" Truyện Đọc Đêm Khuya Tập 2: Xưng Tội Trước Bình Minh - Vũ Quang Hùng full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Đọc Đêm Khuya Tập 2: Xưng Tội Trước Bình Minh - Vũ Quang Hùng full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup 23-04-2018 LỜI MỞ ĐẦU Truyện trinh thám luôn là một thể loại được các bạn đọc giả yêu thích. Tính chất hấp dẫn của thể loại truyện này không còn phải bàn cãi. Cốt truyện gay cấn, bố cục chặt chẽ, tiến triển nhanh, gọn, bất ngờ, cách xử lý thông minh, chính xác… là ưu điểm của thể loại truyện trinh thám. Tuy nhiên, không phải độc giả nào cũng có đủ thời gian và sự tập trung để theo dõi một cốt truyện điều tra gay cấn kéo dài. Chính vì vậy, NXB Trẻ sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm mới với bộ sách “Truyện đọc đêm khuya”. Không còn những câu chuyện căng thẳng kéo dài. Không tốn nhiều thời gian cho theo dõi cho một quá trình điều tra căng thẳng. Bộ sách này quy tụ những câu chuyện trinh thám ngắn gọn, súc tích, nhưng không kém phần gay cấn. Mỗi câu chuyện là một tình huống khác nhau, đầy bất ngờ và lôi cuốn. Với bộ “truyện đọc đêm khuya” do tác giả Vũ Quang Hùng dịch và phóng tác, NXB Trẻ hi vọng sẽ mang lại món ăn tinh thần tuyệt vời trước khi ngủ cho các fan của truyện trinh thám. NHỮNG NGÔI NHÀ ĐẸP Ngày 17-7-1989. Một cậu bé đang đi dọc theo những con đường trong khu đông dân cư Berkeley, gần San Francisco. Cậu 10 tuổi, tóc nâu, mắt màu hạt dẻ, gọn gàng trong chiếc quần gin màu xanh dương và chiếc áo thun hồng có hàng chữ “Đại học Berkeley”. — Này cậu bé, cậu bé! Tôi bị lạc mất con chó. Cậu giúp tôi tìm nó với! Cậu bé nhìn người đàn ông vừa ra khỏi chiếc xe hơi lớn đen nhánh. Cậu đắn đo. Cha cậu từng bảo cậu không giờ nên đi theo những kẻ lạ mặt, nhưng đi tìm chú cún con lại là chuyện khác. Vả lại cậu vốn rất thương yêu loài vật, nhất là những con chó. Vậy là cậu theo người lạ mặt bước vô xe hơi. Trong xe còn có nhiều người khác. Xe hơi rồ máy lao đi… * * * Francis Richardson, 45 tuổi, đang ngồi đọc báo buổi chiều trên ghế xích đu trong mảnh sân thuộc ngôi biệt thự rộng mênh mông tại Berkeley, trông ngay ra vịnh San Francisco. Francis Richardson là một nhà triệu phú, chính xác hơn là một triệu phú tàu thuỷ. Những con tàu của ông lên tới hàng chục chiếc đậu trên bến cảng Oakland gần bên và nhiều chục chiếc khác đang chạy khắp năm châu bốn biển, chở đủ loại hàng hoá. Vợ chồng ông chỉ có duy nhất một mụn con trai, Stanley, nay vừa 10 tuổi. — Xin lỗi, thưa ông, có điện thoại gọi ông. Francis Richardson quay lại: Đó là người quản gia với chiếc điện thoại di động đặt trên khai. — Ai vậy? — Thưa tôi không rõ. Người gọi chỉ nói đơn giản có chuyện khẩn cấp. Hơi nhăn mặt, nhà triệu phú cầm điện thoại lên. Phía đầu dây bên kia, một giọng nói cố làm ra vẻ bị biến dạng: — Ông Richardson phải không? Một triệu đô-la Mỹ. Ông có sẵn ở ngân hàng chớ? — Ông là ai? — Đừng ngắt lời. Để tôi tả nhân dạng ông nghe: Bé trai 10 tuổi, tóc nâu, mắt hạt dẻ, quần gin xanh dương, áo thun màu hồng có hàng chữ “Đại học Berkeley”. Sao, ông có nhận ra ai không? — Nhưng… — Nghe đây. Con trai ông đang ở chỗ chúng tôi, ông Richardson. Chính chúng tôi đã bắt cóc cháu. Cháu đang khoẻ mạnh và tiếp tục khoẻ mạnh… với điều kiện ông đưa cho chúng tôi một triệu đô-la. Người đang nói chắc hẳn sẽ cúp máy ngay, nhưng hắn ta không làm vậy bởi ông Richardson có phản ứng hoàn toàn khác với hắn nghĩ và thậm chí khôi hài: ông phá lên cười. Đầu dây bên kia, gã đàn ông bất ngờ đến nỗi quên cả giả giọng: — Tôi nói chuyện nghiêm túc, đâu có gì đáng cười? — Ông bạn đùa không đúng lúc. Tôi khuyên đừng nên lập lại nữa! - Nhưng con trai ông… — Con trai tôi đang chạy chơi trên bãi cỏ, cách tôi chưa đầy chục mét. Xin chào tạm biệt nhé! Và Francis Richardson cúp máy. Ông còn mỉm cười tiếp tục trong vài giây, rồi bỗng nghiêm nét mặt, tự hỏi: “Chuyện này là sao nhỉ?” Cậu con trai Stanley của ông lúc này vừa ngừng chơi, tiến về phía ông. Cậu đã không bị bắt cóc, hiển nhiên. Nhưng nếu đây không phải là một trò đùa… thì chắc chắn đã xảy ra một vụ bắt cóc, và bọn hung phạm đã bắt cóc lầm người. Francis gọi điện thoại đến cảnh sát. * * * Douglas Bennet ngồi dán mắt vào màn hình TV trong căn nhà tồi tàn thuộc khu ổ chuột Oakland. Ba mươi lăm tuổi, nước da hồng hào và bụng bự, Douglas Bennet là công nhân bốc vác tại bến cảng. Lúc này ông đang ngồi thoải mái trong ghế bành, tay cầm lon bia. Đang là buổi truyền hình trực tiếp trận đấu bóng chày, môn thể thao ông khoái nhất. Sau lưng ông, bà Bennet, người phụ nữ tóc nâu nhỏ con vẻ mặt lo ngại, thốt ra tiếng thở dài: “Sao đến giờ này Jimmy vẫn chưa trở về kìa? Nó đi đâu mà lâu thế không biết!” Ông Bennet la lớn đúng lúc một cầu thủ ghi bàn. Vợ ông nhỏ nhẹ: — Nè, đã chín giờ tối rồi. Ông cũng phải lo nghĩ coi con mình đâu rồi chớ. Nó lang thang trong khu phố của những người giàu làm chi vậy ông biết không? Vẫn không rời mắt khỏi trận đấu đang hồi hấp dẫn, ông chồng đáp: — Nó xin phép đi ngắm những ngôi nhà đẹp. Và ông lại gầm lên một tiếng nữa trước pha đánh bóng tuyệt đẹp của đội mà ông cổ võ. — Nhưng này Douglas, có nghe em nói không? — Có, vẫn nghe nãy giờ. Con mà về trễ, nó sẽ có đòn, vậy thôi. Xông lên nào, Oakland! Nửa tiếng đã trôi qua. Đến giờ nghỉ giữa trận đấu. Nhưng thay vì quảng cáo, xướng ngôn viên lại xuất hiện trên màn ảnh nhỏ: — Xin thông báo tin khẩn: một cậu bé vừa bị bắt cóc do nhầm lẫn. Bọn bắt cóc tưởng lầm cậu là con trai của nhà triệu phú Francis Richardson. Đặc điểm của cậu: Mười tuổi, tóc nâu, mắt hạt dẻ, quần gin xanh dương và áo thun màu xanh lá cây có hàng chữ “Đại học Berkeley”. Bất cứ ai có thông tin gì liên quan xin gọi đến trung uý cảnh sát Oswald, số điện thoại… Douglas Bennet nhảy nhổm khỏi ghế bành. Diện mạo ông thay đổi hẳn. Không còn là con người nặng nề, bụng bự ngồi chết gí một chỗ nốc bia nữa, ông nhào đến điện thoại. Mặt bà Bennet xanh như tàu lá: — Nghe em đây, chắc không phải Jimmy đâu. Nó mặc áo thun màu hồng mà. Không trả lời, Douglas Bennet bấm số điện thoại. — Trung uý Oswald đây. Tôi nghe… — Tôi là Bennet. Con trai chúng tôi tên Jimmy giờ này chưa thấy về nhà. — Cháu có phù hợp với miêu tả nhân dạng không? — Có, trừ áo thun cháu màu hồng chớ không phải xanh lá cây. — Hãy bình tĩnh, ông Bennet. Đúng là con trai ông rồi. Chúng tôi cố ý đưa sai thông tin này để bảo đảm nhận ra cha mẹ thực của cháu. — Ông có tin gì mới chưa? — Chưa… Đợi chút… Nhân viên vừa ra dấu cho tôi rằng ông Richardson mới gọi cho tôi trên đường dây điện thoại khác. Chắc ổng có tin mới. Đừng bỏ máy. Douglas Bennet nghe giọng nói của trung uý Oswald văng vẳng từ xa. Rồi ông ta trở lại điện thoại: — Tin xấu, ông Bennet. Bọn bắt cóc đã nghe thông báo trên truyền hình và vừa gọi tới ông Richardson. Chúng vẫn đưa ra yêu cầu như cũ. Nếu ông Richardson không trả một triệu đô-la, chúng doạ sẽ… giết con trai ông. Douglas nghiến răng: — Ông Richardson trả lời sao? — Ông trả lời… không. Đây là vấn đề nguyên tắc. Ông ta chỉ trả tiền nếu đó đúng là con trai ổng. Rốt cuộc ổng nói vậy… Ông Bennet, hãy bình tĩnh. Chúng tôi sẽ truy tìm bọn bắt cóc và giải thoát cho cháu Jimmy. — Tôi đang rất bình tĩnh. Sáng mai, tôi sẽ thảo luận với ông Richardson và tôi nghĩ mình biết cách thuyết phục ông ta. * * * Ngày 18-7-1989. Cả một đám đông các nhà báo tụ tập trước ngôi biệt thự sang trọng của tỉ phú Francis Richardson tại Berkeley. Một chiếc xe hơi dừng bánh. Douglas Bennet bước xuống, có một cảnh sát hộ tống, trong lúc đèn flash loé sáng liên tục và đám đông nhà báo chen nhau len lên phía trước. Nhân viên cảnh sát hỏi: — Ông thật không muốn tôi cùng đi với ông sao, ông Bennet? — Không, trung uý. Tôi muốn đi một mình. Tôi muốn cánh đàn ông nói chuyện với đàn ông. Và, không trả lời vô số câu hỏi của báo giới, Douglas Bennet đi khuất trong lối dẫn vào ngôi biệt thự. Vài phút sau, ông đứng trước mặt cha của Stanley. Cuộc đối thoại diễn ra không cần mở đầu khách sáo: — Ông phải trả tiền, ông Richardson. — Tôi rất tiếc. Tôi đã nói với cảnh sát rồi. Tôi phản đối trả tiền chuộc. Nếu Stanley bị bắt, tôi cũng không trả. — Con trai tôi bị bắt cóc vì con trai ông! Bọn chúng đâu muốn bắt cóc Jimmy Bennet, mà là Stanley Richardson. Ông phải trả! — Tôi nhất định không trả… Tôi rất tiếc. — Tôi không muốn năn nỉ nữa. Với một điều kiện: Con trai ông có ý kiến ra sao. — Con trai tôi không dính vào chuyện này. Hãy để cháu ngoài cuộc! Vả lại cháu còn quá nhỏ để có ý kiến trong những trường hợp quan trọng như vầy. Đúng lúc ấy, cánh cửa phòng khách đột ngột mở ra. Cậu bé Stanley Richardson chạy xộc vào: — Con đã nghe hết rồi, cha à. Cần phải… Cậu không có thời gian để nói thêm. Douglas Bennet đã nhảy bổ đến bên cậu. Cùng lúc, ông ta rút khẩu súng ngắn thủ sẵn trong túi. Ông ta giữ chặt lấy cậu bé, áp sát vào người ông, mũi súng chĩa ngay thái dương cậu: — Ai nấy đứng yên!... Chỉ một cử động, tôi sẽ bắn ngay! Mọi người phải biết tôi sẽ bắn… Tôi sẽ bắn bởi tôi không còn lựa chọn nào khác! — Phải… phải… Tôi cũng nghĩ vậy. — Ông cũng biết tôi chờ ở ông điều gì. Thử xem ông có giữ nguyên tắc của ông nữa hay không, ông Richardson! Khi Douglas Bennet xuất hiện trở lại tại cổng sắt ngôi biệt thự, có một tiếng hét hãi hùng. Ông nói với các nhà báo, trong khi tiến lại gần xe hơi, mũi súng vẫn kê ngay thái dương Stanley: — Tôi bắt cóc con trai của ông Richardson. Ông ta sẽ gặp lại con mình nếu bọn bắt cóc thả con tôi. Nếu bọn chúng giết chết Jimmy, tôi sẽ giết chết Stanley! Trung uý Oswald và các nhân viên cảnh sát khác không ai dám can thiệp… Douglas Bennet vô xe, rồ ga biến mất. * * * Căn lều nhỏ thuộc một vùng hẻo lánh bang California. Địa điểm ít người biết và khó phát hiện. Đó là nơi Douglas Bennet từng chơi trò cao-bồi và dân Da đỏ khi ông còn là một chú nhóc. Ông dùng nơi này để trú ẩn cùng với Stanley. Cậu bé giờ đây ngồi trước mặt ông, vẻ mặt không biểu lộ cảm xúc gì. Douglas, súng ngắn giắt trong dây nịt, mở chiếc radio transistor để thường xuyên theo dõi những thông tin của sự kiện. Nhưng trong lúc này lại chẳng có gì mới. Cậu bé Stanley mỉm cười: - Khiếp thật đấy, việc ông vừa làm ấy mà, ông Bennet! Douglas Bennet không trả lời. Ông nhìn cậu vẻ tư lự. Cậu bé hỏi: — Ông nói cháu nghe với, cháu có giống Jimmy không? — Giống. Giống dữ lắm. — Ông biết đấy, cha cháu sẽ trả tiền. Ổng có tiền mà. Bennet hơi ngạc nhiên về sự bình thản của cậu bé: — Cháu không sợ à? — Không. Việc gì phải sợ nào? Thật kinh khủng, cứ y như trong phim ấy! Vài giờ trôi qua. Thái độ bình tĩnh của cậu bé cuối cùng truyền sang cả Douglas. Họ chuyện trò y như những người bạn cũ, hay đúng hơn, như hai cha con, quên cả tình trạng hiện họ đang đối mặt. Rồi radio lôi họ trở lại thực tế: “Tin đặc biệt. Người ta được biết ông Richardson vừa trả tiền chuộc và Jimmy Bennet đã được thả…” Stanley vỗ tay: — Tuyệt vời! Bây giờ ông dẫn cháu trở về nhà chớ! Khuôn mặt Douglas Bennet chợt sáng lên. Nhưng ông đổi thái độ ngay: — Chưa. Chưa đâu. — Sao? Vậy là không công bằng! Ông đã nói với ba cháu nếu ổng trả tiền, ông sẽ thả cháu kia mà. Cháu nghe rõ ràng. — Có thể đó chỉ là một cái bẫy. Chúng ta sẽ về nhà khi nào ta nghe được giọng nói của Jimmy. Lại thêm thời gian dài chờ đợi. Hai người không nói chuyện nữa. Bóng tối buông xuống. Cứ thỉnh thoảng, radio lại đưa ra lời kêu gọi Douglas Bennet hãy thả Stanley, nhưng vẫn không nghe giọng Jimmy. Và, đến 20 giờ 30, cuối cùng giọng nói một cậu bé vang lên: — A-lô, cha ơi… Con đây, Jimmy đây… Cha có nhận ra giọng con không? Con hoàn toàn khoẻ mạnh. Con phải nói với ba rằng ba giắt cậu bé về ngay đi. Ba má cậu đang chờ cậu nè. Mẹ và con hôn ba. * * * Dĩ nhiên cảnh sát đợi họ tại biệt thự Richardson và bắt giữ Douglas Bennet ngay lập tức. Nhưng mọi việc đã được sắp xếp ổn thoả. Francis Richardson không chỉ trả tiền cho ông ta tại ngoại cho đến ngày ra toà xử, mà Bennet còn được tha bổng sau đó. Stanley và Jimmy trở nên thân quen và thường gặp lại nhau. Nhưng không thường xuyên. Và, ngược với điều nhiều người nghĩ, chính ông bà Bennet là người không muốn hai đứa gặp nhau nhiều. Rốt cuộc, họ cũng chẳng làm điều quấy. Kinh nghiệm cho thấy họ có lý. Thật nguy hiểm, khi con của một công nhân nghèo bốc vác bến cảng lại cứ lang thang trong khu người giàu để “ngắm những ngôi nhà đẹp”. Phóng tác một truyện của Bellemare TRẢ THÙ TẦM BẬY Tháng 11-1983. Trong căn hộ thuộc một thành phố nhỏ ở Bỉ, cặp vợ chồng Bernadette và Pierre, đều trạc ngũ tuần, cùng nghĩ về đứa con trai duy nhất của họ, Philippe. Philippe đã tự sát vào ngày 5-12-1982 khi anh 22 tuổi, đến nay đã gần giáp năm. Philippe trông giống mẹ, là niềm hy vọng duy nhất, là trung tâm của cặp vợ chồng này, nhưng nay đã trở thành nỗi đau thương của họ. Philippe tự sát vì tình yêu. Đây là lần thứ hai anh tự sát do lần đầu anh được cứu thoát kịp thời. Lời giải thích chính thức là do trầm cảm. Cha mẹ anh lại có lời giải thích khác. Mới đầu họ nghĩ đến một vụ ám sát. Tại sao Philippe dùng tay trái bắn súng vào đầu trong khi anh thuận tay phải? Tại sao lại không tìm thấy vỏ đạn? Và họ đâm đơn kiện nhân vật X nào đó. Ông dự thẩm đã giải thích đúng là Philippe tự sát. Rằng súng vẫn còn nằm trong bàn tay trái của anh ta vì do vị trí ngồi trong xe hơi của anh, nơi anh ta chọn để chết. Rằng vỏ đạn không tìm thấy có thể vì đã văng ra ngoài và rơi xuống ống cống, nhưng điều chủ yếu là viên đạn thoát ra từ khẩu súng mà Philippe đang cầm trên tay. Rằng việc giải phẫu tử thi đã xác nhận đây là vụ tự sát. Rằng con trai họ đã ký giấy nói mình tự sát trước khi chết. Nhưng những lời giải thích của ông đụng phải một bức tường. Cha mẹ Philippe không thể chấp nhận con họ tự sát “nếu người ta không giết nó, thì người ta đã đẩy nó đến chỗ phải tự sát.” Cả hai đều hoá điên. Cơn điên thôi thúc họ hành động. Trả thù là giải pháp duy nhất. Kẻ chịu trách nhiệm về cái chết của Philippe phải chết. Kẻ đó là Michel, bác sĩ tâm thần, người đã nhiều lần khám bệnh cho Philippe. Michel là một bác sĩ quen thuộc với giới trẻ, hàng ngày giúp họ giải quyết các vấn đề liên quan đến ma tuý, đến cuộc sống, đến stress…, đặc biệt là các đối tượng trong sinh viên. Chính Michel trông cũng giống một sinh viên, với mái tóc bàn chải, cặp kiếng cận, vẻ mặt trầm tĩnh và dịu dàng… Trước hết, Bernadette, mẹ Philippe, dùng một mẹo vặt: dùng tên giả, làm bộ bị bệnh, mời Michel tới nhà. Và ngày 5-11-1983, bác sĩ Michel D., 33 tuổi, nhận được cú điện thoại vào khoảng 17giờ 30 và ông ghi vô sổ “R. Essen, đại lộ Einstein.” Ông đi đến điểm hẹn, và từ đó vợ ông không nhận được tin tức gì của ông nữa cho đến tận sáng ngày hôm sau, khi người ta phát hiện tử thi ông nằm sấp, trong một con đường nhỏ, cách đại lộ Einstein chỉ chừng 100 mét. Kế bên ông là một tảng đá nặng 27kg đẫm máu và một cuộn giấy vệ sinh. Xe hơi ông đậu gần đó. Việc dàn cảnh làm như một người lái xe bỗng có “nhu cầu tự nhiên” và té vào tảng đá lớn. Đầu ông có vô số vết thương chứng tỏ ông bị tấn công hết sức tàn bạo, và hẳn phải có một võ khí nào khác ngoài tảng đá. Thoạt đầu hướng điều tra thiên về hướng ma tuý. Các nhà điều tra nghĩ vụ giết người này hẳn liên quan với vụ bắt bác sĩ W. mới đây. Bệnh nhân xài ma tuý trước giờ đến khám bác sĩ W. tưởng rằng bác sĩ Michel tố cáo ông nhằm thu hút khách hàng về mình, hoặc họ đến bác sĩ Michel khám bệnh nhưng ông từ chối, nên đã giết ông. Do đó những thủ phạm thực sự giết bác sĩ Michel cứ ung dung sống ngoài vòng pháp luật suốt gần hai năm trời. Họ chẳng liên quan gì đến nạn nhân, và họ chẳng bao giờ nói với ai về chuyến viếng thăm đầu tiên – và cũng là cuối cùng – của bác sĩ đến nhà họ. Chẳng có gì, ngoại trừ việc Philippe là thân chủ của Michel, cũng như hàng chục sinh viên khác. Nhưng lúc này chẳng ai để ý. Ngày 24-6-1983, một lá thư nặc danh gởi đến vợ goá của bác sĩ. Thư từ một mẩu giấy bristol đỏ, nhàu nát, trên thư có vài dòng chữ và một số điện thoại. Những dòng chữ này được coi là chữ viết tay của Pascale, nữ sinh viên 25 tuổi, hôn thê của một sinh viên khác, tên William, đang chuẩn bị cưới cô. Pascale đã từng là nghi can số một, bị cáo buộc có liên quan đến vụ ám sát bác sĩ Michel, cô bị tạm giữ nhưng sau được thả vì thiếu chứng cứ. Pascale cũng từng là người yêu của Philippe và Philippe tự tử có thể do cô một phần. Khi hai người còn yêu nhau, Pascale đã từng viết nhiều thư cho Philippe. Cha mẹ Philippe còn giữ những bức thư này. Và giờ đây, lá thư từ tay của Pascale gởi vợ goá bác sĩ Michel được trao cho các chuyên viên giảo nghiệm bút tự. Họ kết luận “Có người bắt chước chữ viết của Pascale. Đó là ông Pierre R., cha của Philippe”. Sợi dây liên hệ giữa nạn nhân và hung thủ đã hé lộ. Cũng hơi lạ vì cuối cùng hung thủ đã tự tố cáo mình. Thoạt đầu Pierre R. chối. Đến giờ phút này việc điều tra chưa hề đụng gì đến ông ta. Ông cứ thế chối cho đến tháng 2-1986, trong vô số cuộc thẩm vấn, rồi cuối cùng thú nhận. Và qua hôm sau, đến lượt vợ ông. Họ đã cùng nhau lên kế hoạch, cùng nhau hành động và cùng nhau phạm tội. Ngày 5-11-1983, bà đã gọi điện thoại đến bác sĩ Michel, đổi giọng nói, đưa ra tên và địa chỉ giả để dụ ông đến đại lộ Einstein. Đường vắng. Bác sĩ vừa đến điểm hẹn liền bị tấn công bằng búa, thứ vũ khí nặng 1,340kg. Pierre còn để sẵn trong xe hơi tảng đá khổng lồ dùng trang trí trong vườn và nhờ nó kết thúc trận chiến làm bể sọ nạn nhân. Ông ta còn nghiêng mình nghe tim, bắt mạch để bảo đảm rằng kẻ “chịu trách nhiệm” về việc con ông tự tử quả đã chết thật. Xong xuôi họ mới cùng nhau dựng cảnh, làm ra vẻ một tai nạn. Chiếc búa được quăng vào một bụi cây ven đường, mà về sau cảnh sát tìm được. Rồi cha mẹ Philippe trở về nhà. Đã trả thù xong chưa? Họ đã vừa lòng chưa? Chắc chắn chưa. Còn một kẻ nữa “chịu trách nhiệm” về cái chết của con họ phải trả giá. Họ lục lại thư từ của Philippe – đó là sáng kiến của bà mẹ. Còn ông cha thì giả chữ viết của Pascale và gởi lá thư nặc danh. Phải làm sao cho Pascale vô tù họ mới hả dạ. Bà mẹ, Bernadette, 54 tuổi khi nhận tội, với vẻ mặt cứng cỏi và dáng người như tiều phu dễ khiến người ta nghĩ bà đã sử dụng búa. Tuy nhiên những người quen biết bà đều miêu tả bà là người dịu dàng, sùng đạo, hay giúp đỡ mọi người. Vậy ông chồng đã dùng búa. Người cha, Pierre, 56 tuổi, khuôn mặt khép kín với đôi môi luôn mím chặt là một thương gia ít nói, buôn bán than và dầu cặn. Nhưng ông ta khăng khăng chính vợ ông đã dùng búa đập đầu bác sĩ Michel. Và thế là tuy cả hai cùng nhận tội, nhưng về chi tiết lại đổ lẫn cho nhau. Trước toà, bà mẹ khai: — Ông ấy đã bắt mạch coi nạn nhân chết thật hay chưa. Người cha phản đối: — Không đúng. Tôi không làm thế. Bà ấy nói láo. Thẩm phán: — Tảng đá lớn đập đầu nạn nhân, ai mang đi? Người cha: — Bà ấy. Bà mẹ: — Không. Tảng đá nằm sẵn ở ven đường. Cứ thế, họ tranh cãi từng chi tiết vặt vãnh, người nọ trút tội lên đầu người kia hòng lãnh mức án nhẹ hơn. Cả hai đã trở thành điên loạn, còn đâu nữa tình yêu giữa họ – tình yêu mà họ luôn nhắc đến khiến họ cùng nhau tính kế trả thù cho Philippe. Người ta nhớ lại, trước khi tự tử, Philippe đã từng nhận xét về cha mình: “Tôi đau khổ vì ông ấy ghét tôi” và về mẹ mình: “Tôi đau khổ vì bà ấy muốn làm tôi nghẹt thở”. Phải chăng do chán ghét tình yêu chỉ có bề ngoài của cha mẹ mà anh đã tự giải thoát mình? Nhưng hẳn anh không ngờ cái chết của anh lại là động cơ thúc đẩy cha mẹ anh cùng trở thành những kẻ sát nhân. Rốt cuộc, cả ông Pierre và bà Bernadette đều bị kết án 20 năm tù khổ sai. Dẫu sao lời nói cuối cùng của cả hai trước bồi thẩm đoàn cũng chứng tỏ họ đã hối lỗi. Người cha nói: “Giờ đây tôi không hiểu được điều gì đã xảy ra. Tôi xin lỗi tất cả những ai tôi đã làm họ đau khổ.” Bà mẹ nói: “Tôi xin lỗi tất cả. Còn cô, Pascale, đừng lo sợ gì nữa, hãy sống hạnh phúc cùng chồng con cô.” Dịch từ “Délire à deux” của Bellemare ĐỨA CON TRAI CỦA LUẬT SƯ 16-9-1985. Điện thoại reo vang trong văn phòng sang trọng của Orlando, một trong những luật sư nổi tiếng nhất tại Turin, Ý. Luigi Orlando, 45 tuổi, nổi bật với dáng người cao, mảnh khảnh và mái tóc sớm ngả màu muối tiêu khiến ông càng thêm đường bệ. Luật sư cầm điện thoại do người thư ký trao lại, càu nhàu: — Tôi đã nói lúc này tôi không muốn bị quấy rầy mà, Alba. Giọng Alba như biết lỗi: — Thưa tôi hiểu… nhưng đây là cha Leoni, hiệu trưởng trường Saint-Joseph. Ông ấy nói có việc rất gấp. Vẻ miễn cưỡng, luật sư Orlando nhấn nút trên điện thoại và giọng nói trong máy vang lên: — Rất tiếc đã làm phiền ông, nhưng ông phải đến trường ngay. Luật sư nhăn mặt: — Việc liên quan đến con trai tôi? — Phải. — Nó lại làm gì nữa vậy? — Tôi sẽ trao đổi trực tiếp với ông. — Có nghiêm trọng lắm không? — Rất nghiêm trọng. Phải, việc rất nghiêm trọng, hơn là chỉ nhìn bề ngoài. Sau khi dặn dò viên thư ký thật cẩn thận, luật sư Orlando lên xe hơi. Fabio, con trai ông, luôn khiến ông tốn thời gian! Và hơn nữa, đúng lúc lẽ ra ông phải đến trại giam để lo một vụ án đặc biệt quan trọng và tế nhị. Cha Leoni tiếp ông tại văn phòng hiệu trưởng, tỏ ra không giữ ý như mọi khi. Cha lạnh nhạt bắt tay luật sư, mời ông ngồi xuống ghế. Fabio Orlando ngồi cạnh ông, hai tay đặt trên đầu gối, cổ rụt vào hai vai. Đó là một chàng trai cao lớn mười chín tuổi, với khuôn mặt dửng dưng khó xác định. Luigi Orlando, sau khi liếc mắt nhìn con, nói với hiệu trưởng: — Tôi nghe, thưa cha. Cha Leoni lưỡng lự đôi chút trước sự việc tày trời mà ông buộc phải thốt thành lời: — Vừa mới đây, sau thánh lễ, Fabio đã… xô ngã thánh giá trên bàn thờ. Luật sư Orlando dường như không quá bối rối trước sự việc mà tôn giáo coi là tày đình này. Tuy vậy ông vẫn quay sang con với vẻ mặt nghiêm khắc: — Tại sao con làm vậy, hả? Tại sao? Fabio Orlando lắc đầu, không dám nhìn ngay mắt cha: — Con không biết. — Con vẫn luôn “không biết” như mọi khi! Con chẳng bao giờ biết gì và sẽ chẳng bao giờ biết gì! Ôi Fabio! – và ông quay sang cha hiệu trưởng – Thưa cha, nếu thánh giá bị hư hại, tôi sẽ bồi thường đầy đủ. Ngoài ra, tôi sẽ tặng quỹ trường một số tiền lớn. Cha Leoni cười buồn: — Cám ơn luật sư. Nhưng tôi rất tiếc, tất cả đều không thay đổi được quyết định đối với Fabio. Hành động của cậu ấy là không thể tha thứ. Tôi đuổi học cậu ngay lập tức. Luigi Orlando đứng dậy: — Vâng, dĩ nhiên. Tôi hiểu. Ông lại nhìn cậu con, thái độ cậu vẫn luôn dửng dưng, bảo: — Giờ ba lại phải tìm cho con một ngôi trường khác, làm như ba chỉ có mỗi một việc này để làm! Chuẩn bị hành lý đi, ba sẽ nói tài xế trở lại đón con sau. Và, cố quên những gì vừa xảy ra, luật sư vội vã đến trại giam. Fabio khiến dòng tư tưởng của ông bị đứt quãng mất một lúc. Tuy nhiên ông đã chuẩn bị kỹ hồ sơ, và đây là lần đầu tiên ông gặp thân chủ trong vụ án này. Thân chủ của ông còn rất trẻ, nhưng can trọng tội giết người. Với những bị cáo trẻ người non dạ như Marcello Pannini, nếu ông không gặp sớm để hỏi han và bàn kỹ mọi chuyện, việc bào chữa coi như thất bại ngay từ khởi điểm. Trong khi bước vào trại giam, Luigi Orlando đã lấy lại tự chủ. Vả ông là một luật sư danh tiếng. Marcello Pannini, mười chín tuổi, là loại du đãng nhóc mà người ta có thể gặp nhan nhản trên các đường phố tại Turin cũng như tại nhiều thành phố lớn khác. Khi luật sư ngồi xuống cạnh Marcello, chàng thanh niên tỏ vẻ không ưa: — Ông muốn gì nơi tôi? — Tôi tới đây để giúp cậu, cậu bé ạ. Coi nào, cậu có muốn hút thuốc lá không? Chàng thanh niên gật đầu và Orlando bắt chuyện: — Bà già ấy, khi cậu bước vô nhà bà, cậu chỉ muốn lấy trộm đồ thôi, phải vậy không nào? — Phải. — Cậu không muốn giết bà, nhưng chỉ cầm dao nhằm doạ bà. Có điều bà ấy sợ quá, kêu ầm lên. Đúng không? — Phải… đúng vậy… Tôi đâu muốn giết bả, tôi xin thề. — Tôi tin cậu, Marcello. Bây giờ, hãy kể tôi nghe về cha mẹ cậu. Chàng thanh niên ngước mắt ngạc nhiên: — Cha mẹ tôi? Ông muốn tôi kể gì bây giờ? Cha tôi, chiều nào cũng say xỉn. Còn mẹ tôi… với hàng chục đứa nhóc… Luis Orlando nhẹ nhàng: — Hãy kể tôi nghe, tôi đã đọc trong hồ sơ, cách nay một năm cậu đã nổi lửa đốt nhà. Tại sao cậu lại làm vậy? — Tôi không biết. — Có đấy. Cậu có biết đấy. Cậu làm vậy bởi không ai tỏ ra chú ý chăm sóc cậu, bởi vì cậu cảm thấy mình bất hạnh và bởi cậu cần người giúp đỡ. Marcello im lặng một lát rồi bỗng bật khóc nức nở: — Phải, thưa ông. Ông nói đúng. Luật sư đặt tay lên vai chàng thanh niên: — Đừng lo, cậu bé. Tôi sẽ cố kéo cậu ra khỏi nơi đây. Khi trở lại nhà, Luigi Orlando thấy trên bàn giấy lời nhắn của viên thư ký: “Xin hãy gọi cho vợ ngài.” Luigi Orlando mơ hồ lo ngại. Lisa, vợ ông, sống theo kiểu thời thượng cạnh ông nhưng hoàn toàn tự do, chẳng khi nào điện thoại tới văn phòng cả. Quả vậy, ở đầu dây bên kia, giọng Lisa tỏ ra bất thường: — Luigi, em rất lo. Thằng con mình đã bỏ trốn. Luật sư hỏi: — Em nói sao, bỏ trốn đi đâu? — Em không rõ. Khi em trở lại trường cùng với tài xế, nó đã đi mất. - Không sao đâu. Chắc nó đi quanh đâu đó một vòng. Đừng lo. — Không đâu. Nó đã quơ hết tiền trong tủ, và luôn cả… khẩu súng ngắn trong ngăn kéo bàn ngủ của anh. Luật sư Orlando thở ra: — Rồi, rồi, anh sẽ đến gặp ông cò Colonna ngay. Thật hết biết. Ông cò Colonna tiếp Luigi Orlando chỉ ít phút sau. Đã từ lâu, hai người đàn ông, do nghề nghiệp đã dẫn họ trở thành bạn của nhau. Thấy luật sư tới, Umberto Colonna nhoẻn miệng cười, nhưng ông lập tức nhận ra vẻ lo ngại của khách: — Có chuyện gì vậy, Luigi? — Phải. Thằng con trai Fabio của tôi thật quá quắt. — Nghiêm trọng không? — Không. Vẫn những trò vặt kiểu con nít. Nó đã bị đuổi học và bỏ trốn khỏi nhà. Ông cò Colonna lắc đầu: — Một kẻ đào tẩu… Ở lứa tuổi ấy… — Phải. Có điều nó lấy theo ít tiền và cả khẩu súng ngắn của tôi. Nghe nói đến “khẩu súng”, ông cò nhăn mặt: — Chà, gay đấy… Tôi sẽ ra lệnh ngay. Luigi Orlando đưa tay ra dấu: — Xin ông bạn đừng làm lớn chuyện. Ở địa vị của tôi, cần tránh dư luận kiểu này… Tôi biết khối người muốn tôi dính vào một scandal. - Nhưng ông không lo rằng… cậu con ông sẽ làm điều gì đó ngốc nghếch sao? — Vầy nè, tôi biết rất rõ Fabio. Đó là một người thiếu quyết đoán, uỷ mị. Nó vốn đã như thế từ khi còn là một thằng nhóc. Rồi nó sẽ trở về nhà vào đêm nay hoặc ngày mai cho coi. Tuy nhiên, không hôm nay, cũng chẳng ngày mai. Fabio không trở về nhà của cha mẹ. Mãi ba hôm sau luật sư mới nhận được tin về con trai mình. Dưới hình thức một cú điện thoại của ông cò Colonna. Giọng ông lạnh băng: — Fabio vừa bị bắt. Luật sư Orlando nhảy nhổm: — Bị bắt? Ông điên rồi. Ông đã chẳng hứa với tôi sao? — Cháu nó đã giết người, một nhân viên của chúng tôi, Luigi… Yên lặng một lúc lâu trong văn phòng luật sư, rồi có tiếng lắp bắp: — Thế nào?... Làm thế nào lại xảy ra việc ấy? — Đội tuần tra phát hiện Fabio trên một đường phố ở Turin. Họ muốn giữ cháu, nhưng Fabio chống cự quyết liệt và bất ngờ rút súng bắn. Hiện cháu đang ở văn phòng của tôi. Thêm một khoảng yên lặng nữa và luật sư Orlando đáp cùng với tiếng thở dài: — Tôi sẽ tới ngay. * * * Fabio ngồi trên ghế. Cậu có nét mặt giống y như lúc ngồi trong văn phòng cha Leoni sau khi xô đổ thánh giá; khác biệt duy nhất là nay hai tay cậu bị còng. Luigi Orlando ngắm con mình với vẻ hốt hoảng. Lần đầu tiên trong đời ông tự thấy mình hoàn toàn thất bại. Ông vẫn hỏi con như thường lệ: — Tại sao con lại làm vậy? Fabio nhún vai: — Con không biết… — Nhưng rốt cuộc, Fabio, không thể như thế được! Con hẳn phải trong trạng thái không bình thường. Lúc ấy tâm thần con có thể bị khủng hoảng, mất ý thức. — Không, con trong trạng thái bình thường, vẫn như mọi khi, có nghĩa không có gì lớn, hoặc chẳng có gì là nghiêm trọng. Luigi Orlando chẳng biết nói gì hơn. Cuối cùng ông hỏi: — Con có muốn cha bào chữa cho con không? Câu trả lời đến ngay lập tức. Lần đầu tiên, Fabio Orlando nói rõ quan điểm của cậu, với tất cả sức mạnh mà cậu có thể: — Không! Cha hãy tiếp tục lo cho những người khác đi! * * * Vậy là một luật sư nghỉ việc, đồng thời cũng là một người cha lọng cọng, với tư cách nhân chứng duy nhất, ra trước toà trong vụ án Fabio Orlando vào ngày 25-2-1986. Cả thành phố Turin theo dõi giây phút cảm động này. Luigi Orlando vừa xuất hiện, tiếng thì thầm lan toả khắp phòng xử. Orlando trông già hẳn: dáng người cao gầy của ông trở nên lọm khọm, mái tóc muối tiêu duyên dáng ngày nào nay bạc trắng, và giọng nói của ông, xưa âm vang nay rời rạc khó nhận biết khi ông lên tiếng: “Tha lỗi cho cha, Fabio…” Bị cáo nhìn cha. Ai nấy chờ cậu nói câu gì đó, nhưng cậu im lặng. Luigi Orlando thở dài và quay lên phía toà: — Tôi là bị cáo duy nhất, thưa chánh án… Tôi chưa từng bao giờ để ý đến Fabio, mặc dù đó là con trai tôi, hay đúng hơn, chính vì đó là con trai tôi. Tôi không hiểu con tôi muốn gì, và luôn coi nó vụng về, đáng thất vọng, không chịu giao tiếp với nó... – Trong không khí im lặng khắp phòng xử, ông tiếp – Tuy nhiên, đã có những dấu báo hiệu trước khi xảy ra tai hoạ. Tôi nhận biết và phát hiện ngay, nhưng chỉ nơi những kẻ khác, chỉ nơi những kẻ khác… Tôi từng bào chữa cho một bị cáo trẻ nổi lửa đốt nhà cha mẹ với mong muốn họ chú ý đến cậu: Tôi lập tức hiểu ngay vấn đề. Tuy nhiên, khi Fabio có hành động tương tự xô ngã cây thánh giá, tôi lại chẳng nhìn thấy gì. Và trong xúc cảm tột cùng, Luigi Orlando kết luận: — Tôi xin tuyên bố nghỉ làm luật sư. Tôi chưa bao giờ, trái ngược với điều mình nghĩ, là một luật sư giỏi. Tôi không thật sự quan tâm đến những con người, mà chỉ quan tâm đến những vụ việc, với nguyên nhân và hậu quả của nó, những gì giúp tôi nổi tiếng. * * * Toà đưa phán quyết vào ngày hôm sau. Mặc dù thừa nhận của Luigi Orlando, Fabio lãnh án tối đa: tù chung thân. Luật sư Luigi Orlando đã thất bại trong vụ bào chữa cuối cùng. Mọi việc thật đáng tiếc đối với ông, vì khi nhận ra bổn phận của một người cha thì đã quá muộn. Phóng tác từ một chuyện có thật CHIẾC CHEVROLET MÀU XANH LÁ CÂY Một thanh niên ra nước ngoài tìm việc làm. Anh ta hứa với mẹ mình sẽ gọi điện thoại ngay khi tới nơi. Nhưng anh đã không gọi. Bí mật… * * * Philip Timfield, chàng trai trẻ ở Seattle, Mỹ, cảm động ôm hôn mẹ. Bà mẹ cũng cảm động nhìn con: Đây là lần đầu tiên trong đời con bà rời mái nhà thân yêu để sang nước láng giềng Canada ở bên kia biên giới. Anh ngồi sau tay lái chiếc Chevrolet màu xanh lá cây và sẽ đến gặp một ông Queaver nào đó ở Vancouver – theo rao vặt cần nhân viên đăng trên báo Seattle News. Philip, 21 tuổi, tóc nâu, hơi nhỏ con, từ sau khi cha qua đời và người anh lập gia đình ở riêng, trở thành người duy nhất kiếm cơm trong gia đình để nuôi mẹ, bà Josephine Timfield. Vào lúc hai mẹ con từ biệt, còn có Ann Lurmond, hôn thê của Philip. Cô dặn: — Gọi điện cho em nữa nghen. Và vào giây phút cảm động ấy, còn có cả vợ chồng Craig, anh trai của Philip; Carolyn, cô em út; vợ chồng Shirley, chị của Philip. Ai nấy đều chúc anh thượng lộ bình an và may mắn trong công việc mới. Theo lý, ngay tối hôm đó Josephine Timfield phải nhận được điện thoại của con trai, vì đường đi từ Seattle đến Canada chẳng bao xa. Nhưng suốt đêm ấy bà không chợp được mắt vì chẳng thấy tin tức gì của Philip. Bà nghĩ ra đủ mọi giả thuyết để trấn an mình, nhưng thời gian càng trôi đi bà càng thấy chỉ còn có thể xảy ra một trong hai tình huống: tai nạn hoặc bị thủ tiêu. Chỉ vậy mới có thể khiến con trai không gọi điện về mẹ mình. Rồi những ngày tiếp theo cũng thế. Những thành viên khác trong gia đình cũng chẳng nhận được bất cứ tin tức gì của Philip, không điện thoại, không thư từ. Ai nấy đều ngày càng lo ngại. Sau hai tuần, tin chắc đã xảy ra tai hoạ, bà Josephine Timfield đến trụ sở cảnh sát Seattle. Sau hơn hai giờ chờ đợi, bà gặp trung uý Lionel de Smith, trình bày sự việc và kết luận: “Con trai tôi đã bị giết chết. Các ông phải điều tra xem thử ai là thủ phạm.” Nhưng trung uý Smith chỉ đơn giản cho rằng chàng thanh niên kia đã lơ đãng hoặc quá bận với công việc mới nên quên không gọi điện thoại về nhà. Đơn giản vậy thôi. Ông trấn an: — Rất tiếc tôi không thể làm gì hơn, thưa bà. Nếu bà có tin gì mới, hãy cho tôi biết ngay và khi ấy chúng tôi sẽ có hành động thích hợp. Giờ xin tạm biệt bà. Mấy bữa sau, với vẻ mặt lo ngại khiến bà như già thêm hàng chục tuổi, Josephine Timfield có Ann Lurmond, hôn thê của Philip tháp tùng, trở lại đồn cảnh sát. Lần này bà cầm theo tờ báo Seattle News có đăng mẩu rao vặt khiến Philip sang Canada: “Việc làm cho người độc thân có xe hơi, tự do đi lại. Lương khởi điểm 1.800 USD mỗi tháng.” Nhưng hỡi ơi, lại một lần nữa trung uý Smith không thể làm gì hơn. Ông còn khuyên bà nên trực tiếp đến toà soạn báo Seattle News. Nhưng trưởng ban biên tập tờ báo đáp lời bà… trớt huơ: “Chúng tôi không thể cho phóng viên điều tra, trừ phi cảnh sát mở hồ sơ.” Cả hai người phụ nữ chỉ biết bật khóc vì giận và vì thất vọng. Thêm một tuần nữa lặng lẽ trôi qua, và bỗng nhiên, giữa lúc vừa thất vọng vừa buồn rầu, có tình tiết mới: điện thoại reo vang tại nhà Josephine Timfield. Đó là giọng Ann Lurmond, đầy xúc động và phấn khích: “Má ơi, con vừa thấy chiếc xe hơi của anh Philip lúc đang ngồi trên taxi. Con biết chắc là xe của ảnh nhờ một vết trầy nhỏ ở giảm sốc sau xe khi chúng con đi pic-nic hồi tháng trước.” Nhưng không chỉ nhiêu đó. Ann thở gấp, tiếp tục kể: “Nhìn thấy xe của anh Philip do người lạ lái, con kêu taxi chạy theo. Khi người lạ dừng xe vô một cửa hàng, con gọi cảnh sát, giải thích mọi việc và cảnh sát mời ông ta về trụ sở. Nhưng ông ta xô mọi người, cố chạy trốn. Cảnh sát phải đuổi mãi mới bắt được. Hiện ông ta đang bị còng tay dẫn về trụ sở, chờ thẩm vấn. Con sẽ nói thêm với má ngay khi có tin gì mới.” Và cô cúp máy. Vài phút sau, Ann có mặt tại nhà Josephine, đi cùng hai nhân viên cảnh sát. Việc thẩm vấn kẻ lạ mặt không đi đến đâu. Phải, ông ta lái chiếc xe hơi của Philip do Philip đã bán xe cho ông ta. Ông ta có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về việc mua bán. Xe bán với giá 6.000 USD. Ann kể rõ hơn, theo người này, ông Queaver, chủ mới của Philip, đã yêu cầu anh bán xe vì máy xe hơi Chevrolet không đủ mạnh để thích hợp với công việc mà anh đảm nhiệm. Ông ta cho biết thêm Queaver và Philip đã đi theo con đường dẫn đến vùng Black Mountain. Ông ta tả Queaver trạc tứ tuần, có khổ người cao lớn, lực lưỡng, tóc đen và hơi xoăn. Josephine Timfield la lớn: — Nhưng người lái xe của con trai tôi tên gì? Một nhân viên cảnh sát từ tốn lên tiếng: — Ludwig Vallier – và ông ta còn đưa cho bà cả địa chỉ của người đàn ông lạ mặt. Josephine để ý thấy địa chỉ này cũng nằm trong vùng Seattle, phía vịnh Hornet, và bà nhớ ra đây chính là địa điểm mà Philip hẹn gặp ông Queaver, chủ nhân mới của con trai bà, trước khi anh lên đường sang Vancouver. Toàn thể gia đình Timfield chất lên một xe hơi lớn, đến ngay địa chỉ mà cảnh sát vừa cung cấp. Rồi mọi người cùng quan sát căn nhà trong khi Josephine, lòng đầy cảm xúc, tiến tới gõ cửa nơi cư ngụ của người đàn ông có tên Vallier, quyết hỏi cho ra lẽ. Nhưng chỉ có hai cô bé ra mở cửa. Trước khi Josephine kịp lên tiếng, một cô bé đã kêu lên: — Nếu bà tới mướn nhà, bà không vô coi nhà được đâu. Cha cháu dặn vậy. Ổng không có nhà. Và hai cô bé làm như muốn đóng cửa ngay lập tức. Bà Josephine cũng không muốn ở đây lâu làm gì, chỉ nói thêm với cô bé: “Về nói với cha cháu tôi là bà Kramer”, rồi quay lại xe hơi, nơi mọi người đang chờ bà. Bỗng nhiên, một cặp vợ chồng dừng xe hơi ngay biệt thự kế bên. Josephine Timfield nhảy ra khỏi xe của con rể và tiến tới gần họ, lên tiếng: — Xin lỗi vì quấy rầy ông bà, nhưng tôi có chuyện quan trọng với ông láng giềng của ông bà, ông Vallier. Tôi đã bán xe hơi cho ổng, nhưng ổng chưa trả đủ tiền. Ông bà có thể vui lòng báo trước cho tôi nếu ông bà phát hiện ông Vallier tính dọn nhà đi, được không ạ? Cặp vợ chồng vui vẻ nhận lời, thậm chí còn cho bà Josephine số điện thoại của họ. Gia đình Philip, khá yên tâm, trở lại nhà, mệt nhoài. Sáng hôm sau, những người hàng xóm của Vallier gọi đến Josephine: — Chúng tôi có cảm tưởng Vallier và gia đình ông ấy sắp bỏ đi. Josephine vừa cảm ơn xong, vội gọi đến cảnh sát. Cảnh sát lịch sự trả lời bà: — Thưa bà, chúng tôi không thể có hành động nào khác. Cảnh sát đâu thể bắt giữ một người chỉ vì họ dọn nhà. Nước mắt đầm đìa, một lần nữa bà Josephine thất vọng ra mặt. Bà kêu một đứa cháu, Norman, lái xe chở bà đến ngay biệt thự của Vallier. Từ đàng xa họ đã thấy Vallier cùng vợ con đang chất đồ lên chiếc Chevrolet màu xanh lá cây của Philip, rồi cho xe nổ máy… Norman, theo hướng dẫn của Josephine, vội bám theo sau. Nhưng Vallier, biết mình bị theo dõi, cho xe chạy rất nhanh và ngoằn ngoèo hòng “cắt” đuôi. Trong ba giờ đồng hồ, mặc dù xe cộ đông đúc vào chiều thứ Bảy, hai chiếc xe rượt nhau quyết liệt trên các đường phố Seattle, để cuối cùng Josephine và Norman mất dấu chiếc Chevrolet. Nhưng bỗng nhiên như có phép lạ: Tại một giao lộ, họ lại bắt gặp chiếc xe của Vallier. Người đàn ông này, mệt đừ, quyết định dừng lại, mở cửa xe, bước ra. Đó là một người ốm nhách, tóc bạc hai bên thái dương, cử chỉ nóng nảy. Ông ta hỏi thẳng Josephine: — Bà muốn gì ở tôi? Bà là ai? — Tôi là bà Kramer. — A! Chính bà đã tới nhà tôi hôm qua. Nhưng đó không phải lý do khiến bà theo dõi tôi mãi. Đã xảy ra chuyện gì? Bà Josephine bình tĩnh: — Tôi là mẹ của Philip Timfield, người sở hữu chiếc xe ông đang chạy. Với vẻ khó chịu, Vallier kể chính ông ta cũng đọc rao vặt tìm việc trên báo Seattle News và tìm đến nơi phỏng vấn với hy vọng tìm được việc làm, nhưng bị từ chối do không có xe hơi. Và thêm: “Rồi, vài ngày sau tôi được ông Queaver gọi điện thoại nói con trai bà muốn bán xe bởi cậu ấy cần mua xe hơi với máy mạnh hơn. Cho nên tôi mới mua chiếc Chevrolet này.” Bà Josephine nóng nảy: — Tại sao ông lại dọn nhà? — Thưa bà, bà đã hỏi quá xa. Tôi nghĩ tôi khỏi cần trả lời. Đây, đây là địa chỉ nhà mới của tôi. Và Vallier đưa cho bà Josephine, đứng chết trân, xem hợp đồng thuê nhà với đầy đủ thủ tục cần thiết. Bà ghi nhớ địa chỉ: 377, Little Daisy Gardens, Worstley Drive. Vallier chào tạm biệt, lên xe Chevrolet chở vợ con chạy mất. Từ ngày ấy, với một linh tính kỳ lạ, Josephine Timfield, nhờ sự hỗ trợ của cả đại gia đình, thay phiên nhau theo dõi Vallier, riêng bà thỉnh thoảng đột xuất bước vào nhà ông ta. Bà còn ghi lại tất cả những số điện thoại mà Vallier gọi tới, nhưng mọi việc vẫn dẫm chân tại chỗ. Cứ mỗi lần thấy mặt bà, Vallier thẳng cánh xua đuổi, không thèm tiếp. Rồi đến một ngày, Craig, anh trai lớn của Philip, nảy ra ý tưởng kể lại toàn bộ câu chuyện với Faits divers, một tờ báo lá cải địa phương. Ban biên tập vồ ngay lấy câu chuyện có nhiều tình tiết bất bình thường này đăng lên báo. Hai ngày sau khi báo phát hành, Vallier điện thoại hẹn gặp bà Josephine. Craig hộ tống mẹ, lại còn mang theo ba công nhân làm tại xưởng của anh, ai nấy đều lực lưỡng, cao lớn. Nhưng Vallier không tới điểm hẹn. Tất cả bèn đến thẳng Worstley Drive. Vallier miễn cưỡng tiếp họ, nói bản thân ông ta cũng đang mở cuộc điều tra, và nếu có tin gì mới, ông sẽ báo cho bà Josephine biết ngay. Và quả thực tin mới đã tới, dưới hình thức một lá thư tay, ký tên “Những người trong khu phố”. Thư đóng dấu Toronto, Canada, gởi đến toà soạn báo Faits divers. “Những người trong khu phố” thông báo Philip đang khoẻ mạnh, và “mọi người càng ít can thiệp vào công việc của anh ta, càng tốt cho tất cả mọi người.” Vallier, khi được hỏi, trả lời ông ta cũng chẳng hiểu gì cả và tỏ ra lo lắng. Vậy rồi bí mật của câu chuyện sẽ kết thúc ra sao? Có, hoàn toàn nhờ ngẫu nhiên. Một bữa nọ, trong khi mang xe hơi đi rửa, Craig bắt chuyện với một người lạ mặt cũng mang xe đến cùng chỗ rửa. Người lạ kể lại toàn bộ câu chuyện khiến Craig sửng sốt. Người lạ xưng tên William Purdom, kể ông ta cũng đọc rao vặt tìm việc trên báo Seattle News và tìm đến xin việc. Vì vậy, ông đã gặp nhân vật bí mật mang tên Queaver. Craig vội hỏi: — Queaver hình dáng ra sao? — Ốm nhách, tóc bạc hai bên thái dương và cử chỉ nóng nảy. Trông gian gian làm sao ấy. Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, Vallier và Queaver chỉ là một. Purdom xác nhận điều này tại trụ sở cảnh sát Seattle. Lại trùng hợp thời gian có thông báo trên đài phát thanh người ta vừa phát hiện một tử thi bị chặt mất đầu quẳng trong một hố sâu. Người bị chết đã khoảng ba-bốn tháng. Vallier bị bắt, thú nhận tất cả. Đơn giản ông ta chỉ cần một chiếc xe hơi. Philip tội nghiệp, ký vào hợp đồng làm công việc tưởng tượng mà Vallier đưa cho anh. Vallier đã lấy mẫu chữ ký này để giả mạo hồ sơ mua bán chiếc xe Chevrolet màu xanh lá cây. Sau đó Vallier đã bắn một phát súng ngắn ngay ót Philip. Vũ khí vẫn nằm ngay trong chiếc xe hơi. Josephine Timfield nhận dạng đúng xác con mình – chẳng bà mẹ nào lại có thể nhầm lẫn về việc này dù xác chết đã bị chặt mất đầu để phi tang, và mặc dầu thời gian trôi qua đã khá lâu. Một năm sau, Vallier bị kết án tử hình và tiếp đó đã đền mạng trên ghế điện. Phóng tác theo một câu chuyện có thật CẬU BÉ NGÂY THƠ Bà P. ngồi cạnh con trai trong phòng đợi của một dưỡng đường ở Portland, bên bờ biển Đại Tây Dương nước Mỹ. Trời đẹp vào buổi sáng tháng Sáu năm 1989. Bà P. quay sang nói với con: — Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả, Billy à, đừng lo. Billy hít mũi: — Đây có mùi gì khó chịu… — Đó là mùi của bệnh viện, mùi ê-te. Chút xíu nữa chúng ta sẽ vô vườn, ở đó có hoa thơm. — Con không thích mùi ê-te. Nó còn tệ hơn cả mùi nước hoa. Rồi cậu cười, nụ cười làm cậu càng thêm tươi đẹp. Mà cậu đẹp trai thật. Hai nữ y tá đi ngang phòng không ngăn nổi liếc nhìn cậu. Billy P. có thân hình lực sĩ, cân đối, như một pho tượng Hy Lạp. Có điều mặt cậu còn quá trẻ, với mái tóc vàng óng và cặp mắt xanh biếc, môi đỏ hồng thơ ngây. Mấy ai đoán được cậu bé đẹp như thần Apollo này, cao 1,76 mét, nặng 70kg mới 13 tuổi! Hơn thế, cậu lại đang chờ khám tâm thần… Thời gian chờ đợi tiếp tục trôi qua trong khi bà P. nhớ lại dĩ vãng – dĩ vãng mà mỗi khi nghĩ đến bà lại đau nhói trong tim. … Billy mới tám tháng tuổi, tại sao bà lại vô bếp bỏ cậu bé một mình nhỉ? Tiếng thét chói tai của cậu khiến bà vội bỏ dở việc bếp núc, nhưng đã quá trễ. Billy, mà bà đặt kế bên bếp gas, bị phỏng nặng nơi bàn tay trái. Bác sĩ chữa lành vết thương, nhưng nói với bà: “Tôi e vết sẹo thật sự nằm trong tâm hồn cháu. Có thể suốt đời Billy sẽ sợ lửa một cách bệnh hoạn.” Bà P. liếc nhanh vết sẹo tím vẫn nằm đó, nơi bàn tay trái của con bà, nhưng vết sẹo bên trong, nghiêm trọng hơn nhiều, bà không sao thấy hết… Từ đó, nhiều lần trong giấc ngủ cậu bé cựa mình, la lên: “Lửa! Lửa cháy!”. Rồi Billy lớn lên rất nhanh, vượt đồng bạn cùng lứa tuổi. Lúc cậu lên sáu, khi cha mất, Billy bằng đứa bé mười tuổi. Về việc cha cậu mất, bà P. giải thích với con: “Cha con đi nghỉ hè”. Cậu bé không hỏi gì thêm. Tuy nhiên, ngược với thể chất, trí tuệ Billy phát triển rất tệ. Cậu học hành luôn đứng chót lớp và đến năm 11 tuổi thì mẹ cậu đành cho con nghỉ học. Cậu lại đặc biệt nhạy cảm với mùi vị, rất sợ mùi nước hoa, không bao giờ lại gần chị mình từ khi cô ta xức nước hoa. Nghỉ học, cậu ở nhà phụ mẹ giặt ủi (bà P. là thợ giặt ủi). Một hôm cậu nói với mẹ: “Con sẽ làm giống cha. Con đi nghỉ hè.” Ba ngày sau, cậu về nhà, nói với mẹ khi bà hỏi “Con nghỉ trong rừng thông gần bờ biển. Mùi nhựa thông dễ chịu lắm”… Bác sĩ đã vô tới. Ông hỏi bệnh nhân 13 tuổi nhưng cao hơn ông gần một cái đầu: — Billy, cậu biết viết không? — Viết để làm gì? Nếu tôi câm mới phải viết. Đàng này tôi nói được mà. — Tốt… Cậu biết coi giờ chớ? — Tôi khỏi dùng đồng hồ. Khi tôi không ngủ thì đó là ban ngày. Buổi trưa là lúc tôi đói và lúc tôi lại đói nữa thì là buổi tối. — Trả lời thẳng thắn, Billy, cậu có thích đi học không? — Có, tôi thích mùi phấn lắm. — Cậu nghĩ thế nào về các cô gái? — Tôi không muốn đến gần họ vì họ xức nước hoa. Sau đó bác sĩ trao đổi riêng với bà P. rằng con bà có vấn đề về tâm thần, không chỉ do tai nạn mà còn do những nguyên nhân sâu xa hơn, về cấu tạo thể chất, về di truyền… Cần khám Billy kỹ hơn vì “cậu ta khó sống bình thường trong thế giới của chúng ta. Hiện cậu chưa để ý đến nữ giới, nhưng khi bản năng tình dục thức dậy, có thể cậu sẽ cư xử như một con vật.” Bà P, cám ơn bác sĩ, nhưng trong thâm tâm, bà đã quyết định. Không, bà không muốn xa con trai. Nếu để cậu khám kỹ hơn, rất có thể Billy sẽ bị nhốt trong bệnh viện tâm thần. Bà sẽ để cậu ở nhà và chăm sóc cho cậu. Bà không hề biết rằng bà đã quyết định sai lầm về số phận của Billy, không phải chỉ một mình cậu. * * * Một năm đã trôi qua. Billy không cao thêm bao nhiêu nhưng ngày càng đẹp tuy trí tuệ chẳng hề phát triển. Cậu giúp mẹ giao quần áo đã giặt ủi đến các khách hàng. Thỉnh thoảng cậu vẫn “đi nghỉ hè”. Mẹ cậu không còn lo sợ nữa. Bà biết cậu sẽ trở về sau ba – bốn ngày. Cậu chỉ quanh quẩn trong rừng thông, và đôi khi lân la đến trạm xăng vì cậu thích mùi thông và mùi xăng. Tháng Giêng năm 1992 xảy ra sự cố đầu tiên. Trong số khách hàng mà cậu giao quần áo giặt có bà Benson, một goá phụ trẻ đẹp. Mỗi khi Billy đến nhà, bà Benson thường cười tươi với cậu, nhưng cậu bé ngây thơ chẳng hề để ý. Hôm ấy, khi Billy đến gõ cửa nhà bà Benson như thường lệ, cậu nghe tiếng bà “Cửa đang mở, cứ vô đi Billy. Tôi đang ở phòng khách.” Billy bước vô phòng khách. Bà Billy đang ngồi trên ghế bành, mặc áo ngủ hở cổ. Trên bàn trước mặt bà có chai rượu, hai chiếc ly và bánh bông lan. “Uống ly rượu Porto được chớ, Billy?” Billy cảm động. Cậu bước tới gần, người phụ nữ mời cậu ngồi xuống kế bên bà. Nhưng cậu không biết mình phải làm gì, nên đưa cả hai bàn tay ra phía trước. Bà Benson, sau một thoáng ngạc nhiên, hốt hoảng đứng dậy, bước lui. Billy cứ lừng lững bước tới, hai bàn tay xoè rộng. Bà Benson đã dựa lưng vào tường, hết chỗ lùi… Chợt Billy la lên một tiếng kinh khủng, quay đầu bỏ chạy. Tối hôm ấy, cậu kể hết với mẹ: “Mẹ có biết không, bà ta xức nước hoa nên con sợ quá, chạy mất. Nếu không, con cũng chẳng biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa.” Từ ngày đó, bà P. quyết định không cho Billy đi giao quần áo nữa. Cậu ở nhà, chăm sóc vườn tược, làm công việc nội trợ và phụ bà giặt ủi. Tuy nhiên thỉnh thoảng cậu vẫn “đi nghỉ hè”, nhưng cậu ít đến rừng thông mà khoái đến bến cảng hơn, nơi đó khoảng khoát, đông người, thoang thoảng mùi xăng dầu. Một tối tháng 7-1992, lúc cậu đang ngắm mặt trời lặn thì có tiếng gọi từ phía sau: — Chào cậu đẹp trai tóc vàng! Billy quay lại. Đó là một cô gái mặc váy đầm màu xanh. Billy tiến lại phía cô. Cô không có mùi nước hoa. Cậu rờ thử tay cô. Cô gái cười: — Đâu lẹ vậy. Hai mươi đô-la! Billy không hiểu. Cậu có xài tiền bao giờ đâu. Cậu rờ túi, móc ra mười đô, đưa cho cô gái. Cô gạt tay cậu: “Phải hai mươi đô!”. Điều Billy quan tâm bây giờ là cô gái nên cậu bỏ rơi tờ mười đô, ôm lấy cô. Cô gái la lên. Billy không thích cô la nên cậu chẹn cổ cô. Một lát sau, cô gái mềm nhũn trong tay cậu. Billy nhìn cô, chẳng hiểu gì cả. Cậu chỉ không muốn cô la chớ có làm gì hại cô đâu! Khi cậu trở về nhà, đã là ban đêm. Bà P. hiểu ngay sự việc, mặc dù Billy kể tiếng được tiếng mất. Bà hiểu con bà đã giết người. Đáng lẽ bà phải theo lời bác sĩ tâm thần. Giờ thì đã quá trễ. Bà quyết định không cho Billy “đi nghỉ hè” nữa, cho đến khi bà cho phép. * * * Ở Portland, cuộc điều tra về cái chết của cô gái mại dâm đi vào ngõ cụt. Các nhân chứng đều biết cậu thiếu niên tóc vàng mắt xanh thường đứng lặng hàng giờ ngắm mặt biển ấy. Có người đã bắt chuyện với cậu. Và ai cũng nhất trí rằng đó là một cậu bé ngây thơ. Cảnh sát cũng nhận thấy vậy, nên chuyển qua hướng khác: bọn buôn lậu ma tuý, những tên bạo dâm… Sáu tháng sau, cuộc điều tra vẫn dậm chân tại chỗ. Một tối tháng Giêng 1993, bà P. nói với Billy sau bữa tối: “Con có thể đi nghỉ hè được, nhưng cấm không được bén mảng đến bến cảng.” Đã lâu lắm không ra khỏi nhà nên Billy rất thích thú. Cậu đi loanh quanh trong xóm, hít thở… Bỗng cậu dừng lại, quay đầu tìm kiếm. Có mùi gì đó trong không khí… Mùi khói! Vậy ắt có lửa đâu đây. Thay vì bỏ chạy, cậu tiến thẳng lại nơi phát sinh ngọn lửa. Lâu nay, cậu hết sợ lửa, nhưng ngược lại luôn tự nhủ phải dập tắt lửa vì nó có thể làm phỏng người khác. Kia rồi, trong vườn có một phụ nữ đang đốt lá khô. Bà ta cản Billy khi cậu cố dập tắt ngọn lửa khiến cậu nổi nóng, bóp cổ bà… Lúc cảnh sát đến, Billy vẫn đứng đó, ra sức ngăn đám cháy… Billy được đưa vào bệnh viện tâm thần, nơi đáng lẽ cậu đã vào từ lâu. Còn mẹ cậu ra toà về tội không tố cáo người phạm tội và đồng loã che giấu tội phạm để hắn tự do hành động. Dịch từ một truyện của Bellemare CON CHÓ MỰC Câu chuyện bắt đầu vào đầu tháng Chạp. Nửa đêm hôm ấy, gần như cả buôn Lak thức giấc bởi tiếng la hét vang lên từ nhà Hre Đăng. Hre Linh, cô con gái của Hre Đăng, mười bảy tuổi, vừa lăn lộn trên mặt đất vừa thét vang. Hàng xóm láng giềng vội chạy tới, và trong số họ, có Khuôn Ray, một trong số hiếm hoi người dân trong buôn biết chữ, và lại say mê các câu chuyện phù thuỷ, ma quái. Ông ta tiến lại gần Hre Linh, đưa cô con dao làm bếp: — Cầm dao đặt lên trán. Quyền lực đen tối sẽ tụ vào lưỡi dao và dẫn cháu tới nơi cần vứt bỏ chúng. Cô gái đứng dậy, áp lưỡi dao vào trán, cứ thế bước đi trong đêm tối. Cả đám đông đi theo cô. Không chút ngập ngừng, cô tiến thẳng lại một túp lều cách buôn khoảng một cây số và dừng phắt lại. Khuôn Ray nói lớn: — Chém mạnh dao vào cánh cửa. Ma quỉ sẽ bị gắn chặt vô đó! Cô gái tuân lệnh, rồi ngã vật ra bất tỉnh. Qua bữa sau, cô không còn nhớ gì chuyện đêm hôm trước, nhưng cả buôn Lak xôn xao. Thực ra, trong sâu thẳm ý nghĩ, không ai ngạc nhiên về chuyện vừa xảy ra, bởi người ở trong túp lều là bà Y Bông, và đã từ lâu, ai cũng nghĩ bà ta là một mụ phù thuỷ. Năm nay bà ngoại tứ tuần, người nhỏ thó, ngoài mái tóc hơi bị hói, bà không có vẻ gì là một mụ phù thuỷ cả, dù bà không đẹp. Vậy tại sao bà lại bị buộc tội như thế? Vì nhiều lý do. Trước hết, bà không có chồng con, và chẳng mấy ai rõ gốc tích của bà. Sau chiến tranh, nghe đâu bà ở bên kia dãy núi phiêu bạt tới đây. Bà lại có hành động kỳ dị: thích cho mấy con quạ ăn. Và sau hết, bà nuôi một con chó đen, đen từ đầu đến chân, đến tận mút đuôi, đen bóng đen láng – một con chó mực, con chó của hoả ngục. Kể ra cũng có nhiều người đến trấn an dân trong buôn nói chung và gia đình Hre Đăng nói riêng. Trước hết là y sĩ trạm xá tại xã. Anh nói Hre Linh bị mắc một dạng bệnh thần kinh – điên loạn, và cần đưa lên bệnh viện tỉnh điều trị theo đúng các phương pháp khoa học. Còn Vũ Mạnh, trưởng công an xã, quyết định cho đội tuần tra đêm nào cũng rảo quanh buôn Lak. Tuy nhiên dân trong buôn dường như vẫn không sao gạt bỏ được nỗi ám ảnh về mụ phù thuỷ. Nội trong không đầy một tháng, ít nhất ba lần có kẻ chợt hoảng sợ la hét trong đêm – một đứa trẻ trong giấc mơ, một bà già đang khi nằm trên giường bệnh và Hre Linh thêm một lần lên cơn điên loạn. Và, lần nào người ta cũng đổ lỗi cho “mụ phù thuỷ Y Bông”. Trong khi ấy “mụ phù thuỷ” vẫn không thay đổi thói quen hàng ngày: cho lũ quạ đen ăn, lên làm rẫy giắt theo con chó mực và đêm đêm chui vào túp lều thui thủi một mình… * * * Càng gần Tết trời càng trở lạnh. Gió bấc hun hút lùa theo triền núi đổ về buôn Lak. Ngày 24 tháng Chạp, Vũ Mạnh trở về nhà sau lần tuần tra thì đã gần nửa đêm, tự nhiên anh có cảm giác mơ hồ lo ngại. Quả vậy, anh vừa ngả lưng thiu thiu thì điện thoại reo vang. Ở đầu dây bên kia là giọng của nhân viên trực đêm: — Có chuyện nghiêm trọng vừa xảy ra ở buôn Lak. Con trai của Y Bốc vừa bị giết. Tất cả dân trong buôn đều cho rằng chính mụ phù thuỷ là thủ phạm. Không cách nào thuyết phục hoặc ngăn cản họ nổi. Mười phút sau Vũ Mạnh có mặt tại hiện trường, dẫn theo hơn chục nhân viên cảnh sát. Chung quanh nhà của Y Bốc là cả một không khí nóng bỏng gây rối: đàn ông, phụ nữ chia thành từng nhóm nhỏ xôn xao bàn tán. Nhân viên vừa gọi Vũ Mạnh khều riêng anh ra, báo cáo nhanh tóm tắt tình hình: — Con trai Y Bốc, mười tuổi, bị lên cơn mộng du. Nó leo lên nóc nhà, trượt chân ngã xuống đất bể đầu chết. Mọi người cho rằng nó bị mụ phù thuỷ thôi miên từ xa, rồi ra lệnh cho nó gieo mình vào khoảng không. Hiện đã có mấy nhóm cầm theo vũ khí tới lều của Y Bông. Lúc này, thêm nhiều nhóm nhỏ nữa đang tiến về phía lều của Y Bông. Không hỏi gì thêm, Vũ Mạnh vội dẫn các nhân viên của mình đi theo những nhóm người đang âm mưu manh động kia. Khoảng hơn chục người đã tới lều trước và đang liệng đá tới tấp. Cảnh sát phải kiên quyết giải tán họ. Vũ Mạnh gõ cửa lều vẫn đang đóng im ỉm. Cửa khoá, không nghe tiếng đáp trả, anh quyết định phá cửa. Trong lều chỉ có con chó mực nằm rên ư ử trong một góc, tuyệt không thấy dấu vết của chủ nhân. Anh lục soát túp lều để tìm dấu tích. Những gì anh tìm thấy không mang lại kết quả mong muốn: Hai bộ quần áo cũ rích, đồ dùng tắm giặt… Có cả chiếc xắc tay trong để ba tờ giấy 20.000 đồng và hai tờ 5.000 đồng. Nếu Y Bông bỏ trốn, hẳn bà phải mang theo tiền; trừ phi bà hoảng hốt bỏ chạy bất ngờ do quá sợ. Nhưng, trong trường hợp này, làm cách nào bà có thời gian khoá trái cửa? Vũ Mạnh quay trở lại nhà Y Bốc. Tin tức về “mụ phù thuỷ biến mất” đã nhanh chóng lan rộng và gây nhiều nhận xét: — Mụ đã đi theo lũ quỉ. Vậy là tốt cho mụ lắm đó! — Đỡ mất công chúng ta ra tay. — Thà rằng như vậy, mọi người khỏi lo lắng gì nữa. Bỏ ngoài tai mọi nhận xét, Vũ Mạnh đến thẳng nhà Khuôn Ray, người mà anh biết đã đứng trong bóng tối giật dây mọi chuyện. Đứng trước mặt anh là một ông già ngoài 60 tuổi với mái tóc bạc trắng, vẻ mặt hiền lành. Tuy nhiên anh tấn công trực diện ngay theo kiểu đánh phủ đầu: — Sao, ông hài lòng chưa? Chính ông đã gieo kinh hoàng cho bà con trong buôn. Chính ông chịu trách nhiệm gián tiếp về cái chết của thằng nhỏ! Khuôn Ray bào chữa: — Nhưng đó là sự thật. Tôi đã để ý theo dõi sự việc. Đúng y như trong sách đã từng viết… — Câm miệng! Sách mê tín dị đoan. Những điều ông làm là hoàn toàn bất hợp pháp. Nhưng trong lúc này, điều tôi quan tâm trước hết là việc bà Y Bông bị mất tích, và ông phải trả lời hiện bà ấy đang ở đâu? Ông già đưa tay quệt trán: — Nếu bà ta muốn theo lũ quỉ… — Ông còn nói nhảm một tiếng nữa, tôi sẽ bắt giữ ông về tội không nghe lệnh của người đại diện cho pháp luật. Ông ở đâu lúc con Y Bốc chết? — Thì ngủ… ở nhà tôi, như tất cả mọi người khác. Rồi tôi thức giấc khi nghe tiếng thét của Y Bốc và chạy đến nhà anh ta… - Ông có đến nhà bà Y Bông hay không? — Không. — Ông có nghe mọi người trong buôn bàn tán họ sẽ trả thù mụ phù thuỷ, họ sẽ giết chết Y Bông hay không? — Có chớ. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi đọc trong sách thấy viết không nên giết chết bọn phù thuỷ. Làm vậy hết sức nguy hiểm. Cần phải chống lại bọn chúng bằng các thứ vũ khí khác. Vũ Mạnh nhìn ông già. Có vẻ ông ta thật sự không hiểu hết trách nhiệm của mình trong toàn bộ câu chuyện vừa xảy ra. Có thể ông ta chỉ là một con mọt sách đồng thời mê tín dị đoan. Nhưng còn bà Y Bông, nạn nhân phải hứng chịu sự trả thù của buôn Lak? Phải chăng bà đã chạy trốn? Nhưng trốn đi đâu? Một cơn gió bấc chợt lùa về khiến Vũ Mạnh rùng mình. Bà ta trốn ở đâu giữa tiết trời cuối năm trở lạnh như vầy? * * * Thời gian lặng lẽ trôi qua và cuộc điều tra của Vũ Mạnh vẫn dậm chân tại chỗ: Không thể tìm ra dấu vết của bà Y Bông. Mặt khác, yên bình đã trở lại trong buôn Lak. Tin rằng cùng với sự biến mất của “mụ phù thuỷ”, mọi xui xẻo cuối năm cũng biến theo luôn, cư dân trở lại nếp sống bình lặng vốn có. Mặc dù đứa bé chết thảm, mọi người dường như quên hẳn sự cố đau lòng đó. Đương nhiên đó không phải là quan điểm của Vũ Mạnh. Cáo thị tìm Y Bông đã được thông báo trong toàn vùng, nhưng không mang lại kết quả, và thời gian càng trôi đi càng dẫn đến những giả thuyết đáng tiếc nhất. Lớn tuổi, không tiền bạc, một mình một thân trốn chui trốn nhủi giữa trời đông lạnh giá, liệu Y Bông có qua được năm mới sắp tới? 28 Tết âm lịch. Bốn ngày đã trôi qua kể từ khi “mụ phù thuỷ” mất tích, Vũ Mạnh chợt nghĩ ra một điều. Tại sao mình lại không sớm nghĩ ra nhỉ? Dẫn theo hai nhân viên, anh quày quả trở lại túp lều của Y Bông. Con chó mực! Con chó mà với dân trong buôn Lak là môt động vật của hoả ngục, có thể trở thành con vật cứu chủ! Vũ Mạnh quăng mẩu bánh mì, chờ nó ngấu nghiến ăn xong, anh đưa bộ quần áo của Y Bông cho nó ngửi, tròng một sợi dây dài vào cổ nó. Anh không phải chờ lâu: Con chó ngửi xong, nhảy cẫng lên, “hộc” một tiếng, lao ra khỏi cửa. Anh phải dùng hết sức giữ sợi dây để khỏi mất dấu con chó mực. Vũ Mạnh và hai nhân viên theo con chó đi vòng quanh buôn, hướng đến khu đào mỏ vàng cách nay mấy năm nay đã bỏ hoang. Nơi đây đầy dãy những hầm, hố, giếng sâu. Một nơi lý tưởng để thủ tiêu mạng sống, chôn xác chết. Và đúng vậy, con chó vừa hít ngửi, vừa kéo Vũ Mạnh tiến vào khu mỏ hoang. Con chó dừng lại trước một miệng giếng thông hơi rộng, cất tiếng sủa. Mặc dù biết chui vào miệng giếng đất đỏ gần như dốc đứng này là rất nguy hiểm, Vũ Mạnh vẫn quyết định liều thử một phen. Anh rút chiếc đèn pin và lần theo những bậc thang đào trong thành giếng làm điểm tựa, lớn tiếng gọi: — Bà Y Bông! Bà Y Bông! Bà có ở dưới không? Tôi là bạn… Mọi chuyện đều tốt cả. Không còn nguy hiểm gì nữa đâu! Và, dù chẳng mấy hy vọng, anh nghe có tiếng trả lời. Không, không phải tiếng trả lời mà tiếng rên, tiếng than. Phải, bà Y Bông ở đây, cố thu mình trong một hốc bên thành giếng, vừa vì sợ, vừa vì lạnh. Anh hỏi: — Chuyện gì xảy ra với bà vậy? Y Bông lấy hết sức, đáp: — Tôi nghe tiếng người la hét đòi giết chết tôi… Tôi quá sợ nên bỏ nhà, cứ thế chạy thẳng ra đây. — Nhưng bà còn kịp khoá cửa mà? — Phải, để mọi người tin rằng tôi còn ở trong nhà. Nếu không, hẳn họ đã hè nhau rượt đuổi và bắt được tôi rồi. * * * Qua Tết, khi đã bình phục, bà Y Bông được Vũ Mạnh đề nghị Uỷ ban nhân dân trợ cấp ít tiền, đưa bà về lại quê bà ở huyện Giàng tỉnh kế bên, vì nghe nói ở bên đó bà còn người cháu họ. Tất nhiên bà mang theo cả con chó mực. Hy vọng tại đó bà có thể cho quạ ăn thoải mái. Có những cách đối xử mà, với hiểu biết hạn hẹp của một số người, có thể gây nguy hiểm dẫn tới cái chết. Phóng tác từ một truyện có thật TÔI LÀ CẢNH SÁT — Anh nói giỡn. Anh có mang theo súng không? — Luôn mang theo. Súng là vợ anh, là người bạn thân nhất của anh mà. Tôi nghĩ cô ả đã cắn câu. Quầy rượu tối hù và vắng vẻ. Cô ả bước vô khi tôi đã uống xong hai ly và liếc mắt ra hiệu cho đến khi tôi đưa tay vẫy. — Uống nữa nghen – Tôi vừa mời vừa cạn thêm ly nữa. Cô ả uống rượu gin pha nước cam, thứ nước uống dành cho mấy bà già khú. Cô xưng tên Rusty, tóc đỏ, mặt mũi khá kháu khỉnh, quần áo hơi bị “nghèo”. Chờ Rusty uống một hơi, tôi bảo: — Giờ em kể cho anh nghe về em đi. — Chẳng có gì nhiều. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, thằng chồng quay qua chung sống với mẹ em, thế là em bỏ nhà đi hoang, tự kiếm sống. Để em trả tiền ly tiếp theo. Cô xin phép vô toilet xong mới trở ra: — Em hơi đói. Tiệm này có gì dằn bụng không? — Có chớ, nhưng chẳng ra gì. Người ta đến quầy rượu không phải để ăn. Nhưng chúng ta có thể tới nhà hàng. — Khoan, uống xong ly em kêu đã. Anh kể em nghe tại sao anh vô nghề cảnh sát đi. Tôi cười: — Cha anh là cảnh sát. Không phải thứ cừ. Anh theo truyền thống gia đình. — Và để chứng tỏ anh cừ, phải vậy không? — Tuỳ em nghĩ. Chúng ta đi ăn thôi. — Em không có xe hơi. Hay chúng ta đón taxi. — Không sao, anh có xe, đậu gần đây thôi. Chúng tôi bước ra khỏi quầy rượu. Rusty nép sát vào người tôi. Cô ả nhỏ con, đầu chỉ đụng vai tôi. Càng dễ xử lý. Cô mỉm cười: — Không hiểu sao bỗng dưng em sợ. Chắc anh có đọc báo về một tên chuyên giết phụ nữ trong mấy tháng qua tại thành phố Boston này chớ? Năm người rồi thì phải. — Có. Sáu – Tôi chỉ nói láo một phần. Chút xíu nữa mới là sáu. – Đáng lẽ nếu sợ em không nên ra ngoài một mình vào ban đêm, lại bắt chuyện với người lạ. — Nhưng liệu có chuyện gì xảy ra với em nào? Em đi cùng với một cảnh sát, giỏi nữa là khác, và nếu có chuyện gì anh sẽ bảo vệ cho em. Ở nhà một mình hết đêm này qua đêm khác chán lắm. Vậy ra cô ả sống một thân một mình, quá tiện. Tôi dụ: — Hay là như vầy. Nhà em còn gì ăn không? Vô tiệm tốn tiền, vả lại cũng đã hơi muộn, mà quanh đây chẳng có nhà hàng nào ra hồn. Cô càng nép sát hơn vào người tôi: — Chỉ còn ít thịt nguội và mấy quả trứng. Em làm biếng nấu ăn lắm. Thường em bạ đâu ăn đấy cho qua. Nếu anh không ngại… Nhưng túi của anh có cái gì cồm cộm thế này? Tôi móc túi ra chỉ cho cô thấy “cái cồm cộm” là chiếc còng răng: — Đồ nghề của cảnh sát đó em, là vật bất ly thân cùng với khẩu súng. Căn hộ của Rusty hơi bề bộn. Tủ lạnh của cô đúng là chỉ có mấy khúc thịt nguội và ít trứng gà. Rusty đặt nước sôi pha cà-phê và thái jambon, xúc xích, chả lụa trong lúc tôi lui cui chiên trứng. Xong việc trước, cô vô phòng tắm trang điểm lại chút dung nhan. Tôi lục ngăn kéo bếp. Tốt nhất là sử dụng con dao ngay trong nhà nạn nhân. Khỏi mất công huỷ bỏ vũ khí, xoá dấu vết. Chỉ có mỗi một con dao nhíp mũi nhọn. Hơi nhỏ nhưng dùng được. Tôi bỏ luôn con dao vô túi quần. Món trứng chiên đã xong và cô ả vẫn còn trong nhà tắm. Tôi sẽ để Rusty ăn trước, kể cho cô ả nghe vài câu chuyện bịa đặt về cảnh sát. Thường các cô sẽ bị kích động. Tôi gõ cửa phòng tắm: — Thức ăn xong rồi. — Em ra ngay. Và cô ta bước ra, gợi cảm trong chiếc áo choàng mỏng màu hồng mỏng tanh, mùi nước hoa thơm lừng. Tôi mở to mắt. Cô cười cười: - Anh có thích em mặc chiếc áo này không? — Rất rất thích. Có lẽ chúng ta sẽ ăn sau… Tôi còn đang suy nghĩ nên thực hiện công việc tại phòng ăn hay phòng ngủ thì chính Rusty gợi ý: — Vậy chúng mình vô phòng ngủ đi anh. Chính cô ả chọn chỗ nên đừng trách gì tôi. Đèn trong phòng ngủ toả ánh sáng mờ mờ. Rusty nằm lăn trên giường, còn tôi ngồi xuống cạnh giường, bàn tay nhẹ nhàng thọc vô túi quần cầm sẵn con dao. Bây giờ là lúc nên cho cô ả biết rõ sự thật. Tôi lên giọng: — Rusty, thực ra anh không phải là một nhân viên cảnh sát đâu. Anh đã bị đuổi việc… Rusty ngồi nhỏm dậy khi thấy tôi rút con dao ra. Cả hai tay cô ả cầm con gấu con nhồi bông đưa ra phía trước, dùng làm chiếc khiên như cố che chắn. Hừ con gấu bông đồ chơi làm sao bảo vệ nổi cô gái nhỏ con này! Hình như cô vẫn còn chưa hẳn tin lời tôi khi cất giọng run run: — Anh đừng giỡn, em sợ lắm. Đến nước này thì nên huỵch toẹt cho xong. Với lại cần gì phải giấu giếm nữa cho mệt. Tôi cười gằn: — Không phải lúc giỡn. Nói thật với cô, tôi chính là thủ phạm đã gây ra năm vụ giết các cô gái tại thành phố Boston này. Tại sao các ả ngu ngốc, cả tin đến thế không biết. Bây giờ đến lượt cô, Rusty, không đau lắm và cũng chẳng lâu đâu. Tôi thọc tay lấy ra chiếc còng, chuẩn bị còng tay cô gái … Bỗng Rusty giật tay ra khỏi con gấu nhồi bông, trên tay cô là một khẩu súng ngắn nhỏ xíu: — Mikey, anh đã bị bắt. Tôi là nhân viên cảnh sát hoá trang. Chúng tôi đã biết nhân dạng anh qua lời kể của nạn nhân thứ năm, trước khi cô ấy thật sự qua đời. Và tôi đã được cài bố trí theo dõi, gài bẫy anh. Hừ, khẩu súng ngắn nhỏ xíu, chẳng có gì đáng ngại. Tôi vung tay thật mạnh, quật chiếc gối vào cổ tay Rusty, cùng lúc rút khẩu Colt ra… Nhưng đúng lúc ấy, cửa phòng tắm của Rusty bật tung, gần nửa tá cảnh sát ai nấy súng ống trên tay lăm lăm chĩa ngay người tôi. Phóng tác DU LỊCH MEXICO Ngoài anh bạn Willie ở căn hộ kế bên, tôi chẳng có ai quen biết tại thành phố này. Trừ khi xảy ra phép lạ tôi mới tiếp tục ở lại đây vì việc làm chưa có, tiền thuê nhà lại vừa tăng lên. Điện thoại chợt reo vang. Tiếng Willie: “Anh đi mua đồ với tôi được không? Tôi đang chuẩn bị cho một chuyến du lịch và cần anh làm cố vấn.” Thật khổ. Willie khoái du lịch và tôi lập tức đưa đề nghị anh nên đi Mexico, vì đó chính là nơi tôi hằng ao ước tới thăm mà chưa có dịp, đúng ra là chưa có tiền. Nhưng tôi làm gì may mắn được thừa hưởng một gia tài kha khá để chỉ việc ăn chơi như Willie. Mỗi khi đi chơi xa, Willie đều đưa chìa khoá nhờ tôi coi nhà, tưới cây, cho cá (kiểng) ăn. Đi đến đâu anh đều chịu khó gởi bưu thiếp cho tôi (nhưng do chữ viết quá xấu, nên luôn đánh máy); rồi khi về anh cũng không bao giờ quên mua tặng tôi quà lưu niệm – có điều toàn những thứ cà tàng, chẳng đáng giá gì. Vừa gặp tôi, Willie nói ngay, vẻ mừng rỡ: “Tôi muốn mua quần áo mới để đi Mexico nên phải nhờ anh.” Willie không có xe hơi và rất ghét lái xe. Chúng tôi có cùng khổ người, khuôn mặt hao hao và Willie lại không có con mắt mỹ thuật. Bữa nay, sắm xong quần áo anh còn mua thêm hai va-li đắt tiền, xong hào phóng mời tôi ăn trưa tại một nhà hàng sang trọng. Trong bữa ăn, do đang mải nghĩ đến một vấn đề quan trọng nên thoạt đầu tôi không để ý đến những gì Willie nói, rồi bỗng tôi nhận ra anh đang nói về Monica. Tôi hỏi: — Cô ấy vẫn ở Florida? — Tất nhiên, cho đến giữa tháng Tư. Có khi nào cô ấy viết thư, gởi e-mail hay gọi điện thoại cho anh không? — Tôi ấy à? Mắc mớ gì cô ấy lại gọi cho tôi? — Thì tôi hỏi cho biết vậy thôi. — Cô ấy là bạn anh, qua anh mới biết tôi, nên cô ấy không gọi tôi là hợp lý. Nhưng có chuyện gì mà anh hỏi vậy? Willie đưa tay lên môi: — Anh biết Monica đấy. Cô ấy biết giữ bí mật lắm. — Bí mật gì? Willie chỉ cười và chuyển đề tài. Monica là bạn gái lâu năm của Willie và anh từng nhiều lần nói đùa về lễ đính hôn giữa họ. Tôi đã đôi lần gặp cô tại căn hộ của Willie và nhận xét cô khá dễ thương tuy hơi ranh mãnh. Tôi bảo: — Anh không còn trẻ nữa, Willie. Mai mốt đây ai chăm sóc anh khi trái gió trở trời? Nếu anh thật lòng muốn cưới Monica, sao không đưa cô đến Mexico hưởng tuần trăng mật luôn thể? - Monica không ưa Mexico. Tôi không nói nữa, vì tôi cũng có bí mật của tôi. *** Tôi điểm lại kế hoạch. Monica vẫn ở Florida cho đến giữa tháng Tư. Căn hộ của Willie bị khoá, tôi giữ chìa khoá. Bưu thiếp anh ta gửi khi đi du lịch chỉ đánh máy. Vậy Monica sẽ nhận được ít tấm bưu thiếp, cả tôi nữa cũng sẽ nhận được như vậy. Việc Willie có thật sự đến Mexico thì ai thèm để ý? Anh ta một mình một thân, không anh chị em ruột. Họ hàng thân thuộc anh ta ít giao du. Và chuyện một du khách mất tích tại xứ sở bao la này đâu phải chưa từng xảy ra? Nay thêm một người nữa mất tích thì có gì là lạ? Tôi gõ cửa phòng Willie vào quãng nửa đêm chủ nhật, thấy anh ta đang xếp quần áo vô hai chiếc va-li mới. Anh có vẻ thoáng ngạc nhiên khi thấy tôi, nhưng trấn tĩnh lại ngay và vui vẻ chỉ cho tôi: — Giấy tờ và vé máy bay của tôi để ở ngăn này này. Khi chúng ta đến sân bay tôi sẽ đưa chìa khoá nhà cho anh, vì thế nào anh cũng chở tôi đi, phải không nào? Hừ, cũng lại nhờ tôi. Cái gì cũng nhờ đến tôi mà không thèm để ý tôi đang nghĩ gì, muốn gì. Phen này Willie hẳn sẽ biết, nhưng khi biết thì mọi việc đã quá muộn. Công việc tiến hành êm xuôi đúng như tôi sắp xếp. Nhân lúc Willie đang cắm cúi xếp đồ, tôi chỉ việc cầm gậy thẳng cánh đập hai cú vào ngay đầu anh ta là Willie chết thẳng cẳng. Tôi bỏ xác anh ta vô bao plastic, nhét trong tủ lạnh, rồi lau chùi hiện trường thật sạch sẽ. Ngày mai Willie đi Mexico, phòng anh ta sẽ khoá trái cửa, chẳng ai ra vô. Đi Mexico về, tôi chỉ việc mang bao ra chôn trong cánh rừng gần đó là xong. Chợt chuông điện thoại reo vang. Tôi đứng bất động trong một giây, tim đập thình thịch. Nhưng tôi biết mình không thể giả bộ không nghe. Tiếng Monica ở đầu dây bên kia: — Phải anh Willie đó không? Tôi do dự giây lát trước khi lên tiếng: — Rất tiếc, Willie đang ngủ. Anh ấy quá mệt nên muốn nghỉ một lát trước khi ra sân bay. — Ủa, ra là anh! Tôi cố giải thích: — Tôi… tôi giúp anh Willie sắp xếp đồ đạc do anh ấy cảm thấy không được khoẻ lắm. Cô ta ngập ngừng khiến tôi cảm thấy bối rối. Có điều gì bất bình thường trong giọng nói của tôi chăng? Rồi cô lên tiếng: — Đáng lẽ tôi không nên gọi điện khuya khoắt như vầy. Anh nói thật tôi nghe đi, Willie có nói anh nghe điều gì không? Tôi vôi hỏi: — Về cái gì? — Về bí mật của chúng tôi. Tôi đâm hoảng: — Bí mật nào? Tôi thở ra một hơi khi cô gái đáp: — Không có gì đâu. Chúng tôi giỡn ấy mà… * * * Tôi để xe hơi ở nhà và đón taxi ra sân bay. Tôi thuộc nằm lòng kịch bản. Tôi là Willie Van Netten và sẽ mang lốt con người này trong một tháng. Tôi ngồi ở ghế chờ làm thủ tục, chỉ nửa giờ nữa là lên máy bay, và mọi chuyện đều tốt đẹp. Nhưng, chợt một bóng dáng quen quen bước tới. Không, không thể nào là Monica. Mới hồi khuya cô còn từ Florida gọi điện thoại mà! Không kịp, cô đã thấy tôi, miệng cười vui vẻ: — Ồ! Tôi cứ lo mình bị trễ. Willie và tôi đã tính toán từng phút, nhưng tôi vẫn lo. Ủa, mà Willie đâu? — Ơ… ơ… Monica, sáng nay trời lạnh nên Willie khó ở… Monica xụ mặt: — Trời, vậy mọi việc hỏng cả. Chúng tôi không muốn anh biết cho đến phút chót. Đêm khi hôm Willie nói với anh rồi phải không? Khi tôi gọi điện thoại nghe giọng anh là lạ. Cả hai chúng tôi đều nghĩ về anh, nhưng chính tôi gợi ý cho Willie. Anh ấy vốn rất dễ thương và tốt bụng, có điều hơi chậm hiểu khi nghĩ đến người khác. Anh có nghĩ bí mật của chúng tôi là gì không nào? Tôi vẫn còn đang hoảng loạn, nói đại: — Hai người làm đám cưới? Tôi ngạc nhiên… — Không, không. Tôi muốn nói đến chuyến du lịch. Willie muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với anh. Từ lâu anh đã giúp Willie quá nhiều. Có điều chúng tôi không rõ anh thích gì, nên mới bày mẹo và nhờ vậy biết anh thích du lịch Mexico. Cho nên anh ấy mua sắm quần áo, va-li cho anh, định đến phút chót mới cho anh biết. Chúng tôi muốn xem nét mặt anh ra sao khi mở giấy tờ ra, thấy tên anh trong vé. Còn chúng tôi, chúng tôi ở lại đây, hưởng tuần trăng mật. Tôi đâu có thích Mexico, Willie biết vậy mà. Anh ấy còn gửi cho anh một bì thư, đây nè. Tôi càng nghe Monica nói càng ngáo ra, chẳng biết trả lời sao cho phải phép. * * * Trong chuyến bay, tôi đọc đi đọc lại lá thư của Willie. Thư nhắc lại những gì Monica vừa kể, đặc biệt cho biết anh đã gửi sẵn một số tiền cho tôi tại ngân hàng Mexico City để tôi có thể du lịch thoải mái. Tôi không biết mình phải làm gì bây giờ! Theo các bạn, tôi nên làm gì bây giờ? Phóng tác theo “Willie’s Last Trip” của Donald Olson CÁI CHẾT CỦA MỘT DU KHÁCH Người đàn ông với nước da rám nắng bước ngang Hải quan sân bay quốc tế Heathrow, London, không chút khó khăn, vì chỉ mang theo chiếc va-li nhỏ và một túi vải ghi rõ “dừa”. Sau khi liếc qua va li và nhìn thấy mấy trái dừa trong túi, nhân viên kiểm tra vẫy tay cho ông ta đi qua. Rốt cuộc, ông ta từ đảo Madagascar, nơi nổi tiếng về dừa, đến thủ đô Anh quốc mang theo ít trái dừa thì có gì là lạ. Người đàn ông đi ra cổng sân bay, hướng về dãy taxi. Một tài xế bước tới đỡ va-li, và khi người đàn ông vừa mở cửa sau taxi để vô xe thì bỗng giật mạnh người, ngã nhào về phía trước. Một dòng máu đột nhiên rỉ ra từ lưng ông ta. Bao dừa lăn lóc trên vỉa hè cạnh taxi. * * * Thanh tra Jeffrey Rand được sếp bộ phận kiểm nghiệm Động vật hoang dã là Ralp Coir mời tới. Ông nói: — Tôi nghe nói ông là một nhà điều tra giỏi, từng lăn lộn ở nhiều nước thuộc châu Phi. Tôi cũng mới đi Nam Phi về. Madagascar là một hòn đảo thuộc châu Phi… — Việc này liên quan gì đến tôi? Coir đưa Rand ảnh chụp bán thân người đàn ông da rám nắng, mắt nhắm nghiền: — Đây là Telga Toliara. Ông ta chết tại sân bay Heathrow cách nay hai hôm. — Bị giết. Tại sao? — Bị bắn. Scotland Yard cho rằng đây là một súng hãm thanh có thể dấu trong một chiếc gậy. Ít nhất không ai nghe hoặc nhìn thấy chuyện gì đã xảy ra. Ông ta vừa bước lên taxi, mang theo thứ này – Coir thò tay xuống dưới bàn, lôi ra chiếc túi xách có dòng chữ “dừa”. Rand rờ túi, rồi thọc tay vào, kêu lên thảng thốt vì vừa bị con gì cắn vào ngón tay: — Cái quái gì vậy? — Xin lỗi. Đáng lẽ tôi nên nói anh biết – Ông lấy từ trong túi ra một con rùa, đặt lên mặt bàn – Chúng tôi đã rửa sạch và cho chúng ăn, tất nhiên. Tôi mới bỏ chúng vô túi trở lại để cho anh biết chúng đã được vận chuyển lậu qua Hải quan ra sao. Đây là một loại rùa rất quí hiếm. Rùa cái giá thị trường chợ đen lên đến 10.000 USD/con khi đã lớn. Chúng được buôn lậu từ Madagascar qua Florida theo ngả London. Người chết đổi chuyến bay tại sân bay Heathrow. — Ông muốn tôi điều tra về vụ buôn lậu động vật hoang dã? — Và cả vụ giết người. Cụ thể, hãy lần theo dấu vết đến tận nguồn, tìm cho ra kẻ đứng sau các vụ buôn lậu động vật hoang dã và ám sát Toliara. * * * Vậy là Rand đến Tana, trung tâm thủ đô của Madagascar. Thành phố vào đầu mùa hạ toàn bụi và nóng nực. Ngồi trên máy bay anh đã đọc hết tài liệu mà Coir đưa. Madagascar là thị trường buôn lậu động vật hoang dã lý tưởng bởi kẻ buôn lậu nếu bị bắt lần đầu chỉ bị xử phạt hành chánh. Nơi đây cũng có rất nhiều dừa mà dân địa phương gọi là Coir. Anh kêu xe taxi đến thẳng địa chỉ của Toliara. Tiếp anh là một phụ nữ trẻ, da trắng tóc vàng: — Tên tôi là Adelaide Toliara. Còn ông… ? — Rand, người Anh. — Tôi người Úc. Ông cần gì? Ông có mang tro của chồng tôi về không? — Rất tiếc, không. Hẳn cái chết của ông nhà khiến bà bất ngờ… — Hơi thôi. Có điều ông ta chết ở sân bay London thay vì trong nhà thổ ở Tana. Rand chuyển đề tài: — Bà tới đây lâu chưa? — Cách nay ba năm. Tôi đến đây dậy học. Toliara là người đầu tiên tôi gặp trên đảo. Tôi cứ nghĩ ảnh kinh doanh xuất nhập khẩu, cưới nhau xong mới biết ảnh buôn lậu động vật. Ảnh nói rừng Madagascar có rất nhiều động vật quí hiếm. Khi dân số tăng, đất nước hiện đại hoá, rừng sẽ bị huỷ hoại; nếu không bắt chúng bán ra nước ngoài chúng sẽ chết. — Không sai mấy. Nhưng có điều chúng bị buôn bán bất hợp pháp, và nhiều người lợi dụng việc này. Chồng bà tự bắt chúng hay sao? — Không. Ảnh mua từ một người trung gian tên Frier, chủ quán kem. Tiệm kem nhưng bán cả rượu mạnh, và phụ nữ nữa. — Bà có biết Frier không? Có thể giới thiệu tôi với ông ta không? Bà ta do dự: — Có thể. Nhưng tôi làm vậy để làm gì? — Trả thù kẻ đã giết chồng bà. — Cũng được. Quán kem cách đây chỉ hơn 500 mét. Chúng ta đi bộ tới đó. Mặc dù giữa trưa, quán vẫn có năm-sáu người lảng vảng ở quầy rượu và vài người khác đang ngồi chơi bài. Vài cô gái ngồi khuất phía trong quầy. Adelaide nói nhỏ với một người đứng ở quầy rượu và ông ta liếc nhìn Rand, rồi cùng Adelaide tiến thẳng tới chỗ anh đứng. Adelaide giới thiệu: — Đây là ông chủ Frier. Còn đây là ông Rand. Frier mỉm cười, đưa tay: — Ông thích các động vật hoang dã? — Rùa quí hiếm. — Hồi này khó kiếm lắm. — Chồng bà Toliara vừa bị giết chết tại sân bay Heathrow do buôn lậu chúng. — Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe tin này. Hiếm khi xảy ra chuyện ấy lắm. — Ông buôn bán gì? — Bò sát. Rắn và rùa. Những con vật này sống được qua những chuyến đi dài mà không cần nước và thức ăn. Không như khỉ hoặc chim. — Hải quan không gây khó dễ gì sao? Frier nhún vai: — Khi bị kiểm tra gắt, bọn tôi thu mua bằng tàu cao tốc ngoài biển. Madagascar không có lực lượng tuần duyên. — Nhưng Toliara đi máy bay từ đây đến Florida, quá cảnh tại London. — Có nghĩa ông ta đã mua chuộc được ai đó tại sân bay. Cách an toàn nhất là chuyển động vật bằng tàu tới đảo Reunion thuộc Pháp, hoặc tới Nam Phi. Tại đây, những con vật này sẽ có hồ sơ giả là chúng được thuần dưỡng, và vậy là buôn bán trở thành hợp pháp. - Tôi muốn cố học hỏi chút đỉnh về công việc này. Buôn bán rùa thì sao? — Tốt nhất là tại Tulear, bãi biển phía Tây-Nam. Có một phụ nữ tên Gin chuyên bán rùa. * * * Rand đáp máy bay đến Tulear, một thị trấn nhỏ nằm ven biển. Anh hỏi thăm tìm đến nhà Gin không mấy khó khăn. Gin là một phụ nữ thanh mảnh, dễ bắt chuyện. Sau vài câu mào đầu, Rand hỏi thẳng: — Chị có biết một người tên Telga Toliara không? Nghe nói ông ta là khách hàng của chị? — Ông ta đi thuyền tới đây, mỗi lần đều mua nhiều rùa lắm. Đã vài tuần nay tôi không gặp ổng. — Ông ta chết rồi. Bị giết tại London. — Thực là một nơi nguy hiểm. — Còn tại đây thì sao? — Tôi có người bảo vệ. — Khi nào rùa được chở tới? Tôi muốn tìm tận nguồn. — Luôn vào ban đêm, trên bờ biển mạn bắc. Có thể đêm nay có chuyến. Nhưng họ không tín nhiệm ông đâu. Quần áo của ông sang quá. Họ luôn ngại cảnh sát. — Tôi cần quần áo khác. Đồ tôi để ở khách sạn. — Tôi có thể kiếm cho ông. Nhưng ông ở khách sạn làm gì trong khi có thể ngủ trên bãi cát, dưới khách sạn ngàn sao? Hãy trở lại đây vào khoảng 10 giờ đêm. * * * Rand đi dọc bờ biển trở lại nơi hẹn gặp Gin. Anh vượt qua một người đàn ông trong bộ đồ trắng cắp theo chiếc dù, coi bộ chẳng hợp với chốn này. Nhưng chính anh cũng có hợp với chốn này đâu! Gin đang chờ anh: — Kriter tới liền bây giờ, bằng ca-nô. Quả thực, chiếc ca-nô nhẹ nhàng trườn vào bờ. Một thanh niên cởi trần nhảy lên mặt cát: — Bữa nay chỉ có chín con rùa. Gin nhanh nhảu: — Tôi mua hết. Kriter nghiêng qua Rand: — Chị có sẵn khách rồi hả? Gin gật đầu, chờ ca-nô chạy ra xa mới nói với Rand: — Thường anh ta để cho tôi từ 15 tới 20 con rùa. Hẳn đã có ai thu mua trước. Rand nhớ lại người đàn ông cắp dù: — Mùa này ở đây có mưa không? — Không. Phải qua cả tháng nữa. — Chị có thấy người lạ mới xuất hiện không? Người đàn ông với bộ đồ trắng, mang theo dù? — Có thể đó là khách du lịch. Anh trả tiền cho Gin để mua số rùa, hỏi: — Nếu Kriter đã bán rùa trước, có thể là ở điểm nào? Tôi muốn tới đó xem thử. — Có thể là Ankil Cove, cách đây 2 dặm về phía bắc. Ông có thể đi bộ tới đó, chỉ việc men theo bờ biển. Rand đi theo hướng Gin chỉ. Khoảng nửa tiếng sau, anh thấy ngôi làng thấp thoáng phía trước, vừa lúc người mặc đồ trắng xuất hiện. Gã quay mặt đi khi Rand tới gần, và bỗng đưa chiếc dù lên. Rand vội nhào xuống cát, nhưng không kịp. Một viên đạn từ súng hãm thanh đã sượt ngang đầu anh, và anh không còn biết gì nữa. Khi Rand tỉnh dậy thì trời đã sáng. Có tiếng nói quen quen: — Ông đã tỉnh rồi sao, Rand? Anh quay đầu về hướng giọng nói, và nhận ra Adelaide Toliara. Anh hỏi: — Chuyện gì xảy ra với tôi vậy? — Ông bị bắn, may mà đạn chỉ lướt qua sọ, tôi đã xức thuốc rồi. — Người đàn ông mặc đồ trắng bắn đấy. Gã đâu rồi? — Tôi không rõ. Gã tưởng ông đã chết. — Chính gã đã giết chồng chị đấy. Adelaide mở to mắt: — Gã, Sidney Moullion? Tại sao ông biết? — Scotland Yard nghi Toliara bị bắn bởi một khẩu súng hãm thanh giấu trong một chiếc gậy. Moullion mang theo chiếc dù xếp, khi thấy gã đưa dù lên tôi nhào xuống cát và bị bắn. Chị biết gã? — Gã người Nam Phi, làm ăn chung với chồng tôi. Rand nghe có tiếng tàu cao tốc từ xa. Adelaide nói vội: — Moullion trở lại đấy. Ông nên trốn đi, kẻo không gã lại bắn đấy. Rand vừa kịp ẩn mình sau bụi cây thì tàu cao tốc lao tới. Anh nhìn rõ Moullion ngồi sau tay lái, khi tàu vừa chạm cát, gã bước ra, cầm theo chiếc dù xếp. Adelaide chạy tới nói gì với gã anh không nghe rõ. Rồi họ tới gần hơn, và anh nghe tiếng Moullion hỏi: — Xác chết đâu? — Tôi kéo vô rừng rồi. Gã cúi đầu nhìn cát trong giây lát, rồi chợt nắm chặt tay Adelaide: — Phải nói thật! Không có dấu vết kéo trên mặt cát! Nó còn sống phải không? Người thiếu phụ chợt nổi khùng: — Thây kệ xác chết, Sidney. Tại sao anh giết chồng tôi? — Đó không phải việc của cô. Moullion buông dù xuống, đấm thẳng vào vào mặt Adelaide. Rand lao ra khỏi chỗ nấp, hét lớn “Tao đây!”. Trước khi Moullion chụp cây dù, Rand đã nhào tới, vật gã ngã sấp trên mặt cát. Họ cùng ra sức đấm, đá, cào, cấu. Nhưng gã người Nam Phi coi bộ mạnh hơn, gã cưỡi lên bụng Rand, siết chặt cổ anh, khiến anh muốn ngạt thở. Rồi Rand nghe mơ hồ có tiếng súng hãm thanh, và bàn tay trên cổ anh nới lỏng ra. Adelaide cầm cây dù còn đang bốc khói. Rand cúi xuống Moullion: — Anh sắp chết rồi. Hãy nói tôi nghe sự thực. Moullion thều thào mấy chữ “Kim cương cho dừa…” rồi ngoẹo đầu qua một bên. Gã đã tắt thở. Rand lục tìm trong người Moullion. Anh thấy một bì thơ cồm cộm, dốc bì thơ, hơn chục viên kim cương lóng lánh trên lòng bàn tay anh. Adelaide bảo: — Kim cương Nam Phi! — Câu “Kim cương cho dừa…” có nghĩa gì? Gã buôn lậu kim cương bằng cách nào? — Nhét vô rùa. Telga có lần nói với tôi phải nhét cái gì đó cho rùa ăn. Lúc ấy tôi không hiểu, giờ mới rõ. — Buôn lậu kim cương trong rùa lậu. Mới đấy. Nhưng vẫn chưa giải thích tại sao chúng giết chồng chị… Được rồi, chị cứ về nhà đi. Tôi sẽ sắp xếp ổn thoả mọi việc tại London. * * * Ralph Coir vui vẻ mời Rand ngồi: — Tôi đã đọc báo cáo của anh. Tuyệt. Bộ phận khoa học kỹ thuật đã kết luận chiếc dù của Moullion đúng là vũ khí đã dùng để giết Telga Toliara. Và những viên kim cương khiến ai nấy đều kinh ngạc. Với cái chết của Moullion, toàn bộ hồ sơ vụ án buôn lậu coi như đã khép lại. Anh nói Moullion chết do súng cướp cò khi anh đang cố giật lấy khẩu súng? — Phải. Nhưng theo tôi, câu chuyện chưa kết thúc. — Sao vậy? — Nếu Toliara đổi máy bay tại Heathrow để đi Florida và mang theo rùa, tại sao anh ta lại ra khỏi sân bay để bị khám xét? Và bị khám xét tới hai lần, khi ra khỏi sân bay và vô lại sân bay? Anh ta chỉ việc ung dung ngồi lại trong phòng chờ là ổn. Chỉ có thể lý giải Toliara không muốn đi tiếp tới Florida, và tìm người mua hàng ngay tại London. Moullion hẳn đã có mặt tại sân bay Heathrow để giám sát và đã ra tay khi thấy Toliara không làm theo ý gã. Ralph tỏ ra khó chịu: — Nhưng gã giết Toliara để làm gì? Đàng nào gã cũng mất bao dừa – những con rùa – và luôn cả số kim cương bên trong. — Tôi cũng đã tự mình hỏi như vậy. Có một khả năng: Gã có thể biết khi giết Toliara gã không mất hết, mà còn được lãnh thưởng. Điều này chỉ trở thành sự thật nếu gã biết chắc bao rùa buôn lậu, một khi bị cảnh sát phát hiện, sẽ được gởi đến đồng bọn của gã – chính là ông, Ralph Coir! Ralph Coir nhảy dựng lên: — Nói bậy! Tại sao anh dám nói thế? — Hãy tìm cho ra sự thật. Anh đã nhờ tôi làm vậy, phải không nào? Có điều anh không nghĩ tôi lại đi quá xa. Chính anh từng nói anh đã đi Nam Phi. Câu nói cuối cùng trước khi qua đời của Moullion là “Kim cương cho dừa”. Thoạt đầu câu này vô nghĩa đối với tôi, rồi tôi nhớ ra dừa tiếng Madagascar là Coir, tên của anh. Này, tôi đã gởi báo cáo về nghi vấn của tôi lên cấp trên của anh rồi đó! Phóng tác theo một truyện của Edward D. Hoch TÌNH HUỐNG MAY RỦI Vào đúng lúc người thiếu phụ lại gần bồn nước rửa chén, Sam Cobbet trèo qua hàng rào trang trại, vượt mấy bậc tam cấp, mở cửa đột ngột và nhảy vô nhà, khép cửa thật nhanh. Bây giờ Sam mới tự hỏi hắn nên làm gì. Thấy con dao nhọn trên bàn ăn, Sam nhẹ nhàng tiến lại gần, mắt chăm chú nhìn người thiếu phụ mảnh khảnh đang mở vòi nước rửa chiếc dĩa, quay lưng lại phía hắn. Hình như tiếng nước chảy át tiếng động do hắn gây ra. Sam vừa cầm con dao lên thì nghe có tiếng trẻ khóc phía sau. Hắn vội xoay đầu lại: một em bé nằm trong nôi ở góc bếp. Nhưng người thiếu phụ vẫn tỏ ra bình tĩnh, tiếp tục rửa dĩa và vừa lúc bà quay người lại thì thấy hắn. Chiếc dĩa trên tay bà rớt xuống đất vỡ tan, mặt bà trắng bệch, mắt chằm chằm ngó con dao trên tay Sam. Bà chạy lại bên nôi, bồng con, siết chặt vào lòng. Rồi bà trân trân nhìn kẻ đối diện, trong bộ đồng phục tù nhân. Vẻ ngạc nhiên pha lẫn sợ hãi dần biến mất, chỉ còn nỗi sợ. Bà chăm chú nhìn ngay mặt hắn, cố lên tiếng, run run: — Chỉ ít phút nữa chồng tôi sẽ trở về… Tốt nhất, ông nên đi ngay đi… Sam bật cười. Hắn nhớ lúc nãy, nằm nấp trong bụi cây cạnh hàng rào hắn đã nghe rõ tiếng hai người nói chuyện, rồi tiếng bánh xe hơi lăn ra khỏi cổng, xa dần. Lúc ấy, hắn đã lẩm bẩm: “Chỉ ăn thua may hay rủi. Ta đang gặp may. Ta đã trốn thoát khỏi nhà tù, và bây giờ nữa, vẫn chưa nghe còi hụ báo xổng tù…”. Hắn thong thả kéo ghế ngồi, nghiêm nghị nhìn người thiếu phụ: — Tôi đã nghe chồng bà nói chuyện với bà. Đừng định lừa tôi. Ba giờ nữa ông ta mới quay về. Bây giờ bà chỉ việc nghe theo lời tôi thì sẽ không có chuyện gì xảy ra, kể cả đối với con bà – Thấy người thiếu phụ gật đầu, hắn tiếp – Trước hết, cho tôi ăn đã, gì cũng được. Xong, đưa tôi quần áo của chồng bà. Thiếu phụ bất động trong giây lát, rồi dường như bị thôi thúc, đi tới đi lui trong nhà bếp, đặt đứa nhỏ vô nôi, lượm những miểng dĩa bể… Sam, tay cầm dao, theo dõi bà. Chỉ đến khi bà đổ mỡ vô chảo, hắn mới dời ánh mắt nhìn đồng hồ treo tường: 10 giờ 30. Vậy là đã một tiếng kể từ khi hắn bỏ trốn. Một tiếng trong đó trước hết hắn ẩn mình trong xe hơi chở đồ ăn ra vô nhà tù, nấp trong đống giỏ hôi rình, để lại sau lưng những bức tường kẽm gai cao ngất, những tay quản ngục súng ống đầy mình. Tiếp đó là cuộc chạy băng đồng, cúi rạp mình khuất trong đám cỏ. Vậy mà vẫn chưa nghe còi báo động! Hắn biết, khỏi cần bật ra-đi-ô. Nào ai đã biết có một tên tù xổng? Tất cả vận may đều đến với hắn. Bỗng nhiên, tiếng còi từ phía nhà tù vang vọng khuấy động buổi sáng mùa hè yên bình. Sam bỗng cảm thấy khó chịu. Tiếng còi kéo dài, chói tai, khiến mặc dù trời nóng bức, một làn hơi lạnh bất giác chạy dọc sống lưng hắn. Đúng lúc người thiếu phụ đặt trước mặt hắn một dĩa trứng ốp-la thêm nhiều lát thịt nguội và một ổ bánh xăng-uých, rồi chăm chú nhìn hắn. Hắn bảo: — Bật ra-đi-ô coi. Tôi muốn nghe tin tức. Bà bước đến bên ra-đi-ô, đặt kế tủ lạnh, vặn nút. Âm nhạc chát chúa vang lên chói tai. Sam bật dậy vặn nhỏ bớt, quay nhìn người thiếu phụ với ánh mắt giận dữ: — Không bao giờ được vặn to như vậy nữa, nghe chưa! Ăn xong, Sam đẩy ghế đứng dậy. Bà chủ nhà vẫn chăm chú nhìn miệng hắn. Sam bực mình đưa tay quẹt mấy mẩu bánh mì vụn dính nơi mép hắn, bảo: — Bây giờ chỉ cho tôi nơi để quần áo của chồng bà. Hắn muốn thay bộ đồ tù để bỏ đi gấp. Bà chỉ chiếc cửa ở cuối nhà bếp dẫn ra hành lang. Hắn vẫy tay ra dấu cho bà đi trước dẫn đường. Vừa lúc chuông điện thoại reo vang. Điện thoại đặt ngay tại chân cầu thang nơi hành lang. Sam giật thót người, nắm cổ tay thiếu phụ, xoay người bà ta lại. Hắn thấy rõ môi bà run lên vì sợ. Điện thoại tiếp tục reo. Sam thốt ra câu chửi thề, trong lúc người thiếu phụ vẫn chăm chú nhìn hắn. Sam nói nhỏ: — Bà phải trả lời. Hẳn người gọi biết bà ở nhà. Chồng bà không chừng. Tôi sẽ nói bà phải đáp lại ra sao. Đừng chơi trát tôi. Hiểu không? Vừa nói hắn vừa đẩy bà lại gần điện thoại, nhấc máy, áp vào tai hắn, dùng lòng bàn tay bịt đầu ống nói, nhắc lại gằn giọng: — Hiểu không? Thiếu phụ gật đầu. Giọng một bà già trong máy: — A-lô, Vic phải không? — Trả lời Vic không có nhà. Nói rằng chỉ có bà, và hỏi xem ai đang nói chuyện. Sam nhấc tay khỏi đầu ống nói, đưa cho thiếu phụ. Bà lên tiếng, mắt vẫn luôn nhìn hắn: — Vic đi vắng. Tôi đây, Mary đây. Ai ở đầu dây vậy? Có tiếng động là lạ ở đầu dây bên kia, dường như ngạc nhiên. Sam bồn chồn nắm chặt điện thoại, tự hỏi “Mụ già tọc mạch kia muốn cái quỉ gì vậy kìa?” Rồi giọng nói lại vang lên: — A-lô, Mary hả? Mẹ đây mà… mẹ tưởng Vic đã về rồi chớ. Con có thể nhắn lại Vic giùm mẹ được không? Sam thì thầm, con dao trong tay hắn đưa lên đưa xuống vẻ đe doạ: — Trả lời được, và cấm nói thêm gì khác! Thiếu phụ đáp trong điện thoại: — Dạ được, thưa mẹ. Giọng bà già đối với Sam thật khó chịu: — Con nói với Vic rằng bánh xe hơi của Davey đã sửa xong rồi. Ba vừa thay khi sáng. Davey có thể lại lấy xe bất cứ khi nào. Sam lại thì thầm với thiếu phụ: — Đáp bà đã nghe rõ, và chào tạm biệt. Thiếu phụ rời ánh mắt khỏi Sam, nhìn mông lung khi hắn bỏ bàn tay khỏi ống nói và đưa điện thoại cho bà: — Thưa mẹ con nghe rõ rồi. Xin chào mẹ! Có tiếng đặt điện thoại xuống ở phía bên kia. Sam nhoẻn miệng cười: — Hoan hô. Bà được việc lắm. Giờ thì chỉ cho tôi quần áo của chồng bà để ở đâu! * * * Sam cẩn thận cắt đứt dây điện thoại, xong bắt thiếu phụ dẫn hắn leo cầu thang, tới tận phòng ngủ của chồng bà, chỉ tủ đựng quần áo, rồi mới cho bà xuống bếp trở lại. Hắn vừa thay đồ, vừa lẩm bẩm “Vận may vẫn đang thuộc về mình. Phải tận dụng gấp, nhưng dầu sao cũng cần cạo râu cái đã…”. 15 phút sau, khi Sam trở xuống bếp thì “họ” đã ngồi sẵn, đợi hắn. Viên cảnh sát, khẩu súng trên tay, dùng mũi giầy đẩy chiếc ghế trước mặt ông ta, lên tiếng: — Ngồi xuống đó, Sam. Bỏ dao xuống đất ngay. Cứ ngồi yên đó chờ giám thị nhà tù tới ngay bây giờ. Ngồi kế bên ông ta là một bà già, mà thoạt nhìn Sam có thể đoán ngay chính là mẹ của người thiếu phụ trẻ. Sam không còn biết làm gì khác hơn là quăng dao, thở dài ngồi xuống ghế. Hắn nhớ lại mọi sự kiện trong buổi sáng… Rõ ràng hắn gặp toàn chuyện may. Có điều gì không ổn nào? Không, tuyệt đối không! Tuy nhiên viên cảnh sát ung dung tới đúng ngôi nhà này, ung dung ngồi chờ hắn một cách lặng lẽ. Đến nỗi không có cả tiếng chuông gọi cổng, không tiếng gõ cửa, cả tiếng xe hơi cũng không nốt. Hẳn họ biết chắc chắn hắn đang ở trong nhà nên mới chỉ việc ngồi chờ hắn nộp mạng. Tại sao? Hắn sơ hở ở khâu nào? Không thể nén nổi nỗi tò mò, hắn hỏi: — Cho tôi hỏi… Bằng cách quỉ quái nào mà ông biết tôi đang ở đây? Tôi đâu có… Viên cảnh sát cười, quay đầu về phía thiếu phụ, lúc này đang bồng con đứng kế bên mẹ, mắt chăm chú nhìn họ: — Nhờ mẹ Mary. Mary không nghe được. Bà ấy bị điếc từ năm 13 tuổi, và chỉ có thể đọc chữ nhờ quan sát môi người đối diện. Mẹ bà báo với chúng tôi. Bà ấy biết ngay có điều bất thường khi con gái bà trả lời “con nghe rõ” qua điện thoại! Phóng tác từ “You got to have luck” của S. R. Ross XƯNG TỘI TRƯỚC BÌNH MINH Tiếng chuông kêu cửa vang dội. Bàn tay gầy guộc của linh mục Don Antonio, nhà thờ xứ Galezzano sờ soạng tìm công-tắc. Ngài dụi mắt, thở ra, nhìn đồng hồ: Mới 5 giờ 10 phút. Lễ đầu chỉ bắt đầu lúc 5g30. Ngài làm dấu thánh giá, khoác áo choàng, xỏ giầy, lau qua mặt, vuốt mái tóc bạc, chậm rãi bước ra khỏi phòng ngủ, nhẹ tay khép cửa để không làm Giulia, người quản gia, thức giấc. Nhà thờ chỉ cách chỗ ngài nghỉ 50 bước chân, nằm hơi lùi trên con đường vắng và tối. Mặc dù chỉ cách La Mã hai dặm, ngôi làng Galezzano dân cư thưa thớt, khuất sau ngọn đồi. Linh mục Antonio ngạc nhiên khi mở cổng thấy một chiếc xe hơi lớn, đen bóng, đậu sát mé tường. Một giọng nói thận trọng từ xe hơi vang lên khi ngài tiến tới gần: — Thưa tôi muốn gặp linh mục. Linh mục lùi lại một bước khi xe mở cửa: Người đàn ông cao lớn, ăn mặc tề chỉnh, mặt bịt kín mít. Ngài tính la lên, nhưng người lạ bước ra hai tay không. Với giọng dịu dàng, ông ta trấn an: — Đừng sợ. Tôi không hề có ý xấu. Tôi chỉ muốn xưng tội, ngay lập tức. — Nhưng tại sao… mặt nạ? — Quy định cho phép người xưng tội ngăn cách với linh mục qua cửa sắt để không bị thấy mặt. Mặt nạ để linh mục không thể nhận ra con. Linh mục Antonio do dự trong vài giây. Vào giờ vắng vẻ này, cửa vừa đóng, kẻ lạ mặt có thể đập ngài bất tỉnh, quơ hết đồ lễ, lặng lẽ leo lên xe hơi chuồn mất… Chợt ngài nghe tiếng nấc nhẹ, và hỏi: — Con khóc? — Con vừa mất một người mà con rất yêu thương. — Con chờ cha làm xong lễ đầu được không? Chúng ta phải tốn khá nhiều thời gian đấy. — Chưa ai biết người ấy chết. Và con chỉ muốn xưng tội với cha. Nhiệm ý chọn người để xưng tội cũng là quy định. “Bộ ông ta biết mình hay sao?” Antonio thầm nghĩ. Giọng dịu dàng, nhưng quả quyết và rõ ràng nghe quen quen. Ngài quyết định: — Thôi được. Vô đi. Phòng xưng tội phía bên trái. * * * — Giờ con hãy nói. Ta nghe con. Có tiếng thở dài phía bên kia cửa sắt: — Thưa cha, con buộc tội mình đã có ý định giết một người, rất lớn tuổi, mà con từng phục vụ. — Tuổi tác không thành vấn đề. Nhưng con chỉ có ý định thôi sao? Không có hành động nào khác chớ? — Có. Ông ấy bệnh, bệnh rất nặng. Con đưa ông ấy chén thuốc độc. — Và ông ấy chết? — Vâng. Nhưng con không rõ ông ấy có uống chén thuốc đó hay không. — Nếu vậy tại sao ông ấy chết? — Do chứng huyết tắc, theo bác sĩ. — Và con thật sự không rõ ông ấy có uống chén thuốc hay không? — Không. Con sẽ không bao giờ biết. Con thấy chén hết thuốc. Bác sĩ nói ổng đã đổ thuốc vô bồn rửa chén. Ổng cần chén để pha gấp cho người bệnh thứ thuốc mới. — Vậy còn gì nữa không? — Con không rõ bác sĩ có nói thật hay không, thưa cha, kể cả chứng huyết tắc. — Nghĩa là có thể bác sĩ thấy chén thuốc độc đã được uống hết và nói khác đi? Tại sao? — Do thương hại con, để con tin rằng con không giết chết ông ấy. — Bác sĩ biết đó là thuốc độc? — Con nghĩ vậy. — Lạ thật… Nếu con muốn biết cha nghĩ sao, cha nghĩ người bệnh đã uống thuốc của con. Vì nếu không, bác sĩ chỉ việc để nguyên chén thuốc đừng đổ đi. — Con cũng nghĩ thế, thưa cha. Nhưng, cũng rất có thể bác sĩ nói thật, vì chén thuốc còn nguyên có thể gây scandal. — Dù cách nào, viên bác sĩ cũng là đồng loã với con. — Xin lỗi, thưa cha, còn có cách giải thích thứ ba: tất cả chỉ là giả thuyết của riêng con. Bác sĩ có thể không hề nghi ngờ chút nào… Vả chăng, điều này có quan trọng gì không, thưa cha? — Không, con ạ. Con có lý. Trước Chúa, tội ác đã phạm; ý tưởng """