" Tội Ác Trên Thiên Đường Mật - Nhiều Tác Giả full mobi pdf epub azw3 [Viễn Tưởng] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tội Ác Trên Thiên Đường Mật - Nhiều Tác Giả full mobi pdf epub azw3 [Viễn Tưởng] Ebooks Nhóm Zalo Tội Ác Trên Thiên Đường Mật TẬP TRUYỆN NGẮN KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG LIÊN XÔ NHÀ XUẤT BẢN TÁC PHẨM MỚI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM – 1985 LỜI GIỚI THIỆU I Xem xét quá trình phát triển của văn học xưa nay, người ta vẫn thấy có những tác phẩm trong đó những yếu tố của hiện thực được phối hợp một cách đặc biệt, không theo những nguyên tắc sẵn có của đời sống mà theo một cách riêng, từ đó tạo ra những khung cảnh “quái đản”, những con người kỳ dị và đủ các chuyện lạ khác. Ví dụ rất nhiều, từ những bóng ma trong kịch Shakespeare, những người khổng lồ và người tí hon trong J. Swift, qua các nhân vật trong Gargantua và Pantagruel của Rabelais, một số truyện của Voltaire, truyện ngắn của Homann ở Đức, E. Poe ở Mỹ v.v... Ở phương Đông có Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, v.v... Mượn cái không thể có để biểu hiện cái có thể có trong đời sống, đấy chính là một hình thức nhận thức: nhận thức thông qua lạ hóa. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, lại thấy nảy nở một loại truyện có sắc thái mới: hoặc là dự đoán những thành tựu khoa học mà một thời gian sau loài người mới đạt tới (việc sáng chế các loại máy móc mới, việc sử dụng năng lượng mặt trời, nhờ sự trợ giúp của một chất bán dẫn nào đó, v.v...); hoặc kể về một số hiện tượng xã hội kỳ lạ, sẽ xảy ra trong tương lai. Cũng từ đây, danh từ khoa học viễn tưởng ra đời. Hai tác giả thuộc loại cổ điển ở thể văn này là Jules Verne (1825-1905) với các tác phẩm như Cuộc du lịch của đại úy Hatteras, Hòn đảo bí mật, Tám vạn dặm dưới biển, và Herbert Wells (1866-1946), tác giả Người vô hình, Cuộc chiến tranh giữa các thế giới, v.v... Jules Verne là người đầu tiên hiểu rằng thế giới sẽ chịu ảnh hưởng của kỹ thuật. Ông ý thức được rằng trên trái đất dần dần và nhất định sẽ có nhiều máy móc. Còn tiểu thuyết của Wells, theo cách nói của nhà văn Soviet Olessa, chính là những thần thoại của thời đại mới, những thần thoại kể về máy móc và con người giữa những máy móc. Tên tuổi của hai ông, gắn liền với hai dòng chính mà đến nay người ta còn thấy trong truyện khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, chỉ từ đại chiến thế giới thứ hai trở lại đây, loại truyện này mới trở thành hiện tượng bùng nổ mạnh mẽ ở nhiều nước. Số nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng rất đông. Riêng ở Mỹ, theo một con số thống kê năm 1967, số nhà văn loại này đã lên tới ba bốn trăm người, trong đó ba bốn chục người rất ăn khách, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Có những nhà xuất bản, những tạp chí chuyên môn in các loại truyện khoa học viễn tưởng. Có những giải thưởng dành tặng cho các tác phẩm xuất sắc hàng năm. Có những câu lạc bộ khoa học viễn tưởng hoạt động với thư viện riêng, ngân sách riêng, v.v... Ở Anh, Pháp, Ý, Nhật, các nước Bắc Âu, cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Cộng hòa Dân chủ Đức, v.v... khoa học viễn tưởng đã trở thành một “phân xưởng” không thể thiếu trong guồng máy văn học. Giữa nước nọ nước kia, việc dịch in và phổ biến những tác phẩm mới ra đời được xúc tiến hết sức nhanh chóng. Tại sao khoa học viễn tưởng phát triển mạnh như vậy? Trên nét lớn, có thể cắt nghĩa bằng một lý do giản dị: Từ nhiều thế kỷ nay, câu hỏi tương lai loài người, tương lai thế giới ra sao, vẫn là câu hỏi trở đi trở lại trong tâm trí nhiều người, thuộc nhiều thế hệ. Đến thời đại chúng ta, câu hỏi trên càng có sức ám ảnh. Mặc dù khoa học có giúp cho người ta giải đáp một số vấn đề, nhưng nhiều vấn đề khác – mà lại là những vấn đề chính yếu – vẫn nằm ngoài tầm tay, do đó, càng thu hút sự chú ý của nhiều người: – Máy móc được chế tạo thêm, sản phẩm làm ra nhiều hơn, điều kiện đời sống thuận tiện hơn, có phải bao giờ cũng tốt đẹp, hay nó sẽ phá vỡ sự cân bằng và những mối quan hệ vốn có của xã hội? – Người máy, và những máy móc siêu đẳng khác, do con người chế tạo ra, có thay thế được cho con người? Trong xã hội kỹ thuật phát triển đó, vai trò của con người nên được hình dung ra sao? – Những tìm tòi của con người vào khoảng không vũ trụ và cuộc tấn công vào thế giới chung quanh nói chung sẽ mở ra không cùng, hay có những giới hạn của nó? – Cùng với mọi biến đổi trong khoa học kỹ thuật, bản thân con người và xã hội loài người sẽ thay đổi theo hướng nào? Đặc biệt đời sống tinh thần của con người sẽ giàu có hơn hay nghèo nàn đi? Những sự tha hóa nào cần được đề phòng? V.v... và v.v... Những câu hỏi trên và nhiều câu hỏi tương tự khác, liên tiếp được đặt ra. Một mặt, các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng, phần lớn là những người rất thông thạo các vấn đề khoa học kỹ thuật hiện đại (một số trong họ là những nhà khoa học thực thụ, viết khoa học viễn tưởng như một “nghề tay trái”), nên họ cùng tham gia dự đoán như mọi người. Mặt khác, như chúng ta thấy, trước sau những người được dư luận công nhận vẫn là những nhà văn nặng lòng trắc ẩn và hết sức nhạy cảm. Trong khi phóng trí tưởng tượng về phía trước, họ thường chia sẻ với chúng ta những lo âu, để rồi, vượt qua những lo âu đó, đạt đến một cái nhìn lạc quan chân chính. Rất tự hào về nghề nghiệp của mình, A. Asimov, một nhà viết truyện khoa học nổi tiếng đồng thời là một nhà bác học người Mỹ cho rằng: “Yêu khoa học viễn tưởng có nghĩa là quan tâm tới tương lai nhân loại, và ở mức độ nào đó, là yêu tất cả mọi người, muốn cho mọi người hạnh phúc”. Bradbury, một nhà văn Mỹ khác bổ sung: “Suy cho cùng, chỉ những ai không hài lòng với xã hội hôm nay và biết biểu lộ sự không hài lòng đó một cách mạnh mẽ, người đó mới xây dựng được những truyện khoa học viễn tưởng có giá trị”. Theo cách nói của nhà văn Bungari I. Virusev, khoa học viễn tưởng nảy sinh để giúp cho loài người hình dung ra “cái độ cao đến chóng mặt” mà chúng ta đã đạt tới trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Thoạt đầu, qua khoa học viễn tưởng, người ta thấy toát ra một niềm kiêu hãnh chính đáng; rồi sau đó, một nỗi lo lắng không kém phần gớm ghê; cả niềm kiêu hãnh lẫn nỗi lo lắng kia gắn liền với sự phát triển của kỹ thuật. Bởi vậy, ông kết luận, – “khoa học viễn tưởng giúp tôi viết về con người tương lai, những người sống trong thế kỷ siêu kỹ thuật, nhưng không bao giờ nguôi quên cái khao khát chính đáng là làm chủ thế giới”. Nghiên cứu sáng tác của các đồng nghiệp khác và từ sáng tác của bản thân, nhà văn Cộng hòa Dân chủ Đức là C. Krupcat đi tới kết luận: “Trí tưởng tượng của người ta thật không biết đâu là cùng. Trong toàn bộ vẻ đa dạng của nó, thế giới là vô hạn. Nhưng người ta có thể nhận thức được thế giới đó”. Ông chọn con đường trở thành nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng với mục đích sáng rõ “mở ra cho con người thấy cả thế giới bao la của tính nhân đạo”, tức giúp cho họ thêm kiêu hãnh làm người. Từ chỗ mải mê đi vào dự đoán các máy móc sẽ được chế tạo, các nguồn năng lượng sẽ được đưa vào sử dụng, từ chỗ say sưa với thế giới của những hành tinh chưa từng có dấu vết sự sống, gần đây khoa học viễn tưởng bắt đầu có thêm những hướng đi mới. Một số tác giả chú ý nhiều hơn đến những đổi mới sẽ xảy ra trong sinh học, y học; một số kiên trì đi vào thế giới nội tâm của con người, tìm cách phát hiện ra ở đó tất cả những gì lạ lùng kỳ dị, và cố nhiên chúng ta còn biết rất ít, nhất là khi đặt nó vào khung cảnh của những biến đổi kỹ thuật sẽ xảy tới trong tương lai. Một ngành khoa học viễn tưởng mới bắt đầu xuất hiện: khoa học viễn tưởng có tính triết học và tâm lý sâu sắc. Nó khiến cho thể văn này khắc phục được một nhược điểm người ta vẫn chế giễu là chỉ đi vào những khía cạnh li kỳ của sự tìm tòi mà thiếu khả năng đề cập những chuyện gần gũi với đời sống bên trong của con người. Nhiều nhà văn vốn nổi tiếng ở các khu vực khác nay cũng viết khoa học viễn tưởng. K. Sapeil ở Tiệp (người lần đầu tiên nói đến người máy – robot). A. Maurois, Vecco ở Pháp, Kobo Abe ở Nhật, Dürrenmatt ở Thụy Sĩ, v.v... Với sự tham gia của các cây bút bậc thầy này, chất văn học trong khoa học viễn tưởng được triển khai trên nhiều bình diện mới. Một nhà văn Rumani là I. Habana tuyên bố,“khoa học viễn tưởng là một công cụ vô giá trong công cuộc nghiên cứu tâm lý”. Ông nêu ra một nhận xét được nhiều người đồng tình: “Đối với nhà văn, không gì khó hơn và thú vị hơn là đoán ra cảm xúc, và nói chung, đoán ra phản ứng tâm lý của những con người tương lai, dự báo những mâu thuẫn mà chỉ tương lai mới có”. II Trên nét lớn, những nhận xét vừa nêu ở trên với truyện khoa học viễn tưởng nói chung cũng đúng với sự phát triển của thể tài này ở một nền văn học chúng ta từng đã quen biết, là văn học Soviet. Với các sáng tác như Con đầm pích của Puskin, Cái mũi của Gogol, và nhiều truyện ngắn, truyện vừa của A. Kuprin, văn học Nga thế kỷ thứ XIX từng biết tới một dạng tư duy văn học, đặc biệt là lối phản ánh đời sống qua những hình ảnh quái lạ, những biến dạng kỳ dị, và nói chung là phản ánh theo lối ước lệ, nhưng lại làm nổi bật bản chất của đời sống. Về một phương diện khác, trong những công trình nghiên cứu và phổ biến khoa học của một người như C. Tsiolkovsky, cũng thấy đưa ra nhiều dự án cho các máy móc sẽ được phát triển trong tương lai. Qua đầu thế kỷ XX, người đi đầu trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng ở Nga, không ai khác hơn nhà văn Alexey Tolstoy. Trong các cuốn tiểu thuyết Hyperboloid và chiếc đèn chiếu của kỹ sư Garin, nếu bạn đọc trẻ tuổi thấy thú vị trước những hình tượng lãng mạn, thì những người từng trải lại nhận ra được ở đó những mâu thuẫn xã hội sâu sắc, và bởi vậy, các thiên truyện đó của A. Tolstoy vừa hấp dẫn, vừa có giá trị. Các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng ở Liên Xô hiện nay thường vẫn tự hào là ngay từ đầu, thể tài này đã được các nhà văn chân chính mở đường. Nhà văn Soviet đầu tiên dành tất cả tài năng cho khoa học viễn tưởng là A. R. Belyaev (1884-1942). Trong những tác phẩm như Cái đầu của giáo sư Dowell, Đảo của những thuyền đắm, Người cá, v.v... Belyaev thường nói về các vấn đề khoa học trong tương lai, nhất là những đổi mới trong sinh học, y học. Nếu từ khoảng những năm ba mươi, cho tới nửa đầu những năm 50, sự phát triển của khoa học viễn tưởng ở Liên Xô có phần hạn chế trong lĩnh vực phổ biến những cái mới trong khoa học, tức là tự trói buộc trong những “mục đích gần”, thì sau đó, từ cuối những năm 50, nó sẽ có những đổi mới rõ rệt. Tác phẩm đánh dấu bước ngoặt này là Tinh vân tiên nữ của I. A. Efremov in ra 1957, trong đó ca ngợi sự phát triển hoàn thiện của con người trong xã hội cộng sản tương lai (năm 3000). Tiếp theo Efremov, có nhiều nhà văn Soviet có tài khác, làm việc ở khu vực này như A. Dneprov, G. Go, G. Gurevich, và nổi bật nhất, phải kể tới hai nhà văn vừa là anh em, vừa là đồng tác giả: Arkady và Boris Strugatsky. Ngay từ những tác phẩm đầu tay như Đất nước của những đám mây đỏ rực (1959), Sáu que diêm (1962), người ta đã nhận ra ở hai nhà văn này những nét độc đáo, mà độc đáo nhất là những trang sách của họ rất giàu chất văn học. Trong khi đi vào chủ đề vũ trụ và triển vọng của các quá trình khoa học kỹ thuật (nghĩa là chất “viễn tưởng” chẳng kém một ai), các tác phẩm của anh em Strugatsky lại nổi bật lên ở những uyển chuyển trong việc miêu tả tâm lý, khắc họa tính cách, và nói chung là khả năng khai thác, phát hiện vẻ đa dạng trong đời sống tinh thần của các nhân vật. Từ chỗ miêu tả một quốc gia lý tưởng cho nhân loại trong Sự trở về (tác phẩm có phụ đề: Buổi trưa ở thế kỷ XXI), hai tác giả đi dần sang những thể nghiệm trong loại “viễn tưởng xã hội” mà tiêu biểu là các cuốn Làm trời thật khó và Những đồ vật hung dữ của thế kỷ (đã được dịch in ở Mỹ với tiêu đề Đoạn cuối của Thiên đường). Làm trời thật khó vẽ ra một mô hình văn minh ở trình độ có vẻ như hoàn thiện, nhưng nhìn kỹ lại thấy những đặc trưng của thời trung cổ tối tăm hòa làm một với chủ nghĩa phát xít cuồng chiến, kiêu ngạo, và vì vậy mà cái xã hội này trở nên đối lập hẳn với tính nhân bản. Ở đây, các tác giả không dự báo gì hết, mà chỉ gợi ý một điều: với tương lai, không thể nhìn nhận một chiều; không nên nghĩ rằng cái mới sẽ tới bao giờ cũng tốt; ngược lại, phải thấy sự phát triển của nhân loại thường hàm chứa trong nó đủ mọi tiềm năng, khiến mọi tiên đoán về nó phải thật thận trọng. Những vật hung dữ của thế kỷ, đề cập sự nguy hiểm của văn minh khi thói trưởng giả lên ngôi, và như vậy, điều kiện vật chất càng hoàn thiện, con người càng trở nên hung hãn, độc ác mà cũng càng ích kỷ, hèn nhát, sống thờ ơ, lạnh nhạt với nhau. Nói như cách nói của nhà văn Ba Lan Stanisław Lem, khoa học viễn tưởng không nên đóng vai trò một thứ chuyện bông lơn, nói cho vui, hoặc những giả thiết khó hiểu của mấy nhà thông thái, mà mỗi tác giả ở đây phải là một nhà văn hiện thực. Qua việc dựng lại cuộc sống của con người trong những tình thế giả tưởng, tác phẩm phải cho bạn đọc hiểu rõ hơn những chuyện đang xảy ra bên cạnh người ta, ngay trên trái đất. Và không thể nói một người hiểu đúng tương lai, nếu cảm nhận của người ấy về hiện tại là nông cạn, nhợt nhạt, thậm chí sai lầm. Riêng về trường hợp anh em Strugatsky thì rõ ràng các ông không chỉ thấu hiểu các vấn đề khoa học, hoặc biết dự đoán những đổi mới sẽ xảy ra, mà còn nhạy cảm và có cách hiểu chính xác về hiện tại. Có lẽ vì thế mà dư luận bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu có thẩm quyền ở Liên Xô đánh giá tác phẩm của anh em Strugatsky khá cao, và khi được dịch ra tiếng nước ngoài, những tác phẩm xuất sắc nhất của ông được liệt vào loại đánh dấu sự phát triển chín muồi của thể tài, tức vinh dự mà xưa nay chỉ đành cho tác phẩm của Asimov, Bradbury (Mỹ), S. Lem (Ba Lan). Arthur Clarke (Sri Lanka). Bên cạnh anh em Strugatsky, trong văn học Soviet hiện nay có một đội ngũ viết khoa học viễn tưởng khá đông đảo. Có những người như V. Sephone, Tendryakov… vốn làm thơ, viết văn ở khu vực văn học “bình thường”, thỉnh thoảng cũng viết khoa học viễn tưởng, ngoài ra nhiều nhà văn khác đồng thời là các tiến sĩ, giáo sư, các cán bộ khoa học sôi nổi làm việc, tất cả tạo nên một khung cảnh khá nhộn nhịp. Tuy chưa có tạp chí riêng, nhưng ở Liên Xô đã xuất bản nhiều ấn phẩm định kỳ chuyên về khoa học viễn tưởng, và do các nhà xuất bản Cận vệ trẻ, Kiến thức, Thế giới... chủ trương, sách thường in ra với số lượng lớn vài chục và đôi khi tới trăm ngàn bản. Hội Nhà văn Liên Xô có một phân ban riêng, theo dõi các sáng tác và công tác dịch trong thể tài văn học độc đáo này. Từ năm 1968, Arkady Strugatsky trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nhận xét: “Truyện khoa học viễn tưởng đang chỉ là “chú vịt con xấu xí”.. Nhưng chẳng bao lâu nữa, những bộ phim khoa học viễn tưởng sẽ chiếm lĩnh các rạp chiếu bóng, truyện khoa học viễn tưởng sẽ được thường xuyên giới thiệu trên vô tuyến truyền hình, trên đài phát thanh. Sẽ có những nhà viết lịch sử truyện khoa học viễn tưởng, những nhà nghiên cứu phê bình chuyên về khoa học viễn tưởng. Bóng dáng thanh tú của con thiên nga tương lai đã thấy thấp thoáng đằng sau “chú vịt con xấu xí”, không thể nào khác được!”. Những dự đoán đó dần dần đã trở thành sự thật. III Rải rác nhiều năm trước đây, một số tập truyện thuộc loại “cổ điển” trong khoa học viễn tưởng Soviet đã được dịch ra tiếng Việt (Người cá, Tinh vân tiên nữ, v.v...). Chính vì vậy, trong khuôn khổ một tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới muốn giới thiệu những tác phẩm của những tác giả mới nổi trong vòng hai chục năm nay. Bên cạnh một đoản thiên khá tiêu biểu của A. R. Belyaev (được chọn in lại trong số Văn học Soviet tháng 2-1984, dành riêng về khoa học viễn tưởng), đó là các sáng tác của K. Bulychev, C. Simonian, I. Varshavsky, M. Pukhov và nhiều người khác. Tuy phần lớn chỉ là những thiên truyện ngắn gọn, nhưng các tác phẩm tập hợp ở đây cũng đã tiêu biểu một phần cho những khía cạnh khác nhau trong nội dung và nghệ thuật của khoa học viễn tưởng Soviet hôm nay. Đọc truyện, chúng ta như được lạc vào một thế giới, với đủ thứ phát minh kỳ lạ, đại loại một người thân thể dập nát, có thể chuyển bộ não cấy vào thân thể một con hươu để sống tạm, hoặc một chàng trai si tình nọ, khoác một chiếc máy lên đầu, có thể đọc hết mọi ý nghĩ của một cô gái anh ta vẫn gặp trên xe buýt và yêu vụng nhớ thầm bấy lâu mà không biết làm cách nào để “tiếp cận”. Ở đây, những con tàu vũ trụ đi lại giữa các hành tinh đều đều như xe điện, và các nền văn minh trong thiên hà thì thường xuyên liên hệ với nhau, dù chưa phải đã hiểu hết mọi thông số của nhau, v.v... và v.v... Có điều, dù viết về vấn đề gì, các tác giả đều muốn hướng tới một mục đích duy nhất là tháo gỡ cơ chế tâm lý vốn hết sức tinh tế của con người tương lai và chỉ rõ rằng thực ra, họ vẫn rất gần gũi với chúng ta hôm nay. Ngay khi làm ra được không biết bao nhiêu là sản phẩm đặc biệt, kể cả tạo ra được một thứ thiên nhiên giống y như thật, thì con người vẫn không bao giờ nguôi quên cái thiên nhiên thật mà họ từng tiếp xúc (Bãi cỏ). Vả chăng, trong việc vận hành các máy móc tự động, con người vẫn đóng vai trò quyết định, không máy móc nào tinh xảo, năng động mà lại dễ dàng hoạt động bằng họ (Ánh sáng vô hình). Chỉ cần một chút tùy tiện là mỗi người trong họ đã gây ra những nhiễu loạn rắc rối cho hệ thống máy móc, rồi chỉ những đầu óc con người thông minh nhất mới điều tra nổi và có cách xử lý đúng đắn (Độc quyền trí tuệ). Phải chăng thế giới máy móc sẽ hoàn chỉnh tới mức không còn chỗ cho những nghịch lý, những sai nhầm từ đó, không còn có lý do cho những cảm xúc hài hước chân chính? Không đúng! Với Cô bé luôn luôn gặp may, ta nhận thấy cả trong siêu vũ trụ đi nữa, vẫn còn may rủi, và nhiều khi, một cái nhìn trẻ thơ, trong sáng lại là nhân tố duy nhất giúp cho người ta vượt qua mọi trục trặc, kể cả những trục trặc do cách nghĩ máy móc cứng queo của con người gây ra! Nói rộng hơn, trong nhiều truyện mà các bạn đọc sau đây, con người được miêu tả như một thực thể mà tiềm năng luôn luôn hướng mở về tất cả các phía, mỗi người có thể là nguồn hạnh phúc, mà cũng là nguồn tai họa cho đồng loại (Tội ác trên thiên đường mật). Sự phức tạp trong tâm lý – một nét tiêu biểu trong con người – là điều mà chính những người máy robot trong lúc thông minh nhất, cũng phải ao ước (Homunculus). Nói tóm lại, bên cạnh cái bay bổng của trí tuệ, những truyện hay nhất trong tập đều trở lại với những vấn đề mà hàng ngày chúng ta quan tâm và không ai dám nói là đã nhận thức được hết. Có lẽ vì thế mà dù đây đó, trong các truyện có những chi tiết chúng ta chưa hiểu, những giả thiết chúng ta không đủ kiến thức để kiểm tra xem độ chính xác của chúng đến đâu, song trên cái hướng lớn của các truyện, vẫn có chút gì đó, rất dễ thông cảm. Sau các ngỡ ngàng trong việc tiếp xúc với một thể văn xuôi mới lạ chỉ thế kỷ này mới nảy nở mạnh mẽ, rút cục chúng ta có thể yên tâm và bình tĩnh nghiền ngẫm những gì làm nên cái chất văn học thực thụ mà mỗi người bình thường vốn đã rất quen đón nhận. VƯƠNG TRÍ NHÀN ÁNH SÁNG VÔ HÌNH Alexander Belyaev – Ta thấy rõ Viroval là một thầy thuốc nổi tiếng. – Phải công nhận vậy thôi, vì ngay cả người mù cũng còn thấy như vậy mà. – Sao ông đoán được là tôi mù? – Đôi mắt bác xanh, trong thật, nhưng không đánh lừa được tôi. Nó bất động như mắt búp bê. – Rồi người nọ cười khẽ nói tiếp: – Vả lại, tôi đã giơ ngón tay huơ qua mũi bác mà không thấy bác chớp mắt. Người mù cười chua chát, đưa tay vuốt mái tóc hạt dẻ chải khá chau chuốt, nói: – Chịu ông. Đúng, tôi mù, và nếu tôi hay nói “tôi thấy rõ” đó là do thói quen. Tuy nhiên, dù không trông thấy gì, ta vẫn cảm thấy người này là phong lưu và nổi tiếng. Đây là khu sang trọng nhất thành phố. Ông bác sĩ có biệt thự riêng. Vườn thơm nức mùi hoa hồng. Cầu thang rộng. Người gác cổng đón khách. Trong phòng chờ, toàn mùi nước hoa đắt tiền. Người hầu, con ở, thư ký, đủ cả. Giá tiền khám bệnh cao. Người bệnh được các trợ lý khám trước. Những tấm thảm mềm mại dưới chân, ghế bành bọc lụa... – Đó chỉ là một sự chuẩn bị tâm lý rất khôn khéo, – người nọ vẫn cười mỉa mai, tiếp tục rủ rỉ. Ông ta đưa mắt lướt nhanh căn phòng chờ sang trọng của bác sĩ Viroval, như để kiểm tra lại những cảm giác của người mù. Tất cả các ghế đều có người bệnh ngồi chờ, nhiều người đeo kính đen hoặc băng kín mắt. Trên nét mặt họ, đọc thấy sự chờ đợi, niềm lo âu, hy vọng... – Bác bị mù chưa lâu, có phải không? Chuyện gì đã xảy ra? – ông ta hỏi. – Sao ông lại nghĩ là mới xảy ra? – người mù nhướn đôi lông mày, ngạc nhiên. – Những người mù bẩm sinh thường có thái độ, cử chỉ khác. Tôi cho là bác bị hỏng dây thần kinh thị giác. – Tôi là kỹ thuật viên về điện, làm việc ở phòng thí nghiệm của Tổng công ty điện. Ở đó tôi nghiên cứu, làm những kiểu đèn mới, chiếu ra những tia cực tím... – Thế là rõ. Đúng như tôi nghĩ. Hay lắm! – Người nọ xoa tay, ghé vào tai người mù, nói nhỏ: – Bác hãy mặc xác cái thằng cha lang vườn Viroval này đi. Nhờ đến hắn thì cũng chẳng hơn gì đi nhờ bất cứ một thằng cha căng chú kiết nào. Nó sẽ bịp bác cho đến khi bác nhẵn túi, lúc đó nó sẽ bảo là nó đã làm hết khả năng; vả lại nó nói thế cũng có phần nào đúng, vì không ai còn có thể bòn rút ở bác đồng nào nữa. Bác có nhiều tiền không? Sống bằng gì? Người mù cau mặt: – Chắc ông cho tôi là người không biết gì. Nhưng dù là mù và ngây thơ đến đâu cũng thừa đoán được ông là tay chân của một thầy thuốc khác. Người nọ cười nhăn cả mặt: – Bác đoán đúng. Tôi là tay chân của một thầy thuốc. Tên tôi là Kruss. – Thế ông thầy thuốc kia tên là gì? – Cũng là Kruss. – Trùng tên à? Kruss cười gằn: – Hơn cả thế. Tôi là tay chân của chính tôi. Xin hân hạnh tự giới thiệu: tôi là bác sĩ Kruss. Bác có thể cho tôi biết quý danh? Người mù im lặng một lúc, miễn cưỡng trả lời: – Dobel. – Rất hân hạnh được làm quen, – Kruss thân mật ôm lấy khuỷu tay người mù… – Bác Dobel, tôi biết bác nghĩ gì về tôi. Trong cái thành phố đầy rẫy thương gia và những kẻ đầu cơ này, có hàng ngàn thầy thuốc làm đủ mọi cách để câu khách, nẫng tay trên bệnh nhân của nhau, chúng không từ những phương tiện hèn hạ nhất là mưu mẹo và lừa bịp. Nhưng thiết nghĩ chưa có thầy thuốc nào lại đi hạ mình đến mức đích thân đến tận phòng chờ của đồng nghiệp để nói xấu bạn và câu bệnh nhận về mình. Bác Dobel, bác hãy thú thật là bác đang nghĩ như thế đi. – Cứ cho là thế, – người mù sẵng giọng. – Rồi sao nữa? – Rồi thì, tôi xin có vinh dự tuyên bố là bác đã nghĩ lầm. – Khó tin rằng ông có thể làm tôi thay đổi ý kiến. – Rồi sẽ xem! – Kruss thốt lên, nhưng lại hạ giọng ngay: – Rồi sẽ xem. Những điều tôi nói sau đây chắc chắn sẽ thuyết phục bác. Xin thưa: tôi là một bác sĩ thuộc loại đặc biệt. Tôi chữa bệnh không lấy tiền. Hơn thế: tôi chịu cả tiền ăn ở cho người bệnh. Mí mắt người mù rung rung: – Vì từ tâm bác ái chăng? – Không hẳn thế, – Kruss đáp. – Bác Dobel, tôi sẽ nói thật thà tất cả với bác, mong rằng bác cũng sẽ thật thà lại với tôi. Xin tóm tắt... Bố mẹ tôi để lại cho tôi một gia tài lớn, có thể cho phép tôi làm tại nhà những nghiên cứu khoa học mà tôi vẫn say mê; tôi có một bệnh viện riêng và một phòng thí nghiệm trang bị tốt. Và tôi quan tâm đến những bệnh nhân như bác. Dobel sốt ruột, ngắt: – Vậy ông yêu cầu gì ở tôi? – Trước mắt thì chưa yêu cầu gì, – Kruss cười. – Lúc nào bác cúng hết đồng xu cuối cùng cho Viroval mới là lúc tôi ra tay. Tuy nhiên, tôi cần biết bác có bao nhiêu tiền. Hãy tin tôi, không phải để tôi cướp của bác đâu... Dobel thở dài: – Than ôi! không nhiều lắm. Tai nạn khiến tôi mù mắt, hồi đó báo chí có nói tới. Vì vậy, để dập tắt dư luận chung quanh chuyện đó, Công ty buộc phải bồi thường tôi một số tiền đủ sống trong một năm. Thế là may lắm. Thời buổi này, ngay những công nhân mạnh khỏe cũng chưa chắc được bảo đảm sống cả một năm. – Với số tiền còn lại, bác còn sống được bao lâu nữa? – Gần bốn tháng. – Sau đó thì sao? Dobel nhún vai: – Tôi không có thói quen nghĩ đến tương lai. – Đúng, đúng, bác nói đúng, ngay người sáng mắt cũng càng ngày càng khó hoạch định cho tương lai của mình – Kruss nói. – Bốn tháng... Hừm... Và tôi chắc Viroval còn rút ngắn thời gian ấy nữa. Lúc đó bác chẳng còn tiền đâu để mà sống, nói gì chữa bệnh. Tuyệt! Vậy lúc đó bác sẽ tìm đến tôi chứ? Dobel chưa kịp trả lời, thì cô y tá đội khăn trắng toát đã gọi: – Số bốn mươi tám! Người mù đứng phắt lên. Cô ta lại gần dắt tay Dobel đưa vào phòng khám. Kruss ngồi lại ở phòng chờ, xem mấy tờ họa báo để trên chiếc bàn con sơn bóng. Vài phút sau, Dobel từ phòng khám đi ra, vẻ mặt vui mừng, xúc động. Kruss chạy tới đón: – Cho phép tôi đưa bác về bằng xe hơi riêng. Thế nào? Chắc Viroval hứa là sẽ trả lại ánh sáng cho bác, phải không? – Phải. – Không hỏi cũng biết. Tất nhiên là hắn phải nói thế, – Kruss cười. – Không nghi ngờ gì nữa, hắn sẽ làm bác sáng mắt ra... theo một nghĩa nào đó. Lúc nãy bác hỏi tôi có thể làm gì cho bác. Điều đó tùy thuộc ở bác. Có thể sau này tôi sẽ hết sức làm mọi cách để mắt bác nhìn được hoàn toàn. Nhưng trước đó bác phải giúp tôi một việc… Ồ, không ngại gì, chỉ là một thí nghiệm nhỏ, nó sẽ làm cho bác ít nhất cũng ra khỏi bóng đêm của sự mù lòa. – Cái gì, ông định nói gì? Tôi sẽ phân biệt ánh sáng với bóng tối? Ông Viroval hứa sẽ trả lại ánh sáng hoàn toàn cho tôi kia! – Tôi đã bảo mà! Chưa đến lúc để thảo luận vấn đề này với bác. Chưa phải thời điểm của tôi... Xe đỗ trước cửa nhà Dobel trọ. Kruss nói: – Bây giờ tôi biết nhà bác rồi. Cho phép tôi gửi bác tấm danh thiếp. Hy vọng sẽ được thấy bác ở nhà tôi ba tháng nữa. – Tôi cũng mong được thấy ông, thấy bằng chính đôi mắt của tôi kia, dù chỉ đủ chứng minh rằng Viroval... – ...Không phải là lang bịp, mà là một danh y chứ gì? – Kruss cười phá lên và đóng sập cửa xe lại. – Rồi sẽ xem, sẽ xem! Người mù không nói gì, mạnh dạn bước lên hè và biến mất sau cửa. oOo Và bây giờ ta thấy Dobel lại ngồi trong ghế nệm êm của xe taxi. Bác chỉ còn đúng số tiền để trả chuyến xe này nữa là hết. Xe đã bỏ xa đằng sau tiếng tàu điện leng keng và tiếng ồn ào của những phố đông người. Làn da cảm thấy sức nóng ram ráp của tia nắng mặt trời. Trong cái phố yên tĩnh này chắc không có nhiều nhà cao che mất mặt trời. Ngửi thấy mùi cây cỏ, mùi đất, mùi mùa xuân. Dobel hình dung ra những ngôi nhà xinh xắn chung quanh có vườn hoa. Không có tiếng động nào khác ngoài tiếng bánh xe siết trên đường nhựa. Những xe hơi ấy chắc là của các chủ nhân những ngôi nhà lịch sự nơi đây. Nếu Kruss ở phố này thì đúng là một người rất giàu. Xe đỗ. Dobel hỏi: – Đến rồi ư? – Vâng, – anh lái xe đáp. – Để tôi đưa bác vào tận nhà. Chung quanh mùi hoa thơm ngào ngạt. Cát xào xạo dưới chân đi. – Bác cẩn thận, có bậc đấy, – anh lái xe hướng dẫn. – Cảm ơn anh. Bây giờ tôi có thể đi một mình. Dobel trả tiền, bước lên bậc, đẩy cửa, bước vào một phòng tiền sảnh mát lạnh. – Bác hỏi bác sĩ Kruss ạ? – tiếng phụ nữ hỏi. – Vâng. Nhờ nói hộ là có ông Dobel. Bác sĩ đã biết... Dobel cảm thấy một bàn tay nhỏ, ấm đặt lên cánh tay mình. – Tôi xin đưa bác vào phòng khách. Qua sự thay đổi các mùi hương khác nhau và không khí lúc ấm, lúc mát, qua các âm khác nhau do các bức tường vọng lại, Dobel đoán mình đang được dẫn từ phòng này qua phòng khác: có phòng lớn, phòng nhỏ, phòng tràn ngập ánh nắng và phòng tối hơn, có phòng nhiều đồ đạc và phòng trống rỗng. Thật là một ngôi nhà kỳ dị, và cũng kỳ dị thay cái lối dẫn bệnh nhân đi qua nhiều phòng đến thế. Có tiếng cửa kẹt nhẹ và giọng nói quen thuộc của Kruss cất lên: – Ồ, ai thế này! Chào bác Dobel. Cô Irene, cô có thể để khách đấy cho tôi. Bàn tay lạnh và khô ráp của Kruss thay thế bàn tay nhỏ nhắn, ấm áp của cô y tá. Bước vài bước nữa, Dobel ngửi thấy mùi thuốc sặc sụa. Nghe có tiếng thủy tinh, sứ gốm, tiếng sắt thép chạm nhau. Hẳn là có người đang sắp xếp các dụng cụ y tế, bát đĩa. Kruss vui vẻ: – Thế là bác đã tìm đến tôi, bác Dobel. Mời bác ngồi ghế này... Ta không gặp nhau đã được... xem nào... nếu tôi không lầm, được hai tháng đấy nhỉ? Đúng, đúng, hai tháng. Ông bạn đồng nghiệp đáng kính của tôi, ông bác sĩ Viroval, đã móc nhẵn túi bác nhanh hơn tôi dự đoán. Thiết nghĩ hỏi bác có trông thấy tôi lúc này không là thừa, có phải không? Dobel cúi đầu lặng lẽ. – Thôi, bác bạn già ơi, đừng mất hy vọng. Bác sẽ không phải hối tiếc là đã đến tìm tôi. – Vậy ông muốn gì ở tôi? – Dobel hỏi. – Tôi xin nói hết sức sòng phẳng, – Kruss nói, – Bác chính là người tôi đang cần. Vâng, tôi sẽ chữa cho bác không lấy tiền và lại còn chu cấp mọi nhu cầu của bác. Tôi sẽ làm hết sức mình trả lại hoàn toàn ánh sáng cho bác, sau khi hợp đồng giữa chúng ta hết hạn. – Hợp đồng nào? – Dobel ngơ ngác. – Tất nhiên là tôi với bác phải ký kết một hợp đồng bằng văn bản hẳn hoi chứ, – Kruss cười. – Tôi cũng phải nghĩ đến quyền lợi của tôi chứ! Tôi có một phát minh nhỏ, cần được đem thử nghiệm. Bác sẽ chịu một phẫu thuật có phần nguy hiểm nhất định. Nếu thí nghiệm của tôi thành công, thì dù tạm thời còn bị mù, bác sẽ nhìn thấy những thứ mà không người nào khác trên đời này thấy được. Sau đó, lúc nào tôi xin được cấp bằng sáng chế xong, tôi sẽ lĩnh trách nhiệm làm hết sức mình để trả lại cho bác thị giác bình thường. – Và ông cho rằng tôi chỉ còn có việc nhận lời? – Nhất định là thế, bác Dobel ạ. Bác đang ở trong tình thế bế tắc. Nếu không nhận, bác sẽ đi đâu? Đi ăn xin ngoài phố ư? – Nhưng ông hãy nói sau khi phẫu thuật rồi thì sẽ xảy ra chuyện gì với tôi? – Dobel ấm ức hỏi. – Nếu phẫu thuật thành công... Tôi tin rằng sau khi mổ, bác có thể sẽ nhìn thấy dòng điện, các từ trường, các sóng vô tuyến, tóm lại là mọi sự vận động của các điện tử. Vô lý ư? Sao? Không, rất đơn giản. Vừa đi đi lại lại trong phòng, Kruss vừa giải thích phát minh của mình như người giảng bài: – Bác thừa biết rằng mỗi cơ quan trong thân thể người ta có cách riêng biệt, đặc thù của mình để phản ứng với các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Khẽ đập vào tai, bác sẽ nghe thấy một tiếng động. Nhưng nếu đập hoặc ấn lên nhãn cầu, bác sẽ có những cảm giác lóe sáng. Người ta thường nói “nổ đom đóm mắt” là thế. Tóm lại, cơ quan thị giác đáp ứng bằng những cảm giác lóe sáng không phải chỉ đối với những kích thích quang học, mà cả với những kích thích cơ học, nhiệt điện… Tôi có làm một cái máy rất nhỏ, một thứ máy điện nghiệm có độ nhậy rất cao. Máy có những dây bạc cực mảnh nối vào dây thần kinh thị giác, hoặc vào trung tâm thị giác của não. Cho dòng điện chạy vào máy, dây thần kinh hoặc trung tâm thị giác phải phản ứng lại bằng những cảm giác lóe sáng. Rất đơn giản. Cái khó là làm sao nối được cơ cấu bất động của máy vào hệ thị giác sống của con người, vì phải làm cho bác có thể chiếu những cảm giác lóe sáng của mình lên không gian. Tôi nghĩ là dây thần kinh của bác không bị tổn thương trên tất cả chiều dài của nó. Song tìm được điểm tiếp xúc nào tốt nhất không phải dễ. Vả lại cũng cực chẳng đã ta mới dùng đến phẫu thuật. Dòng điện có thể tới dây thần kinh thị giác thông qua các dây thần kinh khác, các cơ bắp, các mạch máu. Đó, chủ yếu là như thế. Chi tiết, tôi sẽ nói sau nếu ông quyết... – Tôi quyết rồi, – Dobel phẩy tay, đáp. – Tôi chẳng có gì nữa mà sợ mất. Ông cứ thí nghiệm theo ý ông. Nếu thích, ông cho tôi một viên đạn vào giữa sọ cũng được. – Hay lắm. Bây giờ dù sao bác cũng có một mục đích trong cuộc sống. Trông thấy những gì người đời chưa bao giờ trông thấy! Không phải ai cũng có may mắn ấy. – Tôi chắc từ đó ông cũng rút ra được lợi ích gì cho ông! – Dobel nói, giọng cay độc. – Chỉ là một sự quảng cáo tốt, không hơn, nó sẽ giúp tôi kéo tất cả các bệnh nhân của Viroval về với tôi, – Kruss nở một nụ cười thỏa mãn. oOo – Tối đen. Đen như mồ hóng, sâu như vực thẳm, à không, không đúng: màu đen tuyệt đối làm gì có kích thước trong không gian. Tôi không thể nói trước mắt tôi có bao nhiêu ngàn kilômét khối màu đen hay chỉ là vài xăngtimét, tôi đang ở giữa khoảng không hay là đang đứng giữa nhiều vật thể. Nếu tay tôi chưa sờ, hoặc người tôi chưa đụng phải đồ vật, thì vật thể đó chưa tồn tại đối với tôi... Dobel ngừng nói. Bác nằm dài trên giường trong một phòng rộng, quét vôi trắng. Đầu và mắt bịt băng kín. Kruss ngồi trong ghế bành đặt ở đầu giường, miệng phì phèo điếu xì gà. – Tại sao bác sĩ thở hổn hển thế? – Dobel hỏi. – Không biết. Có lẽ tại tôi xúc động... Đúng, bác Dobel, tôi rất hồi hộp, hồi hộp hơn cả bác nữa... Tại sao chưa thấy gì nhỉ... – Nghe đây! – Dobel đột nhiên nhỏm dậy, kêu lên. – Hãy nằm im! – Kruss vội vã ấn đầu Dobel xuống gối. – Nghe đây! Hình như... tôi trông thấy… – Ôi, lạy trời! – Kruss nín thở. – Bác trông thấy gì? – Tôi thấy... – Dobel cuống quít nói, – hình như... phải chăng là ảo giác... Người mù vẫn có thể bị ảo giác được không? – Thôi, nhanh lên, nói ngay bác trông thấy cái gì? – Kruss sốt ruột nhấp nhổm trên ghế. Nhưng Dobel không nói nữa. Mặt bác tái nhợt, căng thẳng, như đang cố lắng nghe cái gì. Kruss đứng dậy, rón rén lại gần cửa, bấm chuông. Cô y tá bước vào, Kruss dặn khẽ như sợ làm khuấy động giấc mơ của Dobel: – Mau... cho xin ít nitroglycerin... tôi sắp ngất đây. – Bác sĩ! Ông Kruss! Có, có, tôi trông thấy... Bóng đen đang chuyển động! – Dobel lại nói như trong cơn mê sảng. – Tôi trông thấy một đám mây mù lóe sáng… – Màu gì? – Kruss hổn hển hét to. – Màu sáng trắng... tuy có hơi phớt xanh vì tương phản với nền đen... Những điểm sáng ùa tới rồi lại biến đi theo nhịp độ nhất định, như những làn sóng... – Những làn sóng! – Kruss rên rỉ, – Quỷ thần ơi! Không khéo tôi chết tắc thở ngay lúc này mất. Đưa mau, mau! – Ông ta giục, cô y tá vừa mới bước vào. Kruss nuốt vội viên thuốc, ngồi phịch xuống ghế bành, nhắm mắt lại. – Chất sáng đi qua lúc dài, lúc ngắn, – Dobel tiếp tục nói. – Có lẽ có một máy điện báo vô tuyến nào đang hoạt động? – Kruss nói. – Tốt, tôi đỡ rồi, khỏe rồi. Tôi nghe bác! – Thật lạ. Như là có ai kéo một tấm phim ảnh trước mắt tôi vậy. Tôi nhìn thấy càng nhiều ánh sáng... Những mảng, những chấm, những cung, những vòng, những sóng, những tia ánh sáng giao nhau, đè lên nhau, hợp rồi lại tan... Rất khó mà phân biệt, tách bạch trong cái mớ bòng bong này! – Thật tuyệt vời! độc đáo! – Kruss reo lên mừng rỡ vì thí nghiệm thành công. – Bác bối rối không phân biệt được vì bác chưa học cách điều chỉnh máy, và chưa tách bạch được những dòng điện có công suất khác nhau. Cho nên bác cảm thấy như lạc vào một trận đồ bát quái ánh sáng, điều đó không có gì lạ. Nhưng rồi bác sẽ tập điều chỉnh và sẽ phân biệt được mọi dòng điện từ nhỏ đến lớn, không tùy thuộc vào cường độ của nó. Cho nên chớ hà tiện lời kể, ông bạn! Nào, bác trông thấy gì nữa? – Không còn tối đen nữa, không gian tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng với cường độ khác nhau, và vâng, vâng, cũng màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, lục, tím, xanh... Phía bên trái vừa nhóm lên một chấm sáng to bằng quả táo. Nó phát ra những tia xanh lơ, như một mặt trời nhỏ... Kruss nhảy chồm lên khỏi ghế: – Sao? Bác trông thấy? Không có lẽ! Đó là một tia sáng mặt trời vừa chiếu lên cái nắm đấm cánh cửa bằng kền. Sao bác lại có thể trông thấy cái khối tròn ấy được? – Tôi không trông thấy khối tròn. Tôi chỉ thấy một chấm sáng nhỏ phát ra những tia xanh. – Sao? Cái gì? Những tia gì? – Tôi đoán được rồi, ông Kruss ạ. Năng lượng của tia sáng mặt trời chiếu vào nắm đấm cửa đã làm cho bề mặt bằng kim khí của nó phóng ra những điện tử. – Phải đấy, bác nói đúng. Bác nói rất đúng. Sao tôi lại không nghĩ ra nhỉ! Chúng ta cùng thí nghiệm nhé. Bác không biết bóng đèn điện ở chỗ nào trong phòng, phải không? Được rồi. Tôi bật đèn. Dòng điện bắt đầu chạy và... – Và tôi trông thấy dây điện. Đó là một đường sáng xuyên qua trần nhà – Dobel đưa tay chỉ lên chỗ bác ta trông thấy và Kruss gật gật đầu, chạy dọc theo tường… – Ồ, chỗ kia, ở góc ấy có một đoạn dây hở để dòng điện thất thoát ra ngoài. Ông phải gọi thợ điện đến chữa đi… Xa nữa, dây điện đi qua rất nhiều phòng, xuống tầng dưới, đi ra ngoài phố… Tôi cũng trông thấy một bóng điện sáng. Nó ở chỗ này. Tôi không trông thấy ánh sáng của nó, mà trông thấy những dòng điện tử trong đường dây xoắn sáng trắng... – Đó là hiệu ứng nhiệt iông, hay hiệu ứng Edison, – Kruss gật đầu. Dobel phấn khởi nói: – Ông Kruss, ông có biết không, tôi còn trông thấy những thứ thú vị hơn cả hiệu ứng Edison trong bóng đèn điện. Và tôi trông thấy mà không cần phải quay đầu lại. Ông hãy vui lòng xích lại gần giường tôi. Thế. Đầu ông đây phải không? Và kia là trái tim ông? – Đúng... Trời đất, quỷ thần ơi! Lẽ nào bác lại nhìn thấy cả dòng điện do bộ não và trái tim tôi phát ra? Nghĩ cho cùng, điều đó cũng không có gì lạ. Trong mỗi tế bào cơ thể chúng ta, có những quá trình hóa học phức tạp diễn ra kèm theo các hiện tượng điện. Nhưng đặc biệt tim, nhất là não, là những trung tâm phát điện thực sự. – Từ đầu ông phát ra một luồng sáng dịu màu hoa cà. Khi ông suy nghĩ nhiều thì luồng sáng đó càng mạnh. Khi ông xúc động, thì đúng là trái tim ông bốc lửa. – Dobel, bác đúng là một kho báu! Một mỏ vàng! Với khoa học, bác là người không gì có thể thay thế! Máy điện nghiệm không thể nào tường thuật mọi điều tốt như bác! Tôi tự hào về tôi... và về bác. Tối nay hai ta cùng đi lên xe đi một vòng quanh thành phố, và bác sẽ kể tôi nghe những gì bác trông thấy! oOo Dobel khám phá ra một thế giới mới. Buổi tối mà Kruss dẫn bác đi xe khắp thành phố sẽ mãi mãi in sâu vào trí óc Dobel. Buổi tối đầu tiên ấy đúng là tuyệt vời, kỳ ảo. Cứ chỗ nào có điện là Dobel thấy sáng, và ở một thành phố lớn thì đâu mà chả có điện! Dobel nhìn thấy tia chớp áp suất cao của các magneto trong động cơ ôtô. Các động cơ tàu điện chạy trên đường phố giống như những bánh xe có pháo hoa, tỏa ra từng chùm tia lửa: đó là các điện tử. Và dây điện của các đường tầu giống như những cái tời bằng kim khí nóng nung chảy căng dọc phố xá. Các từ trường xung quanh chúng mạnh đến mức cả phố sáng chưng. Dobel nhìn thấy, hay đúng hơn là đoán thấy, ánh sáng – tức là dòng điện – theo dây dẫn truyền qua cần điện, chảy xuống dưới nóc toa đến chỗ người lái tàu đứng, rồi chui xuống dưới sàn toa, vào trục và các bánh xe, vào đường ray và dây cáp ngầm. Các dây cáp chi chít dưới đất phát ra ánh sáng chói chang. Ở một số chỗ, dây xấu, và Dobel nhìn thấy rõ từng suối tia sáng xanh lan tỏa sâu xuống đất: điện hở. Phía sau, ở rất xa, tận đầu kia thành phố, bác nhìn thấy một vùng sáng lớn và những chùm thác lửa: chính đó là nơi có nhà máy điện với những máy phát điện xoay chiều cực mạnh. Các thác lửa là ở máy này mà ra. Các tòa nhà lớn trông cũng rất kỳ. Dobel không nhìn thấy gì khác ngoài một mạng lưới rối rắm những dây điện phát ánh sáng mạnh, còn những dây khác thì phát sáng yếu hơn: đó là dây điện thoại. Các nhà chọc trời, Dobel chỉ trông thấy bộ khung sáng lóa của chúng. Theo hình dáng các bộ khung ấy, bác nhận ra những cơ quan, địa điểm khác nhau của thành phố. Trong các nhà ở, bác trông thấy đầy đủ những khối lửa nghi ngút: đó là các máy có động cơ điện. Toàn không gian đầy ắp ánh sáng mờ ảo của những sóng vô tuyến, còn bên trên thành phố, những dòng ánh sáng, những con sóng lửa cháy liên tục: đó là liệu quả của các tia vũ trụ, các điện tử tách ra từ chốn sâu thẳm của mặt trời và cả từ những từ trường của trái đất. Nghe Dobel mô tả, Kruss reo lên: – Khối nhà bác học sẵn sàng chọc cho mắt mình thành đui để được nhìn thấy như bác! Mà bác hãy chuẩn bị: ngày mai, bác sẽ được phóng viên các báo lớn nhất phỏng vấn, và ngày kia, tôi sẽ đưa bác ra giới thiệu với giới khoa học. oOo Phát minh của Kruss có tiếng vang rộng rãi. Tất cả các báo đăng tin về nó mấy ngày liền, và Kruss chìm ngập trong hào quang vinh dự. Dobel không ngớt được phỏng vấn, chụp ảnh. Những thư mời bác cộng tác bắt đầu bay tới. Bộ quốc phòng đề nghị dùng Dobel trong thời chiến để phát hiện và chặn sự liên lạc bằng vô tuyến của kẻ thù. Bác nhìn thấy những sóng vô tuyến dưới dạng một loạt tia chớp dài, ngắn khác nhau. So với các trạm chuyên làm việc này, bác có ưu thế rõ rệt: không phải tự điều chỉnh theo một bước sóng nào; sóng dài hay ngắn, bác đều trông thấy hết. Hãng “sửa chữa điện” rất giàu đề nghị bác làm việc kiểm tra các nơi bị rò rỉ điện trong các cáp ngầm và phát hiện các “dòng điện lang thang” như người ta thường gọi, dễ làm hư hỏng cả dây cáp ngầm lẫn nhiều công trình khác. Hãng đã tính toán rằng nếu dùng Dobel như một cái máy sống, thì rẻ hơn nhiều so với cả một đội ngũ thợ điện và kỹ thuật viên đi tìm những nơi rò rỉ bằng máy móc thông thường. Cuối cùng Tổng công ty điện đề nghị Dobel làm việc trong phòng thí nghiệm khoa học của Công ty. Ở đó Dobel sẽ là cái máy sống để thử nghiệm nhiều loại ống catốt, đèn, máy ghi sóng, máy phát tia X và tia cực tím, tia gamma nhân tạo. Ở đó đang nghiên cứu cả một loạt những dao động điện từ, đang thí nghiệm việc bắn phá hạt nhân nguyên tử, xem xét đặc tính các tia vũ trụ. Một máy sống như Dobel sẽ rất có ích khi thí nghiệm về các tia vô hình. Kruss đồng ý cho Dobel nhận lời làm việc với Tổng công ty điện. – Nhưng bác vẫn tiếp tục ở nhà tôi. Như vậy thuận tiện cho tôi hơn. Hợp đồng giữa hai ta vẫn có giá trị. Tôi cũng vẫn chưa làm xong các thí nghiệm cần thiết đối với bác. oOo Và thế là Dobel lại có việc làm. Đúng tám giờ sáng, Dobel có mặt ở phòng thí nghiệm sực các mùi ozone, cao su và acid. Các thí nghiệm được tiến hành có thể cả ban ngày, cả buổi tối dưới đèn sáng, và cả trong tối đêm mù mịt; với Dobel, điều đó chả ảnh hưởng gì, vì bác luôn luôn chìm đắm trong cái vũ trụ đầy những khối, những vòng, những mảng, những tinh vân sáng. Máy móc chạy rì rì, ro ro. Dobel nhìn thấy những từ trường lấp lánh chung quanh chúng, những hạt điện tử bắn đi thành luồng sáng, những luồng ấy ngoằn ngoèo hoặc rẽ ngoặt dọc đường khi gặp các chướng ngại, các mạng lưới, các bẫy điện tinh vi. Và Dobel luôn mồm tường thuật những điều trông thấy. Hai nhân viên tốc ký cắm cúi ghi chép. Dobel quan sát được những hiện tượng quang học rất có ích và nói cho các nhà khoa học biết nhiều điều rất bất ngờ. Khi người ta cho khởi động chiếc máy điện từ khổng lồ, to hơn và nặng hơn cả một chiếc đầu xe lửa cỡ lớn, Dobel nói: – Ôi, chói cả mắt! Máy này làm cả một khu phố sáng chói lên, và giới hạn tận cùng của trường từ quang của nó còn vượt xa hơn nữa. Vì tôi trông thấu suốt cả thành phố, trông thấy bộ xương ánh sáng của thành phố cả bốn phía một lúc. Tôi thấy hết, thấy cả các ngài nữa. Các hạt điện tử vây quanh tôi như đàn ong vây tổ. Ngài Lardner chẳng hạn, từ mũi ngài chảy ra những tia lửa, còn đầu của ngài Corlis Lamotte thì giống như đầu Medusa Gorgon có bộ tóc rực đỏ màu lửa. Tôi phân biệt rõ các đồ vật bằng kim khí, chúng lóe sáng như bị nung đỏ, nhìn rõ các dây sáng loáng nối các đồ vật ấy với nhau. Nhờ cái máy biết nghĩ và biết nói là Dobel, người ta đã giải quyết nhiều vấn đề khoa học mà trước đây không giải quyết được bằng các phương tiện cổ điển. Dobel được đánh giá cao, trả tiền hậu. – Tôi có thể tự cho mình là người hạnh phúc nhất trong những người mù, nhưng dù sao thì sáng mắt cũng vẫn sướng hơn, – Dobel nói với Kruss. Tối nào Kruss cũng bắt Dobel báo cáo lại những việc làm trong ngày, và tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện chiếc máy do ông sáng chế. Cho đến một hôm, Kruss tuyên bố: – Bác Dobel! Hôm nay là hết thời hạn giao kèo giữa chúng ta. Tôi phải thực hiện lời cam kết của tôi: trả lại thị giác bình thường cho bác. Nhưng như vậy bác sẽ mất khả năng trông thấy sự vận động của điện tử. Phải nói rằng khả năng ấy vừa qua đã mang lại cho bác một số lợi thế trong cuộc sống. – Quý báu gì lợi thế của một cái máy sống! Tôi không thích. Tôi chán rồi. Tôi muốn trông thấy như mọi người, muốn làm một người bình thường chứ không phải là cái máy lưu động. – Tùy bác, – Kruss cười khẩy. – Nào, bây giờ tôi sẽ bắt đầu điều trị cho bác. oOo Cuối cùng, cái ngày ấy đã đến, ngày sung sướng nhất đời Dobel. Bác nhìn thấy Kruss mặt vàng, da nhăn nheo, nhìn thấy cô y tá, mặt trẻ hơn nhưng khó đăm đăm, nhìn thấy mưa rơi ngoài cửa sổ, mây xám dưới trời thu, lá vàng úa trên cây. Tạo hóa không phô màu sắc nào vui hơn để chào mừng đôi mắt Dobel lại sáng. Nhưng không sao! Bác nhìn thấy, rồi còn ối dịp. Dobel xiết chặt tay Kruss: – Tôi không biết nói thế nào để tỏ sự biết ơn... Kruss nhún vai: – Ơn huệ gì, vô ích. Đối với tôi không có phần thưởng nào quý báu hơn là thí nghiệm đã thành công. Tôi không phải loại lang bịp như Viroval. Tôi đã chứng minh điều đó bằng cách chữa mắt bác lại lành. Mong rằng từ nay phòng chờ của hắn sẽ vơi hẳn khách. Nhưng thôi, chẳng nói đến tôi làm gì. Thế là bây giờ bác đã trông thấy, đã là một người bình thường, khỏe mạnh. Tầm vóc, sức lực đáng kể... Vậy bây giờ bác định làm gì? – Tôi hiểu ông định nói gì. Tôi không còn là bệnh nhân, nên không được phép quấy rầy ông nữa. Vậy hôm nay tôi xin rời khỏi đây, rồi sẽ đi tìm nhà trọ và việc làm. – Xin chúc bác gặp nhiều may mắn. oOo Một tháng trôi qua. Hôm đó, Kruss được mời xuống dưới nhà, có khách. Đó là Dobel mặc áo ba đờ xuy trùm kín cổ, tay mân mê chiếc mũ. Nước mưa từ vành mũ rơi lõng bõng xuống sàn nhà. Trông bác gầy sọp hẳn, dáng người mệt mỏi. – Thưa ông, tôi đến đây để một lần nữa tỏ lời biết ơn ông. Ông đã trả tôi đôi mắt sáng. Tôi nhìn rõ... – Hãy nói ngay: Bác đã tìm được việc làm chưa? – Việc làm? – Dobel cười chua chát. – Tôi nhìn rõ, thưa ông, tôi nhìn rõ gấp đôi. Và tôi đến để xin ông... làm cho tôi mù trở lại. Hãy làm cho tôi vĩnh viễn đui mù, chỉ còn nhìn thấy các điện tử vận động... – Tự làm mù! Thế thì tàn nhẫn quá! – Kruss kêu. – Nhưng tôi không thể để tôi tự chết đói. – Không, tôi không làm đâu, kiên quyết không, – Kruss sôi nổi đáp. – Người ta sẽ nghĩ về tôi như thế nào! Vả lại, cũng chậm rồi. Phải. Cái máy điện nghiệm của tôi, tôi đã cải tiến nó, đã đăng ký để được cấp bằng sáng chế và đã bán nó cho Tổng công ty điện. Với máy ấy, bây giờ ai cũng có thể nhìn thấy sự vận động của các điện tử. Công ty không cần đến những người mù sáng như bác nữa. Dobel lẳng lặng đội chiếc mũ ướt sũng lên đầu và ngắm nghía đôi bàn tay vạm vỡ của mình. Bác nhìn thẳng vào mặt Kruss. – Được. Đôi bàn tay này ít nhất cũng còn làm được một việc là phá tan cái máy quỷ quái ấy. Chào ông Kruss, xin vĩnh biệt! Nói rồi, Dobel đóng sập cửa, đi ra. Mưa đã tạnh và trời thu lại trong vắt dưới ánh sáng mặt trời. DƯƠNG LINH dịch TỪ BÊN NGOÀI Arkady và Boris Strugatsky BỌN PHÁ RỐI Truyện kể của K.N. Sergeyev, thành viên đội khảo cổ “Apida” Mới đây, một tạp chí khoa học phổ thông đã đăng bài tường thuật chi tiết về những sự kiện kỳ lạ xảy ra trong khoảng tháng bảy, tháng tám ở vùng Dushanbe. Tiếc thay, các tác giả bài báo rõ ràng chỉ nắm được sự việc qua các lời truyền miệng – mà có những miệng lại không trung thực – do đó đã vô tình trình bày thực chất và các chi tiết vấn đề dưới một góc cạnh hoàn toàn méo mó. Những chi tiết suy diễn về một “đội biệt kích cơ khí điều khiển” hay những con “quỷ máy”, cũng như những lời kể mâu thuẫn lẫn nhau của những “nhân chứng tại chỗ” nói đến những trái núi bốc cháy, những con bò và những xe hơi bị nuốt bởi cái miệng khổng lồ... thật không đáng tin cậy chút nào. Thực ra các sự kiện đơn giản hơn nhiều, đồng thời cũng phức tạp hơn nhiều so với lời đồn. Khi đã rõ là bản trường trình chính thức của ủy ban điều tra ở Dushanbe không thể được sớm công bố với báo chí, giáo sư Nikitin đề nghị với tôi – vì tôi là một trong những nhân chứng thực sự hiếm hoi – hãy viết lên sự thật về bọn Phá Rối. Ông nói: “Anh hãy kể những điều anh đã trông thấy tận mắt, hãy nói cảm tưởng của mình. Đúng như những gì anh đã báo cáo trước ủy ban điều tra. Anh có thể tham khảo các tài liệu của chúng tôi. Nhưng tốt hơn là anh cứ nói đúng những ý nghĩ của mình. Một điều nữa: chớ quên tập nhật ký của Lodovsky. Anh có quyền sử dụng nó”. Tôi xin báo cáo là khi quyết định kể chuyện này, tôi sẽ hết sức cố gắng tuân theo chỉ thị của giáo sư, chỉ kể đúng những cảm tưởng của mình, và tôi sẽ trình bày các sự kiện đúng như nó đã xảy ra nhìn theo góc độ của chúng tôi, góc độ của đội khảo cổ đang làm việc khai quật cái mà người ta gọi là “lâu đài Apida”, cách Penjikent năm mươi kilômét về phía đông nam. Đội chúng tôi gồm sáu người, trong đó có ba nhà khảo cổ học: đội trưởng – tức “Thủ trưởng” – Boris Ivanovit Lodovsky; ông bạn cũ người Tajik của tôi Jamin Karimov, và tôi. Ngoài ra có hai nhân công tuyển mộ tại chỗ, và anh lái xe Nikolai. “Lâu đài Apida” là một lũy cao khoảng ba mươi mét nằm trong một thung lũng hẹp có núi bao quanh. Một dòng suối nhỏ, nước trong và lạnh, ngổn ngang những hòn đá lớn tròn nhẵn, chảy trong thung. Con đường dẫn tới ốc đảo Penjikent men theo dòng suối. Trên đỉnh lũy, chúng tôi đào thấy những nhà ở của người Tajik cổ. Lán trại chúng tôi dựng dưới chân lũy: hai lều vải đen và một lá cờ đỏ có hình đồng tiền sogdian (một hình tròn ở giữa là lỗ vuông). Lâu đài Tajik hồi thế kỷ thứ III không giống chút nào những lâu đài châu Âu thời trung cổ có tường lỗ châu mai và cầu rút. Một khi dọn sạch, đó chỉ là hai, ba khoảng đất nện có tường bao cao ba, bốn tấc. Thực ra lâu đài chỉ còn lại cái nền. Dưới nền có thể tìm thấy gỗ đã hóa than, những mảnh gỗ vụn và những con bò cạp hiện đại, và may ra thì vớ được một đồng tiền cổ đã gỉ xanh. Đội có một ô tô, đó là chiếc cam nhông nhỏ GAT-51 đã cũ, dùng để đưa chúng tôi đi thám thính tình hình qua những đường núi gập ghềnh. Trước hôm bọn Phá Rối xuất hiện, Lodovsky đã lấy xe đi Penjikent để xin tiếp liệu, và chúng tôi chờ anh về vào sáng 14 tháng 8. Nhưng không thấy xe về, và việc đó mở màn cho một loạt sự việc dị thường, khó hiểu. Tôi nằm trong lều, phì phèo điếu thuốc trong khi chờ dòng suối rửa sạch những mảnh gốm mà tôi đựng trong một cái chậu dìm dưới nước. Mặt trời đứng yên như treo trên đỉnh đầu, mặc dù đã ba giờ chiều. Jamin đang lụi hụi trên đỉnh lũy, nơi đó thấp thoáng những chỏm mũ trắng của công nhân làm việc trong cơn lốc bụi mù mịt. Nồi cháo đang sôi trên bếp dầu. Không khí đầy bụi làm tôi khó thở. Tôi vừa nhả khói thuốc, vừa nghĩ xem lý do gì đã lưu giữ Lodovsky ở Penjikent: quá hẹn sáu giờ rồi mà anh chưa về. Chúng tôi sắp hết nhẵn dầu hỏa, thức ăn chỉ còn hai hộp thịt, chè còn nửa gói. Hôm nay mà Lodovsky chưa về thì rắc rối to. Chợt tìm ra một lý do mới (chắc Lodovsky còn ở lại để chờ gọi điện về Moskva), tôi vươn vai đứng lên và lần đầu tiên chợt nhận thấy tên Phá Rối. Nó đứng bất động ngay cạnh cửa lều: tầm thước bằng con chó to, mầu đen đục, trông giống một con nhện khổng lồ. Thân tròn và bẹt như cái vỏ đồng hồ, chân cẳng chia ra nhiều đốt. Tôi không thể mô tả chi tiết hơn, vì bị quá bất ngờ, choáng váng. Sau một giây bất động, nó lắc lư nhè nhẹ, tiến thẳng tới tôi. Tôi đứng đực ra, nhìn nó từ từ di chuyển chân cẳng, để lại trên đất bụi những vết sâu thành lỗ. Bóng dáng gớm ghiếc của nó nổi bật trên nền bụi vàng chói chang ánh sáng. Các bạn chú ý cho là tôi không hề có khái niệm, rằng đây là một tên Phá Rối. Đối với tôi, lúc đó nó là một con vật lạ vừa mù vừa câm; nó tiến về phía tôi trên những cẳng gẫy gập một cách kỳ dị. Tôi lùi lại. Cùng lúc tôi nghe có tiếng “tách” nhẹ, rồi một ánh chớp sáng lòa làm tôi bất giác nhắm mắt. Mở mắt ra, tôi đã thấy nó vào tới bóng râm trong lều. “Trời!...” tôi kêu thầm. Nó cúi mình trên thùng đựng thức ăn của chúng tôi và dường như lấy hai chân trước lục lọi trong đó. Một hộp thịt lóe lên dưới tia nắng mặt trời rồi biến mất như có phép lạ. Rồi “con nhện” quay người sang bên và cũng biến mất. Tiếng bếp dầu ngừng reo, tôi nghe có tiếng sắt thép chạm nhau loảng xoảng. Ở địa vị tôi, không hiểu một người tỉnh táo sẽ làm gì. Tôi thì đã mất hết lý trí. Tôi nhớ là mình đã hét lên một tiếng, – hoặc hy vọng làm “con nhện” sợ, hoặc để tự trấn tĩnh, – tôi chạy ra khỏi lều rồi đứng thở hổn hển. Mọi vật không thay đổi. Dãy núi xung quanh như ngủ thiếp dưới trời nắng, dòng suối vẫn cuồn cuộn chảy, các chỏm mũ trắng vẫn thấp thoáng trên đỉnh đồi. Và ở đó, tôi lại thấy tên Phá Rối. Nó chạy xuôi xuống dốc, vòng quanh mô đất, im lặng và nhẹ nhàng như lướt trên không khí. Hầu như không thấy chân nó đâu, song tôi nhìn rất rõ cái bóng đen kỳ dị chạy cạnh nó trên cỏ khô xám xịt! Rồi nó mất hút. Nhiều tiếng gọi vang lên từ trên đồi. Jamin và các công nhân chạy xuống, ra hiệu cho tôi bỏ nồi cháo ra để đun nước pha trà. Họ không hay biết gì và rất kinh ngạc khi nghe tôi nói: “Con nhện đã lấy hết cả bếp dầu và đồ hộp đi rồi...”. Sau này Jamin kể lại rằng cảnh tượng bấy giờ thật khó hiểu. Tôi ngồi trước cửa lều, hút thuốc và gạt tàn vào nồi cháo. Mắt tôi trắng dã, nhìn ngang nhìn ngửa hết sức sợ sệt. Biết rằng bạn cho mình là mất trí, tôi hấp tấp kể mọi chuyện xảy ra một cách thật mạch lạc, càng làm anh ta tin là tôi điên thật. Mấy cậu công nhân thì chỉ biết kết luận: thế là mất uống trà. Họ yên lặng húp chút cháo nguội rồi chui vào lều đánh bài. Jamin ăn xong, cùng tôi châm thuốc, rồi anh nghe tôi kể bình tĩnh hơn. Suy nghĩ một lúc, anh bảo tôi bị cảm nắng nên nhìn thấy ảo ảnh. Tôi vặn lại: một là, tôi đều đội mũ khi ra ngoài trời, và hai là, nếu vậy, chiếc bếp dầu và mấy đồ hộp đi đâu? Jamin cho là trong lúc lên cơn sốt, có thể tôi đã quẳng tất cả xuống suối! Tôi rất bực, và cả hai chúng tôi đứng dậy, lội xuống nước ngập đầu gối, quơ hai tay mò tìm khắp lòng suối. Tôi mò được chiếc đồng hồ của Jamin đánh mất từ tám hôm trước, sau đó chúng tôi quay về lều, và Jamin lại ngồi suy nghĩ. Bỗng anh hỏi tôi có ngửi thấy mùi gì lạ không. Không, không có mùi gì, tôi đáp. Thế tôi có để ý con nhện có cánh hay không? Không, nhện không có cánh. Tôi có nhớ hôm nay là ngày mấy, thứ mấy không? Tôi cáu lên và nói hôm nay là ngày 14, còn thứ mấy thì tôi không nhớ, song điều đó chẳng có ý nghĩa gì, vì ngay Jamin chắc cũng không nhớ cả ngày lẫn thứ... Jamin thú thật là đúng vậy, anh chỉ nhớ năm, nhớ tháng, vì chúng tôi đang ở nơi thâm sơn cùng cốc, lịch chẳng có mà báo cũng không. Tiếp đó, chúng tôi đi kiểm tra vùng đất chung quanh. Ngoài những lỗ để lại trước cửa lều, không có dấu vết gì khác. Ngược lại, chúng tôi phát hiện thêm là ngoài cái bếp dầu và đồ hộp, “con nhện” đã cuỗm mất tờ báo lúc đó tôi đang cầm, một hộp bút chì và cái gói bọc những hiện vật khảo cổ quý nhất mà chúng tôi đã khai quật được... – Quân chó đểu! – Jamin tức giận kêu lên. Chiều tối. Màn sương bảng lảng vắt qua thung lũng, chòm sao Thần Nông xuất hiện trên bầu trời, một luồng gió mát báo hiệu đêm tới. Các công nhân đã ngủ, nhưng hai chúng tôi vẫn nằm trên giường gấp mà nghĩ đến những điều đã xảy ra, miệng phun mù một thứ khói khét lẹt của loại thuốc lá rẻ tiền. Sau một hồi lâu im lặng, Jamin rụt rè hỏi lại xem có phải tôi định trêu anh không và sau đó vội phát biểu ý kiến ngay: theo anh, có thể có mối liên quan giữa “con nhện” với sự chậm trễ của Lodovsky. Tôi cũng nghĩ vậy nhưng không nói gì. Anh liền điểm lại tất cả những đồ vật bị mất, và nêu lên giả thuyết vô lý rằng “con nhện” chỉ là một tên ăn trộm khéo léo giả trang. Tôi bắt đầu lim dim ngủ. Một tiếng động kỳ dị làm tôi bật thức dậy, nó giống tiếng gầm của những động cơ máy bay cực mạnh. Tôi ngồi yên một lúc, lắng tai nghe ngóng. Tôi bỗng lo sợ một cách vô cớ. Có lẽ vì đã một tháng nay tôi chưa nghe tiếng máy bay. Tôi đứng dậy, ngó ra ngoài. Đêm tối đen, đồng hồ chỉ một giờ rưỡi. Trời lưa thưa vài ngôi sao lạnh, các đỉnh núi chỉ còn là những cái bóng âm u, mờ ảo. Rồi từ sườn núi trước mặt, xuất hiện một chấm sáng lóng lánh trôi xuống dưới, nó tắt một lúc rồi lại hiện ra quá về phía bên phải. Tiếng gầm to lên mãi. – Cái gì thế? – Jamin chạy ra, giọng lo lắng. Tiếng gầm đến rất gần, và đột nhiên một làn ánh sáng màu trắng xanh chói lòa, soi lên đỉnh đồi chúng tôi. Ánh sáng kéo dài vài giây rồi tắt, và tiếng gầm cũng dứt. Nhanh như tiếng sét, tối đen và yên lặng lại bao trùm lán trại. Trong gian lều công nhân, nghe thấy nhiều tiếng kêu hốt hoảng. Jamin hét lên điều gì bằng tiếng Tajik, và tôi nghe tiếng chân chạy nhanh trên sỏi đá. Tiếng gầm dữ dội lại cất lên, dâng cao bên trên thung lũng rồi giảm nhanh âm lượng và tắt đi ở nơi xa xăm. Thoáng trông như có một vỏ tầu dài ngoẵng và tối sẫm che khuất một lúc các ngôi sao và đi về hướng đông nam. Jamin cùng các công nhân kéo tới. Chúng tôi ngồi quây tròn im lặng rất lâu, vừa hút thuốc, vừa lắng tai nghe xem có tiếng động gì nữa không. Thực thà mà nói, tôi sợ hết thảy mọi thứ, sợ “nhện”, sợ đêm đen không trăng, sợ những tiếng rì rầm bí ẩn mà tôi tưởng tượng nghe thấy trong tiếng suối róc rách. Và tôi nghĩ là những người khác cũng giống như tôi. Jamin nói thầm vào tai tôi là rõ ràng chúng tôi đang ở giữa trung tâm của những sự kiện bí hiểm. Tôi không nói gì. Cuối cùng chúng tôi thấy lạnh và ai nấy trở về lều của mình. – Thế nào, còn nói là cảm nắng và kẻ cắp giả trang nữa không? – tôi hỏi. Jamin không đáp, vài phút sau anh mới nói: – Nhỡ chúng trở lại? – Mình chịu, – tôi đáp. Nhưng chúng không trở lại đêm đó. Hôm sau chúng tôi trèo lên các khu khai quật và thấy là tất cả những đồ gốm đào được hôm trước đã biến mất. Các khoang đất nện loang lổ những lỗ. Đống đất vun lại hôm trước nay xụm xuống như có một xe lu chạy qua. Bức tường nhỏ bị phá hai chỗ. Jamin cắn môi nhìn tôi, ra ý hiểu. Anh em công nhân bàn tán khe khẽ và đứng nép gần chúng tôi. Họ sợ, và chúng tôi cũng vậy. Xe của Lodovsky vẫn chưa về. Chúng tôi phải ăn bánh mốc, chiêu nước lạnh. Ăn xong, công nhân cầm cuốc chúc nhau “quỷ tha ma bắt cái công việc này”, rồi leo lên đỉnh đồi. Còn tôi, sau khi bàn bạc với Jamin, tôi vớ mũ chụp lên đầu, kiên quyết lên đường đi Penjikent, dự định dọc đường gặp ô tô sẽ vẫy đi nhờ. Những kilômét đầu, tôi đi trôi chảy, có ngồi nghỉ hai lần hút thuốc. Nhiều lần tôi gặp những đàn dê, đàn bò đi qua, nhưng tịnh không một bóng người. Còn cách thị trấn gần nhất khoảng chục cây số thì chiếc Trực Thăng Đen xuất hiện. Nó bay là là dọc con đường, ầm ầm vụt qua đầu tôi rồi khuất sau một khúc ngoặt của thung lũng, để lại một luồng gió nóng. Thân máy bay không sơn mầu lá cây như các trực thăng quân sự, cũng không sơn màu bạc như các trực thăng chở khách và chở hàng. Nó sơn màu đen đục. Màu sắc, hình thù lạ lẫm và tiếng máy khàn khàn của nó khiến tôi nhớ lại những hiện tượng đêm trước, nhớ tới “con nhện”, và lòng tôi lại rộn lên nỗi sợ. Tôi rảo bước, rồi chạy thực sự. Sau một quãng ngoặt, tôi thấy một chiếc xe gíp kiểu GAT-69, cạnh đó là ba người đang ngửng đầu nhìn trời. Sợ họ sắp mở máy, tôi lên tiếng gọi và chạy vội tới. Họ quay đầu về phía tôi, rồi một người nằm xuống đất, trườn vào dưới gầm xe. Hai người kia, hai chàng trai rậm râu, dáng người khỏe mạnh, chắc là nhà địa chất, nhìn tôi. – Các bạn cho tôi đi Penjikent với! – tôi kêu to. Họ vẫn yên lặng nhìn chằm chằm vào tôi, chắc chưa nghe thấy gì. Tới gần, tôi nói: – Chào các bạn. Salam a lai cum... Người cao lớn không nói gì, quay đi và trèo lên xe. Người nhỏ hơn trả lời trống không: “Chào”, rồi lại nhìn trời. Tôi cũng nhìn lên. Chẳng có gì ngoài một con diều hâu lớn. – Các anh đi Penjikent chứ? – Anh là ai? – người bé nhỏ hỏi. Người cao lớn đứng lên, cúi người qua thành ghế và tôi thấy ở thắt lưng anh ta có bao súng lục. – Tôi là nhà khảo cổ. Chúng tôi khai quật ở “lâu đài Apida”. – Các anh khai quật cái gì? – người nhỏ bé hỏi, giọng lễ phép hơn. – “Lâu đài Apida”. – Ở chỗ nào? Tôi nói địa điểm. – Anh đi Penjikent làm gì? Tôi kể cho họ nghe chuyện về Lodovsky và tình hình của đội chúng tôi. Nhưng tôi không kể gì về “con nhện” và về trận báo động ban đêm. – Tôi biết Lodovsky, – người cao lớn bỗng nói. Anh ta ngồi trên xe hút thuốc, hai chân bỏ thõng vắt vẻo ra ngoài. – Tôi biết Lodovsky. Boris Ivanovit chứ gì? Tôi gật đầu. – Một con người tốt. Chúng tôi rất muốn chở đồng chí đi, nhưng đồng chí thấy đấy, xe đang bị pan... Từ dưới gầm xe có tiếng vọng lên: – Georgi Piplovit, tại cái trục.... Bỗng anh bé nhỏ kêu lên: – Nó lại đến, nó lại đến!.. Chiếc Trực Thăng Đen lại xuất hiện bên sườn núi. Nó bay theo con đường, lao thẳng phía chúng tôi. – Máy bay quái quỉ gì thế này? – anh bé nhỏ lầu bầu. Chiếc trực thăng bay lên rồi đứng yên rất cao bên trên đầu chúng tôi. Thật là khó chịu, và tôi sắp mở miệng để nói ra điều ấy, thì anh cao lớn đã rối rít kêu: “Nó xuống!”, và nhảy ra khỏi xe Chiếc trực thăng lao xuống chúng tôi. Một cái lỗ đen sì mở ra dưới bụng nó, và nó cứ tiếp tục hạ xuống. Anh cao lớn nhảy một bước sang bên, kéo tay tôi, và gọi anh lái xe: – Petenco, rút mau! Tôi cắm đầu chạy, cả anh bé nhỏ cũng chạy. Anh ta hét điều gì, miệng há to, nhưng tiếng động cơ gầm rú át hết mọi âm thanh. Tôi lao xuống một cái hố, mắt ngập ngụa bụi, và còn kịp trông thấy Petenco bò bốn chân tay về phía chúng tôi. Trực Thăng Đen hạ xuống đường. Cánh quạt cực mạnh làm nổi lên một cơn lốc thổi bay mũ tôi và trùm lên tất cả một trận mưa bụi. Rồi lại một tia chớp sáng lòa át cả ánh mặt trời. Bụi tan, chúng tôi nhìn ra đã thấy con đường vắng lặng. Xe gíp đã biến mất. Trực Thăng Đen ngược thung lũng bay xa dần... ... Từ đó tôi không được trông thấy lũ Phá Rối và những tàu bay của chúng nữa. Cũng hôm đó, Jamin và công nhân thấy một chiếc trực thăng, và ngày 6 tháng 8 thấy hai cái. Chúng cũng bay thấp, dọc theo đường cái. Những chuyện xảy ra tiếp sau với tôi chỉ có liên quan gián tiếp đến bọn Phá Rối. Cùng với mấy nhà địa chất, tôi đi nhờ xe khác tới Penjikent một cách khá vất vả. Suốt dọc đường, anh địa chất cao lớn cứ nhìn lên trời, còn anh bé nhỏ thì chửi thề, nhắc đi nhắc lại rằng nếu đây là “trò tinh nghịch của bọn nhãi ở câu lạc bộ hàng không” thì anh nhất quyết phải cho chúng biết tay. Ở Penjikent, người ta cho biết Lodovsky đã trở về ngay sáng sớm 14 tháng 8, và anh lái xe của đội, Nikolai, đã quay trở lại Penjikent chiều hôm ấy, nhưng không có Lodovsky; anh ta đã bị công an giám sát tại chỗ vì bị nghi là đã gây tai nạn làm mất ô tô, gây nên cái chết của Lodovsky, nhưng không chịu nói lên sự thật mà lại bịa ra những chuyện vô lý không thể tin được về một vụ máy bay tấn công nào đó. Tôi chạy ngay tới đồn công an. Nikolai ngồi trên ghế dài trong phòng trực ban, đang đau khổ một mình về nỗi bất công của người đời. Theo lời anh, đi khỏi Penjikent được khoảng bốn mươi kilômét,“Thủ trưởng” rẽ vào thăm một cơ sở khảo cổ ở cách xa đường cái. Hai mươi phút sau, một chiếc trực thăng bay tới, cướp đi chiếc xe. Nikolai chạy đuổi theo không được, liền đi tìm Lodovsky, nhưng ông đã biến mất không để lại dấu tích. Anh đành quay trở lại Penjikent, báo cáo chi tiết sự việc, và thế là... “Im đi, đừng bịa chuyện!”, đồng chí công an trực nghiêm khắc cảnh cáo. Vừa lúc đó, hai đồng chí địa chất và Petenco bước vào. Họ trình bị mất một xe gíp và yêu cầu cho biết phải đệ đơn đi đâu để kiện lũ phi công ăn cướp này. Nửa giờ sau, Nikolai được trả lại tự do. Tôi xin mở ngoặc để nói rằng những chuyện không may xảy đến với Nikolai chưa chấm dứt ở đây. Tòa án Penjikent lập hồ sơ Về vụ công dân Lodovsky mất tích, nghi là bị ám sát, trong đó Nikolai là bị cáo, và Jamin, anh em công nhân và tôi được dẫn ra làm nhân chứng. “Vụ việc” chỉ được xếp lại khi một ủy ban điều tra do giáo sư Nikitin đứng đầu tới can thiệp. Tôi không đi sâu vào vấn đề này vì tôi viết chủ yếu là về bọn Phá Rối mà sau này, mỗi ngày qua đi lại có thêm nhiều dữ kiện mới. Nhưng những tin tức giá trị nhất là do “Thủ trưởng” Boris Lodovsky, để lại. Chúng tôi hoang mang, đặt hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, cố gắng để giải thích xem bọn Phá Rối là ai, từ đâu đến. Các ý kiến rất trái ngược nhau, và mọi việc chỉ sáng ra vào giữa tháng chín, khi khám phá được bãi hạ cánh của bọn Phá Rối và tập nhật ký của Lodovsky. Khám phá này là của các chiến sĩ biên phòng, đã qua các nhân chứng mà dày công theo dõi dấu vết lũ Trực Thăng Đen. Bãi hạ cánh nằm trong một cái vực có núi bao quanh, cách “lâu đài Apida” mười lăm kilômét về phía tây. Đó là một mặt bằng đường kính khoảng hai trăm mét, nền đất từng chỗ cháy đen, và cây cỏ – gồm cỏ, bụi gai và hai cây dâu – cũng cháy xém. Trên bãi, tìm thấy một trong số hai xe bị cướp “chiếc gip” được rửa sạch, nhưng đã hết nhiên liệu, nhiều đồ vật bằng chất liệu lạ mà cũng không biết dùng để làm gì (những vật này đã được gửi về phòng thí nghiệm để nghiên cứu) và nhất là quyển nhật ký của đội khảo cổ “Apida”, trong đó có những trang gồm nhiều tài liệu quý do chính tay Boris Ivanovit Lodovsky ghi. Nhật ký đặt trên ghế sau của xe gíp và may mắn không bị khí ẩm hay ánh nắng làm hư hại, chỉ bị phủ đầy bụi. Trong cuốn sổ dày đóng bìa cứng mầu nâu ấy, hai phần ba là những trang mô tả việc khai quật “lâu đài Apida”, biên bản các cuộc thám hiểm vùng chung quanh, nhưng ở phần cuối, có mười hai trang ghi chép mà theo tôi, giá trị không thua kém bất cứ cuốn tiểu thuyết hoặc tác phẩm khoa học, triết học nào. Lodovsky ghi bằng bút chì, luôn luôn vội vã (nhìn nét chữ thì biết) và thường không mạch lạc lắm. Có những đoạn rất khó hiểu, nhưng phần còn lại đủ làm sáng tỏ một số tình tiết của những sự kiện khá bí ẩn. Và toàn bộ là cực kỳ quý báu, nhất là những điều mà Lodovsky kết luận về bọn Phá Rối. Ngay sau khi hồ sơ vụ công dân mất tích được xếp lại, ông chánh án Tòa án Penjikent đã trao cuốn nhật ký đó cho tôi với tư cách là quyền đội trưởng đội “Apida”. Dưới đây, xin dẫn nguyên văn nhật ký đó, những chỗ nào có vẻ khó hiểu thì tôi sẽ mở ngoặc giải thích thêm. 14 tháng tám (Hình vẽ một thứ nấm không cuống, một hình chóp thật bẹt. Bên cạnh, để so sánh kích thước, vẽ một xe ô tô, một hình người. Chú thích: Một con tàu vũ trụ? Trên hình chóp, có chấm vài cái với những mũi tên đi ra, kèm ghi chú: Các cửa vào. Gần đỉnh chóp, có chữ Nơi chất hàng. Bên cạnh: cao 14 mét, đường kính mặt đáy 40 mét). Chiếc trực thăng lại mang đến một xe nữa, xe GAT-69, biển số JD-19-19. Bọn Phá Rối (chính Lodovsky là người đầu tiên dùng từ này) xem xét chiếc xe, tháo động cơ ra rồi đem lên tầu. Cửa hẹp, nhưng chiếc xe cũng đưa vào được. Xe tôi thì vẫn ở dưới. Tôi đã dỡ hết lương thực ra, và bọn chúng không đụng đến. Chúng không thèm chú ý đến tôi chút nào, đến mức làm tôi hơi ấm ức. Có vẻ như tôi có thể chuồn được, nhưng tôi chưa muốn, chưa muốn... (Tiếp theo là một hình vẽ rất xấu, có vẻ mô tả một tên Phá Rối). Tôi không biết vẽ. Một cái thân hình đĩa đen xì, đường kính chừng một mét. Tám chân, có đứa mười chân. Chân dài và mảnh như chân nhện, mỗi chân ba đốt. Các đốt có thể gập lại theo đủ các hướng. Không thấy mắt và tai, nhưng xem ra chúng nhìn và nghe rất tốt. Chúng có thể di chuyển với tốc độ nhanh không thể tưởng tượng, như những tia chớp đen. Chúng chạy được như ruồi trên dốc gần thẳng đứng. Điều kỳ dị là thân chúng không có mặt trước mặt sau. Tôi đã thấy một tên đang chạy, bỗng đi ngang, rồi đi giật lùi mà không cần dừng lại hay quay người, khi chúng đi lướt gần tôi, tôi ngửi thoảng có mùi giống mùi ozone. Chúng kêu rít rít như cào cào. Một sinh vật có lý trí... (câu này viết dở dang). Trực thăng mang đến một con bò. Một con bò cái to sù, lông chấm trắng. Vừa xuống tới đất, nó gậm ngay vào đám cỏ gai cháy xém. Sáu tên Phá Rối vây quanh bò và kêu rít rít, thỉnh thoảng lại phóng ra những tia chớp. Một sức mạnh phi thường: một tên đã nắm cẳng bò vật ngửa nó ra như chơi. Con bò được mang lên tầu. Tội nghiệp nó! Bọn chúng đi thu thực phẩm dự trữ hay sao vậy? Tôi đã thử tiếp xúc, lại gần những tên Phá Rối. Chúng không phản ứng gì. Trực thăng lại mang đến một đống rơm và đưa vào con tầu... Ít nhất có chín tên Phá Rối và ba trực thăng... Tuy nhiên chúng vẫn canh chừng tôi. Tôi nấp sau một đống đá. Một tên Phá Rối bám theo, rít rít hồi lâu, nhưng rồi cũng để mặc tôi yên... Không nghi ngờ gì nữa, đúng là tàu vũ trụ. Tôi đang ngồi dưới bóng một mô đất thì bỗng nhiên lũ Phá Rối tản ra xa khỏi con tầu. Và tầu bắt đầu nhấc mình lên khỏi mặt đất chừng vài thước, rồi lại đậu xuống. Nhẹ như lông hồng. Không tiếng động, không khói lửa, không có dấu hiệu gì là động cơ khởi động. Chỉ có tiếng đá bị nghiến lắc rắc... Có một tên Phá Rối hình như có mắt: năm cái chấm sáng như khuy nhỏ trên thân hình. Đủ các màu sắc: từ trái sang phải là: một xanh lá cây, một xanh sẫm, một tím và hai đen. Cũng có thể đó không phải là mắt, vì phần lớn thời gian, những chấm đó không hướng về phía mà chủ nó đi tới. Trong bóng tối, những mắt đó lóe sáng... 15 tháng Tám Cả đêm hầu như không ngủ. Các trực thăng bay đi bay lại, bọn Phá Rối chạy ngang chạy dọc, kêu chít chít. Tất cả tối đen như mực. Chỉ thỉnh thoảng có vài tia chớp... Một chiếc ô tô thứ tư, lại nhãn hiệu GAT-69, số JF-73-98. Và cũng không có người lái. Tại sao? Chúng chọn đúng lúc lái xe vắng mặt?... Một tên Phá Rối bắt thằn lằn rất thành thạo. Nó chạy bằng ba chân và cùng những tên khác bắt tới hai, ba con một lúc... Vâng, tôi có thể chuồn nếu tôi muốn. Từ đây, con đường đi Penjikent có thể nói ở trong tầm tay, mất chưa đầy ba giờ đi bộ, Nhưng tôi sẽ không bỏ đi. Phải xem tất cả những chuyện này kết cục ra sao... Chúng đã chở lên tàu chừng một chục con cừu và một khối lượng rơm lớn. Ra chúng cũng biết phải nuôi cừu bằng gì! Chúng cũng có óc thông minh! Hẳn là chúng muốn nuôi bò và cừu sống, hoặc để làm nguồn thực phẩm dự trữ. Nhưng thế thì tại sao chúng không nhòm ngó gì đến con người như tôi? Hay là đối với chúng, người không lợi bằng bò! Chiếc xe của chúng tôi cũng đã được đưa lên tàu... ... Chúng cũng hiểu? Hay là tôi cùng đi với chúng. Thử thương lượng, hoặc cứ lẻn chui lên tàu. Liệu chúng có để tôi yên không? ... Hai cánh quạt, có khi bốn. Tôi không kịp đếm bao nhiêu cánh. Chiều dài thân tàu khoảng tám mét. Tất cả bằng chất liệu đen mờ, không trông thấy mối hàn. Tôi nghĩ không phải là kim loại. Một thứ chất dẻo nào đó. Tôi chưa hiểu vào bằng lối nào. Không thấy một cánh cửa nào... (Đây chắc là đoạn mô tả các trực thăng). Rõ ràng tôi là người duy nhất lạc loài vào đây. Nghĩ mà khủng khiếp. Nhưng làm gì bây giờ? Phải đi, đi thôi, cần phải đi theo bọn chúng... Những “con nhím” lại xuất hiện trên nóc tầu. (Chỗ này khó hiểu. Lodovsky không hề nói đến “nhím” ở chỗ nào khác). Chúng quay tròn, phóng một tia chớp, rồi biến. Mùi ozone rất mạnh... Một trực thăng vừa tới, trên thân có một vết bẹp lõm to bằng nắm đấm. Nó hạ cánh, thu mình lại (?) và ngay lúc đó có hai máy bay tiêm kích phản lực bay qua phía trên rặng núi. Chuyện gì vậy? Lũ Phá Rối vẫn chạy đi chạy lại như không có chuyện gì xảy ra. Nếu đó là một sự va quệt... (Viết dở). ... Về lý thuyết... (Một câu không đọc được). Tôi phải giải thích. Có vẻ chúng không hiểu. Hoặc cho là không đáng kể... Kỳ lạ! Tôi không thể tin vào mắt mình. Bọn chúng là những cái máy??? Vừa rồi, cách tôi hai bước, hai tên Phá Rối đã tháo rời một tên thứ ba! Thật khó tin. Một sự ăn khớp cực kỳ phức tạp, tôi không biết tả ra sao. Tiếc rằng tôi không phải là kỹ sư cơ khí. Mà dù có thế thì cũng chẳng đi đến đâu. Hai đứa đã tháo lưng cho đứa thứ ba, dưới đó... hình ngôi sao... (Viết dở). Dưới bụng nó có một loại bình khá to, nhưng không thể hiểu làm cách nào mà chúng nhét các đồ vật vào đấy được. Những cỗ máy!... Rồi chúng lại lắp nó vào, chỉ để lại bốn chân, còn những chân khác thì thay bằng một cái kẹp khổng lồ. Được lắp xong, thằng “sơ sinh” đứng ngay lên bốn chân và chạy biến vào trong tầu... Phần lớn thân thể của chúng là gồm một vật hình ngôi sao bằng chất liệu màu trắng trông giống đá bọt hoặc bọt biển... Vậy chủ của những cái máy này là ai? Có thể những tên Phá Rối được điều khiển từ bên trong con tầu chăng? Những cái máy có lý trí? Vô lý! Cibernetic hay điều khiển từ xa? Kỳ dị! Và cái gì ngăn những ông chủ không xuất hiện!... Chúng hiểu sự khác nhau giữa con người và con vật. Vì thế chúng không bắt người. Tôi bị tóm chẳng qua là do một sự lầm lẫn... Vợ tôi sẽ không tha thứ cho tôi điều ấy... Tôi sẽ... không gặp lại bao giờ, nghĩ mà hãi hùng. Nhưng tôi là một người!... Rất ít hy vọng sống sót. Đói, rét, bức xạ vũ trụ, và biết bao rủi ro khác. Con tàu chắc chắn không dành chỗ cho những hành khách đi lậu. Tóm lại, trăm phần chỉ hy vọng một. Nhưng tôi không có quyền bỏ lỡ dịp may này! Nửa đêm. Tôi viết dưới ánh sáng cây đèn bấm. Lúc tôi bấm đèn, một tên Phá Rối chạy tới, phóng một tia chớp rồi quay đi. Cả tối, chúng bận rộn xây dựng một công trình giống như cái chòi. Từ ba cửa sập, chúng thò ra những cái thang rộng. Tôi đã tưởng những kẻ điều khiển bọn người máy này sẽ bước ra. Nhưng chỉ thấy đưa xuống toàn những linh kiện và những mảng kim loại dài (?). Sáu tên Phá Rối bắt tay vào việc. Tôi đứng quan sát khá lâu. Mọi động tác của chúng đều dứt khoát, chính xác. Cái chòi được dựng xong sau bốn tiếng. Công việc tổ chức rất chu đáo! Lúc này tôi không nhìn thấy gì, trời tối đen, nhưng nghe thấy tiếng chúng chạy trên sàn. Chúng làm việc không cần ánh sáng. Các trực thăng thường xuyên bay trên trời... Giả thử là tôi... (Viết dở). 16 tháng Tám, 16 giờ ... Gửi ai tìm thấy quyển vở này: yêu cầu gửi ngay về địa chỉ sau: Leningrad. Bảo tàng Hermitage, phòng Trung Á. Ngày 14 tháng Tám, hồi 9 giờ sáng, tôi, tên là Boris Ivanovit Lodovsky, đã bị một Trực Thăng Đen bắt cóc và đưa tới đây, doanh trại quân Phá Rối. Đến hôm nay tôi đã cố gắng ghi những quan sát của tôi vào nhật ký... (vài dòng không đọc được) và bốn ô tô. Mấy kết luận chính: 1) đây là bọn Phá Rối từ bên ngoài tới, từ Sao Hỏa, Sao Kim hoặc một hành tinh nào khác; bọn Phá Rối là những bộ máy rập khuôn rất tinh vi, và con tàu vũ trụ của chúng được điều khiển tự động. Bọn Phá Rối đã quan sát tôi, lột quần áo tôi và có thể đã chụp ảnh tôi. Chúng không hành hạ tôi và sau đó không chú ý đặc biệt gì đến tôi. Tôi được hoàn toàn tự do hành động... Rõ ràng là con tầu đang chuẩn bị xuất phát, vì sáng nay tôi đã mục kích ba Trực Thăng Đen và năm tên Phá Rối được tháo rời. Các hòm lương thực của tôi được chuyển lên tầu. Dưới đất chỉ còn lại vài khúc của cái chòi và một xe gíp: Hai tên Phá Rối còn lúi húi làm gì dưới gầm tầu và hai tên khác lang thang gần đó... Tôi, Boris Ivanovit Lodovsky, tôi đã quyết định sẽ lên tầu của bọn Phá Rối và cùng đi với chúng. Tôi đã cân nhắc kỹ. Tôi có đủ lương thực trong vòng một tháng, sau này xảy ra chuyện gì chưa rõ, nhưng tôi phải đi. Một khi lên tầu, tôi định tìm đến chỗ những con bò và cừu, ở với chúng. Như vậy, một là tôi sẽ đỡ cô đơn, hai là dù sao đấy cũng là nguồn thực phẩm dự trữ. Nước uống, thì chưa rõ sẽ ra sao. Nhưng tôi có một con dao, cùng lắm sẽ lấy máu... (gạch, xóa). Nếu tôi sống sót – và tôi tin là như thế – tôi sẽ tìm mọi cách để liên lạc với Trái Đất và sẽ đưa những ông chủ của bọn Phá Rối trở về. Tôi cho là hai bên có thể hiểu biết lẫn nhau. Lodovskaya Maria Ivanova yêu quý! Hy vọng lúc em đọc những dòng này thì mọi việc đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng nếu vạn nhất sự không may xảy ra, em đừng trách anh nhiều nhé. Anh không thể làm khác. Hãy nhớ rằng bao giờ anh cũng yêu em, hãy tha thứ cho anh. Hôn thằng Grisa cho anh. Khi nó lớn, hãy kể nó nghe về anh. Dù sao anh không tồi đến nỗi con trai anh chẳng có gì để tự hào về bố nó? Em nghĩ sao? Thôi, một trong những tên Phá Rối chạy xuống dốc đã quay trở về tàu. Anh đi đây. Vĩnh biệt. Hôn em. Luôn nhớ em. Boris... Trong lúc tôi viết, bọn Phá Rối đã rút hai thang vào. Chỉ còn lại một cái. Phải... (Cả một đoạn sau không đọc được, có lẽ Lodovsky viết mà không nhìn vào giấy). Đến lúc phải vào rồi. Nhưng nhỡ nó không cho mình vào thì mặt mũi mình ra sao nhỉ! Song phải vào bằng được! Kìa, một tên nữa từ trên hòn đá nhảy xuống và bước lên tầu. Nào, Lodovsky, tiến lên! Hơi đốt đấy, nhưng, dào! Chúng chỉ là máy, còn ta, ta là người...”. Những dòng ghi chép chấm dứt ở đây. Lodovsky không quay xe lại nữa. Anh không trở về vì con tàu đã cất cánh. Những kẻ hoài nghi tha hồ kêu than, đó là việc của họ. Còn tôi, ngay từ đầu... tôi đã tin chắc chắn rằng “Thủ trưởng” dũng cảm của chúng tôi sẽ sống, sẽ nhìn thấy những điều mà chúng ta không bao giờ thấy, dù chỉ trong mơ. Đồng chí ấy sẽ trở về và tôi ước được như đồng chí. Đó là con người dũng cảm nhất mà tôi biết. Phải, phải là người như thế nào mới dám làm thế. Tôi đã hỏi nhiều người. Có người nói thẳng: “Không. Như thế thì kinh khủng quá!”. Phần lớn thì bảo: “Tôi không biết. Còn tùy từng trường hợp cụ thể”. Tôi thì có lẽ tôi không dám. Tôi đã trông thấy một “con nhện”, và dù bây giờ biết nó chỉ là cái máy, tôi vẫn thấy ngại. Lại còn những chiếc Trực Thăng Đen đáng sợ nữa... Các bạn thử tưởng tượng mình chui vào trong lòng một con tàu vũ trụ lạ, chung quanh toàn những cơ cấu máy móc im lìm; hãy tưởng tượng mình bay trong khoảng không băng giá, không bảo đảm, không hy vọng, như thế suốt ngày, suốt tháng, có thể suốt năm; hãy thử tưởng tượng tất cả những thứ đó, và các bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Chuyện chỉ có thế là hết. Vài lời về những sự việc tiếp theo. Ủy ban của giáo sư Nikitin từ Moskva tới vào giữa tháng chín, họ buộc tất cả chúng tôi – tôi, Jamin, anh lái xe Nikolai, các công nhân – phải viết báo cáo hàng trang giấy dài và trả lời hàng nghìn câu hỏi. Việc đó mất gần một tuần, sau đó chúng tôi trở về Leningrad. Những kẻ hoài nghi có thể đúng, và chúng ta sẽ không bao giờ biết gì về bản chất của bọn Phá Rối từ bên ngoài xâm nhập vào này, về cơ cấu của con tàu của chúng, về những máy móc kỳ lạ chúng đã tung xuống Trái Đất, và nhất là về lý do của chuyến “thăm hỏi” đột ngột này; nhưng dù những kẻ hoài nghi nói gì, tôi vẫn nghĩ là bọn Phá Rối sẽ trở lại. Boris Ivanovit Lodovsky sẽ là người phiên dịch đầu tiên cho chúng. Đồng chí ấy sẽ học thạo tiếng nói của những ông hàng xóm xa xôi và chỉ mình đồng chí ấy có khả năng giải thích cho họ biết tại sao trên Trái Đất chúng ta, những xe hơi hiện đại lại đỗ bên cạnh những mảnh gốm vụn cổ từ mười sáu thế kỷ. TRÊN “TÀU MA” Lời kể của B.I. Lodovsky, nguyên đội trưởng Đội khảo cổ “Apida” Tại sao tôi lại mạo hiểm như vậy? Vấn đề khó giải thích. Bây giờ thật khó mà phân tích những suy nghĩ và cảm giác của tôi lúc ấy. Hình như tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải đi, không thể không đi, thế thôi. Dường như tôi là mắt xích duy nhất nối liền nhân loại trái đất của ta với Chủ bọn Phá Rối. Những Ông Chủ này đã nhẹ dạ quá tin vào những cái máy không đầu óc của họ, và tôi có bổn phận phải sửa chữa sai lầm đó. Vả lại, tất nhiên, tôi cũng có động cơ là tò mò nữa. Tôi ý thức rõ rằng việc tôi làm chỉ có một phần nghìn, thậm chí một phần triệu thành công. Khả năng dễ đoán nhất là tôi sẽ vĩnh viễn mất vợ, mất con, mất bè bạn, mất công việc mà tôi yêu thích, mất Trái Đất. Đau xót nhất là khi nghĩ đến vợ tôi. Nhưng ý nghĩ về một nhiệm vụ lớn lao... Không biết các đồng chí có hiểu tôi định nói gì không. Dịp may độc nhất này choán hết tâm trí tôi, nó mở ra những triển vọng sáng lòa chưa từng thấy. Và tôi sẽ không bao giờ tự tha thứ cho mình cái tội đứng há hốc mồm mà nhìn con tầu từ một thế giới khác đến rồi lại bay đi mất. Như thế sẽ là một sự phản bội. Phản bội với Trái Đất, với khoa học, với tất cả những gì tôi tin tưởng, vì nó mà tôi sống, hướng về nó mà tôi dâng cả cuộc đời. Tôi nghĩ rằng ở địa vị tôi, ai cũng sẽ nghĩ như thế. Vậy mà, quyết định mới khó làm sao! Như các đồng chí đã biết, tôi viết những dòng cuối vào sáng ngày 16 tháng 8. Hiển nhiên là bọn Phá Rối không có ý định mang chiếc xe cuối cùng đi, có lẽ vì trên tàu đã có một xe gíp giống như thế. Tôi đặt quyển nhật ký lên ghế sau xe, vứt bút đi và nhìn quanh một lượt. Bãi đất vắng lặng, chỉ có hai tên Phá Rối đang làm gì dưới gầm cái tầu hình chóp đen bẩn. Trời xanh trong ít khi thấy. Nhưng đến lúc phải chuẩn bị thôi. Từ ngách đá, ri rỉ chảy ra một dòng nước nhỏ. Tôi ghé bình hứng nước, rồi kẹp chặt vào bên trong áo sơmi. Thế là tôi có một bình nước, hai hộp cá và một đèn bấm có pin dự trữ. Nhẹ nhàng thôi... Nhưng tôi định lên tầu sẽ tìm lũ bò, cừu và bám ở đấy. Vì bọn Phá Rối không mang theo nhiều rơm rạ lắm, tôi đoán chừng chỉ tám ngày là cùng, tầu sẽ hạ cánh xuống hành tinh khác. Tôi đã nhầm! Nhưng chuyện này tôi sẽ nói sau. Khi tôi bước tới gần thang, những tên Phá Rối đang làm gì dưới gầm tàu bỗng đứng im và quay về phía tôi. Ít nhất thì đó là tôi cảm thấy như thế. Đó là thói quen của chúng: có ai đến gần là chúng ngừng mọi công việc, đứng sững lại ở đủ các tư thế kỳ dị. Tôi cũng dừng lại và nhìn chúng. Tôi tưởng chúng đã đoán ra ý định của tôi và sẽ ngăn tôi lại. Phải xấu hổ mà thú thật là lúc đó tôi đã cảm thấy hơi nhẹ mình. Mặt trời buổi sớm ve vuốt thật ấm áp, còn những con quỷ đen chân tay lều nghều này sao mà xa lạ! Rồi mảnh đất cháy đen, bị giẫm đạp tứ tung. Và chiếc cầu thang rộng kia, dẫn đến một thế giới khác... Tuy nhiên, lũ Phá Rối ngắm tôi chán, lại quay về làm việc, bỏ mặc tôi một mình. Đường đi lại rộng mở, không còn lối rút lui danh dự nào nữa. Tôi còn nhớ tôi cố tự thuyết phục rằng cần phải quay lại để tìm chiếc bludông mà nửa giờ trước tôi đã cởi ra lúc trời bắt đầu nóng. Một chân tôi đã bước lên bậc thang, nhưng mắt tôi vẫn nhìn quanh để tìm áo. Trong óc tôi lúc đó, bludông là chiếc áo rất cần thiết, vì chẳng lẽ tới gặp các Ông Chủ bọn Phá Rối mà lại không có áo khoác ngoài, lại mặc cái quần bẩn với chiếc sơmi cháo lòng này sao! Tôi đứng đó, đờ đẫn nhìn quanh và suy nghĩ. Bốn bề vắng lặng, chỉ có tiếng lục cục và tiếng lít chít của mấy tên Phá Rối. Một con ruồi trâu vụt bay qua mũi, làm tôi sực tỉnh và vội trèo lên thang. Thang dốc lại mềm như đưa võng, nên sau vài bước tôi chỉ muốn bò cả hai chân hai tay mà leo, song một cảm giác xấu hổ kỳ lạ giữ tôi không làm thế. Có thể vì trong điệu bộ tôi đã khá lố bịch, điều này tôi thấy rõ: quần rộng thùng thình, sơmi giắt vào trong quần nhưng phồng lên ở bụng – tôi đã nhét cả các đồ lề trong đó – mặt thì nham nhở bộ râu ba ngày chưa cạo. Tôi khom lưng, run rẩy leo những bậc thang cuối cùng và lăn mình vào trong. Tôi thấy mình chui vào một hành lang hẹp, hun hút dốc, dẫn sâu vào con tầu tối đen. Ánh sáng lờ mờ từ ngoài cửa chiếu vào, soi lên những bức tường xám, sờ vào thấy ram ráp. Sàn chỗ tôi ngồi xuống thấy lạnh và hơi rung. Tôi ôm chặt các đồ lề bên trong sơmi, thít lại thắt lưng, và ngó ra ngoài một lần cuối. Bãi đất không thay đổi. Chiếc xe gíp trơ trọi từ xa trông như đồ chơi. Tôi có cảm giác cửa tầu cao hơn là lúc tôi đứng dưới đất trông lên. Bỗng tôi trông thấy một tên Phá Rối. Nó đi thong thả lại gần cầu thang, ngừng lại như để định hướng, rồi lao thật nhanh về phía tôi. Tôi thu cả hai chân lại, dán chặt người vào vách hành lang. Cứ nghĩ nó sẽ đi sát qua tôi, có thể đụng phải tôi nữa, là đã thấy rợn người. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. Ánh sáng bị che lấp mất một lát, và một mùi phảng phất như ozone bao trùm lấy tôi, và thế là nó đã chạy qua mặt tôi không thèm đứng lại. Tôi nghe tiếng nó đi xa trong bóng tối, vừa đi vừa rít rít nhẹ, chân nện lộp cộp trên sàn. Tôi liền bám theo nó, bụng quyết tâm nhất thiết không quay đầu trở lại, vì nếu quay đầu thì không khéo tôi sẽ không cưỡng nổi ý muốn chạy trốn khỏi nơi đây. Như vậy thì còn gì là danh dự! Lúc đầu tôi cúi gập người mà đi, sau thấy thế là dớ dẫn, liền đứng thẳng lên thì vai và gáy tôi lại đụng phải một cái trần vô hình, cũng lạnh và ráp như sàn và tường. Và đến đây, lần đầu tiên tôi thử ngó về phía sau: rất xa đằng sau và chếch về phía trên, tôi thấy một mảng trời xanh hình chữ nhật, khiến tôi có cảm giác mình đang ở dưới đáy một cái giếng sâu thẳm. Tôi bật đèn xem phía trước có gì, và vô cùng kinh ngạc. Hành lang đã hết. Trước mặt tôi là một bức tường kín như bưng, sờ tay vào thấy ráp và ấm. Tôi cảm thấy hơi thất vọng, xen lẫn cảm giác khoan khoái là mình đã làm tròn nhiệm vụ. Tôi rất muốn nhún vai, quay trở lại, rảo bước ra khỏi tầu với vẻ chua chát cao thượng, như thái độ của một người nghiêm chỉnh, cố dằn nỗi lo để mạnh dạn bước vào phòng nhổ răng, nhưng lại được tin bác sĩ hôm nay vắng mặt. Song tôi không hiểu: thế thì cái thằng Phá Rối vừa qua mặt tôi giờ đi đằng nào? Tôi lại soi đèn lên tường và phát hiện thấy phía dưới có một lỗ tròn lớn. Tôi dám thề độc rằng một giây trước đó, cái lỗ này không hề có. Nhưng bây giờ nó vẫn rành rành ra đấy, và tôi thu mình chui vào. Nếu ở hành lang tối và lạnh như cái hầm, thì ở đây cũng tối, nhưng nóng như trong lò. Tôi đứng lên và cảm thấy ngay là mình có thể vươn thẳng hết cả người. Cái trần đã biến mất. Cây đèn không soi sáng được hết khoảng trống trên đầu tôi, và tôi nhìn thấy cả bên phải, bên trái, mờ mờ những đống gì quái đản. Tôi bước vài bước và nhìn quanh một vòng. Thoạt tiên, tôi không hiểu gì, chỉ thấy xung quanh như toàn những chồng lốp khổng lồ. Có lẽ đây là một cái kho. Tôi thong thả đi trong lối hẹp giữa hai chồng lốp. Phải vài phút sau tôi mới dám lấy tay thử sờ vào chồng gần nhất. Thì ra đó là những tên Phá Rối. Hay chính xác hơn là những cái thân tròn và dẹt của chúng. Chúng được xếp chồng lên nhau, bất động, thật khác xa với những cái máy biết chạy lăng xăng rất nhanh khi trước. Không thấy chân chúng đâu, hẳn là chân đã được tháo rời hoặc đẩy thụt vào. Đúng đây là một cái kho rộng mênh mông, tối om, lặng lẽ. Các chồng chất cao đến ba, bốn mét. Trong lúc tôi đang soi đèn và không biết làm gì, thì có tiếng chân nhẹ bước. Tôi quay lại và thấy một tên Phá Rối, chắc là tên chậm chân nhất. Nó đến gần tôi thì dừng lại, ngây người trước ánh sáng cây đèn, rồi thoăn thoắt trèo lên chồng lốp và biến khỏi tầm mắt tôi. Trong khoảng một phút, tôi nghe thấy những tiếng lách cách, rì rầm ở bên trên, rồi im hẳn. Và tôi linh cảm ngay rằng lúc này, trong cái khoang rất rộng lớn này, ngoài tôi ra, không còn sự sống nào khác. Thật kỳ lạ, chính lúc đó tôi mới cảm thấy lần đầu tiên là mình cô đơn thực sự. Tôi vội chạy ra cửa và đụng phải bức tường. Tôi soi đèn lia lịa để tìm cho ra cái lỗ nơi tôi chui vào khi nãy, nhưng nó không còn nữa. Không có lỗ thật. Tôi kêu thét lên. Tiếng kêu rung lên trong khí ấm và mất đi trong tăm tối. Cùng lúc đó, sàn dưới chân tôi rung chuyển và bắt đầu dâng lên. Người tôi bỗng chịu một trọng lượng nặng ghê gớm, tôi lảo đảo ngồi xuống, rồi nằm lăn trên sàn cứng và nóng. Thế là hết. Số mệnh đã định đoạt: con tầu đã cất cánh, mang tôi tới nơi vô định. Theo tôi biết, tôi là con người đầu tiên bay khỏi Trái Đất ra ngoài khí quyển*. Tôi nhớ lúc đó tôi nghĩ thế và cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng vì từ giờ, số phận tôi không còn tùy thuộc vào ý muốn của tôi nữa. Nhưng chẳng bao lâu tôi sinh ra suy nghĩ mung lung. Trọng lượng của tôi tăng lên gần gấp đôi (nhân tiện, xin nói bình thường tôi cân nặng khoảng chín mươi kilo) và tôi cảm thấy khó chịu: vừa nóng vừa khó thở. Tình hình ấy kéo dài ít nhất mười lăm phút. Tôi mệt mỏi nằm bẹp như con nhái bén, tay ôm lấy mặt, và tôi đếm. Đếm tới một trăm, một nghìn, lẫn lộn rồi lại đếm lại. Các gờ đồ hộp mà tôi ôm trong bụng siết vào da thịt rất đau, nhưng tôi không đủ sức nhấc nó ra để ngồi thoải mái hơn. Bỗng cả người tôi bị bắn lên không. Rồi như tôi đang rơi xuống, bị hút xuống cõi rỗng không tối đen với tốc độ cực nhanh. Hẳn là con tầu đang bay không gia tốc, và tôi ở trong tình trạng không trọng lượng. Hiểu điều đó, tôi thấy yên tâm, thoải mái, hình như còn cười thầm trong bụng. Vì tôi là người hành khách vũ trụ lậu vé đầu tiên, cứ như trong tiểu thuyết! Nhưng niềm vui của tôi ngắn ngủi. Tôi lơ lửng cách mặt sàn hai mét. Chung quanh tôi là những chồng máy tháo rời, đen đủi và xấu xí, còn gần tôi, nhưng xa hơn tầm tay với, là chiếc đèn pin cũng lơ lửng. Tôi không tài nào tóm được nó, mặc dù đã hết sức ngọ nguậy, vươn tới vươn lui như làm xiếc. Luồng sáng cây đèn chiếu thẳng vào mặt, làm lóa mắt và tôi càng tức điên lên. Nhưng cũng chẳng làm gì được. Hơn nữa tôi lại bắt đầu chóng mặt, như say sóng. Cơ thể tôi rõ ràng không chịu đựng được cả tình trạng không trọng lượng và gia trọng. Truyện này viết năm 1959. – L.N.D Tôi buồn nôn, đầu quay cuồng, và cuối cùng tôi chửi độc, chửi mãi cho đến khi thấy mình ngồi chạm mặt sàn, chiếc đèn lăn lóc ngay cạnh. “Tới nơi rồi!” – tôi nghĩ. Đèn vẫn còn chiếu sáng được, như vậy từ lúc xuất phát đến nay chưa đầy một giờ. Dù dốt về thiên văn, tôi cũng không bao giờ ngờ chuyến bay lại nhanh chóng đến thế. Nhưng chưa phải là lúc để mà mất thì giờ ngạc nhiên hay suy tưởng. Bóng tối chung quanh tôi bắt đầu chuyển động. Có cái gì cót két và chút chít trên đầu; tôi bấm đèn và được chứng kiến cảnh lũ Phá Rối tự động lắp lại. Những cỗ máy đen xì bỗng mọc từ đâu ra những chiếc cần gẫy gập làm chân; chúng nhảy xuống đất trong tiếng kim loại va nhau lách cách. Chúng chạy rất nhanh qua mặt tôi, để lại một luồng gió nóng và mùi ozone rất mạnh, rồi biến đi trong đêm. Song số chạy đi như thế không nhiều lắm, độ một tá. Những tên khác vẫn nằm đè lên nhau, im lìm. Yên lặng lại trở lại, và tôi ngửi thấy một mùi hăng hắc, khó chịu. Tôi nảy ra ý nghĩ có thể không khí của cái hành tinh lạ này không phù hợp với bộ máy hô hấp của tôi. Nhưng biết làm sao bây giờ, tôi phải chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Trí Tuệ của một Thế Giới khác. Là hành khách vũ trụ, tôi chưa quen lắm, nhưng tôi hy vọng sẽ xứng đáng với nhiệm vụ là sứ giả của Trái Đất. Tôi đứng dậy, sửa lại quần áo, cố lấy vẻ nghiêm chỉnh, và chờ các ông chủ của bọn Phá Rối ra mắt. Không nghi ngờ gì là họ sắp xuất hiện đến nơi. Lúc này tôi tràn đầy sinh lực và có tư thế rất trịnh trọng. Chẳng gì tôi cũng đại diện cho nhân loại Trái Đất, đâu phải xoàng!... Nhưng phút phút trôi qua, mà chẳng có ai đến. Chung quanh vẫn nóng bức, cái mùi hăng hắc vẫn xông lên mũi. Tôi bực mình, quyết tìm cửa để đi ra. Tôi đi, đi mãi, lúc thì chiếu đèn trước mặt, lúc soi dưới chân, nhưng vẫn không tìm ra ngách nào. Và chợt tôi nhận ra mình không còn ở trong kho của bọn Phá Rối nữa, mà ở trong một đường hầm vòm rộng. Thật đáng ngạc nhiên: tôi không nhận ra những chồng lốp đã chấm dứt lúc nào. Hình như tôi đã không đi theo hướng đúng, mặc dù tôi tin rằng bọn Phá Rối đã chạy về lối này, và cửa ra chắc không còn xa. Bây giờ mà quay lại thì chẳng có nghĩa gì. Tôi nghĩ: “Sớm muộn rồi ta cũng sẽ gặp Chủ lũ Phá Rối”. Hơn nữa, theo tôi ước tính, tôi đang ở gần sườn đối diện của con tàu. Nhưng chỉ sau khi đi mấy chục mét nữa, tôi mới tìm thấy một cửa ra. Tôi liền chui ra ngoài. Tôi ngỡ sẽ nhìn thấy bầu trời với những chòm sao lạ, thấy một sân bay vũ trụ bát ngát với những sinh vật đến đón mừng con tầu tự động của họ. Nhưng chẳng có gì tương tự. Trước mặt tôi chỉ là tối đen thăm thẳm, dưới chân là một mặt bằng gồ ghề và nóng ấm. Chỉ có thế. Tôi bắt đầu suy nghĩ, đối chiếu các sự việc, và đi đến kết luận là có nhiều khả năng tôi đang ở trong một cái “gara” khổng lồ chứa tàu vũ trụ. Đúng là kết luận ấy chẳng giải thích được gì, nhưng tôi làm sao biết được tập quán, tục lệ của dân một hành tinh lạ. Và vì Mahomed rõ ràng không chịu đến với núi, chỉ còn có cách là núi phải đi tìm Mahomed vậy. Bằng tay phải (tay trái tôi cầm đèn), tôi lần đường tụt xuống. Thật kỳ lạ, tôi không cảm thấy sợ hãi, hồi hộp gì nữa, cũng không còn thấy tò mò như trước, chỉ còn lại một ý muốn sốt ruột tìm gặp ngay một sinh vật có sự sống nào ở đây. Con người kỳ lạ thế đấy! Có thể nói là tôi đã quên hết mọi thử thách đã qua, quên cái tình thế quái gở của mình, và đang xử sự như một vị khách mời đến chậm đang lúng ta lúng túng trong phòng gửi áo mũ tối om. Tôi nhớ còn lầu bầu trong miệng, kết tội những người chủ của con tầu là bất lịch sự. Chân tôi bước hẫng vào khoảng không, và tôi ngã lăn xuống. Tôi nhớ rất rõ là sườn tầu dốc thoai thoải, không thể nào ngã được. Nhưng đúng là tôi đã ngã, ngã từ khá cao, rất đau ở chân, nằm lăn ra, tay giơ cao cây đèn quý. Tia sáng chiếu lên cao, soi rõ phía dưới thô ráp của con tàu. “Thế còn là may”, tôi tự an ủi và lóp ngóp bò dậy. Bỗng tôi thấy có ánh sáng. Ánh sáng mờ, chỉ thấp thoáng, nhưng tim tôi cũng đập mạnh vì vui mừng. Tôi tắt đèn và căng mắt ra nhìn, như sợ cái mảng sáng nhờ nhờ đó biến đi mất. Rồi tôi tiến về phía đó, đi thật nhanh nhưng vẫn thận trọng, thỉnh thoảng lại soi đèn để khỏi thụt xuống một cái hố nào chăng. May thay, mặt bằng của cái “gara” này tuy gồ ghề, nhưng lại đầy đặn, và tôi không bị vấp ngã lần nào. Chẳng bao lâu tôi thấy mình đi dọc một dãy tường cao hơi nghiêng và cứ khoảng mươi, mười lăm mét lại có một khoang cửa vuông hoặc tròn. Tôi ngó nhìn vào một khoang và thấy thò ra đống chân của một tên Phá Rối nên không dừng lại, mà vội bước đi ngay. Dần dần, điểm sáng rõ dần và bất thần tôi thấy nó ở ngay dưới chân mình. Ánh sáng hắt ra từ một lối đi hẹp cắt ngang bức tường. Tôi lẻn vào lối đi đó và bỗng đứng sững, kinh ngạc. Thẳng trước mắt tôi là một đường hầm rộng được chiếu sáng một cách kỳ dị. Thoạt nhìn tôi tưởng như có một dãy cửa hàng chẳng khác gì trên đại lộ Nevsky ở Leningrad, với đủ các đèn màu: vàng, xanh lơ, lá mạ, đỏ... Đáy hầm chìm trong một làn sương mờ ảo, vì các vách đều trong suốt như thủy tinh. Đúng ra, chắc không phải thủy tinh, mà là chất dẻo hoặc một kim loại lạ. Đằng sau các vách là những khoảng chừng mười lăm mét vuông một, ngăn cách nhau cũng bằng tường trong suốt, và bên trong các chuồng đó... Một nhà bảo tàng! Đúng ra là một chuồng thú khổng lồ, khó có thể tưởng tượng. Ngay từ ngăn chuồng đầu, tôi đã giật mình lùi lại như chú bé gặp ông ngoáo ộp. Một con vật khủng khiếp, nửa cóc nửa rùa nhưng to bằng con bò, đầm mình trong một vũng nước sền sệt mầu hồng, ngỏng cái đầu bẹt về phía tôi và ngoác cái mõm bên trong lùng nhùng những da và nước. Trông tởm đến buồn nôn. Nhưng rồi tôi cũng quen dần và có thể đứng nhìn một cách tò mò, không sợ sệt. Trong ngăn chuồng đối diện, lại có một con vật không thể nào mô tả được. Nó nằm chật cả chuồng, lù lù, đen xì. Các bạn hãy tưởng tượng một đống chất nhầy thở phập phồng, mình tua tủa những núm thịt lồi ngọ nguậy về tứ phía, tất cả chìm trong một không khí đặc sệt tỏa mầu tím mờ mờ lúc tắt, lúc bật, như một ống đèn nêông tồi. Và trong mỗi ngăn của cái hầm – chuồng thú quái dị này, đều có một con vật không tên như thế, nó bò, nó ngọ nguậy, nó thở phập phồng. Có những con dán mai cứng, to bằng con voi, những con rết đỏ hỏn dài vô cùng tận, những con nửa cá nửa chim lớn bằng chiếc ôtô, mắt lồi và to như đèn pha, và vài loại khác nữa hình thù khó tả nằm trong một chất nhầy xanh đục ngập mặt đất. Một vài ngăn tối om, trong đó thấy cái gì như những con ma trơi muôn sắc chạy loạn xạ. Tất cả những thứ đó thật khó tưởng tượng, càng khó tả ra hoặc kể lại. Song mặt khác bạn lại rất dễ hình dung cái cảnh Boris Ivanovit Lodovsky, chuyên viên nghiên cứu bảo tàng Hermitage ở Leningrad, nhà khảo cổ học, đang ngơ ngác lê lết trong đường hầm, mặc quần lót và sơmi trần, bụng phình lên vì chứa đồ hộp, mặt tua tủa bộ râu ba ngày không cạo... Đường hầm có vẻ kéo dài mãi chưa hết. Tôi tính có tới năm mươi ngăn chuồng, rồi chán không đếm nữa. Hầm có vẻ đi theo đường xoáy ốc, và thỉnh thoảng lại có những ngách hẹp mở ra phía bên phải hoặc bên trái. Nhìn qua cũng thấy dọc những ngách đó là một loạt các chuồng tương tự. Thỉnh thoảng một tên Phá Rối đi qua, đột ngột dừng trước mặt tôi, buông thõng chân tay, phát một tia chớp rồi hùng hục chạy đi. Tôi bỗng cảm thấy mệt mỏi đến rã rời, chân như bằng bông, đầu nhức như búa bổ. Từ lâu tôi đã thấy khát, nhưng vì chưa tìm thấy lũ bò và cừu, nên chưa dám đụng đến số thức ăn dự trữ nghèo nàn của mình. Nhưng bây giờ thì khát đến cháy họng. Chắc là vì nóng, vì cái mùi tanh tưởi, và vì cả những xúc động vừa qua. Từ lúc bắt đầu bay đến nay, chắc chưa quá mười hai tiếng, nhưng tôi đã bải hoải cả người như đã thức qua nhiều đêm trắng và khi thấy có một khu vực “không có ai ở” trong hầm – đó là cả một loạt ngăn chuồng mở toang, rỗng không, khô ráo, sạch sẽ và tối om – tôi quyết định dừng chân. Để tắc trách, tôi gọi to một tiếng. Dường như tôi vẫn hy vọng rằng Chủ bọn Phá Rối có thể nghe thấy. Nhưng không có một lời nào đáp lại, ngoài tiếng chân chạy của một tên Phá Rối đâu đó trong đường hầm. Tôi khoan khoái nằm lăn ra đất và dốc hết của cải từ trong áo sơ mi ra xem. Dưới ánh đèn pin, tôi ngắm nghía mọi thứ và... bỗng thấy ớn lạnh suốt sống lưng. Tôi đã bỏ quên con dao trong túi áo bludông! Thật tai hại. Có bao giờ ai nghĩ tới cái cảnh thảm thương của một kẻ sắp chết đói, trong tay có đồ hộp nhưng lại không có dao mở! Thoạt đầu tôi tìm cách lấy khóa thắt lưng để mở. Không được, tôi đập hộp xuống sàn, ghè nó vào góc tường. Chiếc hộp cá bị méo mó, rách một chỗ nhỏ. Tôi liền lấy khóa thắt lưng khoét rộng ra cho đến khi có thể ghé miệng vào hút thức ăn ra như ta bóp thuốc khỏi ống thuốc đánh răng. Tôi mơ màng hút các mẩu cá và chợt nhận ra là lúc này tôi nghĩ đến cái mở hộp nhiều hơn là gặp những ông Chủ. Tôi thở dài, uống vài ngụm nước trong bình rồi ngủ thiếp đi. Hôm sau, hoặc đêm sau, hoặc là chiều hôm cùng ngày, chẳng biết nữa, tôi lại đi tìm bọn Chủ. Mặt khác, tôi cũng hy vọng tìm ra nơi bọn Phá Rối xếp các ô tô trên tàu. Nếu tìm thấy thì may ra còn cả các hòm lương thực mà tôi mang từ Penjikent về. Và còn nước trong đầu máy... Tôi không tìm ra ôtô và lương thực, nhưng ngược lại, rất mừng khi nhìn thấy là bò và cừu trong hai ngăn chuồng nối tiếp nhau của đường hầm. Bò nằm trong một ngăn, cừu ở ngăn bên cạnh, còn đối diện là một ngăn trong đó có một quái vật trông như con kiến khổng lồ. Sự gặp gỡ này làm tôi vui hết sức, niềm vui rất vô tư không vì động cơ lợi lộc gì, vì rõ ràng là tôi không thể sờ mó được những sinh vật trái đất này. Nom chúng có vẻ thoải mái, mặc dù lũ cừu ở hơi chật chội. Mặt khác, tôi đã hiểu ra vấn đề. Trong chuồng bên, có một con hổ khổng lồ, trong một chuồng khác, tôi thấy những con vật rất năng động, lông vàng, dáng như con chó. Đó là những con koiod, loại chó sói sống ở các đồng cỏ. Từng đống xương mới gặm, từng mảng da và lông – rõ ràng là da và lông cừu – vương vãi khắp chuồng. Từ đó tôi rút ra ba kết luận hiển nhiên. Một là, bọn Phá Rối mang theo ngần ấy cừu nhằm làm thức ăn cho lũ ác thú này. Hai là, con tầu này không chỉ đi cướp bóc ở Tajikistan – vì ở đấy không hề có hổ và koiod. Ba là, cái “vườn bách thú” này bao gồm động vật của nhiều hành tinh khác nhau, trong đó có thể có những hành tinh không thuộc hệ mặt trời. Tôi quyết định hoạt động một cách có kế hoạch, bắt đầu thăm tất cả các đường hầm, các hành lang và các ngách theo quy luật bàn tay phải. Với các mê cung trên trái đất thì phương pháp này rất hiệu quả, nhưng với mê cung trên trời thì nó lại vô tác dụng! Cái mê cung này luôn chuyển động! Ở những chỗ trước đây có ngách rẽ mà tôi đã biết rõ, nay lại là tường phẳng lì. Những lối vào hiện ra rồi lại biến mất như ảo thuật. Tôi thấy cả một dãy chuồng nhẹ nhàng và lặng lẽ giãn ra, để lộ một lối đi từ đó xuất hiện một tên Phá Rối đi ra! Chẳng bao lâu tôi khám phá ra một điều kỳ lạ. Cái thế giới này, lúc đầu tôi cứ tưởng là ngôi nhà nào trên một hành tinh khác, hoặc là một gara tàu vũ trụ, hoặc là một bảo tàng, và do đó tôi cầm đèn đi tìm Con Người, giống như nhà triết học thời Cổ đại. Cuối cùng tôi hiểu là mình đã nghĩ sai hết. Cái thế giới này tỏ ra vẫn di động. Tôi cảm thấy sự vận động của nó trong vũ trụ. Đôi khi trọng lượng thân thể tôi đột ngột tăng lên, hoặc bỗng dưng chân tôi đang đứng bị hẫng, đẩy tôi ngã chúi vào tường. Khi thì lại là tình trạng không trọng lượng. Lỡ bước một cái, thế là tôi lơ lửng trên không một thời gian đến chóng cả mặt, cho đến khi trọng lượng trở lại. Bây giờ nhìn vào những ngăn “bách thú” sẽ thấy những cảnh tượng vừa buồn cười, vừa ghê sợ. Hãy tưởng tượng mà xem, một con bò cái treo trên không, bốn vó chổng lên trời! Dù sao thì bò và cừu còn nhẫn nhục chịu cảnh ấy, chứ con hổ!... Nó lồng lộn, co quắp bốn chân như muốn bóp nát một cái gì đó với những nanh vuốt sắc nhọn... Lại còn con cóc khổng lồ mà lại chân không đến đất cật không đến trời, thì hóa ra là cơn ác mộng chứ không còn là thực tại nữa! Song nói chung, tình thế không trọng lượng không làm xáo lộn cuộc sống động vật lắm. Khi trọng lượng trở lại bình thường, mọi thứ lại đâu vào đó. Nhưng tôi đã đi ra ngoài đề. Tóm lại, tôi ngờ rằng mình vẫn đang ở trong một con tầu khổng lồ đang bay trong vũ trụ. Điều đó càng rõ vì một lần tôi bị đẩy bắn dọc theo cái hành lang đầy “tủ kính” ấy, đi một bước tới hai chục mét. Tôi huơ tay chới với cố lấy lại thăng bằng cho đến lúc vấp phải một cái gì đó khiến tôi ngã lăn ra trên nền sàn ram ráp. Giống như cái lần tôi đi ôtô buýt ở Leningrad cũng bị bay từ cuối xe đến đầu xe như thế. Cũng nói thêm là cái vật mà tôi vấp phải là một tên Phá Rối nằm ép trên sàn. Tôi không hiểu làm sao nó lại đứng yên được một chỗ như thế. Vừa xoa chân tay bị đau, vừa nhìn theo tên Phá Rối lúc này đã chạy mất hút, tôi ngồi tĩnh lại như đức Phật và suy nghĩ. Tình hình có vẻ không có gì sáng sủa hơn. Nếu đây là một gara vũ trụ như tôi nghĩ lúc đầu, hoặc là một “bảo tàng bách thú” như tôi tưởng về sau, thì nhất định cuối cùng tôi phải ló ra được dưới bầu trời của một hành tinh lạ nào đó. Nhưng không, đây là một con tàu vũ trụ đang bay, một con tầu luôn thay đổi quy trình bay, lại có sự sắp xếp bên trong luôn biến động mà tôi không nắm được qui luật. Bên ngoài chắc chỉ là khoảng không vô tận. Còn lại hai câu hỏi: trên tàu có sinh vật nào có lý trí không, và con tầu này còn lang khang mãi trong vũ trụ đến bao giờ? Tất nhiên, hai câu hỏi này chưa thể giải đáp được. Tôi chỉ còn một phần tư bình nước và một hộp đồ ăn cuối cùng. Lại còn phải nghĩ cách mở được cái hộp nữa! Chung quanh vắng lặng. Đầu hành lang chìm trong bóng tối mờ, sàn óng ánh những phản quang muôn mầu. Lần đầu tiên tôi nhận thấy trần hành lang cũng trong suốt: ở một chỗ, nó bị cắt quãng bởi một vệt sáng và tôi kịp trông thấy một tên Phá Rối chạy nhanh như gió vào trong đó. Tôi cố hình dung cái sản phẩm lớn lao này của Trí Tuệ, một con tầu điều khiển tự động, rộng mênh mông hàng trăm mét trải ra trước mặt và sau lưng, bên phải và bên trái, ở trong đầy những người máy. Tôi tự hỏi: Lẽ nào nơi đây lại không có một mảnh nào của tư duy và sự sống? Vô lý! Hàng ngàn tấn kim loại trong suốt, hàng trăm người máy quái đản, mà không có lấy một Con Người ư?”. Mươi hôm trước đây tôi có thể ngồi tưởng tượng ra một con tàu lớn như thế này, nhưng không bao giờ tin là nó sẽ có thực. Giờ đây, mắt tôi trông thấy những hành lang trong suốt chạy đến vô cùng tận, tay tôi sờ lên sàn ráp và ấm, nhưng tôi không thể tưởng tượng là ngoài tôi ra ở đây không còn một người nào khác. Nghĩ đến đây, tâm trí tôi bị phân tán vì nhìn thấy con bò trong chuồng không liếm vách nữa, mà đi vào phía trong đớp cái gì trong một bình vại trong suốt. Tôi liền cảm thấy đói và khát day dứt. Và tôi nảy ra một ý nghĩ sáng chói. Tôi chồm dậy, chạy dọc hành lang, vừa chạy vừa tự rủa thầm sao không nghĩ sớm hơn. Tôi cần một tên Phá Rối. Tên nào cũng được. Nhưng cần ngay: tôi không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Nhanh chóng, tôi vớ ngay được một tên. Nó đang đứng trong một phòng có ánh sáng yếu ớt, quay mặt vào tường và đang lục lọi gì ở một cái lỗ hẹp và tối. Nó không để ý gì đến tôi. Tôi cất tiếng gọi nó, nhưng vô hiệu. Tôi liền đập tay vào lưng nó, thì tay tôi bỏng rẫy. Nó giơ hai tay trong tư thế quen thuộc, nhưng vẫn lục lọi trong lỗ, ở đó thỉnh thoảng lại toát ra những tia lửa xanh nhạt. Sau một phút phân vân, tôi quyết định rút hộp đồ ăn trong sơmi ra, đặt xuống đất, và nói: – Này, cầm lấy mà đưa vào kho. Tôi hy vọng tên Phá Rối sẽ vớ lấy cái hộp để gom nó vào cùng với các đồ vật khác của trái đất, và tôi sẽ theo sát gót nó, vì một khi tới được kho, thì mọi việc sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Nhưng tên Phá Rối đứng đực một lúc, rồi cầm lấy hộp, xoay xoay trên tay rồi lại đặt xuống. Tôi thất vọng: – Thế nào? – Tôi hỏi. Tên Phá Rối câm như hến. – Có chuyện gì không ổn? Nó đập một cái gì đó, đóng một cánh cửa rồi không quay mặt lại, bỏ đi. Tôi cầm lấy cái hộp và thấy nó đã mở. Đúng ra là hộp bị cắt làm đôi và trên tay tôi bây giờ là nửa hộp trên, còn nữa dưới nằm dưới sàn. Mùi cá sốt cà chua ngào ngạt bay lên, tôi không nhịn nổi nữa, cầm nửa hộp đó lên, dốc vào miệng. Rồi tôi uống một ngụm nước trong bình và cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất vũ trụ. Tôi lại có sức để tiếp tục tìm hiểu. Tôi đi dọc tường và lại đụng phải một tên Phá Rối, hình như vẫn là tên lúc nẫy. Nó cũng đang lục lọi một cái lỗ trong tường, từ đó thỉnh thoảng phát ra những tia lửa xanh nhạt, đi lại gần và nói: “Cảm ơn!”. Tôi nói nghiêm chỉnh, mặc dầu bụng nghĩ giá nó giúp dẫn mình đi vào kho thì tốt hơn. Rồi tôi ngồi xổm cạnh nó, xem nó làm. Nó lục cục, phát ra những tia chớp. Tôi cố nghĩ """