"Truy Tìm Bức Tranh Thánh - Jeffrey Archer full prc, pdf, epub, azw3 [Trinh thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truy Tìm Bức Tranh Thánh - Jeffrey Archer full prc, pdf, epub, azw3 [Trinh thám] Ebooks Nhóm Zalo epub©vctvegroup 06-11-2017 Khi chết, cha của Adam Scott chẳng để lại gì ngoài một bức thư mà chính ông chưa bao giờ mở ra. Adam e rằng chính bức thư sẽ mang lại tai họa cho gia đình anh. Không thực hiện lời hứa với mẹ, Adam đã mở bức thư và ngay lập tức anh phải thừa nhận rằng cuộc đời anh sẽ không còn được như xưa nữa. Anh không còn có quyền lựa chọn, bởi đây là vấn đề, như cha anh nói: “Danh Dự.” 1 Kremlin, Moscow 19 tháng Năm, 1966 — Đây là tranh giả. Vị lãnh đạo nói và nhìn bức tranh nhỏ tuyệt đẹp ông đang cầm trong tay. Đồng sự của ông đáp: — Không thể thế được. Bức tranh Thánh George và Con Rồng của Sa hoàng vẫn được bảo vệ cẩn mật trong Cung điện Mùa đông suốt hơn năm mươi năm nay kia mà. Người đàn ông luống tuổi đáp: — Hẳn là như vậy rồi, Yuri. Nhưng suốt hơn năm mươi năm qua chúng ta chỉ bảo vệ một bức tranh giả. Nhất định Sa hoàng đã đem bức tranh thật đi đâu đó trước khi quân ta tiến vào St. Peterburg và chiếm Cung điện Mùa đông rồi. Yuri cựa quậy không ngừng trong chiếc ghế bành trong khi trò mèo vờn chuột vẫn tiếp tục như vậy. Sau nhiều năm, với tư cách là một nhà lãnh đạo, Yuri biết rõ rằng ai đã trở thành con chuột từ lúc chuông điện thoại nhà ông réo vang vào lúc bốn giờ sáng hôm nay, báo tin vị lãnh đạo cấp cao yêu cầu ông đến ngay lập tức. Người đàn ông nhỏ bé hỏi: — Tại sao lại chắc chắn đó là tranh giả, Leonid Ilyich? — Yuri yêu quý của tôi ơi, bởi vì trong mười tám tháng qua người ta đã tiến hành thẩm định lại tuổi của tất cả các báu vật trong Cung điện Mùa đông bằng phương pháp phóng xạ Các bon, phương pháp hiện đại nhất và không bao giờ sai lầm - Vị lãnh đạo nói, cho thấy những hiểu biết của ông về các phát minh mới - Và cái mà chúng ta luôn cho là một trong những kiệt tác lớn nhất của quốc gia hoá ra được chép lại sau thời đại Rublev những năm trăm năm. Yuri ngờ vực hỏi: — Nhưng ai chép và chép để làm gì kia chứ? Vị lãnh đạo nói: — Các chuyên gia nói với tôi có thể đó là bản chép của một hoạ sĩ triều đình. Một tháng trước khi Cách mạng nổ ra, người ta giao cho ông ta nhiệm vụ chép lại bức tranh. Người phụ trách Bảo tàng ở Cung điện Mùa đông vốn luôn luôn lo rằng vành vương miện bằng bạc của Sa hoàng không được gắn chặt vào khung tranh, cũng như tất cả các bảo vật quốc gia khác. — Nhưng tôi luôn nghĩ rằng vành vương miện bạc ấy đã bị một tay săn đồ lưu niệm nào đó đánh cắp trước khi chúng ta tiến vào St. Peterburg. Vị lãnh đạo nói, đôi lông mày chổi sể của ông nhướng lên như mỗi khi đã nói xong một vấn đề nào đó: — Không. Không phải là vành vương miện bạc của Sa hoàng bị đánh tráo, mà là bức tranh này. Yuri nói như tự hỏi mình: — Vậy thì Sa hoàng có thể làm gì với bức tranh thật kia chứ? Leonid đặt tay lên bức tranh nhỏ trước mặt nói: — Đó chính xác là điều tôi muốn biết, anh bạn thân mến ạ - Ông nói thêm - Và anh chính là người được chỉ định để trả lời câu hỏi ấy. Lần đầu tiên Yuri tỏ ra không tự tin lắm: — Nhưng các anh có chút manh mối nào để tôi tiếp tục không? Vị lãnh đạo thừa nhận: — Rất ít ỏi. Ông lật lật một tập hồ sơ lấy từ ngăn kéo trên cùng của bàn làm việc xuống và nhìn vào những dòng chữ đánh máy sin sít, đọc: — Ý nghĩa của các bức tranh thánh trong lịch sử Nga. Có ai đó đã đánh dấu trước trong suốt mười trang báo cáo, do đó vị lãnh đạo chỉ cần đọc lướt qua. Leonid có vẻ đặc biệt thích thú trang bốn. Sau khi giở nhanh ba trang đầu ông bắt đầu đọc to: — Vào lúc Cách mạng nổ ra Sa hoàng Nicolas II coi tuyệt tác của Rublev như một tấm hộ chiếu để chạy sang phương Tây tự do. Chắc chắn Sa hoàng đã phải làm một phiên bản và để lại trong phòng làm việc cũ của mình, nơi vẫn thường treo bức tranh thật - ông nhìn lên - Ngoài điều này ra chúng ta chẳng có gì trong tay nữa cả. Yuri có vẻ lúng túng. Ông vẫn thấy bối rối trước việc tại sao Leonid lại yêu cầu Uỷ ban của ông tham gia vào vấn đề một bảo vật quốc gia không quan trọng lắm bị đánh cắp. Ông hỏi, cố tìm một dấu vết nào đó: — Vậy việc chúng ta tìm ra bức tranh thật có tầm quan trọng như thế nào? Leonid nhìn người đồng sự của mình: — Không có gì có thể quan trọng hơn - câu trả lời vang lên thật kiên quyết - Và tôi sẽ đảm bảo cho anh mọi sự tài trợ mà anh thấy là cần thiết trong phạm vi nhân lực cũng như tài chính để điều tra ra bức tranh đó của Sa hoàng hiện ở đâu. Yuri hỏi, cố giấu vẻ nghi hoặc: — Nhưng nếu như quả là tôi hiểu đúng lời anh thì tôi có thể làm được những việc đáng giá hơn cái bức tranh ấy. Leonid nói: — Không thể thế được - Ông hơi ngừng lại đế nhấn mạnh - Bởi vì tôi không quan tâm đến bản thân bức tranh - ông quay lưng lại Yuri và nhìn ra cửa sổ, ngừng lại một lúc mới nói tiếp - Số tiền Sa hoàng có được nhờ bán một kiệt tác như vậy chỉ đủ cho gia đình hắn với những thói quen xa hoa có thể sống vài tháng, nhiều nhất tới một năm là cùng. Không, điều mà chúng ta tin là Sa hoàng đã giấu trong bức tranh thánh đó một cái gì đó đủ có thể bảo đảm được an toàn cho bản thân hắn cùng gia đình trong những ngày còn lại. - Hơi nước đọng thành một vòng tròn mờ mờ trên khuôn cửa sổ trước mặt Leonid. Yuri hỏi: — Liệu có cái gì có thể giá trị như vậy? — Anh có nhớ Sa hoàng đã đề nghị điều gì để đổi lấy mạng sống không? — Vâng, nhưng hoá ra đó chỉ là một sự bịp bợm, bởi vì chẳng hề có một mẩu tài liệu nào được giấu trong … - Ông ta dừng lại trước khi buột ra mấy lời cuối “trong bức tranh Thánh ấy”. Yuri đứng im nên không thể nhìn thấy nụ cười thắng lợi nở trên môi Leonid. — Ồ, cuối cùng thì anh cũng đã nắm được ý tôi. Anh thấy chưa, tài liệu đó hiện vẫn còn ở trong bức tranh thật. Vị lãnh đạo chờ thêm một lúc nữa mới quay lại và đưa cho Yuri một tờ giấy và nói: — Trong bản tuyên thệ này Sa hoàng nói rằng chúng ta sẽ tìm thấy một vật được giấu trong bức tranh Thánh George và Con Rồng. Hồi đó người ta không tìm thấy gì cả và người ta đã cho rằng đó chỉ là một trò bịp của Sa hoàng để cứu cho gia đình hắn khỏi bị hành hình. Yuri chậm rãi đọc bản tuyên thệ viết tay có chữ ký của chính Sa hoàng vài giờ trước khi bị xử tử. Chưa đọc xong dòng cuối cùng hai tay ông đã run lên bần bật, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Ông nhìn lại bức tranh nhỏ tý có lẽ không to hơn một quyển sách, nằm trên bản của Leonid. — Từ đó đến giờ không một ai tin lời khai đó của Sa hoàng. Nhưng lúc này có thể đặt một chút nghi vấn là nếu chúng ta biết được nguyên bản của kiệt tác này nằm ở đâu, thì rất có thể chúng ta sẽ chiếm lại được tài liệu mà Sa hoàng đã hứa. Yuri nói: — Và với chữ ký của Sa hoàng kia sẽ không ai có thể khiếu nại chúng ta về quyền sở hữu hợp pháp đối với nó. Vị lãnh đạo đáp: — Điều đó sẽ được chứng minh một cách chắc chắn. Và tôi cũng tin rất chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được sự ủng hộ của Liên hiệp quốc, cũng như của Toà án Quốc tế một khi Hoa kỳ định chối bỏ quyền sở hữu hợp pháp đó của chúng ta. Nhưng tôi chỉ sợ thời gian sẽ chống lại ta mà thôi. Yuri hỏi: — Tại sao? Vị lãnh đạo nói: — Anh hãy nhìn vào thời gian cuối cùng trong bản tuyên thệ thì sẽ thấy chúng ta còn có được bao nhiêu nữa để tôn trọng những cam kết của mình. Yuri nhìn xuống ngày tháng được viết nguệch ngoạc trên tờ giấy phía dưới chữ ký của Sa hoàng: Hai mươi tháng Sáu, 1966. Ông đưa lại tờ tuyên thệ và hiểu rõ tầm quan trọng lớn lao của nhiệm vụ mà người lãnh đạo nhà nước đã tin cậy trao cho. Leonid tiếp tục: — Như vậy, anh thấy đấy, chúng ta chỉ còn có một tháng nữa là hết thời hạn cuối cùng của thoả thuận. Nhưng nếu như chúng ta tìm ra manh mối của bức tranh thật, thì chiến lược phòng ngự của Tổng thống Johnson sẽ trở thành vô nghĩa, và khi đó Hoa kỳ sẽ chỉ là một con tốt đen trên bàn cờ mà thôi. 2 Appleshaw, England Tháng Sáu, 1966 — Và cho con trai yêu quý duy nhất của tôi, Đại uý Adam Scott, Huân chương Chiến công, tôi để lại số tiền là năm trăm bảng. Mặc dù đã đoán trước là số tiền sẽ rất thảm hại, nhưng bất giác Adam vẫn nhổm người lên một tí khi viên luật sư ngước mắt lên qua cặp kính hình bán nguyệt. Viên luật sư già ngồi sau chiếc bàn rộng thênh thang ngẩng đầu nhìn người thanh niên đẹp trai trước mặt. Adam hồi hộp đặt tay lên mái tóc đen dày, chợt cảm thấy ý thức được cái nhìn chằm chằm của viên luật sư. Một lúc sau ngài Holbrooke lại đưa mắt nhìn xuống tờ giấy. — Và cho con gái yêu dấu của tôi, Margaret Scott, tôi để lại số tiền bốn trăm bảng. Adam không thể kìm được khỏi mỉm cười. Thậm chí ngay cả trong những công việc cuối cùng cha anh vẫn là người theo chủ nghĩa Sôvanh Ngài Holbrooke tiếp tục nói, không hề ái ngại cho cô Scott bất hạnh. — Và cho Câu lạc bộ Cricket Hampshire, tôi để lại hai lăm bảng, với tư cách là một hội viên suốt đời - Món đóng góp cuối cùng, Adam thầm nghĩ - Cho bõ già Contemplibles tôi để lại mười lăm bảng. Và cho nhà thờ Appleshaw Parish, tôi xin để lại mười bảng - Một quan hệ chết chóc, Adam giễu cợt - Cho Wilf Proudfoot, người làm vườn trung thành mười bảng và cho bà Manx Cox, người quét dọn hàng ngày năm bảng. Và cuối cùng, cho Susan người vợ yêu quí của tôi, ngôi nhà và tất cả tài sản còn lại của tôi. Câu cuối cùng làm Adam bật cười thành tiếng bởi vì anh ngờ là tất cả tài sản cũng chẳng còn gì, thậm chí nếu người ta có bán công trái của ông cùng với cái Câu lạc bộ đánh gôn thời tiền chiến ấy, tổng số cũng không quá một nghìn bảng. Nhưng mẹ là con gái của Trung đoàn, và sẽ không bao giờ kêu ca phàn nàn. Nếu Chúa có định ban tặng thánh hiệu để cân xứng với một số Đức giám mục La mã, thì thánh Susan của Appleshaw ắt sẽ sánh vai cùng Mary và Elizabeth. Suốt đời Bố - Adam thường gọi cha theo cách âu yếm ấy - đã đề ra những chuẩn mực đạo đức rất cao cho cả gia đình. Có lẽ chính vì thế mà Adam vẫn ngưỡng mộ cha hơn tất cả mọi người khác trên đời. Đôi khi chính ý nghĩ đó đã khiến ông cảm thấy lạc lõng trong những năm 60 chao đảo này. Adam bắt đầu cựa quậy liên tục trong ghế, hy vọng mọi việc kết thúc nhanh. Anh cảm thấy càng sớm được rời khỏi căn phòng chật chội, lạnh buốt này bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Ông Holbrook một lần nữa ngẩng lên và hắng giọng tựa như sắp sửa thông báo ai sẽ được nhận một bức tranh của Goya, hoặc chuỗi kim cương của dòng họ Hapsburg không bằng. Ông đẩy đôi mắt kính hình bán nguyệt lên cao trên sống mũi và nhìn xuống đoạn cuối cùng trong bản di chúc của khách hàng của mình. Ba người còn sống của gia đình Scott ngồi im lặng. Adam nghĩ, không hiểu cha còn có gì thêm nữa nhỉ. Dẫu cho đó là cái gì đi chăng nữa thì rõ ràng viên luật sư cũng đã cân nhắc nhiều lần trước khi nói, bởi vì ông đọc đoạn di chúc đó giống như một diễn viên giỏi nhập vai, ông chỉ phải liếc nhìn vào văn bản có mỗi một lần trong khi đọc. — Và tôi cũng để lại cho con trai tôi - Ông Holbrookes ngừng lại một chút rồi đọc tiếp - chiếc phong bì kèm theo đây. Tôi chỉ có thể hy vọng chiếc phong bì này sẽ có thể đem đến cho con trai tôi những điều hạnh phúc hơn những gì nó đã đem lại cho tôi. Adam gặp ánh mắt của em gái nhưng cô chỉ hơi lắc đầu chứng tỏ cũng bối rối chẳng kém gì anh. Anh liếc nhìn sang mẹ, rõ ràng bà vừa bị choáng váng. Liệu chiếc phong bì đó đáng sợ hay đáng lo buồn? Adam không thể nào đoán được. Không nói thêm một lời nào, ông Holbrookes đóng tập hồ sơ mỏng tanh đề tên đại tá Gerald Scott, huân chương Anh dũng, Sĩ quan Ngự lâm Vương quốc Anh, huân chương Quân công, Huân chương Chiến công. Ông đẩy lùi chiếc ghế và chậm rãi đứng lên đi về phía người vợ goá. Họ bắt tay nhau, bà nói: “Cảm ơn ông”, một cách nhã nhặn nhưng yếu ớt. Adam cảm thấy dường như người duy nhất trong căn phòng này nhận được phần nào tí chút lợi ích trong cái nghi thức thực hiện di chúc này là ông Holbrookes, nghĩa là nhân danh hãng Holbrookes, Holbrooke Gascoigne. Anh đứng dậy và vội vã bước đến bên cạnh mẹ, bà hỏi: — Ông Holbrookes, ông vui lòng uống trà với chúng tôi chứ? Viên luật sư nói: — Thưa phu nhân quý mến, tôi e là… Nhưng Adam không buồn nghe tiếp. Rõ ràng phí dịch vụ đủ lớn để có thể miễn cho ông Holbrooke khỏi mất thì giờ đi uống trà với họ. Khi mọi người đã ra khỏi văn phòng luật sư và yên tâm là mẹ và em gái đã ngồi yên ổn trên băng sau của chiếc xe con Moris Minor, Adam mới ngồi vào sau tay lái. Anh phải đỗ xe bên ngoài văn phòng của luật sư Holbrooke, ngay giữa phố. Các phố ở Appleshaw vẫn chưa có khu đỗ xe. Thậm chí trước khi anh mở chìa khóa điện để nổ máy, mẹ đã nêu lên một vấn đề thực tế: — Chúng ta cần phải rũ bỏ cái xe này đi mới được. Bây giờ mẹ không dám chạy xe nữa với cái giá sáu shilling một galông xăng. Margaret an ủi, nhưng trong giọng cô có cái gì đó thừa nhận mẹ nói đúng: — Hôm nay mẹ không phải lo đến chuyện đó đâu - cô nói thêm, muốn thay đổi đề tài câu chuyện - Adam, em thắc mắc không biết trong cái phong bì ấy có gì nhỉ? Adam nói, muốn làm cho tâm trạng của cả ba người nhẹ bớt: — Chắc là một bản chỉ dẫn tỉ mỉ phải điều tra xem năm trăm bảng của anh giấu ở đâu chứ gì. Mẹ anh nói, nỗi sợ hãi lúc này lại trở lại trên gương mặt bà: — Các con không được vô lễ trước cái chết như vậy. Mẹ đã van xin cha các con đốt cái phong bì ấy đi - bà nói thêm, giọng hầu như chỉ là thầm thì. Adam mím môi khi nhận ra đó ắt phải là chiếc phong bì mà cha mẹ anh đã nhắc đến cách đây nhiều năm khi anh chứng kiến một cuộc cãi nhau giữa họ, điều anh chưa bao giờ thấy. Adam vẫn còn nhớ rõ cái hôm cha anh đã cao giọng và giận dữ, đó là chỉ vài ngày sau khi ông từ Đức trở về. Bố đã khăng khăng nói: “Anh phải mở nó ra, em có hiểu không?” Mẹ anh đã đáp: “Không bao giờ. Sau tất cả những gì em đã hy sinh vì anh, ít nhất anh cũng đền đáp lại bằng cách hứa với em điều đó chứ.” Kể từ cuộc cãi nhau ấy, suốt hai mươi năm qua, anh không hề nghe thấy bố mẹ nhắc đến vấn đề đó lần nào nữa. Lần duy nhất Adam nói chuyện đó với em gái cũng chẳng làm sáng tỏ thêm tý nào về vấn đề đã làm hai người cãi nhau ấy. Adam đạp phanh khi họ đến một ngã ba. Anh rẽ sang phải và tiếp tục lái xe ra vùng nông thôn dọc con đường nhỏ ngoằn ngoèo khoảng một dặm mới dừng chiếc Moris Minor lại. Adam nhảy xuống, mở chiếc cổng chắn ngang đường rồi đánh xe vào con đường nhỏ xuyên qua một bãi cỏ dẫn vào một ngôi nhà tồi tàn lợp tranh. Mẹ anh nói: — Chắc là con nên quay lại London ngay. Đó là những lời đầu tiên của mẹ khi bà bước vào phòng. — Mẹ, con không vội đâu. Chẳng có việc gì cần đến nỗi không thể gác đến mai được cả. — Tuỳ con muốn thế nào cũng được, con yêu quý của mẹ ạ. Nhưng con không phải lo cho mẹ đâu. - Bà đăm đăm nhìn chàng thanh niên cao dong dỏng gợi nhớ cho bà biết bao về Gerald. Lẽ ra anh cũng đẹp trai không kém gì chồng bà nếu mũi anh không hơi gãy. Cũng mái tóc thẫm màu và đôi mắt sâu màu nâu, cũng khuôn mặt cởi mở, trung thực, thậm chí cũng vẻ lịch sự dễ gần đối với bất cứ người nào tiếp xúc với anh. Nhưng hơn tất cả là cũng vẻ thanh cao mà chính nó đã đưa gia đình họ đến tình trạng đáng buồn hiện nay. - Với lại dù có thế nào thì lúc nào mẹ cũng đã có Margaret chăm nom rồi mà. Adam nhìn sang em gái và băn khoăn không biết bây giờ làm thế nào cô có thể đương đầu với Thánh Susan của Appleshaw. Margaret mới đính hôn với một anh chàng làm nghề mua bán cổ phiếu chứng khoán, và mặc dầu hôn lễ đã bị hoãn lại nhưng dù sao cô cũng vẫn muốn nhanh chóng bắt đầu cuộc sống mới của mình. Tạ ơn Chúa vì vị hôn phu của cô đã đặt cọc mua một ngôi nhà nhỏ chỉ cách đây có mười bốn dặm. Sau khi uống trà và nghe một hồi độc thoại của mẹ về đức độ cùng với những bất hạnh của cha họ, Margaret rút lui để hai người ngồi lại. Cả hai đều yêu quý cha anh theo hai cách khác hẳn nhau, mặc dầu Adam cảm thấy rằng anh chưa hề để cho cha biết mình ngưỡng mộ ông đến thế nào. Mẹ anh bứt rứt nói: — Con yêu quý, bây giờ con không ở trong quân đội nữa, mẹ hy vọng con có thể tìm được một việc làm gì đáng giá. Tựa như mẹ muốn nhớ lại điều đó đối với cha anh đã khó khăn như thế nào. Anh đáp: — Mẹ, con chắc là mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi - Anh nói thêm, hy vọng có thể làm mẹ yên tâm - Bộ Ngoại giao đã yêu cầu con đến để gặp lại. Mẹ nói: — Với lại con cũng còn có năm trăm bảng nữa. Điều đó sẽ làm con dễ hơn được phần nào. Adam mỉm cười với mẹ, tự hỏi không biết lần cuối cùng mẹ ở lại London là từ hồi nào. Một căn phòng thuê chung với Lawrence với giá bốn bảng một tuần và thỉnh thoảng cũng còn phải ăn nữa. Mẹ nhướng mắt nhìn lên đồng hồ trên mặt lò sưởi và nói: — Con ạ, mẹ nghĩ là con nên đi thôi. Mẹ không thích phải lo sợ vì con đi trên cái xe ấy khi trời tối đâu. Adam cúi xuống hôn lên má mẹ: — Mai con sẽ gọi điện cho mẹ. Trên đường ra cửa anh thò đầu vào cửa bếp gọi em gái: — Anh đi đây, và sẽ gửi cho em một cái séc năm mươi bảng. Margaret như chợt tỉnh từ một tâm trạng chìm đắm: — Sao lại thế? — Cứ tạm nói đó là một cú đấm của anh để ủng hộ nữ quyền đi. Anh lịch sự đóng cửa lại để tránh không nhìn mớ quần áo lót trước mắt. • • • Adam khởi động chiếc BSA và lao xuống phố A 303, qua Andover rồi phóng về phía London. Bởi vì hầu như dòng xe cộ toàn từ thành phố đi ra và về phía tây, do đó anh dễ dàng phóng ngược lại, tới căn phòng của mình ở đường Ifiled. Adam quyết định chờ cho đến khi nào chỉ có một mình trong phòng mới mở cái phong bì. Thời gian gần đây cuộc sống của anh không có nhiều sự kiện sống động lắm, nên anh cảm thấy mình như bị kiệt sức bởi buổi lễ nho nhỏ hôm nay. Rốt cuộc thì anh cũng đã chờ gần hết cả cuộc đời để khám phá ra trong cái phong bì đó có thể là cái gì. Adam đã được nghe cha nhắc đến bi kịch gia đình đó hàng ngàn lần. Cha anh vẫn hay nhắc đi nhắc lại rằng: “Đó chỉ là một vấn đề danh dự, chuyện cũ mèm ấy mà”, rồi ông hất hàm, nhún vai. Cha Adam không nhận ra rằng ông đã gần như tốn cả đời để nghe những lời đàm tiếu nhỏ mọn của những người dưới quyền và chịu đựng những cái nguýt dài của những sĩ quan thường không hay có mặt ở nhiệm sở nhiều lắm. Rất nhiều người với rất nhiều kiểu suy nghĩ. Adam hiểu cha mình quá rõ và vô cùng tin tưởng vào ông cho nên không bao giờ, dù chỉ một giây nghi ngờ rằng cha mình có tham dự vào một chuyện dối trá ghê tởm như người ta xì xào. Một tay cầm tay lái, tay kia nắm chặt chiếc phong bì nằm sâu trong túi quần, hệt như một cậu học trò trước ngày sinh nhật sờ nắn hình dạng món quà tặng, hy vọng đoán được đó sẽ là cái gì. Anh cảm thấy chắc chắn rằng dẫu trong đó có là cái gì đi chăng nữa thì giờ đây khi cha anh đã chết, nó cũng chẳng thể đem lại lợi lộc cho bất cứ ai, nhưng điều đó không hề làm giảm sự tò mò của anh. Anh cố gắng thử chắp nối những sự kiện ít ỏi đã được nghe suốt chừng ấy năm. Năm 1946, năm anh mười lăm tuổi, cha anh đã từ chức khỏi chức vụ của ông trong quân đội. Tờ Time đã miêu tả cha anh như một sĩ quan chiến thuật tài ba với nhiều chiến công dũng cảm. Việc ông từ chức khiến phóng viên tờ Time ngạc nhiên, làm cho mọi người trong gia đình kinh ngạc và cả trung đoàn choáng váng. Tất cả những ai biết ông đều cho rằng chỉ một vài tháng nữa là trên ve áo ông sẽ được thêu thêm hai thanh kiếm chéo và một cây gậy nữa. Bởi vì sự ra đi đột ngột và không hề được giải thích của đại tá khỏi trung đoàn, thực tế càng làm tăm thêm những chuyện thêu dệt. Mỗi lần có ai hỏi thì tất cả những gì được đại tá đưa ra chỉ là ông đã chán chiến tranh và cảm thấy đã đến lúc kiếm một ít tiền để Susan và ông có thể yên hưởng tuổi già trước khi quá muộn. Thậm chí hồi đấy cũng đã có rất ít người tin vào câu chuyện của ông, và có tin thì cũng chẳng giúp được gì bởi vì công việc duy nhất mà ông làm được là một chân thư ký của một câu lạc bộ gôn địa phương. Chỉ nhờ có lòng tốt của ông nội anh là Ngài Tư lệnh Peltham Westlake mà anh mới có thể tiếp tục theo học ở trường Cao đẳng Wellington, và nhờ đó mới có cơ hội để tiếp tục truyền thống gia đình là đeo đuổi binh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, người ta dành cho Adam một chỗ tại Học viện Quân sự Hoàng gia ở Sandhurst. Trong những ngày học ở Học viện Adam đã say mê nghiên cứu lịch sử quân sự, các chiến thuật, các quy trình của một trận đánh và vào những ngày nghỉ cuối tuần anh tập trung vào môn bóng bầu dục và bóng quần, luôn đạt được thắng lợi ở những khoá học trao đổi giữa các nước mà anh tham gia. Trong suốt hai năm trời các học viên ở Cranwell và Darthmouth lúc nào cũng nhìn thấy lưng anh bê bết bùn do chuẩn bị tranh chức Vô địch liên quân. Anh cũng giành được chức vô địch quyền Anh hạng trung, mặc dầu bị một học viên người Nigieria đấm gãy mũi trong trận đấu của vòng chung kết. Anh chàng Nigieria đã phạm sai lầm khi tưởng rằng trận đấu đã kết thúc. Tháng Tám năm 1956, Adam tốt nghiệp trường Sandhurst, anh đứng thứ chín trong số những người được nhận phần thưởng của Học viện, nhưng khả năng lãnh đạo của anh cũng như tấm gương sáng chói của anh ngoài lớp học khiến cho không một ai ngạc nhiên khi anh được nhận Thanh kiếm Danh dự của nhà trường trao tặng. Adam không hề nghi ngờ gì về việc kể từ nay anh sẽ nối tiếp cha để chỉ huy trung đoàn. Trung đoàn Hoàng gia Wessex chấp nhận con trai của đại tá ngay sau khi anh nhận nhiệm vụ. Adam nhanh chóng chiếm được sự tôn trọng của binh lính cũng như chiếm được cảm tình của những sĩ quan vốn thông thường không thèm quan tâm đến danh tiếng của ai cả. Anh là một sĩ quan chiến thuật không ai sánh được và khi lâm trận rõ ràng là anh đã thừa hưởng một cách xứng đáng sự dũng cảm của người cha. Vậy mà sáu năm sau, khi Bộ Chiến tranh xuất bản cuốn Tạp chí London nêu tên những hạ sĩ quan được thăng lên lon đại uý lại không có tên Trung uý Adam Scott. Các bạn đồng ngũ của anh ở trung đoàn không giấu được ngạc nhiên, trong khi các sĩ quan lâu năm chỉ giữ im lặng. Đối với Adam thì như vậy đã quá rõ ràng là anh không được phép chuộc lại lỗi lầm mà người ta đã cho là cha anh đã phạm phải, dẫu cho đó có là lỗi gì đi chăng nữa. Dĩ nhiên là cuối cùng Adam cũng được thăng cấp đại uý, nhưng đó là chỉ sau khi anh đã chiến đấu dũng cảm trong rừng rậm Malaysia với những đợt sóng không dứt của quân phiến loạn người Hoa. Anh đã bị bắt giữ làm tù binh và đã phải chịu đựng sự đơn độc và tra tấn - những điều mà không hề có một trường lớp nào từng huấn luyện cho anh. Mãi tám tháng sau khi bị bắt anh mới trốn thoát được và được biết rằng người ta đã truy tặng cho anh danh hiệu Anh dũng Bội tinh. Vậy mà ở tuổi hai mươi chín, sau khi đã qua được kỳ thi nhân viên, đại uý Scott vẫn không được bổ nhiệm một chân nào ở ban tham mưu trung đoàn. Cuối cùng Adam đành chấp nhận một thực tế là sẽ không bao giờ có hy vọng trở thành trung đoàn trưởng. Mấy tuần sau đó Adam xin từ chức mà không cần phải nêu ra lý do cần kiếm tiền nhiều hơn giống như cha. Trong những tháng cuối cùng còn phục vụ ở trung đoàn, Adam được mẹ cho biết là cha anh chỉ còn sống được vài tuần nữa. Anh quyết định không nói cho cha biết về việc anh từ chức. Anh biết cha anh sẽ chỉ tự trách mình và ít nhất anh cũng tạ ơn Chúa là cha anh đã chết mà không hề biết rằng nỗi hổ nhục đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của con trai ông. Về đến ngoại ô London, Adam lại nhớ đến vấn đề cấp bách là cần phải tìm được một chỗ làm, những ngày gần đây hầu như lúc nào anh cũng nhớ đến điều đó. Đã bảy tuần nay anh không có việc làm và Adam đã đến gặp chủ ngân hàng của mình nhiều hơn là với những nơi hứa hẹn cho anh việc làm. Sự thật là anh đã có một mối liên hệ khác với Bộ Ngoại giao, nhưng bị sức ép về khả năng rất cao của các ứng cử viên khác, để rồi nhận thức rất rõ là mình hoàn toàn thiếu một tấm bằng đại học. Mặc dầu vậy anh cảm thấy lần phỏng vấn đầu tiên có vẻ khá trôi chảy và nhanh chóng nhận ra rằng đã có khá nhiều cựu sĩ quan được nhận vào làm việc. Khi phát hiện ra rằng sếp của bộ phận tuyển chọn cũng là một sĩ quan có Huân chương Chiến công, thì Adam cho rằng có lẽ người ta không định chọn mình vào một công việc bàn giấy. Lúc phóng mô tô vào đường Hoàng đế, một lần nữa Adam lại chạm ngón tay vào chiếc phong bì nằm trong túi trong và hy vọng là Lawrence vẫn chưa đi làm về. Adam không hề phàn nàn về bạn, bởi vì Lawrence đã vô cùng rộng lượng khi rủ anh thuê chung một căn phòng dễ chịu như vậy trong căn hộ rộng rãi với giá chỉ có bốn bảng một tuần. Lawrence đã nói: — Bao giờ người ta cho cậu là đại sứ thì cậu sẽ trả tớ nhiều hơn. Adam đã nhe răng ra cười với người mà anh đã rất ngưỡng mộ ở Welling ton và đối đáp lại: — Cậu đã bắt đầu có giọng của Rachmann rồi đấy. Ngược lại với Adam, mọi thứ đối với Lawrence thì sao mà dễ dàng - những kỳ thi, việc làm, thể thao, đàn bà, đặc biệt là đàn bà. Khi anh thắng lợi rực rỡ tại vị trí của mình ở Ballion và đến nhận vị trí thứ nhất ở PPE, không một ai ngạc nhiên. Nhưng khi Lawrence chọn nghề ngân hàng thì các bạn đồng nghiệp của anh đã không giấu được vẻ không tin. Dường như đây là lần đầu tiên anh đặt chân lên một vấn đề có thể gọi là trần tục. Adam đỗ chiếc mô tô ngay bên lề đường và nhận ra rằng, cũng giống như chiếc Morris Minor già nua của mẹ, chiếc mô tô này có lẽ nên đem bán đi nếu như chỗ làm ở Bộ Ngoại giao là hiện thực. Lúc đi vào căn hộ, một cô gái đi qua hơi liếc nhìn nhưng anh không nhận thấy. Anh nhảy ba bậc một lên cầu thang, lên đến tầng năm, anh vừa tra chìa khoá vào ổ thì một giọng nói từ trong nhà vọng ra: — Chìa khoá ở trong ổ ấy. Adam thầm nói: “Mẹ kiếp.” Câu đầu tiên Lawrence hỏi khi anh bước vào nhà là: — Mọi việc thế nào? Adam đáp: — Coi như là rất tốt. Adam không biết nói gì thêm nữa, chỉ mỉm cười với anh bạn ở chung phòng. Lawrence đã thay bộ quần áo của nhân viên Trung tâm thương mại và Tài chính London bằng một chiếc áo sặc sỡ và chiếc quần len mỏng màu xám. Anh hơi thấp và đậm người hơn Adam, với mái tóc cứng rất đẹp, vầng trái đồ sộ và đôi mắt trầm tư màu xám lúc nào cũng như đang đặt một câu hỏi. Lawrence nói thêm: — Tớ rất ngưỡng mộ cha cậu. Lúc nào ông cũng nghĩ là mọi người ai cũng tốt như mình. Adam vẫn còn nhớ là mình đã hồi hộp như thế nào khi giới thiệu Lawrence với cha mình trong một ngày lễ trao giải thưởng ở trường. Ngay lập tức hai người đã trở thành bạn của nhau. Nhưng đó là vì Lawrence không phải là người hay tin vào những lời đồn đại. Lawrence hỏi nhẹ nhàng: — Chúng ta vẫn có thể sống được chứ? — Nếu mà cái ngân hàng đáng ngờ của cậu có cách nào có thể biến năm trăm bảng thành năm nghìn bảng trong vòng vài ngày được — Anh bạn thân mến ơi, lúc này thì không thể nào làm điều đó, nhất là bây giờ khi mà Harold Wilson thông báo là không có gì thay đổi đối với đồng lương cũng như giá cả. Adam mỉm cười nhìn bạn. Mặc dầu bây giờ anh đã cao hơn hẳn Lawrence, nhưng anh vẫn nhớ rõ hồi đó Lawrence giống như một người khổng lồ bên cạnh anh vậy. Lawrence nói: — Scott, lại muộn rồi. Adam vẫn mong đến một ngày nào đó anh có thể làm mọi việc một cách thư thái, bề trên như vậy. Hay đó chỉ bởi vì Lawrence sinh ra đã thuộc về hạng người thượng lưu? Quần áo anh dường như lúc nào cũng được là rất phẳng, giày lúc nào cũng bóng loáng và tóc không bao giờ rối. Đến bây giờ Adam vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao Lawrence có thể làm như vậy một cách hết sức nhẹ nhàng không hề phải cố gắng. Adam nghe thấy tiếng mở cửa buồng tắm, anh liếc nhìn về phía Lawrence vẻ thăm dò. Lawrence thì thầm: — Carolyn đấy mà. Tớ nghĩ là cô ấy sẽ ở lại đây đêm nay. Khi Carolyn bước vào phòng, Adam bẽn lẽn mỉm cười với cô gái dong dỏng cao và rất đẹp ấy. Mái tóc dài vàng óng của cô đung đưa ngang lưng trong khi cô bước về phía hai người, nhưng chính thân hình hoàn hảo của cô mới là điều khiến đàn ông không thể rời mắt được. Làm sao Lawrence có thể chế ngự được thân hình ấy nhỉ? Lawrence quàng tay qua vai Carolyn, hỏi: — Em sẽ ở lại ăn cơm với bọn anh chứ? - Giọng anh chợt hơi quá nhiệt tình - Anh vừa phát hiện ra một tiệm ăn Italia mới khai trương trên đường Fullham. Adam nói: — Có thể tớ sẽ đến chỗ các cậu sau, nhưng còn một hai thứ giấy tờ mới nhận được chiều hôm nay, tớ muốn xem qua một tý. — Anh bạn ơi, hãy quên các chi tiết trong những của thừa kế của cậu đi. Tại sao lại không đi cùng chúng tớ và tiêu cho hết số của cải trời cho ấy đi trong một tiệm spaghetti hoang dã chứ? Carolyn hỏi: — Ôi, anh được thừa kế rất nhiều những đồng tiền đáng yêu ư? Giọng cô rất cao với những trọng âm rất mạnh khiến cho một ai đó có thể ngạc nhiên khi biết cô vừa trở thành một cô gái nổi bật của năm nay Adam nói: — Không đâu, nhưng có thể coi là một sự tương phản với tình trạng lạm phát của tôi hiện nay. Lawrence phá lên cười: — Được, vậy cậu hãy đến sau, khi nào tìm ra đủ số tiền để trả cho một đĩa Pasta - anh nhăn mặt với Adam - đó là mật hiệu có nghĩa là “hãy làm thế nào để cậu không có mặt ở nhà khi chúng tớ quay về, hay ít nhất cũng ở nguyên trong phòng cậu và làm ra vẻ đã ngủ”. Carolyn nói: — Vâng. Đi thôi. Giọng cô tỏ vẻ hiểu rõ hai người vừa nói gì và ánh mắt vẫn gắn chặt vào Adam trong khi Lawrence kéo cô ra cửa. Adam ngồi yên cho đến khi chắc chắn là không còn nghe thấy cái giọng kim choi chói của cô vang lên ở cầu thang nữa. Sau khi đã yên tâm, anh quay lại phòng mình, khoá trái cửa lại. Adam ngồi xuống một cái ghế bành rất dễ chịu và lấy chiếc phong bì của cha ra khỏi túi áo. Đó là một chiếc phong bì nặng và đắt tiền, loại văn phòng phẩm Bố vẫn thường dùng, mua ở cửa hàng Smithson phố Bond với giá đắt gấp đôi so với mua ở cửa hàng Smith địa phương. Dòng chữ gọn ghẽ và rắn rỏi của cha anh viết: Đại uý Adam Scott, Bội tinh Chiến công. Adam thận trọng mở chiếc phong bì, tay hơi run run và rút tờ giấy bên trong ra: đó là một bức thư rõ ràng do chính tay cha anh viết và một chiếc phong bì nhỏ hơn đã rất cũ bởi vì nó đã bị ố vàng bởi thời gian. Trên chiếc phong bì cũ là một nét chữ lạ: Đại tá Gerald Scott. Nét mực đã phai không còn nhận ra màu gì. Adam đặt chiếc phong bì cũ lên chiếc bàn nhỏ bên cạnh, mở bức thư của cha và bắt đầu đọc. Bức thư không đề ngày tháng: Adam yêu quý của bố. Nhiều năm qua có lẽ con đã nghe thấy rất nhiều lời giải thích về việc bố đột ngột rời khỏi trung đoàn. Hầu hết những lời giải thích đó là khôi hài, một số ít là phỉ báng, nhưng bố luôn cho là tốt hơn hết bố nên giữ kín những ý kiến của mình. Tuy vậy bố vẫn cảm thấy nợ con một lời giải thích đầy đủ, chính vì thế nên mới có bức thư này. Như con đã biết, địa điểm cuối cùng bố đóng quân trước khi rời khỏi trung đoàn là Nuremberg, từ tháng Mười một năm 1945 cho đến tháng Mười năm 1946. Sau bốn năm công tác liên tục ngoài mặt trận bố đã được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị quân Anh tại Nuremberg, chịu trách nhiệm canh giữ một số tướng lĩnh cao cấp của quân đội Đức đang bị giam giữ chờ toà án quốc tế xét xử vì tội ác chiến tranh. Mặc dầu người Mỹ chịu trách nhiệm chính, nhưng sau hơn một năm bố cũng biết khá rõ những tù nhân ở đó. Thậm chí bố bắt đầu tỏ ra khoan dung hơn đối với một số người trong bọn họ, và bố vẫn thường băn khoăn không hiểu người Đức sẽ đối xử với chúng ta như thế nào nếu như tình thế đảo ngược lại. Vào lúc đó những cách nhìn như vậy là không thể chấp nhận được. “Thân thiện” là từ cửa miệng dành cho những người không bao giờ được phép có những ý nghĩ thứ hai. Trong số những tướng lĩnh cao cấp của Đức mà bố tiếp xúc thường xuyên có Reichsmarshal Hermann Goering, đó là một người làm cho bố ghê tởm ngay từ phút đầu tiên đến gần hắn. Bố thấy đó là một kẻ kiêu căng, hống hách và hoàn toàn không hề xấu hổ về những hành động man rợ hắn đã làm dưới danh nghĩa chiến tranh. Và chưa bao giờ bố tìm thấy bất cứ một lý do nào để thay đổi ý kiến của mình về hắn. Thực tế đôi khi bố còn tự hỏi làm sao mình lại có thể tự kiềm chế nổi mỗi khi hắn hiện diện trước mặt. Đêm trước ngày Goering bị hành quyết, hắn đề nghị được gặp riêng bố. Hôm đó là thứ hai, đến lúc này bố vẫn có thể nhớ lại chính xác từng chi tiết của buổi gặp gỡ đó như nó mới xảy ra ngày hôm qua. Bố nhận được lời đề nghị đó lúc đang nhận bàn giao ca gác từ người Nga, thiếu tá Vladimir Kosky. Thực tế là Kosky đã đích thân đưa cho bố lá thư yêu cầu. Ngay khi vừa kiểm tra việc canh gác và làm các công việc giấy tờ thường lệ xong, bố bèn cùng viên hạ sĩ trực ban đến gặp Reichsmarshal tại buồng giam của hắn. Goering đang đứng vẻ chăm chú bên cạnh chiếc giường thấp và chào khi bố bước vào. Bốn bức tường gạch xây trơ trụi quét sơn xám bao giờ cũng làm bố rùng mình. Bố hỏi: “Ông yêu cầu được gặp tôi phải không?” Chưa bao giờ bố có thể dằn lòng để gọi hắn bằng tên hay cấp bậc Hắn đáp: “Phải. Đại tá, ông thật tử tế khi đến đây. Đơn giản là tôi chỉ muốn có một đề nghị cuối cùng của một người sắp chết. Liệu ngài hạ sĩ có thể để chúng ta lại với nhau không?” Nghĩ rằng đó là một việc rất cá nhân cho nên bố bảo viên hạ sĩ ra ngoài hành lang chờ. Bố thừa nhận là đã không hề có một ý niệm về một việc gì có thể cá nhân đến thế khi người ta chỉ còn có vài giờ để sống, nhưng khi cửa đã đóng lại hắn cúi chào một lần nữa và đưa cho bố chiếc phong bì mà hiện nay con đang giữ. Sau khi bố nhận bức thư, hắn chỉ nói vỏn vẻn thế này: “Mong ông hãy rộng lượng và chỉ mở bức thư này ra vào sáng mai sau khi tôi đã chết”. Rồi hắn nói thêm, “Tôi chỉ có thể hy vọng là nó sẽ đền bù lại phần nào những lời trách cứ sau này người ta có thể trút lên vai ông”. Lúc đó bố không hề có chút khái niệm là hắn ám chỉ điều gì và chỉ nghĩ là có thể hắn ở trong trạng thái thần kinh không thăng bằng. Trong những ngày cuối cùng trước khi chết, rất nhiều tù nhân thổ lộ với bố nhiều điều mà cuối cùng một số điều họ thổ lộ hoàn toàn chỉ là những ý nghĩ của người điên. Adam dừng lại để nghĩ xem mình sẽ cư xử như thế nào trong hoàn cảnh đó, rồi quyết định đọc tiếp để biết cha anh đã biết được những gì. Mặc dù vậy những lời cuối cùng mà Goering nói khi bố rời khỏi phòng giam không có vẻ gì là của một người điên. Hắn nói: “Ông hãy tin đi. Đó là một kiệt tác. Chớ có coi thường nó”. Nói rồi hắn châm một điếu thuốc, cứ như đang thư giãn trong câu lạc bộ của mình sau một bữa ăn tối ngon lành. Mọi người có những giả thuyết khác nhau về việc ai đã tuồn thuốc lá cho hắn, và đồng thời cũng băn khoăn không hiểu còn những cái gì được chuyển ra ngoài nữa. Bố bỏ cái phong bì vào túi và ra khỏi phòng giam để đi đến chỗ viên hạ sĩ. Sau đó bố và anh ta đi kiểm tra các buồng giam khác để chắc chắn là tất cả các buồng đều đã được khoá chặt cẩn thận. Kiểm tra xong bố quay lại văn phòng của mình. Khi đã yên tâm là không còn việc cần kíp nào nữa, bố bèn ngồi xuống để viết báo cáo. Bố để chiếc phong bì trong túi áo với ý định là sẽ mở ra ngay sau khi Goering bị hành quyết vào sáng mai. Bố đang kiểm tra lại nhật lệnh ngày hôm đó thì viên hạ sĩ nhảy bổ vào phòng không kịp gõ cửa. Anh ta nói: “Thưa ngài, Goering, Goering!” Nhìn thấy vẻ hốt hoảng trên mặt anh ta bố không cần hỏi thêm gì nữa. Cả hai chạy đến phòng giam Reichsmarshal. Goering nằm úp trên giường. Bố lật hắn lại thì thấy hắn đã chết. Những chuyện xảy ra sau đó khiến bố quên hẳn chiếc phong bì của Goering. Sau khi khám nghiệm pháp y, người ta phát hiện ra hắn chết vì thuốc độc. Toà án kết luận là trong thi thể hắn có một lượng độc tố xyanua, chất độc đó chắc chắn là đã được tẩm trong điếu thuốc lá hắn hút. Bởi vì bố là người cuối cùng gặp riêng hắn ngay trước khi hắn chết, cho nên có vài lời xì xào về việc tên bố có dính dáng đến cái chết của hắn. Dĩ nhiên là chẳng hề có chút sự thật nào trong lời kết tội đó. Bố chưa hề nghi ngờ lấy một giây nào về việc toà án đã tuyên một bản án rất chính xác cho trường hợp của hắn, và hắn xứng đáng bị treo cổ để đền tội cho những gì đã làm trong chiến tranh. Bố vô cùng đau đớn vì sau đó người ta kết tội sau lưng là bố có thể đã giúp đỡ cho Goering chết một cách dễ dàng, bằng cách tuồn thuốc lá tẩm thuốc độc cho hắn. Vì vậy bố cảm thấy hành động duy nhất có thể làm là ngay lập tức từ chức, để tránh sẽ làm mất danh dự thêm cho trung đoàn. Cuối năm đó khi đã trở về Anh và quyết định quẳng bộ quân phục đi bố lại nhớ đến cái phong bì. Khi bố giải thích cặn kẽ cho mẹ con hiểu về chuyện không may đó mẹ con đã van nài bố huỷ chiếc phong bì, mà mẹ con cho là đã đem lại đủ ô nhục cho gia đình. Và dù cho người ta có chỉ được rõ ai là kẻ thật sự chịu trách nhiệm về việc giúp cho Goering tự tử thì theo mẹ con việc đó cũng không đem lại bất cứ điều gì cho bất cứ ai. Bố đồng ý tuân theo ước nguyện của mẹ con, và mặc dầu chưa bao giờ mở cái phong bì ấy ra nhưng bố cũng không thể nào buộc mình huỷ nó đi được khi nhớ lại câu nói cuối cùng mà Goering đã lẩm bẩm về việc nó là một kiệt tác. Vì thế cuối cùng bố đã quyết định giấu nó trong đống giấy tờ riêng. Dù sao đi chăng nữa, bởi ý nghĩ rằng tội lỗi của người cha có thể sẽ tiếp tục đổ lên đầu thế hệ con cháu mình, bố cảm thấy không thể để nỗi dằn vặt ấy ảnh hưởng đến con. Nếu như chiếc phong bì này có đem lại cho con chút gì đó, bố chỉ có một yêu cầu duy nhất là hãy để mẹ con là người đầu tiên được hưởng quyền lợi mà không bao giờ biết là tài sản ấy đến từ đâu. Suốt bao năm nay, bố đã theo dõi những tiến bộ của con với một niềm tự hào to lớn và cảm giác chắc chắn rằng bố có thể để con tự chọn lấy quyết định đúng đắn cho mình. Nếu như con còn chút ngần ngừ về việc mở cái phong bì này ra thì hãy huỷ ngay nó đi mà không cần cân nhắc thêm. Nhưng nếu con mở nó ra mà thấy rằng mục đích của bức thư là kéo con vào những việc làm ô nhục thì hãy vứt nó đi, đừng nghĩ lại làm gì. Có lẽ Chúa ở bên con. Bố yêu dấu của con. Gerald Scott Adam đọc lại bức thư một lần nữa, nhận ra bố đã tin cậy anh biết chừng nào. Tim anh thổn thức khi nghĩ đến bố đã uổng phí cả một cuộc đời vì những lời xì xào bóng gió của những kẻ thuộc cấp - chính những kẻ đó cũng đã đưa sự nghiệp của anh sớm chấm dứt như thế này. Cuối cùng, sau khi đọc bức thư đến lần thứ ba anh gấp nhỏ lại và nhét lại vào phong bì. Rồi anh cầm chiếc phong bì trên bàn lên. Dòng chữ Đại tá Gerald Scott được viết bằng chữ đậm ngang qua phong bì, màu mực đã phai. Adam rút chiếc lược trong túi áo trong ra và luồn vào mép chiếc phong bì, chậm rãi rọc ra. Anh lưỡng lự một lát trước khi lấy ra hai trang giấy, cả hai đều đã ngả màu vàng vì thời gian. Một tờ có vẻ là một bức thư, còn tờ kia hình như là một loại chứng từ gì đó. Chữ thập ngoặc của Đức Quốc xã in trên đầu tờ giấy viết thư, phía trên là tên Reichsmarshal Hermann Goering. Tay Adam hơi run khi anh đọc dòng dầu tiên. Nó bắt đầu bằng: Sehr geehrter Herr Oberst Scott. 3 Khi chiếc Chaika Limousine lao nhanh qua cổng Spasskaia Bashnia rồi phóng nhanh trên Quảng trường Đỏ, hai người lính vệ binh của điện Kremlin bật dậy và giơ thẳng hai tay. Một tiếng còi lanh lảnh cho biết chắc chắn Yuri sẽ không bị chậm trễ trên đường trở về Quảng trường Dzerzhinsky. Yuri giơ một tay lên chạm vào chiếc mũ bằng một động tác chào máy móc, mặc dầu hình như ý nghĩ của ông đang để ở một nơi nào khác. Rõ ràng là quyết định đầu tiên ông cần có sẽ là điều quan trọng nhất: Ai trong những sĩ quan lão luyện của ông sẽ được giao nhiệm vụ lãnh đạo nhóm công tác tìm kiếm bức tranh Thánh của Sa hoàng? Ông tiếp tục cân nhắc vấn đề đó trong khi người lái xe cho xe lướt trên phố Neitsa Kuibysheva. Chỉ mấy giây sau khi chia tay với vị lãnh đạo của mình, trong óc Yuri đã sơ bộ chọn được hai người. Ông vẫn chưa dứt khoát chọn ai trong hai người này, Valcheck hay Romanov. Trong một hoàn cảnh thông thường, để quyết định một vấn đề như vậy ông phải mất ít nhất một tuần cân nhắc, nhưng thời hạn cuối cùng là ngày 20 tháng Sáu khiến ông không thể hành động một cách tự do như vậy, mà cần phải có một quyết định trước khi về đến văn phòng. Người lái xe lướt qua một con đường nhỏ xuyên qua Bộ Văn hóa và rẽ vào đường Cherkasskily Bolshoy Pereuculok, một đường phố gồm toàn những ngôi nhà đơn điệu màu xám xịt trông như những cái hộp. Chiếc xe đỗ lại trên một bãi cỏ dành riêng cho các vị lãnh đạo cao cấp. Hồi ở bên Anh ông đã thấy buồn cười khi người ta có kế hoạch làm những khoảng đỗ riêng như vậy - nhưng là dành riêng cho xe buýt. Chiếc xe dừng lại, người lái xe chạy sang mở cửa sau cho cấp trên bước ra, nhưng Yuri vẫn không nhúc nhích. Vị tướng vốn rất ít khi thay đổi ý kiến này, đã hai lần thay đổi ý định trong quãng đường từ điện Kremlin về Quảng trường Dsershinsky. Ông biết có thể gọi bao nhiêu nhân viên trong Cục để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này cũng được, nhưng cần có một người thật sắc sảo và nhạy bén lãnh đạo họ và chịu trách nhiệm báo cáo lại cho ông biết. Trực giác nghề nghiệp xui ông nên chọn Yuri Valcheck, người đã có hàng chục năm tỏ ra rất mực trung thành và phục vụ nhà nước một cách đáng tin cậy. Anh ta cũng là một trong những trưởng bộ phận lâu năm nhất của ông. Từ tốn, có phương pháp và chắc chắn, anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ ở tuyến trước mười năm tròn rồi mới lên làm công việc bàn giấy. Ngược lại, Alex Romanov chỉ vừa mới trở thành trưởng bộ phận cách đây không lâu, bộ phận này trước đây khá nổi đình đám trong lĩnh vực của mình nhưng thường bị thiếu sự lãnh đạo của một cá nhân quyết đoán. Ở tuổi hai mươi chín, anh là lãnh đạo bộ phận trẻ tuổi nhất và không nghi ngờ gì, cũng là người có nhiều hoài bão nhất. Yuri bước lên bậc thềm và đi về phía một cánh cửa khác đã mở sẵn chờ ông. Ông nện gót trên sàn nhà lát bằng đá cẩm thạch và đi thẳng đến tận cửa thang máy mới đứng lại. Rất nhiều người đang im lặng đứng chờ thang máy nhưng khi thang máy hạ xuống đến tầng trệt, vì vị Chủ tịch bước vào thì không một ai bước vào nữa. Chiếc thang đưa Yuri chậm chạp lên đến tầng ông làm việc, ông không khỏi so sánh với những thang máy của Mỹ đã từng được đi. “Bọn chúng có thể kịp phóng quả tên lửa trước khi mình lên đến văn phòng,” người tiền nhiệm của ông đã từng cảnh cáo như vậy. Khi Yuri lên đến tầng thượng và cánh cửa đã mở sẵn chờ ông, ông đã có được quyết định. Đó sẽ là Valcheck. Một thư ký giúp ông cởi áo khoác ngoài và bỏ mũ. Yuri nhanh nhẹn ngồi vào bàn. Hai tập hồ sơ ông yêu cầu đã nằm sẵn trên bàn. Ông ngồi xuống và bắt đầu đọc tập hồ sơ của Valcheck. Sau khi đọc xong, ông gọi to ra lệnh cho người thư ký đang đứng đợi: — Cho tìm Romanov. • • • Romanov đang nằm ngửa, đối thủ của anh đã đặt tay phải lên họng anh chuẩn bị làm động tác lên gối kép. Bài tập được trình diễn thật hoàn hảo và Romanov bật rên lên khi anh bị đập vào sàn huỵch một tiếng. Một người chạy ào qua hai người và thì thầm gì đó vào tai người huấn luyện viên. Người huấn luyện viên miễn cưỡng buông học trò ra, Romanov chậm chạp đứng dậy như còn đang choáng váng và cúi chào thầy giáo, rồi bằng một động tác của cánh tay phải và chân trái, anh gỡ hai chân người huấn luyện viên để mặc ông nằm bẹp trên sàn phòng tập thể dục, rồi vội vã đi về văn phòng của mình để cầm máy điện thoại đang chờ trên bàn. Romanov không để ý đến cô gái đưa cho anh cái ống nghe. — Tôi sẽ đến ngay sau khi tắm qua loa một tý. Cô chỉ nghe thấy anh nói ngắn gọn như vậy. Cô gái vẫn thường băn khoăn không biết trong phòng tắm thì Romanov trông như thế nào. Cũng như mọi cô gái khác trong cơ quan, cô trông thấy anh trong phòng tập thể dục hàng trăm lần rồi. Với chiều cao hơn một mét tám, mái tóc dài vàng nhạt - trông anh như một tài tử điện ảnh phương Tây. Và đôi mắt “xanh trong suốt” như cô bạn cùng bàn của cô vẫn thì thầm ca ngợi. Cô bạn còn nói, “Anh ấy có một cái sẹo”. Cô đã hỏi “Sao cậu lại biết?” Nhưng cô bạn chỉ cười khúc khích. • • • Trong lúc đó vị Chủ tịch đã mở tập hồ sơ cá nhân của Romanov ra lần thứ hai. Ông đọc những đề mục người ta lập ra để đánh giá phẩm chất của từng cá nhân, những điều mà Romanov sẽ không bao giờ được biết. Alexander Petrovich Romanov. Sinh tại Leningrad ngày 12 tháng Ba năm 1937. Cha: Peter Nicholevich Romanov, phục vụ tại mặt trận phía Đông năm 1942, năm 1945 khi trở về Nga đã từ chối không vào Đảng Cộng Sản. Sau khi có nhiều hành động chống lại Chính quyền, đã bị kết án mười năm tù. Ngày 20 tháng Mười năm 1948 đã chết trong tù. Ông nội: Nicolai Alexandrovich Romanov, thương gia và là một trong những điền chủ giàu nhất Petrograd. Ngày 11 tháng Năm 1918 bị bắn chết trong khi có ý định trốn thoát khỏi lực lượng Hồng quân. Alex, như người ta thường gọi không hề thừa hưởng những tham vọng của gia đình. Romanov vì thế đã tham gia tổ chức Thiếu niên của Đảng từ năm lên chín tuổi. Mười một tuổi cậu đã được nhận vào học tại một trường đặc biệt ở Smolensk, Romanov đã nổi bật trong lớp học. Hầu hết các thành viên của ban giám hiệu nhà trường nhìn nhận năng lực của Romanov và chắc chắn là anh có thể được tiếp tục học lên đến đại học. Ở trường phổ thông anh luôn xuất sắc trong các môn học về ngôn ngữ, đặc biệt là môn tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Trí thông minh bẩm sinh và sự chăm chỉ cần cù đã giữ cho anh luôn ở vị trí đứng đầu trong tất cả các môn học. Yuri cầm chiếc ống nghe bên cạnh lên, hỏi giọng gắt gỏng: — Tôi đã yêu cầu gọi Romanov. Người thư ký đáp: — Romanov vừa xong bài tập thể dục buổi sáng ở phòng tập, thưa Chủ tịch, nhưng đã đi thay quần áo ngay khi nhận được lệnh đến gặp Chủ tịch. Yuri đặt ống nghe xuống và quay lại tập hồ sơ trước mặt. Việc người ta luôn nhìn thấy Romanov tập hàng giờ trong phòng tập không phải là điều lạ lùng: Sự dũng cảm và nhanh nhẹn của anh đã được chứng minh trong công tác. Trong năm đầu tiên là sinh viên, Romanov vẫn tiếp tục chuyên cần trong phòng tập, thậm chí còn tiếp tục tham gia đội tuyển cho đến khi người huấn luyện viên ở trường đại học phê một hàng chữ to tướng chéo suốt trang báo cáo về anh: “Sinh viên này cao quá không thể tham gia một cuộc thi Olympic thật sự được.” Romanov nghe theo lời khuyên của huấn luyện viên và bắt đầu say mê judo. Trong vòng hai năm anh đã được chọn tham dự đại hội thể thao phương Đông tại Budapest, hai năm sau đó các đối thủ thường không thích chạm trán anh trong những vòng thi đấu cuối cùng. Sau chiến thắng vang dội của anh tại Đại hội thể thao, báo chí phương Tây đã gọi anh là “Cái Rìu”. Những vận động viên đã đặt ra cho mình một kế hoạch lâu dài cho tương lai thường không thích chạm trán anh tại các đại hội Olympic. Khi Romanov tốt nghiệp đại học và được lĩnh bằng đỏ, anh ở lại Moscow và bắt đầu làm việc cho ngành ngoại giao. Yuri bắt đầu đọc đến đoạn hồ sơ về thời kỳ ông bắt đầu để ý đến chàng thanh niên trẻ. Mỗi năm Ủy ban của ông đều có quyền chọn từ lực lượng ngoại giao những người có tài năng xuất chúng. Rõ ràng Romanov là một ứng cử viên. Mặc dù vậy, nguyên tắc của Yuri là không kết nạp những người nào không cho cơ quan ông là nơi làm việc tốt nhất. Những người không tự nguyện thường không bao giờ làm việc tốt. Trường hợp Romanov thì không có gì phải nghi ngờ. Yuri đọc một số những nhận xét mà ông đã đích thân thêm vào hồ sơ của anh trong bốn năm gần đây nhất - đặc biệt là anh đã thay đổi nhiều thế nào trong thời gian trở thành nhân viên riêng của Chủ tịch ủy ban. Anh đã được thăng cấp lên thiếu tá, đã phục vụ rất thành công ở tuyến trước khi được chỉ định làm trưởng bộ phận. Hai vạch đỏ được đánh dấu ở tên anh cho thấy anh đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ. Một là chống lại dự định của một nhạc công vĩ cầm bỏ chạy khỏi Prague, và một đối với một viên tướng tự cho rằng y sẽ trở thành thống đốc một bang nhỏ ở Mỹ. Điều gây ấn tượng nhất đối với Yuri về những cố gắng của anh chính là do báo chí phương Tây tưởng rằng chiến công đầu là của người Tiệp, còn chiến công thứ hai là tác phẩm của người Mỹ. Tuy vậy thành tích đáng kể nhất của Romanov lại là việc anh đã tuyển chọn được một điệp viên trong Bộ Ngoại giao Anh, người này đã giúp Romanov được rất nhiều việc. Việc bổ nhiệm Romanov làm trưởng bộ phận không làm một ai ngạc nhiên, kể cả bản thân anh, mặc dầu sau đó chẳng mấy chốc Yuri nhận ra rằng anh mất đi niềm vui xốc nổi của công việc ở tuyến trước. Chủ tịch Ủy ban lật sang trang cuối cùng, trên đó có nhận xét về khả năng công tác của Romanov: Đầy tham vọng, uyên bác, nhẫn tâm, kiêu căng, nhưng luôn luôn không đáng tin cậy. Những từ này hầu như bao giờ cũng xuất hiện ở tất cả các bản tóm tắt. Có tiếng gõ cửa dứt khoát. Yuri đóng tập hồ sơ lại và ấn một cái nút phía dưới bàn. Cánh cửa bật mở và Alexander Petrovich Romanov bước vào phòng. Chàng thanh niên lúc này đã rất bảnh bao sạch sẽ đứng nghiêm trước mặt ông nói: — Chào Chủ tịch. Yuri ngước lên nhìn người đã được chọn và cảm thấy hơi ghen tị rằng, thượng đế quả là hơi thiên vị khi ban quá nhiều cho một chàng thanh niên như vậy. Và chính ông là người vẫn hiểu được một người như thế này cần được sử dụng như thế nào là tốt nhất. Ông tiếp tục nhìn thẳng vào đôi mắt xanh trong và nghĩ rằng nếu như Romanov sinh ra ở Hollywood thì chắc là anh sẽ không khó khăn gì trong việc kiếm sống. Bộ quần áo anh mặc trên người trông như được cắt may ở tiệm Savile Row - mà có khi như vậy cũng nên. Yuri phớt lờ không để ý đến bộ quần áo không mấy chính quy đó, mặc dầu ông cũng suýt nữa buột miệng hỏi anh xem chiếc sơ mi này được may ở đâu. Romanov nói: — Chủ tịch cho gọi tôi ạ? Vị Chủ tịch gật đầu: — Chúng ta vừa được trao một nhiệm vụ đặc biệt và vô cùng quan trọng - Yuri dừng lại - Nhiệm vụ này đặc biệt đến mức anh sẽ chỉ báo cáo trực tiếp với một mình tôi. Anh có thể chọn cho mình một nhóm công tác riêng và anh sẽ nhận được mọi sự giúp đỡ về mặt kinh tế. Romanov nói: — Tôi rất vinh dự - Giọng anh nghe chân thành một cách khác thường. Chủ tịch đáp: — Anh sẽ rất vinh dự nếu như anh phát hiện ra manh mối bức tranh Thánh của Sa hoàng. Romanov nói: — Nhưng tôi nghĩ… 4 Adam bước sang bên kia giường và lấy từ giá sách cuốn Kinh Thánh mà mẹ đã tặng anh nhân lễ Kiên tín. Anh mở cuốn sách ra, một làn bụi bay lên từ cuốn sách bọc gáy vàng. Anh đặt chiếc phong bì vào chương Khải huyền rồi đặt cuốn Kinh vào giá sách. Adam đi vào bếp, tự rán cho mình một quả trứng và hâm nóng nốt chỗ đậu còn lại từ hôm qua. Anh đặt bữa ăn chán ngắt lên bàn ăn và không khỏi nghĩ đến những món ăn sang trọng mà hẳn là lúc này Lawrence và Carolyn đang thưởng thức ở tiệm ăn Italy. Sau khi ăn hết và rửa sạch đĩa bát, Adam quay về phòng mình nằm trên giường nghĩ ngợi. Liệu chiếc phong bì đã ố vàng kia cuối cùng có chứng minh được sự vô tội của cha anh không? Trong óc anh dần hình thành một kế hoạch. Khi chiếc đồng hồ lớn trong phòng khách gõ mười tiếng, Adam giơ chân về phía cuối giường và khều cuốn Kinh Thánh khỏi giá sách. Anh hơi e ngại lấy cái phong bì ra. Rồi anh bật ngọn đèn ngủ trên chiếc bàn viết nhỏ kê cạnh giường, mở hai mẩu giấy ra và đặt lên bàn trước mặt mình. Một tờ có vẻ là một bức thư riêng Goering gửi cho cha Adam, tờ kia trông có vẻ cũ hơn và trông giống một văn kiện chính thức. Adam đặt tài liệu đó sang một bên và bắt đầu đọc từng dòng. Nhưng không ăn thua gì. Anh xé một mẩu giấy từ cuốn sổ trên bàn viết của Lawrence và bắt đầu chéo lại từng chữ trong bức thư của Goering. Anh chỉ bỏ qua câu chào và những chữ anh cho là lời từ biệt “hochachtungsvoll” - sau đó là chữ ký đậm và thoáng của Reichsmarshal. Anh kiểm tra kỹ càng từng chữ của bản sao trước khi bỏ bức thư vào chiếc phong bì đã ố vàng. Anh vừa bắt đầu chép tờ tài liệu vào một tờ giấy khác thì nghe thấy tiếng chìa khóa, sau đó là tiếng nói vang lên ngoài cửa trước. Cả Lawrence và Caronlyn đều có vẻ như vừa không chỉ uốn cạn một chai rượu, và giọng Carolyn càng nhấn rõ các trọng âm rồi trở thành những tiếng khúc khích. Adam thở dài tắt đèn để họ không biết là anh còn thức. Trong bóng tối anh trở nên càng nhạy cảm với từng âm thanh. Một trong hai người đi xuống bếp bởi vì anh nghe thấy tiếng mở tủ lạnh, rồi sau đó tiếng mở nút lie đậy chai - anh đoán đó là chai vang trắng anh vừa uống lúc nãy, và hình như họ thấy vẫn chưa đủ say cho nên cần uống thêm ít vang chua này nữa. Anh miễn cưỡng ngồi nhỏm dậy khỏi ghế và quờ quạng dò dẫm đi về giường. Anh chạm được vào góc giường và im lặng đặt mình xuống nệm rồi kiên nhẫn chờ đến khi cửa phòng ngủ của Lawrence khép lại. Chắc anh đã ngủ thiếp đi bởi vì sau đó anh nghe thấy tiếng đồng hồ trong phòng khách điểm mấy tiếng. Adam dụi mắt để cố quen với bóng tối. Anh nhìn vào chiếc đồng hồ dạ quang đeo trên tay. Ba giờ mười phút. Anh trườn người ra khỏi giường thật khẽ khàng, cảm thấy vô cùng mệt mỏi rồi chậm chạp mò mẫm đi ra bàn viết, đầu gối chạm phải ngăn kéo kêu đánh cộp khiến anh không kìm được bật lên tiếng chửi thề. Mò mẫm mãi mới tìm được công tắc đèn, thoạt tiên ánh đèn chói làm anh phải chớp mắt lia lịa. Chiếc phong bì đã phai mau trông thật tầm thường - mà có lẽ nó tầm thường thật. Trang tài liệu vẫn nằm giữa bàn, bên cạnh bản chép lại mà anh mới bắt đầu được vài dòng đầu tiên. Adam ngáp và bắt đầu xem xét từng chữ một lần nữa. Tài liệu này không dễ chép lại như bức thư lúc nãy, bởi vì chữ viết rất nguệch ngoạc và ngoáy, tựa như người viết coi rằng tờ giấy này là một cái gì đó rất có giá trị. Adam bỏ qua địa chỉ trên góc phải và chép lại tám con số gạch chân ngay đầu những chữ viết, phần còn lại anh chép thật trung thành so với bản chính. Công việc vất vả và mất thời gian một cách không ngờ. Anh viết từng chữ bằng chữ in hoa, những chỗ nào không chắc chắn lắm anh lại viết thêm bên cạnh chữ có thể là nó. Anh muốn bản dịch phải chính xác ngay từ lần đầu. Có tiếng thì thầm phía sau lưng: — Anh yêu, sao làm việc khuya thế? Adam quay phắt lại, cảm giác như mình là tên ăn trộm đêm bị bắt quả tang đang thò tay lấy những món đồ bạc của gia đình. Carolyn đứng cạnh cửa, nói: — Anh không cần hốt hoảng làm gì, em đây mà. Adam nhìn cô gái tóc vàng dong dỏng cao lúc này trông vô cùng hấp dẫn trong bộ pyjama không cài cúc của Lawrence, chân mang đôi giày mềm đi trong nhà, hấp dẫn hơn nhiều so với lúc mặc quần áo chỉnh tề. Mái tóc dài mềm mại xõa lung tung xuống ngang lưng, anh bắt đầu hiểu Lawrence muốn nói gì khi miêu tả cô là một cô gái có thể biến một que diêm thành một điếu xì gà Cuba. Adam nói, hơi lắp bắp: — Buồng tắm ở cuối hành lang ấy. Cô cười khúc khích: — Em có đi tìm buồng tắm đâu, anh ngố ạ. Em không thể nào đánh thức Lawrence dậy được. Sau khi uống chừng ấy rượu vang anh ấy đổ vật xuống như một võ sĩ đấm bốc hạng nặng bị đánh nốc ao. Không đầy mười lăm phút - Cô thở dài - Em nghĩ là từ giờ cho đến tận sáng mai thì không có gì đánh thức nổi anh ấy dậy cả. Cô bước một bước đến gần anh. Adam lắp bắp gì đó và có cảm giác như bị đánh mạnh vào người. Anh chỉ hy vọng lưng anh che khuất không để lộ ra những tờ giấy trên bàn. Carolyn nói: — Ôi, lạy Chúa. Anh không phải là người đồng tính luyến ái đấy chứ? Adam nói, hơi điệu: — Dĩ nhiên là không. Cô hỏi: — Vậy thì chỉ là không thấy em hấp dẫn thôi ư? Adam nói: — Không hẳn như vậy. Cô nói: — Nhưng Lawrence là bạn thân của anh mà. Adam không đáp. — Chúa ơi, đây là những năm sáu mươi, Adam. Chia sẻ và chia sẻ chứ. Adam nói: — Chỉ là thế này… Carolyn đáp: — Thật là phí. Có lẽ một lần khác vậy. Cô rón rén đi ra cửa và biến mất trong hành lang, không hề biết rằng đối thủ của mình sẽ là một cô gái Đức. • • • Sáng hôm đó, việc đầu tiên Romanov làm sau khi rời khỏi văn phòng của Chủ tịch ủy ban là quay về học viện và chọn một nhóm nghiên cứu đặc biệt gồm mười hai người. Kể từ lúc đó cứ bốn tiếng một, từng nhóm hai người một sẽ báo cáo tóm tắt những gì họ đã tiến hành nghiên cứu trong ca của mình, như vậy công việc có thể tiến hành suốt ngày đêm. Các thông tin đầu tiên đã đến ngay trong giờ đầu tiên và những người nghiên cứu đã có thể xác định rằng, bức tranh Thánh của Sa hoàng vẫn ở trong cung điện riêng của Sa hoàng tại Cung điện Mùa đông ở Petrograd cho đến tận tháng Mười hai năm 1914. Romanov xem xét thật tỉ mỉ tấm ảnh chụp bức tranh nhỏ tuyệt đẹp vẽ Thánh George và Con Rồng. Thánh được ghép bằng những mảnh đá nhỏ màu xanh và vàng lá, còn con rồng màu đỏ rực và vàng. Mặc dầu không say mê nghệ thuật lắm, nhưng Romanov cũng có thể hiểu rằng vì sao người ta bị kiệt tác nhỏ này mê hoặc. Anh tiếp tục đọc kỹ lịch sử bức tranh Thánh nhưng vẫn không thể biết được vì sao nó lại có một giá trị quan trọng đến như vậy đối với Nhà nước. Anh băn khoăn không hiểu chính Yuri có biết lý do hay không. Một năm sau khi cách mạng thành công, một người hầu trong cung điện đã khai trước tòa án nhân dân rằng, vào năm 1915 bức tranh Thánh có bị lấy đi mấy ngày sau khi Ernst Ludwig, Đại Công tước Hess đến viếng thăm cung điện. Lúc đó người hỏi cung đã hỏi rất lướt qua về việc bức tranh Thánh bị lấy đi đó bởi vì nó vẫn được treo trong phòng làm việc của Sa hoàng khi làn sóng cách mạng tràn vào Cung điện Mùa đông. Điều mà tòa án quan tâm hơn là vì sao trong khi đang có chiến sự dữ dội với quân Đức, Đại Công tước Hess lại muốn đến thăm Sa hoàng làm gì. Ngay lập tức một giáo sư sử học của trường đại học được mời đến để hỏi ý kiến. Vị học giả vĩ đại cũng bị câu hỏi làm cho lúng túng. Tuy vậy ông ta cũng tóm tắt cho Romanov tất cả những điều biết được quanh sự việc đó. Romanov nghiên cứu lại báo cáo của ông ta một lần nữa. Người ta cho rằng Đại Công tước đã bí mật đến thăm em gái của ông ta là Alexandra, Hoàng hậu Nga. Cho đến nay các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng ý đồ của ông ta là tìm kiếm một cuộc ngưng bắn giữa Nga và Đức, với hy vọng là Đức có thể tập trung các nỗ lực chiến tranh của mình để chống lại Pháp và Anh. Không hề có bằng chứng nào về việc Sa hoàng có nhân danh nước Nga hứa hẹn với Đức một điều gì, nhưng dường như Đại Công tước không trở về tay trắng. Các báo cáo tiếp theo của tòa án nhân dân cho biết, một người hầu khác trong cung điện khai rằng anh ta được lệnh gói bức tranh Thánh cùng đồ đạc của Đại Công tước. Mặc dầu vậy không một người hầu nào trong cung điện có thể khai được chính xác là bao nhiêu ngày sau bức tranh mới được trả về chỗ của nó trên tường phòng làm việc riêng của Sa hoàng. Nhóm trưởng nhóm nghiên cứu của Romanov, Giáo sư Oleg Konstantinov đã nghiên cứu các nhận xét của các vị giáo sư kia, và của các thành viên khác trong nhóm, đã rút ra kết luận của mình, kết luận được viết bằng mực đỏ: “Chắc chắn là Sa hoàng đã thay bức tranh đó bằng một phiên bản và đã chuyển bản chính cho Đại Công tước, em rể của ông ta để giữ cho an toàn.” Romanov hỏi: — Nhưng tại sao khi Sa hoàng đã có cả một bộ sưu tập đầy đủ những bức tranh của Goya, El Gredos, Titians, Rubens, ông ta còn phải tuồn một bức tranh Thánh ra ngoài làm gì? Romanov yêu cầu các nhân viên nghiên cứu cùng với vị giáo sư chuyển hướng nghiên cứu sang bảo tàng hoàng gia Hess, hy vọng tìm thấy bức tranh Thánh còn xuất hiện ở đâu đó sau này. Trong vòng mười ngày họ đã tìm được thêm nhiều thông tin về Đại Công tước và gia đình ông ta hơn bất cứ giáo sư của bất cứ một trường đại học nào thu thập được trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình. Mỗi tập hồ sơ xuất hiện trên bàn Romanov đều được anh nghiên cứu suốt đêm, kiểm tra từng thông tin nhỏ có thể hứa hẹn dẫn đến manh mối của bức tranh thật. Anh đã lần đến một cái chết và sau cái chết của Đại Công tước, bức tranh được để lại cho con trai ông ta, anh con này cũng chết một cách bất ngờ trong một tai nạn nổ máy bay. Kể từ ngày ấy không ai nghe thấy gì về bức tranh Thánh nữa. Vào đầu tuần thứ ba, Romanov đành miễn cưỡng rút ra kết luận rằng không hề tìm thấy manh mối gì của bức tranh. Anh đang viết báo cáo cuối cùng cho Chủ tịch thì Petrova, một người trong nhóm nghiên cứu, không làm việc trong các nhóm song phương đã đọc được một bài báo trên tờ Time của London ra ngày thứ Tư, 17 tháng Mười một năm 1937. Petrova đã bỏ qua không báo cáo cho người lãnh đạo nhóm nghiên cứu mà đến đưa tận tay Romanov một bản copy bài báo. Trong mấy giờ sau đó Romanov đã đọc đi đọc lại mẩu tin đến nỗi thuộc lòng. Để giữ bí mật, người phóng viên đã giấu tên. Bài báo có đầu đề là: Ostend, ngày 16 tháng Mười một năm 1937. Bài báo viết: Đại Công tước Hess George và bốn người trong gia đình đã chết thảm sáng nay khi chiếc máy bay Sabena chở họ đi từ Franfurkt đến London đã bị nổ trong màn sương mù dày đặc trên vùng trời nước Bỉ. Đại Công tước đang trên đường tới London để dự lễ cưới của em trai, Hoàng thân Louis với Công nương Joanna Geddes. Vị hoàng thân trẻ tuổi đang chờ ở sân bay Croydon để đón gia đình thì nhận được tin báo. Ông đã ngay lập tức hoãn đám cưới của mình và thông báo là có thể họ thay đổi kế hoạch và chỉ tổ chức một bữa tiệc nhỏ tại Lâu đài Chapel, Windsor. Tờ Time viết tiếp: Hoàng thân Louis, người thừa kế từ anh trai mình tước hiệu Đại Công tước Hess chiều nay sẽ tới Ostend cùng với cô dâu để hộ tống năm cỗ quan tài trên đường trở về Đức. Lễ tang sẽ cử hành vào ngày 23 tháng Mười một tại Darmstadt. Đoạn tiếp sau được người nghiên cứu gạch chân rất đậm: Trong số những đồ đạc của Đại Công tước đã quá cố có rất nhiều quà cưới dành cho Hoàng thân Louis và cô dâu, những đồ vật này bị văng tung tóe ra xa hàng nhiều dặm khi máy bay bị nổ. Sáng nay Chính phủ Đức thông báo rằng một tướng Đức đã được chỉ định chỉ huy một nhóm các chuyên gia cứu hộ để đảm bảo tìm kiếm tất cả các tài sản gia đình thuộc về người thừa kế của Đại Công tước. Romanov ngay lập tức cho gọi người nghiên cứu sinh trẻ tuổi đến. Mấy phút sau khi Anna Petrova có mặt, cô không hề tỏ ra sợ sệt cấp trên của mình. Cô phải thừa nhận rằng có lẽ khó mà gây được sự chú ý của Romanov bằng trang phục. Dù sao thì cô cũng đã mặc bộ quần áo đẹp nhất mà cô có, và cắt tóc ngắn theo kiểu một cô đào Mỹ tên là Mia Farrow mà cô có lần được xem. Cô hy vọng nó có thể làm cho Romanov để ý. Anh làm cô thất vọng bằng một nụ cười: — Tôi muốn cô lục lại tất cả các số của tờ Time trong vòng sáu tháng, từng ngày kể từ ngày 17 tháng Mười một năm 1937. Và kiểm tra các báo chí Bỉ và Đức xem có điều gì có thể cho thấy các chuyên gia cứu hộ đã tìm thấy những gì. Chưa đầy hai mươi tư giờ sau Petrova đã chạy vào văn phòng của Romanov không kịp cả gõ cửa. Romanov chỉ hơi nhướng mày trước cử chỉ bất lịch sự đó và đưa tay cầm bài báo mà cô đã tìm thấy trong tờ Die Zeit, Berlin ra ngày thứ Bảy, 19 tháng Giêng năm 1938. Cuộc điều tra vụ tai nạn hồi tháng Mười một vừa qua xảy ra với chiếc máy bay Sabena chở gia đình hoàng tộc Hess đi London đến nay đã có kết luận. Tất cả các đồ đạc thuộc về gia đình đã được tìm thấy trong vụ tai nạn đã được trả lại cho gia đình Đại Công tước, Hoàng thân Louis tỏ ra vô cùng buồn rầu vì bị mất một bảo vật gia truyền và là quà cưới của anh ông - Đại Công tước đã quá cố định tặng ông làm quà cưới. Món quà đó là một bức tranh thường được gọi là “Bức tranh Thánh của Sa hoàng”, trước kia đã từng thuộc về chú của ông ta là Sa hoàng Nicolas II. Bức tranh vẽ Thánh George và Con Rồng tuy chỉ là bản sao một kiệt tác Rublev, nhưng được đánh giá là một trong những tác phẩm đại diện cho nghệ thuật tinh xảo vào đầu thế kỷ hai mươi đã được đem ra khỏi nước Nga. Romanov ngước nhìn lên cô nghiên cứu sinh, nói: — Bản sao thế kỷ hai mươi chết tiệt. Đó là nguyên bản từ thế kỷ mười lăm, và khi đó không một ai nhận ra điều đó - có lẽ ngay cả bản thân lão Đại Công tước nữa. Chắc chắn là Sa hoàng còn có một kế hoạch khác đối với bức tranh Thánh mà ông ta đã tuồn ra ngoài. Romanov sợ phải báo cáo với Yuri rằng bây giờ anh có bằng chứng chứng minh rằng bức tranh thật của Sa hoàng đã bị tiêu hủy trong một tai nạn máy bay cách đây ba mươi năm. Những tin tức như vậy sẽ chẳng đem lại cơ hội thăng tiến cho người báo cáo nó, bởi vì anh vẫn tin rằng có một điều gì đó còn quan trọng hơn bản thân bức tranh nhiều, khiến cho Yuri phải đích thân quan tâm đến như vậy. Anh nhìn bức tranh trên báo. Đại Công tước trẻ đang bắt tay viên tướng phụ trách đội cứu trợ đã thành công trong việc tìm về rất nhiều đồ đạc của gia đình Hoàng thân. Romanov nói to thành tiếng: — Nhưng mà hắn có đem về tất cả mọi thứ không mới được chứ? Cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi hỏi: — Sếp muốn nói gì cơ ạ? Romanov khoát tay và tiếp tục nhìn mãi bức ảnh chụp từ hồi trước chiến tranh đã phai màu, trong ảnh là hai người đàn ông. Mặc dầu tên viên tướng không được nhắc đến, nhưng mọi học sinh Đức đều có thể nhận ra khuôn mặt to lớn, lạnh lùng, cằm vuông nặng nề với đôi mắt xoi mói đã trở nên nổi tiếng trong quân lực Đức. Romanov nhìn lên cô nghiên cứu sinh: — Petrova, từ bây giờ cô có thể quên Đại Công tước được rồi. Hãy chuyển sang nghiên cứu về Reichsmarshal Hermann Goering. • • • Ý nghĩ đầu tiên của Adam tỉnh dậy là về Carolyn. Cái ngáp của anh biến thành nụ cười khi nhớ lại lời mời mọc của cô đêm qua. Rồi anh nhớ ra. Anh nhảy khỏi giường và đi về phía bàn: Mọi thứ vẫn ở nguyên chính xác chỗ cũ như khi anh đi ngủ. Anh che miệng ngáp lần nữa. Đã bảy giờ kém mười. Mặc dầu đã rời khỏi quân đội bảy tuần rồi nhưng anh vẫn tập thể dục đều đặn mỗi buổi sáng. Anh định khi Bộ Ngoại giao kiểm tra về thể lực thì anh phải đạt được đỉnh cao nhất của mình. Anh nhanh chóng mặc áo may ô, chiếc quần soóc thể thao và đi giày. Adam rón rén ra khỏi căn hộ, không muốn làm Lawrence hay Carolyn thức giấc - mặc dầu đoán là lúc này Carolyn đã tỉnh như sáo và kiên nhẫn nằm đợi. Anh chạy hết ba mươi tư phút qua kè đá, qua cầu Albert, xuyên qua công viên Battersea và quay về bằng đường qua cầu Chelsea. Trong đầu anh chỉ có một ý nghĩ duy nhất, sau chừng ấy năm bị người ta xì xào bàn tán liệu cái tài liệu này có thể rửa sạch tên tuổi cho cha anh không? Lúc về đến căn hộ, Adam kiểm tra mạch: Một trăm năm mươi lần phút. Sáu mươi giây sau giảm xuống còn một trăm lần phút. Sau một phút nữa còn bảy mươi và chưa đến bốn mươi phút sai đã ổn định ở mức năm mươi tám lần phút. Chính sự hồi phục nhanh mới chứng tỏ sức mạnh của anh chứ không phải là tốc độ, giáo viên hướng dẫn môn Rèn luyện thể lực hồi còn ở trường Aldershot đã dạy anh như vậy. Khi Adam đi về phòng thì không thấy bóng dáng Carolyn đâu nữa. Lawrence bảnh bao trong bộ complê màu xám đang chuẩn bị bữa sáng trong bếp, vừa làm anh vừa liếc mắt đọc tờ Daily Telegraph. Anh thông báo với Adam: — Bọn Tây Ấn được năm trăm hai sáu điểm. Adam gọi to từ buồng tắm: — Đã bắt đầu vòng của chúng ta chưa? — Chưa. Ánh sáng tồi nên dừng cuộc đấu. Adam rên lên và mở vòi hoa sen. Anh đã sẵn sang để tập luyện buổi sáng xem có thể chịu đựng được nước lạnh bao nhiêu lâu. Bốn mươi tám tia nước lạnh buốt như kim châm xối vào lưng và ngực, khiến anh phải hít sâu vào nhiều lần. “Nếu như anh có thể chịu đựng được ba mươi giây đầu thì anh sẽ có thể chịu được bao lâu nữa cũng được”, người huấn luyện viên đã cam đoan là như vậy. Adam dầm mình trong nước lạnh thêm ba phút nữa, vẫn thầm nguyền rủa ảnh hưởng của quân đội mà anh không bao giờ thoát ra được. Tắm xong Adam đi về phòng mình. Một phút sau anh đã mặc xong quần áo và đến ăn sáng với bạn trong bếp. Lúc này Lawrence đang ngồi bên bàn ăn, ngấu nghiến một đĩa bánh ngô rán mỏng, trong khi ngón tay vẫn lần từng dòng chữ trên tờ Financial Time. Adam nhìn đồng hồ đeo tay: đã tám giờ kém mười. Anh hỏi: — Cậu không sợ đi làm muộn à? Lawrence nói: — Anh bạn trẻ ơi. Tôi không phải là một thằng đầy tớ làm cho cái loại nhà băng phải phục vụ khách hàng suốt cả ngày. Adam phá lên cười. Lawrence thừa nhận: — Nhưng dù sao tớ cũng sẽ phải cùm chân ở bàn làm việc vào lúc chín giờ ba mươi - anh giải thích thêm - Hôm nay người ta không lái xe đến đón tớ. Tớ đã bảo họ là với tình hình giao thông như thế này thì nhanh nhất là đi xe điện ngầm. Adam bắt đầu sửa soạn bữa sáng cho mình. Anh nói: — Tớ có thể chở cậu đi bằng mô tô được. — Cậu có thể tưởng tượng được có ai ở vị trí của mình lại tới trụ sở của Ngân hàng Barclays bằng mô tô bao giờ không? Khéo chủ tịch Ngân hàng ngất mất - anh nói thêm và gập tờ báo lại. Adam đập quả trứng thứ hai vào chảo. Lawrence với cái ô trên mắc áo và nói: — Chào cậu, tối gặp lại nhé, chắc là lúc ấy cậu vẫn tuyệt vời, ăn mặc bẩn thỉu và chưa tìm được việc như thế này. Adam ăn nhanh và rửa đĩa, cảm thấy vui vui vì mình đang làm công việc nội trợ trong khi chưa kiếm được việc làm. Mặc dầu nhiều năm qua bao giờ cũng có cần vụ riêng, nhưng anh vẫn biết chính xác là cần phải làm những gì. Anh chuẩn bị cho buổi phỏng vấn tại Bộ Ngoại giao chiều nay, bằng cách tắm thật lâu và cạo râu kỹ càng. Sau đó anh nhớ đến bức thư của Reichsmarshal Hermann Goering vẫn còn trên bàn trong phòng ngủ. • • • Romanov quay lại hỏi cô nghiên cứu sinh, giọng đầy hy vọng: — Cô đến đây với một cái gì đó chứng tỏ rằng Goering đã giữ riêng bức tranh Thánh đó cho mình chăng? Anna Petrova trả lời giọng thân mật: — Chỉ có rõ ràng trở lên thôi. Romanov định phê bình cô gái vì sự suồng sã này, nhưng trong lúc này anh chỉ im lặng. Rốt cuộc, dù sao Anna Petrova cũng tỏ ra vượt xa những người giỏi nhất trong nhóm nghiên cứu sinh của anh. Romanov hỏi: — Vậy có gì rõ ràng đến thế kia ư? — Ai cũng biết là Hitler giao cho Goering thay mặt bọn Đức Quốc xã chịu trách nhiệm về tất cả các báu vật nghệ thuật cướp được. Nhưng bởi vì Quốc trưởng có quan điểm cá nhân không thay đổi về những gì cấu thành chất lượng giống nòi, nên rất nhiều kiệt tác của thế giới bị xếp vào loại “hư hỏng” và do đó không xứng đáng để trưng bày cho công chúng của một giống nòi thượng đẳng chiêm ngưỡng. — Vậy thì sau đó số phận những kiệt tác ấy ra sao? — Hitler ra lệnh hủy chúng đi. Trong những tác phẩm bị kết tội phải bị thiêu hủy có cả tác phẩm của những danh họa như Van Gogh, Manet, Monet… và đặc biệt là họa sĩ trẻ Picasso, người được coi là không xứng đáng với dòng máu xanh của chủng tộc Aryan mà Hitler coi là chủng tộc sẽ thống trị thế giới. Romanov ngước nhìn lên trần nhà, nói: — Chắc là cô không định nêu ý kiến rằng có thể Goering đã ăn cắp bức tranh Thánh của Sa hoàng để rồi sau đó đốt đi chứ? — Không, không. Goering không ngu đến thế đâu. Như hiện nay chúng ta đã biết không phải lúc nào ông ta cũng tuân theo mệnh lệnh của Đức Quốc trưởng. Romanov hỏi giọng nghi ngờ: — Goering không tuân lệnh Hitler? Anna Petrova đáp: — Tùy theo quan điểm của sếp khi nhìn nhận vấn đề. Liệu hắn sẽ cư xử theo lệnh của chủ soái rồ dại của hắn, hay là hắn sẽ nhắm mắt lại và cư xử theo những tình cảm thông thường của loài người. Romanov bỗng nói xẵng giọng: — Nói sát vào vấn đề đi. — Vâng, thưa thiếu tá - Cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi nói bằng giọng của một kẻ tự tin là người ta đang cần đến cô, ít nhất là lúc này. — Khi nhận được lệnh đó, Goering đã không hề phá hủy một kiệt tác nổi tiếng thế giới nào. Hắn đã tổ chức những cuộc thiêu hủy công khai tại Berlin và Dusseldorf những tác phẩm của những họa sĩ Đức không nổi tiếng lắm, những tác phẩm sẽ chẳng bao giờ bán được quá con số vài trăm Mác. Nhưng những kiệt tác, những tác phẩm xuất chúng thật sự đã được giấu đi, bí mật chuyển ra nước ngoài và ký gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ. — Vậy vẫn còn có khả năng tìm ra được bức tranh Thánh… Petrova thêm: — Vậy hồi đó hắn đã gửi bức tranh vào một ngân hàng Thụy Sĩ. Tôi ước gì mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy, thưa thiếu tá. Nhưng không may là Goering không hề ngây thơ như báo chí hồi đó mô tả. Tôi cho là hắn đã ký gửi các tác phẩm nghệ thuật ấy ở nhiều ngân hàng khác nhau, và cho đến nay vẫn chưa có một ai có thể phát hiện ra hắn đã sử dụng những ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng nào. Romanov nói: — Vậy thì chúng ta sẽ phải làm được điều đó. Cô nghĩ là chúng ta nên bắt đầu từ đâu? — Kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, người ta thấy rất nhiều tác phẩm đã được tìm thấy và trả về tay những người chủ hợp pháp của chúng, kể cả những phòng tranh của Cộng hòa Dân chủ Đức. Mặc dầu vậy những tác phẩm còn lại đã xuất hiện trên các bức tường của bảo tàng Getty ở California, và bảo tàng Gotoh ở Tokyo mà đôi khi người ta không đưa ra được một lời giải thích thỏa đáng. Thực tế, một kiệt tác của Renoir hiện nay có thể thấy đang được trưng bày ở bảo tàng Metropolitan, New York. Không nghi ngờ gì rằng nó đã qua tay Goering, mặc dầu những người quản lý bảo tàng không bao giờ có ý định giải thích tại sao gallery này lại có được nó. Romanov lo lắng hỏi: — Vậy hiện nay người ta đã tìm thấy tất cả những tác phẩm bị mất chưa? — Hơn bảy mươi phần trăm, nhưng vẫn còn nhiều tác phẩm được kể tới nữa. Một số chúng có thể đã thật sự thất lạc hoặc bị phá hủy, nhưng tôi cho là vẫn còn một số lớn đang nằm ngủ yên trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Romanov hỏi, sợ rằng manh mối cuối cùng khép lại: — Sao cô lại chắc chắn như vậy được? — Bởi vì các Ngân hàng Thụy Sĩ bao giờ cũng chỉ trả lại các vật có giá trị đó một khi biết chắc chắn là quyền sở hữu của một quốc gia, hoặc một cá nhân nào đó về nó là hợp pháp. Trong trường hợp này Đại Công tước Hess không hề có một chứng cứ nào về quyền sở hữu bức tranh Thánh của Sa hoàng, và người chủ chính thức cuối cùng của bức tranh là Sa hoàng Nicolai II, mà, thưa thiếu tá, như mọi người Nga đều biết rõ thì Sa hoàng Nicolai không có người nối dõi. — Vậy thì tôi sẽ phải làm đúng như Goering đã làm và truy lại từng bước đi của hắn, bằng cách đến thẳng các ngân hàng để hỏi. Cho đến nay chính sách của các ngân hàng này ra sao? Petrova nói: — Rất khác nhau. Một số ngân hàng chờ sau hai mươi năm hoặc hơn nữa, sau đó sẽ cố tìm kiếm thêm hoặc sẽ thông báo công khai để tiếp xúc được với các chủ sở hữu, hoặc người thừa kế của họ. Trong trường hợp những người Do Thái chết do chế độ của bọn phát xít Đức, thì thông thường là không thể tìm thấy người thừa kế hợp pháp. Mặc dầu tôi vẫn chưa thể chứng minh được điều này, nhưng tôi đoán là họ sẽ giữ lấy những của cải đó và chia nhau. Romanov nói, phấn khởi tỏ ra mình cũng có những tìm tòi: — Như vậy không đẹp và cũng không đúng lẽ. Có lẽ đó chỉ là chuyện hoang đường do những người nghèo thêu dệt ra. Thực tế, nếu các ngân hàng không thể tìm thấy người chủ hợp pháp của bất cứ một báu vật nào mà họ đang giữ thì họ phải chuyển nó cho Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ để bán đấu giá mới đúng. — Nhưng nếu như bức tranh Thánh của Sa hoàng đã từng bị đem bán đấu giá thì chúng ta đã phải biết được qua mạng lưới các điệp viên chứ? Romanov nói: — Chính xác là như vậy. Và tôi đã kiểm tra tất cả các tài sản kiểm kê của Hội Chữ thập đỏ: Có bốn bức tranh Thánh đã bán trong hai mươi năm qua, và trong đó không có bức Thánh George và Con Rồng. — Như vậy chỉ có thể có nghĩa là một số ngân hàng không thận trọng lắm đã bán những bức tranh Thánh sở hữu của cá nhân nào đó, khi họ cảm thấy chắc chắn là sẽ không có ai đòi lại. — Tôi cho rằng đó là một thiên kiến sai lầm nữa, cô Petrova ạ. — Tại sao thiếu tá lại chắc chắn như vậy? - Cô nghiên cứu sinh trẻ tuổi hỏi. — Vì một lý do rất đơn giản thôi, giữa các ngân hàng Thụy Sĩ với nhau, họ biết rõ nhau và từ trước đến nay chưa bao giờ có bất cứ một thiên hướng nào định phá vỡ luật chơi. Theo những kinh nghiệm mà chúng ta có được thì công lý Thụy Sĩ coi những ngân hàng bị mua chuộc hoặc lừa đảo ngang với tội giết người, và cũng chính vì thế mà bọn mafia không bao giờ hài lòng với việc rửa tiền qua hệ thống ngân hàng. Sự thật là các ngân hàng Thụy Sĩ kiếm được rất nhiều tiền khi giao dịch với những khách hàng trung thực, do đó chưa bao giờ họ quan tâm đến việc dây dưa tới những chuyện bẩn thỉu. Có một số vô cùng ít những ngoại lệ đối với luật lệ này, và đó cũng chính là lý do khiến mọi người muốn làm việc với các ngân hàng Thụy Sĩ. Petrova nói: — Vậy, nếu Goering đã lấy trộm bức tranh Thánh và ký gửi nó ở trong hầm của một ngân hàng Thụy Sĩ nào đó, thì làm sao lúc này nó còn có thể ở chỗ nào khác trên trái đất này nữa? — Tôi ngờ điều đó. Petrova kêu lên: — Tại sao kia? Giọng cô hơi càu nhàu bởi vì lập luận của cô giờ đây có vẻ như không thuyết phục lắm. — Bởi vì trong ba tuần qua tôi đã ném không biết bao nhiêu người sang châu Âu để đuổi theo bức tranh Thánh đó. Họ đã nói chuyện với gần như tất cả các phụ trách các bảo tàng, những người quản lý, các chủ hiệu buôn tranh và cả bọn tội phạm chuyên buôn lậu tranh mà vẫn chưa lần ra một đầu mối nào. Bởi vì chỉ có hai người từng nhìn thấy bức tranh đó kể từ năm 1917 đến giờ là Đại Công tước Hess và Goering, và điều đó cho tôi hy vọng còn lại duy nhất nếu như nó không bị phá vỡ trong vụ tai nạn máy bay. Petrova hỏi: — Hy vọng gì? — Đó là trong khi tất cả thế giới tin rằng bức tranh thật vẫn được treo trên tường Cung điện Mùa đông, thì suốt hai mươi năm qua nó vẫn còn nằm trong một ngân hàng Thụy Sĩ nào đó chờ người đến nhận. Petrova nói: — Một cuộc trường kỳ mai phục. Romanov đáp xẵng: — Tôi hoàn toàn hiểu rõ như vậy. Nhưng chớ quên rằng nhiều ngân hàng Thụy Sĩ có luật lệ là chờ hai mươi lăm năm trước khi công bố, thậm chí có ngân hàng chờ ba mươi năm. Thậm chí còn có một hoặc hai ngân hàng không có thời hạn cuối cùng nào cả, cho đến khi nào có một ai đó có đủ tiền đặt cọc để trang trải cho việc giữ báu vật đó. Petrova kêu lên: — Có trời biết được có mấy ngân hàng gặp được những khách hàng mê mẩn món đồ ấy đến thế. Romanov tán thành: — Có trời biết thật. Nhưng cũng có thể là chín giờ sáng mai cô sẽ biết cũng nên. Và vì thế nên tôi sẽ cần phải đến gặp một người, có lẽ là duy nhất trong nước biết mọi thứ trên đời về ngân hàng. Cô nghiên cứu sinh rụt rè nói: — Liệu tôi có thể hy vọng là sẽ được tiếp tục không, thưa thiếu tá? Romanov mỉm cười và nhìn vào đôi mắt xanh của cô gái. Trong bộ đồng phục màu xám, có lẽ chẳng ai buồn nhìn lại cô đến lần thứ hai. Nhưng khi khỏa thân cô thật tuyệt vời. Anh cúi xuống gần đến mức môi họ chạm vào nhau. — Em sẽ phải bắt đầu ngay thôi, Anna. Nhưng lúc này, hãy tắt đèn đi đã. 5 Adam mất vài phút để kiểm tra lại cả hai tài liệu một lần nữa. Anh đặt lại nguyên bản vào chiếc phong bì đã phai màu rồi đặt phong bì vào cuốn Kinh Thánh trên giá sách. Cuối cùng anh gấp bản chép lại bức thư của Goering làm ba phần theo chiều ngang, cẩn thận cắt rời rồi trải chúng lên giường. Vấn đề tiếp theo Adam là phải làm thế nào có được bản dịch tài liệu và bức thư của Goering mà không gây sự tò mò không cần thiết nào. Những năm tháng trong quân ngũ đã dạy cho anh biết rõ ràng. Anh mau chóng gạt bỏ sứ quán Đức, Hội Du lịch Đức và hãng Thông Tấn Đức, bởi vì cả ba cơ quan trên đều quá nghiêm chỉnh cho nên sẽ hay hỏi những câu lằng nhằng. Sau khi mặc quần áo xong, anh đi xuống phòng lớn và lật giở những trang trong cuốn Niên giám London cho đến khi tìm được các trang cần thiết: Đài phát thanh Đức. Viện Văn hoá Đức Đường sắt Vương quốc Đức Bệnh viện Đức Mắt anh lướt sang phần “Chuyển giao kỹ thuật Đức” và dừng lại một cái tên có vẻ hứa hẹn. Địa chỉ nó là Nhà Bayswater, Sân vận động Craven 35, W2. Anh nhìn đồng hồ. Mười giờ kém mấy phút Adam rời khỏi căn hộ, ba mẩu của bức thư kín đáo trong túi trong của chiếc áo thể thao sặc sỡ. Anh đi về phía Edith Grove rồi rẽ vào đường Hoàng đế, tận hưởng mặt trời buổi sáng. Đường phố đã thay đổi nhiều so với hồi anh còn là một hạ sĩ quèn. Những tiệm quần áo thời trang đã thay thế những hiệu sách cổ lỗ. Các tiệm băng nhạc đã thay cho tiệm sửa giày cũ kĩ. Chỉ cần đi nghỉ mười lăm ngày thôi là bạn sẽ không thể tin chắc là khi trở lại có còn những thứ gì không thay đổi nữa không - anh buồn bã nghĩ. Rất đông người từ trên hè đi tràn cả xuống lòng đường. Họ nhìn nhau chằm chằm hoặc bị nhìn chằm chằm, tuỳ theo lứa tuổi của mỗi người. Khi Adam đi qua một cửa hàng bán băng nhạc, anh không có cách nào khác là phải nghe bài “Anh muốn nắm tay em” rót thẳng vào tai từng người. Khi đến được Quảng trường Sloane thì hình như thế giới lại trở bình thường. Một phố Peter Jones, một W.H. Smith và một London ngầm. Cứ mỗi lần đi vào quảng trường này, anh lại như nghe thấy những lời hát mẹ rất hay ngân nga trong bếp: Và người ta đem đến mời tôi Một xu kem và một lát thịt nguội Để mời bạn bè cùng xóm giềng Mọi người đã đói ngấu, và mọi người đổ lên Quảng trường Sloane và nhà ga South Kensington. Anh trả một shilling để mua một vé đi Paddington và khi đã ngồi trong toa tàu vắng tanh, anh kiểm tra lại một lần nữa kế hoạch của mình. Khi bước đi ngập trong bầu không khí thoáng đãng của Paddington, anh dừng lại một tý để xem tên phố, và khi đã chắc đúng mới bắt đầu đi lững thững trên đường Craven cho đến khi gặp được một quán báo đầu tiên, anh bèn hỏi đường đi tới Sân vận động Craven. Người bán báo vẫn luôn tay viết tên người nhận lên chồng báo Radio Times, không buồn ngẩng lên đáp: — Đường thứ tư bên trái. Adam cảm ơn và mấy phút sau đã đứng ở cuối một đường đua nhìn lên một tấm biển có hàng chữ màu xanh và vàng to tướng: Hiệp Hội thanh niên Cơ đốc giáo Đức. Anh mở cổng, đi thẳng qua cửa trước vẻ rất tự tin. Một người bồi đứng trên hành lang ngăn lại: — Thưa ngài, tôi có thể giúp được gì không ạ? Adam nói bằng giọng nhấn mạnh theo kiểu quân sự và giải thích là đang tìm một thanh niên tên là Hanss Kramer. Người bồi nói, anh ta hầu như đứng nghiêm khi nhận ra chiếc cà vạt quân đội: — Thưa ngài, tôi chưa bao giờ nghe thấy cái tên ấy ạ - Anh ta lật một quyển sổ trên bàn, nói thêm, tay dò từng cái tên trong danh sách trước mặt - Không thấy ông ta đăng ký ở đây. - Anh ta gợi ý - Sao ngài không thử đi xem một lượt qua các phòng khách hoặc các phòng chơi xem - anh ta chỉ ngón cái về một cái cửa bên phải. Adam nói, vẫn không hạ giọng: — Cảm ơn. Anh lịch sự bước qua hành lang và qua cánh cửa đẩy, phía dưới cánh cửa bị tróc hết cả sơn, có vẻ như người ta thường hay lấy chân đá để mở ra hơn là dùng tay đẩy, và liếc nhìn khắp phòng. Rất nhiều sinh viên đang đi bách bộ tay cầm những tờ báo và tạp chí tiếng Đức. Anh không biết mình nên bắt đầu từ đâu, mãi mới chọn một cô gái trẻ trông có vẻ là một sinh viên đang ngồi trong một góc phòng đọc tạp chí Time. Adam đi vòng quanh và ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh cô bé. Cô gái liếc mắt nhìn và không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trước vẻ trịnh trọng của anh. Anh chờ cô đặt tờ báo xuống bàn mới hỏi. — Cô có thể giúp tôi một việc được không? Cô gái hỏi, giọng có vẻ hồ nghi: — Giúp như thế nào kia? — Chả là tôi cần dịch một đoạn nhỏ. Trông cô gái có vẻ nhẹ người: — Để tôi thử xem có giúp gì được cho ông không. Ông có đem theo cái gì cần dịch đi đây không? — Có. Hy vọng là nó không khó lắm. Adam nói và lấy chiếc phong bì từ trong túi áo trong ra, lấy ra mảnh đầu tiên của bức thư của Goering. Sau đó anh cất phong bì lại vào túi áo trong, lấy ra một cuốn sổ tay và hồi hộp chờ đợi. Anh cảm thấy mình giống như một chàng phóng viên mới vào nghề. Cô gái đọc đoạn thư hai ba lần rồi có vẻ hơi ngần ngừ. — Có gì không ổn ư? Cô gái đáp, vẫn còn tập trung vào những chữ trước mặt. — Không hẳn thế. Nhưng có điều là lối văn hơi cổ cho nên có lẽ tôi hơi khó dịch thật sát nghĩa cho ông. Adam thở dài nhẹ nhõm. Cô gái đọc lại từng câu một, chậm rãi, trước hết bằng tiếng Đức, sau đó lại đọc bằng tiếng Anh tựa như muốn hiểu cả nghĩa chứ không phải dịch từng từ. Cô nói: — Trong những… năm cuối cùng vừa qua chúng ta đã… bắt đầu trở nên hiểu biết lẫn nhau… không, không thật rõ. Adam chép lại từng từ trong khi cô gái dịch. — Ông chưa từng che giấu sự kinh tởm… - Cô gái nói thêm - Có lẽ nên dịch là căm ghét thì đúng hơn. Sự căm ghét của ông đối với Đảng Dân tộc Xã hội. Cô ngẩng đầu và nhìn Adam. Anh an ủi: — Đó chỉ là từ một cuốn sách thôi mà. Trông cô gái không có vẻ tin lắm, nhưng dù sao cũng dịch tiếp: — Nhưng lần nào… không phải, luôn luôn thì đúng hơn, bao giờ ông cũng cư xử nhã nhặn đúng như một sỹ quan và một người lịch thiệp… Cô gái lại nhìn lên, càng bối rối hơn khi đọc đến từ cuối trong mẩu thư. Cô hỏi: — Chỉ có vậy thôi ư? Chẳng có nghĩa gì cả. Chắc là phải còn nữa chứ? Adam nhanh nhẹn lấy lại tờ giấy và nói — Không, chỉ có vậy thôi. Cảm ơn cô. Cô thật vô cùng tốt bụng đã giúp tôi. Anh chào cô và bỏ đi, vẫn kịp nhìn thấy cô nhún vai và quay lại với tờ Time của mình. Adam quay sang tìm trong các trò chơi. Khi đẩy cửa anh chạm trán một người đàn ông trẻ mặc chiếc áo phông in hình World Cup và chiếc quần soóc thể thao màu nâu. Anh ta đang đập liên hồi một quả bóng bàn. Chàng trai hỏi, trông khá hờ hững: — Anh định chơi à? Adam nói: — Phải. Anh bỏ mũ ra và cầm cây vợt bóng bàn chỗ cuối bàn lên. Suốt hai mươi phút Adam phải chơi cẩn thận để chắc chắn là thua anh chàng kia 18-21, 21- 12 và 17-21. Lúc mặc lại áo khoác và chúc mừng đối thủ của mình, anh tin chắc là đã chiếm được cảm tình của chàng trai. Chàng thanh niên Đức nói: — Anh chơi hay lắm. Đã cho tôi một trận rất đẹp. Adam đi đến chỗ cuối bàn cạnh anh ta, nói: — Không hiểu anh có thể giúp tôi một việc được không nhỉ? Người thanh niên nói: — Tạt trái à? — Không, chỉ là tôi cần dịch mấy câu tiếng Đức. Anh đưa đoạn giữa cho chàng trai. Một lần nữa người dịch lại rơi vào bối rối. Adam nói không quả quyết lắm: — Đó là một đoạn của một cuốn sách thôi mà. — Ô kê, tôi thử xem. Trong khi chàng trai bắt đầu nghiên cứu đoạn văn thì cô gái mà anh nhờ dịch đoạn đầu bỗng xuất hiện trong phòng chơi và đi về phía họ. Người thanh niên nói: — Có vẻ hơi khó đây. Tôi dịch không tốt lắm. Tôi cho là cô bạn gái tôi có lẽ dịch tốt hơn. Để tôi hỏi cô ấy. Không nhìn Adam, anh ta đưa đoạn thư cho cô gái. Cô ta nói ngay: — Tôi đã biết nhất định phải còn nữa mà. Adam nói: — Không, không, thôi các bạn không phải bận tâm nữa - Anh giật mảnh giấy từ tay cô gái rồi quay sang chàng thanh niên - Cảm ơn vì trận đấu. Xin lỗi là đã quấy rầy các bạn. Nói rồi anh vội vã đi ra hành lang về phía cửa trước. — Thưa ngài, ngài có tìm thấy anh ấy không ạ? Adam hỏi: — Anh ấy? Người bồi bàn đáp: — Hans Kramer ấy mà. Adam nói: — Ồ, có, cảm ơn anh Anh quay lại để nhìn thì thấy cô gái và anh thanh niên kia đang đuổi theo sát đằng sau. Adam chạy ra giữa đường vẫy một cái taxi đi ngang qua. Người lái xe hỏi: — Đi đâu? — Khách sạn Royal Cleveland. — Nhưng nó ở ngay sau chỗ rẽ kia thôi mà. — Tôi biết. Nhưng tôi đã bị muộn mất rồi. Người lái xe nói: — Tuỳ ông thôi. Tiền của ông mà. Chiếc xe lăn bánh, Adam nhìn lại thấy anh chàng đối thủ bóng bàn của mình đang nói gì đó với người bồi. Cô gái đứng cạnh hai người, chỉ về phía chiếc taxi. Adam chỉ cảm thấy yên tâm khi chiếc taxi rẽ ngoặt sang đường khác, và khuất khỏi tầm nhìn của mấy người kia. Không đầy một phút sau chiếc taxi đỗ trước cửa khách sạn Royal Cleveland. Adam đưa cho người lái taxi một nửa curon và không chờ thối lại. Sau đó anh đẩy cánh cửa quay của khách sạn và đi loanh quanh trong sảnh mấy phút trước khi trở ra hè phố. Anh nhìn đồng hồ đeo tay: Mười hai giờ rưỡi. Còn đủ thời gian ăn trưa trước khi đến cuộc phỏng vấn ở Bộ Ngoại giao. Anh đi băng qua đường Bayswater sang công viên, biết rõ là khó mà tìm nổi một tiệm ăn nào đó trước khi tới được Knightsbridge. Adam nhớ lại trận đấu bóng bàn. Quái quỷ, anh nghĩ. Lẽ ra mình phải hạ hắn. Ít nhất thì như vậy cũng còn có cái khác để cho hắn nghĩ tới. • • • Đôi mắt Romanov lướt trên bản danh sách mười bốn ngân hàng. Vẫn còn một cơ hội hiếm hoi là một trong mười bốn ngân hàng đó đang giữ bức tranh Thánh của Sa hoàng, nhưng những cái tên này không có ý nghĩa gì đối với anh cả. Đó là một thế giới riêng biệt và anh biết rằng mình cần phải tìm lời khuyên của một chuyên gia trong lĩnh vực này. Anh mở khoá chiếc ngăn kéo trên cùng và giở lướt cuốn sổ màu đỏ mà chỉ những sĩ quan cao cấp nhất của Ủy ban mới được giữ. Nhiều cái tên đã bị gạch xoá hoặc viết đè lên sau những lần thay đổi nội các, nhưng Aleksei Andreovich Poskonov vẫn giữ nguyên chức vụ hiện tại của ông ta là chủ tịch Ngân hàng Quốc gia đã gần một thập kỷ. Ngoài ông ra chỉ có Gromyko, Bộ trưởng Bộ ngoại giao là làm việc lâu lăm như vậy ở một cơ quan. Romanov quay một con số trên đường dây riêng và yêu cầu nối với Chủ tịch Ngân hàng Gosbank. Một hồi lâu sau mới có giọng một người khác vang lên ở đầu dây bên kia. — Romanov, tôi có thể giúp anh được gì đây? Romanov nói: — Tôi cần gặp ông gấp. — Thật ư? - Giọng nói trầm và chói tai từ đầu dây bên kia có vẻ hờ hững rõ rệt. Romanov nghe rõ cả tiếng lật giấy loạt soạt - Tôi có thể thu xếp vào thứ ba, mười một giờ ba mươi được không? Romanov nhắc lại: — Tôi đã nói là rất gấp. Chuyện này có liên quan đến một vấn đề nhà nước, không thể chờ đợi được. — Chúng tôi là một ngân hàng Quốc gia và không phải chỉ có mỗi một hay hai việc của anh thôi đâu. - Giọng nói không hề tỏ ra ân hận. Romanov dằn mình và đợi. Tiếng giở giấy loạt soạt tiếp tục - Được, tôi nghĩ là tôi có thể gặp anh vào ba giờ bốn lăm ngày hôm nay, trong mười lăm phút. Nhưng phải báo trước là tôi có một cuộc họp rất dài vào lúc bốn giờ đúng. Romanov nói: — Vậy là ba giờ bốn lăm nhé. Poskonov nói: — Tại văn phòng tôi. Điện thoại ngắt hẳn. Romanov thở dài thành tiếng. Anh bắt đầu viết ra những câu hỏi cần được trả lời để có thể triển khai kế hoạch của mình. Anh không thể lãng phí một phút trong mười lăm phút người ta cho ấy. Khoảng một giờ sau anh yêu cầu được gặp Chủ tịch. Lần này anh không phải chờ đợi tí nào. Sau khi Romanov trình bày ý định của mình xong. Yuri hỏi: — Có phải chúng ta định chơi với bọn tư bản bằng chính trò của chúng không? Hãy cẩn thận. Chúng chơi trò này già đời hơn chúng ta nhiều. Romanov nói: — Tôi hiểu điều đó. Nhưng nếu bức tranh Thánh đang ở phương Tây, thì tôi chỉ còn cách sử dụng chính phương pháp của chúng mới có thể đặt tay lên bức tranh đó được. Chủ tịch nói: — Có lẽ vậy. Nhưng với tên tuổi của anh thì một sự tiếp cận như vậy có thể bị hiểu lầm đấy. Romanov biết tốt hơn hết là không làm gián đoạn phút im lặng ngắn ngủi. — Đừng lo, tôi sẽ hỗ trợ tất cả những gì anh cần, mặc dầu tôi chưa bao giờ yêu cầu một việc như thế này. Romanov hỏi: — Tôi có được phép biết tại sao bức tranh Thánh đó lại quan trọng đến thế không ạ? Chủ tịch nhăn mặt: — Tôi không được phép trả lời câu hỏi đó. Nhưng với sự quan tâm nhiệt tình đến như thế của các vị lãnh đạo thì có thể suy luận rằng, cái mà chúng ta theo đuổi không phải chỉ là bản thân bức tranh. Romanov nghĩ: Liệu bức tranh có thể chứa đựng bí mật gì nhỉ, anh quyết định hỏi tiếp: — Tôi thấy phân vân không biết… Chủ tịch lắc mạnh đầu rồi đứng lên và đi về phía bức tường và xé một tờ lịch. Ông nói: — Chúng ta chỉ còn mười ngày nữa để tìm ra cái của nợ chết tiệt ấy nữa thôi. Ngày nào sếp cũng gọi điện cho tôi vào lúc một giờ sáng. Romanov nói: — Một giờ sáng? Chủ tịch quay lại bàn và nói: — Phải. Người bảo tôi là ông già tội nghiệp không thể nào ngủ được. Rồi đến lúc nào đó tất cả chúng ta cũng sẽ như vậy thôi, kể cả anh nữa, Romanov. Và có khi anh còn mất ngủ sớm hơn kia, nếu như anh không thôi đi, đừng có hỏi mãi như vậy. Ông nhăn nhó cười với người đồng nghiệp trẻ. Mấy phút sau Romanov rời khỏi phòng Yuri và quay lại văn phòng mình để xem lại những câu hỏi cần được chủ tịch ngân hàng Gosbank trả lời. Anh không thể bị phân tán tư tưởng bởi câu hỏi liệu có thể có cái gì đó đáng chú ý đến thế trong một bức tranh bé tí như vậy, nhưng anh thừa nhận rằng cần phải hết sức tập trung mọi khả năng để tìm cho ra nó, khi đó may ra bí mật mới sáng tỏ được. Ba giờ ba mươi Romanov đã đặt chân lên bậc thềm toà nhà Neglinnaya 12, vì biết rằng sẽ cần nhiều hơn số mười lăm phút đã được phép để có thể hỏi được hết các câu hỏi. Anh hy vọng Poskonov may ra có thể đồng ý cho gặp ngay. Sau khi Romanov tự giới thiệu với cô trực ban, một người bảo vệ mặc đồng phục dẫn anh lên tầng một, ở đó một thư ký của Poskonov đã chờ sẵn, Romanov được dẫn vào phòng chờ. Người thư ký nói: — Thưa ông Romanov, tôi sẽ vào báo ngay cho Chủ tịch ngân hàng rằng ông đã đến. Nói rồi anh ta biến mất vào phòng mình. Romanov nhấp nhổm sốt ruột trong phòng chờ, nhưng không thấy người thư ký quay lại cho đến khi kim đồng hồ chỉ đúng vạch ngang. Đúng ba giờ bốn lăm, Romanov được mời vào phòng chủ tịch. Chàng thiếu tá trẻ sửng sốt vì sự sang trọng của gian phòng. Một tấm màn nhung dài màu đỏ, sàn nhà lát đá cẩm thạch, và những đồ nội thất cầu kỳ kiểu Pháp như vừa được đem ra khỏi Phòng Chủ tịch Ngân hàng Anh quốc mang về đây. Đây không phải lần đầu tiên Romanov nhận xét rằng đồng tiền vẫn là một thứ hàng hoá quan trọng nhất thế giới. Anh nhìn người đàn ông luống tuổi với mái tóc thưa màu xám và chòm râu rậm rì đang điều khiển tiền của một quốc gia. Người ta đồn đại rằng ông biết rõ mọi bí mật xấu xa của tất cả mọi người. Romanov nghĩ, mọi người, trừ mình. Bộ đồ của ông thật sang trọng và có lẽ sắp một lần nữa được coi là “Hợp thời” ở phố Hoàng đế của London. Nhà ngân hàng hỏi bằng một giọng mệt mỏi, tựa như đang nói chuyện với một khách hàng tầm thường đến hỏi vay một món tiền nhỏ — Tôi có thể làm gì cho anh, anh Romanov Romanov lãnh đạm trả lời — Tôi cần một trăm triệu đô la Mỹ, được đảm bảo bằng vàng, ngay lập tức. Vẻ mặt chán ngán của vị Chủ tịch ngân hàng thay đổi ngay lập tức. Mặt đỏ tía lên, ông ngồi phịch xuống ghế. Ông thở dồn dập một hồi rồi rút ngăn kéo, lấy ra một hộp nhỏ đổ ra một viên thuốc to màu trắng. Mất mấy phút sau ông mới trấn tĩnh lại được. Ông lão hỏi — Anh có điên không đấy Anh hẹn gặp tôi mà không nói lý do gì cả, rồi anh đến văn phòng tôi và yêu cầu tôi phải đưa ngay cho anh một trăm triệu đô la Mỹ, được đảm bảo bằng vàng không một lời giải thích. Vì lý do gì mà anh lại đưa ra một đề nghị phi lý đến như vậy Romanov nói — Đó là một công việc quốc gia. Nhưng bởi vì ông đã hỏi thì tôi xin giải thích là tôi định đặt cọc vào một tài khoản đánh số ở Thụy Sỹ. Vị Chủ tịch ngân hàng hỏi bằng giọng bình tĩnh hơn — Vậy ai uỷ quyền cho anh đưa ra một yêu cầu như vậy — Lenoid. Poskonov nói — Lạ thật. Tôi gặp Lenoid Ilyich ít nhất một tuần một lần mà không thấy ông ấy nhắc đến chuyện này - Vị Chủ tịch ngân hàng nhìn xuống tờ giấy giữa bàn - Thiếu tá Romanov, một sỹ quan trung cấp - ông ta nhấn mạnh từ “trung cấp”, sẽ đưa ra một yêu cầu cao ngất như vậy. Romanov bước tới một bước, cầm chiếc ống nghe bên cạnh Poskonov lên đưa cho ông ta và nói — Sao ông không tự hỏi Leonid Ilyich đi để khỏi mất thì giờ của cả hai chúng ta Anh đẩy chiếc điện thoại về phía nhà ngân hàng. Poskonov nhìn lại, cầm chiếc ống nghe lên và đặt vào tai. Romanov cảm thấy căng thẳng, thứ cảm giác mà anh chỉ có mỗi khi ở mặt trận. Một giọng nói vang lên trong dây: — Thưa Chủ tịch, ông gọi ạ? Ông lão đáp: — Phải. Hãy huỷ cuộc hẹn vào lúc bốn giờ chiều của tôi, và hãy trông chừng để tôi không bị quấy rầy. — Tuân lệnh, thưa Chủ tịch. Poskonov đặt ống nghe lại chỗ cũ rồi không nói lời nào, ông đứng dậy rời khỏi chỗ của mình đi vòng đến bên cạnh Romanov. Ông mời Romanov ngồi vào một chiếc ghế bành êm ái kê tận cuối phòng, rồi ngồi vào một chiếc ghế đối diện bên dưới một khuôn cửa sổ rộng. Ông nói bằng một giọng bình tĩnh và thực tế: — Tôi biết ông nội anh. Lần đầu tiên gặp ông cụ, tôi mới chỉ là một tay tập sự trong ngành ngân hàng. Tôi vừa ra trường xong và ông cụ đã rất tốt bụng với tôi, chỉ có điều ông cụ không kiên nhẫn như anh. Chính điều đó đã làm cho ông cụ trở thành một thương gia thành đạt nhất nước Nga và là một tay chơi xì phé kém nhất. Romanov phá lên cười. Anh không hề biết gì về ông nội mình và một vài cuốn sách ít ỏi có nhắc đến ông đều đã bị huỷ hết từ lâu rồi. Cha anh vẫn thường công khai nói về của cải và địa vị của ông nội anh. — Thiếu tá, anh làm tôi tò mò rồi đấy. Nhưng nếu như tôi trao cho anh một trăm triệu đô la vàng thì có lẽ tôi cũng nên biết nó được tiêu vào việc gì chứ. Tôi nghĩ chỉ có CIA mới có thói quen tiêu tiền mà không cần giải thích thôi. Romanov lại phá lên cười một lần nữa và giải thích cho Chủ tịch Ngân hàng nghe họ đã phát hiện ra bức tranh Thánh của Sa hoàng là của giả ra sao, và anh đã được trao nhiệm vụ tìm lại nguyên bản thế nào. Sau khi kể xong câu chuyện, anh liệt kê tên mười bốn ngân hàng. Nhà ngân hàng xem xét bản danh sách rất kỹ càng trong khi Romanov phác ra những kế hoạch hành động mà anh đã đề xuất, nói rõ rằng món tiền đó sẽ được hoàn trả lại ngay lập tức sau khi anh đã lần ra chỗ cất giấu bức tranh Thánh bị mất. Poskonov tự hỏi thành tiếng, tựa như Romanov không có mặt trong phòng: — Nhưng tại sao một bức tranh Thánh bé tí lại có thể quan trọng đến thế đối với nhà nước? Romanov thành thật trả lời: — Tôi không hề biết. Sau đó anh tóm tắt kết quả tìm kiếm đã đạt được, Poskonov nói: — Liệu tôi có được phép đề xuất một phương án khác cho kế hoạch của anh không? Romanov nói, cảm thấy nhẹ người vì đã bắt đầu đạt được sự hợp tác của ông lão. — Vâng ạ, nhất định rồi. Nhà ngân hàng móc bao Dunhill trong túi áo ra, hỏi: — Anh có hút thuốc không? Romanov hơi nhướng mày khi nhìn thấy bao thuốc màu đỏ, nói: — Không ạ. Ông lão châm một điếu thuốc và nói: — Bộ quần áo này cũng không được may ở Moscow, phải không thiếu tá? - Ông chỉ vào người Romanov bằng điếu thuốc lá - Nào, chúng ta quay lại công việc. Đừng ngần ngừ nếu anh thấy cần chỉ cho tôi thấy là tôi đã hiểu sai bất cứ yêu cầu nào của anh. Ông lão gõ gõ ngón tay lên bản danh sách: — Anh cho là bức tranh hiện đang nằm tại một trong mười bốn ngân hàng này. Vì vậy anh muốn tôi ký gửi một khoản tiền vàng lớn, với từng ngân hàng với hy vọng điều đó sẽ khiến cho anh ngay lập tức tiếp cận được với người chủ. Khi đó anh sẽ đề nghị chủ ngân hàng được quyền điều hành một khoản tiền một trăm triệu đô la nếu họ hứa hợp tác với anh, đúng không? Romanov nói: — Vâng, rõ ràng hối lộ là một cái gì đó phương Tây luôn hiểu mà. — Tôi sẽ nói “không bao giờ” nếu không biết rõ ông nội anh, mặc dầu chính ông anh mới là người đã thôi không còn kiếm được hàng triệu rúp nữa chứ không phải tôi. Tuy nhiên, anh hình dung bao nhiêu thì là một số tiền lớn đối với một nhà băng Thụy Sỹ? Romanov cân nhắc câu hỏi: — Mười triệu. Hai mươi triệu? Poskonov nói: — Nếu đối với bất cứ ngân hàng nào ở Nga thì có lẽ như vậy. Nhưng bất cứ ngân hàng nào trong những ngân hàng mà anh hy vọng nói chuyện ấy, đều có rất nhiều khách hàng, mà mỗi khách hàng đó có thể ký gửi hàng trăm triệu đôla. Romanov không giấu nổi ngạc nhiên. Romanov hỏi: — Vậy tôi cần một tỷ đôla ư? — Không, không, không. Chúng ta cần phải tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác. Anh sẽ không thể nào bắt được một tên câu cá trộm bằng một miếng mồi thịt thỏ nướng — Nhưng nếu như một ngân hàng Thụy Sỹ không rung động trước một khoản tiền khổng lồ thì còn có cái gì có thể làm hắn động tâm được nữa? Vị chủ tịch ngân hàng nói: — Đơn giản là nếu cho họ biết rằng ngân hàng của họ đã bị sử dụng vì một mục đích tội ác. Romanov toan nói: “Nhưng làm thế nào…” — Để tôi giải thích cho mà nghe. Anh nói rằng bức tranh Thánh của Sa hoàng đang trưng bày trong Cung điện Mùa đông không phải là nguyên bản mà chỉ là một phiên bản. Một phiên bản rất tài tình, do một hoạ sỹ triều đình vẽ vào thế kỷ hai mươi, nhưng dù sao cũng chỉ là một phiên bản. Vì thế tại sao lại không giải thích riêng cho từng ngân hàng trong số mười bốn ngân hàng kia rằng, sau khi điều tra chúng ta có đủ lý do để tin rằng một trong những bảo vật quý báu nhất của quốc gia chúng ta đã bị lấy cắp và thay vào đó bằng một phiên bản, và người ta cho rằng nguyên bản đang được ký gửi trong ngân hàng của quý ngài? Và để tránh việc gây ra một vụ việc nho nhỏ về ngoại giao - điều mà tất cả các ngân hàng Thuỵ Sỹ đều muốn tránh bằng bất cứ giá nào - vì lợi ích của quan hệ tốt giữa họ với quốc gia chúng ta, nên chăng họ thử cân nhắc việc kiểm tra xem trong vô số những hiện vật họ giữ mà hai mươi năm qua chưa có ai đến nhận món đồ đó của chúng ta không? Romanov nhìn thẳng vào ông lão, bỗng hiểu ra vì sao ông đã sống qua được chừng ấy năm sau bao nhiêu cuộc thanh lọc nội bộ. — Ông Poskonov, tôi còn nợ ông một lời xin lỗi. — Không, không, mỗi người chúng ta đều có sở trường riêng của mình. Tôi tin rằng tôi cũng sẽ bị lạc lối trong lĩnh vực của anh, cũng như anh đã lầm lạc trong lĩnh vực của tôi thôi. Bây giờ, nếu anh cho phép tôi liên lạc với Chủ tịch các ngân hàng trong cái danh sách này của anh và nói với họ sự thật - một vũ khí mà tôi luôn sử dụng trong kinh doanh mặc dầu tôi hình dung là các đồng nghiệp của anh không quen lắm với vũ khí đó - tức là tôi đặt giả thuyết là bức tranh Thánh của Sa hoàng đang nằm trong tay ngân hàng của họ, thì hầu hết bọn họ sẽ không thích dính dáng đến tuyệt tác đó nếu họ tin rằng làm như vậy là đã phạm phải một tội lỗi bẩn thỉu đối với một đất nước có chủ quyền. Romanov nói: — Tôi không thể không nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề. Poskonov nhắc lại: — Đúng hệt như ông nội anh. Vậy hãy như thế nhé. Nếu như có thể liên lạc được với họ, tôi sẽ nói chuyện với bọn họ hôm nay. Ít nhất liên lạc hiện đại cũng là một tiến bộ của cái thế giới đang thức tỉnh quanh ta. Hãy yên tâm là tôi sẽ gọi cho anh ngay khi có bất cứ tin tức gì. Romanov nói và đứng dậy ra về: — Cảm ơn ông. Ông thật tốt quá. Chủ tịch Gosbank đóng cửa lại và đi về phía cửa sổ, nhìn Romanov chạy xuống bậc thềm để đi ra chỗ chiếc xe đang đợi. “Tôi không thể cấp cho anh một trăm triệu đôla vàng được, anh bạn ạ. Mình ngờ rằng lúc này không có nổi mười triệu đô la trong hầm ngân hàng. Khó mà giấu nổi một lượng bảy trăm triệu đô la vàng, thậm chí dù đó có là ở Mỹ đi chăng nữa.” Vị Chủ tịch ngân hàng nhìn chiếc xe con của Romanov phóng đi. “Dĩ nhiên là cũng giống ông nội. Anh đọc cả tờ Washington Post lẫn tờ Pravada, người ta biết rõ về anh như vậy mà.” • • • Adam bước ra khỏi Tattersalls Tavern ở góc Vườn Knightsbridge và đi băng qua khách sạn Công viên Hyde về phía câu lạc bộ Royal Thames Yacht. Khá lạ là Bộ Ngoại giao lại chọn chỗ này làm chỗ tiến hành phỏng vấn, nhưng thật ra mọi sự liên quan đến người xin việc đều có vẻ có chút gì bí ẩn. Anh đến sớm vài phút và hỏi viên cựu Hải quân Hoàng gia trực ban đứng ở cửa xem chỗ phỏng vấn ở đâu. Anh ta chỉ: — Tầng sáu, thưa ngài. Thang máy trong góc kia. Sau đó ghi tên tại bàn lễ tân. Adam ấn nút và đứng chờ thang máy. Ngay lập tức cửa mở và anh bước vào. Trong thang máy có một người đàn ông to béo khoảng trạc tuổi anh, trông anh ta có vẻ như không bao giờ úp đĩa trước khi người ta tiếp xong lần thứ ba bất kỳ món ăn gì. Adam bấm nút tầng sáu, nhưng không ai nói câu gì trong khi họ lên tới tầng sáu. Người đàn ông to lớn bước ra trước Adam. Anh ta nói với cô gái ngồi ở bàn lễ tân: — Tôi tên là Wainwright. Cô gái đáp: — Vâng, thưa ông. Ông đến hơi sớm một chút, nhưng xin ông ngồi vào ghế kia - cô chỉ về phía một chiếc ghế kê trong góc phòng, sau đó quay sang nhìn Adam và mỉm cười. Adam nói: — Scott. Cô gái lặp lại: — Vâng, thưa ông. Ông có thể đến ngồi cạnh ông kia được không ạ? Họ sẽ gọi ông sau ông ấy ạ. Adam bước lại và cầm một tờ Punch lên, ngồi xuống cạnh Wainwright. Đột nhiên Adam quay lại nhìn người bạn đến phỏng vấn hỏi: — Có bao giờ anh nói tiếng Đức không? Wainwright ngước lên, đáp: — Tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha. Tôi cho là vì thế mà tôi có thể tiến khá xa trong lĩnh vực này. — Vậy chắc là anh có thể giúp tôi dịch một đoạn thư tiếng Đức. Anh bạn đồng khoa nói: — Dễ thôi, anh bạn ạ. Anh ta gỡ cặp kính dày khỏi sống mũi và chờ, trong khi Adam rút mảnh giữa của bức thư ra khỏi chiếc phong bì. Wainwright nói, cầm mảnh giấy và đeo lại kính lên mắt: — Để tôi xem thử. Quả là thử thách đây. Tôi muốn hỏi anh đó có phải là một phần của buổi phỏng vấn không đấy? Adam mỉm cười: — Không, không. Tôi cũng ở vị trí giống hệt như anh thôi - chỉ có điều tôi không nói được tiếng Đức, tiếng Ý hay Tây Ban Nha mà thôi. Wainwright có vẻ nhẹ người. Anh ta nhắc lại, trong khi Adam lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ: — Để tôi xem thử. Trong một năm qua chắc ông không thể… không để ý rằng tôi vẫn nhận từ một trong những người lính gác một sự… một sự… cung cấp thường xuyên - Anh ta chợt nói - phải, cung cấp thường xuyên những điếu xì gà Havana. Một trong những niềm vui hiếm khi mà tôi được hưởng. Không, “được phép” mới phải. Mặc dầu tôi đang bị… giam. Tôi chỉ có thể dịch được như thế là sát nhất thôi - Wainwright nói thêm. Rồi anh nói tiếp, có vẻ như đã bắt đầu thấy thích thú - Những điếu xì gà ấy còn có một mục đích khác, bởi vì chúng chứa những viên thuốc con nhộng nhỏ bé… — Ông Scott. Adam nhảy phắt lên tuân lệnh: — Có tôi. Cô lễ tân nói: — Hội đồng gọi anh đấy. Wainwright nói: — Anh có muốn tôi dịch nốt trong khi chờ đợi không? Adam đáp: — Cảm ơn anh. Tôi không muốn làm phiền anh nhiều quá. Wainwright nói thêm: — Dễ hơn chơi đố chữ nhiều. Anh ta tiếp tục chăm chú vào mẩu giấy. • • • Alex Romanov không phải người luôn nhẫn nại trong mọi trường hợp dù thuận lợi nhất. Vậy mà giờ đây vị lãnh đạo cấp cao gọi điện cho sếp anh hai lần mỗi ngày, điều đó chẳng hề thuận lợi tí nào. Trong khi chờ đợi kết quả thăm dò của Chủ tịch Ngân hàng Gosbank, anh đọc lại các báo cáo kết quả nghiên cứu và kiểm tra mọi tin tức tình báo do các điệp viên tuyến trước gửi về. Romanov nghĩ rằng lẽ ra những mẩu thông tin dù là rời rạc của Chủ tịch ngân hàng Gosbank phải được gửi đến từng giờ, nhưng anh không hề có ý định quấy quả ông lão, mặc cho thời gian mỗi lúc một cấp bách. Cuối cùng Chủ tịch ngân hàng cũng gọi điện đến. Vì vậy Romanov lái xe thẳng đến trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Neglinnaya 12, và ngay lập tức anh được dẫn vào một căn phòng đẹp đẽ, Poskonov đang đứng đón anh ở cửa, ông mặc một bộ đồ khác, thậm chí ngực còn độn cứng hơn bộ trước. Những lời đầu tiên của Poskonov trong khi ông dẫn Romanov đến một chiếc ghế bành rộng thoải mái là: — Chắc anh nghĩ rằng tôi quên mất anh rồi chứ gì? Nhưng tôi muốn có một số tin tức khả quan cho anh hơn là làm phí thì giờ của anh. Anh không hút thuốc, nếu tôi nhớ chính xác? - Ông nói thêm và lấy bao Dunhill của mình ra. Romanov nói: — Không ạ, cảm ơn ông. Không hiểu bác sĩ riêng của ông già có nhận ra mỗi ngày ông hút đến bao nhiêu điếu thuốc không. Viên thư ký bước vào phòng và đặt xuống hai chiếc ly không, một cái bình thót cổ và một đĩa đựng trứng cá đen trước mặt họ. Romanov im lặng chờ đợi. Poskonov rót hai ly vodka và nói: — Trong hai ngày qua tôi đã nói chuyện với mười hai chủ tịch ngân hàng trong danh sách đầu tiên của anh. Nhưng tôi phải tránh không tiếp xúc với hai người còn lại. Romanov nhắc lại — Tránh ư Poskonov nói, giọng ông giống giọng một ông chú hiền từ — Kiên nhẫn một tí nào. Anh còn nhiều thời gian để sống hơn tôi, cho nên nếu phải lãng phí một tí thời gian nào, thì thời gian để lãng phí ấy phải là của anh chứ. Romanov nhìn xuống đất. Poskonov nói tiếp — Tôi tránh một trong hai chủ tịch ngân hàng ấy, bởi vì ông ta đã có mặt ở Mexico để nói cho Tổng thống nước này biết rằng, làm thế nào để có thể không trả nợ cho ngân hàng Manhattan trong khi đồng thời lại có thể vay thậm chí nhiều hơn thế của ngân hàng liên Mỹ. Còn với vị chủ tịch ngân hàng thứ hai, tôi cần phải tránh ông ta bởi vì hiện này ông ta chính thức thông báo là đang ở Chicago để đóng cửa một thương vụ lớn của quỹ châu Âu với Continentan Illinois, trong khi thực ra ông ta đã đặt phòng ở khách sạn St. Francisco với cô bồ nhí. Tôi cảm thấy rằng anh sẽ tán thành, phải không thiếu tá, rằng sẽ không tốt lắm cho chúng ta nếu chúng ta cứ quấy rầy hai người đó vào lúc này. Bởi vì một người đã có đủ vấn đề đau đầu cho đến cuối tuần rồi, còn người thứ hai có thể đang bị nghe trộm điện thoại, mà chúng ta thì không hề muốn người Mỹ biết chúng ta đang tìm kiếm cái gì, đúng không? Romanov nói — Tôi tán thành — Tốt. Dù sao thì khi cả hai người đó trở về Thụy Sĩ vào đầu tuần sau thì chúng ta có thể tiến hành công việc được. Romanov nói — Vâng, nhưng… Poskonov nói tiếp — Chắc là anh sẽ rất mừng khi biết rằng cả mười hai chủ tịch ngân hàng kia đều đồng ý hợp tác với chúng ta và đã có năm người gọi điện lại cho tôi. Bốn người gọi để nói rằng họ đã kiểm tra toàn bộ tài sản của các khách hàng chưa tiếp xúc với ngân hàng trong hai mươi năm qua, nhưng không hề tìm thấy gì có liên quan dù là xa xôi tới bức tranh Thánh. Thực tế một trong các ngân hàng đó đã mở một hộp ký gửi chưa hề được chạm tới từ năm 1933, và thấy rằng trong đó không có gì ngoài một cái nút chai bằng lie của một chai rượu porto Taylor cất năm 1929. Romanov nói — Chỉ có một nút chai thôi ư Chủ tịch ngân hàng đáp — Phải, năm 1929 là một năm rượu vang ngon. Romanov hỏi — Còn vị thứ năm Poskonov nhìn vào tập hồ sơ trước mặt. Ông giơ tay trỏ lên sửa cặp kính viễn và nói tiếp — Tôi cho là có lẽ đây là bước đột phá đầu tiên của chúng ta. Herr Dieter Bischoff, ngân hàng Bischoff et Cie - ông nhìn vị khách của mình tựa như Romanov phải nhận ra cái tên ấy mới phải - một người cao quý mà trước đây tôi đã nhiều lần có công chuyện với, cao quý, nghĩa là theo tiêu chuẩn của phương Tây, - vị Chủ tịch ngân hàng nói thêm, có vẻ thích thú thật sự - Bischoff đã đề cập đến một vật được ký gửi ở ngân hàng của ông từ năm 1938. Đó đúng là một bức tranh Thánh, nhưng ông ta không biết đó có phải là bức tranh chúng ta đang tìm không. Romanov nhảy bật lên vui sướng, anh nói — Vậy thì tốt hơn là tôi sẽ đến đó và tự kiểm tra xem - Anh nói thêm - Hôm nay tôi sẽ đi ngay. Chủ tịch ngân hàng ra hiệu cho anh ngồi xuống — Chuyến bay anh cần phải bay sẽ không rời sân bay Shermtyevo trước bốn giờ ba lăm. Trong bất cứ trường hợp nào thì tôi cũng đặt trước cho anh hai vé trên chuyến bay đó rồi. Romanov hỏi — Hai ư — Chắc chắn là anh sẽ cần có một chuyên gia đi cùng, trừ phi anh hiểu biết về bức tranh Thánh hơn rất nhiều so với sự hiểu biết về ngân hàng - Poskonov nói thêm - Tôi cũng đã đặt vé cho anh trên chuyến bay của hàng không Thụy Sĩ. Và liên hệ với Herr Bischoff để ông ta cho anh gặp vào lúc mười giờ sáng mai, dĩ nhiên là trừ phi anh có một việc gì đó cấp bách hơn mà phải ở lại Moscow, đúng không Romanov mỉm cười. Ông lão nói tiếp, mặt tỉnh bơ — Theo những thông tin mà tập hồ sơ của anh cho thấy thì anh chưa bao giờ phục vụ ở Thụy Sĩ, vì thế tôi cũng xin khuyên anh là nên ở tại khách sạn St. Gothard trong thời gian ở Zurich. Ngài Jacques Potin sẽ chăm sóc anh chu đáo tuyệt vời. Người ta không bao giờ gặp rắc rối với dân Thụy Sĩ, ngoại trừ vấn đề tiền bạc mà thôi. Và để hoàn thiện cuộc điều tra nho nhỏ mà tôi đã tiến hành, tôi sẽ tiếp xúc ngay với hai người còn lại ngay khi họ quay về Thụy Sĩ vào thứ hai tới. Còn bây giờ tất cả những gì tôi có thể làm tiếp là chúc anh may mắn trong chuyến đi Thụy Sĩ này. Romanov nói — Cảm ơn ông. Có lẽ cần phải nói thêm là tôi vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của ông. — Niềm vui của tôi là được nói rằng tôi vẫn còn nợ ông nội của anh một ân huệ, và có lẽ một ngày kia anh cũng sẽ nhận được ở tôi một cái gì đó tương tự, vậy hãy cứ để thế đã. Romanov cố gắng để hiểu ý nghĩa những lời ông lão. Vẻ mặt của ông không cho anh đoán được tý gì, và ông từ biệt anh, không nói thêm một lời nào nữa. Nhưng khi Romanov đi xuống cầu thang rộng rãi làm bằng đá cẩm thạch anh cứ nghĩ ngợi mãi. Khi Romanov về đến Quảng trường Dzerzhinski, thư kí báo với anh rằng trợ lý của Herr Bischoff đã gọi điện đến thông báo ấn định cuộc gặp gỡ với Chủ tịch ngân hàng sẽ vào lúc mười giờ sáng hôm sau. Romanov yêu cầu anh ta gọi điện cho khách sạn St. Gothard đặt hai phòng, trước khi lên tầng trên để gặp Chủ tịch báo cáo cho ông về cuộc gặp vừa rồi với người lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia, anh nói thêm — Và nữa, nhớ gọi cho hãng hàng không Thụy Sĩ xem vé của tôi đã ấn định chưa Vừa nghe anh nói xong Yuri thốt lên — Tạ ơn Chúa. Chỉ còn lại có chín ngày nữa. Romanov mỉm cười. — Sứ quán của chúng ta sẽ thông báo trước cho cậu tất cả những điều cần thiết. Hãy cứ hy vọng là cậu sẽ có thể đem bức kiệt tác ấy về treo lại trên tường Cung điện Mùa đông. Romanov nói — Nếu nó nằm ở cái ngân hàng ấy, thì ông sẽ có nó trong tay vào sáng mai. Nói xong anh từ biệt Yuri, miệng mỉm cười. Về đến phòng làm việc anh thấy Petrova đã chờ sẵn. Cô nói — Anh gọi cho em ạ? Romanov nhìn đồng hồ đeo tay: — Chúng ta sẽ đi Zurich. Trong vòng ba tiếng nữa. Vé máy bay và phòng nghỉ ở khách sạn đã đặt sẵn rồi. Cô đáp: — Chắn hẳn là đặt cho Ông Bà Schmidt chứ ạ? 6 Sau cuộc phỏng vấn, Adam cảm thấy hoàn toàn tin tưởng. Lời cuối cùng vị chủ tọa buổi phỏng vấn hỏi anh là có thể có kết quả kiểm tra sức khỏe trong vòng một tuần không. Adam trả lời rằng anh nghĩ không có vấn đề gì trở ngại và hoàn toàn mong đợi được phục vụ trong ngành ngoại giao nước Anh. Ra đến phòng chờ, Wainwirght ngẩng lên và đưa cho anh mẩu giấy lúc nãy. Adam cố tỏ ra bình thường khi đút mẩu giấy vào túi áo trong mà không liếc bản dịch, nói: — Cảm ơn anh rất nhiều. Anh ta chăm chú hỏi: — Họ phỏng vấn như thế nào, ông bạn? Adam an ủi: — Với một người có những vũ khí là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý thì chẳng có vấn đề gì đâu. Với lại, may hơn khôn mà. Cô thư ký nói: — Ông Wainwirght, Hội đồng gọi ông. Adam đi thang máy xuống tầng trệt và đi bộ về nhà, anh chỉ dừng lại ở góc phố Wilton Place để mua một túi táo của một thằng bé bán rong, hình như thằng bé suốt ngày chỉ có mỗi việc duy nhất là chăm chăm canh chừng cảnh sát. Adam vừa đi vừa ôn lại một lượt những câu hỏi của Hội đồng giám khảo và những câu trả lời của mình. Anh cho rằng đó là một bài tập thật vu vơ, mặc dầu anh vẫn có thể cảm thấy tự tin rằng buổi phỏng vấn đã trôi qua tốt đẹp. Anh dừng lại đột ngột đến nỗi người khách bộ hành đi sau phải cố lắm mới không đâm sầm vào anh. Điều khiến anh bị thu hút đột ngột là một tấm biển đề hàng chữ: “Trung tâm thực phẩm Đức”. Một cô gái xinh đẹp với nụ cười duyên dáng, và đôi mắt tươi cười ngồi ở bàn thanh toán cạnh cửa ra vào. Adam rẽ vào cửa hàng và đi thẳng về phía cô gái, mặc dầu không hề định mua gì trong đó. Cô gái hỏi bằng một ngữ điệu nhẹ nhõm: — Ông không mua thứ gì ư? Adam nói: — Không, tôi sắp mua. Nhưng tôi hơi phân vân không hiểu cô có biết tiếng Đức không nhỉ? Cô gái nhoẻn miệng cười, đáp: — Mọi cô gái ở đây đều biết tiếng Đức. Adam nói: — Phải, tôi cũng nghĩ vậy. Anh thận trọng nhìn cô gái. Chắc cô ta mới chỉ chừng hai mươi hai mốt là cùng, và ngay lập tức Adam bị thu hút bởi nụ cười và cung cách thân thiện của cô ta. Mái tóc đen bóng buộc túm thành đuôi ngựa bằng một dải nơ đỏ to tướng. Chiếc áo len chui đầu màu trắng và chiếc váy ngắn gọn gàng, khiến cho khó có người đàn ông nào không quay lại nhìn lần nữa. — Không hiểu cô có vui lòng dịch giúp tôi vài câu tiếng Đức không? Cô gái vẫn mỉm cười, đáp: — Tôi sẽ thử xem sao. Adam lấy cái phong bì đựng mẩu cuối cùng của bức thư ra đưa cho cô gái. Cô gái đáp, vẻ mặt nghiêm trang: — Lối văn có vẻ hơi cổ. Có lẽ cũng hơi mất thì giờ đấy. Adam nói: — Tôi sẽ đi mua vài thứ. Nói rồi anh bắt đầu đi dọc dãy giá để hàng hóa. Anh nhặt một ít salami, xúc xích Đức, thịt lợn xông khói, một ít mù tạt Đức, thỉnh thoảng lại ngước lên xem cô gái dịch đến đâu rồi. Anh nhận thấy cô gái chỉ có thể dịch được vài từ một vì luôn bị khách mua đến gián đoạn. Phải gần hai mươi phút sau cô mới đặt mẩu giấy sang bên cạnh. Ngay lập tức Adam đi đến quầy tính tiền và đặt các thứ lên bàn. Cô gái nói: — Một bảng hai mươi si ling, sáu xu. Adam đưa cô hai bảng, cô trả lại tiền thừa cùng với mẩu giấy và nói: — Đây chỉ là một bản dịch thô thôi, nhưng tôi nghĩ là đủ rõ nghĩa. Adam nói trong khi ông già đến xếp hàng phía sau anh: — Tôi không biết cần phải cảm ơn cô thế nào. Cô gái cười phá lên: — Anh có thể mời tôi cùng ăn món xúc xích Đức cũng được mà. Adam nói: — Không, tôi không đùa tí nào. Một người nữa đến đứng vào hàng và ông già đứng sau anh có vẻ bắt đầu sốt ruột. Adam nhặt một tờ quảng cáo trên bàn và lui vào một góc cửa hàng, viết nguệch ngoạc tên, địa chỉ và số điện thoại của mình lên đó. Anh chờ cho hai người khách trả tiền xong rồi mới đưa cho cô gái tờ chào hàng của hãng Percil “Một lần trong đời”. Cô gái hỏi vẻ ngây thơ: — Cái gì thế này? Adam nói: — Tôi đã ghi tên và địa chỉ trong trang giữa. Tôi sẽ chờ cô đến ăn tối vào lúc tám giờ. Ít nhất thì cô cũng biết là trong thực đơn sẽ có những gì rồi. Cô gái có vẻ ngần ngừ: — Tôi chỉ đùa thôi mà. Adam nói: — Tôi sẽ không ăn thịt cô đâu mà chỉ ăn xúc xích thôi. Cô gái nhìn tờ quảng cáo trên tay và phá lên cười: — Tôi sẽ nghĩ xem thế nào đã. Adam đi ra đường phố náo nhiệt. Một buổi sáng tồi tệ, buổi chiều tốt đẹp và có lẽ buổi tối còn hay ho hơn. Anh về đến căn hộ vừa đúng lúc để xem tin tức lúc năm giờ ba mươi. Bà Gandhi, thủ tướng mới của Ấn Độ đang thay đổi nội các và Adam băn khoăn không hiểu có bao giờ nước Anh được một trăm mười bảy điểm trên bảy, trong khi Tây Ấn vẫn dẫn đầu. Adam rên lên rồi tắt Tivi. Sau khi bỏ đồ ăn vào tủ lạnh anh quay vào phòng ngủ để ghép nốt mẩu cuối cùng trong bức thư của Goering. Anh đọc lướt lại lần nữa những mẩu rời rạc, anh xé một tờ giấy trong cuốn sổ tay rồi bắt đầu chép lại các bản dịch theo thứ tự: đầu tiên là bản dịch của cô gái ở YMCA, rồi đến những dòng chữ của Wainwirght, cuối cùng là bản dịch của cô gái dễ thương ở cửa hàng Mainz. Anh đọc lại toàn bộ bản dịch một lần thứ hai. Nuremberg. 15 tháng Mười năm 1946. Đại tá thân mến. Trong suốt năm qua chúng ta đã trở nên hiểu biết nhau khá rõ. Chưa bao giờ ông giấu diếm sự căm ghét đối với Đảng Quốc xã, nhưng ông luôn cư xử với sự nhã nhặn và lịch sự của một sĩ quan và là một người lịch thiệp. Trong một năm qua chắc ông không thể không để ý thấy tôi vẫn được một trong những người lính gác cung cấp thường xuyên những điếu xì gà Havana - Một trong những niềm vui hiếm hoi mà tôi được phép, mặc dầu đang bị giam. Những điếu xì gà ấy còn có một mục đích khác, bởi vì mỗi điếu chứa một viên thuốc con nhộng nhỏ bé, mỗi viên lại chứa một lượng thuốc độc nhỏ đủ để cho tôi thoát khỏi bản án, trong khi chắc chắn là tôi sẽ bị tử hình. Nỗi ân hận duy nhất của tôi là ông, với cương vị sĩ quan trực ban vào lúc tôi hầu như đã muốn chết, có thể sẽ phải nhận trách nhiệm về một việc mà ông không bao giờ tham dự. Để sửa chữa điều đó, tôi gửi kèm theo thư này một văn bản đề tên Emmanuel Rosenbaum, nó có thể sẽ giúp ông đương đầu với bất cứ khó khăn nào về mặt tài chính trong tương lai sau này. Tất cả những gì ông cần… Có tiếng Lawrence: — Có ai ở nhà không? Adam gấp các mẩu giấy lại, đi nhanh về giá sách và nhét chúng vào chỗ bản chính bức thư trong cuốn Kinh. Mấy giây sau Lawrence thò đầu qua cửa. Giọng anh vui vẻ vang lên: — Giao thông tệ quá. Tớ không thể chờ cho đến khi được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng và được cấp một căn hộ trên tầng thượng, một lái xe lúc nào cũng chờ sẵn và một chiếc xe con. Adam phá lên cười: — Anh bạn yêu quý của tớ, chắc lại là một ngày khốn khổ ở công ty chứ gì? Anh cười lục cục và đi xuống bếp rồi bắt đầu lấy các thứ trong tủ lạnh ra. Lawrence hỏi khi nhìn thấy những thứ ngon lành xuất hiện trước mắt: — Chắc là có ai sắp đến ăn tối chứ gì? Adam nói: — Tớ hy vọng rằng đó sẽ là một cô gái Đức, hơn mức hấp dẫn một tý. — “Hy vọng” nghĩa là thế nào? — Ồ, tớ khó có thể gọi đó là một lời mời chính thức, vì thế tớ không chắc là cô ta có đến hay không. — Trong trường hợp như vậy có lẽ tớ sẽ loanh quanh đâu đấy, đề phòng trường hợp nhỡ cô ta cho cậu leo cây và cậu có người ăn giúp cả đống thức ăn kia. — Cảm ơn cậu đã tình nguyện. Nhưng tớ nghĩ là đến lượt cậu sẽ có dịp biến mất hoặc giả chết. Nhân thể, Carolyn thế nào rồi? — Carolyn là cô cái của ngày hôm qua mất rồi. Cậu gặp cô bé Gnadiges Fraulein của cậu ra sao? — Cô ta bán hàng trong một cửa hàng thực phẩm ở Knightsbridge. — Ra vậy. Bây giờ chúng ta xuống hạng đến tận một cô bán hàng rồi. Adam nói: — Tớ không hề có khái niệm cô ta làm nghề gì hay là thậm chí tên cô ta là gì. Nhưng hy vọng tối nay sẽ biết. Và như tớ đã nói rồi đấy, đến lượt cậu mất tích đấy nhé. — Naturlich. Tất nhiên rồi. Cậu sẽ thấy là có thể tin cậy được là tớ sẽ giúp một tay nếu như cậu cần phiên dịch giúp vài câu. — Thôi, cậu chỉ cần bỏ hộ tớ chai vang vào tủ lạnh và bày bàn ra thôi. Lawrence cười lục cục: — Đó gọi là những công việc nghiêm túc để một người thành đạt như tớ cần phải làm để được tin cậy ư? Khi chuông đồng hồ điểm tám tiếng, bàn ăn đã bày xong và Adam đã chuẩn bị xong xuôi tất cả mọi thứ. Đến tám rưỡi thì cả hai người đã thôi không đợi nữa và Adam đã bắt đầu bày hai đĩa xúc xích Đức, salami và rau diếp với khoai tây bỏ lò cùng nước sốt dưa bắp cải. Sau đó anh cởi tạp dề và treo ra sau cửa bếp, ngồi xuống chiếc ghế đối diện Lawrence, còn Lawrence thì đã bắt đầu rót rượu. Lawrence nhấc kính lên, nói: — Ồ, trông cậu cứ như chết rồi trong chiếc áo khoác len này ấy, mein liebes Madchen, anh bạn thân mến của tôi ạ. Adam vừa định trả đũa lại bằng một thìa rau thì có tiếng gõ cửa trước, hai anh chàng trố mắt nhìn nhau một hồi rồi Adam mới nhảy ra mở cửa. Đứng trước cửa là một anh chàng cao đến một mét chín với đôi vai trông như một võ sĩ nhà nghề. Bị nuốt chửng bên cạnh anh ta là cô gái mà Adam đã mời đến ăn tối. Cô gái giải thích: — Đây là anh trai em, anh Jochen. Ngay lập tức Adam choáng váng bởi cô trông thật xinh đẹp trong chiếc áo màu xanh da trời thẫm trang trí những hình vẽ, và chiếc áo dài màu xanh da trời vừa chấm qua đầu gối. Mái tóc dài, thẫm màu bây giờ buông xõa trông như vừa được chải và bóng lên dưới ánh sáng ngọn đèn bốn mươi oát treo trong hành lang. Adam nói, hơi sửng sốt: — Xin chào các bạn. — Jochen chỉ đưa em đến đây thôi. Adam nói: — À, tất nhiên. Jochen, mời anh vào uống chút gì đã. — Thôi, cảm ơn anh. Tôi cũng có hẹn rồi, nhưng tôi sẽ đến đón Heidi lúc mười một giờ, nếu anh thấy được? Adam nói: — Tuyệt. Ít nhất thì anh cũng biết được tên cô gái. Anh chàng khổng lồ cúi xuống hôn lên hai má em gái, sau đó quay sang bắt tay Adam trước khi bước ra ngoài. Heidi nói: — Xin lỗi vì em đến muộn. Nhưng anh trai em mãi hơn bảy giờ mới đi làm về. Adam dẫn cô gái vào nhà và nói: — Không sao. Nếu cô đến sớm hơn thì tôi cũng chưa chuẩn bị xong mọi việc kia mà. Tiện thể, đây là Lawrence Pemberton, anh bạn cùng nhà với tôi. Heidi nói: — Ở Anh cả đàn ông cũng cần có bảo mẫu à? Cả hai người đàn ông cười vang. Lawrence nói: — Không, không. Tôi cũng có việc phải đi ra ngoài bây giờ. Giống như anh trai cô ấy mà, tôi cũng có hẹn. Cô thấy đấy, bàn ăn chỉ dọn có hai người. Adam, khoảng mười một giờ tớ sẽ về, chỉ để xem cậu có an toàn hay không thôi. Anh mỉm cười với Heidi, mặc áo khoác và đóng cửa lại trước khi hai người kịp phản đối. Heidi nói: — Hy vọng là em đã không xua anh ấy ra khỏi nhà. Adam ngồi xuống chỗ Lawrence và nói: — Không, không. Anh ấy thật sự đã muộn với cô bạn gái rồi. Một cô gái xinh đẹp tên là Carolyn, một nhà hoạt động xã hội. Anh nhanh nhẹn rót đầy cốc cho cô, cố tỏ ra là nó chưa từng được rót giọt nào trước đây. Cô gái cười vang và nói: — Vậy là rốt cuộc em sẽ ăn xúc xích chính mình bán ra. Suốt buổi tối hôm ấy hai người cười mãi không dứt, và Adam được biết đến cuộc sống của Heidi ở Đức, về gia đình và về công việc tạm thời trong kỳ nghỉ hè của trường đại học Mainz. — Bố mẹ em chỉ đồng ý cho em sang Anh vì có anh trai ở London. Và đó là để giúp cho môn ngoại ngữ nữa. Nhưng còn anh, Adam, em muốn biết là anh làm việc gì, trong những lúc không nhặt được một cô gái ở cửa hàng thực phẩm thế này? — Tôi đã phục vụ trong quân đội chín năm và bây giờ đang hy vọng sẽ được làm việc ở Bộ Ngoại giao. Heidi hỏi: — Dựa trên năng lực nào, nếu em chọn đúng từ? Adam nói: — Từ đó là đúng rồi, nhưng tôi không chắc là mình sẽ trả lời đúng. — Khi người ta nói về nhân viên Bộ Ngoại giao, thì thông thường với ý nghĩa rằng đó là gián điệp. — Tôi cũng không rõ công việc là gì lắm, nhưng tuần sau người ta sẽ cho tôi biết. Trong bất kỳ trường hợp nào thì tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ là một gián điệp giỏi. Nhưng cô định sẽ làm gì sau khi trở về Đức? — Em sẽ học nốt năm cuối cùng ở trường đại học Mainz và sau đó em hy vọng sẽ xin được làm một nhân viên nghiên cứu về vô tuyến truyền hình. Adam hỏi: — Thế còn Jochen thì sao? — Bao giờ về thì anh ấy sẽ cùng bố em hành nghề luật. Anh chợt hỏi: — Vậy cô sẽ ở London bao lâu? Cô gái nói: — Hai tháng nữa. Nếu như em có thể chịu đựng được công việc này. — Tại sao cô tiếp tục làm việc nếu công việc đó đã tồi tệ như vậy? — Không có cách nào tốt hơn để kiểm tra vốn tiếng Anh bằng cách tiếp chuyện những khách hàng nóng nảy và nói bằng đủ các thứ ngữ âm. Adam nói: — Hy vọng là cô sẽ chịu đựng được cả hai tháng trước mắt đó. Cô gái đáp, miệng mỉm cười: — Em cũng hy vọng như vậy. Khi Jochen quay lại vào lúc mười một giờ, anh thấy Adam và Heidi đang rửa chén đĩa. Cô gái lau tay và nói: — Cảm ơn vì một buổi tối vô cùng thú vị. Jochen khiển trách: — Em dùng sai từ rồi. Không phải là thú vị. Dễ thương, hài lòng, tuyệt diệu, thích thú có thể được, nhưng không thể là thú vị. Adam nói: — Tất cả những từ đó đều đúng, cả thú vị nữa. Cô gái mỉm cười. — Ngày mai tôi có thể đến và mua thêm ít xúc xích nữa không? Heidi đáp: — Em hy vọng là như vậy. Nhưng lần này chớ có cản mũi một bà già khó tính nào bằng một đề nghị dịch hộ nhé. Tiện thể, anh chưa nói với em tại sao anh cần một bản dịch lạ lùng thế. Em cứ tự hỏi cái ông Rosenbaum ấy là ai và ông ấy để lại cho ai đó vật gì vậy. Adam nói, trông có vẻ hơi bối rối: — Lần sau, có thể. Jochen nói và bắt tay Adam thật chặt: — Và lần sau anh có thể tự đưa em gái tôi về lấy. Sau khi Heidi ra về, Adam ngồi xuống và uống nốt ly rượu cuối cùng và nhận ra mình vừa trải qua một buổi tối dễ thương, tuyệt diệu, thích thú và thú vị mà lâu lắm anh chưa từng được hưởng. • • • Một chiếc xe limousine màu đen với những cánh cửa sổ thẫm màu, và tấm biển số tối om đậu trong khu vực dành cho VIP của sân bay Zurich. Những cảnh sát Thụy Sĩ khó đăm đăm đã hai lần đến gần chiếc xe, và kiểm tra giấy tờ ra vào của người lái xe trong khi thiếu tá Romanov và Anna Petrova bước ra từ phòng hành khách để ngồi vào hàng ghế sau của chiếc xe. Trời đã tối, người lái xe cho xe chạy về phía quầng ánh sáng xanh nhạt của những ngọn đèn neon trong thành phố. Khi chiếc xe đỗ trước khách sạn St. Gothard, Romanov chỉ nói với người lái xe một câu ngắn ngủi: — Tôi sẽ về Moscow bằng chuyến bay ngày thứ ba. Jacques Pontin, người quản lý khách sạn đã đứng trước cửa để đón những vị khách mới đến. Ngay lập tức ông ta tự giới thiệu, rồi sau khi giúp hai vị khách làm thủ tục đăng ký khách sạn, ông rung một chiếc chuông nhỏ ra hiệu cho người phu khuân vác đến giúp hai người khách mang hành lý lên phòng. Một giây sau một thanh niên khoảng hai mươi tuổi, mặc bộ quần áo màu xanh lá cây thẫm xuất hiện. Ông Jacques bảo anh ta: — Dãy phòng số hai mươi ba và phòng số hai mươi tư - Ông quay lại nói với Romanov - Rất hy vọng là ngài sẽ thấy hài lòng trong thời gian ở lại đây, thưa Herr Romanov. Nếu cần bất cứ điều gì xin ngài đừng ngại gọi cho tôi. Romanov nói: — Cảm ơn ngài. Nói rồi anh đi theo người phu khuân vác đến trước cửa một chiếc thang máy. Romanov đứng sang một bên nhường cho Anna đi trước. Thang máy dừng lại ở tầng thứ bảy, người phu khuân vác đi trước dẫn họ dọc theo hành lang tới dãy phòng. Anh ta mở khóa và mời hai vị khách vào trước. Dãy phòng đúng như Romanov mong đợi, khác hẳn với bất cứ khách sạn loại sang nhất nào anh đã từng ở Moscow hay Leningrad. Khi nhìn thấy dãy vòi tắm trong buồng tắm lát đá cẩm thạch, anh nhớ đến những du khách giàu có ở Nga, nếu là những khách du lịch vãng lai, thường phải mang vòi tắm của mình đi theo. """