"Truyện Ngắn Và Vừa F. M. Dostoievski - F. M. Dostoievski full mobi pdf epub azw3 [Tuyển Tập] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Ngắn Và Vừa F. M. Dostoievski - F. M. Dostoievski full mobi pdf epub azw3 [Tuyển Tập] Ebooks Nhóm Zalo F.M. DOSTOIEVSKI TRUYỆN NGẮN - TRUYỆN VỪA ĐỨC MẪN dịch NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN 2006 Chú hài đồng bên cây thông Đức Chúa Chuyện này xảy ra ở một nơi nào đó, vào một thời điểm nào đó, xảy ra đúng vào đêm trước Giáng sinh, trong một thành phố to lớn nào đó vào lúc giá rét khủng khiếp. Tôi thấy dường như dưới tầng hầm có một chú bé, nhưng là một chú bé bé lắm, chỉ độ sáu tuổi, thậm chí còn ít hơn. Chú bé thức dậy vào buổi sớm dưới tầng hầm ẩm ướt và giá lạnh. Chú mặc một cái áo khoác gì đó và run rẩy. Hơi thở của chú bay ra thành một làn hơi trắng, chú ngồi trên một cái hòm trong góc hầm, vì buồn rầu chú cố tình thở làn hơi ấy ra khỏi miệng rồi nhìn làn hơi bay lên để cho khuây khỏa. Nhưng chú rất đói bụng. Từ sáng đã mấy lần chú đến gần cái phản gỗ, nơi bà mẹ ốm đau của chú đang nằm trên một tấm lót mỏng như cái lá bánh, đầu gối lên một cái tay nải. Làm sao bà ấy lại ở đây được. Có thể là bà ấy đi cùng chú bé từ một thành phố khác đến rồi bỗng nhiên bị ốm. Bà chủ nhà này đã bị cảnh sát bắt đi hai hôm nay: những người ở trọ bỏ đi đâu hết, bây giờ đã vào ngày hội rồi, một thằng cha lười nhác còn lại đang say rượu nằm ngủ như chết, chẳng cần chờ đợi hội hè. Một góc khác có một bà lão nào đó tám mươi tuổi đang rên la vì bệnh thấp khớp, hồi trước ở một nơi nào đó bà lão đã làm nghề vú em, bây giờ bà lão đang hấp hối trong cảnh cô độc, bà lão cứ kêu la, gào thét rồi lại lầu bầu gọi chú bé, khiến chú bé khiếp đảm không dám lại gần góc nhà bà nằm. Chú đã tìm được nước để uống no trong nhà kho. nhưng không tìm được một mảnh vỏ cây nào cả và đã đến lần thứ mười chú đến đánh thức mẹ chú dậy. Cuối cùng chú thấy rờn rợn trong bóng tối: trời tối sập xuống đã lâu rồi, mà chẳng có ai đốt lửa lên cả. Chú sờ tay vào mặt mẹ và thấy kinh ngạc vì mẹ chú hoàn toàn không động đậy gì cả mà lại lạnh cứng như bức tường. “Trong này lạnh quá”, - chú nghĩ thế rồi đứng một lúc, quên bẵng là mình đang đặt tay trên vai bà mẹ quá cố, sau đó chú thổi vào những ngón tay cho ấm lên, rồi bỗng nhiên chú quờ tay trên tấm phản tìm được cái mũ lưỡi trai của mình, thế là chú lặng lẽ lần mò ra khỏi căn nhà hầm. Đáng lẽ chú ra đã lâu, nhưng chú vẫn sợ con chó to nằm trên cầu thang, suốt ngày nó cứ sủa cạnh của các nhà lân cận. Bây giờ con chó không còn nữa, thế nên chú bước ngay ra ngoài phố. Lạy Chúa, thành phố mới đẹp làm sao chứ! Xưa nay chú chưa hề được nhìn thấy như thế bao giờ. Cái nơi chú xuất phát đến đây ban đêm chỉ toàn là bóng tối, cả phố chỉ có một ngọn đèn lồng. Những ngôi nhà gỗ thấp bé được đóng kín bằng những tấm bịt cửa sổ ngoài đường chỉ mới tối một cái là đã không có ai đi lại, mọi người như tu kín trong nhà mình, chỉ có chó là chạy từng bầy sủa lên inh ỏi, chúng có hàng trăm, hàng nghìn con, chúng tru lên và sủa vang suốt đêm. Tuy nhiên được cái là ở đó lại ấm áp và người ta còn cho chú ăn, chứ ở đây - lạy Trời, giá được ăn một chút thì hay biết mấy! Nơi đây sao mà lắm các thứ tiếng lóc cóc và tiếng ầm ầm, bao nhiêu ánh sáng và lắm người ngựa, còn rét thì rét ơi là rét! Những con ngựa bị quất chạy mồm thở nóng hổi tỏa ra những làn hơi như bị khô cứng, móng ngựa xuyên qua tuyết xốp gõ xuống gạch đá. Mọi người cứ xô đẩy lẫn nhau, lạy Chúa, chú thấy đói quá, chú muốn ăn dù là một mẩu gì đó, và bây giờ chú thấy những ngón tay đau buốt. Một ông cai quản trật tự đi ngang qua, nhưng quay mặt đi để khỏi nhìn thấy chú bé. Đây lại là một phố khác, - chao ôi, phố này mới rộng làm sao chứ! Mọi người ở đây như là giẫm đạp lên nhau, họ kêu gào, chạy xe, chạy bộ, còn ánh sáng thì cứ chói chang khắp nơi! Còn đây là cái gì? Chao ôi, một tấm kính mới to làm sao, sau tấm kính là một căn phòng, trong căn phòng có một cái cây cao chạm trần đấy là một cây thông, trên cây thông có bao nhiêu là đèn sáng, bao nhiêu những mảnh giấy vàng và những quả táo, xung quanh là những con búp bê, những chú ngựa con: trong phòng có những đứa trẻ chạy nhảy, chúng được mặc đẹp đẽ, sạch sẽ, chúng cười nói, nghịch ngợm, chúng ăn uống những thứ gì đó. Một cô bé con bắt đầu nhảy vói một chú bé, cô bé trông xinh xẻo quá! Lại còn nhạc nữa, đứng ngoài cửa kính cũng nghe thấy. Chú bé nhìn ngắm, chú ngạc nhiên, chú còn cười lên nữa, nhưng những ngón tay và ngón chân chú vẫn đau buốt, chúng đỏ ửng lên, chúng không gấp lại được nữa và hễ cử động thì thấy đau lắm. Bỗng nhiên chú nhớ ra rằng các ngón chân tay chú đau quá, chú òa khóc và chạy đi tiếp, rồi qua một tấm kính khác chú lại thấy một căn phòng, lại thấy những cái cây, còn trên bàn thấy nhiều thứ bánh kẹo, đủ các loại - kẹo hạnh nhân, kẹo đỏ, kẹo vàng, ngồi trong đó bốn bà quý phái, ai đến các bà cũng cho bánh, thế mà cửa thì cứ mở ra từng phút, bao nhiêu các ông bà sang trọng từ ngoài phố bước vào. Chú lén đến gần, đột nhiên mở cửa và bước vào. Cha mẹ ơi, người ta hét lên và xua đuổi chú. Một bà vội vã đến gần chú và dúi vào tay chú một đồng côpếch rồi tự mình mở cửa cho chú bước ra. Chú thấy hoảng sợ quá! Đồng côpêch thì tuột văng đi, rơi lách cách trên các bậc tam cấp: chú đã không kịp co những ngón tay mọng đỏ để giữ nó lại. Chú chạy và hối hả bước, nhưng đi đâu thì chính chú cũng không biết. Bây giờ chú lại muốn khóc, nhưng chú thấy sợ, chú cứ thế mà chạy, vừa chạy vừa hà hơi vào những ngón tay. Một nỗi buồn xâm chiếm lấy chú, bởi đột nhiên chú thấy mình cô đơn, sợ hãi, và trời đất ơi! Lại làm sao thế này? Người ta túm tụm thành đám đông, ai cũng tỏ ra kinh ngạc: trên của sổ, sau tấm kính có ba con búp bê nho nhỏ, mặc những chiếc váy xanh đỏ và trông hệt như là sống thật! Có một ông già ngồi đấyvà hình như đang chơi một cây đàn viôlông to, có hai người khác đứng bên cạnh và chơi hai cây đàn viôlông nhỏ, họ đồng nhịp lắc lư cái đầu, đưa mắt nhìn nhau, môi họ mấp máy, họ đang nói, đúng là đang nói - chỉ có điều đứng ngoài cửa kính không nghe thấy gì cả. Đầu tiên chú nghĩ rằng đó là người thật, sau đó chú đoán ra được rằng đó là búp bê và chú bỗng cười phá lên. Chưa bao giờ chú nhìn thấy những con búp bê như thế, và không biết rằng chúng có thật! Chú vẫn muốn khóc, nhưng nhìn búp bê chú lại buồn cười quá thể. Bỗng chú cảm thấy đằng sau lưng có người nào túm lấy áo: một thằng choai to lớn hung dữ đập mạnh vào đầu chú, giằng lấy cái mũ và chọc một lưỡi dao từ phía dưới lên. Chú ngã quay ra đất, mọi người kêu ầm lên, chú đờ người ra, bỗng chú bật dậy và cắm đầu chạy, chú chạy thục mạng, chạy bán sống bán chết, chú chạy vào một cái cổng nhỏ, vào một cái sân lạ hoắc rồi núp sau một đống củi: “Không ai tìm được mình rồi, ở đây lại tối nữa”. Chú ngồi xuống và co rúm người lại, chú không dám thở vì sợ, rồi bất ngờ, hết sức bất ngờ chú cảm thấy khoan khoái: chân tay bỗng nhiên hết đau, toàn thân thấy ấm, ấm như ngồi trên lò sưởi chú chợt giật mình: thì ra suýt nữa chú ngủ thiếp đi mất! Được ngủ thì thật là sướng: “Thôi mình ngồi đây một lát rồi sẽ đi xem búp bê”, - chú nghĩ thế và nở một nụ cười khi nhớ lại những con búp bê, - “Sao mà chúng giống người thật đến thế!...”. Bỗng nhiên chú nghe thấy văng vẳng tiếng mẹ chú hát đâu đây. “Mẹ ơi conngủ đây, chao ôi, ngủ bây giờ thật là sướng”. - Cháu bé ơi, hãy đi với ta dự hội cây thông - Có một giọng thì thầm bên tai.. Chú có ý nghĩ rằng đó là mẹ chú nói, nhưng không phải, không phải mẹ chú, ai gọi chú thế nhỉ, chú không nhìn thấy ai, nhưng có một người nào đó cúi xuống và ôm lấy chú trong bóng tối, chú giơ tay cho người ấy đón và và bỗng nhiên. - ôi, ánh đèn mới sáng làm sao! Ôi, cây thông mới đẹp làm sao! Mà đây không phải là cây thông, những cây như thế này chú chưa được nhìn thấy bao giờ? Bây giờ chú đang ở đâu đây: mọi vật đều lấp lánh, mọi vật đều tỏa sáng, xung quanh đều là búp bê, - nhưng không, toàn là những hài đồng nam nữ, tất cả đều sáng rực rỡ, tất cả bao vây chú, tất cả bay lượn, ôm hôn chú, nắm tay chú, lôi kéo chú, rồi chính chú cũng bay lên và chú đã nhìn thấy: mẹ chú đang nhìn ngắm và cười sung sướng với chú.  - Mẹ ơi! Mẹ ơi! Sướng quá, mẹ ơi! - Chú kêu lên rồi lại ôm hôn các bạn, chú rất muốn kể ngay cho các bạn nghe về những con búp bê bên trong cửa kính - Các bạn trai ơi, các bạn là ai thế? Các bạn gái ơi, các bạn là ai thế? - Chú vừa cười vừa trìu mến hỏi. - Đây là “Hội cây thông của Đức Chúa” - Các bạn trả lời - Vào ngày này bao giờ Chúa cũng có cây thông cho những trẻ em không có cây thông... - Rồi chú được biết rằng các cậu bé và các cô bé này cũng đều giống như chú, một số đứa thì chết rét trong những cái giỏ bị vứt ra cầu thang gần cửa nhà các bậc quan lại Petecbua, một số khác tắt thở bên những người đàn bà được nuôi dưỡng trong các trại giáo dục, một số khác thì qua đời bên bầu vú khô kiệt của mẹ chúng (trong nạn đói bên bờ sông Volga), một số nữa thì ngừng thở trong những toa tàu hạng ba vì ngột ngạt, hôi thối, và bây giờ tất cả bọn chúng ở đây. Tất cả bọn chúng đều là thiên thần, đều ở bên Chúa, và chú cũng được ở trong số đó, được dang tay đón các bạn, được chúc phúc cho chúng và cho những người mẹ tội lỗi của chúng... Còn mẹ của các hài đồng cũng đang đứng dậy, đứng ở bên ngoài và đang rơi lệ, người mẹ nào cũng nhận ra con trai hay con gái của mình, còn những đứa trẻ thì bay sát đến các bà mẹ, hôn lên má họ, lau nước mắt cho họ bằng những bàn tay bé xíu và khuyên họ đừng có than khóc, bởi vì ở đây chúng sung sướng quá... Còn ở dưới hạ giới, đến sáng, những người quét rác đã tìm thấy cái xác bé nhỏ của chú bé chạy trốn đêm qua bị chết rét đằng sau đống củi người ta cũng tìm thấy cả mẹ chú... Bà ấy đã chết trước cả chú hai người đã gặp gỡ nhau trên trời bên cạnh Đức Chúa. Người đàn bà nhẫn nhịn Truyện giả tưởng Lời tác giả Tôi phải xin lỗi độc giả của tôi, lần này đáng lẽ tôi vẫn cho đăng “Nhật ký” dưới dạng thường lệ thi tôi lại chỉ xin cung cấp truyện này mà thôi, Nhưng quả thật tôi đã viết mất hơn nửa tháng. Dầu sao tôi cùng xin các bạn đọc lượng thứ. Bây giờ tôi xin nói về chính câu chuyện. Tôi đặt tên cho nó là “viễn tưởng”, trong khi chính tôi lại cho nó là cực kỳ hiện thực, nhưng cái chất giả tưởng ở đây quả thực là cũng có, nó có trong chính hình thức câu chuyện, vì thế tôi thấy cần có đôi lời rào đón. Vấn đề là ở chỗ đây không phải truyện ngắn, cũng không phải bút ký. Các bạn hãy hình dung một người chồng mà trên bàn cua anh ta là người vợ, cô ấy tự tử, trước đó mấy giờ cô ấy đã lao mình ra ngoài cửa sổ. Anh ta bối rối chưa kịp định thần. Anh ta đi đi lại lại trong các gian phòng và cố gắng suy xét câu chuyện xảy ra, cố gắng tập trung mọi ý nghĩ vào một điểm. Anh ta là người mắc chứng hoài nghi bệnh thâm căn cố đế, họ là những người tự nói với mình. Và đây, anh ta cũng đang tự nói với mình, đang kể lại câu chuyện, tự mình tìm hiểu câu chuyện. Mặc dù lời nói của anh ta có vẻ nhất quán, nhưng đã mấy lần anh ta tự mâu thuẫn với mình, cả trong logic, cả trong tình cảm. Anh ta vừa thanh minh cho mình, vừa buộc tội cô ấy, vừa tìm đến cách lý giải của những người khác: đấy là sự ngu ngốc của suy nghĩ và của trái tim, đây là thứ tình cảm sâu lắng. Quả thực anh ta đang dần dần tự mình tìm hiểu câu chuyện và đang tập trung “mọi ý nghĩ vào một điểm”. Rất nhiều hồi ức do anh ta nhớ lại cuối cùng vô hình dẫn anh đến với sự thật sự thật lại vô hình tôn cao trí óc và trái tim anh. Càng về cuối thì giọng kể của anh càng thay đổi so với cách mở đầu lộn xộn. Anh chàng bất hạnh thấy chân lý được mở ra khá rõ ràng và minh bạch, chí ít thì cũng là đối với riêng anh. Bây giờ đến chủ đề. Tất nhiên, quá trình câu chuyện được kéo dài mấy tiếng đồng hồ, có ngắt quãng và chuyển đoạn dưới dạng chương hồi: lúc thì anh ta tự nói với mình, lúc thì như nói với một thính giả vô hình, với một quan toà nào đó. Mà chuyện đó trong thực tế vẫn thường xảy ra. Giá như có một người viết tốc ký nghe trộm được anh ta và ghi lại được hết thì câu chuyện sẽ có phần sần sùi hơn, thô sơ hơn những điều tôi trình bày, nhưng theo cách tôi hình dung, thì có thể cái trình tự tâm lý cũng vẫn là như thế thôi. Giả thuyết đó về một nhà tốc ký ghi chép được hết (sau đó tôi đã hiệu chỉnh những gì ghi chép được) cũng chính là cái mà trong truyện này tôi gọi là giả tưởng. Nhưng phần nào những cái tương tự cũng đã được thể hiện trong nghệ thuật nhiều lần: chẳng hạn Vichto Huygo trong tác phẩm lừng danh “Ngày cuối cùng của người tử tù” đã sử dụng gần như đúng cái thủ thuật này và mặc dầu ông không dẫn ra một nhà tốc ký, nhưng ông đã đưa ra quá nửa là những điều phi lý với giả thuyết ràng người tử tù có thể (và có thời gian) tiến hành ghi chép không những là trong ngày cuối cùng của mình, mà thậm chí cả trong giờ cuối cùng của mình, mà nói một cách chính xác thì cả trong phút cuối cùng của mình. Nhưng nếu ông không có cách giả tưởng như thế thì cũng không có chính bản thân tác phẩm - một tác phẩm hiện thực nhất và chân thực nhất trong tất cả những tác phẩm mà ông đã viết. Chương một I. TÔI LÀ AI VÀ NÀNG LÀ AI ... Trong lúc nàng còn ở đây thì mọi việc đều rất tốt đẹp: tôi đến bên nàng và ngắm nhìn nàng từng phút một nhưng ngày mai người ta mang nàng đi và - tôi ở lại một mình sao đây? Bây giờ nàng vẫn nằm trên bàn trong phòng, người ta đã làm hai cái bàn gấp bọc nỉ, còn áo quan thì ngày mai sẽ có. tuy nhiên, tôi sẽ không nói chuyện đó... Tôi cứ đi đi lại lại, cứ muốn tự mình tìm hiểu vấn đề. Đã mất sáu tiếng đồng hồ kể từ khi tôi muốn tìm hiểu, nhưng vẫn không tập trung được tư tưởng vào một điểm. Vấn đề là ở chỗ tôi cứ đi đi lại lại mãi... Đúng là như thế, đơn giản là tôi cứ kể theo trình tự. (Trình tự!) Thưa các vị, tôi vốn không phải là nhà văn học, và các ví cũng thấy thế, nhưng kệ. tôi cứ kể theo cách tôi hiểu. Tôi hiểu tất cả mọi chuyện và đó chính là điều khủng khiếp! Nếu các vị muốn biết, tức là nếu ta bắt đầu ngay từ đầu thì có một điều thật đơn giản là khi đó nàng đến với tôi đặt cọc một vài thứ để được đăng trên báo “Ngôn luận” một mẩu thông báo rằng thế này thế nọ, rằng là gia sư, rằng nàng đồng ý rời đi, rằng có thể dạy tại gia vân vân và vân vân. Chuyện ấy xảy ra đầu tiên và tất nhiên tôi cũng chẳng phân biệt gì với những chuyện khác: nàng cũng đến như những người khác, nhưng còn những chuyện khác nữa. Sau đó tôi bắt đầu phân biệt. Nàng là người nhỏ nhắn, trắng trẻo, tầm thước đối với tôi bao giờ nàng cũng vụng về như thể hổ thẹn (tôi nghĩ rằng với tất cả những người lạ thì bao giờ nàng cũng thế, còn tôi, chắc hẳn nàng cũng chẳng cần phân biệt là người này hay là người kia, tức là nếu coi như không phải là người đặt cọc mà chỉ là một con người thường thôi). Vừa nhận tiền một cái là nàng quay đầu đi luôn. Lúc nào cũng im lặng. Những người khác thì phải tranh luận, yêu cầu, mặc cả. để được hơn tiền đàng này không, đưa bao nhiêu cũng nhận... Tôi cảm thấy như mình nhầm lẫn hết... Phải, đầu tiên tôi thấy kinh ngạc về những đồ vật của nàng: một đôi hoa tai bạc mạ vàng, một cái huy chương ghẻ - những vật chỉ đáng vài xu. Chính nàng cũng biết giá trị của chúng chỉ là tiền xu mà thôi, nhưng nhìn mặt nàng tôi thấychúng đối với nàng là những vật đắt giá. - và quả thật đó là tất cả những gì bố mẹ để lại cho nàng, điều đó mãi sau này tôi mới được biết. Nhìn những đồ vật của nàng chỉ có một lần tôi dám mỉm cười. Tức là, các vị thấy không, tôi không bao giờ cho phép mình làm điều đó. đối với mọi người bao giờ tôi cũng có một giọng nói hào hoa: ít lời, lịch sự và nghiêm túc. “Nghiêm túc, nghiêm túc và nghiêm túc”. Nhưng nàng lại bất ngờ cho phép mình mang đến những mảnh da thỏ cũ (đúng là cũ thật). - tôi khôngthể kìm mình được nữa và đã nói với nàng một câu gì đó, gần như một lời châm chọc. Cha mẹ ơi, nàng mới nổi giận lên chứ! Đôi mắt nàng màu xanh, to đẹp và trầm tư, thế mà đối mắt ấy rực lên như lửa! Nhưng nàng không thốt ra một lời nào, chỉ nhặt lấy“những mảnh” của mình rồi bước ra. Đến tận lúc ấy tôi mới nhìn nhận nàng lần đầu tiên một cách đặc biệt và nghĩ về nàng một điều gì đó kiểu như thế, tức là một điều gì đó theo kiểu đặc biệt. Phải, tôi vẫn còn nhớ cái ấn tượng, tức là, nếu các vị muốn thì tôi xin nói, cái ấn tượng chủ yếu nhất, tổng hợp mọi ấn tượng khác: đó là nàng còn trẻ một cách kinh khủng, trẻ đến nỗi chỉ vừa vào tuổi mười bốn. Thế mà lúc đó nàng chỉ kém ba tháng nữa là đến tuổi mười sáu. Tuy nhiên, tôi không muốn nói điều đó, cái tính tổng hợp hoàn toàn không phái ở chỗ đó. Ngày hôm sau nàng lại đến. Về sau tôi được biết rằng nàng đã mang cái thứ da thỏ ấy đến các nhà Đobronravop và Mozer. Nhưng các nhà ấy, ngoài vàng ra, họ không nhận gì cả và cũng chẳng thèm nói câu gì. Một lần tôi đã nhận của nàng một viên đá chạm (một viên đá đã sứt sẹo) - sau đó tôi nghĩ lại và thấy kinh ngạc: ngoài vàng và bạc ra tôi cũng không hề nhận cái gì khác, thế mà tôi lại cho nàng gửi viên đá chạm. Đó là ý nghĩ thứ hai của tôi về nàng, điều ấy tôi vẫn còn nhớ. Lần này, tức là sau khi đến nhà Mozer, nàng mang đến nhà tôi một cái hộp đựng sì gà bằng hổ phách - một vật cũng thường thôi, thứ sản phẩm không chuyên nghiệp, nhưng ở nhà tôi nó chẳng đáng giá gì cả, vì tôi chỉ nhận đồ vàng mà thôi. Nhưng vì nàng đến đây sau cơn bừng giận hôm qua, vì thế tôi tiếp nàng một cách nghiêm túc. Đối với tôi nghiêm túc tức là khô khan. Tuy vậy, khi đưa cho nàng hai rúp, tôi lại không giữ được mình và đã nói một câu có đôi chút khiêu khích: “Tôi nhận cái này chỉ là vì cô mà thôi, chứ cái thứ này bên nhà Mozer người ta không nhận đâu”. Mấy chữ “vì cô mà thôi” tôi cố ý dằn giọng, và chính là để nói một thành hai. Tôi cũng là người độc ác. Nàng lại bừng giận lên, khi nghe mấy chữ “vì cô mà thôi”, nhưng nàng im lặng, nàng không vứt tiền lại mà vẫn cầm lấy, - đó chính là bệnh nghèo đói! Nhưng nàng bừng giận mới sợ chứ! Tôi hiểu rằng tôi đã châm chọc nàng. Khi nàng ra về, tôi bỗng tự hỏi mình: chẳng lẽ trận chiến thắng này chỉ đáng giá hai rúp thôi sao? Chà chà! Tôi nhớ rằng tôi đã tự đặt câu hỏi ấy hai lần: “Thế thôi sao? Thế thôi sao?” Rồi tôi mỉm cười và thầm giải đáp theo hướng khẳng định. Khi đó tôi thấy rất vui. Nhưng tình cảm đó không phải là ngốc: tôi có dự định, có chủ ý tôi muốn thử thách cô ấy. bởi vì bỗng nhiên tôi nẩy ra một số ý nghĩ về nàng. Đó là ý nghĩ thứ ba đặc biệt của tôi. ... Kể từ đó mọi chuyện bắt đầu. Chắc hẳn là ngay lập tức tôi cố gắng tìm hiểu mọi hoàn cảnh một cách khách quan và tôi hết sức nôn nóng chờ đợi nàng đến. Tôi đã dự cảm thấy rằng nàng sắp đến rồi. Khi nàng đến, tôi bắt đầu một câu chuyện nhã nhặn và hết sức lịch sự. Tôi là người được giáo dục không tồi và cũng biết cách ăn nói. Ngay lập tức tôi đoán ra rằng nàng tốt bụng và biết nín nhịn. Những người tốt bụng và nhẫn nhịn thường ít phản kháng lại người khác và nói chung là không cởi mở, nhưng cũng không bao giờ biết cách lảng tránh câu chuyện: họ trả lời chút ít, nhưng vẫn là có trả lời, và càng nói chuyện thì họ càng trả lời nhiều hơn, chỉ có điều là nếu bạn thấy cần thì bạn đừng có mệt mỏi. Chắc chắn là lúc đó nàng không giải thích gì cho tôi cả. Sau này tôi mới rõ ngọn ngành về báo “Ngôn luận” và các chuyện khác. Hồi đó nàng dùng đến những nguồn lực cuối cùng để đăng quảng cáo, đầu tiên là với giọng cao ngạo: “Muốn làm gia sư, đồng ý đi xa, mọi điều kiện gửi theo đường công văn”, sau đó thì: “Đồng ý mọi điều kiện, dạy học, bạn chơi, trông nom nhà cửa, chăm sóc bệnh nhân nữ, biết khâu vá” v.v... và v.v.... tức là tất tần tật những việc mà nàng biết làm! Chắc hẳn là tất cả những cái đó được tăng thêm trong việc đăng tải với nhiều thủ thuật khác nhau, cuối cùng, khi đã thất vọng, nàng đã cho đăng cả đến câu “không cần nhận lương, chỉ cần được nuôi ăn” Không, nàng vẫn không tìm được chỗ làm! Lúc đó tôi đã dám liều thử thách nàng một lần chót: ngay lập tức tôi lôi ra tờ “Ngôn luận” số ra ngày hôm nay và chìa cho nàng xem mục quảng cáo: “Trẻ tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, tìm chỗ làm gia sư cho trẻ nhỏ, tốt nhất là trong gia đình người goá vợ, Có thể đỡ đần nội trợ”. - Đó, cô thấy không, cái cô này sáng nay mới quảng cáo mà đến chiều chắc đã tìm được việc làm rồi. Thế mới gọi là quảng cáo chứ! Nàng lại nổi giận, đôi mắt lại rực sáng, nàng quay mặt đi và lập tức bước ra. Tôi thấy rất thích. Tuy nhiên, lúc đó tôi tin chắc mọi điều, nên chẳng sợ gì cả: những hộp thuốc lá này thì chẳng có ai nhận. Mà nàng thì lại có mấy cái. Quả nhiên, ngày thứ ba nàng đến, mặt mày nhợt nhạt và lo lắng. Tôi hiểu rằng nhà nàng lại có chuyện gì, quả nhiên có thật. Tôi sẽ giải thích ngay chuyện gì xảy ra, nhưng bây giờ tôi muốn được nhớ lại rằng tôi bỗng chốc đã cho nàng thấy tôi sang trọng và nàng phải kính nể. Tôi có ý đồ đột nhiên như thế. Vấn đề là ở chỗ nàng mang đến một bức tượng thánh (nàng cũng dám mang đến kia đấy)... Chà chà, xin các vị hãy nghe đây! Bây giờ mới là bắt đầu câu chuyện, nếu không tôi đã lẫn lộn tất cả... Vấn đề là tôi muốn nhớ lại mọi thứ, từng chi tiết, từng nét một. Tôi luôn luôn muốn tập trung mọi ý nghĩ vào một điểm, nhưng không thể được, mà những cái nét ấy, những cái nét ấy... Đó là bức tranh Đức Mẹ. Đức Mẹ có Chúa Hài Đồng, một bức tranh treo trong nhà đã lâu năm lắm, khung bạc mạ vàng, cũng phải đáng giá đến sáu rúp. Tôi thấy nàng rất quí bức tranh, nàng đem cầm cả bức tranh mà không tháo khung. Tôi bảo nàng: tốt nhất là cô tháo cái khung đem cầm, còn tranh thánh thì mang về bức tranh này cũng còn giá trị đấy. - Chẳng lẽ đối với ông thì không được để lại à? - Không, không phải là không được, mà có thể là đối với chính cô... - Vậy thì ông tháo ra. - Cô biết không, tôi sẽ không tháo,và sẽ để trong quầy đằng kia, - tôi suy nghĩ một lát rồi nói thế, - để cùng các tranh thánh khác dưới ánh đèn (ở nhà tôi bao giờ mở cửa hàng cũng thắp đèn), và thật là đơn giản, cô hãy cầm lấy mười rúp. - Tôi không cần mười rúp, ông đưa tôi năm rúp, chắc chắn tôi sẽ chuộc lại. - Cô không muốn cầm mười rúp à? Bức tranh có giá đấy, - tôi nói thêm và nhận thấy đôi mắt nàng lại rực sáng. Nàng im lặng. Tôi đưa cho nàng năm rúp. - Cô đừng coi thường ai, chính tôi cũng đã có lúc cùng quẫn, thậm chí còn tồi tệ hơn, còn nếu bây giờ cô thấy tôi làm nghề này... thì đó là sau tất cả những gì tôi đã chịu đựng... - Ông trả thù xã hội hay sao? Phải thế không? - nàng bỗng ngắt lời tôi với một nụ cười mỉa mai khá cay độc, tuy nhiên trong đó có nhiều cái vô tư (tức là nhiều cái chung, bởi vì nhất quyết là lúc đó nàng không phân biệt tôi với những người khác, cho nên nàng nói hầu như không có ý hờn giận). “E hèm! - tôi nghĩ. - hoá ra cô là thế đấy, cô đã công bố tính cách rồi, ta đã có một hướng mới”. - Tôi nghĩ thầm. - Cô thấy không. - “Tôi - tôi là một bộ phận của một tổng thể, bộ phận này muốn làm điều ác, song lại tạo ra cái thiện... “ Tôi nhận xét ngay nửa như đùa nửa như không phải vậy. Nàng nhìn tôi rất nhanh, đầy tò mò, tuy nhiên trong đó có nhiều cái trẻ con: - Này ông... Tư tưởng ấy là thế nào nhỉ? Ông lấy ở đâu ra thế? Tôi cũng đã nghe thấy đâu đó... - Cô đừng bận tâm, Mephixto tự giới thiệu mình trước Fauxt bằng cách nói như vậy. Cô đã đọc “Fauxt” chưa? - Không... tôi không chú ý. - Thế nghĩa là cô chưa đọc. Cần phải đọc đấy. Tuy vậy tôi lại thấy trên môi cô có nét giễu cợt. Xin cô đừng cho rằng tôi có ít khiếu thẩm mỹ, rằng để tô vẽ cho vai trò cầm đồ, tôi muốn tự giới thiệu trước cô trong vai Mephixto. Cầm đồ thì vẫn cứ là cầm đồ. Chúng ta đều biết như thế. - Ông là một người kỳ lạ... Tôi hoàn toàn không muốn nói với ông một điều gì như vậy... Nàng muốn nói rằng: tôi không ngờ anh là một người có học thức, nhưng nàng không nói ra, tuy vậy tôi biết rằng nàng nghĩ như thế tôi chiều đúng ý nàng quá. - Cô thấy không, - tôi nhận xét, - trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể làm được việc tốt. Tất nhiên tôi không nói về tôi, cứ cho rằng ngoài những việc ngu ngốc tôi chẳng làm được gì, nhưng... - Tất nhiên, ở mỗi vị trí đều có thể làm được việc tốt, - nàng nói và ném một cái nhìn chớp nhoáng và xuyên thủng sang phía tôi. - Đúng là ở bất cứ vị trí nào, - bỗng nhiên nàng nói thêm. Ôi, tôi nhớ ra rồi, tôi nhớ tất cả những giây phút ấy rồi!Tôi muốn nói thêm một điều nữa rằng khi cô thanh nữ ấy, cái cô thanh nữ đáng yêu ấy muốn nói một điều gì thông minh và cảm động thì cô ta ngẩng mặt lên hết sức chân thành và ngây thơ như muốn nói rằng “đây, tôi sắp nói với anh một điều thông minh và cảm động”, - mà không phải xuất phát từ thói phù hoa như người anh em của chúng ta, mà các vị thấy rằng, chính cô ta đánh giá ra trò tất cả mọi việc, cô ấy cũng tin tưởng, cũng kính trọng và cũng suy nghĩ giống như là các vị cũng kính trọng những cái đó hệt như cô ta. Ôi, lòng thành! Người ta chiến thắng chính là nhờ lòng thành. Thật là tuyệt vời khi có lòng thành! Tôi vẫn còn nhớ, tôi không quên cái gì cả. Khi nàng bước ra, tôi lập tức quyết định ngay. Trong ngày hôm ấy tôi thực hiện những công việc tìm kiếm cuối cùng và tôi đã hiểu biết vế nàng đến tận chân tơ kẽ tóc, cả những chi tiết đang xảy ra nữa, những chi tiết ngày xưa tôi được biết qua bà Lukeria, là người hồi đó giúp việc cho gia đinh nàng và tôi đã mua chuộc được bà mấy hôm trước đây. Những chi tiết ấy thật khủng khiếp đến nỗi tôi không thể hiểu được làm sao trong cảnh khủng khếp đó mà nàng vẫn có thể cười được, vẫn có thể tò mò tìm hiểu những lời nói của Mephixto. Nhưng tuổi trẻ là thế! Chính đó là điều hồi ấy tôi nghĩ về nàng với lòng tự hào và niềm vui sướng, bởi vì ở đây có một tấm lòng hào hiệp: dù đã ở bên bờ miệng của cái chết nhưng những lời nói vĩ đại của Goeth vẫn toả sáng. Tuổi trẻ bao giờ cũng hào hiệp dù chỉ là một chút hoặc đang theo chiều nghiêng xuống. Tức là chính tôi đang nói về nàng, về một mình nàng thôi. Và điều chủ yếu là khi đó tôi nhìn nàng như nhìn người yêu của tôi và không nghi ngờ gì về sức mạnh của mình cả. Các bạn biết không, một khi mình không nghi ngờ gì thì đó là ý nghĩ ngọt ngào, say đắm nhất. Nhưng chuyện gì xảy ra với tôi? Nếu tôi cứ như thế thì bao giờ tôi mới tập trung được tất cả vào một điểm? Mau lên, mau lên - vấn đề không phải là ở chỗ đó, lạy Chúa! II. CẦU HÔN “Những chi tiết” mà tôi biết về nàng tôi có thể giải thích ngay bằng mấy từ: bố mẹ nàng đã mất từ lâu, ba năm trước đây, còn nàng thì phải sống với mấy bà cô chẳng ra thế nào. Gọi là chẳng ra thế nào thì vẫn chưa đủ. Một bà goá chồng, gia đình đông con, tổng cộng sáu đứa choai choai lộc ngộc, một bà làm bà cô. già rồi mà vẫn đanh đá. Cả hai bà đều đanh đá. Bố nàng là viên chức, nhưng chỉ là hạng thư lại và nói chung chỉ là thứ quí tộc xó nhà - tóm lại, đó là tất cả những gì mà tôi biết được. Tôi dường như thuộc về thế giới thượng lưu: tôi vẫn là một đại uý giải ngũ của một trung đoàn lừng danh, một quí tộc có nòi, một người tự do v.v..., còn nói về khoản tiền cho vay của tôi thì mấy bà cô chỉ có thể kính phục nhìn vào mà thôi. Suốt ba năm nàng phải sống nô lệ cho hai bà, nhưng dẫu sao nàng cũng đã thi đỗ một cái gì đó, - kịp thời thi đỗ, bứt ra mà thi đỗ trong cảnh lao động công nhật không aithương sót, - nhưng điều đó cũng có một ý nghĩa nhất định chứng tỏ nàng có hoài vọng hướng tới cái cao cả! Tại sao tôi lại muốn cưới nàng nhỉ? Về chuyện của tôi thì cần quái gì phải nói, để sau hãy hay... Vấn đề chính là ở đó! Nàng phải dạy con cái các bà, khâu vá quần áo, cuối cùng, không những phải khâu vá mà còn phải bò lăn ra mà lau rửa nhà cửa. Chẳng có tội gì họ cũng đánh đập nàng, cũng đem miếng cơm manh áo ra mà chửi mắng nàng. Kết cục là họ có ý định đem bán nàng đi. Khốn nạn thật! Tôi xinbỏ qua những chuyện rác rưởi trong các chi tiết. Sau đó nàng có kể lại mọi điều thật tỉ mỉ cho tôi nghe. Những chuyện ấy có ông chủ quán to béo ở bên hàng xóm theo dõi suốt một năm liền. Ông ta không phải là một chủ quán thường, mà có những hai cửa hàng đồ khô. Ông đã có hai bà vợ qua đời và đang đi tìm người thứ ba, vì thế ông để mắt đến nàng. Ông bảo: “Nàng là người trầm tĩnh, sống trong nghèo khổ, còn ta thì lại muốn lấy vợ vì những đứa trẻ mồ côi”. Quả là trẻ con nhà ông mồ côi thật. Ông sang dạm hỏi, ông thương lượng với các bà cô, tuy nhiên ông đã năm mươi tuổi, nàng thấy sợ quá. Chính thời gian đó nàng thường đến nhà tôi để đăng tin trên tờ “Ngôn luận”. Cuối cùng nàng cầu xin hai bà cô cho nàng một ít thời gian nữa để nàng suy nghĩ. Họ cho nàng một chút thời gian, nhưng chỉ một lần thôi, không được thêm lần nữa, họ còn đay nghiến: “Chính chúng tao cũng không biết lấy gì bỏ vào mồm đây, huống hồ lại còn thêm một miệng thừa nữa”. Những chuyện ấy tôi đều biết cả, nhưng đến đúng hôm đó, sau khi nàng đến vào buổi sáng, tôi liền quyết định. Buổi chiểu tối ông thương gia đến nhà nàng, ông mang ở cửa hàng sang mộtphun kẹo đáng giá năm mươi cô pếch nàng ngồi với ông ấy, còn tôi thì gọi Lukeria từ trong bếp ra, bảo bà nói khẽ với nàng rằng tôi đang đứng ngoài cổng và muốn nói với nàng một câu cấp bách lắm. Tôi thấy hài lòng với mình. Nói chung là suốt ngày hôm đó tôi thấy hài lòng vô cùng. Nàng tỏ ra kinh ngạc vì tôi đã mời nàng ra. Ngay tại cổng, trước mặt bà Lukeria, tôi giải thích rằng tôi lấy làm hạnh phúc và vinh dự được... Điều thứ hai là để cho nàng khỏi ngạc nhiên vì cách nói của tôi và vì rằng tôi lại nói ở ngoài cổng, tôi bèn bảo: “Tôi là người thẳng tính và tôi cũng đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của nàng rồi. Về chuyện tôi thẳng tính thì tôi không hề nói dối. Nhưng thôi, bỏ qua chuyện đó. Tôi đã trình bầy mọi việc không những là lịch sự, tức là thể hiện mình là một con người có giáo dục, mà còn là trình bầy một cách độc đáo, mà đó mới là chủ yếu. Thì đã sao. Chẳng lẽ thừa nhận mình như thế mà lại là một tội lỗi? Tôi muốn phê phán mình và tôi vẫn thường tự phê phán. Tôi phải nói là pro và contra (nên và không nên), và tôi vẫn thưòng nói thế. Về sau, tôi vẫn hay nhớ lại chuyện này với lòng sung sướng, cho dù đó là điều ngu xuẩn: tôi đã công bố trực tiếp ngay lúc đó chẳng có một chút ngần ngại gì rằng, thứ nhất, tôi không có tài năng đặc biệt, không thông minh đặc biệt, có thể, thậm chí không tốt bụng đặc biệt, tôi là một tên ích kỷ khá rẻ tiền (tôi nhớ cách diễn tả đó, tôi đang đi theo một con đường riêng nên tôi đã nghĩ ra mấy chữ ấy và hài lòng với chúng) và rằng rất có thể tôi đang mang trong mình tôi nhiều thứ khó chịu ngay cả trong những quan hệ khác. Tôi nói ra những lời ấy với một kiểu tự hào đặc biết, - tức là như người ta đã biết, cách nói như thế nào. Tất nhiên tôi cũng có được một khoái cảm đến mức là khi tôi công bố những khuyết điểm của mình một cách cao thượng, tôi không cần phải nói đến những ưu điểm. Tôi tự nhủ: “Nhưng để đền bù lại tôi sẽ được cái này, cái kia”. Tôi nhìn thấy nàng sợ hãi khủng khiếp, nhưng tôi không hề giảm nhẹ chút nào, hơn thế nữa, khi thấy nàng sợ tôi lại cố ý nói mạnh hơn lên: tôi nói thẳng ra rằng nàng sẽ được ăn uống no đủ, thế nhưng khi tôi đã đạt được mục đích của mình rồi thì những chuyện quần áo, nhà hát, vũ hội sẽ không có đâu. Cái giọng nghiêm khắc ấy thật sự làm tôi say mê. Tôi còn nói thêm, tôi cô nói thật nhanh gọn, rằng nếu tôi vẫn làm nghề này, tức là tôi vẫn giữ cửa hàng này thì tôi chỉ có một mục đích, chỉ có một hoàn cảnh là... Nhưng là tôi có quyền được nói như thế này: quả thật là tôi có mục đích như vậy và có hoàn cảnh như vậy. Xin các quí vị hãy chú ý nghe, suốt đời tôi là người số một căm ghét cái quầy cho vay nặng lãi này, nhưng dù là chính mình nói ra bằng những lời lẽ mơ hồ mình cũng thấy buồn cười, thì về thực chất là “tôi báo thù xã hội”, thật sự là như thế, thật sự, thật sự! Thế cho nên lời nói cay độc của nàng buổi sáng về chuyện “tôi báo thù” là không công bằng. Nghĩa là, các vị thấy không, tối phải nói thẳng với nàng một câu: “Phải đấy, tôi báo thù xã hội”, thì chắc là nàng sẽ cười phá lên như hồi buổi sáng và sẽ thực là buồn cười. Nhưng bằng cách nói bóng bảy ta có thể cứu lại được mạch suy nghĩ của mình khi nói ra một câu mơ hồ. Hơn thế nữa, lúc đó tôi chẳng sợ gì cả: tôi biết rằng trong bất cứ trường hợp nào cái lão chủ quán béo phệ kia đối với nàng bao giờ cũng là tệ hại hơn tôi và rằng tôi, mặc dù chỉ đứng ngoài cổng, nhưng đang là người giải thoát cho nàng. Chính tôi biết rõ điều đó. Chao ôi, con người ta bao giờ cũng hiểu rất rõ những điều để tiện! Nhưng đó có phải là để tiện không? Chúng ta phê phán con người ra sao đây? Chẳng lẽ lúc ấy không phải là tôi yêu nàng sao? Xin các vị hãy chú ý: hẳn là lúc đó tôi đã không hề nói nửa lời với nàng về việc ơn huệ: ngược lại, đúng là ngược lại, tôi lại bảo: “Chính là tôi chịu ơn, chứ không phải là cố. Tôi đã không kìm hãm được mình nên nói ra thành lời như vậy, cho nên có thể hoá ra lại là ngu xuẩn, bởi vì tôi thoáng thấy một nếp nhăn lướt qua trên mặt nàng. Nhưng nói chung là tôi đã thắng rõ rệt. Xin các vị lưu ý, nếu phải nhắc đến tất cả thứ rác rưởi ấy thì tôi sẽ nhắc đến thứ tồi tệ nhất: tôi đứng đấy mà trong đầu vẫn lởn vởn ý nghĩ: ngươi là kẻ cao thượng, cân đối và có học, cuối cùng tôi đã nói không hề khoác lác rằng ngươi không ngu ngốc tí nào cả. Đó là những gì diễn ra trong trí óc tôi. Chắc hẳn lúc đó ở ngoài cổng nàng đã bảo tôi rằng “vâng”. Nhưng... nhưng tôi cần phải nói thêm: lúc đó ở ngoài cổng nàng đã suy nghĩ hồi lâu trước khi nói “vâng”. Nàng cứ trầm ngâm suy nghĩ mãi khiến tôi định hỏi: “Thế nào?” - rồi thậm chí không kìm hãm được tôi đã hỏi một cách suồng sã: “Thế nào, cô em?”. - Anh chờ một lát, tôi đang suy nghĩ. Gương mặt nàng thật nghiêm nghị - giá mà tôi đọc được những ý nghĩ trên đó thì hay quá. Còn tôi thì thấy bực mình. Tôi nghĩ: “Chẳng lẽ nàng lại còn phải lựa chọn giữa tôi và lão thương nhân?”, ôi, lúc bấy giờ tôi đâu có hiểu! Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu! Tôi chỉ nhớ rằng lúc tôi bỏ đi bà Lukena chạy đuổi theo tôi, kéo tôi lại giữa đường, vừa thở hổn hển vừa nói: “Chúa sẽ trả công cho ngài đấy, vì công ngài đón nhận cô tiểu thư yêu quí của tôi, chỉ có điều ngài đừng nói như thế với cô ấy, cô là người khảng khái lắm”. Chà chà, một con người khảng khái! Tôi đã nói rằng tôi rất thích những người khảng khái. Những người khảng khái đặc biệt tốt khi mà... chà, khi ta không nghi ngờ gì rằng ta có ưu thế hờn họ, phải không? Ôi, một con người thấp kém, không biết khéo léo! Ôi, tôi thật là hài lòng! Các vị biết không, lúc nàng đứng suy nghĩ ở ngoài cổng để nói với tôi một lời “vâng”, còn tôi thì lấy làm ngạc nhiên, các vị có biết rằng có thể nàng đã có ý nghĩ: “ Nếu đằng này và đằng ấy đều là bất hạnh thì chọn cái bất hạnh tồi tệ nhất chẳng là tốt hơn hay sao, tức là chọn lấy cái lão chủ quán béo ị, cứ để cho cái thằng cha say khướt kia giết chết mình đi càng nhanh càng hay!” Có phải thế không? Các vị nghĩ thế nào, có thể có ý nghĩ ấy chứ? Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu, và bây giờ tôi không hiểu gì cả! Bây giờ tôi chỉ có thể nói được rằng nàng có thể có ý nghĩ đó: giữa hai cái bất hạnh thì chọn cái tồi nhất tức là chọn lão thương nhân? Nhưng đối với nàng ai là người tồi hơn - tôi hay lão ấy? Thương nhân hay tên cầm đồ biết trích thơ Goeth? Đấy cũng lại là một câu hỏi! Nhưng là câu hỏi gì? nhưng điều đó các vị không thể hiểu được: câu trả lời đã ở trên bàn mà còn nói đến “câu hỏi”! Thôi, cứ mặc xác tôi! vấn đề không phải là ở phía tôi... Nhưng tôi cũng phải nói thêm rằng đối với tôi bây giờ thì vấn đề có phải ở phía tôi hay không ở phía tôi? Tôi không thể nào giải quyết dứt điểm được. Tốt nhất là đi ngủ. Đầu tôi đau rồi... III. TÔI LÀ NGƯỜI CAO THƯỢNG NHẤT HẠNG, NHƯNG CHÍNH TÔI KHÔNG TIN NHƯ VẬY Tôi không ngủ được. Tại một nơi nào đó trong đầu tôi vẫn có mạch đập. Tôi vẫn muốn nắm được tất cả, toàn bộ cái thứ rác rưởi đó. Chao ôi, rác rưởi! Tôi đã lôi nàng ra khỏi đống rác rưởi ghế gớm! Đáng lẽ nàng phải hiểu điều đó, phải đánh giá được nghĩa cử của tôi! Tôi cũng thấy thú vị với những ý tưởng khác nhau, chẳng hạn, năm nay tôi bốn mươi mốt tuổi, còn nàng thì vừa đến tuổi mười sáu. Điều đó mê hoặc tôi, đó là cảm giác không cân đối, ngọt ngào quá, ngọt ngào quá. Tôi thì, chẳng hạn, muốn cưới xin à l’anglaise (theo kiểu Anh – tiếng Pháp) tức là chỉ có hai đứa với nhau mà thôi, với điều kiện có hai người làm chứng thì một sẽ là bà Lukeria, sau đó lập tức lên tàu, thí dụ, đi sang Mat-xcơ-va (nhân tiện ở đó tôi cũng đang có một công việc), đến một khách sạn, lưu lại hai tuần. Nàng đã chống lại, nàng không cho phép nên tôi phải cung kính đến chỗ hai bà cô coi là đại diện họ hàng để đón nàng về. Tôi nhượng bộ và dành tất cả những gì cần thiết cho hai bà. Thậm chí tôi còn biếu mỗi mụ một trăm đồng rúp và tôi còn hứa hẹn, tất nhiên là không nói với nàng, là phải làm sao để nàng khỏi phải phiền lòng vì tình cảnh khốn cùng của mình. Hai bà cô lập tức cũng mượt như nhung. Cũng có một lần tranh luận về chuyện hồi môn: nàng không có một cái gì cả, tuyệt đối là không, nhưng nàng cũng không mong muốn gì cả. Tuy nhiên tôi cũng đã chứng minh được với nàng rằng không có tí gì thì không được, và phần hồi môn tôi đã lo rồi, bởi vì có ai lo gì cho nàng đâu? Nhưng thôi, mặc xác cái chuyện của tôi. Tuy vậy, làm sao mà lúc đó tôi có thể nói hết để ít ra nàng biết được những ý tưởng của tôi. Có thể thậm chí tôi còn rất vội vàng. Điều chủ yếu là ngay từ đầu, dù nàng có kiên cường đến đâu, nàng cũng đã tỏ ra yêu tôi say đắm, nàng thường xuyên tìm gặp tôi, chiều chiều mỗi khi tôi đến nàng vui sướng thủ thỉ kể cho tôi nghe (tiếng thủ thỉ ngây thơ đầy quyến rũ!) về thời thơ ấu, lúc lớn lên, về ngôi nhà xưa, về cha và mẹ. Nhưng ngay lập tức toàn bộ niềm hoan hỷ của nàng bị tôi dội cho một gáo nước lạnh. Tư tưởng của tôi là thế. Tôi đáp lại niềm hứng khởi của nàng bằng sự im lặng, tất nhiên là một sự im lặng tử tế... nhưng nàng đã nhìn ra rất nhanh rằng chúng tôi khác nhau và tôi là một câu đố. Còn tôi, điều chủ yếu là tôi đã đánh vào câu đố đó! Để có thể đặt ra được một câu đố có thể là tôi phải tạo ra tất cả những thứ ngu xuẩn! Thứ nhất là sự nghiêm khắc, - khi dẫn nàng vào nhà tôi rất nghiêm khắc. Tóm lại, ngay khi mà tôi hài lòng, tôi cũng đã tạo ra được cả một hệ thống. Chao ôi, nàng đã tự bộc bạch lòng mình không có gì là căng thẳng cả. Mà cũng chẳng làm sao khác được, tôi đã phải tạo ra hệ thống đó trong hoàn cảnh bắt buộc, - làm sao tôi lại vu khống cho mình được! Hệ thống đó là có thật. Không, xin các vị nghe đây, nếu muốn phê phán con người thì chỉ phê phán khi biết rõ sự việc... Xin hãy nghe đây. Tôi biết mở đầu thế nào đây, bởi đó là việc rất khó. Bắt đầu thanh minh là một việc khó. Các vị có thấy không, thanh niên hay khinh rẻ, chẳng hạn khinh tiền, thế thì tôi lại nhấn mạnh vào tiền, tôi lại dựa hẳn vào tiền. Tôi nhấn mạnh đến nỗi họn họ ngày càng im lặng. Họ mở to mắt, lắng nghe, nhìn mãi và im lặng. Các vị có thấy không, thanh niên thật rộng lượng và sôi động, nhưng lại ít chịu dựng, có điều gì hơi khác ý họ là họ khinh ngay. Còn tôi thì tôi lại muốn có sự rộng rãi. Tôi muốn truyền dẫn tính rộng rãi ngay vào trái tim, truyền dẫn ngay vào con mắt của tâm hồn, chẳng phải thế sao? Xin lấy một dẫn chứng đơn giản: làm sao mà tôi lại có thể giải thích cho những người có tính cách ấy hiểu được về quầy cho vay lãi này của tôi? Hiển nhiên là tôi đã không nói thẳng, nói thẳng thì hoá ra là tôi xin lỗi họ về quầy cho vay lãi này, còn tôi thì tôi phải hành động theo kiểu tự hào, tôi nói mà gần như im lặng. Tôi có biệt tài nói kiểu im lặng, suốt đời tôi đã nói kiểu im lặng và tự mình đã trải qua mọi tấn bi kịch một cách im lặng. Chao ôi, bởi vì chính tôi đã là một kẻ bất hạnh! Tôi bị mọi người ruồng bỏ, bị ruồng bỏ và lãng quên, nhưng không một, ai, không một ai biết được điều đó! Thế mà đột nhiên cái cô gái mười sáu tuổi sau này lại moi móc được những chi tiết về tôi qua miệng những kẻ để tiện và tưởng rằng đã biết tất cả, tuy nhiên những điều sâu kín nhất vẫn nằm trong đáy tim người ấy! Tôi luôn luôn im lặng, đặc biệt là im lặng với nàng, cho mãi đến tận ngày hôm qua, - tại sao lại im lặng? Tôi muốn là một người có hào khí. Tôi muốn rằng nàng không cần tôi mà phải biết, nhưng không phải biết qua những câu chuyện của bọn để tiện, mà tự nàng phải đoán ra về con người đó và phải nhận thức được anh ta! Một khi tôi nhận nàng vào nhà mình thì tôi muốn phải được hoàn toàn kính trọng. Tôi muốn nàng đứng trước mặt tôi cầu xin tôi vì những đau khổ của tôi - và tôi xứng đáng được như thế. Ôi, bao giờ tôi cũng đầy tự hào, bao giờ tôi cũng mong muốn hoặc là được tất cả, hoặc là không cần gì cả! Chính vì thế tôi không bao giờ là người nửa vời trong hạnh phúc, mà tôi mong muốn được tất cả, - chính vì thế mà khi đó tôi phải hành động như vậy. Tôi bảo: “Cô hãy tự đoán ra và hãy tự đánh giá!” Bởi vì rằng, chắc các vị cũng đồng ý, nếu như bản thân tôi bắt đầu giải thích và gợi ý, nịnh nọt và cầu xin kính trọng, thế thì cầm bằng cũng là tôi đi xin của bố thí... Tuy nhiên... tuy nhiên, vì sao tôi lại đi nói chuyện ấy! Ngu ngốc, ngu ngốc, ngu ngốc và ngu ngốc! Khi đó tôi đã giải thích cho nàng một cách thẳng thắn và không thương xót (tôi xin nhấn mạnh là không thương xót), bằng đôi lời vắn tắt rằng tấm lòng hào hiệp của thanh niên là rất tuyệt vời, nhưng nó không đáng một đồng xu. Vì sao lại không đáng? Bởi vì đối với thanh niên nó thật rẻ rúng, tất cả những cái đó đạt được không phải là lúc sống thật, những cái người ta gọi là “những ấn tượng ban đầu về cuộc sinh tồn”, mà hãy thử nhìn ngắm các vị trong lúc lao động mà xem! Tấm lòng hào hiệp rẻ tiền bao giờ cũng dễ kiếm, thậm chí người ta có thể cho không cuộc đời - và cái đó cũng rẻ thôi, bởi vì lúc đó chỉ cần có một bầu máu nóng, một cơ thể dư thừa sức lực và tâm hồn khao khát cái đẹp! Không, chúng ta hãy nói đến một chiến công của lòng hào hiệp đầy khó khăn, thầm lặng, không ai nghe thấy, không tỏa hào quang và bị vu khống. Một chiến công có nhiều hy sinh mà không có chút đỉnh vinh quang, trong đó chính bản thân quí vị, một con người đường đường hào hoa phong nhã mà bị bêu xấu trước mặt mọi người như một tên để tiện, trong khi chính quí vị là người lương thiện nhất trên trái đất này, - thử hỏi quí vị có muốn lập chiến công đó không, không đâu, quí vị sẽ từ chối Còn tôi, tôi cứ làm suốt đời để gánh vác cái chiến công đó. Đầu tiên nàng còn tranh luận là phải thế này thế kia. Sau đó bắt đầu im lặng, thậm chí hoàn toàn im lặng, chỉ có điều khi nghe tôi nói đôi mắt nàng mở ra thật khủng khiếp, đôi mắt to, thật là to nhìn tôi chăm chú. Và... ngoài ra, tôi bỗng nhìn thấy một nụ cười không mấy tin tưởng, thầm lặng và không vui vẻ. Tôi đã dẫn nàng vào nhà tôi khi nàng nở nụ cười ấy. Còn một sự thật nữa là nàng chẳng còn chỗ nào mà đi... IV. TOÀN LÀ KẾ HOẠCH VỚI KẾ HOẠCH Trong chúng tôi ai là người mở đầu? Không ai cả. Câu chuyện tự nó đi bước đầu tiên. Tôi đã nói rằng tôi dẫn nàng vào nhà tôi một cách nghiêm khắc, tuy nhiên ngay từ bước đầu tôi đã dịu lại. Ngay từ khi còn là vị hôn thê nàng đã được giải thích rằng nàng sẽ phải làm công việc tiếp nhận hàng gửi và thanh toán tiền, nhưng lúc đó nàng không nói gì cả (xin các vị lưu ý điều đó). Ngược lại, nàng toàn tâm toàn ý bắt tay vào việc. Tất nhiên, cả căn hộ, cả đồ đạc đều nguyên như cũ. Căn hộ gồm hai phòng, một phòng lớn được ngăn ra, trong đó có cả quầy hàng, phòng thứ hai cũng lớn là phòng của chúng tôi, đó là phòng chung, trong đó có phòng ngủ. Đồ gỗ cũng xoàng thôi, thậm chí không bằng bên nhà hai bà cô. Kiốt có giá cây đèn của tôi cũng ở trong phòng có quầy hàng, còn trong phòng của chúng tôi có một cái tủ, trong đó có mấy quyển sách, mấy thứ đồ đạc và chìa khoá của tôi tất nhiên ở đó có giường ngủ, bàn ghế? Tôi cũng đã nói với vị hôn thê của tôi rằng việc tiêu pha, tức là tiền chi cho tôi, cho nàng và cho bà Lukeria mà tôi mời sang giúp mỗi ngày không được quá một rúp. Tôi nói : “Trong vòng ba năm tôi cần có ba mươi ngàn đồng, nếu không thì không đủ”. Nàng không phản đối, nhưng chính tôi đã nâng mức sinh hoạt thêm ba mươi cô péch nữa. Cũng là để đi xem hát thôi. Tôi có nói với nàng rằng không xem hát xem hiếc gì hết, tuy nhiên, tôi vẫn quy định mỗi tháng đi xem một lần, mà là xem lịch sự, ngồi ghế lô hẳn hoi. Chúng tôi cùng đi với nhau, được ba lần, chúng tôi đã xem “Chạy theo hạnh phúc” và “Bầy chim ca sĩ”, có lẽ là thế. (Thôi, quên đi, quên chuyện nhà hát đi!). Chúng tôi lặng lẽ cùng đi, lặng lẽ cùng về. Vì sao, vì sao ngay từ đầu chúng tôi đã phải im lặng? Tất nhiên là đầu tiên không hề cãi nhau, thế mà cũng im lặng. Tôi vẫn còn nhớ, khi ấy nàng khẽ đưa mắt nhìn tôi, tôi nhận thấy thế lại càng im lặng hơn. Quả thật, tôi là người đề cao tính im lặng, chứ không phải nàng. Về phía nàng, cũng có đôi ba lần cao hứng nàng ôm hôn tôi, nhưng bởi lẽ đó là thứ cao hứng bệnh hoạn, tâm thần, mà tôi thì lại cần thứ hạnh phúc vững chắc, cần được nàng kính trọng, cho nên tôi đã chấp nhận một cách lãnh đạm. Tôi đã nói đúng: cứ mỗi lần sau cơn cao hứng của nàng là hôm sau chúng tôi cãi nhau. Thực ra cũng không phải là cãi nhau, nhưng là một đợt im lặng, nhưng càng ngày vẻ bất cần từ phía nàng càng lớn mạnh hơn. “Nổi loạn và độc lập” - đó là những gì đã xảy ra, nhưng nàng không dám. Đúng thế. gương mặt nín nhịn của nàng ngày càng trở nên bất chấp hơn. Các vị có tin không, nàng ngày càng khó chịu với tôi, tôi thấy rất rõ như vậy. Nhưng không còn gì nghi ngờ rằng nàng đã có những cơn bấn loạn không kiềm chế mình được. Chẳng hạn. vừa được thoát ra khỏi cảnh nhơ nhớp và nghèo đói, thoát khỏi cảnh lau nhà rửa cửa nàng đã bắt đầu khinh thường cảnh nghèo khổ của chúng tôi! Các vị thấy đấy, thực ra, không phải là chúng tôi nghèo khổ, mà chỉ là tiết kiệm, cần phải như thế - nếu không sẽ là xa xỉ, còn quần áo chẳng hạn, chỉ cần sạch sẽ là đủ. Trước đây cũng vậy, bao giờ tôi cũng mơ ước rằng tính sạch sẽ của chồng sẽ lôi cuốn được vợ. Đằng này, nàng phản kháng không phải là sự nghèo khổ, mà dường như là tính tằn tiện trong việc tiết kiệm của tôi. Nàng bảo: “Anh ấy bao giờ cũng có mục tiêu, cũng thể hiện tính cách mạnh mẽ”. Bỗng một lần nàng từ chối không đi nhà hát. Trên gương mặt nàng ngày càng nhiều nét riễu cợt hơn... đã thế tôi lại càng tăng cường im lặng, im lặng hơn nữa. Chẳng lẽ lại không phải thanh minh hay sao? Vấn đề chính là cái quầy cho vay lãi này. Xin các vị cho phép tôi nói: tôi biết rằng một người phụ nữ, nhất là khi nàng mười sáu tuổi, không thể không chịu hoàn toàn khuất phục trước người chồng. Phụ nữ không bao giờ có tính độc đáo, đó là, đó là một định đề, thậm chí bây giờ, thậm chí bây giờ đối với tôi vẫn là một định đề! Những gì tồntại trong phòng tôi chẳng phải là thế hay sao: chân lý là chân lý, đã là chân lý thì đến ngài Mill (1) cũng không làm gì được! Còn nếu là người đàn bà yêu chồng, nếu nàng yêu chồng thì những hành động thậm chí là tội lỗi và ác độc của chồng cũng được vợ tôn thờ. Nàng sẽ tìm được cách thanh minh cho những hành động ác độc kia còn hơn cả chồng mình nữa. Đó là hào hiệp chứ không phải là độc đáo. Cái làm hại phụ nữ chỉ có thể là tính không độc đáo. Tôi xin nhắc lại, những gì mà các vị chỉ ra trên bàn là cái gì? Chẳng lẽ những cái bày ra trên bàn lại là độc đáo ư? Chà chà! Xin các vị hãy nghe đây: lúc đó tôi rất tin vào tình yêu của nàng. Bởi vì khi đó nàng vẫn thường nhảy lên ôm hôn tôi. Như thế nghĩa là nàng có yêu, nói đúng hơn là nàng muốn yêu. Vâng, đúng là thế: nàng muốn yêu, nàng tìm yêu. Mà điều chủ yếu là ở chỗ khi đó không có hành động nào là ác độc cần phải tìm cách thanh minh. Các vị bảo tôi là “người cầm đồ” thì những người khác cũng nói thế thôi. Mà người cầm đồ thì là cái gì mới được chứ? Nghĩa là cũng có những nguyên nhân khiến một người hào hiệp bậc nhất cũng làm nghề cầm đồ. Thưa các vị, các vị cũng thấy rằng có những tư tưởng… tức là các vị thấy rằng nếu nói ra một tư tưởng khác, thốt ra bằng lời thì hoá ra là hết sức ngu ngốc. Hoá ra là tự mình thấy xấu hổ. Tại sao như thế? Chẳng tại sao cả. Tại vì rằng chúng ta không chịu đựng được cả những điều nhảm nhí lẫn cả sự thật, hoặc giả là tôi không biết. Lúc nãy tôi vừa nói “một người hào hiệp bậc nhất”. Nói như thế thật là buồn cười, tuy nhiên đó là điều đã xảy ra. Chính đó là sự thật, đó là sự thật nhất, sự thật một trăm phần trăm! Đúng, khi đó tôi là người có quyền muốn đảm bảo cuộc sống cho mình và có quyền mở quầy hàng này: “Các vị bác bỏ tôi, các vị, tức là những con người, các vị xua đuổi tôi bằng sự im lặng đầy khinh bỉ. Tôi rất nhiệt tình với các vị. Nhưng các vị đáp lại bằng cách khiến tôi mang hận suốt đời. Bây giờ có thể là tôi có quyền dựng bức tường ngăn cách giữa tôi với các vị, có quyền thu lại ba mươi ngàn đồng rúp và kết liễu cuộc đời mình ở một nơi nào đó vùng Krưm trên bờ biển phương Nam, trong rừng núi hay giữa cánh đồng nho, trong trang trại của mình được mua bằng ba mươi ngàn đồng rúp ấy. Nhưng cái chính là phải xa cách các vị, nhưng không phải là thù hận các vị, mà là với một lý tưởng trong tâm hồn, một người đàn bà được yêu trong trái tim, với một gia đình - nếu trời thương trời cho - và nhằm giúp đỡ những người lân cận”. Chắc rằng bây giờ tôi tự nói thầm với mình như thế là tốt, nếu không thì còn có gì ngu xuẩn hơn, nếu khi đó tôi lên tiếng tô vẽ mọi chuyện với nàng? Chính vì thế mà nảy ra sự im lặng cao ngạo, chính vì thế mà chúng tôi ngồi với nhau cũng im lặng. Qua đó liệu nàng đã hiểu được gì? Mười sáu tuổi, trẻ măng, - nàng có thể hiểu được gì qua cách thanh minh của tôi, qua những đau khổ của tôi? Nàng chỉ thấy rằng tôi trực tính, không hiểu biết cuộc sống, những niềm xác tín non trẻ, rẻ tiền, thói quáng gà của những “trái tim đẹp”, mà điều chủ yếu ở đây là quầy cho vay lãi. Thôi, nói thế là đủ rồi! (chẳng lẽ tôi lại là một tên độc ác trong quầy cho vay lãi này, chẳng lẽ nàng không thấy tôi hành động ra sao và tôi có lấy thừa của người ta hay không?) Chao ôi, sự thật trên trái đất này thật là khủng khiếp! Vẻ đẹp này, con người nín nhịn này, bầu trời này - nàng là một bạo chúa, một bạo chúa không thể chịu đựng được của tâm hồn tôi và là người hành hạ tôi! Tôi sẽ là người vu khống tôi, nếu tôi không nói ra điều đó! Các vị chắc nghĩ rằng tôi không yêu nàng phải không? Ai dám nói rằng tôi không yêu nàng? Các vị thấy không, ở đây có một sự trớ trêu, một sự trớ trêu của số phận và của tự nhiên! Chúng ta đều đáng nguyền rủa. Cuộc sống của con người nói chung đều đáng nguyền rủa! (Đặc biệt là cuộc sống của tôi!) Bây giờ thì tôi hiểu rằng tôi đã mắc sai lầm trong một chuyện gì đó! Có một chuyện gì đó xảy ra không phải bình thường. Tất cả mọi chuyện đều đã rõ, kế hoạch của tôi trong sáng như bầu trời: “Khắc khổ, tự hào, không cần ai an ủi tinh thần, lặng lẽ chịu đựng đau khổ”. Đúng như thế, tôi không nói dối, không nói dối! “Rồi sau này nàng sẽ thấy lòng hào hiệp là thế nào, nhưng có điều là nàng đã không nhận thấy, nhưng chừng nào nàng đoán ra được bằng một cách nào đó thì nàng sẽ đánh giá cao hơn gấp đến mười lần và khi nàng thành tro bụi, nàng vẫn còn phải chắp tay khấn vái”. Đó là kế hoạch. Nhưng ở đây tôi còn quên hoặc bỏ sót một điều. Tôi đã không làm được một việc gì đó. Nhưng thế là đủ rồi, đủ rồi. Mà bây giờ cũng xin lỗi ai được? Kết thúc tức là kết thúc. Hỡi con người, hãy dũng cảm lên và hãy tự hào! Không phải con người là có lỗi!... Thôi, bây giờ tôi sẽ nói sự thật, tôi sẽ không sợ đối diện với sự thật nữa: chính nàng có lỗi, nàng có lỗi!... V. NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẪN NHỊN VÙNG LÊN Những cuộc cãi nhau bắt đầu từ khi nàng đột nhiên nghĩ ra cách trả tiền theo một kiểu riêng, đánh giá các đồ gửi cao hơn giá trị và thậm chí đã hai lần dám tranh luận với tôi về chủ đề này. Tôi không nhất trí. Nhưng đúng lúc đó có một bà đại uý bước vào. Bà đại uý già đến mang theo một tấm huy chương, đó là món quà của người chồng quá cố, ai cũng biết đó là một kỷ vật. Tôi đưa trả bà ta ba mươi rúp. Bà ta bắt đầu rền rĩ lên yêu cầu tôi chỉ cầm giữ thôi, - tất nhiên là tôi cầm giữ được. Nhưng, nói vắn tắt là đột nhiên năm ngày sau bà ta đến để đổi sang một cái vòng chỉ đáng giá không quá tám rúp hiển nhiên là tôi từ chối. Chắc hắn là bà ta đã đoán được một điều gì đó trong mắt vợ tôi, có điều là bà ta lại đến khi tôi đi vắng và vợ tôi đã đổi cho bà ta tấm huy chương đó. Ngày hôm đó khi biết chuyện, tôi đã nói một cách mềm mỏng, nhưng cứng rắn và duy lý. Nàng ngồi trên giường, mắt nhìn xuống đất, mũi chân phải đập đập trên tấm thảm (động tác riêng của nàng) một nụ cười lệch lạc hiện trên môi. Lúc đó tôi hoàn toàn không lên giọng, nhưng đã giải thích thật bình tĩnh rằng tiền ấy là của tôi, rằng tôi có quyền nhìn cuộc đời bằng đôi mắt của tôi, và rằng khi tôi mời nàng về ở nhà tôi, tôi đã không hề giấu giếm nàng điều gì. Bỗng nhiên nàng nhảy chồm lên, bỗng nhiên toàn thân nàng rung động và - các vị không thể nào nghĩ ra được đâu - bỗng nhiênnàng lấy chân đạp tôi đó là một con thú dữ, đó là một cơn cuồng nộ, đó là một con thú dữ trong cơn cuồng nộ. Tôi kinh ngạc đến đờ đẫn cả người: tôi chưa bao giờ bất ngờ đến như thế. Nhưng tôi không đến nỗi mất trí, thậm chí tôi không gây một hành động gì, và tôi lại tiếp tục giải thích thẳng thắn bằng những lời lẽ ôn tồn như trước, tôi nói rằng kể từ nay tôi sẽ không để nàng tham gia vào công việc của tôi nữa. Nàng cười to lên ngay trước mặt tôi rồi bỏ ra khỏi căn hộ. Vấn đề là ở chỗ nàng không được quyền ra khỏi căn hộ. Không có tôi thì nàng không được đi đâu, chúng tôi đã thoả thuận như thế khi chưa cưới nhau. Đến chiều tối nàng trở về tôi không nói một câu gì. Ngày hôm sau nàng cũng ra đi từ sớm, ngày hôm sau nữa cũng thế. Tôi đóng cửa hàng và đến chỗ hai bà cô. Ngay sau khi cưới tôi đã cắt đứt quan hệ với các bà - tôi không mời họ đến nhà mình, mà chúng tôi cũng không đến nhà họ. Hoá ra là nàng cũng không đến nhà hai bà. Hai bà ngạc nhiên nghe tôi kể chuyện và lập tức cười vào mặt tôi mà bảo rằng: “Đáng đời nhà anh rồi” Nhưng tôi cũng đã chờ đợi tiếng cười ấy. Tôi lập tức mua chuộc bà thứ hai, cái bà cô không chồng, với giá một trăm rúp và tôi đã đưa trước hai mươi rúp. Hai ngày sau bà đến tôi: “Có một anh sĩ quan tên là Ephimovich, hạ sĩ quan thì đúng hơn, là bạn cũ cùng trung đoàn với anh, dính vào chuyện này”. Tôi hết sức kinh ngạc. Cái thằng cha Ephimovich này hồi ở cùng trung đoàn hắn toàn làm hại tôi mà thôi, vào quãng một tháng trước đây hắn đã trơ trẽn đến của hàng tôi gửi hàng và tôi còn nhớ là hắn đã bắt đầu cười cợt với vợ tôi rồi. Lúc đó tôi đã đến bên hắn bảo rằng hắn đừng có vác mặt đến nhà tôi nữa vì những quan hệ ngày trước nhưng còn cái chuyện như bây giờ thì tôi lại không nghĩ đến, mà tôi chỉ nghĩ đơn giản hắn là thằng mặt dầy mà thôi. Bây giờ bà cô đột nhiên thông báo rằng hắn và vợ tôi đã hò hẹn với nhau, người thao túng chuyện này lại là bà Iulia Samsonovna, bạn của hai bà cô, một bà goá, vợ một ông đại tá, bà cô bảo: “Vợ anh bây giờ đến nhà bà ấy rồi”. Bức tranh này tôi sẽ kể lại ngắn gọn. Tổng cộng vì chuyện này tôi mất tới ba trăm rúp, nhưng trong vòng hai ngày đêm tôi đã thu xếp được để có thể đứng trong phòng bên cạnh, sau một cửa ra vào đã bố trí sẵn và có thể nghe được cuộc rendez-vous (2)đầu tiên tay đôi giữa vợ tôi với tên Ephimovich. Trong thời gian chờ đợi. vào chiều ngày hôm trước, giữa hai vợ chồng tôi đã xảy ra một tấn kịch nhỏ, nhưng đối với tôi rất có ý nghĩa. Nàng trở về nhà lúc gần chiều, ngồi lên giường, mỉm cười nhạo báng nhìn tôi, chân đập đập xuống thảm. Nhìn nàng, tôi bỗng thấy xuất hiện một ý nghĩ là suốt cả một tháng qua, hay nói đúng hơn, suốt hai tuần qua tính cách nàng đã hoàn toàn không còn như trước nữa, thậm chí có thể nói là ngược hẳn lại: nàng đã là một thực thể hung hăng, hiếu chiến, tôi không thể nói được là vô liêm sỉ, nhưng cũng là lăng loàn và luôn tự đi tìm những nỗi kinh hoàng. Tự mình lao vào kinh hoàng. Tuy nhiên tính nhẫn nhịn cũng đã cản bớt lại. Lúc nào nàng làm hoắng lên, thì mặc dầu nàng đã vượt quá mức độ bình thường, nhưng rõ ràng là nàng chỉ làm khổ chính mình mà thôi, tự mình đẩy mình vào đó và không thể nào giữ được lòng trung trinh và tính hổ thẹn. Chính vì thế những người như vậy đôi khi thường vượt quá xa mức độ cần thiết, cho nên họ không còn tin vào lý trí quan sát của mình nữa. Ngược lại, một tâm hồn đã quen phóng đãng thì lại thường làm cho mọi thứ trở nên dịu dàng, trở nên xấu xa hơn, nhưng lại dưới dạng đàng hoàng, lịch sự, là những thứ đối với các vị lại có xu thế vượt trội. - Có phải là anh đã bị đuổi khỏi trung đoàn vì anh đã nhát gan không dám đấu súng phải không? - bỗng nhiên, như người chết sống lại, nàng cất tiếng hỏi và mắt nàng rực sáng. - Đúng thế, theo lời kết tội của các sĩ quan, người ta yêu cầu tôi phải rời trung đoàn, mặc dù trước đó tôi đã yêu cầu được giải ngũ. - Người ta đuổi anh như một tên hèn nhát? - Đúng, người ta kết tội tôi là hèn nhát. Nhưng tôi từ chối không đấu súng không phải như một tên hèn nhát, mà chính là vì tôi không muốn phục tùng bản cáo trạng độc tài của họ và không muốn thách ai đấu súng khi bản thân mình không thấy bị lăng mạ. Cô phải biết rằng. - tôi không kìm mình được nữa. - phản kháng chống lại độc tài và chấp nhận mọi thứ hậu quả còn là dũng cảm hớn gấp bội, hơn là mong muốn bất kỳ một thứ quyết đấu nào. Tôi đã không kìm được mình, bằng câu nói ấy tôi dường như bắt đầu phải tự thanh minh mà nàng thì chỉ cần có thể, chỉ cần thêm một đợt lăng mạ tôi như vậy. Nàng cười lên thật độc địa. - Thế có phải sau đó suốt ba năm anh lang thang trên đường phố Petecbua đi xin từng đồng xu kẽm và trú đêm dưới những bàn bi-a phải không? - Tôi ngủ trong nhà ông Viazemski phố Xennaia. Cô nói đúng đấy, trong cuộc đời tôi sau này, sau khi rời khỏi trung đoàn có nhiều điều nhục nhã và suy sụp, nhưng không phải là suy sụp đạo đức, bởi vì chính tôi là người đầu tiên ngay lúc đó đã căm ghét những hành động của tôi. Đó chỉ là những suy sụp ý chí và tinh thần, mà cũng chỉ là do hoàn cảnh cùng quẫn của tôi mà ra. Nhưng chuyện ấy đã qua rồi.... - Chà, còn bây giờ anh đã là một nhân vật tài chính rồi! Như thế là nàng ám chỉ quầy cho vay lãi. Nhưng tôi cũng đã kìm được mình lại. Tôi thấy nàng đang khao khát tìm tòi những cách giải thích hòng lăng mạ tôi, nhưng tôi không cho phép xảy ra. Đúng lúc đó có người đến cầm đồ gọi cửa và tôi bước sang phòng quầy. Sau đó, tức là sau một giờ, nàng mặc quần áo để ra đi, nàng dừng lại trước mặt tôi mà bảo: - Tại sao những chuyện đó anh chẳng hề nói gì với tôi trước lúc cưới nhau? Tôi không trả lời, còn nàng bước đi. Vậy là ngày hôm sau tôi đã đứng sau cánh cửa trong căn phòng kia và lắng nghe những chuyện quyết định số phận của mình, trong túi tôi có một khẩu súng lục. Nàng ăn mặc sang trọng, ngồi sau bàn, còn Ephimovich ngồi gập người đối diện. Và, các vị có biết không, đã xảy ra đúng cái điều (tôi xin lấy danh dự ra mà nói), đã xảy ra đúng cái điều tôi đã dự cảm và đã hình dung, mặc dù tôi không nhận thức được rằng tôi dự cảm và hình dung như thế. Tối không biết mình diễn đạt như vậy các vị có hiểu cho không. Chuyện xảy ra như sau. Tôi đã lắng nghe suốt một giờ, và suốt một giờ ấy tôi đã chứng kiến cuộc quyết đấu tay đôi giữa một người phụ nữ cực kỳ phẩm hạnh và cao thượng với một tên thối thây đần độn thuộc giới thượng lưu mà tâm hồn nông cạn. Tôi ngạc nhiên khôn xiết và thầm nghĩ rằng không biết từ đâu mà cô nàng ngây thơ, nín nhịn và ít lời này lại biết được tất cả những chuyện đó? Một tác giả hài kịch dù tài trí đến đâu đi nữa cũng không thể tạo ra được những nụ cười mỉa mai, những tiếng cười hết sức ngây thơ và sự khinh miệt thần thánh của đạo đức đối với tội lỗi. Và có biết bao nhiêu là những tia sáng lấp lánh trong những lời nói to nhỏ của nàng, biết bao nhiêu sắc sảo trong những lời đối đáp nhanh nhạy, bao nhiêu là chân lý trong cách phán quyết của nàng! Và đồng thời cũng có bao nhiêu nữ tính trẻ trung gần như mộc mạc. Nàng cười nhạo vào mặt hắn trước những lời tỏ tình, trước những cử chỉ và những đề nghị của hắn. Khi đến, hắn hùng hổ bước vào trận chiến và không hình dung được sức chống đối, thế nên hắn bỗng nhiên trầm lại. Đầu tiên tôi còn nghĩ rằng đó chỉ là thói đỏng đảnh của nàng mà thôi - “thói đỏng đảnh của một thực thể dù là tha hoá, nhưng rất sắc sảo, nhằm để nâng cao giá trị của mình’’. Nhưng không phải, sự thật đã chói loà như mặt trời và không thể nào nghi ngờ được nữa. Xuất phát từ lòng căm thù tôi, thứ căm thù giả tạo và chốc lát, nàng - một người thiếu kinh nghiệm - đã dám liều mạng tổ chức hẹn hò, nhưng khi vào việc nàng mới sáng mắt ra ngay. Con người quả thật đã tìm mọi cách để hạ nhục tôi, nhưng khi quyết định một phương sách bẩn thỉu như vậy thì lại không chịu được sự hỗn loạn. Làm sao một tên như Ephimovich hay bất kỳ một tên nào khác trong cái hạng thượng lưu dơ dáy kia có thể quyến rũ được một người trong sạch, tinh khiết và có lý tưởng như nàng? Ngược lại, hắn chỉ làm người ta bật cười mà thôi. Toàn bộ sự thật toát ra từ tâm hồn nàng, còn cơn thịnh nộ chỉ làm trái tim nàng thốt ra những lời cay độc. Tôi xin nhắc lại, cái thằng hề ấy cuối cùng đã phải ngồi im, cau mày nhăn trán, lúng búng không biết trả lời ra sao, khiến tôi thậm chí lại lo sợ rằng vì muốn trả thù hèn hạ mà hắn có thể liều mạng làm nhục nàng chăng. Nhưng một lần nữa tôi xin nhắc lại: tôi lấy danh dự mà nói rằng tôi đã lắng nghe hết cả đoạn đối thoại ấy mà hầu như không ngạc nhiên gì cả. Hầu như tôi chỉ gặp những điều đã biết. Tôi đến đây không tin tưởng điều gì, không tin vào một lời buộc tội của ai, mặc dù tôi đã mang theo trong túi một khẩu súng sáu, - sự thật là vậy! Làm sao tôi có thể hình dung được nàng là một người khác? Vì sao tôi lại yêu, vì sao tôi đánh giá cao, vì sao tôi lại cưới nàng? Ôi, tất nhiên, tôi rất tin tưởng rằng khi đó nàng rất căm thù tôi, nhưng tôi cũng lại tin tưởng rằng nàng vô cùng trong sạch. Đột nhiên tôi phá ngang vỏ kịch bằng cách mở tung cửa. Ephimovich chồm dậy, tôi nắm tay nàng và mời nàng theo tôi đi ra. Ephimovich bấy giờ mới kịp trở tay và bỗng cười vang lên một hồi: - Ồ, tôi đâu có phản đối quyền vợ chồng thiêng liêng của các người, cứ việc mà mang cô ấy đi đi! Anh phải biết rằng, - hắn gọi với theo tôi, - một người đứng đắn không được phép đánh nhau với anh, nhưng xuất phát từ lòng kính trọng phu nhân của anh tôi sẵn sàng phục vụ... Tuy nhiên, nếu là anh chịu liều mạng... - Cô nghe thấy đấy - tôi giữ nàng lại một giây trước cửa. Sau đó suốt dọc đường về nhà không ai nói một câu nào. Tôi nắm tay nàng cùng đi, nàng không phản đối Ngược lại, nàng hết sức kinh ngạc, nhưng chỉ là trước khi vào nhà. Khi vào trong nhà, nàng ngồi xuống ghế và đăm đăm nhìn tôi. Mặt nàng nhợt nhạt quá, cặp môi nàng như có vẻ nở một nụ cười chế nhạo, nhưng nàng lại nhìn tôi bằng con mắt nghiêm nghị và khắc khổ, dường như trong những phút đầu tiên nàng tin chắc rằng tôi sẽ giết chết nàng bằng súng lục. Nhưng tôi lặng lẽ rút súng trong túi ra và đặt lên bàn. Nàng nhìn tôi và nhìn khẩu súng. (Xin các vị chú ý: khẩu súng ấy nàng đã quen rồi. Tôi đã mua nó và nạp đạn từ ngày mở hiệu. Khi mở cửa hàng tôi đã quyết không nuôi chó to, không nuôi đầy tớ khoẻ mạnh, như bên nhà Mozer chẳng hạn. Nhà tôi thì đầu bếp ra mở cửa cho khách. Nhưng những người hành nghề như chúng tôi trong bất kỳ trường hợp nào cũng không để mình mất quyền tự vệ, vì vậy tôi dùng một khẩu súng nạp đạn. Những ngày đầu tiên về nhà tôi nàng rất quan tâm đến khẩu súng này, nàng hỏi tôi nhiều điều và tôi đã giải thích cho nàng thậm chí đến cả cách cấu tạo và hệ thống của nó, ngoài ra tôi còn khiến nàng tin tưởng bằng cách một lần bắn trúng đích. Xin các quí vị lưu ý). Tôi không chú ý đến con mắt sợ hãi của nàng mà cởi bỏ quần áo ngoài leo lên giường nằm. Tôi mệt mỏi rã rời lúc đó đã là gần mười một giờ. Nàng vẫn tiếp tục ngồi yên một chỗ không động đậy đến gần một tiếng nữa, sau đó nàng mới tắt nến đi nằm trên đi văng để nguyên quần áo. Lần đầu tiên nàng không nằm chung với tôi, - xin các vị nhớ cho nhé... VI. HOÀI NIỆM KHỦNG KHIẾP Bây giờ chuyện ấy đã là một hoài niệm khủng khiếp... Buổi sáng tôi tinh dậy, tôi suy nghĩ, vào lúc tám giờ, trong phòng đã sáng lắm. Tôi tỉnh dậy, đầu óc trong sáng và lập tức mở mát ra. Nàng đứng cạnh bàn và đang cầm trong tay khẩu súng lục. Nàng không thấy tôi đã tỉnh dậy và tôi đang nhìn. Và bỗng nhiên tôi thấy nàng bắt đầu tiến lại phía tôi với khẩu súng trong tay. Ngay lập tức tôi nhắm mắt lại giả vờ ngủ say. Nàng đến sát bên giường và đứng sát tôi. Tôi nghe thấy tất cả, mặc dù lúc đó là thứ yên lặng chết chóc, nhưng tôi nghe thấy thứ yên lặng đó. Bỗng lúc đó xảy ra một hành động co giật - và bỗng nhiên, không kìm hãm được nữa, tôi mở mắt ra. Nàng nhìn thẳng vào tôi, thẳng vào mắt tôi và miệng súng đã ở bên thái dương tôi. Bốn mắt chúng tôi gặp nhau. Nhưng chúng tôi nhìn nhau không đến một cái chớp mắt. Tôi cố gắng nhắm mắt lại ngay và ngay giây phút đó tôi dùng hết sức mạnh tinh thần của mình để quyết định rằng tôi sẽ không đụng đậy chút nào, dù có chuyện gì xảy ra với tôi đi nữa. Thực ra vẫn có những trường hợp một người ngủ say bỗng nhiên mở mắt, thậm chí còn ngẩng đầu lên một giây nhìn khắp cả phòng rồi một giây sau lại vô tư đặt đầu xuống gối ngủ tiếp không nhớ gì cả. Khi tôi bắt gặp ánh mắt của nàng và cảm thấy khẩu súng bên cạnh thái dương và bỗng nhiên tôi nhắm mắt không hề động đậy như người say ngủ, thì nàng có thể dứt khoát cho rằng tôi ngủ thật, không hề nhìn thấy gì cả, vả lại, có điều hoàn toàn không hiện thực là làm gì có ai thấy những cảnh như tôi vừa thấy mà nhắm mắt ngay được vào đúng giây phút như vậy. Đúng, làm gì có thể. Nhưng dẫu sao nàng cũng có thể đoán ra được sự thật, rằng ý nghĩ đó đã thoáng xuất hiện trong óc tôi một cách đột ngột vào đúng lúc đó. Ôi, một cơn lốc những tư tưởng và cảm giác tràn qua trí óc tôi không đến một giây, dòng điện tư tưởng con người muôn năm! Trong trường hợp đó (tôi cảm thấy thế), nếu nàng đoán ra sự thật và biết rằng tôi không ngủ thì tức là tôi đã đè bẹp nàng bằng tinh thần sẵn sàng chấp nhận cái chết và bây giờ có thể tay nàng sẽ run. Lòng quyết tâm lúc nãy của nàng có thể bị va đập vào một ấn tượng mới mẻ, siêu thường. Người ta nói rằng những người đứng trên đỉnh cao dường như tự mình bịhút xuống đáy sâu, xuống vực thẳm. Tôi nghĩ rằng có nhiều cuộc ám sát và tự sát xảy ra chỉ là vì súng lục đã nằm trong tay ở đây cũng có một vực thẳm, ở đây chiều dốc là bốn mươi lăm độ mà ta không thể không trượt vào đó và có một cái gì đó thôi thúc ta bóp cò khiến ta không cưỡng lại được. Nhưng nhận thức được rằng tôi đã nhìn thấy hết, đã biết hết và đang lặng lẽ chờ đợi cái chết trong tay nàng là điều có thể kìm hãm nàng lại trên đường dốc trượt. Im lặng kéo dài, bỗng nhiên tôi cảm thấy bên thái dương, ngay chỗ mớ tóc, có sự đụng chạm lạnh lẽo của sắt thép. Các vị sẽ hỏi: liệu tôi có hy vọng chắc chắn rằng tôi thoát chết hay không? Tôi xin trả lời trước các vị như trả lời trước Chúa Trời: tôi không có một chút hy vọng nào cả, ngoại trừ có thể có độ một phần trăm cơ may. Tôi chấp nhận cái chết để làm gì? Còn tôi thì lại hỏi: cuộc sống của tôi còn để làm gì nữa sau khi con người mà tôi say đắm đã nâng khẩu súng chĩa vào tôi? Ngoài ra bằng cả sức mạnh tổng thể tôi biết rằng giữa chúng tôi trong giây lát đó đang diễn ra một cuộc chiến đấu, một cuộc chiến tay đôi sống chết khủng khiếp, cuộc chiến của chính tên hèn nhát hôm qua, người bị bạn bè xua đuổi vì tội hèn nhát. Tôi biết thế, nàng cũng biết thế, nếu như nàng đoán ra sự thật là tôi không ngủ. Có thể là điều đó không xảy ra, có thể là khi đó tôi không nghĩ thế, nhưng điều đó chắc chắn phải có, dù không nghĩ đến, bởi vì rằng tôi chỉ làm cái việc là sau này trong đời tôi giờ phút nào tôi cũng nghĩ đến chuyện ấy. Nhưng các vị lại đặt ra câu hỏi: vì sao tôi không cứu nàng thoát khỏi bàn tay tàn bạo? Ôi chao, sau này tôi đã hàng nghìn lần đặt ra cho mình câu hỏi đó, cứ mỗi lần tôi thấy lạnh sống lưng nhớ lại phút giây xưa. Nhưng khi đó tâm hồn tôi đang thất vọng thảm hại: tôi đang chết, chính tôi đang chết, vậy thì tôi còn có thể cứu ai được? Và các vị cũng nên hiểu cho rằng liệu khi đó tôi có muốn cứu ai hay không? Khi đó tôi còn cảm thấy gì nữa? Tuy nhiên, nhận thức vẫn cứ réo gọi từng giây trôi qua, một sự im lặng chết chóc nàng vẫn đứng bên tôi, - và bỗng nhiên tôi giặt bắn mình lên vì hy vọng! Tôi lập tức mở mắt ra. Nàng không còn ở trong phòng nữa. Tôi đứng bật dậy: tôi đã chiến thắng, - và nàng đã thua tôi mãi mãi! Tôi bước ra chỗ ấm xa-mô-va. Bao giờ ấm này cũng được đặt ở phòng đầu và người mời trà bao giờ cũng phải là nàng. Tôi yên lặng ngồi vào bàn và đỡ lấy chén trà nàng đưa, Năm phút sau tôi nhìn nàng. Trông nàng nhợt nhạt quá, nhợt nhạt hơn ngày hôm qua và nàng đang nhìn tôi, - và đột nhiên, khi thấy tôi nhìn nàng, nàng nở nhếch một nụ cười nhợt nhạt trên đôi môi nhợt nhạt, đôi mắt nàng như thốt lên một câu hỏi rụt rè. “Chắc hẳn anh ta vẫn còn nghi ngờ và đang tự hỏi mình: anh ta có biết hay không nhỉ, có nhìn thấy hay không nhỉ?” Tôi thờ ơ quay mặt đi nơi khác, uống trà xong tôi đóng cửa hàng, tôi đi ra chợ mua một cái giường sắt và mấy cái rèm cửa. Khi về nhà, tôi bảo đặt giường trong phòng và căng rèm ngăn. Đó là giường dành cho nàng, nhưng tôi không nói với nàng câu gì. Nhưng không nói mà nàng cũng hiểu rằng cái giường ấy chứng tỏ tôi “đã nhìn thấy hết và đã biết hết”, rằng chẳng còn gì phải nghi ngờ nữa. Như mọi khi, tôi vẫn để súng lục qua đêm trên bàn. Đêm xuống, nàng lặng lẽ trèo lên giường mới của mình: cuộc hôn nhân thế là tan, “nàng đã thất trận, nhưng không được tha thứ”. Ban đêm nàng có nói mớ gì đó, sáng ra nàng sốt nóng. Nàng ốm như thế suốt sáu tuần lễ. Chú thích: 1. Hai cha con người Anh, James Mill (1773-1836) và John Stuart Mill (1806-1873), cả hai đều hoạt động triết học và kinh tế, không biết tác giả nói đến ông nào (ND). Back 2. Cuộc hò hẹn (tiếng Pháp) Back Chương hai I. GIẤC MƠ TỰ HÀO Bây giờ bà Lukeria tuyên bố rằng bà sẽ thôi không sống ở nhà tôi nữa, bao giờ người ta chôn cất nàng xong thì bà sẽ đi. Tôi quỳ gối cầu nguyện năm phút, tôi muốn cầu nguyện một tiếng, nhưng tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, toàn là những ý nghĩ bệnh hoạn, một cái đầu bệnh hoạn - dù có cầu gì đi nữa thì cũng chỉ là tội lỗi! Một điều cũng kỳ lạ là tôi không thấy buồn ngủ: trong nỗi đau đớn, trong nỗi đau quá lớn, sau những chấn động cực mạnh đầu tiên, bao giờ cũng không buồn ngủ. Người ta nói rằng những người bị kết án tử hình lại ngủ rất ngon vào đêm cuối cùng, cần phải như thế, đó là lẽ tự nhiên, nếu không thì sức lực không thể chịu được... Tôi nằm xuống đi văng, nhưng không chợp mắt được... ... Suốt sáu tuần lễ nàng ốm chúng tôi trông nom nàng suốt cả ngày đêm - tôi, bà Lukeria và một cô hộ lý chuyên nghiệp của bệnh viện mà tôi thuê về. Tiền bạc tôi không hề tiếc, mà thậm chí tôi còn rất muốn chi tiêu cho nàng. Bác sĩ thì tôi mời hẳn ngài Sreder và mỗi lần ông thăm bệnh tôi trả mười rúp. Khi nàng tỉnh lại, tôi ít đến gần nàng hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể mô tả được. Khi nàng khỏi hẳn, nàng nhẹ nhàng lặng lẽ đi sang phòng tôi ngồi vào một chiếc bàn riêng mà tôi mua cho nàng vào đợt đó... Đúng thế, chúng tôi hoàn toàn im lặng nghĩa là thậm chí sau đó chúng tôi đã bắt đầu nói, nhưng chỉ là nói những chuyện bình thường. Tất nhiên là tôi cố gắng không mở rộng câu chuyện, nhưng tôi để ý rất kỹ thấy nàng dường như lấy làm vui không phải nói thừa câu nào. Tôi cho rằng từ phía nàng điều ấy hoàn toàn tự nhiên. Tôi nghĩ: “Nàng bị xốc quá và bị thất bại nặng nề quá, tất nhiên phải để nàng quên đi và quen với cái mới”. Chúng tôi đã im lặng như vậy và từng giây phút tôi vẫn thầm chuẩn bị cho mình hướng tới tương lai. Tôi nghĩ rằng nàng cũng làm như vậy, và đối với tôi, một điều hết sức thú vị là phỏng đoán xem bây giờ nàng đang thầm nghĩ điều gì? Tôi xin nói thêm một điều: chao ôi, tất nhiên không ai biết được rằng tôi phải chịu đựng bao nhiêu, tôi phải kêu rên bao nhiêu trong những ngày nàng đau yếu. Nhưng tôi chỉ kêu rên thầm lặng thôi và những tiếng kêu rên ấy tôi đã nén lại trong lồng ngực mình, thậm chí đến bà Lukeria tôi cũng không cho biết. Tôi không thể tưởng tượng được, thậm chí không thể dự đoán được là nàng chết đi mà lại không biết những chuyện đó. Khi nàng qua cơn hoạn nạn và đã hồi phục sức khoẻ, tôi nhớ lắm chứ, thì tôi cũng trở lại yên bình rất nhanh. Hơn thế nữa, tôi đã quyết định sẽ hoãn chuyện tương lai của chúng tôi đến một thời gian lâu dài, tất cả mọi chuyện cứ để như là hiện tại. Đúng thế, hồi ấy đã xảy ra với tôi một chuyện khủng khiếp và đặc biệt, tôi không thể nào gọi khác được: tôi rất hân hoan, và chỉ riêng nhận thức được điều đó đối với tôi cũng đã là đầy đủ lắm rồi. Suốt cả mùa đông trôi qua như vậy. Ôi, tôi thật hài lòng, chưa bao giờ hài lòng như thế, hài lòng suốt một mùa đông. Các vị có biết không: trong đời tôi có một hoàn cảnh khách quan khủng khiếp mà cho đến bây giờ, nghĩa là cho đến lúc vợ tôi gặp tai hoạ, ngày nào, giờ nào cũng giày vò tôi - đó là việc tôi mất hết uy danh và việc tôi phải rời khỏi trung đoàn. Nói tóm tắt lại: đó là sự bất công thậm tệ đối với tôi. Quả thật, tôi không được anh em đồng đội yêu mến vì tính khí tôi nặng nề, và cũng có thể vì tính tôi buồn cười, mặc dù cũng thường xảy ra một điều là cái cao thượng đối với anh, cái thiêng liêng và đáng trọng của anh thì không hiểu vì sao đồng thời lại làm cho đa số đồng đội anh buồn cười. Chao ôi, ngay từ thời phổ thông người ta đã không yêu mến tôi. Mọi lúc, mọi nơi người ta đều không yêu mến tôi. Ngay đến bà Lukeria cũng không mến tôi nữa là. Trường hợp xảy ra trong trung đoàn mặc dù là kết quả không ai mến tôi, nhưng chắc chắn là nó mang tính ngẫu nhiên. Đối với chuyện này tôi nghĩ rằng không có gì đáng giận hơn và không thể chịu đựng được hơn là phải chết vì một trường hợp ngẫu nhiên, nó có thể xảy ra hay không xảy ra, nó xuất phát từ một bối cảnh bất hạnh, mà bối cảnh này cũng có thể trôi qua như một đám mây. Đối với một con người trí thức thì đó là điều mạt hạng. Trường hợp đó xảy ra như sau: Trong một giờ giải lao của nhà hát tôi bước vào căng-tin. Viên sĩ quan kỵ binh A. bỗng nhiên bước vào, trước mặt tất cả các sĩ quan và công chúng, cứ oang oang nói chuyện với hai sĩ quan kỵ binh khác, rằng đại uý Bezumsev thuộc trung đoàn tôi vừa mới gây ra một vụ bê bối ở ngoài hành lang “và, có lẽ, lão ta say rượu”. Câu chuyện thì rời rạc, mà lại không đúng nữa, Bởi vì đại uý Bezumsev không hề say rượu, và bê bối cũng chẳng phải là bê bối. Bọn kỵ binh nói một chuyện khác và cũng kết thúc cách khác, nhưng ngày hôm sau câu chuyện tiếu lâm ấy lại lan sang trung đoàn tôi và thế là bên chúng tôi lãi nói chuyện rằng trong căng-tin chỉ có mình tôi là người của trung đoàn, và khi viên sĩ quan A. nói láo lếu về đại uý Bezumsev thì tôi đã không đến bên sĩ quan A. đó để phê phán mà ngăn hắn ta lại. Nhưng cơn cố gì mới được chứ? Nếu hắn có cắn xé ông đại uý Bezumsev thì đấy cũng chỉ là chuyện cá nhân của họ, tôi dây vào làm gì? Thế nhưng các sĩ quan lại cho rằng câu chuyện không phải là cá nhân, mà có liên quan đến cả trung đoàn, mà trong các sĩ quan của trung đoàn ở đó lại chỉ có mình tôi, thì như thế tôi đã chứng tỏ rằng trong trung đoàn chúng tôi có thể có những sĩ quan không thật nhậy cảm đối với danh dự của mình và của trung đoàn mình. Tôi không thể đồng ý với cách xác định như vậy. Có người còn cho tôi biết rằng tôi vẫn có thể sửa chữa được, thậm chí bây giờ, dù là đã muộn, nếu tôi muốn nói chuyện chính thức với tên sĩ quan A. Tôi không muốn như thế, và cũng vì tôi đang căng thẳng nên tôi từ chối thẳng thừng. Ngay lập tức sau đó tôi nộp đơn xin giải ngũ, - đấy, toàn bộ câu chuyện là như thế. Tôi ra đi đầy tự hào, nhưng suy sụp nặng nề. Tôi đã gục ngã về ý chí và tinh thần. Đúng lúc ấy lại có chuyện là chồng của chị gái tôi ở Matxcơva đã tiêu xài hết món tài sản nhỏ bé của chúng tôi, trong đó của tôi có một món nhỏ, rất nhỏ, nhưng như thế là tôi bị vứt ra ngoài vỉa hè không một đồng xu dính túi. Lẽ ra tôi có thể làm thuê cho tư nhân, nhưng tôi không làm: sau khi đã khoác bộ áo lính sặc sỡ, tôi không thể đi đâu được nữa. Thế là xấu hổ thật là xấu hổ, nhục nhã thật là nhục nhã, suy sụp thật là suy sụp, và tình cảnh càng tồi tệ hơn thì lại càng hay - chính tôi đã lựa chọn như vậy. Trong suốt ba năm thậm chí ngôi nhà của Viazemski cũng nằm trong những kỷ niệm đau buồn. Một năm rưỡi trước đây bà mẹ đỡ đầu của tôi, một bà già giàu có ở Matxcơva, qua đời, và thật bất ngờ, theo di chúc của bà, ngoài những điều khác ra bà còn để lại cho tôi ba ngàn đồng. Tôi đã suy nghĩ và ngay lúc đó đã quyết định số phận của mình. Tôi đã dám liều mở quầy cho vay, mà không phải xin ai xá tội cho mình: tôi có tiền bạc, sau đó có chốn dung thần và có một cuộc sống xa lánh với những hồi niệm xưa cũ - đó là kế hoạch của tôi. Tuy thế cái quá khứ ảm đạm và uy tín đã vĩnh viễn bị ô uế vẫn cứ hành hạ tôi từng giờ từng phút. Nhưng rồi tôi cũng lấy vợ. Ngẫu nhiên hay không thì tôi không biết. Nhưng khi đưa nàng về nhà tôi đã nghĩ rằng tôi đưa về một người bạn, mà tôi thì đang rất cần có một người bạn. Nhưng tôi đã không thấy rõ rằng bạn thì mình cũng cần phải rèn luyện, phải uốn nắn và thậm chí phải chinh phục. Nhưng liệu tôi có thể giải thích được gì ngay lập tức cho một cô gái mới mười sáu tuổi và đang có sẵn một định kiến? Thí dụ, nếu không có cái tai hoạ khủng khiếp ngẫu nhiên với khẩu súng lục thì làm sao tôi có thể thuyết phục được nàng tôi không phải là một kẻ hèn nhát và trong trung đoàn người ta lên án tôi hèn nhát là không công bằng? Cái tai hoạ ấy thành công thật đúng lúc. Tôi chịu đựng qua được cái vụ súng lục là tôi đã trả thù được cho toàn bộ quá khứ ảm đạm của tôi. Và mặc dù chẳng có ai biết được điều đó, nhưng mà nàng biết, và đối với tôi đó là tất cả, bởi vì đối với tôi nàng là tất cả, là toàn bộ hy vọng tương lai của tôi trong những ước mơ của tôi! Nàng là người duy nhất mà tôi đã chuẩn bị cho mình, mà không cần chuẩn bị một người nào khác, - thế nhưng nàng đã biết hết mọi chuyện ít ra nàng cũng đã biết rằng nàng không công bằng khi vội vã đứng về phía những kẻ thù của tôi. Suy nghĩ đó khiến tôi vui sướng. Trong mắt nàng tôi có thể đã không còn là một tên đốn mạt, mà chỉ còn là một con người kỳ quặc, nhưng giờ đây, sau tất cả những gì xảy ra, ý nghĩ đó lại không hoàn toàn làm tôi yêu thích như trước: tính kỳ quặc không phải là tội lỗi, ngược lại, đôi khi nó lôi cuốn được tính cách phụ nữ. Tóm lại, tôi đã cố ý đẩy cái phần kết thúc ra xa: những gì xảy ra đã là quá đủ đối với tính trầm lặng của tôi và đã đem đến rất nhiều những bức tranh và tư liệu cho tôi mơ ước. Điều tệ hại là tôi mơ ước: tư liệu thế là đủ rồi, còn về nàng thì tôi nghĩ rằng nàng sẽ chờ đợi. Cả mùa đông trôi đi như thế trong sự chờ đợi một cái gì đó, tôi thích liếc mắt nhìn nàng khi nàng ngồi yên sau bàn của mình.Nàng thường ngồi khâu vá, buổi tối đôi khi nàng đọc những cuốn sách lấy từ bên tủ của tôi. Việc lựa chọn sách trong tủ cũng phải chứng tỏ là có lợi cho tôi. Hầu như nàng không đi đâu. Trước lúc hoàng hôn ngày nào tôi cũng đưa nàng đi chơi, chúng tôi vẫn còn giữ ý với nhau, nhưng không hoàn toàn im lặng như trước. Tôi cố gắng làm ra vẻ như chúng tôi không im lặng và nói năng hoà thuận với nhau, nhưng, như trên tôi đã nói, chính cả hai đứa chúng tôi đều làm sao để không phải nói nhiều lời. Tôi cố ý làm như vậy, còn cô ấy, theo tôi nghĩ, thì cần phải “nhường thời gian cho tôi”. Tất nhiên, điều kỳ lạ là hầu như cho đến cuối mùa đông không một lần nào tôi nẩy ra ý định là tôi muốn liếc nhìn nàng, mà tôi cũng chưa bao giờ đón nhận được một ánh mắt nào của nàng hướng về phía tôi cả! Tôi nghĩ rằng đó là thói rụt rè của nàng. Hơn nữa nàng có vẻ như rụt rè nhẫn nhịn, một hiểu hiện là nàng rất yếu đuối sau trận ốm đau. Không, tốt nhất là cứ chờ đợi và - “một lúc nào đó nàng sẽ đến với ta... “. Tôi mừng vuikhôn xiết với ý nghĩ đó. Tôi xin nói thêm một điều: đôi khi dường như tôi cứ cố ý nung nóng chính bản thân mình và quả thật tôi đã đẩy tinh thần và trí óc tôi đến mức gần như tôi đã tấn công nàng trong cơn bực dọc. Tình trạng đó kéo dài suốt một thời gian. Nhưng lòng căm giận của tôi không bao giờ có thể chín muồi được và không thể nằm mãi trong tâm hồn tôi. Chính tôi cũng cảm thấy rằng hầu như đây là một chuyện đùa. Ngay cả khi tôi đã phá bỏ cuộc hôn nhân bằng cách mua thêm giường và rèm che mới, tôi cũng chưa bao giờ và chưa khi nào tôi thấy nàng là người có tội. Không phải vì tôi phán xét tội lỗi của nàng một cách nhẹ dạ, mà vì rằng tôi thấy đúng ra là phải hoàn toàn tha thứ cho nàng ngay từ ngày đầu tiên, thậm chí trước cả khi tôi mua giường mới. Tóm lại đó là điều kỳ quặc từ bên phía tôi, bời lẽ tôi là người nghiêm khắc về mặt đạo đức. Ngược lại, trong con mắt tôi nàng đã thua trận, đã bị lăng nhục, đã bị đè nén, đến nỗi đôi khi tôi thấy thương hại nàng kinh khủng, mặc dầu trong tất cả chuyện này đôi khi tôi lại thấy rất thích thú với ý nghĩ phải hành hạ nàng. Tôi thích thú với ý nghĩ rằng giữa chúng tôi phải không bình đẳng... Trong mùa đông tôi đã cố tình thực hiện một vài hành động thiện chí. Tôi đã xoá không hai khoản nợ, tôi đã cho một người đàn bà nghèo khổ vay tiền mà không cần thế chấp gì cả. Tôi đã không nói gì cho vợ biết, và nói chung tôi làm thế cũng không phải cốt để nàng biết nhưng người đàn bà đã tự đến cảm ơn. và gần như đã quì lạy chúng tôi. Thế là câu chuyện tự nó bộc lộ, tôi thấy quả thật là nàng hài lòng khi biết chuyện về người phụ nữ. Nhưng mùa xuân đã đến, lúc ấy vào giữa tháng Tư, người ta đã tháo ra những khung cửa kính ghép đúp, và mặt trời đã chiếu từng chùm sáng rực rỡ vào những căn phòng yên lặng của chúng tôi. Nhưng có một tấm màn khói che trước mắt tôi và gây mù trí óc tôi. Một màn khói tai hoạ, khủng khiếp! Có phải đó là ngẫu nhiên không, có phải đó là một ngày cấp bách không, có phải đó là ánh mặt trời thắp lên trong bộ óc đần độn của tôi một ý nghĩ và một lời giải đáp hay không? Không, không có ý nghĩ và một lời giải đáp nào cả, nhưng bỗng nhiên có một mạch máu hoạt động trở lại, một mạch máu đã băng giá từ lâu. Nó rung động, nó hồi sinh và nó làm tỏa sáng cả tâm hồn đần độn và cả lòng tự hào ma quái của tôi. Lúc đó tôi đã nhẩy bật lên. Chuyện đó xảy ra thật bất ngờ và thật nhanh chóng. Trời đã về chiểu, khoảng năm giờ, sau bữa ăn... II. TẤM MÀN KHÓI BỖNG RƠI XUỐNG Xín nói đôi lời trước khi vào chuyện. Trong suốt tháng ấy tôi đã thấy nàng đăm chiêu kỳ lạ, không phải hẳn là im lặng, mà là đăm chiêu. Cũng là tình cờ mà tôi nhận ra. Lúc đó nàng ngồi làm việc, cúi đầu trên đường kim chỉ, và không thấy tôi đang nhìn nàng. Và bỗng nhiên tôi giật mình thấy rằng nàng mảnh mai quá, gầy yếu quá, gương mặt nhợt nhạt, đôi môi trắng bệch, - nhận xét đó cùng với vẻ đăm chiêu của nàng khiến tôi hoảng hốt ngay lập tức. Trước đó tôi cũng đã nghe thấy mấy tiếng ho khan, đặc biệt là vào ban đêm. Tôi lập tức đứng dậy đi mời ông Sreder mà không nói gì cho nàng biết cả. Ngày hôm sau ông đến. Nàng rất kinh ngạc, hết nhìn tôi lại nhìn ông Sreder. - Tôi vẫn khoẻ đấy mà, - nàng nói, miệng mỉm cười một cách mơ hồ. Ông Sreder chỉ khám bệnh qua loa (các nhà y học này đôi khi lại cẩu thả theo lối khinh mạn), nhưng khi sang phòng bên ông nói với tôi rằng đó là hậu quả của bệnh tật và rằng khi xuân sang thì nên đi đâu ra biển, hoặc nếu không thể được thì cũng nên ra ở nhà nghỉ. Tóm lại ông không nói gì ngoài mấy câu rằng nàng còn yếu ớt hoặc là có một cái gì đó. Khi ông Sreder ra về, nàng nhìn tôi hết sức nghiêm nghị và bỗng chốc nhắc lại : - Tôi khỏi hẳn, khỏi hẳn rồi mà. Nhưng nói xong rồi, nàng lập tức đỏ mặt, rõ ràng là nàng thấy ngượng. Đúng là nàng ngượng thật. Thôi, bây giờ thì tôi hiểu rồi: nàng ngượng vì tôi vẫn còn là chồng nàng, tôi vẫn quan tâm đến nàng, vẫn như một người chồng thật sự. Nhưng lúc đó tôi lại không hiểu và cứ nghĩ rằng nàng đỏ mặt là muốn hòa dịu. (Màn khói!) Và thế là một tháng sau đó, vào tháng Tư, lúc năm giờ một ngày đầy nắng, tôi ngồi ở quầy tính toán sổ sách, bỗng tôi nghe thấy nàng ở trong phòng chúng tôi, nàng ngồi khâu vá sau bàn làm việc và.... cất tiếng hát thật nhỏ, thật nhẹ. Điều mới mẻ ấy gây ra cho tôi một ấn tượng kinh hoàng mà đến bây giờ tôi vẫn không hiểu. Trước đó hầu như chưa bao giờ tôi nghe thấy nàng hát, ngay cả những ngày đầu tiên khi tôi đưa nàng về nhà, và ngay cả khi chúng tôi còn say sưa ngắm bắn súng lục. Lúc đó giọng nói của nàng còn khá vững mạnh, âm vang, dù là không được chắc chắn, nhưng nghe thật êm tai và khoẻ khoắn. Còn bây giờ bài ca nghe thật yếu ớt - ôi, dẫu không phải là buồn tẻ (đó là một bản tình ca gì đó), nhưng dường như trong giọng hát của nàng có một cái gì đó nứt nẻ, gẫy vỡ, tựa hồ giọng nàng không gánh vác nổi, tựa hồ như chính bài hát bị đau yếu. Nàng chỉ hát khe khẽ, nhưng đến khi lên cao thì giọng nàng đứt ra, - giọng nàng vốn đã thanh mảnh, nên nó đứt ra thật là đáng thương nàng ho khan mấy lần rồi lại nhỏ nhẹ cất lên tiếng hát... Người ta có thể cười nhạo nỗi lo của tôi, nhưng sẽ không bao giờ có ai hiểu được vì sao tôi lo lắng đến thế! Không, tôi vẫn chưa hết thương nàng, nhưng đó là một cái gì hoàn toàn khác hẳn. Đầu tiên, ít ra thì cũng là những phút đầu tiên trong lòng tôi xuất hiện một sự ngỡ ngàng và một sự kinh ngạc khủng khiếp, khủng khiếp và kì lạ, một sự kinh ngạc bệnh tật và gần như mang tính báo oán: “Nàng hát, mà lại hát trước mắt tôi! Nàng đã quên là còn có tôi đây hay sao?” Tôi đã sửng sốt lắm rồi, nhưng vẫn ngồi yên, sau đó tôi bỗng đứng dậy, lấy mũ rồi bước ra, có lẽ là không nghĩ ngợi gì cả. Chí ít thì tôi cũng không biết là mình ra đi làm gì và sẽ đi đâu. Bà Lukeria đưa cho tôi chiếc áo bành tô. Tôi bất chợt bảo bà: - Cô ấy biết hát kia à? Bà không hiểu và nhìn tôi rồi vẫn không hiểu quả thật là tôi cũng không hiểu. - Lần đầu tiên cô ấy hát hay sao? - Không phải đâu, lúc vắng cậu đôi khi cô ấy vẫn hát, - bà Lukeria đáp. Tôi vẫn còn nhớ tất cả mọi chuyện. Tôi xuống thang, ra phố và có ý định đi đâu cũng được. Tôi đến góc phố và đưa mắt nhìn. Bao nhiêu người qua lại. xô đẩy tôi mà tôi không hay. Tôi gọi xe, định bảo chở đến cầu Poliseiski, chẳng biết để làm gì, nhưng bỗng nhiên lại thôi và đành trả cho người đánh xe hai mươi cô pếch: - Đấy là tiền trả tôi làm phiền anh, - tôi nói thế, miệng mỉm cười với anh ta một cách vô nghĩa, nhưng trong lòng bỗng thấy hào hứng. Tôi rảo bước về nhà. Cái giọng ca rạn nứt, khổ sở, đứt quãng bông lại vang lên trong tâm hồn tôi. Tôi lại thấy hoảng sợ. Tấm màn khói đã rơi xuống, đã rơi xuống khỏi mắt tôi! Nếu nàng hát trước mặt tôi, có nghĩa là nàng đã quên tôi rồi, - đó là điều rõ ràng và đáng sợ nhất. Trái tim tôi cảm thấy như vậy. Nhưng cảm giác hào hứng lại tỏa sáng trong tâm hồn tôi và vượt qua nỗi khiếp sợ. Số phận thậtlà trớ trêu! Trong tâm hồn tôi suốt cả mùa đông không có một cái gì khác và không thể có gì khác ngoài cái cảm giác hào hứng, nhưng còn chính bản thân tôi thì suốt mùa đông ở đâu? Có phải là tôi gắn bó trực thuộc vào tâm hồn tôi hay không? Tôi hối hả trèo lên bậc thang, không biết được là khi bước vào phòng tôi có rụt rè hay không. Tôi chỉ nhớ rằng cả sàn nhà dường như cũng rung động còn tôi thì dường như chới với trên sông. Tôi bước vào phòng, nàng vẫn ngồi chỗ cũ, cúi đầu khâu vá, nhưng không hát nữa. Nàng như định liếc nhìn tôi thoáng qua, không có ý tò mò, nhưng đấy không phải là cái nhìn, mà chỉ là một động thái thông thường và lạnh nhạt, khi có một người nào đó vào phòng. Tôi đến thẳng chỗ nàng, ngồi xuống ghế bên cạnh, thật sát. Nàng nhìn tôi rất nhanh, có vẻ sợ hãi: tôi cầm tay nàng lên và không nhớ đã nói gì với nàng, tức là tôi muốn nói, bởi vì thậm chí tôi không thể nói đúng được. Giọng nói của tôi đứt gãy ra và không tuân theo ý tôi. Và tôi cũng chẳng biết mình phải nói gì, thế nên tôi chỉ biết thở hổn hển. - Chúng ta sẽ nói chuyện... em biết không... em nói một câu gì đi! - rồi tôi bỗng nói ra một điều gì đó ngu ngốc, - ôi, liệu có chút lý trí nào không chứ? Nàng lại giật mình, đổ nghiêng người đi một cách kinh hoảng và nhìn vào mặt tôi, nhưng bỗng nhiên - một sự kinh ngạc nghiêm khắc hiện ra trong đôi mắt nàng. Đúng, một sự kinh ngạc, và là nghiêm khắc. Nàng mở to mắt nhìn tôi, vẻ nghiêm khắc đó, nỗi kinh ngạc nghiêm khắc đó ngay lập tức như nhân bản tôi lên nhiều lần: “Anh vẫn còn yêu đến thế ư? yêu đến thế ư?” - dường như có câu hỏi ấy trong nỗi kinh ngạc, mặc dù nàng vẫn im lặng. Nhưng tôi đọc thấy hết, đọc thấy hết. Toàn bộ con người tôi xốn xang, và thế là tôi té xỉu xuống chân nàng. Đúng là tôi đổ vật vào chân nàng. Nàng đứng phắt dậy, nhưng tôi đã huy động một sức mạnh phi thường dang cả hai tay ôm chặt nàng lại. Tôi hoàn toàn hiểu được cơn tuyệt vọng của tôi, tôi hiểu lắm chứ! Nhưng các vị có tin không, cơn hào hứng đã sôi động trong trái tim tôi không thể kìm hãm lại được, đến nỗi tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết. Tôi hôn chân nàng trong niềm hoan lạc và hạnh phúc. Đúng là một niềm hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng vô tận, hạnh phúc khi hiểu đươc toàn bộ tâm trạng tuyệt vọng không còn lối thoát của tôi! Tôi đã khóc, đã nói năng gì đó, nhưng không thể nói ra được. Về phía nàng, nỗi sợ hãi và kinh ngạc bỗng bị nhường chỗ cho một ý tưởng gì đó ngây dại, một câu hỏi đặc biệt, và nàng nhìn tôi thật kỳ lạ, thậm chí như là hoang dại, nàng muốn sớm hiểu một cái gì đó và nàng mỉm cười. Nàng thấy xấu hổ thậm tệ vì tôi hôn chân và nàng rút chân ra, nhưng ngay lập tức tôi hôn lên nền đất chỗ chân nàng. Nàng cúi nhìn và bỗng cất tiếng cười xấu hổ (các vị đã biết người ta cười xấu hổ là thế nào rồi). Một cơn thần kinh kéo đến. Tôi nhìn thấy đôi tay nàng run lên - tôi không nghĩ đến chuyện ấy mà cứ lải nhải nói rằng tối yêu nàng, rằng tôi sẽ không đứng dậy nữa, “hãy cho anh hôn tà áo em... suốt đời anh sẽ cầu xin em... “ Tôi không biết, tôi không nhớ gì cả, - bỗng nhiên nàng khóc nức lên, run lên bần bật một cơn động kinh khủng khiếp bắt đầu. Tôi đã làm nàng kinh sợ. Tôi đưa nàng về giường. Khi cơn động kinh qua đi, nàng gượng ngồi lên, nắm lấy cả hai tay tôi với vẻ đờ đẫn khủng khiếp và xin tôi bình tâm: “Thế là đủ rồi, anh đừng làm khổ mình nữa, hãy bình tĩnh lại!” - rồi nàng lại bắt đầu khóc. Suốt buổi tối hôm ấy tôi không rời nàng một bước. Tôi luôn miệng nói rằng tôi sẽ đưa nàng đi Bulônhơ tắm biển ngay bây giờ đây hoặc hai tuần nữa, rằng từ lâu tôi đã thấy nàng khản giọng, rằng tôi sẽ đóng cửa hàng này, sẽ bán cho nhà Đohronrayov, rằng sẽ bắt đầu những chuyện hoàn toàn mới, mà cái chủ yếu là phải đi Bulônhơ, đi Bulônhơ! Nàng cứ nghe mà cứ sợ hãi. Càng lúc nàng càng sợ hơn. Nhưng cái chính đối với tôi không phải là thế, mà là ở chỗ mỗi lúc tôi càng thấy không kìm hãm được ý muốn lại được nằm dưới chân nàng, lại được hôn mãi nền đất nơi nàng đặt chân và cầu xin nàng. Tôi cứ nhắc đi nhắc lại từng phút một “anh sẽ không đòi hỏi bất kỳ điều gì nơi em. em không phải trả lời anh bất cứ câu gì, em hoàn toàn không phải để mắt đến anh, chỉ cần cho anh được đứng nơi góc nhà nhìn em là đủ. Em hãy biến anh thành một thứ đồ vật, thành một con chó con của em... “ Nàng thì cứ khóc. - Thế mà em cứ nghĩ rằng anh sẽ bỏ mặc em, - nàng bỗng thốt lên tự nhiên, thật tự nhiên, đến nỗi nàng hoàn toàn có thể không nhận thấy rằng nàng nói như thế nào, thế mà, chao ôi, đây mới là lời nói chủ yếu nhất, đáng sợ nhất và cũng là dễ hiểu nhất đối với tôi vào tối hôm đó, tựa hồ đó là lưỡi dao xuyên thủng trái tim tôi! Nó đã giải thích cho tôi mọi điều, nhưng bây giờ nàng đang bên tôi, ngay trước mắt tôi, tôi nuôi một niềm hy vọng không gì kìm hãm lại được và thấy mình hạnh phúc quá chừng. Chao ôi, tôi đã làm nàng rã rời kinh khủng vào tối hôm đó và tôi hiểu điều ấy, nhưng tôi vẫn không ngừng nghĩ rằng bây giờ đây tôi sẽ làm lại được mọi việc. Thế nhưng đến đêm nàng hoàn toàn kiệt sức, tôi khuyên nhủ nàng chợp mắt và nàng nhắm mắt ngủ ngay say sưa.Tôi đoán rằng nàng sẽ nói mơ, quả nhiên như vậy, nhưng chỉ nói mơ chút xíu. Suốt đêm tôi thức dậy hầu như từng phút, lặng lẽ đi dép êm đến ngó bên nàng. Tôi khoanh tay đứng yên nhìn một cơ thể ốm đau nằm trên chiếc giường đơn sơ, chiếc giường sắt mà tôi đã mua cho nàng trước đây với giá ba rúp. Tôi quỳ gối xuống, nhưng không dám hôn chân nàng khi nàng đang ngủ (không được nàng cho phép!). Tôi cầu nguyện Chúa Trời hồi lâu rồi lại đứng lên. Bà Lukeria cứ trông theo tôi và thỉnh thoảng lại từ trong bếp đi ra. Tôi đến bên bà bảo bà cứ việc đi nằm và nói rằng ngày mai “tình hình sẽ khác hẳn”. Tôi tinnhư thế một cách mù quáng, điên dại và khủng khiếp. Một niềm hứng khởi, hứng khởi cao độ tràn ngập lòng tôi! Tôi cứ đau đáu chờ đến ngày mai. Điều chủ yếu là tôi không tin vào một tai hoạ nào cả, mặc dù đã có triệu chứng báo trước. Toàn bộ ý nghĩa của nó vẫn chưa trở lại, mặc dù tấm màn khói đã rơi xuống, và còn lâu, rất lâu vẫn chưa trở lại - ôi, mãi đến hôm nay, đến tận hôm nay vẫn chưa trở lại!! Mà làm sao khi đó nó trở lại được: bởi vì lúc đó nàng vẫn còn sống, bởi vì nàng vẫn còn ở trước mặt tôi và tôi ở trước mặt nàng, “Ngày mai nàng tỉnh dậy và ta sẽ nói hết cho nàng hay, rồi nàng sẽ thấy hết”. Cách phán đoán lúc bấy giờ của tôi như vậy, thật đơn giản và rõ ràng, bởi vì tôi đang hứng khởi! Điều chủ yếu là chúng tôi sắp có chuyến đi Bulonhơ. Không hiểu sao tôi cứ luôn luôn nghĩ rằng Bulonhơ là tất cả, rằng ở Bulonhơ sẽ có một cái gì đó kết thúc trọn vẹn. “Đi Bulonhơ, đi Bulônhơ!... “ Tôi điên rồ chờ đợi bình minh. III. TÔI HIỂU QUÁ RỒI Thế nhưng chuyện ấy xảy ra mới có mấy hôm nay, đúng là năm ngày, chỉ vẻn vẹn có năm ngày thôi, vào hôm thứ Ba! Không, không, giá như có thêm một chút thời gian nữa. giá nàng chờ đợi thêm được một chút xíu nữa thì tôi sẽ xua tan đi được bóng tối!Chẳng lẽ nàng không bình tâm được sao? Một ngày sau đó nàng còn mỉm cười nghe tôi nói, mặc dầu nàng có vẻ bối rối... Điều chủ yếu là suốt thời gian ấy, suốt cả năm ngày ấy tình cảm trong lòng nàng là bối rối hoặc hổ thẹn. Nàng cũng sợ hãi, rất sợ hãi. Tôi không tranh luận, tôi sẽ không chống lại như một kẻ điên rồ: nàng có sợ hãi thật, nhưng làm sao nàng lại không sợ hãi đượckia chứ? Bởi vì đã từ lâu chúng tôi sống xa lạ với nhau, chúng tôi đã mất thói quen gần nhau, thế mà bỗng nhiên có những chuyện ấy.. Nhưng tôi không nhìn nhận đến nỗi sợ hãi của nàng, có một cái mới loé lên!... Sự thật, có một sự thật rành rành là tôi đã mắc sai lầm. Thậm chí không phải là một, mà là nhiều sai lầm. Hôm sau ngủ dậy (ấy là vào hôm thứ Tư), ngay từ sáng tôi lập tức mắc ngay phải một lỗi: tôi bỗng biến nàng thành bạn tôi. Tôi đã vội vàng, vội quá, nhưng thú tội cũng là cần thiết, là thiết yếu, còn gì hơn là phải thú tội! Tôi đã không giấu giếm thậm chí đến cả những điều suốt đời tôi giấu giếm chính lương tâm tôi. Tôi đã nói thẳng ra cái việc mà suốt mùa đông tôi chỉ làm việc đó, rằng tôi tin tưởng vào tình yêu của nàng. Tôi giải thích rằng cửa hàng này tồn tại chỉ là do sự suy sụp tinh thần và ý chí của tôi, chỉ là do ý nghĩ riêng muốn tự hành hạ mình và tự tâng bốc mình mà thôi. Tôi cho nàng thấy rằng lúc đứng trong căng tin quả thật là tôi nhát gan, cũng là do cá tính và thói đa nghi của tôi: hoàn cảnh ấy đã làm hại tôi, căng tin làm hại tôi điều làm hại tôi là: lúc ấy tôi bước ra như thế nào, có xảy ra chuyện gì ngu ngốc không? Tôi sợ hãi không phải là cuộc quyết đấu, mà là sợ xảy ra một chuyện gì ngu ngốc... Còn sau đó tôi lại không muốn thừa nhận, và tôi đã làm khổ mọi người, đôi với nàng tôi cũng làm khổ, rồi sau đó lại lấy nàng để làm khổ nàng nữa. Nhìn chung là tôi đã nói quá nhiều thời gian như trong một cơn mê sảng. Nàng cầm lấy tay tôi, bảo tôi đừng có nói nữa: “Anh đang cường điệu vấn đề... chính anh đang làm khổ anh đấy”, - rồi sau đó nàng lại nước mắt lã chã, suýt nữa lại lên cơn thần kinh! Nàng cứ một mực yêu cầu tôi đừng nói chuyện đó và đừng nhắc đến nữa. Tôi không để ý đến yêu cầu đó hoặc là để ý rất ít: mùa xuân, Bulônhơ! Ớ đó có ánh mặt trời, có ánh mặt trời mới của chúng tôi, tôi chỉ nói có chuyện đó! Tôi đóng cửa hàng, mọi công việc chuyển giao cho nhà Đobronrayov. Tôi đề nghị nàng ngay lập tức chia cho những người nghèo tất cả mọi thứ, trừ khoản ba ngàn đồng vốn mà mẹ nuôi tôi giao cho, bằng số tiền đó chúng tôi sẽ đi Bulônhơ, sau đó chúng tôi quay về và sẽ bắt đầu cuộc sống lao động mới. Chúng tôi ấn định như thế, bởi vì nàng chẳng nói gì cả... nàng chỉ cười thôi. Có lẽ nàng cười vì phép lịch sự thì đúng hơn, cốt để tôi khỏi phải trạnh lòng. Tôi đã thấy rằng chính tôi là gánh nặng cho nàng, xin các vị đừng nghĩ rằng tôi ngu ngốc và ích kỷ đến nỗi tôi không nhìn thấy như thế. Tôi nhìn thấy hết, nhìn thấu đến chân tơ kẽ tóc, nhìn thấy và hiểu rõ hơn cả mọi người thế là tôi ngao ngán lộ ra nét mặt! Tôi cứ kể mãi những chuyện về tôi và về nàng, chuyện bà Lukeria. Tôi vừa nói vừa khóc... Ôi, chính vì tôi đã chuyển hướng câu chuyện, tôi đã cố gắng không nhắc lại một số việc. Thậm chí một đôi lần nàng đã tươi tắn hẳn lên, tôi nhớ, tôi nhớ lắm chứ! Vì sao các vị lại nói rằng tôi có nhìn thấy nhưng chẳng hiểu gì cả? Và nếu như chỉ có chuyện ấy xảy ra thôi thì tất cả đều có thể tái sinh được. Bới vì đến ngày thứ ba nàng vẫn có thể kể chuyện cho tôi nghe được, khi chúng tôi nói đến việc đọc sách và về nhữnggì nàng đọc được những ngày đông qua, - bởi vì nàng vẫn còn kể chuyện và vẫn còn cười vui, khi nhớ đến cảnh Jin Blaz với đức Tổng giám mục. Và tiếng cười của nàng cũng thật thơ ngây, đáng yêu, hệt như ngày xưa, lúc còn chưa cưới (chỉ có một giây! một giây phút thôi!) tôi mừng quá đi mất! Điều ấy làm tôi kinh ngạc khủng khiếp, nhất là lại về chuyện đức Tổng giám mục: bởi vì làm sao nàng lại có được sự thanh thản về tinh thần, làm sao có đủ hạnh phúc để cười cợt một tác phẩm trác tuyệt vào những ngàyđông tháng giá ấy. Có thể là nàng đã bắt đầu yên tâm, hoàn toàn bắt đầu tin rằng tôi sẽ bỏ mặc nàng như vậy. “Em nghĩ rằng anh sẽ bỏ mặc em như vậy “, - chính nàng đã thốt lên như thế vào hôm thứ Ba! Chao ôi, đó là ý nghĩ của một cô bé mười tuổi! Ấy thế mà nàng cứ tin, tin mãi rằng bao giờ cũng sẽ chỉ có một cảnh như vậy: nàng ngồi bên bàn của nàng, tôi ngồi bên bàn của tôi. Và chúng tôi, cả hai người cứ ngồi như thế cho đến năm sáu mươi tuổi. Thế mà bỗng nhiên tôi, một người chồng, tôi lại đến bên nàng, và người chồng ấy cũng cần đến tình yêu. Thật là một chuyện huyễn hoặc, một sự mù quáng của tôi! Một sai lầm nữa là tôi lại nhìn nàng một cách phấn khích: lẽ ra phải kìm hãm mình, nếu không sự phấn khích đó làm nàng hoảng sợ. Nhưng thế là tôi cũng đã tự kìm hãm rồi đấy, tôi đã thôi không hôn chân nàng nữa. Tôi đã không một lần nào bộc lộ ra rằng... rằng tôi là một người chồng, - ôi, mà ngay trong đầu óc tôi cũng không có khái niệm ấy, tôi chỉ biết có cầu nguyện! Nhưng vấn đề là không thể im lặng được hoàn toàn, không thể nào mà lại không nói gì cả! Đột nhiên tôi cất tiếng bảo với nàng rằng tôi rất thích thú được trò chuyện với nàng và tôi coi nàng là người có học vấn hơn tôi, có trình độ hơn tôi đến mức không thể so sánh, không thể nào so sánh được. Nàng đỏ nhừ mặt lên và ngượng ngùng nói rằng tôi đã quá lời. Thế là, tôi ngu ngốc quá, tôi không kìm hãm được mình, tôi mới kể ra rằng tôi vô cùng phấn khích, khi tôi đứng đằng sau cánh cửa nghe nàng nói chuyện tay đôi, đúng là tay đôi, nàng nói những lời căm giận với cái thằng mạt hạng và tôi thật sự sung sướng vì trí tuệ của nàng, vì sự hóm hỉnh tài hoa và sự trong sáng trẻ thơ như thế. Thế là dường như nàng giật mình lên, nàng định nhỏ nhẹ bảo tôi rằng tôi nói quá lời, nhưng bỗng nhiên mặt nàng như có mây phủ, nàng đưa hai tay che mặt rồi nức nở khóc... Thế là tôi không cầm lòng được nữa: tôi lại quỳ gối trước mặt nàng, lại hôn chân nàng và sự việc lại kết thúc bằng một cơn thần kinh giống hệt như hôm thứ Ba. Đó là chuyện chiều tôi hôm qua, còn đến sáng... Đến sáng?! Thật là điên, vấn đề là sáng ngày hôm nay, vừa mới đây thôi, vừa mới đây thôi! Xin các vị hãy nghe và hiểu kỹ cho: vừa mới đây, khi chúng tôi còn ở bên nhau cạnh ấm xa-mô-va (sau cơn thần kinh hôm qua) thì tôi còn thấy ngạc nhiên vì nàng đã bình tĩnh trở lại, mà vừa mới hôm qua như thế đó! Còn tôi thì suốt đêm run sợ lo âu vì chuyện hôm qua. Nhưng bỗng nhiên nàng đến bên tôi, chính nàng đứng trước mặt tôi, khoanh tay lại (vừa mới đây, vừa mới đây thôi!), nàng bắt đầu nói với tôi rằng nàng là một kẻ tội phạm, rằng nàng biết điều đó, rằng tội lỗi đã hành hạ nàng suốt cả mùa đông, bây giờ cũng vẫn hành hạ..., rằng nàng đánh giá rất cao lòng đại lượng của tôi... “em sẽ là người vợ trung thành của anh, em sẽ tôn trọng anh... “ Thế là tôi nhảy lên, tôi ôm nàng như một thằng điên! Tôi hôn nàng, hôn vào mặt, vào môi, như một người chồng hôn lần đầu tiên sau một thời gian dài xa cách. Nhưng làm sao vừa mới đây tôi lại rời đi, mà chỉ vẻn vẹn có hai tiếng đồng hồ thôi... những cái hộ chiếu ra nước ngoài... Trời đất ơi! Giá tôi về sớm được năm phút, sớm được năm phút thì hay quá!... Còn bây giờ thì đã là một đám đông trước cửa nhà tôi với những cái nhìn như thế kia vào tôi... Trời đất ơi! Bà Lukeria nói (ôi, bây giờ thì tôi không cho ba ấy đi đâu một bước, bà ấy biết hết, bà ấy có mặt suốt cả mùa đông, bà ấy sẽ kể hết mọi chuyện cho tôi), bà ấy nói rằng khi tôi ra khỏi nhà, và chỉ độ hai mươi phút gì đó trước khi tôi về - thì bỗng nhiên bà vào phòng chúng tôi hỏi nàng câu gì, bà không nhớ nữa, và nhìn thấy bức tranh thánh của nàng (tức là cái bức tranh Đức Mẹ ngày trước), bức tranh đã được lấy ra để ở trên bàn, còn nàng thì dường như đang sắp cầu nguyện trước Đức Mẹ. “Thưa cô, cô làm gì thế?” - “Không có gì, bà Lukeria, bà ra ngoài... Chờ tôi một lát nhé”, - tôi đến gần và hôn cô. Tôi bảo “ Cô có được hạnh phúc không vậy?” - “Có đấy, bà Lukeria ạ” - “ Lẽ ra ông nhà đã phải xin lỗi cô từ lâu rồi mới phải. Lạy Chúa, cô là người biết nhẫn nhịn đấy” Cô ấy bảo “Thôi đủ rồi, bà Lukeria, bà ra ngoài đi”- rồi cô ấy mỉm cười, nụ cười thật là lạ lùng đến nỗi mười phút sau bà Lukeria đã phải quay lại nhìn nàng: “Cô ấy đứng ở bên tường, ngay cạnh cửa sổ, tay tì lên tường, đầu dựa vào tay, cô ấy cứ đứng như thế mà suy nghĩ. Cô ấy đứng suy nghĩ triền miên đến nỗi không thấy tôi đứng ở phòng bên nhìn cô. Tôi thấy dường như cô ấy mỉm cười, cứ đứng, suy nghĩ và mỉm cười. Tôi nhìn cô ấy một lát, rồi nhẹ nhàng quay ra, tôi đang nghĩ thầm điều gì thì nghe thấy có tiếng người mở cửa sổ. Tôi lập tức bước đến nói rằng “cô ơi, bây giờ mát rồi, kheo không cô cảm lạnh đấy”, bỗng nhiên tôi nhìn thấy cô ấy trèo lên cửa sổ, người đứng thẳng, cửa đã mở rộng, quay lưng về phía tôi, hai tay ôm bức tranh thánh. Ngay lập tức tim tôi rụng rời, tôi kêu lên “Cô ơi, cô ơi!” Cô ấy nghe tiếng, định quay lại phía tôi, nhưng không quay lại, mà bước chân lên, hai tay ghì bức tranh vào ngực và - và nhảy ra ngoài cửa sổ!” Tôi chỉ nhớ rằng, khi tôi vào cổng, người nàng vẫn còn ấm. Điều chủ yếu là mọi người chăm chăm nhìn tôi. Đầu tiên người ta kêu gào, sau bỗng im lặng và mọi người rạt ra và... và tôi thấy nàng nằm ôm bức tranh thánh. Tôi nhớ rằng tôi bước đến như đi trong bóng tối, tôi lặng lẽ nhìn nàng hồi lâu, mọi người vây quanh và nói với tôi gì đó. Rà Lukeria cũng có mặt, nhưng tôi không thấy. Bà ấy bảo có đứng nói với tôi. Tôi chỉ nhớ có một tên thị dân: hắn luôn mồm gào lên “ở miệng cô ấy có một búng máu, một búng máu, một búng máu trào ra!” và chỉ cho tôi xem vệt máu chảy trên nền đá. Hình như tôi có lấy tay đụng vào chỗ máu, quệt lên xem (tôi vẫn còn nhớ), còn anh chàng thì luôn mồm: “một búng máu, một búng máu!” - Thế nào là “một búng máu”?- tôi gào lên, sau này người ta kể rằng lúc đó tôi đã hăng máu giơ cả hai tay và lao vào hắn ta... Ôi, man rợ, man rợ! Vô lý! Không có lẽ! Không thể thế được! IV. CHỈ CHẬM CÓ NĂM PHÚT Mà chẳng nhẽ lại không thể được sao? Chẳng lẽ đó là sự thật? Chẳng lẽ lại có thể nói rằng có thể như thế? Người đàn bà ấy chết đi để làm gì và tại sao? Ôi, xin các vị hãy tin, tôi hiểu rồi: nhưng nàng chết đi để làm gì thì đó vẫn còn là một câu hỏi. Nàng sợ tình yêu của tôi, nàng tự hỏi mình một cách nghiêm túc: có chấp nhận hay không chấp nhận tình yêu ấy. và nàng không chịu nổi câu hỏi, và tốt hơn hết là nàng chết đi. Tôi biết, tôi biết, chả có gì phải đau đầu: nàng đã hứa hẹn quá nhiều, rồi nàng sợ quá vì không giữ được lời hứa, - thế là rõ. Nhưng ở đây còn một số hoàn cảnh hết sức kinh khủng. Bởi vì làm sao mà nàng lại phải chết chứ? Câu hỏi ấy vẫn còn đó. Câu hỏi như búa đập vào óc tôi. Lẽ ra thì tôi cũng có thể bỏ mặc nàng như thế, nếu như nàng muốn mọi chuyện cứ như thế. Nàng đã không tin như vậy, thế đó! Không, không, tôi đang nói dối, hoàn toàn không phải như vậy. Đơn giản chỉ là vì với tôi cần phải trung thực: yêu là phải yêu hết mình, chứ không phải như kiểu nàng yêu một anh lái buôn, nhưng bởi vì nàng quá trinh bạch, quá trong sạch để có thể chấp nhận một tình yêu như thế, thứ tình yêu cần cho một anh thương gia, cho nên nàng không muốn lừa dối tôi. Nàng không muốn lừa dối bằng một mối tình nửa vời dưới dạng tình yêu, hoặc bằng một mối tình chia tư. Cả hai chúng tôi đều rất trung thực, vấn đề là như thế! Tôi muốn nuôi dưỡng một trái tim rộng mở, các vị có nhớ không? Một ý nghĩ kỳ cục. Có một điều rất đáng tò mò: không biết nàng có kính trọng tôi không? Tôi cũng không biết là nàng có khinh bỉ tôi hay không nữa? Tôi không nghĩ là nàng khinh tôi. Kỳ lạ khủng khiếp: tại sao suốt cả mùa đông tôi không bao giờ nghĩ ra rằng nàng khinh bỉ tôi? Tôi hết sức tin vào một điều ngược lại cho đến tận cái giây phút, khi mà nàng nhìn tôi với vẻ kinh ngạc nghiêm khắc. Quả đúng là với vẻ nghiêm khắc. Thế là tôi hiểu ngay ra rằng nàng khinh bỉ tôi. Tôi hiểu không sai tí nào, chắc chắn là vậy! Chao ôi, thà rằng nàng cứ khinh bỉ tôi đi, khinh bỉ suốt đời đi, nhưng nàng cứ phải sống, cứ phải sống! Vừa mới đây thôi nàng còn đi lại được, nói năng được. Tôi hoàn toàn không hiểu, làm sao nàng lại nhảy lầu như vậy! Giá mà trước đó năm phút tôi hình dung ra chuyện thì tốt quá nhỉ? Tôi gọi bà Lukeria. Bây giờ thì tôi không cho bà ấy đi đâu, bất luận vì chuyện gì! Ôi, chúng tôi cũng đã có thể gắn bó được với nhau. Hồi mùa đông chúng tôi đã thực sự quen không có nhau, nhưng chẳng lẽ lại không thể học quen lại với nhau được sao? Vì sao, vì sao chúng tôi lại không thể gần nhau và không thể bắt đầu một cuộc sống mới? Tôi là người rộng lượng, nàng cũng vậy, đó chính là điềm giao hoà chứ sao! Chỉ cần vài câu nói thôi, chỉ cần có vài ngày thôi, không hơn, là nàng có thể hiểu hết. Điều chủ yếu. điều đáng giận là tất cả những chuyện ấy lại là ngẫu nhiên, một thứ ngẫu nhiên đơn giản, dã man và hủ lậu. Thật đáng tiếc! Năm phút, tôi chậm trễ chỉ vẻn vẹn có năm phút thôi! Giá tôi về được sớm năm phút thì cái giây phút ấy sẽ thoáng qua đi như một đám mây, và về sau nàng sẽ không bao giờ nghĩ đến nữa. Mọi chuyện sẽ kết thúc ở chỗ nàng hiểu hết mọi chuyện. Còn bây giờ lại là những căn phòng trống trải, lại là tôi cô đơn. Cáí đồng hồ quả lắc lại gõ, nó chẳng có việc gì cả, nó chẳng thương xót gì cả. Không có một ai - tai hoạ thế đấy! Tôi cứ đi lại, tôi cứ đi đi lại lại mãi. Tôi biết, tôi biết, xin các vị đừng có nhắc: các vị thấy buồn cười vì tôi cứ than vãn trường hợp ngẫu nhiên với năm phút muộn mằn phải không? Hiển nhiên là vậy. Xin các vị suy xét một điều: thậm chí nàng không để lại một mảnh giấy, chẳng hạn “xin đừng qui lỗi cho ai trong cái chết này của tôi”, như tất cả những người khác. Chẳng lẽ nàng không thể luận ra được rằng người ta có thể quấy rầy cả đến bà Lukeria. Người ta có thể nói : “Bà ở bên cô ấy một mình, vậy là chính bà đẩy cô ấy xuống. Ít ra thì người ta cũng làm tình làm tội bà ấy, may mà lúc bấy giờ có bốn người đứng dưới đất và qua các ô cửa sổ nhìn thấy nàng đứng trên cao, tay ôm bức tranh thánh, tự mình nhảy xuống. Nhưng đấy cũng là ngẫu nhiên, ngẫu nhiên là có người đứng đó và nhìn thấy. Không, tất cả những chuyện đó là chuyện giây lát, chỉ là một cái chớp mắt không tính toán được. Một giây đột nhiên và tưởng tượng! Còn cái việc nàng cầu nguyện trước tranh thánh là cái gì? Đó không phải là chuyện trước khi chết. Cả cái giây phút ấy được kéo dài có thể là cả mươi phút gì đó, toàn bộ quá trình quyết định chính là lúc nàng đứng bên tường, dựa đầu vào tay và mỉm cười. Một ý nghĩ nảy sinh trong đầu, nàng choáng váng và không thể chống đỡ nổi ý nghĩ đó. Đây là một sự phi lý, các vị muốn nói thế cũng được. Tôi chỉ mong sao nàng có thể sống cùng tôi mà thôi. Các vị nói thế nào nếu nàng bị thiếu máu? Đơn giản là bị thiếu máu, bị kiệt quệ sức sống? Nàng đã mệt mỏi suốt cả mùa đông, cho nên... Tôi đã chậm rồi!!! Nằm trong áo quan nàng mới nhỏ nhắn làm sao, sống mũi nàng mới cao lên làm sao! Hàng lông mi như một dãy mũi tên nhỏ. Mà nàng ngã mới giỏi chứ - không giập gì cả, không gãy gì cả! Chỉ có “một búng máu” ấy thôi. Một thìa cà phê mà thôi. Một chấn động bên trong. Một ý nghĩ kỳ lạ: giá không chôn cất cũng được thì sao? Bởi vì nếu người ta đem nàng đi thì... ồ, không, không thể nào đem nàng đi được! Ôi, tôi biết rằng người ta phải đem nàng đi, tôi hoàn toàn không điên cuồng và không mê sảng, ngược lại, chưa bao giờ đầu óc tôi lại sáng láng như bây giờ, - nhưng làm thế nào được, khi lại không thấy có ai trong nhà, lại thấy những hai căn buồng, lại chỉ có một mình tôi với đống hàng cầm đồ. Mê sảng, mê sảng, mê sảng là thế đấy! Tôi đã làm nàng quá mệt - thế đấy! Bây giờ những qui luật của các vị đối với tôi là cái gì? Những thói quen, tập tục của các vị, cuộc sống, quốc gia, niềm tin của cácvị đối với tôi là cái gì? Cứ để cho quan toà của các vị phán xét tôi, cứ để người ta lôi tôi ra toà, ra toà án công khai của các vị và tôi sẽ nói rằng tôi không công nhận gì cả. Quan toà sẽ thét lên: “Im đi, tên sĩ quan kia!” Còn tôi sẽ quát gã: “Nhà ông có quyền lực gì mà bắt tôi vâng lệnh? Làm sao lại để cái thói hủ lậu tăm tối làm tan vỡ cái quí giá nhất? Tôi cần quái gì những luật lệ của các ông? Tôi đi về đây”. Ôi, mọi thứ với tôi vô nghĩa hết! Nàng không nhìn thấy, không thấy gì nữa rồi! Nàng mất rồi, không nghe được gì rồi! Em có hay chăng, anh sẵn sàng đem cả thiên đường cho em đó sao. Thiên đường ở trong lòng anh, anh sẵn sàng đặt cả thiên đường xung quanh em! Cho dù em không yêu anh cũng không sao, như thế có hề gì đâu? Giá mọi thứ cứ như thế, mọi thứ cứ còn nguyên như thế. Chỉ mong sao em nói chuyện với anh như với một người bạn, - mong sao chúng ta cùng vui vẻ, cùng cười đùa sung sướng bên nhau, mắt nhìn trong mắt. Mong sao được sống như thế. Mà nếu em có yêu một người khác thì tuỳ ý em, anh cũng không can! Em có thể đi chơi với hắn ta, cười vui với hắn. Còn anh chỉ cần đứng nơi góc phố nhìn theo... Ôi, thế nào cũng được, miễn sao nàng mở mắt ra được một lần nữa! Chỉ cần một giây thôi, một tích tắc thôi! Giá như nàng nhìn được tôi, như vừa lúc nãy đây, khi nàng còn đứng trước mặt tôi và còn thề nguyền rằng sẽ là người vợ thủy chung! Ôi, chỉ cần nhìn một lần thôi là nàng sẽ hiểu hết! Hủ lậu! Ôi, trời đất! Tất cả mọi người trên trái đất này đều giống nhau - đó là tai hoạ! “Có ai sống ngoài chiến trường không?” - một tráng sĩ Nga kêu lên. Tôi cũng kêu đấy, nhưng không phải là tráng sĩ, và chẳng có ai đáp lời tôi cả. Người ta bảo rằng mặt trời làm sống dậy vũ trụ. Bao giờ mặt trời mọc lên, các vị thử nhìn mà xem, đó chẳng phải là một xác chết hay sao? Tất cả đều chết, khắp nơi là những xác chết. Chỉ có độc người là người, còn xung quanh họ là im lặng - trái đất thế đấy! “Hỡi con người, hãy yêu thương lẫn nhau”- ai nói ra câu ấy nhỉ? lời trăng trối của ai thế nhỉ? Cái đồng hồ quả lắc cứ gõ một cách vô cảm và bất chấp. Hai giờ đêm rồi. Đôi giày của nàng vẫn ở chân giường, đúng là đang chờ đợi nàng... Không, nói một cách nghiêm túc, ngày mai, khi người ta mang nàng đi rồi, thì tôi sẽ ra sao đây? Giấc mơ của kẻ nực cười (Chuyện giả tưởng) I Tôi là con người nực cười. Bây giờ người ta gọi tôi là thằng điên. Giá như đối với họ tôi vẫn chưa hết là con người nực cười như trước đây, thì điều đó có thể coi như được thăng chức. Nhưng bây giờ tôi không thấy cáu nữa, bây giờ tất cả bọn họ đối với tôi thật đáng yêu, thậm chí như họ chế nhạo tôi thì lúc đó họ lại càng đặc biệt đáng yêu. Giá như tôi không cảm thấy buồn vô cùng khi nhìn họ cười, thì có khi chính tôi cùng cười với họ cũng nên, cười không phải tự giễu mình, mà cười vì tôi yêu mến họ. Nhưng tôi buồn vì họ không biết được chân lý, còn tôi thì biết chân lý. Ôi, chỉ có một mình biết được chân lý mới đau khổ làm sao! Nhưng họ không hiểu được như vậy. Không, họ không thể hiểu được. Trước đây tôi rất buồn vì những gì có vẻ buồn cười. Không phải là có vẻ, mà là những gì thực sự tức cười. Tôi luôn luôn là con người nực cười, và có lẽ, tôi biết rõ điều này ngay từ khi mới lọt lòng. Cũng có thể ngay từ năm bảy tuổi tôi đã biết mình là con người nực cười. Sau đó tôi vào học trường tiểu học, rồi học đại học tổng hợp, và lạ thay - càng học nhiều bao nhiêu, tôi càng nhận rõ thêm bấy nhiêu rằng tôi là con người nực cười. Đến nỗi có cảm tưởng rằng bao nhiêu kiến thức tôi học được ở trường đại học chung quy cũng chỉ cốt để chứng minh và giải thích cho tôi hiểu rằng tôi càng học sâu hiểu rộng bao nhiêu thì lại càng trở nên nực cười bấy nhiêu. Điều xảy ra với tôi trong khoa học cũng xảy ra như vậy với tôi trong cuộc sống. Cái ý thức hệt như vậy về vẻ tức cười của mình trong mọi lĩnh vực cứ mỗi năm một tăng lên và ăn sâu trong tâm trí tôi. Bất kỳ lúc nào và ở đâu mọi người cũng cười nhạo tôi. Nhưng không một ai trong số họ biết và đoán được rằng nếu trên đời này có người nào biết rõ hơn tất cả mọi người rằng tôi là con người nực cười, thì người đó chính là tôi, và chính vì không ai đoán ra được điều ấy nên đối với tôi điều ấy lại là đáng giận hơn cả, nhưng trong chuyện này chính tôi là người có lỗi: từ trước đến nay lúc nào tôi cũng kiêu ngạo đến nỗi không đời nào và không bao giờ tôi muốn thú nhận với ai chuyện đó. Cái tính kiêu ngạo ấy trong con người tôi mỗi năm một tăng dần, và nếu như có xảy ra chuyện gì khiến tôi phải tự thú nhận trước ai đó rằng tôi là một kẻ nực cười, thì tôi có cảm tưởng rằng ngay lập tức, vào đúng tối hôm đó, tôi sẽ lấy súng lục tự đập vỡ đầu mình ra. Ôi, thời niên thiếu tôi đã từng đau khổ như thế nào về chuyện tôi không kìm nén được và bỗng nhiên đi thú nhận với các bạn bè của mình. Nhưng từ khi tôi đã là một thanh niên, và mặc dù mỗi năm tôi lại càng ý thức được rõ hơn cái tính cách đáng sợ của mình, thì không hiếu tại sao tôi lại trở nên bình tĩnh hơn đôi chút. Đúng là không hiểu sao, vì cho đến bây giờ tôi vẫn không thể xác định được nguyên nhân. Có thể vì rằng trong thâm tâm tôi trỗi dậy một nỗi chán chường đáng sợ về một trạng thái đã trở nên cao hơn tất cả: đó là sự thức tỉnh bất ngờ xảy đến với tôi, rằng trên đời này bất kỳ ở đâu cũng thế cả thôi. Tôi đã linh cảm được điều này từ rất lâu rồi, nhưng một sự thức ngộ hoàn toàn đã bất ngờ xảy đến với tôi vào năm cuối cùng. Bỗng nhiên tôi cảm thấy, giả sử cái thế giới này có tồn tại hay không tồn tại, hoặc chẳng có cái gì tồn tại ở đâu cả, thì đối với tôi cũng thế cả thôi. Tôi bắt đầu lắng nghe và cảm thấy được bằng tất cả thực thể của mình, rằng ở con người tôi từ trước đến nay chẳng có cái gì cả. Lúc đầu tôi vẫn còn nghĩ rằng, dù sao thì trước kia cũng đã có nhiều cái, nhưng sau đó tôi nhận ra, ngay cả trước kia tôi cũng chẳng có cái gì cả, mà tất cả không hiểu sao chỉ là mình cảm thấy có mà thôi. Rồi càng ngày tôi càng tin chắc rằng tôi sẽ không bao giờ có cái gì cả. Từ đó tôi bỗng thôi không giận mọi người nữa, và gần như bắt đầu không để ý đến họ. Quả vậy, điều này được bộc lộ ngay cả trong những chuyện vặt vãnh nhất: chẳng hạn có lần tôi đang đi ngoài phố và đụng phải những người đi đường. Và lý do không phải vì tôi mải suy nghĩ: tôi còn suy nghĩ gì nữa, lúc đó tôi đã hoàn toàn từ bỏ mọi suy nghĩ, đối với tôi nghĩ gì cũng thế cả thôi. Giá mà tôi giải đáp được những câu hỏi. Ồ không, tôi không giải đáp được một câu hỏi nào, mà không biết có bao nhiêu câu hỏi? Nhưng đối với tôi mọi thứ đều trở nên cũng thế cả thôi, và bao nhiêu câu hỏi đều tan biến hết. Thế rồi sau đó tôi đã nhận ra chân lý. Tôi nhận ra chân lý vào tháng Mười một năm ngoái, chính xác là vào ngày mồng ba tháng mười một, và từ ngày đó tôi nhớ rõ từng khoảnh khắc của tôi. Đó là vào một buổi tối u ám, u ám như không có thể u ám hơn được nữa. Vào lúc mười một giờ tôi tôi đang trên đường về nhà, và tôi nhớ chính xác, khi đó tôi đã nghĩ rằng không có buổi tối nào có thể u ám hơn thế nữa. Thậm chí cả về mặt thể xác. Trời mưa tầm tã suốt cả ngày, và đó là trận mưa lạnh lẽo và ảm đạm nhất, thậm chí có cái gì giống như một trận mưa giông, tôi nhớ rõ điều đó, trận mưa có vẻ thù địch rõ ràng với con người, nhưng bất thình lình, vào đúng mười một giờ, thì mưa tạnh, và bắt đầu có một bầu không khí ẩm ướt đáng sợ, còn ẩm ướt và lạnh giá hơn cả lúc trời đang mưa và cả cái bầu không khí ấy toát lên một làn hơi gì đó. nó bốc lên từ mỗi viên đá lát đường, và từ mỗi con hẻm nhỏ, nếu ta đi thật sâu vào nơi tận cùng của nó. Bỗng tôi có cảm giác giá như bao nhiêu những ngọn đèn khí tắt hết đi thì có khi còn thấy vui hơn, có đèn khí ta thấy buồn thêm vì nó soi rõ tất cả những cảnh tượng ấy. Ngày hôm đó tôi hầu như không ăn trưa và từ chiều ngồi chơi ở nhà một người kỹ sư. Ở đó còn có hai người bạn của anh ta. Tôi cứ ngồi im lặng và hình như làm cho họ chán. Họ nói chuyện gì như thách đố nhau, rồi bỗng nhiên còn to tiếng với nhau. Nhưng đối với họ điều đó không quan trọng, tôi thấy rõ như thế, và họ chỉ to tiếng với nhau thế thôi. Bỗng nhiên tôi nói thẳng với họ điều này: “Các vị ơi, tôi nói, chuyện ấy đối với các vị có gì quan trọng đâu.” Họ không giận mà còn phá lên cười tôi. Bởi vì tôi nói ra câu đó không hề có ý trách móc gì, mà chẳng qua vì tôi cũng chẳng quan tâm, nên họ cảm thấy vui. Lúc ở ngoài đường, khi nghĩ đến những chiếc đèn khí, tôi bỗng ngước nhìn lên trời. Bầu trời tối một cách khủng khiếp, nhưng vẫn có thể phân biệt rõ những đám mây rách nát, và ở giữa là những chấm đen sầu thảm. Bất ngờ tôi nhận ra một ngôi sao nhỏ giữa một trong những chấm den ấy và bắt đầu chăm chú quan sát. Đó là vì ngôi sao này cho tôi một ý nghĩ: tôi quyết định đêm nay sẽ tự tử. Điều này đã được tôi quyết định chắc chắn cách đây hai tháng, và mặc dù rất nghèo nhưng tôi đã mua một khẩu súng lục thật tốt và đã lắp sẵn đạn ngay từ hôm đó. Nhưng hai tháng đã trôi qua và khẩu súng vẫn nằm trong ngăn kéo: đối với tôi mọi thứ trở nên dửng dưng đến nỗi cuối cùng tôi chỉ muốn chộp được một giây phút nào đó mà tôi không cảm thấy dửng dưng như vậy, để làm gì thì tôi cũng chẳng biết. Và vì thế, trong hai tháng vừa qua cứ hàng đêm khi trở về nhà tôi lại nghĩ rằng mình sẽ phải tự sát. Tôi chờ đợi mãi giây phút này. Và bây giờ ngôi sao nhỏ kia bất chợt gợi ý cho tôi. Và tôi quả quyết rằng việc đó chắc chắn sẽ được thực hiện vào đúng đêm nay. Nhưng lý do gì ngôi sao nhỏ lại gợi ý cho tôi thì tôi không biết. Thế nhưng, khi tôi nhìn lên bầu trời, bỗng nhiên có một em bé bám lấy tay tôi. Đường phố thật vắng vẻ, hầu như không có một người nào. Phía xa chỉ có một anh xà ích ngủ vùi trong xe. Em bé chừng tám tuổi, đầu quàng khăn, mình mặc áo dài, toàn thân ướt sũng. Tôi đặc biệt chú ý đến đôi giày rách nát đầy nước của em bé và bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Đôi giày cứ hiện ra mồn một trước mắt. Em cứ giật giật khuỷu tay tôi và cất tiếng gọi. Em không khóc, nhưng dường như cứ nức nở những tiếng gì đó mà em không nói được thành lời, bởi vì toàn thân em đang run lên nhè nhẹ. Không hiểu vì sao em bé khiếp sợ và kêu lên tuyệt vọng: “Mẹ ơi! Mẹ đi!” Tôi đã định quay về phía em, nhưng lại không nói câu gì và lại tiếp tục đi thẳng, thế nhưng em bé cứ đuổi theo tôi và bám lấy tôi, trong giọng nói của em vẫn vang lên cái âm thanh tuyệt vọng của những đứa trẻ hoảng loạn. Tôi biết cái âm thanh ấy. Mặc dầu em bé không nói hết lời, nhưng tôi hiểu rằng mẹ em đang sắp chết ở đâu đó, hoặc đã có chuyện gì xảy ra với hai mẹ con, nên em phải chạy đi gọi một ai đó, tìm một cái gì đó để cứu bà mẹ. Nhưng tôi lại không đi theo em, ngược lại tôi bỗng nảy ra ý nghĩ phải xua đuổi em. Đầu tiên tôi bảo rằng em phải đi tìm ông cảnh sát. Nhưng bỗng lúc đó em khoanh tay lại, vừa nức nở, vừa hổn hển, em cứ chạy ở bên cạnh tôi và không chịu rời tôi nửa bước. Lúc đó tôi liền đạp vào em một cái và quát lên. Em chỉ kêu lên được một tiếng : “Ông ơi, ông ơi!...’”nhưng đột nhiên em rời bỏ tôi và chạy vụt qua đường: ở bên đó đang có một người nào đó đang đi, và rõ rằng là em bỏ tôi đến với người ấy. Tôi leo lên tầng năm nhà tôi. Tôi sống trong căn phòng riêng cách biệt với nhà chủ. Phòng tôi trông nghèo nàn, nhỏ hẹp, có một cửa sổ sát mái hình bán nguyệt. Tôi có một tấm đi văng bằng vải dán, một chiếc bàn toàn sách, hai chiếc ghế tựa và một chiếc ghế bành cũ rích để ngồi nghỉ, nhưng dẫu sao cũng là ghế kiểu Volter. Tôi ngồi xuống, châm nến và bắt đầu suy nghĩ. Phòng bên cạnh, sau bức rèm, vẫn đang có một cuộc cãi vã lộn xộn. Họ cãi nhau suốt từ hôm kia. Bên đó có một ông đại úy về hưu, ông đang có mấy người khách, tất cả chừng sáu người ngồi uống rượu đánh bạc. Đem qua họ đã đánh nhau và tôi biết rằng có hai người túm tóc những người khác lôi đi. Bà chủ đã định cự nự, nhưng bà lại rất sợ ông đại úy. Những khách trọ khác ở các phòng thì vẻn vẹn có một bà người gầy gò thấp bé cùng ba đứa con nhỏ, mà về đến đây thì chúng cứ ốm đau quặt quẹo. Bà ấy và mấy đứa nhỏ cũng đều sợ ông đại úy đến phát sốt phát rét, suốt đêm họ cứ vật vã làm dấu thánh, đứa bé nhất thì sợ quá mà lên cơn co giật. Theo chỗ tôi biết thì ông đại úy này đã có đôi lần cản bước khách qua đường trên đại lộ Nevxki để xin tiền cứu trợ. Không nơi nào nhận ông vào làm, như có một điều kỳ lạ (nhân tiện đây thì tôi mới kể), ông đại úy trong suốt một tháng kể từ khi ông đến đây chưa bao giờ gây sự gì với tôi. Tất nhiên ngay từ đầu tôi đã tránh không làm quen với ông, còn bản thân ông ngay từ đầu cũng đã tỏ ra tẻ nhạt với tôi, vì thế cho dù bên ấy có kêu gào dữ dội đến đâu, có xảy ra chuyện gì đi nữa thì bao giờ tôi cũng mặc xác. Tôi ngồi như thế suốt đêm, và quả thật tôi không nghe thấy tiếng họ nói, tôi đã hoàn toàn quên họ rồi. Đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ cho đến tận bình minh và điều ấy xảy ra đã một năm nay. Tôi ngồi trong ghế bành suốt đêm cạnh bàn, không làm gì cả. Sách thì tôi chỉ đọc ban ngày. Tôi cứ ngồi mà không suy nghĩ gì, mặc cho mọi ý nghĩ tha hồ chập chờn bay lượn. Nến cháy suốt đêm. Tôi ngồi bên bàn lặng lẽ, tôi rút khẩu súng lục đặt lên trước mặt. Tôi còn nhớ rằng khi đặt lên tôi đã tự hỏi mình: “Chẳng lẽ thế sao?”, và tôi đã trả lời hoàn toàn khẳng định: “Đúng thế”. Nghĩa là tôi sẽ tự bắn vào đầu. Tôi biết rằng chắc chắn đêm nay tôi sẽ tự bắn, nhưng tôi còn ngồi như thế này bên bàn đến bao giờ mới bắn thì tôi không biết. Tất nhiên tôi đã tự bắn rồi, nếu như không có cô bé. II Các vị có thấy không: mặc dù tôi rất thản nhiên, nhưng chính ra tôi cũng cảm thấy đau đớn đấy chứ. Có một người nào đó đánh tôi thì tôi cũng phải thấy đau. Về phương diện đạo lý cũng hệt như vậy: có một chuyện gì đó rất đáng thương tâm thì tôi cũng thấy thương xót, cái hồi tôi chưa hề cảm thấy dửng dưng trong cuộc sống tôi cũng vẫn cứ là như thế. Hồi chiều tôi đã cảm thấy thương xót: lẽ ra tôi phải giúp ngay cho cô bé con. Vì sao tôi lại không giúp đỡ em? Hoá ra chỉ là vì một ý nghĩ chợt đến: khi em kéo giật tay tôi và gọi tôi, thì bỗng nhiên trước mắt tôi xuất hiện một vấn đề mà tôi không thể giải quyết được. Vấn đề thật vớ vẩn, nhưng tôi đã nổi cáu. Tôi cáu chỉ vì cái kết luận rằng nếu như tôi đã quyết định đêm nay tôi phải tự vẫn thì rõ rằng là tôi phải dửng dưng hơn bao giờ hết đối với mọi thứ trên đời. Cớ sao bỗng nhiên tôi lại cảm thấy rằng tôi không dửng dưng và tôi lại đi thương xót một cô bé con? Tôi nhớ rằng tôi rất thương em. Tôi thương đến mức đau đớn kỳ lạ và thậm chí hoàn toàn không thể hình dung được trong hoàn cảnh của tôi. Quả thật là tôi không biết cách nói thế nào tốt hơn cái cảm giác thoáng qua lúc ấy của tôi, nhưng cảm giác ấy lại tiếp tục kéo dài khi đã về nhà, khi tôi đã ngồi xuống bên bàn, và tôi thấy rất bực bội, đã lâu lắm tôi không bực bội như vậy. Suy luận này lại nối tiếp những suy luận khác. Tôi thấy rõ ràng rằng nếu như tôi là con người, và tôi chưa phải là con số không, và chừng nào tôi chưa biến thành con số không, thì tôi vẫn còn sống, và như thế, tôi vẫn có thể đau khổ, giận dữ và vẫn cảm thấy xấu hổ vì những hành vi của mình. Cứ cho là như thế đi. Nhưng nếu như tôi tự giết mình, chẳng hạn, sau hai giờ nữa thì cô bé có nghĩa lý gì đâu và có việc gì đâu mà phải xấu hổ, phải lo mọi thứ trên đời? Tôi đang biến thành số không, thành một số không tuyệt đối. Tôi sắp hoàn toàn không tồn tại nữa, và như thế cũng chẳng có gì tồn tại nữa. Chẳng lẽ nhận thức như vậy lại không có chút ảnh hưởng gì đến tình cảm xót thương em bé, đến tình cảm xấu hổ sau cái hành vi để tiện vừa qua? Bởi vì chính tôi đã đạp một cái vào người em bé gái bất hạnh và đã quát lên một cách man rợ rằng “không những ta không cảm thấy thương xót, mà nếu như ta phải làm một điều để tiện vô lương thì bây giờ ta cũng làm được. Bởi vì chỉ hai tiếng đồng hồ nữa thôi mọi thứ sẽ thành tro tàn nguội lạnh”. Các vị có tin là vì thế mà tôi quát lên hay không? Bây giờ hầu như là tôi đã tin như vậy. Tôi hình dung rõ ràng rằng bây giờ cuộc đời và thế giới này đang phụ thuộc vào tôi. Thậm chí có thể nói được rằng thế giới này chỉ để dành riêng cho mình tôi mà thôi: tôi mà tự tử thì thế giới này cũng hết, chí ít thì cũng là hết đối với riêng tôi. Ấy là chưa nói rằng, có thể thực sự là một khi tôi chết đi sẽ chẳng còn một cái gì cho bất kỳ ai, và một khi nhận thức của tôi đã tàn lụi thì toàn bộ thế giới cũng sẽ tàn lụi đi như một bóng ma, như một thứ vật dụng của riêng mình tôi, nó sẽ bị tiêu huỷ đi, bởi vì chỉ riêng mình tôi đã là toàn bộ cả thế giới này và là toàn bộ loài người rồi. Tôi nhớ rằng khi tôi ngồi suy luận như thế, tôi đã gói ghém được tất cả những vấn đề mới lạ đang xuất hiện dồn dập và thậm chí còn đi theo một hướng khác, và tôi cũng đã nghĩ ra những điều hoàn toàn khác lạ. Chẳng hạn, bỗng nhiên tôi có một ý nghĩ kỳ cục rằng nếu như trước đây tôi sống trên mặt trăng hay trên sao Hoả và ở đó tôi đã có một hành vi khốn nạn, vô lương tâm. Một hành vi chỉ có thể tưởng tượng mới thấy được, và tại đó, vì hành vi kia mà tôi bị lăng mạ, bị hạ nhục đến mức người ta chỉ cảm thấy được và hình dung được trong giấc mơ, trong cơn ác mộng, và nếu như sau đó tôi được trở về trái đất, được giữ nguyên nhận thức của mình về những điều tôi đã làm trên hành tinh kia, ngoài ra tôi lại còn được biết rằng tôi sẽ không bao giờ và không có lý do gì được trở lại đó nữa, thì khi đó đứng dưới mặt đất nhìn lên mặt trăng, liệu tôi có còn dửng dưng hay không? Liệu tôi có còn cảm thấy xấu hổ vì hành vi của mình hay không? Những câu hỏi ấy thật là vớ vẩn và thừa thãi, bởi vì khẩu súng lục đã nằm trước mặt tôi đây và tôi thật sự biết rằng chuyện ấy có thể là thật, nhưng những câu hỏi trên đây cứ làm cho tôi nổi nóng và tôi đã hoá ra như thể điên cuồng. Dường như là tôi đã không thể chết được bây giờ, nếu như sơ bộ tôi không giải quyết được một vấn đề gì đó. Tóm lại, cái cô bé kia đã cứu sống tôi, bởi vì rằng tôi đã đẩy lùi đươc phát súng bằng những câu hỏi. Bên phòng ông đại uý đúng lúc đó mọi sự cũng trở nên yên ắng, bọn họ không đánh bạc nữa, đã kiếm chỗ ngủ vùi, thỉnh thoảng mới thấy lầu bầu mấy câu và lười nhác quặc nhau mấy tiếng. Đúng lúc đó thì tôi thiếp đi, mọi khi ngồi bên bàn một mình trong ghế bành tôi chưa bao giờ thiếp đi như vậy. Tôi hoàn toàn không cảm thấy là mình thiếp đi. Như các vị đã biết, giác mơ là một điều hết sức lạ thường: nó là một thứ hiện ra rõ ràng đến mức dễ sợ, đến mức chi tiết, tỉ mỉ của người thợ chế tác kim hoàn, thế mà rồi ta lại nhảy qua một cái khác, tựa như ta hoàn toàn không để ý đến chẳng hạn như thời gian và không gian của sự việc. Có lẽ cái bộ phận điều khiển giấc mơ không phải là lý trí mà là nguyện vọng, không phải cái đầu mà là trái tim, thế nhưng không hiểu sao lý trí của tôi đôi khi lại tạo ra những điều hết sức oái oăm trong mơ! Đồng thời trong mơ, cùng với lý trí, lại xảy ra những điều không thể hiểu được. Chẳng hạn, ông anh tôi đã mất cách đây năm năm. Đôi khi tôi vẫn gặp ông ấy trong mơ: ông ấy vẫn tham gia vào mọi công việc của tôi, chúng tôi rất quan tâm đến nhau, thế nhưng trong suốt thời gian giấc mơ tôi hoàn toàn biết và nhớ rằng anh tôi đã qua đời và đã được chôn cất đàng hoàng. Làm sao tôi lại không ngạc nhiên được, vì mặc dù ông ấy đã ra người thiên cổ, nhưng lại vẫn cứ quanh quẩn bên tôi và cùng tôi lo toan mọi việc? Vì sao trí óc tôi lại hoàn toàn cho phép xảy ra chuyện ấy? Thôi, chuyện ấy thế là đủ rồi. Tôi xin nói về giấc mơ của tôi. Vâng, lúc đó tôi bước vào giấc mơ của tôi. giấc mơ ngày ba tháng Mười một! Bây giờ bọn họ cứ chọc tức tôi, bảo rằng đấy chỉ là giấc mơ mà thôi. Chẳng lẽ lại không dửng dưng mơ hay là không mơ, nếu giấc mơ ấy đem đến cho tôi được một chân lý? Nếu như bạn hiểu được chân lý và nhìn thấy chân lý, thì tức là bạn biết rằng chân lý ấy đúng là chân lý, không thể và không thể có một chân lý khác nữa, dù là bạn đang ngủ hay đang sống. Nhưng thôi, cứ cho là giấc mơ đi, cứ cho là thế, nhưng tôi đang muốn dập tắt cái cuộc đời này, cuộc đời mà các vị đang nâng niu, còn giấc mơ của tôi, giấc mơ của tôi, - ôi, chính nó đã thông báo cho tôi một cuộc sống mới, một cuộc sống vĩ đại, biến đổi và hùng mạnh! Xin các vị hãy nghe. III Tôi đã nói rằng bất giác tôi ngủ thiếp đi và thậm chí tôi vẫn còn tiếp tục suy luận về những chuyện ấy. Bỗng nhiên tôi mơ thấy rằng tôi cầm lấy khẩu súng lục, tôi vẫn ngồi và chĩa khẩu súng thẳng vào tim mình - vào tim chứ không phải vào đầu trước đây tôi đã định là dứt khoát nhằm bắn vào đầu mà còn là vào đúng thái dương bên phải. Khi đã chĩa vào ngực tôi chờ thêm một hai giây nữa, và bỗng nhiên ngọn nến, chiếc bàn, bức tường ở trước mặt tôi tự nhiên chao đảo, lắc lư. Tôi đã nổ súng. Trong mơ đôi khi các vị thấy mình rơi từ trên cao xuống, bị người ta mổ bụng, giết chết, nhưng các vị không bao giờ cảm thấy đau đớn, ngoại trừ trường hợp các vị đập đầu vào giường, lúc đó các vị cảm thấy đau thật, và bao giờ cũng vì đau mà tỉnh dậy. Trong giấc mơ của tôi cũng vậy: tôi không cảm thấy đau, nhưng tôi thấy rằng sau phát súng ấy mọi thứ trong người tôi đảo lộn, mọi thứ bỗng nhiên tắt lặn, xung quanh tôi tối tăm khủng khiếp. Dường như bỗng nhiên tôi bị mù, bị câm. tôi thấy mình nằm ngửa trên một cái gì rất cứng, người thẳng đơ, không nhìn thấy gì, không thể làm một cử động gì được. Xung quanh người ta vẫn đi lại, kêu gào, ông đại úy vẫn gằn giọng, bà chủ nhà vẫn rin rít, - rồi bỗng nhiên có một phút nghỉ ngơi, rồi người ta đem tôi đi đâu trong một chiếc quan tài đậy kín. Tôi cảm thấy chiếc quan tài bồng bềnh và tôi lại suy luận chuyện đó, bỗng nhiên lần đầu tiên tôi thấy kinh hoàng vì một ý tưởng rằng mặc dù tôi đã chết, tôi chết hoàn toàn, tôi biết là tôi chết và tôi không nghi ngờ gì cả, tôi không nhìn thấy gì và không đụng đậy, thế nhưng tôi vẫn cảm nhận được và suy luận được. Nhưng lát sau tôi bằng """