"Tìm Hiểu Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ - Hoàng Xuân Việt full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tìm Hiểu Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ - Hoàng Xuân Việt full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo] Ebooks Nhóm Zalo Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ Tác giả: Hoàng Xuân Việt Số trang: 480 Kích thước: 14.5x20.5cm Phát hành: NXB Văn Hóa Thông Tin Năm xuất bản: 03/2007 E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy. Bạn nên mua sách giấy để ủng hộ đơn vị xuất bản và thưởng thức trọn vẹn tác phẩm. Lời nhà xuất bản Lịch sử chữ Quốc ngữ là một mảng quan trọng trong bộ môn Lịch sử Ngôn ngữ Tiếng Việt hiện đại. Ngôn ngữ tiếng Việt, cũng giống như ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác trên thế giới, bao gồm hai yếu tố chính là tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói của cộng đồng người Việt đã không ngừng biến đổi và phát triển qua nhiều thế hệ, nhưng tiếng nói thuần Việt về cơ bản vẫn được lưu truyền và sử dụng cho đến tận ngày nay. Còn chữ viết lại hơi khác. Trong lịch sử hình thành ngôn ngữ của nhân loại, tiếng nói luôn có trước từ rất sớm, rồi sau mới dần dần xuất hiện chữ viết. Có hai dạng chữ viết chính là chữ viết tượng hình (hay biểu ý) và chữ viết tượng thanh (hay ký âm). Cộng đồng người Việt trong thời kỳ Bắc thuộc, khi đã có tiếng nói phát triển khá phong phú thì cũng đồng thời với việc sử dụng chữ Hán, một loại chữ viết dùng đường nét để mô phỏng hình ảnh nhằm biểu đạt ý nghĩa. Các nhà Nho nước Việt vào thời này cũng là những nhà ngôn ngữ học bất đắc dĩ, đã có một sáng chế rất độc đáo: dựa vào chữ Hán (tượng hình) để tạo ra một thứ chữ có thể ghi lại tiếng nói của cộng đồng dân tộc Việt. Vì thế, chữ Nôm tuy lấy chữ Hán làm “nguyên liệu” nhưng lại hướng nhiều đến việc ghi âm hơn là biểu ý. Nhưng chữ Hán đã là chữ của “thánh hiền” theo quan niệm của các bậc trí giả thời trước, thì chữ Nôm cũng không thể xa rời tính chất “thánh minh hiền triết” ấy, vẫn không thể là một thứ chữ dễ học, dễ phổ biến cho tất cả mọi người. Thứ ngoại ngữ phương bắc đã không thể nào có khả năng phổ cập rộng rãi trong quần chúng nhân dân thì thứ chữ vay mượn theo nó cũng không tránh khỏi chịu chung số phận. Mặc dù chữ Nôm đã nhiều lần được đề cao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, nhất là trong những thời kỳ độc lập tự chủ của nước nhà, nhưng tựu trung lại, quảng đại dân chúng trong cộng đồng Việt Nam qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển ngôn ngữ vẫn chưa có được một thứ vũ khí quan trọng và lợi hại vào bậc nhất đối với đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa, tức là chữ viết, theo đúng ý nghĩa thực tế của nó trong sinh hoạt hằng ngày của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Chính vì những lẽ trên đây nên việc cho ra đời một thứ chữ viết mới, dựa vào 24 chữ cái của mẫu tự La-tinh, có 6 nguyên âm chính và 5 dấu thanh, miêu tả âm thanh, tức là tượng thanh, để ghi lại tiếng nói của cộng đồng người Việt là điều hoàn toàn hợp lý và đúng thời cơ. Đó chính là chữ Quốc ngữ. Ngay từ thế kỷ 16, các giáo sĩ phương Tây khi vào Việt Nam truyền giáo đã bắt đầu sử dụng các mẫu tự La-tinh để phiên âm tiếng Việt theo cách như vừa nói, và cho đến khoảng giữa thế kỷ 17 thì một công trình lớn do A-lếch- xăng Đờ Rốt công bố gần như đã cho thấy được sự hoàn chỉnh của thứ chữ viết mới này. Ngay từ khi ra đời, chữ Quốc ngữ đã được sử dụng trước hết ở Đàng Trong, tức là phía nam của nước Việt, vừa được hình thành sau thời kỳ “mở cõi”, rồi sau đó nhanh chóng lan rộng ra cả nước. Do tính chất dễ học, dễ sử dụng nên quảng đại quần chúng nhân dân đã dần dần từng bước chấp nhận nó như một thứ chữ viết chính thức của cả cộng đồng. Đế quốc Pháp khi đặt nền đô hộ lên toàn cõi Đông Dương đã nhanh chóng nắm lấy và áp đặt việc dùng chữ Quốc ngữ trong nền hành chánh cai trị và giáo dục học đường. Từ sau Cách mạng Tháng 8 - 1945, khi nước nhà độc lập, Nhà nước VNDCCH đã áp dụng nhiều phương thức để quảng bá chữ Quốc ngữ trong toàn thể nhân dân cả nước. Công việc nghiên cứu và biên soạn một bộ Lịch sử chữ Quốc ngữ là công việc hết sức cần thiết nhưng cũng không kém phần khó khăn, phức tạp, cần đến sự đóng góp của rất nhiều nhà ngôn ngữ học và học giả. Và việc công bố những thông tin về các tư liệu lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ từ mấy trăm năm qua là một việc làm rất tốt cho ngành ngôn ngữ học nước ta, nhất là ở vào thời kỳ này, khi chúng ta bước vào thời đại thông tin toàn cầu hóa. TÌM HIỂU LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ là một cuốn sách có ích trong việc cung cấp cho chúng ta những sử liệu ngôn ngữ học về chữ Quốc ngữ, đặc biệt là trong giai đoạn hình thành và phát triển ở Nam bộ và các địa phận miền Nam trước kia, có thể cung cấp cho bạn đọc những thông tin có giá trị. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả. NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA THÔNG TIN Lời nói đầu Chuyên khảo về Lịch sử chữ Quốc ngữ này trình bày một phần nào sự hình thành của chữ Quốc ngữ với sự nhấn mạnh vào quá trình phát triển tiếng nói và chữ viết - bao gồm chữ Nôm và chữ Quốc ngữ - ở vùng Sài Gòn và các địa phận phía Nam. Chúng tôi đã may mắn có được nhiều tài liệu chưa từng được công bố liên quan đến lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, và nhờ đó có thể đóng góp thêm một số điều mà rất nhiều người tuy đã từng sử dụng chữ Quốc ngữ nhưng chưa hề được biết. Chẳng hạn, rất ít ai biết được rằng sự hoàn chỉnh của chữ Quốc ngữ như ngày nay là nhờ đã trải qua đến ba giai đoạn chỉnh lý. Giai đoạn đầu tiên được công bố qua công trình của Alexandre de Rhodes vào năm 1651, giai đoạn thứ hai được biết đến với Pigneaux de Béhaine và Hồ Văn Nghi vào năm 1772, và giai đoạn thứ ba đánh dấu bởi công trình Từ điển của Taberd và Phan Văn Minh vào năm 1838. Chính trong giai đoạn cuối cùng này, chữ Quốc ngữ đã được chuẩn hóa đến mức gần như hoàn thiện và được sử dụng thống nhất trên toàn quốc cho đến ngày nay. Trong thời gian qua, chuyên khảo này đã từng được một số nơi sử dụng từng phần, có ghi tên chúng tôi. Việc công bố toàn bộ chuyên khảo này cũng là nhằm bổ sung cho những trích dẫn không hoàn chỉnh ấy. Qua việc công bố chuyên khảo về lịch sử chữ Quốc ngữ này, chúng tôi hy vọng có thể góp phần đính chính một số ngộ nhận đáng tiếc về lai lịch chế tác chữ Quốc ngữ, xác định một cách công bình vai trò và công sức của Alexandre de Rhodes trong sự nghiệp hình thành chữ Quốc ngữ, cũng như làm rõ công nghiệp lớn lao của những người như Pigneaux de Béhaine, Hồ Văn Nghi, Taberd, Phan Văn Minh... Trong việc hoàn chỉnh thứ chữ viết mà ngày nay dân tộc ta có thể xem là niềm hãnh diện khi so với các dân tộc văn minh khác trên thế giới. Chuyên khảo này cũng hy vọng sẽ hóa giải được định kiến sai lầm cho rằng chữ Quốc ngữ được chế tác chỉ vì mục đích truyền giáo của đạo Công giáo. Trong thực tế, chữ Quốc ngữ đã từng được nhiều danh sĩ Công giáo sử dụng để bảo vệ và cổ xúy cho chữ Hán, chữ Nôm vào thời điểm mà hai loại chữ viết này đang rơi dần vào định mệnh hoàng hôn của chúng. Chuyên khảo được chia làm 4 phần. • Phần I trình bày bối cảnh lịch sử gồm toàn bộ những hoàn cảnh, điều kiện, tình hình liên quan đến sự lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của một số người Việt ở miền Trung và miền Bắc trên con đường Nam tiến. • Phần II đề cập đến tiếng nói của những người Việt di cư lúc ra đi như một hành trang cực kỳ thống nhất với tiếng nói của những người ở lại, và chân dung của tiến trình biến chuyển tiếng Việt qua các dạng chữ Nôm được sử dụng trong đạo Công giáo và trong đời thường - để tiện việc phân biệt, trong chuyên khảo này chúng tôi sẽ gọi là chữ Nôm đạo và chữ Nôm đời - và đặc biệt là qua dạng chữ Quốc ngữ được ghi âm theo hệ thống ký hiệu Ý - Bồ Đào Nha. • Phần III thảo luận về sự tiếp tục hình thành của tiếng Việt Nam bộ qua các dạng chữ Nôm thế kỷ XVIII, nhất là qua dạng chữ Quốc ngữ được ký hiệu bằng chữ Pháp, được chỉnh lý âm thầm từ năm 1772, rồi lại được chỉnh lý dứt khoát, công khai vào năm 1838. • Phần IV phân tích về hiện tượng độc đáo chưa từng có trước đây của tiếng Việt khi chữ Nôm được dùng song song với chữ Quốc ngữ, và rồi bùng phát dữ dội từ 1865 thành một mặt trận văn hóa, kết tinh trong nền văn học Quốc ngữ tiền phong. Rồi từ năm 1913, ngọn cờ Quốc ngữ tung bay khắp ba miền Trung, Nam, Bắc, tiếp tục góp phần xây dựng nền văn học Quốc ngữ hiện đại. Cho dù công việc mà chúng tôi thực hiện trong chuyên khảo này chỉ là những nỗ lực hạn hẹp mang tính cá thể, chỉ có giá trị gợi lên vấn đề, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có thể góp phần định hướng đúng vấn đề này trong nền văn hóa dân tộc. Những sai lệch hiện nay thật ra là hệ quả của tình trạng thiếu tài liệu trong nghiên cứu. Trong một số trường hợp, có thể là do người nghiên cứu không nắm vững được vấn đề, không xem xét vấn đề đúng với tầm vóc, kích thước của nó trong toàn bộ nền văn hóa dân tộc, và do đó mà tạo ra những khoảng trống quá lớn lao. Qua chuyên khảo này, một số vấn đề sai lệch sẽ được phát hiện và trình bày. Khi nghiên cứu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu với tính chất cởi mở, hồn nhiên, thuần Việt, với sự thoải mái, trơn tuột như lời nói hằng ngày thì nhiều người lại chê là không văn vẻ, không thi phú, mà không nhận biết rằng đó chính là xuất phát từ cá tính Nam bộ. Cá tính này đã thoát khỏi gông cùm chữ Hán, ly khai với lối văn chương chạm rồng trổ phụng của nghiên bút khoa bảng cống nghè. Cá tính này còn mang tính cách mạng ở chỗ không còn chỉ là dành riêng cho một số sĩ phu ở thành thị, quanh quẩn trong mối quan hệ bó hẹp với triều đình. Cá tính này biến văn chương thành một thứ tiếng nói vang lên như tiếng loa hướng về quảng đại quần chúng, sử dụng chính những ngôn ngữ đời thường của đa số nhân dân, giao tiếp một cách hồn nhiên, không cầu kỳ, khách sáo, không rào trước đón sau, không dè dặt, giữ kẽ để rồi đánh mất đi sự chân thật. Những ai ngộ nhận rằng cá tính này là ngô nghê, thô kệch, đó là chưa thấy được tính nhân dân trong thứ văn chương xuất phát từ cá tính ấy, vì rõ ràng là trong giao tiếp hằng ngày đại đa số nhân dân vẫn sử dụng những ngôn ngữ như thế. Hai thí dụ trên cho thấy hai nhận thức sai lầm tồn tại trong sự đánh giá văn học và trong ngôn ngữ. Còn một nhận thức sai lầm thứ ba có tầm mức lớn lao và phức tạp hơn nhiều. Đó là có những người không để ý hoặc không biết đến những giá trị tác động vô cùng lớn lao của cá tính Nam bộ đối với văn chương, ngôn ngữ. Cá tính Nam bộ ở đây được hiểu theo nghĩa là một cá tính được hình thành từ thành phần nhân chủng phức tạp trong một cộng đồng xã hội, được hun đúc trên một vùng địa dư kinh tế phong phú, được tiếp nhận cả chục nguồn văn hóa khắp Á Âu, được nhào nặn bằng vô số điều kiện, hoàn cảnh gay go từ thiên nhiên đến môi trường xã hội. Loại cá tính đa diện về văn hóa ấy là thành quả của cuộc Nam tiến lâu dài với môi trường rèn luyện là vùng đất mới Sài Gòn. Nó tạo ra cho con người Nam bộ một tâm tính và tiềm thức vừa sâu vừa rộng, trong khi phần biểu lộ qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành vi lại có vẻ như không sôi động mấy mà kỳ thực lại vô cùng súc tích, nhiệt tình và mang đầy tính chất thực tiễn. Cuộc Nam tiến của những con người tiên phong mở đất đâu chỉ là hình thành nên vùng đất mới Sài Gòn - Nam bộ, đâu chỉ đơn giản là mở rộng diện tích đất nước, tạo thêm tiềm năng kinh tế. Thành quả quan trọng khác cần nhắc đến của cuộc Nam tiến còn là việc đào tạo một cá tính Nam bộ, một cá tính sâu sắc mà không sâu độc, cởi mở mà thâm trầm, không ồn ào mà sâu lắng, tỉ mỉ mà không nhỏ mọn, hiền hòa mà bộc trực, ít nói mà làm nhiều... Cá tính ấy hay giận lẫy bỏ cuộc nhưng lại có thừa nhiệt tình, sự tha thứ, hy sinh. Những con người mang cá tính ấy dễ chơi mà ít nguy hiểm, có vẻ như nhút nhát lúc thường ngày mà rất can trường lúc gian nguy, lù khù mà tế nhị, không hiểm ác, bộc trực mà dễ lý phục, lè phè mà đứng đắn, giao du càng lâu thì tình nghĩa càng thâm sâu. Cá tính ấy chuộng sự thực hành cụ thể hơn lý thuyết, tuy nóng nảy mà không giận dai, hào phóng mà không lười nhác, kỹ lưỡng mà không khuôn sáo... Cá tính Nam bộ thực sự rất phức tạp như thế. Và còn nhiều khía cạnh khác nữa. Song đại để là vậy. Điều kỳ lạ là người Việt ở miền Trung, miền Bắc khi vào cư trú ở Sài Gòn, ở Nam bộ thì lâu dần cũng đều thâm nhập cá tính này, từ ngôn ngữ cho đến cung cách ứng xử. Mới vào thì nói “đi vô, đi vào” , mà ở lâu đến năm, mười năm là sẽ nói “đi dào, đi dô”; mới vào thì đến bữa ăn còn đợi mời mỏi miệng, mà ở lâu thì tự nhiên đến mức chỉ còn mời mọc những khi nào phép lịch sự bắt buộc mà thôi! Toàn bộ tiếng nói, chữ viết và nền văn học Nam bộ suốt mấy trăm năm luôn chất chứa cái cá tính độc đáo như vậy. Nó là một cái gì đã cô đọng lại thành khối vô hình lớn lao trong tâm thức người Nam bộ. Nó luôn biến hóa để tự hoàn thiện, nhưng không bị pha lỗng bởi bất cứ một áp lực văn hóa ngoại lai nào. Trái lại, nó có khả năng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với ngay cả những con người có bản tính kiên định nhất. Nó ngấm ngầm tiềm ẩn trong từng đường gân mạch máu của người Nam bộ, để rồi biểu lộ ra qua vẻ mặt, cử chỉ, ngôn ngữ và văn chương của họ, làm cho bất cứ ai tiếp xúc, giao tiếp với người Nam bộ, đọc văn chương của người Nam bộ đều nhận ra được nó: một thứ cá tính không sao lẫn lộn được! Với một quá trình phát triển dài lâu từ trong quá khứ mịt mù không mấy rõ nét, chuyên khảo về lịch sử chữ Quốc ngữ này xin tạm cắm một mốc thời gian từ 1623 đến 1913 để trình bày cùng quý độc giả những gì mà chúng tôi hiện đã tìm hiểu được. HOÀNG XUÂN VIỆT Phần 1 Một số vấn đề chung Những người đầu tiên đến Nam Bộ Cách đây hơn 350 năm, vùng thị tứ mang tên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn chưa có. Nơi đây còn là Prey Kôr hay Sài Côn, nghĩa là “rừng cây gòn” của Chân Lạp. Vào thời điểm này, một đoàn di dân đông đảo đã từ miền Bắc, miền Trung cùng hướng vào miền Nam, xâm nhập vùng đất mới Sài Gòn để tạo thành Nam bộ. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu là: Đoàn người ấy có nguồn gốc như thế nào? Ở đây, chúng tôi xin nêu lên mấy nét cốt yếu cần được nghiên cứu thêm về thành phần phức tạp trong cộng đồng xã hội thời ấy, về sự cấu thành tiềm thức, tâm tính và sự hình thành tiếng nói của người Sài Gòn, người Nam bộ, có thể xem là những yếu tố có liên quan trực tiếp trong việc trả lời câu hỏi nêu trên. Trước hết, địa bàn Sài Gòn xưa chắc chắn là đã có ít nhiều người Chân Lạp cư trú. Liệu có phải những người Chân Lạp này mang trong mình dòng máu Phù Nam, là giống dân Malayo polynêxiên gốc hải đảo đã từng tràn lên đất Kampuchia cũ rồi sau bị dân này thôn tính hay không? Và ngoài những thổ dân chính thức ấy, liệu còn có những thổ dân thiểu số nào thuộc các sắc tộc mà ngày nay ta còn gặp ở Nam hộ hay không? Về đoàn người di cư vào Nam từ miền Trung và miền Bắc, tưởng cũng nên nêu ra đây một số chi tiết đáng lưu ý. Tài liệu cũ cho biết là vào năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đã gã người con gái thứ hai là công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chei Chetta II (1618-1626). Nhờ mối lương duyên này mà vua Chân Lạp cho phép một số người Việt đầu tiên đặt chân đến vùng Mô Xoài gần Bà rịa vào năm 1623 để lập dinh điền sinh sống. Cũng vào năm này, một phái đoàn của Chúa Nguyễn được cử sang Oudong, thủ đô Chân Lạp, để ngoại giao về việc Chân Lạp nhượng lại căn cứ thu thuế ở Sài Côn. Người Việt lại kéo vào đây khai thác, trồng tỉa, săn bắn, chăn nuôi, mua bán. Lúc bấy giờ, giang sơn chúa Nguyễn trải dài từ sông Gianh trở vào Phú Yên, gọi là Đàng Trong, nên đại đa số những người tìm vào Mô Xoài (Bà Rịa), Sài Côn có phần chắc chắn là dân các xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình. Những người vào Nam cũng bao gồm nhiều thành phần khác nhau. Một số trong đó là những người lính đi chinh phạt, vì các Chúa Nguyễn muốn đương đầu với các Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài thì phải tạo sự cân bằng lực lượng bằng cách đẩy mạnh việc Nam tiến. Trong số binh sĩ Nam tiến này cũng có cả một số tù binh gốc người miền Bắc. Chứng cứ rõ rệt còn được ghi nhận là vào tháng 5 năm Mậu Tý (1648), Chúa Nguyễn Phúc Lan sai con là Nguyễn Phúc Tần và Chưởng cơ Nguyễn Hữu Tiến mang quân đánh nhau với quân của chúa Trịnh Tráng, bắt được quận công Lý Mỹ và 3.000 tù binh. Chúa Nguyễn không thể không nghĩ đến việc sử dụng sức lao động của những tù binh này trong đoàn quân Nam tiến. Ngoài ra, hiện trạng xã hội thời bấy giờ có khá nhiều những người dân đất Bắc vì chạy tránh loạn lạc, đói kém, lụt lội nên đã di cư từng đợt vào Nam. Ngoài ra còn có những người ở cả miền Bắc và miền Trung lập chí vào Nam vì muốn phiêu lưu mạo hiểm tìm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Lại cũng có không ít những kẻ đầu trộm đuôi cướp, trốn tù trốn tội, xem việc vào Nam như một lối thoát. Năm 1642, người Hà Lan (Holland) lập công ty Đông Ấn ở Batavia, tạo hệ thống thương điếm trên sông Mékong, giao dịch với Sài Gòn. Sự hiện diện của người Hà Lan kéo theo sau đó là người Bồ Đào Nha (Portugal), người Nhật, người Trung Hoa. Sự giao dịch thương mãi phồn thịnh càng thu hút người Việt đổ về Sài Gòn càng lúc càng đông hơn. Sài Gòn lại có được Biên Hòa làm hậu cần, vì năm 1658, vào đời vua Ream Thip Dei Chan (1642-1659), công chúa Ngọc Vạn vận động với vua Chân Lạp cho phép người Việt đến định cư ở Đông Phố (gọi đúng là Gian Phổ). Trong số người Trung Hoa đến Nam bộ, ngoài những người từ miền Bắc vào, hoặc từ công ty Đông Ấn sang, còn phải kể đến hơn 3.000 người đi trên 50 chiến thuyền của Chủ tướng Dương Ngạn Địch (Tổng binh trấn thủ Long Môn, thuộc Quảng Tây) và Phó tướng Hoàng Tiến, Chủ tướng Trần Thượng Xuyên, (Tổng binh châu Lôi, châu Cao và châu Liêm, thuộc Quảng Đông) và Phó tướng Trần An Bình, là những người trung thành với nhà Minh, trốn chạy sự cai trị của nhà Thanh nên bỏ Đài Loan sang nước ta, đậu thuyền dọc cửa Eo (Thuận An) đến cửa Đà Nẵng. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Tướng Văn Chiêu can thiệp với Chân Lạp cho đoàn người của Trần Thượng Xuyên định cư ở vùng Đồng Nai, và nhóm Dương Ngạn Địch về vùng Mỹ Tho. Trần Thượng Xuyên quy tụ được rất đông người Hoa lẫn người Việt, lập thành khu thương mãi Cù lao Phố rất phồn thịnh. Nhóm người đi theo Dương Ngạn Địch cũng biến Mỹ Tho thành một khu kinh doanh tấp nập. Vào thời điểm ấy, một số thuyền buôn Tây phương, Trung Hoa, Nhật, Java, Malaysia đã đến buôn bán tấp nập tại hai vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. Nhưng rồi vào năm 1688 (Mậu Thìn), Phó tướng Hoàng Tiến nổi loạn, giết chết Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, làm cho nhiều người Hoa hoảng sợ kéo lên các vùng phụ cận Sài Gòn sinh sống. Tháng 4 năm 1777, Tây Sơn đánh Gia Định, nhóm Trần Thượng Xuyên nhiều người tỵ nạn bỏ về vùng Chợ Lớn ngày nay (xưa gọi là Đề Ngạn). Cho đến năm 1698, dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (Sài Gòn) được chính thức thành lập nhân chuyến đi kinh lý miền Nam của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, cho thấy là cuộc di dân của người Việt dưới các dạng thức khác nhau xâm nhập Sài Gòn đã đạt đến một con số không nhỏ. Vấn đề đặt ra cho chúng ta ở đây là, với thành phần nhân chủng phức tạp như đã kể trên, từ thổ dân thiểu số, Phù Nam, Chân Lạp, từ những người gốc miền Trung lai Chàm, gốc miền Bắc lai Tàu, cộng với nhiều giống dân đến buôn bán từ phương Tây, từ Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Java, Malaysia, Ấn Độ... cùng chung sống trong một cộng đồng xã hội, liệu những người dân Sài Gòn qua nhiều thế hệ có thể đã có sự pha trộn ít nhiều về mặt văn hóa? Và nếu có sự phức tạp về văn hóa thì tiềm thức, tâm tính, tất nhiên cũng có sự thay đổi đặc biệt. Nội tâm đặc biệt thì phong thái, cung cách ứng xử, và nhất là ngôn ngữ cũng đặc biệt. Tính thống nhất Tuy người Sài Gòn đến từ nhiều nơi và có rất nhiều điều kiện tạo ra cho họ một tâm hồn độc đáo, nhưng ngay từ buổi đầu vào Nam, họ đã chứng tỏ một tính thống nhất cao độ về nhiều phương diện với những người còn ở lại quê nhà. Qua một số dữ liệu chính thức, chúng ta có thể chứng minh được tính thống nhất này, và do đó mới có thể nhận ra được là qua hàng mấy trăm năm sau đó, tuy người Sài Gòn đã có những chuyển biến khác biệt về tâm tính và tiếng nói nhưng vẫn duy trì được sự thống nhất về nhiều mặt với nguồn cội ban đầu. I. Thống nhất về tên nước và ngôn ngữ Chính quyền thực dân Pháp đã có ý đồ rõ rệt trong việc tạo ra sự phân chia hai miền Nam Bắc. Một số người cũng thừa nhận có sự phân chia Nam Bắc dựa vào các giai đoạn chia cắt của thời Nam Bắc triều (1527 - 1592) và giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (1623 - 1777), cho đến giai đoạn giao thời giữa nhà Tây Sơn với Nguyễn Ánh. Các sự kiện lịch sử trên đều có thực, nhưng cho dù vậy thì toàn cõi đất nước vẫn mang chung một quốc hiệu là An Nam. Có thể chứng minh sự thật này bằng những chứng cứ ngôn ngữ học, qua việc xác minh cách sử dụng từ ngữ của nhiều người ngoại quốc và người Việt khi sáng chế, sử dụng chữ và làm văn Quốc ngữ. Những cách sử dụng từ ngữ này có thể gián tiếp cho biết là thứ chữ ấy lưu hành trong chỉ một nước duy nhất là nước An Nam mà thôi. 1. Năm người ngoại quốc Năm người này, kẻ đến Việt Nam sớm nhất là 1615, trễ nhất là 1628, cũng có người chưa từng đến Việt Nam, và tất cả đều trước tác sau năm 1620, tức là khoảng 100 năm sau những biến cố chia cắt đầu thế kỷ 16. • Jỗo Roiz: Người Bồ Đào Nha này chưa hề đến Việt Nam, chỉ dựa vào các báo cáo truyền giáo từ Việt Nam gửi qua Macao và dựa vào dư luận nước ngoài nghĩ về Việt Nam để viết bài tường trình dài 30 trang (khổ 14x22cm) tại Macao vào năm 1621, gửi về cấp trên là M. Vitelleschi. Trong đó, ông có xen khoảng vài chục tiếng Việt phiên âm còn thô sơ, phổ biến ở Đàng Trong. Khi đối chiếu với các tiếng phiên âm sau này lưu hành ở Đàng Ngoài thì thấy đều giống nhau. Thí dụ, các tiếng được dùng ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài vào khoảng thập niên 1620 là un sai: ông Sãi, on Trũ: ông Trùm, Tonquin: Đông Kinh... Trong bài tường trình, Roiz dùng từ Governador tức Thủ hiến để chỉ người cai trị Đàng Trong, còn vua ở Đàng Ngoài tại Thăng Long. Các từ khác ông dùng như rehelli ão là phản loạn, guerra domestica là nội loạn, để chỉ hiện tượng quyền hành phân tán trong nước An Nam mà nhiều người nước ngoài lúc ấy vẫn xem là một nước thống nhất. • F. Buzomi: Người Ý này đến Việt Nam năm 1615. Ngày 13 tháng 7 năm 1626, ông viết một báo cáo dài 4 trang (khổ 21x30cm) tại Đàng Trong gửi về cho bề trên là M. Vitelleschi. Nội dung báo cáo cho thấy cách dùng ngôn ngữ và phong tục giống hệt nhau ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài dù đã bị phân chia do nội loạn. • C. Borri: Cũng là người Ý, đến Việt Nam năm 1618, sống ở Đàng Trong đến năm 1622 sang Macao và Goa. Năm 1631, ông xuất bản tại Roma cuốn Du ký về Tân Giáo đoàn. Năm 1977, chúng tôi đã dịch cuốn này ra tiếng Việt cho Viện khoa học xã hội, theo yêu cầu của ông Hồ Lê. Trong Du ký, có đoạn Borri khẳng định tính thống nhất của nước An Nam như sau: “Đàng Trong là một phần lãnh thổ của vương quốc lớn Đàng Ngoài.” • Gaspar de Amaral: Người Bồ Đào Nha này đến Đàng Ngoài năm 1629. Ngày 31 tháng 12 năm 1632 ông viết một bản báo cáo dài 97 trang (khổ 13x21cm) bằng tiếng Bồ Đào Nha, gửi về cho Palmeiro, bề trên của ông ở Roma. Báo cáo mang tên: Annua do Reino de Annam de anno 1632 (Tường trình về vương quốc An Nam năm 1632). Như vậy mặc nhiên, Amaral cho ta biết chỉ có một vương quốc tên là An Nam. • Alex, de Rhodes: Người Pháp này đến Đàng Trong năm 1624, ra Đàng Ngoài năm 1627, rồi thường xuyên ra vào hai miền, cho đến năm 1649 trở về châu Âu. Năm 1636, ông soạn cuốn hồi ký trứ danh bằng tiếng La Tinh, nhan đề: De Statu Temporali Regni Tunquin (Tình trạng trần thế của Vương quốc Đông Kinh). Trong chương đầu, ông viết: “Sau khi tách khỏi Đế quốc Trung Hoa to lớn, tỉnh Đông Kinh mang một tên danh giá là An Nam... tên An Nam này là một tên chung cho cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.” 2. Ba người Việt Nếu đọc một bản văn Nôm, người ta thích thú ở chỗ qua nét chữ tìm được căn gốc của từ ngữ để am tường ngữ nghĩa của nó thế nào, thì đọc một bài văn quốc ngữ, người ta lại thích thú ở chỗ nó phiên âm trung thực giọng nói, lời nói, tiết điệu nói, ý nghĩa, mạch lạc trong lời nói, của người nói. Dựa vào khả năng này của quốc ngữ mà ta dùng ba bản văn quốc ngữ sau đây để minh chứng tính thống nhất của nó được thiết lập trên tính thống nhất của Việt Nam từ thế kỷ thứ 17 sang thế kỷ thứ 18. Văn quốc ngữ của ba tác giả trưng dẫn dưới đây phản ánh cực kỳ trung thực thứ tiếng nói Annam, rặt Annam, thứ tiếng nói được nói từ Đàng Trong của nhà Nguyễn đến Đàng Ngoài của Nhà Trịnh, sang tận Đàng Trên của nhà Mạc. Nét độc đáo của tiếng nói thống nhất này lại không dựa trên một thiểu số nho sĩ, thành thị, phong lưu, giàu có, cầm quyền, mà dựa trên đại đa số nhân dân thất học, nhà quê, lao động, cùng đinh. • Chữ và văn của Văn Tín: Ngày 12-9-1659. Văn Tín gửi sang Roma cho Marini một bức thư dài hai trang (khổ 16x9 cm), được đoán là viết ở Đàng Ngoài. Trong thư có đoạn như sau: “ơn thầy, xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng... cho nên chẳng may bây giờ vắng Thầy, tôi càng buồn hơn nữa, mà ước ao cho được thấy mặt Thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy.” (Văn Tín, Arsi, Js, 81, F, 247) • Chữ và văn của Ben Tô Thiện: Ngày 25-10-1659, tức sau đó hơn một tháng, ông Thiện từ Đàng Ngoài viết cho Marini tại Roma hai văn kiện. Văn kiện thứ nhất là một bức thư 2 trang khổ 21x31 (Arsi, Js 81, F, 246). Văn kiện thứ hai không có nhan đề, tạm gọi là “Những chuyện bên này’” dài 12 trang (khổ 20x29 cm) (Arsi, Js, 81, F, 254-259). Trong thư ông Thiện có đoạn viết như sau: “Các bổn đạo nhà quê rày xa Thầy, kẻ thì giữ, kẻ thì bỏ, vì chẳng có Thầy Cả đến giải tội cho...” (Tài liệu đã dẫn, 247)... “...Thầy đến cùng đức thánh Papa cũng vì bởi chúng tôi, cho nên Thầy phải liều mình chịu khó nhọc lắm. Nào chúng tôi biết lấy nghĩa gì mà trả ơn ấy cho được.” (Tài liệu đã dẫn, 246). • Chữ và văn của Philipphê Bỉnh. Hai ông Tín và Thiện viết vào thế kỷ thứ 17, còn ông Bỉnh viết ở thế kỷ thứ 18. Ông sinh năm 1759, sang Lisbon cư trú hơn 30 năm. Ông soạn hơn 30 pho sách, trong đó có cuốn sử trứ danh nhan đề “Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong” , 2 tập, dày hơn 1500 trang. Trong sách này có đoạn ông Bỉnh viết như sau: “Đ. C. G (Đức Chúa Giêsu) ra đời được 800 năm thì vua Đinh Tiên Hoàng mới trị nước ta mà cải tên là Annam cùng chia làm 11 xứ, đến sau vua nước ta mới mở lấy đất Champa từ sông Gianh mà vào, cùng đặt ra làm 2 xứ, mà gọi là Quảng, vì mới mở được thì càng thêm rộng hơn nữa, ấy là nước Annam 13 xứ, cho nên có kẻ nói rằng mình đã đi Thập Tam Đạo.” (Borg, Tonch, 1 và 2). Đọc ba đoạn trích dẫn trên, ta thấy cách dùng từ và văn của ba tác giả đều nói lên tính thống nhất của chữ quốc ngữ từ năm 1659 đến 1822 và về sau. Tính thống nhất về ngôn ngữ nói lên tính thống nhất của đất nước Việt Nam, điều này cũng được xác nhận qua nhan đề quyển sử của ông Bỉnh là “Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong”. II. Thống nhất về các yếu tố khác Ngoài các yếu tố thống nhất về tên nước và ngôn ngữ như vừa được chứng minh qua các tài liệu của người ngoại quốc cũng như người Việt, chúng ta còn có thể thấy được tính thống nhất của đất nước Việt Nam vào thời điểm người Sài Gòn trảy về phương Nam qua nhiều yếu tố khác như thống nhất về sách vở, về phong tục, về nghi lễ, về thần phục hoàng đế, về truyền thống anh hùng chống ngoại xâm, về huyền thoại dân gian... a. Thống nhất về sách vở: Trong hồi ký dẫn trên, Đờ-rốt nói rằng nước ta thời ấy sử dụng trên toàn quốc những sách vở giống hệt nhau (lisdem libris). b. Thống nhất về phong tục. Đờ-rốt cũng nói là dân ta có phong tục giống hệt nhau (lisdem mores). Buzomi dùng tính từ medisima có nghĩa là “giống hệt” để chỉ tiếng nói (lingon) lẫn phong tục (costumi) của dân ta. c. Thống nhất về nghi lễ: Từ năm 1659, Ben Tô Thiện đã ghi chép các nghi lễ mà mãi sau này Ngô Thời Sĩ, Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú mới ghi chép. Đại khái là các lễ Tết Nguyên Đán, lễ Thánh Thọ, lễ Tế Kỳ Đạo, lễ Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Nguyên, Tết Trung Thu, lễ Tảo Mộ.v.v... (Trong sử Việt của Ben Tô Thiện, 1 nhấn mạnh yếu tố này là “lisdem xem trang 162). Đờ Rốt ritus” (nghi lễ giống hệt). d. Thống nhất thần phục hoàng đế: Gaspar Amaral trong báo cáo đã dẫn trên nói: “...cả ba miền thống nhất thần phục hoàng đế tối cao...” (Por Rey Supreno). Một chứng cứ khác là ngay trong thời Nam Bắc phân tranh cũng không vị chúa nào tự tôn là hoàng đế cả. đ. Thống nhất truyền thống anh hùng chống ngoại xâm: Dưới ngòi bút sử của Ben Tô Thiện, nguồn gốc dân ta là Hùng vương anh hùng. Ông say sưa ca tụng truyền thống anh hùng dựng nước và truyền thống bất khuất giữ nước. e. Thống nhất về huyền thoại: Ông Thiện liệt kê cho ta hàng loạt huyền thoại lưu truyền đời này sang đời kia trong khắp dân gian toàn quốc. Đó là những huyền thoại Âu Cơ đẻ bọc 100 trứng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, Nỏ Thần... Nếu trong bài tựa sách Lĩnh Nam trích quái, Vũ Quỳnh nói rằng các huyền thoại ấy “...từ trẻ đầu xanh đến cụ già tóc bạc đều truyền tụng...”, thì đến nửa thế kỷ 17, sử gia Ben Tô Thiện đã chép thành văn bản gửi sang ngoại quốc, mà còn chép bằng giọng văn đam mê, hứng thú nữa. Tóm lại, tình trạng đất nước ta vào thời đoàn người ly hương Nam tiến là tình trạng đang thống nhất từ quốc hiệu, ngôn ngữ, sách vở cho đến các lễ nghi, phong tục, truyền thống, huyền thoại.v.v... Qua sự chứng minh tính thống nhất của đất nước về nhiều khía cạnh như vừa trình bày trên, ta có thể hình dung được hình ảnh những đoàn người có cùng một cội nguồn ra đi lìa xa quê cha đất tổ, mang theo rất nhiều điểm tương đồng với những người ở lại. Chính thời điểm ra đi và điểm đến đầu tiên của những đoàn người này là một bước ngoặt vô cùng hệ trọng với ý nghĩa sâu sắc được nói lên qua câu hát dân gian: Gấm vóc non sông một dãy liền, Từ Nam Quan suốt đến Hà Tiên. Điểm đến đầu tiên của Nam tiến là Hà Tiên, nên người xưa hay nói “từ Nam quan đến Hà Tiên”. Còn nói “đến Cà Mau” là về sau này. Vả lại, ban đầu trung tâm văn hiến của Nam bộ vốn là Hà Tiên, rồi sau mới là Sài Gòn. Do đó mà có danh từ Văn Hiến Quốc để chỉ Hà Tiên. Các yếu tố thời gian và địa điểm Khi đề cập đến tiếng nói và chữ viết của người Nam bộ, ngoài việc nêu rõ tính thống nhất giữa những người Nam tiến và những người ở lại quê nhà, chúng ta còn cần phải xét qua về thời điểm Nam tiến và xác định địa điểm ban đầu của Sài Gòn cùng với các vùng vệ tinh bao quanh của nó để ý thức được tiến trình hình thành phức tạp của ngôn ngữ ở vùng đất mới này. Khi nói đến các vùng vệ tinh, chúng tôi muốn nhấn mạnh không chỉ một số vùng phụ cận, mà cả đến một số địa điểm tuy nằm xa Sài Gòn nhưng từ thế kỷ 17 đã có mối liên hệ trực tiếp với Sài Gòn về nhiều phương diện, nhất là về chính trị, quân sự, thương mãi và văn hóa. Chẳng hạn, Lái Thiêu tuy ở cách Sài Gòn đến khoảng hai chục cây số nhưng lại có ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa, tiếng nói và chữ viết của Sài Gòn, vì tác giả của hai bộ từ điển làm chuẩn mực cho chữ Quốc ngữ toàn quốc thời ấy là Taberd đã ở tại Lái Thiêu, và cũng tại nơi này có một chủng viện sinh hoạt đến năm 1834 mới giải tán. Trong chủng viện này có người Việt Nam đầu tiên là Phan Văn Minh, người Đàng Trong, đã hợp sức với Taberd để soạn cuốn từ điển nói trên. Một nơi khác cần phải nhắc đến là Hà Tiên, tuy cách xa Sài Gòn đến mấy trăm cây số về hướng tây mà vẫn có những ảnh hưởng tương quan rất mật thiết với vùng đất này. Những ảnh hưởng quan trọng của Hà Tiên đối với văn hóa và ngôn ngữ của Sài Gòn như thế nào sẽ được chúng tôi đề cập đến trong một phần sau. Do những ảnh hưởng tương quan như vậy, nên khi nói về Sài Gòn không thể không đề cập đến một số địa điểm mà về mặt địa dư có vẻ như không liên quan đến Sài Gòn nhưng về mặt văn hóa, ngôn ngữ lại có rất nhiều ảnh hưởng quan trọng rõ rệt. Điều này cũng tương tự như khi xét về nguồn gốc của Hà Nội ngàn năm văn vật mà không đề cập đến Hòa Bình với nền văn hóa Đông Sơn thì xem như đã không kể đến ảnh hưởng qua lại về văn hóa của hai địa điểm ấy. I. Thời điểm Nam tiến 1. Thời điểm Nam tiến nổi bật nhất được nhiều người biết đến là tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), vào đời vua Lê Anh Tông, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng và cả gia đình, thân quyến, cùng với nhiều người trong dòng họ đã rầm rộ theo cửa Việt tiến vào đóng ở xã Ái Lữ, huyện Vũ Xương, thuộc Thuận Hóa. Cuộc Nam tiến này được Nguyễn Hoàng chủ trương thực hiện để tránh sự hãm hại của họ Trịnh, và theo tương truyền còn là do sự thúc giục bởi lời sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.” (横⼭⼀带,萬 代容⾝。- Đèo Ngang một dãy gửi thân muôn đời!) Cũng có người cho rằng có một thời điểm Nam tiến sớm hơn nhiều. Đó là vào năm 1069, đời Lý, khi dân ta vượt đèo Ngang vào định cư trên ba vùng đất vua Chàm cống hiến là Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Hoặc một thời điểm Nam tiến khác là vào năm 1306, khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân và dân Việt có thêm cơ hội vượt sông Hàn khai thác hai châu Ô, Lý đến tận đèo Hải Vân. Nhưng nếu giả thiết người Việt khởi nguyên từ sông Dương Tử của Trung Hoa là đúng, thì khoảng trên 30 thế kỷ trước Công nguyên cũng là thời điểm định mệnh Nam tiến, vì có một đoàn người Việt nào đó, tổ tiên của chúng ta, vì tránh họa nước Sở đã đặt chân lên đất Bắc và chiếm cứ lưu vực sông Hồng. Tuy nhiên, cuộc Nam tiến mà chúng ta đang xét đến là gắn với sự hình thành của vùng đất Sài Gòn, Nam bộ, nên có thể dựa theo những sử liệu hiện có để lấy năm 1623 làm thời điểm xác định việc tạo lập Sài Gòn, địa điểm cực kỳ quan trọng về mọi mặt của vùng Nam bộ. Nhờ có cuộc tình duyên giữa công chúa Ngọc Vạn, con gái thứ hai của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, với vua Chân Lạp Chei Chetta II (1618-1626) vào năm 1620. Nhờ đó mà đến năm 1623, một đoàn người Việt được phép đến Prei Nokor và Kas Krobey định cư lập nghiệp. Dĩ nhiên cũng không chỉ đơn giản qua chuyện hôn nhân mà nước ta có thể dễ dàng mở thêm bờ cõi. Còn phải kể đến tác động của công tác ngoại giao nữa. Theo một tài liệu còn lưu trữ tại Văn khố quốc gia Kampuchia (Annales manuscrites du Camboge, collection de la Biblothèque royale - Fonds Cambogien - Règne de Préas Chey Chesde, trang 369) thì vào năm 1623 (tài liệu cũng ghi theo Phật lịch là 2167) sứ giả vua Annam xin vua Cam-bốt (tức Kampuchia) “cho mượn” hai xứ Prei Nokor và Kas Krobey để làm sở quan thuế. Thế là năm 1623 Chúa Nguyễn ra lệnh lập sở Quan thuế tại Prei Nokor tức xứ Sài Côn hay Sài Gòn ngày nay. Vì thế, đối với người Việt nói chung, người Sài Gòn nói riêng, năm 1623 quả là một cột mốc quan trọng mở đầu cho sự hình thành của Nam bộ. Nguyên nhân dẫn đến sự kiện mở đầu quan trọng này, ngoài cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chei Chetta II, còn phải kể đến ý đồ của vua Chân Lạp muốn nhờ quân đội Việt Nam làm hậu thuẫn để ngăn chặn sự dòm ngó của nước Xiêm La. Nhưng cũng chính nhờ công chúa Ngọc Vạn vận động, khéo léo mà người Sài Gòn được lập các khu dinh điền vệ tinh của Sài Gòn ở Biên Hòa và Mô Xoài gần Bà Rịa. Năm 1658, dân Chân Lạp dấy loạn vì cho rằng vua Nặc Ông Chân (1642-1659) theo tà giáo, và nhờ cậy bà Ngọc Vạn xin với chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) can thiệp để lập lại an ninh cho Chân Lạp.2 Chúa Nguyễn cho quân sang can thiệp, bắt được Nặc Ông Chân rồi sau đó trả tự do. Ông vua này mới thuận nhường cho ta xứ Biên Hòa để dân ta khai thác. Còn Mô Xoài trở thành địa bàn làm ăn của dân ta từ năm 1626 là nhờ hoàng hậu Ngọc Vạn dựa vào ảnh hưởng đối với chồng là vua Chey Chetta II để xin cho một số người Việt được đến đó lập nghiệp. Theo Trịnh Hoài Đức (1765-1825) trong “Gia Định Thành Thông Chí” thì vào năm 1658, tình hình Chân Lạp rối ren, Chúa Nguyễn Phúc Tần cho 2.000 quân3 sang dẹp loạn và cho khai thác đại qui mô vùng Bà Rịa. Một chi tiết rất quan trọng và mang tính lịch sử chính thức song lại ít ai lưu ý đến là sự hình thành Nam bộ, tạo lập vùng đất Sài Gòn lại do công lớn của một người con gái sắc nước hương trời, tức công chúa Ngọc Vạn, ái nữ của Sãi Vương. II. Tìm hiểu Sài Gòn năm xưa Ở đây chúng ta không nhằm mục đích đào sâu nguyên ngữ các tên gọi xưa kia của các vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định ngày nay. Chúng ta chỉ cần biết một số địa điểm chính yếu mà người Sài Gòn xa xưa đã dừng chân, tập trung sinh sống và dĩ nhiên là sử dụng, phát huy tiếng nói của mình trong giao tế xã hội, giao dịch làm ăn. 1. Địa điểm trước hết là Prei Nokor, tức Sài Gòn ngày nay. Trong tiếng Chân Lạp, prei có nghĩa là rừng, nokor hay kor có nhiều nghĩa như gòn, bò, thành thị. Các nhà nghiên cứu đã tranh luận khá nhiều về ý nghĩa của từ này. Nhưng điều chúng ta cần lưu ý ở đây là vào thời đó Chân Lạp có hai vua. Chánh Vương ở Lo-Vek, phiên âm tiếng Việt là Gò Bích; Phó Vương ở Prei Nokor có nghĩa là Rừng Gòn, Rừng Vương Quốc, hay Lâm Quốc cũng được. Nơi Phó Vương ở thì tất nhiên cũng có đông dân cư tụ tập. Người Việt di cư đến cũng tất nhiên là phải trà trộn qua lại tiếng nói để giao tế về mọi mặt. Theo bản đồ xưa của Trần Văn Học khoảng năm 1815 thì địa điểm của Prei Nokor thời ấy quen gọi là Sài Côn xứ, ở vùng Chợ Lớn bây giờ mà trung tâm là một gò đất có ngôi chùa cổ trồng 7 cây bạch mai. 2. Còn một vùng đất nữa mang tên Chân Lạp mà Chúa Nguyễn “mượn” của vua xứ chùa tháp là Kas Krobey. Kas là tiền, krobey là trâu. Trong “Gia Định Thành Thông Chí”, Trịnh Hoài Đức phiên dịch là Ngưu Tân, Ngưu Chữ để chỉ rạch Bến Nghé, tức rạch Tân Bình. Còn vì sao gọi là Bến Nghé thì cũng chính Trịnh Hoài Đức giải thích là “bến trâu uống nước” , do địa danh cũ là Konpong Krobey (bến trâu). Hiểu theo nghĩa rộng hơn thì Bến Nghé là bến sông, còn Bến Thành là bến của con rạch nối thành Gia Định với sông Bến Nghé. Cạnh Bến Thành có một cái chợ, người ta gọi là chợ Bến Thành. Con rạch về sau bị lấp đi, nay là đường Nguyễn Huệ. Vậy Sài Gòn theo người Việt chính là Bến Nghé ngày xưa, nằm ở Chợ Cũ, gần đường Nguyễn Huệ. Còn từ “Sài Gòn” đọc lệch đi theo âm người Hoa lại thành “Đề Ngạn” , là Chợ Lớn của người Hoa. Phần trên có đề cập đến số người Hoa theo tướng Trần Thượng Xuyên đến định cư ở Biên Hòa, tại Cù Lao Phố, tạo thành một vùng buôn bán thịnh vượng. Khi quân Tây Sơn tiến đánh Gia Định vào năm 1777, những người Hoa này phải lánh về vùng Chợ Lớn ngày nay. Và cho đến năm 1778 họ đã tạo lập nơi định cư mới này thành một vùng phố xá buôn bán tấp nập. Nhưng rồi đến tháng 3 năm Nhâm Dần (1782), quân Tây Sơn lại kéo vào đánh nhau với quân Nguyễn Ánh. Một lần nữa, chiến cuộc tàn phá hết những gì mà người Hoa đã gầy dựng nơi đây. Sau đó, họ mới gầy dựng cơ đồ trở lại, lấy đất lấp bờ kinh, lại đắp thêm chỗ ở cao lên ở khoảng vị trí có miếu Quan Đế, miếu Tam Hội. Có lẽ do đó mà phát xuất tên gọi Tai Ngon, đọc giọng Quảng Đông thành Thầy Ngôn, mà đọc giọng Việt thành Đề Ngạn. Vậy Đề Ngạn dứt khoát là Chợ Lớn cũ ngày nay. Không nên nhầm lẫn giữa Thầy Ngôn của người Hoa với Tây cống là tên gọi được dùng để chỉ Sài Gòn, Bến Nghé. Tây Cống là do chữ Sài Gòn đọc lệch theo giọng Quảng Đông thành Xây Coón, Xi Coón, rồi khi viết ra chữ Hán, đọc theo âm Hán - Việt thành Tây Cống. Dưới thời Pháp thuộc, do sự sáp nhập Tây cống (tức Sài Gòn) với Đề Ngạn (tức Chợ Lớn), người Hoa mới gọi chung là Tây Đề. Trước đó, tên gọi Bến Nghé được dùng để chỉ chung thành Sài Gòn (nằm gần sở Bason) và cái chợ nằm cạnh bến của con sông nối thành Sài Gòn với Phan Yên (tức trấn Gia Định), gọi là chợ Bến Thành. Chợ Cũ do người Pháp xây dựng ở khu Tổng Ngân Khố cũ, phá bỏ năm 1912. Chợ Mới tức chợ ngày nay, khánh thành vào tháng 10 năm 1914. 3. Gần Đề Ngạn của người Hoa có một địa điểm mà về mặt tiếng nói ta nên lưu ý là Phước Lâm (sau đổi ra Phú Lâm), cơ sở quan trọng của người Chân Lạp. Ngôi chùa cổ trứ danh với 7 gốc bạch mai nói trên, xưa quen gọi là chùa Miên, hay chùa Cây Mai, Mai Sơn tự, chùa Gò. Nơi này cần được khảo cứu kỹ để hiểu về nguồn gốc Sài Gòn. Người Chân Lạp ở khu này rất đông đúc nên có những sinh hoạt cộng đồng nổi bật, chẳng hạn như họ thường tổ chức những cuộc đua ghe thuyền trong các ngày lễ Phật, từ Phú Lâm chạy dọc theo những sông rạch ăn thông với rạch Lò Gốm hay chạy dài xuống Mỹ Tho. Cả ba địa điểm Sài Gòn (hay Bến Nghé) của người Việt, Đề Ngạn (hay Chợ Lớn) của người Hoa và Phước Lâm (hay Phú Lâm) của người Chân Lạp đều là 3 trọng điểm mà người Sài Gòn xưa kia đã tụ tập, giao dịch làm ăn, do đó cũng chính là những nơi mà ngôn ngữ được sử dụng, bắt chước hay pha trộn. Vì thế, số lượng từ Việt gốc Hoa, gốc Khmer trong giới bình dân rất có thể phần lớn đã phát triển trong môi trường giao tiếp tại 3 địa điểm quan trọng này. 4. Trừ vùng Đề Ngạn, Phú Lâm và Sài Gòn tuy là đầu não của Nam bộ nhưng xét về các mặt lịch sử, quân sự, hành chánh, văn hóa thì ban đầu không quan trọng bằng trấn Gia Định. Năm 1699 (Kỷ Mão) đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử buổi đầu của Nam bộ. Vào năm này, sau khi thanh toán tên quan Chân Lạp nổi loạn tên là Êm, chúa Nguyễn Phúc Chu hạ lệnh công khai chiếm Sài Côn, thiết lập hệ thống hành chánh cai trị: lập huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay). Phủ Gia Định gồm dinh Phiên Trấn và dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa) mà xưa là đất Đông Phố, xứ Đồng Nai (huyện Phước Long). Theo tài liệu cũ thì năm 1698 đã có đến 4 vạn hộ người Việt cư ngụ tại trấn Gia Định. Chúa Nguyễn còn cho dân các xứ Quảng tiếp tục di cư vào lập nghiệp. Dân ở Phiên Trấn đông quá thì cho xuống Định Tường, nên hai vùng đất mới này hồi ấy người ta đi lại đông đúc. Sau trận chiến thắng do Nguyễn Hữu Cảnh liên quân với Trần Thượng Xuyên năm 1699 (Kỷ Mão) đánh sang đến tận thành Nam Vang làm cho Nặc Ông Thu của Chân Lạp phải khiếp sợ, thì người Sài Gòn càng đổ xô xuống cư ngụ ở miền Tây nhiều hơn, xuyên qua cả vùng Mỹ Tho. Về trấn Gia Định, cần lưu ý là trên bản đồ cũ do Trần Văn Học vẽ năm 1815 có ghi một số địa danh ngày nay vẫn còn lưu dấu như: Lò Gốm, Cây Mai Tự, Phúc Lâm Thị (Phú Lâm?), Sài Côn Xứ, Chợ Quán rạch, Chợ Quán, Gò Kiều, Tân Định, Cao Miên Kiều, Rạch Mụ Nghè, Thủ Thiêm. 5. Sau hết nói về điểm đến đầu tiên có tính thị tứ liệt kê trên, nằm trong trấn Gia Định là Sài Gòn, Đề Ngạn, Phú Lâm, cũng nên kể đến một số địa điểm quan yếu ở trong hoặc ven biển Sài Gòn mà người Sài Gòn thường xuyên đi lại. Vấn đề này có ảnh hưởng quan trọng về mặt ngôn ngữ. Ở một phần sau sẽ bàn về tiếng nói thống nhất vào buổi đầu nhưng dần dần có sự sai biệt xen vào ngôn ngữ của những người di cư. Lấy ví dụ, theo gia tục toàn dân Việt trước thời điểm Nam tiến là người con sinh ra đầu tiên trong gia đình được gọi là con cả, nhưng ở Nam bộ, bắt đầu là ở Sài Gòn và có lẽ cũng ở Cà Mau (lúc bấy giờ còn gọi là Long Xuyên), nơi Nguyễn Ánh cư trú lúc lưu vong, người ta húy kỵ tiếng Cả vì hoàng tử đầu lòng của Nguyễn Ánh (hoàng tử Cảnh) được gọi là ông hoàng cả. Thế là Nam bộ có tục gọi con đầu lòng là con thứ hai, như anh hai, chị hai.v.v... Nguyên nhân chính trị cũng sản sinh ra ngôn ngữ và mỹ thuật. Chẳng hạn sự kiện Nguyễn Ánh bôn tẩu khắp Nam bộ làm nảy sinh cụm từ “Gia Long tẩu quốc”. Cụm từ này sau đó lại trở thành chủ đề được in chạm vào những bộ bình trà gốm sứ quý giá... Sự nghiên cứu tiếng nói ban đầu của Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng, rất cần kết hợp khảo cứu về lai lịch rất nhiều nơi chốn mà người Sài Gòn buổi đầu đã chiếm cứ, lập nghiệp. Dưới đây, chúng tôi chỉ tạm liệt kê một số địa điểm, di tích điển hình quan trọng nhất mà thôi. III. Những địa điểm quan trọng 1. Những địa điểm thuộc Sài Gòn a. Qui thành: Cũng gọi là Gia Định thành hay Gia Định Thế thành. Nguyễn Ánh đánh thắng Tây Sơn chiếm được Sài Gòn vào năm 1788, sau đó đã ra lệnh xây Qui Thành vào năm 1790. Thành này xây theo kiểu Vauban có 8 góc theo Bát quái. Thành này bị phá bỏ vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835). Theo Trương Vĩnh Ký thì thành này nằm bên nhà thờ Đức Bà, còn theo L. Malleret thì ở trên đường Hai Bà Trưng. Về mặt ngôn ngữ, chúng ta chỉ cần lưu ý là có nhiều từ Hán Việt đã được tạo nên liên quan đến thành này. Thí dụ: Đông môn (cửa Đông) gồm Gia Định môn, Phan Yên môn; Tây môn (cửa Tây) gồm Vọng Khuyết môn, Cung Thìn môn; Bắc môn (cửa Bắc) gồm Hoài Lai môn, Phục Viễn môn; Nam môn (cửa Nam) gồm Định Biên môn, Tuyên Hóa môn. Năm 1801, sau khi kiểm soát được đất Huế, Nguyễn Ánh chọn nơi này làm kinh đô nên cho dời Thái miếu từ Sài Gòn về Huế và lập hoàng cung tại đây. b. Thành Sài Gòn: Vì sợ tái diễn nạn ngụy khởi, vua Minh Mạng ra lệnh phá bỏ Qui Thành vào năm 1835 và cho xây lại một thành khác vào năm 1836 tại làng Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương. Năm 1859, thành này cũng bị quân Pháp phá bỏ. Người Pháp lại dùng vật liệu từ thành Sài Gòn để xây thành Sơn Đá mà chúng quen gọi là thành 11 R.L.C. Về ngôn ngữ, chúng ta ghi nhận được những câu nói của người xưa nói lên công lao to lớn của dân chúng khi xây đắp Qui thành (1790) hay thành Sài Gòn (1836), chẳng hạn như câu: “Tĩnh vi nông, động vi binh!” Hoặc mấy vần thơ này: “Dân đất Bắc Đắp thành tây Đông đã đông Sầu Tây vòi vọi!” Đều cũng chỉ là một trong muôn ngàn cách hình thành và phát triển tiếng nói của người Sài Gòn. c. Chợ Bến Thành: Khi nói về Bến Nghé, chúng ta đã đề cập đến chợ Bến Thành như một địa điểm tập trung đông đảo của người dân Sài Gòn. Vì thế, đây cũng là nơi ngôn ngữ bình dân Việt-Hoa-Chân Lạp có điều kiện để giao lưu, pha trộn. Từ thuở xa xưa đã lưu hành bài hát thơ mộng về chợ này như sau: “Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ, Anh nhìn cho tỏ anh rõ đèn màu. Lấy em anh đâu kể sang giàu, Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em?” d. Vườn Ông Thượng: Nay là vườn Tao Đàn. Ông Thượng là danh xưng của Tả quân Lê Văn Duyệt. Khoảng từ năm 1813 đến 1832, Lê Văn Duyệt đã dùng nơi đây làm Học viện. Tương truyền thời ấy trong vườn Ông Thượng có một đấu trường qui mô lớn để voi đấu với sư tử hay cọp, quần chúng được tự do đến xem rất đông. Nếu đúng vậy thì đây cũng là nơi mà ngôn ngữ bình dân, nhất là các loại tiếng lóng, có điều kiện phát triển tương tự như ở trường đua Phú Thọ sau này. đ. Mả Ngụy: Cũng gọi là mả Biền Trụ. Theo Trương Vĩnh Ký thì khi Lê Văn Khôi dấy binh phản loạn vào năm 1833 đã có đến 1.137 người bị giết, chôn tập thể trong một hố gần trường đua cũ hay khoảng gần bệnh viện Bình Dân, đường Lê Văn Duyệt và Phan Thanh Giản cũ. Đây cũng là nơi ngày xưa có nhiều người đến cúng vái, nhất là vào mùa Vu Lan (Rằm tháng Bảy). e. Lăng Tô: Nằm ở khoảng giữa sông Sài Gòn và Tân Thuận. Dân chúng thường đến đây hóng mát. Không rõ tên gọi này có nguồn gốc từ đâu. g. Rạch Thị Nghè: Cũng gọi là rạch Bà Nghè. Tương truyền con gái Thống Suất Vân Tường Hậu có chồng là một ông Nghè. Bà đã cho xây một cái cầu ngang qua con rạch này để chồng bà tiện đi vào thành làm việc. Dân chúng nhờ đó cũng có cầu để đi qua rạch, vì thế mà gọi cây cầu này là cầu Thị Nghè để ngụ ý cảm ơn bà. Cũng nhân đó mà thành tên rạch Thị Nghè. h. Bồn Kèn: Đầu đường Nguyễn Huệ xưa là con kinh bị lấp, có một bồn nước. Cạnh đó, vào năm 1920 người Pháp có xây một cái bệ hình bát giác để lính săng-đá (soldat) đứng thổi kèn chào cờ. Đây cũng là nơi có đông người tụ tập, vì thời ấy nhạc Tây nghe còn lạ tai. Theo ông Vương Hồng Sển trong sách “Sài Gòn năm xưa” (Tự Do xuất bản, 1960, trang 75) thì từ “du côn” có lẽ xuất phát từ thời đó tại khu Bồn Kèn, vì có nhiều tay lưu manh hay tập trung nơi này và dùng đoản côn thanh toán nhau. Có kẻ trong bọn ấy không hẳn là lưu manh côn đồ, mà là hạng ăn không ngồi rồi, du thủ du thực, la cà ở Bồn Kèn. Họ không cầm đoản côn vì sợ lính bắt nên cầm ống tiêu, ống sáo bằng đồng để vừa tự vệ, vừa lâu lâu làm đồ đệ Tiêu Lang phù trầm “nói thơ, kể thơ” , như thơ Sáu Trọng, thơ Cậu Hai Miên.v.v... Ở Nam bộ có thói quen nói thơ, kể thơ hơn là ngâm thơ như đồng bào miền Bắc, miền Trung. Người Hà Nội, Huế ngâm Kiều, còn người Sài Gòn nói thơ Vân Tiên, kể thơ Thạch Sanh, như ta sẽ xét kỹ ở một mục sau. Điều lạ là thời xưa ở Sài Gòn ngôn ngữ bình dân có trường hợp phát triển độc đáo như vậy: Du côn nói thơ, kể thơ như thi sĩ, thầy đồ! i. Hãng Ba Son: Xưởng đóng tàu của hải quân Pháp. Danh từ Ba Son có lẽ phiên âm chữ poisson (cá) trong mấy tiếng “mare aux poissons” (ao cá) hay Việt hóa cụm từ “bassin de radoub” (ụ sửa tàu), bởi vì trong hãng có con rạch do người Pháp đào dùng để thiết kế máy móc đóng tàu. Điều cần ghi nhận là trong hãng Ba Son tập trung đông đảo công nhân Sài Gòn. Và ai cũng biết là nhiều nhân vật cách mạng tên tuổi của ta xuất thân từ môi trường lao động này. k. Bến Ngự: Người Chân Lạp gọi bến này là Kompong Luong, nghĩa là Bến Vua. Tên gọi này được phiên âm ra tiếng Việt là “tầm phong long”. Vào đời Gia Long, ở Bến Ngự có Thủy Các và Lương Tạ, là những nhà gác cất trên mặt nước để vua hóng mát. Vị trí này ngày nay là gần bến đò Thủ Thiêm, nơi gợi cho dân gian câu hò tình tứ: “Bắp non mà nướng lửa lò. Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.” Dọc bờ sông chỗ Bến Ngự, dân cất nhà tre lợp loại lá dừa nước chằm thành tấm, theo kiểu Chân Lạp gọi là lá cần đốp. Danh từ này ta mượn của Chân Lạp. Kiểu lợp nhà này có điểm khác biệt là lấy nguyên tàu lá dừa nước xé tét hai rồi sắp lại bên âm bên dương mà lợp, nên cũng gọi là lá xé. l. Nhà thờ Đức Bà: Một công trình kiến trúc có giá trị mỹ thuật bất hủ với tháp chuông gồm 6 quả chuông lớn cân nặng 25.850 kg, lớn nhất vùng Á Đông. Có một thời nhà thờ này được gọi tên là Nhà thờ Nhà nước, nhưng về sau tên gọi này đã bị lãng quên. Việc xây dựng bắt đầu từ khi đặt viên đá đầu tiên dưới thời Giám mục Colombert vào ngày 7-10-1877 và làm lễ lạc thành ngày 11-4- 1880. Về mặt văn hóa, cách nay hơn 100 năm thì đây là nơi đặc biệt hội đủ các loại y phục Tây phương và Á Đông, do các giáo dân Việt, Pháp, Hoa, Ấn, Malaysia, Kampuchia... thường chưng diện khi đến dự lễ. Đây là một hiện tượng khác lạ hơn so với những nơi đô hội xưa thường chỉ có áo thụng, áo dài là gốc. Về mặt ngôn ngữ, nơi đây chính là môi trường phổ biến chữ Quốc ngữ được dùng phiên dịch các kinh kệ Tây Âu, do đó mà tạo điều kiện để tiếng Việt Sài Gòn phát triển mạnh. m. Nhà in Tân Định: Ngày nay, trong tình trạng sách báo xưa bị mất mát quá nhiều, những người nghiên cứu lịch sử tiếng Việt chắc chắn sẽ không quên ơn Nhà in Tân Định là nơi đã xuất bản cả ngàn loại sách quốc ngữ mà hiện thời họ hết sức cần dùng để trích dẫn ngữ liệu, chọn lọc, đối chiếu từ ngữ, ngữ pháp để khôi phục lại tình hình cách đây hơn 100 năm của tiếng Việt nói chung và tiếng Nam bộ nói riêng. Các từ điển tàng trữ tiếng Việt, chữ Nôm Nam bộ của Gaspar, của Génibrel, của Maseron.v.v... đều ra đời tại nhà in này. Được biết nhà in được xây dựng vào khoảng năm 1863 dưới thời Giám mục La Miche, do linh mục Pháp M. Eveillard thực hiện. Những người thợ sắp chữ đầu tiên là hai đứa trẻ mồ côi tập sự, về sau trở thành hai tay thợ cốt cán của nhà in. n. Trường Taberd: Nhiều người vẫn cho rằng trường này chỉ phục vụ đa số là con em nhà giàu và quá nặng về chương trình Tây học. Tuy nhiên, về mặt học thuật thì vào những năm cuối thập niên 1860 trường này giữ vai trò quan trọng hàng đầu ở Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng, bởi vì nó cung cấp cho người học vốn kiến thức vững chắc về khoa học cũng như văn chương thuộc nền văn hóa Hy-La, và cũng là nơi đầu tiên đào tạo, tổ chức thi và cấp các loại bằng Certificat, Brevet, Diploma và Tú tài ở Việt Nam. Nhờ đó mà Nam bộ có được một số trí thức biết dùng phương pháp khoa học để biên soạn sách báo quốc ngữ, điển hình là những Huỳnh Tịnh Của, Michel Mỹ, Lê Văn Đức... Tác giả sách “Sài Gòn năm xưa” , ông Vương Hồng Sển tự cho biết trong sách ấy rằng ông là cựu học sinh trường Taberd. Ông Chasseloup-Laubat, bộ trưởng thủy quân và thuộc địa, sau khi yểm trợ cho Toàn quyền Grandiere trong việc xin 6 sư huynh đầu tiên đến Sài Gòn ngày 6-10-1866, vào ngày 20-10 cùng năm ấy đã viết cho Bề trên Sư huynh ở Rôma là Philipphê như sau: “Ngày 25 tháng 8 vừa qua, toàn quyền Nam kỳ viết thư cho tôi biết là hết sức hài lòng về các kỳ thi do các sư huynh (Taberd) điều khiển đến đòi ông muốn xin thêm 4 sư huynh nữa”. Hiện nay, trong số những trí thức sinh từ năm 1940 trở về trước đang làm công tác khoa học ở khắp ba miền nước ta, những người xuất thân từ trường Taberd cũng chiếm một tỷ lệ khá lớn. Họ được đào tạo ngay tại Sài Gòn hoặc ở các chi nhánh tại Huế và Hà Nội. o. Nhà hát Tây Sài Gòn: Ở cạnh đường Hai Bà Trưng, đầu đường Lê Lợi. Nó được khởi công xây dựng vào khoảng năm 1898, hoàn tất đầu năm 1900, chủ yếu dành cho các loại hình sân khấu phương Tây như nhạc kịch, hòa nhạc... Đây là môi trường đặc biệt để giới trí thức theo cựu học của Sài Gòn có dịp tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây. Tuy nhiên, ở đây thỉnh thoảng cũng có diễn tuồng Việt, như tuồng “Lương tâm Đấng Linh mục” của Michel Mỹ chẳng hạn. Hiện tượng này đánh dấu sự kiện tiếng nói Sài Gòn có cơ hội phát triển mạnh về bộ môn kịch tuồng. p. Cột cờ Thủ Ngữ: Do người Pháp dựng lên tại doi đất nhô ra chỗ tiếp giáp giữa sông Thị Nghè và rạch Bến Nghé. Cột cờ này rất cao, gọi là cột cờ Thủ Ngữ, ban đêm có đèn báo hiệu cho tàu ghe ngoài xa trông thấy. Dân chúng Sài Gòn thời đó hay tụ tập hóng mát, ăn nhậu gần đó. Liên quan đến cây cột cờ này có những trường hợp tiếng nói Sài Gòn phát triển rất kỳ lạ, như sau đây là một thí dụ. Chuyện kể rằng có cặp vợ chồng bán đồ phế thải (xưa gọi là đồ “lâm vố” , âm từ tiếng Pháp rabiot), đường tình duyên lận đận, cơm không lành canh không ngọt, rồi đến bỏ nhau. Dân chúng bấy giờ có câu hát chế giễu nhắc lại nghề cũ và con đường cũ mà cặp uyên ương ấy đã từng lê gót: “Thượng thơ, Phó soái...4 Thủ Ngữ treo cờ... hò ơ.... Bu-don,5 ôm-lết,6 bí-tết...7 Xạc-xây!8... ớ... Mủ-ni9 bán dạo, bây giờ mầy bỏ tao... hớ hờ... Câu hò kể đường dài đi bán dạo, kể các món chị làm bồi dọn bàn, chồng làm bồi nấu bếp, rồi nện vô mấy tiếng tục để hát cho đã nư ghen tức! r. Dinh Tân Xá: Là ngôi nhà Nguyễn Ánh cất cho Bá Đa Lộc để dạy Hoàng tử Cảnh học. Địa điểm này ở ngay Viện Bảo tàng bây giờ. Có người nói những cột kèo của dinh này sau giở về dùng ở Tòa Giám mục Sài Gòn. Không biết có phải là nhà nguyện bây giờ của Tòa Tổng Giám mục hay không? Nếu đúng vậy thì hiện nay chỉ còn di tích kiến trúc xưa nhất là bộ sườn nhà ấy, vì nhà Mồ, tức Lăng Cha Cả, cất sau dinh ấy, được các nhà khảo cổ cho là xưa nhất ở Sài Gòn, vừa được giở năm 1983. Về công trình ngữ văn của Bá Đa Lộc đối với tiếng nói Sài Gòn sẽ bàn kỹ ở mục sau. s. Bến Nhà Rồng: Bến là chỉ Bến Nghé, Nhà Rồng là một hãng tàu của người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1870, trên có hai con rồng bằng đất nung tráng men xanh, vì thế mà có tên là Nhà Rồng. Nơi này về sau trở thành bất hủ với việc năm 1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Về mặt ngôn ngữ, đây cũng là nơi tụ họp của đông đảo các tầng lớp xã hội trong việc giao dịch xuất ngoại, tạo điều kiện thuận lợi cho sự pha trộn ngôn ngữ. t. Sở Thú và Viện Bảo Tàng: Sở Thú cũng gọi là Vườn Bách Thú, Thảo Cầm Viên... Nhưng từ xưa đến nay dân Sài Gòn nói riêng, Nam bộ nói chung, vẫn quen gọi là Sở Thú. Vườn thú này do người Pháp thành lập vào năm 1864. Giám đốc đầu tiên là ông Pierre, một nhà thực vật học sinh năm 1833, làm việc ở Sở Thú từ 1865 đến 1877 và mất năm 1905. Viện Bảo Tàng xây từ năm 1927 đến đầu năm 1929 mới xong. Đến ngày 19 tháng 9 năm 1951, khi người Pháp giao lại cho chính quyền Việt Nam chế độ cũ thì trong biên bản bàn giao có bảng kê ghi đúng 4000 cổ vật. u. Trường Latinh: Sau đổi tên là Chủng viện, gồm cấp Trung học gọi là Tiểu Chủng viện, cấp Đại học gọi là Đại Chủng viện. Ngoài các môn học khác, trường này là nơi duy nhất dạy tiếng Latinh nên quen gọi là trường Latinh. Khoảng trước năm 1833, trường từ Hà Tiên dời về Lái Thiêu. Ông Phan Văn Minh trước khi theo học trường Taberd rồi qua học ở Pênăng, đã từng là học sinh của Chủng viện Lái Thiêu này. Ông là nhà biên soạn từ điển tiếng Việt đầu tiên của Sài Gòn mà cũng là của Việt Nam, đã hợp tác với Taberd và xuất bản tại Serampore năm 1838 hai bộ từ điển Annam-Latinh và Latinh-Annam, làm chuẩn cho chữ Quốc ngữ toàn quốc. Đến đời Giám mục Lafève năm 1850, Chủng viện dời về Phú Mỹ, vùng Thị Nghè. Đến năm 1862 lại dời về địa điểm ngày nay, gần Sở Thú. Nhà bác học Trương Vĩnh Ký trước khi sang Pênăng du học cũng đã từng là học sinh được đào tạo ở Chủng viện Phú Mỹ. Huỳnh Tịnh Của trứ danh với bộ “Đại Nam Quấc âm tự vị” cũng là cựu chủng sinh của Chủng viện Sài Gòn này. Trong thập niên 1880 và 1890, Chủng viện Sài Gòn đã đào tạo được nhiều nhà văn góp phần đắc lực trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Trong đó nổi danh nhất là Linh mục Phaolô Qui. Từ năm 1895 đến 1920, ông này biên soạn gần 30 bộ sách vừa giáo dục nếp sống nội tâm vừa áp dụng lối suy luận theo tinh thần khoa học phương Tây, với lời văn thực trong sáng. Về mặt văn hóa, trường Latinh trên 100 năm nay cũng đã cung cấp cho Nam bộ phần lớn những trí thức tu sĩ Thiên Chúa giáo. Hầu như mỗi ngày Chủ nhật họ đều có những buổi giảng thuyết. Và đây chính là điều kiện sử dụng tiếng nói Nam bộ trước công chúng, gián tiếp giúp cho quần chúng từ thành thị đến thôn quê có cơ hội trau giồi thêm vốn ngôn ngữ, tăng thêm khả năng tu từ và ứng dụng chữ quốc ngữ phục vụ cho sự phát triển của tiếng Việt Nam bộ từ những thập niên đầu thế kỷ 20 đến nay. 2. Những địa điểm thuộc Chợ Lớn Một trong những địa điểm tụ họp đông đảo của người Sài Gòn buổi đầu, đặc biệt trong việc giao dịch thương mãi, là Chợ Lớn. Ban đầu có Chợ Nhỏ gần trường đua Phú Thọ, vẫn còn cho tới ngày nay, tức là Chợ Thiết. Còn Chợ Lớn xưa, nay gọi là chợ Cũ, nằm gần Bưu điện Chợ Lớn bây giờ. Chợ Lớn mới tức là chợ Bình Tây được một đại phú gia người Hoa tên là Quách Đàm (hiệu Thông Hiệp) hiến đất và bỏ tiền xây cất. a. Từ Bến Nghé vô Đề Ngạn (tức Chợ Lớn) ngày xưa sông rạch chằng chịt. Ta cần ghi nhận điển hình là rạch Kinh Vòng thành bọc phía sau đồn Cây Mai. Rạch được đào từ 1862 theo lệnh của Đô đốc Bonard, dự tính chạy thẳng cho đến Cầu Kiệu tạo một vòng đai biến khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành cù lao để tiện cai trị. Nhưng về sau dự tính ấy bất thành. Ta ghi nhận tiếp về kinh rạch Chợ Lớn là kinh Tàu Hủ. Nhờ kinh này mà Chợ Lớn phát triển mạnh về kinh tế, vì hàng hóa từ Nam Vang xuống, Lục Tỉnh lên, đều khỏi đi vòng ra biển mà có thể đi thẳng vào khu Chợ Lớn-Sài Gòn. Mặt khác, người Sài Gòn và người Hậu Giang giao dịch với nhau dễ dàng là nhờ có kinh Tàu Hủ thuận cho đường thủy, có trục lộ miền Tây thuận cho đường bộ. Sự lưu thông hai chiều giữa thành thị và nông thôn của Nam bộ là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển các mặt văn hóa và ngôn ngữ. b. Vùng Chợ Lớn xưa ở khu Ngã Sáu gần đường Võ Tánh cũ (nay là đường Nguyễn Trãi) có ngôi mộ của Lê Văn Gẫm, thường gọi là Lái Gẫm, tuẫn giáo vào năm 1847 (đời vua Thiệu Trị), đồng thời với nhà soạn từ điển Phan Văn Minh. Đặc biệt ngôi mộ này thời xưa đồng bào dùng làm chuẩn để biết mặt nước vùng quanh đó lên cao hay xuống thấp. c. Tiếng nói Sài Gòn có sự pha trộn một số tiếng Hoa trong giới bình dân, có thể là do sinh hoạt kinh tế Hoa-Việt phát triển mạnh ở Chợ Lớn. Các từ như “tàu khậu” dùng để chỉ “đại thương gia” , là do tiếng “thổ khố” (kho trữ hàng) phát âm theo giọng Triều Châu; “tàu kê” là do tiếng “tùa kê” là “đại gia” mà đọc trại đi. Từ này thoạt tiên có nghĩa thanh tú, dùng chúc tụng nhau. Nhưng về sau lại mang nghĩa xấu, như gái làng chơi học làm sang thì gọi là “gái tàu kê” , người làm nghề tú bà gọi là “mụ tàu kê”. Đây cũng là một dạng biến thiên của tiếng nói Sài Gòn. d. Ở vùng Chợ Lớn, ngoài chùa Cây Mai hay Mai Sơn tự, Thức Lãnh tự đã đề cập trên như đối tượng cần khảo cổ để tìm hiểu lai lịch Sài Gòn, còn phải nhắc đến thành tích kháng Pháp năm 1866 của một ngôi chùa nay đã không còn nữa. Đó là chùa Kiểng Phước, gần đường Nguyễn Tri Phương xưa. Nếu lấy Sài Gòn làm trung tâm điểm thì hướng đông là Gia Định tiến lên Biên Hòa, Thủ Dầu Một.v.v... còn hướng tây là Chợ Lớn và các tỉnh vùng Hậu Giang. Nhìn chung, địa điểm của người Sài Gòn xưa tiếp nối với Chợ Lớn là dọc theo hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, chi nhánh sông Mékong (hay sông Cửu Long) là những vùng đất đai trù phú, cò bay thẳng cánh. Người dân Nam bộ thuở ban đầu đã phát triển dần dần trên các vùng đất này theo lối “tằm ăn dâu” , cứ lan rộng, lan dài ra mãi. Địa danh Bến Lức hình thành là do nơi đây đặc biệt có hai loại cỏ lức dùng trị bệnh kiết lỵ. Tân An hay Long An nổi danh đồ cổ, là quê hương của Nguyễn Huỳnh Đức. Mỹ Tho là nơi định cư và làm ăn phát đạt của nhóm người Hoa theo Dương Ngạn Địch đi tỵ nạn năm xưa. Về sau, vì trốn tránh quân Tây Sơn nên có một số đã chạy lên vùng Chợ Lớn lập nghiệp. Gò Công trước là cái gò có nhiều chim công, nên xưa còn gọi là Khổng Tước Nguyên. Bến Tre, tên cũ là Trúc Giang, nổi tiếng là đất của cây ăn trái, của cách mạng, của đồng khởi. Bến Tre có Ba Tri ở cù lao Bảo, có Mỏ Cày ở cù lao Minh. Nếu Ba Tri tự hào vì có Phan Thanh Giản với bộ “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” , với Nguyễn Đình Chiểu và Võ Trường Toản thì huyện Mỏ Cày gồm Vĩnh Thành, Cái Mơn cũng tự hào với nhà bác học Trương Vĩnh Ký và nhà soạn từ điển đầu tiên của Việt Nam là Phan Văn Minh. Vĩnh Long (con rồng vĩnh cửu), Sa Đéc (phsar: chợ, dec: sắt) và Mộc Hóa là ba vùng đất phù sa được ôm trong lòng Tiền Giang và Hậu Giang, hai nhánh sông quan trọng của sông Mékong. Trong tiếng Lào, mé là mẹ, kong là sông, Mékong là “sông mẹ”. Còn trong tiếng Việt, vì con sông này chia làm 9 nhánh đổ ra biển được hình dung như con rồng 9 đầu nên mới có tên là Cửu Long Giang hay sông Cửu Long. Trong các vùng nói trên, đi sâu vào địa dư các huyện, các xã, ta gặp nhiều địa danh mang chữ “cái” đứng đầu. Phải chăng do chức quan võ xưa là Cái Cơ? Chẳng hạn như Cái Bè, Cái Thia, Cái Lạy, Cái Vồn, Cái Mơn, Cái Nhum, Cái Tắc, Cái Nứa, Cái Quao... Rồi ta cũng gặp những xứ mang tên có chữ “giồng” đứng đầu, vì đất “giồng” không phải là ruộng lúa hay vườn cây trái, mà là loại đất trống chỉ để trồng các loại hoa màu phụ. Chẳng hạn như Giồng Keo, Giồng Cát, Giồng Nứa, Giồng Nít, Giồng Quít... Đi tiếp về hướng tây là Cần Thơ, cũng gọi là Tây Đô hay Phong Dinh, đã từng được xem là thủ phủ của miền Tây. Nếu lấy cầu Mỹ Thuận làm chuẩn để đi hết các tỉnh miền Tây thì rẽ về bên trái khỏi tỉnh Vĩnh Long sẽ gặp Trà Vinh. Nơi đây còn khá đông con cháu người Chân Lạp mà người Nam bộ chịu ảnh hưởng nhiều về ngôn ngữ cũng như lối sống, nề nếp sinh hoạt... Ở vùng này còn nhiều địa danh gốc Chân Lạp như Trà Cuông, Trà Bang, Trà Lông, Trà Mẹt, Trà Men, Trà Mòi.v.v... Vượt qua Hậu Giang, đi khỏi Cần Thơ là Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu. Tên gọi Bạc Liêu bắt nguồn từ hai chữ “pồ lép” trong tiếng Triều Châu, có nghĩa là “xóm đánh cá”. Vùng này tập trung khá nhiều người Hoa gốc Triều Châu, phần đông làm rẫy và buôn bán. Người Bạc Liêu hay hò lúc chèo ghe: “Bạc Liêu nước chảy lờ đờ, Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.” Bạc Liêu nằm giữa Rạch Giá và Cà Mau. Rạch Giá có con kinh Thoại Hà do Thoại Ngọc Hầu tổ chức đào vào năm 1815. Trước đó 100 năm, tức năm 1715, Mạc Cửu đã dâng đất Rạch Giá cho chúa Nguyễn Phúc Chu để nhập vào Hà Tiên. Còn Cà Mau là vùng đất mà mỗi năm đất nước ta đều vươn dài thêm ra một cách kỳ diệu! Trở về cầu Mỹ Thuận, bây giờ rẽ sang bên phải, ta sẽ đi qua Đồng Tháp Mười, cánh đồng bao la bát ngát với những tài nguyên thiên nhiên tưởng như không bao giờ cạn kiệt. Rồi đến Long Xuyên, trước gọi là Khamao, sau được Mạc Thiên Tứ đổi tên lại cho đến bây giờ. Tiếp đó là Châu Đốc có núi Sập cao 86 thước. Vì có con kinh Thoại Hà chạy cạnh núi Sập nên núi này còn được gọi là Thoại Sơn. Người làm văn hóa đến vùng Châu Đốc sẽ không quên nghĩ đến núi Ba Thê cao 210 mét, vì gần đó năm xưa nhà khảo cổ Malleret đã khai quật được một phần thành Óc Eo, hải cảng của nước Phù Nam, trước đô hộ Chân Lạp rồi đến thế kỷ 6 bị Chân Lạp sáp nhập. Nếu không từ Rạch Giá đi Hà Tiên thì từ Châu Đốc sang Hà Tiên cũng được, lại có thể đi ngang qua Thất Sơn, Bửu Sơn, là những ngọn núi có nhiều huyền thoại kỳ bí. Đến Hà Tiên, ngoài phong cảnh hữu tình như các núi Địa Tạng Vân Sơn, Thạch Động, Hòn Phụ Tử, Ao Sen.v.v... còn có thể đến thăm mộ Mạc Cửu, tưởng nhớ đến người con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích, người đã sáng lập Chiêu Anh Các và biến Hà Tiên thành trung tâm văn hóa một thời của miền Tây, đến nỗi có danh xưng Hà Tiên Văn Hiến Quốc. đ. Đồn Kỳ Hòa: Vào lúc 10 giờ ngày 17-2-1859 thành Sài Gòn bị hạ bởi viên Trung tướng Pháp là Rigault de Genouilly. Sau đó 8 tháng, Đô đốc Page được điều sang thay thế cho Rigault de Genouilly, đến Đà Nẵng vào ngày 19-10-1859 và quyết định sẽ đánh Chợ Lớn. Trước khi thực hiện ý đồ này, Page làm công việc chuẩn bị hệ trọng là chặn đứng lực lượng kinh tế Hoa kiều và mở hải cảng Sài Gòn cho các tàu ngoại quốc đến mua bán từ ngày 22-2-1860. Sự kiện này đánh dấu sự có mặt của nhiều người nước ngoài ở nước ta. Ngôn ngữ Sài Gòn do đó cũng chịu ảnh hưởng trong việc phát sinh những từ mới gốc ngoại ngữ. Thành Sài Gòn cũng gọi là Gia Định thành, có dân số chừng 140.000, bị tàn phá qua các chiến cuộc Tây Sơn và Lê Văn Khôi. Chỉ có Chợ Lớn là sầm uất phồn thịnh. Đồn Cây Mai bị mất cùng lúc với thành Sài Gòn, lấy Chợ Lớn làm hậu cần. Nam bộ thời bấy giờ chỉ có Chợ Lớn là cái rún kinh tế. Như vậy, ta có thể thấy tầm quan trọng của đồn Cây Mai như thế nào. Nhưng Chợ Lớn chưa bị thực dân Pháp nuốt trọn vì còn có chướng ngại vật ác liệt là đồn Kỳ Hòa. Để đánh bại đồn này, cả 1000 quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Đại tá d’Ariès đã chiếm một loạt chùa Kiểng Phước, chùa Khải Tường, đình Hiển Trung, biến các nơi này thành “chiến tuyến đình chùa”. Để ngăn không cho quân Pháp chiếm trọn Chợ Lớn, triều đình sai Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển vào Gia Định tăng cường lực lượng cho Tôn Thất Hợp. Tháng 7 năm 1860, Nguyễn Tri Phương tổ chức đồn Kỳ Hòa thành một đại đồn rất kiên cố. Với 120.000 quân, ông cho đào một hào đôi cắt đứt đồn Cây Mai với Chợ Lớn, dĩ nhiên cũng để củng cố đồn Kỳ Hòa. Hậu cần kinh tế của Pháp là Chợ Lớn nhờ chiến tuyến đình chùa liên lạc. Còn hậu cần kinh tế của quân triều đình là Thuận Kiều phía bắc Kỳ Hòa. Sau khi nhà Thanh ký hòa ước với liên quân Anh Pháp ngày 5-10-1860 thì Napoleon III sai Đại tướng Charner sang Sài Gòn tăng viện. Charner trang bị chiến tuyến đình chùa bằng một hệ thống cực kỳ hùng mạnh. Kỳ Hòa trở thành đối tượng số một của Charner. Quân Pháp xuất trận từ đồn Cây Mai. Đại Tá Crouzat cho bắn pháo như mưa vào đồn Lũy Bằng. Quân Pháp cắt đứt liên lạc của Kỳ Hòa với hậu cần Thuận Kiều. Ngày 24-2-1861, đại quân của Pháp tiến về Kỳ Hòa. Trước tiên chúng tiến đánh bộ Tổng Tham Mưu tức dinh trại các quan của Việt Nam. Quân Pháp có 600 dân phu người Hoa từ Quảng Đông đưa đến để tải quân nhu. Cuộc hành quân chính thức của chúng bắt đầu từ 5 giờ 30 chiều ngày 24-2-1861. Một bên là đại quân, đại pháo; một bên là vũ khí lạc hậu với lòng ái quốc can trường. Chiến cuộc vì thế mà nhanh chóng trở thành gò xương, biển máu! Sau khi hạ đồn Lũy Bằng, quân Pháp tấn công dinh trại các quan. Đây có thể xem là trận chiến ác liệt nhất thời ấy ở Nam bộ. Quân triều đình với vũ khí lạc hậu vẫn can trường chống lại đại pháo của thực dân. Đặc điểm của trận này là có thêm chiến thuật đánh giáp lá cà. Cho đến quá trưa ngày 25-2-1861, đại đồn Kỳ Hòa cũng thất thủ theo số phận thành Sài Gòn ngày 17- 2-1859. Thế là toàn bộ vùng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn rơi vào tay thực dân Pháp. Trong trận này, về phía quân Pháp có hơn 300 quân bỏ mạng. Về phía quân ta, không ai biết được chính xác con số những chiến sĩ vô danh đã hy sinh. Em ruột Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Duy tử trận. Nguyễn Tri Phương bị thương cùng tàn quân kéo về Biên Hòa. Phạm Thế Hiển cũng bị thương, chạy về đó rồi mất. e. Những ngôi chùa cổ: Nói về những nơi quần chúng Nam bộ thường tụ tập đông đảo, do đó mà ngôn ngữ có điều kiện phát triển bởi sự giao tiếp giữa nhiều người, phải kể đến những ngôi chùa cổ ở trong hay xung quanh Sài Gòn, trong đó có cả những chùa của người Việt thờ Phật hoặc của người Hoa, người Ấn... Ở đây chỉ xin lưu ý một số ngôi chùa tiêu biểu mà thôi. Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí Lục Tỉnh Nam Việt” (Nguyễn Tao dịch - Nha Văn hóa tái bản 1973, trang 93-97) liệt kê nhiều chùa miếu mà nay tại Sài Gòn và các vùng phụ cận chỉ còn lại một số. - Chùa Giác Lâm, cũng gọi là Chùa Cẩm Sơn, do Lý Thoại Long, người Minh Hương, tổ chức xây cất năm 1744 tại Phú Thọ. Chùa này vừa cổ, vừa có qui mô lớn, tiêu biểu cho những chùa thờ Phật từ xưa còn lại ở giữa Sài Gòn và Chợ lớn. - Thất Phủ Quan Võ Đế ở Sài Gòn, là ngôi Đại Miếu do người Minh Hương xây dựng để thờ Quan Công. - Chùa Minh Hương Gia Thạnh, cũng do người Minh Hương thành lập ở Chợ Lớn từ năm 1789, là một ngôi chùa lớn. Theo sách đã dẫn trên, vào đầu thế kỷ XIX, trong huyện Bình Dương tức vùng Sài Gòn và phụ cận, những nơi dân chúng tấp nập lui tới là: - Đàn xã Tắc (thờ thần Xã Tắc) - Đàn Tiên Nông (thờ Tiên Nông) - Văn Miếu (thờ Khổng Tử) - Miếu Hội Đồng (thờ nhiều linh thần) - Đền Hiển Trung (thờ công thần Trung Hưng), - Miếu Thành Hoàng (thờ Thành Hoàng) - Chùa Khải Trường (vua Minh Mạng sinh ở đây) - Chùa Từ Ân - Chùa Pháp Vũ.v.v... Về mặt phát triển ngôn ngữ và biểu lộ nếp sinh hoạt thì các chùa miếu cũng như những thánh đường đều là nơi trải qua mấy trăm năm người Sài Gòn tùy theo tín ngưỡng của mình mà lui tới trong những ngày lễ đặc biệt. Mỗi tôn giáo ở mỗi địa phương có một cách diễn đạt ngôn ngữ riêng. Vì thế, người nghiên cứu ngôn ngữ nếu muốn cho danh mục từ ngữ được đầy đủ thì cần phải sưu tầm những từ ngữ phổ thông hay chuyên môn đã được dùng xưa nay trong các tôn giáo lớn. Chỉ riêng số lượng các từ phổ thông được dùng trong Phật giáo và Thiên Chúa giáo ở Nam bộ, nếu sưu tập theo lối điền dã và căn cứ vào những kinh sách của hai tôn giáo này, có thể đã được không dưới 10.000 từ! Chỉ xét từ những gì liên quan đến Chợ Lớn, ta đã thấy người dân Nam bộ mấy trăm năm trước đã phát triển vùng đất miền Tây cực kỳ độc đáo và hứng thú như thế nào. Bây giờ, chúng ta lại trở về điểm mốc Gia Định với một cái nhìn hệ thống về miền Đông để có thể ý thức tương đối toàn diện hơn về Nam bộ. 3. Những địa điểm thuộc Gia Định Khi tách riêng Gia Định ra thành một vùng riêng biệt để xem xét là chúng ta đã dựa theo sự phân vạch lãnh thổ như ngày nay, còn theo tổ chức hành chánh ngày xưa thì trấn Gia Định (hay Phan Yên trấn) vốn bao gồm cả vùng Sài Gòn và Chợ Lớn ngày ngay. Về Gia Định xưa kia, ta ghi nhận một số điểm đại lược sau đây: a. Đầu năm 1679, Chúa Nguyễn cho lập đồn dinh ở Tân Mỹ. Năm 1698, lập dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn (nay gọi là Gia Định). Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì Gia Định ngày xưa có 3 phủ, 9 huyện. Phủ Tân Bình gồm các huyện Bình Dương, Tân Long, Bình Long; phủ Tân An gồm các huyện Cửu An, Phước Lộc, Tân Hòa, Tân Thạnh; và phủ Tây Ninh gồm các huyện Tân Minh, Quang Hóa. Ở đây, chúng ta sẽ không đi sâu vào những chi tiết lịch sử hay địa dư của Gia Định. Chúng ta chỉ lấy Gia Định làm điểm mốc để từ đó nhìn ra toàn bộ miền Đông. Trước hết, kề cận với Sài Gòn và Gia Định có một địa điểm cần lưu ý là Nhà Bè. Nơi đây, ông Võ Hữu Hoằng ngày xưa lập cái bè bố thí nước cho khách lỡ đường nên có địa danh Nhà Bè. Điều đáng chú ý là tàu thuyền ngoại quốc trước khi vào Sài Gòn có trạm ghé qua Nhà Bè. Dân chúng giao dịch mua bán tại đây nên tiếng nói có khả năng pha trộn nhiều yếu tố như phát sinh từ ngữ mới, tiếng phiên âm, nhái âm.v.v... Trở về Gia Định, địa điểm đầu tiên ta dừng chân là chợ Bà Chiểu, và dĩ nhiên là phải qua cầu Bông. Tương truyền địa danh Bà Chiểu là gọi theo tên của một trong những người vợ của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Người ta nói rằng ông này có nhiều vợ, mỗi bà ở một nơi, nên đã tổ chức cho họ mỗi người một cái chợ để thu lợi tức. Vì thế, ngoài Bà Chiểu ra ta còn gặp các địa danh khác như Bà Hom, Bà Rá, Bà Điểm, Bà Quẹo... Tuy nhiên, truyền thuyết này vẫn chưa được xác định. Từ Bà Chiểu, ta tiến về hướng Biên Hòa. Theo địa giới hành chánh từ thời Pháp đến nay, Biên Hòa chỉ là một tỉnh như bao nhiêu tỉnh khác. Nhưng trước đó, khoảng vào năm 1698, khi nơi đây còn là dinh Trấn Biên thì địa phận của nó bao gồm gần hết miền Đông Nam bộ. Về mặt nghiên cứu tiếng nói Sài Gòn xưa, khi đề cập đến Biên Hòa (tức Đồng Nai ngày xưa) mà huyện đặt trên nó là huyện Phước Long, ta cần ghi nhận hai sự kiện sau đây: 1) Trong khoảng từ năm 1620 đến năm 1623 và sau đó, số dân di cư nhờ có sự can thiệp của Công chúa Ngọc Vạn với chính quyền Chân Lạp mà được đến lập nghiệp nơi đây đa số là người từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam và Quảng Ngãi (gọi chung là Ngũ Quảng). 2) Ngoài ra còn có hơn ngàn người gốc miền Bắc vì nhiều lí do khác nhau cũng được đưa vào sinh sống ở Mô Xoài (gần Bà Rịa) và Đồng Nai. Như vậy, tiếng nói Sài Gòn buổi đầu phát xuất từ tiếng Trung lẫn tiếng Bắc. Về di tích cổ thời Phù Nam, Chân Lạp, tại Long Khánh năm 1927, J. Bouchot khám phá trong đồn điền của W. Bazé tại Hàng Gòn một Cự Thạch Bi, tức một ngôi mộ cổ bằng những tảng đá khổng lồ. Nhưng khi đào ở trong mộ chỉ thấy toàn đất sét, không còn di tích hài cốt gì. Một trong những việc làm phản văn minh nhân loại của thực dân Pháp tại Biên Hòa năm 1861 là phá hủy Văn miếu tạo lập năm 1772 đời Chúa Nguyễn Phúc Thuần tại Tân Thành, huyện Phước Chính, cách thành Biên Trấn hai cây số. Về ngôn ngữ, nói về tục lệ hôn nhân tại Biên Hòa có bài “Thách cưới” sau đây do ông Lê Văn Lưu trích trong cuốn “Biên Hòa sử lược” , Q. I, tác giả xuất bản 1972, trang 135: Em là con gái nhà giàu, Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao. Cưới em trăm tấm lụa đào, Một trăm hòn ngọc, 28 ông sao trên trời. Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi, Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng. Sắm xe tứ mã đem sang, Để quan viên họ nhà nàng đưa đâu. Ba trăm nón cụ đội đầu, Mỗi người một cái quạt màu thật xinh. Anh về sắm nhiễu Bến Đình, May chăn cho rộng ta mình đắp chung. Cưới em chín chĩnh mật ong, Mười nong xôi trắng, mười nong xôi vò. Cưới em tám chục trâu bò, Bảy chục dê lợn, chín vò rượu tăm. Lá đa mặt nguyệt đêm rằm, Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên lôi. Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi, Xin chàng chín chục con dơi góa chồng. Thách thế mới thỏa trong lòng, Chàng mà theo được, thiếp cùng theo chơn. Không rõ tuổi tác bài này ra sao, xuất xứ từ đâu, ngoài Trung, Bắc có phổ biến không, ở các miền ấy đưa vào hay người hai miền ấy vào Nam rồi ca hát như vậy....? Thấy xen một số từ ngữ Đàng Ngoài như chăn, lợn, chĩnh.v.v... Nhưng dù sao nó vẫn là một đóng góp làm giàu cho tiếng nói Nam bộ. IV. Kết luận Qua một số nét đại lược về các yếu tố thời gian và địa điểm liên quan đến sự hình thành và phát triển tiếng nói của người Sài Gòn nói riêng, Nam bộ nói chung, chúng ta đã có thể nhận thức được phần nào hình ảnh Nam bộ vào buổi ban đầu mà trọng tâm là Sài Gòn. Dù chỉ là một số nét đại lược nhưng để có thể đề cập được tương đối trọn vẹn chủ đề nên những trình bày của chúng tôi xem ra đã phải khá dài dòng. Tuy vậy, đây là điều bắt buộc khi nói đến một vấn đề quá bao quát và phức tạp như sự hình thành và phát triển tiếng nói của một vùng rộng lớn như Nam bộ. Chúng tôi cho rằng những vấn đề như địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh trí thiên nhiên, hoàn cảnh kinh tế... Chắc chắn phải có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách chung của người Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng, tạo thành một loại tiềm thức, nội tâm đặc biệt. Do đó, người dân ở đây tất nhiên phải có phản ứng tâm lý đặc biệt, lề ăn lối ở và tiếng nói đặc biệt. Ngoài những đặc điểm chung của toàn Nam bộ, của miền Đông hay miền Tây như chúng ta vừa đề cập, còn phải lưu ý đến những điều kiện ưu đãi riêng mà thiên nhiên đã dành cho người Sài Gòn. Có thể kể ra trong số những điều kiện ưu đãi đó một số nét điển hình như sau: 1. Địa chất pha lẫn đất cát và đất thịt, tuy không màu mỡ bằng miền Đông, không phì nhiêu như miền Tây, nhưng cũng không quá cằn cỗi. Do đó, gia đình nào có được ít đất đai trong thành cũng có thể trồng cây ăn trái, kể cả trồng nho. 2. Khí hậu quanh năm tương đối ôn hòa, không quá lạnh vào mùa đông mà cũng không quá nóng vào mùa hè. Lượng mưa trong năm tuy nhiều nhưng rất hiếm khi có mưa dầm kéo dài gây trở ngại công việc như miền Bắc, miền Trung. 3. Vùng ven biển của Sài Gòn còn nhiều sông rạch, nhất là con sông Bến Nghé cạnh Sài Gòn làm cho khí hậu được mát mẻ. 4. Sài Gòn không bao giờ sợ thiếu nước uống, nước sinh hoạt hay kỹ nghệ, vì ngoài hệ thống nước ngầm dưới lòng đất, còn có sông Đồng Nai ở gần. 5. Sài Gòn có đường thủy lẫn đường hàng không thuận lợi trong việc giao thương với nước ngoài. Về nội thương, Sài Gòn có Chợ Lớn làm hậu cần vững chắc và một nguồn cung cấp dồi dào từ miền Tây trù phú. 6. Sài Gòn nằm cách xa sông sâu biển cả nên không bị bão tố, lụt lội đe dọa. 7. Cảng sông Sài Gòn nằm sâu trong đất liền, là nơi tránh bão rất tốt cho tàu thuyền vì không chịu ảnh hưởng của các trận bão từ phương xa thổi đến. 8. Với địa thế thuận lợi cho việc giao dịch quốc tế, Sài Gòn là nơi hội tụ, giao lưu của nhiều nền văn hóa Đông Tây. Sài Gòn cũng là nơi tập trung nhiều thư viện, trường đại học lớn... là những điều kiện tất yếu để đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngay từ cuối thế kỷ 17 cho đến nay, Sài Gòn luôn đóng góp cho đất nước nhiều nhà khoa bảng, nhiều học giả, nhà khoa học cũng như một đội ngũ trí thức phong phú thuộc mọi lãnh vực hoạt động. Phần II Những yếu tố khởi đầu Vài vấn đề ngôn ngữ học Trong bài này, mục tiêu chính yếu không phải là nghiên cứu lịch sử tiếng Việt Nam bộ theo các phạm trù xuyên đại và đồng đại. Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi được giới hạn xoay quanh vai trò của chữ quốc ngữ tại Sài Gòn. Nhưng vì chữ quốc ngữ tự nó đã hàm chứa những hình thức phiên âm, phản ánh tiếng nói người Sài Gòn, và vì chữ Nôm cũng đồng thời thực hiện vai trò đó - tuy với mức độ kém hơn - nên chúng tôi sẽ lấy tiếng nói người Sài Gòn làm đối tượng tìm hiểu, rồi sử dụng những gì được bảo lưu trong chữ viết - cả chữ Quốc ngữ và chữ nôm - để nỗ lực khôi phục lại phần nào chân dung tiếng nói của người Sài Gòn xưa kia. Nhưng tiếng nói của bất cứ cộng đồng nào, dân tộc nào cũng vậy, ngoài việc lưu lại dấu vết trong chữ viết, còn được lưu lại qua các hình thức truyền khẩu trong cộng đồng. Tiếng nói của cộng đồng người Sài Gòn buổi đầu cũng không đi ngoài quy luật ấy. Vì thế, ngoài việc nghiên cứu chữ viết ra, cũng không thể bỏ qua các hình thức ngôn ngữ truyền khẩu. Tuy gọi là truyền khẩu, nhưng một phần lớn ngôn ngữ truyền khẩu được lưu lại cũng chính là nhờ vào việc ghi chép thành văn bản, qua sự sưu tập, góp nhặt của những người đi trước. Một phần khác được lưu giữ trực tiếp qua các hình thức ca hát truyền miệng của quần chúng như ca dao, tục ngữ, hò vè, câu đố, hoặc dưới hình thức nói thơ. Nói thơ là một đặc điểm chỉ có ở Nam bộ, khác với ngâm thơ, đọc thơ ở miền Trung, miền Bắc. Nói thơ có giọng điệu đặc thù của nó, trầm bổng, liên tục... và đặc biệt nhất là được thưởng thức bởi quảng đại quần chúng chứ không phải chỉ một số ít người có trình độ nhất định như khi nghe ngâm thơ, đọc thơ. Chẳng hạn như việc nói thơ Lục Vân Tiên, nói thơ Sáu Trọng, nói thơ Tấm Cám... thường được diễn ra ở những địa điểm đông người qua lại và bất cứ ai cũng có thể đến nghe. Khi nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ, người ta thường quan tâm đến các hình thức phản ánh của tiếng nói như là phân nửa đối tượng nghiên cứu, và phân nửa đối tượng còn lại là lịch sử tiếng nói. Về lịch sử tiếng nói, việc nghiên cứu thường bao gồm các phạm trù sau đây: 1. Âm (les sons) gồm Ngữ âm học (Phonétique) và Âm vị học (Phonologie) 2. Từ (les mots) gồm Từ vựng học (Lexicographie), Ngữ thái học (Morphologie), Ngữ nghĩa học (Sémantique) 3. Cấu trúc của câu, tức Ngữ pháp học (Syntaxe) 4. Cấu trúc của tiếng nói (constitution de la langue) tức Ngữ học mô tả hay đồng đại. 5. Sự tiến hóa của tiếng nói (évolution de la langue), tức Ngữ học lịch sử hay xuyên đại. 6. Tương quan giữa các tiếng nói (parenté des langues), tức Ngữ học đối chiếu. 7. Bản chất và quy luật của tiếng nói (nature et lois de la langue), tức Ngữ học tổng quát. Sau khi nghiên cứu lịch sử tiếng nói bao gồm những phạm trù kể trên, kết hợp với việc nghiên cứu lịch sử chữ viết của ngôn ngữ đó, người ta có thể rút ra những kết luận về lịch sử ngôn ngữ và được sử dụng để biên soạn từ điển điển chế, ngữ pháp, thi pháp hay tu từ học.v.v... Do có những mối tương quan phức tạp như vừa trình bày trên, nên cho dù phạm vi nghiên cứu về tiếng nói và chữ viết người Sài Gòn của chúng tôi không đi sâu vào chi tiết một cách chuyên môn, nhưng vẫn phải xét đến những vấn đề có tính cách gợi ý mà vẫn dựa trên cơ sở ngữ học đồng đại lẫn xuyên đại. Nói theo Saussure thì đồng đại là bởi chúng tôi tìm hiểu tiếng nói, chữ viết Sài Gòn theo quan điểm hệ thống, còn xuyên đại là bởi hệ thống đó được chúng tôi khảo sát trong sự tiến hóa của nó qua thời gian. Mặc dù vậy, chúng tôi bắt buộc phải thiên về phương pháp nghiên cứu xuyên đại hơn là đồng đại. Bởi vì đối tượng chung của cả hai phương pháp đều là ngữ, mà nếu nghiên cứu tiếng nói Sài Gòn trong quá khứ cách đây hơn 350 năm từ góc độ đồng đại thì quả thật vô cùng khó khăn. Do đó, chúng tôi đành tạm thời xử trí việc nghiên cứu tiếng nói, chữ viết Sài Gòn theo hướng xuyên đại, dù biết rằng theo cách này thì không phải nghiên cứu chính bản thân của ngữ mà chỉ là các biến cố đã làm ngữ biến hóa mà thôi. Để bù đắp phần nào cho khuyết điểm đó, chúng tôi sẽ không chỉ giới hạn việc nghiên cứu trong phạm vi ngữ học, mà cố gắng mở rộng đến một số yếu tố liên quan như các điều kiện lịch sử, thời gian và địa điểm Nam tiến, sự giao lưu văn hóa và các điều kiện hoàn cảnh chi li phức tạp khác thực sự có ảnh hưởng đến sự tiến hóa của tiếng nói, chữ viết người Sài Gòn. Tính thống nhất ban đầu Chúng ta có thể xác quyết rằng tiếng nói và chữ viết của người Sài Gòn vào buổi đầu - nghĩa là vào lúc họ vừa rời khỏi quê hương lên đường Nam tiến - là hoàn toàn thống nhất với tiếng nói và chữ viết được sử dụng trên toàn quốc vào thời điểm đó. Sự thống nhất này có thể được chứng minh qua hai yếu tố nêu ra sau đây: 1) Tính thống nhất của tiếng Hán Việt 2) Tính thống nhất của tiếng thuần Việt Riêng về tính thống nhất của loại tiếng thuần Việt, chúng ta sẽ dựa trên hệ thống phiên âm Ý-Bồ của chữ quốc ngữ và hệ thống ký hiệu chữ Nôm dùng cho Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong lúc bấy giờ. A. Tính thống nhất của tiếng Hán Việt Tiếng Hán Việt là những tiếng Hán được đọc theo âm Việt, chẳng hạn như thành công (成⼯), nhất định (⼀定)... Mặc dù được hiểu nghĩa theo chữ Hán nhưng nhờ đọc theo âm Việt nên những tiếng này dễ dàng đi vào từ vựng tiếng Việt, được sử dụng phổ biến ngay cả với những người không biết chữ Hán. Chẳng hạn, người Việt ai cũng có thể hiểu được những từ như thành công, nhất định... mà không cần phải học biết dạng chữ Hán của chúng. a. Cho đến thế kỷ 17, nghĩa là đến lúc người Việt Sài Gòn ra đi, các từ Hán Việt trên toàn quốc đều được đọc và hiểu nghĩa giống nhau. Trong từ điển Việt-Bồ-La của Đờ Rốt in năm 166110 có xuất hiện các từ như: tử đệ, cô hồn, khảo lược, cao minh, tử sản.v.v... Số lượng lớn tiếng Hán Việt như vậy thống nhất cao độ về cách phát âm lẫn ý nghĩa. Nói như vậy không có nghĩa là về mặt lịch sử ngữ âm, cách phát âm tiếng Hán Việt qua các thời đại ở nước ta không thay đổi. Thí dụ như thời kỳ điển hình mà ta tiếp xúc với chữ Hán nhiều nhất là từ đầu thế kỷ 11. Nếu so sánh cách đọc âm Hán Việt của những thế kỷ ấy với thế kỷ 15 hoặc hiện nay, chắc chắn sẽ có một số từ phát âm khác biệt. Nhưng đó là sự khác biệt qua thời gian, nghĩa là về lịch đại, còn khi so sánh đồng đại thì không có những khác biệt này. Dựa vào các thí dụ dẫn trên, chúng ta thấy là người Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong vào thế kỷ 17 đều phát âm và hiểu nghĩa giống nhau. b. Ở trên ta lấy những thí dụ về cách đọc những tiếng Hán Việt hay Hán cổ và thấy được tính thống nhất về ngữ âm ở nước ta vào thế kỷ 17. Tính thống nhất này còn có thể thấy được ở cả những tiếng có gốc từ chữ Hán nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn, trở thành những tiếng thuần Việt. Những thí dụ sau đây rút từ cuốn từ điển của Đờ Rốt đã dẫn trên sẽ cho thấy là vào thế kỷ 17 cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều phát âm loại tiếng này tương đối giống nhau: vốn (bổn - 本) - dễ (dị - 易), gần (cận - 近), dao (đao - ⼑), gan (can - 肝)... Không cần đi sâu vào cách phát âm của chữ Hán, của tiếng Hán Việt, mà chỉ cần dựa vào những hiểu biết thông thường người ta cũng đánh giá cao được tính thống nhất về ngữ âm của tiếng Việt vào thời điểm ban đầu của người Sài Gòn. Đây là một đặc điểm rất đáng chú ý, bởi vì chính bản thân người Trung Hoa cũng không có được tính thống nhất trong việc phát âm chữ viết của họ. Khác với các loại chữ viết gốc Latinh có thể hiện cách phát âm của từ (chẳng hạn như tiếng Pháp hoặc tiếng Việt hiện nay...), chữ Hán lại hoàn toàn không thể hiện cách phát âm qua chữ viết. Cách duy nhất để phát âm đúng một chữ Hán là phải học biết qua chữ đó. Vì thế, rất khó để có được sự thống nhất cách phát âm ở nhiều địa phương khác nhau. Ngay ở những vùng trên đất nước Trung Hoa thì người Bắc Kinh phát âm đã khác xa người Quảng Đông, mặc dầu họ cùng dùng chung một loại chữ viết. Vì thế, muốn hiểu nhau họ phải bút đàm. Thí dụ về hai chữ văn minh ( ⽂ 明 ), trong Thượng Chi Văn tập (Quyển II, Bộ Quốc gia Giáo dục cũ tái bản, Sài Gòn, 1962, trang 111) ông Phạm Quỳnh nói: “...vốn là hai chữ Nho mà tiếng Quan Thoại Tàu đọc là wen-ming, tiếng Quảng Đông bên Tàu đọc là men-min.” Trong sách “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt” (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, trang 12) ông Nguyễn Tài Cẩn nhận xét về tình hình phát âm chữ Hán ở Trung Quốc như sau: “Hai người ở hai khu vực cách xa nhau có thể dùng chung một thứ chữ viết như nhau, xem và biết được nội dung như nhau, nhưng đọc lên thì khác nhau, nói và nghe thì không hiểu được nhau nữa. Chữ Hán trở thành một hệ thống văn tự có nhiều cách đọc.” Vì phát âm không giống nhau ở những địa phương khác nhau, nên người Trung Hoa mới dùng tiếng Quan Thoại để cố ý tạo ra sự thống nhất trong giao tiếp. Nhưng vì tiếng Quan Thoại cũng chỉ được giới quan quyền dùng thôi, thành ra đối với đại đa số quần chúng ít học thì nó vẫn còn rất xa lạ. Tóm lại, dựa vào các nhận xét và lý luận như trên, ta thấy cách phát âm tiếng Hán Việt hay tiếng Hán Việt hóa của dân ta trên toàn quốc nói chung là thống nhất với nhau, mặc dù trải qua các thời đại từ khi tiếng Hán xâm nhập nước ta như vài thế kỷ đầu công nguyên, cho đến các thế kỷ 6, thế kỷ 8, nếu xét thật chi ly ắt cũng không tránh khỏi chút ít dị biệt. Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh ở đây là, vào thế kỷ thứ 17, từ Thăng Long đến Phú Yên, cách phát âm tiếng Hán Việt của dân ta tương đối thống nhất. Sự thống nhất đó cũng đồng thời chứng minh rằng tiếng nói của những người dân Sài Gòn vào lúc lên đường Nam tiến là thống nhất với cả nước. Sự thống nhất về cách phát âm tiếng Hán Việt có thể được giải thích bởi 2 nguyên do: 1) Do đặc thù của tiếng ta là tương đối thống nhất, phản ánh sự thống nhất của đất nước về lãnh thổ, về phong tục tập quán cũng như nề nếp sinh hoạt cộng đồng. 2) Do sự thống nhất quy luật trong việc phiên âm Hán Việt. Đó là quy luật phiên thiết dựa vào âm, vần và thanh. Trong cuốn “Việt ngữ chính tả tự vị” (Khai Trí tái bản, Sài Gòn, 1971, trang 15-18), ông Lê Ngọc Trụ dựa theo luật phiên thiết của các từ điển Trung Hoa đã phân tích được 36 âm gốc, 166 vần và từ thanh, là những chuẩn mực để phiên âm. Đa số cách đọc âm Hán Việt của ta đều tuân theo luật này, trừ ra một số rất ít ngoại lệ. a. Về âm: Có một số tiếng Hán Việt vì kiêng húy hay vì lý do nào khác đã phải đọc sai đi, rồi lâu dần thành quen. Chẳng hạn như bỉ đọc thành bịnh, hoanh đọc thành oanh, tuân đọc thành duân.v.v... Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Trụ cho rằng chỉ trừ một số ít tiếng, còn hầu hết đều theo đúng luật phiên thiết. b. Về vần: Trong thi ca, có một số vần bị đọc trại mà chính tả vẫn đúng theo vần chính. Thí dụ, vần chính viết có g cuối thì vần trại cũng có, như ung và ương; vần chính có n cuối thì vần trại cũng có, như oan và uyên. c. Về thanh: Ông Lê Ngọc Trụ nói: “Về thanh, cũng nhờ luật phiên thiết của từ điển Trung Hoa mà định được chính tả, đại khái là những âm khởi đầu thanh (清) thuộc dấu hỏi, những âm khởi đầu trọc (濁) thuộc dấu ngã.”11 Nói chung, thuật phiên thiết đúng cho các từ đã trích dẫn trên thuộc thế kỷ 17, mà cũng vẫn đúng cho đến ngày nay khi người Việt phiên âm chữ Hán. B. Tính thống nhất của tiếng thuần Việt 1. Sự thống nhất cách viết chữ Nôm a. Đôi nét cơ bản về chữ Nôm Chữ Nôm do người Việt sáng chế bằng cách mượn cách viết sẵn có của chữ Hán để diễn tả những âm và nghĩa trong tiếng Việt. Vì thế, tuy nhìn vào cũng tương tự như chữ Hán nhưng do quy ước của những người chế tác chữ Nôm mà loại chữ viết này được đọc lên hoàn toàn theo âm Việt và diễn đạt những ý nghĩa thuần Việt. Về hình thức, chữ Nôm được cấu thành theo ba cách: giả tá, hài thanh và hội ý. - Giả tá: Nghĩa là mượn chữ Hán để tạo thành chữ Nôm theo cách có sự tương tự, giống nhau về một khía cạnh nào đó nhưng lại khác đi về những khía cạnh khác. Chỗ giống nhau tức là mượn ở chữ Hán, còn chỗ khác nhau là sự sáng tạo của chữ Nôm. Chữ Nôm hình thành theo cách này có 4 kiểu: 1. Viết y nguyên theo chữ Hán nhưng đọc theo nghĩa tiếng Việt. Ví dụ: viết chữ 役 (dịch) nhưng đọc là việc, viết chữ 歲 (tuế) nhưng đọc là tuổi... Đều là đọc theo nghĩa tiếng Việt của các chữ này. 2. Viết y nguyên chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt và hiểu nghĩa theo chữ Hán đó. Ví dụ: viết chữ 聖 (thánh), đọc là thánh và hiểu nghĩa là bậc thánh, người tài giỏi, viết chữ ⻤ (quỷ), đọc là quỷ và hiểu nghĩa là con quỷ, điều quỷ quái... Cũng tương tự như vậy là các cụm từ như thành công (成⼯), quyết định (决定), hạnh phúc (幸福)... 3. Viết y nguyên chữ Hán, đọc theo âm Hán Việt nhưng hiểu hoàn toàn theo nghĩa Việt. Ví dụ: viết chữ 坤 (khôn), đọc là khôn và hiểu theo nghĩa Việt là khôn ngoan, cho dù trong tiếng Hán chữ này dùng chỉ quẻ Khôn trong Bát quái; viết chữ 我 (ngã), đọc là ngã và hiểu theo nghĩa Việt là té ngã, cho dù trong tiếng Hán chữ này có nghĩa là ta, tôi (tiếng tự xưng)... 4. Viết y nguyên chữ Hán nhưng đọc khác đi (thường là nhái theo âm gốc) thành âm thuần Việt. Ví dụ: viết chữ 店 (điếm) nhưng đọc trại thành đêm và hiểu nghĩa là đêm (phân biệt với ngày), cho dù trong tiếng Hán chữ này có nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu... - Hài thanh: Nghĩa là mượn chữ Hán để diễn tả cách đọc theo âm Việt, ghép với một phần chữ Hán khác để nêu ý nghĩa. ệ g p ộ p ý g Chữ Nôm hình thành theo cách này có 2 kiểu: 1. Ghép 2 chữ Hán với nhau, một chữ chỉ âm, một chữ chỉ nghĩa. Ví dụ: Ghép chữ 林 (lâm) ở dưới, chữ 百 (bách) ở trên thành chữ đọc là trăm. (Cũng có khi ghép hai chữ hai bên hoặc chen chữ bách vào giữa.) Trong cấu trúc này, chữ lâm để chỉ âm, đọc trại thành trăm, chữ bách để chỉ nghĩa, vì bách trong chữ Hán có nghĩa là một trăm. 2. Dùng một bộ chữ Hán12 để chỉ nghĩa, ghép với một chữ Hán để chỉ âm. Ví dụ: Dùng bộ tâm (⺖, ⼼) , để chỉ nghĩa thuộc về tâm ý, tấm lòng, ghép với chữ 結 (kết) để chỉ âm, thành chữ đọc là ghét (gần với âm kết). - Hội ý: Dùng hai chữ Hán có nghĩa liên quan để ghép với nhau nhằm diễn đạt một nghĩa Việt, thành một chữ mới với âm đọc hoàn toàn Việt. Ví dụ: dùng chữ 天 (thiên) ghép với chữ 上 (thượng) tạo thành chữ đọc là trời, dùng chữ ⼈ (nhân) ghép với chữ 上 (thượng) tạo thành chữ đọc là trùm, chỉ người đứng đầu, cầm đầu. Theo cách này thì âm đọc hoàn toàn không liên quan đến chữ Hán, chỉ mượn lấy ý nghĩa là tương đồng mà thôi. b. Những ưu nhược điểm của chữ Nôm - Nhược điểm: 1. Chữ Hán không có đủ những nguyên âm và phụ âm như trong tiếng Việt, nên có nhiều trường hợp phải dùng âm tương tự, gần giống mà thôi. Ví dụ: chữ éo (trong éo le chẳng hạn) hoàn toàn không có trong chữ Hán, phải mượn chữ 要 (yếu) có âm gần giống để viết, chữ ghềnh (trong thác ghềnh chẳng hạn) cũng không có trong chữ Hán, phải mượn chữ 京 (kinh) để viết... 2. Để chỉ cả âm lẫn nghĩa, nhiều khi phải mượn những chữ Hán quá nhiều nét, thành ra khó viết, khó nhớ. Ví dụ như mượn chữ 羅 (la) để chỉ âm, mượn chữ 出 (xuất) để chỉ nghĩa, tạo thành chữ đọc là ra với nghĩa “vào ra” thì thật là rườm rà. 3. Một số thanh trong tiếng Việt có mà trong chữ Hán không có nên để bổ khuyết phải sử dụng thêm dấu nháy bên cạnh để phân biệt. 4. Do sự chế tác chữ Nôm trải qua nhiều thời đại, có nhiều người tham gia nhưng không có quy luật rõ ràng, nên thường xảy ra trùng lặp. Đôi khi một chữ Hán lại được mượn để viết hai chữ nôm khác nhau, rất khó phân biệt. Ví dụ như chữ 買 (mãi) mượn đọc thành chữ mấy, rồi có nơi cũng mượn đọc là chữ mới, chữ mảy... Thật rất khó phân biệt. 5. Có nhiều trường hợp chỉ một chữ Nôm mà được viết nhiều cách khác nhau, người đọc khó biết hết được. Ví dụ: chữ lời có thể viết là 唎 gồm chữ ⼝ (khẩu) và chữ 利 (lợi), hoặc viết là , gồm chữ ⼝ (khẩu) và chữ (trời) trong khi chữ trời đã gồm chữ 天 (thiên) và chữ 上 (thượng)... - Ưu điểm: 1. Chữ Nôm mượn từ chữ Hán nên cũng có tính chất biểu ý, nghĩa là nhìn vào chữ viết có thể phân biệt được ý nghĩa, nhất là dễ phân biệt những chữ đồng âm khác. Ví dụ, nhìn vào chữ (năm) có thể biết ngay là số 5, vì có chữ 五 (ngũ) là số 5 trong đó, trong khi chữ (năm) lại rõ ràng là năm (tháng), vì có chữ 年 (niên) là năm (tháng) bên cạnh. Tương tự, chữ 佊 (bè) là bè phái, vì có bộ nhân là người, trong khi chữ (bè) là cái bè, vì có bộ trúc là cây tre... 2. Dùng chữ Nôm không bị sự nhầm lẫn do phát âm sai lệch ở các vùng khác nhau, như chê và trê chẳng hạn. Khi viết ra chữ Nôm, hai chữ này được phân biệt rõ vì 吱 (chê) gồm chữ ⼝ (khẩu) và chữ ⽀ (chi), còn 鯔 (trê) gồm bộ ngư (⿂) và một phần của chữ 缁 (tri)... 3. Chữ Nôm được ghi lại thành văn bản từ trước còn lại đến nay có thể giúp chúng ta nghiên cứu tiếng Việt ở thời cổ, chẳng hạn như vào thế kỷ 17. Khi kết hợp nghiên cứu chữ Nôm với chữ Quốc ngữ lúc ban đầu, chúng ta có thể hiểu được phần nào những tâm tư, tình cảm, sinh hoạt của người Việt thuở trước, chẳng hạn như tìm hiểu về người Sài Gòn lúc mới vào Nam lập nghiệp. 2. Tính thống nhất của chữ Nôm thế kỷ 17 Chữ Nôm vào thế kỷ 17 có thể phân ra hai loại theo mục đích sử dụng của nó, tạm gọi là chữ Nôm đời (được sử dụng chung trong mọi lãnh vực đời sống) và chữ Nôm đạo (được sử dụng vào mục đích truyền đạo, ở đây là đạo Thiên Chúa). Việc nắm vững những nguyên tắc cấu tạo chữ Nôm cũng như những ưu nhược điểm của nó như vừa trình bày trên là rất cần thiết để có thể so sánh, đối chiếu khả năng phiên âm của chữ Nôm, và từ đó nhận ra được tính thống nhất của tiếng Việt vào thế kỷ 17 được phản ánh trong cách viết chữ Nôm lúc bấy giờ. a. Chữ Nôm đời Khi nghiên cứu những văn bản Nôm từ thế kỷ 17 trở về trước còn lại đến nay, có một số vấn đề cần lưu ý như sau: 1. Hầu hết thơ văn chữ Nôm của chúng ta từ thế kỷ thứ 13 cho đến thời vua Tự Đức (1820-1883) đều không còn nguyên bản. Vì thế, tính chính xác của các văn bản này thường là rất thấp. Lấy ví dụ như văn bản Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm mà ngày nay chúng ta có không phải là nguyên bản do tác giả viết ra. Nguyên bản ấy đã mất hẳn. Người ta đành chấp nhận nghiên cứu những bản Phường (là bản do các nho sĩ Bắc Hà chép lại) và những bản Kinh (là bản do vua Tự Đức cho san định lại). Bởi vậy, rất nhiều học giả như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đào Duy Anh, Vũ Văn Kính, Bùi Hữu Sủng... đã phải mất rất nhiều công lao trong việc hiệu đính, khảo dị các văn bản Truyện Kiều này. Đến như cuốn Chinh phụ ngâm mà trước giờ ta vẫn cho là của Đoàn Thị Điểm dịch từ bản Hán văn của Đặng Trần Côn, thì ông Hoàng Xuân Hãn trong “Chinh phụ ngâm bị khảo” cũng đã đặt lại vấn đề về dịch giả của bản văn này. Ngay cả tên dịch giả mà còn chưa thể xác quyết, huống hồ là nội dung trong văn bản? 2. Văn bản Nôm xưa không chỉ bị mất đi phần lớn nguyên bản, mà những bản sao chép lại cũng hầu hết rơi vào tình trạng tam sao thất bản. Những văn bản còn giữ được đến nay cũng là nhờ công lao của vua Tự Đức trong việc tập hợp một số nho sĩ lỗi lạc để sưu tầm, san định, hiệu đính, sửa chữa các văn bản Nôm một cách có hệ thống. Nhưng sai lầm của những người làm công việc sưu tập này là thường tự cho mình quyền sửa chữa, thêm bớt những bản văn sưu tập được, cộng thêm với điều kiện in ấn còn khó khăn khiến cho việc nhân bản đa phần phải chép tay, làm cho hầu hết các văn bản truyền lại đến nay đều phải chịu sự biến đổi, sai lệch so với nguyên bản. 3. Vào tháng 7 năm 1663, Chúa Trịnh Tạc (1657-1682) cho ban hành 47 điều giáo hóa của triều Lê, trong đó điều 35 chỉ cho phép in các sách Nho học, cấm hẳn các loại sách Phật, Lão, truyện nôm... Nội dung điều 35 viết bằng Hán văn được trích lại trong tạp chí Nam Phong số 88 (tháng 10/ 1924) trang 322- 328, Nhữ Đình Toản dịch ra lục bát như sau: Ngũ kinh chư sử xưa nay, Với chư tử tập cùng rày văn chương. Dạy bàn có ích đạo thường, Mới nên san bản, bốn phương thông hành Kỳ như Thích, Đạo, phi kinh, Lời tà, mối lạ, tập tành chuyện ngoa, Cùng là chuyện cũ nôm na, Hết thơ tập ấy lại ca khúc này, Tiếng dâm dễ khiến người say, Chớ cho in bản, hại nay thói thuần. (Lê Triều chiếu lệnh thiên chinh. Nguyễn Sĩ Giác, nhà in Bình Minh, 1961, trang 294-295) Tài liệu này chúng tôi ghi lại của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ trong một bài khảo luận về chữ Nôm thế kỷ XVII của ông viết năm 1977, chưa xuất bản. Như vậy, ta thấy điều 35 đe dọa chữ Nôm thế kỷ thứ 17 thế nào. Vì tất cả những nguyên nhân kể trên nên khi sử dụng các văn bản Nôm thế kỷ 17, chúng ta thường phải chú ý đối chiếu, so sánh, khảo dị... Tuy nhiên, cho dù có những điểm cần lưu ý như thế, việc nghiên cứu các bản văn Nôm thế kỷ 17 để tìm hiểu tính thống nhất của tiếng Việt thời đó vẫn cho thấy những chứng cứ thuyết phục. Tiếp sau đây chúng ta sẽ khảo sát một số văn bản Nôm tiêu biểu đồng thời so sánh khả năng phiên âm của chữ Nôm khi đối chiếu với chữ Quốc ngữ in trong từ điển Việt-Bồ-La của Đờ-rốt in năm 1651 tại Rôma. Cuốn từ điển này là một văn bản có độ chính xác cao, bảo đảm đến mức tối đa sự phản ánh trung thực tính thống nhất của tiếng Việt cũng như tình trạng tiếng Việt vào lúc những người Sài Gòn năm xưa vừa bắt đầu cuộc Nam tiến. - Khảo sát một số văn bản Nôm Dưới đây liệt kê một số tác phẩm Nôm chính yếu của Đàng Ngoài và Đàng Trong vào thế kỷ 17. Sau đó, chúng ta sẽ trích dẫn một số đoạn tiêu biểu trong các tác phẩm có thể xem là điển hình nhất. • Các văn bản ở Đàng Ngoài: 1. Thiên Nam ngữ lục. Tác giả khuyết danh, trước tác vào khoảng 1682 đến 1700, gồm 8.316 câu lục bát, 2 bài bát cú Nôm và 31 bài thơ sấm bằng Hán văn. Nội dung sách là diễn ca lịch sử nước Việt từ thời Hồng Bàng đến chúa Trịnh Căn. 2. Thiên Nam minh giám: Tác giả có lẽ thuộc dòng họ Trịnh, trước tác vào khoảng 1623 đến 1657, vào đời chúa Trịnh Tráng, gồm 1.600 câu lục bát, chép lịch sử nước Việt từ thời Hồng Bàng đến đầu đời Lê Trung Hưng. 3. Tứ Thời khúc vịnh: Tác giả là Hoàng Sĩ Khải, đỗ Tiến sĩ năm 1544, trước tác vào khoảng năm 1592 đến 1610, gồm 340 câu song thất lục bát, ca tụng công lao vua Lê, chúa Trịnh. 4. Lâm Tuyền kỳ ngộ: Tác giả khuyết danh, trước tác vào khoảng đầu thế kỷ 17, gồm 147 bài thơ bát cú, tứ tuyệt, song thất lục bát, kể truyện tình giữa Bạch Viên và Tôn Các. 5. Ngự Đề thiên hòa doanh bách vịnh: Tác giả là chúa Trịnh Căn (1633-1709), trước tác vào khoảng nửa sau thế kỷ 17, gồm 100 bài thơ vịnh cảnh thiên nhiên, chùa miếu, nhân tình thế thái. 6. Chiếu vua Lê gửi chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1627. 7. Thư Trịnh Tráng gửi chúa Nguyễn Phúc Nguyên vào năm 1625. 8. Thư chúa Trịnh Cương gửi cho thầy học cũ là Nguyễn Quán Nho (1637-1709), viết khoảng trước năm 1700 khi ông này còn là thái tử. 9. Truyện Chúa Thao: Tác giả khuyết danh, nội dung kể chuyện tình giữa công chúa Kim, con chúa Trịnh Tráng, với chúa Thao Tín, con Mạc Kính Khoan. 10. Ông Ninh cổ truyện: Tác giả khuyết danh, trước tác vào thế kỷ 17, nội dung là tình sử của người trong họ Chúa Trịnh đi trấn ở biên thùy. • Các văn bản ở Đàng Trong: 1. Ngọa Long Cương vãn: Tác giả là Đào Duy Từ (1572- 1634), trước tác vào trước khi ra giúp chúa Sãi, nội dung tác giả dùng 136 câu thơ lục bát để tự ví mình như Khổng Minh (nhân vật thời Tam Quốc Trung Hoa, quân sư của Lưu Bị) lúc còn ẩn cư ở Ngọa Long Cương. 2. Tư Dung vãn: Tác giả là Đào Duy Từ, cũng viết trước khi ra giúp chúa Sãi, nội dung là 336 câu lục bát, thất ngôn bát cú, vừa ca tụng các nhà cầm quyền Đàng Trong vừa ngâm vịnh cảnh đẹp cửa biển Tư Dung gần Thừa Thiên. 3. Song Tinh Bất Dạ: Tác giả là Nguyễn Hữu Hào (1601-1681), không rõ trước tác năm nào, nội dung là 2.216 câu thơ lục bát thuật chuyện tình giữa Song Tinh và Ngụy Châu. Tác giả dùng nội dung này để tự minh oan và gợi ý khuyên chúa Nguyễn Nam tiến. 4. Nhà là lá, cột là tre: Cũng của Đào Duy Từ, gồm thơ bát cú, có ý muốn khuyên chúa Nguyễn nghe lời ông đắp lũy Nhật Lệ. 5. Thư Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi Chúa Trịnh Tráng 1625 6. Thư cha Chanh gửi Chúa Nguyễn Phúc Trăn năm 1670 Bảng liệt kê này chúng tôi dựa theo bác sĩ Nguyễn Văn Thọ trong tài liệu dẫn trên. Có thể vẫn còn nhiều thiếu sót hay sai lầm, nhưng có thể tạm cho thấy đại cương về tình hình văn Nôm vào thời điểm người Sài Gòn bắt đầu vào Nam. - Trích một số văn bản Nôm thế kỷ 17 Dưới đây chúng tôi trích đối chiếu văn bản Nôm của cả Đàng Ngoài và Đàng Trong để độc giả có thể so sánh và thấy được là chữ Nôm thời ấy có cách phiên âm tiếng Việt tương đối thống nhất. • Trích một số văn Nôm Đàng Ngoài: 1. Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải: Khắp bốn bể non sông hoa cỏ, Hết cùng lên cõi thọ đều xuân. Nhà nhà tống cựu nghinh tân, Tu mi là thiếp, nghi xuân là mùa. ... ... Sáng đầu tường lựu hoa phun lửa, Bấm đốt tay kể đã nửa năm. Kìa ai chước chước châm châm, Ngòi dầm hoa nở chén dầm nguyệt bay. 2. Thiên Nam minh giám (khuyết danh) Tượng mãng xưa sách trời đã định, Phân cõi bờ xương thạnh sửa sang. Nước non từ chúa Kinh Dương, Tề nhường phải đạo nước non phải thì. Tới Lạc Long nối vì cửu ngũ, Thói nhưng nhưng no đủ điều vui. Âu Cơ gặp gỡ kết đôi, Trổ sinh một bọc trăm trai khác thường. 3. Thư Trịnh Cương gửi thầy cũ là Nguyễn Quán Nho: “Tôi gửi lời thăm thầy, tôi thấy lòng thầy trung thành thâm cảm, trước là giúp Bề Trên, sau là yêu tôi mà thầy giữ lấy lề chính. Tôi đã được ân nghĩa còn lâu, tôi chẳng quên đâu. Ngày trước, tôi đã đưa cho túi trầu đến hầu mà thầy cố từ, khi bấy giờ tôi chẳng dám ép, rày đã thung dung, tôi cho đem đến, lấy cho cam lòng tôi. Xin gửi lạy thầy.” (Bửu Cầm sao chép, Sử Địa số 4, 1966, trang 31). • Trích một số văn Nôm Đàng Trong: 1. Ngọa Long Cương vãn của Đào Duy Từ Cửa xe chầu chực ban trưa, Thấy thiên võ cứ đời xưa luận rằng: Thế tuy loạn, trị đạo hằng, Biết thời sự ấy ở chưng sĩ hiền. … ... Nhân tài tuy khắp đời dùng, Sánh xem trường lợi, áng công vội giành. … ... Hưng vong bỉ thái sự thì, Chớ đem thành bại mà chê anh hùng. Chốn này thiên hạ đời dùng, Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời. Chúa hay dùng đặng tôi tài, Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên. 2. Tư Dung vãn của Đào Duy Từ Cõi Nam từ định phong cương, Thành đồng chống vững âu vàng đặt an. … ... Lánh đời mấy khách ly tao, Non tiên ngao ngán, nguồn đời sóng khơi. Buồm ai dàng dạng chân trời, Phất phơ cờ gió, thẳng vời chèo trăng… 3. Song Tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào Cửa xe đài án việc rồi, Màn trong giảng để, sách ngoài dọn biên. Hơi đâu nông nỗi chê khen, Chấp kinh mặc thích, tòng quyền dầu ai. Cũng sanh nhúc nhúc dưới trời, Khỏi loài rằng lạ, hơn người rằng ngoan. … ... Chẳng nên trách đất than trời, Việc công là trọng, dễ lời khinh khi. Tang bồng là chí nam nhi, Sá chi hải giác, quản gì quan san. (Theo Song Tinh bất dạ của Đông Hồ, Bốn Phương, 1962). Về tính chính lục của văn Nôm thế kỷ 17 nói chung và của các bài vừa trích trên nói riêng, có thể còn những điểm chưa ổn, phải chờ giải quyết bằng những nghiên cứu văn bản học nghiêm túc hơn. Nhưng qua đây cũng có thể thấy là tiếng Việt vào thời ấy tương đối thống nhất. Cụ thể là dù người Đàng Ngoài hay Đàng Trong đọc các đoạn văn này cũng đều có thể hiểu được nội dung cơ bản. Dĩ nhiên cũng có một số lượng từ mang tính địa phương khác biệt giữa Bắc, Nam vào thời ấy. Nhưng sự khác biệt ấy chẳng những không phá vỡ tính thống nhất của tiếng Việt mà lại còn làm cho nó sung mãn, phong phú hơn, vì vẫn giữ được sự thống nhất trong đa diện. Số lượng từ khác biệt thường có nguyên nhân dựa trên tư duy, tình cảm của các tác giả. Chẳng hạn, đọc văn Đàng Ngoài ta thấy nặng về sự ổn định mặc dù ở giữa thời phân tranh, đượm màu sắc bảo thủ, ca tụng vua chúa, ít bày tỏ nỗi niềm thù hận hay biểu lộ phản ứng trong cuộc sống thay đổi. Do những tính chất đó, trong văn thường xuất hiện những từ như: tượng mãng, cửu ngũ, cành vàng lá ngọc... (Thiên Nam minh giám) mãng xem, ngũ phục, ngũ phương... (Thiên Nam ngữ lục) áo xiêm, Nghiêu Thuấn, Thượng Tị, cung Quảng Hàn... (Tứ thời khúc vịnh)... Trái lại, văn Đàng Trong thường sôi động, vượt phá khuôn thước, biểu lộ tính chất phiêu lưu, say sưa với cuộc tiến chiếm, chinh phục vùng đất mới, cũng ca tụng lãnh đạo như các ngòi bút Đàng Ngoài mà có kẻ trách mình giận chúa vì không được đắc dụng thỏa chí. Do đó văn khí bộc lộ bằng những từ mới sáng tạo trong hoàn cảnh cái gì cũng vùn vụt đổi mới. Người ta đọc thấy nhiều dụng ngữ như: lăng tăng, chùn thóc lóc, đanh đá (Ngọa Long Cương vãn); nồng nã, thài, đỉnh đang (Tư Dung vãn); quến, chường, nài bao, cượng, no nao (Song Tinh bất dạ)... Những từ ngữ này vượt ngoài nề nếp, cung cách nói năng thông thường, và gần như không thấy dưới ngòi bút của các nho sĩ Thăng Long, Bắc Hà. Trong một bài đánh máy ông Vũ Văn Kính gửi tặng tôi năm 1982 (không biết đến nay đã in chưa), khi bàn về chữ Nôm Nam bộ, ông viết như sau: “... Chữ Nôm Nam bộ ngoài những nét của chữ Nôm chung toàn quốc, nó còn có một số nét đặc thù dị biệt với chữ Nôm toàn quốc nói chung, chữ Nôm miền Bắc nói riêng về lối viết và đọc. Lối viết do tính hồn nhiên, tự do, phóng túng của một số người Nam bộ, nên khi viết họ cũng tùy tiện, viết theo phát âm riêng và ý nghĩ tự tạo riêng biệt...” - Đối chiếu chữ Nôm với chữ Quốc ngữ của Đờ Rốt (1651) Trong số các văn bản Nôm còn lại từ thế kỷ 17 thì 2 cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày của Đờ Rốt in năm 1651 tại Rôma có thể nói là đủ tính xác thực để nói lên tính thống nhất của tiếng Việt hồi thế kỷ 17. Qua Từ điển Việt-Bồ La, chúng ta thấy là có một số phụ âm được phát âm khác nhau ở các địa phương và cũng khác với ngày nay. Chẳng hạn như phụ âm “v” ngày nay, xưa được đọc là “b” (như chữ “vào” xưa kia đọc là “bào”); phụ âm “tr” ngày nay, xưa đọc “bl” , có nơi đọc là “tl” (như chữ “trời” xưa kia có nơi đọc là “blời”, có nơi đọc là “tlời”). Trong tập san Khảo cổ, số 4 (Sài Gòn, 1971), trang 56-62, ông Bửu Cầm chứng minh rằng chữ Nôm cổ có khả năng giải thích được mấy sai biệt mà Đờ Rốt ghi nhận đó. Chữ Nôm cho biết rằng, các dị biệt ấy của tiếng Việt thế kỷ 17 không nằm trong bản thân chính của vần mà chỉ ở trong phần phụ thuộc khi phát âm thôi. Vì thế, tiếng Việt thời ấy tuy có một số phát âm sai lệch ở các địa phương khác nhau hay so với ngày nay, nhưng sự lệch lạc ấy không phá vỡ tính thống nhất của tiếng Việt xưa. Theo ông, trong các phụ âm ghép “bl” và “tl” thì phụ âm chính là “l”, còn “b” và “t” chỉ đóng vai phụ. Rồi sau, phụ âm “l” lại biến thành “tr” và “gi”, như “Đức Chúa Blời” thành “Đức Chúa Trời” hoặc “Đức Chúa Giời”. Ông Bửu Cầm cũng giải thích khả năng phục nguyên tiếng Việt xưa dựa vào cách ghi âm của Đờ Rốt. Trong Từ điển Việt Bồ-La có những chữ như: bào (vào), bua (vua), blai (trai), tlăm (trăm). Khi mang những chữ này so sánh với cách viết chữ Nôm, chúng ta sẽ thấy được sự gần gũi với các âm mà chữ Nôm đã chọn để phiên âm tiếng Việt. Chẳng hạn như chữ “vào” , chữ Nôm viết là gồm bên trái chữ 包 (bao), bên phải chữ ⼊ (nhập), đó là hài thanh với chữ bao; chữ “vua” , chữ Nôm viết là gồm bên trên chữ 王 (vương), bên dưới chữ 布 (bố), đó là hài thanh với chữ bố; chữ “trai”, chữ Nôm viết là gồm bên trái chữ 男 (nam), bên phải chữ 來 (lai), đó là hài thanh với chữ lai; chữ “trăm” , chữ Nôm viết là gồm bên trên chữ 百 (bách), bên dưới chữ 林 (lâm), đó là hài thanh với chữ lâm. So sánh với cách ghi âm của Đờ Rốt, rõ ràng là có sự tương đồng giữa những chữ như bào-bao; bua-bố, blai-lai, blăm-lâm. Dựa vào những so sánh trên, ta thấy phép hài thanh của chữ Nôm là phiên âm theo cách phát âm của tiếng Việt xưa. Còn tiếng Việt ngày nay ít nhiều đã có sự thay đổi về cách phát âm, không hoàn toàn giống như trước đây. Vì vậy mà chữ Nôm thường khó đọc đối với những ai ít biết tiếng Việt cổ. Cũng ông Bửu Cầm trong tạp chí Phổ thông, số 15, tháng 6 năm 1954, trang 64-65, cắt nghĩa cách phiên âm của chữ Nôm cổ về những từ mà Đờ Rốt ghi trong tác phẩm của ông như sau: lả nợ (trả nợ) chữ Nôm hài thanh bằng chữ lã (呂); lái đất (trái đất) chữ Nôm hài thanh bằng chữ lại (吏); mặt lăng (mặt trăng) chữ Nôm hài thanh bằng chữ lăng (⻨). Ông Bửu Cầm nói rằng những người chế tác chữ Nôm xưa có thể hài thanh bằng cách khác, như mượn cả chữ Hán chẳng hạn, nhưng không làm vậy chỉ là vì muốn cho rõ phụ âm. Còn về các phụ âm “gi” và “tr”, khi phân tích chữ Nôm ta thấy những chữ như: 喳 (giọng) dùng bộ khẩu (⼝) ghép với chữ 重 (trọng) là hài thanh với trọng; (giàu) dùng chữ 巨 (cự) ghép với chữ 朝 (triều) là hài thanh với triều... Rõ ràng rất có khả năng là phụ âm “gi” trước kia đã được đọc là “tr”. Về khả năng phiên âm của chữ Nôm mà Bửu Cầm nhận xét, chúng tôi thấy có lý. Cái mà chữ Quốc ngữ của Đờ Rốt làm thì chữ Nôm cổ cũng đã làm, mà đôi khi khúc tiết, và dứt khoát hơn. Theo Gaspardonne trong cuốn “Le Lexique Annamite des Minh” thì người phương Tây phiên âm những chữ trời, giời của ta bằng tlời. (E. Gaspardonne, Le Lexique Annamite des Ming, Journal Asiatique, T. XLI - 1953 Fasc. N 3, tr. 363). Người Mường hiện nay còn đọc phụ âm “v” là “b” , chẳng hạn như “vải” đọc là “bải”, “vua bếp” đọc là “bua bếp” (Bửu Cầm dẫn theo Nguyễn Văn Ngọc, Người Mường - Nam Phong - Tập XVI, tr. 436). Mà người Mường với người Việt xưa vốn có liên hệ rất chặt chẽ. Do đó, có thể nói là tiếng Việt xưa đã được chữ Nôm phiên âm trước, sau đó mới đến chữ Quốc Ngữ. Nay sử dụng chữ Quốc ngữ để kiểm chứng lại thì có thể thấy một vài sự khác biệt về cách phát âm các phụ âm như “b - v” , “l - tr” hoặc “l - gi”, nhưng xét cho cùng thì những khác biệt đó cũng không quan trọng lắm, nghĩa là tiếng Việt từ thế kỷ 17 trở về trước vẫn có thể xem là có tính thống nhất khả quan. Chúng tôi nghĩ là sẽ rất thú vị nếu tái hiện lại được phần nào cách phát âm của tiếng Việt từ trước thế kỷ 17, và đó là điều có thể làm được. Nếu chúng ta chịu khó lấy 716 chữ Việt đã được người Trung Hoa phiên âm trong cuốn “Annam dịch ngữ” , rồi dùng chữ Nôm cổ (chẳng hạn thời Nguyễn Trãi) với chữ quốc ngữ thời Đờ Rốt để đối chiếu, so sánh thì rất có khả năng sẽ phục nguyên được phần nào bộ mặt ngữ âm của tiếng Việt cổ. Về sách “Annam dịch ngữ” , hiện được biết là một phần trong sách “Hoa Di dịch ngữ” do Tứ Di Quán của Triều Minh soạn, gồm 13 thứ ngoại ngữ để giúp cho việc ngoại giao. Mười ba ngoại ngữ đó là các thứ tiếng Nhật Bản, Triều Tiên, Annam, Champa, Xiêm La, Hồi Hồi (Perse), Thát Đát (Tartare), Tây Phiên (Tibet), Man Lại Gia (Malacca), Lưu Cầu (Rỳu Kỳu), Úy Ngột Nhi (Quigour), Bách Dị (Paiyi) và Nữ Chân (Joutchen). Soạn giả sách này là Mao Bá Phù. Năm 1912, ông L. Aurousseau sang Trung Hoa có tìm được cho Trường Viễn Đông Bác Cổ một cuốn Hoa Di dịch ngữ. Không biết khi Pháp giao lại học viện này cho Việt Nam, có để lại cuốn sách quý này hay không. Nội dung của Annam dịch ngữ gồm 716 chữ, phân bổ cho 17 môn sau đây: thiên văn, địa lý, thời lệnh, hoa mộc, điểu thú, cung thất, khí dung, nhân vật, nhân sự, thân thể, y phục, ẩm thực, trân bảo, văn sử, thanh sắc, số mục và thông dụng. Như vậy, Annam dịch ngữ có thể xem là một kiểu từ điển Hoa-Việt, sắp xếp theo từng phạm trù và là từ điển đầu tiên về tiếng nước ta, vì nó ra đời trước từ điển Việt-Bồ-La của Đờ Rốt (1651). Rất có thể việc nghiên cứu sách này sẽ giúp ta càng làm rõ hơn tính thống nhất của tiếng Việt thời cổ. """