" Thế Giới Bên Trong Con Người Sáng Tạo PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thế Giới Bên Trong Con Người Sáng Tạo PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (viết tắt là PPLSTVĐM, tiếng Anh là Creativity and Innovation Methodologies) là phần ứng dụng của Khoa học về sáng tạo (Sáng tạo học, tên cổ điển – Heuristics, tên hiện đại – Creatology), gồm hệ thống các phương pháp và các kỹ năng cụ thể giúp nâng cao năng suất và hiệu quả, về lâu dài tiến tới điều khiển tư duy sáng tạo (quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định) của người sử dụng. Suốt cuộc đời, mỗi người chúng ta dùng suy nghĩ rất nhiều, nếu không nói là hàng ngày. Từ việc trả lời những câu hỏi bình thường như “Hôm nay ăn gì? mặc gì? làm gì? mua gì? xem gì? đi đâu?...” đến làm các bài tập thầy, cô cho khi đi học; chọn ngành nghề đào tạo; lo sức khỏe, việc làm, thu nhập, hôn nhân, nhà ở; giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công việc, trong quan hệ xã hội, gia đình, nuôi dạy con cái..., tất tần tật đều đòi hỏi phải suy nghĩ và chắc rằng ai cũng muốn mình suy nghĩ tốt, ra những quyết định đúng để “đời là bể khổ” trở thành “bể sướng”. Chúng ta tuy được đào tạo và làm những nghề khác nhau nhưng có lẽ có một nghề chung, giữ nguyên suốt cuộc đời, cần cho tất cả mọi người. Đó là “nghề” suy nghĩ và hành động giải quyết các vấn đề gặp phải trong suốt cuộc đời nhằm thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của cá nhân mình, đồng thời thỏa mãn các nhu cầu để xã hội tồn tại và phát triển. Nhìn dưới góc độ này, PPLSTVĐM giúp trang bị loại nghề chung nói trên, bổ sung cho giáo dục, đào tạo hiện nay, chủ yếu, chỉ đào tạo các nhà chuyên môn. Nhà chuyên môn có thể giải quyết tốt các vấn đề chuyên môn nhưng nhiều khi không giải quyết tốt các vấn đề ngoài chuyên môn, do vậy, không thực sự hạnh phúc như ý. Các nghiên cứu cho thấy, phần lớn mọi người thường suy nghĩ một cách tự nhiên như đi lại, ăn uống, hít thở mà ít khi suy nghĩ về chính suy nghĩ của mình xem nó hoạt động ra sao để cải tiến, làm suy nghĩ của mình trở nên tốt hơn, như người ta thường chú ý cải tiến các dụng cụ, máy móc dùng trong sinh hoạt và công việc. Cách suy nghĩ tự nhiên nói trên có năng suất, hiệu quả rất thấp và nhiều khi trả giá đắt cho các quyết định sai. Nói một cách nôm na, cách suy nghĩ tự nhiên ứng với việc lao động bằng xẻng thì PPLSTVĐM là máy xúc với năng suất và hiệu quả cao hơn nhiều. Nếu xem bộ não của mỗi người là máy tính tinh xảo – đỉnh cao tiến hóa và phát triển của tự nhiên thì phần mềm (cách suy nghĩ) tự nhiên đi kèm với nó chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng của bộ não. PPLSTVĐM là phần mềm tiên tiến giúp máy tính – bộ não hoạt động tốt hơn nhiều. Nếu như cần “học ăn, học nói, học gói, học mở” thì “học suy nghĩ” cũng cần thiết cho tất cả mọi người. PPLSTVĐM dạy và học được như các môn học truyền thống: Toán, lý, hóa, sinh, tin học, quản trị kinh doanh... Trên thế giới, nhiều trường và công ty đã bắt đầu từ lâu và đang làm điều đó một cách bình thường. Dưới đây là vài thông tin về PPLSTVĐM trên thế giới và ở nước ta. Từ những năm 1950, ở Mỹ và Liên Xô đã có những lớp học dạy thử nghiệm PPLSTVĐM. Dưới ảnh hưởng của A.F. Osborn, phó chủ tịch công ty quảng cáo BBD & O và là tác giả của phương pháp não công (Brainstorming) nổi tiếng, Trung tâm nghiên cứu sáng tạo (Center for Studies in Creativity) được thành lập năm 1967 tại Đại học Buffalo, bang New York. Năm 1974, Trung tâm nói trên bắt đầu đào tạo cử nhân khoa học và năm 1975 – thạc sỹ khoa học về sáng tạo và đổi mới (BS, MS in Creativity and Innovation). Ở Liên Xô, G.S. Altshuller, nhà sáng chế, nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng và là tác giả của Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt theo tiếng Nga và chuyển sang ký tự Latinh – TRIZ) cộng tác với “Hiệp hội toàn liên bang các nhà sáng chế và hợp lý hóa” (VOIR) thành lập Phòng thí nghiệm các phương pháp sáng chế năm 1968 và Học viện công cộng về sáng tạo sáng chế (Public Institute of Inventive Creativity) năm 1971. Người viết, lúc đó đang học ngành vật lý bán dẫn thực nghiệm tại Liên Xô, có may mắn học thêm được khóa đầu tiên của Học viện sáng tạo nói trên, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy G.S. Altshuller. Chịu ấn tượng rất sâu sắc do những ích lợi PPLSTVĐM đem lại cho cá nhân mình, bản thân lại mong muốn chia sẻ những gì học được với mọi người, cùng với sự khuyến khích của thầy G.S. Altshuller, năm 1977 người viết đã tổ chức dạy dưới dạng ngoại khóa cho sinh viên các khoa tự nhiên thuộc Đại học tổng hợp TpHCM (nay là Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TpHCM). Những khóa PPLSTVĐM tiếp theo là kết quả của sự cộng tác giữa người viết và Câu lạc bộ thanh niên (nay là Nhà văn hóa thanh niên TpHCM), Ủy ban khoa học và kỹ thuật TpHCM (nay là Sở khoa học và công nghệ TpHCM)... Năm 1991, được sự chấp thuận của lãnh đạo Đại học tổng hợp TpHCM, Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải ra đời và trở thành cơ sở chính thức đầu tiên ở nước ta giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu PPLSTVĐM. Đến nay đã có vài chục ngàn người với nghề nghiệp khác nhau thuộc mọi thành phần kinh tế, xã hội, từ Hà Nội đến Cà Mau tham dự các khóa học từng phần hoặc đầy đủ chương trình 120 tiết của TSK dành đào tạo những người sử dụng PPLSTVĐM. TSK cũng tích cực tham gia các hoạt động quốc tế như công bố các công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng các báo cáo, báo cáo chính (keynotes) tại các hội nghị, các bài báo đăng trong các tạp chí chuyên ngành và giảng dạy PPLSTVĐM cho các cán bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài theo lời mời. Năm 2000, tại Mỹ, nhà xuất bản Kendall/Hunt Publishing Company xuất bản quyển sách “Facilitative Leadership: Making a Dif erence with Creative Problem Solving” (Tạm dịch là “Lãnh đạo hỗ trợ: Tạo sự khác biệt nhờ giải quyết vấn đề một cách sáng tạo”) do tiến sỹ Scott G. Isaksen làm chủ biên. Ở các trang 219, 220, dưới tiêu đề Các tổ chức sáng tạo (Creativity Organizations) có đăng danh sách đại biểu các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới trên thế giới. Trong 17 tổ chức được nêu tên, TSK là tổ chức duy nhất ở châu Á. Bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” gồm những quyển sách trình bày tương đối chi tiết và hệ thống dựa theo giáo trình môn học dành đào tạo những người sử dụng PPLSTVĐM, được các giảng viên của Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) dạy ở nước ta trong các lớp do TSK mở và theo lời mời của các cơ quan, trường học, tổ chức, công ty. Những quyển sách này được biên soạn nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu môn học PPLSTVĐM trong khi chưa có điều kiện đến lớp học và các cựu học viên muốn có thêm các tài liệu giúp nhớ lại để áp dụng các kiến thức đã học tốt hơn. PPLSTVĐM, tương tự như các môn học đòi hỏi thực hành và luyện tập nhiều như thể thao chẳng hạn, rất cần sự tương tác trực tiếp giữa các huấn luyện viên và học viên mà đọc sách không thôi chắc chắn còn chưa đủ. Tuy đây không phải là những quyển sách tự học để sử dụng PPLSTVĐM, lại càng không phải để trở thành cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, người viết không loại trừ, có những bạn đọc với các nỗ lực của riêng mình có thể rút ra và áp dụng thành công nhiều điều từ sách vào cuộc sống và công việc. Người viết cũng rất hy vọng có nhiều bạn đọc như vậy. Các quyển sách của bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” không chỉ trình bày hệ thống các phương pháp và các kỹ năng cụ thể dùng để sáng tạo và đổi mới mà còn có những phần được biên soạn nhằm tác động tốt lên nhận thức, quan niệm, thái độ và xúc cảm của bạn đọc, là những yếu tố rất cần thiết thúc đẩy những hành động áp dụng PPLSTVĐM vào cuộc sống, công việc. Nói cách khác, PPLSTVĐM còn góp phần hình thành, xây dựng, củng cố và phát triển những phẩm chất của nhân cách sáng tạo ở người học. Dự kiến, bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” sẽ gồm những quyển sách trình bày từ đơn giản đến phức tạp, từ những kiến thức cơ sở đến những kiến thức ứng dụng của PPLSTVĐM với các tên sách sau: 1. Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới. 2. Thế giới bên trong con người sáng tạo. 3. Tư duy lôgích, biện chứng và hệ thống. 4. Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (1). 5. Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản (2). 6. Các phương pháp sáng tạo. 7. Các quy luật phát triển hệ thống. 8. Hệ thống các chuẩn dùng để giải các bài toán sáng chế. 9. Algôrit (Algorithm) giải các bài toán sáng chế (ARIZ). 10. Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới: Những điều muốn nói thêm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xã hội loài người trong quá trình phát triển trải qua bốn thời đại hay nền văn minh (làn sóng phát triển): Nông nghiệp, công nghiệp, thông tin và tri thức. Nền văn minh nông nghiệp chấm dứt thời kỳ săn bắn, hái lượm, du cư bằng việc định cư, trồng trọt và chăn nuôi, sử dụng các công cụ lao động còn thủ công. Nền văn minh công nghiệp cho thấy, mọi người lao động bằng các máy móc hoạt động bằng năng lượng ngoài cơ bắp, giúp tăng sức mạnh và nối dài đôi tay của con người. Ở thời đại thông tin, máy tính, các mạng lưới thông tin giúp tăng sức mạnh, nối dài các bộ phận thu, phát thông tin trên cơ thể người như các giác quan, tiếng nói, chữ viết... và một số hoạt động lôgích của bộ não. Nhờ công nghệ thông tin, thông tin trở nên truyền, biến đổi nhanh, nhiều, lưu trữ gọn, truy cập dễ dàng. Tuy nhiên, trừ loại thông tin có ích lợi thấy ngay đối với người nhận tin, các loại thông tin khác vẫn phải cần bộ não của người nhận tin xử lý, biến đổi để trở thành thông tin có ý nghĩa và ích lợi (tri thức) cho người có thông tin. Nếu người có thông tin không làm được điều này trong thời đại bùng nổ thông tin thì có thể trở thành bội thực thông tin nhưng đói tri thức, thậm chí ngộ độc vì nhiễu thông tin và chết đuối trong đại dương thông tin mà không khai thác được gì từ đại dương giàu có đó. Thời đại tri thức mà thực chất là thời đại sáng tạo và đổi mới, ở đó đông đảo quần chúng sử dụng PPLSTVĐM được dạy và học đại trà để biến thông tin thành tri thức với các ích lợi toàn diện, không chỉ riêng về mặt kinh tế. Nói cách khác, PPLSTVĐM là hệ thống các công cụ dùng để biến đổi thông tin thành tri thức, tri thức đã biết thành tri thức mới. Rất tiếc, ở nước ta hiện nay chưa chính thức đào tạo các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu Sáng tạo học và PPLSTVĐM với các bằng cấp tương ứng: Cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ như một số nước tiên tiến trên thế giới. Người viết tin rằng sớm hay muộn, những người có trách nhiệm quyết định sẽ phải để tâm đến vấn đề này và “sớm” chắc chắn tốt hơn “muộn”. Hy vọng rằng, PPLSTVĐM nói riêng, Sáng tạo học nói chung sẽ có chỗ đứng xứng đáng, trước hết, trong chương trình giáo dục và đào tạo của nước ta trong tương lai không xa. Người viết gởi lời cảm ơn chung đến các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, các cựu học viên đã động viên, khuyến khích để bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” ra đời. Người viết cũng chân thành cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của các cán bộ Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) thuộc Trường đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TpHCM: Th.S. Trần Thế Hưởng, Th.S. Vương Huỳnh Minh Triết, Th.S. Lê Minh Sơn, anh Nguyễn Hoàng Tuấn, đặc biệt là Th.S. Lê Minh Sơn đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc trình bày bộ sách này trên máy tính. Trung tâm Sáng tạo Khoa học – kỹ thuật (TSK) Trường đại học khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia TpHCM 227 Nguyễn Văn Cừ, Q.5, Tp.HCM ĐT: (848) 38301743 FAX: (848) 38350096 E-mail: pdung@hcmus.edu.vn Website: www.hcmus.edu.vn/CSTC/home-v.htm (tiếng Việt) hoặc www.cstc.vn www.hcmus.edu.vn/CSTC/home-e.htm (tiếng Anh) Phan Dũng VỀ NỘI DUNG CỦA QUYỂN HAI: “THẾ GIỚI BÊN TRONG CON NGƯỜI SÁNG TẠO” Quyển một “Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về Sáng tạo học và Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLSTVĐM). Trong đó, Chương 2: Sáng tạo một cách tự nhiên cho thấy, phần lớn mọi người dùng suy nghĩ của mình để giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách tự nhiên như hít thở, đi lại, mà nhiều khi không để ý xem suy nghĩ của mình hoạt động ra sao? bị ảnh hưởng bởi những cái gì? làm thế nào để suy nghĩ nhanh hơn, tốt hơn? Cách suy nghĩ tự nhiên đó – phương pháp thử và sai – có rất nhiều nhược điểm, càng ngày, càng trở nên không chấp nhận được. Nói cách khác, phương pháp suy nghĩ thử và sai, được dùng một cách tự nhiên, chi phối rất mạnh các quyết định hành động của mỗi người và chúng ta thường phải trả giá đắt cho những hành động sai. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường nghe những câu như: “Trước tiên phải trách mình, sau đó mới trách những người khác”, hoặc “Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”, hoặc “Bên trong có ấm thì ngoài mới êm” hoặc Lão Tử nhấn mạnh: “Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình”. Những câu này nhấn mạnh, mỗi người chúng ta phải biết, hiểu mình trước và nhiều hành động sai lầm của chúng ta có nguyên nhân: Chưa điều khiển được thế giới bên trong của chính mình. Đây cũng chính là một số trong những nguyên nhân có thể có, dẫn đến các vấn đề không đáng nảy sinh. Quyển hai “Thế giới bên trong con người sáng tạo” giúp chúng ta biết, hiểu mình hơn, cao hơn nữa, tiến tới lật ngược tình thế: Nếu như hiện nay chúng ta để những yếu tố thuộc thế giới bên trong (gồm cả tư duy thử và sai) tự phát tác động mạnh lên các hành động của chúng ta, theo cách mà chúng ta không mong muốn thì trong tương lai, chúng ta sẽ cần điều khiển (hiểu theo nghĩa tốt đẹp) những yếu tố đó để có được những quyết định hành động đổi mới, tạo ra sự phát triển liên tục, đầy đủ, ổn định và bền vững trên thực tế. Ngoài ra, việc biết, hiểu mình hơn còn giúp chúng ta biết, hiểu những người khác hơn vì “lòng vả cũng như lòng sung”. Do vậy, những kiến thức này còn giúp chúng ta đối xử với con người phù hợp với các quy luật liên quan đến con người mà lẽ ra từ lâu, mỗi người cần nhận được cách đối xử hợp quy luật từ những người khác. Những gì trình bày trong quyển hai này lấy từ tâm lý học, lý thuyết thông tin, điều khiển học (Cybernetics) nhằm giúp bạn đọc có những kiến thức cơ sở nhất định của PPLSTVĐM. Điều này có nghĩa, từ ba khoa học nói trên, người viết cố gắng rút ra những gì cần thiết nhất, phục vụ tốt nhất cho việc sử dụng PPLSTVĐM của bạn đọc trong tương lai. Nói như vậy, một mặt, bạn đọc nào muốn tìm hiểu sâu, rộng hơn, cần tìm thêm các tài liệu về ba khoa học nói trên để tự nghiên cứu. Mặt khác, bạn đọc thông cảm với người viết, hiểu theo nghĩa, công việc xác định, rút ra và trình bày “những gì cần thiết nhất, phục vụ tốt nhất cho việc sử dụng PPLSTVĐM” từ ba khoa học nói trên mang tính chủ quan của người viết. Do vậy, chắc chắn có nhiều thiếu sót, mong bạn đọc chỉ ra. Người viết chân thành cám ơn trước. Quyển hai “Thế giới bên trong con người sáng tạo” gồm ba chương. Chương 5: Từ nhu cầu đến hành động và ngược lại trình bày các hiện tượng thuộc thế giới bên trong con người như các nhu cầu, xúc cảm, thói quen tự nguyện, tư duy và cho thấy, chúng có thể ảnh hưởng lên các hành động của cá nhân với mức độ đa dạng cao như thế nào. Đồng thời, Chương 5 cũng cho thấy tác động của các hiện tượng thuộc thế giới bên trong làm tư duy của chúng ta hoạt động rất chủ quan và các khả năng to lớn của tư duy mới được khai thác một cách không đáng kể. Chương 6: Tư duy sáng tạo: Nhìn theo góc độ thông tin – tâm lý tập trung xem xét tư duy trong ngữ cảnh mô hình nhu cầu – hành động của Chương 5. Ở đây, tư duy được trình bày như là quá trình thu thập, truyền, biến đổi thông tin thành tri thức với sự tham gia của các hiện tượng tâm lý, đồng thời, chỉ ra các hiện tượng tâm lý có những mặt mạnh và có những mặt yếu. Từ đây, có những lời khuyên giúp bạn đọc tính đến và sử dụng các hiện tượng tâm lý của chính mình trong các phạm vi áp dụng thích hợp. Chương 7: Điều khiển học: Điều khiển hành động và thế giới bên trong con người sáng tạo dành bàn về sự cần thiết, các điều kiện, khả năng, biện pháp điều khiển, tạo môi trường điều khiển và tự điều khiển các hiện tượng thuộc thế giới bên trong mỗi người. Sự điều khiển này nhằm mục đích giúp khai thác tốt những khả năng to lớn của tư duy mỗi người trong các hoạt động: 1. Phản ánh chính xác hiện thực khách quan như hiện thực khách quan vốn có, ra các quyết định hành động đúng và thực hiện những hành động đổi mới đó bằng những xúc cảm thích hợp. 2. Làm chủ các hiện tượng tâm lý để có được tâm hồn thanh thản, lạc quan yêu đời, tự tin, dễ dàng thích nghi với các tình huống của cuộc đời và giàu lòng nhân ái, vị tha. 3. Tự rèn luyện và giúp những người khác rèn luyện trở thành các nhân cách sáng tạo. Cuối cùng là phần Phụ lục, minh họa một số điểm trình bày trong quyển hai này. Từ quyển một “Giới thiệu: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” (xem mục 3.2. PPLSTVĐM là gì?), bạn đọc biết rằng: Tư duy sáng tạo chính là quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định; PPLSTVĐM đòi hỏi tư duy sáng tạo phải hướng tới các hành động thực hiện giải xong bài toán (đổi mới hoàn toàn) trên thực tế, chứ không chỉ dừng lại ở suy nghĩ và lời nói; Cuộc đời của mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra, do vậy, cuộc đời của mỗi người phải là chuỗi những sáng tạo và đổi mới hoàn toàn, nếu chúng ta muốn phần khổ bớt đi và phần sướng tăng lên. Ở đây, có thể nảy sinh các câu hỏi sau: Hàng ngày và cả cuộc đời, mỗi người thường có nhiều hành động, vậy những hành động đó bị chi phối bởi những cái gì và hành động để làm gì? Tại sao cuộc đời của mỗi người lại lắm vấn đề thế? Cái gì là nguồn gốc của các vấn đề? Những hiện tượng nào thuộc thế giới bên trong con người ảnh hưởng đến tư duy? Làm thế nào để giữa tư duy và hành động có sự nhất quán, tránh hiện tượng nghĩ một đằng, làm một nẻo?... Những gì trình bày trong chương này, chủ yếu, dựa trên các kết quả nghiên cứu của tâm lý học, có mục đích góp phần trả lời những câu hỏi nói trên. Các hiện tượng (quá trình, trạng thái, tính chất) tâm lý được các nhà triết học và khoa học quan tâm, chú ý nghiên cứu và bàn luận từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Khoa học tâm lý (tâm lý học) được coi có tên gọi chính thức từ thế kỷ 18. Ngày nay, tâm lý học được định nghĩa là khoa học nghiên cứu các sự kiện, quy luật, cơ chế của tinh thần (tâm hồn) như là sự phản ánh dưới dạng các hình ảnh hình thành trong óc về hiện thực. Trên cơ sở và nhờ sự phản ánh đó, sự điều khiển hành vi và hoạt động mang tính cá nhân được thực hiện. Tâm lý học nghiên cứu bản chất các cơ chế tâm lý và các quy luật điều khiển tâm lý. Sự phản ánh hiện thực nhờ bộ óc và xảy ra trong bộ óc (thế giới tinh thần), có cơ sở vật chất là các hoạt động sinh lý thần kinh, các quá trình lý sinh, sinh hóa ở mức độ phân tử, tế bào. Ở đây, người viết chỉ đề cập đến các hiện tượng tâm lý. Các hiện tượng tâm lý chia thành ba loại: 1. Các quá trình tâm lý là các hiện tượng tâm lý đơn giản được lồng trong những dạng phức tạp hơn của hoạt động tâm lý. Chúng xảy ra trong thời gian ngắn từ vài phần giây đến vài chục phút. 2. Các trạng thái tâm lý thuộc loại phức tạp nhất. Ví dụ như các trạng thái sảng khoái, hoặc trầm uất; khả năng làm việc thích hợp hay mệt mỏi; tâm trạng tươi tỉnh hoặc chán nản; dễ nổi nóng; đãng trí. Chúng có thể kéo dài trong vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần lễ. 3. Các tính chất của nhân cách là khí chất, tính cách, các năng lực và những thể hiện đặc biệt mang tính ổn định của các quá trình tâm lý của nhân cách. Chúng còn là các xu hướng, niềm tin, kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và thói quen của nhân cách. Những tính chất này tồn tại trong cá nhân, nếu như không nói cả đời thì cũng trong thời gian rất dài. Các hiện tượng tâm lý nói trên liên quan mật thiết với nhau và có thể chuyển hóa lẫn nhau theo những cách khác nhau. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân như: Đối tượng nghiên cứu của tâm lý không những phức tạp mà còn luôn có hai khía cạnh khách quan và chủ quan đan xen nhau (con người nghiên cứu chính mình); thiếu các phương tiện nghiên cứu với độ tin cậy, chính xác cao, tâm lý học chưa phải là khoa học chính xác. Các nhà tâm lý thường gặp các trường hợp: trong các sự kiện giống nhau lại có sự tham gia của các hiện tượng tâm lý khác nhau; các sự kiện khác nhau, thậm chí ngược nhau lại bị chi phối cùng một quy luật... mà chưa xác định được một cách rõ ràng, khách quan. Trong tâm lý học còn có tình trạng, nội dung một khái niệm được định nghĩa khác nhau hoặc được đặt tên khác nhau, tùy theo các trường phái nghiên cứu, thậm chí tùy theo các nhà nghiên cứu riêng lẻ khác nhau. Ngược lại, cùng sử dụng một tên gọi, các nhà tâm lý lại hiểu khác nhau. Nhiều thuật ngữ cơ bản của tâm lý học như “xúc cảm”, “ý chí”, “ý thức”, “nhân cách”, “tính cách” còn chưa có các định nghĩa được tiếp nhận chung. Hầu như mỗi tác giả gởi gắm trong những thuật ngữ mà mình sử dụng ý nghĩa riêng của mình. Do vậy, không phải ngẫu nhiên, Y.M. Xetrenov nhận xét: “... bạn hãy thử nói chuyện về cùng một đối tượng với các nhà tâm lý học thuộc các trường phái khác nhau: mỗi trường phái lại có ý kiến khác; để so sánh, nói chuyện, ví dụ, về âm thanh, ánh sáng, điện với bất kỳ nhà vật lý nào, từ bất kỳ đất nước nào, bạn đều nhận được những câu trả lời giống nhau về bản chất”. Nhận xét này tuy đã tồn tại suốt gần 150 năm nhưng vẫn còn được trích dẫn. Rõ ràng, chỉ “những câu trả lời giống nhau” mới có thể làm tâm lý học trở thành khoa học giống như các khoa học: vật lý học, thiên văn học, hóa học, sinh vật học. Những gì liên quan đến tâm lý học và các khoa học cơ sở khác của PPLSTVĐM, trình bày trong bộ sách “Sáng tạo và đổi mới” nói chung, quyển hai và quyển ba nói riêng là kết quả học, tự học, nghiên cứu và sử dụng chúng của người viết. Do vậy, bạn đọc nên xem những kiến thức đó chỉ là tối thiểu, cần tự suy xét, đánh giá chúng và tìm hiểu thêm. 5.2. Các nhu cầu của cá nhân Nhu cầu cá nhân là sự đòi hỏi của cá nhân có được những điều kiện, phương tiện (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả kiến thức và công cụ) và kết quả cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân đó. Việc công nhận các nhu cầu là nguyên nhân khởi đầu các hành động của con người và bác bỏ quan điểm cho rằng tư duy của con người là nguồn gốc, động lực hoạt động của con người, đã trở thành xuất phát điểm của những giải thích khoa học về các hành vi hướng đích của con người. Engels, đã từ lâu, khẳng định: “Mọi người thường quen giải thích các hành động của mình xuất phát từ tư duy, mà đúng ra là từ các nhu cầu của mình (những nhu cầu này, tất nhiên, được phản ánh, nhận thức trong đầu), và bằng cách này (coi tư duy là nguồn gốc, động lực hoạt động của con người – người viết nhấn mạnh), với thời gian đã hình thành chính thế giới quan duy tâm(1)”; “Không ai có thể làm cái gì đó (hành động – người viết nhấn mạnh) mà không vì nhu cầu nào đó trong số các nhu cầu của mình và vì cơ quan của nhu cầu đó”(2) và “Ý tưởng” luôn tự đánh mất uy tín, ngay khi nó bị tách ra khỏi “sự quan tâm”(3) (xuất phát từ nhu cầu – người viết nhấn mạnh). Như vậy, nguồn gốc sâu xa, tận cùng của các hành động cá nhân là các nhu cầu của cá nhân và các hành động của cá nhân là nhằm thỏa mãn chính các nhu cầu cá nhân ấy. Khi bạn tác động lên tư duy (làm công tác tư tưởng lên ý thức) người khác, những ý tưởng của bạn nêu ra mà không liên quan, tệ hơn, không giúp làm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của người đó, các ý tưởng tự đánh mất uy tín và không được tiếp nhận. Mặc dù, nhìn về hình thức bề ngoài của người đó, bạn tưởng là bạn đã thành công. Các nhu cầu cá nhân cũng chính là nguyên nhân làm nảy sinh các vấn đề khi chúng không được thỏa mãn bằng các hành động đã biết. Qua các thời đại, nhu cầu của con người càng ngày càng tăng, do vậy, bản thân mỗi cá nhân lại có nhiều nhu cầu mới. Điều này cũng có nghĩa số lượng các vấn đề của con người qua các thời đại càng ngày càng tăng. Nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng đi vào phân loại các nhu cầu theo các tiêu chuẩn khác nhau. Nhà tâm lý học người Ba Lan Obukhowski đã thống kê được hơn 120 kiểu phân loại các nhu cầu của con người và chưa có kiểu phân loại nào được mọi người thống nhất thừa nhận. Trong mục này, người viết chọn một kiểu phân loại các nhu cầu mà chủ quan người viết cho là phù hợp với việc trình bày các vấn đề cơ sở của PPLSTVĐM. Theo P.V. Ximonov, các nhu cầu cơ bản của con người có thể tập hợp và phân thành ba nhóm: 1. Các nhu cầu sinh học: Ăn, uống, ngủ, giữ thân nhiệt (vì người là động vật máu nóng), bảo vệ khỏi những tác động có hại của môi trường (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả những người xung quanh, tự nhiên, xã hội), tiết kiệm sức lực, duy trì nòi giống... Đấy là những nhu cầu để cá nhân tồn tại và phát triển như một cá thể, một giống loài sinh học trong thế giới tự nhiên. 2. Các nhu cầu xã hội: Nhu cầu thuộc về một cộng đồng (nhóm, tầng lớp...) xã hội nào đó và giữ một vị trí nhất định (không phải là thấp nhất và chưa chắc là cao nhất) trong cộng đồng đó. Nhu cầu được những người xung quanh chú ý, quan tâm, kính trọng và yêu mến... Đấy là những nhu cầu để cá nhân tồn tại và phát triển trong xã hội. Các nhu cầu xã hội của cá nhân chia thành hai loại: 1) Các nhu cầu “cho mình” mà cá nhân nhận biết như các quyền lợi của mình; 2) Các nhu cầu “cho những người khác”, được cá nhân nhận biết như là nghĩa vụ. Điều này dễ hiểu vì, để thuộc về và giữ một vị trí nhất định trong một cộng đồng xã hội nào đó (có được những quyền lợi nào đó), cá nhân phải có những đóng góp cho cộng đồng. Tương tự như vậy, để có được sự quan tâm, kính trọng, yêu mến từ những người khác, cá nhân phải có những hành động thỏa mãn nhu cầu của những người khác. Không phải ngẫu nhiên, kinh nghiệm lịch sử của nhân loại cho thấy, người hạnh phúc nhất là người mang hạnh phúc cho nhiều người nhất. Trong sự thống nhất, các nhu cầu “cho mình” làm nảy sinh lòng tự trọng, tự chủ trong tư duy, phán xét, đánh giá một cách độc lập. Các nhu cầu “cho những người khác” làm cho con người trở nên nhân hậu, có khả năng đồng cảm và cộng tác với những người khác. 3. Các nhu cầu lý tưởng (nhận thức): Nhận thức (biết, hiểu, giải thích, dự đoán về...) thế giới xung quanh (những người khác, tự nhiên, xã hội) và chính bản thân mình. Loại nhu cầu này thể hiện thành nhu cầu trả lời các câu hỏi cụ thể nảy sinh trong đầu của cá nhân như ai? cái gì? tại sao? để làm gì? ở đâu? xảy ra như thế nào? sẽ xảy ra chuyện gì?... Trong ý nghĩa này, có người định nghĩa: “Con người là động vật tò mò nhất thế giới”. Đấy là các nhu cầu để cá nhân tồn tại và phát triển như động vật cấp cao có khả năng tư duy, liên quan đến việc hình thành thế giới quan, nhân sinh quan. Các nhu cầu lý tưởng (nhận thức) của cá nhân đòi hỏi trả lời các câu hỏi liên quan đến thế giới xung quanh, vị trí của cá nhân trong đó, ý nghĩa và mục đích cuộc sống của cá nhân, bằng cách kế thừa các giá trị văn hóa đã có, phát minh và sáng chế những cái mà các thế hệ trước chưa biết. Con người không chỉ sống đơn thuần mà luôn trăn trở sống để làm gì? cho ai? Nhận thức hiện thực, con người hướng tới tìm các quy tắc và các quy luật hoạt động mà thế giới xung quanh phải tuân theo dưới dạng, có thể là các câu chuyện thần thoại, các tác phẩm nghệ thuật, các lý thuyết khoa học. Trong đó, khoa học được đánh giá tin cậy hơn cả trong việc nhận thức, nhờ tính khách quan và được kiểm tra bằng thực tiễn. Các câu chuyện thần thoại, sự tích, cổ tích làm thỏa mãn nhu cầu nhận thức khi các kiến thức đã có, được chứng minh bằng thực tiễn, không đủ để thỏa mãn nhu cầu nhận thức. Con người không chấp nhận, không chịu đựng được tình trạng bất định, không rõ ràng, không hiểu, không đoán trước đối với thế giới xung quanh (các câu hỏi nảy sinh trong đầu chưa có câu trả lời). Điều này làm cho con người bối rối, bất lực, do dự. Đặc biệt, đối với những người sơ khai, các câu chuyện thần thoại, cổ tích đã giúp họ thỏa mãn nhu cầu nhận thức (có được các câu trả lời cho các câu hỏi nảy sinh trong đầu). Ví dụ, chuyện “Sự tích Hòn vọng phu” là câu trả lời cho câu hỏi “Vì sao hòn đá cho trước lại giống người mẹ bồng đứa con?”. Các câu chuyện thần thoại không thay thế, làm tăng kiến thức mà có tác dụng “an thần”, lấp những “chỗ trống” hiểu biết trong đầu con người. Điều này cũng góp phần giải thích vì sao nạn mê tín, dị đoan rất khó khắc phục. Ví dụ, các thầy bói luôn có sẵn các câu trả lời cho các câu hỏi của các thân chủ về nguyên nhân thất bại, đường tình duyên, số phận... của họ. Cũng từ lịch sử tiến hóa và phát triển nhân loại, các nghiên cứu khoa học cho thấy, con người nhận thức các quy luật khách quan càng đầy đủ, chính xác thì các hành vi của con người càng trở nên tự do. K. Marx nhận xét: “Chỉ khi những mục đích bên ngoài đánh mất cái vẻ bề ngoài của nó, tính tất yếu tự nhiên trở thành mục đích mà cá nhân đặt ra cho mình thì mới xuất hiện tự do thực sự”.(4) Ngoài các nhu cầu cơ bản, con người còn có nhu cầu thỏa mãn các nhu cầu, thể hiện cụ thể thành các nhu cầu hỗ trợ cho các nhu cầu cơ bản: Nhu cầu được trang bị các phương tiện (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các kiến thức, kỹ năng, tay nghề, kỹ xảo và công cụ) để có thể đạt được mục đích thỏa mãn nhu cầu và nhu cầu có những hành động vượt qua các khó khăn (ý chí) gặp trên con đường tới đích thỏa mãn các nhu cầu. Trong những trường hợp nhất định, ý chí mạnh có thể làm cá nhân sai lầm khi xác định nhu cầu ưu tiên hoặc việc vượt qua các khó khăn trở thành mục đích tự thân mà quên mất mục đích ban đầu cần đạt. Những lúc như vậy, cá nhân có thể trở nên bướng bỉnh trong hành động và không để ý trả lời câu hỏi: “Vượt qua các khó khăn để làm gì?”. Ý chí kiểu như vậy có thể dẫn đến “duy ý chí” và “những nỗ lực, cố gắng vô ích”. Sự thể hiện mang dấu ấn cá tính cao và sự phối hợp độc đáo riêng của hai loại nhu cầu hỗ trợ nói trên xác định tính cách của cá nhân cho trước. Mức độ trang bị tốt giúp cá nhân có được sự tự tin, kiên quyết, độc lập, tự chủ trong những hoàn cảnh có các vấn đề cần giải quyết. Việc trang bị không tốt làm cá nhân lo lắng, rối trí, trở nên phụ thuộc, cần sự che chở. Để thỏa mãn nhu cầu trang bị phương tiện, cá nhân cần phải học (hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm bắt chước, tham gia các trò chơi). Nhu cầu vượt khó là cơ sở của các phẩm chất ý chí cá nhân. Các nhu cầu cơ bản và hỗ trợ là những nhu cầu tương đối độc lập: Chúng khác biệt nhau, không thay thế nhau, nhu cầu này được thỏa mãn không tự động làm thỏa mãn nhu cầu khác. Tuy vậy, giữa chúng có các mối liên kết, hiểu theo nghĩa, chúng có thể ảnh hưởng, phụ thuộc, bổ sung, hỗ trợ, mâu thuẫn nhau tùy trường hợp cụ thể. Các nhu cầu cơ bản và hỗ trợ là những nhu cầu khởi phát, hiểu theo nghĩa, theo thời gian, tùy theo điều kiện xã hội cụ thể, chúng dẫn đến những nhu cầu khác (những nhu cầu thứ phát). Ví dụ, từ nhu cầu sinh học khởi phát “giữ thân nhiệt” làm nảy sinh nhu cầu về quần, áo. Đến lượt mình, nhu cầu quần, áo làm nảy sinh nhu cầu sản xuất (nuôi, trồng để có nguyên vật liệu, dệt, may, đan...) Là các nhu cầu cơ bản, hỗ trợ và thứ phát, chúng còn có thể phối hợp, tổ hợp, kết hợp... với nhau, tạo ra sự thay đổi về chất (chứ không phải là phép cộng số học), hình thành những nhu cầu phức tạp hơn, gọi là các nhu cầu hợp thành (các nhu cầu mang tính hệ thống), ở những thang bậc hệ thống khác nhau với những sắc thái khác nhau. Ví dụ, nhu cầu về mốt quần áo có thể hợp thành từ các nhu cầu giữ thân nhiệt, được để ý, chú ý, nhận thức... Tương tự như vậy, nhu cầu du lịch có thể hợp thành từ các nhu cầu nhận thức, được để ý, chú ý... Tóm lại, nếu bạn thấy có những nhu cầu không được liệt kê tên ra ở đây, chúng có thể là các nhu cầu hợp thành và bạn thử phân tích để tìm các yếu tố tạo nên chúng. Thông thường, cá nhân có thể nhận biết các nhu cầu của mình thông qua các ý nghĩ nảy sinh trong đầu: “Tôi muốn...” và trả lời các câu hỏi: “Để làm gì?”, “Để thỏa mãn nhu cầu nào?” cho đến tận cùng. Ví dụ: “Tôi muốn có cái áo vét đó”; “Để làm gì?”; “Để mặc lúc trời lạnh”. “Để thỏa mãn nhu cầu nào?”; “Để không bị mất nhiệt”. Như vậy nhu cầu ở đây là giữ thân nhiệt. “Tại sao là áo vét đó? Để làm gì”; “Để trông bụi bụi một tý” hoặc “Để cho nó đứng đắn”... Nếu thế, ở đây còn có “nhu cầu thuộc về nhóm người nào đó” hoặc “nhu cầu được chú ý”, “nhu cầu được kính trọng”... Trong ý nghĩa nào đó, ở đây có sự tương tự với hóa học: Từ các nguyên tử của các nguyên tố hóa học (là các yếu tố), chúng liên kết với nhau theo những cách khác nhau thành các hệ thống: Các phân tử, đại phân tử, chất khí, chất lỏng, chất rắn (polymer, tinh thể, vô định hình các loại) hay gọi chung là các hợp chất hóa học với các tính chất mang tính hệ thống rất đa dạng và các hợp chất (hệ thống) hóa học được tạo ra ngày càng nhiều với thời gian. Phần hệ thống của quyển ba “Tư duy lôgích, biện chứng và hệ thống” sẽ còn giúp bạn hiểu rõ hơn nữa về những gì liên quan đến khái niệm hệ thống. Nhân đây, người viết cố gắng giải thích thêm những ý vừa nêu. Hệ thống là tập hợp các yếu tố liên kết với nhau và toàn bộ tập hợp đó có những tính chất không thể quy về thành những tính chất của từng yếu tố, mối liên kết đứng riêng rẽ. Những tính chất nói trên được gọi là tính hệ thống. Chúng ta cùng thử xét phân tử nước (H2O). Phân tử nước là tập hợp hai nguyên tử hyđrô, một nguyên tử ôxy (các yếu tố), liên kết với nhau (có cấu trúc H–O–H) và toàn bộ phân tử nước có những tính chất: Lỏng ở nhiệt độ phòng, không cháy... không thể quy về thành những tính chất của các nguyên tử hyđrô, ôxy, các mối liên kết giữa chúng đứng riêng rẽ. Bởi vì, hyđrô, ôxy riêng rẽ là các chất khí ở nhiệt độ phòng và cháy tốt. Như vậy, tính hệ thống (lỏng, không cháy) là sự thay đổi về chất. Trong ý nghĩa này, từ nay về sau, khi người viết sử dụng cụm từ “tính chất mang tính hệ thống” hoặc “phẩm chất mang tính hệ thống”... bạn đọc cần hiểu “tính chất” hoặc “phẩm chất”... đó toàn bộ hệ thống mới có và là sự thay đổi về chất. Nếu theo dõi “sự tiến hóa” của các hợp chất hóa học, có thể thấy khuynh hướng: Các hợp chất hóa học được tạo ra từ đơn giản đến phức tạp, từ vô cơ đến hữu cơ, từ những hợp chất không mang sự sống đến những hợp chất mang sự sống, từ những hợp chất không có khả năng tư duy đến những hợp chất có khả năng tư duy. Sự tiến hóa dẫn đến sự đa dạng các tính chất mới mang tính hệ thống và sự đa dạng còn tiếp tục mãi theo thời gian. Tóm lại, chỉ từ hơn một trăm nguyên tố hóa học (không nhiều), bằng cách liên kết, chúng có thể tạo ra vô số các hệ thống với các tính chất mang tính hệ thống cực kỳ đa dạng. Tương tự như các nguyên tố hóa học, các nhu cầu cơ bản, hỗ trợ, thứ phát cụ thể cũng liên kết với nhau theo những cách khác nhau, tạo nên các nhu cầu mới (các nhu cầu hợp thành) mang tính hệ thống và các nhu cầu của con người cũng tiến hóa theo thời gian. Trong các nhu cầu của cá nhân, cần phải kể đến nhu cầu hợp thành đặc biệt. Đấy là nhu cầu tiền mà nếu là tiền có thể chuyển đổi được thì càng tốt. Ở thời kỳ săn bắn, hái lượm, bạn muốn thỏa mãn nhu cầu ăn, bạn phải tự làm điều đó bằng cách đi săn và hái quả. Sang thời kỳ có sự trao đổi sản phẩm, bạn không nhất thiết tự làm mọi thứ tương ứng với các nhu cầu của mình. Ví dụ, bạn chỉ cần rèn dao, qua trao đổi bạn vẫn có được lương thực, thực phẩm, quần áo... để thỏa mãn các nhu cầu khác. Khi tiền, một loại hàng hóa trung gian xuất hiện, việc trao đổi càng trở nên thuận tiện hơn nữa. Cùng với giao thương quốc tế rồi khuynh hướng toàn cầu hóa, nhiều loại tiền trở nên chuyển đổi được giữa các quốc gia. Nếu bạn có tiền, nhiều nhu cầu cá nhân sẽ được thỏa mãn. Cho nên, không phải ngẫu nhiên các cá nhân, công ty, quốc gia đều cố gắng trở nên giàu, thành công về mặt kinh tế (xem mục nhỏ 3.3.3. Nguyên nhân thành công ở thế kỷ 21: Sáng tạo và đổi mới – Tri thức của quyển một). Như vậy, các nhu cầu của con người có thể là các nhu cầu cơ bản, hỗ trợ, thứ phát và hợp thành. Trong đó, qua các giai đoạn lịch sử, với thời gian, các nhu cầu thứ phát và hợp thành càng tăng về sự đa dạng. Từ nay về sau, khi người viết không nói cụ thể mà nói chung “các nhu cầu” có nghĩa bao gồm tất cả các loại nhu cầu nói trên. Các nhu cầu của con người đều có thể thể hiện thành hai dạng: Các nhu cầu giữ gìn và các nhu cầu phát triển. Xã hội loài người trải qua các giai đoạn lịch sử (thời đại) cụ thể khác nhau. Ở mỗi giai đoạn, do sự tương tác của các yếu tố như lịch sử, kinh tế, văn hóa... hình thành những chuẩn mực cụ thể phản ánh trong ý thức xã hội của những con người thuộc giai đoạn đó. Các nhu cầu giữ gìn là những nhu cầu đòi hỏi phải đạt được sự thỏa mãn trong giới hạn các chuẩn mực. Các nhu cầu phát triển đòi hỏi sự thỏa mãn cao hơn các chuẩn mực đã có, bởi vì con người, theo Marx và Engels, “có các nhu cầu vô hạn và có khả năng mở rộng những nhu cầu đó”.(5) Các nhu cầu phát triển thường dẫn đến các bài toán vì người ta chưa biết cách làm sao thỏa mãn cao hơn những chuẩn mực đã có. Các nhu cầu của con người còn có thể phân loại theo mức độ đòi hỏi thỏa mãn. Có những nhu cầu thỏa mãn được thì tốt, không thỏa mãn được thì cũng không sao. Ví dụ như nhu cầu du hành vũ trụ của cá nhân nào đó. Có những nhu cầu đòi hỏi nhất định phải thỏa mãn, nếu không, ảnh hưởng đến việc thỏa mãn các nhu cầu khác, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn tại. Ví dụ như nhu cầu ăn, uống (“Có thực mới vực được đạo”, “Một cái bụng đói thì chẳng có tai đâu” – Ngạn ngữ Anh). Các nhu cầu có mức độ đòi hỏi thỏa mãn cao (các nhu cầu cấp bách) thường làm nảy sinh các bài toán phải ưu tiên giải trước. Tuy nhiên, xác định hoặc tự xác định chính xác nhu cầu cấp bách của con người cụ thể, nhiều khi, là vấn đề khó ngay cả đối với chính con người cụ thể đó. Có những nhu cầu ổn định, kéo dài về mặt thời gian, có khi cả đời, được gọi là những nhu cầu chủ đạo. Ví dụ nhu cầu thực hiện một công việc dài hạn nào đó, nhu cầu xây dựng một sự nghiệp nào đó... Trên đây là những nét chung về các nhu cầu của con người. Đi vào các nhu cầu cụ thể của các cá nhân cụ thể thì mỗi cá nhân có thế giới riêng các nhu cầu của mình, không ai giống ai cả. Điều này có thể hiểu được, ít ra, vì tổng hợp các lý do sau: 1. Các cá nhân khác nhau về cấu trúc di truyền dẫn đến có các nhu cầu bẩm sinh khác nhau. 2. Các cá nhân khác nhau sống ở các môi trường (hiểu theo nghĩa rộng nhất) khác nhau nên những nhu cầu hình thành do môi trường cũng khác nhau. 3. Các cá nhân khác nhau về mặt di truyền nên dù sống trong cùng một môi trường, những nhu cầu hình thành do tương tác của môi trường với cá nhân cũng khác nhau. 4. Tuy ai cũng có các nhu cầu cơ bản, hỗ trợ giống nhau về tên gọi nhưng rất khác nhau về cường độ và sắc thái. 5. Ở những cá nhân khác nhau, cách dẫn đến các nhu cầu thứ phát và hợp thành cũng khác nhau. 6. Những cá nhân khác nhau có các mức độ đòi hỏi thỏa mãn các nhu cầu khác nhau. 7. Sự thay đổi các nhu cầu (kể cả chủng loại, cường độ, sắc thái, mức độ đòi hỏi thỏa mãn...) theo tuổi của một đời người ở những người khác nhau thì khác nhau. Ngoài các nhu cầu của cá nhân còn có các nhu cầu của xã hội (hiểu theo nghĩa rộng), sẽ được người viết đề cập trong mục 7.3. Con người và môi trường: Điều khiển hành động của con người sáng tạo. Trong đời sống hàng ngày, các nhu cầu của cá nhân thường thể hiện thông qua các mục đích cụ thể nào đó mà đạt được chúng thì các nhu cầu của cá nhân được thỏa mãn. Ví dụ, khi đạt được mục đích gắn các bánh xe vào vali để kéo, thay cho khiêng, vác, xách thì nhu cầu tiết kiệm sức lực được thỏa mãn. Các mục đích phản ánh các nhu cầu cá nhân một cách chủ quan, nhiều khi, phản ánh như thế nào, chính cá nhân cũng không nhận biết. Do vậy, ở đây có thể nảy sinh các vấn đề liên quan đến năng lực cá nhân về sự lựa chọn cách phản ánh, độ chính xác của phản ánh, thu thập thông tin cần thiết cho sự phản ánh... Những vấn đề này ở những cá nhân khác nhau cũng khác nhau cả về lượng lẫn về chất. Các mục đích đề ra có thể được phát biểu rõ ràng, đầy đủ hoặc không rõ ràng, có nhiều khiếm khuyết; có thể cụ thể hoặc chung chung; có thể đúng hoặc sai... Cách xác định mục đích được thảo luận trong nhiều chương, mục của bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”. Người viết muốn lưu ý bạn đọc rằng xác định mục đích đúng, liên quan đến việc phát biểu bài toán, là công việc không dễ dàng, do vậy, cần rất đáng để tâm. Để đạt được các mục đích đề ra, cá nhân phải có những hành động thích hợp, ít ra, nhìn theo quan điểm của chính cá nhân người hành động. 5.3. Hành động Từ “hành động”, người viết dùng ở đây, được hiểu là tất cả những việc làm của cá nhân thể hiện ra bên ngoài nhằm đạt được mục đích do thế giới bên trong cá nhân đó đề ra. Như vậy, từ “hành động” bao gồm các thao tác, cử chỉ, hành động (hiểu theo nghĩa thông thường), hoạt động... Khi nào cần thiết, người viết sẽ đi vào các hành động cụ thể. Tư duy được coi thuộc thế giới bên trong, cùng với nhu cầu, xúc cảm... Có những hành động của con người là do di truyền, bẩm sinh được chọn lọc tự nhiên giữ lại (các phản xạ không điều kiện, bản năng). Ví dụ, khi gặp ánh sáng chói, mắt người tự động khép lại. Ngoài ra, sống trong xã hội, chịu sự di truyền xã hội, con người còn thừa kế (dưới dạng bắt chước, tham gia các trò chơi, được giáo dục) nhiều loại hành động khác. Vì xã hội thay đổi/phát triển theo thời gian nên những hành động này cũng thay đổi/phát triển tương ứng. Chưa kể, các cá nhân trong xã hội còn có thể tạo ra những hành động mới để mở rộng những gì đã có. Trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội có thể nảy sinh sự xung đột: Các hành động của cá nhân không phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Đối với con người nói chung, có thể có nhiều chứ không phải duy nhất một cách hành động nhằm đạt mục đích (thỏa mãn nhu cầu) cụ thể cho trước. Trong số đó, thậm chí, có những cách hành động hoàn toàn trái ngược nhau, xem Hình 33. Nói cách khác, một nhu cầu có thể dẫn đến các mục đích khác nhau với các hành động thực hiện khác nhau trong cùng một con người. Hình 33: Có thể có nhiều cách hành động (các mũi tên) để thỏa mãn nhu cầu cụ thể cho trước Đối với các cá nhân cụ thể khác nhau, để thỏa mãn nhu cầu cụ thể cho trước, họ có thể có các hành động hoàn toàn khác nhau, xem Hình 34. Nói cách khác, cùng một nhu cầu có thể dẫn đến các mục đích, hành động khác nhau ở những người khác nhau. Hình 34: Các cá nhân khác nhau có thể có các hành động khác nhau nhằm thỏa mãn cùng loại nhu cầu Ví dụ, một mặt, để thỏa mãn nhu cầu tiền nói chung, có thể có nhiều cách hành động: Chuyển chỗ làm; chuyển nghề để tăng thu nhập; phấn đấu về chuyên môn, nghiệp vụ để nhận lương cao hơn; sáng tạo ra các loại dịch vụ, sản phẩm bán chạy hơn trên thị trường; chơi số đề; ăn cắp; ăn cướp; buôn ma túy; tham nhũng... xem Hình 33. Mặt khác, những cá nhân khác nhau lựa chọn các hành động khác nhau, từ những hành động có thể có liệt kê ở trên, có những hành động trái ngược nhau và có những hành động của cá nhân không phù hợp với các chuẩn mực của xã hội lành mạnh, xem Hình 34. Ngược lại, những cá nhân khác nhau có thể có hành động giống nhau về mặt hình thức nhưng hành động đó lại xuất phát từ những nhu cầu cá nhân khác nhau, xem Hình 35. Nói cách khác, một mục đích có thể phản ánh các nhu cầu khác nhau ở những người khác nhau. Hình 35: Hành động giống nhau có thể xuất phát từ những nhu cầu cá nhân khác nhau Ví dụ, các thí sinh trong phòng thi cùng làm một đề thi vào đại học. Tất cả họ đều có mục đích đậu đại học. Người thì xuất phát từ nhu cầu kiến thức; người thì cần bằng cấp; người muốn cha, mẹ vui lòng; người đơn giản muốn học chung với bạn thân của mình… Thêm vào những gì nói ở trên, một hành động của cá nhân còn có thể thỏa mãn cùng một lúc nhiều nhu cầu, xem Hình 36. Điều này có thể hiểu được vì có những nhu cầu là loại nhu cầu hợp thành. Nói cách khác, có những mục đích là mục đích hợp thành. Ví dụ, hành động kiếm tiền giúp thỏa mãn khá nhiều loại nhu cầu. Hoặc việc sử dụng điện thoại di động đối với nhiều người vừa thỏa mãn nhu cầu tiết kiệm sức lực, vừa thỏa mãn nhu cầu được để ý, chú ý. Hình 36: Một hành động có thể thỏa mãn nhiều nhu cầu Như chúng ta biết từ mục 5.2. Các nhu cầu của cá nhân, nguồn gốc của các hành động cá nhân là các nhu cầu của cá nhân. Do vậy, về mặt nguyên tắc, để một người có hành động cụ thể nhất định, trước đó, cần tạo được nhu cầu cụ thể tương ứng với hành động cụ thể đó. D. Carnegie diễn tả như sau: “Chỉ có cách làm duy nhất dưới bầu trời này để buộc một người làm một điều gì đó (hành động – người viết giải thích). Đấy là làm cho người đó muốn (có nhu cầu – người viết giải thích) làm điều đó”. Trong các cuốn sách của mình, chẳng hạn, cuốn “Đắc nhân tâm”, D. Carnegie có dẫn ra không ít các ví dụ minh họa cho luận điểm nói trên. PPLSTVĐM quan tâm suy nghĩ và hành động của cá nhân khi gặp vấn đề (bài toán). Từ quyển một, bạn đọc biết rằng, người ta chỉ thực sự suy nghĩ khi gặp vấn đề, ở đó mục đích cần đạt thì biết nhưng không biết cách đạt đến mục đích, hoặc không biết cách tối ưu đạt đến mục đích trong một số cách đã biết. Nói cách khác, trong những trường hợp như vậy, người ta biết (với những mức độ cụ thể, chính xác khác nhau) cần phải thỏa mãn nhu cầu gì, nhưng hành động như thế nào để chắc chắn đạt đến mục đích (thỏa mãn nhu cầu) thì chưa biết. Điều này buộc người ta phải suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định hành động. Hành động của cá nhân chính là quyết định của thế giới bên trong cá nhân, được thực hiện (vật chất hóa) trên thực tế. Hành động của cá nhân (chủ thể) tác động lên đối tượng nào đó (khách thể) và môi trường. Như vậy, ở đây có sự tương tác giữa chủ thể, khách thể và môi trường. Trong trường hợp tốt đẹp, sự tương tác dẫn đến việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân (đạt mục đích) và không làm nảy sinh những bài toán mới đối với chủ thể, khách thể và môi trường. Những bài toán mới không đáng nảy sinh này sẽ không nảy sinh, nếu người giải bài toán ra quyết định hành động đúng, hiểu theo nghĩa, tất cả các bên (chủ thể, khách thể và môi trường) đều thắng. Có như vậy, chúng ta mới có được sự giữ gìn hoặc/và phát triển bền vững. Các hành động của cá nhân có nguồn gốc là các nhu cầu cá nhân nhưng cái chi phối hành động trực tiếp hơn, cũng như được cá nhân cảm nhận rõ ràng hơn lại là xúc cảm. Trong phần lớn các trường hợp, những xúc cảm đều là những xung lực kích thích các hành động tương ứng. 5.4. Xúc cảm Từ “xúc cảm”, người viết dùng ở đây, được hiểu theo nghĩa rộng. Nó bao gồm các cảm giác mang sắc thái xúc cảm (như đói, mệt), các xúc cảm (hiểu theo nghĩa thông thường như vui, buồn, giận), tình cảm (ví dụ tình yêu), lòng (ví dụ lòng yêu nước), tinh thần (ví dụ tinh thần trách nhiệm)... Ở những chỗ cần thiết, người viết sẽ đi vào phân biệt cụ thể hơn. Có những nhà nghiên cứu ước tính, số lượng xúc cảm của con người có tới hàng chục ngàn loại khác nhau. Trong khi đó, số lượng từ ngữ diễn đạt xúc cảm chỉ trong khoảng 5 đến 6 ngàn từ. Điều này có nghĩa, có những xúc cảm mà bạn không thể diễn tả được cho người khác và hiểu những xúc cảm của nhau để đồng cảm, thông cảm, chia sẻ là vấn đề không dễ. Xúc cảm cá nhân được hiểu là sự phản ánh tâm lý của cá nhân dưới dạng các cảm nhận chủ quan về sự tương quan giữa những gì tác động lên cá nhân (hiểu theo nghĩa rộng) và mức độ thỏa mãn nhu cầu cấp bách của cá nhân. Những tác động này có thể là tác động của môi trường (những người xung quanh, tự nhiên, xã hội) lên cá nhân; tác động của chính kết quả tương tác giữa hành động cá nhân với khách thể và môi trường; tác động của trí nhớ, trí tưởng tượng dưới dạng những hình ảnh hình thành trong đầu cá nhân; tác động của xúc cảm đang hoặc vừa tồn tại trước đó, dẫn đến xúc cảm mới. Xúc cảm thường đi kèm với sự thay đổi trạng thái sinh lý cơ thể, ví dụ, thay đổi nhịp tim, huyết áp, điện trở da, mạch máu co hoặc giãn, các cơ co, giật, thả lỏng... Cũng từ quyển một, bạn đọc biết rằng, trong tự nhiên, phương pháp thường dùng để giải quyết vấn đề và ra quyết định là phương pháp thử và sai: Sau nhiều lần thử và sai mới đi đến lời giải (đạt mục đích – thỏa mãn nhu cầu). Những dấu ấn của những hành động thử – sai không thỏa mãn nhu cầu, hoặc thử – đúng đạt mục đích thỏa mãn nhu cầu (lời giải), không chỉ lưu lại trong trí nhớ mà còn biến thành xúc cảm của chủ thể (người, động vật) giải bài toán. Đến lượt mình, những xúc cảm được lưu lại kích thích, khởi động ngược trở lại tâm lý và chi phối hành động của chủ thể giải bài toán, khi rơi vào những tình huống tương tự trong tương lai thúc đẩy, hoặc ngăn chặn hành động tương ứng. Hình 37: Sự hình thành xúc cảm dưới đây mô tả cơ chế của hoạt động đó. Hình 37: Sự hình thành xúc cảm Khi chủ thể lần đầu tiên gặp bài toán (có nhu cầu cấp bách nào đó cần thỏa mãn nhưng hành động như thế nào để chắc chắn thỏa mãn nhu cầu thì không biết), các hành động của chủ thể mang tính chất thử và sai. Nếu hành động sai, ví dụ hành động 1: Chủ thể tốn sức lực mà không thỏa mãn nhu cầu. Lúc này, trong chủ thể hình thành xúc cảm âm. Xúc cảm âm được lưu giữ để trong các hoàn cảnh tương tự xảy ra trong tương lai, sẽ ngăn chủ thể lặp lại hành động đó. Trường hợp đặc biệt, nếu phép thử đó sai đến nỗi chủ thể bị tiêu diệt, có nghĩa chọn lọc tự nhiên đã đào thải cá thể đó. Ngược lại, nếu hành động giúp chủ thể thỏa mãn nhu cầu (có khi chỉ một phần nào), trong chủ thể hình thành xúc cảm dương. Xúc cảm dương được lưu giữ và có tác dụng trong những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, sẽ thúc đẩy việc lặp lại hành động đó (lời giải) để thỏa mãn nhu cầu. Như vậy, xúc cảm âm thể hiện sự không hài lòng của chủ thể, còn xúc cảm dương – sự hài lòng. Xúc cảm giúp thay đổi hành động cá nhân theo hướng cực đại hóa hành động nào làm tăng thỏa mãn nhu cầu và cực tiểu hóa hành động nào không (hoặc làm giảm) thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Ví dụ, một em học sinh giao tiếp với những học sinh khác trong lớp nhằm thỏa mãn nhu cầu được để ý, chú ý, quan tâm. Đối với những người làm thỏa mãn các nhu cầu của em như biết chia sẻ vui, buồn, tôn trọng em, em rất mừng khi gặp những người đó và có những hành động để số lần gặp nhau nhiều hơn. Ngược lại, đối với những người không làm em thỏa mãn nhu cầu, như coi thường, chọc phá, bắt nạt em, em thấy khó chịu, ghét và tìm cách tránh mặt. Thông thường, cá nhân có khuynh hướng cực đại hóa các xúc cảm dương và cực tiểu hóa các xúc cảm âm. Rõ ràng, các xúc cảm dương làm cá nhân cảm thấy hạnh phúc hơn các xúc cảm âm. Ở đây, “dương” không có nghĩa là tốt, “âm” không có nghĩa là xấu. Việc đánh giá tốt, xấu theo nghĩa đạo đức xã hội, đối với xúc cảm và hành động cần theo khái niệm “phạm vi áp dụng” (xem mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng trong quyển một). Ngoài ra còn có những xúc cảm trung tính, hiểu theo nghĩa, chúng vẫn được chủ thể cảm nhận nhưng không cho chủ thể cảm giác thích thú do thỏa mãn nhu cầu hoặc không thích thú do không thỏa mãn nhu cầu. Dưới đây là một số xúc cảm dương, âm và trung tính: 1. Các xúc cảm dương: Khoái trá, sung sướng, hoan lạc, hân hoan, khâm phục, tự hào, tự hài lòng, tự tin, tin cậy, kính trọng, cảm tình, tình dục, tình yêu, biết ơn, lương tâm thanh thản, sự nhẹ nhõm tâm hồn, cảm giác an toàn, vui sướng trên đau khổ người khác, thỏa mãn sau khi báo thù... 2. Các xúc cảm âm: Không hài lòng, đau khổ, buồn tủi, chán nản, thất vọng, lo lắng, sợ hãi, tiếc rẻ, thương hại, thông cảm, tự ái, cáu, giận, cảm thấy bị sỉ nhục, không cảm tình, ghen tỵ, nghi ngờ, căm thù, không tin cậy, cảm thấy khó xử, ngượng, xấu hổ, hối hận, lương tâm cắn rứt, kinh tởm... 3. Các xúc cảm trung tính: Dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ và gồm cả tò mò, ngạc nhiên, sửng sốt... nếu không kèm theo sự thích thú hay không thích thú, sự hài lòng hay không hài lòng. Thống kê cho thấy các xúc cảm âm nhiều hơn xúc cảm dương. Có lẽ, điều này cũng phản ánh hệ quả của phương pháp thử và sai, phương pháp tạo ra sự tiến hóa, phát triển, có tuổi xưa như Trái Đất: Sau nhiều lần sai (xúc cảm âm) mới có lời giải (xúc cảm dương). Sự lưu giữ xúc cảm có thể trở thành di truyền tự nhiên, mang tính bẩm sinh. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian. Sự lưu giữ còn có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách truyền dạy, lây nhiễm, bắt chước. Có những xúc cảm, chủ thể phải tự trải qua mới có được. Ngoài ra, xúc cảm còn có thể được tạo ra nhờ tưởng tượng sự trải qua giống như trên thực tế, hoặc tưởng tượng trước các kết quả. Các kết quả tốt đẹp giúp hình thành và phát triển các xúc cảm dương. Các kết quả xấu – các xúc cảm âm. Tương tự như các hiện tượng tâm lý khác, xúc cảm hình thành và phát triển trong quá trình tiến hóa để thích nghi với môi trường xung quanh và con người có kế thừa một số xúc cảm từ những động vật tổ tiên. Trước hết, xúc cảm có chức năng báo hiệu. Ví dụ, cảm giác “đói” báo hiệu cho động vật phải đi tìm thức ăn khá lâu trước khi các chất dinh dưỡng trong cơ thể cạn kiệt. Bởi vì, động vật khác với thực vật, phải di chuyển, vận động. Chờ các chất dinh dưỡng trong cơ thể không còn, như xe hết xăng mới biết, để đi tìm thức ăn đồng nghĩa với cái chết chắc chắn. Tình hình tương tự cũng xảy ra với việc hình thành các cảm giác mang sắc thái xúc cảm khác như cảm giác khát, mệt mỏi, đau đớn... và được chọn lọc tự nhiên giữ lại nhằm thỏa mãn nhu cầu tồn tại như là động vật. Xúc cảm còn có chức năng thay đổi (điều khiển) loại xúc cảm, do vậy, loại hành động, đặc biệt, trong những trường hợp cần huy động các nguồn dự trữ của cơ thể để tồn tại. Ví dụ, cảm giác mệt mỏi báo hiệu cho cơ thể phải chuẩn bị nghỉ ngơi, hồi phục sức lực trước khi cạn các năng lượng cơ bắp. Nhưng nếu đúng vào lúc đó, động vật rơi vào tình huống khẩn cấp như bị đe dọa tính mạng, cảm giác mệt mỏi được thay thế bằng sự sợ hãi hoặc nổi giận. Chính sự thay đổi xúc cảm này làm con vật chuyển được sang trạng thái sử dụng tối đa các nguồn lực của mình hoặc để chạy trốn, hoặc lao vào cuộc chiến đấu một mất, một còn. Thêm một lần nữa, chức năng này được chọn lọc tự nhiên giữ lại nhằm thỏa mãn nhu cầu tồn tại như là động vật. Với sự phát triển xã hội và tư duy, ở con người hình thành những xúc cảm mới, phức tạp và cao cấp hơn, gọi là những xúc cảm trí tuệ. Ví dụ, ý thức công bằng, danh dự, nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, tình cảm đoàn kết, lòng nhiệt tình lao động, cảm hứng sáng tạo, tình yêu đối với cái đẹp, tình cảm cao thượng, mong muốn chia sẻ các xúc cảm, lòng vị tha, đồng cảm, óc hài hước, ý thức sở hữu, lòng tham... Tóm lại, những xúc cảm cao cấp là những xúc cảm thuộc các lĩnh vực nhận thức, đạo đức, thẩm mỹ và sáng tạo. Mọi người không chỉ khác nhau về khả năng cảm nhận xúc cảm, về phản ứng xúc cảm đối với cùng một sự kiện hoặc thông tin, mà còn ở những trạng thái sức khỏe khác nhau, lứa tuổi khác nhau, dưới những tác động khác nhau hoặc với các tâm trạng khác nhau. Theo thời gian, chúng ta cũng không giống chính mình về các xúc cảm nảy sinh. Ví dụ, cùng đọc một tác phẩm “Truyện Kiều”, những người khác nhau có những xúc cảm khác nhau. Ngay chính một con người, khi học phổ thông đọc “Truyện Kiều” cảm nhận khác với khi đã lớn tuổi, sau những thăng trầm của cuộc đời. Điều này có thể hiểu được vì xúc cảm phản ánh nhu cầu và khả năng thỏa mãn hoặc không thỏa mãn nhu cầu, có tác dụng thúc đẩy hoặc ngăn chặn hành động mà quan hệ nhu cầu – hành động như chúng ta đã biết trong các mục 5.2. Các nhu cầu của cá nhân, 5.3. Hành động, rất phức tạp. Nói cách khác, hầu hết những gì trình bày trong các mục nói về nhu cầu và hành động đều có thể dùng cho xúc cảm. Dưới đây, người viết nhấn mạnh một số ý: Xúc cảm phản ánh nhu cầu từ hai phía: Phía nhu cầu cá nhân vốn có (mang tính chất chung) và phía mục đích (cụ thể hơn) do cá nhân đề ra để hành động (nhằm thỏa mãn nhu cầu) trong bối cảnh các điều kiện ảnh hưởng đến việc có thể thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu. Nói cách khác, xúc cảm làm cụ thể hóa nhu cầu và tạo ra các xung lực kích thích bên trong để chủ thể hành động một cách cụ thể. Ví dụ, nhu cầu ăn tuy dẫn đến hành động ăn nhưng xúc cảm chỉ ra cụ thể hơn: Thích ăn thịt bò hơn thịt heo, thích ăn ở quán này hơn quán kia... Xúc cảm có thể được tạo ra nhờ tự trải nghiệm (kiểu “Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”, “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, “Qua cầu nào biết cầu nấy”); chứng kiến (ví dụ, sợ khi thấy người chết do tai nạn giao thông, “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, hoặc như câu nói khuyết danh có ở châu Âu: “Tôi không có giày và tôi than thở, cho đến khi gặp người cụt cả hai chân”); nhớ lại (ví dụ, xấu hổ khi nhớ lại lần ăn cắp hồi nhỏ) hoặc hình dung trước quá trình và kết quả tương lai (ví dụ, phấn khởi khi nghĩ đến được thưởng...), vì con người có tư duy và trí tưởng tượng (xem Chương 6: Tư duy sáng tạo: Nhìn theo góc độ thông tin – tâm lý). Các mẩu chuyện nhỏ dưới đây minh họa những cách hình thành xúc cảm: “1. Một buổi chiều, con gái tôi từ trường trở về, mắt long lanh ngấn nước, kể cho tôi nghe cái chết đột ngột do tai nạn giao thông của người cha một cậu bạn cùng lớp. Cuối cùng, bằng một giọng xúc động, con bé kết luận: “Hạnh phúc thật mong manh mẹ nhỉ. Trước khi đến trường, bạn ấy có cả một gia đình hạnh phúc. Vậy mà chỉ sau vài tiết học, khi về nhà đã trở thành đứa trẻ mồ côi!”... Những ngày sau đó, cháu siêng làm việc nhà và tỏ ra dịu dàng, dễ thương hơn rất nhiều trong cư xử đối với cha mẹ và các em. “Ước gì con bé cứ mãi hiểu được điều thiêng liêng đó! Ước gì nó luôn ghi nhớ rằng, cái hạnh phúc bình dị mà nó đang được hưởng mỗi ngày – một mái ấm gia đình với cha mẹ và anh chị em sum họp đủ đầy – không phải là bất biến và không phải ai cũng may mắn có được trong cuộc đời” – tôi thầm cầu mong như vậy. 2. Anh trai tôi trước khi đi bộ đội thường làm cha mẹ tôi phải phiền lòng vì cái tính ưa lêu lổng và hay cãi lời mẹ. Sau đó, từ chiến trường, anh gửi về cho mẹ những lá thư với lời lẽ dào dạt yêu thương: “Càng nghĩ, con càng ân hận vì đã làm khổ mẹ quá nhiều. Con chỉ mong chiến tranh chóng chấm dứt để được về chuộc lại lỗi lầm xưa...”. Thế nhưng, khi chiến tranh kết thúc, anh trở về thì mẹ chỉ còn là nấm đất lạnh lẽo trong nghĩa địa của dòng họ! Ngày đó, tôi đã phải trải qua một nỗi đau quặn ruột khi thấy anh quỳ gối lặng lẽ cúi đầu trước nấm mồ của mẹ hàng giờ đồng hồ, toàn thân rung lên từng đợt, từng đợt trong những tiếng nức nở nghẹn ngào mà không nói nổi một lời tạ lỗi với vong linh của mẹ. Hơn 20 năm trôi qua. Trên đầu anh tóc trắng giờ đã nhiều hơn tóc đen, vậy mà mỗi lần nhắc đến mẹ, anh vẫn lặng người trong nỗi xót xa ân hận vì ngày xưa đã không biết quý trọng những năm tháng được sống bên mẹ... 3. Cô bạn thân của tôi có cuộc sống gia đình hòa thuận, ấm êm đến độ không ít người trong số chúng tôi phải mơ ước. “Vợ chồng mình hạnh phúc chẳng qua là do biết thương yêu, nhường nhịn nhau mà thôi – bạn tôi giải thích – Thế nhưng, ngay cả cái điều đơn giản đó chúng mình cũng chỉ đúc kết được sau 5 năm chung sống đầy... cãi cọ, giận hờn, khi cả hai tình cờ phải chứng kiến sự chia ly đớn đau của một cặp vợ chồng trẻ do căn bệnh hiểm nghèo mà người vợ không qua khỏi. Từ đó, chúng mình mới hiểu một cách thấm thía rằng, hạnh phúc thật mong manh và con người ta có thể phải vĩnh viễn chia tay nhau bất kỳ lúc nào vì một lý do nào đó, nằm ngoài ý muốn... Vậy thì, còn được sống bên nhau ngày nào, hãy hết lòng yêu thương nhau đi để sau này khỏi phải ân hận vì đã không biết sống những ngày đang sống!”. (Bài báo “Hạnh phúc mong manh” của Nguyễn Thị Xuyến đăng trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, ngày 27/7/1997)”. Xúc cảm có thể có những cường độ và sắc thái khác nhau, góp phần tạo nên những khí chất khác nhau. Xúc cảm dương với cường độ mạnh thường thể hiện thành sự mong muốn mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện hành động tương ứng. Ví dụ như sự say mê, nhiệt tình cháy bỏng, khát vọng. Một nhu cầu cho trước, tùy theo hành động, có thể dẫn đến những xúc cảm vui, buồn... khác nhau. Ngược lại, các nhu cầu khác nhau, cũng tùy theo hành động, có thể dẫn đến xúc cảm giống nhau. Ví dụ, việc thỏa mãn các nhu cầu khác nhau có thể dẫn đến cùng một niềm vui như nhau. Quá trình này ở những người khác nhau thì khác nhau về loại hình, cường độ, sắc thái. Các xúc cảm có thể kết hợp, phối hợp với nhau thành các xúc cảm phức tạp, gọi là các xúc cảm hợp thành mang tính hệ thống. Ví dụ, buồn vui lẫn lộn; giận thì giận mà thương thì thương; những xúc cảm không nói nên lời. Các xúc cảm có thể bổ sung cho nhau. Ví dụ, người đã từng buồn nhiều, khi có niềm vui, cường độ xúc cảm thường mạnh hơn những người khác. Các xúc cảm có thể chuyển hóa lẫn nhau, đặc biệt, khi vượt quá một ngưỡng nào đó. Ví dụ, thân nhau lắm thì cắn nhau đau; giòn cười, tươi khóc; hết khôn dồn đến dại; niềm vui nhỏ người ta cười, niềm vui lớn người ta khóc; từ yêu đến ghét, nhiều khi, chỉ một bước. Các xúc cảm có thể mâu thuẫn nhau, hiểu theo nghĩa, xúc cảm này được thỏa mãn thì xúc cảm khác không được thỏa mãn. Ví dụ, bỏ tiền mua sách đọc, có được niềm vui thỏa mãn nhu cầu nhận thức nhưng tiếc, vì phải dè sẻn trong ăn, mặc. Xúc cảm có thể thay thế nhau. Ví dụ, đối với nhiều người, niềm vui trong nghiên cứu khoa học hoàn toàn thay thế được niềm vui ăn chơi, xài những đồ xịn, hàng hiệu... Những người từng trải qua nhiều loại xúc cảm thường hiểu những người khác (về mặt xúc cảm) dễ dàng hơn, đồng cảm hơn, bao dung hơn. Xúc cảm thúc đẩy cá nhân hành động theo các quy luật xúc cảm, do vậy, tùy trường hợp cụ thể, xúc cảm đó có thể tốt, có thể xấu. Ví dụ, tin người khác mình có thể bị lừa; yêu tức là mù; giận mất khôn; yêu nên tốt, ghét nên xấu. Xúc cảm không chỉ thúc đẩy hoặc kìm hãm những hành động thể hiện ra bên ngoài mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những gì thuộc thế giới bên trong con người như nhu cầu, các thói quen tự nguyện, tư duy. Các ảnh hưởng này có thể tốt hoặc xấu. Ví dụ, sự chán nản có thể làm tư duy bị tê liệt. Ngược lại, sự hứng thú lại giúp phát nhiều ý tưởng sáng tạo bất ngờ. Do vậy, ở đây cá nhân cần có sự điều khiển các xúc cảm của mình. Người viết còn quay trở lại vấn đề này trong Chương 7: Điều khiển học: Điều khiển hành động và thế giới bên trong con người sáng tạo. Thực tế cho thấy, khi nói về con người, phần lớn mọi người thường nhấn mạnh và đánh giá chỉ số thông minh IQ, các năng lực trí tuệ, tư duy sáng tạo mức cao. Gần đây, các nhà chuyên môn mới chú ý nhiều hơn đến EQ (Emotional Quotient) và cho rằng chính EQ (hay còn gọi là trí tuệ xúc cảm) đóng vai trò rất đáng kể, giúp thành công, mặc dù vai trò to lớn đó của xúc cảm đã được nhiều người nổi tiếng đề cập đến từ lâu. Để minh họa, dưới đây, người viết trích dẫn một số câu nói về xúc cảm (người viết in đậm những từ diễn tả xúc cảm trong các câu đó) để bạn đọc thấy xúc cảm rất quan trọng và được đánh giá rất cao như thế nào. D.H. Lawrence: “Nếu cái đó không làm bạn rung động, nếu nó không thú vị, bạn đừng làm”. Rollan: “Phẩm chất quý giá nhất trong cuộc sống là tính tò mò luôn trẻ mãi. Nó không bị thỏa mãn theo tháng, năm và sáng nào nó cũng như mới vừa sinh ra”. Rollan: “Trái tim là đòn bẩy của những gì vĩ đại”. Montaigne: “... điều cơ bản nhất là tập các thói quen thích và yêu khoa học. Nếu khác đi, đơn giản, chúng ta đào tạo những con lừa chất đầy những điều sách vở khó hiểu”. Đ.Y. Pixarep: “Ai đã có lần yêu khoa học, người đó sẽ yêu khoa học suốt đời và không khi nào chia tay với nó một cách tự nguyện”. Lebbok: “... tình yêu đối với một khoa học nào đó thúc đẩy trong chúng ta sự ham thích tất cả các khoa học còn lại”. France: “... tâm hồn chúng ta sẽ thua kém những người nguyên thủy nếu không làm cho cuộc sống của con cháu mình tốt hơn và yên lành hơn cuộc sống của chúng ta. Để đạt được mục đích, phải nắm được hai điều bí mật: Cần biết yêu và biết nhận thức. Khoa học và tình yêu sáng tạo cuộc sống”. Galileo: “Không có gì vĩ đại trên thế giới này đã được hoàn thành mà thiếu lòng say mê”. Pascan: “Không say mê, không phấn khởi, không làm được việc lớn”. I. Pavlov: “Không có tình yêu và lòng say mê thực sự thì không có công việc nào trôi chảy”. Monden: “Không có khát vọng thì không có thiên tài”. Ludwig: “Hãy đừng trở nên giàu về trí tuệ đến độ bạn trở nên nghèo về tâm hồn”. S. Simon: “Mức lương cao nhất trả cho người cầm quyền là sự tin yêu của xã hội”. Nguyễn Trãi: “Khứ thực, khứ binh, tín bất khả khứ (có thể bỏ ăn, bỏ việc binh nhưng chữ tín thì không thể bỏ)”. “Nhân vô tín bất lập” (Không có chữ tín không đứng ở đời được). “Tín vi quốc chi bảo” (Tín là vật báu quốc gia). G. Đimitrôv: “Biết phải làm gì chưa đủ, còn phải có dũng cảm thực hiện điều đó nữa”. K. Marx: “Xấu hổ là một loại nổi giận nhưng chỉ hướng vào bên trong. Và nếu như cả một dân tộc cảm thấy xấu hoå thì nó sẽ giống như con sư tử thu mình lại để chuẩn bị phóng tới”. Lênin: “Thiếu những xúc cảm của con người, không bao giờ đã có, đang có và sẽ có thể có sự tìm kiếm chân lý của con người”. 5.5. Các thói quen tự nguyện Trong các hành động của con người có một loại hành động đặc biệt. Đó là loại hành động được con người thực hiện một cách chính xác, thuần thục, thường xuyên, ổn định lâu dài một cách bình thường, tự nhiên, hiểu theo nghĩa, chính người hành động dường như không thực sự chú ý đến những hành động của mình. Thậm chí, nếu người khác hỏi: “Tại sao anh (chị) hành động như thế?”. Có khi, chính người đó ngạc nhiên: “Không lẽ phải hành động khác đi hay sao?”, thậm chí, “Tôi vừa hành động thế đấy à?”. Các hành động tự nhiên có thể do bẩm sinh. Ví dụ, hít thở; chớp mắt; bú, nuốt sữa. Trong mục này, người viết muốn nhấn mạnh loại hành động tự nhiên khác, hình thành do con người sống, học tập, làm việc trong xã hội, được thúc đẩy bởi các thói quen tự nguyện. Dưới đây là một số hành động loại đó: Các buổi sáng thức dậy vào đúng giờ nhất định, vệ sinh cá nhân, thu dọn chăn màn, thay quần áo đi học hoặc đi làm mà chính người hành động không chú ý đến những hành động của mình. Đi xe ngoài đường, mặc dù có những tình huống phức tạp, người đi xe vẫn khéo léo xử lý, vẫn chấp hành luật giao thông nhưng chính người đi xe dường như không thực sự chú ý về các hành động đi xe của mình. Người đánh đàn dương cầm, hai tay như múa trên mặt đàn, vừa đánh vừa nói chuyện với người khác mà không sai một lỗi nhỏ. Người đánh đàn không chú ý đánh đàn mà hành động vẫn rất chuẩn. Có những người, tuy không giàu nhưng coi công việc làm từ thiện như lẽ sống. Họ làm một cách tự nguyện, không khoe khoang, không cần ai động viên, khen thưởng. Trong phóng sự của mình, đăng trên báo Thanh Niên 2/8/2005, Đình Phú kể về cậu bé 15 tuổi, Rơ Chăm Tư làng Păng Gol, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Rơ Chăm Tư đã 6 lần dũng cảm lao xuống suối Ia Grăng chảy xiết cứu sống 5 người. Lần đầu tiên xảy ra vào năm 2001, khi Rơ Chăm Tư mới 11 tuổi, đã cứu được bạn mình là Hồ Ngọc Cường. Đình Phú viết: “Trong một cuộc trò chuyện với tôi, sự kiêu hãnh và tự hào hầu như không xuất lộ tí gì trên nét mặt sạm đen, rắn rỏi của cậu bé Jrai này. Cậu nhiều khi quên bẵng những chiến tích của mình... Giọng tiếng Kinh lơ lớ, Rơ Chăm Tư nhắc khéo chúng tôi: “Các anh đừng hỏi Tư nghĩ gì trước lúc nhảy xuống cứu người. Tư không nghĩ gì cả. Thấy người gặp nạn thì làm vậy thôi”. Có những người chơi đề, dù tán gia, bại sản vẫn lao vào. Dường như những hậu quả xấu không được họ để ý đến. Có những người buôn lậu, thậm chí, sau nhiều lần bị bắt, bị đi tù, ra khỏi tù vẫn tiếp tục buôn lậu như cũ. Như vậy, các thói quen tự nguyện là các động lực trực tiếp thúc đẩy các hành động quen thuộc (các thói quen – theo cách hiểu thông thường), được thực hiện với sự chú ý không đáng kể của chủ thể, trong các tình huống quen thuộc. Còn bản thân thói quen, theo cách hiểu thông thường, là hành động mà việc thực hiện nó trở thành nhu cầu của cá nhân. Nếu không thực hiện hành động đó, cá nhân cảm thấy khó chịu, không yên. Một mặt, hành động được thúc đẩy bởi các thói quen tự nguyện có thể tốt, có thể xấu, rất đa dạng về hình thức và mức độ phức tạp. Mặt khác, bạn đọc có thể nhận thấy, thay đổi loại hành động nói trên rất khó. Có nhà nghiên cứu nhận xét, các thói quen của một người là bản chất của người đó. Có câu hỏi đặt ra: “Các thói quen tự nguyện được hình thành như thế nào?”. Câu trả lời chung là: “Các thói quen tự nguyện là kết quả sự tương tác giữa cá nhân và môi trường (hiểu theo nghĩa rộng nhất) với những điều kiện phù hợp”. Dưới đây người viết cố gắng giải thích rõ hơn. Như chúng ta đã biết từ những mục trước của chương này: Về nguyên tắc, hành động của cá nhân, tác động lên khách thể và môi trường, xuất phát từ các nhu cầu cá nhân và nhằm thỏa mãn chúng. Các hành động đó có thể đúng hoặc sai. Các hành động đúng (hiểu theo nghĩa thỏa mãn nhu cầu) giúp tạo thành các xúc cảm dương thúc đẩy hành động tương tự trong tương lai và các hành động sai – các xúc cảm âm giúp ngăn chặn những hành động tương tự trong tương lai (xem Hình 37: Sự hình thành xúc cảm). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các tiêu chuẩn để đánh giá “đúng”, “sai” không khách quan, rạch ròi và cố định mà thay đổi tùy theo từng cá nhân, từng môi trường và từng cách tương tác giữa cá nhân, khách thể và môi trường cụ thể. Ví dụ, hành động nói dối trong môi trường lành mạnh có thể dẫn đến những khả năng như: 1. Người nói dối thỏa mãn nhu cầu đề ra (vì không chịu các hậu quả xấu do nói dối). Do vậy, người đó cho hành động của mình là đúng, có xúc cảm dương với nói dối và tiếp tục nói dối rất nhiều lần, trở nên “nói dối thành thần”, không còn biết ngượng nữa. 2. Người nói dối lập tức bị mọi người phát hiện, nên nhu cầu ban đầu đề ra không những không thỏa mãn mà còn kéo theo không thỏa mãn các nhu cầu khác như bị mọi người lên án, không được mọi người kính trọng, thậm chí bị gạt ra khỏi cộng đồng xã hội mà người đó muốn thuộc về. Trong trường hợp này, người nói dối thấy hành động đó là sai và xúc cảm âm giúp người đó ngăn ngừa những hành động nói dối trong tương lai. 3. Người nói dối thỏa mãn nhu cầu đề ra của mình trong một khoảng thời gian tương đối dài. Sau nhiều lần nói dối thành công, người đó mới bị phát hiện và lãnh những hệ quả xấu như ở trường hợp hai. Trong trường hợp này, tùy từng cá nhân, cách và mức độ đối xử của khách thể và môi trường, người nói dối có thể nhận ra mình sai để thay đổi; có thể tiếp tục cho mình đúng nên vẫn tiếp tục nói dối. Nói cách khác, xúc cảm dương và âm cùng tồn tại, đấu tranh với nhau và có thể cho các kết quả khác nhau, tùy theo cái nào mạnh hơn. Trong ba trường hợp nói trên, ở trường hợp thứ nhất, nếu xúc cảm dương với nói dối đủ lâu và cường độ đủ mạnh để lập thành “đường mòn” trong não, thói quen tự nguyện nói dối được hình thành. Ở trường hợp thứ hai, ngược lại, có thể hình thành thói quen tự nguyện nói thật. Ở trường hợp thứ ba, người nói dối có thể thắng được mình và có thể không, tùy hoàn cảnh cụ thể. Trong thực tế, còn có thể nảy sinh nhiều trường hợp đa dạng hơn nữa. Đến lượt bạn đọc thử xem xét trường hợp hành động nói dối của cá nhân trong môi trường không lành mạnh, hiểu theo nghĩa, môi trường có nhiều người thành công nhờ nói dối và nói dối được khuyến khích. Hoặc, trường hợp hành động trung thực của cá nhân trong môi trường lành mạnh; không lành mạnh... Có những trường hợp các thói quen tự nguyện xuất phát không phải từ “sáng kiến” cá nhân (như trường hợp nói dối ở trên) mà từ sự “bắt buộc” của môi trường. Ví dụ, bố mẹ bắt các con phải rửa tay trước khi ăn trong khi các con không muốn; xã hội bắt các công dân phải chấp hành các luật lệ (ví dụ luật an toàn giao thông) nhưng nhiều công dân không muốn. Mặc dù, suy cho cùng, trong những trường hợp vừa nêu, những gì môi trường “bắt buộc” cũng nhằm đem lại các ích lợi cho cá nhân. Có những trường hợp các thói quen tự nguyện xuất phát từ sự cộng hưởng của cá nhân và môi trường. Ví dụ, cá nhân muốn có một nghề nào đó và ở trong môi trường dạy chính nghề đó. Lúc này, các thói quen tự nguyện có thể là các động lực đứng đằng sau các kỹ xảo, kỹ năng, các hành động chuyên nghiệp, được các thầy cô, các huấn luyện viên truyền cho, mà cá nhân người đó phải luyện tập, củng cố rất nhiều. Người viết muốn lưu ý bạn đọc về điều kiện để có thể hình thành các thói quen tự nguyện: Các xúc cảm liên quan phải được hình thành, có tác dụng đủ lâu và đủ mạnh. Còn cách hình thành xúc cảm nào là thích hợp, lâu và mạnh đến đâu là đủ, phụ thuộc vào các điều kiện tạo ra chúng, và sự lựa chọn cách hình thành xúc cảm của các cá nhân, khách thể và môi trường cụ thể. Ví dụ, để hình thành xúc cảm dẫn đến hành động rửa tay trước khi ăn, có thể đánh cho đứa bé sợ, có thể thuyết phục để thấy ích lợi của việc rửa tay, có thể động viên bằng cách khen, thưởng... Có đứa bé chỉ cần dọa đánh là đủ để nó phải rửa tay trước khi ăn. Có đứa phải bị đánh thật. Có đứa bé chỉ cần đánh một lần là đủ để tạo cho nó thói quen rửa tay, có đứa bé phải nhiều lần... Tương tự như vậy đối với các cách tạo xúc cảm khác như thuyết phục, động viên, khen thưởng... về mức độ lâu, mạnh. Việc hình thành xúc cảm dương hay âm nói chung, thói quen tự nguyện tốt hay xấu nói riêng, như trên đã nhấn mạnh, còn phụ thuộc vào cá nhân cụ thể. Một mặt, rất may, nhờ vậy, trong những môi trường không lành mạnh vẫn có các cá nhân lành mạnh và chính các cá nhân đó có thể làm thay đổi môi trường theo hướng tích cực. Mặt khác, rất tiếc, trong môi trường lành mạnh vẫn có thể xuất hiện các cá nhân không lành mạnh. Nếu như không có các biện pháp cần thiết, môi trường lành mạnh có thể bị xuống cấp vì ảnh hưởng lan tỏa của các cá nhân không lành mạnh đó. Mặt khác nữa, khi đã tạo lập được thói quen tự nguyện, các xúc cảm sẽ giảm đi. Ví dụ, đứa bé những lần đầu rửa tay trước khi ăn là vì sợ bị đánh đòn. Khi đã thành thói quen tự nguyện, thói quen tự nguyện này thúc đẩy đứa bé rửa tay một cách bình thản, không hề có xao động (xúc cảm) nào trong lòng. Tuy nhiên, nếu vì lý do gì đó mà quên rửa tay, hoặc ở hoàn cảnh không có nước để rửa tay, trí nhớ mang tính xúc cảm sẽ nhắc, đứa bé cảm thấy thiếu thiếu, bứt rứt, bồn chồn, không yên tâm, thấy như mình có lỗi... để những lần sau tiếp tục rửa tay một cách bình thường. Nhìn dưới góc độ PPLSTVĐM, các hành động được các thói quen tự nguyện thúc đẩy chính là các lời giải (làm thỏa mãn) cho các bài toán (các nhu cầu cá nhân) cụ thể, thường gặp. Các lời giải này hoặc do cá nhân cho trước tự tìm ra, hoặc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo cơ chế di truyền xã hội. Nói cách khác, các thói quen tự nguyện giúp cá nhân hành động, sử dụng ngay những lời giải đã được thực tế kiểm nghiệm của những bài toán thường gặp. Điều này giúp tránh việc, mỗi lần gặp lại những bài toán đó như một lần mới, phải suy nghĩ giải bài toán từ đầu. Bằng cách đó, một trong các nhu cầu cơ bản rất quan trọng: “tiết kiệm sức lực” được thỏa mãn. Ngoài những thói quen tự nguyện thúc đẩy các hành động thể hiện ra bên ngoài, còn có những thói quen tự nguyện thúc đẩy các thói quen bên trong như tư duy. Về điều này, người viết còn đề cập đến trong mục 6.5. Tính ì tâm lý. 5.6. Ý thức, tiềm thức và vô thức Ý thức là sản phẩm của xã hội loài người. Ý thức, hiểu theo nghĩa của toàn xã hội, là sự phản ánh hiện thực, bao gồm tập hợp các kiến thức (hiểu theo nghĩa rộng) về thế giới xung quanh và chính bản thân con người, thể hiện được dưới dạng ngôn ngữ (hiểu theo nghĩa rộng). Ý thức được hình thành và phát triển nhờ các hoạt động nhận thức, biến đổi thế giới mang tính xã hội của con người – động vật biết sáng chế, sử dụng, gìn giữ và cải tiến các công cụ lao động, ngôn ngữ. Điều này có nghĩa loài vật không có ý thức. Ý thức, hiểu theo nghĩa cá nhân cụ thể, là các kiến thức trong đầu cá nhân đó, có được nhờ các cơ chế di truyền xã hội, chủ yếu thông qua ngôn ngữ (hiểu theo nghĩa rộng), như giao tiếp, bắt chước, được truyền dạy và các hoạt động tự phát hiện như tự học, phát minh, sáng chế. Điều này có nghĩa ý thức cá nhân chỉ được hình thành khi cá nhân đó sống và hoạt động trong xã hội. Do vậy, đứa bé mới sinh ra chưa có ý thức và những người, do bị lạc, được các thú rừng nuôi từ nhỏ cũng không có ý thức. Khi cá nhân sử dụng những gì thuộc ý thức, cá nhân nhận biết điều đó và có thể trả lời một cách lôgích các câu hỏi như cái gì? như thế nào? tại sao? để làm gì? để đạt được điều gì? Nói cách khác, về mặt nguyên tắc, ý thức giúp cá nhân có được những hoạt động cả bên trong (nhu cầu, xúc cảm, thói quen tự nguyện, tư duy...) lẫn bên ngoài (hành động, hiểu theo nghĩa rộng) mang tính kế hoạch, lôgích, định hướng và dự đoán trước với những ích lợi cao nhất có thể có, tương ứng với trình độ của cá nhân và trình độ phát triển của xã hội đương thời. Tuy nhiên, các cá nhân cụ thể, khác nhau về thế giới bên trong, môi trường xã hội, cách tương tác giữa cá nhân, khách thể và môi trường nên ý thức xã hội (thực chất là các kiến thức của nhân loại) được phản ánh trong đầu, thể hiện ra thành các hành động của mỗi cá nhân cũng khác nhau. Do vậy, các cá nhân cụ thể khác nhau có các ý thức cá nhân khác nhau và ý thức cá nhân còn thay đổi theo thời gian cuộc đời của mỗi người. Các ý nghĩ thuộc ý thức là những ý nghĩ nảy sinh trong óc, nhờ bạn ngay từ đầu đã sử dụng các kiến thức của mình dưới dạng ngôn ngữ (như từ ngữ, ký hiệu, sơ đồ...) thuộc lĩnh vực các kiến thức đó. Ngay sau khi có chúng trong óc, bạn có thể dễ dàng trao đổi, truyền đạt những ý nghĩ thuộc ý thức đó với những người khác cũng dưới dạng ngôn ngữ (như từ ngữ, ký hiệu, sơ đồ...). Trong đầu bạn còn có thể có những ý nghĩ xuất hiện bất thình lình kiểu như “trên trời rơi xuống”, bạn không thể giải thích được sự xuất hiện của chúng, dựa trên lôgích của những kiến thức mà bạn đang có. Ngoài ý thức, còn có vô thức tham gia vào các hoạt động của thế giới bên trong, do vậy, cũng có thể thể hiện ra thành các hoạt động bên ngoài của con người. Vô thức là tập hợp các quá trình, thao tác và trạng thái tâm lý tạo ra bởi sự tác động của các hiện tượng hiện thực mà chủ thể không nhận biết được sự ảnh hưởng của các hiện tượng đó. Nói chính xác hơn, có phần nào đó của những quá trình, thao tác và trạng thái tâm lý được chủ thể cảm nhận nhưng chủ thể không nhận biết, đánh giá, kiểm soát được nguyên nhân gây ra cũng như kết quả của những hiện tượng tâm lý đó. Ví dụ, các hiện tượng tâm lý nảy sinh trong giấc mơ; các hiện tượng tâm lý chưa giải thích được bằng khái niệm ý thức như linh tính; những cơn xúc động, hoảng loạn không rõ lý do; thôi miên; các phản ứng tâm lý đối với các kích thích có cường độ thấp dưới ngưỡng ý thức để ý thức có thể nhận được, kiểu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” vì các kích thích gây buồn thấp dưới ngưỡng nhận biết. Giữa ý thức và vô thức không có ranh giới ngăn cách rạch ròi mà tồn tại vùng đệm, thông nhau trong những điều kiện nhất định. Kết luận này có thể rút ra, ít nhất, nhờ các dấu hiệu sau: 1. Có những trường hợp, ví dụ, những hành động, thúc đẩy bởi các thói quen tự nguyện, được thực hiện một cách tự động đến mức, chính người hành động không ý thức về những hành động của mình. Điều này chứng tỏ, có những cái lúc đầu thuộc về ý thức, trong những điều kiện nhất định, chuyển xuống vô thức và khi cần, lại chuyển lên ý thức. 2. Có những trường hợp, trong đầu chủ thể nảy sinh ý tưởng mới, giúp giải thành công bài toán mà chủ thể không hiểu vì sao. Sau này, hồi tưởng lại, chủ thể mới tìm ra cách lý giải một cách lôgích (ý thức) quá trình phát sinh ý tưởng đó. Điều này có nghĩa, quá trình phát sinh ý tưởng cho trước dường như vừa thuộc vô thức, vừa thuộc ý thức. Nói cách khác, giữa ý thức và vô thức không có biên giới ngăn cách rõ ràng. 3. Có những trường hợp, các hiện tượng tâm lý tuy được cảm nhận một phần nhưng chủ thể cho trước không nhận biết được các nguyên nhân gây ra và cho là chúng hoàn toàn thuộc vô thức. Tuy nhiên, ở đây có sự tương đối hiểu theo các nghĩa: Thứ nhất, với chủ thể khác, nguyên nhân có thể được tìm ra một cách lôgích, như vậy chúng không thuộc vô thức hoàn toàn, nhận định về vô thức là chủ quan; thứ hai, với thời gian, kiến thức nhân loại trở nên sâu, rộng hơn, nhiều cái trước đây được coi thuộc về vô thức có thể trở nên ý thức được. Vùng đệm thông giữa ý thức và vô thức trong những điều kiện nhất định nói ở trên gọi là tiềm thức (hay là tiền ý thức, dưới ý thức). Nhiều thói quen tự nguyện, sau khi hình thành, đã chuyển từ ý thức vào tiềm thức và vô thức. Hình 38: Ba cơ chế (ba mức) hoạt động của thế giới bên trong con người minh họa ý thức, tiềm thức và vô thức. Hình 38: Ba cơ chế (ba mức) hoạt động của thế giới bên trong con người Những ý tưởng đầu tiên về hoạt động của vô thức thuộc về Platon (428/427 – 348/347 trước Công nguyên). Trong một cuộc đối thoại, Socrate (469 – 399 trước Công nguyên) có kể về “con quỷ” của mình, toàn xui làm những việc không nên làm. Do vậy, ông chỉ ra các quyết định dựa trên ý thức. Những cố gắng nghiên cứu để hiểu hoạt động của vô thức trong tư duy được bắt đầu từ Leibnitz (1646 – 1716) và được Kant (1724 – 1804) phát triển tiếp. Kant liên kết hoạt động của vô thức với sáng tạo. Wundt (1832 – 1920) ví tiềm thức như một sinh vật làm việc thầm lặng cho chúng ta để cuối cùng dâng cho chúng ta những quả chín. A.A. Ukhtomski giải thích rõ hơn: “Các tìm kiếm khoa học và các ý nghĩ khởi đầu tiếp tục được biến đổi, làm phong phú hơn và phát triển trong tiềm thức, để khi quay lại ý thức, chúng trở nên súc tích, chín muồi và lôgích hơn. Một số vấn đề khoa học phức tạp có thể ấp ủ chín muồi bên nhau và cùng một lúc trong tiềm thức, nhưng chỉ đôi khi chúng mới nổi lên để được nhận biết (ở vùng ý thức – người viết giải thích)”. P.V. Ximonov cho rằng, khởi đầu của sáng tạo là các giả thiết còn chưa được kiểm chứng. Tính không ý thức của một số giai đoạn nhất định của quá trình sáng tạo là kết quả của quá trình tiến hóa để tạo ra sự đối lập với tính bảo thủ của ý thức. Ý thức với tư cách là kiến thức, có lôgích riêng của nó, ngăn cản sự hình thành các giả thiết mới, các ý tưởng mâu thuẫn với những gì đã biết. Để bù trừ, vô thức được giải phóng khỏi sự kiểm soát của ý thức và ý chí, có được sự tự do đầy đủ để xây dựng các giả thiết, các ý tưởng mâu thuẫn. Sau khi nhận biết các giả thiết, ý tưởng này, ý thức đóng vai trò: Chọn lọc ra trong số đó các giả thiết, ý tưởng phản ánh đúng hiện thực khách quan. Nhiều nhà khoa học và sáng chế nổi tiếng đã từ lâu nhận thấy sự có mặt của tiềm thức, vô thức trong các hoạt động tư duy sáng tạo của chính mình: G. Helmholtz: “Ý nghĩ bất ngờ lóe lên mà không cần sự cố gắng nào, như sự ngẫu hứng”. V.A. Steklov: “Quá trình sáng tạo xảy ra một cách vô thức, không có sự tham gia của lôgích hình thức. Chân lý đạt được không phải do suy luận mà bằng cảm nhận mà chúng ta gọi là trực giác... Trực giác nảy sinh trong ý thức dưới dạng một phán đoán sẵn không có bất kỳ chứng minh nào”. I. Pavlov: “... trong chừng mực nào đó, đời sống tâm lý, đời sống tinh thần được tạo thành bởi phần ý thức và phần không ý thức xen lẫn với nhau”. Kant: “Vô thức là bà đỡ của các ý nghĩ”. F. Galton: “Cái tốt nhất, trong số những cái mà bộ óc của chúng ta cung cấp, được sinh ra độc lập với ý thức”. A. Einstein: “Tôi không có chút nghi ngờ nào về việc quá trình suy nghĩ của chúng ta chủ yếu xảy ra không thông qua các ký hiệu (từ, ngữ) và thêm nữa, xảy ra một cách vô thức”. Những ý tưởng nhờ vô thức có được, đã giúp Einstein rất nhiều. Vô thức, trong các cuộc trao đổi, đặc biệt, trong các cuộc tranh luận, thường được Einstein “ngụy trang” dưới dạng Chúa Trời (der liebe Gott – tiếng Đức). Tuy nhiên, cũng có những ý tưởng không đúng. Dưới đây là hai trường hợp: P.L. Kapitsa nhớ lại: “Vào những năm 1930, khi còn làm việc trong phòng thí nghiệm Cavendish, dưới sự lãnh đạo của E. Rutherford, tôi xây dựng phương pháp cho phép thu nhận từ trường mạnh gấp mười lần những từ trường có lúc đó. Trong một lần nói chuyện, Einstein cố gắng thuyết phục tôi thực hiện thí nghiệm nghiên cứu sự ảnh hưởng của từ trường lên tốc độ truyền của ánh sáng. Các thí nghiệm này đã từng được thực hiện nhưng không cho hiệu ứng nào. Tôi phản đối Einstein vì theo lôgích của các hiện tượng điện–từ, không thấy có nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng cần đo. Không tìm ra cách lý lẽ hóa sự cần thiết phải thực hiện những thí nghiệm như vậy, Einstein nói: “Tôi nghĩ rằng Chúa Trời kính mến đã không thể tạo ra thế giới, mà ở đó từ trường lại không ảnh hưởng đến tốc độ của ánh sáng”. Tương tự như vậy, khi không đồng tình với hệ thức bất định Heisenberg và cách giải thích xác suất của Born về hàm sóng, Einstein lại nói: “Chúa Trời không chơi trò súc sắc”. Từ đây, chúng ta có thể thấy, ở những nơi, những lúc, trong ý thức của bạn chưa có các công cụ lôgích suy luận phù hợp, các cơ chế hoạt động của tiềm thức, vô thức trở thành những cơ chế chủ đạo trong việc tạo ra các ý tưởng mới. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, một mặt, những ý tưởng mới đó có thể đúng, có thể sai và thực tiễn mới là tiêu chuẩn đánh giá chân lý. Mặt khác, khi đã có PPLSTVĐM, bạn nên trang bị các công cụ phát ý tưởng đó cho mình ở vùng ý thức và sử dụng chúng. Bạn không nên cực đoan chỉ tin vào những ý tưởng có được nhờ các cơ chế hoạt động của tiềm thức, vô thức. Sự tồn tại ý thức, tiềm thức, vô thức và các hoạt động của chúng là bằng chứng nữa cho thấy thế giới bên trong mỗi người rất phức tạp, khó nghiên cứu. Bởi vì, những gì thuộc thế giới bên trong con người như các nhu cầu, xúc cảm, thói quen tự nguyện, tư duy... còn có thể hoạt động ở ba mức khác nhau và chuyển từ mức này sang mức khác. Trong đó, sự vận hành của các cơ chế tiềm thức và vô thức không được chủ thể nhận biết. Theo một số nhà nghiên cứu, xét về “kích thước”, ý thức chỉ là một lớp vỏ mỏng so với tiềm thức, vô thức. Thậm chí, có người còn cho rằng vô thức sâu vô đáy. Rất tiếc, khoa học ngày nay biết rất ít, nếu như không nói rằng, hầu như không biết gì về tiềm thức, vô thức, càng chưa có các phương tiện tác động trực tiếp và điều khiển chúng phục vụ các lợi ích của con người. Người viết còn quay trở lại đề tài này trong mục nhỏ 6.4.8. Linh tính. 5.7. Mô hình nhu cầu – hành động và các khả năng của tư duy 5.7.1. Mô hình nhu cầu – hành động Đến đây, tổng hợp những gì đã trình bày trong chương này, chúng ta có mô hình nhu cầu – hành động mô tả hoạt động của thế giới bên trong cá nhân từ nhu cầu đến hành động và ngược lại, xem Hình 39. Bạn đọc cần hiểu rằng, đây là mô hình rất gần đúng. Người viết đưa ra mô hình này nhằm mục đích minh họa tính phức tạp của thế giới bên trong mỗi người và ít, nhiều, mỗi người có thể hiểu bản thân mình hơn, xử sự với những người khác tốt hơn. Bạn đọc đã biết từ mục 5.2. Các nhu cầu của cá nhân, về mặt nguyên tắc, các nhu cầu của cá nhân là gốc của các hành động cá nhân và cá nhân hành động nhằm thỏa mãn các nhu cầu ấy. Trải qua tiến hóa, phát triển trong tự nhiên với thời gian rất dài, sau đó, trong môi trường xã hội, quá trình truyền dẫn, biến đổi từ nhu cầu đến hành động và ngược lại của tâm lý con người trở nên rất phức tạp, đa dạng. Điều này được diễn tả bằng sự tương tác giữa các yếu tố mang tính độc lập nhất định như các nhu cầu, xúc cảm, thói quen tự nguyện, tư duy xảy ra ở ba mức: Ý thức, tiềm thức và vô thức. Trong trường hợp chung, quá trình truyền dẫn và biến đổi từ nhu cầu đến hành động được mô tả thành chuỗi đầy đủ N → X → Q → T → H → ở cả ba mức: Ý thức, tiềm thức, vô thức. Đi vào cụ thể, các yếu tố độc lập đó là: 1. Các nhu cầu cá nhân ở mức ý thức Ny 2. Các nhu cầu cá nhân ở mức tiềm thức Nt 3. Các nhu cầu cá nhân ở mức vô thức Nv 4. Các xúc cảm cá nhân ở mức ý thức Xy 5. Các xúc cảm cá nhân ở mức tiềm thức Xt 6. Các xúc cảm cá nhân ở mức vô thức Xv 7. Các thói quen tự nguyện ở mức ý thức Qy 8. Các thói quen tự nguyện ở mức tiềm thức Qt 9. Các thói quen tự nguyện ở mức vô thức Qv 10. Tư duy ở mức ý thức Ty 11. Tư duy ở mức tiềm thức Tt 12. Tư duy ở mức vô thức Tv Hình 39: Mô hình nhu cầu – hành động của cá nhân ở tuổi trưởng thành nhất định Khi gọi các yếu tố nói trên là các yếu tố độc lập, người viết vẫn ngụ ý rằng giữa chúng có các tương tác, ảnh hưởng, phụ thuộc lẫn nhau (xem mũi tên hai đầu ↔ trên Hình 39) và từng yếu tố đó có thể thay đổi (hiểu cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu) chứ không phải hình thành một lần rồi bất biến. Từng yếu tố độc lập kể trên, khi hoạt động, có thể có các chủng loại khác nhau, ở những quá trình, trạng thái, tính chất khác nhau, với cường độ, sắc thái, thời gian tác động... khác nhau, tạo nên phổ rất đa dạng cho từng yếu tố. Để dễ trình bày, người viết chọn sự đa dạng cho mỗi yếu tố là 10 (thực ra mức độ đa dạng trên thực tế lớn hơn nhiều lần). Điều này có thể hiểu được vì, từng yếu tố độc lập nói trên, nếu đi sâu hơn nữa, chúng ta còn thấy, là hệ thống hợp thành từ các yếu tố có thang bậc hệ thống thấp hơn theo những cách khác nhau và thay đổi theo thời gian. Ví dụ như các nhu cầu, xúc cảm, mong muốn tự nguyện hợp thành mang tính hệ thống (xem các mục trước của Chương 5 này). Từ đây, chúng ta có bảng hình thái, xem Hình 40. Hình 40: Bảng hình thái về thế giới bên trong mỗi người Bảng hình thái cho 1012 (ngàn tỷ) tổ hợp với công thức hình thái chung dưới dạng: trong đó a, b, c,…, n = 1 đến 10. Mỗi công thức hình thái với a, b, c,…, n là các con số cụ thể cho ta một quá trình, trạng thái hoặc tính chất tâm lý cụ thể của thế giới bên trong con người cụ thể. Nếu chúng ta muốn mô hình nhu cầu–hành động phản ánh hiện thực đầy đủ, chính xác hơn nữa, chúng ta còn phải tính đến các mối liên kết đa dạng có thể có giữa 12 yếu tố độc lập nói trên. Lúc đó, số lượng các hệ thống có được còn lớn hơn số lượng các tổ hợp 1012 gấp rất nhiều lần và mỗi hệ thống có tính hệ thống, là sự thay đổi về chất, chứ không phải là phép cộng của phổ đa dạng các yếu tố độc lập. Trong các tổ hợp nói trên, có những trường hợp đặc biệt như: (xem mũi tên nối từ N đến H trên Hình 39). Điều này có nghĩa, có những hành động xuất phát trực tiếp từ các nhu cầu. (xem mũi tên nối từ X đến H trên Hình 39). Điều này có nghĩa, có những hành động xuất phát trực tiếp từ các xúc cảm. (xem mũi tên nối từ Q đến H trên Hình 39). Điều này có nghĩa, có những hành động xuất phát trực tiếp từ các thói quen tự nguyện. (xem mũi tên nối từ T đến H trên Hình 39). Điều này có nghĩa, có những hành động xuất phát trực tiếp từ các ý nghĩ. Các hành động của cá nhân có thể chia thành hai loại: 1. Các hành động mang tính bẩm sinh, đã được lập trình trong cơ thể của mỗi cá nhân bình thường; 2. Các hành động được hình thành, củng cố, thay đổi, tiến hóa, phát triển, suy thoái do cá nhân sống, học tập (hiểu theo nghĩa rộng), làm việc và tương tác với khách thể và môi trường tự nhiên, xã hội. Trong loại hành động thứ hai, có những hành động không theo chuỗi đầy đủ N → X → Q → T → H mà theo chuỗi N → X → Q → H . Nói cách khác, đấy là những hành động không dùng hoặc hầu như không dùng tư duy, vì ở đó, cá nhân cụ thể biết mục đích cần đạt và đồng thời biết luôn cả các hành động đạt đến mục đích. Nói cách khác nữa, đấy là những hành động của cá nhân trong những tình huống không phải là vấn đề hoặc cá nhân tự cho rằng ở đó không có vấn đề. Những hành động đó chính là các lời giải, có được nhờ di truyền xã hội hoặc do chính cá nhân tự tìm ra trong quá khứ. Thông thường, cá nhân chỉ thực sự suy nghĩ, thậm chí bị bắt buộc phải suy nghĩ khi gặp hoặc tự đề ra vấn đề, xem mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng, quyển một. Dưới đây là một số trường hợp có thể làm nảy sinh vấn đề: 1. Khi kết quả của sự tương tác giữa hành động cá nhân với khách thể và môi trường M (tự nhiên, xã hội) không làm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân (xem ô kết quả K trên Hình 39) do dùng hành động cho trước ra ngoài phạm vi áp dụng. Ví dụ, một người nhiều lần làm việc trên cao không dùng các biện pháp an toàn mà không xảy ra chuyện gì. Cho đến một hôm, cũng các hành động ấy, tai nạn xảy ra, anh ngã từ trên cao xuống gãy chân. Anh gặp vấn đề. 2. Sự thay đổi bên trong cá nhân dẫn đến vấn đề. Ví dụ, các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể xác và tinh thần. 3. Khi cá nhân cần phải thay đổi các thói quen hành động cũ và học những kỹ xảo, kỹ năng mới. Ví dụ, các vấn đề liên quan khi đi học, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. 4. Khi cá nhân thử những hành động mới (do sáng kiến của chính mình hay nghe theo lời những người khác) làm nhu cầu cá nhân không thỏa mãn hoặc dẫn đến vấn đề lớn hơn. Ví dụ, thử rượu, ma túy, số đề, ăn cắp, tham ô. 5. Cá nhân muốn tăng mức độ thỏa mãn nhu cầu đã có mà chưa biết cách. Ví dụ, cá nhân muốn tăng thu nhập gấp năm lần mà chưa biết làm sao. 6. Cá nhân muốn thỏa mãn những nhu cầu mới mà chưa biết cách. Ví dụ, làm sao chế tạo được vỏ xe không bao giờ mòn? 7. Khi khách thể có những đòi hỏi mới, các hành động tác động lên khách thể cũng cần phải thay đổi theo cho tương hợp. Nhưng thay đổi như thế nào là vấn đề. Ví dụ, những khách hàng mua bình ga đòi hỏi nhà sản xuất phải làm bình ga trong suốt để họ có thể kiểm tra được mức ga chứa trong bình có nạp đủ hay không và chủ động theo dõi được mức ga trong quá trình sử dụng. Đòi hỏi này trở thành vấn đề của nhà sản xuất. 8. Khi khách thể là mới, do vậy nếu áp dụng những hành động thích hợp với khách thể cũ cho khách thể mới có thể dẫn đến vấn đề. Ví dụ, đem những sản phẩm có chế phẩm làm từ heo, thích hợp với những khách hàng không theo Đạo Hồi, bán cho những người theo Đạo Hồi đã từng là những vấn đề đau đầu của một số công ty lớn trên thế giới (xem mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng, quyển một). 9. Khi môi trường có những thay đổi, đòi hỏi mới có thể dẫn đến các vấn đề vì lúc đó các nhu cầu của cá nhân không thỏa mãn theo yêu cầu cá nhân đề ra. Ví dụ, việc cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng là vấn đề với nhiều người nghiện; hạn hán, bão lụt là những vấn đề của nông dân. 10. Khi cá nhân ở môi trường mới, nhiều vấn đề có thể nảy sinh nếu cá nhân còn tiếp tục giữ những hành động chỉ thích hợp cho môi trường cũ. Ví dụ, nếu cá nhân còn giữ thói quen xả rác ra đường như ở ta, sang Singapore sẽ khó thỏa mãn nhu cầu tiền vì tiền phạt rất nặng. Trong các mục nhỏ tiếp theo của mục 5.7 này, người viết đề cập đến mối quan hệ giữa tư duy T và các yếu tố độc lập khác, trong đó, lưu ý bạn đọc đến sự rất cần thiết khai thác tốt các khả năng to lớn của tư duy. 5.7.2. Tình hình tư duy giải quyết vấn đề và hành động đổi mới ở phần lớn mọi người hiện nay Phần lớn mọi người hiện nay ít thực sự tư duy khi gặp các vấn đề hoặc khi cần ra quyết định. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình vừa nêu. Một số trong những nguyên nhân đó là: 1. Suy nghĩ, mà thực tế lại là suy nghĩ bằng phương pháp phổ biến thử và sai, tốn nhiều sức lực, trí lực, thời gian (xem mục nhỏ 2.3.2. Các nhược điểm của phương pháp thử và sai). P.X. Alexanđrov, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Liên Xô cũng khẳng định: “Quá trình sáng tạo là công việc, ở đó, những cố gắng không thành công chiếm tới 99% các nỗ lực sáng tạo và chỉ thỉnh thoảng mới có thành công ngắn ngủi. Thành công đó giống như hạt cám vàng có được sau khi đã đãi nhiều tấn cát”. Hay như Rousseau nhận xét: “Có cả hàng ngàn con đường dẫn đến cái sai, chỉ có một con đường dẫn đến chân lý”. Do vậy, nhiều người ngại, lười, trốn suy nghĩ, thậm chí, cam chịu, chấp nhận những hậu quả không mong muốn do vấn đề chưa được giải quyết mang lại. Nói cách khác, đành “sống” chung với vấn đề. Ví dụ, sống chung với ô nhiễm, kẹt xe. 2. Môi trường có những điều kiện giúp người có các vấn đề tránh suy nghĩ giải quyết chúng. Ví dụ, các vấn đề có thể báo cáo lên cấp trên. Cấp trên sẽ suy nghĩ, giải quyết, mình chỉ là thiên lôi chỉ đâu đánh đấy theo quyết định của cấp trên. Các vấn đề có thể chuyển giao cho những người khác giải quyết bằng cách mua, thuê các thành phẩm, dịch vụ có sẵn hoặc đặt hàng giải quyết theo các yêu cầu của chủ sở hữu vấn đề. Tất nhiên, chủ sở hữu vấn đề phải có đủ tiền để làm điều đó. 3. Người có vấn đề có thể chuyển sang các môi trường khác, ở đó không có vấn đề mình gặp. Ví dụ, chuyển công tác, chuyển nhà, chuyển nghề, li dị, cắt đứt các quan hệ xấu. Ngay cả những người có suy nghĩ giải quyết vấn đề và tìm ra các ý tưởng lời giải cũng ít khi tự mình thực hiện các hành động để giải cho xong bài toán, có thể, vì các lý do sau: 1. Quá trình hành động để biến ý tưởng lời giải thành hiện thực so với việc chỉ suy nghĩ tìm ra ý tưởng lời giải thường khó hơn, đòi hỏi nhiều điều kiện hơn, kể cả các điều kiện vật chất, vốn, nhân lực… mà không phải lúc nào người giải quyết vấn đề cũng có đầy đủ. A.N. Krưlov còn cụ thể hóa: “Trong bất kỳ công việc mang tính thực tế nào, ý tưởng chỉ chiếm từ 2 đến 5 phần trăm, phần còn lại từ 98 đến 95 phần trăm là thực hiện”. 2. Môi trường thiếu những biện pháp khuyến khích (kích thích) cá nhân phát huy các hành động đổi mới, thậm chí, có những cái cản trở cá nhân làm điều đó. Nói cách khác, cá nhân không hành động ở loại môi trường, nơi các hành động đổi mới của cá nhân không giúp thỏa mãn các nhu cầu của chính mình. Ví dụ, mục đích của các nhà đầu tư là kiếm lợi nhuận. Họ phát hiện vấn đề, tìm ra được lời giải dưới dạng ý tưởng nhưng cuối cùng họ không hành động vì với mức thuế quá cao, nhu cầu lợi nhuận của họ không được thỏa mãn. 3. Nếu ý tưởng lời giải, đơn thuần chỉ là kết quả của tư duy thì ý tưởng ấy có tác dụng thúc đẩy hành động giải bài toán rất yếu. Vì như chúng ta đã biết từ những mục trước: Gốc của hành động là nhu cầu chứ không phải tư duy và tác động thúc đẩy hành động trực tiếp, cụ thể, nhanh, mạnh hơn bất kỳ yếu tố độc lập nào khác là xúc cảm chứ không phải tư duy. Do vậy, nếu tác giả của ý tưởng lời giải chưa có đủ xúc cảm cần thiết về ý tưởng của mình, chưa thấy ý tưởng đó thỏa mãn các nhu cầu cấp bách của mình, người đó thường sẽ không hành động để biến ý tưởng thành hiện thực. Mặc dù người đó có đầy đủ các điều kiện vật chất, vốn, nhân lực... Đấy là những người thông minh nhưng không phải là những người hành động. Nói cách khác, những người có đầu óc lớn nhưng trái tim nhỏ thường không phải là những người hành động. Không hành động, không có sự đổi mới, sẽ không có sự phát triển nào trên thực tế. Bạn thử tưởng tượng, có hai anh đội trưởng của hai đội phòng chống ma túy. Với những thông tin thu thập được, cả hai anh đi đến kết luận, đêm hôm nay kéo quân ra địa điểm X trong rừng phục kích, chắc chắn sẽ bắt được bọn vận chuyển ma túy. Nói cách khác, cả hai anh đều tìm ra ý tưởng lời giải bài toán. Thế nhưng, hai anh khác nhau về xúc cảm đối với ý tưởng đó. Anh thứ nhất vừa nghĩ đến phục kích ban đêm đã cảm thấy mệt mỏi, sợ mất ngủ, muỗi đốt, vắt hút máu... và trở nên chán nản (xúc cảm âm). Anh thứ hai đầy lòng căm thù bọn gieo rắc cái chết trắng, đã đẩy bao nhiêu người vào con đường tội lỗi, phá vỡ sự bình yên của biết bao gia đình... nên mừng như bắt được vàng khi có thông tin đó (xúc cảm dương). Bạn đọc có thể đoán ra, anh thứ hai chắc chắn sẽ hành động vì có những xúc cảm phù hợp thúc đẩy, còn anh thứ nhất có thể không. Tệ hơn, nếu anh thứ nhất quá yêu tiền, có khi anh hành động ngược lại: Bán thông tin ấy cho bọn buôn ma túy để lấy tiền. Dưới đây là một số ví dụ khác minh họa tác động mạnh mẽ của những xúc cảm cao thượng, thúc đẩy các hành động anh hùng thầm lặng và sự nguy hiểm của thói thờ ơ, dửng dưng, lãnh đạm, vô cảm, ngăn cản hành động, kể cả những hành động mà ý thức của bất kỳ người bình thường nào đều bảo: “Phải làm!”. ○ Từ xa xưa, các nhà bác học đều cho rằng những vân hoa trên ngón tay mang tính cá nhân độc đáo và những vân tay ấy sẽ giữ như thế suốt đời không thay đổi. Có những kẻ phạm tội sợ để lại dấu tay khi hành động, đã phá bỏ vân trên ngón tay mình. Nhưng liệu làm cách đó vân tay có biến đi hay thay đổi không? Hai nhà nghiên cứu hình sự Loca và Vicopski quyết định xem xét lại chuyện đó. Họ bèn lấy nước sôi, mỡ sôi và cả sắt nung để phá bỏ vân tay của chính mình. Bằng những cách làm tự nguyện như vậy, họ khám phá ra rằng sau khi bị phá hủy, trên những ngón tay đã lành, vân tay vẫn xuất hiện trở lại đúng y như cũ. ○ Grace Paley là một nhà thơ lớn của văn học Mỹ hiện đại. Bà đã từng được phong tặng danh hiệu cao quý của thi ca Mỹ: Thi bá bang New York. Bà là người Mỹ gốc Nga. Gia đình bà sang Mỹ định cư năm 1905. Năm nay, bà đã ngoài tám mươi tuổi. Hai vợ chồng bà sống trong một ngôi nhà giản dị ở một vùng nông thôn, ngoại ô New York. Họ trồng trọt và chăn nuôi một số bò sữa. ... Chỉ khi bị hỏi thì Grace mới nhớ lại những ngày bà lãnh đạo phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ngày ấy – những ngày đầu Mỹ đưa quân đội đến tham chiến trực tiếp ở chiến trường Việt Nam. Vào một buổi sáng, người ta thấy xuất hiện một phụ nữ nhỏ bé, hiền hậu và nhẫn nại đứng giữa một ngã tư của thành phố với tấm biển ghi dòng chữ phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. ... Thời gian đầu, những người dân Mỹ đi qua bà, bước đến gần bà, nhìn bà như một sinh vật lạ và nhổ nước bọt vào bà. Họ cho bà là kẻ chống lại quyền lợi nước Mỹ và ủng hộ những người cộng sản ở bên kia bờ đại dương, mà chính họ cũng không hiểu biết gì nhiều. Một người Mỹ nhổ nước bọt vào bà, rồi hai người, ba người và hàng trăm người nhổ nước bọt vào bà cùng những lời nguyền rủa. Nhưng bà vẫn im lặng đứng đó, mắt nhìn lên cao, tấm biển chống chiến tranh vẫn giữ chặt trong tay. Bà đứng đó như một bức tượng sống đầy thách thức với cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của Nhà Trắng. Nước bọt ướt đẫm thân thể bà. Người ta tin rằng bà sẽ phải hạ tấm biển kia và nhục nhã bỏ cái ngã tư đường phố đó về nhà và không bao giờ quay lại đó nữa. Tối tối bà trở về nhà, ngồi im lặng cùng người chồng cũng là một nhà văn trong ngôi nhà bé nhỏ. Bà không hề khóc vì cô độc và những lời nguyền rủa của dân chúng. Chỉ trái tim bà đau đớn về tội ác của con người càng ngày, càng tinh vi hơn và man rợ hơn. Nhưng bà tin vào lương tâm con người. Bà tin vào sự thật của cuộc đời. Bà tin lòng nhân ái của bà, một nhà văn yêu đến thổn thức cả một cái cây bị đổ trong một cơn bão. Đêm đêm bà làm thơ, ban ngày bà lại bước đến ngã tư trung tâm thành phố để thực thi sứ mệnh của lương tâm và hòa bình. Và sáng sớm hôm sau, người ta lại thấy bà đứng đó nhẫn nại và câm lặng như một người mắc bệnh trầm uất. Sau một thời gian nhổ nước bọt cùng những lời nguyền rủa trút lên người bà, người ta đã bắt đầu thấy một người đến đứng bên cạnh bà với một tấm biển chống chiến tranh như bà. Rồi hai người đến, rồi ba người, rồi một trăm người, rồi hàng ngàn người. Chính những người đã nhổ nước bọt cùng câu chửi độc nào đó lên bà giờ đã đến và đứng bên bà. Ngã tư đường phố sau bao ngày tháng bà đứng trong cô độc và những lời nguyền rủa đã trở thành một quảng trường lớn của những người Mỹ yêu hòa bình. Trước hàng ngàn con người yêu hòa bình và công lý, bà đã nói về đất nước Việt Nam, nói về cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra trên mảnh đất này. Ngày ngày, như một người lao công cần mẫn, bà đã đi và đã nói khi còn hơi sức về hòa bình, về công lý của con người, về những tội lỗi của chiến tranh mà chính quyền Mỹ đã gây ra. Một chiếc túi vải cũ kỹ luôn đeo bên người bà với một chai nước và những mẩu bánh nguội. Người ta nói rằng FBI đã gọi điện và đe dọa bà. Bà đã dõng dạc nói rằng: “Nếu các người ám sát tôi nghĩa là các người đã ám sát hòa bình và công lý. Tất cả những gì mà tôi và những người Mỹ đang làm chính là để cứu nước Mỹ khỏi nỗi hổ nhục của hiện tại và của tương lai”. Sự thật, bà và những người Mỹ chân chính đã cứu nước Mỹ khỏi một phần hổ nhục trong lịch sử của họ. Sau này bà nói: “Tôi và những người Mỹ yêu hòa bình đã không dập tắt được cuộc chiến tranh man rợ ngay lập tức, nhưng chúng tôi đã làm cho lương tâm Mỹ khỏi sự sụp đổ hoàn toàn. Một người dân bình thường không thể cho phép tội ác đứng lên diễn đàn rao giảng về đức hạnh và công lý huống hồ là một nhà thơ. Tôi có thể lẩn tránh mọi điều và sống yên bình trong ngôi nhà nơi thôn dã ngút ngàn cây cối, rực rỡ hoa nở trong mùa hạ và viết những câu thơ về tiếng thì thào của rừng thông, của bầy chim di cư, của hoa anh đào... Nhưng như thế, tôi chỉ là một nhà thơ hèn hạ và những câu thơ ấy là những câu thơ vô nhân khi lịch sử đang bị đánh lừa và chảy máu”. (Trích từ bài báo: “Người đàn bà phản chiến: Nước bọt và bức tượng không dựng” của Petter Phan, đăng trên báo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng, tháng 9/2003). ○ Tình cảm phản chiến tiếp tục chĩa mũi dùi vào tôi (tôi tức McNamara, lúc đó đang là bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ – người viết giải thích) từ nhiều phía khác nhau. Đôi khi nó đến từ những người mà tôi yêu quý nhất... Marg (vợ của McNamara – người viết giải thích) khi ấy đi du lịch nên tôi một mình đến New York dùng bữa chiều với Jackie (vợ của cố tổng thống Kennedy – người viết giải thích). Sau bữa ăn, chúng tôi ngồi trên một chiếc trường kỷ trong thư phòng ở căn hộ Manhattan của bà để thảo luận về tác phẩm của nhà thơ Chilê đoạt giải thưởng Nobel Gabriela Mistral... Không biết những xúc cảm của bà trào dâng do những vần thơ hay do những lời mà tôi thốt ra, tôi cũng chẳng rõ nữa. Bà bỗng tỏ ra rất chán nản và rất gay gắt đối với chiến tranh. Nói gì thì nói, bà đã trở nên căng thẳng đến mức nghẹn ngào không thốt được nên lời. Bất chợt bà bật khóc. Bà quay phắt lại và đúng theo nghĩa đen, giáng cho tôi một bạt tai, và đòi tôi phải “làm gì đó để chấm dứt cảnh chém giết”. Những lần va chạm của tôi với những người phản kháng trở nên ầm ĩ và tồi tệ hơn. Một trong những lần gây bối rối nhất đã diễn ra vào tháng 8-1966. Đang khi cùng cả nhà chờ máy bay ở phi trường Seattle sau cuộc leo núi Rainier với Jim và Lou Whitaker (Jim là người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest) thì một gã đàn ông tiến lại, hét lớn “quân giết người” và nhổ toẹt vào tôi. Sau đó, trong dịp lễ Giáng sinh, khi tôi dùng bữa trưa với Marg tại một nhà hàng trên đỉnh Aspen, một thiếu phụ đã tiến lại bàn và hét to đủ để cả phòng nghe thấy: “Đồ thiêu sống trẻ em! Bàn tay mày đang vấy máu!”. (Trích từ bài báo: “Khó khăn cứ chồng chất” của hồi ký McNamara “Nhìn lại tấn thảm kịch và bài học ở Việt Nam” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 1/6/1995, Khắc Thành và Anh Việt trích dịch). ○ Ông Tám On (Lê Văn On ngụ ở ấp Tiên Long 1, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre), 65 tuổi, trình độ văn hóa lớp 5. Ông từng sống trong căn nhà lá cột gòn và lao động kiếm sống, nên rất thấu hiểu cảnh thiếu khó của người nghèo neo đơn không nơi nương tựa. Năm 31 tuổi, khi gia đình bắt đầu có của ăn, của để, ông đã nghĩ đến việc giúp những gia đình nghèo sống trong cảnh nhà dột cột xiêu, bằng cách cất cho họ căn nhà che nắng, che mưa. Ông nói: “Người nghèo cho họ tiền, họ tiêu xài hết, chi bằng cho họ cái nhà. Người sống có cái nhà, người chết có mồ mả. Cho nhà tức là gánh hết phân nửa lo toan, họ chỉ còn lo cái ăn, cái mặc, sắm sửa trong gia đình”. Lúc đầu ông cất nhà tình thương cho người nghèo, mỗi năm khoảng 5-10 căn. Trong khoảng thời gian từ 1990-2000, huê lợi vườn nhà khá lên, số lượng nhà ông cất giúp người nghèo, bình quân mỗi năm 30 căn. Ban đầu ông cất nhà cho người nghèo trong ấp, trong xã. Sau đó, được những người làng đi làm ăn, buôn bán trong và ngoài tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh... giới thiệu, ông Tám On tìm hiểu và sẵn lòng giúp nhà cho những người nghèo thật sự biết lo làm ăn. Chẳng hạn như trường hợp Phước “mù” bán vé số ở ấp Phước Hòa, xã Thành Triệu, Châu Thành, ông vừa cất cho căn nhà tình thương vào tháng 8/2003. Phước “mù” là một người hiếu thảo, cặm cụi làm ăn, vừa bán vé số nuôi bà ngoại vừa để dành tiền mua được nền nhà. Ông giúp Phước “mù” tận tình, không chỉ giúp nhà mà còn mua thêm ít gỗ để đóng cho cái giường, cái bàn, cái ghế. Người nghèo khi nhận nhà đều cảm ơn, ông khuyên họ: “Hãy cố gắng làm ăn, chăm lo gia đình hạnh phúc là đáp ơn tôi rồi”. Nhà ông cho người nghèo cũng chẳng phải sang trọng gì, thường là nhà bằng thân cây dừa lão xẻ ra làm sườn. Nhà có bề ngang 4 m, dài 6 m. Thời giá những năm 1990 khoảng 600.000 đồng một sườn nhà. Tuy vậy, khối người nhiều tiền hơn ông đã không làm gì cả. Còn bây giờ, cây dừa già làm nhà được cũng tăng theo thời giá, khoảng 1,5 triệu đồng một căn. Dù là vậy, nghe ở đâu có người nghèo thiếu nơi ăn, chốn ở là ông Tám On lại có mặt và lăn lưng vào với niềm vui làm việc thiện... Trong suốt hơn 30 năm, ông đã cất gần 600 căn nhà tình thương cho người nghèo. Phóng viên khó khăn lắm mới gợi được ông nói về việc làm từ thiện của mình. Ông tâm niệm là làm việc thiện thì kể làm chi... Ông cũng không nhắc gì tới bằng khen do Chủ tịch nước trao tặng vì có công nuôi giấu cán bộ cách mạng nhiều năm liền. (Trích từ bài báo: “Ông già 30 năm làm nhà tình thương” của Lư Thế Nhã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 1/11/2003 và bài báo: “Một gia đình nông dân ở Bến Tre: 30 năm: Xây hơn 600 căn nhà tặng người nghèo” của Hồng Tâm đăng trên báo Phụ Nữ ngày 1/11/2003). ○ Cái nghèo của vợ chồng ông Dung “nổi tiếng” khắp xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Mỗi ngày một ấm nước chè xanh với mỗi bát nước giá 200 đồng là thu nhập chính của ông bà. Chị bán cá trước lều ông Dung kể lại: “Dân ở đây nghèo lắm, bán mấy yến thóc mới mua được đôi dép nhựa chỉ để đi vào những dịp lễ tết hay giỗ chạp mà thôi, nên bình thường đều đi chân đất. Mấy năm trước đây, hồi ông bà Dung mới dọn ra ở chợ Cấm, có chị L. chẳng may giẫm phải kim tiêm do bọn nghiện ma túy vứt lại, chị ấy ôm chân nằm kêu khóc giữa chợ vì sợ lây bệnh xã hội. Chúng tôi phải bồng chị ấy vào lều để bà Dung băng bó chân cho chị. Cũng kể từ ngày đó mọi người đi chợ không còn thấy kim tiêm vứt bừa bãi nữa. Thì ra, ông Dung đã dậy sớm nhặt đem chôn các kim tiêm hàng ngày”. Ngã bệnh nằm liệt giường, ông Dung vẫn thều thào dặn bà Dung thay ông mỗi sáng sớm đi khắp chợ nhặt bằng hết kim tiêm. Nghe lời chồng, mặc dù nửa người gần như bị liệt sau một căn bệnh hiểm nghèo, sáng nào bà Dung cũng cố cà nhấc đi hết khu chợ rộng lớn để nhặt kim tiêm. Nếu tính mỗi ngày ít nhất ông bà Dung nhặt được mười chiếc kim tiêm, thì đến nay, hai ông bà đã thay phiên nhau nhặt và chôn hơn 5000 chiếc kim tiêm. Ông bà làm chỉ vì sợ các bà, các chị đi chợ, chẳng may, giẫm vào thì tội nghiệp lắm. (Bài báo “Đôi vợ chồng già và 5.000 chiếc kim tiêm” của Võ Văn Thành, đăng trên báo Tuổi Trẻ, 12/5/2004). ○ Khoảng 15g ngày 19/8/2005, gần trạm thu phí An Sương–An Lạc, có hai thanh niên chạy xe gắn máy bị tai nạn giao thông. Khi mẹ tôi đến thì tai nạn đã xảy ra và đám đông (phần lớn là nam giới) đang vây kín xung quanh hai người bị nạn. Một người bất tỉnh hoàn toàn, còn một người tuy tỉnh táo nhưng đầy thương tích. Vậy mà tuyệt nhiên chẳng có ai tìm cách đưa hai thanh niên đến trạm cấp cứu cách đó không xa. Sợ để lâu nguy hiểm đến tính mạng hai nạn nhân, mẹ tôi vội vã kêu mọi người giúp đưa họ đi cấp cứu. Thế nhưng ai cũng phớt lờ. Một lát sau, may mắn có một phụ nữ lớn tuổi ở gần đấy và một bác tài xe ôm đến giúp. Người bị nạn khá to béo còn mẹ tôi và người phụ nữ kia đã lớn tuổi nên loay hoay mãi vẫn không thể nào đưa được lên xe. Lúc này mẹ tôi gần như van nài những nam thanh niên hiếu kỳ giúp một tay. Đáp lại lời kêu gọi của mẹ tôi vẫn chỉ là những thanh niên vô cảm đứng trố mắt ra mà nhìn! Phải đến khi có một phụ nữ nữa tình cờ chứng kiến đến giúp thì người bị nạn mới được đưa lên xe đi cấp cứu. Về đến nhà, mẹ tôi thừ ra thẫn thờ. Gặp người bị nạn nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ đứng nhìn, sao có những người lại vô cảm như thế. (Bài báo: “Sao vô cảm đến thế!” của Trần Nguyễn đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 26/8/2005). Không chỉ những thanh niên nói trên vô cảm mà không ít các công chức, quan chức đầy tớ của dân cũng vô cảm, vô trách nhiệm, bất nhân, bất nghĩa đối với những bức xúc, đau khổ của người dân và thực tế đến nay cho thấy, họ hành dân là chính. 5.7.3. Mối quan hệ giữa tư duy và các yếu tố độc lập khác Theo mô hình nhu cầu – hành động (xem Hình 39), tư duy chỉ là một mắt xích trung gian trong chuỗi nhu cầu – hành động N → X → Q → T → H và có sự tương tác giữa tư duy và các yếu tố độc lập khác. Do lịch sử tiến hóa và phát triển để lại, tác động của các yếu tố độc lập khác như các nhu cầu, xúc cảm, thói quen tự nguyện, hành động lên tư duy, nói chung, mạnh hơn nhiều lần tác động ngược lại của tư duy lên các yếu tố độc lập khác. Điều này được diễn tả trên Hình 39 bằng các mũi tên theo đường liên tục ( mạnh) và đường gạch–gạch (- - - yếu). Kết luận nêu trên có thể hiểu được, vì con người kế thừa chuỗi không đầy đủ N → X → Q → H của động vật tổ tiên mang tính bẩm sinh, là kết quả của chọn lọc tự nhiên nhiều triệu năm. Những yếu tố như N , X , Q , H là những yếu tố truyền thống đã có trong thế giới động vật, được phát triển tiếp ở con người. Trong khi đó, tư duy bằng các khái niệm dưới dạng ngôn ngữ T là yếu tố mới, chỉ con người mới có. Tư duy hình thành và phát triển cùng với ngôn ngữ giao tiếp, lao động mang tính xã hội trong khoảng hơn triệu năm nay và truyền từ đời này sang đời khác theo cơ chế di truyền xã hội, chứ không phải theo cơ chế di truyền tự nhiên như các yếu tố truyền thống. Nói cách khác, khi đứa bé mới ra đời, trong bộ não (phần cứng) bẩm sinh đã có sẵn chuỗi N → X → Q → H . Sống trong xã hội, nhờ giao tiếp và giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng nhất), chuỗi nói trên được phát triển tiếp đến độ tuổi trưởng thành nhất định mới có được chuỗi đầy đủ N → X → Q → T → H (nạp thêm phần mềm T , rất tiếc, lại là phần mềm của phương pháp thử và sai). Trong ý nghĩa này, các yếu tố truyền thống N , X , Q , H , rõ ràng, liên kết với nhau “chặt” hơn là với tư duy và tác động lên tư duy cũng mạnh hơn so với tư duy tác động ngược trở lại các yếu tố truyền thống. Tác động của các yếu tố độc lập truyền thống lên tư duy có thể tốt, có thể xấu. Nói cách khác, tư duy, với tư cách là mắt xích trung gian trong chuỗi đầy đủ, chứ không phải là gốc của hành động, bị chi phối rất mạnh bởi các yếu tố: Nhu cầu, xúc cảm, thói quen tự nguyện, hành động. Sự chi phối này, nói chung, mang tính chất may nhờ, rủi chịu, làm cho suy nghĩ của mỗi người rất, rất chủ quan. Trong khi đó, để tìm ra lời giải đúng cho bài toán, yêu cầu mang tính quyết định là tư duy phải phản ánh chính xác hiện thực như hiện thực vốn có. Nói cách khác, trong trường hợp lý tưởng, tư duy phải phản ánh khách quan một cách khách quan. Khi suy nghĩ, mỗi người, một cách có ý thức hoặc không ý thức, luôn lồng các quyền lợi (nhu cầu), xúc cảm, thói quen tự nguyện, hành động vào suy nghĩ của mình. Ví dụ, bài toán này mình chịu suy nghĩ vì giải được nó nhu cầu cấp bách của mình sẽ được thỏa mãn, bài toán kia thì không. Sự hứng thú thường làm cho suy nghĩ trở nên phong phú, dễ dàng phát nhiều ý tưởng, còn sự buồn rầu, chán nản thì không. Những thói quen tự nguyện thúc đẩy cách suy nghĩ quen thuộc là kinh nghiệm của quá khứ thường cản trở phát những ý tưởng đúng cho những bài toán loại mới. Các hành động tác động lên tư duy cũng tương tự như vậy. Chưa kể, phần mềm T thử và sai, chủ yếu, mang các ích lợi chung đối với toàn nhân loại, lại rất kém hiệu quả đối với từng cá nhân (vì tổng số các phép thử của nhân loại có, lớn hơn nhiều lần số lượng các phép thử mỗi cá nhân có), nên mỗi người cũng không mặn mà lắm với tư duy. Về điều này, bạn đọc có thể xem lại mục nhỏ 4.2.7. Sáng tạo mức cao: Cuộc chạy tiếp sức của phương pháp thử và sai, và sự cần thiết sáng chế ra PPLSTVĐM của quyển một. 5.7.4. Các khả năng to lớn của tư duy Cho đến nay, các khả năng to lớn của tư duy đã thể hiện trên nhiều mặt, rõ nhất là ở mức độ toàn nhân loại. Ví dụ, nhờ tư duy sáng tạo, con người thoát khỏi thế giới động vật thông qua các phát minh, sáng chế của mình (xem mục 1.3. Sáng tạo của con người: Nhìn từ nhiều góc độ của quyển một). Ở đây, người viết dẫn thêm ý kiến minh họa của B.M. Keđrov: “Khoa học có mục đích nhận thức các quy luật tự nhiên (các phát minh – người viết giải thích) tồn tại khách quan, độc lập đối với con người và nhân loại; độc lập với ý thức và ý chí của mọi người; độc lập với các quyền lợi, mục đích và ý định của họ. Kỹ thuật sử dụng các quy luật tự nhiên đã được khoa học nhận thức vào các mục đích ứng dụng, tiện ích (làm các sáng chế – người viết giải thích) cho xã hội... tạo ra sự tiến bộ vượt hơn hẳn những gì mà tự nhiên cung cấp”. Các khả năng to lớn của tư duy còn được thể hiện ở sự thống nhất khá cao toàn nhân loại trong đánh giá, tôn vinh, thực thi các chính sách và các biện pháp khuyến khích, đãi ngộ đối với các tài năng sáng tạo. Nói chung, các bậc bố mẹ, các nhà giáo dục, các nhà lãnh đạo xã hội đều mong các con, các học sinh, các công dân tư duy sáng tạo tốt. Tuy nhiên, ở mức độ cá nhân, tư duy sáng tạo còn có những khả năng chưa được con người nhận thức và khai thác đầy đủ. Xét về tiềm năng, tư duy có những khả năng rất to lớn mà, theo một số nhà nghiên cứu, mỗi người bình thường mới chỉ khai thác khoảng vài phần trăm những khả năng đó, do vậy, mới dẫn đến tình hình hiện nay: Năng suất, hiệu quả tư duy thấp và các yếu tố độc lập khác tác động tự phát (tốt hoặc xấu) lên tư duy mạnh gấp nhiều lần so với tư duy điều khiển ngược trở lại các yếu tố độc lập khác (xem Hình 39). Phần mềm tư duy tự nhiên thử và sai hoạt động với năng suất, hiệu quả rất thấp phải được thay thế bằng các phần mềm khác thì khả năng to lớn của tư duy mới thể hiện rõ ra đối với từng cá nhân bình thường. Lúc đó, mỗi cá nhân sẽ không còn ngại, tránh, lười suy nghĩ nữa. Rất may, trong tay nhân loại đã có phần mềm mới, đang ngày càng hoàn thiện. Đó là PPLSTVĐM, hệ thống các công cụ dùng cho tư duy. Có thể nói, lịch sử phát triển của nhân loại là lịch sử phát triển các công cụ (xem mục nhỏ 4.2.5. Quan hệ giữa tài năng và công cụ của quyển một). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cá nhân cụ thể, trong nhiều trường hợp, thường ít chú ý đến công cụ. Không phải ngẫu nhiên, A. Lincoln nhắc nhở: “Nếu tôi có tám giờ để đốn ngã một cái cây, tôi dùng sáu giờ để mài cho lưỡi rìu thật sắc”. Người viết muốn bổ sung thêm: “Và sáng chế ra cưa máy thay cho cái rìu”. Tư duy có khả năng to lớn trong việc điều khiển các yếu tố độc lập khác như các nhu cầu, xúc cảm, thói quen tự nguyện và hành động. Nhưng rất tiếc, phần lớn mọi người không biết hoặc không biết dùng khả năng này một cách có hiệu quả. Do vậy, trên thực tế, có nhiều vấn đề là những vấn đề không đáng nảy sinh, vẫn cứ nảy sinh vì nguyên nhân vừa nêu. Nói cách khác, nhiều vấn đề nảy sinh một cách không đáng có là do người suy nghĩ để các yếu tố độc lập khác chi phối tư duy của mình một cách tự nhiên, không kiểm soát và mình hành động theo sự chi phối đó, kiểu Nguyễn Du mô tả trong “Truyện Kiều”: “Rằng: Quen mất nết đi rồi; Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao”; hoặc “Cũng liều nhắm mắt đưa chân; Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”; hoặc “Ma đưa lối, quỷ đem đường; Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Trong khi đó, khai thác tốt khả năng to lớn của tư duy giúp mỗi người chúng ta có thể làm chủ các hiện tượng tâm lý, do vậy, các hành động của chính mình. Nói cách khác, phải làm cho đường gạch-gạch (- - -) (xem Hình 39) trở nên đường càng ngày, càng đậm, hiểu theo nghĩa, dùng tư duy điều khiển một cách tin cậy các yếu tố độc lập khác để tránh các phép thử sai có nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố đó. Cần phải làm những gì và làm như thế nào để khai thác được những khả năng to lớn còn đang trong tình trạng tiềm ẩn của tư duy? Câu hỏi này sẽ được trả lời chi tiết hơn trong Chương 7: Điều khiển học: Điều khiển hành động và thế giới bên trong con người sáng tạo. Trong mô hình nhu cầu – hành động (xem Hình 39), các yếu tố độc lập như các nhu cầu, hành động, xúc cảm, thói quen tự nguyện được diễn tả dưới dạng các ô và được giải thích trước đó trong các mục từ 5.2 đến 5.5. Riêng ô tư duy chưa được xem xét chi tiết. Toàn bộ Chương 6 tiếp theo đây được dành nói về tư duy. Chương 6: Tư duy sáng tạo: Nhìn theo góc độ thông tin – tâm lý 6.1. Mở đầu Từ quyển một (ví dụ, xem mục nhỏ 3.3.3. Nguyên nhân thành công ở thế kỷ 21: Sáng tạo và đổi mới – Tri thức), bạn đọc đã biết, có ba cách nói được coi là tương đương. Đấy là: 1. Tư duy sáng tạo. 2. Quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định. 3. Quá trình biến đổi thông tin (có trong phát biểu bài toán, các nguồn tham khảo và trong đầu người giải bài toán) thành tri thức (thông tin lời giải mang lại ích lợi: Giúp người giải đạt được mục đích đề ra) hoặc/và tri thức đã biết (có trong phát biểu bài toán, các nguồn tham khảo và trong đầu người giải bài toán) thành tri thức mới (thông tin lời giải mang lại ích lợi: Giúp người giải đạt được mục đích đề ra). Sự tương đương này không phải ngẫu nhiên mà phản ánh sự liên quan giữa tâm lý học và tin học. Nói chính xác hơn, tư duy sáng tạo là quá trình biến đổi thông tin thành tri thức bằng các hiện tượng tâm lý. Ngoài ra, còn có những khái niệm, ý tưởng, quy luật khởi đầu tìm ra ở lĩnh vực này, sau được chuyển sang áp dụng trong lĩnh vực kia và ngược lại. Trong chương này, người viết sẽ trình bày tư duy sáng tạo nhìn dưới góc độ kết hợp những phần liên quan thuộc cả hai lĩnh vực nói trên để có được những kiến thức đóng vai trò những kiến thức cơ sở của PPLSTVĐM. Tư duy là đối tượng nghiên cứu và tác động của nhiều khoa học như sinh lý học hoạt động thần kinh cao cấp, tâm lý học, lôgích học, điều khiển học, triết học, sáng tạo học... Tâm lý học nghiên cứu quá trình suy nghĩ của cá nhân để trả lời các câu hỏi: Tại sao ý nghĩ của cá nhân lại nảy sinh; nó diễn ra và phát triển như thế nào? Nói cách khác, tâm lý học nghiên cứu các quy luật diễn tiến của quá trình suy nghĩ cá nhân. Về thực chất, đấy là các hiện tượng tâm lý của cá nhân tìm kiếm, phát hiện, tổ chức lại và biến đổi thông tin, chủ yếu, dưới dạng ngôn ngữ (hiểu theo nghĩa rộng), với mục đích có được những thông tin mới, đem lại ích lợi (thỏa mãn các nhu cầu) cho cá nhân đó. Trong tâm lý học, có một cách phân loại tư duy đơn giản, mang tính quy ước, khá phổ biến, thành ba loại: 1) Tư duy trực quan–hành động; 2) Tư duy trực quan–hình ảnh và 3) Tư duy từ ngữ–lôgích hay còn gọi là tư duy trừu tượng (lý thuyết) bằng các khái niệm dưới dạng ngôn ngữ. Tư duy trực quan–hành động là loại tư duy giải quyết vấn đề thông qua các hành động. Đây là loại tư duy được tổ tiên chúng ta ngày xưa, những đứa trẻ trước bốn tuổi hiện nay thường dùng và có ở một số loài động vật. Ví dụ, để biết chu vi một mảnh đất nào đó, ý nghĩ nảy sinh trong đầu những người sơ khai được thực hiện ngay bằng việc đi và đếm số bước chân. Tương tự, trẻ em muốn biết có cái gì bên trong đồ chơi của mình, thường đập, bẻ gãy, tháo chúng. Tư duy trực quan–hình ảnh ở dạng đơn giản xuất hiện chủ yếu ở lứa tuổi từ 4 đến 7. Mối liên hệ tư duy với các hành động không còn trực tiếp chặt chẽ như trước. Lúc này, đứa bé không cần phải hành động (ví dụ, không cần phải dùng tay sờ, lật qua lật lại... đối tượng) mà vẫn có những ý nghĩ trong đầu về đối tượng đó dưới dạng các hình ảnh trực quan. Tuy nhiên, đứa bé còn chưa thực sự suy nghĩ bằng các khái niệm theo đúng nghĩa của nó. Trên cơ sở tư duy trực quan–hành động và tư duy trực quan–hình ảnh, đứa trẻ đi học tiểu học, được phát triển dần tư duy dưới dạng các khái niệm trừu tượng. Việc nắm và sử dụng thành thạo các khái niệm của các môn khoa học, học trong trường, có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển trí tuệ của học sinh. Ba loại tư duy nói trên cần được sử dụng một cách hợp lý, tùy theo trường hợp cụ thể, khi chúng ta suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định trên thực tế. Dưới đây, chúng ta đi vào tìm hiểu mô hình quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định và các vấn đề liên quan đến thông tin – tâm lý. 6.2. Mô hình quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định Trước tiên, chúng ta cùng nhau nhớ lại sáu giai đoạn, mà mỗi giai đoạn hoặc một phần của mỗi giai đoạn có thể trở thành bài toán, đòi hỏi phải suy nghĩ của toàn bộ quá trình thực hiện giải quyết vấn đề (xem mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng và xem thêm Hình 41 mang tính tóm tắt dưới đây) và nhìn chúng dưới quan điểm thông tin: Hình 41: Tóm tắt quá trình thực hiện giải quyết vấn đề Giai đoạn A: Xác định tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên cần giải Giai đoạn này yêu cầu cá nhân phát hiện, phát biểu các tình huống vấn đề xuất phát mà mình cần giải quyết rồi lọc ra tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên cần giải. Để làm điều đó, cá nhân phải phát biểu các mục đích muốn đạt, phản ánh các nhu cầu cấp bách cần thỏa mãn. Tiếp theo, cá nhân phải thu thập thông tin, phát biểu các tình huống vấn đề xuất phát có thể có, rồi suy nghĩ cân nhắc lựa chọn, có tính đến các nguồn lực (hiểu theo nghĩa rộng), để ra quyết định: Tình huống nào là tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên cần tập trung giải trước. Nói cách khác, người giải cần xác định, hệ cần cải tiến là hệ nào, xem Hình 41. Nhìn theo quan điểm thông tin, giai đoạn A là giai đoạn biến các thông tin đầu vào (các lời phát biểu mục đích, kiến thức trong đầu cá nhân, các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, phương tiện...) liên quan đến các tình huống vấn đề xuất phát thành các thông tin đầu ra: lời phát biểu tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên. Giai đoạn B: Xác định cách tiếp cận đối với tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên (hay còn gọi là xác định bài toán cụ thể đúng cần giải) Tương tự với giai đoạn A, giai đoạn B biến các thông tin đầu vào, có trong lời phát biểu tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên và các thông tin liên quan, thành các thông tin đầu ra dưới dạng lời phát biểu bài toán cụ thể đúng cần giải. Các thông tin liên quan bao gồm cả thông tin về hệ thực tế, là nơi sẽ tiếp nhận thành phẩm trong tương lai. Bài toán cụ thể đúng cần giải là một trong các bài toán có trong phổ các bài toán cụ thể, suy ra từ tình huống vấn đề xuất phát ưu tiên, khi sử dụng các cách tiếp cận khác nhau, xem Hình 42. Hình 42: Phổ các bài toán cụ thể có thể có Giai đoạn C: Tìm thông tin giải bài toán cụ thể đúng cần giải Giai đoạn này, rõ ràng, liên quan trực tiếp đến thông tin. Hoàn thành giai đoạn này, người giải có trong tay các thông tin đầu ra cần thiết, kể cả thông tin về hệ thực tế, nơi sẽ tiếp nhận thành phẩm trong tương lai, giúp tìm ý tưởng giải bài toán cụ thể đúng cần giải. Giai đoạn D: Tìm ý tưởng giải bài toán cụ thể đúng cần giải Giai đoạn D đòi hỏi biến các thông tin đầu vào có trong lời phát biểu bài toán cụ thể đúng cần giải và các thông tin tìm được ở giai đoạn C thành thông tin đầu ra dưới dạng lời phát biểu ý tưởng giải bài toán, là một trong số N ý tưởng thu được, xem Hình 41. Đấy là ý tưởng cuối cùng, được quyết định dùng để cải tiến hệ cần cải tiến. Giai đoạn E: Phát triển ý tưởng thành thành phẩm Ở đây, người giải phải biến các thông tin đầu vào có trong lời phát biểu ý tưởng giải bài toán thành các thông tin đầu ra, chỉ ra cách tiến hành, thực hiện (hành động) để có được thành phẩm. Trong đó, có việc người giải bài toán phải thuyết phục, tập hợp, tổ chức và dẫn dắt những người cùng cộng tác với mình hành động, thực hiện ý tưởng. Thành phẩm được hiểu là hệ cần cải tiến sau khi cải tiến xong, xem Hình 41. Giai đoạn G: Áp dụng thành phẩm vào hệ thực tế Lúc này, người giải, cùng các thông tin về thành phẩm, hệ thực tế, tương tác giữa thành phẩm và hệ thực tế, biến chúng (các thông tin đầu vào) thành các thông tin đầu ra. Đấy là những thông tin hướng dẫn các hành động để cuối cùng, hệ thực tế tiếp nhận thành phẩm một cách đầy đủ, ổn định và bền vững (đổi mới hoàn toàn), xem Hình 41. Các hiện tượng tâm lý, các công cụ giúp biến đổi thông tin thành tri thức có trong đầu của người giải đều tham gia tích cực trong tất cả sáu giai đoạn nói trên, ở đó có các quá trình tìm, truyền, biến đổi... thông tin. Một cách khái quát, mô hình của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định được trình bày trên Hình 43. Ở đây, khái niệm bài toán được hiểu theo định nghĩa đã cho trong mục 1.2. Một số khái niệm cơ bản và các ý nghĩa của chúng của quyển một. Mô hình này dùng cho bài toán nói chung, hiểu theo nghĩa, có thể dùng cho một phần của mỗi giai đoạn hoặc mỗi giai đoạn nếu như ở đó có bài toán chứ không phải chỉ dành cho sáu giai đoạn một cách “trọn gói”. Mô hình cho chúng ta biết, thông tin có trong lời phát biểu bài toán (thông tin đầu vào), trước hết phải được tiếp thu nhằm mục đích hiểu bài toán. Để hiểu bài toán, người giải phải rút những thông tin, kiến thức lưu giữ trong trí nhớ ra, đồng thời, có thông tin gì mới thì gởi vào trí nhớ để dùng trong tương lai, khi cần thiết. Nói cách khác, mối quan hệ giữa khối tiếp nhận thông tin và trí nhớ là mối quan hệ hai chiều: Rút thông tin ra và gởi thông tin vào (xem các mũi tên tương ứng trên Hình 43). Sau khi hiểu bài toán, người giải chuyển sang giai đoạn xử lý thông tin để có được những thông tin sâu sắc hơn nữa từ những thông tin đầu vào có trong lời phát biểu bài toán. Đây chính là giai đoạn suy luận (suy lý) với những cách xử lý thông tin như phân loại, so sánh, quy nạp, diễn dịch, phân tích, tổng hợp, cụ thể hóa, trừu tượng hóa, đặc biệt hóa, khái quát hóa. Mối quan hệ giữa giai đoạn xử lý thông tin và trí nhớ cũng là mối quan hệ hai chiều. Trên cơ sở những thông tin sâu sắc hơn những thông tin ban đầu, có được nhờ giai đoạn xử lý thông tin, người suy nghĩ chuyển sang giai đoạn phát ý tưởng giải bài toán (thông tin đầu ra). Mối quan hệ giữa giai đoạn phát ý tưởng và trí nhớ cũng là mối quan hệ hai chiều như ở hai giai đoạn trước: Tiếp thu và xử lý thông tin. Hình 43: Mô hình tư duy trong ngữ cảnh của mô hình nhu cầu–hành động Trường hợp lý tưởng, người giải bài toán chỉ cần đi một lượt của quá trình suy nghĩ là có ý tưởng lời giải đúng. Mô hình của quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định, trình bày trên Hình 43, cần được hiểu trong ngữ cảnh của mô hình nhu cầu–hành động (xem Hình 39). Điều này có nghĩa, khi người viết trình bày tư duy hoặc bạn đọc xem xét tư duy, chúng ta phải luôn nhớ rằng giữa tư duy và các yếu tố độc lập khác như nhu cầu, xúc cảm, mong muốn tự nguyện có các mối liên kết. Do vậy, để có ý tưởng đúng, cao hơn nữa, để đổi mới hoàn toàn, chúng ta cần phải tính đến toàn bộ hoạt động của mô hình nhu cầu–hành động, chứ không chỉ riêng một mình tư duy. Tuy vậy, để dễ trình bày, người viết tách riêng phần tư duy ra thành Hình 44. Như chúng ta đã biết, các ý tưởng ban đầu thường là sai, do vậy, người giải thường phải trở lại các giai đoạn trước hoặc phải lặp đi, lặp lại toàn bộ quá trình suy nghĩ nhiều lần. Chưa kể, ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình suy nghĩ, người giải có thể nảy ra ý nghĩ phải tìm thêm thông tin từ môi trường bên ngoài, xem Hình 43 và Hình 44. Ở đây, môi trường bên ngoài được hiểu là tất cả những gì nằm ngoài lời phát biểu bài toán và ngoài bộ óc của người giải. Môi trường bên ngoài có thể là Internet, thư viện, các đồng nghiệp, phong cảnh, vật dụng, thời tiết... Sau nhiều lần suy nghĩ và hành động thử và sai (vì thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, phải hành động thực hiện ý tưởng để biết đúng, sai), cuối cùng, người giải phát được ý tưởng dẫn đến lời giải đúng, xem Hình 44. Bạn đọc có thể so sánh Hình 44 với Hình 3: Phương pháp thử và sai trong mục 2.2. Phương pháp thử và sai (Trial and Error Method) của quyển một để thấy rằng, Hình 44 là hình mô tả phương pháp thử và sai chi tiết, cụ thể hơn. Hình 44: Sơ đồ phương pháp thử và sai, được chi tiết hóa dựa trên mô hình tư duy của Hình 43 Nếu như ở mục 5.7. Mô hình nhu cầu – hành động và các khả năng của tư duy nói chung và mục nhỏ 5.7.3. Mối quan hệ giữa tư duy và các yếu tố độc lập khác nói riêng, chúng ta đã coi tư duy như một yếu tố (một ô trên Hình 39) thì từ nay trở đi, theo mô hình tư duy (xem Hình 43) chúng ta phải coi tư duy như một hệ thống với cấu trúc phức tạp. Trong nhiều trường hợp, thay vì xem xét chung chung, chúng ta cần phải đi vào cụ thể hơn. Ví dụ, nói xúc cảm ảnh hưởng lên tư duy là nói chung chung. Cụ thể hơn, xúc cảm ảnh hưởng lên trí nhớ, tiếp thu thông tin, xử lý thông tin, phát ý tưởng và sự ảnh hưởng này có thể xảy ra ở ba mức: Ý thức, tiềm thức và vô thức. Chưa kể, có khi cần cụ thể hơn nữa, như còn phải tính đến loại (tốt, xấu) và cường độ ảnh hưởng khác nhau của cùng một xúc cảm lên các giai đoạn riêng rẽ (tiếp thu thông tin, xử lý thông tin, phát ý tưởng) khác nhau. Trong các mục tiếp theo, khi đi sâu vào từng giai đoạn, chúng ta còn thấy mỗi giai đoạn cũng có cấu trúc của nó. Thế giới bên trong mỗi người nói chung, tư duy nói riêng, quả thật bao la và phức tạp. Trong khi đó, nếu giáo dục, đào tạo chỉ đề ra yêu cầu học thuộc lòng đối với người học, giáo dục, đào tạo đó chỉ mới tác động và khai thác trí nhớ. Rõ ràng, những tiềm năng to lớn khác của thế giới bên trong con người không được phát huy, con người trở nên què quặt về thế giới tinh thần, tâm hồn. Điều này cũng có nghĩa, người ta đã đối xử với con người một cách vô nhân đạo. Thay vì có sự phát triển, chúng ta sẽ có sự suy thoái. 6.3. Quá trình truyền và biến đổi thông tin 6.3.1. Thông tin Tin học (khoa học thông tin) là lĩnh vực bao gồm các phương pháp khoa học, công nghệ nghiên cứu và phát triển các phương tiện liên quan đến thông tin, các quá trình hình thành, thu thập, truyền, biến đổi, lưu trữ, tích lũy và nhân bản thông tin, được gọi chung là các quá trình thông tin. Khái niệm thông tin là khái niệm cơ bản nhưng chưa có định nghĩa được chấp nhận chung. Các định nghĩa của khái niệm thông tin có thể chia thành hai nhóm, xuất phát từ hai quan điểm khác nhau. Theo quan điểm thứ nhất, thông tin và các quá trình thông tin chỉ nảy sinh ở giai đoạn nhất định trong sự phát triển các hình thức vận động của vật chất. Cụ thể, chúng chỉ có trong các dạng vận động sinh học và xã hội, không có trong thế giới vô cơ. Quan điểm thứ hai cho rằng thông tin và các quá trình thông tin là thuộc tính của tất cả các hình thức vận động của vật chất. Dưới đây, người viết dẫn ra bốn trong số rất nhiều các định nghĩa của khái niệm thông tin. Ba định nghĩa đầu thuộc quan điểm thứ nhất và định nghĩa thứ tư thuộc quan điểm thứ hai. 1. Thông tin là hệ thống các thông báo và lệnh làm giảm trạng thái bất định của chủ thể tiếp nhận thông tin. Trạng thái bất định là trạng thái, ở đó chủ thể dự đoán vài kết quả có thể có và không biết kết quả nào trong số đó chắc chắn xảy ra. Nhờ thông tin, chủ thể dự đoán chính xác hơn. Nói cách khác, trạng thái bất định của chủ thể giảm đi. 2. Thông tin là tất cả những gì bổ sung vào các kiến thức, niềm tin và giả thiết của chủ thể nhờ nhận thông tin đó. Thông tin là phương thức để tích lũy kiến thức. 3. Thông tin là bất kỳ kích thích nào lên chủ thể mà cuối cùng chủ thể cảm nhận được. Các kích thích có thể đến từ bên ngoài, tác động lên các cơ quan cảm giác như chữ viết, ký hiệu, hình vẽ, lời nói, âm thanh nói chung, mùi, vị, nóng, lạnh... Các kích thích có thể được tạo ra bên trong như các hình ảnh, biểu tượng, ý nghĩ, nói thầm trong đầu, các xúc cảm... 4. Thông tin là nội dung của tất cả những thay đổi, được lưu giữ hoặc/và truyền đi tiếp của đối tượng phản ánh (hiểu theo nghĩa rộng nhất), tạo thành bởi tác động của đối tượng bị phản ánh (hiểu theo nghĩa rộng nhất) lên đối tượng phản ánh. Người viết cố gắng giải thích rõ hơn định nghĩa thứ tư. Từ “đối tượng” được hiểu theo nghĩa rộng nhất, nó có thể là bất kỳ cái gì. Tác động của đối tượng này lên đối tượng kia, thực chất là tương tác: Tác động qua lại giữa hai đối tượng, chứ không chỉ là tác động một chiều. Do tương tác, về mặt nguyên tắc, cả hai đều có những thay đổi. Nội dung của những thay đổi này là thông tin. Những thay đổi này có thể phân ra theo hai cách xem xét (tương ứng với hai chiều tác động) bổ sung cho nhau. Giả sử ta gọi đối tượng thứ nhất là đối tượng bị phản ánh, lúc đó, đối tượng thứ hai là đối tượng phản ánh và chiều tác động được xem xét ở đây là tác động từ đối tượng thứ nhất lên đối tượng thứ hai, tạo ra những thay đổi trong đối tượng thứ hai hoặc/và truyền đi tiếp. Nội dung những thay đổi này là thông tin về đối tượng thứ nhất (đối tượng bị phản ánh). Tương tự, khi tương tác xảy ra, nếu xem xét tác động ngược lại từ đối tượng thứ hai lên đối tượng thứ nhất. Lúc này có sự chuyển đổi vai trò: Đối tượng thứ hai trở thành đối tượng bị phản ánh và đối tượng thứ nhất trở thành đối tượng phản ánh. Nội dung những thay đổi trong đối tượng thứ nhất, do tác động của đối tượng thứ hai, là thông tin về đối tượng thứ hai. Nói cách khác, trong quá trình tương tác của hai đối tượng, ngoài việc có thể có sự trao đổi chất, năng lượng còn có sự trao đổi thông tin: Thông tin truyền từ đối tượng thứ nhất sang đối tượng thứ hai và ngược lại. Tuy nhiên, ở đây có sự khác nhau về loại, số lượng, chất lượng, cách thức truyền thông tin trong hai chiều truyền đó. Ví dụ, một thiên thạch rơi xuống bề mặt Trái Đất. Tương tác này dẫn đến những thay đổi: Thiên thạch bị vỡ ra thành năm mảnh chẳng hạn và trên bề mặt Trái Đất hình thành một hố sâu. Năm mảnh thiên thạch cùng với trọng lượng, kích thước, hình dạng... là sự phản ánh về phần bề mặt cho trước của Trái Đất nơi xảy ra va đập. Nội dung của sự phản ánh này là thông tin. Rõ ràng, nếu sự va đập xảy ra ở phần khác của bề mặt Trái Đất, thiên thạch có thể còn nguyên vẹn hoặc vỡ ra nhiều mảnh hơn... Tương tự như vậy, hố sâu cùng với các đặc trưng như hình dạng, kích thước... tạo nên nội dung phản ánh về thiên thạch, chính là thông tin về thiên thạch. So sánh bốn định nghĩa, chúng ta thấy ba định nghĩa đầu dùng cho thế giới sinh vật, chủ yếu, cho con người. Trong đó, định nghĩa thứ nhất và thứ hai gần giống nhau và nhấn mạnh loại thông tin đặc biệt: Thông tin có ý nghĩa và mang lại ích lợi cho chủ thể tiếp nhận thông tin đó. Do vậy, hai định nghĩa này, trên thực tế, gần với định nghĩa khái niệm tri thức (của cá nhân), được trình bày trong mục nhỏ 3.3.3. Nguyên nhân thành công ở thế kỷ 21: Sáng tạo và đổi mới – Tri thức của quyển một. Định nghĩa thứ tư của khái niệm thông tin khác ba định nghĩa kia ở những điểm sau: Có nội dung rộng hơn, dùng cho mọi đối tượng của thế giới vật chất nói chung chứ không riêng gì cho thế giới sinh vật. Cho rằng, thông tin tồn tại khách quan không phụ thuộc con người. Không đề cập gì đến chủ thể tiếp nhận, sử dụng thông tin, cũng như các ý nghĩa và giá trị của thông tin. Định nghĩa thứ tư mang tính khái quát cao hơn các định nghĩa khác, giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận các quá trình thông tin ở mức triết học. Trong ý nghĩa này, thông tin liên quan đến sự đa dạng, tổ chức, cấu trúc, trật tự, tính không đồng nhất của vật chất và năng lượng trong không gian, thời gian. Chúng ta phải xử sự ra sao khi một khái niệm được định nghĩa khác nhau? Trừ trường hợp, trong các định nghĩa đưa ra có nhiều định nghĩa sai. Thông thường, một khái niệm được định nghĩa khác nhau chứng tỏ đối tượng được định nghĩa là đối tượng phức tạp. Với đối tượng phức tạp, các cách xem xét (tiếp cận) khác nhau của các nhà nghiên cứu phát hiện ra các khía cạnh, phương diện khác nhau, từ đó, xây dựng các định nghĩa khác nhau. Đây là chuyện bình thường, vì trong nhiều trường hợp, đặc biệt đối với các lĩnh vực mới, người ta chưa tìm ra cách xem xét tổng hợp tất cả các cách xem xét có thể. Người viết lấy trường hợp tương tự để giải thích. Giả sử, chúng ta có hai đối tượng: Đối tượng một là hình cầu, đối tượng hai có hình dạng phức tạp hơn. Với đối tượng thứ nhất, xem xét dưới bất kỳ góc độ nào, những người khác nhau đều thấy hình tròn. Với đối tượng thứ hai, rõ ràng, những người khác nhau, đứng ở những vị trí khác nhau sẽ thấy đối tượng đó có các hình thù khác nhau (các phương diện, khía cạnh khác nhau). Một ví dụ khác, con người là đối tượng phức tạp, liệu bạn đọc có thể đưa ra định nghĩa con người được tất cả mọi người tiếp nhận không? Trong khi chưa có định nghĩa được tiếp nhận chung, có lẽ, chúng ta nên làm như sau: Tùy theo công việc của mình liên quan đến cách xem xét nào thì dùng định nghĩa của cách xem xét đó. Khi dùng, chúng ta cần lưu ý đến phạm vi áp dụng của định nghĩa để đừng dùng nó ra ngoài phạm vi áp dụng và kiểm tra các kết quả có được nhờ định nghĩa đó, xem có phù hợp với thực tế không. Khi cần, chúng ta có thể thay đổi cách xem xét, do vậy chuyển sang dùng định nghĩa khác tương ứng và làm tương tự như đã nói ở trên. Khi giao tiếp chúng ta cần nói rõ cho người nghe biết mình dùng định nghĩa gì và tìm hiểu định nghĩa mà người đối thoại dùng. Có khi, chúng ta phải thử dùng định nghĩa của người đối thoại để hiểu, từ đó mới có thể thảo luận hoặc tranh luận tiếp. Tóm lại, chúng ta nên nhìn và sử dụng các định nghĩa khác nhau về cùng một đối tượng như những gì có thể bổ sung, hỗ trợ nhau, rồi hoàn thiện dần các định nghĩa căn cứ vào các kết quả thực tiễn, hơn là ngay từ đầu chỉ giữ khư khư một cách xem xét theo một định nghĩa nhất định. Trong bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”, nếu như không có những chú thích riêng kèm theo, người viết sử dụng khái niệm thông tin theo định nghĩa thứ ba với nội dung rộng hơn: Những thông tin như vậy có thể là tri thức thấy ngay (giống định nghĩa một và hai); có thể là tri thức sau những biến đổi thông tin nhất định nhờ bộ óc mà không phải chủ thể nào cũng làm được; có thể chỉ là những kích thích vô nghĩa, vô giá trị đối với chủ thể nhưng trong tương lai lại thành tri thức; có thể chỉ là những kích thích vô nghĩa, vô giá trị trong suốt cuộc đời của chủ thể... Khi xem xét mô hình tư duy (Hình 43 và Hình 44), nhìn theo quan điểm thông tin, đập ngay vào mắt chúng ta là ở đây có quá trình truyền thông tin trong không gian, thời gian và quá trình biến đổi thông tin từ hình thức này sang hình thức khác. Vậy các quá trình trên xảy ra như thế nào? phụ thuộc vào những gì? làm sao để quá trình truyền thông tin thông suốt? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu để trả lời những câu hỏi này, trước hết, nhờ lý thuyết thông tin (xem tiếp các mục nhỏ từ 6.3.2 đến 6.3.4). Ngoài ra, mô hình tư duy còn phản ánh sự tương tự nhất định giữa các hoạt động của tư duy và máy tính điện tử nói riêng, điều khiển học (Cybernetics) nói chung (xem mục nhỏ 6.3.5 và Chương 7: Điều khiển học: Điều khiển hành động và thế giới bên trong con người sáng tạo). 6.3.2. Chuỗi truyền thông tin Lý thuyết toán học về truyền thông tin (Mathematical Theory of Communication) hay còn gọi tắt là lý thuyết thông tin được C.E. Shannon công bố chính thức vào năm 1948. Như tên gọi, lý thuyết xây dựng bằng ngôn ngữ toán học. Nói đến toán học, bạn đọc có thể hình dung, thứ nhất, trong lý thuyết có nhiều hiện tượng thực tế được khái quát và lý tưởng hóa ở mức cao. Thứ hai, trong lý thuyết có nhiều công thức toán học mà không phải ai cũng thích làm việc với chúng. Trong bộ sách “Sáng tạo và đổi mới”, đề cập đến lý thuyết thông tin, người viết chỉ trình bày mô hình định tính quá trình truyền thông tin (hay còn gọi là chuỗi truyền thông tin) và các khái niệm liên quan nhằm giúp bạn đọc có thể áp dụng những ý tưởng của lý thuyết thông tin vào quá trình suy nghĩ của mình một cách phù hợp. Quá trình truyền thông tin được hiểu là quá trình tái tạo một cách chính xác hoặc gần chính xác với độ sai lệch chấp nhận được, thông tin có ở địa điểm này thành thông tin có ở địa điểm khác hoặc các địa điểm khác. Chúng ta cùng hình dung một lớp học, ở đó thầy giáo đang giảng bài cho cả lớp nghe, có tiếng rì rầm của mấy học sinh nói chuyện riêng, tiếng còi, động cơ xe từ ngoài phố vọng vào. Ở đây có thông tin truyền từ thầy giáo đến học sinh. Quá trình truyền thông tin này có thể chi tiết hóa và đơn giản hóa cho dễ hiểu như sau: Các thông tin xuất phát là các ý nghĩ có trong óc của thầy giáo. Chúng thể hiện thành lời nói của thầy truyền vào không khí. Sóng âm thanh lan truyền đi, đập vào màng nhĩ, ví dụ, của học sinh A biến thành các xung điện thần kinh chạy đến trung khu thần kinh: Học sinh A thu được thông tin từ thầy giáo gởi đến. Tuy nhiên, khi lời nói của thầy đến được học sinh A, lời nói đó không còn như ban đầu vì năng lượng âm thanh suy giảm trên đường đi và âm thanh lời nói của thầy tương tác với những âm thanh khác như tiếng học sinh nói chuyện riêng, tiếng còi, động cơ xe từ ngoài phố vọng vào. Chưa kể, lời nói của thầy và các tiếng động khác cùng lúc đập vào màng nhĩ học sinh A. Tất cả những điều nói trên làm cho thông tin học sinh A nhận được có phần sai lệch so với thông tin ban đầu gởi đi từ thầy giáo. Bạn đọc có thể tự lấy thêm nhiều ví dụ khác về quá trình truyền thông tin và phân tích ra, bạn cũng thấy nhiều điểm tương tự như ví dụ nói trên. C.E. Shannon đưa ra mô hình khái quát hóa các quá trình truyền thông tin cụ thể dưới dạng sơ đồ khối, xem Hình 45. """