" Thế Lưỡng Nan của Người tù PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thế Lưỡng Nan của Người tù PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên eBook: Thế Lưỡng Nan Của Người Tù Tác giả : William Poundstone Thể loại: Quản trị, Kinh tế, Văn học phương Tây Hình thức: Bìa Mềm Giá bìa: 129.000 ₫ Công ty phát hành: Alphabooks Nhà xuất bản: NXB Lao Động Xã Hội Trọng lượng vận chuyển: 550 g Kích thước: 13 x 20.5 cm Số trang: 491 Ngày xuất bản: 11/2013 Nguồn: waka.vn Ebook: Đào Tiểu Vũ eBook - http://www.dtv-ebook.com Giới thiệu: "Thế lưỡng nan của người tù" là một khái niệm mang tính toàn cầu. Nó là một bài toán điển hình trong lý thuyết trò chơi mô tả sự tiến thoái lưỡng nan của những người tham gia vào một trò chơi phụ thuộc lẫn nhau trong việc lựa chọn giữa hợp tác hay bất hợp tác. Thế lưỡng nan này tồn tại ở bất cứ nơi nào có sự mâu thuẫn về mặt lợi ích. Hiện nay, những nhà lý luận đã nhận thấy sự vận dụng khái niệm này trong sinh học, tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, và luật học. Thế lưỡng nan của người tù sẽ cho chúng ta biết được rất nhiều về bản chất của các sự kiện cực kỳ quan trọng trong lịch sử như Chiến tranh lạnh hay khủng hoảng hạt nhân Cuban, cuộc khủng hoảng suýt nữa đã kéo nhân loại vào thế chiến III. Tất cả những sự kiện đó đều mang đậm dấu ấn của lý thuyết trò chơi. Mời các bạn đón đọc Thế lưỡng nan của người tù của tác giả William Poundstone. Mục lục Cuộc sống là một trò chơi lớn 1. Những thế tiến thoái lưỡng nan 2. John von Neumann 3. Lý thuyết trò chơi 4. Quả bom 5. RAND Corporation 6. Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù 7. 1950 8. Lý thuyết trò chơi và những sự bất mãn của nó 9. Những năm cuối đời của von Neumann 10. Gà và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 11. Bàn thêm về những thế tiến thoái lưỡng nan xã hội 12. Sự sống sót của loài thích hợp nhất 13. Cuộc đấu giá đô-la Cuộc sống là một trò chơi lớn Không phải theo một nghĩa bóng bẩy văn chương mà theo một nghĩa đen, nghĩa khoa học. Hằng ngày, chúng ta luôn phải đối mặt với những tình huống mà chúng ta không biết phải giải quyết thế nào. Khi nhìn thấy hai người đánh nhau, chúng ta nên ra can hay để việc đó cho người khác? Khi gặp người bị nạn, chúng ta nên giúp đỡ hay để người khác giúp đỡ? Nếu xem một bộ phim chán ở rạp, chúng ta nên đi về ngay hay cố xem nốt? Tại sao chúng ta hay có thói quen giữ lại mọi thứ? Nếu không bị ai nhìn thấy, chúng ta có nên vứt rác bừa bãi không? Dưới lăng kính khoa học, tất cả chúng đều là những “trò chơi” trong cuộc sống. Các bạn có thể cho rằng đây là những điều nhỏ nhặt, vặt vãnh nhưng chúng chính là chủ đề nghiên cứu của một trong những phát minh có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử loài người có tên gọi “Lý thuyết trò chơi”. Có lẽ nhiều câu hỏi trên đây có thể dễ dàng được trả lời nếu dựa trên khía cạnh đạo đức, ví dụ như, tất nhiên, chúng ta nên là người đầu tiên giúp người bị nạn hoặc can gián đánh nhau. Vấn đề là cuộc sống không đơn giản như vậy. Chúng ta biết không có nghĩa là chúng ta làm vì những điều đó có thể gây bất lợi cho chúng ta. Loại bỏ hết mọi khía cạnh cảm xúc, đạo đức, tình cảm, phê phán hay những thứ tương tự, lý thuyết trò chơi giả định rằng con người trong các trò chơi là những sinh vật thuần túy lý trí, chỉ quan tâm đến việc tối đa hóa lợi ích bản thân trong các trò chơi để từ đó tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho những người chơi trong các trò chơi đó. Lợi ích ở đây không bao gồm những thứ trừu tượng như niềm vui khi được giúp đỡ người khác, sự tự hào vì là một người tốt bụng mà chỉ nói đến những phần thưởng có thể lượng hóa như tiền, quyền lợi v.v... Đó là lý do nó có thể được ứng dụng vô hạn trong cuộc sống con người. Đối với các cá nhân, lý thuyết trò chơi có thể giúp họ tồn tại và thành công trong cuộc sống, từ những việc nhỏ nhặt như giải quyết các câu hỏi lúc đầu cho đến những việc lớn lao như đấu đá trong sự nghiệp, mâu thuẫn tại công sở, v.v... Đối với các tổ chức, lý thuyết trò chơi có thể giúp họ giành chiến thắng trong các giao dịch hay các vụ mua bán. Cơ cấu càng phức tạp thì lý thuyết trò chơi càng phát huy giá trị vì khi đó, những thứ như tình cảm, đạo đức càng bị loại bỏ. Do đó, quan hệ quốc tế chính là môi trường ứng dụng tốt nhất của lý thuyết trò chơi vì đó là chiến trường tàn nhẫn và không khoan nhượng. Cuốn sách các bạn đang cầm trên tay chính là cuốn sách kinh điển về lý thuyết trò chơi. Lật giở qua từng trang sách, bạn sẽ dần khám phá ra lịch sử của lý thuyết trò chơi, những người góp phần tạo nên lý thuyết trò chơi như ngày nay và các ứng dụng vĩ đại nhất của nó trong xã hội loài người. Bạn sẽ được gặp von Neumann, người có công lớn nhất trong việc hình thành lý thuyết trò chơi, một nhà khoa học vĩ đại và thông minh có lẽ không kém gì Albert Einstein. Bạn sẽ được biết về nhiều sự kiện cực kỳ quan trọng trong lịch sử như Chiến tranh Lạnh hay khủng hoảng hạt nhân Cuba, cuộc khủng hoảng suýt nữa đã kéo nhân loại vào Thế Chiến III. Tất cả đều mang đậm dấu ấn của lý thuyết trò chơi. Còn rất nhiều điều khác nữa đang chờ bạn khám phá trong cuốn sách này. Alpha Books trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách này! Hà Nội, tháng 5 năm 2014. 1. Những thế tiến thoái lưỡng nan Hãy tưởng tượng bạn, mẹ bạn, và vợ bạn bị một nhóm những nhà khoa học điên khùng bắt cóc và nhốt trong một căn phòng cùng một khẩu súng máy. Trước mắt bạn có một chiếc nút và trên tường có một chiếc đồng hồ. Một nhà khoa học nói với bạn rằng nếu bạn ấn nút, khẩu súng sẽ bắn mẹ bạn, còn nếu bạn không ấn trong vòng 60 giây thì vợ bạn sẽ bị bắn. Bạn sẽ làm gì? Tất nhiên, không có câu trả lời thỏa mãn. Nếu bạn khăng khăng cho rằng mình không nên làm gì (không ấn nút và để khẩu súng bắn vợ bạn) với lý do rằng không làm gì tức là “không có tội” thì đó chỉ là một sự trốn tránh trách nhiệm mà thôi. Bạn chỉ có thể quyết định bạn yêu ai hơn và cứu người đó. Sự lựa chọn sẽ khó khăn hơn nếu có ai đó cũng đang đưa ra lựa chọn và kết quả phụ thuộc vào tất cả các lựa chọn này. Một thế tiến thoái lưỡng nan như vậy đã được Gregory Stock miêu tả trong The Book of Questions (tạm dịch: Sách câu hỏi) như sau: Bạn và người yêu bị nhốt trong hai căn phòng riêng biệt. Cạnh mỗi người có một chiếc nút. Các bạn biết rằng cả hai sẽ bị giết nếu không ai ấn nút trong vòng 60 giây. Tuy nhiên, người nào ấn trước sẽ bị giết ngay lập tức còn người kia được cứu. Các bạn sẽ làm gì? Trong tình huống này, hai người phải đưa ra các lựa chọn độc lập. Mấu chốt ở đây là phải có người ấn nút. Nhưng cái khó nằm ở chỗ, khi nào các bạn nên hy sinh. Thế tiến thoái lưỡng nan này buộc các bạn phải đưa quyết định sống còn về bạn và người bạn yêu. Ai thực sự nên là người được cứu? Có rất nhiều tình huống, trong đó, một người có thể hy sinh bản thân để cứu những người khác. Người bố hoặc người mẹ có thể cứu con mình với lý do rằng đứa con còn nhiều năm để sống hơn. Nhưng dù cho lý do là gì – chắc chắn là hai người sẽ khó mà có cùng một lý do – thì kết quả của một quyết định sống còn chỉ có ba khả năng. Trường hợp ít xấu nhất là cả hai có cùng quyết định về việc ai nên hy sinh và ai nên được cứu. Khi đó, người nên hy sinh sẽ ấn nút và cứu người kia. Khả năng thứ hai là cả hai đều quyết định sẽ cứu nhau. Người mẹ quyết định cứu cô con gái, người còn nhiều năm để sống hơn, và cô con gái quyết định cứu mẹ, người đã sinh ra cô. Trong trường hợp này, hai người sẽ muốn ấn nút trước. Trường hợp xấu nhất là cả hai đều quyết định mình nên là người được cứu. Khi đó, sẽ không ai ấn nút, đồng hồ vẫn chạy, và... Hãy xem xét thêm về trường hợp thứ ba, nhưng thay vì 60 giây, bạn có 60 phút và giờ đã là phút 59. Bạn vẫn chưa ấn nút với hy vọng rằng người kia sẽ ấn, chỉ là người đó cũng vẫn chưa. (Chúng ta hãy giả sử rằng người sống sót sẽ được thông báo ngay lập tức nếu người kia ấn nút.) Bạn đã có thời gian để cân nhắc các khả năng. Một vài người có thể cần cả tiếng đồng hồ để quyết định ai nên được cứu hoặc lấy can đảm để ấn nút. Nhưng hiện tại có vẻ người bạn yêu đã quyết định bạn nên là người hy sinh. Việc thề rằng mình sẽ không bao giờ ấn nút, ngay cả trong giây cuối cùng, cũng không có ý nghĩa gì. Dù có ích kỷ đến mấy, bạn cũng không thể tự cứu mình. Một người phải chết, đó là cơ chế hoạt động của thế tiến thoái lưỡng nan này. Nếu người bạn yêu không chịu hy sinh, bạn có thể cứu anh ấy hoặc cô ấy. Hãy nhớ rằng, bạn đang thật sự yêu người đó. Một cách lý tưởng, bạn sẽ muốn ấn nút vào giây cuối cùng. Có thể là người kia cũng nghĩ như vậy. Điều đó càng khiến bạn trì hoãn đến tận giây cuối cùng. Bạn muốn cho người kia cơ hội để ấn nút trong “giây cuối cùng” đó, nhưng nếu anh ấy hoặc cô ấy không ấn, thì khi đó, và chỉ khi đó, bạn mới ấn. Tất nhiên, người kia cũng có thể đang tính như vậy. Việc trì hoãn đến tận giây cuối cùng phức tạp bởi hai vấn đề, thời điểm phản ứng và sự chính xác của đồng hồ. Khẩu súng kia không hề quan tâm đến ý định ấn nút trong giới hạn thời gian của các bạn. Một trong hai bạn phải ấn nút trước khi cả hai đều bị bắn. Mặt khác, không thể chắc chắn rằng chiếc đồng hồ treo tường ăn khớp hoàn hảo với khẩu súng. Để bảo đảm việc ấn nút nằm trong giới hạn thời gian, bạn thực sự phải ấn nó sớm hơn một hoặc hai giây. Đó là một yêu cầu bắt buộc khi áp dụng chiến lược đợi-đến-giây-cuối-cùng này. Người yêu của bạn cũng đang ở trong tình cảnh tương tự. Nếu cả hai cùng quyết định sẽ ấn nút chỉ vào giây cuối cùng, kết quả sẽ cực kỳ khó đoán và nguy hiểm. Liệu sẽ có một người ấn trước người kia chỉ một phần trăm giây hay là cả hai đều ấn muộn và cùng chết? Câu trả lời sẽ được quyết định một cách ngẫu nhiên. Sự may rủi sẽ chiến thắng lý trí. Những quyết định tuyệt vọng trong các căn phòng kỳ lạ được nhắc đến nhiều trong triết học đến mức đủ để có một cái tên riêng: “những chiếc hộp vấn đề” (problem boxes). Tại sao những thế tiến thoái lưỡng nan này lại hấp dẫn đến vậy? Một phần, đây là biến thể mới của những tình thế khó xử kỳ lạ. Nhưng chúng sẽ khó mà gây được sự thích thú như vậy nếu chỉ là những câu đố không liên quan gì đến trải nghiệm cá nhân của chúng ta. Những thế tiến thoái lưỡng nan trong đời thực được tạo ra không phải bởi những nhà khoa học điên khùng mà bởi vô số cách lặt vặt mà lợi ích cá nhân của chúng ta xung đột với lợi ích của người khác và của xã hội. Hàng ngày, chúng ta phải đối mặt với những quyết định khó khăn và đôi khi, những lựa chọn của chúng ta đem đến kết quả mà chúng ta không ngờ đến. Câu hỏi được dấy lên bên trong những thế tiến thoái lưỡng nan này vừa đơn giản vừa phức tạp: Liệu có một quy trình hành động lý trí cho mọi tình huống không? Thế tiến thoái lưỡng nan về hạt nhân Tháng 8 năm 1949, Liên Xô kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của họ ở Siberia. Thế độc quyền hạt nhân của Mỹ không còn nữa. Hai cường quốc nguyên tử đã xuất hiện nhanh hơn dự tính của các quan sát viên phương Tây rất nhiều. Quả bom này đã khởi động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Một vài hậu quả của cuộc chạy đua này rất dễ dự đoán. Mỗi quốc gia sẽ phát triển vũ khí đến khi nó có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhanh và tàn khốc vào bên kia. Nhiều người nghĩ rằng điều này sẽ tạo ra một thế tiến thoái lưỡng nan không thể chấp nhận được. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, con người có khả năng tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng mà có thể xóa sổ hoàn toàn một quốc gia đối địch khỏi bề mặt trái đất. Trong những thời điểm khủng hoảng, sẽ khó chống lại được sức cám dỗ ấn chiếc nút hạt nhân. Cùng với đó, mỗi quốc gia cũng sợ trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công chớp nhoáng từ bên kia. Đến năm 1950, có nhiều người Mỹ và Tây Âu cho rằng Mỹ nên tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân ngay lập tức vào Liên Xô mà không cần bất kỳ lý do nào. Ý kiến này, còn được gọi bằng cái tên hoa mỹ là “chiến tranh phòng ngừa” (preventive war), nói rằng Mỹ nên nắm lấy hiện tại và thiết lập một chính phủ thế giới thông qua sự đe dọa bằng hạt nhân hoặc một cuộc tấn công chớp nhoáng. Bạn có thể nghĩ rằng chỉ những phần tử quá khích mới ủng hộ một kế hoạch như vậy. Nhưng trên thực tế, phong trào chiến tranh phòng ngừa đã được rất nhiều trí thức ủng hộ, đặc biệt là hai trong số những nhà toán học vĩ đại nhất mọi thời đại: Bertrand Russell và John von Neumann. Trong phần lớn các khía cạnh, quan điểm của Russell và von Neumann rất khác nhau nhưng họ có chung ý kiến rằng thế giới không đủ chỗ cho hai cường quốc nguyên tử. Russell, một trong những nòng cốt của phong trào chiến tranh phòng ngừa, ủng hộ việc đưa ra một tối hậu thư với lời đe dọa Liên Xô rằng nếu không chấp nhận thế bá chủ của Mỹ đối với thế giới, nó sẽ phải hứng chịu sự tàn phá bằng hạt nhân. Trong một bài phát biểu vào năm 1947, Russell nói, “Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng Nga sẽ ưng thuận; nếu không, miễn là điều này kết thúc sớm, thế giới có thể sẽ sống sót qua một cuộc chiến tranh tất yếu và sản sinh ra một chính phủ duy nhất mà thế giới cần.” Song, von Neumann, cứng rắn hơn, ủng hộ một cuộc tấn công hạt nhân chớp nhoáng. Tạp chí Life đã dẫn lời von Neumann như sau, “Nếu bạn hỏi tại sao không ném bom họ vào ngày mai, tôi nói tại sao không phải luôn hôm nay? Nếu bạn nói hôm nay vào lúc 5 giờ, tôi nói tại sao không phải luôn 1 giờ?” Cả hai người đều không có cảm tình gì với Liên Xô. Nhưng họ tin rằng chiến tranh phòng ngừa, trước tiên, là vấn đề thuộc về logic, một giải pháp lý trí duy nhất cho thế tiến thoái lưỡng nan đầy nguy hiểm liên quan đến sự phát triển hạt nhân này. Trong một bài báo ủng hộ chiến tranh phòng ngừa đăng trên tờ New Commonwealth số ra tháng 1 năm 1948, Russell đã nói: “Lý lẽ mà tôi đang phát triển đơn giản và không thể tránh khỏi như một phép chứng minh toán học.” Nhưng chính bản thân logic cũng có thể méo mó. Không gì có thể tóm lược chuẩn xác giai đoạn chiến tranh phòng ngừa kỳ lạ này tốt hơn những lời của Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Francis P. Matthews nói vào năm 1950 khi ông kêu gọi đất nước trở thành “kẻ gây chiến vì hòa bình.” Ngày hôm nay, khi căng thẳng giữa Đông và Tây đã lắng dịu, chiến tranh phòng ngừa dường như chỉ là phút lầm lạc đầy tò mò của trạng thái tâm lý chiến tranh lạnh. Song, những vấn đề tương tự vẫn tồn tại đầy rẫy xung quanh chúng ta ngày nay. Một quốc gia nên làm gì khi sự an toàn của nó đi ngược lại với lợi ích của toàn nhân loại? Một cá nhân nên làm gì khi lợi ích của anh ấy hoặc cô ấy đi ngược lại với lợi ích chung? John von Neumann Có lẽ không ai đại diện cho thế tiến thoái lưỡng nan về quả bom tốt như John von Neumann (1903 – 1957). Nhiều người không biết cái tên này. Chỉ một số rất ít nhận ra coi ông là người tiên phong về máy tính kỹ thuật số điện tử, hay một người trong nhóm những nhà khoa học sáng chói làm việc cho Dự án Manhattan. Ông đã tham dự cuộc gặp của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử trên một chiếc xe lăn. Nội dung chính trong các công trình của Neumann, các công trình đã đem lại danh tiếng thiên tài cho ông từ rất sớm, thuộc về lĩnh vực toán học thuần túy và vật lý toán học mà hiếm ai hiểu được. Người ta có thể nghĩ rằng mọi công trình của ông sẽ xa cách với thế giới. Tuy nhiên, Neumann lại có một niềm đam mê với toán học ứng dụng. Cả máy tính và bom đều là những dự án bên ngoài của von Neumann, nhưng chúng là những ví dụ tiêu biểu cho sự yêu thích của ông đối với lĩnh vực này. Von Neumann là một tay chơi bài poker – nhưng không quá giỏi. Ông cảm thấy hứng thú với các yếu tố của trò chơi này, đặc biệt là sự lừa gạt, bịp bợm, và đoán già đoán non, cách các tay chơi lừa nhau trong khung nội quy của nó. Có một cái gì đó lớn lao ẩn trong những thứ này. Từ giữa những năm 1920 đến những năm 1940, von Neumann đã lao đầu vào tìm hiểu cấu trúc toán học của poker và các trò chơi khác như một thú vui. Khi công trình này thành hình, ông nhận ra rằng lý thuyết của nó có thể áp dụng cho kinh tế, chính trị, ngoại giao, và những lĩnh vực đa dạng khác. Von Neumann và Oskar Morgenstern, nhà kinh tế học của Princeton, đã xuất bản công trình phân tích của họ vào năm 1944 với tên gọi Theory of Games and Economic Behavior (tạm dịch: Lý thuyết về các trò chơi và hành vi kinh tế). Điều đầu tiên có thể nhận định về “lý thuyết trò chơi” của von Neumann là nó không liên quan gì mấy đến các trò chơi theo nghĩa thông thường. Từ “chiến lược” (strategy) miêu tả tốt hơn về lý thuyết trò chơi. Trong The Asxu of Man (tạm dịch: Sự đi lên của con người), nhà khoa học Jacob Bronowski (người đã làm việc với von Neumann trong suốt Thế Chiến II) đã ghi lại lời giải thích của von Neumann khi họ đang đi taxi ở London: ... Tự nhiên tôi nói với ông ấy, vì tôi rất thích chơi cờ vua, “Ý anh là lý thuyết trò chơi giống như cờ vua.” “Không không,” ông ấy nói, “Cờ vua không phải là một trò chơi. Cờ vua là một dạng tính toán rạch ròi. Anh có thể không tìm ra các câu trả lời, nhưng về lý thuyết, phải có một giải pháp, một quy trình đúng đắn cho mọi vị trí. Còn các trò chơi thực thì không thế chút nào. Cuộc đời thực không như thế. Cuộc đời thực bao gồm sự bịp bợm, một vài mánh khóe lừa đảo, sự băn khoăn tự hỏi đối phương đang nghĩ mình sẽ làm gì. Và đó là định nghĩa về các trò chơi trong lý thuyết của tôi.” Lý thuyết trò chơi là một nghiên cứu về mâu thuẫn giữa các đối thủ có suy nghĩ thấu đáo và có tiềm năng lừa gạt. Điều này có thể nghe như lý thuyết trò chơi là một nhánh của tâm lý học thay vì toán học. Nhưng không phải vậy: vì các tay chơi được giả định là hoàn toàn lý trí nên có thể dùng phân tích chính xác trong lý thuyết trò chơi. Do đó, lý thuyết trò chơi là một nhánh chính xác của logic toán học nằm ẩn dưới những mâu thuẫn có thực của con người (không phải luôn luôn lý trí). Những tiến bộ khoa học vĩ đại nhất xuất hiện khi một người nhận ra được những yếu tố chung trong các ngữ cảnh dường như không liên quan. Điều này miêu tả sự hình thành của lý thuyết trò chơi. Von Neumann nhận ra rằng những trò chơi tập thể trong nhà (parlor games) tạo ra các mâu thuẫn căn bản. Chính những mâu thuẫn này, bình thường bị che lấp bởi sự hỗn độn của các lá bài, quân cờ hay xúc xắc, đã choán hết tâm trí của von Neumann. Ông nhận thấy những mâu thuẫn tương tự trong kinh tế, chính trị, cuộc sống hàng ngày và chiến tranh. Theo von Neumann, thuật ngữ “trò chơi” chỉ một tình huống mâu thuẫn mà một người phải lựa chọn khi biết rằng người khác cũng đang lựa chọn, và kết quả của mâu thuẫn này sẽ được quyết định một cách nhất định nào đó bởi mọi lựa chọn được đưa ra. Một vài trò chơi rất đơn giản. Một vài cái khác lại có những vòng đoán già đoán non luẩn quẩn rất khó phân tích. Von Neumann băn khoăn liệu luôn có một cách lý trí để chơi một trò chơi, đặc biệt là trò chơi mà chứa đựng nhiều sự lừa gạt và đoán già đoán non, hay không. Đây là một trong những câu hỏi cơ bản của lý thuyết trò chơi. Bạn có thể ngây thơ cho rằng phải có một cách lý trí để chơi mọi trò chơi. Có nhất thiết như vậy không? von Neumann muốn biết. Thế giới không phải luôn là một nơi logic; cuộc sống hàng ngày của chúng ta chứa đầy sự phi lý trí. Hơn nữa, sự đoán già đoán non lẫn nhau trong các trò chơi như poker tạo ra những chuỗi lý lẽ có thể kéo dài đến vô hạn. Rõ ràng những tay chơi lý trí khó mà có thể đi đến một kết luận hữu hạn về cách chơi. Một nhà toán học kém tài hơn có thể đã nghĩ đến câu hỏi tương tự, thở dài, và quay trở lại với công việc “nghiêm túc.” Còn von Neumann đã giải quyết vấn đề một cách trực diện hoàn toàn bằng sự chính xác toán học. Von Neumann đã chứng minh được theo toán học một cách đáng kinh ngạc rằng luôn có một quy trình hành động lý trí cho những trò chơi hai người, miễn là lợi ích của họ hoàn toàn đối lập với nhau. Cách chứng minh này được gọi là “định lý minimax.” Dạng trò chơi sử dụng định lý minimax gồm nhiều trò chơi giải trí, từ đơn giản như cờ ca-rô cho đến phức tạp như cờ vua. Nó áp dụng cho bất kỳ trò chơi hai người nào mà một người thắng và một người thua (đây là cách đơn giản nhất để đáp ứng yêu cầu rằng lợi ích của những người chơi “hoàn toàn đối lập nhau”). Von Neumann chứng minh rằng luôn có một cách “đúng”, hoặc chính xác hơn, “tối ưu” để chơi những trò chơi kiểu này. Tuy nhiên, nếu định lý minimax chỉ có vậy thì nó sẽ không có gì hơn ngoài một đóng góp thông minh cho lĩnh vực toán học giải trí. Von Neumann còn nhìn ra được những ẩn ý quan trọng hơn. Ông cho rằng lý thuyết minimax chính là nền móng cho một lý thuyết trò chơi mà cuối cùng sẽ chứa đựng cả những loại trò chơi khác, bao gồm những loại có nhiều hơn hai người chơi và những loại mà lợi ích của người chơi một phần nào đó trùng nhau. Do đó, mở rộng ra, lý thuyết trò chơi có thể chứa đựng mọi loại mâu thuẫn con người. Von Neumann và Morgenstern đã trình bày lý thuyết trò chơi của họ như một nền tảng toán học cho kinh tế học. Các mâu thuẫn kinh tế có thể được xem như các “trò chơi” chịu sự quy định của những định lý từ lý thuyết trò chơi. Hai nhà thầu đang đấu thầu một hợp đồng hay một nhóm người mua đang đấu giá đều bị mắc vào những trò chơi đoán già đoán non mà hoàn toàn có thể áp dụng phân tích chính xác. Gần như ngay từ đầu, lý thuyết trò chơi đã được coi là một lĩnh vực mới quan trọng. Một bài phê bình về sách của von Neumann và Morgenstern trên American Mathematical Society Bulletin (tạm dịch: Tập san xã hội toán học Mỹ) đã dự đoán, “Hậu thế có thể coi cuốn sách này là một trong những thành tựu khoa học lớn của nửa đầu thế kỷ XX. Điều này chắc chắn sẽ thành hiện thực nếu các tác giả thành công trong việc thiết lập một ngành khoa học chính xác mới – khoa học kinh tế.” Nhiều năm sau khi xuất bản Theory of Games and Economic Behavior, lý thuyết trò chơi và các thuật ngữ của nó đã trở thành nên quen thuộc với nhà kinh tế học, nhà khoa học xã hội và nhà chiến lược quân sự. Một trong những nơi áp dụng ngay lập tức lý thuyết trò chơi là RAND Corporation. RAND, nguyên mẫu của “think tank” (tạm dịch: viện chính sách), được sáng lập theo chỉ thị của Không quân ngay sau Thế Chiến II. Mục tiêu ban đầu của RAND là thực hiện các nghiên cứu chiến lược về chiến tranh hạt nhân liên lục địa. RAND đã thuê nhiều nhà khoa học không còn làm công việc quốc phòng trong thời chiến nữa và đưa họ về làm nhà tư vấn trong một nhóm những nhà tư tưởng xuất chúng còn lớn hơn. RAND đánh giá lý thuyết trò chơi đủ cao để thuê von Neumann làm nhà tư vấn và dành rất nhiều công sức không chỉ vào việc ứng dụng lý thuyết trò chơi trong quân sự mà còn vào việc nghiên cứu cơ bản lĩnh vực này. Trong suốt cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, von Neumann thường xuyên qua lại trụ sở của RAND ở Santa Monica, California. Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù nhân Năm 1950, hai nhà khoa học của RAND đã làm được cái mà người ta có thể cho là phát hiện có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lý thuyết trò chơi kể từ khi nó ra đời. Merrill Flood và Melvin Dresher đã phát minh ra một “trò chơi” đơn giản, thách thức nền tảng lý thuyết của lý thuyết trò chơi. Albert W. Tucker, nhà tư vấn của RAND, đã gọi trò chơi này là thế tiến thoái lưỡng nan của người tù, theo một câu chuyện mà ông kể ra để minh họa nó. Trò chơi này nhanh chóng được công nhận là thứ ảo tưởng nhất trong số các tình huống mâu thuẫn. Chúng ta sẽ tìm hiểu về thế tiến thoái lưỡng nan của người tù sau. Còn bây giờ, hãy tạm nói rằng đó là một câu đố trí tuệ mà đến nay chúng ta vẫn chưa có lời giải, thế là đủ. Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù là một câu chuyện kết thúc với một thế tiến thoái lưỡng nan không được giải quyết được bỏ lại cho người nghe hoặc người đọc. Không những thế, nó còn là một cấu trúc toán học chính xác và là một vấn đề ngoài đời thực. Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù đã được khám phá vào năm 1950, đúng vào lúc sự phát triển hạt nhân và chạy đua vũ trang trở thành những vấn đề nghiêm trọng. Ngày nay, những sự căng thẳng của kỷ nguyên hạt nhân ban đầu này được coi là minh họa cổ điển cho thế tiến thoái lưỡng nan của người tù. Câu hỏi liệu có nên hy sinh lợi ích chung để đổi lấy sự an toàn cho một phía hay không không còn xa lạ trong thời đại hạt nhân. Những vấn đề như vậy xưa như chiến tranh. Nhưng tốc độ và tính phá hủy của một cuộc tấn công hạt nhân đã đẩy những vấn đề này lên đến cao độ. Không có gì quá khi nói rằng thế tiến thoái lưỡng nan của người tù là vấn đề quốc phòng trung tâm và phản ứng mang tính cá nhân của một ai đó đối với nó (mà không thể được chứng minh là đúng hay sai) chính là thứ khiến cho một vài người theo Đảng Bảo thủ còn những người khác thì theo Đảng Tự do. Đây không phải là một cuốn sách về chiến lược quân sự. Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù là một khái niệm mang tính toàn cầu. Hiện nay, những nhà lý luận đã nhận thấy sự xuất hiện của thế tiến thoái lưỡng nan của người tù trong sinh học, tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, và luật học. Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù tồn tại ở bất cứ nơi nào có sự mâu thuẫn về mặt lợi ích – và sự mâu thuẫn này không nhất thiết phải giữa những loài có tri giác. Nghiên cứu về thế tiến thoái lưỡng nan của người tù đem lại sức mạnh to lớn trong việc giải thích các xã hội loài người và động vật được tổ chức như trong thực tế. Đây là một trong những ý tưởng vĩ đại của thế kỷ XX, đủ đơn giản để ai cũng nắm bắt được và có tầm quan trọng cơ bản. Trong những năm cuối đời, von Neumann đã chứng kiến những thực tại chiến tranh dần trở thành một thế tiến thoái lưỡng nan hư cấu hoặc những trò chơi trừu tượng trong lý thuyết của ông. Những hiểm họa của thời đại hạt nhân thường được gán cho nguyên nhân rằng “tiến bộ công nghệ đã bỏ xa tiến bộ đạo đức.” Chẩn đoán này thậm chí còn đáng buồn hơn khi người ta nghi ngờ rằng không hề có cái gì gọi là tiến bộ đạo đức cả, bom ngày càng được chế tạo lớn lên còn con người thì vẫn thế. Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù đã trở thành một trong những vấn đề khoa học và triết học hàng đầu của thời đại chúng ta. Nó gắn chặt với sự sống còn của chúng ta. Những người áp dụng lý thuyết trò chơi ngày nay đang cố gắng tạo ra một loại tiến bộ đạo đức. Liệu có bất cứ cách nào để nâng cao lợi ích chung trong thế tiến thoái lưỡng nan của người tù không? Nỗ lực trả lời câu hỏi này sẽ là một trong những cuộc phiêu lưu trí tuệ vĩ đại của thời đại chúng ta. 2. John von Neumann John von Neumann sinh ngày 28 tháng 12 năm 1903 tại Budapest, Hungary. Ông là con trưởng trong số ba người con của Max Neumann, một nhà ngân hàng thành công. Gia đình nhà Neumann sống trong một căn nhà rộng rãi của người ông ngoại Jakab Kann. Bốn cô con gái của Kann và gia đình của họ cũng sống ở đó nên những đứa trẻ khác đều là anh chị emhọ của von Neumann. Đại gia đình này còn mời những cô giáo người Pháp và người Đức để những đứa trẻ đạt được sự thông thạo ngôn ngữ vốn rất cần thiết để thành công trong xã hội Hungary. Vào các mùa hè sau giai đoạn đầu những năm 1920, họ đến ở trong một căn nhà khác của Max Neumann ở ngoại ô Budapest. Gia đình Neumann là người Do Thái, những người nằm ngoài lề xã hội Magyar Hungary, bị ngược đãi nhưng thường rất sung túc. Trong The Asxu of Man, Jacob Bronowski nói về von Neumann như sau, “Nếu ông ấy được sinh ra 100 năm trước, chúng ta sẽ không bao giờ biết đến ông ấy. Ông ấy sẽ đang làm những việc mà cha ông của ông ấy làm, đưa ra những nhận xét về giáo điều.” Trên thực tế, gia đình ông có thái độ tôn giáo rất mâu thuẫn. Lòng mộ đạo của Jakab Kann không hề được những người sống cùng ông thừa hưởng. Gia đình Max Neumann hòa đồng với thế giới đến nỗi họ còn đặt một cây thông Giáng sinh và tặng quà nhau vào mỗi dịp lễ. Những đứa trẻ thì hát những bài hát mừng Giáng sinh với các cô người Đức của chúng. Tuy nhiên, họ vẫn tuân thủ đều đặn tương tự những dịp lễ lớn của người Do Thái. Một lần, Michael, em trai của Johnny, đã hỏi bố rằng tại sao gia đình họ vẫn tự coi mình là người Do Thái khi không tuân thủ tôn giáo này một cách nghiêm túc. Max đã trả lời, “Đó là truyền thống.” Cả cuộc đời của von Neumann đều thể hiện sự lẫn lộn tôn giáo này, bao gồm việc ông chuyển sang Đạo Thiên chúa trên danh nghĩa khi ông kết hôn lần đầu tiên và niềm tin bất khả tri trong phần lớn quãng đời trưởng thành của ông. Lúc cuối đời, thời điểm công chúng biết đến ông nhiều nhất với tư cách là thành viên Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, một biên tập viên của Jewish Daily Forward đã gửi thư cho von Neumann để hỏi rằng liệu việc miêu tả ông là một người Do Thái có hợp lý không. Max Neumann là một người có văn hóa và hiểu biết nhiều. Ông sáng tác thơ nghiệp dư bằng cả tiếng Hungary và Đức. Khi đi làm, ông là một thương gia thông minh, luôn cân nhắc đến khía cạnh xã hội của các doanh nghiệp mà ông đang tài trợ. Khi ăn tối cùng các con, ông thường thảo luận với chúng về trách nhiệm xã hội của các nhà ngân hàng. Ông cố gắng hướng chúng vào ngành ngân hàng bằng cách mang về nhà những vật lưu niệm của các doanh nghiệp mà công ty ông đang hậu thuẫn. Nicholas, em trai của von Neumann, nghĩ rằng ý tưởng thẻ đục lỗ cho máy tính của Johnny được truyền cảm hứng từ cuộc nói chuyện của gia đình về nhà máy dệt Jacquard mà ngân hàng của Max tài trợ. Năm 1913, Max đã mua một tước hiệu quý tộc margittai, khi Hoàng đế Franz Joseph do thiếu tiền mặt đã phải bán chúng cho tầng lớp tư bản mới nổi. Nhiều người đã đổi tên khi nhận tước hiệu này nhưng Max không phản đối việc để tước hiệu trước tên của mình: “margittai Neumann.” Trong suốt thời gian học đại học ở Zurich và Berlin, John đã bị ảnh hưởng bởi phiên bản Đức và ký tên mình là “Johann Neumann von Margitta.” Theo tiếng Đức, nó sẽ bị đọc ngắn đi thành “von Neumann,” một cái tên mà dù không nói ra nhưng người ta vẫn hiểu được tước hiệu của ông. Thần đồng Ngay từ khi còn nhỏ, von Neumann đã được trời phú cho một trí nhớ tuyệt vời. Khi lên 6 tuổi, ông có thể đùa với cha bằng tiếng Hy Lạp cổ. Gia đình Neumann còn thỉnh thoảng cho Johnny chơi trò ghi nhớ danh bạ điện thoại với những vị khách đến chơi nhà. Người khách sẽ chọn ngẫu nhiên một trang và một cột của cuốn danh bạ điện thoại. Johnny sẽ đọc cột đó vài lần và đưa lại cuốn danh bạ cho người khách. Sau đó, ông có thể trả lời mọi câu hỏi dành cho ông hoặc lần lượt nói tên, địa chỉ và số điện thoại. Gia đình Neumann là một môi trường thích hợp để phát triển trí tuệ của một thần đồng. Max Neumann đã mua một thư viện, dọn một phòng để đồ để chứa nó và cho lắp các giá sách cao từ sàn đến trần khắp phòng. Johnny dành rất nhiều thời gian đọc sách trong thư viện này. Một trong số đó là bộ sách giáo khoa lịch sử thế giới được biên tập bởi nhà sử học người Đức, Wilhelm Oncken. Von Neumann đã đọc nó hết tập này đến tập khác. Ông sẽ trốn không đi cắt tóc nếu mẹ ông không cho ông cầm theo một tập của Oncken. Đến khi Thế Chiến I bùng nổ, ông đã đọc xong cả bộ và có thể đưa ra những điểm giống nhau giữa những sự kiện hiện tại và những sự kiện trong quá khứ, đồng thời thảo luận về các lý thuyết quân sự cũng như chiến lược chính trị. Lúc này, ông mới 10 tuổi. Von Neumann tiếp xúc với tâm lý học thông qua một người họ hàng, Sándor Ferenczi, học trò của Freud, người đã đưa phân tích tâm lý vào Hungary. Von Neumann cũng có một tiếp xúc quan trọng với âm nhạc và văn học Anh từ rất sớm. Nicholas nhớ rằng Johnny rất hứng thú với những nền tảng triết học của các tác phẩm nghệ thuật. Ông rất thích Six Characters in Search of an Author (tạm dịch: Cuộc truy tìm tác giả của sáu nhân vật) của Pirandello vì sự lẫn lộn giữa thực tại và tưởng tượng của nó. “Nghệ thuật Tẩu pháp” (Art of the Fugue) của Bach để lại cho ông một ấn tượng sâu sắc vì nó được viết cho nhiều giọng mà không chỉ rõ các nhạc cụ. Johnny đã ấn tượng với điều này đến mức Nicholas tin rằng nó chính là một nguồn tạo ra ý tưởng máy tính lưu trữ chương trình (stored-program computer). Từ sự thích thú sớm với khoa học, ông bắt đầu thực hiện các thí nghiệm tại nhà. Johnny và Michael đã tìm được một miếng natri và thả nó vào nước để xem phản ứng. Sau khi natri được hòa tan (tạo ra natri hiđroxit là chất ăn da), họ đã nếm thử nước. Gia đình đã phải gọi bác sỹ. Từ năm 1911 đến năm 1921, von Neumann học ở trường trung học nam sinh Lutheran có tiếng về học thuật. Trường chấp nhận học sinh không phân biệt hoàn cảnh và thậm chí cung cấp cả những khóa đào tạo tôn giáo phù hợp. Giáo viên toán đầu tiên của von Neumann tại trường, giáo sư Laszlo Rácz, đã nhanh chóng nhận ra tài năng của ông và mời Max đến để trao đổi. Rácz đề nghị có một chương trình học toán đặc biệt cho von Neumann và bắt đầu tổ chức nó. Đôi khi, các giáo viên rất bực tức với von Neumann. Ông thú nhận rằng ông chưa làm bài tập về nhà rồi sau đó lại tham gia thảo luận một cách thông minh hơn bất kỳ ai. Johnny luôn đạt điểm A trong môn toán và phần lớn các môn khác. Ông chỉ bị điểm C môn giáo dục thể chất. Đất nước Hungary thời von Neumann sản sinh ra nhiều thiên tài đến mức đáng kinh ngạc. Von Neumann học cùng trường với vài người trong số đó. Ông vào học tại trường sau Eugene Wigner, người sau này là một nhà vật lý nổi tiếng, 1 năm. (Khi trưởng thành, Wigner nói rằng ông nhận thấy ông sẽ chỉ là nhà toán học xếp hạng 2 sau von Neumann nên đã chuyển sang vật lý.) Johnny gặp Edward Teller vào năm 1925 khi cả hai học cùng một giáo viên danh tiếng, Lipot Feher. Những người Hungary nổi tiếng khác của thời đại này gồm có Dennis Gabor, người tiên phong về laser, và Leo Szilard, nhà vật lý. Giai đoạn đầu sự nghiệp John von Neumann là một trong những trí thức Do Thái chạy từ Hungary đến Đức rồi từ Đức đến Mỹ. Khi Johnny đến tuổi vào đại học, ông muốn học toán. Thực ra ông đã xuất bản tác phẩm toán học đầu tiên của mình cùng với gia sư của ông khi ông 18 tuổi. Bố ông không đồng ý vì cho rằng không có đủ tiền để trở thành nhà toán học. Max đã nhờ kỹ sư Theodore von Kármán nói chuyện với con trai mình và thuyết phục nó theo nghiệp kinh doanh. Von Kármán đã đề xuất hóa học như một sự thỏa hiệp, và cả hai bố con đều đồng ý. Johnny đã nộp đơn vào Đại học Budapest. Dù cho chính phủ đã giới hạn số người Do Thái được nhận vào đại học theo tỷ lệ của họ trong dân số, một điều luật khiến cho những người Do thái được giáo dục khá tốt phải chịu các yêu cầu về học thuật cao đến mức bất thường, thì với bảng thành tích xuất sắc của mình, von Neumann vẫn dễ dàng được nhận. Tuy nhiên, con đường học vấn phức tạp của Neumann đã kéo dài qua 3 quốc gia. Năm 1921, ông đăng ký học Đại học Budapest nhưng không đến lớp. Ông chỉ xuất hiện khi có kỳ thi và vượt qua xuất sắc. Đồng thời, ông đăng ký học Đại học Berlin, nơi ông học hóa đến năm 1923. Sau Berlin, cuộc du ngoạn học thuật vĩ đại của ông đưa ông đến với Học viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ ở Zurich. Ở đó, ông học công nghệ hóa học và lấy bằng vào năm 1925. Cuối cùng, ông nhận bằng Tiến sỹ (Ph.D) toán học – cùng với các chuyên ngành nhỏ là vật lý và hóa học – ở Đại học Budapest năm 1926. Ông chỉ mất 5 năm để lấy bằng Tiến sỹ. Sau khi lấy bằng Tiến sỹ, ông trở thành một Privat dozent ở Đại học Berlin, tương ứng với một Giáo sư dự khuyết (assistant professor) ở Mỹ, và von Neumann, theo báo cáo, là người trẻ nhất từng đạt đến vị trí này. Ông ở vị trí này tại Berlin đến năm 1929. Sau đó, ông đến Hamburg và giữ nguyên chức vị đến năm 1930. Cùng lúc đó, von Neumann nhận được học bổng sau tiến sỹ (postdoctoral) Rockefeller tại Đại học Gottingen. Ở đó, từ năm 1926 đến năm 1927, ông học dưới sự hướng dẫn của nhà toán học vĩ đại David Hilbert, người đã quy tụ được xung quanh mình nhiều bộ óc toán học tiềm năng nhất. Một trong số đó là J. Robert Oppenheimer, người mà von Neumann lần đầu tiên được gặp. Vào khoảng năm 25 tuổi, danh tiếng của von Neumann đã lan rộng trong cộng đồng toán học trên khắp thế giới. Tại các buổi nói chuyện học thuật, người ta gọi ông là thần đồng. Chàng trai trẻ von Neumann đã khẳng định một cách xấc láo rằng năng lực toán học sẽ giảm sút khi qua 26 tuổi; chỉ có kinh nghiệm mới có thể che dấu sự giảm sút đó – và cũng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. (Người bạn lâu năm của ông, nhà toán học Stanislaw Ulam, đã nói rằng khi chính von Neumann già đi, ông đã nâng số tuổi giới hạn này.) Năm 1929, năm mà von Neumann đạt đến lằn ranh này, ông được mời đến giảng về thuyết lượng tử trong một học kỳ ở Princeton. Lúc được đề nghị công việc này, ông đã quyết định kết hôn với bạn gái, Mariette Koevesi. Ông trả lời lại cho Oswald Veblen ở Princeton rằng ông phải giải quyết vài việc riêng trước khi có thể chấp nhận. Von Neumann đã quay trở lại Budapest và đột ngột cầu hôn. Vị hôn thê của ông, con gái một bác sỹ ở Budapest, đã đồng ý cưới ông vào tháng 12. Mariette là người theo Đạo Thiên chúa. Von Neumann đã chấp nhận tín ngưỡng của vợ để làm đám cưới. Phần lớn các bằng chứng cho thấy rằng ông đã không coi “sự chuyển đổi” này là nghiêm túc. Trong Energy and Conflict (tạm dịch: Năng lượng và Mâu thuẫn) của Stanley A. Blumberg và Gwinn Owen, Edward Teller đã nói rằng bất cứ khi nào von Neumann muốn chửi thề, ông sẽ kiềm chế lại và nói đùa, “Giờ tôi sẽ phải giảm đi 200 năm sám hối rồi.” Von Neumann chấp nhận lời đề nghị của Princeton. Ông nhanh chóng thăng tiến lên vị trí chính thức ở Princeton. Sự nghiệp dạy học ngắn ngủi của ông diễn ra từ năm 1930 đến năm 1933 với cương vị Giáo sư thỉnh giảng. Mọi người nói rằng von Neumann là một giảng viên bàng quan. Những ai không có năng khiếu rất khó theo được dòng suy nghĩ của ông. Ông nổi tiếng với việc viết nhanh các phương trình lên một phần nhỏ của cả chiếc bảng trống lớn và xóa đi các biểu thức trước khi sinh viên kịp chép. Từ năm 1930 đến năm 1936, von Neumann nghỉ hè nhưng vẫn làm việc ở châu Âu. Từ năm 1933, năm mà Đức Quốc xã lên nắm quyền, von Neumann cuối cùng đã từ bỏ các công việc ở Đức. Như có thể đoán trước, von Neumann đã phản đối Đức Quốc xã ngay từ khi chúng hình thành. Năm 1933, ông đưa ra dự đoán mà thường xuyên được trích dẫn (trong một bức thư gửi cho Veblen) như sau, “nếu những tên này tiếp tục tồn tại chỉ thêm 2 năm nữa thôi (mà thật không may là rất có thể sẽ như thế) thì chúng sẽ phá hủy nền khoa học Đức ít nhất trong một thế hệ.” Vai trò của chủ nghĩa bài Do Thái trong các cuộc di cư của von Neumann không nên được nhấn mạnh quá mức. Trong những năm sau, von Neumann khẳng định rằng cả hai chuyến đi từ Hungary đến Đức và từ Đức đến Mỹ đều được thúc đẩy bởi cơ hội nghề nghiệp. Có quá nhiều các nhà toán học và không có đủ chức danh giáo sư ở Đức, ông phàn nàn. Học viện Khi Học viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton được mở vào năm 1933, von Neumann được mời làm giáo sư. Một lần nữa, ông lại là người trẻ nhất trong một nhóm cực kỳ xuất chúng. Do học viện này không dạy học nên đây là nơi đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp sư phạm của von Neumann. Học viện này nằm trong một tòa nhà không lấy gì làm ấn tượng. Phần lớn các thành viên mới đã và vẫn đang phải trải qua một giai đoạn “sốc nhận thức” khi họ thấy rằng những người trông bình thường nhất lại là những nhân vật nổi tiếng. “Nhiều lúc chúng tôi phải tự cấu mình để bảo đảm rằng tất cả là thật,” nhà toán học Raoul Bott nhớ lại trong một bài phát biểu năm 1984. “Hãy thử tưởng tượng có một nơi mà cứ khoảng 11 giờ sáng hàng ngày là có thể dễ dàng nói chuyện với Einstein về các chủ đề quan trọng như thời tiết hoặc sự chậm trễ của việc giao thư. Nơi mà người hàng xóm thân thiện nhưng rất ít nói ngồi giữa một nhóm thanh niên đang ăn trưa hóa ra lại là P.A.M. Dirac, v.v...” Văn phòng của von Neumann gần văn phòng của Einstein. Mặc dù nhiều bài viết nổi tiếng về von Neumann đôi khi miêu tả ông là một “người cộng sự” của thiên tài này, nhưng hai người chưa bao giờ thân thiết. Em trai Nicholas của von Neumann bảo tôi rằng Johnny đã xem công trình của Einstein về “thuyết trường thống nhất” (unified field theory) với sự nghi ngờ bao dung. Einstein 26 tuổi khi ông xuất bản thuyết tương đối đặc biệt. (Einstein vẫn có – ít nhất – một thập kỷ tốt đẹp phía trước, vì thuyết tương đối tổng quát đã ra đời 11 năm sau.) Tạp chí Life đã dẫn lời một thành viên của học viện như sau, “Trí óc của Einstein chậm và đầy suy tư. Ông sẽ nghĩ về một thứ từ năm này qua năm khác. Trí óc của Johnny thì ngược lại. Nó nhanh như chớp – cực kỳ nhanh. Nếu bạn đưa ra cho ông ấy một vấn đề, ông ấy sẽ giải đáp ngay lập tức hoặc không bao giờ. Nếu ông ấy phải nghĩ về nó trong một thời gian dài và nó khiến ông ấy thấy tẻ nhạt, sự hứng thú của ông ấy sẽ bắt đầu tản mác. Và trí óc của Johnny sẽ không tỏa sáng trừ phi ông ấy tập trung toàn lực vào bất cứ thứ gì ông ấy đang làm.” Năm 1935, Mariette sinh hạ cô con gái Marina. Marina là đứa con duy nhất của von Neumann. Hai năm sau, Mariette rời bỏ Johnny. Bà phải lòng J. B. Kuper, một bác sỹ. Kuper làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven, và sau đó đã được những người bạn của von Neumann miêu tả là một “chàng trai rất tốt,” “yêu điên cuồng” Mariette.Mariette dọn đến ở cùng Kuper và đem theo cả Marina. Cuối năm 1937, bà đến ở tại Reno để chuẩn bị cho cuộc ly dị ở Nevada. Bà nộp đơn với lý do là phải chịu “sự tàn nhẫn cùng cực.” Điều này có vẻ như chỉ là để hợp pháp hóa vì Johnny vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Mariette sau đó. Ông gọi cho bà gần như hàng ngày trong chuyến đi đến châu Âu năm 1938. Khi cuộc ly dị kết thúc, Mariette cưới Kuper và định cư ở thành phố New York. Theo thỏa thuận ly hôn thì Mariette không nhận được gì ngoài tiền chu cấp cho đứa con duy nhất, Marina. Nó cũng quy định rằng Marina chỉ sống với mẹ đến năm 12 tuổi. Sau đó, cô sẽ sống với bố đến năm 18 tuổi. “Mẹ tôi cảm thấy một cách mãnh liệt rằng bất kỳ đứa trẻ nào là con gái của von Neumann phải tìmhiểu John von Neumann,” Marina nói trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Life năm 1972. “Để đảm bảo nó có tác dụng thì tôi sẽ sống với ông khi tôi đến tuổi thiếu niên lúc tôi đủ lớn để thu được các lợi ích.” Klara Một năm sau khi ly dị, von Neumann yêu một người phụ nữ đã kết hôn. Ông đã hâm nóng lại mối quan hệ với người bạn gái thanh mai trúc mã của mình, Klara Dan, trong một chuyến đi đến châu Âu. Klara sẵn sàng ly dị chồng. Trong suốt học kỳ mùa thu năm 1938, von Neumann đã rời khỏi học viện, có vẻ là để hỗ trợ cuộc ly dị của Klara. Thực ra, ông đã có một lịch trình giảng dạy rất bận rộn. Điều này đã khiến ông chẳng còn mấy thời gian cho Klara và gia đình ở Budapest. Những lá thư của von Neumann, do Klara cất giữ và nay được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội, đã ghi lại một mối quan hệ mãnh liệt và sôi nổi. Số lượng những lá thư này rất lớn nếu xét theo các tiêu chuẩn vào giữa thế kỷ XX vì von Neumann phải thường xuyên di chuyển không chỉ trong những tháng ở châu Âu đó mà còn trong suốt cuộc hôn nhân. Trong giai đoạn tìm hiểu, Johnny đã viết cho Klara những lá thư chứa chan tình cảm. Ông không tiếc lời khen ngợi Klara là người phụ nữ tuyệt vời nhất thế giới và tuyên bố tình yêu của họ là một thứ cảm giác không gì sánh được. Giai điệu trữ tình này lại gần như hoàn toàn biến mất trong các bức thư Klara gửi cho Johnny. Klara là một người phụ nữ đanh đá. Thật khó để rút ra kết luận nào khác khi đọc những bức thư của bà. Thậm chí những bức thư đầu tiên, được viết khi họ mới yêu nhau, chứa đầy những lời đe dọa và những ẩn ý đáng ngại. Nếu John von Neumann không phải là người dễ dàng nhất thế giới để sống cùng thì Klara cũng không. Klara có nhiều lý do để lo sợ. Với sự leo thang của chiến tranh cũng như của phát xít Đức nói riêng và chủ nghĩa phát xít nói chung, bà nhìn thấy trong von Neumann không chỉ một người chồng lý tưởng mà còn một tấm vé đến Mỹ. Trong một bức thư chân thành, Klara nói với Johnny rằng sự sống còn của bà có thể nằm trong tay ông. Tất cả những gì bà muốn là đi Mỹ và sống một cuộc sống hôn nhân bình thường. Sau vài lần trì hoãn đau đớn (với Klara), bà đã chính thức ly dị vào ngày 29 tháng 10 năm 1938. Bà và Johnny kết hôn vào ngày 17 tháng 11. Sau đó không lâu, hai người lên con tàu Queen Mary đến New York. Gia đình von Neumann sống tại số 26 phố Westcott trong một những căn nhà lớn nhất của Princeton. Ngôi nhà này trị giá 30.000 đô-la – trong đó 25.000 đô-la là khoản vay thế chấp mà họ nợ Học viên Nghiên cứu Cao cấp, đơn vị đã tài trợ các khoản mua nhà cho các giáo sư của họ. (Năm 1941, von Neumann được học viện này trả 12.500 đô-la một năm, một mức lương cao trong lĩnh vực học thuật vào thời điểm đó.) Klara trang trí ngôi nhà bằng các đồ đạc hiện đại, một phong cách mà Johnny không hề quan tâm. Mặt khác, nhà von Neumann vẫn có một đặc trưng từ Thế giới cũ. Hai, rồi ba, thế hệ sống chung dưới một mái nhà (mẹ của von Neumann sống cùng họ và Marina chuyển đến ở cùng khi cô 12 tuổi). Ngoài ra còn có cả các nô lệ. Trong phần lớn thời gian, Johnny và Klara nói chuyện với nhau bằng tiếng Hungary. Những bức thư của họ được viết bằng cả tiếng Hungary và tiếng Anh, đôi khi lại đổi ngôn ngữ ở giữa câu. Klara và Johnny không có con với nhau. Họ chăm sóc Marina rất chu đáo và yêu quý con chó lai to lớn của họ, “Thật ngược đời.” Tính cách “Không có chút ‘kỳ quặc’ theo kiểu khoa học nào trong hình thức của tiến sỹ von Neumann,” tạp chí Good Housekeeping công bố vào năm 1956. Von Neumann cao khoảng hơn 1m7. Ông không bao giờ trông có vẻ nhanh nhẹn hay khỏe khoắn. Lúc còn trẻ, ông gầy nhưng khi đến tuổi trung niên, ông lại béo. Ông ăn vận gọn gàng và bảo thủ, luôn mặc com-lê với áo gi-lê ở trong và khăn tay trắng cài ở túi áo. Người ta cho rằng ông hầu như không mang gì trong túi ngoại trừ giấy chứng nhận kiểm tra an ninh (security clearance) và các trò xếp hình Trung Quốc. Khả năng tiếng Anh của von Neumann rất tuyệt. Ông cũng thành thạo cả tiếng Hungary, tiếng Đức và tiếng Pháp. Ông vẫn còn nguyên sự am hiểu mạnh mẽ cả tiếng Hy Lạp và Latin mà ông đã được học khi còn nhỏ. Người ta nói rằng von Neumann có thể nói bất kỳ ngôn ngữ nào trong 7 ngôn ngữ với tốc độ nhanh hơn tốc độ nói một ngôn ngữ của phần lớn mọi người. Đặc điểm chung của một nhà toán học là nhút nhát và lơ đãng. Von Neumann lại thuộc tuýp nhiệt tình hơn: nói trắng ra là có một cuộc sống tiệc tùng. Các bữa tiệc và cuộc sống về đêm có một sức hút đặc biệt với von Neumann. Khi còn dạy học ở Đức, ông là gương mặt quen thuộc trong các câu lạc bộ đêm ở Berlin thời kỷ nguyên Cabaret. Sự nhiệt tình này tiếp diễn trong suốt cuộc đời ông. Johnny và Klara tự nhận trách nhiệm giới thiệu các học giả khách mời cho các giáo sư của học viện. Họ tổ chức tiệc gần như hàng tuần và tạo ra thứ kiểu như một hội quán. Năm 1952, Klara nhận được một tác phẩm điêu khắc là chiếc máy tính Princeton bằng băng cho một bữa tiệc kỷ niệm sự ra đời của nó. Tạp chí Life đã viết về von Neumann như sau: “Việc ông bất chợt dùng bút chì viết nguệch ngoạc lên giấy khi đang ở giữa một buổi trình diễn ở sàn câu lạc bộ đêm hay một bữa tiệc sống động diễn ra thường xuyên, """