"Tia Lửa - Matayoshi Naoki & Nhật Minh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tia Lửa - Matayoshi Naoki & Nhật Minh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] Ebooks Nhóm Zalo TIA LỬA Tác giả: Matayoshi Naoki Người dịch: Nhật Minh Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 01/2019 —★— ebook©vctvegroup Nhịp điệu rền vang của tiếng trống quện cùng tiếng sáo trúc trong vắt, cao vút lan tỏa khắp không gian. Khi bóng tối buông xuống, con đường nhìn ra vịnh Atami giờ đã dịu cái nắng gắt buổi ban ngày, rộn ràng tiếng dép cỏ của các đôi nam nữ và từng tốp gia đình trong bộ áo yukata. Ở một khoảng trống hẹp bên vệ đường, vài két nhựa màu vàng đựng bia úp ngược xếp lại với nhau, bên trên đặt đôi ba tấm gỗ ép để làm thành sân khấu, tại đó chúng tôi biểu diễn tấu hài cho những người đang đi tới lễ hội pháo hoa. Chiếc micro đặt chính giữa sân khấu không phải loại chuyên dành cho tấu hài nên nhặt âm không được tốt, tôi và cậu bạn diễn Yamashita phải thay nhau ghé sát mặt như muốn ngoạm lấy micro, phun cả nước bọt vào mặt nhau mà khán giả vẫn không một ai dừng chân, tất cả cứ thẳng tiến về phía lễ hội. Vô số nụ cười nở trên khuôn mặt họ nhưng không phải dành cho chúng tôi. Tiếng nhạc của lễ hội càng lúc càng dồn dập, phải ở trong bán kính tầm một mét tính từ chỗ đặt micro mới nghe được chính xác tiếng chúng tôi diễn, vì vậy tối thiểu trong ba giây nếu chúng tôi không nói được câu gì đó gây cười thì sẽ thành như hai kẻ đang đứng tán gẫu suông, song nếu cứ cố ba giây bật ra một câu hài hước thì nguy cơ bị đánh giá là nhạt nhẽo khá cao nên chúng tôi không dại ăn thua, chỉ giữ khuôn mặt thản nhiên vừa đủ diễn cho đến khi hết thời gian cho phép. Kết quả không mấy sáng sủa nên tôi cũng chẳng nhớ chính xác mình đã tấu nội dung gì. Đại khái cậu bạn diễn hỏi tôi: “Câu nói nào của con vẹt nuôi làm anh khó chịu nhất?” thì câu đầu tiên tôi trả lời là: “Ông chủ đóng thuế hưu dần đi là vừa đấy!” Rồi sau đó là những câu mà một con vẹt không bao giờ nói như: “Cái không gian vô dụng kia vẫn chả thay đổi gì sất.”, “Tôi có chuyện quan trọng muốn nói với ông chủ.”, “Từ hôm qua đến giờ ông chủ cứ tránh mặt tôi, không phải ông định thịt tôi đấy chứ?”, “Ông không thấy tức à?” Với mỗi câu tôi nói, cậu bạn diễn lại gật gù hay bình phẩm một câu gì đó nhưng đến câu “Ông không thấy tức à?” thì không hiểu sao cậu ta lại dở chứng bật cười một mình. Lúc đó, chắc chắn những người đi qua trước mặt bọn tôi sẽ chỉ nghe thấy tiếng cười của cậu ta, nhưng vì cậu ta lại cười theo kiểu nuốt tiếng vào trong nên trông chúng tôi chẳng khác nào hai thanh niên đang đứng đực ra đó. Tiếng cười của cậu bạn diễn là phao cứu sinh duy nhất của tôi. Nói cho cùng thì sau một ngày mãn nguyện trở về nhà mà lại bị con vẹt hỏi thăm rằng: “Ông không thấy tức à?” thì hẳn tôi cũng muốn đốt trụi cánh nó. Mà thôi, đốt mất cánh thì tội nghiệp con vẹt quá. Có khi tự hơ cùi chỏ bằng bật lửa mới dọa chết khiếp được một con vật sợ lửa. Với loài chim thì hành động tự đốt tay mình hẳn là kỳ dị lắm. Nghĩ vậy tôi cũng hơi cười được một chút nhưng người qua đường vẫn chẳng mảy may để ý tới chúng tôi, thỉnh thoảng cũng có người quan tâm nhưng rồi họ toàn cau mày, giơ ngón tay thối bỏ đi với vẻ khó chịu. Đang nghĩ đã bị lạc lõng giữa đám đông thế này mà còn nghe con vẹt nuôi hỏi: “Ông không thấy tức à?” chắc tôi sẽ òa khóc mất thì chợt phía biển đằng sau chúng tôi có tiếng nổ vang lan khắp dãy núi. Gương mặt những người ngước nhìn lên bầu trời đêm lấp lánh đủ các sắc màu đỏ, lam, lục khiến tôi tò mò không biết thứ gì đang chiếu vào họ. Khi có tiếng nổ tiếp theo, tôi ngoảnh lại theo phản xạ thì thấy pháo hoa rực rỡ như ảo ảnh phủ kín cả bầu trời, tàn pháo rực sáng rồi từ từ tan biến. Tiếng trầm trồ bật ra tự nhiên của khán giả chưa kịp dứt hẳn thì lần này, một bông pháo hoa trông như cây liễu khổng lồ bung rủ xuống giữa màn đêm, vô số tia lửa li ti uốn lượn thắp sáng bầu trời đêm rồi rơi xuống biển khiến tiếng tán thưởng vang lên còn to hơn lần trước. Atami có địa hình núi bao quanh biển, rất gần gũi với thiên nhiên. Ở đó, pháo hoa mang vẻ rực rỡ và lộng lẫy át hẳn những thứ khác do con người tạo ra. Và trong đầu tôi hiện lên câu hỏi rất sơ đẳng là tại sao chúng tôi lại được mời đến một môi trường hoàn hảo như thế này. Tuy thất vọng với bản thân bé nhỏ khi bị tiếng pháo hoa vang vọng khắp núi át đi nhưng lý do đơn giản khiến tôi chưa bị dồn đến mức tuyệt vọng là sự ngưỡng mộ tuyệt đối trước thiên nhiên và pháo hoa. Cái đêm tôi nhận ra mình bất lực trước những điều vĩ đại này cũng là đêm tôi gặp được sư phụ lâu năm. Cứ như nhân lúc thần công thổ địa đi vắng, sư phụ tới rồi thản nhiên ở lại luôn vậy. Tôi quyết định sẽ không học ai ngoài sư phụ. Trong khi mọi người vẫn đang chăm chú nhìn lên bầu trời thì tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Tôi mới chuyển sang đoạn con vẹt hét vào mặt chủ: “Mi mới chính là vẹt!” thì mười lăm phút dành cho màn biểu diễn của chúng tôi cũng vừa hết. Mồ hôi đầm đìa, cảm giác trống rỗng. Vốn dĩ những màn biểu diễn bên lề lễ hội phải kết thúc trước khi chương trình bắn pháo hoa bắt đầu. Chỉ vì các cụ trong Hội biểu diễn nghệ thuật đường phố quá chiều lòng khán giả, diễn lố thời gian cho phép nên mới xảy ra cơ sự thê thảm này. Chẳng ai chỉnh sửa cái sự lệch kế hoạch bé bằng móng tay phát sinh trong chương trình phụ của lễ hội pháo hoa. Giả sử tiếng chúng tôi đủ lớn để át được tiếng pháo hoa thì có lẽ kết quả đã khác, nhưng thực tế thì tiếng chúng tôi nhỏ đến tội nghiệp. Chỉ những ai cố lắm mới nghe thấy. Khi chúng tôi rời khỏi sân khấu, từ trong căn lều căng bằng vải rẻ tiền đã ố vàng in dòng chữ “Hội thanh niên thành phố Atami” đã biến thành chỗ chén chú chén anh của các cụ phụ lão, cặp biểu diễn cuối cùng ngồi đợi trong góc uể oải bước ra ngoài. Khi đi ngang qua tôi, họ lầm bầm: “Để bọn tôi rửa hận!” với bộ mặt hằm hằm. Tuy không hiểu ngay ý nghĩa của câu nói nhưng tôi không thể rời mắt khỏi hai người, đặc biệt là người nói câu ấy với tôi. Dù họ bị lẫn trong biển người, dù dòng người qua lại che khuất tầm mắt, tôi vẫn theo dõi từ đầu tới cuối màn tấu hài của họ. Người kia, vì cao hơn bạn diễn nên phải gập cái hông gầy gò xuống như muốn cắn lấy micro, gườm mắt nhìn người qua lại và giới thiệu: “Nhóm Xuẩn Ngốc xin kính chào quý vị khán giả!”, dứt lời là anh ta gào lên như muốn gây sự với cả đám đông. Hầu hết lời anh ta nói đều khó hiểu. Rất khó miêu tả chính xác quang cảnh lúc đó, chỉ biết anh ta cứ liên tục gào thét, văng nước miếng tứ tung: “Tui ấy nha, tui có khả năng ngoại cảm à nha, nên nhìn mặt là tui biết ai lên thiên đàng, ai xuống địa ngục đó!” rồi chỉ vào từng người đi qua nói: “Địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục! Mèng ơi sao rặt tội nhân thế này!? Sống cho tử tế chứ!” Mà không hiểu sao anh ta lại nói rặt giọng phụ nữ. Trong khi anh ta tiếp tục gân cổ: “Địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục” thì người bạn diễn với vẻ mặt hệt như quỷ dữ cũng quát loạn lên với người nào phàn nàn hay cằn nhằn bọn họ mà không cần tới micro: “Muốn ngỏm phỏng! Có giỏi thì lại đây!” Đang ra rả: “Địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục, địa ngục” thì đột nhiên người kia dừng cả hình lẫn tiếng, ánh mắt hướng về một điểm. Không hiểu chuyện gì nên tôi nhìn theo hướng anh ta chỉ thì thấy một bé gái đang bị mẹ kéo đi. Trong khoảnh khắc, tôi thấy nhói ở tim và cầu mong anh ta đừng thốt ra lời nào. Nếu những gì họ đang thể hiện là để rửa hận cho sự ê chề của chúng tôi ở lễ hội này thì tôi mong họ dừng lại, nhưng anh ta đã nở một nụ cười mãn nguyện rồi thì thào bằng giọng nhẹ nhàng rằng: “Địa ngục vui vẻ!” sau đó còn bồi thêm câu: “Cháu gái, chú xin lỗi!” Chỉ nhờ câu nói đó, tôi hiểu ra chính con người này mới là thật. Xét về kết quả thì hai người đó thảm bại hơn chúng tôi nhiều, khi chương trình kết thúc, người của ban tổ chức giận tím mặt, thế mà bạn diễn của anh ta vẫn gầm gừ lườm nguýt lại, còn anh ta thì nhìn tôi cười hí ha hí hửng như một đứa trẻ. Quả thật là tôi thấy sợ sự vô tư, trong sáng ấy. Khi tôi đang thay đồ trong góc lều thì anh ta né trận rủa xả của ban tổ chức, mỉm cười tiến lại cạnh tôi, sau đó lại ra vẻ đau khổ nói: “Tiền thù lao này là đánh lẻ nên đi nhậu nhé?” Hai chúng tôi im lặng đi qua dãy phố san sát nhà nghỉ truyền thống của Atami dưới ánh sáng pháo hoa. Anh ta mặc áo sơ mi kiểu Hawaii màu đen có in hình con hổ và chiếc quần bò Levi’s 501 đã sờn. Tuy người gầy gò nhưng ánh mắt anh ta rất sắc, phong thái không phải dễ gần. Chúng tôi ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn cập kênh trong góc một quán nhậu có tấm biển hiệu đã bạc màu vì mưa gió. Ngoài chúng tôi còn có nhiều khách du lịch lớn tuổi mệt mỏi vì pháo hoa và đám đông chen chúc. Ai cũng vương vấn với màn pháo hoa quá ấn tượng. Trên tường quán treo khung giấy có chữ ký của ai đó nhưng đã ngả sang màu nâu vì khói và dầu mỡ. Bất chợt tôi nghĩ chắc người ký hẳn đã khuất núi rồi cũng nên. “Cứ gọi bất cứ món gì chú thích!” Nghe câu nói trìu mến ấy, tôi thấy nhẹ cả người hay sao mà mắt cay cay. Rồi tôi nhận ra rằng quả đúng là tôi đang sợ con người này. “Em xin lỗi vì giới thiệu muộn. Em là Tokunaga, nhóm Sparks,” tôi giới thiệu xong thì anh ta xưng tên: “Còn anh là Kamiya, nhóm Xuẩn Ngốc.” Đó chính là cơ duyên gặp gỡ giữa tôi và anh Kamiya. Khi ấy tôi 20 tuổi nên anh Kamiya chắc chắn 24 tuổi. Tôi chưa từng nhậu với đàn anh bao giờ nên không biết phải cư xử ra sao, nhưng có vẻ chính anh Kamiya cũng chưa bao giờ uống với đàn anh lẫn đàn em. “Tên Xuẩn Ngốc nghe ấn tượng quá ạ!” “Anh kém khoản đặt tên lắm. Ông bố hay gọi anh là xuẩn ngốc nên lấy tên đó luôn.” Bia được mang tới, lần đầu tiên trong đời tôi rót bia cho người khác. “Tên nhóm chú bằng tiếng Anh nghe oách nhỉ. Ông bố chú ở nhà gọi chú là gì hả?” “Bố.” Anh Kamiya vừa nhìn vào mắt tôi vừa uống một hơi cạn cốc bia, sau đó anh vẫn nhìn chăm chăm vào mắt tôi. Sau vài giây im lặng, tôi đế thêm từ “ạ”. Anh Kamiya nheo mắt lại rồi nói: “Này, đừng đột nhiên giả bộ ngu ngơ làm anh giật mình. Anh đã tốn thời gian để đoán xem chú mày có ngu ngơ không, hoàn cảnh gia đình có phức tạp không, ông bố có vấn đề không đấy!” “Em xin lỗi ạ!” “Ấy không, không phải xin lỗi. Cứ nghĩ sao nói vậy đi!” “Dạ vâng!” “Bù lại phải làm cho anh cười đấy. Nhưng khi anh hỏi nghiêm túc thì phải trả lời cẩn thận!” “Vâng.” “Anh hỏi lại lần nữa, bố chú gọi chú là gì?” “All You Need Is Love.” “Thế chú gọi bố là gì?” “Làng bô lão.” “Còn mẹ chú gọi chú là gì?” “Chả giống ma nào!” “Chú gọi mẹ là gì?” “Giống ai không biết nữa.” “Cũng đối đáp ác liệt đấy.” Cuối cùng anh Kamiya cũng mỉm cười rồi ngả lưng ra sau ghế. “Hai người kết hợp cũng mất thời gian nhỉ. Tấu hài khó thế cơ à?” “Em cũng suýt nữa thì ói.” “Hai chúng ta vẫn còn kém lắm. Thôi uống đã!” Tôi chẳng biết lựa lúc tiếp rượu nên từ lúc nào anh Kamiya đã tự rót cho mình. Anh Kamiya cứ nhắc đi nhắc lại: “Chỗ này để anh trả” làm tôi tưởng anh ngầm bảo: “Cậu trả một nửa đi” nên nói: “Em sẽ trả”, song anh Kamiya vui vẻ nói: “Hâm à! Trong giới nghệ sĩ hài thì đàn anh bao đàn em là đương nhiên mà”, nên tôi hiểu là anh chỉ muốn nói ra câu đó mà thôi. Được anh khao, tôi sướng quá nên cứ muốn hỏi thêm anh, đầu tiên là vì sao khi tấu hài anh lại hét bằng giọng nữ. “Mới mẻ mà lại. Không phải theo quy tắc nào hết. Có lý do nào không được phép dùng giọng nữ không hả?” Anh Kamiya nhìn tôi rất nghiêm túc. Tôi vội vàng đáp ngay. “Thì tại người nghe sẽ thắc mắc vì sao người này là đàn ông mà lại nói giọng đàn bà nên phần quan trọng sẽ khó vào được đầu họ.” Tôi thành thật trả lời. “Chú tốt nghiệp đại học chưa?” Anh Kamiya lo lắng hỏi, tôi đáp: “Mới hết cấp 3 ạ”, tức thì anh ấy ghé sát mặt vào tôi, giả vờ gõ vào đầu và nói: “Dốt lắm! Không học đại học thì đừng làm bộ thông minh!” Khi hai mắt anh Kamiya rũ xuống trên gương mặt đỏ gay sau năm cốc rượu trắng, miệng anh lải nhải: “Phải làm việc khác người!”, không hiểu đưa đẩy thế nào mà tôi đã cúi đầu trước anh mà rằng: “Xin hãy nhận em làm đệ tử!” Những lời đó tuyệt đối không phải nói đùa mà là bật ra từ đáy lòng. “Được thôi!” Anh Kamiya dễ dàng chấp thuận, vừa lúc nhân viên bưng rượu tới, anh Kamiya nói: “Bọn tôi vừa mới kết tình sư đồ tại đây nên cậu làm chứng nhé!” Cậu nhân viên vâng dạ cho xong chuyện. Chắc chắn đây là lần đầu tiên của anh Kamiya, vậy mà anh cư xử như biết cách thức rồi khiến tôi thấy anh thật đáng tin cậy. Vậy là chúng tôi kết tình sư đồ dưới sự chứng kiến của quán ăn lộn xộn. “Tuy nhiên, anh có một điều kiện.” Anh Kamiya nói vẻ như hàm ý gì đó. “Là gì ạ?” “Anh muốn chú luôn nhớ đến anh.” “Anh sắp chết hay sao ạ?” Anh Kamiya không trả lời câu hỏi của tôi, mắt cũng không chớp, con ngươi cũng không động đậy. Cứ như mãi suy nghĩ, đôi khi anh không nghe thấy tôi nói. “Chú không học đại học thì trí nhớ chắc kém nên sẽ quên anh ngay thôi. Anh muốn chú quan sát anh thật gần, ghi lại lời nói và hành động của anh rồi viết tiểu sử cho anh.” “Tiểu sử ạ?” “Ừ. Chú mà viết được thì coi như là lĩnh hội hết bí kíp.” Viết tiểu sử là sao? Đó là cách để chơi với đàn anh à? Công ty quản lý tôi rất nhỏ. Ngoại trừ một diễn viên nổi tiếng lên ti vi từ hồi tôi còn bé ra thì còn lại là vài diễn viên hoạt động chính ở sân khấu kịch, mỗi chúng tôi là diễn viên hài. Hồi còn đi học, có lần tham gia hội thi tấu hài nghiệp dư, chúng tôi được một chú trông tốt bụng tới hỏi chuyện, và người đó chính là giám đốc công ty của tôi hiện nay. Tưởng chỉ có một cặp tấu hài thì sẽ được ưu ái nhưng thực tế số lượng công việc rất ít, hầu hết cũng chỉ là đi tỉnh hay diễn ở những tụ điểm nhỏ. Tôi đã luôn mong mỏi có được một đàn anh. Mỗi lần diễn chung với các nghệ sĩ hài trẻ ở các công ty khác, tôi lại thấy ghen tị với những cuộc trò chuyện vui vẻ tại phòng thay đồ giữa những nghệ sĩ có mối quan hệ đàn anh đàn em với nhau. Ở đó chẳng có chỗ dành cho chúng tôi, nên chúng tôi chỉ biết thu mình ở góc hành lang hay trước nhà vệ sinh. Khi nhân viên phục vụ tới báo đến giờ gọi món cuối, anh Kamiya nói: “Em ơi, phiền em cho bọn anh thêm mỗi người hai cốc nữa được không?” “Được ạ! Các anh tới du lịch phải không?” Khi nhân viên hỏi, anh Kamiya ngồi thẳng lưng, vênh mặt trả lời chẳng ra đâu vào đâu rằng: “Anh là thổ công đất này đấy!” khiến cô nhân viên cười phá lên. “Chú có đọc sách không đấy?” “Em ít đọc lắm ạ.” Anh Kamiya tròn mắt ngạc nhiên. Sau khi nhìn chằm chằm vào hình vẽ trên áo phông của tôi, anh chuyển sang nhìn tôi rồi gật đầu thật mạnh, nói: “Đọc đi!” Có mấy người mở cửa quán, ló đầu vào, chắc lễ hội pháo hoa đã kết thúc. Mỗi lần như vậy nhân viên lại từ chối là hôm nay quán đã đóng cửa. “Hôm nay mà mở suốt thì tha hồ kiếm nhỉ!” Anh Kamiya nói vậy nhưng cửa sau quán vẫn có người ra người vào nên có lẽ đây sẽ là địa điểm ăn mừng của người dân trong vùng. “Muốn viết tiểu sử của anh thì phải biết viết lách nên chú cần đọc sách!” Hình như anh Kamiya định bắt tôi viết tiểu sử thật. Tôi vốn chẳng có thói quen chăm chỉ đọc sách, thế mà giờ lại cực kỳ muốn đọc. Anh Kamiya chưa gì đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới tôi. Ở anh có gì đó khiến tôi muốn được anh khen ngợi, không muốn bị anh ghét. Anh Kamiya vừa chọc đũa vào miếng bánh khoai tây korokke vừa hớn hở nói: “Anh mê đọc sách lắm.” Anh kể hồi học tiểu học, đến giờ đọc sách, trong khi các bạn cùng lớp tranh nhau đọc Bách khoa động vật, Gen - cậu bé chân đất thì mình lại ngấu nghiến đọc tiểu sử những nhân vật được gọi là vĩ nhân. “Chỉ có tranh ở bìa hoặc một ít trong sách thôi, còn lại rặt là chữ.” Có vẻ anh Kamiya muốn nhấn mạnh tới chi tiết sách nhiều chữ. “Chú có biết Nitobe Inazo là ai không?” “Là người được in trên tờ 5000 yên ạ?” “Chuẩn. Ông ta là người làm rất nhiều việc. Sách viết cả đấy!” “Thế ạ. Ông ấy làm gì ạ?” “Anh quên mất rồi, chỉ nhớ là lúc đọc anh khâm phục lắm.” Anh Kamiya say sưa nói sách tiểu sử hấp dẫn thế nào. Theo lời anh Kamiya, chỉ đọc trên sách vở thì thấy những việc mà các vĩ nhân làm rất đáng nể, nhưng đa phần họ đều ngốc nghếch, hồi nhỏ còn nghĩ rằng mình mà được viết tiểu sử thì mọi người sẽ ngã ngửa ra mất. Anh Kamiya khen tôi: “Chú không phải người giỏi ăn nói nhưng lại có con mắt âm thầm quan sát nên chắc chắn hợp làm người chấp bút tiểu sử.” Nhưng ước mơ của tôi là sống được bằng nghề tấu hài. Khi tôi nói điều này thì bị anh cười khẩy: “Đừng nói điều hiển nhiên thế!” Tôi hỏi anh “hiển nhiên” ở đây là gì. “Đã là nghệ sĩ tấu hài thì hiển nhiên phải có sứ mệnh tuyệt đối là mang đến những màn tấu hài thú vị, mọi hành động thường nhật đều vì mục đích tấu hài rồi. Vì thế, tất cả hành động của chú đều chính là một phần của tấu hài. Tấu hài không phải là sản phẩm của người có thể tưởng tượng được ra chuyện hài hước mà là sự phơi bày hình ảnh chân thực, không giả dối của con người. Nói cách khác, kẻ thông minh thì không thể làm được, chỉ có kẻ ngốc chính hiệu và kẻ ngốc tin mình là người thật thà mới làm được thôi.” Thỉnh thoảng anh Kamiya lại đưa ngón tay hất đám tóc mái rủ xuống mắt. “Tóm lại, phải sống hết mình vì tham vọng. Kẻ nào nói nghệ sĩ tấu hài là phải thế này thế kia thì vĩnh viễn không bao giờ thành nghệ sĩ tấu hài được. Chỉ tốn thời gian để gần trở thành nghệ sĩ tấu hài thôi chứ không thành nghệ sĩ tấu hài thực thụ được đâu. Chỉ gọi là bái vọng thôi. Nghệ sĩ tấu hài thực thụ, nói một cách cực đoan thì dù có bán rau cũng vẫn là nghệ sĩ tấu hài.” Anh Kamiya nói như thể chắc cú từng lời một. Qua tốc độ nói và nét mặt của người nói, tôi có thể biết đây là câu chuyện lần đầu tiên được kể hay đã kể quen rồi. “Không phải anh đang nói nghệ sĩ tấu hài là phải thế nào sao ạ?” Tôi nói ra điều mình thắc mắc nãy giờ. Tôi nghĩ với anh Kamiya thì có thể hỏi được. Thế nhưng anh lại bảo: “Nếu chú nói câu đấy để bới lông tìm vết thì với tư cách sư phụ, anh sẽ cho chú ra bã đấy”, khiến tôi phải giải thích rằng mình thực sự muốn biết. Anh Kamiya khoanh tay, gật đầu một cái thật mạnh. “Nói nghệ sĩ tấu hài là phải thế nào và nói về nghệ sĩ tấu hài là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Anh đang nói về nghệ sĩ tấu hài.” “Dạ vâng.” “Người diễn được bài đã chuẩn bị khi đến giờ diễn cũng đáng nể lắm rồi nhưng có người sinh ra lại không biết mình là nghệ sĩ tấu hài, chỉ thầm lặng làm anh bán rau tươi, đó mới chính là người ngô nghê thực sự. Người nhận ra tất cả điều đó sẽ một mình bước lên sân khấu, như cậu bạn thân của anh, sinh ra mà quên mất mình là một nghệ sĩ tấu hài, tồ tẹt đến giờ đã nhận ra đâu nên vẫn đang bán rau đó. Rau với rợ gì chứ. Đó, đó mới là vai dẫn dắt thực thụ.” Nói xong, anh Kamiya liền uống ực một hơi hết cốc rượu, anh giơ cái cốc lên rồi bắt đầu đếm mười, chín, tám, bảy, sáu. Lúc anh Kamiya dài giọng nói tiếng “mộtttttt” thì phục vụ mang đến đặt trước mặt anh Kamiya và tôi mỗi người một cốc rượu. Hai cốc thủy tinh được đặt trước mặt, tôi vừa nhấp môi thì anh Kamiya tủm tỉm: “Uống đi không phải vội!” Dù người ngồi trước mặt tôi không phải là thổ công nhưng càng lúc tôi càng thấy anh giống yêu quái. “Nhưng mà thế đấy.” Nói rồi anh Kamiya im lặng một hồi lâu. Chẳng biết từ khi nào, ngoài chúng tôi ra không còn vị khách du lịch nào trong quán nữa. Thay vào đó, người dân trong vùng bắt đầu kéo tới chỗ ngồi trên chiếu trong góc quán. “Như thế á, có cố mấy cũng chẳng ai cười đâu, phải mua vui được cho trẻ con, người lớn lẫn Thượng đế bằng cảm xúc thực sự ấy. Kịch Kabuki cũng vậy.” Tôi từng nghe nói kịch Kabuki hay kịch Nou có nguồn gốc từ nghi lễ cúng thần. Quả thật, giọng thì lí nhí, lại còn đúng lúc không ai muốn nghe thì chúng tôi tấu hài cho ai đây. Nghệ thuật đương đại biểu diễn cho ai chứ? “Tiểu sử được xuất bản sau khi người đó chết phải không anh?” “Này, chú đừng nghĩ có thể sống lâu hơn anh!” Anh Kamiya lườm tôi bằng ánh mắt sắc lẹm. Không hiểu tâm trạng anh thế nào khi nói ra câu ấy. Rồi anh đột ngột thay đổi thái độ, vui vẻ nói: “Khi anh còn sống thì xuất bản phần đầu, sau khi chết thì xuất bản phần giữa.” “Người ta sẽ tò mò về phần cuối và phàn nàn đấy ạ.” “Thế mới thú vị chứ.” Anh Kamiya cầm hóa đơn rồi đứng lên. Lúc về, anh Kamiya bảo: “Anh em bắt tay nhau chặt cứ như là đười ươi ấy nhỉ.” Lần đầu tiên nhậu với đàn anh nên tôi hơi căng thẳng, nhưng có vẻ anh Kamiya cũng vậy. Khi tôi cảm ơn anh đã đãi tôi, anh không nhìn vào mắt tôi, ngượng nghịu bảo: “Không có gì, không có gì” rồi chào: “Thế nhá, anh đi hướng này” và chạy mất tiêu. Nhớ lại lời anh Kamiya bảo “Tranh thủ lúc còn sống hãy viết lại những gì nhìn thấy hôm nay bằng chính từ ngữ của mình”, tôi thấy ngực mình nóng ran. Tôi đang mong được viết chăng? Hay là vui vì tìm được người để gửi gắm nhiệt huyết? Trên đường về nhà nghỉ, tôi ghé vào cửa hàng tiện lợi mua một chiếc bút bi và cuốn vở đắt hơn bình thường. Vừa bước trên con đường ven biển gió thổi mát rượi, tôi vừa nghĩ xem nên bắt đầu viết từ đâu. Hình như khách xem pháo hoa đã về hết nhà nghỉ, chỉ còn lác đác vài bóng người cùng tiếng sóng biển êm dịu. Tôi chú ý lắng nghe thì thấy tai ù ù như tiếng pháo hoa, tôi chạy một đoạn tới cột điện tiếp theo. * * * Anh Kamiya thuộc một công ty giải trí lớn ở Osaka nên người làm việc ở Tokyo như tôi khó có cơ hội gặp mặt. Tuy vậy, anh vẫn thường xuyên liên lạc với tôi. Sau một ngày không trò chuyện với ai, thấy điện thoại rung, màn hình hiển thị dòng chữ “Kamiya Saizo” là tim tôi lại khẽ nhảy múa. Lần nào cũng thế, bằng một giọng the thé đầy vẻ nghi ngờ, anh hỏi ngay vị trí của tôi: “Đang ở đâu đấy?” Nếu tôi trả lời rằng đang ở Tokyo thì anh tỏ vẻ tiếc rồi từ từ thuật lại tình hình của anh cho tôi. Đang lúc giọng anh Kamiya hào hứng, tốc độ lên hết cỡ thì đột nhiên điện thoại tắt phụt. Rồi một tin nhắn được gửi tới sau vài phút: “Máy hết pin, hẹn lần khác!” Đấy là trình tự thường thấy ở mỗi cuộc gọi. Thấy anh Kamiya cứ nói rào rào như máy khâu, đôi khi tôi bực vì mình không thể nói nhanh. Tuy trong đầu những hình ảnh khổng lồ đã cuộn trào lên rồi, nhưng hễ tôi định lôi chúng ra thì từ ngữ cứ trôi tuột đi như chất lỏng khiến tôi không tài nào bắt kịp. Nói chuyện với nhiều người một lúc thì bệnh trạng còn lộ rõ hơn. Số người càng tăng thì số lượng từ càng tăng. Khi một từ lọt vào tai, sẽ có một mạch truyện khác sinh ra, nhiều hình ảnh cùng lúc đan xen trong đầu khiến tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Anh Kamiya lại thích tôi như vậy. “Nói nhanh thì mới truyền đạt được nhiều thông tin. Kiểu đứng nhiều ở vị trí đánh bóng thì vẫn hơn chứ phỏng? Cho nên phải nói nhanh là chắc chắn luôn. Nhưng chú không làm được đúng không? Nhưng chính như vậy chú mới có cách thể hiện khác người. Thích thật đấy. Bố mẹ anh không phải nghèo khó gì. Hồi bé, đồ chơi và trò chơi điện tử với anh là thứ rất bình thường, anh chơi suốt, nhưng có bác trung niên lại bảo rằng thời bác ấy làm gì có đồ chơi. Mỗi lần nghe vậy anh lại thấy tò mò. Nói thế này nghe thật buồn cười, nhưng anh thật sự thấy ghen tị. Tại vì nhé, không có thì mình mới phải tự làm, tự suy nghĩ. Thế mới vui chứ. Bị buộc ở trong hoàn cảnh phải tự tạo ra đồ chơi. Ngữ như chú chắc là hiểu nhỉ? Nhà chú có vẻ thuộc loại nghèo kiết xác mà.” Anh Kamiya thản nhiên phát ngôn một câu khá đụng chạm nhưng tôi không cảm thấy có ác ý trong đó. Thực tế đúng là nhà tôi không giàu có. Tôi không có một món đồ chơi nào. Có hôm tôi chơi bằng cách vẽ trên giấy suốt cả ngày. Cũng có lúc lôi bàn cờ tướng của bố ra, nghĩ cách đi quân theo kiểu của mình, dùng hết các quân để bày binh bố trận hòng bảo vệ tướng, rồi đợi tới lúc nhận ra là chẳng có ai tới tấn công. Mỗi lần tôi kể chuyện đó là anh Kamiya lại vô cùng ghen tị. Anh bắt tôi kể đi kể lại chuyện chị gái tôi luyện bài “Giẫm phải con mèo” bằng đàn piano giấy. Để không bị chậm so với các bạn có đàn piano hay organ ở nhà, chị tôi đã rất cố gắng. Nhưng một hôm, khi đến đón tôi ở nhà trẻ, mẹ bảo: “Đến xem chị con cố gắng thế nào đi” rồi dắt tôi đi, tới nơi, nhìn vào lớp học đàn Yamaha của chị, tôi thấy trong khi các học sinh khác đang biểu diễn thì chỉ mình chị ngồi trước đàn, bồn chồn nhìn xung quanh, tay rờ rờ mặt dưới đàn. Tại sao chị không đánh đàn!? Mẹ cũng nhìn chị lo lắng. Cô giáo cuối cùng cũng nhận ra sự bất thường, tiến lại chỗ chị thì chị bảo: “Đàn không có tiếng ạ!” Tức thì, cô giáo bật nguồn điện lên như một điều hiển nhiên, chị lại tham gia vào màn biểu diễn. Căng thẳng khiến người chị cứng đơ, hai vai so lại bất thường trông thật khổ sở. Nhìn thấy người chị luôn dịu dàng, đáng tin cậy trong dáng vẻ như vậy, không hiểu sao tôi thấy nghẹn ở lồng ngực, nước mắt cứ thế trào ra. “Sao phải khóc? Chị con đang cố gắng mà!” Mẹ tôi nói, mắt cũng đỏ hoe. Tối hôm đó về nhà, chị vẫn im lặng miệt mài đánh đàn piano giấy. Tôi ngồi bên cạnh chị, nhiệt tình hát những bài chị đánh. Bố tôi say rượu quát ầm lên: “Điếc tai quá!” nhưng chúng tôi vẫn không dừng lại. Vài ngày sau, một chiếc đàn piano tuy nhỏ nhưng xịn đã được chuyển tới căn nhà chật chội của chúng tôi. Bố chửi mẹ xối xả. Vì mẹ đã tự ý mua cho chị. Nghe xong câu chuyện, anh Kamiya sụt sịt, rồi bằng giọng ân cần, anh nói: “Thích thật. Anh đảm bảo sẽ có những chuyện cười mà chỉ có chú mới nghĩ ra.” * * * Một năm trôi qua kể từ lễ hội pháo hoa Atami, cả anh Kamiya và tôi đều không có thay đổi lớn gì trong công việc. Một số nghệ sĩ hài cùng thời với tôi bắt đầu xuất hiện trên truyền hình. Trông họ thật hào nhoáng và tài năng. Tôi không ngốc tới mức đổ lỗi sự bất hạnh của bản thân cho thời cuộc. Giữa tôi và họ rõ ràng cách xa nhau về năng lực. Chiến trường chính của chúng tôi vẫn là những sân khấu nhỏ, và để được biểu diễn ở đó, mỗi tháng một lần chúng tôi phải đến diễn thử và tham gia thi loại. Nhiều nghệ sĩ trẻ được tập trung lại lúc nửa đêm. Những thanh niên mặc trên người bộ quần áo nhem nhuốc, bị nhồi trong phòng đợi chật chội, tất cả đều đói, chỉ riêng ánh mắt là vẫn sáng. Quang cảnh giống hệt bức vẽ kỳ quái một đám người hỗn tạp không chút hào nhoáng đang ngập đầu trong sình lầy. Từng cặp được gọi vào phòng để diễn tấu hài hay tiểu phẩm ngắn trước mặt đạo diễn chương trình. Trải qua nhiều giờ, phía giám khảo mỗi lúc càng mệt mỏi, tuy thấy thương họ nhưng tôi cũng hơi lo lắng không biết họ có đánh giá được chính xác sự hay dở của tác phẩm không. Giả sử họ lăn đùng ra đấy thì còn biết là đã đến giới hạn, song nhìn từ bên ngoài thì không thể biết tư duy của giám khảo có làm việc chính xác không. Tuy thế cũng chẳng một ai kêu ca bất công. Vì đây là buổi thi tuyển để giành quyền thể hiện trước người khác, nên ai cũng mang nặng trong lòng cảm giác nếu không chứng minh được giá trị bản thân ở đây thì đừng hòng nói ra suy nghĩ của mình. Cho dù đó chỉ là ảo giác và không có sự ép buộc tư duy nào hết. Mỗi chúng tôi đều đang đương đầu theo cách của mình để có được chỗ thể hiện bản thân, có được quyền phát ngôn, hoặc là để thoát khỏi cái nghèo. Trải qua những lần diễn thử, cùng với việc xuất hiện trên sân khấu nhiều hơn, nhóm Sparks cũng được gọi tới chương trình của các công ty khác, được tạp chí hài giới thiệu chút ít trên góc nghệ sĩ trẻ, dần dà cũng được khán giả tới xem kịch nhớ tên. Thời gian này tôi nhận được liên lạc từ anh Kamiya nói sẽ chuyển địa bàn hoạt động tới Tokyo. Có vẻ anh cảm nhận được giới hạn trong công việc ở Osaka. Những người cùng lứa nghệ sĩ vào nghề từ sáu năm trước với anh Kamiya đã nhận được không ít cơ hội xuất hiện trên truyền hình, tuy tần suất khác nhau. Số còn lại thì nghe nói đã bỏ hẳn nghề diễn viên hài. Anh Kamiya kêu đã phát ngán khi thấy mọi người cứ giữ ý với mình ở sân khấu kịch chỉ còn rặt đàn em. Trong giới nghệ sĩ hài, nổi tiếng ở Osaka rồi sau đó lấn sân lên Tokyo là lý tưởng nhất, nhưng nhiều người bị chệch khỏi guồng máy sân khấu cũng lên Tokyo để tìm môi trường mới. Với nghệ sĩ trẻ, dù Tokyo là môi trường khắc nghiệt nhưng không ít nhóm đã thành danh ở vùng trời mới này. Tuy nhiên, thực tế là tồn tại một bộ phận người may mắn, dù ở đâu họ cũng có thể tạo ra kết quả. Công ty nào cũng thích nghệ sĩ trẻ biết nghe lời hơn đám nghệ sĩ lâu năm cũ rích. Năng khiếu nghệ sĩ của anh Kamiya bộc lộ rõ khiến đệ tử như tôi cũng thấy bất an. Mặt khác, sự vụng về của anh trong quan hệ với xung quanh cũng nổi bần bật. Đây là điều tôi có thể nói về hai con người của nhóm Xuẩn Ngốc. Nhóm Xuẩn Ngốc hoàn toàn vô danh với xã hội nhưng tiếng xấu lừng lẫy trong giới nghệ sĩ, đến cả ở phòng thay đồ trên Tokyo người ta còn thường bàn tán về kiểu hành xử lỗ mãng của họ. Anh Obayashi, bạn diễn của anh Kamiya, vốn là đầu gấu nổi tiếng tới mức sống ở thành phố kế bên như tôi cũng biết tên. Nhưng anh Obayashi cũng là người giàu tình cảm như bao gã đàn ông hổ báo khác. Có điều anh chỉ biết dùng bạo lực để đáp trả ác ý thâm hiểm nên bị hiểu lầm cũng phải thôi. Trong khi đó anh Kamiya cũng kém khoản tạo dựng quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Anh Kamiya mà tôi được nghe kể và anh Kamiya mà tôi biết có sự khác biệt lớn, nhưng nhớ lại chuyện ở Atami thì tôi phần nào hiểu được những lời đồn đại ấy. Nếu luận trên quy phạm xã hội thì cả hai đều là dạng xuẩn ngốc hết thuốc chữa. Kể từ lúc biết anh Kamiya sẽ lên Tokyo, bản thân tôi cũng không hiểu được cảm giác đang xâm chiếm lồng ngực này là niềm hy vọng hay sự bất an nữa. * * * Tôi vừa bước trên con phố gần nhà vừa tìm bóng dáng cây hoa mộc tê. Tối qua, chắc chắn tôi thấy thoang thoảng hương hoa mộc tê quanh đây, trong lòng háo hức sáng dậy phải đi tìm ngay. Anh giai thường đứng chèo kéo khách trước hộp đêm đạp xe lướt ngang qua tôi. Chắc chắn cái cây không ở trước ga như thế này. Đúng lúc tôi định quay về nhà trọ để tìm lại thì có tin nhắn từ anh Kamiya: “Anh đang ở Kichijoji. Chú đang ở đâu? Ký tên Đào vô thiên lủng.” Tôi nhắn lại: “Em đang ở Koenji. Em sẽ đến Kichijoji ngay. Ký tên Hoa mộc tê than khóc” rồi rảo bước nhanh tới ga, chạy lên cầu thang ra sân ga, nhảy lên tàu tuyến Sobu rồi tôi mới tĩnh tâm lại. Vừa ngắm cảnh sắc thành phố bắt đầu chuyển mùa qua cửa sổ tàu, tôi vừa lắc lư theo đoàn tàu tới Kichijoji. Cửa Bắc ga Kichijoji ngày thứ Bảy đông nghẹt học sinh và từng tốp gia đình. Giữa dòng người trôi đi nhẹ nhàng về những mục đích khác nhau, một người đàn ông khoác trên mình bầu không khí nặng nề, đứng trân trân mặt nghiêm nghị như đang đỡ toàn bộ trọng lượng xung quanh. Anh Kamiya xuất hiện trước tôi trong khung cảnh thường ngày giống một khối dị thường. Nhận ra tôi anh Kamiya mỉm cười vui vẻ: “Cứ tưởng yêu quái nào hóa ra là Tokunaga.” “Em phải nói câu này mới đúng! Anh về Osaka ngay đi! Về mau mau mau!” Tôi nói. Cảm giác thật kỳ lạ khi đi bộ trên đường phố Kichijoji cùng anh Kamiya. Anh Kamiya say sưa giải thích cho tôi nghe tại sao mùa thu lại làm nảy sinh cảm giác u ám. Ngày xưa con người cũng giống như động vật, đánh đổi cả sinh mạng để vượt qua mùa đông. Nhiều sinh vật đã chết trong mùa đông. Nên dấu vết còn sót lại của điều đó là nỗi sợ hãi trước thềm mùa đông. Giải thích này có thể đúng logic, nhưng một người có tâm trạng u ám mạn tính quanh năm như tôi thì không thể dung nạp ngay từ phần mở đầu câu chuyện. “Không khen được câu ‘hay quá’ à?” Tiếng anh Kamiya làm tôi bừng tỉnh. “Em xin lỗi.” “Ai cần xin lỗi. Từ lúc lên xe buýt ở Osaka anh đã mong mỏi kể chuyện này để được chú mày ngưỡng mộ cơ đấy.” Tôi thấy ưu điểm của anh Kamiya là dám bộc lộ tham vọng không ngượng ngùng. “Ôi em á, u ám quanh năm. Hay tại tổ tiên của em luôn trong tình trạng khủng hoảng mạn tính nhỉ?” “Cũng phải. Chắc các cụ ở trong môi trường quá an toàn nên đã tự tạo ra kiểu căng thẳng khác cũng nên?” Anh Kamiya nói liến thoắng. “Thế thì hâm quá anh nhỉ!” “Biết thế nào được.” Chúng tôi chỉ định đi loanh quanh nhưng từ khi nào đã đứng xếp hàng vào công viên Inokashira. Đi xuống cầu thang dẫn tới công viên, gió len qua kẽ lá đã đổi màu, mơn man trên má, trôi về phía sau. Ở công viên thời gian trôi chậm rãi hơn ở trước ga, lại có đủ kiểu người thơ thẩn không mục đích nên anh Kamiya dễ hòa nhập hơn. Còn tôi thì mê cảnh hoàng hôn ở công viên này nên vui mừng vì đã đưa được anh Kamiya tới đây. Ở rìa hồ, có cậu thanh niên nét mặt vô cảm đang đánh loại nhạc cụ thon dài như đánh trống, tôi cũng đã để ý nhưng anh Kamiya thì dừng bước lộ liễu trước mặt cậu ta mà chẳng thèm bận tâm tới xung quanh, nghiêng đầu hết nhìn nhạc cụ lại săm soi khuôn mặt. Tại sao trong vô số nhạc cụ cậu ta lại chọn nhạc cụ này? Còn anh Kamiya thì chắc chắn sẽ chọn loại nhạc cụ hình thù phức tạp lại khó tưởng tượng sẽ phát ra âm thanh như thế nào. Chàng trai đánh nhạc cụ bị soi mói thì tỏ ra khó chịu, nhăn trán và dừng màn biểu diễn một cách uể oải. “Đánh cho tử tế vào!” Đột nhiên anh Kamiya hét lên. Tôi quá bất ngờ nên bất động luôn. Anh Kamiya giương hai mắt gườm gườm chàng trai. Cậu ta khựng lại giây lát rồi rờ tay lên lưỡi trai chiếc mũ màu đỏ đang đội, ngượng ngùng cúi xuống vì bị quát. Hành động trông như cậu ta muốn tin rằng người bị quát không phải là mình. “Đang nói cậu đó!” Anh Kamiya vẫn không tha. Có lẽ con người này đầu óc có vấn đề thật. Tôi có nên ngăn anh ấy lại không? Nhưng tôi cũng muốn biết lý do vì sao anh Kamiya lại bộc phát như vậy. “Cậu đang biểu diễn phải không? Nếu diễn ở nhà không ai xem thì không nói làm gì. Nhưng cậu muốn biểu diễn ở ngoài chứ gì? Lần đầu tiên tôi nhìn thấy loại nhạc cụ thế này đấy. Trông nó rất oách. Nên tôi muốn nghe xem nó phát ra âm thanh như thế nào. Vì vậy đừng có đánh cà chớn nữa. Chơi cho tôi nghe đi xem nào!” Ngước nhìn anh Kamiya, cậu ta trả lời một cách khó chịu: “Không, tôi không có ý đó.” “Ý đó là ý gì? Hình như anh thành thằng dở hơi rồi ấy nhỉ?” Anh Kamiya vừa nói vừa đưa ánh mắt bất an nhìn tôi. “Anh rõ là dở hơi còn gì,” tôi trả lời anh Kamiya, nhưng có vẻ anh không hiểu vì sao tôi lại cười. Tôi xin lỗi cậu thanh niên rồi bảo cậu ta có thể thể hiện một chút thôi được không, rồi chúng tôi sẽ đi ngay. Cậu ta bắt đầu miễn cưỡng đánh vào nhạc cụ trông giống cái trống. Anh Kamiya nhắm mắt, khoanh tay, nhịp chân phải theo điệu nhạc. Cậu thanh niên thấy anh Kamiya như vậy cũng yên tâm đánh nhanh hơn. Người đi dạo trong công viên lúc chiều tà nhìn chúng tôi như lạ lắm. Cậu thanh niên gõ mạnh vào nhạc cụ. Nhịp điệu nhanh hơn và vào đoạn đánh dồn dập. Tức thì anh Kamiya giữ nguyên nhịp chân phải, đưa tay phải ra trước, làm điệu bộ đẩy bàn tay vào không khí hai lần. Nhận ra điều đó, cậu thanh niên giảm dần nhịp điệu, anh Kamiya thu tay lại khi đã đến mức vừa phải. Cậu thanh niên giữ nhịp ở đó rồi mải mê diễn tiếp. Từ khi nào vài cô gái trẻ đã tập trung lại xung quanh chúng tôi. Càng lúc càng cao hứng, cậu thanh niên bắt đầu kiểu đánh mới thì anh Kamiya lại vừa giữ nhịp bằng chân phải vừa đưa tay phải ra hãm lại. Cậu thanh niên thôi kiểu đánh mới, quay về kiểu ban đầu. Anh Kamiya gần như một người chỉ huy dàn nhạc. Mồ hôi túa ra trên trán cậu thanh niên, người dừng chân ngày một đông lên. Tôi cũng vô thức gật gù theo âm thanh từ khi nào. Âm thanh và dư âm của nó kết nối liên tục tạo thành giai điệu. Anh Kamiya cũng là một phần trong đó. Cậu thanh niên lắc mái tóc dài thò ra từ chiếc mũ đỏ, vẫn cuồng nhiệt đánh vào nhạc cụ. Đúng lúc đó, anh Kamiya bất chợt cất cao giọng hát một bài ngô nghê: “Anh đánh trống đánh trống ơi! Anh đánh trống đánh trống ơi! Anh mũ đỏ chót ơi! Rồng ơi tỉnh dậy đi! Bằng tiếng trống kia!” Mặc tôi cản, anh Kamiya vẫn không ngừng hát. Xung quanh đột ngột tối sầm một màu tím, từng hạt mưa làm ướt vai áo, rồi dần ướt đẫm cả áo tôi. Như một tín hiệu, đám đông nháo nhác tản đi, còn cậu thanh niên vẫn tiếp tục chơi nhạc. Tôi cùng anh Kamiya đầu trò cũng rời khỏi đám hỗn độn đó. Khi nhìn thấy tấm biển hiệu “Cà phê Musashino” thì mưa càng nhảy nhót mạnh hơn trên mặt đường, không chần chừ chúng tôi bước lên cầu thang và mở cửa quán. Trong quán tối mờ mờ, vài ngọn đèn chiếu ánh sáng ấm áp lên bức tường màu trắng. Tiếng nhạc giao hưởng phát ra nhẹ nhàng khiến tôi có cảm giác những ồn ào ngớ ngẩn khi nãy như một giấc mơ. Ngồi xuống ghế bên cửa sổ, chúng tôi có thể thấy mọi người đang rảo bước chạy về phía ga. Tôi gọi cà phê còn anh Kamiya gọi bánh phô mai, song vì đây là quán chuyên cà phê nên mỗi người phải gọi một ly cà phê, anh Kamiya không hề cằn nhằn, nói: “Anh thích phong cách thế này. Anh là nghệ sĩ tấu hài mà yêu cầu hát nhạc chế thôi thì anh cũng khó chịu lắm” rồi gọi loại cà phê Blue Mountain đắt nhất. Khi nãy ở công viên tôi khá hưng phấn, nhưng giờ vừa nhâm nhi cà phê vừa nghĩ lại thì có thể bật cười thật dễ chịu. Anh Kamiya nói: “Quan trọng là làm hỏng thế giới tươi đẹp, thế giới tươi màu bằng cách nào!” trong tiếng mưa vẫn đang rơi. Anh nói không chút do dự rằng có làm vậy thì một thế giới đẹp tuyệt vời trên cả hiện thực mới xuất hiện. Thế giới không được đánh hết mình loại nhạc cụ kỳ lạ kia thì có gì đẹp đẽ đâu. Không cần biết chàng thanh niên đó có được nhạc cụ ấy bằng cách nào. Nhưng vì thế giới, chàng trai nên chơi nhạc cụ bằng cả cuộc đời mình. Làm hỏng thế giới tươi đẹp cũng phải bằng một thanh gươm nhiệt huyết. “Anh đánh trống đánh trống ơi! Anh mũ đỏ chót ơi!” Anh Kamiya lầm bầm bằng giọng khàn khàn. Chắc tại khi nãy đột nhiên gào lớn nên khản giọng. Khi tôi chê đoạn “Rồng ơi tỉnh dậy đi! Bằng tiếng trống kia!” rõ ràng là mắc cười và vần điệu ngang phè thì anh Kamiya giải thích: “Tại rồng vốn là loài quá oai phong tới mức vô duyên mà. Quá thì mới hay. Quá lớn cũng thú vị còn gì. Cái gì cũng quá lên mới tốt. Phải làm quá lên rồi bị người lớn mắng cho ấy,” sau đó nhấp một ngụm cà phê đầy mãn nguyện. “Cái câu ‘phải bị người lớn mắng cho ấy’ đúng kiểu dớ dẩn quá tầm thường anh ạ!” Không hiểu sao trước anh Kamiya, tôi có thể nói thẳng ra suy nghĩ của mình. Anh Kamiya có một chút suy tư. Vì anh Kamiya không dùng đường và sữa nên tôi cũng uống luôn cà phê đắng dù không quen. Tiếng rửa cốc của ông chủ quán vọng ra. “Nói thật, đó mới là chỗ khó. Mà dù tầm thường nhưng vẫn phải giữ được chuẩn phong độ!” “Nghĩa là sao ạ?” “Chắc chú cũng từng nghe câu ‘phải bị người lớn mắng’ rồi nhỉ. Nhưng mà nhé, chỉ bởi mình đã từng nghe, mình biết mà phủ nhận suy nghĩ đó là tầm thường thì anh thấy làm sao ấy? Anh không khó chịu vì bị phủ nhận, mà vấn đề là bản thân sống bằng thước đo như vậy có được hay không thôi.” Như tôi biết thì tấu hài của anh Kamiya dù sử dụng ngôn từ mà ai cũng biết vẫn có khả năng công phá không tưởng, nên câu chuyện này có lẽ là thể hiện cốt lõi con người anh Kamiya. “Nếu chỉ phán xét xem tầm thường hay không thì xuống cấp thành cuộc thi phô trương sự phi thường à? Song ngược lại, phủ nhận ngay cái mới thì lại biến thành cuộc thi phô trương kỹ thuật ư? Hoặc lại chỉ coi sự trộn lẫn khéo léo cả hai là hay thì xuống cấp thành cuộc thi cân bằng à?” “Em cũng nghĩ thế ạ,” tôi đồng ý không giấu giếm. “Chỉ lấy một tiêu chuẩn để cân đo cái gì đó thì sẽ khiến mắt ta mờ đi. Ví dụ, những kẻ theo chủ nghĩa thấu cảm đáng ghét vãi ra nhỉ? Thấu cảm thì mát ruột mát gan thật đấy, nhưng phần thấu cảm lại nổi bật nhất nên chẳng có gì hay ho vượt trội cả. Đến kẻ khờ cũng hiểu rằng con người đã liên quan tới sáng tạo thì phải biết tách khỏi thước đo dù cảm giác rất dễ lệ thuộc vào đó. Bởi ta sẽ không thấy được những thứ khác. Đây chính là điều răn với chính anh nữa,” anh nói nghe thấm từng từ từng chữ. “Phê bình điều gì đó khó thật anh nhỉ!” “Phê bình theo logic thì khó thật. Khi xuất hiện phương pháp luận mới thì cũng sẽ xuất hiện nhiều người thực hành nó. Chắc cũng sẽ có người phát triển hay cải tạo nó. Mặt khác lại xuất hiện kẻ muốn khẳng định đó chỉ là trào lưu. Những kẻ như vậy lại thường có tuổi. Nên có chút sức thuyết phục. Thế là việc dùng phương pháp đó bị coi là dị giáo. Và rồi kể cả khi cần dùng trên mặt câu chữ cũng không dám dùng phương pháp đó nữa. Có khả năng nhờ tránh phương pháp đó mà lại sinh ra cách diễn đạt mới, khi ấy dù ý tưởng mới đó mang lại sự phấn chấn đầy kích thích thì nó vẫn dở dang. Nên thú vị đấy nhưng bỏ nó đi khi còn chưa chín thì quá phí. Chỉ đòi hỏi sự phấn khích khi ý tưởng mới nảy sinh thì chẳng khác gì hành vi bẻ gãy cành cây đang độ lớn. Vì vậy lĩnh vực có nhiều nhà phê bình già khó tính thì hầu hết đều xuống dốc. Cứ đợi đến lúc vững chãi có phải hơn không. Nói cách khác là nên đợi đến khi thành cành mập mạp trên thân cây to. Có nhiều thứ phải như thế thì mới trở nên thú vị được. Chắc họ định cắt bỏ cành để dinh dưỡng chỉ tập trung cho thân cây chăng. Cách nghĩ như thế cũng đúng, nhưng từ xa lại không nhìn thấy được cây và cây cũng không đậu quả. Nên anh có thể khẳng định rằng một khi bắt đầu phê phán thì khả năng của người nghệ sĩ tấu hài chắc chắn sẽ tệ đi.” Tôi nén không buột ra câu: “Phát ngôn của anh là phê phán dư luận còn gì.” Trong lời nói của anh Kamiya có lẽ phải nhưng tôi thấy đó chỉ nhằm cứu vớt để không gạt bỏ những con người hay sự việc ngoại lệ. Tôi nghĩ quả thật việc loại bỏ những trường phái mới ất ơ để bảo vệ lĩnh vực đó là cách tự vệ chính đáng. Tuy nhiên trường hợp tất cả đều xuôi chèo mát mái mà phải chọn bên nào thú vị hơn thì tôi vẫn thiên về cách nghĩ của anh Kamiya. Tuy có sự may rủi trong đó. “Nhưng em nghĩ không thể nào tránh bị đánh giá đâu.” Anh Kamiya vẫn cầm tách cà phê bằng tay phải, sững người, hai mắt mở to. Trong quán tối mờ mờ vẫn đều đều tiếng nhạc nhẹ nhàng, ca khúc tôi đã nghe đâu đó với lời ca tương tự lặp đi lặp lại. Tên bài hát là gì ấy nhỉ. “Ừ. Nên cách duy nhất là thành tên ngốc, thẳng thắn cảm nhận điều đó có thú vị hay không. Không bị chi phối bởi ý kiến của người khác. Anh mà chỉ nói xấu tác phẩm của người khác thì cứ giết anh đi. Vì anh muốn suốt đời làm nghệ sĩ hài thôi. Cà phê này thơm thế nhỉ!” Anh Kamiya vừa nhìn đăm đăm vào ly cà phê vừa nói. “Ngon thật đấy ạ. Nhưng em có thể song hành cùng cảm nhận của sư phụ được không ạ?” “Bây giờ thì cứ song hành đi! Song hành á?” Anh Kamiya thẹn thùng thì thào. Anh ấy xấu hổ vì hùa theo tôi dùng từ không mấy khi dùng. Tôi có thể tin tưởng cảm xúc này? Tôi vốn sợ người khéo léo biết dùng những từ ngữ đang thịnh hành, dù điều đó có thể mâu thuẫn với những điều anh Kamiya nói. “Này, nãy giờ chú có nhận ra khi đặt tách cà phê lên đĩa anh cố không tạo ra tiếng động không?” Anh Kamiya nói. “Có chứ ạ.” “Thế thì phải nói chứ. Không thấy chú nói gì nên anh không biết nên thôi chưa đấy!” Anh Kamiya nói giọng khàn khàn. Khi ra khỏi quán cà phê, ông chủ quán nói với chúng tôi: “Chúng tôi chỉ còn mỗi cái này thôi nhưng các anh không cần trả lại đâu” và đưa ra một chiếc ô nilon. Anh Kamiya cảm động trước tấm lòng của ông chủ quán đã cho chiếc ô duy nhất. Bước xuống cầu thang ra tới đường thì mưa đã ngớt không cần tới ô. Song anh Kamiya không chần chừ mở ô rồi rảo bước. Tôi cũng lôi chiếc ô gấp gọn trong cặp ra và giương lên. Mưa ngay lập tức tạnh hẳn. Mây trôi rất nhanh và bầu trời tối hiện ra ở đằng xa. Đèn đường cùng đèn ô tô phản chiếu lấp lánh trên mặt đường còn ướt. “Tám mươi hai,” anh Kamiya đột nhiên hét lên con số bí ẩn. Tôi thấy mừng vì ngoài tôi ra vẫn có người bộc phát buông ra từ ngữ khó hiểu như thế này. “Anh đánh trống đánh trống ơi! Anh đánh trống đánh trống ơi! Anh mũ đỏ chót ơi! Rồng ơi tỉnh dậy đi! Bằng tiếng trống kia!” Không biết ai bắt đầu trước mà chúng tôi đang cùng hát bài hát dớ dẩn do anh Kamiya sáng tác ra. Mưa tạnh, trăng lấp ló trong mây, con phố còn vương mùi mưa mang diện mạo bóng bẩy khác hẳn lúc xế chiều, những người đeo vẻ mặt hợp với diện mạo đó qua lại tấp nập. Chỉ có anh Kamiya và tôi là còn che ô. Không ai nhìn chúng tôi lấy làm lạ cả. Anh Kamiya vẫn không mảy may có ý định giải thích lý do vẫn còn che ô. Tuy nhiên, anh ngước nhìn trời vài lần rồi tìm kiếm sự đồng ý của tôi: “Khi nào mới tạnh nhỉ?” Tôi hiểu tâm trạng của anh Kamiya không muốn phí phạm lòng tốt của ông chủ quán cà phê. Nhưng với cảm xúc pha trộn giữa ngưỡng mộ, ghen tị và một chút khinh thường, tôi thấy vừa sợ lại vừa yêu sự trong sáng của anh Kamiya - người tin chắc rằng gửi tấm lòng mình vào việc che ô dù trời không mưa là cách thể hiện tốt nhất. * * * Người đi trên phố cuối năm đều mặc trang phục tối màu, chân bước vội vã. Quảng trường phía cửa Bắc ga Kichijoji được trang hoàng đèn màu quy mô lớn cho dịp Giáng sinh và năm mới khiến con phố thêm rực rỡ, nhưng anh Kamiya như không quen với các hoa văn hình khối thì lẩm bẩm: “Cái này vẫn đang dở dang nhỉ? Lúc hoàn thiện trông nó thế nào ta?” Tôi phân vân không biết có nên nói với anh rằng: “Như thế này là hoàn thiện rồi đấy ạ” hay không. Kichijoji vẫn nhộn nhịp như mọi khi, nhưng không biết có phải nhiệt độ thay đổi làm màng nhĩ tôi cũng thay đổi hay không mà sự ồn ào của đường phố nghe như âm thanh lùng bùng từ loa đài đâu đó. Chúng tôi ngày nào cũng ở đây như đang nghiên cứu phố Kichijoji, đi loanh quanh không phương hướng, mệt thì vào quán Mifune trong con phố buôn bán Harmony, gọi đúng một món thịt heo xào ngồng tỏi, tiện thể làm vài chén, sau đó lại vào đại một quán rẻ tiền khác vẫn còn mở cửa. Lúc ra về thì đã hết tàu. Tức thì y như rằng anh Kamiya lại rủ rê: “Anh ở ngay gần đây, hay chú đến đi!?”, nhưng hồi chưa gặp anh Kamiya tôi không có thói quen uống tới say mèm, lại nghĩ lăn ra đấy vì rượu trước mặt đàn anh cũng chẳng hay ho gì nên khi còn vài xu lẻ thì tôi ngủ ở tiệm cà phê truyện tranh, không còn xu nào thì ngồi ở ghế công viên Inokashira đợi tới khi chuyến tàu đầu tiên chạy. Ngày hôm đó, anh Kamiya lại rủ tôi đã say khướt về nhà. Tôi từ chối rằng: “Giờ em đang buồn nôn gấp năm lần lúc ngồi thuyền của lái tàu ẩu nhất bến cảng rồi anh ạ” thì anh cũng không tha: “Ví von nghèo nàn thế thì gay, chú phải tu luyện thêm đi.” “Thôi say lắm rồi về nhà anh đi!” Anh Kamiya kéo tay cố lôi tôi đi khi tôi toan ra về. Tôi đang trong tình trạng có thể nôn ra bất cứ lúc nào nhưng anh Kamiya còn say tới mức không thể say hơn. Tôi kiểu gì cũng muốn về nên bảo: “Thôi, em đã bảo thôi mà!”, rồi cố gỡ tay anh Kamiya ra bằng được, thì đột ngột bị anh Kamiya đá mạnh vào bàn tọa. Tiếng va đập vang lên trong con phố buôn bán trước ga lúc nửa đêm khiến mấy người vô gia cư đang đi tít phía xa cũng phải ngoái đầu lại nhìn. “Đau thế! Sao anh lại đá em!?” Tôi vừa nói xong thì anh Kamiya khuyu gối rồi bò lăn ra cười. “Đừng có nổi khùng chứ. Chú đang say nên anh mới lo. Thôi cứ về nhà anh đã.” Buông một câu giải thích khó chấp nhận rồi anh Kamiya một mình bước đi. Tôi chẳng còn cách nào khác đành nén cơn buồn nôn, chịu đựng cảm giác đau như cháy cổ họng mà đi theo sau anh Kamiya. Nhưng đi mãi đi mãi vẫn không tới nhà anh ấy. Tôi cứ nghĩ anh lại đùa như mọi lần thì thỉnh thoảng anh ngoái lại nhìn tôi, vẻ mặt khá nghiêm túc: “Tokunaga, vẫn ổn chứ!?” nên chắc không phải đang đùa. Chúng tôi đi bộ trên con phố Kichijoji tưởng chừng kéo dài đến vô tận. Lúc qua bưu điện Tateno quận Nerima nằm bên tay phải thì trời phía Đông sáng dần lên. Thấy anh Kamiya ngang nhiên đi bộ giữa làn phân cách đường đang không có xe nào chạy qua, tôi hết cả cảm giác buồn nôn và thấy hơi bực mình. “Anh định đi tận đâu vậy? Có phải khu Kichijoji nữa đâu.” “Đừng nói như thế nữa. Buồn lắm!” Anh Kamiya nói kiểu trách móc. “Sao anh lại nói kiểu bình thường thế nhỉ?” “Ơ? Đừng giận thế chứ!” Lần này thì là vẻ mặt lo sợ. “Em bảo anh thôi kiểu nói những câu bình thường bằng bộ mặt bình thường đi cơ mà!” “Cái gì cơ?” Anh nhướn mày nói với vẻ mặt khó hiểu. “Cái gì mà ‘cái gì cơ?’ chứ!” “Đừng nói thế mà. Anh buồn!” Giờ thì anh nói với vẻ mặt buồn rầu. “Ngoài em ra chẳng ai hiểu được rằng nói những chuyện bình thường và làm vẻ mặt bình thường hợp với lời nói mới là chuẩn vai ngốc đâu!” “Đã bảo đừng nói thế nữa mà.” Anh tỏ vẻ lúng túng. “Anh... nói gì buồn cười đi!” “Tokunaga, đừng có nói chuyện buồn đi mà.” Cứ nói xong một câu anh lại dừng bước, quay đầu từ tốn nhìn tôi. “Nói điều bình thường mới là đúng vai ngốc thì có nghĩa là bình thường anh bị điên rồi đó!” “Chú nói người khác cái kiểu ấy là không được đâu!” Tôi phát bực với cái vẻ mặt buồn bã ấy. “Em xin phép nôn có được không ạ?” “Sáng ngày ra đi làm đã thấy trước cửa nhà có bãi nôn mửa thì chú có bực không? Anh thấy không nên làm cái việc mà mình ghét nếu bị làm thế.” Anh ấy vẫn nói những điều bình thường. Cái kiểu dai dẳng tới dị thường này cũng là đặc tính của anh Kamiya. “Đành là thế nhưng anh có thể thôi nói chuyện bình thường đi không ạ? Em thấy khó chịu lắm ạ.” Nãy giờ anh Kamiya vừa đi vừa gửi tin nhắn nhưng lần này thì có điện thoại gọi tới. “A lô, anh sắp về đến nhà rồi nên mua nước luôn đi nhé. Cậu ta say lắm!” Anh nói vậy rồi tắt máy. Bảo là sắp về tới nơi mà đi bộ khá lâu, lúc ra được đến đường cái lớn thì trời đã sáng tới mức không muốn nhìn lên nữa. Đây có vẻ là đường Aome. Chúng tôi băng qua đường Aome chỉ toàn xe tải rồi đi vào khu dân cư, tiến về hướng Đông ngang con đường khá rộng là ra đến con phố trông như phố buôn bán đề tên “phố Fujimi”. Giờ thì đã là buổi sáng rồi. Từ đó tôi vẫn bị bắt đi bộ tiếp. “Phố Fujimi” từ lúc nào đã chuyển thành “phố Chuo”. Cuối cùng thì cũng thấy một quảng trường giống bùng binh và nhà ga, đập vào mắt dòng chữ “Đường sắt Seibu Ga Kami-Shakuji”. Hoàn toàn chẳng phải Kichijoji gì sất. Tòa nhà mà anh Kamiya bảo “Đây rồi!” khá cũ kỹ nhưng là một chung cư lịch sự hơn tôi tưởng. Đi lên tầng hai, anh Kamiya mở cửa, tức thì tôi thấy ngay một cô gái đang ngồi trên chiếc đệm chắc được trải suốt ở đó. “Này, cho Tokunaga uống nước hộ anh!” Anh Kamiya nói vậy rồi nhảy vào chăn gây tiếng động lớn khiến cả căn phòng rung lên. “Sáng rồi, nhà dưới họ mắng cho đấy!” Cô gái nhỏ nhắn mặc chiếc quần ngủ kẻ ngang nhẹ nhàng nói với anh Kamiya. “Xin chào, em là Tokunaga ạ,” tôi vừa chào thì cô gái mỉm cười rồi thỏ thẻ xưng tên: “Tôi là Maki ạ.” “Tokunaga, mau ngủ đi!” Anh Kamiya ép tôi ngủ ở đó. Vừa nằm xuống thì cơn đau đầu dội lên nên tôi quyết định ngoan ngoãn nhắm mắt lại. “Anh ra cửa hàng tiện lợi đây, chú có cần gì không?” Tôi im lặng vì chẳng còn hơi sức để trả lời anh Kamiya. Có tiếng đóng cửa, tôi nghe thấy tiếng hai người bước xuống cầu thang. Ánh nắng chói khiến tôi thấy nhồn nhột quanh vùng ấn đường. Cô gái đó có phải là bạn gái của anh Kamiya không nhỉ. Chắc đây vốn không phải nhà anh Kamiya mà anh chỉ tới ăn nhờ ở đậu nhà của cô gái có tên Maki mà thôi. Nằm ngủ ở chỗ như thế này cũng không khỏe lại được. Tôi muốn về nhà ngủ trên đệm của mình. Giờ này chắc chuyến tàu đầu tiên đã chạy rồi. Tại sao mình lại bị lôi đến đây nhỉ. Đau đầu quá! Cứ uống với anh Kamiya là cuối cùng tôi không biết trời trăng ra sao. Hầu như chẳng nói chuyện gì bổ ích cả. Ví dụ như hôm nay, hai chúng tôi dành thời gian dài nghiêm túc tranh luận xem ảo thuật gia và người có sức mạnh phi thường còn cần đồng bọn là chuyên gia trong lĩnh vực nào để có thể thực hiện được phi vụ giết người hoàn hảo. Anh Kamiya cho rằng phải là nhân vật “Golgo 13”. Còn tôi thì nói rằng: “Người có nguyện vọng tự sát.” Nếu là Golgo thì chắc không thất bại nhưng lại cần khoản thù lao khổng lồ. Trong khi chuẩn bị số tiền quá sức như thế thì đã bị tóm gọn mất rồi. Nên cách đó không hoàn hảo. Còn với “người có nguyện vọng tự sát” thì lợi ích của cả bên muốn giết và đương sự muốn chết đã đồng nhất và có thể tạo ra một di thư hoàn hảo. Thế nhưng anh Kamiya lại không đồng tình với trường hợp “người có nguyện vọng tự sát” vì chỉ giết được người có nguyện vọng tự sát, mà như thế thì đơn thuần là một hội muốn làm cái việc giết người. Phải giết kẻ xấu. Anh Kamiya đưa ra lý luận chả ăn nhập vào đâu rằng nếu thấy người có nguyện vọng tự sát thì phải thuyết phục họ từ bỏ ý định đó chứ. Tranh luận vấn đề này mà đưa quan điểm đạo đức vào thì rối rắm lắm. Tôi cũng thấy hối hận vì lỡ dùng từ “người có nguyện vọng tự sát” nghe rất định kiến. Tuy nhiên nếu nói chính xác thì về mặt đạo đức cũng không được giết kẻ xấu. Tôi nghe thấy tiếng chân đang bước lên cầu thang. Có thể ai đó tới giết tôi chăng. Có tiếng cửa mở, rồi đến tiếng túi nilon được đặt xuống sàn nhà. Tôi nghe thấy tiếng anh Kamiya vừa cười vừa nói: “Nó vẫn đang ngủ.” Tôi có thể mở mắt ra nếu muốn, nhưng tôi nghĩ mình không nên mở mắt thì hơn. Anh Kamiya vẫn nhìn tôi đang nhắm mắt và tiếp tục cười. Rồi anh ấy nói với chị Maki điều xấu hổ rằng: “Nó như là thằng em trai đáng ghét vậy.” Qua tiếng bước chân tôi biết anh Kamiya vừa nhảy qua người tôi để ra phía cửa sổ. Tiếng cười cố nén lại nhưng vẫn buột ra của anh Kamiya cứ nhồn nhột bên tai. Ánh sáng chiếu đúng vào mí mắt. Tôi cảm thấy ngứa ngáy như có con gì đang bò quanh vùng ấn đường. Tôi nghe tiếng chị Maki bảo: “Anh thôi đi!” Không chịu nổi nữa, tôi tù từ mở mắt thì thấy anh Kamiya đang thích thú phẩy phẩy tấm rèm để chiếu ánh nắng vào mặt tôi. Anh Kamiya vẫn không dừng lại mặc cho tôi nói: “Anh thôi đi!” “Anh định làm cho mặt Tokunaga có vết cháy nắng giống như Blackjack mà,” nói rồi anh Kamiya lại cười. “Cái đó thì có gì hay cơ chứ?” Tôi lấy chăn che mặt. “Này, che mặt thế là ăn gian đấy!” Anh Kamiya cướp lấy chăn rồi lại phe phẩy cái rèm. “Anh để cho cậu Tokunaga ngủ đi!” Chị Maki nói vẻ lo lắng. Tôi quay người, xoay ngược đầu để không bị ánh nắng chiếu vào mặt. Tôi vẫn nghe thấy tiếng cười của anh Kamiya. Giây tiếp theo, cả người tôi lẫn tấm đệm lơ lửng trên không rồi lộn nhào. Mở mắt thì hóa ra anh Kamiya và chị Maki mỗi người một đầu đệm xoay ngược khi tôi còn nằm nguyên trên đó. Khi tôi hỏi: “Chị Maki, sao chị lại vào hùa với anh ấy?” thì chị Maki nói pha chút xấu hổ: “Chị xin lỗi!” và tỏ ra thực sự hối lỗi. Tôi đành không ngủ nữa mà ngồi khoanh chân trên đệm. Vừa uống nước trong chai chị Maki mang đến vừa ngắm nhìn những hạt bụi đang bay trong phòng được ánh mặt trời chiếu sáng lấp lánh. Chị Maki nhìn tôi nói: “Chị xin lỗi!” rồi lại tiếp tục cười. * * * Sang năm mới không lâu thì anh Kamiya gọi tôi đến Shibuya, một chuyện khá hiếm hoi. Trước ga Shibuya, âm thanh phát ra từ những màn hình khổng lồ va chạm với nhau, và âm thanh người ta tạo ra khi vừa đi vừa né nhau trên đường cũng ầm ĩ không kém khiến tôi cảm thấy cả khu phố như đang gầm lên. Người đi bộ mang vẻ mặt của năm mới nhưng thân thể thì vẫn như năm cũ, nhiều người mặc đồ đen nhưng cũng có những thanh niên vận trang phục rất rực rỡ cười một mình, những người như vậy lại làm tôi thấy bình tĩnh hơn. Anh Kamiya đang đứng hút thuốc trước tượng Hachiko. Tôi đã khá quen với anh Kamiya ở ga Kichijoji nhưng anh Kamiya tôi thấy trong khung cảnh chen chúc ở Shibuya thì đặc biệt khác người. Một nguyên do có lẽ bởi trang phục của anh không được chỉn chu và hợp thời cho lắm. “Từ hồi xuất hành đầu năm giờ mới gặp nhỉ. Maki bảo xin lỗi chú đấy.” Anh Kamiya vừa phà khói điếu Hope vừa nói. Hôm xuất hành đầu năm, tôi cùng với anh Kamiya, chị Maki, ba người đã tới lễ ở đền Musashino-Hachimangu, sau đó thì ăn lẩu kim chi ở nhà chị Maki. Tôi lại say như thường lệ và thao thao bất tuyệt về tấu hài thì chị Maki theo lệnh của anh Kamiya, làm mắt lác, lưỡi thè ra, một kiểu mặt kỳ dị điển hình, rồi đi về phía tôi, khi nhận ra thì tôi lại càm ràm chị Maki, cứ thế lặp đi lặp lại hàng giờ cái kiểu quái gở chả ra Tết như thế, nhưng càng lúc càng quá lên, cuối cùng, chị Maki tạm thời biến mất khỏi tầm mắt tôi song lại từ góc phòng giơ ngón tay thối ra. Có lẽ chị ấy xin lỗi về chuyện đó. Anh Kamiya ném điếu thuốc đi đúng lúc đèn tín hiệu chuyển sang xanh, vừa đi qua ngã năm anh vừa nói: “Tokunaga, chắc chú thấy ngại nhưng hôm nay có mấy em gái nữa đấy!” Anh Kamiya liên tiếp va phải người đi đường khác. Tôi cũng không hơn gì. Gần bốt cảnh sát Utagawa có tòa nhà bên trong nhiều quán nhậu, chắc anh ấy hẹn mấy em gái đó ở một quán tại đây. Quán được thiết kế hiện đại hơn quán ở Kichijoji chúng tôi hay uống, vừa bước vào bên trong là tôi thấy run. Có ba cô gái và một cậu đàn em cùng công ty của anh Kamiya. Tôi chưa từng tham gia bữa nhậu nào để nam nữ gặp gỡ cả. Đàn em của anh Kamiya có vẻ tuổi nghề ít hơn tôi nên chào hỏi rất lễ phép, nhưng cũng có thể cậu ta nghĩ tôi là một gã khó gần. Anh Kamiya trông tươi tỉnh hơn lúc ở cùng tôi và chị Maki. Tôi thì im lặng hơn bình thường. Tôi không tìm thấy lời nào phù hợp cho lúc này. Tôi thấy khó chịu khi cô gái ngồi cạnh cứ liên tục nói sát vào tai. Đây là sàn độc diễn cho anh Kamiya. Mấy cô gái cười liên tục với mỗi phát ngôn của anh. Chỉ có cô gái ngồi cạnh tôi là nói bằng giọng nho nhỏ: “Anh không sao chứ?”, cố tạo nên không gian của riêng hai người khiến tôi thấy thật phiền toái. Số lần càng tăng thì ánh mắt cô gái càng dịu lại. Tôi thì đến để nghe anh Kamiya nói chuyện chứ không phải cô gái này. Lúc quay lại phòng từ nhà vệ sinh, tôi ngồi cạnh anh Kamiya chứ không phải chỗ ban đầu. “Ngồi kiểu gì đấy?” Anh Kamiya theo phản xạ cất giọng lên, đám con gái đồng thanh phá lên cưòi. Tôi im lặng nhìn chăm chăm đĩa thịt gà rán đã nguội ngắt. Cô gái ngồi cạnh tôi khi nãy nói: “Em bị ghét rồi hay sao ấy?” Tôi im lặng. Đúng ngày này thì tôi hoàn toàn không say. Mấy cô gái nhìn tôi như thể sinh vật lạ. “Cái thằng này! Như học sinh cấp hai ấy nhỉ?” Anh Kamiya nói vậy, ai cũng tỏ vẻ đồng ý ngoài tôi ra. Tôi tự thấy tài năng của mình và anh Kamiya chênh nhau một trời một vực, nhưng cho tới giờ tôi chưa từng cảm thấy xa anh đến mức như thế này. Tôi thấy anh như con người của thế giới khác. Dù thế đi nữa thì anh vẫn là người tôi quen mặt nhất ở đây, nên tôi chỉ còn cách dựa vào anh mà thôi. “Cậu ta trông vậy thôi chứ có sở thích nghe lén đấy!” Anh Kamiya vừa nói xong thì cả đám tỏ ra ngạc nhiên một cách thái quá. “Đúng vậy nhờ?” Anh Kamiya hỏi nên tôi trả lời “Vâng!” thì chẳng hiểu sao tất cả đều cười. “Trời đất! Thật bá đạo đấy ạ!” Đàn em của anh Kamiya vừa dứt lời thì mấy cô gái lại cười rần rần. Nói là nghe trộm nhưng không phải dùng máy móc này kia. Chẳng qua là lúc đi cùng anh Kamiya trong khu dân cư vào nửa đêm thì bỗng có tiếng nữ giới rên rỉ, nên chúng tôi dừng lại nghe ngóng chừng hai mươi phút. Suốt hai tuần sau đêm ấy, tối nào chúng tôi cũng đi qua chỗ đó. Nhưng không lần nào còn nghe thấy âm thanh đó nữa. Một buổi tối mấy hôm sau, trong đầu tôi hiện lên câu hỏi phải chăng đó là âm thanh phát ra từ ti vi. Nhưng một phần trong tôi vẫn tin thật ra âm thanh chân thực đó là giọng nói lọt ra từ khu nhà. Bằng chứng thuyết phục nhất chính là lúc ấy cả tôi và anh Kamiya đều không nghĩ tới khá năng đó là âm thanh từ ti vi. Vả lại cũng vì nghi ngờ như vậy chúng tôi mới muốn xem thực hư ra sao và tới đó, bởi thế tôi thấy khó chịu khi bị đánh giá là người thích nghe trộm. “Ơ, tại sao anh lại thích nghe trộm vậy?” Một cô gái ném cho tôi câu hỏi. “Vì đó không phải là âm thanh mà đối tượng phát ra với chủ ý cho ai đó nghe thấy. Đó vốn không phải là âm thanh có thể nghe thấy được.” Không muốn trả lời nhưng tôi cũng không muốn làm hỏng không khí. “Vậy là chuyên gia rồi!” Một cô gái khác nói, tất cả phá lên cười. Tôi chẳng bận tâm tới điều đó, nhưng thấy đau khổ vì anh Kamiya lại vào hùa cùng họ cười khoái trá. Khi sư phụ mà về phe họ thì tôi cũng không thể đơn giản phủ nhận rằng tôi không bận tâm tới họ. Đến tận cuối buổi tôi vẫn không hòa nhập được vào bữa nhậu. Anh Kamiya đã trao đổi địa chỉ liên lạc với tất cả mấy cô gái. Tôi chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng đi về. Như hiểu được mong ước của tôi, nhóm đã giải tán trước khi hết tàu, tôi cùng anh Kamiya đi về Kichijoji bằng tuyến Inokashira. Xuất phát từ ga Shibuya nên chỉ cần bỏ qua một chuyến là cả hai được ngồi cạnh nhau. Anh Kamiya trông khá mãn nguyện. Tàu vừa xuất phát, anh Kamiya hỏi ngay: “Hôm nay chú cũng đi nghe lén hử?” “Anh đừng có chuyện gì cũng nói ra vậy chứ!” Tôi trả lời, không thèm nhìn anh Kamiya. “Ấy, hai anh em mình ấy mà, cứ chỉ hai người nói với nhau sẽ sa đà vào thế giới sở thích của mình nên đôi lúc phải nói chuyện với người khác để biết mình là người thế nào chứ. Chú cũng cười suốt còn gì.” “Đâu. Bị cười thì có!” Đột nhiên tôi thấy bất an, không biết mình đã làm cho người khác cười bằng chủ ý của mình hay chưa. “ ‘Không được để bị cười, phải gây cười.’ Toàn những câu oai như cóc nhưng cũng là câu không được để lọt ra khỏi phòng đợi diễn nhỉ!” Tại ga Shimo-Kitazawa có rất nhiều người xuống, nhưng cũng lại có chừng đó người lên tàu. “Vì câu nói ấy mà chú khó giả bộ đang bị cười hơn đúng không? Người giả bộ dốt nát nhưng thực tế lại thông minh. Chuyện này vốn dĩ khán giả không cần biết. Rồi cái tiêu chuẩn đánh giá mới ra đời. Khán giả chẳng cần suy nghĩ gì, chỉ việc cười rằng đúng là mấy tên ngốc có phải hơn không. Tự khán giả nhận ra mình đang được gây cười thì phí quá nhỉ!” “Chính vì thế mới có cái ra đời vượt cả tiêu chuẩn mới còn gì ạ?” “Cái đó cũng chỉ một bộ phận thôi. Nó khiến anh thấy giống như một bức tranh nổi tiếng, đã thêm nhiều màu quá không quay lại được như ban đầu nữa và rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Nói đến điểm này, chú vẫn chưa tự nhận ra phần thú vị của mình phải không? Thế mới hay chứ!” “Ai mới là đồ ngốc chính hiệu cơ chứ!” “Nhiễu sự!” Anh Kamiya chặn lời tôi bằng giọng nhẹ nhàng. Nhiều người xuống ở ga Meidai-Mae, cuối cùng cũng dễ thở hơn. Khác với lúc ở quán nhậu, anh đã quay về là anh Kamiya thường ngày. Anh Kamiya có lần nói với tôi rằng anh lo khi chơi với tôi sẽ bị người xung quanh cho là kẻ giả tạo. Có thể trong câu nói này hàm chứa một chút coi thường tôi, nhưng tôi chỉ coi là một câu bông đùa. Chuyện của bản thân thì khó có cái nhìn khách quan, nhưng ngẫm lại cách hành xử của mình ở buổi nhậu hôm nay thì tôi thấy có lẽ đó không hắn chỉ là một câu bông đùa. Có lẽ ở đâu đó mấy cô gái sẽ nói tôi là một gã dở hơi. Còn đàn em của anh Kamiya thì hắn nghĩ tôi là một diễn viên hài mà nhạt thếch. Tôi hay bị những người xung quanh cho là sống thu mình. Mặt tôi cứng đơ vì căng thẳng thôi mà lại bị coi là tỏ ra không quan tâm tới người khác, hoặc hiếu thắng. Mọi người nửa đùa nửa thật rằng: “Nó không muốn giao du với ai mà chỉ muốn đi con đường của riêng mình thôi!” dù tôi không hề mảy may có suy nghĩ đó, nhưng không biết từ khi nào chính bản thân tôi lại thấy mình phải làm như vậy, rồi dần dà lời nói hành động mang chủ nghĩa cá nhân cũng tăng lên. Những lời nói và hành động như thế làm người xung quanh bắt đầu tin vào điều đó. Song tài năng của tôi lại tuyệt nhiên không được nhìn nhận nên chỉ còn lại những đánh giá khắt khe. Rồi bản thân từng bước trở thành nghệ sĩ mà vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc. Tôi vừa thấy mất phương hướng như thế, vừa hoang mang rằng phải chăng đây mới thực sự là mình. Túm lại tôi bị coi là một kẻ vô cùng phiền toái. Cho tới thời điểm này, tôi chưa từng nghĩ chơi với một gã nhàm chán và phiền toái như tôi có thể khiến anh bị những người xung quanh nhìn bằng con mắt định kiến và gọi là kẻ giả tạo. Tôi vẫn nghĩ anh Kamiya không biết xu nịnh, là người giống mình, nhưng không phải thế. Tôi là người không hề biết xu nịnh ai, còn anh Kamiya là người có năng khiếu xu nịnh nhưng lại không làm thế. Hai người khác biệt nhau quá rõ ràng. Anh Kamiya không tỏ ra dè chừng với tôi như người khác, có lúc chê tôi tới bến nhưng cũng có lúc thẳng thắn khen ngợi. Anh ấy đối diện với tôi mà không bị ảnh hưởng bởi thước đo nào cả. Tôi dựa dẫm vào một anh Kamiya như thế mà đang quên đi điều cốt lõi. Sợ lời nói, hành động lẫn tài năng xuất chúng của anh Kamiya, nhưng tôi cũng tưởng nhầm rằng khác lạ mới là đúng đắn. Không, với nghệ sĩ hài thì khác lạ thực tế đúng là một lợi thế nhưng tôi chỉ có sự vụng về, mà lại chỉ là một kẻ vụng về tầm thường tới mức không thể biến cái sự vụng về đó thành điểm mạnh cho mình. Và tôi đánh đồng nó với sự khác lạ của anh Kamiya để thấy an tâm. Thực tế tình hình còn trầm trọng hơn tôi nghĩ rất nhiều. Lại có người xuống ở ga Nagatacho. Không có ai lên cả. Gió lạnh luồn từ cửa vào quấn lấy chân. Trên ô cửa sổ bắt đầu di chuyển, phản chiếu khuôn mặt kỳ bí của tôi và anh Kamiya. “Anh Kamiya, anh với chị Maki đang yêu nhau phải không ạ?” Tôi hỏi câu mình vẫn thắc mắc bấy lâu để thay đổi không khí. “Đâu có, chỉ là cho ở nhờ nhà thôi.” “À thế ạ!” Kể từ sau lần đầu tiên gặp chị Maki, được anh Kamiya rủ nên tôi thường xuyên đến chơi nhà chị. Cả ba hay đi ăn, sau đó lại cùng về. Chị Maki luôn hết mình với anh Kamiya, còn với tôi thì lúc nào cũng nhẹ nhàng. Hôm nay, cả lúc uống với mấy cô gái không quen biết, tôi có vài lần nghĩ tới chị Maki. Lúc uống với chị Maki có ba người vui hơn. Một lý do khiến tôi thích chị Maki là chị ấy thừa nhận tài năng của anh Kamiya. Ở cùng một không gian, tôi nhận ra dù anh Kamiya có nói gì thì chị Maki đều mê mẩn từ tận đáy lòng mình. “Em lại cứ tưởng là bạn gái anh chứ,” tôi nói. “Ừ cũng phải,” tức thì anh Kamiya trả lời một câu ỡm ờ. “Anh không thích chị ấy ạ?” “Nói chuyện với chú làm anh nhớ thời học sinh quá.” “Nếu có học đại học thì em vẫn là sinh viên năm tư đó.” “Chuyện đó anh không biết. Nhưng anh không đưa cô ấy tiền nhà, lại được giúp đỡ nhiều thế này, anh cũng muốn đàng hoàng lắm nhưng nếu yêu người như anh thì xác định là địa ngục.” “Chuẩn rồi!” “Phủ nhận giùm đi mà!” Anh Kamiya vẫn nhìn thẳng và nói khơi khơi. “Anh bảo đi gặp Tokunaga là cô ấy lại đưa tiền. Cho nên thành ra ngày nào anh cũng đi chơi với chú thế này.” “Hai người sống cùng nhau mà không nói chuyện yêu đương gì sao ạ?” “Cũng có vài lần rồi. Anh bảo cô ấy hãy tìm một người đàn ông tử tế.” Loa trên tàu báo đã tới ga cuối cùng Kichijoji. Tàu giảm tốc độ cùng với tiếng phanh nhát gừng. “Thế chị Maki nói sao ạ?” “Cô ấy bảo ‘biết rồi’.” “Em ghét kiểu ấy.” Nghe nói chị Maki đang làm tại quán rượu ở Kichijoji. Đúng lúc anh Kamiya lui tới đó thì chị ấy bỏ việc ở quán karaoke và bắt đầu công việc ấy. Tàu tới bến Kachijoji. Tôi cảm giác nhiệt độ còn thấp hơn Shibuya nhưng có thể chỉ bởi cơ thể tôi đang lạnh từ bên trong. Chúng tôi đi qua cửa soát vé rồi ra cửa Bắc. Quang cảnh ở khu phố này thật nhẹ nhàng. Cuối cùng cảm giác bình yên như thể được giải phóng khỏi sự căng thẳng cũng lan tỏa khắp người tôi. “Đến phố Harmony nhỉ?” “Đi thôi anh!” Trên con phố mà bãi nôn mửa bên vệ đường cũng đông cứng lại này, không ai biết tới chúng tôi. Chúng tôi cũng không biết ai đang đi trên con phố này. * * * Ti vi đưa tin cáo phó của đại sư phụ, người mà tôi từng xem trên ti vi từ nhỏ. Đó là người nghệ sĩ tấu hài vĩ đại đã chứng minh cho tôi rằng không cần phải tươi tỉnh quá độ, nói liến thoắng, hay quát ầm ầm thì vẫn diễn được tấu hài theo lối không ai có thể bắt chước. Tất nhiên, thực tế gia nhập thế giới tấu hài mới thấy cái khó của việc tấu hài mà không cần tới đề tài cá tính hay ấn tượng mạnh mà chỉ bằng tài nói chuyện đơn thuần. Nhưng ông cũng là người quan trọng giúp tôi quay về cốt lõi của tấu hài, chính là màn đối đáp thú vị đỉnh cao do hai người thực hiện. Kể từ lúc nghe hung tin, tôi đứng ngồi không yên nên gọi cậu bạn diễn Yamashita ra công viên gần nhà ở Koenji. Tôi muốn ngay lập tức thống nhất đề tài với cậu ấy. Khi vừa nghĩ nội dung vừa khớp thoại thì chúng tôi thường chọn quán cà phê ở Shinjuku. Còn đứng khớp thoại như lúc diễn thì chúng tôi hay ra công viên này. Cậu bạn diễn không quan tâm tới sự hối thúc của tôi nên cũng chẳng thèm hỏi han gì tới lý do bị gọi ra đường đột thế này. Tâm trạng Yamashita không được tốt từ lúc đến cùng tiếng phanh xe đạp kin kít. Tôi thì muốn khớp nội dung bất cứ lúc nào rảnh còn cậu ta thì cứ phải gần tới buổi diễn mới có hứng tập. Chúng tôi thử khớp nội dung định diễn ở buổi tuyển chọn tới nhưng vẫn chưa được tốt cho lắm. Chúng tôi tập đi tập lại nhiều lần song còn lệch nhiều hơn mọi khi. Rõ ràng cả hai không ăn khớp nhịp nhàng với nhau. Cậu bạn diễn không nghe lời thoại của tôi. Không nghe bằng tai nên tông không ăn nhập với nhau. Còn tôi nghe xong câu của bạn diễn mới nói tiếp lời nên thoại bị ngắt quãng. Nếu là hội thoại thường ngày thì không đáng để ý nhưng so với tốc độ nói của bạn diễn thì khoảng ngắt đó lại vô cùng nổi bật. Khi tôi yêu cầu nghe kỹ lời tôi nói rồi mới đáp lại thì Yamashita trả lời: “Nội dung này diễn bao nhiêu lần rồi còn bắt tui nghe kỹ làm gì nữa.” Suýt thì tôi cho cậu ta ăn đấm theo phản xạ. Cậu ta chẳng hiểu gì cả. Nội dung mới có thể ngày nào cũng nghĩ ra được. Nhưng tấu hài thì không phải như vậy. Vì cậu ta diễn bằng cảm giác này nên mãi chúng tôi vẫn không tìm ra được nhịp điệu cho mình. Chúng tôi ngồi xuống ghế, bầu không khí im lặng kéo dài một lúc lâu. Mặt trời bắt đầu nghiêng bóng, thoang thoảng mùi đồ ăn bán sẵn ở phố chợ Junjo nằm ngay phía sau. Mấy nữ sinh đi tập câu lạc bộ về vừa cười vừa đi ngang qua chỗ ghế chúng tôi ngồi. Mỗi người cầm vật gì đó thon dài bọc vải đen. Chắc là cung, hoặc là trường đao, mà dù là gì thì chắc hẳn cũng là một loại vũ khí. “Tớ biết khớp thoại quan trọng nhưng tớ cũng có việc của tớ nên cậu thôi cái kiểu gọi đột ngột thế này đi!” Cậu bạn diễn nói. Còn cái gì đáng ưu tiên hơn tấu hài với hai kẻ lên Tokyo cốt để làm nghề diễn hài như chúng tôi chứ. “Này, thế thì sao cậu không nói luôn từ trước lúc đến đi!” Hiếm hoi lắm tôi mới lên giọng giận dữ, toan đứng lên ra về theo đà quát thì bị kéo mạnh ngược trở lại ghế. Thì ra là dây xích móc chiếc ví nhét trong túi sau quần bò vào đỉa quần bị vướng vào rãnh ghế. Đáng lẽ giận dữ ra về thì tôi lại ngồi một đống bên cạnh cậu bạn diễn như cũ. Cậu ta đang cúi xuống mím môi nén tiếng cười. Tôi từ từ dùng hai tay gỡ dây xích ra khỏi rãnh ghế sao cho không bị đứt. Cậu bạn diễn ngồi chứng kiến từ đầu đến cuối. Bên cạnh một thằng tôi tội nghiệp đáng thương như thế là cậu bạn diễn đang cố làm vẻ mặt bình thản. Tôi vào nhà vệ sinh cho đầu bớt sôi. Cứ động đến ý tưởng bài diễn là chúng tôi lại cãi vã. Đó là do sự khác biệt về ý thức hơn là sự khác biệt về phương hướng. Cũng có thể một mình tôi đã quá sốt sắng. Thế nhưng anh Kamiya ngày nào cũng khớp thoại với anh Obayashi đấy thôi. Nhìn thấy họ vậy tôi nghĩ việc ấy là hiển nhiên với những nghệ sĩ trẻ. Lúc ra khỏi nhà vệ sinh tôi không quay lại chỗ Yamashita mà gọi điện cho anh Kamiya. Tôi nói sơ sơ chuyện khớp thoại và hục hặc với bạn diễn. Chuyện cái dây xích thì tôi cố tình không nói. Bởi chuyện bực mình ấy có khả năng sẽ bị biến thành chuyện cười. Tôi cảm thấy nên để chuyện đó ngủ yên hai ba ngày đã. “Em định táng cho nó một cú!” Nói được thành lời như vậy tôi mới thấy mình thực sự muốn làm như thế. Chúng tôi chưa từng xích mích đến mức đánh nhau. Biết đâu nhờ thế mà lại có gì đó thay đổi thì sao. “Chú mà đánh là giải tán luôn đó. Nên không được động thủ đâu!” Anh Kamiya nói bằng giọng nhẹ nhàng. Phía sau anh Kamiya loáng thoáng tiếng nói chuyện, tiếng cười của ai đó. “Em bực lắm!” Tôi nói kiểu rất trẻ con. Anh Kamiya đang uống gì đó thì phải. Tôi nghe thấy tiếng cốc thủy tinh đặt lên bàn. “Khớp thoại xong đến nhà anh đi. Ăn cơm cùng luôn. Chú thích ăn gì nhất nhỉ?” Anh Kamiya hỏi. Chắc anh ấy định đãi tôi. “Thịt nướng ạ.” Tôi trả lời thật thà. “Không. Thứ chú thích ăn nhất là gì cơ mà,” anh Kamiya lặp lại câu hỏi tương tự. Chắc ý anh là nói món có thể ăn được ở nhà chăng. “Anh đang hỏi chú là ‘thứ chú thích ăn nhất là gì’ đấy.” “Một nồi lẩu ạ!” Anh Kamiya im lặng sau khi nghe tôi trả lời. Trong khoảng sâu im lặng của anh Kamiya vọng lên tiếng cười của rất đông người. “Nồi... nồi lẩu?” Cuối cùng anh cũng lên tiếng. “Vâng. Nồi lẩu ạ.” “Chú ăn nồi lẩu á?” “Ơ, em với anh ăn cùng nhau rồi còn gì.” “Răng chắc khỏe ra phết nhỉ!” “Không, không phải thế.” “Anh răng yếu nên chịu, chú thích nồi sắt hay nồi đất hử?” “Anh nói gì thế?” Anh Kamiya đột nhiên trở nên ngơ ngơ. “Cái nào thì dễ nhằn hơn hử?” “Ôi, nồi lẩu đâu phải ăn nguyên cái nồi đâu ạ.” “Không phải chú bảo ăn nồi lẩu còn gì?” “Đúng là em nói thế nhưng nghĩa là cái bên trong nồi ấy ạ. “Ý là ruột nồi hử?” “Đúng vậy.” “Ruột nồi? Thế bóc chỗ nào thì ra ruột nồi hử?” “Anh nói cứ như là hoa quả ấy. Anh em mình chả từng ăn nào là lẩu thập cẩm, lẩu kim chi bao nhiêu lần rồi còn gì.” “Túm lại là chú muốn nói món lẩu ấy hả?” “Vâng ạ. Sao tự dưng anh lại kém thông minh thế chứ? Lại còn dai như đỉa làm em hết hồn.” “Tốt, thế để anh mua sẵn thịt bò của con bò.” “Thịt bò là thịt của con bò còn gì nữa. Anh đúng là tồ tệch.” Khi tôi nói sẵng như vậy thì anh Kamiya cười rúc rích một mình rồi nói: “Khó nhỉ, thế tối nay làm lẩu Genghis Khan đi.” “Món ấy còn khó hơn nữa.” “Chú có nồi làm lẩu Genghis Khan không?” “Em đào đâu ra!?” Tôi vẫn nghe thấy tiếng nói, tiếng cười và tiếng vỗ tay khá to. Chắc anh ấy vừa bật ti vi vừa uống rượu rồi nói bâng quơ thôi. Tôi tắt điện thoại, hối hận vì nói chuyện say sưa quá, rồi quay lại chỗ Yamashita. Tôi đã bình tĩnh quá mức cần thiết sau khi nói chuyện với anh Kamiya. Cậu bạn diễn đang dán mắt vào màn hình điện thoại, ngồi trên ghế chân bắt tréo, đung đưa đôi giày thể thao Jack Purcell màu đen cũ bẩn. Cậu ta đột nhiên nói: “Tớ muốn xin lỗi ba điều.” Từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ được cậu ấy xin lỗi. Tất nhiên tôi cũng chưa từng xin lỗi cậu ấy. Thật khó giải thích nhưng cặp diễn là mối quan hệ đặc thù như vậy. Hơn thế chúng tôi lại là bạn đồng môn từ cấp hai nên không có thói quen xin lỗi vì những mâu thuẫn nhỏ. “Điều trước tiên là tớ nói như thể có việc quan trọng hơn cả khớp thoại.” Có vẻ cậu ấy định xin lỗi ba điều thật. “Điều nữa là ý tưởng do cậu nghĩ ra mà lại nói như ý tưởng có sẵn.” Cậu ấy đang xin lỗi thành thật. Bỗng nhiên tôi lại thấy xấu hổ. “Còn một điều nữa.” Nói vậy rồi cậu ta im lặng. Ban đầu tôi tưởng tâm trạng nghẹn ngào không nói thành lời nhưng nhìn nét mặt thì có vẻ không phải vậy. Cậu ta cứ nhổ nước bọt vào đúng một chỗ làm ướt cả mặt đất. Đó là tật Yamashita thường làm khi bối rối. Tại sao chỉ có hai điều xin lỗi mà cậu ấy lại nói là ba nhỉ? Chắc đang nói giữa chừng thì quên mất chăng? Cậu bạn diễn của tôi cũng thuộc loại ngốc mà. Những người xách túi đồ đi chợ băng qua công viên, mang theo cả cái ồn ào của phố buôn bán Junjo. Chúng tôi cứ ngồi trên ghế băng, lời nói tan lẫn trong đêm, khiến mọi thứ trở nên lấp lửng và làm vẻ mặt như chưa có gì xảy ra. * * * Từ trong tàu điện đi Shibuya tôi nhìn xuống phố, thấy hoa anh đào cũng đã nở rực rỡ khắp nơi. Không biết từ khi nào tôi lại thấy ghét cái mùa có tên mùa xuân. Tôi đưa mắt quay trở lại trong tàu, xung quanh là học sinh và nhân viên công ty, bỗng thấy vô cùng nóng ruột. Cuộc sống vẫn không có gì thay đổi. Nhiều ngày liền chúng tôi tập trung vào khớp thoại nhưng việc ấy đâu có mang lại thu nhập. Tôi làm thêm buổi đêm để kiếm tiền sinh hoạt, thời gian còn lại thì uống với anh Kamiya. Chỉ có diễn dăm ba bận một tháng ở nhà hát là niềm vui sống. Tôi bám vào đó mà lay lắt qua ngày. Ra khỏi đám đông trước ga Shibuya, đi lên phố trung tâm, phía bên tay phải tòa nhà phức hợp là nhà hát nhỏ chưa tới một trăm ghế có tên Theater D. Đối với nghệ sĩ trẻ hoạt động ở Tokyo thì đây là địa điểm quan trọng, nhiều người từng có buổi biểu diễn đầu tiên tại đây. Trước kia buổi diễn truyền thống có cái tên mỹ miều “Lễ hội Shibuya All Stars” thường được tổ chức định kỳ với sự tham gia của nghệ sĩ trẻ có triển vọng từ các công ty. Thế nhưng chẳng tìm được ai xứng đáng là ngôi sao đứng đầu tất cả. Chỉ toàn những con người khoác trên mình bộ đồ nhem nhuốc, bò lết trên con phố Shibuya và cuối cùng cũng đến nơi, đi vào trong phòng đợi nhỏ hẹp. Lạ lùng là mỗi người lại mang một kiểu cười khác nhau. Người cười vui thực sự. Người cười ngượng ngùng vì không biết nên vào phòng đợi với biểu cảm ra sao. Người cười vẻ khúm núm. Có người lại không nhận ra mình đang cười. Tôi thì không muốn ai nhìn thấy nét mặt mình nên lần nào cũng cúi gằm rồi mở cửa thật nhẹ nhàng. Căn phòng chật hẹp nồng nặc mùi thuốc lá và mùi đàn ông. Phải kiểm tra thứ tự diễn của mình ở bảng chương trình. Tôi diễn thứ ba ở nhóm thứ nhất. Ở khoảng giữa bảng chương trình tôi thấy dòng chữ “Xuẩn Ngốc”. Hôm nay anh Kamiya cũng diễn. Ai đó vỗ vai tôi từ đằng sau và nói “Chào quý khách”, tôi quay lại thì anh Kamiya đang đứng đó. “Em chào anh. Hôm nay anh em mình diễn cùng nhỉ,” tôi nói. Khác công ty nên gặp anh ở nhà hát thế này cảm giác thật mới lạ. Tôi không đọc được cảm xúc của anh Kamiya khi anh trả lời: “Ừ!” Chúng tôi tiếp tục nói chuyện trong khi đi ra cầu thang bộ. Anh Kamiya vừa hút thuốc vừa nghe tôi nói. Tôi có cảm giác anh ít nói hơn mọi khi. Tôi say sưa nói đến tận giờ tổng duyệt, mãi đến khi ngồi lắc lư trên tàu đi về tôi mới nhận ra điều đó. Anh nhân viên công sở đi cùng toa nôn mửa khiến hầu hết hành khách phải di chuyển sang toa bên cạnh, nên khi tàu dừng tôi cũng xuống rồi lại vội vàng leo lên toa kế bên, nhưng do ảnh hưởng của bãi nôn mửa nên còn lũ lượt khách lên theo khiến tôi bị đẩy vào tận giữa toa tàu. Lưng bị dồn ép rất khó thở. Khi thay đổi tư thế cho đỡ đau, tôi ngẩng đầu lên thì đập vào mắt là dòng tít “Tiếp khách” trên tờ quảng cáo treo trong tàu. Cảm giác quen quen đánh thức ngay ký ức khi anh Kamiya gọi tôi “Chào quý khách” ở nhà hát. Tôi đã thật thất lễ. Tôi hoàn toàn không xử lý được với câu “Chào quý khách” vô tư ấy. Tôi hối hận tới mức lỡ buột miệng kêu lên “Ôi...” Lập tức tôi soạn tin nhắn: “Em chào anh. Hôm nay em cảm ơn anh nhiều ạ. Hôm nay lúc vào phòng nghỉ anh đã nói ‘Chào quý khách’ anh nhỉ. Sư phụ dùng cách vào đề đặc trưng vì em như thế mà em lại có câu trả lời quá thực tế, em thành thật xin lỗi anh. Ký tên: Bài kinh hành khúc canon,” ngay lập tức có tin trả lời lại. Mở ra, tôi thấy đoạn tin nhắn: “Nếu thực sự em thấy có lỗi thì quên luôn đi mới là có lòng tốt. Bởi anh đang tin là em đã không nghe thấy và ngày mai anh vẫn tiếp tục sống. Ký tên: Đấng cứu thế bị nhồi trong phòng ba tấm chiếu.” Khó đây. Tôi muốn biết anh đã tính tới diễn biến sau đó như thế nào, nhưng tới nước này mà còn hỏi thì lại thành vô duyên. Với tôi, dù có biết điều anh Kamiya có thể nghĩ đến thì cũng không hiểu được điều anh ấy nghĩ. Cái gì vượt qua khả năng của mình thì không phải là thứ có thể dễ dàng tưởng tượng được. Chẳng qua là ảo giác tưởng mình biết rõ đối phương như lòng bàn tay khi nghe anh Kamiya nói. Nhìn vết thương da thịt của mình bị ai đó đào khoét rồi tự hào vỗ ngực mình có thể phân biệt được là do ai thì cũng chẳng ý nghĩa gì. Vì tôi không có khả năng làm ai đó bị thương tương tự như thế. Việc đó thật ngu ngốc. Vả lại giữa tôi và anh Kamiya có sự khác xa về cách thể hiện. Anh Kamiya dám nói những câu chợ búa, tục tĩu để gây cười. Còn tôi ngược lại, sợ câu nói của mình gây hiểu lầm hay làm tổn thương ai đó. Với anh Kamiya, không có giới hạn nào như vậy. Anh không cho rằng hành động như kẻ lưu manh nói điều tục tĩu bất chấp xung quanh là hay ho. Chỉ là bởi trong lúc anh ấy chọn cái thú vị thì xuất hiện hiện tượng dung tục vậy thôi, nên không cảm thấy phải loại bỏ nó. Đối ngược với một anh Kamiya như thế thì tôi có khuynh hướng loại bỏ luôn cho dù tính tục tĩu chỉ là một yếu tố thôi. Nói cách khác, dù đang đi tới thế giới do mình tự vẽ ra nhưng nếu giữa chừng có câu nào tục tĩu lộ liễu thì tôi cũng từ bỏ giữa đường luôn. Anh Kamiya thấy rõ khuynh hướng đó và nói rằng tôi không nghiêm túc. Anh còn nói là đồ bất hảo nữa. Suy nghĩ bất di bất dịch của anh Kamiya là không được bị bó buộc bởi thước đo nào ngoài thước đo thú vị. Khi tránh những nội dung dung tục gây cười có nghĩa là suy nghĩ “làm một người không xấu xa” đã chiến thắng suy nghĩ “làm một người thú vị”. Anh Kamiya gọi như thế là bất hảo. Chính vì vậy chỉ trước mặt anh Kamiya tôi mới không thấy ngại dùng mấy kiểu nói dê cụ. Điện thoại lại rung lên. Là anh Kamiya. Tôi rón rén mở tin nhắn. “Thật lòng thì bởi có các chú nên anh không muốn bị coi thường, liền ngay lập tức đổi nội dung. Nhưng đổi nội dung rồi mà vẫn không thắng được thì cũng chẳng ý nghĩa gì nhỉ. Lần sau anh sẽ thắng. Ký tên: Cú đánh nện lưng by Mẹ Teresa.” Đọc tin nhắn khiến tôi nhớ lại buổi diễn đêm nay mà mình đang cố quên. Nhóm Xuẩn Ngốc đứng thứ tư, còn Sparks đứng thứ sáu. Vì do khán giả bầu chọn nên những nghệ sĩ được yêu thích hay nghệ sĩ kêu gọi nhiều khách tới có lợi hơn, nhưng anh Kamiya luôn nói tất cả đều có giá trị trừ phiếu bầu chọn của người thân. Cả với nhóm được yêu thích nữa thì fan hâm mộ vốn dĩ là người ngoài. Biến người lạ thành fan chính là do bản thân người nghệ sĩ nên người ngoài phàn nàn gì chứ. Cho rằng nội dung ngày hôm đó không tốt nên bỏ phiếu cho nhóm khác, dù nhóm đang ủng hộ có tương lai đến mấy nhưng chẳng may bị đào thải thì vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy họ nữa. Trong tình yêu thì người con gái yêu người đàn ông không có kinh tế chắc chắn không nghĩ sẽ nuôi anh ta mãi. Đó là cô ấy đang đầu tư để mong một ngày anh ta sẽ chăm chỉ làm việc kiếm tiền về. Nói cách khác, quan điểm của anh Kamiya là làm cho đối phương nghĩ được như vậy cũng là có thực lực rồi. Nhưng nói vậy chứ tôi thấy họ đáng được ghi nhận bởi độ hoàn thiện ngày hôm đó. Vả lại anh Kamiya luôn có những phát ngôn của một người đeo đuổi chiến thắng và có mỹ học về cách chiến thắng rất khắt khe. Giành vị trí thứ nhất trong buổi diễn ngày hôm nay là Shikatani, nghệ sĩ độc diễn mới vào nghề. Cậu ta có khuôn mặt hoàn hảo nhưng phần dưới mũi lại dài khác thường, nên chỉ cần chuyển từ vẻ mất cân đối đó sang vẻ mặt nghiêm túc là đã gây bão cười rồi. Nội dung bài diễn là giảng giải về cách dùng các từ ngữ được dán trên tấm bìa sao cho thời thượng nhất. Nhưng khi định lật tấm bìa, chắc do bôi quá nhiều hồ mà mãi không lật nổi, mỗi lần như thế cậu ta lại trút giận lên tấm bìa: “Thật là, đừng có cà chớn! Tôi phải thức trắng đêm để làm đó!” Sự cố đó cùng con người của cậu ta đã tạo ra tràng cười lớn. Song bản thân cậu ta lại không thấy được điều đó nên cứ khóc dở mếu dở nổi quạu với tấm bìa: “Khách đã trả tiền để xem rồi đó, đừng có giỡn nữa nha!” rồi ủ rũ chào khán giả, lui vào sau cánh gà. Cậu ta đúng là một người kỳ lạ. Ngay lúc mới gặp cậu ta đã chẳng xưng danh gì mà xông tới bắt chân bắt tay tôi: “Em hâm mộ anh Tokunaga lắm ạ. Rất mong anh chỉ bảo,” rồi ngày khác thì nói khơi khơi: “Anh Tokunaga, anh hãy vào Đội quân Shikatani làm quân sư đi ạ. Anh em mình sẽ cùng thống lĩnh thiên hạ.” Đó là kiểu người mà đáng lẽ trước giờ tôi không ưa lắm. Khi Shikatani được công bố đứng thứ nhất vào cuối buổi diễn, cậu ta chẳng mảy may mừng rỡ mà còn la ó xuống phía khán giả: “Thật là, đừng có cà chớn! Đó không phải là hài. Chắc tôi sẽ bị mấy nghệ sĩ khác đì ở phòng chờ mất thôi!” Cả khán giả lẫn nghệ sĩ trên sân khấu lại đồng loạt cười nghiêng ngả trước hành động của cậu ta. Nhớ lại buổi diễn thì nói không hết chuyện. “Nhóm Xuẩn Ngốc thú vị lắm ạ! Ký tên: Cống thoát nước đồng dạng với cô người yêu,” tôi gửi tin nhắn rồi đi ngủ. Không ở đẳng cấp được phép đánh giá nội dung hài của đàn anh hay dở ra sao, nhưng đó là lời nói thật tâm của tôi. Nhưng bản thân chúng tôi thì sao nhỉ? Nhóm Xuẩn Ngốc có phong cách của họ. Chúng tôi thì có không? Khi tôi nghĩ vậy, sóng lòng bất an lại xô tới. Lúc tôi chui vào chăn, lại có tin nhắn từ anh Kamiya. “Xin lỗi anh nhắn tin muộn nhé. Anh nghĩ người vĩ đại chắc cũng đứng thứ tư như thế này thôi. Mà đáng lẽ không nên hỏi người đứng thứ 10 như chú. Ký tên: Thứ Edison phát minh ra là bóng tối.” Đó là điều đáng phải suy nghĩ nhất, ủ dột vì không diễn tốt trên sân khấu là phản ứng tâm lý khó tránh khỏi. Để giải tỏa sự ủ dột này chỉ có cách lấy được tiếng cười ở buổi diễn sau thôi. Chỉ khi đêm về như thế này, cả tôi lẫn anh Kamiya đều mâu thuẫn, ở Tokyo, có những đêm tất cả đều là người xa lạ. “Thứ sáu, thứ sáu. Ký tên: Phát minh ra Edison là tầng hầm tăm tối,” gửi tin nhắn xong tôi cố nhắm mắt lại. Cảm giác như có tảng chì đè lên ngực suốt đến tận sáng. Có thời gian ngày nào tôi cũng chơi với anh Kamiya, nhưng cũng có thời gian lâu lâu không gặp nhau. Trong một lần như thế, cô bé cùng chỗ làm thêm cũ nhờ tôi làm mẫu tập nhuộm tóc thì tôi đã đồng ý không đắn đo. Cũng có thể bởi tôi muốn thay đổi bản thân một chút. Tôi cắt mái tóc đã mọc dài và nhuộm màu bạc. Tôi cũng đổi trang phục đen toàn thân cho hợp với màu tóc. Không cần phân biệt trang phục thường ngày và trang phục diễn nên bình thường tôi vẫn chủ yếu đóng bộ như thế. Lâu lắm mới gặp lại, anh Kamiya thấy quả đầu màu bạch kim của tôi thì thốt lên với vẻ không trông mong được gì: A... Ngày hôm đó, khoảng mười giờ đêm có tin nhắn từ anh Kamiya: “Đi ăn không?” Thật khó trả lời thế nào cho phải vào cái giờ này. Tôi không đoán được anh ấy nhắn vì muốn ăn cùng hay chỉ có chuyện muốn nói thôi. Có lẽ cứ trả lời thẳng là xong, nhưng cũng có thể anh Kamiya đã ăn rồi. Anh Kamiya vẫn bao tôi ăn uống dù hết tiền. Có lẽ đó là quy tắc trong giới nghệ sĩ, nhưng với một người không kiếm được mấy từ nghề và thi thoáng chỉ làm thuê theo ngày như anh Kamiya thì chắc chắn đây không phải quy tắc dễ dàng chút nào. Tuy không phải quán sang trọng nhưng lúc nào anh cũng giục tôi ăn món mình thích. Bởi vậy khi nhìn thấy đống vỏ cốc mì ăn liền chất đống trong bếp nhà chị Maki, tôi nghẹn lời. Không có tiền thì anh vay nóng ở công ty cho vay để dắt tôi đi uống. Anh Kamiya gọi thẻ tín dụng là ma thuật. Tất nhiên cũng nhiều lần chúng tôi uống bằng tiền của chị Maki cho. Người không biết lươn lẹo như anh Kamiya luôn tồng tộc như sám hối rằng: “Tiền của Maki đấy!” Nghĩ tới chị Maki tôi thấy nặng lòng lắm, nhưng thấy anh Kamiya như vậy tôi còn đau khổ hơn nhiều. Cũng có lúc chính bản thân tôi không hiểu sao phải làm tới mức này chỉ để nhậu một bữa. Đôi lúc chẳng thấy anh Kamiya liên lạc gì, tôi biết tỏng là vì chuyện tiền nong. Cứ nghĩ chỉ vì vậy mà cơ hội được gặp anh Kamiya giảm đi là tôi thực lòng không muốn để anh Kamiya phải dùng tới tiền. “Xin lỗi anh. Em ăn rồi nhưng em ngồi cùng anh có được không? Ký tên: Tên trộm thành thần,” tôi soạn tin nhắn. Nhìn dòng chữ nổi trên màn hình tinh thể lỏng của điện thoại, tôi thấy rõ ràng vẫn chưa đói nên bấm nút gửi đi luôn. “Này, không phải chú đang làm ý làm tứ đấy chứ? Ký tên: Bánh dầy,” ngay lập tức có tin nhắn trả lời với nội dung như vậy. Chúng tôi hẹn ở ga Kichijoji rồi đi bộ tới công viên Inokashira. Đi xuống cầu thang sát nách quán thịt gà nướng “Iseya” rồi đi bộ giữa hàng cây còn vương hơi sương, chân cứ tự đi về phía máy bán hàng tự động đèn sáng trưng. Anh Kamiya sau khi nhét vài xu vào thì lấy ngón tay ngoáy vòng vòng ngăn đựng tiền xu. Tôi lấy trong ví mình ra đồng 10 yên định cho vào máy tự động thì bị quát: “Không cần!” Anh Kamiya giữ nguyên bộ mặt khó xử, còn tay vẫn bới ngăn đựng xu. Vì quá thời gian nên mấy đồng xu đã cho vào lại rơi ra từ ô tiền thừa. Thế nhưng anh Kamiya vẫn tiếp tục lục lọi ngăn tiền xu. “Anh làm thế xu có tăng lên đâu.” “Biết rồi! Nhưng bây giờ mà để chú bỏ 10 yên ra thì thành trả chung à!” Anh Kamiya nói như lấy làm tiếc thực sự. “Anh Kamiya, em muốn uống trà đóng chai nên cần 30 yên nữa cơ,” tôi nói. “Xấu tính thế nhỉ. Thôi được rồi!” Anh Kamiya đành đầu hàng, lôi từ trong ví ra tờ một nghìn yên rồi cho vào máy bán tự động. Đứng trên cầu Nanai, vừa ngắm ánh sáng của chung cư lớn phía đầu hồ tôi vừa uống chai nước trà. “Ngon không?” Anh Kamiya thì thầm hỏi. “Ngon ạ. Nếu có cỗ máy thời gian thì đầu tiên em sẽ cầm chai trà này đi gặp Senorikyu,” tôi trả lời. “Chắc Hideyoshi lại khệnh khạng từ bên hông bước ra uống mất chứ gì,” anh Kamiya nheo mắt nói. “Cà phê của anh thì thế nào ạ?” “Ngon. Anh xin rút lại tất cả những câu ‘ngon tuyệt’ đã nói tại hàng mì udon Maruta ở quê mà anh ăn suốt thời trẻ con.” Từ phía Tây công viên vang lên tiếng kêu của một loài chim lớn. Có vườn thú trong công viên này. “Thì Maruta cũng ngon trong ký ức của anh chứ sao,” tôi nói. “Không, so với cà phê lon này thì chẳng là gì cả. Con xin lỗi bác chủ quán hiền lành ạ.” “Đáng buồn quá. Là hai thứ khác nhau nên cả hai cùng ngon cũng được mà.” Gió thổi mạnh làm rối tung tóc mái. Đâu đó tiếng chó sủa đáp trả tiếng chim kêu. Anh Kamiya hỏi đủ thứ về mái tóc bạch kim và trang phục theo phong cách mới của tôi. Tôi giải thích rằng chọn trang phục hợp với tóc bạch kim thì tự nhiên thành thế này thôi. Anh Kamiya tỏ ra hiểu đôi chút về trang phục của tôi, bảo rằng quan trọng là cảm thấy cần thiết phải mặc gì và chọn cái đó. Anh Kamiya mù tịt về cách ăn mặc thời trang nhưng lại đưa ra phản biện về việc thời trang và cá tính được đánh đồng với nhau. Anh cho rằng mới nhìn thì độc đáo nhưng nếu thịnh hành ở mọi nơi thì cho dù là thiểu số hay tuyệt vời tới đâu cũng không thể gọi là cá tính được. Anh nói đó chỉ là cá tính của người khởi xướng, còn lại đều là bắt chước mà thôi. Nhưng cũng có ngoại lệ, ví dụ người suốt năm trời ròng rã giữ đúng phong cách chú hề thì có thể coi là cá tính. Anh còn khẳng định dù trang phục chú hề là do người khác tạo ra nhưng mặc nó hằng ngày làm quần áo thông thường thì đích thị là ý tưởng độc đáo. “Nhưng mà nhé, bộ chú hề mặc vào mùa hè thì thú thực nóng lắm nên anh không muốn đóng bộ như thế đâu. Nếu nghĩ vậy thì lại thành bắt chước chính mình rồi. Cái loại mà nghĩ rằng mình phải thế này thế kia rồi sống dựa trên quy phạm đó thì chính là bắt chước bản thân mình chứ còn gì nữa nhỉ? Cho nên anh dị ứng với cái gọi là cá tính là thế.” Rõ ràng là những lời đúng chất anh Kamiya, nhưng cứ phải dị ứng với cá tính tới mức ấy cũng mệt. Nếu anh Kamiya đang nói vui thì chẳng cần bận tâm. Nhưng trong lời nói của anh có sự nghiêm túc kèm cảm giác sứ mệnh. “Em ấy mà, rất khoái quần nhung tăm nhưng lại ghét đặc quần nhung tăm màu be.” “Vì sao?” “Quần nhung tăm là có nhiều đường sọc dọc đúng không ạ?” “Phải!” “Màu be là màu có tính nở rộng, nên hai thứ chỏi với nhau lắm. Nên ai mặc quần nhung tăm màu be thì em nghĩ đích thị là người chả biết gì, chỉ thích mặc vải nhung tăm mà thôi.” “Kỹ tính nhỉ. Nghe qua như đang nói điều giống với anh nhưng thực chất lại là nói đến chuyện hoàn toàn khác,” anh Kamiya nói rồi cười. Sở dĩ tôi nghĩ như thế cũng là có nguồn cơn cả. Hồi học cấp hai, lũ bạn hay giễu cợt thầy giáo môn văn học cổ điển mặc quần nhung tăm là lỗi thời, nhà quê, lúc đó tôi lại chẳng thấy quần nhung tăm nhà quê chút nào. Ngược lại, thậm chí tôi còn thấy chất liệu có chút bóng bẩy đó rất oách là khác. Tôi liền mua một chiếc quần nhung màu xanh ở cửa hàng quần áo cũ rồi thường xuyên mặc. Tất nhiên, lũ bạn đã giễu cợt chiếc quần nhung của tôi là lỗi thời. Tuy nhiên, lên cấp ba, lối thời trang retro lên ngôi, đám bạn từng giễu cợt tôi cũng bắt đầu mặc quần nhung như một điều hiển nhiên. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được cảm giác khó chịu lúc đó. Thậm chí kiểu quần lũ bạn tôi thích mặc nhất là quần nhung màu be. Có lẽ bởi vì thế mà tôi sinh ra cảm giác căm ghét quần nhung màu be. Dù tôi có bình tĩnh suy xét lại thì vẫn không thể chấp nhận được, nó giống như việc những tay punk rock để kiểu đầu Mohican lại mặc áo khoác bằng chất liệu vải cotton vậy. “Thôi đừng nói chuyện quần nhung be nữa đi. Tự dưng nói chuyện quần nhung be chắc chú thấy đã rồi chứ.” Anh Kamiya nói rồi ném lon cà phê đã uống hết vào thùng rác. “Anh đánh trống đánh trống ơi, anh mũ đỏ chót ơi,” anh Kamiya đột nhiên cất giọng hát. “Rồng ơi tỉnh dậy đi. Bằng tiếng trống kia.” Giai điệu lạ kỳ vang vọng trong công viên giữa đêm khuya. Lâu lắm rồi chúng tôi mới lại đi bộ trên con đường từ Kichijoji tới Kamishakuji. Tôi đã từng có thời ngày nào cũng đi qua nên cảm giác khá thân thuộc. Cự ly hơi xa không thích hợp để đi bộ hằng ngày. Tôi đề xuất đi xe buýt nhưng anh Kamiya chẳng thèm đếm xỉa. Tôi cũng thích đi bộ nhưng là đi tản bộ không có mục đích kia, nên thấy anh Kamiya thật kỳ cục khi ngày nào cũng thản nhiên đi bộ cự ly dài như thế này. Anh Kamiya nói với theo chiếc xe đạp đi ngang qua chúng tôi: “Bố ơi, nguy hiểm lắm phải bật đèn lên nhé!” Người đạp xe không nói câu nào mà bỏ đi thẳng. Anh Kamiya bỏ ngoài tai câu “Anh không phải nói thế đâu” của tôi, cứ mỗi lần có xe đạp không bật đèn đi qua là lại nói câu tương tự. Đến chung cư nhà chị Maki thì đầu gối tôi hầu như không còn cảm giác. Vừa mở cánh cửa màu xanh nhạt, đã thấy chị Maki tươi cười đón chúng tôi. “Chào em Tokunaga, lâu lắm rồi mới gặp. Em vẫn khỏe chứ?” “Vâng. Em chào chị.” “Em ở lại ăn cơm nhé.” Chị Maki bắt đầu chuẩn bị lẩu ở trong bếp. Có thời gian đây là ngôi nhà ngày nào tôi cũng lui tới, ấy thế mà vì lâu không đến hay sao mà tôi thấy khang khác. Chỗ anh Kamiya ngồi khác với mọi khi. Thường thì anh ấy ngồi đối diện với ti vi qua bàn ăn, nhưng không hiểu sao hôm nay anh ấy lại ngồi đối diện với tôi ở vị trí nhìn ti vi bên tay phải. Chị Maki mang nồi lẩu đến. Chị Maki không bao giờ để tôi động tay giúp, luôn cười và nói: “Tokunaga, việc của em là ăn!” Có đôi khi tôi thấy anh Kamiya và chị Maki như vợ chồng vậy. Chúng tôi cụng bia, lúc chị Maki làm thêm nồi lẩu thứ hai thì anh Kamiya nói “Đi tè” rồi đứng lên đi ra nhà vệ sinh. Vừa nghĩ vì sao anh ấy lại phải cố tình nói “Đi tè” thì tôi cũng hiểu ra lý do hôm nay anh Kamiya ngồi ở vị trí khác mọi khi. Đằng sau chỗ anh Kamiya ngồi có giá quần áo màu bạc, ở đó có đặt chiếc quần nhung màu be. Nhớ lại đoạn nói chuyện ở công viên Inokashira, tôi bất chợt tái mét mặt. Ngay lập tức tôi đứng dậy đi ra đứng trước nhà vệ sinh nhưng không biết phải làm sao. Từ trong nhà vệ sinh không phát ra âm thanh nào. Trong gian bếp tôi nghe thấy tiếng nồi lẩu đang sôi. Chị Maki nói “Xong rồi” và đeo bao tay khá dày vào hai tay, bưng nồi lẩu lên trên bàn. Chị Maki cười mỉm khi nhìn tôi đang đứng ở nơi thật kỳ quặc, nhưng không nói gì mà quay vào bếp. Lúc như thế này chị Maki nhạy bén đến đáng sợ. “Anh Kamiya!” Tôi gọi với vào trong nhà vệ sinh. Và anh Kamiya cũng lại nhạy bén đến đáng sợ. “Cái đó, là hồi ở Osaka, anh đi làm thêm ở tiệm cà phê, ở trên thì mặc tạp dề màu đen có in tên cửa tiệm theo quy định, ở dưới thì mặc gì cũng được miễn là quần màu be.” Giọng anh Kamiya vang lên bên trong nhà tắm nhỏ hẹp. “Em xin lỗi!” “Có gì mà phải xin lỗi. Chỉ là anh cần phải có quần màu be thôi. Cho nên ngoài quần nhung thì anh còn mấy cái quần màu be nữa cơ.” Tôi không biết nên nói tiếp thế nào. “Vì phải có vài chiếc mà. Nhưng mùa hè nóng chả dám mặc quần nhung. Nên cái quần đó hầu như anh chẳng mặc mấy thì phải.” “Ra là thế ạ. Nhưng nhìn lại quần nhung màu be em thấy đúng là oách thật.” Tức thì tôi nghe thấy tiếng cười từ bên trong. “Thôi đủ rồi,” anh Kamiya nói rồi có tiếng giật nước. Bước ra khỏi nhà vệ sinh, anh Kamiya cho cái quần nhung màu be vào túi nilon rồi đưa cho tôi: “Mang về đi!” Trong khi tôi nhét nó vào ba lô thì anh Kamiya bắt đầu chọc đũa vào nồi lẩu. Đúng lúc đó tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ ti vi vẫn bật từ nãy giờ. Bắt đầu chương trình của nhóm nghệ sĩ hài trẻ đang nổi gần đây. Chị Maki lặng thinh vớ lấy điều khiển chuyển kênh rồi nói với giọng tươi tỉnh: “Hai anh em ăn cháo hay mì để kết nào?” Anh Kamiya vừa phồng mồm nhét miếng đậu phụ vào miệng vừa nói: “Món măm măm quỷ.” * * * Hơi thở trắng phả ra từ miệng và khói bốc từ miếng xíu mại mua ở tiệm Iseya hòa trộn vào nhau trong không khí. Chúng tôi vừa nhét nốt miếng cuối cùng vào miệng vừa đi xuống bậc thang thoai thoải ở cổng công viên Inokashira, hàng cây với dáng vẻ lạnh lẽo không phản chiếu nổi ánh nắng dịu dàng của mùa đông mà chỉ hút thêm vào. “Mỗi mùa quang cảnh lại thay đổi hẳn nhỉ!” Anh Kamiya lầm bầm rồi đưa cho tôi miếng giấy gói xíu mại đã ăn hết. So với Shinjuku hay Shibuya thì cả tôi và anh Kamiya đều thích cái cảm giác thời gian trôi chậm rãi ở công viên này hơn. Mua một lon cà phê ấm rồi ngồi ở ghế công viên ngắm mặt hồ. Cảm giác dễ chịu như độc tố tích tụ trong cơ thể được thanh lọc. Một người mẹ trẻ đẩy xe đẩy ngồi xuống ghế bên cạnh chúng tôi. Đứa trẻ khóc to như một con thú, khuôn mặt người mẹ hiện lên sự mệt mỏi và bối rối. Anh Kamiya từ từ đứng lên rồi tiến lại gần chiếc xe đẩy, bắt chuyện với người mẹ trẻ: “Cháu bé dễ thương quá!” Người mẹ dịu dàng cười với em bé như chuyển lời nói của anh Kamiya cho đứa trẻ. Thế nhưng đứa trẻ trông không có vẻ gì sẽ ngừng khóc. Tức thì anh Kamiya ghé sát mặt đứa trẻ, lầm bầm đọc một bài thơ senryu: “Hai con ruồi. Đậu trên mắt phải. Của sư cô.” Không hiểu ý tứ của vần thơ, tôi bèn hỏi thì anh trả lời bằng giọng cổ lỗ sĩ: “Thơ con ruồi, tại hạ mới sáng tác hôm qua.” “Ôi, làm sao mà đứa bé cười được chứ.” Nghe tôi nói vậy, anh Kamiya không phản ứng mà vẫn nhìn đăm đăm đứa trẻ và tiếp tục những vần thơ con ruồi với khuôn mặt toe toét: “Hai con ruồi. Đậu trên mộ đá. Của ân nhân.” Anh có vẻ nghiêm túc. Anh Kamiya nói bằng giọng nhẹ nhàng với người mẹ đang rúm ró mặt mày vì sợ: “Cháu bé trông cứng cáp quá chị nhỉ!” và tiếp tục ngâm thơ con ruồi với đứa nhỏ. Sự dịu dàng tối thiểu vốn có của anh Kamiya lại càng làm nổi bật hơn sự đáng sợ của thơ con ruồi. “Tôi là ruồi, em là dế, kia là biển.” “Cô gái Paris, ở đối cực con ruồi.” “Quà của mẹ, toàn là dưa lưới con ruồi.” Cứ đọc xong mỗi câu anh Kamiya lại nghiêng đầu như không chấp nhận được việc đứa trẻ không chịu cười. “Trẻ con không cười được bằng thơ con ruồi đâu anh.” Nghe tôi nói vậy tức thì anh Kamiya làm bộ mặt khó xử rồi nói như đẩy sang cho tôi: “Thế thì chú mày làm đi!” Tôi hiểu thơ con ruồi không phải đáp án đúng, nhưng tôi cũng nào có kinh nghiệm chơi với trẻ, một mình với trẻ còn đỡ chứ có thêm người khác vào rồi phải để ý đến ánh mắt của người khác khiến nói năng không được trôi chảy nữa. Thế nhưng trong đầu tôi thừa hiểu rằng giờ mà ngại mới dở hơi. Lấy hết tự tin tôi nhìn đứa trẻ rồi: “Ú... Òa!” Nhưng nó vẫn không chịu nín. Anh Kamiya nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng. Không thèm để tâm, tôi tiếp tục thử nhiều lần: “Ú... Òa!” Nhìn mẹ đứa trẻ là tôi biết chị ta cũng đang phát ớn với hành động và vẻ cao hứng đột ngột của tôi. Cuối cùng đứa trẻ cũng dịu lại khi được người mẹ bế lên, nhưng nét mặt anh Kamiya không vui lắm. “Thơ con ruồi là thơ gì không biết? Em bé có cười được đâu ạ!” Tôi nói với anh Kamiya vì nghĩ mình phải gợi chuyện trước. Anh Kamiya trả lời chẳng ăn nhập gì: “Nhưng cái mà cậu làm ấy, chẳng có gì thú vị cả.” “Không, đấy là cách thông thường với trẻ, không phải chuyện thú vị hay không anh ạ.” “Không, chả thú vị gì ráo.” Có lẽ anh Kamiya chưa hiểu về trò “ú òa”. Không biết có bao nhiêu nhà phát minh, nhà nghệ thuật cứng nhắc tới mức cho dù người đón nhận tác phẩm của mình là một đứa trẻ thì họ cũng nhất định không chịu thay đổi tác phẩm. Những thiên tài trong quá khứ liệu có như anh Kamiya, không dùng tới trò “ú òa” mà dùng tác phẩm tâm huyết của mình để chọc bọn trẻ vui? Tôi thì luôn vừa làm vừa mày mò xem nên truyền đạt suy nghĩ của mình tới người khác như thế nào. Nhưng anh Kamiya thì có lẽ với ai cũng không thay đổi cách làm. Điều này phải chăng là quá tin tưởng đối phương. Nhưng nhìn anh Kamiya luôn giữ vững phong cách của mình không chút suy chuyển thì tôi lại thấy mình là con người thật dễ dãi. * * * Có vài cặp nghệ sĩ hài đàn em chuyển từ công ty có tiếng sang công ty của chúng tôi. Bọn họ rất xuất sắc. Tự kết hợp thành nhóm rồi thành công với những buổi diễn riêng dù quy mô nhỏ. Chúng tôi thì còn chưa cả lên kế hoạch cho một buổi diễn riêng. Hầu hết chúng tôi chỉ tổ chức chung với các công ty khác hay được các sân khấu mời đến, chứ không có kiến thức hay thông tin để thực hiện một buổi diễn của riêng mình. Sự bứt phá của họ là chuyện lớn với chúng tôi. Chỉ trong thời gian ngắn họ đã thân thiết với tất cả nhân viên của công ty. Trước mặt người trong công ty họ cố tình bỡn đùa để bị mắng rồi xin lỗi. Suốt khoảng thời gian diễn ra chuỗi hành động đó nhân viên công ty cứ cười suốt. Người trong công ty vừa mắng mấy cậu đàn em đó đã lại dần chuyển sang nét mặt trìu mến như cha mẹ đối với con cái. Nét mặt chúng tôi chưa từng được nhìn thấy bao giờ. Khác với chúng tôi mấy năm nay từ hồi vào công ty này luôn giữ khoảng cách nhất định để không bị ghét thì họ lại ngay lập tức thừa nhận nhân viên công ty là người lãnh đạo họ. Điều đó cũng là để nhân viên công ty có ý thức rằng mình như cha mẹ. Nhờ họ mà ban tấu hài của công ty sôi động hẳn lên. Buổi diễn của công ty được tổ chức định kỳ là điều vô cùng may mắn với chúng tôi, nhưng cũng từ đây chúng tôi bắt đầu bị so sánh với người khác. Thất bại trước giờ có thể do chúng tôi chưa nổi tiếng hoặc do lỗi của công ty. Nhưng đây lại là cuộc chiến của những người cùng công ty mà độ nổi tiếng không khác nhau là mấy. Tại buổi diễn chúng tôi sẽ lần lượt diễn xuất, còn quyết định thứ vị cuối cùng là do phiếu bầu của khán giả. Bài tấu của chúng tôi chất lượng vẫn như mọi khi. So với lượng khán giả thì tôi nghĩ cũng khá rồi, nhưng những cậu đàn em diễn trước chúng tôi lại tạo ra được những trận cười vang cả vào tận phòng chờ. Cả lúc nói chuyện trong khi chờ thống kê phiếu bầu của họ cũng tận dụng được sự liên quan với bản thân để tạo nên tiếng cười. Chúng tôi chưa từng tham gia một buổi diễn nào mà như hòa làm một với khán giả thế này. Chứng kiến họ thể hiện trên sân khấu ở rất gần nhưng đâu đó cảm giác thực tại mơ hồ khiến tiếng cười khán giả cũng như văng vẳng từ xa, chỉ có tiếng hơi thở của chúng tôi là vang lên trong màng nhĩ một cách hiện thực, và cứ mỗi khi có chút loạn nhịp thì chúng tôi lại bị lo âu chi phối, xung quanh cũng trở nên mờ đi. Trong số các nhóm tham gia diễn thì chúng tôi có thâm niên lâu nhất nhưng thành tích thì đứng thứ sáu trên tám cặp. Tổng kết buổi diễn được tổ chức tại nhà hàng nướng ở Shibuya. Có lẽ từ trước tới giờ việc tổng kết mỗi buổi diễn chưa được tổ chức tích cực cho lắm. Cuối tuần, trong quán chật cứng thanh niên và khách đã say khướt. Thế còn hơn là nơi yên tĩnh. Tôi ngồi ở góc, trước mặt là một nhân viên nữ của công ty. “Cậu Tokunaga từng ở đội tuyển Osaka đúng không? Sao cậu lại bỏ đá bóng vậy?” Người này lúc nào cũng tươi cười với chúng tôi nhưng chắc chẳng thấy chúng tôi thú vị chút nào cả đâu. Với cô ấy thì người như tôi không có mặt ở đây cũng chẳng có gì đáng bận tâm. Cô ấy chỉ đang tưởng tượng đơn giản rằng nếu tôi thành cầu thủ bóng đá ở đâu đó thì chắc đã hạnh phúc hơn rồi. Và không chỉ cô ấy có suy nghĩ này đâu. Nỗi sợ hãi vô tận rằng tương lai không thể trở thành nghệ sĩ hài từ hồi mới mấy tuổi này là gì nữa không biết? Cậu bạn diễn Yamashita ngồi uống với nhà biên tập và đạo diễn sân khấu ở bàn trên, lúc từ nhà vệ sinh ra có ghé vào chỗ tôi thì thầm: “Đạo diễn sân khấu bảo đừng ngồi trong góc uống thế mà nên đi chào nhà biên tập đó. Đi đi!” rồi quay về chỗ ngồi. Đạo diễn sân khấu là người tốt bụng, có chút quan tâm tới chúng tôi. Tôi cầm cốc bia, nhấc cái mông nặng nề lên rồi đi về phía bàn trên. Ngay cả đêm như thế này cũng vậy. Mấy cậu đàn em đi lại hứng khởi quanh nhà biên tập, đạo diễn, Yamashita, không khí rất vui vẻ. Tôi sợ không biết sự xuất hiện của mình có làm phiền họ không. Không ai nhận ra tôi đã đến bên cạnh bàn với nụ cười gắn trên mặt. Tôi bị đẩy ra khỏi tất cả các nhóm. Không ở chỗ ngồi cũng không ở lối đi mà đứng trân trân một mình ở một chỗ không tên. Tôi là cái gì? Lúc như thế này, vẫn biết cái lý luận “Con người ai cũng là nghệ sĩ hài hết, chỉ là nhận ra hay không thôi” mà anh Kamiya thường xướng lên là điên rồ nhưng nó cũng làm tôi bình tĩnh một chút. Bây giờ tôi rõ ràng đang tả tơi và những ngày cùng anh Kamiya lướt qua trong đầu. Quả là tôi thấy mình trưởng thành hơn khi chơi cùng anh Kamiya. Thế nhưng khi va chạm ngoài xã hội thì tôi lại mong manh tới mức này sao. Không còn lời nào để nói. Không thể thay đổi biểu cảm. Tôi muốn gặp anh Kamiya hầu như luôn vào những đêm đang sắp đánh mất bản thân. * * * Mấy ngày liền tôi đều rủ rê nhưng có vẻ dạo này anh bận. Quyết tâm gọi điện vào đêm khuya thì anh cũng không bắt máy. Ngày tiếp theo, anh Kamiya liên lạc với tôi vào buổi sáng, gọi tôi ra Kichijoji. Vì có nhiều chuyện muốn tâm sự nên tôi phấn chấn đi tới đó. Nhưng hôm đó, tôi chẳng nói được chuyện gì của mình cả. Khoảng hai giờ chiều, anh Kamiya xuất hiện tại địa điểm đã hẹn với nụ cười nhẹ trên môi nhưng thái độ có gì đó khác mọi khi. Câu đầu tiên của anh ấy là: “Không phải vậy!” “Sao thế ạ?” “Này nhá, anh muốn đến nhà Maki để lấy đồ nên muốn chú đến cùng,” anh Kamiya cúi mặt nói. “Không vấn đề gì, nhưng anh chị cãi nhau ạ?” Tôi từng chứng kiến anh Kamiya mấy lần say làm liên lụy tới chị Maki, chứ chưa từng thấy chị Maki giận anh bao giờ. “Maki, cô ấy có bạn trai rồi.” “Thật ấy ạ?” Câu nói quá bất ngờ. Nhìn từ ngoài vào thì có vẻ như chị Maki yêu anh Kamiya thật lòng. Còn anh Kamiya trông rất dựa dẫm vào chị Maki dù hay càm ràm này nọ. Nên tôi tự cho rằng kiểu gì hai người cũng cưới nhau thôi. “Anh cũng bất ngờ lắm. Anh từng kể với chú là Maki làm việc tại quán rượu ở Kichijoji rồi đúng không?” “Vâng.” Không hiểu sao tôi có linh cảm không hay cho lắm. “Đó thực chất là quán mại dâm. Lúc cô ấy mới lên Tokyo, đi loanh quanh ở Kichijoji thì bị chèo kéo vào làm. Thế rồi mấy ngày sau đến phỏng vấn thì hóa ra đó là quán mại dâm hóa trang làm hồn ma. Em cũng biết tính cô ấy không biết từ chối rồi đấy. Thế là vào làm.” “Ra là thế ạ.” Tôi không biết phải hiểu câu chuyện này ra sao. “Cái việc phục vụ trong bộ dạng hồn ma thì có cần phải giải thích không? Anh không muốn phải tưởng tượng nên chẳng hỏi tỉ mỉ.” Lúc như thế này, tưởng tượng chính là thứ vũ lực khủng khiếp với bản thân. “Là tự mình nghĩ ra chuyện thôi nhưng anh thấy đau lòng lắm. Chắc anh yêu cô ấy thật. Yêu lắm luôn. Có lẽ thế!” Tôi đau lòng khi thấy anh Kamiya mất đi vẻ hoạt bát. Chọn cách nói nửa vời chắc là vì anh không muốn tỏ ra ủy mị trước mặt tôi. “Ơ, sao chú khóc?” Nói vậy rồi anh Kamiya lại cười. Tôi không nghĩ mình lại khóc. Tôi thích anh Kamiya lúc ở cạnh chị Maki. “Khóc thế có sớm quá không? Đêm anh mới định uống rồi khóc như tắm luôn cơ mà.” “Anh đừng nói là khóc luôn một bồn tắm nhá!” Đau khổ quá. “Này này, không tắm tráng qua nước mắt trước mà đòi tự dưng vào ngâm trong bồn nước mắt hả?” “Em đã bảo là đừng có khóc một bồn tắm mà!” Cái sự đau lòng nó khốn khổ tới mức này sao. “Bét ra phải để chim cò với mông đít khóc xong rồi mới được vào bồn nước mắt đấy!” “Anh nói gì lộn xộn vậy. Chim cò với mông đít khóc là sao?” Dù có hiểu được từ và khái niệm đau khổ thì mức độ đau khổ vẫn không vơi bớt. “Thôi thế thì cho hạt nước mắt vào bồn nước mắt mà ngâm vậy, hôm nay chỉ có màu nước mắt thôi.” “Giời ạ, em chẳng hiểu anh đang nói gì nữa.” Ngay cả lúc như thế này chúng tôi cũng phải cười hay sao? “Không ngờ chú còn khóc trước anh đấy. Làm anh chẳng biết phải khóc vào lúc nào nữa.” Anh Kamiya cố tỏ ra cứng cỏi nhưng giọng điệu có vẻ không vững vàng lắm. Nhóm học sinh tiểu học hớn hở đi qua hai chúng tôi đang hướng về đầu Bắc con phố Kichijoji với tốc độ như không muốn tới đích nào cả. Bọn trẻ con nhòm chúng tôi vẻ thắc mắc, như thể người lớn khóc là hiếm thấy lắm. “Này này, tại chú khóc mà ông thầy giáo chủ nhiệm tưởng anh bắt nạt chú, lườm anh cháy mặt kìa!” Trông anh Kamiya như đang cố gượng cười. Bình thường anh ấy có dùng từ kiểu giải thích hoàn cảnh như thế đâu. “Bạn trai Maki là khách của quán. Hắn lui tới quán nhiều lần, tỏ tình cũng kha khá, thế rồi Maki cũng thích hắn.” Anh Kamiya làm khuôn mặt ngây ngô như muốn coi việc này chẳng là gì. Chị Maki đẹp lại dịu dàng thế thì thiếu gì người thích. “Em không biết nên nói thế nào. Em nghĩ chị Maki thực sự thích anh, nhưng chắc chị ấy cũng muốn kết thúc mối quan hệ mơ hồ này chăng?” “Ừ thì anh cũng chả ý kiến gì nếu Maki có người yêu. Lại còn chuyện tuổi tác nữa, anh cũng muốn làm gì đó nhưng không kịp rồi. Ngồi đây nói này nói nọ cũng không hay lắm. Anh nghĩ chắc cô ấy cũng không còn lựa chọn nào khác.” Anh Kamiya thọc hai tay vào túi, bước đi chậm chạp như miết bàn chân xuống đất. Mỗi lần chúng tôi bước tới chỗ đèn giao thông, đèn đều chuyển sang đỏ. “Anh định lấy hết đồ sao?” “Không, anh vẫn chưa tìm được nhà nên không lấy hết được, ngày mai có buổi diễn ở sân khấu nên anh chỉ muốn lấy đồ diễn và quần áo để thay thôi. Vấn đề là gã đó đang ở nhà rồi.” “Thế ạ!” “Hình như cô ấy đã giải thích anh chỉ ở nhờ thôi nhưng anh thấy khó xử lắm, làm sao tới đó một mình được chứ?” “Cũng phải ạ.” Hẳn là người đàn ông đó biết tất cả rồi. Chắc anh ta muốn cứu chị Maki ra khỏi thằng đàn ông mạt hạng đang vắt kiệt tiền của chị bấy lâu nay. Nếu không có ý đó thì anh ta đã chẳng tới nhà có người ở cùng làm gì. Anh ta muốn ngăn chặn việc chị Maki lại lần lữa tha thứ cho anh Kamiya rồi quay về cuộc sống cũ chăng. Có lẽ chính chị Maki cũng ít nhiều mong muốn điều đó. “Đến lấy đồ một mình, nhỡ bị hắn kêu ca anh lại giết hắn mất nên mới muốn chú đi cùng.” “Hai người thì dễ giết hơn anh nhỉ?” “Ngăn lại! Ngăn lại chứ! Không ngăn lại à!?” Mức độ nghiêm trọng của lời nói và độ lớn của giọng nói chẳng ăn nhập với nhau. “Đáp lại câu nói nhạt nhẽo bằng giọng nhỏ cho phù hợp” chính là lời dạy của anh Kamiya. Trong lúc đi đến Kami-Shakuji, anh Kamiya chỉ tay vào bảng tên nhà trùng họ với tôi: “Tokunaga này, đây là nhà chú hả?” hay nghe tiếng còi hú thì hét lên: “Tưởng xe cấp cứu hóa ra lại là xe cảnh sát à!”, nhạt nhẽo tới mức bình thường tôi cũng chẳng nghĩ ra nổi. “Tokunaga, anh xin lỗi!” “Sao thế ạ?” “Anh sợ đến đó lắm!” “Em đi một mình vậy nhé? Bị nói gì em giết luôn!” Kẻ làm tổn thương người hùng của tôi thì dù có là chính nghĩa cũng đáng căm thù. Tuy nhiên làm tổn thương chị Maki cũng là điều tôi muốn tránh nhất. “Không, anh sẽ đi. Dù bị hắn nói gì thì anh cũng nghĩ là vì Maki nên sẽ im. Nhưng anh ghét phải buồn, phải đáng thương lắm. Cho nên lúc vào căn hộ Maki, anh muốn chú cương cứng sẵn lên nhé. Lúc không kiềm chế được anh sẽ nhìn vào háng chú.” “Cương cứng ấy ạ?” Người này đang nói gì vậy? “Trong lúc anh đang khổ sở mà thằng em lại cương cứng, nghĩ vậy anh sẽ cười được và giữ được tâm cân bằng.” Khuôn mặt anh Kamiya nghiêm túc hơn bao giờ hết. “Thế thì toi em! Bị hắn phát hiện ra chắc em bị tẩn khỏi cần hỏi ấy chứ!” “Lý do bị tẩn cũng lạ nên nếu có để lại vết thương ở mặt thì sau này cũng có thể đặt câu đố còn gì!” “Em không làm đâu. Nói ra lúc này không tiện nhưng em không thích mấy chuyện dâm dục ấy đâu.” “Thế mà cũng chơi được với anh lâu phết nhỉ. Anh xin đấy. Chú thử thôi cũng được.” “Thôi được rồi.” Tôi định đây sẽ là lần duy nhất trong đời đi yểm trợ với tư cách một đệ tử. Tôi tra trên điện thoại di động hình con gái khỏa thân rồi lưu lại mấy hình nổi bật nhất. Tôi hồi hộp gõ cửa căn hộ chị Maki, lắng tai nghe và nhìn vào cánh cửa màu xanh nhạt ố bẩn, vẫn là căn phòng của chị Maki như mọi khi mà tôi lại không thể thở bình thường. Có tiếng chị Maki từ trong phòng và cánh cửa mở ra. “A... Tokunaga đó hả. Cảm ơn em!” Chị Maki đón chúng tôi bằng nét mặt tươi cười như mọi khi. Bước vào phòng tôi ngửi thấy mùi mùa đông từ áo khoác mình đang mặc. Bên trong phòng, chỗ anh Kamiya hay ngồi giờ là một gã đàn ông mặc đồ bảo hộ lao động. Anh ta để râu, có thân hình của người lao động chân tay, ngồi khoanh chân điềm tĩnh xem phim phát lại nhưng có lẽ sóng lòng đang lặng lẽ cuộn lên. Chắc anh ta đã nghe chị Maki nói chúng tôi sẽ đến. Hoặc không nghĩ lại đến nhiều người. Tôi nói: “Em xin phép,” anh ta im lặng liếc nhìn chúng tôi. Ánh mắt không dao động ấy cho thấy anh ta sẵn sàng giao chiến với chúng tôi. Tôi nghĩ người đàn ông này đáng tin cậy. Anh Kamiya vừa liên tục xin lỗi chị Maki vừa nhét đồ vào cái túi to tướng. Tôi cầm chiếc vali, đứng ngăn giữa người đàn ông và anh Kamiya. Bản thân cũng không rõ mình đang che cho anh Kamiya khỏi người đàn ông hay ngược lại nữa. Chị Maki định lấy trà nhưng anh Kamiya từ chối. “Tôi lấy hết đồ cần thiết rồi, còn gì nhờ em vứt giùm!” Anh Kamiya nói với chị Maki. Bỗng nhiên tôi muốn hét lên. Tôi dễ mềm lòng với giọng nói nhẹ nhàng của anh Kamiya. “Vâng. Dọn dẹp rồi có gì gửi được em sẽ gửi.” Tôi cảm giác tóc chị Maki dài hơn một chút, nhưng cũng có thể chỉ do chị thả tóc mà thôi. Tôi lấm lét nhìn về phía anh Kamiya. Anh ấy đang nhìn vào háng tôi. Con người này thực sự xuẩn ngốc. Tôi lôi di động từ trong túi ra, chọn mấy kiểu ảnh lõa lồ nhòe nhoẹt đã lưu sẵn rồi cố hết sức hưng phấn. Thế nhưng đối với tôi đó đơn giản chỉ là những hình ảnh khỏa thân vô danh. Nó chẳng là gì bên cạnh hình ảnh con người va chạm với nhau để đốt cháy cuộc đời của mình. Anh Kamiya vẫn nhìn vào đũng quần tôi. Tôi phải làm sụp đổ tinh thần của người đàn ông kia, tình cảm của chị Maki, sự dịu dàng thô kệch đúng kiểu anh Kamiya, và cả thế giới xinh đẹp này. Chẳng hiểu từ nhiệt huyết nào mà chỗ ấy của tôi phản ứng. Anh Kamiya nhìn thấy vậy thì bất ngờ phì cười. “Thôi đi nào!” Anh Kamiya nói rồi xỏ chân vào đôi giày bata trắng. “Làm phiền chị quá ạ!” Tôi chào rồi ra khỏi phòng trước. “Xin lỗi em nhiều nhé. Cảm ơn em!” Anh Kamiya vừa dứt lời, chị Maki im lặng làm mắt lác rồi thè lưỡi. Anh Kamiya vừa cười vừa nói: “Làm trò gì đấy?” rồi thả tay khỏi cánh cửa. Chị Maki tươi cười đỡ cánh cửa và nói: “Anh bảo trọng nhé!”, khẽ khàng khép vào rồi cuối cùng lại làm mặt hài. Cùng lúc với câu nói “Thôi đi!” của anh Kamiya thì cánh cửa cũng đóng lại nhẹ nhàng. Gió đông lùa tới khiến tôi có cảm giác như bị tống ra bên ngoài thế giới. Vừa bước đi thì anh Kamiya ôm bụng cười. “Này, gì mà vừa hưng phấn vừa khóc được vậy. Thằng nhóc có nhu cầu cao hử!?” “Chính anh ra lệnh còn gì!” Chắc tôi sẽ không bao giờ còn đến khu chung cư này nữa. Mà chắc cũng không đến Kami-Shakuji nữa. Phải ghi nhớ rõ quanh cảnh này. “Lúc ở phòng Maki, chú rờ cậu nhỏ của mình đúng không? Thế là ăn gian đấy!” “Chứ em biết làm sao. Người anh mà em tôn kính và người chị luôn tốt với em chia tay nhau cơ mà. Trong hoàn cảnh đó mà chỉ bằng mấy tấm hình nhạt nhòa kia thì bó tay.” Liệu tôi đã giúp ích được cho anh Kamiya chưa nhỉ. Nhiều năm sau đó tôi không gặp lại chị Maki. Về sau có một lần duy nhất tôi thấy chị Maki nắm tay một cậu bé đi dạo trong công viên Inokashira. Tôi bất giác nấp đi. Chị Maki trông tròn trịa hơn một chút nhưng vẫn giữ nhiều nét dạo trước, vẫn thật đẹp. Chị tươi cười rạng rỡ, khuôn mặt tươi cười ấy làm khung cảnh xung quanh hạnh phúc theo, thật đẹp. Chị bước chầm chậm, chậm rãi trên cầu Nanai theo bước chân bé trai. Không rõ đứa trẻ có phải là con của người đàn ông mặc đồ bảo hộ lao động hay không. Nhưng được nhìn thấy chị Maki cười tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Dù ai nói gì đi nữa tôi vẫn tin vào cuộc đời của chị Maki. Thằng đàn ông như tôi không có quyền quyết định cái gì, nhưng tôi muốn khẳng định một điều duy nhất. Cuộc đời chị Maki rất đẹp. Ngày đó, với những kẻ chịu nhiều tổn thương, nhem nhuốc như chúng tôi, chị ấy vẫn luôn nở nụ cười toàn tâm, toàn ý. Không ai có thể lấy đi vẻ đẹp đó từ chị. Cậu bé cầm tay chị Maki sẽ được hạnh phúc nhất thế gian. Vì cậu ta luôn được nhìn thấy nụ cười của chị Maki ở gần nhất. Tuyệt thật! Tôi thực sự ghen tị. Ánh nắng đầu hè phản chiếu lên mặt hồ Nanai làm vô số hạt sáng đan chéo vào nhau. Chắc anh Kamiya sẽ nói: “Sao chú không nhảy luôn xuống hồ để làm Maki cười.” Thế nhưng tôi lại không biết cách để làm hỏng khung cảnh đó. Dù ai có nói gì thì cuộc đời chị Maki vẫn đẹp. Cậu bé kia sẽ được hạnh phúc nhất thế gian. Khi tôi nhìn thấy khung cảnh ấy đã là hơn mười năm kể từ khi anh Kamiya và tôi đến khu chung cư ở Kami-Shakuji lần cuối. * * * Sau khi ra khỏi nhà chị Maki, anh Kamiya lần hồi sống khắp nhà người quen và cuối cùng bắt đầu ổn định tại khu nhà ở Mishuku nằm giữa Ikejiri Ohashi và Sankenchaya. Tôi cũng cùng đi tìm quanh nhiều nơi, kể cả khu xa trung tâm, nhưng mãi không tìm thấy chỗ ưng ý. Gần nửa năm trôi qua, đến lúc sắp bỏ cuộc thì tôi tìm được một phòng giá rẻ ở địa điểm khá gần Shibuya. Khoảng thời gian này hai chúng tôi không được bình thường. Tôi cũng mang nặng vết thương mất chị Maki. Cả hai mua đồng phục đánh bóng bàn rồi giao bóng thâu đêm ở nhà đánh bóng bàn Shibuya. Đến quán nhậu, chúng tôi tự ý thanh toán hóa đơn cho cả người đàn ông không hề nói chuyện, quan sát ông ta ra khỏi quán với khuôn mặt khó tả. Hay đến quán karaoke, chúng tôi say sưa hát xen kẽ lần lượt bài của Nagabuchi Tsuyoshi và Yoshida Takuro. Chúng tôi còn làm cơm hộp rồi đi picnic trong công viên kỷ niệm Showa ở Tachikawa. Hồi đó anh Kamiya khoái cái trò tụt quần, vừa nói: “Vũ môn của nghệ sĩ trẻ! Nghệ sĩ trẻ! Nghệ sĩ trẻ!” vừa lộn một vòng rồi chìa mông vào tôi. Khoản nợ của anh Kamiya ngày một lớn. Tôi thì vẫn tiếp tục làm thêm ban đêm tại cửa hàng tiện ích ở Kodaenji, nên nhìn anh Kamiya như thế tôi thấy bản thân chỉ là hạt bụi nhỏ bé và ghét chính mình lắm. Làm việc để có thu nhập tối thiểu cần thiết cho cuộc sống ở Tokyo là tất nhiên, nhưng có cộng thêm thu nhập ít ỏi của người nghệ sĩ vào đó cũng còn xa mới bằng thu nhập bình quân của người cùng lứa. Cũng có lúc tôi nghĩ, dù đi làm vẫn không hết được cảm giác tủi hổ thì chẳng thà ngày hai mươi tư tiếng làm nghệ thuật như anh Kamiya còn đáng quý trọng hơn. Nhưng để được như vậy cần phải có dũng khí và dám chấp nhận. Tôi mua dăm ba món ăn rẻ tiền trong siêu thị Marusho ở Ikejiri-Ohashi, rồi từ đó cùng anh Kamiya đi bộ mất khoảng gần hai tiếng đến bờ sông Futako-Tamagawa. Nhìn thấy tôi cầm lon cà phê ở tay phải suốt, anh Kamiya bảo: “Chú có tin không, ngày nào cũng cầm lon cà phê như thế thì tay phải sẽ tiến hóa thành hình cái đựng lon cà phê ấy nhỉ!?” “Tiện thì có tiện đấy nhưng chỉ cầm được bút cỡ bằng lon cà phê thì khó viết chữ lắm,” tôi trả lời. Thức ăn được nhét vào ba lô của tôi. Sợ mùi gà rán ám vào ba lô nên tôi gợi ý ăn luôn gần đó nhưng anh Kamiya gạt đi: “Mùi thơm kích thích vị giác của món gà rán mà thành mùi hôi khi bốc ra từ ba lô thì vốn dĩ là ảo giác của con người thôi.” Quay sang tôi đang làm bộ mặt không phục, anh Kamiya nói liên tục dai như đỉa: “Không sao chổi xể! Không sao chổi xể!” Cái câu dớ dẩn “Không sao chổi xể!” là câu chuẩn chỉ để tạo cho đối phương cảm giác hoài công rằng có phản bác cũng chẳng ích gì. Đây chắc cũng lại là phát minh của anh Kamiya. Khi ở cùng anh Kamiya, trí óc thường ngày không dùng tới bị kẹt lại đâu đó trở nên mệt mỏi trầm trọng, nhưng cũng nhiều lúc anh làm tôi quên đi trong giây lát cái rối rắm của sự đời. Trước anh Kamiya tôi nói nhiều hơn hẳn bình thường. Tôi có cả núi câu hỏi muốn hỏi. Liệu có phải tôi ngộ nhận rằng con người này có tất cả mọi câu trả lời? Hình như chuyện xảy ra lúc chúng tôi đi qua đại học Komazawa. “Anh Kamiya có để ý tới ý kiến của người khác không ạ?” Tôi hỏi. Tôi nghĩ mình đã từng hỏi câu giống như thế này vài lần rồi, nhưng số lần biểu diễn ở sân khấu càng tăng thì tai tôi càng nghe được đánh giá về mình từ những người xung quanh nhiều hơn trước. “Bị phàn nàn thì anh cũng cáu đấy nhưng anh không để ý lắm.” “Thế ạ. Còn bị nói xấu trên mạng thì anh có bận tâm không?” Gần đây có chuyện như thế xảy ra với tôi. Các nghệ sĩ khác thì bảo: “Làm nghề này rồi thì đành chấp nhận thôi.” “À... chuyện đó hả. Trông anh chả liên quan gì tới mấy thứ kiểu đó đúng không?” “Vâng.” “Lúc nào rảnh thì anh cũng xem đấy. Mà cái đó, đa phần là xạo sự,” anh Kamiya chau mày nói. “Cũng đúng ạ.” Tôi đặt câu hỏi nhưng cũng lại sợ nói đến chuyện này. Tôi muốn anh Kamiya phủ nhận hoàn toàn chuyện dớ dẩn này. Thế nhưng trong giọng điệu của anh Kamiya có chút tự tin nên tôi chợt thấy bất an không biết tôi bây giờ có thể đón nhận được chuyện này hay không. “Có người nói rằng phản bác lại những lời lẽ bêu riếu của người khác thì mình cũng cùng đẳng cấp với họ nên đừng làm gì cả. Điều này chưa đúng lắm!” Có lẽ tôi là người như thế. “Đẳng cấp là cái gì? Vốn dĩ chúng ta là con người như nhau đúng không? Nếu có ai đó sai lầm thì chúng ta phải cho họ biết điều đó không hay ho gì cả. Ở mẫu giáo chúng ta đã được dạy không được làm việc khiến người khác khó chịu còn gì. Anh không tự mãn đâu nhưng những gì được dạy ở mẫu giáo anh đều làm tốt. Cũng có thể không phải tất cả. Cảm ơn. Xin lỗi. Mời cơm. Cảm ơn vì bữa ăn ngon. Anh đều nói được. Mấy thứ học ở trường tiểu học thì hầu như anh không làm được nhưng những đứa coi thường anh thì toàn là bọn hãm tài không làm nổi cả những điều được học ở mẫu giáo.” Có lẽ đúng vậy. “Trên mạng ấy mà, đầy rẫy những kẻ viết về người khác như rác rưởi của loài người. Nếu là đánh giá đúng đắn về tác phẩm hay phát ngôn thì đã đành. Nhưng bị dính cũng khổ lắm chứ. Nếu chỉ trích ấy lại dành cho mình thì đau lắm. Bị đánh còn đỡ hơn nhiều. Nhưng lạ cái là mình phải chịu đựng nỗi đau ấy. Dù đau lắm. Có người còn tự sát cơ mà.” “Vâng, em nghĩ chắc phát điên lên mất.” “Nhưng nếu điều đó là cách duy nhất để kẻ ấy sống sót qua đêm đó thì anh nghĩ cứ việc. Phủ nhận, xâm hại nhân cách con người anh cũng được thôi. Dù đau nhưng anh sẽ chịu đựng. Cứ việc nghĩ và viết điều gì làm anh tổn thương nhất. Dù anh sẽ bức xúc lắm. Nhưng anh nghĩ phải bức xúc cho ra bức xúc. Không chỉ là nhận cho xong, hay nói xạo kiểu trẻ con rằng hiểu, lấy sự đồng cảm giả tạo, mang mặt nạ bạn bè để mong được bỏ qua, mà phải thẳng thắn chấp nhận phê phán là phê phán. Cũng sẽ mệt mỏi lắm. Cũng nhiều người quen phản ứng lại dù rất mệt mỏi. Hành động làm tổn thương người khác trong phút chốc sẽ thấy sảng khoái lắm. Nhưng chỉ trong phút chốc thôi. Trong lúc an tâm ở đó thì bản thân chẳng có thay đổi gì tốt đẹp cả. Vì đó là hành động khiến mình yên tâm bằng cách hạ người khác xuống. Anh nghĩ trong thời gian đó, người đó sẽ mất đi cơ hội để bản thân được trưởng thành. Em có thấy tội nghiệp không? Bọn họ cũng là nạn nhân mà thôi. Anh thấy nó như hành vi tự sát từ từ vậy. Chẳng khác gì """