" The Inevitable: Làm Chủ Công Nghệ Làm Chủ Tương Lai - Kevin Kelly full prc pdf epub azw3 [Best Seller] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook The Inevitable: Làm Chủ Công Nghệ Làm Chủ Tương Lai - Kevin Kelly full prc pdf epub azw3 [Best Seller] Ebooks Nhóm Zalo a Mục lục 1. Lời giới thiệu 2. 1. Trở thành 3. 2. Cải tiến 4. 3. Dòng chảy 5. 4. Trình chiếu 6. 5. Truy cập 7. 6. Chia sẻ 8. 7. Sàng lọc 9. 8. Remix 10. 9. Tương tác 11. 10. Theo dấu 12. 11. Đặt câu hỏi 13. 12. Bắt đầu 14. Lời cảm ơn Lời giới thiệu K hi tôi 13 tuổi, bố dẫn tôi đến thăm quan triển lãm thương mại máy vi tính tại thành phố Atlantic, New Jersey. Đó là năm 1965 và bố tôi đã vô cùng phấn khích khi nhìn thấy những cỗ máy to bằng cả căn phòng được sản xuất bởi những công ty hàng đầu của Mỹ như IBM. Bố tôi tin tưởng vào bước tiến này, và ông cho rằng những chiếc máy tính đầu tiên ấy sẽ mở ra cánh cửa hướng đến tương lai. Tuy nhiên, là một thiếu niên bình thường, tôi chẳng có chút ấn tượng gì về mấy cái máy tính đó. Trông chúng thật tẻ nhạt khi nằm trong sảnh trưng bày rộng lớn. Chẳng có gì để xem ngoại trừ hàng dãy hộp máy kim loại hình chữ nhật bất động. Chẳng có màn hình nhấp nháy, cũng không có thiết bị âm thanh đầu vào, đầu ra. Việc duy nhất những chiếc máy có thể làm là in ra từng hàng chữ số màu xám trên những tờ giấy đã được gấp gọn. Vốn đã biết về máy tính thông qua những cuốn sách viễn tưởng sống động, tôi chẳng thể tin những cái máy này là máy tính thực sự. Năm 1981, tôi được đặt tay lên chiếc máy tính Apple II tại phòng thí nghiệm của trường Đại học Georgia nơi tôi làm việc. Mặc dù chiếc máy này có một màn hình màu đen và xanh để hiển thị văn bản, tôi vẫn chẳng mấy ấn tượng với nó. Apple II có thể gõ văn bản tốt hơn một cái máy đánh chữ, và nó thực sự là một chuyên gia về số đồ thị và ghi chép dữ liệu, nhưng đối với tôi, đó vẫn chưa phải một chiếc máy tính thực sự. Nó chẳng làm cuộc đời tôi thay đổi chút nào. Thế nhưng chỉ một vài tháng sau, tôi đã thay đổi quan điểm hoàn toàn khi thử cắm chính chiếc Apple II đó vào đường dây điện thoại với một cái modem1. Lúc ấy, mọi thứ đột ngột thay đổi. Có cả một vũ trụ rộng lớn và gần như vô tận xuất hiện ở đầu kia của giác cắm điện thoại. Ở đó có các bản tin trực tuyến2, các hội nghị trực tuyến thử nghiệm, và thế giới đó được gọi là Internet (mạng). Cổng thông tin qua đường dây điện thoại đã mở ra một thế giới rộng lớn mà vẫn ở quy mô vừa đủ với loài người. Nó có tổ chức, kết cấu và rất tuyệt vời. Nó kết nối con người và máy móc theo một cách cá nhân. Tôi có thể thấy cuộc đời mình đã đi lên một tầm cao mới. Khi nhìn lại dòng lịch sử, tôi cho rằng thời đại của máy vi tính chỉ mới thực sự bắt đầu ở khoảnh khắc ấy, khi máy tính được kết nối với điện thoại. Chỉ riêng máy tính thôi thì không đủ. Những tính năng có giá trị của máy tính đến những năm 1980 mới xuất hiện, khi máy tính được kết hợp với điện thoại để làm nên một thiết bị hỗn hợp. 1 Thiết bị điện tử cho phép một máy tính truyền tin đến một máy tính khác ở khoảng cách xa thông qua đường dây điện thoại tiêu chuẩn. 2 Diễn đàn trực tuyến nơi người tham gia có thể đăng nhập để chia sẻ thông tin và ý tưởng. Hệ thống bản tin trực tuyến đã trở thành một cộng đồng trực tuyến chủ đạo để trao đổi giữa người dùng những năm 1980 và đầu những năm 1990, trước khi hệ thống mạng lưới toàn cầu (world wide web) ra đời. Trong ba thập kỷ sau đó, sự kết hợp công nghệ giữa truyền thông và tính toán ngày một nở rộ và phát triển. Hệ thống Internet (mạng kết nối máy tính), web (mạng kết nối người dùng) và di động từ chỗ chỉ được một bộ phận trong xã hội biết đến (năm 1981) nay đã tiến vào vũ đài trung tâm của xã hội hiện đại toàn cầu. Trong vòng 30 năm, nền kinh tế xã hội dựa trên công nghệ đã có những lúc thăng trầm, với những nhà kinh doanh phất lên rồi lại chìm xuống. Nhưng rõ ràng là đã có một xu hướng ở quy mô lớn chi phối những gì đã diễn ra suốt 30 năm qua. Những xu hướng có tính lịch sử này đóng vai trò quan trọng bởi những điều kiện thúc đẩy nền tảng của chúng vẫn còn có giá trị và đang tiếp tục phát triển. Và một khi điều kiện còn, thì những xu hướng ấy vẫn sẽ tiếp diễn trong vài thập kỷ tới mà không thứ gì có thể ngăn lại được. Thậm chí những thế lực có thể gây cản trở như tội phạm, chiến tranh hay những hành động vượt quá giới hạn của con người cũng sẽ đi theo xu hướng này. Trong cuốn sách này, tôi sẽ mô tả 12 sức mạnh công nghệ định hình tương lai của chúng ta trong 30 năm tới. “Tất yếu” là một tính từ mạnh. Đối với một số người, đây có thể là lời tuyên chiến, bởi họ luôn phản đối rằng chẳng có gì là tất yếu. Họ cho rằng loài người với khả năng cung cấp năng lượng và có mục đích rõ ràng có thể và nên chuyển hướng, khống chế cũng như kiểm soát mọi xu hướng cơ khí. Theo họ, “điều tất yếu” chỉ xảy ra khi chúng ta đầu hàng ý chí. Khi ý niệm về sự tất yếu được gắn với những công nghệ hào nhoáng, như tôi đang làm trong cuốn sách này, sự phản đối một định mệnh được định sẵn lại càng dữ dội và quyết liệt hơn. Đã có người định nghĩa về “điều tất yếu” là kết quả cuối cùng của thí nghiệm tư duy kinh điển. Theo đó, nếu chúng ta lội ngược dòng lịch sử và sống lại thời kỳ khai hóa văn minh hết lần này đến lần khác, thì dù chúng ta có “tua lại” bao nhiêu lần, loài người vẫn luôn đi đến thời điểm năm 2016, khi các thiếu niên cứ năm phút một lại đăng một tweet. Nhưng đó không phải điều tôi muốn nói đến. Tôi muốn nói về sự tất yếu theo một cách khác. Luôn có một định kiến trong bản chất của công nghệ khiến nó nghiêng về một vài đường hướng nhất định. Trong khi mọi thứ đều ngang bằng, hai yếu tố đưa công nghệ đi lên là vật lý và toán học lại có xu hướng thiên vị một số hành vi. Những xu hướng này tồn tại chủ yếu trong những nhân tố tổng hợp định hình sự phát triển chung của các loại hình công nghệ chứ không điều chỉnh những trường hợp chi tiết và cụ thể. Chẳng hạn, sự hình thành Internet, một mạng lưới của các mạng lưới trải rộng toàn cầu, là điều không thể tránh khỏi, nhưng loại hình Internet cụ thể chúng ta lựa chọn thì chưa chắc đã xuất hiện. Bởi chúng có thể mang tính thương mại thay vì phi thương mại, mang tính quốc gia hơn là quốc tế hay mang tính cá nhân hơn là công khai. Tương tự, điện thoại, thiết bị liên lạc đường dài, là tất yếu, nhưng iPhone thì không. Phương tiện di chuyển bốn bánh là tất yếu, nhưng một chiếc ô tô SUV thì không. Và tin nhắn là tất yếu, nhưng đăng tin cứ năm phút một trên twitter thì không. Theo một cách hiểu khác, năm phút một lần đăng tweet không phải là điều chắc chắn xảy ra. Chúng ta đang tiến lên hối hả đến nỗi những sáng chế mới chúng ta tạo ra còn nhanh hơn tốc độ truyền bá và sử dụng thành thạo chúng. Ngày nay, chúng ta mất cả thập kỷ sau khi một công nghệ mới ra đời để đạt được đồng thuận trong xã hội về tính năng và cách sử dụng nó. Trong năm năm nữa chúng ta sẽ tìm được một cách sử dụng twitter lịch sự và thích đáng, giống như khi chúng ta phát hiện ra cần phải làm gì để giải quyết vấn đề điện thoại réo lên mọi nơi (đơn giản là tắt chuông và bật chế độ rung). Và như thế, bởi tốc độ ra đời của công nghệ quá nhanh, phản ứng đầu tiên của con người khi đón nhận một công nghệ mới sẽ sớm mất đi và chúng ta sẽ thấy nó chẳng còn cần thiết hay tất yếu nữa. “Điều tất yếu” mà tôi đang nói đến trong lĩnh vực kỹ thuật số chính là kết quả của động lực, một động lực của sự dịch chuyển công nghệ đang tiếp diễn. Làn sóng mạnh mẽ định hình công nghệ số trong 30 năm qua sẽ tiếp tục được mở rộng và củng cố trong 30 năm tới. Điều này không chỉ đúng với Bắc Mỹ, mà còn được áp dụng cho toàn thế giới. Trong cuốn sách này, tôi sử dụng những ví dụ quen thuộc ở Mỹ để độc giả dễ hiểu hơn, nhưng đối với mỗi ví dụ, tôi đều có thể dễ dàng lấy một trường hợp tương ứng ở Ấn Độ, Mali, Peru hay Estonia. Chẳng hạn, những người đi đầu thực sự của hệ thống thanh toán điện tử lại ở châu Phi và Afghanistan, nơi tiền kỹ thuật số đôi khi trở thành loại tiền tệ duy nhất được lưu hành. Trung Quốc hiện đang là nước dẫn đầu về phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động. Trong khi yếu tố văn hóa có thể thúc đẩy hoặc cản trở các biểu hiện của công nghệ, những nhân tố nền tảng vẫn tồn tại ở mọi nơi. Sau khi sống trong thời đại công nghệ trực tuyến (online) suốt 30 năm, từ khi là người tiên phong trong một lĩnh vực tương đối hoang sơ và sau đó trở thành một phần đóng góp vào miền đất mới mẻ ấy, sự tự tin của tôi về tính tất yếu của công nghệ được dựa trên những thay đổi công nghệ sâu sắc mà tôi từng chứng kiến. Sự hấp dẫn của những công nghệ mới lạ vẫn xuất hiện mỗi ngày trong dòng chảy chậm chạp của cuộc sống. Gốc rễ của một thế giới số hóa nằm ở các nhu cầu vật chất và xu hướng tự nhiên của bit (đơn vị thông tin nhị phân), thông tin và mạng lưới. Bất kể ở điều kiện địa lý nào, trong công ty nào, hay nền chính trị nào, những đầu vào cơ bản của bit và mạng lưới sẽ mang đến những kết quả tương tự hết lần này đến lần khác. Tính tất yếu của công nghệ bắt nguồn từ tình trạng vật lý cơ bản của chúng. Trong cuốn sách này, tôi đã nỗ lực tìm đến nguồn gốc của công nghệ số để từ đó, tôi có thể đưa ra dự đoán về những xu hướng công nghệ bền vững trong ba thập kỷ tới. Tuy nhiên, không phải mọi sự dịch chuyển công nghệ sẽ đều được đón nhận. Những nền công nghiệp lâu đời sẽ bị lật đổ vì phương thức làm ăn lạc hậu của họ không còn hiệu quả. Toàn bộ ngành nghề sẽ biến mất, cùng với đó, đời sống của một bộ phận dân cư cũng bị ảnh hưởng. Những nghề nghiệp mới ra đời và sẽ phát triển một cách không đồng đều, từ đó gây ra sự ganh tị và bất công. Sự tiếp diễn và mở rộng của những xu hướng mà tôi chỉ ra sẽ thách thức các niềm tin pháp lý hiện hành và chạm đến phần rìa ngoài của vòng pháp luật, trở thành một rào cản cho các công dân tuân thủ luật pháp. Về bản chất, công nghệ mạng lưới kỹ thuật số sẽ làm ảnh hưởng đến biên giới quốc tế vì nó vốn không có giới hạn. Sẽ có những vụ việc đáng tiếc, những xung đột, những mập mờ lộn xộn và cả những lợi ích đáng kinh ngạc. Phản ứng đầu tiên của chúng ta khi đối mặt với sự thay đổi công nghệ mạnh mẽ trong lĩnh vực kỹ thuật số có lẽ sẽ là sự chối bỏ. Ban đầu, chúng ta sẽ tìm cách chấm dứt nó, ngăn cản, phủ nhận nó hay ít nhất là làm nó khó sử dụng hơn. Ví dụ, khi Internet khiến việc sao chép nhạc và phim ảnh dễ dàng hơn, Hollywood và nền công nghiệp âm nhạc tìm mọi cách để ngăn chặn việc sao chép, nhưng không có kết quả, các nhà sản xuất nhạc và phim chỉ càng làm cho các khách hàng đối đầu với họ. Ngăn cấm những điều tất yếu thường chỉ đem đến kết quả ngược lại. Cấm đoán là biện pháp tạm thời tốt nhất, nhưng vẫn gây phản tác dụng về lâu dài. Một đường lối thận trọng và cởi mở sẽ đem lại hiệu quả hơn nhiều. Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là tìm ra nguyên nhân của những thay đổi kỹ thuật số để chúng ta có thể nhiệt tình chấp nhận chúng. Khi tìm được nguyên nhân ấy, chúng ta có thể hợp tác với bản chất của chúng thay vì ra sức chống lại chúng. Việc sao chép hàng loạt đã và đang diễn ra, cũng như việc lần theo dấu vết và giám sát toàn phần. Quyền sở hữu đang dần mất đi. Còn thực tế ảo lại trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể ngăn cản trí tuệ nhân tạo (AI)1 hay robot phát triển, làm việc và cướp đi việc làm của chúng ta. Đó có thể là phản ứng bước đầu của chúng ta, nhưng dần dần chúng ta nên chấp nhận sự tiến hóa không ngừng của những công nghệ này. Chỉ bằng cách làm việc cùng chúng thay vì ngăn chặn chúng, chúng ta mới có thể đạt được những lợi ích tốt nhất mà công nghệ mang đến. Điều này không có nghĩa là ta nên phó mặc mọi thứ cho công nghệ, mà vẫn cần kiểm soát và quản lý những phát minh mới để ngăn ngừa những mối nguy hại thực tế (so với những tác hại giả định) bằng biện pháp công nghệ và pháp lý. Chúng ta cần phải phổ biến rộng rãi và làm quen với việc sử dụng các phát minh mới tùy vào từng đặc tính cụ thể của chúng. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm được như vậy nếu chúng ta tìm hiểu sâu, trải nghiệm thực tế và chấp nhận một cách thận trọng những công nghệ mới này. Chẳng hạn, chúng ta có thể và nên quản lý các dịch vụ taxi như Uber, nhưng chúng ta không thể và không nên hạn chế sự nhân rộng của các dịch vụ. Những công nghệ này sẽ không bao giờ biến mất. 1 Artificial intelligent. Thay đổi là tất yếu. Cho đến nay, chúng ta đã chấp nhận rằng mọi thứ có thể và đang được thay đổi, dù rằng có nhiều sự thay đổi không thể nhận thấy. Những ngọn núi cao nhất cũng đang mòn dần, trong khi mọi động vật và thực vật trên hành tinh cũng đang thay đổi vô cùng chậm chạp. Kể cả ánh dương vĩnh cửu cũng đang mờ dần đi trên lịch thiên văn, dù đến khi điều này dễ nhận thấy hơn thì chúng ta cũng lìa đời rồi. Sinh học và văn hóa cũng là một phần của sự chuyển biến gần như vô hình này. Trung tâm của những biến đổi này có lẽ chính là công nghệ. Công nghệ là nhân tố gia tốc của loài người. Nhờ có công nghệ, mọi thứ chúng ta làm ra đều nằm trong quá trình “trở thành”. Mọi thứ đều đang được cải tiến để trở thành một thứ khác, khi ta nói nó “có thể là” và dần chuyển thành nó “đích thực là” cái gì mới. Mọi thứ đều vận động. Không có gì đã kết thúc, cũng không có gì đã hoàn thành. Sự biến đổi không hồi kết này chính là trục xoay then chốt của thế giới hiện đại. Sự vận động không ngừng có nhiều ý nghĩa hơn chỉ đơn giản là “mọi thứ sẽ khác”. Nó có nghĩa rằng quy trình, cũng chính là động cơ của sự vận động, còn quan trọng hơn sản phẩm. Phát minh vĩ đại nhất của chúng ta trong suốt 200 năm qua không phải một vật dụng hay công cụ cụ thể mà là bản thân quy trình nghiên cứu khoa học. Khi phát minh ra một phương pháp khoa học, ngay lập tức chúng ta có thể tạo ra hàng nghìn thiết bị tuyệt vời mà chúng ta đã có thể không bao giờ khám phá ra. Quá trình tạo ra phương pháp làm nên thay đổi và cải tiến còn đáng giá hơn một triệu lần so với việc phát minh ra bất kỳ sản phẩm cụ thể nào, bởi kể từ khi được tạo ra, quá trình này đã làm ra một triệu sản phẩm mới trong hàng thế kỷ. Khi ta nắm bắt quá trình này một cách chính xác, nó sẽ không ngừng mang lại lợi ích. Trong kỷ nguyên mới của chúng ta, quy trình sẽ chiến thắng sản phẩm. Xu hướng chú trọng đến quy trình này đồng nghĩa với việc những thay đổi không ngừng sẽ là vận mệnh cho mọi thứ chúng ta tạo ra. Chúng ta đang dịch chuyển từ một thế giới của những danh từ cố định sang thế giới của những những động từ thể hiện chuyển động. Trong 30 năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục biến những vật chất rắn như ô tô hay giày thành những động từ trừu tượng. Các sản phẩm sẽ trở thành các dịch vụ và các quy trình. Trong lĩnh vực số hóa phi vật chất, không có gì là bất động và cố định. Mọi thứ đều đang cải tiến để “trở thành” cái gì mới. Mọi gián đoạn của sự hiện đại đều bao trùm lên những thay đổi không ngừng này. Cho đến nay, tôi đã được chứng kiến sự bùng nổ của nhiều nguồn sức mạnh của công nghệ để có thể phân chia chúng thành 12 động từ, như truy cập, theo dấu và chia sẻ. Nói một cách chính xác, chúng không chỉ là động từ, mà còn là “hiện tại phân từ”, một thể ngữ pháp diễn tả hành động đang diễn ra. Và nguồn sức mạnh này là những hành động đang không ngừng tăng tốc. Trong đó mỗi hành động lại là một xu hướng đang tiếp diễn và có đầy đủ bằng chứng cho sự tồn tại của nó trong ít nhất ba thập kỷ tới. Tôi gọi những xu hướng biến đổi này là “tất yếu” vì chúng bắt rễ từ bản chất của công nghệ, chứ không phải từ bản chất của xã hội. Đặc tính của 12 động từ này đi liền với những định kiến của các công nghệ mới, một định kiến mà mọi công nghệ đều có. Trong khi những nhà chế tạo như chúng ta có thể đánh giá và đưa ra quyết định trong việc kiểm soát công nghệ, thì bản thân công nghệ cũng có những phần chúng ta không thể chi phối. Những quy trình công nghệ cụ thể tất yếu sẽ “thiên vị” và hướng đến những điều kiện cụ thể. Ví dụ, các quy trình công nghiệp (như động cơ hơi nước, nhà máy hóa chất, đập) thì cần nhiệt độ và áp suất ngoài sức chịu đựng của con người, còn các công nghệ số (như máy tính, Internet hay ứng dụng trực tuyến) thì cần được nhân rộng với giá rẻ và phổ biến ở mọi nơi. Sự thiên vị dành cho nhiệt độ và áp suất cao trong quá trình công nghiệp đã đẩy các khu chế tạo xa khỏi khu dân cư để đến những nhà máy tập trung quy mô lớn, bất kể đó là nền văn hóa, chính trị hay nền tảng xã hội nào. Cũng như vậy, sự thiên vị dành cho những bản sao tràn lan với giá rẻ của công nghệ số luôn xuất hiện mà không cần xét đến điều kiện về quốc tịch, kinh tế hay nhu cầu của con người, và do đó khiến công nghệ trở nên phổ biến trong xã hội. Những định kiến này đã được gắn vào bản chất của các bit kỹ thuật số. Trong cả hai ví dụ này, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng tối đa công nghệ khi “lắng nghe” điều nó cần và điều chỉnh các kỳ vọng, quy tắc cũng như các sản phẩm theo những xu hướng cơ bản của công nghệ. Nếu việc sử dụng công nghệ thuận theo xu hướng phát triển mang tính thiên vị, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát những phức tạp, tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu những tác động xấu của các công nghệ cụ thể. Chính vì thế, mục đích của cuốn sách này là tập hợp lại và phơi bày ra trước mắt chúng ta những xu hướng đang vận động trong các công nghệ mới nhất này. Mười hai động từ tôi sắp xếp và chỉ ra trong cuốn sách này đại diện cho những thay đổi trong nền văn hóa của chúng ta trong tương lai gần. Những bước tiến lớn này đã và đang diễn ra trong thế giới ngày hôm nay. Còn những chi tiết cụ thể như việc công ty nào sẽ dẫn đầu thì được quyết định bởi xu hướng sở thích, phương thức và thương mại, những nhân tố hoàn toàn không thể dự đoán. Nhưng xu hướng chung của sản phẩm và dịch vụ trong 30 năm tới thì có thể nắm bắt được. Bởi về cơ bản, chúng bắt nguồn từ những công nghệ đang nổi lên và ngày càng trở nên phổ biến. Hệ thống công nghệ rộng lớn và phát triển nhanh chóng này sẽ làm thay đổi xã hội một cách khó nhận biết nhưng từ từ và chắc chắn. Nó sẽ mở rộng các nguồn sức mạnh sau: Trở thành, Cải tiến, Dòng chảy, Trình chiếu, Truy cập, Chia sẻ, Sàng lọc, Remix, Tương tác, Theo dấu, Đặt câu hỏi và Bắt đầu. Mặc dù tôi chia mỗi sự vận động kể trên thành một chương, nhưng chúng không phải là các động từ rời rạc hay những quá trình hoạt động độc lập. Trên thực tế, chúng là những nguồn sức mạnh có sự giao thoa, phụ thuộc và thúc đẩy nhau. Khó có thể nói về một nhân tố mà không đồng thời liên hệ đến các nhân tố khác. Sự chia sẻ gia tăng sẽ thúc đẩy và cùng lúc phụ thuộc vào dòng chảy. Cải tiến đòi hỏi sự theo dấu. Trình chiếu không thể tách rời với tương tác. Bản thân mỗi từ đã là một sự tháo và ráp lại (remix), và tất cả các sự vận động này là những biến chuyển đang trong quá trình trở thành. Chúng là một dòng chuyển động thống nhất. Những nguồn sức mạnh này là con đường, chứ không phải đích đến. Chúng không cho biết trước ta sẽ dừng lại ở đâu. Chúng chỉ cho ta biết rằng trong tương lai gần chúng ta tất yếu sẽ đi theo hướng nào. 1Trở thành T ôi đã mất 60 năm để ngộ ra rằng: mọi thứ đều cần thêm năng lượng và sự định hướng để có thể tự duy trì. Tôi biết về điều này qua định luật nổi tiếng thứ hai của nhiệt động lực học rằng mọi thứ đang từ từ tan rã. Nó không chỉ là tiếng than của sự lão hóa ở con người mà còn là sự hao mòn của những vật vô tri như hòn đá, cột sắt, ống đồng, mảnh giấy hay những con đường sỏi đá, tất cả đều không tồn tại bền lâu nếu không có sự chú ý, sửa chữa và những chỉ thị bổ sung. Phần lớn sự tồn tại dường như chỉ là sự duy trì. Điều khiến tôi gần đây phải kinh ngạc là kể cả những thứ trừu tượng phi vật thể cũng thật bất ổn. Giữ cho một trang web hay một phần mềm hoạt động chẳng khác gì giữ một chiếc du thuyền nổi trên mặt nước. Những thứ này lúc nào cũng cần phải chú ý. Tôi có thể hiểu tại sao một thiết bị cơ khí như máy bơm lại hỏng hóc sau một thời gian, độ ẩm làm gỉ kim loại, không khí làm ôxy hóa vỏ máy hoặc dầu bôi trơn bay hơi, tất cả những chi tiết này đều cần được sửa chữa. Nhưng tôi không thể tin được thế giới phi vật chất của các bit nhị phân cũng bị xuống cấp. Có thứ gì trên đời này là không thể bị đổ vỡ? Câu trả lời rõ ràng là không. Máy tính mới rồi cũng sẽ cũ. Các mã hóa cũng yếu đi. Các ứng dụng và phần mềm rồi cũng lạc hậu dần. Sự sa sút này tự nó diễn ra mà bạn chẳng cần làm gì. Một thiết bị càng phức tạp thì càng cần nhiều sự chăm chút. Sự suy giảm tự nhiên này là không thể tránh khỏi, thậm chí là đối với các thực thể trừu tượng như bit. Bởi thế, đã có một sự đổ bộ của một loạt công nghệ số hóa được cải tiến. Khi mọi thứ xung quanh bạn đều được nâng cấp, hệ thống số hóa của bạn phải chịu áp lực cải tiến theo. Dù không muốn, bạn cũng phải nâng cấp thiết bị của mình để không bị tụt hậu. Đây là một cuộc đua về nâng cấp công nghệ. Tôi đã từng nâng cấp các thiết bị của mình một cách miễn cưỡng khi không thể sử dụng được nữa, bởi tôi tin rằng nếu nó còn hoạt động thì không cần phải nâng cấp. Thế nhưng, một khi đã động đến một bộ phận, tự nhiên tôi lại cần nâng cấp một bộ phận có liên quan khác, và cuối cùng phải cập nhật mọi thứ. Bởi vậy tôi đã trì hoãn việc nâng cấp này hằng năm trời vì biết (và đã trải nghiệm thực tế) rằng một sự nâng cấp nhỏ xíu có thể làm gián đoạn toàn bộ công việc. Nhưng khi công nghệ cá nhân trở nên phức tạp hơn, giống như một hệ sinh thái sống và chúng ta phụ thuộc vào nó nhiều hơn, việc trì hoãn nâng cấp còn làm cuộc sống bị gián đoạn hơn nữa! Nếu bạn bỏ qua những lần nâng cấp nhỏ, những thay đổi sẽ chồng chất đến không ngờ. Bởi thế mà giờ đây tôi coi việc nâng cấp công nghệ giống như làm vệ sinh hằng ngày và cần tiến hành thường xuyên để thiết bị được khỏe mạnh. Nâng cấp thường xuyên là việc làm rất quan trọng cho hệ thống công nghệ đến nỗi việc nâng cấp hiện nay đều được tiến hành tự động cho các hệ thống vận hành máy tính cá nhân và một số ứng dụng phần mềm. Các thiết bị có khả năng tự nâng cấp và dần thay đổi các tính năng. Việc này diễn ra từ từ, và do đó chúng ta không nhận ra máy móc của mình đang “trở thành” một thứ khác. Chúng ta coi sự tiến hóa này là lẽ thường. Đời sống công nghệ trong tương lai sẽ là một chuỗi nâng cấp không ngừng với tốc độ ngày càng cao. Những tính năng thay đổi, các thiếu sót mất dần, các danh mục lựa chọn (menu) cũng biến đổi. Khi tôi mở một phần mềm mình không hay dùng và nghĩ rằng sẽ có một vài lựa chọn để sử dụng, nhưng thực ra cả bảng menu đã được thay thế. Bất kể bạn đã dùng một công cụ bao lâu, sự nâng cấp không ngừng luôn khiến bạn bỡ ngỡ khi sử dụng. Trong kỷ nguyên cải tiến để “trở thành” này, mọi người đều là những người dùng mới. Hoặc tệ hơn, chúng ta sẽ vĩnh viễn là những kẻ “chân ướt chân ráo”. Và điều này nên khiến chúng ta khiêm tốn hơn. Việc này cứ liên tục lặp lại, và tất cả chúng ta chỉ còn biết nỗ lực bắt kịp với công nghệ. Đó cũng là lời giải thích cho việc làm “người dùng mới”: thứ nhất, hầu hết các công nghệ quan trọng thống trị trong 30 năm tới còn chưa được sáng chế, do đó, nó vẫn còn mới lạ đối với bạn; thứ hai, bởi công nghệ mới đòi hỏi sự nâng cấp không ngừng, bạn vẫn sẽ ở trong tình trạng “người dùng mới”; thứ ba, do vòng đời khiến một thiết bị trở nên lỗi thời đang ngày một rút ngắn (vòng đời trung bình của một ứng dụng di động chỉ vẻn vẹn 30 ngày), bạn sẽ không có thời gian sử dụng chúng thành thạo trước khi chúng bị thay thế, và bởi vậy, bạn sẽ mãi mãi là một “người dùng mới”, đây cũng chính là một kiểu thiếu sót mới cho tất cả chúng ta, bất kể ta đã có bao nhiêu kinh nghiệm và tuổi tác. Nếu nói một cách chân thật, chúng ta phải thú nhận rằng một khía cạnh của sự nâng cấp không ngừng và biến đổi không hồi kết của hệ thống công nghệ kết nối toàn cầu (technium) là sự gia tăng của nhu cầu. Cách đây không lâu, tất cả chúng ta đã quyết định không thể sống một ngày mà không có điện thoại thông minh. Thế mà khoảng chục năm về trước, chúng ta chẳng hề bận tâm về nhu cầu này. Ngày nay chúng ta bực mình vì mạng chạy chậm, thế nhưng trước kia chúng ta còn chẳng có khái niệm gì về Internet. Càng sáng chế ra nhiều công nghệ mới, nhu cầu của chúng ta càng cao. Một số người không hài lòng với xu hướng này. Họ cho rằng những nhu cầu này hạ thấp phẩm giá con người, là nguồn cơn của sự bất mãn không dứt. Tôi đồng ý rằng công nghệ chính là nguyên nhân khiến chúng ta mãi không thấy hài lòng. Động lực của công nghệ thúc đẩy chúng ta đuổi theo các công nghệ mới nhất, và bởi nó mới chẳng được bao lâu, chúng ta mãi không có được sự thỏa mãn trọn vẹn. Mặc dù đồng ý với ý kiến này, nhưng tôi lại ủng hộ sự bất mãn mà công nghệ mang lại. Khác với tổ tiên của mình, chúng ta không chỉ bằng lòng với sự tồn tại đơn thuần, mà còn nghĩ ra nhiều tham vọng mới. Sự không hài lòng của loài người đã châm ngòi cho tính sáng tạo và phát triển. Con người không thể tự phát triển nếu không có nhu cầu hay khao khát nào. Chúng ta đang mở rộng giới hạn của chính mình và thêm vào những yếu tố làm nên bản sắc của mình. Nhưng khi hình dung ra một tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta nên tính đến những khó khăn khi hiện thực hóa nó. Một thế giới hoàn toàn thoải mái là điều không tưởng, và nó cũng là một thế giới trì trệ. Một thế giới hoàn toàn công bằng ở một vài khía cạnh sẽ cực kỳ bất công ở những khía cạnh khác. Tình trạng “hoàn hảo không tưởng” sẽ không có khó khăn nào cần giải quyết, và do đó cũng chẳng có cơ hội nào cho chúng ta nắm bắt. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải lo lắng về những nghịch lý trong trạng thái “không tưởng”, bởi đơn giản là chúng không bao giờ xảy ra. Mọi kịch bản về một thế giới hoàn hảo không tưởng đều có những lỗ hổng. Nỗi ác cảm của tôi dành cho nó còn sâu sắc hơn. Tôi chưa từng tìm được một trạng thái hoàn hảo mà mình muốn sống, vì chắc chắn cuộc sống ấy sẽ vô cùng buồn chán. Ngược lại, thế giới phản địa đàng - cuộc sống với đầy rẫy buồn đau và bất công lại đáng nói hơn nhiều. Và thế giới ấy cũng dễ hình dung hơn một thế giới “hoàn hảo không tưởng”. Một thế giới giống trong sách khải huyền mà ở đó chỉ còn lại một người duy nhất sống sót, một thế giới bị cai trị bởi robot, hay một hành tinh với những thành phố lớn dần tan rã thành từng khu ổ chuột, hoặc đơn giản là chiến tranh hạt nhân hủy diệt tất cả. Đó là những cái kết cho nền văn minh hiện đại mà chúng ta dễ dàng tưởng tượng ra. Nhưng không phải chỉ vì thế giới phản địa đàng dữ dội, đậm chất điện ảnh và dễ hình dung hơn thì nó có khả năng xảy ra. Thế giới phản địa đàng thực sự giống với tình hình của Liên bang Xô viết năm xưa hơn là những gì được tái hiện trong Mad Max1: quan liêu nhưng không vô pháp luật, ở đó vẫn có chính phủ còn xã hội được cai trị dựa trên nỗi sợ và chỉ để lại lợi ích cho một số ít cá nhân. Và giống như thời đại của các cướp biển hai thế kỷ trước, xã hội vẫn có rất nhiều luật lệ. Vì trên thực tế, trong một xã hội thối nát thực sự, sự vô pháp luật thái quá mà chúng ta gán cho những đặc tính của thế giới phản địa đàng không được phép tồn tại. Vì những kẻ ăn tiền to lớn với lòng tham vô đáy có thể khống chế và kiểm soát sự hỗn loạn và những kẻ nhỏ bé dưới trướng họ. 1 Max điên cuồng: một bộ phim gồm bốn phần bắt đầu từ năm 1979, lấy bối cảnh thế giới hỗn loạn, lụi tàn và không có luật pháp. Tuy nhiên, cả hai kiểu thế giới kể trên đều không phải cái đích chúng ta hướng đến. Thay vào đó, công nghệ đang đưa chúng ta đến thế giới “protopia” - thế giới “tiến bộ”. Nói một cách chính xác hơn, chúng ta đã đặt chân vào thế giới ấy. “Tiến bộ” là một trạng thái “trở thành” đang diễn ra, là quá trình chứ không phải một đích đến. Trong thế giới tiến bộ, mọi vật ngày hôm nay lại tốt hơn hôm qua, dù chỉ là một chút. Nó là những tiến bộ nhỏ nhặt và dần dần. Từ “tiến” trong thế giới “tiến bộ” nhằm chỉ những “tiến độ” và “tiến trình”. Quá trình “tiến bộ” này không diễn ra mạnh mẽ, có khi còn không được ghi nhận vì nó mang đến cả những rắc rối lẫn lợi ích mới. Những công nghệ được làm ra ngày hôm qua đòi hỏi phải có sự tiến bộ hơn trong ngày hôm nay, và giải pháp công nghệ cho vấn đề hôm nay lại đặt ra thách thức cho ngày mai. Những lợi ích nhỏ bé cứ thế được tích tụ trong vòng quay ngày qua ngày của cặp vấn đề - giải pháp này. Kể từ thời kỳ Khai sáng (thế kỷ XVIII) và sự ra đời của khoa học, chúng ta đã nỗ lực để tạo ra nhiều thành tựu hơn những gì chúng ta phá hủy mỗi năm. Và sự khác biệt nhỏ bé đó qua hàng thập kỷ dần dần tạo nên cái ta vẫn gọi là nền văn minh. Thế nhưng những lợi ích của nó thì chẳng bao giờ được kể công rõ ràng. Một thế giới tiến bộ thì khó để nhận thấy vì lúc nào nó cũng đang ở trong trạng thái “trở thành”, vẫn tiếp diễn và chưa kết thúc, luôn biến đổi và phát triển. Thật khó để chúc mừng một quá trình đang thành hình mà chưa có kết quả. Nhưng điều quan trọng là ta phải nhận biết được quá trình ấy. Ngày nay, loài người đã bắt đầu ý thức về những nhược điểm của sự đổi mới. Chúng ta thất vọng về những lời hứa của thế giới không tưởng đến nỗi còn chẳng dám tin vào một thế giới tiến bộ dần dần trong tương lai. Chúng ta thấy khó để hình dung ra tương lai mình mong muốn. Bạn có thể kể ra bất cứ bộ phim khoa học viễn tưởng nào về một tương lai vừa hợp lý lại vừa đáng khao khát? (trừ Star Trek ra, và đó còn chẳng phải cuộc sống trên Trái Đất.) Chẳng còn có một chiếc ô tô bay nào trong tưởng tượng về tương lai của chúng ta nữa. Chúng ta không còn háo hức mong chờ tương lai tươi đẹp như một thế kỷ trước và giờ đây không ai muốn nghĩ đến tương lai gần và trải qua nó, thậm chí nhiều người còn e sợ nó. Do đó, chúng ta khó mà nhìn nhận tương lai một cách nghiêm túc. Vậy là chúng ta cứ thế kẹt lại ở hiện tại và không có một tầm nhìn nào về tương lai. Một vài người còn đi theo quan điểm của chủ nghĩa Phi thường1(singularity), cho rằng việc tưởng tượng ra tương lai một trăm năm nữa về mặt kỹ thuật là bất khả thi. Do đó, chúng ta trở thành những kẻ mù tương lai. Một lựa chọn thay thế là tin vào tương lai và diễn biến của nó. Tương lai mà chúng ta hướng đến là một sản phẩm của quá trình “trở thành”, điều chúng ta có thể nhìn thấy ngay lúc này. Chúng ta có thể nắm bắt sự dịch chuyển của hiện tại, thứ sẽ trở thành tương lai sau này. 1 Singularity là một giả thuyết về thời điểm trí tuệ nhân tạo cùng các công nghệ khác phát triển phi thường tới mức con người phải trải qua một sự thay đổi rất lớn và không thể đảo ngược. Một vấn đề của sự tiếp diễn (đặc biệt là trong sự dịch chuyển của thế giới “tiến bộ”) là những thay đổi không ngừng có thể che lấp những thay đổi nhỏ. Khi chuyển động liên tục, chúng ta sẽ dần mất đi ý thức về sự chuyển động. “Trở thành” giống như một hành động tự che giấu và chúng ta chỉ có thể nhận ra nó khi dừng lại và quay đầu nhìn lại. Hơn nữa, chúng ta thường có xu hướng nhìn nhận cái mới từ góc nhìn dành cho cái cũ. Chúng ta mở rộng các quan niệm về tương lai, nhưng trên thực tế lại bóp méo cái mới để phù hợp với những gì chúng ta đã biết. Đó là lý do tại sao bộ phim đầu tiên của loài người trông như một vở kịch còn lần quay thực tế ảo đầu tiên lại như một bộ phim. Việc gọt chân cho vừa giày này không phải lúc nào cũng tệ. Các nhà biên kịch khai thác những phản xạ của con người để tạo ra cái mới so với cái cũ, nhưng khi chúng ta cố gắng phân biệt những thứ sẽ xảy ra, chúng ta lại gặp khó khăn để phân biệt những thay đổi đang diễn ra. Đôi khi những đường hướng thay đổi hiển nhiên này dường như bất khả thi, không hợp lý và nực cười, nên ta bỏ lỡ chúng. Chúng ta cứ liên tục ngạc nhiên trước những điều đã diễn ra cả 20 năm về trước hoặc lâu hơn thế. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi là người có liên quan mật thiết đến sự ra đời của thế giới trực tuyến 30 năm trước và sau đó là sự xuất hiện của web một thập kỷ sau. Tuy vậy ở mỗi giai đoạn, tôi đều khó thấy được những thứ đang trong giai đoạn “trở thành”. Chúng thường khá khó tin và đôi khi chúng ta còn chẳng muốn chúng phát triển theo hướng ấy. Chúng ta không cần phải lờ đi quá trình liên tục này. Tốc độ thay đổi trong những năm gần đây đã tăng lên chưa từng thấy, đến mức chúng ta phải sững sờ. Nhưng giờ chúng ta đã hiểu ra mình đã và sẽ mãi là những “người dùng mới”. Chúng ta cần thường xuyên tin vào những thứ không có vẻ sẽ xảy ra hơn. Mọi thứ đều đang trong dòng chảy của nó, và những dạng thức mới sẽ là bản remix (tháo và ráp lại) của những cái đã có. Với nỗ lực và trí tưởng tượng, chúng ta có thể học cách nhận biết mọi thứ trước mắt rõ ràng hơn. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ về những gì chúng ta có thể biết về tương lai từ lịch sử gần đây của web. Trước khi trình duyệt mạng có đồ họa Netscape1 ra đời năm 1994, mạng Internet chỉ toàn chữ và không được nhiều người biết đến. Nó quá khó sử dụng vì phải gõ code (mã), lại chẳng có hình ảnh gì. Chẳng ai lại muốn bỏ thời gian vào một thứ vô vị như thế. Nếu trong những năm 1980 nó có được ghi nhận đi nữa, thì Internet cũng chỉ được coi như thư điện tử chung của công ty (tương tự như cái cà vạt đồng phục của công ty) hoặc một câu lạc bộ cho nam thiếu niên. Dù có tồn tại, Internet cũng hoàn toàn bị bỏ qua. 1 Trình duyệt web đầu tiên và được phổ biến trong những năm 1990, là sản phẩm của Netscape Communications. Mọi phát minh mới và hứa hẹn nào cũng sẽ có những người phản đối, và những lời hứa càng to tát thì những lời phản đối càng quyết liệt. Khi Internet và web mới ra đời, gần như không khó để tìm ra những người có học thức nói những điều ngốc nghếch về chúng. Vào cuối năm 1994, tờ Time đã có bài viết tại sao Internet không bao giờ được sử dụng rộng rãi: “Nó không được thiết kế để sử dụng trong lĩnh vực thương mại, và nó gây khó dễ cho những người dùng mới.” Chao ôi! Bạn hãy nhìn Internet ngày nay và xem người ta đã từng phát ngôn thế nào. Tờ Newsweek cũng từng bày tỏ nghi ngại về Internet với tiêu đề báo tháng Hai năm 1995 rằng: “Internet? Thật sao?” Bài báo đó được viết bởi Cliff Stoll, một nhà Vật lý học Thiên văn1 và cũng là một chuyên gia mạng. Ông đã lý luận rằng mua sắm trực tuyến và các cộng đồng mạng là những ảo tưởng phi thực tế đi ngược lại hiểu biết thông thường. “Sự thực là không một có cơ sở dữ liệu trực tuyến nào có thể thay thế được báo giấy,” Stoll đã khẳng định. “Nhưng ngài Nicholas Negroponte, Giám đốc phòng Nghiên cứu phương tiện truyền thông của MIT lại dự đoán rằng chúng ta sẽ sớm mua sách và báo qua mạng. Ừ, chắc vậy”. Stoll đã phản ánh đúng sự hoài nghi rộng rãi của công chúng bấy giờ về thế giới số hóa với những “thư viện tương tác, cộng đồng ảo và thương mại điện tử” khi đánh giá về nó chỉ bằng một từ: “vớ vẩn.” 1 Dùng các kiến thức vật lý để giải thích các hiện tượng thiên văn. Thái độ phủ nhận dành cho Internet này tràn ngập trong cuộc gặp mặt của tôi với các lãnh đạo hàng đầu của ABC1 năm 1989. Tôi đã đến gặp họ để thuyết trình về Internet. ABC là một trong ba mạng lưới truyền hình lớn mạnh nhất thế giới, và so với quy mô ấy, Internet chỉ là con muỗi. Nhưng những người thường xuyên dùng Internet (như tôi) nói rằng Internet có thể thay đổi việc làm ăn của họ. Thế nhưng chẳng điều gì tôi nói đủ để thuyết phục họ rằng Internet không phải thứ công cụ ngoài rìa, không chỉ để đánh máy và nhất là không phải một công cụ chưa hoàn chỉnh. Nhưng những hoạt động chia sẻ và những thứ miễn phí trên mạng dường như bất khả thi đối với các giám đốc kinh doanh của ABC. Stephen Weiswasser, Phó Chủ tịch cấp cao của ABC cuối cùng đã nói: “Internet sẽ chỉ là một cái đài băng tần dân dụng2 của những năm 90 thôi.” Và những lời này được ông lặp lại khi trả lời phỏng vấn trên báo. Ông còn tổng kết lại rằng: “Chúng tôi không có ý định biến những khách hàng thụ động thành những kẻ quấy rối chủ động trên Internet.” 1 American Broadcasting Company: Công ty Phát thanh truyền hình Hoa Kỳ. 2 Citizen band radio (CB radio): Một thiết bị liên lạc radio khoảng cách ngắn cho mục đích sử dụng cá nhân và thường gồm 40 kênh trong tần số 27 MHz. Vậy là cuối cùng tôi được dẫn ra cửa. Nhưng trước khi đi, tôi cố bật mí cho họ. “Nhìn này,” tôi nói. “Tôi tình cờ biết được được địa chỉ abc.com của các ông chưa được đăng ký. Hãy xuống ngay tầng dưới, tìm một chuyên viên máy tính và bảo anh ta đăng ký ngay. Đó là việc mà các ông nên làm.” Họ cảm ơn tôi một cách thờ ơ. Vài tuần sau, khi tôi lên mạng kiểm tra, tên miền đó vẫn chưa được đăng ký. Trong khi chúng ta rất dễ càng cười những người đắm chìm vào chiếc ti vi, họ không phải là những người duy nhất gặp khó khăn khi hình dung ra một cách thay thế cho việc ngồi trước ti vi hàng giờ. Tạp chí Wired cũng thế. Tôi là một biên tập đồng sáng lập của Wired và khi kiểm tra lại những số phát hành đầu những năm 1990 (những số tạp chí mà tôi đã biên tập tỉ mỉ), tôi ngạc nhiên khi thấy những trang báo này đã nhắc đến một tương lai của các nội dung có giá trị sản xuất cao – 5.000 kênh truyền hình và thực tế ảo thường trực, với một chút dữ liệu từ thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trên thực tế, Wired đã mang đến một tầm nhìn gần giống với những gì Internet muốn được trở thành trong hệ thống phát thanh, xuất bản, phần mềm và công nghiệp phim ảnh, giống như ABC. Trong tương lai này, web về cơ bản là một chiếc ti vi trực tuyến. Với một vài cú nhấp chuột, bạn có thể chọn một trong 5.000 kênh để xem hoặc học tập, từ kênh thể thao đến kênh về hồ cá nước mặn. Điều duy nhất không chắc chắn là ai sẽ làm ra những chương trình đó? Wired kỳ vọng những công ty truyền thông mới như Nintendo hay Yahoo! sẽ làm việc này, chứ không phải những hãng truyền thông lớn và lâu đời như ABC. Vấn đề là, việc sản xuất nội dung rất tốn kém, và 5.000 kênh thì sẽ tốn gấp 5.000 lần. Không có công ty nào đủ vốn, không có nền công nghiệp nào đủ lớn để hoàn thành dự án ấy. Những công ty viễn thông lớn, vốn định tiến hành cuộc cách mạnh số hóa, cũng đã bị suy yếu bởi sự không chắc chắn khi chi trả cho mạng lưới. Tháng Sáu năm 1994, David Quinn của công ty British Telecom đã phải thú nhận trong buổi họp mặt của các nhà xuất bản phần mềm rằng, “Tôi không chắc các anh sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ Internet.” Tổng số tiền khổng lồ cần cho việc lấp đầy mạng lưới với các nội dung khác nhau sẽ làm các nhà nghiên cứu công nghệ phải chóng mặt. Họ rất lo lắng rằng không gian mạng rộng lớn sẽ trở thành những diễn đàn mạng bên lề (cyburbia) được sở hữu và vận hành ở cấp độ cá nhân. Sự thương mại hóa chính là nỗi lo sợ lớn nhất của những lập trình viên tài giỏi, những người xây dựng web và vận hành mạng tùy biến. Họ là những người viết code, người quản lý hệ điều hành Unix và các tình nguyện viên công nghệ thông tin (IT). Họ coi Internet là một cộng đồng mở, không phải là thứ bị chiếm lĩnh bởi lòng tham và sự thương mại hóa. Dù có vẻ khó tin, đến tận năm 1991, các hoạt động thương mại trên Internet vẫn bị nghiêm cấm. Hoạt động buôn bán và quảng cáo đều không được chấp nhận. Đối với Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (những người vận hành chính của mạng Internet), Internet được tài trợ vì mục đích nghiên cứu chứ không phải thương mại. Nghe có vẻ thật ngây thơ nhưng ngày ấy, các luật lệ đều ủng hộ những thể chế công cộng và ngăn cấm việc sử dụng rộng rãi của các cá nhân hoặc các doanh nghiệp. Giữa những năm 1980, tôi tham gia vào xây dựng WELL, một hệ thống nhắn tin trực tuyến thời kỳ đầu. Chúng tôi phải vật lộn để kết nối mạng lưới WELL cá nhân của mình vào mạng lưới Internet chung vì bị ngăn cấm một phần bởi chính sách “sử dụng được chấp nhận” của Quỹ Khoa học Quốc gia. Bởi WELL không thể chứng minh được người dùng sẽ không thực hiện các hoạt động trao đổi thương mại trên mạng, nên chúng tôi không được kết nối vào mạng lưới lớn. Tất cả chúng ta đều đã không nhận ra Internet đang dần trở nên như thế nào. Thái độ phản đối giao thương trên Internet này lan đến tận văn phòng của tạp chí Wired. Năm 1994, trong cuộc họp chuẩn bị cho trang web đầu tiên của Wired, HotWired, những lập trình viên của chúng tôi đã rất tức giận vì công nghệ mới mà chúng tôi tạo ra, quảng cáo đầu tiên trên mạng, đã phá vỡ tiềm năng đóng góp cho xã hội của lĩnh vực mới này. Họ cảm thấy Internet hầu như đã không còn được bảo vệ và đã bị hủy hoại bởi các bảng thông báo và quảng cáo. Nhưng việc ngăn cấm dòng lưu chuyển thương mại trong một nền văn minh đang phát triển như thế này thật là không hợp lý. Kiếm tiền qua mạng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đó mới chỉ là một nhận thức nhầm lẫn nhỏ so với cả câu chuyện lớn hơn mà chúng ta đã bỏ lỡ. Từ năm 1945, nhà tiên phong về máy tính Vannevar Bush đã chỉ ra ý tưởng cốt lõi của web là những trang mạng liên kết (hyperlinked pages), nhưng người đầu tiên xây dựng các đường link giữa các trang mạng này vào năm 1965 là nhà tư tưởng tự do Ted Nelson. Tuy nhiên, ông đã không thành công khi kết nối các bit số hóa trên diện rộng, và những nỗ lực của ông chỉ được biết đến ở một nhóm nghiên cứu nhỏ. Năm 1984, với lời gợi ý của một người bạn am hiểu máy tính, tôi đã liên lạc với Nelson, lúc này là một thập kỷ trước khi trang web đầu tiên ra đời. Chúng tôi gặp nhau trong một quán bar mờ tối ở bến cảng của Sausalito, California. Nelson đã thuê một cái nhà thuyền gần đó và có vẻ đang sống khá nhàn nhã. Trong túi ông có đầy những tờ giấy ghi chú và cuốn sổ của ông cũng kẹp đầy giấy. Ông đeo một chiếc bút bi vào sợi dây quanh cổ. Với một giọng điệu quá mức nghiêm túc trong quán bar lúc mới 4 giờ chiều, ông nói với tôi về kế hoạch tổ chức và sắp xếp mọi kiến thức của nhân loại. Những kiến thức này đều được ông ghi lại trong những tấm thẻ chữ nhật 3x5 mà ông có đầy trong sổ và túi. Dù Nelson rất lịch sự, lôi cuốn và dễ chịu, tôi vẫn không thể theo kịp những gì ông nói. Nhưng tôi vẫn kịp bắt được từ “liên kết văn bản” (hypertext - siêu văn bản). Ông tin chắc rằng mọi văn bản trên thế giới cần có chú thích để dẫn tới một số văn bản nguồn khác, và rằng máy tính có thể tạo nên các đường link (đường dẫn) bền vững giữa các văn bản ấy. Đây là một ý tưởng mới vào thời đó. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Ông vừa nguệch ngoạc trên giấy vừa phác ra ý tưởng phức tạp về việc chuyển quyền tác giả đến nhà sáng chế và theo dấu các khoản thanh toán khi người đọc truy cập tài liệu, và ông gọi đó là phương thức “docuverse” (document reverse) - truy ngược văn bản. Ông nói về việc dẫn link trong các văn bản điện tử (transclusion) và sự đan cài phức tạp của kiến thức (intertwingularity) khi mô tả về những lợi ích lý tưởng to lớn của cấu trúc nhúng (embedded structure), đưa một đường link vào văn bản đang được truy cập. Chắc chắn nó sẽ cứu thế giới khỏi sự ngu dốt! Tôi tin vào những gì ông nói. Dù ông có hơi lập dị, tôi vẫn hiểu được rằng một thế giới siêu liên kết với những đường link như thế chắc chắn sẽ xảy ra. Nhưng khi nhìn lại 30 năm trải nghiệm đời sống trực tuyến của mình, điều khiến tôi kinh ngạc về nguồn gốc của web là có bao thiếu sót trong tầm nhìn của Vannevar Bush, trong phương pháp truy ngược văn bản của Nelson và trong chính kinh nghiệm của tôi. Chúng ta đều bỏ lỡ mất cả câu chuyện lớn. Cả ABC lâu đời lẫn Yahoo! Non trẻ đều không tạo ra 5.000 nội dung cho 5.000 trang mạng. Thay vào đó, hàng tỷ người dùng tự tạo ra nội dung cho các người dùng khác. Sự thay đổi mà ABC không thể tưởng tượng được chính là “cái thứ Internet” mà họ từng coi thường đã khiến những khách hàng thụ động trước đây trở thành những nhà sáng chế chủ động. Cuộc cách mạng mở ra bởi mạng lưới web chỉ đề cập rất ít đến việc liên kết các văn bản và kiến thức của nhân loại. Trung tâm của cuộc cách mạng là một loại hình tham gia mới đã phát triển thành nền văn hóa dựa trên sự chia sẻ. Việc “chia sẻ” nhờ vào các đường link này đang tạo nên một kiểu tư duy mới, nửa của con người, nửa của máy móc. Đây là lối tư duy chưa từng xuất hiện trên hành tinh hay trong lịch sử. Web đã mang đến một sự “trở thành” hoàn toàn mới. Không chỉ không hình dung được web sẽ phát triển ra sao, mà đến nay, chúng ta vẫn chưa nhìn nhận nó một cách chính xác. Chúng ta đã quên mất web đã nhân rộng thành một mạng lưới tuyệt diệu thế nào. 25 năm sau khi ra đời, phạm vi rộng lớn của web là không thể đo đếm được. Tổng số trang web, bao gồm cả những trang web được thiết lập theo yêu cầu, đã vượt quá 60 nghìn tỷ, tức là có gần 10.000 trang web trên một đầu người. Và toàn bộ sự đồ sộ này được tạo ra trong chưa đến 8.000 ngày. Sự tích lũy những điều kỳ diệu nhỏ bé có thể khiến ta kinh ngạc trước khối lượng khổng lồ cuối cùng chúng ta có. Ngày nay, từ bất cứ cửa sổ Internet nào, bạn cũng có thể tìm thấy những video và bản nhạc đa dạng, một cuốn bách khoa thư luôn được bổ sung cập nhật, dự báo thời tiết, quảng cáo cần trợ giúp, hình ảnh vệ tinh của bất cứ nơi nào trên trái đất, những tin tức cập nhật hàng phút trên khắp thế giới, mẫu kê khai thuế, lịch chiếu các chương trình ti vi, bản đồ chỉ dẫn đường đi, báo giá chứng khoán theo thời gian thực, danh sách bất động sản với hình ảnh ảo mô phỏng và báo giá thực tế, hình ảnh của gần như bất cứ thứ gì, kết quả thể thao mới nhất, nơi mua đồ, số liệu về các khoản đóng góp chính trị (để vận động tranh cử hoặc đóng góp cho các đảng phái), danh mục thư viện, sổ hướng dẫn sử dụng các thiết bị, bản tin giao thông trực tiếp, tài liệu lưu trữ của các tờ báo lớn, tất cả đều được truy cập ngay tức khắc. Chúng ta nên đánh giá cao hơn sự đầy đủ này. Các vị vua trước đây hẳn sẽ sẵn sàng gây chiến để có được khả năng mà chúng ta đang có. Còn lũ trẻ chỉ có thể mơ về chúng. Tôi đã điểm lại các kỳ vọng của những chuyên gia ở những năm 1980 và tôi có thể khẳng định rằng không phải ai trong số họ cũng tin rằng 20 năm nữa chúng ta có thể đạt được sự đa dạng của các tài liệu miễn phí và sẵn có theo nhu cầu này. Vào thời điểm đó, những kẻ “ngu ngốc” dám đề cập đến những điều ấy chắc chắn sẽ bị bác bỏ bởi bằng chứng rằng không có đủ vốn từ tất cả các doanh nghiệp trên thế giới để chi trả số tiền lớn thế này. Thành công của web trên phạm vi rộng là bất khả thi. Nhưng nếu chúng ta đã học được gì từ ba thập kỷ qua, thì đó chính là sự bất khả thi còn hợp lý hơn những gì chúng ta tưởng. Bản phác thảo phức tạp của Ted Nelson về việc dẫn link trong các văn bản điện tử (transclusion) không đề cập đến thị trường trực tuyến. Nelson hy vọng nhượng quyền hệ thống liên kết văn bản Xanadu của mình sẽ vận hành trong thế giới thực ở quy mô quán cà phê nhỏ và độc lập, trong đó, mọi người sẽ đến cửa hàng Xanadu để tiến hành khai thác các văn bản. Thay vào đó, web lại bùng nổ thành một thị trường trực tuyến toàn cầu với các thương hiệu thương mại điện tử như eBay, Craigslist, và Alibaba, đảm nhiệm hàng tỷ giao dịch mỗi năm và được vận hành ngay trong phòng ngủ của bạn. Và điều đáng ngạc nhiên là người dùng mới là những người vận hành chủ đạo: họ chụp ảnh, lên danh mục, đăng bài và tự quảng bá hàng hóa của mình. Họ thậm chí còn tự quản lý việc mua bán, dù các trang web có kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền bắt giữ những kẻ lạm dụng hàng loạt. Phương pháp tốt nhất để đảm bảo công bằng là hệ thống xếp hạng thiết lập bởi chính người dùng. Ba tỷ ý kiến phản hồi có thể tạo nên tác động lớn. Chúng ta đã không nhận ra thế giới trực tuyến mới mẻ này sẽ được phân bổ và kiểm soát bởi người dùng, chứ không phải là những thể chế lớn. Toàn bộ nội dung của Facebook, YouTube, Instagram và Twitter không được tạo ra bởi các nhân viên của nó mà được xây dựng bởi người dùng. Sự nổi lên của Amazon gây bất ngờ không phải vì nó trở thành “cửa hàng bán mọi thứ” (điều cũng khó hình dung ra) mà bởi các khách hàng của Amazon (chính là bạn và tôi) đã viết những bình luận giúp cho những hàng hóa nhỏ lẻ vẫn có thể bán và thu về lợi nhuận. Ngày nay, hầu hết các nhà sản xuất phần mềm đều chỉ có một số ít các bàn tư vấn, vì chính các khách hàng đã nhiệt tình tư vấn và giúp đỡ những người dùng khác trên diễn đàn hỗ trợ của trang web công ty, họ trở thành đội ngũ hỗ trợ khách hàng chất lượng cao. Nhờ có một số lượng lớn người dùng, Google đã biến các lượng truy cập và các mẫu liên kết tạo ra bởi 90 tỷ lượt tìm kiếm mỗi tháng thành những tri thức có tổ chức cho một nền kinh tế mới. Sự đảo lộn từ dưới lên trên này không nằm trong tầm nhìn 20 năm của bất kỳ ai trước đây. Không có một hiện tượng web nào đáng ngạc nhiên hơn sức hút bất tận của những video trên Youtube và Facebook. Mọi thứ các chuyên gia truyền thông biết về khán giả (và họ biết khá nhiều) đều củng cố niềm tin rằng khán giả sẽ không bao giờ nhấc mông lên và tự mình sản xuất các chương trình giải trí. Khán giả là những người xem bị động, giống những gì những lãnh đạo của ABC từng đánh giá. Ai cũng biết rằng việc đọc và viết chẳng ăn thua, còn âm nhạc lại quá khó để sáng tạo ra trong khi bạn có thể chỉ cần ngồi xuống và nghe những sản phẩm của người khác, sản xuất video thì quá khả năng của những kẻ nghiệp dư cả về chi phí lẫn trình độ. Những sản phẩm được tạo ra bởi chính người dùng sẽ không bao giờ xảy ra ở quy mô lớn, mà nếu có xảy ra thì chúng cũng không thể lôi kéo được khán giả, và như thế thì chúng không đáng để bàn đến. Nhưng ngạc nhiên thay, đến đầu những năm 2000, đã có đến hơn 50 triệu blog tạo ra bởi người dùng, tức là cứ một giây lại có thêm hai blog mới. Và chỉ vài năm sau đó, năm 2015, chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ của các video do người dùng sản xuất, với 65.000 video được đăng tải mỗi ngày trên Youtube, tức là mỗi phút lại có 300 video mới. Trong những năm gần đây, những cảnh báo, mẹo vặt hay tin tức cũng ngập tràn trên mạng. Mỗi người dùng đều làm những việc mà ta vốn kỳ vọng chỉ có ABC, AOL, USA Today mới làm, và chính các đài này cũng nghĩ như thế. Nhưng những kênh được tạo ra bởi người dùng này không hề có giá trị kinh tế. Nó miễn phí. Vậy thì thời gian, công sức và nguồn lực đến từ đâu? Từ khán giả. Sự tham gia và quan tâm của khán giả thúc đẩy những người dân bình thường đầu tư thời gian và năng lượng để làm những bách khoa thư, những bài hướng dẫn miễn phí về thay lốp xe hoặc phân loại các phiếu bầu trong Thượng viện. Ngày càng có nhiều trang web vận hành theo cách này. Một khảo sát mấy năm trước chỉ ra rằng chỉ có 40% các trang web được vận hành vì mục đích thương mại, số còn lại được duy trì bằng trách nhiệm và đam mê. Khi một công ty mở ra cơ sở dữ liệu và các tính năng cho người dùng và các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) thông qua một giao diện lập trình ứng dụng (API) công cộng như Amazon, Google, eBay, Facebook, nó khuyến khích sự tham gia của người dùng ở những cấp độ mới. Khi người dùng tận dụng được các khả năng này thì họ không chỉ là khách hàng mà còn là nhà phát triển, người bán hàng, người nghiên cứu và quảng bá sản phẩm cho công ty. Với những cách tham gia mới cho khán giả và người dùng, web đã tham gia vào mọi hoạt động và khu vực trên hành tinh. Trên thực tế, nỗi lo lắng về Internet bị đẩy ra rìa có vẻ đã trở nên thừa thãi. Nỗi lo năm 1990 về việc Internet sẽ bị thống trị bởi đàn ông cũng không còn. Năm 2002, lần đầu tiên người dùng Internet nữ giới nhiều hơn nam giới. Ngày nay, 51% công dân mạng là nữ. Và tất nhiên, Internet không bao giờ là lãnh địa của riêng lứa tuổi thiếu niên. Thống kê năm 2014 đã cho thấy độ tuổi trung bình của người dùng mạng là lứa tuổi trung niên - 44 tuổi. Việc Internet trở thành thứ phổ thông được thể hiện rõ nhất qua việc sử dụng Internet của người Amish. Gần đây, tôi đã đến thăm một vài nông dân Amish và trông họ đúng là những đại diện tiêu biểu cho tộc người này với mũ rơm, râu ria xồm xoàm, và những bà vợ đội mũ trùm đầu kín cả hai tai. Họ không dùng điện, không điện thoại, ti vi, đi lại cũng chỉ bằng xe ngựa. Họ có tiếng từ lâu là những người chối bỏ mọi loại công nghệ, nhưng trên thực tế, họ chỉ là những người sử dụng công nghệ muộn màng. Tuy nhiên, tôi vẫn rất ngạc nhiên khi nghe họ nói về trang web của mình. “Trang web của người Amish sao?” Tôi hỏi. “Đúng vậy. Để chúng tôi giới thiệu việc kinh doanh của gia đình, chúng tôi chuyên hàn những vỉ nướng thịt ở cửa hàng của mình.” “Vâng, nhưng…” “Ồ, chúng tôi dùng Internet ở thư viện công. Và Yahoo!” Thế là tôi nhận ra, khi Internet được phổ cập rộng rãi, tất cả chúng ta đều thay đổi. Trong một cách hiểu nghiêm ngặt về mặt kỹ thuật, web ngày nay có thể được định nghĩa là tổng hòa mọi thứ bạn có thể google (tra cứu), đó chính là mọi tập tin có thể truy cập được thông qua một đường link. Hiện nay, có một phần lớn của thế giới số hóa mà chúng ta không google được. Rất nhiều thứ diễn ra trên Facebook, ứng dụng di động, trong thế giới game điện tử, hoặc thậm chí là trong một video mà chúng ta không thể tìm kiếm được. Nhưng trong 30 năm nữa thì có thể. Các đường link sẽ không ngừng mở rộng để kết nối mọi bit. Một con chip nhỏ xíu và gần như miễn phí được gắn vào các vật dụng có thể kết nối chúng đến web và tích hợp các dữ liệu. Hầu hết đồ dùng trong phòng bạn đều sẽ được kết nối, và bạn có thể google ra đồ vật này khi cần tìm chúng. Hoặc google cả ngôi nhà bạn. Chúng ta đã bắt đầu thực hiện quá trình này. Bây giờ tôi đã có thể điều khiển hệ thống nhiệt độ (điều hòa, sưởi) và bật tắt nhạc bằng di động. Trong ba thập kỷ nữa, cả thế giới sẽ có những thiết bị như tôi đang sở hữu. Và không bất ngờ gì, web sẽ mở rộng đến cả thế giới vật lý chứ không chỉ là thế giới ảo. Theo thời gian, web sẽ mở rộng. Các trang web ngày nay gần như không có liên hệ gì với quá khứ. Nó có thể cho bạn xem hình ảnh trực tiếp về quảng trường Tahrir ở Ai Cập, nhưng việc xem hình ảnh quảng trường này một năm về trước thì gần như bất khả thi. Tương tự, việc xem lại phiên bản trước của một trang web không phải điều dễ dàng. Nhưng trong 30 năm nữa chúng ta sẽ có một chức năng gọi là “thanh trượt thời gian” (time slider ) để có thể xem lại các phiên bản cũ. Giống như thiết bị chỉ đường trên di động trong thành phố được cải tiến để có thể xem lại tình hình giao thông những ngày hôm trước, tuần trước, tháng trước, trang web năm 2050 sẽ có thể dịch chuyển từ các nội dung ở quá khứ đến hiện tại, và có khi là cả tương lai. Từ giây phút bạn thức dậy, web đã cố gắng lường trước các ý định của bạn. Bởi lịch trình và thói quen của bạn được ghi lại, web sẽ có thể đi trước mọi hành động của bạn, đưa ra câu trả lời trước cả khi được hỏi. Nó được thiết kế để cung cấp cho bạn những tài liệu bạn cần trước buổi họp, gợi ý cho bạn địa điểm ăn trưa với bạn bè dựa trên điều kiện thời tiết, vị trí hiện tại, những món bạn đã ăn trong tuần này, và những món đã ăn trong lần hẹn trước với người bạn đó, cùng với tất cả những nhân tố mà bạn có thể sẽ cân nhắc đến. Bạn sẽ học cách trao đổi với web. Thay vì xem một loạt ảnh chụp bạn bè trên điện thoại, bạn có thể hỏi chiếc điện thoại của mình về một người bạn. Web sẽ dự đoán bức ảnh bạn muốn xem, và tùy vào phản ứng của bạn với những bức ảnh ấy mà web sẽ cho bạn xem nhiều ảnh và thông tin hơn từ một người bạn khác. Hoặc nếu cuộc họp của bạn sắp bắt đầu, web sẽ đưa cho bạn hai email mà bạn cần phải đọc. Web sẽ ngày càng giống một sự hiện diện thường trực chứ không còn là một địa điểm (không gian mạng) mà bạn có thể đến (sử dụng) hoặc đi (không sử dụng) như những năm 1980. Sự hiện diện của nó sẽ ở mức thấp và đều đặn như điện trong nhà, ngoài đường, luôn ở xung quanh chúng ta và ẩn trong các đường dây trong tường hoặc dưới đất. Đến năm 2050, chúng ta sẽ coi web là một loại hình giao tiếp hoàn toàn mới. Những cuộc hội thoại “cao cấp” này sẽ mang đến nhiều khả năng mới. Tuy nhiên, thế giới số hóa đến nay đã quá đồ sộ với nhiều lựa chọn và khả năng. Dường như sẽ không có chỗ cho thứ gì thực sự mới mẻ trong vài năm tới. Bạn có thể tưởng tượng được những doanh nhân tham vọng hồi năm 1985 đã sung sướng thế nào không? Lúc đó Internet mới còn ở buổi bình minh, và bạn có thể chọn bất cứ cái tên với đuôi .com nào. Tất cả những gì bạn cần là đăng ký một cái tên. Tên miền chỉ có một chữ, rồi những cái tên thông dụng, tất cả đều sẵn có. Thậm chí bạn còn hầu như chẳng mất gì để đăng ký. Cơ hội tuyệt vời này tồn tại trong nhiều năm. Năm 1994, một nhà báo của tờ Wired để ý rằng cái tên mcdonalds.com vẫn chưa được đăng ký, vậy là với sự khích lệ của tôi, anh bạn nhà báo này đã đăng ký cái tên đó. Nhưng anh ấy đã không thành công khi nỗ lực bán lại nó cho McDonald, bởi công ty này bấy giờ chẳng biết gì về Internet (“cái gì chấm com (.com) cơ?”). Và thế là chúng tôi đã đưa câu chuyện nực cười này lên một bài đăng trên tờ Wired. Lúc đó, Internet đã thực sự là một chân trời rộng mở. Thật dễ dàng để trở thành người đầu tiên ở mọi hạng mục. Khách hàng còn chẳng ngờ rằng việc gia nhập Internet lại thuận lợi đến thế. Bắt đầu một công cụ tìm kiếm, trở thành người đầu tiên mở cửa hàng trực tuyến, người đầu tiên quay những video nghiệp dư… Khi nhìn lại, dường như làn sóng những người dùng Internet từ đó đến nay đã chiếm lấy mọi phần dễ dàng và để lại những thứ khó nhằn nhất cho những người dùng mới. Sau 30 năm, Internet trở nên bão hòa với các ứng dụng, các công nghệ nền tảng (để dựa vào đó các ứng dụng và chương trình khác vận hành), các thiết bị và quá đủ các nội dung mà chúng ta cần xem trong một triệu năm nữa. Kể cả khi bạn có thể sáng tạo ra một thứ gì mới, thì liệu rằng có ai chú ý đến thứ nhỏ bé ấy giữa vô vàn tài nguyên phong phú của Internet? Nhưng, hãy nhớ rằng, khi nói về Internet, chưa có gì thực sự bắt đầu. Internet vẫn đang ở bước đầu tiên trong thời kỳ đầu của nó. Nó vẫn đang trong giai đoạn “trở thành”. Nếu chúng ta có thể leo lên một cỗ máy thời gian, bay đến 30 năm sau và nhìn lại về thế giới ngày nay, chúng ta sẽ thấy rằng đa số những sản phẩm tuyệt vời nhất của đời sống năm 2050 còn chưa được phát minh ra sau năm 2016. Loài người trong tương lai sẽ có những không gian ảo ba chiều, những mắt kính áp tròng thực tế ảo, những nhân vật đại diện có thể tải xuống được và những giao diện trí tuệ nhân tạo. Với công nghệ vượt bậc này, người của năm 2050 sẽ nhìn về năm 2016 và nói, “Ồ, người thời ấy còn chẳng thực sự được dùng Internet, hoặc bất cứ cái tên gì họ gọi cho những công nghệ thô sơ đó.” Và có thể họ đúng. Bởi từ quan điểm của chúng ta hiện nay, những công nghệ trực tuyến đỉnh cao nhất của nửa đầu thế kỷ XXI đều đang ở trước mắt. Tất cả những phát minh kỳ diệu này đang chờ đợi những ý tưởng đột phá (có thể ban đầu trông bất khả thi) để đưa nhân loại đến thời đại tận hưởng những công nghệ vượt bậc, không khác gì thời kỳ được thoải mái chọn tên miền năm 1984. Ba mươi năm qua đã xây dựng cho chúng ta một điểm xuất phát hoàn hảo và một nền tảng vững chắc để tạo nên những thứ lớn lao. Nhưng những gì sẽ đến sau đó sẽ rất khác biệt. Thứ mà chúng ta làm ra sẽ không ngừng cải tiến để trở thành một thứ khác. Và thứ tuyệt vời nhất cho đến nay còn chưa được phát minh. Chúng ta đều đang mở rộng giới hạn của mình. Tất cả đều đang trong giai đoạn “trở thành”. Đây là thời điểm tốt nhất trong lịch sử nhân loại để bắt đầu. Vẫn chưa muộn. 2Cải tiến T hật khó có thể tưởng tượng thứ gì ngoài trí tuệ nhân tạo (AI) lại có thể khiến mọi thứ trở nên rẻ, mạnh mẽ và phổ biến đến vậy. Để bắt đầu, bạn nên nhớ rằng không có gì quan trọng hơn việc biến một thứ ngu ngốc trở nên thông minh hơn. Ngay cả một lượng kiến thức hữu dụng nhỏ đưa vào một quá trình cũng khiến nó hiệu quả hơn hoặc đưa nó lên hẳn một trình độ mới. Việc cải tiến những thứ đang hoạt động trì trệ còn mang đến nhiều lợi thế và thay đổi gấp hàng trăm lần so với những gì công nghiệp hóa đã làm cho cuộc sống. Theo một cách lý tưởng, những tri thức bổ sung này không chỉ rẻ, mà còn miễn phí. Một AI miễn phí, như cộng đồng tự do của web, sẽ nuôi sống thương mại và khoa học mà không lực lượng nào có thể làm được, hơn nữa, nó còn có thể tự chi trả cho hoạt động của mình một cách nhanh chóng. Mãi đến gần đây, con người mới tin rằng các siêu máy tính sẽ là vật chủ đầu tiên có trí tuệ nhân tạo, và sau đó chúng ta có thể sở hữu những tiểu trí tuệ tại nhà, rồi đưa một hình mẫu của người tiêu dùng vào các robot cá nhân. Mỗi AI sẽ là một thực thể có giới hạn. Chúng ta sẽ biết những suy nghĩ của mình kết thúc ở đâu và suy nghĩ của AI bắt đầu từ đâu. (Hay nói cách khác, chúng ta sẽ biết khi nào mình cần đến suy nghĩ của AI.) Tuy nhiên, AI đầu tiên và thực sự này sẽ không được tạo ra chỉ bởi một siêu máy tính mà nó sẽ là thành quả của một siêu thực thể gồm một tỷ con chip máy tính tạo thành một mạng lưới. Nó sẽ mang kích thước của cả một hành tinh, nhưng lại mỏng, nằm ẩn đi và được kết nối lỏng lẻo. Sẽ khó để xác định suy nghĩ của nó bắt đầu từ đâu và suy nghĩ của chúng ta kết thúc ở đâu. Mọi thiết bị kết nối với mạng lưới AI này sẽ chia sẻ và đóng góp cho trí tuệ của nó. Một AI nằm ngoài mạng lưới sẽ không thể học hỏi hay thông minh bằng một AI được kết nối với 7 tỷ bộ não trên thế giới, kèm thêm 1018 lần các thiết bị bán dẫn trực tuyến, hàng trăm exabyte các dữ liệu thực và một loạt các phản hồi và tự sửa chữa của toàn bộ nền văn minh. Bởi vậy, bản thân mạng lưới sẽ tự cải tiến thành một thực thể luôn tiến bộ một cách phi thường. Một trí tuệ nhân tạo đơn độc thường được đánh giá là khiếm khuyết, và người ta chỉ chấp nhận tách nó ra khỏi mạng lưới để mang nó đi ở những khoảng cách xa. Khi loại AI này xuất hiện, nó sẽ phổ biến đến nỗi khó che giấu. Chúng ta sử dụng trí tuệ ngày một lớn lên của nó trong mọi công việc thường ngày, nhưng chúng ta lại không thể nhìn thấy nó. Chúng ta có thể tiếp cận những trí tuệ được phân bổ này theo một triệu cách, thông qua bất cứ màn hình kỹ thuật số nào trên thế giới, bởi vậy ta sẽ khó để nói chính xác nó đang nằm ở đâu. Và bởi vì trí tuệ nhân tạo này là sự tổng hợp của trí tuệ loài người (mọi kiến thức của loài người trong quá khứ và mọi kiến thức trực tuyến hiện nay), việc chỉ ra chính xác trí tuệ nhân tạo là gì cũng không dễ dàng. Nó là ký ức của chúng ta, hay là sự kết hợp giữa tri thức của con người và của máy móc? Chúng ta tìm kiếm nó? Hay nó đang truy tìm chúng ta? Sự xuất hiện của tư duy nhân tạo làm tăng tốc mọi sự thay đổi khác mà tôi mô tả trong cuốn sách này; nó sẽ là lực lượng sớm và độc đáo nhất trong tương lai của chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng sự cải tiến là một điều tất yếu, vì chúng ta đã và đang trải qua nó rồi. Hai năm trước, tôi đi dạo trong khuôn viên rậm rạp của phòng thí nghiệm IBM1 ở Yorktown Heights, New York, để suy nghĩ về sự xuất hiện nhanh chóng nhưng cập bến chậm trễ của trí tuệ nhân tạo. Đây là nơi sản xuất ra Watson, một thiết bị trí tuệ điện tử đã giành chiến thắng trong cuộc thi Jeopardy! năm 20112. Chiếc máy Watson đời đầu vẫn còn ở IBM, nó có kích thước bằng một gian phòng ngủ, với mười máy có hình dáng như chiếc tủ lạnh đứng tạo thành bốn bức tường. Chiếc máy có một khoang nhỏ để các kỹ thuật viên có thể đi vào và kiểm tra hệ thống dây nối và cáp chằng chịt sau lưng máy. Căn phòng đặt máy ấm đến nỗi như thể chiếc máy là một thực thể sống. 1 International Business Machines. 2 Đây là cuộc đối đầu giữa Ken Jenning, nhà vô địch 74 lần của các chương trình giải đố, cùng Brad Rutter, nhà vô địch 20 lần với một siêu máy tính từ IBM tên là Waston, được đặt tên theo chủ tịch Thomas Watson của IBM. Nhưng chiếc Watson của ngày nay thì hoàn toàn khác. Nó không còn chỉ là những bức tường máy móc mà đã được chuyển vào các đám mây lưu trữ của máy chủ mở đạt chuẩn. Máy chủ sẽ vận hành vài trăm đơn vị AI cùng lúc. Và giống như những đám mây ở mọi nơi, Watson phục vụ cùng lúc nhiều khách hàng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Loại AI này có thể tăng hoặc giảm quy mô theo nhu cầu của người dùng. Vì AI cũng được cải thiện trong quá trình sử dụng, Watson không ngừng trở nên thông minh hơn, bất cứ kiến thức nó học được trong một trường hợp có thể được áp dụng vào những trường hợp khác. Thay vì là một chương trình duy nhất, nó là tổng hòa của các công cụ phần mềm đa dạng. Công cụ suy luận logic và công cụ phân tích ngôn ngữ hoạt động với các lệnh (code) khác nhau, trên các chip khác nhau và ở những vị trí khác nhau, và tất cả những công cụ này được tích hợp khéo léo vào một trí tuệ nhân tạo thống nhất. Người dùng có thể tiếp cận trực tiếp với Watson, nhưng cũng có thể thông qua một ứng dụng trung gian để khai thác khả năng của nó. Giống như các bậc cha mẹ sáng suốt, IBM cũng muốn Watson theo đuổi nghề y, vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ứng dụng cơ bản đang được phát triển của Watson là một công cụ chẩn đoán bệnh. Đa số những nỗ lực tạo ra một AI có khả năng chẩn đoán bệnh trước đây đều thất bại, nhưng Watson đã đang làm được điều đó. Khi tôi kể ra một triệu chứng của bệnh mình từng mắc ở Ấn Độ, chiếc máy đưa ra một danh sách chẩn đoán từ những bệnh có khả năng mắc nhiều nhất đến ít có khả năng nhất. Và căn bệnh có khả năng cao nhất mà Watson chẩn đoán là bệnh nhiễm ký sinh Giardia. Đáp án này hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, phương thức chẩn đoán này chưa được phổ biến trực tiếp đến các bệnh nhân. IBM phân phối Watson đến các đối tác như CVS, một chuỗi hiệu thuốc bán lẻ, từ đó giúp CVS phát triển các dịch vụ tư vấn sức khỏe cá nhân cho khách hàng với các bệnh mãn tính dựa trên dự liệu CVS đã thu thập. “Tôi tin rằng một thứ như Watson sẽ sớm trở thành nhà chẩn đoán bệnh tốt nhất của thế giới, dù là máy móc hay con người,” đây là phát biểu của ông Alan Green, phụ trách bộ phận y tế của Scanadu, một startup về xây dựng thiết bị chẩn đoán bệnh sử dụng trí tuệ nhân tạo, được lấy cảm hứng từ thiết bị quét và chẩn đoán cầm tay (tricorder ) trong phim Star Trek. Ông cho rằng, “Với tốc độ phát triển của công nghệ AI, một đứa trẻ ngày nay sẽ hiếm khi phải gặp bác sĩ để khám bệnh cho đến khi chúng trưởng thành.” Y học mới chỉ là điểm khởi đầu. Các công ty sử dụng lưu trữ đám mây và hàng tá startup khác đang mải miết tìm cách phát triển một dịch vụ như Watson. Theo một phân tích của công ty Quid, AI đã thu hút hơn 18 tỷ đô la đầu tư kể từ năm 2009. Chỉ trong năm 2014, đã có hơn 2 tỷ đô la được đầu tư vào 322 công ty với những công nghệ tương đương như AI. Facebook, Google và các ứng dụng tương đương của Trung Quốc, TenCent và Baidu, đã tuyển dụng các chuyên gia nghiên cứu vào đội ngũ nghiên cứu AI riêng của công ty. Yahoo!, Intel, Dropbox, LinkedIn, Pinterest và Twitter đều đã mua các công ty AI từ năm 2014. Các khoản đầu tư tư nhân vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã tăng trung bình 70% một năm trong vòng bốn năm trở lại đây, một tốc độ được kỳ vọng sẽ tiếp diễn. Một công ty AI thời kỳ đầu mà Google đã mua là DeepMind, với trụ sở ở London. Năm 2015, các nhà nghiên cứu của DeepMind đã xuất bản một bài viết trên tờ Nature mô tả họ đã dạy AI học chơi trò chơi điện tử Arcade1 của những năm 1980 như Video Pinball như thế nào. Họ không dạy nó cách chơi mà dạy nó học chơi trò đó. Đây là hai điều hoàn toàn khác nhau. Họ chỉ bật cho AI xem trò Atari (vốn là một phần của Arcade) như Break out, một trò chơi biến thể của Pong rồi AI tự học cách chơi và ghi điểm. Video ghi lại quá trình chơi của AI đã gây ấn tượng lớn. Ban đầu, AI chơi một cách ngẫu nhiên, nhưng dần dần nó chơi tốt hơn. Sau nửa giờ, cứ bốn lượt thì nó chỉ bị lỡ một lượt. Đến lần chơi thứ 300, sau một giờ chơi, nó không bị mất điểm nào nữa. AI học hỏi nhanh đến mức sang đến giờ thứ hai nó phát hiện ra một lỗ hổng trong trò Breakout mà hàng triệu người chơi trước không nhận thấy. Lỗ hổng trở thành một cú hack giúp nó chiến thắng nhờ vào việc đào đường xung quanh các bức tường theo một cách mà những nhà sản xuất trò chơi cũng chưa từng hình dung ra. Cuối cùng sau vài giờ chơi điện tử lần đầu, dù không được hướng dẫn từ các nhân viên DeepMind, những thuật toán của AI, được gọi là cỗ máy học tập siêu việt, có thể đánh bại con người một nửa trong số 49 trò chơi điện tử Atari mà chúng đã thành thạo. Không giống như người chơi chúng ta, những AI này thông minh lên qua mỗi tháng. 1 Trò chơi mà trong đó, người chơi phải thả các đồng coin (xu) vào máy để chơi, máy chơi thường được đặt ở những nơi công cộng như nhà hàng, bar hay trung tâm giải trí. Giữa những hoạt động bước đầu thế này, một hình dung về trí tuệ nhân tạo trong tương lai đang ngày càng rõ rệt. Nó không phải là HAL 9000, một thiết bị độc lập đầy hấp dẫn được vận hành bởi ý thức tương đương như con người (tuy có thể gây chết người), cũng không giống như một siêu trí tuệ như trong tưởng tượng của những người theo trường phái phi thường. Trí tuệ nhân tạo trong tương lai sẽ giống như các dịch vụ trên web của Amazon, với chi phí thấp, lại đáng tin cậy, với những trí tuệ kỹ thuật số công nghiệp vận hành ở mọi thứ và gần như vô hình nếu nó không nhấp nháy. Dịch vụ công cộng này sẽ mang đến đúng một lượng IQ mà bạn muốn, không hơn không kém. Bạn chỉ cần kết nối vào mạng lưới và sử dụng AI như dùng điện thông thường. Nó sẽ làm sống động nhiều vật thể vô tri, giống như điện đã thắp sáng bao đồ vật trong suốt hơn một thế kỷ qua. Một ví dụ điển hình của phép màu khi thêm AI vào một vật X chính là nhiếp ảnh. Những năm 1970, tôi từng là một nhà nhiếp ảnh gia du lịch mang theo một chiếc ba lô nặng đầy đồ dùng và máy móc. Bên cạnh một ba lô với 500 cuộn phim, tôi còn mang thêm hai thân máy Nikon bằng đồng, một cái máy flash và năm ống kính cực nặng với hơn một pound mỗi ống. Khi chụp ảnh, cần phải có một ống kính lớn để bắt được các photon trong điều kiện ánh sáng thấp, cũng cần phải có một cái máy ảnh kín sáng với thiết kế phức tạp để lấy tiêu điểm, đo đạc và bẻ ánh sáng trong một phần nghìn giây. Nhưng kể từ đó, các thiết bị chụp ảnh đã được cải tiến không ngừng. Ngày nay, chiếc máy ảnh Nikon ngắm-và-chụp của tôi vô cùng nhẹ, có thể chụp trong điều kiện gần như không có ánh sáng và có thể phóng to từ mũi của tôi đến vô cực. Tất nhiên, máy ảnh ở di động của tôi còn nhỏ hơn, lúc nào cũng có thể sử dụng và có thể chụp được những bức ảnh đẹp như bộ máy ảnh đồ sộ ngày trước. Những chiếc máy ảnh mới nhỏ gọn hơn, nhanh hơn, phát ra ít tiếng động khi chụp hơn và còn rẻ hơn, không chỉ vì sự tiến bộ của công nghệ sản xuất kích thước nhỏ hơn mà còn vì những chiếc máy ảnh truyền thống đã được thay thế bằng trí tuệ thông minh. Vậy là cái “X” của nhiếp ảnh đã được cải tiến. Những máy ảnh trên di động hiện nay đã không còn những lớp kính nặng nề, thay vào đó là những thuật toán, tính toán và trí tuệ nhân tạo làm những công việc mà ống kính vật lý từng làm. Chúng sử dụng trí thông minh phi vật thể để thay thế cho cửa trập trước đây. Còn căn phòng kín và cuộn phim cũng được thay bằng nhiều sự tính toán và các trí tuệ quang học. Thậm chí có cả những thiết kế với máy ảnh phẳng mà không cần ống kính. Thay vì dùng ống kính lồi, thiết bị cảm biến ánh sáng siêu mỏng sẽ sử dụng một lượng khổng lồ các bước tính để tính toán một bức hình từ vô số tia sáng chiếu đến cảm biến không điều chỉnh tiêu điểm. Nhiếp ảnh thông minh đã tạo nên một cuộc cách mạng vì trí tuệ nhân tạo có thể đặt máy ảnh vào bất cứ thứ gì (lên một cái gọng kính râm, trên quần áo, trên một cây bút) và còn có thể tính toán chế độ 3D, HD cùng nhiều lựa chọn khác từng phải mất đến 100.000 đô la và một xe tải thiết bị để thực hiện. Ngày nay, nhiếp ảnh thông minh trở thành thứ mà gần như mọi thiết bị đều được trang bị như một chức năng bổ sung. Sự chuyển đổi tương tự như nhiếp ảnh sẽ sớm diễn ra cho mọi thứ X khác. Khi nói đến hóa học, người ta nghĩ ngay đến những hành động vật lý trong phòng thí nghiệm với những chai lọ thủy tinh đầy dung dịch. Khi nói đến việc di chuyển các atom, đây đích thị là công việc vật lý. Bằng cách đưa AI vào các thí nghiệm hóa học, các nhà khoa học có thể tiến hành các thí nghiệm mô phỏng (ảo). Họ có thể nghiên cứu các chỉ số to lớn của việc kết hợp các chất hóa học để giảm thiểu chúng thành những hợp chất hứa hẹn và đáng để thử nghiệm trên thực tế. Cái X ban đầu cũng có thể đang ở mức độ công nghệ thấp, giống như một thiết kế nội thất. Khi đưa một AI phù hợp với nhu cầu của khách hàng vào hệ thống thiết kế khi họ xem những bản thiết kế nội thất mô phỏng, các chi tiết của bản thiết kế sẽ biến đổi dựa theo những phản hồi và tương tác từ khách hàng mà AI thu thập được, sau đó đưa ra bản thiết kế nội thất mới để tiếp tục xem xét và thử nghiệm. Qua nhiều lần lặp lại như vậy, AI sẽ đưa ra bản thiết kế tối ưu nhất. Bạn cũng có thể áp dụng AI vào các hoạt động về luật pháp, sử dụng nó để tìm ra bằng chứng trong một núi giấy tờ để phân biệt sự mâu thuẫn giữa các vụ việc, và sau đó nó có thể đề xuất các lập luận pháp lý dựa trên bằng chứng tìm được. Danh sách các X được cải tiến là vô hạn. Ở lĩnh vực càng có vẻ bất khả thi thì AI lại càng có tiềm năng được áp dụng. Ví dụ như việc đầu tư thông minh đã diễn ra ở một số công ty như Betterment hoặc Wealthfront. Các công ty này đã dùng AI trong việc quản lý các chỉ số chứng khoán để tối ưu hóa các chiến lược thế chấp hoặc giữ cân bằng giữa các danh mục đầu tư. Đây là những công việc mà các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp có thể làm trong một năm, nhưng AI sẽ tiến hành nó mỗi ngày và mỗi giờ. Dưới đây là những lĩnh vực có thể được cải tiến (dù nghe có thể không khả thi): Âm nhạc thông minh: Âm nhạc có thể được sáng tác song song với các hoạt động khác nhờ vào các thuật toán và được dùng như nhạc nền của trò chơi điện tử hoặc thế giới ảo. Tùy thuộc vào hành động của bạn mà nhạc sẽ thay đổi theo. Hàng trăm giờ âm nhạc được sản xuất của từng cá nhân sẽ được AI sáng tác cho mỗi người dùng. Giặt là thông minh: Quần áo có thể thông báo với máy giặt về mức độ và cách thức giặt mà chúng mong muốn. Máy giặt sẽ điều chỉnh theo những chỉ thị đưa ra bởi quần áo thông minh. Marketing thông minh: Sự chú ý của một người xem dành cho một quảng cáo có thể được tăng lên nhờ vào ảnh hưởng xã hội của nó (bao nhiêu người theo dõi và ảnh hưởng của nó là gì) để có thể tối ưu hóa sự quan tâm của khách hàng và tầm ảnh hưởng của sản phẩm trên từng đô la. Công việc trên quy mô hàng triệu người này tất nhiên sẽ được tiến hành bởi AI. Bất động sản thông minh: AI sẽ kết nối người mua - bán và đóng vai trò tư vấn cho những người thuê nhà đang đứng trước nhiều lựa chọn. Việc này có thể tạo ra một gói tài chính phù hợp cho từng trường hợp cụ thể của khách hàng. Chăm sóc sức khỏe thông minh: Bệnh nhân được trang bị với các cảm biến theo dõi tình hình sức khỏe 24/24 và có thể đưa ra những cách điều trị phù hợp với từng cá nhân và theo tình trạng sức khỏe từng ngày. Xây dựng thông minh: Bên cạnh những thay đổi trong thiết kế, phần mềm quản lý dự án có thể tính đến các yếu tố về thời tiết, giao thông, tỷ giá hối đoái và các tai nạn trong xây dựng. Giáo dục đạo đức thông minh: Những chiếc xe tự động sẽ được cài đặt các kiến thức về nhường đường và các hành vi giao thông. Sự an toàn của người đi bộ sẽ được đặt lên trên sự an toàn của tài xế. Bất cứ thứ gì được các code độc lập xây dựng thì cũng cần có những code khác “giáo dục nó về mặt đạo đức” để thiết bị được vận hành tốt và tích cực. Đồ chơi thông minh: Đồ chơi sẽ trở nên giống những con thú cưng, những con robot đồ chơi Furby từ những năm 90 trở nên vô cùng thô sơ so với các đồ chơi thông minh có thể giao tiếp với con người. Búp bê có thể sẽ là robot đầu tiên được phổ biến thực sự. Thể thao thông minh: Các cảm biến thông minh và AI có thể tạo ra nhiều cách để ghi điểm và thay luôn vị trí của trọng tài giám sát trận đấu bằng cách theo dõi và phân tích những chuyển động và va chạm của người chơi. Hơn nữa, những số liệu thống kê cực kỳ tinh vi có thể được thu thập trong từng giây chuyển động của vận động viên để tạo ra các đội chơi xuất sắc. Việc đan len: Cũng có thể được cải tiến để trở nên thông minh. Ai biết được? Nhưng có khi việc ấy sẽ xảy đến! Cải tiến thế giới thực sự là một công cuộc lớn lao. Và nó đã và đang diễn ra rồi. Khoảng năm 2012, tôi đã tham dự một bữa tiệc kín của Google, trước lần phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO)1 của công ty, khi Google mới chỉ tập trung vào việc cung cấp công cụ tìm kiếm. Tôi đã có một cuộc nói chuyện với Larry Page, nhà đồng sáng lập tài năng của Google. “Larry, tôi vẫn không thể hiểu. Hiện nay đã có rất nhiều công ty cung cấp công cụ tìm kiếm và các trang web tìm kiếm miễn phí? Vậy tại sao Google của anh còn làm như vậy?” Lúc đó, trí tưởng tượng nghèo nàn khiến tôi một mực tin rằng việc dự đoán, nhất là dự đoán tương lai là việc khó khăn. Nhưng lúc ấy là trước khi Google đẩy mạnh kế hoạch đấu giá quảng cáo để thu về lợi nhuận thực sự, và lúc ấy cũng là rất lâu trước khi YouTube hay bất cứ hoạt động thu mua nào xuất hiện. Và tôi không phải người dùng duy nhất tin rằng Google sẽ chẳng trụ lại được lâu. Nhưng câu trả lời của Page đã làm tôi không thể quên, “Ồ, chúng tôi đang thực sự tạo ra một AI đấy.” 1Initial Public Offering. Tôi đã nghĩ về cuộc trò chuyện này trong vài năm qua khi Google đã mua 13 công ty về trí tuệ nhân tạo và robot sau khi mua DeepMind. Lúc đầu, bạn có thể nghĩ rằng Google đang đẩy mạnh các danh mục đầu tư cho AI để gia tăng khả năng tìm kiếm, vì việc này chiếm tới 80% doanh thu. Nhưng tôi cho rằng suy nghĩ này thật lạc hậu. Thay vì dùng AI để nâng cấp công cụ tìm kiếm, Google lại dùng công cụ tìm kiếm để cải thiện AI. Khi bạn gõ ra một lệnh truy vấn, click vào một đường link tìm kiếm hoặc tạo một link trên web, có nghĩa là bạn đang rèn luyện cho AI của Google. Khi bạn gõ “thỏ Phục sinh” vào thanh tìm hình ảnh và click vào bức ảnh giống con thỏ Phục sinh nhất, bạn đang dạy cho AI biết thỏ Phục sinh trông như thế nào. Ba tỷ lượt truy vấn mỗi ngày trên Google đã dạy cho AI hết lần này đến lần khác. Với 10 năm tiến bộ đều đặn như thế này của các thuật toán AI, cộng với hàng nghìn lần dữ liệu mới và hàng trăm tài nguyên điện toán nữa, Google sẽ có một AI độc nhất vô nhị. Trong một cuộc điện đàm hội thảo thu nhập hàng quý mùa thu năm 2015, CEO của Google, Sundar Pichai, nói rằng AI sẽ là “cách chuyển đổi cốt lõi mà theo đó chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại về tất cả mọi thứ mình đang làm... Chúng ta đang áp dụng nó [AI] vào mọi sản phẩm, việc tìm kiếm, YouTube và Play, v.v.” Và dự đoán của tôi là: Đến năm 2026, sản phẩm chính của Google không phải là công cụ tìm kiếm mà là AI. Đây chính là thời điểm hoàn toàn hợp lý để nghi ngờ. Trong gần 60 năm, các nhà nghiên cứu về AI đã dự đoán rằng AI đang ở bước đường cùng, và đến tận một vài năm trước, dường như nó vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong tương lai. Thậm chí đã có hẳn một cụm từ miêu tả kỷ nguyên của những kết quả ít ỏi và những nguồn tài trợ nghiên cứu còn ít ỏi hơn: Mùa đông của trí tuệ nhân tạo. Liệu AI đã thay đổi được gì? Có đấy. Có ba bước đột phá mà AI đã mang lại trong suốt thời gian chờ đợi đằng đẵng đó. 1. Điện toán song song giá rẻ Tư duy vốn là một quá trình song song, với hàng tỷ tế bào thần kinh trong não bộ vận hành cùng lúc nhằm tạo ra các sóng não đồng bộ để tính toán. Việc xây dựng một mạng lưới tế bào thần kinh, chính là cấu trúc cơ bản của phần mềm AI, cũng yêu cầu nhiều quá trình đồng thời. Mỗi nút của mạng lưới thần kinh đều mô phỏng một dây thần kinh trong não bộ, chúng tương tác với nhau để phân tích những tín hiệu thu được. Để nhận diện được lời nói, một chương trình phải nghe được tất cả các âm tiết và sự liên kết giữa chúng. Để nhận dạng được một bức ảnh, nó cũng cần phải nhìn thấy mọi pixel (phần tử ảnh) trong mối liên hệ với các pixel khác xung quanh. Đây là những nhiệm vụ song song và còn đòi hỏi phải có chiều sâu. Nhưng mãi đến gần đây, một bộ vi xử lý máy tính điển hình chỉ có thể xử lý từng thứ một. Những thay đổi đã xuất hiện từ một thế kỷ trước, khi một loại chip mới gọi là chip xử lý đồ họa (GPU)1 được phát minh cho các trò chơi điện tử với đồ họa sống động (và cần được xử lý song song), trong đó hàng triệu pixel trong một hình ảnh cần được tính toán lại nhiều lần trong một giây. Công việc này đòi hỏi một chip máy tính song song chuyên dụng có thể được cài đặt để hỗ trợ cho PC chủ. Những con chip đồ họa song song này vận hành thật tuyệt và các trò chơi điện tử nhanh chóng trở nên phổ biến. Đến năm 2005, GPU được sản xuất với số lượng lớn đến nỗi chúng trở nên rẻ và chẳng đáng để coi là hàng hóa. Năm 2009, Andrew Ng và một nhóm nghiên cứu ở Stanford nhận ra rằng GPU có thể vận hành song song các mạng lưới thần kinh. 1 Graphics processing unit. Phát hiện này đã mở ra nhiều khả năng mới cho mạng lưới thần kinh, và có thể thêm vào hàng trăm triệu mối kết nối giữa các nút trong mạng lưới. Bộ vi xử lý trước kia cần vài tuần để tính toán ra các khả năng nối tầng trong mạng lưới thần kinh với 100 triệu tham số. Andrew Ng nhận thấy rằng một tổ hợp GPU có thể làm được việc này chỉ trong một ngày. Ngày nay các mạng lưới thần kinh chạy trên GPU được dùng bởi các công ty lưu trữ đám mây như Facebook để nhận dạng bạn bè trong ảnh hoặc dùng bởi Netflix để tạo ra những đề xuất phim đáng tin cậy cho hơn 50 triệu người đăng ký. 2. Dữ liệu lớn Mọi trí thông minh cần được đào tạo. Một bộ não của loài người, vốn đã được “lập trình” theo di truyền với khả năng phân loại các thứ, vẫn cần nhìn cả tá ví dụ khi còn là một đứa trẻ để có thể phân biệt giữa chó và mèo. Điều này lại càng đúng hơn đối với trí tuệ nhân tạo. Kể cả chiếc máy tính được lập trình tốt nhất cũng cần chơi 1.000 ván cờ trước khi chơi giỏi và thuần thục. Một trong những đột phá của AI nằm ở số lượng không ngờ những dữ liệu mà nó thu thập được từ thế giới, dữ liệu cần cho việc học hỏi của AI. Cơ sở dữ liệu khổng lồ, khả năng tự theo dấu, cookie1 trên web, các dấu vết dữ liệu online, hàng terabyte lưu trữ thông tin, hàng thập kỷ các kết quả tìm kiếm, Wikipedia, và toàn bộ thế giới số hóa đã trở thành những người giáo viên cho AI. Andrew Ng giải thích rằng: “AI giống như việc xây dựng một con tàu tên lửa. Bạn cần một động cơ thật lớn và rất nhiều nguyên liệu. Động cơ tên lửa chính là các thuật toán đang học hỏi mỗi ngày và nhiên liệu là lượng dữ liệu khổng lồ chúng ta cung cấp cho các thuật toán.” 1 Một dạng bản ghi được tạo ra và lưu lại trên trình duyệt khi người dùng truy cập một trang web. 3. Thuật toán tốt hơn Mạng lưới thần kinh số hóa được phát minh từ những năm 1950, nhưng phải mất hàng thập kỷ để các nhà khoa học máy tính học cách quản lý sự kết hợp phức tạp và lớn lao giữa một triệu hoặc một trăm triệu dây thần kinh. Chìa khóa của cách quản lý là phải tổ chức mạng lưới thần kinh thành các tầng lớp. Ví dụ, như việc nhận diện khuôn mặt, khi một nhóm bit trong mạng lưới thần kinh đang nhận diện một nét trên mặt, chẳng hạn như hình ảnh một con mắt, kết quả nhận định về con mắt này được đưa đến một cấp độ khác trong mạng lưới để phân tích. Ở cấp độ tiếp theo, việc phân tích hình ảnh cả hai con mắt sẽ được tiến hành và sau đó chuyển lên một cấp độ của cấu trúc phân cấp, trong đó hình ảnh của mắt được đặt trong mối liên hệ với mũi. Cần có đến hàng triệu nút trong mạng lưới (với mỗi nút lại làm các tính toán cho những nút xung quanh), cuối cùng lên đến 15 cấp độ để có thể nhận diện một khuôn mặt người. Năm 2006, Geoff Hinton, khi ấy đang làm việc tại Đại học Toronto, đã đem đến sự thay đổi cho phương pháp này khi nêu ra khái niệm “học sâu”. Ông có thể tối ưu hóa về mặt toán học các kết quả của từng tầng/cấp độ để việc học hỏi được đẩy nhanh hơn khi tiến lên nhiều tầng hơn. Các thuật toán học sâu đã tăng tốc đáng kể trong vài năm sau khi chúng được đưa vào GPU. Chỉ các code của thuật toán này thì không đủ để tạo ra những suy nghĩ logic phức tạp, nhưng nó là một phần thiết yếu của mọi AI hiện nay, bao gồm cả Watson của IBM; DeepMind, công cụ tìm kiếm của Google và các thuật toán của Facebook. Cơn bão các điện toán song song giá rẻ, dữ liệu lớn và thuật toán sâu đã mang đến thành công chỉ sau một đêm cho AI (sau 60 năm ra đời). Và sự hội tụ công nghệ này cho thấy những xu hướng công nghệ này sẽ còn tiếp tục (và chẳng có lý do gì để không nghĩ như vậy). AI sẽ tiếp tục được cải tiến. Khi được nâng cấp, AI dựa trên các đám mây sẽ ngày càng trở thành một phần ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày. Nhưng việc này cũng sẽ có những tác động xấu. Điện toán đám mây sẽ tăng cường luật gia tăng lợi nhuận, hay còn được gọi là hiệu ứng mạng lưới, theo đó, giá trị của mạng lưới sẽ gia tăng nhanh hơn khi mạng lưới lớn hơn. Mạng lưới càng lớn, nó lại càng hấp dẫn với người dùng, điều này làm nó lại càng lớn hơn và thu hút hơn, cứ như vậy… Một đám mây dùng cho AI cũng tuân thủ quy luật này. Con người càng dùng AI, nó càng trở nên thông minh hơn. Và nó càng thông minh, thì người ta càng sử dụng nhiều. Khi một công ty bước vào vòng tuần hoàn này, công ty có xu hướng phát triển mạnh và nhanh chóng đến nỗi nó vượt trội hơn hẳn những đối thủ startup khác. Kết quả là, AI trong tương lai có khả năng sẽ được quản lý bởi một vài ông trùm của những công ty lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo đám mây. Năm 1997, tiền thân của Watson là Deep Blue đã đánh bại nhà vô địch cờ vua Garry Kasparov trong trận đấu nổi tiếng giữa con người và máy móc. Sau khi cỗ máy lặp lại chiến thắng trong vài trận nữa, hầu hết con người sẽ mất hứng thú vào những cuộc thi như thế này. Bạn có thể nghĩ rằng chuyện đến đây là hết, nhưng Kasparov nhận thấy rằng lẽ ra ông đã có thể chiến thắng Deep Blue nếu ông có thể truy cập nhanh chóng vào lượng dữ liệu khổng lồ của tất cả những ván cờ Deep Blue từng chơi. Nếu công cụ dữ liệu này được sử dụng cho AI, thì tại sao con người lại không thể? Trí tuệ của con người có thể được cải tiến nhờ vào lượng dữ liệu như Deep Blue có. Để theo đuổi ý tưởng này, Kasparov đã đi đầu trong khái niệm trận đấu kết hợp giữa người và máy, trong đó AI giúp sức cho người chơi thay vì người và máy đối đầu nhau. Nếu AI có thể giúp con người trở thành các kỳ thủ tốt hơn, thì nó cũng có thể giúp chúng ta trở thành những phi công giỏi hơn, bác sĩ giỏi hơn, thẩm phán và giáo viên tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết những công việc thương mại được làm bởi AI cũng sẽ được tiến hành bởi các chương trình máy móc. Đa số AI sẽ trở thành những bộ não phần mềm với mục đích chuyên biệt như chuyên dịch ngôn ngữ, hoặc chuyên lái xe (nhưng không dùng để giao tiếp), hay lấy lại mọi pixel của mọi video trên YouTube (nhưng không đoán trước được thói quen công việc của bạn). Trong mười năm tới, 99% AI mà bạn tương tác trực tiếp hay gián tiếp sẽ chỉ chuyên biệt về một lĩnh vực cụ thể chứ không phải nắm bắt mọi lĩnh vực chung chung. Trí tuệ nhân tạo không phải là một lỗi (bug), mà là một đặc tính. Điều quan trọng nhất cần hiểu về những cỗ máy biết tư duy là chúng sẽ nghĩ khác chúng ta. Chính bởi những biến động trong lịch sử tiến hóa của chúng ta mà loài người hiện đang là sinh vật duy nhất trên hành tinh có sự tự ý thức, bởi thế chúng ta lầm tưởng rằng trí tuệ con người là duy nhất. Nhưng không phải. Trí tuệ của chúng ta là một xã hội gồm nhiều trí tuệ và nó chỉ chiếm một góc nhỏ trong nhiều loại trí tuệ và ý thức có thể tồn tại trong vũ trụ. Chúng ta thích gọi trí tuệ của mình là những “mục đích bao quát” vì khi so sánh với các trí óc khác chúng ta từng biết, trí tuệ con người có thể giải quyết được nhiều vấn đề hơn. Nhưng khi chúng ta xây dựng các trí tuệ nhân tạo, chúng ta cuối cùng cũng nhận ra rằng tư duy của loài người không phải là thứ bao quát mà chỉ là một loại tư duy mà thôi. Loại tư duy của AI ngày nay không giống như của con người, dù AI có thể làm những việc như chơi cờ, lái xe, mô tả nội dung một bức tranh, những việc mà ta từng tin chỉ con người mới làm được. Nhưng AI không làm những việc này theo cách con người vẫn làm. Gần đây tôi đã đăng 130.000 bức ảnh cá nhân của tôi, cũng là toàn bộ số ảnh, lên Google Photo và AI mới của Google ghi nhớ mọi thứ trong tất cả các bức ảnh trong đời tôi. Khi tôi yêu cầu nó đưa ra bức ảnh có xe đạp, cây cầu, hay hình ảnh của mẹ tôi, nó sẽ ngay lập tức hiển thị kết quả. Facebook có khả năng tập hợp các AI có thể định dạng ảnh chân dung của một người bất kỳ trên Trái Đất và chỉ ra người đó trong 3 tỷ người trên mạng. Não bộ của con người không thể vận hành ở quy mô này, nên khả năng nhân tạo của AI rất “không mang tính người”. Chúng ta cực kỳ tệ trong khoản tư duy thống kê, nên chúng ta tạo ra những trí tuệ khác với kỹ năng thống kê tốt để chúng không tư duy như ta. Một trong những lợi thế của việc để AI lái xe là chúng không bị mất tập trung như con người. Trong một thế giới siêu liên kết, tư duy khác biệt chính là nguồn gốc cho sáng tạo và sự giàu có. Chỉ thông minh thôi chưa đủ. Các động lực thương mại sẽ làm AI với sức mạnh công nghiệp trở nên phổ biến ở mọi nơi, và gắn những trí tuệ nhân tạo giá rẻ vào mọi vật dụng. Nhưng những thành quả lớn hơn sẽ đến khi chúng ta bắt đầu sáng chế ra những loại trí thông minh mới và những cách suy nghĩ hoàn toàn mới, theo một cách mà chiếc máy tính sẽ trở thành thiên tài về số học. Tính toán mới chỉ là một loại trí tuệ. Lúc này, chúng ta chưa biết phân loại đầy đủ trí tuệ như thế nào. Một vài khía cạnh trong tư duy của con người sẽ trở nên phổ biến (phổ biến như sự đối xứng hai bên, phân khúc và ruột ống trong sinh học), nhưng những trí tuệ trong tương lai sẽ có những khía cạnh mà chúng ta chưa từng chạm đến. Tuy nhiên, loại tư duy này không nhất thiết phải nhanh hơn, vĩ đại hơn hay sâu sắc hơn tư duy của con người, trong một số trường hợp, nó còn trở nên đơn giản hơn. Sự đa dạng của những trí tuệ mới và tiềm năng trong vũ trụ là vô hạn. Gần đây chúng ta đã bắt đầu khám phá về trí tuệ của các loài vật trên Trái Đất, và trong quá trình tìm hiểu, chúng ta đã gặp được những kiểu trí tuệ khác. Cá voi và cá heo vẫn làm chúng ta ngạc nhiên với trí tuệ khác biệt, phức tạp và kỳ lạ của chúng. Một trí tuệ chính xác khác biệt hay cao siêu hơn chúng ta bao nhiêu là một điều rất khó tính toán. Chúng ta chỉ còn cách bước đầu tạo ra một bảng phân loại các kiểu trí tuệ. Ma trận của trí tuệ sẽ bao gồm trí tuệ của động vật, máy móc và bất cứ thứ gì khả thi kể cả trí tuệ siêu thể (transhuman)1 như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. 1 Sự nâng cao khả năng của con người thông qua sự biến đổi gen hay bổ sung các hệ thống máy móc cơ khí, máy tính, trí tuệ thông minh. Phân loại trí tuệ là việc nên làm vì khi chúng ta tất yếu sẽ đưa trí tuệ nhân tạo vào mọi vật thể, nhưng những đặc tính của những vật thể đó sẽ trở nên thế nào lại là điều ta chưa biết chắc. Những đặc tính này sẽ chỉ ra giá trị kinh tế và vai trò của vật thể trong nền văn hóa. Việc chỉ ra những cách khả thi để một cỗ máy có thể thông minh hơn con người (kể cả trên lý thuyết) sẽ giúp chúng ta kiểm soát sự tiến bộ này. Trong thế giới thực, thậm chí trong những trí tuệ tuyệt vời, cũng đều có quy luật đánh đổi. Một trí tuệ không thể ý thức về mọi thứ một cách hoàn hảo. Một trí tuệ cụ thể sẽ mạnh về một vài khía cạnh, nhưng lại yếu ở những mảng khác. Trí thông minh hướng dẫn một xe tải tự lái sẽ khác với trí tuệ làm nhiệm vụ tính toán các khoản thế chấp. AI chẩn đoán bệnh sẽ rất khác so với AI giám sát nhà cửa. Tương tự, AI dự đoán thời tiết sẽ khác xa với AI làm nhiệm vụ may quần áo. Sự phân loại trí tuệ phải phản ánh những cách khác nhau mà theo đó, chúng được thiết kế dựa trên sự đánh đổi này. Trong danh sách ngắn dưới đây, tôi đã kể ra những trí tuệ có thể vượt trội hơn chúng ta. Tôi cũng đã bỏ qua hàng nghìn loại máy thông minh cỡ vừa sẽ cải tiến mạng lưới các đồ vật như chiếc máy tính cầm tay. Một vài loại trí tuệ mới: • Một trí tuệ như của con người, nhưng trả lời và đáp nhanh hơn (đây là AI đơn giản nhất có thể hình dung) • Một trí tuệ rất chậm, chủ yếu gồm các bộ nhớ và lưu trữ • Một siêu trí tuệ toàn cầu gồm hàng triệu trí tuệ đơn lẻ • Một trí óc tập thể gồm nhiều trí tuệ thông minh, nhưng không nhận thức được mình là một tập thể • Một siêu trí tuệ người máy gồm nhiều tiểu trí tuệ có nhận thức và tạo thành thể thống nhất • Một trí tuệ được rèn luyện để hỗ trợ trí tuệ của riêng bạn • Một trí tuệ có khả năng hình dung ra một trí tuệ vĩ đại hơn, nhưng không thể tạo ra nó • Một trí tuệ có thể tạo ra một trí tuệ vĩ đại hơn, nhưng không đủ nhận thức để hình dung ra nó • Một trí tuệ chỉ có thể tạo ra một trí tuệ vĩ đại hơn đúng một lần • Một trí tuệ có thể tạo ra một trí tuệ vĩ đại hơn và trí tuệ vĩ đại hơn lại tạo ra được một trí tuệ vượt trội hơn nữa. • Một trí tuệ với khả năng truy cập vào các mã nguồn và nhập mã đó vào quy trình của chính nó. • Một trí tuệ siêu logic không có cảm xúc • Một trí tuệ xử lý vấn đề chung, nhưng không có sự tự nhận thức • Một trí tuệ tự nhận thức, nhưng không xử lý được vấn đề chung • Một trí tuệ cần nhiều thời gian để phát triển và cần được bảo vệ cho đến khi nó hoàn thiện • Một trí tuệ đặc biệt chậm chạp trải rộng giữa các khoảng cách vật lý lớn và dường như vô hình với trí tuệ nhanh • Một trí tuệ có thể tự nhân bản một cách nhanh chóng lần này đến lần khác • Một trí tuệ có thể tự nhân bản và vẫn thống nhất với các bản sao. • Một trí tuệ bất tử có thể di chuyển từ công nghệ nền này đến công nghệ nền khác • Một trí tuệ nhanh chóng và năng động có thể thay đổi quá trình và đặc tính trong khi cải tiến • Một trí tuệ nano và có thể tự nhận thức • Một trí tuệ chuyên về dự báo các viễn cảnh • Một trí tuệ không bao giờ xóa/quên dữ liệu kể cả những thông tin sai • Một trí tuệ cộng sinh giữa máy và con vật • Một trí tuệ cyborg nửa người nửa máy • Một trí tuệ sử dụng điện toán lượng tử với logic loài người không thể hiểu. Nếu bất cứ trí tuệ nào kể trên khả thi, nó sẽ trở thành tương lai trong hai thập kỷ tới. Mục đích của danh sách dự báo này là để nhấn mạnh rằng mọi sự cải tiến đều được chuyên môn hóa. Các loại trí tuệ nhân tạo chúng ta đang và sẽ làm trong thế kỷ tới sẽ được thiết kế cho từng công việc chuyên môn, thường sẽ là những việc con người không làm được. Những phát minh cơ khí quan trọng nhất của chúng ta không phải là những cỗ máy có thể làm tốt hơn con người mà là những máy móc làm những điều chúng ta không thể làm. Cỗ máy có tư duy quan trọng nhất của chúng ta cũng không phải cỗ máy nghĩ nhanh hơn mà phải là cỗ máy có thể nghĩ ra những thứ chúng ta không thể nghĩ tới. Ngày nay, rất nhiều phát kiến khoa học đòi hỏi hàng trăm bộ não của loài người để giải quyết. Nhưng trong tương lai gần, sẽ có những vấn đề khó khăn đến nỗi chúng cần hàng trăm trí tuệ của những loài khác nhau để xử lý. Điều này sẽ đưa loài người đến giới hạn của nền văn hóa vì chúng ta sẽ không dễ dàng chấp nhận việc một trí tuệ khác không đến từ loài người lại giải quyết được các vấn đề phức tạp. Chúng ta đã từng cảm thấy khó chấp nhận những kết quả toán học được làm bởi máy tính. Một vài phép toán phức tạp đến nỗi chỉ có máy tính mới có thể tính toán mọi bước, nhưng điều này lại không được công nhận bởi các nhà toán học. Chỉ mình trí tuệ của con người thì không đủ để hiểu những phép toán này và do đó ta cần phải tin vào những tầng thuật toán, và điều này cũng cần phải đi kèm với khả năng nhận biết khi nào thì nên tin vào các thuật toán đó. Khi làm việc với trí tuệ nhân tạo, chúng ta cũng cần những kỹ năng tương tự và phải tự mở rộng suy nghĩ của mình. Một AI sẽ thay đổi cách làm khoa học của chúng ta. Những công cụ thực sự thông minh sẽ tăng tốc và thay đổi các phép đo, hàng loạt dữ liệu được cập nhật liên tục theo thời gian sẽ tăng tốc và thay thổi cách xây dựng các hình mẫu của chúng ta, những văn bản thực sự thông minh làm chúng ta chấp nhận một kiến thức mới nhanh hơn và ít bỡ ngỡ hơn. Phương pháp khoa học là một cách để hiểu biết, nhưng nó mới chỉ dựa trên những điều con người biết. Một khi chúng ta đưa những loại trí tuệ mới vào phương pháp này, nền khoa học sẽ có những hiểu biết và sẽ tiến bộ dựa trên những trí tuệ mới nữa. Lúc ấy, mọi thứ đều sẽ thay đổi. Không chỉ mang nghĩa trí tuệ nhân tạo, artifical intelligence, AI còn có thể viết tắt cho trí tuệ bên ngoài, alien intelligence. Chúng ta chưa thể chắc chắn trong 200 năm tiếp theo, liệu con người có liên hệ được với các sinh vật ngoài hành tinh sống trên một trong số một tỷ hành tinh giống như Trái Đất trong vũ trụ không, nhưng chúng ta đã gần như chắc chắn 100% rằng, đến lúc đó, chúng ta sẽ sản xuất ra một trí tuệ bên ngoài. Khi đối mặt với các thực thể nhân tạo ngoài hành tinh (do con người tự tạo ra), chúng ta sẽ có được những lợi ích và lợi thế mà chúng ta kỳ vọng sẽ có khi liên lạc với người ngoài hành tinh thực sự. Chúng sẽ buộc ta phải đánh giá lại vai trò, lợi ích, mục tiêu và bản sắc của mình. Loài người tồn tại vì mục đích gì? Tôi tin rằng, câu trả lời đầu tiên sẽ là: Loài người tồn tại để sáng chế ra những loại trí thông minh mới mà hệ sinh học không thể tiến hóa được. Công việc của chúng ta là làm ra những máy móc suy nghĩ khác với con người. Đó chính là những trí tuệ bên ngoài. Chúng ta nên gọi những AI này là AA, artificial aliens, những [trí tuệ] nhân tạo ngoài hành tinh. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ta hiểu rõ hơn định nghĩa của con người về trí tuệ là thế nào. Trong quá khứ, chúng ta nói chỉ có siêu trí tuệ nhân tạo mới có thể lái xe, đánh bại con người trong chương trình Jeopardy! hoặc nhận diện một tỷ khuôn mặt. Nhưng một khi máy tính lần lượt làm được những việc này trong mấy năm qua, chúng ta lại cho rằng những thành tựu đó chỉ mang tính cơ học và khó để được đánh giá là trí thông minh thực sự. Chúng ta gọi đó là “việc học hỏi của máy móc”. Mọi thành tựu của AI lại được dán nhãn là một thành công với vai trò “không phải AI”. Những trí tuệ nhân tạo mà chúng ta quan tâm nhất trong vài năm tới sẽ là những trí tuệ được gắn thêm thân thể, hay còn gọi là robot. Chúng sẽ có đủ hình dáng, kích thước, biểu hiện những sinh vật đa dạng, và còn biết nói. Một số con robot sẽ đi lại như động vật, và một số khác lại bất động như cây cối hoặc khuếch tán ánh sáng như rặng san hô. Robot đang từng bước xuất hiện và hoạt động trong yên lặng. Những robot ồn ã hơn (biết giao tiếp), thông minh hơn là điều tất yếu. Sự thay đổi mà chúng mang lại sẽ vô cùng sâu sắc. Hãy tưởng tượng trong tương lai 7/10 người làm công ở Mỹ bị đuổi việc. Họ sẽ làm gì? Thật khó để tin rằng nền kinh tế sẽ thế nào khi một nửa lực lượng lao động bị sa thải. Nhưng đó cũng chính là những gì đã diễn ra một cách từ từ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp đầu thế kỷ XIX. 200 năm trước, 70% người lao động Mỹ sống ở các nông trại. Ngày nay sự tự động hóa đã thay đổi tất cả và chỉ để lại 1% việc làm cho họ, còn lại máy móc đã thay thế họ và các con vật làm nông. Nhưng những người lao động bị mất việc không chịu ngồi nhàn rỗi. Sự tự động hóa đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm triệu người ở những lĩnh vực mới. Những người từng làm nông giờ đây đang quản lý các nhà máy sản xuất thiết bị nông nghiệp, ô tô và các sản phẩm công nghiệp khác. Kể từ đó từng làn sóng nghề nghiệp mới lũ lượt xuất hiện: người sửa chữa thiết bị, người làm nghề in offset1, nhà hóa học thực phẩm, nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế web, mỗi ngành nghề lại dựa trên một sự tự động hóa. Ngày nay, đa số chúng ta đang làm những công việc mà không người nông dân nào những năm 1800 có thể tưởng tượng ra. 1 In Offset là một kỹ thuật in ấn trong đó, các hình ảnh dính mực in được ép lên các tấm cao su (còn gọi là các tấm offset) trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy. Dù có thể khó tin, nhưng trước khi thế kỷ này kết thúc, 70% các ngành nghề hiện nay sẽ bị thay thế bằng sự tự động hóa, kể cả công việc mà bạn đang làm. Hay nói cách khác, sự xuất hiện của robot là tất yếu và việc những công việc bị nó thay thế chỉ là vấn đề thời gian. Cuộc cách mạng này sẽ được dẫn đầu bởi làn sóng tự động hóa thứ hai, với trung tâm là trí tuệ nhân tạo, những cảm biến giá rẻ và những máy móc biết học hỏi. Sự tự động hóa quy mô lớn này sẽ chạm đến mọi ngành nghề từ lao động chân tay đến lao động trí óc. Thứ nhất, máy móc sẽ củng cố vị trí trong lĩnh vực công nghiệp tự động. Sau khi robot hoàn tất việc thay thế các công nhân dây chuyền, chúng sẽ thay thế tiếp các công nhân kho. Các robot tốc độ cao có thể nâng một lượng hàng nặng 150 pound cả ngày, và còn có thể lấy các thùng hàng, phân loại và chất lên xe tải. Những robot như thế này đã và đang làm việc tại nhà kho của Amazon. Việc thu hoạch rau và hoa quả sẽ tiếp tục được robot hóa cho đến khi con người không còn phải tự mình đi hái rau quả. Các hiệu thuốc sẽ có một robot bốc thuốc phía sau trong khi dược sĩ tập trung tư vấn cho bệnh nhân. Trên thực tế, các robot phân phát thuốc thử nghiệm đã được vận hành tại các bệnh viện ở California. Đến nay, chúng chưa từng làm nhầm lẫn một đơn thuốc, điều với một dược sĩ là con người chưa chắc đã làm được. Tiếp đó, các công việc nhàm chán như lau dọn văn phòng và trường học sẽ được tiến hành bởi các robot hoạt động vào ban đêm, bắt đầu từ những việc đơn giản như lau sàn và cửa sổ và cuối cùng là việc phức tạp như lau dọn toilet. Robot sẽ được gắn vào buồng lái để lái xe tải trên những con đường cao tốc dài. Đến năm 2050, hầu hết các tài xế xe tải sẽ không phải là con người. Và bởi lái xe tải là nghề nghiệp phổ biến nhất ở Mỹ, nên đây sẽ là một vấn đề lớn. Trong khi đó, robot cũng tiếp tục tiến vào lĩnh vực lao động trí óc. Chúng ta đã có trí tuệ nhân tạo trong máy móc của mình, chỉ là chúng ta không coi đó là các AI. Một trong những máy tính mới nhất của Google có thể viết lời mô tả (caption) cho bất kỳ bức ảnh nào được đưa ra. Bạn chỉ cần lấy một ảnh bất kỳ trên web, máy tính sẽ “xem” ảnh và viết lời mô tả một cách hoàn hảo. Nó có thể mô tả không biết mệt những sự việc đang diễn ra từ một chuỗi ảnh hoặc từ một người. AI phiên dịch của Google biến một chiếc điện thoại di động thành một người phiên dịch. Bạn chỉ cần nói tiếng Anh vào mic và điện thoại di động sẽ lặp lại những gì bạn nói bằng tiếng Trung và tiếng Nga, tiếng Ả rập và hàng tá thứ tiếng khác mà người bản địa có thể hiểu. Hướng điện thoại di động của bạn về phía người nói và ứng dụng trên điện thoại di động cũng ngay lập tức dịch lại lời nói của người đó, từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ra tiếng Hindu, từ tiếng Pháp ra tiếng Hàn, v.v. Nó đương nhiên cũng có thể dịch cả chữ. Những nhà phiên dịch chuyên nghiệp vẫn sẽ giữ được việc làm của mình trong một thời gian, nhưng ngày qua ngày việc dịch trong kinh doanh sẽ được máy móc làm tốt hơn. Trên thực tế, bất kỳ công việc nào liên quan đến giấy tờ đều sẽ bị thay thế bởi máy móc, kể cả công việc trong ngành y. Những công việc liên quan đến những lượng thông tin và dữ liệu lớn có thể được tự động hóa. Dù bạn là bác sĩ, biên dịch viên, biên tập viên, luật sư, kỹ sư, phóng viên hay thậm chí là lập trình viên, robot cũng có thể thay thế bạn và sự thay thế này sẽ là một bước đột phá trong lịch sử. Chúng ta đã và đang ở tại điểm chuyển đổi này. Con người vốn đã có định kiến về hình dáng và hành động nên có của một robot thông minh và điều này có thể làm chúng ta không nhận biết được những gì đang diễn ra. Đòi hỏi trí tuệ nhân tạo phải giống như con người là một lỗi logic chẳng khác gì việc yêu cầu một chiếc máy bay vỗ cánh bay như loài chim. Robot cũng vậy, chúng sẽ suy nghĩ khác với con người. Lấy ví dụ về Baxter, một robot làm việc mới mang tính cách mạng của Rethink Robotics. Baxter được thiết kế bởi Rodney Brooks, cựu giáo sư MIT, người đã phát minh ra máy hút bụi Roomba và thiết bị đời sau của nó. Baxter là một ví dụ đời đầu về thế hệ mới của robot công nghiệp được tạo ra để làm việc cùng con người. Baxter không có một vẻ ngoài ấn tượng. Nó có những cánh tay dài, lớn và màn hình phẳng hiển thị như những robot công nghiệp khác, cánh tay của nó cũng làm những công việc tay chân lặp đi lặp lại như các robot ở nhà máy vẫn làm. Nhưng nó có ba điểm khác biệt đáng kể. Thứ nhất, nó có thể nhìn xung quanh và chỉ ra nơi nó đang nhìn bằng cách dịch chuyển đôi mắt hoạt hình trên đầu. Nó có thể nhận biết được có người đang làm việc ở gần đó và tránh làm họ bị thương. Và những công nhân cũng có thể biết được nó có đang nhìn họ không. Những robot công nghiệp trước đó không làm được điều này, có nghĩa là chúng phải được để riêng ra một chỗ tránh xa con người. Những robot nhà máy điển hình bị cùm chân trong một chuỗi hàng rào hoặc được đặt trong lồng kính. Đơn giản là chúng quá nguy hiểm khi đi lại lung tung vì chúng không nhận biết được người khác. Sự cách ly này khiến robot không thể làm việc trong các cửa hàng nhỏ vì việc này không thực tế. Theo cách tối ưu nhất, người công nhân phải lấy được các đồ dùng từ robot và ngược lại đưa đồ cho nó hoặc có thể điều chỉnh nó bằng tay trong cả ngày làm việc và việc cách ly robot khiến những thao tác này không khả thi. Tuy nhiên, Baxter lại có ý thức về con người xung quanh. Baxter sử dụng công nghệ phản hồi lực để nhận biết nó đang đâm vào người hoặc một con robot khác và tránh ra. Bạn có thể cắm Baxter vào ổ cắm trong ga ra và dễ dàng làm việc cùng nó. Thứ hai, ai cũng có thể dạy Baxter. Nó không nhanh, mạnh hay chính xác như các robot công nghiệp khác, nhưng lại thông minh hơn. Để đào tạo con robot, bạn chỉ cần đơn giản nắm lấy tay nó và hướng dẫn nó từng động tác theo trình tự. Nó giống như quá trình “xem tôi làm trước này.” Baxter học hỏi quy trình và làm lại nó. Mọi công nhân đều có thể thực hiện quá trình huấn luyện này, thậm chí cả khi họ không biết chữ. Những robot làm việc trước đây cần những kỹ sư trình độ cao và các lập trình viên lão luyện viết hàng nghìn dòng code (rồi sau đó sửa lỗi code) để hướng dẫn robot những động tác nhỏ nhất. Các code này phải được đưa vào chế độ xử lý lô (với những lô lớn và không thường xuyên) vì robot không thể tự lập trình trong khi đang được sử dụng. Chi phí thực sự cho một robot công nghiệp điển hình không phải ở phần cứng mà ở công đoạn vận hành, với mức giá hơn 100.000 đô la để mua một con robot và tốn gấp bốn lần như thế trong suốt vòng đời của con robot để lên chương trình và huấn luyện, duy trì nó. Chi phí cứ thế tăng lên đến nửa triệu đô hoặc còn cao hơn. Và khác biệt thứ ba của Baxter là giá rẻ, chỉ với 25.000 đô la là cả một sự khác biệt lớn so với 500.000 đô của robot công nghiệp tiền thân. Sự vượt trội này giống như là: một robot lâu đời được lên chương trình với chế độ xử lý lô là những máy tính lớn của thế giới, còn Baxter là robot PC (máy tính cá nhân) đầu tiên. Bởi vậy, Baxter không giống như máy móc thời kỳ đầu, và người dùng có thể tương tác trực tiếp với nó một cách nhanh chóng mà không cần đợi các chuyên gia, và người dùng còn có thể sử dụng nó trong những công việc đơn giản. Nó đủ rẻ để những nhà sản xuất nhỏ mua và dùng nó để đóng gói hàng hóa, sơn các sản phẩm hoặc chạy máy in 3D. Hoặc để nó làm nhân viên ở nhà máy sản xuất iPhone. Baxter được sản xuất trong một tòa nhà gạch xây từ một thế kỷ trước, nằm gần sông Charles ở Boston. Năm 1894, tòa nhà này đã sản xuất ra một kiệt tác mới đứng ở vị trí trung tâm của thế giới sản xuất. Baxter còn có thể tự cấp điện cho mình. Trong 100 năm, những nhà máy bên trong những bức tường của tòa nhà này đã thay đổi thế giới của chúng ta. Khả năng của Baxter và sự gia tăng số lượng các robot cao cấp biết làm việc đã thôi thúc nhà sáng chế Brooks tính toán bằng cách nào robot sẽ dịch chuyển ngành sản xuất và tạo ra những thay đổi mạnh mẽ hơn cả cuộc cách mạng công nghiệp trước. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ văn phòng trong khu công nghiệp trước đây, ông nói, “Ngay lúc này chúng ta đang nghĩ đến việc sản xuất ở Trung Quốc, nhưng khi chi phí sản xuất giảm nhờ có robot, chi phí vận chuyển sẽ trở thành vấn đề lớn hơn. Những hàng hóa ở gần sẽ có giá rẻ. Nên chúng ta sẽ tập hợp một mạng lưới các nhà máy nhượng quyền thương mại địa phương, trong đó hầu như mọi thứ sẽ được làm ra trong vòng năm dặm bán kính nơi người tiêu dùng có nhu cầu.” Điều này có thể đúng cho việc sản xuất hàng hóa, nhưng vẫn còn nhiều công việc cho con người trong lĩnh vực dịch vụ. Tôi mời Brooks đi với mình đến một cửa hàng McDonald địa phương và chỉ ra những công việc mà robot của ông có thể thay thế con người. Brooks tỏ ra nghi ngại trước ý tưởng của tôi và gợi ý rằng ít nhất cũng phải mất 30 năm trước khi robot có thể nấu nướng. “Trong thế giới đồ ăn nhanh, chúng ta sẽ không làm cùng một công việc trong thời gian dài. Chúng ta sẽ luôn thay đổi thứ này thứ khác rất nhanh chóng, nên cần có những giải pháp đặc biệt. Chúng ta không bán những giải pháp cụ thể mà đang xây dựng những máy móc có mục đích chung để công nhân có thể lên chương trình cho máy và làm việc cùng chúng.” Một khi chúng ta có thể cùng làm việc với robot ở ngay bên cạnh, công việc của chúng ta tất yếu sẽ được san sẻ cho robot và những công việc cũ của chúng ta sẽ được nhường cho chúng, còn công việc mới của chúng ta sẽ là những thứ ta khó mà tưởng tượng được. Để hiểu cách robot sẽ thay thế con người như thế nào, tốt nhất chúng ta nên chia nhỏ quan hệ của con người với robot theo bốn loại. 1. Những công việc con người có thể làm và robot còn làm tốt hơn Con người có thể dệt vải cotton với nhiều nỗ lực, nhưng những khung dệt tự động dệt được hàng dặm vải dài chỉ trong vài cent1. Lý do duy nhất người ta còn mua vải dệt tay là vì mong muốn một sự không hoàn hảo chân thật của con người (hàng thủ công độc đáo, số lượng giới hạn). Nhưng gần như chẳng có lý do gì để muốn có một chiếc xe không hoàn hảo. Chúng ta đã không còn đánh giá sự “độc đáo” của chiếc ô tô được lắp bằng tay khi đi 70 dặm một giờ trên đường cao tốc, nên chúng ta cho rằng, càng ít bàn tay con người chạm vào chiếc xe trong quá trình sản xuất thì càng tốt. 1 Đơn vị đo khoảng cách âm thanh trong công nghệ. Đối với những công việc phức tạp hơn, chúng ta vẫn có xu hướng tin rằng máy tính và robot không đáng tin, dù niềm tin này là không đúng. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn rất chậm chạp trong khi công nhận máy móc đã thuần thục những công việc thường ngày, và trong một số trường hợp chúng còn vượt qua cả mức độ thành thạo của con người. Một trí não của máy tính được biết đến là autopilot - phi công tự động có thể lái máy bay 787 mà chỉ cần trợ giúp trong bảy phút của một chuyến bay điển hình. Phi công là con người chỉ cần ngồi trong buồng lái điều khiển máy bay trong bảy phút ấy và để phòng khi máy móc vận hành gặp trục trặc, nhưng thời gian cần đến phi công là con người đang giảm đi đáng kể. Trong những năm 1990, các máy móc thực hiện việc đánh giá thế chấp đã thay thế những thẩm định viên bán buôn là con người. Nhiều công đoạn chuẩn bị thuế, cũng như các hoạt động phân tích kết quả chụp X quang và thu thập các bằng chứng trong một vụ án từng được làm bởi những người tài giỏi được trả phí cao, nay đã được thay thế bởi máy tính. Chúng ta đã hoàn toàn chấp nhận sự đáng tin cậy của robot trong công việc sản xuất ở nhà máy, và cũng sẽ nhanh chóng chấp nhận rằng robot làm tốt hơn con người trong các công việc dịch vụ và tri thức. 2. Những công việc con người không thể làm nhưng robot thì có thể Một loạt ví dụ nhỏ nhặt như: con người khó mà tạo ra một ốc vít đồng mà không được hỗ trợ, nhưng sự tự động hóa có thể sản xuất cả nghìn cái một cách chính xác trong một giờ. Nếu không có tự động hóa, chúng ta không thể tạo ra chỉ một con chip máy tính, vì đây là công việc đòi hỏi mức độ chính xác, kiểm soát cao và sự chú ý không rời mà con người không có được. Không có con người hay nhóm người với trình độ giáo dục nào có thể nhanh chóng tìm ra trong tất cả các trang web trên thế giới có một trang web nói về giá mua trứng ở Kathmandu ngày hôm qua. Mỗi lần bạn click vào nút tìm kiếm là bạn đang thuê một robot làm những thứ mà loài người chúng ta không thể tự làm. Khi việc thay thế những công việc cũ của con người bằng robot nhận được nhiều sự chú ý thì lợi ích lớn nhất robot và sự tự động hóa đem lại là những công việc mà con người không thể làm. Chúng ta không có đủ sự tập trung để kiểm tra mỗi milimet vuông của mọi bản chụp cắt lớp để tìm ra tế bào ung thư. Chúng ta không có hàng mili giây phản xạ cần để thổi thủy tinh khi tạo hình các chai, lọ. Và ta cũng không có một bộ nhớ không sai sót để có thể theo dõi từng trận đấu trong mùa giải bóng chày Major và tính toán xác suất của trận tiếp theo trong thời gian thực. Chúng ta không trao những công việc dễ dàng cho robot mà hầu hết đều đẩy cho chúng những công việc ta không thể làm. Không có robot, những việc này sẽ không bao giờ được thực hiện. 3. Những công việc chúng ta còn không biết là mình muốn làm Đây chính là một tính năng tuyệt vời của robot, với sự hỗ trợ của robot và các trí tuệ máy tính, con người đã có thể làm những việc mà mình không bao giờ tưởng tượng ra 150 năm trước. Ngày nay chúng ta có thể loại bỏ một khối u trong ruột thông qua đường rốn, quay video trong đám cưới, lái tàu lên S ao H ỏa, in một họa tiết lên vải mà bạn mình đã gửi qua email. Chúng ta đang làm và được trả lương để làm những việc chắc chắn gây sốc đối với những người nông dân hồi năm 1800. Những thành tựu mới này không chỉ đơn thuần là những công việc khó khăn trước đây, mà còn là những công việc được tạo ra bởi năng lực của máy móc. Chính máy móc đã sáng tạo ra những công việc này. Trước khi xe ô tô, máy điều hòa, màn hình phẳng và phim hoạt hình được tạo ra, không ai sống ở thời Rome cổ đại hy vọng họ có thể xem những bức tranh di chuyển trong khi lái xe đến Athens và ngồi mát mẻ trong chiếc xe bật điều hòa (đây là điều tôi mới làm vài tuần trước). Không một người Trung Quốc nào 100 năm trước lại nói rằng họ muốn mua một tấm thủy tinh bé xíu (chính là chiếc điện thoại thông minh) giúp nói chuyện với bạn bè phương xa trước khi mua một cái ống nước trong nhà. Nhưng hiện nay, rất nhiều người nông dân ở nước này vẫn mua di động mà chẳng cần đến ống nước. Những AI tinh xảo gắn vào những trò chơi xạ thủ ở góc nhìn thứ nhất đã thúc đẩy nhiều nam thiếu niên mong muốn trở thành các nhà thiết kế trò chơi chuyên nghiệp, một giấc mơ mà không cậu bé nào thời Victoria nghĩ đến. Những sáng chế của chúng ta gắn liền với công việc mình làm. Mỗi bit tự động hóa thành công sẽ mở ra một nghề nghiệp mới, những nghề nghiệp mà ta đã không nghĩ đến nếu không được thúc đẩy bởi sự tự động hóa. Để nhắc lại, những công việc mới tạo ra bởi sự tự động hóa là những việc chỉ sự tự động hóa mới giải quyết được. Hiện nay chúng ta có các công cụ tìm kiếm như Google, và giao cho nó hàng nghìn công việc (lặt vặt) mới. Google, nói cho tôi biết di động của tôi ở đâu. Google, hãy kết nối những bệnh nhân trầm cảm với các bác sĩ bán thuốc tương ứng. Google, hãy dự đoán xem khi nào đợt dịch virus nữa lại bùng nổ. Công nghệ không có sự phân biệt giữa các mệnh lệnh này, nó chỉ đơn giản đem đến các khả năng và lựa chọn cho cả con người và máy móc. Chắc chắn rằng những nghề nghiệp thu nhập cao trong năm 2050 sẽ phụ thuộc vào sự tự động hóa và những máy móc còn chưa được phát minh. Bởi vậy tại thời điểm này, chúng ta không thể lường trước được những công việc mới, vì chúng ta còn chưa thấy được những máy móc sẽ tạo ra công việc ấy. Robot tạo ra những công việc mà chúng ta còn chẳng biết là mình muốn làm. 4. Công việc mà ban đầu chỉ có con người làm được Việc mà trong một thời gian dài chỉ có con người mới làm được là quyết định mình muốn làm gì. Những mong muốn của chúng ta bắt nguồn từ những phát minh đã có, đây là vòng tuần hoàn tạo ra cái mới dựa trên cái cũ. Khi robot và sự tự động hóa làm những công việc cơ bản nhất, giúp chúng ta ăn, mặc, ở dễ dàng hơn và từ đó, chúng ta phải đặt ra câu hỏi, “Loài người tồn tại vì mục đích gì?” Công nghiệp hóa đã mang đến nhiều thay đổi bên cạnh việc gia tăng tuổi thọ trung bình của con người. Nó đã khiến một bộ phận lớn dân số quyết định rằng họ nên trở thành vũ công ba lê, nhạc sĩ, nhà toán học, vận động viên, nhà thiết kế thời trang, huấn luyện viên yoga, tiểu thuyết gia giả tưởng, và dần dần, máy móc cũng sẽ làm đến những công việc này. Từ đó, chúng ta lại được thôi thúc để nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo. Sẽ cần đến nhiều thế hệ trước khi robot có thể giúp ta trả lời câu hỏi đó. Nền kinh tế hậu công nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng bởi công việc của mỗi người sẽ là nghĩ ra những việc làm mới để sau đó việc này được làm thay bởi robot. Trong những năm tới, robot lái xe ô tô và xe tải sẽ trở nên phổ biến; sự tự động hóa này sẽ tạo ra các nghề mới cho các tài xế trước đây. Thay vì lái xe, họ sẽ là những người làm nhiệm vụ tối ưu hóa chuyến đi, tính toán giao thông để sử dụng thời gian và năng lượng một cách hiệu quả. Các robot phẫu thuật sẽ khiến con người cần những kỹ năng y học mới để kiểm soát các máy móc phức tạp. Khi các thiết bị tự giám sát dõi theo mọi hoạt động của bạn trở nên phổ biến, con người sẽ đóng vai trò như những nhà phân tích để phân tích dữ liệu thu thập được. Và tất nhiên chúng ta còn là những người chăm sóc và quản lý các robot đang được sử dụng. Mỗi nghề nghiệp mới này rồi cũng sẽ được đảm nhiệm bởi robot. Cuộc cách mạng thực sự bùng nổ khi mọi người đều có robot làm việc dạng cá nhân là những thế hệ sau của Baxter, luôn sẵn sàng nhận lệnh. Hãy tưởng tượng khi bạn là một trong 0,1% dân số vẫn làm nông. Bạn vận hành một trang trại hữu cơ nhỏ với nông sản bán trực tiếp cho khách hàng. Bạn vẫn có một công việc là nông dân, nhưng robot sẽ làm hầu hết mọi việc. Đội ngũ robot của bạn sẽ làm việc ngoài trời nắng, chúng sẽ làm cỏ, kiểm soát côn trùng, dịch bệnh và thu hoạch sản phẩm theo chỉ đạo của một mạng lưới thăm dò thông minh dưới lòng đất. Với tư cách là một nông dân kiểu mới, công việc của bạn sẽ là giám sát hệ thống nông trại. Công việc trong một ngày của bạn có thể là nghiên cứu giống cà chua mới để trồng, ngày tiếp theo sẽ là nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, rồi ngày sau đó thì cập nhật thông tin khách hàng. Robot sẽ tiến hành những việc khác có thể đo lường được. Ai cũng sẽ được tiếp cận một robot cá nhân, nhưng chỉ đơn thuần sở hữu một con robot chưa chắc đã đảm bảo thành công, mà con người còn cần phải có quy trình làm việc tối ưu nhất với robot và các máy móc. Những khu sản xuất tập trung sẽ làm nên sự thay đổi, không phải bởi sự khác biệt trong giá lao động mà là sự khác biệt trong trình độ chuyên môn của con người. Đây là một dạng cộng sinh giữa con người và robot. Nhiệm vụ của con người là tạo ra việc làm cho robot và nhiệm vụ này sẽ không bao giờ chấm dứt. Bởi thế, ta sẽ luôn luôn có ít nhất một “công việc”. Trong những năm tới, mối quan hệ giữa người với robot sẽ trở nên phức tạp hơn. Nhưng một đường hướng được lặp lại để thiết lập mối quan hệ đó đã và đang diễn ra. Bất kể công việc và mức lương hiện tại của bạn là gì và là bao nhiêu, bạn sẽ tiến lên theo một quá trình tất yếu của sự phủ nhận hết lần này đến lần khác. Dưới đây là bảy bước để robot thay thế con người: 1. robot/máy tính không thể làm việc tôi làm 2. [Sau đó.] Nó có thể làm nhiều việc, nhưng không thể làm mọi việc tôi làm 3. [Sau đó.] Nó có thể làm mọi việc tôi làm, nhưng nó vẫn cần tôi khi bị hỏng hóc, và việc hỏng hóc này là khá thường xuyên. 4. [Sau đó.] Nó vận hành mà không mắc một lỗi nào trong những công việc thường ngày, nhưng nó vẫn cần được chỉ dẫn trong những công việc mới. 5. [Sau đó.] Nó có thể chiếm những công việc cũ và tẻ nhạt của tôi, vì rõ ràng là chẳng ai muốn làm những công việc đó. 6. [Sau đó.] Giờ thì robot đang làm những công việc cũ. Còn việc làm mới của tôi thì thú vị và lương cao hơn. 7. [Sau đó.] Mừng là robot/máy tính không thể làm được những việc tôi đang làm. [Lặp lại bảy bước này] Đây không phải là một cuộc đua chống lại máy móc, vì nếu là vậy, thì loài người chắc chắn sẽ thua. Đây là cuộc đua với máy móc. Trong tương lai, bạn sẽ được trả công tùy vào mức độ làm việc của bạn với robot tốt đến đâu. 90% đồng nghiệp của bạn sẽ là những máy móc không thể nhìn thấy và đa số những gì bạn làm sẽ không thể hoàn tất nếu thiếu máy móc. Và sẽ chỉ có một đường ranh giới mờ giữa việc bạn làm và việc máy móc làm. Lúc đầu bạn có thể không nghĩ đây là một công việc, vì bất cứ việc gì có vẻ cực nhọc sẽ được chuyển cho robot. Chúng ta cần để cho robot chiếm lấy những việc này. Nhiều công việc mà các chính trị gia đang đấu tranh không cho robot làm thực ra lại là những công việc chẳng ai muốn làm khi vừa thức dậy vào buổi sáng. Robot sẽ làm những việc chúng ta vẫn thường làm. Chúng sẽ còn làm những việc chúng ta chưa bao giờ nghĩ là cần phải làm. Chúng sẽ giúp con người tìm ra những công việc mới, những công việc sẽ mở rộng khái niệm về con người. Máy móc sẽ giúp chúng ta tập trung vào việc trở thành một thực thể ưu việt hơn cả loài người hiện tại. Đây là điều tất yếu. Hãy cứ để robot làm những công việc của chúng ta, để chúng giúp chúng ta vẽ ra những công việc ý nghĩa mới. 3Dòng chảy I nternet là cỗ máy sao chép lớn nhất thế giới. Ở mức độ cơ bản nhất, chiếc máy này có thể sao chép mọi hành động, mọi đặc tính, phẩm chất và mọi suy nghĩ chúng ta tạo ra khi đang lướt mạng. Để có thể gửi tin nhắn từ một vị trí trong mạng đến một vị trí khác, các nguyên tắc truyền thông đòi hỏi rằng toàn bộ tin nhắn phải được sao chép nhiều lần trong quá trình truyền tin. Một vài bit dữ liệu có thể được sao chép hàng tá lần trong một ngày khi chúng được chuyển qua chuyển lại giữa bộ nhớ, bộ nhớ đệm (cache), máy chủ, bộ định tuyến (router ). Các công ty công nghệ đã kiếm được rất nhiều tiền bằng việc bán các thiết bị giúp thuận lợi hóa quá trình sao chép không ngừng này. Nếu một thứ bình thường có thể được sao chép như bài hát, bộ phim, quyển sách được đưa vào Internet thì chắc chắn thứ đó sẽ được sao chép. Nền công nghiệp số hóa được vận hành trên dòng chảy của sự sao chép tự do. Trên thực tế, mạng lưới truyền thông số hóa của chúng ta đã được thiết kế để các bản sao chép có thể được truyền tải với ít gián đoạn nhất có thể. Những bản sao chép này được luân chuyển tự do để chúng ta có thể coi Internet là một mạng lưới siêu dẫn truyền. Một khi bản sao chép được hoàn thiện, nó sẽ tiếp tục được luân chuyển trong mạng lưới mãi mãi, giống như dòng điện chảy trong một đường dây siêu dẫn. Đây chính là cách một thứ trở nên phổ biến trên Internet. Bản sao chép được sao chép tiếp và những bản sao này tiếp tục được đưa ra ngoài, tạo thành một làn sóng bản sao không dứt. Một bản sao được đưa vào Internet sẽ không bao giờ bị xóa bỏ hết. Chúng ta không thể ngăn cản sự sao chép ồ ạt không phân biệt này. Điều này không chỉ phá hoại động lực của sự thịnh vượng mà còn làm trì hoãn chính Internet. Những sản phẩm hữu hình trước kia được làm từ thép và da hiện nay được bán dưới dạng các dịch vụ luôn được cập nhật. Chiếc ô tô đỗ trên đường của bạn đã trở thành dịch vụ giao thông theo nhu cầu và được cung cấp bởi Uber, Lyft, Zip và Sidecar, những dịch vụ vận hành nhanh hơn ô tô thông thường. Các cửa hàng tạp hóa không còn là cuộc tranh giành hàng hóa một mất một còn, ngày nay, hàng hóa luôn được bổ sung và được đưa đến tận nhà bạn. Bạn có một chiếc di động tốt hơn sau vài tháng vì dòng chảy của các hệ thống vận hành mới được tự động cài đặt vào di động thông minh của bạn, với nhiều tính năng và lợi ích mới mà trong quá khứ cần phải có phần cứng mới thì máy có thể nâng cấp được những tiện ích này. Hiện nay, khi có phần cứng mới, bạn không cần phải bắt đầu từ đầu vì dịch vụ di động vẫn duy trì hệ thống vận hành bạn đang có và nó sẽ chuyển các dữ liệu cá nhân của bạn vào thiết bị mới. Toàn bộ quá trình cập nhật không ngừng này sẽ luôn diễn ra. Đây chính là giấc mơ của con người về một dòng chảy vô tận của những sự cải tiến. Trung tâm của sự thay đổi này là dòng chảy không ngừng của những phép tính toán tinh vi hơn. Chúng ta đang tiến vào giai đoạn thứ ba của sự tính toán mang tên Dòng chảy. Thời kỳ đầu của điện toán được vay mượn từ thời kỳ công nghiệp. Theo những quan sát của Marshall McLuhan, phiên bản đầu tiên của thiết bị truyền thông mới giống như một bản bắt chước của thiết bị truyền thông mà nó thay thế. Chiếc máy tính thương mại đầu tiên đã vay mượn những hình ảnh mô phỏng của văn phòng làm việc, với một màn hình có “desktop” (mặt bàn), các “thư mục” (folders) và “tập tin” (files). Chúng được tổ chức theo thứ bậc khá tương đồng với thời kỳ công nghiệp hóa trước đây. Thời kỳ số hóa lần thứ hai đã thay đổi toàn bộ thế hệ vay mượn trước và đưa chúng ta đến các nguyên tắc tổ chức của mạng lưới. Các đơn vị nền tảng không còn là tập tin mà là các “trang”. Các trang này không được tổ chức thành các thư mục mà là các mạng lưới (web). Web gồm một tỷ các trang liên kết và những trang này có mọi thứ, cả những thông tin được lưu trữ và cả những kiến thức mới được cập nhật. Giao diện màn hình desktop được thay thế bằng “trình duyệt” browser, là một cửa sổ đồng bộ mở ra các trang mạng. Và mạng lưới các đường dẫn này tạo thành một mặt phẳng. Hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ số hóa thứ ba. Các trang và các trình duyệt vẫn chưa kém phần quan trọng. Nhưng các đơn vị nền tảng chủ yếu là dòng chảy và các luồng luân chuyển. Chúng ta quản lý các luồng Twitter và dòng chảy các bài đăng trên Facebook. Chúng ta đưa các bức ảnh, phim và bản nhạc vào các luồng luân chuyển trên mạng. Các cột báo đưa tin tràn vào dưới các chương trình ti vi. Chúng ta đăng ký các luồng trên Youtube, gọi là kênh và đăng ký các RSS1 trên blog. Xung quanh chúng ta cũng tràn ngập các luồng thông báo và cập nhật. Các ứng dụng của chúng ta được nâng cấp trong một dòng chảy của sự cập nhật đều đặn. Các “tag” (nhãn) đã thay thế các đường link. Chúng ta dán nhãn, nhấn “like” và “favorite” các khoảnh khắc (ảnh, tin, video...) trong các luồng. Một số luồng mang tính tương tác như Snapchat, WeChat và WhatsApp hoạt động hoàn toàn trong hiện tại, không có quá khứ và tương lai. Chúng chỉ hòa vào dòng chảy khi người dùng truy cập và sử dụng. Bạn không thể truy lại những gì mình đã thấy hay xem trước nội dung gì. 1 Really Simple Syndication: Công nghệ Internet giúp người đọc có thể đọc được những tin tức mới nhất từ một hoặc nhiều website khác nhau mà không cần trực tiếp vào website đó. Hiện nay, trong kỷ nguyên thứ ba, chúng ta chuyển từ xử lý theo ngày sang xử lý trực tiếp theo thời gian thực. Khi gửi tin nhắn, chúng ta muốn được đáp lại ngay tức khắc. Khi tiêu tiền, chúng ta muốn được nhìn thấy sự thay đổi trong số tài khoản ngân hàng ngay lập tức. Tại sao chẩn đoán bệnh cần nhiều ngày để đưa ra kết quả thay vì báo kết quả ngay lập tức? Nếu làm một bài thi trong lớp, tại sao chúng ta không được biết điểm ngay? Đối với các tin tức, chúng ta cũng đòi hỏi được biết những chuyện đang xảy ra theo từng giây, chứ không phải biết những tin đã xảy ra từ cả tiếng trước. Tin tức phải được cập nhật vào đúng lúc nó xảy ra, nếu không thì nó không phải là “tin mới”. Việc này đã dẫn đến một kết quả quan trọng là để vận hành đúng thời gian thực, mọi thứ phải ở trong một dòng chảy không ngừng. Ví dụ, xem phim theo yêu cầu nghĩa là bộ phim phải đang diễn ra. Giống như đa số gia đình đăng ký sử dụng Netflix, gia đình chúng tôi cũng trở thành những người xem trực tiếp, chúng tôi chỉ xem những bộ phim đang được phát sóng chứ không bao giờ xem một bộ phim đã phát sóng. Các phim trên DVD của Netflix nhiều gấp 10 lần và cũng có chất lượng cao hơn những phim trong danh sách phát sóng trực tiếp, nhưng chúng tôi thà xem ít chương trình trực tiếp còn hơn là đợi đến hai ngày để xem chương trình đó ở bản DVD chất lượng tốt hơn. Tính đồng thời đã đánh bại chất lượng. Những cuốn sách theo thời gian thực cũng tương tự. Trong giai đoạn tiền số hóa, tôi mua sách in rồi rất lâu sau đó mới dành thời gian đọc. Nếu tìm thấy một cuốn sách thú vị trong hiệu sách thì tôi sẽ mua. Ban đầu, Internet giúp tôi có một danh sách đọc phong phú hơn với nhiều đề xuất trên mạng. Khi có Kindle, tôi chuyển sang mua sách điện tử, nhưng vẫn giữ thói quen mua sách bất cứ khi nào tìm thấy sách hay. Với một cú click đơn giản và tôi được sở hữu cuốn sách mình muốn. Rồi tôi phát hiện ra một điều mà có lẽ những người khác cũng cảm nhận được. Nếu tôi mua sách trước khi đọc đến, nó vẫn sẽ nằm ở danh mục cùng với những sách tôi chưa mua, nhưng ở gói đã thanh toán chứ không phải là chưa thanh toán. Vậy tại sao tôi không cứ để nó ở gói chưa thanh toán vì đằng nào tôi cũng đã đọc đến đâu? Từ đó đến nay, tôi chỉ mua sách khi sẵn sàng đọc nó trong 30 giây tới. Việc mua và đọc ngay lập tức này chính là một kết quả tự nhiên của xử lý theo thời gian thực tế. Trong thời kỳ công nghệ, các công ty làm mọi cách để tiết kiệm thời gian bằng cách gia tăng hiệu suất và năng suất. Nhưng ngày nay, việc gia tăng này là chưa đủ. Các tổ chức bây giờ còn phải tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Họ cần làm hết sức để tương tác với khách hàng theo thời gian thực. Một máy ATM để rút tiền mặt phải nhanh hơn và hiệu quả hơn việc chờ đợi ở ngân hàng. Nhưng điều khách hàng thực sự muốn là phải có tiền ngay lập tức và ngay tại chỗ như các dịch vụ thanh toán và chuyển khoản trực tuyến cung cấp bởi Square, PayPal, Alipay hoặc Apple Pay. Để có thể vận hành theo thời gian thực, các cơ sở hạ tầng công nghệ cần phải vận hành theo hình thức số hóa. Danh từ phải trở thành động từ, những vật thể rắn thì trở thành các dịch vụ. Dữ liệu không được phép bất động. Mọi thứ phải chảy vào luồng thời gian hiện tại. Sự kết hợp của hàng tỷ tỷ luồng thông tin đan xen và chảy lẫn vào nhau được gọi là “đám mây”. Các phần mềm chảy từ đám mây đến người dùng là các dòng nâng cấp. Đám mây là nơi bạn gửi các tin nhắn đến trước khi nó được gửi tới màn hình di động của bạn bè. Đám mây là nơi lưu trữ hàng loạt các bộ phim trong mạng lưới tài khoản phim của bạn cho đến khi bạn mở phim ra xem. Nó cũng là nơi chứa các bản nhạc mà bạn vẫn hay nghe để thư giãn. Đám mây cũng là nơi chứa đựng trí tuệ của Siri1, kể cả khi cô ấy nói chuyện với bạn. Đám mây chính là hình thức mô phỏng tổ chức mới cho máy tính. Đơn vị nền tảng của kỷ nguyên số hóa thứ ba là dòng chảy, nhãn (tag) và đám mây. 1 Một “cô trợ lý ảo” được Apple tích hợp sẵn trên các thiết bị của mình giúp người dùng có thể điều khiển thiết bị thông qua giọng nói. Người sử dụng có thể tương tác với iPhone mà không cần chạm vào màn hình, thay vào đó, chỉ cần nói và Siri sẽ trả lời, hoặc ra lệnh để Siri thực hiện. Nền công nghiệp đầu tiên vận hành theo thời gian thực và áp dụng lưu trữ đám mây cho các bản sao chính là công nghiệp âm nhạc. Sự đảo lộn to lớn mà âm nhạc đang trải qua hiện nay, sự chuyển đổi mà các nhà tiên phong như Napster và BitTorrent đã chỉ ra một thế kỷ trước, chính là sự thay đổi từ các bản sao tương tự thành các bản sao điện tử. Thời kỳ công nghiệp hóa từng được thúc đẩy bởi các bản sao tương tự chính xác và rẻ. Nhưng thời kỳ công nghệ thông tin được thúc đẩy bởi các bản sao điện tử chính xác và miễn phí. Miễn phí là điều khó bỏ qua. Nó thúc đẩy sự sao chép ở quy mô không thể tin được. Top 10 video ca nhạc đã được xem miễn phí hơn 10 tỷ lần. Tất nhiên, không chỉ có âm nhạc mà cả chữ viết, hình ảnh, video, trò chơi điện tử, toàn bộ các website, các phần mềm của công ty, các tập tin in 3D cũng được sao chép miễn phí. Trong thế giới online mới này, những thứ có thể sao chép được chắc chắn sẽ được sao chép miễn phí. Một quy luật phổ biến của kinh tế học nói rằng khi một thứ trở nên miễn phí và phổ biến, vị trí của nó trong phương trình kinh tế đột nhiên sẽ bị đảo ngược. Khi đèn điện vào ban đêm còn mới và khan hiếm, những người nghèo chỉ có thể thắp nến. Nhưng khi điện được tiếp cận dễ dàng và gần như miễn phí, sở thích của chúng ta thay đổi và nến trong bữa tối lại trở thành một thứ xa xỉ hào nhoáng. Trong thời kỳ công nghiệp, những bản sao chép chính xác đáng giá hơn những sản phẩm làm tay không đồng bộ. Chẳng ai muốn một chiếc tủ lạnh “độc đáo” được làm bởi bàn tay con người. Họ muốn một bản sao hoàn hảo. Các bản sao càng phổ biến, người ta lại càng muốn có nó, vì các sản phẩm sản xuất hàng loạt và tương đồng luôn đi kèm với một mạng lưới dịch vụ và sửa chữa đồng bộ, thuận tiện. Nhưng hiện giờ trục xoay của giá trị lại đảo lộn. Hàng vạn bản sao miễn phí đã phá hoại trật tự cũ. Trong thế giới số hóa quá bão hòa của những bản sao số hóa miễn phí và vô hạn, những bản sao trở nên quá rẻ và phổ biến, và do đó, những thứ không thể bị sao chép lại trở nên thực sự có giá trị. Khi các bản sao quá dư thừa, chúng trở nên vô giá trị. Khi các bản sao là miễn phí, bạn cần bán những thứ độc đáo không thể bị sao chép. Vậy thì, cái gì không thể bị sao chép? Lòng tin. Lòng tin không thể bị sao chép với số lượng lớn, bạn không thể mua lòng tin hàng loạt như mua hàng, cũng không thể tải về và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu hoặc nhà kho. Bạn không thể sao chép lòng tin của một người. Bởi lòng tin cần phải được xây dựng theo thời gian và không thể bị làm giả (ít nhất là về lâu về dài). Bởi chúng ta muốn làm ăn với những người đáng tin, chúng ta sẽ chi trả cao hơn để có được đặc quyền này. Chúng ta gọi đó là thương hiệu. Các công ty có tên tuổi có thể tính giá cao hơn cho cùng một sản phẩm và dịch vụ giống một công ty khác nhưng không có thương hiệu vì công ty có thương hiệu có những cam kết đáng tin cậy. Vậy nên, lòng tin là thứ trừu tượng làm gia tăng giá trị của thế giới đã bão hòa với những bản sao chép. Tương tự như lòng tin, còn nhiều phẩm chất khác cũng khó để sao chép và do đó trở nên có giá trị trong nền kinh tế đám mây. Cách tốt nhất để nhận biết những phẩm chất này là bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: Tại sao lại có người sẵn sàng trả tiền cho một thứ mà họ có thể có miễn phí? Và khi trả tiền cho thứ miễn phí đó, thực ra họ đang mua cái gì? Trên thực tế, những thứ giá trị không thể sao chép chính là những gì còn tốt hơn cả miễn phí. Miễn phí thì đương nhiên là tốt, nhưng những gì giá trị này còn tốt hơn vì bạn sẵn sàng bỏ tiền cho chúng. Tôi gọi những phẩm chất này là “generative” - những thứ “có thể tạo ra”. Một giá trị có khả năng tạo ra là phẩm chất hoặc đặc tính phải được tạo ra trong quá trình giao dịch. Một thứ có khả năng tạo ra không thể bị sao chép, nhân bản, lưu trữ hoặc chất vào kho, cũng không thể bị làm giả hay bị phỏng theo. Nó được tạo ra một cách độc nhất và dành cho từng lần giao dịch cụ thể. Nó làm tăng thêm giá trị cho các bản sao thiết kế và vì thế nó có thể được bán để sinh lời. Dưới đây là tám phẩm chất còn tốt hơn cả miễn phí. TÍNH TỨC THỜI Sớm hay muộn, bạn cũng sẽ tìm thấy bản sao miễn phí của bất cứ thứ gì mình muốn. Nhưng việc có được một bản sao gửi đến hộp thư của bạn ngay khi nó được phát hành, hoặc thậm chí là ngay khi nó được sản xuất (và còn chưa được phát hành) chính là một tài sản “generative - có thể tạo ra”. Rất nhiều người đến rạp để xem phim vào đêm công chiếu với giá cao hơn khi xem bộ phim sau đó miễn phí hoặc gần như miễn phí, thông qua thuê hoặc tải phim. Trên thực tế, khách hàng còn chẳng trả tiền cho bộ phim (vì nó miễn phí), mà họ trả tiền cho sự ngay lập tức, và sự ngay tức khắc này đóng vai trò như một lớp bao bì bên ngoài sản phẩm. Những hàng hóa càng có sớm thì càng đắt. Khi là một phẩm chất được rao bán, sự ngay lập tức cũng có nhiều cấp độ, bao gồm cả sự truy cập vào các phiên bản beta1. Phiên bản beta của phần mềm hoặc các ứng dụng từng không được đánh giá cao vì chúng không phải bản hoàn thiện, nhưng chúng ta dần hiểu ra rằng phiên bản này cũng là một dạng có thể có ngay tức khắc, điều làm nên giá trị cho chúng. Sự ngay lập tức là một cụm từ mang tính tương đối (nó có thể được tính theo phút hoặc theo tháng), nhưng lại có thể xuất hiện ở mọi hàng hóa và dịch vụ. 1 Phiên bản phần mềm nằm sau giai đoạn alpha và ngay trước phiên bản chính thức được đưa ra thị trường. TÍNH CÁ NHÂN HÓA Phiên bản chung của một bản ghi âm hòa nhạc có thể miễn phí, nhưng nếu bạn muốn mua một bản sao đã được điều chỉnh để đạt được chất lượng âm thanh hoàn hảo nhất trong phòng khách của riêng bạn, giống như thể buổi hòa nhạc đang được biểu diễn trong căn phòng của bạn, thì bạn phải trả chi phí cá nhân hóa sản phẩm. Bản sao miễn phí của một cuốn sách có thể được biên tập bởi nhà xuất bản để phù hợp với nền tảng đọc sách trước đây của bạn. Một bộ phim miễn phí bạn mua có thể được cắt bớt một số cảnh để phù hợp với nhu cầu xem phim trong gia đình của bạn (không có cảnh nóng và phù hợp với trẻ nhỏ). Trong cả hai ví dụ này, bạn có bản sao miễn phí và chi trả cho phiên bản cá nhân hóa của sản phẩm. Ngày nay, aspirin về cơ bản là miễn phí, nhưng aspirin được sản xuất dựa trên ADN riêng của bạn có thể rất có giá trị và đắt đỏ. Sự cá nhân hóa đòi hỏi nhiều lần trao đổi giữa nhà sáng chế và khách hàng, nghệ sĩ và fan hâm mộ, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nó là một sản phẩm mang tính “có thể tạo ra” cao vì nó là quá trình trao đổi nhiều lần và tốn thời gian giữa hai phía. Các nhà làm marketing gọi đó là “sự gắn bó”, bởi người làm ra và người dùng đều phải duy trì mối quan hệ gắn bó để tạo ra được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân của người dùng. Hơn nữa, sự thay đổi khách hàng hoặc bắt đầu lại từ đầu giữa hai bên là rất hạn chế. Bởi, bạn không thể nào cắt và dán (cut and paste) những công đoạn tương tác giữa người dùng và người sản xuất này. Ả Í SỰ GIẢI THÍCH Từng có một câu đùa rằng: “Phần mềm thì miễn phí, nhưng hướng dẫn sử dụng đáng giá 10.000 đô.” Và trên thực tế, đó không phải lời nói đùa. Một số công ty lớn như Red Hat, Apache và các công ty khác kiếm tiền bằng cách bán các bản hướng dẫn sử dụng và hỗ trợ cho các phần mềm miễn phí. Bản sao của code, vốn chỉ là mấy dòng bit, thì miễn phí. Nhưng các dòng code miễn phí trở nên có giá trị với hỗ trợ và hướng dẫn. Rất nhiều thông tin về gen và y học sẽ đi theo con đường này trong vài thập kỷ tới. Hiện nay, giá của một bản sao ADN là 10.000 đô, nhưng trong tương lai, giá sẽ giảm nhanh chóng và xuống đến 100 đô la. Sang đến năm tiếp theo, các công ty bảo hiểm sẽ đề nghị được cung cấp bản phân tích ADN miễn phí cho bạn. Khi bản sao ADN của bạn miễn phí, thì bản giải thích ý nghĩa của sự sắp xếp các nuclêôtit trong ADN và lời khuyên sức khỏe cho hệ gen tương ứng, tóm lại là bản hướng dẫn sử dụng gen của bạn sẽ có giá rất cao. Sản phẩm “có thể tạo ra” này sẽ được áp dụng với mọi loại dịch vụ phức tạp như đi lại và chăm sóc sức khỏe. TÍNH XÁC THỰC Bạn có thể dễ dàng có một ứng dụng phần mềm miễn phí trên các trang mạng lậu, nhưng kể cả khi bạn không cần hướng dẫn sử dụng, bạn cũng không muốn ứng dụng này có lỗi, phần mềm độc hại hoặc những thông tin rác (spam). Trong trường hợp đó, bạn sẽ phải trả tiền để có một bản sao chuẩn. Bạn có thể có phần mềm tương tự và miễn phí, nhưng lại không yên tâm khi sử dụng. Khi bỏ tiền ra, bạn không trả cho bản sao, mà trả cho tính “hàng thật” của nó. Hiện nay có vô số bản ghi của những lần biểu diễn ứng tấu của nhóm nhạc Grateful Dead, nhưng khi mua một phiên bản thật từ ban nhạc, bạn sẽ chắc chắn có được thứ mình muốn. Các nghệ sĩ từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề này. Các sản phẩm đồ họa được sao chép lại như ảnh, các bản in thạch bản thường được đóng dấu “hàng thật” của tác giả, thường là chữ ký, và làm tăng giá của sản phẩm. Các hình vẽ chìm kỹ thuật số và các công nghệ chữ ký khác không giúp bảo vệ bản gốc khỏi việc bị sao chép, mà chỉ như một sự nhận biết bản gốc dành cho những ai quan tâm. KHẢ NĂNG TRUY CẬP Sở hữu một cái gì đó thường khá vất vả, bạn phải giữ cho nó gọn gàng, cập nhật và với các đồ vật số hóa thì còn cần phải sao lưu. Trong thế giới di động, bạn cần phải mang các dữ liệu bên người khi đi bất cứ đâu. Rất nhiều người, trong đó có cả tôi, sẽ rất vui khi có người trông nom tài sản của mình và đưa hết chúng vào các đám mây lưu trữ. Tôi có thể có một cuốn sách hoặc từng trả tiền cho một bản nhạc và tôi trân trọng, nhưng tôi sẽ trả tiền cho Acme Digital Warrehouse để cung cấp những thứ tôi muốn theo một cách thức cũng như tôi muốn. Hầu hết những sản phẩm này sẽ có sẵn và miễn phí ở nhiều nơi, nhưng nó lại không tiện lợi. Khi trả tiền cho dịch vụ của Acme Digital Warrehouse, tôi có thể truy cập vào các ứng dụng miễn phí ở mọi nơi, chuyển nó vào bất cứ thiết bị nào và có một giao diện người dụng thuận tiện. Điều này cũng phần nào giống như những gì bạn có từ iTunes trong đám mây. Bạn trả tiền cho những bản nhạc dễ dàng truy cập mà không mất công tìm nó miễn phí ở những nơi khác. Trên thực tế, bạn không trả cho sản phẩm, mà bỏ tiền cho sự tiện lợi của việc truy cập dễ dàng và không cần phải tự mình duy trì, chăm sóc sản phẩm khi sử dụng. SỰ HIỆN THÂN Bản sao số hóa không có sự hiện thân mà chỉ xuất hiện dưới dạng ảo. Tất nhiên là tôi cũng vui khi được đọc bản PDF của một cuốn sách, nhưng đôi khi cũng thật tuyệt khi nhìn thấy chính những con chữ ấy được in trên giấy trắng và có bìa bọc bằng da. Cảm giác thật tuyệt vời. Các game thủ luôn tận hưởng việc chơi với các bạn trên mạng nhưng vẫn thường thích tụ tập và cùng chơi trong một phòng. Người ta trả hàng nghìn đô la để tận mắt đến dự một sự kiện thay vì xem phát sóng trực tiếp trên mạng. Có vô vàn cách hiện thân trong thế giới thực trái ngược với thế giới ảo phi vật thể. Sẽ liên tục có những công nghệ trình diễn mới mà khách hàng không có ở nhà, buộc họ phải đi ra ngoài mới có được như nhà hát hoặc thính phòng. Nhà hát giống như nơi đầu tiên mang đến phép chiếu laze, hiển thị ba chiều hoặc cả nhà hát đã là một không gian ba chiều sống động. Không gì chân thực hơn một bài hát được biểu diễn trực tiếp. Trong trường hợp này, âm nhạc thì miễn phí, còn màn biểu diễn mới đáng giá. Trên thực tế, nhiều nhóm nhạc hiện nay kiếm tiền bằng các buổi biểu diễn, chứ không phải từ các bài hát, bản nhạc mà họ hát và sáng tác. Công thức này nhanh chóng trở nên phổ biến không chỉ cho nhạc sĩ mà cả nhà văn. Sách thì miễn phí, nhưng cuộc nói chuyện, gặp gỡ tác giả thì không. Những chuyến lưu diễn trực tiếp, những buổi tọa đàm TED trực tiếp, những chương tình radio trực tiếp, những tour ẩm thực không thường xuyên, tất cả đều thể hiện sức mạnh và giá trị của sự hiện thân ngắn ngủi của những thứ mà bạn vốn có thể tải về miễn phí. SỰ ỦNG HỘ Các khách hàng ngưỡng mộ thầm kín hoặc các fan hâm mộ sẽ muốn trả tiền cho nhà sáng chế và tác giả... Các fan muốn ca ngợi và ghi nhận công sức của các nhạc sĩ, nhà văn, diễn viên và những người làm nghề sáng tạo khác với sự trân trọng của riêng họ, vì bằng cách đó, họ có thể kết nối với những người mà họ ngưỡng mộ. Nhưng họ chỉ chịu chi trả khi có đủ bốn điều kiện sau (và hiếm khi cả bốn điều kiện này hội tụ): 1. Việc này phải dễ thực hiện. 2. Giá cả phải chăng. 3. Họ phải nhận lại được lợi ích rõ ràng khi bỏ tiền ra và 4. Tiền bỏ ra phải trực tiếp đem lại lợi ích cho nhà sáng chế. Thỉnh thoảng các ban nhạc hoặc nghệ sĩ cũng để các fan hâm mộ tự giác trả số tiền họ muốn cho một bản sao. Kế hoạch “đóng góp tùy tâm” này về cơ bản đạt hiệu quả. Đó chính là minh chứng chính xác cho sức mạnh của sự ủng hộ dành cho thần tượng. Một trong những nhóm nhạc đầu tiên làm việc này là Radiohead. Họ đã kiếm được 2,26 đô la cho một lần tải album In Rainbows năm 2007 của mình. Đây cũng là album kiếm được nhiều tiền hơn tất cả các album trước cộng lại và còn giúp Radiohead bán được hàng triệu đĩa CD. Còn rất nhiều ví dụ khác về việc khán giả muốn trả tiền vì họ có được niềm vui khi sử dụng sản phẩm. KHẢ NĂNG TÌM VÀ PHÁT HIỆN Những sản phẩm “có thể tạo ra” đã kể trên mới chỉ là những công việc mang tính sáng tạo, còn khả năng phát hiện thì lại là sự tổng hợp của nhiều công sức. Bất kể giá cả thế nào, một tác phẩm vẫn vô giá trị trừ khi nó được ra mắt. Những kiệt tác chưa được tìm thấy thì chưa có giá trị. Hiện nay, có hàng triệu cuốn sách, bài hát, bộ phim, ứng dụng và hàng triệu thứ khác đang ra sức lôi kéo sự chú ý của khách hàng, hơn nữa đa số chúng đều miễn phí và có thể tìm được ở mọi nơi. Trước tình hình có vô số các tác phẩm/sản phẩm được ra mắt mỗi ngày, thì khả năng tìm kiếm trở nên có giá trị. Các fan dùng rất nhiều cách để phát hiện ra những tác phẩm có giá trị trong vô số sản phẩm được tạo ra. Họ tham khảo các lời bình luận, nhận xét, tìm kiếm qua thương hiệu của nhà xuất bản, hãng sản xuất, studio làm phim, và hơn hết là họ ngày một dựa vào các fan khác và bạn bè để có được lời khuyên về các sản phẩm tốt. Khách hàng ngày càng sẵn sàng trả tiền cho sự hướng dẫn. Cách đây không lâu, TV Guide đã có một triệu người đăng ký sẵn sàng trả tiền cho tạp chí này để giúp họ chỉ ra chương trình hay nhất trên ti vi. Đáng chú ý là những chương trình này đều miễn phí. TV Guide kiếm được nhiều tiền hơn doanh thu của cả ba hãng truyền hình hàng đầu mà họ đã gợi ý cho khán giả xem. Tương tự, tài sản lớn nhất của Amazon không phải là dịch vụ vận chuyển Prime mà là hàng triệu lượt review (bình luận, nhận xét) mà trang này thu thập được từ người dùng sau hàng thập kỷ. Người đọc sẽ trả tiền cho dịch vụ đọc trực tuyến Kindle Unlimited của Amazon dù họ có thể đọc những cuốn sách này miễn phí ở những trang mạng khác. Đó là bởi Amazon có những người review sẽ định hướng sách để đọc cho người đọc. Điều này cũng tương tự với Netflix. Các fan hâm mộ của phim ảnh sẽ trả tiền cho Netflix vì những lời đề xuất và giới thiệu phim mà bản thân họ không phát hiện ra khi tự mình lựa chọn phim. Những bộ phim này có thể miễn phí ở các trang khác, nhưng chúng ta lại không tìm được những bộ phim đó nếu không có Netflix. Đây là những ví dụ cho thấy bạn không trả tiền cho bản sao mà trả tiền cho khả năng tìm kiếm và phát hiện. Tám phẩm chất kể trên đòi hỏi nhà sáng tạo phải có một bộ kỹ năng mới. Thành công không còn đến từ khả năng phân phát tốt. Vì sự phân bổ gần như đã trở nên miễn phí khi được luân chuyển trên các luồng của mạng lưới. Các công cụ sao chép nhanh chóng trên mạng sẽ thực hiện điều đó. Kỹ năng bảo vệ bản gốc cũng không còn hữu dụng vì việc sao chép không thể bị ngừng lại một khi sản phẩm đã được đưa lên mạng. Việc cố gắng ngăn cấm sao chép bằng những cảnh báo pháp lý hoặc những thủ thuật công nghệ đã không còn hiệu quả. Việc tích trữ và giữ cho sản phẩm khan hiếm cũng vậy. Thay vào đó, tám phẩm chất này sẽ cần được nuôi dưỡng dần dần để không thể bị sao chép chỉ với một lần click chuột. Thành công trong kỷ nguyên mới này đồng nghĩa với việc nắm bắt được dòng chảy trên Internet. Dòng chảy của Internet đã mang đến nguồn sức mạnh mới. Bạn không còn cần để tâm đến việc các DJ trên radio sẽ chọn bài gì. Với nhạc trên Internet, bạn có thể nghe các bài hát trong một album hoặc nghe các album khác nhau theo thứ tự lựa chọn. Bạn có thể tua nhanh hoặc kéo chậm bài hát lại để nghe thỏa thích. Bạn có thể cắt một đoạn nhạc mẫu và sử dụng cho mục đích riêng của mình, thay lời bài hát hoặc điều chỉnh một bản nhạc cho phù hợp với chiếc loa trầm trong ô tô. Bạn hoặc bất cứ ai cũng có thể thu thập 2.000 phiên bản của cùng một bài hát và tạo ra một điệp khúc tổng hợp từ các bản ghép nhạc đó. Tính siêu dẫn của công nghệ số hóa đã giải phóng âm nhạc khỏi vỏ chứa gò bó của những đĩa than và các cuộn băng. Hiện nay, từ một bản nhạc bốn phút, chúng ta có thể lọc, bẻ âm thanh, lưu trữ, tái sắp xếp và remix bản nhạc đó. Nó không chỉ miễn phí mà còn hoàn toàn tự do thoải mái. Giờ đây bạn có cả ngàn cách để “làm ảo thuật” với các nốt nhạc. Như vậy, thứ có giá trị ở đây không phải là số lượng bản sao mà là số cách một bản sao có thể được liên kết, thay đổi, chú thích, gắn nhãn, đánh dấu, ghim, dịch và được làm sống động bởi các phương tiện khác. Giá trị đã dịch chuyển từ bản sao sang các cách nghe lại, chú thích, cá nhân hóa, chỉnh sửa, xác thực, hiển thị, đánh dấu, chuyển giao và làm một công việc trở nên thú vị. Những việc này càng được thực hiện suôn sẻ thì nó càng đem lại giá trị cho bản nhạc. Hiện nay trên mạng có ít nhất 30 dịch vụ âm nhạc, tinh vi hơn nhiều dịch vụ Napster gốc. Các dịch vụ cung cấp cho người nghe một loạt cách để chơi các đoạn nhạc không giới hạn. Dịch vụ yêu thích của tôi là Spotify vì nó bao gồm rất nhiều tiện ích mà các dịch vụ khác có thể cung cấp. Spotify là một đám mây lưu trữ với 30 triệu bản nhạc. Tôi có thể tìm kiếm trong kho lưu trữ rộng lớn đó để tìm ra bài hát cụ thể nhất, kỳ lạ nhất và huyền bí nhất. Trong khi nghe nhạc tôi vẫn có thể click chọn để xem lời bài hát. Spotify giúp tôi lập nên một trạm radio cá nhân ảo gồm các danh mục bài hát tôi yêu thích. Tôi có thể thay đổi danh sách phát nhạc bằng cách bỏ qua một bài hát hoặc xóa nó khỏi danh sách khi không muốn nghe nữa. Về bản chất, dịch vụ nhạc số này là miễn phí. Nếu không muốn nhìn hay nghe các quảng cáo hiển thị trên Spotify để trả tiền cho nghệ sĩ, bạn có thể đăng ký gói dịch vụ tháng. Trong phiên bản phải trả tiền, tôi có thể tải các tập tin nhạc về máy và remix các bài hát nếu tôi muốn. Trong thời kỳ của các dòng chảy trên mạng, tôi có thể mở danh mục phát nhạc và trạm radio cá nhân từ bất kỳ thiết bị nào, kể cả di động, hoặc dẫn nhạc trực tiếp đến loa ở bếp và phòng ngủ. Một loạt các trang cung cấp dịch vụ nhạc số khác, chẳng hạn như Sound Cloud, hoạt động giống như phiên bản nhạc không hình của YouTube, đang khuyến khích 250 nghìn người dùng tự đăng tải nhạc của mình lên các trang này. Các dòng chảy mang lại nhiều thuận lợi mới trong lĩnh vực sáng tạo. Loại hình âm nhạc thay thế này đã khích lệ những người nghiệp dư tự tạo ra các sản phẩm âm nhạc và đăng tải lên Internet. Để tạo ra các định dạng mới, các công cụ miễn phí luôn có sẵn và được phân phối trực tuyến cho phép người hâm mộ remix các bài hát, đoạn nhạc, học lời bài hát hay chơi lại các giai điệu bằng nhạc cụ ảo trên Internet. Những người không chuyên nghiệp bắt đầu làm nhạc giống như cách các nhà văn tạo nên một quyển sách, bằng cách sắp xếp lại các thành phần (chữ viết đối với nhà văn và các đoạn hợp âm đối với nhạc sĩ) theo ý tưởng của họ. Tính siêu dẫn của các bit số hóa đóng vai trò như chất bôi trơn để mở ra nhiều lựa chọn mới cho ngành âm nhạc. Âm nhạc đang chảy trong các tần số kỹ thuật để tiến đến những lãnh địa mới. Trước khi nhạc số xuất hiện, âm nhạc chỉ chiếm một góc nhỏ lưu trong các đĩa than và được phát trên radio, nghe ở các buổi hòa nhạc và trong vài trăm bộ phim mỗi năm. Sau thời kỳ kỹ thuật số, âm nhạc xuất hiện trên tất cả các phần còn lại của thế giới và đang lan đến mọi ngóc ngách của đời sống. Khi được lưu trữ trong các đám mây, âm nhạc truyền đến tai chúng ta thông qua tai nghe khi chúng ta đang đi nghỉ ở Rome hoặc đang xếp hàng ở Cơ quan Quản lý Phương tiện cơ giới (DMV)1. Phạm vi của âm nhạc đã lan rộng một cách nhanh chóng. Hàng trăm bộ phim tư liệu mỗi năm đều cần hàng trăm bản nhạc nền. Các bản nhạc phim chiếm một số lượng lớn trong các bản nhạc gốc (chỉ đơn thuần là bài hát), trong đó có hàng nghìn bài hát nhạc pop. Kể cả các nhà sáng tạo của YouTube cũng hiểu ra rằng sự thăng hoa trong cảm xúc có được là nhờ nhạc nền trong một số đoạn ngắn trong chương trình. Còn người dùng của YouTube thì làm lại các bản nhạc cũ mà không trả tiền (bản quyền) vì càng có nhiều người nhìn thấy lợi nhuận trong việc tạo ra các bản nhạc theo nhu cầu. Có hàng trăm giờ nhạc nền cho các trò chơi điện tử lớn, hàng chục ngàn đoạn quảng cáo cần những giai điệu dễ nhớ. Ít nhất 27 podcast2 được đăng mỗi ngày, và nó cũng cần có bản nhạc chủ đề, hơn nữa, các bản ghi nhạc còn được dùng cho những podcast có nội dung dài. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta đang được lấp đầy bởi những bản nhạc nền. Những podcast, trò chơi, và bộ phim là những thị trường mới và rộng lớn của nền âm nhạc. Chúng đang giúp mở rộng dòng chảy của các bit. 1 Department of Motor Vehicles. 2 Chương trình radio lưu trữ dưới dạng số hóa để người dùng có thể tải về hoặc bật trên máy tính hoặc di động. Mạng xã hội từng bị chiếm lĩnh bởi các dòng chữ (tin nhắn, bài đăng...). Nhưng trong thế hệ tiếp theo, mạng xã hội sẽ ngập tràn video và âm thanh. Các ứng dụng như WeChat, WhatsApp, Vine, Meerkat, Periscope và nhiều ứng dụng khác đã cho phép người dùng chia sẻ video và đoạn ghi âm theo thời gian thực với mạng lưới bạn bè và bạn bè của bạn bè. Các công cụ giúp tạo ra các nhịp điệu, chỉnh sửa bài hát nhanh chóng, hoặc các thuật toán giúp sản xuất nhạc mà bạn có thể chia sẻ trong thời gian thực sẽ không còn quá xa vời. Âm nhạc theo nhu cầu, tức là nhạc do người dùng sản xuất sẽ trở thành tiêu chuẩn. Trên thực tế, nó sẽ là phần lớn số bản nhạc được tạo ra mỗi năm. Khi âm nhạc được phát trực tuyến, nó sẽ không ngừng mở rộng. Khi điều này trở thành hiện thực với âm nhạc, thì các ngành đa phương tiện khác và các nền công nghiệp khác cũng sẽ phát triển như thế. Bước đi lớn từ sự cố định sang dòng chảy linh động cũng có thể được minh họa rõ rệt trong ví dụ về các cuốn sách. Khi mới bắt đầu, sách là những kiệt tác cố định với quyền năng to lớn. Nó được tạo ra với sự cẩn thận và tôn kính. Một trang sách lớn chính là bản chất của sự cố định và bền vững. Cuốn sách nằm trên giá sách, không di chuyển và không thay đổi có khi phải đến hàng nghìn năm. Nick Carr, nhà phê bình sách và cũng là một người yêu sách đã liệt kê ra bốn cách mà theo đó sách là sự hiện thân của tính chất cố định. Tôi xin được tóm tắt bốn ý của ông như sau: Sự cố định số trang: số trang sách không bao giờ thay đổi mỗi khi có ai mở sách ra. Bạn có thể tin tưởng vào nó, có thể trích hoặc dẫn nguồn trong sách vì nó không bao giờ thay đổi. Sự cố định trong phiên bản: dù là bản sao nào, mua ở đâu ở lúc nào, cuốn sách cũng không thay đổi. Tất cả chúng ta đều đọc một nội dung giống nhau và có thể thảo luận về cuốn sách và chắc rằng chúng ta đang cùng nói đến một nội dung. Sự cố định của vật thể: với sự chăm sóc thích hợp, sách giấy có thể được bảo quản trong thời gian rất lâu (hàng thế kỷ, lâu hơn định dạng số hóa ngày nay) và các con chữ sẽ không hề thay đổi theo thời gian. Sự cố định của tính hoàn thiện: một cuốn sách giấy mang đến cảm giác của sự kết thúc và khép lại. Đó là cảm giác của sự hoàn thiện. Một điều hấp dẫn của sách in là chúng được gắn chặt với giấy trong sách như một lời thề hoàn thành trọn vẹn tác phẩm của tác giả. Bốn sự cố định này là những phẩm chất vô cùng hấp dẫn. Chúng khiến sách giấy trở thành một tượng đài đáng để coi trọng. Tuy nhiên, những người yêu sách đều hiểu rằng sách giấy đang ngày càng đắt so với bản sao số hóa. Không khó để tưởng tượng về một giai đoạn khi rất ít sách mới được in. Ngày nay đa số sách ra mắt công chúng dưới dạng ebook. Kể cả những cuốn sách cũ cũng được scan lại và lan truyền trên mạng. Bốn đặc tính cố định kể trên không xuất hiện trong ebook, ít nhất là trong phiên bản ebook chúng ta biết ngày nay. Nhưng trong khi những người yêu sách vẫn luyến tiếc bốn đặc tính cố định cũ, chúng ta cũng nên nhớ rằng ebook lại mang đến bốn đặc tính di động của dòng chảy như sau: Tính di động của các trang: số trang là một đơn vị biến động, vì nội dung sẽ chảy vào mọi khoảng không có thể từ một màn hình nhỏ đến một màn hình của thiết bị đọc sách lớn hơn. Nó có thể thích nghi với thiết bị đọc và cách đọc sách của bạn. Tóm lại, số trang sách có thể thay đổi theo bạn. Tính di động của phiên bản: nội dung của cuốn sách có thể được cá nhân hóa theo từng người đọc. Bạn có thể giải thích từ mới trong sách nếu là học sinh, hoặc bỏ qua phần dẫn từ quyển sách khác trong cùng một bộ sách nếu bạn đã đọc. Người dùng có thể tạo ra nhiều phiên bản cho một cuốn sách tùy vào nhu cầu của họ. Tính di động của kho chứa sách: sách có thể được lưu trữ trên đám mây với giá rẻ đến nỗi nó gần như “miễn phí” để cất giữ sách trong vô số thư viện ảo và có thể chuyển sách nhanh chóng đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và cho bất cứ người đọc nào trên thế giới. Tính di động của sự phát triển: nội dung sách có thể được sửa chữa và bổ sung để nâng cấp dần dần. Một cuốn ebook không bao giờ hoàn thành (vì nó liên tục được chỉnh sửa) giống như một sinh vật sống hơn là một hòn đá vô tri, và tính di động này khiến chúng ta vừa là người đọc vừa là người sáng tạo. Hiện nay, chúng ta đang thấy rõ một sự đối lập giữa hai đặc tính cố định và di động gây ra bởi sự chiếm lĩnh của công nghệ trong kỷ nguyên này. Giấy thì ủng hộ tính cố định, điện tử thì ủng hộ tính di """