" Tình Yêu Vị Kem Ý - Jenna Evans Welch PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tình Yêu Vị Kem Ý - Jenna Evans Welch PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo TÌNH YÊU VỊ KEM Ý Tác giả: Jenna Evans Welch Người dịch: Nguyễn Hà Ly Phát hành: Wings Books Nhà xuất bản Kim Đồng 06/2019 —★— ebook©vctvegroup Mở đầu BẠN ĐÃ TỪNG CÓ NHỮNG NGÀY TỒI TỆ RỒI NHỈ? BẠN BIẾT đấy, đó là những ngày mà đồng hồ báo thức không đổ chuông, bánh mì nướng cháy khét lẹt và bạn muộn màng nhớ ra toàn bộ quần áo của mình đều đang sũng sĩnh nước trong máy giặt. Sau đó, bạn ba chân bốn cẳng chạy đến trường trễ mười lăm phút, cầu trời không ai nhận thấy bạn có cùng xì tai tóc với cô dâu của Frankenstein*, nhưng ngay khi bạn vừa rón rén ngồi vào chỗ thì giọng thầy giáo đã vang lên: “Vào muộn hả, Emerson?” Rồi sau đó tất cả đều nhìn chằm chằm vào bạn và nhận ra điều không hay ho kia. Tôi cam đoan bạn cũng có những ngày như thế. Tất cả chúng ta đều có. Nhưng còn những ngày thực sự tồi tệ thì sao? Đó là những ngày mà mọi thứ như được thổi phồng lên và tệ hại đến nỗi chúng nhai sạch tất cả những gì bạn quan tâm chỉ để nhổ vào mặt bạn cho vui. Cái ngày mẹ kể với tôi về Howard chắc chắn được xếp vào diện tệ cùng tệ cực ấy. Nhưng lúc đó, ông cũng chỉ là mối lo lắng vặt vãnh nhất mà thôi. Vào một ngày khi tôi học lớp Mười một được hai tuần, hai mẹ con đang trên đường về nhà sau buổi thăm khám của mẹ. Trong xe im phăng phắc, chỉ có tiếng quảng cáo trên sóng radio của hai người giả giọng Arnold Schwarzenegger*, và dù hôm ấy là một ngày nóng nực nhưng hai chân tôi vẫn nổi đầy gai ốc. Mới sáng hôm ấy thôi, tôi vừa về nhì trong cuộc thi chạy việt dã đầu tiên của mình, và tôi không thể nào tin được chuyện đó bây giờ chẳng còn quan trọng. Mẹ tắt radio. “Lina, con thấy thế nào?” Giọng mẹ bình tĩnh, và khi tôi nhìn mẹ, nước mắt tôi lại lưng tròng. Mẹ tôi xanh xao và gầy guộc quá. Sao tôi lại vô tâm không nhận ra mẹ đã gầy đến thế? “Con không biết nữa,” tôi nói, cố giữ giọng đều đều. “Con thấy sốc.” Mẹ gật đầu rồi dừng xe trước đèn đỏ. Ánh mặt trời chói chang, nhưng tôi nhìn chằm chằm vào nó, mặc cho mắt bỏng rát. Đây là ngày mọi sự đều đổi thay, tôi nghĩ. Từ đây trở đi sẽ chỉ có ngày trước và sau hôm nay mà thôi. Mẹ hắng giọng và khi tôi nhìn sang, mẹ ngồi thẳng lưng như thể có điều quan trọng muốn nói. “Lina, mẹ đã kể cho con nghe về lần mẹ dám bơi trong đài phun nước chưa?” Tôi quay phắt sang. “Sao ạ?” “Con nhớ mẹ từng kể rằng mẹ đã học một năm ở Florence chứ? Mẹ cùng cả lớp đi chụp hình dã ngoại, và hôm đó là một ngày oi nóng đến nỗi mẹ nghĩ mình sắp tan chảy ra mất. Một người bạn của mẹ, tên là Howard, đã thách mẹ nhảy vào đài phun nước.” Bây giờ hãy nhớ rằng tôi sắp đón nhận tin tức xấu nhất đời mình. Xấu nhất đấy nhé. “… Mẹ đã dọa một nhóm du khách người Đức sợ chết khiếp. Họ đang tạo dáng chụp hình và khi mẹ trồi lên khỏi mặt nước, một trong số họ đã mất thăng bằng và suýt ngã bổ chửng vào đài phun nước cùng mẹ. Họ nổi quạu, thế là Howard tri hô rằng mẹ bị chết đuối và nhảy vào theo.” Tôi trố mắt nhìn mẹ, còn mẹ quay sang hé cười với tôi. “Ờ… mẹ này? Chuyện đó buồn cười lắm, nhưng sao bây giờ mẹ lại kể với con?” “Mẹ chỉ muốn cho con biết về Howard. Chú ấy rất vui tính.” Đèn chuyển xanh và mẹ giậm chân ga. Gì? Tôi nghĩ. Gì gì gì? ••• Lúc đầu tôi tưởng chuyện đài phun nước là một mẹo đối phó, như kiểu có lẽ mẹ nghĩ một câu chuyện về người bạn cũ có thể giúp chúng tôi quên đi tảng đá treo lơ lửng trên đầu. Vô phương phẫu thuật. Vô phương cứu chữa. Nhưng sau đó mẹ lại kể một câu chuyện khác. Rồi một chuyện khác. Mẹ huyên thuyên một mình và cứ độ dăm ba từ thì Howard lại xuất hiện một lần. Sau đó cuối cùng mẹ cũng chịu hé lộ lí do cho toàn bộ những chuyện về Howard, chà… hãy coi như không biết gì lại vui. “Lina, mẹ muốn con đến Ý.” Đó là một ngày giữa tháng Mười một và tôi đang ngồi bên giường bệnh của mẹ, với một chồng tạp chí Cosmo cũ tìm được trong phòng chờ. Tôi dành mười phút vừa qua để làm bài trắc nghiệm “Theo thang đo từ Không đến Xèo xèo: Bạn nóng bỏng tới mức nào?” (7/10) “Nước Ý sao?” Tôi hơi sao nhãng. Người làm bài trắc nghiệm trước tôi đạt 10/10 và tôi đang cố nghĩ xem là bằng cách nào. “Ý mẹ là mẹ muốn con đến sống ở Ý. Sau này.” Tôi giật thót mình. Thứ nhất, tôi không tin vào sau này. Đúng, bệnh ung thư của mẹ đang phát triển như các bác sĩ đã tiên liệu, nhưng họ không biết tất cả. Ngay sáng nay thôi, tôi vừa đánh dấu một câu chuyện trên mạng kể về một người phụ nữ đã vượt qua bệnh ung thư và leo lên ngọn Kilimanjaro*. Mà hơn nữa, nước Ý ư? “Vì sao ạ?” Tôi hỏi, giọng nhẹ bẫng. Quan trọng là phải khiến cho mẹ được vui. Để bình phục, nhất thiết phải tránh những căng thẳng không đáng có. “Mẹ muốn con ở cùng Howard. Một năm ở Ý có nhiều ý nghĩa đối với mẹ và mẹ muốn con cũng được trải nghiệm như mẹ.” Tôi liếc mắt nhìn nút gọi y tá. Ở cùng Howard tại Ý? Người ta cho mẹ dùng quá nhiều morphine* chắc? “Lina, nhìn mẹ này,” mẹ nói bằng giọng Tôi Là Người Mẹ quyền uy nhất. “Howard? Ý mẹ là cái chú mà mẹ nhắc đến suốt hả?” “Đúng, chú ấy là người tốt nhất mẹ từng biết, chú ấy sẽ che chở cho con.” “Che chở cho con khỏi cái gì?” Tôi nhìn vào mắt mẹ, hơi thở bỗng nhiên trở nên hổn hển. Mẹ rất nghiêm túc. Phòng bệnh viện có túi giấy không nhỉ? Mẹ lắc đầu, đôi mắt lấp loáng nước. “Chuyện sẽ rất… khó khăn. Bây giờ chúng ta không phải nói về vấn đề đó, nhưng mẹ muốn chắc chắn rằng con được nghe quyết định của mẹ từ chính mẹ. Con sẽ cần một người nào đó. Về sau này. Và mẹ nghĩ chú ấy là tốt nhất.” “Mẹ, chuyện này chẳng ra đâu vào đâu hết. Vì sao con phải đến sống với một người xa lạ chứ?” Tôi bật phắt dậy và bắt đầu lục lọi ngăn kéo cái tủ nhỏ của mẹ. Phải có túi giấy ở đâu đó chứ. “Lina, ngồi xuống nào.” “Nhưng, mẹ…” “Ngồi xuống. Con sẽ ổn thôi. Con sẽ làm được. Cuộc đời của con còn dài và sẽ rất tuyệt vời.” “Không,” tôi nói. “Mẹ sẽ làm được. Vẫn có người vượt qua được bệnh ung thư mà.” “Lina, Howard là một người bạn tuyệt vời. Rồi con sẽ thật lòng yêu quý chú ấy.” “Con không tin. Và nếu chú ấy là bạn tốt đến thế, vậy thì tại sao trước nay con chưa từng gặp chú ấy?” Tôi thôi tìm túi, ngồi sụp xuống ghế và gục đầu giữa hai đầu gối. Mẹ gượng ngồi dậy rồi vươn tay ra đặt lên lưng tôi. “Chuyện giữa mẹ và chú ấy hơi rắc rối, nhưng chú ấy muốn làm quen với con. Và chú ấy bảo rất mong có con tới sống cùng. Hãy hứa với mẹ rằng con sẽ thử xem sao nhé. Ít nhất là vài tháng.” Có tiếng gõ cửa và cả hai mẹ con tôi ngước lên, một cô y tá mặc đồ màu xanh da trời bước vào. “Tôi vào kiểm tra chút thôi,” cô vui vẻ nói, hoặc tảng lờ hoặc giả vờ không thấy vẻ mặt của tôi. Trong thang từ Một đến Căng thẳng, căn phòng này vào khoảng 100/10. “Xin chào. Tôi vừa nói với con gái rằng con bé nên tới Ý.” “Nước Ý à,” cô y tá nói và áp cả hai bàn tay lên ngực. “Tôi đã đến đó vào kì trăng mật. Kem gelato, tháp nghiêng Pisa, thuyền gondola ở Venice… Cháu sẽ thích đất nước ấy cho mà xem.” Mẹ nở nụ cười chiến thắng với tôi. “Mẹ à, không. Không đời nào con đến Ý đâu.” “Ồ nhưng mà cưng ơi, cháu phải đi thôi,” cô y tá bảo. “Đó là trải nghiệm cả đời chỉ có một lần.” Cô y tá cuối cùng cũng đúng ở một điểm: Tôi quả là phải đi. Nhưng không ai cho tôi mảy may gợi ý về điều tôi sẽ biết một khi đến đó. Chương 1 NHÌN TỪ XA, NGÔI NHÀ LUNG LINH RỰC RỠ NHƯ NGỌN hải đăng giữa một biển bia mộ. Nhưng đó không thể nào là nhà của ông ấy được, phải không? Có lẽ chúng tôi chỉ đang làm theo một phong tục nào đó của Ý. Luôn đánh xe đưa khách đi qua nghĩa trang, để họ được cảm nhận văn hóa vùng miền. Ừm, chắc là thế. Tôi đan hai bàn tay đặt trên đùi, lòng dạ rối bời khi ngôi nhà mỗi lúc một gần. Cảm giác này hệt như lúc tôi xem con cá mập hung ác của Jaws* trồi lên từ đại dương sâu thẳm. Có điều đây không phải phim ảnh mà là hiện thực mười mươi. Chỉ còn một khúc ngoặt nữa thôi. Đừng hoảng. Đời nào có chuyện ấy. Mẹ sẽ không đành lòng để mình tới sống trong một nghĩa trang đâu. Mẹ sẽ cho mình biết trước mà chuẩn bị tâm lí. Mẹ sẽ… Ông bật xi nhan, và toàn bộ dưỡng khí rời bỏ hai lá phổi của tôi. Mẹ chẳng hề cho mình biết. “Con ổn chứ?” Howard - có lẽ tôi nên gọi ông là bố - lo lắng nhìn tôi, có lẽ vì tôi vừa thở hắt ra một hơi. “Đó là…?” Không nói nổi thành lời, tôi đành đưa tay ra chỉ. “À, đúng, là nhà của bố.” Ông lưỡng lự một chút rồi ra hiệu chỉ cảnh vật bên ngoài. “Lina, con không biết gì về toàn bộ chuyện này sao?” “Toàn bộ chuyện này” còn chẳng mô tả được một phần của cái nghĩa trang rộng thênh thang tắm trong ánh trăng bàng bạc. “Bà bảo con sẽ ở trên một khu đất thuộc chủ quyền của Mỹ. Bà bảo chú chăm sóc một đài tưởng niệm Thế chiến thứ hai. Con không nghĩ…” Sự hoảng hốt ụp xuống tôi như một thứ xi-rô nóng. Còn tôi thì chẳng nói nổi một câu cho ra hồn. Hít thở nào, Lina. Mày đã trải qua chuyện tồi tệ nhất rồi. Mày có thể chịu được chuyện này. Ông chỉ về góc xa xa cuối khu đất. “Đài tưởng niệm là công trình ở ngay đằng kia. Nhưng phần còn lại của khu đất là nơi yên nghỉ của các binh sĩ Mỹ hi sinh tại Ý hồi Thế chiến.” “Nhưng đây không phải là nhà của chú, đúng không? Đấy chỉ là nơi làm việc của chú thôi nhỉ?” Ông không đáp. Thay vào đó, chúng tôi rẽ vào lối đánh xe và tôi cảm nhận được chút hi vọng cuối cùng đã tắt ngóm theo ánh đèn pha ô tô. Đây không chỉ là một ngôi nhà. Nó còn là tổ ấm. Hàng cây phong lữ đỏ được trồng dọc vệ đường, chiếc xích đu trên hiên nhà đung đưa kẽo kẹt như có người vừa đứng dậy. Bỏ đi những cây thánh giá đây đó trên bãi cỏ bao quanh thì nơi đây hoàn toàn có thể là một ngôi nhà bình thường tại một khu dân cư bình thường. Nhưng nơi này không hề bình thường. Không một chút nào. “Người ta muốn có người chăm nom toàn thời gian nên đã cho xây ngôi nhà này từ những năm 60 của thế kỉ trước.” Howard rút chìa khóa ra khỏi ổ, sau đó lo lắng gõ nhịp ngón tay lên vô lăng. “Bố rất tiếc, Lina ạ. Bố tưởng con đã biết rồi. Bố không thể tưởng tượng nổi giờ con đang nghĩ gì.” “Đây là một nghĩa trang.” Giọng tôi như nước trà loãng. Ông quay sang, nhưng không nhìn thẳng vào mắt tôi. “Bố biết con không cần thêm điều gì gợi nhắc con về tất cả những chuyện đã phải trải qua trong năm nay. Nhưng bố nghĩ rồi con sẽ thích nơi này. Nó thật sự yên bình và có những câu chuyện lịch sử rất thú vị. Mẹ con thích nơi này lắm. Và sau khi sống ở đây gần mười bảy năm, bố cũng không thể mường tượng rằng mình sẽ sống ở một nơi nào khác.” Giọng ông ngập tràn hi vọng, nhưng tôi xụi lơ trên ghế với hàng loạt câu hỏi quay cuồng trong đầu. Nếu mẹ thích nơi này đến vậy thì tại sao mẹ chưa từng kể về nó? Vì sao mẹ chưa bao giờ nhắc đến ông ấy cho tới khi mẹ bị bệnh? Và dù yêu đậm sâu là thế, nhưng tại sao mẹ lại bỏ qua cái tiểu tiết rằng ông ấy là bố của mình? Howard để tôi yên tĩnh một lúc, rồi mở cửa xe. “Chúng ta vào nhà thôi. Hành lí cứ để đó cho bố.” Khi con người cao gần hai mét đó đi vòng ra đuôi xe, tôi nhoài ra để quan sát ông qua gương chiếu hậu. Chính bà ngoại đã giải đáp những hồ nghi cho tôi. Đó là bố con nên mẹ con muốn con đến sống với ông ấy. Đáng ra tôi phải tiên liệu được chuyện này mới phải. Chỉ là danh tính thực sự của quý ông trung niên tốt bụng tên Howard này chí ít nên là điều mẹ phải đề cập đến chứ. Howard đóng cốp xe lại và tôi ngồi thẳng lưng, bắt đầu lục ba lô hòng dây dưa thêm vài giây cho mình. Lina, nghĩ đi. Mày đơn độc giữa một đất nước xa lạ, một ông khổng lồ vừa nhận là bố mày, còn ngôi nhà mới của mày có thể là bối cảnh cho một bộ phim về xác sống. Hãy làm gì đi. Nhưng biết làm gì đây? Ngoại trừ giằng chìa khóa xe khỏi tay Howard, tôi chẳng nghĩ ra nổi cách nào khác để không phải vào ngôi nhà đó. Cuối cùng, tôi đành tháo đai an toàn và theo ông đến trước cửa nhà. Bên trong, ngôi nhà bình thường đến lạ - như thể nó nghĩ nếu chịu khó thì nó có thể bù đắp được cho vị trí của mình. Howard đặt hành lí của tôi trước cửa, sau đó chúng tôi bước vào một phòng khách có hai chiếc ghế bành và một chiếc sofa bọc da. Tường treo kha khá áp phích du lịch kiểu cổ và toàn bộ nơi này sực nức mùi hương như thể nó được thấm đẫm hành tỏi. Nhưng rất hấp dẫn. Rõ là thế. “Chào mừng con về nhà,” Howard nói và bật đèn. Vẻ hoảng hốt lại hiện rõ mồn một trên gương mặt tôi và ông nhăn nhó khi thấy thái độ ấy. “Ý bố là chào mừng con tới Ý. Bố rất mừng là con đã đến đây.” “Howard hả?” “Xin chào Sonia.” Một người phụ nữ cao ráo, dáng dấp nhanh nhẹn bước vào phòng. Người phụ nữ này hình như hơn Howard vài tuổi, có nước da màu cà phê và tay đeo đầy vòng vàng. Một người xinh đẹp. Và cũng là một sự bất ngờ. “Lina,” bác nói, phát âm tên tôi một cách thận trọng. “Cháu đã đến rồi. Chuyến bay thế nào?” Tôi chuyển chân trụ. Có ai định giới thiệu chúng tôi với nhau không? “Ổn ạ. Chặng bay cuối dài lê thê.” “Mừng là cháu đã tới đây.” Bác cười rạng rỡ và sự im lặng dày đặc bao trùm trong một khoảnh khắc. Cuối cùng, tôi đành tiến lên. “Thế… bác là vợ…?” Howard và Sonia nhìn nhau rồi bắt đầu phá lên cười rũ rượi. Lina Emerson. Cây hài bẩm sinh. Cuối cùng Howard cũng nín cười. “Lina, đây là Sonia. Bác ấy là phó quản lí nghĩa trang này. Bác ấy làm việc ở đây còn lâu hơn bố.” “Chỉ hơn có vài tháng thôi,” Sonia nói và chùi nước mắt. “Howard luôn kể về bác như thể bác già cỡ khủng long ấy. Nhà bác cũng ở khu này, gần đài tưởng niệm hơn một chút.” “Có bao nhiêu người sống ở đây thế ạ?” “Có hai người thôi. Giờ thêm con là ba,” Howard nói. “Với khoảng bốn ngàn lính Mỹ,” Sonia vừa cười vừa chêm vào. Bác liếc nhìn Howard, còn tôi ngoái lại vừa kịp thấy ông làm bộ đưa một ngón tay ngang cổ. Giao tiếp không cần lời. Quá bá cháy. Nụ cười của Sonia biến mất. “Lina, cháu có đói không? Bác vừa làm món mì lasagna* đấy.” Hóa ra mùi hương là từ đấy mà ra. “Cháu đói ngấu rồi,” tôi thú nhận. Nói vậy là còn nhẹ. “Tốt. Bác vừa làm món tủ của mình. Lasagna với bánh mì tỏi thêm nhiều tỏi.” “Tuyệt vời!” Howard vừa nói vừa đấm tay như một bà nội trợ trong chương trình chọn giá đúng. “Chị đã quyết định chiều hư chúng tôi.” “Đây là một buổi tối đặc biệt, nên tôi nghĩ mình phải trổ hết tài nghệ ra. Chắc cháu muốn rửa tay nhỉ, Lina? Bác sẽ dọn món và đợi cháu trong phòng ăn nhé.” Howard chỉ về bên kia phòng khách. “Nhà vệ sinh ở đó.” Tôi gật đầu rồi đặt ba lô bên cái ghế bành gần nhất trước khi chạy đi. Nhà vệ sinh theo phong cách tối giản, chỉ đủ không gian cho một bệ toilet cùng bồn rửa mặt, tôi chỉnh nước về mức nóng nhất mà mình có thể chịu được, rồi kì cọ “mùi sân bay” sạch khỏi tay bằng bánh xà phòng đặt ở rìa bồn rửa. Trong lúc đó, tôi chợt thấy mình trong gương và liền rên rẩm. Trông tôi như vừa bị lôi qua ba múi giờ khác nhau. Mà sự thật quả đúng không sai. Làn da bình thường rám nắng của tôi nay nhợt nhạt và vàng bủng, đôi mắt thì thâm quầng. Còn tóc tôi nữa chứ. Cuối cùng nó cũng tìm được cách thách thức các định luật vật lí. Tôi làm ướt hai bàn tay và cố vuốt các lọn tóc xoăn xuống nhưng có vẻ cách này chỉ làm tình hình thêm tệ. Cuối cùng, tôi đành bỏ cuộc. Nếu tôi trông như con nhím tăng động thì đã sao? Con cái có thế nào thì bố cũng phải chấp nhận, nhỉ? Tiếng nhạc vang lên bên ngoài nhà vệ sinh và nếu lúc trước, sự lo âu chỉ như một ngọn lửa lom dom thì nay nó đã bùng cháy rực rỡ. Tôi có thật sự cần ăn tối không? Có lẽ tôi có thể trốn trong một căn phòng nào đó trong lúc tiêu hóa chuyện phải sống giữa nghĩa trang này. Hoặc không sao tiêu hóa nổi nó. Nhưng bụng dạ tôi bỗng réo ùng ục phản đối. Tôi phải ăn thôi. “Con bé đây rồi,” Howard nói và đứng dậy khi nhác thấy tôi bước vào phòng ăn. Bàn được trải khăn kẻ caro đỏ và một bản nhạc rock thời xưa nghe hơi quen tai vang lên từ chiếc iPod cạnh cửa. Tôi ngồi xuống cái ghế đối diện hai người còn lại, và Howard cũng yên vị. “Mong là con thấy đói. Sonia là một đầu bếp rất cừ và bố nghĩ là bác ấy lãng tai nên mới không nghe thấy tiếng gọi của đời mình thôi.” Khi không chỉ có riêng hai chúng tôi với nhau, ông có vẻ thoải mái hơn. Sonia cười tươi. “Không đâu. Định mệnh của bác là sống tại khu tưởng niệm này.” “Đồ ăn trông được lắm ạ.” Và ý tôi “được” nghĩa là tuyệt vời. Một chảo mì lasagna bốc khói nghi ngút được đặt bên cạnh một giỏ bánh mì nướng tỏi thái lát dày, và có một tô salad cà chua trộn rau diếp tươi giòn đầy ắp. Phải cố gắng lắm tôi mới không vùi đầu vào đống đồ ăn đó. Sonia cắt mì lasagna, đặt một miếng lớn vuông vức đẫm nước xốt vào giữa đĩa của tôi. “Tự lấy bánh mì và salad nhé. Buon appetito*.” “Buon appetito,” Howard lặp lại. “Buon app… gì đó,” tôi lầm bầm. Ngay khi ai nấy đều đã có phần của mình, tôi cầm dĩa và tấn công đĩa lasagna ngay tức khắc. Tôi biết chắc mình giống voi ma mút hoang lắm, nhưng sau vài ngày chẳng bỏ vào bụng thứ gì ngoài đồ ăn trên máy bay, tôi không kiềm chế nổi. Khẩu phần ăn này thật quá ít. Khi cuối cùng tôi cũng ngước lên để thở, Sonia và Howard đang trố mắt nhìn tôi, Howard có phần hơi hoảng. “Này Lina, cháu thích làm gì?” Sonia hỏi. Tôi cầm khăn ăn. “Ngoài việc dọa người khác bằng cách ăn uống hùng hổ này ạ?” Howard tặc lưỡi. “Bà ngoại kể rằng con thích chạy bộ. Bà bảo con chạy trung bình bốn mươi dặm một tuần và con mong khi lên đại học sẽ vào đội tuyển điền kinh. “Thảo nào mà cháu ăn khỏe.” Sonia xúc một muôi nữa, và tôi sung sướng chìa đĩa ra. “Cháu có tham gia đội tuyển điền kinh trung học không?” “Đã từng ạ. Cháu ở đội chạy việt dã của trường, nhưng đã xin rời đội sau khi gia đình biết chuyện.” Cả hai nhìn tôi. “… Khi gia đình phát hiện ra mẹ cháu bị bệnh ung thư ấy ạ. Tập luyện tốn nhiều thời gian và cháu không muốn rời thành phố chỉ vì những cuộc thi đấu.” Howard gật đầu. “Bố nghĩ nghĩa trang là chốn tuyệt vời cho một vận động viên điền kinh. Không gian rộng rãi, các con đường thì bằng phẳng. Hồi xưa bố hay chạy ở đây lắm. Trước khi bố bị béo ra và lười đi ấy.” Sonia đảo mắt. “Ôi, xin anh. Nếu anh mà chịu khó tập tành thì đã chẳng béo thế này.” Bác đẩy giỏ bánh mì về phía tôi. “Cháu có biết mẹ cháu và bác là bạn của nhau không? Cô ấy tốt tính lắm. Rất tài năng và sôi nổi.” Đừng, đừng kể với cháu. Có lẽ nào tôi đã trở thành con mồi sa vào một âm mưu bắt cóc tống tiền tinh vi nào đó chăng? Kẻ bắt cóc liệu có cho ta ăn hai suất mì lasagna ngon nhất ta từng thưởng thức không? Nếu gặng hỏi thì liệu họ có tiết lộ công thức không nhỉ? Howard hắng giọng, kéo tôi trở lại với cuộc chuyện trò. “Cháu xin lỗi. Và không. Mẹ cháu chưa từng nhắc đến bác.” Bác Sonia gật đầu, không tỏ thái độ gì, còn Howard liếc nhìn bác rồi lại nhìn tôi. “Chắc con mệt lắm rồi. Con có muốn liên lạc với ai không? Bố đã nhắn tin cho bà lúc con xuống sân bay rồi, nhưng con nên gọi lại. Điện thoại của bố có thể gọi đường dài được.” “Con gọi cho Addie nhé?” “Là cô bạn sống cùng con hả?” “Vâng. Nhưng con có laptop. Con có thể FaceTime* với bạn ấy.” “Có lẽ tối nay thì không được. Nước Ý không hẳn là xứ sở công nghệ và cả ngày hôm nay mạng chậm lắm. Mai sẽ có người đến kiểm tra, nhưng trước đó con chỉ dùng điện thoại của bố được thôi.” “Con cảm ơn.” Ông đứng dậy. “Có ai muốn uống rượu không?” “Có chứ,” Sonia nói. “Lina?” “À… con chưa đủ tuổi.” Ông cười. “Nước Ý không quy định tuổi uống rượu, nên có lẽ ở đây sẽ hơi khác một chút. Nhưng tùy con thôi.” “Con không uống đâu.” “Bố sẽ quay lại ngay.” Ông vào bếp. Căn phòng yên tĩnh chừng mười giây, sau đó Sonia đặt dĩa xuống. “Bác rất mừng vì có cháu đến đây, Lina. Và bác muốn cháu biết rằng nếu cháu cần gì thì nhà bác ở rất gần. Thật đấy.” “Cháu cảm ơn bác.” Tôi chăm chăm nhìn vào một điểm ngay trên vai trái bác. Người lớn luôn cố gắng tử tế với tôi. Họ nghĩ có thể bù đắp cho tôi khi mất mẹ. Điều này vừa êm ái lại vừa đáng sợ. Sonia đánh mắt về phía nhà bếp, sau đó hạ giọng. “Bác muốn hỏi cháu, ngày mai nếu không ngại thì cháu sang nhà bác chơi nhé? Bác có thứ này muốn đưa cho cháu.” “Thứ gì thế ạ?” “Để sau rồi nói. Hôm nay cháu cứ tập trung ổn định chỗ ở đã.” Tôi lắc đầu. Tôi đang cố càng ít ổn định càng tốt. Tôi sẽ không dỡ hành lí. Sau bữa tối, Howard một mực đòi mang hành lí của tôi lên gác. “Bố hi vọng con sẽ thích căn phòng của mình. Bố đã sơn sửa và trang trí lại cách đây hai tuần, bố nghĩ trông nó cũng được. Bố thường mở hầu hết cửa sổ vào mùa hè cho mát mẻ nhưng nếu thích, con cứ đóng cửa sổ lại.” Ông nói liến thoắng như thể đã dành cả buổi chiều tập dượt bài diễn văn đón khách của mình. Ông đặt hành lí của tôi xuống trước cánh cửa đầu tiên. “Nhà tắm ở bên kia hành lang, có xà phòng và dầu gội mới. Cứ cho bố biết con còn cần gì nữa và ngày mai bố sẽ mua thêm nhé?” “Dạ.” “Và bố đã nói rồi đấy, Internet đang chậm như rùa, nhưng nếu con muốn thử thì tên mạng nhà mình là ‘Nghĩa trang Hoa Kì.’” Dĩ nhiên rồi. “Còn mật khẩu wifi?” “Bia Tử sĩ. Viết liền, không dấu.” “Bia Tử sĩ,” tôi nhắc lại. “Đó là gì thế ạ?” “Một phần của khu tưởng niệm. Ở đó có các bia đá ghi danh những binh lính chưa tìm được di thể. Nếu con muốn, ngày mai bố sẽ dẫn con đi tham quan.” Khôôông, cảm ơn. “Dạ, con rất mệt, nên…” Tôi tiến về phía cửa. Ông hiểu ý và đưa cho tôi một chiếc điện thoại cùng một mẩu giấy. “Bố đã ghi cách gọi về Mỹ. Con phải ấn cả mã quốc gia và mã vùng nhé. Nếu con gặp vấn đề gì, hãy cho bố biết.” “Vâng.” Tôi nhét mẩu giấy vào túi. “Chúc con ngủ ngon, Lina.” “Chúc chú ngủ ngon.” Ông quay gót đi xuôi hành lang, còn tôi thì mở cửa, kéo hành lí vào phòng, thấy nhẹ cả người vì cuối cùng cũng được ở một mình. Cuối cùng mày đã thực sự ở đây rồi, tôi nghĩ, chỉ có mày và bốn ngàn người bạn mới thôi. Cửa có khóa và tôi liền vặn chốt, tạo ra một tiếng cách đã tai. Sau đó tôi chậm rãi quay người, lên dây cót tinh thần để đón nhận bất cứ điều gì mà Howard đánh giá là “cũng được”. Tim tôi thực sự ngừng đập, vì “cũng được” nghĩa là đẹp hết ý. Căn phòng thật hoàn hảo. Ánh sáng dìu dịu tỏa ra từ chiếc đèn bàn màu vàng kim xinh xắn đặt trên kệ đầu giường, giường theo kiểu cổ với khoảng một ngàn chiếc gối trang trí. Một chiếc bàn và một tủ quần áo trang trí họa tiết vẽ tay được kê đối diện nhau, một tấm gương lớn hình ôvan được treo trên bức tường cạnh cửa. Một tá khung hình còn trống được đặt trên kệ đầu giường và tủ quần áo như đang chờ đợi được tôi lấp đầy. Tôi đứng đó và bồi hồi quan sát. Căn phòng này rất tôi. Làm sao một người chưa từng gặp tôi lại có thể cho tôi một căn phòng hoàn hảo đến nhường này? Có lẽ mọi chuyện sẽ không quá tệ… Đúng lúc đó, một luồng gió thổi vào phòng, kéo sự chú ý của tôi đến ô cửa sổ lớn để ngỏ. Tôi bỏ qua quy tắc của mình: Chuyện gì tốt đến mức không thật thì rất có thể nó chẳng có thật. Tôi đến đó và thò đầu ra ngoài. Những tấm bia mộ sáng lên dưới ánh trăng như những hàm răng lởm chởm, vạn vật chìm trong bóng tối và sự im lặng kì dị. Không một vẻ đẹp nào có thể khỏa lấp một cảnh tượng như thế này. Tôi rụt đầu vào, sau đó rút mẩu giấy ra khỏi túi. Đã đến lúc lên kế hoạch đào tẩu. Chương 2 SADIE DANES CÓ THỂ LÀ MỘT TRONG NHỮNG KẺ XẤU TÍNH nhất quả đất, nhưng cô ấy luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng tôi. Vì dù gì, nhờ cô nàng mà tôi có được người bạn thân nhất của mình. Chuyện bắt đầu vào năm lớp Bảy. Addie vừa chuyển từ Los Angeles đến Seattle và một ngày nọ, sau tiết Thể dục, cô ấy vô tình nghe thấy Sadie bình phẩm rằng có người trong lớp không cần mặc áo lót. Mà nói thật nhé, chúng tôi mới lên lớp Bảy, chỉ khoảng một phần trăm trong số chúng tôi thực sự cần mặc áo lót thôi. Và tôi đặc biệt không cần tới món phụ kiện đó nên mọi người đều hiểu là Sadie nhằm vào tôi. Trong khi tôi mặc kệ (tức là chui cái đầu mười-hai-tuổi của mình vào tủ để đồ, cố chớp mắt ngăn dòng lệ chảy ra) thì Addie thấy mình có trách nhiệm cho Sadie một cú khi cô nàng rời khỏi phòng thay đồ. Kể từ ngày đó, Addie luôn bảo vệ tôi và chưa từng dừng lại. “Tránh ra nào. Chắc là Lina đấy.” Giọng Addie từ đâu đó vọng lại như thể cô ấy giơ điện thoại ra xa. “A lô?” Addie nói vào ống nghe. “Addie, là tớ đây.” “Lina! IAN, TRÁNH XA EM RA.” Có tiếng la hét không rõ, tiếp theo là âm thanh gì đó nghe như tiếng một trận đấu dao Mexico giữa cô ấy và anh mình. Addie có ba ông anh, và họ thay vì đối xử với em mình theo kiểu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” lại thống nhất coi cô nàng như con trai trong nhà. Điều này giải thích nhiều về cá tính của Addie. “Xin lỗi nhé,” cô ấy nói khi cuối cùng cũng nghe điện thoại tiếp được. “Ian là đồ ngốc. Điện thoại của anh ấy bị hỏng và bố mẹ bảo tớ phải cho anh ấy dùng chung. Tớ không cần biết điện thoại anh ấy bị làm sao. Tớ sẽ không cho đám bạn người rừng của anh ấy số điện thoại của tớ.” “Thôi nào, họ đâu kinh khủng đến thế.” “Ngừng ngay. Cậu biết họ mà. Sáng nay tớ vừa chứng kiến cảnh một trong số họ ăn ngũ cốc của tụi mình. Anh ta đổ nguyên hộp vào bát tô rồi ăn bằng muỗng canh. Tớ không nghĩ Ian có nhà nữa.” Tôi mỉm cười và nhắm mắt lại một lát. Nếu Addie là siêu anh hùng, sức mạnh của cô ấy sẽ là Khiến Bạn Thân Thấy Ổn. Những tuần lễ đầu tiên đen tối sau đám tang, cô ấy là người đã kéo tôi ra khỏi nhà đi chạy và ép tôi ăn uống, tắm rửa. Cô ấy là kiểu bạn bè mà bạn biết rằng không đời nào bạn xứng đáng có được. “Thôi. Sao chúng ta lại phí phạm thời gian buôn chuyện về đám bạn của Ian nhỉ? Chắc cậu đã gặp chú Howard rồi.” Tôi mở mắt. “Ý cậu là bố tớ hả?” “Không đời nào tớ gọi thế. Mãi đến hai tháng trước chúng ta mới biết ông ấy là bố của cậu.” “Chưa đầy hai tháng trước.” “Lina, cậu đang bắt bẻ tớ đó. Ông ấy thế nào?” Tôi đánh mắt về phía cửa phòng ngủ. Tiếng nhạc vẫn vọng lên từ dưới nhà, nhưng tôi vẫn hạ nhỏ giọng. “Cứ biết là tớ cần phải rời khỏi đây là được. Ngay lập tức.” “Ý cậu là sao? Ông ấy quái dị lắm hả?” “Không. Thật ra ông ấy cũng được. Và ông ấy cao như cầu thủ bóng rổ ấy, ngạc nhiên thật. Nhưng phần đó thì không tệ.” Tôi hít thật sâu. Cô ấy cần phải biết thế nào là hồi hộp đã. “Ông ấy trông nom một nghĩa trang. Nghĩa là tớ phải sống trong một nghĩa trang.” “CÁI GÌ?” Tôi biết thừa cô ấy sẽ rống lên nên đã giơ điện thoại ra xa tai cả thước. “Cậu phải sống trong nghĩa trang? Ông ấy là phu đào huyệt hay làm gì đó đại loại thế hả?” Cô ấy nói nhỏ lại mấy từ cuối. “Tớ không nghĩ người ta còn chôn cất người quá cố ở nơi này nữa. Tất cả các ngôi mộ đều là từ thời Thế chiến thứ hai.” “Tin đó cũng chẳng khá khẩm hơn! Lina, chúng ta phải đưa cậu ra khỏi đó. Thật không công bằng. Đầu tiên thì cậu mất mẹ, giờ cậu phải vượt nửa vòng trái đất để sống với một người không dưng nhận là bố cậu sao? Và ông ấy còn sống trong một nghĩa trang á? Thôi nào, thật quá thể đáng.” Tôi ngồi xuống bên bàn, xoay ghế tới khi quay lưng với cửa sổ. “Tin tớ đi, nếu tớ biết mình sẽ phải sống ở đâu, tớ sẽ phản đối còn dữ hơn. Nơi này quái dị lắm. Khắp nơi đều là bia mộ và tớ cảm thấy như cách rất xa thế giới văn minh. Tớ thấy vài ngôi nhà trên đường tới đây, nhưng ngoài ra thì có vẻ chỉ có rừng rậm bao quanh nghĩa trang này thôi.” “Im nào. Tớ sẽ tới đón cậu. Vé máy bay bao nhiêu tiền nhỉ? Hơn ba trăm đô hả? Vì đó là tất cả số tiền tớ còn sau vụ bất đồng quan điểm nho nhỏ của chúng ta với trụ nước cứu hỏa!” “Cậu đâu có phi vào nó mạnh đến mức đấy!” “Cậu đi mà nói với thợ sửa ấy. Người ta phải thay cả tấm hãm xung. Lỗi của cậu hết. Nếu cậu không hát ông ổng lên thì đời nào tớ hùa theo.” Tôi cười toe toét và ngồi vắt chéo chân. “Không phải lỗi của tớ khi cậu không thể tự chủ lúc bài hát cũ của Britney Spears vang trên radio. Nhưng cậu có cần tớ trả giùm không? Ông bà quản lí tiền của tớ nhưng tớ có tiền tiêu hằng tháng.” “Không, đương nhiên là không. Cậu sẽ cần tiền để từ Ý quay về đây. Và tớ thực sự nghĩ rằng bố mẹ tớ hoàn toàn ủng hộ cậu tiếp tục sống ở đây. Mẹ tớ thấy cậu là một người bạn tốt. Bà ấy mất cả tháng trời mới quên được chuyện cậu tự bỏ bát đĩa của mình vào máy rửa bát đấy.” “Chà, tớ đỉnh quá mà.” “Ờ, cứ cho là vậy đi. Được rồi, tớ sẽ nói chuyện với bố mẹ. Tớ phải đợi tới khi mẹ mát tính đã. Mẹ đang bận chuyện gây quỹ bóng đá cho Ian, nhưng cậu sẽ tưởng bà ấy đang chuẩn bị cho một bữa tiệc của vương công quý tộc. Thật đấy, dạo này mẹ tớ đang căng thẳng quá. Tối qua mẹ tớ nổi điên lên vì bọn tớ không đứa nào chịu ăn món mì hầm thịt.” “Tớ thích món mì hầm thịt của mẹ cậu. Món có cá ngừ, phải không?” “Eo, cậu không thích món đấy đâu. Có lẽ lúc đấy cậu đói ngấu vì vừa chạy chín trăm dặm thôi. Hơn nữa, cậu có chê món gì đâu.” “Quả vậy,” tôi thừa nhận. “Nhưng Addie này, hãy nhớ rằng quan trọng là chúng ta phải thuyết phục được bà của tớ. Bà siêu ủng hộ chuyện tớ sống tại đây.” “Tớ chẳng hiểu nổi bà cậu. Vì sao bà lại đưa cậu đi nửa vòng Trái đất để sống với một người lạ nhỉ? Bà còn chẳng biết chú Howard.” “Mình nghĩ là bà không còn cách nào khác. Trên đường tới sân bay, bà bảo là bà đang tính chuyện đến ở trong trại dưỡng lão cùng ông. Việc chăm sóc ông càng ngày càng vất vả.” “Chính vì thế cậu nên ở với nhà tớ.” Cô ấy thở dài. “Đừng lo. Cậu cứ để bà Rachelle của cậu cho tớ lo. Tớ sẽ đưa bà đi mua vài bịch kẹo bơ mà người già ai cũng thích, và hai người sẽ bàn chuyện vì sao gia đình Bennet là lựa chọn tuyệt vời nhất cho cậu.” “Cảm ơn nhé, Addie.” Cả hai đều không nói năng gì và tiếng côn trùng cùng tiếng nhạc của Howard lấp đầy khoảng lặng ngắn ngủi giữa chúng tôi. Tôi chỉ muốn chui qua điện thoại để trở về Seattle. Tôi sẽ sống ra sao nếu không có Addie? “Sao cậu im ru vậy? Chú Đào Huyệt ở đó à?” “Tớ đang trong phòng riêng, nhưng tớ có cảm giác âm thanh có thể vang khắp nhà. Tớ chẳng biết ông ấy có nghe thấy tiếng tớ không nữa.” “Tuyệt. Vậy là cậu không được tự do ngôn luận. Có lẽ chúng ta phải nghĩ ra mật mã để tớ biết cậu có ổn hay không. Hãy nói ‘chim xanh’ nếu cậu bị giữ làm con tin nhé.” “‘Chim xanh’ à? Mật mã không phải nên là một từ nghe không có gì kì quái sao?” “Chết dở. Giờ tớ rối trí rồi. Cậu nói từ đó nhưng tớ còn không biết cậu có ý đó không. Cậu có bị giữ làm con tin không thế?” “Không đâu, Addie. Tớ không bị giữ làm con tin.” Tôi thở dài. “Trừ việc có lẽ tớ là con tin của lời hứa với mẹ.” “Ờ, nhưng lời hứa có thực sự có ý nghĩa khi mà cậu bị tình thế bắt buộc không? Tớ không có ý gì đâu nhưng mẹ cậu không chịu cho cậu biết lí do mà bà ấy muốn cậu tới Ý.” “Tớ biết.” Tôi thở dài. “Tớ hi vọng có lí do gì đó cho việc này.” “Có lẽ có.” Tôi ngoái nhìn cửa sổ. Vầng trăng đang nhô lên khỏi rặng cây chìm trong bóng tối, và nếu thiếu lí trí một chút, tôi có lẽ sẽ nghĩ cảnh tượng này khá đẹp mắt. “Tớ cúp máy đây. Tớ đang sử dụng điện thoại của ông ấy và cuộc gọi này có lẽ tốn cả gia tài rồi.” “Ờ. Gọi lại cho tớ càng sớm càng tốt nhé. Và nghiêm túc này, đừng lo lắng gì. Nhà tớ sẽ sớm đưa cậu rời khỏi đó.” “Cảm ơn nhé, Addie. Hi vọng là ngày mai tớ có thể FaceTime với cậu.” “Tớ sẽ ngồi trực máy tính đợi cậu. Người ta chào tạm biệt bằng tiếng Ý thế nào nhỉ? ‘Choo’ à? Hay ‘Chow’?” “Chịu.” “Nói dối. Cậu là người luôn nói chuyện chu du khắp thế giới kia mà.” “Xin chào và tạm biệt đều là ‘ciao.’” “Tớ biết ngay mà. Ciao, Lina.” “Ciao.” Cuộc gọi mất kết nối và tôi đặt điện thoại xuống bàn, cổ họng nghẹn thít lại. Tôi đã thấy nhớ bạn mình rồi. “Lina ơi?” Howard! Tôi suýt ngã ngửa ra ghế. Ông nghe lén à? Tôi vội đứng dậy, sau đó mở hé cửa phòng. Howard đang đứng trong hành lang, tay cầm một chồng khăn trắng gấp gọn gàng trông như một chiếc bánh cưới. “Hi vọng là bố không làm phiền con,” ông vội nói. “Bố vừa nhớ ra là muốn đưa con thứ này.” Tôi nhìn kĩ gương mặt ông, nhưng nó rất mực dịu dàng. Khuôn mặt đó rõ ràng không tiết lộ điều gì. Tôi không biết liệu ông có nghe lỏm cuộc nói chuyện của tôi với Addie không. Tôi chần chừ một giây, sau đó mở cửa rộng hơn và nhận khăn tắm từ tay ông. “Con cảm ơn. Điện thoại của chú này.” Tôi cầm nó từ trên bàn lên và trả ông. “Vậy… con thấy thế nào?” Tôi đỏ mặt. “Về…?” “Về phòng riêng của con.” “À. Tuyệt vời ạ. Thực sự rất đẹp.” Một nụ cười nhẹ nhõm nở rộng trên gương mặt ông. Đây chắc chắn là nụ cười chân thành đầu tiên của buổi tối hôm nay, khiến ông trông như nhẹ đi vài chục kí. Hơn nữa, nụ cười của ông hơi lệch. “Tốt.” Ông dựa vào khung cửa. “Bố biết mình không có gu thẩm mĩ tốt nhất, nhưng bố muốn căn phòng thật đẹp. Một người bạn đã giúp bố sơn bàn và tủ, còn Sonia và bố tìm thấy chiếc gương ở một khu chợ trời.” Trời đất. Giờ thì tôi có thêm hình ảnh ông dạo quanh nước Ý để tìm những món đồ ông nghĩ rằng tôi sẽ thích. Sao ông bỗng hào hứng như thế? Theo như tôi được biết thì ông chưa từng gửi cho tôi một tấm thiệp mừng sinh nhật nào. “Chú không phải nhọc công thế đâu,” tôi nói. “Không hề. Thật đấy.” Ông lại cười và sau đó là một khoảng im lặng khó chịu kéo dài. Cả tối nay dường như là buổi hẹn với một người lạ mà tôi chẳng có tí tẹo điểm chung nào. Không, còn tệ hơn thế. Vì chúng tôi có một điểm chung, chỉ là chúng tôi chưa bàn tới nó mà thôi. Bao giờ chúng tôi sẽ bắt đầu nói về chuyện ấy? Hi vọng là không bao giờ. Howard gật đầu. “Thôi, chúc ngủ ngon, Lina.” “Chúc chú ngủ ngon.” Tiếng chân ông xa dần, sau đó tôi đóng cửa và vặn chốt. Mười chín tiếng đi lại khiến đầu tôi đau như búa bổ. Thời gian cho ngày hôm nay đã hết. Tôi nhét khăn vào tủ rồi cởi giày và nhảy lên giường khiến mấy cái gối trang trí bắn tung lên theo mọi hướng. Cuối cùng cũng được nghỉ ngơi. Giường mềm mại đúng như vẻ bề ngoài, còn chăn nệm thì thơm ngát, hệt như thi thoảng mẹ vẫn phơi chăn nệm nhà tôi ra ngoài trời. Tôi chui vào chăn và tắt đèn ngủ. Tiếng cười lớn vọng lên từ dưới nhà. Nhạc vẫn vặn to hết âm lượng, và cả hai hoặc đang rửa bát hoặc đang ồn ã chơi bóng vồ trong nhà, nhưng ai thèm quan tâm? Sau ngày hôm nay, tôi có thể ngủ ở bất cứ nơi nào. Tôi vừa mơ màng ngủ thì giọng Howard làm tôi choàng tỉnh. “Con bé trầm tính thật.” Tôi mở choàng mắt. “Sau chuyện đó, tôi không nghĩ điều này có gì đáng ngạc nhiên,” tiếng bác Sonia đáp. Tôi không dám nhúc nhích. Rõ ràng Howard không nghĩ âm thanh có thể lọt vào qua những ô cửa sổ để ngỏ. Ông hạ giọng. “Tất nhiên rồi. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên. Hadley rất…” “Sôi nổi? Ừ. Nhưng Lina có thể làm anh ngạc nhiên. Tôi sẽ chẳng hề bất ngờ chút nào nếu hóa ra con bé có một chút năng lượng của mẹ.” Ông cười khe khẽ. “Năng lượng. Cũng là một cách nói đấy.” “Hãy cho cô bé một chút thời gian.” “Đương nhiên. Cảm ơn chị một lần nữa vì bữa tối. Nó ngon lắm.” “Không có gì. Tôi đang tính sáng mai dán thông báo ở trung tâm tiếp khách. Anh sẽ đến văn phòng chứ?” “Có, nhưng chắc không ở lâu. Tôi muốn nghỉ sớm để có thể đưa Lina vào thành phố chơi.” “Nghe hay đấy. Tạm biệt sếp.” Tiếng chân bác Sonia lạo xạo trên lối đánh xe rải sỏi và một lát sau, cửa chính mở ra rồi lại đóng vào. Tôi ép mình nhắm mắt lại, nhưng cứ như thể nước tăng lực đang chảy khắp huyết quản tôi. Howard mong chờ cái gì? Rằng tôi sẽ vui mừng khôn xiết vì được chuyển đến sống với một người tôi chưa từng gặp? Rằng tôi sẽ nhảy choi choi vì được sống trong một nghĩa trang? Chuyện tôi không hề muốn sống ở đây chẳng phải một bí mật lớn. Tôi chỉ chấp thuận khi bà quăng ra quân bài tẩy cuối cùng: Cháu đã hứa với mẹ rồi mà. Và vì sao ông ấy phải nói tôi “trầm tính”? Tôi ghét bị bảo là trầm tính. Người ta luôn nhận xét kiểu đó như thể đấy là một khuyết điểm - như thể khi tôi không thể hiện tất cả ra ngay, tôi là một kẻ không thân thiện hoặc ngạo mạn. Mẹ tôi thì hiểu. Con bắt nhịp chậm nhưng một khi đã vào guồng rồi, con sẽ chiếu sáng cả một căn phòng. Nước mắt dâng lên và tôi lăn người, vùi mặt vào gối. Đã hơn sáu tháng trôi qua, đôi khi tôi có thể vượt qua hàng giờ liền vờ như không có mẹ thì tôi vẫn ổn. Nhưng nó chẳng kéo dài lâu. Hóa ra sự thật lại rõ ràng và khó dung thứ như cái cột nước cứu hỏa mà Addie và tôi đã tông phải. Và tôi sẽ phải sống hết quãng đời còn lại mà không có mẹ, Thật sự là thế. Chương 3 “NHÌN KÌA, CỬA SỔ ĐÓ ĐỂ NGỎ. PHẢI CÓ NGƯỜI Ở ĐẤY.” Giọng nói vọng đến tai tôi và tôi ngồi bật dậy. Tôi đang ở đâu? À. Đúng rồi. Trong một nghĩa trang. Chỉ có điều bây giờ nó đang tắm trong ánh dương và nhiệt độ phòng của tôi vào chừng 750 độ C. Sai lệch chừng 300 độ C. “Anh không nghĩ họ nên có biển chỉ đường à?” Đó là một giọng nữ gắt như nước xốt thịt nướng. Một người đàn ông đáp: “Gloria, đây có vẻ là nhà riêng. Anh không nghĩ chúng ta nên đi lang thang ở đây…” “Xin chào! Có ai ở nhà không?” Tôi kéo chăn ra và rời giường, giẫm phải đống gối trang trí ngổn ngang. Tôi vẫn ăn mặc chỉnh tề. Tôi đã thấm mệt đến nỗi ý nghĩ phải mặc đồ ngủ không hề xuất hiện trong đầu vào tối hôm trước. “Xin chào,” người phụ nữ lại lanh lảnh. “Có ai ở nhà không?” Tôi búi tóc lại để không dọa đến ai, sau đó thò đầu ra khỏi cửa sổ, thấy hai người giống hệt giọng nói của họ. Người phụ nữ có mái tóc đỏ như lửa và mặc quần soóc cạp cao, còn người đàn ông đội mũ rộng vành, đeo một cái máy ảnh to tướng trên cổ. Họ còn đeo túi bụng nữa. Tôi cố nhịn cười. Addie và tôi từng thắng cuộc thi hóa trang nhờ mặc đồ như Tây ba lô. Hai người này có thể là nguồn cảm hứng cho chúng tôi. “Xin chào,” Cô Tây ba lô đời thực chậm rãi nói. Cô ta chỉ vào tôi. “Cháu có nói tiếng Anh không?” “Cháu cũng là người Mỹ.” “Cảm ơn trời đất! Cô chú đang tìm Howard Mercer, người quản lí nghĩa trang. Cô chú có thể tìm ông ấy ở đâu?” “Cháu không biết. Cháu… mới tới.” Một quang cảnh khiến tôi chú ý và tôi ngước lên. Cây cối bên ngoài cửa sổ phòng tôi mang màu xanh non mơn mởn, bầu trời có lẽ còn xanh hơn tôi từng trông thấy. Nhưng tôi vẫn ở trong một nghĩa trang. Xin nhắc lại: Vẫn. Ở. Trong. Một. Nghĩa. Trang. Cô Tây ba lô nhìn người đàn ông, sau đó lại ngước nhìn tôi, đổi trọng tâm sang một bên chân như kiểu Cháu không đuổi cô đi dễ dàng thế đâu. “Để cháu xem ông ấy có ở nhà không.” “Ừ,” cô ta nói. “Cô chú sẽ đi dạo ở đằng trước.” Tôi mở hành lí và đổi sang áo ba lỗ và quần soóc, sau đó xỏ giày vào rồi xuống nhà. Mặt bằng tầng một khá nhỏ và ngoài phòng riêng của Howard thì căn phòng duy nhất tôi chưa thấy là phòng làm việc. Tôi cẩn thận gõ cửa, sau đó bước vào. Trên tường là các vỏ album và ảnh nhóm nhạc Beatles* được đóng khung và tôi dừng lại ngắm nghía bức hình Howard chụp cùng vài người khác đang té nước vào một con voi to lớn, đẹp đẽ. Howard mặc quần túi hộp và đội mũ vành cứng, trông như một ngôi sao trong chương trình thám hiểm thiên nhiên nào đó. Howard tắm cho động vật hoang dã. Rõ ràng là ông không dành mười sáu năm qua chỉ để ngồi âu sầu ảo não nhớ nhung mẹ con tôi. “Xin lỗi nhé, hai vợ chồng Tây ba lô. Cháu chẳng thấy bóng dáng Howard đâu hết.” Tôi đi ra cửa, sẵn sàng thông báo với cặp Tây ba lô kia rằng tôi chẳng thể giúp họ, nhưng khi vào phòng khách, tôi nhảy dựng lên như thể giẫm phải dây điện hở. Người phụ nữ không chỉ đợi tôi ở cửa trước mà còn tì mặt vào cửa sổ như một con bọ khổng lồ và nhìn tôi chằm chằm. Đằng này. Đằng này! Cô ta mở khẩu hình và chỉ về phía cửa trước. “Cô ta đùa tôi chắc? Tôi áp tay lên ngực. Tim tôi như đang đập một triệu nhịp một phút. Vậy mà người ta nghĩ cuộc sống trong một nghĩa trang sẽ được… “yên nghỉ” lắm. Tăng tăng tăng tằng! Câu đùa chính thức đầu tiên của tôi tại nghĩa trang. Và cú trợn mắt chính thức đầu tiên trước trò đùa tại nghĩa địa này. Tôi mở cửa và người phụ nữ lùi lại chừng năm phân. “Xin lỗi nha bé. Cô làm cháu giật mình à? Trông mắt cháu như sắp sửa rời tròng ấy.” Cô ta có một tấm thẻ đề chữ: XIN CHÀO, TÔI LÀ GLORIA. “Cháu không nghĩ cô sẽ… nhìn vào.” Tôi lắc đầu. “Cháu xin lỗi, nhưng Howard không có nhà. Ông ấy hình như có văn phòng riêng; cô thử tìm ông ấy ở đó xem sao?” Gloria gật đầu. “Ờ… ờ. ừ. Búp bê à, có một vấn đề thế này. Cô chú chỉ còn ba tiếng trước khi xe du lịch quay lại đón, và cô chú muốn chắc chắn đã được ngắm nghía tất cả. Cô không nghĩ cô chú có thời gian để đi loanh quanh tìm ông Mercer.” “Cô có thấy trung tâm tiếp khách không? Người phụ nữ làm việc ở đó có lẽ biết ông ấy đang ở đâu.” “Anh đã nói chúng ta nên thử cách đó rồi mà,” người đàn ông nói. “Đây là một căn nhà.” “Tòa nhà nào là trung tâm tiếp khách?” Gloria hỏi. “Là tòa nhà gần cổng vào à?” “Cháu xin lỗi nhưng cháu thật sự không biết.” Có lẽ vì tối hôm trước tôi quá kích động nên chẳng để ý được gì ngoài đội quân bia mộ chằm chằm nhìn mình. Cô ta nhướng một bên lông mày. “Chà, cô ghét làm phiền cháu, cháu yêu ạ, nhưng cô chắc chắn cháu biết nơi này rõ hơn một cặp khách du lịch đến từ Alabama.” “Thật ra là không ạ.” “Sao cơ?” Tôi thở dài, phấp phỏng hi vọng ngoái nhìn căn nhà lần nữa, nhưng nó tĩnh lặng như nấm mồ. (Úi! Câu đùa thứ hai về nghĩa trang.) Có lẽ tôi đành phải chấp nhận sự thật rằng nay mình đã sống trong một khu tưởng niệm rồi. Tôi bước ra ngoài hiên và đóng cửa lại. “Cháu không biết rõ đường đi lối lại đâu, nhưng cháu sẽ cố giúp.” Gloria cười rạng rỡ. “Grah-zee-aye*.” Tôi bước xuống các bậc tam cấp, hai người kia theo sau. “Họ quản lí nơi này rất tốt,” Gloria nhận xét. “Rất đẹp.” Cô ta nói đúng. Bãi cỏ xanh rì như được phủ sơn và rõ ràng là mọi khúc ngoặt đều được cắm những lá cờ Ý và Mỹ, bao quanh bởi những bụi hoa trông như bước ra từ truyện Phù thủy xứ Oz*. Bia mộ trắng phau, lấp lánh và trông không rùng rợn lắm trong ánh sáng ban ngày. Nhưng đừng hiểu sai ý tôi. Chúng vẫn rùng rợn lắm. “Đường này.” Tôi đi về phía con đường tối hôm qua Howard đã lái xe chở tôi vào. Gloria huých nhẹ khuỷu tay vào tôi. “Vợ chồng cô gặp nhau trên du thuyền đấy.” Ôi, không. Cô ta sắp kể câu chuyện đời họ ư? Tôi đánh mắt nhìn Gloria và cô ta cười vui vẻ. Đương nhiên là vậy rồi. “Chú ấy vừa mất vợ, cô ấy tên là Anna Maria. Cô ấy rất tốt, nhưng mắc bệnh cuồng sạch sẽ, kiểu người sẽ bọc giấy bóng kính lên hết đồ đạc nội thất ấy. Còn chồng của cô, chú Clint thì đã qua đời vài năm trước, chính vì thế mà cô chú đều có mặt trên chuyến du thuyền dành cho người độc thân đó. Đồ ăn ngon lắm nhé - phủ phê tôm hùm và kem, cháu muốn ăn bao nhiêu tùy thích. Anh nhớ con tôm hùm đó không, Hank?” Hank có vẻ không buồn nghe. Tôi rảo bước và Gloria cũng tăng tốc. “Trên thuyền có một lũ dê xồm, rặt một lũ hư đốn, nhưng may cho cô là Hank và cô được xếp ngồi cùng một bàn ăn tối. Chú ấy đã cầu hôn cô trước khi thuyền cập bến - chú ấy đã chắc chắn như vậy đấy. Chỉ hai tháng sau, cô chú kết hôn. Đương nhiên trước đó cô đã chuyển đến sống cùng chú ấy, nhưng cô chú vội vã vì không muốn, cháu biết đấy…” Cô ta dừng lại, nhìn tôi đầy ẩn ý. “Sao ạ?” Tôi ngần ngừ hỏi. Giọng cô ấy rơi xuống quãng tám. “Sống trong tội lỗi.” Tôi tuyệt vọng nhìn quanh nghĩa trang. Tôi hoặc phải tìm thấy Howard hoặc phải tìm ra nơi nào đó để ói. Có lẽ là cả hai. “Nhiệm vụ đầu tiên của cô là xé toàn bộ màng bọc đồ nội thất. Một người phải sống mà không được dính mông vào cái ghế sofa chết tiệt. Phải không nào. Hank?” Chú ấy ậm ừ một tiếng trong cổ họng. “Đây giống như kì trăng mật lần hai của cô chú vậy. Cả đời này cô luôn ước ao được thăm thú nước Ý và giờ thì cô đã ở đây. Cháu đúng là một con vịt may mắn mới được sống ở đây đấy nhé.” Quạc, quạc, tôi thầm nghĩ. Con đường uốn khúc và một tòa nhà nhỏ xuất hiện ngay trước mắt. Nó ở ngay bên cạnh cổng chính và có một tấm biển to tướng đề KHÁCH ĐĂNG KÍ TẠI ĐÂY. Sao mà thật dễ nhầm thành HỠI KHÁCH, HÃY TÌM NHÀ GẦN NHẤT VÀ HÉT QUA CỬA SỔ. “Cháu nghĩ nó đây này,” tôi nói. “Đã bảo em rồi mà,” Hank cất tiếng nói với Gloria. “Anh chẳng nói gì với em hết,” Gloria khịt mũi. “Anh chỉ lẵng nhẵng bám theo em như một chú cún lạc mẹ thôi.” Tôi gần như chạy thẳng đến cửa văn phòng nhưng trước khi tôi kịp động vào nắm đấm thì cửa đã mở toang và Howard bước ra. Ông mặc quần lửng, đi dép tông, trông như sắp lên máy bay đến Tahiti. “Lina. Bố không nghĩ là con đã dậy.” Gloria bước đến. “Ông Mercer phải không? Chúng tôi là vợ chồng Jorgansen đến từ Mobile, Alabama. Chắc ông còn nhớ e-mail của tôi chứ? Chúng tôi muốn đặt riêng một tour đặc biệt tham quan nghĩa trang ấy? Ông thấy đấy, anh Hank chồng tôi rất thích lịch sử Thế chiến thứ hai. Nói với họ đi, Hank.” “Thực sự yêu thích,” Hank nói. Howard trầm ngâm gật đầu, nhưng khóe miệng hơi giật giật. “Chà, có đúng một tour tham quan, nhưng tôi chắc chắn Sonia sẽ rất vui được hướng dẫn hai người. Sao hai bạn không vào trong và cô ấy sẽ giúp hai bạn bắt đầu.” Gloria vỗ tay. “Ông Mercer, tôi nghe nói ông cũng là người miền Nam. Ông quê ở đâu? Tennessee à?” “Nam Carolina.” “Đúng ý tôi. Nam Carolina. Và cô bé xinh xắn đã giúp đỡ chúng tôi là ai nhỉ? Con gái ông à?” Ông khựng lại chừng một tích tắc, chỉ vừa đủ lâu khiến tôi chú ý. “Đúng. Đây là Lina.” Và chúng tôi vừa gặp nhau hồi tối qua. Gloria lắc đầu. “Trời đất! Tôi không nghĩ đã từng thấy một cặp cha con nào khác nhau thế này. Nhưng chuyện đó đôi khi cũng xảy ra mà. Tôi thừa hưởng mái tóc đỏ này từ bà cố ngoại. Đôi khi gen bỏ qua vài thế hệ.” Cả hai chúng tôi nhìn cô ta bằng ánh mắt ngờ vực. Rõ ràng mái tóc đỏ của Gloria không thể nào đến từ đâu ngoại trừ hộp thuốc nhuộm, nhưng ta phải ngưỡng mộ cách nói như thật của cô ta. Cô ta nheo mắt nhìn tôi rồi quay sang Howard. “Vợ ông là người Ý à?” “Mẹ Lina là người Mỹ. Con bé rất giống mẹ.” Tôi nhìn ông tỏ ý cảm ơn. Nói thế giúp mọi chuyện bớt phức tạp. Nhưng tôi chợt nhớ ra cuộc trò chuyện của ông và Sonia ở ngoài hiên và tôi quay đi, thu cái nhìn biết ơn trở lại nhãn cầu. Gloria đứng chống nạnh. “Chà, Lina, cháu rất hợp với nơi này nhỉ? Hãy nhìn đôi mắt đen và mái tóc tuyệt vời kia xem. Cô dám cá mọi người đều nghĩ cháu là dân bản xứ.” “Cháu không phải dân bản xứ. Cháu chỉ tới đây chơi thôi.” Hank cuối cùng cũng lên tiếng. “Gloria, nhanh lên nào. Nếu cứ tán gẫu thế này thì chúng ta sẽ bỏ lỡ toàn bộ nghĩa trang trời đánh này mất.” “Được rồi, được rồi. Không cần nhấn mạnh vậy đâu. Đi nào, Hank.” Cô ta nhìn tôi với vẻ bí ẩn, như thể chồng mình là một cậu em trai mà chúng tôi bất đắc dĩ phải đi cùng, sau đó cô ta mở cửa. “Chúc hai người một ngày tốt lành. A-river-dur-chee!*” “Úi chà,” Howard nói khi cửa đóng lại sau lưng họ. “Vâng.” Tôi khoanh tay. “Bố xin lỗi về chuyện đó. Người ta không thường tới nhà. Và họ thường kém…” Ông dừng lại như đang cố nghĩ ra một từ lịch sự mô tả về vợ chồng Jorgansen. Cuối cùng, ông đành lắc đầu. “Có vẻ con định đi chạy thể dục.” Tôi nhìn xuống trang phục của mình. Tôi có thói quen mặc đồ thế này, quen đến mức còn chẳng buồn suy nghĩ. “Con vớ bừa đồ mặc lên người ấy mà.” “Như bố đã nói, con có thể chạy trong khu nghĩa trang, nhưng nếu con muốn ra ngoài và khám phá, hãy đi thẳng ra phía mấy cánh cổng chính kia. Chỉ có một con đường, con sẽ không lạc được đâu.” Cửa trung tâm tiếp khách lại mở và Gloria thò đầu ra. “Ông Mercer ơi? Người phụ nữ trong đây nói rằng tour tham quan chỉ kéo dài ba mươi phút. Tôi đã đặc biệt yêu cầu tour hai tiếng hoặc lâu hơn cơ mà.” “Tôi vào ngay đây.” Ông liếc nhìn tôi. “Chạy thể dục vui nhé.” Khi ông đi vào, trong cơn bốc đồng tôi đã bước lên để nhìn được hình phản chiếu của cả hai trên cửa kính. Gloria có thể lố lăng nhưng cô ta không sợ chỉ ra một điều rõ như ban ngày. Howard cao trên mét chín, tóc vàng sậm, mắt xanh lam. Còn tôi thì mắt đen, tóc đen và toàn phải mua đồ ở khu trang phục trẻ em. Nhưng đôi khi gen bỏ qua vài thế hệ. Phải không? Tôi rảo bước ra khỏi cổng nghĩa trang và băng qua khu đỗ xe của khách. Rẽ trái hay phải nhỉ? Có lẽ không quan trọng. Tôi chỉ cần rời xa nghĩa trang một lúc thôi. Rẽ trái. À không, rẽ phải. Con đường chạy qua khu tưởng niệm chỉ có hai làn xe chạy, và tôi men theo lằn cỏ ven đường, rảo bước cho tới khi gần như chạy nước rút. Thường thì chạy có thể giúp tôi bỏ qua những suy nghĩ phiền não, nhưng cái này thật khó rũ bỏ. Vì sao tôi không có chút nào giống Howard? Có lẽ chỉ có một nguyên nhân - ý tôi là, rất nhiều người trông chẳng giống bố mẹ mình chút nào. Addie là người duy nhất trong nhà có mái tóc vàng và một cậu bạn lớn lên cùng tôi đã cao hơn cả bố mẹ khi mới học lớp Sáu. Nhưng tôi vẫn còn một chút trăn trở. Không phải Howard và tôi chí ít cũng phải có một chút giống nhau ư? Tôi dán mắt xuống đường. Con sẽ sớm thích nghi thôi. Howard thật sự là người tốt. Đó là lời của bà ngoại, mà theo như tôi biết thì bà chưa từng gặp Howard. Ít nhất là chưa gặp trực tiếp. Một chiếc xe buýt lớn màu xanh lam phóng vèo qua, khiến một luồng gió nóng phả vào mặt tôi và khi ngước lên, tôi há hốc miệng. Cái gì thế này…? Tôi vừa chạy qua một nhà hàng Olive Garden sao? Nó thật… đồng quê. Con đường rợp bóng cây dịu dàng uốn qua những ngôi nhà mộc mạc và các kiến trúc sơn màu kem dịu mắt. Những ngọn đồi trập trùng trải dài về phía xa và có một vườn nho thực sự đằng sau nửa dãy nhà. Vậy ra là điều mà người Ý luôn nhắc đến. Thảo nào người ta luôn phát cuồng vì nó. Một chiếc xe khác từ đằng sau phóng lên, bấm còi inh ỏi và khiến tôi giật mình thoát khỏi khoảnh khắc Ý. Tôi nhảy bắn khỏi đường và ngoái nhìn lại. Đó là một chiếc xe hơi màu đỏ trông như thể nó thật sự, thật sự cố tỏ ra xa xỉ hơn thực tế, và khi lại gần tôi, nó giảm tốc. Cả gã lái xe và hành khách đều có mái tóc đen và khoảng chừng hai mươi tuổi. Khi tôi nhìn tài xế, gã nhoẻn cười và lại bấm còi. “Bình tĩnh nào. Tôi có cản đường anh đâu,” tôi lầm bầm. Gã tài xế giẫm chân phanh như thể chẳng hiểu bằng cách màu nhiệm nào hắn lại nghe thấy tiếng tôi, sau đó dừng lại giữa đường. Một gã khác, có lẽ lớn hơn chừng một hoặc hai tuổi, hạ kính cửa sau và nở một nụ cười toe toét. “Ciao, bella! Cosa fai stasera?*” Tôi lắc đầu và chạy tiếp, nhưng gã tài xế dấn xe thêm vài mét rồi dừng lại bên vệ đường phía tôi. Tuyệt. Sau bốn năm chạy, tôi hiểu quá rõ về kiểu con trai này. Tôi không biết ai dạy họ rằng “chạy một mình” có ẩn ý là “xin cho tôi đi nhờ xe,” nhưng tôi đã học được rằng nói mình không cần là chưa đủ. Họ chỉ nghĩ bạn bày đặt chảnh chọe làm kiêu thôi. Tôi băng sang bên kia đường và đi về phía nghĩa trang, dừng một giây để thắt lại dây giày. Sau đó, tôi hít một hơi sâu, tưởng tượng ra mình nghe thấy tiếng súng báo xuất phát. Chạy! Có tiếng kêu ngạc nhiên từ chiếc xe. “Dove vai?*” Tôi không thèm nhìn lại. Nếu xuất phát tốt, tôi có thể vượt qua bất kì ai - kể cả mấy gã người Ý ngồi trong những chiếc xe màu đỏ rẻ tiền. Tôi sẵn sàng băng đèo lội suối, nếu cần thiết. Đến khi tôi trở về nghĩa trang, mấy gã kia đã đi qua tôi hai lần và sau đó bỏ cuộc, còn tôi khá chắc rằng đến cả mí mắt tôi cũng chảy mồ hôi. Howard và Sonia đang đứng quay lưng với cổng, nhưng cả hai vội vàng quay lại khi nghe thấy tiếng tôi. Có lẽ vì tôi phát ra âm thanh như người sói bị hen. “Con chưa đi lâu lắm. Con vẫn ổn chứ?” Howard hỏi. “Con… bị… theo… đuôi.” “Bởi ai?” “Một chiếc xe… toàn con trai.” “Chắc chúng thích cháu,” Sonia nói. “Gượm đã. Một chiếc xe toàn con trai đuổi theo con? Trông chúng thế nào?” Gương mặt ông đanh lại và ông nhìn ra đường như đang tính lao ra ngoài cùng một cây gậy đánh bóng chày hoặc gì đó tương tự. Có lẽ đó là để đền đáp cho nhận xét Con bé quá trầm tính. Tôi lắc đầu, cuối cùng cũng lấy hơi lại được. “Chuyện thật sự không quá nghiêm trọng đâu. Lần sau con sẽ loanh quanh trong nghĩa trang thôi.” “Hoặc cháu có thể chạy ở đằng sau nghĩa trang,” Sonia nói. “Có một cái cổng dẫn ra đằng sau khu đất. Mấy ngọn đồi kia có lẽ sẽ là chỗ luyện tập tuyệt vời và phía đó đẹp lắm. Hơn nữa sẽ không có một chiếc xe hơi nào đuổi theo cháu đâu.” Thấy Howard vẫn thở phình lỗ mũi nên tôi bèn chuyển đề tài. “Cô chú Jorgansen đâu ạ?” Sonie nhoẻn cười. “Có một chút… xung đột. Họ chọn tour tham quan tự do.” Bác chỉ về bên kia nghĩa trang, nơi Gloria đang dẫn Hank qua một hàng bia mộ. “Bố cháu vừa bảo muốn đưa cháu tới Florence ăn tối nay.” Howard gật đầu, cuối cùng gương mặt cũng thả lỏng. Bố nghĩ chúng ta có thể đi dạo quanh Firenze*, sau đó ăn pizza.” Tôi có cần phải hiểu ông đang nói gì không nhỉ? Tôi đổi chân trụ. Nếu đồng ý, chắc chắn tôi sẽ có một bữa tối khó tiêu với một mình Howard. Nhưng nếu từ chối, chắc chắn tôi sẽ phải ở lại đây và rơi vào tình huống tương tự. Ít ra thì theo cách này tôi còn được thăm thú thành phố. Và Firenze. Dù cho nó là gì đi chăng nữa. “Được ạ.” “Tuyệt vời.” Giọng ông nhiệt tình như thể tôi vừa bảo rằng mình thật sự thật sự muốn đi. “Vậy chúng ta sẽ có cơ hội nói chuyện. Về mọi thứ.” Tôi sững sờ. Không phải tôi nên có một khoảng thời gian thoải mái trước khi phải đương đầu với lời phân trần lớn lao nào đó mà Howard dành cho tôi ư? Riêng việc phải sống ở đây thôi đã quá sức chịu đựng rồi. Tôi quay người lau mồ hôi trên trán, hi vọng họ không thấy vẻ thất vọng của tôi. “Con về nhà đây.” Tôi định bỏ đi nhưng Sonia đã rảo bước đuổi theo. “Cháu có ngại ghé qua nhà bác không? Bác có một thứ thuộc về mẹ cháu và bác rất muốn trao nó cho cháu.” Tôi bước sang một bên, kéo giãn thêm mười phân khoảng cách. “Cháu xin lỗi, nhưng cháu phải tắm cái đã. Để lúc khác nhé?” “À.” Đôi lông mày của bác nhíu tít lại. “Được. Cứ cho bác biết lúc nào cháu rỗi nhé. Thật ra thì bác có thể…” “Cháu cảm ơn nhiều ạ. Gặp lại bác sau.” Tôi rảo bước và ánh mắt của bác Sonia như đè nặng lên lưng tôi. Tôi không muốn hỗn láo, nhưng tôi cũng thực sự không muốn thứ mà bác ấy dành cho tôi. Người ta luôn trao cho tôi những thứ từng thuộc về mẹ - nhất là những tấm hình - và tôi không biết phải làm gì với chúng. Chúng giống như quà lưu niệm từ quãng đời trước của tôi. Tôi nhìn khắp nghĩa trang và thở dài. Tôi không muốn thêm một thứ gì nữa để nhắc nhở mình rằng tất cả đã đổi thay. Chương 4 VỪA VÀO NHÀ, TÔI ĐI THẲNG RA BẾP. TÔI CÓ CẢM GIÁC nếu tôi hỏi, Howard sẽ đưa ra một bài diễn văn mi casa, su casa* tiêu chuẩn - có lẽ với cách phát âm kiểu Ý - nên tôi bỏ qua phần hỏi và thẳng tiến lục lọi tủ lạnh. Hai ngăn tủ lạnh trên cùng chất đầy oliu và mù tạt loại ngon - những thứ khiến cho thức ăn ngon lành hơn nhưng lại không hẳn là đồ ăn - thế là tôi lục ngăn kéo, cuối cùng cũng tìm thấy một hộp bìa cứng đựng gì đó có vẻ là sữa chua dừa và một ổ bánh mì đặc ruột. Tôi buồn ghê gớm vì không tìm được chút mì lasagna còn thừa nào từ bữa tối qua. Sau khi đã chén xong nửa ổ bánh mì và liếm đến tận đáy hộp sữa chua (phải nói đó là loại sữa chua ngon nhất tôi từng thưởng thức), tôi lục chạn cho tới khi tìm được một hộp ngũ cốc granola đề CIOCCOLATO. Số dách! Dù bằng ngôn ngữ nào thì tôi cũng thích sôcôla hết. Tôi ăn một bát tướng granola, sau đó lau dọn bếp như thể đó là một hiện trường gây án. Bây giờ thì sao nhỉ? Chà, nếu vẫn còn ở Seattle, tôi có lẽ sẽ chuẩn bị đi bơi với Addie hoặc lấy xe đạp ra khỏi garage và tuyên bố chúng tôi sẽ đi kiếm một cốc sữa lắc nhiều sôcôla gấp ba lần bình thường. Nhưng ở đây ư? Tôi còn chẳng có Internet. “Đi tắm thôi,” tôi nói to. Cũng là gì đó để làm. Hơn nữa, tôi thật sự phải tắm thôi. Tôi lên gác và lấy khăn trong phòng ngủ, sau đó vào phòng tắm. Nó sạch sẽ khó tin, như thể Howard đã dùng thuốc tẩy kì cọ mỗi tuần. Có lẽ đó là lí do ông và mẹ tôi không thể thành đôi. Mẹ bừa bộn không tin nổi. Có lần tôi tìm thấy một hộp mì pasta đã để trên bàn lâu đến nỗi nó chuyển sang màu xanh lam. Xanh lam đấy nhé. Tôi kéo rèm buồng tắm lại, nhưng không biết phải làm gì tiếp. Vòi hoa sen nhỏ xíu và trông mỏng manh, bên dưới có hai cái vòi để chữ C và F. “Cóng và phỏng? Co ro và phừng phừng chăng?*” Tôi vặn theo chiều F và để nước chảy vài giây, nhưng khi tôi đặt tay dưới dòng nước, nó vẫn lạnh như nước đá. Được rồi. Vậy C chăng? Kết quả vẫn y hệt, có lẽ ấm hơn chừng nửa độ. Tôi rên rỉ. Chẳng lẽ nước tắm lạnh ngắt là một trong những điều Howard muốn ám chỉ khi nói nước Ý không phải điểm sáng về công nghệ? Và tôi còn lựa chọn nào đây? Tôi đã bôn ba cả ngày trời, sau đó làm một cuộc chạy bứt tốc nhanh nhất cuộc đời. Tôi phải tắm. “Nhập gia tùy tục vậy.” Tôi nghiến răng nghiến lợi xông vào. “Lạnh! Lạnh! Úi!” Tôi cầm một chai gì đó đặt trên gờ bồn tắm, rồi xoa lên tóc và toàn thân, xả nước sau đó nhanh nhanh chóng chóng chuồn ra. Tiếp đến, tôi lấy cả chồng khăn tắm và bắt đầu quấn mình thành xác ướp. Có tiếng gõ cửa làm tôi sững người. Lại nữa à? “Ai đấy?” “Là bác, Sonia đây. Cháu có… ổn không?” Tôi nhăn nhó. “Dạ, có. Cháu đang bận một chút. Nhà này không có nước nóng ạ?” “Có, nhưng phải đợi một lúc. Ở nhà bác, có khi bác phải để nước chảy mười phút trước đã. C là viết tắt của ‘caldo’, có nghĩa là ‘nóng.’” Tôi lắc đầu. “Vâng, thật tốt khi biết điều đó.” “Nghe này, bác xin lỗi vì lại làm phiền cháu, nhưng bác chỉ muốn cho cháu biết là bác để cuốn nhật kí trên giường của cháu đấy.” Tôi khựng lại. Nhật kí? Chờ đã, chắc là tôi nghe nhầm. Có lẽ bác bảo là “chuột chí.” Chuột chí là một món quà hết sức tuyệt vời. Nếu mà được tặng cho một con chuột chí, tôi chắc chắn sẽ… “Lina… cháu có nghe thấy không? Bác mang cho cháu cuốn nhật kí…” “Đợi cháu một lát,” tôi nói to. Được rồi, chắc chắn bác đã nói là “nhật kí.” Nhưng có lẽ nó chẳng có gì đặc biệt. Người ta vẫn đưa nhật kí cho nhau suốt. Tôi vội vàng lau khô người và mặc đồ. Khi tôi mở cửa, Sonia đang đứng trong hành lang, tay bưng một chậu cây cảnh. “Bác tặng cháu một cuốn nhật kí mới ạ?” Tôi phấp phỏng hỏi. “À, một cuốn cũ rồi. Nó là của mẹ cháu.” Tôi dựa người vào khung cửa. “Ý bác là một cuốn sổ da lớn đầy chữ và ảnh à?” “Ừ. Chính xác.” Trán bác nhăn lại. “Cháu đã xem rồi à?” Tôi bỏ qua câu hỏi của bác. “Cháu tưởng bác sẽ đưa cho cháu một tấm ảnh của mẹ cơ.” “Đúng là bác có ảnh do mẹ cháu chụp, nhưng nó được treo trên tường phòng dành cho khách của nhà bác và bác chưa định chia xa nó. Cảnh chụp gần Bia Tử sĩ. Quang cảnh đẹp lắm. Lúc nào đó cháu nên đi tham quan xem sao.” Rõ ràng Bia Tử sĩ là một thứ rất đặc biệt ở đây. “Vì sao bác có nhật kí của mẹ cháu?” Giọng tôi nghe giống giọng cảnh sát tra khảo tù nhân, nhưng bác chỉ gật đầu. “Mẹ cháu gửi nó đến nghĩa trang vào hồi tháng Chín. Không có thư đi kèm, kiện hàng lại không để người nhận, nhưng vừa mở là bác nhận ra nó ngay. Hồi còn sống trong nghĩa trang, mẹ cháu đi đâu cũng mang nó theo.” Sống trong nghĩa trang á? “Bác cũng định giao nó cho bố cháu, nhưng mẹ cháu như một đề tài cấm kị. Mỗi khi bác nhắc đến mẹ cháu là Howard…” “Sao ạ?” Bác thở dài. “Khi mẹ cháu chuyển đi, Howard đã trải qua quãng thời gian rất khó khăn. Thực sự khó khăn. Vì dù bao nhiêu năm đã qua, bác vẫn ngại nhắc đến mẹ cháu. Thế là, bác chần chừ hai hôm rồi bố cháu kể rằng cháu sẽ đến sống ở đây. Thế là bác hiểu vì sao mẹ cháu gửi cuốn nhật kí đến.” Bác vui vẻ nhìn tôi và tôi bỗng nhận ra mình đang dần áp sát bác. Chúng tôi chỉ cách nhau chừng mười phân. Úi. Tôi giật lùi lại và những câu hỏi đua nhau bay ra khỏi miệng tôi. “Mẹ cháu đã sống trong nghĩa trang này? Trong bao lâu vậy ạ?” “Không lâu lắm. Chừng một tháng thì phải. Ngay sau khi bố cháu nhận công việc này. Howard khi ấy vừa chuyển vào căn nhà này. “Thế là họ sống cùng nhau ạ? Chuyện bố mẹ cháu không phải tình một đêm giữa hai người bạn, hoặc đại loại thế à?” Đó là giả thiết của Addie. Sonia nhăn nhó. “Ồ… không. Bác không nghĩ… vậy. Họ có vẻ rất yêu nhau. Bố cháu si mê mẹ cháu.” “Thế thì vì sao mẹ cháu lại bỏ đi? Vì bà ấy có bầu ạ? Howard chưa sẵn sàng là bố ư?” “Không. Howard hẳn sẽ là một ông bố tuyệt vời - bác nghĩ…” Bác giơ tay lên. “Đợi đã. Họ chưa kể chuyện hồi xưa cho cháu biết à? Mẹ cháu không giải thích gì sao?” Tôi cúi đầu. “Cháu không biết gì hết. Mãi sau khi mẹ qua đời, cháu mới biết Howard là bố cháu.” Tuyệt. Giờ thì tôi sắp khóc. Mất mẹ đã biến tôi thành một cái vòi sen nhân hình. Kiểu thông thường với hai chế độ nóng/ lạnh. “Ôi, Lina. Bác không hề biết. Bác rất tiếc. Bác cứ nghĩ họ đã nói với cháu tất cả rồi. Thật sự thì bác cũng không biết có chuyện gì nữa. Có vẻ mối quan hệ của họ kết thúc rất đột ngột, sau đó bố cháu không bao giờ muốn bàn tới nó nữa.” “Ông ấy có bao giờ nói về cháu không? Hồi trước ấy?” Bác lắc đầu, đôi khuyên dài đung đưa qua lại. “Không. Bác rất ngạc nhiên khi biết cháu sẽ đến sống ở đây. Nhưng cháu phải nói chuyện với Howard. Bác chắc chắn rằng ông ấy sẽ giải đáp mọi thắc mắc của cháu. Và có lẽ cuốn nhật kí này cũng giúp được phần nào.” Bác chìa chậu hoa về phía tôi. “Sáng nay bác vừa vào thành phố và bố cháu nhờ bác mua thứ này cho cháu. Ông ấy nói mẹ cháu thích ngắm hoa và yêu nhất là hoa phi yến.” Tôi nhận và nghi ngờ quan sát chúng. Hoa màu tím đậm và thoang thoảng hương. Tôi chắc chắn đến chín mươi phần trăm là mẹ tôi chẳng có cảm xúc đặc biệt nào với hoa hoét. “Cháu có muốn bác giữ cuốn nhật kí này giùm cháu một thời gian không? Có vẻ có quá nhiều chuyện. Có lẽ cháu nên dành chút thời gian trò chuyện với bố đã.” Tôi lắc đầu. Lúc đầu chậm chậm, rồi nhanh hơn. “Không, cháu muốn nó.” Đó là một lời nói dối. Tôi đã gói ghém những cuốn nhật kí còn lại của mẹ vào vài tháng trước, khi tôi cuối cùng cũng từ bỏ ý nghĩ mình có thể đọc mà không suy sụp. Nhưng tôi phải đọc cuốn này. Mẹ đã gửi nó cho tôi. Tôi chớp mắt hai cái, sau đó nở nụ cười cháu rất bình tĩnh một cách thật nhất với Sonia, còn bác nhìn tôi với vẻ người ngoài cuộc chẳng may mắc kẹt trong hành lang với một đứa nhóc đương tuổi ẩm ương cảm xúc không ổn định. Mà tình hình đúng là vậy. Tôi hắng giọng. “Sẽ ổn thôi. Cháu có thể biết mẹ đã làm gì khi ở Ý.” Vẻ mặt bác dịu lại. “Ừ, đúng đấy. Bác chắc chắn đó là lí do mẹ cháu gửi nó tới. Cháu sẽ được trải nghiệm Florence giống mẹ cháu và có lẽ đó sẽ là một sự gắn kết tốt.” “Vâng, có lẽ.” Nếu tôi có thể đọc qua trang đầu mà không òa khóc nức nở. “Lina, có cháu ở đây thật tốt. Và lúc nào muốn, cháu hãy sang nhà bác xem ảnh mẹ cháu chụp nhé.” Bác bước tới đầu cầu thang, sau đó ngoái lại. “À nhắc cháu này, tốt nhất nên tưới nước vào gốc hoa phi yến nhé. Đổ nước đầy đĩa rồi đặt cả chậu vào đó. Như thể cháu sẽ không làm úng cây. Có lẽ chúng sẽ hút hết nước ngay đấy.” “Cảm ơn bác, bác Sonia. Và cháu, ừm… xin lỗi vì những câu hỏi đó.” “Bác hiểu. Và bác thực lòng quý mến mẹ cháu. Mẹ cháu rất đặc biệt.” “Vâng, đúng thế.” Tôi lưỡng lự. “Bác đừng kể chuyện bác cháu ta cho Howard nhé? Cháu không muốn ông ấy nghĩ rằng cháu… ừm… giận ông ấy hay gì đó.” Hay kéo đến những cuộc nói chuyện gượng gạo không thật sự cần thiết. Bác gật đầu. “Bác đồng ý. Nhưng hãy hứa với bác rằng cháu sẽ nói chuyện với ông ấy. Ông ấy rất tốt, và bác tin rằng ông ấy sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào của cháu.” “Vâng.” Tôi nhìn đi chỗ khác và vài giây im lặng kéo dài. “Chúc một ngày tốt lành, Lina.” Bác đi xuống cầu thang và rời khỏi nhà, nhưng tôi cứ đứng đó nhìn chằm chằm vào cửa phòng riêng. Nó rõ ràng đang nhấp nháy tín hiệu cấp cứu. Tình hình nguy hiểm. Đó chỉ là một trong những cuốn nhật kí của mẹ thôi mà. Mày có thể. Mày có thể. Cuối cùng tôi bắt đầu cất bước đi trong hành lang, nhưng đến phút cuối lại rẽ về phía cầu thang, chậu hoa phi yến nghiêng ngả một cách nguy hiểm. Tôi có những cây hoa phi yến đang khát cháy trong tay. Sonia bảo thế. Tôi phải chăm sóc chúng đã. Tôi lao xuống nhà, lục chạn hai lần mới tìm thấy một cái đĩa nông vừa với chậu hoa. “Của mày này, cô bạn.” Tôi đổ chừng hai phân nước máy (F) và đặt chậu vào. Chậu hoa phi yến có vẻ không đặc biệt muốn có người bầu bạn, nhưng tôi vẫn ngồi xuống bên bàn bếp và ngắm nghía chúng. Tôi không hề kéo dài thời gian. Thật đấy. Chương 5 MẸ TÔI CÓ THÓI QUEN VIẾT NHẬT KÍ. ĐÓ LÀ MỘT TRONG rất nhiều thói quen của mẹ. Mẹ còn thích yoga nóng*, thức ăn đường phố và những chương trình truyền hình thực tế dở ẹc, và có thời gian mẹ còn “lậm” sản phẩm làm đẹp chiết xuất tự nhiên, thế là chúng tôi đã dành cả tháng trời với dầu dừa, bơ nghiền trét kín mặt. Nhưng viết nhật kí… đó là một thói quen cố hữu. Một năm hai lần, mẹ lại vung tiền cho một cuốn sổ nghệ thuật dày mua từ hiệu sách mẹ con tôi yêu thích ở trung tâm Seattle, sau đó mẹ sẽ dành nhiều tháng lấp đầy nó bằng cuộc đời mình: những tấm hình, những dòng nhật kí, danh sách đồ đi chợ, ý tưởng chụp hình, những túi tương cà cũ… tóm lại là tất cả những thứ ta có thể nghĩ ra được. Và có một điều lạ là mẹ cho người khác thoải mái đọc. Còn lạ hơn nữa là gì? Người ta thích thế. Có lẽ vì chúng sáng tạo, buồn cười và sau khi đọc xong bạn có cảm giác như mình vừa làm một chuyến du ngoạn Xứ sở Thần tiên hay kiểu thế. Tôi vào phòng riêng và đứng ở chân giường. Sonia đã bỏ cuốn nhật kí ngay giữa gối của tôi, như thể lo rằng tôi không nhìn thấy hay sao đó và nó đè xuống giường như một khối gạch. “Sẵn sàng chưa?” tôi nói lớn. Tôi chắc chắn là chưa sẵn sàng, nhưng vẫn bước tới và cầm nó lên. Bìa bằng da mềm và có trang trí một một bông huệ tây lớn màu vàng ở chính giữa. Nó trông không hề giống những cuốn nhật kí khác của mẹ ở nhà. Tôi hít sâu rồi mở sổ, phấp phỏng hi vọng hoa giấy sẽ bung ra, nhưng tất cả chỉ là một tập tờ rơi và cuống vé rơi xuống sàn và tôi ngửi thấy mùi ẩm mốc. Tôi cầm đống giấy kia lên rồi bắt đầu lật qua các trang, bỏ qua chữ và chỉ tập trung vào hình. Có hình mẹ đứng trước một nhà thờ cổ, với chiếc máy ảnh đeo vắt qua vai. Và kia là mẹ cười tươi rói trước một tô mì pasta to bự. Và rồi… Howard. Tôi làm rớt cuốn sổ. Được rồi, đương nhiên là ông có mặt trong nhật kí của mẹ. Không phải tôi từ hư không hiện ra, nhưng tôi vẫn thấy làm sao ấy. Đầu óc tôi hoàn toàn chống lại ý nghĩ họ là một đôi. Tôi ngắm nghía tấm hình. Chính xác, đúng là Howard. Trẻ hơn, tóc dài hơn (và có hình xăm trên cánh tay á?), nhưng chắc chắn là Howard. Ông cùng mẹ tôi đang ngồi trên bậc cầu thang bằng đá, mẹ để tóc ngắn, đánh son kiểu Hollywood thời xưa và vẻ mặt trông như Tôi bị trật chân. Tôi buông người xuống giường. Sao mẹ không đích thân kể cho tôi nghe chuyện mẹ và Howard nhỉ? Mẹ nghĩ rằng cuốn nhật kí sẽ làm việc đó tốt hơn sao? Mẹ lo rằng tôi chưa sẵn sàng nghe câu chuyện của họ à? Tôi lưỡng lự một lúc rồi nhét cuốn nhật kí vào ngăn kéo kệ đầu giường, sau đó đóng sập lại. Chà, tôi chưa sẵn sàng. Chưa đến lúc. Còi chống trộm của một chiếc xe hơi nào đó kêu inh ỏi trong nghĩa trang, và âm thanh ấy như hàng ngàn chiếc xe Nissan Gloria tí hon rơi bình bịch xuống đầu tôi. Cơn đau đầu này được tài trợ bởi việc bay qua nhiều múi giờ và stress. Ý ơi, cảm ơn mi nhé. Tôi lăn người và nhìn đồng hồ treo tường. Ba giờ chiều. Thế là tôi phải tiếp tục giết thì giờ rồi, thật nực cười. Tôi chậm rề rề rời khỏi giường, rồi tới chỗ hành lí và sắp xếp lại đồ đạc theo một cách chẳng tha thiết gì - áo ở góc bên phải, quần bên trái, đồ ngủ đằng đó… Tôi xếp đồ loạn cào cào và về cơ bản nó là một mớ bòng bong. Cuối cùng tôi quyết định lồng hai tấm hình chụp mẹ con tôi vào khung ảnh còn trống trong phòng, sau đó buộc dây giày và đi ra ngoài hiên. Không biết phải đi đâu, thế là tôi ngồi trên xích đu đu đưa một hồi. Tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh đài tưởng niệm. Đó là một công trình dài, thấp với một hàng những tấm bia mà tôi dám cá tiền chính là Bia Tử sĩ. Phía trước nó là một cái bệ đỡ bức tượng thiên thần ôm những cành ôliu. Hai người đàn ông đang chụp hình ở đằng trước, một người thấy tôi liền vẫy tay. Tôi vẫy tay đáp lại nhưng đứng dậy và nhằm hàng rào sau nghĩa trang mà thẳng tiến. Tôi thật lòng không muốn phải xử lí chuyện nào tương tự vụ vợ chồng Jorgansen ban sáng. Cổng sau rất dễ tìm và khi ra đó, tôi nhận thấy Sonia không hề đùa - ngọn đồi sau nghĩa trang rất dốc. Lần thứ hai trong ngày, mồ hôi túa ướt đầm lưng tôi, nhưng tôi ép mình phải tiếp tục chạy. Ta có thể chinh phục mi, đồi ạ. Cuối cùng tôi cũng lên được đỉnh đồi, chân và phổi đau tức. Tôi sắp sửa ngã nhào thì một tiếng động làm tôi ngẩng phắt lên. Tôi không phải người duy nhất ở đây. Có một anh chàng đang chơi bóng đá. Cậu trạc tuổi tôi hoặc lớn hơn một chút, tóc tai xem ra phải ít nhất ba tháng chưa cắt. Cậu mặc quần đùi, áo thể thao và đang tâng bóng trên hai đầu gối, khẽ ngâm nga theo một bài hát tiếng Ý nào đó đang vang lên trong tai nghe của mình. Tôi ngần ngừ. Tôi có nên lặng lẽ bỏ đi không? Theo kiểu cuộn mình lăn đi mất ấy? Cậu ngẩng lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tuyệt vời. Giờ thì tôi phải đi tiếp hoặc sẽ trông như một đứa hâm dở. Tôi gật đầu với anh chàng và rảo bước trên con đường mòn như thể bị muộn một buổi hẹn hay gì đó đại loại. Hoàn toàn bình thường. Có lẽ người ta luôn vội vã đến một buổi hẹn quan trọng trên những ngọn đồi nước Ý. Cậu tháo tai nghe, tiếng nhạc vọng ra. “Này, cậu bị lạc à? Khách sạn Bella Vista ở ngay dưới đường.” Tôi dừng lại. “Cậu nói tiếng Anh.” “Biết chút chút thôi,” cậu nói với cách nhấn nhá cố tình theo kiểu Ý. “Cậu là người Mỹ à?” “Kiểu thế.” Tôi ngắm nghía cậu thật kĩ. Cậu nói tiếng Anh kiểu Mỹ nhưng lại trông đặc chất Ý. Chiều cao trung bình, nước da nâu giòn và cái mũi chuẩn kiểu Ý. Cậu đang làm gì ở đây? Nhưng mà tôi đang làm gì ở đây nhỉ? Theo như tôi biết, những miền quê của Tuscany* nhan nhản những thanh thiếu niên Mỹ sống xa nhà. Cậu ta khoanh tay và cau mày. Cậu đang bắt chước tôi. Thật thô lỗ. Tôi nhượng bộ. “Cậu nói ‘kiểu thế’ là sao?” “Mẹ tớ là người Mỹ, nhưng tớ sống ở đây từ lâu lắm rồi. Cậu đến từ đâu?” “Seattle. Nhưng tớ sống ở đây vào mùa hè này.” “Thật à? Ở đâu vậy?” Tôi chỉ về hướng mình vừa đến. “Nghĩa trang sao?” “Ờ. Howard - bố tớ - là người quản lí. Tớ vừa đến đây.” Cậu nhướng một bên lông mày. “Rùng rợn.” “Cũng không hẳn. Nó giống một đài tưởng niệm hơn. Tất cả những ngôi mộ ở đó đều từ thời Thế chiến thứ hai nên có vẻ không còn hoạt động tang lễ nào ở đó nữa.” Sao tôi lại có ý bảo vệ nghĩa trang nhỉ. Nó rùng rợn thật mà. Cậu gật đầu rồi đeo tai nghe lại. Chắc đó là ám hiệu cho tôi. “Rất vui được gặp cậu, anh chàng người Ý lai Mỹ bí ẩn. Có lẽ tớ sẽ còn gặp lại cậu.” “Tớ là Lozenro.” Tôi đỏ mặt. Rõ ràng anh chàng Lozenro này rất thính. “Rất vui được gặp cậu, Lo-ren…” Tôi cố nhắc lại tên cậu nhưng tắc tị ở âm tiết thứ hai. Cậu phát âm uốn chữ r theo cách mà lưỡi tôi không thực hiện nổi. “Xin lỗi, tớ không nói được.” “Không sao. Đằng nào thì tớ cũng thích được gọi là ‘Ren.’” Cậu cười toe. “Hoặc ‘anh chàng người Ý lai Mỹ bí ẩn’ cũng được.” Úi. “Xin lỗi về chuyện đó.” “Còn cậu? Cậu thích được gọi là ‘Carolina’ hay cậu cũng có biệt danh?” Trong một giây, tôi có cảm tưởng mình đang mơ một giấc mơ quái dị. Chưa từng có một ai, ngoại trừ mẹ và các giáo viên vào ngày khai giảng mới gọi đầy đủ tên cúng cơm của tôi như thế. “Sao cậu biết tên tớ?” Tôi chậm rãi nói. Gã này là ai nhỉ? “Tớ học ở AISF. Bố cậu đã đến ghi danh cho cậu. Tin đồn lan nhanh lắm.” “AISF là gì?” “Trường Quốc tế Hoa Kì tại Florence*.” Tôi thở dài. “À, phải. Trường trung học.” Ngôi trường theo lí thuyết tôi sẽ theo học nếu ở lại qua mùa hè. Quá lí thuyết. Nó còn chẳng nằm trong vương quốc những điều khả dĩ nữa là. “Đó thực ra là một cơ sở giáo dục từ mẫu giáo tới trung học và các lớp có rất ít học sinh. Năm ngoái lớp tớ chỉ có mười tám người, nên việc thêm một học sinh mới là chuyện động trời. Bọn tớ đã nói chuyện về cậu từ hồi tháng Một. Cậu như một huyền thoại. Một anh chàng tên là Marco thậm chí còn nhận vơ cậu là cộng sự môn sinh học của mình. Cậu ấy không thèm làm bài tập cuối kì và từ đó đến giờ cứ đổ lỗi cho cậu suốt.” “Điều đó thật kì quặc.” “Cậu không hề giống như tưởng tượng của tớ.” “Vì sao?” “Cậu khá thấp. Và trông cậu giống dân Ý.” “Thế vì sao cậu biết mà nói tiếng Anh với tớ?” “Vì trang phục của cậu.” Tôi nhìn xuống. Quần legging và áo phông vàng. Tôi có mặc đồ giống tượng Nữ thần Tự Do đâu? “Trang phục của tớ đậm chất Mỹ ở chỗ nào?” “Màu sắc tươi sáng. Giày thể thao…” Cậu hờ hững phẩy tay. “Chắc đã dùng tầm một hoặc hai tháng; cậu chắc chắn là người Mỹ. Nhiều người ở đây sẽ không đi đâu nếu không diện một món đồ hiệu Gucci lên người.” “Nhưng cậu cũng không diện đồ Gucci, phải không nào? Cậu mặc đồ cầu thủ.” Cậu lắc đầu. “Quần áo cầu thủ lại khác. Chúng vẫn có chất Ý. Hơn nữa, tớ là người Ý. Thế nên tớ mặc gì lên người cũng thời trang hết.” Tôi không biết cậu nói đùa hay nói thật nữa. “Không phải cậu đáng lẽ phải chuyển đến AISF từ tháng Hai rồi sao?” “Tớ quyết định học hết kì ở Seattle.” Cậu rút điện thoại ra khỏi túi quần sau. “Tớ chụp hình cậu được không?” “Để làm gì?” “Làm bằng chứng rằng cậu có tồn tại.” Tôi nói “không” đúng lúc cậu chụp ảnh. “Xin lỗi nhé, Carolina,” cậu nói chẳng có vẻ hối lỗi gì. “Cậu nên nói to hơn.” “Cậu gọi sai tên tớ rồi. Nhìn mặt chữ là “Carolina,” nhưng phải phát âm kéo dài chữ i. Và tớ thích được gọi là ‘Lina.’” “Carolina với chữ i kéo dài. Tớ thích. Nghe rất Ý.” Cậu lại đeo tai nghe rồi ném bóng lên trời và chơi tiếp. Ren rõ ràng cần phải học một lớp về phép xã giao. Tôi định bỏ đi nhưng bị cậu ngăn lại. “Này, cậu có muốn gặp mẹ tớ không? Bà ấy thực sự thèm có một người Mỹ bầu bạn.” “Không, cảm ơn. Tớ phải sớm về gặp Howard. Ông ấy sẽ đưa tớ tới Florence ăn tối.” “Lúc nào?” “Tớ không biết.” “Hầu hết các tiệm ăn phải bảy giờ mới mở cửa. Tớ hứa là chúng ta sẽ không đi quá lâu.” Tôi ngoái nhìn nghĩa trang, nhưng ý nghĩ phải đối mặt với Howard hay cuốn nhật kí khiến tôi rùng mình. “Có xa không?” “Không, ngay đằng kia thôi.” Cậu chỉ về phía một bụi cây. “Không sao đâu. Và tớ thề là tớ không phải kẻ giết người hàng loạt hay bất cứ thứ gì tương tự.” Tôi nhăn nhó. “Cho là vậy đi, đến lúc này.” “Tớ gầy thế này thì sức đâu mà đi giết người hàng loạt. Hơn nữa, tớ ghét máu.” “Eo.” Tôi nhìn nghĩa trang thêm một lần nữa, thầm cân nhắc các lựa chọn. Cuốn nhật kí sẽ làm xáo trộn cảm xúc? Hay đến gặp mẹ một gã không có khả năng trở thành kẻ sát nhân hàng loạt? Cả hai lựa chọn đều chẳng hay ho gì. “Được, tớ sẽ đi với cậu,” tôi dịu giọng. “Tuyệt.” Cậu kẹp quả bóng dưới cánh tay và chúng tôi đi sang bên kia ngọn đồi. Cậu chỉ cao hơn tôi khoảng một cái đầu và cả hai đều rảo bước. “Mà này, cậu đến đây lúc nào thế?” “Tối qua.” “Giờ cậu cảm thấy lệch múi giờ lắm nhỉ?” “Thực ra đêm qua tớ ngủ ngon. Nhưng ờ. Tớ cảm thấy như bị chìm ấy. Và có lẽ chưa bao giờ tớ thấy đau đầu như bây giờ.” “Đợi tới đêm nay đi. Đêm ngày thứ hai bao giờ cũng tệ nhất. Vào chừng ba giờ sáng, cậu sẽ tỉnh như sáo và phải nghĩ những chuyện kì cục để khiến mình bận rộn. Có lần tớ đã trèo cây.” “Vì sao?” “Laptop của tớ bị hỏng và điều duy nhất tớ nghĩ ra được là chơi bài Solitaire, mà tớ chơi dở khủng khiếp.” “Tớ thì chơi Solitaire rất cừ.” “Còn tớ rất thạo trèo cây. Nhưng tớ không tin cậu. Chẳng ai giỏi Solitaire trừ khi ăn gian.” “Không, tớ giỏi thật. Mọi người không chơi bài với tớ từ hồi tớ học lớp Hai thì phải, thế là tớ tự học chơi Solitaire. Hôm nào số đỏ tớ chơi một ván hết có sáu phút.” “Sao đến khi cậu học lớp Hai thì người ta nghỉ chơi bài với cậu?” “Vì tớ luôn thắng chăng?” Cậu ngừng bước, miệng cười toe toét. “Ý cậu là vì cậu hiếu thắng?” “Tớ không nói thế. Tớ chỉ nói tớ luôn thắng thôi.” “Ờ. Thế là cậu không chơi một trò chơi nào từ hồi lên bảy hả?” “Chỉ chơi Solitaire thôi.” “Không chơi bài tiến lên? Xì dách? Xì tố?” “Không.” “Thú vị đây. Nhà tớ ở kia kìa. Đua xem ai tới cổng trước nhé?” Cậu vụt chạy. “Này!” Tôi đuổi theo, sải bước dài tới khi đuổi kịp rồi vượt qua, không hề chậm lại tới khi chạm vào cánh cổng. Tôi hả hê quay lại. “Thắng cậu rồi nhé!” Cậu đứng cách tôi vài bước, nụ cười ngô nghê vẫn còn nguyên trên gương mặt. “Cậu nói thật. Cậu không hề hiếu thắng.” Tôi cau có. “Trật tự nào.” “Lần sau chúng ta sẽ chơi tiến lên.” “Không.” “Hay mạt chược? Hay bài nói dối?” “Cậu là gì thế hả, một bà lão à?” Cậu ta bật cười. “Cậu nói gì cũng được, Carolina. Và thật ra, đấy không phải nhà tớ đâu. Nhà tớ ở đằng kia cơ.” Cậu chỉ về một lối đánh xe ở đằng xa. “Nhưng tớ sẽ không chạy đua với cậu nữa. Vì cậu nói đúng - cậu thắng rồi.” “Đã bảo mà.” Chúng tôi đi tiếp. Chỉ là bây giờ tôi thấy khá ngu ngốc. “Cậu với bố thế nào?” Ren hỏi. “Không phải ông ấy đã quản lí nghĩa trang từ lâu lắc lâu lơ rồi à?” “Ờ, ông ấy bảo là mười bảy năm. Mẹ qua đời nên tớ tới sống với ông ấy.” Úi! Tôi thầm che miệng. Lina, ngừng luyên thuyên đi. Nói về mẹ chắc chắn sẽ gây nên sự ngại ngùng cho những người xung quanh. Người lớn sẽ đâm ra thương hại tôi. Những bạn đồng trang lứa thì thấy khó ở. Cậu nhìn tôi, tóc lòa xòa xuống mắt. “Vì sao bà ấy mất?” “Vì ung thư tuyến tụy.” “Bà ấy phải chịu đựng lâu không?” “Không. Mẹ tớ qua đời bốn tháng sau khi phát hiện ra bệnh.” “Ừm. Tớ xin chia buồn với cậu.” “Cảm ơn.” Chúng tôi không nói gì một lúc, rồi Ren cất tiếng. “Lạ là chúng ta lại nói kiểu đó. Tớ bảo chia buồn’ còn cậu thì ‘cảm ơn.’” Tôi có cùng suy nghĩ đó có lẽ đã một trăm lần có lẻ. “Tớ cũng thấy kì. Nhưng người ta cho rằng ta nên nói như thế thì phải.” “Vậy cảm giác thế nào?” “Cảm giác gì?” “Mất mẹ ấy.” Tôi ngừng bước. Đây không phải lần đầu tiên có người hỏi tôi chuyện này, nhưng Ren nhìn tôi với vẻ chân thành muốn biết. Trong một giây, tôi nghĩ sẽ nói rằng cảm giác ấy giống như một hòn đảo - rằng tôi có thể ở trong một căn phòng đông nghịt nhưng vẫn thấy cô đơn, một đại dương đau khổ cố dồn nén tôi từ mọi hướng. Nhưng tôi nuốt những lời ấy lại nhanh hết sức có thể. Dù có hỏi thì người ta cũng không muốn nghe những ẩn dụ buồn đau kì quặc của tôi. Cuối cùng, tôi nhún vai. “Thực sự tồi tệ.” “Tớ dám cá là vậy. Xin chia buồn.” “Cảm ơn.” Tôi mỉm cười. “Này, chúng ta lại thế nữa rồi.” “Xin lỗi.” “Cảm ơn.” Cậu ta dừng bước trước một cánh cổng đôi có những vòng xoắn trang trí và tôi giúp cậu đẩy nó cót két mở ra. “Cậu không đùa. Nhà cậu gần nghĩa trang thật,” tôi nói. “Tớ biết. Tớ luôn nghĩ thật lạ là tớ lại sống gần nghĩa trang. Và rồi tớ gặp người sống trong nghĩa trang.” “Tớ không thể để cậu đánh bại tớ được. Hiếu thắng là bản tính của tớ rồi.” Ren bật cười. “Vào thôi.” Chúng tôi bước trên lối đánh xe hẹp, rợp bóng cây và khi lên đầu đường dốc, cậu giang rộng hai tay. “Ta da. Casa mia*.” Tôi ngừng bước. “Đây là nơi cậu sống à?” Cậu ấy nghiêm túc lắc đầu. “Xui xẻo thay. Cậu có thể cười nếu muốn, tớ không phật lòng đâu.” “Tớ sẽ không cười. Tớ chỉ nghĩ nó khá là… thú vị.” Nhưng tôi vẫn bật ra một tiếng khụt khịt khe khẽ và ánh mắt của Ren khiến mọi sự bình tĩnh của tôi tan thành mây khói. “Cứ tự nhiên. Cười thoải mái đi. Nhưng người sống ở nghĩa trang không có quyền ném đá như thế đâu nhé.” Cuối cùng tôi cũng ngừng cười được đủ lâu để lấy hơi. “Tớ xin lỗi. Tớ không nên cười. Chỉ là ngôi nhà là cả một sự bất ngờ.” Cả hai cùng ngước lên nhìn ngôi nhà và Ren thở dài ảo não trong lúc tôi cố hết sức để không xúc phạm cậu thêm lần nữa. Mới sáng nay thôi, tôi còn nghĩ mình sống ở một nơi quái đản nhất thế giới, còn bây giờ tôi lại gặp một người ngụ tại một ngôi nhà bánh gừng. Và tôi không định nói về một ngôi nhà được lấy cảm hứng và cách điệu từ một ngôi nhà bánh gừng thôi đâu - tôi muốn nói đến một ngôi nhà trông như ta có thể bẻ lấy một vài miếng mái lợp và nhúng vào cốc sữa ấy. Ngôi nhà hai tầng với mặt tường ngoài ốp đá, mái dốc có viền kiểu đăng ten lượn sóng. Đám hoa màu kẹo ngọt mọc rợp sân, những cây chanh nho nhỏ được trồng trong chậu kiểng mang sắc xanh côban quanh nhà. Hầu hết cửa sổ tầng một đều được lắp kính màu có họa tiết xoáy chong chóng, cửa chính thì có khắc hình một cây kẹo que. Tóm lại, bạn hãy tưởng tượng ra một ngôi nhà kì khôi nhất có thể hình dung được và thêm vào một bó kẹo que là xong. “Sự tích ngôi nhà là thế nào?” Ren lại lắc đầu. “Phải có một câu chuyện chứ nhỉ? Có một gã lập dị nọ từ một vùng tỉnh lẻ của tiểu bang New York đã xây nên ngôi nhà này sau khi kiếm bộn tiền nhờ công thức làm kẹo dẻo của bà nội. Ông ta tự xưng là Nam tước Kẹo Ngọt.” “Thế là ông ta xây cho mình một ngôi nhà bánh gừng ngoài đời thật à?” “Chính xác. Đó là món quà dành cho người vợ mới cưới. Bà này kém ông ta chừng ba mươi tuổi, và đã phải lòng một gã gặp tại lễ hội nấm cục ở Piedmont. Sau khi vợ bỏ đi, ông ta rao bán ngôi nhà. Tình cờ là bố mẹ tớ đang tìm mua nhà, và tất nhiên một ngôi nhà bánh gừng đánh trúng sở thích kì cục của họ.” “Gia đình cậu có phải tống cổ một mụ phù thủy ăn thịt người không?” Cậu ta dành cho tôi cái nhìn ngơ ngác. “Cậu biết đó… như mụ phù thủy trong truyện Hansel và Gretel ấy?” “À.” Cậu bật cười. “Không. Bà ta vẫn đến thăm vào những dịp lễ lớn. Cậu muốn nói tới bà nội tớ, đúng không?” Chắc chắn tớ sẽ mách bà của cậu. “Chúc may mắn nhé. Bà không hiểu một từ tiếng Anh nào. Và mỗi khi bà đến, mẹ tớ tiện làm sao là lại quên luôn tiếng Ý.” “Quê mẹ cậu ở đâu?” “Texas. Nhà tớ thường nghỉ hè ở đó cùng ông bà ngoại, nhưng năm nay bố tớ bận quá nên đành thôi.” “Đây là lí do cậu nói tiếng Anh như người Mỹ à?” “Ừ. Mỗi khi hè đến, tớ lại giả bộ mình là người Mỹ chính cống.” “Thành công chứ?” Cậu toét miệng cười. “Thường là thế. Cậu cũng tưởng tớ là người Mỹ còn gì?” “Đến khi cậu mở miệng nói chuyện thì tớ mới nghĩ vậy.” “Nhưng cũng được tính chứ?” “Chắc vậy.” Cậu dẫn tôi đến cửa chính và chúng tôi vào trong nhà. “Chào mừng đến Villa Caramella. ‘Caramella’ có nghĩa là ‘kẹo’ đấy.” “Trời ơi là… sách.” Nơi đây giống như cơn ác mộng kinh hoàng nhất của một thủ thư. Toàn bộ căn phòng từ sàn lên trần toàn là các kệ sách với hàng trăm - có lẽ hàng ngàn - cuốn sách được nhét bừa bãi vào các kệ. “Bố mẹ tớ rất ham đọc sách,” Ren nói. “Hơn nữa, nhà tớ muốn chuẩn bị sẵn phòng khi có một cuộc nổi dậy của robot và nhà tớ cần nơi trú ẩn. Nhiều sách đồng nghĩa với nhiều mồi nhóm lửa.” “Thông minh đấy.” “Đi nào, chắc mẹ tớ ở trong phòng làm việc.” Chúng tôi đi vòng qua các chồng sách tới một cánh cửa đôi mở vào một căn phòng sáng sủa. Sàn nhà được trải vải che và có một chiếc bàn kiểu cổ để những tuýp màu vẽ và một chồng gạch gốm đủ loại. “Mẹ ơi?” Một phiên bản nữ của Ren đang nằm cuộn tròn trên trường kỉ, mái tóc lốm đốm màu sơn vàng. Trông bà như chỉ khoảng hai mươi tuổi. Có lẽ là ba mươi. “Mẹ.” Ren cúi xuống và lay vai mẹ. “Mamma. Mẹ tớ ngủ rất say, nhưng xem nhé.” Cậu cúi sát mặt mẹ mình và nói thầm, “Con vừa thấy Bono ở Tavarnuzze.” Bà mở choàng mắt, và chỉ trong vòng nửa giây, bà đã đứng bật dậy. Ren cười sặc sụa. “Lorenzo Ferrara! Đừng làm thế.” “Carolina, đây là mẹ tớ, Odette. Mẹ tớ là fan hâm mộ của nhóm U2. Vào những năm 90 bà luôn bám theo họ khi họ đi tour châu Âu. Rõ ràng là đến bây giờ bà vẫn cuồng họ.” “Mẹ sẽ cho con biết cuồng là thế nào.” Bà đẩy kính lên sống mũi và nhìn tôi một lần nữa. “Ổ, Lorenzo, con tìm thấy cô bé này ở đâu vậy?” “Bọn con vừa gặp nhau trên ngọn đồi đằng sau nghĩa trang. Bạn ấy sống ở đây cùng bố trong mùa hè này.” “Cháu là một trong số chúng ta!” “Người Mỹ ạ?” Tôi hỏi. “Dân biệt xứ.” “Con tin” thì đúng hơn. Nhưng đây không phải điều ta nên nói với một người mới gặp. “Đợi đã.” Bà nhoài người tới. “Cô nghe nói cháu sẽ chuyển đến đây. Cháu là con gái Howard Mercer à?” “Vâng. Cháu là Lina.” “Tên đầy đủ là ‘Carolina,’” Ren xen vào. “Cô cứ gọi cháu là Lina thôi.” “Ôi, cảm ơn trời đất, Lina ạ, chúng ta cần thêm người Mỹ ở đây. Đặc biệt ưu tiên người còn sống,” bà nói, tùy tiện vẫy tay về phía nghĩa trang. “Rất vui được gặp cháu. Cháu đã học được chút tiếng Ý nào chưa?” “Trong chuyến bay vừa rồi cháu nhớ được khoảng năm từ.” “Là gì thế?” Ren hỏi. “Tớ không nói trước mặt cậu đâu. Tớ có lẽ sẽ phát âm như một đứa ngố mất.” Cậu nhún vai. “Chepeccato.*” Cô Odette nhăn nhó. “Hãy hứa với mẹ là con sẽ không bao giờ sử dụng một trong những cụm từ đó trong ngôi nhà này. Mẹ đang dành cả mùa hè giả bộ rằng mình đang ở đâu đó, miễn không phải Ý.” “Làm sao có thể? Mẹ biết đấy, khi mẹ đang sống với ông chồng và lũ con người Ý của mình?” Cậu ấy cười toe toét. Bà lờ đi. “Mẹ sẽ đi lấy đồ uống. Hai con cứ tự nhiên nhé.” Bà bóp nhẹ vai tôi, sau đó rời khỏi phòng. Ren nhìn tôi. “Đã bảo là mẹ tớ sẽ rất vui khi gặp cậu mà.” “Bà ấy ghét nước Ý à?” “Không. Bà ấy bực vì mùa hè năm nay nhà tớ không thể tới Texas, nhưng nếu có đến thì lại như những năm khác thôi. Nhà tớ đến đó và mẹ dành trọn ba tháng để phàn nàn về chuyện thức ăn thì chán, người gặp ngoài đường thì toàn mặc đồ ngủ.” “Ai mặc đồ ngủ ra đường chứ?” “Đầy người. Tin tớ đi. Nó cứ như một bệnh dịch ấy.” Tôi chỉ cái bàn. “Mẹ cậu là họa sĩ à?” “Ờ. Mẹ tớ vẽ đồ gốm, chủ yếu là phong cảnh vùng Tuscany. Có một gã ở Florence bán chúng trong cửa hàng, và khách du lịch sẵn sàng chi bộn tiền để mua chúng. Chắc họ phải phát rồ lên nếu biết chúng là tác phẩm của một người Mỹ.” Cậu ta cầm một viên gạch lên và đưa cho tôi. “Bà ầy vẽ một túp lều tranh nép mình giữa hai ngọn đồi.” “Đẹp thật đấy.” “Cậu lên gác mà xem. Nhà tớ có cả một bức tường gạch mà mẹ đang thay từng viên một bằng những viên gạch tự tay mình trang trí.” Tôi đặt viên gạch xuống. “Cậu cũng là họa sĩ à?” “Tớ ư? Không. Không hẳn.” “Tớ cũng không. Nhưng mẹ tớ cũng có máu nghệ thuật. Mẹ tớ là nhiếp ảnh gia.” “Ngầu ghê. Mẹ cậu chụp ảnh chân dung gia đình à?” “Không. Kiểu ảnh nghệ thuật. Tác phẩm của mẹ tớ được trưng bày trong các phòng tranh và các chương trình nghệ thuật, những nơi giống thế này. Mẹ còn đi dạy trong các trường đại học nữa.” “Hay thật. Mẹ cậu tên là gì?” “Hadley Emerson.” Cô Odette trở lại, cầm theo hai lon nước cam Fanta và một khay bánh quy đã mở sẵn. “Của cháu này. Ren có thể ăn hết mấy khay một ngày đấy. Cháu sẽ thích cho coi.” Tôi nhón lấy một cái. Đó là bánh quy kẹp với nhân sôcôla và vani nằm ở hai nửa. Bánh Oreo kiểu Ý. Tôi cắn một miếng và như nghe thấy một dàn đồng ca thiên thần cất giọng du dương. Đồ ăn Ý có bột tiên hay sao mà nó ngon hơn hẳn đồ ăn cùng loại của Mỹ nhỉ? “Mẹ cho bạn ấy thêm cái nữa đi,” Ren nói. “Trông bạn ấy như sắp ăn hết cả cánh tay rồi.” “Này…” Tôi cất tiếng, nhưng cô Odette đã đưa khay bánh qua và tôi mải ăn đến chẳng thèm lên tiếng biện hộ. Odette mỉm cười. “Cô thích con gái chịu ăn uống. Chúng ta nói đến đâu rồi nhỉ? À… cô chưa tự giới thiệu, nhỉ? Cô thề là nơi này đang biến cô thành người nguyên thủy rồi. Cô là Odette Ferrara, Giống ‘Ferrari,’ nhưng với chữ a. Rất vui được gặp cháu.” Bà xòe tay và tôi phủi vụn bánh khỏi tay mình trước khi cả hai bắt tay nhau. “Chúng ta nói về điều hòa nhiệt độ và nhà hàng đồ ăn nhanh phục vụ thực khách trong xe hơi nhé? Đó là hai thứ cô nhớ nhất mùa hè này.” “Mẹ chưa từng cho phép bố con con ăn đồ ăn nhanh khi ở Texas,” Ren nói. “Nhưng không có nghĩa là mẹ không ăn. Mà con theo phe ai nào? Mẹ hay Signore?” “Miễn bình luận.” “Signore là ai?” “Bố tớ. Tớ không hiểu tại sao hai người ấy lại lấy nhau. Cậu có biết những video lạ lùng về tình bạn của động vật, khi gấu trở thành bạn thân của vịt không? Họ giống thế đấy.” Cô Odette cười phá lên. “Ôi, thôi nào. Bố mẹ đâu có khác nhau đến thế. Nhưng bây giờ thì mẹ tò mò rồi. Con cho mẹ là gấu hay là vịt?” “Con không tham gia vụ này đâu.” Odette quay sang tôi. “Thế cháu nghĩ thế nào về Ren nhà cô?” Tôi nuốt nước bọt và đưa phần bánh còn lại cho Ren, cậu nhìn chúng như thể chúng là báu vật* của cậu. “Cậu ấy… rất thân thiện.” “Và đẹp trai nữa, nhỉ?” “Mẹ.” Tôi hơi đỏ mặt. Ren dễ thương nhưng theo cách sẽ khiến lúc đầu bạn không thực sự để ý. Cậu có đôi mắt sâu màu nâu với hàng mi dài khác thường, và khi cười, cậu để lộ khe hở giữa hai răng cửa. Nhưng đây cũng không phải điều ta sẽ nói với người mới gặp. Odette vẫy tay về phía tôi. “Gia đình cô rất mừng vì có cháu đến đây. Cô đảm bảo Ren đang có mùa hè chán nhất cuộc đời mình. Ngay sáng nay thôi cô vừa bảo nó phải năng ra ngoài hơn.” “Thôi nào, mẹ. Con có ngồi ì ở nhà cả ngày đâu.” “Mẹ chỉ biết là có một ragazza* rời khỏi thành phố và con đột nhiên không còn muốn đi chơi nữa.” “Con đi chơi khi nào muốn. Mimi chẳng liên quan gì cả.” “Mimi là ai?” Tôi hỏi. “Đối tượng thầm thương trộm nhớ của nó,” Odette giả bộ thì thầm. “Mẹẹẹẹ,” Ren càm ràm. “Con không phải đứa trẻ chín tuổi nhé.” Một chiếc điện thoại bắt đầu đổ chuông và cô Odette bắt đầu hất giấy tờ và đồ vẽ xuống khỏi bàn. “Nó ở…? Pronto*?” Một bé gái xuất hiện ở cửa, mặc quần chip xòe và đi một đôi giày múa màu đen. “Con ị xong rồi!” Odette giơ hai ngón tay cái rồi đi vào nhà, liến thoắng nói gì đó bằng tiếng Ý. Ren rên rỉ. “Gabriella, thật xấu hổ. Vào nhà vệ sinh đi. Chúng ta đang có khách đấy.” Con bé mặc kệ anh mình và quay sang tôi. “Tu chi sei*?” “Chị ấy không nói tiếng Ý,” Ren bảo. “Chị ấy là người Mỹ.” “Anch’io*. Chị là bạn gái của anh Lorenzo à?” Con bé hỏi. “Không. Chị vừa mới gặp cậu ấy khi ra ngoài đi dạo. Chị là Lina.” Nó ngắm nghía tôi chừng một phút. “Trông chị giống principessa* lắm. Có lẽ là giống Rapunzel vì chị có mái toóc xù.” “Là tóc chứ không phải toóc, Gabriella,” Ren nói. “Và không được chê người ta tóc xù. Thế là hỗn đấy.” “Toóc chị xù thật,” tôi xác nhận. “Chị có muốn thấy criceto của em không?” Gabriella chạy đến nắm tay tôi. “Đi nào, principessa. Chị sẽ thích nó cho coi. Lông nó mềm lắm.” “Được.” Ren đặt tay lên vai em gái. “Carolina, không. Và Gabriella, chị ấy không muốn đâu. Chị ấy phải về sớm.” “Không sao đâu. Tớ thích trẻ con mà.” “Không, thật đấy, tin tớ đi. Bước vào phòng nó giống như bước vào một nếp gấp thời gian ấy. Chưa kịp định hình thì cậu đã chơi búp bê Barbie chừng năm giờ và trở thành nữ tì của công chúa Kim Tuyến.” “Non è vero*, Lorenzo. Anh xấu tính lắm!” Ren trả lời bằng tiếng Ý, sau đó Gabriella dành cho tôi ánh mắt buồn bã trước khi chạy ra khỏi phòng và đóng sầm cửa lại. “Criceto là gì thế?” “Trong tiếng Anh, nó là… chuột hamster, phải không nhỉ? Loại động vật nhỏ bé khó chịu chạy trong một cái guồng ấy?” “Đúng. Hamster. Cô bé đáng yêu thật đấy.” “Đôi lúc thôi. Cậu có anh chị em không?” “Không, nhưng tớ hay trông trẻ cho một gia đình sống cùng chung cư. Họ có ba đứa con sinh ba năm nay năm tuổi.” “Trời.” “Mỗi khi mẹ chúng ra ngoài, cô ấy thường nói, Giữ mạng cho chúng nhé. Đừng lo về những cái khác. “Thế cậu trói chúng lại à?” “Không. Lần đầu tiên trông trẻ, tớ phải đánh vật với chúng, nhưng sau đó chúng mến tớ. Hơn nữa lần nào sang nhà họ, trong túi tớ cũng đầy kẹo dẻo vị trái cây.” Trong tang lễ của mẹ tôi, một đứa đã hỏi dạo này tôi đi đâu và anh nó bảo, Mẹ chị ấy sẽ ngủ lâu thật là lâu. Vì thế chị ấy không thể chơi với chúng ta nữa. Cổ họng tôi nghẹn lại vì kí ức đó. “Tớ nên về thôi. Chắc Howard đang băn khoăn không biết tớ ở đâu.” “Ừ, chắc chắn rồi.” Chúng tôi trở lại phòng khách và Ren dừng lại trước cửa chính. “Này, ngày mai cậu có muốn đi dự tiệc với tớ không?” “Ừm…” Tôi nhìn đi chỗ khác, sau đó nhanh chóng cúi xuống buộc dây giày. Chỉ là một bữa tiệc thôi mà. Mọi người biết đó, nơi mà những thanh thiếu niên bình thường sẽ đến ấy? Việc mất mẹ không hiểu sao biến các sự kiện xã hội với tôi giống như một cuộc dạo chơi lên mãi tận đỉnh Everest. Hơn nữa, dạo này tôi hay lảm nhảm nói chuyện một mình đến mức đáng báo động rồi. “Tớ phải hỏi Howard đã,” cuối cùng tôi cất tiếng và đứng thẳng dậy. “Ừ. Tớ sẽ đón cậu bằng xe máy. Khoảng tám giờ nhé?” “Có lẽ. Tớ sẽ gọi cho cậu nếu đi được.” Tôi vươn tay về phía nắm đấm cửa. “Gượm đã. Cậu chưa có số của tớ.” Cậu cầm cây bút trên cái bàn gần đó, sau đó nắm tay tôi và ghi nhanh số điện thoại của mình vào. Hơi thở của cậu ấm nóng, và khi cậu viết xong, cậu cầm tay tôi thêm một giây. Ồ. Cậu ngước nhìn tôi và mỉm cười. “Ciao, Carolina. Hẹn ngày mai gặp lại.” “Có lẽ.” Tôi bước xuống bậc tam cấp và ra về không hề ngoảnh lại. Tôi sợ cậu sẽ thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt tôi. Chương 6 CHUYỆN REN NẮM TAY TÔI KHIẾN TÔI CÓ CẢM GIÁC cuộc đời như nở hoa, nhưng chỉ cần hai phút trong xe cùng Howard đã làm bông hoa héo quắt queo. Thật quá ư gượng gạo. Howard có vệt răng lược rõ ràng trên mái tóc mới gội, ông đóng bộ với quần kaki và áo sơ mi trông khá ư là chỉn chu. Tôi quên mất phải lên đồ và vẫn mặc áo phông, đi giày thể thao. “Sẵn sàng chưa?” Ông hỏi. “Rồi ạ.” “Vậy chúng ta đi Florence nào. Con sẽ thích thành phố đó.” Ông nhét một chiếc đĩa CD vào ổ đĩa (vẫn có người dùng đĩa CD cơ à?) và bài You shook me all night long của ban nhạc rock AC/DC rộn rã trong xe. Bạn biết đó, bài hát chủ để chính thức của bộ phim Tảng lờ sự khó chịu của buổi đi chơi đầu tiên giữa bố và con gái ấy. Theo như Howard thì thành phố chỉ cách hơn mười cây số, nhưng chúng tôi phải mất chừng ba mươi phút đi xe. Đường vào thành phố đông nghịt xe máy và ô tô con, mọi ngôi nhà chúng tôi đi qua đều có vẻ cổ kính. Mặc cho không khí kì cục trong xe, sự phấn khích bắt đầu bốc lên trong tôi như hơi nồi áp suất. Hoàn cảnh có lẽ không lí tưởng, nhưng tôi đang ở Florence. Ngầu đấy chứ? Khi chúng tôi vào thành phố, Howard rẽ vào con đường một chiều hẹp, sau đó đánh ô tô vào chỗ đỗ xe theo cách ấn tượng nhất tôi từng được chứng kiến. Có vẻ ông sẽ là một thầy dạy lái xe tuyệt vời nếu như không đam mê quản lí nghĩa trang đến vậy. “Xin lỗi vì chuyến đi dài nhé,” ông nói. “Tối nay tắc đường quá.” “Không phải lỗi của chú.” Tôi thật sự đã tì mũi vào cửa sổ. Con đường lát những phiến đá xám vuông vức đan chéo nhau, với hai bên là vỉa hè hẹp. Những tòa nhà cao cao sơn màu nhạt đứng san sát nhau và tất cả các ô cửa sổ đều có cửa chớp màu xanh lục đáng yêu. Một chiếc xe đạp phóng trên vỉa hè, làm lệch gương xe phía bên tôi. Howard nhìn tôi. “Con muốn đi tuyến đường ngắm cảnh không? Cũng phải thấy một chút thành phố chứ nhỉ?” “Vâng!” Tôi tháo đai an toàn, sau đó bước xuống đường. Ngoài trời vẫn còn oi nóng, và không khí thoang thoảng mùi rác nồng, nhưng tất cả đều rất đáng để nhìn ngắm nên tôi thấy hoàn toàn không sao hết. Howard bước đi và tôi đuổi theo. Tôi có cảm giác mình đang trong một cảnh phim Ý. Hai bên đường là những cửa hiệu thời trang, quán cà phê và tiệm ăn nhỏ nhắn, người người í ới gọi nhau từ cửa sổ và xe hơi. Cách nửa đường có một tiếng còi bim bim lịch sự và tất cả tránh đường cho một gia đình đang nhồi nhét trên một chiếc xe máy. Còn có một dây phơi đồ căng giữa hai căn nhà với một chiếc váy ngủ đỏ thùng thình bay phất phơ ở giữa. Bất cứ giây phút nào cũng có thể có một đạo diễn phim nhảy ra và hô “Cắt!” “Đến nơi rồi.” Chúng tôi rẽ vào một góc đường và Howard chỉ một công trình cao cao màu bạc thấp thoáng nơi cuối đường. “Gì thế ạ?” “Duomo. Nhà thờ chính tòa của Florence.” Duomo. Nó giống như một con tàu mẫu hạm. Mọi người hối hả đi vào đó và càng đến gần chúng tôi càng phải đi chậm lại. Cuối cùng chúng tôi có mặt ở giữa một không gian mở rộng rãi, và tôi ngước lên ngắm nhìn một công trình đồ sộ được ánh hoàng hôn chiếu sáng một nửa. “Trời. Nó thật…” To lớn ư? Đẹp ư? Ấn tượng ư? Nó là như thế và còn hơn thế. Nhà thờ chính tòa này dễ phải lớn bằng mấy khu nhà trong thành phố gộp lại, tường được trang trí với những hình chạm khắc chi tiết bằng đá cẩm thạch màu hồng, xanh lục và trắng. Nó đẹp, ấn tượng và hùng vĩ hơn gấp trăm lần bất cứ công trình nào tôi từng được thấy. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ dùng cụm từ “hùng vĩ hơn” cả. Chưa bao giờ tôi thấy phải dùng đến nó. “Tên thật của công trình này là Nhà thờ chính tòa Santa Maria del Fiore, nhưng mọi người vẫn gọi là Duomo.” “Vì mái vòm của nó à?” Một bên nhà thờ có một mái tròn lớn màu đỏ cam. “Không, nhưng con đoán hay đấy. ‘Duomo’ có nghĩa là ‘nhà thờ chính tòa’ và vô tình từ này nghe giống ‘dome’ của tiếng Anh, nên nhiều người nhầm tưởng như vậy. Mất gần một trăm năm mươi lăm năm nhà thờ mới được hoàn thành, và đây là mái vòm lớn nhất trước khi công nghệ hiện đại xuất hiện. Nếu có buổi chiều nào rảnh, bố sẽ dẫn con lên nóc nhà thờ.” “Cái gì kia ạ?” Tôi chỉ một tòa nhà hình bát giác khiêm tốn hơn nhiều ở đối diện Duomo. Nó có cánh cửa cao bằng vàng mang những hình chạm khắc, và một nhóm du khách đang chụp hình phía trước. “Nhà rửa tội. Cánh cửa đó được gọi là Cổng Thiên đường, và đây là một trong những công trình nghệ thuật nổi tiếng nhất thành phố. Cha đẻ của nó, ông Ghiberti, mất đến hai mươi bảy năm mới hoàn thành. Bố cũng sẽ đưa con đi tham quan nó.” Ông chỉ về một con phố ngay sau nhà rửa tội. “Tiệm ăn ở ngay đằng kia.” Tôi theo Howard đi qua không gian thoáng đạt rộng rãi kia (ông bảo đó là piazza*), và ông giữ cửa nhà hàng cho tôi vào trước. Một người đàn ông với chiếc cà vạt được nhét trong tạp dề ngước lên từ quầy và đứng thẳng hơn một chút. Howard dám phải cao hơn anh ta sáu chục phân. “Quý khách có mấy người tối nay?” Anh ta hỏi bằng giọng mũi. “Possiamo avere una tavolo per due*?” Người đàn ông gật đầu, sau đó gọi một người bồi bàn đi ngang qua. “Buona sera*,” anh chàng bồi bàn nói với chúng tôi. “Buona sera. Possiamo stare seduti vicino alia cucina?*” “Certo.*” Ờ… rõ ràng là bố tôi nói tiếng Ý. Trôi chảy. Ông còn uốn lưỡi ở chữ R giống như Ren. Tôi cố không nhìn ông chằm chằm khi chúng tôi theo người phục vụ đến bàn của mình. Tôi hoàn toàn không biết gì về ông. Thật quá kì quặc. “Con có đoán được vì sao bố thích nơi này không?” Howard hỏi khi chúng tôi đã yên vị. Tôi nhìn quanh. Bàn phủ khăn rẻ tiền và có một cái bếp mở có lò nướng pizza bằng củi đỏ lửa. Bài hát She’s got a ticket to ride đang vang lên. Ông chỉ lên trần. “Họ chơi nhạc Beatles cả ngày cả tháng, thế là bố được thưởng thức hai thứ ưa thích cùng lúc. Pizza và Paul McCartney.” “À, vâng. Con đã thấy các album Beatles được đóng khung treo trong phòng làm việc của chú.” Tôi nuốt nước bọt. Giờ thì ông sẽ nghĩ rằng tôi tọc mạch. Mà tôi đoán mình cũng đúng là thế thật. Ông chỉ cười. “Em gái bố đã gửi chúng đến làm quà từ vài năm trước. Cô ấy có hai con trai, một lên mười và một mười hai. Họ sống ở Denver và chừng mỗi năm lại tới đây nghỉ hè một lần.” Họ có biết về tôi không? Howard hẳn có cùng ý nghĩ đó, vì có một thoáng im lặng, sau đó cả hai chúng tôi đột nhiên cực kì hứng thú với thực đơn của mình. “Con muốn gọi gì nào? Bố hay gọi pizza chân giò hun khói, nhưng món nào ở đây cũng được hết. Chúng ta có thể gọi vài món khai vị hoặc…” “Loại bình thường đi chú. Pizza phô mai ạ.” Đơn giản và nhanh chóng. Tôi muốn được quay ra ngoài Florence. Và để bữa ăn này chóng vánh nhất có thể. “Vậy con nên gọi Margherita. Nó khá cơ bản. Chỉ có tương cà, phô mai mozzarella và húng quế.” “Được đấy ạ.” “Con sẽ thích đồ ăn ở đây. Pizza ở Ý là một mục khác hoàn toàn so với thứ con ăn ở quê nhà.” Tôi đặt thực đơn xuống. “Vì sao ạ?” “Nó rất mỏng và con có cái bánh pizza lớn cho riêng mình. Còn mozzarella tươi thì…” Ông thở dài. “Không có gì giống thế cả.” Đôi mắt ông trông có vẻ mơ màng thật. Có phải tình yêu thức ăn hơn mọi-thứ-trên-đời của tôi được di truyền từ bố không? Tôi lưỡng lự. Tôi đoán sẽ là một ý hay khi ít nhất cũng biết chút gì về ông. Dù gì thì ông cũng là bố của tôi. “Vậy… ‘ở quê nhà’ là ở đâu?” “Bố lớn lên ở một thành phố nhỏ tên là Due West tại Nam Carolina, nếu con tin được. Nó cách Adrienne hơn hai trăm cây số.” “Chính là Due West nơi chú đã xếp lại tất cả các chướng ngại vật giao thông và gây tắc đường đấy à?” Ông ngạc nhiên nhìn tôi. “Mẹ kể với con à?” “Vâng. Mẹ kể rất nhiều về chú.” Ông khẽ cười. “Ở Due West chẳng có mấy việc để làm, và không may thay, bố đã khiến cả thành phố trả giá vì việc đó. Mẹ còn kể gì nữa nào?” “Mẹ kể chú từng chơi hockey và dù chú khá mát tính nhưng từng vướng vào những vụ xung đột trên sân băng.” “Bằng chứng này.” Ông nghiêng đầu và vuốt qua một vết sẹo khuất dưới quai hàm. “Đây là chứng tích từ một trong những trận đấu cuối cùng của bố. Bố dường như không thể kiểm soát được nó. Còn gì nữa?” “Hai người đến Rome, một ông chủ tiệm ăn cho rằng chú là một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng, thế là hai người được ăn miễn phí.” “Bố quên mất vụ đó rồi đấy! Món thịt cừu ngon nhất bố từng thưởng thức. Và bố chỉ việc chụp ảnh với nhân viên nhà bếp.” Bồi bàn đến và ghi món cho chúng tôi, sau đó rót nước khoáng cho hai bố con. Tôi uống một ngụm tướng và rùng mình. Do tôi hay nước khoáng ở đây như nước có ga nhỉ? Howard khoanh tay. “Thứ lỗi vì bố sắp nói ra một sự thật hiển nhiên, nhưng bố không thể tin con lại giống Hadley đến vậy. Mọi người nói thế suốt nhỉ?” “Vâng. Có người còn tưởng hai mẹ con là chị em nữa.” “Bố không ngạc nhiên. Con còn có bàn tay giống cô ấy.” Tôi đang chống hai khuỷu tay lên bàn, hai tay vắt chéo nhau, và Howard đột ngột vươn người chừng năm phân như thể bị móc câu kéo đi. Ông đang nhìn vào chiếc nhẫn của tôi. Tôi lo lắng nhúc nhích người. “Ờ, chú ổn chứ?” “Chiếc nhẫn của cô ấy.” Ông vươn tay ra và suýt chạm vào nó, tay chỉ cách tay tôi một chút. Đó là một chiếc nhẫn vàng cũ kĩ chạm khắc họa tiết uốn vòng tinh tế. Mẹ đã đeo nó cho tới khi quá gầy, nhẫn chẳng còn vừa tay nữa. Kể từ đó, tôi là người sở hữu nó. “Mẹ có bảo rằng đó là quà của bố không?” “Không.” Tôi đặt tay xuống đùi, mặt đỏ rực. Mẹ có cho tôi biết bất cứ điều gì không thế? “Là nhẫn đính hôn sao?” “Không. Chỉ là một món quà thôi.” Lại một khoảng im lặng rất lâu, được tôi lấp đầy bằng cách đột nhiên hứng thú với lối trang trí của nhà hàng. Những tấm hình có chữ kí chắc của những nhân vật rất nổi tiếng nước Ý treo khắp nhà hàng, và vài tấm tạp dề được đính trên tường. Bài hát We all live in a yellow submarine đang trên cao dội xuống. Má tôi nóng như một âu nước xốt tỏi cà chua. Howard lắc đâu. “Thế con có một cậu bạn trai ở quê đang nhớ nhung con à?” “Không.” “Tốt cho con đấy. Lớn rồi con sẽ có nhiều thời gian tan vỡ trái tim thôi.” Ông ngần ngừ. “Sáng nay bố tính gọi lên trường quốc tế để xem có ai cùng lớp con ở Ý trong mùa hè này không. Đó là một cách hay để biết con có hứng đi học không.” Tôi lấp lửng ừ hữ một tiếng, sau đó lại đặc biệt quan tâm đến bức ảnh gần bên chụp một người phụ nữ đeo miện và một dải băng dày. Hoa hậu Ravioli* năm 2015 chăng? “Bố muốn nói với con thế này, nếu con cần một ai đó để nói chuyện ở đây - đương nhiên là một người khác, ngoài bố hoặc bác Sonia - bố có một người bạn sống trong thành phố. Cô ấy làm nhân viên xã hội và nói tiếng Anh rất tốt. Cô ấy rất sẵn lòng gặp con nếu con cần…” Tuyệt vời. Thêm một tư vấn viên nữa. Người tôi gặp hồi ở nhà chỉ hừ, à há hết lần này đến lần khác và hỏi tôi, Chuyện đó khiến em cảm thấy thế nào? tới khi tôi nghĩ tai mình sắp chảy ra mất. Đáp án luôn là “tồi tệ.” Tôi cảm thấy tồi tệ vì không có mẹ. Tư vấn viên bảo rằng tất cả dần dần sẽ khá lên thôi, nhưng đến bây giờ thì cô ấy vẫn sai. Tôi bắt đầu chú mục vào rìa khăn trải bàn, nhất quyết không nhìn cái nhẫn. “Ở đây con thấy… thoải mái chứ?” Tôi lưỡng lự. “Có ạ.” “Nếu cần gì thì con cứ hỏi nhé.” “Con ổn mà.” Giọng tôi lí nhí nhưng Howard chỉ gật đầu. Sau đâu tưởng chừng như mười tiếng đồng hồ, cuối cùng bồi bàn cũng xuất hiện và đặt hai chiếc pizza còn bốc khói xuống trước mặt chúng tôi. Mỗi chiếc to bằng cái đĩa lớn, và chúng thơm ngon khó tưởng tượng nổi. Tôi cắt một miếng và bỏ vào miệng. Toàn bộ cảm giác kì cục bốc hơi sạch sẽ. Sức mạnh của pizza đấy. “Con nghĩ miệng mình vừa nổ tung,” tôi nói. Hoặc ít nhất đó là điều tôi cố gắng nói, bởi nó nghe như “miệng mìn vừ nủ tun.” “Sao?” Howard ngước lên. Tôi ăn thêm một miếng nữa. “Cái. Này. Tuyệt. Quá. Xá.” Ông nói đúng. Chiếc pizza này thuộc về một vũ trụ hoàn toàn khác với những cái tôi từng ăn. “Bố đã nói rồi mà, Lina. Nước Ý là nơi hoàn hảo cho một vận động viên điền kinh háu đói.” Ông cười với tôi, và cả hai cùng hùng hổ ăn. Lucy in the Sky with Diamond thay thế cho mọi lời cần trao đổi. Tôi vừa cắn một miếng tướng thì ông nói, “Có lẽ con đã tự hỏi bao nhiêu năm nay bố ở đâu.” Tôi sững sờ, một miếng bánh vẫn ở trong tay. Ông ấy đang hỏi mình nghĩ ông ấy là gì sao? Đây không thể là khoảnh khắc vén màn sự thật lớn lao được - ta không thể tự dưng nói với con cái lí do mình không có mặt trong cuộc đời chúng khi đang vùi mặt vào một chiếc pizza. Tôi lén ngước lên. Ông đã đặt dao dĩa xuống và nhoài người lên trước, nghiêm túc môi mím. Ôi không. Tôi nuốt nước bọt. “À, không. Con thật sự không nghĩ gì hết.” Đó là một lời Nói dối (viết hoa chữ cái đầu). Tôi nhét miếng vỏ bánh vào miệng nhưng chẳng cảm nhận được vị gì. “Mẹ có kể nhiều về mối quan hệ của bố mẹ không?” Tôi lắc đầu. “Không. Mẹ chỉ kể, ờ, những chuyện vui thôi.” “Bố hiểu. Chà, sự thật là bố không hề biết về con.” Đột nhiên dường như cả nhà hàng tĩnh lặng. Trừ tiếng nhạc Beatles. Họ đang hát: “Cô gái làm tôi phát rồ, đã bỏ điiiiii…*” Tôi nuốt nước bọt đánh ực. Tôi chưa từng cân nhắc đến khả năng ấy. “Vì sao?” “Chuyện giữa bố mẹ trở nên… phức tạp.” Phức tạp. Mẹ tôi cũng nói y hệt. “Mẹ con liên lạc với bố vào thời gian bắt đầu làm xét nghiệm. Cô ấy nghĩ mình bị ốm nhưng không rõ nguyên nhân, và bố nghĩ mẹ con đã linh cảm thấy một điều gì đó. Bố muốn con biết rằng bố sẽ ở bên con. Nếu bố biết. Bố chỉ…” Ông đặt tay lên bàn, lòng bàn tay để ngửa. “Có lẽ bố chỉ cần một cơ hội. Bố không mong chờ những phép màu. Bố biết chuyện này rất khó khăn. Bà ngoại con đã nói rằng con không thực sự muốn đến đây, và bố hiểu. Bố chỉ muốn con biết rằng bố thật mừng vì có cơ hội được hiểu về con.” Ông nhìn thẳng vào mắt tôi và tôi bỗng có một mong ước cháy bỏng rằng mình có thể bốc hơi như hơi nóng bay lên từ chiếc bánh pizza kia. Tôi đứng dậy khỏi bàn. “Con… con cần tìm nhà vệ sinh.” Tôi chạy ra phía trước nhà hàng, chưa kịp vào nhà vệ sinh thì nước mắt đã bắt đầu ứa ra. Ở đây thật tệ. Trước ngày hôm nay tôi hiểu rõ mẹ mình là ai và bà chắc chắn không phải người phụ nữ yêu hoa phi yến, gửi một cuốn nhật kí bí ẩn cho con gái, hoặc quên không cho bố của con gái mình biết rằng À, nhân thể này, anh có một cô con gái đấy. Tôi mất trọn ba phút của bài Here come the Sun mới bình tĩnh lại được. Tôi hít một hơi thật sâu và khi tôi mở hé cửa, Howard vẫn ngồi ở bàn, đôi vai chùng xuống. Tôi quan sát ông một hồi lâu, cơn giận trút xuống người tôi như những vụn phô mai Parma. Mẹ đã chia cắt bố con tôi mười sáu năm. Vì sao bây giờ chúng tôi lại sống với nhau? Chương 7 ĐÊM ĐÓ TÔI KHÔNG SAO NGỦ ĐƯỢC. Phòng ngủ của Howard ở cùng tầng và sàn nhà kêu cọt kẹt khi ông đi lại trong hành lang. Bố không hề biết về con. Vì sao lại thế? Đồng hồ trong phòng tôi kêu tích tắc đến là khó chịu. Đêm trước tôi không để ý, nhưng đột nhiên âm thanh đó làm tôi thật không tài nào chịu đựng nổi. Tôi ép gối lên đầu nhưng không ăn thua, chúng còn làm tôi ná thở. Gió thổi vào qua cửa sổ và những cây hoa phi yến của tôi đung đưa như ban nhạc rock Mỹ Deadhead lắc lư trên sân khấu. Được rồi. Ổn thôi. Tôi bật đèn và tháo nhẫn, ngắm nghía nó dưới ánh đèn. Dù mẹ không hề gặp lại Howard suốt mười sáu năm nhưng mẹ vẫn đeo chiếc nhẫn ông tặng. Mỗi ngày. Nhưng vì sao? Họ yêu nhau thật sự như Sonia đã nói chứ? Nếu vậy, điều gì đã khiến họ xa nhau? Trước khi mất tự chủ, tôi kéo ngăn kéo kệ đầu giường và sờ tìm cuốn nhật kí. Tôi mở trang bìa ra: Tôi đã lựa chọn sai. Tôi thấy lạnh sống lưng. Mẹ viết dòng chữ ấy bằng bút dạ đen đậm, các con chữ trải dài một dãy trên trang giấy như những con nhện. Đây là thông điệp nhắn gửi tôi ư? Một điềm báo cho nội dung tôi sắp đọc, dù cho nó có là gì đi nữa chăng? Tôi thu hết can đảm, sau đó mở trang đầu tiên. Bây giờ hoặc không bao giờ hết. NGÀY 22 THÁNG NĂM Hỏi. Ngay sau buổi gặp mặt với cán bộ tuyển sinh của Đại học Washington (bạn chính thức thông báo sẽ không theo học ngành y tá vào mùa thu), bạn sẽ: A. Về nhà và cho bố mẹ biết mình đã làm gì. B. Hoảng hốt chạy trở lại văn phòng, tuyên bố vừa rồi chỉ là mình phát rồ thôi. C. Ra ngoài mua cho mình một cuốn nhật kí. Đáp án: C Đúng là rồi thì tôi cũng phải cho bố mẹ biết chuyện thôi. Và đúng là tôi cố tình căn giờ sao cho văn phòng đóng cửa vào đúng lúc mình bước ra. Nhưng ngay khi bình tĩnh lại, tôi chắc chắn ai vào địa vị của tôi cũng sẽ nhớ ra toàn bộ lí do cho điều mình làm. Đã đến lúc lê xác vào hiệu sách gần nhất và đầu tư tiền tiết kiệm vào một cuốn nhật kí mới đẹp đẽ - vì dù giây phút này có đáng sợ đến đâu thì nó cũng là giây phút mà cuộc sống (thật sự) của tôi bắt đầu. Nhật kí à, chính thức rồi đấy. Từ một tiếng hai mươi sáu phút trước, tôi đã không còn là sinh viên ngành y tá tương lai nữa. Thay vào đó, chỉ ba tuần nữa thôi tôi sẽ gói ghém đồ đạc (nghĩa là tất cả những gì không bị mẹ đập bể sau khi biết tin) và lên máy bay đến Florence, Ý (Ý ĐẤY NHÉ!) để thực hiện điều tôi luôn muốn (NHIẾP ẢNH) tại Học viện Mĩ thuật Florence*(FAAF!) Giờ tôi phải nghĩ cách thông báo tin này cho nhị vị phụ huynh. Hầu hết các ý tưởng của tôi đều liên quan tới việc làm một cuộc gọi nặc danh từ đâu đó ở Nam Cực. NGÀY 23 THÁNG NĂM """