" Truyện Kể Genji - Murasaki Shikibu full prc pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Kể Genji - Murasaki Shikibu full prc pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Lời giới thiệu Của bản dịch tiếng Anh T ruyện Genji gồm năm mươi tư chương và mô tả đời sống cung đình ngắn ngủi của nước Nhật thời Heian, từ thế kỷ thứ mười đến khoảng thế kỷ thứ mười một. Rất rõ ràng là nó đã được bổ sung trong quãng đầu thế kỷ mười một. Trừ phiến đoạn ra những bản văn còn lại nằm trong vòng hai thế kỷ từ sau thời gian sáng tác, và như vậy thì những vấn đề văn bản học bao giờ cũng khiến các nhà học giả thích thú và quan tâm; những truyện Genji chắc chắn là công trình của một người duy nhất – công trình của một cung nhân tên là Murasaki Shikibu với những sự thêm thắt ở hai thế kỷ tiếp theo, tuy chúng không đủ tầm cỡ để làm thay đổi bản gốc. Ít ra cũng có chương “Dòng sông Trúc” được nhiều người coi là của một người khác viết, và hai chương ngắn ngủi trước đó, cũng đáng ngờ. Cũng có thể rằng các chương đã bị thất lạc, nhưng công trình gồm trên năm mươi chương vào thập niên 1020 rõ ràng là rút từ Nhật ký Sarashina, do một cung nhân khác viết vào giữa thế kỷ mười một. Cũng không có thông tin chính xác về Murasaki Shikibu. Chúng ta không được biết tên thật của bà, mặc dù các nhà học giả đã dày công nghiên cứu. Ở nước Nhật thời Heian, điều coi là không đúng đắn khi nêu tên tuổi các phu nhân thuộc gia đình quyền quý, ngoại trừ – mà cũng đáng lạ lùng – các bà vợ của vua và các quận chúa thuộc hoàng gia – biệt hiệu Shikibu, chỉ một chức vụ của cha bà. Murasaki có thể xuất phát từ tên một phu nhân quan trọng trong chính cuốn Genji hoặc nó có ý nghĩa “màu tía” (thuộc dòng vương giả) và Fuji, nửa đầu của tên họ có nghĩa là “đậu tía”. Bà thuộc ngành thứ của dòng họ lớn Fujiwara trị vì đất nước với những ông vua trong suốt phần lớn thời kỳ Heian. Bà và Fujiwara Michinaga – quan “đại chưởng ấn” điều khiển việc nước trong buổi đầu thế kỷ mười một – có cùng một tổ phụ về phía họ nội sáu thế hệ trước đó, nhưng vào lúc bà ra đời thì chi họ của bà tụt xuống hàng thứ trong giới quý tộc triều đình. Cha bà có địa vị khiêm nhường ở thủ đô và hai lần làm tỉnh trưởng. Trong truyện Genji, các tỉnh trưởng thông thường bị coi khinh. Tuy nhiên lớp quý tộc trong đám họ đóng góp nhiều cho nền văn học thời buổi đó hơn là bất cứ tầng lớp nào, và theo quan niệm chung, đó là một thời đại rực rỡ hiếm có, và chính Genji cũng là kiệt tác vô song của nền văn xuôi Nhật Bản. Tại sao nền văn học vào giữa triều đại Heian do phụ nữ chi phối, đó lại là một vấn đề khác làm bận tâm các học giả. Có thể điều này liên quan đến một thực tế rằng Nhật Bản hình như tương đối thoát khỏi các hoạt động chính trị hậu cung thường xảy ra ở các nước phương Đông và vì vậy các phụ nữ tài ba tìm được lối thoát cho năng lực của họ. Cũng có thể là phụ nữ họ ít công thức hơn là nam giới. Bà lấy chồng năm 998 hoặc 999, chồng là một người bà con xa. Từ đó có lý do để tin rằng, so với thời buổi bấy giờ, bà lấy chồng khá muộn, có lẽ là vào tuổi hai mươi. Về tuổi thơ ấu, chúng ta không biết gì nhiều ngoài những điều tự bà nói với chúng ta. Một lời mào đầu nổi tiếng trong cuốn Nhật ký Murasaki Shikibu mô tả các biến cố triều đình từ cuối 1008 đến đầu 1010 cho chúng ta biết là cha bà, thấy con có khả năng trong việc học hành, than phiền bà không sinh ra là con trai. Cha bà trở thành tỉnh trưởng Echizer ở vùng Biển Nhật Bản, phía bắc thủ đô Kyoto, vào năm 990. Chắc chắn bà đi theo cha, và trước khi lấy chồng thì trở về. Bà sinh được một người con gái vào năm 999, và góa bụa năm 1001. Bà vào triều, hầu hạ hoàng hậu Akiko hoặc Shōshi vào khoảng giữa thập niên đầu của thế kỷ XI, Nhật ký Murasaki Shikibu có liên quan chủ yếu đến sự ra đời của hai người con trai của Hoàng hậu bởi vì bà là con gái của Michinaga và qua các cháu thuộc hoàng gia, ông có địa vị vững chắc trong hoàng gia. Cả hai hoàng tử sau đó lần lượt trở thành vua. Trong “Nhật ký” của mình Murasaki nói cho chúng ta biết rằng bà vào triều ngày Hai mươi chín tháng Chạp. Đáng tiếc là bà không cho biết năm. Có thể là các năm âm lịch 1005 và 1006. Hoàng hậu Akiko góa chồng năm 1011. Có bằng chứng Murasaki Shikibu còn ở lại phục vụ hoàng hậu hai năm nữa, nhưng không ai biết ngày bà rời khỏi cung đình và mất ngày nào. Người ta có thể tham quan một địa điểm ở vùng phía bắc Kyoto được coi như mộ của bà; và điều kỳ diệu, là có thể như vậy. Có người thì lập luận rằng việc không có tên bà trong các tư liệu dùng bằng cớ xác đáng, chứng tỏ bà không sống lâu sau khi chồng hoàng hậu Akiko mất – vua Ichijō. Những người khác thì lập luận rằng các chương cuối của Genji chứng tỏ tác giả là một người lịch duyệt và có tuổi. Nếu chúng ta cho rằng Murasaki Shikibu mất năm 1015, thì có điều chắc là bà không sống quá bốn thập niên. Nhật ký Murasaki Shikibu gợi ý mạnh mẽ rằng ít ra một phần của tác phẩm được viết khi bà vào phục vụ Akiko. Có lẽ nó bắt đầu vào những năm đầu bà góa bụa và có lẽ vì các phu nhân quyền quý thời bấy giờ coi trọng văn chương, cho nên nhờ tác phẩm của mình mà bà có dịp để được mời vào triều. Không có bằng cứ dứt khoát chứng tỏ Genji vào lúc đó đã viết xong hay chưa, và ngày nay cũng không có bằng cứ chắc chắn về điều đó. Chương cuối, ở một số khía cạnh, khác với các chương khác, nhất là trong đề mục. “Chiếc Cầu mộng mơ Bồng bềnh” trừu tượng hơn. Sự trệch hướng này có thể có nghĩa rằng Murasaki Shikibu (chúng tôi không biết các chương mang đề mục như ngày nay, vào lúc nào) muốn nó tách riêng ra, để báo đấy là chương kết thúc; ấy thế nhưng chương đó có một vẻ dự báo, như thể báo trước sự mở đầu của toàn bộ một chu kỳ mới. Có thể rằng những sự nhận xét như vậy đều không có giá trị. Tác giả không phải là người theo phái Aristote, hoạch định phần đầu, phần giữa và phần cuối trước khi chấp bút. Cuốn Genji đầy những do dự, những sự rẽ hướng lầm lẫn. Người ta có thể hình dung nếu người đọc “chiếc cầu mộng mơ Bồng bềnh” mà hỏi tác giả chẳng hay đã hết thật hay chưa, chắc bà đã trả lời: “Sáng ngày sau sẽ biết” và nói “sáng ngày sau” cũng là nói biết đâu bà đang đi vào giờ phút chót của cuộc đời. Cốt chuyện của Genji bao trùm gần ba phần tư thế kỷ. Bốn mươi mốt chương đầu liên quan đến cuộc đời và các cuộc tình duyên của một chàng quý tộc có biệt hiệu “Genji Hào Quang”, Genji hoặc Minamoto là tên mà vua cha đặt cho, như là một dân thường. Genji ra đời ở chương đầu và theo truyện kể phương Đông đến chương cuối thì chàng đã năm mươi hai tuổi. Ba chương chuyển tiếp – những chương đáng ngờ nhất – viết sau khi chàng chết. Nhân vật chính của mười chương cuối, Kaoru, theo người ta nghĩ là con của Genji nhưng thực ra là cháu của người bạn thân nhất của chàng, lên năm tuổi khi Genji xuất hiện lần cuối và hai mươi tám tuổi ở chương cuối. Rất lâu các học giả Nhật Bản đã cho rằng lúc đầu, tác giả muốn tác phẩm của bà có tính cách lịch sử, có lẽ ba phần tư thế kỷ trước thời của bà. Nếu như bối cảnh lịch sử được ghi chi tiết và nhất quán thì dĩ nhiên bà đã đưa nó lần lần từ giữa thế kỷ X đến ngày sinh thời của bà; nhưng không phải thế. Tất cả những gì có thể nói ra, ấy là một bầu không khí luyến tiếc mơ hồ lơ lửng trên câu chuyện và bối cảnh chỉ mang tính lịch sử mơ hồ: “Ý nghĩa” duy nhất của Genji, ấy là, những ngày tốt đẹp nằm ở quá khứ. Murasaki Shikibu có một vốn phong phú về văn học lịch sử Trung Hoa, và thơ ca trữ tình Trung Hoa và Nhật Bản. Về truyện hư cấu bằng văn xuôi, bà cũng chỉ biết không nhiều hơn là những trước tác buổi đầu của chính người Nhật Bản vào thế kỷ X; tiểu thuyết văn xuôi không phải là loại hình của người Trung Hoa ca ngợi hoặc thành thạo vào thời đó. Đó là những trước tác buổi đầu có phần lý thú và đẹp đẽ đó; nhưng trong đó ít có cái gì báo sự xuất hiện một truyện tình lãng mạn vượt quá một truyện tình lãng mạn, trình bày những con người như thật trong những hoàn cảnh thực. Vào thế kỷ X khi các tác giả viết tiểu thuyết cố gắng xây dựng nhân vật – và một cách thô sơ – họ viết những truyện hư cấu; và khi họ viết những vấn đề như các chuyện dan díu ngấm ngầm ở chốn cung đình, thì sự xây dựng tính cách quá nhạt nhẽo khó mà gọi là tính cách. Các nhật ký thế kỷ thứ X có thể là một cái gì như một cảm hứng cho Murasaki Shikibu, nhưng muốn cho một điều tưởng tượng biến thành hiện thực hơn một điều thực, thì phải có một bước nhảy lớn lao của trí tưởng tượng, và Murasaki Shikibu đã làm được bước nhảy đó. Mặc dù số lớn các truyện lãng mạn của thế kỷ X đã mất, nhưng đấy là một bằng chứng rằng những tác phẩm quan trọng nhất vẫn tồn tại. Hình ảnh bước nhảy của trí tưởng tượng có thể bị thay đổi vì một loạt những bước nhảy, mỗi bước thêm táo bạo hơn. Truyện Genji rõ ràng bị ngắt làm hai với cái chết của Genji; nhưng trước đó cũng đã có một chỗ ngắt, lúc Genji đi vào giữa và cuối tuổi bốn mươi. Nếu cuốn sách như vậy mà được coi là chia làm ba phần, thì phần thứ nhất vẫn còn liên quan nhiều đến thế kỷ X, trong đó nhân vật là một hoàng tử được lý tưởng hóa, và mặc dù có những sự thất bại, sự nghiệp ban đầu của chàng chủ yếu là một câu chuyện về sự thành công. Từ lâu người ta đã lý luận mà cũng khá có lý, rằng tác giả đã có trong đầu óc một nhân vật lịch sử. Nếu như vậy thì một số điều không thỏa đáng trong việc xây dựng tính cách chàng Genji lúc ban đầu, có thể được giải thích bởi thực tế rằng, qua các độc giả hoặc thính giả ban đầu của bà, bà đã có thể nắm được một tri thức to lớn về mẫu người của bà. Khoảng hai phần ba câu chuyện đang bị chi phối bởi Genji, thì bỗng như có sự sắp xếp và gạt bỏ bớt những đồ đoàn, ai đó đang chuẩn bị sẵn sàng để đi tiếp; và vấn đề của tám chương cuối trước khi Genji biến khỏi sân khấu, có phần khác biệt. Sau khi hư cấu lãng mạn đã đủ, Murasaki Shikibu có vẻ muốn nói – và ai cũng hình dung được rằng bà đang từ bỏ tuổi trẻ lại phía sau; rằng điều buồn bã là điều thực tế. Bóng tối bao trùm lên cuộc sống của Genji. Câu chuyện kém bay bổng nhưng lại thân mật hơn, việc xây dựng nhân vật tinh tế hơn so với các đoạn đầu. Sau đó đột nhiên Genji mất. Chúng ta hầu như không được biết gì về những năm cuối của chàng mà, mặc dù biên niên của cuốn Genji nói chung là chính xác, chúng ta cũng không được hay chàng sống bao lâu. Một lần nữa, và lần này thì rất dũng cảm – Murasaki Shikibu lại đi tiếp, sau ba chương chuyển tiếp, đến cái mà thông thường được gọi là các chương Uji. Tính chất bi quan phát triển, động tác chính chuyển từ thủ đô tới làng Uji, cả tính cách lẫn động tác loãng đi và yếu hơn và Murasaki Shikibu đã có một cố gắng thành công, tạo nên một nhân vật phản diện đầu tiên trong nền văn học thế giới. Không có nhà phê bình cũng như học giả nào lại cho rằng không có gì được tiến hành để thay đổi bản thảo của Murasaki Shikibu trong hai thế kỷ và càng hơn thế trong thời gian giữa sáng tác và lúc văn bản sớm nhất xuất hiện; nhiều người còn cho rằng các chương Uji do một người nào đó viết. Truyền thống đó đã gán quyền tác giả những chương đó cho con gái bà, Daini no Sammi. Lập luận của giới học giả chống lại sự gán ghép đó kém có sức thuyết phục hơn là lối lập luận theo trực giác: khó mà tưởng tượng nổi một tài năng duy nhất lại có thể xây dựng được nhiều đến thế trên một nền tảng quá mỏng đến thế; nhưng cũng hầu như không tài nào hình dung nổi một tài năng thứ hai không được chuẩn bị đầy đủ mà lại kế tục một cách xuất sắc đến thế những gì mà người trước đã triển khai. Sự thực lịch sử ấy là, dù ai viết đi chăng nữa thì Genji cũng không có người kế tục, và như vậy thì lý thuyết về thiên tài quần chúng khó có chỗ dựa. Những truyện tình lãng mạn về sau, so với tác phẩm, thì cũng khá nghèo nàn. Nói tóm lại: những thay đổi và thêm thắt chi tiết sau này mới xảy ra, nhưng câu chuyện chủ yếu thuộc về một tác giả duy nhất lao động trên một thời gian lâu dài, chính bà đã sống khá lâu để có một sự hiểu biết trực tiếp những bóng mây che phủ tác phẩm của bà, những bóng đen đã đến cùng tuổi tác và kinh nghiệm, và bà đã lao động cho đến cùng. Nếu cuộc sống của riêng bà tiếp tục vào những năm mà nỗi buồn đến với cuộc đời của Genji, thì chắc là bà mất vào thập niên thứ ba của thế kỷ XI. Cuốn sách của bà có vẻ chưa hoàn thành, nhưng đối với chính bà ta cái tiếng “chưa hoàn thành” chắc không có ý nghĩa bao nhiêu. Bản dịch này dựa chủ yếu vào văn bản trong loạt truyện Nikon Koten Bungaku Taikei, gồm các tác phẩm cổ điển Nhật bản do Iwanami Shoten xuất bản. Người biên tập, Giáo sư Yamajishi Tohukei đã sử dụng một bản thảo chép tay của thời kỳ Muromachi trong Aobyōshi hay “sách xanh”, xuất phát từ công trình của Fujiwara Teika – nhà thơ và học giả lớn của thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII. Hai bản văn khác được tham khảo đều đặn; Chàng Genji Monogatari Hyoshaku của giáo sư Tamagami Takuya, và bản văn Shogakkan, mà chỉ có hai phần ba đã ra mắt khi bản dịch hoàn thành. Cả hai bản đều dựa trên bản thảo chép tay Aobyōshi. Ba bản dịch hiện đại của nữ thi sĩ Yosano Akiko và nhà viết truyện ngắn Tanizaki và Enji Fumiko, được tham khảo vào lúc này lúc khác. Từ ngữ “dịch” có vẻ thích đáng, mặc dù thực tế rằng người Nhật Bản sử dụng nó khi chuyển một tác phẩm cổ điển Nhật sang tiếng Nhật hiện đại, hoặc chuyển cũng tác phẩm cổ điển đó sang tiếng nước ngoài. Về một số mặt nào đó, ngôn ngữ miền tây Nhật Bản mà tác phẩm này được viết ra mang tính hết sức bảo thủ. Một nhân vật thỉnh thoảng đưa ra một nhận xét mà ta có thể nghe trên đường phố Kyoto hoặc Ōsaka ngày nay. Tuy vậy thành phần kết hợp của ngôn ngữ, những động từ và định từ, được đơn giản hóa đáng kể đến nỗi mà các tín hiệu cơ bản giữa chủ thể (agent) và khách thể đã từng được truyền đạt một cách tế nhị, bây giờ rất thường khi được truyền đạt bằng những ý nghĩa khác cốt sao để nhấn mạnh chủ thể một cách rõ ràng. Trong thực tiễn điều này có nghĩa rằng đối với người phương Tây và người Nhật hiện nay cũng như người Nhật thời Heian, nó thật khó sử dụng và thường khi rất tối nghĩa. Một bản dịch, Murasaki Shikibu sang tiếng Nhật hiện đại hoặc tiếng nước ngoài chắc chắn là có vẻ rành mạch một cách không cần thiết và làm mất đi tính chất tao nhã. Khi tham khảo với ông Harold Strauss, chúng tôi thấy sự chú thích phải hết sức hạn chế. Trong những vấn đề khó khăn nhất, xẩy ra trong việc dịch một truyện phương Tây, có vấn đề tên gọi nhân vật. Trong bản gốc, chỉ có những kẻ bộ hạ, như gã Koremitsu của Genji, là có tên thật. Những nhân vật chủ yếu được gọi bằng những biệt danh biệt hiệu liên quan đến địa vị của họ trong cuộc sống hoặc một biến cố hoặc một đoạn ngắn ngủi trong câu chuyện. Thỉnh thoảng mối quan hệ giữa nhân vật và biệt danh thật mỏng manh. Như vậy nàng Aoi, một trong những “tên” của người vợ đầu Genji, thật sự có nghĩa là “phu nhân của chương Heartvine” vì chính nàng mất trong chương đó và chương này cũng bắt nguồn từ một bài thơ mà không phải của nàng. Một số những biệt danh đã trở thành tiêu chuẩn trên hàng thế kỷ, cho nên người Nhật Bản ngày nay muốn nói đến người vợ cả của Genji, họ gọi nàng là Aoi. Nếu tìm hiểu nhân vật bằng cách tham chiếu các biệt hiệu biệt danh, thì sẽ bị lẫn lộn nhiều. Giải pháp cụ thể là chấp nhận các tên gọi truyền thống và chẳng hạn gọi vợ Genji là Aoi, và tôi đã làm như vậy trong bản dịch này. Tuy nhiên điều đó dẫn tới những sự căng thẳng, đặc biệt khi sự mệnh danh truyền thống nói trước một sự cố có sau trong quá trình câu chuyện. Chẳng hạn Kashiwagi, con trai của Tō no Chūjō, mà tên có nghĩa là “cây sồi” liên quan đến bài thơ trong chương mà cậu ta chết. Các phố chính đông – tây của thủ đô Heian được tính số từ bắc tới nam bắt đầu, với Ichijō, hoặc “Đại lộ thứ nhất” ở ranh giới phía bắc của đô thành và kết thúc với Khujo, Đại lộ thứ chín ở phía nam. Các phố thường được nêu trong Truyện Genji là Nijō, Sanjō, Gojō và Rokujō, hoặc Đại lộ thứ hai, thứ ba, thứ năm và thứ sáu. Trong hai mươi chương đầu Genji ở tại Nijō chạy dọc theo bức thành phía nam của lâu đài. Đến chương 21, chàng dời sang phía nam, ở dinh Rokujō. Chỉ một số ít những lối chơi chữ đầy rẫy trong các bài thơ là được giải thích, và đó là điều cần thiết vì nếu không, câu thơ sẽ vô nghĩa; nhưng con số những lối chơi chữ thậm chí còn lớn hơn số các bài thơ (gần tám trăm). Lối chơi chữ chắc là một biện pháp tu từ thông dụng nhất trong thi ca ở thời tiền và trung Heian. Tuy vậy, nếu nó phổ biến thì nó cũng không hề quá đáng và thừa thãi. Trước thời Murasaki đã có một vốn từ vựng những lối chơi chữ quy ước. Một số lối chơi chữ phổ biến đến nỗi sự du nhập một hình ảnh vào thơ sẽ ngay lập tức đưa vào một lối thứ hai. Chẳng hạn, cây thông, thường thì gợi ý một tình yêu không được đền đáp chờ đợi mong mỏi, vì matsu, “pine” cũng có nghĩa “chờ đợi”. Mưa hay tuyết rơi cũng là các năm trôi qua; mùa thu cũng là sự trễ nải, lơ là; người đánh cá cũng là một ni cô; con sông, rào chắn, cổng Ōsaka gợi ý sự gặp gỡ, cũng như tỉnh hay hồ Ōmi cũng vậy; hoa iris cũng là sự nhận thức sáng suốt hoặc một kiểu mẫu; con chuột cũng là gốc rễ và tiếng khóc; một cuộc kinh lý của nhà vua là một ngày tuyết dày; nhặt nhạnh cũng là tích lũy chất đống; cắt rời có nghĩa là chia tay; con ngỗng trời gợi ý sự tan biến. Một trong những lối chơi chữ phổ biến nhất ở mười chương sau nhằm vào tên làng – Uji, gợi ý sự ảm đạm v.v.. Nếu mục đích của một bản dịch là bắt chước bản gốc của tất cả mọi vấn đề quan trọng, bao gồm cả vấn đề nhịp điệu, thì thiết nghĩ bản dịch này [bản dịch tiếng Anh – ND] tự nó đã cung cấp một tập hợp những mục đích đầy đủ hơn một vài bản dịch khác [như của Waley – ND]. Nhưng có thành công hay không thì lại là chuyện khác. [Cuối cùng] Cô Odagiri Hiroki đã đọc phần lớn bản dịch qua phác thảo đầu tiên đã so sánh nó với bản gốc và chỉ ra những thiếu sót và sai lầm. Giáo sư Ikeda Tadashi cũng làm như vậy với những chương không được cô Odagiri xem xét kỹ. Các ông Charles Hamilton và Eric Johnson đọc và nhận xét toàn bộ bản dịch, và Cô Choo-won-Suh đánh máy bản thảo cuối cùng và dĩ nhiên đọc toàn bộ, đã giúp nhiều cho bản biên tập. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các vị đó. Edward G. Seidensticker 1/1976 Những nhân vật chính – Hoàng hậu Akashi, cũng gọi là cô gái Akashi, quận chúa Akashi. Con gái của Genji với nàng Akashi. Vợ vua đương quyền vào cuối truyện. – Phu nhân Akashi. Mẹ hoàng hậu Akashi. Ở dinh đông bắc tại Rokujō. – Akikonomu, con gái của hoàng tử kế vị quá cố với nàng Rokujō, vợ của vua Reidei, chị em họ với Genji và Asagao. – Aoi, vợ đầu của Genji. Sau Tō no Chūjō, mẹ của Yugini. – Asagao, chị em họ với Genji, con gái người anh em của cha Genji. – Bonnokimi, hầu hạ Kashiwagi và về sau, hầu hạ các quận chúa Uji. – Hoàng tử thứ tám, anh Genji và cha của các quận chúa Uji, Ōigimi, Nakanokimi, và cha Ukijune. – Nhà vua (1) Cha Genji (2) Vua Suzaku, anh Genji nối ngôi cha (đầu chương 9) và thoái vị (chương 14) (3). Vua Reidei về danh nghĩa là em Genji nhưng thực ra là con của chàng với mẹ kế, Fujitsubo, nối ngôi (chương 14) và thoái vị (chương 35), (4) Một người con của vua Suzaku nối ngôi (chương 35) và vẫn trị vì cho đến hết câu chuyện. – Phu nhân Hoa phấn, một phụ nữ dòng dõi thấp kém. Lúc đầu là người tình của Tō no Chūjō, sinh ra Tamakazura. – Fujitsubo, con gái của hoàng đế cũ, vợ của cha Genji và mẹ của vua Reidei. – Genji, con vua. – Higekuro, con một quan hữu thừa tướng, chồng của người chị Murasaki và Tamakazura, và cậu của vua đương quyền ở cuối truyện. – Hotaru, anh em với Genji, chồng Makibashira. – Hyōbu, hoàng thân, anh em với Fujitsubo và cha của Murasaki. – Kaoru, được coi là con của Genji, nhưng thực ra là con của Kashiwagi. – Kashiwagi, con của Tō no Chūjō và là cha Kaoru. Lấy công chúa Hai, con gái vua Suzaku. – Kōbai, em của Kashiwagi. – Kojijū, nữ tì hầu hạ Công chúa Ba. – Kokiden, con quan hữu thừa tướng. Vợ của cha Genji, chị của Oborozukiyo, mẹ của vua Suzaku. – Koremitsu, bộ hạ thân tín của Genji. – Kumoinokari, con gái Tō no Chūjō, vợ của Yūgiri. – Nàng Lốt Ve, vợ một tỉnh trưởng Iyo. Là người thiếp của Genji, ở tại dinh Nijō. – Makibashira, con gái Higekuro. Vợ của Hotaru và Kōbai. – Quan tả thừa tướng, chồng quận chúa Ōmiya, cha của Aoi và Tō no Chūjō. – Quan hữu thừa tướng. Cha của Kokiden và Oborozukiyo, ông ngoại vua Suzaku. – Murasaki, con gái Hoàng thân Hyōbu, cháu Fujitsubo, cháu gái một vua trước. – Nakanokimi, con gái thứ hai của Hoàng tử Tám. – Hoàng tử Niou, con vua đương quyền với hoàng hậu Akashi. – Oborozukiyo, em gái Kokiden. – Ōigimi, con gái của hoàng tử Tám. – Ōmi, con gái bị thất lạc của Tō no Chūjō. – Ōmiya, quận chúa. Bà cô và mẹ vợ Genji. – Ono, ni cô, người bảo trợ Ukifune. – Phu nhân Hoa Cam, chị người thiếp của cha Genji, được ở dinh Rokujō, khu Đông bắc. – Vua Reidei, được coi là em Genji nhưng thực ra là con Genji với Fujitsubo. Trị vì từ chương 14 đến chương 35. – Phu nhân Rokujō, vợ góa một hoàng tử kế vị quá cố, cậu của Genji, mẹ của Akikonomu. – Rokumokimi, con gái Yūgiri, vợ Nion. – Phu nhân Hoa Rum, bị thất thế, nhưng dòng dõi hoàng gia, ở dinh Nijō. – Công chúa Hai (1) , con gái vua Suzaku và vợ của Kashiwagi, (2) con gái của vua đương quyền ở cuối truyện và vợ của Kaoru. – Vua Suzaku, anh Genji. – Tamakazura, con gái Tō no Chūjō với nàng Hoa Phấn. – Công chúa Ba, con gái vua Suzaku, vợ Genji và là mẹ Kaoru. – Tō no Chūjō, em quan tả thừa tướng và Ōmiya. Cha của Kashiwagi, Kōbai, Kumoinokari, Tamakazura và nàng Ōmi. – Ukifune, con gái vợ thừa nhận của hoàng tử Tám. – Ukon, hầu hạ Ukifune. – Yokawa, hòa thượng, em của ni cô Ono. – Yūgiri, con trai của Genji và Aoi. Chương 1 (Kiritsubo) Triều đình Paulownia T huở xưa, dưới triều một ông vua nọ, có một nàng thứ phi, tuy dòng dõi không đệ nhất thế gia, nhưng được nhà vua hết mực yêu thương. Thấy như vậy các bà khác từ hoàng hậu cho tới cung nhân đều ghen ghét với nàng. Những bà quyền quý nhất vốn ấp ủ những tham vọng lớn, nghĩ rằng nàng là một kẻ hãnh tiến tự phụ còn các bà mà dòng dõi thấp kém hơn nàng thì lại tức tối khó chịu hơn. Bất cứ nàng làm điều gì cũng đều bị coi là xúc phạm đến ai đó. Những lời ong tiếng ve đến tai nàng, nàng cảm thấy buồn lo khổ sở, và sức khỏe ngày càng sa sút, cho nên nàng thường về sống ở nhà bố mẹ nhiều hơn ở triều đình. Nhà vua thương cảm và quyến luyến nàng không biết đến đâu là cùng. Ông gác bỏ ngoài tai những lời dị nghị của các phu nhân cũng như của các triều thần và xử sự như cố tình gây nên những chuyện đàm tiếu. Triều đình tỏ ra lo ngại trước điều mà họ coi là một sự cuồng si khinh suất. Ở Trung Hoa, có thời sự mê đắm mù quáng như vậy đã đẩy một ông vua đến chỗ suy vi và gây rối loạn khắp đất nước. Sự oán ghét nàng thứ phi ngày càng tăng thì để bêu xấu nàng, người ta càng hay nhắc đến tấm gương nàng Dương Quý Phi1. 1. Truyện Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng. Mặc dù lo lắng và buồn phiền, nàng vẫn sống qua ngày đoạn tháng nhờ vào một tình thương yêu mênh mông chưa từng thấy. Cha nàng, một cố vấn cao cấp đã mất. Mẹ nàng, một người phụ nữ nệ cổ và thuộc gia đình dòng dõi, đã nhất quyết rằng con bà không có gì khác so với các phu nhân đã dựa vào thế cha để tiến thân tại triều. Bà chăm lo dạy dỗ con các phép tắc xã giao, các đường ăn ở xét nét đến những chi tiết nhỏ nhặt. Tuy nhiên những gì bà có thể làm cũng phải có giới hạn. Điều đáng buồn là con gái bà không có chỗ nương tựa mạnh thế; mà đã thế thì mỗi lần xẩy ra một sự không may con bà gần như không có ai che chở. Có thể do phúc phận kiếp trước để lại, một ngày kia, nàng sinh hạ với nhà vua một hoàng tử xinh đẹp, một viên ngọc vô giá. Nhà vua nóng lòng muốn được xem mặt đứa con đang ở bên bà ngoại, sau đó cậu được đưa vào hoàng cung thì mọi người thấy choáng ngợp: quả là một cậu bé đẹp phi thường. Người con cả của đức vua là cháu ngoại quan hữu thừa tướng. Thiên hạ nghĩ rằng, dựa vào thế lực của người ông, một ngày nào đó, chàng sẽ được phong làm Thái tử kế vị; nhưng chú bé con khôi ngô tuấn tú gấp bội. Trong những dịp ra mắt công chúng, nhà vua vẫn tỏ ra ưu ái ngưỡng mộ đứa con cả. Đứa con mới, nói như ai nói, là một kho báu dành riêng cho vua cha tha hồ nâng niu trìu mến. Người mẹ không phải thuộc dòng dõi thấp kém để đến nỗi phải hầu hạ nhà vua như một thị nữ, ngược lại nàng thuộc gia đình tầng lớp trên. Tuy vậy nhà vua vẫn khăng khăng muốn có nàng luôn luôn bên cạnh ông; đêm đêm mỗi khi có cuộc biểu diễn nhạc hay những trò giải trí khác, ông vẫn đòi nàng phải có mặt. Nhiều lúc hai người ngủ dậy muộn, nhưng ngay cả khi đã thức dậy, ông cũng không muốn để nàng đi khỏi. Do những đòi hỏi trái lẽ thường đó của ông mà nhiều người cho rằng nàng đã mắc phải những thói quen vô độ không còn biết giữ cái thân phận của mình. Đứa con ra đời thì càng rõ hơn, nàng là ái phi của nhà vua. Mẹ người con cả bắt đầu cảm thấy áy náy lo lắng. Nếu bà không biết đường lèo lái thận trọng, bà có thể phải trông thấy đứa trẻ mới ra đời được chỉ định làm thái tử kế nghiệp. Bà đã vào triều đình trước các phụ nữ khác, có lần bà đã được sủng ái hơn các bà khác, và bà đã sinh hạ với ông được nhiều người con. Tuy rằng lời phàn nàn của bà có thể khiến ông phiền muộn và bực mình, nhưng bà là một phụ nữ mà ông ta không thể không biết đến. Mặc dầu người mẹ của cậu bé chiếm được tình yêu của nhà vua, nhưng bọn người gièm pha lại quá đông và thính tai tinh mắt, để ý đến những cái bất cẩn nhỏ nhặt nhất của nàng. Nàng luôn luôn bị giầy vò, cảm thấy không biết đằng nào để xoay xở. Nàng sống tại hoàng cung Paulownia. Muốn tới được phòng này, nhà vua phải đi qua các phòng của nhiều bà khác; nhưng cũng phải thừa nhận rằng, nếu họ có oán hận khi thấy ông cứ vào vào ra ra, thì kể cũng không phải không có lý. Còn nàng thì lui tới các phòng của nhà vua cũng thường xuyên không kém. Áo dài của các thị nữ của nàng nhiều khi nom thật chướng mắt, vì cứ dính đầy những bã mía rải rác dọc cầu thang và hàng lang. Có một lần một số bà bầy mưu bất thình lình đóng ập cửa của hai cửa tới lui. Những sự lăng nhục thóa mạ kiểu đó ngày càng chồng chất khiến nàng thêm thống khổ và vượt quá sức chịu đựng của nhà vua. Ông đuổi một bà ra khỏi các phòng sát cạnh phòng ông, trao nó cho phu nhân hoàng cung Paulownia và dĩ nhiên, điều đó lại dấy lên sự thù oán mới. Khi hoàng tử trẻ lên ba tuổi cũng là lúc kho tàng bị cạn kiệt nên không thể tổ chức lễ ban quần dài cho cậu ta một cách long trọng như đối với người con cả. Và một lần nữa, lại có thêm những chuyện ma mãnh; nhưng chính hoàng tử càng lớn lên càng tỏ ra hơn hẳn về vẻ mặt khôi ngô, phong thái đường bệ đến nỗi ít có kẻ có thể ghen ghét cậu: không kể đến một số người còn trầm trồ ca ngợi tại sao trên đời này lại có một của báu tuyệt vời như vậy. Đến mùa hạ, bà mẹ cậu cảm thấy khó ở bèn xin phép được về nhà. Đức vua không chịu nghe. Vì giờ đây người ta đã quen thấy nàng như vậy nên nhà vua van nài nàng hãy ở lại để xem bệnh tình sẽ ra làm sao. Nhưng rõ ràng là mỗi ngày bệnh nàng càng nặng thêm và đột nhiên, ai cũng có thể thấy tính mạng nàng đang bị nguy. Mẹ nàng tới xin cho con về nhà, và mãi rồi nhà vua cũng phải đồng ý. Sợ rằng ngay cả bây giờ nàng cũng có thể là nạn nhân của sự lăng mạ không đâu, nàng chọn cách sẽ rời hoàng cung mà không có nghi thức linh đình, để cậu con ở lại. Mọi chuyện đều phải kết thúc, và nhà vua không thể giữ nàng được nữa. Ông đau đớn vô hạn vì thậm chí sẽ không được phép đưa tiễn nàng. Là một phu nhân kiều diễm xinh đẹp, bây giờ nàng võ vàng tàn úa vì nỗi buồn đau. Nàng chìm sâu vào những ý nghĩ sầu não, nhưng khi nàng cố gắng để thốt nên lời thì hầu như không ai nghe được tiếng nàng. Nhà vua lòng rối bời, tâm trí ngổn ngang những chuyện đã qua và những điều sắp tới. Ông khóc than, ông thề non hẹn biển. Nàng không thể đáp lại, có vẻ như không để ý nghe vì sức lực đã cùng kiệt tưởng chừng không biết những gì đang xẩy ra. Muốn giúp đỡ nàng cách nào đó, nhà vua ra lệnh dành cho nàng một số kiệu. Ông trở lại phòng nàng và vẫn không thể chịu đựng được giây phút vĩnh biệt, ông nói: “Chúng ta nguyền sẽ cùng nhau đi con đường mà mọi chúng sinh phải đi. Nàng không nên bỏ ta lại sau.” Nàng buồn bã ngước mắt nhìn ông. “Giá trước đây em ngờ đến nông nỗi ra thế này thì…” Nàng thở dốc: Rời bỏ người, đi con đường mọi chúng sinh phải đi, Nếu có thể, em đã đi con đường mà Người đã nói. Rõ ràng nàng muốn nói nhiều hơn, nhưng nàng đã mệt lả cho nên cố gắng lắm nàng mới thốt ra được chừng ấy. Một lần nữa nhà vua tự hỏi không biết có thể giữ nàng ở lại với mình cho tới giờ phút cuối cùng hay không. Nhưng một lá thư mẹ nàng gửi đến, đòi nàng phải về gấp. “Nhà ta đã được các bậc cao tăng đồng ý trông nom các lễ nghi cần thiết, mẹ sợ rằng tối nay thì họ bắt đầu làm lễ.” Bởi thế mà lòng buồn đau, nhà vua đành phải dứt áo chia tay. Ông sai một người đi lấy tin tức và ngay từ lúc y mới lên đường ông đã nóng lòng lo lắng chờ đợi. Người đưa thư tới nơi thì đã nghe thấy tiếng than khóc ầm vang cửa nhà. Nàng đã mất lúc quá nửa đêm một ít. Y buồn bã trở về hoàng cung. Nhà vua tự giam mình trong các căn phòng riêng. Ông muốn ít ra cũng giữ cậu bé lại với ông, nhưng không thấy có tiền lệ nào cho phép nói rời khỏi nhà mẹ nó trong lúc có tang ma. Có quyết định chú phải về nhà mẹ. Chú bé ngơ ngác nhìn các triều thần đang khóc lóc, nhìn cha chú nước mắt ròng ròng. Trong bất cứ trường hợp nào, cái chết của một người thân đều gieo nỗi đau buồn, nhưng lần này thì nỗi đau buồn thật khôn tả. Nhưng khóc lóc đến đâu thì rồi cũng phải chấm dứt, và đã đến lúc làm lễ tang. “Giá như nó có thể theo khói dàn hỏa thiêu mà đi lên cõi trời – bà mẹ nói trong tiếng khóc nức nở – nó sẽ cùng nhiều tùy tùng cưỡi xe tang mà đi, và không biết nó sẽ nghĩ thế nào khi lên tới núi Otaki?2. Lúc đó tang lễ được tiến hành hết sức trọng thể. 2. Ở phía tây Thành đô. Bà nhìn xuống thi hài con, “Nó đang nằm trước mắt ta thế kia, ta khó lòng mà tin nó đã chết. Lúc nào nhìn thấy tro than của nó lúc đó có lẽ ta mới có thể chấp nhận những gì đã xẩy ra.” Nói thế nghe ra cũng phải, nhưng bà đã quẫn trí, đầu óc lú lẫn đến nỗi bà xuýt ngã xe. Những người hầu đã biết trước nên hết sức cố gắng để đỡ lấy bà. Một người đưa thư từ hoàng cung tới, mang theo tin là người chết đã được truy phong tước Đệ Tam Phu Nhân và liền ngay đó có một đặc sớ tới tuyên đọc thánh chỉ. Riêng nhà vua thì sự hối tiếc của ông khó mà chịu đựng nổi vì ông đã không có can đảm giải quyết việc đình chỉ nàng làm hoàng phi, và bằng cách truy tặng nàng một chức tước như vậy, ông muốn sửa chữa sai lầm. Có nhiều người vẫn oán hận ngay cả với ân sủng đó. Tuy nhiên, những người khác với bản chất đa cảm, thấy rõ hơn bao giờ rằng lúc sống nàng là một người thân thiết, giản dị, dịu dàng, khó mà tìm thấy ở nàng một khuyết điểm. Chỉ tại nàng được đức vua quá sủng ái nên đã là nạn nhân của nhiều điều tai quái đến thế. Các bà quyền quý giờ đây nhớ lại trước kia nàng dễ mến biết bao và không hề có chút vờ vĩnh. Ngày nối tiếp ngày buồn thảm. Nhà vua lưu tâm đến việc gửi đồ cúng đến tuần chay. Nỗi đau buồn của ông khôn nguôi và ông khóc suốt đêm, không chịu triệu đòi các thứ phi khác. Các cung nữ hầu hạ cảm thấy như đang bị chìm trong mùa thu sương móc đầm đìa. Tuy nhiên có một phu nhân vẫn không chịu nguôi giận, đó là hoàng hậu Kokoden, mẹ của người con cả, bà nói: “Rõ lố bịch làm sao! Đến bây giờ mà vẫn còn mê đắm!” Ngay lúc ở với cậu con cả, tâm trí nhà vua vẫn dành cho cậu con út. Lúc cậu ta còn ở bên bà ngoại, ông gửi tới đó những vú nuôi hoặc nữ tì, và luôn luôn hỏi thăm về cậu. Bão tố mùa thu đã nổi, đột nhiên buổi tối đêm lạnh giá. Chìm trong nỗi sầu não, nhà vua gửi một lá thư tới người bà ngoại. Người đưa thư là một phụ nữ ở hàng trung phẩm tên là Myōbu mà cha làm sĩ quan vệ binh, ông sai cô ta đi đúng vào đêm trăng sáng vằng vặc, một cái đêm thường gợi nhiều kí ức. Cũng vào những đêm như vậy ông và ái phi đã khuất, thường chơi đàn koto cho nhau nghe. Tiếng đàn koto của nàng có những âm bội mà các đàn khác không có, và khi nàng ngừng tiếng nhạc để trò chuyện, thì lời nói của nàng cũng mang âm hưởng của tiếng nhạc. Khuôn mặt của nàng, cung cách của nàng – tất thẩy như đang bám vào ông như “chập chờn, huyền ảo không hơn gì một giấc mơ trong vắt.” Myōbu đã tới nhà bà ngoại. Xe nàng đi qua cổng – cảnh vật chốn này mới cô tịch làm sao! Bà già dĩ nhiên sống ẩn dật trong cảnh góa bụa, nhưng vì không muốn khiến cô con gái một phải đau buồn bà đã bố trí sửa chữa lại nơi ở. Bây giờ tất thảy chìm trong bóng tối. Cỏ mọc cao hơn và trong vườn gió mùa thu gào rít hãi hùng. Chỉ có ánh trăng là biết xoay xở để luồn qua lá cành chằng chịt. Xe dừng lại, Myōbu bước xuống. Thoạt đầu, bà ngoại không thốt nên lời. “Ta thật khó lòng mà cứ tiếp tục sống mãi thế này, giờ đây được thấy nàng không quản ngại sương gió mà tới khu vườn hoang này, ta lấy làm xấu hổ quá chừng.” “Một cung nữ đến thăm nhà cụ hôm nọ có nói với chúng cháu rằng phải nhìn tận mắt mới có thể hiểu được nỗi cô đơn và đau khổ của cụ. Cháu không phải là đứa trẻ dễ mủi lòng tuy vậy cháu khó mà cầm được nước mắt.” Nghỉ một chút, nàng trao lá thư của đức vua. “Đức vua có nói, trong một thời gian, người tưởng như đang đi lang thang vật vờ trong một cơn ác mộng, và khi sự xúc động lắng xuống thì người nhận ra rằng cơn ác mộng vẫn triền miên. Giá như người có một người bạn trong nỗi khổ đau sầu thảm thì hay biết mấy! Người nghĩ thế và người rất mong sao cụ chịu hạ cố tới ở hoàng cung. Người không chịu nổi khi nghĩ đến đứa con đang rầu rĩ héo hon ở ngôi nhà đầy nước mắt này, người hy vọng cụ sẽ chóng tới và mang công tử đến cùng. Vừa nói như vậy, Người vừa nghẹn ngào nức nở; tất cả chúng cháu đều thấy Người sợ chúng cháu nghĩ rằng người quá yếu đuối bạc nhược, cho nên chưa nghe người nói xong, cháu đã phải lui vào.” “Ta khóc mờ cả mắt, không thấy được,” bà già nói: “hãy để cho những lời nói cao cả của đức vua đem lại cho ta ánh sáng.” Thư của đức vua như sau: “Sự đời thật quá độc địa tuy rằng con hy vọng với thời gian qua đi, lòng con sẽ khuây khỏa nhưng khốn thay nỗi lòng đau buồn chỉ càng thêm cay đắng. Con đặc biệt sầu não vì không có cháu út ở bên con, để con được trông thấy nó lớn lên và trưởng thành. Há mẹ không vui lòng đem cháu lại với con sao? Mẹ con ta sẽ nghĩ đến nó như một vật kỷ niệm.” Không thể nghi ngờ gì lòng thành thật trong lời yêu cầu của nhà vua. Thêm vào bức thư còn có một bài thơ, nhưng khi bà đọc tới đó thì bà không thấy gì nữa, nước mắt bà đang ràn rụa: Nghe gió thổi, mang sương mù đồng bằng Miyagi, Tôi nghĩ tới cỏ ba lá mềm mại trên cánh đồng hoang. “Nàng trình giùm lên hoàng thượng,” sau một lát, người bà nói: “rằng thật là một thử thách lớn cho tôi đã sống lâu như thế này. Trước rặng thông Takasago, tôi lấy làm hổ thẹn mà nghĩ rằng cái thân phận như tôi không nên có mặt ở triều nữa. Ngay dù đấng chí tôn có nhắc lại lời đòi, tôi cũng thấy không tài nào vâng mệnh được, còn đứa bé, tôi không biết mong muốn của nó hiện như thế nào. Cứ xem ra, nó nóng lòng muốn đi. Nếu có thể thì đáng buồn cho tôi, nhưng cái lệ là phải thế. Nàng vui lòng thưa với Hoàng thượng những ý nghĩ đó, mà cho tới nay tôi vẫn giữ kín. Tôi sợ rằng tôi đã phải gánh chịu một sự nguyền rủa từ kiếp trước, vậy nếu còn giữ đứa bé với tôi thì quả là điều sai lầm, thậm chí khủng khiếp nữa.” “Cháu sẽ hết sức vui lòng được trông nom đến công tử,” Myōbu vừa nói vừa đứng lên để từ giã. Cậu bé đang ngủ. “Tôi muốn chờ để báo cáo tường tận với đức vua. Nhưng Người đang đợi tôi, mà chắc đã muộn lắm rồi.” “Tôi muốn yêu cầu nàng thỉnh thoảng đến chơi chỗ tôi, liệu có nên chăng? Tấm lòng của một người mẹ mất con có lẽ không bị chìm sâu trong bóng tối, nhưng một buổi chuyện trò yên tĩnh thỉnh thoảng cũng mang lại chút ánh sáng. Nàng đã mang lại vinh dự cho ngôi nhà này trong nhiều dịp may mắn, và bây giờ do hoàn cảnh đã đòi hỏi nàng tới đây với một tin buồn. Số phận không chiều người. Tất cả hi vọng của chúng tôi đặt vào đứa con gái từ cái ngày nó sinh ra, và cho tới khi cha nó mất, cha nó dặn tôi chớ quên là nó phải được vào triều; mà nếu không may ông ta mất sớm thì tôi cũng không được thoái chí. Tôi biết, với một đứa con gái không thể nương tựa vào một chỗ quyền quý thì nó sẽ sung sướng hơn nếu sống một lối sống khác, nhưng tôi không thể quên lời cầu mong của ông nhà tôi và tôi gửi con gái tôi vào cung như đã hứa. Ân huệ vua ban quá lớn so với thân phận của nó cho nên biết bao sự lăng nhục chĩa vào nó, khó mà chịu nổi. Nhưng nó phải cam chịu đến nỗi cuối cùng thì nó phải sống trong sự căng thẳng, giữa sự oán ghét quá mức nó chịu đựng. Bởi thế, khi ngoái nhìn lại, tôi biết được rằng lẽ ra không nên có những ân huệ đó. Thôi, nếu nàng muốn, hãy bỏ quá cho, cứ coi như là những lời lẽ vu vơ điên dại của một tấm lòng chìm trong cảnh tối tăm”. Bà không nói tiếp được nữa. Đêm đã muộn. “Đức hoàng thượng cũng đã nói nhiều đến chuyện đó,” Myōbu đáp. “Người nói, sự mê đắm của người mãnh liệt đến nỗi nó khiến thiên hạ tức tối, và có lẽ cũng chính vì lí do đó mà nó không kéo dài mãi được. Người không thể nghĩ ra Người đã làm gì mà gây nên sự oán thù như vậy, và vì thế Người phải chịu đựng mối hận thù không có nguyên cớ. Cô đơn và đau buồn đến xé gan xé ruột, Người thấy không tài nào đương đầu được với thiên hạ; người sợ Người có vẻ kì cục đáng sợ. Người thường nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần, là gánh nặng tội lỗi của người chắc phải lớn lắm. Người khóc không lúc nào nguôi”. Myōbu cũng rơi nước mắt khi thuật lại. “Thôi, muộn lắm rồi. Cháu phải về trước khi tối hẳn và trình lên Người những gì cháu đã thấy.” Trăng đã xuống phía trên đồi, không khí trong sáng như pha lê, gió mát lạnh, và tiếng nỉ non của côn trùng trong cỏ mùa thu tưởng chừng cũng mang lại nước mắt. Đây là một cảnh tượng khiến Myōbu không thể cầm lòng được. Đêm thu ngắn, khôn cầm nước mắt, Cảnh vắng thanh dế mệt mỏi nỉ non. Đây là câu thơ từ biệt của cô. Đến lúc sắp bước vào xe thì cô lại dùng dằng. Bà cụ già gửi một lời đáp lại: Buồn bã thay tiếng côn trùng trong lau sậy, Buồn bã hơn, sương rơi xuống tự trời mây. “Tôi có vẻ như đang oán trách.” Tuy rằng quà biếu là điều không thích hợp, bà cụ vẫn dâng lên nhà vua một lưu niệm tầm thường của con gái cụ, một áo dài và thêm vào đó một bộ cài tóc và lược chải đầu. Các nữ tì trẻ trước đã cùng hoàng tử bé từ triều tới đây vẫn còn than khóc bà chủ của họ, nhưng những cô đã từng nếm mùi đời sống cung đình, nay khao khát được quay trở lại. Vì nhớ về nhà vua nên họ hòa lời thỉnh cầu của chính họ vào lời thỉnh cầu của ông. “Nhưng ta thì không đi được, một mụ già như ta chỉ xua đuổi các phu nhân và các quý quan thanh lịch,” bà ngoại nói, mặc dù bà không chịu đựng nổi ý nghĩ là sẽ đứng nhìn đứa cháu đi khuất. Myōbu rất xúc động thấy nhà vua đang thức đợi nàng, làm như thể hết sức chú ý vào khu vườn nhỏ và xinh đẹp phía trước mà bây giờ đang độ nở hoa mùa thu; ông đang bình tĩnh chuyện trò với bốn năm nữ thị tì, những người dễ xúc cảm nhất trong đám các nàng hầu của ông. Ông đã đâm ra say mê những câu chuyện minh họa của vua Uda cho “Trường hận ca”3 cho những bài thơ của Ise và Tsurayuki cũng viết về đề tài đó, và cho các thi ca Trung Hoa. 3. Bạch Cư Dị – Bài thơ nói về mối tình giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Ông chăm chú lắng nghe Myōbu mô tả cảnh tượng mà nàng thấy thương tâm. Ông cầm bức thư của mẹ vợ. “Bức thư tôn nghiêm của Người khiến già khiếp sợ đến nỗi già hầu như không dám đọc, nó khiến cho già hết sức xúc động, đến nỗi già khó mà biết đường ăn nói: Cây to bóng cả héo hon, Cánh con núp bóng liệu còn sống chăng? “Một cách vào đề kể cũng lạ lùng,” nhà vua tự nghĩ, nhưng bà cụ chắc còn choáng váng vì đau đớn. Ông muốn không để tới ý kiến của bà cụ, nói bóng gió là ông không thể giúp được gì cho đứa bé. Ông tìm cách che giấu sự sầu muộn, không muốn những người phụ nữ kia nom thấy ông mềm yếu và không tự chủ được mình, nhưng vô ích. Bao nhiêu lần, ông ôn lại những kỷ niệm kể từ ngày đầu tiên gặp gỡ với người thứ phi giờ đã khuất bóng. Hồi đó, ông khó mà có thể chịu đựng nổi sự xa cách với nàng, dù chỉ một lúc. Thật lạ lùng là làm sao ông có thể từ nay sống những ngày tháng chỉ với những hoài niệm! Ông đã từng hy vọng ban thưởng sự thành tâm của bà cụ, nhưng hy vọng của ông chẳng đi đến đâu. “Thôi,” ông thở dài “bà cụ có thể trông đợi có ngày cụ sẽ được như thế. Chỉ cần cụ sống cho đến ngày thằng bé lớn lên đã.” Nhìn những vật lưu niệm do Myōbu mang về, ông nghĩ ông sẽ được thư thái bao nhiêu nếu cũng như đối với vua Trung Quốc xưa, có một tay phù thủy mang tới cho ông một chiếc lược từ thế giới mà người yêu đã khuất của ông đang ở. Ông thầm thì đọc câu thơ: Khách đạo sĩ lâm cùng có gã, Chơi hồng đô phép lạ thần thông, Xét vì vua chúa nhớ nhung, Mới sai Phương sĩ hết lòng, ra tay. Khả năng của người nghệ sĩ thiên tài nhất cũng có giới hạn mà thôi. Nàng Quý Phi Trung hoa trong tranh vẽ không có được vẻ lộng lẫy sinh động. Người ta nói Dương Quý Phi giống đóa hoa sen trong đầm cao siêu, giống cây liễu của hồ vĩnh cửu. Chắc hẳn nàng đẹp như là gấm vóc. Khi ông cố nhớ lại vẻ đẹp kín đáo của người thứ phi, ông nhận ra rằng không một mầu hoa nào, không một tiếng chim ca nào có thể gợi lại hình ảnh nàng. Hết sáng lại đêm, dứt thôi lại nối, họ đã cùng nhắc đi nhắc lại mấy câu trong “Trường hận ca.” Xin kết nguyện chim trời liền cánh, Xin làm cây cành nhánh liền nhau.4 4. Tản Đà dịch Họ thề non hẹn biển là thế, nhưng cuộc đời ngắn ngủi của nàng đã biến lời nguyền của họ thành giấc mơ trống rỗng. Tiếng gió khóc than, tiếng côn trùng mùa thu rên rỉ, mọi vật đều gia thêm vị chua xót cho nỗi buồn thương da diết. Nhưng trong các phòng của hoàng hậu Kokiden, sự việc lại khác hẳn. Từ một lúc lâu, bà ta đã ngong ngóng chờ đợi nhà vua. Ánh trăng đẹp óng ả, bà ta thấy không có lý do gì mà không để cho tiếng nhạc du dương thấm vào đêm sâu thẳm. Nhà vua lầm bầm điều gì đó chê trách các sở thích kém cỏi dạo đàn vào một giờ giấc như thế kia; và trước nỗi đau buồn của ông, những người thị nữ đều đồng ý rằng đó là một sự xúc phạm. Kokiden là con người bướng bỉnh ngạo mạn; cách xử sự của bà ta tỏ cho biết, đối với bà, sự đau khổ của nhà vua quả là chả đáng kể. Trăng lặn, bấc đèn sau mấy lần thay đã lụi dần và giờ đây dầu đèn đã cạn. Nhà vua không mảy may tỏ dấu hiệu định lui vào phòng. Tâm trí ông dồn vào đứa bé và bà cụ già, rồi ông ghi nhanh một câu thơ: Lệ mờ trăng, mờ cả hoàng cung, Giữa lau sậy, căn nhà kia cũng mờ đi trong lệ. Bên ngoài có tiếng hô tiếng gọi, báo cho ông biết lính đang thay đổi phiên gác. Có thể đã sang giờ Sửu. Có lẽ người ta cho rằng thái độ của ông thật lạ lùng. Cuối cùng ông lui vào phòng ngủ nhưng ông thức thâu đêm và trong ban mai ảm đạm, ông thấy không thể nào quan tâm đến việc nước được. Ông chỉ đụng đũa tới bữa ăn điểm tâm, bữa ăn trưa có vẻ nhạt thếch xa lạ với khẩu vị của ông đến nỗi bọn người hầu hoảng sợ liếc nhìn nhau và lo lắng thì thầm. Không phải mọi tiếng nói đều thân ái. Người thì nói có lẽ mọi sự đều do tiền định, nhưng trước đây ông đã làm ngơ trước mọi sự xì xào bàn tán, và đã nhắm mắt trước sự oán hận và để cho sự việc muốn đến đâu thì đến, còn bây giờ, bây giờ ông lại lơ là việc nước – như vậy, hai đường, đường nào cũng quá đáng. Một số kẻ lại còn dẫn câu chuyện ông vua Trung Hoa đã mang lại sự suy vong cho bản thân mình và cho đất nước.5 5. Truyện về vua Đường và Dương quý Phi. Ngày qua tháng lại, hoàng tử bé trở về cung. Cậu đã lớn, giờ đây là một cậu bé đẹp tuyệt vời đến nỗi hầu như khó mà tin được rằng cậu được dành cho cõi trần thế – và thật tình, người ta sợ rằng cậu chỉ ở với trần gian này không được lâu dài. Mùa xuân sau, khi đã tới lúc tấn phong một hoàng thái tử nối ngôi, ông rất muốn bỏ qua người con cả, dành ngôi vua cho đứa con thứ, tuy cậu ta không có thế lực về phía họ ngoại. Nhưng rồi ông nghĩ lại rất có thể sự chỉ định này không phải không bị phản đối và rồi ra, cũng như mẹ, các đặc ân dồn dập sẽ làm hại đến cậu con. Nhà vua không hở với ai những mong muốn của mình cho nên mọi người đều nói, là rốt cuộc ông cũng giới hạn tình cảm của ông; và Kokiden lấy lại sự tin tưởng. Bà ngoại cậu bé vẫn không nguôi sầu não. Bà luôn luôn cầu nguyện được về với con gái; cuối cùng, có lẽ lời cầu nguyện thấu tai trời phật, bà trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa nhà vua lại đau khổ. Cậu bé đã lên sáu, cũng đã đủ khôn để biết đến nỗi buồn thương. Bà của cậu bao nhiêu năm đã hết mực thương yêu cháu, đã nhiều lần cho cháu biết là bà sẽ đau lòng biết bao khi tới lúc bà phải bỏ cháu lại. Giờ đây cậu sống ở trong triều. Lên bảy tuổi, cậu đã thông hiểu các sách kinh sử Trung Hoa. Một lần nữa, một nỗi lo giày vò nhà vua – có thể một thần đồng như vậy sẽ không sống được lâu trên đời này chăng? Ông đưa cậu bé tới thăm cung của Kokiden, ông nói: “Bây giờ mẹ nó đã mất rồi thì không nên ghét bỏ nó. Nhất là lúc này ta hy vọng bà sẽ thương mến nó.” Khi nhận cậu bé vào nội cung, Kokiden thậm chí rất vui lòng. Giá có nom thấy cậu, những chiến binh khắc khổ nhất cũng như những kẻ thù lòng lim dạ sắt nhất cũng không thể giấu được một nụ cười trìu mến. Kokiden không chịu để cậu bé đi đâu. Bà có hai cô con gái, nhưng nói đến vẻ đẹp thì không thể so sánh với cậu bé được. Một số nữ tì tụ tập xung quanh cậu bé, không mảy may xấu hổ để lộ mặt, tất cả náo nức muốn làm cho cậu vui thích tuy họ biết là vẻ đẹp của cậu sẽ khiến họ bị bất lợi. Tôi không cần nói đến tài năng vẹn toàn của cậu trong các môn học bắt buộc, các sách cổ điển và đại loại thế. Khi cậu chơi nhạc, cây sáo và đàn koto của cậu vang lên thánh thót những âm thanh thần tiên. Nhưng tôi ngại, nếu kể lại mọi đức tính của cậu thì người ta đâm ngờ vực, rằng tôi có phần ngoa ngoắt. Khoảng thời gian đó một phái bộ sứ đoàn từ Triều Tiên tới. Nghe nói trong đám sứ thần có một nhà xem tướng rất cao tay, đức vua ngỏ ý muốn mời ông ta đến hỏi ý kiến. Tuy nhiên, ông quyết định chiều theo lệnh của vua Uda không được tiếp người nước ngoài, và thay vào đó ông gửi đứa con cưng của ông tới lâu đài Koro6, nơi phái đoàn trú ngụ. Cậu bé được cải trang làm con quan giám hộ. Vừa nom thấy cậu, sứ giả Triều Tiên thông thái giật mình kinh ngạc “Xem tướng mạo thì rõ, công tử nhà ta có tướng đại quý làm nên bậc vương bá”, ông nói nhỏ nhẹ như nói với chính mình. “Nhưng nếu là thế thì chắc chắn sau này sẽ có loạn. Tuy vậy, vẫn không phải là tướng chỉ làm đến chức đại phu phò vua giúp nước.” 6. Ở phía nam thành phố. Quan giám hộ là người học rộng cho nên ông lấy làm thú vị được đàm luận với khách Triều Tiên. Hai bên cùng làm thơ Trung Hoa; và trong một bài thơ của mình vào lúc ông ta sắp trở về nước, vị quan khách Triều Tiên khéo léo bày tỏ niềm vui sướng của ông đã có dịp xem tướng cho một người như vậy và nỗi buồn vì phải chia tay sớm. Cậu bé cũng tặng một bài thơ và được ca ngợi hết lời. Người ta tặng cho cậu những món quà hết sức quý. Về phía mình, người Triều Tiên thông thái cũng nhận được những quà biếu dồi dào. Bằng cách nào đó không biết, những nhận xét của ông ta bị lọt ra ngoài, tuy nhà vua đã thận trọng không dám hở ra chuyện gì. Quan hữu thừa tướng, ông ngoại của hoàng thái tử và cha của hoàng hậu Kokiden, chẳng mấy chốc đã hay biết, và mối ngờ vực của ông lại trỗi dậy. Thật ra, với lòng yêu thương sáng suốt, nhà vua cũng đã phân tích tướng mạo của cậu bé theo kiểu Nhật Bản và đã nghĩ ra những kế hoạch để làm thử. Do vậy, ông hết sức tự chế không ban vương tước cho cậu con, và ông lấy làm vui sướng khi thấy nhận xét của khách Triều Tiên trùng hợp với nhận xét của ông. Không có sự ủng hộ của bà con bên ngoại, cậu bé sẽ không được an toàn nếu chỉ là hoàng tử mà lại không có tước vị ở triều đình. Hơn nữa nhà vua lại không thể biết ông còn trị vì được bao lâu nữa, bởi vậy cho nên với tư cách một người bề tôi bình thường, cậu ta sẽ đắc dụng hơn nhiều. Vì những lý do đó, nhà vua khuyến khích con học tập; mà trong việc này cậu tỏ ra là một thần đồng nên chỉ sẽ là điều phí phạm nếu liệt cậu ta vào hàng bình thường. Nhưng khổ nỗi với tư cách hoàng tử, thì cậu ta sẽ khơi dậy mối thù nghịch của những kẻ có duyên cớ để phải sợ nhà vua tương lai của họ. Ông cho mời tới một nhà chiêm tinh thuộc trường phái Ấn Độ; ông lấy làm vui lòng khi biết rằng ý kiến của người Ấn Độ trùng hợp với người Nhật và người Triều Tiên; thế là, ông dứt khoát rằng đứa bé phải trở thành một người bình thường mang cái tên Minamoto hoặc Genji. Năm tháng trôi qua, nhà vua vẫn không thể quên được mối tình đã mất. Ông đòi tới nhiều cung nữ, họ có thể xoa dịu nỗi lòng ông trong chốc lát nhưng rõ ràng là trên đời này, đòi hỏi một người nào đó thậm chí giống như nàng, là đòi hỏi quá nhiều, ông sống chìm đắm trong hoài niệm, không thể tự mình quyết đoán việc quân quốc. Sau đó ông nghe nói đến nàng Công chúa Tư, con gái một vị vua cũ, một nàng con gái đẹp nổi tiếng và đã được hoàng hậu nuôi dạy hết sức cẩn thận. Có một cung nữ hiện giờ đang hầu hạ nhà vua, trước kia đã từng chơi rất thân với nàng công chúa lúc đó còn bé, và nay vẫn thỉnh thoảng tới thăm nàng. “Cho tới giờ tôi hầu hạ tại triều đã qua ba đời vua,” cô ta nói, “nhưng chưa bao giờ tôi thấy có ai thật giống thứ phi xưa của tôi. Nhưng bây giờ thì có, nàng con gái của hoàng hậu góa đã lớn, nàng giống với thứ phi xưa như đúc. Khó mà tìm thấy ai sánh được với nàng.” Hi vọng là người cung nữ có thể nói đúng, với cung cách thật lịch thiệp, nhà vua sai đòi nàng công chúa vào triều. Tuy vậy, mẹ nàng không thích thế, thậm chí còn sợ nữa. “Người ta nên nhớ”, bà nói “rằng mẹ của hoàng thái tử là một hoàng hậu ương bướng đã từng bắt thứ phi của cung Paulownia phải chịu những sự xúc phạm công khai và ngay sau đó đã khiến thứ phi lâm bệnh nặng”. Khốn thay, chưa quyết định được chuyện nên chăng thì bà đã đi về cõi chết theo chồng bà, và con bà đâm ra bơ vơ. Nhà vua lại thỉnh cầu một lần nữa. Ông nói sẽ đối xử với người con gái như chính con ông vậy. Những người hầu, những bà con thân thích và ông anh cả của nàng, công tử Hyōbu, bàn bạc với nhau và kết luận rằng thà tìm nguồn an ủi ở triều đình còn hơn là sống sầu muộn mòn mỏi ở nhà. Thế là người ta đưa nàng vào cung, tên nàng là Fujitsubo. Quả là nàng giống với thứ phi quá cố một cách lạ lùng. Bởi lẽ nàng thuộc dòng dõi đại quyền quý (có thể là những điều dân chúng nghĩ ra) nàng nom thậm chí còn kiều diễm mỹ lệ hơn thứ phi xưa. Không ai có thể coi thường nàng về địa vị thấp hèn, và nhà vua không còn cảm thấy xấu hổ khi tỏ ra yêu dấu nàng. Thứ phi trước đây không đòi hỏi sự chú ý riêng biệt của ông nhưng đã là nạn nhân của một tình yêu quá mãnh liệt; và giờ đây, tuy là sai lầm nếu nói ông đã hoàn toàn quên lãng người cũ, nhưng ông thấy tình cảm của ông hướng về thứ phi mới; nàng là một nguồn an ủi không bờ bến. Âu đó cũng là chuyện nhân tình thế thái. Bởi lẽ Genji không bao giờ rời khỏi cha, cho nên thứ phi mới không dễ dàng gì mà tránh cậu bé được. Các cung nữ khác thì không có ý nghĩ rằng họ thua kém nàng, mà kể ra thì mỗi người đều có giá trị riêng của mình! Tuy vậy, tất thẩy cũng đã quá tuổi thanh xuân, vẻ kiều diễm của Fujitsubo là vẻ đẹp hoa niên đương độ và tươi mát. Với tính hổ ngươi ngây thơ, nàng cố gắng giấu mặt, nhưng Genji thỉnh thoảng cũng nhìn thấy mặt nàng. Cậu không thể nhớ khuôn mặt của mẹ, nhưng nghe lời người cung nữ đã lần đầu tiên nói về Fujitsubo với nhà vua, cậu thấy xúc động đến tận đáy lòng khi hay biết nàng giống mẹ cậu như tạc. Cậu luôn luôn quấn quýt bên nàng. “Đừng nên ghẻ lạnh với nó,” vua nói với Fujitsubo “Đôi lúc hầu như ta cứ tưởng nàng là mẹ nó. Đừng nghĩ là nó ngạo mạn, hãy thương lấy nó. Nhìn đôi mắt nàng, dung mạo của nàng ta biết: thực sự nàng giống mẹ nó một cách khác thường; nàng có thể coi mình như mẹ nó.” Tình yêu thương của Genji đối với thứ phi mỗi ngày càng đậm đà, và thậm chí mỗi lần nhắc đến một bông hoa tầm thường nhất hoặc một chiếc lá nhuốm vàng cũng trở thành một dịp để chú biểu thị tình cảm đó. Kokiden không thích thế. Bà không hòa thuận với Fujitsubo, và tất cả sự cáu ghét cũ đối với Genji sống lại. Chú khôi ngô tuấn tú hơn hoàng thái tử – là của báu của bà trên đời – và chú được cả triều đình yêu mến. Người ta bắt đầu gọi Genji là “chàng Hào Quang”; Fujitsubo, người cùng chú chia sẻ tình cảm của nhà vua, trở thành nàng “vầng dương xán lạn.” Kể cũng đáng thương là một ngày nào đó, chú bé phải từ bỏ quần áo trẻ con, nhưng đến tuổi mười hai, chú đã phải thành thạo các bài học vỡ lòng về các nghi lễ, và chú được nhận chiếc mũ của người thanh niên. Nhà vua quyết định nghi lễ nhất nhất không được thua kém nghi lễ dành cho hoàng thái tử được tổ chức trước đây mấy năm ở Phòng đại khánh tiết; tự ông, ông bận rộn nghĩ ra những chi tiết bổ sung vào những nghi thức đã có sẵn. Còn về bữa tiệc sau buổi lễ, ông không muốn người quản kho coi việc đó như một dịp bình thường. Ngai vàng ngành về phía đông ở chỗ cửa đông, phía trước nó là chiếc ghế của Genji và của vị đại thần có nhiệm vụ ban mũ. Đến nửa chiều, là giờ phong chức, Genji xuất hiện. Khuôn mặt tươi rói và mái tóc trẻ thơ của chú đẹp đến nỗi khiến nhà vua luyến tiếc là sắp phải có sự đổi thay. Viên quản lý ngân khố tiến hành lễ cắt tóc. Khi những lọn tóc xinh đẹp của chú rơi xuống, nhà vua bị xâm chiếm bởi một nỗi nhớ mong vô vọng đối với thứ phi đã mất. Tuy vậy ông tự thấy mình luôn luôn phải cố gắng để giữ đúng phong thái đường bệ. Buổi lễ chấm dứt, chú bé lui vào để mặc quần người đã thành niên, rồi chú xuống sân chầu làm lễ tạ ơn. Trong đám hội đồng, không có ai là không cảm thấy đôi mắt mình mờ lệ còn nhà vua thì nao nao những nỗi xúc động sâu xa. Trong những dịp ngắn ngủi ông có thể quên đi quá khứ, nhưng giờ đây những kỷ niệm ào ạt dồn về. Đang mơ hồ lo lắng rằng lễ vén tóc khiến cho một đứa bé non trẻ đến thế đột nhiên đâm ra như người lớn, ông kinh ngạc sung sướng thấy đứa con trai thậm chí còn bội phần đẹp hơn. Quan tả thừa tướng, người đã trao mũ áo, chỉ có một cô con gái là niềm vui chính của ông. Mẹ của nàng, người vợ cả của ông, là một tiểu thư dòng dõi. Hoàng thái tử đã có lời cầu hôn nàng, nhưng quan tể tướng nghĩ rằng gả cho Genji thì hơn. Ông ta được biết đức vua cũng có những ý nghĩ tương tự. Khi nhà vua gợi ý rằng chú bé không có người thích đáng để dạy dỗ và cuộc hôn nhân sẽ dành cho cậu sự ủng hộ của bà con, ông thượng thư hoàn toàn chấp thuận. Đám người dự lễ lui ra các phòng ngoài, còn Genji đến ngồi chỗ hàng dưới các vị thân vương. Quan tể tướng gợi ý nhẹ nhàng để thăm dò chú nhưng vì còn rất trẻ, Genji hoàn toàn không biết nói năng thế nào. Lúc đó một viên thị thần mang chỉ nhà vua đến báo là Người đang đợi ông tể tướng ở cung của Người. Một thị nữ mang tới các quà biếu thường lệ, một chiếc áo choàng của phụ nữ, trắng và rộng cỡ, và một bộ áo dài. Trong khi rót rượu cho quan đại thần, nhà vua đọc mấy câu thơ mà thực tế là một lời quở trách nhẹ mà thâm thúy. Tóc thơ đã được buộc lên, Còn dây ràng buộc vững bền, thì sao? Đáp lại: Nút tóc đã buộc chặt rồi, Cài hoa cỏ ngọc của tôi là vừa. Rồi theo đúng thể thức ông từ trên một chiếc cầu – vườn bước xuống để tỏ bày lời tạ ơn. Ông được ban một con ngựa lấy trong chuồng ngựa hoàng gia và một con chim ưng. Tại sân sau, ngồi phía dưới nhà vua, các hoàng thân và các quan đại thần nhận quà vua ban theo đúng phẩm tước của họ. Quan hòa giải, người giám hộ Genji, theo lệnh nhà vua đã chuẩn bị khay và giỏ được bày ra trước mắt vua. Còn như các hòm thức ăn và quà biếu thì tràn ngập khắp nơi với số lượng nhiều quá sự cần thiết cho lễ vén tóc. Tóm lại, đây là một trong các buổi lễ huy hoàng và long trọng nhất. Tối hôm đó, Genji đi về nhà cùng với quan tả thừa tướng. Lễ cưới được tiến hành trọng thể. Chú rể được quan thừa tướng và gia đình ông cho là xinh đẹp tuyệt vời; trái lại cô dâu nhiều tuổi hơn và tỏ vẻ ngủng nghỉnh với một người chồng mà cô cho là quá trẻ. Quan tể tướng được vua hoàn toàn tín cẩn; bà vợ chính của ông ta, mẹ cô gái, là chị nhà vua. Do đó mà cả hai ông bà đều có địa vị cao. Và giờ đây, con rể của họ lại là Genji. Quan hữu thừa tướng vì là ông ngoại của hoàng thái tử cho nên vốn không có đối thủ, nay phần nào bị lu mờ. Quan tả thừa tướng có bẩy bà vợ nên có nhiều con. Một trong số các người con, một chàng trai khôi ngô là con người vợ cả và đã là sĩ quan vệ binh. Mối quan hệ giữa hai quan thừa tướng không được tốt đẹp; nhưng quan hữu thừa tướng thấy khó mà làm ngơ trước một chàng trai tài năng như vậy cho nên đã gả nàng con gái thứ tư cho chàng. Sự quý trọng của ông đối với chàng rể mới sánh ngang với sự quý trọng của quan tả thừa tướng đối với Genji. Đối với cả hai nhà, quan hệ thông gia được thu xếp như vậy có vẻ là điều lý tưởng. Luôn luôn bên cạnh vua, Genji chỉ dành ít thì giờ đến nghỉ ngơi ở lâu đài Sanjō của cô vợ mới cưới. Đối với chàng, Fujitsubo là một ảo ảnh của vẻ đẹp thần tiên. Chàng ước ao giá như chàng có thể có được ai đó giống nàng – nhưng không ai thực sự được như thế. Vợ chàng cũng đẹp, nhưng sự khao khát cháy bỏng trong trái tim chàng đối với người phụ nữ kia có nghĩa là nỗi thống khổ. Giờ đây đã đến tuổi trưởng thành, chàng không còn được phép vua cha đi đến phía sau các bức mành trướng của nàng. Cứ tối đến, mỗi lúc có hội chơi nhạc, chàng thích thổi sáo hòa theo tiếng đàn koto để chàng trao gửi một chút niềm thương nhớ, và để cho khuây khỏa nỗi lòng khi giọng nói dịu dàng của nàng lọt qua tấm rèm. Chàng thích cuộc sống ở hoàng cung hơn ở Sanjō. Sau hai ba ngày ở Sanjō là năm sáu ngày ở hoàng cung. Đối với quan thừa tướng, tuổi trẻ là cái cớ bào chữa đầy đủ cho sự chểnh mảng này và do đó ông vẫn sung sướng vì chàng rể. Quan thừa tướng chọn các nữ tì xinh đẹp nhất để hầu hạ chàng công tử trẻ, và ông bày ra nhiều thứ giải trí để làm vui lòng Genji. Tại hoàng cung nhà vua giao cho chàng các căn phòng đã từng thuộc của mẹ chàng và chăm lo sao cho đám tùy tùng không bị phân tán. Ông ban lệnh cho các cơ quan tu tạo sửa đổi lại ngôi nhà xưa kia thuộc gia đình bên ngoại. Kết quả thật tuyệt vời. Các luống cày và các ngọn đồi nhân tạo bao giờ cũng trang nhã, và các khu đất thì đông đặc những thợ đấu đang mở rộng hồ nước. Giá như – Genji thầm nghĩ – chàng có thể ở bên người thứ phi mà chàng khao khát… Biệt hiệu “Genji Hào Quang” chính là do ông sứ thần Triều Tiên tặng cho chàng hồi nào. Chương 2 (Hahakigi) Cây đậu chổi “G enji Hào Quang”: tên gọi như vậy hầu như mặc nhiên khiến thiên hạ phải kính nể, nhưng do nhiều cuộc tình duyên nho nhỏ mà chàng không thoát được sự chê trách của người đời. Quả thật, hình như những sự bất cẩn của chàng có thể khiến chàng phải mang cái tiếng là lông bông, tuy chàng cố hết sức che đậy. Những việc kín đáo nhất trở thành chuyện đồn đại khắp nơi. Mặt khác, nếu chàng phải đi qua con đường đời mà chỉ khư khư lo gìn giữ tiếng tăm, tránh mọi việc nho nhỏ thú vị để giải trí, thì rồi, chàng sẽ phải xấu hổ vì bị cười nhạo bởi những người đại loại như chàng trung úy Katano7 vậy. 7. Rõ ràng là một nhân vật trong một truyện tình Lúc chàng còn là một đại úy vệ binh, trong phần lớn thời gian, Genji ở lại hoàng cung và thưa đi về dinh Sanjō của bố vợ. Ở đấy, người ta sợ rằng chàng có thể bị hoen ố vì hoa cỏ ngọc Kasugano8. Thực ra tuy bản năng của chàng là ghét sự hỗn tạp xung quanh mình, thỉnh thoảng chàng vẫn mắc phải cái thói đó để rồi gây đau khổ cho kẻ khác. 8. “Hoa cỏ ngọc Kasugano làm bẩn áo ta” (truyện Ise) Những trận mưa mùa hạ đã đổ tới, triều đình nghỉ việc; một quãng thời gian dài và bằng lặng đã trôi qua kể từ hôm chàng thăm Sanjō lần cuối. Tuy rằng ông thừa tướng và gia đình rất lấy làm lúng túng, nhưng họ không tiếc sức để khiến chàng cảm thấy được đón tiếp niềm nở. Các cậu con trai của ông săn sóc đến chàng hơn là đối với chính đức vua. Genji đặc biệt chơi thân với Tō no Chūjō. Họ cùng nhau thưởng thức âm nhạc và những trò giải trí phù phiếm khác. Vốn bản chất đa tình, Tō no Chūjō không thấy có chút thoải mái trong các căn phòng mà bố vợ, quan hữu thừa tướng đã không kể tốn kém mà cung cấp cho chàng đủ tiện nghi. Mặc khác, ở tại Sanjō cùng với gia đình nhà mình, anh săn sóc chăm chút các căn buồng của anh, và khi Genji lui tới thì chẳng cần khách khí, cả hai bao giờ cũng ở bên nhau. Họ là đối thủ của nhau trong học tập hoặc chơi đùa. Mưa suốt ngày tầm tã. Có ít triều thần hơn thường lệ tới bệ kiến đức vua. Trở về những khu trong dinh dành riêng cho mình, giữa cảnh tĩnh mịch khác thường, Genji kéo một chiếc đèn lại gần và tìm cách giết thì giờ bằng mấy cuốn sách. Tō no Chūjō ở với chàng. Có rất nhiều tờ giấy màu, hiển nhiên là các bức thư, nằm trên giá khiến Tō no Chūjō không chút giấu giếm sự tò mò. “Thế này,” Genji nói “Tôi có thể để anh xem một số thư. Nhưng có những thư mà thiết nghĩ, tốt hơn là không nên xem.” “Anh nói trật rồi. Những thứ tôi muốn xem chính lại là những thứ anh muốn giấu. Anh cũng biết, tôi chẳng phải là tay chơi sành sỏi gì, nhưng với những loại thư tầm thường, nhạt nhẽo tôi đọc chán ra rồi. Tôi muốn là muốn những tờ thư từ tay các phụ nữ đang ngồi một mình vò võ thâu đêm để đợi anh. Chính những thư đó mới đáng xem!” Không thể nào mà những bức thư thật sự tế nhị lại bị bỏ vương vãi trên giá sách; những giấy tờ bị xem thường như vậy là những thứ chả quan trọng là bao. “Chắc chắn anh có nhiều loại,” Tō no Chūjō vừa nói vừa đọc hết tờ nọ sang tờ kia”. Cái này chắc của nàng, còn cái này của nàng ta, anh vừa đọc vừa nói. Đôi khi anh đoán đúng, đôi khi đoán sai bét, khiến Genji hết sức thích thú, nhưng có hỏi thì chàng chỉ đáp lại cộc lốc, không hở chút bí mật mảy may. “Lẽ ra tôi phải đòi xem tập thư của anh. Chắc là dầy cộp.” Đọc xong, tôi sẽ mở toang các ngăn đựng thư của tôi cho anh xem”. “Tôi sợ rằng chẳng có gì đáng để anh xem”. – Tō no Chūjō ngồi trầm ngâm. “Với phụ nữ thì cũng như với mọi thứ khác: những người hoàn thiện hoàn mỹ, chả có là bao. Đó là một sự thật đáng buồn mà năm tháng đã dạy cho tôi. Thoạt tiên, cung cách của họ cũng khá tươm tươm: mảnh thư nho nhỏ, lời đáp thế này thế nọ gọn gàng, tất cả bọn họ tỏ ra ta đây có xúc cảm, có giáo dục. Nhưng khi muốn lựa ra được những người thực sự tài hoa lỗi lạc thì thôi! Anh thấy trên danh mục của anh chả có bao lăm. Người nào cũng có những trò bịp bợm vặt vãnh mà họ thi thố triệt để, nhạo cợt đối thủ, tục tĩu đến nỗi khiến đôi lúc anh phải đỏ mặt. Cha mẹ họ có mưu đồ xây đắp cho họ một tương lai rực rỡ, che giấu họ cho khuất mắt người đời rồi bắn ra một cái tin, rằng họ tài giỏi thế này, rằng họ hoàn thiện thế kia; thế là anh háo hức, cuống cuồng cả lên. Họ trẻ này, đẹp này, dễ gần này, vô tư này! Nhưng rồi sao? Sống trong nỗi buồn chán, họ nhặt nhạnh của cha anh tí chút, và theo lẽ thường tình, họ bắt đầu lao đầu vào một thú tiêu khiển phù phiếm mà cho thế là phong lưu đài các. Phụ nữ họ khoe với anh đủ thứ chuyện về cái đó, che giấu nhược điểm, phô ra điểm mạnh làm như thể trên trời dưới đất chỉ có họ. Anh không thể coi họ là kẻ nói dối, anh bắt đầu dan díu với họ, và rồi sự đời bao giờ cũng là thế, “có gần mới biết! Ba voi không được bát nước xáo.” Tō no Chūjō thở dài, một tiếng thở dài rõ ràng là do kinh nghiệm trường đời. Một số, chứ không phải tất cả, những gì anh nói đều phù hợp với kinh nghiệm riêng của Genji. Chàng mỉm cười, nói: “Anh đã tấn công cô nàng nào đó rồi đâm ra vỡ mộng chứ gì?” “Có mà điên rồ mới đi chú ý đến một phụ nữ như vậy? Mà trong bất cứ trường hợp nào, tôi nghĩ phụ nữ không có ưu điểm gì thì cũng hiếm hoi như phụ nữ không có lỗi lầm vậy. Nếu một phụ nữ thuộc vào một gia đình danh giá, được trông nom dạy dỗ chu đáo, thì những điều cô ta chả đáng tự hào được giấu kín, thế là cuộc đời cô ta cũng khá suôn sẻ. Ở cấp trung lưu, mỗi người phụ nữ có những ý hướng riêng nho nhỏ, và có hàng ngàn cách để phát hiện ra chúng. Còn ở cấp hạ lưu, thì thôi! Miễn nói, ai thực sự chú ý đến họ?” Anh ta tỏ ra biết đủ mọi chuyện. Genji cảm thấy tò mò hứng thú, bèn hỏi. “Anh nói đến ba tầng lớp”, chàng nói, “nhưng liệu có dễ phân biệt không? Có những bà sinh trưởng trong gia đình danh giá nhưng rồi sa ngã trên đường đời; có những người chả có tên tuổi địa vị xã hội gì nhưng lại ngoi lên địa vị cao, tự họ xây lầu son gác tía như định ở đó suốt đời. Làm thế nào anh có thể liệt những người đó vào hệ thống của anh, nếu chiếu theo từng tiêu chuẩn một?” Câu chuyện đang tới đó thì xuất hiện hai triều thần trẻ, một sĩ quan vệ binh và một quan chức bộ lễ, theo hầu nhà vua lúc Người về cung. Cả hai đều là những kẻ nhiệt tình trong chuyện yêu đương và đều là những tay kể chuyện giỏi. Như thể đang đợi họ, Tō no Chūjō mời họ cho biết quan điểm về vấn đề bạn anh vừa hỏi. Cuộc tranh luận cứ theo đà mà mở rộng thêm bao gồm một số những điểm khá mắc mớ. “Những kẻ mà mới đạt tới địa vị cao,” một trong hai người mới đến, nói “không được đánh giá ngang hàng với những kẻ chính gốc”. Và những kẻ sinh ra trong tầng lớp quyền quý nhất nhưng vì lý do này khác, không có được sự hỗ trợ phải chăng – thì về mặt trí tuệ, họ có thể cũng tự hào và cao quý như bao giờ, nhưng họ không thể che giấu sự kém cỏi của họ. Mà đã thế thì thiết nghĩ, nên liệt họ vào tầng lớp trung gian theo như công tử nghĩ. “Có những người mà gia đình hoàn toàn không thuộc tầng lớp cao nhất, nhưng bỏ đi xa làm ăn ở các tỉnh. Họ có địa vị của họ trên đời tuy rằng có đủ mọi thứ khác biệt nho nhỏ trong đám họ. Một số bọn họ có thể thuộc vào bất cứ danh sách nào. Tôi đây, tôi bằng lòng lấy một phụ nữ thuộc gia đình trung lưu hơn là một người chỉ có cái dòng dõi chứ chả có gì khác, gọi là có tiếng mà chả có miếng. Hãy nói đến một ai đó mà người cha chỉ gần gần là cố vấn chứ chưa hoàn toàn là cố vấn. Một người có tiếng tăm là tử tế, xuất thân từ một gia đình cũng khá tử tế và có thể sống sang trọng thế nào đó. Người như vậy có thể rất dễ mến. Tôi nghĩ, với nhiều những phụ nữ loại đó, khó mà tìm ra lỗi lầm của họ. Khi họ đi vào hầu hạ ở triều đình, họ là những người biết cách xoay xở khiến những ân huệ bất ngờ rơi xuống họ. Tôi đã thấy khối trường hợp như vậy.” Genji mỉm cười “Đã thế thì người ta chỉ nên lấy bọn con gái có tiền, có của thôi, hay sao?” “Tôi nghĩ ai khác có thể nói thế, chứ anh thì…” Tō no Chūjō nói “Khi một người phụ nữ vừa có địa vị cao sang vừa có danh giá không tì vết”, – người kia nói tiếp, “nhưng lại có cái gì đó sai trái trong sự giáo dục trước kia, cái gì đó hư hỏng trong cung cách cô ta tự đề cao mình, các ông lấy làm lạ tại sao có thể có chuyện đó xảy ra. Nhưng khi mọi điều kiện đều thích hợp mà cô gái cũng khá xinh đẹp, cô có thể coi như được bảo đảm. Chẳng có lý do để phải ngạc nhiên. Những phụ nữ như vậy vượt quá tầm với của những loại người như tôi, nên chi họ đang ở đâu, tôi cứ để mặc họ ở đấy, nghĩa là ở địa vị cao nhất trong tầng lớp cao. Có những phụ nữ đẹp ơi là đẹp nhưng sống tiêu ma ngày tháng nơi bùn lầy nước đọng9 và khó có ai thậm chí biết có họ trên đời này. Thật khó mà quên đi nỗi ngạc nhiên đầu tiên khi thấy họ. Còn đây nữa, có cô gái sống với một bố già béo phị quàu quạu luộm thuộm, bên cạnh những anh em cục mịch thô lỗ, trong một ngôi nhà có may ra thì cũng gọi là tàm tạm; giữa chốn phòng khuê âm thầm, cô vẫn giữ được vẻ kiêu hãnh, vẫn tỏ ra khéo léo trong những việc tầm thường nhất. Anh nghe phong thanh về cô ta và tuy tài hoa của có chả là mấy nó vẫn ám ảnh tâm trí anh. Cô ta đâu có thể sánh ngang được với kẻ giàu sang phú quý, dĩ nhiên rồi, nhưng cô ta có duyên. Không dễ gì mà bỏ qua được.” 9. Dịch ý. Nguyên văn là “sau đám cỏ rối rắm, lộn xộn” Ông ta nhìn thẳng vào người bạn cùng đi, anh thanh niên ở bộ lễ. Anh này lặng im, tự hỏi không biết có phải người ta đang ám chỉ đến các chị em gái của anh không. Genji có vẻ đang nghĩ rằng thật đáng buồn là ở chốn cao sang nhất ít có người phụ nữ để mình bõ công vấn vương. Chàng đang mang chiếc áo lót trắng mịn ngoài phủ qua loa một chiếc áo triều thần: Lúc chàng đang ngồi trong ánh đèn, uể oải tựa vào tay ghế, các bạn chàng gần như mong muốn chàng là một phụ nữ. Xem ra, ngay cả các bà các cô quyền quý nhất trong đám quyền quý cũng không thể sánh được với chàng. Cuộc chuyện trò vẫn sôi nổi xoay quanh các phụ nữ khác nhau “Một người đàn ông ngắm nhìn những người phụ nữ, thấy về mọi mặt họ đều chẳng có gì đáng chê trách”, người sĩ quan cận vệ nói, “nhưng đến lúc phải chọn cho được một người tài sắc vẹn toàn thì vấn đề không đơn giản. Cũng như một vị vua thấy bối rối khi phải tìm quan tể tướng có đủ tài kinh bang tế thế. Người ta có thể rất sáng suốt, nhưng không ai một mình mình có thể cai trị được. Bề trên được người dưới giúp đỡ, bề dưới làm theo ý bề trên, và cứ thế, công việc được tiến hành qua thỏa thuận và nhân nhượng. Nhưng chọn một người phụ nữ để gánh vác việc nhà việc cửa thì đấy, có bao nhiêu điều rắc rối cần phải xem xét. Giá trị cân bằng với khuyết điểm, bên cạnh cái tốt có cái xấu, và thậm chí có những người phụ nữ biết rằng mình chẳng tài sắc vẹn toàn gì nhưng vẫn làm ra vẻ ta đây là của hiếm. Tôi không muốn các ông nghĩ tôi là kẻ trác táng muốn thử họ cho trải mùi đời. Nhưng vấn đề khó, là tìm ra một người phụ nữ hoàn thiện nên chi có vẻ như tốt nhất là tìm thấy được ai đó không cần đến sự giáo dục và rèn luyện, ai đó mà ngay từ đầu đã có phẩm chất cao quý. Người đàn ông nào mà lăm le cuộc tìm kiếm với tất cả những ý nghĩ đó trong đầu óc, sẽ phải chấp nhận một cuộc tìm kiếm lâu dài. “Y chỉ bắt gặp một người phụ nữ không hoàn toàn vừa ý mình nhưng y cũng hứa hẹn này nọ rồi thấy khó mà từ bỏ cô ta. Thiên hạ ca ngợi lòng trung thực của y và bắt đầu nhận ra những ưu điểm ở người phụ nữ; mà sao lại không nhỉ? Nhưng tôi đã biết họ tất tật, và tôi đâm ngờ trong đám họ, liệu có những mẫu thật sự cao hơn hay không. Chúng tôi đã thế, còn các vị – là những trang quý tộc đứng quá xa trên chúng tôi, các vị nghĩ làm sao? Các vị sẽ thế nào? Chọn lựa ai đây xứng đáng với các vị? “Có những phụ nữ khá đẹp và khá trẻ, và trau tria ngắm vuốt, tưởng hồ không một hạt bụi nào được phép rơi vào người họ. Khi họ viết thư, họ chọn những lời lẽ vô hại nhất , còn mực thì nhạt đến nỗi người đàn ông khó đọc nổi. Anh đến với cô nàng, hy vọng nhận được một câu trả lời thực. Biết thế, cô liền bắt anh đợi chán chê rồi cuối cùng thì cho anh một hai tiếng gần như là tiếng thì thầm không nghe nổi. Cái thông minh của họ là họ giỏi che giấu khuyết điểm. “Có những người phụ nữ dịu dàng ẻo lả có thể đang tỏ ra rất quan tâm đến một anh đàn ông. Anh đàn ông thích vây vo, kết quả là ngay khi đó người phụ nữ lại làm bộ làm tịch. Cái khổ đầu tiên khi tìm hiểu phụ nữ là như vậy đó. “Trong vấn đề quan trọng nhất, vấn đề trông coi việc tề gia nội trợ, người đàn ông có thể thấy vợ mình có quá nhiều xúc cảm, lời ăn tiếng nói thì nhỏ nhẹ kèm theo những câu châm ngôn tao nhã. Nhưng thử hỏi, đây là cái loại công việc nội trợ gì, khi mà người phụ nữ cứ lăng xăng suốt ngày trong nhà, tóc tai búi ngược lên, không chú ý đến cái vẻ bề ngoài, cốt sao mọi thứ trong nhà được ngăn nắp? Có những điều anh nghĩ ra, có những điều anh đã nghe đã thấy khi giao du, cách xử sự của đồng nghiệp trong chốn riêng tư và ở nơi công chúng, những điều vui điều buồn. Anh ta có nói với người ngoài cuộc không? Dĩ nhiên không. Anh những thích ai đó ở sát nách, ai đó hiểu anh ngay lập tức. Nhưng ai hiểu? Anh mỉm cười rồi ứa nước mắt. Hoặc giả một số chuyện gì đó ở trong triều khiến anh tức giận, những điều mà anh không chịu nổi. Nói chuyện những cái đó với một phụ nữ như thế thì ích gì? Anh ta quay lưng lại với cô, và mỉm cười, và thở dài và lầm rầm thế nào đó với chính mình. “Em xin lỗi!”. Cô ta nói vì cuối cùng đã nhận ra. Cái mà anh đang tìm kiếm đâu phải là cái vẻ lúng túng của cô ta? “Khi một người đàn ông chọn lựa kỹ càng một cô vợ dịu dàng, nom như trẻ con, dĩ nhiên là anh ta phải lo đến việc dậy dỗ cô, bổ khuyết những thiếu sót cho cô. Thậm chí nếu có lúc nào đó cô ta có vẻ không được nền nếp, anh ta vẫn cảm thấy cố gắng của anh không uổng. Khi cô ngồi bên cạnh anh ta, vẻ duyên dáng dịu dàng của cô khiến anh quên hết các khuyết điểm của cô. Nhưng khi anh ta ở xa, sai người đến bảo cô ta làm việc này việc nọ, thì rõ rành rành, dù cái việc có nhỏ nhoi đến mấy, cô ta vẫn không biết xoay xở ra làm sao. “Tôi tự hỏi chẳng may một phụ nữ có chút lạnh nhạt và vô tình, có lúc nào đó lại co vẻ dễ ưa hay không.” Thái độ của anh ta tỏ rõ anh đã biết tất thẩy các loại phụ nữ; và anh thở dài, không tài nào đưa ra được một ý kiến dứt khoát. “Không, ta đừng bận tâm quá nhiều đến địa vị và sắc đẹp. Ta hãy thỏa mãn với một người phụ nữ không đòi hỏi nhiều, không kỳ cục quá đáng. Tốt nhất chúng ta nên nhằm một cô gái trầm lặng, chín chắn. Nếu cô tỏ ra có tài năng bất thường thì thế này – cứ coi đó là một phần thưởng bất ngờ. Mặt khác cũng đừng quá bận tâm với việc sửa chữa những khuyết điểm cho cô ta mà làm gì. Nếu cô ta tỏ ra đứng đắn chín chắn, không hay nổi tam bành lên, thì lúc đó, các vẻ duyên dáng cứ tự nhiên mà lộ rõ. “Có những người hay phô ra với thiên hạ một sự trầm tĩnh bề ngoài (kiểu đàn bà) làm như thể họ không bao giờ nghe đến một lời ca thán. Họ có vẻ cực kỳ bình tĩnh. Thế rồi khi đã không cố nén được nữa họ bèn để lại cho hậu thế những ghi chép khủng khiếp, những vần thơ rực lửa, các loại những vật lưu niệm đánh thức những kỷ niệm hãi hùng, và rồi họ vào núi đi tu hay ra bờ biển vắng vẻ nào đó. Thuở còn thơ ấu , tôi đã nghe phụ nữ đọc truyện lãng mạn, tôi đã hòa tiếng khóc thút thít với họ và nghĩ rằng tất cả các cái đó đều rất buồn, sâu sắc và khuấy động lòng người. Bây giờ tôi sợ rằng đó là chuyện có phần nào vờ vịt. “Thực ra kể cũng ngốc là lánh xa và từ bỏ một con người hết sức tử tế và dễ thương. Y có thể phạm một vài sai trái nho nhỏ, nhưng xa lánh mà không hiểu đến tình cảm chân thật của y, xa lánh không mục đích nào khác là hy vọng làm khổ y, – đó quả là một thứ kỷ niệm chả vui vẻ gì mà phải giữ riệt lấy. Cô ta say sưa nghe ca tụng mình, thế rồi, cô ta đi tu. Khi đã vào nhà tu, cô ta chắc chắn nghĩ mình đã sớm tỉnh ngộ, không còn luyến tiếc gì cõi trần tục lụy. Các nữ tì đến thăm cô ta. Cảm động biết bao họ nói “Nàng dũng cảm làm sao!” ẳ Nhưng chẳng bao lâu cô ta thấy không hoàn toàn bằng lòng với mình như trước nữa. Anh chàng kia vẫn lưu luyến vương vấn với cô, nghe tin những gì đã xảy ra; và anh khóc, chắc chắn rằng những người hầu cũ của mình sẽ bắn tin này đến nàng, “ông nhà là một người rất đa cảm. Phải đến nông nỗi như vậy, kể cũng đáng thương tâm.” Người phụ nữ chỉ có thể gạt đám tóc mới xén sang bên để lộ một khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Cô ta cố gắng cầm nước mắt nhưng đâu có được vì quá luyến tiếc cuộc đời cô đã bỏ lại sau; và đức Phật cũng có thể không nghĩ rằng cô là người đã tẩy sạch lòng dục… Chắc hẳn bây giờ với các đức tin mong manh như thế, cô ta lại thêm gần hỏa ngục hơn là nếu cô ta ở lại với chúng ta trong cái trần thế vẩn đục này. “Sợi dây liên hệ giữa vợ chồng là sợi dây bền chặt. Giả dụ anh chàng đã lùng ra chỗ cô ta, đưa cô trở về. Hồi ức về những hành động của cô vẫn còn in đậm, và không tránh được, sớm muộn nó sẽ là nguyên nhân gây sự oán thù. Khi xảy ra những cơn tai biến, những rắc rối, nếu một người phụ nữ biết cố gắng nhắm mắt làm ngơ, được chăng hay chớ, thì sợi dây liên hệ có thể bền chặt. Khi xảy ra những tai biến như tôi nói trên, hai người đàn ông và đàn bà vẫn còn mang vết thương do sự đổ vỡ để lại. Nhưng với người phụ nữ, thật là điên rồ khi để cho một chuyện yêu đương lăng nhăng nho nhỏ làm rối loạn đảo điên đến nỗi phơi trần sự oán thù của mình ra. Còn anh ta thì sao? Anh ta cũng có những chuyện nhăng nhít của anh ta nhưng nếu anh ta nhớ lại một cách trìu mến những ngày đầu tiên của cả hai, của cả hai anh chị, thì ta có thể cầm chắc cô có vai trò quyết định. Một sự chấn động có nghĩa là sự kết thúc mọi sự việc. Cô ta nên bình tâm và rộng lượng, và khi có cái gì đó đến khuấy động sự oán thù, cô ta sẽ bày tỏ nó ra bằng những lời bóng gió tế nhị. Người đàn ông sẽ cảm thấy có tội và khéo léo sửa chữa cách cư xử của mình. Sự nhân hậu quá mức có thể khiến người phụ nữ có vẻ dễ bảo và tin tưởng một cách đáng yêu, nhưng nó cũng có thể khiến cô ta như thiếu hẳn một cái gì đó. Chúng ta đã có khá nhiều những ví dụ những chiếc tàu bị bỏ mặc cho sóng gió vần vũ. Các vị có đồng ý thế không, nào?” Tō no Chūjō gật đầu. “Cái khó là đối với ai đó mà mình đặc biệt say mê, một ai đó xinh đẹp và quyến rũ, phạm một tội bất cẩn, nhưng lòng khoan dung của ta đem đến những điều lạ lùng kinh ngạc. Không phải bao giờ cũng là thế, nhưng nói chung, tỏ ra độ lượng, biết điều và kiên nhẫn, là tốt nhất.” “Chính em gái mình nằm trong trường hợp này”. – anh tự nhủ – và anh khó chịu phần nào khi thấy Genji lặng im vì chàng đã buồn ngủ. Trong khi đó thì viên sĩ quan cận vệ vẫn tiếp tục cuộc nói chuyện. Tō no Chūjō quyết định nghe anh ta nói. “Ta hãy đưa ra vài so sánh,” người cận vệ nói. “Ta hãy nghĩ đến tay thợ đồng đồ gỗ mỹ thuật. Y đẽo gọt trau chuốt chúng theo như sở thích của y. Đó có thể chỉ là những đồ chơi, không có mẫu hoặc kế hoạch thực tế. Có thể chúng đều như nhau, đúng theo một cách thức cố định nào đó – chúng có thể mang một cái gì đó mới mẻ khi thời thế thay đổi và nom rất lý thú. Nhưng khi đụng đến đồ vật chính cống, một cái gì đó có giá trị thực sự mà một người bao giờ cũng muốn có bên mình thì – sự hoàn hào của hình thức báo cho biết nó do bàn tay bậc thầy làm ra. “Hoặc giả, ta hãy nhìn vào hội họa. Ở học viện, có một số bậc thầy. Không dễ gì phân biệt người giỏi với người kém trong đám những người làm việc theo những phác thảo cơ bản. Nhưng cứ tô mầu vào đó mà xem, họa sĩ vẽ những điều mà chưa ai từng thấy, nào là thiên đường, nào là cá vùng vẫy trong biển sóng to gió lớn, nào là những con thú dữ ở những vùng xa lạ, quỷ sứ và yêu quái – người họa sĩ tự mình buông thả theo trí tưởng tượng của y và vẽ ra để gây khiếp đảm hoặc kinh ngạc. Sẽ có ý nghĩa gì đâu, nếu như kết quả có vẻ xa cách phần nào so với cuộc sống thực? Nhưng tài năng của họ chỉ dừng lại ở chỗ đó còn khi tái hiện những vật chúng ta biết, núi, sông, nhà cửa gần và giống với của chúng ta thì thế nào? Những ngọn đồi êm ả, nguyên sơ, phủ cây phải được vẽ tầng tầng lớp lớp, các chi tiết được đưa vào một cách nhẹ nhàng để gây một cảm giác thân mật tình cảm. Còn cả cận cảnh nữa, còn khu vườn phía sau, các bức tường, cách bài trí đá, cỏ và nước. Chính bậc thầy tỏ ra cao tay ở chỗ đó. Có những chi tiết mà một họa sĩ kém cỏi không thể bắt chước được. “Hoặc giả ta hãy xem thuật ngữ viết chữ đẹp. Một người không có tài cán bao nhiêu, có thể vạch ra đường nét chỗ cong chỗ thẳng để gây một ấn tượng về sự táo bạo và cao quý. Còn người khác, thì làm chủ được các nguyên lý và tập trung để viết, có thể không có những mánh lới thủ thuật để lòe con mắt. Các vị chịu khó so sánh hai bên mà xem, sẽ rõ. “Đó là nói đến những điều tầm thường như hội họa và thuật viết chữ. Với những vấn đề của lòng người, thì còn rắc rối bao nhiêu! Tôi chả tin vào cái thứ tình cảm bề ngoài, mà nếu gặp dịp thích đáng là lộ ra ngay. Xin để tôi kể một chuyện đã xảy đến với tôi cách đây đã lâu lắm. Các vị có thể cho câu chuyện có chút dâm đãng, nhưng xin nghe tôi nói cho hết ngọn ngành đã.” Anh ta dịch sát lại Genji đã hết ngủ gà ngủ gật. Tay chống cằm, Tō no Chūjō ngồi đối diện, trầm trồ chú ý lắng nghe. Dáng điệu của chàng thanh niên có cái gì đó hài hước, như thể chàng là một nhà hiền triết thân ái vạch ra những sự thật sâu thẳm của vũ trụ; nhưng vào những lúc như thế này, một chàng thanh niên không có ý che giấu những bí mật kín đáo nhất của lòng mình. “Chuyện xảy ra hồi tôi còn trẻ măng, không hơn tuổi một kiếm đồng. Tôi bị một phụ nữ quyến rũ. Cô ta thuộc loại người mà tôi đã nói trước đây, không phải là loại “chim sa cá lặn” ở trên đời. Với cái tính lang bang của tuổi trẻ, thoạt tiên tôi không hề nghĩ lấy cô ta làm vợ. Cô ta là người để người ta lui tới thăm hỏi, không phải là người đáng cho tôi để ý nhiều. Có những đám khác khiến tôi quan tâm hơn. Cô ta ghen đến phát khiếp. Giá như cô ta hiểu biết hơn một chút! – tôi nghĩ thế, và muốn tránh mọi chuyện cãi cọ liên hồi vô tận. Mặt khác, điều khiến tôi thỉnh thoảng sửng sốt đượm một chút buồn buồn, là làm sao cô ta lại phiền muộn về một anh chàng tép riu như tôi đây. Với thời gian tôi bắt đầu tu tỉnh lại. “Để chiều lòng tôi, cô ta cố gắng làm những điều không hợp với tài năng và tính chất của cô, cô ta đã quyết không tỏ ra thua kém ai ngay cả ở những việc cô ta chả có mấy khả năng. Cô ta chăm sóc hầu hạ tôi chu đáo. Cô không muốn làm phật ý, hoặc làm trái ý tôi dù trong những điều nhỏ mọn nhất. Lúc đầu, tôi nghĩ là cô ta khá cương quyết, nhưng cô đã tỏ ra dễ bảo, quỵ lụy. Luôn luôn cô ta nghĩ cách che giấu những khuyết tật ở sắc đẹp của mình, sợ rằng chúng có thể khiến tôi lảng tránh. Cô ta làm những gì cô có thể để thu mình lại, và tránh gây phiền hà cho tôi. Cô tỏ ra là một mẫu mực của lòng nhiệt thành. Tóm lại, cô chả có gì thiếu sót, trừ cái điều là cô ta dễ ghen. “Tôi tự nhủ, cô ta cần đến tôi, cần đến mức đâm sợ hãi, và nếu tôi gây cho cô ý nghĩ rằng tôi có thể đang định bỏ cô ta, thì cô ta có thể bớt đa nghi hơn một chút. Nếu cô ta thật sự muốn ăn ở với tôi mà tôi lại gợi ý đến một sự đổ vỡ kề bên, lúc đó cô ta có thể sửa chữa. Tôi xử sự với một sự lạnh lùng có suy xét, và cũng như bao giờ, khi sự oán hận của cô ta bùng nổ, tôi nói: “Thậm chí sợi dây ràng buộc bền chặt nhất giữa vợ và chồng cũng không thể đạt một giá trị không giới hạn cho sự việc này. Có lúc nào đó nó sẽ đứt, vợ chồng sẽ không còn gặp lại nhau nữa. Nếu như cô muốn đẩy sự việc tới một ngõ cụt như vậy, thì cứ việc nghi ngờ tôi như xưa. Còn nếu như cô mong muốn chung sống với tôi trong những năm trải ra trước mắt chúng ta, thì hãy ráng mà chịu đựng những thử thách sắp tới, cho dù khó khăn đến mấy, và hãy nghĩ rằng chuyện đời là thế. Nếu cô tìm được cách để bỏ thói ghen tuông đi, thì lòng thương yêu của tôi chắc chắn mỗi ngày thêm đậm đà. Có lẽ tôi sẽ xoay sở để vào làm một công sở cũng khá quan trọng, cô sẽ đi theo tôi, lúc đó cô chẳng cần phải lo đến ai là kình địch của mình”. Tôi rất lấy làm bằng lòng với mình. Tôi cứ trổ tài ăn nói giỏi giang như một ông giáo vậy. “Nhưng cô nàng chỉ mỉm cười”. Ồ, việc gì mà phải vất vả đến thế để chịu đựng cái địa vị hèn mọn của anh và chờ đợi cái lúc anh làm ông lớn. Cái khó hơn, là sống qua ngày đoạn tháng trong niềm hi vọng rỗng tuếch nhỡn tiền là anh sẽ lo cho được cái thân anh, sửa chữa những thói tiền hậu bất nhất của anh… Anh nói có lý đấy. Có thể đây là lúc chia tay. “Tôi cáu, cô ta bốp chát ăn miếng trả miếng. Rồi, bất thình lình, cô nắm tay tôi và cắn ngón tay tôi. “Tôi mắng cô ta một cách kỳ quặc thế nào đó. “Cô chửi tôi và bây giờ làm tôi bị thương. Cô nghĩ rằng cứ như thế này, tôi có thể vác mặt vào triều được hay sao? Như cô nói, tôi là đứa chả có địa vị gì và bây giờ, bị thương thế này, tôi làm sao dấn thân vào đời được? Thôi thế là hết, chỉ còn có nước làm thầy tu. Cuộc gặp gỡ này là lần cuối cùng, tôi nói và cong gập ngón tay, tôi bỏ đi. Bao nhiêu chuyện giữa chúng ta, tôi coi là đã hết, Một ngón tay, than ôi, không tính vào những mất mát của cô. “Tôi bỏ câu thơ lại, và nói thêm rằng bây giờ thì nàng không có gì phải phàn nàn nữa. “Cô ta cũng có câu thơ của mình. Cô rưng rưng nước mắt: Cứ tin chắc, em cũng tự em tính sổ những mất mát của em, Đổi lại một ngón tay bị cắn, liệu có phải cắn đi tất cả? Tôi không có ý định thực sự bỏ cô ta, nhưng ngày tháng tôi cứ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác, chả buồn gửi thư cho cô ta. Thế rồi , vào một buổi tối cuối năm, sau một buổi diễn tập chuẩn bị buổi hội Kamo, lúc chúng tôi lên đường về nhà thì mưa tuyết rơi xuống. Về nhà! Quả thật tôi chẳng biết đi đâu nếu không đi tới nhà cô ta. Ngủ một mình ở cung điện thì chẳng thích thú nỗi gì, mà nếu tôi tới thăm một phụ nữ đa cảm, biết đâu tôi bị để chết lạnh trong khi mụ ta mải ngắm tuyết bay. Thế là, tôi muốn ghé thăm lại cô ta, và xem tâm trạng cô hiện nay như thế nào. Tôi gạt tuyết, hướng tới nhà cô. Thật ra thì tôi cảm thấy hơi xấu hổ, nhưng tự nhủ rằng tuyết trên áo khoác tôi đang tan đi chắc phải làm tan biến nỗi oán hận của cô. Một ánh đèn tù mù xoay về phía tường, và một chiếc áo dài cũ bằng lụa dày đang trải rộng để hong ấm. Rèm đã cuốn lên, mọi thứ đều gợi cho biết cô đang đợi tôi. “Nhưng không thấy bóng cô ở đâu. Tối hôm đó cô đã đi về ở với bố mẹ – bọn nữ tì nói. Tôi cảm thấy đau khổ như thế nào khi cô cứ mãi im hơi lặng tiếng, không gửi cho tôi những vần thơ tình hoặc những nỗi niềm thắc mắc yêu đương. Tôi tự hỏi, tuy không tin cho lắm, không biết cô ta hờn ghen như vậy phải chăng để cố tình gạt bỏ tôi; nhưng giờ đây tôi thấy chiếc áo cô phơi ra ngoài với mầu sắc và kiểu mẫu chăm chút hơn thường lệ, in hệt như những cái mà cô biết tôi thích. Thậm chí ngay cả bây giờ khi rõ ràng là tôi đã ruồng bỏ cô, cô vẫn săn sóc đến những nhu cầu của tôi. “Và cứ thế, bất chấp hoàn cảnh éo le này, tôi vẫn tin rằng cô không có ý định bỏ tôi. Tôi tiếp tục gửi thư, cô không phản đối và cũng không gây cho tôi ấn tượng là cô cố tình không ra mắt để làm khổ tôi. Trong thư đáp lại, cô bao giờ cũng giữ ý không tỏ ra giận dỗi hay xúc phạm tôi. Tuy nhiên cô cứ nhắc đi nhắc lại cô viết: “Em không thể quên được hành vi trước đây của chàng. Nếu chàng chịu an cư lập nghiệp em sẽ rất sung sướng được làm bạn với chàng. Chắc chắn lúc đó chúng ta sẽ không xa nhau”. Tôi nghĩ, phải cho cô ta một bài học khác mới được. Nếu cần, hai bài. Tôi bèn trả đũa: “Ta chẳng có ý định sửa chữa lầm lỗi gì hết, ta có quyền tự chủ của ẳ ta”. Cô buồn bã – là tôi suy ra thế – và sau đó chẳng hề báo trước, cô mất. Tôi đã chơi một trò chơi độc ác. “Cô là một phụ nữ tài năng khiến tôi có thể phó thác tất thẩy cho cô ta. Tôi vẫn mãi hối tiếc những gì tôi đã làm, lẽ ra tôi đã có thể bàn luận với cô những điều tầm thường cũng như những điều quan trọng. Về tài khéo léo biết nhuộm mầu, có thể so sánh cô với công chúa Tatsuta – mà so sánh như thế đâu có phải là lố bịch – và trong đường kim mũi chỉ, cô có thể sánh tầy công chúa Tanabata10. 10. Nữ thần bảo trợ mùa thu và do đó bảo vệ việc nhuộm màu và thêu dệt. Nàng và người yêu – một anh chăn gia súc (sao Altain và Vega) gặp nhau hàng năm vào ngày mồng 7 tháng Bảy. Anh thanh niên hết thở ngắn lại thở dài. Tō no Chūjō gật đầu. “Gác sang một bên cái tài của nàng về đường kim chỉ, thiết nghĩ anh đang tìm kiếm ai đó cũng chung thủy như công chúa Tanabata. Và nếu người đó có thể thêu thùa như công chúa Tatsuta thì thế này, có thể là một lần nữa, lòng chung thủy anh không sánh ngang được với nàng. Khi mà các màu sắc của chiếc áo dài không xứng hợp với tiết trời, với hoa mùa xuân, với mầu sắc mùa thu, khi mà chúng mơ hồ và xỉn như thế nào đó, thì lúc ấy mọi cố gắng đều cũng phù phiếm như sương mù. Với phụ nữ cũng như vậy. Trên đời này, không dễ gì mà tìm thấy một người vợ mười phân vẹn mười. Chúng ta đang đeo đuổi một lý tưởng nhưng không tìm ra nó, có thế thôi. Viên sĩ quan cận vệ nói tiếp. “Có một nàng khác. Tôi gặp nàng cũng khoảng thời gian đó. Nàng dễ thương hơn người phụ nữ mà tôi vừa kể với các vị. Mọi thứ có liên quan đến nàng đều biểu lộ sự tinh tế. Những bài thơ, những tự dạng của nàng khi viết thư, cây đàn koto mà nàng bấm lên một làn điệu – tất thẩy đều tỏ ra xứng đáng. Nàng thông minh, thông minh ở đôi bàn tay, thông minh ở lời ăn tiếng nói. Đến vẻ mặt cũng thông minh. Ngôi nhà của người phụ nữ hay ghen tuông đã có vẻ như là nơi tôi thực sự gọi là tôi, nhưng thỉnh thoảng tôi bí mật tới lui nhà người phụ nữ kia và rất quyến luyến nàng. Người phụ nữ ghen tuông đã mất, tôi tự nghĩ không biết sau đó sẽ làm gì. Tôi buồn bã, cái đó dĩ nhiên, nhưng một người đàn ông không thể sống mà cứ buồn mãi mãi. Tôi đến thăm nàng kia thường xuyên hơn. Nhưng ở nàng có cái gì đó quá hơi đỏm dáng. Tôi dần dần biết nàng rõ hơn, và nghĩ rằng nàng không phải là loại phụ nữ không đáng tin cậy, thế là tôi ghé thăm thưa hơn. Tôi biết tôi không phải là khách bí mật duy nhất của nàng. “Một buổi tối mùa thu trăng sáng vằng vặc, tôi được may mắn rời triều đình cùng với một người bạn. Anh lên xe cùng tôi đi về nhà cha tôi. Theo anh ta nói, anh ta rất quan tâm đến một ngôi nhà mà ở đó anh chắc chắn rằng có người đang chờ đợi. Tình cờ nó nằm trên đường tôi đi. “Qua kẽ hở trên một bức tường tôi có thể nom thấy mặt trăng tỏa sáng trên mặt đầm. Kể cũng hơi buồn nếu không nấn ná lại được một lúc ở một điểm mà mặt trăng có vẻ như sáng ngập hơn bất cứ ở đâu và bởi vậy tôi theo sau anh bạn ra khỏi xe. Rõ ràng đây không phải là lần đầu tiên anh thăm viếng nhà này. Anh bước nhanh lên hiên, ngồi ở gần cổng và ngước nhìn trăng một lúc. Các khóm cúc đang độ đậm bông, tuy có bị sương giá khẽ động tới, và các lá đỏ rung rinh duyên dáng trong giờ mùa thu. Anh rút ra một chiếc sáo, và thổi một làn điệu rồi hát bài “Giếng nước Asuka” và nhiều bài hát khác. Dịu dàng hòa vào tiếng sáo, từ đâu vọng tới những tiếng đàn koto11 du dương. Chắc hẳn tiếng đàn đã ngân lên trước, và nó đang chờ đợi. Cung đàn ritsu 12 phát ra một âm thanh vui vẻ từ một bàn tay phụ nữ ở phía sau bức mành, tiếng đàn hòa ngọt ngào vào ánh trăng trong. 11. Đàn Nhật Bản sáu dây 12. Như gam thứ châu Âu “Anh bạn của tôi thích thú tiến về phía các bức mành. “Tôi thấy chưa có ai đã phá một lối đi tới các lá vàng của nàng,” anh ta nói, có phần châm biếm. Anh ngắt một bông hoa cúc, luồn nó xuống dưới bức mành. Nhà đẹp cho đàn cho trăng, Liệu có đón nhận khách thăm hững hờ? “Hỏi thế này xin nàng bỏ qua cho. Nàng không nên hà tiện tiếng nhạc. Người đang lắng nghe, tuyệt nhiên không phải là kẻ vô tình.” Quả là anh ta hay đùa vui. Người phụ nữ cất giọng ngâm thơ của chính mình, và tiếng của nàng có vẻ đưa đẩy bóng gió và đùa nghịch nữa. Lá cây không dám thách, Gió mùa đông giận dữ, Lẽ nào em cản trở, Tiếng sáo hòa gió kia? “Không biết trước, mà là lẽ tự nhiên, mình đang làm ai đó phật lòng, nàng chuyển sang một làn điệu nhí nhảnh hơn. Tuy phải thừa nhận nàng có tài, nhưng tôi vẫn lấy làm khó chịu… Nếu, thỉnh thoảng trao đổi những câu đùa cợt với những phụ nữ đồng bóng và phù phiếm thì kể cũng thú vị miễn là đừng để cho sự việc quá trớn. Nhưng đây là chốn thâm nghiêm, ngay dù cuộc thăm viếng chỉ là một dịp đặc biệt, sự việc có vẻ đã đi quá xa. Tôi xin vào đó để tạ lỗi và từ biệt nàng. “Khi nhìn lại hai sự việc, tuy còn trẻ tôi vẫn cho rằng người phụ nữ thứ hai không thuộc loại đáng tin. Không nghi ngờ gì rằng cùng với năm tháng trôi qua, sự thận trọng cũng theo đó mà tăng thêm. Những sự vật bấp bênh mà thân thiết – giọt sương rơi khi cành hagi nghiêng ngả, hạt mưa móc tan đi khi cành tre đung đưa – chắc chắn là có thể lý thú trong chốc lát. Công tử còn bảy năm phải trải qua trước khi bằng tuổi tôi,” anh ta nói với Genji. “Cứ đợi đây và cậu sẽ hiểu. Biết đâu cậu sẽ nghe theo ý kiến khuyên bảo của một người chả quan trọng gì, và tránh được những người dễ quyến rũ. Không chống thì chầy họ sẽ sẩy chân vấp ngã, có làm gì đi chăng nữa, họ cũng không làm rạng danh cho một người đàn ông.” Tō no Chūjō gật đầu, còn Genji cũng như bao giờ, chỉ mỉm cười như có vẻ đồng ý. “Trong các câu chuyện mà anh kể, chuyện nào nghe cũng thảm hại” chàng nói: “Để tôi kể các anh nghe câu chuyện về một người phụ nữ xuẩn ngốc mà tôi biết,” Tō no Chūjō nói. “Tôi kín đáo đi lại với nàng, tôi biết là cuộc tình duyên này chả kéo dài lâu được. Nhưng nàng rất đẹp, và thời gian trôi qua, tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi vẫn phải đi gặp nàng, cho dẫu không thường xuyên cho lắm. Tôi có cảm tưởng rồi ra nàng sẽ tùy thuộc vào tôi. Tôi chờ đợi những dấu hiệu ghen tuông. Không thấy mảy may. Nàng có vẻ như không cảm thấy sự oán trách thường giầy vò người phụ nữ khi người tình của mình thỉnh thoảng mới đến thăm. Sớm sớm chiều chiều, nàng cứ bình tĩnh chờ đợi. Ngày lại qua ngày, tình cảm của tôi thêm đậm đà, tôi nói xa nói gần cho nàng biết rằng nàng phải có một người đàn ông để nương tựa. Ở nàng có một cái gì đó rất thương tâm (nàng mồ côi cha mẹ) khiến tôi biết nàng chỉ còn có tôi mà thôi. “Nàng có vẻ bằng lòng. Không băn khoăn, tôi xa nàng trong một thời gian khá lâu. Thế rồi – chỉ mãi sau tôi mới nghe nói – vợ tôi biết được việc này và giận dữ trách móc tôi. Tôi đã không biết mình đã trở thành nguyên nhân gây đau khổ. Tôi không quên nhưng trong một thời gian dài, tôi không viết cho nàng. Nàng cô đơn tuyệt vọng và đau buồn cho đứa con nàng ôm ấp. Một ngày nọ nàng gửi cho tôi một bức thư buộc vào một cây cẩm chướng dại.” Giọng Tō no Chūjō run run. “Thư nói thế nào?” Genji giục anh nói tiếp. “Chẳng có gì đáng để ý lắm, nhưng tôi nhớ câu thơ của nàng: Giậu người sơn cước đổ rồi, Hỡi ai còn muốn đoái hoài làm chi, Sương ơi, hãy cứ nghỉ đi, Bên cây cẩm chướng, sương thì ngủ yên. Tôi lại tới thăm nàng. Chuyện trò bắt đầu râm ran, thoải mái nhưng nàng có vẻ tư lự khi nhìn ra ngoài vườn đầm đìa sương. Hình như nàng đang khóc, hòa tiếng khóc than vào tiếng nỉ non của côn trùng mùa thu. Cảnh tượng đó chẳng khác một cảnh tượng trong một bản tình ca thuở trước. Tôi thì thầm một câu thơ: Đám hoa kia mọc thẳng hàng, Ta đâu có dám xem thường xem khinh. Lòng ta tha thiết đinh ninh, Bông cẩm chướng dại một mình là yêu. “Bông cẩm chướng của nàng là đứa bé. Nhưng tôi nói rõ cho nàng hay, bông cẩm chướng của tôi chính là nàng – bông cẩm chướng dại mà bụi đất không thể làm vấy bẩn.” Nàng đáp lại: Sương đầm đìa tay áo quét bông cẩm chướng dại, Bão táp gầm gào, nay đã tới tiết thu. “Nàng vẫn trầm tĩnh chuyện trò rơi một giọt nước mắt, nhưng tỏ ra xấu hổ về mình và lo lắng về những lúc khó khăn. Tôi ra về lòng cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Rõ ràng nàng không muốn tỏ ra mảy may oán giận trước sự lơ là của tôi. Thế là một lần nữa, tôi lại bỏ bẵng một thời gian dài mới tới gặp nàng. Lúc đến nơi, khi nhìn vào trong nhà, tôi không gặp thấy nàng đâu. Nàng đã biến mất. “Nếu như nàng đang còn sống, thì chắc là trong một hoàn cảnh rất bấp bênh. Nàng không cần phải đau khổ đến thế nếu như hồi chúng tôi sống cùng nhau, nàng nên tự đánh giá mình thấp hơn một chút13. Nàng không cần phải kiên nhẫn chịu đựng những lúc tôi vắng nhà, và tôi sẽ chăm lo đến nàng mãi mãi. Đứa con là một bé gái xinh đẹp. Tôi yêu thương nó tha thiết, nhưng không tài nào tìm ra dấu vết của nó. 13. Bản tiếng Pháp: ghen tuông một chút (ND) “Nàng phải được liệt vào trong số các phụ nữ trầm lặng của các anh, được chứ? Nàng không để lộ cho tôi thấy một thoáng ghen tuông. Không biết những gì đang xảy ra, tôi không hề có ý định rời bỏ nàng. Nhưng kết quả là một sự khát khao vô vọng, hoàn toàn như thể tôi đã bỏ nàng. Tôi bắt đầu quên đi, nhưng còn nàng thì sao? Chắc thỉnh thoảng nàng phải nhớ đến tôi. Lòng đầy luyến tiếc, tôi nghĩ có lẽ nàng cũng nhớ được rằng không phải tôi đã bỏ nàng. Tôi sợ rằng nàng không phải là hạng phụ nữ mà người ta thấy có thể gắn bó được lâu. “Người phụ nữ ghen tuông của anh chắc cũng đáng tưởng nhớ, nhưng kể ra nàng cũng làm cho ta chán ngán tí chút. Còn người thứ hai, tất cả các ngón đàn tài hoa của nàng không thể bù lại cái tính nhẹ dạ của nàng được. Còn con người mà tôi đã kể với các anh – chính vì không ghen tuông mà nàng gây mối ngờ vực, rằng có một người đàn ông khác xen vào cuộc sống của nàng. Thế đấy, sự đời nó là thế; trong ba người đó, ta không có đủ tư cách để tán thành bất cứ người nào. Các vị phải đi tới đâu để tìm những phụ nữ không có khuyết điểm, hòa hợp được đức hạnh riêng của cả ba người kia. Chẳng thà các vị hãy chọn Nữ Thần May Mắn14 rồi tự coi mình đã lấy được một nữ thánh! Mọi người cười rộ. Tō no Chūjō ngoảnh về phía chàng thanh niên ở bộ lễ. “Chắc anh cũng phải có những chuyện lý thú.” 14. Kiohijoten hoặc Srimahadev “Ồ, xin lỗi. Làm sao kẻ đứng vào hàng địa vị nhỏ nhoi lại dám hi vọng được các vị chú ý?” “Anh đừng nên để chúng tôi phải đợi.” “Để cho tôi suy nghĩ một phút đã”. Có vẻ như anh ta đang dốc những ký ức ra. “Hồi tôi còn là học sinh, tôi có biết một nàng cực kỳ thông thái. Nàng ta là loại người đáng để ta tham khảo về những công việc chung, và nàng cũng có suy xét đứng đắn về những mắc mớ nho nhỏ xảy ra trong đời sống riêng tư của người khác. Sự uyên bác của nàng đã khiến cho bất cứ nhà thông thái bình thường nào cũng phải hổ thẹn. Tóm lại, trước mặt nàng tôi kính sợ đến phải im thin thít. “Tôi học với một ông thầy uyên thâm. Tôi đã nghe nói ông ta có rất nhiều con gái, và qua dịp này dịp nọ, tôi đã làm quen với nàng đó. Ông bố biết chuyện. Vừa đưa ra những cái chén dùng trong đám cưới, ông vừa kể đủ mọi thứ chuyện trong đó có một bài thơ Trung Hoa về đức hạnh của một người vợ nghèo. Tuy rằng không hẳn là phải lòng người con gái, tôi vẫn tỏ ra ưa thích nàng phần nào, và cảm thấy có phần vị nể người cha. Nàng hết sức chú ý đến những gì tôi đang cần. Nhờ nàng, tôi học được nhiều điều đáng quý để bổ sung vào cái vốn hiểu biết của tôi và giúp tôi trong công việc. Thư từ của nàng viết bằng chữ Trung Hoa chân phương nhất, nét chữ rõ ràng. Tôi thấy khó mà nghĩ đến việc rời bỏ nàng, và với sự giúp đỡ của nàng, tôi đã biết xoay xở để tự viết được tàm tạm đôi điều bằng tiếng Trung Hoa. Tuy rằng tôi không muốn tỏ ra là kẻ thiếu lòng biết ơn, nhưng không thể chối cãi được rằng một người không có học thức lại cảm thấy chán ngán như thế nào đó khi mãi mãi chịu thua kém vợ mình. Bất cứ kẻ nào ngu dốt như tôi cũng đều thế cả. Nhưng đối với các vị đây, là các nhà đại quý tộc, một người vợ cao tay như vậy liệu có ích gì cho các vị? Có lẽ các vị sẽ tự nhủ một việc ngớ ngẩn, vô nghĩa ấy thế mà mình bị o ép đến mức làm trái ý muốn của chính mình… Như thể mắc phải cái duyên cái nợ gì đấy ở kiếp trước…” “Nàng ta có vẻ là một của hiếm”. Genji và Tō no Chūjō nóng lòng muốn nghe thêm. Biết rõ rằng các vị quý tộc đang lấy câu chuyện của mình làm trò đùa, anh ta mỉm cười một cách hơi ma quái. “Một ngày nọ sau một thời gian khá lâu không gặp nàng, vì lý do này nọ, tôi đến thăm nàng. Nàng không có mặt trong căn phòng mà trước đây chúng tôi thường gặp nhau. Nàng khăng khăng đứng sau bức rèm kín mít để nói chuyện với tôi. Tôi nghĩ có thể nàng đang hờn dỗi, mà như thế thì ngớ ngẩn quá. Vả lại, nếu nàng đâm ra chấp nhặt đến như thế, thì thôi, tôi đã có lý do để từ giã. Nhưng đâu phải. Nàng không phải là người hay để lộ sự ghen tuông của mình ra. Nàng biết quá nhiều về người đời. Nàng giải thích một thôi một hồi những gì đang xảy ra, mà tất cả đều rất có lý có tình. Nàng phân trần thế này: “Em bị khó ở vì bệnh sổ mũi. Mệt quá, em bị buộc phải uống thuốc lá cỏ. Vì cái mùi của nó rất khó chịu nên em không thể nào để ai đến gần. Nếu thoáng hoặc chàng có điều gì muốn sai bảo, có lẽ chàng cứ viết ra rồi để nó nguyên ở chỗ chàng ngồi.” “Đến thế kia ư?” Tôi nói. Tôi không nghĩ được gì khác để nói thêm. “Tôi sắp sửa ra về. Có lẽ vì cảm thấy hơi cô độc, nàng gọi với theo, giọng có vẻ gắt. “Lúc nào tôi thoát được cái mùi thuốc của nợ này, chúng ta sẽ lại còn gặp nhau.” “Lao đầu ra đi như thế kể cũng ác, nhưng mà thăm viếng vào một lúc như thế này thì thật không ổn. Vả lại cũng đúng như nàng nói: mùi ở nàng toát ra cũng khá nặng. Tôi lại ra về nhưng nấn ná khá lâu để làm mấy câu thơ: Nhện kia mách bảo rõ ràng, Nên chi muốn đến thăm nàng thâu canh, Chuyện sao rắc rối linh tinh, Làm bạn với tỏi với hành được chăng? “Tôi không có thì giờ để buộc tội nàng là đã thẳng thừng đẩy tôi ra về. Nàng nhanh hơn tôi. Nàng đuổi theo tôi với một câu trả lời: Trước đây ngồi suốt thâu canh, Đêm nay ngồi với tỏi hành, đã sao? “Các vị phải thừa nhận rằng nàng đối đáp nhanh”. Anh ta đã xong câu chuyện. Hai chàng công tử, Genji và bạn chàng, không ai có gì để kể. “Một chuyện bịa đặt hoàn toàn, từ đầu đến cuối, anh có thể kiếm đâu ra một phụ nữ như vậy? Chẳng thà ngồi một buổi tối yên tĩnh để nói chuyện trò với một mụ phù thủy”. Họ cho rằng chuyện đó quá đáng, và yêu cầu anh kể một chuyện gì nghe có lý hơn. “Chắc hẳn là các vị không muốn một loại chuyện khác lạ hơn thế, phải không?” Và anh lặng im. Viên sĩ quan cận vệ lại chiều theo ý họ. “Ở đàn bà cũng như đàn ông, tệ nhất là kẻ cứ cố phô hết kiến thức nghèo nàn của mình ra. Ở một phụ nữ, cái tài cán ít được quý chuộng nhất, là vùi đầu cầy xới Tam Truyện và Ngũ Kinh; nhưng mặt khác người phụ nữ nào có thể sống suốt đời mà không biết đến một điều gì đó trong các việc công và tư? Một người phụ nữ linh lợi mực thước không cần phải là một học giả mới biết được khối điều. Tệ nhất là những kẻ nguệch ngoạc viết chữ nho nhanh đến nỗi cứ là liến láu, rồi nhồi nhét cho bọn phụ nữ hết thư này đến từ khác, mà chả biết để làm gì. “Các anh nói “Cái con người sao mà nhắng nhít! Nếu như cô ta chỉ nắm vững được một ít điều nho nhỏ của phụ nữ thì hay biết mấy. Tiếc rằng ngay cả các phu nhân quyền quý nhất cũng thường khi phạm lỗi lầm đó. “Rồi còn có cô nàng lại tưởng tượng mình là nữ thi sĩ. Nàng ngập đầu vào các văn tuyển, mới viết dòng đầu tiên thì đã trích dẫn văn cổ. Tự chúng, văn cổ cũng lý thú thật, nhưng vấn đề là đặt vào đâu cho khỏi lạc lõng. Với một người đàn ông, đọc một dòng đầu tiên đó cũng đã thấy ngán nhưng y sẽ bị gán cho là vô tình nếu y không trả lời, mà đừng hòng đòi được tôn trọng nếu y không trả lời theo kiểu tương tự. Đến ngày Hoa Ngũ Sắc, anh ta mừng quýnh đi vào triều và chẳng kịp ngó ngàng gì đến Hoa Ngũ Sắc gì sốt. Nhưng kìa, nàng lại lù lù ở đấy đưa ra những trích dẫn tế nhị về cây ngũ sắc. Vào ngày Hoa cúc15, đầu óc anh chả còn biết gì đến cái gì ngoài bài thơ Trung Hoa mà anh phải đem ra họa lại trong ngày, nhưng cô nàng đang ở đấy với bài thơ gì gì đó nói về hạt sương trên hoa cúc. Một bài thơ lẽ ra thì thú vị và thậm chí cảm động nữa, nhưng đem thơ vào một ngày kém vui thì quá lạc lõng và do đó phải nên gạt bỏ. Một phụ nữ ứng tác vội vã một bài thơ vào một lúc chẳng nên thơ chút nào, không thể gọi là một phụ nữ biết thưởng thức. 15. Ngày Hoa Ngũ sắc là ngày 5 tháng 5, ngày hoa cúc là ngày 9 tháng 9. “Đối với ai đó không nắm bắt được cái tính chất đặc biệt của mỗi thời điểm và mỗi dịp, thì cẩn thận nhất là không nên phô trương quá đáng khiếu thưởng thức và sự tao nhã. Mà nếu có biết thì có khi cũng nên làm như không biết, không nói ra hết những gì mình chuẩn bị định nói.” Qua buổi chuyện trò, ý nghĩ của Genji chỉ dồn vào mỗi một người và nàng choáng ngập cả lòng chàng. Nàng đã đáp lại mọi đòi hỏi chàng nghĩ: nàng không có mảy may khuyết điểm, không mắc phải những gì thái quá như đã được nêu ra trong cuộc bàn luận này.” Câu chuyện vẫn tiếp tục nhưng không đi đến một kết luận nào, khi mưa đêm rả rích sắp tàn để nhường chỗ cho bình minh sắp rạng, các câu chuyện mỗi lúc càng thêm có vẻ không thật. Hình như thời tiết sẽ tốt đẹp, sợ rằng bố vợ có thể trách chàng rể ở lì trong cung, Genji đi về Sanjō. Tại dinh thự này, nhất nhất mỗi chi tiết, mỗi nét đều tuyệt diệu và vừa ý chàng. Chàng không thấy dấu vết lộn xộn ở bất cứ đâu. Ở đây có người phụ nữ mà bạn bè của chàng liệt vào đám những người thật sự đáng tin cậy, không có không được. Ấy thế mà vì nàng quá vẹn toàn, vì nàng quá lạnh lùng đến nỗi chàng cảm thấy không được thoải mái. Chàng quay sang nói chuyện đùa vui với Chūnagon và Nakatsuka và các nữ tì trẻ xinh đẹp khác trong đám các thị tì của nàng. Trời rất ấm, chàng cởi áo ngoài và nom chàng thậm chí lại còn đẹp hơn. Quan thừa tướng tới gặp chàng. Nom thấy Genji ăn mặc lôi thôi, ông đứng phía sau rèm mà ngỏ lời thăm hỏi. Có phần nào bối rối vì phải tiếp một vị khách cao quý đến thế vào một ngày ấm áp nên Genji có hơi khó chịu. Thấy thế bọn nữ tì cười rinh rích, chàng ra hiệu bắt họ phải im lặng. Trời sắp tối, các thị tì nhắc nhở chàng là con đường từ lâu đài về nhà đi ngang qua địa phận của thần Center16 cho nên chàng không nên nghỉ đêm ở đây. 16. Một vị thần thay chỗ ở từng thời kì và không cho phép ai vượt qua “Chắc chắn thế rồi. Nhưng dinh của ta cũng nằm ở hướng đó. Mà ta quá mệt mỏi đi vòng làm sao được!”. Chàng nằm xuống như có ý định ở lại đêm nay, bất chấp những gì có thể xảy ra. “Thưa hoàng tử, đơn giản là không nên thế.” Một nữ tì nói “Có quan quận trưởng vùng Kii ở đây mà công tử biết”, – một người hầu của Genji vừa nói vừa chỉ về phía một người khác. “Thần đã trừng phạt sông Nội Giang17 và bắt nó chảy vào vườn của ngài, do đó mà nước rất mát.” 17. Chỉ phía đông thành phố “Ý kiến tuyệt diệu. Ta mệt mỏi thật sự, và có lẽ chúng ta sai người đi trước xem có thể vào vườn được không.” Không nghi ngờ gì, ở đấy có nhiều địa điểm bí mật mà có thể chàng đã đi qua để tránh điều cấm kỵ. Nhưng chàng đã trở về Sanjō, sau một thời gian vắng biệt khá lâu, quan thượng thư có thể nghi ngờ là chàng cố ý chọn một đêm như thế này để ra đi sớm. Ông quận trưởng Kii ngỏ lời mời khá thân mật, nhưng khi ông lui ra thì ông nói với quân hầu của Genji về những mối nghi ngại của ông. Hiện đang có lễ tẩy uế ở nhà cha ông, mọi phụ nữ phải rời khỏi nơi đó nhưng không may thay, họ lại tụ tập ở đây là nơi chật chội, ông sợ rằng Genji không được thoải mái. “Hoàn toàn không thế đâu,” Genji lắng nghe được, bèn nói. “Có người xung quanh mình là điều hay. Không có gì tệ hơn là một đêm sống xa nhà lại không có phụ nữ ở với mình. Chỉ cần dành cho ta một góc phía sau các bức rèm của họ là được.” “Nếu Hoàng tử đã muốn thế,” các người hầu nói, “thì ở chỗ ông quận trưởng là tốt nhất.” Thế là họ phái người đi trước xem tình hình. Liền ngay sau đó, Genji kín đáo ra đi vì chàng sợ những nghi thức lôi thôi. Chàng không nói với quan tể tướng chàng đi đâu và chỉ đưa theo những người hầu thân cận nhất, ông trấn thủ làu bàu, phàn nàn là chàng ra đi hơi quá vội vã. Nhưng không ai nghe ông. Các phòng phía đông của lâu đài đã được quét dọn sạch sẽ và nom khá tươm tất. Như đã nói, nước ở đây trong mát. Một bờ dậu đan bằng cành và cọc, nom có vẻ thôn dã, bao quanh khu vườn, cây cối được chăm chút cẩn thận hơn. Gió mát lạnh. Côn trùng bay vo vo đây đó, đom đóm lập lòe. Thời gian và địa điểm, nhất nhất cái gì cũng vượt quá sở thích của chàng. Đám người hầu của chàng chưa gì đã ngồi uống rượu ở phía ngoài, vừa uống vừa ngắm một con suối chảy dưới đường hầm. Ông quận trưởng có vẻ như đang “vội vã đi tìm thịt”18. Genji lặng lẽ ngắm nhìn xung quanh và chàng kết luận rằng ngôi nhà này chắc phải là bậc trung như anh chàng cận vệ đã nói lần trước. Nghe nói người mẹ kế của chủ nhà có lẽ cũng đang ở đây. Chàng lắng nghe những dấu hiệu tỏ cho biết rằng sắp ra mắt. Liền ngay đó ở phía tây có dấu hiệu của ai đó đang tới gần. Nghe có tiếng lụa sột soạt, những giọng nói trẻ trung rất êm tai, những tiếng cười rúc rích cố nén của các nữ tì. Có vẻ như các cửa chớp được nâng lên nhưng rồi, theo một lệnh của ông quận trưởng, chúng được hạ xuống. Có ánh đèn yếu ớt le lói phía trên cửa trước. Genji tiến lại để nhìn xem, nhưng không thấy có khe hở nào đủ rộng để có thể ghé mắt qua. Chàng lắng nghe trong chốc lát, và biết được rằng đám phụ nữ đã tụ tập ở phòng chính cạnh phòng chàng. Tiếng chuyện trò rì rầm hình như ở quanh chàng. 18. Một ý trong bài dân ca. Có nghĩa đi tìm thức nhắm “Chàng ta đứng đắn khiếp lắm,” họ nói “và đã có một nàng xinh đẹp xứng đôi với chàng. Mà cũng còn rất trẻ. Chúng mày có nghĩ là chàng hơi cô độc không? Nhưng thiên hạ lại đồn thỉnh thoảng chàng cũng đánh liều kín đáo đi tìm thú nguyệt hoa kia đấy.” Genji giật mình. Tâm trí chàng chỉ dành cho một nàng, nhưng chuyện đồn đại mách qué lại là thế! Thật là phiền, nếu như các lời đồn đại về mối tình thật của chàng lan truyền khắp nơi? Nhưng câu chuyện của họ cũng không có ác ý và mãi rồi chàng cũng đâm chán. Ai đó đọc trích dẫn một bài thơ mà chính chàng đã buộc ở một bông hoa ban mai19 để gửi cho người chị em thúc bá của chàng là Asagao. Kể ra thì bài thơ đọc không được chỉnh lắm. Đọc thơ, lúc nào cũng nghe đọc thơ, chàng sợ rằng chàng có thể bị thất vọng khi gặp người phụ nữ. 19. Asagao hình như chỉ nhiều hoa mọc ở buổi mai Ông quận trưởng cho đặt thêm nhiều đèn ở mái hiên, và đã cho bưng đồ giải khát tới. “Mà ông đã cho treo các mành lên chưa?” Genji hỏi, “Chưa làm thế là ông chưa làm tròn tư cách một chủ nhà đâu đấy nhé!” “Công tử ưa dùng những thức gì trong tiệc mặn,” ông quận trưởng nói tiếp, có phần cứng nhắc. “Tôi e rằng không khỏi chịu thất lễ.” Genji tìm thấy một chỗ mát mẻ ở phía ngoài gần hiên chàng tới đó và chàng nằm xuống. Các người hầu của chàng nín lặng, nhiều cậu bé cũng có mặt, ăn mặc chải chuốt, là con của ông chủ hoặc của cha ông ta, và của quan tỉnh trưởng Iyo. Trong số đó có một cậu bé đẹp mê hồn, khoảng mười hai mười ba tuổi. Hỏi thăm lai lịch các cậu bé Genji hay rằng cậu bé đó là em trai người dì ghẻ của chủ nhà, con một sĩ quan cận vệ đã mất. Cha cậu đã nuôi những hi vọng lớn về cậu nhưng ông đã mất khi cậu còn rất bé. Cậu đã theo chị tới nhà này sau khi chị cậu lấy ông tỉnh trưởng Iyo. Cậu tỏ ra có chút năng khiếu về văn học kinh điển – chủ nhà nói – tính khí thì trầm tĩnh và dễ thương, nhưng cậu còn nhỏ tuổi và không có ai nâng đỡ, cho nên khó có triển vọng được vào chốn triều môn.” Tội nghiệp. Thế vậy, chị cậu ta là dì ghẻ của ông” “Thưa vâng.” “Dì ghẻ thế thì trẻ quá. Cha tôi trước kia có ý định mời bà ta vào cung. Thì chính ngày hôm kia, người đã hỏi không biết bà ta thế nào.“Và chàng nói thêm với một sự trang trọng không thích hợp lắm với tuổi chàng, “Cuộc đời bấp bênh thật.” “Hầu như mọi sự đều do ngẫu nhiên. Phải, công tử nói đúng. Trần thế này quả là quá bấp bênh; và trước đây bao giờ cũng đã là thế, đặc biệt đối với phụ nữ. Họ là những cánh bèo trôi giạt20. 20. Khúc gỗ bị trôi dạt “Nhất định là cha ông rất để tâm đến những nhu cầu của bà ta. Quả vậy, người ta thấy phiền muộn khi không biết ai làm chủ mình?” “Ông cụ hết sức tôn sùng bà. Còn chúng tôi thì không hoàn toàn được sung sướng với cách thu xếp của ông ta.” “Nhưng các ông là những người can đảm trẻ trung, chắc các ông không trông đợi nhiều ở ông ta. Về mặt đó, ông biết đấy, ông ta cũng có chút tiếng tăm. Mà bà ấy bây giờ ở đâu? “Tất cả được báo sẽ phải qua đêm ở nhà người gác cổng, nhưng xem ra thì họ nấn ná không vội gì ra nơi đó.” Rượu ngấm vào, bọn người hầu lăn ra ngủ gà ngủ gật trên hiên. Genji nằm mắt mở thao láo vì chàng không vui thú gì nếu phải ngủ một mình. Chàng có cảm giác là có ai đó đang ở bên phòng phía bắc. Có thể là người phụ nữ mà họ đã nói tới. Chàng nín thở đi về phía cửa và lắng nghe. “Chị ở đâu thế? Cái giọng khàn khàn ngộ nghĩnh là giọng của chú bé đã khiến chàng chú ý.” “Ở trên này”. Có thể là tiếng bà chị. Hai giọng nói ngái ngủ rất giống nhau. “Còn ông khách của nhà ta đâu? Chị cứ nghĩ là chàng có thể ở đâu gần đây, nhưng hình như chàng đi rồi thì phải.” “Chàng đang ở bên phòng phía đông. “Chú bé hạ thấp giọng. “Em đã thấy chàng. Chàng đẹp ơi là đẹp, thiên hạ nói chẳng sai.” “Giá là ban ngày thì chị cũng nhìn trộm chàng một chút. “Bà chị ngáp, rồi có vẻ như kéo áo ngủ lên trùm mặt.” Genji hơi ngán ngẩm. Lẽ ra nàng có thể hỏi chú em một cách kỹ lưỡng hơn. “Chị sẽ ra ngoài ngủ, ở gần phía hiên. Nhưng sao lại tối như thế này.“Chú bé vặn đèn cao hơn. Rõ ràng là người phụ nữ nằm ở đầu đoạn chéo cách xa Genji. “Mà con Chūjō đâu? chị không muốn ở lại một mình.” “Chị ta đi tắm. Chị ấy nói sẽ về chóng. “Cậu bé đứng ngoài gần chỗ hiên, nói chõ vào. Tất thảy đều yên tĩnh. Genji đẩy nhẹ then cài và thử mở cửa. Cửa không khóa. Phía trong một bức mành đã được căng ra, và trong ánh sáng tù mù, chàng có thể nhận rõ cái rương hòm Trung Hoa và các đồ trang sức khác bầy biện hơi lộn xộn. Chàng đi thẳng tới cạnh nàng. Nàng nằm uể oải, thân hình mảnh mai bé nhỏ. Tuy có chút bực mình vì bị quấy rầy, nhưng rõ ràng nàng nghĩ đấy là người thị tì Chūjō, mãi tới lúc nàng kéo áo phủ mặt ra: “Ta nghe nàng gọi một viên đại úy”21, chàng nói “Ta nghĩ rằng những lời thỉnh cầu của ta từ bao nhiêu tháng nay, đã được đáp ứng. 21. Chūjō có nghĩa là “đại úy”, chức vụ của Genji đang giữ Nàng giật mình, há hốc miệng, nhưng mọi tiếng động bị bóp nghẹt trong các chăn đệm và không ai nghe thấy gì. “Nàng hoàn toàn đúng nếu nàng nghĩ rằng ta không biết tự kiềm chế. Nhưng ta mong nàng biết cho, bao nhiêu lâu nay ta mải tơ tưởng đến nàng. Cuối cùng là ngày hôm nay ta đã tìm thấy cơ hội và đang lợi dụng cơ hội đó, như thế đủ chứng tỏ rằng tình yêu của ta đâu có phải là nông nổi.” Dáng điệu cử chỉ của chàng dịu dàng quyến rũ khiến đến yêu tinh quỷ sứ cũng không thể cưỡng lại chàng. Nàng những muốn hô hoán báo cho mọi người biết đang có một người lạ xâm phạm chốn phòng khuê. “Em nghĩ công tử đã nhầm em với ai đó,” thấy bị xúc phạm, nàng nói như vậy tuy rằng tiếng nàng hổn hển. Cái thân hình nhỏ nhắn, mảnh mai tưởng như sắp ngất xỉu. Chàng thấy nàng đẹp bội phần. “Ta tự để cho con tim ta lôi cuốn cho nên không thể nói đến chuyện nhầm lẫn. Nếu nàng có ý nghĩ khác thì nàng độc ác quá. Ta hứa với nàng ta sẽ không làm điều gì không đoan chính. Ta phải yêu cầu nàng lắng tai một chút nghe ta giãi bày nỗi lòng.” Nàng nhỏ bé quá khiến chàng dễ dàng bế thốc nàng lên. Trong lúc bước qua cửa để về phòng của mình, chàng đụng phải Chūjō. Chàng kinh ngạc kêu lên một tiếng. Đến lượt mình, Chūjō cũng kinh ngạc cứ đứng lì trong bóng tối mà trố mắt nhìn. Mùi nước hoa ngào ngạt từ quần áo chàng tỏa ra như đám mây khói nói cho cô ta biết chàng là ai. Cô thẹn thùng đứng lặng, không tài nào nói nên lời. Giá như chàng là một kẻ xâm nhập tầm thường, cô ta có thể dùng sức mạnh mà giật cô chủ ra. Nhưng cô ta không muốn làm cho cả nhà kinh động. Cô ta đi theo sau, nhưng Genji vẫn không mảy may động lòng trước những lời cầu xin của cô. “Sáng mai hãy đến đón nàng,” chàng vừa nói vừa đóng cửa lại. Nàng toát mồ hôi đầm đìa và lo quýnh lên khi nghĩ đến những gì Chūjō và cả những người khác nữa, có thể nghĩ về nàng. Genji cảm thấy buồn cho nàng. Tuy vậy những lời nói ngọt ngào vẫn tuôn tràn xen vào những câu châm ngôn bùi tai khiến cho một người phụ nữ dễ phải đầu hàng. Nhưng nàng không để bị xoa dịu. “Có thể thật như thế sao? Có thể chàng đòi em phải tin rằng chàng không đem em làm trò đùa? Đàn bà con gái phận hèn thì phải chịu lấy chồng phận hèn.” Chàng lấy làm buồn cho nàng và có phần xấu hổ về mình, nhưng chàng trả lời thận trọng và từ tốn. “Nàng cho ta thuộc loại thanh niên phóng đãng mà nàng thấy nhan nhản khắp nơi hay sao? Nghĩ thế là sai. Ta còn rất trẻ, không biết gì về hoàn cảnh của nàng. Hẳn là nàng đã nghe nói về ta, và nàng phải biết ta không làm những chuyện liều lĩnh. Nàng đang biến ta thành anh hề. Ta chả kinh ngạc về điều đó, ngay cả những xúc động cuồng nhiệt đang khiến ta kinh ngạc.” Nhưng cái vẻ đẹp rực rỡ của chàng lại khiến nàng phải chống cự. Chàng có thể nghĩ nàng bướng bỉnh và vô tình, nhưng xét kỹ hơn, chính sự lạnh nhạt của nàng có thể sẽ khiến chàng đâm chán mà bỏ đi. Bản tính dịu dàng và dễ vâng lời, nàng đột nhiên trở nên cứng rắn, chẳng khác một cây tre non dễ uốn cong nhưng không dễ gì bị bẻ gẫy. Nàng đang khóc. Tay áo chàng đã thấm đầy nước mắt, nhưng có cho cả thế giới chàng cũng không chịu từ nan. “Cớ sao nàng lại ghét bỏ ta?” chàng nói trong một tiếng thở dài, tuy không tài nào ngăn nàng thôi khóc. “Há nàng không biết rằng những chuyện gặp gỡ bất ngờ là do số mệnh định đoạt hay sao? Thật ra, nàng yêu dấu, nàng biết quá ít về chuyện đời.” “Giá em gặp được chàng trước khi có nông nỗi này,” nàng đáp lại, và chàng phải chấp nhận sự thật, “thì lúc đó em đã tự an ủi mình là có một ngày nào đó, chàng sẽ nghĩ về em với tấm lòng thương mến. Nhưng đó là chuyện vô vọng. Nhưng thôi, cơ sự đã thế này, em chỉ xin một điều: Ai có hỏi chàng có gặp em không, thì chàng đừng nói gì với họ.” Người ta có thể hình dung là chàng tìm được những lời hứa hẹn ân cần để khiến nàng an tâm. Tiếng gà gáy đầu vang lên, bọn người hầu của Genji đã thức dậy. “Cậu ngủ có ngon không? Mình thì, dĩ nhiên” “Ta hãy cho xe chuẩn bị sẵn” Người ta nghe một số nữ tì hỏi nhau có phải những người đang tránh điều cấm kị, sắp sửa lại rời bỏ nơi đây vào lúc nửa đêm không? Genji rất khổ tâm. Chàng sợ mình không thể tìm ra được một cái cớ để có một cuộc gặp gỡ khác. Chàng không thấy có cách nào để có thể thăm viếng nàng, và chàng cũng không biết họ sẽ viết thư cho nhau như thế nào được. Chūjō đi ra, và cũng khổ tâm không kém. Chàng để cho nàng đi vào nhưng rồi lại giữ nàng lại. “Ta sẽ viết cho nàng thế nào được? Tình của đôi ta sâu như biển cả, thế mà chúng ta sẽ phải sống với những hoài niệm. Còn gì lạ lùng hơn thế hay không?” Chàng rơi lệ và do đó chàng nom càng đẹp thêm. Gà lại gáy dồn. Chàng cảm thấy buồn phiền như thế nào đó khi làm mấy vần thơ từ biệt. Cớ sao chứng khiến giật mình, Với tiếng báo thức bình minh tới rồi, Giờ trôi, giờ phút cứ trôi, Không chờ băng tuyết tan vơi cùng giờ. Nàng thấy xấu hổ về mình vì đã lọt vào mắt một người đàn ông mà với nàng thì đứng trên cao vời vợi. Những lời lẽ ân cần của chàng không gây được bao nhiêu kết quả. Nàng nghĩ đến người chồng mà nàng coi như một anh hề, một kẻ ngu đần. Nàng run sợ khi nghĩ rằng một giấc mơ của nàng cũng có thể mách với lão những gì xẩy ra trong đêm. Nàng họa lại bằng mấy câu thơ: Đêm tàn lệ vẫn tuôn rơi, Giọng sầu thổn thức hòa theo tiếng gà. Lúc này đã sáng tỏ hơn. Chàng thấy nàng đứng tựa cửa và cả nhà sắp sửa trở lại cuộc sống rậm rịch. Một hàng rào chắn đã rơi xuống ngăn cách hai người. Trong bộ triều phục ăn bận cẩu thả, chàng đứng tựa một lúc vào chấn song ở hướng nam và nhìn ra vườn. Dọc mái tây của ngôi nhà, các cửa chớp đã được đẩy lên. Các nữ tì hình như đang nhìn chàng, qua một bức mành thấp ở hiên. Không nghi ngờ gì nữa, chàng đã mang lại niềm vui thú. Mảnh trăng hạ tuần còn chiếu sáng trên bầu trời buổi bình minh làm tăng vẻ đẹp của ban mai. Bầu trời tuy dửng dưng nhưng vào những lúc này, tùy theo người ngắm mà nó tỏ ra thân ái hay buồn bã. Genji đang trong tâm trạng đau khổ. Chàng biết không có cách nào dù chỉ để trao đổi với nhau vài dòng tâm sự. Chàng rời ngôi nhà, chân bước đi và luôn luôn ngoái nhìn lại phía sau. Một lần nữa chàng trở lại Sanjō, chàng không tài nào ngủ được. Ý nghĩ là họ sẽ không còn gặp lại nhau đang dìm chàng trong nỗi đau xé ruột, nhưng còn nàng thì sao? Nàng không thuộc loại đẹp sắc nước hương trời, nhưng nàng có duyên và tỏ ra có học thức thuộc hạng trung bình. Chàng lầm rầm tự nhủ, như vậy nhưng viên sĩ quan cận vệ đã nom thấy họ đêm vừa qua, biết rõ là chàng đang nói về ai. Lúc này chàng đang sống phần lớn thời gian ở Sanjō, nhưng tâm trí chàng vẫn mải vấn vương hình bóng người phụ nữ khó gần nổi. Cuối cùng chàng mời ông quận trưởng Kii tới. “Thế ra, cái chú bé mà ta trông thấy đêm nào đó, là chú nuôi của ông. Xem ra thì cũng là một chàng trai có nhiều hứa hẹn. Thiết nghĩ ta có thể dành cho chú ta một địa vị gì đó , thậm chí có thể giới thiệu với cha ta.” “Đội ơn công tử đã chiếu cố, tôi lấy làm vui mừng khôn xiết. Có lẽ tôi sẽ nói chuyện này với bà chị chú ta!” Nghe người ta nói đến nàng, trái tim Genji đập dồn dập. “Bà ấy có con cái gì không?” “Thưa không. Bà ta và bố tôi, mới lấy nhau được hai năm nhưng theo tôi suy ra, bà ta không được sung sướng. Cha bà ta trước đây đã có ý nghĩ là đưa bà vào cung.” “Kể cũng buồn cho bà ta. Người ta đồn bà ta là một mỹ nhân. Đồn đại thế có đúng không?” “Tôi sợ là họ nhầm. Nhưng dĩ nhiên theo tục lệ, con riêng của chồng thì không được gần dì ghẻ nhiều lắm.” Nhiều ngày sau buổi đó, ông ta dẫn chú bé đến với Genji. Xem xét kỹ lưỡng thì chú bé không phải là thật đặc biệt, nhưng rất xinh đẹp và duyên dáng. Genji nói chuyện với cậu ta với một thái độ hết sức thân ái khiến cậu ta vừa vui thích vừa thẹn thò. Khi hỏi han chú về bà chị, Genji không hay biết được gì nhiều lắm. Chú ta trả lời khá nhanh nhẩu, nhưng chàng có hơi chưng hửng khi thấy cậu biết giữ ý giữ tứ. Genji nói bóng nói gió xa xôi hơn về những gì đã xảy ra hôm nào. Chú bé lộ vẻ sửng sốt, chú đã đoán ra sự thật nhưng chưa đủ già dặn để đeo đuổi câu chuyện. Genji trao cho chú một bức thư gửi bà chị. Khi nhận được thư thì nước mắt nàng giàn giụa. “Không biết người ta nói với nó những chuyện gì?”, nàng vừa nhủ thầm, vừa mở rộng tờ thư để che giấu đôi má ửng đỏ. Bức thư rất dài và kết thúc bằng mấy câu thơ: Khát khao mơ lại giấc mơ, Đêm đêm, vò võ canh khuya thức tràn, Không đêm nào ngủ được,22 Mộng không về, vì thức trắng canh thâu. 22. Thơ cổ: Trong nhớ nhung tìm đâu nguồn an ủi Chữ viết như rồng bay phượng múa, nhưng rốt cuộc nàng chỉ biết khóc, khóc than cho cuộc đời nàng đã rẽ hướng một cách lạ lùng. Ngày hôm sau, Genji sai đi tìm chú bé “Thư phức đáp đâu?” chú hỏi chị. “Em nói với công tử là em không tìm thấy ai để trao thư của chàng.” “Ôi! lạy trời”. Chú bé mỉm cười ra điều hiểu biết. “Làm sao em có thể thưa với công tử như thế được? Em cũng biết khá nhiều, chắc chắn làm sao có sự nhầm lẫn được.” Nàng kinh hoàng. Rõ ràng Genji đã hở ra hết. “Chị thật không hiểu tại sao lúc nào em cũng phải thông minh đến thế. Có lẽ tốt nhất là em đừng đi.” “Nhưng công tử cho tìm em kia mà”. Và chú em bỏ đi. Ông quận trưởng Kii đã bắt đầu để ý đến người dì ghẻ trẻ trung và xinh đẹp, và ông ta đang theo đuổi nàng với những lời tán tỉnh ve vãn không dứt. Bởi thế ông ta lấy lòng người em nàng đang trở thành người bạn thường xuyên đi lại với ông. “Suốt ngày hôm qua ta đã đợi chú,” Genji nói. “Rõ ràng rồi, trong khi ta nghĩ nhiều đến chú thì chú đâu có nghĩ mấy đến ta.” Chú bé đỏ mặt. “Thư trả lời đâu?” Và khi chú bé đã thuật lại mọi chuyện với chàng, chàng nói tiếp: “Một chú đưa thư quý hóa gớm! Thế mà ta đã hi vọng có được cái gì tốt hơn!” Chàng lại viết những lá thư khác. “Thế chú không biết sao?” chàng nói. “Ta biết chị chú trước khi lão già kia lấy nàng. Có lẽ nàng đã nghĩ ta yếu thế và vô dụng nên muốn tìm một chỗ nương tựa vững chắc hơn. Thôi được, nàng có thể khinh thường ta, nhưng chú thì không nên thế. Chú sẽ như con ta. Cái lão mà chị em chú đang trông chờ giúp đỡ, sẽ chả còn sống được bao lâu.” Chú bé có vẻ như đang nghĩ đến sự phiền toái mà người chồng của chị chú đang gây nên cho hai chị em. Genji lấy làm thích thú. Chàng đối xử với chú bé như con chàng, biến chú thành người bạn thường xuyên, cho chú áo quần lấy ở tủ áo của chàng, lại còn đưa chú vào triều. Chàng tiếp tục viết thư cho nàng. Về phía mình nàng sợ rằng với một kẻ đưa thư thiếu kinh nghiệm đến thế, bí mật có thể bị lộ; thêm vào đó còn có điều lo nghĩ khác, là sẽ bị dị nghị nàng sống buông tuồng bừa bãi. Có những bức thư dài, nhưng nàng vẫn giữ đúng như địa vị nàng đòi hỏi. Lời lẽ phúc đáp của nàng cứng ngắc, đúng khuôn phép. Nàng không thể quên được vẻ đẹp chói lọi của chàng tuy trong đêm đó nàng chỉ nhìn thấy lờ mờ. Nhưng phận nàng đã trao cho kẻ khác, có cố làm cho chàng quan tâm đến thì cũng chả được lợi gì. Nỗi nhớ nhung của chàng thì khôn nguôi. Chàng không thể quên cái dáng người mảnh mai, cái vẻ e lệ ngượng ngùng của nàng. Có biết bao con mắt dòm ngó xung quanh nàng cho nên một xâm nhập khác vào khuê phòng của nàng rất có thể bị chú ý, và lúc đó thì sự việc sẽ rất buồn. Một buổi tối, sau khi ở lại triều đình mấy ngày, chàng tìm được một lý do để tự bào chữa: dinh của chàng lại một lần nữa nằm ở hướng cấm. Giả đò đi về Sanjō nhưng chàng lại rẽ về nhà ông quận trưởng. Ông ta rất vui sướng, vì nghĩ rằng những con suối, những cái đầm khéo bài trí, đã lôi cuốn hoàng tử. Genji đã bàn bạc với chú bé luôn luôn đi theo hầu chàng. Nàng đã được báo tin về cuộc thăm viếng. Nàng phải thừa nhận chàng bị thôi thúc quá mãnh liệt nên mới bầy ra những thủ đoạn như vậy. Nhưng nếu nàng phải tiếp chàng, thẳng thắn ngồi đối chuyện với chàng, thì nàng còn trông chờ được gì ngoài nỗi sầu khổ như đêm hôm trước, ngoài cơn ác mộng sắp lại tái diễn? Không, hổ nhục quá. Sau khi chú em đã ra đi, nàng gọi nhiều nữ tì đến. “Ta nghĩ, ở quá gần chỗ công tử là điều không hợp lẽ. Vả lại, ta thấy không được khỏe, có lẽ cần phải ở chỗ nào đó để các người xoa bóp cho ta; chỗ nào đó khá một chút để khỏi quấy rầy chàng”. Nữ tì Chūjō ở trong những căn phòng tại một hành lang tách biệt. Nàng sẽ đến trú ẩn ở đấy. Sự việc xẩy ra đúng như nàng đã sợ. Genji cho người hầu đi ngủ sớm và sai người đưa thư đi. Chú bé không tìm thấy chị. Chú nhìn quanh nhìn quẩn khắp nơi và đang không biết làm thế nào thì cuối cùng chú bắt gặp nàng ở hành lang. Chú gần như muốn khóc. “Nhưng công tử sẽ nghĩ em là đứa hoàn toàn vô tích sự.” “Thế em muốn chị phải làm gì nào? Em còn bé, làm cái việc đưa thư như vậy là không nên. Em thưa với chàng là chị không được khỏe, có giữ lại một số nữ tì để xoa bóp cho chị. Em không nên ở đây, kẻo người ta cho là kỳ cục.” Nàng nói một cách cương quyết nhưng tâm hồn nàng thì chao đảo. Hạnh phúc cho nàng biết bao, giá như nàng không vướng vào cuộc hôn nhân bất hạnh này vẫn được ở trong ngôi nhà với những kỷ niệm về cha mẹ đã khuất. Lúc đó nàng có thể bình tĩnh chờ đợi những cuộc thăm viếng tuy không đều đặn lắm của chàng. Đằng này lại phải dằn lòng để tỏ ra lạnh lùng khi tiếp chàng! Như thế chắc chàng lại nghĩ rằng nàng không biết đến thân phận của nàng trên đời. Nàng đã làm những gì nàng nghĩ là tốt nhất, nhưng làm thế này lại mang lấy đau khổ. Thôi, việc đời cái gì cũng khó, chả biết thế nào mà chọn. Nàng phải tiếp tục đóng vai người phụ nữ lạnh lùng vô tình. Genji đang nằm, tự hỏi không biết chú bé đang tán tỉnh nịnh nọt như thế nào. Chàng không tin tưởng cho lắm vì chú bé non trẻ quá. Ngay lúc đó thì chú bé về báo cáo sự thất bại của chú. Người phụ nữ ấy mới đanh thép làm sao! Khó ai bì kịp! Genji thở dài một tiếng, để lộ rõ sự thất vọng khiến chú bé suýt phát khóc. Genji gửi cho nàng một câu thơ: Lang thang trên đất hoang vu, Đậu chổi đánh lừa ta nào biết? Làm sao biết ngỏ nỗi buồn sầu da diết. Trong lúc ấy thì nàng cũng không chợp mắt được. Nàng viết thư trả lời: Người ở đây hồn ở đâu, Nằm trong lều nhỏ, nổi sầu mang mang, Cây đậu chổi dễ biến tan, Ước gì như nó, nhớ thương không còn? Chú bé cứ thế mang thư đi đi về về, quên cả giấc ngủ vì háo hức muốn tỏ ra có ích cho cả đôi bên. Chị chú thì cứ van nài chú hãy để ý đến miệng lưỡi thiên hạ. Các người hầu của Genji đang ngáy như sấm ở nơi khác. Chàng nằm một mình trằn trọc bực bội. Cái sự bướng bỉnh của nàng quả là có một không hai, đâu có phải như cây đậu chổi. Nó không chịu tan biến đi. Nhưng mãi rồi chàng cũng đâm ngán. Thôi, cứ để mặc nàng thích gì làm nấy. Nhưng nói thì đơn giản, dứt ra cho được đâu có dễ dàng! “Ít ra thì chú cũng phải đưa ta đến chỗ nàng” “Chị em đóng kín cửa nằm lì trong một căn phòng bụi bặm và đủ mọi nữ tì ở bên chị em. Em thấy như thế chả khôn tí nào”. Chú bé muốn được việc hơn. “Thôi được, ít ra thì em cũng không nên bỏ rơi ta.” Nói xong Genji đẩy chú bé nằm xuống bên cạnh mình. Chú bé sướng rơn trước vẻ đẹp thanh xuân của chàng Genji. Về phía mình, chàng thấy chú em quyến rũ hơn cô chị lạnh lùng của chú. Chương 3 (Utsusemi) Lốt ve G enji trằn trọc không ngủ được. “Ta không quen với cách đối xử như vậy. Đêm nay là lần đầu tiên ta biết một người phụ nữ có thể đối xử với một người đàn ông như thế nào. Lòng bị tổn thương và nỗi hổ nhục hành hạ ta khiến ta không còn biết làm sao có thể sống mãi được.” Chú bé nước mắt ràn rụa, và nom chú càng xinh đẹp thêm. Theo trí tưởng tượng của Genji, với cái thân hình mảnh mai kia, với cái mái tóc không quá dài kia phải chăng nom chú rất giống với chị chú? Nhưng cho dù là tưởng tượng đi nữa thì sự giống nhau đó chỉ khiến chàng thêm khổ. Chỉ còn có một lối thoát là tìm kiếm một người đàn bà khác, nhưng làm thế thì đâu còn là danh giá? Và Genji lại trằn trọc thâu đêm trong nỗi oán hận sửng sốt. Chú bé thấy chàng kém thân ái hơn mọi ngày. Trước lúc rạng sáng Genji bỏ đi, để lại chú bé trơ vơ buồn tủi. Về phía nàng, nàng cũng trăn trở không thôi. Không nhận thêm được một lời của Genji. Có vẻ như chàng đã chán ngấy với nàng. Nếu quả thật chàng từ bỏ nàng thì đau đớn cho nàng biết bao, nhưng dẫu sao thì nàng vẫn sợ một cuộc thăm viếng khác. Trong khi đó thì Genji gặm nhấm nỗi bực dọc day dứt. Chàng không thể quên nàng và chàng sợ chàng đang biến mình thành một thằng hề. “Ta buồn quá em ạ,” chàng nói với chú bé. “Ta cố quên nàng, nhưng quên làm sao được. Em nghĩ, em có thể thu xếp được một cuộc gặp gỡ khác không?” Điều đó thật khó nhưng dẫu sao chú bé vẫn lấy làm mừng. Với sự hăng hái nhiệt tình của trẻ con, chú rình mò một cơ hội. Thì vừa vặn đúng lúc này, ông quận trưởng Kii phải đi kinh lý dưới tỉnh. Suốt những buổi hoàng hôn dài đằng đẵng, nàng không có gì để làm. Trong bóng đêm che phủ, chú bé đánh xe đưa Genji đến dinh ông quận trưởng. Genji có chút lo âu thấp thỏm. Xét cho cùng người hướng dẫn chàng chỉ là một chú nhóc con, nhưng đây không phải là lúc do dự. Ăn mặc qua loa, chàng hối thúc chú bé đi nhanh để tới nơi trước khi cổng đóng. Xe đi vào lối cổng sau và Genji xuống xe. Một chú bé con như thế thì ít bị lính gác để ý, mà thực tình thì họ cũng chả kính trọng chú cho lắm. Chú để Genji đứng đợi ở cửa phía đông còn chú thì đi vào tòa nhà chính. Chú nện cửa thình thình rồi đi vào. “Đóng lại! Đóng cửa lại!” các thị tì kêu ré lên. “Đóng lại kẻo thiên hạ có thể nhìn vào!” “Nhưng, buổi tối ấm trời thế này mà lại đóng cửa là tại làm sao?” “Phu nhân bên cánh tây đã ở đây từ trưa. Mọi người sẽ đến chỗ chơi cờ vây.” Hi vọng được trông thấy họ ở bàn cờ vây, Genji từ chỗ nấp lẻn ra, xâm xâm tìm đường băng qua cửa và các bức rèm. Cánh cửa mà vừa rồi chú bé đã đi qua vẫn còn mở23. Genji có thể nhìn thấu suốt sang phía tây. Một ô vải của bức rèm phía trong đã được cuốn lên, các bức mành đã được vén vắt lên khung, có lẽ vì nóng nực. Quang cảnh hiện ra lồ lộ không gì che khuất. 23. Sự mô tả các phòng có vẻ rối rắm. Các cánh cửa ván (Koshi) có vẻ như ở giữa hàng hiên và các phòng (chú thích bản tiếng Anh). Ở chỗ gần các phụ nữ ngồi có một cây đàn. Bóng một người phụ nữ ngồi tựa lưng vào một cột trụ – phải chăng đấy là con người đã làm cho trái tim chàng rạo rực? Trước tiên chàng nhìn vào nàng. Hình như nàng mặc một áo lót đỏ thắm thêu một mẫu vẽ, phía ngoài là một chiếc áo khoác khó xác định được mầu sắc và vải may. Nàng là một phụ nữ bé nhỏ, bình thường có những nét duyên dáng. Rõ ràng nàng muốn che giấu mặt ngay cả với cô gái ngồi đối diện và nàng thu đôi bàn tay nhỏ nhắn vào ống áo. Người đối diện với nàng ngoảnh mặt về hướng đông, cho nên Genji nom thấy rõ khuôn mặt cô này. Bên ngoài một chiếc áo ngoài mầu đỏ tía và cả hai thứ đều để hở xuống tận dải quần đỏ. Dáng người rất đẹp, cao và mẫm, thanh nhã. Trên khuôn mặt rám nắng, mắt và miệng nàng rạng lên một ánh vui tươi láu lỉnh. Tuy không dài lắm nhưng tóc nàng rậm và dầy, và khi nó buông lòa xòa xuống đôi vai thì nom mượt mà óng ả. Chàng không thể phát hiện được mảy may thiếu sót ở nàng và do đó chàng biết được tại sao cha nàng, ông tỉnh trưởng Iyo, quý nàng đến thế. Chắc chắn là điều đó có thể có ích giá như nàng bớt trầm lặng hơn một chút. Tuy vậy có vẻ như nàng không phải chỉ ngây thơ, ngờ nghệch. Nàng tỏ ra rất sáng ý khi đặt một viên đá lên điểm chết để báo hiệu trò chơi chấm dứt. “Khoan, một phút nữa đã, nào,” người kia bình tĩnh nói “chưa xong hẳn đâu mà. Nàng cũng biết đấy, chúng tôi còn phải đưa con Kō ra đã”24. 24. Kō, thuật ngữ phật giáo chỉ một thời gian dài vô kể để chuyển sang sự vĩnh hằng. Trong trò chơi cờ vây, đó là tình thế mà hai tay chơi lấy đi lấy lại cùng những quân cờ đó mãi mãi. Để cắt đứt cuộc trao đổi, tay chơi mà quân cờ bị lấy trước. """