"Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ - Đặng Hoàng Giang full mobi pdf epub azw3 [Self Help] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ - Đặng Hoàng Giang full mobi pdf epub azw3 [Self Help] Ebooks Nhóm Zalo Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ Tác giả: Đặng Hoàng Giang Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 01/2020 —★— ebook©vctvegroup Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ dẫn người đọc vào thế giới của người trẻ trên dưới hai mươi tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Trong thế giới đó có những run rẩy của va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh. Nhưng bao trùm lên tất cả, như một tấm màn lớn, là nỗi đau. Nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn được xã hội khen là “trưởng thành” và “ngoan,” từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, từ sự tuyệt vọng của người trẻ bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu cha mẹ. Vang lên như những bài hát khi buồn đau khi dữ dội, những chân dung trong cuốn sách cùng các phân tích tâm lý học của tác giả sẽ khiến cha mẹ, thầy cô và tất cả những ai có người trẻ trong cuộc sống của mình phải thức tỉnh, phải ngồi xuống lắng nghe con em mình và suy ngẫm về bản thân, để học cách chữa lành và yêu thương đích thực. Tặng những người trẻ đang đi tìm mình và cha mẹ của họ 1. “TÔI MUỐN MỌI NGƯỜI BIẾT RẰNG CÓ NHIỀU ĐỨA TRẺ VẪN ĐANG CHỐNG CHỌI TỪNG NGÀY ĐỂ LỚN LÊN THÀNH NGƯỜI TỬ TẾ” (Phương Anh, 20 tuổi, bỏ đại học)* Bạn đã xem Gordon Ramsay chửi như điên trong bếp, đúng không? Fuck! Fuck! Fuck! Fuck! Gordon Ramsay trong Master Chef ấy. Tôi cũng nóng tính như vậy. Hôm trước tôi rẽ qua tiệm bánh, nơi tôi làm bán thời gian kể từ khi bỏ Đại học Thương Mại để học làm bánh và quản lý nhà hàng. Tôi sẽ không kể là bố mẹ tôi phản ứng như thế nào, nhưng khi cấp Hai bạn học trường điểm và cấp Ba chuyên Chu Văn An thì bạn có thể đoán là chuyện bạn đi học nghề nó kinh khủng với bố mẹ như thế nào. Đến giờ tôi vẫn phải nói dối bạn bè của bố mẹ để giữ sĩ diện cho họ. Chỗ tiệm bánh tôi đang làm cũng có tới bảy, tám đứa bỏ đại học hoặc bảo lưu. Tôi hơi giật mình, “Có nhiều đứa giống mình vậy à?” Chưa bao giờ tôi hối hận. Từ khi học nghề tôi biết trân trọng lao động hơn. Tôi không ngại việc. Tôi chấp nhận một mức lương bèo bọt hay một công việc nặng nhọc nếu như tôi được học hỏi. Và tôi không phàn nàn khi phải đợi đồ uống lâu ở nhà hàng nữa, tôi biết là họ đang rất bận, họ đang rất cố gắng. Vậy là hôm đó tôi tới tiệm bánh, và thấy một cái bánh được làm rất cẩu thả. Tôi hỏi bọn chạy bàn, đứa nào làm bánh, rồi cầm cái đĩa lừ lừ vào bếp, đứng trước mặt nó. “Đ. con mẹ mày, làm cái đĩa bánh thế này à?” Nó giương mắt lên, “Làm sao?” “Làm sao cái con c.! Mày đéo biết nhìn à? Đ.m. mày mày xếp thế này à, mày vẽ thế này à? Mày có vấn đề gì không đấy?” Nó đổ cho đứa phục vụ làm đổ bánh khi bê ra. Tôi gọi đứa phục vụ vào, nó ngơ ngác, “Ơ không, em đi bình thường mà…” Tôi quay ra đứa làm bánh, “Bây giờ mày bỏ một trăm nghìn mày mua một cái đĩa bánh mà nhìn hình thức nó xấu, ăn vào nó đéo ra cái gì, mày có chịu được không? Không, đúng không? Mày tiếc tiền, đúng không? Mày có quay lại không? Không bao giờ!” Tôi chửi to lắm, bọn ở ngoài cũng sợ luôn. Ngoài anh sếp ra thì tôi là chủ lực ở tiệm bánh. Mỗi lần làm một loại bánh mới thì tôi sẽ đích thân mang ra giới thiệu cho khách. Hoặc khi có khách phàn nàn thì cũng lại phải tôi ra nói chuyện với họ. “Tại sao bây giờ cái bánh nó lại bé thế này?” Khách hỏi. Bọn nhân viên sẽ ú ớ. Tôi sẽ tỏ ra chuyên nghiệp, “Bọn em cắt giảm kích thước của bánh là để tăng lượng topping lên và cái size bánh sẽ phù hợp hơn, khi mà anh ăn hết cái đĩa bánh này thì bla… bla…” Khi bánh ế hoặc gần hết đát mà cần đẩy thì tôi cũng được cử ra để nói. Tôi là người hoạt ngôn. Hồi cấp Ba tôi đã hay đứng ra gánh team. Chữ này trong game ra, nghĩa là mình đứng ra cáng đáng, chèo lái cho team. Tôi học tốt văn sử địa nên trong các tiết đó tôi hay giơ tay hỏi cái này cái nọ, làm cô bận rộn, bọn còn lại làm việc riêng. Tôi vừa được học vừa giúp cho bạn ngủ. Tôi cũng hay bị cho là bướng. Hồi lớp 11 tôi bị tụt một bậc hạnh kiểm vì hay đánh son. Cô giáo nhắc liên tục, “Phương Anh xóa son đi.” Cô cho rằng do tôi mà bọn con gái trong lớp đánh son theo. Ở trường nhiều đứa ghét tôi, chúng nó bảo xinh thế mà học chuyên thì thế nào cũng chạy điểm. Tôi tự cho mình có một chút nhan sắc: da trắng, tóc dài, dáng cao ráo, chỉ có bắp chân thì hơi to, tôi không thích bắp chân to mặc dù nó rất tốt khi mình tập võ. Nhưng nhiều đứa lại quý tôi vì tôi hay lên tiếng. Hồi đầu cấp Ba, có thằng trong lớp tôi rất phá phách. Một hôm, cô giáo nói, “Anh lên đây, anh viết bản kiểm điểm cho tôi.” Nó bỗng đứng dậy, xồng xộc lao tới, giật cái ghế nhựa lên. Cả lớp cuống quýt, “Thôi, mày! Thôi, mày!” Tôi nhảy lên bục giảng, đứng trước mặt nó, quát, “Mày định làm gì thế?” Cô giáo sợ chạy ra chỗ khác. Tôi xách cổ nó, đẩy ra, “Mày về chỗ ngồi!” Tôi biết là nó sợ tôi. Trước đó, có lần ngoài sân trường nó cầm con chuột chết gí vào bọn con gái làm chúng sợ chạy chết khiếp, có đứa còn phát khóc. Đợi lúc nó không để ý tôi tới gần, giật con chuột rồi nhét vào trong áo nó. Nó hét, “Đ.m. mày làm cái gì đấy.” “Đ.m. mày không chịu được sao mày trêu những đứa kia?” Lúc đó là giờ thể dục, nó vớ cái vợt cầu lông quật. Tôi né. Hai đứa giằng co cái vợt, nó ngã xuống, tôi bẻ gãy cái vợt, nó là vợt đểu, vụt liên tiếp vào người nó. Mọi người đứng kín xung quanh cổ vũ, “Phương Anh cố lên! Phương Anh cố lên!” Sau lần đó thì tôi bắt vía được nó. Mắng đứa nhân viên kia xong, tôi tập trung vào làm một mẻ su kem. Giờ đây thì chỉ có mỗi trong chuyện làm bánh là tôi có thể dõng dạc tuyên bố mình đầy nhiệt huyết, tôi yêu nó nhất trên đời. Tôi đã thử hai mẻ, nhưng đều phải bỏ đi vì nó không được phồng. Đến lúc gần hết ca, lôi mẻ bánh ra thì tôi thở phào, người mềm nhũn ra vì mệt. Anh sếp chắp tay trước tôi như là vái sư phụ. Tôi nhớ rõ vì hôm đó anh ấy nhận được một túi nấm và một túi đá ship từ Sài Gòn ra. “Phương Anh đâu, lấy kéo ra đây,” anh ấy bảo, rồi cắt túi ra kiểm tra. Mọi người ngỡ ngàng, “Uầy, anh Thành chơi đá.” Anh ấy cầm một cây nấm, “Chúng mày… Hôm nay Phương Anh làm tốt, anh sẽ thưởng cho Phương Anh.” Giơ điện thoại ra Đây là lô bánh thứ ba của tôi. Đây là thành phẩm lần nướng thứ hai. Bạn có thấy sự khác nhau? Khó nhất của việc làm bánh là cảm nhận được nhiệt độ của cái lò và thay đổi nó. Chuyển ảnh Còn cái bánh này là Saint Honore. Cái này là Eclair. Còn cái này, tôi dùng nho đen không hạt, bột than tinh tre và đường bột để tạo điểm nhấn. Tôi rời tiệm bánh thì trời đã tối. Tôi lái xe chậm chậm, những sợi tóc bay lượn sóng. Những ký ức liên quan tới con đường bắt đầu trở về, tất cả cùng một lúc. Mỗi kỷ niệm như một trang sách, vô số trang cứ chồng mãi, chồng mãi lên nhau. Tôi biết là mình say cần bởi trước đó tôi đã nhìn vào màn hình có con bướm mà anh sếp gí vào mặt tôi. “Khi nào em thấy con bướm vỗ cánh bay đi thì lúc đó em phê rồi đó.” Suy nghĩ của tôi rời con đường thẳng và bắt đầu phủ kín không gian đa chiều. Hình ảnh tôi rời quán cafe với Dũng, cảnh tôi ngồi sau xe của anh, chúng chồng chéo lên nhau. Tất cả đã qua, tôi cảm thấy thật buồn. Tôi nhớ cái lần tôi và anh ấy ăn chung một cái bánh và sững sờ. Nó ngon kiểu mộc mạc. Tôi nói với Dũng, ôi, cái vị ngọt này vừa vặn, nó chỉ dừng ở đầu lưỡi thôi, nó không bị ngọt quá, còn cái kết cấu này, tại sao lại ra được cái kết cấu này nhỉ, bình thường bánh phô mai thì phải có vị như thế này nhưng sao cái này lại có một vị khác, và tại sao sự xuất hiện của nó lại đặc biệt… Cái bánh trông bình thường đến tầm thường nhưng bên trong thì có rất nhiều bất ngờ. Hồi mới quen nhau, chúng tôi đi tàu tới Quảng Bình chơi. Không hôn, không sex, chỉ là bạn thôi, nhưng tôi có cảm giác mình có thể sống với người bạn này cả đời. Khoang ngủ của chúng tôi ở trên cùng, rất thấp, nên bọn tôi ra chỗ rửa tay của toa ngồi chơi, trêu nhau, rồi đứng ở cửa sổ vẫy tay chào người đi đường. Cả ba ngày tôi không chạm tới cái điện thoại, chúng tôi hút cần liên tục. Buổi tối tôi say rượu, Dũng đợi tôi nôn hết xong mới dìu tôi về phòng. “Em đi được, em đi được,” tôi luôn miệng nói, nhưng vấp chảy máu ngón chân cái. Xong rồi tôi lại nôn tiếp lên giường, Dũng nói, “Oh shit.” Vậy là chúng tôi ngủ cùng nhau trên giường của Dũng. Anh ấy gãi gãi vào đầu tôi để tôi ngủ. Ngày thứ ba, ngày cuối cùng, chúng tôi mặc đẹp để lượn phố biển. Dũng mặc áo sơ mi trắng và quần skinny, đi giày converse đen trắng kiểu old school. Dũng rất để ý tới ăn mặc, ra đường thì phải đẹp, không cần lồng lộn lên, nhưng phải có style gì đấy. Tôi nói, hôm nay anh muốn em mặc cái gì, rồi chúng tôi cùng nhau tìm đồ cho tôi. Cuối cùng tôi mặc cái áo phông đen của anh ý, đi cùng quần bò đen. Chúng tôi lượn biển và ngồi ở một quán cafe kiểu bảo vệ môi trường, không ống hút. Một con phố đơn giản, mọi người đang sống cuộc sống của mình, không có trung tâm thương mại, không ai cắm mặt vào điện thoại. Trông họ không giàu có, nhưng tôi yêu cuộc sống của họ, nó hiền hòa, không giống cuộc sống ở thành phố lớn khiến người ta cứ phải căng thẳng. Buổi sáng cuối cùng thì chúng tôi có hôn nhau. Bọn tôi nằm cạnh nhau, anh ấy xoa xoa đầu tôi, rồi tự nhiên môi chạm nhau. Tôi thấy vui vui, trong tôi không dâng lên cảm xúc yêu đương, nhưng tôi hơi bối rối và tự hỏi, “Ơ, như thế này là thế nào nhỉ?” Anh ấy bảo, “Cứ nên để mọi thứ tự nhiên.” Đến khi về Hà Nội thì chúng tôi làm tình. Thực ra tôi đang trong giai đoạn không thiết gì tới sex, thậm chí còn hơi sợ. Nhưng Dũng đã làm tôi thay đổi. Hôm đó chúng tôi nằm cạnh nhau trong phòng của anh ấy, nghe nhạc, hút cần. Tôi nghĩ, “Nếu bây giờ làm tình thì mình chỉ làm tình được với anh ấy thôi.” Tôi xin lỗi, tôi ăn nốt miếng bánh. Ăn bánh Tôi mất trinh năm lớp Mười một. Ở tuổi mười bảy, nhu cầu tình dục là lẽ tự nhiên. Hormone của mình nó đẩy lên, nó làm mình muốn có những hoạt động đó. Tôi và bạn trai - tôi quen nó được hơn một tháng, rất thích nó mặc dù biết sẽ không lâu dài với cậu ta - “hành sự” trong một quán cafe phim. Tôi thấy hồi hộp và hiếu kỳ. Không được hướng dẫn bao giờ, chúng tôi mất rất nhiều thời gian với cái bao cao su vì không biết mặt nào là đúng. Tôi thấy đúng là thốn. Thốn là dở khóc dở cười. Vừa buồn cười vừa xấu hổ, giống như bạn bị bóng đá vào chỗ kín ở ngay sân trường ấy. Hồi đó bạn cùng lớp của tôi đã có quan hệ tình dục hết rồi, trừ thằng Minh. Nó là nerd. Thỉnh thoảng tôi lại trêu nó, “Chén đi! Yêu đứa nào đó rồi làm chuyện đó đi. Trải nghiệm ở tuổi này thì không phải là sớm nữa, nếu để muộn quá thì ông lại thành một thằng thiếu kinh nghiệm…” Thế mà cô giáo chủ nhiệm của tôi còn dặn dò, “Các em có thích nhau thì chỉ nên dừng lại ở mức nắm tay thôi bởi vì các em còn quá nhỏ. Vấn đề tình dục nó rất là nhạy cảm và các em chưa đủ bản lĩnh để đối mặt.” Cả lớp nhìn nhau. “Thế nên là,” cô lại nói tiếp, “nếu như các bạn nữ có bị gạ gẫm thì hãy khéo léo từ chối.” Khôi hài chết mất! Khi hai người có tình cảm với nhau thì làm tình sẽ rất thăng hoa. Tôi đã từng trải qua cái thăng hoa đó và tôi rất trân trọng nó. Ngược lại, năm ngoái tôi quay lại làm tình với một bạn trai cũ, sau khi hai đứa đã chia tay nhau được một năm. Lúc đó tình cảm đã vơi đi nhiều rồi, nên rất là chán. Những va chạm rất là bản năng. Cho nên tôi không mặn mà với tình một đêm hay lên Tinder chat vu vơ để lên giường với ai đấy. Nó không xấu, nhưng nó trần tục. Tôi vẫn hay khuyến khích mọi người là hãy đến với tình dục bằng cảm xúc. Nhưng thực ra tình dục không phải là cái quan trọng nhất. Cảm giác hai người có khi ở cạnh nhau, đó mới là cái quan trọng nhất. Tôi nhớ mãi lần tôi và Dũng ngồi ở ven hồ Tây. Chúng tôi im lặng, nhìn ra hồ và hơi mỉm cười, điếu cần chuyển từ tay người này tới tay người kia. Chả có gì xảy ra cả, mà tôi thấy hạnh phúc, buồn cười thế. Ký ức đầu tiên về bố mẹ đánh nhau là khi tôi năm tuổi. Tôi đơ ra nhìn, miệng vẫn đầy cơm, không khóc, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hồi cấp Hai thì ban đêm tôi hay bật dậy vì nghe tiếng mẹ gọi từ phòng bên, “Phương ơi, cứu mẹ!” Mở cửa phòng, tôi thấy hoặc bố đang túm tóc mẹ, hoặc mẹ nằm dưới chân giường, bật đèn lên thì thấy người mẹ tím tái. Có lần tôi gắt, “Điên à, tại sao lại hành người ta như thế? Con mệt lắm rồi, để cho con ngủ!” Mấy năm sau thì thỉnh thoảng ban đêm hai mẹ con phải dựng nhau dậy vào bệnh viện vì bố say rượu ngã xe, phải khâu cằm vá má. Những gì tôi chứng kiến khiến tôi có thái độ… tôi nên gọi nó là gì nhỉ… Chai lì? Bình tĩnh? Bố mẹ đánh nhau - bình thường. Máu me - bình thường. Bố đấm, mẹ cào, phi đồ vào nhau, phang nhau, thụi, kẹp cổ, giữ chân các kiểu. Hồi nhỏ thì tôi để cái Linh, em gái tôi, ở tầng một, chạy lên tầng hai để can, “Thôi, thôi, thôi, thôi… Bố mẹ thôi đi.” Tôi lao vào thì bị hất ra. Đến khi bố mẹ buông nhau ra tôi mới khóc nức lên, khóc vì bất lực và tuyệt vọng. Sau này thì chỉ họa hoằn tôi mới can thiệp, còn nếu là lý do vớ vẩn thì tôi kệ. Có hôm hai người cãi nhau xem đẻ tôi ở phòng nào. “Phòng ba.” “Phòng bốn.” Một lúc sau thì, “Anh hâm à?” “Cô điên à?” Lúc sau nữa thì lao vào nhau, “Mày thích gì?” Vừa bi vừa hài. Cho nên là tôi giữ thái độ dửng dưng. Nhưng tôi có nhớ cảm giác cay đắng trong lòng lúc phải viết cái đơn nói nguyện vọng muốn ở với bố hay mẹ, khi hai người ra tòa. Sau đó thì mẹ rút đơn ly dị lại. Một tuần sau, tôi đang ở trên lớp thì mẹ gọi tới, hét ầm lên trong điện thoại. “Bố mày lấy chìa khóa xe máy của tao, rồi khóa cửa nhốt tao trong nhà. Mày về đây mà giải quyết.” Thế là tôi phải về nhà để “giải quyết”. Rồi mẹ chuyển ra nhà khác, cái Linh ở với mẹ, tôi đi lại giữa hai nhà. Mà tôi biết cách né đòn của thằng bạn cùng lớp là do bị bố mẹ đánh nhiều quá. Cũng nhờ tránh đòn nhiều mà khi bắt đầu học võ tôi tiến nhanh. Bố mẹ tôi lôi về hàng chục cái roi mây rất dẻo, cất mỗi nơi một chiếc, tiện chỗ nào lôi ra chỗ đó. Tôi phải lục lọi tìm để vứt chúng đi. Bố thì phần lớn là đánh có lý do chính đáng, tôi về muộn hay gì đó. Còn mẹ thì nhiều khi đánh vì mẹ cần chỗ xả. Mình áp bức người yếu thế để trút cơn giận. Qua mắt mẹ thì tôi nhận biết được điều đó. Sau này thì tôi phản kháng lại. Hôm trước, không nhớ to tiếng vì lý do gì, mẹ vớ cái chổi xỉa vào tôi. Tôi giật nó, ném ra chỗ khác, phản xạ rất thuần thục. Tôi cảnh báo, bây giờ mà đánh thì không biết ai đau đâu mẹ nhé. Thế là mẹ thách thức, “Mày đánh tao đi, đánh luôn đi xem nào!” Tôi bảo, “Không, con học võ không phải để làm mấy trò này, mẹ đòi đánh con xong giờ lại còn thách con đánh lại. Dở hơi!” Mẹ tôi đi lên tầng hai, nói với cái Linh, chị mày là con mất dạy, chị em mày tự đi mà bảo nhau. Tôi nói, “Để cho nó học, có gì thì xuống đây mẹ con mình giải quyết.” Mẹ gọi với xuống, “Mày thu dọn hết quần áo sách vở cút về ở với bố mày đi.” Tôi và mẹ không nói chuyện với nhau một thời gian. Nhưng mẹ mình thì làm sao mình thù mãi được. Từ nhỏ tôi đã thấy lúc nào cũng bấp bênh. Tan trường tôi vừa đạp xe về vừa tự hỏi hôm nay ở nhà có chuyện gì không đây. Giữa mùa hè mà nhà tôi lạnh như cái nhà hoang, không có một tiếng cười, “Ừ, đời mẹ thất bại rồi, đời mẹ chỉ đến thế này thôi,” mẹ nói cùn. “Con cao siêu, con giỏi, con có năng lực thì con kiếm việc, cưới chồng, rồi sống cuộc đời hạnh phúc đi.” Bố thì bảo, “Bố mẹ chu cấp cho con tiền ăn học, còn thì không thể cho con hơn được, chỉ có thế thôi…” Tôi phải chấp nhận chứ sao bây giờ? Từ nhỏ tôi đã quen với việc không có bố mẹ ở bên. Buổi sáng tỉnh dậy, móc ví bố lấy tiền ăn sáng rồi đạp xe đi học. Chiều về nhà, có hay không có ai cũng không quan trọng nữa, không buồn, không nhớ, không gì cả, tôi cứ đứng ở cửa nhìn người qua lại, ánh mắt vô hồn. Giờ đây, cảm xúc của tôi với bố mẹ là một thứ khó tả. Tôi không trách, nhưng bảo là thương thì tôi cũng không thương. Nó là một thứ dửng dưng, không sâu sắc, không lạnh nhạt. Và không âu yếm như là cái cách con cái vẫn bình thường nhìn bố mẹ. Tôi muốn tự lập, tự chu cấp để đỡ gánh nặng cho bố mẹ, thế thôi. Thực ra nhiều lúc cái căm ghét nó trỗi dậy trong đầu mình, nhưng sau đấy tôi lại nghĩ, về mặt tâm linh thì tôi đã lựa chọn bố mẹ tôi, tôi đã tự chọn khó khăn cho mình, nên là tôi sẽ phải tiếp tục giải quyết. Có lần tôi ăn cơm ở nhà thằng Minh. Mọi người nói chuyện tự nhiên lắm, cứ ăn uống, chia sẻ với nhau, cười cười nói nói bình thường. Tôi đờ người ra kinh ngạc, thấy như mình đang xem một bộ phim tình cảm gia đình, “Ừ, đã hai mươi tuổi rồi mà mình không biết cái cảm giác hạnh phúc nó như thế nào,” trên đường về, tôi hơi lo lắng, “vậy thì mình có phát triển bình thường được không nhỉ?” Không được yêu thương từ nhỏ, tôi thấy mình giống cái cây bị thiếu chất dinh dưỡng từ dưới gốc, nên lên trên nó yếu đuối, còi cọc. Lúc nào mình cũng có cảm giác phải vượt giông vượt gió để đến được với sự sống. Nó cứ bị quật ngã liên tục ấy. Lúc ở nhà Minh, tôi thấy bao nhiêu tự tin bay đi đâu hết. Tôi rụt lại bên trong, thấy mình lạc lõng, mình vui cho bạn nhưng mình cũng bị đẩy ra xa. Từ tiệm bánh về đến nhà, tôi nhìn cái Linh đang hí hoáy vẽ và thấy thương nó quá. Từ khi học võ thì tôi ít nổi giận với nó hơn, mặc dù nhiều lúc nó vẫn dở hơi. Từ hai năm nay mẹ phó mặc nó cho tôi hoàn toàn. Tuần trước, nó khóc và gọi điện cho tôi là nó đang chui trong nhà vệ sinh ở trường vì sợ bị đánh. Giữa trưa, tôi đi xuyên qua thành phố, giả vờ với bảo vệ là phải đưa chìa khóa để được vào trường nó. Tôi gọi thằng bé dọa đánh ra. Nó sợ xanh mặt. “Mày đánh cái Linh đấy à, tại sao mày đánh nó?” “Nó chửi em.” “Bây giờ thế này nhé, nó là con gái, mày là con trai. Nó chửi mày thì mày phải chửi nó chứ tại sao mày lại đánh nó. Giờ chị to hơn, chị đánh mày nhé?” Nó rúm lại. Tôi quay sang bảo cái Linh, “Em có chửi bạn không?” Nó gật đầu. Tôi bảo nó xin lỗi. Rồi tôi bảo thằng kia xin lỗi cái Linh. “Ok, xong chưa?” Nó gật đầu. “Giờ thì biến!” Nhưng có nhiều lúc cái Linh giúp lại tôi. “Chết rồi, chị lại nhớ anh Dũng rồi,” tôi thừ ra. “Nhớ nhiều không?” “Hình như hơi nhiều.” “Thôi, chị quên người ta đi, người ta không phải là người yêu chị đâu.” Nó lấy điện thoại ra khỏi tay tôi và xóa các ảnh của Dũng đi. Tôi bảo, “Ừ nhỉ, người ta không quan tâm tới mình nữa thì mình cũng không phải quan tâm tới người ta. Chị cám ơn Linh.” Ngồi không một lúc thì tôi ỉ eo, “Linh ơi, đi chơi đi, đi chơi đi, chị đang buồn.” Nó buông bút, thở dài. Nó mới lớp Chín nhưng tôi cho nó chở tôi trên xe máy chạy dọc hồ Tây, và nghe nó kể về thằng bạn trai của nó. Chúng nó mới chỉ hôn hít nhau. Hôm trước, tôi nhìn vào mặt hai đứa và dặn là những chuyện liên quan tới yêu đương, tình dục thì phải hỏi tôi, tôi sẽ tư vấn. Tôi biết là sẽ không cấm được chúng nó. “Chuyện ấy cũng không đáng ngại hay xấu hổ, nó là nhu cầu hết sức cơ bản, chỉ là mình nên chuẩn bị để đối mặt với nó tốt hơn.” Hai đứa đỏ mặt lên, “Vâng, chúng em nhớ rồi, có gì chúng em sẽ hỏi chị.” Cái Linh thả tôi xuống đi bộ, rồi phóng lên phía trước. Tôi ngồi xuống cái ghế đá chỗ tôi gặp thằng Minh cuối tuần trước. Hôm đó hai đứa ngồi tựa lưng vào nhau, hút cần. Mặt trời rọi nắng từ trên cao. Bên hông tôi là cuốn sách mới mua, Công thức nấu ăn tặng con gái. Tác giả dạy con gái nấu ăn trong những ngày tâm trạng, cô ý viết rất dịu dàng, đơn giản, đọc mà thấy buồn lắm. Tôi và Minh cùng nhắm mắt và tưởng tượng mình đang đi trên bờ biển. Bờ biển của nó có nhiều người, còn của tôi thì chỉ có cây cối và mình tôi. Tôi hiểu vì sao. Minh đầy đủ về mặt gia đình, nhà nó vui vẻ, nên nó thoải mái hòa nhập vào đám đông. Tôi thì có quá khứ không hạnh phúc, cuộc sống hiện tại xô bồ, nên tôi chọn cỏ cây cho bình an, dịu mát. Nó lớn lên trong một môi trường tốt đẹp, ở quê không khí trong lành, mọi người thân thiện. Trong môi trường của tôi thì người ta coi tiền bạc và sĩ diện là cực kỳ quan trọng. Nó đã có hạnh phúc rồi thì càng dễ có hạnh phúc trong tương lai. Còn tôi phải biến khổ đau thành hạnh phúc, ăn vào toàn cái xấu nhưng phải lọc ra cái tốt. Tôi hay nói chuyện với nó, nhưng nó cũng không thể hiểu hết được mọi thứ. Tôi chỉ có vài ba kỷ niệm đẹp. Một là ngày đầu tiên của đợt thi đại học. Tôi kéo một vài người bạn về nhà nghỉ trưa, và thấy bố mẹ đang cùng nhau nấu ăn trong bếp, đợi tôi. Trong tôi dâng lên một cảm giác ngọt ngào, sung sướng. “Hôm nay mình là nhân vật chính, mình được quan tâm.” Một lần khác, tôi kể với mẹ là mình bị mẹ của bạn trai gọi điện tới bắt hai đứa bỏ nhau, nếu không cô ấy sẽ nói với hiệu trưởng, vì cô ấy là bạn của hiệu trưởng. Mẹ im lặng mấy phút, tôi đã tưởng mẹ không quan tâm thì mẹ quay ra bảo, “Tao mà biết chuyện thì con ấy chết.” Con ấy là cô kia. Tôi cảm thấy được an ủi, được bảo vệ và hôm sau khi kể lại cho Minh thì có lén chùi một giọt nước mắt. Một lần nữa, tôi về nhà bố buổi trưa. Bố nấu cơm cho tôi ăn, nghe tôi kể về dự định đi thực tập của mình và khuyến khích tôi đi xa. Lúc tôi ra cửa thì trời vẫn mưa. Hai bố con đứng ngắm mưa, cùng lặng lẽ hút thuốc, không ai nói gì. Tôi cảm nhận được tình cảm bố dành cho mình. Nó ấm áp, nhưng là một hơi ấm muộn mằn và rất mỏng so với cái trống trải, lạnh lẽo bên trong tôi. Minh rít điếu cần và nói nhiều khi nó cảm thấy có lỗi vì nó thì quá đầy đủ về tình cảm, trong khi bạn bè xung quanh đều có cuộc sống rất phức tạp, đổ vỡ. Tôi bảo, “Đúng rồi đó, ông cảm thấy có lỗi đi.” Trên đường về, nhìn thấy một con chó chạy lũn cũn bên cạnh chủ, tôi bật khóc. Không tới mức nức nở, mà chỉ rơm rớm. Tôi vốn khó khóc. Không phải tôi chủ đích nén cảm xúc, mà là cảm xúc không chịu bật ra. Cho nên tôi rất đồng cảm với một anh người mẫu chuyển giới trong The Face Vietnam. Trong đoạn thử thách đóng phim, mọi người đều vào diễn rất ngon lành, nhưng anh ấy bảo luôn với các giám khảo Minh Hằng và Trấn Thành là, “Em không khóc được nên em không thể hoàn thành phần thi này.” Trấn Thành hỏi, “Tại sao em không thể khóc được?” Anh ấy kể về cuộc sống khó khăn của mình, từ nhỏ phải ở với bà ngoại, năm mười bốn tuổi bà mất thì anh ấy phải tự bươn chải, va vấp. Anh ấy thiếu thốn tình cảm, trở nên chai sạn, nuốt hết cảm xúc vào trong. Thật là thương cho những người như anh ấy. Đến cả cái cách giải tỏa con người nhất mình cũng không làm được. Lúc nào cũng trơ lì, lúc nào nhìn vào người ta cũng thấy mình cười nói, đi lại. Cho nên là lúc Dũng phũ với tôi khiến tôi hơi khóc một tí thì tôi nghĩ bụng, à hóa ra cũng có người đẩy được cảm xúc của mình đến mức đấy. Chỉ có một lần tôi tức tưởi, đó là khi bố và mẹ đùn đẩy nhau trả tiền học cho tôi, hai người lại không nói chuyện trực tiếp với nhau mà toàn qua tôi. Lúc đó tôi cảm thấy mình như một cục nợ bị đẩy qua đẩy lại. Đôi khi tôi thèm mình có thể khóc nức nở, khóc thật đã, để nó làm sạch những cái u uất bên trong. Nhưng giống như cái anh trong The Face, tôi không làm được vậy. Nhiều lúc phê cần, tôi buồn vô cùng, người mềm nhũn ra, đầu gục xuống bàn, nhưng mắt vẫn ráo hoảnh. Cùng lắm tôi chỉ rơm rớm như lúc này, khi thấy con chó chạy bên cạnh chú, hay khi thấy hai ông bà già nắm tay nhau đi trên đường, và sự thèm khát được yêu thương, nỗi tủi thân, trỗi dậy. Tôi lấy tay lau nước mắt. Cái sự rơm rớm này, nó không triệt để, nó làm tôi mệt và rấm rứt. Nó không giải tỏa được sự tuyệt vọng ở trong tôi. Có lần tôi hỏi Dũng, “Em nhìn nhận anh là người giao tiếp tốt, biết cách sử dụng ngôn từ để giải quyết cảm xúc của người khác. Có bao giờ anh ghét bản thân không? Có bao giờ anh khó chịu vì tiếng Việt của anh rất tốt không?” Tôi hỏi, bởi anh ấy cũng hoạt ngôn như tôi, cũng dễ thuyết phục người khác như tôi. Anh ấy bảo, “Có! Mình dễ dàng nắm bắt được tâm lý của người khác, khôn khéo điều khiển họ, vì mình đã trải qua rất nhiều thứ. Nhưng mình đọc được người ta mà người ta không hiểu được mình. Mình xoa dịu được cảm xúc của người khác, nhìn vẻ mặt mãn nguyện của họ, nhưng lòng mình trống rỗng.” Tôi cũng thấy như vậy đó. Chúng tôi đều khao khát được người khác chạm vào, nhưng lại dè chừng, cảnh giác. Tôi đã cố thủ từ bé tới lớn, tới mức tôi quên mất mình đang làm vậy, để không ai làm đau được mình. Tôi muốn mình bước ra xã hội thì hiên ngang một chút, để không có ai thương hại mình. Nhưng đến khi gặp được người mình thích thì tôi hoang mang. Mình muốn hạ áo giáp xuống, muốn được dựa vào họ, muốn được lắng nghe mà không cần họ phải khuyên bảo gì. Nhưng… họ lại có thể làm mình đau. Họ trở nên có giá trị với mình, rồi bỏ mình mà đi. Mình sẽ sống sót như thế nào với các ký ức? Tôi đã thấy quá nhiều dối trá quanh mình, nếu mình sống trong hoài nghi thì mình sẽ tuyệt vọng, nhưng nếu mình tin họ thì khi phát hiện ra họ dối trá mình lại đau khổ hơn. Giờ đây, cái đau trong tôi không phải là kiểu đau quằn quại, rên rỉ, mà là một dạng lãnh cảm. Tôi không còn lo lắng, sợ hãi nữa khi mẹ nổi giận. Tôi bình thản quá, bình thản đến mức mệt mỏi, bạn ạ. Tôi ghét cái cảm giác trơ lì này, nó làm mình trống rỗng. Ở chỗ tập Muay Thai có tới năm, sáu người thích tôi, toàn là người có vợ rồi. Tôi luyện cách đối đáp để tránh những lời trêu ghẹo, ong bướm vớ vẩn mà vẫn giữ được thái độ mềm mỏng với họ, một việc khá áp lực. Chẳng vẻ vang gì khi có nhiều người thích mình. Họ thích mình nhưng mình vẫn thấy cô đơn, bạn có hiểu cảm giác đó không, vì không ai khiến mình rung động. Tôi sợ mình bị chai sạn. Quá lâu không nảy sinh tình cảm hoặc có quan hệ quá nhiều đều có thể làm mình chai sạn. Cuộc sống sau này của tôi sẽ ra sao? Liệu tôi có tìm được bến đỗ không, hay tôi cứ lang thang mãi. Người khác thì nhẹ nhàng bước chân vào tình yêu, còn tôi thì lo sợ, mặc dù tôi không phải là một kẻ thiếu bản lĩnh. Không sợ sao được, cả một thời thơ ấu tới giờ cuộc sống đã trống rỗng, mệt mỏi, kết hôn xong lại không hạnh phúc nữa thì đúng là địa ngục. Có nhiều điều cám dỗ vẫy gọi tôi lắm, chỉ một cái gật đầu là cuộc sống của tôi đổi hướng. Dạt nhà, hút chích, trở thành chị đại đầu gấu, trộm cắp vặt, quên đi ngày mai, quên đi bản thân, không cố gắng nữa. Ôi, những lời mời mới hấp dẫn làm sao, trong khi cuộc sống của tôi thì bế tắc. “Mày sống thế mà vẫn chịu được à? Bỏ mẹ nhà đi.” “Mày qua nhà tao ở, rồi chúng mình đi đâu đấy.” Đã có những lần tôi về nhà, đóng gói sách vở. May mà những lúc đấy tôi có cô Thủy, cô giáo văn cấp Ba của tôi. Cô vừa sắp xếp hai trăm cái áo dài trong tủ quần áo của mình vừa nghe tôi kể chuyện gia đình, rồi bỗng buông một câu gì đó khiến tôi phải dừng lại và suy nghĩ. May mà tôi có thằng Minh, thỉnh thoảng nó quẳng cho tôi một cuốn sách, “Ê, bà đọc đi!” Gần nó, tôi thấy mình trở nên trong sáng, cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn. Và tôi lại tự nhủ, bấy giờ mình cần học, cần một công việc, cần chăm sóc bản thân, không để nó trôi tuột đi. Tôi muốn bạn hiểu là tôi đã rất, rất cố gắng để không buông trôi. Tôi muốn mọi người biết rằng có nhiều đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế. Im lặng rất lâu Bạn mời tôi tới nhà làm bánh cho gia đình bạn? Tôi sẽ rất vui. Tôi cảm thấy rất ấm áp khi được chăm sóc người khác. Đến giờ tôi vẫn nhớ những lúc mắt đối phương sáng rực lên khi ăn đồ tôi nấu. Họ ăn, ăn, ăn, tôi hỏi, “Ngon không anh?” Họ im lặng và ăn cho tới hết sạch. Tôi nhìn họ ăn và thấy hạnh phúc. Chúng ta sẽ bàn với nhau về buổi đó nhé. Tôi sẽ làm cả bánh mì nữa. Làm bánh mì khó hơn bánh ngọt nhiều. Nó là đỉnh cao và khởi nguồn của rất nhiều thứ. Những lỗ khí không tròn trịa, không đều đặn, nhưng nhìn chúng mình cứ như bị hút vào. Khi cầm dao cắt một ổ bánh mì to, nó giòn và phát ra những tiếng tách tách theo từng nhát cứa của mình, khiến trong lòng mình thấy vui lắm. Căn nhà tương lai của tôi, nếu như tôi có nhà, sẽ thơm lừng mùi cà phê và mùi bánh mì nướng mỗi sáng. Với tôi, như thế là cuộc sống đấy. 2. LỜI TỰA Trong gần hai năm, Phương Anh và nhiều người trẻ khác đã cho phép tôi đồng hành cùng họ. Tôi đã dành hàng trăm giờ đồng hồ để nói chuyện và nhắn tin với họ, đã đi qua hàng ngàn cập nhật Facebook và Instagram của họ, đã đọc nhật ký và blogs, đã xem tranh họ vẽ, nghe nhạc họ chơi, và khi có thể, đã gặp gỡ người thân của họ. Tôi muốn biết về thế giới của họ, muốn hiểu họ yêu gì, ghét gì, khao khát, hy vọng gì, họ đau buồn, hoang mang ra sao. Bởi vì, ngoài việc buông ra những lời phàn nàn và phán xét rằng người trẻ “lười”, “ích kỷ” và “vô cảm,” đã bao giờ chúng ta ngồi xuống và nghiêm túc lắng nghe họ? Những người trẻ trong cuốn sách này đều trên dưới hai mươi tuổi, cá biệt có người mười lăm, và có người hai mươi tư tuổi. Tương ứng với khái niệm late adolescence (thiếu niên muộn) trong tiếng Anh, đây là quãng tuổi đời tôi gọi là “hậu tuổi thơ,” thời kỳ mà người ta đã để lại tuổi thơ ở đằng sau, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới của người lớn, theo nghĩa đã đi làm, lập gia đình, độc lập về tài chính. Tôi không có tiêu chí để chọn nhân vật. Dù họ chăm học hay ham chơi game, có nhiều xung đột với cha mẹ hay luôn được coi là “ngoan”, chưa bao giờ yêu hay đã có trải nghiệm tình dục từ rất sớm, tôi gặp gỡ tất cả những ai sẵn lòng chia sẻ, và thực hành lắng nghe không phán xét. Tôi cũng không muốn đi vào những thống kê khô khan như là bao nhiêu phần trăm có quan hệ tình dục trước hôn nhân, hay mỗi ngày giới trẻ lên mạng bao nhiêu tiếng, mà muốn nắm bắt những rung động nhỏ nhất, những chuyển động li ti nhất trong một tâm hồn, những vật lộn để trả lời các câu hỏi vĩnh cửu của tuổi trẻ, “Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?” Mở lòng với tôi, một người xa lạ, và qua đó, đối diện với chính mình, là một quá trình khó khăn. Chúng tôi đã cần nhiều thời gian để khởi động; với cá nhân tôi, đó là một phép thử lòng kiên nhẫn. Tới khi một người trẻ hỏi liệu bạn họ có thể đến gặp tôi thì tôi biết họ đã tin tưởng. Khi họ lỡ miệng văng tục, tôi hiểu là hàng rào phòng thủ, xã giao cuối cùng của họ đã được hạ xuống, họ không còn cảm thấy khoảng cách giữa vị thế xã hội hay bằng cấp, học vấn nữa. Mặc dù vậy, đôi khi, nửa năm sau buổi gặp đầu tiên, một cô gái mới tiết lộ nguyên nhân cái chết của bố cô, một cô gái khác mới cho tôi đọc blog cô chỉ viết cho riêng mình, một chàng trai mới kể về giấc mơ vẫn thường trực ám ảnh cậu. Hẳn là những quyết định đó không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa họ và tôi, vào những gì chúng tôi đã đi qua cùng nhau, mà còn vào những vận động bên trong họ. Tôi cũng ý thức được rằng mình sẽ không thể nắm bắt trọn vẹn được một con người, một lịch sử cá nhân. “Con người là gì?” Svetlana Alexievich, nữ nhà văn Belarus nổi tiếng, suy ngẫm, sau khi phỏng vấn hàng trăm phụ nữ Nga từng tham gia Thế chiến thứ Hai, hàng trăm bà mẹ Nga có con hy sinh ở chiến trường Afganistan. Những cuốn sử truyền khẩu của bà là những bản giao hưởng của những giọng nói, những số phận. Alexievich so sánh việc nắm bắt nhân vật với quá trình vẽ chân dung. Mỗi cuộc gặp lại bồi đắp thêm các nét bút. Trên tinh thần đó, chúng tôi trở đi trở lại những chủ đề nhất định, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời non trẻ của các nhân vật, mỗi lần lại trong một bối cảnh và tâm trạng khác nhau. Trò chuyện cùng tôi cũng là chất xúc tác khiến người trẻ suy ngẫm sâu hơn về đời mình. Nó kích hoạt trí nhớ, các kỷ niệm dần nổi lên bề mặt. Họ quay về hỏi người thân, có thể là lần đầu tiên, về một giai đoạn nhất định trong gia đình. Chúng tôi cùng nhau vẽ sơ đồ về đời họ, những nơi họ đã ở, những ngôi trường họ đã tới, những mối tình họ đã trải qua. Ký ức không phải là một băng ghi âm có thể bật lên mỗi khi cần, nó luôn được tạo dựng. Người ta không thể chạm vào thực tại, vào cái được gọi là sự thật, như cầm một cốc nước, người ta chỉ có thể tiệm cận nó, và dù những thành viên của một gia đình sống cạnh nhau trong một căn phòng hẹp, họ có thể tồn tại trong những thế giới vô cùng khác nhau. Tôi và những người trẻ, chúng tôi ngồi bên nhau, từ mùa xuân năm trước tới mùa hè năm sau. Mỗi lần như vậy, có thể hàng tiếng đồng hồ trôi qua với những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày, rồi dần dần, họ chìm sâu hơn vào trạng thái suy tư, hồi tưởng, triết lý về cuộc đời. Họ bổ sung, soi sáng những gì mình đã nói, họ phủ nhận chính mình, họ mâu thuẫn, họ bất lực, không tìm được ngôn từ để diễn tả những gì mình đã hay đang trải qua. Ngồi đó và quan sát họ, tôi hay có cảm giác mình được mời bước vào một khu vườn kín mà từ trước tới nay chưa có ai bước vào. Nó vẫn đang biến động, và có lẽ chính chủ nhân cũng không bao giờ có thể khám phá hết mọi ngóc ngách của nó. Tôi thấy biết ơn khi được mời vào những khu vườn đó. Chúng khiến tôi khi mỉm cười, lúc thương xót, khi thấy ấm áp, lúc thấy băng giá. Trong nhiều khoảnh khắc, tôi cảm thấy thiêng liêng. Tôi cảm nhận được gánh nặng của việc làm người trên vai họ. Đây là thời điểm họ bước vào đường đời. Hành trình làm người độc lập của họ mới bắt đầu. PHẦN MỘT Thế giới vắng bóng người lớn 3. “KHI KHÔNC ĐƯỢC YÊU THƯƠNG THÌ NGƯỜI TA CŨNG KHÔNG QUEN VỚI VIỆC YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC” (Hồng Linh, 18 tuổi, nữ sinh viên ngành Marketing) Tôi mất trinh khi ngoài mười bảy tuổi, và tới giờ thì đã ngủ với bốn người. Tôi nghĩ tôi là người học nhanh, tới nay thì tôi đã từng trải hơn rất nhiều những đứa khác mặc dù chúng có thể có quan hệ sớm hơn tôi. Tôi muốn mất trinh, phần vì tò mò, phần do buồn chán. Hôm đó là dịp Tết, tôi ở trong phòng mình và nghe cái bài hát của Lana del Rey trong phim The Great Gatsby. Tết nhưng nhà tôi lạnh lẽo như nhà mồ. Từ hồi lớp Năm, khi bố mẹ tôi chia tay nhau, thì tôi ở với một ông bác, thằng em trai tôi ở với ông bác khác. Mẹ không nuôi được chúng tôi, ba không muốn nuôi chúng tôi. Cái gạt tàn của tôi đâu rồi? Máy vẫn đang ghi âm à? Mà bạn chỉ nghe thôi, bạn không đóng góp gì sao? Dừng lại, châm thuốc hút Nói thật là tôi thất vọng về ba. Ba tôi biết rất nhiều thứ, thông minh này nọ. Ba đóng tiền học cho tụi tôi, nhưng thế là hết. Đàn ông thì phải bảo vệ được gia đình chứ. Tụi tôi bị ức hiếp nhiều lắm, bị đánh, bị la hét, bị chửi rất nhiều, nhưng ba không bảo vệ tụi tôi gì hết. Tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh một người cha trong ổng. Có một thời gian ba tôi còn không biết ngày sinh của tôi nữa. Cuối tuần trước thằng em tôi qua ở cùng với ổng một tối. Thường tôi không quan tâm tới việc ba tôi đang ở với bà nào. Ở với ai cũng được, nhưng mà đừng có đụng tới tụi tôi, bạn hiểu không? Khi có mặt ba thì bả rất là nice với em tôi, nhưng khi không có ba ở đó thì bả đối xử với nó như với một con chó luôn. Bả hành hạ nó. Đù mạ, đéo hiểu luôn. Giờ ba tôi cũng lớn tuổi rồi nên có một phụ nữ ở bên cạnh cũng là cần thiết. Nhưng tôi thấy bả vô đạo đức. Thằng em tôi có làm gì bả đâu. Nó ngồi lên cái giường của bả. Bạn nghĩ coi, có gì đâu, một đứa con nít ngồi lên cái giường thôi. Vậy mà bả nắm đầu nó gí xuống đất, bả nói, “Chỗ mày ngồi là ở đây nè, mày đừng có đụng vô giường tao.” Má, tôi muốn qua nhà bả canh buổi sáng bả ra đường, lấy một tô máu chó tạt vô mặt bả. Bả ứng xử chó quá đi, nói thiệt, bây giờ là thời buổi nào rồi. Mà tôi không hiểu sao ba tôi toàn quen những người gì đâu không à. Tôi không hiểu luôn á. Bắt mẹ tôi sinh ra thằng em tôi cho đã rồi giờ để người ta đối xử với nó như vậy. Hồi mẹ tôi sinh thằng em tôi thì tôi đã mười tuổi hơn rồi. Chắc chắn là nó thiếu thốn tình cảm. Tôi còng queo trên giường, hút một điếu thuốc và nghe lại lần nữa Young and Beautiful. Tôi thèm được nói chuyện với ai đó. Tôi nhắn tin cho người này, người kia, Instagram, Zalo. Sexting.* Tôi rất có kinh nghiệm trong sexting nhé, tôi làm giỏi lắm. Giờ nghĩ lại thấy dơ bỏ mẹ luôn. Lúc đó tôi thấy mình đã sẵn sàng - down for sex. Tôi muốn mất trinh, kiểu mạo hiểm chút. Tuổi trẻ mà bạn. Ai cũng có một quãng thời gian tìm hiểu về bản năng sex của mình, bạn hiểu không? Tôi hay suy nghĩ, sex nó sẽ như thế nào nhỉ, sau khi có sex thì cuộc đời người ta có thay đổi không, cách người ta nhìn thế giới có khác gì không? Tới ba giờ sáng thì ông ấy tới đón tôi. Sinh viên, hơn tôi ba tuổi, mới nói chuyện với tôi đôi lần trên mạng. Tôi choàng cái áo khoác rộng thùng thình lên người, nhét một ít tiền vào túi. Mỗi tuần ba cho tôi năm trăm nghìn. Tôi chỉ nói chuyện với ba lúc xin tiền, vì tôi và ba không có gì để nói với nhau. Tôi cũng cảm thấy buồn vì điều đó. Mà ba cho tiền theo tuần, nên là tuần nào tôi cũng phải ngửa tay xin. Thỉnh thoảng mẹ cũng gửi cho tôi một trăm Euro. Mẹ tôi yếu lắm, mảnh khảnh giống như tôi này, mà lại ít học nữa. May là mẹ gặp được một ông người Pháp khá thương mẹ. Giờ mẹ tôi ở với ổng bên Pháp. Lần nào video call mẹ tôi cũng nói là giờ đây tụi tôi là thứ duy nhất mẹ có trên đời. Tôi mò ra khỏi nhà. Trước kia tôi hay cãi cọ với gia đình ông bác, nhưng giờ thì họ để tôi yên, tôi muốn làm gì thì làm, đi về lúc nào không ai quan tâm. Trời lạnh và tôi cảm giác hơi sợ. Bạn xem phim Người tình chưa? Tôi thấy mình giống như trong đó, chuẩn bị phó thác mình cho một người lạ. Tôi run, nhưng biết làm sao bây giờ. Tôi không nhìn vào mắt ông ấy, lẳng lặng trèo lên chiếc Exciter, rồi ông ta phóng đi. Phòng trọ của ông ấy cũng khá gọn gàng. Trên bàn vương vãi mấy câu ngôn tình ông ấy tìm được ở trên mạng. “Đàn bà thì mơ mộng, đàn ông thì hứa hẹn.” Kiểu đó. Thật là lame và nông cạn. Ông ấy vừa đi học vừa đi làm, gia cảnh dưới quê. Bộ ông ấy thì chỉ hứa thôi chứ làm được gì cho ai, lo cho mình còn chưa xong. Thực ra tôi cũng muốn ai đó phù hợp với mình hơn, nhưng tôi chẳng có ai. Rồi tôi chặc lưỡi là không quan trọng. Tôi chỉ muốn mất trinh. Tôi ra khỏi nhà với cái đích như vậy. Tôi thấy cái trinh tiết chả có giá trị gì. Chúng tôi tắt đèn rồi bắt đầu hôn. Tôi không nhớ các chi tiết, vì tôi chẳng thấy thích thú gì, không có cảm nhận gì hết. Chắc là vì tôi không thích ông ta. Ông ấy trông lẻo khoẻo nên cứ như là tôi fuck một đứa con gái vậy. Sau khi mọi việc đã qua, tôi tự nhủ, “Vậy là nó xảy ra như thế đó… Trời, kỳ dị ha.” Mọi thứ vẫn như cũ, không có gì khác hết. Không có gì đáng nhớ, thậm chí tôi còn muốn quên đi. Bởi vì sao bạn biết không? Bởi nếu nó đặc biệt và tuyệt vời thì có nguy cơ là bạn sẽ kỳ vọng quá nhiều vào cuộc sống sau này. Tôi đã tự rút cho mình kinh nghiệm là không nên kỳ vọng gì vào cuộc sống. Từ nhỏ đã không có ai quan tâm lo lắng gì tới tôi hết á. Quần áo tôi lôi thôi lếch thếch, tay và đùi xước xát. Cái niềng răng tôi đang đeo này, nó to tướng nhưng tôi không có tiền để lấy cái đắt hơn. Giờ tôi thấy suy nghĩ của mình khác rất nhiều so với mấy đứa vẫn ở cùng ba mẹ. Tôi phải cứng rắn hơn, bạn hiểu không? Tôi không phải là một đứa con gái được cưng, được chiều. Nhưng tôi phải chấp nhận thôi, tôi đâu có quyền gì mà đòi. Sau hôm đấy thì chúng tôi còn làm tình một lần nữa, rồi ông ấy biệt tăm. Tôi đã khóc rất nhiều. Tại sao người ta lại hành xử như vậy? Tôi nhắn một cái tin dài, đại ý nói có chấm dứt thì cũng nên đàng hoàng, ít nhất phải nói với nhau một tiếng, nhưng ông ấy cứ im lặng vậy luôn. Tôi biết là không nên kỳ vọng gì vào cuộc đời, nhưng tôi vẫn khóc. Vài tuần sau thì tôi quen người thứ hai. Cũng qua Zalo. Nói chung nhiều người trên Zalo dơ lắm, ít người cool hay thú vị. Tụi tuổi tôi thích quen kiểu học sinh hơn, nhưng tôi đã thất bại trong việc quen kiểu học sinh. Có những người mà tôi rất muốn giao tiếp, kết thân, nhưng tôi không biết cách phải làm sao. Lúc đó tôi thấy cuộc đời buồn chán, bạn biết học lớp Mười hai thì nó mệt mỏi và chán như thế nào rồi đó. Tôi chỉ muốn nói chuyện với trai thôi, muốn có trai để vui vẻ này nọ. Just wanna havefun. Ông thứ hai thì rất dễ chịu, ông ấy đối xử tử tế với tôi hơn ông trước nhiều. Chúng tôi nhắn tin dâm nhiều lắm. Hiện chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau, vẫn đi cafe. Ông ấy thú nhận là ổng đang có bạn gái. Vâng, tôi là side chick. Ổng nói là ổng rất thương cô ấy, nhưng cô ấy không làm ông ấy thỏa mãn tình dục nên ông ấy phải đi tìm các cô gái khác. Trên giường thì ông này giỏi hơn ông trước. Ông ấy nói tục rất nhiều. Tôi rất thích vậy. Không nói tục thì chán phèo à. Ông ấy khen tôi… hừm, tôi có nên nói không nhỉ… nghe kỳ lắm… giờ tôi đã có bạn trai rồi… Ông ấy khen là lưỡi tôi giống một con rắn. Ví dụ vậy. Dù ổng đang có bạn gái nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục. Với ông thứ hai này, chúng tôi có nhiều kết nối hơn, nhiều cảm xúc hơn. Tôi lắng nghe ổng kể về các vấn đề của bản thân. “Anh có thể kể cho em nghe để anh cảm thấy nhẹ lòng hơn,” tôi nói với ổng, “mặc dù em chẳng là ai cả…” Và tôi thèm được làm tình, bạn biết không. Chúng tôi đã làm tình ở trong rạp phim. Giờ nghĩ lại tôi thấy nó dơ, nhưng cái gì thì cũng nên thử một lần, bạn biết không. Ông ấy thấy tội lỗi với bạn gái, tôi cũng có chút vậy. Tôi thấy mình hơi ích kỷ vì tôi chỉ muốn có ai đó làm tôi vui thôi. Ổng kể là cô bạn gái ổng dễ thương như thế nào, xinh hơn tôi như thế nào. Ổng cho tôi xem Facebook của cô ta. Tôi cười. Chắc đứa khác thì sẽ ghen đó, nhưng tôi thì đã quen rồi, trong quá trình lớn lên tôi đã chấp nhận là mình không xinh, là nhiều đứa đẹp hơn tôi rồi. Thậm chí giờ tôi còn coi thường những con nhỏ đẹp. Bạn đẹp thì bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ đàn ông, bạn sẽ quen với điều đó và bạn sẽ nhờ vả rất là nhiều, bạn không có được sự cứng rắn như khi bạn tự làm mọi thứ. Một tháng sau thì tôi quen tay thứ ba. Tôi quen hắn trên Tinder, nói chung chỉ để có sex. Nhưng hắn làm tình rất tệ. Hắn nhanh quá. Hắn hỏi tôi là em có mệt không, tôi phải nói dối là có. Nhưng tôi không muốn nói về hắn nữa, thằng khốn. Lần này tôi lại là side chick, nhưng hắn giấu tôi, thằng lươn lẹo. Tôi bị lợi dụng. Hiện nay thì tôi đang có bạn trai. Chúng tôi đã quen nhau ba tháng rồi và đó là real love. Tình yêu thực sự là gì? Bạn trai tôi hiểu tôi, trong khi kể cả ông thứ hai cũng không hiểu cuộc đời tôi, các suy nghĩ của tôi. Ông ấy thấy tôi quá rối rắm. Tôi không bao giờ nghĩ mình rối rắm nhưng mọi người thì thấy vậy. Tôi có thể kể cho bạn tôi chuyện học hành. Tôi mới vô học năm thứ nhất ngành marketing. Tôi ghét tụi trong lớp, nhất là đám nữ. Chúng nó ồn ào, chúng chỉ bàn về chuyện trai gái, rất là mainstream. Cái cách tụi nó đùa với nhau á, nó rất lame và nông cạn. Chúng nó tị nạnh với nhau nhiều hơn là giúp đỡ nhau. Tôi coi thường tụi nó, nhưng tôi cũng không thích mình kém tụi nó. Nói chung vô học ngành này thì đứa nào cũng nghĩ là mình giỏi lắm. Tôi thấy tôi và bạn trai rất hiểu nhau. Tôi không hay kể chuyện gia đình mình cho người khác. Tôi chỉ mới kể cho thằng Huy,* và bạn là người thứ hai. Kể hay không thì cũng thế, kể ra có được cái gì đâu. Sẽ không có ai giúp gì tôi cả. Mà câu chuyện của tôi bình thường mà, đâu có gì đặc biệt. Tôi nghĩ rất nhiều đứa trẻ có tuổi thơ như tôi. Trước kia tôi hay khóc lắm, cứ nghĩ đến chuyện gia đình là khóc. Rồi tôi cứng rắn lên. Tôi nghĩ vậy, nhưng thằng Huy thì nói là thực ra tôi chỉ đóng kịch thôi, tôi chỉ diễn ra bên ngoài thôi. Dừng lại suy nghĩ Tôi lo lắng. Hôm trước bạn trai tôi kể về người yêu cũ, về việc anh ấy đã “phát điên” vì cô ta như thế nào. Lúc đó tôi không tỏ thái độ gì, nhưng sau đó thì tôi khóc. Chưa bao giờ anh ấy nói anh ấy phát điên lên vì tôi. Như thế có phải là tôi clingy không nhỉ? Những người không đầy đủ tình cảm thì thường sau này sẽ clingy, vâng, đeo bám, van xin được quan tâm và yêu thương vì họ sợ bị bỏ rơi. Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác. Thỉnh thoảng thằng em tôi tới thăm tôi, tôi rất thương nó vì biết nó thiếu thốn tình cảm, nhưng tôi không thể hiện được tình cảm với nó. Nhiều lúc tôi muốn gặp và làm tình với ông thứ hai, tôi nhớ ông ấy. Tôi không làm vậy, vì tôi tôn trọng bạn trai tôi, nhưng tôi cũng đặt câu hỏi về chính bản thân. Tôi có khả năng yêu thương không? Tôi không quen kết bạn giao lưu, nhờ người giúp đỡ, hỏi han nhờ vả. Mà tương lai tôi sẽ phải cần cái đó nhiều hơn. Tôi suy nghĩ rất là nhiều. Có lần tôi coi bói toán. Tôi rất sợ ba cái bói toán. Tôi né coi nó, và cũng không thực sự tin, nhưng có những cái nó làm mình suy nghĩ và lo lắng. Lần đó tôi coi và người ta bảo là tôi sẽ cô đơn, và tôi khá sợ điều này. Tôi nghĩ là ai cũng sợ cô đơn. 4. “CHÚNG TÔI ĐANG ĐI VỚI SỰ BẤT AN VÔ BỜ BẾN” (Hà An, nữ, 20 tuổi, bỏ đại học) Bạn có nghĩ là mọi cái cô đơn chẳng qua đến từ việc mình bị mất kết nối với gia đình không? Khi sinh ra, mình có sẵn kết nối với ba mẹ, ông bà. Sau này thì mình tự tạo ra những kết nối với bạn bè. Nếu có cãi nhau với bạn thì mình cũng không phải quá buồn chán, bởi mình biết đó là mối kết nối mình có thể tạo nên, có thể dựng lại lần nữa. Nhưng khi cái kết nối với ba mẹ, với gia đình bị mất đi thì mình không thể xây dựng lại được nữa. Mình cảm thấy lạc lối. Hôm trước, Bống, đứa em gái chín tuổi của tôi, đang ăn dở một quả táo thì bà ngoại cắn một miếng vào đấy. Nó không chịu ăn nữa, đòi quả khác, nhưng bà không cho. Tôi bênh nó thì bà bảo là chúng tôi chỉ sạch sẽ vớ vẩn, “nhà thì nhắc mãi không lau”. Tôi nói bà không tôn trọng chúng tôi. Bà bảo, “Xã hội bây giờ toàn bố láo bố lếu, xong rồi thì cãi khỏe.” “Thế hệ của bà và của cháu khác nhau rồi bà ơi,” tôi cố lý luận. “Thời bà sống nó áp đặt, nhưng bọn cháu bây giờ được tự do lên tiếng rồi.” “Ở nhà tao thì không được lên tiếng.” Thế là hết chuyện. Động một cái là “nhà tao”, cứ như bà sợ tôi và Bống quên là chúng tôi đang ở nhà bà. Mẹ ở luôn tại cái quán karaoke của mẹ, cách nhà bà nửa cây, tôi không rõ có cùng bạn trai hay không, và tôi cũng không muốn tìm hiểu. Buổi sáng, mẹ hay qua nhà bà để cho cái Bống đi học, buổi chiều mẹ tới tắm cho nó. Thi thoảng, mẹ ăn cơm tối với chúng tôi. Bà nói mẹ là con người hoang dã, một quả bom trong nhà, lúc nào cũng có thể phát nổ, gây phiền toái một cách bất ngờ. Hai người thường xuyên cãi nhau. “Hà An ơi, bà nói thật nhé…” từ bé tôi đã rúm lại mỗi khi nghe những lời rào đón này, vì sau đó sẽ là, “mẹ cháu…” “Nhìn mẹ cháu đấy, giờ mình phải khác đi, đừng giống mẹ mày rồi khổ cả đời.” Hoặc là, “May là mày giống ba mày chứ không giống mẹ mày.” Người lớn nhiều khi thật kỳ. Họ tưởng họ làm tốt cho mình trong khi họ làm mình đau. Những lời mắng nhiếc chĩa vào mẹ nhưng xoắn chặt tâm can tôi, làm tôi thật đau lòng. Tuần trước, trong bữa tối có cả mẹ, tôi nói: “Mẹ ơi, sau này thì con chẳng kinh doanh kinh diếc gì đâu nhé.” Với thằng Đan* hay cái Ngân,* hai đứa bạn học phổ thông của tôi, thì tôi sẽ bỏ mấy từ “kinh doanh kinh diếc” đi, nhưng với mẹ thì tôi phải nói theo cái kiểu bỗ bã, suồng sã như vậy. “Con sẽ làm mấy việc mà nó phải có ích cho cộng đồng cơ.” Đam mê của tôi là giáo dục và môi trường. “Có ích cho cộng đồng làm đéo gì.” Mẹ bảo. “Xong rồi mày để tao già chết khô ra à…” Đó. Thế nên tôi cũng không biết làm thế nào để nói một câu chuyện nghiêm túc với mẹ. Nhưng tôi biết là tôi có làm gì thì mẹ cũng kệ. Mẹ thờ ơ. Năm ngoái, khi tôi thông báo tôi sẽ làm gap year, và mùa thu tôi sẽ đi châu Âu làm tình nguyện viên, thì mẹ chỉ hỏi tôi cần bao nhiêu tiền. Nếu là tôi, tôi sẽ hỏi con tôi nhiều thứ, nó sang đó làm gì, việc gì có ý nghĩa với nó. Nói chung, tôi có cảm giác tôi và cái Bống ở bên ngoài cuộc sống của mẹ. Điều tôi buồn nhất là cái Bống phải chịu số phận không có ba, giống tôi. Ba tôi qua đời cách đây hai năm, ba của Bống thì còn sống nhưng nó không hay gặp ông ấy lắm. Lúc đầu thì nó và ba nó rất thân nhau, nhưng sau thì ông ấy không gọi điện cho nó nữa. Cho nên tôi luôn cố gắng bù đắp tình cảm cho nó. Trong một buổi thử tâm lý, người ta đưa ra nhiều màu sắc và tụi trẻ phải gán cho chúng ý nghĩa. Bống nói màu đỏ liên quan tới máu, màu xám là sợ hãi, trong khi những đứa khác chỉ nói đó là màu của bức tường. Bác tham vấn nói điều mà tôi cũng đã biết. Thiếu gắn kết với ba mẹ, đứa trẻ sẽ dần có cảm giác không an toàn. Chúng sợ hãi, thấy bất an và khó xây dựng quan hệ với người khác. Những điều đó, bản thân tôi đã trực tiếp trải qua, thậm chí còn tệ hơn nó nhiều. Hồi cấp Một, mẹ nghĩ bà nuôi tôi thì sẽ tốt hơn, vì bà là giáo viên, chỉ thỉnh thoảng mẹ đón tôi về ngủ cùng. Hồi đó tôi không ý thức được là mình thiếu gì, tôi được ăn uống đầy đủ, được đi học. Bây giờ thì tôi biết rằng thời đó tôi mong muốn được ở với ba mẹ. Tôi nằm bên chiếc cửa sổ to, đợi mẹ tới đón, và nói chuyện với đứa bạn tưởng tượng trong đầu, “Bạn ơi, tớ cầu nguyện tiếng xe này là của mẹ tớ.” Tuổi thơ của tôi gắn liền với sự chờ đợi và hy vọng. Hy vọng tiếng xe máy này là của mẹ. Hy vọng cái máy bay bay ngang qua có ba trên đó. “Ba ở trên đó đấy, ba sắp về rồi,” bà nội hay nói vậy. Càng chờ đợi tôi càng thấy cô đơn. Tuần trước, tôi ngồi bên ngoài lớp học đàn của Bống đợi nó học xong. Tiếng đàn dịu dàng và tiếng cô giáo thanh thanh từ bên trong vọng ra. Bỗng nhiên tôi thấy tủi thân kinh khủng, khiến tôi phải tháo kính ra lau mắt. Tôi đoán là mẹ cho rằng tôi có tất cả mọi thứ. Mẹ sẽ nghĩ là, ờ, con này, nó rất có tương lai, nó học Ngoại thương, nó đi hết nước này đến nước khác. Làm thế nào để tôi có thể nói với mẹ là tôi muốn được chăm sóc và yêu thương. Trước kia, hiếm khi chúng tôi nói được quá ba câu mà không nổi điên lên với nhau. Bây giờ lớn rồi, tôi cố gắng nhẹ nhàng hơn, kiềm chế hơn, nhưng bạn ơi, mẹ tôi không phải là cái kiểu người sẽ ngồi xuống và lắng nghe tôi như bạn đang làm. Em tôi cũng không được gần ba mẹ, nhưng ít nhất nó có một người để nó dựa vào, đó là tôi. Nó có một người quan sát nó, đó là tôi. Nhưng tôi không có ai cả. Nghẹn ngào Ai là người là tôi có thể dựa vào? Ai là người quan sát tôi, lắng nghe tôi? Tôi vào đại học như một cái máy. Thấy người ta bảo Ngoại thương là tốt thì ok, mình sẽ thi vào Ngoại thương. Tôi học ngày học đêm. Bà ngoại rèn tôi ác lắm. Đến bây giờ tôi vẫn còn co rúm người lại khi nhìn thấy một con toán và sợ rằng nếu mình không giải được nhanh thì người ta sẽ cho là mình đần. Có hôm tôi lỡ ngủ trưa ba tiếng, tỉnh dậy, tôi khóc ầm lên vì vừa bỏ lỡ thời gian cho việc học. Khi gần thi đại học thì có những lúc tôi hoài nghi. Mình đang làm cái gì đây, tại sao mình lại vào một cái trường mà mình chả biết gì về nó? Nhưng rồi tôi nhận được điểm, giấy tờ được hoàn tất, các thủ tục đã xong, và tôi bước chân vào trường. Đó là con đường an toàn nhất rồi, tôi tự nhủ. Mọi người khen tôi giỏi, tôi có ý chí, và tôi thấy dễ chịu. Tôi tìm cách có được nhiều lời khen hơn mà không tự hỏi thực ra mình muốn gì. Bây giờ tôi gọi trạng thái đó là ngủ quên. U mê. Không ý thức được là mình đang làm gì và vì sao. Ở tuổi chúng tôi ai cũng cảm thấy mình đang trong những cuộc đua. Đứa này vào câu lạc bộ, nó có nhiều bạn thế, còn mình thì bỡ ngỡ, cô đơn. Đứa kia làm thêm lương cao vậy, đứa nọ được học bổng, mình thất bại toàn tập rồi. Tôi thấy những cuộc đua này vô vị và vô nghĩa, nhưng lại bối rối không biết mình muốn gì. Tôi hoang mang vì thấy mọi người luôn hiểu bản thân hơn tôi. Các buổi sáng tôi leo những bậc thang dẫn tới giảng đường và cảm thấy mình bị mòn mỏi. Mình cứ đằng đẵng như thế này bốn năm nữa à, ngoài những cuộc đua này ra còn có cái gì khác nữa không? Có cái gì đấy mình làm mà không phải là để so đo với người khác không? Qua năm thứ nhất thì tôi quyết định bảo lưu và làm gap year. Một năm sau, sự an toàn mà tôi đã lựa chọn sụp đổ tan tành. Nhưng lúc bấy giờ tôi chưa biết gì về điều đó. Sau khi bảo lưu, tôi đâm đơn vào một chương trình trao đổi sinh viên tình nguyện quốc tế. Trên trang Facebook của nó là bức ảnh một cô gái mặc áo phông, tóc highlight vàng, ngồi trên cái vali cứng, nhìn ra đường băng sân bay. Ở châu Âu, lần đầu tiên tôi vào bar và hiểu được rằng vì sao người ta muốn đến đó. Trước đó tôi chỉ mới từng hút bóng, chủ yếu để chứng tỏ với bạn bè là mình không phải là người nhàm chán, chỉ biết học hành. Trong bóng tối của quán bar, giữa đám đông và âm nhạc, tôi thấy tự do, không sợ mất mặt hay e ngại gì cả. Chất cồn giúp bạn tắt được đống suy nghĩ trong đầu đi. Tôi nghĩ đó là lý do nhiều người thích sa đọa, nó giúp họ sống trong hiện tại một cách nhanh nhất mà không cần cố gắng, tuy tôi biết đây không phải là cách bền vững. Ở Barcelona, tôi có trải nghiệm tình dục đầu tiên. Tới thời điểm đó, tôi chưa thực sự yêu bao giờ, và cũng chẳng biết thế nào là yêu. Trong nhà tôi toàn nữ, không có nam giới, cả đời tôi thiếu va chạm với họ, nên tôi rất tò mò. Tôi nghĩ nhiều tới tình dục, hay tưởng tượng ra những động chạm thân thể, những vuốt ve - chắc là do từ nhỏ tôi quá thiếu thốn những ôm ấp. Đêm hôm đó, trong cái căn hộ bé tí của người bạn Tây Ban Nha mà tôi quen qua couchsurfing,* tôi nhấp đầu môi vodka và chúng tôi chơi trò Tôi chưa từng bao giờ, qua đó anh ấy biết tôi chưa bao giờ làm tình. Trước đó chúng tôi đã lang thang ở mấy quán bar, và khi anh ấy rủ về nhà để uống tiếp thì tôi biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi tới nhà anh. Nhưng tôi muốn nó xảy ra. Tôi tự nguyện hoàn toàn. Tối hôm đó tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng. Tuy nhiên, khi anh ấy tắt ti vi và tôi ngả vào lòng anh thì tôi lại băn khoăn, liệu chúng tôi có nên dừng lại? Anh ấy nhìn tôi chăm chú và nói rằng sẽ không làm gì mà tôi không muốn. Tôi gạt chút lý trí còn lại sang bên, và anh ấy hôn tôi, không ngấu nghiến, mà nhẹ nhàng đến mức tôi kinh ngạc. Ở trên giường, tôi lặng lẽ để yên cho anh ấy hôn lên vai, cởi áo ngoài, cởi áo con của tôi. Toàn bộ da thịt chạm nhau, nóng rát. Tôi ướt đẫm phía dưới, điều đấy thật may mắn vì sau này tôi đọc báo thấy là lần đầu tiên con gái dễ bị khô và điều đó sẽ rất khủng khiếp. Trong bóng tối, tôi cảm nhận được lưỡi của anh ấy bên dưới, ướt át và mềm mại, nhẹ nhàng và mơn trớn. Sau này tôi hiểu rằng tôi may mắn hơn nhiều bạn nữ khác. Người tình đầu tiên của tôi quá thougthful, có từ tiếng Việt nào thích hợp nhỉ? Tôi không lo về việc anh ấy có yêu tôi không, anh ấy có lợi dụng tôi không, tôi có ngu ngốc cho đi lần đầu của mình không. Tôi không ngu ngốc, tôi làm điều tôi muốn làm, và cảm nhận điều tôi muốn cảm nhận. Tôi cảm thấy sự giải phóng trong tay mình. Tôi hoàn toàn an toàn và tự do. Trinh tiết thuộc về sự tự do cá nhân của tôi. Chúng tôi ngủ thiếp đi, rồi dậy làm tình, rồi lại ngủ, rồi lại dậy làm tình. Mỗi khi tôi rên rỉ vì đau thì anh ấy dừng lại và thì thào, Hôn anh đi, và cảm giác đau lại lắng xuống. Tôi xúc động, đã lâu rồi có ai quan tâm tới tôi một cách dịu dàng như vậy đâu. Gần sáng, anh ấy ra ngoài lấy lon bia, còn tôi uống nước lọc, đầu tóc rối bời. Anh quay lại và nói nhỏ vào tai tôi là mong tôi đừng cào anh ấy nữa. Tôi sờ các vết cào và hơi xấu hổ, chúng hằn sâu. Sau đó, chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa. Liệu có một lúc nào đó tôi sẽ hối hận, tôi hay tự hỏi. Đến bây giờ thì không một chút nào. Cho tới giờ với tôi đó vẫn là một đêm tuyệt vời, đáng nhớ lại từng chi tiết một. Tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm đầu đời này, không muốn quên dù chỉ một cái chạm nhẹ của anh ấy. Tận tới hôm nay, những chi tiết của tối hôm ấy cứ như một dòng sông ký ức, chảy mãi không dừng. Buổi chiều ngày hôm sau, tôi kể cho một ông họa sĩ đường phố Barcelona già những điều tôi mới trải qua. Lúc đó tôi khao khát được nói với một ai đó, tốt nhất là một người không quen biết. Ông vừa vẽ tôi vừa lắng nghe, và cuối cùng nói, chào mừng cháu đến với thế giới của hạnh phúc. Đến nay tôi chỉ kể chuyện này cho ba người, ông họa sĩ già ấy, người thứ hai là… tôi sẽ gọi anh ấy là anh châu Á... và bây giờ là bạn. Tôi có một nỗi sợ mơ hồ là chuyện tình cảm của mình sẽ giống của mẹ, không được suôn sẻ, không được lành mạnh. Ngày xưa, những hôm mẹ đón tôi muộn thì bà ngoại lại hỏi, “Mày làm đĩ hay sao mà về muộn thế?” Lên cấp Hai, có một thời kỳ tôi ở với mẹ. Mẹ hay mang những người đàn ông khác nhau về nhà, và những lúc như vậy tôi cảm thấy một cái gì đấy rất thiêng liêng của mình bị xâm phạm. Buổi tối, tôi nằm cùng giường với họ, giả vờ ngủ để mẹ khỏi mắng. Căn nhà nhỏ, trong bóng đêm tôi không nhìn thấy gì cả, nhưng tôi có thể nghe thấy những tiếng động họ gây ra. Theo bản năng, tôi lờ mờ biết nó là cái gì tuy không gọi được thành tên. Tôi tức tối và muốn giết những người tình của mẹ, mặc dù họ rất tốt với tôi và tôi cũng quý họ. Trẻ con là như vậy, mình vừa có thể ghét họ vừa có thể quý họ. Đến giờ tôi vẫn thấy hơi ghê ghê mẹ, chỉ vô tình chạm vào người mẹ thôi, tôi cũng thấy không thoải mái. Trước kia tôi tưởng đứa trẻ mới lớn nào cũng thế. Nhưng giờ tôi biết cảm giác này tới từ sự tức giận của tôi trong những đêm đó. Nhiều khi tôi thấy mình giống ông Humbert Humbert trong cuốn Lolita, nhưng chỉ đảo ngược thôi. Humbert yêu Lolita vì không thể nào thoát khỏi hình ảnh cô người yêu nhỏ bé của mình mất năm 12 tuổi. Nó khiến ông ấy luôn thèm muốn những cô bé độ tuổi như Lolita. Còn tôi thì ngược lại, tôi bị ám ảnh về ba, nên tôi luôn cảm thấy thèm muốn những người ở độ tuổi ba mình. Trong vô thức, tôi đi tìm họ. Ví dụ như với cái anh châu Á, anh ấy tới từ một quốc gia trên Himalaya mà tôi rất yêu quý. “Hay là anh nhận làm ba em đi…” Tôi nói khi chúng tôi nằm bên nhau. “Anh nhận em làm con gái đi.” Và anh ấy cũng ừ. Sau đó tôi gọi anh ấy là mon papa, và anh ấy gọi tôi là sweetie. Chúng tôi không dùng tiếng Việt nên tôi cũng không bị ngượng gì. Chúng tôi quen nhau trên mạng và thoạt đầu tôi chỉ nghĩ rằng anh ấy sẽ là một thầy giáo tâm linh, người có thể dạy tôi về triết lý sống, dõi theo tôi, điều mà mẹ tôi không làm. Từ thiền, anh ấy nói tới tình dục, trích dẫn Osho và gửi tranh vẽ các cảnh làm tình cho tôi. Linh cảm rằng sẽ có điều gì đấy xảy ra, tôi bối rối vì anh ấy đã có vợ con, nhưng rồi tự nhắc lại lời của anh ấy là “quan hệ của chúng tôi trong sáng”. Rồi anh ấy sang Việt Nam công tác và ở nhờ nhà chúng tôi. Buổi tối, khi bà đã ngủ thì tôi nhẹ nhàng lên gặp anh. Anh ấy ở nhà tôi năm ngày, chúng tôi làm tình với nhau ba lần. Lạy Chúa! Em đang bị tra tấn. Em không thể ngừng nghĩ về cái máy bay đang mang anh ra khỏi đất nước này, thoát khỏi tầm nhìn của em, đi xa khỏi tất cả những gì mà chúng ta đã từng có. Tôi viết như vậy trong cuốn nhật ký của mình, bằng tiếng Anh, vào một ngày hè nóng khủng khiếp. Sau đấy là một loạt những câu, “Bình tĩnh nào”, “Đừng hoảng sợ”, “Ê từ từ nhé,” kín cả trang sổ của ngày hôm đó, ngày anh đã đi thật xa khỏi tôi. Chỉ lúc này tôi mới nhận ra mình đã thiếu thốn những gì trong suốt cuộc đời ngắn ngủi mười chín năm của mình. Tôi nhớ lại nụ hôn của chúng tôi trong căn phòng chật chội. Tôi đã trần trụi một cách an toàn trước người đàn ông ấy. Con người thông minh đó đã tìm được một chỗ trong con tim tôi, ngồi vào đó và chứng kiến mọi sự điên dại, ngu ngốc của tôi, một kẻ đầy thiếu thốn, mòn mỏi, vật vờ trong các vai trò xã hội của mình. Anh đã chạm được đến cô gái bé nhỏ bên trong tôi, ôm ấp, an ủi và cùng trần trụi với nó, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Vào ngày cuối, tôi hôn những ngón tay của anh ấy, vờn những lọn tóc, và cảm thấy anh ấy đang từ từ rời xa. Đã bao giờ bạn cảm thấy như thế chưa, cảm thấy sự chia ly xảy ra ngay trong khi người kia vẫn đang hiện diện? Nhưng anh cũng nói trước rằng anh sẽ ra đi, và lại trích dẫn Osho, “đến và đi là quy luật”. Mỗi ngày tôi lấy cái áo anh để quên ra, đưa lên mặt hít hà. Trong tôi lớn dần nỗi lo sợ. Khi anh gọi điện, tôi không muốn nhấc máy. Tôi sợ mình sẽ nói những điều nhàm chán, sợ anh sẽ phát hiện ra tôi chả còn gì quyến rũ cả. Khi mùi hương của áo bay hết thì anh cũng không còn quan tâm tới tôi nữa. Có phải anh đến với tôi vì thể xác? “Tình bạn mạnh mẽ thì không cần nhiều lời,” anh trả lời. Tôi block anh ấy. Tôi unblock anh ấy. Anh chỉ gửi mặt cười. Thật là khó để giận dỗi anh ấy. Đôi khi tôi thấy mình không xứng đáng với sự chú ý của anh ấy, tôi xấu xí và chả hấp dẫn hay có giá trị gì cả. Lúc khác tôi không rũ bỏ được cảm giác anh ấy lợi dụng mình. Có lúc tôi cho rằng mình đang chịu một lời nguyền, được truyền xuống từ mẹ tôi. Mẹ tôi qua lại với người đã có vợ thì tôi cũng sẽ như vậy. Hồi còn đi học, có lần tôi kể chuyện của mẹ cho một người lớn mà không nói đó là chuyện nhà mình. Người này trợn mắt lên, “Thế á? Vô đạo đức thế thì sau này nghiệp nặng lắm…” Kể từ đó, tôi mặc cảm, ngấm ngầm xấu hổ về bản thân. Tôi cho rằng tôi có lỗi vì đã để mẹ làm như thế. Tôi phải làm gì để thoát khỏi lời nguyền này? Tôi đã từng hình dung mình rất mạnh mẽ, mình sẽ vượt lên được hoàn cảnh: một tuổi thơ cô đơn, ba mẹ không có học thức cao, sự áp đặt của bà ngoại… Nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy một bản thể rỗng không, không có điểm tựa. Khi tôi thấy quan hệ của chúng tôi thật đẹp đẽ, lúc tôi lại thấy mình đầy tội lỗi. Tôi đã yêu một người có vợ, mà thậm chí tôi còn không cảm thấy đấy là vấn đề, tôi còn mong có thể được làm bạn với vợ anh ấy, làm chị gái của các con anh ấy. Anh lấp đầy khoảng trống trong tôi. Mỗi khi tôi chia sẻ về gia đình, khóc lóc là tôi fucking cô đơn, anh ấy hôn trán, xoa đầu tôi, nói rằng tôi hãy tha thứ cho mẹ, cho bản thân mình. Sau mười chín năm của cuộc đòi, khi có ai đó thủ thỉ vào tai tôi rằng sự bất hạnh không phải là lỗi của tôi, làm sao mà tôi có thể không cảm động? Khi tôi học lớp Sáu thì ba về. Tối đầu tiên, tôi được phép ngủ với ba. Trằn trọc cả đêm, tôi tự nhủ, đây là ba mình, nhưng thấy trống rỗng bên trong. Tôi lén nhìn và thấy một người đàn ông xa lạ, một người không liên quan gì tới cái từ ba rất thân thương. Là một đứa con gái bắt đầu lớn, tôi không ôm ấp, thân thiết với ba được nữa. Ba yêu quý tôi, tôi biết, nhưng tình yêu đó không chạm được vào tôi, tôi không cảm động được. Ông không ở cùng chúng tôi, và dần dần hình ảnh người ba thân thiết mà tôi xây dựng trong đầu trong bao năm cứ nhạt nhòa đi. Tôi còn nhớ đợt bà nội mất, tôi sang thăm ba và thấy ông ngồi khóc ở trên gác. Tôi nhìn ông ở đó, muốn chia sẻ, an ủi, nhưng chẳng biết làm gì. Đó là một người đàn ông xa lạ mà tôi không thể ra ôm ấp được, nhất là khi tôi chẳng bao giờ được ai ôm ấp cả. Hơn một năm sau khi bà tôi mất thì ba qua đời. Buổi tối hôm đó rất bình thường. Tôi đang học bài thì tự dưng ba sang nhà và nói là muốn đưa tôi đi ăn ốc. Tôi có ca dạy, làm gia sư tiếng Anh cho một em hàng xóm. Nó ở gần nhà nên thực ra tôi có thể dạy nó lúc nào cũng được, nhưng tôi chả có lý do gì để làm thế. Ok, ba sang, nhưng mình còn có việc, mình chả mặn mà gì với ba cả. Thậm chí tôi còn hơi khó chịu, bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Tại sao tự dưng sang mà không báo trước? Tôi bảo, “Không được, con có việc rồi.” Tôi đứng dậy, cho mấy cuốn sách giáo khoa tiếng Anh vào túi. Ba đứng đó, ba hiền mà… Ba cứ đứng đó mãi và chẳng biết làm gì. Chín rưỡi tối, tôi dạy xong và về nhà. Mười một giờ thì tôi nhận được tin ba tôi mất. Lúc đó tôi thấy như thế nào nhỉ? Tôi chả cảm thấy gì luôn, đầu trống rỗng. Trong đám tang, có lúc tôi bật khóc rất nhiều, nhưng có lúc một tí nước mắt tôi cũng không rặn ra được. Im lặng Sau đám tang, bác tôi đưa tôi cuốn nhật ký của ba, bác thấy nó trong túi áo khoác. Cuốn sổ chỉ to bằng nửa bàn tay, ba viết bằng nét chữ to và vụng về của người ít học, mỗi trang chỉ đủ cho sáu, bảy dòng ngắn. Chúng được viết rất gần thời điểm ba qua đời. “Ra hiệu sách mua một con gấu thật xinh xắn. Tôi đã hứa tặng cô bé lần tới cô tới chơi.” Tôi đoán có em bé hàng xóm nào đó hay tới chơi với ba. “Bế tắc trong công việc Môi trường làm việc và Những mối quan hệ Thất vọng đố kỵ ghen ghét nghi ngờ” “Ko thấy bé gái đến giờ thì tôi nghĩ đó là một lời hứa mà tôi ko làm được” Lúc đó ba đã biết là mình sẽ không thực hiện được lời hứa? “Buông xuôi tất cả thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Về với vô thường về với cát bụi” Có một kỷ niệm mà giờ đây hiện về rất rõ ràng trong tâm trí tôi. Đó là một ngày hè trên bờ biển ở gần quê tôi, nửa năm trước khi ba qua đời, trong chuyến du lịch của cả nhà, kỳ nghỉ duy nhất và cũng là cuối cùng có đầy đủ cả gia đình tôi dù theo luật pháp thì nó không còn được gọi là một nhà nữa. Tôi chơi với Bống, tôi vẫn thế, xa lạ với ba mình như mọi khi. Khi bất chợt quay ra, tôi thấy ba ở kia, đang chơi với mấy đứa trẻ lang thang dọc biển. Ba vốn yêu trẻ con. Ba dạy một đứa tập bơi, cần mẫn và nhẹ nhàng. Không gian xung quanh là nắng vàng xế chiều và biển. Khi thấy cảnh ấy, lòng tôi trống huơ trống hoác. Có gì đó đã mất trong tôi. Tuổi thơ, một giấc mơ, một viễn cảnh tôi đã từng hy vọng mình ở trong đó. Nhưng tôi đã lớn rồi, tôi không thể giống đứa trẻ đang ở cạnh ba kia nữa. Trong lòng tôi trỗi dậy một nỗi buồn và tủi thân. Tôi ngụp xuống nước mặn chát để nước mắt hòa trộn nước biển. Tôi không bao giờ trở thành đứa trẻ của ba được nữa. Mọi người nói rằng tối hôm đó ba tôi tự tử. Tôi nói với mọi người là tôi từ chối nghe, tôi không muốn biết sự thật. Vì sao tôi cần biết cơ chứ? Nói chung, một con người đã biến mất. Thế thôi. Năm gap year khép lại, tôi quay lại trường Ngoại thương và nhận ra mình chán nó đến tận cổ. Trước kia, tôi thấy tụi buồn chán là tụi nhu nhược, kém cỏi, không có tương lai, tôi cố gắng thể hiện cho người khác và bản thân rằng mình là một người năng động, luôn luôn làm việc. Tôi bước vào năm gap year với kỳ vọng tôi sẽ thu hoạch được cái gì đó có ích cho sự nghiệp sau này: kỹ năng mềm, ngoại ngữ… Giờ đây, tôi thấy chúng chẳng quan trọng gì, điều tôi mong mỏi là biết được cách yêu thương người khác và cách đón nhận yêu thương từ người khác. Tôi vật vã nhiều tháng, đối thoại với bản thân, vẽ sơ đồ cái được và cái mất. Một hôm, trong tiết Đường lối, tôi ngồi vẽ nhăng vẽ cuội trong khi cô giáo nói về hai cái tiêu cực của văn hóa hiện đại, đó là sống thử và tình dục trước hôn nhân. Tôi vừa thấy khôi hài vừa thoáng chút giận dữ. Tôi đang làm cái quái gì ở đây thế này? Xung quanh tôi, những mái tóc đen nhấp nhô, tiếng quạt máy ro ro, tiếng máy lạnh rì rầm. Cuộc đời tôi cứ trôi qua một cách ngớ ngẩn như thế này sao? Ngày đăng ký tín chỉ tới. Bình thường thì tôi sẽ cuống lên đăng ký môn này môn kia, nhưng hôm đó tôi đi làm các việc khác, thấy mọi thứ vừa thực vừa ảo. Tôi biết mình đã quyết, nhưng vẫn thấy có gì đó lấn cấn. Tôi có đang đùa với cuộc đời mình? Cuộc đời tôi đang rẽ sang một hướng khác, trước tôi hình dung cái ngày này trọng đại và ý nghĩa lắm, nhưng giờ tôi chỉ thấy nó nhạt nhẽo. Không hiểu sao, hôm thi môn Thống kê, tôi vẫn ngồi vào lớp, nhưng thay vì giải bài tôi viết một bài luận về quyết định bỏ học của mình. Một tuần sau, tôi thấy mình ngồi trong văn phòng của thầy trưởng khoa. Bài luận được chuyển tới thầy, và thầy thấy nó “rất đặc biệt.” Có lẽ thầy nghĩ tôi bỏ học để làm start-up hay cái gì đó tương tự. Tôi suýt khóc vì không giải thích được tại sao mình muốn bỏ học, và khi tôi nói không biết mình muốn làm gì, thì sự quan tâm và tò mò trong mắt thầy tắt hẳn. May mà thầy không nói cuộc sống là một cuộc đua, nhưng thầy nói trong cuộc đời ai cũng phải bơi. Chắc hẳn thầy cho rằng tôi là một đứa lười biếng và không có trách nhiệm với bản thân. Làm sao tôi có thể thanh minh cơ chứ. Tôi không thể nói với thầy trưởng khoa, với mẹ, với bà, với bác, những người đang cuống lên và cáu và thất vọng và mắng mỏ tôi rằng tôi thấy mọi thứ vô nghĩa. Rằng tôi không thấy mình hòa nhập với những việc tôi làm, tôi cứ như đứng cạnh chúng, không thuộc về chúng, không tìm được ý nghĩa từ chúng. Chúng không làm tôi thấy đầy đủ, trọn vẹn, không làm tôi thấy hạnh phúc. Trong buổi họp dự án, người ta phê bình tôi, trước kia tôi sẽ cãi, sẽ bực mình, nhưng giờ đây tôi chỉ ngồi nghe, dửng dưng. Thậm chí có lúc tôi chán ghét cả những cuốn sách mà tôi vốn rất thích. Có một sự cô đơn nằm ở dưới toàn bộ những gì tôi đang làm, không gì có thể che lấp nó được. Thời gian cứ trôi, tôi thấy mình ngồi trong trường cũng lãng phí nó mà không ngồi trong trường cũng vậy. Nhưng tôi không nói vậy với mọi người được, họ sẽ không hiểu gì cả. Sinh nhật hai mươi tuổi của tôi rơi vào tuần cuối cùng của năm. Mẹ nhắn tin, “Chúc con gái của mẹ luôn thành công. Cho các e chó đi vệ sinh xong cho vào chuồng luôn ko chết rét.” Thế là tiến bộ lắm rồi, những năm trước mẹ còn quên cơ. Sáng hôm đó, trong tâm trạng u ám, tôi mắng cái Bống vì nó dậy muộn, vì nó lười ăn, xương sườn nó nhô hết cả ra, tôi bắt nó ép thêm trứng vào bánh mì, tôi nói là tôi ghét nó và thấy nó nhăn nhó như con khỉ, nó bảo tôi là con lợn béo. Đưa nó đến trường xong, tôi khóc như điên, tôi biết là mình vừa làm tổn thương nó để thỏa mãn cái độc ác và xấu xí bên trong tôi. Ngày ba mươi tháng Mười hai, đột nhiên tôi nhận được tin nhắn của anh châu Á, hỏi về kế hoạch của tôi hôm sau. Anh ấy đang ở Hà Nội cùng hai đứa con. Tôi suy nghĩ rất lâu, rồi nhắn. “Em không có kế hoạch gì.” Đó là sự thật. Rồi tôi nhắn thêm, “Nhưng em không muốn gặp anh.” Đó cũng là sự thật, là nguyên tắc đạo đức của tôi. Tôi thấy mình vững vàng, cool, ngầu. Anh ấy nhắn lại, “Ok.” Tối giao thừa, mọi người bận rộn chuẩn bị đón năm mới, còn tôi và Đan thì lặng lẽ dọn dẹp quán cafe. Từ mấy tuần nay tôi và nó cùng làm trong cái quán mà mẹ nó mở ra để nó có việc làm. Cái gì nó làm cũng liên quan tới mẹ nó hết. Buổi chiều, anh châu Á nhắn cụt lủn, “Come see me tonite” và gửi địa chỉ khách sạn cho tôi. Tôi để nó sang bên, tự ái vì anh ấy mặc định là tôi sẽ tới. Mười một rưỡi đêm, tôi và Đan bước ra đường, trời rét kinh khủng. Trong lúc Đan loay hoay khóa cửa thì tôi lấy điện thoại ra, “Em sẽ đến.” Đêm đó là lần thứ tư chúng tôi làm tình. Còn có lần thứ năm nữa, vào sáng hôm sau. Và lần thứ sáu, vì tối hôm sau tôi lại quay lại. Thật ngạc nhiên là bà không nói gì, còn mẹ thì chỉ nói một câu, “Thế bây giờ đi qua đêm là chuyện bình thường à?” Rồi anh ấy lại biến mất. Có lúc tôi tự an ủi, nếu chúng tôi gần nhau suốt thì sẽ rất mệt mỏi, và tôi cũng không chủ động nhắn cho anh ấy. Nhưng tôi biết, nếu anh ấy muốn gặp thì nửa đêm tôi cũng sẽ đến. Đến giờ thì tôi hiểu là anh chẳng quan tâm hay dõi theo tôi trong cuộc sống như tôi mong ước, có lẽ tôi chỉ là một con rối trong tay anh ấy mà thôi. Thế thì cái tình cảm mà tôi có với anh ấy là gì, bạn có hiểu không? Tôi thì tôi không hiểu. Chiều Chủ nhật tuần trước tôi đưa Bống đi Aeon Mall chơi. Suốt cả quãng đường, có một nỗi buồn và lo lắng mơ hồ gặm nhấm tôi. Mình đang làm gì với cái cuộc đời mình thế này? Hôm đó Aeon Mall rất đông, tôi cũng sờ cái này, ngắm cái kia, nhưng bên trong tôi cảm thấy bị nỗi bồn chồn thôi thúc. Tất cả đều vô nghĩa. Tôi đang lãng phí đời mình. Xung quanh tôi, người ta nắm tay nhau, mắt sáng lên niềm vui, khiến tôi thấy bị bỏ rơi, tôi cứ thui thủi một mình. Sinh ra là một đứa trẻ nhạy cảm, cần ai đó bên cạnh chăm sóc mình, nhưng tôi không may rơi vào hoàn cảnh chẳng ai làm chuyện ấy cho mình. Suốt đời tôi đã cố gắng, con ngoan, học sinh giỏi, nhưng mọi sự chả đi tới đâu cả. Tôi thấy kiệt sức. Tôi chỉ muốn được nghỉ, muốn trốn đến một nơi nào đó để không phải lo nghĩ mình phải lớn lên như thế nào, mình phải là ai. Nơi mà tôi được yêu thương bởi tôi là tôi, chứ không phải vì tôi làm cái gì đó cho người ta. Chắc là ba cũng đã từng trải qua cảm giác cô đơn như thế này, nhưng khi đó thì tôi dửng dưng. Liệu tôi có đang phải trả giá cho quá khứ? Số phận của ba đang lặp lại với tôi, đúng vào lúc tôi hai mươi tuổi? Tôi tới quán cafe trước khi ca làm của tôi bắt đầu, ngồi ở ban công, nhìn mọi người qua lại, nghe bài Năm trăm dặm, những lời ai oán của một người lữ hành xa nhà, và bật khóc. Tôi nghĩ đến anh châu Á, anh ấy hứa gọi cho tôi nhưng mãi chẳng thấy đâu. Giờ đây tôi vẫn vin được vào tuổi trẻ để thấy mình có giá trị, để được người lớn ngưỡng mộ và ghen tị. Người ta vẫn nhìn vào tuổi hai mươi của tôi và nói tôi còn nhiều cơ hội. Nhưng rồi tuổi trẻ sẽ tàn lụi, sẽ đến lúc không ai gọi tôi là một cô gái trẻ dũng cảm, có nhiều cơ hội nữa. Lúc đó tôi sẽ chỉ là một kẻ xa nhà, bơ vơ trong cuộc đời. Đêm hôm đó, tôi nói chuyện với Đan. Nó nói rằng tôi bị bế tắc, bị rối trong những sợi dây chằng chịt, còn nó thì bị kẹt trong sự luẩn quẩn, không có gì cản nó lại nhưng nó cứ đi vòng tròn. Đan là vậy, nó luôn chính xác trong ngôn từ. Tôi lắng nghe nó, vừa cảm thấy chúng tôi đang cùng nhau trôi trong một không gian, cái quận này, cái thành phố này, cái đất nước này, vừa như đang ở những nơi vô cùng tách biệt. Tôi thấy Đan vô cùng lẻ loi, và tôi cũng vậy. Tôi và nó vô tình gặp nhau, rồi lại tách ra đi trên con đường riêng của mình. Nhìn thấy nhau, thật gần, thật sát, nhưng chỉ có thể ú ớ qua vách kính, không chạm được vào nhau. Chúng tôi đích thị là những nhà lữ hành bền bỉ, đi vào cái mù mờ vô định của tương lai. Cái hành trình này quả là đáng sợ, chúng tôi đang đi với sự bất an vô bờ bến, không chỉ vì cái vô định của phía trước mà còn vì sự lẻ loi, trống vắng vô tận. Bao giờ thì tôi được nghỉ ngơi, để không còn tương lai hay quá khứ, không còn cô đơn, chỉ còn yêu thương và hạnh phúc trong hiện tại? 5. LỜI TÁC GIẢ: NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI Điều gì nói lên chất lượng của mối quan hệ cha mẹ và con cái, điều gì là đặc tính của một gia đình khỏe mạnh, một môi trường nuôi dưỡng trẻ lành mạnh? Theo nhà tâm lý học người Mỹ, Ronald P. Rohner, đó là sự ấm áp (warmth), và sự ấm áp này, ông nhấn mạnh, phải nằm ở cảm nhận của đứa trẻ, chứ không phải chỉ ở đánh giá hay niềm tin của cha mẹ. Cha mẹ có thể cho rằng cư xử của họ với con là “bình thường,” quan hệ trong gia đình là “ổn”, thậm chí “tốt đẹp”, trong khi đứa trẻ lặng lẽ đau khổ. Rohner đặt các gia đình trên một dải tần. Ở cực bên này, cực của sự ấm áp, đứa trẻ nhận được sự thương yêu, chăm sóc, an ủi, quan tâm, hỗ trợ, nuôi dưỡng thể chất và tinh thần từ cha mẹ hoặc người chăm sóc chính của chúng. Cực bên kia được đánh dấu bởi sự thiếu vắng những cảm xúc và hành vi nêu trên. Ở cực đó, Rohner nhận thấy cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể rơi vào ba trường hợp: lạnh lùng và cục cằn (họ không có sự gần gũi về cơ thể với trẻ nhỏ, như ôm ấp, vuốt ve, họ không khen ngợi, động viên, khích lệ và nói những lời dễ chịu); dữ dằn và độc địa (họ đập, tát, quật, họ chế giễu, lăng nhục, chửi mắng, dùng ngôn từ gây tổn thương); thờ ơ và bỏ mặc (họ vắng bóng trong cuộc sống của trẻ, về mặt vật lý cũng như về mặt tinh thần, không quan tâm tới thế giới của đứa trẻ, không phản ứng trước các nhu cầu tình cảm của nó). Những hành vi và thái độ tiêu cực nêu trên có thể xảy ra với bất cứ cha mẹ nào, bởi không có ai là hoàn hảo, nhưng chúng là ngoại lệ ở những gia đình lành mạnh và là thông lệ ở những gia đình độc hại. Hồng Linh là một trường hợp điển hình của bị thờ ơ và bỏ mặc. Cô được ba chu cấp tiền, nhưng tương tác giữa hai người chỉ dừng lại ở đó. Trong căn nhà của người bác, nơi cô ở nhờ, cô như vô hình. Hà An là một trường hợp của cả bị lạnh lùng và bỏ mặc. Mẹ cô dè bỉu những mơ ước của cô, “Có ích cho cộng đồng làm đéo gì.” Cô đói tình cảm tới mức việc được mẹ rủ hai chị em đi ăn tối trở thành một sự kiện quan trọng. Tương tự, Phương Anh chưa bao giờ được âu yếm, vuốt ve, cô chỉ nhận được những lời tổn thương nhất từ mẹ, và lủi thủi một mình, mỗi ngày đi học về “cứ đứng ở cửa nhìn người qua lại, ánh mắt vô hồn.” Sự thiếu vắng tình cảm ấm áp thậm chí có thể được cảm nhận ở mức thể chất. “Giữa mùa hè mà nhà tôi lạnh như một cái nhà hoang” (Phương Anh). “Tết nhưng nhà tôi lạnh lẽo như nhà mồ” (Hồng Linh). Neglect (bỏ rơi, sao nhãng, lơ là) được các nhà tâm lý học coi là một dạng của ngược đãi tinh thần (psychological maltreatment). Rất khó để người ngoài phát hiện ra - nó không để lại những vết tím bầm trên thân thể, đứa trẻ vẫn được đi học, được ăn uống - nhưng tác động tâm lý của nó vô cùng to lớn và thường để lại những hậu quả lâu dài. Mỗi người khi sinh ra đều có nhu cầu tình cảm nhận được những phản hồi tích cực từ những cá nhân quan trọng nhất đối với mình, cụ thể là từ cha mẹ. Khi bé, nhu cầu này bao gồm mong muốn được bảo vệ, che chở, chăm chút. Lớn lên, nó được mở rộng, thêm cả mong muốn được dõi theo, dìu dắt, an ủi, tôn trọng, lắng nghe, công nhận, được trao cho không gian để nảy nở bản thể của mình. Nếu như sự thiếu dinh dưỡng triền miên dẫn tới những thiếu hụt trong phát triển thể chất, thì khi những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, đứa trẻ lớn lên với những vấn đề tâm lý. Bị đeo đuổi thường trực bởi cảm giác chông chênh, bất an và thiếu thốn, đứa trẻ có thể phản ứng theo hai hướng. Nó có thể trở thành một người thiếu khả năng đứng độc lập, luôn đeo bám, cảnh giác, lo lắng, thường xuyên cần được nghe người khác cam kết là sẽ không bỏ rơi mà vẫn không tin tưởng họ. Người ở dạng này tạo áp lực lớn cho những người thân xung quanh (bạn đời, con cái), khiến họ cảm thấy ngạt thở. Hoặc đứa trẻ chôn vùi mong muốn được gần gũi và yêu thương, dựng lên một hàng rào phòng thù để bảo vệ mình trước nỗi đau đến từ thất vọng do các nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, và trở thành người thiếu cởi mở trong cảm xúc. Lớn lên, bản thân chúng có nguy cơ trở thành những bạn đời và cha mẹ lạnh lẽo, khó gần người khác và khó để người khác lại gần. Có thể quan sát được rất nhiều yếu tố bên trên trong ba cô gái Phương Anh, Hồng Lỉnh và Hà An, những người lớn lên trong một thế giới vắng bóng người lớn, cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tìm tới những cuộc tình ngắn ngủi như một sự chạy trốn, khỏa lấp, nhưng Hồng Linh lờ mờ cảm nhận được vấn đề của mình - cô không biết cách tạo dựng những quan hệ khỏe mạnh. “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác.” Rohner diễn đạt tương tự, “những cá nhân bị bỏ rơi gặp khó khăn để biểu đạt tình yêu và không biết cách đón nhận nó từ người khác.” Hồng Linh xây dựng cho mình một thế giới quan chua chát. Thật đáng buồn khi một cô gái mười bảy tuổi cho rằng thật tốt khi lần mất trinh của cô “không có gì đáng nhớ,” bởi “nếu nó đặc biệt và tuyệt vời thì có nguy cơ là bạn sẽ kỳ vọng quá nhiều vào cuộc sống sau này.” Phương Anh cũng tìm cách giết chết những cảm xúc bên trong của mình, và trở thành “chai lì, trơ lì, đến mức không thể khóc được nữa.” Cô hiểu cái giá của sự chai sạn và tự thương xót bản thân. “Đến cả cái cách giải tỏa con người nhất mình cũng không làm được.” Có nhan sắc, hoạt ngôn, thông minh, nhiều năng lượng, nhưng cô lại sống trong sự dè chừng, cảnh giác. “Tôi đã cố thủ từ bé tới lớn, tới mức tôi quên mất mình đang làm vậy, để không ai làm đau được mình.” vừa thèm được tựa vào ai đó, cô vừa sợ họ bỏ đi. Đánh giá của cô về hoàn cảnh khắc nghiệt của mình vô cùng chính xác, cô thấy mình “giống cái cây bị thiếu chất dinh dưỡng.” Dưới bề mặt mà xã hội có thể đánh giá là “hư hỏng” (chửi tục, rượu bia, hút cần vô độ, ngủ lang, cãi mẹ), có sự trong trẻo và hướng thiện của một người trẻ đang cố gắng “ăn vào toàn cái xấu nhưng phải lọc ra cái tốt.” May mắn cho Phương Anh, trong những cố gắng chống chọi hằng ngày để giữ phẩm giá của mình, cô có những người bạn thương yêu, những giáo viên thấu hiểu. Nhưng trong môi trường độc hại này, liệu cô sẽ bị suy sụp? Trong buổi gặp cuối của chúng tôi, trước khi bản thảo này được khép lại, cô kể về việc bị bạn trai của mẹ, một người cô vốn rất quý mến, tấn công tình dục. Lúc đó, lần đầu tôi nhìn thấy sự tuyệt vọng trong mắt cô. “Vì sao những chuyện này lại cứ đến với tôi,” dường như cô tự hỏi, “vì sao lại cứ là tôi?” Trẻ em có xu hướng tiếp quản cái nhìn của người thân về bản thân, nó không có hệ quy chiếu nào khác, do dó những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ cho rằng chúng vô giá trị, người chăm sóc cư xử như vậy với chúng bởi chúng không xứng đáng để được yêu thương, thậm chí không xứng đáng để được tồn tại, và mọi thứ tồi tệ xảy ra là do lỗi của chúng. Điều này lý giải vì sao dù học giỏi, hiểu biết, năng động, đi đây đi đó nhiều, nhưng Hà An vẫn đầy mặc cảm về giá trị của bản thân. Nỗi lo sợ bị bỏ rơi do mình “tầm thường” khiến cô vừa rụt rè trong các quan hệ xã hội vừa lăn xả vào quan hệ khác giới như một người đói khát, bỏ qua các nguyên tắc đạo đức của bản thân. Cả cô cũng gặp khó khăn để thể hiện tình yêu thương. Cô không thể chia sẻ, an ủi ba khi bà nội mất, vì bản thân “không bao giờ được ôm ấp cả.” Cô lao vào các hoạt động xã hội, nhưng rồi đều thấy chúng vô nghĩa, chúng không làm cô thấy đầy đủ, trọn vẹn. Cái cô thiếu nằm ở chỗ khác. Sự trống rỗng bên trong đẩy cô vào một cuộc khủng hoảng, quay lưng lại với trường đại học như một cuộc chạy trốn mà không biết trốn đi đâu. Cuộc sống khiến cô gái hai mươi tuổi này kiệt sức, không phải vì những thiếu thốn vật chất hay những vất vả thể chất, mà bởi cô lớn lên trong sự thiếu hụt chăm sóc tinh thần, trong sự lẻ loi và trống vắng không ngừng nghỉ. Theo một nghiên cứu của Đại học California, nỗi đau của việc bị chối bỏ có những biểu hiện vật lý rõ ràng. Khỉ người ta có cảm nhận mình bị bỏ rơi, khước từ, một số vùng nhất định của não bộ, cụ thể là vành cung vỏ não trước trán và một phần của thùy trán, cũng được kích hoạt, giống như ở những người đang chịu đau đớn vật lý. Chấn thương tỉnh thần lâu dài ở tuổi thơ có thể tác động khiến cấu trúc và chức năng của não bộ thay đối, và dẫn tới rủi ro cao cho chảy máu não ở tuổi già. Trẻ nhỏ thiếu sự ấm áp từ người chăm sóc khi lớn lên cũng thường có hồi hải mã nhỏ hơn. Vùng não bộ này quan trọng cho trí nhớ, sự điều hòa cảm xúc, điều chế stress, những yếu tố quan trọng cho việc thích ứng tâm lý và xã hội. Do đó, chúng thường thiếu sự dẻo dai tinh thần, sự bình tĩnh và cân bằng về cảm xúc để đối mặt với những sóng gió trong cuộc đời. Thêm nữa, trải nghiệm tuổi thơ cằn cỗi của chúng thường dẫn tới một thế giới quan tiêu cực, trong đó đầy những mối nguy và những điều có thể gây tổn thương. Chúng nhìn thấy mối đe dọa, sự tấn công, nguy cơ bị hắt hủi, ở những tình huống mà người khác không nhìn thấy. Điều này khiến khi lớn lên chúng khó có những quan hệ khỏe mạnh, cân bằng, hài hòa, cởi mở với bạn đời và con cái - sự lạnh lùng, bỏ mặc hay độc địa có nguy cơ được truyền tới thế hệ tiếp theo. Kế cả khi sau này chúng có địa vị, ảnh hưởng trong xã hội, “thành công” trong nghề nghiệp, nếu như không được chữa lành, một lúc nào đó khủng hoảng và trầm cảm có thể bùng nổ, khi một sự kiện trong cuộc đời khiến vết thương trong lòng lại vỡ ra, đau đớn. Khúc chuyển giao SỐ MỘT 6. “TÔI CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI XẤU KHÔNG? TỚI GIỜ TÔI VẪN KHÔNG CÓ CÂU TRẢ LỜI” (Minh Khuê, 20 tuổi, nữ sinh viên ngành Truyền thông) Trong thâm tâm tôi biết tôi là người tốt. Cho tới đầu hè vừa rồi, khi chuyện đó xảy ra. Một sáng thứ Sáu tôi thấy mình cùng bạn trai và một đứa bạn gái đi chung xe máy tới một phòng khám. Tôi mặc một cái áo kẻ cộc tay màu xanh navy, một cái quần ống rộng màu be và đi giày thể thao. Xe chạy bon bon trên đường, tôi nắm tay bạn trai và thấy đầu óc khá bình tĩnh. Anh ấy quay lại hỏi nhỏ lần nữa là tôi đã suy nghĩ kỹ chưa. Tôi gật đầu. Tôi đã quyết định rồi. Tới nơi, đứa bạn tôi xông xáo hỏi chỗ này chỗ kia. Khi tôi khai mình hai mươi tuổi, chị nhân viên viết giấy ngửng lên nhìn tôi, trong mắt hơi có sự đánh giá, ít nhất là tôi cảm nhận vậy. Rồi tôi lũn cũn đi theo người ta như một cái máy, thử máu, đo điện đồ tim, khám cái này khám cái kia. “Ok, Im doing this” Tôi tự nhủ, “Không sao, mình có người yêu và bạn bên cạnh. Mọi thứ bình thường thôi.” Tôi ký vào tờ giấy rằng tôi đồng ý và tự nguyện và các thứ rồi đưa cho ông bác sĩ, ông ấy nhận xét, “Ôi, bạn này xinh thế.” Hai đứa ngồi thêm với tôi một lúc, tôi quan sát chúng lướt Insta, đùa cợt với nhau mấy câu. Buổi tối hai hôm trước, khi tôi một tay cầm cái que thử, trên nó hiện hai vạch, tay kia che miệng khóc thì anh ấy ôm vai tôi và nói liên tục, “Anh có thể giúp gì được cho em? Bây giờ anh phải làm thế nào? Em nói cho anh với…” Tôi đẩy anh ấy ra. Tôi không biết tôi phải làm gì và tôi cũng chẳng biết là anh ấy có thể giúp tôi như thế nào. Sáng hôm sau, tôi thử lại, vẫn hai vạch. Lúc đó thì tôi đã quyết định là tôi không muốn giữ. Tôi không sẵn sàng, tôi còn chưa nuôi được mình huống hồ là nuôi người khác. Tôi còn có rất nhiều thứ phải làm trong cuộc sống, học hành, làm việc xã hội. Tôi quyết rất nhanh, mặc dù anh ấy vẫn thuyết phục tôi suy nghĩ thêm. Tối hôm đấy, chúng tôi cùng nhau lên mạng tìm phòng khám. Bạn trai tôi và đứa bạn gái ra ngoài. Y tá đẩy tôi vào phòng gây mê. Thuốc giãn cổ tử cung bắt đầu có tác dụng, tôi vã mồ hôi, tim đập nhanh. Chỉ có mình tôi trong căn phòng rộng mênh mông, lạnh, toàn sắt. Đâu đó vẳng lại tiếng trẻ em gào khóc như điên và tiếng mẹ chúng dỗ dành không sao đâu không sao đâu. Sự bình tĩnh của tôi tan biến mất. Tôi bắt đầu hoảng. Tôi trèo lên cái giường rồi lập cập giạng hai chân ra, người ta buộc chúng vào hai cái ghế ở hai bên, xếp hai tay tôi lên ngực. Trong đầu tôi thoáng trôi qua ý nghĩ, “Hay là thôi nhỉ, hay là dừng lại nhỉ.” Hôm qua, tôi lên mạng tìm hiểu. Họ bảo em bé dài cỡ một xăng ti mét, đã có tim và một chút chi. Điều đó khiến tôi mất ngủ cả đêm. Ông bác sĩ quệt qua cái bông ướt ở dưới, tôi giật nẩy mình. Giọng ông ấy vang lên như từ một nơi xa xôi, “Ơ bình tĩnh nào, bác chỉ mới sát trùng thôi.” Tôi run bắn lên và khóc ri rỉ. Tôi cần mẹ, cần một sự che chở. Mẹ sẽ biết là cần phải làm gì, đó là ý nghĩ cuối cùng của tôi trước khi sập xuống. Nhưng tôi không thể nói với mẹ được. Hồi học lớp Mười hai, cái hôm tôi biết là bị người yêu lừa dối, tôi cào cấu bản thân, cố gắng gột rửa những chỗ mà nó đã sờ vào tôi. Tôi kinh tởm hai bàn tay mình vì chúng đã đụng chạm vào người nó. Mãi một năm sau này tôi mới có thể chạm vào được bộ phận đấy của bạn trai sau của tôi. Buổi chiều hôm đó, đi làm về, thấy tôi rũ rượi, mẹ hỏi, “Chuyện gì đấy?” “Úi giời ơi,” mẹ phẩy tay sau khi biết chuyện, “Có mỗi cái chuyện trẻ con thôi mà cũng khóc. Chia tay rồi thì thôi!” Tôi cảm thấy ê chề và biết là mẹ đã vừa đẩy tôi ra rất xa. Mấy tuần sau đó tôi chỉ ngủ từ hai giờ tới bốn giờ sáng rồi lại dậy khóc. Niềm tin của tôi vào con người đã hoàn toàn sụp đổ. Bạn trai tôi cũng là bạn thân nhất của tôi, người tôi tin tưởng nhất. Tôi phát chứng đau dạ dày, không lái xe máy được nữa, ngồi gục đằng sau xe bố để tới trường. Lúc đó mẹ vẫn dè bỉu, “Chỉ vì một thằng con trai mà đến nỗi thế…” Bữa tối, trên ti vi chiếu một chương trình về trầm cảm. Mẹ tôi phán, “Toàn bọn bị hâm.” Tôi bảo, “Thế thì con mẹ bị hâm đấy.” Mẹ không nói gì nữa. Nói thật là có những thứ tôi rất ngây thơ về bố mẹ. Ví dụ về cách họ phản ứng khi biết tôi uống thuốc tránh thai. Bố nhìn thấy cái vỉ thuốc trong phòng tôi và làm ầm ĩ lên. “Bố chịu con đấy. Bố không thể chấp nhận con được nữa.” Lúc đó tôi chỉ thấy buồn cười, thậm chí tôi còn nhắn tin cho mẹ, “Ôi con buồn cười về bố quá mẹ ơi.” Không ngờ mẹ cũng sồn sồn lên. “Thằng ấy là thằng nào? Mày làm với bao nhiêu đứa rồi? Bố mẹ vẫn nghĩ là con ngây thơ.” Rồi là mẹ rất thất vọng về con, con gái dễ dãi, sống buông thả, các thứ các thứ. Bị bất ngờ, tôi nói dối là mới làm với một người thôi. Nhưng tôi cũng căng, không xin lỗi gì cả. “Ngày xưa bố mẹ cũng thế mà.” (Mẹ tôi có mang tôi trước khi bố mẹ cưới.) “Nhưng phải xác định cưới thì mới làm”. “Ơ thế chưa cưới thì mẹ không được có nhu cầu à?” Mẹ im lặng. “Theo kiểu của mẹ thì thằng Ngọc phải cưới đến ba vợ rồi,” Ngọc, em trai tôi, kém tôi một tuổi và tụi bạn gái của nó đã có sex hết rồi. Mẹ tiếp tục ớ ra. Mấy hôm sau là sinh nhật mẹ, tôi mua tặng mẹ một cái áo. Tôi cẩn thận để túi quà lên giường. Mẹ nói: “Tao không cần của bố thí của mày. Mày đi với ai thì đi đi, đi với cái thằng nuôi mày đi.” Mắt tôi tối sầm lại, tôi dắt xe máy ra cửa. “Mày đi luôn đi, mày coi là mẹ mày chết đi.” Tôi ngoảnh lại nói nhẹ, “Con chẳng hiểu sao mẹ lại nói thế, sao mẹ nói khó chịu thế”. “Ừ, đúng rồi, mẹ mày khó chịu như thế đấy, mày đi đi.” Thế là tôi đi luôn. Mấy hôm sau, gói quà vẫn không được mở ra, cái túi bị vứt vào một xó. Tôi đem nó lên phòng, lấy cái áo ra mặc. Đến giờ tôi vẫn thấy bị tổn thương. Thực ra tôi khá ngưỡng mộ bố. Những người làm ăn với bố đều ngưỡng mộ bố. Hồi còn có cửa hàng bán gas, bố tôi nhất quyết không tăng giá, trong khi các cửa hàng khác tăng hết rồi. Bố bảo, giờ gas đã đắt rồi mà mình lấy lãi nhiều thì khổ cho khách hàng. Ngày nào mẹ tôi cũng mắng, “Anh làm như thế thì làm sao mà giàu được.” Bố bảo là không cần gì nhiều, chỉ cần ngẩng cao đầu và buổi tối ngủ ngon là được rồi. Nói chung mọi đạo đức nghề nghiệp là tôi học được từ bố. Thời gian trước khi mất, bà nội tôi sống thực vật, ăn bằng xi lanh, ăn ỉa trên giường, bố tôi cũng là người dọn hết từ đầu đến cuối. Trước đó nữa, khi bà lẫn rồi và chửi mắng khiến bác tôi khóc bỏ đi thì bố vẫn kiên nhẫn thay bỉm cho bà. Những cái lẽ sống của bố rất là chắc chắn, tôi rất ngưỡng mộ, và tôi cũng muốn được như thế. Nhưng chẳng bao giờ tôi nói chuyện được với bố. Trong một lớp học ngoại khóa về giao tiếp phi bạo lực, chúng tôi làm một bài tập là gọi cho những người thân, những người ảnh hưởng nhiều nhất tới cuộc đời mình hiện nay. Với mỗi người mình nói với họ những điểm tốt ở họ, và hỏi họ về những điểm tốt mà họ thấy ở mình. Tôi gọi cho mẹ đầu tiên, cho bốn người ở giữa rồi tới bố. Với mẹ, tôi nói là tôi ngưỡng mộ mẹ vì mẹ tháo vát, mẹ giỏi việc cơ quan lẫn đảm việc nhà. Mẹ làm trưởng một chi nhánh ngân hàng, một công việc mà tôi nghĩ là rất phức tạp. Gia đình tôi có cái nhà năm tầng và một ô tô, tiền mẹ kiếm là chính. Rồi tôi hỏi điểm tốt của con là gì. Mẹ nghĩ một lúc rồi nói mặc dù tôi rất hay cãi nhưng mà là cãi có lý, tôi giỏi, tôi thông minh, tôi làm những cái mà mẹ không biết làm. Đến lượt bố, tôi nói là bố rất có mắt thẩm mỹ, cái gu nghe nhạc của bố rất hay, rồi sở thích đồ cổ của bố tạo cho tôi những hứng thú về nghệ thuật (cái này thì tôi hơi cường điệu một chút). Tôi nói bố có những phẩm chất mà không phải ai cũng có được. Bố nói, “Ừ.” Rồi tôi hỏi bố về điểm tốt ở tôi. Bố nói bố không biết, tầm một tháng nữa bố mới nói cho tôi biết được. Tôi tưởng là bố đùa, nhưng bố bảo, “Không, thật mà, bố chả biết điểm tốt gì ở con thật.” Tôi giận bố cả ba tháng sau đó. Trước tôi hay kể những thứ linh tinh, về đứa này đứa kia, những chuyện vớ vẩn, nhưng tôi không làm vậy nữa. Tôi nghĩ bố không quan tâm, hoặc tôi sợ phiền bố. Khi người ta không quan tâm tới những cái mình quan tâm thì mình rất xấu hổ. Tôi ru rú trên phòng, xuống ăn thì nhát gừng. Nhưng tôi không nghĩ là bố nhận ra sự thay đổi của tôi. Vậy nên tôi không thể kể chuyện này với bố mẹ tôi được. Họ sẽ cho rằng tôi là đứa tạo nghiệp, gây tội. Họ sẽ rất hung dữ. Cuối giờ chiều, tôi rời phòng khám nhưng không muốn về nhà ngay để bố mẹ không thấy tình trạng phờ phạc của mình. Tôi và bạn trai tới một party. Tôi ngồi một chỗ, cốc nước chanh trên tay, quan sát mọi người và tự hỏi, “Liệu có phải đứa này vừa mới phá thai? Có phải đứa kia mới mất người thân?” Tôi vẫn nói chuyện bình thường với mọi người, không ai biết điều gì vừa xảy ra với tôi cả. Tối tôi về nhà muộn để tránh mọi người. Tôi leo lên giường và bịt miệng khóc nức nở, mãi không ngừng được. Những tháng sau tôi bị sụt cân và mất ngủ. Tới giờ đã là nửa năm sau khi tôi… tôi đình chỉ thai, tôi muốn dùng cái từ này hơn, nhưng tôi vẫn bị nặng nề. Mỗi buổi sáng, như bị ma làm, cứ tỉnh dậy là tôi lại vào mạng google về phá thai, abortion, đọc về các đau khổ, chấn thương tâm lý liên quan rồi tự dằn vặt mình. What the fuck? Tôi cũng éo hiểu được mình. Chị họ của con bạn tôi cũng bỏ thai. Hôm trước đó, chị nó post lên Instagram, “Con ơi, bố mẹ vẫn muốn chơi.” Hôm sau: một cái ảnh hai đứa đang đạp vịt trên hồ. Tôi không phán xét họ, nhưng có lúc tôi ước mình bớt não đi một tí cho đỡ phải nghĩ nhiều. Nhưng tôi vốn là đứa như vậy. Cuối cấp Hai, mẹ hay cầm mắc áo quật tôi mỗi lần tôi bị điểm kém. Buổi tối tôi cầm cái compa hay cái kềm cắt móng tay, những thứ có đầu nhọn, ngửa cổ tay lên, rồi rạch. Tôi muốn trừng phạt mẹ, trừng phạt cả bản thân nữa. Tôi hay rạch tay vào đêm muộn, hoặc kể cả giữa trưa, nếu như trước đó tôi và mẹ cãi nhau. Những lúc đó tôi thấy tức mẹ và tức bản thân. Tôi cảm thấy trong người bị dồn nén khủng khiếp, không thể chịu đựng được nữa, phải làm thế để xả ra, cho đỡ bứt rứt trong người. Rạch nhẹ thì không thấy gì, mạnh tay lên chút thì sẽ dễ chịu hơn. Ít ra là mình còn cảm nhận được cái gì đó. Chắc là bố mẹ tôi không biết gì, những lúc ăn tối tôi toàn úp hai tay xuống dưới bàn. Cũng có những lúc tôi vui vẻ, thậm chí tôi và bạn trai còn đùa với nhau, “Nếu mà được sinh ra thì không biết là nó sẽ có lông mày giống em hay giống anh nhỉ?” Hay “Cả hai đứa mình đều lười nên chắc con mình sẽ lười chảy thây nhỉ.” Những lúc đó tôi thấy khá ok. Nhưng tối đến thì tôi lại thấy buồn thảm thiết, chỉ muốn chết thôi. Một đứa em tự nhận là biết nhiều về tâm linh và tử vi bảo tôi là, “Hình như em bé đang đi theo chị.” Thế là tôi tự nhiên cảm thấy có cánh tay vòng qua ôm mình, thấy ấm hơn hẳn. Tôi cũng không biết thế nào nữa. Tôi sợ. Tôi và bạn trai cãi nhau suốt. Tôi cho rằng anh ấy chỉ buồn vì thương tôi thôi, chứ không phải vì thương em bé. Tôi nói là hãy để tôi chịu đựng một mình, anh muốn đi thì cứ đi đi. Anh ấy khổ sở bảo là anh ấy không định đi đâu cả. Tôi căm ghét anh ấy. Anh ta chả phải chịu cái gì cả. Trong lúc tôi khóc anh ấy chỉ ôm tôi, nhìn lên trần nhà, và chả nói năng gì để an ủi cả. Tôi chui vào nhà tắm khóc tiếp thì anh ấy đi nấu cơm chứ không gõ cửa hỏi tôi có ổn không. Tôi quan sát anh ấy đi lại trong nhà và tôi cảm thấy thật ghét. Nhưng thực sự thì tôi rất yêu người ấy, tôi cũng không hiểu nữa, vừa rất căm ghét vừa rất là yêu ấy. Cái ngày mà tôi nhìn thấy chiến dịch “Mẹ ơi, đừng giết con” trên Facebook, tôi rúm cả người lại như là bị đâm. Họ muốn ra luật cấm phá thai. Buổi tối, tôi mơ thấy mình làm tình với bạn trai. Không hiểu sao, mẹ biết được và đi rêu rao với tất cả mọi người. Tôi đi tới đâu cũng bị cười cợt. Vừa chuẩn bị qua đường thì bỗng có một ai đó ghé sát vào mặt mình và hét, “ĐỒ PHÁ THAI!” Đằng sau tôi một nhóm người bắt đầu chỉ trỏ, xì xào. Tôi hốt hoảng bỏ chạy thì va ngay vào mẹ, mẹ thảng thốt, “Con phá thai à?” Tôi không thể chối cãi được nữa. Tôi choàng tỉnh dậy và cảm thấy cực kỳ tồi tệ. Bạn trai tôi vẫn đang làm việc bên cạnh. Tôi cắn cái mép chăn trong miệng để không khóc ra tiếng. Tôi không muốn ảnh hưởng tới anh ấy, khiến anh ấy thấy bất lực, thấy có lỗi. Tôi sợ làm tình nhưng muốn tự trừng phạt bằng việc để anh ấy hùng hục bên trên tôi, bởi tôi không xứng đáng nhận được những gì dễ chịu. Tôi xứng đáng bị anh ấy làm đau. Hôm sau, cảnh bị hét trong giấc mơ cứ trở đi trở lại. Cái giọng hét ấy nhay đi nhay lại là nếu như mày coi là mày không có lỗi thì mày nhầm rồi, Khuê à, mày có lỗi đó, mày là đồ phá thai, đồ giết người. Tuần đó toàn những chuyện buồn. Tôi thấy mình không có giá trị gì, không làm nổi một việc gì. Cuối tuần tôi mua bánh đa kê, thứ bố tôi rất thích, nhưng tôi lại về muộn, lúc đó cái bánh đã ướt sũng. Bố tôi bảo, “Ứớt sũng thế này thì làm sao mà ăn được.” Tôi mua với tâm trạng cực kỳ mong bố vui lên vì bà nội tôi mới mất, vậy mà tôi cũng không làm nổi. Mọi thứ cứ dồn dập, kinh vãi chưởng. Trong thâm tâm tôi biết tôi là một người tốt. Trước kia, trước khi chuyện đó xảy ra, thì là như vậy. “Người gieo trồng thấu cảm,” tôi viết trên bìa cuốn sổ tay của tôi như vậy. “Kẻ phá hủy định kiến.” “Người đập vỡ khuôn mẫu.” Rồi lại, “Bậc thầy của thấu cảm.” Tôi rất thích chữ này, tôi đã tham gia rất nhiều dự án và chương trình về nó. Thế nên là Tết năm ngoái tôi cạo trọc đầu. Đập vỡ khuôn mẫu và định kiến mà. Tối hôm đó, tôi đội cái mũ lụp xụp nhưng vẫn bị phát hiện. Mẹ véo tai tôi, ầm ĩ lên, “Chả hiểu cái giống gì ở đâu ra. Dị hợm!” May là đúng dịp đó thì tôi bắt đầu đi làm, đúng ngành, ở một agency quảng cáo, lương năm, sáu triệu và rất được tín nhiệm mặc dù tôi mới học năm ba, thậm chí còn chưa đi thực tập. Tôi bèn bảo mẹ, “Bây giờ mẹ thấy có đứa nào mới năm ba đại học đi làm mà lương được như thế này không?” Tôi phải tỏ ra kiêu ngạo trước mặt mẹ để mẹ hãnh diện hơn về tôi. “Mẹ có thấy đứa nào xăm trổ mà công việc vẫn được như thế này không?” Tôi có tận năm hình xăm cơ. Hình đầu tiên, ở giữa lưng, là một con cá đang quẫy lên, nó là tôi đối mặt với các thử thách và sẵn sàng cho tuổi mười tám, thời điểm tôi bị bạn trai lừa dối và tự hỏi là mình bước ra đời như thế này à. Ở cổ tay phải là hình mặt trời, một ngôi sao sáng, Minh Khuê. Ở cánh tay trái là hình hai cánh tay đan quyện vào nhau, với tôi nó là biểu tượng của thấu cảm. Tôi đã nói là tôi rất thích chữ này. Tôi nói vậy, thế là mẹ im. Tết đến, tôi gặp họ hàng, mặt vênh lên. Tôi xăm này, tôi xỏ khuyên mũi này, tôi cạo đầu này, nhưng tôi vẫn có giá trị với những gì mà tôi đang làm, tôi vẫn đóng góp cho xã hội. Tôi mong muốn có tự do để là chính mình. Tôi kiên quyết học truyền thông mặc dù bố tôi bảo đấy là bán hàng đa cấp và mẹ muốn tôi học ngân hàng để sau dễ xin việc, học xong rồi lấy chồng, có con, yên ổn. Nhưng tôi không đầu hàng, mặc dù hôm biết tin đỗ đại học tôi cảm thấy uất ức như là người chiến thắng mà không được ăn mừng. Trước đó bố tôi đã nói nếu không học ngân hàng thì đừng có bố con gì nữa. Nhiều bạn không kiên quyết được như vậy nên họ cứ sống mòn trong sự tiếc nuối của mình mà không dám đứng lên. Tôi thật là may mắn vì cá tính của tôi mạnh. Nhưng tôi lại cũng muốn bố mẹ yên tâm. Hôm đi cạo đầu, anh bạn đi cùng hỏi, “Em không nghĩ tới cảm giác của bố mẹ à?” Tôi vênh mặt, “Em sống cuộc đời của em hay của bố mẹ em?” Nói thế thôi, nhưng tôi vẫn muốn bố mẹ yên tâm về tôi. Tôi đoán đó chính là mâu thuẫn mà tôi bị kẹt vào đó. Nhưng rồi chuyện ấy xảy ra và tôi rơi xuống cái hố khủng hoảng. Bố mẹ không nhận ra là tôi buồn. Mấy tháng mùa hè, tôi hay đi lang thang ngoài đường tới khuya. Bị mắng nhiều quá, có hôm tôi bảo, “Bố mẹ có biết vì sao con không ăn cơm nhà, vì sao con về muộn không? Con đang buồn…” Mẹ chặn tôi lại, quát, “Buồn cái gì, mày thì có cái gì mà buồn? Sao mày không buồn thay cho bố mẹ mày phải kiếm tiền ấy.” Lúc đó tôi thấy may vãi là tôi chưa kể cho bố mẹ biết chuyện, vì đã có những lúc tôi gần như không chịu được nữa và đã suýt kể. Nhưng giờ tôi biết là dù tôi có kể chuyện với giọng tha thiết, tâm sự nhất thì bố mẹ tôi sẽ không bao giờ hiểu được, mà họ chỉ phát rồ lên rồi mắng chửi, dằn vặt, bảo rằng tôi hư hỏng. Tôi không còn niềm tin là bố mẹ sẽ lắng nghe tôi nữa. Tôi không được thể hiện cho bố mẹ là tôi gặp khó khăn hay yếu đuối trong các dự án xã hội, vì nếu không họ sẽ bảo, “Ai bảo mày tham gia làm gì, tự làm khổ mình.” Bạn bè thì cứ hay động viên, mày làm được việc đó, mày sẽ làm được, nhưng tôi vẫn thấy mình cần sự ủng hộ, khích lệ của bố mẹ. Không có điều đó, tôi cảm thấy cô độc. Tôi rất thương những bậc phụ huynh như bố mẹ tôi. Ok, bố mẹ đối xử với mình như vậy, tôi tự nhủ, nhưng mà không sao, tôi hiểu lý do tại sao họ lại làm thế. Tôi nghĩ sự giận dữ của mẹ tới từ việc mẹ không có ai để tâm sự. Tôi hỏi về công việc của mẹ ở ngân hàng, mẹ dùng nhiều chữ chuyên môn tôi không hiểu được, thế là mẹ dừng, không giải thích thêm. Nói chung mẹ không quan tâm tới việc mở lòng với tôi. Tôi tham gia các dự án về thấu cảm để có thể gần mẹ hơn, nhưng chúng tôi vẫn cãi nhau. Với mẹ thì những thứ tôi đang làm chỉ là “chuyện linh tinh”, thời gian đó tôi nên dành cho học hành. Học về giao tiếp phi bạo lực? Mẹ không cần phải học cái gì nữa hết. Tôi đừng có về muộn nữa, “về nhà mà thấu cảm đi.” Tôi thì chưa đủ khả năng dẹp đi cái tôi của mình, và cũng chưa biết cách để thay đổi bố mẹ. Tôi cãi lại mẹ, xong rồi tôi lại thấy thương. Thương là mẹ không có ai để trút giận. Mẹ càu nhàu vì mẹ muốn trút giận thôi. Tôi mà làm quá lên thì mẹ sẽ không có ai để xả giận nữa. Mẹ sẽ cô độc. Giá mà tôi có thể khiến bố mẹ hiểu thấu cảm và giao tiếp phi bạo lực là gì. Làm sao mà tôi có thể nói chuyện với họ như là tôi và bạn đang nói chuyện với nhau? Liệu bạn có thể giúp để tạo ra một cầu nối giữa chúng tôi và người lớn, để có thể tạo ra một sự nhận ra, đơn giản vậy thôi? Nhận ra, ngẫm nghĩ, rồi điều chỉnh hành động của mình cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Chuyện tôi kể với bạn, nghe thì nó buồn, nhưng thực ra chắc chắn tôi sẽ luôn tha thứ hết cho bố mẹ. Sẽ chẳng bao giờ tôi để nó lại trong lòng. Khi ngồi ở đây đợi bạn tới, tôi loanh quanh nghĩ về cuộc đời mình. Chữ “cuộc đời” vừa quá rộng lớn với những gì tôi đã trải qua, vừa quá nhỏ bé với những gì xảy ra với tôi. Hai từ này khiến tôi liên tưởng tới một bể cá rộng lớn và một trò chơi đầy mỉa mai. Tuổi thơ của tôi đã qua và tôi đang chật vật đi tìm mình. Tôi tức giận, tôi bỡ ngỡ. Tôi loay hoay một mình với những câu hỏi. Tôi có phải là người xấu không, tôi có vô lương tâm không? Tôi không có câu trả lời. Tôi đoán là tôi sẽ phải sống với những câu hỏi này một thời gian rất dài nữa. Liệu tôi có thể chấp nhận những thứ tôi đã đánh mất, chấp nhận cái hỗn loạn bên trong mình, và từ đó đi tiếp với cuộc đời của tôi? Hãy chúc tôi may mắn. PHẦN HAI Những đứa trẻ NHẦM VAI 7. “TÔI MONG CÓ NGƯỜI DÌU DẮT NHƯNG LẠI PHẢI DÌU DẮT BỐ MẸ TÔI” (Ngân, 20 tuổi, nữ sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Ý)* Cuối tuần trước tôi lên nhà ông bà nội ở phố cổ để đưa bà đi dạo. Đang ở trên Hàng Đào thì chúng tôi gặp bố giữa đường. Rồi bố và tôi lượn phố bằng xe máy, loanh quanh, không có đích gì cụ thể. Tôi ngồi đằng sau, ôm con chó nhỏ của bố trong lòng, lắng nghe bố. Tôi hợp nói chuyện với bố. Bố hay nói những chuyện linh tinh, vui vui, chuyện ăn uống, rồi sức khỏe của con chó, chuyện thời sự, phim ảnh… Nhưng bố không bao giờ nhắc tới chuyện quá khứ. Mẹ thỉnh thoảng hỏi tôi dạo này bố sống thế nào, ăn uống có tốt không. Còn bố thì không bao giờ nhắc tới chuyện gia đình nữa. Tôi có cảm giác bố ngại. Thỉnh thoảng tôi lại tới nhà bố, bố ở cùng với ông bà nội, và kiếm cớ bảo bố đưa đi chỗ này chỗ khác, ra phố, siêu thị. Tôi hay làm vậy vì bố lười lắm, ít khi đi ra ngoài. Có giai đoạn bố mê máy khoan, bố mua một đống về, tháo tháo lắp lắp, khoan mấy cái lỗ, rồi đem đi bán lại. Cả ngày chỉ thế thôi. Trên xe, tôi hỏi, “Bố ơi, dạo này chú Phương thế nào rồi?” Chú Phương là em trai bố, chú ở tù có tới bảy, tám năm, hết cả tuổi thơ của tôi. Chú ấy nghiện ngập, phá phách, rồi đi cướp xe SH. Hiện ông bà nội thuê cho chú ấy cái nhà ở riêng, hy vọng chú ấy tự cai. Nhưng bố tôi cũng không biết tình hình của chú. Nói chung là bố vô tâm. Bố rất hiền, tính nhẹ nhàng, nhưng không để tâm tới cái gì. Với bố thì không gì là quan trọng. Bố cứ sống vậy thôi, ngày qua ngày. Tôi và mẹ ở với ông bà ngoại, có tới mười hai người ở trong cái nhà đó, nên là chúng tôi ở cùng phòng. Lớn thế này rồi nhưng tôi vẫn nằm cùng giường với mẹ, những tối cái Hà An* qua chơi và ở lại qua đêm thì cả ba nằm trên một giường. Nhà tôi đông người vậy nhưng mọi người cũng không sinh hoạt cùng nhau. Tôi thích sống một mình, từ nhỏ đã như vậy. Tôi không nói chuyện được nhiều với ông bà. Họ chỉ quanh quẩn cả ngày trong nhà, rồi nói những chuyện loanh quanh, buồn chán. “Con đã ăn chưa? Tại sao lại không ăn, muốn giảm cân à?” Rồi ông bà hỏi, “Tại sao lại mặc quần rách?” Bây giờ xã hội người ta mặc quần rách, tôi cũng không thể trả lời được là tại sao. Tôi mới học hết năm thứ hai đại học, chuyên ngành tiếng Ý. Mùa hè, các sáng tôi hay tới quán cafe của mẹ, giúp mẹ ủ cà phê, dọn dẹp, quét sàn, gấp giấy nhét vào cốc. Mẹ còn dạy tôi pha chế nữa. Khoảng một tiếng rưỡi, hai tiếng thì xong, tôi về dọn dẹp nhà cửa. Thỉnh thoảng tôi ship hàng cho mẹ, mẹ bán mấy thứ tẩy hút mùi, tẩy lau vách kính trên mạng. Gần đây tôi cũng làm gia sư tiếng Anh cho một em lớp Tám, một trăm nghìn cho hai tiếng, nhưng hiện nó đang nghỉ vì bị gãy tay. Mẹ đang để dành tiền để mua một cái chung cư về sau cho hai mẹ con tôi. Tôi không giúp được mẹ nhưng cũng cố gắng không xin mẹ nhiều. Tôi hạn chế tiêu pha, chắc một tuần hết khoảng ba trăm nghìn cho cafe, sách vở, quanh quẩn thế, thêm tiền xăng nữa thành bốn trăm. Quần áo thì thỉnh thoảng mẹ vẫn mua cho tôi. Tôi đang để dành tiền để học yoga. Nhưng độ này mẹ không muốn tôi giúp dọn quán buổi sáng nữa. Mẹ mới cài một cái định vị vào xe máy của bạn trai. Bác ấy đi đâu, táp vô cây ATM nào, mẹ đều biết. Bác ấy tới quán cafe nhưng lại bảo là đi làm. Mẹ tới cái quán đó thì chỉ thấy xe máy mà không thấy người. Cả sáng mẹ chỉ đi ra đi vào kiểm tra cái định vị. Chắc mẹ không muốn tôi nhìn thấy mẹ như vậy nên bảo tôi không phải ra quán nữa. Buổi chiều thì mẹ đánh cầu lông, nên tôi cũng không gặp. Thời gian này chúng tôi không nói chuyện được nhiều. Trước thì chúng tôi hay đi dạo quanh hồ hay đi cafe cùng nhau, nhưng giờ thì mẹ không còn tâm trạng gì nữa. Mẹ quen bác kia được ba năm rồi. Hồi đầu thì ngoài bác kia ra mẹ còn một người nữa, mẹ có hai người cùng một lúc. Tôi khuyên mẹ là không nên như vậy. “Mình cũng nên đặt mình vào tình cảnh của người ta mà hiểu suy nghĩ, cảm xúc của họ,” tôi bảo mẹ, “nếu họ phát hiện ra thì làm thế nào?” Thế rồi người bạn trai thứ hai cũng tự bỏ đi. Bác kia thì lúc đó cũng đang có vợ, và nói là chuẩn bị ly hôn để tiến đến với mẹ. Tôi có cảm giác bác ấy không được thật thà lắm. Trong một thời gian dài bác ấy không nói rõ với chúng tôi là bác ấy làm gì. Gần đây tôi mới biết bác ấy tên là Tiến, mà bình thường tôi cứ hay gọi bác ấy là Tuấn. Bác ấy cho thuê ngựa ở công viên, tức là cũng có thu nhập, vậy mà tôi chưa thấy bác ấy giúp đỡ mẹ lúc khó khăn bao giờ. Tôi, mẹ và bác ấy mới đi biển với nhau ba bốn ngày, thực ra tôi cũng không cảm thấy ghét hay khó chịu gì với bác ấy. Thỉnh thoảng bác ấy nhờ tôi đón con bác ấy, và có lần còn chở tôi tới trung tâm học thêm để đăng ký. Gần một năm nay mẹ phát hiện ra là bác ấy dùng một cái nick Zalo khác để nói chuyện với những phụ nữ khác. Từ đó mẹ lúc nào cũng ở trong trạng thái lo lắng, sợ hãi, không tập trung, cãi nhau với bác kia rồi lại quay ra vục vặc với tôi. Có hôm chúng tôi cùng nhau đi Tam Đảo thì bỗng nhiên bác ấy thoát khỏi Zalo. Thế là mẹ không vui cả một ngày. Mẹ bảo, tại sao phải thoát khỏi Zalo? Tại sao lại mờ ám vậy, có gì phải che giấu đây? Tôi khuyên mẹ là đã nghi ngờ vậy thì không nên yêu nữa. Đã ba bốn lần mẹ đòi chia tay mà vẫn không dứt được. Bác ấy năn nỉ mẹ quay lại. Tôi chưa có quan hệ tình dục. Bạn trai tôi không muốn, vì cậu ấy muốn “giữ cho tôi”. Phần tôi thì không phải là tôi không sẵn sàng. Khi yêu tôi thấy chuyện đó là bình thường. Tôi thấy mình sẵn sàng cho chuyện đó, mặc dù tôi cũng hơi sợ sợ vì tôi vốn nhát. Nhưng mẹ tôi rất khắt khe trong chuyện đó, trước khi cưới thì không nên làm, mẹ vẫn bảo vậy. Nhưng gần đây tôi nói thẳng luôn. “Bây giờ xã hội khác rồi, nó không coi trọng cái chuyện đấy theo kiểu quá cổ hủ như hồi trước nữa đâu,” tôi nói. “Tất nhiên là con sẽ giữ, nhưng mà con sẽ cho người mà con cảm thấy xứng đáng.” Với bạn trai tôi, tôi là người nói thích trước. Chúng tôi nhắn tin qua lại được một thời gian thì một đêm, tôi đang ở chỗ học quân sự thì bạn ấy nhắn tin hỏi chỗ đi chơi ở đảo Cái Chiên, Quảng Ninh. Tôi có kể là tôi đã từng đến đó, nhưng tôi biết bạn ấy chỉ lấy cớ để nói chuyện thôi. Bỗng nhiên tôi bị thôi thúc phải nói ra bằng được là mình thích, nếu không thì sau này sẽ rất hối hận. Nhưng tôi phân vân mãi, vì trước kia bạn ấy yêu một cô bạn gái của tôi, và tới giờ tôi vẫn chưa nói với đứa bạn gái đó là chúng tôi quen nhau các kiểu. Tôi vẫn ngại người yêu cũ của bạn ấy. Mãi sau tôi mới nhắn được là: “Tớ có chuyện này muốn nói với cậu được không? Cậu có rảnh không?” Lúc đó muộn rồi, nên sáng hôm sau bạn ấy mới trả lời. Cả đêm đó tôi chờ tin, không ngủ được. Buổi sáng hôm sau, khi tôi mới ngồi lên cái ghế nhựa ở ngoài sân để chuẩn bị học quân sự thì bạn ấy nhắn lại. “Sao thế, có chuyện gì à?” “Thật ra tớ thích cậu từ lâu rồi nhưng mà tớ không thể nói ra với cậu được.” Tôi viết một tin rất dài. “Tớ có cảm giác là nếu mà tớ cứ giấu mãi thì tớ cũng không chịu được. Tớ chỉ muốn nói ra điều đấy thôi, tớ không có ý định bắt cậu phải yêu tớ lại hay như thế nào cả. Đây là lần đầu tiên tớ làm vậy, và chắc tớ là đứa con gái đầu tiên nói là tớ thích với con trai.” Lại mãi một lúc sau: “Ừ, thế thì tớ hiểu rồi, có phải từ cấp Ba không?” Tôi và bạn ấy học cùng cấp Ba mà. “Không, không, sao cậu lại nghĩ thế. Mà cậu chỉ hỏi thế thôi à?” “Tại vì tớ không tin… tớ tưởng cậu sẽ thích một người hoàn hảo hơn tớ.” Đúng là bạn ấy không có gì đặc biệt cả. “Tớ tưởng ngày xưa cậu yêu một bạn cùng lớp, bạn T ấy?” “Không, đấy chỉ là quan hệ bạn bè bình thường thôi, sao cậu có thể nghĩ thế được.” Im lặng một lúc. “Ừ, thế thôi, biết được như thế đã. Thôi cậu cứ học quân sự đi, tớ chờ, cậu về tớ đưa cậu đi chơi một hôm.” Bình thường thì các buổi tối bạn ấy làm trong một cái pub, từ bốn giờ chiều tới quá nửa đêm. Một giờ rưỡi sáng bạn ấy về đến nhà còn xem phim, hút cần, linh tinh tới năm giờ sáng thì mới ngủ tới trưa, rồi chiều lại chuẩn bị đi làm. Hôm tôi về, bạn ấy đổi giờ làm lên buổi sáng để buổi tối đi chơi với tôi. Tối hôm đó bạn ấy chờ ở ngoài ngõ. Cả ngày tôi loay hoay chọn váy, tới lúc tuyệt vọng rồi thì bỗng nhiên mẹ đưa tôi một cái váy mà tôi thích ngay, mặc dù mẹ không biết buổi tối tôi đi chơi. Mẹ khen tôi xinh khiến tôi cảm thấy đỡ tự ti hơn chút. Tôi từ trong nhà đi ra, miệng cứ tự động mỉm cười mà không kìm được - tôi hạnh phúc mà. Bạn ấy nghiêng xe máy cho tôi ngồi lên, rồi lấy cái áo phủ lên đùi tôi để cái váy không tốc lên. Chúng tôi đi trong im lặng. Hôm đó trời nóng kinh khủng, tối rồi mà vẫn còn ngoài bốn mươi độ. Mãi tôi vẫn không đủ can đảm để nói được gì. Bạn ấy thì vẫn hỏi han bình thường, “Cậu ăn gì chưa? Học quân sự có vui không?” Nhưng chắc là bạn ấy run hay sao ấy, vì lúc dừng chờ đèn đỏ thì tôi thấy xe hơi rung rung lên, rất là tội. Bạn ấy không phải là người tiếp xúc nhiều với con gái. Trước quầy bán vé, tôi lí nhí: “Hay là để tớ chia tiền với cậu.” “Thôi, lâu lắm rồi mới gặp có một hôm.” “Ok. Thế thì để tớ mua bỏng cho nhé.” “Không tớ đặt hết rồi.” Chúng tôi vào rạp muộn, hết cả chỗ để nước, nên bạn ấy phải cầm trên tay. Tôi nghe thấy bạn ấy thở rõ là to, làm tôi cũng hồi hộp theo. Phim thì lại không tình cảm lãng mạn gì mà là phim hoạt họa gia đình siêu nhân. Bạn ấy không tập trung xem mà cứ lọ mọ, nhấp nhổm uống nước. Rồi chúng tôi đi xe dọc hồ Tây. Lúc này trời đã dịu xuống. Bạn ấy nói, “Tớ không biết được, nhưng tớ rất lo sợ về tương lai, tớ không biết tớ nên làm gì…” Tôi cũng cảm thấy y như vậy, nhưng tôi vẫn trả lời, “Tuổi hai mươi đẹp nhất, cậu nên trân trọng từng ngày, rồi thế nào mọi thứ cũng sẽ ổn, cậu phải nhìn vào hướng tích cực thì mọi chuyện tích cực sẽ đến với cậu.” Hết phổ thông, tôi thi vào trường Thương mại, nhưng sau một năm thì thấy nó không thích hợp với mình. Tôi quyết định thi lại, vừa đi học vừa đi làm để không phải xin tiền của mẹ. Bây giờ người ta học tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn nhiều rồi, nên tôi chọn tiếng Y. Nhiều người khuyên tôi như vậy vì nó là ngôn ngữ hiếm và gần đây Ý liên kết với Việt Nam khá nhiều. Cái đợt ôn thi lại đại học bố hay đón tôi. Một hôm, tôi đứng đợi bố ở cổng trung tâm học thêm mà mãi không thấy đầu. Tôi gọi năm, sáu cuộc thì bố mới bốc máy, giọng bố run run. Bố có tật hay run rẩy lắp bắp khi gặp khó khăn. Nghe vậy tôi biết là có vấn đề gì rồi. Bố nói, “Bố đang có việc, đừng gọi nữa nhé, con tự tìm cách đi về đi.” Tôi bắt xe ôm, trên đường gọi về nhà ông bà nội, “Bố con làm sao đấy?” Ông nói bố bị bắt đưa lên trên phường vì tội dùng ma túy, giờ ông phải lên đút lót để xin về. Khi tôi học lớp Hai thì mẹ tôi đã định chia tay với bố tôi. Hồi đó chúng tôi ở cùng ông bà nội và bố bắt đầu sa vào nghiện ngập. Trong trí nhớ lờ mờ của tôi, tôi nhớ có lần bố dẫn bạn bè về rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Hồi đó mẹ dành dụm tiền để mua xe đạp cho tôi, nhưng bố cũng lấy hết. Tôi có con chó bé tí, bố cũng bán đi lấy tiền mua thuốc. Lúc đầu mẹ nghĩ mình chịu đựng được, nhưng sau mẹ không muốn tôi phải chứng kiến những cảnh đó, nên mẹ quyết tâm chia tay. Mãi tới khi tôi lớp Sáu thì bố mẹ mới chính thức ly hôn. Trước đó bố tôi phải vào trại cai nghiện mất mấy năm gì đấy. Mẹ kể lại là hồi đó mẹ rất tức giận vì ông bà nội quyết định đưa bố vào trại mà không bàn gì với mẹ. Từ cái đợt bị bắt lên phường đó thì bố không động vào ma túy nữa. Kỷ niệm vui nhất của tôi với bố? Để tôi nghĩ… Tôi không nhớ, hình như không có kỷ niệm nào. Kỷ niệm buồn nhất? Hôm đó tôi, mẹ tôi, và em họ tôi lên trại thăm bố. Lúc đó tôi học lớp Năm. Tôi không nhớ tôi nói gì, nhưng đại loại tôi không đồng ý với bố. “Thôi, con không làm đâu.” Bố tát tôi một cái. Từ trước tới nay chưa bao giờ bố đánh tôi, chưa bao giờ bố động chạm hay lăng mạ tôi, nên tôi bị quá bất ngờ. Đấy là kỷ niệm buồn duy nhất của tôi. Còn lại thì mọi thứ cứ bình bình vậy thôi. Đa phần những gì tôi làm, tôi đều làm vì mẹ tôi. Tôi nghĩ tới mẹ đầu tiên. Tôi muốn sau này mẹ tôi không phải đắn đo khi mua sắm gì. Tôi muốn có thể lắng nghe mẹ nhiều hơn. Mẹ hay nói, “Mẹ chỉ cần con lắng nghe mẹ. Con có ý thức được là mẹ đang làm tất cả mọi chuyện là vì ai không?” Bố mẹ tôi có yêu tôi không? Bố tôi thì… tôi không biết. Bố lúc nào cũng dửng dưng, chẳng bao giờ hỏi chuyện học hành hay yêu đương, chẳng dạy dỗ, khuyên nhủ gì. Chắc bố nghĩ là tôi được sinh ra rồi thì tôi tự lớn lên, thế thôi. Nhiều khi tôi quên đi mất là mình có bố. Còn mẹ, tôi nghĩ là mẹ yêu tôi. Tôi rất trân trọng những gì mẹ dành cho tôi, nhưng thú thực, nhiều lúc tới thấy áp lực với tình yêu của mẹ. “Vì con mà mẹ không thể yêu ai nữa.” Mẹ nói vậy, “vì con mà mẹ hy sinh.” Tôi yêu mẹ nhưng tôi có một khoảng cách với mẹ. Mẹ tôi áp đặt, “Là con thì không bao giờ được cãi, dù mẹ đúng hay sai”. Hôm trước tôi để cái bông tẩy trang trên bàn. Mẹ cũng hay làm vậy. Mẹ xẵng giọng, “Tại sao con lại để như thế?” Tôi bảo, “Con tưởng mẹ cũng hay để ở đấy nên con cũng để đấy rồi vứt sau.” Mẹ tôi gừ lên, “Thế bây giờ tao để cái gì ở đấy thì mày cũng được để ở đấy à? Thế bây giờ mày còn cãi nữa à, còn đặt điều nữa à?” Rồi mẹ lẩm bẩm, lẩm bẩm suốt, “Con với chả cái.” Sáng hôm sau mẹ tôi vẫn nhắc lại, hôm qua mày cãi tao, bây giờ tao bằng vai phải lứa với mày à. Thực sự là nhiều lúc tôi nhường mẹ. Với bố thì tôi thương, nhưng không hẳn là yêu. Tôi rất lo cho bố tôi. Bố lười và ỷ lại. Tôi khuyên bố tôi đi làm nhưng bố không nghe, bố đã ở nhà năm, sáu năm rồi. Ông bà nội đã gần tám mươi tuổi, không thể chu cấp cho bố và ở bên cạnh bố lâu nữa. Ông bà nhờ bạn bố động viên bố đi làm, sau này ông bà mất thì còn tự lo được. Bố bảo, “Đến lúc đấy thì tính.” Sau này tôi phải lo cho cả mẹ lẫn bố chứ không thể chỉ lo cho một người được. Tôi cảm thấy gánh nặng ở phía trước. Còn với mẹ thì tôi yêu, nhưng không hẳn là thương. Tôi không thấy xót cho mẹ. Nhưng bố tôi thì tôi xót. Cái gì bố cũng kệ. Bố bị đau răng, nhưng đau đớn thế nào bố cũng chịu, mãi mới bảo tôi một câu. Tôi đi mua thuốc, rồi về cho bố uống, tôi phải chủ động chăm sóc bố. Khi bố còn ở trong trại cai nghiện, mẹ đã làm đơn ly dị. Đến khi xuất trại thì bố ký vào đơn. Đợt đó tôi chả có cảm giác gì cả. Mẹ tôi hỏi, “Con có buồn không?” Tôi bảo, “Con biết chuyện từ lâu rồi.” Bố nói với tôi, “Con đừng xa lánh bố…” Tôi trả lời, “Con không xa lánh bố, nhưng bố phải thay đổi đi.” Còn mẹ khi ốm thì nói rất nhiều, yêu cầu tôi rất nhiều, nên tôi không có cảm giác xót mẹ. Tôi cũng không ngờ khi yêu vào tôi bị phân tâm như vậy. Lúc nào trong đầu mình cũng có những câu hỏi, “Hôm nay bạn ý làm gi?”, rồi “Bạn ý đang ở đâu?”, rồi kiểu “Gặp nhau thì nên làm gì, nói chuyện gì?” Đi qua cửa hàng quần áo thì mình không chọn xem quần áo cho mình nữa mà xem đồ cho bạn ý, kiểu đấy. Con trai thì không như vậy. Khi mới quen tôi, Thắng, bạn ấy tên là vậy, rất vui. Nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng nhận ra lịch làm việc của cậu ấy khiến chúng tôi chả nói chuyện được với nhau gì cả. Thắng nói mấy tháng nữa sẽ nghỉ việc, sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc tôi, nhưng chuyện không xảy ra. Quan hệ của chúng tôi ngày một chuệch choạc. Có hôm đi chơi xong, Thắng định quay xe về luôn. Tôi buột miệng, “Chả ôm người ta gì cả!” Thế là nó ôm tôi. “Cái gì tớ cũng phải chủ động,” tôi nói, “nhưng tớ sẽ không dỗi cậu đâu, tại vì hôm nay cậu cũng mệt, thôi cậu đi ngủ đi, tớ không giận đâu.” Hôm khác tôi nói, “Ê này, hay là chơi trò hỏi nhau đi, tớ cho cậu hỏi hai câu về tớ, những thứ cậu tò mò về tớ mà không tiện hỏi chẳng hạn, thì bây giờ cậu hỏi đi.” Nó nghĩ một lúc rồi nói, “Nhưng mà tớ cũng không biết hỏi gì cả”. Tôi nản. Đến đêm thì nó nhắn lại, “Tớ hỏi cậu có bao giờ thấy chán khi mà chờ đợi tớ như thế này không”. Và câu thứ hai là, “Nếu tớ vẫn đặt mối quan hệ bạn bè với người yêu cũ lên trên thì cậu có chấp nhận không; tớ thấy tớ không xứng đáng với cậu.” Sáng hôm sau đọc được tin nhắn, tôi tụt cảm xúc, vứt điện thoại ra giường. Hôm đó trời lại còn mưa nữa chứ. Sau khi yêu Thắng được mấy tháng thì tôi quen Minh, nó ít hơn tôi một tuổi. Hóa ra tôi và Minh rất hợp nhau. Lần đầu tiên tôi gặp một người hoàn toàn hiểu tôi, chúng tôi có sự gắn kết tâm hồn rất đặc biệt. Minh rất đàn ông, rất tinh tế, và cho tôi một cảm giác an toàn, được chấp nhận mà rất lâu rồi tôi mới có. Mấy lần Minh nói thẳng là em ấy thích tôi, nhưng lần nào tôi cũng nói nước đôi là “đang suy nghĩ”. Cái đêm trường tôi tổ chức prom, Minh tới đón tôi. Thắng biết chuyện và đoán được tình hình. Hôm sau, Thắng khó chịu lồng lộn lên, nó đón tôi ở nhà rồi phóng xe rầm rầm quanh hồ khiến tôi phải ôm chặt lấy nó. Tôi hỏi, “Ơ thế anh giận gì à?” Hết cả vòng hồ sau nó mới dừng lại, xuống xe. “Em làm cái gì đấy?” Nó lập cập móc bao thuốc trong túi ra. “Anh không nghĩ em lại làm như thế.” Tôi bảo, “Chỉ là bạn bè bình thường mà… Anh nên biết là em với nó chỉ nói chuyện hợp thôi.” Thắng cầm điếu thuốc ném phiu vào tường làm tôi giật bắn mình. Lần đầu tiên tôi thấy nó văng tục với tôi. “Anh cần chó gì biết! Anh đéo cần biết cái gì luôn cả!” Tôi ôm nó. Người nó nóng ran, hơi thở gấp gáp. Tôi nói dối để trấn an, “Không có chuyện gì đâu, chỉ là bạn bè bình thường thôi… Em đi tiệc với nhiều người mà.” Từ đấy Thắng lúc nào cũng sợ mất tôi. Nó tự ti và hay bảo là tôi nên chọn người khác, nó không xứng đáng với tôi. Nhưng tôi không bỏ được Thắng. Một thời gian sau, Minh không đợi được nữa nên cũng bỏ đi. Tôi thấy tiếc. Tôi gặp Minh là đúng người nhưng sai thời điểm. Minh tinh tế hơn, sâu sắc hơn, hiểu tôi hơn, không cục cằn như Thắng. Tôi kể một chuyện, Minh sẽ thấy dễ thương, còn Thắng sẽ thấy ngớ ngẩn, hoặc nó còn chẳng muốn nghe. Bên Minh, tôi thấy mình được trân trọng. Bên Thắng, nó làm tôi thấy bản thân và những thứ mình làm trở nên xấu xí. Minh mới được học bổng, nó đốc thúc tôi học, nó muốn cùng tôi cố gắng. Ngược lại, tôi là người đốc thúc Thắng, nó lúc nào cũng giậm chân tại chỗ, chả thi thêm được môn nào. Nhiều lúc tôi mệt mỏi, nó chẳng tỏ ra cần tôi gì cả, nhưng tôi không bỏ được Thắng. Vì sao ư? Vì tôi thương cậu ấy. Có hôm tình cờ cả Thắng lẫn Minh đều bị đứt tay. Tôi nhìn Minh mà không thấy xót. Minh biết tự lo cho bản thân, nó vững vàng trong cuộc sống. Nhưng với Thắng thì tôi rất xót, tôi suy nghĩ phải mua thuốc gì, băng bó như thế nào. Lúc đó tôi quyết định nhanh lắm. Tôi biết mình cần chăm sóc Thắng. Gần đây tôi cũng cố hình dung về tương lai… nhưng thực sự tôi không biết sau này tôi sẽ làm gì, sẽ sống ở đâu. Tôi bắt đầu nản với việc học trên trường. Tôi thấy mình không bắt kịp. Cứ đến gần ngày thi thì tôi có cảm giác tôi không muốn thi nữa, chuyện thế. Lúc đấy tôi có cảm giác mình không còn sức lực để ôn thi, cảm giác có ôn cũng thế thôi, kiểu thế, nên là tôi bỏ mặc, dù tôi biết là rồi sẽ lại phải học lại, thi lại. Tôi vẫn đăng ký thi, vẫn học bài, nhưng sáng hôm đó thì tắt điện thoại, không tới trường nữa, không ai liên lạc được. Tôi bỏ cuộc vào phút cuối. Sáng hôm sau tôi nói dối với giáo viên là nhà có việc. Hiện tại tôi cố gắng bồi đắp, học làm những công việc nhỏ hằng ngày như nấu ăn, thay bóng đèn, rồi cố gắng học sử dụng máy tính. Nhưng tôi không tưởng tượng ra được mình sẽ thành như thế nào. Mỗi ngày tôi cố gắng nhưng tôi không biết mình cố gắng vì cái gì. Tôi cố gắng qua được một ngày, rồi lại qua ngày tiếp theo. Tôi sợ mình sẽ có cuộc sống tương tự như mẹ, cũng quá lụy vào chuyện tình cảm, yêu đương. Khi yêu vào thì cả ngày tôi cứ loanh quanh không làm được gì, trong đầu lúc nào cũng hỏi sao bạn ấy không nhắn tin, bạn ấy đã về nhà chưa. Tôi sợ vì thấy mình không có mục tiêu gì, không biết đường đi… Cả đời mẹ tôi chạy theo một cái gì đấy, tiền bạc, đàn ông, mà người ta lại không xứng đáng. Tôi sợ mình lặp lại số phận của mẹ, nên giờ tôi sợ yêu, sợ làm hỏng. Mẹ luôn nhắc, “Làm gì con cũng phải tính tới trường họp xấu nhất”. Điều đó làm tôi rất rụt rè, chưa dám thử nhưng tôi đã nghĩ mình thất bại ngay từ đầu. Nhiều khi, tôi thấy mình bỏ qua rất nhiều thứ, kể cả yêu đương lẫn học hành, khác với Hà An. Hà An đang sống hết mình, nó không bỏ phí thời gian như tôi. Tuổi trẻ này đang vụt trôi qua trước mắt mà tôi lúng túng quá. Tôi chưa bao giờ hình dung ra hôn nhân. Tôi thích sống một mình. Sau này nếu cô đơn thì tôi sẽ có con, chứ không lấy chồng. Chỉ cần nghĩ là sáng dậy mở mắt ra thấy một người lạ hoắc lạ hơ là tôi đã thấy khó chịu. Nhưng chủ yếu là tôi sợ bị phản bội, bị thất vọng. Tôi sợ là mọi cố gắng của tôi một ngày nào đó sẽ bị ai đó phá hết. Đấy là lý do mãi tôi không muốn yêu ai, tôi sợ khi yêu vui thì ít mà buồn thì nhiều. Mãi tôi mới nói với Thắng là tôi thích bạn ấy. Có chứ! Tôi mong có người dìu dắt tôi chứ. Tôi luôn luôn cảm thấy như vậy, ngay từ nhỏ tôi đã cảm thấy mình cần một người. Tôi không phải là loại người dựa dẫm nhưng tôi muốn có ai đó cho tôi lời khuyên, ai đó đi trước rồi, đã trải nghiệm rồi, và sáng suốt hơn tôi. Nhưng từ lâu rồi bố mẹ tôi không làm được điều ấy. Họ cần người dìu dắt chứ không dìu dắt được tôi. Tôi chẳng có ai cả. Ai cũng lo việc của mình, không ai để ý đến tôi. Tôi không bấu víu được vào ai. LỜI TÁC GIẢ Buổi đầu tôi gặp Ngân, trời ẩm ướt sau cơn mưa. Tay ôm cốc nước """