"Truyện Đọc Đêm Khuya Tập 1: Vụ Án Mạng Hoàn Hảo - Vũ Quang Hùng full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Đọc Đêm Khuya Tập 1: Vụ Án Mạng Hoàn Hảo - Vũ Quang Hùng full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup 23-04-2018 LỜI MỞ ĐẦU Truyện trinh thám luôn là một thể loại được các bạn đọc giả yêu thích. Tính chất hấp dẫn của thể loại truyện này không còn phải bàn cãi. Cốt truyện gay cấn, bố cục chặt chẽ, tiến triển nhanh, gọn, bất ngờ, cách xử lý thông minh, chính xác… là ưu điểm của thể loại truyện trinh thám. Tuy nhiên, không phải độc giả nào cũng có đủ thời gian và sự tập trung để theo dõi một cốt truyện điều tra gay cấn kéo dài. Chính vì vậy, NXB Trẻ sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm mới với bộ sách “Truyện đọc đêm khuya”. Không còn những câu chuyện căng thẳng kéo dài. Không tốn nhiều thời gian cho theo dõi cho một quá trình điều tra căng thẳng. Bộ sách này quy tụ những câu chuyện trinh thám ngắn gọn, súc tích, nhưng không kém phần gay cấn. Mỗi câu chuyện là một tình huống khác nhau, đầy bất ngờ và lôi cuốn. Với bộ “truyện đọc đêm khuya” do tác giả Vũ Quang Hùng dịch và phóng tác, NXB Trẻ hi vọng sẽ mang lại món ăn tinh thần tuyệt vời trước khi ngủ cho các fan của truyện trinh thám. LỘ HÌNH PHÚT CHÓT Đúng 11 giờ sáng một ngày tháng Bảy đẹp trời, Karen Holden hít một hơi thật sâu, bước ra khỏi cổng nhà tù nữ tại phía Tây Orange. Cô tự nhủ ít ra đó cũng là một ngày tốt để cô khởi đầu cuộc sống mới. Có một trạm xe buýt cách cổng nhà tù không xa, cô đứng chờ khoảng mười phút thì xe đến. Cô lên xe cùng với một phụ nữ da đen mập mạp cũng vừa ra khỏi nhà tù. Chỉ còn hai ghế trống cạnh nhau và bà mập vừa ngồi xuống vừa hỏi Karen: — Cô cũng vừa ra tù? — Vâng. — Cô ở trỏng bao lâu? — Hai năm. — Sao bị dính vậy? — Lấy chút đỉnh tiền nơi tôi làm thủ quĩ. Toà xử hai năm tù, ba năm thử thách. — Thì ra cô còn phải thử thách. Cô đã tính làm gì chưa? — Chưa biết. — Trước hết phải kiếm một chỗ ở tạm, rồi tới trình diện nhân viên quản lý những người còn trong thời gian thử thách. Họ có thể giới thiệu việc làm cho cô đấy. Chúc cô may mắn. Tôi phải xuống ở trạm tới. * * * Karen mướn được căn hộ một phòng tại chung cư gần ngay khu trung tâm. Lối xóm chẳng ai buồn chú ý đến cô cũng như quá khứ của cô. Riêng tay quản lý chung cư tên Felix Lottner tỏ ra nịnh đầm khi cứ lăng xăng quanh cô. Anh ta mở cửa phòng, liến thoắng: — Phòng đủ tiện nghi. Cô coi nè: giường nệm, bàn ăn, lò sưởi, tủ lạnh… Cô tính thuê bao lâu? — Tôi cũng chưa rõ. — Một trăm đô một tháng, nhưng tôi lấy trước hai trăm vì cần đặt tiền cọc nữa. Karen đưa tiền ra, lưỡng lự: — Ông cho tôi biên lai được không? — Dĩ nhiên là được. Cô đóng cửa, cài khoá sau khi Felix bước ra. Cô đến bên cửa sổ nhìn xuống phía dưới. Có một khu chợ phía bên kia đường. Cô không thích nghĩ nhiều về căn phòng, hy vọng mình không ở đây lâu. Mấy ngày cuối tuần nhanh chóng trôi qua và sáng thứ Hai cô đọc mục tuyển người trên nhật báo. Sang thứ Ba cô nghĩ đã đến lúc tìm gặp nhân viên quản lý những người đang trong thời gian thử thách như cô. Anh ta tên Tom Rosso, trông giống một thầy giáo hơn là nhân viên quản lý. Anh hay mỉm cười thân thiện và cặp mắt xanh thường chớp chớp sau mắt kiếng khi anh nói. — Chào cô Holden. Mời cô ngồi. Cô ngồi đối diện anh bên kia bàn, đưa mắt nhìn quanh bốn bức tường trống trơn: — Cám ơn. Tom mở tập hồ sơ của cô, vừa đọc vừa hỏi: — Chà, đã hai năm cô mới trở về cuộc đời thường. Giờ cô có chỗ ở ổn định chưa? — Tôi mướn một căn hộ chung cư nhỏ – Cô nói địa chỉ, dù biết mình đã ghi trong hồ sơ. — Cô không định về ở với gia đình sao? — Tôi đã 28 tuổi và cha mẹ tôi hiện đang sống ở California. Tôi thích ở lại đây và tự lập hơn. — Tốt lắm. Còn việc làm thì sao? — Bữa qua tôi mới bắt đầu tìm việc. Tôi chưa quen với mọi thứ. — Có một công ty may mặc ở Passtown đang cần thuê người. — Tôi thích việc ở văn phòng hơn. Tôi vốn có kinh nghiệm về chuyện này. — Rồi, cứ thong thả. Nếu cô cần gì thì gọi điện cho tôi hay – Anh ta ghi chú lên hồ sơ – Hàng tháng cô phải đến đây trình diện. Thêm vào đó, có thể một buổi tối nào đó trong tuần tôi sẽ tới chỗ cô ở xem thử phòng ốc ra sao. Cô là một phụ nữ hấp dẫn. Tôi nghĩ cô sẽ dễ kiếm được việc làm. * * * Chiều Chủ nhật, cô đang quét rác thì tay quản lý chung cư đi ngang: — Chào cô! — Ồ, chào ông Felix, ông làm tôi giật mình. — Xin lỗi. Cô thấy phòng ra sao? Có phàn nàn gì không? — Không, mọi thứ đều được cả. — Tôi thấy cô ở nhà suốt ngày, chưa có việc làm hả? — Tôi đang cố tìm. Felix mỉm cười, để lộ chiếc răng gãy, đặt một bàn tay lên cánh tay trần của Karen: — Này… Karen lùi lại, giọng lạnh băng: — Bỏ tay ra ngay, ông Felix! Tom Rosso đến thăm cô vào chiều thứ Tư. Anh ta có vẻ thoải mái hơn lúc ngồi trong văn phòng. Tom nói với cô: — Cô dọn nhà sạch, gọn lắm. Chúng tôi thích vậy, nó chứng tỏ cô ưa cuộc sống mới. — Tôi cũng không định ở đây lâu. Tay quản lý chung cư có thói quen tệ hại là đặt bàn tay lên người tôi. Tôi muốn đi khỏi đây ngay khi tôi kiếm được tiền kha khá. — Chưa có hy vọng tìm được việc à? — Tôi biết tôi mới ra tù chưa được hai tuần. Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng. — Đúng là còn quá sớm. Cứ cố đi và tôi bảo đảm sẽ giúp cô. Công ty may mặc vẫn đang cần người đấy. — Không, cám ơn. Hồi ở tù họ bắt tôi đạp máy may mãi khiến tôi đâm ngán. Tôi thích làm việc gì khác, công việc văn phòng hoặc ngoài trời cũng được. Karen chợt kêu lên: — Nãy giờ tôi quên mời anh uống nước. Anh dùng nước ngọt hay nước trái cây? Tom Rosso gỡ kiếng: — Nước ngọt được rồi. Karen lấy chai coca-cola rót ra ly: — Buổi chiều mắc thăm tôi khiến anh về nhà trễ. Anh có gia đình chưa? — Ly dị. Tôi có hai đứa con trai nhỏ và tôi ghé thăm chúng vào cuối tuần – Lúc cô đặt ly nước trước mặt Tom, anh đưa bàn tay phải lên và chỉ cô thấy đồng tiền xu trong lòng bàn tay – Cô nhìn thử coi – Anh nắm tay lại rồi mở ra: Đồng tiền đã biến mất. Karen ngạc nhiên: — Anh là một nhà ảo thuật! Tom cười: — Tôi học vài trò vặt để giỡn với mấy đứa con. Chúng thích lắm và gọi tôi là ảo thuật gia. Anh uống hết ly nước, cám ơn cô và hứa trước khi ra về: - Tôi sẽ cố tìm việc làm giúp cô trong tuần tới. * * * Một tuần sau, Tom Rosso điện thoại cho Karen vào buổi xế: — Tôi đang ở gần nhà cô. Tôi ghé thăm cô có tiện không? — Tôi đang mong tin của anh. Mười phút sau Tom đến, câu đầu tiên của anh ta là: — Cô tìm được việc làm gì chưa? — Chưa. Nhưng điều tôi lo nhất bây giờ lại là chỗ ở. Tay quản lý Felix Lottner lại quấy rầy tôi. Mới khi sáng hắn vừa nói chuyện vừa lại sát bên tôi. Hắn làm tôi tởm. — Có lẽ tôi phải gặp hắn. Karen lắc đầu: — Tôi chỉ muốn đi khỏi đây. Hễ có việc làm ra tiền là tôi kiếm chỗ khác ngay. Tom ngồi xuống ghế, mở sổ tay: — Tôi vừa kiểm tra lại và tôi nghĩ có một người có thể giúp cô việc làm. Tên ông ấy là Adam Irving, làm luật sư. Adam chuyên biện hộ những vụ tai nạn. — Tôi làm việc tại văn phòng luật sư? — Theo tôi biết, có khá nhiều công việc. Nhưng ông ta trả lương khá. Địa chỉ của Adam đây. Sáng mai cô có thể gọi điện thoại đến ông ấy. — Tôi không biết làm cách nào đền ơn anh. — Chờ có việc làm rồi hãy nói đến trả ơn cô Karen ạ. Sáng hôm sau cô gọi điện thoại đến Adam Irving. Ông ta hẹn gặp cô vào lúc ba giờ chiều. Đó là một người đàn ông thấp, mập, để ria mép, trạc 40 tuổi với đôi mắt sắc, hơi ti hí. Ông ta không tỏ vẻ gì khi Karen cho ông biết cô đã ở tù. Ông nói: — Tôi có việc làm cho một phụ nữ trẻ. Lương khởi đầu hai trăm đô mỗi tuần, chưa kể tiền thưởng. — Công việc gì? Trong văn phòng? — Làm việc bên ngoài nhiều hơn, lúc đầu. Cô phải tìm hiểu về người tiêu dùng trong các siêu thị. — Nghe thú vị đấy. Khi nào tôi có thể làm việc? — Mai được không? — Tốt lắm! Cô gọi điện thoại đến Tom Rosso báo tin cô đã tìm được việc làm. Anh tỏ ra vui vẻ, bảo: — Xin chúc mừng cô. Nếu có gì trục trặc cô cứ gọi cho tôi. Karen bắt đầu công việc vào 9 giờ sáng hôm sau. Chính Adam Irving lái xe đưa cô đến một siêu thị và đưa cho cô tờ giấy mẫu với một lô câu hỏi cần điền vào. Công việc cuốn hút cô suốt ngày trừ nghỉ chút xíu ăn trưa. Irving đến đón cô vào khoảng hơn 3 giờ chiều, hỏi: — Công việc ra sao, cô Karen? — Tôi vừa làm xong. — Tốt. Chúng ta qua quán cà-phê nói chuyện. Vừa uống cà-phê, Karen vừa chỉ cho Irving những mẫu giấy cô đã làm xong và những ghi chú của cô. — Cô ghi chú gì vậy? — Một ngày bình thường. Nhưng có một phụ nữ bị vấp té nơi quầy bán thực phẩm cho chó và bị trẹo mắt cá chân. — Cô chứng kiến tai nạn? — Tôi nghe tiếng loảng xoảng và chạy tới chỗ bà ta bị té. Họ giúp bà ấy đứng dậy, nhưng bà đòi gặp quản lý siêu thị. Bà yêu cầu ông ta báo cáo lên trên nếu vết thương của bà nghiêm trọng. — Cô có nghĩ bà ấy làm bộ không? — Không. Mắt cá chân bị trẹo thì đau lắm chớ. Adam Irving gật đầu: — Cô có ngạc nhiên không nếu tôi nói với cô rằng tôi đại diện cho bà ta để kiện siêu thị? — Kiện? Tai nạn mới xảy ra cách nay vài giờ mà. — Có sao đâu. Người đàn bà ấy, tên Clair Gleason, là thân chủ của tôi. Karen lắc mạnh đầu làm như cố hiểu cho ra mớ bòng bong: — Tôi chịu chẳng thể hiểu nổi. — Đến văn phòng và tôi giải thích cho cô nghe. Bước vào văn phòng của Irving, Karen thấy người phụ nữ bị té trong siêu thị đã có mặt. Cô do dự rồi lên tiếng: — Xin chào. Tôi là Karen Holden. — Còn tôi là Clair Gleason. Rất vui được gặp cô. — Tôi đã gặp bà bữa nay ở siêu thị. Mong bà không bị thương nặng. Clair cười khẩy: — Tôi sẽ không sao nếu nhận được 20.000 đô-la. Karen quay sang Irving: — Ông kiện siêu thị đòi bồi thường 20.000 đô? — Nói đúng ra là bà Gleason kiện. Tôi chỉ là luật sư của bà ta. — Bà… bà có bị thương thật không? — Có lẽ tôi bị vài vết bầm. — Bà đã té nhiều lần? — Thỉnh thoảng. — Nhưng phải đi khám lấy giấy chứng nhận của bác sĩ, rồi chụp X quang. Irving trấn an cô: — Chúng tôi sẽ có đủ giấy tờ cần thiết. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, siêu thị rất ngán chuyện ra toà nên công việc được giàn xếp ổn thoả. Karen hiểu ra. Cô ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi Gleason: — Bà có được nhận đủ 20.000 đô-la không? Irving trả lời câu hỏi này: — Chúng tôi đòi 40.000 đô và thường thì nhận được phân nửa sau khi dàn xếp. Bà Gleason sẽ được 10.000 đô. Số còn lại dĩ nhiên phải trả cho luật sư – Ông ta dừng lại vài giây rồi hỏi – Cô có muốn thử không, Karen? — Tôi ấy à? Tôi mới ra tù, còn đang trong thời gian thử thách. — Nhưng cô vẫn có quyền kiện. Vả lại, mọi chuyện sẽ được giàn xếp ổn thoả để không ra toà. — Tôi sợ… tai nạn xe hơi… — Không có vụ xe hơi nào đâu. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng đôi việc dễ thôi, có thể là trượt té trên sàn nhà ướt. Gleason có thể dạy cô cách té. Karen cắn môi: — Tôi có thể kiếm được 10.000 đô không?- Cái đó còn tuỳ… — Để tôi suy nghĩ thêm. — Tôi muốn biết nội trong ngày mai. * * * Gleason dạy cô cách té. Công việc chẳng mấy khó khăn sau vài lần thử. Karen tưởng tượng các nghệ sĩ trên sân khấu và trong phim hẳn cũng tập té như vậy, nếu họ không có người đóng thế. Khi còn bé, Karen đã muốn trở thành một nghệ sĩ, nhưng cuộc đời luôn có những khúc ngoặt không theo ý muốn của mình. Cô được dẫn đến một cửa hàng bán thuốc tây và bánh kẹo lớn. Gleason đã quan sát kỹ phía trước quầy tính tiền luôn được lau chùi sạch sẽ vào những ngày mưa, nên sàn nhà khá trơn. Họ có bảng báo hiệu cho khách, nhưng bảng này lại thường đặt lệch sang một bên rất khó nhận thấy. Gleason bước vô cửa hàng trước, đẩy bảng báo hiệu khuất sau một quầy kẹo. Karen đợi năm phút sau mới chạy qua cơn mưa vô cửa hàng. Cô bước vội, vừa đi vừa giũ nước khỏi áo khoác. Cô chợt trượt chân và vội đưa tay bám vào chiếc máy bán kẹo đúng như Gleason đã bày cho cô. Việc xảy ra quá nhanh và bất ngờ. Mấy người bán hàng chạy tới đỡ cô đứng dậy, tưởng cô bị thương nặng. Một người kêu lớn “Chris!” và một phụ nữ trẻ tóc vàng, rõ ràng là người chịu trách nhiệm về an ninh của cửa hàng, chạy đến. Bà ta nhẹ nhàng hỏi: — Cô đứng dậy nổi không? — Tôi… tôi chắc là được, nhưng lưng tôi đau quá. Nền nhà trơn trợt. — Có bảng báo mà. Cô không thấy sao? Karen đưa mắt nhìn quanh khi cô đứng dậy: — Tôi chẳng thấy bảng báo nào cả. — Đây này, sau quầy kẹo. Chắc ai quên không đẩy nó ra phía ngoài. — Lưng tôi đau quá. Tôi đi không nổi. — Có cần gọi xe cứu thương không? — Không. Có lẽ nghỉ một lát tôi sẽ đỡ. — Để tôi giúp cô vô văn phòng. Tôi phải viết tường trình về việc này. Tại văn phòng, Chris vừa điền vô một mẫu giấy, vừa hỏi Karen. Xong cô ta đưa tờ giấy cho Karen: — Tôi chắc cô đã khá hơn nhiều. Tôi sẽ đưa cô hai trăm đô-la nếu cô ký vô tờ giấy này, cam đoan không làm phiền hà chúng tôi nữa. — Tôi… để tôi xem – Cô dợm đứng dậy, xoay lưng, rồi lại ngồi xuống – Tôi nghĩ tốt nhất hãy đợi qua ngày mai coi thử lưng tôi còn đau hay không đã. Chris nhìn cô, cố giữ bình tĩnh: — Cứ làm những gì cô cho là tốt nhất. Nhưng đây là số tiền nhiều nhất chúng tôi có thể đưa cho cô nếu không có kiện cáo. Karen rời cửa hàng, bước chầm chậm, mặt nhăn nhó và hơi lê gót. Cô nói với Gleason và Irving đang đợi cô trong xe hơi: — Họ đề nghị đưa tôi hai trăm đô. Irving bảo: — Đó là con số ban đầu. Mai cô trở lại cửa hàng, gặp tay quản lý. Nếu gặp may, hắn sẽ chi cho cô hai ngàn đô. * * * Tuần sau Karen đến văn phòng của Tom Rosso, nói với anh: — Tôi thấy rắc rối với công việc mà anh giới thiệu cho tôi. Anh ta cau mày: — Sao cô gọi điện thoại nói với tôi rằng cô nhận việc? — Thì tôi đã nhận việc làm. Nhưng có điều gì đó không ổn. Thoạt đầu không đáng gì, nhưng giờ đây… Tom mỉm cười: — Tôi nói cô nghe, Karen. Bữa nay tôi khá bận, nhưng buổi tối tôi có thể ghé ngang nhà cô và cô sẽ kể cho tôi. Như vậy có gì bất tiện không? — Không. Mời anh tới. Tom đến sau bữa tối chút xíu, mang theo cả chiếc cặp da làm việc. Anh giải thích: — Tôi từ văn phòng ghé thẳng đây. Cô gặp rắc rối gì nào? Karen hơi lúng túng: — Tôi nghĩ tôi phải kể với anh bởi anh là người đã giới thiệu tôi với Adam Irving. — Tất nhiên. Tôi biết Adam đã từ nhiều năm nay. Tôi mong ông ta không sàm sỡ với cô như tay quản lý chung cư. — Không, không – Và cô nhanh chóng kể mình đã gặp Clair Gleason và sự cố tại cửa hàng – Tôi đã gặp người quản lý nhưng ông ta không chịu bồi thường nhiều hơn 500 đô-la. Tôi doạ kiện lấy mười ngàn. Mặt Tom đanh lại. Anh đứng dậy, đi tới đi lui: — Tại sao giờ đây cô lại đến với tôi? — Tôi cho rằng mình chưa làm gì bậy vì tôi vẫn chưa cầm một đồng nào. Nhưng nếu cửa hàng trả tiền, liệu tôi có vi phạm gì không? Tom Rosso thở dài, rút tập hồ sơ mang tên cô từ trong cặp ra: — Tôi mến cô, ngay từ lần đầu gặp cô. Việc khiến cô ngồi tù hai năm có thể xảy đến với bất cứ ai. Giờ cô đã mãn án và đang khởi đầu cuộc sống mới. Chắc chắn tôi không ủng hộ điều Adam Irving làm, nhưng mặt khác ông ta đã giúp rất nhiều người có công ăn việc làm sau khi ra tù. Ông ta không phải là người xấu. — Vậy theo anh tôi có thể cứ tiếp tục công việc? — Cô phải tự quyết định. Tất cả những gì cô nói với tôi đều không ảnh hưởng đến thời gian thử thách của cô. — Tôi thấy dễ chịu khi nghe anh nói, như vừa cất gánh nặng. Anh uống nước nhé? — Nước ngọt? Karen hơi mắc cỡ: — Bữa nay tôi có cả bia đấy. Cô rót hai ly bia, và trong lúc đưa ly cho Tom cô nghĩ anh ta đụng tay vào người cô, nhưng có thể đó chỉ do vô tình. Cô nhìn tập hồ sơ của mình, cố đoán thử xem trong đó có những gì. Tom làm như đoán được ý nghĩ của cô: — Hồ sơ viết cô còn độc thân. Cô có bạn trai chưa? — Chưa, sau hai năm ở tù. Người tình cũ bỏ đi và người mới thì chưa – Karen bỗng đứng dậy – Tôi có thứ cho anh ăn… — Tôi phải đi liền giờ – Tom uống cạn ly bia và đứng dậy. Karen cầm tập hồ sơ trên bàn đưa cho anh, có vài tờ giấy trong tập tuột ra, rớt xuống đất. Cô kêu lên “Ồ, xin lỗi”, và cúi xuống lượm vật rơi, trong đó có một tấm ảnh của cô. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì một nhân viên quản lý người được tạm tha đương nhiên có ảnh của cô, nhưng đây lại là bức ảnh chụp cô vừa ra khỏi trại giam, lúc đang ở trước nhà tù. Tom tỏ vẻ luống cuống: — Tôi… tôi muốn biết những người tôi phải chịu trách nhiệm. — Anh chụp ảnh? — Người khác chụp giúp. Karen đoán: — Chắc Clair Gleason cũng bị chụp ảnh? — Tại sao cô nghĩ thế? — Bà ấy nói bà biết anh. — Vầy nè. Tôi có rất nhiều người phải quản lý… — Và anh giới thiệu Gleason đến Irving? Tom mỉm cười: — Có thể. Sao, có gì quan trọng không? — Ông Irving sử dụng bao nhiêu phụ nữ? Tom vẫn mỉm cười: — Tôi không để ý. Có vấn đề gì vậy? — Có phải họ đều đang trong thời gian thử thách giống như tôi không? Tom đưa tay ôm ngang eo Karen: — Hãy tin anh đi, họ không giống em. Karen cựa mình thoát khỏi vòng tay Tom: — Tôi không muốn vô tù trở lại. — Không đâu. Anh cam đoan với em. — Vậy tôi nên làm gì bây giờ? — Cứ để anh nói chuyện với Irving. * * * Karen tiếp tục đến văn phòng Irving hàng ngày. Tay quản lý cửa hàng cũng đến để cố dàn xếp. Irving bảo cô: — Trong khi đang tiến hành dàn xếp, cô đừng nên gây ra một “tai nạn” nào khác. Họ có thể kiểm tra lại và phát hiện sự việc. — Ông Tom Rosso có nói gì về tôi với ông không? — Không có gì đáng lo cả. Cô không gặp bất kỳ nguy hiểm nào. Lúc này tôi đang lo cho Clair Gleason hơn. Cả tuần nay không thấy bà ta đâu. Cuối cùng tay quản lý cửa hàng đề nghị bồi thường Karen ba ngàn đô-la và Irving quyết định cô nên đồng ý vì “không tệ so với chuyến đầu đâu. Nếu chúng ta đòi quá nhiều có thể gây nghi ngờ.” Nhận đủ tiền, Karen gọi điện thoại đến Adam Irving thì được cô thư ký nhắn cô có thể mang tiền lại thẳng nhà ông ta vào tối hôm ấy vì giờ này Irving đang bận giải quyết một việc rất quan trọng. Bảy giờ rưỡi tối hôm ấy, Karen mang chi phiếu đến nhà Irving, theo địa chỉ cô thư ký đã nói với cô. Đó là một căn hộ lộng lẫy nhìn ngay ra công viên. Ông ta ra mở cửa, bảo: “Mời vào!” và vội đến bên chiếc điện thoại. Ông ta nói một hồi khá lâu trong khi Karen kiên nhẫn đứng chờ. Rồi Irving đặt máy xuống, đến bên cô: — Tom Rosso đang trên đường tới đây. Chúng tôi gặp rắc rối. Cô kiểm lại chi phiếu chưa? — Chi phiếu đây. Irving liếc qua, đưa lại cho cô: — Tốt. Cứ giữ lấy và chúng ta sẽ chia tiền sau. Chúng ta chưa thể tiến hành công việc vào lúc này. — Tại sao? Irving chưa kịp trả lời thì đã có tiếng gõ cửa và Tom Rosso bước vào. Anh ta đi vội, khẽ gật đầu chào Karen và quay sang Irving: — Có chuyện gì vậy? — Cớm đã tóm Clair Gleason. Một cô gái vừa báo với tôi. Tom lầu bầu: — Anh nghĩ liệu cô ta có khai gì không? Irving nhún vai: — Tôi đã cân nhắc mọi khả năng. Tôi muốn lấy phần của mình trong két gởi tiền. Tôi nghĩ tốt nhất là tôi ra nước ngoài một thời gian. Tom nhìn Karen: — Còn cô gái này? Irving chằm chằm ngó cô: — Cô sẽ không khai gì chớ, cô gái? — Tôi… tôi…Tom gằn giọng: — Còn anh, anh có khai gì không? Nếu Clair Gleason khai ra anh, cảnh sát sẽ bắt anh phun ra sạch mọi thứ đấy. — Dễ gì! Anh cứ việc chia phần cho tôi và thế là xong. Tom Rosso mỉm cười: — Hẳn là vậy – Anh ta đưa cao bàn tay – Hãy nhìn đây – Một đồng tiền xu hiện ra – và giờ nó biến mất nè – Đồng tiền chạy đâu mất tiêu. — Hãy bỏ trò hề đó đi, Tom. — Nó lại hiện ra nè – Một khẩu súng ngắn tự động nhỏ xíu chợt xuất hiện trên tay Tom. Mũi súng chỉ ngay con mắt trái của Adam Irving và viên đạn xuyên qua đích ngắm. * * * Karen như bị điên: — Chúa ơi, Tom, anh giết chết ông ta rồi! Tom trấn an cô: — Đừng sợ, tiếng súng rất nhỏ, không ai nghe thấy đâu. — Tôi không muốn vô tù trở lại. Tôi sẽ chết nếu lại bị bắt. — Đừng lo. Em không bị bắt đâu. Anh đã từng nói với em vậy rồi mà. — Nhưng Irving chết mất rồi! — Chúng ta sẽ chuồn ra nước ngoài trước khi tử thi của Irving bị phát hiện. Em sẽ ở với anh đêm nay và sáng mai anh sẽ lấy hết tiền trong két trên đường đến sân bay. Anh phải đỡ cô và cho cô uống chút rượu whisky trong nhà Irving để cô trấn tĩnh lại. Cuối cùng anh lấy tấm mền phủ lên xác Irving theo yêu cầu của Karen và họ cùng rời nhà Irving. Cô hỏi: — Còn các cô gái khác thì sao? — Mặc xác họ. Anh chỉ lo cho em thôi. Màn đêm đổ xuống khi họ trở về nhà của Tom Rosso. Karen vẫn hy vọng mơ hồ rằng sẽ có vợ Tom đợi ở cửa. Nhưng quả là anh ta sống một mình. Câu chuyện ly dị vợ của Tom hoá ra là thật. Cô cuộn mình trên ghế bành trong khi Tom điện thoại đến hãng hàng không đặt hai vé máy bay đi London bằng thẻ tín dụng của anh ta. — Chúng ta sẽ ở tạm London và dùng tên giả trong khi anh đăng ký bay tiếp đến một hòn đảo nào đó. — Em không có thẻ thông hành. — Anh luôn có vài thẻ thông hành dự trữ đề phòng trường hợp khẩn cấp. Em chỉ việc điền vào thẻ và chút nữa anh sẽ chụp cho em tấm ảnh lấy liền, dán vào thẻ, đóng dấu giả lên là xong ngay. — Anh có vẻ thành thạo công việc quá. — Anh nghĩ đến tất cả mọi khả năng. Để anh đi sắp xếp đồ đạc, sáng mai có thể lên đường sớm. Quần áo của em ra sao? - Em không biết nữa… Tom quyết định: — Anh sẽ mua cho em nguyên một tủ quần áo mới khi đến London. Quay về nhà em rất nguy hiểm. — Phải. Thư ký của Irving biết em đến nhà ông ta tối nay. Nếu họ thấy xác của ông ta, thế nào họ cũng đến nhà kiếm em. Tom sắp đồ vô một chiếc va-li duy nhất và chuẩn bị một chiếc cặp táp lớn, trút hết mọi thứ trong ấy ra. Xong anh ta chụp ảnh và lo làm thẻ thông hành cho cô đến khi thẻ hầu như hoàn hảo. — Anh nghĩ mọi việc đều đâu vào đó cả rồi. Em uống gì không? — Có bia trong tủ lạnh không? Anh uống bia nghen. Họ cùng ngồi uống bia trong khi Tom kể: — Anh hoàn toàn dựa vào các cô gái ở tù ra đang trong thời gian thử thách, đặc biệt những cô gái đẹp và ngây thơ như… em. Có lúc bọn anh có đến mười sáu cô chuyên giả bộ bị thương tại các siêu thị hoặc bị tai nạn xe cộ. Bọn anh luôn thay đổi người và địa điểm. Hiện giờ bọn anh có mười cô thôi. Adam Irving giữ hồ sơ và mọi thứ. Hắn có một trương mục nhỏ, còn phần lớn là tiền mặt, bỏ trong két gởi tiền ở ngân hàng mà chỉ anh và hắn có chìa khoá. — Nhiều không? — Gần năm trăm ngàn đô. Bọn anh dành dụm mấy năm nay rồi. — Anh có cần thiết phải giết Irving không? — Anh chưa khi nào tin hắn. Toàn bộ công việc là do ý đồ của anh, vậy mà hắn còn qua mặt anh dím bớt tiền. Hừ! Đáng đời hắn – Rồi anh hỏi – Em vô giường ngủ với anh nghen. Karen rùng mình: — Đừng. Đừng bắt em ngủ với anh đêm nay. Em vừa nhìn thấy anh giết người. Có thể ở London. Nhưng đêm nay thì khoan đã. — Anh chiều em, em có thể ngủ ở ghế bành. Karen gật đầu và Tom đưa cô tấm mền. Cô quấn mền thật chặt, hỏi: — Khoảng mấy giờ sáng mai chúng ta phải thức dậy? — Bảy giờ. Máy bay cất cánh lúc 11 giờ, nhưng anh còn phải ghé ngân hàng lấy tiền trong két. Tom vô phòng ngủ và Karen tắt đèn. Tom thêm: — Tiếng anh ngáy hơi lớn, không làm phiền em chớ? — Em đã quen, sau hai năm ở tù ngủ chung phòng với nhiều người.- Còn việc nữa, nếu chuông điện thoại reo, đừng trả lời. * * * Họ đến ngân hàng lúc chín giờ rưỡi. Karen ngồi chờ trên một chiếc trường kỷ trong khu để két gởi tiền trong lúc Tom Rosso hí hoáy lo lấy két ra, trút sạch tiền vô chiếc cặp trống. Khi đã ngồi trong xe hơi, anh mở cặp chỉ cho cô thấy các gói toàn giấy bạc một trăm đô-la. Họ mua vài số báo buổi sáng. Không thấy tin tức gì về việc Adam Irving bị ám sát. Chắc cái chết của tay luật sư này chưa bị phát hiện. Tom lái xe đến sân bay, nắm chặt tay Karen, nói với cô mọi việc như vậy đều thuận lợi. Anh gởi xe tại chỗ gởi dài hạn. Karen đi bên anh lại gần máy dò X quang và phát hiện kim loại. Cô hỏi nhỏ: — Anh không mang theo súng trong người chớ? Tom lắc đầu: — Ngu gì dấu trong người để máy phát hiện. Đêm qua em ngủ ngon giấc chớ? — Anh ngáy quá trời. Chắc anh ngủ ngon hơn em. Từ đây đến London bay bao lâu? — Gần bảy giờ. Và với khác biệt về múi giờ, chúng ta sẽ hạ cánh vào quãng gần nửa đêm. Karen đã nhận ra những người đến sân bay theo yêu cầu của cô qua điện thoại lúc nửa đêm khi hôm. Cô nắm chặt cổ tay Tom Rosso ngay phía trên chiếc cặp và nói thật rành rọt. Cô muốn anh nghe rõ từng tiếng: — Tom Rosso. Tôi là trung uý Karen Holden thuộc biệt đội cảnh sát hoá trang. Tôi bắt ông về các tội giết người, tổ chức lừa đảo và giả mạo giấy tờ. Ông có quyền giữ im lặng cho đến khi gặp luật sư… Cô vẫn mong mình trở thành một diễn viên mà. (Theo “Now you see it” của Edward D. Hoch) ĐỐT QUÁ KHỨ Thứ Hai ngày 18-3-1991, lúc 6 giờ 30 tối. Anne-Marie R., 42 tuổi, trở về căn hộ, trên tay đầy các gói, hộp linh tinh vừa mua ở siêu thị. Tất cả đều rất bình thường. Căn hộ của chị nằm ở tầng ba của cao ốc đang xây dựng dở dang, ngay tại con đường huyết mạch của thành phố. Chị bước ra khỏi thang máy, đến trước căn hộ, bỏ các gói hàng xuống, tìm chìa khoá. Và thảm kịch bùng nổ. Một người đàn ông đội mũ trùm đầu chợt xuất hiện, dùng tay phải bịt miệng chị khiến chị không kêu lên được, và vật chị ngã xuống sàn. Tay kia gã cầm chai xăng tưới lên người chị, rút quẹt máy, bật lửa. Rồi gã bỏ chạy trong lúc nạn nhân cháy bừng bừng như ngọn đuốc sống, la hét. Cuộc tấn công chỉ kéo dài vài giây. Nghe tiếng la, một bác sĩ có phòng khám bệnh ở tầng dưới, vội lao lên dập tắt lửa. Anne-Marie R. cố nói được có vài tiếng: — Một người đàn ông bịt mặt… tưới xăng lên tôi và đốt… Chị bị phỏng nặng ở đầu và ngực. Bác sĩ vội gọi xe cấp cứu. Nhưng không kịp. Anne-Marie R. chết một giờ sau trong cơn đau khủng khiếp. * * * Cảnh sát lập tức vào cuộc để truy tìm thủ phạm. Những ghi nhận ban đầu không có gì đáng phấn khởi. Cao ốc còn đang xây dựng nên rất nhiều người có thể lui tới. Lại có đến hai bác sĩ mở phòng mạch ngay tại cao ốc nên người ra vào càng nhiều hơn. Mặt khác, cao ốc xây dựng dở dang còn là nơi tạm cư của những kẻ vô gia cư. Đó là chưa kể số công nhân xây dựng tới lui mà chẳng ai để ý. Mặt khác, không thể coi đây là vụ giết người qua đường như một số người nhận định ban đầu. Việc đem theo chất lỏng dễ cháy chứng tỏ hung thủ có chủ đích; và nhất là cái chết dễ sợ khiến người ta nghĩ tới một vụ trả thù. Có lẽ đi sâu vào cuộc sống của nạn nhân sẽ tìm ra lời giải thích. Tuy nhiên, thoạt xem qua, cuộc đời nạn nhân chẳng có gì đặc biệt. Anne-Marie là giáo viên dạy gia chánh tại các khoá học đặc biệt; cuộc đời chị không hề có tai tiếng. Nhưng có thể qua chị, tên sát nhân muốn nhắm vào chồng chị. Gérard R., 46 tuổi, là bác sĩ sản khoa. Có khi nào ông đã làm hại đến sản phụ hoặc thai nhi? Trong nhiều ngày, cảnh sát thăm hỏi bạn bè của Gérard. Họ coi lại cả các hồ sơ trong bệnh viện mà ông từng đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa sản. Nhưng không. Công việc chuyên môn của ông không hề có một sơ suất nhỏ nào. Tìm trong quá khứ của cặp vợ chồng này không dẫn đến kết quả, cuộc điều tra quay trở lại các phương cách thông thường. Cảnh sát sàng lọc hồ sơ của những kẻ bị chứng điên loạn đốt nhà. Công nhân xây dựng cao ốc được lần lượt gọi hỏi. Họ có đến cả trăm người nên phải tốn nhiều thời gian. Đến lúc này, căn cứ duy nhất là từ lời khai của viên bác sĩ chạy đến cứu nạn nhân. Trong một thoáng, ông đã gặp tên sát nhân đang bỏ chạy. Gã mặc áo xanh công nhân – điều này giải thích vì sao cảnh sát phải gọi hỏi hàng trăm công nhân xây dựng. Thời gian ông nhìn thấy hắn rất ngắn, nhưng ông cho rằng có thể mình miêu tả gần đúng: trạc 30 tuổi, cao, tóc vàng, ốm, mặt dài. Chân dung robot được vẽ ra và in trên báo. Mặc dầu vậy, cuộc điều tra vẫn dậm chân tại chỗ. Đã hai tuần trôi qua mà không có thêm chi tiết nào mới. Nhưng đó chỉ là mặt nổi, đối với công chúng. Bởi cảnh sát không nói hết với báo chí. Người ta đã tìm ra các chỉ dẫn chủ yếu: một vỏ chai whisky (dùng đựng xăng) có dấu vân tay và một vé xem đấu vật mang tên “G.”. Thoạt nhìn, mọi việc tưởng chừng đơn giản và dễ giải quyết: hung thủ tên G. và gã để lại dấu tay. Thực tế vẫn còn nhiều rắc rối và việc bắt giữ chưa thể thực hiện. Trước hết, dấu vân tay không nằm trong số những kẻ đã có hồ sơ theo dõi. Thứ nữa, số người mang tên G. có đến hàng mấy trăm trong vùng. Không thể gọi tất cả những người trùng tên này lên thẩm vấn vì vừa kéo dài thời gian, vừa đánh động đối tượng. Việc phát hiện một chứng cứ mới có vẻ là yếu tố quyết định. Người ta tìm thấy một chiếc áo công nhân màu xanh bị vất bỏ bên lề đường. Áo mang chữ viết tắt của một hãng tẩy rửa. Vậy mà, người quản lý của hãng này có tên Michel G. Cảnh sát đến nhà tay quản lý vào sáng ngày 8-4. Ông ta chối bar bải. Hơn nữa, khuôn mặt ông ta khác hẳn với chân dung robot: ngoài 40 tuổi, nhỏ con, mặt tròn, ria mép màu nâu, gần như không có tóc. Có điều dấu tay trên chai rượu whisky đúng là dấu tay của Michel G. Michel không còn cách nào khác là thừa nhận chai rượu, vé xem đấu vật và chiếc áo xanh công nhân là của ông ta, nhưng chối rằng những thứ đó ông ta để trong xe hơi và bị đánh cắp. — Tại sao ông không báo cảnh sát? — Tại những thứ đó chẳng đáng sá gì. Và rồi, bỗng nhiên ông ta phun ra: — Phải, chính tôi. Nhưng tôi chỉ muốn làm mặt cô ta biến dạng, không muốn giết chết Anne-Marie. Đến dây, Michel G. ngừng lại. Ông ta không khai tiếp mình quen biết nạn nhân hồi nào, ở đâu, và tại sao lại đốt cháy chị. Mãi về sau Michel mới chịu khai nhận đầy đủ. Nếu ông ta chậm khai ra, chẳng qua vì rất khó nói. — Tất cả đều bắt nguồn từ “vấn đề” của cá nhân tôi. — Vấn đề gì? — Vấn đề rất tế nhị… Quả thực, vấn đề rất tế nhị: Michel G. bị bất lực. * * * Bắt đầu tại Montpellier. Trong một dạ hội Michel gặp AnneMarie – một phụ nữ khác trùng tên – và ông ta cưới cô. Năm 1980, hai người mở hãng tẩy rửa. Công việc phát đạt nhanh chóng: năm 1991 họ đã có 12 công nhân. Khổ thay, đó chỉ là về mặt nghề nghiệp, trong cuộc sống lứa đôi lại khác hẳn. Mọi việc đang hoàn toàn suôn sẻ với Michel thì bỗng ông ta bị bất lực. Ông ta đi hỏi thăm các chuyên viên, điều trị đủ cách, nhưng tất cả đều vô ích. Cho nên từ tháng 6-1990, vợ ông ta có nhân tình. Với Michel, thế giới đổ sụp. Ghen tuông pha lẫn xấu hổ, ông ta bỗng nhớ lại một kỷ niệm mà từ bao lâu nay ông đã chôn vùi theo năm tháng… Cách nay 17 năm, vào năm 1973, ông đã từng tha thiết yêu Anne Marie, cô này sau trở thành bà Anne-Marie R. Khi ấy Michel còn là sinh viên. Ông gặp Anne-Marie đang còn độc thân. Thật là cú sét ái tình. Hai người say đắm yêu nhau được bốn năm thì bỗng nhiên, không có lý do, Anne-Marie cắt ngang. Sau đó, hoặc vì muốn xoá bỏ dĩ vãng, hoặc cho là chẳng đáng gì đối với mình, Anne-Marie không giữ lại bất cứ một kỷ vật nào, dù ảnh hay thư – điều này giải thích tại sao các nhà điều tra không khám phá được gì về quá khứ của nạn nhân. Riêng Michel vẫn giữ ảnh của Anne-Marie. Đây là vết thương lòng bí mật của ông ta. Vào tháng 6-1990 vết thương bộc phát. Cuộc sống tình cảm thứ hai thất bại khiến ông ta nhớ lại mối tình đầu. Ông ta nhìn lại tấm ảnh xưa, thù hận. Chính cô ta đã khiến ông trở thành bất lực (!). Michel cầm tấm ảnh đi hỏi ba nhà thầy bói xem có phải cô ta đã ếm bùa ông không. Cả ba đều thống nhất ý kiến, mỗi người phán một câu: — Phải. Chính cô ta đã trù ếm ông. — Người trong ảnh là một con quỉ cái. — Phải đốt cháy nó! Vậy là Michel G. bỏ công sức ra làm “thám tử” để tìm người tình năm xưa mà nay ông ta chỉ biết tên và tấm ảnh cũ. Sau nhiều tháng, kỳ diệu (và bất hạnh) thay, ông ta tìm ra! Trước ngày gây án, Michel chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết: mũ trùm đầu, chai xăng, hộp quẹt máy. Suốt cả ngày 18 ông ta theo dõi nạn nhân. Khi thấy Anne-Marie R. trở về nhà một mình, Michel ra tay hành động, rất bình tĩnh. Chỉ mãi đến khi ngọn lửa bùng lên, Michel mới hốt hoảng bỏ quên vỏ chai rượu whisky dùng đựng xăng; và sau đó lại cởi bỏ áo quăng bên đường – mà nếu không có những vật chứng này, chắc chắn các nhà điều tra đành phải bó tay. (Phóng tác theo một truyện của Bellemare) PHÓNG SỰ CHẾT NGƯỜI Deborah W., cô gái xinh đẹp tóc hung, đang làm việc cho một chương trình truyền hình Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha, lo kiếm chủ đề chương trình cho ngày hôm sau. Hôm nào cũng vậy, vừa chấm dứt chuyên mục Nếu như bạn muốn là cô phải nghĩ ngay tới câu hỏi muôn thuở đặt ra với các nhà báo: “Mai ta sẽ làm gì?”. Phải, cô sẽ quay cảnh nào, trực tiếp càng tốt, để hấp dẫn khán giả xem truyền hình? Bỗng chuông điện thoại reo vang. Deborah nhấc máy. Một giọng đàn ông, âm sắc Cuba đặc sệt, yêu cầu được nói chuyện với người có trách nhiệm trong chuyên mục nổi tiếng Nếu như bạn muốn. Deborah tự giới thiệu. Khách xác định mình là người rất thích loạt chuyên mục này, một “fan”. Nhưng ông gọi điện thoại bữa nay không nhằm ca ngợi người dựng chuyên mục. Ông đang gặp một vấn đề nan giải, và ông tin rằng người phụ trách chuyên mục có thể giúp ông giải quyết – một vấn đề cá nhân, đã xảy ra trong thực tế cuộc đời, rất sống động. Theo linh tính, ở đầu dây bên kia, Deborah cảm nhận đây có thể trở thành một chủ đề để phát sóng. Cô yêu cầu người gọi, Vincente J., kể lại câu chuyện của ông. Đồng thời, do phản xạ nghề nghiệp, Deborah bấm máy ghi âm toàn bộ cuộc đàm thoại. Nhờ vậy cô có thể thong thả nghe lại và cân nhắc được tất cả các sự kiện. Deborah đúng là một nhà báo chuyên nghiệp, có khả năng kết nối các sự kiện, tiên đoán phản ứng, nhờ thế có thể dựng nhiều cảnh quay trực tiếp sinh động. Tiếc thay lần này… Ở đầu dây bên kia, Vincente kể lại câu chuyện buồn của ông, từ lúc bắt đầu. Ông nhớ khá lộn xộn mọi tình tiết. May thay, Deborah giúp ông sắp xếp lại, nhấn mạnh những điểm cần thiết. Quả là một thảm kịch. … Những năm đầu mới đến Florida cùng với vợ tên Margarita, ông như sống trên thiên đường. Đã vậy họ còn cho ra đời một cháu gái tuyệt vời nữa chớ: Pilar với mái tóc nâu và lúc nào cũng tươi cười, hẳn sẽ trở thành một thiếu nữ xinh đẹp trong tương lai. Mọi việc đều suôn sẻ, Vincente làm bảo vệ cho một nhà nghỉ sang trọng, còn Margarita là thợ làm đầu. Tiền kiếm được đủ cho họ trang trải. Pilar lớn dần. Margarita bắt đầu lui tới với số bạn bè mà bà ta tự chọn, và họ không phải là những người Vincente thích. Cuộc sống trong gia đình không còn êm ả nữa. Hai vợ chồng nhận thấy tham vọng cá nhân của họ khác hẳn nhau. May thay, còn có Pilar nối kết họ. Nhưng rồi đến lúc Pilar cũng không đủ sức hàn gắn họ nữa, có phần ngược lại là khác: Ai cũng muốn giáo dục con theo cách riêng của mình. Vincente thích để con “tự quyết” nhiều hơn trong khi Margarita muốn “áp đặt”. Tóm lại, họ ly dị. Vincente đầy thất vọng khi toà tuyên bố Pilar, lúc đó 14 tuổi, được trao cho mẹ chăm sóc. Mỗi lần thăm con, Vincente mang theo đủ thứ quà bánh, đồ chơi, quần áo… Nhưng Pilar bắt đầu hư hỏng. Cô hay đi chơi với những bạn trai cùng trang lứa. Thảm kịch bắt đầu từ đó… Kể đến đây, Vincente khóc nức nở ở đầu dây bên kia. Deborah vừa an ủi, vừa khuyến khích ông tiếp tục câu chuyện. Đồng thời cô ghi chú những điểm quan trọng. … Một ngày đẹp trời nọ, Pilar gọi điện thoại với giọng hoảng hốt, mời cha đến ngay nhà của Margarita vì có chuyện khẩn cấp. Vincente vội vàng đến nơi, thấy khuôn mặt xanh dờn của cô con gái yêu quí. Ông lập tức linh cảm có chuyện chẳng lành. Pilar thú thật với cha rằng cô đã mang bầu – một thiếu niên cũng mang dòng máu Mỹ – La-tinh hơn cô có vài tuổi. Làm gì bây giờ? Margarita vẫn chưa hay biết gì cả. Vincente định tự mình sẽ kể lại với người vợ cũ. Ông sẽ cố kể sao cho khéo. Nhưng, từ nơi làm đầu trở về, với các nguyên tắc giáo dục của mình, Margarita hoàn toàn không phản ứng như Vincente dự kiến. Mặc dù Vincente nói với bà rằng con gái họ đang trong tình trạng khủng hoảng nặng, tốt nhất nên gọi hỏi và nghe con trình bày, rồi từ từ giải quyết một cách nhẹ nhàng – và Margarita hứa sẽ hành động như vậy – nhưng thực tế bà ta làm khác hẳn. Lúc giáp mặt con gái, Margarita không dằn nổi cơn giận, thẳng cánh tát Pilar nhiều lần. Và đó mới chỉ là màn dạo đầu. Trừng phạt tiếp theo của bà mẹ nghiêm khắc là cấm con ra khỏi nhà, cấm gặp mặt bạn trai, hăm doạ… Pilar như bị giam lỏng. Người duy nhất an ủi cô lúc này là cha cô lại nằm ngoài tầm với của cô. Nhưng điều tệ hại nhất vẫn chưa xảy ra… Vincente tiếp tục câu chuyện – và đến lúc này. Deborah chợt nghe thấy từ ký ức của cô một âm thanh vang lên. Cô nhớ mình đã đọc đâu đó trên báo… – Một sáng kia, chuông điện thoại reo vang, có giọng nói lạ yêu cầu ông đến nhà người vợ cũ ngay. Tại đây, ông đối diện với thảm kịch: Pilar, thiên thần, niềm hy vọng của ông, nằm duỗi dài bất động trên băng-ca, tấm đắp màu xám phủ trên người. Cô đã tự sát bằng một phát súng ngắn bắn ngay tim. Vincente, cùng với nỗi buồn mênh mang, cảm thấy thù ghét Margarita. Sau khi cự nự khá nặng lời với vợ. Vincente nộp đơn kiện Margarita. Ông cáo buộc bà đã đẩy Margarita đến chỗ tự sát. Nhưng rồi người ta lịch sự báo với ông rằng đơn khiếu kiện của ông không được chấp nhận. Vẫn quyết định phải trả thù cho Pilar, Vincente tìm kiếm một giải pháp khác, và ông nghĩ chương trình truyền hình Nếu như bạn muốn có thể giúp ông. Deborah cũng nghĩ vậy. Cô hẹn gặp ông tại một quầy rượu ở F…, thành phố nơi xảy ra thảm kịch, để chuẩn bị bắt tay vào một loạt phim hấp dẫn. Còn gì khiến khán giả truyền hình say mê hơn là nỗi đau khổ của người cha đang sẵn sàng báo thù cho con gái mình? Cô càng tỏ vẻ hân hoan hơn, khi trong lần gặp tại quầy rượu, cô nhận thấy người bảo vệ nhà hàng, còn đang điên lên vì giận, mang theo trong túi áo vét một khẩu súng ngắn. Với linh tính nghề nghiệp của một nhà báo, Deborah biết rằng loạt phim truyền hình trực tiếp sắp tới của cô sẽ có nhiều hành động, diễn biến bất ngờ để thu hút khán giả. Cô đề nghị, làm như tình cờ, quay hình Vincente vào đúng lúc ông ta đặt vòng hoa (do đài truyền hình mua) lên nấm mộ vừa xây xong của Pilar. Nấm mộ mà, theo phong tục La-tinh, có gắn tấm ảnh của người quá cố được tráng men. Những hình ảnh đẹp tạo ấn tượng. Hơn nữa, theo Deborah tìm hiểu và được biết, Margarita cũng suy sụp từ khi con gái bà tự sát, ngày nào cũng đến thăm mộ. Giả thử Margarita và Vincente tình cờ gặp nhau ngay tại nơi an nghỉ của Pilar thì còn cảnh phát hình trực tiếp nào hay hơn! Vả chăng, chính Deborah cũng không biết nên khuyên Vincente giải quyết ra sao, hai người gặp nhau có thể sẽ nảy ra cách giải quyết. Đã đến giờ thực hiện. Mọi việc diễn ra đúng như dự kiến. Vincente, nét mặt đau buồn, đặt vòng hoa trên mộ Pilar. Phóng viên thu hình điều khiển ống kính zoom để quay rõ những giọt nước mắt chảy dài theo đôi gò má nhăn nheo của ông. Deborah, tay cầm micro, đọc lời bình thích ứng làm mủi lòng khán giả đang theo dõi trên màn ảnh nhỏ. Bỗng nhiên, đúng như Deborah từng hy vọng, một chiếc xe hơi ngừng lại cách đó không xa. Margarita bước xuống xe, vẫn mặc bộ đồ toàn một màu đen như mọi ngày. Deborah, với phản ứng tuyệt vời, vội quay sang Margarita, đặt các câu hỏi. Margarita, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các phóng viên truyền hình, từ chối trả lời: bà đến đây để thăm mộ con bà chớ không phải để được phỏng vấn. Bà yêu cầu mọi người hãy để bà một mình với nỗi buồn của bà. Theo hướng dẫn của Deborah, phóng viên ghi hình chuyển ống kính sang Vincente. Ông đang quỳ trước mộ bỗng thình lình đứng phắt dậy, chạy về phía Margarita. Máy quay phim lia theo, lia theo, micro ghi hết các tiếng động, hơi thở hổn hển của Vincente, lời trách móc của Margarita “Hãy để tôi yên! Mặc tôi!”. Tất cả đều được ghi lại, tay Vincente thọc vô túi áo vét, rút khẩu súng ngắn ra, chĩa thẳng. Nhiều phát súng nổ. Margarita té xuống, sọ bay mất do các viên đạn tiếp tục trúng đích, thi thể bà co giật… rồi Vincente gục xuống khóc nức nở sau khi đã giết vợ… Phóng sự truyền hình trực tiếp năm 1993 trên đáng được đưa vào biên niên sử về kết thúc bất ngờ nhưng tệ hại nhất, cũng như về ý kiến tư vấn tồi nhất. (Phóng tác theo “Scoop Mortel” của Bellemare) CÁI NHỌT CỦA ODETTE Cả ba ngồi trong phòng đợi của bác sĩ Shatterton: Ông Cuplet nhỏ con, vẻ mặt tươi cười. Bà Cuplet cao gầy, cau mày lo ngại. Cô con gái Odette 13 tuổi xinh đẹp, tóc vàng, có một cái nhọt bọc ở cổ. Họ là khách duy nhất trong phòng đợi. Một người hàng xóm cho họ biết đây là bác sĩ mới mở phòng mạch ở gần nhà họ nhất. Vả lại cái nhọt bọc đâu có gì mà phải đi xa, kén chọn bác sĩ. * * * Trong lúc ấy, tại dưỡng đường tâm thần ở Rockland, một phụ nữ trung niên chạy lăng xăng hết phòng này sang phòng khác, mặt xám xanh vì lo lắng. Bà hỏi phòng y vụ: — Tôi không yên tâm chút nào. Tại sao ông lại thả em tôi ra? — Đâu có ai thả. Ông ta có quyền ra vô tuỳ ý. Nếu ông ta không thích vô dưỡng đường nữa thì chúng tôi đành chịu… Nếu bà thắc mắc gì, xin hỏi bác sĩ Roger. * * * Bác sĩ Shatterton mở cửa bước ra phòng đợi, mời họ vô phòng khám. Ông mỉm cười dễ thương: — Có điều gì không ổn nào? Vừa hỏi ông vừa đưa cặp mắt nhỏ đen trên gương mặt hồng hào nhìn ba người đối diện, và ngừng lại nơi Odette: — Cô bé, phải không? Odette vén mái tóc vàng lên, đưa tay chỉ cái nhọt bọc trên cổ. — Chỉ có vậy thôi sao? Bộ không có bệnh gì nữa hả? – Giọng bác sĩ Shatterton có vẻ thất vọng. * * * Tại dưỡng đường tâm thần Rockland, người phụ nữ trung niên đứng trước bác sĩ Roger, càng lúc càng lo lắng: — Nhưng rốt cuộc, thưa bác sĩ, để em tôi thực hành là việc vô cùng nguy hiểm. Ngay lúc tôi đang nói chuyện với ngài đây, biết đâu em tôi đang khám bệnh. — Đừng lo, thưa bà. Căn bệnh không ngăn em bà là một bác sĩ giỏi. — Và nếu em tôi cứ muốn giải phẫu thì sao? Ngài hẳn biết đó là nỗi ám ảnh của em tôi. Shatterton luôn mơ ước được phẫu thuật. Trước khi đưa em tôi vô đây, cậu ta cứ loay hoay với con dao mổ mãi nên tôi sợ… — Đừng sợ thái quá do cường điệu bệnh của em bà. * * * Bác sĩ Shatterton cầm kiếng lúp nhìn cái nhọt bọc trên cổ Odette: — Phải, phải, chiếc nhọt đã chín rồi. Không sao đâu. Bây giờ cô bé chịu phiền kéo quần xuống tôi coi nào. Ông bà Cuplet nhìn nhau ngạc nhiên thì bác sĩ Shatterton tiếp: — Thưa ông bà, tôi muốn kiểm tra thêm vì máu cô bé này có thể bị nhiễm độc. Odette đỏ mặt, nhìn cha mẹ, thấy họ chần chừ, không dám từ chối đề nghị của bác sĩ, cô bé lấy tay trái giữ quần, tay phải kéo áo thun lên quá rốn. Bác sĩ đưa tay nhấn nhấn vào phía bụng dưới của cô. * * * Ra khỏi dưỡng đường tâm thần, chị bác sĩ Shatterton vội đến trụ sở cảnh sát: — Em tôi bị điên, đã bị giam nhiều lần. Nó cứ muốn trở thành bác sĩ giải phẫu và tiến hành mổ xẻ. Nó đã rời dưỡng đường tám bữa nay, hẳn để mở phòng khám. Không thể để như vậy. — Khoan đã… Em bà có phải là một bác sĩ không? — Phải. — Có bằng đàng hoàng? — Phải. — Vậy thì việc gì phải lo. * * * Bác sĩ Shatterton xác định sau khi khám: — Con gái của ông bà bị đau ruột thừa! Bà Cuplet kêu lên: — Trời! Vậy sao? Ông Cuplet bảo: — Nó có bao giờ bị đau đâu. Phải không, Odette? — Tất nhiên không vì bệnh chưa phát ra. Mà hễ phát là nguy hiểm lắm. Cho nên cần phải giải phẫu ngay. * * * Do chị bác sĩ Shatterton cứ nằn nì mãi, ông cảnh sát trưởng đành nhấc máy điện thoại: — A-lô, bà Beacks? Tôi là cảnh sát trưởng Rockland đây. Tôi gọi bà theo yêu cầu của chị bác sĩ Shatterton. Hình như bà đã có chuyện… có kỷ niệm với em của bà ấy? — Đúng vậy. Tôi bị cảm cúm, đến phòng bác sĩ Shatterton khám. Ông ta bắt tôi uống một hơi sáu ly rượu. — Rồi… ông ta có làm gì bà không? — Lúc ra về, tôi say đến nỗi giả sử ông ta có hiếp tôi tôi cũng chẳng biết nổi. — Xin cám ơn bà Beacks. Ông cảnh sát trưởng đặt điện thoại xuống, quay sang bà Shatterton: — Hơi man man, nhưng đâu có gì ghê gớm! * * * Ông Cuplet kiên quyết: — Không, bác sĩ… Không giải phẫu, ít ra là lúc này. — Chỉ lo cho cái nhọt bọc thôi? — Phải. Chỉ cái nhọt bọc. — Ông lầm rồi. Lùi một bước là để nhảy xa hơn. Nhưng, theo ý ông, tôi sẽ chỉ chăm sóc cái nhọt bọc. Một giờ nữa trở lại đây, ông sẽ thấy mọi việc đều tốt đẹp. Ông Cuplet nói với vợ: — Tôi phải về, nhưng bà đừng rời phòng khám. Không hiểu sao tôi thấy ngại tay bác sĩ này quá. * * * Cảnh sát trưởng lại nhấc điện thoại: — A-lô, nhà thuốc tây Brogan? Cảnh sát trưởng Rockland đây. Bác sĩ Shatterton vừa mở phòng mạch ở phía nam thành phố. Ông có biết tay này không? — Ông ta điên nặng. Sao họ lại thả ông ta ra? — Sao? — Trước khi vô dưỡng đường, Shatterton mua rất nhiều ê te ở nhà thuốc của tôi, không biết để làm gì. Cuối cùng tôi mới rõ ông ta uống mỗi sáng một cốc vại ê te, pha với chanh. -Trời! * * * Bác sĩ Shatterton chạy vội ra cửa sau, lẻn vô quán rượu gần phòng khám, vớ lấy một anh chàng vừa tu hết chai bia thứ sáu: — A! Tôi đang cần phụ tá cho một ca mổ khẩn cấp. — Trả bao nhiêu? — Năm đô-la. Nhưng phải theo tôi ngay, rửa tay và khoác áo choàng trắng lẹ lên! * * * Theo yêu cầu của chị bác sĩ Shatterton, cảnh sát trưởng tiếp tục kiểm tra: — A-lô… Bà Denow phải không? Cảnh sát trưởng Rockland đây. Bà nghĩ sao về bác sĩ Shatterton? — Ông bác sĩ bị mát dây… Một hôm tôi bị nổi mề đay, đến nhờ khám, ông ta đòi cắt một bên ngực của tôi. Tôi phải đánh lộn với ông ta mới giữ được ngực còn nguyên vẹn để ra về. Xin ông hãy tin rằng tôi nói thực. * * * Bác sĩ Shatterton để ê te vào một cục bông gòn lớn, bảo Odette: — Chút xíu là xong liền. Tôi sẽ cho cô bé ngủ. Nào, hãy đếm 1… 2… 3… Đếm đến 10 thì Odette mê man, bác sĩ ra lệnh cho “phụ tá”: — Cởi đồ cô bé ra, nhanh nào! Nửa giờ sau, ông cảnh sát trưởng gõ cửa phòng khám của bác sĩ Shatterton. Người ra mở cửa là một phụ nữ cao, gầy. — Bác sĩ Shatterton đâu? — Tôi không biết. Tôi dẫn con gái tôi tới đây khám bệnh. Ông ta đang mổ nhọt bọc của con tôi ở trong phòng mổ. Chị bác sĩ đi theo ông cảnh sát trưởng kéo tay ông, chạy vô hành lang: — Phòng mổ ở đâu, mau lên! Họ hốt hoảng dừng lại trước cảnh tượng kinh hoàng: Trên chiếc bàn trong nhà bếp là cô bé gái xinh đẹp nằm dài, bụng bị mổ toác hoác đầm đìa máu. Bác sĩ Shatterton có vẻ khoái chí vì vừa thực hiện ca đại phẫu thuật. Khi xe cấp cứu đến, cô bé đáng thương Odette chỉ sống thêm được ít phút vì động mạch chính của cô đã bị cắt đứt. (Phóng tác theo một truyện của Bellemare) ÁN MẠNG HOÀN HẢO Thật khó để thực hiện một vụ giết người hoàn hảo. Những can thiệp cố ý hoặc tình cờ thường khiến vụ việc càng thêm phức tạp và do đó dễ tìm ra thủ phạm. Nhưng không phải không có ngoại lệ, ít nhất là một lần. Tôi khẳng định điều này do thực tế bản thân đã trải qua. Tôi đã gặp người thiếu phụ ấy tại một tiệm tạp hoá. Tôi không để ý gì đến bà ta cho đến khi nghe bà hỏi mua một hộp đạn súng săn cỡ 12 với giọng rất tự nhiên. Ở ngôi làng hẻo lánh Hambleton này nào mấy ai hỏi mua đạn săn, nhất là phái nữ, nên tôi liếc nhìn thử. Bà ta chắc mới tới làng lần đầu, khoác chiếc áo màu xanh lá cây, khuôn mặt chẳng có gì đặc biệt. Vả lại, tôi đang lo giải quyết vụ Edward Nantucket. Nói đúng hơn là nghĩ cách cho gã tiêu đời. Có thể bạn đã từng đọc báo nói về hắn: Một trong bốn vị anh hùng thuộc đội cảm tử thực hiện nhiệm vụ bí mật hồi Pháp bị chiếm đóng – hoặc ít ra, hắn đã kể như thế và mọi người đều tin – và là kẻ duy nhất sống sót. Ba người kia gồm Robinson, Challenger, de Virac đều đã hy sinh. Có điều Robinson là em ruột tôi. Trước khi qua đời, Robinson đã kịp thu hết hơi tàn kể với một lính Mỹ rằng chính Nantucket đã bán đứng đồng bạn cho Gestapo và nhờ chuyển lời lại với tôi. Tôi không đủ chứng cứ để đưa Nantucket ra toà, nên tôi quyết định tự mình sẽ thực thi công lý. Nhưng tôi lại bị tật đi cà nhắc từ hồi nhỏ nên công việc không dễ dàng chút nào. Cơ may dường như đến với tôi khi Nantucket mua một ngôi nhà lộng lẫy cách nơi tôi ở chỉ hơn 2 cây số. Hắn chẳng để ý gì đến dân làng mà chỉ lo hưởng thụ cuộc sống xa hoa, khoái đi săn, đi câu làm ra vẻ quí tộc, và chắc chắn không thể ngờ có tôi đang âm mưu giết hắn. Nhưng vấn đề là phải giết hắn sao cho giống như một tai nạn để không ai nghi ngờ. Tôi thích nhất là cho một cành cây gãy rớt trúng ngay đầu hắn khiến hắn hấp hối, đủ thời gian cho tôi đến bên hắn, thì thầm: “Mày có nhớ Robinson không? Tao là em ảnh đó!”. Rồi ngày cuối cùng của Nantucket cũng tới. Sáng hôm ấy thời tiết thật tuyệt vời. Tôi nghe vài ba phát súng đâu đó trong rừng, phía bên kia cánh đồng. Tôi lặng lẽ cất bước về phía ấy. Tôi tìm ngay ra dấu vết của gã. Tôi lượm được vài vỏ đạn còn nóng nhưng chưa nhìn thấy hắn thì đã nghe tiếp một tiếng nổ dường như lớn hơn mấy phát súng trước đó. Theo hướng của tiếng nổ, Nantucket đang trên đường trở về. Và nếu hắn đi trở lại con đường mòn mà hai hôm rồi hắn đã sử dụng, ngang qua phía dưới một cây sồi lớn thì mọi chuyện sẽ “xong ngay”… Tôi cố đi nhanh hết cỡ, tuy vẫn thận trọng, về hướng ấy. Nhưng tôi đã không gặp may. Nếu hắn đi theo con đường mòn hai hôm trước, hẳn tôi đã nhận ra hắn. Tôi bất giác buột miệng chửi thề. Hẳn khi vượt qua một hàng rào hắn đã theo lối mòn khác trở về nhà. Tôi rất rành địa thế nơi đây. Bất mãn khiến tôi không thèm thận trọng nữa. Bỗng tôi đứng sững lại: Một bóng người khoác áo xanh đang thấp thoáng gần bên hàng rào, bên cạnh là Nantucket, mình gập lại, vắt qua hàng rào, đầu chúi xuống, máu ướt đẫm một bên mặt. Đó là thiếu phụ mà tôi đã gặp trong tiệm tạp hoá. Bà thở hổn hển, mặt tái xanh, một bên má có vết xước, mắt lộ vẻ hoảng hốt. Nghe tiếng chân, bà ngước mặt nhìn tôi như dò hỏi. Liệu hắn bị thương có nặng không? Tai nạn mà tôi hằng mong đợi rốt cuộc đã xảy ra. Cầu trời cho hắn còn đủ thời gian để nghe tôi nói… — Nantucket! – Tôi gọi nhỏ. Không nghe trả lời, tôi rờ tim, bắt mạch hắn. Nantucket đã chết thẳng cẳng! Người thiếu phụ hỏi tôi giọng run run: — Ông ta tên Nantucket à? — Phải. Vừa xảy ra chuyện gì vậy? — Tôi thấy ông ta leo qua hàng rào này, và khẩu súng cướp cò, phát nổ. Tôi gật đầu, đưa mắt nhìn quanh. Một mẩu dây kẽm gai rỉ sét phía trên hàng rào móc vào cò súng của Nantucket. Hẳn hắn đã đeo súng không khoá chốt an toàn, leo qua hàng rào mà không để ý đến mẩu kẽm gai này. Tôi nói: — Ông ta chết rồi. Phải báo cảnh sát và gia đình. Bà biết nhà ông ta chớ? Thiếu phụ gật đầu và vội vàng chạy. Tôi nói với theo: — Không cần phải vội. Chẳng giúp gì được cho Nantucket nữa đâu! * * * Tôi nhìn xác Nantucket và nguyền rủa mình không gặp may. Rồi tôi coi lại mẩu dây kẽm gai đã móc vào cò súng. Hoàn toàn ngẫu nhiên, tôi kéo thử mẩu dây. Thật ngạc nhiên khi nghe tiếng đập của kim hoả. Tôi ngỡ mình nằm mơ. Súng săn không thể nào bắn tiếp nếu không cho đạn lên nòng tiếp (súng săn kiểu cổ khoảng năm 1950). Tôi nhìn theo hướng viên đạn đã bắn ngay thái dương Nantucket. Nơi đây có một bụi cây rất rậm rạp, đầy gai. Tôi nhớ lại người thiếu phụ, áo khoác màu xanh lá cây, má có vết xước. Tôi cũng nhớ lại bà ta đã mua đạn súng săn… Phải chăng trong lúc Nantucket leo qua hàng rào, bà ta đã phục kích sẵn trong bụi gai, nhả đạn đúng lúc? Diễn biến tiếp theo hết sức đơn giản: Bà ta chỉ việc chạy đến chỗ nạn nhân, móc mẩu dây kẽm gai vào cò súng của Nantucket. Thảo nào tôi nghe tiếng nổ sau cùng dường như lớn hơn những tiếng súng ban đầu. — Tôi đã báo cảnh sát xong rồi. Người thiếu phụ đã quay lại. Tôi thiếu điều muốn vặn cổ kẻ đã dám xen vào làm hỏng kế hoạch của tôi, nhưng dẫu sao bà ta cũng đã giúp tôi thanh toán kẻ thù. Tôi lịch sự xưng tên và hỏi lại tên bà. Bà đáp: — Tôi là goá phụ de Virac. Thì ra tôi không phải là kẻ duy nhất biết về chuyện phản bội của Nantucket. Virac đã có một người vợ, và bà ta cũng biết rành chuyện này. Tôi quay lại hàng rào, bên xác chết, coi lại xem sợi dây kẽm gai có móc vào cò súng hay chưa. Phen này có kéo dây cũng không sợ súng nổ tiếp. Đúng là một tội ác hoàn hảo. (Phóng tác theo “Règlement sans frais” của Milward Kennedy) NHÂN CHỨNG BẤT NGỜ — Bà cố thêm một lần nữa xem sao. Chuyện rất quan trọng. — Tôi đang cố, thưa bác sĩ. Nhưng tôi không thấy gì hết, ngoài ánh mắt của con gái tôi. — Có phải chính ánh mắt này khiến bà sợ? Ánh mắt ấy có gì đặc biệt không? Có vẻ lo ngại không? — Không. Chúng tôi đang nói chuyện. Bỗng đến một lúc nào đó, tôi thấy ánh mắt con tôi. Vậy thôi. — Bà đang nghĩ gì vào lúc bà gặp ánh mắt của cháu? — Cháu tám tuổi: Bỗng tôi nghĩ ra… Nhưng thiệt vô lý! Không phải do con gái tôi lên tám nên ánh mắt của cháu khiến tôi lo ngại. — Tuy nhiên rất có thể… Câu trả lời sẽ do bà tự tìm ra. Tám tuổi gợi cho bà kỷ niệm gì? — Không có gì… Hoặc cũng có… Nhưng điều gì đó hết sức mơ hồ và nó khiến tôi sợ! — Bữa nay thế là đủ. Nhưng chúng ta đang đi đúng hướng. Bà sẽ tìm lại kỷ niệm đã quên là nguyên nhân của tất cả vấn đề… Eileen L. ngồi dậy, lấy tiền trong ví trả Wilfried Tehorst, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng ở Zurich. Bà năm nay 31 tuổi, quốc tịch Mỹ, theo chồng sang sống tại Thuỵ Sĩ từ sau khi kết hôn. Từ nhiều tháng nay bà đến nhờ bác sĩ Tehorst khám do bị mất một phần trí nhớ khiến bà khủng hoảng thần kinh. Việc phân tâm đang tiến triển tốt và sắp đem lại kết quả – ít ra đó cũng là điều bác sĩ Tehorst tin. Và ông không lầm. Trong lần khám tiếp theo, bỗng Eileen la lên: — Bác sĩ! Tôi biết tại sao tám tuổi khiến tôi hoảng sợ rồi: Đó là Susan. — Susan nào? — Bạn thân nhất của tôi. Susan đã bị giết chết. — Bị giết chết? — Bị cưỡng hiếp và bị giết… Phải chăng đây là nguyên nhân khiến tôi mất một phần trí nhớ? — Chắc vậy. Hãy kể tôi nghe hồi nhỏ bà sống tại đâu. — Lúc Susan chết, vào năm 1969, chúng tôi sống tại một thị trấn nhỏ mới thành lập thuộc California. Và Eileen miêu tả thị trấn nằm kề bên Thái Bình Dương với những đầm lầy vừa được san lấp này. Bà nói về mẹ bà, Leah, và cha bà, George Thomas, làm nhân viên chữa lửa… — Trước đây bà không nhớ gì về thị trấn này sao? — Có chớ, nhưng rất mơ hồ. Giờ đây tất cả đều hiện ra rõ ràng. Kỳ thiệt, nhất là tôi thấy hồ chứa nước ngọt giữa khu rừng, một địa điểm rất dễ thương, tuy nhiên tôi sợ. — Hẳn đã có điều gì xảy ra tại đây. Bà hãy nghĩ đến Susan. Có phải Susan đã nhìn bà với ánh mắt buồn rầu khiến bà lo sợ không? — Không… Tôi không thấy Susan… Nhưng tôi nghe tiếng nói “Lỗi tại mi!”. — Bà có nhận ra ai nói không? — Tiếng của cha tôi… Ôi, khủng khiếp quá! Tôi không muốn tìm hiểu thêm nữa. — Phải tìm cho ra. Susan hẳn ở quanh đâu đó. Bà hãy cố nhìn cô ta. Tóc Susan màu gì? Cô ta mặc áo gì? — Tóc vàng cột đuôi ngựa, mặc váy tím, áo choàng xanh nước biển… Tôi đang ngồi trong xe hơi, cùng với cha tôi. Ổng dẫn tôi kiểm tra xem rừng có vấn đề gì về phòng cháy không. — Bà và ổng đang ở đâu? — Kế bên hồ. Bỗng tôi thấy Susan đang đi dạo trong rừng. Tôi nói với cha tôi “Chở Susan đi ba!”. Ký ức đã trở lại với Eileen, nhưng những kỷ niệm khủng khiếp khiến bà phải cố gắng mới thốt nên lời: — Cha tôi ngừng xe. Ông kêu tôi lên ngồi phía trước, còn mình ông ở thùng xe phía sau với Susan. Tôi nghe tiếng Susan la hét… Rồi tôi thấy trong kiếng chiếu hậu Susan nằm dưới đất, giãy giụa… Cha tôi cầm vật gì trong tay không rõ… Bác sĩ Tehorst không nói gì. Ông biết mình không nên can thiệp vào cơn ác mộng đang diễn lại trong ký ức của Eileen: — Cha tôi và Susan ra khỏi xe hơi. Váy của Susan rách nát. Cha tôi cầm tay Susan. Cô bé khóc ròng. Tôi không rõ điều gì đã xảy ra. Họ đi vô khu rừng thưa. Tôi chạy theo. Cha tôi cầm một tảng đá lớn đưa lên cao… Ôi, ghê quá!… Chính vào lúc ấy Susan nhìn tôi. Tôi chưa bao giờ thấy một ánh mắt như thế. Vừa đau khổ, vừa thất vọng, và nhất là không hiểu, không hiểu gì cả. Susan đưa tay lên che mặt khi cha tôi nện tảng đá xuống… Eileen phải dừng lại để thở, rồi tiếp: — Giờ thì cha tôi quay lại phía tôi. Ông cầm tay tôi, siết mạnh làm tôi đau, bảo: “Lỗi tại mi!” Và thêm: “Tại con muốn chở bạn con theo. Nếu con nói ra, ta sẽ giết con như đã giết bạn con!”… Vừa về tới nhà là tôi lên cơn sốt, phải nằm liệt giường rất lâu. Khi tôi qua cơn bệnh, bạn bè cho tôi hay Susan đã biến đâu mất. Tôi vẫn hy vọng rồi Susan sẽ trở về, nhưng mãi lâu về sau, người ta tìm thấy xác Susan. — Và bà đã mất trí nhớ trong cơn sốt? — Tôi nghĩ có thể trước đó, khi ngồi trên xe hơi trở về nhà. — Cha bà có bị nghi ngờ không? — Không, không hề… Bác sĩ, có phải tôi thực sự chứng kiến tội ác, hay chỉ do tưởng tượng? — Đó là vấn đề. Theo tôi, bà đã chứng kiến, nhưng có thể một phần từ tưởng tượng. Eileen đã phục hồi trí nhớ, nhưng đồng thời bà bị giằng co giữa lương tâm và trách nhiệm. Bà có nên tố cáo cha ruột mình không? Câu hỏi này, ngày còn thơ bà đã không thể giải đáp. Không biết nên nói ra hay im lặng, bà đã tự ẩn mình bằng cách mất trí nhớ khiến câu hỏi biến mất. Lần này bà hỏi ý kiến chồng. Ông khuyên: — Hãy nghĩ đến sức khoẻ của em. Nếu nói ra, em phải thẩm vấn, đối chất đủ thứ. Rồi phải nghĩ đến con nữa chớ. Con gái, Eileen nghĩ. Bà nghĩ đến cô bé gái ngây thơ trong rừng, với mớ tóc vàng cột đuôi ngựa và chiếc váy tím… Một tội ác đáng ghê tởm. Nhưng có thật cha bà đã phạm tội hay không? Chợt Eileen nghĩ tới Janice, chị bà. Từ khi mẹ bà qua đời, mỗi khi gặp chuyện, bà đều nhờ Janice cho lời khuyên. Bà gọi điện thoại đến Janice. Giọng chị bà khẳng định: — Chắc chắn là ổng. Chị vẫn nghĩ chính ổng là thủ phạm. Khi còn là một thiếu nữ, chị luôn sợ và đề phòng ổng. Ổng nhìn chị với ánh mắt lạ lắm… Eileen không do dự nữa. Bà đáp máy bay về California. Bà sẽ đối diện với quá khứ. * * * Cảnh sát trưởng vô cùng kinh ngạc khi nghe Eileen khai câu chuyện cách nay đã hơn 20 năm. Ông giở sổ tra cứu lại. Chuyện xảy ra vào ngày 22-9-1969. Thi thể Susan được phát hiện hai tháng sau đó. Cuộc điều tra đi vào ngõ cụt. Người ta kết luận thủ phạm là một tên bạo dâm tình cờ ghé ngang thị trấn. Eileen kể đúng về địa điểm bên bờ hồ, nơi cô bé đã bị hiếp, đúng cả về trang phục của nạn nhân, và nhất là về bàn tay phải của nạn nhân bị dập nát trong cử chỉ cố đưa tay lên đỡ tảng đá. Bác sĩ giải phẫu pháp y ghi rõ chi tiết này. Như vậy lời kể của bà hoàn toàn chính xác. Cảnh sát viên Bill Hensel, người từng điều tra vụ án này nay đã nghỉ hưu, được mời đến gặp Eileen. Ông nói: — Tôi chưa khi nào nghi rằng thủ phạm là kẻ tình cờ đi ngang thị trấn mà phải là kẻ sinh sống tại đây. Nhưng khi ấy tôi đã hỏi rất nhiều người, và không ai cung cấp được chi tiết nào. George Thomas F. ra toà vào đầu năm 1991. Nhân chứng chính, dĩ nhiên, là Eileen, con gái ông. Các quan toà tin bà. Họ tin ở sự thật, sau hơn 20 năm, bỗng trồi ra khỏi tiềm thức của một người mất trí nhớ. Thủ phạm bị kết án tù chung thân. Còn Eileen được coi là nhân chứng kỳ lạ nhất trong lịch sử ngành cảnh sát và ngành tư pháp. (Theo“Lesouvenirmaudit”củaBellemare) CẢNH SÁT, CẤP CỨU! Francois G., 43 tuổi, đưa mắt nhìn qua cửa sổ, gọi chồng: — Anh nhìn kìa, hình như có người trong ga-ra Peugeot! Thật vậy, đối diện với nhà họ, trong ga-ra do M.P. làm chủ có vẻ không bình thường. Vào giờ này ban đêm mà trong nhà lại có ánh đèn. M.P., chủ ga-ra, một con người mẫu mực, không bao giờ làm việc vào ban đêm. Ông ta chỉ làm việc đúng tám tiếng, rất hiếm khi nghỉ ngơi sau 8 giờ tối, dù khách hàng hối thúc cách mấy… Francois chăm chú quan sát mặt tiền ga-ra, nhận ra thêm một chi tiết còn kỳ lạ hơn: cửa sổ nơi phòng có ánh đèn hình như bị bể kiếng. M.P. không khi nào để văn phòng ông ta có cửa sổ bể kiếng cả. Sau hai phút suy nghĩ, Francois quyết định, mặc dù đã khuya lắc khuya lơ – hay đúng hơn vì đã khuya lắc khuya lơ – gọi điện thoại báo với cảnh sát: “Theo tôi thấy, có chuyện bất thường đang diễn ra ở ga-ra Peugeot số… đường…”. Một lát sau, xe cảnh sát dừng lại êm ru trước ga-ra. Bốn nhân viên đại diện cho pháp luật xuống xe không một tiếng động. Sau khi triển khai đội hình chớp nhoáng, họ nhanh chóng làm chủ tình hình và bắt quả tang tại chỗ hai tên đạo chích đang cậy máy thu thanh gắn trong những chiếc xe Peugeot ở ga-ra. Trong lúc đó, ông M.P. , chủ ga-ra, được cảnh sát báo tin, cũng vừa đến hiện trường. Cuối cùng, Francois, người hàng xóm tốt bụng có tinh thần cảnh giác cao được cảnh sát mời qua và giới thiệu hai người làm quen với nhau. Khen ngợi, chúc tụng, cảm ơn rối rít trước khi mọi người ai về nhà nấy ngủ, trừ hai tên trộm bị tống vô tạm giam. Kể từ sau sự kiện ấy, Francois luôn nhớ lại với vẻ hài lòng pha chút hãnh diện về bổn phận công dân của mình. Quan hệ giữa ông với chủ ga-ra Peugeot ngày càng thắt chặt và ông M.P. hoàn toàn tin nơi ông bạn láng giềng khi có chuyện. Gần hai năm đã trôi qua… Một buổi tối tháng Tư, Francois cùng với vợ và cậu con trai Cédric 13 tuổi trở về nhà sau khi ăn mừng sinh nhật mẹ ông. Đã quá nửa khuya. Vừa bước xuống xe, một cách máy móc, Francois đưa mắt nhìn ga-ra Peugeot. Ông chợt nhủ thầm: “Coi kìa, sao giờ này ga-ra còn ánh đèn? M.P. không thể nào làm việc khuya đến thế.” Và ông tự nhiên nhớ lại sự cố cách nay hơn hai năm, nghĩ tiếp: “Lại bọn đạo chích nữa! Mình phải cho chúng biết tay!” Lập tức Francois gọi điện thoại báo với cảnh sát. Đã có kinh nghiệm, ông cung cấp tất cả những tình tiết cần thiết như địa chỉ gara, kể cả họ, tên, số điện thoại của ông. Rồi, thay vì lên giường ngủ, ông lại xuống đứng đợi ở ngoài đường, ngay trước cửa nhà ông. Một phần do hiếu kỳ, một phần do muốn tận mắt chứng kiến phần kết thúc của sự cố mà chắc chắn lẽ phải – trong đó có ông – sẽ thắng lợi vẻ vang nên ông mới quyết định chờ cảnh sát tới, ngay kế bên ga ra. Đêm tối đen và thời gian chậm chạp trôi… Bỗng nhiên, Francois nhận thấy một xe hơi lặng lẽ chạy đến, không bật đèn đóm gì cả, ngừng lại không xa ga-ra Peugeot là bao. Francois, vốn rất bình tĩnh, lúc này bỗng sinh nghi. Ông đang chờ một toán cảnh sát xuất hiện như trên phim ảnh, rất dễ nhận dạng, nhưng chiếc xe này không nói lên được điều gì. Biết đâu đó là xe của bọn đồng loã với tên trộm trong ga-ra, nay đến tăng cường cho đồng bọn? Chỉ một mình chống lại nguyên một băng trộm, có thể là cướp không chừng, Francois tự biết chẳng cân sức chút nào. Ba người mặc quần áo dân sự từ trên xe hơi đã bước xuống, từ từ tiến về phía Francois, chẳng ai mở miệng! Francois càng hoảng. Ông ước lượng khoảng cách và nhận thấy lúc này mà ông chạy vô nhà mình thì không thể nào kịp nữa. Ba người trang bị vũ khí thừa sức ùa vô nhà khiến ông không thể kịp đóng cửa. Trong nhà, vợ và con trai ông dễ dàng trở thành con tin để trao đổi. Mọi việc tương tự đã từng xuất hiện trên các trang báo cũng như trên màn ảnh vô tuyến. Trong một tích tắc, Francois tự nhủ cách tốt nhất nên làm bây giờ là bỏ chạy, dẫn dụ bọn người vừa xuống xe hơi đuổi theo ông, lôi kéo họ càng xa nhà ông ở càng tốt. Nghĩ sao làm vậy, Francois chạy vắt giò lên cổ, biến vào màn đêm. Nhưng những người ngồi trên xe hơi đã kịp phát hiện có một người đàn ông hình như đang đứng đợi ai đó dáng vẻ rình mò. Ba nhân viên cảnh sát, bởi đúng họ là cảnh sát, đại diện cho pháp luật, rút ngay được kết luận: gã bỏ chạy này chắc chắn là một thành viên của băng trộm mà có người vừa báo với họ qua điện thoại. Đây chắc là tên đứng canh me, cảnh giới cho đồng bọn yên tâm hành nghề. Không dễ gì để tên trộm tẩu thoát, cả ba nhân viên quyết liệt đuổi theo Francois, rút súng cầm tay. Chưa hết, tại nhà Francois, vợ ông và cậu con trai Cédric nãy giờ theo dõi sự việc bằng cách nhìn qua cửa sổ, nay thấy Francois bỏ chạy, cũng đều nghĩ chồng, cha mình sắp sa vào tay bọn găngxtơ đến nơi. Họ vội kêu cảnh sát đến cứu gấp. Cảnh sát trả lời mọi việc đang diễn biến thuận lợi, bảo đảm sẽ bắt được bọn trộm: Ba cảnh sát viên mặc thường phục đã được phái đến ga-ra Peugeot. Cảnh sát nhấn mạnh gia đình cứ việc bình tĩnh ngồi chờ tin chiến thắng… Một lát sau, vợ Francois nóng lòng gọi điện thoại thêm một lần nữa, và vẫn được xác nhận tình hình diễn biến đúng như thế: cảnh sát đã lên đường đến hiện trường, hẳn giờ này họ đang thực thi nhiệm vụ. Kết quả ba người có vũ khí, chính là ba nhân viên cảnh sát, rốt cuộc đuổi kịp và tóm được Francois mà họ nghĩ là tên cảnh giới cho bọn trộm. Khi đang ra tay hành động, họ nào phân biệt được ai với ai. Còn Francois ra sức đánh trả vì tưởng mình đang lâm vào tình thế nguy hiểm, do đó ông cũng nhận được nhiều cú “đáp trả” ra trò. Nhưng phía cảnh sát, vừa đông hơn, vừa có tay nghề hơn, lại có thế mạnh pháp luật nên tuy thoạt đầu hơi bối rối trước tên đồng đảng băng trộm dám cả gan đánh lại nhân viên công lực và hung dữ đến vậy, cuối cùng cũng còng được tay đối tượng. Vậy là Francois, hai cổ tay bị còng, được đưa vô bệnh viện để bác sĩ khâu 15 mũi ngăn máu chảy làm ông hết thấy đường. Nhãn quan của người dân lương thiện này nhìn lộn màu hoàng yến thành màu xanh tím và màu da cam thành màu ô liu! Ngoài ra hàng xương sườn của ông ê ẩm hết ráo, còn may chưa chiếc nào bị cảnh sát đập gãy. Người ta giải thích với ông, có hơi trễ, rằng lẽ ra ông cứ đứng yên tại chỗ vì ba người đàn ông mà ông tưởng là đồng đảng của bọn đạo chích chính là ba thành viên của đội chống tội ác (la brigade anticriminelle – BAC). Họ nói với ông rằng, ông có thể phân biệt, dù trong đêm tối, và nhận ra băng tay màu đỏ họ mang, cũng như đáng lẽ ông phải nhận ra chiếc xe hơi có gắn chữ “cảnh sát” phản quang. Về phần cảnh sát, sở dĩ họ có hơi nặng tay với ông vì Francois cũng chẳng phải tay vừa: một trong ba nhân viên đội BAC phải nghỉ làm việc hơn hai tuần vì những vết thương do ông gây ra. Tuy nhiên Francois vẫn đâm đơn kiện cảnh sát. Chỉ có bọn trộm trong ga-ra Peugeot là hưởng lợi: Nhân lúc “phe ta” đánh lộn với “phe mình”, cả bọn chuồn êm. Riêng ông M.P., chủ ga-ra, từ đó không còn hoàn toàn tin tưởng nơi ông bạn láng giềng tốt bụng nữa. (Theo “Au Secours police!” của Bellemare) NGƯỜI NỮ HOẠ SĨ Jane Smith phát hiện mình là một hoạ sĩ khi 57 tuổi, sau khi con bà đã ra ở riêng và chồng bà đã bay sang Bahamas sống với một cô điếm. Sau khi tốt nghiệp lớp học vẽ, bà chính thức bước vào con đường nghệ thuật. Bà biết, về mặt lý thuyết, với trường phái ấn tượng điều quan trọng không phải là phong cảnh màu nhạt hay đậm hoặc sắp xếp những bông hoa mẫu đơn ra sao, mà là gây cảm giác mạnh cho người thưởng lãm khiến họ xúc động. Vậy mà chẳng ai chú ý đến tranh của bà, cũng chẳng ai mua tranh của bà. Jane mở phòng trưng bày riêng, triển lãm chung với nhiều người, nhưng chẳng ăn thua gì. Bà chuyển chỗ ở đến New York, thuê một phòng trong khách sạn rẻ tiền, thử thời vận. Nhưng thế giới nghệ thuật tại đây cũng vẫn dửng dưng trước những tác phẩm của bà. Bà hiểu ra rằng đó không phải thứ bà muốn vẽ. Nó quá đơn giản, quá thực, quá “trần trụi”. Phải vẽ thứ gì khác kìa. Và bà vắt óc tìm hiểu… Một buổi tối kia, khi vô tình nhìn mình trong kiếng, bà chợt hiểu ra: Tranh của bà chính là bà, một phụ nữ lỡ thì, vừa mập vừa thấp, da nhăn nheo, xấu xí, ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Nói cách khác, tranh của bà thiếu sinh lực, thiếu gợi tình. Bà không ghi được cá tính nào trong tranh. Vấn đề là thiếu một người mẫu. Bà vô phòng tắm, cởi hết quần áo, quấn khăn tắm che mái tóc muối tiêu. Một hoạ sĩ thành công nhìn ra sao nhỉ? Bà thử phác thảo một Jane Smith mới: cao hơn, thon thả mảnh mai hơn, trẻ hơn, gợi cảm hơn, tóc vàng óng. Bỗng một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tâm hồn. Bà thở dài, đặt bút chì xuống. Chợt có tiếng gõ cửa. Jane nhớ bà không gọi bồi phòng. Và bà không có bạn bè tại thành phố New York này. Vậy ai kiếm bà? Qua ổ khoá, bà thấy một thiếu nữ cao, tóc đen, xinh đẹp, son phấn đầy mặt. Trông cô ta… giống như một nghệ sĩ trẻ. Bà nói qua khe cửa: — Cô tìm ai? — Xin lỗi, Smith? Jane mở cửa, mùi thuốc phiện thoang thoảng xộc vào mũi bà. Cô gái lên tiếng: — Thưa có phải phòng của John Smith? Hay tôi lộn phòng? — Tôi nghĩ cô có chuyện hẹn làm ăn với John Smith? — Thưa vâng. — Hãy quên John Smith đi – Bà kéo cô gái vào phòng và đóng cửa – Tôi là Jane Smith. Này cô gái, cô có muốn bước vào con đường nghệ thuật không? Thoạt đầu cô gái chẳng biết gì cả, nhưng rồi trước lời trình bày say sưa của Jane, cô dần dần hiểu ra. Phải, công việc rất dễ dàng đối với cô. Cô gần như chẳng phải làm gì, nhưng có thể vừa kiếm được tiền bạc, vừa có cả danh vọng. Tại sao không thử liều với định mệnh một phen? Mà nào cô có mất gì? Vả lại cô cũng đâu có gì để mất? Và thế là Jane bắt đầu một thời kỳ vẽ tranh mới với thành công vang dội. Trước hết Jane đưa cô gái đến tiệm làm đầu, nhuộm mái tóc cô vàng óng, nói từ nay cô sẽ mang tên Vita Brevis, bởi vì cái tên Jane Smith quá tầm thường. Rồi bà mua sắm cho cô quần áo đẹp, nữ trang, dẫn cô đến tất cả mọi gallery. Jane tự giới thiệu mình là người đại diện cho “ông hoạ sĩ Vita Brevis”. Họ thuê một phòng tranh, Vita làm bộ cầm cọ, trong khi Jane về nhà cũ, mang đến trưng bày những bức tranh xếp xó từ lâu nay, thay chữ ký Jane Smith bằng hai chữ tắt V.B. Báo New York Times gọi những tác phẩm của nữ hoạ sĩ trẻ Brevis là “say đắm, năng động”. Tạp chí Art News khen “chân thực, đầy ấn tượng, có lẽ là những hoạ phẩm tiêu biểu nhất nước Mỹ vào cuối thế kỷ 20”. Người ta tranh nhau mua tranh với giá cao. Phòng tranh chém phân nửa tiền, và Jane cùng với Vita chia nhau phần còn lại, dù vậy hai người vẫn thừa sức chi tiêu thoải mái, kể cả tiền ma tuý cho Vita. Thỉnh thoảng Jane bắt gặp Vita trên báo, chụp ảnh chung với các ngôi sao màn bạc hay vài nhân vật nổi danh khác. Những lúc ấy bà thường thở ra, vẻ buồn chán lẫn thất vọng, suy nghĩ mênh mông… Rồi một bữa nọ Jane gọi điện thoại đến khách sạn sang trọng SoHo để lấy chữ ký của Vita trong hợp đồng mới, do hợp đồng cũ đã hết hạn. Phòng của Vita nằm trên lầu ba. Jane hồi này không thích gặp Vita chút nào. Bà ngày càng ghét cô gái, đúng hơn là ganh ghét. Bao nhiêu công sức của bà bỏ ra, cuối cùng Vita hưởng gần hết. Đã vậy, cô gái ngày càng tỏ thái độ coi thường bà. Hình như càng ngày Vita càng rơi vào con đường nghiện ngập khi có tiền một cách thoải mái. Bà cũng thường thấy Vita kết bạn với những gã bậm trợn, tóc đuôi ngựa, cánh tay đầy những hình xăm vằn vện. Tuy vậy, bữa nay lúc Vita mở cửa cho bà, phòng không có ai khác; cũng không có mùi ma tuý mà thay vào đó là mùi dầu lanh và mùi dung môi dùng pha màu vẽ. Trong phòng ngổn ngang giá vẽ, cọ vẽ, vải bạt nhoè nhoẹt đủ thứ màu. Rồi hộp màu, thứ Jane thường dùng. Có một bức tranh – nếu có thể gọi đó là tranh – trên giá vẽ, phía góc bên dưới tay phải là ký tắt hai chữ V.B. Vita đã bắt đầu vẽ thực thụ! Có lẽ từ chỗ được tâng bốc, dần dần cô mang ảo tưởng mình có thể trở thành một hoạ sĩ thật sự chăng? Cô hỏi người mới bước vào: — Bà có thích bức tranh này không? Bà Jane thẳng thừng: — Chưa thấy bức nào tệ hơn. Vita ra vẻ coi thường: — Bà có thể tha hồ chê, Jane. Nhưng nói thật cho bà biết, Roger Geldt, chủ gallery Mumford, đang năn nỉ tôi vẽ cho ông ấy một tác phẩm lớn. — Tôi chưa từng nghe vậy. Này, đừng bêu riếu danh tiếng hoạ sĩ của tôi đấy. Cô gái cong cớn: — Tôi đâu cần đến bà, bà hẳn dư biết. Không có tôi bà chẳng là cái quái gì cả. Bà chỉ là người đại diện cho tôi, giống như loài đỉa hút máu ăn bám vậy thôi. Tranh của bà toàn thứ rác rưởi, rẻ tiền. Tôi vừa ngủ vừa vẽ cũng xong. Jane giận quá, la lên: — Đồ vô ơn bạc nghĩa, không có tôi, thì nay cô vẫn chỉ là một con điếm rẻ tiền hành nghề ở các khách sạn hạng bét! Vita nổi sùng, chửi thề đúng kiểu gái điếm hạng bét: — Con mẹ mày! Đồ chó đẻ! Jane như điên lên, vớ lấy cây búa ở góc phòng. * * * Người ta phát hiện thi thể Vita nằm ngay trước bức tranh cuối cùng của cô, bị đập đến chết bằng một chiếc búa. Chắc hẳn thủ phạm là một tên lang thang nào đó. Bọn này vốn đầy dãy tại New York. Rất nhiều nhân vật thuộc thế giới thượng lưu đến dự đám tang của cô. Diễn viên điện ảnh, nghệ sĩ, triệu phú… và chẳng ai mảy may chú ý đến một người phụ nữ lớn tuổi cũng có mặt trong lễ tang. Và Jane cũng chẳng chú ý đến họ. Không, điều bà chú ý là người ta nói gì về bức tranh cuối cùng của Vita Brevis. Tờ New York Times viết “tuyệt vời”. Tạp chí Art News khen “diễn đạt mạnh mẽ của một tâm hồn nhạy cảm”. Bạn có thể thấy bức tranh này hiện đang treo tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, ngay gần chỗ thang máy, bên phải. Còn Jane, bà vẫn vẽ, trong một nhà để xe cũ, nhưng tranh của bà không bán được bức nào. Báo Times nhận xét: “Một bắt chước thảm hại, bắt chước tranh của Vita Brevis.” (Phóng tác theo “Ars Longa, Vita Brevis” của Kate Gallison) BÍ MẬT GIA ĐÌNH Sau khi mẹ tôi qua đời một thời gian rất lâu, tôi mới tình cờ thấy quyển nhật ký của bà. Tôi đọc lướt qua. Cũng như nhật ký của bao nhiêu phụ nữ khác: Chuyện yêu đương, chuyện chồng con, những nỗi vui buồn đời thường… Tôi đã định mang đốt quyển nhật ký cùng với số ít kỷ vật còn sót lại của bà thì chợt dừng lại, tay bất giác run run. Một khám phá bất ngờ khiến tôi sững sờ! Tôi từng có một cô em gái mà tôi không hề hay biết ra đời vào một đêm tháng Ba trên giường của mẹ tôi tại ngôi nhà hồi ấy gia đình tôi thuê nằm trên đại lộ số 27 Mineapolis. Nhưng em tôi chết ngay khi vừa sinh ra và cha tôi cùng với vị bác sĩ của gia đình đã chôn em ngay trong ga-ra. Không có thêm bất kỳ một chi tiết nào khác. Điểm đáng chú ý là mãi hơn ba năm sau khi sự kiện quan trọng này xảy ra mẹ tôi mới ghi vào nhật ký. Tại sao vậy kìa? Cha tôi, vốn là một người tính khí nóng nảy, hẳn đã không hài lòng chút nào với vị bác sĩ và cho rằng chính ông này đã gây ra cái chết cho em gái tôi. Còn mẹ tôi, một con chiên ngoan đạo, lo chăm sóc phần hồn của con gái mình hơn là phần xác, có lẽ đã nhiều lần cầu nguyện cho đứa con bất hạnh; thậm chí bà còn đặt tên em tôi là Vivian. Tôi nhớ lại, lúc sinh thời mẹ tôi luôn mang vẻ mặt buồn buồn mà tôi không hiểu tại sao. Từ đó, em gái tôi, người chị em ruột thịt duy nhất của tôi, luôn ám ảnh tôi. Nhưng không phải linh hồn em, mà là hài cốt em được chôn đâu đó dưới sàn ga-ra tại Mineapolis. Tôi còn nhớ ga-ra sàn rải than sỉ, mái bằng, với hai cửa sổ nhìn ra mấy chậu hoa dạ lý hương thơm ngát. Kế bên là một tảng đá lớn có bụi linh lan rậm rạp. Trèo lên tảng đá này, rồi bám vô khung cửa sổ, tôi có thể leo lên mái bằng ga-ra, và coi đây là nơi chỗ trú ẩn bí mật của riêng mình khi còn nhỏ, nào hay biết phía dưới kia, dưới sàn ga-ra, là bộ xương đứa em gái nhỏ bé của mình. Tôi ao ước mình sẽ thuê ngôi nhà, thậm chí mua, và lấy xương em gái lên. Thi thể em đã được hai người đàn ông quấn trong khăn chôn ngay tại ga-ra. Ai đã đào hố chôn em? Hẳn là cha tôi vì tôi còn nhớ ông hay dùng cuốc, xẻng để vun bón cây trong khu vườn nhỏ kế bên ga-ra. Em tôi đã chết khi nào? Ngay trong bụng mẹ hay khi đã cất tiếng khóc chào đời? Sao mẹ tôi không chịu đến bệnh viện phụ sản mà lại sinh nở tại nhà? Nhưng thôi, tôi sẽ không đặt câu hỏi nữa mà sẽ mang hài cốt của em gái tôi đặt giữa nấm mồ của ba mẹ tôi. Tôi cũng sẽ cho khắc mộ bia nho nhỏ trên đó ghi tên Vivian với ngày sinh và ngày mất của em. Hẳn tôi sẽ giúp ba mẹ tôi yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, và cả đứa em gái Vivian chưa bao giờ thấy mặt cũng vậy. Nhiệm vụ của tôi có thể là viển vông, tôi tự nhận xét, nhưng tôi quyết làm đến nơi đến chốn. Tôi sẽ gặp luật sư, nhờ ông ta dẫn gặp thẳng những người có trách nhiệm trong chính quyền Mineapolis. Tôi sẽ kể họ nghe toàn bộ câu chuyện, và đề nghị cấp phép cho tôi khai quật hài cốt của em tôi. Có giấy phép, tôi sẽ gặp người coi nghĩa trang, gặp chủ nhà. Tôi cũng sẽ mời một linh mục đến cầu nguyện cho linh hồn của em gái tôi… Nhưng trước hết, tôi phải trở lại thăm ga-ra đã. Tôi dừng xe ngay trước ngôi nhà cũ, giới thiệu thật cách nay hơn 30 năm tôi từng cư ngụ ở đây, nay muốn tìm lại đôi chút kỷ niệm xa xưa. Bà Stoeffel, chủ nhà, vui vẻ dẫn tôi đi quanh khắp ngôi nhà. Nhà không sang sửa gì nhiều, nhưng khi bước vào ga-ra tôi giật mình: nền nhà đã tráng ximăng! Tôi hỏi: — Ga-ra được tráng lại nền khi nào vậy? — Tôi không rõ, nhưng khi tôi dọn đến đây, cách nay 22 năm, nền ga-ra đã tráng xi-măng rồi. Tôi chăm chú nhìn khắp nền nhà. Bộ xương của em tôi được chôn cất tại đâu nhỉ? Chợt tôi nhìn thấy nơi góc nhà có khắc tên hãng đã thực hiện công việc tráng nền này: A.J Anderson. Trong khi tráng xi-măng liệu công nhân có đào xới nền nhà và phát hiện bộ xương của em tôi hay không? Họ đã mang chôn chúng tại đâu? Nếu phát hiện, liệu có cuộc điều tra nào được tiến hành hay không? Khi ấy tôi đang qua châu Âu du học nên rất có thể không hay biết gì về mọi sự việc vì ba mẹ tôi đã dấu tôi, cũng như đã dấu tôi về đứa em gái duy nhất của tôi. Tôi lao vào tra cứu trong sổ niên giám điện thoại để tìm địa chỉ A.J Anderson. Không thấy trong niên giám, tôi lùi lại niên giám năm trước, năm trước nữa, và năm trước nữa… Cuối cùng, tôi đã tìm ra địa chỉ của hãng trong cuốn niên giám điện thoại cách nay 20 năm. Tôi tìm đến địa chỉ này. Thì ra hãng đã đóng cửa kể từ đó, tuy nhiên mọi dữ liệu hoạt động của hãng đều được lưu trữ cẩn thận. Cô con gái của nguyên chủ hãng đã không ngại nề hà tìm giúp tôi và sau hơn nửa tiếng cô đã tìm ra: Việc tráng nền xi-măng ga-ra nhà số 4030 tại đại lộ 27 đã được thực hiện ngày 17-7-1963. Tôi lại chạy đến thư viện, lục chồng báo cũ, đọc lại tất cả các tờ báo địa phương phát hành trong suốt tháng 7 và luôn cả tháng 8 năm 1963. Không, báo chí không nhắc một câu, một chữ nào về việc phát hiện bộ xương trong ngôi nhà tôi ở ngày xưa. Yên tâm, tôi gặp luật sư kể lại toàn bộ câu chuyện và nhờ ông ta tiến hành mọi thủ tục cần thiết. Cảnh sát nói với tôi: — Chúng tôi sẽ cho đào nền nhà. — Tôi sẽ trả tiền. — Nhưng đây là điều tra của cảnh sát. Chôn xác người dưới nền nhà là bất hợp pháp. Luật sư chen vào: — Cả cha mẹ nạn nhân, những người thực hiện việc chôn cất đều đã qua đời nên cuộc điều tra không còn cần thiết. — Như vậy liệu có cần cảnh sát chứng kiến hay không? — Tôi rất mong các ông hiện diện. Tôi muốn nhờ các ông giúp tôi nhận dạng thi thể. Bà Stoeffel, chủ nhà, phải xin tạm nghỉ việc để có mặt trong khi cảnh sát đào bới nền ga-ra của nhà bà. Cuộc đào bới được tiến hành một cách có phương pháp theo chỉ dẫn của cảnh sát. Xi-măng cuốc lên đến đâu được xúc chuyển ra ngoài đến đó. Khi lớp xi-măng bề mặt đã được xúc hết, một chuyên gia vào cuộc. Ông ta cẩn thận đặt lớp đất vừa đào lên một tấm rây, sàng lọc còn muốn kỹ hơn cả một nhà khảo cổ. Thỉnh thoảng, ông còn quỳ xuống, dùng hai tay có bao găng nhẹ nhàng hốt mớ đất cát lên. Dăm bảy cục sỉ than nằm lại trên rây còn được ông săm soi mãi trước khi cho chuyển ra ngoài cùng với đống vụn xi-măng. Hơn một giờ đồng hồ sau mới thấy có dấu vết của một thi thể nằm cách bề mặt khoảng hơn nửa thước. Đó là một bàn tay, nhưng là bàn tay của một người đã trưởng thành! Rồi đến một chiếc vòng đeo tay, lờ mờ có chữ khắc trên vòng. Đội cảnh sát khoa học hình sự được mời đến. Có cả quần áo cũng của người lớn đã bị phân huỷ nằm trên rây. Ảnh chụp liên tục. Ga-ra trở thành hiện trường của một tội ác. Cảnh sát hỏi tôi: — Đây có phải những thứ anh muốn tìm hay không? — Tôi cũng kinh ngạc chẳng kém gì ông. Luật sư cũng há hốc miệng nhìn tôi, không nói nên lời… Rồi nguyên bộ xương người lớn được phát hiện, với xương sọ mang một vết thủng, hình như dụng cụ gây án là một chiếc xẻng. Cuối cùng cũng đến bộ xương của một em bé sơ sinh, chôn cách xác chết kia khá xa. Hai ngày sau, tôi đứng kế bên linh mục trong khi ông ta đọc kinh cầu nguyện cho đứa em gái bất hạnh Vivian của tôi, trước khi em nằm an giấc ngàn thu giữa nấm mộ của ba mẹ tôi. Còn xác chết người lớn kia? Chiếc vòng đeo tay xác định đó chính là vị bác sĩ riêng của gia đình tôi. Ông được coi là bị mất tích sau khi mẹ tôi sinh Vivian hơn ba năm. Không ai biết lý do cái chết của ông, nhưng riêng tôi, căn cứ vết xẻng đập trên sọ ông, tôi đoán chừng thủ phạm chính là… ba tôi. Rất có thể ba tôi quy trách nhiệm ông gây ra cái chết của Vivian; hay biết đâu ba tôi biết rõ giữa vị bác sĩ này và mẹ tôi đã có quan hệ gì đó nên mẹ tôi mới không chịu đến bệnh viện khi trở dạ em Vivian khiến em chỉ vừa kịp cất tiếng khóc chào đời đã vội giã biệt thế gian này. Phải, biết đâu chừng, nhưng dù sao đó cũng là bí mật của gia đình tôi. (Phóng tác từ “Family Plot” của Ralph McInerny) CỖ MÁY THỜI GIAN Có bóng người thoáng qua, đúng lúc Fred Newton hoàn thành cỗ máy. Anh nhìn lên. Người khách không mời mà đến vừa bước vô cửa ga-ra chính là em chú bác ruột với anh, Rick. Fred hỏi: — Ngọn gió nào đưa em tới đây vậy? Rick đáp gọn lỏn: — Đòi nợ. Fred nhăn mặt. Anh nợ Rick rất nhiều tiền, một phần do anh đầu tư chế tạo cỗ máy này. Phần khác, lớn hơn nhiều, thật bất công, do ông nội của anh trước khi chết đã viết di chúc để lại gần như toàn bộ gia tài cho người con trai thứ, tức cha của Rick tên Christopher; trong khi cha anh, Harry, lớn hơn Chiristopher một tuổi, lại trắng tay. Rick tò mò nhìn cỗ máy: — Cái máy quái quỉ gì vậy? — Máy thời gian. — Thật vậy sao? Trông nó giống như chiếc tàu lặn mini với 4 bánh xe. Anh định làm gì với cỗ máy mới xuất xưởng này? Một ý tưởng chợt loé trong trí Fred. Vậy mà anh tưởng cậu em họ cười nhạo anh khi thấy cỗ máy. Anh ướm thử: — Máy có thể đưa chúng ta trở lại quá khứ hoặc nhảy tới tương lai. Đây là kim chỉ thời gian chúng ta muốn tới. Nếu em thích, chúng ta cùng đi thử. Mắt Rick sáng lên: — Thích chớ! Máy ngộ thiệt! Nhưng anh tính đi đâu? — Lùi lại 70 năm, thăm ông bà nội của chúng ta và xem thử họ ra sao. — Ý tưởng hay lắm. Có cần em phụ giúp gì không? — Giúp anh đẩy máy ra khỏi ga-ra cái đã. Cách nay 70 năm chắc chưa có ga-ra này đâu. Cả hai hì hục đẩy máy ra bãi cỏ. Fred ra dấu ngừng lại. Anh mở cửa máy, leo vào ngồi lên ghế trước, bảo Rick: — Anh không định thiết kế máy chở hai người, nhưng chắc có đủ chỗ cho em đấy. Rick vào theo, ngồi sau lưng anh. Có hơi chật, nhưng không sao. Fred bấm một chiếc nút, cánh cửa nhẹ nhàng đóng lại. Anh lại quan sát và bấm một nút khác. Đèn sáng nhấp nháy liên tục, hiện màu xanh xanh đỏ đỏ trên những tấm bảng điện tử trước mặt anh. Anh nhẩm lướt nhanh lại kế hoạch của mình: Giết chết ông nội anh trước khi ông kịp có Christopher, người con thứ hai, tức cha của Rick. Như vậy đương nhiên Rick cũng không hề hiện diện trên cõi đời này, và toàn bộ tài sản của ông phải thuộc quyền thừa kế của cha anh, do đó truyền tới anh. Anh đưa tay xoay một chiếc nút và kéo cần sang số. Có tiếng u u trong khi cỗ máy rung lên nhè nhẹ và máy như trôi trong lớp sương mù dày đặc. Khoảng vài phút sau, mà tưởng chừng như vô tận, tiếng u u dừng lại cùng lúc với cỗ máy hết rung. Vừa mở nắp máy, Fred thoạt đầu hơi loá mắt trước ánh mặt trời chói chang. Anh bước ra và thấy mình đứng trên một bãi cỏ xanh mượt được cắt xén cẩn thận, cách xa anh khoảng 25 mét là một người đàn ông đang chạy đến. Ông ta la toáng lên: — Này, này! Sao lại cho xe chạy bừa lên cỏ của tôi vậy? Fred không vội trả lời, anh chờ Rick ra khỏi cỗ máy, xong mới nhẹ nhàng khom người đưa tay rút khẩu P.38 mà anh dấu dưới ghế ra, nhét vội vào túi quần. Lúc này người đàn ông đã tới gần. Ông ta trạc 30 tuổi, hơi mập và thấp, mặc chiếc áo sơ-mi màu mỡ gà, mà thoạt nhìn Fred đã nhận ngay ra chính là ông nội của mình nhờ những tấm ảnh anh đã xem qua. Ông tỏ vẻ giận dữ: — Các anh làm hư hết cỏ của tôi mất! Có phải các anh tính chào hàng loại xe hơi đời mới hay không đấy? Khỏi, khỏi, hãy cút đi! Chiếc Lincoln của tôi hãy còn tốt chán. Có nghe không? Cút đi ngay cho! Fred tiến tới sát bên ông, hỏi lại cho chắc ăn: — Ông là James Newton phải không? — Phải, ai mà chẳng biết tôi. Fred không nói gì thêm, thình lình đưa tay móc khẩu súng ngắn ra, nhắm ngay ngực ông nội mình, bóp cò liên tiếp ba lần. James ngã gục xuống bãi cỏ. Máu loang rộng thấy rõ trên chiếc áo sơ-mi nhạt màu ông đang mặc. Trước diễn biến quá bất ngờ, Rick trợn mắt, há hốc miệng, chỉ biết đưa cả hai tay lên trời, kêu “Ôi! Đừng, đừng!” và vắt giò lên cổ bỏ chạy đi đâu không rõ. Fred không thèm ngó ngàng để ý gì đến cậu em chú bác ruột của mình: ông nội chết trước khi Christopher ra đời cũng có nghĩa con của Christopher không có mặt trên thế gian này, và đương nhiên Rick sẽ tự động tan biến vào không khí! Anh biết việc mình cần làm lúc này là chui mau vào cỗ máy để rời khỏi hiện trường trước khi cảnh sát kịp đến. Anh quẳng khẩu súng bên xác ông nội vì lúc này anh không cần dùng gì đến nó nữa, giữ lại chỉ thêm phiền phức. Rồi bỗng anh nghe có tiếng chân chạy về phía mình. Một phụ nữ quãng gần 30 tuổi, chiếc váy trắng lửng giữa đầu gối và mắt cá chân, tóc nâu nhạt, miệng há hốc vì kinh ngạc và sợ hãi. Nhớ lại tấm hình cũ, Fred nhận ngay ra bà nội của mình. Bà quỳ xuống cạnh xác chồng, khóc nức nở: “Ôi, Jim! Jim! Đừng chết! Làm sao mình em nuôi nổi Harry và Christopher!” Sao lại có Christopher trong đó? Fred giật mình, ngưng di chuyển, đưa mắt nhìn qua bãi cỏ. Cách đó không xa mấy, trong bóng râm của ngôi nhà, một người vú em đang dẫn một bé trai lẫm chẫm tập đi, cạnh đó là chiếc nôi văng vẳng tiếng khóc của một em bé. Anh còn nghe thấy tiếng người vú kêu lên: “Harry! Coi chừng té! Còn Christopher, hãy nín đi, ngoan nào!” Ồ, Harry, cha của anh, đã hơn một tuổi, có nghĩa Christopher, cha của Rick đã ra đời! Thế nghĩa là sao nhỉ? Chợt Fred rùng mình, cảm thấy xương sống lạnh buốt khi nghĩ ra nguyên nhân: Do chưa quen điều khiển cỗ máy thời gian, anh đã cho máy lùi lại sớm hơn một năm! Như vậy, việc anh vừa giết chết ông nội hoàn toàn không dẫn đến kết quả mong muốn. Nhưng anh còn biết làm gì bây giờ? Đàng nào cũng thế thôi, phải chuồn gấp cái đã… Fred mở nắp cỗ máy, chui vào, chưa kịp ngồi xuống ghế đàng hoàng… Có tiếng chân phía sau lưng. Fred quay đầu lại và nhận ra bà nội anh, mặt đanh lại, bà thét lên: — Chính mi là thủ phạm! Và bà đưa khẩu P.38, chính là khẩu súng Fred vừa quăng cạnh xác ông nội, nhắm ngay người Fred, bóp cò. Viên đạn trúng ngang bụng Fred khiến anh nằm vắt người ngang tấm bảng điện tử điều khiển cỗ máy. Cánh cửa lập tức đóng lại, tiếng u u kéo dài và cỗ máy lại như trôi trong sương mù dày đặc. Một lát sau, có lẽ là lâu lắm, Fred chợt tỉnh lại và anh vội bấm nút ngưng. Hầu như đã kiệt sức, Fred bấm nút mở cửa. Một mùi hôi thối nồng nặc xộc vào cỗ máy: Đầu một con khủng long đang lắc lư, lắc lư… (Phóng tác theo “Erasing footprints” của John F. Suter) GỠ ĐÚNG LÚC Năm 1956. Điện thoại reo vang vào khoảng 23 giờ trong văn phòng cảnh sát thành phố Milan (Ý). — Tôi vừa giết cha tôi – giọng nói đàn ông ở đầu dây bên kia. — Anh là ai? — Tôi tên Sergio Della Fano. — Địa chỉ? Đó là giọng của một thanh niên: hơi khó nghe, với hơi thở khó khăn. Rõ ràng anh ta đang xúc động ghê gớm. Nhân viên cảnh sát ghi địa chỉ trên một tờ giấy. Và xe hơi cảnh sát lập tức lao đi, còi hụ vang. Tại tầng lầu năm của một căn hộ xây theo kiểu thời Napoleon, một thanh niên trạc 19 tuổi, mặc áo sơ-mi, đang đợi họ. Anh ta ăn mặc khá tồi tàn, cao, gầy, cặp mắt thâm quầng, khuôn mặt tỏ ra lo sợ, nhưng dễ coi. Đứng cạnh anh ta là một phụ nữ, một “bà trưởng giả” mặt vuông, vai rộng, choàng chiếc áo khoác bằng lông thú. Một sợi dây chuyền ngọc trai đẹp nằm trên chiếc áo hở cổ. Có vẻ bà ta vừa tới, nhiều lắm là dăm bảy phút. Đó là mẹ chàng thanh niên, và là vợ nạn nhân – nữ bá tước Della Fano. Bà ta hẳn từng xinh đẹp, và sẽ vẫn còn đẹp nếu nhan sắc không bị béo phì đẩy lùi. Còn có một bé gái, mặc đồ ngủ, đang sắp trở thành một thiếu nữ. Cô 13 tuổi. Mẹ cô bé bảo cô: — Vô phòng con đi! Sau hết, nằm dài trên tấm thảm trong phòng của ông ta, là nạn nhân, cha chàng thanh niên. Một người đàn ông 54 tuổi. Nếu chùi hết máu trên mặt ông, người ta sẽ nhận ra một nhà quý tộc truỵ lạc, mà chiếc áo vét nhăn nhúm là một biểu tượng cho sự sa sút. — Chính anh đã giết ông ấy? – viên sĩ quan cảnh sát hỏi chàng thanh niên. Không thể thốt nên lời, người được hỏi chỉ biết gật đầu xác nhận. — Bằng gì? Chàng thanh niên, mặt tái xanh, chỉ chiếc bàn giấy. Bà mẹ lên tiếng: — Bằng thứ này! – Và bà chỉ vào một chiếc rìu nhỏ đẫm máu nằm trên bàn. — Kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra. — Nó chỉ tự vệ thôi, thưa ngài cảnh sát! Bà mẹ hẳn từng có chiếc mũi nho nhỏ xinh xinh như chiếc kèn. Nay chiếc mũi giống như cái loa nằm giữa đôi gò má núc ních mỡ. Một chiếc mũi sẵn sàng chõ vào mọi thứ. Viên sĩ quan cảnh sát chặn ngang: - Xin lỗi bà. Tôi đang hỏi con trai bà. Chính anh ta phải trả lời. Với vẻ xúc động, giọng chàng trai tỏ ra không mấy khẳng định, điều dễ thấy ở tuổi mới trưởng thành: — Tôi cãi nhau với cha tôi, ông coi tôi như đồ… cuối cùng ông nhục mạ tôi. Ông dùng roi gân bò đánh tôi. Tôi đã tự vệ. Bà mẹ không thể không nhảy đến cứu con: — Thưa ngài cảnh sát, chồng tôi say rượu. Lúc tôi đi thăm bạn, ở nhà đối diện, ông ta đã uống rất nhiều rồi. Hầu như chiều nào cũng thế. Viên sĩ quan cảnh sát đã trọng tuổi, nhỏ con, khoác áo mưa, chiếc mũ kiểu xứ Basque sụp tận mắt giống như mũ đi bơi, bởi bên ngoài trời mưa như trút. Ông ta không rời mắt khỏi chàng trai, làm như không biết đến bà mẹ. — Và anh đang cầm chiếc rìu này? — Vâng. Tôi đang làm một chiếc xe ngựa bốn bánh cho em gái tôi. — Chiếc roi gân bò hiện ở đâu? Chàng thanh niên chỉ vào chiếc roi gân bò trên tấm thảm, cách chân tử thi chỉ vài gang tay. — Anh bị đánh vào chỗ nào? — Vào lưng. — Cho tôi xem thử được không? Anh ta lúng túng cởi áo sơ-mi và đưa lưng cho viên sĩ quan cảnh sát thấy những vết vằn đỏ rất đặc trưng. Vừa lúc ấy, chuông điện thoại trên bàn viên bá tước quá cố reo lên. Và viên sĩ quan cảnh sát nghe thấy những thông tin từ văn phòng của ông vừa thu thập được liên quan đến nạn nhân. Bá tước Della Fano là người thừa kế chính thức của một gia đình danh giá và giàu có tại tỉnh Pissaro. Ông ta đã nhiều lần bị bắt do lái xe khi đang say rượu. Đó là một tay nghiện rượu có tiếng. Về phần nữ bá tước, tên hồi chưa lấy chồng là Marietta Ponti, vốn là một gái mại dâm, mới cách nay 5 năm bị kết án về tội lừa đảo. Bà ta cho đăng thông báo một phụ nữ người Brazil giàu với gia tài 400 triệu francs nay muốn kết hôn với một người Ý. Chỉ cần gởi cho bà ta 300 francs để làm phí liên lạc thư từ. Dĩ nhiên, bà ta là người phụ nữ Brazil giàu có. Vụ lừa đảo này khiến chồng bà mất chức – khi ấy ông ta đang là quan chức trong Bộ Xây dựng. “Một gia đình chẳng ra sao!” viên sĩ quan cảnh sát nghĩ khi gác điện thoại và ngồi xuống ghế bành. Bà mẹ đã cởi bỏ áo khoác. Bà xuất hiện trong chiếc váy bằng vải mỏng màu hồng chật cứng. Cậu con trai đã mặc lại áo sơ-mi. Hai người đứng trước mặt viên cảnh sát và có vẻ gì đó là lạ giữa họ. Ông đã có kinh nghiệm. Khi lấy lời khai trong một thảm kịch như vầy, có những cảm xúc mà ông khắc sâu vào trí nhớ. Hàng ngàn chi tiết thẩm vấn không dễ làm quên những cảm giác ban đầu như vầy. Và, cảm giác của viên sĩ quan cảnh sát, do đâu không rõ, là cả hai là đồng phạm. Ông lợi dụng lúc bác sĩ pháp y đến cùng với đội ngũ chuyên viên để đưa cậu con trai vào phòng riêng của cậu. Trên bàn là những tấm ván gỗ và một cây cưa, vài dụng cụ khác và những chiếc đinh vít bên cạnh bộ khung của một chiếc xe ngựa bốn bánh. — Vậy là anh đang làm chiếc xe ngựa cho em gái. Anh có yêu em gái anh không? — Rất nhiều! Lời khẳng định có thể không hẳn đúng nếu không thấy chiếc xe ngựa bốn bánh. Một chàng thanh niên chẳng thích thú chút nào khi đóng chiếc xe ngựa. Vậy, nếu anh ta đóng xe, hiển nhiên là để làm vừa lòng cô em gái. Thật đáng kinh ngạc khi một chàng trai trẻ, rõ ràng nhạy cảm và dễ mến, lại dùng rìu bổ chết cha mình. — Hãy nói cho tôi nghe về cha của anh. — Thực ra đó không phải là cha ruột tôi. Cha ruột của tôi, là chú tôi. — Em trai bá tước Della Fano? — Phải. — Sao anh biết? — Chính mẹ tôi nói với tôi. — Còn em gái anh? — A! đó chính là con của ổng. — Anh còn có anh chị em nào khác nữa không? — Có, một người anh. — Anh ta hiện ở đâu? — Ở trại tế bần. Viên sĩ quan cảnh sát đã bỏ mũ ra. Ngồi trên giường, ông bảo chàng thanh niên ngồi xuống cạnh ông. Rồi, làm ra vẻ như một người cha tốt bụng, ông khôn khéo khiến anh ta khai ra hết mọi ngóc ngách. Người cha pháp lý, bá tước Della Fano, có cách dạy con kỳ lạ. Ông ta, tuỳ lúc, hoặc bỏ mặc con cái, hoặc đối xử khắc nghiệt theo cách không giống ai. “Mẹ mày là một mụ điếm – đôi khi ông nói với con trai – Tao đã lỡ rước mụ vô nhà.” Có những lúc ông ta đánh con rất dã man, bắt con quỳ gối, khoanh tay để ông ta dùng roi da quất cho đến khi con hầu như ngất xỉu mới thôi. Ông ta thường uống rượu. Và khi đã xỉn, ông trở nên thô lỗ. Gia đình chẳng ra sao, và một nơi chẳng ra sao đối với chàng thanh niên có vẻ mơ mộng, dịu dàng và nhút nhát này. “Biếng nhác”, “láo khoét”, “đạo đức giả” là những tính từ nhẹ nhất giáng xuống cậu cùng với những cú quất bằng roi da. Cũng có đôi khi """