khác nhau có thể trở thành nguyên nhân như A, B, C... và xác định cái nào trong số đó là nguyên nhân. Điều này cũng có nghĩa, người ta bỏ qua các khả năng tương tác kiểu AB, BC, AC... có thể dẫn đến những thay đổi về chất không được tính đến. Nói cách khác, trong suy luận quy nạp tìm nguyên nhân, cũng như suy luận quy nạp nói chung, giá trị đúng của các kết luận thu được mang tính xác suất nhất định và có nguy cơ bỏ sót nhiều thông số. Do vậy, người sử dụng cần chú ý đến phạm vi áp dụng của chúng. Chương 10: Tư duy hệ thống sẽ đề cập những loại quan hệ nhân–quả phức tạp hơn mà lôgích hình thức còn chưa phản ánh. Ngay từ đầu, nhân loại chưa có những tri thức mang tính khái quát chung. Những hiểu biết ban đầu là những hiểu biết cụ thể về các hiện tượng đơn nhất riêng lẻ, chủ yếu có được nhờ quan sát. Đối với các hiện tượng hay lặp đi, lặp lại, con người bằng suy luận, đi đến những kết luận chung hơn. Ví dụ, hôm qua, hôm kia, hôm kìa..., thấy Mặt Trời mọc ở phía đông, lặn ở phía tây, người ta kết luận “Hàng ngày Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây”. Trên thực tế, cách suy luận này chính là suy luận quy nạp không hoàn toàn. Kết luận “Hàng ngày Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây”, sau đó được thực tiễn rất, rất nhiều ngày chứng tỏ luôn đúng. Tiếp theo, người ta dùng kết luận nói trên với tư cách phán đoán đúng (tiền đề) trong suy luận diễn dịch để có được kết luận đúng: “Hàng ngày Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây, cho nên, ngày mai Mặt Trời cũng sẽ mọc ở phía đông, lặn ở phía tây”. Khi ngày mai đến, quả thật Mặt Trời lại mọc ở phía đông, lặn ở phía tây. Điều này, ít ra, có ba ý nghĩa, trong trường hợp cụ thể này: 1) Tăng xác suất đúng đắn của kết luận trong suy luận quy nạp không hoàn toàn. Như chúng ta biết (xem mục nhỏ 8.5.3. Suy luận quy nạp), kết luận trong suy luận quy nạp không hoàn toàn không được rút ra từ tiền đề một cách lôgích: Tính đúng đắn của tiền đề “Hôm qua, hôm kia, hôm kìa, trước nữa... Mặt Trời mọc ở phía đông, lặn ở phía tây” không bảo đảm suy ra một cách lôgích đúng đắn rằng, hôm nay cũng như sau này Mặt Trời luôn hành động như thế. Do vậy, kết luận trong suy luận quy nạp không hoàn toàn “Hàng ngày Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây” chỉ có thể coi là giả thiết (thuyết), đúng với một xác suất nào đó, còn phải chờ những xác nhận thêm của thực tiễn. Mỗi ngày trôi qua, kết luận nói trên được củng cố nhờ sự lặp lại: Mặt Trời mọc ở phía đông, lặn ở phía tây. Nói cách khác, xác suất đúng đắn của kết luận nói trên tăng lên. 2) Khi tính đúng đắn của kết luận trong suy luận quy nạp không hoàn toàn được thực tiễn xác nhận đầy đủ, có thể dùng kết luận ấy làm tiền đề đúng trong suy luận diễn dịch. Nói cách khác, lúc đó, kết luận trong suy luận quy nạp không hoàn toàn được xem là kết luận mang tính quy luật hoặc quy luật. Người ta dùng kết luận “Hàng ngày Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây” như là tiền đề đúng để đi đến kết luận đúng trong suy luận diễn dịch: “Ngày mai, Mặt Trời cũng sẽ mọc ở phía đông, lặn ở phía tây”. 3) Đến lượt mình, kết luận đúng trong suy luận diễn dịch đem lại ích lợi thực tế cụ thể cho người sử dụng. Kết luận đúng “Ngày mai, Mặt Trời cũng sẽ mọc ở phía đông, lặn ở phía tây” đem lại ích lợi thiết thực cho những người lập kế hoạch làm việc cho ngày mai, mà thành công của kế hoạch đó phụ thuộc nhiều vào “đường đi” của Mặt Trời. Từ nay trở đi, để cho ngắn gọn, thay vì nói “suy luận quy nạp không hoàn toàn”, người viết sẽ nói “suy luận quy nạp”, “phép quy nạp” hoặc “quy nạp”. Từ ví dụ cụ thể nêu trên và các ví dụ thực tế khác, các nhà nghiên cứu cho rằng, mối quan hệ giữa suy luận diễn dịch và suy luận quy nạp có thể thể hiện thành những ý như: - Suy luận quy nạp khái quát những hiện tượng thực tiễn riêng lẻ, giúp xây dựng những phán đoán giả thiết mới, đúng cho cả loại hiện tượng đó với xác suất nhất định. Suy luận diễn dịch, ngược lại, đi từ phán đoán khái quát mới nói trên, đến những hiện tượng riêng lẻ chưa nghiên cứu cùng loại, đòi hỏi kiểm chứng tính đúng đắn của phán đoán khái quát trong thực tiễn. Sự kiểm chứng có thể dẫn đến hai khả năng: a) Tăng xác suất đúng của phán đoán khái quát mới, đến mức, phán đoán đó trở thành khẳng định mang tính quy luật hoặc quy luật. Ngoài ví dụ “Hàng ngày Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây” đã xét ở trên, bạn đọc còn có thể tự dẫn thêm nhiều ví dụ khác, là những quy luật đã được học trong nhà trường như các quy luật về rơi tự do, vạn vật hấp dẫn, sự nở nhiệt, sự dẫn điện... Quy luật là mối liên hệ bền vững, tất yếu, bản chất nhất, thường xuyên lặp lại giữa các hiện tượng. Quy luật được tìm ra dựa trên nghiên cứu số lượng, dù rất lớn, vẫn chỉ là số lượng hữu hạn các hiện tượng riêng lẻ nhờ quy nạp. Do vậy, chúng ta không nên tuyệt đối hóa các quy luật đã biết, coi chúng tìm ra một lần cho mãi mãi. Ví dụ, quy luật “Hàng ngày Mặt Trời luôn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây” mới phản ánh bản chất bậc một được thay bằng quy luật phản ánh bản chất bậc hai sâu sắc hơn: “Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời và quay quanh trục của mình”. Chúng ta phải dùng các quy luật đúng phạm vi áp dụng, có thái độ phê phán khi xem xét những đối tượng cùng loại, bị chi phối bởi các quy luật đó, nhưng chưa được nghiên cứu. Khi cần, chúng ta có thể có những đóng góp để làm tăng mức độ chính xác của các quy luật đã biết. Ngoài ra, sự phát triển tri thức của nhân loại còn cho thấy, người ta tiếp tục quy nạp dựa trên những quy luật đã biết để có được những quy luật mới với mức độ khái quát hóa càng ngày, càng cao. Trong đó, các quy luật triết học được xem là những quy luật mang tính khái quát cao và chung nhất. b) Bác bỏ phán đoán khái quát mới. Ví dụ, từ các hiện tượng riêng lẻ: Sắt ở thể rắn, đồng ở thể rắn, nhôm ở thể rắn; sắt, đồng, nhôm đều là kim loại. Người ta quy nạp: Tất cả kim loại đều ở thể rắn. Từ phán đoán khái quát “Tất cả kim loại ở thể rắn”, bằng diễn dịch, người ta suy ra những kim loại khác, chưa nghiên cứu như kẽm, chì, thiếc ở thể rắn và thực tế xác nhận kết luận đó. Cứ như thế, cho đến khi gặp thủy ngân – kim loại ở thể lỏng. Thủy ngân cho thấy, kết luận khái quát nhờ quy nạp “Tất cả kim loại ở thể rắn” là sai. - Việc thực tiễn bác bỏ phán đoán khái quát mới (nhờ quy nạp, ví dụ, “Tất cả kim loại ở thể rắn”) thông qua kiểm tra tính đúng đắn của phán đoán cho hiện tượng riêng lẻ (có được nhờ diễn dịch, ví dụ, thủy ngân là kim loại nhưng ở thể lỏng), giúp người ta thay đổi hướng quy nạp để tìm ra những phán đoán khái quát đúng. Ví dụ, phán đoán theo hướng khác: “Tất cả kim loại đều dẫn điện”... Tóm lại, mối quan hệ giữa quy nạp và diễn dịch là mối quan hệ kế thừa, tạo tiền đề, bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong quá trình nhận thức không có điểm dừng của con người. Quy nạp cung cấp cơ sở cho diễn dịch. Diễn dịch giúp kiểm tra tính đúng đắn của quy nạp, đặt ra bài toán cho quy nạp mới, giúp quy nạp sau đến gần với bản chất của loại hiện tượng hơn quy nạp trước. Trong mối quan hệ nói trên, thực tiễn đóng vai trò quyết định đối với tính chân lý của các kết luận. Một trong những dấu hiệu của thiên tài thể hiện ở chỗ, dựa trên số lượng tối thiểu các sự kiện, hiện tượng, thiên tài có khả năng khái quát hóa (quy nạp) tối đa thành quy luật, được thực tiễn sau đó kiểm chứng là đúng trong thời gian dài... vô tận. 8.6.1. Những nhận xét chung Trước khi đi vào trình bày những ứng dụng của lôgích hình thức trong suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định, người viết nhấn mạnh một số điểm cần lưu ý về lôgích hình thức, rút ra từ những mục trước: 1) Nếu như trên thực tế, tư duy giải quyết vấn đề và ra quyết định của con người có nhiều khía cạnh, thì tương tự như tâm lý học, lôgích học hình thức cũng chỉ lấy một khía cạnh của tư duy làm đối tượng nghiên cứu và tác động. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, khía cạnh đó là: Phát hiện và sử dụng các quy luật, nguyên tắc, quy tắc của lôgích học hình thức để thu nhận kiến thức (phán đoán) mới từ các kiến thức (phán đoán) có sẵn, mà không cần nhờ đến thực nghiệm cho các trường hợp đó. Ví dụ: Từ kiến thức đã biết là định luật vạn vật hấp dẫn, không cần làm thí nghiệm, nhờ suy luận diễn dịch, người ta biết cụ thể hơn: “Quả táo có khối lượng 200 g thì bị Trái Đất hút với một lực bằng 2 Newton”. Trước đó, Newton dựa trên những kết quả thí nghiệm đối với các đối tượng khác, khái quát hóa (quy nạp) chúng thành công thức , trong đó, F là lực hút; m1, m2 – khối lượng tương ứng của hai vật; r – khoảng cách giữa hai vật đó. Nhìn theo khái niệm sáng tạo, cả hai loại suy luận diễn dịch và quy nạp đều có thể tạo ra những giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, sáng tạo như là kết quả của suy luận diễn dịch thường có mức thấp hơn (mức 1, mức 2) so với sáng tạo có được nhờ suy luận quy nạp (có thể lên tới mức 4, mức 5). Bởi vì, tính mới trong sáng tạo nhờ diễn dịch chỉ là áp dụng ý tưởng đã biết vào trường hợp cụ thể (Trái Đất và trái táo cụ thể), mà trước đây ở đó chưa áp dụng. Tính mới trong sáng tạo nhờ quy nạp có thể đưa ra ý tưởng, nguyên lý mới chưa có trước đây, nhờ vậy, mở ra khả năng giải hàng loạt các bài toán cụ thể (định luật vạn vật hấp dẫn). Bạn có thể đọc và phân tích lại các ví dụ trình bày trong mục nhỏ 4.2.6. Các mức sáng tạo – các mức khó của bài toán của quyển một, nhìn theo quan điểm diễn dịch và quy nạp. 2) Nếu như tâm lý học nghiên cứu các quy luật diễn tiến của tư duy: Các ý nghĩ (khái niệm, phán đoán, kết luận...) phát sinh, phát triển như thế nào với sự tham gia của các hiện tượng tâm lý (liên tưởng, linh tính...), thì lôgích học hình thức quan tâm những cái khác. Đó là, nghiên cứu và xây dựng các phương pháp, hình thức biến đổi các ý nghĩ (khái niệm, phán đoán...) có sẵn thành những ý nghĩ mới, kiểu như các sơ đồ (công thức) lôgích trình bày trong các mục trước. Trong ý nghĩa này, lôgích học hình thức bổ sung cho tâm lý học: Cung cấp các công cụ khai thác chủ động các ý nghĩ, ý tưởng, kiến thức có sẵn, dù chúng có xuất xứ từ đâu, mang nội dung cụ thể gì. Nói cách khác, các công cụ của lôgích hình thức có phạm vi áp dụng rộng, chứ không chỉ dành riêng cho lĩnh vực hẹp nào, có thể dạy và học đại trà được. Mặt khác, sự ảnh hưởng của tâm lý (ví dụ, đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu tiết kiệm sức lực) lên lôgích có thể dẫn đến những biến thể (ví dụ, rút gọn số lượng câu) của hình thức diễn đạt quá trình suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Ví dụ, bạn có thể nói với mọi người xung quanh: “Ngoài kia đang mưa! Tôi phải lấy áo mưa theo”. Bằng hai câu rất ngắn, bạn thể hiện suy nghĩ của mình: Phát hiện vấn đề trời đang mưa, tìm cách giải quyết, đi đến quyết định mang áo mưa. Tình hình phức tạp hơn nhiều, nếu bạn diễn tả quá trình suy nghĩ đó tuân theo các yêu cầu của lôgích: “Ngoài kia đang mưa. Nếu mình ra ngoài, mình sẽ bị ướt. Ướt, mình có thể bị cảm... Nếu mình mặc áo mưa đi ra ngoài, mình sẽ không bị ướt. Mình có kế hoạch phải ra ngoài. Mình không muốn bị ướt và nhận các hệ quả xấu do bị ướt. Cho nên, nếu mình mặc áo mưa, mình sẽ không bị ướt. Vậy, mình phải mang áo mưa theo”. Trên thực tế, suy nghĩ của bạn có thể xảy ra rất nhanh ở mức tiềm thức, còn ở mức ý thức chỉ có hai câu: “Ngoài kia đang mưa. Tôi phải mang áo mưa theo”. Trong những trường hợp phức tạp hơn, công việc “phiên dịch” từ ngôn ngữ đời sống hàng ngày sang ngôn ngữ lôgích không phải dễ dàng. Tuy vậy, nếu bạn muốn đánh giá suy nghĩ của chính mình hoặc suy nghĩ của người khác đã đúng về mặt lôgích chưa, bạn cần phải làm công việc “phiên dịch” đó. 3) Trong mục 1.1. Vai trò của khái niệm của quyển một, người viết có nhận xét, người học, học bất kỳ môn học nào, thường muốn có được những kiến thức với phạm vi áp dụng rộng, đồng thời lại dễ sử dụng trong đời sống, công việc. Để làm điều đó, người viết đã lưu ý, người học cần xây dựng và sử dụng chiếc cầu nối hai chiều thông suốt từ khái quát đến cụ thể và ngược lại. Ở đây, người viết cố gắng chi tiết hóa ý nói trên, nhìn theo quan điểm diễn dịch, quy nạp và quan hệ giữa chúng. Trong các kiến thức chúng ta được học, có những kiến thức là các quy luật. Từ mục nhỏ 8.5.4. Quan hệ giữa suy luận diễn dịch và suy luận quy nạp, chúng ta đã biết, tuy các quy luật là kết quả của quy nạp nghiên cứu một số (chứ không phải tất cả) hiện tượng riêng lẻ. Nhưng chúng còn được thực tiễn xác nhận ngược trở lại đối với các kết luận của diễn dịch, thông qua kiểm chứng các hiện tượng riêng lẻ khác cùng loại, trong khoảng thời gian rất dài. Nói cách khác, các quy luật có ưu điểm là các kiến thức tin cậy, do vậy, có sức mạnh to lớn, đem lại nhiều ích lợi, nếu như con người biết sử dụng tốt các quy luật đó. Các quy luật với các mức độ khái quát khác nhau có phạm vi áp dụng rộng hơn các kiến thức cụ thể. Thông thường, các quy luật nào có mức độ khái quát càng cao thì phạm vi áp dụng càng rộng. Trong khi đó, giải các bài toán thực tế, người giải thường xuyên phải làm việc với các đối tượng cụ thể chứ không phải với các đối tượng trừu tượng, khái quát. Để áp dụng các quy luật, đặc biệt, các quy luật mang tính khái quát cao, người giải cần quy nạp các thuộc tính, mối liên hệ cụ thể của các đối tượng cụ thể hoặc chính các đối tượng cụ thể có trong bài toán về các khái niệm của các quy luật đã biết. Ví dụ, đối tượng cụ thể là nước, quy nạp thành chất lỏng; sắt – kim loại hoặc chất sắt từ; anh Nguyễn Văn A – con người... Từ đây, người giải định hướng được các quy luật cần sử dụng như các quy luật về chất lỏng, kim loại, chất sắt từ, con người... Tiếp theo, nhờ diễn dịch, các quy luật đã biết giúp người giải có các kết luận tin cậy, phục vụ việc giải bài toán cho trước. Tóm lại, quy nạp và diễn dịch có khả năng thiết lập cầu nối hai chiều thông suốt giữa những cái cụ thể và khái quát (xem Hình 97). Bạn đọc hãy thường xuyên luyện tập xây dựng và sử dụng cây cầu nói trên, sao cho chuyển từ cụ thể sang khái quát và ngược lại với tốc độ nhanh nhất, lúc đó, bạn sẽ đạt được mục đích đề ra: dễ dàng áp dụng các kiến thức có phạm vi áp dụng rộng vào từng trường hợp cụ thể gặp trong cuộc sống, công việc, vừa thấy cây, vừa thấy rừng. Hình 97: Cầu nối hai chiều giữa cụ thể và khái quát nhờ diễn dịch (DD) và quy nạp (QN) 4) Phạm vi áp dụng của lôgích hình thức được xác định bởi các quy luật, quy tắc, yêu cầu đã trình bày trong các mục từ 8.2. Các quy luật cơ bản của lôgích hình thức đến 8.5. Suy luận. Ở đây, người viết liệt kê một số giúp bạn đọc nhớ lại. Đấy là: - Lôgích hình thức chỉ phản ánh khía cạnh tương đối ổn định của sự vật, do vậy, không dùng được ở nơi có sự vận động, phát triển, thay đổi về chất của sự vật (xem Chương 9: Tư duy biện chứng). - Một số quy luật, quy tắc, yêu cầu của lôgích hình thức mang tính trừu tượng, lý tưởng cao, trong nhiều trường hợp, khác xa với các điều kiện có trong thực tế. Ví dụ, quy luật lý do đầy đủ: Khó tìm ra hết các nguyên nhân có thể có, chưa kể, đấy là quá trình rất dài về mặt thời gian (xem mục 8.2. Các quy luật cơ bản của lôgích hình thức); định nghĩa: Khó có thể xây dựng định nghĩa, khái niệm thỏa mãn tất cả các quy tắc (xem mục nhỏ 8.3.3. Định nghĩa khái niệm); quy nạp: Năm nguyên tắc quy nạp giúp tìm nguyên nhân trong quan hệ nhân–quả không dùng được cho nhiều trường hợp xảy ra trong thực tế, ở đó, các nguyên nhân tương tác với nhau tạo nên những thay đổi mới về chất hoặc/và kết quả ảnh hưởng ngược trở lại nguyên nhân (xem mục nhỏ 8.5.3. Suy luận quy nạp)... Tính trừu tượng, lý tưởng cao, một mặt, rất thích hợp với toán học, khoa học nghiên cứu các đối tượng trừu tượng được lý tưởng hóa và dẫn đến lôgích toán học, đại số lôgích. Mặt khác, tính trừu tượng, lý tưởng cao đòi hỏi người áp dụng lôgích hình thức vào thực tế phải có thái độ thận trọng và không quá cầu toàn đối với chính mình và những người khác. Thận trọng để thấy, tính đến sự chênh lệch giữa lý tưởng với thực tế, từ đó, đánh giá đúng quá trình và kết quả suy luận lôgích trong từng trường hợp cụ thể. Không quá cầu toàn để tránh có những đòi hỏi vô lý, không phù hợp với thực tế, hoặc chờ đợi cái lý tưởng, nhiều khi, không biết bao giờ có. Do vậy, người áp dụng lôgích hình thức mới chủ động khai thác những gì đang có trong thực tế, đưa ra được các lời giải, quyết định phù hợp với các tình huống cụ thể. - Chúng ta đã biết, các nhu cầu cá nhân là nguyên nhân làm nảy sinh các vấn đề (xem mục 5.2. Các nhu cầu của cá nhân của quyển hai). Các nhu cầu cá nhân thường thể hiện thành các mục đích cụ thể mà cá nhân muốn đạt tới. Các nhu cầu của cá nhân rất đa dạng, do vậy, các mục đích và các vấn đề của cá nhân cũng rất đa dạng. Lôgích hình thức không đủ đa dạng để giải tất cả các bài toán mà cá nhân gặp trong cuộc đời của mình. Lôgích hình thức, trước hết, dùng để giải, hoặc giúp giải các bài toán thuộc các khoa học chính xác như toán, vật lý, hóa học, các lĩnh vực kỹ thuật, khi các ngành khoa học–kỹ thuật đó ở trong trạng thái mọi việc đều tốt đẹp, không có mâu thuẫn, không có khủng hoảng. Trong khi đó, nhiều bài toán thuộc những lĩnh vực như văn học, nghệ thuật, đời sống, quan hệ, tình cảm lại cần những lời giải “phi lôgích” và chúng, nhiều khi, được tiếp nhận, đánh giá cao. Ví dụ, những câu thơ dưới đây, mặc dù có “vấn đề” về lôgích lại tồn tại rất lâu, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Em bảo anh đi đi Sao anh không đứng lại Em bảo anh đừng đợi Sao anh lại đi ngay Lời nói thoảng gió bay Đôi mắt huyền đẫm lệ Sao mà anh ngốc thế Không nhìn vào mắt em” “Sinh con rồi mới sinh cha Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” “Bao giờ cho đến tháng ba Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng Hùm nằm cho lợn liếm lông Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi Nắm xôi nuốt trẻ lên mười Con gà, be rượu nuốt người lao đao Lươn nằm cho trúm bò vào Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô Lúa mạ nhảy lên ăn bò Cỏ năn, cỏ lác rình mò bắt trâu Gà còn đuổi bắt diều hâu Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông” “Con gà cục tác lá chanh Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi Con chó khóc đứng khóc ngồi Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng” “Vợ mình là con người ta Con mình do vợ đẻ ra Suy đi nghĩ lại chẳng bà con chi Ăn luôn chứ để làm gì” (Lập luận của người chồng để ăn phần quà lẽ ra phải mang về cho vợ và con) Bạn đọc còn có thể đọc lại ví dụ về phân loại sách trong mục nhỏ 8.3.4. Phân chia khái niệm. - Lôgích hình thức coi ngôn ngữ là vỏ của tư duy nhưng chỉ sử dụng một phần ngôn ngữ tự nhiên chứ không phải tất cả. Ví dụ, phán đoán có hình thức là một câu khẳng định hoặc phủ định (xem mục nhỏ 8.4.1. Định nghĩa, cấu trúc và hình thức ngôn ngữ của phán đoán), trong khi, các loại câu của ngôn ngữ phong phú hơn rất nhiều. Điều này, một mặt, cho thấy sự hạn chế của lôgích hình thức, mặt khác, có thể dẫn đến sự lẫn lộn: Đang tư duy theo lôgích hình thức, ngôn ngữ tự nhiên lái ra ngoài, dẫn đến sự không nhất quán, kết luận sai lầm. - Danh từ “lôgích” còn được hiểu là cách suy luận, lập luận nói chung, mặc dù cách đó có thể đúng, có thể sai (xem mục 8.1. Mở đầu). Trong ý nghĩa này, lôgích hình thức mới chỉ là một cách trong nhiều cách suy luận. Những cách suy luận, lập luận khác, tùy theo truyền thống, văn hóa, niềm tin, trình độ phát triển... vẫn được tiếp nhận và sử dụng trong những nhóm, cộng đồng người khác nhau. Cùng với toàn cầu hóa, sự giao thương, giao lưu, giao tiếp... có thể dẫn đến những xung đột về các cách suy luận, lập luận khác nhau mà M. Maruyama gọi là “cú sốc lôgích” (Logic Shock). Đây cũng là điều đáng lưu ý, cần phải tính đến để không làm nảy sinh các vấn đề không đáng nảy sinh. Người viết sẽ còn quay trở lại vấn đề này. Tóm lại, người suy nghĩ cần dùng tư duy lôgích hình thức đúng phạm vi áp dụng, không tuyệt đối hóa lôgích hình thức như là loại tư duy duy nhất hoặc mạnh nhất trong quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định. 5) Trong phạm vi áp dụng của mình, tư duy lôgích hình thức có thể tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định (xem Hình 43: Mô hình tư duy trong ngữ cảnh của mô hình nhu cầu–hành động và Hình 44: Sơ đồ phương pháp thử và sai, được chi tiết hóa dựa trên mô hình tư duy của Hình 43). Nói cách khác, người suy nghĩ có thể áp dụng tư duy lôgích hình thức vào tiếp thu thông tin hiểu bài toán, xử lý thông tin, phát ý tưởng, tìm thêm thông tin từ môi trường bên ngoài. Thông tin ở đây được hiểu là ngôn ngữ với từ, câu, hệ thống các câu. Tương ứng với lôgích hình thức, chúng là các khái niệm, phán đoán, hệ thống các phán đoán. Thực tế cho thấy, suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định, dù chỉ một mình, người suy nghĩ luôn trao đổi (đối thoại, tranh luận, thảo luận, đồng ý, không đồng ý...) với chính mình trong tất cả các giai đoạn của quá trình suy nghĩ. Nói cách khác, người suy nghĩ lúc đóng vai phát thông tin (ngôn ngữ), lúc đóng vai thu thông tin (ngôn ngữ) và nhiệm vụ cả hai vai này bao gồm cả mã hóa, giải mã, xử lý, biến đổi, tạo thông tin (ngôn ngữ). Bạn có thể xem lại mục 6.3. Quá trình truyền và biến đổi thông tin của quyển hai. Trong tinh thần vừa nêu, dưới đây người viết trình bày tư duy lôgích giải quyết vấn đề và ra quyết định nhìn từ các góc độ: thông tin (luận ý) lôgích, người thu thông tin, người phát thông tin và sử dụng các kiến thức lôgích hình thức đã được đề cập từ đầu Chương 8 đến nay. Người viết muốn nhấn mạnh một lần nữa, thông tin được hiểu ở đây chỉ là các ý nghĩ có thể diễn đạt được bằng ngôn ngữ nói hoặc viết. Trong ý nghĩa này, các ý nghĩ của toàn bộ quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định của một người có thể trình bày thành văn bản. Văn bản thu được đóng vai trò biên bản chi tiết quá trình suy nghĩ. Dựa trên các kiến thức lôgích học hình thức, phân tích văn bản – biên bản quá trình suy nghĩ của một người, người ta có thể biết, hiểu, đánh giá quá trình suy nghĩ của người đó về vấn đề cụ thể cho trước. Luận ý thông thường được hiểu là thông tin nêu trọn một ý tưởng, thể hiện dưới dạng câu khẳng định hoặc phủ định mang tính kết luận. Ví dụ, các câu như “Học phải đi đôi với hành”, “Uống nước chưa đun sôi có hại cho sức khỏe”... là các luận ý thông thường. Luận ý (thông tin) lôgích bao gồm không chỉ câu kết luận mà cả các câu khác, liên quan về mặt lôgích với kết luận (câu khẳng định hoặc phủ định) đó: Những câu giải thích vì sao, nghĩ như thế nào để đi đến các kết luận như các câu trên. Nói cách khác, luận ý (thông tin) lôgích phản ánh quá trình suy luận lôgích, thể hiện thành các câu ngôn ngữ. Rõ ràng, luận ý (thông tin) lôgích mang tính thuyết phục cao hơn luận ý thông thường. Luận ý đề cập trong mục nhỏ này và cả trong các phần sau chính là luận ý (thông tin) lôgích. Suy luận có cấu trúc gồm ba phần: Tiền đề, cách lập luận và kết luận (xem mục 8.5. Suy luận) tạo thành một thông tin (luận ý) lôgích. Quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định là hệ thống các thông tin lôgích như thế. Nói cách khác, có thể coi mỗi thông tin lôgích là một viên gạch (lời giải một phần bài toán cho trước hay còn gọi là bài toán nhỏ) góp phần xây dựng tòa nhà – lời giải toàn bộ bài toán cho trước. Đầu tiên nói về thông tin lôgích (viên gạch). Về mặt nguyên tắc, chúng ta biết rằng, các ý nghĩ tiền đề có cơ sở lôgích vững chắc (các tiền đề đúng), cách lập luận tuân thủ các yêu cầu lôgích sẽ dẫn đến các kết luận bảo đảm tin cậy, thuyết phục và đạt mục đích mà bài toán nhỏ đề ra trong thực tế. Dưới đây, người viết liệt kê tóm tắt những việc cần làm để có được thông tin lôgích chặt chẽ, tin cậy ở mức độ phù hợp cao nhất có thể. Đấy chính là thông tin lôgích có kết luận đúng trong trường hợp suy luận diễn dịch đúng; hoặc có kết luận đúng với một xác suất nào đó, nhưng được bảo đảm rút ra từ suy luận quy nạp. Kết luận của thông tin lôgích là một câu khẳng định hoặc phủ định về một điều gì đó (gọi là luận đề). Luận đề là đề tài (đối tượng) mà thông tin lôgích đề cập đến. Ví dụ, một thông tin lôgích có kết luận: “Lái xe không vượt quá 50 km/giờ làm giảm tai nạn giao thông”. Luận đề trong trường hợp này là: Tốc độ xe cao nhất bằng bao nhiêu thì tai nạn giao thông sẽ giảm. Như vậy, trước hết người suy nghĩ cần xác định mình cần suy nghĩ về cái gì một cách đơn nghĩa và nhất quán. Nói cách khác, cần xác định bài toán nhỏ với mục đích cụ thể, rõ ràng cần đạt. Trong ví dụ vừa nêu, đấy cũng chính là trả lời câu hỏi “Tốc độ xe cao nhất bằng bao nhiêu thì tai nạn giao thông sẽ giảm?”. Mỗi thông tin lôgích là hệ thống các câu. Mỗi câu lại là hệ thống các từ. Mỗi từ là một khái niệm. Mỗi khái niệm cần được định nghĩa (xem mục 8.3. Khái niệm) rõ ràng, chặt chẽ nhất có thể được theo các điều kiện cụ thể. Các khái niệm cần được sử dụng một cách nhất quán và đơn nghĩa. Kết luận chính là lời giải bài toán nhỏ, là quyết định của người suy nghĩ về luận đề, được đưa ra để chính mình thực hiện, hoặc để những người khác tiếp nhận thực hiện. Kết luận tin cậy chỉ có thể được rút ra từ những lý do (nguyên nhân) đầy đủ (xem 8.2. Các quy luật cơ bản của lôgích hình thức), chứa trong tiền đề dưới dạng (các) phán đoán lôgích. Phán đoán lôgích phải được xây dựng tuân theo các yêu cầu nhất định (xem 8.4. Phán đoán). Để tránh nhầm lẫn, cần phân biệt câu – phán đoán lôgích với câu – ngôn ngữ tự nhiên. Cần chú ý tính đúng đắn của các phán đoán tiền đề. Các phán đoán tiền đề có tính thuyết phục cao phải bao gồm các lý do, chứng cứ phản ánh đúng hiện thực khách quan. Các chứng cứ có thể là các bằng chứng kiểu đáp ứng được các yêu cầu của luật pháp (tòa án); các con số định lượng rút ra từ các thí nghiệm; các số liệu thống kê; các quy luật khoa học và hệ quả của chúng; các sự kiện đã, đang xảy ra; các khẳng định hoặc phủ định ngầm (các khẳng định hoặc phủ định được cho là ai cũng biết, do vậy, không nêu ra chính thức trong tiền đề). Đi vào cụ thể, các chứng cứ đưa ra còn phải phù hợp nhất với các luận đề, vì các luận đề có thể thuộc các lĩnh vực khác nhau, với các đòi hỏi và các khả năng về độ chính xác khác nhau. Ví dụ, đối với các luận đề trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, các chứng cứ thực nghiệm đóng vai trò quan trọng nhất. Lại có những lĩnh vực, ở đó không được phép làm thí nghiệm vì những lý do đạo đức, các chứng cứ được chấp nhận là các kết quả nghiên cứu số liệu thu thập sau khi sự kiện đã xảy ra. Chẳng hạn, trong y học, các bác sỹ không được phép làm thí nghiệm gây ra đột quỵ, ung thư trên cơ thể người. Họ phải nghiên cứu các bệnh nhân sau khi đột quỵ, ung thư đã xảy ra. Để kết luận được bảo đảm thuyết phục, do vậy, dễ được tiếp nhận, ngoài các phán đoán tiền đề (lý do) đúng đã đề cập ở điểm 3), còn có yêu cầu với cách lập luận: kết luận phải thực sự được trực tiếp rút ra từ tiền đề một cách lôgích, nhất quán. Ở đây cần lưu ý, trong hai loại suy luận diễn dịch và suy luận quy nạp (xem mục 8.5. Suy luận), suy luận diễn dịch luôn dẫn đến kết luận đúng từ tiền đề đúng, nếu cách lập luận tuân theo các quy luật, quy tắc lôgích. Còn kết luận của suy luận quy nạp mới đúng với một xác suất nhất định. Trong tinh thần vừa nêu, cần chú ý sự khác nhau về phạm vi áp dụng giữa cách lập luận diễn dịch và cách lập luận quy nạp. Đặc biệt, trong quy nạp cần tránh những kết luận khái quát cực đoan kiểu: “tất cả”, “toàn bộ”, “luôn luôn”, “đã chứng minh được rằng”... mà tiền đề chỉ là vài trường hợp cụ thể có tính chất được quan tâm. Như chúng ta đã biết ở trên, kết luận chính là quyết định của người suy nghĩ về luận đề (bài toán nhỏ) và phải được bảo đảm thuyết phục cao nhờ tiền đề (lý do, chứng cứ) đúng cùng cách lập luận lôgích nhất quán. Sau khi có kết luận, người suy nghĩ còn có thể khai thác kết luận theo hai hướng: Tìm thêm các hệ quả đương nhiên của kết luận và xây dựng các lời khuyên (khuyến cáo). Các hệ quả đương nhiên, một mặt, có thể giúp kiểm tra tính đúng đắn của kết luận. Mặt khác, nó có thể mở ra khả năng mới như phát hiện luận đề (bài toán nhỏ) mới, cách tiếp cận mới đối với luận đề cho trước... Các lời khuyên mang tính thực tế rất quan trọng trong việc thực hiện giải bài toán (quá trình đổi mới), nếu như chúng được rút ra từ kết luận đúng và được những người liên quan tiếp nhận. Chúng ta cùng phân tích thông tin sau: “Ở những nước phát triển, gia đình thường có ít con và tuổi thọ của người dân càng ngày, càng cao. Do vậy, tuổi trung bình của dân số càng ngày, càng già hơn trước. Sự thay đổi cấu trúc dân số làm cho kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước phải thay đổi theo và thế hệ trẻ phải làm việc tích cực hơn để “nuôi” những người về hưu. Đã đến lúc cần tăng tuổi về hưu lên 70 và tạo điều kiện để những người về hưu nào còn khả năng và muốn làm việc vẫn được tiếp tục làm việc”. Thông tin nói trên là thông tin (luận ý) lôgích vì thông tin đó không chỉ có kết luận: “Ở các nước phát triển, tuổi trung bình của dân số càng ngày, càng già hơn trước”, mà còn nêu lý do (tiền đề) dẫn đến kết luận đó: “Gia đình thường có ít con”, “Tuổi thọ của người dân càng ngày, càng cao”. Chưa kể, ở đây còn có lý do ngầm mà bạn đọc có thể đoán được như: “Phụ nữ cũng đi làm và tham gia các hoạt động xã hội như nam giới”, “Chăm sóc sức khỏe càng ngày, càng tốt”, “Muốn sống thoải mái”. Tuy nhiên, nếu có thêm các số liệu cụ thể (các bằng chứng) về các lý do nói trên thì còn tốt hơn nữa. Cách lập luận trong trường hợp này là diễn dịch: Kết luận rút ra dựa trên quy luật về mối liên quan giữa sinh suất và tử suất của dân số nên tính bảo đảm tin cậy của kết luận cao. Từ kết luận, người cung cấp thông tin còn đưa ra các hệ quả đương nhiên dễ thấy: “Kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước phải thay đổi”, “Thế hệ trẻ phải làm việc tích cực hơn để “nuôi” những người về hưu”. Ngoài ra, người cung cấp thông tin còn cho các lời khuyên, đề nghị: “Tăng tuổi về hưu lên 70”, “Tạo điều kiện để những người về hưu nào còn khả năng và muốn làm việc vẫn được tiếp tục làm việc”. Tổng hợp các điểm trình bày ở mục nhỏ này, chúng ta thấy, trong trường hợp đầy đủ các yếu tố tạo thành, một luận ý (thông tin) lôgích có thể được biểu diễn thành hình vẽ cho dễ nhớ và dễ sử dụng (xem Hình 98). Hình 98: Dạng đầy đủ của một luận ý (thông tin) lôgích Luận ý (thông tin) lôgích là luận ý có tiền đề đúng và cách lập luận từ tiền đề đến rút ra kết luận mang tính trực tiếp, nhất quán về mặt lôgích. Do vậy, chỉ cần một trong hai yếu tố nêu trên (tiền đề hoặc cách lập luận) không đạt yêu cầu, luận ý (thông tin) không còn lôgích nữa. Kết luận lúc đó, rút ra không bảo đảm lôgích: Không đúng, hoặc đúng với thực tế chỉ là do tình cờ, ngẫu nhiên chứ không phải nhờ suy luận lôgích. Có những trường hợp, ở đó các thông tin lôgích riêng rẽ có thể được thay bằng một thông tin lôgích với kết luận chung hoặc mang tính khái quát cao hơn. Thao tác thay thế này được gọi là tổng hợp các thông tin lôgích. Hình 99 dưới đây minh họa ý vừa nêu. Hình 99: Tổng hợp các thông tin lôgích Một bài toán cho trước có thể được giải bằng những cách tiếp cận khác nhau (xem mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng của quyển một, mục 6.2. Mô hình quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định và Hình 65 của quyển hai). Tương tự như vậy, có thể có nhiều cách tiếp cận đối với một luận đề (bài toán nhỏ). Nói cách khác, có thể có các thông tin lôgích khác nhau cho một luận đề, chứ không phải chỉ có một thông tin lôgích duy nhất cho một luận đề. Điều này được minh họa trên Hình 100. Hình 100: Các thông tin lôgích khác nhau ( 1 , 2 , 3 , 4 ), dựa trên các cách xem xét, tiếp cận khác nhau cho một luận đề cho trước Ví dụ, đối với luận đề “Tốc độ xe cao nhất bằng bao nhiêu thì tai nạn giao thông sẽ giảm”. Với cách tiếp cận sử dụng các số liệu thống kê trong nước gần đây về mối liên hệ giữa số lượng các vụ tai nạn và vận tốc của các xe lúc gây tai nạn, bạn đi đến kết luận “Lái xe không vượt quá 50 km/giờ làm giảm tai nạn giao thông”. Với cách tiếp cận khác, sử dụng các số liệu thống kê khác, bạn phát hiện có tới 20% xe không đạt các điều kiện cho phép vẫn lưu thông trên đường và những xe này đóng góp đáng kể vào việc gây tai nạn khi phóng với tốc độ cao. Bạn đi đến kết luận “Nếu loại bỏ được 20% xe không đạt yêu cầu, lái xe không vượt quá 55 km/giờ làm giảm tai nạn giao thông”. Với cách tiếp cận khác nữa, chẳng hạn, bạn so sánh giao thông nước mình với những nước có trình độ phát triển tương tự, bạn phát hiện, tại những nước đó tốc độ không nên vượt quá là 60 km/giờ chứ không phải 50 km/giờ để giảm tai nạn giao thông, vì ý thức của những người lái xe ở những nước đó tốt hơn. Bạn có thể kết luận: “Nếu làm cho những người lái xe chấp hành luật an toàn giao thông tốt hơn, lái xe không """