" Tobirako Và Những Vị Khách Kỳ Lạ - Mikami En & Bích Ngọc (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Light Novel] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tobirako Và Những Vị Khách Kỳ Lạ - Mikami En & Bích Ngọc (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Light Novel] Ebooks Nhóm Zalo TIỆM SÁCH CŨ BIBLIA TẬP 08 Tobirako và những vị khách kỳ lạ Tác giả: Mikami En Người dịch: Bích Ngọc Phát hành: IPM Nhà xuất bản Văn Học 2020 —★— ebook©hotaru-team Tập 8: Tobirako và những vị khách kỳ lạ Cánh cửa mới của tiệm sách cũ Biblia lại mở ra Lặng lẽ nép mình ở một góc phố Kamakura là tiệm sách cũ Biblia, do hai vợ chồng cùng điều hành. Cô chủ rất xinh đẹp, trông khó mà đoán được là người buôn sách cũ. Và bên cạnh là một bé gái giống cô như lột. Cô chủ thầm thì kể cho bé gái nghe, về những vị khách với bí ẩn sáng tỏ dần nhờ sách cũ. về những bí mật và sợi dây gắn kết ướp trong trang giấy đã phai màu cùng thời gian. Kí ức của những cuốn sách được truyền từ người này sang người khác. Cánh cửa lại mở ra… Danh sách nhân vật 1. Shinokawa Shioriko Cô chủ trẻ xinh đẹp của tiệm sách cũ Biblia. Shioriko vô cùng nhút nhát, không dám nhìn thẳng vào người đối thoại mới gặp lần đầu, nhưng lại là mọt sách chính hiệu thừa sức thao thao bất tuyệt đủ mọi kiến thức ưu việt về sách cũ. Năng lực suy luận tài tình, đầu óc nhạy bén. Vợ Daisuke. 2. Gora Daisuke Bắt đầu làm việc tại tiệm sách cũ Biblia sau khi phá giải bí ẩn xoay quanh “Từ ấy” của Natsume Soseki do bà ngoại để lại. Vì một sự cố quá khứ, Gora mắc cơ địa khác thường là không còn đọc được sách. Bề ngoài lực lưỡng nên hay bị hiểu nhầm là thô thiển, thật ra rất yêu mến sách vở. Chồng Shioriko. 3. Shinokawa Tobirako Con gái sáu tuổi của Shioriko và Daisuke. Trông giống mẹ. Mê đọc sách. Vô cùng tinh nhạy trước những chuyện liên quan đến sách vở. 4. Shinokawa Ayaka Em gái Shioriko. Khác hẳn chị, Ayaka hoạt bát, nhanh mồm nhanh miệng, chẳng giữ kín được chuyện gì. Hầu như không nắm rõ nghiệp vụ sách cũ nhưng vẫn hay giúp chị trông tiệm và quán xuyến việc nhà. 5. Shinokawa Chieko Mẹ của Shioriko và Ayaka. Hiểu biết hơn hơn Shioriko về sách cũ. Rất giỏi thực hiện các giao dịch cưỡng ép. Một hôm, bà để lại cho Shioriko cuốn Nhật ký Cra-cra và bỏ đi, mất tích suốt mười năm trời. Hiện ở nước ngoài, mua bán sách Tây cũ. 6. Sakaguchi Masashi Có tiền án cướp nhà băng do cuộc sống túng quẫn hồi trẻ. Đang sống cùng vợ là Shinobu. Cô vợ kém chồng đến hai mươi tuổi, kết hôn nhờ cơ duyên với cuốn Nhập môn Logic học. Masashi tổn thương mắt, hầu như không nhìn được. 7. Sakaguchi Shinobu Vợ Masashi. Thân thiện và giàu biểu cảm. Quen biết và qua lại với nhà Shinokawa từ sau lần Nhập môn Logic học được đưa đến tiệm sách cũ Biblia. Có với Masashi một cậu nhóc. 8. Tamaoka Subaru Cậu trai sống gần tiệm sách cũ Biblia. Quen biết vợ chồng Shioriko qua vụ tranh chấp bản in đầu cuốn Mùa xuân và Tu la của Miyazawa Kenji mà Chieko bán cho nhà Tamaoka. Cậu học khóa dưới cùng trường với Ayaka, đang tạm thời làm thêm tại tiệm sách cũ Biblia. 9. Takino Renjo Con trai chủ tiệm sách Takino ở Konandai, thành viên ban tổ chức chợ sách cũ. Có em gái tên Ryu là bạn học của Shioriko nên anh cũng quen biết cô từ lâu. Tường tận nhiều chuyện của nhà Shinokawa. 10. Kosuga Nao Bạn cùng khối cấp ba với Ayaka. Quen biết Shioriko và Daisuke qua vụ trộm sách Người đi mót lúa - Thánh Andersen (tác giả Koyama Kiyoshi). Sách này là của Shida, khách quen ở tiệm sách cũ Biblia. Sau vụ việc, cô thành bạn tâm giao về sách với ông Shida. 11. Shida Sedori. Chuyên mua bán sách bunko tuyệt bản. Từng sống như kẻ vô gia cư dưới gầm cầu con sông gần bờ biển Kugenuma. Có dạo bỏ đi không rõ tung tích. 12. Yoshiwara Kiichi Chủ trước của tiệm đồ cổ Maisuna ở Yokohama. Bị đánh bại trong cuộc tranh chấp cuốn sách cũ của Shakespeare, từ đó ông hoàn toàn suy sụp. Mở đầu Shinokawa Shioriko chợt ngẩng mặt lên khỏi sách. Mình đang làm dở việc gì ấy nhỉ? Chân mày đẹp nhíu lại sau tròng kính. Đầu khẽ nghiêng, làm mái tóc đen dài buộc gọn sau gáy hơi lay động. Shioriko đang đứng trong bếp nhà mình ở Kita-Kamakura. Trên bàn trước mặt là cuốn sách bìa cứng khổ lớn cô mải mê đọc nãy giờ. Nhan đề Bữa ăn của thiên hoàng Chiêu Hòa, tác giả Itagaki Nobuhisa và Konishi Chizuru, nhà xuất bản Asahiya. Cuốn sách giới thiệu ba bữa ăn hằng ngày của thiên hoàng Chiêu Hòa kèm công thức nấu. Nhiều món đơn giản đến ngạc nhiên như cơm cà ri hay gratin, người đọc hoàn toàn có thể chế biến tại nhà. “A!” Cuối cùng cũng nhớ ra. Băn khoăn mãi với thực đơn cho bữa tối, cô mang cuốn này khỏi kho sách tầng hai, định tìm xem có gợi ý gì không, cuối cùng lại trót say sưa đọc mãi. Nếu chồng cô ở đây thì hẳn anh đã nhắc, nhưng hôm nay anh lại ra ngoài từ sáng. Hôm nay là ngày nghỉ cố định của tiệm sách cũ Biblia mà vợ chồng cô làm chủ. Cô cũng chẳng có kế hoạch gì to tát cần làm. Từ căn phòng kiểu Nhật kế bên vọng sang tiếng ti vi. Trên màn hình, cô phóng viên đưa tin Sân vận động Quốc gia mới đang gấp rút thi công để chuẩn bị cho Olympic Tokyo năm sau nữa. Hiện giờ là mùa thu năm 2018. Đã bảy năm trôi qua từ khi Shioriko kết hôn với Gora Daisuke. Daisuke thường bảo cô không khác gì hồi xưa, nhưng Shioriko nghĩ sự bất biến mà anh muốn nói ở đây là về tính cách hơn là ngoại hình. Bây giờ trong nhà còn một người nữa cũng y như cô vậy, hễ đọc sách là không màng xung quanh. “Con không xem thì tắt ti vi đi chứ!” Shioriko bước vào căn phòng kiểu Nhật, cầm điều khiển lên bấm. Một bé gái mặc váy liền thân màu vàng đang ngồi quỳ ngay ngắn bên chiếc bàn thấp. Đây là con gái của họ, năm nay sáu tuổi. Nếu bỏ qua chênh lệch tuổi tác và sự thiếu vắng cặp kính thì phải công nhận cô bé giống hệt Shioriko, từ mái tóc dài đen nhánh đến các đường nét trên khuôn mặt. “… Tobirako!” Nghe mẹ gọi, Shinokawa Tobirako vẫn không trả lời. Cô bé đang mê mải đọc sách. Đó là cuốn Người điện M[1] của Edogawa Ranpo, nằm trong series Đội thám tử nhí. Cuốn sách khá cũ, nhà xuất bản Poplar, gáy in biểu tượng mặt nạ vàng. Nội dung sách tuy quá tầm đọc hiểu của trẻ mẫu giáo, nhưng trong nhà này chẳng ai coi đây là sự lạ. Shioriko cũng đọc cuốn này ở độ tuổi của con gái. Điện thoại bỗng đổ chuông. Daisuke gọi. “Chuyện gì vậy anh?” Shioriko bấm nhận điện, vừa nói vừa đi ra hành lang. Khi vội vã, cô sẽ hơi lê chân, do di chứng của một vết thương cũ. “Giờ anh đang ở sân bay Haneda. Có chút chuyện muốn nhờ em…” Daisuke nói nhanh. Dù đã kết hôn, hai vợ chồng vẫn chưa bỏ được thói quen nói năng lịch sự với nhau. Shioriko nghe loáng thoáng tiếng phát thanh vọng qua đường dây, hình như thông báo sắp lên máy bay. Daisuke chuẩn bị sang Thượng Hải đế giúp Shinokawa Chieko mẹ Shioriko hoàn thành một giao dịch lớn mà bà đang cố thỏa thuận. Trong cuộc cạnh tranh bảy năm trước, Shioriko và Daisuke đã thắng bà mẹ và giành được First Folio, tuyển tập kịch quý giá của William Shakespeare. Từ đó vợ chồng cô học bà cách buôn bán sách Tây cũ. Sau khi Tobirako ra đời, công việc gián đoạn mất mấy năm, bây giờ mới họ quay trở lại luân phiên hỗ trợ bà mẹ đang ở nước ngoài. “Anh muốn nhờ gì ạ?” “Cuốn sách bọc bìa da màu lam ấy… Anh không nhớ rõ là để nó ở đâu…” “A, cuốn đó à!” Shioriko biết rõ là cuốn sách nào. Thi thoảng, chồng cô lại giở nó ra với vẻ rất trân trọng. “Vị trí đại khái thì anh có nhớ không?” “Hình như ở quầy thanh toán. À không, có khi là bên kho sách. Dù sao, nếu em tranh thủ được thì tìm giùm anh, còn không…” “Em hiểu rồi. Em sẽ tìm.” Shoriko đỡ lời. “Vậy nhờ em nhé.” Nói rồi, Daisuke cúp máy. Cuốn sách không có giá trị thị trường, nhưng tránh để người khác thấy thì hơn. Từ nhà chính, Shioriko đi ra tiệm sách cũ Biblia. Những chiếc kệ đầy ắp sách cũ xếp thành hàng trong không gian thiếu sáng. Ngửi mùi giấy cũ đong đầy năm tháng, lòng cô bình yên đến lạ. Khung cảnh vẫn như hơn năm mươi năm trước, thời ông nội mở Biblia. Người phụ trách sắp xếp các kệ bây giờ là Daisuke. Anh đã quen thuộc với công việc ở tiệm, dù vẫn chưa thể đọc được sách in trong thời gian dài. Shioriko phụ trách bán sách trên mạng, còn Daisuke chủ yếu quản lý giao dịch trực tiếp tại tiệm. Ở quầy không có cuốn sách bọc bìa da màu lam nào. Nó có thế ở đâu nhỉ? Shioriko chạm ngón tay lên thái dương, thầm điểm lại hành động của Daisuke mấy ngày qua. Nhờ trí nhớ vượt trội, cô có thể hồi tưởng chi tiết những việc anh làm trong ít nhất một tháng nay, miễn là tận mắt trông thấy. Shioriko chưa từng hé lộ với ai về khả năng này, bởi đến cô cũng tự thấy khó chịu khi bản thân cứ như kẻ rình mò. Ngoài những lúc chìm đắm vào sách, mối quan tâm của cô chỉ dành cho chồng và con gái. Lần cuối cô thấy cuốn sách bọc bìa lam là chiều hôm qua. Ăn trưa xong, Shioriko quay lại tiệm thì Daisuke gập cuốn sách lại và đứng lên. Cùng lúc, một vị khách bước vào, ôm theo thùng các tông lớn chứa sách cũ để bán. Bên ngoài tiệm, một chiếc xe đang đỗ, chắc là xe của khách này. “Xin chào quý khách!” Daisuke nhanh nhẹn đi vòng qua quầy thanh toán, đón lấy thùng các tông của vị khách. Thân hình lực lưỡng nhưng di chuyển khéo léo, không một động tác thừa. Shioriko say sưa ngắm anh. Dõi mắt theo chồng là sở thích bí mật của cô từ ngày còn con gái. Thật tuyệt làm sao! Quên béng việc phải đi tìm sách, Shioriko cứ hồi tưởng mà tủm tỉm cười. Chợt… “Mẹ tìm sách gì thế?” Quay lại phía giọng nói, cô thấy Tobirako trong bộ váy liền màu vàng đang chớp chớp đôi mắt to tròn lấp lánh. Khó mà đánh trống lảng đây. Tobirako phát hiện ra rồi. Giống hệt mẹ, cô bé cũng có trực giác nhạy bén khác thường về sách. Shioriko đành nói, “Bí mật!” Nụ cười còn vương trên môi. Cái kiểu úp mở này giống Shinokawa Chieko thế nhỉ! “Mình mà cũng thành ra như vậy sao?” Nghĩ thế, Shioriko lại thoáng căm ghét bản thân. Dù đã quyết định giúp đỡ Chieko trong công việc, nhưng cô vẫn chưa tháo gỡ được mối khúc mắc với người mẹ đang tâm vứt bỏ gia đình ngày xưa. “Tại sao ạ? Nói cho con biết đi mà!” Tobirako chu môi. Shioriko im lặng. Chính vì không muốn con gái đọc được cuốn sách đó, nên Daisuke mới cất công gọi cho cô. “Gợi ý một chút cũng không được ạ? Mẹ keo kiệt ghê!” Tobirako bắt đầu tìm kiếm quanh quầy thanh toán, cử chỉ nom rất điệu bộ. Hẳn là ảnh hưởng từ truyện Đội thám tử nhí mới đọc, cô bé vừa tìm vừa ngân nga, nhịp lạc cả đi. Khác với Shioriko, Tobirako giàu biểu cảm, ứng đáp cũng rất dứt khoát. Điểm này giống hệt người dì đã ra ở riêng của cô bé. Nhưng trong khi dì Ayaka dễ dàng bắt thân với bất kì ai, Tobirako lại không có bạn bè dù ở trường hay bên hàng xóm. Cô bé không hứng thú với tụi trẻ con. Đi đâu cũng ôm theo sách, phấn khích lật từng trang. Người nhà lo lắng, nhưng bản thân cô bé lại vô cùng lạc quan. Cả khi Shioriko tế nhị gợi ý con ra chơi cùng các bạn ở trường mẫu giáo, Tobirako vẫn cười tươi tuyên bố, “Bạn của con là sách mà mẹ!” Những lúc đó, Shioriko chỉ đành ngậm tăm. Cô biết mình không đủ tư cách khuyên nhủ con, bởi chính cô cũng từng đắm chìm vào sách, chẳng giao thiệp với ai cho đến khi bước sang tuổi thiếu niên. Cô hiểu Tobirako, nhưng vẫn mong con gái có được các mối quan hệ. Với mọi người, không thì cũng với ít nhất một ai đó. “A! Cuốn này!” Nghe tiếng con hét, Shioriko giật thót. Chẳng có manh mối gì mà con bé đã tìm được sách rồi ư!? À, không phải. Trên tay Tobirako là một cuốn bunko hoàn toàn khác. Hoa cam ba lá - Tuyển tập đồng dao Kitahara Hakushu của Shincho Bunko. Sách do Yoda Junichi biên soạn, bản in đầu phát hành năm 1957. Tobirako đang cầm cuốn tái bản năm 1993. “Hôm trước con vừa thấy cuốn giống hệt thế này ở nhà bác Shinobu đó mẹ!” “Bác Shinobu” mà Tobirako nói ở đây là Sakaguchi Shinobu bên thành phố Zushi. Ngày xưa, để lấy lại cuốn Nhập môn Logic học, chị đã đến gặp Shioriko lúc cô nằm viện[2]. Shinobu hiện sống cùng ông chồng lớn tuổi mắt kém và cậu con trai đang học cấp một. Họ vẫn qua lại với vợ chồng cô như người thân trong nhà. “Con nhớ rõ quá nhỉ,” Shioriko gật đầu. “Cuốn Hoa cam ba lá ở nhà bác Shinobu từng ở tiệm mình đó.” Quá trình cuốn sách ấy đến với gia đình Shinobu rất phức tạp. Cũng mãi về sau, Shioriko mới có dịp nghe vợ chồng Shinobu kể. Mà e rằng đó vẫn chưa phải toàn bộ sự tình. Sách cũ truyền qua tay nhiều người, không chỉ phần nội dung mà bản thân cuốn sách cũng chứa đựng câu chuyện của riêng nó. “Bác Shinobu mua ở tiệm sách nhà ta ạ?” “Không phải. Bác Sakaguchi… à, bác trai, chồng bác Shinobu, được người nhà đưa cho.” “Bác Masa?” Tobirako tròn xoe mắt. “Masa” là biệt danh Shinobu dùng để gọi Masashi chồng chị. Tobirako bèn gọi theo. “Con chưa hiểu! Là sao cơ ạ?” Shioriko thoáng trầm ngâm. Khi kể cho cô nghe, Shinobu đã cười xòa nói rằng đó vốn chẳng phải chuyện gì cần giấu giếm. Tuy vậy, nó dính dáng đến đời tư của chủ sở hữu cuốn sách, không thể tùy tiện chia sẻ với người khác. Nếu kể cho con gái nghe, cô nghĩ cùng lắm chỉ nên tóm tắt, một bản tóm tắt vô hại, không gây rắc rối cho ai. “Mẹ kể đi mẹ! Con muốn biết mà!” Cầm cuốn bunko trong tay, Tobirako phấn khích áp sát mẹ. Cô bé muốn biết mọi điều về sách, y hệt Shioriko hồi nhỏ. “Con phải hứa không kể với ai đấy!” “Vâng, được ạ!” Tobirako hăng hái giơ tay cam đoan. Shioriko và Daisuke đặt tên cho con là Tobirako, với ước mong cô bé sẽ hứng thú với nhiều điều, luôn sẵn lòng mở mọi “cánh cửa[3]”. Có lẽ nhờ sách, đứa trẻ này sẽ hào hứng với các mối quan hệ giữa con người hơn. Như lúc mở một chương mới trong sách vậy. Shioriko kéo chiếc bệ giẫm chân lại, để con gái ngồi lên rồi cũng ngồi xuống ghế thép bên cạnh. “Chuyện này xảy ra ngay sau khi cha mẹ kết hôn, vào năm trước khi con ra đời…” Shioriko bắt đầu thủ thỉ. Chuyện thứ nhất Hoa cam ba lá ~ Tuyển tập đồng dao Kitahara Hakushu của Joda Junichi (Shincho Bunko phát hành) Đoàn tàu tuyến Yokosuka dừng lại trước biển hiệu ga Kita-Kamakura. Hirao Yukiko bước qua cánh cửa tàu vừa mở, xuống sân ga. Đang là ngày thường trong tuần nhưng trên tàu và sân ga, người lớn tuổi vẫn tụ tập đông đúc. Ai nấy đều mặc trang phục dễ vận động và đeo ba lô. Nghĩ một lát, Yukiko nhớ ra hiện đang là tháng Mười một, tháng của mùa lá đỏ. Hai mươi năm rồi Yukiko mới lại đặt chân đến Kamakura. Lần cuối tới đây để hẹn hò với bạn trai, chị chỉ vừa nhập học đại học. Sau khi tốt nghiệp, Yukiko kết hôn với anh chàng đó, có với nhau ba mặt con rồi ly hôn, giờ chỉ biết tất bật đi làm, chăm con. Cuộc sống bận rộn đến nỗi chẳng còn thời gian đi ngắm lá đỏ mỗi mùa thu sang. Hôm nay, Yukiko đi từ nhà ở Narashino tỉnh Chiba tới tận đây tất nhiên chẳng phải để ngắm cảnh, mà để thăm người chú ở Zushi. Nhưng trước đó, chị phải ghé Kita-Kamakura đã. Yukiko mở ứng dụng bản đồ trên điện thoại để xác định điểm đến. Hình như đứng ở sân ga này cũng có thể nhìn thấy nó. … Ở kia à? Bên kia con đường chạy dọc sân ga có một tiệm sách hai tầng cũ kĩ, trước cửa đặt tấm biển dạng xoay đề “TIỆM SÁCH CŨ BIBLIA”. Yukiko đứng cách tiệm chỉ vài bước chân, nhưng cổng soát vé lại ở tít cuối sân ga. Buộc phải đi một vòng lớn mới tới được nơi muốn đến. Yukiko thở dài rảo bước. Nghĩ nhiều cũng bằng không. Gặp chuyện khó chịu, cứ làm nhanh cho xong là tốt nhất. Linh hoạt là điểm mạnh của chị. Phải thế thì bà mẹ một nách ba con, lớn mới tiểu học, nhỏ còn mẫu giáo như Yukiko mới xoay xở nổi với cuộc sống thường nhật bộn bề. Người chú chị sắp gặp tên là Sakaguchi Masashi. Đã tuyệt giao với nhà Hirao gần ba chục năm nay. Lần này Yukiko đến gặp chú vì chuyện cha nhập viện. Cha Yukiko tên là Hirao Kazuharu, từng dạy ở trường cấp hai Narashino. Là người nghiêm túc và hơi khô khan, hiển nhiên ông chẳng phải kiểu giáo viên được học sinh yêu thích, nhưng không thể phủ nhận việc ông sinh ra là để gắn bó với nghề giáo. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục giảng dạy tại trung tâm luyện thi bất chấp tuổi đã gần bảy mươi. Hẳn do nhiều năm mải miết thức khuya soạn giáo án và chấm bài, tháng trước ông bị nhồi máu não dẫn đến đột quỵ. Tính mạng không nguy kịch, nhưng nửa người phải hầu như đã liệt, nói năng cũng khó khăn. Hisae (mẹ Yukiko) ngày nào cũng túc trực ở bệnh viện để chăm nom chồng. Giữa lúc ấy, Sakaguchi Masashi gọi điện cho nhà Hirao. Chắc là do nghe tin anh trai đang nằm viện. “Chú đến thăm cha cháu được không?” Giọng nói mấy chục năm rồi Yukiko mới nghe lại ấy giống hệt giọng cha chị trước khi đột quỵ. Không buồn hỏi thăm tình hình hiện tại của Masashi, Yukiko chỉ nói sẽ báo với cha mẹ rồi cúp máy. Bàn tay cầm ống nghe đã đẫm mồ hôi. Sakaguchi Masashi là em trai cùng cha khác mẹ của Hirao Kazuharu, chênh nhau tám tuổi. Vài năm sau khi người vợ đầu qua đời, ông nội Yukiko tái hôn. Nghe nói bà hai lỡ mang thai nên ông đành cưới. Ngay từ khi lấy nhau vợ chồng họ đã cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Họ hàng không mấy ai nhắc đến người vợ hai của ông nội. Cũng tại chưa đầy năm năm sau khi sinh Masashi, bà ta đã đem con trai rời khỏi nhà Hirao. Lo cho em nhỏ, cha Yukiko từng tìm đến chỗ ở mới của hai mẹ con, nhưng họ đã chuyển đi nơi khác. Từ đó trở đi, bặt vô âm tín. Phải mười lăm năm sau họ mới nghe lại cái tên Sakaguchi Masashi. Bấy giờ cha Yukiko gần ba mươi, lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm lớp. Ông nội thì đã qua đời. Nguyên là vào tháng Giêng năm ấy, do thất nghiệp và lâm cảnh túng quẫn, Masashi cướp nhà băng rồi bị bắt. Bấy giờ Masashi đã trưởng thành, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nên tên họ đầy đủ bị đăng công khai khắp các báo. Nghe nói cảnh sát và phóng viên còn đến tận nhà và trường nơi cha Yukiko dạy. “Tin đồn thất thiệt lan khắp xóm giềng và trường học.” Mẹ kể cho Yukiko nghe. Lúc vụ Masashi bùng ra, mẹ chỉ vừa lấy cha, Yukiko vẫn chưa chào đời. “Họ kháo nhau rằng chú ấy túng quẫn tiền bạc nên tới gặp cha con, nhưng cha con lạnh lùng từ chối, chú ấy mới quẫn trí đi cướp nhà băng. Trong khi hai anh em thậm chí còn chẳng biết chỗ ở của nhau… Nhưng con biết tính cha đấy, bất kể người khác nói gì, ông ấy vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Mẹ nghĩ vì sự cố đó mà phấn đấu nhiều năm, cuối cùng cha con vẫn không thể thành hiệu phó.” Giọng mẹ không khác bình thường, nhưng ánh mắt lạnh tanh. Xem chừng, với một phụ nữ gia giáo, điềm đạm như mẹ, vụ Masashi là sự kiện đáng sợ đến nỗi mẹ không muốn hồi tưởng lại. Hisae phản đối Masashi đến thăm chồng mình. Yukiko đương nhiên tán thành. Nhưng có vẻ cha nghĩ khác. Vốn trầm lặng ít nói, ông hầu như chưa bao giờ chia sẻ suy nghĩ về em trai, ngay cả khi còn khỏe. Một thời gian sau, gia đình Yukiko nhận được quà hỏi thăm kèm lời nhắn không cần đáp lễ từ Masashi. Khi Yukiko kể với cha, ông bảo muốn gửi quà chúc mừng Masashi mới có em bé. Yukiko có biết chuyện này. Sau nhiều năm chung sống, gần đây chú và người đàn bà làm quản lý tiếp viên quán bar đã sinh con. Thật lòng, Yukiko thấy buồn nôn khi nghe chuyện. Tuổi đã ngoài sáu mươi. Sống cùng một người đàn bà chưa đến bốn mươi, không lớn hơn cô cháu của mình là mấy. Chênh lệch tuổi tác đến vậy rồi còn tòi con ra, quả là ghê tởm, nói gì đến ba chữ “đáng chúc mừng”. Dù sao Yukiko cũng chuẩn bị phong bao theo mong muốn của cha. Nhưng ông còn yêu cầu một việc lạ lùng khác. Cùng với tiền mừng, ông bảo gửi cho em một cuốn sách. Là tuyển tập đồng dao Hoa cam ba lá của Kitahara Hakushu. Yukiko tìm trên mạng mới biết sách này đã ngưng xuất bản, nên đành đặt hàng trên trang web bán sách cũ. Có vài tiệm còn cuốn đó trong kho, và chị chọn một tiệm ở Kita-Kamakura. Nó nằm trên đường đến nhà chú, chị có thể tạt ngang để lấy sách, chứ đặt chuyển phát đến nhà mình ở Narashino, e rằng không kịp ngày đi thăm. Tiệm Yukiko chọn, chính là tiệm sách cũ Biblia. Hành khách rời ga Kita-Kamakura đều đi về hướng ngược lại với Yukiko. Nghe bảo phía đó có một ngôi chùa lớn. Đường tới tiệm sách cũ Biblia không một bóng người. Nắng thu dịu dàng rơi ngoài hiên. Ngược lại, bên trong mờ tối, giá sách sin sít liền kề. Đúng như Yukiko vẫn hình dung về nơi lui tới của những kẻ cuồng sách cũ. Với người hiếm khi đọc sách in, thi thoảng mới mua vài cuốn bán chạy như Yukiko, điểm đến này khiến chị ngần ngại. Như thể có một bức tường vô hình ngăn bước chân chị tiến vào. Ở quầy thanh toán có một phụ nữ trẻ tóc dài, đeo kính. Dáng vẻ giản dị với sơ mi trắng khoác cardigan xanh lục của cô thật hài hòa với không gian ngập sách cũ xung quanh. Khi khuôn mặt không chút điểm trang ngẩng lên, Yukiko nhận ra đó là một mỹ nhân với sống mũi dọc dừa. Luôn cho rằng người bán sách cũ phải là đàn ông trung niên, nên gặp được một phụ nữ thế này, Yukiko thấy nhẹ nhõm hẳn. Chạm phải ánh nhìn của Yukiko, cô gái trúc trắc gật đầu chào với vẻ mặt cứng nhắc. Yukiko mở cửa kính, bước vào tiệm. Trên lối đi hẹp vốn chỉ đủ lách qua cũng chất đầy sách, chị gian nan cố bước để không đá trúng cuốn nào. “Xin… xin chào quý khách. Chị cần tìm gì ạ?” Cô gái hỏi bằng chất giọng nghèn nghẹt, chống tay lên quầy rồi đứng dậy. Bộ ngực đầy đặn bất ngờ khẽ run lên trước mắt Yukiko. Nhẫn cưới lóe sáng ở ngón áp út bàn tay trái. Cô ấy có chồng rồi ư? Tuy không biết gì về cô gái hay người chồng, nhưng Yukiko thật lòng mong họ hạnh phúc trong hôn nhân. Chị không muốn thấy những người trẻ khác phải vất vả như mình. “Tôi đến lấy cuốn sách đã đặt trên mạng. Tôi là Hirao.” Nghe Yukiko nói, khuôn mặt cô gái chợt sáng bừng, biểu cảm cứng đơ nãy giờ tan biến, “A, cuốn Hoa cam ba lá của Kitahara Hakushu phải không ạ? Chị đợi chút nhé!” Chống một tay vào quầy, cô gái với chồng sách gần đó, thân thể hơi chao đảo. Yukiko liếc thấy cây gậy inox dựng tựa quầy. Chắc chân cô ta có tật. “Chị xem, cuốn này được không ạ?” Cô gái chìa cuốn sách khổ bunko ra. Tên tác giả Kitahara Hakushu in rất to trên nền bìa trong mờ. Thiết kế nhã nhặn, rõ ràng. “Vâng, tôi lấy cuốn này.” Trước đó Yukiko đã xác nhận với cha về bìa sách. Cuốn trước mặt đẹp như hàng mới, giá cũng không quá mắc. “Cô gói lại giùm. Tôi định đem tặng.” Lời vừa thốt, Yukiko liền nghi ngại. Người đang làm việc tại trung tâm thương mại như chị thấy đây là một yêu cầu hiển nhiên, nhưng tiệm sách cũ này liệu có dịch vụ gói quà? “Dạ vâng.” Yêu cầu được chấp nhận dễ dàng. Yukiko thấy thật may khi chọn tiệm này. Tâm trạng thả lỏng phần nào. “Chị có muốn gài noshi[4] lên không ạ?” “Không cần đâu. Cô cứ gói lại là được.” Yukiko đã gài noshi lên phong bì tiền mừng, chẳng cần cài thêm vào gói quà nữa. Cô nhân viên lấy giấy bọc ra. Tuy gói không nhanh lắm, nhưng cách cô nâng niu cuốn sách khiến Yukiko dễ chịu. Hẳn cô ta thích công việc này lắm. Khuôn mặt người cha yêu nghề giáo chợt hiện lên trong đầu Yukiko. “Chị thích đồng dao của Hakushu ạ?” “À., không phải tôi, cha tôi thích. Ông muốn tặng cuốn sách này cho em trai… à, cho chú tôi.” Cha Yukiko đặc biệt thích thơ cổ và đồng dao. Ông đã sưu tầm nhiều cuốn toàn tập và tác phẩm thơ của Kitahara Hakushu. Khi Yukiko còn nhỏ, toàn được ông hát cho nghe đồng dao của Hakushu. Chưa biết chừng ông cũng từng hát cho em trai mình nghe. “Hakushu nổi tiếng ở cả cương vị nhà thơ lẫn người viết khúc[5], nhưng những bài đồng dao của ông lại đặc biệt hơn cả, đến giờ khắp nơi người ta vẫn ngâm nga. ‘Chờ đợi vô vọng’, ‘Bếp lò’, rồi ‘Ơi chú chim nhỏ - chú chim màu đỏ’… À, tất nhiên cả ‘Hoa cam ba lá’ nữa. Tôi rất thích lời bài đồng dao này. ‘Hoa cam ba lá nở rồi. Nhị, tràng trắng muốt bung người đẹp xinh. Gai cây sắc lẻm đâm mình, thân cây tua tủa toàn đinh xanh rì.’” Cô nhân viên khe khẽ đọc. Vì cũng thích bài đồng dao này, Yukiko bỗng chốc bị cuốn theo. Khi ánh mắt chạm nhau, cả hai bật cười. Thuở nhỏ, Yukiko thường nghe cha hát, giọng ca ấy giờ văng vẳng bên tai. Khi lên mẫu giáo, Yukiko đã được cha mẹ cho ngủ riêng phòng. Vì mẹ cho rằng ở phương Tây, đó là chuyện đương nhiên, lại có hiệu quả trong việc rèn tính tự lập cho trẻ. Thoạt tiên Yukiko sợ đến mức chẳng chợp nổi mắt. Khi chị khóc trong bóng tối, cha đã bỏ dở công việc đến dỗ chị ngủ. Thay vì hát ru, cha ngâm đồng dao cho Yukiko nghe, và trong số những bài đó, Yukiko đặc biệt ấn tượng với “Hoa cam ba lá”. “Nghe nói ca từ của ‘Hoa cam ba lá’ được viết dựa trên hồi ức của Yamada Kosaku[6], người phổ nhạc cho chính bài đồng dao này. Thời niên thiếu, Yamada Kosaku làm việc tại nhà in. Trong tự truyện của mình, ông có viết, mỗi khi cảm thấy công việc quá mệt mỏi, ông lại đứng khóc cạnh cây cam ba lá. Lời bài ca có chút u sầu, nhưng đẹp thật chị nhỉ?” Dù đã gói xong sách, cô gái vẫn mải mê kể chuyện. Hẳn cô nhân viên này thích chuyện trò về sách lắm. Bắt gặp ánh mắt của Yukiko, cô gái cười thẹn thùng, đoạn đưa cho Yukiko túi giấy chứa cuốn sách. “Cha chị có kỉ niệm đặc biệt nào với cuốn sách này ạ? “Sao cơ?” Yukiko hỏi lại. “Tuyển tập đồng dao của Hakushu có rất nhiều phiên bản. Bản mới hiện vẫn được bày bán tại hiệu sách. Hẳn cha chị đặc biệt yêu thích bản in này nên mới mua một cuốn để tặng?” “À, nói sao nhỉ. Tôi không rõ…” Nghe cô nhân viên hỏi, Yukiko cũng thắc mắc. Ngày đặt mua cuốn sách này, chị nổi hứng muốn đọc nên đã tìm trong thư phòng cha, nhưng lại chẳng thấy. “Hình như bây giờ cha tôi không có bản này. Hồi xưa chắc ông hay đọc lắm.” “Vậy ạ…” Chạm tay lên môi, cô nhân viên ra chiều trầm tư. “Có vấn đề gì sao?” “À, cũng không hẳn ạ…” Cô nhân viên lấp lửng, đoạn rút một cuốn bunko khác từ chồng sách sau lưng. Cuốn ấy là Hoa cam ba lá - Tuyển tập đồng dao Kitahara Hakushu, do Yoda Junichi biên soạn, Shincho Bunko phát hành. Nhan đề giống hệt cuốn sách vừa được gói làm quà, nhưng cuốn này chỉ có đai sách mà không có bìa. Thêm nữa, nhìn nó cũ mèm so với cuốn khi nãy. “Trước chiến tranh, Shincho Bunko cũng từng xuất bản tuyển tập đồng dao Hoa cam ba lá của Hakushu. Nhưng bản do Yoda Junichi biên soạn được phát hành vào năm 1957. Đây là bản in đầu.” “Thiết kế khác cuốn tôi mua nhỉ!” “Cuốn chị vừa mua là bản in lần thứ mười vào năm 1993. Phần thiết kế được thay đổi khi đó. Nội dung tin gần như y nguyên, nhưng nhiều người sẽ để ý đến sự khác nhau của các phiên bản khi tìm mua sách cũ.” Yukiko đã hiểu lý do cô nhân viên cẩn thận cho chị xem bìa sách lúc mới bước vào tiệm. Nội dung thì như nhau, nhưng thiết kế sách lại đa dạng. “Tiệm sách chúng tôi có sẵn cả bản in cũ và mới của cuốn Hoa cam ba lá. Thông tin hai phiên bản đều được đăng trên trang web kèm ảnh bìa. Người lớn tuổi yêu thích cuốn này thường chọn phiên bản cũ quen thuộc… Tôi có hơi thắc mắc lý do cha chị chọn bản in mới hơn.” “Tôi cũng không rõ nguyên nhân… Dù sao, tôi đã cho cha xem bìa sách, và ông bảo không vấn đề gì.” Dù cha không thể phát âm rõ ràng, thì cũng rất ít khả năng Yukiko nghe nhầm. Chị đã mang máy tính bảng vào phòng bệnh của cha rồi tìm từ khóa “Hoa cam ba lá” và “Hakushu” trên trang web bán sách cũ. Cha chỉ vào cuốn sách hiện đầu tiên trên kết quả tìm kiếm. Sau đó, Yukiko còn cẩn thận xác nhận lại với ông mấy lần. “Cha chị không nói lý do ạ?” “Ông đang nằm viện do nhồi máu não. Dù đã nhận thức được, cha tôi vẫn chưa thể giao tiếp trôi chảy như xưa…” Yukiko cố kể bằng giọng bình thản. Nhưng cô nhân viên đã tỏ vẻ cảm thông. “Xin lỗi chị. Tôi tọc mạch quá…” Cuộc trò chuyện bị gián đoạn, bầu không khí trầm mặc khó chịu bao trùm. Yukiko đã xong công chuyện ở đây. Cũng đến lúc nên rời đi rồi, nhưng lý do cha tặng cuốn sách này cứ lởn vởn trong tâm trí. Giờ phải đến gặp chú, giá mà chị có được chút thông tin. “Giả sử cha tôi không quan tâm đến cuốn sách này mấy, thì cớ gì ông lại muốn gửi nó làm quà nhỉ?” “Vâng…” Trầm ngâm lâu hơn cả khi nãy, rồi cô nhân viên ngẩng mặt lên. “Nếu, người yêu thích cuốn tuyển tập đồng dao này không phải cha mà là chú chị thì sao?” Cô nhân viên chạm ngón trỏ lên bìa cuốn Hoa cam ba lá cũ kĩ. Không thể có chuyện đó, Yukiko nghĩ. Không thể tưởng nổi cảnh chú ta hát những bài đồng dao này. “Nhưng kể cả thế thì việc cha chị chọn bản in mới cũng gây khó hiểu. Hoặc, không hẳn cuốn Hoa cam ba lá, mà chính hành động tặng sách mới hàm chứa ý nghĩa nào đó… Thông qua hành động ấy, cha chị muốn nhắn gửi điều gì tới chú chị chẳng hạn.” Cách nghĩ có vẻ hợp lý. Dù thế, Yukiko vẫn không hiểu tại sao cha phải cất công dùng sách để gửi thông điệp cho chú. Nhờ chị chuyển lời là được mà. “Chú chị sống gần đây ạ?” “Phải, ở Zushi.” Yukiko đáp. “Chú đã ngoài sáu mươi, nhưng gần đây lại có con. Giờ tôi sắp mang quà mừng đến thăm.” Yukiko quyết định chuyện trò cởi mở với người xa lạ hòng thả lỏng phần nào tâm trạng nặng nề khi phải gặp chú. Chị thấy an lòng vì cô nhân viên này chẳng có chút quan hệ nào với mình, và có lẽ họ sẽ chẳng gặp nhau lần nữa. Chợt chị nhận ra, việc chú có con hẳn liên quan đến lý do cha gửi tặng tuyển tập đồng dao này. Bởi đồng dao là để hát cho trẻ con nghe. “Thưa chị…” Cô nhân viên rụt rè lên tiếng. “Có phải tên chú chị là Sakaguchi không ạ? Sakaguchi Masashi?” Yukiko nín thở. Đó là cái tên chị không muốn nghe ai nhắc đến. Sự tồn tại của người chú có tiền án chưa từng đem lại điều gì tích cực cho chị. “Cô biết chú tôi?” “Dạ phải, vợ chồng anh ấy thường xuyên lui tới tiệm chúng tôi. Anh Daisuke… À, chồng tôi và tôi khá thân với nhà anh chị Sakaguchi…” Nhận thấy bầu không khí bỗng trở nên căng thẳng, cô nhân viên im bặt. Yukiko muốn làm rõ, cô gái này biết về người tên Sakaguchi Masashi đến đâu? Không chỉ vụ tiền án, mà còn cả lý do khiến chú ta tuyệt giao gia đình sau khi ra tù… Chú có kể cho những người ở tiệm này không? Nếu cô nhân viên biết tất cả và đang cố làm thân, thì những người ở tiệm này cũng chẳng đáng tin. Cảm thấy bực bội, Yukiko rút tờ 1000 yên cùng vài xu lẻ trong ví ra, đặt lên quầy thanh toán, đoạn quay bước rời tiệm. Chị vừa chạm tay vào cánh cửa kính, cửa xịch mở. Yukiko giật mình sững lại. Một thanh niên đeo tạp dề xuất hiện ở ngưỡng cửa. Thân hình rắn rỏi cùng chiều cao khiến người khác phải ngước nhìn. “Shioriko, anh về rồi đây… A, cảm ơn quý khách.” Nhận thấy Yukiko muốn rời tiệm, thanh niên cúi chào đồng thời lùi lại nhường đường. Ngón áp út của cậu ta đeo chiếc nhẫn cưới giống hệt chiếc của cô nhân viên ở quầy. Hẳn là chồng cô gái. Chồng tôi và tôi khá thân với nhà anh chị Sakaguchi. Vậy là người thanh niên này cũng có quan hệ với Sakaguchi Masashi. Yukiko lặng im rời tiệm sách, cắm cúi đi thẳng, chẳng ngoái đầu lại. Không ai chạy theo chị. Cuộc gặp này có thật là ngẫu nhiên? Mối nghi ngờ lởn vởn mãi trong đầu Yukiko. Đến khi tới cổng soát vé của ga Kita-Kamakura, chị mới bình tâm lại. Nghĩ một cách lý trí thì rõ là chẳng có ai sắp đặt ở đây cả. Có nhiều tiệm sách cũ khác cũng bán Hoa cam ba lá. Tự Yukiko đã chọn Biblia. Tiệm này nằm ở Kita-Kamakura, không xa Zushi mấy, lại ngay trước ga nên tiện ghé qua. Chẳng có gì lạ khi Biblia là quán ruột của những người thích sách cũ. Điều khiến Yukiko ngạc nhiên ở đây là việc người chú kia lại ham đọc sách đến độ thường xuyên lui tới cửa tiệm đó cơ. Chị hồi tưởng hình ảnh chú ta trong kí ức xa xăm. Người cao lớn, mặt dài, khóe mắt có một vết sẹo to, nghe nói là vết thương để lại từ vụ cướp ngân hàng khi xưa. Ở chú toát ra cảm giác bức bối, khó gần, nhưng nghĩ kĩ thì trừ vết thương đó, tướng mạo chú khá đứng đắn. Người ta dễ cho rằng chú là nhân viên ngân hàng, công chức, hay thậm chí giáo viên. Có mặc nhận chú là người thích đọc sách cũng chẳng lạ. Nhắc mới nhớ, vào một ngày Chủ nhật đầy nắng như hôm nay, Yukiko từng bắt gặp chú ngồi ở ban công nhà Hirao, trên tay là một cuốn bunko cũ mèm. Có khi nào đó là tuyển tập đồng dao của Hakushu? Hồi Yukiko còn nhỏ, Masashi từng sống cùng gia đình Hirao vài tháng. Lúc ấy chú ra tù chưa được nửa năm. Về sau Yukiko mới biết rằng khi ấy, quán ăn nơi chú vừa trọ vừa làm đóng cửa, không còn chỗ để đi nên mới phải đến nương nhờ nhà chị. Chú xuất hiện sau ngày khai giảng mẫu giáo của Yukiko, và biến mất trước thời điểm hồ bơi được mở. Nhiều nhất cũng chỉ tầm ba tháng. Masashi hầu như không chuyện trò cùng ai, ban ngày thì hiếm khi ở nhà. Chú ra ngoài để làm thêm và tìm công việc ổn định, cả bữa trưa cũng thường ăn bên ngoài. Thi thoảng chú mới ra siêu thị hoặc tiệm giặt là tự động gần nhà, nhưng mọi động tĩnh của chú đều thành đề tài để xóm giềng đem ra đàm tiếu. Yukiko thường xuyên bắt gặp mẹ bị hàng xóm láng giềng vây lấy dò hỏi. Có lần chị đang chơi trong sân thì thấy bà nhà bên sang tọc mạch về chú Masashi. Mẹ thành tấm bia hứng chịu những soi mói, chỉ trích từ người xung quanh. Những lúc chú ra ngoài, Yukiko còn chứng kiến cảnh cha mẹ lời qua tiếng lại. Trong bầu không khí áp lực đó, không ai sống vui vẻ cả. Yukiko tránh Masashi hết sức có thể. Khi biết chú sắp đi ngang phòng mình để ra ban công hút thuốc, chị đóng chặt cửa chờ chú khuất dạng mới ra ngoài. Sự tồn tại của chú đáng sợ hệt cái bóng lớn lảng vảng trong hình dạng con người. “Chú ở nhà mình đến bao giờ vậy mẹ?” Không kìm được, Yukiko từng hỏi mẹ. “Một thời gian nữa thôi, ráng chịu khó con nhé!” Mẹ khó nhọc lặp lại câu đó bằng giọng bình thản như mọi bận. Yukiko không nhớ chính xác ngày chú Masashi rời nhà mình. Hệt như cách con mèo đi lạc sống dưới mái hiên đột nhiên biến mất, khi chị nhận ra thì chú đã không còn ở đó. Cha mẹ không giải thích, mà bản thân chị cũng chẳng hỏi. Mãi về sau chị mới biết, qua giới thiệu của họ hàng, Masashi tìm được việc trong một công ty kinh doanh dịch vụ kho bãi ở Yokohama nên chuyển tới Zushi sống. Dù sao, cái bóng xâm nhập nhà chị đã biến mất, điều đó khiến chị thực sự an lòng. Sau đó, Masashi không còn xuất hiện ở nhà Hirao nữa. Ngoài những tấm thiệp năm mới với văn phong lịch sự, nét chữ vụng về gửi tới vào mùng 1 Tết, không ai còn thấy hay nghe nói gì về cái tên Sakaguchi Masashi. Lần gần nhất Yukiko gặp chú là khi chị học lớp Bốn. Bà bác sống ở Funabashi qua đời, trong tang lễ, Yukiko thấy chú ở hàng ghế canh đêm. Nghe nói bà bác đã mất ấy chính là người giới thiệu việc làm cho chú Masashi, nên chú mới lặn lội tới tận tỉnh Chiba để tiễn đưa. Chú co mình một góc ở cuối hàng ghế dành cho người thân, chẳng ai ngồi cạnh. Do cao lớn, chú nổi bật so với xung quanh. Bấy giờ chú chưa đến ba lăm, nhưng nom già hơn tuổi thật. Tang lễ kết thúc, chú định ra về thì cha gọi vào ngồi cùng ở bàn tiếp khách đến phúng viếng, “Lâu rồi mới gặp, anh em ta trò chuyện chút đã!” Tiếng xì xầm vang lên xung quanh, nhưng chẳng một ai đứng ra đuổi thẳng mặt Masashi. Mẹ Yukiko cũng lặng im, nhíu mày đầy bối rối. Masashi ngồi ở một góc chiếc bàn dài. Ngoài cha, chẳng còn ai bắt chuyện với chú. Hai anh em có khổ người tương tự, nhưng khí chất hoàn toàn khác. Thấy cha vẫy mình, Yukiko miễn cưỡng lại gần. “Chào chú đi con.” Nghe nhắc, Yukiko khẽ cúi đầu. “Cháu chào chú,” chị chỉ lí nhí. Masashi ngồi trên ghế, tầm mắt vừa vặn bắt lấy ánh nhìn của Yukiko. Khóe mắt có sẹo nheo lại, “Lâu lắm không gặp. Con lớn ghê!” Yukiko sửng sốt trước lời chào hỏi thân thiện đến bất ngờ. Cứ như chú đang chuyện trò với đứa cháu yêu quý từ lâu. Chị hoảng loạn quay về chỗ mẹ và các dì. Biểu hiện ấy khiến mọi người lo lắng hỏi han sợ chị không ổn. Đêm đó, Masashi ở lại nhà Hirao. Cha lo chú về Kanagawa ngay sẽ mệt. Nhưng có lẽ đó chỉ là cái cớ để cha chuyện trò với chú thêm chút nữa. Họ uống tiếp tại phòng khách, nơi gia đình Yukiko thường dùng cơm. Chú im lặng nghe cha độc thoại. Nào những việc cha đã làm, rồi kế hoạch ấp ủ để dìu dắt học trò… Đó là lần đầu tiên Yukiko thấy cha bộc bạch nhiều điều đến thế. Cha kể với giọng tự hào, có phần như làm nũng với chú. Hẳn từ hồi còn trẻ cha đã muốn gặp chú thường xuyên hơn. Yukiko cảm nhận được, nếu đêm nay không có gì ngoài ý muốn, quan hệ anh em của họ còn tốt hơn. “Tìm được người phù hợp thì em cũng nên lập gia đình đi.” Cha bước sang chủ đề này khi đêm đã về khuya. Bấy giờ Yukiko đang giúp mẹ dọn dẹp ở nhà bếp bên cạnh. Hai mẹ con vô tình nhìn nhau. Yukiko không sao tưởng tượng nổi cảnh Masashi kết hôn. Lại trông mặt mẹ nhăn tít như cắn phải trái hồng chát, chị cố nín cười. “Đàn ông ai cũng vậy, cứ lập gia đình rồi có con là thay đổi hết. Gánh trên vai trách nhiệm trụ cột gia đình, em sẽ trở thành người đàn ông thực thụ.” Quả là cách nghĩ điển hình ở thế hệ của cha, nhưng bấy giờ Yukiko chẳng thấy lạ. Chị chỉ nghe và cho rằng cha đang nói điều gì đó rất khó hiểu. Giờ đây khi đã trưởng thành, chị biết, vẫn có những người đàn ông không gánh nổi trách nhiệm đó. Yukiko ly dị chồng cũ do anh ta ngoại tình. Chị thậm chí không nhận được tiền chu cấp nuôi dưỡng, hiện phải sống một nách ba con cùng cha mẹ tại Narashino. Chồng cũ của chị không phải người lạnh lùng. Anh rụt rè nhưng hòa nhã, có xu hướng dễ bị chi phối bởi những người xung quanh. Vì đã đến tuổi lập gia đình, tiện đang hẹn hò với Yukiko thì hỏi cưới luôn. Sau khi lấy nhau, hai vợ chồng chưa xác định gì đã sinh con, rồi không hiểu sao, anh đi ngoại tình. Khi ly dị, anh khóc lóc hứa hẹn sẽ tiếp tục chu cấp để Yukiko nuôi con, nhưng rồi lặn mất tăm. Yukiko không biết Masashi tiếp thu ra sao cái nhìn một chiều của anh trai về hôn nhân. Nhưng chắc chắn bấy giờ chú vẫn chưa gặp người sau này sẽ lấy. “… Nếu được vậy thì tốt quá.” Chú chỉ đáp như thể chuyện của người khác. Đêm ấy, Yukiko trằn trọc mãi mà không ngủ nổi. Cứ nghĩ người đàn ông kia đang ở dưới cùng một mái nhà với mình, chị lại chẳng thể bình tâm. Trở mình nhiều lần, đến nửa đêm chị mới thiếp đi. Yukiko đã mơ. Chị thấy mình đang ở trong nhà lúc hoàng hôn thì một bóng người bước vào cửa. Có vẻ cái bóng đang tìm kiếm chị. Vừa gọi cha mẹ, Yukiko vừa chạy trốn vòng quanh, nhưng chẳng ai tới giúp. Nghe tiếng bước chân mỗi lúc một gần, chị lao vào góc phòng mình, co người núp. Liền đó, một bàn tay to và lạnh chạm lên vai… Yukiko choàng tỉnh, nhận ra mình đang co người cuộn tròn trên giường trong phòng riêng tối om, mặt quay vào tường. Đột nhiên, chị ngửi thấy mùi lạ. Mùi rượu và thuốc lá. Một bàn tay to lớn luồn qua chăn mò mẫm trên vai chị. Có ai không! Thu hết can đảm, Yukiko quay đầu ra thì thấy bóng đen to tướng lù lù trước mắt. Tiếng thở mạnh mẽ, rõ mồn một tràn vào tai. Yukiko nghĩ mình đã hét rất to. Khi Yukiko bình tâm lại, đèn phòng đã bật sáng. Mẹ đang ôm chặt chị trong lòng. Ngay dưới bóng đèn, cha trong bộ đồ ngủ đứng đối diện với chú, truy hỏi chú làm gì ở phòng Yukiko. Cuối cùng Yukiko cũng vỡ lẽ ra rằng người vào phòng và chạm vào mình chính là Masashi. Chị run bần bật, nước mắt lã chã. “Em không ngủ được nên ra ban công hút thuốc…Lúc đi ngang phòng này để về thì nghe tiếng Yukiko hét.” Masashi nhẹ nhàng giải thích, khuôn mặt tái nhợt. Chẳng hiểu sao cách gọi “Yukiko” đầy thân mật của chú khiến Yukiko nổi da gà. “Hình như con bé gặp ác mộng. Em lo lắng nên mới mở cửa vào phòng định xem tình hình.” Chú trình bày tuần tự, dễ hiểu đến độ Yukiko cũng lý giải được. Có điều câu từ chỉn chu như đã chuẩn bị sẵn ngược lại khiến chú càng thêm đáng ngờ. “Sao em lại tự tiện vào phòng một bé gái? Nếu thấy sự lạ đến mức đáng lo thì trước tiên phải gọi anh chị chứ? Sao em lại chạm vào người con bé hả?” Lần đầu tiên chú không thốt nên lời. Như thể đã hết đường biện hộ và đang chìm trong mặc cảm tội lỗi. Nhưng rồi, chú vẫn mở miệng, định quyết tâm giải thích. Đúng lúc đó mẹ Yukiko hét lên. “Chú làm ơn đi cho! Đừng bao giờ dính dáng tới gia đình chúng tôi nữa!” Sau đêm ấy, nhà Hirao hoàn toàn cắt đứt quan hệ với Sakaguchi Masashi. Cha mẹ Yukiko, nhất là mẹ, đến giờ vẫn tin chắc rằng chú muốn xâm hại con gái mình. Yukiko không định phản đối suy nghĩ đó, nhưng vẫn cảm thấy khó hiểu. Tất nhiên, chị không tin Masashi là người tốt. Chú ta từng phạm tội và phải vào tù. Chỉ là, với tội cướp nhà băng chứ không phải xâm hại trẻ em. Kể cả có khuynh hướng ấy thật thì chú sẽ cố tình lẻn vào phòng cháu gái giờ đó ư? Phòng ngủ của cha mẹ ngay dưới phòng Yukiko. Chú mà gây ra tiếng động gì lớn, cha mẹ sẽ lập tức phát hiện. Thực tế họ đã lao vào ngay khi nghe tiếng Yukiko hét. Hẳn chú Masashi phải nhận thức được rằng mình luôn bị mọi người xung quanh cảnh giác. Nhưng sau khi nghe tin chú kết hôn ở tuổi ngoài bốn mươi, Yukiko đã thôi băn khoăn. Thấy bảo người chú lấy là một phụ nữ trẻ chỉ khoảng đôi mươi. Ít nhất việc đó cũng chứng tỏ chú là người dám nhắm đến mối quan hệ với các cô gái trẻ kém xa tuổi mình. Và rõ ràng là chú đã tự tiện vào phòng cháu gái lúc nửa đêm mà chẳng thể biện minh. Đó đã là chuyện của vài chục năm trước, không để lại vết thương lòng sâu sắc gì. Tránh đụng mặt nhau là ổn. Yukiko đã coi như trên thế gian không tồn tại người chú tên Sakaguchi Masashi. Nếu không có chuyện lần này, hẳn chị đã có thể tiếp tục sống với ý nghĩ như thế. Yukiko ra khỏi cổng soát vé của ga Zushi trước giờ hẹn khá sớm. Khác với Kamakura tấp nập du khách, khu vực quanh ga Zushi mang hơi hướm khu dân cư yên tĩnh. Căn hộ của gia đình Masashi không nằm gần biển mà ở phía núi xanh. Yukiko rảo bước trên con dốc thoai thoải. Chẳng rõ có phải do giờ giấc mà đường sá vắng vẻ đến mức chị thấy bất an. Nắng tràn khắp mọi nhà, cây trong vườn xanh um tươi tốt. Một nơi phù hợp để định cư. Vì đây là lần đầu đến khu phố này, Yukiko đã lo sẽ đi lạc, nhưng cuối cùng lại dễ dàng tìm được địa chỉ ghi trong sổ tay. Điểm đến là một chung cư thấp tầng bằng gỗ cũ kĩ hết sức phổ thông. Vết nứt trên tường được tu bổ cẩn thận, hàng rào sắt và cầu thang cũng đang được sơn lại. Có vẻ người ta chăm sóc nơi này rất kĩ. Căn hộ của gia đình Sakaguchi nằm ở tầng một, góc trong cùng. Đến thăm nhà trước giờ hẹn là không lịch sự, nhưng Yukiko chảng buồn bận tâm khi đối phương là người chú này. Thậm chí có trao quà mừng ở cửa rồi về luôn cũng được. Yukiko tự nhủ sẽ làm thế, rồi bấm nút chuông tròn kiểu cũ. Không có tiếng trả lời. Họ ra ngoài rồi chăng? Định bấm chuông lần nữa thì chợt nghe bước chân từ bên trong nhẹ nhàng tiến lại, rồi cánh cửa mở toang ra. “Xin chào! Mời vào!” Một phụ nữ nhỏ nhắn với khuôn mặt tròn xuất hiện. Hẳn là vợ chú Sakaguchi. Ngoại hình “thím” còn vương nét ngây thơ, nhưng nơi đuôi mắt hơi chùng đã có những nếp nhăn tuổi tác. Quả nhiên thím chỉ xấp xỉ tuổi Yukiko. Áo len cotton cổ chữ V mặc ngoài áo trắng phối với quần denim, toàn bộ đều là hàng Uniqlo[7]. Giản dị hơn chị nghĩ. “Yukiko phải không? Rất vui được gặp cháu! Thím là Sakaguchi Shinobu.” Shinobu cúi thấp đầu chào. Khi về tư thế ban đầu lông mày thím bỗng nhíu thành hình chữ bát, tài tình đến khó tin. Gương mặt thoắt biến đổi đó khiến Yukiko suýt bật cười. “Xin lỗi cháu nhé! Masa… à, chú đang ra ngoài. Nhà chẳng còn tí trà hay kẹo bánh gì, nên chú đến tiệm bánh ở Kamakura mua rồi, xem chừng tốn thời gian hơn dự tính. Nãy chú có nhắn tin cho thím, bảo sẽ cố về sớm… Úi chà!” Đang liến thoắng chẳng để Yukiko xen lời, Shinobu bỗng mở to đôi mắt vốn tròn xoe, ánh nhìn đảo qua đảo lại giữa vị khách và mình. “… Thím cháu mình ăn mặc giống nhau nhể!?” Lại còn nói ra nữa, Yukiko nghĩ. Chị và Shinobu ăn vận na ná. Khác biệt duy nhất là chị choàng thêm áo khoác. Khi còn phải nuôi con, không mấy bà mẹ có thời gian và tiền bạc đế trau chuốt ăn mặc. Đụng hàng với những “đồng chí” khác tại siêu thị hay nhà trẻ vốn đã chẳng phải chuyện gì hiếm lạ, nhưng đến tận đây rồi mà vẫn còn đụng hàng thì thật là…! “A, việc này không đáng để hớn hở đến thế ha. Xin lỗi cháu nhé, thím toàn nói chuyện đâu đâu.” Bổng có tiếng trẻ con khóc. Khá to, hẳn là của bé trai “Em khóc rồi. Thôi, cháu vào nhà đi, vào đi, vào đi!” Shinobu phi tót vào trong. Ở đẳng sau, Yukiko miễn cưỡng cởi giày. Từ khi cửa mở, chị còn chưa nói một câu nào. Nghe bảo thím được thuê làm quản lý tiếp viên quán bar, toàn tự nói tự nghe thế này, liệu có ổn không vậy? Đi qua cửa thì tới bếp ăn. Yukiko bước vào căn phòng kiểu Nhật trông có vẻ để làm phòng khách. Không có nội thất đắt tiền, nhưng phòng sạch bóng đến từng ngóc ngách, chẳng thể tìm ra dù chỉ một sợi tóc trên chiếu tatami. Họ đã dọn dẹp kĩ lưỡng để chào đón mình hay sao? Dù muốn tỏ lòng hiếu khách đi nữa thì làm đến mức này cũng quá nhọc công rồi. Yukiko ngồi xuống tấm đệm dành cho khách, mắt chợt lia đến kệ sách thấp sát tường. Trông chỉ lèo tèo vài cuốn, nhưng thể loại vô cùng phong phú. Dạy nấu ăn xếp xen y học thường thức. Một cuốn bunko cũ có vẻ khó nhằn với nhan đề Nhập môn Logic học, một cuốn hẳn là sách thiếu nhi tên Cheburashka và những người bạn. Có cả sách tranh như Moko Moko Moko hay Trái cây, Yukiko cũng từng đọc cho con nghe. Chắc gần đây chú thím mua cho con trai, hoặc được người khác tặng. Nhưng trên kệ chẳng có cuốn nào của Kitahara Hakushu. Ít nhất thì chú ta không thường đọc Hoa cam ba lá. Chính hành động tặng sách mới hàm chứa ý nghĩa nào đó… Lời cô nhân viên tiệm sách cũ Biblia cứ lởn vởn trong tâm trí. Yukiko tự hỏi giờ cho Masashi xem cuốn Hoa cam ba lá đang cầm, liệu chú ta sẽ nhận ra thông điệp gì? … Ủa? Yukiko nghiêng người về phía kệ. Ngay trước gáy sách có gì đó. Ống nhòm mini loại cầm một tay và cặp kính râm lớn. Chắc là đồ của chú, có điều hình dạng hơi khác thường. “Xin lỗi, bắt cháu đợi rồi! Thằng nhóc này không bế không yên mà.” Shinobu trở lại, tay ẵm đứa bé mặc bộ đồ xanh. Đứa bé có khuôn mặt tròn bụ bẫm và đôi mắt to giống mẹ. Vừa nghịch ngợm thè chiếc lưỡi nhỏ, nó vừa tò mò nhìn về phía Yukiko. “Ôi, dễ thương quá… Chào em!” Đó không phải lời nịnh. Gần đây, Yukiko thấy những đứa trẻ quanh mình dễ thương đến lạ. Dĩ nhiên chị rất yêu các con, nhưng với chị đứa trẻ nào cũng đáng yêu hết. Hồi trước, suốt một dạo sau sinh, vì bận chăm con, chị chẳng có thời gian thảnh thơi ngắm kĩ cử chỉ và nét mặt đáng yêu đó. Các con mình cũng từng dễ thương như vậy sao? Mỗi khi nghĩ thế, Yukiko lại thấy tiếc nuối. Những nét đáng yêu ấy, chẳng bức ảnh hay thước phim nào lột tả nổi. “Em được mấy tháng rồi ạ?” “Sắp bốn tháng. Gần đây cổ cũng cứng cáp lên rồi… À, để thím pha trà nhé. Mỗi tội không có kẹo bánh gì, ngại với cháu quá.” Vẫn bế con, Shinobu chống một tay xuống chiếu dợm đứng dậy. Cử động trông khá chật vật. “Nếu không phiền thì để cháu bế em cho.” Yukiko tự thấy kinh ngạc trước lời mình vừa thốt. Khi nãy chị còn chẳng định nán lại, vậy mà nhìn người mẹ và đứa bé, chị lại thấy như hình ảnh mình của quá khứ hiện lên trước mắt. “Vậy phiền cháu chút nhé. Thằng bé nặng đấy.” Yukiko đón lấy đứa bé, đặt nó nằm trên đầu gối. Đứa bé bụ bẫm, ấm áp khiến lòng chị dễ chịu vô cùng. Yukiko chẳng hề thấy nặng, ngược lại, nó nhẹ đến mức khiến chị kinh ngạc. Hành trình trưởng thành của đứa bé chỉ vừa bắt đầu, từ nay Shinobu cũng sẽ thể nghiệm điều ấy. Như Yukiko đã từng. Đứa trẻ này là em họ của chị, nhỏ hơn chị rất nhiều. Cậu em họ mới chào đời được bốn tháng đang phấn khích vỗ tay đập chân. Thằng bé nhìn ra khung cửa kính sát đất. Ngoài cửa là hiên nhà và mảnh vườn nhỏ. Cành của một gốc cây mảnh dẻ có gai rung khẽ. Yukiko chưa thấy rõ đó là cây gì, nhưng nhận được màu sắc. Trên cành, những quả vàng tươi đang kết trái. Quả của cây cam ba lá. “Trái cây kết quả ngày thu, vàng kim tròn lẳn ú nu trên cành. Khẽ cười bên gốc ngọt lành, lòng người trao gửi chân thành xiết bao.” Khi Yukiko nhận ra, tiếng ca mỏng mảnh đã tràn khỏi bờ môi chị. Đó là đoạn tiếp theo đoạn cha hát trong bài “Hoa cam ba lá”. Một bàn tay bé nhỏ bỗng nắm chặt tay chị. Có vẻ thích bài đồng dao, đứa trẻ nhoẻn miệng cười. Yukiko cũng mỉm cười đáp lại. Đứa bé này được chăm sóc chu đáo và nuôi dưỡng trong tình yêu thương. Xem ra cuộc sống của chú với vợ con ở căn nhà này rất đỗi yên bình. Shinobu đứng trong bếp pha trà, quay lưng lại với Yukiko. Không chỉ chăm nom con cái, người phụ nữ này còn chu đáo tiếp khách cho chồng. Yukiko tự hỏi thím biết bao nhiêu về người đàn ông tên Sakaguchi Masashi… Shinobu trở lại, tay cầm khay đựng cốc và bình chứa trà đen. “Để cháu đợi lâu rồi. Ái chà, xem thằng nhóc hớn hở ghê chưa này… Cảm ơn cháu nhiều nhé.” Rót trà mời Yukiko xong, thím lịch sự cảm ơn, đoạn đón lấy đứa bé. “Cha cháu thế nào rồi? Ông ấy vẫn đang nằm viện à?” “Vâng, cũng may không nguy đến tính mạng…” Yukiko lúng túng giải thích sơ qua bệnh trạng của cha. Nhà Hirao đã không cho chú Masashi tới thăm, nhưng trông bộ dáng gật gù nghe chuyện kia, hẳn thím cũng thông cảm cho gia đình họ. Đợi Yukiko kể xong, Shinobu chuyển chủ đề. “Yukiko cũng có con rồi nhỉ?” “Vâng, hai đứa lớn nhà cháu học tiểu học, đứa út thì đã đi nhà trẻ.” Con lớn của Yukiko là trai, hai đứa sau là gái. Khi chị ly dị, con gái út còn chưa chào đời. Chị chẳng còn chút kí ức nào về chuyện khi đó, hẳn là do đã cạn kiệt cả sức lực lẫn tinh thần. “Vậy hẳn cháu rành chuyện chăm con hơn thím nhiều. Chắc vất lắm nhỉ. Thím chăm mỗi nhóc này thôi đã muốn kêu trời rồi.” Shinobu tỏ ra khâm phục. Nếu là người khác, nói theo kiểu khác về chuyện này, hẳn Yukiko đã thấy khó chịu. Dáng vẻ vui tươi của Shinobu khiến Yukiko không nhận ra ngay từ đầu, giờ ngồi đối diện nhau trong căn phòng sáng sủa này, chị liền thấy rõ, sắc mặt của thím khá tệ, quanh mắt còn có quầng thâm mờ. Hẳn thím chẳng được ngủ mấy vì phải chăm con. Nói vậy mới nhớ, ban nãy Yukiko bấm chuông mãi mà cửa không mở, có lẽ do thím đang gà gật sau khi dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị trà. “Thật ra cháu cũng không chăm con một mình. Cha mẹ đã giúp khi cháu khó khăn nhất… Ly dị xong cháu về nhà mẹ đẻ.” Shinobu không ngạc nhiên khi nghe chuyện ly hôn của Yukiko. Chắc là nghe Masashi kể. “Ly hôn thời điểm đó càng vất vả. Cha mẹ có giúp đỡ, cháu cũng vẫn phải vừa đi làm vừa chăm con nhỉ? Thật chẳng dễ dàng gì…” Khuôn mặt Shinobu thoáng nét u buồn. Chồng thím đã đến tuổi về hưu. Sau này, người gánh trách nhiệm kiếm sống nuôi gia đình sẽ là thím. “Chú thím lấy nhau cũng lâu rồi nhỉ?” Shinobu ngước mắt, miệng lẩm nhẩm tính, “Sắp được hai mươi năm rồi… Thím phải thúc ép ghê lắm chú mới cưới đấy. Thím nói mãi mà cái con người ấy chẳng chịu ra quyết định gì hết. Lúc nào cũng làm khuôn mặt như vậy này.” Shinobu bỗng mím môi, nheo mắt. Nét biểu cảm hiện ra trước mắt quả thật rất giống khuôn mặt chú trong kí ức của Yukiko. “Thím vẫn nhớ rõ lời chú nói, ‘Anh lớn tuổi rồi, thu nhập cũng không cao. Lấy nhau, tương lai anh chẳng thể gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình.’” Yukiko thấy sốc. Lần cuối chú đến nhà Hirao ở Narashino, cha đã khuyên chú chính những lời này. Chú vẫn nhớ chuyện đó sao? “Ừm, có lẽ do lớn tuổi nên chú rất nghiêm túc cân nhắc vấn đề. Nhưng thím bảo ‘Anh không cần gánh trách nhiệm một mình’, rằng ‘Sống với nhau, ta chỉ cần làm những việc mỗi người có thể, bởi gia đình vốn là như vậy mà’.” Đột nhiên, trong đầu Yukiko hiện lên hình ảnh bàn tay người chồng cũ. Nó thon nhỏ so với tay đàn ông, nhưng vô cùng khéo léo. Trong kí ức chị, bàn tay đó còn sống động hơn cả khuôn mặt chồng. Khi đứa con đầu lòng ra đời, chồng chị tập trung làm việc trong vai trò trụ cột gia đình, còn chị chuyên tâm nuôi dạy con cái. Nếu chị không đặt trách nhiệm kiếm sống nuôi gia đình lên một mình anh mà cũng năng ra ngoài làm việc hơn, có lẽ đôi bàn tay khéo léo ấy đã xông xáo phụ chị chăm con cái và quán xuyến việc nhà. Không, mọi chuyện đâu nhất định sẽ như thế. Chăm con và lo việc nhà cũng có trách nhiệm đi kèm. Rất có thể người chồng dễ bị ảnh hưởng bởi xung quanh kia vẫn sẽ trốn chạy khỏi những ràng buộc đó. “Chú giúp thím nhiều lắm, bảo ‘Đằng nào giờ cũng chẳng có việc gì làm’. Từ chăm con, dọn dẹp, giặt giũ… Riêng ru con ngủ với cho con tắm chú còn thạo hơn cà thím! Thật ra cũng có đôi chút khó khăn, bởi chỗ này không ổn.” Shinobu chỉ tay vào mắt. So với chồng cũ của Yukiko, chú Masashi đã cố gắng hoàn thành trách nhiệm trong khả năng của mình… Đang trôi trong dòng cảm xúc phức tạp xuất phát từ suy nghĩ ấy, Yukiko ngẩng phắt lên ở câu này. Suýt chút nữa chị đã để sót câu chuyện. “… Mắt chú kém ạ?” Shinobu há miệng ngạc nhiên. Bất động vài giây, xem chừng hiểu ra, thím nói, “À, lâu rồi hai bên không qua lại nên chắc cháu không biết. Thị lực của chú suy giảm từ năm ngoái. Chú có vết thương ở mắt phải mà. Với lại dù nhìn qua không thấy nhưng mắt trái cũng bị thương tương tự, di chứng để lại gần đây mới lộ ra… À, vết thương đó là do cú tông xe lúc bị rượt bắt trong vụ cướp nhà băng.” Thật kì lạ khi người mẹ đang ôm con ấy có thể dễ dàng nói ra cụm từ “vụ cướp nhà băng”. Nói vậy, kính râm và ống nhòm đặt trên kệ sách là dụng cụ hỗ trợ cải thiện tầm nhìn. “Vậy ạ…” Yukiko không thể thốt lên những lời cảm thông như, “Khổ cho chú quá.” Bởi nguồn cơn của vết thương đó là một hành động phạm pháp. Chẳng biết nói gì tiếp theo, chị nhấp một ngụm trà đen. Bất giác, chị đánh mắt đến những trái cam ba lá đang đung đưa ngoài cửa. “Cây cam ba lá trong vườn to nhỉ!” Shinobu nói. “Chú trồng nó ngày chuyển đến đây đấy. Thím cũng thích cây ăn quả… À, có cả bài hát về nó đấy? ‘Hoa cam ba lá nở rồi’ ấy. Có vẻ từ xưa chú đã mê bài đó.” Shinobu có giọng hát đẹp đến ngỡ ngàng. Đột nhiên, Yukiko cảm thấy mọi sự đang kết nối với nhau. Quả nhiên việc cha gửi tặng cuốn sách này có ý nghĩa nào đó. “Chú thường đọc tuyển tập đồng dao của Kitahara Hakushu à thím? À, của tác giả Hoa cam ba lá ấy… “Kitahara Hakushu…” Shinobu nghiền ngẫm nhẩm lại cái tên. “Tác giả đó nổi tiếng lắm hả? Từ khi sống cùng nhau thím chưa thấy chú đọc cuốn nào như thế. Trước đó thì thím không rõ. Có cả tuyển tập đồng dao cơ á… Mà sao vậy cháu?” Yukiko bối rối không biết nên kể đến đâu, cha không nhờ chị giữ kín, bản thân chị cũng chẳng nghĩ ra lý do phải giấu vợ chú chuyện này. “Có thứ cha nhờ cháu gửi ạ.” Yukiko lấy từ túi ra chiếc phong bì mừng cài noshi, đưa cho Shinobu. “Cháu xin lỗi vì không gửi lời chúc sớm hơn. Chúc mừng chú thím sinh em bé!” “Không không, cháu khách sáo quá.” Shinobu giữ lễ nói cảm ơn, đoạn cúi đầu lia lịa. Có vẻ thím thực sự xúc động, mắt rưng lệ. Yukiko tiếp tục lấy ra gói quà bọc tại tiệm sách cũ Biblia. Đây mới là chuyện chính yếu. “Còn cái này nữa ạ, cha cháu nhờ gửi chú. Cuốn Hoa cam ba lá, tuyển tập đồng dao của Kitahara Hakushu…” Shinobu nghiêng đầu nghi hoặc. Có vẻ thím cũng thấy khó hiểu. “Cháu tò mò lý do cha tặng chú cuốn sách này. Thím biết vì sao không ạ?” “Thím không rõ chuyện sách vở lắm. Có lẽ phải hỏi trực tiếp chú mới biết được… Nó là sách của cha cháu à?” “Không ạ, cha cháu không có cuốn này. Khi nãy cháu mua ở tiệm sách cũ tên Biblia tại Kita-Kamakura…” Khuôn mặt Shinobu chợt bừng sáng. Quả nhiên là quen biết nhau thật. “Tiệm sách của Shioriko! Chú thím khá thân với người ở tiệm đó. Chủ tiệm là một cô gái trẻ. Tên Shinokawa Shioriko. Tính tình hơi lạ nhưng biết tất tần tật về sách đấy.” Xem chừng cô nhân viên đeo kính mà Yukiko gặp là chủ tiệm. Đúng là kì lạ. Nhìn thì ngại ngùng e thẹn, nhưng nhắc đến sách liền thao thao bất tuyệt. Cả những câu hỏi ngoài lề của Yukiko, cô ta cũng đáp lại dễ dàng. “Sao cháu lại mua ở Biblia?” “Tình cờ thôi ạ, tiệm đó nằm trên tuyến đường đến thăm chú thím… Cháu đã nghe cô Shinokawa kể hai nhà qua lại thân thiết với nhau.” “Chà, hai người trò chuyện nhiều nhỉ. Thế Shioriko có nói gì về cuốn sách này không?” Shinobu rướn người tới trước, tò mò hỏi. Có vẻ thím rất coi trọng những gì cô gái chủ tiệm nói. “À vâng… Cô ấy nói, ‘Không hẳn cuốn Hoa cam ba lá, mà chính hành động tặng sách mới hàm chứa ý nghĩa nào đó…’” Im lặng bao trùm. Shinobu trầm ngâm suy nghĩ, rồi thở dài một hơi như vừa ngoi từ dưới nước lên, “Xin lỗi cháu, thím không rõ ý câu ‘hành động tặng sách’ lắm.” Yukiko mơ hồ gật đầu. Thành thật mà nói, chị cũng không hiểu câu ấy mấy. “Nhưng thím giống cháu, băn khoăn lý do tặng sách. Nè, thím xem cuốn sách được không?” “Sao ạ!?” Yukiko cao giọng. Để thím mở cuốn sách cha gửi tặng chú liệu có ổn? “Chắc Masa… à chú, sẽ không để bụng đâu. Mắt chú không tốt, thím toàn đọc sách cho chú nghe mà. Nên tính ra sách của chú, thím mới là người đọc đấy.” Chắc chú sẽ không khó chịu với chuyện này thật. Nghĩ vậy, Yukiko im lặng trao cuốn sách đã bọc cho thím. Cẩn thận để không gây ra bất kì âm thanh nào, Shinobu bắt đầu mở gói giấy. “Khi quyết định kết hôn, chú thím đã kể chuyện gia đình cho nhau nghe.” Vẫn nhìn xuống, Shinobu tiếp tục nói. “Mẹ chú mất ngay sau khi ly hôn với ông cháu. Chú được gửi cho người họ hàng xa, trải qua cuộc sống khá chật vật… Thím nghe chú kể có người anh lâu rồi không gặp, nhưng không nói rõ hơn, thím không hỏi thêm. Khi ấy quan hệ của thím với gia đình cũng không tốt, nên còn nghĩ rằng người đồng cảnh ngộ như vậy quả phù hợp với mình.” Đứa bé dõi mắt theo tay mẹ. Hẳn đã bắt đầu buồn ngủ, mí mắt nó chùng xuống, nặng trĩu. “Giờ thím đã hiểu lý do chú không qua lại với gia đình, cũng thấy quả thật chẳng còn cách nào khác. Dù chú đã chịu đủ trừng phạt, nhưng vẫn khó được xung quanh đón nhận. Có người nhà gây ra chuyện tày đình như thế, hẳn gia đình cháu đã có những kí ức chẳng lấy làm dễ chịu. Nhưng chú không phải người xấu đâu. Khuôn mặt đáng sợ vậy thôi, chứ chú là người rất dịu dàng. Từ nhỏ đã gặp nhiều khổ đau bất hạnh, nên chú quen giữ chặt trong lòng, chẳng tâm sự cùng ai…” Yukiko thấy ngực nhói đau. Người phụ nữ này thật lòng yêu thương chú Masashi. Và không biết lý do thực sự khiến chú và gia đình Hirao tuyệt giao. Không biết chuyện chú lẻn vào phòng cháu gái mình giữa đêm. Nếu chị kể trắng ra, cuộc sống yên bình này chắc sẽ tan vỡ. Và cuộc đời có thêm một phụ nữ ôm con thơ sống vô định giống chị. “Sách đẹp quá nhỉ!” Shinobu lật cuốn sách khổ bunko vừa lấy khỏi gói giấy bọc. “A, thím biết bài ‘Khúc ru bên nôi[8]’! Trước đây thím từng nghe trên ti vi. ‘Khúc ca ngân mãi bên nôi, tiếng chim hoàng yến cất lời hót ru. Bé ngoan nằm giữa tiếng ru, bé ngoan nghe mãi gật gù ngủ ngon.’” Nghe giọng hát ru trong trẻo, đứa bé mơ màng thiếp đi trên đùi mẹ. Yukiko chăm chú nhìn khuôn mặt trông nghiêng của Shinobu. Nếu chú Masashi nối lại quan hệ với nhà Hirao, một lúc nào đó, người phụ nữ này sẽ rõ chân tướng. Nếu vậy, để người trong cuộc là Yukiko kể lại sự tình, liệu Shinobu có đỡ tổn thương? Đó đã là chuyện của rất lâu về trước, đến lúc này chị cũng không kiếm tìm lời xin lỗi hay chuộc tội. Chỉ là, ít ra bây giờ chị nên nói chuyện đó cho người phụ nữ này… “… Lạ nhỉ.” Nghe Shinobu thốt, Yukiko giật mình. Shinobu nghiêng đầu, xem vẻ suy nghĩ rất lung. “Cái gì ạ?” “Đây, chỗ này nè.” Shinobu giơ cuốn sách đang mở về phía Yukiko. Rướn mình nhìn vào, Yukiko thấy trang sách có lời bài “Hoa cam ba lá”. Khóc òa bên gốc ngọt lành Lòng người trao gửi chân thành xiết bao. “Nó khác lời ca thím biết. Không phải là ‘Khẽ cười bên gốc ngọt lành’ à!?” “Ôi, thật ạ?” Yukiko tròn mắt. “Từ nhỏ cháu cũng toàn hát lời giống như thím.” Nghĩ lại thì Yukiko chưa từng xác minh lời bài hát. Chị vẫn hát cho các con theo lời ca từng nghe thuở bé. Shinobu lấy điện thoại ra, lên mạng tìm kiếm, rồi ngẩng lên, “Quả nhiên, lời ca trong sách mới đúng.” Người cha vô cùng yêu mến Kitahara Hakushu của chị không thể nhầm lẫn đến vậy. Nên hẳn Yukiko đã nghe ở đâu đó và ghi nhớ lời ca sai này. “Nhưng sao chúng ta lại hát sai lời ở cùng một chỗ nhỉ?” Điểm này quả rất kì lạ. Lời ca không dễ nhầm, chẳng thể cho là trùng hợp. Khả năng hợp lý nhất là, Yukiko và Shinobu học lời ca đó từ cùng một người. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí Yukiko. “Thím Shinobu!” Lần đầu tiên chị gọi tên thím, “Ai dạy thím hát bài này vậy?” “Cũng không hẳn là dạy… Chú hay hát nó, nên thím nghe, rồi cứ thế thuộc lời lúc nào không hay.” Câu trả lời khớp với suy đoán của Yukiko. Chị khổ sở kìm nén nỗi kích động nơi đáy lòng. Tại sao một điều đơn giản như vậy mà chị chưa từng nhận ra? Khoảng ba mươi phút sau đó, Sakaguchi Masashi trở về. Trừ mái tóc bạc và những nếp nhăn thêm sâu trên khuôn mặt, nom chú chẳng khác hình ảnh trong kí ức Yukiko là bao. Chú không thắt cà vạt, nhưng mặc sơ mi trắng đứng cổ, nút áo vét cài chỉn chu. Nếu không xách hộp bánh, người ta dễ cho rằng chú là công chức hay nhân viên ngân hàng đang trú tại khách sạn trong chuyến công tác. Yukiko ra tận cửa đón chú. Ngạc nhiên vì người xuất hiện không phải vợ mình, chú tròn mắt sau cặp kính râm. “Lâu rồi không gặp cháu…” Masashi bắt đầu chào hỏi đúng phép xã giao, nhưng Yukiko đã giơ ngón trỏ ngăn lại, “Thím và em đang ngủ ở phòng trong.” Bế con trai về đệm ngủ của bé xong, Shinobu không quay ra nữa. Yukiko ngó vào thì thấy thím đang yên bình thiếp đi bên con. Có vẻ thím không cưỡng nổi cơn buồn ngủ ập tới lúc ru con vào giấc. Thấy Masashi ngại ngùng định đánh thức vợ, Yukiko vội ngăn lại. Chị vô cùng thấm thía nỗi cực nhọc của người mẹ có con thơ mới vài tháng tuổi. Cất hộp bánh vào tủ lạnh xong, Yukiko và Masashi cùng ra hiên. Hương thơm dịu mát ngọt lành của những quả cam chín lan tỏa trong không gian. Masashi ngồi quỳ thẳng lưng, cách Yukiko một khoảng. “Đã phiền cháu phải lặn lội xa xôi.” Masashi cúi thấp đầu trước đứa cháu gái. Yukiko giải thích sơ lược bệnh trạng của cha khi được hỏi rồi gửi lời chúc mừng chú có em bé, cuối cùng trao cuốn bunko Hoa cam ba lá cho Masashi. “Cha nhờ cháu gửi tặng chú.” Masashi lấy chiếc kính lúp lớn hình chữ nhật khỏi túi trong áo vét, đặt nó lại gần, rồi nhấc ra xa bìa sách. Một hồi lâu sau, chừng như đã đọc được nhan đề, chú hỏi, “Hoa cam ba lá… à?” “Tuyển tập đồng dao của Kitahara Hakushu. Chú từng đọc cuốn sách này chưa ạ?” “Chưa, đây là lần đầu. Kitahara Hakushu thì… chú chỉ biết mấy bài hát thôi.” Masashi khẽ lắc đầu. Điều này cũng nằm trong suy đoán của Yukiko. Cha không biết việc mắt chú giờ đã kém. Có lẽ mục đích của cha là để chú đọc lên lời bài Hoa cam ba lá trước mặt Yukiko. Nên ông mới bảo con gái mua sách, rồi yêu cầu chị bỏ công đến tận Zushi gặp chú. Thông điệp cha nhắn em trai chính là muốn Masashi kể cho Yukiko sự thật về bài đồng dao này, cũng như chân tướng mọi việc. Không nhất thiết phải là bản in này, chỉ cần cuốn sách gửi đi có nhan đề Hoa cam ba lá với lời bài hát bên trong là đủ. Cha không trực tiếp kể với Yukiko hẳn là bởi tình trạng hiện tại của ông không cho phép thuật lại một câu chuyện phức tạp. Thêm nữa, mẹ luôn có mặt cạnh cha trong bệnh viện. “Cháu đã luôn nhớ lời ca sai. Câu cháu biết là ‘Khẽ cười bên gốc ngọt lành’, nhưng lời ca đúng phải là ‘Khóc òa bên gốc ngọt lành’. Cháu đã luôn nghĩ người hát bài đồng dao này cho mình nghe là cha. Rằng cha đã đến ru những đêm cháu không ngủ được hồi vừa vào mẫu giáo… Nhưng sự thật không phải thế.” Yukiko dừng lời. Masashi im lặng chờ cháu gái nói tiếp. “Người vào phòng cháu những lúc ấy không phải cha, mà là chú đúng không?” Chú thường đi ngang phòng Yukiko để ra ban công hút thuốc. Nghe tiếng đứa cháu gái khóc, chẳng lạ nên chú ngó vào xem sự tình. Tuổi cha và chú không chênh lệch nhiều, dáng vẻ và giọng nói cũng tương tự. Do còn quá bé nên trong bóng tối, Yukiko đã không phân biệt được hai người. Bỗng nhiên, Masashi quay về phía cây cam ba lá. Tia nhìn hơi lệch khỏi những trái cam vàng óng, hẳn chú không trông rõ. “Chú không có ý giả làm anh ấy.” Masashi thì thầm. Sự cứng nhắc trong cách nói và giọng điệu bỗng biến mất. Cứ như một người chú đúng nghĩa chợt xuất hiện. “Bị Yukiko tưởng nhầm thành cha, chú nghĩ không nên nói thật. Biết đó là chú, hẳn cháu sẽ chỉ thấy sợ hãi… À không, còn lý do khác nữa. Quả thật chú rất vui khi được cháu gọi là cha. Vì chú đã nghĩ cả đời này sẽ không bao giờ được nghe tiếng ấy. Xin lỗi vì đã dối cháu.” Masashi cúi đầu xin lỗi. Còn một lý do khác khiến chú không nói ra sự thật. Tiết lộ chuyện đó cũng tức là chỉ ra rằng khi ấy cha không hề đến xem con gái ra sao, mà vẫn mải miết làm việc tại thư phòng như mọi bận. “Vì cha thích Kitahara Hakushu, nên dù chỉ nhớ mang máng, chú vẫn hát cho cháu nghe bài đó ạ?” “Đúng là chú chọn nó cho đúng với sở thích của anh, nhưng chú không nhớ nhầm lời đâu. Chú biết rõ lời ca gốc.” “Vậy ạ?” Chú gật đầu, “Tuy không phải nhan đề này, nhưng chú từng mượn anh ấy một tuyển tập đồng dao khác của Hakushu.” Hình ảnh Masashi đọc sách ở ban công nhà Hirao hiện lên trong đầu Yukiko. Hẳn khi đó chú đang đọc cuốn sách vừa nêu. “Bấy giờ cứ hát đến đoạn ‘khóc òa’ chú lại thấy lòng không vui… nên đã tự ý đổi lời. Tự lúc nào, lời ca đó đã ăn sâu vào đầu chú. Chú chỉ định thay đổi ca từ cho phù hợp với mình, không ngỡ người khác cũng nhớ nó.” Masashi nở nụ cười cay đắng. Cuộc sống từng dồn chú vào bước đường cùng. Mất cả công việc và chỗ ở, phải khó khăn lắm chú mới chuyển vào nhà Hirao. Nghĩ lại khoảng thời gian đó, Yukiko nhận ra nhiều điều kì lạ. Tại sao rõ ràng túng quẫn tiền bạc nhưng chú thường xuyên ăn ngoài? Tại sao chú không nhờ mẹ việc giặt giũ mà phải đến tiệm giặt đồ tự động? Hôm diễn ra lễ tang bà bác, mẹ đã nhăn mặt khi nghe chuyện cha giục chú kết hôn. Biểu cảm nom chỉ như đùa cợt, nhưng đó chẳng phải ác ý thì gì? Trong khoảng thời gian chú sống cùng gia đình Hirao, mẹ đã đối xử với chú thế nào mỗi khi không có ai nhìn thấy? “Tuy đã tự ý thay đổi lời bài hát, nhưng chú nghĩ đoạn ‘khóc òa’ thật đẹp. Khóc òa đấy, nhưng lời ca phía sau lại là ‘lòng người trao gửi chân thành xiết bao’… Bởi nhận được lòng tốt của ai đó, nên ta có thể lạc quan nghĩ rằng mọi người đều thật chân thành, nồng hậu. Với chú câu ấy mang ý nghĩa như thế, và người đã trao gửi lòng tốt là anh Kazuharu” . “Trao gửi lòng tốt ư?” Yukiko buột miệng. Masashi gật đầu, “Anh đã cưu mang chú, cho một người không còn chốn để đi như chú về ở tạm nhà mình. Anh cũng chính là người nhờ bà bác ở Funabashi giới thiệu chỗ làm cho chú. Chẳng có ai khác ngoài anh động viên chú lập gia đình… Đến tận bây giờ, không khi nào chú quên điều đó.” Cha đã mặc em trai bị vu khống. Cha biết việc chú ru Yukiko ngủ, nên đêm đó chắc hẳn ông cũng đoán ra rằng chú chẳng hề có ác ý gì khi vào phòng Yukiko. Kẻ khác nói xấu chú, cha chưa một lần lên tiếng bênh vực. Dù người dỗ dành khi con gái ông khóc giữa đêm là em trai, cha vẫn vờ như mình làm việc đó. Nhất định chú cũng biết điều ấy. Nhưng lại quyết định chỉ giữ trong tim lòng biết ơn. Lòng người trao gửi chân thành xiết bao. “Chú đặt tên con trai là Naoharu. Chú đặt dựa theo tên anh trai đấy.” Từ nãy đến giờ, Masashi như thông qua Yukiko để tâm sự cùng anh trai. Dù vậy, chú chưa hề mở miệng nhờ Yukiko chuyển lời. Có lẽ chú đã chẳng trông mong nối lại mối quan hệ từng một lần đứt gãy. Yukiko có hỏi về chuyện quá khứ, chắc chú cũng không kể gì thêm. Nếu hôm nay chị không tự nhận ra, hẳn chú cũng chẳng định tiết lộ điều gì. Khoan nói đến cha, mẹ không muốn có bất kì quan hệ gì với chú Masashi. Mẹ có nỗi khổ tâm và trăn trở của mình, dù Yukiko không rõ là gì, nhưưg hẳn mẹ có lý do riêng mới mang ác ý với chú. Cứ cố nối lại mối quan hệ, ai đó sẽ bị tổn thương. Dù sao, thân cây cam ba lá cũng toàn gai xanh sắc lẻm. Nhưng đâu nhất thiết phải khăng khăng giữ tình trạng này mãi. Trước mắt mình cứ trao đổi liên lạc với thím Shinobu đã! Yukiko quyết định. Hẳn thím Shinobu cũng sẽ tán thành. Khi bé Naoharu lớn thêm chút nữa, mọi người sẽ thử gặp nhau, mang theo cả tụi trẻ con. Hãy bắt đầu từ đó. Hãy hi vọng rằng mối quan hệ khác với trước giờ sẽ dần hình thành theo thời gian trôi. Mong đến một ngày, bông cam ba lá trắng muốt nở rộ. Mong một ngày, mùa cam vàng mọng sẽ lại ghé qua. “… Đó, câu chuyện đại khái là vậy.” Kể xong, Shioriko theo dõi phản ứng của con gái. Tobirako lật ngược cuốn Hoa cam ba lá, kiểm tra phần bìa sau và gáy sách. Hai mẹ con vẫn đang ngồi cạnh quầy trong tiệm sách cũ Biblia. “Con thấy sao?” “… Chẳng thú vị mấy. Con không hiểu lắm.” Tobirako đáp mà không buồn ngẩng mặt. Đúng vậy, Shioriko thầm đồng tình. Cô nghĩ mình đã thất bại. Có nhiều đoạn cô không thể kể rõ như mong muốn. Cô không đả động đến chi tiết Sakaguchi Masashi có tiền án, nên chẳng thể xem là đã tóm tắt đầy đủ câu chuyện gần với cuốn sách này. Bản tóm lược của cô y hệt một cuốn sách bị in thiếu lỗ chỗ. “Dù sao thì chuyện đến đây là hết.” Shioriko gượng chốt một câu, đứng lên, cầm cuốn Hoa cam ba lá trong tay con gái đặt lên quầy. Trở lại nhà chính, Shioriko đi về phía cửa ra bãi đỗ xe thì nghe tiếng bước chân khe khẽ của Tobirako chạy theo sau. “Thế cuốn sách của cha thì sao ạ? Tiếp theo mình tìm ở đâu vậy mẹ?” Shioriko nhăn nhó. Cô đang tìm cuốn sách bọc bìa da màu lam của Daisuke. Shioriko đã định dùng câu chuyện về cuốn sách khác để đánh lạc hướng hòng khiến con bé quên vụ đó, nhưng xem ra bất thành. “Nó không có trong tiệm, nên mình sẽ tìm chỗ khác phải không mẹ? Mẹ đi lối này nghĩa là mình sẽ tìm trong xe ạ?” Giọng Tobirako lanh lảnh. Cô bé đoán trúng phóc. Quả là đối thủ không dễ qua mặt. Đứng ở lối ra vào, Shioriko ngoảnh nhìn con, miễn cưỡng gật đầu, “À ừ.” Hôm qua khi ở quầy, chồng cô đã bỏ cuốn sách bọc bìa da màu lam vào túi trái tạp dề. Lúc ấy có khách đến bán sách, nên anh bận tiếp họ. Vị khách mang theo cả đống tạp chí cũ, phần lớn là tạp chí tiểu văn hóa[9] những năm 1980. Biblia không bán loại tạp chí này ở tiệm, nhưng mang ra chợ sách cũ thì vẫn có giá nhất định. Nói vậy nhưng cũng cần chỗ để, nên sau khi mua đống tạp chí, Daisuke quyết định đem về nhà mẹ. Quán cơm Gora mà gia đình chồng cô từng mở nay được sử dụng như kho chứa sách cũ. Ngại gọi quán cơm mà bà ngoại từng trân trọng là nhà kho nên Shioriko luôn dùng những cách nói lấp lửng như “Ofuna” hay “bên Ofuna”. Nhưng Daisuke thì chẳng ngại ngần gọi nó là “nhà kho”, “kho ở Ofuna” hoặc “kho chứa ở nhà bên kia”. Anh chở tạp chí đi bằng xe van. Khi rời tiệm, anh mặc áo len cổ tròn bên ngoài, thắt tạp dề, nhưng khi về thì chỉ còn chiếc sơ mi. Toát mồ hôi vì vận chuyển bao nhiêu tạp chí nên anh đã cởi áo len và tháo tạp dề. Mỗi lần làm vậy, Daisuke thường để quên áo. Shioriko xỏ xăng đan, ra khỏi nhà chính, tiến lại chiếc van trắng. Đúng như cô nghĩ, áo len và chiếc tạp dề trơn nằm vo tròn trên ghế phụ. “Có sách của cha không mẹ?” Tobirako nhún người nhảy lên xuống, cố nhòm vào trong. Shioriko im lặng mở cửa xe. Luồng khí ấm đọng trong xe tràn ra ngoài. Shioriko tìm trong túi tạp dề. Nào bút bi, máy tính, dao rọc giấy, toàn những vật dụng công việc, nhưng chẳng thấy cuốn sách nào. “Nhét vừa túi tạp dề thì hẳn là sách khổ nhỏ nhỉ. Bunko chăng?” Suy luận của con gái quả sắc bén. Cuốn Shioriko đang tìm đúng là sách khổ bunko. “Ừm, có lẽ vậy.” Cô hờ hững đáp. Hồi nhỏ mình cũng làm khó cha mẹ vậy sao? Shioriko tự hỏi. Dù rằng mẹ cô lại khá thích kiểu đối đáp này. “Nào, tìm tiếp thôi!” Shioriko đưa tay chống nạnh. Thành thật mà nói, cô cũng bắt đầu thấy hào hứng với việc tìm sách. “Con cũng tìm, con cũng tìm!” Tobirako hô ầm lên. Hai mẹ con chui vào xe van. Chẳng thấy sách trong hộc tì tay hay hộc dưới táp lô. Cũng không rơi xuống khe ghế. Kiểm tra cả khoang chở đồ, nhưng vẫn chẳng thấy, Shioriko tạm ra khỏi xe và suy nghĩ. Hình như ở quầy thanh toán trong tiệm… À không, có khi là bên kho sách. Daisuke đã nói thế lúc gọi điện. Vậy thì có khả năng anh bỏ quên sách ở nhà mẹ bên Ofuna. Nói mới nhớ, chỉ chở đồ nhưng hôm qua anh đi lâu hơn bình thường. Hẳn là anh vừa làm vừa đọc. “A!” Giọng Tobirako vang lên. Shioriko ngoảnh lại phía khoang chở đồ thì thấy chồng tạp chí đổ ra lộn xộn trong góc. Do Tobirako chạm vào làm bung dây thắt. Là Tập san Famicom[10], tạp chí cũ về máy chơi game gia đình, hàng chữ “Số đầu tiên” màu đỏ viết tháu trên bìa. Có cả những sách dạy chiến lược game xuất bản cùng thời. “Tiệm nhà mình mua cả sách về game hả mẹ?” “Đúng vậy. ” Shioriko buộc lại chồng tạp chí. Đây là một phần của số sách Daisuke đã thẩm định rồi mua hôm qua. Một bộ sưu tập khá đầy đủ. “Vì sao thế mẹ? Tiệm nhà mình bán sách cũ mà.” “Sách về game cũng là sách cũ đấy thôi. Chỉ cần có người trân trọng giữ gìn và có người muốn mua lại, thì bất cứ cuốn nào tiệm sách cũ cũng giao dịch.” “Hừm,” Tobirako chưa bị thuyết phục. “Có người trân trọng giữ gìn ạ?” “Đương nhiên. Nhiều là đằng khác ấy.” Trong những khách hàng thường xuyên lui tới tiệm Biblia, có người chuyên sưu tầm tạp chí cũ về game. Hẳn Daisuke nhớ ra điều đó nên đã mang về tiệm một phần hàng vốn định để bán ở chợ sách cũ. Dù là thể loại nào, trong mỗi cuốn sách cũ đều chứa đựng câu chuyện của người chủ sở hữu nó. Shioriko chợt nhớ tới một vị khách. Năm cô kết hôn với Daisuke, không lâu sau khi xảy ra vụ việc xoay quanh cuốn Hoa cam ba lá, cô đã gặp vị khách ấy cùng cuốn sách về game đã kết nối kí ức của bà với thành viên gia đình. “Nè, mẹ biết một câu chuyện xảy ra quanh cuốn sách liên quan đến game đấy, con muốn nghe chứ?” “Vâng, con muốn nghe!” Tobirako lập tức lao đến. Hai người ngồi xuống ngay dưới cánh cửa sau đang mở của chiếc xe van. Shioriko hắng giọng. Chắc chắn lần này cô sẽ kể được nhiều điều hơn câu chuyện về cuốn Hoa cam ba lá khi nãy. “Chuyện xảy ra vào năm cha mẹ lấy nhau, đúng dịp Giáng sinh…” Chuyện thứ hai Cuốn sách kỉ niệm của con và mẹ Bước vào khu phố mua sắm Motomachi của thành phố Yokohama, dễ thấy cây Giáng sinh xanh đỏ được trang hoàng khắp chốn, kính trưng bày của cửa hàng cũng lấp lánh chuông và ruy băng. Nghe bảo chịu ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần Tohoku, các tỉnh chỉ tổ chức sự kiện cuối năm ở quy mô khiêm tốn. Nhưng với người chưa từng đến những địa điểm thế này vào dịp Giáng sinh như tôi, mọi thứ lộng lẫy quá sức. Đến tối, đèn nhấp nháy hẳn sẽ còn khiến nơi này lung linh hơn nữa. Chẳng thế mà các cặp đôi dắt nhau đến đây hẹn hò tạo kỉ niệm. “… Toàn các cặp đến hẹn hò anh nhỉ?” Người con gái để tóc dài, đeo kính đi cạnh tôi thì thầm như thể chuyện ấy chẳng liên quan đến mình. Cô nghĩ giống hệt tôi. Áo khoác trắng cùng váy ca rô màu lục không ăn nhập với không khí Giáng sinh. Dáng người cân đối hài hòa, nhưng cây gậy kim loại cô xỏ bên tay phải lại khiến người ta để ý hơn. Cô gái này là Shinokawa Shioriko, chủ tiệm sách cũ Biblia. Tôi bất giác nhìn quanh. Ngoài vài nhóm gia đình, dễ thấy còn lại toàn là các đôi nam nữ ở tuổi chúng tôi. “Thì chúng mình cũng là một cặp mà.” Tôi giơ bàn tay trái có chiếc nhẫn lồng ở ngón áp út. Chiếc tương tự lóe sáng nơi bàn tay trái của Shioriko. “Dạ? À, vâng, đúng vậy, nhưng…” Shioriko chỉnh gọng kính nhằm che giấu đôi má ửng đỏ. “Nhưng cũng hơi khác đúng không…? Vì chúng mình, là vợ chồng, mà.” Cô thẹn thùng bổ sung. Đã hai tháng trôi qua kể từ khi nhập hộ khẩu và bắt đầu sống chung dưới một mái nhà, tôi vẫn chưa thực sự cảm thấy chúng tôi là vợ chồng. Tôi tỏ tình rồi bắt đầu hẹn hò với Shioriko vào tháng Năm, tức mới chỉ khoảng nửa năm trôi qua. Tôi vẫn chưa thoát khỏi trạng thái coi cô là người yêu. Tên tôi là Gora Daisuke. À không, sau khi kết hôn, tôi đã đổi thành Shinokawa Daisuke. Tôi yêu quý họ Gora của mình, nhưng nếu một trong hai vợ chồng phải đổi họ, không hiểu sao, tôi cảm thấy đó nên là mình. Nên tôi quyết định chuyển họ thành Shinokawa. Dù vậy, bình thường tôi vẫn sử dụng họ cũ, nên trừ người nhà chưa ai biết việc tôi đổi họ. Shioriko đột nhiên quay đầu nhìn sang vỉa hè đối diện. Một cặp vợ chồng có tuổi mặc áo khoác dài có vẻ chung thương hiệu, dáng điệu thanh lịch khoác tay nhau bước trên vỉa hè. Trên tay cả hai đều không xách đồ, xem chừng họ sống gần đây. “Người quen à em?” “Không ạ… không phải.” Không quen nhưng sao Shioriko để ý họ quá. Lát sau, cô bất ngờ khoác tay tôi. Khuôn mặt đỏ ửng vẫn hướng ra trước, môi mím chặt giấu đi ngượng ngùng. Hóa ra em muốn khoác tay ư! Sợ cô dỗi nên tôi không nói ra miệng. Nhắc mới nhớ, khoảng này năm ngoái, chúng tôi vẫn chưa hẹn hò. Năm nay là năm đầu tiên tôi và Shioriko đón Giáng sinh cùng nhau. Chỉ có điều chúng tôi không còn ở giai đoạn hẹn hò, mà đã là vợ chồng. “Trên đường về, chúng mình ghé đâu đó uống trà nhé?” Tôi hỏi. Chỉ còn cách đó vợ chồng chúng tôi mới được tận hưởng hương vị Giáng sinh hai người. Chúng tôi không định tổ chức Giáng sinh ở nhà. Bởi Ayaka, giờ là em vợ tôi, hiện đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học, nên chúng tôi chỉ định mua bồi bổ con bé cái bánh nó thích là xong. “Em cũng muốn vậy… Nhưng mình có thời gian không?” Shioriko đáp. Đúng là tôi cũng có chung ý nghĩ. Rời khỏi khu phố mua sắm Motomachi, chúng tôi leo lên con dốc thưa người. Khu vực Yamate ở Yokohama vốn là khu cho người nước ngoài định cư, nơi đây có những biệt thự kiểu Tây và nhà thờ cổ được công nhận là tài sản văn hóa. Một địa điểm du lịch nổi tiếng, đồng thời cũng là khu tập trung giới thượng lưu hàng đầu Nhật Bản. Hôm nay, chúng tôi đến Yokohama không phải vì công chuyện hay giao dịch của tiệm. Mà bởi một phụ nữ sống ở đây nhờ chúng tôi tìm giúp một cuốn sách hiện không rõ tung tích, và chúng tôi đã nhận lời. Người nhờ là bạn đại học của Shinokawa Chieko mẹ Shioriko, nay là mẹ vợ tôi. Vốn đây là việc của mẹ vợ, nhưng nhân vật chủ chốt đó lại đang chu du ở nước ngoài. Bà đã tự tiện nhận lời bạn, “Tôi sẽ bảo con gái đi thay.” Kiểu ủy thác trên trời rơi xuống này, mẹ vợ mà đẩy cho chúng tôi thì phía sau thường có ẩn tình gì đó. Tuy linh tính rằng sẽ phiền phức, nhưng quả đúng là người ta đang gặp khó khăn, nên chúng tôi khó lòng từ chối. Có điều, vào cuối năm, chúng tôi thường nhận nhiều yêu cầu thu mua sách tại nhà. Nên để tranh thủ thời gian, hai vợ chồng quyết định đến thăm người bạn của mẹ vào buổi chiều rảnh rang hiếm có trước đêm Giáng sinh. Chi tiết câu chuyện, mẹ bảo chúng tôi tự hỏi khi gặp trực tiếp người nhờ. “Có vẻ là đây!” Shioriko dừng lại giữa lưng chừng dốc. Tôi tròn mắt. Sau cánh cổng là biệt thự bê tông khối hiện đại, trông như một hình hộp khổng lồ với những cột trụ. Cửa cuốn ga ra đóng im im, diện tích bên trong hẳn đủ lớn để chứa khoảng ba, bốn chiếc xe. Tôi đã đoán vị khách không phải dạng vừa, nhưng không nghĩ bà giàu có đến mức này. Tấm bảng tên ngoài nhà đề “Isohara”. Nhấn chuông đàm thoại và nêu lý do viếng thăm, chúng tôi chợt nhận ra vẫn đang khoác tay nhau bèn vội tách ra. Sắp gặp mặt vị khách nọ, không nên phát đường trắng trợn như thế. Một người phụ nữ đứng tuổi với mái tóc dài ngang vai xuất hiện ở cửa nhà. Da bà trắng, mắt, mũi đều nhỏ và cách xa nhau, dáng vẻ thanh tao khiến người đối diện dễ liên tưởng đến búp bê gỗ truyền thống. Bà vận áo len mỏng cổ cao và quần màu be, kiểu trang phục thường ngày nom giản dị nhưng đường may rất khác loại quần áo rẻ tiền. Hẳn là sản phẩm thuộc thương hiệu nổi tiếng. “Rất vui được gặp cô. Cháu là Shinokawa ở tiệm sách cũ Biblia ạ… Cảm ơn cô đã luôn giúp đỡ mẹ cháu.” Shioriko cúi đầu. Người phụ nữ ngạc nhiên, “Không đâu, tôi mới nên cảm ơn. Tôi là Isohara Miki, người gọi điện. Phiền cháu phải lặn lội đến tận đây. Tôi có nghe nói, nhưng quả thật cháu giống mẹ thật. Tôi bất ngờ lắm.” Giọng bà nghèn nghẹt, đơn điệu, nghe không ra bất ngờ. Bà hơi thờ ơ, như thể tâm trí đang bị chi phối bởi việc khác. “Xin mời vào.” Không đợi Shioriko đáp lại, người phụ nữ đã đi thẳng vào nhà. Nội thất cũng tuyệt đẹp. Tôi từng đến thu mua sách cũ tại nhà cổ kiểu Tây, biệt thự kiểu Nhật, nhưng đây là lần đầu được thấy một tòa nhà có sảnh vào lát đá cẩm thạch. Cạnh sảnh là quầy bar gia đình và phòng tiếp khách có kê piano. Tôi đinh ninh sẽ nói chuyện với chủ nhà tại đó, nhưng lại được dẫn lên một phòng khách lớn ở tầng hai. Cách đối đãi xem ra là dành cho khách đến chơi nhà chứ không phải người đến vì công việc. Bước vào phòng khách, tôi lập tức hiểu lý do nó được đặt ở tầng hai. Từ đây nhìn thẳng ra khu phố Tàu và công viên Yamashita qua vách kính choán trọn mặt tường. Tòa nhà cao ngất, đứng từ xa cũng thấy rõ kia hẳn là Landmark Tower ở Minato Mirai. Nơi này có thể dùng làm bối cảnh quay phim truyền hình hay điện ảnh ấy chứ. Tôi và Shioriko được mời ngồi xuống sofa bọc da, vị trí hoàn hảo nhất để ngắm khung cảnh bên ngoài. Isohara Miki ngồi đối diện. Một phụ nữ lớn tuổi, có vẻ là quản gia, khẽ khàng đặt cà phê xuống bàn rồi đi mất. “Nhà cô đẹp thật đấy ạ.” Shioriko vụng về khen. Thật chẳng biết nói gì khác khi được dẫn đến một nơi thế này. “Nó khá cũ rồi, tốn nhiều phí bảo trì lắm.” Chúng tôi gật đầu nhìn quanh. Theo thói quen khi thu mua tận nhà, chúng tôi vô thức đưa mắt tìm kiếm sách. Đáng tiếc căn phòng này chẳng có giá sách nào. Chỉ thấy chiếc ti vi to tướng, không đoán nổi bao nhiêu inch, và một lò sưởi bằng đá khổng lồ. “Cô sống ở đây lâu rồi ạ?” “Ừ, cũng được hơn ba mươi năm. Khi tôi lấy chồng, hai thế hệ quyết định sống chung một căn nhà nên cha tôi, khi ấy đang điều hành một công ty, đã xây nhà này. Cha mẹ tôi mất rồi, chồng tôi hiện làm việc ở nước ngoài… Giờ chỉ còn mình tôi sống tại đây.” Sự im lặng kì lạ bao trùm. Shioriko đặt tách cà phê xuống, ngồi thẳng lưng. “… Cháu nghe bảo cô đang tìm một cuốn sách.” “Đúng vậy, cuốn sách lẽ ra con trai tôi đang giữ. Tôi thực sự muốn tìm nó.” Isohara Miki hướng mắt về phía lò sưởi. Một bức ảnh lớn đặt trên bệ lò. Người đàn ông trong ảnh hơi mập, để đầu trọc và đeo kính, đang cười ngượng nghịu. Ảnh chụp ở chính phòng khách này. Dưới áo khoác nỉ màu xám đã nhăn nheo là chiếc áo phông in hình nhân vật truyện tranh Mỹ. Trông anh ta lớn tuổi hơn vợ chồng tôi. Không xét gu thời trang, đường nét khuôn mặt anh giống hệt người phụ nữ đang nhờ chúng tôi tìm sách. “Đó là ảnh con trai cô ạ?” Tôi bất giác hỏi. “Ừ, con trai tôi đó, tên nó là Hidemi.” Hậu cảnh và nhân vật chính trong ảnh đối lập dữ dội, nhưng tôi lại thấy nhẹ nhõm hơn đôi chút. Trong căn phòng đem lại cảm giác phi thực tế này, chỉ có người trong bức ảnh kia là mang hơi thở của cuộc sống bình thường. “… Hai tháng trước, nó đã qua đời ở tuổi 31, do xuất huyết dưới màng nhện.” Không khí chùng xuống đến lạnh người. Qua đời hai tháng trước, tức là lễ bốn chín ngày mới đây thôi. Người phụ nữ này trông như mất hồn cũng là lẽ đương nhiên. ‘‘Chúng cháu chân thành chia buồn với cô.” Shioriko căng thẳng nói. Chúng tôi cùng cúi thấp đầu. “Nếu được, xin phép cô cho cháu thắp nén nhang…” “Cảm ơn cháu đã quan tâm… Nhưng nhà tôi không lập bàn thờ. Con trai tôi kết hôn rồi dọn về sống tại căn hộ ở Ofuna, bàn thờ đặt bên ấy.” Tôi không khỏi ngạc nhiên khi bà nhắc đến Ofuna, nơi có nhà đẻ của tôi. Nói vậy, con dâu bà hiện vẫn sống trong căn hộ đó. “Còn, về cuốn sách tôi muốn nhờ các cháu tìm thì…” Bà Miki hơi nhổm về phía vợ chồng tôi. Hẳn bà định tiếp tục câu chuyện để hai đứa khỏi ngại. Shioriko cũng nhanh chóng tiếp lời, “Vâng, nó là cuốn sách thế nào ạ?” “Thú thật, tôi không rõ cả tên sách lẫn nhà xuất bản.” “Vậy là sao ạ?” Shioriko chớp mắt. “Vài ngày trước khi con trai mất, tôi nhận được cuộc gọi hiếm hoi của nó. Nó là đứa ít khi liên lạc với gia đình, thậm chí ngày Tết cũng chẳng thấy mặt…” Tôi thấy hơi lạ. Từ Ofuna đến Yamate đâu xa mấy. Thường sẽ qua lại nhiều mới phải. “Hồi hè thì phải, tôi vào kho đồ dọn ra các vật dụng của con trai hồi còn ở đây, gói lại gửi đến căn hộ nó sống. Nó gọi điện để cảm ơn. Con trai tôi kể, trong các vật dụng ấy, có một cuốn sách kỉ niệm giữa tôi và nó.” “Sách kỉ niệm… con trai cô nói vậy ạ?” Shioriko xen lời. Bà Miki gật đầu. “Ừ, nó nói rành rọt là ‘cuốn sách kỉ niệm của con và mẹ’. Nhưng tôi lại chẳng có chút khái niệm gì về cuốn sách như thế.” “Cuốn sách nằm trong đống đồ cô gửi đến chỗ con trai mà nhỉ?” “Đúng vậy… Nhưng tôi không kiểm tra từng thứ. Vì đúng là sách, mỗi tội toàn sách vô ích như truyện tranh với tạp chí.” Bà Miki nhăn mặt tựa như thấy thứ gì dơ dáy lắm. Nếu chưa kiểm tra kĩ đống đồ, làm sao bà biết toàn thứ “vô ích”? “Khi tôi nói với con trai rằng không biết là cuốn sách nào, nó đã cười và bảo, ‘Lần tới con sẽ gửi tặng mẹ, từ giờ đến lúc đó mẹ nhớ lại đi nhé!’ Nhưng lần tiếp theo tôi nhận được liên lạc, nó đã ở viện. Nghe nói nó ngất khi đang làm việc… Lúc nó nằm trên xe cấp cứu, tình hình đã vô phương cứu chữa.” Người phụ nữ thở dài theo dòng hồi tưởng. Nói cách khác, đối với bà, cuốn sách giống như kỉ vật của con trai. “Con dâu cô biết cuốn sách đó không ạ?” “Nó bảo không biết, nhưng sẽ gửi nếu thấy.” Giọng bà Miki pha lẫn khó chịu. Thái độ không mấy thiện cảm với con dâu. “Nghĩa là cuốn sách đang ở đâu đó trong căn hộ của con trai cô ạ?” Nghe Shioriko xác nhận lại, bà Miki do dự đồng tình. “Tôi nghĩ vậy. Nhưng nó nhiều sách lắm, có xem tôi cũng chẳng rõ cuốn nào ở đâu… ừm, cả Chieko lẫn các cháu đều thông thạo vụ tìm sách phải không? Năm ngoái mẹ cháu đến mua bộ sưu tập sách của cha tôi, cô ấy khoe như thế đấy, còn bảo ‘Tiệm sách cũ Biblia tiếp nhận mọi loại yêu cầu liên quan đến sách cũ’.” Càng về cuối bà nói càng nhanh, âm điệu cũng cao lên. Chúng tôi liếc nhau. Bà mẹ vợ của tôi đã tự tiện nói vậy sao. Shioriko chậm rãi trình bày, “Cháu không rõ mẹ thế nào… Cháu từng nhiều lần nhận giải quyết mắc mứu của các khách hàng gặp vấn đề về sách. Nhưng dù gì công việc chính của cháu vẫn là mua bán sách cũ, nên nói là thông thạo việc tìm sách thì có hơi quá…” “Nhưng cháu biết tường tận về sách đúng không? Chieko đảm bảo với tôi rằng cháu rất phù hợp với việc tư vấn, truy tìm kiểu này.” “Còn nhiều người rành về sách hơn cháu. Mẹ cháu chẳng hạn… Nếu xét trên thế giới thì cháu nghĩ mẹ thuộc nhóm tường tận. Cháu chỉ biết đại khái vài thể loại thôi ạ…” Shioriko bối rối trả lời. Bà Miki dựa lưng ra sofa, nom rất nhẹ nhõm. Xem chừng bà coi lời đáp này là câu khiêm tốn. “May quá, may mà cháu nhận lời. Tôi cứ lo yêu cầu của tôi không thích hợp nhờ đến tiệm sách cũ quy củ như nhà cháu.” Dự cảm không lành vẫn âm ỉ trong tôi từ lúc nhận yêu cầu đến giờ đột nhiên bùng lên mạnh mẽ. Shioriko cũng lộ vẻ lo âu tương tự. “Xin cô nói rõ hơn ạ.” “Khi tôi bảo không biết cuốn sách ấy, con trai đã gợi ý một điều… Cuốn sách kỉ niệm đó liên quan đến game.” “Game ạ?” “Tụi trẻ các cháu hẳn rõ hơn tôi chứ? Chính xác là video game.” Tôi nhìn chằm chằm Shioriko. Từ khi biết nhau tới giờ tôi chưa từng nghe cô đả động một chữ về game. Tôi đã hiểu lý do Shinokawa Chieko đẩy vụ này cho hai vợ chồng. Là vì Shioriko không hứng thú với game, có lẽ cũng chẳng có kiến thức gì về nó. Chúng tôi nhận yêu cầu này liệu có ổn không? Không! Rõ là chẳng ổn chút nào. Mặt Shioriko tái nhợt. Tôi còn đang phân vân có nên đỡ lời cô để từ chối vụ này, bà Miki đã cúi thấp đầu. “Trăm sự nhờ hai cháu!” Khoảng hai tiếng sau, chúng tôi rời nhà Isohara. Hai đứa mua bánh Giáng sinh tại một tiệm lâu đời ở Motomachi rồi lên tàu tuyến Negishi, từ lúc đó hầu như không ai mở miệng. Cả hai đều thấy kiệt sức. Sau khi nhận yêu cầu của bà Isohara Miki, chúng tôi chỉ ngồi yên, nghe bà hết khoe lại than về con trai. Là con độc đinh, từ nhỏ đã tinh tế, giàu cảm xúc, lại thông minh khôn khéo, Isohara Hidemi được cha mẹ đặt mọi kì vọng. Thành tích học tập xuất sắc, thể thao cũng vượt trội, tuy có phần hướng nội, anh vẫn là “đứa trẻ ngoan” với tính cách ôn hòa. Mong con mình sẽ có địa vị không thua kém người ông từng điều hành siêu thị thực phẩm nhập khẩu hay người cha công tác tại Bộ Ngoại giao, từ nhỏ cha mẹ đã cho Hidemi học tiếng Anh và tiếng Trung, rồi để anh tham gia lớp học vẽ nhằm trau dồi khả năng cảm thụ nghệ thuật. Mẹ cũng từng dạy anh piano. Nhưng anh không nhiệt tình lắm với việc thành người giỏi toàn diện, nên đã bỏ tất cả trước khi vào cấp ba. “Cái gì nó cũng học nửa vời… Ngoài ra, từ khi nó nhận thức được thế giới xung quanh, tôi có thêm một mối lo. Cuốn sách in nào tôi đưa, nó cũng không chịu đọc.” Tuy được người mẹ vốn tốt nghiệp đại học chuyên ngành văn học Anh mua cho cả tuyển tập văn học thiếu nhi từ khi còn rất nhỏ, Hidemi cũng chỉ xem lướt qua rồi ném đi ngay. Nhưng anh lại dồn tiền tiêu vặt mua rồi ngấu nghiến đọc truyện tranh và tạp chí manga thiếu niên thịnh hành ngày ấy. “Sau khi cha tôi mua tặng Hidemi máy chơi game vào dịp sinh nhật, tình hình trở nên bất thường thấy rõ. Cũng tại thằng bé liên tục đòi cái máy đó từ lúc nó được bán ra, rốt cuộc cả nhà mới phải đầu hàng mua cho. Từ đó, nó ngồi trước màn hình ti vi suốt ngày đêm… Hình như chơi cái gọi là game nhập vai. Nó cứ chơi mãi với vài phần mềm tự mua bằng tiền mừng tuổi. Đã nhiều lần tôi định vứt máy chơi game đi, nhưng lần nào nó cũng khóc ầm ĩ khiến tôi chẳng làm gì được.” Bà Miki kể về game cứ như nói về một căn bệnh ác tính. Thực tế có nhiều người đắm chìm vào game đến điên dại đầu óc, nên tôi cũng hiểu được nỗi lo của bà. Rốt cuộc, bà Miki ra điều kiện với Hidemi, tạm không vứt máy chơi game nhưng anh chỉ được chơi đúng số thời gian quy định trong ngày và không được để thành tích học tập sa sút. Hidemi tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu lớp, rồi thi vào một trường liên thông cấp hai và cấp ba nổi tiếng. “Hồi ấy tôi đã sai lầm khi an lòng để nó có chút tự do. Câu lạc bộ mỹ thuật nó tham gia thực chất chỉ là câu lạc bộ truyện tranh. Nó cùng đám bạn bè lén vẽ những bức họa thấp kém phỏng theo manga với anime…” Bà Miki cau mày, lắc đầu nhiều lần. Nghe chừng con trai bà đã thành otaku[11]. Sau khi đỗ khoa luật một trường đại học dân lập nổi tiếng, Hidemi không đến lớp mà hăng say hoạt động cùng nhóm bạn chung sở thích. Cuối cùng, anh được một nhà xuất bản chiêu mộ để vẽ bìa và tranh minh họa cho light novel, rồi bắt đầu làm việc như một họa sĩ minh họa chuyên nghiệp. Trở nên bận rộn, Hidemi bỏ học đại học giữa chừng. Cho đến khi qua đời, anh không chỉ vẽ minh họa mà còn thiết kế nhân vật anime và game. “Có tài quá còn gì?” Tôi ngạc nhiên thốt lên. Đó là thế giới tôi không thông tỏ, nhưng rõ ràng rất ít người làm được những việc như thế. Vậy mà mẹ anh lại cố chấp không công nhận con trai. “Nếu nó chỉ coi là sở thích thì chẳng nói làm gì, đằng này… Công việc bấp bênh đó duy trì được bao lâu? Đã cất công vào đến đại học, ít nhất cũng cố mà tốt nghiệp chứ? Đúng là cái thằng chẳng biết nghĩ cho tương lai…” Đang nói, bà Miki chợt nhăn mặt. Giờ thì Hidemi chẳng thể nghĩ cho tương lai được nữa. Bà không nói ra, tất nhiên chúng tôi cũng không. “Anh Hidemi kết hôn khi nào thế ạ?” Nghe Shioriko hỏi, bà Miki bắt đầu than phiền về con dâu. Cô nhỏ hơn Hidemi tận mười tuổi. Hai người không tổ chức lễ cưới mà đăng kí kết hôn luôn sau khi gặp nhau tại sự kiện nào đó diễn ra một năm trước. Cô ấy cũng là otaku thì phải, nên dù gặp mặt và nói chuyện, bà Miki vẫn chẳng thấy hợp với con dâu. “Tôi cảm thấy cô ta biết gì đó.” Bà Miki nhắc lại nhiều lần. Rằng hẳn con trai đã kể cho vợ nghe về cuốn sách. Rằng con dâu không muốn trao một phần bộ sưu tập của chồng cho người mẹ sớm xa cách con trai này nên cố tình ngậm tăm. Tuy biết bà Miki vừa mất người con duy nhất, nhưng trước thái độ khắc nghiệt và thiếu cảm thông của bà đối với niềm đam mê của anh ta, tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán. “Em tính nhận vụ này thật sao?” Sau khi đổi tàu sang tuyến Yokosuka ở ga Ofuna, tôi đành lên tiếng hỏi Shioriko. Qua một ga là đến Kita-Kamakura, nhưng vì có ghế trống nên chúng tôi ngồi cạnh nhau. “Vâng. Nếu em từ chối, e rằng cuốn sách sẽ không bao giờ được tìm ra.” Shioriko thú nhận cô cũng không biết liệu có tìm được cuốn sách không, nhưng sẽ cố hết sức. “Nhưng nghe chừng khúc mắc đấy… Với lại, em từng chơi game chưa Shioriko?” “Duy nhất một lần, tại phòng Ryu ạ.” Shioriko 1í nhí đáp. Ryu tên đầy đủ là Takino Ryu, bạn từ thuở nhỏ của Shioriko. Cô là con gái tiệm sách cũ Takino ở Konandai. “Ryu đã cười em vì không biết hướng điều khiển…” Xem ra Shioriko còn chẳng rành game bằng tôi. Không đến nỗi thích, nhưng nhà tôi cũng có vài máy chơi game gia đình. Từng có thời mẹ tôi nghiện game RPG, trong nhà toàn những series thịnh hành. Bản thân tôi cũng từng nhập vai phiêu lưu mạo hiểm giải cứu thế giới. “Khốn kiếp, ngoài đời mà cũng được thế này có phải tốt không!” Tôi từng lạnh sống lưng lúc nghe mẹ lẩm bẩm như thế sau khi đánh bại trùm cuối trong game. Nghe chừng công việc đã khiến bà stress lắm. “Nhưng em cũng biết ít nhiều về giá thị trường của những cuốn sách cũ liên quan đến game. Tiệm nhà mình không bán loại sách đó, nhưng đem ra chợ sách, có những cuốn được giá lắm.” Shioriko tiếp tục giải thích. “Loại nào thì được giá cơ?” “Sách phân tích chiến lược, loại dễ hiểu nhất trong sách cũ về game. Rồi thì tạp chí game. Số đầu của tạp chí định kì nổi tiếng, như Famitsu[12] chẳng hạn, sẽ được giá lắm. Sau hai loại trên, tạp chí chuyên ngành về phần cứng của những game không thịnh hành cũng có giá trị. Rất nhiều người mê game sưu tập. “Sách phân tích chiến lược cũng có giá của sách cũ sao?” “Tuy bây giờ lên mạng là tìm được thông tin chiến lược game, nhưng với loại game cũ, không mấy thịnh hành thì những cuốn sách dạy chiến lược lại viết chi tiết hơn. Cũng có khi ghi lại cả những bài phỏng vấn với các bên liên quan và hình minh họa nhân vật chưa được công bố trong game. Cùng lý do đó, tuyển tập tài liệu về cách cài đặt game cũng có giá trị cao… Daisuke, anh sao vậy?” Sững sờ trước lời giải thích trôi chảy, mãi tôi mới mở được miệng, “Anh không ngờ, tuy hầu như chưa từng chơi game nhưng em lại cặn kẽ về sách game đến thế.” “À không, thật ra… những điều đó em học được từ anh Renjo bên tiệm Takino.” Shioriko nói. Takino Renjo là chủ đời thứ hai của tiệm sách Takino, anh trai Takino Ryu. Anh chỉ bảo chúng tôi rất nhiều điều. Sau khi tiếp quản công việc kinh doanh tiệm sách, anh bắt đầu bán cả phần mềm trò chơi và DVD tại tiệm. Nhắc mới nhớ, tôi đã thấy khu vực game cổ điển của tiệm anh bày những cuốn sách phân tích chiến lược cũ. “Nhưng hẳn em cũng tỏ ra quan tâm thì anh Renjo mới chỉ cho chứ? Thật đáng nể.” Không chỉ kiến thức, mà sự ham học hỏi mọi điều về sách của Shioriko cũng thật đáng khâm phục. “Thực tế em không chơi game mà, nào có gì đáng nể chứ…” Dáng vẻ thẹn thùng, Shioriko chạm các đầu ngón tay vào nhau, tách ra, rồi lại chụm vào. “Chỉ là, thế gian có bao nhiêu người với vô vàn sở thích và lòng ham hiểu biết. Họ thu được tri thức gì từ sách? Họ thấy cuốn nào giá trị? Biết được những điều đó, em thấy lòng rất vui. Tất nhiên chuyện này cũng cần thiết cho công việc, nhưng em còn cảm thấy như đang chia sẻ suy nghĩ với họ.” Không ít thì nhiều, tôi cũng hiểu cảm giác của Shioriko. Dù gặp cuốn sách về lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với mình, nhưng thấy khách vui vì có được thứ họ mong muốn thì tôi cũng hạnh phúc lây. Niềm hạnh phúc còn tăng gấp bội khi được nghe khách kể lý do họ muốn có và duyên cớ khiến cuốn sách ấy là độc nhất vô nhị. “Em hi vọng cuốn sách kỉ niệm cô Isohara đang tìm phần nào sẽ giúp cô mở lòng với công việc và sở thích của con trai.” Tàu đến ga Kita-Kamakura, cuộc trò chuyện gián đoạn, chúng tôi xuống sân ga. Tất nhiên tôi cũng mong như vậy. Nhưng giờ chúng tôi thậm chí còn chưa biết “cuốn sách kỉ niệm với con trai” bà Miki đang tìm tên là gì. Tạm không bàn đến người con, tôi chẳng thể hình dung cảnh bà mẹ mua hay đọc một cuốn sách nào liên quan đến game. Khi chúng tôi mở cánh cửa trượt của tiệm sách cũ Biblia, cậu nhân viên làm thêm đang đứng phía sau quầy ngẩng khuôn mặt tròn lên. Vẻ ngoài không mấy nổi bật với cặp kính gọng đen và bộ đồ thể thao, kiểu tóc two block nhuộm nâu sáng là điểm nhấn duy nhất nói lên cá tính của cậu. “Xin chào quý… A, anh chị về rồi ạ!” Tamaoka Subaru nói. Cậu sống gần đây, hiện là học sinh cấp ba. Trước đây, chúng tôi quen cậu qua vụ lùm xùm xoay quanh bản in đầu cuốn Mùa xuân và Tu la của Miyazawa Kenji[13], rồi cậu thường xuyên lui tới cửa tiệm này. Cậu học khóa dưới cùng trường cấp ba với Shinokawa Ayaka, em vợ tôi. Giữa lúc chúng tôi gặp khó khăn vì không thể nhờ Ayaka giúp việc ở cửa tiệm vì bận ôn thi, cậu đã mở lời, “Nếu được, để em trông tiệm thay chị Ayaka cho!” “Có gì mới không em?” Nghe Shioriko hỏi, Subaru chỉ vào ngăn trên của giá sách gần quầy. Trong khu vực xếp các bộ tiểu thuyết toàn tập có một chỗ bỏ trống. “Nãy em vừa bán Hisao Juran toàn tập. Với cả có vài khách quen ghé qua. Không có yêu cầu thu mua sách ạ.” Tuy khuôn mặt hơi cau có nhưng Subaru trả lời rất rành mạch. Cậu cũng hoàn thành việc đổi vị trí các cuốn đồng giá 100 yên mà tôi nhờ làm khi có thời gian. Trên mặt quầy là cuốn bunko úp ngược, bọc sách màu đen đặc trưng của tiệm khác. Xem chừng cậu đã đọc sách của mình khi rảnh. “Thế à… Cảm ơn em. Chị đi thay đồ đã nhé.” Shioriko đi lên tầng hai. Tiệm còn lại hai người, tôi cởi áo khoác rồi đeo tạp dề. Subaru chuẩn bị ra về. Tất nhiên tôi có trả tiền công làm thêm, nhưng xong việc là cho cậu bé về ngay thế này tôi cứ thấy không thoải mái. “Anh mua bánh kem Giáng sinh về đấy, em ăn cùng nhé…” “Dạ thôi ạ.” Tamaoka Subaru giơ hai tay từ chối. “Anh để chị Ayaka được ăn nhiều đi, chị ấy đang rất nỗ lực học thi mà. Dù sao em cũng không có thói quen ăn mừng Giáng sinh, em chỉ muốn về và đọc tiếp cuốn light novel thôi.” Cậu nói bình thường, nhưng tôi thấy rõ ý quả quyết. Thời điểm này, đâu đâu cũng có áp lực vô hình là phải ăn mừng Giáng sinh. Với những người không muốn tham gia, điều đó quả là phiền hết sức. Bản thân cũng chẳng phải người khoái tiệc tùng tụ họp, tôi thấy không nên nài ép. “Anh hiểu rồi. Hôm nay cảm ơn em nhé.” Bất chợt, từ “light novel” vẳng lên trong tai tôi. Tuy thích văn học cổ, nhưng cậu nam sinh này cũng thường đọc những cuốn light novel thịnh hành. Không chừng cậu lại rành về các họa sĩ minh họa. “Anh muốn hỏi chút, em biết họa sĩ minh họa nào tên Isohara Hidemi không?” “Isohara… Hidemi…?” Tamaoka Subaru nghiêng đầu, đoạn tròn mắt ngạc nhiên. “Hara Hidemi? Đương nhiên biết ạ…” Nói đoạn, cậu gỡ bọc sách, đưa tôi xem cuốn bunko. Hình minh họa trên bìa là một cô gái tóc vàng xinh đẹp mặc đồng phục mùa hè đẫm mồ hôi đang liếm que kem. Đương nhiên tôi không đọc loại sách này, nhưng biết nó nằm trong một series light novel ăn khách. Anime của bộ này đang được phát sóng, sách thì xếp hàng chồng tại các hiệu sách. Hình minh họa rất dễ thương, nhưng nhìn tổng thể vẫn thấy khêu gợi. “Anh xem! Người này đó!” Dòng chữ “Minh họa: Hara Hidemi” in ngay dưới tên tác giả. “Có chuyện gì với người tên Hara Hidemi này ạ?” Vẫn ôm cuốn sách, cậu áp sát tôi. “À không… Do công việc, anh đã gặp thân nhân của người này. Anh ta nổi tiếng thật.” Không thể tiết lộ sự tình, tôi đành nói qua quýt. “Vâng! Nổi lắm! Vì chỉ cần được anh ấy vẽ minh họa, bộ truyện sẽ lập tức trở nên ăn khách. Anh ấy vô cùng có tài, tranh thiếu nữ đương nhiên đẹp khỏi bàn, các nhân vật thuộc nhiều lứa tuổi cũng được lột tả rất tốt, ngay cả thiết kế trang phục hay những chi tiết râu ria anh ấy vẽ đều ngầu vô cùng! Hidemi còn thiết kế nhân vật cho game với anime, nên đông fan quốc tế lắm. Vì biết tiếng Trung và tiếng Anh, Hidemi thường tổ chức sự kiện giao lưu tại các lễ hội anime ở nước ngoài, rồi còn tương tác với fan trên mạng… Khi anh ấy qua đời, fan khắp nơi trên thế giới đăng lên vô số lời chia buồn, bài tưởng niệm…” Tôi nhớ trong những kĩ năng bà Isohara Miki bắt con trai học có ngoại ngữ và hội họa. Bà than thở rằng mọi thứ con học đều không đi đến đâu, nhưng hóa ra chúng lại có ích cho công việc của người đã khuất. Chúng tôi chưa quyết định được ngày ghé căn hộ của Isohara Hidemi. Do cuối năm nên công việc đồn đập, thêm nữa cũng chưa thống nhất được thời gian thuận tiện cho đôi bên. Trước ngày viếng thăm, tôi tranh thủ tìm kiếm trên mạng thông tin về cái tên “Hara Hidemi” thì thấy nhiều video do chính người quá cố tải lên lúc sinh thời. Video quay toàn những nội dung nhẹ nhàng, như cảnh anh thong thả chơi game, vẽ tranh theo yêu cầu, hoặc đàn một ca khúc nhớ mang máng. Giọng trầm khàn, cách ăn nói không mấy khéo léo, nhưng truyền tải được mặt tốt của một con người sống không khoa trương. Bất kể làm gì, trông anh luôn vui vẻ. Video nào của anh cũng thu hút nhiều lượt xem, những bình luận chia buồn liên tục nhảy thêm, cả trong lúc tôi coi. Hidemi quả là một nhà sáng tạo nghệ thuật được yêu mến. Tuy chưa từng gặp gỡ, nhưng nhìn dáng điệu và cách anh nói chuyện, lạ thay, tôi thấy như đã quen biết anh từ trước. Rốt cuộc, đến tận hôm 30, gần hết năm, tôi và Shioriko mới đến nhà Hidemi, một căn hộ khá gần ga Ofuna. Vợ chồng anh sống trên tầng cao nhất của cư xá lớn xây tầm một thập kỉ trước. Mở cửa đón chúng tôi là một phụ nữ trẻ khoác cardigan thụng. Dù đã là người trưởng thành, nhưng mái tóc tém ngắn cũn cùng thân hình nhỏ nhắn mảnh mai khiến cô trông chỉ như học sinh cấp hai. “Mời vào. Tôi đã rất mong gặp anh chị. Mẹ chồng báo cho tôi trước rồi.” Giọng cô khàn khàn, cách nói cũng bình tĩnh đến bất ngờ. Bước vào nhà, tôi sững sờ theo một kiểu khác với khi đến ngôi biệt thự ở Yamate. Trên những kệ sách mỏng nối sin sít thành hàng dọc hai bên lối vào căn hộ là truyện tranh thuộc nhiều thể loại được lèn chặt ních. Shioriko đi trước, nhưng cứ ngó nghiêng gáy các cuốn sách nên mất một lúc chúng tôi mới vào đến phòng khách. Phòng khách rộng, kệ trữ đồ cao đến tận trần nhà choán phần lớn bức tường. Xếp thành dãy trên đó là đĩa DVD phim hoạt hình, phim chuyển thể cùng đĩa game. Ngăn trên cùng lắp kính hữu cơ, dành để trưng bày mô hình[14]. Quá nửa số đó là mô hình thiếu nữ xinh xắn ăn vận hở hang, còn lại là mô hình nhân vật truyện tranh Mỹ cùng các siêu anh hùng. Trên kệ bày ti vi lớn cùng nhiều máy chơi game gia đình nom toàn hàng tối tân. Quả là phòng của một otaku chính hiệu, y như tranh ảnh vẫn miêu tả. Duy chiếc bàn thờ mới toanh đặt ở phía Bắc là chẳng ăn nhập gì. Phòng toàn đồ cỡ nhỏ, nhưng mọi ngóc ngách đều được sắp xếp gọn gàng, trên sàn và kệ sách còn chẳng có lấy một hạt bụi. Hẳn người phụ nữ trước mặt chúng tôi đã luôn cẩn thận thu vén căn phòng. Sau khi thắp nhang trước bàn thờ, chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn tròn thấp. Vợ anh Isohara Hidemi ngồi quỳ thẳng lưng. “Tôi là Shinokawa của tiệm sách cũ Biblia.” “Còn tôi là Gora, nhân viên tiệm.” Sau Shioriko, tôi cũng xưng danh. Trong tư thế cứng nhắc đến lạ, người phụ nữ đối diện đặt tay lên ngực, giới thiệu bản thân. “Hân hạnh biết anh chị. Tôi là Kirara, vợ anh Isohara Hidemi. Kirara viết bằng chữ mềm.” Trong giây lát, chúng tôi không biết nên phản ứng ra sao. Cái tên đó là nghệ danh hay gì chăng[15]? Thấy chúng tôi ngây ra, người phụ nữ mỉm cười khoe hàm răng trắng. Chẳng rõ có phải là người giàu biểu cảm không, nhưng nét mặt cô linh hoạt vô cùng. “Xin lỗi vì cái tên khó đỡ nhé. Đó là tên thật do cha mẹ tôi đặt, nghe như tên nhân vật trong light novel hay galge[16] ấy nhỉ. Cha tôi đam mê khoáng vật, nên có vẻ ông muốn đặt tên con theo ‘mica’[17]. Nó còn được gọi là ‘kirara’ đấy!” “Vâng, đúng vậy nhỉ.” Thấy Shioriko bối rối gật đầu, Isohara Kirara lại nói tiếp. Có vẻ cô là típ người không dừng được câu chuyện một khi đã mở miệng. “Ừm, cha mẹ ly hôn lúc tôi còn nhỏ, từ đó tôi chẳng gặp cha nữa nên không tường tận lý do. Hồi tôi còn bé, kiểu tên như nhân vật 2D thế này là rất hiếm. Tôi thường bị bạn bè ở trường giễu cợt, phức cảm tự ti khiến tôi gặp khó khăn trong các mối quan hệ. Vì thế tôi ở nhà chơi game suốt. Các trò chơi đã cứu tôi khỏi bế tắc. Tuy cũng có vài ngoại lệ, nhưng hầu như chúng được tạo ra với quy luật rất đơn giản, quét xong chướng ngại liền thấy happy ending. Khác hẳn với thực tại.” Đang thất thần trước câu chuyện đời tư xem chừng dài vô tận của cô, tôi chợt nhớ lại lời mẹ… “Ngoài đời mà cũng được thế này có phải tốt không.” Dù tình trạng không đến độ tồi tệ như người phụ nữ này, nhưng có lẽ mẹ tôi cũng từng thoát khỏi bế tắc nhờ game. Có những người nghiện game đến quên đi hiện thực, thì cũng có những người vượt qua thực tế khắc nghiệt nhờ game. Có lẽ đối với sách hay phim ảnh cũng vậy. “Cô chơi game gì vậy?” Tôi hỏi, gần như chỉ tò mò gợi một câu, nhưng Kirara đáp ngay. “Tôi chơi nhiều loại lắm, đặc biệt thích game nhập vai của hãng Square Enix[18]. Final Fantasy cứ phát hành là tôi mua về chơi liền, cả bản mới lẫn bản làm lại. Tôi cũng chơi cả loạt game Bí mật của Mana, rồi thì…” Với một người ít chơi như tôi, những cái tên cô liệt kê sau đó thật lạ lẫm. Nhưng tôi thấy được, cô đã trải qua khoảng thời gian đầy ý nghĩa. “Lên cấp ba tôi cũng đi học kiểu bữa được bữa chăng. ‘Mình cứ chơi game thôi sao, mình muốn làm điều gì đó khác…’ Tôi cứ băn khoăn mãi, đến một ngày chợt nảy ra ý, ‘Đã có sẵn một cái tên đậm chất nhân vật 2D thì sao mình không thành nhân vật 2D luôn nhỉ? Làm vậy cái tên ngược lại sẽ thành một ưu thế khác biệt.’ Vì thế, tôi tự may trang phục và đi diễn cosplay[19]. Như thế kia kìa.” Cô chỉ vào góc phòng khách. Một ma-nơ-canh mang kích thước người thật, không có đầu và tay chân, mặc bộ váy ngắn xếp tầng màu hồng và trắng. Đó hẳn là trang phục của một nhân vật nữ có phép thuật. Đường may tinh tế đến mức khó tin được đó là sản phẩm tự làm. Tôi không thực sự hiểu được nguyên cớ khiến người phụ nữ này đi diễn cosplay, nhưng dù sao cô cũng đã trút được nỗi lòng. Khi sôi nổi kể chuyện, trông cô rất rạng rỡ. “Tôi không thường đem ra trưng bày như thế, nhưng thầy[20] thích nó nên khăng khăng đòi đặt trong phòng khách… Ôi!” Chống tay lên bàn, Isohara Kirara đột nhiên nhoài người về phía Shioriko, đoạn nhìn chằm chằm khuôn mặt và thân hình cô, đặc biệt là vòng một qua lớp áo len. Shioriko bối rối co người. “Chị Shinokawa nhỉ?” Isohara Kirara gọi, mặt nghiêm túc lạ thường. “V…vâng.” “Chị diễn cosplay không?” “Hả!?” Hai vợ chồng cùng bật thốt. “Với thân hình thiếu nhi này, nhiều nhân vật tôi khó cos thành công được. Nhưng khuôn mặt đẹp, thân hình ổn vậy, chị Shinokawa có tiềm năng lắm đấy! Tôi rất sẵn lòng may trang phục cho chị!” Kirara hào hứng hùng hổ nói. Đờ người giây lát, Shioriko lắc đầu nói thẳng, “Không ạ, tôi không làm đâu,” Isohara Kirara ngồi phịch xuống, tiếc nuối, “Vậy sao… Cũng phải. Xin lỗi, tôi đường đột quá. Nhưng bất cứ khi nào chị thay đổi suy nghĩ cứ nói với tôi nhé.” Tôi biết, sẽ không có chuyện Shioriko thay đổi suy nghĩ. Tự nhiên tôi cũng muốn thấy cô mặc đồ cosplay chốc lát, dù không biết bộ trang phục đó thế nào. “Xin hỏi, người khi nãy cô Kirara gọi là ‘thầy’ chính là chồng cô nhỉ?” Nghe Shioriko hỏi, mặt Kirara bỗng chốc đỏ bừng. Biểu cảm quả là sinh động. “… Tôi đã nói vậy ạ? Trước khi lấy nhau tôi luôn gọi thầy, ừm, gọi anh ấy như thế, riết thành thói quen. Thầy… à, anh ấy cười tôi hoài, nên tôi đã cố sửa, nhưng…” Giọng cô chợt hóa buồn thương. Dáng vẻ nhìn chằm chằm tay mình của Kirara có chút giống điệu bộ của bà Miki khi kể về tương lai con trai. “Cô quen chồng ở đâu vậy ạ?” “Tôi gặp thầy tại lễ hội anime ở Hokkaido năm ngoái. Đó là lễ hội lớn do chính quyền địa phương tổ chức, thu hút đủ mọi tầng lớp từ khắp đất nước đổ về. Khi ấy tôi đã tốt nghiệp cấp ba và đi làm, bèn xin nghỉ phép rồi tham gia lễ hội cùng bạn… Một phần cũng bởi tôi muốn đến dự sự kiện giao lưu của thầy. Tôi vô cùng yêu mến những nhân vật thầy vẽ. Ừm, gọi là sự kiện giao lưu, thật ra chỉ là buổi đi uống, tán gẫu với fan tại phòng tiệc của một lữ quán suối nước nóng… Một buổi nhậu không hơn không kém. Thầy đã luôn muốn làm thế, còn bảo rằng bản thân không thích lễ tiết trang trọng rườm rà.” Tôi có thể tưởng tượng ra, bầu không khí khi đó hẳn dễ hòa nhập và dung dị như tôi từng cảm thấy lúc xem các video của Hidemi. “Nhưng nó thực sự rất thú vị. Thầy uống đến say, thì ngồi vào cây đàn piano điện tử trong phòng tiệc, bảo sẽ chơi nhạc theo yêu cầu. Tôi đã đề nghị bài Cố hương yêu dấu[21] trong Final Fantasy 5. Đó là bài hát vô cùng nổi tiếng vang lên mỗi cảnh đi vào ngôi làng của Bartz, nhân vật chính trong game. Anh chị biết chứ?” Shioriko bối rối nghiêng đầu. Tôi từng chơi game này, nhưng chỉ nhớ mang máng. Nó là một giai điệu đẹp. “Cũng có vài người khác yêu cầu nhạc phim anime hay ca khúc trong game, nhưng thầy đã đáp ứng nguyện vọng của tôi. Tiết mục đó rất tuyệt vời, đến độ khi nghe tôi đã khóc… Đó là game đầu tiên tôi phá đảo. Khi đến cảm ơn thầy sau buổi giao lưu, tôi mới biết thật ra trong số các bài hát được yêu cầu lúc nãy, thầy chỉ chơi được Cố hương yêu dấu. Thầy bảo không biết cảm âm, cũng ít chơi nên số bài biểu diễn được từ nhỏ đến giờ chẳng hề tăng. Nhưng game đầu tiên thầy chơi cũng là Final Fantasy 5, dù thầy dùng bản cho SFC[22], còn tôi chơi bằng bản của GBA[23]. Cảm thấy đó là định mệnh, tôi đã nài xin số liên lạc… Rồi chúng tôi bắt đầu hẹn hò.” Nghe cô kể, tôi thấy quả là kì diệu. Nếu câu chuyện tôi đang nghe là thật, thì cuộc gặp gỡ của họ được tạo nên nhờ chính những điều Isohara Hidemi đã học hồi nhỏ. Hội họa, ngoại ngữ, piano, dù xa rời định hướng của người mẹ, nhưng các môn giáo dục năng khiếu ấy đều giúp ích cho công việc lẫn đời tư của anh. “Công việc của một họa sĩ minh họa rất bận rộn, áp lực nặng nề, hẳn có những lúc căng thẳng dồn nén, nhưng thầy không bao giờ thể hiện điều đó ra. Tôi cũng chưa từng nghe thầy nói xấu ai. Trầm tính và dịu dàng, luôn bình thản đón nhận mọi điều xảy đến… Yêu thương mọi thứ thuộc về người ấy, tôi kết hôn, những mong được chăm sóc thầy cả đời…” Nụ cười vụt tắt trên môi Kirara, rèm mi dài cụp xuống u buồn. “Giờ thì người ấy chẳng thể nói thành lời nỗi mệt nhọc hay thở than không khỏe được nữa. Giá tôi để ý kĩ hơn, hoặc giả hôm ấy sớm nhận ra thầy mãi chẳng rời phòng làm việc. Ngày nào tôi cũng thấy day dứt… Ôi, thật không phải, anh chị đợi cho một chút.” Xin phép chúng tôi rồi, Kirara che mặt khóc trong câm lặng. Chúng tôi chi biết lặng thinh nhìn những giọt lệ trong suốt rơi xuống bàn qua kẽ hở các ngón tay cô. Đợi Kirara bình tâm lại rồi, chúng tôi sang phòng làm việc của người quá cố. Được trùng tu gộp hai thành một nên căn phòng khá rộng. Có vài màn hình máy tính và bảng vẽ điện tử đặt trên chiếc bàn rộng cạnh cửa sổ. Giấy tờ chất chồng xung quanh. Hẳn anh Hidemi đã làm việc ở đó trước khi mất. Choán hầu hết tường là các kệ lèn đầy sách và tạp chí. Những sách khổ lớn như tuyển tập tranh màu, sách dựng các tư thế của người, hay bộ sưu tập hình chụp chiến giáp Nhật Bản và các loại vũ khí… chắc là tài liệu tham khảo cho công việc. Có cả sách phân tích chiến lược cùng tạp chí game. Ngoài ra còn một lượng đáng kể các cuốn mỏng nhìn như dojinshi[24]. “Tôi giữ nguyên căn phòng như khi thầy mất. Nếu có cuốn sách kỉ niệm của thầy với mẹ, hẳn nó nằm đâu đó quanh đây. Chính tôi đã mang đống đồ mẹ chồng gửi vào phòng này.” Kirara giải thích. “Cô đã xem bên trong chưa?” Nghe Shioriko hỏi, Kirara ngập ngừng gật khẽ, “Tôi mở thùng đồ một lần. Đồ gửi đến đúng lúc thầy không ở nhà, tôi sợ ở trong có đồ ăn cần để tủ lạnh nên đã mở. Thấy trên cùng là ảnh thầy hồi nhỏ liền đóng lại luôn. Tôi sợ thầy phật ý vì mình tự tiện xem.” “Sau khi chồng cô về nhà thì sao?” “Thầy bỏ đồ trong thùng ra rồi tự dọn. Nên tôi không rõ có những gì trong đó. A, thầy cho tôi xem ảnh hồi nhỏ. Đáng yêu lắm.” “Còn về cuốn sách, anh ấy kể gì với cô không?” “Một chút thôi. Thật ra tôi nghe được là khi thầy gọi điện cảm ơn mẹ. Bấy giờ thầy ở phòng ăn, còn tôi đang nấu nướng tại bếp. Không tưởng tượng nổi cuốn sách game nào chứa đựng kỉ niệm giữa hai người, nên tôi hỏi thì thầy bảo ‘Đó là cuốn sách duy nhất liên quan đến game mẹ mua cho anh hồi tiểu học’.” “Anh ấy không đề cập về nhan đề sách ạ?” “Vâng, tôi hỏi thì thầy đột nhiên mỉm cười rồi bảo, ‘Nếu muốn biết thì lần tới, khi anh mang sách về nhà bên kia em đi cùng nhé. Từ giờ đến lúc ấy sẽ là bí mật?” Nếu chuyện đó thành hiện thực thì tên cuốn sách hẳn đã là một câu đố hết sức bình thường. Chẳng ai ngờ bây giờ nó lại trở nên quan trọng đến vậy. “Tôi rất muốn biết đó là cuốn sách gì… Hình như mẹ chồng nghĩ tôi đang giấu giếm.” Kirara cười gượng. Đó là sự thật nên chúng tôi không biết phải nói gì. Giống như với công việc và sở thích của con trai, bà Miki chẳng hề cố gắng thấu hiểu con dâu mình. “À, phải rồi. Ban đầu tôi thoáng nghĩ là cuốn này…” Kirara chợt lấy một cuốn sách khổ bunko từ chiếc kệ gần đó. Con người và Trò chơi[25] của Roger Caillois, thuộc tủ sách học thuật do Kodansha phát hành. “Cuốn sách này là sao?” Shioriko lập tức trả lời, “Đó là tác phẩm tiêu biểu của nhà trí thức Pháp Caillois, người hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, xã hội học và triết học. Nội dung sách là sự quan sát và phân tích theo logic về việc ‘chơi’. Nó nổi tiếng vì nêu rõ định nghĩa, bản chất và phân loại các yếu tố liên quan của việc chơi… Xin hỏi, cuốn sách này thì…?” Shioriko hỏi Kirara. Chủ đề thú vị, nhưng nội dung sách có vẻ khá khó hiểu. “Nghe kể mẹ mua cho lúc thầy học cấp ba. Thầy bảo vì muốn rèn cho con trai thói quen đọc sách in, mẹ đã lựa cuốn có vẻ liên quan đến trò chơi điện tử để thầy dễ tiếp cận. Hình như chính mẹ còn chưa đọc.” Giọng Kirara pha chút mỉa mai. Ừ thì game cũng là một loại trò chơi, nhưng nghĩ sao cũng thấy đây chẳng phải cuốn sách những người ghiền game muốn đọc đầu tiên. “Nó không phải cuốn sách kỉ niệm ạ?” “Vâng. Nó luôn nằm trong phòng này, tuy bảo lúc là sinh viên mới hiểu nội dung và thấy nó thú vị, nhưng thầy cũng không đề cập chuyện có kỉ niệm nào đặc biệt với cuốn sách. Vốn tiếp thu nhanh nên thầy có thể đọc bất cứ sách gì nếu thích.” Chẳng lý nào cuốn sách kỉ niệm lại là cuốn mãi đến khi vào đại học Hidemi mới lý giải được. Vốn nó là cuốn sách được mua tặng “thời tiểu học”, nên… “Sách phân tích chiến lược game thì sao?” Tôi hỏi. Nếu là sách game cho trẻ con đọc, trước tiên phải kể đến sách dạy chiến lược chơi. “Tôi cũng đã nghĩ đến khả năng nó là sách phân tích chiến lược, nhưng mãi đến khi vào cấp ba thầy mới dùng loại sách đó. Thầy bảo hồi nhỏ không có nhiều phần mềm game, lại muốn thưởng thức mỗi trò càng lâu càng tốt nên không dùng.” “Nhưng có những điều kiện ngầm để phá đảo, nếu không xem sách dạy chiến lược thì chẳng phải khá khó thắng sao?” “Thầy đã tự mày mò theo đúng nghĩa đen. Thầy vốn có sự kiên trì và sức tập trung đáng nể mà.” “Hay là tạp chí game?” Shioriko đề xuất. """