"Tĩnh Đô Vương và Đoan Nam Vương - Phan Trần Chúc & Nguyễn Triệu Luật full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tĩnh Đô Vương và Đoan Nam Vương - Phan Trần Chúc & Nguyễn Triệu Luật full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] Ebooks Nhóm Zalo B LỜI GIỚI THIỆU ạn đọc thân mến! Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trìnhđó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước. Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng,khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật - dù gây tranh cãi - tạo nên lịch sử đó. Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và ệ g q g toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chíXưa và Nay... và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội. Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha - một doanh nghiệp hoạt độngtrong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” - đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước. Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy,“lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một trong những sản phẩm đầu tiên của dự án này. Xin trân trọng giới thiệu. Công ty CP Sách Alpha Phần I THẾ KỶ XVIII Tĩnh đô vương (và thời Lê mạt) Tác giả: Phan Trần Chúc Xuất bản lần đầu năm 1943 Tái bản trên bản in năm 1943 Đ ồng thời với Nhật Bản, trong khoảng mấy thế kỷ XVI, XVII và XVIII, nước Việt Nam đã thực hiện một chế độ chính trị mà người ta không thấy ở một nước thứ ba nào nữa trên thế giới, chế độ, chúng ta không thể gọi bằng một tên nào khác là “vua Lê chúa Trịnh”. Cũng như dân tộc Nhật Bản, người Việt Nam, cùng một lúc, phải thuộc quyền thống trị của hai vị vương giả mà uy quyền đều được công nhận như nhau. Nếu người ta gọi là vua với chúa chỉ là để giúp cho sự phân biệt được dễ dàng. Cũng như họ, các vua, chúa của chúng ta đều trị vì theo quyền của mạch máu, nghĩa là kế tập từ đời nọ sang đời kia. Và để tránh cho khỏi có sự xung đột trong lúc cầm quyền – là điều kiện cốt yếu của cuộc cộng tác – nhà vua chỉ có một cỗ ngai suông mà nhà chúa mới thật là nơi gửi gấm cái vận mệnh của cả dân tộc. Tóm lại, trong lúc ở Đông Hải họ Đức Xuyên nấp sau uy quyền của Nhật hoàng mà hiệu lệnh bốn đảo Phù Tang, thì trên bán đảo Đông Dương, dòng dõi Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng cũng mượn danh nghĩa vua Lê mà làm oai, làm phúc với mười triệu dân Nam Việt. Có điều khác là khi các nước Đông phương cùng bị đe dọa vì cuộc ngoại xâm của người Âu, Mỹ thì ông chúa sau rốt của Mạc phủ là Đức Xuyên Khánh Hỷ vội vã trả lại chính quyền cho Thiên hoàng để tránh cho dân Nhật một cuộc lưu huyết phi thường. Mà Trịnh Khải và Trịnh Bồng thì vẫn níu chặt lấy cái oai tàn của họ mình, khiến cho Bắc Hà bị điêu linh vì cuộc xâm lấn của tướng Tây Sơn mà cái kết quả khốc liệt là chôn vùi cả nhà Lê lẫn nhà Trịnh. Nhưng ngoài việc “làm mất nước” là một trọng tội mà hình phạt nào cũng không thể đền bù lại được, mười một đời chúa Trịnh có công gì đối với dân tộc Việt Nam không? Có và rất nhiều. Về phía Bắc, tuy vẫn có những cuộc vận động yếu ớt của nhà Mạc, nhưng nước Tàu không tìm được cớ gì chính đáng và có đủ can đảm để gây sự với chúng ta, vì một lẽ rất giản dị là binh lực của họ Trịnh rất hùng cường. Đã vậy, các nước láng giềng về phía Tây Nam như Ai Lao, Bồn Man, Trà Tuyền… hàng năm vẫn phải sai sứ giả mang lễ vật sang triều cống Thăng Long. An Nam nghiễm nhiên là một cường quốc ở phương Đông mà không một dân tộc nào dám khinh nhờn hoặc trêu ghẹo đến. Về nội trị, cách tổ chức của họ Trịnh rất chu đáo, cho nên đến bây giờ, nhiều làng mạc ở Trung, Bắc Kỳ vẫn không thể bỏ được những luật lệ bắt đầu thi hành từ đời Trịnh Tạc hay Trịnh Cương. Về văn học thì không bao giờ chúng ta được thịnh vượng như các đời Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Nếu Việt Nam còn được ít nhiều sách sử để khỏi hổ với hai tiếng “quốc học”, chính là nhờ ở những vị chúa thông minh và hiếu học ấy. g ị g ọ y Sau rốt, đến việc đào tạo nhân tài thì so với các triều trước, họ Trịnh cũng tỏ ra đặc sắc hơn nhiều. Những nhà chính trị như Nguyễn Văn Giai, Phạm Công Trứ, Nguyễn Công Hãng đều có học thức và sáng kiến chẳng kém gì các lương tướng của Trung Hoa. Về võ bị, Lê Thời Hiến, Phạm Đình Trọng và Hoàng Ngũ Phúc đều là những vị thượng tướng, mà thao lược và chiến công sẽ vĩnh viễn lưu truyền với lịch sử. Tuy nhiên, chính phủ của họ Trịnh sở dĩ được cường thịnh đến cực điểm, cớ chính vẫn là do các chúa nối nhau trị nước đều là những nhà chính trị có biệt tài. Không kể Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng là những vị anh hùng đã đặt viên đá đầu tiên cho cái vương nghiệp ở Bắc Hà. Các chúa kế nghiệp về sau như Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương và Trịnh Doanh, đều có nhãn giới rộng rãi và quan tâm luôn đến cuộc sinh tồn của quốc dân. Là những vị thượng tướng lồng trong những nhà chính trị có thiên tài, các chúa Trịnh này đều biết vỗ về cho dân lúc bình thời, và chỉ huy quân đội một cách khôn khéo, khi xảy ra các cuộc biến loạn. Đời thứ 9 là Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, so với các chúa trước lại càng đặc sắc hơn nhiều nữa. Ông đã thực hiện được cái mộng tưởng của các chúa Trịnh trước là thu lại trấn Thuận Hóa để mở rộng dư đồ cho nước An Nam. Điều đáng tiếc là đến nửa đời, Trịnh Sâm bị chứng kinh phong giam hãm ở nơi cung cấm, lại thêm quá say mê một người tỳ thiếp là Đặng Thị Huệ nên chính sự bị bỏ bẵng và kỷ cương mỗi ngày một suy đồi. Sau rốt, đến việc bỏ con lớn để lập một đứa con vừa nhỏ tuổi, vừa ốm yếu là cái đầu mối các cuộc phiến loạn ở Bắc Hà, đồng thời cũng là bản án khai tử cho cái sự nghiệp vẻ vang của họ Trịnh. Người sau thường ví vương nghiệp của họ Trịnh với một ngọn đèn sáng sủa đã từng chịu được hai trăm năm gió bão. Đến đời Trịnh Sâm, ngọn đèn ấy lóe lên rất rực rỡ, nhưng là để báo trước nạn tắt hẳn sắp xẩy ra. Đó cũng là một lẽ tất nhiên của các cuộc hưng vong mà người ta thường thấy trong lịch sử loài người. Vì một triều đại cũng như một người, có lúc thịnh tất phải có lúc suy, và duy chỉ có những cuộc toàn thịnh rất vẻ vang mới chóng đưa người ta đến cõi tiêu diệt mà không một sức nào có thể vãn hồi lại được. Trịnh Sâm sinh ngày mồng chín tháng hai năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tôn. Ông là con thứ Minh Đô vương Trịnh Doanh và là con đầu lòng thứ phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm, con gái Triệu Khánh công Nguyễn Đình Tư người xã Linh Đường, huyện Thanh Trì (gần Hà Nội). Sâm sở dĩ được lập làm Thế tử là vì con trưởng Minh Đô vương là Mẫn Tuệ công Trịnh Nhuận, con trai chính phi Nguyễn Thị Ngọc Vinh mất sớm và cũng nhân đó, mẹ đẻ Sâm được tôn phong làm Thái phi, theo cái cổ tục của Đông phương, mẹ nhờ ở chức tước của con mà được thêm tôn quý. Trịnh Sâm ham học và thông minh rất sớm. Những thơ, văn ông làm ra đều hàm súc những ý tưởng rất rộng rãi và sâu xa. Nét bút của ông thì mạnh mẽ, các danh bút sau này ít ai bì kịp. Sâm lại tự phụ là mình có tài kiêm văn võ. Nên khi phái bọn Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt và Hoàng Đình Thể sang dẹp loạn Lê Duy Mật ở Trấn Ninh, các kế hoạch công thủ, ông đều định trước ở Thăng Long. Các tướng lĩnh chỉ có việc theo đúng những huấn lệnh của ông mà tiến công. Cuộc chiến tranh có lẽ cũng nhờ đó mà chóng xong và triều đình đã thu được một đóa hoa chiến thắng rất rực rỡ. Bên cạnh những đức tính trên, Sâm không phải không có nhiều tật xấu rất nguy hiểm cho những người chung quanh mình và nhiều khi có ảnh hưởng khốc hại đến cả đại cục của dân nước. ạ ụ Theo linh mục Saint Phalles là một giáo sĩ ngoại quốc sang truyền giáo ở nước ta về thế kỷ XVIII thì “Trịnh Sâm rất sành sỏi các mánh khóe về chính trị ở Đông phương, tính lại sợ sệt, đa nghi và ốm yếu quanh năm. Vì đó, cái tính nghi ngại của ông lại càng tăng thêm lên một phần nữa.” Và, cũng theo lời giáo sĩ trên: Dòng dõi nhà chúa hiện thời thỉnh thoảng lại phát ra chứng loạn óc, khiến cho cái công dụng của trí khôn và lẽ phải từng lúc bị ngừng lại. Bệnh này hình như gia truyền và bắt đầu từ vị chúa lên cầm quyền năm 1682. Chính thân phụ ông này nhiều lúc cũng phát ra chứng buồn bực. Chứng đó làm cho ông trở nên rất khó chịu đối với các họ hàng thân cận. Phải chăng vì chứng loạn óc mà Sâm hóa ra hung hãn và có khi tàn nhẫn không ai bằng? Không những vụ giết Thái tử Duy Vỹ mà chúng tôi sẽ thuật ở chương sau, không khỏi là một điểm đen đã đè mạnh lên lương tâm của ông về lúc vãn niên. Ngay việc đối với một người bạn chí thân là Nguyễn Khản sau này, tình thân ái của Sâm cũng là điều bất trắc mà không ai có thể tin cậy được. Theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, khi Sâm còn ở Lượng Quốc phủ, nghĩa là đương ở ngôi Thế tử, thì Nguyễn Khản làm chức Phiên liêu, hàng ngày được Sâm cho vào cùng ăn uống ở trong phủ. Vì Sâm coi Khản là bạn bố y (áo vải) nên thăng cho Khản làm Tri phiên liêu kiêm quản Nhất hùng cơ, tước Kiều Nhạc hầu. Gặp lúc trong nước vô sự, Thịnh vương (Sâm) thích ngự chơi các thắng cảnh. Khi thưởng hoa, khi câu cá, đều đem Nguyễn Khản đi theo. Lúc về thì lại mặc áo chẽn, tay hẹp, ra vào trong cung. Nhà chúa đặc ân cho Khản được tự do ra vào trong cung cấm, không khác gì các quan nội giám. Khi Thịnh vương nghe hát, Khản cũng được tự ý mặc áo thường ngồi bên ngự tọa cầm chầu, điểm trống hát. Những hôm Thịnh vương ngự chơi Tây Hồ, các thị thần và lính túc vệ phải đứng sắp hàng cả ở chung quanh mặt hồ. Trên thuyền ngự, chỉ có Thịnh vương với Đặng Tuyên phi cùng ngồi và Nguyễn Khản đứng hầu. Khản cười nói tự do, không khác gì bạn bè vậy. Trong cung có bầy bể cạn, núi non bộ hoặc cảnh hoa đá gì tất do tay Nguyễn Khản điểm xuyết và ông có thuận cho thì mới vừa ý nhà chúa được. Thịnh vương lại thường sai Khản đi sửa sang các hành cung ở Châu Long, Tử Trầm, Dũng Thúy. Vì Khản có tài nặn đúc núi đá và vẽ vời phong nguyệt nên thường được nhà chúa ban khen. Chính Nguyễn Khản cũng thích chơi ca xướng và rất sành âm luật nên thường đặt ra bài hát để nhạc phủ phổ vào âm nhạc làm các điệu mới. Vì vậy, bất cứ bài nào, hễ ông viết chưa khô mực đã được con hát ở các giáo phường tranh nhau truyền tụng. … Tuy đương làm quan, nhưng ông Khản thường hay xin nghỉ ở nhà. Một lần, Thịnh vương cho đưa đến cho ông bài thơ Nôm: Đã phạt năm đồng bỏ lối chầu, Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy, Hãy còn phạt nữa, chửa thôi đâu! Vì một buổi ngoại chầu và một buổi ngự câu, ông Khản đều nghỉ ở nhà không đi hầu được, nên bị phạt mỗi buổi năm đồng. Khản họa lại: Váng vất cho nên phải cáo chầu, Phiên chầu còn cáo nọ phiên câu; Trông ân phạt đến là thương đến Ấy của nhà vua chứ của đâu? Thịnh vương rất khen ngợi Khản vì bài thơ này. Một lần, nhà Khản có mở ra yến tiệc, không may thiếu chè uống, chợt Trung sứ của chúa có việc đến nhà, ông Khản không kịp dâng khải để xin, chỉ viết tay mấy chữ ⾂侃乞茶⼀兩 Thần Khản khất trà nhất lượng. Trung sứ đem thiếp về dâng, Thịnh vương lập tức ban cho Khản hẳn một hòm chè. … “Thường khi Thịnh vương ra chơi nhà Nguyễn Khản, chỉ đi một cái thuyền con, từ cừ Long Lân ra đến hồ Tiên Tích là tới nhà Khản rồi. Khi vào nhà, Thịnh vương hỏi thăm cả đến vợ con Khản, tình thân mật tưởng không còn gì hơn nữa. Thế mà mười năm sau, khi Nguyễn Khản cùng với nhiều đại thần nữa như Tuân Sinh hầu, Khê Trung hầu… mưu giúp con lớn Sâm là Trịnh Khải tranh ngôi với con nhỏ Sâm là Trịnh Cán, việc bại lộ, Sâm không do dự gì hết, lập tức lừa cho Khản về Thăng Long mà hạ ngục. Như vậy cũng chưa đủ, Sâm lại còn lục mảnh thiếp xin chè của Khản năm trước, mang ra cho các quan xem, để nhiếc móc Khản là người bầy tôi vô lễ…” Đối với vua Lê, Sâm tỏ ra kiêu ngạo và bất kính không chúa Trịnh nào bằng. Đành rằng nhà Lê không có uy quyền gì nữa và chỉ giữ một cái hư vị để nói theo một người lai Anh là Samuel Baron viết về thế kỷ XVIII – xướng “A Men” về tất cả các việc do chúa Trịnh làm, nhưng bề ngoài các chúa Trịnh vẫn giữ một thái độ rất tôn kính đối với vua Lê, để tỏ rằng mình vẫn hết đạo làm tôi và gây thiện cảm với quốc dân. Nhưng Sâm thì không thế. Ông khinh bỉ nhà Lê ra mặt. Thậm chí Thái tử Duy Vỹ đã trốn vào tẩm điện của nhà vua rồi mà Sâm còn sai người vào tận cung cấm đòi bắt, khiến vua Lê Hiển Tôn phải gạt nước mắt, trao con cho bọn thủ hạ của Sâm, tuy đã biết đích rằng Sâm sẽ buộc Thái tử vào một cái chết rất bi thống và oan uổng. Khi lên chiêm bái đền Hùng, Sâm thản nhiên viết đôi câu đối dưới đây cho thợ khắc vào cửa đền: 看來世事須為史 Khán lai thế sự tu vi sử 細認如圖欲命試 Tế nhận như đồ dục mệnh thi. Nghĩa là: Xem lại việc xưa nên chép sử, Nhìn như tranh vẽ muốn ban thơ. Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19, Sâm được tấn phong làm “Khâm sai tiết chế các xứ thủy bộ chư quân kiêm Chưởng Chính cơ, Thái úy Tĩnh Quốc công” nghĩa là được chính thức đứng vào ngôi Thế tử. Kèm với những chức tước mới, theo cái thông lệ của họ Trịnh, Sâm được “xuất các” nghĩa là ra ở một phủ riêng gọi là “Lượng Quốc phủ”, và tiếp các quan để, danh là tập làm chính trị, nhưng sự thực là làm chính trị hẳn, vì ít khi chúa thay đổi lại những việc mà Thế tử đã quyết định. Giáo sĩ Saint Phalles tỏ ra đã quan sát được bộ máy chính trị của nước ta rất tường tận, khi viết: Người con kế tự độc nhất của vị Nguyên soái (chúa) mà người trong nước gọi là Chu-a (Thế tử) hay là “tiểu Nguyên soái” có dự lý nhiều vào mọi việc và nhiều khi được cha cho cùng cầm quốc chính. Thế tử đứng vào bậc đầu các quan lại ở Bắc Hà, có một triều đình biệt hẳn với triều đình của cha, và cũng xán lạn chẳng kém gì triều đình của cha, với các quan văn, võ cũng có giá trị như quan văn võ của nhà chúa, song vẫn phải nhường bước khi gặp các quan nhà chúa; đến khi chúa chết; thì những quan lại của Thế tử sẽ thay chân cho quan lại của chúa, trừ một vài vị Thượng thư cũ vào bậc hiền năng mà người ta phải lưu lại. Các chúa Trịnh Tráng, Trịnh Tạc và Trịnh Căn, khi còn ở ngôi Thế tử đều phải giữ chức Thống Lĩnh (Nguyên súy) cầm quân lên dẹp họ Mạc ở Cao Bằng hay đánh nhau với họ Nguyễn ở phương Nam. Nhưng từ đời Trịnh Cương trở đi, trong nước luôn luôn gặp cảnh thái bình, thành ra Thế tử không bao giờ bận bịu về việc cầm quân; trái lại, được hưởng không biết bao nhiêu, vinh dự và quyền lợi mà Thái tử tức là người con kế nghiệp của vua Lê không được dự một mẩy may nào cả. Thí dụ: Thế tử có phủ riêng ở cạnh phủ chúa và cũng huy hoàng xán lạn chẳng kém gì phủ chúa. Thái tử thì chỉ được ở một ngôi nhà nhỏ ở phía Đông cung điện vua Lê, một nơi cung điện mà các nhà quan sát về thế kỷ XVIII nói là “coi những dấu vết còn lại thì quy mô to lắm, nhưng hiện nay đã đổ nát nhiều mà không ai sửa sang lại.” Ngoài các lễ tiết trong nội điện ra, Thái tử không được tham dự một tế lễ nào cả. Thế tử khác hẳn. Trong vụ tế Giao là lễ to nhất hàng năm, bài vị của nhà Vua đứng đầu, thứ đến chúa, rồi đến ngay bài vị của Thế tử. Những quyền hạn giữa vua và chúa, Thái tử và Thế tử quá ư chênh lệch như vậy, nên không mấy vua Lê là không có cái dụng tâm trừ diệt chúa Trịnh và không mấy vị Thái tử không có cái tư ý muốn đánh đổ một kẻ bề tôi đã lấn cướp mất uy quyền của nhà mình. Chính cái tâm lý chung đó đã gây ra cái chết thảm khốc của Thái tử Duy Vỹ, con cả vua Lê Hiển Tôn, mà Trịnh Sâm là thủ phạm. Duy Vỹ theo Hoàng Lê nhất thống chí – thông minh rất sớm, vẫn lấy sự nhà vua mất quyền làm tức giận. Lại là người có chí lớn, ham đọc sách và thân yêu kẻ sĩ, nên Thái tử được các hào kiệt trong nước kính phục và tin yêu. Ngay từ khi lên ngôi Thế tử, Sâm vẫn ghét Duy Vỹ là người mà tài đức cũng chẳng kém gì mình. Vợ cả chúa Trịnh Doanh (Minh Đô vương) nguyên chỉ có một con gái là Ngọc Dung. Chúa yêu lắm. Chính phi xin gả Ngọc Dung cho Thái tử Duy Vỹ để sau này, con gái mình được giữ ngôi mẫu nghi thiên hạ (Hoàng hậu). Chúa Trịnh Doanh thuận cho. Một hôm, Thái tử (Duy Vỹ) và Thế tử (Sâm) cùng vào hầu. Trịnh Doanh truyền cho ăn cơm. Kẻ hầu vô tình dọn hai người cùng ngồi một mâm. Chính phi chợt đến, nói: – Chúa sao được cùng ngồi với vua? Rồi sai dọn riêng ra. Thế tử xấu hổ, mặt đỏ bừng, cả bữa không chịu ăn một miếng nào. Khi ra ngoài bảo riêng với Thái tử: – Hai chúng ta hẳn phải có một người sống, một người chết. Vua ấy không thể cùng đứng với chúa này được. Khi Sâm lên cầm quyền, nhớ lại lời trước, mưu với gia thần là Vũ Huy Đĩnh vu cho Thái tử tư thông với nàng hầu của cha mình, rồi kết thành tội trạng, tâu vua, xin bắt Thái tử hạ ngục. Trước đó ít lâu, trong giếng Tam Sơn ở sau điện, tự nhiên có tiếng nổ như sấm. Thái tử biết là điềm không tốt, tâu với vua. Vua thường làm lễ kỳ đảo, để cầu bình yên. Đến khi phải bắt, Thái tử đã biết trước, vào nép ở sau chỗ vua ngồi. Quận Đĩnh đem quân vào Đông cung, tìm khắp cả không thấy Thái tử, mới vào thẳng tẩm điện mà tâu với vua: – Tôi nghe nói Thái tử ở trong điện. Xin đem ra đây cho tôi. Bất đắc dĩ, Thái tử phải ra mặt. Quận Đĩnh bắt Thái tử giải về vương phủ, kết tội, rồi giáng làm thứ nhân mà lập con thứ vua Hiển Tôn là Duy Cẩn lên thay. Được một tháng, quận Đĩnh lại vu cáo cho bọn Vũ Bá Cảnh và Lương Giản mưu đem Duy Vỹ vượt ngục, khởi quân làm loạn. Trịnh Sâm nhân đó, cho bắt Vũ Bá Cảnh mà tra tấn. Còn Lương Giản thì trốn thoát. Cảnh không chịu được đòn, phải nhận những tội trạng mà người ta buộc cho mình, bị giết. Thái tử thì bị khép vào tội thắt cổ mà chết. Để tả rõ những nỗi oan khuất của Thái tử Duy Vỹ và cái ác tâm của Trịnh Sâm, tác giả bộ Hoàng Lê nhất thống chí lại viết thêm: Hôm ấy đang giữa trưa, trời tối đen lại một lúc. Hàng phố đi lại phải dùng đèn đuốc. Người trong nước ai cũng vì Thái tử chết oan mà thương khóc. Bước lên chính quyền, Trịnh Sâm lại còn là nguyên nhân một cái chết số hai nữa cũng bi đát chẳng kém gì cái chết của ông Hoàng Trừ. Chúng tôi muốn nói cái chết của Trịnh Đồng là con trưởng Trịnh Giang, đối với Sâm là anh em thúc bá. Tuy được thay anh mình là Trịnh Giang – một vị chúa ốm o và vô đạo – lên cầm vận mệnh Bắc Hà, nhưng lúc nào Minh Đô vương Trịnh Doanh cũng nhớ rằng quyền kế tập phải về ngành trưởng mà mình chỉ là người quyền tạm. Vì cớ đó, trước khi lập Trịnh Sâm làm Thế tử, vương thường bảo với tả hữu là muốn nhường ngôi cho con trưởng Trịnh Giang là Trịnh Đồng. Và có lẽ cũng vì muốn thực hành ý ấy thật nên Minh vương phong cho Đồng tước Quận công và cho ra ở phủ riêng, gần như một vị Thế tử thực. Cái hảo tâm của Minh Đô vương đối với cháu không ngờ lại chính là lưỡi dao oan nghiệt để giết cháu. Vì sau khi nhận được cái ân huệ của Minh Đô vương ít lâu thì người ta thấy Trịnh Đồng vô bệnh mà chết, bằng một cái chết còn tối tăm hơn cái chết của vị Thái tử nhà Lê. Người đương thời cho là Nguyễn vương phi (mẹ Sâm) sợ rằng ngôi chúa Bắc Hà sau này sẽ vì Trịnh Đồng mà không tới tay con mình, nên thuê người đầu độc cho Trịnh Đồng. Nhưng Trịnh Sâm có dự gì đến cuộc ám sát này không? Đó là một nghi vấn của lịch sử, nhưng cũng nên nhắc rằng hồi đó Sâm đã gần hai mươi tuổi. Năm Trịnh Sâm 29 tuổi thì cha là Trịnh Doanh mất. Ông được lên thay và phong là Nguyên súy Tổng quốc chính Tĩnh Đô vương. Cái chết non yểu của Trịnh Doanh (48 tuổi), cũng như việc lên cầm quyền khi sớm của Trịnh Sâm lại chứng thực một lần nữa rằng từ cuối thế kỷ XVII trở đi, về thể chất, họ Trịnh cũng đã sút kém những người đã có công xây dựng nên cái vương nghiệp của họ ấy. Đọc lại lịch sử của họ Trịnh, chúng ta sẽ nhận thấy rằng sau một cuộc đời thống khổ, vì đói rét, vì lo buồn, vì những sự vất vả của các cuộc đánh Đông dẹp Bắc, và sau rốt, vì những nỗi lo lắng để gây lấy một quốc gia thái bình, Trịnh Kiểm còn sống được 68 tuổi. Trịnh Tùng lên cầm quyền rất sớm (21 tuổi), nhưng suốt đời cũng hoạt động chẳng kém gì cha và tuổi thọ lại càng trội hơn cha (74). Ba đời sau, Trịnh Tráng (chết năm 81 tuổi), Trịnh Tạc (77), Trịnh Căn (77) đều là những vị chúa rất thọ mà cũng là những nhân tài lỗi lạc đã giúp dập vào cuộc toàn thịnh ở Bắc Hà. Từ đời thứ 6 trở đi, người ta bắt đầu thấy suy nhược về thể chất hiển hiện ra ở trong họ Trịnh rồi. Trịnh Vịnh là con Trịnh Căn vì chết sớm (28 tuổi) không được kế vị mà phải nhường ngôi Thế tử cho con là Trịnh Bính. Rồi đến Trịnh Bính lại cũng vì hưởng tuổi trời ít quá (33 tuổi) mà không được bước lên chính quyền. Vì đó, Trịnh Căn khi chết phải truyền ngôi cho cháu ba đời (con Trịnh Bính) là Trịnh Cương. Nhưng chính Trịnh Cương cũng không sống được lâu. Năm 44 tuổi, ông đã phải lìa bỏ cuộc đời và nhường ngôi cho một người con hư hỏng là Trịnh Giang, kẻ đã làm nguyên nhân cho các cuộc phiến loạn ở Bắc Hà, và đầu tiên, dắt họ Trịnh vào con đường suy bại. Vì Trịnh Giang bị truất bỏ, Trịnh Doanh mới lấy tính cách là con thứ và đã giữ chức Tiết chế lên thay. Nếu ông chỉ cầm quyền được đến nửa đời, chẳng qua cũng là hợp vào cái thông lệ mà hóa công đã đặt riêng cho dòng dõi họ Trịnh. * * * Tuy còn ít tuổi, nhưng ngay khi mới lên cầm quyền, Trịnh Sâm tỏ ra rất sành sỏi về môn chính trị. Thoạt đầu, ông tha thuế cho những miền mà mùa màng kém cỏi để gây cảm tình với dân. Tiếp, ông cho các triều sĩ được tự do bày tỏ ý kiến của mình để lựa lấy những chính sách tốt và săn sóc vào việc sửa sang các đê điều để tránh cái nạn lụt lội thường xảy ra ở các trấn Trung châu. Ông lại mạnh bạo khởi phục cho những quan lại có tài năng như Lê Quý Đôn, Phan Huy Cẩn mà trước kia cha ông đã đuổi về. Và, cũng nhờ cái tài khéo dùng người của Trịnh Sâm, Lê Quý Đôn sau này không những thành một nhà chính trị giỏi giang mà còn trở nên một nhà bác học lưu danh trong lịch sử. Về võ bị ngoài cái kỳ công thu phục Thuận Hóa, Sâm còn dẹp yên được bọn Hoàng Văn Chất, Lê Duy Mật và gây ra cuộc bình trị ở Bắc Hà. Nhưng điều mà Sâm để ý hơn cả có lẽ là việc chấn hưng văn học Việt Nam. Vì ông thường nói với các quan: Học hiệu là chỗ để gây lấy nhân tài, các bậc đế vương xưa nay vẫn lo đến việc ấy trước nhất. Nước ta hết đời ấy sang đời khác, vẫn sửa sang việc học và nhờ đó mà tìm ra được người hiền đức kể cũng đã nhiều. Gần đây, văn chương đổi thể lâu thành thói quen. Nay ta phải lo bãi bỏ những cái lệ trước, để cho việc giáo dục được hoàn bị. Để thực hành cái ý trên, Trịnh Sâm truyền cho bọn Tế tửu Tư nghiệp hàng ngày phải họp học trò tại nhà Thái học để giảng kinh, sử. Mỗi tháng hai lần, cứ ngày rằm và mồng một thì tập văn. Một năm bốn kỳ, vào tháng “trọng” thì khảo duyệt, thể thức cũng như đi thi vậy. Người nào có học thức khá hay văn chương hay thì các học quan phải tâu lên nhà chúa để bổ ra làm quan. Nhờ những cuộc cải cách của Tĩnh Đô vương, việc học của chúng ta về hồi cuối Lê đã thịnh vượng không biết dường nào mà nhà Quốc học (Văn miếu) cũng trải một cảnh hoạt động và trang nghiêm như các ngài sẽ thấy dưới đây, phác họa bằng ngọn bút linh động của một người về cuối đời Trịnh Sâm và sống qua các đời chúa sau cùng của họ Trịnh là Phạm Đình Hổ: Ta theo các bậc huynh chấp đến nghe binh văn, thấy tại nhà Quốc học, ở trên thềm vào khoảng giữa và ngảnh mặt về phương Nam, có trải ba cái chiếu tre. Chiếu trên cùng là chỗ quan Tri giám ngồi. Chiếu giữa là của quan Tham tụng hay Hành Tham tụng. Chiếu dưới dành riêng cho các quan Bồi tụng. Các quan thị lang và tam đô ngồi chiếu bên Đông, ngảnh mặt về bên Tây; mọi người khác thì ngồi chiếu bên Tây, ngảnh mặt về bên Đông. Người bình văn cũng ngồi về phía Tây. Lúc bình văn, các quan chính phủ ngồi giữa xem xét về đại cương. Các ông ngồi chiếu bên Đông thì bàn bạc cân nhắc theo như lệ cũ vẫn như vậy. Trong buổi này, quan Thái phó Hoàn Quận công Nguyễn Hoàn (về hưu, nhưng mời khởi phục) làm quan Tri Quốc Tử Giám, ngồi chiếu trên Kế Liệt hầu Bùi Huy Bích lấy chức Hành Tham tụng ngồi chiếu giữa. Các ông Uông Sĩ Điển, người làng Võ Nghị, Vũ Huy Đĩnh người Mộ Trạch, Phan Huy Cẩn người Thu Hoạch và Trần Công Sán người An Vĩ, cùng là Bồi tụng, ngồi chiếu dưới. Chiếu bên Đông thì có các ông Lý Trần Quán, Nguyễn Đình Trạc. Còn từ các ông Lê Huy Tiềm trở xuống thì ngồi chiếu bên Tây. Lúc bình văn, tiếng ông Hoàng Vĩnh Trân thì trong mà cao, tiếng ông Vũ Cầu rõ ràng mà bình dị, ông Lưu Tiệp đọc ngắn mà không rõ; ông Tiều Xưởng thì lí nhí, không ai nghe ra tiếng gì hết. Quyền khen chê, lấy bỏ là ở ông Bùi Huy Bích. Các quan Bồi tụng cũng có bàn bạc, cân nhắc ít nhiều. Duy có quan Tri giám Nguyễn Công Hoàn thì thủy chung không nói một câu nào. Thỉnh thoảng, ông chỉ cười hì hì không ai hiểu là do ý tứ gì cả. Những ngày bình văn tại nhà Quốc học đều do quan Tri giám chủ tọa. Khi các quan đến họp, quan Tri giám đứng về mé Tây chiếu trên, các quan Tham tụng và Bồi tụng thì đứng về mé Đông Nam chiếu mình ngồi. Các quan ngồi chiếu bên Đông thì đứng về mé Đông chiếu mình ngồi. Thoạt đầu, quan Tri giám hướng vào các quan Tham, Bồi, vái một vái, mời ngồi. Các quan Tham, Bồi vái trả, rồi mới ngồi xuống. Tiếp, quan Tri giám, vái đến các quan Thị lang, Tam đô. Sau rốt, đến các quan liêu khác. Ai nấy đều vái lại và ngồi vào chỗ. Khi cái lễ mời mọc đã cử hành xong đâu đấy rồi, quan Tri giám mới ngồi vào chiếu mình, tấm chiếu trải ở gian chính giữa và cao nhất. Theo lệ, các chiếu giữa và chiếu bên Đông đều bày mỗi vị một hộp trầu và một ống súc. Nhưng các chiếu mé Tây, nghĩa là chỗ ngồi của các quan nhỏ thì cả chiếu mới có hai ống súc và hai hộp trầu. Khi mọi người đã bình văn xong, tức là mặt trời đã xế trưa rồi, quan Tri giám sai lính tráng dọn cơm để mọi người cùng ăn. Cơm nước bày biện bao giờ cũng lịch sự lắm. Tục nhà Lê đãi học trò rất hậu. Kẻ thi đỗ được thưởng nào là trâm hốt, nào là hoa bào. Ông Nghè mới lại được nhà vua ban yến ở trong điện và cho cưỡi ngựa rong chơi các phố. Rồi cha mẹ thì phong tặng, con cái thì được tập ấm, không còn vinh dự nào bằng. Lúc ông Nghè vinh quy được ban áo gấm và do hàng tổng rước sách và phục dịch. Thậm chí, nhà ở của ông Nghè cũng do hàng tổng phải làm. Tuy nhiên việc thi cử về đời Tĩnh Đô vương cũng đã không được nghiêm khắc lắm rồi, cho nên đã có những thí sinh như Lê Quý Kiệt vì thi gian mà phải tù tội và những quan trường như Ngô Thì Sĩ vì chấm không công bằng mà phải cách chức đuổi về. Về việc thi cử tác giả Vũ trung tùy bút có thuật lại rằng bà chính phi người làng Thịnh Mỹ có một người em trai tên là Mậu Đĩnh vì là dòng dõi hèn kém nên muốn cậy cục cho thi đỗ, để được đãi vào bậc văn thần. Gặp khoa thi Hội, bà dặn kẻ lại phòng rằng hễ thấy quyển nào có tên Mậu Đĩnh thì phải đánh dấu lấy và nói riêng với quan trường trông nom giúp cho Mậu Đĩnh và nếu kém quá thì khi chúa hỏi đến phải lập tức dâng lên. Đến kỳ đệ tứ các quyển có thể lấy đỗ được đều dâng lên chúa Trịnh. Quyển của Mậu Đĩnh cố nhiên không ở trong số ấy. Để cứu vớt cho em mình, Nguyễn chính phi nói riêng với chúa: “Việc thi cử mà ngặt nghèo quá, sợ không được rộng. Vậy xin mang những quyển bị bỏ ra đây tôi rút lấy một quyển cho đỗ, để rộng đường kén chọn nhân tài.” Chúa thuận cho. Chính phi để ý nhìn quyển có dấu mà rút, rồi truyền tin ra bảo Mậu Đĩnh sắp sửa mọi vật, để ăn mừng. Đến khi yết bảng, kẻ được lấy thêm đó, không ngờ lại là Vũ Huy Đĩnh. Chính phi tức giận, gọi lại phòng vào mắng. Người này thưa: – Khi Lệnh bà dặn, hạ thần hoảng hốt nên không nhớ được rõ. Đến khi soạn quyển, thấy tên Đĩnh thì đánh dấu, không ngờ vì đó mà mắc lầm. Chính phi đành vuốt ngực thở dài và đổ lỗi cho số mệnh. Phạm Đình Hổ lại nói thêm là khi Hoàng Ngũ Phúc cầm quyền, cũng có xẩy ra một chuyện giống như chuyện trên, song ông không nhớ rõ họ, tên của người đã đóng vai chính trong chuyện ấy. Việc thi cử về đời Tĩnh Đô vương đành rằng không lấy gì làm chu đáo. Nhưng việc học, nhờ ông hết sức chấn chỉnh, đã được hơn hẳn các triều đại sau này. Và những người như Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Phạn Huy Ích… đều là thuộc về lớp nhân tài do sự cố gắng của Tĩnh Đô vương hun đúc nên cả. Với cuộc Nam tiến của Hoàng Ngũ Phúc, Tĩnh Đô vương đã tặng cho chúng ta một khoảnh đất mới: trấn Thuận Hóa, hay là khu đất ở vào giữa sông Linh Giang (Sông Gianh) và Hải Vân quan. Còn từ Hải Vân quan trở vào thì đối với Bắc Hà không có liên lạc gì, tuy thủ lĩnh của miền ấy là Nguyễn Nhạc đã chịu xưng thần với họ Trịnh và hàng năm phải sai người ra Thăng Long nộp cống. Nước Nam của Trịnh Sâm, tuy vẫn còn nhỏ hơn nước Nam của Lê Thánh Tôn, vì nhờ có những vũ công của ông vua văn học này, chúng ta đã đẩy được người Chiêm Thành ra khỏi Thạch Bi sơn, nghĩa là xuống miền Nam đất Tuy Hòa, song chúng ta cũng phải công nhận là Trịnh Sâm đã mở rộng cái di sản của ông cha. Vì món thừa tự mà ông tiếp được của Trịnh Doanh chỉ vỏn vẹn trong phạm vi của đất Bắc Hà mà tục gọi là “Đàng Ngoài”. Trong tiếng này người ta muốn trỏ trọn một khu vực từ sông Linh Giang đến trấn Nam Quan, nghĩa là tất cả xứ Bắc Kỳ với hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An trừ một phần tỉnh Tuyên Quang là phạm vi của con cháu Vũ Công Mật. Về công cuộc kiến trúc của thành phố Thăng Long, khi lên cầm quyền, Tĩnh Đô vương cũng có sửa sang lại rất nhiều. Vì, sau khi rời khỏi Long thành vài chục năm, lúc trở về, Hải Thượng Lãn Ông viết: Xem phong cảnh cũ, tuy núi hồ không đổi mà đình đài, Phật điện quán xá, quan cư nhất nhất đã khác hẳn phong dạng ngày xưa. Trong thành thì kẻ đi người lại như nêm, ngựa xe rộn rã, không biết bao nhiêu mà kể. Cách tổ chức ở chung quanh thành Thăng Long thế nào? Dưới đây là lời tác giả tập Thượng kinh ký sự mà chúng tôi vừa nói trên: Từ cửa Vũ quan vào có một cái thành đất cũng không cao lắm, ngoài thành là dẫy nữ tường, trên tường có thể chạy ngựa được. Ngoài tường chôn rào tre kín mít. Dưới bờ rào có hào sâu. Trong hào thả chông, xem ra thập phần kiên cố. Lại đặt ba lần vọng canh, lần nào cũng có lính đứng sắp hàng hai bên, gươm giáo sáng quắc như tuyết. Lính canh thấy bọn chúng tôi đi có đeo đồ binh khí thì giữ lại tra hỏi ngặt lắm. Khi biết đích (là có chỉ của nhà vua triệu) và thấy có dấu hiệu lính Nghệ An hộ tống, mới cho đi. Trên đây, Hải thượng Lãn ông chỉ tả có một cửa thành Thăng Long mà ông bắt buộc phải đi qua. Muốn có một bức tranh đầy đủ về thành ấy, tưởng chúng ta không thể thấy ở đâu khác, ngoài tập ký ức của các giáo sĩ đã lưu ngụ ở nước ta về thời Lê mạt: Duy có một thành phố xứng đáng với cái tên ấy là Kacho hay Kécho. Người ta có thể ví nó với những đô thành nổi tiếng nhất ở Á châu và cái phạm vi của nó ít ra cũng rộng như thành phố Paris. Song cứ như tôi biết thì chưa đâu đông đúc bằng thành này, nhất là mồng một và rầm là ngày các chợ họp thì dân ở những nơi rất xa cũng dồn cả đến. Ta hãy tưởng tượng xem những ngày ấy thì chật chội biết dường nào, vì nhất đán trong thành tăng lên hàng triệu người, khiến cho kẻ qua lại phải khó khăn mới đi được một trăm bước trong khoảng nửa giờ, tuy các phố trong kinh thành đều rất rộng rãi. Thành tuy đông đúc, nhưng trật tự vẫn giữ được chu đáu, vì mỗi thứ hàng hóa bán tại một dẫy phố riêng. Những dẫy phố ấy là đất của một, hai hay nhiều làng và cũng duy chỉ có dân các làng ấy mới được mở cửa hàng ở đấy. Các phố ở Kẻ Chợ đều rộng, đẹp và lát gạch từng phần, hay theo từng dải một, vì người ta phải chừa những chỗ không lát cho ngựa, voi, xe của nhà vua hay trâu bò đi. Hai phần ba những nhà trong thành làm bằng gỗ. Còn các nhà khác thì xây gạch. Trong số đó, các hãng buôn của người Âu châu trội hẳn lên giữa hàng bao nhiêu nhà tranh làm bằng tre và đất. Phủ đệ của các quan và các công sở xây vào những khoảng đất rất rộng rãi. Chỗ đặc sắc của nó là một ngôi nhà gỗ lớn hơn các nhà thường và làm kiên cố hơn ác nhà thường: những vật liệu để dùng làm ngôi nhà ấy đều lựa lọc hơn, mạnh mẽ hơn, công phu hơn và có trạm trổ, sơn, vẽ. Trong nhà chia làm nhiều ngăn hay buồng. Thềm lát gạch rất sạch sẽ và mái thì lợp bằng nhiều thứ ngói, cố nhiên là mầu sắc không giống nhau. Nhà dân thì có một cái mái do nhiều cột đỡ lấy, thường lợp bằng rạ, cói và những tầu lá rất to, bền được đến hàng ba bốn chục năm, nếu không xảy ra tai nạn. Những nhà đó không có trần, không gác và ngăn ra bằng bức bàn làm nhiều buồng công dụng khác nhau. Nhà nào cũng chỉ có một tầng; nếu làm nhà nhiều tầng tức là phạm vào tội khinh mạn nhà nước. Coi đó đủ biết rằng những nhà ở đây không chắc chắn và hễ có bão táp là đổ liền. Những nhà ấy có rất nhiều cửa và cửa sổ để không khí ra vào và giữ cho trong nhà mát mẻ luôn, vì khí hậu ở đây nóng nực lắm. Những cửa của họ không có kính, mà ở đây người ta cũng gọi là mới biết có kính mà thôi. Để thay cho kính, người ta dùng một thứ vải thật thưa và mành – mành tre, có thể trông ra, vào được. Vì nhà làm và lợp như vậy, nên người ta rất sợ cháy và phòng bị nạn ấy rất cẩn thận. Đêm, dân trong thành không được phép đốt lửa, ban ngày cũng tùy theo từng giờ mới được đốt: thình lình cảnh binh vào khám, nếu nhà nào đốt lửa vào những giờ đã cấm thì phải phạt tiền. … Nền thương mại ở Thăng Long rất lớn và chuyển vận bằng con sông Cái chẩy ven qua thành. Nhờ có con sông này, và số thuyền bè rất đông đúc qua lại chở hàng hóa từ các tỉnh đến mà kinh thành được thịnh vượng. Mỗi chiếc thuyền phải trả năm hào tiền thuế bỏ neo. Nhân đó, người ta thu được những món tiền cực lớn vì số thuyền bè ở đây nhiều quá, muốn len được vào bờ rất khó. Các sông ngòi và hải cảng của chúng ta – kể cả thành Venise với tất cả những hoa thuyền của nó – cũng không đọ được với sự náo nhiệt của con sông ở Kẻ chợ, tuy trong các thuyền của họ, chỉ chứa đủ những người cần để việc chèo, lái. Ngoài ra, các nhà buôn đều có nhà tại các làng gần quanh là nơi họ ở. Cung điện của nhà vua ở vào một góc kinh thành, chung quanh có tường bao vây. Những tường ấy thường bị những nhà dân ở phía ngoài che lấp. Khoảng này, kinh thành có vẻ đẹp đẽ và kiến trúc công phu hơn cả: người ở toàn là những người có địa vị trong nước. Trường hình và các cơ quan của chính phủ cũng ở cả đây, nên ai muốn làm nhà vào khu này, phải mua đất bằng một giá rất đắt. Cung của nhà vua ở vào một khoảng đất rộng. Nhưng cách kiến trúc cũng không có gì đặc sắc hơn những đình đài chính ở trong thành. Cửa vào coi rất thường. Người ngoại quốc và nhất là các tay triệu phú cũng chỉ được trông thấy cửa Ngọ Môn thôi. Trừ ra, vài người được đặc ân vào trong thì lại không mô tả được gì lạ cả, vì người ta thận trọng đưa họ đến thẳng chỗ vua ngự mà không cho quan sát gì cả. Vì hỏi han bọn hoàng thân và các quan văn, võ nên người ta biết đại khái là những lâu đài ở trong đều làm bằng những gỗ và gạch quý nhất trong nước; những lâu đài ấy đều có trạm trổ và sơn, thiếp rất dụng công, tuy tại xứ này nền mỹ thuật chưa tiến bộ được bằng nước Tàu, và trong đó, chỗ nào cũng lóng lánh những bạc, những vàng. Ngoài ra lại đầy rẫy những vườn hoa cây cảnh, hồ bán nguyệt, sông ngòi… nghĩa là có tất cả mọi vật để mưu sự hứng thú cho những người ở trong. Lại càng nhiều nữa là các cung tần của nhà vua, nghĩa là những người đàn bà không ra khỏi cửa bao giờ và không biết bao nhiêu nội giám chuyên về việc hầu hạ. Riêng đoạn tả về nội điện vua Lê, nghĩa là nơi mà tác giả không được thực mắt trông thấy thì giáo sĩ Richard đã viết trái với sự thực rất nhiều. Vì, các lâu đài của nhà vua tuy có được Lê Thánh Tôn lập lên rất lộng lẫy và Tương Dực đế xây thêm những tòa lầu trăm gian và lập ra Cửu Trùng đài, nhưng đến cuối đời Lê thì những tòa nhà đồ sộ đó đều dột nát cả, có tòa chỉ còn trơ có một cái nền. Để ghi lấy cái cảnh điêu tàn của nhà Lê, trong Tang thương ngẫu lục có mấy câu sau này: Lễ triều tham bỏ bẵng đã lâu. Nền cũ ở Nùng Sơn thì đổi làm điện Kính Thiên, thờ Hiệu Thiên thượng đế (trời) và Hậu Thổ địa kỳ (đất), lấy vua Lê Thái Tổ phối hưởng. Điện Cần Chánh là chỗ coi chầu ngày Sóc và ngày Vọng thì hai bên hành lang siêu sạt cả, phía trong cỏ mọc lên đến đầu gối. Nhân lễ thành thọ (vua Lê Hiển Tôn) mới sai quan Đề lĩnh mang lính đến cắt cỏ và sửa sang lại. Nhìn qua cảnh này, chúng ta cũng có thể biết được rằng dưới chính phủ của họ Trịnh, cái uy quyền của nhà Lê đã tiêu một đến bậc nào! Trái với triều đường vua Lê là hình ảnh trung thành của một cái uy quyền đã bị khinh nhờn và suy bại, phủ liêu chúa Trịnh là hiện thân của tất cả những tính xa xỉ và dâm dật mà ông vua một nước Đông phương – trừ Tàu ra – có thể có được. Phủ đệ của Thái sư Trịnh Kiểm ở phía Nam kinh thành như thế nào? Hiện thời chúng ta không thể tìm biết được nữa. Vì nó chỉ là một lớp dinh thự mà Lượng Quốc công lập nên trong lúc vội vàng, có lẽ nó cũng sơ sài như cái uy quyền của họ Trịnh ban đầu và người ta chỉ ở đấy có một đời. Đến đời Bình An vương thì Trịnh phủ di hẳn vào giữa kinh thành và ở luôn đó trong khoảng hai trăm năm… Theo một bức địa đồ về hồi Lê mạt thì Trịnh vương phủ ở về phía Tây Nam hồ Hoàn Kiếm, giáp với huyện lỵ Thọ Xương. Cách kiến trúc của nó như thế nào? Nó có thay đổi gì không? Về toàn thể có lẽ không. Vì những vương phủ trong ngọn bút mô tả của các ông Alexandre de Rhodes, Marini, Samuel Baron và Saint Phalles vô tình đã giống nhau, tuy các ông này ở Bắc Hà vào những thời gian khác nhau và đều được thực mắt trông thấy cái vương phủ ấy. Vương phủ làm trên một khu đất rộng rãi, chung quanh có tường bao bọc. Phía trong và ngoài tường có nhiều lớp nhà thâm thấp cho lính tráng ở. Các ngôi nhà ở chính giữa đều hai tầng và có rất nhiều cửa để không khí ra vào. Các cửa đó đều làm bằng gỗ lim – cũng như các phần khác trong nhà – coi rộng rãi và nguy nga lắm. Các ngôi tư thất, nghĩa là những nơi để cho bọn phi tần ở thì đều là những tòa lâu đài to tát, trạm trổ và sơn thiếp rất kỹ càng. Ở trong sân và ngay phía cửa ngoài bước vào là chuồng ngựa và chuồng voi. Mặt sau thì đầy rẫy những vườn cảnh, lầu tạ và ao hồ để chơi mát và câu cá, tuy nhà chúa cũng ít khi ra đến những nơi ấy. y Mỗi tòa lâu đài trong vương phủ lẽ tất nhiên là có một tên riêng mà người ngoại quốc hoặc không biết hoặc không muốn kể đến, vì đọc lên rất khó khăn. Thí dụ nơi chúa Trịnh “thị triều”, nghĩa là tiếp các quan thì gọi là Phủ đường. Chỗ các quan họp (ngay ở cổng vào) gọi là Nghị sự đường. Nơi nhốt voi ngựa là Thị kỵ điếm. Rồi Tiểu bút điếm, Đông cung, Thập tự cung… Những phủ đệ của chúa Trịnh cũng phức tạp và man mác chẳng kém gì cung điện của vua Lê. Mà về phần xa xỉ thì nó lại càng đặc sắc hơn nhiều. Còn cách bài trí ở trong những phủ đệ ấy như thế nào? Dưới đây là một bức tranh nho nhỏ mà Hải Thượng Lãn Ông – người đã được hân hạnh, chẩn mạch và bốc thuốc cho Tĩnh Đô vương – để lại cho chúng ta trong tập ký ức của ông: Quan Nội sai Trạch Trung hầu ra truyền lệnh đưa tôi vào; đi qua một cái hành lang độ mười bước lên một cái cao đường. Sau cao đường có một cái phòng rộng là ngự tẩm. Quan nội sai dắt tay áo tôi và vén trướng gấm lên, đi qua mấy lần màn, trướng nữa, tới một chỗ trung gian, thấy Thánh thượng (Tĩnh Đô vương) ngự trên một cái võng điều mắc ngang qua một cái sập thiếp vàng nuột. Trên sập, trải nệm gấm. Mé hữu sập ngự có một cái ngự sàng, quây mùng cẩm sa, chạy chỉ kim tuyến… Cách ngự tọa có một cái trướng gấm bắc ngang. Trong trướng nghe có tiếng người nói se sẽ, ý giả là bọn cung tần thấy có khách đến thì lánh vào đấy… Để sửa sang cho vương phủ, những cây quý vật lạ, chậu hoa, núi đá, ở chốn dân gian đều sức thu lấy cả, không thiếu một thức gì. Có lần lấy một cây đa từ bên Bắc mang về. Cây chở qua sông, cành lá rườm rà, giống như một cổ thụ ở đầu non, hốc đá, rễ bám hàng vài trượng. Để khiêng cây đa này, phải dùng đến mộtcơ binh và bốn người cầm gươm và thanh la đi kèm để giúp cho lính khiêng được điều độ. Trong phủ thì điểm xuyết nơi là hồ, nơi là núi non bộ, trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn. Kẻ thức giả cho là cái triệu bất tường. Bọn hoạn quan, nhân cái lệnh thu của tư gia về trang hoàng cho vương phủ, nghĩ ra nhiều cách rất tàn ác để nhũng nhiễu dân. Thí dụ: họ dò xem nhà nào có chậu cây đẹp hay chim hót hay, liền xông vào mà biên hai chữ “奉守” vào lồng chim hoặc chậu cây. Đêm đến họ trèo tường trốn ra, xui bọn đồng bối đem lính đến lấy phăng đi. Hôm sau họ trở lại, đòi lấy những vật đã biên hôm trước và lẽ tất nhiên là những vật ấy không còn nữa, họ liền dậm dọa là chủ nhân đã cố ý “ẩn nặc” mà vòi tiền. Những nhà có cây cảnh hoặc quả núi lạ quá, họ bắt phải dỡ nhà hay phá tường cho họ khiêng ra. Nhiều nhà giầu bị bọn quan hoạn vu cho là đã giấu vật “cung phụng”, sợ tội, phải van lậy họ mà nộp tiền. Nhân đó, dân kinh thành phải chặt bỏ cây cảnh và đập phá núi non bộ của nhà mình đi, để tránh tai họa. Những lúc nhàn rỗi, Tĩnh Đô vương lại hay đi du ngoạn các thắng cảnh như Tử Trầm, Dục Thúy, Tây Hồ… và có khi ngủ đêm ở đó không về nên tại các nơi này đều có lập ra hành cung, nghĩa là những lầu đài mà sự tráng lệ cũng tương đương với phủ liêu ở Kẻ Chợ. Một tháng ba bốn lần, vương ngự chơi cung Thụy Liên trên bờ Tây Hồ. Những lần đó thì binh lính phải dàn cả chung quanh bờ hồ. Bọn nội thần (quan hoạn) thì bịt khăn mặc áo giả đàn bà, bày các hàng hóa và hoa quả ở bờ hồ mà bán. Thuyền ngự đi đến đâu, các quan đại thần có thể tùy ý ghé vào bờ mà mua bán các vật cần dùng như ở trong chợ vậy. Cũng có lần, vương cho bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc hay ở bóng cây, bến đá nào đó mà họa đàn. Còn xa xỉ hơn nữa là hàng năm, cứ gần đến tiết Trung thu thì vương truyền lấy gấm vóc ở trong kho ra, trao cho bọn cung g y y g g ọ g nhân chế các thức đèn tinh xảo không biết ngần nào. Vì mỗi ngọn đèn đó trị giá hàng chục lạng vàng. Đến ngày rầm tháng tám, vương ngự giá sang chơi Bắc cung. Cung này có một cái ao gọi là Long Trì, rộng hàng nửa dặm. Trên bờ ao thì xếp đất và đá lên làm núi, chỗ lồi chỗ lõm, hình thế khác nhau. Bên hữu là chỗ ngồi hát và thổi sáo, có hàng trăm gốc phù dung bóng rủ trên mặt nước. Trong bóng trăng mờ không biết bao nhiêu ngọn đèn tranh sáng như muôn nghìn ngôi sao. Các quan nội giám từ tam phẩm trở lên, chít khăn, mặc yếm, giả làm đàn bà, ngồi thành từng dẫy ở dọc đường, bán các hàng tạp hóa của Tàu, của ta, rồi hoa quả, rượu nem, không thiếu một thức gì. Những hàng hóa ấy chất lên như núi. Người trong cung qua lại, tha hồ mua bán, nói cười rầm rĩ, vang động cả trong ngoài. Đến nửa đêm, chúa ngự xe ra thuyền. Các thị thần và phi thiếp khua động mặt nước mà bơi đi, bơi lại, lênh đênh trên ngọn sóng. Rồi tiếng đàn, tiếng sáo bỗng nổi lên, hòa với tiếng hát, dư âm vang động, du dương như chơi cung Quảng Hàn, nghe khúc Quân Thiên vậy. Chúa coi lấy làm vui lắm, gà gáy mới về. Với một vị chúa xa xỉ và ham khoái lạc như Tĩnh Đô vương thì số phi tần, lẽ tất nhiên là rất nhiều – giáo sĩ Saint Phalles ước lượng là bốn trăm – tựu trung có một người được vương yêu dấu hơn cả, cất nhắc lên chức “Chánh cung” và phong là Tuyên phi. Người đó là Đặng Thị Huệ, con gái một nhà thường dân, người làng Phù Đổng. Các cung phi đều do quan địa phương tiến lên hoặc tự nhà chúa chọn lấy. Họ phải có sắc đẹp và nhất là có những tài nghệ để giúp cho chúa tiêu khiển, như múa hát… Vì đó, số đông các cung phi là con nhà xướng hát. Vũ Thái phi chẳng hạn, người đã sinh ra An vương Trịnh Cương cũng chỉ là một cô gái xuất thân ở giáo phường. Nhưng từ cái tính lẳng lơ của một con hát, hoàn cảnh của vương phủ sau này đã đổi bà thành một vị quốc mẫu, có nghị lực và trọng danh giáo, chẳng kém gì nhiều bà mệnh phụ đã được hun đúc bằng một nền giáo dục rất hoàn toàn. Ngoài Đặng Tuyên phi ra, Tĩnh Đô vương còn có hai vợ nữa là Dương Thị Ngọc Hoan, mẹ đẻ Trịnh Khải và Hoàng Thị Ngọc Khoan, sinh được hai người con gái, trong số có quận chúa Ngọc Lan được vương yêu dấu như hòn ngọc quý. Ngoài ra, các phi tần khác thì chỉ được làm những công việc tối tăm như hầu hạ, múa hát… Những bạn gái xấu số này không mấy khi được Tĩnh Đô vương thương yêu đến và phải chờ đến khi chúa qua đời, mới được ra ngoài lấy chồng. Khi ấy đã luống tuổi rồi, cố nhiên là phải chịu làm tỳ thiếp người ta hay mang cái tuổi xuân còn sót của mình mà tặng cho những người hèn hạ. Theo một cái lệ rất cổ, vua Lê coi chầu vào ngày Sóc (mồng một) và ngày Vọng (rầm), nghĩa là trong hai ngày ấy, nhà vua ra ngự tại điện Kính Thiên để các quan vào lạy mừng và dâng các sớ tấu lên để nhà vua tài quyết. Nhưng, đến đời Tĩnh Đô vương thì cái vinh dự sau cùng ấy của nhà vua cũng không còn nữa. Sau khi Thái tử Duy Vỹ bị giết, mối hiềm khích giữa nhà vua và nhà chúa lại càng gắt gao hơn trước. Để tránh sự ngờ vực của nhà chúa, nhiều vị đại thần cố lẩn tránh để khỏi dự những buổi đại triều. Tục đó không bao lâu lan rộng ra tất cả mọi người, như Lê Quý Đôn chẳng hạn, từ khi ông được tham dự chính phủ thì cứ đến ngày “Sóc”, ngày “Vọng” là ông cáo ốm, thành ra buổi chầu của nhà vua chỉ rời rạc có vài vị hoàng thân và mấy vị quan nhỏ có chức vụ trong nội điện, và sau rốt, bị người ta bãi hẳn. Vương phủ, trái lại, là một phiên chợ danh lợi mà sự sầm uất không lúc nào ngớt. Theo lệ, cứ sáng rõ (khoảng sáu giờ) thì Tĩnh Đô vương “thị triều”, nghĩa là ra ngồi tại phủ đường, một tòa nhà mà các cửa về phía trước đều mở thật rộng. Từ phủ đường ra đến tận cổng, lính túc vệ mang khí giới đứng dàn hai bên, coi rất oai nghiêm. Phía trong là các nội giám đứng túc trực để đệ tờ khải của các quan lên dâng chúa hoặc truyền những mệnh lệnh từ chúa xuống các quan. Vì bọn triều thần phải từ ngoài sân rộng, theo thứ tự trên dưới mà lạy vào. Lạy xong, có “chỉ” của nhà chúa cho ngồi, các quan đại thần mới kéo nhau vào ngồi tại “tọa đường” và bàn bạc về mọi việc có quan hệ đến dân nước. Phê bình về lễ “chầu hầu” của chúa Trịnh, nhà quan sát Samuel Baron đã phát biểu ra một ý kiến rất ngộ nghĩnh trong mấy câu sau này: Không còn gì nực cười bằng cái quang cảnh của một bọn quan lớn thực hành mọi việc với cái lễ độ và một vẻ trịnh trọng khiến cho người xem phải ngạc nhiên và có lẽ nó sẽ có tính cách tôn nghiêm lắm lắm, nếu người ta không phải theo đuổi và bãi bỏ được một cái tục rất hèn hạ là đi chân đất. Đến đây, chúng tôi cần phải nói thêm rằng khi vào chầu trong vương phủ, các quan không được đi giày, phải mặc áo thụng xanh và đội một thứ mũ làm bằng sa đen, phía trước có hoa vàng hay bạc, tùy theo quan to hay nhỏ. Trong buổi chầu, nếu một vị quan nào muốn xin chúa gia ân cho bạn bè hay thân thuộc mình thì phải tiến đến gần ngự tọa bỏ mũ ra mà lạy, rồi mới kêu xin. Chừng đến tám giờ sáng thì chúa trở vào tư thất. Các triều thần cũng lần lượt ra về. Còn lưu lại, chỉ có viên Tư lễ thái giám và những quan đứng đầu các phiên mà phần đông là quan hoạn. Có điều đáng để ý là bọn quan hoạn mà các vua chúa đặt ra để sai bảo và dùng làm tôi tớ trong nội điện, thường được chúa Trịnh cất nhắc lên những địa vị rất cao, có khi nắm hẳn cả quyền chính trong tay. Chẳng hạn, về đời Trịnh Giang, chức Chưởng phủ sự thống lĩnh tất cả quân đội trong nước về tay Hoàng Công Phụ là một tên quan hoạn rất đê hèn. Chính Tĩnh Đô vương cũng phong cho một quan hoạn khác đến chức Đại tư đồ (Tể tướng) và cho được chưởng quản tất cả các đạo quân vào chinh phục Thuận Hóa. Nhiều quan hoạn khác được làm đến Thượng thư và phong tước Quận công là việc rất thường. Uy Nam vương (Trịnh Giang) lại có một cái ý tưởng rất kỳ quái là đặt ra giám ban và cũng cho được tôn trọng như hai ban văn và võ vậy. Tại sao các chúa Trịnh đã có một mối thiện cảm đặc biệt với quan hoạn là một hạng người không có đặc tính gì khác là tự hủy hoại phần trọng yếu nhất trong thân thể mình đi để làm tôi cho mọi người? Phải chăng vì viên quan hoạn Bùi Sĩ Lâm, đầu tiên đã vì Bình An vương mà dẹp cái loạn Trịnh Xuân? Điều đó không ai dám chắc. Những chỗ mà mọi người cùng phải công nhận là ngoài một số rất ít có đức độ và tài năng ra, số đông quan hoạn là những kẻ hèn hạ chỉ chuyên một việc xu nịnh và dựa vào uy quyền của nhà chúa mà ăn hối lộ và ức hiếp quan liêu và dân chúng. Viết về họ, Samuel Baron không thể nén được sự tức giận, nói: Quan hoạn, một bọn chết dẫm, ăn bám, đồi bại và làm cho các vua chúa hư hỏng, đứng vào đến số bốn năm trăm ở phủ liêu. Chúng có cái thói kiêu căng, hãnh diện và vô lý quá, làm cho cả nước phải hờn ghét, tuy ai nấy đều phải sợ sệt cái thế lực của chúng! Thật vậy, bọn hoạn quan, vì được nhà chúa tin cậy một cách quá đáng, nên vừa dự một địa vị quan trọng trong chính phủ, vừa có quan hệ mật thiết với đời tư của nhà chúa. Lúc đầu, bọn quan hoạn giữ một nhiệm vụ hèn hạ trong vương phủ. Nhưng, nếu khôn khéo ra, chỉ trong vòng bảy tám năm là họ được bổ ra làm quan và cứ lần lần leo lên đến tột bậc chiếc thang sĩ hoạn, trong lúc nhiều quan lại khác có văn học, phải ở những chỗ tối tăm. Song, nếu nhà chúa cất nhắc cho bọn quan hoạn, không hẳn đã là vì yêu mến họ mà nhiều khi còn ham mối lợi mà họ lưu lại sau này. Vì khi một hoạn quan chết thì những của cải mà quan hoạn ấy đã thu được bằng bao nhiêu thủ đoạn đê hèn, đều sung làm của công. Chúa chỉ chia cho những người thân của họ, một phần rất ít hoặc không ban phát cho một đồng nào cả. Bọn quan hoạn, tuy đã bị tàn tật, nhưng thường cũng có hầu thiếp rất đông và làm quan hoạn là một cách tiến thân rất chắc chắn, nên nhiều người có danh vọng, đã đứng tuổi và có con cái đông đúc, cũng tự thiến mình đi để được gần gũi quân vương và nhờ đó, leo lên đến những địa vị quan trọng nhất nhì trong nước. Xưa nay, chưa nghe nói có ai vì bị hoạn mà chết bao giờ. Nhưng số đông quan hoạn là những người đã mất cơ quan sinh dục từ khi còn nhỏ. Những đứa trẻ bất hạnh bị chó hoặc lợn cắn mất dương vật, thường lại được bố mẹ lấy làm mừng, vì tin chắc rằng con mình sẽ có một cái tương lai rực rỡ. Cũng có kẻ khi mới lọt lòng mẹ ra, đã có tính cách để trở nên quan hoạn rồi. Vì những đứa trẻ này, cơ quan sinh dục dở là đàn ông, dở là đàn bà, tục gọi “ái nam ái nữ”. *** Nếu Bắc Hà được nhà Minh kế đến nhà Thanh phải kiêng nể, nghĩa là không viện cớ họ Trịnh cướp quyền nhà Lê mà gây cuộc binh đao – và các nước láng giềng về phía Tây Nam phải triều g g g p y p cống, không phải không do một cớ rất quan trọng. Cớ ấy là có một đội quân đầy đủ để chống cự với nước Tàu và có dư để chinh phục các nước láng giềng về phía Tây Nam, trong đó, với Tĩnh Đô vương, người ta có thể kể cả đất Nam Hà của chúa Nguyễn. Binh lực của họ Trịnh cộng tất cả chừng 15 vạn người, trong số, có từ tám nghìn đến một vạn là kỵ binh và 350 con voi. Cách tổ chức thì nhỏ nhất là “ngũ”, gồm có năm người, mười ngũ là một đội (50 người); mười đội là một cơ (500 người). Cơ và vệ, quân số cùng như nhau. Theo Lịch triều hiến chương Binh chế chí của Phan Huy Chú thì quân đội của Bắc Hà gồm có những hạng quân sau này: Nội điện vệ binh – Tức là thứ lính được hầu hạ và canh phòng ở gần gũi vua, chúa: Thị kiệu ty cẩm y vệ; Kim ngô tả hữu loan giả ty; Tả hữu Trực đội; Thiên hùng đội. Thị hậu bộ binh – Lính bộ dùng về chiến trận có các đội: Nhưng nhất, Nội nhưng, Tứ nhưng, Tứ Nội bộ, Tứ Nội khuông, Tứ Nội dực, Tứ chấn, Tứ thắng, Thiện bảo, Tứ Trung mã, Tứ Nội mã. Và các cơ: Tứ Thị trung, Tứ Thị nội, Thiên hùng, Trung hùng. Thị hậu thủy binh – Lính thủy chia làm các “thuyền”: Kiệu nhất, Nội kiệu, Tứ kiệu, Tứ nội thủy, Siêu nhất, Tuyển nhất, Ưu nhất, Trạch nhất, Tứ Siêu, Tứ tuyển, Tử ưu, Tử trạch, Trung hậu, Cận hậu. Và các cơ: Vệ tả, Vệ hữu. Trở lên là “Thị hậu thân quân” tức là thứ lính gần gũi với vua, chúa và được đóng luôn ở Kinh thành, trừ khi xẩy ra chiến tranh mới phải sai phái đi xa. Hạng lính này mộ ở quê hương nhà vua và nhà chúa, nghĩa là ở Nghệ An và ba phủ đất Thanh Hoa nên cũng có tên là lính “Tam phủ” hoặc “Ưu binh” – thứ lính tốt hơn cả – vì cớ hai trấn ấy đã có công tôn phù hai họ Lê và Trịnh lên đế và vương nghiệp. Bọn Ưu binh lợi dụng sự tin cậy của vua, chúa mà hà hiếp dân chúng nên người Bắc Hà ghét họ mà gọi là “Kiêu binh”. Về đời Trịnh Tạc, kiêu binh đã nổi loạn, giết một quan chức trọng yếu trong chính phủ là Nguyễn Quốc Khôi nên bị Tây vương trừng trị rất nghiêm. Sau này, khi Trịnh Sâm đã mất, chúng lại nổi lên một lần nữa. Nhưng lần này vì nhà chúa yếu quá, không dẹp nổi chúng nữa nên mới gây ra một mối loạn hàng bao nhiêu năm không dứt. Ngoài các đội “Thị hậu thân quân” hay “Ưu binh” ra còn có các đội nữa như Tứ trung tượng, Tứ nội tượng, Tả hữu, tiền, hậu tượng… Các doanh: Trung tiệp, Trung khuông, Trung hùng, Trung thắng, Trung dũng, Trung nhuệ, Trung dực… Các cơ: Tả khuông, Tiền khuông, Hữu khuông, Hậu khuông… Các đội thủy quân: Tiền nhất, Hậu nhất, Tiền trung, Hậu trung… Lính các trấn (tỉnh) thì thường lấy một vài chữ mà đặt tên như Thanh Hoa thì dùng chữ Trấn (Tiền trấn, Hậu trấn) và chữ Hùng (Tứ hùng, Hùng trung); An Trường dùng chữ Kiên (Kiên nhất, Kiên nhị…); Nghệ An dùnghai chữ Trấn và Ninh… Quân Bắc Hà chia làm 413 doanh, cơ, đội và thuyền mà lương bổng khác nhau. Bọn “thân quân” thì sự sinh hoạt được rất dồi dào. Trái lại, lính các trấn thì ngay đến những vật tự phụng rất cần thiết cũng không đủ. Vì có việc phân phát lương lính không đều đó nên sau khi lên cầm quyền ít lâu. Tĩnh Đô vương liền sai bọn Nguyễn Đình Huấn và Vũ Huy Đĩnh lập các thể lệ mới về việc phát lương cho quân. Tuy nhiên những nỗi bất công về trước cũng không giảm được bao nhiêu. Vì các tướng chỉ huy phần đông là quan hoạn, những người đã thiếu liêm sỉ lại vô học. Tuy nhiên, cũng có kẻ nhờ ở các công trận, leo lên những chức quan võ rất cao như Đề đốc, Tham đốc, Đô đốc… hoặc chưởng phủ, thự phủ và quyền phủ là những chức do vương phủ đặt ra. Hàng năm, cứ đến tháng năm thì lại có một cuộc duyệt binh rất lớn, khởi đầu bằng ba loạt đại bác, tiếp đến các tướng lĩnh tỷ thí các môn võ nghệ, và sau rốt, quân lính đi diễu trước bến Thảo Tân hay Ngũ Long lâu là nơi ngự duyệt của chúa Trịnh. Khi nào có sứ Tàu tới Thăng Long thì cuộc duyệt binh lại càng long trọng hơn nữa, nghĩa là y phục của quân đội toàn dùng một thứ da rất tốt và nhuộm các mầu sặc sỡ, do các phà buôn Anh-cát-lợi và Hà Lan mang vào bán ở trong nước. Thủy quân của Bắc Hà có được chỉnh bị như lục quân không? Xa lắm. Và những lý do mà giáo sĩ Richard viện ra dưới đây, không phải không có một phần sự thực: Trong một xứ mà việc giao thông chỉ quanh quẩn ở trong nội bộ của xứ ấy, nghĩa là thuyền bè chỉ qua lại trên các sông ngòi để đánh cá và xa lắm mới đến vịnh Bắc Kỳ, thì xứ ấy không thể có một đội hải quân có đôi chút giá trị được. Thủy quân của Bắc Hà thu ở hai ba trăm chiếc thuyền lớn nhỏ, thích hợp với các sông ngòi hơn là ngoài bể: vì thuyền không có cột buồm, không có buồm, đi lại toàn dùng bơi chèo. Những người chèo thuyền lại cũng không có gì che chở cho hết, họ trơ ra đó làm cái bia cho miệng súng và tất cả các món khí giới dùng vào việc tấn công của quân địch. Chiến thuyền như vậy, nên người ta chỉ dùng nó vào các lễ tiết và trò chơi hơn là vào việc chiến tranh. Phía trước thuyền người ta đặt được một khẩu đại bác nho nhỏ. Ngoài đội thủy quân trên này ra, triều đình con có chừng bốn trăm chiếc thuyền nữa chạy bằng buồm được và rất tiện về việc chở quân lính và đạn dược, chứ dùng để đánh nhau thì yếu ớt quá. Những thuyền này, không luận là lớn hay nhỏ đều xếp trong những cái băng lớn có thể đẩy xuống nước rất dễ dàng, khi nào cần đến. Quân đội của chúng ta không lấy gì làm đông đúc cho lắm. Nhưng các kho chứa khí giới và đạn dược thì không tỉnh nào không có. Về mục này, vị giáo sĩ mà ở các trang trên chúng tôi đã nhắc đến nhiều lần, kể lại một việc rất kỳ quái mà chúng tôi không thấy quốc sử đả động đến bao giờ. Đó là cái kho tàng vĩ đại của chúa Trịnh ở Thanh Hoa. Người ta nói tại tỉnh này có một khoảng đất rất rộng, chung quanh có núi cao và được hóa công vây bọc một cách kín đáo quá đến nỗi người ta không có cách nào len vào được, trừ một lối đi rất nhỏ: đó là cái kho tàng chính, trong chứa chất không biết bao nhiêu súng đạn và nhiều thứ khí giới khác. Người ta lại nói quyết rằng những vật quý giá của nhà chúa cũng đều giấu giếm ở đây, vì nhà chúa coi chỗ này là một nơi thiên hiểm, nếu bất hạnh xẩy ra loạn lạc, có thể về đây mà ẩn tránh được. Nhà chúa lại cho làm một con đường tắt qua các rừng núi, để đi từ kinh thành đến đây và trừ một số người mà nhà chúa đã phái đến thì y ộ g p người ngoài không ai được biết cả. Nhờ có con đường đó, người ta đi từ Kinh vô Thanh mất có một ngày, đáng lẽ phải mất bằng mấy ngày, nếu người ta đi theo quan lộ. Người ta lại nói vị chúa đa nghi đã cầm quyền ở Bắc Hà vào khoảng 1685, có cho đào một con đường ngầm từ vương phủ đến cái kho tàng đó. Chiếc kho ấy có thật chăng? Hay chỉ là một chuyện kiểu “thiên phương dạ đàm” xuất ở khối óc tưởng tượng quá ư dồi dào của một vị giáo sĩ? *** Người lính Bắc Hà vẫn được liệt vào hạng quân đội có lực lượng chiến đấu vào bậc nhất ở Đông phương. Samuel Baron khen: “Họ bắn giỏi và rất ít người hơn được; họ lại hơn nhiều dân tộc về tài dùng súng rất khéo léo và bắn nhanh. Đối với người lính Bắc Hà, cái cung rất thông dụng và họ biết dùng nó một cách đắc lực. Họ học dùng khí giới chóng lắm và tiến thoái rất giỏi.” Giáo sĩ Saint Phalles cũng cùng một ý ấy, khi viết: Ở Đông phương không có người lính nào thông thạo về việc dùng khí giới bằng người lính Bắc Hà, họ thao luyện hoặc ở trên bộ hoặc dưới thuyền, khi thì súng tay, khi bằng súng đại bác. Về nhung phục, thì quân đội của chúng ta về cuối Lê khác hẳn với bây giờ. Vì tất cả các quân không có một thứ đồng phục như nhau. Người lính nào cũng có thể nhận được viên tướng chỉ huy cơ, vệ của mình, nên cứ theo mệnh lệnh của người ấy mà làm. Viên vệ úy ăn mặc đại khái cũng như người thường, chỉ khác có chiếc áo ngắn hơn và đỡ lúng túng hơn áo thường, để tiện cho việc dùng khí giới và khỏi bị vướng víu trong lúc hành binh. Nếu là lính túc vệ thì họ dùng vải xanh da trời hay đỏ và họ ưa hơn hết là da Âu châu, nếu người ta có đủ cung cấp cho họ: đó là cái vinh dự riêng của lính nhà chúa. Khí giới thường dùng là súng hỏa mai (vì chưa biết dùng súng lò xo) cung tên, gươm, giáo, đoản thương và lá chắn. Lính cũng như các sĩ quan Bắc Hà chỉ mang khí giới, khi nào có cuộc thao luyện hoặc sai phái đi đâu. Ngoài ra, khí giới đều giữ ở trong kho, có việc mới mang ra ban phát cho quân lính. * * * Dưới chính phủ của họ Trịnh, vũ học cũng được tổ chức chu đáo, không kém gì văn học. Về đời Nhân vương Trịnh Cương, Thăng Long có mở ra một trường chuyên dạy về võ bị; các giáo viên trường này được gọi là giáo thụ và học sinh thì lựa trong con cháu các quan. Mục đích của nhà trường là luyện cho thanh niên các môn võ nghệ và giảng cho họ hiểu Vũ kinh và chiến lược. Theo lệ của nhà trường thì cứ mỗi tháng một lần tiểu tập; mỗi năm bốn lần đại tập; mùa xuân và mùa thu thì tập về võ nghệ; mùa hạ và mùa đông thì giảng về Võ kinh. Những người trúng tuyển đều được nhà nước cho sung vào các đội, ngũ mà dùng. Ngoài ra, cứ ba năm lại có một kỳ thi. Trong dân gian, nếu ai có tài năng cũng đều được dự thi cả. Thi thì trước nhất hỏi qua về những phương pháp chiến đấu của Tôn Tử. Người nào trả lời thông, được vào thi thố những tài nghệ của mình như cưỡi ngựa, múa kiếm, múa đao. Sau rốt là hỏi về phương pháp chiến trận. Những người hợp cách được đưa vào phủ liêu phúc lại và tùy cao hạ mà bổ dụng. Thi võ, cách tổ chức cũng tương tự như thi văn, nghĩa là chia làm ba khoa. Thoạt đầu, võ sinh phải thi ở trấn mình, gọi là Sở cử ; kẻ vào lọt tam trường được gọi là “Viên sinh”. Người qua được kỳ đệ tứ thì gọi là “Học sinh”; nếu là con các quan thì liệt vào một hạng riêng: Biền sinh hợp thức. Học sinh và Biền sinh hợp thức, nghĩa là những người đã đậu khoa Sở cử được về kinh đô dự khoa “Bác cử”, khoa tương đương với “Hội thí” trong việc thi văn. Trong khoa này, kỳ đệ nhất hỏi về ý nghĩa của “Thất thư”; kỳ đệ nhị thì diễn các môn võ nghệ; kỳ đệ tam về sách văn. Sau rốt vào phủ liêu phúc lại, tức là kỳ đình thí trong cuộc thi văn vậy. Những thí sinh trúng tuyển cả bốn kỳ được gọi là Tạo sĩ. Nhưng nếu người nào võ nghệ tinh thục mà sách văn không hợp cách thì cũng được lấy đỗ, nhưng phải gọi là “Tạo toát”, có nghĩa là đáng lẽ hỏng, nhưng được quan trường vớt vát lại. Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 có mở khoa Bác cử tại làng Thịnh Hòa (giáp với Kinh thành), kỳ đệ nhất hỏi mười câu về nghĩa Thất thư, kỳ đệ nhị thi về võ nghệ hai lần, lần trước cưỡi ngựa bắn cung lần sau đấu về đao và kiếm kích, lấy được thua mà phân biệt cao, hạ. Sau rốt mới đến “sách văn lược vấn” nghĩa là hỏi về các cách thao luyện quân sĩ và cầm quân, bầy trận. Ngoài ra, lại thử xem người nào có “dũng khí” thì thăng cho một bậc. Dũng khí là gì? Theo Khâm định Việt sử: “Đánh vào đỉnh đầu thí sinh ba nhát trùy đồng ngoài có bọc rơm. Nếu thí sinh mắt không hoa, thân không chuyển, ấy là trúng cách.” Cũng tả về môn “duyệt dũng khí” trong khoa “Bác cử” ở Bắc Hà, giáo sĩ Richard viết khác hẳn. Theo ông thì người ta dùng một thanh gươm gỗ mà đánh vào đầu và khắp thân thể thí sinh; kẻ bị đánh phải cố gắng mà chịu và không tìm cách gì để tránh đòn; nếu vì đau quá mà thí sinh gục xuống thì cũng không vì thế mà mất cái đặc ân mà người đã hẹn cho. Kẻ nào trong khi bị đánh mà vẻ mặt không hề đổi sắc, sẽ được kể là người có “dũng khí” hơn cả. Phép thi hoặc giả trước sau có thay đổi chăng? Vì từ Nhân vương Trịnh Cương đến Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm thấm thoắt cũng một phần ba thế kỷ. Một vị quốc trưởng trong tay có cái quân lực mạnh mẽ như quân lực của Bắc Hà, thế tất không thể gột rửa được khối óc xâm lược mà chỉ nhất thiết trung thành với cái chính sách tự thủ. Song là một mưu sĩ có thao lược kiêm chính trị đại tài. Tĩnh Đô vương đã thừa hiểu rằng muốn thủ thẳng, người ta cần phải bắt đầu ở chỗ đáng bắt đầu, nghĩa là phải dẹp yên mối loạn ở trong nước đã, rồi mới dòm nom đến bờ cõi của lân quốc. Cái sản nghiệp mà Uy Nam vương Trịnh Giang để lại cho các chúa Trịnh sau này, sự thực không phải là một chốn thiên đường trong đó, người ta chỉ ngồi tốt để hưởng những bông hoa phú quý. Vì Uy vương là một vị chúa dâm dật và vô đạo nên giặc cướp ở các nơi kế tiếp nổi lên. Để trả lại bầu không khí yên lặng cho Bắc Hà, người lên nối nghiệp Trịnh Giang là Trịnh Doanh phải lần lượt tiễu trừ các đảng Ninh Xá và Ngân Già. Nhưng chiến công oanh liệt nhất của Minh vương (Doanh) là ở Đồ Sơn và núi Độc Tôn. Bắt Quận He chuốc rượu và Quận Hẻo thổi kèn, Trịnh Doanh đã lưu lại một giai sự rất có lý thú trong quốc sử. Song sự cố gắng của Minh vương cũng chỉ có hạn. Nhờ đó, trong suốt một đời Minh vương, Hoàng Văn Chất vẫn được tự do hoành hành ở động Mãnh Thiên và Lê Duy Mật hết dòm dỏ xuống trấn Nghệ An lại ra quấy nhiễu các miền Thanh Hoa và Hưng Hóa. Bước lên ngôi nguyên thủ Bắc Hà, cử chỉ đầu tiên của Tĩnh Đô vương là trừ diệt Hoàng Văn Chất tiếp đến chiêu hàng đảng Trấn Ninh. Nhưng liệu biết rằng Lê Duy Mật chẳng chịu quy thuận nào. Vương sai trấn tướng Nghệ An là Bùi Thế Đạt dò xét các đường lối vào động Trình Quang. Khi đã biết rõ nội tình của giặc rồi. Vương liền dự sẵn các phương lược và phái bọn Bùi Thế Đạt, Hoàng Ngũ Phúc và Hoàng Đình Thể do ba mặt tiến đánh. Thế cô, lại bị con rể là Lại Thế Chiêu làm phản, tự biến thân làm nội công cho họ Trịnh, Lê Duy Mật thua trận, phải cùng với vợ con nhảy vào đống lửa, để tránh cái nhục phải chém đầu ở pháp trường, Dẹp được đảng Trấn Ninh. Tĩnh Đô vương tự hào là do các mưu sách của mình. Nhưng phần công lớn ai cũng nhận biết là nhờ ở bọn chiến tướng đều là những văn võ toàn tài và nhất là cái quân lực của Bắc hà, hồi đó đương hết sức hùng hậu. *** Đến lần Nam Hà làm cái đích xâm lược cho họ Trịnh. Dẫy núi Hoành Sơn phải chăng là một tòa thành bất di dịch mà sức người không thể vượt qua được? Hay hai trấn Thuận, Quảng có một cái thế lực vô đối mà Bắc Hà không sao bằng? Không. Không phải thế? Nam Hà, so về đất đai, không bằng một nửa khu vực của họ Trịnh. Mà dân số thì chỉ bằng độ một phần ba. Đến như nhân tài, hai trấn Thuận, Quảng cũng không sản xuất được nhiều. Thuận Hóa lấy làm vinh hạnh vì đã tạo tác nên được một mưu sĩ là Đào Duy Từ. Nhưng Đào Duy Từ là người ngoài Bắc, vì không đắc dụng nên mới trốn vô Nam. Thuận Hóa hết sức nhồi phấn và thoa son cho Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật để đặt họ lên cái giai cấp vĩ nhân. Nhưng Tiến và Dật chẳng qua cũng chỉ là những kẻ dung tài, không thấm vào đâu với Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Đình Trọng. Các chúa Trịnh Tráng, Tạc và Căn sở dĩ không chinh phục nổi miền Nam, có người cho là vì quân Bắc Hà phải đi đánh xa nên cũng gặp những trở lực như khi người Tàu sang xâm lấn Việt Nam. Điều đó cũng có một phần sự thực. Nhưng cái sự thực bất di dịch là mỗi lần xuất quân, họ Trịnh tuy có ép cả vua Lê đi theo để mua chuộc lòng người, nhưng bọn sĩ phu cũng như các tướng tá Bắc Hà đều thừa hiểu rằng chinh phục Thuận Hóa, chúa Trịnh chỉ noi có một mục đích là mở rộng cái thế lực của mình xuống miền Nam, chứ không có ý gì tôn phù nhà Lê cả. Vì có sẵn cái tâm lý đó, quân Bắc Hà không bao giờ nhiệt tâm phấn đấu cả và hễ trong quân có ít nhiều người không may chết vì tật bệnh thì nhao nhao ngay lên là thủy thổ không phục, làm cho bọn tướng lĩnh phải rút quân về. Từ đời Uy Nam vương (Trịnh Giang) trở về sau giữa Bắc và Nam Hà lại hiện ra một bức thành kiên cố hơn lũy Trường Dục là đảng Lê Duy Mật ở Trấn Ninh. Đứng xen vào giữa hai châu Bắc và Nam Bố chính, vị hoàng tử thứ 11 của nhà Lê (Duy Mật) vô tình đã tự hiến thân làm tấm bia đỡ đạn cho chúa Nguyễn ở phương Nam. Lê Duy Mật có hiểu như vậy không? Người ta chỉ biết rằng khi bị quân Bùi Thế Đạt bức bách, viên thủ lĩnh đảng Trấn Ninh vội vã viết thư vào cầu viện với Phú Xuân. Trong thư đại lược nói: “Ngày xưa nhà Lê chúng ta bị nghịch Mạc lấn cướp. Lòng người xao xuyến, ai nấy đều nhớ họ Lưu. Bấy giờ Chiêu Huân Tiêncông xướng nghĩa lên, lấy việc phù Lê diệt Mạc mà hiệu triệu thiên hạ, rồi đón vua Lê ở Ai Lao về mà tôn lên ngôi báu. Trong việc truy công, công của Chiêu Huân Tiên công là đứng trên hết tất cả. Họ Trịnh bấy giờ còn ở dưới trướng của Tiên công. Đến khi mọi việc đã yên ổn rồi, họ ấy mới lập mưu gian mà cướp lấy chính quyền, đuổi họ Nguyễn xuống miền Nam… … Nhà Lê bị kẻ quyền thần là họ Trịnh hiếp chế đã lâu lắm vậy. Là dòng dõi nhà vua. Mật nay trong lòng uất ức, muốn rửa sạch quốc thù. Nhưng thế yếu mà giặc mạnh, cho nên bao lần cử binh mà việc vẫn không thành. Ngày nay, ở nơi nước cũ, trăm họ đều trông ngóng mặt trời. Nhà Lê là chủ cũ của ta đó, họ Trịnh là cừu thù của ta kia. Việc phù Lê diệt Trịnh chỉ còn trông cậy ở miền Nam kéo quân lên, xin sơm sớm định các cơ nghi và chọn ngày tốt tiến quân, để cùng với Mật này cùng ứng tiếp. Như vậy giặc mới có thể trừ, mối thù của chúng ta có thể rửa được và các vị tiên vương cũng được thêm vinh dự vậy. Chúa Nguyễn hồi đó là Võ vương, vì không muốn khiêu khích với họ Trịnh, viết thư khước từ. Võ vương không hiểu rằng Chính phủ Thuận Hóa và đảng Trấn Ninh có quan hệ mật thiết với nhau như môi và răng. Lê Duy Mật tức là môi đã bị hở rồi thì răng là Thuận Hóa thế tất phải lạnh. Chỉ tiếc rằng người chịu những ảnh hưởng khốc liệt của cái chính sách lười biếng và vụng về này không phải là Võ vương nữa. Vì khi Lê Duy Mật, vì thất cơ mà thiệt mạng thì Võ vương cũng đã tạ thế rồi. Người đương cầm vận mệnh Nam Hà là con trai thứ 16 Võ vương là Định vương, một vị chúa lúc lên ngôi mới 12 tuổi. Vì có chí muốn xâm lược Nam Hà nên các tướng lĩnh vào trấn thủ Nghệ An thường được Tĩnh Đô vương mật dụ là phải để ý dò xét nội tình của Thuận Hóa. Tháng năm năm Cảnh Hưng thứ 35, trấn tướng Nghệ An là Bùi Thế Đạt mật khải về Thăng Long nói Thuận Hóa có cơ chiếm được, vì chúa Nguyễn nhỏ tuổi, trong thì có quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại những người trung lương; ngoài thì giặc Tây Sơn nổi lên quấy nhiễu. q y Tĩnh Đô vương đem việc này ra bàn tại Chính phủ: các đại thần như Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Nghiễm, Lê Quý Đôn đều chủ trương việc cất quân. Vương lập tức khởi phục Hoàng Ngũ Phúc làm đại tướng, Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điển làm Tùy quân Tham biện, Đoàn Nguyễn Thục làm Nghệ An Đốc thị, thống lĩnh ba mươi ba doanh tướng, sĩ cùng các đạo quân Thanh Nghệ và Đông, Nam, vừa thủy vừa bộ, tất cả ba mươi vạn người, tiến vào Nghệ An trước. Các danh tướng ở Bắc Hà như Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Thể đều thuộc quyền Ngũ Phúc sai phái. Lại cho cả bọn Nguyễn Nghiễm và Hoàng Đình Bảo theo đi để tùy việc điều khiển. Vì Thuận Hóa luôn mấy năm bị mất mùa, quân đội không thể trông cậy vào đó mà có lương thực được nên Tĩnh Đô vương đặt ra một phép chở lương riêng. Theo phép đó thì chỗ vận lương đầu tiên là Mỹ Lộc (Sơn Nam). Người chủ trương là Nguyễn Đình Diễn. Đình Diễn lấy tiền kho mua thóc, gạo ở Bắc Hà, rồi cho tải xuống thuyền mà chở vào Hà Trung (Nghệ An) giao cho Đoàn Nguyễn Thục. Nguyễn Thục nhận lấy số thóc gạo ấy và lại đong thêm thóc gạo của các nhà giàu ở Nghệ An nữa mà tùy tiện theo đường thủy hoặc bộ chở vào Động Hải (Quảng Bình) giao cho Phạm Ngô Giao. Tại Quảng Bình, Ngô Giao giữ lấy số lương này, rồi điều độ mà phát cho quân dùng. Khi cất quân lên đường, Tĩnh Đô vương còn cầm tay Hoàng Ngũ Phúc, dặn: – Tới Nghệ An, ông nên tùy cơ mà hành động. Trước hết hãy viết thư cho biên tướng nói thác rằng mình cất quân vào có ý là phòng quân Tây Sơn tràn ra Bắc, để cho họ yên lòng. Nếu họ đã dẹp yên được quân Tây Sơn rồi thì cũng liệu lời mà viết thư cho ẹp y ợ q y g ệ họ, rồi cất quân về, chẳng nên làm cho họ ngờ vực mà gây ra sự xung đột ở nơi biên khổn. Theo đúng ý trên, khi mang quân vào tới Hà Trung (Nghệ An), Hoàng Ngũ Phúc tuyên bố rằng mục đích việc xuất sư của mình là vì họ Nguyễn mà dẹp giặc, nhưng ngầm sai người mua chuộc bọn quân lính coi giữ biên giới của Nam Hà, rồi đương đêm, mang quân qua sông Linh Giang… Tướng trấn thủ Bố Chính doanh là Tôn Thất Tiệp (Nam Hà) sai bọn cai đội là Quý Lộc và Kiêm Long ra đón quân Hoàng Ngũ Phúc, nói quân Tây Sơn hiện đương tự diệt, bất tất phải phiền quân Bắc Hà vào giúp. Nhưng Ngũ Phúc mật sai người mua chuộc sứ giả nên bọn Kiêm Long có ý làm phản, nói: “Đường không đi không tới, chuông không đánh không kêu.” Ngũ Phúc hiểu ý, tiến quân lên đánh Bố Chính doanh. Tôn Thất Tiệp phải lui về giữ Động Hải. Ông lại sai Hoàng Đình Thể tiến đánh lũy Trấn Ninh. Nam tướng là Hoàng Văn Bật và Lê Thập Thức tự biến mình làm nội ứng, mở cửa lũy cho quân họ Trịnh, Đình Thể chỉ còn có việc mở cờ đánh trống tiến quân vào lũy. Trấn tướng Nam Hà là Luận Chính và Thành Tín đầu hàng. Quân họ Trịnh thừa thế tiến thẳng vào Quảng Bình doanh; bọn Tôn Thất Tiệp và Khiêm Chính phải bỏ chạy. Tháng mười một năm Cảnh Hưng thứ 35, Tĩnh Đô vương thân mang quân vào Nghệ An, đóng tại Hà Trung, rao lên rằng vương vào đây để làm thanh viện cho Hoàng Ngũ Phúc. Nhưng cùng trong thời gian này, quân Ngũ Phúc đã tiến vào gần đến Thanh Hóa. Ông truyền hịch cho dân Nam Hà, nói ngoài việc trừ Trương Phúc Loan là kẻ tàn dân hại nước ra, ông không có ý gì xâm lược xứ này cả. Chính phủ Thuận Hóa vội bắt Trương phúc Loan nộp Ngũ Phúc. Từ đó, Ngũ Phúc không nói gì đến Trương Phúc Loan nữa. Nhưng lại đạt thư cho chúa Nguyễn, hẹn cùng hội quân ở Phú Xuân để dẹp Tây Sơn. Định vương biết rằng Hoàng Ngũ Phúc chỉ cốt tìm cách để lừa dối mình nên vội sai Tôn Thất Tiệp làm thống binh ra giữ và bọn Tuyên Chính và Thành Đức trá hàng để dụ quân họ Trịnh. Tiếp, lại sai cai, đội là Phẩm Bình ra dụ bọn hào mục ở Quảng Bình và Bố Chính khởi nghĩa để chẹn đường về của quân Ngũ Phúc. Không may Phẩm Bình bị quân họ Trịnh Bắt được, Tôn Thất Tiệp bị Hoàng Phùng Cơ và Nguyễn Tiến Khoan đánh thua, quân Bắc Hà từ đó thanh thế rất mạnh, không tài nào ngăn ngừa được nữa. Thua mặt bộ, Chính phủ Thuận Hóa xoay chống về mặt thủy, nhưng thủy quân cũng không lợi, thành ra bọn tướng lĩnh như: Tôn Thất Doanh, Nguyễn Văn Chính kế nhau mà chết trận hoặc xin hàng. Tháng chạp năm ấy, Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể vòng đường núi qua bến Trầm Than đánh vào đô thành. Túng thế, Định vương phải xuống thuyền chạy ra cửa Tư Dung để trốn vào Quảng Nam. Được tin Ngũ Phúc đã chiếm được Thuận Hóa rồi, Tĩnh Đô vương sai Nguyễn Quỳnh mang vào thưởng cho Ngũ Phúc một trăm lạng vàng và gửi cho ông một phong thư, trong nói: “Đã lấy được Thuận Hóa rồi thì Quảng Nam không bao lâu nữa cũng dẹp yên. Việc này ngoài nguyên lão ra thì không ai đương nổi. Vậy mọi việc đánh dẹp nguyên lão cứ tự ý mà làm.” Vương lại thưởng cho các tướng sĩ năm nghìn lạng bạc, rồi kéo quân về, lưu Ngũ Phúc lại làm đại trấn phủ. Kế tiếp công việc bình phục Nam Hà, Ngũ Phúc tiến đánh Quảng Nam, Nguyễn Văn Nhạc bị thua, phải dâng biểu xin hàng. Hoàng Ngũ Phúc thuận cho. Thế là hai trấn Thuận, Quảng về cả uy quyền họ Trịnh. Có kẻ trách Tĩnh Đô vương là nhãn giới hẹp hòi, vì không theo mưu của Lê Quý Đôn mà đánh dấn lên để trừ cái họa Tây Sơn ý ọ y sau này. Nhưng điều trách đó không khỏi quá đáng, vì, sau khi đóng lâu ở Ô Lý, quân Hoàng Ngũ Phúc, bị dịch lệ không thể đánh được nữa mà có đánh cũng vị tất đã giữ nổi sau này. Vương theo lời Ngũ Phúc mà bãi binh, chẳng qua chỉ là làm một việc mà thế tất phải làm. Chỗ đáng khen là Tĩnh Đô vương đã đạt tới một cái mục đích mà các chúa Trịnh trước vẫn mong mỏi là chỉ trong khoảng mười năm, đã xóa bỏ được những di tích của họ Nguyễn ở phương Nam, làm cho Thuận Hóa, từ chính trị đến phong tục, hoàn toàn như Bắc Hà cả. * * * Tĩnh Đô vương là một trong số rất hiếm những vị đế vương đã gây ra được một nền văn học rực rỡ, bên cạnh những võ công oanh liệt. Không kể Nguyễn Nghiễm, Lê Quý Đôn là những nhân vật từ thời trước còn lại, chính trong đời mình, Tĩnh Đô vương cũng đào tạo được một số nhân tài rất đông đúc mà văn chương và chính tích còn lưu đến bây giờ. Văn học như Phạm Nguyễn Du, Ngô Thì Sĩ, Bùi Huy Bích, chính trị như Hồ Sĩ Đống, Hoàng Đình Bảo đều góp một phần công lớn vào nền thịnh vượng của nước Việt Nam. Chính Tĩnh Đô vương cũng là một nhà thẩm mỹ kiêm thi ông rất lành nghề. Để “làm đẹp” cho đô thành Thăng Long. Vương đã không quản những món chi tiêu cực lớn để đào hồ, xây nhà thủy tạ… Ngoài ra, những danh sơn thắng tích như núi Dục Thúy, hang Tử Trầm đều được vương sửa sang lại và lập thành hành cung ở đó để thời thường ra thăm. Các thắng cảnh khác trong nước cũng được vương thăm viếng ít nhiều. Mà vương đi đến đâu đều có ngâm vịnh mua vui. Những thi ca của Tĩnh Đô vương nếu thu thập được hết, có thể góp thành một cuốn “địa dư lớn có vần”, trong đó không biết bao nhiêu ý từ dồi dào được mô tả bằng những câu văn rất êm đềm và chải chuốt. Thí dụ mấy bài vịnh cảnh dưới đây của Tĩnh Đô vương mà chúng tôi nhặt được trong bộ Hoàng Việt địa dư chí: Vịnh động Diệu Sơn 天將虛室⽯巑岏 Thiên tương hư thất thạch toàn ngoan, 妙跡仍傳在世間 Diệu tích nhưng truyền tại thế gian. ⼀竅深藏千古井 Nhất khiếu thâm tàng thiên cổ tỉnh, 半窻低憾九廻灘 Bán song đê hám cửu hồi than. 華鯨夢覺雲中響 Hoa kinh mộng giác vân trung hưởng, ⽯象安排雪後鞍 Thạch tượng an bái tuyết hậu an. 海宇正逢清帖會 Hải vũ chính phùng thanh thiếp hội, 毫端收拾錦江⼭ Hào đoan thu thập cẩm giang san. Lược dịch Lưng trời nhà trống đá chon von, Cảnh thắng trần gian dấu vẫn còn. Một lỗ tòm hom lòng giếng thẳm, Nửa rèm quanh quất nước ghềnh tuôn. Chầy kinh khua mộng mây đường vẳng. Yên tượng pha sương đá chửa mòn. Trời bể rõ ràng cơ thịnh trị. Bút thần họp tả cảnh giang sơn. Vịnh chùa Thái Bình ⼭⽔回環覺有情 Sơn thủy hồi hoàn giác hữu tình, 輪囷瑞氣擁鵬程 Luân khuân thụy khí ủng bằng trình. ⼀條⽯竅通斜徑 Nhất điều thạch khiếu thông tà kinh, 九品⾦臺倚峭屏 Cửu phẩm kim đài ỷ tiễu bình. 村市⼈歸初⽉上 Thôn thị nhân quy sơ nguyệt thượng, 溪灘客渡晚潮⽣ Khê than khách độ vãn trào sinh. 此來正擬詳⾵物 Thử lai chính nghĩ tường phong vật, 髫⽩隨⾞頌太平 Thiều bạch tùy xa tụng thái bình. Lược dịch Non nước quanh co rất hữu tình, Đường bằng thuận gió rộng thênh thênh. Một lần cửa đá ra đường tắt, Chín bậc lầu vàng lẩn núi xanh. Tan chợ người về khuôn nguyệt dựng, Qua ghềnh khách ngẫm nước triều xinh. Chơi đây mới rõ bề phong vật, Già, trẻ theo xe chúc thái bình. Đề động Bạch Á 安排別是⼀乾坤 An bài biệt thị nhất càn khôn, 巍嶪穹窿地勢尊 Nguy nghiệp khung long địa thế tôn. 表裡重重虛⽯壁 Biểu lý trùng trùng hư thạch bích, 東⻄⾯⾯廠雲⾨ Đông tây diện diện xưởng vân môn. 寒碑雲鎖陳陳寺 Hàn bi vân tỏa trần trần tự, 古磬⾵催遠遠村 Cổ khánh phong thôi viễn viễn thôn. ⽟帶周廻供我賞 Ngọc đái chu hồi cung ngã thưởng, 何勞漁⽗訪桃源 Hà lao Ngư phủ phỏng đào nguyên. Lược dịch Đặt bầy riêng một càn khôn, Khum khum thế đất chon von gồ ghề. Trước sau vách đá hai bề, Đông tây hai mặt mây che mịt mùng. Bia chùa mây ám lạnh lùng, Gió đưa tiếng khánh vang từng thôn trang. Tiện dòng nước cuốn sáng choang, Cớ sao Ngư phủ hỏi đường Đào nguyên. Đề núi Văn Nham 名勝⾼標第⼀洲 Danh thắng cáo tiêu đệ nhất châu ⼭容如黛⽔如油 Sơn dung như đại thủy như du. 半封雲洞邀⽞鶴 Bán phong vân động yêu huyền hạc, 平漲河⾨狎⽩鷗 Bình chướng hà môn hiệp bạch âu. 雲徑樵縁頑⽯腳 Vân kinh tiêu duyên ngoan thạch cước, 星槎客渡急灘頭 Tinh sa khách độ cấp than đầu. 凭⾼欲盡觀瀾興 Bình cao dục tận quan lan hứng, 碧落滄溟⼀⾊秋 Bích lạc thương minh nhất sắc thu. Lược dịch Cảnh thắng miền đây phỏng kém đâu? Non như chàm nhuộm, nước như dầu. Mây nhô cửa động chờ tin hạc, Nước lặng đầu sông lộ bóng đu. Tiêu dạo đèo cao chân đá cứng, Khách qua đò nhỏ sóng ghềnh mau. Lên cao cho thích tình xem sóng, Nước biếc cây xanh ngắt một mầu. Song cũng như tất cả những nhà nho ham chơi chữ, Tĩnh Đô vương không khỏi có lần bị người khác dùng chữ mà lừa gạt mình. Việc bãi chức Ngô Thì Sĩ là một thí dụ. Một lần, các quan cùng họp ở nhà Nguyễn Lệnh Tân trên Tây Hồ để uống rượu và làm thơ. Trong lúc xướng họa, Ngô Thì Sĩ có làm ra câu: 晴⾬更宜⾈ Tinh vũ canh nghi chu Có kẻ ghét Ngô Thì Sĩ, đổi câu ấy ra là: 草⽊恐⾮周 Thảo mộc khủng phi Chu. Đưa trình Tĩnh Đô vương. Vương tin là thực, để ý ghét Thì Sĩ và nhân Thì Sĩ bị thí sinh tố giác là chấm trường không công, liền bãi chức, đuổi về. Nhưng không bao lâu, vương đi kinh lý miền Thanh, Nghệ, đến đâu cũng thấy thơ đề, vịnh của Thì Sĩ nên yêu tài mà gọi ra cho phục chức cũ. Những thành tích về chính trị và quân sự không khỏi nuôi lớn mãi tính tự ái nó đã chứa sẵn trong lòng Trịnh Sâm, ngay từ khi ông mới bắt tay vào cầm quyền. Vì, chinh phục được Thuận Hóa và anh em Nguyễn Nhạc chịu xưng thần, Tĩnh Đô vương tự thấy mình là vị quốc trưởng có thế lực nhất ở phương Đông, sau hoàng đế nhà Thanh. Trong nước thì giặc giã yên hẳn. Guồng máy chính trị của nước Nam lại xoay theo dịp dàng tự nhiên của nó: thứ dịp dàng đã đẩy bao xã hội Đông phương vào một cuộc đời nửa là an nhàn, nửa là lười biếng. Cân nhắc những kết quả mà mình vừa thu được, Tĩnh Đô vương bất giác có cái khí tự hào như vua Louis XIV nước Pháp, khi thốt ra câu nói: “Nhà nước là ta!” Vì nhà viết sử dù nghiêm khắc đến đâu cũng không thể chối cãi được rằng vị chúa thứ 9 của họ Trịnh đã mở rộng cương giới của nước Việt Nam: vị chúa ấy đã mưu sự cường thịnh cho xứ này; và sau rốt, cũng vị chúa ấy mới có cái uy quyền tuyệt đối trên mệnh hệ của mười triệu dân Nam Việt. Nhưng, về danh nghĩa thượng, cái uy quyền của Tĩnh Đô vương chỉ là uy quyền mượn – nếu không phải là lạm quyền – mà cái uy quyền chân chính vẫn về nhà Lê, kẻ được quốc dân tôn trọng hơn, sùng bái hơn, tuy không có tài năng gì và không tốn một giọt mồ hôi nào bao giờ cả. Đứng trước những việc thực tế, Tĩnh Đô vương không tự thấy mình là kẻ quyền thần đã chen lấn lên uy quyền của nhà Lê nữa. Ông chỉ thấy rằng nhà Lê đã lạm hưởng cái uy quyền mà chính ông đã xây đắp nên. Ông cần phải kê lại một chỗ chênh lệch của lịch sử: ông muốn truất bỏ nhà Lê đi mà tự đặt mình lên ngôi hoàng đế! Để đạt tới cái mục đích thứ nhất, ngay hồi mới lên cầm quyền, Tĩnh Đô vương đã tự dọn sẵn một con đường: trừ bỏ Thái tử Duy Vỹ. Và để thực hành câu của Trần Thủ Độ: “Nhổ cỏ, phải nhổ tận rễ”, vương cho Vũ Huy Đĩnh đuổi lên tận Sơn Tây, bắt vợ và ba con Duy Vỹ là Duy Khiêm, Duy Tụ và Duy Chỉ về hạ ngục. Đối với vua Lê, việc giết Thái tử Duy Vỹ là tất cả một cuộc khiêu khích. Dù chẳng phải sành sỏi về khoa tâm lý, chúng ta cũng có thể biết được rằng Tĩnh Đô vương chỉ chờ một cử chỉ có tính cách phản động của vua Lê Hiển Tôn84 mà đẩy ngã cái đế nghiệp của nhà Lê. Nhưng vua Hiển Tôn đã thừa hiểu chỗ đó. Nhà vua tỏ ra nhẫn nại đến một mực mà không ai ngờ tới. Để đáp lại cái thái độ hung hãn của Tĩnh Đô vương, nhà vua dạy cho các cung nữ tập trận ở trong điện, làm cách tiêu sầu. Cuộc khiêu khích của Tĩnh Đô vương không có kết quả. Tuy nhiên vương vẫn không chịu bỏ dở cái chương trình tranh cướp đế nghiệp của nhà Lê. Thí dụ, ông tự tiện cử hành lễ Nam giao là một lễ xưa nay vẫn dành riêng cho các vua đương trị vì, lấy cớ rằng vua Hiển Tôn đương có tang mẹ. Nhưng cũng không may cho ông, trong nước năm đó mùa màng không được tốt. Người ta đổ là tại Tĩnh Đô vương, đã tranh vua trong việc tế trời. Rồi, trong các giấy má đi lại, ông tự xưng là “thánh” mà bắt các quan phải xưng là “thần”. Về hình thức cũng như về tinh thần, Tĩnh Đô vương đã tranh cướp trọn vẹn những vinh dự và quyền hạn của nhà vua. Tuy ông không phải là vua. Đó là một điều Tĩnh Đô vương không thể tha thứ được. Vì dân nước vẫn dùng niên hiệu của nhà Lê và triều đình Trung Hoa vẫn không chịu thừa nhận ai hết làm chủ nhân của nước An Nam, ngoài dòng dõi vua Lê Thái Tổ. Năm Cảnh Hưng thứ 38, nhân có việc triều cống nước Tàu, Tĩnh Đô vương sai thảo một tờ biểu riêng giao cho Chánh sứ là Vũ Trần Thiệu và dặn Thiệu phải tâu lên vua Tàu rằng hiện con cháu nhà Lê không có ai là người hiền, xin cho họ Trịnh được thay nhà Lê mà giữ ngôi nguyên thủ nước An Nam. Đồng thời, vương lại sai một viên quan hoạn rất thân tín đi làm Phó sứ và mang nhiều của cải đi theo, để hối lộ bọn quan lại Tàu, nhờ tán thành giúp cho. Kế hoạch của Tĩnh Đô vương rất khôn khéo. Chỉ tiếc rằng ông kén người không được sành. Vì Vũ Trần Thiệu là người mà ông gửi gắm cỗ ngai hoàng đế, không phải như nhiều quan lại khác mà lương tâm đã bị mù quáng vì cái bả lợi danh. Trần Thiệu là một trong những sĩ phu rất hiếm, biết để tiếng thơm về muôn thủa lên trên cái phú quý của một đời người: tới hồ Động Đình, vị Chánh sứ (Trần Thiệu) giả bệnh, ngừng lại. Đêm đến, ông gọi cả sứ bộ đến trước giường mình mà đốt biểu cầu phong, rồi uống thuộc độc mà từ trần. Sứ bộ như rắn mất đầu, phải quay lại Thăng Long. Cái mộng làm hoàng đế của Tĩnh Đô vương bỗng đổi thành một cơn ác mộng. Nhưng sau cuộc thất bại nhỏ nhen đó, vương có chịu gột rửa khối óc tham lam quá bạo và yên phận “giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” là lời Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên Trịnh Kiểm khi trước hay không? Quyết không! Tuy chính ngôi chúa của ông cũng không được xây đắp trên một cái nền tảng hoàn toàn vững chãi. Theo lệ thường, việc kế tập bao giờ cũng về ngành trưởng. Mà ngành trưởng của họ Trịnh là Trịnh Bồng. Nhưng Bồng vì thiếu can đảm phải gửi thân vào cửa Phật để tránh sự thù oán và ngờ vực của những kẻ đã lập tâm tranh cướp tòa lâu đài phú quý của mình. Tĩnh Đô vương không phải lo về ngành trưởng nữa. Nhưng ông lại phải lo lắng về một trong những người thân nhất với mình là Trịnh Lệ, một người con khác của Minh Đô vương. Cùng chung những máu mủ với Tĩnh Đô vương và tự cho là cũng có những tài trí như Tĩnh Đô vương, Trịnh Lệ tự vấn tại sao một việc anh ruột mình làm được mà mình lại không làm. Rồi bị lòng tham thúc giục, Lệ nuôi bọn mưu sĩ ở trong nhà mình như bọn Nguyễn Huy Cơ, Nguyễn Huy Bá, Dương Trọng Tế… chờ cơ hội để tranh cướp lấy chính quyền. Song, sự thực, những tài năng của Trịnh Lệ có lẽ không tương đương với tấm lòng tham vọng quá ư to tát của vị Vương tử này. Trọng Tế tự liệu là việc không thể thành được, mang cơ mưu ra tố giác với Tĩnh Đô vương. Trọng Tế được trả lại quan chức cũ và thăng ba cấp. Trịnh Lệ bị hạ ngục. Cái tính mệnh cũng như ngôi chúa của Tĩnh Đô vương không hề bị lay chuyển một ly nào. Tuy nhiên, cuộc suy vong của họ Trịnh không phải ở triều đình Mãn Thanh, một lực lượng mà các chúa Trịnh đều phải nể sợ; cũng không phải ở Trịnh Lệ hoặc Trịnh Bồng, tuy người thứ nhất vẫn thèm muốn cái ghế Nguyên thủ Bắc Hà và người thứ hai có rất đủ những danh nghĩa để leo lên ghế ấy. Họ Trịnh cũng như hầu hết các triều đại ở Đông phương, sở dĩ bị đạp đổ là vì cái nhan sắc một người đàn bà. Và người đàn bà này có thể nói là cũng độc ác như Đát Kỷ và gian hiểm như Bao Tự, hai con nghiệt phụ đã xô đổ nhà Thương và dắt nhà Chu vào cuộc suy vong. Tuy lúc nhỏ nàng chỉ là một cô thiếu nữ hiền lành, con một nhà binh dân ở làng Phù Đổng (Kinh Bắc). Tên nàng là Đặng Thị Huệ. Tại sao Thị Huệ được tiến vào cung và nhất là được đóng một vai quan trọng trong lịch sử Việt Nam về thế kỷ XVIII? Giản dị lắm. Nguyên trước Tĩnh Đô vương đã có hai vợ: Chính phi Hoàng Thị Ngọc Khoan là con gái Hậu Huệ công, người xã Linh Đường, huyện Thanh Trì. Bà này sinh được hai người con gái là Ngọc Anh và Ngọc Lan, rồi mất. Thứ phi Dương Thị Ngọc Hoan, người xã Long Phúc, huyện Thạch Hà, sinh ra Trịnh Khải. Số vợ nhiều hay ít, đối với các vua chúa Đông phương, thật ra không quan hệ mấy. Vì, ngoài hai bà phi này ra, tình yêu của Tĩnh Đô vương còn san sẻ cho một số rất đông những gái đẹp gọi là cung nữ mà người ta ước lượng rằng trong vương phủ có tới hai hoặc ba trăm. Nhưng, sau khi đã chinh phục được Nam Hà rồi, thì con số ấy lại tăng bội lên rất nhiều. Vì, cho rằng trong nước không còn gì đáng quan tâm nữa, vương chỉ mài miệt trong các cuộc truy hoan và tuyển gái đẹp ở bốn phương về, để gây cái sinh thú cho vương ở nội phủ. Thị Huệ là một trong những cung nữ mới ấy. Nhưng, lúc đầu, cũng như các bạn gái khác cùng một cảnh ngộ, nàng phải sống một đoạn đời tối tăm với những việc sai bảo vặt vãnh của bọn đầy tớ và con hầu. Song “sớm là cô gái dãi vải nước Việt, chiều làm vương cơ nước Ngô”86 đã là cái công lệ của bạn gái có cái sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì Đặng Thị Huệ có khi nào phải trọn đời ở trong cảnh bần hàn. Một hôm, nhân Thị Huệ tiến hoa lên dâng chúa, Tĩnh Đô vương thấy nàng có nhan sắc thì để ý, rồi bất giác sinh ra quyến luyến nàng. Từ đó, vương không muốn cho phi thiếp nào đến gần nữa mà chỉ cùng với cô gái làng Phù Đổng xoắn xuýt suốt ngày đêm. Từ là một cung nữ rất hèn hạ, Thị Huệ được thăng lên làm Tiệp dư, chức mà các chúa Trịnh đặt ra để trỏ những vợ lẽ ở dưới ngôi vương phi một bậc. Về danh nghĩa, tuy nàng chưa phải là chính thất của chúa Trịnh, song về thực tế thì Thị Huệ đã chiếm hết cả tình yêu của Tĩnh Đô vương. Vì, bữa cơm, khi có nàng ngồi cạnh, vương ăn mới được ngon và mỗi lần vương đi thăm các thắng cảnh hoặc chơi thuyền, thế tất phải có nàng đi theo và cùng với vương cùng ngồi một kiệu. Tả tình quyến luyến của Tĩnh Đô vương với Đặng Thị Huệ, trong bài Thưởng liên đình phú của Ngô Thì Nhậm có câu: 賞相師之巧裁兮 Thưởng tướng sư chi xảo tài hề 誇仙娥之善剪 Khoa tiên nga chi thiện tiễn Mà tác giả thích nghĩa là mỗi lần có trà sen Hoàn Quận công (Nguyễn Hoàn) thường cho phi ngựa lên tiến Thịnh vương (Tĩnh Đô vương). Vương lập tức cho pha trà, rồi triệu Tuyên phi (Đặng Thị Huệ) đến cùng thưởng. Vì Tuyên phi rất thích hương sen. Song muốn biết Tĩnh Đô vương âu yếm nàng đến bậc nào, tưởng chúng ta có thể nhận biết được trong truyện dưới đây thuật bằng ngọn bút rất tài tình của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí: Khi vào đánh Quảng Nam. Tĩnh Đô vương có bắt được một hòn ngọc mà vương rất quý nên thường cài ở trên khăn. Một hôm, Thị Huệ lấy ra chơi. Vương dặn: – Nhè nhẹ tay chứ nhé. Đừng làm rơi vỡ mất! Nàng lập tức vất hòn ngọc ấy xuống đất, khóc: – Quý gì hòn ngọc ấy! Bất quá vào Quảng Nam lấy ra hòn khác đền chúa chứ gì. Sao chúa lại trọng của hơn người thế! Nói rồi bỏ vương đó, trở về phòng riêng mà nằm. Tĩnh Đô vương phải hết sức dỗ dành, nàng mới chịu vui vẻ như trước. Thị Huệ có một người em trai là Đặng Mậu Lân tuy không có công trạng gì cả, cũng được Tĩnh Đô vương phong là Lân Trung hầu. Mậu Lân là kẻ vô học và rất hung hãn, vì cậy thế chị nên thường làm những việc rất độc ác mà coi pháp luật không vào đâu cả. Hắn xây nhà ở phía tây nam thành Thăng Long mà ở, cũng lầu tạ, cũng ngựa xe, tôi tớ có hàng trăm người, lộng lẫy và hách dịch không kém gì vương phủ. Ngày thường, Mậu Lân cũng với hàng trăm thủ hạ cầm gươm đao, nghênh ngang đi trong kinh thành, hễ đụng chạm phải xe ngựa của ai thì lập tức gây sự đánh nhau. Dù là quan to trong triều, hắn cũng không từ, thường mắng nhiếc người ta đến thậm tệ. Hắn lại nuôi hàng đàn chó dữ. Khi đi săn thì thả cho chạy trước, tha hồ cho cắn những khách qua đường. Nếu gặp người con gái nào mà hắn vừa mắt thì lập tức sai đầy tớ buông màn ngay cạnh đường mà hiếp tróc. Người nào không chịu, đều bị hắn cắt hai vú mà vất đi. Nếu chồng hoặc bố mẹ người con gái đó can thiệp, hắn đánh vỡ đầu, gãy răng, có khi đến chết hẳn. Tuy biết Mậu Lân làm việc phi pháp, nhưng các quan kinh doãn, vì sợ thần thế của Đặng Thị Huệ, cũng phải ngơ đi. Dân đô thành sợ hắn như hùm beo, hễ trông thấy hắn thì phải tránh xa ra để khỏi bị tai vạ. Một hôm, Tĩnh Đô vương cùng với Thị Huệ đi kiệu ngang qua đường phố. Mậu Lân từ ngõ hẻm chạy xổ ra, gạt cái màn che trước kiệu lên mà gọi: – Chị ơi, chị! Thị Huệ thất kinh, mắng: – Ô hay. Sao mày lại vô lễ thế? Các quan hầu thấy hắn đường đột như vậy thì cũng sợ liên lụy đến mình, đều luống cuống, không biết xử trí thế nào. Tĩnh Đô vương nguyên không biết mặt Mậu Lân, truyền giữ hắn lại, hỏi, hắn thưa: – Chị tôi đây, từ nhỏ vẫn ở chung với tôi. Từ khi chị tôi vào cung hầu chúa, tôi không được thấy mặt nên tôi nhớ lắm. Hôm nay được tin chị tôi theo chúa ngự ra ngoài, nên tôi đánh liều nhìn mặt chị tôi một chút cho hả lòng. Khi Tĩnh Đô vương biết rằng đứa con trai ngỗ ngược đó là em vợ mình thì tự nhiên đổi giận làm lành, khen hắn là đứa em hiền, hết lòng thân yêu với chị. Như trên chúng tôi đã nói, Tĩnh Đô vương chỉ có hai con gái. Người lớn là quận chúa Ngọc Anh thì đã gả cho con trai Bùi Thế Đạt là Bùi Thế Toại, làm trấn thủ Thanh Hoa. Còn người bé là Ngọc Lan hình dung rất yểu điệu và tính khí tao nhã nên vương yêu dấu như hoa ngọc quý không lúc nào muốn rời tay. Từ nhỏ, nàng Ngọc Lan vẫn được nuôi trong một cung riêng, chung quanh lát toàn thủy tinh nên gọi là Thủy Tinh cung, không bao giờ cho ra đến nắng gió cả và kẻ hầu hạ, vương cũng cấm không cho nói to, sợ kinh động đến nàng. Nàng Ngọc Lan tuy đã đến tuần cập kê rồi, nhưng Tĩnh Đô vương cũng vẫn coi như lúc còn tấm bé, nghĩa là khi vương ra ngự triều, thường cho nàng được ngồi bên và có nói năng điều gì đều được vương nghe theo. Nhiều con cháu các đại thần muốn xin nàng làm vợ, nhưng vương không thuận, bắt họ phải vào cung cho nàng xem mặt để tự kén lấy, nhưng nàng cũng không ưng một ai cả. Mậu Lân nghe biết việc này, vội vào nói với chị, nhờ hỏi Ngọc Lan về làm vợ mình. Song khi Tĩnh Đô vương cho đòi hắn vào xem mặt thì cái hình dung to lớn và thô bỉ của hắn phản trái hẳn với cái cốt cách tao nhã của quận chúa, khiến cho ai nấy đều phải phì cười! Tuy vậy, hắn vẫn không chịu thua, cố nài chị hỏi cho kỳ được Ngọc Lan mới thôi. Đặng Thị Huệ vì thương em, hết sức van xin. Tĩnh Đô vương bất đắc dĩ phải nhận lời. Nhưng hôm làm lễ vu quy cho con gái mình, vương có ý hối, tự nghĩ Ngọc Lan ẻo lả, kham thế nào được đứa con trai cường bạo như Mậu Lân. Vương vội lấy cớ con gái mình chưa lên đậu, không thể làm lễ hợp cẩn được, sai một viên nội giám là Sử Thọ hầu, ngồi ở cửa phòng Ngọc Lan, để phỏng giữ không cho Mậu Lân xâm phạm đến quận chúa. Mậu Lân thấy Sử Thọ hầu theo giữ Ngọc Lan không rời một phút nào cả thì giận lắm, mắng: – Chúa tưởng con gái chúa đã đẹp lắm đấy à? Cứ như con mắt ta thì nó dẫu xách giầy cho ta cũng không đáng. Ta có phải ham mê cái nhan sắc của nó đâu. Chỉ nghĩ rằng ta đã tốn bao nhiêu tiền mới lấy được nó về thì dù nó chẳng ra cái hình thù gì nữa, ta y ợ g g cũng chơi cho biết. Nếu mày muốn yên thân thì lập tức xéo ngay, kẻo lại trách là ta không bảo trước. Sử Thọ hầu lúng túng đáp: – Chúa dặn thì tôi biết thế, chứ tự tôi có dám ngăn trở gì ông đâu? Mậu Lân quát: – Mày thử hỏi chúa mày xem, xử vào địa vị tao thì có nhịn được không? Nói thí dụ tao giữ chúa mày không cho đến với chị tao thì chúa mày làm thế nào? – Ấy chết, ông không nên nói quá thế, ví chúa với người thường sao được! Mậu Lân lại càng tức giận: – Mày lấy chúa mà dọa tao à? Chúa là gì? Liền đó tuốt gươm chém Sử Thọ hầu làm hai đoạn và sai người đóng cửa dinh lại, không cho ai ra vào cả, toan chôn giấu cái xác ấy đi. Ngọc Lan biết việc, vội sai một thị tỳ lẻn ra cửa mạch, vào phủ báo Tĩnh Đô vương. Vương giận lắm, sai cung nữ ra bắt. Nhưng Mậu Lân đã cầm gươm đứng cửa dinh quát tháo: – Đứa nào vào thì ông chém. Tĩnh Đô vương phải sai Huy Quận công Hoàng Tố Lý mang quân đến vây nhà, Mậu Lân mới chịu cho trói, giải về ngục. Tĩnh Đô vương định khép Đặng Mậu Lân vào tử tội, nhưng Đặng Thị Huệ kêu khóc luôn mấy ngày, cố van xin, nói là chỉ có một em trai để nối dõi tông đường, nếu chết là tuyệt tự, và xin chịu tội thay em. Vương nể lời, giảm tội chết cho Mậu Lân xuống đầy đi viễn châu. Tuy nhiên, hôm Mậu Lân xuống thuyền ra An Quảng để chịu đầy, dưới thuyền cũng vẫn đàn hát om xòm và bọn quan lại, vì muốn lấy lòng Thị Huệ, đi tiễn đông như đi chợ. Sau khi Mậu Lân bị phát lưu ra An Quảng, tấm lòng âu yếm của Tĩnh Đô vương đối với Đặng phi không những không giảm; trái lại, nó còn tăng lên gấp bội. Và sau rốt, kết tinh thành một Vương tử: Trịnh Cán. Vì sinh vào cô sủng phi Đặng Thị Huệ nên Trịnh Cán được Tĩnh Đô vương yêu dấu đến cực điểm, một tình yêu mà vương không thể chứa chất được hết ở trong lòng mình nên phải để nó tràn lấn ra cả Bắc Hà. Vì bọn triều thần đoán biết rằng sự sinh hạ vương tử là một mối hạnh phúc phi thường của nhà chúa nên các trấn đều nô nức dâng khải về mừng và dư luận trong nước không chỗ nào là không nhắc nhỏm đến cậu bé con may mắn ấy. Để tán tụng tài đức của Tĩnh Đô vương, những tài đức mà người ta cho là sẽ chuyển sang cho vương tử, một đứa bé vừa dứt ba tiếng khóc – các nhân viên trong chính phủ mừng vương sáu chữ: “Tinh trùng huy hải trùng nhuận”, nghĩa là: “Sao lồng nhau mà sáng, bể lồng nhau mà to.” Vương cũng tự tin rằng con mình là chỗ gặp gỡ của tất cả những tinh hoa trong vũ trụ nên nhân gặp phủ Phụng Thiên có khoa thi Hương, thân ra lấy đầu bài: ⼭川毓英河海鐘秀 Sơn xuyên dục anh, hà hải chung tú. Có ý ám chỉ vào vương tử Cán. Cậu bé này thực ra cũng không đến nỗi không xứng đáng với nỗi lòng kỳ vọng của Tĩnh Đô vương và những lời chúc tụng của bọn triều sĩ, vì khi đầy tuổi tôi, cậu đã tỏ ra thông minh xuất chúng và có một cái diện mạo khôi ngô khác hẳn các trẻ con thường. Một đôi lần, vương cho Cán ra tiếp các quan thì cậu bé nói năng rất đúng mực và có người, hàng năm mới gặp một lần. Cán cũng nhớ mặt và tên. Cậu lại thuật lại được cả những câu đã nói năng lần trước. Vương thường mang thơ chữ Hán ra dạy Cán theo cách truyền khẩu. Cán thuộc rất mau và đọc thông vanh vách, không sai một chữ nào cả. Cán thực đã gây được một cái vinh dự chính đáng cho những người đã may mắn sinh ra cậu. Nếu Trịnh Cán cứ tuần tự lớn lên, để sau rốt, kế tiếp cái công nghiệp vĩ đại của ông cha cậu thì còn gì hạnh phúc cho họ Trịnh bằng. Nhưng khốn một nỗi “tạo vật đố tài”. để giữ thế quân bình với tài mạo của Trịnh cán, Hóa công giam hãm cậu bé này vào một cái thân hình rất bạc nhược và ốm yếu quanh năm. Từ 6 tuổi trời đi, Cán không được trực tiếp với ánh sáng mặt trời nữa: suốt ngày cậu bị giam cấm trong một gian phòng rất thâm u, ra vào duy có một bọn thầy lang do Tĩnh Đô vương truyền triệu từ bốn phương về. Bọn này danh là chữa thuốc cho “Thế tử”, nhưng sự thực là giết dần Thế tử. Vì, dùng thuốc của họ, bệnh Cán mỗi ngày một tăng. Sau cùng, cậu đã được theo Tĩnh Đô vương lên thế giới cực lạc. Cán mắc phải bệnh gì? Triệu chứng của nó như thế nào? Dưới đây là lời Lê Hữu Trác tức Hải Thượng Lãn Ông, một vị danh y đương thời đã được vinh hạnh vào chẩn mạch cho Trịnh Cán: Tôi thấy Thế tử hình dung gầy guốc lắm: bụng to, da bóng, gân xanh, rốn lồi hơn một tấc. Hơi thở thì ậm ạch, mạch trầm tế mà vô thần. Tôi tự nghĩ lúc trước mình mới trông, thấy Thế tử còn có xương thịt, mạch còn hồng huyền, Bây giờ đến thế này thì còn chữa làm sao được nữa. Bệnh của Thế tử là bệnh “cổ”, một trong bốn chứng của cổ nhân liệt vào hạng khó chữa. Nhưng trong vương phủ, người ta kiêng chữ “cổ” mà gọi là “cam” để tránh cho mọi người khỏi nỗi ghê sợ, khi đọc lên tiếng ấy. Để chữa cho Trịnh Cán, người ta mượn tất cả các thầy lang có chút tiếng tăm trong nước do các quan địa phương tiến cử lên hoặc tự vương phủ tuyên triệu. Để bốc thuốc cho Cán người ta dùng tất cả các vị thuốc quý giá có sẵn trong kho của vương phủ hoặc mua từ Tàu sang. Cán ốm lâu quá đến nỗi trước chỗ nằm của cậu, người ta phải dọn riêng ra một phòng làm chỗ sắc thuốc và bàn bạc y lý của các thầy lang. Nhưng phòng này đáng lẽ gọi là phòng chế thuốc mà người ta kiêng mà gọi là “phòng trà”, và những bài thuốc đáng ngàn vàng mà người ta tiến lên cho cậu uống, cũng không gọi là thuốc nữa mà gọi là “chè” để đánh lừa cậu. Cuộc đời ngắn ngủi của Cán thực ra không có hứng thú gì cả, vì trong mấy năm liền, thân thể của cậu đã bị tàn phá vì những vị thuốc cay đắng của một bọn thày lang phần đông là ngu dốt và hiếu danh. Thậm chí, khi Lãn Ông vào lạy tạ để cáo về, Cán còn buột miệng bảo với ông lang già này: “Chè của thầy già ngọt lắm, dễ uống. Ta muốn uống nữa!” Lý do là tự Lãn Ông đã cho Cán uống những vị thuốc dịu dàng hơn các thầy lang kia một chút. Trịnh Cán sống ít, nhưng sống một cuộc đời rất tốn kém mà hàng muôn người thường, dù đều sống đủ một trăm tuổi cả cũng không bằng. Những một cái phòng ngủ của cậu cũng đã thành một giải quán quân về xa xỉ, và được và xem mạch cho cậu là một vinh dự không phải thầy lang nào cũng có thể mong mỏi được: Đi được độ vài trăm bước, qua mấy lần cửa ngăn, mới đến cái điếm Hậu mã quân túc trực điếm làm ở một bên cái hồ lớn, có các thứ cây lạ lùng và những hòn núi non bộ kỳ quái, cột với câu lơn thì lượn ra ngoắt vào coi rất tinh xảo… … Đến một cái cửa lớn, lính thị vệ thấy tôi ăn mặc lạ mắt, liền giữ lại hỏi. Vị quan truyền chỉ phải nói là có “thánh chỉ truyền triệu” họ mới cho đi. Rẽ sang dẫy hành lang mé Tây, qua một tòa nhà rất cao lớn và rộng rãi, hai bên nhà, bày hai cỗ ngự kiệu, các nghi trượng đều thiếp vàng nuột cả. Gian giữa kê một cỗ sập ngự thiếp vàng; trên sập mắc một cái võng điều. Đàng trước sập và hai bên tả hữu, bầy nhiều kỷ, án và đồ chơi, mà người ta không trông thấy tại các nhà thường. Tôi chỉ liếc mắt trông qua, rồi cúi đầu mà đi. Lại qua một lần bích môn nữa, tới một cái gác vừa cao, vừa rộng. Những rường cột trong gác đều sơn son thiếp vàng. Tôi hỏi nhỏ vị quan truyền chỉ thì vị này nói: Tòa nhà giao góc vừa đi qua đó là Đại đường hoặc cũng gọi là Tử các. Hiện Thế tử ngự trà ở đó nên cũng gọi là “Trà phòng” Vì kiêng tiếng “thuốc”nên gọi là “trà”). Quan Chánh đường sợ tôi lạc lối nên bảo tôi đi sát sau lưng ông. Chợt đến một chỗ màn gấm mở rộng, trong tối om, chẳng biết có cửa ngõ hay không. Màn gấm thì trùng trùng điệp điệp, hết vòng nọ đến vòng kia mà vòng nào cũng có thắp một cây nến để dẫn đường. Qua độ bốn năm lần trướng gấm, tới một cái phòng rộng, giữa kê một cỗ sập thiếp vàng, trên có một cậu bé chừng năm sáu tuổi mặc áo lụa đỏ ngồi. Hai bên cậu, có ít nhiều người đứng hầu. Giữa phòng thắp một ngọn nến to gắn trên một cây nến bằng đồng. Cạnh sập, kê một cỗ long kỷ, sơn son vẽ vàng, trên trải nệm gấm. Gần Long kỷ có một cái màn cẩm sa mắc ngang qua. Phía trong màn, bọn cung nhân đứng xúm xít, nhờ có ánh sáng chiếu rọi, nên tôi nhận ra rằng họ đều áo đỏ, mặt hoa hương đưa ngào ngạt. Chắc là Thánh thượng (Tĩnh Đô vương) vừa ngự trên long kỷ, nhưng tạm lánh sang bên, để tôi xem mạch cho được tinh tường. Tôi nín thở, đứng nép vào một bên để chờ lệnh. Chợt quan Chánh đường truyền cho tôi lậy bốn lậy. Thế tử trông tôi, cười: “Người này lạy khéo quá!” Quan Chánh đường lại nói lớn: “Thày già yếu, cho phép được ngồi hầu mạch!” Tôi bèn lom khom đến trước ngự sàng, ngồi xem mạch. Xem xong, nghe trong màn cẩm sa có tiếng nói: “Hãy xem cả hình trạng nữa xem!” Liền đó, một viên nội giám tiến lên trước ngự sàng thỉnh với Thế tử. Thế tử lập tức cởi áo, rồi đứng ra cạnh giường ngự cho tôi xem. Sau khi tôi nhìn nhận rất kỹ càng, quan Chánh đường bảo tôi lậy tạ. Tôi liền lậy bốn lậy, rồi lui ra ‘trà phòng’ lúc trước… Những nghi lễ phiền phức cũng như tất cả những môn bài trí xa xỉ mà người ta dàn bầy ở chung quanh cậu, thật ra chẳng đưa lại cho Trịnh Cán một mảy may hạnh phúc nào hết, vì cậu còn nhỏ tuổi quá, chưa tiêm nhiễm phải bệnh hiếu thắng là một bệnh đã gây ra bao nhiêu nỗi thống khổ cho loài người. Và, nếu những người thân nhất với Cán có một nhiệt tâm mong mỏi cho cậu sống thì, họ cũng vì cậu rất ít mà phần chính là vì họ muốn mượn cậu làm bậc thang để đạt tới những mục đích danh lợi của họ. Và khi đã biết đích rằng con mình cũng như chính mình được Tĩnh Đô vương yêu dấu đến cực điểm, Đặng Thị Huệ liền nẩy ra cái tham vọng muốn giựt lấy ngôi chúa cho con mình. Việc đó không phải là dễ. Vì, cứ bình tình ra thì quyền kế tập phải về tay con trai lớn của Tĩnh Đô vương là Trịnh Khải, một thanh niên vừa có học thức vừa có tài, nhưng bất hạnh sinh vào làm con Dương Thị Ngọc Hoan, một người vợ bị Tĩnh Đô vương rẻ rúng nên cũng không được vương thương yêu một chút nào cả. Để đánh đổ Trịnh Khải, Đặng phi thừa hiểu rằng mình cần phải có vây cánh nên Phi thừa lúc viên Đốc trấn Nghệ An là Hoàng Tố Lý bị Tĩnh Đô vương ngờ ghét, liền dùng lời khôn khéo mà nói lót hộ Tố Lý với Tĩnh Đô vương. Tố Lý được thoát nạn. Hơn nữa, ông lại được từ chức Đốc trấn Nghệ An mà thăng lên làm Thự phủ, một trong những chức quan trọng nhất ở phủ ự p ộ g g q ọ g p liêu. Được nắm cả chính lẫn binh quyền trong nước, Hoàng Tố Lý không thể quên được rằng người tác thành cho mình là Đặng Thị Huệ nên tuy ngoài miệng không nói ra, nhưng trong thâm tâm, Tố Lý đã bầy sẵn những mưu kế để trừ bỏ con lớn của Tĩnh Đô vương mà lập Trịnh Cán. Sự liên lạc về quyền lợi gây ra một mối tình thân mật giữa Hoàng Tố Lý và Thị Huệ. Và, Huy quận xây đắp vào Trịnh Cán một mối hy vọng quá ư vững vàng, thành ra cuộc âm mưu của ông không phải là việc bí mật đối với ai nữa. Mấy câu giản dị dưới đây của Hải Thượng Lãn Ông tưởng đã mô tả được gần hết cái tâm sự của Hoàng Tố Lý bấy giờ: Tôi xem mạch (cho Trịnh Cán) rồi lạy tạ lui ra. Đến cung Thập tự, quan Chánh đường (Tố Lý) ghé tai, hỏi nhỏ tôi: “Ông xem thế nào?” Tôi đáp: “Tinh thần suy kiệt lắm rồi. Thế không qua được!” Ông nghe tôi nói như vậy thì phát phiền, thở dài một tiếng, rồi nằm vật xuống sập. Tôi hiểu ngay rằng Thánh thượng (Tĩnh Đô vương) sở dĩ cất nhắc ông lên, đãi ông như ruột gan, lấy ông làm vây cánh, chỉ là định mang Thế tử mà ỷ thác cho ông. Nay ông nghe tôi nói như vậy thì không buồn sao được? Trịnh Cán ở vào một tình cảnh rất vô vọng. Nhưng Đặng Thị Huệ và Hoàng Tố Lý vẫn không thất vọng. Hai người nhân khám phá ra được cuộc âm mưu đảo chính của Trịnh Khải, liền xin với Tĩnh Đô vương, bắt Khải hạ ngục và chém giết hoặc giam cầm những người đồng mưu với Khải như Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Khản… Thế là họ đã thắng được kẻ thù hữu tình. Nhưng còn số mệnh là kẻ thù vô hình thì họ vẫn không thắng được một mảy may, vì bệnh tình của Cán mỗi ngày một tăng. Mưu việc ở người, nhưng thành việc vẫn là quyền của tạo vật. Muôn vật thường phải theo một cái thế quân bình mà hóa công hình như đã định sẵn. Sau một nửa đời hết sức hoạt động – và không khỏi có lẫn cả trác táng – Tĩnh Đô vương bị giam cầm trong buồng bệnh hàng mấy năm liền. Vì mắc phải chứng kinh phong nên vương phải nằm ép trong cung thẳm và không được hưởng một chút ánh sáng nào khác, ngoài ánh sáng của những ngọn bạch lạp mà người ta thắp suốt ngày đêm. Hàng năm, bất đắc dĩ vương phải ra dự lễ đại triều một lần thì chỗ ngồi lại phải quây màn và kiệu phải có cửa kính để tránh sự trực tiếp với nắng gió. Hãn hoặc, các quan có tấu đối việc gì, đều do nội giám trình lên và vương tự trong màn kín truyền ra. Cho nên những người thân mật nhất với nhà chúa có khi cũng hàng năm mới được trông thấy mặt Tĩnh Đô vương một lần. Nhân đó, Đặng Thị Huệ và Hoàng Tố Lý được tùy ý muốn làm gì thì làm. Đối với các quan, họ nói là theo lệnh nhà chúa, nhưng sự thực, chính chúa, họ cũng không cho biết. Khi xẩy ra việc Trịnh Khải mưu loạn – mà các nhà làm sử quen gọi là “vụ án năm Canh Tý”, bệnh của Tĩnh Đô vương có thuyên giảm đôi chút, nhưng vì vương ngự ra cung Vọng hà xem bơi thuyền nên bị cảm và bệnh cũ lại phát ra. Rồi, từ đó không thuốc nào làm cho lui bệnh được nữa. Bàn về bệnh thế của Tĩnh Đô vương, nhà làm thuốc Hải Thượng Lãn Ông, người sau cùng đã được xem mạch cho vương, viết: Thánh thượng hình thể đã gầy guộc lắm rồi. Da dẻ của ngài thì khô khan, nước giải thì vàng và đục, đại tiện thì táo, thỉnh thoảng ợ hơi, miệng khát lưỡi nẻ. Khi ho thì mất cả tiếng đi. Những chứng như thế thì bởi tinh huyết đã khô kiệt… Sau khi bàn bạc với Hoàng Tố Lý, Lãn Ông tiến lên là đơn dưới đây, để tùy vương liệu định: Tiểu thần Lê Hữu Trác cẩn khải: Kê: Xin dùng bài “Bát vị hoàn” gia giảm chế thành cao: 熟地 Thục địa: 5 lạng. ⼭藥 Sơn dược: 3 lạng, hấp cơm rồi sao ba lần. ⼭茱 Sơn thù: 2 lạng, nhặt hột ra, rồi bỏ vào rượu luộc. 牡丹 Mẫu đơn: 1 lạng rưỡi, sao kỹ. ⽩茯苓 Bạch phục linh: 1 lạng rưỡi, tẩm sữa. ⿆⾨ Mạch môn: 1 lạng hai đồng. 五味 Ngũ vị: 5 đồng dùng sống. 製附 Chế phụ: 5 đồng. ⾁桂 Nhục quế: 5 đồng, kỵ lửa. Tất cả các vị trên này bỏ vào nồi đất nấu thành cao, hòa thêm hai lạng cao lộc nhung, một lạng cao khởi tử, đun chẩy quấy đều, đổ ra trộn với bột nhục quế, đổ vào lọ bịt kín. Mỗi lần ngự dùng một thìa, uống với thang thần thảo sắc đặc. Nay cẩn khải. Phương thuốc của Lãn Ông mấy hôm đầu rất có hiệu lực, vì vương đã khỏi sốt và ăn, ngủ được. Nhưng chỉ một tuần sau, thì nó lại trở nên trầm trọng. Thầy thuốc đoán là vị khí của vương đã bại rồi mà vị khí bại thì không thuốc nào chuyển được nữa. Tĩnh Đô vương tự lượng rằng mình không thể qua khỏi được, liền gọi Hoàng Tố Lý đến ỷ thác cho việc lập Trịnh Cán sau này. Nhưng Huy quận sợ rằng một mình mình chẳng đủ chế phục được cả nước nên xin vương lập một hội đồng phụ chính, trong có tất cả bảy người: Huy Quận công Hoàng Tố Lý; Hoàn Quận Công Nguyễn Hoàn; Sùng Quận công Trịnh Kiều; Châu Quận công Lê Đình Châu; Thùy Trung hầu Tạ Danh Thùy; Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên; Thanh Quận công Trần Xuân Huy. Liền đó, Huy quận sai Tứ Xuyên hầu thảo di chiếu và chức Thiêm sai là Nhữ Công Điền thảo sắc phong Đặng Thị Huệ chức Tuyên phi. Nhưng hai người vừa thảo xong, vương chưa kịp cho chữ, đã tắt nghỉ. Hôm đó là ngày 11 tháng chín năm Cảnh Hưng thứ 43. Vương thọ 41 tuổi. Sau khi Tĩnh Đô vương mất, bọn Hoàng Tố Lý theo lời di chúc, tôn Trịnh Cán lên làm chúa, lấy hiệu là Điện Đô vương. Cán mới tám tuổi, cố nhiên không hiểu chính sự là gì hết nên chính quyền ở cả trong tay Đặng Tuyên phi mà người giựt dây ở phía sau là viên Thự phủ họ Hoàng. Tuyên phi từ đó đóng vai Ỷ Lan Thái phi, ngồi trong rèm xử đoán mọi việc thay con. Mà Hoàng Tố Lý, cũng muốn đóng vai Gia Cát Võ hầu mang cái túi kinh luân của mình ra giúp ấu chúa. Nhưng cả ba người ngồi chưa ấm chỗ, thì lính Tam phủ nổi lên, giải phóng cho Trịnh Khải; Tố Lý vì vô mưu nên bị chúng giết chết. Điện Đô vương phải truất bỏ và Đặng Thị Huệ bị bắt giam. Công xếp đặt của hai người trong bao nhiêu năm rút lại thành một giấc kê vàng. Ngôi chúa của Bắc Hà sau rốt lại trở về con trưởng: Trịnh Khải. Muốn tỏ ra rằng mình có lượng, Khải phong cho Cán tước Cung Quốc công và cũng dụng công tìm thầy chữa thuốc cho Cán như khi Tĩnh Đô vương hãy còn. Nhưng hết phải ra phủ đường dự lễ triều hạ, lại bị bọn nội giám bế đi trốn tránh. Cán vì bị kích động luôn mãi, bệnh lại tăng lên gấp bội và tắt thở ngày 13 tháng mười một năm Cảnh Hưng thứ 43, nghĩa là sau Tĩnh Đô vương vừa hai tháng. Mất chính quyền, Đặng Tuyên phi còn có thể tự an ủi được. Nhưng đến con chết thì đời nàng trở nên đau khổ vô hạn và không còn lưu lại lấy một chút sinh thú nào. Tuy nhiên để “làm cho, cho hại cho tàn cho cạn”, tôn công lại đầy cô gái đẹp làng Phù Đổng vào một cái khổ thứ ba nữa là phải chịu đựng cái ghen quá mùa của nàng Dương Thị Ngọc Hoan là vợ Tĩnh Đô vương và là mẹ đẻ của Đoan Nam vương Trịnh Khải. Thoạt đầu, Dương Thái phi bắt đưa Tuyên phi đến trước mặt mình mà kể hết các tội lỗi của nàng khi trước và bắt nàng phải lậy tạ. Tuyên phi không chịu. Thái phi liền sai cung nữ kéo tóc mà rập đầu Tuyên phi xuống đất. Nhưng Tuyên phi cũng nhất định giữ cái thái độ cương ngạnh khi trước và không chịu nói năng một câu gì. Thái phi tức giận, sai cung nữ nhổ vào mặt Tuyên phi, rồi bắt giam ở sau vườn, hàng ngày lại mắng nhiếc thậm tàn, hình như để dốc hết những nỗi ghen tức mà bà vẫn chứa chất ở trong lòng, vì sinh thời Tĩnh Đô vương, bà không có can đảm dốc vợi nó đi được. Một hôm, Tuyên phi nhân lúc vắng người, lấy vạt áo che mặt, do cửa Tuyên vũ trốn ra ngoài thành. Thái phi biết tin, cho đuổi theo bắt về giam giữ rất nghiêm khắc và từ đó, không hỏi han đến nữa. Sang năm sau, bọn lính hộ lăng chợt về báo rằng các đồ thờ trong lăng Tĩnh Đô vương tự nhiên đổ vỡ tan nát cả. Dương Thái phi lấy làm lạ, cho đòi bọn đồng cốt đến hỏi. Bọn này có lẽ ái ngại cho cái tình cảnh của Đặng Tuyên phi, nói hiện Đoan Nam vương đã phạm vào hai tội bất hiếu: hành hạ người yêu (Tuyên phi) và đổi đồ khâm liệm của cha làm cho hài cốt không được yên nên Tĩnh Đô vương ứng ra các điềm đó để báo cho người sống biết mà hối cải lại. Dương Thái phi lo sợ, bảo Đoan Nam vương làm lễ tạ và cho Đặng Tuyên phi ra ở lăng Tĩnh Đô vương để coi giữ tẩm miếu. Nhưng từ đó, Tuyên phi chỉ vật vã khóc lóc không lúc nào ngơi. Đến ngày lễ đại tường, nàng uống thuốc độc mà tự tận. Phần II CHÚA TRỊNH KHẢI Tác giả: Nguyễn Triệu Luật Xuất bản lần đầu năm 1940 Tái bản trên bản in năm 1954 I ÁN NĂM CANH TỬ100 C ách đây hai mươi nhăm ba mươi năm, quãng đất giữa những con đường Phố Nhi101, con đường Rollandes102, sau phố Hàng Lọng103 có một cái hồ tục gọi là Hồ Tây Cú. Phía tây và phía bắc hồ, có hai khu đất hoang, không ra vườn, không ra bãi cỏ, đất mà chữ Pháp có tiếng gọi rất đúng là “terrain vague” (đất vu vơ, không nhất định gọi là gì được). Hồi hai nhăm năm trước đây, trứ giả104 còn là một thằng bé lên mười tuổi, đã từng chơi đùa ở đó. Ở chỗ đầu đường Rollandes, chỗ đỗ ô tô đi Nam Định, Hà Đông, có một cái ngõ đi thông ra phố Hàng Lọng. Trong ba năm trời, từ lên bảy đến lên mười, trứ giả cùng gia thân ở một gian nhà con trong cái ngõ ấy. Cái ngõ ấy cùng một cái ngõ nữa như hai cái trôn phễu thông hồ cùng hai khoang đất hoang kia ra phố Hàng Lọng. Ban ngày – nhất là về sáng và chiều – trẻ con ở hai ngõ chật hẹp đổ dồn cả ra quãng đất hoang kia chơi. Ở khoảng đất phía tây cái hồ, chỗ hai ngõ nối nhau, có khu đất gọi là “trường đấu gà”. Cứ mỗi sáng chiều, phường gà chọi đem gà đến đó, đọ nhau, kháo nhau, và đấu thử. Một hôm, trứ giả nghe thấy có người khen một con gà: – Con Hoa mơ này thì gà đấu Vĩnh Võ xưa kia cũng không ăn đứt. Hồi ấy, trứ giả lấy óc măng sữa đoán và hiểu thì hai tiếng “Vĩnh Võ” nghĩa là khỏe mạnh, sắc cựa; không ngờ hai chữ ấy có nguồn gốc ở lịch sử. Vào khoảng trăm rưởi năm trước đây, cái hồ ấy là hồ riêng trong phủ đệ Hân Quận công Nguyễn Phương Đĩnh, quan A Bảo của con đầu lòng chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, tên là Trịnh Khải; khoảng đất hẹn hò của phường gà đấu ấy chính là đấu trường của hết thảy những gà chọi khắp nơi kinh kỳ. Trăm sáu mươi năm trước đây105, một hôm trời xuân ấm áp cuối tháng giêng, ở bãi cỏ cạnh hồ Quang Minh, trước nhà Đãi Nguyệt tạ, phường gà chọi họp đủ mặt. Từ Thiên Trường, ông Chiêu Trung Hòa cũng mang con gà “chiến Tam anh” của ông lên để khoe cựa, khoe mã cùng con “Nhất dạ tứ thắng” của lão cai Đình Bảng bên Kinh Bắc. Bọn gia thần riêng của Vương tử Khải, anh nào anh ấy cũng mang gà của mình ra. Những con gà ấy, phường gà gọi là “gà nhà Chúa”. Thế Thọ ôm con gà “Độc cước”, đương vênh váo khoe: – Con “Độc cước” của tôi chỉ có một cựa thế mà đã từng bẻ gãy hai cựa hàng trăm con rồi. Phiên Thọ, vừa vuốt con “Ô Mã Nhi” vừa nói: – Các bác có hiểu tại sao tôi gọi con này là Ô Mã Nhi không? Nó đen tuyền, thế là Ô kê; nó lại khỏe như Ô Mã Nhi. Một người chủ gà nói: – Cũng chẳng thấm vào đâu với con “Độc long” của Vĩnh Võ, bõ106 của Vương tử… À! Mà hôm nay sao bõ ấy chưa mang gà ra hội chiến? Phiên Thọ nói: – Ông ta còn phải đi hầu Vương tử vào thăm Chúa thượng. Một người nói: – Hôm nay mới hai mươi mốt, đã đến ngày chầu đâu. Hôm nay là ngày chúng mình đem gà đến chầu Vương tử chứ có phải ngày Vương tử vào chầu Chúa thượng đâu. Mỗi tháng Vương tử chỉ được vào trông mặt Chúa thượng có hai lần, vào ngày mồng một với ngày rầm thôi mà. Phiên Thọ nói: – Chúa thượng mấy hôm nay hình như mệt nặng. Sáng hôm nay Vương tử mới biết tin nên vội vào vấn an. – Thế bao giờ người về? Bây giờ đã quá giờ Tỵ, gần đến giờ Ngọ rồi. Mọi phiên họp gà, đầu Tỵ đã bắt đầu rồi. – Người đi cùng quan A Bảo, nói là độ cuối Thìn thì về. Vĩnh Võ, giữa lúc ấy ở ngoài chạy vào. Mọi người đổ xô ra hỏi: – Vương tử về chưa? Vĩnh Võ nói: – Vương tử sắp về. Ngài có lệnh truyền cho tôi về nói trước rằng cuộc đấu gà hôm nay bãi. Thôi! Các ông đi về, để đến phiên sau. Mọi người thất vọng ôm gà ra về. Đi đường họ kháo chuyện cùng nhau: – Chúa thượng mê man vô lý quá. Vương tử năm nay 18 tuổi rồi mà không dựng làm Thế tử, còn chờ đến bao giờ? – Ừ ừ! Ngôi Thế tử, Chúa thượng phải để dành cho con Bà Chúa Chè107 chứ! – Bằng đầu bằng cổ còn chẳng chắc nữa là đứa bé mới lên bốn! Vô lý nhất là Chúa thượng mê man Bà Chúa Chè đến nỗi con đẻ rứt ruột ra mà đuổi khỏi phủ, bắt ở với quan A Bảo, mỗi tháng """