"
Từ Cú Kung-Fu Của
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Từ Cú Kung-Fu Của
Ebooks
Nhóm Zalo
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI
Số 4 - Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội ĐT: (04) 38252916 - Fax: (04) 39289143
Email: nxbhanoi@yahoo.com.vn
Từ cú kung-fu của “King” Eric Cantona đến sự hình thành kỷ nguyên Manchester United
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Tổng giám đốc - Lê Tiến Dũng
Biên tập: Hoàng Thị Tâm
Vẽ bìa: Gia Long
Trình bày: Song Ngư
Sửa bản in: Thanh Thủy
Liên kết xuất bản:
Cty CP Đầu tư và Phát triển TTV Việt Nam Nhà sách THBooks
Địa chỉ: Số 68/255, Đường Hoàng Mai, P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hoàng Mai, Hà Nội
Tel: (84-24) 32011882 - 097.354.0078
Website: http://thbooks.vn
Fanpage: http://m.facebook.com/THBooks
Mã ISBN: 978-604-55-4614-7
In 1.500 cuốn, khổ 12x20 cm tại Công ty TNHH In Thương mại Thuận Phát, Tổ dân phố Văn Trì, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số xác nhận ĐKXB: 3041-2019/CXBIPH/03-172/HN. Quyết định xuất bản số: 1154/QĐ-HN ngày 16/09/2019. In xong và nộp lưu chiểu năm 2019
LỜI TÁC GIẢ
Ở
Old Trafford, Cantona là một, là riêng, là duy nhất.
Chỉ có Cantona mới dám vượt rào, tung thẳng một cú xông phi vào cổ động viên đối phương, trong một trận đấu bóng đá đang được truyền hình trực tiếp, để đòi lại danh dự từ kẻ dám gọi anh là “đồ con hoang”.
Chỉ có Cantona mới phải chịu mức án phạt dài kỷ lục gần 9 tháng rồi sau đó vẫn có thể trở lại và thậm chí còn lợi hại hơn xưa gấp nhiều lần.
Chỉ có Cantona mới có thể khiến một huấn luyện viên nổi tiếng với biệt danh “Máy sấy tóc” như Sir Alex phải “tắt điện”, phải thân chinh đến tận Paris, mạo hiểm ngồi sau chiếc xe motor của một kẻ lạ hoắc để đi tìm anh, và sẵn sàng đem cả sự nghiệp của mình ra để “đánh cược” với anh.
Chỉ có Cantona mới có thể khiến tất cả thành viên của “Thế hệ 92” tài năng của Manchester United gồm Ryan Giggs, David Beckham, Paul Scholes, Nicky Butt, anh em nhà Neville đều phải ngả mũ kính phục và xem anh như là một người thầy, một người truyền cảm hứng.
Chỉ có Cantona mới có cái kiểu luôn dựng thẳng cổ áo mỗi khi ra sân, nghênh nghênh ngang ngang mà vẫn làm tan chảy trái tim của các fan “Quỷ đỏ” qua bao thế hệ.
Cantona là như vậy đấy. Chỉ có anh mới có thể khiến cho mọi người xung quanh vừa yêu, vừa phục, vừa giận, mà lại vừa thương.
Cantona là một thiên tài không cần phải bàn cãi, dẫu chữ tài đó đôi lúc “liền với chữ tai một vần”.
Cổ động viên trìu mến gọi anh là King Eric.
Còn lịch sử gọi anh là một huyền thoại.
Lời mở đầu
“MANCHESTER UNITED CÓ ĐỦ VĨ ĐẠI ĐỂ XỨNG VỚI TÔI?”
E
ric Cantona không phải là “lính đánh thuê” đầu tiên tại Anh, nhưng anh có lẽ là ngoại binh có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến nền bóng đá xứ sở sương mù. Không cầu
thủ ngoại nào có thể làm tốt hơn Cantona trong việc biến bóng đá Anh - từ một giải hạng Nhất suốt hơn nửa thế kỷ dài đằng đẵng bị mang tiếng là chơi thứ bóng đá “công nhân” chỉ biết cắm đầu chạy và sút - trở thành giải đấu Premier League hấp dẫn và làm say đắm hàng triệu triệu con tim trên khắp hành tinh như ngày nay.
Từ giữa thập niên 1990 đổ về trước, cầu thủ ngoại vẫn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với bóng đá Anh. Họ thậm chí bị kỳ thị, bị xem như “xiếc thú” trên sân cỏ chỉ để mua vui cho cổ động viên bản xứ.
Thời bấy giờ, người Anh chỉ xem “ngoại binh” như là một trào lưu, chủ yếu để các đội bóng phô trương thanh thế. Họ bị những người bản xứ gắn cho cái mác “sớm nở tối tàn, mong manh, dễ vỡ”. Các cầu thủ ngoại khi đó dù đã rất cố gắng thích nghi, cố coi nước Anh là quê hương của mình, nhưng họ không bao giờ giống được người bản xứ. Những ngôi sao “đánh thuê” rất khó thích nghi với thời tiết ẩm ương của xứ sở sương mù, không hợp với đồ ăn của người Anh, tệ hơn nữa là có xu hướng ghét cả thứ bóng đá mà người Anh đã sáng tạo và truyền bá đi khắp thế giới. Và cứ như thế, họ lần lượt phải ra đi, để trở lại với điểm đã xuất phát.
Tình trạng đó là khá kỳ lạ nếu biết rằng trong những năm cuối 1970 đến đầu 1980, cũng từng có một số ngoại binh đã tạo được dấu ấn với bóng đá Anh, có thể kể đến những cái tên như Ossie Ardiles và Ricky Villa ở Tottenham, Arnold Muhren và Frans Thijssen ở Ipswich, Johnny Metgod ở Nottingham Forest. v.v... Đó đều là những “lính đánh thuê” được cổ động viên yêu thích do họ thực sự có tài năng, lại luôn tìm mọi cách để thích nghi với môi trường ở đội bóng mà họ đầu quân. Mặc dù vậy, những thành công của họ đã không đủ để tạo hiệu ứng dây chuyền mở ra trào lưu nhập khẩu cầu thủ ồ ạt ở xứ sở sương mù.
Thời đó, bóng đá Anh chẳng khác nào một ốc đảo nếu nhìn vào tình hình thực tế ở lượt trận khai màn vào tháng 08/1992, mùa bóng đầu tiên sau khi Premier League ra đời. Chỉ có vỏn vẹn 13 cầu thủ không phải là người Anh được góp mặt, trong tổng số 22 đội bóng tranh tài, trong đó 4 người là thủ môn và 4 người khác (John Jensen, Michel Vonk, Gunnar Halle và Roland Nilsson) là những chuyên gia phòng ngự.
Trong thời kỳ sơ khai của Premier League, các ngoại binh chủ yếu đến từ các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan. Họ được chào đón không chỉ vì được cho là biết tự thích nghi với môi trường ở Anh, mà còn bởi tất cả đều đến từ những quốc gia mà bóng đá Anh đã từng được truyền bá và phát triển. Một trong những câu hỏi cửa miệng mà các ông chủ đội bóng hay các huấn luyện viên hồi đó vẫn hay hỏi khi ký hợp đồng với cầu thủ ngoại là: “Liệu cậu ta có thích nghi được với các trận đấu bóng đá ở Anh?”
Cựu tiền đạo Jan Age Fjortoft từng thi đấu ở Anh cho các câu lạc bộ Swindon, Middlesbrough, Sheffield United và Bradford hồi đầu những năm 1990 có lần bồi hồi chia sẻ: “Là người đã luôn theo dõi và cổ vũ bóng đá Anh, cũng như bao người Na Uy khác, tôi cảm thấy được chuyển sang chơi bóng ở Premier League thực sự là một giấc mơ tuyệt vời.” Fjortoft cho biết thêm: “Các trận bóng đá Anh vào mỗi tối thứ Bảy đã chắp cánh ước mơ cho
chúng tôi, giúp chúng tôi trưởng thành như các bạn đang thấy ngày hôm nay.”
Một vài trường hợp khác, trong số 13 ngoại binh thi đấu vòng khai màn của mùa giải Premier League đầu tiên, như Andrei Kanchelskis hay Anders Limpar đều nổi tiếng là những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân siêu đẳng, nhưng họ chỉ được đá chính 26 trận cho Manchester United và Arsenal ở mùa giải 1992/93. Ronny Rosenthal - tiền đạo người Israel của Liverpool - trở thành cầu thủ nước ngoài đắt giá nhất gia nhập một đội bóng ở Anh vào năm 1990. Cầu thủ chạy cánh người Ba Lan Robert Warzycha là “lính đánh thuê” đầu tiên đến từ châu Âu ghi bàn tại Premier League, trong màu áo Everton, nhưng chỉ được có mặt trong đội hình xuất phát đúng 18 trận trước khi bị bán cho câu lạc bộ Pecsi MFC của Hungary. Nhìn chung, các đội bóng ở Premier League hồi đó đã gần như tuyệt vọng trong nỗ lực tìm ra một ngoại binh mang tính biểu tượng.
Thời bấy giờ, nhờ hợp đồng bản quyền truyền hình béo bở có giá trị lên đến 304 triệu bảng Anh được bán cho kênh Sky Sports, các câu lạc bộ ở Premier League đã được ăn chia và do đó có đủ khả năng tài chính để trả lương cao cho các cầu thủ. Khán đài các sân vận động cũng đã được nâng cấp và cải thiện sau khi “Báo cáo Taylor” được công bố. Tiếc là dù “sân khấu” đã được phát triển lên một tầm cao mới, nhưng các “diễn viên” thì vẫn vậy. Đến cuối năm 1992, Premier League thực chất vẫn chẳng khác gì giải hạng Nhất trước đó, về cơ bản chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Trở lại với cuộc tình giữa Eric Cantona và Manchester United. Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 11/1992. Cantona lúc đó được biết đến như là một gã Marseille bí hiểm với cái tôi cá nhân quá lớn ở Elland Road. Leeds United đang muốn tống khứ ngôi sao “lắm tài nhiều tật” này, giống như cách người Anh trước đó vẫn thường đối xử với các ngoại binh. Huấn luyện viên Alex Ferguson của Manchester United đã mừng như bắt được vàng khi biết điều đó. Ông tin chắc đã tìm ra một cầu thủ phù hợp để
có thể đặt nền móng xây dựng triều đại mới của mình ở Old Trafford.
“Nếu có một cầu thủ, ở đâu đó trên Trái Đất này, sinh ra là để dành cho Manchester United, thì đó chắc chắn là Cantona”, Ferguson đã thốt lên như thế sau những ấn tượng ban đầu về ngôi sao người Pháp. “Cậu ấy đầy vẻ ngạo nghễ, ngực ưỡn ra, đầu ngẩng cao và khảo sát đủ mọi thứ chuyện, đúng là rất hợp với cái cách mà cậu ấy lên giọng kẻ cả với tôi: “Tôi là Cantona. Manchester United vĩ đại cỡ nào? Liệu có đủ vĩ đại để xứng với tôi hay không?”
Đó là cách mà một Cantona không-giống-ai đã trở thành người tiên phong để gỡ bỏ rào cản cho các ngoại binh ở Premier League, qua đó tạo ra một bước đột phá cho trào lưu nhập khẩu cầu thủ tại xứ sở sương mù. Cantona đã “thông não” cho những người làm bóng đá Anh bằng cách chứng minh rằng, kỹ thuật mà các lính đánh thuê đến từ châu Âu hay Nam Mỹ sở hữu hoàn toàn có thể được dung hòa trên sân cỏ nước Anh để tạo nên sức mạnh của đội bóng, miễn là cầu thủ đó có đủ đam mê và quyết tâm. Và chỉ có như thế mới có thể giúp Premier League vượt qua được “bóng ma” lạc hậu của thứ bóng đá thời còn là giải hạng Nhất.
Hẳn các bạn đều biết đến Glenn Hoddle và Terry Butcher, hai tuyển thủ Anh hồi những năm 1980 có phong cách thi đấu hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có thể đọc được ý nghĩ của nhau trên sân. Ở một chừng mực nào đó, vấn đề của các cầu thủ ngoại ở Premier League cũng vậy, họ có thể hòa hợp với cầu thủ bản địa để thi đấu tốt trong môi trường bóng đá Anh, quan trọng là phải biết cách bắt được “tần số” của đồng đội. Tư duy này ngày nay là quá rõ ràng và dễ hiểu, nhưng vào thời điểm năm 1992, không phải ai cũng nắm được.
Không chỉ là người tiên phong, Cantona còn là một biểu tượng thể thao và văn hóa. Không một cầu thủ nào thời bấy giờ có sức
ảnh hưởng lớn như Cantona, anh trở thành ông vua trong nền thương mại bóng đá đang dần định hình ở nước Anh, đặc biệt là lĩnh vực bán áo đấu. Tính phổ cập mà hình ảnh của Cantona mang đến tạo tiền đề cho mối lương duyên giữa bóng đá Anh với tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao Nike, qua đó tạo ra một sân chơi mới đẳng cấp hơn cho bóng đá xứ sở sương mù. Cantona có sức lan tỏa đến mức ở hàng ngàn sân chơi trên khắp nước Anh, biết bao cậu học trò đã dựng đứng cổ áo đồng phục của mình lên, giống như cái cách mà thần tượng của họ vẫn thường làm. Chỉ trong vòng vài năm, rất nhiều đứa trẻ chào đời được đặt tên là Eric Cantona, và đến nay, dù đã ngoại tam tuần, họ vẫn một lòng tôn thờ cựu danh thủ người Pháp.
Tất nhiên, cá tính của Cantona không thể tạo nên tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy nếu anh không có tài năng. Cầu thủ người Pháp đã ghi 82 bàn thắng trong 185 trận đấu cho Manchester United và điều quan trọng hơn cả là anh có một phong cách thi đấu rất riêng. Trước kỷ nguyên Premier League, bóng đá Anh khá hạn chế về chiến thuật. Các hậu vệ khi đó chỉ biết làm nhiệm vụ phòng ngự, còn các tiền đạo chỉ biết chơi tấn công. Nhìn chung các cầu thủ bị gò bó và lệ thuộc quá nhiều vào sơ đồ chiến thuật.
Với Cantona thì khác, anh luôn có cách riêng của mình. Trên danh nghĩa, cầu thủ người Pháp được huấn luyện viên Alex Ferguson xếp thi đấu ở vị trí tiền đạo, thường đá cặp với Mark Hughes hay Andy Cole. Nhưng trên thực tế, anh thường xuyên lùi sâu, thậm chí rất sâu như một cầu nối giữa hàng thủ và tuyến giữa để “lôi cổ” các trung vệ vốn vẫn quen lối phòng ngự truyền thống ra khỏi cái “vỏ ốc” của họ để dâng cao hơn, tích cực tham gia vào các pha bóng tấn công.
Cùng với kỹ thuật cá nhân siêu đẳng, Cantona trở thành một ngôi sao tấn công toàn diện nhất Premier League thời bấy giờ. Anh không chỉ ghi bàn hiệu quả mà kiến tạo cũng rất tài tình. Trong 156 trận ở Premier League, danh thủ người Pháp đã có 56
đường chuyền trực tiếp cho đồng đội lập công. Trong số những ngôi sao cùng thời, chỉ có Andy Cole, Alan Shearer và Teddy Sheringham có số lần “dọn cỗ” nhiều hơn Cantona, nhưng họ đều thi đấu không dưới 250 trận ở Premier League.
Nói đi cũng phải nói lại, tài năng không thể giúp Cantona tạo được ảnh hưởng lớn như vậy nếu anh không phải là người đặc biệt cá tính. Cantona trở thành thủ lĩnh của Manchester United không chỉ bởi những pha kiến tạo siêu đẳng, những bàn thắng làm nổ tung cầu trường mà còn bởi tính cách vô cùng mạnh. Cựu tiền vệ Roy Keane đã khái quát về người đồng đội của mình như sau: “Cổ áo dựng đứng, lưng thẳng, ngực ưỡn, anh ấy rảo bước trên sân giống như vị chúa tể trong lãnh địa của mình. Ở đâu, Cantona cũng đều thể hiện như vậy. Nhưng tất nhiên, Old Trafford mới thực sự là sân khấu vĩ đại nhất của anh ấy, là nơi anh ấy có thể làm mọi thứ một cách rất tự nhiên và dễ dàng. Cantona yêu Old Trafford và các cổ động viên yêu anh ấy.”
Cantona có lòng tin rất lớn vào bản thân, nhiều lúc có cảm giác từ con người anh luôn toát ra sự vênh váo, ngạo mạn. Nhưng đó là cách thể hiện riêng, rất có ý đồ của cầu thủ người Pháp để đạt được mục đích “đắc nhân tâm”. “Tôi đã từng nói rằng, tôi tự tin chấp cả 11 cầu thủ đối phương mà vẫn có thể giành chiến thắng”, anh viết trong cuốn tự truyện Cantona on Cantona. “Nếu đưa cho tôi một chiếc xe đạp, tôi tự tin có thể phá vỡ kỷ lục của Chris Boardman.” Trong suy nghĩ của tiền đạo này không có chỗ cho những hoài nghi. Anh tuyên bố: “Sự hoài nghi luôn có xu hướng dẫn đến nỗi sợ hãi và nếu không kiểm soát được, ngay cả những nỗi sợ mơ hồ cũng có thể khiến bạn gục ngã.”
Từng bị hoài nghi khi mới chân ướt chân ráo đến Old Trafford, nhưng Cantona đã nhanh chóng thuyết phục được tất cả. Hiệu ứng mà anh đã tạo ra ở Manchester United là vô cùng đặc biệt và có sức lan tỏa rất lớn. Điều đó khiến cho Leeds và huấn luyện viên Howard Wilkinson đã bị đem ra làm trò đùa do đã “cầm vàng lại để vàng rơi”. Nhưng nói vậy không hẳn là công bằng,
bởi Leeds đã có một vụ làm ăn thắng lớn. Số tiền thu về từ vụ bán Cantona cho Manchester United lớn hơn rất nhiều so với khoản phí chuyển nhượng mà 12 tháng trước đó họ đã trả cho câu lạc bộ Nimes, và xứng đáng với những gì mà Leeds đã phải chịu đựng vì thói “ngựa chứng” của Cantona. Ở Leeds, Cantona đã không thể kết hợp với Lee Chapman thành cặp tiền đạo như mong muốn của ban huấn luyện. Sau này, tiền đạo người Pháp chia sẻ rằng, anh đã không cảm thấy hạnh phúc trong quãng thời gian ở Elland Road. Còn huấn luyện viên Wilkinson nói về cậu học trò cũ với giọng điệu than thở: “Ở Eric không có khái niệm phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định mà các đồng đội của cậu ấy buộc phải thực hiện.”
Năm 2008, Cantona thú nhận trên tạp chí FourFourTwo: “Mối quan hệ giữa tôi với huấn luyện viên Wilkinson rất không tốt. Trong bóng đá, chúng tôi không thể cùng nhìn về một hướng. Leeds đã chơi thứ bóng đá cổ lỗ sĩ đúng theo kiểu chỉ biết chạy và sút bóng. Tôi không nghĩ là tôi phù hợp với môi trường đó. Tôi không muốn ở lại. Manchester phù hợp với tôi hơn!”
Ban đầu, các cầu thủ kỳ cựu của Manchester United như Gary Pallister, Steve Bruce và Bryan Robson đều có chút lo lắng, bất an khi đội nhà ký hợp đồng với Cantona. Trong cuộc họp đội bóng, họ công khai bày tỏ rằng, tai tiếng của Cantona sẽ làm hỏng bầu không khí đoàn kết trong phòng thay đồ của đội bóng. Chỉ có Lee Sharpe là bộc trực nhất: “Chúng ta đang suy nghĩ cái quái quỷ gì vậy? Tôi thấy gã đó rất được mà.” Giới truyền thông Anh lúc đó cũng tỏ ra hoài nghi bản hợp đồng “bom tấn” của huấn luyện viên Ferguson.
Về phần mình, huấn luyện viên Ferguson nhận thấy rằng, đội bóng của ông thực sự cần một “họng súng sau tay áo”. Manchester United đã kết thúc mùa giải 1991/92 với vị trí á quân, ngay sau Leeds United. Khi Cantona đến Old Trafford, “Quỷ đỏ” đang xếp ở vị trí thứ 8 tại bảng xếp hạng, với đội hình khủng hoảng hàng công do chấn thương của Dion Dublin - tiền
đạo mới được huấn luyện viên mua về trong kỳ chuyển nhượng đầu mùa giải. Đội bóng của Ferguson chỉ thắng được 2 trong 13 trận kể từ đầu mùa giải và đã bắt đầu xuất hiện những tin đồn về khả năng nhà cầm quân người Scotland sẽ bị sa thải. Manchester United đã không biết mùi vô địch Premier League trong suốt 25 năm và người hâm mộ sắp hết kiên nhẫn với Ferguson.
Việc đầu tiên mà huấn luyện viên Ferguson làm sau khi có được Cantona là gọi điện cho huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pháp Gerard Houllier để tham khảo về “ngựa chứng” này. Ông cũng đã hỏi cả huyền thoại bóng đá Pháp Michel Platini và nhà báo Erik Bielderman về Cantona. Từ ba nguồn thông tin đó tổng hợp lại, huấn luyện viên người Scotland rút ra kết luận: Cantona cần ở ông sự tận tình của một người cha. Ferguson đã theo đó mà đối xử với cậu học trò nổi tiếng “ngựa chứng”, và nhờ thế, ông đã tìm ra được thủ lĩnh mới cho đội bóng của mình. Quả thực, hai người họ đã bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo.
Hóa ra những vấn đề của Cantona trước đó đều là do anh chưa tìm được một người thầy đáng để kính trọng, đáng để xả thân.
Cantona đã lập tức thổi một làn gió mới vào Manchester United ngay sau khi gia nhập Old Trafford. Trong 10 trận đấu đầu tiên cùng với cầu thủ người Pháp tại Premier League,“Quỷ đỏ” thắng 8 và hòa 2 trận. Những con số thống kê ở mùa giải 1992/93 chỉ ra rằng, trước khi Cantona đến, Manchester United ghi trung bình 1,06 bàn và giành trung bình 1,5 điểm mỗi trận; còn khi có Cantona, họ ghi trung bình 1,92 bàn và giành 2,3 điểm mỗi trận. Từ vị trí thứ 8 và bị đội đầu bảng bỏ xa tới 9 điểm, Cantona đã giúp Manchester United thẳng tiến một mạch đến chức vô địch Premier League. Họ kết thúc mùa giải với 10 điểm nhiều hơn đội á quân Aston Villa.
Bên cạnh những cống hiến lớn lao trên sân cỏ, Cantona còn làm sống lại bầu không khí bóng đá tuyệt vời ở “Nhà hát của những
giấc mơ”. “Manchester United bây giờ mới thực sự được ăn bóng đá, ngủ bóng đá. Từ lúc tôi đến đây, chưa bao giờ bầu không khí ở Old Trafford lại tuyệt vời đến thế”, huấn luyện viên Ferguson công khai về những hiệu ứng tích cực mà Cantona tạo ra trong bài phát biểu đầu năm 1993. “Có cảm giác như những tháng ngày tươi đẹp xưa cũ đã trở lại với chúng ta và điều kỳ diệu đó đã được mang lại bởi một gã kiêu căng, ngạo mạn người Pháp.”
Các huyền thoại của Manchester United cũng đua nhau tán dương Cantona. “Tôi đã nghĩ là không ai xứng đáng đội lên đầu chiếc vương miện của tôi ở Old Trafford cho đến khi Cantona xuất hiện”, cựu tiền đạo Denis Law chia sẻ. Còn George Best tuyên bố: “Tôi sẵn sàng trả tiền để được vào sân xem Cantona thi đấu. Không mấy cầu thủ thời nay đáng được đối xử như thế ngoại trừ Cantona. Cậu ấy là một thiên tài.” Old Trafford thực sự đã có một ông vua mới.
Sự quyến rũ chết người của Cantona không chỉ nằm ở những thành tích mà anh đạt được trên sân cỏ mà còn nằm ở sự mâu thuẫn đầy phức tạp trong con người anh. Giống như một vài số 7 nổi tiếng trước đây của Manchester United luôn xuất hiện trên tiêu đề trang nhất của các báo, những hành động “ngựa chứng” của Cantona không làm mất đi hình ảnh tuyệt vời trên sân cỏ của anh, thậm chí càng góp phần làm nổi bật lên những ưu điểm của anh. Nếu cần phải tìm lời giải thích đơn giản nhất cho sức lan tỏa diệu kỳ mà Cantona tạo được với người hâm mộ thì đó là vì: Rất nhiều cổ động viên nhìn thấy những nét tính cách của Cantona ở trong mỗi con người của họ. Anh là một siêu sao, với những “tật xấu” mà bất kỳ người đàn ông nào cũng dám phô ra cho mọi người biết.
Trong rất nhiều những hành động mà “ngựa chứng” Cantona gây ra, tai tiếng nhất và cũng nổi tiếng nhất là vụ việc ở sân Selhurst Park vào ngày 25/01/1995. Cú xông phi của cầu thủ người Pháp vào cổ động viên Matthew Simmons đã dẫn đến một lệnh cấm thi đấu dài nhất trong lịch sử bóng đá Anh, còn
giới truyền thông thì được dịp đào xới, khai thác triệt để. Họ coi đó là một hành động xưa nay chưa từng có tiền lệ trong làng thể thao thế giới. Tồi tệ hơn, cú kung-fu khiến Cantona có nguy cơ buộc phải rời nước Anh. Nhiều người muốn trục xuất Cantona mà chẳng hề bận tâm đến việc anh đã làm được những gì cho bóng đá Anh. Nếu điều đó xảy ra, sự nổi tiếng của Cantona ở Old Trafford có thể đã rẽ theo một hướng khác.
Cả nước Anh có thể chống lại Cantona sau cú xông phi ở Selhurst Park, nhưng “bố già” Ferguson thì không. Nhà cầm quân người Scotland đã đánh cược cả danh tiếng và sự nghiệp của mình để bảo vệ Cantona giống như một người cha bảo vệ con của mình. Có một câu chuyện về cách huấn luyện viên Ferguson bao bọc Cantona từng được Steve Bruce kể lại giống như là một giai thoại ở Old Trafford. Một lần, Manchester United được mời đến tòa thị chính thành phố để tham gia một sự kiện. Cả đội được yêu cầu phải mặc complet đồng phục của đội bóng. Nhưng Cantona lại xuất hiện với một chiếc áo khoác sặc sỡ và chiếc quần jeans rách bụi bặm. Với tư cách là đội trưởng, Steve Bruce có trách nhiệm phải phản ánh chuyện đó với huấn luyện viên Ferguson. Bruce đi đến chỗ ông thầy, phàn nàn rằng có một vài cầu thủ trong đội bóng cảm thấy không thoải mái với cách ăn mặc của Cantona, và họ cảm thấy không được tôn trọng. “Fergie khi đó đang nhâm nhi một ly vang đỏ”, Bruce nhớ lại. “Ông ấy đặt ly rượu xuống, hướng mắt về phía Eric, rồi thản nhiên nói: ‘Steve, cậu hãy bảo với mấy người thích phàn nàn rằng, nếu họ cũng có thể thi đấu giống như Eric vào năm tới, tôi cho phép tất cả tự do muốn làm gì thì làm, kể cả giống như cái cách của thằng cha đang tưởng mình là Thánh Joseph kia’.”
Thế nên, khỏi phải nói huấn luyện viên Ferguson đã buồn như thế nào khi Cantona phải nhận án treo giò dài hạn sau cú đá xông phi ở Selhurst Park. Ông phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, phải xoay xở mọi cách để Manchester United ít bị ảnh hưởng nhất. Với trường hợp của Cantona, nếu như các đồng
nghiệp khác sẽ chọn cách tìm người thay thế thì huấn luyện viên Ferguson lại càng muốn chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng ông luôn đặt trọn niềm tin vào anh. Cách xử lý tình huống đó của Ferguson sau này được các nhà chuyên môn ca ngợi là “cao thủ bậc thầy”.
Trong tâm bão của 250 ngày kể từ khi Cantona tung ra cú đá kung-fu đến lúc anh trở lại sân cỏ, Manchester United có rất nhiều sự đổi thay. Ferguson quyết định làm một cuộc cách mạng chưa từng có ở Old Trafford và nó được bắt đầu từ một cuộc cách mạng nhỏ: Manchester United bán đi một vài trụ cột, nhưng không mua ngôi sao nào thay thế. Thay vào đó, niềm tin được đặt vào lứa trẻ tiềm năng trưởng thành từ chính lò đào tạo của đội bóng. Đây được xem là nước cờ “bạo gan” của Ferguson. Bởi bước vào mùa hè năm đó, Manchester United trắng tay, không chức vô địch Premier League, không Cúp FA. Áp lực đang dồn cả lên huấn luyện viên người Scotland, đến mức có đôi lúc “ông già gân” cũng cảm thấy nghi ngờ chính mình - điều rất hiếm thấy ở Ferguson.
Lứa trẻ mà sau này được gọi là “Thế hệ 92” trên thực tế đã được huấn luyện viên cân nhắc sử dụng ngay sau khi xảy ra chuyện của Cantona. Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên là nhà cầm quân người Scotland đã không ngần ngại đặt họ ở vị trí trung tâm của cuộc cách mạng tại Old Trafford trong những tháng ngày vắng bóng Cantona trên sân cỏ.
Vai trò của Cantona trong công cuộc trẻ hóa của Manchester United có vẻ như đã không được đánh giá đúng mức. Thực tế, trong thời gian bị cấm thi đấu, ngôi sao người Pháp chẳng khác nào một gia sư của “Thế hệ 92”. Anh tích cực hướng dẫn các đàn em trên sân tập - chỉ bảo và khích lệ tinh thần cho họ. Điều đó đã giúp huấn luyện viên Ferguson rất nhiều trong những ngày đầu “khai quốc”, để rồi sau đó tạo ra đế chế thống trị bóng đá Anh nói riêng và châu Âu nói chung.
“Eric đã làm thay đổi cách nghĩ, làm thay đổi mọi thứ theo một chiều hướng rất tích cực ở các cầu thủ trẻ”, thủ môn Peter Schmeichel nhớ lại. “Lứa trẻ đó đã học hỏi được rất nhiều ở anh ấy. Nếu không tin, các bạn có thể đến gặp David Beckham, Gary Neville hay Paul Scholes để hỏi về Cantona. Họ sẽ nói cho các bạn thấy Eric là một gã tuyệt vời như thế nào.”
Điều thú vị là trong trận đầu tiên tái xuất sau án phạt treo giò của Cantona, trong chuyến làm khách đến sân Anfield của Liverpool, cả 6 cầu thủ trong “Thế hệ 92” đều được thi đấu: Gary Neville, Phil Neville, Nicky Butt và Ryan Giggs được ra sân từ đầu, còn David Beckham và Paul Scholes vào sân từ băng ghế dự bị.
Đây là cuốn truyện kể về Cantona, về cách anh đã truyền cảm hứng ở Manchester United, được dẫn dắt qua những câu chuyện thú vị trong 250 ngày kể từ khi Eric tung ra cú kung-fu vào cổ động viên Simmons cho đến khi anh trở lại thi đấu sau án treo giò. Có thể còn có những thắc mắc này nọ về tính cách gây tranh cãi của Cantona. Nhưng phải khẳng định rằng, những “tật” đó không những không làm “xấu” đi hình ảnh của ngôi sao người Pháp, mà còn giúp cả anh lẫn huấn luyện viên Ferguson tôn lên hình ảnh của nhau.
Ngày thứ 1
“CỐ GẮNG NHÉ! VỀ TẮM TÁP SỚM ĐI, CANTONA!”
8
giờ 57 phút tối thứ Tư, phóng viên Steve Lindsell đã sẵn sàng tác nghiệp.
Lindsell phải đến Selhurst Park để xem Manchester United nỗ lực giành lại ngôi đầu bảng tại Premier League và làm một phóng sự để kỷ niệm tròn ba năm Cantona sang Anh thi đấu. Anh xuống sân, tìm đến khu vực dành cho phóng viên, chọn vị trí đặt máy. Lindsell hy vọng sẽ chộp được và có thể bán một vài bức ảnh độc, chẳng hạn như một pha ăn mừng bàn thắng, một biểu cảm thất vọng trên gương mặt cầu thủ, hay chỉ đơn giản là hình ảnh huấn luyện viên đút tay vào túi quần để tìm chút hơi ấm trong cái giá lạnh của một buổi tối mùa đông.
Lindsell đã chọn đúng vị trí và đúng thời điểm. Ở những phút đầu hiệp 2 của trận đấu, anh cuống cuồng bấm máy, gần như không kịp thở, để ghi lại khoảnh khắc điên rồ nhất trong một thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Premier League. Cầu thủ nổi tiếng nhất trên sân đã nhấc cả hai chân lên khỏi mặt đất để tung ra cú đá kung-fu thẳng vào ngực của một cổ động viên. Xung quanh kẻ bị tấn công là rất nhiều cổ động viên khác - những người đã vội vã tan buổi làm, vội vã rời nhà để kịp đến sân xem bóng đá như bao lần trước đó - nhưng đây hẳn là một trận đấu mà họ suốt đời không thể nào quên.
“Tôi liên tục bấm và bấm máy”, Lindsell kể lại. “Tôi cho rằng mình đã chụp được những bức ảnh chất lượng, nhưng không thể tưởng tượng nổi chúng lại được lan truyền với tốc độ nhanh
khủng khiếp đến vậy. Sau khi chụp xong, tôi ra xe của mình ở bên ngoài sân Selhurst Park. Tôi mất khoảng 15 đến 20 phút để xử lý ảnh, rồi gửi đi...”
Trước phút thứ 48 định mệnh của trận đấu, Cantona giống như một kẻ bị “giời đày” trên sân. Crystal Palace trong tình thế vật lộn trụ hạng, đã không từ thủ đoạn nào để ngăn chặn lối chơi tấn công của Manchester United, kể cả những pha vào bóng bạo lực. Trung vệ Richard Shaw - người đã được huấn luyện viên Alan Smith của đội chủ nhà giao nhiệm vụ theo sát Cantona như hình với bóng - đã không để cho anh có dù chỉ là một chút khoảng trống để thể hiện.
Sau trận đấu, phía Crystal Palace thanh minh rằng, Shaw chỉ đơn giản là làm nhiệm vụ theo kèm Cantona. Nhưng ngôi sao người Pháp không cho là như vậy. Cantona phàn nàn rằng anh đã bị “chặt chém” không thương tiếc trong hiệp 1, trong đó có nhiều pha vào bóng ác ý của đối phương đã bị trọng tài Alan Wilkie, không biết vô tình hay cố ý, bỏ qua. Không thể phủ nhận hôm đó, Shaw đã có những tình huống vào bóng trên cả mức quyết liệt với cầu thủ người Pháp. Có lẽ với trọng tài Wilkie, cách kèm người kiểu đó là hoàn toàn bình thường với những cầu thủ đã quen lối chơi bóng chỉ có chạy và sút ở giải hạng Nhất Anh trước đây.
Trọng tài Wilkie vẫn còn nhớ rõ, sau khi hiệp 1 kết thúc, Cantona lập tức lao đến chỗ ông chất vấn: “Không có thẻ vàng nào. Như vậy là sao?” Thủ lĩnh của Manchester United còn lặp đi lặp lại câu hỏi đó khi hai đội rời đường hầm ra sân để bước vào hiệp 2. Nhưng với ông Wilkie, những lời lẽ của huấn luyện viên Ferguson mới thật sự ám ảnh: “Tại sao ông không làm cái công việc chết tiệt của mình đi?” Rất hiếm khi người ta thấy huấn luyện viên của Manchester United mất kiểm soát đến thế.
Trong phòng thay đồ ở giờ nghỉ giữa hai hiệp, huấn luyện viên Ferguson đã gọi riêng Cantona ra để nhắc nhở. Ông cảnh báo
cậu học trò cưng không nên bị cuốn vào những chiêu trò của Shaw. “Đừng để nó dắt mũi cậu”, huấn luyện viên Ferguson kể lại chuyện đó trong cuốn tự truyện của ông sau này. “Đấy là điều mà gã đó muốn đạt được. Cậu hãy tránh xa tên đồ tể đó ra cho tôi. Hắn có vẻ đang rất đắc ý với những pha xoạc bóng kinh tởm đó.”
Công bằng mà nói, Shaw là một trung vệ giỏi và có kinh nghiệm. Theo sát Cantona như hình với bóng và khiêu khích khiến ngôi sao người Pháp mất kiểm soát là nhiệm vụ của Shaw. Chẳng thể trách hậu vệ này được. Nếu Crystal Palace không chơi tiểu xảo như vậy, họ không có cửa để hy vọng kiếm điểm trước Manchester United.
“Thiên hạ cứ làm như đó là lỗi của Shaw vậy”, đồng đội John Salako ở Crystal Palace sau này chia sẻ. “Richard đã có một trong những trận đấu xuất thần. Anh ấy được giao nhiệm vụ khóa chặt Eric và đã làm điều đó quá tốt. Eric nổi nóng và mất bình tĩnh bởi anh ấy đã gần như bị Richard vô hiệu hóa hoàn toàn.”
Ba phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, thủ môn Peter Schmeichel phát bóng lên. Trong tình huống này, giữa Cantona với Shaw lại có va chạm. Dĩ nhiên, Shaw là kẻ khiêu khích. Trọng tài biên đã vẫy cờ, nhưng Cantona đã “lên cơn điên” và không ngần ngại tung một cước vào Shaw. Đó là một hành vi bạo lực có chủ ý và trọng tài Wilkie lập tức rút thẻ đỏ với Cantona. Trên đường piste, huấn luyện viên Ferguson của Manchester United phẫn nộ đến cùng cực.
Ở tòa sau đó, Cantona thừa nhận rằng, anh đáng bị trọng tài Wilkie đuổi khỏi sân. Tuy nhiên, ngôi sao người Pháp cũng phàn nàn về cách ông đối xử với trung vệ Shaw của đội chủ nhà: “Tôi cho rằng, trọng tài Wilkie đã đúng với trường hợp của tôi”, đó là lời của Cantona được luật sư David Poole đọc trước tòa, “nhưng trước đó, tôi cũng bị đối thủ nhiều lần cố tình phạm lỗi thô bạo, và trọng tài đã cố tình lờ đi.”
Từ vụ Cantona bị đuổi khỏi sân, bóng đá Anh đã phải điều chỉnh một số quy định. Cụ thể, cho đến cuối mùa giải 1994/95, cầu thủ sau khi bị rút thẻ đỏ phải lập tức đi ra ngoài đường piste gần đó nhất, có khi phải đi bộ quá nửa vòng sân để vào đường hầm, nên họ thường xuyên phải đi qua khu vực khán đài dành cho cổ động viên đối thủ và phải hứng chịu những lời lẽ khó nghe. Sau scandal của Cantona, kể từ tháng 08/1995, cầu thủ sau khi bị thẻ đỏ được phép rời sân theo đường ngắn nhất để đi đến đường hầm.
Sân vận động Selhurst Park vốn dĩ luôn đặc quánh bầu không khí thù địch. Chuyện một cầu thủ đối phương bị la ó, chửi rủa thô tục khi đi ngang qua khán đài Main Stand nhiều như cơm bữa. Với Cantona, tình hình còn tệ hơn. Bởi anh là một cầu thủ quá nổi tiếng, đến từ một đội bóng quá nổi tiếng. Trong khi Cantona rảo bước qua khán đài dành cho cổ động viên của Crystal Palace để đi vào đường hầm, người ta thấy có ít nhất hai lần anh đã dừng bước, ngước mắt nhìn lên những kẻ chửi bới, khiêu khích anh một cách rất khó chịu, rồi sau đó lại lầm lũi bước tiếp.
“Không chỉ đơn thuần là những cú vào bóng hay những pha kéo áo thô thiển trên sân của cầu thủ đối phương, buổi tối hôm đó ở Selhurst Park đã vượt quá giới hạn chịu đựng của Eric”, đồng đội Gary Pallister khẳng định như vậy trong một lần đề cập đến scandal của Cantona năm 2015. “Những gì diễn ra trên sân của Crystal Palace giống như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, sau rất nhiều lần Eric phải cắn răng chịu ấm ức trước sự tấn công từ các cổ động viên ở bất kỳ sân vận động nào mà chúng tôi đặt chân đến.”
“Các bạn không thể tưởng tượng nổi đâu. Eric thường xuyên phải chịu đựng những lời lẽ thô thiển nhắm vào anh ấy mỗi khi chúng tôi đến làm khách trên sân đối phương hay bước xuống khỏi xe bus của đội bóng. Ngay cả khi chúng tôi rủ nhau đi xem đua ngựa để thư giãn, Eric cũng không thoát khỏi những kẻ quá
khích. Tôi nhớ có lần, ngay trong lúc đang xem đua ngựa, Cantona đã bị một kẻ mất dạy nào đó ở khán đài ngay phía trên nhổ thẳng một bãi nước bọt vào người. Rõ ràng, Cantona đã trở thành mục tiêu tấn công được nhiều cổ động viên của đối phương yêu thích.”
Trong số những cổ động viên mắc “hội chứng thù ghét Cantona” như thế có anh chàng 20 tuổi Matthew Simmons - kẻ đã khiến danh thủ người Pháp nổi điên, mất kiểm soát dẫn đến cú đá kung-fu tai tiếng. Những người chứng kiến kể lại rằng, Simmons đã lao xuống từ chỗ ngồi của anh ta, qua 11 hàng ghế để có thể tiếp cận Cantona ở khoảng cách gần nhất, rồi văng đủ những lời lẽ thô tục nhất đến ngôi sao của Manchester United. Tuy vậy, Simmons sau đó luôn thanh minh rằng, tất cả chỉ là tình cờ, anh ta rời ghế ngồi, đi xuống dưới chỉ để tìm chỗ đi… toilet.
Simmons đã nói gì khiến Cantona mất bình tĩnh đến vậy? Đó là điều mà rất nhiều người tò mò muốn biết. Theo cách giải thích khá nực cười trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, anh ta khẳng định rằng mình chỉ nói: “Biến! Biến! Biến ngay! Cố gắng nhé! Về tắm táp sớm đi, Cantona!” Tuy nhiên, theo lời của một nhân chứng trung lập trước tòa án, Simmons thực tế đã thét vào mặt Cantona: “Cút mẹ mày đi, thằng lừa đảo! Cút về Pháp đi, thằng con hoang giẻ rách!”
Đáng chú ý, tòa án đã đứng về phía nhân chứng trung lập. Những lời biện minh của Simmons bị cho là không có cơ sở. Thẩm phán Jeffrey McCann tin là Cantona đã bị đả kích mạnh mẽ dẫn đến kích động. Simmons bị kết tội tấn công và xúc phạm nhân phẩm người khác. Gã còn bị cho là một kẻ ủng hộ Đảng cực hữu. Cũng có một giả thuyết cho rằng, Simmons không phải là cổ động viên của Crystal Palace. Thực tế, gã là một fan của Fulham và không rõ có động cơ, mục đích gì khi đến Selhurst Park dự khán trận đấu với tư cách cổ động viên đội nhà. Về điểm này, bức màn bí mật đến nay vẫn chưa được hé mở.
Cantona đã trở thành mục tiêu công kích trên diện rộng trước những kẻ luôn cố tìm cách khiêu khích anh. Nếu Shaw là ngôi sao trong tập 1 của bộ phim The Temptation of Cantona, thì Simmons đóng vai chính ở tập 2.
Simmons tiếp tục làm lớn chuyện. Sau khi bị tòa kết tội, phạt 500 bảng Anh và cấm 12 tháng không được đến sân vận động xem bóng đá, hắn đã phi thân qua ghế dành cho bị cáo, vừa tung cước vừa cố đấm một thành viên của bồi thẩm đoàn. Vì hành vi động thủ không thèm động khẩu này, hắn bị phạt tù 7 ngày. Khi bị dẫn độ ra ngoài, Simmons còn hét lên đầy vẻ tuyệt vọng: “Tôi vô tội. Tôi xin thề trước Kinh thánh. Các ngươi là một lũ cặn bã.”
Dù gì đi chăng nữa, hành động của Cantona cũng khiến nhiều người bị sốc. Hãy cùng quay chậm lại tình huống tiền đạo của Manchester United đã tung ra cú kung-fu ở Selhurst Park. Cantona đã bay người xông phi vào giữa ngực của Simmons. Sau đó, do hai chân không chạm đất và mất thăng bằng, Cantona ngã dúi dụi xuống đất. Tiền đạo người Pháp lập tức vùng dậy, thụi liên tục vào người Simmons trong khi gã kia cũng ra sức trả đòn. Quanh họ, các cổ động viên của Crystal Palace không tin vào mắt mình, họ ngạc nhiên và sợ hãi đến sững sờ.
Đồng đội của Cantona là Paul Ince hôm đó cũng bị dính đòn oan. Trong cuộc ẩu đả, anh bị một kẻ quá khích nào đó trên khán đài hắt nước trà nóng vào người. Ince bực bội và đáp lại bằng một cú đấm vào không khí.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, người phụ trách phòng thay đồ của Manchester United là Norman Davies lập tức chạy đến hộ tống Cantona vào đường hầm. Ông gần như phải kéo lê cầu thủ người Pháp với sự hỗ trợ của một nhân viên an ninh. Còn Peter Schmeichel vừa chạy theo vừa cố khuyên nhủ Cantona “hạ hỏa”. Tất cả giống như một hoạt cảnh, đặc biệt khi nhìn vào dáng vẻ của thủ môn bên phía đội khách khi anh quay sang phía các cổ động viên của Crystal Palace để tỏ vẻ xin lỗi.
Trở lại với cảnh ẩu đả hỗn loạn ở Selhurst Park. Các cầu thủ Manchester United khi đó đã chạy cả lại phía khán đài dành cho cổ động viên của Crystal Palace. Họ phản ứng dữ dội trước những tiếng la ó, chửi thề được cho là nguyên nhân khiến cho nhiều cái đầu trở nên nóng nảy và mất kiểm soát. Trước tình hình đó, một hàng rào các nhân viên an ninh đã lập tức được thiết lập để ngăn giữa các cầu thủ đội khách với các cổ động viên của Crystal Palace. Vụ việc diễn ra vẻn vẹn chỉ khoảng 7 giây, nhưng dư âm của nó còn kéo dài mãi nhiều năm sau đó.
“Khi đó tôi chỉ biết đứng chết sững”, Pallister kể lại trên tờ Manchester Evening News. “Tôi không thể nào tin nổi những gì đang xảy ra trước mắt. Thực sự là không thể tin nổi. Tôi chỉ nhớ được rằng, ông Norman Davies đã cố tìm cách ngăn Eric lại. Cảm ơn Chúa, may nhờ có ông ấy kéo được Eric đi.”
Norman Davies xứng đáng được khen thưởng trong vai trò của một “người dẹp loạn”. Ông đã khóa chặt được hai tay của Cantona, cố khiêng anh ta như khiêng một chú ếch về được đến phòng thay đồ một cách an toàn. Nhưng như thế cũng chưa hết việc cho Davies. Ông còn phải canh giữ cửa phòng thay đồ thật chặt chẽ, không cho Cantona ra ngoài để tiếp tục ăn thua với Simmons.
“Eric lúc đó như nổi điên”, Davies sau này nhớ lại. “Cậu ấy một mực đòi xông ra khỏi phòng thay đồ để quay lại tìm Simmons. Tôi đã phải khóa cửa lại, rồi sau đó quát lên với cậu ta: ‘Nếu cậu muốn đi, hãy bước qua xác của tôi, trước khi đạp tung cánh cửa!’.”
Sau khi cơn nóng giận của Cantona đã dịu xuống đôi chút, Davies vội vàng pha cho anh một tách trà. Tiền đạo người Pháp uống xong tách trà, rồi nhanh chóng bước vào phòng tắm. Người phụ trách phòng thay đồ của Manchester United có công lớn trong việc dẹp yên một trận phong ba. Nhờ đó, ông được các
học trò của Ferguson, vốn bất lực trong việc ngăn cản Cantona “tẩn” nhau với Simmons, ưu ái đặt cho biệt danh “Vaseline”.
Người có thẩm quyền đầu tiên có phản ứng trước scandal ở Selhurst Park là cảnh sát trưởng Terry Collins. Ông tuyên bố rằng, Cantona và Ince được phép cùng đội bóng quay về Manchester, nhưng sẽ bị cảnh sát gọi thẩm vấn trong vòng 48 giờ sau đó. “Trong cuộc đời, tôi chưa từng chứng kiến những chuyện kinh khủng như thế", Collins khẳng định. “Đó phải được coi là một vụ bạo loạn!”
Cũng trong tối hôm đó, Liên đoàn bóng đá Anh lập tức ra thông báo: “Liên đoàn bóng đá Anh rất bàng hoàng trước vụ việc xảy ra ở đường piste sân Selhurst Park. Vụ ẩu đả đó là rất đáng xấu hổ, không chỉ với bản thân những người liên quan, mà nghiêm trọng hơn, với cả nền bóng đá!”
“Liên đoàn bóng đá Anh xin thông báo rằng, cảnh sát đã vào cuộc. Họ đang cân nhắc những bước tiếp theo để tiến hành xử lý. Chúng tôi sẽ phối hợp triệt để với họ. Về phần Liên đoàn bóng đá Anh, chúng tôi sẽ theo sát vụ việc, xác minh làm rõ các hành vi không đúng mực làm ảnh hưởng xấu đến bóng đá. Chúng tôi khẳng định sẽ có hình phạt thích đáng dành cho những kẻ phá hoại. Chúng tôi hứa sẽ xử lý thỏa đáng.”
Nhưng trên tất cả, phản ứng của huấn luyện viên Ferguson trước cú xông phi của Cantona mới khiến nhiều người ngạc nhiên nhất, không hẳn vì khi xảy ra sự việc ông không quan sát được tình huống mà chỉ nghe kể lại với nhiều thông tin gây nhiễu. Một số cầu thủ Manchester United nhớ lại rằng, họ đã vô cùng ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh của ông thầy trong phòng thay đồ sau khi trận đấu kết thúc. Ferguson hầu như không đề cập đến vụ việc của Cantona mà chỉ tập trung trách mắng các hậu vệ trong tình huống mắc lỗi để trung vệ Gareth Southgate ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1 cho Crystal Palace ở gần cuối trận. Cũng vì thế ở Old Trafford đã xuất hiện “thuyết âm mưu” rằng,
huấn luyện viên Ferguson không để tâm đến hành động phi thể thao của Cantona vì quá cưng chiều anh. Tất nhiên, không cầu thủ Manchester United nào đủ dũng cảm để nói ra suy nghĩ đó.
Điều khiến ông Ferguson khó chịu đầu tiên là sự ngớ ngẩn của Cantona, khi anh đã không chịu nghe lời cảnh tỉnh của ông trong giờ nghỉ giữa hiệp đấu với đội chủ nhà Crystal Palace. “Đó không phải là lần đầu tiên tính khí nóng như lửa đã làm khổ cậu ấy và làm ảnh hưởng đến đội bóng. Nếu không vì thế, tài năng của cậu ấy còn tỏa sáng rực rỡ hơn nữa”, Ferguson đã viết như vậy trong cuốn Managing My Life. “Đó đã là lần thứ năm kể từ khi gia nhập Manchester United, cậu ấy bị truất quyền thi đấu. Bỏ qua sự khiêu khích từ phía cầu thủ đối phương cũng như từ các cổ động viên trên khán đài, tôi cảm thấy buồn vì sự ngốc nghếch của cậu ấy!”
“Tiên trách kỷ”, nhưng Ferguson cũng không quên “hậu trách nhân”. Huấn luyện viên của Manchester United đã hết lời chỉ trích trọng tài chính điều khiển trận đấu trên sân Selhurst Park. Trọng tài Alan Wilkie đã không quan sát được vụ ẩu đả bên ngoài đường piste, mặc dù sau đó ông cũng đã được nghe tường thuật lại một cách khá tỉ mỉ và chính xác, thậm chí còn phải ở lại sau trận đấu để phục vụ điều tra. Nhà cầm quân người Scotland tỏ ra vô cùng thất vọng với Wilkie. “Đó là một lỗi đáng nguyền rủa của trọng tài. Nếu ông ấy làm tốt công việc của mình trên sân, điều tồi tệ đã không xảy ra.” Không hiểu những lời trách móc của huấn luyện viên Manchester United nhắm vào chiếc thẻ đỏ mà trọng tài Wilkie dành cho Cantona hay nhắm vào những hệ lụy xảy ra sau đó. Chỉ biết rằng, sau trận đấu với Crystal Palace, cảnh sát đã phải lôi cổ ông Ferguson ra khỏi phòng thay đồ của tổ trọng tài.
Sau khi đáp máy bay về Manchester vào tối muộn hôm đó, huấn luyện viên Ferguson từ chối xem lại băng quay chậm theo đề nghị của cậu con trai Jason - người đã mô tả cú xông phi của Cantona như là “một cú đá Karate”. Thay vào đó, ông lên giường
và chập chờn trong giấc ngủ. 4 giờ sáng, Ferguson thức dậy. Một tiếng đồng hồ sau, ông mới bình tĩnh ngồi xem lại băng quay chậm vụ ẩu đả. “Hay ho gớm nhỉ!” là biểu cảm duy nhất của Ferguson sau khi xem.
Có thể hiểu được sự bực bội của huấn luyện viên Ferguson nếu biết rằng cầu thủ mà ông đã đặt trọn niềm tin yêu lại khiến ông thất vọng ghê gớm như thế. Manchester United vì cú kung-fu tai tiếng đó của Cantona đã trở thành trò cười cho thiên hạ. Nếu như những gì tiền đạo người Pháp thể hiện trong hai mùa giải đầu tiên ở Old Trafford cho thấy rằng Ferguson đã sáng suốt như thế nào trong việc nhìn người, thì những hành vi sau đó của anh chẳng khác nào tự phá hủy đi tất cả, khiến ông thầy người Scotland cảm thấy như bị “bôi gio trát trấu” vào mặt.
Huấn luyện viên Ferguson không phải không được cảnh báo trước về thói “ngựa chứng” của Cantona. Từ khi Cantona còn thi đấu cho Auxerre, anh đã từng đấm đồng đội Bruno Martini sau một cuộc tranh cãi nảy lửa. Trong một trận đấu tại Sedan để gây quỹ từ thiện cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất ở Armenia, cầu thủ người Pháp đã đá quả bóng thẳng vào đám đông, sau đó cởi áo ném vào mặt trọng tài, rồi suýt ẩu đả khi ra ngoài đường piste. Tháng 09/1988, Cantona gọi huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pháp Henri Michel là “một bọc phân thối” trong một cuộc trả lời phỏng vấn sau trận và bị cấm thi đấu cho đội tuyển quốc gia cho đến khi ông Michel bị sa thải.
Năm 1991, khi còn khoác áo câu lạc bộ Nimes thi đấu trong trận gặp St.Etienne, Cantona bực bội ném quả bóng vào trọng tài và phải chịu án treo giò 4 trận. Khi bị Ủy ban Kỷ luật triệu tập yêu cầu giải thích, đồng thời bị nhắc nhở vì những hành vi không đúng mực, Cantona đã đi đến chỗ ngồi của từng thành viên trong Ủy ban Kỷ luật và lần lượt gằn giọng gọi họ là “những kẻ ngốc nghếch”. Án phạt dành cho anh vì thế được nâng lên thành 2 tháng treo giò.
Trước án phạt rất nặng này, Cantona đã định giải nghệ ở tuổi 25. Nhưng huyền thoại Michel Platini lại cho rằng, nếu vậy thì đó là một mất mát quá lớn cho đội tuyển Pháp. Do vậy, ông đã đến gặp Cantona và thuyết phục anh tiếp tục chơi bóng. Ông khuyên tiền đạo này cân nhắc sang Anh thi đấu, đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt hẳn với Ligue 1.
Dù đã rất cố gắng, nhưng huấn luyện viên Ferguson gần như bất lực trong nỗ lực “mềm hóa” Cantona. Sáu tháng sau khi gia nhập Old Trafford, anh bị kết tội hành xử không đúng mực và bị phạt 1.000 bảng Anh. Tiền đạo của Manchester United bị cổ động viên của đội bóng cũ Leeds United tố cáo đã nhổ nước bọt về phía họ. Cantona khi đó thanh minh rằng, anh chỉ nhổ nước bọt vào tường. Ủy ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Anh khi đó có tình tiết giảm nhẹ án phạt cho Cantona, với lý do anh thường xuyên bị cổ động viên của Leeds biến thành mục tiêu khủng bố tinh thần.
Ở mùa 1993/94, mùa bóng trọn vẹn đầu tiên của Cantona với Manchester United, anh bị trọng tài truất quyền thi đấu 2 lần chỉ trong vòng 4 ngày, trong các trận đấu với Swindon và Arsenal. Lần đầu tiên do lỗi Cantona cố tình giẫm lên ngực của tiền vệ John Moncur (Swindon), còn lần thứ hai do anh phải nhận 2 thẻ vàng trước đội bóng thủ đô London. Huấn luyện viên Ferguson vì thế đã phải nhận những lời chỉ trích nặng nề. Người ta quy kết ông dung túng học trò cưng, khiến Cantona đầu trò, làm hỏng các cầu thủ còn lại của Manchester United.
Chuyện càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 09/1994, khi Manchester United phải đến làm khách tại “chảo lửa” Ali Sami Yen của Galatasaray, vốn nổi tiếng là “miền đất dữ” đối với các đội khách. Cantona lại bị đuổi khỏi sân. Tồi tệ hơn, anh đã bị ăn dùi cui của một cảnh sát trong lúc vào đường hầm. Cantona lúc ấy như bị hóa rồ. Anh cố tìm cách thoát khỏi các nhân viên an ninh và các thành viên ban tổ chức để ăn thua với tên cảnh sát
đã “ra đòn” với anh. Rốt cuộc, Cantona bị lôi cổ về phòng thay đồ và bị các đồng đội giữ chặt trong đó cho đến lúc ra xe.
“Pally (Pallister), Robbo (Bryan Robson) và Brucey (Steve Bruce) đã phải rất vất vả kéo Eric lại và không cho anh ấy ra khỏi phòng thay đồ”, Gary Neville kể lại trong cuốn tự truyện của anh sau này. “Tôi nhớ là các đàn anh cứ phải chơi trò 2 kèm 1. Nghĩa là chỉ 2 người được đi tắm, còn 2 người phải ở lại theo sát nhất cử nhất động của Cantona. Nhiệm vụ của họ chỉ kết thúc khi huấn luyện viên xuất hiện.”
Tất cả những chuyện đó nói lên điều gì? Thứ nhất, huấn luyện viên của Manchester United chẳng lạ gì tính khí nóng như lửa của Cantona; thứ hai, mỗi khi “nổi điên”, tiền đạo người Pháp cần có một khoảng thời gian nhất định để hạ hỏa.
Điều không hề dễ dàng chấp nhận đối với Ferguson là tai nạn của Cantona ở Selhurst Park đã được dự báo từ trước, nhưng huấn luyện viên người Scotland lại không thể ngăn chặn. Cú kung-fu đó ban đầu có thể khiến mọi người bị sốc, nhưng nếu nhìn lại cả một quá trình thì chuyện đó cũng chẳng có gì ghê gớm. Huấn luyện viên của Manchester United đã từng nhiều lần cố tìm cách hạ độ “nhiệt” quá mức của Cantona xuống, nhưng ông không thành công, thậm chí giống như là ông bị rơi vào cái bẫy lên xuống thất thường như sơ đồ hình Sin của cái tính khí đầy phức tạp trong con người Cantona.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ The Observer năm 2004, Cantona - có lẽ không chủ tâm - đã bóng gió rằng vụ việc hôm đó là không thể tránh khỏi, đồng thời cũng thừa nhận sự thiếu kiểm soát của mình: “Nếu tôi gặp lại Simmons vào một ngày khác, chuyện có thể đã khác đi, cho dù cậu ấy vẫn xúc phạm tôi như thế. Có lẽ cuộc đời đã sắp đặt số phận tôi phải vậy. Hằng ngày, chúng ta đều phải sống và hành động, giống như một nghệ sĩ xiếc biểu diễn đu dây vậy.”
Trong một lần trả lời phỏng vấn khác, khi đề cập đến sự cạnh tranh, Cantona chia sẻ: “Tôi muốn mình giống như một con bạc khát nước đang đốt đời ở casnio.” Danh thủ người Pháp giải thích: “Con người ta muốn đánh bạc bởi họ muốn thử cảm giác lạ. Họ muốn điều đó ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống. Và tôi cũng vậy, cũng muốn mình luôn được trải nghiệm thứ cảm giác của một con bạc khát nước.”
Triết lý đó của Cantona chẳng khác gì nguyên lý “tảng băng trôi”, chìm phía dưới bề mặt của tảng băng là vô số những nguy cơ tiềm ẩn khó lường. Với những người chơi thể thao chuyên nghiệp, cách nghĩ đó rất khó được chấp nhận. Theo lẽ thông thường, người ta luôn phải có những chiến lược cụ thể để vươn tới thành công, dựa trên tinh thần thi đấu vững vàng, với sự điềm tĩnh ngay cả trong những tình huống xấu nhất.
Cantona là một cầu thủ có lối chơi đồng đội, anh gần như không thích thể hiện. Nhưng riêng đối với những quả penalty mà Manchester United được hưởng - theo cách nói của Cantona, chính là khoảnh khắc thể hiện cái tôi cá nhân rõ nhất - thì cầu thủ người Pháp lại muốn độc chiếm. Cantona muốn mọi người phải hướng mắt về phía anh. Cantona luôn nỗ lực hết mình để đi tới thành công, không hẳn chỉ để giúp đội bóng hay cá nhân nào đó giành chiến thắng. Đơn giản chỉ là anh muốn được cháy hết mình với cảm xúc trên sân, được thể hiện mình và đem niềm vui đến cho người khác.
Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng triết lý của Cantona lại là sự phản biện thuyết phục. Để trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và luôn duy trì được đỉnh cao phong độ là vô cùng khó. Vì thế, đôi lúc để giúp bản thân tránh bị kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, thay vì đều đặn tập trung cho những chuyện lớn lao như tình yêu và tiền bạc, có đôi lúc người ta cần phải làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn bằng cách tự tìm cách thỏa mãn một đam mê đặc biệt nào đó. Nhìn chung, nhiều cầu thủ sau khi đã giải nghệ thú nhận rằng, họ có xu hướng “bập” vào
nghiện ngập bởi họ luôn có nhu cầu tái tạo năng lượng để tiếp tục theo đuổi những guồng quay của bóng đá.
Cantona tỏ ra khá cực hữu. Thế nên, bất kỳ ai, bất kỳ điều gì ngăn cản, khiến cầu thủ người Pháp không được chơi bóng, không được thỏa đam mê đều bị anh coi là kẻ thù: những trọng tài rút thẻ đỏ với anh, những hậu vệ thích đá thô bạo với anh, những huấn luyện viên với những chiến thuật làm hạn chế khả năng của anh hay những cổ động viên luôn tìm cách tấn công anh, v.v… Tất cả giải thích lý do tại sao dẫn đến những cơn cuồng nộ của Cantona ở Istanbul hay ở Selhurst Park.
Cantona luôn thể hiện mình là một kẻ lập dị theo chiều hướng của những người theo chủ nghĩa tự do như vậy không phải vì bản chất của anh là thế, mà đơn giản chỉ để được cảm thấy mình có quyền tự do ngôn luận.
“Trên tất cả, tôi muốn mình luôn cảm thấy được tự do”, ngôi sao người Pháp viết trong cuốn Cantona on Cantona. “Tôi không thích cảm giác bị bó buộc bởi những quy tắc hay bị chi phối. Tôi luôn tự nhắc mình phải biết tự kiềm chế. Tôi luôn xác định có một lằn ranh giới rõ ràng giữa sự tự do và sự vô kỷ luật. Nhưng ở một chừng mực nào đó, tôi thích những tư tưởng phá cách.”
Vượt ra khỏi những quy tắc xã hội được cho là cứng nhắc, Cantona thích công lý được thực thi theo cảm tính - vốn chẳng theo một tiêu chuẩn nào hết. Thế nên, khi Simmons giở giọng bài ngoại khiêu khích anh, Cantona đã nổi nóng và lập tức “đòi lại công bằng” bằng cú kung-fu tai tiếng. Theo lăng kính đó, những lời biện minh của Simmons, rằng Cantona là một kẻ mất trí, không hẳn là có cơ sở.
Có một điều chắc chắn giữa muôn vàn những lời giải thích về cú xông phi của Cantona: Anh luôn sống đúng với những nguyên tắc sống của mình và chưa bao giờ hối tiếc vì những việc đã làm. “Tôi từng nói rằng lẽ ra tôi phải đạp anh ta mạnh hơn nữa…”,
Cantona nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2017. “Tôi chẳng có gì phải hối hận. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ. Tôi vỡ ra được nhiều điều và tôi nghĩ là Simmons cũng vậy.”
Có thể sẽ có sự khác biệt đôi chút ở ông Ferguson, nếu nói chuyện với huấn luyện viên của Manchester United vào buổi sáng ngày 26/01/1995. Manchester United hành quân đến miền Nam London để giành 3 điểm tại Selhurst Park, với hy vọng giành lại vị trí đầu bảng tại Premier League. Nhưng “Quỷ đỏ” đã phải ra về mà không thể giành chiến thắng, thậm chí với hai trụ cột có nguy cơ bị kết tội, trong đó tiền đạo xuất sắc nhất của họ bị cuốn vào vòng xoáy thị phi.
Old Trafford cần phải được “rào giậu” cẩn thận. Đang có dấu hiệu của một cơn giông tố sắp ập đến.
Ngày thứ 3
“CẬU ĐÃ LÀM RẤT TỐT, ERIC Ạ.” Ô
ng Ferguson đã luôn phải phải gồng mình lên để bảo vệ Cantona bởi cả tài năng xuất chúng cũng như danh tiếng đi kèm tai tiếng của tiền đạo người Pháp. Ngay khi có ý
định ký hợp đồng với anh, huấn luyện viên của Manchester United đã được nhắc nhở rằng, một cầu thủ “ngựa chứng” như Cantona cần phải có một người huấn luyện thật đặc biệt để ghìm cương. Nhưng chiến lược gia người Scotland đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo về vấn đề kỷ luật của tiền đạo này. Ông không hề có một chút định kiến gì trước những chuyện tai tiếng của Cantona trước khi anh gia nhập Old Trafford.
“Cậu ấy có chút ương bướng và gàn dở khi thi đấu cho một vài đội bóng trước đó và do vậy đã bị gắn với cái mác bất trị”, huấn luyện viên Ferguson viết trong cuốn Leading. “Người ta đã nhìn nhận về cậu ấy giống như một kẻ quái nhân. Nhưng điều đó không hề khiến tôi lăn tăn. Khi làm việc với một tài năng phi thường, đôi khi cũng cần phải có những cách đối xử... phi thường. Điều đáng kể nhất mà tôi làm với Eric, khi cậu ấy chân ướt chân ráo gia nhập Manchester United, chỉ đơn giản là bỏ qua những gì xảy ra trong quá khứ và đối xử với cậu ấy như một người mà tôi chưa từng biết đến trước đó.”
Những gì ông Ferguson làm với Cantona nghe có vẻ đơn giản, nhưng kỳ công chẳng khác nào hành động chặt ngang thớ gỗ. Bỏ ngoài tai những lời ong tiếng ve về Cantona cũng đồng nghĩa với việc buộc phải chống lại cả thế giới để bênh vực tiền đạo người Pháp.
Còn nhớ hồi anh mới gia nhập Old Trafford, giới truyền thông Anh thường xuyên thắc mắc trước những quyết định của huấn luyện viên Ferguson liên quan đến cầu thủ có tính cách bốc đồng này. Người ta cho rằng, sau khi kết thúc mùa giải 1991/92 ở vị trí á quân, chỉ với 4 điểm kém đội vô địch Leeds United (trong khi mùa giải trước đó chỉ xếp thứ 6), Manchester United chỉ cần cải thiện đôi chút là có đủ khả năng giành chức vô địch quốc gia Anh. Và việc ông Ferguson đưa về Old Trafford một cầu thủ có tính cách nổi loạn như Cantona chẳng khác nào hành động đùa với lửa, nó có thể khiến con tàu mang tên Manchester United tròng trành và bị đắm bất kỳ lúc nào.
Năm 1994, Sky Sports đã dựng một video công phu về những pha phạm lỗi thô bạo của Cantona trên một nền nhạc kích động. Điều đó khiến Ferguson vô cùng giận dữ. Ông cho rằng đang có một âm mưu vùi dập cậu học trò cưng của mình, dù trên thực tế ông chẳng cần thiết phải lời qua tiếng lại với những phóng viên, nhà báo đã bị ông liệt vào danh sách những kẻ thích ném đá đại hội.
Không chỉ bỏ qua quá khứ gây tranh cãi của Cantona, ông Ferguson còn có sự biệt đãi Cantona so với các học trò khác ở Manchester United. Huấn luyện viên người Scotland thường rất nghiêm khắc trong các buổi tập hay trong sinh hoạt hằng ngày của các cầu thủ, nhưng ông sẵn sàng vứt bỏ tất cả các nguyên tắc để tỉ tê tâm sự với Cantona. Ferguson cho rằng, Cantona là một người rất nhạy cảm, cần phải được chăm sóc đặc biệt. Do vậy, ông hay kể cho tiền đạo người Pháp nghe rất nhiều câu chuyện ở Old Trafford để anh dần thẩm thấu và cảm thấy yêu mến Manchester United. Và trên tất cả, ông Ferguson muốn thấy cậu học trò của mình lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và sự lạc quan.
Đề cập đến sự ưu ái hết mực của mình với Cantona, có lần huấn luyện viên Ferguson tự đưa ra giả thiết rằng, có thể do ông nhìn thấy trong cá tính của cậu học trò cưng có nhiều nét tương đồng
với ông. Vì thế, ông muốn cố gắng tạo động lực cho Cantona để giúp anh khai phá tối đa tiềm năng của bản thân. Nhìn chung, Ferguson có sự đồng cảm sâu sắc với cậu học trò do cả hai đều có cá tính mạnh và đều bị xem là “người ngoài” - những kẻ không sinh ra và lớn lên ở Anh, nhưng lại đang đóng vai người dẫn đường chỉ lối cho môn thể thao vua ở xứ sở sương mù.
Nhưng cũng có thể giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu hơn. Ferguson là một người có cách nghĩ thoáng và thực dụng. Do vậy, ông hiểu rằng với một cầu thủ có tài năng và cá tính đặc biệt như Cantona, việc cố gò anh vào những khuôn phép có thể sẽ làm hạn chế khả năng ở trên sân của anh. Chỉ bằng cách để Cantona tự do thoải mái nhất, Manchester United mới có cơ hội được hưởng lợi nhiều nhất từ cầu thủ người Pháp.
Và khi được các phóng viên hỏi liệu sự biệt đãi của huấn luyện viên Ferguson dành cho Cantona có làm cho một số thành viên trong phòng thay đồ của Manchester United cảm thấy phẫn nộ hay không, chiến lược gia người Scotland lập tức gạt phắt đi: “Tôi làm tất cả cho Eric, nhưng lại không làm vậy với các cầu thủ khác trong đội bởi cậu ấy là một tài năng phi thường, với những phẩm chất phi thường mà những người khác không bao giờ có được!”
Sự nhìn nhận của huấn luyện viên Ferguson về Cantona, dù đúng hay sai, đều dẫn đến những tranh cãi. Trong cuốn tự truyện của mình, tiền đạo Mark Hughes tỏ vẻ ganh tỵ khi viết: “Huấn luyện viên của Manchester United đã tự phá vỡ những nguyên tắc của mình để chạy theo cầu thủ người Pháp. Cantona rõ ràng có vấn đề trong việc hòa nhập ở Old Trafford. Nhưng do cậu ấy là sản phẩm ‘độc’ do chính Ferguson tạo ra, nên ông ấy phóng lao phải theo lao.”
Nhưng quan trọng là các cầu thủ Manchester United hiểu và chia sẻ với Ferguson. Đó mới là đỉnh cao nghệ thuật trong quản
lý nhân sự của huấn luyện viên và qua đó cũng cho thấy sự chín chắn của các cầu thủ ở Old Trafford.
Chính bởi sự biệt đãi dành cho Cantona mà ông Ferguson đã rất tức giận với cú kung-fu của cậu học trò cưng ở Selhurst Park. Huấn luyện viên người Scotland gần như tối ngày chạy theo để giáo hóa Cantona với hy vọng ít nhất có thể “thuần hóa” anh phần nào. Nhưng cuối cùng, tiền đạo này lại biến ông thành trò cười cho thiên hạ. Ông Ferguson thừa hiểu rằng, hành động của Cantona không phải là một sự cố có thể dàn xếp trước sự moi móc đầy láu cá của giới truyền thông.
Phản ứng đầu tiên của huấn luyện viên Ferguson là muốn Manchester United trục xuất Cantona khỏi Old Trafford ngay lập tức, để tránh cho cả con tàu Manchester United bị đắm theo anh. Ông đã phải dùng tới cụm từ “sặc mùi chết chóc” để miêu tả bầu không khí ngột ngạt của đội bóng khi đó. Ngay buổi tối ác mộng đó, ông Ferguson quyết định đến gặp Sir Ronald Smith và Maurice Watkins ở khách sạn Edge, tại Alderley Edge, Cheshire. Smith và Watkins là đồng chủ tịch của câu lạc bộ. Ông được thông báo rằng, giá cổ phiếu của Manchester United trên thị trường chứng khoán vì scandal của Cantona đã tụt hơn 3% chỉ trong vòng 24 giờ.
Ông Smith đồng quan điểm với huấn luyện viên Ferguson là phải tống cổ Cantona khỏi Manchester United càng sớm càng tốt, tránh đêm dài lắm mộng. Trong cuốn hồi ký A year in the Life, Ferguson đã đề cập đến sự tức giận của ông với cậu học trò người Pháp như sau: “Tôi đã từng vì ủng hộ Eric mà gần như bất chấp tất cả. Nhưng lần này, vì Manchester United, tôi nhất định phải có hành động thật mạnh mẽ. Đội bóng cần phải luôn được đặt lên trên bất kỳ cá nhân nào. Tôi cũng đã bày tỏ ý định đó với lãnh đạo câu lạc bộ và nhận được sự đồng tình từ họ.”
Ý định trục xuất Cantona khỏi Manchester United của Ferguson cũng được người vợ Cathy của ông ủng hộ. Cũng phải nhấn
mạnh rằng, Cathy có sự ảnh hưởng đến những quyết định trong sự nghiệp cầm quân của huấn luyện viên người Scotland lớn hơn nhiều so với sự tưởng tượng của cổ động viên. Bà Cathy đồng ý với chồng rằng, Cantona cần phải bị đuổi cổ khỏi Old Trafford. Nếu không, ông Ferguson sẽ bị chỉ trích là vì thành tích của đội bóng mà dung túng cho những kẻ suy đồi đạo đức.
Sự lo lắng của Ferguson còn tăng gấp đôi. Ông sợ rằng hành động nông nổi của Cantona sẽ dẫn đến sự quy chụp rằng, tinh thần thể thao chân chính đã bị bóp chết bởi sự dung túng cho một tài năng. Ông cũng đoán trước được rằng, giới truyền thông sẽ còn xới đi xới lại cú kung-fu của Cantona với Simmons nhiều lần, tạo nên cơn bão dư luận ảnh hưởng nghiêm trọng đến Manchester United.
Chiều quá hóa hư. Đó là sai lầm mà Ferguson đã nhận ra trong quá trình cố tìm cách thuần phục Cantona.
Sau đó, huấn luyện viên Ferguson gọi điện xin lời khuyên từ người bạn lớn Richard Greenbury, một cổ động viên nhiệt tình của Manchester United, đồng thời là giám đốc điều hành của tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Marks & Spencer. Greenbury lại có cách nghĩ khác. Ông khuyên Manchester United nên giữ Cantona lại. Ông chỉ ra những rắc rối về mặt pháp lý nếu Manchester United hủy ngang hợp đồng với cầu thủ người Pháp, đồng thời chỉ ra những thiệt hại về mặt kinh tế mà đội bóng phải gánh chịu khi để mất Cantona. Những phân tích đó khiến cả Ferguson lẫn Chủ tịch Smith đều phải giật mình thừa nhận.
Cuối cùng, Ferguson, Smith và Watkins đi đến một quyết định mà họ từng cho là thảm họa và hết sức nên tránh: Manchester United cấm Cantona thi đấu ở đội 1 đến hết mùa bóng, đồng thời phạt anh hai tuần lương, mức phạt hành chính tối đa có thể lúc bấy giờ. Đội bóng đã thông báo quyết định xử phạt đó với Cantona và với ông Gordon Taylor, giám đốc điều hành Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Anh.
Đúng tầm giờ ăn trưa của ngày hôm sau, thứ Sáu, ngày 27, tháng 1, Watkins phát đi thông báo đề cập rõ hơn về hình thức xử lý Cantona: “Để đi đến quyết định kỷ luật, khiến Cantona phải tâm phục khẩu phục, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, dựa trên sự tôn trọng những nguyên tắc của đội bóng nói riêng và của bóng đá Anh nói chung.”
Cách xử lý đó của lãnh đạo câu lạc bộ là rất nương tay cho Cantona, nó đồng nghĩa với việc anh vẫn có thể tiếp tục chơi bóng ở đội trẻ của Manchester United trong quãng thời gian bị kỷ luật. Nhưng ông Taylor đã lập tức gạt đi: “Cantona không được phép thi đấu dù là cho đội trẻ hay bất kỳ đâu từ giờ cho đến khi có phán quyết của tòa án.” Liên đoàn bóng đá Anh nhanh chóng gửi hồ sơ liên quan đến án phạt dành cho Cantona lên FIFA và lập tức nhận được sự ủng hộ.
Quá trình đưa ra quyết định kỷ luật Cantona đã được lãnh đạo Manchester United tính toán tỉ mỉ về mặt thời gian để hạn chế tối đa những cuộc điều tra rắc rối của Liên đoàn bóng đá Anh. Manchester United không hy vọng sớm vượt qua sóng gió do Cantona gây ra. Nhưng bằng cách treo giò tiền đạo người Pháp ngay lập tức, họ đã hạn chế được sự soi mói của giới truyền thông, kéo Cantona ra khỏi tâm bão của dư luận, qua đó cũng giảm thiểu thiệt hại cho đội bóng.
Việc lãnh đạo Manchester United để ngỏ khả năng cho Cantona tập luyện và thi đấu cho đội trẻ thực ra cũng có sự tính toán kỹ lưỡng. Đội bóng thành phố Manchester đã lường trước được những phản ứng và hành động quyết liệt từ Liên đoàn bóng đá Anh. Nhưng họ vẫn làm với mục đích đẩy quả bóng về phía FA, để Cantona nghĩ rằng, Manchester United không hề muốn trừng phạt anh, mà chẳng qua họ buộc phải làm theo phán quyết của FA.
Đòn trừng phạt Cantona chưa dừng lại ở đó. Liên đoàn bóng đá Pháp đã quyết định tước băng đội trưởng đội tuyển quốc gia của
tiền đạo này, đồng thời không triệu tập anh thi đấu ít nhất cho đến khi mùa bóng khép lại.
Ngay từ đầu, Chủ tịch FFF - Claude Simonet đặc biệt chú ý đến vụ này. Chỉ vài giờ đồng hồ sau cú kung-fu của Cantona, ông đã ám chỉ khả năng tước băng đội trưởng đội tuyển Pháp của tiền đạo đang khoác áo Manchester United, đồng thời kết tội anh đã có hành vi “đi ngược với tinh thần thể thao chân chính”. Ông Simonet khẳng định: “Mức độ nghiêm trọng của hành vi mà Cantona gây ra khiến FFF sẽ buộc phải có thái độ quyết liệt để xử lý thích đáng.”
FFF đã không cho Cantona dù chỉ một chút cơ hội được đứng trước Ủy ban Kỷ luật để tự bào chữa và đấu tranh hòng giữ lại chiếc băng đội trưởng đội tuyển Pháp.
Có thể thấy rất rõ rằng, những người trong hội đồng kỷ luật của FFF đã cố tình làm lớn vụ việc của Cantona một cách hỉ hả. Trong mắt họ, Cantona chưa bao giờ là một cầu thủ chịu cống hiến hết mình trong màu áo đội tuyển quốc gia và luôn thiếu sự tôn trọng dành cho lãnh đạo FFF. Họ không cho phép những yếu tố ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến đội tuyển Pháp. Tóm lại, Cantona đã trao cho FFF một sợi dây thòng lọng để họ siết vào cổ anh.
Chỉ có tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao Nike là đi ngược với dư luận, ủng hộ Cantona - cầu thủ mà họ đã ký hợp đồng tài trợ. 36 giờ đồng hồ sau cú kung-fu của Cantona, tức là vào rạng sáng ngày 27/01, Nike tổ chức họp báo, khẳng định sẽ không rút tên Cantona ra khỏi bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào của họ.
Nike còn tỏ ra thích thú với toàn bộ câu chuyện của Cantona. Cầu thủ người Pháp, vốn là đại diện cho hình ảnh của tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao khổng lồ này, đã được khéo léo bố trí xuất hiện trên một kênh truyền hình thương mại để nói lời xin lỗi vì cú kung-fu ở Selhurst Park. Đi bất kỳ đâu, người ta cũng có
thể bắt gặp hình ảnh của Cantona hoặc nghe nói về anh. Thậm chí tên của tiền đạo người Pháp vẫn xuất hiện trên các biển quảng cáo bên ngoài sân Old Trafford trong suốt quãng thời gian anh bị cấm thi đấu.
Cantona đúng là “gà đẻ trứng vàng”, ngay cả khi anh không thi đấu.
Nếu như Ferguson, Smith và Watkins cho rằng họ đã tính toán rất hợp lý về quãng thời gian Cantona phải nghỉ thi đấu thì các cầu thủ Manchester United lại không cho là như vậy. Huấn luyện viên người Scotland sau đó đã phải tổ chức họp đội bóng để giải tỏa tâm lý cho các học trò trước đó còn lấy việc Cantona phải lao động công ích ra trêu đùa với nhau. Ông cố làm dịu bớt vấn đề liên quan đến án phạt của Cantona. Sau này, Ferguson có nói rằng, ông đã điều hành cuộc họp hôm đó không tốt. Nhưng điều đáng nói trong buổi họp hôm ấy mà huấn luyện viên của Manchester United, không biết vô tình hay cố ý, không nhắc đến là nhiều trụ cột của đội bóng đã có ý kiến rằng, vụ việc của Cantona đã bị đẩy đi quá xa và án phạt quá dài dành cho tiền đạo người Pháp làm ảnh hưởng đến cơ hội giành chức vô địch Premier League của đội nhà.
Quãng thời gian sau khi án phạt được đưa ra là những ngày Ferguson luôn trong trạng thái sẵn sàng đi làm công việc “dập lửa”. Mặc dù vẫn cảm thấy bị tổn thương vì hành động ngốc nghếch của cậu học trò, Ferguson luôn “xù lông” để bảo vệ Cantona bất kể giờ giấc. Những câu nói trở nên nổi tiếng của ông khi trả lời câu hỏi liệu Cantona có tiếp tục ở lại Manchester United hay không luôn là: “Premier League cần có cậu ấy. Manchester United cần có cậu ấy. Và tôi lại càng cần phải có cậu ấy!”
Ferguson trở nên nghi ngờ tất cả. Ông đã viết trong cuốn nhật ký của mình về mùa giải năm đó: “Mọi người vẫn nói rằng, thời gian có thể chữa lành mọi vết thương. Tôi cũng chỉ hy vọng như
thế, hy vọng rằng quãng thời gian Cantona bị cấm thi đấu sẽ giúp mọi thứ ở Manchester United dần ổn định trở lại. Nhưng tôi nghi ngờ vào khả năng đó.”
Sự cảnh giác của huấn luyện viên người Scotland không phải không có cơ sở. Ferguson thừa hiểu rằng, giới truyền thông sẽ không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để tìm ra những sơ hở chết người của Manchester United nhằm khoét sâu vào đó bằng những đòn chỉ trích khiến niềm tin của đội bóng, vốn đang rất mong manh, sẽ càng lung lay dữ dội hơn.
Ông cần ở đội bóng của mình sự đoàn kết, nhất tâm đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ “United - đồng minh”.
Hành động “dập lửa” của huấn luyện viên Ferguson cũng là một bước trong nỗ lực dọn đường đi cho Cantona sau án phạt. Tiền vệ Roy Keane cho rằng, cách xử lý của ông thầy người Scotland sau sự cố ở Selhurst Park cho thấy tầm nhìn xa trông rộng, vốn là điểm mạnh của huấn luyện viên Ferguson. Keane cho rằng, thật khó mà phản đối với cách xử lý đó của ông được. Ferguson đã gạt bỏ danh dự cá nhân, gạt bỏ những thất vọng để hướng đến những điều vĩ đại hơn.
Với việc Manchester United quyết định bao bọc Cantona và việc Ferguson tự thay đổi những nguyên tắc của ông vì mục đích chung của đội bóng, Cantona chắc cũng cảm nhận được tình cảm mà đồng đội và huấn luyện viên dành cho anh. Giống như huấn luyện viên Ferguson viết trong cuốn Leading: “Để kéo ai đó dần thoát khỏi đám đông đang bủa vây và đòi xử lý anh ta, điều quan trọng trước nhất là phải đặt niềm tin tuyệt đối vào anh ta, không để cho anh ta có cảm giác mình đang đi vào ngõ cụt.” Ông có niềm tin “sau cơn mưa, trời lại sáng” với Cantona.
Có một chi tiết rất thú vị là huấn luyện viên Ferguson đã áp dụng những hiểu biết của mình về sinh học để giải thích cho cơn bùng phát của Cantona ở Selhurst Park. Ông giải thích rằng,
cầu thủ người Pháp hay bị chứng bệnh hạ đường huyết mỗi khi phải tiêu hao quá nhiều năng lượng. Đó là lý do ở trong các giờ nghỉ, anh luôn phải giải quyết nhu cầu ăn uống để làm tăng lượng đường trong máu. Do vậy, mỗi khi bước vào thi đấu ở hiệp 2, Cantona thường thi đấu “nhiệt” hơn đôi chút, dẫn đến cú kung-fu tai tiếng cũng như những chiếc thẻ đỏ ở các trận đấu với Rangers, Swindon hay Arsenal trước đó.
Nhưng cú xông phi vào cổ động viên Simmons của Cantona được thực hiện chỉ 4 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu. Huấn luyện viên Ferguson đã cử chuyên gia y tế của Manchester United đưa ngay cậu học trò cưng đi xét nghiệm máu sau khi anh bị đuổi khỏi sân. Ông hy vọng tìm ra bằng chứng liên quan đến chứng hạ đường huyết của Cantona để thanh minh cho hành động xốc nổi của cầu thủ người Pháp. Nhưng Ferguson đã phải thất vọng.
Tất nhiên, Cantona cần sự ủng hộ từ huấn luyện viên Ferguson và đồng đội, trong bối cảnh giới truyền thông ở nước Anh nói riêng và thế giới nói chung đều nhắm vào cầu thủ người Pháp để “đánh hội đồng”, với rất nhiều đề tài được khai thác liên quan đến cú kung-fu của Cantona và án phạt dành cho anh.
Từng diễn biến dù là nhỏ nhất liên quan đến vụ việc ở Selhurst Park gần như đã được tường thuật trực tiếp trên hai kênh của BBC và ITN News vào ngày thứ Sáu sau đó. Tờ báo nổi tiếng “lá cải” The Sun dành 12 trang chỉ để tập trung vào những câu chuyện quanh pha tấn công cổ động viên Simmons của Cantona. Tờ Mail on Sunday thậm chí còn cử phóng viên cất công sang tận Marseille để khai thác những đề tài “độc” về tuổi thơ dữ dội của Cantona.
Thừa biết không thể trách các tờ báo của Anh đã làm rùm beng vụ này, huấn luyện viên Ferguson chỉ cay đắng “đốp” lại giới truyền thông rằng, liệu có phải không còn gì hay ho hơn không mà tất cả cứ thích chĩa mũi dùi về phía Cantona. Trên thực tế, một cầu thủ vừa nổi tiếng vừa tai tiếng như Cantona đáng phải
chịu trách nhiệm trước hành động tấn công cổ động viên có một không hai trong lịch sử bóng đá. Do vậy, những câu chuyện xoay quanh cú kung-fu của Cantona vẫn luôn là đề tài thu hút sự chú ý. Ông Ferguson rất mong các phóng viên, nhà báo biến mất khỏi Trái Đất để được yên chuyện, nhưng đó chỉ là hy vọng hão huyền.
Điều khiến huấn luyện viên Ferguson khó chịu nhất là giới truyền thông đã biến vụ việc của Cantona ở Selhurst Park thành một cuộc “chạy đua vũ trang” với nhau qua mỗi bản tin, mỗi cột bình luận, đẩy hành động bột phát đó lên thành cao trào. Tờ News of the World, vốn rất mạnh trong lĩnh vực khai thác những câu chuyện giật gân, còn đưa tin rằng, Cantona đã phải bí mật đi gặp bác sĩ do bị sang chấn tâm lý sau hành động tấn công cổ động viên Simmons. Chuyện bây giờ nghe hài hước vô cùng, nhưng huấn luyện viên Ferguson hồi đó lại chẳng thấy thú vị chút nào.
Những câu chuyện về Cantona đã đi sâu vào đời sống văn hóa ở xứ sở sương mù. Tờ Daily Telegragh đăng trên trang nhất đội hình bóng đá fantasy do họ tự bầu chọn, nhưng bỏ qua cầu thủ nổi tiếng nhất là Cantona. Chương trình The Word của Channel 4 cử một nhóm thanh niên cầm hoa đến tận cửa nhà của cầu thủ người Pháp rồi đứng ngoài ca hát. Đĩa đơn đầu tiên của ban nhạc Ash lấy tựa đề là “Kung-fu” và được phát hành trong tháng 03/1995 để ăn theo scandal của Cantona.
Ngay cả khi đề cập đến diễn viên Jackie Chan trong những buổi công chiếu phim, người ta cũng mặc những chiếc áo trên tay có in hình Cantona đứng ngạo nghễ nhìn vào đám đông.
Không quá khó hiểu khi hàng tá cầu thủ cũ của Manchester United xếp hàng dài đua nhau công kích Cantona. Cựu thủ môn Alex Stepney cho rằng, cầu thủ người Pháp nên bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Old Trafford, thậm chí cựu hậu vệ Shay Brennan còn quan trọng hóa vấn đề bằng phát ngôn xanh rờn: “Cantona
đã phản bội tinh thần bóng đá của Sir Matt Busby.” Cựu huấn luyện viên Tommy Docherty của Manchester United cũng nằm trong số những người căm ghét Cantona với tuyên bố rằng, tiền đạo này nên lập tức bị tống cổ khỏi Old Trafford. Đồng thời, ông không tiếc lời phê phán lãnh đạo câu lạc bộ vì đã cố tìm cách bảo vệ Cantona.
Một trong những lời chỉ trích nặng nề nhất nhắm vào Cantona khi đó xuất phát từ cựu danh thủ Bill Foulkes của Manchester United, cầu thủ được biết đến với tư cách thành viên của “Busby Babe”. Foulkes đã tỏ rõ thái độ bài ngoại khi mang quốc tịch của Cantona ra để lý giải cho cú kung-fu tai tiếng của anh: “Eric là một người Pháp - những người rất khác chúng ta. Do vậy, hành xử của cậu ấy cũng khác xa chúng ta.” Mỉa mai thay, thái độ bài ngoại của những kẻ như Simmons và Foulkes khi đó lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ.
Trong số những người nổi tiếng đòi “xử” Cantona sau sự cố ở Selhurst Park có Brian Clough. Huấn luyện viên từng dẫn dắt Nottingham Forest giành 2 Cúp C1 phán một câu sặc mùi bạo lực: “Tôi chỉ muốn xẻo phăng hai ‘hòn bi’ của Cantona đi!” Cũng mỉa mai thay, chính Clough đã từng tấn công kẻ lao xuống đường piste để chia vui cùng thầy trò ông, khi chủ nhà Nottingham Forest đánh bại QPR 5-2 trong trận đấu năm 1989.
Nhìn chung, hầu hết trang nhất các tờ báo khi đó đều vẽ lên hình ảnh một Cantona hoang dã, giống như một quái thú không thể kiểm soát. Bản chất của vụ việc ở Selhurst Park là quá rõ ràng và không ai có thể biện minh cho Cantona. Nhưng những vụ tấn công liên tiếp mà báo chí nhắm vào anh cho thấy mối quan hệ rất không tốt của ngôi sao người Pháp với giới truyền thông xứ sở sương mù.
“Các đài truyền thanh, truyền hình, và rất nhiều tờ báo đã cố tình dẫn dụ khán thính giả/độc giả theo cách của họ”, Cantona sau này nhớ lại. “Họ rắp tâm ném tôi vào tâm bão cho bằng
được. Họ ra sức tìm cách lôi kéo đám đông chống lại tôi, đến mức tôi phát chán không thèm bận tâm nữa. Qua cách tấn công hội đồng vào tôi, đám phóng viên, nhà báo cũng đã để lộ bộ mặt thật của họ. Đó là những kẻ đã bẻ cong ngòi bút của mình để tạo nên những sản phẩm giật gân, gây sốc. Họ làm quá đến mức tất cả mọi người đều bắt đầu hiểu thế nào là quyền lực thứ tư.”
Cantona có lẽ đã hơi quá lời. Những cơn sốt của giới truyền thông trong và ngoài sân cỏ trong vài năm gần đây, ví dụ như vụ Luis Suarez cắn trung vệ Giorgio Chiellini tại World Cup 2014; vụ Wayne Bridge không thèm bắt tay John Terry liên quan đến một người phụ nữ; hay chuyện các bình luận viên bóng đá Andy Gray và Richard Keys bị sa thải, v.v... cho thấy rõ xu hướng làm báo ăn theo các sự kiện giật gân, để thỏa mãn và thu hút sự tò mò từ khán thính giả/độc giả. Cantona có quyền nghĩ rằng những phản ứng đó là điên rồ và lố bịch, nhưng anh cũng chẳng thể một mình chống lại cả thế giới.
Nếu như Cantona không thể chạy trốn vào bóng râm trước sự soi mói của giới truyền thông thì ông thầy Ferguson khả kính của anh cũng “chạy trời không khỏi nắng”. Dù đã chai lì trước những lời chỉ trích, huấn luyện viên Ferguson vẫn không khỏi nhảy dựng lên trước những bài báo nhắm vào ông sau cú xông phi tai tiếng của Cantona. Nhiều phóng viên, nhà báo cố tỏ vẻ ta đây bằng cách rêu rao rằng, họ đã cảnh báo Ferguson về thói “ngựa chứng” của cầu thủ người Pháp nhưng ông lại không chịu tiếp thu dẫn đến việc mất kiểm soát trước Cantona. Họ khiến chiến lược gia người Scotland buộc phải tin rằng, đám người làm truyền thông đó chỉ là những kẻ đạo đức giả.
Dẫu sao, những câu chuyện từ Cantona và ông thầy Ferguson chỉ là một phía. Các tờ báo lá cải còn muốn kiếm tiền bằng cách khai thác thông tin từ một hướng khác. Thế nên cũng không quá khó hiểu khi tờ The Sun đã tìm đến cổ động viên Simmons và dụ dỗ anh ta bán thông tin cho họ với số tiền được đồn đoán vào khoảng từ 200 đến 800 nghìn bảng.
Dù báo cáo từ cảnh sát cho thấy Simmons chỉ bị bầm dập đôi chút sau cú kung-fu của Cantona và về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tờ The Sun đã phóng đại lên gấp 11 lần. “Chiếc giày của Cantona đã xuyên thủng trái tim của tôi” là cái tít trang nhất giật gân dành cho bài phỏng vấn Simmons mà The Sun đã đăng tải.
“Tôi nhìn thấy gần như chỉ toàn tròng trắng trong mắt của anh ấy. Trong đó là cả một trời cuồng nộ.” Những trích lời của Simmons mà The Sun đăng tải đọc mượt không khác gì thơ. “Tôi xoay người lại và không thể tin vào những gì đang xảy ra: Tôi đã bị tấn công bởi một ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới. Hôm đó có tới gần 20 nghìn khán giả trên sân Selhurst Park để chứng kiến trận đấu và những gì lắng đọng lại trong họ có lẽ chỉ là vài giây đồng hồ - khoảnh khắc mà Cantona đã tung cú xông phi vào tôi.” Những lời tâm sự đầy chất thơ đó của Simmons thật trái ngược với những tiếng gào thét thô thiển trong thực tế: “Cút mẹ mày về Pháp đi, thằng con hoang giẻ rách!”
Câu chuyện của Simmons đã kết thúc không hề có hậu. Chẳng bao lâu sau, anh ta bắt đầu cảm thấy hối hận vì đã bán câu chuyện của mình cho tờ The Sun. Các fan cuồng của Manchester United không biết bằng cách nào đó đã lần ra được địa chỉ nhà riêng của Simmons và liên tục kéo đến gây rối. Quá sợ hãi, Simmons phải sang ăn nhờ ở đậu nhà mẹ đẻ. Sau đó, anh bị bạn bè và chính những người thân trong gia đình xa lánh.
Năm 2007, nghĩa là 12 năm sau cú xông phi ở Selhurst Park của Cantona, nhà báo Marc Beauge đã lần tìm đến nơi ở của Simmons. Nạn nhân của Cantona kể lại quãng thời gian nhuốm màu bi kịch sau đó của anh ta: “Tôi còn quá trẻ người non dạ và sau đó đã phải trả một cái giá quá đắt. Cantona được trở lại chơi bóng. Còn tôi bị mất việc làm và cuộc đời như bị dìm xuống bùn đen vạn kiếp không thể ngóc đầu lên.”
Bất chấp làn sóng chỉ trích từ giới truyền thông trong vụ việc của Cantona, có một điều thú vị bên cạnh những bài báo giật gân là sự cảm thông dành cho cầu thủ người Pháp sau khi những cái đầu đã bớt nóng. Dù tất cả đều công nhận hành động của Cantona ở Selhurst Park là không thể chấp nhận được và đáng bị trừng phạt, nhưng cũng có những câu hỏi được đặt ra liên quan đến cách hành xử thiếu chừng mực và tôn trọng với những nhân vật nổi tiếng.
Sự khiêu khích mà Simmons nhắm vào Cantona là rất đáng lên án. Nhiều nhà bình luận cho rằng, trong bóng đá, sự đối nghịch nhau là cần thiết, nhưng không vì thế mà một kẻ bỏ tiền mua vé vào sân có thể cho phép mình cái quyền được bài ngoại hay xúc phạm người khác.
Cựu tiền đạo nổi tiếng của Liverpool, Robbie Fowler sau này viết trong cuốn tự truyện của anh: “Khi Cantona đi qua đám đông và tung cú xông phi vào kẻ đã cố tình tạo nghiệp, tôi đã nghĩ giống như cách nghĩ của rất nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp khác: ‘Cậu làm tốt đó, Eric ạ!’” Sự ủng hộ của Fowler dành cho Cantona chứng tỏ vấn đề ở Selhurst Park đã vượt quá khuôn khổ của một trận đấu giữa hai đối thủ với nhau.
Andy Townsend, tiền vệ một thời của Aston Villa còn thẳng thắn hơn: “Tôi không cảm thấy một chút thương hại nào cho thằng khốn đó. Tôi dám cá là hắn ta đã vãi một số thứ ra quần sau cú ra đòn đó của Eric.” Rõ ràng, nhiều người ngoài cuộc đã ý thức được rằng, không phải hễ người nổi tiếng thì phải mặc định rằng mình bị đối xử như thế nào cũng im lặng chấp nhận. Tóm lại, lằn ranh giữa hành động tội lỗi và hành động “tử vì đạo” trong tình huống này là rất nhạt nhòa.
Trong giới truyền thông Anh, Richard Williams là một trong những nhà báo hiếm hoi dành sự ủng hộ cho Cantona. Ông viết trên tờ The Independent: “Thật là quá thiển cận khi chỉ nhìn vào một nạn nhân như Simmons để phán quyết Cantona. Cậu ấy chỉ
nên bị kết tội nếu không chịu đòi lại lẽ công bằng từ gã cổ động viên mất dạy đó. Càng tìm hiểu sâu về Simmons, tôi càng thấy cú kung-fu của Cantona giống như là hành động thay trời hành đạo.”
Các bình luận viên nổi tiếng Danny Kelly và Danny Baker cũng đồng tình với quan điểm của nhà báo Williams. Trong chương trình 606 trên kênh Radio 5 của BBC, Kelly kêu gọi Manchester United nên lập tức tăng lương cho Cantona như là hình thức “thưởng nóng” cho cú xông phi vào Simmons, còn Baker thì nhẹ nhàng hơn với tuyên bố rằng, giới truyền thông và nhiều người làm bóng đá đã không đúng khi phản ứng thái quá trước cơn bột phát của Cantona.
Nhưng điển hình nhất trong số những người ngoài cuộc lên tiếng bảo vệ Cantona, thật ngạc nhiên lại là một chuyên gia dự đoán ngược đến từ Brazil, đó là “Vua bóng đá” Pele. Ở cương vị Bộ trưởng Thể thao của xứ sở Samba lúc đó, Pele phát biểu: “Eric Cantona dù sao cũng chỉ là một người trần mắt thịt, có hỉ, nộ, ái, ố. Đúng là cậu ấy đã phạm sai lầm, nhưng cách mọi người phản ứng với cậu ấy là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy. Cantona đáng bị trừng phạt, nhưng không phải bằng cách bắt cậu ta biến mất khỏi làng túc cầu như những gì tôi đọc được trên rất nhiều tờ báo.”
Phản ứng của những người yêu mến Manchester United sau đó cũng khác xa với dự đoán. Nhận được “chỉ thị” từ huấn luyện viên Ferguson là câu lạc bộ phải bảo vệ ngôi sao của mình bằng mọi giá trong suốt thời gian Cantona thi hành án phạt, trong trận đấu của đội nhà ở Old Trafford (thắng Wrexham 5-2 tại vòng 3 FA Cup), cổ động viên của Manchester United trên sân giăng đầy băng rôn bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Cantona, thậm chí nhiều em bé còn vẽ lên mặt những thông điệp yêu thương gửi đến ngôi sao người Pháp. Bên ngoài sân vận động hôm đó, những kẻ cơ hội đã vớ bẫm bằng cách bán hàng ăn theo Cantona như áo đấu của anh, khăn quàng cổ và mũ với những
thông điệp ủng hộ thần tượng. Không khí ở trong và ngoài Old Trafford hôm đó cứ như thể Cantona phải vắng mặt vì lý do sức khỏe chứ không phải vì bị cấm thi đấu.
Có một giai thoại về Cantona, ít nổi tiếng hơn so với cú kung-fu ở Selhurst Park và đã bị Manchester United tìm cách cho chìm xuồng, là chuyện diễn ra ở Guadeloupe, trong thời gian tiền đạo người Pháp đang bị cấm tham gia bóng đá.
Chuyện là sau khi Manchester United đến Paris để làm một bộ phim quảng cáo, lãnh đạo đội bóng nhận thấy rằng, sẽ là hợp lý hơn nếu để Cantona đi nghỉ ngơi ở một nơi xa, tránh hoàn toàn khỏi sự đeo bám dai như đỉa của giới truyền thông. Manchester United đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ, nhưng kết quả lại không thành công như mong muốn.
Đài truyền hình ITN của Anh đã cử nhà báo Terry Lloyd sang tận Guadeloupe để cố gắng phỏng vấn độc quyền Cantona. Llyod đã tìm cách tiếp cận cầu thủ người Pháp khi anh đang ở cùng với vợ và con mình trong khách sạn. Cantona đã từ chối trả lời phỏng vấn và gọi nhân viên an ninh của khách sạn đuổi cổ Lloyd.
Sáng hôm sau, Lloyd vẫn bám theo Cantona ở bãi biển với một ê-kíp quay phim chụp ảnh hùng hậu. Họ bắt đầu ghi hình Cantona, cố hét to lên những câu hỏi hướng về cầu thủ người Pháp. Đó là cách tiếp cận rất không đàng hoàng, trong bối cảnh Cantona muốn chạy trốn thật xa giới truyền thông cùng với người vợ đang mang thai và rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Lloyd đã quá ngoan cố.
Cantona tất nhiên không nhẫn nhịn nổi. Anh vừa gọi lực lượng an ninh vừa xông đến ngăn cản đám người quay phim chụp ảnh. Trong tình huống đó, xô xát là khó tránh khỏi. Theo tường thuật sau đó của Lloyd, Cantona đã đá anh ta, gần giống như cách cầu thủ này đã tung cú xông phi vào cổ động viên
Simmons của Crystal Palace. “Tao sẽ giết chết mày!”, Cantona đã hét lên dọa dẫm Lloyd.
Cảnh sát rốt cuộc cũng đã thu hồi lại băng ghi hình của ITN và trả lại cho Cantona. Chỉ khổ cho nhà báo Lloyd. Anh ta đã phải lê lết ra về trong tình trạng bị rạn xương sườn sau cú ra đòn của Cantona.
Dẫu hành động theo dõi và quay phim trái phép là gây tranh cãi, nhưng hành động bạo lực của Cantona cũng đáng phải đặt câu hỏi. May cho cầu thủ người Pháp là hành động đó xảy ra bên ngoài nước Anh. Nếu chuyện đó xảy ra ở nước Anh và bị giới truyền thông chĩa mũi vào, án phạt dành cho Cantona có thể bị tăng lên nặng hơn và sự nghiệp bóng đá của anh ở xứ sở sương mù có thể đã phải khép lại vĩnh viễn.
Trở lại với nước Anh, Manchester United vẫn phải loay hoay tìm cách vượt qua cơn bão tố do Cantona mang đến. Tỉ lệ cược cho khả năng giành chức vô địch Premier League của họ vào cuối mùa giải, trước và sau cú kung-fu của Cantona, đang từ 7/2 (đặt 2 ăn 7) giảm xuống thành 9/2. Giá cổ phiếu của Manchester United trên thị trường chứng khoán cũng tụt thê thảm.
Những đòn thù vẫn đang tiềm ẩn rình rập chờ Cantona trở lại với bóng đá và Manchester United luôn phải đặt mình trong trạng thái sẵn sàng “cứu hỏa”.
Những điều tồi tệ hơn rất nhiều vẫn đang chờ đội bóng thành phố Manchester ở phía trước.
Ngày thứ 6
“KHI AI ĐÓ ĐANG LÀM TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, CHÚNG TA CẦN PHẢI HẠ GỤC HỌ.”
C
ầu thủ và cổ động viên đã rất ngạc nhiên trước án phạt quá dài mà Manchester United dành cho Cantona. Nhưng nước cờ đó nằm trong toan tính của ban lãnh đạo
câu lạc bộ. Giám đốc điều hành FA, ông Graham Kelly ban đầu phát biểu rằng, Cantona cần phải bị trừng phạt thật nặng để làm gương, nhưng chỉ một ngày sau vụ việc, ông lại “chuyền bóng” sang Manchester United để đội bóng thành phố Manchester phải đóng vai quan tòa. “Ngay từ đầu, tôi đã chỉ thị Manchester United phải làm thật quyết liệt và cho ra nhẽ chuyện của Cantona”, Kelly nói. “Chúng ta đều tự hiểu rằng Manchester United sẽ không ngồi yên. Họ sẽ xử lý vụ việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chỉ để tốt cho câu lạc bộ mà cho lợi ích của cả nền thể thao nói chung.”
Cả huấn luyện viên Ferguson cùng hai sếp lớn Smith và Watkins của Manchester United đều tin chắc rằng, với việc chủ động treo giò Cantona đến hết mùa giải, họ có thể chặn đứng được một bản án có thể còn nghiệt ngã hơn dành cho Cantona từ FA. Sau này, trong cuốn tự truyện Managing My Life, Ferguson tiết lộ, giữa lãnh đạo FA với phía Manchester United đã có những cuộc điện thoại trao đổi trước khi quyết định án phạt với Cantona. Hai bên đi đến thống nhất sẽ nhìn nhau mà liệu việc. Thỏa thuận cuối cùng là: Chỉ cần Manchester United trừng phạt Cantona bằng một bản án thích đáng là đủ. FA sẽ căn cứ theo đó để đưa ra quãng thời gian kỷ luật cầu thủ người Pháp sao cho đồng bộ với quyết định của Manchester United.
Nhưng FA đã “lật kèo” vào phút chót. Cantona được triệu tập đến Sopwell House, gần St Albans. Anh bị chất vấn suốt hai giờ đồng hồ và được yêu cầu đưa ra lời giải thích rõ ràng về cú xông phi. Chủ tọa hôm đó có các ông Geoffrey Thompson, Chủ tịch Ian Stott của Oldham Athletic và Gordon McKeag - Chủ tịch Football League. Sau khi lắng nghe, họ tạm dừng vài giờ đồng hồ để quyết định số phận của cầu thủ người Pháp. Cuối cùng, họ đưa ra án phạt treo giò Cantona dài gấp đôi bản án mà Manchester United tuyên phạt ngôi sao của họ trước đó. Ngoài ra, Cantona còn phải nộp phạt 10 nghìn bảng Anh vì đã làm xấu hình ảnh của bóng đá.
Bản án của FA nêu rõ:
“Các thành viên hội đồng FA đi đến thống nhất rằng, hành vi bạo lực của Eric Cantona, sau khi bị thẻ đỏ trong trận đấu hôm 25/01 giữa Manchester United với Crystal Palace đã làm xấu đi hình ảnh fair-play của môn thể thao vua. Eric Cantona đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ do FA ban hành.
Sau khi xem xét kỹ hành vi của Cantona cũng như những gì cầu thủ này đã phải chịu đựng vì những sự khiêu khích, dựa trên bản án mà đội bóng chủ quản Manchester United đã đưa ra với Cantona, và dựa trên sự ăn năn của bản thân cầu thủ trước hội đồng FA cũng như những lời xin lỗi thành khẩn, FA quyết định lập tức cấm Cantona tham gia mọi hoạt động bóng đá cho đến hết ngày 30/09/1995, kèm theo số tiền phạt 10 nghìn bảng Anh.”
Manchester United nói chung và Cantona nói riêng đều choáng váng trước án phạt của FA. Huấn luyện viên Ferguson hiểu rất rõ rằng, đội bóng không thể phản kháng trước án phạt bởi làm vậy chẳng khác nào hành động rũ bỏ trách nhiệm. Nhưng trong thâm tâm ông vẫn nghĩ rằng FA đã đưa ra một bản án quá nghiêm khắc, với chủ ý mang tính răn đe rất rõ ràng nhằm
tránh phải chứng kiến những hành vi tương tự như cú kung-fu của Cantona.
Ferguson cũng đồng thời vạch trần trò đạo đức giả của các quan chức FA trong án phạt dành cho Cantona. Ông đề cập đến một bài báo trên tờ The Guardian kể về một cầu thủ thi đấu ở một giải “cỏ” của Anh đã nhảy vào giữa đám đông và đấm vỡ hàm của một cổ động viên. Anh ta chỉ bị FA phạt treo giò 2 tuần. Huấn luyện viên người Scotland cho rằng trong vụ việc lần này, sự nổi tiếng của Cantona đã khiến anh phải trả một giá rất đắt.
Những gì sau đó lẽ ra còn tồi tệ hơn nữa với Cantona. Kelly tiếp tục tuyên bố rằng, một án phạt cấm cầu thủ người Pháp thi đấu suốt đời đang được FA xem xét. Tuy nhiên, ý định này sau đó đã phải chìm xuống, một phần do dư luận bảo vệ Cantona với lập luận: Tuổi nghề của một cầu thủ bóng đá là rất ngắn và do vậy lệnh cấm thi đấu vĩnh viễn là không công bằng với Cantona, nếu không muốn nói là đi ngược với nhân quyền.
Bên cạnh những lời giải thích trước án phạt nặng dành cho Cantona, có hai lý do khiến cầu thủ người Pháp cảm nhận rõ sức mạnh quyền lực của FA. Bởi án phạt đó lôi cả Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) vào cuộc. Cantona đã bị tước băng đội trưởng đội tuyển quốc gia một cách phũ phàng. FFF rõ ràng không còn dám tin tưởng vào Cantona và ngược lại anh cũng vậy. Cantona không giấu giếm sự khinh miệt dành cho những kẻ suốt ngày chỉ biết mặc complet ngồi phán chuyện thượng tầng của bóng đá. Thái độ đó càng khiến những kẻ không ưa Cantona có thêm cớ để “trảm” anh một cách không thương tiếc.
Có lẽ chúng ta cũng cần phải nhìn lại xem bóng đá Anh đang đứng ở vị thế nào ở giữa những năm 1990. Premier League ra đời là dựa trên đồng tâm hiệp lực của các đội bóng có máu mặt tại Anh nhằm ăn chia lợi ích càng nhiều càng tốt. FA đã được hưởng lợi từ sự nâng tầm từ giải Division One lên thành Premier League.
Bóng đá Anh đã phải trải qua một cơn bĩ cực trong những năm 1980: Nạn hooligan có tổ chức trong bóng đá xứ sở sương mù, điển hình là thảm họa Heysel năm 1985 đã khiến các đội bóng hàng đầu của họ bị cấm thi đấu ở đấu trường châu lục trong suốt 5 năm. Các cổ động viên chân chính do vậy cũng bị chính quyền và cảnh sát nước này đánh đồng với các hooligan. Điều đó vô hình trung đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin của người hâm mộ đối với FA nói riêng và chính quyền nói chung.
Trong tình thế đó, FA luôn sẵn sàng “dìm xuống bùn đen” bất kỳ điều gì tồi tệ mà họ coi là “di sản cũ” của Division One. Các quan chức FA luôn bày tỏ quan điểm rằng, bình minh của Premier League phải thật xán lạn, lung linh, và không bạo lực.
Thế nên, cú kung-fu của Cantona đã khiến những người làm bóng đá Anh bị sốc nặng. FA lo sợ rằng, hành động bạo lực đó có thể sẽ biến thành nguồn cơn kéo theo nạn bạo lực quay trở lại hoành hành trên các sân cỏ. Do vậy, việc họ đưa ra án phạt nặng mang tính răn đe, cảnh cáo đối với Cantona là hoàn toàn dễ hiểu. Cantona cần biết rằng, anh chỉ là một trường hợp không may mắn, bị FA mang ra xử để “lấy le”. Cầu thủ người Pháp không nên quá ngạc nhiên và sốc trước án phạt đó.
Sau này, cú đá của Cantona đã được một đàn em tái diễn lại. Tháng 11/2017, hậu vệ Patrice Evra của Marseille đã tung thẳng một cú đá vào đầu của một cổ động viên trong trận đấu giữa đội nhà với Vitoria de Guimaraes ở Europa League. Cũng giống như trường hợp của Cantona hơn 20 năm về trước, Evra cũng bị bài ngoại. Cú ra đòn của cầu thủ khoác áo Marseille cũng na ná với cú kung-fu của Cantona. Khác biệt duy nhất là Cantona đã tung ra một series đòn không trượt phát nào, còn Evra chỉ kịp tung ra một cước trước khi bị lôi cổ đi.
Marseille đã lập tức hủy hợp đồng với Evra, dù khi công bố với giới truyền thông họ cố nói giảm đi rằng cựu tuyển thủ Pháp ra đi với sự đồng thuận của hai bên. Đáng chú ý, UEFA chỉ phạt
Evra 7 tháng treo giò trong phạm vi ở châu Âu. Đó rõ ràng không phải là một án phạt nặng nếu so với những gì Cantona đã phải nhận.
Huấn luyện viên Ferguson đã rất tức giận với phán quyết của FA. Ông từ chối mọi sự kiện, mọi cuộc gặp gỡ, họp báo của FA sau đó, mà thường nhường cho ông Watkins đi đại diện. Nếu như ông Watkins tỏ thái độ khá thận trọng trước giới truyền thông khi chỉ đưa ra nhận xét đại khái rằng: “Án phạt dành cho Cantona là hơi nghiêm khắc”, thì Ferguson lại hoàn toàn trái ngược.
Ba tuần sau đó, huấn luyện viên Ferguson bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, sẽ không có cầu thủ nào trong lịch sử bóng đá lại phải nhận một án phạt nặng đến như vậy, trừ khi anh ta làm thịt con chó của Bert Millichip (Millichip sau này đã được bầu làm chủ tịch mới của FA).” Nhà cầm quân người Scotland đã mỉa mai rằng: “Khi ai đó đang làm tốt công việc của mình, chúng ta cần phải hạ gục họ.” Cũng không quá khó hiểu tại sao ông Ferguson lại khó nuốt trôi cục tức đến vậy.
Hành trình khổ ải của Cantona không phải kết thúc ở Sopwell House. Anh vẫn còn những rắc rối với tòa án cần phải giải quyết. Vào ngày 23/03, Cantona cùng đồng đội Ince được đưa tới tòa án Croydon Magistrate để đối chất. Phiên tòa giống như một trò hề. Lực lượng an ninh được huy động rầm rộ để bảo vệ hai ngôi sao của Manchester United. Giới truyền thông xúm đông xúm đỏ trước cổng phiên tòa để chào đón họ như là những người hùng. Bên trong phiên tòa, có tới 10 cảnh sát được bố trí khắp nơi - đúng là một sự lãng phí nhân lực khủng khiếp! Trong cuốn The Red and the Black, cây bút Ian Ridley chỉ ra rằng, ở cùng thời điểm, cùng một phiên tòa như thế, ngay cả khi xét xử một tên sát nhân, người ta cũng chỉ cần tối đa 6 cảnh sát.
Ince kiên quyết không nhận tội và sau đó anh đã được tha bổng. Tòa án không tìm ra lý do chính đáng để kết tội tiền vệ của
Manchester United. Nhưng Cantona thì trái lại. Anh bị tuyên phạt 14 ngày phải ngồi “bóc lịch” tại nhà tù HM High Down ở Surrey. Mỉa mai thay, trong ngày huấn luyện viên Ferguson được nữ hoàng Anh trao tặng huân chương đế chế ở điện Buckingham thì cậu học trò cưng của ông lại bị tống cổ vào tù.
Trong phiên tòa xử Cantona, chủ tọa Jean Pearch kết luận: “Bị cáo là một người nổi tiếng, luôn được dư luận chú ý. Một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ luôn xem bị cáo là tấm gương. Và rõ ràng bị cáo đã nêu một tấm gương xấu. Vì lý do đó, bị cáo đáng phải bị tống giam 2 tuần để có thời gian nhìn lại bản thân.”
Luật sư của Cantona lập tức yêu cầu được kháng án, sau khi đề nghị nộp tiền bảo lãnh cho Cantona được tại ngoại bị tòa bác bỏ. Chân sút người Pháp phải ngồi 3 giờ đồng hồ trong nhà tù cho đến khi luật sư thuyết phục được tòa cho Cantona nộp phạt 500 bảng để được tại ngoại trong thời gian chờ kháng cáo.
Bản án mà tòa dành cho Cantona thực sự là quá nghiệt ngã. Nếu xét trên phương diện những vụ hành hung thông thường kiểu như thế ở Anh lúc bấy giờ, không quá 4% số vụ kết thúc bằng con đường thẳng tới nhà tù. Nếu đúng là Cantona đã bị cổ động viên Simmons lăng mạ (hành vi cũng đáng bị pháp luật xử lý nghiêm) và anh ta chỉ bị thâm tím mình mẩy đôi chút sau cú kung-fu của Cantona, thì ngôi sao người Pháp đáng nằm trong số 96% được cho phép tại ngoại.
Trên chương trình Newsnight của BBC, luật sư nổi tiếng Michael Mansfield thẳng thắn chỉ ra rằng, tòa án đã bất công với Cantona. Ông còn dẫn chứng về trường hợp ba lính nhảy dù của Anh vừa bị kết tội tấn công người khác một cách vô cớ, nhưng chỉ bị tòa án phạt bằng hình thức lao động công ích.
Tuy vậy, những người làm quản lý bóng đá lại đồng tình với cách xử của tòa án. Giám đốc PFA Taylor khẳng định rằng,
Cantona bị phạt nặng không hẳn bởi hành vi của anh mà bởi anh là một người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn tới giới trẻ. Ông cho rằng, những lời mà chủ tọa Pearch kết luận về Cantona trước tòa là “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Nếu như Cantona phải chịu trách nhiệm vì sự nổi tiếng của anh ta bằng một bản án nghiêm khắc hơn những người bình thường khác, thì liệu anh và các ngôi sao bóng đá khác có nên nhận được sự bảo vệ của pháp luật trước những lời lẽ lăng mạ hay hành vi khiêu khích từ những kẻ như Simmons?
Một bầu không khí vô cùng ảm đạm đã bao phủ Old Trafford sau bản án mà Cantona phải nhận. Đội trưởng Bruce đã phải dùng đến cụm từ “hoàn toàn suy sụp” để miêu tả cảm giác của mình, đồng thời buộc tội tòa án đã biến Cantona thành hình nhân thế mạng cho những thứ xấu xa đang tồn tại trong bóng đá. Bruce không tin vào khả năng Cantona sẽ kháng án thành công. Còn đồng đội Lee Sharpe lại bày tỏ sự quan ngại về tinh thần của Cantona: “Tôi chỉ thấy lo lắng không biết Cantona có đủ nghị lực để chịu đựng được hay không.” Còn giám đốc điều hành Martin Edwards của Manchester United lại chơi “bài ngửa” với FA bằng tuyên bố đội bóng sẽ sớm áp dụng những chính sách bảo vệ cầu thủ để giúp họ tránh đi vào vết xe đổ như trường hợp của Cantona với FA.
“Nếu biết trước tòa án và FA trừng phạt Cantona nặng đến như vậy, chúng tôi sẽ không đưa ra án treo giò quá nghiêm khắc dành cho cậu ấy”, Edward phát biểu. “Chúng tôi đã rất nghiêm túc khi đưa ra lệnh cấm cậu ấy thi đấu đến hết mùa giải. Chúng tôi cho rằng câu lạc bộ đã xử cậu ấy ở mức nặng nhất có thể. Nhưng FA sau đó lại biến chúng tôi thành trò cười khi quyết định xử lý mạnh tay hơn. Và bây giờ là thêm một bản án nghiệt ngã nữa, cho một hành vi phạm tội duy nhất.”
Trong trường hợp này, ông Edwards có lẽ đã có một chút nhầm lẫn, thay vì phần nào hiểu được vấn đề như một bộ phận không nhỏ những người thuộc phe Manchester United. Trong trường
hợp của Cantona, giám đốc điều hành của Manchester United không hiểu được rằng, án phạt trong thể thao và án phạt của tòa án là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt. Cách suy luận rằng tòa án cần phải xem xét án phạt mà cầu thủ người Pháp đã phải nhận từ câu lạc bộ và FA để đối chiếu khi xét xử là rất nông cạn.
Phản ứng khách quan nhất trước án phạt mà tòa án đưa ra đến từ cổ động viên Kathy Churchman của Crystal Palace, người đã đứng ngay cạnh Simmons khi anh này bị Cantona cho ăn đòn ở Selhurst Park: “Khi nghe tin Cantona phải ngồi tù, tôi chỉ biết thảng thốt hét lên: ‘Thật không thể tin nổi!’ Tôi cho rằng, anh ta đáng bị trừng phạt vì cú kung-fu đó, nhưng chỉ nên là một án treo giò, chứ không phải là một án tù.”
Cantona có 8 ngày để kháng án. Tại phiên điều trần ngày 31/03, luật sư David Poole của chân sút người Pháp nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, nhấn mạnh cả về sự ăn năn, hối hận của Cantona. Việc ngôi sao của Manchester United bị kết án tù làm dấy lên làn sóng phản đối. Người ta đặt ra câu hỏi: Liệu những người nổi tiếng còn phải nín nhịn, chịu đựng những hành vi khiêu khích, lăng mạ đến khi nào trong khi họ không được bảo vệ và không có quyền được phản ứng?
Poole thừa nhận rằng, Cantona đáng bị trừng phạt và việc anh bị cấm thi đấu cho Manchester United trong một thời gian dài đã đủ để cầu thủ người Pháp có thời gian nhìn nhận lại bản thân. Luật sư này cho rằng một án treo giò như thế là nhân văn, có tính giáo dục thậm chí còn cao hơn là tống Cantona vào tù. Poole cũng khoét sâu vào các dữ liệu thống kê liên quan đến những bản án khác, dành cho những hành vi tương tự như của Cantona, để chứng minh rằng tòa án đã có sự phân biệt đối xử chỉ vì thân chủ của ông là người nổi tiếng. Poole chốt lại một cách đanh thép rằng, ông cảm thấy tòa án đã đi ngược lại với chính phương châm mà hệ thống tư pháp Anh luôn đề cao: Trước tòa, tất cả mọi người đều cần phải được đối xử bình đẳng và công bằng.
Lần này, những lời biện hộ của luật sư Poole đã được lắng nghe bởi những cái tai biết tiếp thu. Có lẽ quá ngạc nhiên trước những phản ứng với án phạt ban đầu dành cho Cantona, thẩm phán Ian Davies đã rất tập trung nghe và có những lời cảm thông, chia sẻ. Bầu không khí phiên điều trần khác hẳn sự ngột ngạt, áp đặt của chủ tọa Pearch trong phiên tòa trước đó.
“Chúng tôi cho rằng, Cantona đã hành động theo bản năng”, Davies nói. “Đừng nói với anh ta về Guadeloupe. Chúng tôi cho rằng, Cantona đã không hành động như thế nếu không bị đả kích quá nặng nề trước những hành động khiêu khích nhắm vào cậu ấy.” Án phạt tù Cantona cuối cùng đã bị hủy và được thay thế bằng 120 giờ lao động công ích.
Khi Cantona rời khỏi tòa sau phiên điều trần thành công, các phóng viên, nhà báo vây quanh anh, máy ảnh, camera đua nhau chĩa về phía cầu thủ người Pháp để phỏng vấn. Trong khung cảnh lộn xộn đó, một đám cổ động viên quá khích của Crystal Palace đồng thanh hét lớn: “Thằng cặn bã người Pháp. Cút cha mày về Pháp đi!” Đó là bằng chứng cho thấy, Cantona luôn bị khiêu khích đến cực độ, ngay cả khi anh đứng trước cánh cổng của cơ quan thực thi pháp lý.
Nếu kháng án bất thành, Cantona sẽ phải vào tù. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ấy sẽ sớm phải rời khỏi nước Anh. “Chúng tôi đứng chết lặng, sốc toàn tập trước phán quyết ban đầu của tòa án. Cá nhân tôi cho rằng, nhiều người đã cố tìm cách khiến Cantona cảm thấy chán ghét và tìm cách rời khỏi nước Anh”, luật sư Jean-Jacques Amorfini của Cantona tâm sự sau khi rời phiên tòa đầu tiên do thẩm phán Pearch làm chủ tọa.
Cánh phóng viên thể thao ở Anh dù chẳng rõ đầu cua tai nheo cho lắm, nhưng sau vụ việc, họ biết chắc là Cantona khó tìm được một ngôi nhà mới nào tuyệt vời như Manchester United. “Rõ ràng ông Ferguson đang trông chờ Cantona sẽ sớm tìm lại nhiệt huyết với bóng đá Anh, giống như trước khi anh ta vướng
vào những rắc rối với pháp luật nơi này”, David Lacey viết trên tờ The Guardian. Thực tế là cầu thủ người Pháp cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn để ra đi. Bởi sau tai tiếng ở Selhurst Park, dù anh đi đâu cũng rất rủi ro.
Sau vụ việc, luật sư Amorfini của Cantona bất ngờ lại quay sang chỉ trích Manchester United: “Chúng tôi thực sự sốc nặng khi biết rằng, luật sư mà Manchester United thuê để bảo vệ quyền lợi cho Cantona lại khuyên cậu ấy nhận tội để mong chờ vào sự khoan dung của tòa án.”
Trong vụ việc này, chỉ có một người chẳng bao giờ lên tiếng. Đó chính là Cantona. Anh đã sử dụng quyền im lặng trước tòa, trước giới truyền thông. Anh không tham dự bất kỳ buổi họp báo nào của Manchester United hay FA sau cú kung-fu ở Selhurst Park, mà chỉ trao đổi trực tiếp với luật sư của mình. Cách làm đó của Cantona rõ ràng rất có tác dụng và gây sự chú ý thậm chí chẳng kém những gì cầu thủ người Pháp đã làm đối với cổ động viên Simmons.
Ngày 66
“KHI HẢI ÂU BÁM THEO TÀU CÁ…” E
ric Cantona chẳng bao giờ đưa ra một lời xin lỗi dù là muộn màng cho hành động của anh ở Selhurst Park. Thường thì phát ngôn viên của Manchester United là
người đưa ra những phát ngôn thay cầu thủ người Pháp. Còn bản thân anh chỉ im lặng, mặc kệ những chiếc camera hay máy ảnh chĩa vào mặt anh cùng những ánh đèn flash khó chịu. Luật sư của Cantona luôn khẳng định trước tòa rằng, Cantona cảm thấy vô cùng hối hận. Nhưng đó không phải là những lời nói xuất phát từ miệng của ngôi sao người Pháp. Điều đó khiến những người theo chủ nghĩa hoài nghi hiểu theo một cách khác: Tất cả những lời biện hộ tốt đẹp trước tòa chỉ là chiến lược để giúp Cantona được giảm nhẹ hình phạt.
Thực ra, cũng có một lần Cantona đã nói hai tiếng “xin lỗi”. Đó là khi anh tham dự một sự kiện quảng cáo của tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao Nike, ít ngày trước khi tái xuất sân cỏ. Nhưng chẳng phải vì cú kung-fu ở Selhurst Park.
“Xin chào các bạn”, Cantona nói, mặt hướng thẳng về phía camera với cái nheo mắt đầy tinh quái. “Tôi muốn nói lời xin lỗi. Tôi đã phạm một vài sai lầm không thể tha thứ. Năm ngoái, trong chiến thắng 5-0 của đội nhà ở trận Derby thành Manchester, tôi chỉ ghi được 1 bàn vào lưới của Manchester City. Tôi xin lỗi vì ở trận đấu với Newcastle, tôi đã dứt điểm chệch cột dọc ở cự ly cách khung thành của đối phương vài mét. Và tôi cũng xin lỗi vì ở Wembley, tôi đã không thể lập được một hat trick. Tôi tự nhận thấy rằng đó là những điều không thể chấp nhận được và tôi hứa sẽ không tái phạm. Xin cảm ơn các bạn!”
Phải nhấn mạnh rằng, Cantona lúc đó vẫn đang trong thời gian bị kỷ luật. Vì thế, những lời nói cho thấy biểu hiện không hề hối hận của anh về vụ việc xảy ra ở Selhurst Park. FA hoàn toàn có thể hiểu theo hướng tiêu cực và gây khó khăn cho anh. Chưa kể, việc Cantona vẫn tranh thủ kiếm bộn tiền trong thời gian phải thi hành án phạt là rất phản cảm.
“Chúng tôi nói không với bạo lực ở mọi môn thể thao”, ông Simon Taylor - giám đốc marketing của Nike phát biểu. “Eric đã nhận ra sai lầm của mình và chúng tôi không tìm cách vỗ về, an ủi cậu ấy.” Nhưng lời nói đôi khi lại không đi cùng với việc làm. Nike đã rất vui mừng khi được công khai “sở hữu” Cantona miễn phí và khuếch trương hình ảnh của họ thông qua cả sự nổi tiếng lẫn tai tiếng của cầu thủ người Pháp. Cantona sau đó có đưa ra thêm một vài lời giải thích về cú kung-fu của mình, nhưng chỉ để khẳng định rằng anh sẽ không lặp lại scandal đó.
“Đã từng có thời điểm, tôi thường xuyên đánh mất mình vì sự nóng giận. Đã từng có thời điểm, tôi luôn thấy cần phải đứng ngay dậy để phản ứng về một điều gì đó khiến tôi cảm thấy không hài lòng”, Cantona chia sẻ. “Tôi đã từng thấy tự hào khi dám một mình đứng dậy để chống lại những bất công. Nhưng giờ đây, tôi đã bớt sân si. Tôi đã biết cách tự giải thoát mình khỏi những cơn nóng giận bất thường, để tâm hồn được an nhiên hơn.”
Thật tuyệt vời khi Cantona có thể lái được vụ việc ở Selhurst Park theo chiều hướng như vậy. Rõ ràng anh đã loại bỏ được những rắc rối quanh vụ tấn công Simmons một cách ngoạn mục, theo một cách rất riêng. Ngôi sao người Pháp coi mình như một người được Chúa trời phái xuống để đòi lại công lý từ Simmons. Cantona có hứa là sẽ không tái diễn hành vi bạo lực như ở Selhurst Park. Nhưng có lẽ không phải vì anh cảm thấy ăn năn, hối hận. Cách nói của anh giống như là tự rút kinh nghiệm cho bản thân hơn là để làm hài lòng người khác.
Diễn biến tâm lý và hành vi của Cantona đúng là rất thú vị. Anh nói về sự kiềm chế và lựa chọn một cách thật đơn giản: “Tôi cam đoan không tái phạm là bởi vì tôi không muốn làm như thế. Và một khi tôi đã không muốn làm thì chẳng ai bắt tôi làm được.” Trong trường hợp này, ở một chừng mực nào đó, Cantona chỉ xem cú kung-fu vào Simmons như một hành động “xả stress”. Tất nhiên, như mọi người đã biết, anh đã phải lĩnh đủ hậu quả.
Trong cuốn tự truyện Red, hậu vệ Gary Neville đã có sự so sánh về cá tính của cầu thủ người Pháp với đồng đội Roy Keane ở Manchester United: “Giống như Keano, những gì các bạn nhìn thấy trong cách thể hiện cũng chính là con người thật của anh ấy. Cả hai đều giống như những ngọn núi lửa đang phun trào, cho dù họ là cầu thủ bóng đá hay là một anh thợ điện cũng vẫn vậy thôi. Tôi biết có một số người có khả năng nhẫn nhịn đếm từ 1 đến 10 để tự kiềm chế bản thân khi bị ai đó làm tổn thương. Nhưng Roy và Eric không có khả năng đó. Họ không thể hít thở sâu để nuốt cục tức vào bên trong. Họ phản ứng theo bản năng, giống như cách núi lửa tự phun trào vậy.”
Cái nhìn của Neville về Cantona không hẳn hoàn toàn chính xác. Thực tế, chẳng hề tồn tại cái gọi là hành động bản năng thay vì kiểm soát có chủ ý của cầu thủ người Pháp ở Selhurst Park. Cantona tấn công Simmons không phải để đòi lại sự công bằng. Nói như cách của giới trẻ bây giờ, đơn giản là “mình thích thì mình làm thôi”.
Đáng nói là huấn luyện viên Ferguson lại có cùng quan điểm với Neville. Ông cho rằng, những cơn bùng phát của Cantona không hề có chủ ý mà xuất phát từ những khoảnh khắc tê liệt thần kinh. Có thể thấy rõ sự bất đồng quan điểm giữa Cantona với đồng đội của anh và dĩ nhiên với cả ông thầy Ferguson.
Cantona vẫn kiên trì giữ thái độ im lặng một cách có chủ đích trong vụ việc ở Selhurst Park, cho đến khi anh có cơ hội được giải quyết dứt điểm một lần trước truyền thông và dư luận sau
phán quyết cuối cùng của tòa án. Một cuộc họp báo đã được bố trí vội vã ở khách sạn Croydon Park, nơi mà Cantona đã nghỉ ngơi một ngày trước khi diễn ra phiên điều trần.
Các nhà báo tham dự đã rất chờ đợi một lời giải thích thấu tình đạt lý. Họ hy vọng Cantona sẽ nói cảm nhận của anh về kết quả của phiên điều trần, sẽ phải công khai thừa nhận sai lầm để rồi sau đó khép lại tất cả mà tập trung cho màn tái xuất sân cỏ. Họ nghĩ rằng anh sẽ phải cảm ơn tòa án, cảm ơn Manchester United, cảm ơn cổ động viên của đội nhà đã hết lòng ủng hộ anh từ khi gia nhập Old Trafford cho tới khi xảy ra sự cố tại Selhurst Park. Và nếu như còn một chút gợn nào, thì họ nghĩ rằng đó chỉ có thể là những lời bình luận của Cantona về khả năng chịu đựng của những cầu thủ đã trở thành nạn nhân của sự kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí là xúc phạm danh dự từ cổ động viên của đối phương.
Sự chờ đợi và hy vọng đó của giới truyền thông Anh đã được Cantona đáp lại bằng một gáo nước lạnh: “Khi những con hải âu bám theo tàu cá...”, Cantona bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một câu lửng lơ, sau đó cố ý dừng lại, nhấp một ngụm nước rồi mới tiếp,“là bởi vì chúng đánh hơi được những con cá mòi quyến rũ chuẩn bị được các thủy thủ ném xuống biển.”
Cantona đứng dậy nói lời cảm ơn giới truyền thông vì đã dành thời gian quan tâm đến anh rồi lập tức rời khỏi phòng họp báo. Hình bóng của Cantona mờ dần theo những ánh đèn flash và chìm khuất trong những tiếng cười sảng khoái của cầu thủ người Pháp khi anh thẳng thừng từ chối những câu hỏi của phóng viên. Cantona rút lui vội vã, bỏ lại các quan chức của Manchester United ngẩn ngơ giữa phòng họp báo.
“Thật là những lời nói hồ đồ”, Maurice Watkins bực dọc nói sau khi Cantona khuất bóng. “Cậu ấy không muốn có mặt ở đây và gặp mặt mọi người để nghe và trả lời những câu hỏi. Bởi có lẽ
cậu ấy đã ngán đến tận cổ họng rồi. Cá nhân tôi nghĩ rằng, Eric vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng thần kinh tột độ.”
Watkins đã diễn hơi sâu. Thực ra ông biết rất rõ kế hoạch trả lời họp báo của Cantona. Bởi hai người đã có sự thảo luận từ trước về cách ngôi sao người Pháp sẽ trả lời trước giới truyền thông, trong đó Ned Kelly còn mớm từng lời cho Cantona trước khi anh bước vào phòng họp báo. Trong cuốn The Red and the Black, Ian Ridley thậm chí đã trích dẫn một đoạn trao đổi giữa Cantona với Watkins. Trong đó, Cantona được ngài giám đốc đáng kính của Manchester United nắn chỉnh từng câu, từng lời chẳng khác gì dạy từ vựng tiếng Anh cho anh.
“Gì cơ?”, Cantona hỏi Watkins. “Có phải người Anh gọi chúng là những con chim biển? Ý ông nói là chim hải âu phải không?” “Đúng vậy!”, Watkins đáp lại. “Và con tàu mà ông đề cập là tàu đánh bắt cá nhỉ?”, Cantona hỏi tiếp. “Tàu cá, có lẽ vậy”, Watkins trả lời. “Và loại cá được dùng là loại nào?” Lần này, Watkins nghĩ hơi lâu trước khi bật ra từ “sardines” - cá mòi.
Giới truyền thông Anh đã có những phản ứng kích động trước cách trả lời họp báo của Cantona. Trên tờ Daily Telegraph, phóng viên Ben Fenton mỉa mai: “Cantona đã chạy trốn khỏi cuộc nói chuyện về việc anh ta thoát khỏi cảnh tù tội bằng một bài diễn thuyết sống động về nghề đánh bắt cá.” Phóng viên Mohn Mullin của tờ The Guardian thì giật tít: “Diễn giả nghề cá, diễn giải tội tù”, trong đó ông chỉ ra rằng: “Chúng tôi muốn được nghe một lời giải thích rõ ràng, nhưng chẳng nhận được gì cả.” Còn tờ báo lá cải The Sun lại đặt vấn đề về thần kinh của Cantona: “Ooh-aah, Cantona mới điên khùng làm sao!”
Phóng viên được cho là có cái nhìn sâu sắc nhất về buổi họp báo là Simon Midgley của tờ The Independent: “Liệu có phải chúng ta là những con hải âu, còn anh ta là một con cá mòi? Cantona có ý gì nhỉ?”
Tờ Daily Mail đã mời chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Raj Persaud về để phân tích những câu nói của Cantona trong buổi họp báo. Persaud cho rằng, cầu thủ người Pháp bắt giới truyền thông phải đoán già đoán non để thể hiện rằng anh ta siêu việt hơn tất cả. Theo đó, Cantona muốn tạo ra một bầu không khí huyền hoặc, để câu nói của mình giống như một “câu sấm”, khiến người nghe bị kích thích trí tò mò.
Sau cùng, hầu hết đều tán đồng cách suy diễn mà phóng viên Simon Midgley của tờ The Independent đã đưa ra. Cantona đã dùng phép ẩn dụ trong câu nói của mình. Họ diễn giải rằng: Từ “sardines - cá mòi” ở đây phải hiểu là những thông tin hấp dẫn liên quan đến cú kung-fu của Cantona. Còn từ “trawler - tàu cá” là chỉ ngôi sao của Manchester United. Theo suy diễn logic đó, từ “seagull - chim hải âu” phải hiểu chính là giới truyền thông Anh.
Đó là cách suy diễn rất thú vị. Nếu suy rộng hơn nữa, chúng ta có thể hiểu rằng, Cantona đã trách móc giới truyền thông Anh trong buổi họp báo. Chính xác hơn là anh đã chỉ trích các phóng viên, nhà báo chỉ biết khai thác những thông tin theo kiểu ăn xổi khiến người ta phát chán, thay vì đào sâu tìm tòi để có được những câu chuyện mang tính nhân văn. Điều này cũng cho thấy tại sao Cantona luôn dị ứng với các paparazzi chuyên khai thác chuyện đời tư của những người nổi tiếng. Trong cuốn Cantona on Cantona, anh thừa nhận rằng giới truyền thông đóng một vai trò tối quan trọng trong việc kết nối các cổ động viên với bóng đá, nhưng đáng tiếc họ lại để quyền lực đó vuột khỏi tầm tay của mình.
“Tôi không muốn nói rằng tôi là nạn nhân của giới truyền thông. Nhưng tôi đã phải trải qua những giai đoạn khổ sở vì họ”, Cantona kể lại trong cuốn hồi ký của mình. “Nhưng giới truyền thông càng cố tìm cách đào bới, khai thác thông tin về tôi, số người hâm mộ tôi lại càng tăng. Khi các phóng viên, nhà báo tấn công tôi, bộ mặt thật của họ đã lộ rõ.”
Có một nhà báo đã chấp nhận cách giải thích đó thay vì cố tranh cãi bằng cách vin vào những điều cao xa kiểu triết học nửa vời. Đó là cây viết Patrick Barclay. Ông viết trên tờ The Observer để bảo vệ giới truyền thông trước những lời châm chọc của Cantona: “Cantona đã mỉa mai chúng ta khi nói về những chú hải âu bám theo tàu cá để chờ ăn những chú cá mòi mà người ta ném ra. Anh ta đã cố tình lờ đi một điều rằng, chính nhờ đóng góp không nhỏ của giới truyền thông, anh ta mới có nhiều cơ hội kiếm tiền và trở nên giàu có, có thừa tiền để mua những bộ quần áo đắt đỏ mà anh ta đã diện khi ra hầu tòa.”
Một giả thiết thứ hai là những lời của Cantona trong buổi họp báo chẳng có ý nhắm vào ai hết. Bởi trước khi phát biểu, cầu thủ này đã thảo luận rất kỹ với hai sếp Kelly và Watkins. Có thể đó chỉ là những lời buột miệng của Cantona, chúng chẳng có ý nghĩa gì hết.
“Hàng trăm nhà báo đã đổ đến buổi họp báo hôm đó”, Cantona nhớ lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn vài năm sau đó. “Họ cố tỏ ra thật nghiêm túc. Nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ họ nghiêm túc về bóng đá. Luật sư của tôi khi ấy đã nhắc nhở: ‘Họ đang chờ anh giải thích thêm một điều gì đó.’ Tôi trả lời dứt khoát là ‘Không’, rồi đi thẳng về nhà.”
“Tôi phải thú thực rằng, lúc đó tôi cũng chẳng biết mình đã nói gì trong buổi họp báo, đó hoàn toàn là những lời vô nghĩa do tôi buộc phải ứng biến trước mọi người. Nhưng sau đó tôi thấy mọi người để ý đến câu nói đó quá, phân tích nó nhiều quá khiến tôi cảm thấy có gì đó hay hay. Tôi chỉ có thể giải thích rằng câu nói đó cũng vu vơ kiểu như câu: ‘Tôi thích những cái rèm cửa kia, dù nó có màu hồng’.”
Mà có khi lúc ấy, giới truyền thông lại đâm đầu vào tranh luận xem “pink curtains - những cái rèm cửa màu hồng” có dụng ý ám chỉ điều gì. Rồi họ sẽ lại suy đoán, liệu có phải Cantona có ý nói rằng có những thứ bạn không thích, nhưng bạn cần phải
học cách yêu nó, chỉ đơn giản vì nó chẳng giống bất kỳ điều gì khác. Hay họ lại đưa ra giả thuyết khác rằng, ý của Cantona là những chiếc rèm cửa tuy không có tính thẩm mỹ, nhưng lại có lợi ích không nhỏ, giúp che nắng, che chắn ánh sáng. Cũng có thể, có người sẽ cho rằng tất cả những suy đoán trên đều không chính xác. Đơn giản là Cantona muốn nói rằng bất kỳ cái gì, dù xấu hay đẹp, đều có những chức năng sử dụng riêng của nó.
Có lẽ mọi người cũng đã hiểu ra được điểm mấu chốt của vấn đề. Việc Cantona nói gì, dù những lời nói có ẩn ý nhắm đến ai hay chỉ là những lời vô nghĩa, thì tất cả đều không quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ, cầu thủ người Pháp hiểu rất rõ rằng, bất kỳ phát ngôn nào của anh cũng đều bị cánh phóng viên, nhà báo đem ra mổ xẻ, phân tích trong những bài báo vô bổ. Anh càng nói khó hiểu bao nhiêu, giới truyền thông sẽ lại càng mất thêm nhiều thời gian để phân tích bấy nhiêu.
Thật khó trách được giới truyền thông khi họ bị cuốn theo những lời nói của Cantona. Bởi suy cho cùng, giữa hai bên là mối quan hệ cộng sinh. Nếu Cantona có thể ra chiêu khiến giới truyền thông tạm quên đi cú kung-fu của anh ta, đánh lạc hướng dư luận bằng những câu nói vô nghĩa trong buổi trả lời họp báo sau phiên điều trần thì đơn giản anh ta đúng là một thương gia đại tài. Trong khi các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các tờ báo lá cải có lý do chính đáng để đem những lời nói của Cantona ra mổ xẻ. Ở một giải bóng đá mà các cầu thủ trở thành những người định hướng truyền thông, những lời nói tưởng chừng vô nghĩa của Cantona lại là “liều doping” giúp cho lượng phát hành của nhiều tờ báo tăng đột biến.
Dư âm của câu nói bí ẩn sau phiên điều trần khiến Cantona càng trở nên huyền bí trong con mắt của nhiều người. Sự nổi tiếng của Cantona, bên cạnh tài năng xuất chúng có một phần không nhỏ từ thói vô sư vô sách của anh. Nhưng đó là cá tính của Cantona và anh rất biết cách kết dính tất cả lại với nhau một cách hoàn hảo. Ngoại trừ số 7 George Best trước đó, không một
cầu thủ bóng đá nào của Manchester United lại gây được sự chú ý bên ngoài sân cỏ giống như Cantona.
Cho đến lúc bấy giờ, quan điểm bóng đá ở Anh vẫn rất lạc hậu. Người ta cho rằng, đã là cầu thủ thì chỉ nên tập trung vào việc đá bóng. Chấm hết! Những cái tôi cá nhân, những sai lầm luôn được ỉm đi rất kỹ. Với các cầu thủ, việc thể hiện quan điểm chính trị, thời trang hay văn hóa đều bị coi là lập dị, không đáng được tôn trọng.
Chúng ta vừa đề cập đến một cầu thủ mà những gì thể hiện của anh ta trong buổi họp báo sau phiên điều trần tại tòa còn giá trị hơn cả những màn trình diễn xuất sắc nhất trên sân cỏ. Cantona rõ ràng rất ý thức được những gì anh ta đã làm. Giống như cách nói của một người đưa thư ở Ken Loach khi xem phim Looking for Eric: “Thật là hết sức thú vị. Những gì Cantona đã làm cho thấy anh ta đích thị là một diễn viên có tài năng trời phú.”
Ngày 109
“CHỈ CÓ NGỐC MỚI TIN RẰNG VỤ VIỆC CỦA CANTONA KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN MANCHESTER UNITED.”
S
ự vắng mặt của Cantona vì án treo giò dài hạn không ảnh hưởng tức thì đến Manchester United trong cuộc đua tới chức vô địch Premier League mùa giải 1994/95.
Đội bóng của huấn luyện viên Ferguson thắng liền 5 trận sau đó trên mọi chiến tuyến, lần lượt trước các đối thủ Wrexham, Aston Villa, Manchester City, Leeds United và Norwich City, trong đó họ thắng 8 trong tổng số 9 trận kể từ sau trận hòa 1-1 trên sân Selhurst Park hôm xảy ra vụ việc của Cantona.
Đáng chú ý là sau chiến thắng 3-0 ở trận derby thành phố Manchester trên sân Maine Road của Manchester City nhờ các bàn thắng của Andy Cole, Paul Ince và Andrei Kanchelskis, United đã lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm trước tạm vươn lên dẫn đầu tại Premier League.
Sau trận derby thành phố Manchester, tờ The Observer giật sapô: “Manchester United không cần phải gửi tấm bưu thiếp với lời nhắn nhủ ‘chúng tôi đang rất nhớ anh’ tới Caribe cho Cantona nữa.” Còn phóng viên David Lacey của tờ The Guardian cho rằng, nhà đương kim vô địch Premier League xứng đáng trụ lại trên ngai vàng của bóng đá Anh thêm một mùa giải nữa sau chiến thắng ấn tượng nhất trên sân khách của họ kể từ đầu mùa giải. Huấn luyện viên Ferguson cũng đồng quan điểm. Chiến lược gia người Scotland phát biểu rằng, các học trò của ông đã có một màn trình diễn đỉnh cao ở Maine Road và xứng đáng là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vô địch.
Trước kỳ nghỉ Giáng sinh, khi còn Cantona thi đấu trong đội hình, Manchester United đã để thua trước Leeds, Ipswich Town và Nottingham Forest, chưa kể phải chia điểm với Leicester City, Southampton và Newcastle sau đó. Qua đó,“Quỷ đỏ” đành phải chấp nhận xếp ở vị trí thứ hai tại Premier League sau Blackburn Rovers. Nếu không xảy ra việc Cantona bị thẻ đỏ phải rời sân giữa chừng ở Selhurst Park, thầy trò ông Ferguson không biết chừng đã có thể đánh bại chủ nhà Crystal Palace để vươn lên ngôi đầu bảng ngay sau vòng đấu đó.
Các cầu thủ Manchester United đã lấy lại tinh thần rất nhanh sau sự vụ của Cantona. Họ biến đau thương thành hành động, tất cả đều hưởng ứng trước lời kêu gọi của tiền đạo Andy Cole: “Vì Eric, chúng ta phải cố gắng thi đấu để giúp Manchester United giành chiến thắng!” Nhưng càng về sau, sự vắng mặt của Cantona càng trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với Manchester United.
Blackburn tuy sở hữu hàng công lợi hại với cặp tiền đạo Alan Shearer và Chris Sutton, trong đó một mình Shearer đã ghi 17 bàn thắng tính đến kỳ nghỉ Giáng sinh, nhưng họ lại không có sự ổn định. Đội bóng của huấn luyện viên Kenny Dalglish đã để mất tới 23 điểm trong 20 trận đấu còn lại của mùa giải. Với sự sa sút đó của Blackburn, Manchester United hoàn toàn có thể bứt tốc để thẳng tiến tới chức vô địch Premier League. Đội bóng của huấn luyện viên Ferguson đủ tốt để có thể tạm vượt qua cơn khủng hoảng vì thiếu vắng Cantona, nhưng họ đã không làm được như thế. May cho thầy trò ông Ferguson là họ không bị chỉ trích nhiều trong thất bại trước Blackburn ở cuộc đua tới chức vô địch Premier League 1994/95. Bởi cổ động viên của Manchester United cho rằng, lỗi không phải ở thầy trò huấn luyện viên Ferguson, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự vắng mặt của Cantona trong đội hình “Quỷ đỏ” vì án treo giò.
Manchester United đã bị bỏ lại phía sau bởi quá nhiều những cú vấp ngã đáng tiếc trong giai đoạn thiếu vắng Cantona, trong đó
có trận hòa 1-1 định mệnh với West Ham ở vòng hạ màn Premier League 1994/95. Không có ngôi sao người Pháp đưa đường dẫn lối, “Quỷ đỏ” thua trong cả hai trận đấu với các đối thủ ở vùng Merseyside là Everton và Liverpool, bên cạnh các trận đấu phải chia điểm với Tottenham, Leeds và Chelsea ngay ở sân Old Trafford.
Ở một mùa giải mà Manchester United đã đánh bại Blackburn Rovers trong cả hai trận đấu lượt đi và về, việc họ để mất chức vô địch vào tay bại tướng của mình là điều rất khó có thể chấp nhận.
Thực ra, Manchester United cũng có một phương án thay thế tạm thời cho Cantona khi anh phải chịu án treo giò, tiếc là mọi việc không được suôn sẻ. Andy Cole đã được huấn luyện viên Ferguson đưa về Old Trafford từ câu lạc bộ Newcastle 9 ngày trước khi xảy ra việc Cantona tung cú xông phi vào cổ động viên Simmons ở Selhurst Park. Tân binh của Manchester United lập tức được tạo cơ hội đá cặp cùng Cantona trên hàng công của đội nhà trong chiến thắng 1-0 trước Blackburn. Nhưng trong trận đấu ra mắt đó, Cole đã khiến Cantona nhiều phen tức giận vì anh bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trước khung thành của đối phương.
Cole đã không thể khỏa lấp được khoảng trống trên sân của Cantona.
Huấn luyện viên Ferguson tiết lộ rằng, Manchester United ban đầu định ký hợp đồng với tiền đạo Stan Collymore chứ không phải Cole. Ngay cả khi Cole đã gia nhập Old Trafford, chiến lược gia người Scotland vẫn viết trong cuốn nhật ký của ông rằng: “Manchester United lên kế hoạch chiêu mộ Collymore, nhưng rốt cuộc lại mua Cole.” Ông Ferguson tỏ ý trách móc đồng nghiệp Frank Clark bên phía Nottingham Forest vì đã giở quá nhiều chiêu trò trong quá trình đàm phán khiến thương vụ Collymore bất thành.
“Andy là mẫu cầu thủ hoàn toàn khác với Stan”, ông Ferguson chia sẻ. “Cole có xu hướng chỉ thích ‘mắc võng’ trong vòng cấm địa của đối phương, trong khi Collymore chơi dãn biên nhiều.” Theo nhìn nhận của nhà cầm quân người Scotland, Collymore là mối nguy hiểm thường trực cho bất kỳ đội bóng nào mà anh ta phải đến làm khách, còn Cole lại chơi tốt hơn trên sân nhà và đặc biệt hiệu quả trước những hàng thủ có lối đá theo kiểu “ruồi bâu”.
Ông Ferguson chỉ đúng một phần. Manchester United đúng là đã phải đối đầu với nhiều đội bóng có lối phòng ngự theo kiểu “ruồi bâu”. Nhưng Cole lại chẳng thi đấu hiệu quả như những gì huấn luyện viên của Manchester United phán đoán. Sau khi “Quỷ đỏ” liên tục bị cầm hòa không bàn thắng trước các đối thủ như Tottenham, Leeds và Chelsea dù họ luôn chơi ép sân, ông Ferguson bắt đầu than thở về sự phung phí cơ hội của các chân sút đội nhà trước khung thành đối phương.
Andy Cole chắc chắn phải gánh một phần trách nhiệm trong đó. Tiền đạo này chỉ ghi được 12 bàn thắng cho Manchester United trong quãng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5. Trong số đó, có tới 5 bàn được anh thực hiện trong chiến thắng kỷ lục 9-0 của đội nhà trước Ipswich Town và 2 bàn khác được ghi vào lưới đối thủ đã tụt hạng Leicester City. Nhìn chung, trong 12 pha lập công đó của Cole, có tới 11 bàn được ghi trước các đối thủ thuộc nửa cuối bảng xếp hạng, ngoại lệ duy nhất là bàn thắng vào lưới Southampton, trong trận đấu cuối cùng trên sân nhà của “Quỷ đỏ” tại Premier League 1994/95.
Trong những trận đấu mà đối phương chủ động chơi phòng ngự số đông đó, Manchester United cảm thấy nhớ Cantona vô cùng. Tất nhiên không phải vì những bàn thắng của tiền đạo người Pháp mà bởi sự thông minh, sáng tạo và nguồn cảm hứng mà anh đem lại cho các đồng đội. Một trong những điểm mạnh nhất của Cantona là khả năng thi đấu bùng nổ rất đúng thời điểm. Các huấn luyện viên ở Premier League đều biết điều đó và
do vậy luôn phải cắt cử ít nhất 2 cầu thủ theo sát để kèm Cantona. Chính vì thế, ở những trận đấu mà đối phương chơi phòng ngự kiểu “ruồi bâu”, nếu có Cantona trên sân, huấn luyện viên Ferguson có thể kéo anh hơi lùi xuống làm nhiệm vụ kéo dãn hàng thủ đối phương, giúp Cole ở phía trên có nhiều khoảng trống hơn để tung ra những cú dứt điểm.
Với Manchester United, chỉ có một lý do khiến họ phải mất ngai vàng vào tay Blackburn ở vòng đấu cuối cùng của mùa giải. Huấn luyện viên Ferguson không ngần ngại nhắc đi nhắc lại rằng, nếu ông có Cantona trong tay, cục diện có thể đã khác. “Nếu Cantona thi đấu, anh ta có lẽ đã ghi được ít nhất một bàn thắng, vào lưới một trong những đối thủ Tottenham, Leeds và Chelsea”, ông Ferguson tỏ vẻ tiếc nuối khi đề cập đến 3 trận hòa không bàn thắng của đội nhà ở giai đoạn nước rút của mùa giải.
Trong nhật ký của mùa giải, huấn luyện viên Ferguson có than phiền về tình trạng khủng hoảng của đội bóng do chấn thương. Ông phàn nàn rằng, đội hình Manchester United đã giành chiến thắng trong trận chung kết FA Cup 1994 gần như chẳng mấy khi được ra sân cùng nhau trong đội hình xuất phát ở mùa 1994/95. Nhưng trên tất cả, sự thiếu vắng Cantona do án treo giò vẫn là nguyên nhân cốt lõi khiến “Quỷ đỏ” bị Blackburn phế truất.
“Vấn đề của Cantona đã khiến Manchester United chìm trong khủng hoảng”, huấn luyện viên Ferguson tỏ vẻ uất hận qua những dòng nhật ký. “Chỉ có những kẻ ngốc mới nói rằng, sự vắng mặt của Eric không làm ảnh hưởng đến Manchester United trong cuộc đua tới chức vô địch Premier League. Tôi cho rằng với thực lực của đội bóng, Manchester United có khả năng giành chức vô địch. Nhưng nếu có Cantona trong đội hình, khả năng đó càng lớn hơn. Quyết định treo giò Eric đến hết mùa giải mà lãnh đạo câu lạc bộ đưa ra, tôi cho là hợp lý. Nhưng Ủy ban Kỷ luật của FA lại không nghĩ vậy. Về điều này, các cổ động viên
của Manchester United có lẽ nên cảm ơn giới truyền thông Anh đã lao tâm khổ tứ.”
Nếu như Manchester United đã để vuột mất chức vô địch Premier League mùa 1994/95 vào tay Blackburn vì sự phung phí cơ hội của hàng công thì trận chung kết FA Cup năm đó cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đội bóng của huấn luyện viên Ferguson đã để thua Everton 0-1 trên sân Wembley trong một ngày “Quỷ đỏ” chơi tấn công vô hồn, ít nhất là cho đến khi cầu thủ trẻ Ryan Giggs được tung vào sân từ băng ghế dự bị thay đội trưởng Steve Bruce.
Một lần nữa, cái tên Cantona lại xuất hiện nhan nhản trên các tờ báo thể thao hàng đầu ở Anh. Cây bút David Lacey viết sau trận thua 0-1 của Manchester United tại chung kết FA Cup rằng: “Nếu Cantona thi đấu, chỉ cần một vài tình huống xử lý khôn ngoan của anh trên sân cũng có thể đã mang lại sự khác biệt.” Lacey kết luận: “Một phút nông nổi của Cantona ở Selhurst Park đã khiến Manchester United thiệt đơn thiệt kép!”
Càng cảm nhận được tầm quan trọng của Cantona trong những ngày anh bị treo giò, huấn luyện viên Ferguson lại càng cảm thấy lo lắng. Ông rất sợ rằng, cầu thủ người Pháp có thể sẽ quyết định chia tay vĩnh viễn với bóng đá Anh. Ông Ferguson hiểu rất rõ rằng, án phạt của FA không đánh gục được Cantona. Nhưng ông sợ sự soi mói và can thiệp quá đà của giới truyền thông Anh có thể sẽ khiến cậu học trò cưng của ông không còn hứng thú chơi bóng ở Old Trafford nói riêng và ở xứ sở sương mù nói chung.
Inter Milan từ lâu đã luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Cantona. Điều trùng hợp là hôm tiền đạo người Pháp tung cú xông phi vào cổ động viên Simmons ở Selhurst Park, đội bóng hàng đầu của Italia cũng cử một phái đoàn đến sân xem Cantona thi đấu. Inter rất hy vọng sẽ thuyết phục được ngôi sao
người Pháp rời Old Trafford để chuyển sang chơi bóng tại Serie A thay vì đàm phán hợp đồng mới với Manchester United.
“Ý tưởng đầu tiên của tôi sau khi trở thành chủ tịch của Inter Milan là sẽ ký hợp đồng với hai tiền đạo Eric Cantona và Roberto Mancini”, ông Massimo Moratti tiết lộ trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Corriere dello Sport vài năm sau đó. “Rồi tôi đến London để trực tiếp xem Cantona thi đấu và được chứng kiến trọn vẹn cú kung-fu của cậu ấy vào cổ động viên của Crystal Palace.”
Hôm đó, Moratti đã nói với phụ tá Paolo Taveggia rằng, ông muốn đàm phán với lãnh đạo của Manchester United và ký hợp đồng không chỉ với Eric Cantona mà còn với cả Paul Ince - bộ đôi là trung tâm của scandal tại Selhurst Park. Moratti muốn hai ngôi sao của đội bóng chủ sân Old Trafford sẽ là sự thay thế cho bộ đôi người Hà Lan ở Inter Milan là Wim Jonk và Dennis Bergkamp. Những hành động phi thể thao của Cantona và Ince trên sân của Crystal Palace không làm ảnh hưởng đến khát khao muốn mua được hai cầu thủ này của Chủ tịch Moratti. Cuối mùa giải đó, Bergkamp rời Inter Milan để chuyển sang đầu quân cho Arsenal, còn Jonk chia tay để hồi hương đá cho PSV Eindhoven.
Giám đốc điều hành khi đó của Manchester United là Edwards đã nói với Taveggia rằng, Cantona và Ince là hai cầu thủ không phải để bán, nhưng ông vẫn đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với phía Inter Milan. Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo hai đội bóng được bố trí vào ngày 26/01, với Paolo Taveggia và Giammaria Visconti di Modrone là đại diện cho phía của đội bóng hàng đầu Italia. Inter Milan đã đưa ra lời đề nghị trị giá 10 triệu bảng Anh cho bộ đôi Cantona và Ince.
Đến đầu tháng 4 năm đó, Manchester United những tưởng đã bị Inter Milan cướp mất Cantona. Trong những cuộc trao đổi với người đại diện Jean-Jacques Bertrand, đội bóng thành phố Manchester được biết rằng, Chủ tịch Moratti đã dụ dỗ Cantona
với lời đề nghị tăng lương cho anh cao gấp 5 lần so với những gì tiền đạo người Pháp nhận được ở Manchester United. Lãnh đạo Manchester United vội vàng xúc tiến đàm phán ký hợp đồng mới với Cantona và tăng lương cho anh, nhưng tất nhiên họ không thể đưa ra lời đề nghị hấp dẫn giống như là Inter Milan đã gửi tới Cantona.
Cũng có một vài nhân vật chủ chốt ở Old Trafford đã bị dao động trước lời đề nghị từ phía Inter Milan. Họ cho rằng, mức phí chuyển nhượng 5,5 triệu bảng Anh mà đội bóng hàng đầu Italia đưa ra để giành quyền sở hữu Cantona là rất đáng cân nhắc. Cantona khi đó đã 29 tuổi. Với lệnh cấm thi đấu của FA, tiền đạo người Pháp sẽ phải nghỉ thi đấu thêm 6 tuần ở mùa giải kế tiếp. Chẳng ai dám đảm bảo sau quãng thời gian xa sân cỏ dài đến như vậy, Cantona sẽ sớm hòa nhập trở lại. Cũng chẳng ai dám đảm bảo ở tuổi đó, với sự vận động khiêm tốn trong quãng thời gian bị treo giò, Cantona không dính phải một chấn thương nào đó. Nghiêm trọng hơn, người ta sợ anh sẽ lại tái diễn những hành động phi thể thao như ở Selhurst Park. Nếu điều đó xảy ra, Cantona chắc chắn sẽ bị trục xuất khỏi bóng đá Anh vĩnh viễn, và khi đó dù muốn bán tiền đạo người Pháp, Manchester United cũng khó có thể bán với giá cao.
Trong một bài viết độc quyền số ra ngày 12/04, tờ Daily Mirror khẳng định, Cantona sẽ rời Manchester United sau khi mùa giải 1994/95 kết thúc. Phóng viên Harry Harris giật cái tít rất gây sốc bằng cách “nhét chữ” vào miệng Cantona: “Tôi sẽ rời Manchester United!”
Thông tin đó dĩ nhiên là hoàn toàn bịa đặt. Nhưng đã có thời điểm, điều đó suýt nữa thành sự thật. Trong một thông báo chính thức, Manchester United tuyên bố: “Chúng tôi luôn khẳng định rằng, Manchester United muốn Cantona tiếp tục ở lại thi đấu. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi cần những cầu thủ luôn bày tỏ khát vọng được cống hiến cho Manchester United.” Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, đội bóng thành phố
Manchester đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý có thể mất Cantona. Quả bóng lúc này được chuyền sang chân cầu thủ người Pháp để anh tự mình phải đưa ra sự lựa chọn.
Trong khi một vài nhân vật cấp cao ở Old Trafford bắt đầu dao động thì huấn luyện viên Ferguson vẫn một mực bảo lưu ý kiến là Cantona nhất định phải ở lại Manchester United.
Không phải chiến lược gia người Scotland không biết những vấn đề mà Manchester United sẽ phải đối mặt với sự trở lại đội bóng của Cantona. Nhưng điều ông quan tâm hơn cả là sự nghiệp của cậu học trò cưng. Ông Ferguson sợ rằng, nếu xử lý không khéo và Cantona lại phạm phải một sai lầm nào đó, anh có thể đánh mất tất cả.
Huấn luyện viên của Manchester United yêu cầu phải có thêm lực lượng an ninh bảo vệ Cantona đặc biệt là trong những trận đấu trên sân khách của “Quỷ đỏ”. Ông cho rằng, sau khi Cantona tái xuất, anh cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt không chỉ trước các cổ động viên hiếu chiến và thích khiêu khích của đối thủ mà còn trước cả đám phóng viên, nhà báo tò mò. Tóm lại, Ferguson không quan tâm đến việc người ta nói gì về tương lai của Cantona. Ông chỉ không muốn có bất kỳ tác động trực tiếp nào đến cậu học trò để anh tránh bị rơi vào tình trạng không kiềm chế được bản thân.
Một người thực tế như huấn luyện viên Ferguson hiểu rõ rằng, để tìm được một cầu thủ chất lượng đưa về Old Trafford thay thế Cantona, số tiền Manchester United phải đổ vào thị trường chuyển nhượng sẽ lớn hơn rất nhiều con số 5,5 triệu bảng mà họ thu được từ việc bán cầu thủ người Pháp cho Inter Milan. Việc Manchester United thất bại trong việc ký hợp đồng với các siêu sao người nước ngoài để làm bàn đạp cho giấc mơ chinh phục Champions League càng giúp cho giới truyền thông Anh có lý do để đoán già đoán non về khả năng ra đi của Cantona.
Ferguson đã liệt kê một bản danh sách những ngôi sao nước ngoài mà ông muốn đưa về Old Trafford mùa hè năm ấy. Đó là “người ngoài hành tinh” Ronaldo, Marcel Desailly, Zinedine Zidane và Gabriel Batistuta. Nhưng khi trình bản danh sách đó lên lãnh đạo câu lạc bộ, ông đã bị từ chối thẳng thừng. Lý do được đưa ra là Manchester United đang trong quá trình nâng cấp sân vận động Old Trafford và ngân sách đang khá eo hẹp. Chẳng còn cách nào khác, Ferguson đành phải cố tìm cách giữ chân các cầu thủ đang có trong tay, đặc biệt là một ngôi sao có ảnh hưởng lớn trên sân nhà là Cantona.
Rất may, Manchester United đã đàm phán thành công với Cantona. Lãnh đạo Manchester United đã đưa ra những lời hứa hẹn, đồng thời bày tỏ mong muốn sự ủng hộ của họ dành cho Cantona trong những thời điểm khó khăn nhất của sự nghiệp sẽ được cầu thủ người Pháp đáp lại. Đến cuối tháng 4, Cantona thông báo với người đại diện và ban lãnh đạo Manchester United rằng, anh mong muốn được tiếp tục thi đấu ở Old Trafford. Lập tức, hai bên đã đi đến một thỏa thuận bằng miệng về một bản hợp đồng mới dành cho Cantona. Ngày 27/04, Manchester United đã ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm với ngôi sao người Pháp và nâng lương của anh lên thành 750 nghìn bảng mỗi năm.
Cái kết tuyệt vời đó của Cantona với Manchester United khiến người ta mau chóng quên đi rằng, đội bóng thành phố Manchester từng suýt mất anh. Trước đó, bên cạnh bài báo sai sự thật của phóng viên Harris đăng độc quyền trên báoDaily Mirror, phóng viên Jim White của tờ The Independent cũng có một bài viết đăng trên số báo ra ngày 08/04, đại ý rằng: Tất cả mọi phân tích logic đều cho thấy một điều, Cantona sẽ rời nước Anh, chuyển sang thi đấu ở Italia sau khi mãn hạn treo giò.
Ngay cả khi Cantona đã ký hợp đồng mới và trở lại thi đấu cho Manchester United sau án treo giò, trong kỳ chuyển nhượng mùa đông ngay sau đó, Chủ tịch Moratti của Inter Milan vẫn liên
"""