"
Trốn Lên Mái Nhà Để Khóc PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trốn Lên Mái Nhà Để Khóc PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Xin được gửi cho em,
Người (và những người) đã không bỏ rơi chính mình trong những năm tháng đó.
Mười hai giờ khuya, mình nhận được một cuộc gọi từ nơi xa. Đầu dây bên kia là một đứa trẻ mười hai, mười ba tuổi. Em chẳng nói quá nhiều, chỉ bắt đầu câu chuyện bằng sự im lặng. Cho đến lúc mình sắp ngủ thiếp đi, em bỗng nhẹ nhàng nói vội ba từ “Cảm ơn chị!” rồi cúp máy.
Cách đây khá lâu, mình từng nhận được một cuộc gọi từ em, cũng vào giữa đêm khi chỉ có vì sao trên trời và ánh đèn đường còn thức. Hôm đó em nói rất nhiều, đến nỗi mình không còn nhớ rõ bản thân đã nghe những gì. Chỉ nhớ rằng em đã kể với mình về nơi em đang sống.
Một thành phố mà Mặt Trời không mọc vào buổi sáng, chờ mãi đến tối cũng chỉ đợi được một ngọn sao rơi. Ở thành phố đó, em không thấy rõ bàn tay mình có dáng hình gì, chẳng thấy được trước mắt là đường đi hay hố rỗng. Rất nhiều cành cây chẳng ai dọn gỡ bên đường. Mặt đất lúc nhũn mềm đến lún bàn chân, lúc gồ ghề chỉ toàn sỏi đá. Những cây cổ thụ đứng sát kề nhau, bóng đen của nó che khuất vì sao duy nhất sáng trong đêm tối.
Đôi lúc, để ngắm được ánh sáng le lói của vì sao, em phải tự leo lên mái nhà cao chót vót. Đó là nơi bóng đêm che phủ dày đặc nhất, cũng là nơi duy nhất em có thể nghe được tiếng chảy của một dòng sông.
“Em có lên đó nhiều lần không?”
“Nhiều lắm ạ.”
“Vậy em đã được ngắm vì sao kia nhiều lần lắm hả?”
“Chưa lần nào.”
Nhưng em đã nghe tiếng sóng vỗ rì rào từ một con sông nào đó truyền đến từ xa. Dù không chắc đó có phải tiếng gió hú hay không, nhưng em tin nó là một dòng sông rất rộng. Cây gáo mọc sum sê hai phía bờ sông, quả gáo chín vàng đầy lông, gai đâm chân em đau rát, nhưng lại làm em vui như chưa bao giờ được vui đến thế.
Em biết bầu trời trên dòng sông ấy sẽ có đầy ánh sao. Có đom đóm lập lòe. Có những cành gáo mọc đầy quả. Em gom thật nhiều quả gáo lót dưới chân mình, dùng chiếc đuốc mà mình tìm được dọc đường để ngắm nhìn vết xước trên bàn chân nho nhỏ. Đoạn đường đến đó, chắc em không thể đếm hết những vết xước trên chân.
“Em có sợ không?”
“Em có.”
“Thế sao em vẫn bước đi?”
“Vì em tin phía trước là đường.”
Những tòa nhà cao chót vót muốn níu em ở lại giữa lòng thành phố. Bóng tối muốn thuyết phục em rằng vì sao le lói đó là ánh sáng duy nhất trong đời.
Nhưng em tin phía trước là đường đi. Cho dù đó có là hố rỗng. Đi một đoạn nữa sẽ đến bờ sông, em tin sẽ có rất nhiều vì sao ở đó, và cũng tin mình sẽ tìm được một chiếc đuốc dọc đường. “Thành phố của chị có ánh sáng không?”
“Ở thành phố của chị, Mặt Trời sẽ mọc lên vào buổi sáng. Rất nhiều vì sao sẽ xuất hiện khi trời vừa chạng vạng. Vào những hôm bóng tối ghé thăm, vì sao bị che khuất đằng sau những đám mây
xám xịt, nhưng vẫn có đèn đường đứng chờ để thắp sáng người qua.”
“Thành phố của chị có xa không?”
“Chỉ cách em bảy năm lẻ nữa.”
Kết thúc cuộc trò chuyện hôm đó, em bảo nhất định sẽ ghé thăm mình.
Năm hai mươi tuổi, mình có một giấc mơ. Ở đó, mình đang sống lại những ngày tăm tối cũ. Mình gọi cho em, bảo rằng nơi đây cũng có những ngày chỉ toàn bóng tối.
“Nhưng ngày mai Mặt Trời vẫn sẽ lên thôi, đúng không chị?” Mình đáp “ừ”.
Có một thành phố ở trong trái tim mình, một buổi chiều nọ mình gặp em ở đó. Em nhỏ bé, gầy rộc, mái tóc dài qua lưng. Đôi mắt em đỏ hoe, nhưng lại ráo hoảnh.
Chúng mình ngồi trên mái nhà, cách nhau một dòng sông thời gian. Ở nơi đó, mình đã làm chỗ dựa cho em. Và cũng ở đó, em đã giữ thay mình những tháng ngày tăm tối nhất.
phần một: em
(năm đó mười ba)
Có một hôm đáy lòng như tơ rối, mình trốn vào thành phố ở trong tim, thấy Mười Ba đã ngồi ngoan trên mái nhà. Đôi mắt em nhìn lên bầu trời cao vời vợi. Mặt Trăng nằm đâu đó đằng sau lớp mây đen, hoặc có lẽ đã đi trốn cùng những vì sao rồi.
Hôm nay cũng là một ngày thành phố không có ánh sáng. Như mọi ngày, chúng mình ngồi trên mái nhà, cách nhau một con sông. Mười Ba sẽ bắt đầu câu chuyện bằng nụ cười mà em cho là không có khe hở. Hôm nay chúng mình nói về những ước mơ.
“Hai Mươi có muốn nghe kể về những ước mơ của em không?” Mười Ba khẽ hỏi, giọng nói em rơi xuống bóng đêm dưới mặt đất, màn đêm đen kịt như muốn nuốt chửng ngọn nến đang chầm chậm le lói trong ánh mắt của em.
“Chị nghe.”
Mình đã đáp lời em như thế.
Con diều phượng năm đuôi.
Đ
ó là vào một buổi chiều tháng Ba, ruộng vừa gặt xong, gốc rạ trơ ra chân khô xám ngoét. Lũ trẻ trong xóm đã chán chê việc đuổi theo lũ vịt trên đồng, chúng bắt đầu truyền tai nhau để nghênh đón một mùa mới: Mùa của diều.
Thằng Hoa đầu xóm - cái thằng thường đứng ngay kia, cạnh khóm rau trai xanh nuột, mặc cái áo màu vàng sạch sẽ nhất - được xem là đứa đầu tiên phát hiện ra mùa gió đã về.
Nó kéo theo chiếc diều phượng năm đuôi, đứng chễm chệ giữa con đê cao ngút. Tay nó lò dò cầm sợi dây cước, mắt đăm đăm dòm đuôi diều xanh đỏ đang loay hoay tìm chỗ neo trong gió. Sau lưng nó, lũ trẻ con tròn mắt ngẩng đầu. Chúng nó hồi hộp nhìn thằng Hoa thả chậm dây diều, theo dõi từ lúc con phượng năm đuôi chao đảo như sắp rơi xuống, đến lúc nó kiêu hãnh như một con phượng hoàng thật sự, bay nhịp nhàng theo từng đợt gió thổi qua.
Mùa diều đã về như thế.
Lũ trẻ con tạm trả lại đàn trâu cho đồng cỏ, trả những thanh kiếm gươm đao cho đám lau sậy đầu làng. Con đê rạo rực với những dấu chân nhao nhao chạy theo cánh diều cao vút.
Không ai trong số chúng biết, người đầu tiên nhận ra mùa gió đã về chẳng phải thằng Hoa hay chiếc diều phượng năm đuôi đủ màu của nó, mà lại là em.
Em biết mùa gió về lâu rồi, Hai Mươi ạ!
Từ hôm thức dậy và nhìn ra cửa sổ, thấy đống lúa ngoại phơi trổ
vàng một góc sân, em biết gió về rồi. Mùa gió mang oi bức trả lại cho những buổi trưa hè nắng rát, mùa của những cánh diều bay phấp phới giữa đồng, mùa của những nuối tiếc chưa kịp thành hình thành dạng.
Mẹ cũng rời đi trong một hôm gió về như thế. Chị có còn nhớ không? Giữa con sông Ngang bao la, bầu trời hôm đó cũng phấp phới những cánh diều neo đậu. Em nhìn thấy con ghe chở mẹ đi xa, tiếng máy nổ xé tung bọt nước. Rồi trong ánh ráng chiều đỏ rực, bóng đen của mẹ thấp thoáng, nhỏ dần, nhỏ dần, rồi biến mất giữa nơi bầu trời đang đứng.
Kể từ ngày mẹ rời đi, em cũng không thích mùa gió nữa. Lũ trẻ con chẳng chơi với em, vì em không có diều. Mẹ rời đi trước khi kịp thực hiện lời hứa mua diều cho em, và cũng chẳng có ai dạy em cách thả cánh diều lên bầu trời. Những con diều không cất cánh được, vì thế cứ mãi mắc kẹt trong trái tim của em.
Bà ngoại không kịp để ý đến những điều như thế. Đám thóc cần bà chăm và lũ vịt cần bà nuôi lớn. Em không dám nói với ngoại về con diều phượng năm đuôi trong giấc mơ của mình. Em sợ sẽ nhìn thấy ánh mắt chua xót của bà, ánh mắt chứa cả những mùa gió bên trong, chứa những đêm đen dưới ánh đèn chong, ngoại ngồi bên cửa và thở dài vào bóng tối.
Tiếng thở dài của người lớn như những con sâu đo gặm xé đám rau, chúng nhao nhao trên mảnh vườn bên trong trái tim của từng đứa trẻ. Bọn trẻ con làm sao có thể hiểu được tiếng thở dài. Chúng chỉ mơ hồ biết rằng có một chiếc lồng đang giam giữ nụ cười của người lớn và nhốt cả những ước mơ của chúng ở bên trong.
Những mùa gió trước, mỗi khi bất chợt nhìn lên bầu trời và thấy cánh diều của ai đó tung bay, em đã tiếc nuối mãi cánh diều trong lời hứa năm nào của mẹ. Giá mà mẹ còn ở nhà để cánh diều trong giấc mơ của em được thả lên bầu trời rộng lớn, chắc trái tim em sẽ sống trọn vẹn với sự ngây ngô cuối cùng của ấu thơ, để em không sống trong ngày thơ ấu này mà cứ mơ về một ngày thơ ấu khác.
Em đã cất lại ước mơ về những con diều ở một góc thật sâu trong lòng mình. Nhưng em không thể ngăn đôi mắt ngước nhìn bầu trời mỗi khi mùa gió đến, cũng chẳng thể ngăn đôi chân cứ rảo bước về phía triền đê, chạy theo những cánh diều không mang tên mình trên đó.
Có những ước mơ chỉ dám lặng thầm tan vỡ, giống như cách nó đã lặng thầm sinh ra.
Kẹo trứng khủng long.
Đ
ó là lúc mẹ vẫn còn ở nhà và đám ớt vẫn mọc sum sê trước cửa.
Hôm đó, mẹ ngồi trên cái vạt bên hông nhà. Nắng bốn giờ chiều thi nhau đổ qua kẽ lá, đốm nắng nghịch ngợm vờn lấy đôi tay của mẹ, làm những vết đồi mồi thi nhau lấp lánh như tắm một lớp kim tuyến.
Em ngồi trong lòng mẹ, nhìn tổ kiến treo lủng lẳng trên đọt nhãn ngoài hè. Lũ kiến vàng bò thành từng hàng lớn, hình như chúng đang thu lượm thứ gì đó về chiếc tổ nhỏ của mình. Mẹ ngồi trên vạt, tay chải mái tóc khô như rơm cháy của em. Rồi bằng chất giọng bùi tai, bà bắt đầu kể câu chuyện mà em đã nghe sắp đủ mười lần: “Hôm mẹ đi sinh bé...”
Trời tháng Tư cũng nắng gắt và nóng nực. Mẹ đã nhâm nhẩm đau từ sáng, nhưng vẫn chẳng nghĩ là sắp sinh. Mẹ vẫn đi bừa đất, vun tro trấu cho mấy đọt ớt sau hè, ngồi rọc mấy tàu lá cho ngoại kịp mang đi chợ, đi nhóm củi cho hai nồi nước màu sau bếp. Đến khi những cơn gò dồn dập hơn, mẹ mới hốt hoảng nhận ra đó là cơn đau chuyển dạ.
Hôm đó, ông ngoại chở mẹ trên con xe máy mượn tạm, bà ngoại ngồi sau chỉ kịp rinh theo cái khăn và bình thủy. Hai giờ chiều, em sinh ra, đỏ hỏn và không quấy khóc. Nói đến đây, mẹ khẽ cười. “Ai cũng khen bé ngoan ngoãn...”
Đoạn tiếp theo của câu nói đó chính là: “Chắc vì bé biết mình
suýt nữa không được sinh ra đời.”
Mẹ chưa từng nói tiếp câu sau, chưa lần nào, nhưng em đã nghe được lời này từ người khác vô số lần trước đó. Mỗi khi ai đó đến nhà và nhìn em lúi húi vọc đất, họ liền tấm tắc với bà ngoại: “Hồi đó mà mẹ nó nghe lời người ta bỏ nó thiệt, giờ đâu có một cục cho bà cưng!”
Trốn lên Mái nhà để khóc
Sau này, khi đã đủ lớn một chút để hiểu được ý nghĩa của câu nói ấy, em biết rằng mình là kết quả của một cuộc tình đổ vỡ và đau đớn. Đã rất nhiều lần trong vô thức, em lồm cồm bò vào lòng mẹ, gãi gãi viên kẹo trứng khủng long mẹ đi chợ mua cho, lo lắng hỏi: “Mẹ có thương con hông?”
Lần nào cũng thế, mẹ đều sẽ trả lời: “Thương chớ, sao hổng thương!”
Những buổi chiều nằm ở đó, mùa hè đi ngang và rọi xuống những tia nắng đẹp đẽ nhất trong đời, em được ăn viên kẹo khủng long ngon nhất khi ngồi trong lòng mẹ. Ở nơi đó, em biết mình không phải thứ mà người ngoài kia thường gọi - con hoang. Vì mẹ yêu em và chẳng có “mai mốt” nào đó trong tương lai như thằng Hoa hay nói: “Mai mốt mẹ mày đi lấy chồng mới, có em bé mới, sẽ hông thương mày nữa! Như bố của mày vậy.”
Em đã an tâm như thế. Trong những lần sợ mình thật sự là đứa trẻ bị bỏ đi, chỉ cần ngồi trong lòng mẹ, tham lam hưởng thụ cái ôm dành cho riêng mình, em sẽ biết mình được yêu nhiều thật nhiều như thế nào. Rồi em sẽ đáp lời thằng Hoa thật dõng dạc rằng mẹ đã mua cho em rất nhiều kẹo trứng khủng long, mẹ yêu em mẹ sẽ
ở bên em mãi mãi và mãi mãi.
Nhưng một hôm, mùa gió về trong một buổi chiều bất chợt, gió rì rào trên con đê nhỏ làm mấy ngọn cỏ mật tả tơi. Gió thả dây cho diều bay về phía đồng hoang, cho viên kẹo trứng khủng long rơi tan tành dưới đất.
Mẹ rời làng, tìm đến một thành phố nào đó rộng lớn và giàu có hơn. Con ghe chở mẹ lấp ló xa dần trên sông Ngang, em khóc hoài, nhưng vẫn không níu giữ được. Ngoại bảo rằng mẹ phải đi làm xa, mẹ kiếm đủ tiền trả nợ sẽ trở về, nhưng em vẫn lo lắng lắm.
Mẹ chưa để lại nụ hôn nào trên trán em trước lúc rời đi. Những gì mẹ để lại chỉ là một khoản nợ lớn khiến ngày nào cũng có người đến đập phá và mắng chửi, là ánh mắt mong chờ của con Lu mỗi khi nghe thấy tiếng đạp xe cót két từ xa, là một khoảng trống lớn lao trong trái tim em mỗi khi nhớ về những buổi tối trước hôm lộng gió, mẹ nằm trở mình và rơi nước mắt trong đêm.
Mẹ còn cần em chứ?
Thằng Hoa bảo rằng “không”.
“Ba mày không thương mày. Mẹ mày giờ cũng bỏ rơi mày như thế!”
Em hốt hoảng khi nhận ra mình chẳng còn biết phủ nhận lại lời nói đó như thế nào. Dù bà ngoại vẫn sẽ dúi vào tay em gói kẹo trứng khủng long sau những lần em khóc nhè đòi mẹ, nhưng vị ngọt của kẹo không thể che lấp đi những khoảng trống lớn lao trong trái tim em. Những khoảng trống ấy chỉ có thể được vá lại bằng cái ôm của mẹ.
Ước gì mình không lớn lên, chị nhỉ? Vị ngọt của kẹo sẽ mãi nằm
lại nơi đầu lưỡi. Em có thể cảm nhận nó một cách trọn vẹn, thay vì để cuộc đời bòn rút hết vị ngọt bùi bằng những đắng chát trên khóe mắt.
Nếu không lớn lên, những viên kẹo khủng long của em cũng sẽ không tan thành nước mắt.
Con đê đầy cỏ mật.
L
u thích đi đâu đó vào buổi chiều, khi trời vừa ngớt nắng và gió từ sông thổi vào hiu hiu mát. Em phát hiện ra điều đó vào một hôm ngồi trong góc bếp, cố núp mình sau lu gạo bé con, nhìn Lu hớn
hở chui qua hàng rào dâm bụt rồi khuất tít sau lũy tre xanh. Em chầm chậm chạy theo sau nó, lòng vòng quanh con đường đất bụi hai bên mọc đầy hoa mắc cỡ rồi đi về phía bờ đê. Em đã đi ngang qua con đê này cả trăm lần vào những ngày đạp xe đi học, nhưng chưa lần nào lại thấy nó đẹp đẽ lạ kỳ như hôm đó.
Đó là một con đê nhỏ mọc đầy cỏ mật, nếu ngồi ở triền đê và phóng mắt ra xa sẽ nhìn thấy sông Ngang với hai hàng dừa nước xanh um.
Bên dưới bờ sông, những cành gáo nở hoa vàng cả một thảm xanh cỏ lá. Lu chạy huốt dưới những lớp cỏ cao ngang người nó, chui xuống mé sông đầy đất sình. Nó rình mò con cá thòi lòi đang lấp ló trong mấy cái hang con, thi thoảng phì bọt nước. Ráng chiều đổ xuống nhuộm hồng một mảng phù sa, ươm lấy gót chân em đang nhộn nhạo muốn rảo bước trên mé sông cỏ mật.
Mấy ngọn cỏ ở triền đê này mọc rất loạn, chúng cao, dày và bén đến nỗi có thể cứa xước chân người. Đã mấy lần vì quá mải mê ngắm trời xanh, chân em có thêm mấy vết cứa đỏ hoe từ lúc nào chẳng hay. Chẳng hay vì không đau chút nào cả, vì niềm vui đang lớn quá. Em lấp một khoảng trời bao la trong trái tim mình, nhồi thêm một mảng cỏ xanh điểm vàng màu quả gáo, giấu cả hai cái bóng đen ở sau lưng mình - chiếc bóng lớn của em và chiếc bóng
tròn xoe không chịu đứng yên của Lu. Thế thì còn chỗ nào để cất được niềm đau?
Những ngày sau đó, em thường lang thang ở đây khi chẳng muốn làm gì hoặc chỉ đơn giản là quá thèm được ngắm bầu trời xanh trong, thèm ngửi mùi ngai ngái từ đám cỏ hoe màu nắng. Thi thoảng, nơi đây lại giống như căn cứ bí mật dành cho những buổi trưa nắng nóng, mẹ mắc võng và đặt cái roi mây bên cửa, nhưng chẳng ngăn được bước chân em muốn rong ruổi chạy trốn giấc ngủ trưa.
Lu sẽ đi trước. Nó luôn có mặt trong những cuộc chạy trốn này. Lu ghét hiên nhà nắng chang chang và yêu mê mệt mé sông mát rượi đầy thòi lòi ẩn nấp. Chúng em sẽ rong ruổi với nhau ở nơi đây, trong những ngày mùa hè đẹp nhất, để ánh nắng vàng ươm bao phủ mái tóc, làn da, ôm ấp cả đáy lòng đang rục rịch lớn lên theo năm tháng. Có đôi khi, vì quá tò mò mé sông có điều gì thú vị mà Lu lại có thể lăn lộn cả buổi chiều ở nơi đó, em đã thử lò dò lội xuống lớp bùn non. Bùn lún quá nửa bắp chân con, mấy cành cây khô gãy giòn theo từng bước chân em đi tới. Lu hình như khoái lắm. Nó chạy loanh quanh và nhảy cẫng lên người em tựa như đang huênh hoang bảo: “Chị thấy chưa? Vui lắm mà, đúng không?”
Em gật đầu.
Những buổi chiều cứ thế trôi qua, chúng em sẽ ở lại triền đê đến khi tia nắng cuối cùng của hoàng hôn biến mất. Thi thoảng, em trở về nhà với mái tóc bết đầy bùn đất, ống quần xắn tít lên cao để lộ đôi cẳng chân bùn đã khô rang, xám ngắt. Mẹ sầm mặt khi thấy chúng em trở về, cái roi mây trên tay bà quất đét vào bắp chân hư.
Mẹ rầy mãi: “Lần sau chỉ được ra sông chơi khi có mẹ.” Nhưng rồi, mẹ rời đi, để lại một mùa hè đầy băn khoăn trên triền đê cỏ mật. Em vẫn len lén chạy ra bờ sông đôi lần, những khi thèm thuồng quá, những khi Người Lớn tìm đến nhà và hung dữ đập phá, những khi đau quá nhưng chẳng thể khóc thật to. Mấy ngọn cỏ mật cứa chân em, ánh nắng gay gắt của mùa hè nhuộm làn da đen nhẻm, nhưng em vẫn chẳng cảm nhận được nỗi đau dưới chân của mình, vì trong tim đã chứa một niềm đau khác to lớn quá. Rất nhiều lần, em lang thang ở đó cho đến khi trời tối đen, ánh hoàng hôn đã lọt thỏm dưới lòng sông từ lúc nào lâu lắm. Em ngồi đó, nghe bọn ễnh ương kêu dưới lùm cỏ ven sông, lũ muỗi cắn chân em, để lại chi chít vết đỏ. Con Lu rên ư ử đòi về, nó liếm láp chân em như giục giã. Những ánh đèn lấp ló xa xa, leo lét phía cuối sông như sắp tan vào lớp sương già giữa tối.
“Ngồi xíu nữa nghen Lu! Biết đâu trong mấy ánh đèn đó, có ánh đèn từ ghe của mẹ đang chạy vào đó em!”
Con Lu như nghe hiểu, có lẽ nó cũng mong mẹ lắm. Nó liếm láp cánh tay em, hai tai vểnh cao rồi khoanh tròn người nằm ngay bên cạnh. Bóng tối đổ lên mặt đất, gió từ sông thổi ào ạt qua làn tóc cháy vàng. Gió lướt qua đôi gò má cao gầy hóp, sương đổ xuống làm mềm ngọn cỏ, ướt cả mắt em.
Nhưng chúng em vẫn không đợi được con ghe của mẹ cập bến. Những gì chúng em đợi được chỉ là bóng tối đang dần kéo rạp xuống triền đê và trời về khuya trong tích tắc. Mấy ánh đèn leo lét trên dòng sông như lặn hẳn dưới mịt mùng mây nước. Không có con ghe nào cập bến trong đêm, không có ngọn đèn nào thuộc về
em giữa dòng sông to lớn đó.
Trái tim em như bay cùng đợt gió đang thổi đến. Mấy ngọn gió hung dữ bóp nát ánh đèn le lói trong tim, như bảo em rằng sự chờ đợi chỉ có ý nghĩa khi người trong nỗi nhớ cũng đang nhớ đến mình.
Trong rất nhiều ngày như hôm ấy, em ngồi thẫn thờ ở triền đê đến tối mịt. Thi thoảng khóc chán chê rồi sẽ trở về, thi thoảng bà ngoại sẽ cầm roi và rọi đèn lò đi tìm, thấy em ngồi co ro nhìn về phía bờ sông, bà sẽ vút roi đen đét vào hai cẳng chân đã chi chít vết muỗi đốt. Mỗi roi rơi xuống đều để lại một lằn sâu đỏ chát, trên chân và cả trên tim.
Chắc là trời tối quá, con ghe chở mẹ biết đâu sẽ cập bến vào sáng mai...
Những cây ớt trước sân.
N
ếu như song cửa sắt có cảm xúc, có lẽ nó sẽ kênh mặt khó chịu vào những lần đôi tay em nắm chặt lấy nó hàng giờ liền, chỉ để đợi đám mây duy nhất trên bầu trời trôi qua ô vuông cửa sổ.
Giống như mọi ngày, việc này sẽ diễn ra sau khi Người Lớn tìm đến, họ đập vỡ những chậu cây sót lại sau cuộc đập phá lần trước, đạp vỡ cả những chậu ớt hiểm ngoại vừa mang ra phơi nắng. Tội nghiệp, lũ cây non vẫn chưa kịp nảy mầm.
Những Người Lớn sẽ đến đây hai lần mỗi tuần, hoặc hơn thế nữa. Họ đến để đòi tiền và đập phá. Mỗi lần như vậy, vài cái cây xấu số phải ra đi. Họ đập vỡ mọi thứ ở trong tầm mắt: đám ớt, cái chậu, cái ghế đẩu đã mục già, con Lu, em và trái tim của bà ngoại.
Giống như sáng nay, sau khi đã đập phá chán chê lũ cây con tội nghiệp, họ bắt đầu rủa xả những câu chửi quen thuộc. Bà ngoại đứng một góc, nếp nhăn trên mặt bà díu lại, đôi mắt đã mờ đục nhập nhằng bóng tối. Người Lớn không xô đẩy hay đạp ngã bà, có lẽ trong họ vẫn còn sót lại một chút thương cảm. Nhưng họ sẽ dùng những câu chửi bới để bóp chặt trái tim của bà, khiến nó vỡ vụn và tan ra ngay dưới đáy mắt.
Em không thể làm gì ngoài việc tưởng tượng mình trở thành anh hùng, giúp bọn cây non nằm lại ngay ngắn nơi lòng đất, xoa đôi tai dựng đứng vì sợ hãi của con Lu và dùng nụ cười để lấp đầy những khoảng trống phập phồng trong trái tim của ngoại. Dù có lẽ chẳng thể cứu vãn nhiều hơn, nhưng em biết sự tồn tại của mình là sợi dây cuối cùng giữ lấy nụ cười của bà và mầm xanh trong luống cây
trước cửa.
“Lũ cây có ghét con không hả ngoại?” Em đã hỏi bà như thế. Bà ngoại lắc đầu, “Chúng không mọc được, có lẽ vì đất khô quá con ạ.”
Lần đầu tiên Người Lớn ập đến, họ đã đập vỡ hai chậu đất đang gieo hạt ớt. Em muốn cứu bọn cây, bèn trồng chúng lại vào một chiếc lu bể đổ đầy mụn dừa và đất mới, ngày nào cũng tưới nước hai lần. Nhưng bọn cây không nảy mầm chị ạ! Có lẽ chúng đã chấp nhận nỗi đau đó và tìm một thế giới khác để lên cây chăng? Em không rõ nữa, cũng có thể do tình yêu của em đối với chúng không đủ lớn, vì chính em cũng chẳng tìm được lý do nào để níu giữ chúng ở lại thế giới này, ngoại trừ những đám mây trên trời thật đẹp.
Em sẽ ngắm bầu trời bất cứ khi nào bắt đầu cảm thấy chán ghét cuộc đời. Điều đó sẽ giúp em níu lại một chút đẹp đẽ sắp tan biến trong đầu, như một thói quen trong những lần bất chợt muốn chạy trốn. Nhưng cây cỏ không được Ông Trời ban cho đôi mắt, không thấy được sắc xanh đẹp đẽ và những rặng mây trắng bồng bềnh trên bầu trời. Chúng đã kịp nảy mầm đâu, làm sao biết được cuộc đời tròn hay méo. Có lẽ vì thế nên khi đón nhận những niềm đau đầu tiên trong đời, chúng đã tan vỡ.
Lũ cây có ghét Người Lớn không chị nhỉ? Bọn họ đã tô đen những trang giấy đầu tiên trong bức tranh của cuộc đời chúng, khiến sắc màu khác không còn chỗ để chen vào. Hay lũ cây sẽ ghét em, vì em đã cứu chúng bằng một trái tim đầy băn khoăn? Hay chúng sẽ rời đi với một trái tim trống rỗng, vì chẳng biết mình đã là nạn nhân của điều gì? Phải chăng chúng nghĩ rằng cuộc đời mặc
định là đen tối như thế, và lựa chọn rời đi?
Em không biết vì sao lũ cây không mọc nữa. Thắc mắc này cứ lởn vởn trong đầu em, dãy lên hoài nghi sâu thẳm trong lòng và làm phai nhạt đi những điều đẹp đẽ còn sót lại. Em đã cố gắng ngắm bầu trời nhiều hơn để có thể chiến thắng nỗi băn khoăn đó, để ở lại trên cuộc đời với trái tim cứng rắn nhất.
Rất nhiều lần trong đời, em ước phải chi mình có một trái tim đủ rộng lớn để cứu lấy những mầm cây con nhỏ bé. Nhưng em đã không như thế. Trái tim em nhỏ bé đến nỗi không chứa được chính mình. Thế nên lũ cây không mọc nữa.
Lũ cây không mọc nữa
Chúng giận cuộc đời rồi.
Góc nào cũng có tình yêu.
Em không biết ở đâu
Bà của em lại có tình yêu dạt dào như thế.
Bà yêu chiếc ghế cũ mèm, mối đục lem nhem
Yêu những con tem,
bì thư má em gửi về từ thành phố
Yêu trời nắng đổ trong mùa lúa tháng Ba
Yêu rau đắng, muối cà, chén cơm không
và qua bao đũa...
Cuộc đời đao búa, bà cũng vẫn yêu.
Em nghĩ nát điều, trăm lần không nghĩ nổi
Những điều rắc rối như chân ra khô cằn
Đêm cuối tháng Mười trời đất không trăng
Em rúc vào lòng và hỏi bà câu hỏi:
“Sao đời đen tối mà ngoại vẫn yêu?”
Bà khẽ ôm em, cái ôm sáng tỏ bao điều.
Bà yêu cuộc đời - yêu những phần trầy xước,
Nhường những mỹ miều chắt chiu được
Để em yêu.
N
goại kho cá bằng nồi đất, đặt trên cái cà ràng nơi góc bếp đã cháy cạnh. Cửa sổ từ chái bếp nhìn ra vườn xanh một mảng đầy dừa chuối, cái mương nhỏ nằm cạnh luống rau thơm, lũ vịt
rù rì bơi vòng nơi đó. Mẹ thích ăn cá kho với thật nhiều tiêu xay và rau ngò gai. Vì thế, mỗi lần ngoại kho cá, em ngồi lúi húi nơi góc bếp xay tiêu, ghé mắt qua sẽ thấy ngoại lúi húi chốt lửa, thêm củi, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy mẹ đang ngồi giữa mảnh vườn xanh, tay cầm một nắm ngò gai thơm phức. Mâm cơm dọn lên, nồi cá kho thơm lừng chóp mũi, mấy con cá lòng tong béo mập núp dưới đám rau ngò cắt nhỏ.
Bà ngoại thường nêm tình yêu vào những điều nhỏ xíu. Chẳng đâu xa, bà nêm tình yêu vào chén cơm xới đầy ắp, trong từng gắp đũa cho con cháu. Bà gắp con cá béo nhất trong nồi vào chén của em, dặn dò nhai cho kỹ, nhớ nhà xương. Cái đĩa sành mẻ góc đựng rau ngò gai sống được bà rửa sạch đến bóng loáng, xanh mướt. Đĩa rau ngò lúc nào cũng được đặt cạnh chỗ ngồi của mẹ. Bà nêm tình yêu trong chén cơm chẳng đến nửa lưng bát của mình, suốt bữa cơm chưa từng đựng những con cá béo nhất trên bàn.
Bà nêm tình yêu vào những luống rau xanh mướt, vào bình nước ấm mỗi mùa mưa se lạnh, vào cái chậu than đuổi muỗi bà tỉ mẩn vót vỏ bưởi làm than. Và hình như, bà cũng nêm tình yêu vào mùi dầu cù là thơm thoang thoảng nơi vai áo, để mỗi trưa nằm thiu thiu ngủ, tựa vào người bà, em như nằm giữa một biển tình yêu.
Những ngày đầu mẹ đi xa, bà vẫn quen tay nêm tình yêu dành cho mẹ vào mọi ngóc ngách trong nhà. Như đĩa rau ngò vẫn đặt ở góc bàn, chén cơm đương xới dở rồi chợt nhớ ra. Như cách bà vẫn í ới gọi tên mẹ mỗi lúc đi chợ về, rồi lại nhìn cái buồng nhỏ trống trơn. Như bà vẫn nhìn em, rồi miên man nhớ về cái ngày nào xa lắm...
Những ngày tháng cái nghèo và nợ nần chồng chéo, bà đều tất bật thức dậy sớm hơn lúc trước, trở về nhà chớp nhoáng mỗi buổi trưa rồi lại đi tiếp đến khi trời tối muộn. Bà không kịp đặt tình yêu trong luống rau trước cửa, trong chái bếp sau nhà, trong những cái ôm khi thức dậy và lời ru mỗi tối.
Mà ngộ lắm, bà không đặt tình yêu nơi đó nữa, nhưng góc nào trong nhà em cũng thấy tình yêu. Tình yêu kìa, ở đó, nơi lồng bàn đậy sẵn mỗi ngày đều có cháo thơm sáng sớm. Tình yêu kìa, ở đó, trong tiếng dép bà loạt xoạt mỗi lúc muộn khuya. Tình yêu kìa, ở đó, trong đôi bàn tay nhăn nheo và khóe mắt đã trĩu nặng bao nhiêu vết chân chim neo đậu.
Học theo bà, em cũng đặt tình yêu vào chái bếp, nấu những bữa cơm vụng về và thổi cho lửa cháy hồng than. Em đặt tình yêu vào sân nhà, cho hiên nhà bóng loáng. Đặt tình yêu vào luống rau xanh mướt, vào ấm trà pha sẵn, vào quần áo phơi khô đang tắm nắng ở ngoài sào.
Có lúc em huênh hoang nghĩ: “Trời ơi, mình đã giỏi như bà, cũng có một trái tim và tình yêu rộng lớn.” Nhưng một hôm nếm được miếng cá bà kho bỏ nhầm đường thành muối, miếng cá mặn chát nơi đầu lưỡi bất chợt làm em nhìn thấy tóc bà đã điểm bạc lúc nào
chẳng hay, nhìn thấy trên gương mặt của bà, nụ cười đã đi vắng từ thuở nào lâu lắm.
Vẫn còn nhiều điều em lỡ bỏ quên, rằng hình như mùa hè đang chầm chậm bước qua và thời gian dần mang đi những điều rất quan trọng.
Mùa hè đẹp lắm, nhưng mùa hè không giữ được lửa than trong bếp, không rục được ơ cá của ngoại chín mềm, không níu được bên thềm thời gian đang chảy. Tóc của ngoại mới hôm qua còn đen tuyền như thế, nay đã điểm màu khói bên trong…
Con cút đất.
C
ái chòi lá ngoài vườn cũng đã bị bỏ hoang mấy năm, kể từ ngày ông ngoại mất.
Hồi còn khỏe, ông ngoại thường thích trồng cây. Ông hay phụ cậu Ba chăm vườn nhãn, trồng mấy luống ớt sau nhà, ông chăm thửa ruộng năm nào cũng vàng ươm màu lúa. Một hôm nọ, ông bảo muốn dựng cái chòi lá con con ngoài vườn nhãn, theo ý ông là để cậu Ba mần vườn mệt quá thì nghỉ lưng, sẵn tiện mùa nhãn chín năm sau ông ra nằm canh tụi con nít.
Hồi còn nhỏ (ý là hồi em còn bé xíu xiu), em thích đi vườn cùng ông lắm. Không phải vì ngoài vườn có nhiều cây trái ngon, cũng không phải vì trong chòi lá ông dựng có cái võng mát ơi là mát, mà vì ở mé hiên chòi, nơi mấy ụ đất nhô cao và mọt gỗ vụn rơi vãi, chính là nhà của bọn cút đất đào hang.
Cút đất, loài vật bé chưa bằng hạt đậu đỏ, thân hình nó tròn xoe và xám tro hệt như màu đất, lúc nào cũng chui nhủi đào hang. Muốn tìm được nó, phải tinh mắt để ý mấy cái lỗ tròn trên ụ đất và dùng nhánh cây bới lớp đất cát bên trên. Khi đào ra cút đất, lũ trẻ con sẽ cất chúng trong cái hộp đựng làm bằng lá chuối, cuối giờ thi xem ai đào được nhiều cút đất hơn sẽ là người chiến thắng.
Hồi ấy, Tóc Rối không thích cút đất, thứ nhỏ thích là mấy con cá bống dừa béo múp ở mé mương kênh. Em cũng chẳng có đứa bạn nào đủ thân để rủ chơi cút đất, ngoài Tóc Rối. Thế nên ở căn chòi nhỏ và mảnh vườn đầy những ụ đất nhô cao, giữa buổi trưa hè chỉ có em loay hoay vọc đất cát. Dù vậy, em vẫn vui vô cùng vì có ông.
Một hôm nọ, em đào được hẳn mười con cút đất, cẩn thận đặt nó trong cái hộp đựng rồi tíu tít mang ra khoe ông ngoại. Ông ngoại nhìn mấy con cút đất lồm cồm bò trong hộp, khe khẽ đặt sang một góc và nhẹ nhàng ôm em vào lòng:
“Nếu một hôm ông ngoại đi chợ rồi bỗng dưng bị người ta bắt cóc đi mất, con sẽ như thế nào?”
“Ông ngoại đừng đi đâu hết, không ai được bắt ông của con!” “Thế con cũng không được lấy cút đất làm đồ chơi. Ai cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cho những việc mà mình từng gây ra. Con bắt mất cút đất, người thân của nó sẽ buồn như thế nào. Gây ra nỗi buồn cho người khác là một lỗi lầm rất to lớn.”
Khi ấy, em hiểu nửa vời câu nói của ông, chỉ biết ông không thích mình chơi cút đất và em phải trả mười con cút đất về hang. Và nếu em làm cho người khác đau buồn, ai đó sẽ bắt ông của em đi mất.
Sợ hãi như thế nên em không thích cút đất nữa. Cũng chẳng còn thích chú ve kêu inh ỏi trên thân cây, cũng không tò mò có gì trong tổ chim lủng lẳng trên đọt nhãn. Nhưng sự ăn năn và thay đổi muộn màng đó cũng chẳng giữ được ông.
Ông ngoại mất, em đón nhận nỗi đau đớn đầu tiên trong đời, nỗi đau đến từ sự chia ly. Khi ấy, em đã đủ lớn để hiểu sự sống cái chết là gì, và quy luật của cuộc đời ai rồi cũng sẽ phải trải qua sinh tử. Nhưng thi thoảng, khi loanh quanh trong vườn và nhìn những ụ đất nhô cao, em vẫn chạnh lòng nghĩ: “Nếu hồi đó mình không nghịch phá, nếu hồi đó mình không phá vỡ hang cút đất, có thể nào mình sẽ giữ được ông lâu hơn?”
Trong những mùa hè vắng ông sau đó, em vẫn thường dắt Lu đi
lòng vòng ở nơi này, chỉ cho nó gốc sả ông ngoại tự tay trồng, nay đã sum sê lá. Ở góc chòi đằng đó, ông ngoại từng mắc cái võng dù rất to, mấy hôm em trốn ra đây chơi rồi lại ngủ quên đến chiều tối.
Ông ngoại để lại sự dịu dàng trong mảnh vườn nhỏ và căn chòi lá, cho em khắc ghi những bài học về sự trân trọng và chia ly, dù cái giá của bài học ấy đau đớn quá. Nhưng trong ngày tháng sau này, trong chiếc hộp lá chứa cả mùa hè ấy, em chưa từng đựng bất kỳ con cút đất nào khác, chỉ có những lời xin lỗi muộn màng..
“Chị ơi, hình như em là một đứa trẻ đáng ghét và đáng đời.”
Gầm giường.
G
ầm giường tối đen. Buồng ngủ của em chỉ có ô cửa sổ mở hờ, nhỏ xíu. Ánh nắng rọi vào từ cửa sổ không thể len lỏi xuống dưới gầm giường, nên ở nơi đây đã rất lâu không tắm trong
nắng ấm. Bên dưới gầm giường có chậu than hun vỏ bưởi, cứ cách vài ngày bà ngoại sẽ phơi vỏ bưởi làm than, đốt lên có mùi ngai ngái của khói và thơm thơm của bưởi. Lũ muỗi sợ nên chẳng dám đến gần.
Những ngày bão đến trong mơ, em hay nằm dưới gầm giường, tay ghì trên mặt đất. Bóng tối dưới đây nhuộm đen đôi mắt, che lấy đôi tai. Có đôi khi, nó sẽ làm em sợ sệt, khiến em vu vơ nghĩ đây là nơi duy nhất dành cho mình trên thế giới này.
Lần đầu tiên em tìm đến đây, chính là khi Người Lớn tới nhà. Đôi lúc, họ là những người lớn hiền hòa, chỉ tìm đến và thì thầm đôi ba lời với ngoại. Thi thoảng, họ là người quen trong xóm như mẹ thằng Hoa, mẹ Tóc Rối, mẹ con Ti... Và cũng đôi khi, họ là những người cao lớn, tay đầy hình xăm và lúc nào cũng nhăn mày hung dữ.
Họ gọi ngoại bằng những lời lẽ thật đáng buồn, tiện tay đập phá mấy chậu cây trước cửa, quét đổ ấm trà trên bàn, dùng roi quất con Lu nếu như nó sủa inh ỏi. Mỗi lần họ đến, ngoại đều lùa em vào buồng, dặn kỹ không được ho he gây tiếng động. Có lẽ bà sợ em lại như lần trước, khi thấy họ bắt đầu đập phá và mắng chửi, em đã ném thẳng chiếc dép lào về phía họ, khóc lóc hét lớn đuổi họ đi.
Những người lớn hung dữ nắm lấy tóc em rồi mắng chửi dữ tợn. Bà ngoại chạy đến can ngăn, liền bị họ vung tay đẩy ngã xuống đất.
Buổi tối hôm đó, ngoại lấy roi quất vào mông em năm cái liền. Bà bảo trẻ nhỏ phải nghe lời, bà xin em đừng làm bà phiền lòng nữa, bà bảo mình phải sống nhún nhường, vì phận mình nhỏ bé quá. Em nghe đến mông lung, lằn roi in đỏ trên mông đau nhức quá. Rồi bà run rẩy khóc: “Đừng làm ngoại buồn lòng như mẹ.”
Hốc mắt của bà đỏ hoe, đôi vai gầy guộc run bần bật. Bà giận lắm. Đến mức tối hôm ấy, bà nằm cạnh bên nhưng chẳng vòng tay xoa đầu em, bóng lưng của bà lọt thỏm giữa màn đêm đen kịt. Hình như trái tim của bà đau hơn cả những vết lằn trên người em đang tươm đỏ.
Những ngày sau đó, em biết mình thuộc về căn buồng nhỏ với gầm giường tối tăm, thuộc về cái cúi đầu và những lời xin lỗi bắt buộc phải thốt ra, thuộc về những trận đòn roi nếu như phạm lỗi, thuộc về những lặng im trong cơn bão quét đến đôi khi.
Em biết ngoại buồn lòng, nên vẫn chọn nằm im khi ngoại dùng roi tét vào cẳng chân, chọn trốn vào gầm giường tối đen mỗi khi có ai đó đến nhà, nhìn thấy em và nhắc về mẹ. Bà ngoại không nói, nhưng em biết mỗi khi nghĩ về mẹ, nhìn thấy cái buồng nhỏ trống trơn, thấy cái áo hoa mẹ mắc trên sào nhà tắm, bà sẽ lại mắng lũ gà bươi lúa, mắng con Lu vọc đất làm chết luống rau ngò, mắng em hư quá chỉ biết làm bà đau lòng. Càng mắng, mắt bà càng đỏ hoe.
Thời gian đó, em không dám chạy ra triền đê nhỏ để tránh cơn giận của ngoại như trước.
Lãnh địa mới của em là gầm giường trong căn buồng thiếu ánh sáng, một nơi bóng tối bao phủ dày đặc đến mức em không thấy được những vết đỏ tấy trên người và trong tim mình. Em sợ một
hôm nào đó, nếu đứng giữa ban ngày, trời vẫn sáng và nắng vẫn ươm vàng, nhưng em nhìn mãi vẫn chỉ thấy bóng tối bao trùm. Hoặc có lẽ, em lại càng sợ hơn khi ánh nắng ngoài kia sẽ soi rọi những nỗi đau rành rành trước mắt - những nỗi đau mà em đang cố lờ đi.
Nỗi buồn thật chẳng đáng yêu chút nào cả. Nó tìm đến và cố đánh lừa rằng em sẽ không bao giờ có được hạnh phúc một lần nào nữa. Và thật đáng buồn khi em đã tin vào lời của nó trong suốt những ngày thơ ấu cuối cùng.
Em không biết bao giờ nỗi buồn ập đến, nhưng em biết nó chắc chắn sẽ đến, nên không lúc nào trái tim em bình lặng cả. Người ta bảo khi ai đó ở trong cơn bão lâu quá, lúc nhìn giọt nắng ngoài kia, họ sợ nó sẽ dự báo một đợt mưa giông. Em không muốn mình nghĩ suy như thế nữa, nhưng trái tim em là vậy. Mắc kẹt trong vũng lầy quá lâu, nên hình như nó cho rằng mình chỉ xứng đáng với những cơn mưa trút.
Đôi giày có dây
H
ồi còn bé xíu, có một thời gian em không thích những đôi giày có dây. Nhưng Tóc Rối ở nhà bên lại không như thế. Thứ Tóc Rối yêu thích nhất trên đời là những đôi giày có quai buộc, hay đôi ba-ta in đốm bò sữa với dây giày đủ màu sắc.
Mỗi sáng sớm, khi chuẩn bị đến trường, bố Tóc Rối sẽ dắt chiếc xe Dream ra trước cổng, bế nhỏ ngồi ngay ngắn trên yên sau. Đôi chân nhỏ ngắn ngủn không với tới gác chân, cứ đung đưa qua lại giữa không trung theo nhịp ngâm nga của bài hát nào đó.
Mỗi lần như thế, bố Tóc Rối sẽ mắng nhỏ vài câu, sau đó dùng đôi bàn tay to lớn của mình để giúp nhỏ buộc thật chặt dây giày một lần nữa. Mãi đến khi sợi dây dài biến thành một cái nơ xinh xắn, bố nhỏ mới hài lòng nổ máy xe đến trường. Nhà Tóc Rối nằm ngay cạnh nhà em. Mỗi khi đứng trước cổng chờ ông dắt xe chở đi học, em đều chứng kiến cảnh này. Hồi ấy, em không thích những đôi giày có dây, cũng thầm không thích Tóc Rối vì điều ấy.
Cảm xúc bí mật ấy cũng được thể hiện một cách âm thầm, ví dụ như em không đi câu cá bóng dừa với nhỏ trong những trưa trời râm mát nữa, mặc cho nhỏ đứng ngoài cổng rào í ới gọi tên em. Ví dụ như em không ngồi cùng nhỏ trong tiết chào cờ mỗi sáng thứ Hai, ví dụ như em không cho nhỏ mượn cái bút chì màu yêu thích của mình...
Tóc Rối không hay biết điều đó, vẫn mang những đôi giày có dây và vui vẻ khoe khoang khi được bố mua cho giày mới. Những đôi giày thêu hoa hay trắng tinh của nhỏ trông đẹp đẽ đến lóa mắt.
Nhỏ vui vẻ khoe rằng đã biết cách buộc dây giày thành hình chiếc nơ xinh, còn kể bố của nhỏ đã dạy thế nào và nhỏ học nhanh ra sao. Em nghe, lòng buồn như mưa trút.
Một hôm nọ, Tóc Rối mang đôi giày ba-ta trắng đến lớp, dây giày có đủ bảy sắc cầu vồng. Mọi người trong lớp túm tụm vây quanh nhỏ, ai cũng trầm trồ khen đôi giày đặc biệt quá, trong trường chưa thấy ai mang. Nhỏ hí hửng chạy đến bên em, toe toét bảo rằng bố vừa mua cho đôi giày mới. Em nhìn dây giày được thắt ngay ngắn thành hai chiếc nơ to nhỏ, đáy lòng cuộn trào.
Trong giây phút đó, em ước gì nhỏ cũng không có bố như em. Trời ơi, tại sao lại có một đứa trẻ xấu xa như em ở trên đời cơ chứ?
Em ân hận mãi về suy nghĩ đó, từ lúc nó bất chợt nảy ra cho đến nay. Sự ân hận làm em không đủ dũng khí để đối mặt với Tóc Rối. Nhỏ không nên có một người bạn xấu xa như em. Phải chăng vì em xấu xa quá, nên Ông Trời mới không cho phép em có được tình yêu của bố?
Mấy hôm sau đó, con nhỏ vẫn hí hửng rủ em đi câu cá bóng dừa. Nhỏ xách cái xô con màu xanh biển, đầu đội nón vải rộng vành to hơn cả gương mặt. Nhỏ í ới gọi tên em ngoài cổng rào, miệng cười toe toét như chưa từng để bụng những ngày em đã cố tình bơ nhỏ. Trưa hôm ấy, đứng giữa mé kênh nước đục ngầu bởi phù sa, khi nhỏ tập trung canh con cá bóng núp dưới tàu lá dưới sông, em ngồi ở cạnh, miệng thì thầm hai từ “xin lỗi”.
Không biết nhỏ nghe được không, nhưng trưa hôm đó nhỏ đã chia cho em con cá bống dừa to nhất trong xô của nó. Em cầm con
cá nhỏ trên tay, rồi chợt nghĩ: “Những trái tim đẹp xinh như Tóc Rối chỉ nên đón nhận những điều đẹp đẽ trong đời.”
Có một hôm, không giữ được trong lòng nữa, em bèn hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tình yêu không dành cho những đứa trẻ xấu xí, đúng không ạ?”
Mẹ sững người rồi ôn tồn bảo: “Tình yêu lúc nào cũng có hai chiều. Chỉ cần con thật lòng đối đãi với ai đó, người nọ cũng sẽ dùng cả tấm lòng để đối xử với con y hệt. Ví dụ khi con chăm chút cho cây chanh nhỏ, nó đã đáp lại tình yêu của con bằng những quả chanh tươi mát ngày hè.”
Hồi ấy, em cũng hỏi mẹ rằng nếu mỗi ngày em đều nhớ thương bố một chút, có phải một ngày nào đó bố cũng sẽ cảm thấy nhớ em thật nhiều rồi quay trở về không.
Tiếc thay, mẹ chẳng đáp.
Ngồi ở yên sau.
Ô
ng ngoại có một chiếc xe đạp màu đỏ. Chiếc xe trầy xước đủ chỗ, lớp sơn gỉ sét tróc vỏ khắp nơi. Ông mua nó từ ngày em còn bé xíu, đến nay đã độ chục năm trời.
Hồi em học cấp một và chưa biết đạp xe, ông ngoại thường chở em đi học trên chiếc xe đạp ấy. Nhà em cách trường khoảng sáu, bảy cây số. Đường làng lúc đó chẳng được tráng xi măng phẳng phiu như bây giờ, có mấy đoạn đất đá nhấp nhô, vun đầy sình đất mỗi mùa mưa đổ. Mỗi lần chở em đi học, lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi. Chiếc xe đạp gỉ sét cót két kêu sau mỗi vòng bánh xe quay tròn. Ông chở em đến cổng, đứng nhìn em chạy vào trường rồi mới chầm chậm đạp xe về nhà.
Mà hồi ấy, em nào có biết.
Có đợt trường tổ chức đêm diễn văn nghệ đón Trung Thu. Em được cô giáo giao cho một vai múa phụ họa. Hôm tổ chức đêm văn nghệ, mới bốn giờ chiều mà ông ngoại đã đạp xe chở em đến trường. Hôm đó em mặc một chiếc áo dài hồng nhạt thêu hình mấy bông hoa nhỏ, tết hai bím tóc, trên đầu kẹp một chiếc nơ đỏ xinh xắn. Ngồi sau lưng ông, em líu lo hát mấy khúc đồng dao vừa học thuộc vài hôm trước. Lúa trổ đòng hai bên đường, nắng rọi qua kẽ lá xanh như mạ thêm lớp ngọc lóng lánh.
Nhưng rồi, xe thắng két. Tà áo dài vướng vào bánh xe, rách một mảng lớn. Ông ngoại cuống quýt kiểm tra xem chân em có bị trầy xước gì không. Em khóc như mưa, miệng liên tục bắt đền ông ngoại. Bộ áo dài em chỉ dám mặc mấy lần nay đã tơi tả. Chưa bao
giờ em ghét chiếc xe đạp của ông đến thế.
Hôm đó, em chẳng được lên sân khấu vì không có áo xinh. Chiếc áo dài màu hồng nhạt đó là bộ quần áo đẹp duy nhất trong ngăn tủ. Em giận ông suốt mấy hôm liền, giận cả chiếc xe đạp màu đỏ của ông, mặc cho ông đứng ở cửa buồng, cầm kẹo trứng khủng long và dỗ dành mãi.
“Con ghét ông ngoại lắm!”
Hồi đó, em đã nói với ông như thế.
Sau này, khi lớn lên và đã biết đạp xe, em quên mất chuyện ngày hôm đó. Một hôm đạp xe đi học, trời đổ mưa to trắng xóa cả một vùng, nước mưa tạt vào mặt em đau rát. Trong một phút giây chạnh lòng, tự nhiên em nhớ đến bóng lưng ông. Đã từng có những ngày em ngồi ở yên sau, trước mặt là tấm lưng vững chãi che chắn cho em biết bao mưa gió. Khoảng thời gian đó, hóa ra đã từng có người thay em gánh vác bao đợt mưa giông.
Rồi cũng phút giây đó, em chợt nhớ ra mình chưa kịp xin lỗi cho giây phút vô tình bảo ghét ông, khiến đôi mắt ông đượm buồn như buổi chiều tắt nắng, mà bản thân vẫn mãi ngây ngô trong sự dỗi hờn của mình.
Lời xin lỗi đó, trời ơi, em đã biết. Bỏ lỡ một giây, là bỏ lỡ cả đời. Về sau, mỗi lần đứng thắp hương cho ông, em nhớ lại ngày ông ốm yếu nằm trên giường trước lúc lâm chung. Ông đã nắm lấy bàn tay của em, nhét vào mấy tờ tiền lẻ được gói ghém cẩn thận trong cái khăn tay. Trong quyển sổ ông dặn dò con cháu, có một đoạn ông viết: “Cho tụi nhỏ ăn học đàng hoàng, dặn các cháu gái đi học cấp ba, mặc áo dài phải chú ý vạt áo tránh căm xe...”
Nốt ruồi.
K
hi bắt đầu nhận thức về cái đẹp, em bàng hoàng nhận ra mình là một đứa trẻ không xinh. Nốt ruồi đen to ở cằm bên trái làm em chẳng dám soi gương nữa. Ở trường học hay trên tivi, những
nhân vật xấu xa trong vở kịch đều sẽ có một nốt ruồi rất to trên mặt. Điều đó lại càng làm em cho rằng mình là một đứa trẻ xấu xa. Cái Ti có chiếc mũi dọc dừa nhỏ xíu, ai cũng khen con bé lớn lên sẽ trổ mã đẹp gái vô cùng. Tóc Rối có đôi mắt to lúng liếng như những cô búp bê trên kệ tủ của tiệm sách gần trường. Thằng Hoa có hàm răng đều tăm tắp, trắng bóc và má lúm đồng tiền sâu hoắm. Còn em, em chẳng có gì.
Hồi đó, có những hôm trước giờ đi ngủ, em nằm trên giường, cầm lấy tay mẹ, năn nỉ mẹ hãy cho em được chui vào bụng và được sinh ra lần nữa. Khi đó, biết đâu em sẽ có một chiếc mũi nhỏ, đôi mắt xinh, hoặc đôi má lúm đồng tiền duyên dáng. Hoặc chỉ đơn giản là em sẽ để lại nốt ruồi trong bụng mẹ, không mang theo bên mình. Nghe thấy vậy, mẹ bật cười rồi trách em lắm chuyện, được sinh ra trên đời đã là một ân huệ trời ban.
Được sinh ra trên đời là một ân huệ trời ban.
Ông ngoại từng bảo chỉ những đứa trẻ ưu tú mới được chọn lựa để đến với thế giới này. Vì thế em không nên hoài nghi sự tồn tại của mình, bất kể vì lý do gì đi nữa. Thời gian đó, em cứ thầm tự hỏi: “Phải chăng mình là một đứa trẻ sơ suất được sinh ra? Vì tìm kiếm mãi, em vẫn chẳng thấy mình có điểm nào ưu tú.”
Suy nghĩ đó bám theo em suốt một thời gian dài, phá vỡ thành lũy phòng ngự trong lòng, khiến em ngơ ngác tin vào những lời bàn tán. Khi Người Lớn đến nhà, họ đều sẽ quở trách vì sao em lại gầy đét như con khỉ nhỏ, vì sao cái mặt bé tí lại có nốt ruồi to như thế, vì sao tóc tai lại vàng đuột khô xơ. Họ nói: “Trời ơi, nuôi như vậy, làm sao bố nó muốn nhận?”
Mỗi lần phạm lỗi, mẹ đều sẽ dọa em: “Tao sẽ trả mày lại cho bố của mày.” Những lúc như thế, em hoảng sợ vô cùng. Đứa trẻ xấu xí như vậy, liệu bố có cần không?
Người ta vẫn gieo nỗi đau vào lòng của những đứa trẻ, vì nghĩ rằng chúng vẫn còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu điều đó. Nhưng chẳng ai biết rằng, những nỗi đau vẫn nằm yên ở đó, cắm rễ và cào rách tuổi thơ đẹp đẽ của chúng, chờ chúng trở thành người lớn để hiểu ra.
Trong những giây phút đó, em ước gì mình lớn chậm hơn một chút để không hiểu hết lời chê bai. Để trái tim em đừng nhức nhối và dễ dàng tin rằng mình là một đứa nhỏ xấu xí. Vì xấu xí nên mới bị bố bỏ rơi.
Từng có lúc, em đã thôi ước mơ làm họa sĩ, em mong muốn đến nao nức được trở thành cô giáo, đạo diễn hay nhà biên kịch. Nếu có một ngày như thế, em sẽ chẳng bao giờ tạo ra một vở kịch có vai diễn phản diện xấu xí với nốt ruồi trên cằm hay gò má. Để những đứa trẻ sinh ra với nốt ruồi trên mặt như em sẽ chẳng cần phải hoài nghi sự tồn tại của mình trên cuộc đời này là một lỗi lầm nữa. Nếu có một ngày như thế, em sẽ ôm hết những đứa nhỏ vào lòng, nói với chúng nghìn lần rằng “Các em xinh đẹp lắm!”, để lời chê bai
ngoài đó chẳng thể đánh lừa chúng, như cách nó từng đánh lừa em.
Nguệch ngoạc.
H
ộp bút chì màu là báu vật quý giá nhất của em từ những ngày bé xíu. Khi còn chưa rành viết chữ, em đã biết tô màu. Mẹ cầm lấy tay em, vẽ nguệch ngoạc trên tờ lịch xé.
“Bé nhớ nghen, ông Mặt Trời màu đỏ.”
“Bé nhớ nghen, đám mây màu trắng, bầu trời xanh lam.” “Bé nhớ nghen, cỏ thì xanh lá, nước thì xanh dương.” “Bé nhớ nghen, ước mơ thì tô màu bé thích.”
Em sống trong những màu sắc đó từ thuở ấu thơ và biết được trên đời có thứ đẹp xinh không tả nổi như thế. Trước khi biết vẽ bằng chì màu, em thích loay hoay tô kín những tờ lịch trắng tinh. Tờ lịch trống trơn dần đầy ắp những sắc màu xinh đẹp, em đoán chắc hẳn nó đã vui lắm.
Sau này, khi đã đi học và được cô giáo dạy cầm bút, em vẫn vẽ nguệch ngoạc nhiều hơn là tập viết chữ. Đã có ngày em nằm dài ở vạt ngoài hiên, thấy mấy cây ớt con con vừa mới nảy mầm, em vẽ cho chúng trở thành cây ớt cao lớn, trên cành lủng liểng quả ớt đỏ mọng. Thấy con Lu nằm vọc đất, em vẽ nó nằm cạnh mấy trái dừa khô mà nó thích, thêm cả vài chú cá thòi lòi mà nó vẫn luôn kiếm tìm trong những buổi chiều dọc bờ sông Ngang.
Nhìn cái xe đạp đã trầy tróc lớp sơn của ông, em vẽ lại một cái mới toanh với bánh xe cứng cáp để ông không phải dắt bộ vì thủng lốp giữa đường. Nhìn vai áo đầy vết khâu vá của bà, em vẽ một chiếc áo bà ba màu tím than thêu đầy hoa nguyệt quế.
Và đôi lúc, em len lén vẽ một ngôi nhà có bố mẹ, có ông bà, có Lu và có em.
Bằng cách nào đó, em đã xem những bức tranh ấy như bí mật nhỏ của mình với cuộc đời. Em gửi gắm bao ước mong chân thành vào trong đó, để một ngày không xa, cuộc đời sẽ lắng nghe và giúp em biến ước mơ thành sự thật. Nếu em là một đứa trẻ ngoan.
Trẻ ngoan sẽ luôn có quà. Cô giáo đã dạy em như thế. Nhưng hình như vì tranh của em nguệch ngoạc quá, cuộc đời dù đã đến xem lại chẳng thể hiểu và giúp em thực hiện điều ước. Cũng có thể do em chưa là một đứa trẻ ngoan, nên những phần quà đó đành phải dành cho đứa trẻ xứng đáng khác.
Mẹ bảo em hãy tô màu ước mơ bằng sắc màu mình thích. Nhưng những sắc màu em thích hình như lại chẳng dành cho em. Em đã ủ rũ như thế trong một thời gian rất dài, đến nỗi hộp chì màu khô cứng và gãy vụn, những tờ lịch xé cũng bị vò nát và ném
vào đống củi bếp. Giấc mơ nằm trên những bức tranh hình như cũng đã vùi trong chái bếp đó, bị lửa than thiêu rụi thành tàn tro. Thế rồi một hôm nọ, khi đang ngồi ôm nỗi buồn, em giương mắt nhìn lũ ớt và chỉ thấy chúng là lũ ớt, bầu trời xanh chỉ là bầu trời xanh, bóng râm đổ xuống từ cây bàng cũng chỉ là cái bóng. Vào giây phút đó, em hốt hoảng đến tột cùng. Niềm đau và thương tổn đã giăng lưới trong đầu, nhốt trí tưởng tượng của em dưới đáy hộp rồi cài khóa. Đã bao lâu rồi em chẳng còn nhớ đến những bức tranh? Trời ơi, làm sao một đứa trẻ có thể sống giữa cuộc đời đầy rẫy nỗi đau với một trái tim đã quên mất cách tin vào tương lai phía trước?
“Bố em, người mà ai cũng bảo đang không ở đây, thật ra ông vẫn luôn ở bên em. Ông ở cạnh em với hình dáng của những ước mơ. Vì trăm triệu lần trong đời em đã mơ mình có bố. Điều đó nghe có vẻ đau khổ, nhưng cũng thật dịu dàng. Ít ra cuộc đời cũng đã cho em biết có một tình cảm đẹp đẽ gọi là tình yêu của bố, để dù không may mắn có được, em vẫn đang mơ về nó trăm triệu lần.”
Khoảng trời sau lưng bố.
L
ần đầu tiên em nhận ra sự khác biệt của mình là trong một tiết tập làm văn trên lớp. Hôm ấy cô giáo cho chúng em viết một bài văn về gia đình. Bài văn của em là bài duy nhất không có bố. Khoảnh khắc đứng trên bục giảng, nhìn những đôi mắt tròn xoe
bên dưới đang nhìn chằm chằm mình và hỏi: “Bố của bạn ở đâu?” Em ngơ ngác lục tìm trong ký ức và phát hiện ra mình hoàn toàn không có ký ức nào về bố.
Em không biết tên thật của ông là gì, dáng vẻ ông ra sao, không biết cái ôm của ông liệu có ấm áp như người ta hay kể. Những gì em biết được về ông chỉ là một bức ảnh cưới cháy sém đã bạc màu mà ngoại lén lút giữ lại khi mẹ muốn đốt trụi đi, là một dáng dấp mơ hồ em đã tưởng tượng hàng nghìn lần trong giấc mơ mỗi tối.
Từ hồi bé, em đã nhận ra trong trái tim mình có một khoảng trống kỳ lạ. Bé Ti hay được cậu Ba cõng trên vai trong những buổi chiều chập choạng. Thi thoảng cậu Ba sẽ ẵm bé giơ cao lên trời rồi nhịp nhàng thả xuống như chiếc đu quay trên tivi. Mỗi lần thấy cảnh đó, em bất chợt thấy mình như chới với giữa lòng sông, bốn bề là sóng nước cồn cào nhưng không tìm được nơi nào để neo đậu.
Càng lớn lên, khoảng trống ấy càng lớn dần và lan rộng. Em đã hiểu được những lời người khác nói về mình, thế nào là “con hoang”, “mồ côi cha”, là “không được cha mẹ dạy”.
Có mấy lần ngồi ở triền đê cỏ mật, em nằm dài trên lớp cỏ cứng xước người, mắt ngẩn ngơ đuổi theo đám mây trên bầu trời xa tít.
Rồi trong phút giây thả lòng theo cơn gió, em chợt nghĩ nếu một ngày nào đó trở về, liệu bố cũng sẽ ẵm em chơi trò đu quay trên trời như bé Ti và cậu Ba không nhỉ? Trời ơi, thế thì chắc bố của em phải cao lớn và khỏe mạnh lắm, vì em đã lớn đến thế này rồi.
Khoảng trời có bố mãi nằm lại trong trái tim em, từ lúc em vẫn còn bé nhỏ để có quyền được chơi trò đu quay đó, cho đến khi đã cao lớn hơn, em biết mình buộc lòng phải cất những giấc mơ ấy lại. Nhưng khoảng trời trong giấc mơ có bố vẫn mãi là một khao khát sáng rực trong em.
Kể từ đó, khi bài tập làm văn bắt buộc phải viết về gia đình, em đều cắn bút băn khoăn, cuối cùng vẫn chầm chậm viết một bài văn ngắn ngủi. Bài văn nhỏ kể về buổi chiều trên triền đê gần nhà, chân em chưa từng bị xước bởi lớp cỏ mật mọc đầy nơi đó, vì bố sẽ luôn cõng em ở trên lưng. Mẹ mua cho em con diều nhỏ, bố dạy em thả diều lên bầu trời, bố mẹ ở cùng em trong những mùa gió ghé ngang đời, cho em một thời ấu thơ đẹp không thể tả.
Có lần thằng Hoa thấy bài văn đó, nó đoạt lấy và đọc to trước lớp, vừa đọc vừa cười.
“Trời ơi, con nhỏ mồ côi cha có bố! Ha ha ha!”
Vào khoảnh khắc đó, em thèm muốn điên lên một khoảng trời đằng sau lưng bố, nơi em có thể trốn vào những lúc trái tim cuộn đau. Và có lẽ, nếu như có một ngày như vậy trong đời, mẹ của em sẽ không phải khóc nhiều đến thế.
Chị ơi, em đã luôn dằn vặt khi nghĩ đến điều này. Nhưng thật khó để em đi qua ngày tháng ấy bằng một trái tim bình lặng. Em biết mình chẳng có quyền gì để đổ lỗi cho bố về những tổn thương, ám
ảnh đang gặm nhấm trái tim em. Nhưng chị ơi, em luôn ước trong khoảnh khắc cuộc đời đổ sập xuống đầu mình, em có bố, chỉ một giây thôi cũng được. Như vậy, em sẽ chẳng phải loay hoay trước những lời bàn tán ngoài kia, chẳng phải dằn vặt bản thân khi viết ra bài tập làm văn hạnh phúc đầy dối trá.
Một hôm giữa mùa gió, em ngồi ở hiên nhà nhìn về phía cánh đồng. Bà ngoại thấy em cứ ngước nhìn về phía ruộng khô, nơi lũ trẻ con đang thả diều nô nức. Rồi bất chợt, bà lấy bàn tay đầy vết chai xước của mình, xoa lên mái tóc vốn không mềm mại hơn tay bà là bao của em, khẽ thở dài: “Đợi mùa gió sau, ngoại mua cho con con diều đuôi cá.”
Lúc đó, vì nhìn say mê quá, em không kịp đáp lời bà. Rằng thứ em nhìn không phải những con diều xanh đỏ. Em đang tự hỏi khoảng trời bao la đằng đó, liệu có rộng lớn như khoảng trời của bố hay không.
khoảng trời sau lưng bố chứa đầy những giấc mơ cánh diều bay vướng chỗ nên cứ hoài lửng lơ
Mười Ba ơi, đừng sợ mùa gió sắp về rồi
diều sẽ bay trong gió đưa bố về mi thôi...
Nỗi đau, nỗi đau và nỗi đau.
E
m không thích thằng Hoa, Hai Mươi ạ.
Chính là thằng bé có cái mặt tròn vo, thân người như trái bầu chín tròn xoe trên giàn rau của ngoại. Thằng Hoa cười lên rất đẹp, vì nó có má lúm đồng tiền và tay chân không dính đầy bùn đất như nhiều đứa trẻ trong xóm. Thế nhưng nó lại ít khi cười. Biểu cảm thường thấy nhất trên gương mặt thằng Hoa là cằm hất lên, đôi môi trề ra và hàng lông mày nhíu lại. Khi ai làm nó không vừa lòng hoặc lỡ đụng vào chiếc diều phượng năm đuôi yêu quý của nó, nó sẽ sửng cồ lên như con mèo mướp bị giẫm phải đuôi.
Nhưng em không thích thằng Hoa còn vì một lý do khác. Thằng Hoa là đứa đầu tiên gọi em là “nhỏ mồ côi cha” khi vô tình biết được em không có bố. Nó cũng là đứa đầu tiên gọi em là “con hoang”, kể từ ngày mẹ rời đi.
Em không thích cái tên đó. Em muốn nói rằng em không phải đứa bị bỏ rơi, em có tên của mình. Nhưng em không dám. Thằng Hoa hung dữ và lanh mồm lanh miệng lắm, em cãi không lại. Chính vì vậy, dẫu cho bọn con trai trong lớp đều gọi em như thế, em vẫn ghét thằng Hoa nhất.
Thằng Hoa đáng ghét, nhưng nó có cái diều phượng năm đuôi. Nhiều đứa trong lớp sẽ vì thích diều phượng đủ màu sắc đó mà giả bộ không thấy những tật xấu của nó. Thế là nó vẫn có bạn, thậm chí rất nhiều bạn. Lũ trẻ con thường chạy theo đuôi thằng Hoa những hôm gió lớn như lúc này. Chúng xun xoe đứng ở sau lưng nó, dỗ ngọt nó bằng mấy câu mướt rượt:
“Thằng Hoa chơi diều giỏi quá!”
“Con diều phượng đẹp ghê!”
“Tao chưa thấy ai thả diều cao như thằng Hoa cả!”
Thằng Hoa giương cái mặt huênh hoang chiếc cằm tròn trịa hất đến tận trời. Thi thoảng nổi hứng, thích đứa nào thì nó sẽ cho mượn diều chơi một lúc. Nhưng trong số những đứa trẻ đó, tuyệt nhiên không bao giờ có em. Thằng Hoa không thích em. Vì em không có bố, và về sau nó cũng tự mặc định là em không được mẹ thương. Nó xem điều đó là một thước đo, những đứa trẻ như em chẳng xứng tầm được vào hội của nó.
Thằng Hoa huênh hoang vì nó có cái diều phượng năm đuôi đẹp nhất xóm, và cũng vì nó được sinh ra trong một gia đình khá giả. Mẹ nó có một cửa hàng tạp hóa trên chợ, không quá lớn nhưng lúc nào cũng đông khách. Bố nó là thợ xây giỏi, tháng nào cũng sẽ mua cho nó thật nhiều đồ chơi. Thằng Hoa chẳng thiếu thứ gì, nó đi học với cái cặp mới toanh mỗi năm học mới, áo đồng phục trắng tinh tươm vì năm nào cũng được mẹ may cho, trên người nó lúc nào cũng sẽ có mùi thơm mà theo nó bảo của loại nước hoa đắt nhất trên thành phố.
Em không thích thằng Hoa, nhưng lại không thể dời mắt khỏi con diều phượng năm đuôi của nó. Con diều phượng đủ sắc màu, lúc nào cũng bay cao nhất trong đám diều ở triền đê nhỏ. Thằng Hoa bảo, thả diều cũng cần có kỹ thuật. Bố nó đã dạy suốt mấy hôm liền, nó phải thông minh lắm mới có thể học được. Em nghe nó kể, trong đầu lại cứ miên man nghĩ về con diều trong giấc mơ của mình, đó cũng là một con diều đẹp đẽ như thế...
Em cứ nghĩ rằng dù thằng Hoa huênh hoang, nhưng may mắn thay, ở trên đời nó chính là một đứa trẻ hạnh phúc.
Cho đến một hôm, nó đến trường với vết bầm tím trên trán và đôi mắt buồn xo. Lần đầu tiên nhìn thấy nỗi buồn trong đôi mắt của nó, em đã thấy quen thuộc biết bao. Nỗi buồn đó hệt như những ngày đầu tiên mẹ rời đi, em đã rối rắm đón nhận niềm đau của sự tan vỡ.
“Bố thằng Hoa nhậu xỉn, đánh mẹ nó phải lên trạm xá khâu mấy mũi đấy!”
“Ừ, cũng không phải lần đầu. Tại nó cứ giấu thôi!”
Lũ trẻ con thì thầm bàn tán với nhau. Em chợt nhớ đến người bố cao lớn và giỏi giang trong lời kể của thằng Hoa dạo trước. Trời ơi, sao người bố đó lại có thể là người bố đang hiện hữu trong lời bàn tán ở đây?
Thằng Hoa và em không thân, thậm chí chẳng đủ thân để có thể hỏi han về những niềm đau đó. Dù đã có vô số lần trước đây, nó dùng những lời lẽ đáng buồn để làm tổn thương em, khi biết em không có bố. Và hình như cũng đã có vô số lần em thầm ước thằng Hoa rơi vào hoàn cảnh của mình, để nó biết nỗi đau từ lời nói có thể đáng sợ và dai dẳng như thế nào, để nó biết không có bố là một nỗi buồn to lớn ra sao.
Nhưng giờ đây, khi nhìn thằng Hoa đứng giữa những mảnh vỡ ngổn ngang của gia đình, em lại chẳng hề vui sướng như luôn tưởng tượng. Em chỉ biết so với một đứa trẻ bị vùi dập bởi tổn thương từ người lớn, dù so sánh này thật khập khiễng, em vẫn hy vọng nó sẽ là một đứa trẻ huênh hoang vì được yêu thương hơn.
Một hôm, thằng Hoa ôm mặt khóc. Một đứa nhỏ với lòng tự tôn cao như nó lại ôm mặt khóc giữa mấy chục con người. Nó gục xuống bàn, mếu máo trong cái ôm vụng về của bạn bè trong lớp: “Tao thương bố! Nhưng khi bố uống rượu, bố là một con quỷ! Tao thương bố, nhưng tao ghét con quỷ đó, con quỷ đó cướp nhà của tao đi!”
Cô giáo bảo trẻ con đến với cuộc đời này để được yêu thương. Mẹ bảo được sinh ra trên cõi đời là một ân huệ. Hình như ai cũng đang hạnh phúc, trừ bọn trẻ chúng em.
* * *
Mười Ba cúi đầu, im lặng một lúc lâu. Rồi em bất chợt hỏi: “Hai Mươi ơi, một đứa trẻ căm ghét bố của mình có phải đứa trẻ hư không hả chị?”
Mình hoảng hốt khi nghe câu hỏi của em.
“Vì sao em lại hỏi thế?”
“Thằng Hoa bảo bố nó lại đánh mẹ nó chị ạ. Lần này không phải vào bả vai, bắp tay hay bắp đùi, mà là ngay giữa đầu. Ông ta lấy cái can rượu đế nện thẳng vào đầu của mẹ nó, làm trán của bà rỉ máu và sưng vù một mảng. Thằng Hoa ghét rượu và nó hận bố nó còn nhiều hơn thứ nước kia gấp mười lần. Nó hận ông và ước gì ông biến quách khỏi cuộc đời của nó, giống như bố của chúng ta đấy.
Chị biết vì sao không? Bởi vì bố không bạo lực, khuyết điểm duy nhất của ông chính là chưa từng xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta. Thằng Hoa bảo đó là may mắn, so với nó, tổn thương của em nhỏ bé đến nhường nào.”
Trái tim mình nghẹn lại, hốc mắt nóng ran. Cuộc đời này phải xấu xa đến mức nào mà may mắn lại chỉ xuất hiện khi nỗi đau này lớn hơn nỗi đau khác chứ?
“Rồi Mười Ba đã trả lời nó như thế nào?”
“Em bảo nó thật ngốc!” Mười Ba cười, “Ý em là, nó không biết dù bố chưa từng xuất hiện trong cuộc đời của em, nhưng điều đó vẫn làm em đau cả trăm triệu lần trong suốt cuộc đời mình.”
Con đường xa nhất.
Đ
ường đến trường em là một con lộ đất nhiều ổ gà, mùa nắng đầy bụi đất và mùa mưa đầy chỗ trũng lầy lội. Người ta ít khi đi ngang con đường này, vì nó bắt qua một bờ đê nhỏ gồ ghề,
lũ trâu nái và vịt đồng thường chạy nhảy lung tung ở đây. Từ ngày con đường xi măng mới được xây lên, con đường đất này lại càng ít người lui tới.
Em đã chọn đi con đường này mấy hôm nay để đến trường chậm hơn một chút. Học phí đã quá hạn hơn một tháng. Cô chủ nhiệm nhắc nhở nhiều lần. Ngày nào gặp mặt, cô cũng sẽ khó xử mà gặng hỏi: “Có phải nhà em gặp khó khăn không?”
Những lúc như thế, em đều cúi gằm mặt, trong lòng như có hàng vạn con sâu gặm phá, khiến bụng em nóng ran và đau nhức. Em xoắn xuýt rất lâu, rồi lí nhí đáp lời cô: “Dạ không ạ!”
“Thế tại sao đến giờ vẫn chưa đóng học phí? Em không nói rõ thì mời mẹ lên gặp cô!”
Rất nhiều lần đạp xe đi học, em cứ ngẩn ngơ nhìn hai bên đường, ngây ngô ước gì có một phép màu rơi xuống, Ông Trời sẽ thương cảm mà cho em những tờ tiền xanh đỏ ở bên đường. Nhưng chẳng có phép màu vô lý nào như thế xuất hiện, chỉ có những lần mất tập trung cầm lái, em té ngã dọc đường. Sỏi đá cào xước khuỷu tay, tím bầm đầu gối.
Em không dám xin tiền ngoại, hình như bà cũng bận rộn nên quên mất. Gần đây Người Lớn tìm đến nhiều hơn, họ hung hãn và
mắng chửi nặng nề hơn trước đây nhiều lắm. Bà đi sớm về khuya, lưng bà hôm sau như còng hơn hôm trước, tóc bà như chẳng còn chỗ nào để điểm thêm sợi bạc.
Em tần ngần mãi, trong những buổi chiều trở về nhà, nhìn chái bếp vắng tanh, nhìn lửa than đã nguội ngắt. Em biết ở trên mảnh vườn nào đó của người ta, bà đang lom khom nhổ lấy những ngọn cỏ cao vút, ngọn cỏ cứng làm xước lấy ngón tay thô ráp, mồ hôi chảy ròng trên gương mặt đầy ắp nếp nhăn. Giọt mồ hôi đó đổi lấy đồng tiền nuôi em lớn.
Hay nghỉ học nhỉ? Em đã nghĩ về điều đó đủ lâu, và cũng hoảng sợ đủ lâu. Em không muốn nghỉ học, vì những ước mơ vẫn còn bóp chặt trái tim em. Rằng một ngày khi trưởng thành, em sẽ là một người lớn tử tế, sẽ trở thành họa sĩ, phóng viên, cô giáo... Nhưng em cũng sợ đến trường, sợ những câu chuyện sẽ lại tái diễn như ngày nọ trong học kỳ trước, khi bà dắt em cúi đầu xin mượn nợ của người ta. Lưng bà khom khom, tay bà xoắn xuýt vào nhau khi nghe lời người nọ cằn nhằn. Trời ơi, bà của em không nên như thế. Bà xứng đáng với một cuộc đời đầy ắp dịu dàng. Bà nên có một đứa cháu giỏi giang và xinh đẹp, chứ chẳng phải một đứa trẻ xấu xí như em.
“Hay là con nghỉ học rồi đi làm phụ ngoại nghen!”
Em đã buột miệng nói với bà điều này trong một đêm mưa gió, khi thấy bà ngồi thẫn thờ nhìn bếp lửa mà thở dài. Nghe thấy câu nói đó, bà sững người một lúc rồi cầm ngay cái roi mây quen thuộc nằm ở góc nhà. Hậu quả của lời nói không suy nghĩ là đòn roi đen đét vào cẳng chân.
“Không được nói mấy lời như thế! Khổ mấy đời còn muốn khổ tiếp nữa hay sao?”
Đêm hôm đó, nằm cạnh bên bà, nhìn bóng lưng của bà đã gầy guộc bao nhiêu. Trong phút giây chạnh lòng đó, em thèm thuồng những cái ôm đã bị vùi lấp trong nghèo khó từ lúc nào chẳng hay. Bao lâu rồi bà chưa vỗ về em mỗi tối? Bao lâu rồi tình yêu lại được đặt dưới đòn roi? Mẹ đã rời nhà bao lâu rồi, sao vẫn chưa trở về? Để con của mẹ phải đứng dưới vực sâu của rối ren và nghĩ rằng mai này sẽ chẳng có tình yêu nào dành cho mình nữa.
Em không dám xin bà học phí, chẳng dám nói lại lời vu vơ kia một lần nào nữa. Em không dám đến trường, chẳng dám đối mặt với ánh mắt lo lắng của cô chủ nhiệm hay những lời trêu ghẹo vẫn luôn chờ em ở cửa lớp. Trời ơi, em hèn nhát quá. Em chỉ dám lang thang ở triền đê, trốn tránh bao rối ren đang cần được giải quyết và tháo gỡ.
Em ngồi đó, cỏ mật vẫn mọc cao và cứa xước chân người. Thi thoảng Lu sẽ chạy ra cùng em, nó lò dò ở mé sông để tìm lũ thòi lòi đang ẩn nấp, thi thoảng sẽ ngước nhìn em như đang chờ đợi em cất bước cùng nó rong ruổi dưới triền đê.
Khoảnh khắc đó, em bất chợt nghĩ rằng, nếu một mai mình không còn nữa, liệu có thể được tái sinh thành ngọn cỏ nhỏ ven sông? Mỗi ngày lẳng lặng ngắm ghe thuyền cập bến, hoàng hôn ấm áp sẽ ôm em vào lòng sau những hôm mưa gió. Cỏ nhỏ cũng không có bố mẹ, nhưng nó chẳng có trái tim để đau lòng.
Em vẫn khát khao được nhìn thấy ánh đèn từ một con ghe cập bến ở mé sông này. Em vẫn cố gắng bám trụ với cuộc đời để đợi
phép màu xuất hiện và biến những mong ước của mình trở thành sự thật. Em có mong cầu gì lớn lao đâu, chỉ mơ về một mái nhà vừa đủ ấm êm để có thể lau khô nước mắt...
Nhưng rồi, tháng ngày chạy trốn cũng chẳng kéo dài được quá lâu. Sự vắng mặt của em ở lớp đã đến tai bà, và em phải chịu phạt cho hành động hèn nhát đó.
Nằm sấp trên đi-văng, cảm nhận từng đòn roi đánh xuống mông mình, em nghe hết những lời trách móc của bà, dù bà đang im lặng và đỏ hoe mắt. Những đòn roi dùng lực mạnh nhất từ trước đến nay, nhưng em chẳng thấy đau bằng việc nhìn thấy khóe mắt bà ươn ướt.
“Ngoại làm lụng vất vả cho mày đến trường sao mày lại trốn học? Học ai cái thói hư tật xấu đấy? Có nhớ ông ngoại hồi đó đã trông mong như thế nào không?”
“Hả? Mau trả lời ngoại! Mẹ mày làm ngoại đau lòng chưa đủ hay sao?”
“Đã khổ mấy đời rồi chưa đủ hay sao?”
Bà ơi, xin hãy đánh con! Xin hãy rầy la con! Thêm nghìn lần nữa cũng được. Xin bà đừng rơi nước mắt! Con không xứng đáng với giọt nước mắt quý giá của bà. Con chỉ là một đứa trẻ đáng ghét và đáng đời thôi, bà ơi.
Trong giây phút đó, em cũng muốn òa khóc thật to. Nhưng thời gian ơi, mi đã lấy nước mắt của ta đi đâu rồi thế?
“Cô chủ nhiệm ơi, cảm ơn cô vì đã dịu dàng với con. Cảm ơn cô đã cẩn thận gói món quà cuối học kỳ trong giấy bóng, nắn nót viết tấm bằng khen ‘Học sinh cố gắng nhất năm học’ dành riêng cho con. Cảm ơn cô vì tờ đơn gia hạn học phí năm ấy. Cảm ơn cô vì đã không gọi con là một đứa trẻ mồ côi.”
Tóc rối.
K
hi nghe tin Tóc Rối mất bố, em lặng người đi. Khi tưởng tượng đôi mắt to lúng liếng của nhỏ sẽ đỏ hoe và ánh sáng lấp lánh trong đó sẽ lụi tắt, em cứ như bầu trời trong những đêm mây, vừa làm rơi mất vì sao sáng cuối cùng còn sót lại.
Tóc Rối mất bố, không phải vì bố nhỏ qua đời. Tóc Rối mất bố, vì bố nhỏ đã lựa chọn trở thành trụ cột của một gia đình khác - một gia đình được xây dựng sau lưng mẹ con nhỏ. Ngày sự thật được phơi bày, cuộc cãi vã diễn ra, em đã nghe tiếng khóc than từ mẹ của nhỏ: “Vì sao ông lại xuất hiện trong đời rồi làm khổ thân tôi?”
Suốt cả ngày hôm ấy, em cố gắng chạy trốn khỏi những mối băn khoăn trong đầu: Vì sao hình tượng những người bố tốt đẹp đều lần lượt tan vỡ như thế? Bố thằng Hoa, bố Tóc Rối, cả người bố trong giấc mơ của em...
Tóc Rối có bao nhiêu đôi giày có dây, rồi ai sẽ cột dây giày cho nhỏ? Rồi ai sẽ thắp sáng những ngọn nến trong đôi mắt nhỏ? Liệu nhỏ có trở thành một đứa trẻ như em không? Liệu mẹ của nhỏ, người phụ nữ luôn mỉm cười dịu dàng ấy, có trở nên u buồn trong nỗi đau dai dẳng hay không?
Nhưng khác với nỗi lo sợ của em, sau ngày hôm đó, Tóc Rối vẫn xuất hiện như mọi khi. Nhỏ đội cái nón rộng vành to hơn nửa gương mặt, tay cầm xô nước màu xanh dương, đôi mắt lúng liếng vẫn tròn vo và đôi môi vẫn nở nụ cười. Như bao buổi trưa khác khi trời không nắng gắt, nhỏ vẫn lẳng lặng đứng ở mé rào, với rủ em đi câu cá.
Hôm ấy, chúng em rong ruổi trên mương nhưng không câu được con cá bóng dừa nào. Tóc Rối vẫn cười như thế, một cách quen thuộc và bình thường đến mức làm em hoảng hốt. Nhỏ không buồn sao? Hay nhỏ đã biết điều này từ trước? Nhỏ biết tất cả, nhưng vẫn chọn giấu nỗi đau vào lòng?
Người ta không thể an ủi một người vừa mất đi khoảng trời rộng lớn trong tim mình rằng “Không sao đâu, rồi bạn sẽ quên được” hay “Rồi thời gian sẽ làm bạn quên đi những vết thương”. Vì chẳng ai có thể quên được khoảng trời từng là máu thịt của mình, và dù có thể, cũng chẳng ai muốn làm như thế. Không thứ gì có thể lấp đầy khoảng trống đau thương được tạo ra từ một tình yêu mất mát.
Em lúng túng chẳng biết phải làm gì để có thể nói với nhỏ rằng em vẫn ở đây, dù thật bé nhỏ so với những thương tổn đó, nhưng em ở đây. Thế rồi trong giây phút đắn đo ấy, nhìn thấy vẻ bình tĩnh đến đáng sợ của Tóc Rối, em khe khẽ bảo: “Đi coi căn cứ bí mật của ta không?”
“Ờ, đi thì đi.”
Buổi chiều hôm đó, ai đã cướp đi hoàng hôn của những đứa trẻ? Để em và Tóc Rối ngồi ở triền đê cỏ mật, phía xa là sông nước mênh mông, nhưng trên bầu trời lại chẳng có ánh nắng hay đám mây nào dành riêng cho chúng em cả. Tóc Rối không nói gì. Nhỏ chỉ ngồi khoanh chân, mắt nhìn đăm đăm về con sông Ngang bao la đằng trước. Nhưng em bỗng nghe được hết những tâm tư trong lòng nhỏ... Hình như người lớn chưa từng tìm đến nơi đây, nên nỗi buồn của trẻ con được phép tuôn ra mà không cần phải kìm nén. Hai trái tim non nớt chạm vào nhau và nhìn thấy bao đau thương
đang tàn phá tâm hồn của người đối diện.
Hóa ra, có những nỗi buồn không kêu gào và to lớn, cũng không hiện diện trên nước mắt và thở than. Hóa ra, ai cũng có những vực thẳm ở trong lòng, để dù cho họ có thức dậy và mỉm cười mỗi ngày, thì tâm hồn đã sớm nhảy xuống những khu vực nằm khuất trong tim, từ rất lâu trước đó.
Trời ơi, nếu như mọi khổ đau nhỏ đang phải chịu đựng đều xuất phát từ suy nghĩ xấu xí của con năm ấy, xin hãy phạt lấy tấm thân con. Chỉ một đứa trẻ đáng thương trên đời này là đủ.
nhìn này, cỏ lá đang xanh
giống như đang muốn dỗ dành: em ngoan,
ngày mai sẽ lại dịu dàng.
thi thoảng em muốn biết
nếu như mình rời đi
sông có còn chảy xiết
mưa còn đổ rầm rì?
trời có còn đổ xuống
những hôm đen nghịt lòng?
có ai sẽ luống cuống
và đi tìm em không?
cơn giông kia sẽ tắt
hay sẽ lại sấm rền?
ai sẽ rơi nước mắt
khi em nằm chênh vênh?
tổn thương nằm đâu đó
sâu trong trái tim này
chờ một ngày lộng gió
hóa thành nước mắt cay
em vẫn đang sống đấy
em mạnh mẽ biết bao
em vẫn đang sống đấy
mình thương em nhường nào..
Bà bán Lu rồi, chị ơi.
Bà bán Lu cho lò mổ, người ta đến bắt Lu trong lúc em vẫn còn ngồi trên lớp. Khi em về nhà, người ta đã mang Lu đi lâu lắm rồi. Bà vẫn đang nói giỡn thôi, đúng không hả Hai Mươi? Chén cơm của Lu vẫn còn nằm đó, lăn lóc giữa ngạch cửa bên hông. Có lẽ thằng bé vẫn đang loay hoay đâu đó ngoài vườn, hay lại đang đùa giỡn cùng lũ thòi lòi và mấy trái dừa khô chìm nổi ở bờ sông. Chị chờ em nhé, em đi tìm Lu về đây.
Nhưng góc vườn không có, triền đê nhỏ vắng tanh, dưới gầm
giường tối đen cũng chỉ có mỗi bóng tối. Những gì em tìm được chỉ có lời hứa mai này khi lớn, em sẽ cho Lu thật nhiều bữa cơm no. Thế mà chưa có bữa cơm no nào trong đời, Lu đã đi mất.
Hai Mươi ơi! Có phải em là điều xui xẻo không? Chị ơi, trên đời này liệu có phép màu không?
Vì sao những người xung quanh em đều đau khổ thế? Em mới là người mà cuộc đời muốn trừng phạt, vì sao lại bắt mất Lu đi? Chị ơi, nếu như Lu sống trong một ngôi nhà khác, có lẽ thằng bé sẽ có một cuộc đời đẹp đẽ hơn nhiều. Lu thông minh đến thế, chắc chắn sẽ được ăn no, sẽ được ve vuốt và yêu thương vô ngần. Lu sẽ không bị em kéo xuống những gầm giường tối đen, cùng bị đánh mắng và bỏ rơi nữa.
Chị ơi, ông ngoại bảo làm ai đó đau khổ là một tội lỗi vô cùng to lớn. Có phải việc em tồn tại trên cõi đời này đã là một lỗi lầm không? Khi em bước vào cuộc đời của ai, người đó cũng đều đau khổ.
Em không dám giận ngoại, dù bà đã đưa ra quyết định này. Nhưng nhìn vào đôi mắt tối đen và buồn thảm của bà, em chỉ cảm thấy chán ghét chính mình đến cực điểm. Em không dám giận ngoại vì biết rằng người lớn cũng sẽ phạm lỗi như bố, như mẹ, như bà ngoại đã từng. Nhưng chị ơi, em phải làm sao đây? Hình như ai đó cướp trái tim của em đi mất rồi. Em không cảm nhận được tình yêu, dù biết mình vẫn đang sống giữa tình yêu. Em biết bà yêu em nhiều lắm, cũng biết bà đã hy sinh như thế nào. Nhưng chị ơi, sao em vẫn đau lòng và thấy tổn thương thế này?
Em không tìm thấy Lu nữa, chị ơi. Dù là trong những giấc mơ, Lu cũng không về nữa. Em đã rong ruổi khắp triền đê cỏ mật suốt buổi
chiều trên đôi chân mệt lả. Trời ơi, ai đã để nỗi đau ở đó, để những ngọn gai đâm vào gót chân em, làm xước trái tim đang ngập ngụa trong thương nhớ.
Lu chỉ trở về trong những ký ức và nỗi nhớ mà thôi.
Trong những ký ức đó, triền đê cỏ mật dịu dàng nằm dưới ánh hoàng hôn, em ngồi ở nơi cỏ xước, Lu đứng ở mé bờ sông, giữa những ngọn cỏ gáo cao ngang người nó, rình mò con cá thòi lòi lấp ló trong hang.
“Lu! Về nhà thôi em.”
Trong ký ức đó, hoàng hôn đẹp đến mức em không dám cất nó vào trong tim mình. Trái tim rạn nứt như thế, sẽ làm rơi vỡ hoàng hôn mất.
Người ta chỉ thấy nhà nọ vừa bán một con chó, đứa nhỏ nhà đó cuồng quấy giận dỗi mấy hôm liền.
Chẳng ai ngoài mình biết có một đứa nhỏ vừa bị xé rách một phần tuổi thơ. Người bạn của nó, ngọn đuốc sáng nơi gầm giường tối đen của nó, bạn đồng hành trong những buổi chiều rong ruổi
trên con đê cỏ mật, để đi tìm những niềm vui ít ỏi trong đời, mãi mãi không trở về nữa.
Xin được gửi đến Miền đất hạnh phúc.
L
u ơi!
Chị đang đứng ở con đê cũ, mấy ngọn cỏ mật đã cao hơn rất nhiều từ lần cuối chúng mình cùng nhau đứng ở đây. Sông Ngang hôm nay không cuộn nước và ào ạt như mọi lần, bé ạ. Chị có thể thấy mấy trái dừa khô ngập nổi dọc bờ sông, bùn đất lấp một
nửa thân của nó. Chị nghĩ rằng nếu Lu ở đây, em sẽ thích lắm. Mùa hè vẫn đang chầm chậm đi qua. Luống ớt của chúng mình vẫn chưa ra quả, nhưng chị sẽ cố gắng bảo vệ nó. Chị đã cất cái chén nhỏ của em ở góc sâu nhất trong gạc-măng-rê, để không bị lũ gà mổ và làm nó lấm lem bùn đất. Chị sống trong nỗi nhớ về em và cảm thấy chính mình đáng ghét quá.
Rõ ràng chị là nguồn cơn của mọi chuyện, là điểm bắt đầu cướp mất cuộc đời xinh đẹp của em.
Khi Người Lớn ghé đến vào ngày hôm qua, chị không còn Lu để ôm lấy dưới gầm giường tối đen nữa. Nhưng chị chẳng sợ hãi đâu, vì may mắn thay, từ giờ em sẽ không phải cùng chị nằm dưới bóng tối dày đặc ấy nữa. Chúng mình không còn là những đứa trẻ sống trong ngày tháng đen tối nhất, nhưng vẫn ngây ngô ngỡ bóng đêm là ánh mặt trời.
Cảm ơn Lu đã ghé qua cuộc đời của chị, để nói rằng em đã thương chị đến thế nào. Để giữa triền đê mênh mông đó, chị đã thỏa sức khóc lóc và buồn đau vì chị biết lúc nào cũng có một kỵ sĩ ngồi cạnh bên mình. Chị cũng thương Lu lắm, dù niềm thương này
đã mang đến cho em quá nhiều nỗi đau. Nhưng chị vẫn biết ơn lắm, vì đã được là một phần trong cuộc đời của em.
Lu ở nơi đó có hạnh phúc không? Miền đất mới ơi, hãy dịu dàng với Lu của mình nhé!
Hạnh phúc nhé,
Cảm ơn Lu.
Sen ơi, chị đừng khóc
mắt đã lấm lem rồi
chị đừng buồn nữa nhé
mọi chuyện đều qua thôi
em hiện đang rất ổn
nơi đây thật yên bình
chỉ là không có chị
em hay buồn linh tinh
em chẳng còn đau nữa
cũng chẳng mệt mỏi gì
Sen ơi, em ổn lắm
chị hãy cười lên đi
em phải rời đi trước em biết chị không đành nhưng những điều tốt đẹp bao giờ cũng mong manh
thế nên chị nhớ nhé không được khóc quá lâu ở nơi xa xa nọ
em sẽ rất ưu sầu
chị phải thật hạnh phúc luôn rực rỡ, vui tươi
em hy vọng mọi lúc
chị đều luôn mỉm cười
em yêu Sen nhiều lắm nhưng em phải đi rồi không xa đâu, chị ạ
ngay bầu trời kia thôi.
Đứa trẻ có ngày Mai.
T
rước khi ôm quá nhiều thương tổn, bà ngoại từng là một người dịu dàng. Trước bao đợt quát mắng không kiểm soát từng là những lời dạy dỗ trẻ con phải lớn lên và làm người tử tế. Trước
nhiều trận đòn roi đau đớn từng là những cái ôm. Trước khi gieo nỗi đau cắt da cắt thịt vào trái tim của trẻ thơ, người lớn đã dạy chúng rằng được sinh ra trên cõi đời này là một ân huệ.
Chị ơi, ông ngoại vẫn dạy em phải sống tốt và trở thành người có ích. Nhưng ông lại chưa kịp dạy em phải sống như thế nào trong những ngày ngay cả hít thở cũng là một điều khó khăn.
Em không biết ngoài kia có bao nhiêu đứa trẻ, mà mỗi ngày thức dậy, điều đầu tiên nó nghĩ đến là: “Mình ở lại thế giới này để làm gì? Mình có thuộc về nơi này không? Vì sao sự tồn tại của mình lại mang đến nhiều niềm đau cho những người thương mình đến thế?”
Chị ơi, trước khi trở thành người lớn, “người lớn” có từng là trẻ con không? Phải chăng trước khi trở thành một người gai góc và hung dữ, họ đã từng là những đứa trẻ phải ôm quá nhiều đau thương? Đã có ai dạy họ về hạnh phúc đâu, làm sao họ có thể trở thành một người hạnh phúc?
Chị ơi, có thật là mọi đứa trẻ sinh ra trên cõi đời này đều được Ông Trời chọn lựa không? Vì sao lại có những đứa trẻ xấu xa và đáng thương như em tồn tại thế? Em không muốn trở thành một người lớn xấu xí, không muốn mang nhiều thương tổn để rồi lại dùng nó tạo ra những đứa trẻ thương tổn khác.
Em muốn là một người lớn dịu dàng. Chị ơi, em muốn được là một đứa trẻ có ngày mai.
Mình im lặng một lúc lâu để điều chỉnh giọng nói run rẩy nơi vòm họng, rồi khe khẽ bảo với em: “Chúng mình sẽ có ngày mai mà, Mười Ba.”
“Chúng mình sẽ có ngày mai sao ạ? Có thật là em sẽ có tương lai bảy năm sau không hả Hai Mươi?”
“Thật chứ, Mười Ba. Tin chị nhé, chúng ta sẽ ở lại với thế giới này.”
“Có thật không? Em xứng đáng với cuộc đời này sao ạ?” “Đúng thế, hai chúng ta đều sẽ ở lại. Một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp nhau, Mười Ba ạ. Chúng ta ở lại vì nơi này có người ta thương. Giống như cách em đi giữa màn đêm và mơ đến ngọn đèn vậy. Em hãy nghĩ xem, em có yêu bà không?”
“Có...” Mười Ba ngập ngừng. “Em yêu mẹ nữa.”
“Nếu chúng ta rời đi, sẽ không còn ai nhớ đến những ký ức đẹp đẽ và tình yêu ấy nữa. Đó là lý do chúng ta đối mặt với những nỗi đau, nhưng vẫn lựa chọn ở lại.
Chị tin rằng mỗi người chúng ta đều là chiến binh ưu tú được Ông Trời lựa chọn, đến với cuộc đời này với những sứ mệnh khác nhau. Có người đến với thế giới để lưu giữ niềm vui, có người lại mang nhiệm vụ lưu giữ vùng đất hiểm trở đây nỗi đau và nước mắt. Nhưng khi đi qua vùng đất đó, chúng mình sẽ nhận ra những vết sẹo hằn lại từ nỗi đau đều đẹp đẽ và đáng tự hào vô cùng, em ạ.
Cuộc đời của mỗi người đều có những ký ức đau buồn, nhưng rồi cũng sẽ có nhiều giây phút đẹp đẽ và rạng rỡ. Khi thấy con đường của mình chỉ toàn sỏi đá, hãy nhớ triển đê nhỏ và con sông đầy cỏ
gáo đang chờ em ở chặng tiếp theo.
Mười Ba ơi, trái tim và trí nhớ của chúng mình đã lưu giữ bao câu chuyện trân quý. Và chị tin, cả chị lẫn em đều không muốn những ký ức đẹp đẽ của thời ấu thơ tan biến nơi tầng thượng chót vót hay dưới lòng sông sâu thẳm. Sẽ tuyệt vời làm sao nếu chúng ta có thể ôm nỗi đau vào lòng, thắt cho nó cái nơ xinh, biến nó thành những dịu dàng dành riêng cho chính mình.
Mười Ba ơi, nếu một lúc nào đó thế giới này chẳng dịu dàng với em, có nghĩa là nó đã trao cho em quyền tự dịu dàng với bản thân mình đấy!”
“Chị ơi, em không tìm được đường về nhà. Cái nơi đã từng có tình yêu ấy.”
Ai đã cướp đi những năm tháng đó?
***
Ước gì một ngày thức giấc, em được trở về năm tháng xưa cũ. Cái thời tóc ông bà vẫn còn đen bóng, bà em vẫn là một người bà dịu dàng và hạnh phúc, cái thời tình yêu của mẹ vẫn đủ lớn để bao bọc em khỏi những niềm đau trong cuộc đời.
Thời đó, mùa hè chỉ xấu xí khi trong túi bóng của em không có xác ve, nỗi buồn chỉ tìm đến khi kẹo trứng khủng long vừa bóc vỏ đã rơi xuống đất. Em chưa hiểu những lời bàn tán xung quanh, trên cẳng chân chưa có lằn roi và trái tim vẫn còn thiết tha với thế giới này.
Thời đó, em chưa từng nằm dưới gầm giường tối đen để trốn tránh đòn roi và lời mắng chửi. Thời đó, triền đê cỏ mật vẫn nâng niu em trong trưa hè nắng rát. Thời đó, mơ ước vẫn là một điều gì đó rất đỗi lung linh, em dám ước mơ và có niềm tin về một ngày mai khi trở thành người lớn.
Thời đó, em vẫn được ngồi trong lòng mẹ, vẫn được ăn những viên kẹo khủng long ngon nhất trên đời. Thời đó, mẹ vẫn luôn ở bên em trong năm tháng ấu thơ, cho em biết mình chưa bao giờ là “con hoang” hay “đứa trẻ bị bỏ rơi” một phút giây nào cả.
Thời đó, em vẫn hay quanh quẩn với cái chòi lá ngoài vườn. Ông đưa võng để em nằm thiu thiu ngủ. Thời đó, bóng lưng ông vẫn vững chãi che chở cho em ở yên sau, ánh nắng đi qua những yêu thương và đổ xuống mặt đường hai chiếc bóng đẹp đẽ nhất.
Thời đó, bà em luôn cười. Cây ớt nhỏ trổ bông cũng làm bà nhoẻn miệng vui, ơ cá chín mềm vừa tới cũng làm bà tít mắt cả
ngày. Thời đó, nghèo đói chỉ có thể níu lấy mái tranh vách lá, chẳng thể hành hạ lòng người và bòn rút những mềm mại thân sơ. Thời đó, bà luôn ôm em vào lòng mỗi khi em phạm lỗi, nhẹ nhàng giải thích như vậy là sai để không tái phạm lần hai. Thời đó, bà vẫn xoa đầu em và dịu dàng hát ru mỗi buổi xế chiều.
Thời đó, Lu chưa từng trải qua những ngày tháng bị đánh mắng cùng em.
Khoảng thời gian đó, trời ơi, sao đẹp quá.
Ai đã cướp ngoại của em đi? Để ông em giờ đây chỉ là một tấm ảnh chìm trong hương khói, để bà em đã rất lâu không nhoẻn miệng mỉm cười, để em sống trong tình yêu mà lại thấy toàn đắng chát.
Ai đã cướp đi những năm tháng đó? Để mùa hè trơ trọi những cái xác ve sầu, chỉ còn bóng dáng của niềm vui năm cũ còn đọng lại. Ai đã cướp đi những năm tháng đó, để tâm hồn em lạc mãi trong tháng năm hoang hoải xa xăm, chẳng tìm được đường về đến ngày hôm nay nữa.
Nếu như được trở lại khoảnh khắc đó, em sẽ đập vỡ tất cả đồng hồ trên Trái Đất này để thời gian dừng trôi. Dù có phải quay lại làm một đứa nhỏ hèn nhát chỉ thích núp vào lòng mẹ, em cũng bằng lòng.
tôi hỏi thăm buồng chuối chín trên cây
ngoại của tôi bao giờ thì tỉnh giấc?
tiếng gà gáy vang trời, lung lay đất
"""