" Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy - Khê - Trần Văn Khê full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tính Dân Tộc Trong Âm Nhạc Phạm Duy Và Tình Bạn Duy - Khê - Trần Văn Khê full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] Ebooks Nhóm Zalo “Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy - Khê” - Trần Văn Khê - Được xuất bản theo hợp đồng trao quyền sử dụng tác phẩm giữa tác giả và Công ty TNHH Sách Phương Nam Mọi sao chép, trích dẫn phải có sự đồng ý của Công ty TNHH Sách Phương Nam Đôi lời tri ân Cuốn sách này có thể ra đời là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Trước hết là Phạm Duy – người anh em thân thiết trong âm nhạc của tôi và cũng là đối tượng chính của cuốn sách. Trong những lúc viết sách cần có tư liệu để tham khảo, Duy đã rất nhiệt tình gởi cho tôi hầu hết những gì tôi yêu cầu. Duy làm mọi cách để gởi các tư liệu âm nhạc (bao gồm các bản nhạc, các bài khảo cứu âm nhạc do Duy viết, tổng phổ các bài trường ca, những bài viết của bạn bè – khán giả, các nhà phê bình âm nhạc – nghệ thuật viết về Duy...) đến được tay tôi theo nhiều con đường (đến thăm tôi tại nhà và trao đổi trực tiếp qua email, gởi đường bưu điện, hoặc nhờ mấy cậu xe ôm gần nhà đem đến cho tôi...). Khi đọc những bản thảo tôi gởi cho Duy thì bạn lập tức gởi email nói lên cảm xúc của bạn với những gì tôi viết và nhận định về Duy, về âm nhạc của Duy. Tôi rất xúc động! Một vài bạn khác đã động viên tôi bằng cách giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần, mà đại diện các bạn đó là cháu DP – người liên lạc trực tiếp với tôi và Phạm Duy trong thời gian viết sách. Bên cạnh đó, còn có những người đồng sự khác tận tâm giúp tôi trực tiếp trong vấn đề viết và đánh máy bản thảo như cháu Khánh Vân, và giúp tôi thực hiện các bản nhạc trên máy vi tính như thơ ký của tôi là cháu Mai Hường. Nhiếp ảnh gia Phong Quang đã nhiệt tình gởi tặng những tư liệu hình ảnh quý báu về tôi và Phạm Duy trong những năm tháng bôn ba tại nước ngoài cũng như những lúc gặp gỡ nhau trên quê hương. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành thời gian viết lời tựa cho sách của tôi. Cuối cùng, Công ty Sách Phương Nam đã tận lực để cho cuốn sách được ra mắt độc giả với sự trình bày trang nhã và trân trọng. Tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bạn được kể tên ở trên đã giúp tôi trong suốt quá trình hoàn thành cuốn sách để nó trở thành một món quà tinh thần mà tôi muốn gởi đến người bạn thâm giao Phạm Duy, mong hương hồn của Duy ở cõi vĩnh hằng sẽ chung vui với tôi và những ai thương mến Phạm Duy! Bình Thạnh, mùa Hạ Sài Gòn 2013 TRẦN VĂN KHÊ Lời mở đầu Tôi đã hiến cả đời tôi cho việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam để đem tiếng nhạc đó giới thiệu sâu trong dân Việt và rộng khắp năm châu. Trước đây, khi còn là một thanh niên trẻ với bao hoài bão và ước vọng, tôi chỉ quan tâm đến tân nhạc vì trong đời tôi có lúc vọng ngoại, nghĩ rằng phải cố làm sao học nhạc phương Tây để làm cho âm nhạc truyền thống Việt Nam phát triển, và trong sự sáng tạo đó âm nhạc có thể vượt ra đường lối truyền thống để tìm một con đường mới. Trên chuyến hành trình dài bất tận trong đời cũng như trong thế giới diệu kỳ của âm nhạc, tôi đã có may mắn quen biết rất nhiều người bạn lạ lùng, với những cá tánh đặc biệt, những tâm hồn nhạy cảm và tài năng phải nói là trác tuyệt. Phạm Duy là một trong những người như vậy, cũng có thể nói Duy là người “một trong muôn một”. Sinh ra cùng một năm Tân Dậu với Nhạc sĩ Phạm Duy, tính theo dương lịch thì hai anh em tôi – “hai con gà” chào đời vào tháng 7 (Trần Văn Khê) và tháng 10 (Phạm Duy). Duy là người bạn rất thân trong cuộc đời tôi, nhứt là trong cuộc đời âm nhạc. Công việc của Duy ít nhiều có mối dây liên kết về dân tộc tính trong âm nhạc đối với công việc nghiên cứu và niềm đam mê của tôi. Với Phạm Duy, tôi có một tình thương yêu đặc biệt, thắm thiết chẳng kém anh em ruột thịt. Nhưng hai anh em chúng tôi, dầu đứng trên một lãnh vực âm nhạc Việt, nhưng mỗi người theo một hướng đi đặc biệt cho riêng mình và có những sinh hoạt khác hẳn với nhau. Tôi gởi cả óc tim mình cho âm nhạc truyền thống, còn Duy đắm say và thật có duyên với nền tân nhạc của Việt Nam ở mỗi thời kỳ. Nhiều lần trong đời, tôi đã từng viết bài nói chuyện về những người bạn nhạc sĩ thân thiết cả về tân nhạc lẫn cổ nhạc của tôi như Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Vĩnh Bảo, Võ Đức Thu..., và về sau này thỉnh thoảng có một vài bài nhận định về người nhạc sĩ đàn em của chúng tôi là Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên với Phạm Duy, vì những hoàn cảnh về thời cuộc, về khoảng cách địa lý, về công việc làm mỗi người mỗi khác..., nên anh em chúng tôi ít có dịp gặp nhau, nhưng không vì thế mà không hiểu nhau. Bản thân tôi cũng đã từng viết về những sáng tác của Phạm Duy, nhưng các bài viết đó giới hạn trong việc bình luận, phân tách nhạc ngữ, lời ca... và cũng chỉ là những bài viết có tánh cách học thuật, trao đổi về nghề nghiệp chứ ít khi có những bài đi sâu vào cá tánh và tâm hồn của Duy, hoặc kể lại những kỷ niệm, hoặc có tánh chất thân mật, sâu sắc về tình bạn của hai anh em. Tôi cho rằng đó là một sự thiếu sót lớn nếu không nói ra được những khía cạnh riêng biệt của Duy trong lòng tôi! Ngày nay, trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi vẫn còn cơ hội gặp lại Phạm Duy và nhờ ơn trên sắp đặt, hai anh em chúng tôi lại cùng sống trong một đô thị, cùng chung một bác sĩ chăm lo sức khỏe, cùng có dịp đem sức tàn của chúng tôi để tiếp tục phụng sự âm nhạc Việt Nam. Tuy rằng mỗi người một cách thể hiện, nhưng tất cả đều cùng chung một tấm lòng yêu thương vô bờ bến với quê hương, con người và văn hóa Việt Nam. Những nghệ phẩm lớn nhỏ đủ loại của bạn tôi, tôi nghe rất nhiều và cũng đã từng chia sẻ với bạn những cảm tình chân thật. Khi hoan nghinh triệt để, lúc phủ nhận hoàn toàn, khi thương yêu nồng thắm, lúc giận dữ không nguôi, nhưng rốt cuộc lại cũng như trong bài “Ví dặm” của Nghệ Tĩnh: “Giận thì giận, mà thương thì thương”. Trước khi trở về Việt Nam sanh sống, tôi đã từng đọc qua rất nhiều bài viết trong và ngoài nước của các tác giả ở đủ mọi lãnh vực về tài nghệ của Phạm Duy, rất toàn diện, sâu sắc, tinh vi. Nên trong những lúc gặp gỡ sau này, khi đã hội ý cùng bạn, tôi rất muốn ghi lại những cảm tưởng của tôi về một số nhạc phẩm rất đậm màu dân tộc mà Duy đã sáng tạo. Những nghệ phẩm từng đi sâu vào lòng người đó mang đầy hơi hướng dân ca ba miền, có cách sử dụng ngôn ngữ âm nhạc truyền thống để sáng tác những nhạc phẩm mới mà vẫn rất đậm đà tính dân tộc Việt Nam. Trong lúc này, nói về nhạc Phạm Duy, tôi không chỉ ghi lại những cảm tưởng chung chung, mà sẽ phân tích trong chi tiết những câu, những đoạn nhạc mà tôi cho rằng trong đó có sử dụng các thang âm ngũ cung, tiền ngũ cung, đôi khi có vài điệu thức dân tộc, nhứt là cách vận hành giai điệu phù hợp theo cách làm của cha ông chúng ta ngày xưa đã sử dụng và chắt chiu để trao lại cho thế hệ mai sau. Cũng trong dịp này, tôi sẽ nhân câu chuyện giữa Phạm Duy và tôi, giới thiệu rành rẽ hơn về ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam, về cách sử dụng thang âm ngũ cung trong âm nhạc truyền thống dân gian và nghệ thuật, những chi tiết nhỏ để nói rõ rằng không phải chỉ dùng ngũ cung là có được bản sắc Việt Nam, vì trong ngũ cung cũng có rất nhiều loại, nhiều cách xây dựng, cách phát triển và chỉ ra phong cách của Việt Nam là như thế nào, để không phải khen ngợi bạn tôi là người khéo áp dụng cái cổ để sáng tác cái mới mà nêu rõ ra những sáng tạo của Phạm Duy đã làm giàu thêm cho nhạc ngữ Việt Nam. Nhưng trước khi đi vào tài nghệ đặc biệt của Phạm Duy, tôi muốn ghi lại những điểm giống nhau và khác nhau trong cuộc đời của chúng tôi, trong sự ưa thích, trong sự gặp gỡ những con người trong từng giai đoạn, thời điểm khác nhau, trong một số công việc phải làm để mưu sống, đôi khi rất xa với lý tưởng và mục đích của cuộc đời chúng tôi, hay trong những chuyến đi “xuyên Việt”, những cuộc ngao du “khắp bốn biển năm châu”... ngang qua quãng đời của hai anh em chúng tôi từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành. Trong đoạn viết về dân tộc tính trong sáng tác của Phạm Duy, tôi sẽ nhân dịp đó đưa các bạn đi vào thế giới âm nhạc cổ của dân tộc để các bạn thấy rõ những nét đặc thù trong ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và phần kết, tôi sẽ nêu rõ vị trí của Phạm Duy trong văn hóa Việt Nam, qua quan điểm của tôi. Hy vọng các bạn sẽ cùng đi hết cuộc hành trình này với hai anh em chúng tôi. Bình Thạnh, ngày 06-12-2011 GS.TS. TRẦN VĂN KHÊ Có một thế hệ như thế (Thay lời tựa) Cha tôi sinh năm 1920, Giáo sư Trần Văn Khê và Nhạc sĩ Phạm Duy đều sinh năm 1921. Như thế tuổi tác có thể chênh nhau đôi chút nhưng tất cả đều thuộc cùng một thế hệ. Thế hệ này có nhiều nhà nghiên cứu định vị là “Thế hệ Vàng”. Đó là thế hệ gắn với vận mệnh của Đất nước vào thời kỳ diễn ra một cuộc chuyển đổi lớn lao và có nhiều biến cố lịch sử để mỗi con người phải thể hiện mình trong sự lựa chọn giữa cái mới và cái cũ trên mọi phương diện từ chính trị, học thuật đến ứng xử xã hội mà bao trùm lên tất cả, chính là sự chuyển đổi của văn hóa. Điểm mấu chốt của bước chuyển đổi ấy là bối cảnh một nước Việt Nam thuộc địa phấn đấu để giành lại nền Độc lập, là một nước Việt Nam quân chủ khao khát Dân chủ để hướng tới nền Cộng hòa. Và một nước Việt Nam vương vấn quá lâu với nền Văn minh phương Đông bị bao trùm bởi ảnh hưởng Trung Hoa có cơ hội hướng tới những giá trị của Văn minh phương Tây ngay trong cả bối cảnh đang là thuộc địa của nước Pháp thực dân. Và đương nhiên có cả những tác động của các hệ tư tưởng chính trị và các cuộc chiến tranh để lại những hệ lụy sâu sắc, đôi khi khốc liệt nhưng với lịch sử nó chỉ là những gì thoảng qua... Có nên nói những điều quá lớn lao như vậy cho lời tựa cuốn sách nhỏ của Giáo sư Trần Văn Khê viết về Nhạc sĩ Phạm Duy chỉ trên phương diện thuần túy âm nhạc hay không? Có thể vì lối nghĩ nghề nghiệp của người làm sử mà tôi thấy phải nói như thế để nhấn đến điều đáng nói mà chính tác giả sách đã viết về cái nét chung giữa hai người cùng thế hệ, Trần Văn Khê và Phạm Duy, khi tự mang ra so sánh ở phần phụ lục cuối sách. Dòng chữ duy nhất mà tác giả in đậm nét là dù cho giữa hai người có nhiều điểm khác nhau “nhưng có tình chung là Tình yêu nước nồng nàn”. Với cha tôi, năm 1946 khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sau khi đưa cả gia đình đi tản cư, ông đã ở lại Hà Nội, lấy tiền nhà đi mua súng, đầu quân để thể hiện lòng yêu nước của mình. Chỉ không đầy hai tuần sau, ông chết trận, được coi là liệt sĩ. Như thế với cha tôi chẳng có gì phải bàn vì ông không có cơ hội để thể hiện tình yêu nước ngoài chính cái chết của mình trong trận chiến chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập của Dân tộc. Với hai con người tài danh trong đời sống âm nhạc nước nhà như Trần Văn Khê và Phạm Duy thì thời điểm đó mới chỉ là khởi đầu cho một cuộc phấn đấu ngót bảy thập kỷ tiếp theo để thể hiện cái “tình chung, tình yêu nước nồng nàn” của mỗi người. Đó là cả một cuộc phấn đấu không đơn giản vượt qua những thử thách của thời cuộc, của chính mình và những người cùng thời với mình. Điều đáng nói là cả hai con người tài hoa này đã chọn con đường âm nhạc để phục vụ Tổ quốc đang trong cơn xáo trộn bởi chiến tranh. Rồi vì những lý do khác nhau, Phạm Duy và Trần Văn Khê phải chịu cảnh sống tha hương ở những phương trời xa lạ, để cuối cùng lại trở về nguồn cội, vui trong cái vui được hồi hương. Chính trên mảnh đất quê hương mình, hai ông lại có dịp trao đổi với nhau về âm nhạc, văn hóa, và nhất là khát vọng về tương lai của âm nhạc Việt Nam truyền thống lẫn hiện đại trước những thách đố mới của thời hội nhập. Cuốn sách này viết về “tính dân tộc” trong âm nhạc Phạm Duy như minh chứng cho “tình yêu nước nồng nàn” được thể hiện suốt cuộc đời cũng như sự nghiệp của một người đã gửi gắm tình tự vào cung bậc thanh âm và nội dung những ca từ trong các tác phẩm. Bằng chất liệu hồi ức, phần đầu cuốn sách nói về tình bạn giữa hai người chạy dài suốt những năm tháng cuộc đời cho đến khi cả hai đã bước qua ngưỡng tuổi 90. Phần tiếp theo là sự phân tích bằng ngôn ngữ nghề nghiệp của một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống dân tộc, cho người đọc nhận thức được rằng trong gia tài âm nhạc rất đa dạng, phong phú và đồ sộ của Phạm Duy, cái cốt lõi cơ bản nhất, sâu sắc nhất hình thành nên giá trị di sản của ông chính là gốc rễ văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào huyết quản, vào trái tim, vào ký ức với những hình ảnh quê hương khó phai nhòa trong lòng Phạm Duy để ông có thể tình tự qua âm nhạc mà gắn bó cả đời mình với dân tộc. Ngoài ra tác giả còn nhận định về những khía cạnh thật đặc biệt trong con người Phạm Duy mà ít ai thấy: Phạm Duy là một nhạc sĩ toàn diện vừa viết nhạc lại có khả năng viết cả lời ca rất hay, lại tự mình biểu diễn trên sân khấu những sáng tác của mình như một ca sĩ chuyên nghiệp, đồng thời còn là một người dẫn chương trình duyên dáng đầy sức cuốn hút trong các buổi giới thiệu về các sáng tác của mình. Trong cái nhìn của Giáo sư Trần Văn Khê – một người chuyên nghiên cứu âm nhạc thì bản thân Nhạc sĩ Phạm Duy mang trong mình một óc nghiên cứu rất khoa học và tinh tế không thua gì những nhà nghiên cứu thực thụ, điều đó được thể hiện qua những gì Phạm Duy tìm tòi, ghi chép, hệ thống và cho ra đời những thiên đặc khảo về âm nhạc được nhiều người biết đến. Tôi may mắn có cơ hội được gần gũi Giáo sư Trần Văn Khê và Nhạc sĩ Phạm Duy, hai vị thuộc tuổi cha chú mà vẫn đối xử với tôi như một người em vong niên, mà trong những sự kiện chắc chắn đã để lại những ấn tượng đậm nét trong hai vị qua những sinh hoạt âm nhạc tại Thủ đô mà tôi đứng ra tổ chức. Một chuyến ra Hà Nội để lần đầu tiên được xuất hiện trong buổi thuyết trình về “Kiều ca”, Phạm Duy có cơ hội gặp lại những công chúng của mình, trong đó có những bạn nghề từng có những khoảng cách khi gần khi xa trên lĩnh vực âm nhạc, cũng như trên những giá trị khác biệt về “tình yêu nước” ở một xứ sở đã trải qua quá nhiều biến động. Rồi lần tiếp theo, Phạm Duy ra Hà Nội cùng với Trần Văn Khê trong một sự kiện giới thiệu những ca khúc phổ thơ, đặc biệt là những ca khúc phổ thơ của Bích Khê. Trần Văn Khê đã dành cho buổi giới thiệu thơ phổ nhạc đó lời bình luận của chính mình – một người đã “hiến cả cuộc đời cho việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu Âm nhạc truyền thống Việt Nam” để nói lên cái “tính dân tộc” trong những tác phẩm của Phạm Duy khi phổ thơ người khác hay tự mình sáng tác ca từ. Lần cuối cùng, tôi tổ chức để Nhạc sĩ Phạm Duy giới thiệu những ca khúc được sáng tác từ những cảm xúc về Hàn Mặc Tử nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ tài danh mà đoản mệnh này. Giáo sư Trần Văn Khê cũng lại lặn lội ra Hà Nội, ngồi trên xe lăn mà bình về hai con người tài danh: một thi sĩ đã khuất từ lâu, và một nhạc sĩ còn đang sống. Nhưng ai ngờ đó cũng là lần cuối cùng Nhạc sĩ Phạm Duy được cất tiếng nói và tiếng hát bên bờ Hồ Gươm thân thuộc đã gắn bó trong tâm tưởng suốt cuộc đời của ông. Có một dự kiến cuối cùng mà tôi mong ước được tổ chức để Phạm Duy ra Hà Nội vào một ngày Giáng sinh hay Tết Tây để ông giới thiệu một phần rất nhỏ của hơn ba trăm ca khúc nước ngoài mang lời của ông. Đó là lời dịch, nhưng cao hơn sự chuyển ngữ thuần túy, Phạm Duy đã thổi tâm hồn người Việt vào những ca khúc nước ngoài dù xuất xứ ở phương Đông hay phương Tây. Dự kiến cuối cùng ấy đã không thành mà cuối cùng tôi lại phải đứng ra tổ chức một sự kiện để nghe những bài hát của ông từ giọng hát, tiếng nhạc của những người con trai, con rể ông như một lời tri ân đối với những người đã yêu quý Nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời tại Sài Gòn. Trong buổi trình diễn chia tay ấy, mọi người đều nhớ tới lời Phạm Duy đã nhắn nhủ: Ông sẽ không bao giờ chết chừng nào những bài hát của ông vẫn còn trên môi những người hát ca khúc của ông... Tôi không hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, hiểu biết nông cạn về âm nhạc là lẽ thường, nhưng ký ức của tôi về hai người bạn vong niên, lại đồng tuế với nhau rất sâu sắc khiến tôi tiếp nhận và chia sẻ được những gì Giáo sư Trần Văn Khê đã viết trong cuốn sách này nhằm phân tích “tính dân tộc” của Phạm Duy trong những nhạc phẩm và “tình yêu nước nồng nàn” của Phạm Duy qua những sáng tác và hành trang trong cuộc đời của ông. “Kiều”, “Bích Khê”, “Hàn Mặc Tử” và ngay cả ca từ tiếng Việt của những bài hát ngoại quốc mà tôi được nghe, được biết về Phạm Duy khiến tôi rất cảm động khi đọc bản thảo cuốn sách của Giáo sư Trần Văn Khê, và càng cảm động hơn khi tác giả cho phép tôi được viết lời tựa cho cuốn sách này. Hà Nội, Hè 2013 DƯƠNG TRUNG QUỐC PHẦN THỨ NHẤT Tình bạn của chúng tôi Tôi và Duy cho đến giờ vẫn là đôi bạn rất thân. Từ khi được về sanh sống trên mảnh đất quê hương, chúng tôi đã thỏa được cái mộng “ngày trở về” mà hai anh em hằng ao ước. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay liên lạc với nhau và tìm được trong lúc tuổi già bóng xế những triết lý sống “cư trần lạc đạo” của đời người, đặc biệt là có được những nguồn vui trong âm nhạc để thỏa chí vẫy vùng, mặc dầu hai phong cách, hai hướng đi của chúng tôi có khác nhau. Tôi thiên về cổ nhạc truyền thống, chuyên nghiên cứu, giảng dạy, thuyết trình những đề tài nhạc cổ truyền cho người Việt khắp nơi trên quê hương Việt Nam như lòng tôi luôn mong muốn bấy lâu, nhứt là có thể đối thoại được với giới trẻ để nhen lên ngọn lửa “về nguồn”, bảo tồn văn hóa Việt một cách triệt để “sâu trong dân”, mang lại cái nhìn tích cực đối với những nét văn hóa xưa mà tổ tiên để lại, ở một nơi mà xã hội hiện đại tất bật đã che mờ đi những nếp cũ đầy thơ mộng tinh tế của một thời vàng son. Còn Duy chuyên về tân nhạc, khi trở về quê hương cũng có sáng tác thêm một số bài mới bên cạnh những tác phẩm đã quá nổi tiếng và sống mãi trong lòng dân chúng Việt. Trong những năm về nước định cư, các tác phẩm đặc sắc của bạn lần lượt được cấp phép xuất bản, các ca sĩ tại Việt Nam có cơ hội trình diễn lại ở các sân khấu, phòng trà sau bao nhiêu năm tưởng chừng đã vĩnh viễn bị phủ kín dần đi bởi lớp bụi thời gian trong lòng đất mẹ Việt Nam. Tôi cũng có dịp xem qua những tác phẩm của Duy được tái bản do Công ty Sách Phương Nam thực hiện. Tôi cảm nhận được người dân Việt Nam dầu ở bất kỳ vùng miền nào vẫn luôn yêu mến nhạc của Duy, không chỉ thế hệ trước, mà cả những thế hệ trẻ hôm nay cũng có rất nhiều em, nhiều cháu “mê mẩn” nhạc Phạm Duy, tìm nghe nhạc Phạm Duy, vì hiếu kỳ cũng có, mà vì mê ý nhạc lời thơ cũng có (hình như cháu nào sanh trong gia đình có những bậc trưởng bối ưa thích nhạc Phạm Duy cũng bị ảnh hưởng sở thích đó và thuộc rất nhiều những giai điệu nhạc, những lời hát từ các tác phẩm của Duy, theo như tôi nhận thấy). Tuy nhiên, điều đặc biệt nhứt là tôi và Duy đã có cơ hội trở về quê cha đất tổ, và ở nơi này, hai anh em lại có thể làm những điều mình ưa thích để phổ biến tư tưởng, công việc của mình đến mọi người, nhứt là phổ biến cho người Việt đang sanh sống tại chính quê hương Việt Nam. Ở tuổi ngoại cửu tuần, lẽ ra chúng tôi phải nên ngơi nghỉ, thong dong hưởng một nếp sống an nhàn, cho mình có lúc được tự do tự tại trong bầu trời của chính mình. Vậy mà hai anh em vẫn có nhiều công việc cần làm, nhiều người cần gặp... và trong lúc này, những việc làm ấy đều được ủng hộ nhiệt tình. Tôi đã đi nói chuyện nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người tài giỏi, tâm huyết vì dân tộc, nhìn thấy gương mặt thân thương của những người đồng bào cùng chung nguồn cội trên mảnh đất quê hương, đã tổ chức được những chương trình âm nhạc nghệ thuật truyền thống định kỳ tại ngôi nhà riêng của mình, giới thiệu nhiều công trình đã nghiên cứu trong những năm tháng bôn ba năm châu bốn biển qua các trang web, blog cá nhân... Còn Duy thì có thể tái bản lại một số tác phẩm của mình, tổ chức những đêm nhạc Phạm Duy rất trang trọng tại những nhà hát danh tiếng ở ba miền, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng được chính Duy chọn lựa và mời thể hiện ca khúc, tạo điều kiện cho các ca sĩ trẻ tiếp xúc với âm nhạc Phạm Duy qua các nhạc phẩm đã đi vào nhạc sử Tân nhạc Việt Nam... Tôi còn thấy người thân, học trò của tôi cũng thường hay nghêu ngao hát những tình khúc của Duy, và cho đó là những bài tình ca lãng mạn thú vị mà các cháu cảm thấy ưa thích. Hai anh em chúng tôi, hai cánh chim du lãng nơi những vùng trời viễn xứ, xa nước đã lâu, nay lại cùng quay về vỗ cánh trên bầu trời quê hương, không gì sung sướng bằng! Chúng tôi vui cho cuộc sống của nhau, vui cho công việc của nhau, và mừng vì mỗi người đã có được một chốn nhỏ bình yên để trở về, mỗi ngày đều hưởng nắng ấm mưa mau và tình người sâu đậm trong lúc hoàng hôn của cuộc đời. I. THỜI THƠ ẤU HỒN NHIÊN: Chúng tôi chào đời trên dải đất Việt Nam cùng trong năm Tân Dậu (1921) và cách nhau 3 tháng. Nhưng tôi sanh tại Tiền Giang (miền Nam nước Việt) trong một gia đình bốn đời nhạc sĩ truyền thống, còn Phạm Duy thì sanh tại Hà Nội (miền Bắc nước Việt) trong một gia đình văn nhân nghệ sĩ (cha là cụ Phạm Duy Tốn – một nhà văn lớn chuyên viết về hiện thực phê phán; mẹ là cụ Nguyễn Thị Hòa, một người nội trợ nhưng trong máu thấm nhuần vẻ đẹp của thi ca dân gian và từ đó ảnh hưởng đến lối sống tinh thần của những đứa con). Tôi tự hỏi không rõ số phận đã sắp đặt như thế nào để hai anh em chúng tôi, tuy cách xa nhau về địa lý (hai miền Nam – Bắc) mà lại có nhiều cái gần gũi trong cuộc sống thời thơ ấu đến như thế? Tuy không biết cách làm của mình là một cách thai giáo rất khoa học, nhưng người cậu Năm tôi là ông Nguyễn Tri Khương, đã đặc biệt giáo dục tôi từ thuở còn trong bào thai. Tôi đã được cậu Năm đều đặn mỗi ngày đến thổi sáo cho thai nhi nghe trong hai tiếng đồng hồ. Lúc chào đời tôi lại được nghe tiếng sáo của cậu và sau đó tiếng tỳ bà của ông nội, cả một thời thơ ấu được tắm nhuần trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, giữa một vùng đất đậm chất đờn ca tài tử. Chẳng biết Duy đã được thai giáo như thế nào, nhưng nhìn thấy tánh cách của Duy, từ phong thái, tính tình, lối sống thời thơ ấu, tôi cảm thấy Duy đã được sống trong một môi trường thật tự do, sống chan chứa niềm mê say trong cái thế giới tuổi thơ đầy khám phá, năng động của mình. Môi trường sống nơi “thôn ổ” của Duy (theo cách Duy nói) đã tạo cho bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời của một đứa trẻ được thỏa sức tắm mình trong sự ngây thơ, hồn nhiên mà cũng có những lúc tinh nghịch, hiếu kỳ giữa muôn chuyện lý thú xung quanh. Nhãn quan trẻ con của Duy lúc bấy giờ cũng có những nhận thức khá rõ rệt, thấu đáo về những gì xảy ra trong đời sống của mình. Duy lại có trí nhớ rất tốt để ghi lại bao nhiêu câu chuyện thời thơ ấu, mà khi tôi đọc lại hồi ký của bạn, thì có thể tưởng tượng thấy những hình ảnh ấy hiện rõ mồn một trước mắt, như là mình đang đi vào trong ký ức của Duy để viếng thăm một thời đã qua về bạn mình với những dòng chữ do tự tay Duy phác thảo và đánh máy. Trí nhớ quá tốt của Phạm Duy về tất cả quãng đời mà bạn đi qua đã ghi lại rất nhiều điều độc đáo về chân dung của những con người bạn đã gặp hay tiếp xúc, sự thăng trầm của một xã hội, những biến thiên của một giai đoạn lịch sử với nhiều suy ngẫm. Tuy không được thai giáo như tôi, nhưng Duy đã được sống giữa cái đẹp của văn chương, âm nhạc. Cha mẹ không phải là nhạc sĩ nhưng Duy có người dì chuyên hát ca trù, Duy đã sớm tiếp cận với nghệ thuật tế nhị, sâu sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Mẹ Duy theo đạo Phật và thường dắt Duy cùng đi lễ Phật ở nhiều chùa. Cậu bé Duy, nhờ vậy đã nghe và thuộc lòng những câu kinh, tiếng kệ. Duy lại có dịp tiếp cận với những người nông dân và làm quen với dân ca từ nhỏ. Tôi cũng rất ngạc nhiên về cách đặt tên cho con cháu trong nhà của chúng tôi, cũng có những nét tương đồng. Gia đình tôi vốn có truyền thống nho học nên cách đặt tên con cháu của ông bà ngày xưa cũng rất lề lối và mang tánh cách văn chương. Ông nội tôi định đặt tên cho tất cả con cháu đều mang bộ Thủy (tức là nước). Vì thế nên ông đặt cha tôi tên Triều, tôi tên Khê, em tôi là Trạch và Sương cũng mang bộ Thủy. Còn cha của Phạm Duy – vốn là một nhà văn, thì đặt tên các con đều là tên của những đức tính, tất cả đều thuộc bộ Ngôn (tức là bộ chữ thuộc vào những hạng người thích ăn to nói lớn như Phạm Duy từng viết trong hồi ký). Vì mẹ Duy vừa ù xong ván bài tổ tôm thì trở dạ, sanh ra Duy nên tên thường gọi của Duy ở nhà là Tôm. Nhưng Duy nói rằng bạn lại khoái cái tên tự do chính mình đặt ra là Mộng Vân, theo như Duy kể trong hồi ký vì trong một lúc âu yếm đứa con bé bỏng của mình, mẹ của Duy đã buột miệng nói rằng bà nằm mơ thấy những đám mây trong thời kỳ có mang và Duy cho rằng đó là một cái tên tiền định, Duy sẽ như mây, lang thang giong ruổi khắp bốn phương trời, lang thang như một kẻ du ca rong chơi không ngày tháng. Và thật như duyên tiền định, khi Duy đi vào nghề hát rong cũng đã gặp ngay một gánh hát mang tên Mộng Vân – giống hệt như cái tên tự mà Duy đã lựa cho mình. Tôi mồ côi cả cha và mẹ, nhưng có người cô đã thay cha mẹ dạy dỗ tôi từ bé đã biết tự lực cánh sinh. Tôi được nên người như hôm nay cũng do phần lớn ở công lao săn sóc, dưỡng dục của cô Ba tôi – một người phụ nữ tài đức vẹn toàn. Sống trong cảnh nghèo, người cô tảo tần nuôi dạy cho anh em tôi ăn học. Ngoài ra cô cũng là người hiếu khách, từng mời bạn tôi là Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư về nhà chơi trong lúc nghỉ hè. Về sau cô Ba nuôi anh Ba Thuận trong một thời gian vì anh có sự bất hòa trong gia đình. Anh tạm đến ở để gần gũi săn sóc tôi. Phạm Duy tuy mồ côi cha nhưng còn có mẹ. Mẹ của Duy cũng giống như hầu hết các bà mẹ Việt Nam trong xã hội Hà Nội trí thức tiểu tư sản đã khéo xoay xở để nuôi anh em Phạm Duy khôn lớn. Trong gia đình tôi không có ai theo đạo Phật, nhưng cạnh nhà tôi có ông thầy cúng. Mỗi lần ông dạy học trò là tôi đứng ngoài học lóm. Chính vì vậy mà tôi thích tụng niệm kinh Phật. 5 tuổi mà tôi đã đọc Chú Vãng Sanh rất làu. Đến nỗi cả xóm mỗi khi ai có phận sự cắt cổ gà để đãi khách thì đều phải nhờ cậu bé Khê đến đọc chú Vãng Sanh để cho con gà được đầu thai. Tôi cũng thuộc kinh A Di Đà và sau thì thuộc tới Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm kinh. Ngoài ra tôi còn bắt chước thầy cúng tán “ly bà ly bà đế...” mà không hiểu lời chi cả. Mẹ tôi không thích nghe tôi tụng kinh vì sợ tôi đi tu. Ông nội vì thương tôi mà lén má tôi mua cho tôi áo tràng và chuông mõ để tụng kinh theo ý thích. Mỗi sáng khi má tôi đi chợ thì tôi mặc áo tràng, lấy chuông mõ ra tụng kinh, ông nội thì đứng canh tại cửa nhà. Khi thoáng thấy bóng má tôi từ chợ về nhà là hai ông cháu vội vàng cất áo tràng, chuông mõ để vào một va li rồi đem để trong giường ông nội tôi. Lúc đó tôi không tụng kinh nữa mà ngồi đọc cửu chương. Thật là một sự trùng hợp hy hữu! Duy lại được mẹ dạy tụng những câu kinh Phật như: “...Lư hương xạ nhiệt, pháp giới mông huân, chư Phật hải hội...”. Duy cũng thuộc kinh rất nhiều. Duy thuộc cả kinh Dược Sư, đọc vanh vách cũng như tôi đọc “ly bà ly bà đế...”, mà không hiểu chữ nào! Duy chỉ đọc thuộc theo bản tánh tự nhiên của con trẻ do có được sự ảnh hưởng Phật giáo ngay lúc nhỏ từ người mẹ của mình. Trong hồi ký, Duy đã kể lại tuy không giàu có để có thể luôn luôn mua đồ chơi hay may quần áo mới cho các con, nhưng mẹ Duy đã biểu lộ tình yêu thương bằng cách luôn cho Duy đi theo mẹ trong bất cứ một cuộc lễ xa gần nào. Nhờ đi lễ ở nhiều đền chùa nổi danh miền Bắc, nhìn thấy cảnh đẹp của những ngôi chùa cổ làm cho Duy muốn trở thành một con người hiếu đạo. Duy kể lại “Tuy nghèo nhưng mẹ là người rất rộng rãi. Nhà tôi luôn luôn có những người không phải họ hàng tới trọ. Ở lâu đến độ trở thành người trong gia đình luôn. Tôi vừa lớn lên là đã thấy một ông già gầy gò móm mém, có cái tên là ông Cả Bịp, lúc nào cũng mặc áo dài, sống luẩn quẩn trong nhà. Giang sơn của ông là một trong sáu cái giường trong nhà. Tài sản của ông là cái tráp và cái gối gấp, ông hay dựa vào đó để ngồi tụng kinh. Công việc của ông chỉ có thế! Ông không hề phải làm bất cứ việc nào khác hơn là tối tối thắp hương cúng Phật. Tôi cũng được ông dạy tụng kinh. Sinh ra trong một gia đình thờ Phật nhưng tôi không phải là kẻ sùng đạo. Hay là đệ tử cuồng tín của một đạo giáo. Lớn lên, tôi hiểu được cái hay của tam giáo đồng nguyên trong mỗi chúng ta: lúc còn bé, đạo Phật dạy ta biết chuyện muôn ngàn thế giới, lớn lên đạo Khổng dạy ta phép sống trong xã hội, về già đạo Lão dạy ta sự vô hư.” Tất cả đều là sự ngẫu nhiên. Ngay từ nhỏ mà hai anh em có duyên với đạo Phật, thích tụng kinh Phật. Nhờ biết về đạo Phật mà Duy có thể sáng tác những bài Đạo ca, Thiền ca... đẫm hương đạo vị, và tôi cũng không ngờ rằng công việc nghiên cứu sau này của mình lại dính dáng đến đạo Phật rất nhiều (viết bài về nhạc Phật giáo để đăng trong Bách khoa từ điển âm nhạc Tôn giáo, thuyết giảng trong 10 năm về âm nhạc Phật giáo tại Viện Thiên Chúa giáo Ba Lê, chỉ đạo nghiên cứu trong 5 năm cho thí sinh Nguyễn Thuyết Phong soạn luận án Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne với đề tài “Âm nhạc Phật giáo Việt Nam”, thuyết trình về những nét đặc thù trong cách tán tụng theo truyền thống Phật giáo tại Việt Nam, so sánh với cách tán tụng tại Nhựt Bổn, Trung Quốc, Triều Tiên tại nhiều chùa trong nước Việt và tại nước ngoài, phát hành dĩa CD về nghi lễ của các thời cúng ngọ, chẩn tế, tham gia trong nhiều hội thảo khoa học về nhạc Phật giáo...). Trong những lúc đó, tôi lại có cơ duyên quen biết và gặp gỡ với những vị tăng ni đức cao vọng trọng khắp nơi. Tôi và Duy đều là những đứa trẻ có sự ham thích âm nhạc, văn chương một cách đặc biệt. Vốn sanh ra trong một gia đình âm nhạc tài tử truyền thống, tôi đã có được một năng khiếu về nhạc ngay từ nhỏ. Nghe người lớn đờn là tôi có thể tự mò trên cây đờn kìm nhiều bản dễ như Lưu Thủy, Bình Bán, Kim Tiền... Tôi không được học chánh thức với một người thầy nào hết nhưng may mắn được nhiều người chỉ giáo. Chỉ riêng cậu Năm Khương đã dạy tôi đờn bài Ngũ Đối Hạ trên cây đờn cò lúc 8 tuổi và cô Ba tôi dạy tôi bản đờn tranh Nam Xuân nhịp tư lúc tôi lên 12. Anh ba Thuận – con cậu Năm là người gần gũi tôi nhứt và hay hòa đờn với tôi. Chính anh là người đầu tiên dạy tôi đờn bản Vọng Cổ nhịp 8 trên cây đờn kìm. Riêng Duy, do được sanh ra trong một gia đình có bố là văn sĩ, các anh em ruột cũng như anh em họ đều có máu văn chương, đến khi bố mất lại được các bạn văn chương của bố chăm sóc việc học tập cho nên ngay từ nhỏ, Duy đã có một sự nhạy bén với văn chương và thi ca. Tôi không ngờ rằng Phạm Duy lại có một người anh họ rất nổi tiếng là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả hai cuốn “Tục ngữ phong dao” và “Cổ Học Tinh Hoa” là cuốn sách gối đầu giường của tôi hồi học tiểu học. Ngay khi còn nhỏ Duy đã bộc lộ tánh cách rất “bạt mạng” và ưa phiêu lưu đây đó, như đám mây “Mộng Vân” thuở nhỏ mẹ Duy nằm mơ thấy. Phạm Duy đã từng bỏ nhà theo một anh làm trò “quỷ thuật” sau khi bị mê hoặc bởi cuốn tiểu thuyết “Vô Gia Đình” (Sans Famille) của nhà văn Pháp Hector Malot. Trong hồi ký, Duy viết: “Nhà văn này đưa ra nhân vật tiểu thuyết là một ca sĩ nổi danh một thời rồi chẳng may bị mất giọng. Muốn giữ mãi hình ảnh tuyệt vời của mình trong lòng người, anh thay tên đổi họ và sống cuộc đời lang thang trong một gánh xiếc nhỏ. Cuối cùng anh chết vì đói rét trong khi tên tuổi anh vẫn còn vang lừng khắp Âu châu”. Cũng thật trùng hợp với tuổi thơ “bỏ nhà đi giang hồ” của Duy, tôi cũng có lần “quên về nhà” vì đi coi những trò ảo thuật của gánh hát Mai Thành Cát, đặc biệt rất say mê tiếng ngâm sa mạc của một người nghệ sĩ trẻ tuổi tên Sáu. Tôi vốn sanh trong gia đình âm nhạc, lại ưa nghệ thuật, nên khi nghe anh Sáu ngâm thì cảm thấy rất xúc động. Vãng hát đêm đó, tôi không về nhà mà ở lại ghe hát gặp anh Sáu. Hai anh em trò chuyện với nhau tới sáng, không muốn rời nhau. Ông Mai Thành Cát nhân thấy sự thân thiết của chúng tôi nên muốn xin cô tôi cho tôi đi theo gánh hát của ông để ông truyền nghề. Cô tôi không đồng ý, lại còn rầy tôi về tội đi coi hát mà không nhớ giờ về nhà. Đó chỉ là nói riêng về con người của chúng tôi trong gia đình và một sự ưa chuộng nghệ thuật lúc nhỏ mà thôi. Chúng tôi còn có cả một khoảng trời tuổi thơ tươi trẻ được đắm mình vào chính môi trường sống của mình nữa, biết mình đã được ướp vào hồn bao nhiêu là thi vị của nơi “thôn ổ” giản dị, mộc mạc mà gần gũi, ghi khắc vào tâm tư những đứa trẻ từng kỷ niệm đẹp trong sáng như bầu trời xanh không gợn chút bụi mây mù. Cuộc sống tuổi thơ của Duy gắn liền mật thiết với Hồ Gươm đầy thi vị. Trong tâm tưởng của Phạm Duy, Hồ Gươm là một nơi thơ mộng, như “con mắt buồn bã của người tình”, như một “hồn ma người đẹp” trong truyện Liêu Trai với mỗi buổi chiều mùa lạnh sương mù tỏa xuống mặt hồ. Ở nơi Hồ Gươm thơ mộng đó, Duy còn thấy được những hoàn cảnh thực tế của nước hồ xanh đục lặng lẽ, những xác người treo cổ trên cây đa bên bờ hay trầm mình xuống nước hồ... qua đôi mắt trẻ con lúc nào cũng hừng hực nỗi... hiếu kỳ! Và xung quanh Hồ Gươm, Duy đã nghe mùi nhang thơm tỏa ra từ đền Ngọc Sơn, đã chứng kiến những nụ hôn ngọt ngào của các cặp tình nhân trên cầu Thê Húc cong cong như con tôm dẫn vào đền... Và con sông Hồng, nơi mà Duy hay chạy chơi trên bãi cát rộng vào mùa nước cạn lúc Duy chưa biết bơi, hoặc lúc đứng coi mọi người trong khu phố phấp phỏng ngồi canh mực nước đề phòng lũ lụt vào mùa nước lũ, đã gắn bó “không biết bao nhiêu cái tình thơ dại” của Duy với cảnh vật nơi đây. Tôi không có được Hồ Gươm đầy thi vị và con sông Hồng rộn ràng khi nước cạn, lúc nước lũ như Duy, nhưng tôi được sống trong nông trại của cậu Năm tôi, vào mùa cấy nghe những câu hò điệu lý của những đoàn công cấy. Tôi cũng rất thương con sông Sầm Giang chảy qua trước nhà tôi tại Chợ Giữa, thích chèo đò ngang và tắm lội trong dòng sông Sầm Giang “rì rào dừa nước hai bên” (trong một câu thơ mà Xuân Diệu viết tặng tôi nhân dịp nghe đờn ca tài tử trên sông). Đêm đêm vang tiếng hò đối đáp trên sông! Nơi này đã gắn bó với tôi bằng rất nhiều kỷ niệm thân yêu, mộc mạc của một cậu bé miền Nam quê mùa, chơn chất. Sầm Giang là con sông nối liền hai làng Vĩnh Kim Đông và Vĩnh Kim Tây, mà Chợ Giữa thuộc Vĩnh Kim Đông, cho nên những người ở Vĩnh Kim Tây mỗi sáng đều đi đò ngang sang Vĩnh Kim Đông để họp chợ. Vì thế mà tôi rất thích thay anh lái đò để chèo những chuyến đò ngang chở người lại qua. Trên những chuyến đò đó tôi từng nhiều lần được thấy hình ảnh người mẹ đi chợ về, trên bờ đứa con ngồi chờ mẹ, rồi khi người mẹ đưa chiếc bánh phồng cho đứa con thì đứa nhỏ chạy lại ôm mẹ thật chặt, trong ánh mắt hiện lên niềm quấn quýt thương yêu rất xúc động và đậm đà tình mẫu tử. Qua những chuyến đò ngang ngày ấy, tôi đã làm một sợi dây nối kết đưa người mẹ về với con, và có lần tôi có dịp cứu hai đứa trẻ sắp chết đuối. Tôi cũng đã có dịp ghi lại những cảm xúc đó trong bài thơ “Vịnh cây chèo” lúc tôi 13 tuổi, một bài tập trong lớp dạy văn và chữ Hán cho cấp Tiểu học ở trường Tam Bình (Vĩnh Long) của Thầy Thượng Tân Thị - một thi nhân đã sáng tác 10 bài “Khuê phụ thán”: “Một mình làm chúa giữa dòng sông Bát cạy ngược xuôi tiếng đập đùng Quyết chí đưa người qua bể khổ Hết lòng cứu kẻ thoát trầm luân” Duy cũng biết làm thơ từ lúc nhỏ, lại được những nhà văn lớn như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh chăm lo từ bé nên chất văn chương bén rễ dần trong Duy là lẽ tự nhiên. Bài thơ đầu tiên của Duy phóng khoáng, nghịch ngợm mang đầy dấu ấn của tuổi thơ: “Nhà tôi ở phố hàng Dầu Số nhà 54, đứng đầu du côn” Từ nhỏ đã có phong cách phóng túng, không chịu gò bó, thơ văn tự do nghịch ngợm, nhưng chất thơ trong người Phạm Duy rất dồi dào, về sau trong những bài hát do Duy sáng tác luôn luôn đầy những mạch nguồn thi vị. Trong gia đình bên ngoại Phạm Duy có người họ Lưu, dòng dõi Lưu Vĩnh Phúc, bị Pháp gọi là “giặc”. Trong hồi ký, Duy viết: “Thế ra trong tôi có dòng máu nổi loạn à? Người Pháp gọi Lưu Vĩnh Phúc là giặc - Giặc Cờ Đen - nhưng đối với tôi, ông là người làm Cách mạng”... Duy đã sớm nhận ra được những nỗi thống khổ của dân mình do thực dân Pháp gây nên, và tự nhận thức được những gì mà ông Duy làm không phải là việc làm của một kẻ “nổi loạn” chống lại luật pháp của kẻ mang quân đi đánh chiếm quê hương mình. Cái “nổi loạn” của ông ngoại Duy là nổi loạn để làm cách mạng, để thoát khỏi cái ách gông xiềng, thuộc địa. Và cũng thật ngẫu nhiên, Duy cũng tình cờ được tiếp xúc với những nhà cách mạng yêu nước qua những bài hát tuyên truyền thời đó. Duy cảm thấy thích những bài hát này và những hành động cách mạng của các vị tiền bối đã khiến Duy xúc động, vì Duy tận mắt mục kích được hành động của những người anh hùng bằng xương bằng thịt ngay chính trên đất nước này chớ không phải nơi nào xa vời. Và thật lạ, tôi cũng có cơ hội sớm tiếp xúc với những nhà cách mạng bằng xương bằng thịt ngay trên quê hương như Duy, nhưng không phải do tình cờ mà do họ là những người cùng tổ chức với mẹ tôi. Mẹ tôi là một người sớm gia nhập “Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”, tiền thân của Đảng Cộng sản và trong lúc tôi còn nhỏ đã giới thiệu với tôi những người bạn đồng hành, toàn là những người xả thân vì nước. Tôi được những người cách mạng cùng tổ chức với mẹ cho nghe những bài hát như “Ơi hỡi đồng bào”, mà lạ thay Phạm Duy cũng tình cờ biết được bản đó. Tôi cũng được tiếp cận với một số bài do những nhà cách mạng phỏng theo làn điệu dân ca Pháp mà đặt lời Việt để nhắc nhở dân tộc Việt Nam là một dân tộc bị mất nước, bị trị. Thuở đó, tôi thường hát đi hát lại: “Ơi hỡi đồng bào, ơi hỡi đồng bào! Mau tỉnh dậy! Mau tỉnh dậy! Nước mất! Nước đã mất rồi! Dân lầm than! Dân lầm than!” Bài ca lời Việt phỏng theo bài dân ca Pháp “Frère Jacques” (Thầy dòng tên Jacques) thì tại Hà Nội, Phạm Duy cũng đã nghe bài ấy: “Hỡi hỡi đồng bào! Hỡi hỡi đồng bào! Tỉnh dậy mau! Tỉnh dậy mau! Nước ta đã mất rồi Mau tỉnh mau, mau tỉnh mau!” Mặc dầu không được học hết Trung học vì bị người anh bắt chuyển sang học nghề, nhưng Duy vẫn rất ham học hỏi, rất thích tiếng Pháp và đặc biệt rất thích đọc sách. Nhờ trong nhà có người anh là Phạm Duy Khiêm rất giỏi về Pháp văn (ông là Thạc sĩ văn chương Pháp), lại có một tủ sách nên Duy thường hay lén đọc và đã làm quen với những nhân vật trong nhiều bộ tiểu thuyết bằng tiếng Pháp của các tác gia nổi tiếng. Ở trong Nam, tại làng tôi có một người tự học tiếng Pháp và có một tủ sách riêng tên là Trần Năng Thận, tôi hay gọi là bác Sáu Thận. Bác không cho ai mượn sách cả vì sợ bị người khác làm hư. Nhưng khi thấy tôi cẩn thận lúc đọc sách nên cho tôi thong thả muốn đọc bao nhiêu cũng được. Do đó tôi cũng đã biết đến nhiều nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết của những tác gia lớn giống như Phạm Duy. Đọc sách rồi, tôi thuật lại cho cô và mấy em tôi nghe nội dung sách bằng tiếng Việt. Cô tôi không đọc được tiếng Pháp mà vẫn biết rõ cốt truyện của tiểu thuyết “Notre Dame de Paris” của Victor Hugo, trong đó, anh chàng gù lưng Quasimodo yêu nàng vũ nữ Esmeralda... Ngoài ra, anh em chúng tôi còn ưa thích cái việc đóng tuồng theo những nhân vật anh hùng hiệp sĩ, kiếm khách. Duy thì ưa đóng tuồng theo phong cách kiếm hiệp, còn tôi thì thích đóng tuồng cải lương. Tôi đã có thời kỳ mê đóng vai Tarzan – người hùng của rừng xanh, từng cởi trần đánh đu trên cây da, hú lên những tiếng hú vang dội như Tarzan ở rừng sâu. Còn Duy thì lại trở thành hiệp sĩ Zorro đeo mặt nạ, mang gươm đòi công lý. Tôi thích xem bóng đá và cũng từng tổ chức nhiều cuộc đấu bóng đá cho Hội thể thao trường Petrus Ký, ra Hà Nội luôn ủng hộ đội bóng đá của Trường Đại học bằng những hành khúc của Lưu Hữu Phước. Chúng tôi hát bản “Marche des Etudiants” (Sinh viên hành khúc) mỗi khi quả bóng lọt vào lưới đối phương. Duy cũng mê đá bóng kinh khủng, luôn luôn theo dõi thành tích của Hội ÉCLAIR (Tia Sáng) vốn là hội bóng nhà, trụ sở ở ngay phố Hàng Tre. Mê đến độ nhớ tên các cầu thủ theo thứ tự ra quân, như nhớ một bài thơ không có vần: Ty (thủ môn) Tâm, Biềng (hậu vệ) Mao, Tâm, Thịnh (trung phong) Phao, Mai, Hựu, Trọng, Tín (tiền đạo) Hồi còn nhỏ, tôi rất ưa xem xi-nê, thích nhất là cô đào Danielle Darieux. Duy cũng ưa xem xi-nê, mà thích nhất là cô đào Anabella. Té ra hai anh em chúng tôi cũng có sở thích giống nhau: cả hai nàng diễn viên mà hai anh em thích đều có đôi mắt xanh và mái tóc vàng. Thật là thơ mộng! Trong những trò giải trí của con nít thời bấy giờ, tôi thích xem hát xiệc nhưng đồng thời cũng thích luôn trò ảo thuật, thôi miên và rất mê gánh hát của Mai Thành Cát. Duy cũng ưa hát xiệc nhưng thích nhất những trò điều khiển thú dữ và mê gánh hát của Tạ Duy Hiển. Và thêm nữa, hai tâm hồn lãng mạn cũng từng thả hồn vào những con sóng xanh ngoài đại dương. Chúng tôi rất yêu biển! Về vốn liếng dân ca, tôi không thể bằng Phạm Duy. Từ nhỏ Duy là một đứa trẻ lăn lộn từ đồng quê tới thành thị, học được những bài học âm nhạc trong dân gian, có trí nhớ để nhớ những bài hát dân ca chơn chất, mộc mạc tự nhiên. Tuy nhiên, về âm nhạc thính phòng thì Duy chỉ nghe ca nhạc Huế ngang qua tiếng đờn tranh của một cô giáo dạy ca nhạc Huế cho hai người chị họ và nghe những điệu ca trù nhờ có người trong họ là ca nương. Vì không có dịp được học nên Duy cũng không tham gia biểu diễn trong thể loại âm nhạc thính phòng. Còn tôi từ nhỏ đã sớm tiếp cận với thể loại âm nhạc thính phòng là nhạc tài tử, lại được các bậc tiền bối cho biểu diễn chung nên biết khá nhiều về loại hình âm nhạc này. Còn về âm nhạc dân gian, tôi chỉ biết vài câu hát ru và hò do có đôi lần tiếp xúc với đoàn công cấy những buổi theo họ ra ruộng tại Đồng Phèn nơi cậu Năm tôi làm “ông chủ ruộng”, chứ không tham gia mật thiết vào những sinh hoạt âm nhạc dân gian như Duy. Nhớ lại những câu chuyện thời thơ ấu để thấy rằng tuy hai anh em cũng là những đứa trẻ như bao đứa trẻ khác, có cuộc sống, mơ ước và sở thích riêng của bản thân, nhưng tôi và Duy không phải sanh ra trong một gia đình bình thường, mà mỗi người trong chúng tôi đều được sanh ra trong một gia đình có chút ít tiếng tăm. Nếu như thân phụ của Duy là văn sĩ Phạm Duy Tốn nổi danh một thời, người anh Phạm Duy Khiêm là Thạc sĩ về Văn phạm của nước Pháp (đã sáng tác ra nhiều áng văn bằng tiếng Pháp, nổi tiếng như tác phẩm “Légendes des Terres Sereines” - Huyền thoại miền thanh lãng), người anh Phạm Duy Nhượng - một nhạc sĩ sáng tác... thì gia đình của tôi cũng thuộc hàng được biết đến nhiều về đờn ca tài tử miền Nam qua những bậc tiền bối, cũng là những danh cầm ở cả hai bên nội ngoại. Ông cố nội của tôi là Trần Quang Thọ (chuyên về đờn kìm và tỳ bà, là một nhạc công trong triều đình nhà Nguyễn), ông nội Trần Quang Diệm (chuyên dạy và sáng tác về đờn tỳ bà), cha tôi là Trần Quang Triều (thạo đờn độc huyền và đờn kìm, là người chế ra dây Tố Lan mà về sau này cả giới nhạc tài tử đều biết). Ông cố ngoại là danh tướng Nguyễn Tri Phương, sanh ra ông ngoại tôi là Nguyễn Tri Túc, đã sớm yêu nghệ thuật và chuyên môn về hai nhạc khí đờn kìm (nguyệt) và đờn tỳ. Ông ngoại tôi đã mời nghệ sĩ đờn tài tử về nuôi trong nhà để dạy cho hai người cậu của tôi là cậu Tư Nguyễn Tri Lạc và cậu Năm Nguyễn Tri Khương về đờn ca tài tử và nhạc lễ miền Nam. Nhờ được sanh ra trong một gia đình có truyền thống nhạc tài tử mà từ nhỏ tôi đã thấm nhuần âm nhạc tài tử miền Nam, cho nên khi lớn lên, được cậu Năm dạy đờn, dạy trống thì tôi học rất mau. 6 tuổi biết đờn kìm, 8 tuổi biết đờn cò, 12 tuổi biết đờn tranh, 14 tuổi đánh trống nhạc lễ. Đó không phải là hình mẫu “thần đồng” như cách gọi của thời đại bây giờ, mà nhờ trải qua một quá trình thẩm thấu từ nhỏ tới lớn, từ trong bào thai mẹ cho tới lúc trưởng thành, đứa trẻ mới có dòng máu âm nhạc chảy mạnh trong người và mới có thể có sự nhạy bén với các nhạc cụ có liên quan tới cuộc đời của nó. Còn Phạm Duy thì lại được gặp người bạn thân của cha mình là sử gia Trần Trọng Kim, cùng những người bạn của ông hay tới nhà chơi như nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỷ, Nguyễn Đỗ Mục... Sử gia Trần Trọng Kim coi Duy như con cái trong gia đình (vì ông không có con trai) và tận tâm dạy dỗ như một người cha (bố đỡ đầu). Có lẽ nhờ được “kèm cặp”, săn sóc đặc biệt về học vấn như vậy từ thuở nhỏ, nên khi lớn lên, Duy cũng có phong cách viết văn rất chặt chẽ, chính xác trong từng cách dùng từ mà lời văn cũng thơ mộng, thi vị không kém. Cũng thật trùng hợp trong đời đối với hai đứa trẻ như tôi và Duy. Hai anh em đều mang thân phận trẻ mồ côi. Người thì mồ côi cha, kẻ thì mồ côi mẹ và sau này là mồ côi luôn cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên có cái may là hai đứa nhỏ vẫn được người thân chăm sóc, dạy dỗ đàng hoàng, cho nên không có mặc cảm của một đứa nhỏ mồ côi, không bị thân phận hẩm hiu làm cho cảm thấy nhiều đau khổ mà cả hai đều tự tạo cho mình một cuộc đời của riêng mình, không chờ đợi sự che chở, dạy dỗ của cha mẹ một cách tuyệt đối giống như bao bạn bè cùng trang lứa. II. THỜI TUỔI TRẺ TỰ DO & NHIỆT HUYẾT Từ 13 đến 20 tuổi tôi chỉ toàn sống trong khu nội trú trường Trương Vĩnh Ký như con tằm nằm trong kén, không bao giờ được chung đụng với cuộc sống bên ngoài, mà chỉ gặp gỡ thầy hay bạn tốt trong kỷ luật khe khắt của nhà trường. Nhưng riêng Duy, Duy đã sống mật thiết với đồng quê, gần gũi với những con người lao động chân lấm tay bùn, với những đứa trẻ quê, những gương mặt đời thường cùng nhịp sống sanh tồn ngoài trường học... Duy vẫy vùng lặn hụp trong không gian đó và làm những gì mình thích thật tự do, vui vẻ. Bên cạnh đó, Duy trải qua cuộc sống tại nông thôn rất lâu, sống chan hòa với người và cảnh vật miền quê, lại hưởng được những mối tình thôn dã. Chính cuộc sống như thế đã giúp cho Duy có thêm kinh nghiệm ở đời, vừa làm giàu thêm chất liệu cho sự sáng tác của Phạm Duy sau này. Tôi ra học ở Hà Nội nhờ học bổng của nhà nước, con đường học hành bằng phẳng và cứ thế đi dài theo thời gian trưởng thành. Đó là một bước thành công trong sự lập thân. Nhưng tôi chỉ bắt đầu bước vào cuộc đời và hành trình sống mãnh liệt của chính tôi một cách thực thụ từ lúc lên Đại học, làm việc trong các cơ quan truyền bá quốc ngữ, đem việc tuyên truyền vệ sinh vào đồng quê... Còn Duy thì không được học hành theo ý muốn của mình. Lúc nhỏ Duy hay thường trốn học đi chơi, vi phạm kỷ luật bị đuổi khỏi trường Kỹ nghệ Thực hành Hà Nội, sau nghe lời khuyên của gia đình mà theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole Des Beaux Arts), học chung với những nhà họa sĩ tương lai sau này của đất nước như Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An... Cuộc sống của Duy đa dạng, đầy màu sắc và những cung bậc lên xuống hệt như một bản nhạc hay một bức tranh. Ngược lại với tôi, Duy sống mãnh liệt với đời nhưng không được sự giúp đỡ bên ngoài trong cách lập thân, mà tự Duy phải lo hết tất cả. Thời trẻ, Duy đi theo gánh Charlotte Miều (một gánh ca nhạc tạp kỹ). Duy nhận nhiệm vụ hát tân nhạc giữa các màn để chuyển cảnh, làm việc một cách nhà nghề. Tôi thì ở trong gánh Đồng Nữ Ban là vì đi theo cô Ba tôi, mỗi khi tôi làm chuyện gì đều với tánh cách rất tài tử, không coi đó là cái nghề mà mình phải theo. Đến sau này, khi cần lấy tiền mua gạo cứu đói, tôi và các bạn trường đại học cũng đã lập một đoàn hát đi cả lục tỉnh miền Nam, diễn những lớp hài kịch do bạn Huỳnh Văn Tiễng sáng tác và ca những bản nhạc mới của Lưu Hữu Phước viết. Nhưng khi đã làm xong công việc, có một số tiền mua gạo thì chúng tôi ngưng việc hát, vì chỉ coi đó như là một phương tiện chứ không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Cũng trong lúc nhỏ tuổi, tôi thích đi theo ghe hát cải lương của cô tôi và trong gánh hát mở đầu có bài “Madelon” mà tôi luôn nhớ: “Ngỏ cùng đồng ban xin cất tiếng cám ơn khán quan” Trong lúc đó, Phạm Duy một mặt thích nghe “chèo cải lương” của ông Nghị và cũng nhắc lại bài “Madelon”: “Xin chào đồng bào và xin chúc quý quan an vui” Tiếp tục sau khi cải lương chuyển mình tôi cũng quan tâm đến những bài ca của Pháp mà ông Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi) đặt lời Việt và tôi không tán thành lắm nhưng vẫn nhớ bài “Marinella” do Tino Rossi hát: “Ngàn hoa trăm tuổi Lòng tôi man mác biết bao nhiêu tình” Phạm Duy lúc đó cũng quan tâm đến việc làm của Tư Chơi và còn nhớ lại bài “J’ai deux amours” của Joséphine Baker: “Giò này giò nóng Ai muốn mua thì xin tới Bỏ hai hào ra, Ai muốn mua thì mua” Thuở đó, ca sĩ Tino Rossi được người Việt ưa sùng. Những người nào thích ca sĩ này thì vào nhóm mang tên là “Ái Tino”, nếu ai không thích thì vào nhóm “Ố Tino”. Trong Nam, tôi đứng về những người “ái Tino”, chẳng những thích nghe Tino Rossi biểu diễn mà chính tôi cũng học thuộc và biểu diễn những bài do Tino giới thiệu qua dĩa hát, còn bắt chước sắm luôn những trang phục y hệt như thần tượng. Tại Hà Nội, cũng có sự kiện hai phe như thế, Phạm Duy cũng ở trong nhóm “ái Tino” nhưng Phạm Duy không chỉ ưa Tino Rossi mà còn thích Albert Préjean và ca sĩ trào phúng Georges Milton. Khi tôi chỉ huy dàn nhạc Schola Club, bài đầu tiên giới thiệu của dàn nhạc là bài “C’est à Capri” (Tại thành phố Capri, là nơi tôi đã gặp nàng). Trong những bài Phạm Duy thích, Duy vẫn còn nhắc lại bài đó. Lúc ở Pháp, tôi rất thích nữ ca sĩ Juliette Greco chuyên hát những bài theo chủ nghĩa hiện sinh với chất giọng khàn khàn rất đẹp. Đồng thời cũng có một nữ ca sĩ rất trẻ tên Nicole Louvier mới xuất hiện, phong cách của Nicole là tự hát và tự đệm guitar. Cô lại biết sáng tác những bài hát có giai điệu ngọt ngào, mang hơi hướng âm nhạc phương Đông. Tôi hết sức thích phong cách của cô này nên đã từng đề nghị sử dụng đờn tranh để đệm đờn cho cô hát. Louvier rất thích nên đã có mời đài phát thanh (Radio France) tới ghi âm lại những bài cô hát mà tôi đờn tranh để làm kỷ niệm, nhưng cô nổi tiếng không bao lâu rồi giây phút huy hoàng ấy cũng thoáng qua. Tôi không ngờ rằng Phạm Duy cũng đã gặp ca sĩ đó và sáng tác lời Việt Nam cho những bài ca của cô. Lúc Phạm Duy sang Pháp, Duy cũng thích hai người ca sĩ đó nhứt: Juliette và Nicole. Nhưng Phạm Duy có lẽ tiếp xúc với họ gần gũi hơn tôi nên nhớ đến một điều rất thực là “cô bé Nicole dễ thương mà hôi nách”! Phạm Duy lại còn đặt lời Việt cho bản “Qui me délivra” (Duy để tựa là “Ai sẽ giải thoát tôi?”) mà Nicole tự sáng tác và hát. Trong lãnh vực điện ảnh cũng vậy, chúng tôi đều làm những việc giống nhau từ viết phụ đề phim, lồng tiếng phim (từ tiếng Pháp, tiếng Anh ra tiếng Việt). Tôi đã cộng tác với bạn Nguyễn Văn Cổn trong gần một năm và cũng đã lồng tiếng cho rất nhiều công ty điện ảnh Pháp, tất cả có trên hai trăm phim. Trong đó có một phim lớn do người Mỹ quay mang tên là “Gengis Khan” (Thành Cát Tư Hãn). Tôi lồng tiếng vai thừa tướng Gao Lin do tài tử James Mason đóng. Sau này tôi lại đóng vai chánh cho nhiều phim quảng cáo cho các loại rượu khai vị Dubonnet và cho xe ô tô hiệu Citroen 4 ngựa. Đáng kể nhứt là tôi được đóng hai phim lớn, một phim của người Pháp tựa đề là “La Rivière des Trois Joncques” (Ba con thuyền trên rạch) với những tài tử danh tiếng như Jean Gaven, Dominique Wimz..., trong đó tôi thủ vai cảnh sát trưởng của đội phản gián điệp trong chánh phủ miền Nam, chỉ vài cảnh nhỏ quay tại Sài Gòn thuở ấy, còn toàn những cảnh lớn quay trong phim trường Pháp và một phim khác do hãng phim Rank Corporation của người Anh sản xuất, tựa đề “A town like Alice”, phỏng theo một tiểu thuyết cùng tên của Nevil Shute, với những tài tử lớn Peter Finch và Virginia McKenna. Phim này đã được lựa để dự Liên hoan phim Cannes. Nhưng rồi sau khi có được tiền thù lao rất hậu, tôi lại trở về soạn Luận án Tấn sĩ tại Đại học Sorbonne và mỗi ngày vẫn xếp hàng để ăn cơm tại quán ăn sinh viên cho đỡ tốn tiền. Đối với tôi, tham gia vào điện ảnh là để có một số tiền sanh sống mà làm luận án Tấn sĩ, mặc dầu được nhiều hãng phim bên Anh mời sang đóng nhiều phim khác, nhưng tôi từ chối. Phong cách đó cũng rất tài tử. Ngược lại, Phạm Duy khi vào điện ảnh cũng làm tất cả những công việc như tôi đã làm nhưng với tư cách là một nhân viên chuyên nghiệp của Trung tâm Điện ảnh Việt Nam. Phạm Duy đã có lần làm cả đạo diễn cho nhiều phim. Trong thời gian 10 năm làm việc ở Trung tâm Điện Ảnh với khởi đầu là việc viết truyện phim cho tới khi trở thành phó giám đốc trung tâm, Phạm Duy đã thực hiện nhiều phim về âm nhạc, kịch nghệ Việt Nam như phim về hát bội, các điệu hò và một thiên nghiên cứu về nhạc Chàm. Trong cả cách làm dĩa hát và mục đích làm dĩa của tôi cũng khác tánh cách làm dĩa của Duy. Tôi làm là muốn nhờ vào sự hiện đại của máy móc, sự tân kỳ của kỹ thuật để phổ biến âm nhạc, còn Duy làm theo sở thích (làm hết các khâu trong lúc sản xuất). Với tôi, Duy luôn luôn là người làm việc với tánh chất chuyên nghiệp, đi sâu vào nghề nghiệp và hiểu rất kỹ quá trình vận hành công việc của mình. Việc làm dĩa của tôi có mấy giai đoạn. Ban đầu là một duyên may đưa đến. Năm 1950 – 1951 lúc mới chân ướt chân ráo sang Pháp, tôi chỉ sống nhờ vào tiền các báo bên Việt Nam gởi cho vì tôi là một thông tín viên cho các tờ báo đó. Khi các báo bên Việt Nam bị đóng cửa vì lý do chánh trị, đầu hôm sớm mai tôi không còn một nguồn lợi nào để giúp tôi sống một mình trên đất Pháp. Sống như thế nào để không nhờ vả gia đình và bất cứ ai? Tôi phải đi đờn tối thứ bảy và chủ nhựt cho một hiệu ăn Việt Nam. Tình cờ, trong lúc mưu sanh, tôi có duyên gặp anh Lê Quang Tư – vị chủ nhiệm của một Nhà xuất bản dĩa mang hiệu Oria bán tại Việt Nam. Sau khi trò chuyện và nghe tôi hát tân nhạc, anh đã đề nghị mời tôi thâu thanh. Anh Tư có ý nghĩ muốn thâu thanh các tác phẩm tân nhạc Việt Nam ngay tại Pháp vì điều kiện về kỹ thuật và nghệ thuật nơi xứ người cao hơn trong nước rất nhiều, như thế có thể làm hài lòng lỗ tai của thính giả ưa chuộng ca nhạc và nhân đó dĩa hát bán cũng chạy hơn. Anh nghĩ rất đúng nên lúc đầu anh cộng tác với anh Nguyễn Văn Thông – chuyên môn đờn guitar Hạ Uy Di để làm ba dĩa hát, được ghi âm với một dàn nhạc nhẹ do anh Thông điều khiển. Quả thật, dĩa hát đã bán rất chạy. Khi nghe nói có tôi sang Pháp, anh Tư có vài lần đến nghe tôi biểu diễn trong những buổi họp của hội Việt kiều hay hội sinh viên những bài ca của Lưu Hữu Phước, Lê Thương và Phạm Duy. Anh đến tìm tôi, đề nghị giao cho tôi phần cố vấn nghệ thuật để ghi âm những bản nhạc, hay những bài ca theo nhạc mới do anh hay tôi lựa mà cả hai bên đồng ý. Tôi nghe lời anh Tư đề nghị mà rất thích vì thứ nhứt bài hát do tôi chọn lựa, tôi lại được quyền phối khí theo tôi muốn, anh lại dám bỏ tiền thuê những người nhạc công lành nghề với giá cao mà thù lao đối với tôi cũng khá hậu. Dầu sao tôi chỉ coi đó là một phương tiện, một kế sanh nhai tạm thời nên không để tên tôi mà dùng bí danh Hải Minh là tên của hai đứa con tôi. Đồng thời khi tập sự chỉ huy dàn nhạc trường đại học, tôi đã biết qua cách phối khí cho một dàn nhạc nhẹ. Lần này tôi có quen với một người nhạc trưởng của dàn nhạc vũ trường Gaité Lyrique tên là Georges Ghestem. Ông này rất thích nhạc các nước châu Á. Ông chịu khó nghe tôi phân tích mỗi bài hát, từ lời ca đến nét nhạc. Và trong đoạn nào tôi thích thì có thể để nhạc khí nào trội lên, hoàn toàn để cho tôi tự do với cách sắp xếp và ý tưởng của mình. Ông chỉ góp ý kiến khi nào không thực hiện được những chuyện tôi đề nghị. Nhờ những may mắn tôi đã gặp như thế nên mỗi khi lựa một bài ca để ghi âm, tôi đề nghị có bao nhiêu nhạc công sẽ tham gia thì ông Geroges Ghestem cũng góp ý kiến với tôi về việc chọn lựa nhạc công. Sau năm 1954 tôi không còn cộng tác với hãng dĩa Oria nữa. Giai đoạn thứ nhì, tôi làm dĩa hát để giới thiệu đờn ca tài tử do ba cha con tôi biểu diễn, hoặc nhạc sư Vĩnh Bảo, hay sau nầy cháu Hải Phượng và tôi, hòa đờn cho hãng dĩa Ocora, hãng dĩa của Unesco. Tôi tiếp tục giới thiệu nhiều bộ môn âm nhạc truyền thống, ca trù, hát quan họ Bắc Ninh, hát chèo, ca nhạc Huế, nhã nhạc cung đình Huế, nhạc Phật giáo theo truyền thống Huế, hát bội miền Nam, đờn ca cải lương (dĩa Inedits) nhưng chỉ với tư cách của một cố vấn nghệ thuật hay viết bài giới thiệu chớ không phải với tánh cách chuyên nghiệp như Duy. Khi Duy bắt đầu làm dĩa hát thì lúc đó còn ở Sài Gòn ghi âm những bài hát Duy sáng tác và Duy tự giới thiệu hay do các đàn Thăng Long do Duy thành lập. Khi sang Mỹ thì Duy đã là người đầu tiên giới thiệu những sáng tác của mình dưới dạng CD. Duy đã mua những máy ghi âm, ghi hình tối tân, máy làm ra dĩa CD, CD ROM mà Duy và các con của Duy đều biết sử dụng như nhà nghề. Các bạn có lẽ không ngờ rằng Duy là người sử dụng máy vi tính trước nhứt và không phải chỉ viết thư điện tử hay viết bài của mình mà còn biết vẽ, làm bìa dĩa hát. Duy đã là người thầy dạy cho tôi cách dùng máy Mc Kintosh. Nhờ Duy mà tôi sớm biết dùng máy Mac Plus để viết các bài báo và việt thu từ trên mạng. Khi làm dĩa hát thì từ đầu ghi âm, chuyển ra thành dĩa CD, thiết kế bao bì, gia đình Duy tự làm hết. Ngoài ra Duy còn nhờ cô con dâu vợ thứ nhì của Duy Quang lo việc quảng cáo, phân phối bán sỉ bán lẻ. Trong mỗi việc làm, Duy đi sâu vào công việc như một người chuyên nghiệp. Về hồi ký của mình, Duy có cái hay là đã đích thân tự sắp xếp, lên ý tưởng bản thảo, đánh máy từ đầu đến cuối, tự in ấn lấy và hoàn toàn để cho cuốn hồi ký thực sự là một cuốn hồi ký của mình. Duy được tự do bay bổng với mình từ thuở ấu thơ cho đến những lúc trưởng thành, ra đời. Còn tôi, do điều kiện công việc, và thời gian về nước của tôi nên tôi chỉ ghi âm vào cát-xết những điều tôi muốn viết, phải nhờ một công ty dịch vụ hồi ký thực hiện bản thảo và tìm nhà xuất bản để in và phát hành. Cả hai chúng tôi đều mang trong mình những giấc mộng viễn du, rất thích được đi du lịch đó đây, thăm viếng cả đất nước, nhìn ngắm được vẻ đẹp của quê hương xứ sở và cũng để thỏa chí “tang bồng”. Tôi thì được đi xuyên Việt vào năm 18 tuổi nhờ vào học bổng, nhưng chuyến đi đó là do hoàn cảnh sắp đặt, không phải do mình muốn đi và tự tìm đi. Trong chuyến hành trình dài thăm viếng quê hương đất nước đó, tôi vẫn chỉ là người cưỡi ngựa xem hoa, không thực sự đi khám phá sâu sắc như Duy. Duy thì chu du đó đây là do tự bản thân đi, tự tìm hiểu khám phá, sống một cuộc sống dấn thân, cùng hòa mình vào cuộc sống người dân nơi đó. Duy đã tự tạo cho mình sự nhạy bén trong nhiều khía cạnh (ở điểm này Duy có thái độ của một người nghiên cứu dân tộc nhạc học, xã hội, lịch sử...). Tôi dầu ở trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn được lo lắng cho đi học đầy đủ nhờ những người thân trong gia đình và may mắn là tôi học giỏi nên mọi việc đều thuận lợi. Duy tuy ở trong gia đình có các anh em học rất giỏi nhưng con đường học hành không được suôn sẻ. Anh cả Phạm Duy Khiêm bắt Duy phải đi học kỹ nghệ và Duy bị gián đoạn việc học văn hóa (do tánh cách độc tài của người anh). Tuy con đường học vấn không suôn sẻ từ đầu chí cuối như tôi nhưng qua đó mới thấy được một Phạm Duy có bản lãnh khác. Tuy không học hành đầy đủ, nhưng tâm hồn Duy là một tâm hồn mê thích âm nhạc, văn chương, biết rung động trước những cái đẹp mà ngôn từ và thanh âm đem lại. Duy còn biết cả kỹ thuật, cơ học, sửa chữa máy móc... thật đúng là một người văn võ song toàn! Cuối năm 1944, đầu 1945, sinh viên Hà Nội đã chứng kiến được những nạn nhân chết đói bên lề đường nên khi trở về Nam sau phong trào xếp bút nghiên, tôi lập ra một nhóm diễn hài kịch của Huỳnh Văn Tiễng và hát những bài tân nhạc của Lưu Hữu Phước, đi khắp Hậu Giang tổ chức những đêm văn nghệ bán vé lấy tiền mua gạo cứu đói. Chúng tôi rất được trí thức ở các tỉnh ủng hộ bằng cách bán vé, có người lại mua vé cho các trường để học sinh đi xe miễn phí, cùng đi khắp nơi và khi trở về Sài Gòn, chúng tôi có dịp diễn tại rạp hát Aristo, lúc đó nổi tiếng là một rạp hát giới thiệu tân nhạc nhiều nhứt. Cùng trong lúc đó Phạm Duy không còn tham gia gánh Đức Huy đang hát cho đài Pháp Á những bản tân nhạc 3 lần trong một tuần. Nhưng khi biết được do người Pháp và người Nhựt tranh chấp nhau, không cho chở gạo thừa thãi ở miền Nam ra miền Bắc đang thiếu thốn nên đã gây ra nạn đói rất khủng khiếp, Phạm Duy cũng lấy tiếng hát của mình tham gia vô một nhóm thanh niên giới thiệu tân nhạc, có lần biểu diễn tại rạp Aristo để lấy tiền mua gạo cứu đói. Chúng tôi không gặp nhau mà cùng có những cách làm giống nhau ở chỗ đem tài nghệ của mình để phục vụ đồng bào trong lúc khó khăn. Năm 1947 tôi bị bắt nhốt vào khám Catinat vì bị nghi là Việt Minh tại thành. Nhưng sau 3 tuần lễ, nhờ sự can thiệp của một vài người quen, đồng thời ban kháng chiến tại thành đã lo lót cho một số mật thám nên tôi được thả ra. Trong khám tôi được ba phe ủng hộ: phe kháng chiến cùng tôi chia sẻ những viên đường từ bên ngoài tiếp tế vào, phe nhóm những người Quảng Đông bị nhốt vì làm giấy thông hành giả cho Việt Minh, và phía du côn chiếm cả khu cầu tiêu là khu rộng rãi nhất do mùi hôi thúi cho nên không ai chịu nằm gần đó. Tại đó các anh em tù nhân lại đục một ống nước để cho nước nhỏ giọt, lấy nước đó rửa mặt hoặc hứng vào lon để dành khi xối vào người lúc nóng bức. Năm 1951 Phạm Duy cũng bị bắt và nhốt vào khám Catinat cùng một lúc với Lê Thương và Trần Văn Trạch, nhưng bốn tháng sau mới được thả ra. Trong khám Duy gặp một người từng vào tù ra khám, hiện đang bị nhốt vào Catinat để chờ ngày đưa ra Côn Đảo nên được tù nhân gọi là “ngục vương”. Ông này có cảm tình với Phạm Duy nên cho Duy dựa lưng vào một bức tường gần cầu tiêu để ngủ. Ở tù mà hai anh em chúng tôi cũng được người ta thương mến, thật là khó có trường hợp nào giống nhau đến vậy! III. THỜI DẤN THÂN VÀO ĐỜI: Tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội từ năm 1941, sống cuộc đời sinh viên trường Thuốc, không có cơ hội vui sống cảnh thiên nhiên thôn dã, gặp gỡ những người nông dân như Phạm Duy. Những người tôi gặp hầu hết là sinh viên trường đại học, nữ sinh trường Đồng Khánh thuộc giới tiểu tư sản, lại bắt đầu sống giữa những người thanh niên lúc đó đang theo một phong trào mang tên là “vui vẻ, trẻ trung”, chỉ biết ăn mặc đẹp, tán gái thị thành, khiêu vũ những đêm cuối tuần trong các vũ trường. Tôi cũng đã gặp nhiều thiếu nữ Hà thành, nhiều cô rất đẹp và giỏi. Các cô đó quyết định rằng “phi đại học bất thành phu phụ”, phải là người lên tới đại học thì các cô mới ưng. Nhưng tôi không bao giờ bị các cô cám dỗ mà quên đi nhiệm vụ chính là học hành. Cũng đi một chuyến xuyên Việt, nhưng là nhờ đi theo gánh hát Đức Huy, Charlot Miều, có dịp ở lại nhiều nơi, lâu ngày, gặp được danh cầm, danh ca xứ Huế, đã lĩnh hội được âm giai lơ lớ của xứ Huế (có dịp tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam). Một sự trùng hợp lạ lùng: chúng tôi ở những giai đoạn khác nhau đều là bạn thân của một số người giống nhau. Trong đời, hai anh em chúng tôi cũng từng gặp những người bạn, người quen chung (hay là những quới nhân) giúp đỡ trong công việc như Nguyễn Văn Cổn, Đặng Trần Vận, Lương Hàm Châu, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Hữu Ba... Tuy là từng gặp qua và từng quen biết chung nhưng thời điểm gặp hay trường hợp gặp của tôi và Phạm Duy không hoàn toàn giống nhau. Trong khi tôi phải đợi đến lúc đi Pháp (1976) trở về mới gặp được đa số những nhân vật đó và cùng kết thân như: ca sĩ Bích Liễu, nhạc sĩ Vĩnh Phan, Vĩnh Trân, Văn Giảng, Nguyễn Văn Thương. Chỉ có điểm tôi ngạc nhiên là: Trong năm 1944 tôi đã được Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trao cho bản thảo bài “Hương Giang Dạ khúc” mà anh viết tặng cho người yêu chưa biết mặt là Thu Hương, tôi là người đã hát bài ấy cho các chị phụ nữ ở Vị Thanh trong thời kỳ kháng chiến mà không nói tên tác giả. Chẳng biết Phạm Duy nhờ đâu mà có được bài “Hương Giang Dạ khúc” chép theo ký âm để hát lại trên sân khấu của gánh Đức Huy? Năm 1943 tôi đã được dịp giới thiệu những bài nhạc mới của Lưu Hữu Phước, do dàn nhạc sinh viên dưới sự chỉ huy của tôi, biểu diễn tại Radio d’Indochine, với lời giới thiệu của Nguyễn Văn Cổn. Cho đến ngày bạn Cổn từ giã cõi đời tại Paris. Năm 1944, Phạm Duy đã ca 3 lần / 1 tuần những bài tân nhạc, cũng nhờ lời giới thiệu của Nguyễn Văn Cổn, trên đài Radio d’Indochine. Sau đó Phạm Duy và Cổn không có dịp gặp nhau nữa. Ngay cả lúc Phạm Duy sang Pháp học nhạc và thường gặp tôi trên lớp học của GS. Chailley. Võ Đức Thu là một người thầy dạy đờn piano nổi tiếng tại miền Nam. Ông đã dạy tôi đờn bài “Bóng hoàng hôn” mà ông sáng tác trên piano theo phong cách của Debussy. Tôi rất thân với ông và sau đó ông đã cho tôi nhiều ca khúc mà tôi đã phối khí và ghi âm trong dĩa hát Oria. Con của ông là Võ Đức Lang, cũng đàn piano và sau này đã có dịp đờn phụ họa cho tôi biểu diễn những bản tân nhạc tại hiệu ăn Bồng Lai (Paris). Trong chương trình văn nghệ và trên sân khấu Maubert nhân ngày Tết năm 1951. Không ngờ Võ Đức Thu cũng là thầy dạy piano cho Phạm Duy và rất thân với Phạm Duy. Trong một khoảng thời gian khác nhau, Võ Đức Thu đã đệm đàn cho Phạm Duy biểu diễn những bài tân nhạc trên đài radio d’Indochine dưới sự giới thiệu của Giáo sư Nguyễn Văn Cổn. Năm 1945 khi Nhựt đảo chánh và sau đó khi Pháp trở lại do quân đội của tướng Gracey ủng hộ, đến ngày cướp chánh quyền của Ủy ban cách mạng lâm thời dưới sự điều khiển của Trần Văn Giàu thì tôi có ở tại Saigon. Tôi có dịp hát những bài của Nhựt Bổn tại trường đại học như Shina No Yoru. Và trong buổi đầu của thanh niên tiền phong, tôi có tham gia việc dạy thanh niên hát những bài ca của Lưu Hữu Phước và đồng thời được giới thiệu và làm quen với hai anh Huỳnh Tấn Phát và Kiều Công Cung. Tôi cũng có tham gia vào những sinh hoạt của nhóm Hoàng Mai Lưu và sau khi kết bạn với Phạm Duy năm 1944 tại Vĩnh Long, tôi đã giới thiệu Phạm Duy cho nhóm Hoàng Mai Lưu. Trong một buổi đến Saigon, Duy nhờ tôi giới thiệu Duy cho Lưu Hữu Phước. Lúc đó nhóm Hoàng Mai Lưu mới thành lập (nhóm lấy họ của ba người sáng lập là Huỳnh Văn Tiễng – Mai Văn Bộ - Lưu Hữu Phước). Trong câu chuyện tôi có hỏi Phạm Duy có tìm học nhạc phương Tây hay không. Lúc đó tôi chỉ biết quyển Marmontel là quyển được thường dùng trong các trường trung học Pháp, thì Phạm Duy cho tôi biết rằng Phạm Duy đã đọc một quyển rất hay, tác giả là Lavignac, tựa sách là “La Musique et les musiciens” (Âm nhạc & nhạc sĩ). Tôi yêu cầu được xem qua thì tôi rất ngạc nhiên thấy rằng trong quyển đó có rất nhiều câu trả lời cho những thắc mắc của người học nhạc. Cuốn sách này đáp ứng được nhiều câu hỏi của tôi. Tôi hỏi Phạm Duy có thể cho tôi mượn cuốn sách đó để đọc hay không thì Phạm Duy bằng lòng ngay. Khi trao cuốn sách cho tôi Phạm Duy nói: “Khê nhớ giữ cho kỹ, bởi vì Duy xem quyển sách này như mẹ của mình!”. Sau đó, không chờ đợi mà xảy ra nhiều biến cố khiến cho các thanh niên như chúng tôi phải rời thành thị để đi vào chiến khu. Duy vào chiến khu miền Đông, còn tôi vào chiến khu miền Tây. Hai anh em không gặp nhau và suốt thời kỳ kháng chiến, dầu cho tôi có mất đi rất nhiều thứ nhưng quyển sách của Duy tôi vẫn mang theo bên mình trên mỗi đoạn đường. Đến khi Pháp dẹp tan kháng chiến tại miền Tây, nhà cách mạng Tôn Đức Thắng cùng Lưu Hữu Phước với những cán bộ kháng chiến đều rời Nam đi thuyền ra Bắc. Bạn Lưu Hữu Phước có ghé lại Cái Nước (Bạc Liêu) và khuyên tôi nên cùng đi. Lúc đó vợ tôi vừa sanh ra cháu Minh dọc đường, đang đi xuống miền Nam tìm tôi, vì vậy tôi phải ở lại đợi hai mẹ con. Sau đó quân đội Pháp lại tràn xuống, các tổ chức kháng chiến tan rã. Quân đội kèn mỗi người tìm đường trở về thành (dinh T). Trong chuyến đi tới ngã bảy, tình cờ giữa đường gặp lính chặn tất cả các thuyền. Mỗi người phải ra đứng trước thuyền của mình để cho lính Việt gian nhìn mặt. Trong đám lính Việt gian có một người biết tôi trước kia là Cộng hòa vệ binh có mặc quân phục nên quả quyết “Thằng này là Việt Minh chánh hiệu!”, dẫn tôi ngồi một hàng 10 người, đếm từ đầu đến cuối tôi là người thứ 8. Mọi người đều lo vì quân đội Pháp cho biết rằng ngày trước có 10 lính Pháp bị Việt Minh phục kích chết tại trận nên hôm nay phải tìm bắn đủ 10 Việt Minh để trả thù. Tôi sắp vào hàng thứ 8, trong khi lính bắt tôi ngồi đợi chết thì người sếp của toán quân Pháp đi xuống lục soát ghe của tôi, thấy trong ghe có cây đờn harmonium và cuốn sách Lavignac đang đọc dở dang. Sếp lính Pháp cầm cuốn sách lên hỏi tôi: “Anh nói được tiếng Pháp hả?”. Sau khi nghe tôi trả lời rất thông thạo bằng tiếng Pháp thì người sếp hỏi: “Anh biết tiếng Pháp mà tại sao anh theo đám ăn cướp?”. “Tôi đâu có theo ăn cướp”. Người sếp Pháp nói “Việt Minh là ăn cướp”, tôi trả lời: “Việt Minh đâu phải là ăn cướp, Việt Minh là Việt Nam Độc lập đồng minh, là liên minh những người Việt yêu nước muốn giành lại độc lập cho đất nước mình”. Rồi tôi hỏi tiếp liền: “Trong khi Đức đi chiếm Pháp thì anh có đi kháng chiến không?”. “Có, tôi đi kháng chiến”. “Vậy thì tôi đang làm chuyện như anh làm bên Pháp đây”. Thì anh cãi lại, nói rằng: “Tôi kháng chiến chống lại những người muốn chiếm nước tôi” thì tôi trả lời “thì chúng tôi cũng đang kháng chiến chống lại những người muốn chiếm nước tôi”. Anh lại phản đối: “Tôi đến đây để bảo vệ thuộc địa của tôi”. Tôi nhắc lại “thuộc địa của anh nhưng là nước của tôi”. Người sĩ quan ngạc nhiên lắm. Khi nhận ra được điều đó anh nói: “Bắn một người như anh thật là vô lý, rất tiếc phải bắn một người như anh”. Rồi người sĩ quan đề nghị: “Tôi sẽ tìm cách thả anh ra”. Tôi trả lời: “Nếu cho tôi đi ra bây giờ thì tôi sẽ bị bắn ngay”. Chính người sĩ quan đề nghị để anh dẫn tôi xuống dưới ghe giả vờ tìm những bằng chứng khác. Khi tôi xuống ghe rồi thì anh đứng trên bờ bảo vệ cho tôi đi khuất dạng. Nhờ vậy tôi mới thoát chết. Trong chuyện này tuy có gặp sự may mắn nhưng theo tôi tất cả là nhờ cuốn sách Lavignac của Phạm Duy đã cứu mạng. Nếu họ không biết tôi biết tiếng Pháp thì có lẽ tôi đã chịu chung số phận với những người đồng bào xấu số kia rồi! Tôi không ngờ rằng Phạm Duy trong lúc ấy cũng có tham gia phong trào thanh niên tiền phong, đã được giới thiệu với Huỳnh Tấn Phát và Kiều Công Cung, đã được giao phó việc dạy những bài ca của Lưu Hữu Phước cho thanh niên mà hai chúng tôi không bao giờ gặp nhau. Tôi thích làm văn nghệ hơn làm chánh trị. Nhưng bản thân cả hai anh em chúng tôi vì một vài hoàn cảnh bị chánh trị lôi kéo. Với tánh cách của tôi, tôi thấy trong chánh trị phần nhiều phải nói tiếng nói của lý trí. Một khi tiếng nói của lý trí đã lấn át rồi thì nó sẽ tiêu diệt cả tình cảm. Còn với tôi, lý trí phải có con đường cho tình cảm thoát ra, lý trí chỉ được sử dụng như một lằn ranh để kiểm tra tình cảm, đừng đi quá đà mà thôi. Nói về quan điểm này, tôi nhớ lại câu chuyện thủ tướng Neru (Ấn Độ). Trong lúc học chánh trị tại Paris (Viện khoa học Chánh trị - Science Po), tôi có dịp được biết hai nhân vật lớn trong nước Ấn Độ là thủ tướng Neru và Bộ trưởng bộ Nội vụ Sardar Patel. Cùng ở trong môi trường chính trị nhưng mỗi người có một tánh cách rất khác nhau. Trong một chuyến đi trở về quê hương Kashmir, nơi thủ tướng Neru sanh ra, khi ông Neru vừa nhìn thấy đất nước Kashmir thân thương đã không kìm được xúc động mà đưa tay lau nước mắt, không kể gì đến phái đoàn chánh trị đi theo ông. Còn ông Sardar Patel, khi còn làm một luật sư, một hôm có một phiên họp tại tòa, ông đang cãi thì có người đưa vào cho ông một mẩu giấy màu xanh. Ông mở ra coi xong rồi gấp lại bỏ vào túi áo và tiếp tục cãi cho đến khi phiên tòa kết thúc. Sau này khi báo chí đăng tải lại mọi người mới được biết tin tức trong tờ giấy không làm cho ông Sardar nao núng công việc chính là điện tín báo tin mẹ ông vừa qua đời! Nói như vậy để thấy được lý trí của ông Patel đã mạnh tới mức có thể điều khiển và kìm chế được cảm xúc một cách triệt để như vậy để không làm ảnh hưởng đến công việc chung. Một người quyết đoán như vậy vô cùng phù hợp khi nắm giữ chức vụ chánh trị quan trọng để có thể đương đầu với bao khó khăn trong công việc. Đời tôi không muốn cầm súng bắn ai mà cũng không muốn ai cầm súng bắn mình, cho nên khi trình bày với cấp lãnh đạo kháng chiến, tôi đã xin phép để được làm những công việc hậu phương như cứu thương trong bịnh viện, hay làm trong dàn nhạc... Khi nghe những lời trình bày của tôi, những người có trách nhiệm trong Ủy ban kháng chiến với một tinh thần cởi mở đã chấp nhận quan điểm của tôi, bổ nhiệm tôi làm Nhạc trưởng quân đội Nam bộ, với cấp Đại đội trưởng (captain), được quyền lưu thông khắp Nam bộ và sung công những nhạc cụ nhạc khí, kể cả nhạc sĩ nào cần thiết. Tôi đi kháng chiến với lý tưởng của một người thanh niên yêu nước và làm việc theo khả năng có thể của mình để giúp cho đất nước. Phạm Duy cũng vậy, càng đi sâu, càng biết nhiều chuyện trong chánh trường, Duy càng thấy rõ những mâu thuẫn giữa các đảng phái, đến nỗi Duy cho rằng đó không là những gì lạ lẫm nữa. Bản thân Duy cũng cảm thấy rằng mình không phù hợp với việc làm chánh trị. Nói như vậy nhưng không phải lúc đất nước lâm cảnh khốn cùng mà Duy bỏ mặc làm ngơ. Duy cũng đi kháng chiến cứu nước, dấn thân không kém những người chiến sĩ khác. Trên con đường dấn thân kháng chiến đó, Duy đã nhiều lần nhìn thấy những cảnh thực xảy ra trước mắt mình chứ không phải chỉ là những điều do chính Duy tưởng tượng. Duy đã trải nghiệm, đã kinh qua những xúc cảm theo thời cuộc trên con đường chiến đấu vì lòng yêu nước của mình. Trong những bài hát của mình, Duy đã đem những hình ảnh thực tế đó vào mà bày tỏ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc và đặc biệt là tinh thần hòa giải. Duy chẳng những thông cảm với người chiến sĩ vì nước xả thân trên mặt trận mà còn ca ngợi những chiến công của họ trên chiến trường, chẳng những hát về những người lính ngoài tiền tuyến, ca ngợi tính chiến đấu mà vẫn không quên những người nơi hậu phương đã âm thầm giúp đỡ tinh thần, vật chất cho người chiến sĩ yên tâm cầm súng ra trận, không quên những nỗi đau khổ, nhớ thương của người vợ ngày ngày ngóng tin chồng, người con đợi cha về, người mẹ lo lắng cho đứa con đang đi đánh giặc ngoài xa... Cũng như tôi, Duy là người yêu văn nghệ. Duy sống cho con đường nghệ thuật của mình hoàn toàn, đặt cả tâm huyết ở đó. Cả đời này, vì nghệ thuật mà Duy đã cống hiến trọn vẹn cả tình cảm lẫn tài hoa. Một điểm khác nhau rất lớn: Tôi chỉ đặt trọng tâm vào các truyền thống âm nhạc hơn là phong cảnh thiên nhiên, nên từ các nơi đã qua tôi chỉ nhớ thoang thoảng phong cảnh đẹp bên ngoài và trong khi giao tiếp với những nhạc sĩ, ca nương, tôi chưa có một lần gặp được người tình. Phạm Duy đi đến đâu thưởng thức cảnh thiên nhiên sâu sắc cũng ghi lại bằng những câu văn bóng bẩy như một nhà văn tả thực và suốt trên đường dài đã gặp rất nhiều tình nhân trong các cô đào đi theo gánh hát hay những người phụ nữ ở nhiều tỉnh lỵ khác nhau. Ngoài 80 tuổi, chúng tôi được về sống luôn tại đất nước Việt Nam. Phạm Duy cũng vậy. Hai chúng tôi cùng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, tôi được Huỳnh Văn Tiễng – Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến cấp giấy lưu thông khắp Nam bộ và sung công các nhạc khí và tuyển nhạc công để lập thành một dàn nhạc quân đội. Tôi hoạt động tại miền Tây nên chúng tôi không gặp nhau. Năm 1946, Phạm Duy được Phạm Thanh Liêm cũng trong Ủy ban kháng chiến Nam bộ cấp giấy lưu thông khắp vùng kháng chiến ra tận Hà Nội. Phạm Duy theo chuyến xe lửa 13 trở vào Nam và tham gia kháng chiến ở miền Đông Nam bộ. Năm 1946 Phạm Duy đã gặp Tố Hữu tại một phòng trà ở Hà Nội. 30 năm sau (1976) tôi mới gặp Tố Hữu. Tôi rất tán thành quan điểm sáng tác của Phạm Duy: không chịu lệ thuộc và ảnh hưởng của một loại nhạc ngoại bang nào: Trung Quốc hay phương Tây. Phạm Duy cũng từng ngưỡng mộ những điệu Ương ca của Trung Quốc và đại trường ca “Hoàng Hà Đại hợp xướng” của Nhiếp Nhĩ đã được một đạo diễn Trung Quốc giảng giải cho nghe, nhưng khi muốn sáng tác theo hình thức đó thì bài “Nhớ người thương binh” và trường ca “Con đường cái quan” vẫn rất đậm màu dân tộc mà không có chút mảy may nào mang âm hưởng của nhạc Trung Quốc. Cũng như sau này, sang Pháp học sáng tác nhạc với ông Lopez mà vẫn không bị ảnh hưởng chút nào của nhạc Pháp. Năm 1947, tôi suýt gặp Phạm Duy tại Việt Bắc khi tôi được bác Tôn Đức Thắng và bạn Lưu Hữu Phước ghé tại Cái Nước đợi hai hôm để tôi tìm gặp lại vợ con tôi (lúc này vợ tôi mới sinh con trai thứ Trần Quang Minh và đang chạy lạc). Phước để tôi cùng đi theo ghe bầu ra thẳng chiến khu Việt Bắc nhưng vì chưa gặp tôi phải nấn ná lại Cái Nước và sau đó không gặp cơn gió thuận tiện và quân đội Pháp đã sắp đến nơi càn quét cả quân kháng chiến miền Nam nên tôi phải trở về thành. Năm 1948, tôi tham gia kháng chiến tại thành dưới sự chỉ đạo của Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Mai Văn Bộ và trong nhóm còn có GS. Nguyễn Văn Hiếu cùng Trần Thọ Phước. Trong lúc đó Phạm Duy từ Bắc Cạn xuống vùng Thái Nguyên sống chan hòa với dân chúng trong các vùng kháng chiến. Năm 1948, tại liên khu IV (phân khu Thanh – Nghệ – Tĩnh), Hội văn nghệ sĩ do Đặng Thai Mai điều khiển, có một ban thơ ký trong đó có Hoàng Sĩ Trinh (tức thi sĩ Hà Thượng Nhân sau này) biến làng Quần Tín, làng Châu Phong và làng Ngò trở thành một “làng văn” thật sự. Phạm Duy cũng đã có dịp thân với Hoàng Sĩ Trinh từ ấy. Sau này tôi có dịp gặp Hà Thượng Nhân trong khoảng thập niên 80 khi đất nước đã hòa bình tại nhà Tôn Nữ Hỷ Khương. Lúc này Hà Thượng Nhân vừa mới đi cải tạo về, và vì Hà Thượng Nhân là người mê thơ thích nhạc nên mỗi lần nhà Hỷ Khương có hội thơ, ông đều đến tham gia. Hà Thượng Nhân là một trong những người họa thơ của tôi và Hỷ Khương rất hay, bài nào cũng như “kiệt tác”. Hà Thượng Nhân cũng đã làm tặng tôi rất nhiều bài thơ mà đến bây giờ tôi vẫn còn giữ lại, nhớ rất kỹ từng câu. Năm 1949, sau khi sang Pháp tham gia hoạt động với Hội người Việt, Hội nầy thường xuyên liên lạc mật thiết với chính phủ miền Bắc và vùng kháng chiến nên từ 1950 chúng tôi thường nhận được những sáng tác của Phạm Duy và tôi là người có phận sự phải luyện tập và biểu diễn các bài đó trong giới người Việt thân kháng chiến và với những người Pháp cánh tả. Chúng tôi đã gián tiếp liên hệ với nhau qua những bài hát. Trong lúc đó, Phạm Duy sáng tác những bài ca kháng chiến hay nhứt trong cuộc đời và để lại một ảnh hưởng rất lớn cho các gia đình chiến sĩ, thương binh: “Người lính bên tê”, “Mùa đông chiến sĩ”, “Nhớ người thương binh”, “Bà mẹ Gio Linh”... Chính quyền khu IV cũng nuôi dưỡng những ban hát chèo, cải lương và tuồng cổ. Tướng Nguyễn Sơn cử Phạm Duy tới học chèo với nghệ nhân Nguyễn Đình Nghị (tổ sư ngành chèo đang tản cư ở làng Ngò). Duy đã có cơ hội ghi âm lại những bài chèo do cụ truyền dạy. Tôi đã quen biết và rất thân với Đặng Trần Vận (người có mẹ và dì hát ca trù rất hay, Vận cũng là người dạy tôi bài “Anh Khóa”), Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường và Vũ Văn Thiết. Phạm Duy cũng quen với Đặng Trần Vận từ lúc Vận là chủ phòng trà Thiên Thai hay Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường và Vũ Văn Thiết (Bắc Cạn) trong những trường hợp khác nhau. Tôi có một người bạn thân là Đặng Trần Vận, trước kia tại Hà Nội cùng sống trên con đường Jacquin, nay gặp lại bên Pháp, Đặng Trần Vận dạy tôi ngâm bài “Anh Khóa” theo phong cách của ca trù. Khi qua Pháp, Phạm Duy cũng gặp lại Đặng Trần Vận và nhờ Đặng Trần Vận giới thiệu cho một nhạc sĩ Pháp tên là Robert Lopez, thầy dạy sáng tác và Phạm Duy đã học sáng tác với ông này hơn một năm trời. Tôi rất thích điện ảnh và bắt đầu tiếp cận với điện ảnh bằng công việc dịch Việt ngữ những lời đối thoại để lồng tiếng những bộ phim nói tiếng Pháp, tiếng Anh. Cùng làm chung với tôi là Giáo sư Nguyễn Văn Cổn. Công việc thứ nhì để tôi tiếp cận điện ảnh là lồng tiếng phim cho nhiều hãng. Đầu tiên là phim của Nguyễn Trọng Thu và sau đó là cho các công ty Pháp như Kikoine. Tôi đã tham gia lồng tiếng cho 200 bộ phim. Tôi cũng tham gia đóng phim quảng cáo cho các hãng rượu, xe taxi và sau cùng tham gia đóng hai phim lớn: Một phim thể loại gián điệp quay tại Pháp mang tên “La Rivière des Trois Joncques” (Ba con thuyền trên một dòng sông), trong đó tôi đóng hai vai: một chủ hiệu bán đồ cổ người Trung Quốc và vai chánh là cảnh sát trưởng một đội cảnh sát phản gián điệp. Phim thứ hai tôi tham gia là một phim lớn ở Anh của hãng Rank Corporation là “A town like Alice” phỏng theo tiểu thuyết của Nevil Shute kể về người Nhựt đã cầm tù dân Úc trong một trận chiến tại Thái Bình Dương. Tôi vào vai một sĩ quan hung tợn chuyên môn bạt tai mọi người và đóng đinh vai chánh của phim trên thánh giá vì tội ăn cắp gà và dám đánh sĩ quan hầu cận của hắn. Phạm Duy cũng rất thích điện ảnh và lúc đầu Phạm Duy cũng tham gia chuyện viết phụ đề Việt ngữ nhưng Duy làm việc cho Trung tâm Điện ảnh của chánh phủ miền Nam. Và nhờ đó mà Phạm Duy đã làm nhiều công việc cho điện ảnh, kể cả đạo diễn phim, viết nhạc cho phim và dàn dựng những phim về nghiên cứu như phim về hát bội, về nhạc Chăm... Sau này Phạm Duy cũng được mời đóng phim, lại được đi đến tận Hollywood để quay phim tại đó, đóng những vai thủ lĩnh của những bọn côn đồ, những vai ác ôn... không phù hợp với bản tánh của Phạm Duy. Không ngờ hai “chàng” nhạc sĩ, một người nghiên cứu và một người sáng tác lại có lúc bị lôi cuốn vào điện ảnh và cùng gặp cảnh ngộ là đóng những vai ác ôn không phù hợp với bản tánh của mình. Ra nước ngoài gặp gỡ với các loại nhạc tôn giáo thì tôi đã gặp những vị cao tăng như Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu, Thích Thiện Châu... nhưng đồng thời cũng có liên hệ với những linh mục trong đạo Thiên Chúa và đặc biệt với hai nhạc sĩ là Hải Linh và Ngô Duy Linh. Ngô Duy Linh đã là môn sinh của tôi và tôi đang chỉ đạo cho linh mục Ngô Duy Linh soạn luận văn cao học với đề tài “Sự phát triển giai điệu trong đờn ca tài tử miền Nam”. Phạm Duy không có dịp gặp nhạc Phật giáo nhưng rất thân với Hải Linh và Ngô Duy Linh trong việc sáng tác ca khúc. Trong những buổi giải trí và thưởng thức những thú vui vật chất như đi ăn các tiệm có đặc sản, uống các thứ rượu ngon và gặp những thiếu nữ người Pháp thì tôi mặc dầu không để tâm vào những việc đó nhưng tôi ở chung một nhà với anh Huỳnh Tấn Đốc mà bạn tôi là một người thích ăn ngon, thích uống rượu và thích phụ nữ. Vì là người hào phóng, cũng khá đẹp trai nên có rất nhiều bạn gái tới chơi tại nhà Huỳnh Tấn Đốc (nhà số 5 ở Square Grangé). Lúc Phạm Duy sang Pháp, khi đi tìm tôi thì phải đến nhà của anh Huỳnh Tấn Đốc. Nhưng Phạm Duy ngoài việc ăn uống lại có tài ăn nói, biết ca hát nên rất được lòng các cô bạn của Huỳnh Tấn Đốc. Khi anh Huỳnh Tấn Đốc về nước thì những cô bạn đó trở thành bạn gái của Phạm Duy. Các cô này thường nói với tôi là các cô đi chơi với Huỳnh Tấn Đốc vì anh là một người hào phóng, rộng rãi về tiền bạc nhưng thích Phạm Duy vì nhận ra đó là một người nghệ sĩ tài hoa. Trong đời, Duy còn được diện kiến với Hồ Chủ Tịch – một nhân vật lịch sử đặc biệt của dân tộc. Còn tôi có nhiều cơ hội để gặp gỡ Hồ Chủ Tịch tại Moscow và trong nước nhưng vì vấn đề sức khỏe và công việc nên cuối cùng tôi chưa có lần nào gặp được ông. Phạm Duy gặp được Hồ Chủ Tịch lần đầu, trong lúc Duy còn là một chàng thanh niên, và hết sức xúc động khi thấy ông có cử chỉ thân mật như người cha. Vì mồ côi cha từ nhỏ nên Phạm Duy thấy rơm rớm nước mắt. Ngoài chuyện tù đày, từ 1951-1954 tôi bị bạo bịnh: bịnh lao hoành hành, phải nằm trong bịnh viện và nhà dưỡng lao chịu bốn lần giải phẫu (lao màng bụng, ruột già, ngoại trĩ, nội trĩ và mạch lươn). Năm 1953 nhờ bị bịnh ở lại bịnh viện mà tôi tự giác thấy rằng mình hướng về phương Tây là sai, cho nên tôi quay trở về truyền thống và nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc cũng như văn hóa Việt Nam. Trước kia tôi nghĩ rằng mình nên hướng về phương Tây, tổ chức những dàn nhạc có quy củ để lấy đó làm hình mẫu phát triển âm nhạc Việt Nam, vì lúc đó tôi có tư tưởng nhạc Việt Nam tuy hay nhưng chưa hoành tráng như nước ngoài. Tôi đã thể nghiệm tại trường Trương Vĩnh Ký và trường đại học, đem hai dàn nhạc do tôi chỉ huy biểu diễn những bản nhạc bên Tây của Schubert, Mozart, bên cạnh đó biểu diễn những nhạc phẩm Việt Nam nhưng được hòa tấu nhiều bè như nhạc phương Tây. Khi tôi vào bịnh viện tìm hiểu thêm về nhạc cổ truyền và cả nhạc phương Tây, tôi thấy rằng hướng đi đó sai 100% và tôi quyết chí tìm học trở lại âm nhạc dân tộc để chuộc lỗi vì trong một thời gian rất dài tôi xoay lưng với âm nhạc dân tộc mà hướng về phương Tây. Năm 1953 rất bất ngờ là Phạm Duy cũng có cùng tư tưởng - sáng tác “Tình ca” (hòa chung tâm hồn, tư tưởng quê hương, tình tự dân tộc), Phạm Duy không nhớ tiếng nói, đất nước, con người nước ngoài, mà chỉ nhớ và yêu tiếng nói, đất nước và con người Việt Nam. Tôi chưa bao giờ thấy mình gần Phạm Duy bằng lúc này! Trước khi đường hàng không nối liền nước Việt với các nước châu Âu và đặc biệt nước Pháp, thì tàu thủy là phương tiện giao thông duy nhứt giữa Việt Nam và nước Pháp. Hai chúng tôi đều có được những chuyến đi tàu thủy kéo dài trên 3 tuần lễ lênh đênh trên đại dương. Năm 1949 tôi có một chuyến đi Pháp trên tàu Champollion, 27 ngày bềnh bồng trên biển, lại đi hạng tư hết sức cực khổ. Nhờ gặp được ông quan ba tàu do Năm Châu và ông chủ khách sạn “Phong Cảnh Khách Lầu” giới thiệu với ông quan ba tàu nên tôi được ông cấp cho một giấy phép để mặc dầu đi vé hạng tư nhưng tôi có thể lên chơi trên khoang hạng nhứt mỗi ngày. Đến mỗi nơi như Singapore, Columbo, Le Caire... tôi đều lên viếng thăm, ngoạn cảnh và viết bài cho báo chí. Phạm Duy cũng có dịp đi sang Pháp bằng tàu. Nhưng Duy đi chiếc tàu to hơn, đẹp hơn - La Marseillaise, lại đi hạng nhì, rất sang trọng, có đủ tiện nghi. Duy được dịp dự những dạ hội khiêu vũ rất thú vị. Khi tàu dừng trạm Duy cũng như tôi được đến thăm những nơi tại mỗi xứ sở, nhưng Duy chỉ đơn thuần là đi chơi chứ không vừa ngoạn cảnh vừa viết báo như tôi. Từ lúc rời thành đi vào vùng kháng chiến, Phạm Duy ở trong vùng kháng chiến đến năm 1953 rồi về thành và đã sống tại miền Nam nước Việt đến ngày quân đội kháng chiến toàn thắng. Còn tôi trở về thành khi quân đội Pháp chiếm lại cả miền Nam từ 1947. Đến năm 1949, tôi sang Pháp và mãi đến năm 1974 tôi mới được “ghé” đến Saigon trong ba tuần. Tôi “ghé” nước Việt Nam nhờ sự bảo lãnh của bạn tôi là Bùi Văn Nhu – Tổng tư lệnh Cảnh sát miền Nam và bác sĩ Nguyễn Lưu Viên – một bộ trưởng trong chánh phủ thời tổng thống Thiệu. Phạm Duy từ Bắc vào Nam, nhờ quen với cả gia đình của Võ Lăng và Võ Hải – là những người thân cận với quốc trưởng Ngô Đình Diệm và em của ông Diệm là Ngô Đình Luyện (quản lý về ngoại giao), lại có người anh làm đại sứ cho chánh phủ Cộng hòa miền Nam tại Pháp là Phạm Duy Khiêm nên chuyến đi mới suôn sẻ và Duy cũng đã một thời sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa. Năm 1954 Phạm Duy sang Pháp để học sáng tác nhạc với nhạc sĩ Robert Lopez. Vừa mới tới Paris, Phạm Duy đi tìm tôi và hai anh em đã nhiều lần đi ăn cơm chung tại các hiệu ăn, hoặc ở nhà của những người bạn tôi quen. Đặc biệt, vào buổi chủ nhật một tuần sau khi Phạm Duy đặt chân trên Paris hoa lệ, tôi mời Duy đến nhà nghỉ mát của anh chị Châu. Anh Châu là kỹ sư hàng không, chị là một người Việt kiều thường liên hệ với chánh quyền miền Bắc. Chị có tài nấu ăn ngon và là một người kinh doanh mát tay. Chị chuyên môn mua nhà cũ, trùng tu lại để bán lấy lời rất nhiều. Tại nhà nghỉ mát này, chị tự tay trồng rất nhiều thứ rau đặc biệt của Việt Nam như rau thơm, húng cây, húng lủi... Ngồi ăn có cả anh Châu, anh thường nói rằng: “Tôi cưới bà xã tôi vì bà nấu ăn rất ngon”. Khi nhập tiệc, chị nói với Phạm Duy: “Hôm nay tôi đãi nhạc sĩ mấy món cây nhà lá vườn”, và chị tươi cười cao hứng đọc hai câu thơ: “Cây rau, ngọn cỏ em trồng Em ra em hái cho chồng em ăn” Hôm đó chị Châu đãi Phạm Duy và tôi ăn bún chả. Hai anh em rất thích món bún chả bữa đó do một người vui tính mà duyên dáng như chị Châu mời. Sau khi ăn xong, chị Châu yêu cầu Phạm Duy cho nghe một vài sáng tác của người nhạc sĩ lừng danh. Hôm đó là lần đầu tiên Phạm Duy giới thiệu bài “Ngày trở về” vừa mới sáng tác xong mà theo lời Phạm Duy nói “được thai nghén trên biển Đỏ (La Mer Rouge - Red Sea, nước Ai Cập), hoàn thành trên chiếc tàu Xanh (Le Train Bleu - là chiếc xe lửa đi từ Marseille tới Paris)”. Mọi người nghe bài nhạc không cầm được nước mắt vì xúc động. Lúc đó tôi đang ở đậu nhà của anh Huỳnh Tấn Đốc – một doanh nhân lớn tại miền Nam, tọa lạc tại số 5 Square Grangé. Phạm Duy thường đến đó để gặp tôi. Anh Huỳnh Tấn Đốc là một người hào hoa phong nhã, tuy rất nhạy bén trong thương trường mà cũng say mê âm nhạc. Anh rất thích nghe tôi đờn theo phong cách tài tử miền Nam. Khi gặp Phạm Duy, anh lại mê những bài hát của Phạm Duy. Anh thường tổ chức những bữa ăn cuối tuần tại nhà với những thức ăn ngon theo phong cách người Việt. Ngoài một vài người bạn trong thương trường, lần nào cũng có hai ba cô gái đẹp. Mỗi khi được yêu cầu hát một vài sáng tác của mình thì Phạm Duy chẳng những hát rất hay mà có cách giới thiệu bài hát rất sinh động, hấp dẫn. Thí dụ như khi giới thiệu bài “Cây đàn bỏ quên”, Duy đã dẫn mọi người đi vào không gian câu chuyện âm nhạc rất thú vị: “Xin mời các bạn cùng tôi nghe một câu chuyện có thực. Tôi đến chơi nhà một người bạn gái. Sau khi đàn hát cho cô bạn nghe, tôi ra về và sơ ý đã để quên cây đàn. Hôm sau trở lại, tôi bỗng nhiên thấy một bó hoa đặt trên cây đàn của mình, nhưng người thì chẳng thấy đâu. Tôi rất xúc động nhưng đợi mãi vẫn không gặp lại được người thiếu nữ. Khi ra về, lòng tôi băn khoăn tự hỏi cô đặt bó hoa trên cây đàn là cô có cảm tình với tôi hay chỉ thích tiếng đàn mà thôi? Mời các bạn hãy giúp tôi trả lời câu hỏi này.” Duy vừa kể xong thì phía người nghe nhạc đã có tiếng rì rào: “Yêu cả hai!” Lúc Duy ở bên Pháp, nhiều điều kiện làm cho Duy gần với chánh quyền miền Nam. Anh ruột của Phạm Duy – nhà văn Phạm Duy Khiêm – đang làm đại sứ cho chánh phủ Ngô Đình Diệm. Hai người bạn thân của Phạm Duy là Võ Lăng và Võ Hải là người cộng sự đắc lực cho ông Ngô Đình Luyện – em ruột ông Ngô Đình Diệm. Tuy vậy, khi Hội người Việt (vốn thân với chánh quyền miền Bắc) tổ chức một đêm Tết Nguyên đán, tôi là người trong ban tổ chức, có mời Phạm Duy tới dự buổi đó. Phạm Duy không chỉ là một khán giả đến xem chương trình nghệ thuật, mà còn bằng lòng lên sân khấu đọc một bài thơ của Hoàng Cầm, tựa là “Đêm giao thừa”, đọc rất hay và có hồn. Có những đoạn đọc theo cách ngâm thơ, có đoạn theo giọng hát ru, thính giả hoan nghinh nhiệt liệt. Qua sự kiện đó, tôi thấy rõ rằng Phạm Duy tuy về sanh sống tại miền Nam nhưng không tỏ ra chống đối miền Bắc bằng cách tẩy chay chương trình Tết của Hội người Việt tại Pháp như một số Việt kiều ở đó. Các bạn trong Hội người Việt cũng có dịp thấy rằng tôi hoàn toàn ủng hộ lập trường chánh trị và văn hóa của Hội. Nhưng khi có một người nghệ sĩ tài ba lại đọc một bài thơ kêu gọi lòng yêu nước như bài “Đêm giao thừa” mà đoạn chót là một bài hát ru, Phạm Duy với tiếng ngâm đúng truyền thống miền Bắc, đã làm cho nhiều thính giả đêm đó nhớ về quê hương đất tổ: “À ơi Cha con ăn Tết lập công Cho sữa mẹ chảy một dòng nghìn thu Cha đem cái chết quân thù Làm nên sức sống bây giờ của con...” Trong những câu chuyện hàng ngày, đôi khi chúng tôi cũng bàn về tình hình của đất nước. Duy và tôi đều không tán thành việc chia đôi đất nước ngang qua vĩ tuyến 17, nhưng tôi thì chỉ nghĩ làm sao góp sức mình và ủng hộ những nhân vật, cơ quan đang hoạt động vì sự thống nhất đất nước. Còn Duy thì muốn thống nhất đất nước qua âm nhạc của Duy tự sáng tác để nói lên quan điểm của mình, và để thỏa lòng ước mơ của mình bằng cách nối liền đất nước bằng một chàng trai đi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Hai chúng tôi có lẽ lúc đó gặp nhau và đồng ý với nhau là tính dân tộc trong âm nhạc. Tôi thì chỉ tìm lại trong lịch sử và trong sinh hoạt âm nhạc hiện tại những tư liệu mang tính chất tính dân tộc để sưu tầm, gìn giữ, tìm hiểu, phát triển và phổ biến. Phạm Duy thì không quay về vốn cổ như tôi mà sống trọn vẹn với những sinh hoạt âm nhạc của Việt Nam bằng cách vừa tìm hiểu âm nhạc truyền thống dân gian và sáng tác mới để làm cho truyền thống đó tiến bộ. Tôi lại được biết Phạm Duy không bị ảnh hưởng cách sáng tác nhạc phương Tây vì khi tôi hỏi Phạm Duy: “Sau mấy tháng học sáng tác, Duy có thấy tiến bộ gì chăng?” thì Phạm Duy trả lời: “Tớ học cho biết tụi nó sáng tác như thế nào, rồi tớ vứt những kiến thức đó... vào sọt rác! Nếu không, Duy sẽ không còn là Duy.” Tôi rất thích thái độ đó vì học bên ngoài mà giúp mình làm việc bên trong. Nếu học bên ngoài mà làm mất cái bản ngã của một người nhạc sĩ như Phạm Duy để sáng tác theo phong cách của nhạc sĩ Lopez thì là một mất mát rất lớn. Năm 1954 là năm tôi đang học nhạc học với Giáo sư Jacques Chailley. Năm đó thầy Chailley dạy về một môn rất mới mang tựa là “Sự thành lập và sự thay đổi ngôn ngữ âm nhạc” (Formation et transformation du langage musical). Trong đó có đề cập đến thang âm ngũ cung, tiền ngũ cung và cách chuyển hệ (metabole). Khi Phạm Duy biết được đề tài đó Duy đã nhờ tôi giới thiệu để được thầy Chailley nhận cho Phạm Duy làm bàng thính viên và Duy rất say mê về vấn đề thang âm điệu thức và chuyển hệ. Trong một buổi học, thầy Chailley có hỏi các sinh viên mỗi người tìm ra một vài thí dụ về những thang âm tiền ngũ cung, tam cung, tứ cung... Các sinh viên bên Tây và cả tôi mặc dầu cũng tìm ra được một vài thí dụ nhưng Phạm Duy mới là người tìm ra nhiều thí dụ nhứt và đưa tay trả lời sớm nhứt. Không những vậy, Duy còn hát lên những thí dụ của mình để minh họa. Thầy Chailley để ý và khen ngợi người học trò thông minh, sáng dạ. Tuy chỉ tham gia lớp học với tư cách bàng thính viên, nhưng Phạm Duy đã học hết mình, nhận được sự quý mến của thầy và bạn. Phạm Duy luôn nói với tôi: “Cậu học về dân tộc âm nhạc học là để trở thành một chuyên gia về môn này, còn tớ chỉ học để biết trong dân gian có những cách nào làm cho thang âm ngũ cung phong phú hơn và những giai điệu sáng tác trên hệ thống ngũ cung, tiền ngũ cung có phong cách đa dạng hơn, không bị nhàm chán mà không đi theo phương pháp của Âu Tây (thème et variation – nghĩa là 'nhạc đề' và 'biến khúc của nhạc đề')”. Bắt đầu từ đó, trong các bài dân ca sáng tác, Phạm Duy đều áp dụng kỹ thuật chuyển hệ một cách sáng tạo. Năm đó Phạm Duy bắt đầu nghĩ tới chuyện sáng tác trường ca “Con đường cái quan”. Tôi còn nhớ mỗi ngày thứ ba, hai anh em gặp nhau từ 2 giờ trưa, đi đánh tilt (billard electrique), hai đứa đều đánh giỏi nên chỉ tốn 5 france để mua một thẻ và uống hai ly bia, mà đánh cả giờ, khỏi mua thẻ thêm. Vì hai đứa đánh đều thắng nên đến khi rời tiệm, có khi còn dư hàng chục bàn. Nhưng một hôm, khi Phạm Duy đến, tôi nói: “Mình đi đánh tilt nhé!”, Phạm Duy trả lời: “Hôm nay mình muốn nói với Khê rằng mình mới nghĩ ra đề tài cho một trường ca 'Con đường cái quan', một chàng thanh niên bắt đầu ra đi từ Ải Nam Quan, dọc đường một cô thôn nữ trên đồng hát một câu 'Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại cho em than đôi lời, đi đâu vội mấy ai ơi...' thì chàng trai trả lời: 'Tôi đi từ Ải Nam Quan, tôi gặp nàng Tô Thị, cho tôi gởi một câu khuyên: Chớ về!' Tôi yêu lịch sử yêu tôi, ơi người ôi, ơi người ôi! Ti ti tì tì tỉ ti ti ti tì tì tí...”. Câu này có nhạc mà chưa có lời. Phạm Duy say sưa tiếp “rồi chàng trai tiếp tục con đường mình đi, đến mỗi một nơi, nghe hát một bài dân ca của vùng đó, chàng trai trả lời đôi câu rồi tiếp tục đi đến Mũi Cà Mau”. Tôi xúc động quá, nói: “Duy ơi, đề tài này tuyệt vời! Trong khi đất nước chúng ta còn đang bị chia cắt vì chiến tranh thì Phạm Duy muốn nối liền đất nước bằng bước đi của một chàng trai từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau và ở mỗi nơi một bài dân ca của vùng đó được hát lên.” Hai anh em ôm nhau cười to. Sau này, khi bài “Con đường cái quan” đã viết xong, Phạm Duy đã cho in ra thành dĩa hát. Khi giới thiệu việc thai nghén bài này, Phạm Duy từ Mỹ sang Pháp để ghi hình lại những câu tôi hát đoạn đầu của bài “Con đường cái quan”. Trên con đường dài, những bài nhạc Phạm Duy sáng tác mang âm hưởng của dân ca các miền, nhứt là những bản ở miền Trung. Nhưng khi vào miền Nam thì nét nhạc lại giống như những bài hát loại country của Mỹ. Tôi không đồng ý và có nói cho Phạm Duy biết rằng: “Khi vào tới miền Nam, tại sao Phạm Duy lại xoay lưng với dân ca mà sáng tác theo phong cách của Mỹ?” Phạm Duy nghe lời nhận xét đó, không những không giận tôi mà lại còn cho đăng bài của tôi viết trong tập giới thiệu “Con đường cái quan” và bài trả lời của Phạm Duy. Khi tôi hỏi Phạm Duy vì sao bài này tôi không hoàn toàn khen Duy mà Duy lại để trong tập giới thiệu thì Phạm Duy cười mà trả lời: “Tuy không khen mình mà viết đúng thì mình cứ đăng để có dịp mình trả lời!” Tôi rất thích thái độ đó. Lắm lúc tôi không chấp nhận một số sáng tác của Phạm Duy và có khi tôi còn giận Phạm Duy. Tôi nghĩ rằng, người như Phạm Duy đã thốt ra bao nhiêu câu thơ đẹp như trong bài “Tìm nhau”: “Tìm trong câu thơ cổ Tìm qua tranh tố nữ .................................... Tìm sau lưng bốn mùa Tìm nhau như thiên cổ tìm nghìn thu...” thì tôi không muốn từ miệng Phạm Duy có những câu mà Phạm Duy cho rằng “mình văng tục cho đỡ giận”. Vì vậy, nhiều lúc tôi giận Phạm Duy, không gọi điện thoại thăm cả tháng, nhưng mà sau rồi, khi thấy những lời không đẹp chỉ thoáng qua phút chốc, nhưng những lời êm đẹp thì còn rất nhiều và hiện diện mãi mãi trong lòng người, một con người cũng biết rung động trước cái khổ của người khác khi viết những câu “mùa đông đã đến kia rồi, gởi mau áo rét cho người chiến binh, nào ai vui thú gia đình, gửi cho chiến sĩ chút tình nước non...” (Mùa đông chiến sĩ) thì tuy “giận thì giận mà thương thì thương” như trong câu hát ví dặm. Hai chúng tôi có dịp cộng tác với những đài phát thanh lớn của nước ngoài (BBC, NHK, Geneve). Năm 1958, đài BBC (Anh) đã ký hợp đồng với tôi nhờ tôi làm một chương trình tiếng Việt: bao gồm 52 chương trình, mỗi chương trình 10 phút về âm nhạc truyền thống Việt Nam, sơ lược tân nhạc Việt Nam và những truyền thuyết trong âm nhạc Việt Nam. Lúc đó tôi rất may mắn có được một người cộng sự đắc lực là cô em họ Mộng Trung. Hai anh em đã làm việc rất ăn ý với nhau. Khi nào tôi cần có giọng nữ để minh họa thì em Mộng Trung sẵn sàng nghe theo lời tôi chỉ bảo, cố gắng luyện tập để minh họa đúng hơi, đúng giọng. Đồng thời tôi cũng có liên hệ với đài phát thanh bên Pháp, lại có dịp liên hệ với đài phát thanh NHK (Nhựt Bổn) và đài phát thanh Geneve (Thụy Sĩ). Phạm Duy có sự liên hệ với nhiều đài hơn tôi. Đặc biệt là đài Pháp Á tại Saigon và VOA (Mỹ). Năm 1981 Duy được đài BBC (Anh) mời nói chuyện trong 6 buổi, mỗi buổi 30 phút về tân nhạc Việt Nam. Nhờ đó mà Phạm Duy đã tổng kết được nhiều sáng tác của mình đồng thời phân loại và giới thiệu được một số tên tuổi các nhạc sĩ nổi tiếng trong tân nhạc. Cũng như tôi được nhiều đài phát thanh, truyền hình khắp năm châu mời giới thiệu chương trình. Hai chúng tôi và nếp sống “Thiền” Trong nếp sống cá nhân, tôi tuy không có học thiền nhưng tất cả những hành động đều mang tánh cách tương tợ như thiền. Thí dụ: tôi không bao giờ nghe điện thoại mà chạy tất tả lại để lấy điện thoại khi chuông reng, mà lấy điện thoại lên cũng không hối hả trả lời. Khi đi metro, xe tới cửa cổng sắp đóng, người ta thường chạy để chen vào chuyến xe đó, riêng tôi vẫn giữ được tiết tấu bước chân của tôi. Tôi không coi việc rửa chén là một chuyện bực mình mà là một chuyện vui vì tôi tẩy được cái dơ và đem lại sự sạch sẽ cho cái chén. Từ cách uống cà phê, hút thuốc, nếm rượu, tôi đều tập trung để mà tận hưởng mỗi giây phút. Chính vì vậy khi thấy Thầy Nhất Hạnh dạy thiền cho những người Phật tử, tôi mới tự khám phá ra rằng mình đã có một phong cách thiền mà không hay. Lần lần tôi mới nghĩ tới chuyện mang “thiền vị” vào trong tiếng đờn. Từ cách lên dây đờn, chỉnh dây đờn, nhấn những chữ đờn, tôi có một cách đờn đặc biệt và một cách nghe đặc biệt. Trong cách làm đó tôi đã bỏ đi những bay bướm mà trở về với dư âm của tiếng ngân vang từ trong tiếng đàn. Một cách đờn nhấn nhá bay bổng, khán thính giả theo dõi cách đờn của tôi từ chữ nhấn cữ rung giống như là đang tập trung theo dõi hơi thở. Phạm Duy cũng có một ý định như tôi, tức là sau khi làm những bài Đạo ca còn muốn nghĩ tới những bài Thiền ca. Duy nhận thấy rằng, khi mà đi tới tư tưởng đó rồi, thì cái tôi lại gặp cái ta. Nằm trên võng, nghe tiếng võng kẽo kẹt và tiếng võng đưa qua đưa lại cũng làm cho Duy nghĩ tới tư tưởng thiền. Khi nghĩ tới ý thiền, không phải như tôi để thiền vị vào trong tiếng đờn mà để thiền vị vào trong việc sáng tác những ca khúc tạo ra ý thiền. Cho nên mới có 10 bài Thiền ca. Lời gợi ý thiền vị. Trong những bài nhạc của Phạm Duy không có hay ít có những tiết tấu dồn dập. Hai chúng tôi đều lâm bạo bịnh và chịu giải phẫu nhiều lần Về mặt sức khỏe, trong cuộc đời tôi đã bốn - năm lần bị giải phẫu nặng. Căn bịnh gây ra những biến chứng là bịnh lao. Nhưng tôi đã có lần phải chịu bỏ tất cả tự do vào nằm trong viện dưỡng lao trong thời gian ba năm hai tháng. Tôi nặng nhất là về đường tiểu tiện và sinh dục. Tim thì bị đóng vôi, động tĩnh mạch bị nghẹn nhưng chưa nặng như Duy. Hai chúng tôi đều bị bạo bịnh nhưng tinh thần vẫn lạc quan. Phạm Duy cũng đã rất nhiều lần bị giải phẫu nhưng căn bịnh gây ra những biến chứng nặng là ung thư. Phạm Duy tuy gặp nhiều bạo bịnh nhưng không có lần nào ở lâu trong nhà thương. Duy thì bị về phổi và tiền liệt tuyến. Duy phải mổ năm ống tĩnh mạch để thay thế những mạch máu bị nghẽn trong trái tim. Do vậy bịnh phổi của Duy nặng hơn tôi nhiều. Điểm khác nhau: Hạnh phúc gia đình Trong cuộc sống gia đình, từ lúc nhỏ tôi đã thiết tha với sự đầm ấm của gia đình. Nhưng mà hoàn cảnh từ công việc sinh sống đến công việc đi kháng chiến và lý tưởng trong cuộc đời, tôi không may không tìm được một người bạn đời cùng chí hướng. Tuy vợ chồng có với nhau bốn đứa con mà thời gian ở chung với nhau không hơn năm năm. Trong đời tôi chỉ gặp có hai gia đình là gia đình Phạm Duy và Bùi Văn Ngọ là giữ được nếp nhà truyền thống, cả mấy đời cùng chung sống với nhau. Phạm Duy sống một cuộc đời rất phóng túng, không muốn để cho lý trí chi phối tình cảm nhưng lại được sống 50 năm chung với gia đình, gần vợ gần con, không một tiếng cãi nhau với vợ, và các con dẫu có cá tính nhưng vẫn thương mẹ thương cha, vẫn cùng chung sống với nhau một nhà trên đất Mỹ (là một nước mà trẻ con vừa lớn lên là muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ). Đến cuối đời, tôi có ý nghĩ muốn ghi lại cho có hệ thống những gì đã xảy ra trong cuộc đời của mình, đáng ghi nhớ, mà mỗi sự kiện có thể giúp cho mình và mỗi người tìm ra được một bài học có thể bổ ích cho người khác. Nghĩ như thế nhưng vì quá bận việc nghiên cứu âm nhạc, lại không theo dõi những sự tiến triển rất mau về công nghệ thông tin cho nên tôi chỉ dùng máy đánh chữ có dấu, tự viết quyển hồi ký đầu, đánh máy trong tám tháng mà chưa được nửa cuốn để mãi sau này khi về nước phải nhờ người khác lo việc đánh bản thảo, sắp trang và tìm người chịu bỏ tiền ra để in thành sách. Phạm Duy cũng có ý giống như tôi nhưng Duy là người sử dụng máy vi tính thông thạo trước tất cả mọi người. Từ thuở nhỏ đã có học về công nghệ, kỹ thuật cho nên khi nghĩ ra việc viết hồi ký là Phạm Duy tự tay đánh máy những bản thảo, sắp trang và in ra thành sách, không cần người nào khác giúp. Kể ra sau này, Phạm Duy cũng là người đầu tiên bỏ máy thu băng cối, bỏ cassette, làm ra những CD đầu tiên, đi tới CD-ROM đầu tiên, luôn luôn Phạm Duy theo sát sự tiến triển của khoa học, cho nên đối với tôi, tôi thường khen Phạm Duy là một người nghệ sĩ văn võ toàn tài. Trong hồi ký không phải Phạm Duy kể chuyện mình mà đề cập tới tất cả những sự kiện quan trọng xảy ra trong xã hội, chánh trị và văn hóa luôn luôn dính liền và có thể xem hồi ký của Phạm Duy là một quyển lịch sử rất phong phú và khá đầy đủ về phong trào nhạc mới (từ âm nhạc cải cách tới tân nhạc, tất cả các trường phái đều có đủ). Luôn luôn tôi muốn giữ sự độc lập chánh trị và không chịu gia nhập một đảng phái nào, không theo một tôn giáo nào mà chỉ dấn thân vào con đường sưu tầm, nghiên cứu, phân tách, đúc kết, gìn giữ, phát huy và giảng dạy âm nhạc. Trong khi đi kháng chiến, tôi không cầm súng bắn ai mà không muốn bị ai bắn mình nên toàn làm những công việc ở hậu phương hoặc đi giúp các bịnh viện ủy lạo thương binh. Phạm Duy trong khi kháng chiến không ngại cầm súng đi ra trận địa nhưng luôn luôn sáng tác rất dồi dào. Trong thời kỳ kháng chiến đã viết ra trên 50 bài đa dạng mà rất hay. Và khi gặp một phong trào chánh trị phù hợp với ý mình, không ngại dấn thân vào nó. Tuy vẫn giữ độc lập trong sự sáng tác, nhưng Phạm Duy không núp dưới bóng của văn hóa mà sẵn sàng tham gia trực tiếp các phong trào hầu hết về văn nghệ để luôn luôn “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”. Cùng chơi với Phạm Duy nhiều năm, tôi nhận thấy rằng Phạm Duy là một người rất ưa thích phụ nữ, nhưng chưa bao giờ tôi nghe Phạm Duy tỏ tình hay tán tỉnh vẻ đẹp bên ngoài của một cô gái nào. Nhưng Phạm Duy có cách nói chuyện, kể chuyện rất duyên dáng hoặc giới thiệu nghệ thuật của mình một cách say sưa, thu hút, cùng với một giọng nói truyền cảm dễ đi vào lòng người nên phụ nữ Việt hay người nước ngoài mỗi khi gặp Phạm Duy khó thể quên được người nghệ sĩ tài ba đó. Đối với tôi, Phạm Duy có biệt tài “tỏ tình mà không tỏ tình”, “tán như không tán”. Theo cách nhìn người trong cuộc sống của tôi, tôi cho rằng Phạm Duy là người có cá tính nghệ sĩ rất mạnh, bản tánh nghệ sĩ rất cao, nên Duy không cần khoe khoang, không tự tô điểm giới thiệu mình mà tự nhiên “anh hoa đã phát tiết ra ngoài”. Trong những cuộc tình tôi biết rõ, chưa có lần nào Phạm Duy là người đi tới trước, mà chỉ toàn là các cô vì mến mộ Phạm Duy đã mong muốn được chia sẻ tình cảm cùng người họ yêu quý. Nhờ chuyện đó, trong tất cả các loại tình, tình nào của Phạm Duy cũng rất đa dạng. Không chỉ tình thương đôi lứa bình thường mà còn tình quê, tình đồng đội, tình gia đình, tình bạn, tình yêu, tình tri kỷ... Nhờ sự nhạy cảm đó của Phạm Duy, dầu ở hình thức nào đi nữa thì cũng tràn đầy tình cảm, đúng như bản chất của Duy là người sống thiên về “bản năng” tình cảm, sống nhạy cảm với mọi biến thiên trong cuộc sống, tâm hồn. Phạm Duy và Trần Văn Khê lúc còn học ở Pháp Giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy ngồi bên bờ sông Seine Một lần đi xem hát Từ trái sang: Trần Văn Khê, Huỳnh Tấn Đốc, Gisèle,Phạm Duy (ảnh chụp năm 1954) Gặp lại nhau trên quê hương (ảnh: Phong Quang) Cùng viếng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ảnh: Phong Quang) Cùng chụp ảnh lưu niệm tại nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ảnh: Phong Quang) Tản bộ trên đường phố Sài Gòn (ảnh: Phong Quang) Cùng ôn lại kỷ niệm (ảnh: Phong Quang) Giáo sư Trần Văn Khê chúc mừng Nhạc sĩ Phạm Duy trở về quê hương (ảnh: Phong Quang) Hai người bạn cùng trao đổi về âm nhạc tại nhà của giáo sư Trần Văn Khê. Từ trái sang: Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Phạm Duy (ảnh chụp tại tiệc mừng thọ Phạm Duy 5/10/2010) (ảnh: Phong Quang) Nhạc sĩ Phạm Duy mừng thọ giáo sư Trần Văn Khê năm 2007 (ảnh: Đào Hoa Nữ) Giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy cùng giao lưu nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử. Giáo sư Trần Văn Khê khóc thương người bạn đã ra đi. Giáo sư Trần Văn Khê lạy tiễn nhạc sĩ Phạm Duy lần cuối. Giáo sư Trần Văn Khê đọc điếu văn tại tang lễ nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy (ảnh: Đào Hoa Nữ) Giáo sư Trần Văn Khê (ảnh: Đào Hoa Nữ) PHẦN THỨ HAI Tính dân tộc trong âm nhạc của Phạm Duy và mối liên kết với âm nhạc truyền thống Việt Nam Đi dài qua cuộc đời Phạm Duy, chúng ta có thể nhìn nhận rằng Phạm Duy đã được tiếp xúc với dân ca từ rất sớm. Thuở nhỏ nghe nhiều điệu hát, sống trong không khí làng quê, lớn lên lại được tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, phiêu lưu đó đây khắp các vùng miền đất nước, từ đồng bằng ra duyên hải, từ rừng sâu đến núi cao... nên Duy thân thuộc vô cùng với dân nhạc Việt Nam. Duy cũng có cơ hội tiếp cận với các bộ môn âm nhạc cổ truyền có tính bác học. Trong sự nghiệp của mình, Phạm Duy đã từng tự thâu âm hơn 80 bài dân ca, rồi tự ký âm, tự phân tách và nhận xét những bài ca đó. Vì hiểu biết dân ca nhiều như vậy nên những sáng tác lúc đầu của Duy cũng có nét nhạc mang âm hưởng như dân ca. Tuy vậy, với cách sáng tác theo hơi hướng dân ca này, Duy vẫn dùng những chữ nhạc có cao độ tương đối cố định, thỉnh thoảng có dùng những chữ nhạc già, non như trong nhạc truyền thống, nhưng Duy có cách nói khác, cho rằng đó là một chữ nhạc “lơ lớ” mà không sử dụng cách nói “già”, “non” như trong giới nhạc truyền thống hay dùng. Trong âm nhạc cổ truyền các nước Đông Á, những chữ nhạc có cao độ tương đối cố định, nhưng không theo cao độ tuyệt đối phương Tây. Còn ở Việt Nam thì dùng những chữ nhạc có cao độ tương đối không cố định (chữ nhạc “già” là chữ nhạc có cao độ cao hơn thường một chút; “non” là chữ nhạc có cao độ thấp hơn thường một chút). Nói là vậy nhưng trong già và non cũng không phải có tánh chất cố định ngay chữ đó già là già, non là non. Cao độ chữ nhạc cũng vẫn có sự du di trong khoảng già, non đó tùy theo cảm hứng hay phong cách đờn khác nhau của người nghệ sĩ, của bài bản, của không gian và thời gian diễn tấu... Thay vì dùng thang âm thất cung trong thang âm bình quân và cách kết câu theo luật sáng tác phương Tây thì trong các sáng tác của Duy, Duy thường dùng thang âm ngũ cung và kết câu theo phong cách của dân tộc. Nhưng có lẽ Duy chỉ nhìn thấy hai nét nhạc vui và buồn trong mỗi một cách dùng ngũ cung ở mỗi miền (như cách sử dụng điệu thức thứ và trưởng của âm nhạc phương Tây). Trong một số sáng tác về Huế thì cũng có sử dụng ngũ cung giống như thang âm đặc biệt của Hò Mái Nhì (Hò – Xự non – Xang già – Cống non) mà Phạm Duy thường gọi là thang âm “lơ lớ” trong một bài so sánh thang âm này với thang âm bình quân và cả thang âm pelog của người Indonesia. Nhưng chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một người sáng tác tân nhạc như Phạm Duy về tất cả cách dùng thang âm, điệu thức như trong âm nhạc cổ truyền. Phạm Duy không phải là một người nghiên cứu hoàn toàn về nhạc cổ truyền, cũng không phải là nhạc sĩ trong giới nhạc truyền thống, đương nhiên Duy sẽ không trực tiếp đi sâu tiếp xúc với các đặc thù thực sự của ngũ cung trong âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, không vì vậy mà bản thân những sáng tác của Phạm Duy lại thiếu đi nét đẹp của những giai điệu mang tính cổ truyền dân tộc. Chúng ta nên nhớ rằng loại âm nhạc mà Duy được tiếp xúc ngay khi còn nhỏ không phải là tân nhạc hay bất cứ loại nhạc ngoại quốc nào, mà Duy là cậu bé lớn lên trong câu hò điệu hát của quê hương, dân ca đã từ từ thấm vào da thịt, lời ru cứ dịu dàng thấm vào máu xương... Các nhạc phẩm danh tiếng của Phạm Duy đi vào lòng người cũng là những nhạc phẩm mang nhiều vẻ đẹp tình tự của dân tộc, mang những triết lý cuộc sống của con người Việt Nam, gây cho thính giả thưởng thức có những giây phút vừa mới lạ (trong cách sáng tác dành cho tân nhạc) vừa thân quen gần gũi (mang những nét nhạc âm hưởng từ dân nhạc cổ truyền), dễ dàng được công chúng yêu mến đón nhận. Trong tính truyền thống có tính mới mẻ, mà trong cái mới mẻ vẫn quyện chảy tính dân tộc, có lẽ vì vậy mà thính giả của Duy trải dài ở đủ mọi lứa tuổi già, trẻ, lớn, bé..., sống ở mọi nơi, trong và ngoài nước. Suy cho cùng, việc phải giải thích cho công chúng hiểu những đặc điểm trong sáng tác hay đặc thù của ngũ cung áp dụng trong các tác phẩm âm nhạc cũng không phải là nhiệm vụ chính của Phạm Duy. Duy là một nhạc sĩ, và hơn nữa, là một người nghệ sĩ thiên tài, Duy sẽ sống khi đặt bút nâng đờn sáng tác dâng tặng con người và cuộc đời những khúc nhạc hay, Duy sẽ phát tiết anh hoa và cá tính bay bổng của mình khi ở trong khung trời tự do không ràng buộc bởi bất cứ thứ gì, cả về những mớ lý thuyết âm nhạc nếu những lý thuyết đó không giúp cho Duy sáng tạo hăng say hơn. Nhưng với tư cách là một người bạn âm nhạc, một người anh em thân thiết với Duy, và cũng là một người đi sâu nghiên cứu nhạc truyền thống, sống trong giới nhạc cổ truyền, tôi cần nói ra, giải thích và phân tích nhiều điều về “tính dân tộc” trong sáng tác của Phạm Duy để chúng ta thấy rõ được sự phong phú, đa dạng, cá tánh âm nhạc cũng như trình độ sáng tác rất cao của Duy khi làm nghệ thuật. Chính cá tánh ấy của Phạm Duy mà phần nhiều những người hậu bối sau này, kể cả những người chuyên về sáng tác nhạc rất ưa thích và xem là hình mẫu để học hỏi và sáng tác nghệ thuật. A - NGŨ CUNG LÀ GÌ? Lúc ban đầu khi đi vào lãnh vực sáng tác, chúng ta đều nhìn nhận rằng âm nhạc của Phạm Duy mang đậm tính Việt Nam vì cấu trúc của những bản nhạc đó đều là ngũ cung. Mọi người khi nhắc đến ngũ cung thì thường liên tưởng tới 5 âm Sol La Do Ré Mi hay Do Ré Fa Sol La (theo cách nói của phương Tây), hoặc là Hò Xự Xang Xê Cống (theo cách nói của Việt Nam và Trung Quốc). Nhưng ngũ cung không chỉ đơn giản như vậy. Trong các nước Đông Á, thang âm ngũ cung có nhiều dạng khác nhau. Thí dụ như ở Trung Quốc, có hai dạng ngũ cung cho cách lên dây đờn tranh: một cách là lên theo Chánh cung điệu (Zheng gong diao 正宫调), một cách là lên theo Tiểu cung điệu (Xiao gong diao 小宫调). Còn ở Việt Nam cách lên dây đờn tranh cho những bản hơi Bắc, hơi Ai hay hơi Xuân... cũng khác nhau mặc dầu nó đều thuộc ngũ cung. Đặc biệt trong âm nhạc truyền thống Việt Nam theo phong cách đờn ca tài tử, ngoài các “dạng” khác nhau còn có các hơi khác nhau do sự áp dụng cách rung, nhấn, mổ trên những chữ nhạc khác nhau của thang âm ngũ cung. Bên phương Tây, đa số thể loại âm nhạc thường dùng thang âm thất cung vì họ cho rằng nếu như dùng ngũ cung thì có lẽ chưa đầy đủ (vì thiếu 2 âm). Nhưng không phải trong âm nhạc phương Tây không có ngũ cung. Trong âm nhạc dân gian phương Tây (folk music hay là musique populaire), cũng có rất nhiều bài sáng tác theo cấu trúc của ngũ cung. Nhưng loại ngũ cung này chỉ đơn giản là 5 âm hợp thành. Nó không có đa dạng, phong phú như cách dùng ngũ cung trong truyền thống nghệ thuật của châu Á, đặc biệt là cách dùng ngũ cung tinh vi như của Việt Nam. Khác với phương Tây, ngũ cung tại châu Á (đặc biệt là Đông Á) được cho là một thang âm đầy đủ. Trong truyền thống các nước châu Á, số 5 là một con số có vị trí rất đặc biệt. Nó tượng trưng cho danh dự, uy quyền. Số 5 dùng chỉ 5 hướng (Bắc, Nam, Đông, Tây và Trung tâm). Số 5 còn tượng trưng cho sự trường thọ và bất diệt, sự thịnh vượng và hạnh phúc cho mỗi gia đình. Số 5 hiện diện khắp nơi trong đời sống của người châu Á. Nhắc tới 5 loại vật chất thì nghĩ đến ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), trong thức ăn hàng ngày cũng đầy đủ ngũ vị (mặn, ngọt, chua, cay, đắng). Cơ quan trong cơ thể của con người cũng có liên quan đến con số 5, gọi là ngũ quan: tâm, can, tỳ, phế, thận (tim, gan, bao tử, phổi, thận)... Vì quan điểm số 5 là một số đầy đủ như vậy, nên trong âm nhạc Trung Quốc (và một số nước chịu ảnh hưởng của Trung Quốc) có 5 âm chánh là Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Ngoài ra còn có 2 âm phụ là Biến Cung và Biến Chủy. Sở dĩ không đặt tên riêng cho 2 âm phụ này vì 2 âm này không có cá tánh của riêng nó như 5 âm chánh kia. Biến Cung là một âm sẽ đi tới Cung, Biến Chủy là âm sẽ đi tới Chủy. Trong khi tự phân tách những sáng tác của mình mà Duy cho là dân ca, Phạm Duy có lần nhắc đến việc Phạm Duy dùng rất nhiều dạng ngũ cung. Theo tác giả và cũng như đối với nhiều người học nhạc theo phương Tây, việc sử dụng ngũ cung là một thủ pháp có thể làm cho giai điệu của những bản nhạc mang tính chất Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Nhưng các bạn thông thạo về nhạc phương Tây chỉ quen với thang âm Do – Ré – Fa – Sol – La hoặc Sol – La – Do – Ré – Mi dưới dạng Hò – Xự – Xang – Xê – Cống. Các bạn không hình dung rằng thang âm ngũ cung rất đa dạng và trong mỗi nước châu Á có những nét đặc thù của ngũ cung mà ít người quan tâm đến. Duy cũng có nhắc tới những dạng thang âm tiền ngũ cung (pre-pentatonique) như tam cung (tritonique), tứ cung (tetratonique) và trong ngũ cung có nhiều cách làm cho thang âm được đa dạng để tránh sự lặp lại, nhàm chán mà các nhà dân tộc nhạc học phương Tây thường gọi là metabole (chúng tôi tạm dịch là chuyển hệ). Đến nay các thuật ngữ đó cũng chưa được phổ biến rộng rãi trong giới âm nhạc và tại các nước Âu Mỹ cũng còn chưa có được sự đồng nhất giữa các chuyên gia thuộc nhiều nước khác nhau. Sắp tới đây tôi sẽ có dịp phân tách những nhạc phẩm của Phạm Duy và nêu rõ những yếu tố nào làm cho các bản nhạc đó mang tánh chất âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôi cũng sẽ có dịp dùng tới những thuật ngữ đó nên tôi nghĩ rất cần ghi rõ về sự thành hình và chuyển biến của thang âm ngũ cung. I. SỰ HÌNH THÀNH CỦA CÁC THANG ÂM TIỀN NGŨ CUNG VÀ NGŨ CUNG 1. Những chuyên gia nghiên cứu dân tộc nhạc học đã đi khắp hoàn cầu, gặp gỡ rất nhiều dân tộc và trong các bài viết hay các thiên nghiên cứu về ngôn ngữ âm nhạc đều nhận thấy rằng thang âm điệu thức rất đa dạng và có nhiều thang âm điệu thức đặc biệt cho một vài dân tộc, trong các loại nhạc bác học. Nhưng trong các loại nhạc dân gian thì chỉ gặp thang âm ngũ cung mà thôi. Thí dụ: trong âm nhạc bác học của dân tộc Indonesia, có 2 thang âm điệu thức Slendro và Pelog, gồm những quãng đặc biệt khác xa thang âm ngũ cung thường nhưng trong dân gian và những bài dân ca của dân tộc Indonesia chỉ thấy toàn thang âm ngũ cung. Trong nước Việt Nam, không có sử sách nào ghi lại cách hình thành của thang âm ngũ cung. Muốn tìm lấy nguồn gốc của thang âm ngũ cung, chúng ta phải tham khảo âm nhạc truyền thống Trung Quốc. Âm thanh cơ bản trong nhạc Trung Quốc là Hoàng Chung, và từ Hoàng Chung theo luật “san fen cun yi” (tam phân tổn ích) có thể tìm ra không phải chỉ 5 thanh (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ) mà đến cả 12 thanh gọi là “luật lữ”. Thanh luật là Thất thanh thập nhị luật lữ. Bảy thanh của thang âm thời xưa là Cung - Thương - Giốc - (biến chủy) - Chủy – Vũ – (biến cung). Thập nhị luật lữ là 12 thanh chuẩn, có 6 luật (thuộc về dương) và 6 lữ (thuộc về âm) theo cổ nhạc Trung Quốc mà người Việt có học đều biết: 1- Hoàng chung; 2- Đại lữ; 3- Thái thốc; 4- Giáp chung; 5- Cô tẩy; 6- Trọng lữ; 7- Nhuy tân (có nơi đọc là Di tân); 8- Lâm chung; 9- Di tắc; 10- Nam lữ; 11- Vô xạ; 12- Ứng chung. Những thanh 1-3-5-7-9-11 là luật; 2-4-6-8-10-12 là lữ. Theo truyền thuyết, khoảng năm 2697 - 2597 BC (trước công nguyên), Huỳnh Đế sai Lịnh Luân đi tới núi Côn Lôn, tại đó có những cây tre (trúc) có kích thước tương tợ nhau, lấy cây tre đó cắt ngang giữa 2 mắt tre, thổi vô chỗ cắt đó thì tìm ra âm Hoàng Chung. Tư Mã Thiên trong sách “Sử Ký” (do Edouard Chavannes dịch lại từ tiếng Trung Quốc – “Bàn về cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên”) cũng có đoạn viết như thế. Danh xưng ngũ âm (cũng gọi là ngũ thanh), là âm giai cổ nhất, chỉ dùng 5 âm, gồm có Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. “Ngũ thanh” – một từ xuất hiện sớm nhất ở sách Chu Lễ, thiên Xuân quan, viết rằng: “Giai văn chi dĩ ngũ thanh, cung thương giốc chủy vũ” (皆文之 以五声,宫商角徵羽). Và “ngũ âm” được tìm thấy sớm nhất trong sách Mạnh Tử (quyển hạ), thiên Ly Lâu – phần Thượng: “...bất dĩ lục luật, bất năng chính ngũ âm” (不以六律,不能正五音 – nghĩa là không dùng sáu luật âm thanh, không thể xác định chính đáng được năm âm). Khi định bề dài ống tre (trúc) để làm ra âm Hoàng Chung thì mỗi triều đại có cách định khác nhau. Nhưng sách sử ghi lại sau thời kỳ định âm Hoàng Chung theo phong cách của Lịnh Luân thì trong các đời sau, các nhà nhạc học căn cứ trên 2 nguyên tắc âm và dương: những con số lẻ thuộc về dương (1,3,5,7,9), và con số chẵn thuộc về âm (2,4,6,8,10). Số 3 tượng trưng cho trời, số 2 tượng trưng cho đất, 3 lần 3 bằng 9 (số 9 là con số đẹp nhứt trong dãy số dương, là số thành của trời, con số thường dùng cho vua chúa: ngôi 9 bệ, khăn đóng của vua có 9 lớp, trong triều có 9 bậc quan gọi là cửu phẩm, khi quân đội biểu diễn cho vua xem phải sắp hàng 9...). Và trong đó 9 lần 9 thành 81. Lấy 81 hột gạo (loại gạo panicum myleaceum) sắp thành một hàng dài (kích thước hột gạo tương đương nhau), sau đó cắt trúc Côn Lôn theo bề dài của 81 hột gạo thành một ống trúc, thổi ngay chỗ mặt cắt thành âm Hoàng Chung là âm cơ bản (âm chuẩn) để từ âm đó định ra các âm khác. Ông Constantin Brailoui – nhà nghiên cứu Lỗ Ma Ní (Romania) là một chuyên gia nghiên cứu về thang 5 âm và cách chuyển hệ. Ông cho rằng thang âm cơ bản của âm nhạc Trung Quốc là Cung – Thương – Giốc – Chủy – Vũ. Người phương Tây để tiện lợi cho sự hiểu biết của họ, cho rằng âm Cung là cơ bản, mà theo thang âm bình quân, nốt Do là cơ bản. Vì vậy thang âm cơ bản của Trung Quốc đối với họ là Do – Re – Mi – Sol – La. Nhưng thực ra, âm Hoàng Chung theo sách sử xưa được nhiều người nghiên cứu như linh mục Père Amiot từ thế kỷ thứ 18, trong quyển “La musique des Chinois tant anciens que modernes” (Âm nhạc của người Trung Quốc xưa và nay), và theo một Giáo sư Trung Quốc tên Chuang Pen Li (Trương Bổn Lập) – đang sống tại Đài Loan – đã nghiên cứu rất khoa học về cách định độ cao của âm Hoàng Chung thì âm Hoàng Chung phải rất gần với âm Fa3 của thang âm bình quân. Vì những lẽ đó khi Giáo sư Chailley nghiên cứu về thang 5 âm cũng lấy âm cơ bản là Hoàng Chung bằng Fa3, theo cách “ngũ độ tương sinh” (mỗi một âm được tiếp theo bằng một âm khác có độ cao hơn, nghĩa là âm cơ bản sanh ra âm kế tiếp và âm này cách âm cơ bản một quãng 5 gọi là ngũ độ, và như thế cứ tiếp tục). Năm cung tương sinh theo định luật “Tam phân tổn ích, cách bát tương sinh”: - Cung: Tam phân là chia 3, lấy số cơ bản bề dài ống trúc phát ra âm Hoàng Chung, 81 hột gạo, 81:3 thành ra mỗi phần là 27 Tổn là bỏ đi 1 phần, tức là bỏ đi 27, thì con số cơ bản còn lại là 54 Cái ống trúc chỉ có 54 phân bề dài thì thổi ra cho một âm có độ cao là 1 quãng 5 trên âm cơ bản, âm đó gọi là âm Chủy. - Chủy: Lấy số bề dài của ống trúc phát ra âm Chủy là 54, chia ra làm 3, mỗi phần là 18, thay vì “tổn” (bỏ đi 1 phần) thì phải “ích” (tức là thêm vào một phần) thì 54 + 18 = 72. Ống này thổi ra âm Thương. - Thương: Lấy số bề dài của ống trúc phát ra âm Thương là 72 chia ra làm 3 là 24 Bỏ một phần 24 (tổn) thì bề dài của ống trúc còn lại là 72 – 24 = 48, gọi là âm Vũ. - Vũ: Lấy số bề dài của ống trúc phát ra âm Vũ là 48, chia làm 3, mỗi phần là 16 Thêm vào 1 phần 16 (ích) thì 48 + 16 = 64 64 gọi là âm Giốc Thang 5 âm đó Tư Mã Thiên đã ghi rõ trong sách “Sử Ký”, rồi sau này ông Maurice Courant, trong luận án tiến sĩ của mình với đề tài “Âm nhạc cổ điển Trung Hoa” được đăng vào Bách khoa từ điển của Pháp, do ông Lavignac làm chủ biên cũng có chép lại. Thang âm gồm 5 âm: 1. Cung - Hoàng Chung 黃 鍾 (gần như Fa) = 81 2. Chủy - Lâm Chung 林 鍾 (gần như Do) = (81 x 2): 3 = 54 3. Thương - Thái Thốc 太 簇 (gần như Sol) = (54 x 4): 3 = 72 4. Vũ - Nam Lữ 南 呂 (gần như Ré) = (72 x 2): 3 = 48 5. Giốc - Cô Tẩy 姑 洗 (gần như La) = (48 x 4): 3 = 64 Sắp theo cao độ từ thấp lên cao: Cung – Thương – Giốc – Chủy – Vũ (Fa – Sol – La – Do – Ré). Nếu đọc theo chữ nhạc trong thang âm Việt Nam là Xang – Xê – Công – Liu – Ú. Nhưng đó chỉ là một dạng của ngũ cung. Tuy nhiên, theo quan điểm của người Trung Quốc, do số 5 là một con số quan trọng nên người Trung Quốc cho rằng thang âm ngũ cung là thang âm “đầy đủ” rồi. Nếu dùng thêm 2 cung nữa thì 2 cung đó không được có một cái tên riêng mà phải mang tên của 2 cung trong số 5 cung đã có, thí dụ như Biến Cung (Mi) và Biến Chủy (Si). 2. Ngũ cung theo quan điểm của những nhà âm nhạc học phương Tây thì do sự chọn lựa của một âm làm căn bản và trên âm đó lựa những âm theo luật “quãng 5 chồng chất” hay “ngũ độ tương sinh” (cycle des quintes – progression par quintes). Thí dụ nếu lấy âm Do làm căn bản thì thang âm đó sẽ do nơi từ Do mà đi lên một quãng 5 là Sol, từ Sol đi lên một quãng 5 nữa thành ra Ré, từ Ré lên một quãng 5 nữa là La, La lên một quãng 5 nữa thành Mi. Nhưng nếu lấy theo cao độ tuyệt đối thì 5 âm đó không thể vào chung một thang âm. Muốn cho 5 âm đó dùng được trong một thang âm thì phải lấy bắt đầu từ chu kỳ thứ nhì (tức là từ Sol lên Ré), lấy âm Ré một bát độ thấp hơn (một quãng 8 thấp hơn), tiếp tục như bình thường, đến chu kỳ thứ tư thì phải lấy âm Mi hơn một bát độ thấp hơn (tức là một quãng 8 thấp hơn). Như vậy chúng ta có thang âm Do – Ré – Mi – Sol – La. Nhưng Giáo sư Chailley sau khi biết được âm Hoàng Chung theo nhạc Trung Quốc gần với âm Fa3 nên ông lựa âm Fa làm âm cơ bản để từ đó tìm ra sự thành lập của thang âm ngũ cung. - Nhị cung: Fa – Do Có 2 dạng: Dạng I là Fa – Do (quãng 5) Dạng II là Do – Fa (quãng 4) Về thang âm nhị cung, những người đi trước như Giáo sư Jacques Chailley, nhà nghiên cứu Constantin Brailoui không tìm ra một bản nhạc nào được sáng tác trên thang âm 2 âm. Nhưng một sự tình cờ lại khiến cho tôi tìm được một thí dụ về thang âm 2 âm là trong hát đúm Hải Dương của Việt Nam: “Ngày hôm nay thanh nhàn thong thả Chị em ta còn lạ chưa quen Không chơi thì bảo rằng hèn Ra chơi chúng bạn chê khen thế nào Chị Hai nó ơiiiiiii....” Bài này thuộc dạng I của Nhị cung, nhưng đây cũng là trường hợp hiếm gặp trong âm nhạc dân gian Việt Nam và các nước. Ít có ai sử dụng hai âm để làm thành một bài hát. - Tam cung: Fa – Do – Sol Dạng I là Fa – Sol – Do Ít có bài hát thuộc dạng này, nhưng trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam theo phong cách miền Trung, kiểu “bạch” lại thuộc về thang âm này. Dạng II là Do – Fa – Sol Dạng này thì có rất nhiều bài hát, mà nhứt là những bài hát cho trẻ em. Đa số đồng dao đều thuộc về thang âm này. Thí dụ: các bài đồng dao như: “Cùm nụm cùm nịu Tay tí tay tiên Đồng tiền, chiếc đũa Hột lúa ba bông Ăn trộm ăn cắp trứng gà Bù xa bù xít Con rắn con rít Thì ra tay này” Hoặc: “Lạy trời mưa xuống Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày Lấy đầy bát cơm Lấy rơm đun bếp...” Trong dân ca, dạng II Do – Fa – Sol có trong bài “Thuyền phềnh” – một bài dân ca đồng bằng Bắc bộ, cấu trúc Re – Sol – La hay bài “Đò đưa” (cũng là dân ca đồng bằng Bắc bộ), dân ca quan họ có bài “Đợi chờ”, có trong hát “Trống quân”... """