"Thành Phố Trộm - David Benioff full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thành Phố Trộm - David Benioff full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] Ebooks Nhóm Zalo THÀNH PHỐ TRỘM —★— Tác giả: David Benioff Người dịch: Đỗ Tuấn Anh Nhã Nam phát hành NXB Hội Nhà Văn - 2016 ebook©vctvegroup 01-12-2018 Mở đầu Ông tôi, dùng dao, đã đoạt mạng hai tên Đức khi ông còn chưa đủ mười tám tuổi. Tôi không nhớ có ai kể cho tôi nghe cả, đó là điều dường như tôi vẫn luôn biết, giống như tôi biết đội Yankee mặc áo kẻ sọc khi đấu các trận ở sân nhà và áo xám khi đấu sân khách. Nhưng không phải tôi sinh ra đã biết chuyện đó. Ai đã kể cho tôi nhỉ? Bố tôi thì không rồi, ông không bao giờ chia sẻ những bí mật, mẹ tôi cũng không, bà tránh đề cập những chuyện không vui, tất cả những chuyện máu me, ung nhọt, hoặc quái dị. Không phải bà tôi, bà biết tất cả những chuyện dân gian của cố quốc - hầu hết đều kinh dị, trẻ con bị chó sói xơi tái và bị những mụ phù thủy chặt đầu nhưng chẳng bao giờ nói về cuộc chiến khi có tôi nghe. Và tất nhiên lại càng không phải là ông tôi, người tươi cười canh giữ những ký ức đầu đời của tôi, người đàn ông mắt đen mảnh dẻ, trầm lặng vẫn dắt tay tôi khi băng qua đường, ngồi trên băng ghế công viên đọc tờ báo tiếng Nga trong khi tôi đuổi theo lũ chim bồ câu và lấy cành que gãy chọc phá bọn kiến thợ. Tôi lớn lên cách nhà ông bà hai khối nhà nên hầu như ngày nào cũng gặp họ. Ông bà có riêng một công ty bảo hiểm nho nhỏ, hoạt động ngoài căn hộ bên đường sắt của họ ở Bay Ridge, chủ yếu phục vụ những người Nga nhập cư khác. Bà tôi lúc nào cũng nói chuyện điện thoại, bán hàng. Không ai cưỡng lại được bà. Bà hớp hồn họ hoặc bà làm họ hoảng, và dù là cách nào đi nữa thì họ cũng đều mua. Ông tôi phụ trách bàn làm việc, giải quyết tất cả giấy tờ. Hồi còn nhỏ, tôi thường ngồi trong lòng ông, tròn mắt nhìn cái đốt cụt ngón trỏ bàn tay trái của ông, tròn trịa và nhẵn thín, hai đốt trên cùng bị tiện ngọt như thể đẻ ra ông đã không có chúng rồi. Nếu là mùa hè và đội Yankee đang thi đấu, một chiếc radio (sau sinh nhật bảy mươi tuổi của ông thì thành một chiếc ti vi màu, bố tôi mua cho ông) tường thuật trận đấu. Ông không bao giờ đánh mất cái giọng lơ lớ của mình, ông chẳng bao giờ đi bầu cử hoặc nghe nhạc Mỹ, nhưng ông lại trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt của đội Yankee. Cuối thập niên chín mươi, một tập đoàn bảo hiểm đề nghị mua lại công ty của ông bà tôi. Đó là, theo lời tất cả mọi người, một đề nghị khá tốt, vậy là bà tôi yêu cầu họ tăng gấp đôi giá lên. Chắc chắn là họ đã cò kè mặc cả rất nhiều, nhưng ngay cả tôi cũng có thể bảo với tập đoàn đó rằng cò kè với bà tôi chỉ tổ tốn thời gian. Cuối cùng họ trả cho bà những gì bà muốn và ông bà tôi - theo truyền thống, bán căn hộ của họ và chuyển đến Florida. Họ mua một ngôi nhà nhỏ trên bờ Vịnh, một kiệt tác mái bằng xây năm 1949 bởi một kiến trúc sư - lẽ ra đã trở nên nổi tiếng nếu ông ta không chết đuối đúng vào năm ấy. Trần trụi và uy nghi với chất liệu thép và bê tông đúc, tọa lạc trên một triền dốc trơ trọi trông thẳng ra Vịnh, nó không phải ngôi nhà ta vẫn hình dung cho một cặp vợ chồng nghỉ hưu, nhưng họ đâu có chuyển xuống miền Nam để héo tàn dưới ánh mặt trời rồi chết. Hầu như ngày nào ông tôi cũng ngồi trước máy tính, chơi cờ vua online với mấy ông bạn già. Bà tôi, buồn chán vì ăn không ngồi rồi trong mấy tuần sau khi chuyển về, tự tạo ra việc làm cho mình tại một trường đại học ngoại trú ở Sarasota, dạy văn học Nga cho những sinh viên rám nắng, có vẻ như cánh này (theo như một lần tôi ghé thăm lớp học) liên tục phát hoảng vì sự báng bổ của bà, kiểu châm biếm nặng nề của bà, và khả năng bà thuộc làu làu những vần thơ Pushkin. Tối nào ông bà tôi cũng dùng bữa trên sân thượng, trông thẳng qua những vũng nước tối om về phía Mexico. Họ ngủ để mở mọi cửa sổ, lũ bướm đêm đập cánh vào tấm lưới chắn. Không giống những người nghỉ hưu khác tôi gặp ở Florida, họ không lo lắng gì về tội phạm. Cửa trước thường xuyên không khóa và không có hệ thống báo động nào. Họ không thắt dây an toàn khi ở trong xe, họ không dùng kem bảo vệ khi ra ngoài nắng. Họ quả quyết rằng chẳng gì có thể giết được mình ngoại trừ chính Chúa, mà họ thậm chí còn chẳng hề tin vào ông ta. Tôi sống ở Los Angeles và viết kịch bản về những siêu anh hùng đột biến gien. Hai năm trước tôi được đề nghị viết một bài chân dung tự thuật cho một tạp chí về kịch bản, và được giữa chừng thì tôi nhận ra mình đã sống một cuộc đời thật nhàm chán. Chẳng phải tôi kêu ca gì. Ngay cả đọc bản tóm tắt sự tồn tại của tôi cũng chán - phổ thông, đại học, làm lặt vặt, học sau đại học, làm linh tinh, lại học sau đại học, siêu anh hùng đột biến tôi đã có một quãng thời gian tồn tại thú vị. Nhưng trong lúc vật vã cho xong bài viết - tôi quyết định rằng tôi không muốn viết về cuộc đời mình, ngay cả năm trăm từ cũng không. Tôi muốn viết về Leningrad. Ông bà đón tôi ở sân bay Sarasota, tôi cúi khom xuống hôn họ còn họ ngước lên mỉm cười với tôi, lần nào cũng hơi ngỡ ngàng trước sự hiện diện của thằng cháu nội người Mỹ khổng lồ (với chiều cao 1m90 thì tôi là một người khổng lồ bên cạnh họ). Trên đường về nhà chúng tôi mua cá sòng ở chợ cá địa phương, ông tôi nướng nó mà không cho thêm gì ngoài bơ, muối và chanh tươi. Giống như bất kỳ món gì ông nấu, nó có vẻ dễ làm đến khó tin, mất vẻn vẹn mười phút, và ngon hơn bất cứ thứ gì tôi đã ăn trong năm đó ở L A. Bà tôi không nấu ăn, bà nổi tiếng trong gia đình tôi vì không chịu sửa soạn bất kỳ thứ gì cầu kỳ hơn một bát ngũ cốc. Sau bữa tối bà tôi châm một điếu thuốc còn ông tôi rót ra ba ly vodka lý chua đen nhà nấu. Chúng tôi lắng nghe dàn đồng ca của lũ ve và dế, phóng mắt ra ngoài Vịnh tối đen, và thỉnh thoảng lại đập tay xua muỗi. “Cháu mang theo máy ghi âm. Cháu nghĩ biết đâu chúng ta có thể nói chuyện về cuộc chiến tranh.” Tôi nghĩ đã thoáng thấy bà tôi nhướng mắt khi bà búng tàn thuốc xuống mặt cỏ. “Gì cơ ạ?” “Cháu đã bốn mươi tuổi rồi. Giờ cháu lại muốn biết à?” “Cháu ba mươi bốn mà.” Tôi nhìn sang ông tôi và ông mỉm cười với tôi. “Có chuyện gì chứ? Ông bà là dân Quốc xã sao? Ông bà đang che giấu quá khứ Quốc xã của mình à?” “Không,” ông nói, vẫn mỉm cười. “Ông bà không phải là Quốc xã.” “Ông bà nghĩ cháu bốn mươi tuổi thật à?” “Ba mươi tư, bốn mươi…" Bà kêu chẹp chẹp, bao giờ cũng đi kèm cái phẩy tay khinh khỉnh, xua đi sự ngu xuẩn. “Ai thèm quan tâm? Kết hôn đi. Kiếm lấy cô vợ.” “Bà nói giống hệt những người bà khác ở Florida vậy.” “Ha,” bà nói, hơi tự ái. “Cháu muốn biết nó như thế nào. Có điều gì mà khủng khiếp vậy?” Bà vừa hất đầu về phía ông tôi vừa trỏ đầu điếu thuốc đang cháy vào tôi. “Nó muốn biết là như thế nào kìa.” “Bà yêu dấu à,” ông tôi nói. Chỉ thế thôi, không gì nữa, nhưng bà tôi gật đầu và dụi tắt điếu thuốc của bà lên mặt bàn kính. “Cháu nói đúng,” bà bảo tôi. “Cháu muốn viết về cuộc chiến tranh, cháu nên viết.” Bà đứng dậy, hôn lên đầu tôi, hôn lên môi ông tôi và mang mấy cái đĩa vào trong nhà. Trong ít phút chúng tôi ngồi đó lặng lẽ, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ. Ông rót thêm Vodka cho hai ông cháu, hài lòng thấy tôi đã uống hết ly của mình. “Cháu có bạn gái chứ?” “Ừ hứ.” “Cô diễn viên ấy à?” “Vâng." “Ta thích cô ấy” “Cháu biết ông thích mà.” "Con bé có thể là người Nga,” ông nói. “Nó có đôi mắt... Nếu cháu muốn nói chuyện về Leningrad thì chúng ta nói về Leningrad vậy.” "Cháu không muốn nói. Cháu muốn ông nói.” “Vậy được rồi, thì ta nói. Mai nhé?" Ông giữ lời. Suốt cả tuần sau đó ngày nào chúng tôi cũng ngồi cùng nhau trên tầng thượng bằng bê tông và tôi ghi âm lại những câu chuyện của ông. Mấy tiếng đồng hồ buổi sáng, nghỉ ăn trưa, rồi lại tiếp tục trong buổi chiều - ông tôi, một người vốn ghét nói quá hai câu liên tiếp trước mặt người khác (người khác ở đây nghĩa là ngoài vợ ông ra), đã lấp đầy hết cuốn băng này đến cuốn băng khác bằng lời của mình. Quá nhiều từ cho một cuốn sách - sự thật có thể sẽ lạ lùng hơn hư cấu, nhưng nó cần một biên tập viên xuất sắc hơn. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe thấy ông tôi văng tục và nói cởi mở về tình dục. Ông kể về thời thơ ấu của mình, về cuộc chiến, về chuyện tới nước Mỹ. Nhưng chủ yếu ông kể về một tuần trong năm 1942, tuần đầu tiên của năm đó, cái tuần ông gặp bà tôi, có người bạn thân nhất, và giết hai tên Đức. Khi ông kể xong những câu chuyện của mình, tôi hỏi ông về vô số các chi tiết, tên tuổi, địa danh, điều kiện thời tiết của những ngày cụ thể. Ông chịu đựng chuyện này một lúc, rồi cuối cùng ông chồm người tới trước và ấn nút DỪNG trên cái máy ghi âm. “Chuyện đã lâu lắm rồi,” ông nói. “Ta không nhớ là lúc đó ta đang mặc gì nữa. Ta còn không nhớ là mặt trời có ló ra không nữa.” “Cháu chỉ muốn chắc là cháu ghi lại mọi thứ thật đúng." “Không được đâu.” “Đây là câu chuyện của ông mà. Cháu không muốn phá hỏng nó." “David...” “Một vài chỗ cháu vẫn chưa hiểu được…” “David,” ông nói. “Cháu là nhà văn cơ mà. Bịa bừa đi.” 1 Cháu chưa bao giờ chịu đói như thế cả, cháu cũng chưa bao giờ bị rét như thế. Khi bọn ta ngủ, nếu bọn ta có ngủ, bọn ta lại mơ về những bữa tiệc mà bọn ta đã chén vô tội vạ bảy tháng trước đó - cơ man nào là bánh mì phết bơ, há cảo, khoai tây, xúc xích - chén không phải suy nghĩ, nuốt mà không hề thưởng thức, bỏ lại toàn những mẩu to đùng trên đĩa, những tảng mỡ. Tháng Sáu năm 1941, trước khi bọn Đúc tới, bọn ta cứ nghĩ là mình nghèo. Nhưng đến mùa đông thì tháng Sáu dường như vẫn là cả một thiên đường. Suốt đêm gió lùa dai dẳng và dữ dội đến nỗi ta giật cả mình mỗi khi nó ngừng lại, những tấm bản lề cửa chớp của quán cà phê hoang tàn nơi góc đường ngừng nghiến ken két trong vài giây đồng hồ đáng ngại, như thể một con thú dữ đang rình rập đã đến gần và lũ thú nhỏ im bặt đi vì khiếp đảm. Những cánh cửa chớp thì đã bị tháo xuống làm củi đốt từ tháng Mười một. Chẳng còn mẩu gỗ vụn nào ở Leningrad. Mọi tấm biến gỗ, những thanh gỗ của ghế băng trong công viên, gỗ lát sàn của những tòa nhà đổ nát - tất cả đều biến mất và cháy trong bếp lò của ai đó. Cả lũ chim bồ câu cũng biến mất, bị tóm và hầm trong băng đun chảy lấy từ sông Neva. Chẳng ai ngại xẻ thịt chim bồ câu cả. Chính lũ chó mèo mới đáng ngại. Hồi tháng Mười thì người ta nghe đồn là có người đã quay con chó nhà nuôi và xả nó thành bốn phần cho bữa tối; bọn ta cứ cười và lắc đầu, không tin chuyện đó, và cũng băn khoăn không hiểu thịt chó liệu có ngon không nếu cho đủ muối - vẫn còn rất nhiều muối, ngay cả khi tất cả mọi thứ khác đã hết sạch thì bọn ta vẫn còn muối. Đến tháng Một thì những lời đồn đại đó đã trở thành một sự thật hiển nhiên. Chỉ những nhà quyền thế nhất mới còn đủ sức nuôi ăn một con thú cưng, vậy là lũ thú cưng nuôi bọn ta. Có hai thuyết về người béo với người gầy. Một số người nói rằng những ai béo trước chiến tranh có cơ sống sót nhiều hơn: một tuần không ăn cũng không thể biến một người phục phịch thành bộ xương. Những người khác thì bảo người gầy đã quen ăn ít hơn nên có thể xoay xở tốt hơn với cú sốc khi bị đói. Ta đứng về phía đội thứ hai, thuần túy vì lợi ích của bản thân. Từ khi sinh ra ta vốn đã là một đứa còi cọc. Mũi to, tóc đen, da sần sùi trứng cá - phải thừa nhận rằng ta không phải hình mẫu ý trung nhân của đám con gái. Nhưng chiến tranh đã làm ta trở nên hấp dẫn hơn. Những người khác teo tóp đi khi tem phiếu khẩu phần bị cắt rồi lại bị cắt, những người vốn trông như lực sĩ rạp xiếc lúc trước cuộc xâm lăng tọp đi một nửa. Ta chẳng có cơ bắp gì để mà mất. Giống như lũ chuột chù vẫn bươn bới trong khi bọn khủng long thì đổ rạp xung quanh, ta được cấu tạo để chịu sự thiếu thốn. Đêm Giao thừa ta ngồi trên sân thượng ở Kirov, khu chung cư ta sống từ lúc lên năm (mặc dù nó không có tên mãi đến tận năm 1934 khi Kirov bị bắn và cả nửa thành phố được đặt theo tên ông), theo dõi những quả khí cầu phòng không màu xám béo tròn kéo từng bầy dưới mây, chờ đợi máy bay ném bom. Vào quãng thời gian đó trong năm mặt trời nấn ná trên trời chỉ có sáu tiếng đồng hồ, hớt hải chạy từ chân trời này sang chân trời kia như bị ma đuổi. Đêm nào bốn người bọn ta cũng ngồi trên sân thượng trực ba tiếng đồng hồ, trang bị những xô cát, kềm sắt rồi xẻng, quấn sùm sụp trong bao nhiêu áo sơmi rồi áo len áo khoác bọn ta tìm được, theo dõi bầu trời. Bọn ta là lực lượng cứu hỏa. Bọn Đức đã quyết định rằng đánh chiếm ào ạt thành phố thì quá tốn kém, nên thay vào đó chúng bao vây bọn ta, hòng dồn bọn ta chết đói, chết bom, chết cháy. Trước khi chiến tranh nổ ra có một nghìn một trăm người sống trong Kirov. Đến đêm Giao thừa con số này còn suýt soát bốn trăm. Hầu hết trẻ nhỏ được sơ tán từ trước khi quân Đức khép vòng vây vào tháng Chín. Mẹ và em gái ta, Taisya, đến Vyazma ở với cậu ta. Đêm trước khi họ lên đường ta cãi nhau với mẹ, lần duy nhất hai mẹ con cãi nhau - hay chính xác hơn, lần duy nhất ta cãi lại. Bà muốn ta đi cùng họ, tất nhiên, tránh xa khỏi lũ xâm lược, vào sâu tít giữa vùng trung tâm của đất nước nơi máy bay ném bom không thể tìm được. Nhưng ta sẽ không rời Piter. Ta là một người đàn ông, ta sẽ bảo vệ thành phố của mình, ta sẽ là một Nevsky của thế kỷ 20. Có lẽ ta cũng không hẳn đến mức lố bịch thế. Ta đã cải ra trò: nếu kẻ nào còn lành lặn mà cũng bỏ trốn thì Leningrad sẽ rơi vào tay bọn phát xít. Và không còn Leningrad, không còn Thành phố Công nhân chế tạo xe tăng và súng trường cho Hồng quân, thì nước Nga làm gì còn cơ hội nào chứ? Mẹ ta nghĩ rằng đó là một lý lẽ ngu ngốc. Ta còn chưa đủ mười bảy tuổi. Ta không hàn vỏ thép ở Tổ hợp[1] và chưa thể nhập ngũ trong vòng gần một năm nữa. Việc bảo vệ Leningrad chẳng liên quan gì đến ta cả; có ta chỉ tổ thêm một miệng ăn nữa. Ta phớt lờ những lời xúc phạm ấy. “Con là lính cứu hỏa,” ta bảo bà, vì đúng là thế thật, hội đồng thành phố đã ra sắc lệnh thành lập mười nghìn đơn vị cứu hỏa, và ta là vị chỉ huy đầy kiêu hãnh của Đội Cứu hỏa Tầng Năm Kirov. Mẹ ta chưa đến bốn mươi, nhưng tóc bà đã ngả bạc. Bà ngồi đối diện với ta bên bàn bếp, cả hai tay cầm lấy một bàn tay ta. Bà là một phụ nữ rất nhỏ nhắn, chỉ tầm 1m50, vậy mà từ lúc sinh ra ta vẫn sợ bà. “Con ngốc quá,” bà bảo ta. Có thể câu này nghe thật xúc phạm, nhưng mẹ ta vẫn luôn gọi ta là “thằng ngốc của mẹ” và nhờ thế mà ta nghĩ đó là một biệt danh âu yếm. “Thành phố đã có ở đây từ trước con. Nó sẽ còn ở đây sau con. Taisya và mẹ cần con.” Bà nói đúng. Một thằng con trai có hiểu hơn, một thắng anh trai tốt hơn thì hẳn đã đi cùng bà. Taisya tôn thờ ta, nhảy bổ vào ta mỗi khi ta đi học về, đọc cho ta nghe những bài thơ con cóc ngớ ngẩn mà nó viết làm bài tập để vinh danh những liệt sĩ cách mạng, vẽ hình biếm họa chân dung mũi to của ta trong sổ của nó. Nói chung ta chỉ muốn bóp cổ nó. Ta không hề thích thú gì chuyện lang thang khắp nước với mẹ và đứa em gái. Ta đã mười bảy tuổi, ngập tràn một niềm tin vào số phận anh hùng của mình. Lời hiệu triệu của Molotov trong bài phát biểu trên đài vào ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh (CHÍNH NGHĨA THUỘC VỀ CHÚNG TA! KẺ THỦ SẼ BỊ ĐÁNH BẠI! CHÚNG TA NHẤT ĐỊNH THẮNG!) đã được in trên hàng nghìn tấm áp phích và dán lên những bức tường thành phố. Ta tin tưởng vào sự nghiệp; ta sẽ không chạy trốn quân thù; ta sẽ không bỏ lỡ chiến thắng. Sáng hôm sau mẹ ta với Taisya lên đường. Họ đi xe buýt một chặng đường, vẫy đi nhờ xe nhà binh từng chặng, và đi bộ không biết bao nhiêu dặm đường nông thôn trong những đôi ủng đã bong đế. Họ mất ba tuần mới đến nơi, nhưng họ đã làm được, cuối cùng cũng an toàn. Bà gửi cho ta một bức thư kể lại hành trình, nỗi kinh hoàng và mệt mỏi. Có lẽ bà muốn ta thấy có lỗi vì đã bỏ rơi họ, và ta đã thấy thế thật, nhưng ta cũng biết họ đi khỏi thì tốt hơn. Trận chiến lớn sắp diễn ra và họ không thuộc về nơi mặt trận. Ngày 7 tháng Mười quân Đức chiếm Vyazma và những bức thư của bà không đến nữa. Ta muốn nói là ta nhớ họ khi họ đi rồi, có nhiều đêm ta thấy cô đơn, và luôn nhớ các món ăn của mẹ, nhưng ngay từ khi còn bé ta đã luôn hình dung ra cảnh chỉ có một mình. Những truyện dân gian ta yêu thích kể về những đứa trẻ mồ côi tháo vát tự tìm được đường qua khu rừng tăm tối, sống sót qua mọi hiểm nguy bằng cách giải quyết vấn đề thông minh, mưu trí hơn kẻ thù, tìm thấy vận may ngay giữa hành trình lưu lạc. Ta không nói là ta hạnh phúc tất cả bọn ta đều đói đến không còn biết hạnh phúc là gì nhưng lúc đó ta tin rằng cuối cùng thì đây chính là Ý nghĩa. Nếu Leningrad thất thủ, nước Nga sẽ sụp đổ; nếu nước Nga sụp đổ, chủ nghĩa phát xít sẽ thống trị thế giới. Tất cả bọn ta đều tin như thế. Đến giờ ta vẫn tin. Ta còn quá trẻ chưa thể nhập ngũ nhưng đã đủ lớn để đào hào chống tăng vào ban ngày và gác sân thượng vào ban đêm. Thành phần trong đội của ta là đám bạn cùng tầng năm - Vera Osipovna, một nghệ sĩ cello tài năng, và anh em sinh đôi tóc đỏ nhà Antokolsky, bọn chỉ có năng khiếu duy nhất thể hiện ra ngoài là khả năng đánh rắm rất đều. Trong những ngày đầu của cuộc chiến bọn ta hút thuốc lá trên sân thượng, làm dáng như người lính, can trường mạnh mẽ và cầm vuông vức, dõi mắt khắp bầu trời tìm quân thù. Nhưng đến cuối tháng Mười hai thì ở Leningrad chẳng còn điếu thuốc nào nữa, ít nhất cũng không có điếu nào quấn bằng thuốc lá sợi. Mấy mống vã quá bèn nghiền lá khô ra, vấn trong giấy, và gọi đó là Ánh sáng Mùa thu, cam đoan rằng nếu chọn đúng lá thì sẽ có một hơi ra trò, nhưng ở Kirov, nơi cách xa cái cây gần nhất hiện còn đứng vững, điều này chưa bao giờ là một lựa chọn. Bọn ta dành thời gian rảnh đi săn chuột, bọn này chắc hẳn tưởng rằng việc lũ mèo trong thành phố biến mất là sự đáp lại cho những lời cầu nguyện của chúng ngày xưa, cho đến khi chúng nhận ra rằng trong đống rác chẳng còn gì để ăn. Sau những tháng oanh tạc bọn ta đã biết cách phân biệt đủ loại máy bay khác nhau của quân Đức nhờ tiếng rú động cơ. Đêm đó là những chiếc Junkers 88, vốn dĩ như thế đã nhiều tuần rồi, thay thế cho bọn Heinkel và Dornier mà chiến sĩ quân ta đã bắn hạ thành thạo. Đã đành ban ngày thành phố điêu tàn là vậy, nhưng lúc đêm xuống thì lại có một vẻ đẹp lạ lùng trong cảnh bao vậy. Từ sân thượng ở Kirov, nếu có trăng, bọn ta có thể nhìn thấy toàn cảnh Leningrad: cái chóp nhọn của tháp Bộ Tư lệnh Hải quân (được vẩy sơn xám cho tối mờ đi trước máy bay ném bom); Pháo đài Thánh Peter và Paul (những đỉnh tháp được phủ lưới ngụy trang); những mái vòm của Nhà thờ Thánh Isaac và Nhà thờ Thượng Huyết. Bọn ta nhìn thấy cả những khẩu đội đang điều khiển ụ súng phòng không trên sân thượng các tòa nhà lân cận. Hạm đội Baltic đã thả neo trên sông Neva; họ lững lờ ở đó, những người lính gác khổng lồ màu xám, nã những khẩu pháo lớn vào trận địa pháo của bọn Quốc xã. Đẹp nhất là những trận không chiến. Những chiếc Ju88 và Sukhoi lượn vòng trên thành phố, không nhìn thấy được từ phía dưới trừ phi chúng lọt vào tầm mắt của những chiếc đèn pha cực mạnh. Những chiếc Sukhoi có ngôi sao đỏ lớn sơn ở mặt dưới cánh để các khẩu đội phòng không của quân ta không bắn nhầm. Cứ vài đêm bọn ta lại được chứng kiến một trận đánh được rọi đến như trên sân khẩu, những chiếc máy bay ném bom của quân Đức nặng nề và chậm chạp hơn nhọc nhằn quay sườn để xạ thủ của chúng có thể ngắm bắn những chiếc tiêm kích Nga nhanh thoăn thoắt. Khi một chiếc Junkers rơi xuống, phần khung cháy rừng rực của chiếc máy bay roi rụng như một thiên thần bị đày khỏi thiên đường, tiếng hò reo thách thức vang dậy từ các sân thượng trên khắp thành phố, tất cả các xạ thủ và lính cứu hỏa khua nắm tay để hoan hô người phi công chiến thắng. Bọn ta có mang theo một cái đài nhỏ trên sân thượng. Đêm Giao thừa bọn ta lắng nghe tiếng chuông đồng hồ Spassky ở Moscow chơi bản Quốc tế ca. Vera tìm được nửa củ hành ở đâu đó; cô ta cắt nó thành bốn miếng trên một cái đĩa rưới dầu hướng dương. Khi củ hành đã hết, bọn ta quệt sạch chỗ dầu còn lại bằng bánh mì chia theo khẩu phần. Bánh mì khẩu phần có vị không giống bánh mì. Nó không có vị đồ ăn. Sau khi quân Đức ném bom các kho thóc Badayev, các lò nướng bánh của thành phố trở nên sáng tạo. Tất cả những thứ có thể cho thêm vào công thức mà không khiến người ta ngộ độc đều đã được cho thêm vào công thức. Cả thành phố đang chết đói, không một ai có đủ mà ăn, ấy thế mà tất cả mọi người đều nguyền rủa thứ bánh mì ấy, cái vị mùn cưa, nó cứng như đá khi trời lạnh. Người ta gãy cả răng vì cố gặm nó. Thậm chí cả bây giờ, thậm chí cả khi ta đã quên khuôn mặt của những người mà ta yêu quý, ta vẫn còn nhớ vị của thứ bánh mì đó. Nửa củ hành và một ổ bánh mì 125 gam chia làm bốn - đó là một bữa tươm tất. Bọn ta nằm ngửa ra, quấn mình trong chăn, vừa theo dõi những quả khí cầu phòng không cột dây dài lơ lửng trong gió, vừa nghe tiếng đánh nhịp trên đài. Lúc nào không phát nhạc hay tin tức gì, đài phát thanh lại truyền đi âm thanh của một cái máy đánh nhịp, cái tiếng tích tích tích tích bất tận ấy cho bọn ta biết là thành phố vẫn chưa khuất phục, quân phát xít vẫn còn bên ngoài cửa ngõ. Tiếng máy đánh nhịp được phát đi là nhịp tim đập của Piter và quân Đức chưa bao giờ làm nó lặng câm. Chính Vera là người phát hiện ra người đàn ông đang từ trên trời rơi xuống. Cô ta hét lên và chỉ tay - thế là tất cả bọn ta đều đứng dậy để nhìn cho rõ. Một ánh đèn pha rọi thẳng vào người nhảy dù đang lao xuống thành phố, cái dù lụa của hắn như một bầu hoa tulip trắng phía trên đầu. “Một thằng Đức,” Oleg Antokolsky nói, và cậu ta nói đúng; bọn ta có thể nhìn thấy bộ quân phục không quân Đức Quốc xã màu xám. Hắn ở đâu ra nhỉ? Không ai trong bọn ta nghe thấy âm thanh nào của cuộc không chiến hoặc tiếng súng phòng không. Gần cả tiếng đồng hồ bọn ta còn không nghe thấy tiếng máy bay ném bom đi qua trên đầu. “Có khi bắt đầu rồi,” Vera nói. Mấy tuần nay bọn ta đã nghe đồn là quân Đức đang chuẩn bị một đợt nhảy dù ồ ạt, một cuộc đột kích cuối cùng để ngắt cái gai Leningrad khốn khổ khốn nạn ra khỏi lưng đội quân tiến công của chúng. Bất kỳ phút nào bọn ta cũng tưởng chừng như ngẩng đầu lên là thấy hàng nghìn tên Quốc xã lơ lửng về phía thành phố, một cơn bão tuyết những chiếc dù trắng kín đặc cả bầu trời, nhưng hàng chục ánh đèn pha lia qua bóng tối và không thấy tên địch nào nữa. Chỉ có đúng một tên này, và căn cứ vào cái vẻ mềm oặt của cơ thể treo toòng teng dưới dây dù thì hắn đã chết rồi. Bọn ta nhìn hắn lơ lửng trôi xuống, cứng đờ trong ánh đèn pha, thấp đến nỗi bọn ta nhìn thấy một chiếc ủng đen của hắn đã rơi đâu mất. “Hắn đang rơi về phía bọn mình,” ta nói. Gió thổi hẳn về phía phố Voinova. Cặp sinh đôi nhìn nhau. “Luger,” Oleg nói. “Bọn không quân Đức không mang súng Luger,” Grisha nói. Cậu ta chỉ sinh sớm hơn năm phút và là chuyên gia về vũ khí của quân Quốc xã. “Walther PPK.” Vera mỉm cười với ta. “Sô cô la Đức.” Bọn ta lao về phía của cầu thang, bỏ mặc dụng cụ cứu hóa của mình, lao ầm ầm xuống cầu thang tối om. Bọn ta là một lũ ngốc, tất nhiên rồi. Chỉ cần trượt chân một cái trên những bậc thang bê tông này, không còn mỡ hay cơ bắp gì để đệm cho cú ngã, sẽ có nghĩa là gãy xương, và gãy xương có nghĩa là chết. Nhưng không ai trong bọn ta bận tâm. Khi đó bọn ta đều rất trẻ và một tên Đức chết đang rơi xuống phố Voinova mang theo những món quà từ das Vaterland[2]. Bọn ta băng qua khoảnh sân chung rồi trèo qua cổng sân đang khóa. Tất cả đèn đường đều tắt tối om. Cả thành phố đều tối om - một phần để gây khó khăn cho máy bay địch ném bom và vì phần lớn điện được dành cho các nhà máy chế tạo vũ khí nhưng trăng đủ sáng để quan sát. Phố Voinova rộng thênh thang và vắng tanh, sáu tiếng đồng hồ sau lệnh giới nghiêm. Không thấy bóng dáng xe cộ. Chỉ quân đội và chính quyền mới tiếp cận được xăng dầu, và toàn bộ xe dân sự đã được trưng dụng trong những tháng đầu cuộc chiến. Những dải giấy giăng ngang của sổ hàng quán, mà theo như trên dài nói với bọn ta là để tăng khả năng chống vở cho chúng. Có thể điều đó là đúng, mặc dù ta đã bước qua rất nhiều mặt tiền quán ở Leningrad - nơi chẳng còn gì trong khung cửa sổ ngoài một dải giấy phất phơ. Ra đến ngoài phố bọn ta nhìn lên trời nhưng không thấy hắn đâu nữa. “Hắn đâu mất rồi?” “Các cậu có nghĩ hắn đã đáp xuống mái nhà nào đó không?" Những ánh đèn pha đang lia quét bầu trời, nhưng tất cả đều được đặt trên nóc những tòa nhà cao tầng và không chiếc nào có góc chiếu xuống được phố Voinova. Vera kéo giật cổ áo choàng của ta, một chiếc áo choàng hải quân cũ rộng thùng thình của cha ta mà đến lúc đó vẫn còn quá rộng đối với ta, nhưng ấm hơn bất kỳ thứ gì ta có. Ta quay lại thì nhìn thấy hắn đang liệng xuống phố, thằng Đức của bọn ta, chiếc ủng đen duy nhất của hắn miết trên vỉa hè đóng băng, cái chóp nấm to dùng từ chiếc dù trắng của hắn vẫn căng phồng trong gió, thổi hẳn về phía cổng khu Kirov, cằm hắn gục xuống ngực, mái tóc đen lấm tấm những mẩu băng, mặt hắn không còn một chút máu dưới ánh trăng. Bọn ta đứng im phắc nhìn hắn lướt lại gần hơn. Mùa đông năm đó bọn ta đã nhìn thấy những thứ mà không đôi mắt nào nên nhìn thấy, bọn ta cứ tưởng là mình không còn ngạc nhiên được nữa, nhưng bọn ta đã nhầm, và nếu lúc đó tên Đức có móc khẩu Walther ra mà bắn thì chẳng ai trong bọn ta kịp nhấc chân mà chạy. Nhưng người chết vẫn cứ chết và cuối cùng gió cũng dịu đi, chiếc dù xẹp xuống, và hắn rơi phịch xuống hè, bị kéo lê thêm vài mét, mặt cày xuống trong nỗi nhục nhã sau cùng. Bọn ta bu lại quanh tên phi công. Hắn là một kẻ cao lớn, vạm vỡ, và giả sử lúc trước mà nhìn thấy hắn mặc thường phục đi bộ quanh Piter, kiểu gì bọn ta cũng biết hắn là kẻ trà trộn ngay lập tức - hắn có cơ thể của một kẻ được ăn thịt hằng ngày. Grisha quỳ xuống và lấy khẩu súng ngắn của tên Đức ra khỏi bao. “Walther PPK. Bảo rồi mà.” Bọn ta lật ngửa tên Đức ra. Bộ mặt tái nhợt của hắn trầy xước, da mặt bị mài trên nhựa đường, những chỗ xước cũng nhợt nhạt như chỗ da còn lành lặn. Người chết rồi không bị bầm tím nữa. Ta không thể biết được là hắn đã chết trong trạng thái hoảng sợ hay bất chấp hay yên bình. Chẳng có vết tích nào của sự sống hoặc tính cách trên mặt hắn trông hắn như một xác chết - đẻ ra đã là xác chết rồi. Oleg lột lấy đôi găng tay da màu đen trong khi Vera nhắm vào cái khăn và cặp kính. Ta tìm thấy một cái bao đeo vào mắt cá của tên phi công và rút ra một con dao cầm vừa tay có cái chắn ngón tay bằng bạc và phần lưỡi đơn dài mười lăm xentimét khắc những chữ mà ta không đọc được dưới ánh trăng. Ta đút lưỡi dao trở vào bao rồi đeo vào mắt cá chân mình, cảm thấy lần đầu tiên trong nhiều tháng rằng cuối cùng thì số phận chiến binh của mình cũng đang trở thành sự thật. Oleg tìm thấy cái ví của người chết và vừa nhăn nhở cười vừa đếm những đồng mark Đức. Vera bỏ túi một chiếc đồng hồ bấm giờ, to gấp đôi một chiếc đồng hồ đeo tay thông thường, mà tên Đức đã đeo vòng quanh cổ tay chiếc áo khoác phi công. Grisha tìm thấy một cặp ống nhòm gấp lại trong bao da, hai băng đạn dự phòng cho khẩu Walther, và một cái chai dẹt. Cậu ta mở nắp, hít hít, và chuyển cho ta cái chai. ”Cognac?" Ta nhấp một ngụm và gật đầu. “Cognac.” "Cậu từng uống cognac bao giờ chưa?” Vera hỏi. "Tớ uống rồi mà.” "Bao giờ?" "Tớ xem nào," Oleg nói, và cái chai được xoay vòng, bốn đứa bọn ta ngồi xổm quanh tên phi công xấu số, nhấm nháp thứ rượu có thể là cognac hay brandy hoặc Armagnac. Chẳng ai trong bọn ta phân biệt được. Có là gì đi nữa thì cái của đó ấm sục khí vào trong bụng. Vera chằm chằm nhìn mặt tên Đức. Vẻ mặt cô ta chẳng có gì là thương xót, sợ hãi, chỉ tò mò và khinh bỉ tên xâm lược này đã đến thả bom xuống thành phố của bọn ta nhưng thay vào đó lại thả chính mình. Bọn ta không bắn rơi hắn, nhưng dù sao bọn ta vẫn cảm thấy hân hoan chiến thắng. Không có ai ở Kirov từng bắt gặp xác quân thù. Sáng ra bọn ta sẽ là chủ đề bàn tán của khu chung cư. “Các cậu nghĩ làm sao mà hắn chết nhỉ?" Vera hỏi. Không có vết đạn bắn nào làm nham nhở cái xác, không một sợi tóc hay vết da cháy nào, hoàn toàn chẳng có dấu vết bạo lực. Da của hắn trắng quá đỗi so với người sống, nhưng chẳng có gì xuyên qua nó. “Hắn bị chết cóng,” ta bảo bọn họ. Ta nói chắc nịch vì ta biết đúng là như thế và ta không có cách nào để chứng minh cả. Tên phi công đã bung dù ra ngoài ở độ cao hàng ngàn mét trên bầu trời đêm Leningrad. Không khí ở tầng đất cũng đã là quá rét đối với quần áo mà hắn mặc - huống hồ giữa tầng mây, bên ngoài buồng lái ấm áp của minh, hắn càng không bao giờ có cơ hội nào. Grisha nâng cái chai lên chúc. “Uống Vì cái rét nào." Cái chai lại đi vòng lần nữa. Nó đã chẳng đến lượt ta. Lẽ ra bọn ta phải nghe thấy tiếng động cơ xe cách đó hai khối nhà, thành phố sau giờ giới nghiêm yên tĩnh chẳng khác gi cung trăng, nhưng bọn ta còn đang bận uống thứ rượu Đức của mình, chúc tụng này nọ. Chỉ khi chiếc GAZ ngoặt vào phố Voinova, những lốp bánh xe nặng nề miết rầm rầm trên mặt đường, đèn pha rọi thẳng về phía mình, bọn ta mới nhận ra mối nguy hiểm. Hình phạt cho tội vi phạm lệnh giới nghiêm mà không có giấy phép là hành quyết không cần xét xử. Hình phạt cho tội bỏ chi đội cứu hỏa là hành quyết không cần xét xử. Hình phạt cho tội hôi của là hành quyết không cần xét xử. Tòa án đâu còn hoạt động nữa; sĩ quan cảnh sát thì đang ở tiền tuyến, nhà tù còn một nửa và sụt giảm nhanh chóng lắm. Ai mà có thức ăn cho kẻ thù của nhà nước chứ? Anh phạm pháp mà bị bắt, anh chết chắc. Không có thời gian đâu cho bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Vậy là bọn ta bỏ chạy. Bọn ta biết rõ Kirov hơn ai khác. Một khi bọn ta đã chui được vào bên trong cổng sân và lọt vào bóng tối buốt giá của những tòa nhà ngổn ngang, không ai có thể tìm được bọn ta cho dù họ có lùng sục cả ba tháng. Bọn ta nghe được tiếng mấy người lính quát bọn ta đứng lại, nhưng quan trọng gì; tiếng nói thôi không làm bọn ta sợ, chỉ có đạn mới tạo ra sự khác biệt mà lại chưa có ai bóp cò gì cả. Grisha lao được tới cổng đầu tiên - cậu ta phần nào có tố chất vận động viên nhất trong đám bọn ta - cậu ta nhảy vọt lên những thanh sắt và đu người lên trên. Oleg ở ngay sau cậu ta còn ta thì ở ngay sau Oleg. Cơ thể bọn ta yếu ớt, cơ bắp teo tóp vì thiếu protein, nhưng nỗi sợ hãi giúp bọn ta leo lên cổng nhanh chưa từng thấy. Leo gần đến đầu cánh cổng ta ngoái lại nhìn thì thấy Vera đã bị trượt chân trên một mảng băng. Cô ta ngước lên nhìn ta, mắt cô ta tròn xoe khiếp đảm, bò lồm cồm trong khi chiếc GAZ phanh xịch lại bên cạnh xác tên phi công Đức và bốn người lính nhảy ra. Họ còn cách chục mét, súng trường lăm lăm trên tay, nhưng ta vẫn còn đủ thời gian để du người qua cổng và biến mất dạng vào trong Kirov. Ta ước gì ta có thể nói với cháu rằng ý nghĩ bỏ mặc Vera chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí ta, rằng bạn ta đang gặp nguy hiểm và ta đã đến cứu cô ta không một chút do dự. Tuy nhiên sự thật là đúng khoảnh khắc ấy ta căm ghét cô ta. Ta căm ghét cô ta vì đã vụng về đúng thời điểm tồi tệ nhất, vì đã ngước lên nhìn ta với đôi mắt màu nâu đầy khiếp sợ ấy, lựa chọn ta làm người cứu vớt cho dù Grisha mới là người duy nhất cô ta từng hôn. Ta biết mình không thể nào sống nổi với ký ức về đôi mắt ấy nài xin ta, và cả cô ta cũng biết điều đó nữa, và ta vẫn căm ghét cô ta ngay cả khi ta nhảy xuống khỏi cánh cổng, xốc cô ta đứng dậy, và đẩy cô ta lên những thanh sắt. Ta thì yếu, nhưng khi ấy Vera cũng chẳng thể nào nặng đến bốn mươi cân. Ta đẩy cô ta lên cánh cổng trong khi đám lính quát tháo và gót ủng nện rầm rập trên vỉa hè và khóa nòng súng trường roành roạch lên đạn. Vera lao qua cánh cổng và ta cuống cuồng trèo sau cô ta, không đếm xỉa gì đám lính. Nếu ta dừng lại, họ sẽ vây lại quanh ta, bảo với ta rằng ta là một kẻ thù của nhà nước, bắt ta quỳ xuống, và bắn vào sau đầu ta. Lúc này ta là một mục tiêu ngon ăn, nhưng có thể họ đang say, có thể họ cũng là giai thành phố như ta mà cả đời chưa từng nổ phát súng nào; có thể họ sẽ cố tình bắn trượt vì họ biết ta là một người yêu nước và là chiến sĩ bảo vệ thành phố và ta lẻn ra khỏi Kirov chỉ vì một tên Đức đã rơi cả năm ngàn mét xuống con phố của ta và có thằng nhóc Nga mười bảy tuổi nào mà lại không lẻn ra nhòm tận mắt một thằng phát xít đã ngủm? Cằm ta đã lên ngang đầu cổng thì ta cảm thấy mấy bàn tay đeo găng chộp quanh mắt cá chân mình. Những bàn tay cứng cáp, những bàn tay của cánh quân đội được chén hai bữa mỗi ngày. Ta nhìn thấy Vera chạy bên trong Kirov, không hề ngoảnh đầu nhìn lại. Ta cố ghì chặt lấy những song sắt, nhưng đám lính lôi tuột ta xuống, lẳng ta vào vỉa hè, và đứng trước mặt ta, những mũi súng Tokarev chọc thẳng vào má ta. Không ai trong đám lính trông quá mười chín tuổi và không ai có vẻ gì là ngần ngại vãi tung tóe những mảng óc của ta trên khắp đường phố. “Trông cái thằng này như sắp vãi cứt ra quần đến nơi.” “Mày tiệc tùng ở đây đấy à, con trai? Tìm được ít rượu schnapps phỏng?” “Nó là thằng phù hợp cho đại tá đấy. Nó đi với thằng Đức được.” Hai người bọn họ cúi xuống, xốc nách ta, dựng ta đứng dậy, giải ta tới chiếc GAZ vẫn đang nổ máy, và tống ta vào ghế sau. Hai người lính còn lại nắm hai tay hai chân xách tên Đức lên và lẳng hắn vào thùng xe bên cạnh ta. “Giữ ấm cho nó," một người nói, và tất cả đều cười phá lên như thể đó là câu tiếu lâm buồn cười nhất từng được nói. Họ chui vào trong xe và đóng sầm cửa lại. Ta tự nhủ rằng mình còn sống vì họ muốn hành quyết ta giữa công chúng, như một lời cảnh báo những kẻ hôi của khác. Một vài phút trước ta đã cảm thấy mình oai hùng hơn tên phi công chết bao nhiêu. Còn giờ thì, khi bọn ta lao vun vút trên đường phố tối om, lượn vòng tránh những hố bom và gạch đá rào rào đổ xuống, hình như hắn đang nhìn ta cười khẩy, cặp môi trắng bệch của hắn như một vết sẹo rạch ngang bộ mặtđôngcứng. Chungsốphậnthôicon. 2 Giả sử cháu mà lớn lên ở Piter thì cháu sẽ phải biết sợ khu Chữ Thập[3], vết nhơ tăm tối bằng gạch đỏ trên bờ sông Neva, một nhà kho tàn bạo, lúc nhúc những kẻ lầm đường lạc lối. Sáu nghìn tù nhân sống ở đó trong thời bình. Ta ngờ là đến tháng Một chỉ còn quãng một nghìn. Hàng trăm người bị giam vì những tội vặt được thả vào các đơn vị Hồng quân, thả vào cối xay thịt Chiến tranh Sấm sét[4] của quân Đức. Hàng trăm người nữa chết đói trong các xà lim. Mỗi ngày lính gác lại kéo những bộ xương bọc da ra khỏi khu Chữ Thập vứt lên những xe trượt tuyết chất đống tám lớp xác người. Khi ta còn bé, chính sự im lặng của nhà tù đó mới là điều khiến ta sợ nhất. Người ta bước qua chắc mẩm sẽ nghe thấy tiếng gào thét của những kẻ bặm trợn hoặc tiếng la ó của một trận ẩu đả, nhưng không một tiếng động nào thoát ra khỏi những bức tường dày, như thể các tù nhân bên trong phần lớn đang chờ bị đưa ra xét xử hoặc một chuyến đi đến các trại cải tạo lao động hay một viên đạn vào đầu - tự cắt lưỡi để phản đổi số phận của mình. Nơi đó là một pháo đài ngược, được thiết kế để giữ quân thù ở bên trong, và tất cả mọi thằng nhóc ở Leningrad đều từng nghe câu này cả trăm lần: “Mày mà cứ như thế thì sớm muộn gì cũng vào khu Chữ Thập." Ta chỉ vừa thoáng thấy xà lim của mình thì lính gác đã thúc ta vào trong, những chiếc đèn của họ rọi hắt vào những bức tường đã sần sùi, một xà lim rộng hai mét dài bốn mét, với những chiếc giường tầng cho bốn người và tất cả đều trống trơn. Ta nhẹ cả người vì điều đó, ta không muốn chia sẻ bóng tối với một người xa lạ có những đốt ngón tay xăm trổ, nhưng sau một lúc - nhiều phút? nhiều giờ? - sự im lặng tăm tối bắt đầu trở nên rõ rệt, một thứ có thể len lỏi vào trong phổi và dìm người ta chết đuối. Cơ bản thì bóng đêm và cảnh trơ trọi không làm ta sợ hãi. Dạo đó ở Piter điện cũng hiếm như thịt lợn muối xông khói, và căn hộ của ta ở Kirov lúc ấy cũng trống trơn khi giờ đây mẹ và Taisya đã đi sơ tán. Những đêm dài tối om và tĩnh lặng, nhưng bao giờ cũng có tiếng động ở đâu đó. Tiếng đạn cối bắn đi từ phòng tuyến của quân Đức; một chiếc xe nhà binh rồ máy dọc đại lộ; bà già hấp hối trên tầng rên rỉ trong giường. Những âm thanh kinh khủng, quả thế, nhưng cũng còn là âm thanh - thứ để ta biết rằng ta vẫn còn trên đời này. Gian xà lim đó trong khu Chữ Thập là nơi duy nhất thực sự yên lặng mà ta từng vào. Ta hoàn toàn không nghe thấy gì; ta chẳng nhìn thấy gì. Họ đã giam ta vào phòng chờ tử tội. Dù ta vẫn tưởng mình đã được tôi luyện trong cuộc vây hãm đến mức nào như trước khi bị bắt, thì sự thật vẫn là tháng Một ấy ta chẳng can đảm hơn chút nào so với hồi tháng Sáu - trái với những gì mọi người vẫn tin, trải nghiệm kinh hoàng không hề khiến người ta dũng cảm hơn. Dù vậy, có lẽ khi người ta lúc nào cũng sợ thì dễ che giấu nỗi sợ hơn. Ta cố gắng nghĩ ra một bài để hát, một bài thơ để ngâm, nhưng tất cả ngôn từ bị kẹt cứng trong đầu ta như muối kẹt trong một cái lọ rắc bị đóng bánh. Ta nằm trên một tầng giường trên, hy vọng bất kể hơi nóng nào tồn tại trong khu Chữ Thập cũng sẽ bốc lên và tìm thấy ta. Trời sáng chẳng hứa hẹn điều gì ngoài một viên đạn vào sọ vậy mà ta vẫn mòn mỏi chờ ánh sáng ban ngày len lỏi vào trong. Khi họ tống ta vào xà lim, ta nghĩ mình đã nhìn thấy một lỗ của song sắt sát trần nhà, nhưng giờ thì ta không thể nhớ được. Ta thử đếm đến một nghìn để qua chút thời gian nhưng lần nào cũng nhằm khi đến tầm bốn trăm, nghe thấy những con chuột mà hóa ra là chính ngón tay ta cào trên tấm đệm xác xơ. Đêm dài như vô tận. Bọn Đức đã bắn rụng cái mặt trời chó chết, chúng làm được thế mà, sao không chứ, những nhà bác học của chúng giỏi nhất thế giới, thể nào chúng cũng tìm ra cách. Chúng đã tìm được cách ngừng thời gian lại. Ta vừa mù vừa điếc. Chỉ có cái rét và cơn khát nhắc ta nhớ rằng mình còn sống. Khi người ta quá cô đơn, người ta sẽ bắt đầu ngóng đợi những người lính gác, chỉ để nghe thấy tiếng bước chân của họ, ngửi thấy mùi vodka trong hơi thở của họ. Không biết bao nhiêu người Nga vĩ đại đã mòn mỏi rất lâu trong nhà tù. Đêm đó ta biết được rằng ta sẽ không bao giờ là một người Nga vĩ đại. Chỉ vài tiếng đồng hồ trơ trọi một mình trong xà lim, chẳng hề phải chịu đựng tra tấn gì ngoài bóng tối và sự im lặng và cái rét căm căm, vài tiếng đồng hồ thế thôi mà ta đã gục ngã một nửa rồi. Những kẻ can trường sống sót hết mùa đông này qua mùa đông khác ở Siberia sở hữu phẩm chất gì đó mà ta không có, niềm tin lớn lao vào số phận huy hoàng nào đó, bất kể là vương quốc của Chúa trời hoặc công lý hay hy vọng báo thù mong manh. Hoặc cũng có thể là họ đã suy sụp đến nỗi họ trở thành không khác gì lũ súc vật đứng bằng chân sau, làm việc theo lệnh chủ, ăn bất kể thứ bẩn thỉu gì hắn trút xuống cho họ, ngủ theo lệnh và chẳng mơ gì hết ngoài sự kết liễu. Cuối cùng cũng có tiếng động, tiếng bước chân, nhiều tiếng ủng nặng nề lộp cộp trong hành lang. Một chiếc chìa khóa xoay trong ổ. Ta ngồi dậy trên giường và va sọ vào trần nhà, đủ mạnh khiến ta cắn bập vào môi. Hai người lính gác một người giữ cây đèn dầu, thứ ánh sáng đẹp đẽ nhất mà ta từng thấy, đẹp hơn bất kỳ tia nắng nào - áp giải một tù nhân mới, một người lính trẻ tuổi mặc quân phục liếc quanh xà lim như người hỏi thuê xem xét căn hộ anh ta đang cân nhắc. Người lính cao ráo và đứng thẳng tắp; anh ta đứng lừng lững so với mấy người lính gác, và mặc dù họ có súng ngắn trong bao còn người lính không có vũ khí, nhìn anh ta như thể sắp sửa ra lệnh. Một tay anh ta cầm chiếc mũ lông Astrakhan còn tay kia cầm đôi găng tay da. Anh ta nhìn ta khi những người lính gác vừa đi khỏi, đóng cửa xà lim lại và đóng chốt từ bên ngoài, mang theo ánh sáng đi. Mặt anh ta là thứ cuối cùng ta thấy trước khi bóng tối trở lại, vì thế nó lưu lại trong tâm trí ta: đôi lưỡng quyền nhô cao của dân Cossack, cặp môi nhếch khoái chí, mái tóc vàng rơm, đôi mắt đủ xanh để làm hài lòng bất kỳ cô dâu Arya[5] nào. Ta ngồi trên giường còn anh ta đứng trên sàn đá và căn cứ vào cái im phăng phắc đó ta biết rằng không ai trong bọn ta xê dịch bọn ta vẫn còn chằm chằm nhìn nhau trong bóng tối. “Cậu là dân Do Thái à?” anh ta hỏi. “Gì Cơ?” “Dân Do Thái. Nhìn cậu như dân Do Thái.” “Nhìn anh như một thằng Quốc xã.” “Tôi biết. Ich spreche ein bisschen Deutsch[6] nữa. Tôi từng xung phong làm gián điệp, nhưng không ai chịu nghe tôi ấy chứ. Vậy ra cậu là dân Do Thái?” “Anh quan tâm làm gì?” “Đừng có xấu hổ vì điều đó. Tôi chẳng có vấn đề gì với người Do Thái cả. Emanuel Lasker là kỳ thủ cờ vua yêu thích thứ hai của tôi. Chỉ dưới một tí tẹo so với Capablanca... Capablanca thì là Mozart rồi, thiên tài thực thụ; không thể nào mê cờ vua mà lại không yêu Capablanca. Nhưng Lasker, không còn ai giỏi về tàn cuộc hơn. Cậu có đồ ăn gì không?” “Không." "Chìa tay ra đây.” Câu này có vẻ như một cái bẫy gì đó, một trò bọn trẻ con chơi để đánh lừa những đứa khờ. Anh ta sẽ đập vào tay ta hoặc cứ để mặc nó thế cho đến khi ta nhận ra sự ngu ngốc của mình. Nhưng không lời đề nghị thức ăn nào lại có thể bị từ chối được, ngay cả khi viển vông nhất, nên ta chìa tay vào bóng tối và chờ đợi. Lát sau một mẩu gì đó lạnh và nhờn mỡ nằm trong lòng bàn tay ta. Ta không biết anh ta làm thế nào mà tìm được tay ta, nhưng anh ta đã làm được, mà không hề phải mò mẫm gì. “Xúc xích đấy,” anh ta nói. Và rồi, sau một thoáng ngập ngừng, “Đừng lo. Không phải thịt lợn đâu.” “Tôi ăn thịt lợn.” Ta hít hít mẩu xúc xích rồi nhấm một miếng. Nó khác xa thịt thật kiểu như bánh mì khẩu phần khác xa bánh mì thật, nhưng có mỡ trong đó, và mỡ là sự sống. Ta nhai mẩu xúc xích đó hết sức chậm rãi, cố giữ cho nó còn thật lâu. “Cậu nhai to thật,” anh ta bảo ta, một lời trách móc từ bóng tối. Ta nghe thấy tiếng cót kết của lò xo đệm giường khi anh ta ngồi xuống một trong những cái giường tầng dưới. “Và lẽ ra cậu phải nói cám ơn chứ." “Cám ơn.” “Không có gì. Cậu tên là gì?" “Lev.” ”Lev cái gì mới được?” “Anh quan tâm làm gì?” “Cho phải phép,” anh ta nói. “Ví dụ như nếu tôi tự giới thiệu bản thân thì tôi nói, ‘Xin chào, tôi tên là Nikolai Alexandrovich Vlasov, bạn bè gọi tôi là Kolya'." “Anh chỉ muốn biết xem tôi có một cái tên Do Thái hay không." “Vậy cậu có à?” “Ừ.” “À.” Anh ta thở phào sung sướng, hài lòng khi thấy bản năng của mình được xác nhận. “Cám ơn. Không hiểu tại sao cậu lại sợ cho mọi người biết đến thế." Ta không trả lời. Nếu anh ta không biết tại sao thì giải thích cũng chẳng để làm gì. “Vậy tại sao cậu lại ở đây?” anh ta hỏi. “Họ bắt quả tang tôi đang lột đồ của một tên Đức đã chết trên phố Voinova.” Tin này làm anh ta hốt hoảng. “Bọn Đức đã vào tới Voinova rồi cơ à? Vậy là bắt đầu rồi à?” “Chẳng có gì bắt đầu hết. Hắn là phi công ném bom. Hắn bật dù.” “Cánh phòng không hạ được hắn à?” “Cái rét đã hạ hắn. Tại sao anh lại ở đây?" “Đại ngu ngốc. Họ tưởng tôi là kẻ đào ngũ." “Vậy tại sao họ không bắn anh?” “Tại sao họ không bắn cậu?” “Tôi không biết,” ta thú nhận. “Họ bảo tôi là người thích hợp cho ông đại tá.” “Tôi không phải là kẻ đào ngũ. Tôi là sinh viên. Tôi đang bảo vệ luận văn.” “Thật sao? Luận văn cơ à?” Nghe có vẻ như là lời bao biện ngu xuẩn nhất trong lịch sử đào ngũ. ”Công trình về truyện Con chó săn trong sân của Ushakovo, qua lăng kính phân tích của xã hội học đương đại.” Anh ta chờ xem ta nói gì, nhưng ta chẳng có gì mà nói cả. “Cậu biết cuốn đó chứ?” “Không. Ushakovo à?" “Khốn nạn thay cho trường lớp tệ hại thời buổi này. Lẽ ra người ta phải bắt cậu học thuộc lòng nhiều đoạn." Nghe giọng anh ta như một ông giáo sư già cáu bẳn, mặc dù nhìn thoáng qua thì ta đoán anh ta chỉ hai mươi. “‘Trong cái lò mổ nơi chúng tôi hôn nhau lần đầu, không khí còn tanh nồng mùi máu của lũ cừu.’ Dòng đầu tiên Một số người cho đó là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất nước Nga. Vậy mà cậu lại chưa bao giờ nghe nói đến nó.” Anh ta thở dài vô cùng ngán ngẩm. Một lát sau ta nghe thấy tiếng sột soạt khác lạ, như thể một con chuột đang mài móng vuốt trên bọc nệm. “Cái gì vậy?" tôi hỏi. “Hử?" “Anh không nghe thấy tiếng đó à?” “Tôi đang viết vào sổ tay.” Ta thì mở mắt cũng chẳng nhìn xa hơn so với khi nhắm mắt vậy mà thằng cha này còn viết vào sổ tay cơ đấy. Giờ thì ta có thể nghe ra tiếng sột soạt đó là cây bút chì miết trên giấy. Sau vài phút cuốn sổ đóng sập lại và ta nghe thấy anh ta nhét cuốn sổ vào túi áo. “Tôi biết viết trong bóng tối,” anh ta nói, ngắt câu bằng một tiếng ợ khẽ. “Một trong những năng khiếu của tôi đấy.” “Ghi chép về Con chó săn trong sân à?” “Chính xác. Nghe chỗ này xem có lạ không nhé? Chương sáu: Radchenko ngồi một tháng trời trong Chữ Thập vì người bạn thân nhất lúc trước của chàng… Ừm, tôi không muốn làm lộ mất cái hay đi. Nhưng tôi phải nói dường như là định mệnh khi họ giải tôi vào đây. Tôi đã đến tất cả mọi nơi Radchenko từng đến - mọi quán ăn và nhà hàng cũng như nghĩa trang, ít ra cũng là những chỗ bây giờ vẫn còn nhưng tôi chưa bao giờ ở trong này. Một nhà phê bình có thể lập luận rằng chừng nào ta chưa trải qua một đêm trong Chữ Thập thì còn chưa thể hiểu được Radchenko.” “Thật may cho anh còn gì.” “Ùm.” “Vậy anh có nghĩ sáng ra họ sẽ bắn chúng ta không?" “Tôi nghi ngờ điều đó đấy. Họ không giữ chúng ta qua đêm chỉ để sáng ra mang đi bắn.” Nghe giọng anh ta có vẻ khá hí hửng về điều đó, như thể bọn ta đang trò chuyện về một sự kiện thể thao, như thể kết cục chẳng có gì là to tát cả cho dù có thế nào đi chăng nữa. “Tám ngày nay tôi không ỉa được tí nào," anh ta tâm sự. “Tôi không nói đến chuyện ỉa một bãi tướng - cả mấy tháng rồi tôi chưa ỉa được bãi tướng nào ý tôi là hoàn toàn không ỉa tí nào suốt tám ngày liền." Bọn ta lặng thinh một lúc, cân nhắc những lòi đó. “Cậu nghĩ một người có thể chịu được bao lâu mà không đi ỉa?” Đó là một câu hỏi thú vị và ngay bản thân ta cũng tò mò muốn biết câu trả lời, nhưng ta không có câu trả lời nào cho anh ta cả. Ta nghe thấy tiếng anh ta nằm xuống, nghe thấy tiếng anh ta ngáp đầy sung sướng, khoan khoái và mãn nguyện, tấm đệm rơm vương nước đái của anh ta êm ái như một cái giường lông vũ. Sự im lặng kéo dài một phút và ta cứ tưởng người bạn tù của ta đã ngủ rồi. "Những bức tưởng này chắc phải dày cả mét," cuối cùng anh ta nói. “Đây có lẽ là nơi an toàn nhất Piter để ngủ qua đêm.” Và rồi anh ta cũng chìm vào giấc ngủ, chuyển từ nói sang ngáy chóng vánh đến nỗi thoạt đầu ta tưởng anh ta giả vờ. Xưa nay ta vẫn luôn ghen tị với những người dễ ngủ. Đầu óc họ chắc hẳn là phải thanh sạch hơn, những ván sàn trong sọ được quét tước chu đáo, tất cả lũ quái vật nhỏ bé bị nhốt chặt trong một cái rương sắt để ở dưới chân giường. Ta đẻ ra đã là người mất ngủ và đó cũng sẽ là cách ta chết, lãng phí hàng nghìn giờ trên hành trình thèm khát sự vô thúc, thèm khát được một cái vồ cao su nện vào đầu, không mạnh lắm, không đủ mạnh để gây tổn thương gì, chỉ là một cú nện ra trò cho ta ngủ thiếp đi cả đêm. Nhưng đêm đó ta không có cơ hội nào. Ta trừng trùng nhìn vào bóng tối cho đến khi bóng tối nhòa thành màu xám, cho đến khi trần nhà bên trên ta bắt đầu thành hình và ánh hừng đông hắt xiên vào qua cái ô cửa song sắt mà cuối cùng hóa ra là có thật. Chỉ đến lúc đó ta mới nhận ra mình vẫn còn một con dao Đức đeo quanh ống chân. 3 Một tiếng đồng hồ sau khi trời sáng, hai người lính gác khác đến mở của xà lim, lôi bọn ta ra khỏi giường, và bập còng vào cổ tay bọn ta. Họ phớt lờ những câu hỏi của ta nhưng có vẻ thấy buồn cười khi Kolya yêu cầu một tách trà và một phần trứng ốp lết. Những câu đùa chắc hẳn là phải rất hiếm hoi trong khu Chữ Thập, vì nó chẳng phải là câu đùa hay ho gì, ấy vậy mà những người lính gác vẫn vừa cười nhăn nhở vừa thúc bọn ta đi dọc hành lang. Đâu đó có người đang rên rỉ, một tiếng rên khe khẽ và dai dẳng, một tiếng còi tàu thủy văng vẳng từ rất xa. Ta không biết bọn ta đang trên đường đến giá treo cổ hay buồng thẩm vấn. Qua cả đêm không ngủ nghê gì; trừ có một ngụm từ cái chai của tên Đức, còn ngoài ra chẳng được hớp đồ uống nào từ lúc ở trên sân thượng của Kirov; một cục u bằng nắm tay trẻ con đã sưng lên ở chỗ trán ta đập vào trần nhà - đó là một buổi sáng tồi tệ, thực sự; trong số những ngày tồi tệ nhất của ta - nhưng ta muốn sống. Ta muốn sống và ta biết mình không thể đường hoàng đối mặt án hành quyết. Ta sẽ quỳ mọp trước người treo cổ hoặc đội xử bắn và viện dẫn tuổi trẻ của mình, kể lể về cơ man nào những giờ ta đã phục vụ trên sân thượng chờ đợi bom rơi, tất cả nhưng chiến lũy ta đã góp công xây dựng, những chiến hào ta đã đào. Tất cả bọn ta đều làm hết, tất cả bọn ta đều phục vụ sự nghiệp, nhưng ta là một trong những đứa con chân chính của Piter và ta không đáng phải chết. Có hại gì đâu chú? Bọn tôi uống rượu cognac của một tên Đức đã chết - vì thế mà đồng chí muốn kết liễu tôi sao? Đồng chí muốn thắt dây thừng quanh cái cổ gầy nhẳng của tôi và đóng sập não tôi lại mãi mãi chỉ vì tôi đã ăn cắp một con dao sao? Đừng làm thế, thưa đồng chí. Tôi không nghĩ mình có gì vĩ đại, nhưng còn có điều gì đó tốt đẹp hơn thế này. Những người lính gác dẫn bọn ta đi xuống một cầu thang đá, những bậc thang mòn bóng bởi hàng trăm nghìn gót ủng. Một người đàn ông lớn tuổi với cái khăn xám nặng trịch quấn hai vòng quanh cổ ngồi ở phía bên kia những song sắt ngăn dưới chân cầu thang. Lão ta ném cho bọn ta một nụ cười nhăn nhở móm mém và mở khóa cổng. Một lát sau bọn ta bước qua một cánh cửa gỗ nặng nề ra ngoài nắng, thoát ra khỏi Chữ Thập lành lặn và còn sống. Kolya, không xúc động gì với việc có vẻ như vừa được phóng thích, vốc tuyết sạch đầy hai bàn tay đeo còng và liếm. Vẻ lì lợm của hành động đó làm ta ghen tị, giống như ý nghĩ về vị nước lạnh trên lưỡi ta. Nhưng ta không muốn làm bất kỳ điều gì chọc giận những người lính gác. Cú đào thoát của bọn ta khỏi Chữ Thập có vẻ như là một sai lầm quái lạ và ta chắc mẩm sẽ lại bị tống vào trong nếu làm điều gì đó không phải. Những người lính gác giải bọn ta đến một chiếc GAZ đang chờ sẵn, tiếng động cơ lớn chạy rì rì, những ống xả phun khói xăng bẩn thỉu, hai người lính ngồi trên hàng ghế trước nhìn bọn ta với vẻ hờ hững, những chiếc mũ lót lông của họ kéo sụp xuống trán. Kolya nhảy tót vào ghế sau mà không thèm chờ lệnh. “Các quý ngài, tới nhà hát opera nào!” Những người lính gác, chuẩn mực vốn đã xuống cấp sau nhiều năm làm việc tại Chữ Thập, lại hố hố cười với Kolya. Hai người lính kia thì không. Một người quay lại và chằm chằm nhìn Kolya. ”Mày nói một tiếng nữa là tao bẻ gãy cái cánh tay chó chết của mày ngay đấy. Vào tay tao thì máy đã ăn một viên đạn vào đầu rồi. Đồ đào ngũ khốn kiếp. Mày” - và câu này là dành cho ta - “lên xe." Miệng Kolya đã mở sẵn và ta biết sắp to chuyện rồi đây; tay lính kia trông không có vẻ gì là chỉ dọa suông còn Kolya, rỏ mồn một, không có khả năng lưu tâm đến một lời hăm dọa vớ vẩn. “Tôi không đào ngũ,” anh ta nói. Dù hai bàn tay bị còng anh ta cũng xoay xở đẩy ống tay áo khoác bên trái lên, cả ống tay trái của cái áo len quân dội, ống tay trái của hai chiếc áo sơ mi bên dưới, và chìa cánh tay cho người lính ngồi ghế trước. “Anh muốn bẻ gãy tay, cứ bẻ đi, nhưng tôi không phải là kẻ đào ngũ.” Cả một hồi lâu không ai nói gì - Kolya trùng trừng nhìn người lính. người lính trừng trừng nhìn lại, còn cả đám bọn ta nhìn và chờ đợi, thấy ấn tượng trước màn đọ ý chí này và tò mò xem ai sẽ thắng. Cuối cùng, tay lính chấp nhận thất bại và ngoảnh mặt khỏi Kolya rồi nạt ta. “Vào xe, thằng chó kia.” Cánh lính gác nhăn nhở cười. Đây là màn giải trí buổi sáng của họ. Họ không có màn tra tấn nào trong lịch, không có hàm răng nào mà bẻ, không có móng tay nào để rút khỏi những đầu ngón tay của một người đang gào thét, vậy là họ tiêu khiển bằng cách nhìn ta, thằng chó, hối hả chui vào băng ghế sau cạnh Kolya. Tay lính lái xe rất nhanh, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những vệt băng trên đường. Bọn ta lao phăm phăm dọc bờ sông Neva đóng băng. Ta đã bẻ dựng cổ áo khoác lên để che mặt trước cơn gió táp vào dưới lớp vải bạt. Kolya chẳng có vẻ gì là khó chịu vì cái rét. Anh ta chăm chú nhìn cái chóp của Nhà thờ Thánh John Rửa tội bên kia sông và không nói năng gì. Bọn ta rẽ vào cầu Kamennoostrovsky, những cái khung vòm bằng thép cũ của nó phủ một lớp sương giá, những cột đèn tua tủa trụ băng. Lên đến đảo Kamenny, chỉ hơi chậm lại tí ti để đi vòng quanh một hố bom cày nát giữa lòng đường, rẽ vào một lối đi dài hai bên là những gốc chanh, và đỗ lại trước một tòa dinh thự bằng gỗ hoành tráng với mái cổng đỡ bằng cột trắng. Kolya ngắm nghía ngôi nhà. "Gia tộc Dolgorukov từng sống ở đây," anh ta nói trong lúc bọn ta bước ra khỏi xe. “Tôi đoán không ai trong các anh từng nghe nói đến gia tộc Dolgorukov.” “Một lũ quý tộc đã bị vặn cổ,” một người lính vừa nói vừa ra hiệu bằng nòng súng trường cho bọn ta bước về phía cửa trước. “Một vài người,” Kolya thừa nhận. “Và một số người bọn họ đã ngủ với vua chúa.” Giữa ban ngày trông Kolya như thể vừa mới bước ra từ một trong những tấm áp phích cổ động dán trên các bức tường trên khắp thành phố; những đường nét trên khuôn mặt anh ta thật hào sảng - cái cằm mạnh mẽ, mũi thẳng tắp, mái tóc vàng lòa xòa trước trán. Anh ta là một kẻ đào ngũ bảnh trai. Cánh lính áp giải bọn ta bước lên hiên, nơi những bao cát đã chất đống cao thành một ổ súng máy. Hai người lính ngồi gần khẩu súng của mình, hút chung một điếu thuốc. Kolya đánh hơi không khí và thèm thuồng nhìn điếu thuốc vấn bằng tay. “Thuốc lá thật,” anh ta nói, trước khi những người dẫn đường nai nịt súng ống của bọn ta đẩy mở cửa trước và lùa bọn ta vào bên trong. Trước nay ta chưa bao giờ ở bên trong một tòa dinh thự, mới chỉ đọc về chúng trong các cuốn tiểu thuyết; những màn khiêu vũ trên sàn ốp bóng loáng, đám gia nhân múc xúp từ những chiếc liễn bằng bạc, quý ngài gia trưởng nghiêm nghị trong thư phòng chất đầy sách của mình đang cảnh cáo cô con gái khóc lóc hãy tránh xa thằng ranh xuất thân hèn kém đó ra. Nhưng mặc dù nhìn từ bên ngoài ngôi nhà cũ của gia tộc Dolgorukov vẫn còn tráng lệ, cách mạng đã vào tới bên trong. Sân nhà lát đá cẩm thạch nhem nhuốc cả nghìn dấu ủng bùn đất, mấy tháng trời không lau chùi. Giấy dán tường ám khói bong tróc khỏi phào chân tường. Không có đồ đạc nguyên bản nào còn sót lại, không một bức tranh sơn dầu và những chiếc bình Trung Hoa lúc trước hẳn đã treo dọc tường và ngự trên các giá gỗ gụ. Hàng chục sĩ quan mặc quân phục hối hả đi lại từ phòng này sang phòng khác, chen chúc trên một dải cầu thang đôi uốn cong không còn hàng chấn song tay vịn và con tiện nào, có lẽ đã bị lôi xuống làm củi đốt từ nhiều tuần trước. Những bộ quân phục không phải của Hồng quân. Kolya để ý thấy ta đang chăm chú nhìn. “NKVD[7]. Chắc họ tưởng bọn ta là gián điệp.” Ta chẳng cần đến Kolya nói cho ta biết những người này là của NKVD. Từ nhỏ ta đã biết quân phục của họ trông như thế nào, với những chiếc mũ kê pi vểnh nhọn hai màu xanh và nâu đỏ cùng những khẩu Tokarev gài bao. Ta đã biết sợ hãi cảnh những chiếc Packard của họ đỗ rì rì ngoài cổng Kirov, những chiếc Quạ đen, chờ mang một công dân xấu số nào đó đi khỏi gia đình họ. NKVD đã bắt ít nhất mười lăm người trong tòa nhà nơi ta sống. Thỉnh thoảng những người bị bắt quay trở về nhà sau vài tuần, đầu họ cạo trọc còn mặt họ tái nhợt không chút sức sống nào, lảng tránh ánh mắt của ta trên cầu thang khi họ lê lên nhà mình. Những con người suy sụp được trở về nhà đó hẳn là phải biết họ hiếm hoi và may mắn đến mức nào, ấy thế mà họ chẳng có vẻ gì là sung sướng vì mình còn sống sót. Họ biết chuyện gì đã xảy ra với cha ta nên họ không dám nhìn thẳng vào mắt ta. Những người lính vẫn thúc bọn ta đi tới trước cho đến khi bọn ta bước vào một phòng nắng ở phía sau cùng ngôi nhà, những cửa sổ kiểu Pháp cao trưng ra một khung cảnh đẹp mắt của sông Neva và những tòa chung cư thâm trầm, lặng lẽ của khu Vyborg trên mạn bên kia sông. Một người đàn ông lớn tuổi ngồi một mình bên chiếc bàn gỗ đơn sơ kế giữa phòng nắng. Ông ta kẹp ống nghe điện thoại giữa mặt và vai để có thể vừa nguệch ngoạc bút chì trên một tập giấy vừa lắng nghe. Ông ta liếc nhìn bọn ta trong lúc bọn ta chờ đợi ở ngưỡng cửa. Nhìn ông ta như một cựu võ sĩ đấm bốc với cái cổ dày và cái mũi bẹt gí, méo xệch. Những quầng thâm dưới đôi mắt sùm sụp của ông ta sâu hoắm, cũng như những nếp nhăn chạy ngang trán ông ta. Mái tóc màu xám của ông ta được húi sát rạt da đầu. Có lẽ ông ta tầm khoảng năm mươi tuổi, nhưng nhìn ông ta như thể ông ta vẫn có thể đứng lên khỏi ghế và hạ gục tất cả bọn ta mà không làm xộc xệch bộ quân phục của mình. Ba ngôi sao kim loại lấp lánh trên ve cổ áo khoác của ông ta. Ta không biết chính xác ba ngôi sao biểu thị cái gì, nhưng là số ngôi sao nhiều hơn bất kỳ ai khác trong tòa dinh thự. Ông ta lẳng tập giấy lên bàn và ta có thể thấy rằng không phải ông ta đã ghi chép gì, như ta tưởng, mà đơn giản chỉ vẽ những chữ X, hết lần này đến lần khác, cho đến khi cả trang giấy kín đặc chúng. Chẳng hiểu sao điều này lại khiến ta thấy sợ hơn cả bộ quân phục hoặc cái mặt hầm hố của ông ta. Một người vẽ tranh vú vê hoặc chó có vẻ còn giống như một con người ta có thể hiểu. Nhưng còn kẻ chẳng vẻ gì hết ngoài những chữ X thì sao? Ông ta chăm chú nhìn bọn ta, Kolya và ta, và ta biết là ông ta đang đánh giá bọn ta, lên án tội ác của bọn ta và tuyên bọn ta án tử, trong lúc vẫn nghe một giọng nói truyền đi qua đường dây. “Tốt lắm,” cuối cùng ông ta nói. “Tôi muốn xong việc trước buổi trưa. Không ngoại lệ.” Ông ta gác máy và mỉm cười với bọn ta, và cái nụ cười đó chẳng ăn nhập gì với mặt ông ta giống như chính ông ta và cái bàn gỗ tuềnh toàng của mình chẳng ăn nhập gì với phòng nắng lung linh của ngôi nhà quý tộc lâu đời. Tay đại tá (vì đến lúc đó ta cho rằng đây chính là tay đại tá mà cánh lính đã nói đến đêm hôm trước) có một nụ cười đẹp đẽ, hàm răng trắng một cách đáng ngạc nhiên, cái mặt tàn bạo của ông ta trong khoảnh khắc chuyển từ đe dọa sang chào đón. ”Kẻ đào ngũ và tên hôi của! Lại đây, lại gần đây nữa nào, chúng ta không cần còng làm gì. Ta không nghĩ các anh chàng này sẽ gây rắc rối gì.” Ông ta ra hiệu với mấy người lính, đám này miễn cưỡng rút chìa khóa ra và mở còng cho bọn ta. “Tôi không phải là kẻ đào ngũ," Kolya nói. “Không à? Đi đi," ông ta ra lệnh cho những người lính, không thèm nhìn đến họ. Những người lính tuân lệnh, bỏ bọn ta lại với tay đại tá. Ông ta đứng lên và bước lại phía bọn ta, khẩu súng ngắn trên bao thắt lưng của ông ta đập bành bạch vào hông. Kolya thẳng tắp người, đứng nghiêm cho viên đại tá săm soi, còn ta, không biết phải làm gì, đành làm theo anh ta. Viên đại tá cứ thế tiến cho đến khi cái mặt bầm dập của ông ta gần như chạm vào mặt Kolya. “Cậu không phải là kẻ đào ngũ vậy mà đơn vị của cậu lại báo cáo là cậu mất tích và người ta tìm thấy cậu ở cách nơi mà lẽ ra cậu phải có mặt cả bốn mươi cây số. “Ừm, có một lời giải thích đơn giản…" “Còn cậu,” ông ta tiếp tục, quay sang ta. “Một tên lính dù Đức rơi xuống khu phố của cậu mà cậu không hề báo cáo cho chính quyền. Cậu quyết định làm giàu cho bản thân còn kệ thành phố. Chuyện đó cũng có một lời giải thích đơn giản?". Ta cần nước. Miệng ta khô khốc đến mức cảm giác như có vảy, giống như da của một con thằn lằn, và ta đã bắt đầu thấy những đốm sáng nhỏ chơi vơi trước mắt. “Thế nào?" “Cháu xin lỗi," ta nói. “Cậu xin lỗi?" Ông ta nhìn ta lâu hơn một chút và bật cười. "À, ừm, cậu xin lỗi, thế thì được rồi, tốt lắm. Chừng nào cậu còn biết lỗi thì đó là điều quan trọng nhất. Nghe này, chàng trai, cậu có biết ta đã hành quyết bao nhiêu người rồi không? Ta không muốn nói là theo lệnh ta, ý ta là tự mình ra tay ấy, với khẩu Tokarev này…” Đến đây ông ta vỗ vào khẩu súng trong bao. “Cậu có muốn đoán không? Không à? Tốt, Vì ta không biết. Ta không đếm xuể. Mà ta là loại người luôn muốn biết. Ta theo dõi mọi thứ. Ta biết chính xác bao nhiêu phụ nữ mà ta đã chén, mà nhiều ra phết đấy, tin ta đi. Cậu là một anh chàng đẹp trai,” ông ta nói với Kolya, “nhưng hãy tin lời ta, cậu không đuổi kịp ta đâu, ngay cả nếu cậu có sống đến cả trăm tuổi, mà điều đó thì có vẻ đáng ngờ lắm." Ta liếc sang Kolya, tưởng anh ta sẽ nói câu gì đó ngu xuẩn và làm cả hai bọn ta bị giết, nhưng Kolya, riêng lần này, không nói năng gì. “Xin lỗi là thứ cậu nói với thầy hiệu trưởng khi cậu làm gãy một viên phấn,” viên đại tá nói tiếp. “Xin lỗi chẳng ăn thua gì với tội hôi của và đào ngũ.” “Bọn cháu nghĩ biết đâu hắn có mang theo chút thức ăn." Viên đại tá chằm chằm nhìn ta một hồi lâu. “Có không?” “Chỉ có chút cognac. Hoặc brandy... có lẽ là schnapps.” “Chúng ta bắn cả tá người mỗi ngày vì tội làm giả thẻ khẩu phần. Cậu có biết họ nói gì với chúng ta, trước khi chúng ta nhét đạn vào não họ không? Họ bị đói. Tất nhiên là họ bị đói! Tất cả mọi người đều đói. Điều đó không ngăn được chúng ta bắn lũ ăn cắp.” ”Cháu không ăn cắp của người Nga…” “Cậu đã ăn cắp tài sản của nhà nước. Cậu có lấy thứ gì từ cái xác không?” Ta lưỡng lự đến lúc không dám nữa. “Một con dao.” “A. Kẻ cấp trung thực.” Ta quỳ xuống, gỡ cái bao nơi mắt cá chân ra, nộp cho viên đại tá. Ông ta chăm chú nhìn thứ da Đức. “Cậu mang thứ này trên người cả đêm à? Không ai lục soát cậu sao?” Ông ta buột ra một tiếng rủa khẽ, mệt mỏi vì lỗi kém cỏi đó. “Thảo nào bọn ta đang thua chiến.” Ông ta rút lưỡi dao ra và săm soi dòng chữ. “MÁU VÀ DANH DỰ. Ha. Cầu Chúa thông vào đít lũ con hoang này. Cậu biết sử dụng nó chứ?” "Gì ạ?" “Con dao. Rạch," ông ta vừa nói vừa rạch không khí bằng lưỡi thép, “thì tốt hơn là đâm. Khó chặn hơn. Nhắm vào cổ họng ấy, và nếu cách đó không ăn thua, hãy nhằm vào mắt hoặc vào bụng. Đùi cũng tốt, ở đùi có những tĩnh mạch lớn.” Tất cả lời chỉ dẫn này đi kèm với hành động thị phạm hùng hồn. “Và đừng bao giờ dừng lại,” ông ta vừa nói vừa nhảy sát lại gần hơn, lưỡi thép loang loáng, “đừng bao giờ nương tay; giữ cho lưỡi dao chuyển động không ngừng, giữ đối phương ở thế thủ.” Ông ta đút lưỡi dao vào bao và lẳng nó cho ta. “Giữ đi. Cậu sẽ cần nó đấy.” Ta đưa mắt nhìn Kolya, anh ta nhún vai. Toàn bộ chuyện này quá đỗi lạ lùng khó hiểu nên chẳng hơi đâu căng thẳng đầu óc, cố xác định xem bọn ta đang đứng ở đâu. Ta quỳ xuống một bên gối và gài lại con dao vào mắt cá chân. Viên đại tá đã đi ra chỗ những cánh cửa sổ kiểu Pháp, ngắm nhìn những bông tuyết của ngày hôm trước đang thổi qua dòng Neva đóng băng. “Bố cậu là một nhà thơ.” “Vâng ạ,” ta thừa nhận, đứng thẳng người và nhìn vào sau đầu viên đại tá. Suốt bốn năm rồi không một ai ngoài gia đình ta nhắc đến cha ta. Ta muốn nói là theo đúng nghĩa đen. Không lời nào. “Ông ấy viết được đấy. Chuyện xảy ra thật… không may.” Ta có thể nói gì được chứ? Ta chằm chằm nhìn ủng mình và biết rằng Kolya đang nheo mắt nhìn ta, cố xác định nhà thơ không may nào đã đẻ ra ta. "Hôm nay cả hai cả hai cậu đều chưa ăn gì,” viên đại tá nói, không hỏi han một câu. “Trà đen và bánh mì nướng, nghe thế nào? Biết đâu chúng ta tìm được chút xúp cá ở đâu đó. Borya!” Một tay sĩ quan hầu cận bước vào phòng nắng, cây bút chì gài sau vành tai. ”Lấy cho những anh chàng này chút đồ ăn sáng.” Borya gật đầu và biến đi nhanh y như lúc xuất hiện. Xúp cá. Ta đã không được ăn xúp cá kể từ mùa hè. Ý nghĩ về nó thật hoang dại và đầy chất ngoại lai, giống như một cô nàng khỏa thân trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương. “Lại đằng này,” viên đại tá nói. Ông ta mở một cánh cửa kiểu Pháp và bước ra ngoài trời lạnh. Kolya và ta đi theo ông ta dọc một lối đi rải sỏi dẫn qua khu vườn xác xơ vi sương giá, xuống tới bờ sông. Một cô gái mặc áo khoác lông cáo đang trượt băng trên sông Neva. Trong một mùa đông bình thường thì cháu sẽ thấy hàng trăm cô gái trượt băng vào một buổi chiều cuối tuần, nhưng đây không phải là một mùa đông bình thường. Băng rất cứng và đã như thế mấy tuần rồi, nhưng còn hơi sức đâu cho những vòng số tám? Đứng trên lớp bùn đóng băng ở mép sông, Kolya và ta chăm chú nhìn cô ta theo cách mà cháu vẫn nhìn con khỉ đi xe đạp một bánh trên đường phố. Cô ta xinh đẹp đến quái đản, mái tóc sẫm màu của cô ta rẽ ngôi ở giữa và buộc lại thành một búi lỏng, đôi gò mà bị gió táp ửng hồng lên đầy đặn và khỏe khoắn. Ta phải mất mấy giây mới nhận ra tại sao nhìn cô ta lại lạ lùng như thế, và rồi thì điều đó thật hiển nhiên - ngay từ xa người ta cũng có thể thấy là cô gái được ăn uống rất tử tế. Mặt cô ta không có gì tê tái tuyệt vọng. Cô ta có cái vẻ uyển chuyển tự nhiên của một vận động viên; các động tác xoay tròn của cô ta rất nhanh gọn; cô ta không lúc nào bị hụt hơi. Cặp đùi của cô ta ắt hẳn phải tuyệt lắm - dài, trắng và khỏe khoắn - và ta cảm thấy thằng nhỏ của mình cứng ngắc lên lần đầu tiên sau nhiều ngày. “Thứ Sáu tới con bé sẽ lấy chồng,” viên đại tá nói. “Nó lấy một cái đồ bị thịt, ta phải nói thế, nhưng tốt thôi. Thằng đó có thể chu cấp được cho con bé.” “Đó là con gái ông à?” Kolya hỏi. Viên đại tá nhăn nhở cười, hàm răng trắng của ông ta chẻ cái mặt hầm hố ra làm đôi. “Các cậu không nghĩ là con bé trông giống ta sao? Không, không, điểm này thì may cho nó thật. Nó có khuôn mặt của mẹ và khí chất của cha con bé này sẽ chinh phục thế giới.” Chỉ đến lúc đó ta mới nhận ra hàm răng của viên đại tả là giả, có vẻ như có một cái cầu trùm lấy toàn bộ hàm trên. Và ta biết, đột nhiên nhưng chắc chắn, là người đàn ông này từng bị tra tấn cho đến khi chảy máu mắt, cho đến khi ông ta tiểu tiện ra máu và đại tiện ra máu. Nhưng dù sao viên đại tá cũng sống sót, và nhìn ông ta thì ta chợt băn khoăn không hiểu ông ta có thấy lạ lùng không khi mà ông ta đã ở gần hàm cá mập đến thế mà vẫn bằng cách nào đó vùng vẫy tìm được đường vào bờ, rằng ông ta, kẻ đã từng chờ đợi lòng nhân từ của một người khác, lúc này lại có thể tự mình quyết định có ban phát điều đó hay không. Ngay lúc này ông ta chẳng có vẻ gì la trăn trở; ông ta nhìn cô con gái trượt băng, ông ta vỗ hai bàn tay giập đốt khi cô ta xoay tròn. “Thế đầy, thứ Sáu này là đám cưới. Ngay cả giữa lúc này, ngay cả giữa tất cả chuyện này” viên đại tá vừa nói vừa ra hiệu bằng hai bàn tay ý nói Leningrad, nạn đói, cuộc chiến “nó vẫn muốn một đám cưới thực sự, một đám cưới đâu ra đấy. Cũng tốt thôi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chúng ta đang chiến đấu với lũ dã man nhưng chúng ta vẫn phải là con người, người Nga. Vậy nên chúng ta sẽ có nhạc, khiêu vũ... một ổ bánh." Ông ta lần lượt nhìn từng người bọn ta như thể có gì đó trọng đại liên quan đến cái từ ổ bánh và ông ta cần cả hai bọn ta hiểu rõ. “Truyền thống là thế rồi, vợ ta bảo, chúng ta cần một chiếc bánh. Đám cười mà không có bánh thì sẽ là điềm gở kinh khủng. Thế này nhé, ta đã đấu tranh cả đời mình chống lại những điều mê tín nông dân ấy, đám cha cố dùng chúng để làm cho người dân ngu đần và sợ hãi thôi, nhưng bà vợ ta... bà ấy muốn có bánh. Tốt thôi, tốt thôi, thì cứ làm bánh đi. Mấy tháng rồi bà ấy tích trữ đường, mật ong, bột mì, tất tần tật." Ta suy nghĩ về điều này, những túi đường, những lọ mật ong, chỗ bột mì chắc hẳn phải là bột mì thực thụ chứ không phải thứ đồ mốc vớt vét từ một cái sà lan dính ngư lôi. Cả nửa khu Kirov có khi cũng sống sót được hai tuần chỉ nhờ chỗ bột nhão của bà ta. “Bà ấy có tất cả mọi thứ mình cần rồi, tất cả - chỉ trừ có trứng." Đến đây lại là vẻ trịnh trọng. “Trứng,” viên đại tá nói, “thì khó tìm lắm." Suốt mấy giây liền tất cả bọn ta đứng lặng thinh, nhìn cô con gái của viên đại tá xoay vòng. “Có khi hạm đội có một ít đấy,” Kolya nói. “Không. Họ không có.” “Họ có thịt bò đóng hộp mà. Tôi đã đổi một bộ bài lấy ít thịt bò đóng hộp của một tay thủy thủ…” “Họ không có trứng.” Ta không nghĩ là mình ngu, nhưng phải mất một lúc thật lâu ta mới hiểu ra điều viên đại tá đang yêu cầu, và mất nhiều thời gian hơn nữa để lấy đủ can đảm hỏi ông ta. “Bác muốn bọn cháu đi tìm trứng ạ?" “Một tá,” ông ta nói. “Bà ấy chỉ cần mười quả, nhưng ta tính, một quả có thể bị vỡ, một đôi quả có thể bị ung.” Ông ta nhận ra vẻ bối rối của bọn ta và ông ta lại nở cải nụ cười kỳ diệu của mình, bóp vai bọn tạ đủ mạnh để khiến ta đứng thẳng hơn. “Lính của ta bảo là ở Leningrad không có quả trứng nào, nhưng ta tin rằng ở Leningrad cái gì cũng có, ngay cả bây giờ, và ta chỉ cần cử đúng người đi tìm thôi. Một cặp trộm cắp." “Chúng tôi không phải kẻ trộm cắp,” Kolya nói, rất đoan chính, nhìn thẳng vào mắt viên đại tá. Ta muốn đấm anh ta. Đằng thằng thì lẽ ra bọn ta đã chết cứng còng queo, bị chất lên một chiếc xe trượt tuyết cùng đám xác chết còn lại của ngày hôm đó. Bọn ta đã được phóng thích. Mạng sống của bọn ta được trả lại để đổi lấy một nhiệm vụ đơn giản. Một nhiệm vụ lạ lùng, có thể là thế, nhưng cũng đơn giản không kém. Vậy mà giờ đây anh ta sắp sửa phá hỏng nó anh ta đang nài xin viên đạn cho mình, bản thân điều đó đã tệ rồi, anh ta lại còn nài xin cả viên đạn cho ta, như thế thì càng tệ hơn. “Các cậu không phải lũ kẻ cắp ấy à? Cậu đã rời bỏ đơn vị của mình không, không, ngậm mồm, đừng có nói gì cả. Cậu đã bỏ đơn vị của mình và giây phút cậu làm điều đó thì cậu đã từ bỏ những quyền của mình trên cương vị một người chiến sĩ quyền được mang súng, được mặc cái áo khoác kia, đôi ủng đó. Cậu là một tên ăn cắp. Còn cậu, Mũi To, cậu hôi đồ của một cái xác. Đó là xác một tên Đức nên cá nhân mà nói thì ta không lấy thế làm phật lòng lắm, nhưng hôi của cũng là ăn cắp. Đừng có giở trò nữa. Cả hai cậu là bọn kẻ cấp. Những tên kẻ cắp kém cỏi, đúng thế, những tên kẻ cấp bất tài, chắc chắn rồi, nhưng các cậu gặp may. Trộm mà giỏi thì đã không bị bắt.” Ông ta quay người và bước trở lại về phía ngôi nhà. Kolya và ta nấn ná lại, ngắm nhìn cô con gái của đại tá, chiếc áo khoác lông cáo của cô ta lấp loáng trong ánh nắng. Đến lúc này chắc hẳn cô ta đã nhìn thấy bọn ta, nhưng cô ta không hề thừa nhận bọn ta, không lúc nào liếc về phía bọn ta. Bọn ta chỉ là hai trong số những kẻ ong ve của bố cô ta và vì thế nên hoàn toàn chém chết. Bọn ta cố ngắm lấy ngắm để cô ả, cố gắng khắc sâu hình ảnh đó vào tâm trí mình để dùng đến sau này, cho đến khi viên đại tá quát lên với bọn ta và bọn ta vội vàng chạy theo ông ta. “Các cậu có sổ tem phiếu đấy chứ?” ông ta vừa hỏi vừa sải những bước dài, màn giải lao của ông ta đã chấm dứt, lại bắt đầu sẵn sàng cho một ngày dài làm việc. “Nộp lại đây.” Ta ghim chặt sổ của mình ở túi trong áo khoác. Ta tháo ghim và thấy Kolya lấy sổ của anh ta ra từ chiếc tất gấp lại. Viên đại tá lấy chúng từ tay bọn ta. “Mang trứng cho ta trước sáng thứ Năm, các cậu sẽ được nhận lại chúng. Còn không thì, hừm, các cậu có cả tháng Một để ăn tuyết, và cũng sẽ chẳng có tem phiếu nào chờ đợi các cậu vào tháng Hai cả. Đấy là giả sử người của ta không tìm thấy các cậu và giết các cậu trước lúc đó, mà người của ta thì rất giỏi việc đó.” “Họ không tìm được trứng còn gì,” Kolya nói. Viên đại tá mỉm cười. “Ta thích cậu, chàng trai. Cậu sẽ không sống thọ đâu, nhưng ta thích cậu.” Bọn ta bước vào trong phòng nắng. Viên đại tá ngồi xuống bàn làm việc và chằm chằm nhìn chiếc điện thoại màu đen. Ông ta nhướng mày, nhớ ra điều gì đó, mở ngăn kéo bàn, và lấy ra một bức thư gấp lại. Ông ta chìa nó ra cho Kolya. “Đây là một tờ lệnh miễn giới nghiêm cho hai cậu. Bất kỳ ai gây khó dễ gì cho các cậu, hãy cho họ xem cái đó, các cậu sẽ được đi ngay. Còn đây, cái này nữa…” Ông ta rút trong ví ra bốn tờ 100 rúp và đưa cho Kolya, anh ta liếc nhìn bức thư cùng mấy tờ rúp rồi nhét vào túi. “Với chỗ đó lẽ ra ta đã mua được cả nghìn quả trứng hồi tháng Sáu," tay đại tá nói. ”Và sẽ lại như thế vào tháng Sáu tới,” Kolya nói. “Bọn Đức không qua được mùa đông đâu.” ”Với những người lính như cậu,” đại tá nói, “chẳng mấy chốc nữa chúng ta sẽ phải mua trứng bằng những đồng mark Đức cho xem." Kolya há miệng định biện hộ, nhưng viên đại tá đã lắc đầu. “Các cậu hiểu đây là một món quà chứ hả? Các cậu mang cho ta một tá trứng trước thứ Năm, ta trả lại cuộc sống cho các cậu. Các cậu hiểu sự hiếm hoi của món quà này chứ?” “Hôm nay là thứ mấy?” “Hôm nay là thứ Bảy. Cậu đào ngũ khỏi đơn vị vào một ngày thứ Sáu. Khi mặt trời mọc sáng ngày mai thì là Chủ nhật. Từ chỗ này trở đi thì cậu xác định được ngày tháng chứ? Được à? Tốt.” Borya quay lại mang theo bốn lát bánh mì nướng trên một chiếc đĩa xanh. Bánh mì đã được phết thứ gì đó bong bóng, có lẽ là mỡ lợn, bóng loáng và nhờn mỡ ngon lành. Một sĩ quan hầu cận khác bước vào phòng sau anh ta, bưng hai tách trà bốc khói. Ta chờ tay sĩ quan hầu cận thứ ba mang những bát xúp cá vào, nhưng chẳng bao giờ thấy anh ta. “Ăn nhanh lên, các chàng trai,” đại tá nói. “Các cậu phải cuốc bộ nhiều ra trò đấy.” 4 “Mũi To. Tôi thích cái tên đó. Cha cậu là ai vậy, Mũi To?” “Anh không biết ông ấy đâu.“ “Ông ấy mà là một nhà thơ có tác phẩm đã xuất bản thì kiểu gì tôi cũng biết." “Đừng nhắc đến chuyện đó nữa.” “Cậu là người khó tính phết nhỉ?” Bọn ta lại đi qua cầu Kamennoostrovsky, lần này là đi bộ. Kolya dùng lại ở giữa cầu, hai bàn tay đi găng đặt trên thành cầu, nhìn xuống dòng sông về phía dinh thự Dolgorukov. Con gái viên đại tá không còn trượt vẽ hình nữa, nhưng Kolya mặc kệ cứ đứng nhìn một lúc, hy vọng có màn biểu diễn lại. “Cô ấy đã mỉm cười với tôi,“ anh ta nói. “Cô ấy không hề cười với anh. Anh đang nói chuyện gì vậy? Cô ấy thậm chí còn không nhìn chúng ta nữa.” "Có lẽ cậu đang ghen thôi, bạn của tôi, nhưng chắc chắn là cô ấy đã cười với tôi. Tôi nghĩ tôi đã từng gặp cô ấy rồi, ở trường đại học. Tôi nổi tiếng lắm.” “Với tư cách là kẻ đào ngũ à?” Kolya quay người lại khỏi thành cầu và gườm gườm nhìn ta. “Tôi sẽ nện gãy răng cậu nếu cậu còn gọi tôi là kẻ đào ngũ lần nữa.” “Tôi sẽ cắm con dao vào mắt anh nếu anh định làm thế." Kolya nghĩ ngợi một lúc rồi quay lại với khung cảnh dòng sông. “Tôi sẽ ập vào cậu trước khi cậu kịp rút dao ra. Lúc cần là tôi nhanh cực luôn." Ta đã định rút dao ra ngay lúc đó, chỉ để chứng tỏ là anh ta đã nhầm, nhưng anh ta không có vẻ gì là vẫn đang tức giận còn ta thì muốn đi tiếp. Bọn ta băng qua cầu, về lại đất liền, và hướng về phía Nam theo đường Pesochnaya, dòng sông ở phía tay phải bọn ta, đường ray han gỉ của tuyến đường sắt Phần Lan ở bên trái. Không có đoàn tàu nào chạy từ tháng Chín, khi bọn Đức bao vây thành phố và cắt đứt mọi tuyến đường Phần Lan, Moscow, Vitebsk, Warsaw, Baltic tất cả bị cắt dứt và vô dụng. Giờ đây sự kết nối duy nhất của thành phố với phần còn lại của nước Nga là đường hàng không, mà rất ít máy bay có thể lọt qua được sự tuần tra của Luftwaffe. “Tất nhiên là chúng ta có thể bỏ trốn. Nhưng sẽ rất khó khăn nếu không có tem phiếu." Anh ta ngẫm nghĩ vấn đề. “Đám NKVD thì không đáng lo lắm. Trong quân đội người ta bảo bọn cảnh sát có vào nhà thổ cũng không tìm được ả điếm nào. Nhưng không có sổ tem phiếu thì… gay go phết.” “Chúng ta phải tìm được trứng,” ta bảo anh ta. Bọn ta đang được bước đi trong ánh mặt trời và hít thở không khí là nhờ lệnh của viên đại tá; nếu cái giá phải trả cho sự phóng thích này là một tá trứng thì bọn ta sẽ tìm bằng được cái tá trứng khốn kiếp ấy. Không có chỗ cho sự mặc cả hay xoay xở. “Tìm được trứng là kết quả tốt nhất, tôi đồng ý. Không có nghĩa là tôi không được cân nhắc các lựa chọn của mình. Có thể trong thành phố chẳng còn quả trứng nào cả. Thế thì sao đây? Cậu vẫn còn gia đình ở Piter chứ?” “Không.” “Tôi cũng không. Thế lại hay đấy. Chỉ phải lo cho thân mình thôi.” Những tấm biển được dán lên tường các gian nhà kho cháy nham nhở. ĐỒNG CHÍ ĐÃ GIA NHẬP LỰC LƯỢNG NHÂN DÂN TÌNH NGUYỆN CHƯA? Không có tòa nhà dân sinh nào ở khu vực này và đường phố vắng tanh, không một ai khác đi lại dưới bầu trời nhợt nhạt. Bọn ta chẳng khác gì hai người cuối cùng sống sót sau cuộc chiến, hai người bảo vệ cuối cùng của thành phố, chỉ có con dao ăn cắp của ta và những nắm đấm được khoe là nhanh nhẹn của Kolya để đẩy lùi quân phát xít. “Khu Chợ Giời là cơ hội tốt nhất của chúng ta,” Kolya nói. “Cách đây mấy tháng tôi đã ở đó. Người ta vẫn có bơ và pho mát, ít trứng cá, biết đâu.” “Thế tại sao người của đại tá lại không tìm được quả trứng nào?” “Đó là chợ đen mà. Một nửa hàng ở đó là đồ ăn cắp. Ở đó cậu thấy người ta đổi chác sổ tem phiếu, tất cả các loại phạm pháp. Họ sẽ không bán cho bất kỳ ai mặc quân phục, nhất là quân phục của NK." Đó có vẻ là một lập luận hợp lý. Kolya huýt sáo một bài hát không ra âm điệu nào đó anh ta tự nghĩ ra và bọn ta bước theo hướng Nam về phía Chợ Giời. Mọi việc đang khá khẩm hơn. Án hành quyết không còn ngay trước mặt. Ta có nhiều thức ăn trong dạ dày hơn những gì ta đã có suốt mấy tuần, và món nước trà đen đậm đặc khiến người ta thêm hăng hái. Hai chân ta có cảm giác đủ mạnh mẽ để đưa ta đến bất kỳ đâu ta cần đến. Ai đó, ở đâu đó, có một tá trứng, và sớm muộn bọn ta sẽ tìm ra chúng. Còn trong lúc này ta sung sướng tưởng tượng ra cảnh con gái viên đại tá đang khỏa thân trượt băng trên sông Neva, cặp mông trắng mịn của cô ta lấp lánh trong nắng. Kolya đập vào lưng ta và trao cho ta một nụ cười nhăn nhở đầy dâm đãng như thể anh ta đã nhìn thấu cái hộp sọ bằng thủy tinh của ta vậy. “Một cô em quá đỉnh nhỉ? Cậu có muốn làm thử một nhát không?” Ta không nói gì, nhưng Kolya có vẻ quá dạn dày kinh nghiệm tiếp tục những cuộc trò chuyện một chiều. “Bí quyết để chinh phục phụ nữ là phớt lờ có toan tính.” “Gì cơ?” “Ushakovo. Đó là một dòng trong Con chó săn trong sân. Ồ chờ chút, cậu chưa bao giờ đọc Con chó săn trong sân mà." Kolya thở dài, chán nản vì sự dốt đặc của ta. “Cha cậu là một thành viên trong giới văn chương vậy mà ông ấy lại để cậu mù chữ. Kể cũng hơi buồn.” ”Tại sao anh không câm mồm lại đừng có nhắc đên cha tôi?" “Radchenko, nhân vật chính, là một người tình tuyệt vời. Người ta từ khắp Moscow tìm đến để xin lời khuyên của chàng ta về tán tỉnh. Chàng không bao giờ rời khỏi giường, chàng chỉ nằm đó, uống trà…” “Giống Oblomov." “Không hề giống Oblomov! Tại sao mọi người lúc nào cũng nói ‘Giống Oblomov’ vậy nhỉ?” “Bởi vì nghe đúng là giống hệt Oblomov mà.” Kolya dừng bước và nhìn xuống ta. Anh ta cao hơn cả một cái đầu và vai rộng gấp đôi, và anh ta lừng lững trước mặt ta lúc này, ánh mắt đầy đe dọa. “Tất cả mọi thằng ngốc học đại học đều biết rằng Goncharov không bằng một nửa Ushakovo trên cương vị nhà văn. Oblomov chẳng là gì hết. Oblomov chỉ là một bài học luân lý cho giới tư sản, một thứ vớ vẩn người ta bắt bọn trẻ đọc để chúng lớn lên không lười nhác. Còn đây nhé, Radchenko Radchenko là một trong những người hùng vĩ đại của thứ tiếng này. Chàng ta và Raskolnikov và Bezukhov cùng với...tôi không biết nữa, có thể là Chichikov.” “Anh đang phun nước bọt vào tôi đấy." “Hừm, cậu bị phun nước bọt là đáng lắm.” Ta tiếp tục bước về phía Nam còn Kolya, dù rất tức giận, chẳng mấy chốc cũng sải bước theo. Số phận đã xô đẩy bọn ta lại với nhau, điều đó dường như không thể bàn cãi gì được nữa. Từ lúc đó đến thứ Năm, bọn ta là một cặp vợ chồng. Bên kia mặt băng phủ tuyết trên sông Neva bức tượng thiên thần vàng vẫn ngự trên đỉnh chóp mạ vàng của Thánh đường Peter và Paul cho dù người ta kể là quân Đức đã hứa hẹn trao Huân chương Chữ thập Sắt cho tay pháo binh nào bắn rụng được nó. Kolya hắt hàm ra hiệu về mạn Petrograd. “Tôi đang đóng quân trong pháo đài khi vườn thú bị ném bom.” “Tôi nghe kể là lũ khỉ đầu chó chạy quanh thành phố, và một con hổ Siberia...” “Đó chỉ là chuyện cổ tích thôi,” anh ta nói. “Không con nào thoát ra được.” “Biết đâu một vài con ra được. Làm sao mà anh biết?" “Không con nào thoát ra được hết. Nếu cậu muốn tự huyễn hoặc bằng thứ gì đó ngọt ngào để giúp cậu ngủ được, xin cứ việc, nhưng đó là một lời dối trá." Anh ta nhổ nước bọt xuống đất. “Bọn Đức đốt trụi toàn bộ chỗ đó. Con voi Betty… Tôi yêu con voi đó. Hồi còn bé bao giờ tôi cũng đi ngắm nhìn nó. Cái cách nó tắm rửa, lấy vòi hút nước và tự phun lên thân mình... Nó thật duyên dáng. Cậu sẽ không cho là thế đâu, nó to khủng khiếp luôn, nhưng đúng thế đấy.” “Nó chết rồi à?" “Thế tôi vừa nói gì với cậu hả? Tất cả chúng đều chết hết. Tuy nhiên Betty thì phải nhiều giờ sau. Cái kiểu rên rỉ của nó... Tôi đang gác và tất cả những gì tôi muốn làm là chạy tới bắn vào tim nó. Chấm dứt phăng đi. Cậu sẽ không bao giờ muốn nghe tiếng một con voi hấp hối đâu.” Phải mất một chặng cuốc bộ dài mới đến được Chợ Giời, có khi phải sáu cây số, qua cầu Liteiny, qua Vườn Mùa hè nơi những cây đu và sỏi đá bị đốn hạ bằng rìu, qua Nhà thờ Thượng Huyết, với mặt tiền là những mảnh ghép pháp lam cùng các mái vòm hình củ hành vươn cao, được xây chính tại nơi Hryniewiecki đã cho nổ banh xác chính mình và Nga hoàng. Bọn ta càng bước xa về phía Nam, đường phố càng thêm đông đúc; mọi người đều lèn chặt ba lớp áo, cúi rạp mình vào gió mà bước, khuôn mặt họ nhăn nhúm, thảm hại và xanh rớt vì thiếu sắt. Trên Nevsky Prospekt tất cả các cửa hàng đã đóng của từ mấy tháng nay. Bọn ta nhìn thấy hai người phụ nữ tầm hơn sáu mươi tuổi đang bước sát bên nhau, vai chạm vai, mắt dán trên vỉa hè cảnh giác với mảng băng trơn có thể giết họ. Một người đàn ông với bộ ria mép hải mã hoành tráng xách một cái xô trắng đựng đầy đinh màu đen. Một thằng bé, không quá mười hai tuổi, năm dây thừng kéo một chiếc xe trượt. Một thân hình nhỏ quấn trong chăn nằm trên cái xe trượt, một bàn chân nhợt nhạt kéo lê trên mặt tuyết đông cứng. Các ụ bê tông răng rồng rải đầy trên phố, chúng là những khối bê tông chịu lực được xếp thành hàng để ngăn chặn bước tiến của xe tăng địch. Một thông báo in trên bức tường viết CẢNH BÁO! PHÍA BÊN NÀY PHỐ LÀ NƠI NGUY HIỂM NHẤT TRONG THỜI GIAN NÉM BOM. Đại lộ Nevsky trước chiến tranh là trái tim của thành phố, được xây để sánh vai cùng những đại lộ lộng lẫy của London và Paris, những ki ốt trên vỉa hè bày bán hoa anh đào và sô cô la, những người đàn ông lớn tuổi đeo tạp dề đứng sau quầy ở của hàng Eliseyev thái cá tầm và cá than hun khói, tháp đồng hồ của tòa thị chính vươn cao lên trên tất thảy mọi ồn ào, cho mọi người biết họ đã bị muộn bất kể là có đi đâu chăng nữa. Những chiếc Packard đen vụt qua, nhấn còi inh ỏi, chở các đảng viên từ cuộc họp này sang hội nghị khác. Ngay cả khi cháu chẳng có tiền để mua thứ gì và chẳng có chỗ nào quan trọng để đi thì Nevsky vẫn luôn là một chốn tuyệt vời để dạo bước. Vào tháng Sáu mặt trời mãi đến tận nửa đêm mới lặn và không ai muốn bỏ phí ánh sáng. Cháu có thể ngắm nhìn những cô gái xinh đẹp nhất Piter đang chằm chằm nhìn qua cửa sổ sáng trưng của những cửa hàng lộng lẫy, săm soi những chiếc váy mới nhất đang bày bán, nghiên cứu đường cắt để họ có thể tự may chiếc váy ở nhà nếu họ xoay xở xoáy đủ vật liệu ở chỗ làm. Ngay cả khi cháu chẳng bao giờ nói gì với những cô gái đó, ngay cả khi cháu bao giờ cũng ngắm nhìn từ xa... “Cậu là trai tân, đúng không," Kolya nói, cắt đứt dòng suy nghĩ của ta đúng lúc một cách ma mị khiến ta giật mình. “Tôi á?” ta hỏi, ngơ ngẩn. “Anh đang nói cái gì vậy?” “Tôi đang nói về sự thật là cậu chưa bao giờ quan hệ với cô gái nào.” Nhiều khi ta biết có nói dối cũng chẳng để làm gì; trò chơi đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. “Anh quan tâm làm gì?” “Nghe này, Lev, giả sử chúng ta cố gắng làm bạn thì sao nào? Cậu nghĩ thế nào về điều đó? Đằng nào chúng ta cũng sẽ đi cùng nhau đến khi nào tìm được chỗ trứng đó, nên thôi thì cứ cố mà hòa thuận nhỉ? Thế này nhé, cậu có vẻ là một anh chàng thú vị, hơi cộc cằn, hơi cáu bẳn theo kiểu Do Thái, nhưng tôi thích cậu. Và nếu cậu không phải lúc nào cũng ương bướng bỏ mẹ kiểu đấy thì có khi tôi có thể dạy dỗ cậu chút gì đó." “Về gái gú à?” “Về gái gú, đúng thế. Về văn chương. Về cờ vua.” “Anh bao nhiêu tuổi, mười chín à? Làm sao mà lúc nào anh cũng làm như thể anh là chuyên gia về tất cả mọi thứ vậy?” “Tôi hai mươi tuổi. Và tôi không phải là chuyên gia về tất cả mọi thứ. Chỉ có gái gú, văn chương và cờ vua.” “Tất cả đấy.” “Ừm. Và khiêu vũ nữa. Tôi khiêu vũ đỉnh luôn.” “Anh muốn đặt cược gì cho một ván cờ nào?” Kolya liếc nhìn ta và mỉm cười. Anh ta thở ra, hơi thở của anh ta bốc thành khói trên đầu. “Tôi sẽ lấy con dao Đức đó của cậu.” “Vậy tôi sẽ được cái gì?” “Cậu sẽ không được gì hết. Cậu sẽ không thắng được.” “Nhưng cứ cho là tôi thắng đi.” “Tôi còn chắc khoảng một trăm gam xúc xích loại đó...” “Một trăm gam xúc xích đổi lấy một con dao Đức? Tôi không nghĩ thế.” “Tôi có mấy bức ảnh…” “Ảnh kiểu gì.” “Ảnh các cô nàng. Gái Pháp. Cậu sẽ học được những thứ cậu cần phải học.” Ảnh những cô nàng Pháp nghe có vẻ là một phần thưởng đáng để chơi. Ta không lo chuyện thua mất con dao. Có nhiều người ở Piter có thể thắng ta về cờ vua, nhưng ta biết hết tên của họ. Cha ta từng là vô địch thành phố khi ông còn ở trường đại học; vào những ngày thứ Năm và Chủ nhật ông thường đưa ta đi cùng tới Câu lạc bộ Cờ vua Spartak ở Cung Tiền phong. Năm ta lên sáu, huấn luyện viên câu lạc bộ tuyên bố ta là một tài năng. Mấy năm liền ta là một trong số những kỳ thủ trẻ hàng đầu, giành được những tấm ruy băng và huy chương nhỏ tại các giải ở khắp tỉnh Leningrad. Điều đó khiến cha ta rất tự hào, mặc dù ông quá khác người nên không sao thừa nhận mình quan tâm đến chuyện thi thố và ông chẳng bao giờ để ta trưng bày những giải thưởng của mình trong căn hộ của gia đình. Năm mười bốn tuổi, ta bỏ câu lạc bộ. Ta đã nhận ra rằng mình là một kỳ thủ giỏi nhưng sẽ không bao giờ là kỳ thủ vĩ đại. Những người bạn của ta ở Spartak, vốn bị ta hạ đo ván thường xuyên khi bọn ta còn nhỏ hơn, đã bỏ ta lại phía sau, tiến lên một đẳng cấp khác mà ta không thể với tới cho dù ta có chơi bao nhiêu ván đi nữa, có đọc bao nhiêu sách, có nghiền ngẫm bao nhiêu thế tàn cuộc trên giường khi đêm về. Ta giống một người chơi piano được tập tành bài bản biết phải đánh nốt nào nhưng không thể biến thứ âm nhạc đó thành của riêng mình. Một kỳ thủ xuất chúng hiểu được ván cờ theo một cách mà anh ta không tài nào diễn giải nổi; anh ta phân tích bàn cờ và biết phải làm thế nào để cải thiện vị trí của mình trước khi bộ não của anh ta nghĩ ra được lời giải thích cho nước đi đó. Ta không có được bản năng đó. Việc rời bỏ câu lạc bộ khiến cha ta thất vọng, nhưng ta không buồn về điều đó. Cờ vua trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều khi ta không còn phải lo lắng về thứ bậc của mình trong thành phố. Kolya dừng lại ở quán Kvissisana và chăm chú nhìn qua một cửa sổ kính - tấm lớn phủ những chữ thập dán băng dính. Nhà hàng bên trong trống trơn, tất cả bàn ghế bị dọn đi, chẳng còn gì ngoài sàn nhà vải sơn linoleum và một tấm bảng phấn trên tường vẫn còn ghi những món đặc biệt của tháng Tám. “Có lần tôi đưa một cô nàng đến đây. Món cừu nướng cốt lết ngon nhất thành phố.” “Và sau đó anh đưa cô ấy về nhà và làm tình với cô ấy à?” ta hỏi, cực kỳ châm biếm nhưng ngay lập tức lại sợ rằng anh ta đã làm chính xác như thế. “Không," Kolya nói, ngắm nhìn hình phản chiếu của mình trong cửa sổ và gạt mấy sợi tóc vàng lòa xòa dưới vành mũ lông màu đen. ”Bọn tôi làm tình trước bữa ăn tối. Sau bữa ăn bọn tôi đi uống ở Europa. Cô ấy phát cuồng vì tôi, nhưng tôi thích một cô bạn của cô ấy hơn.” “Vậy tại sao anh không đưa cô bạn kia đi ăn tối?" Kolya mỉm cười, một nụ cười bao dung kể cả cho tên bộ hạ đầu óc đơn giản của anh ta. “Phớt lờ có tính toán. Cậu cần được dạy dỗ." Bọn ta tiếp tục bước dọc Nevsky. Lúc đó là một giờ chiều, nhưng mặt trời mùa đông đã xuống thấp trên bầu trời phía Tây, những chiếc bóng của bọn ta dài ngoằng ra trước mặt. “Vì vậy hãy bắt đầu chậm rãi thôi,“ anh ta nói, “hãy bắt đầu từ những kiến thức cơ bản. Có cô nàng nào mà cậu thích không?” "Không có ai đặc biệt." "Ai nói là cô ta cần phải đặc biệt chứ”? Cậu là trai tân, Cậu cần những cặp đùi ấm sực và một nhịp tim, chứ không phải Tamara Karsavina[8].” "Có một cô gái tên là Vera sống trong tòa nhà của tôi nhưng cô ấy lại thích người khác." "Tốt lắm. Bước đầu tiên, đừng có lo về người nào khác. Hãy lo về Vera ấy. Cô ta có điều gì đặc biệt nào? Tại sao cậu lại thích cô ta?" "Tôi không biết. Cô ấy sống trong cùng tòa nhà với tôi.” “Đó là một lý do. Còn gì nữa nào?” “Cô ấy biết chơi cello.” “Nhạc cụ tuyệt vời. Mắt cô ấy màu gì?" “Tôi không biết.” “Cậu không thích cô nàng. Cậu không biết mắt cô ta màu gì, nghĩa là cậu không thích cô ta.” “Tôi có thích cô ấy, nhưng tất cả những gì cô ấy quan tâm là Grisha Antokolsky, vậy nên biết để làm gì chứ?” “Tốt," Kolya nói, rất kiên nhẫn với gã đệ tử tẻ ngắt của mình, “cậu nghĩ là cậu thích cô ta chỉ vì cô ta không thích cậu thôi. Điều đó cực kỳ dễ hiểu, nhưng tôi nói cho cậu biết, cậu không hề thích cô ta đâu. Hãy quên Vera đi." Quên Vera không có vẻ gì là quả khó khăn. Ta đã dành cả ba năm nay cố gắng mường tượng trông cô ta khỏa thân sẽ như thế nào, nhưng chỉ là vì cô ta sống dưới ta hai tầng và một lần, ở bể bơi tại trung tâm thanh thiếu niên, ta đã nhìn thấy núm vú của cô ta khi dây áo bơi của cô ta bị tuột ra. Nếu không vì cô ta sợ hãi trượt chân trước cổng Kirov, lúc này ta đã không phải lang thang qua các đường phố của Piter với một tay đào ngũ chập mạch, đi tìm trứng. Cô ta không hề ngoảnh lại khi đám lính tóm được ta. Có lẽ cô ta đang sờ soạng với Grisha trong một hành lang tối om của Kirov trong lúc ta bị giam trong Chữ Thập. “Con gái viên đại tá rất xinh. Tôi thích cô ta.” Kolya liếc nhìn ta, thích thú. “Ừ, con gái viên đại tá rất xinh. Tôi thích sự lạc quan của cậu. Nhưng cô nàng đó không phải dành cho cậu.” “Cô ấy cũng đâu phải dành cho anh.” “Cậu có thể sai về điều đó đấy. Giá cậu nhìn thấy ánh mắt cô ấy trao cho tôi.” Bọn ta đi qua một đám choai choai khiêng thang ghế và những xô vôi trắng đang bận bịu sơn đè lên những biển tên đường phố và số nhà. Kolya dừng lại và chằm chằm nhìn chúng. “Ê này!” Anh ta quát thằng bé gần nhất, nó ních nhiều lớp áo len đến nỗi hẳn cháu sẽ phải tưởng là nó béo, trừ phi cháu nhìn thấy lớp da mặt chảy xệ của nó, mắt nó sáng rực màu đen phía trên những hốc thâm sâu như hốc mắt một ông già. Rất ít trẻ con còn bé như thế này bị bỏ lại trong thành phố; hầu hết đã được sơ tán từ hồi tháng Chín. Những đứa ở lại thường là con nhà rất nghèo, nhiều đứa là trẻ mồ côi vì chiến tranh và không có gia đình người thân nào ở phía Đông. “Chúng máy đang làm cái quái gì vậy hả?” Kolya hỏi. Anh ta quay sang ta, sững sờ vì hành động bất kính này. "Bọn ranh con vô lại đang phá hoại Prospekt. Ê! Thằng ranh!” "Mút chim tao đây này rồi ước gì thì ước," thằng nhóc mắt đen vừa nói vừa sơn trắng số nhà trên cánh cửa của một tiệm sửa đồng hồ. Ngay cả Kolya cũng phải bất ngờ trước mệnh lệnh này. Anh ta bước lại gần thằng bé, túm lấy vai nó, và xoay người nó lại. "Mày đang nói với một chiến sĩ đấy, thằng ranh…” ”Kolya,” ta cất lời. “Mày nghĩ đây là lúc để quậy phá chắc? Mày và lũ ranh con Gypsy bạn mày muốn chạy loăng quăng và...” “Anh nên bỏ tay khỏi người tôi,” thằng bé nói. “Mày còn dọa tao nữa cơ à? Tao đã bắn bọn Đức suốt bốn tháng nay mà giờ mày còn muốn dọa tao à?” “Kolya,” ta nhắc lại, lần này thì lớn giọng hơn. “Chúng làm theo lệnh đấy. Nếu lọt vào bên trong thành phố, thì quân Đức cũng sẽ không biết mình đang đi đâu.” Kolya nhìn từ thằng bé mắt đen đến mấy tấm biển tên phố sơn trắng rồi đến ta. “Làm sao mà cậu biết?” “Vì cách đây hai hôm tôi cũng đã làm thế rồi.” Kolya thả thằng bé ra, nó hầm hầm nhìn anh ta một lúc nữa rồi mới quay lại công việc. “Ừm, thông minh phết đấy,” Kolya nói, và bọn ta đi tiếp về phía Chợ Giời. 5 Giả sử cháu có thứ gì đó muốn mua, bán hoặc đổi chác, cứ tìm tới Chợ Giời. Trước chiến tranh những quầy hàng đường phố được coi như Nevsky Prospekt của người nghèo. Sau khi cuộc phong tỏa bắt đầu, khi những cửa hàng hào nhoáng lần lượt đóng cửa, khi các nhà hàng lấy xích khóa cửa còn cánh hàng thịt không còn tí thịt nào trong các ngăn tủ, thì Chợ Giời trở nên phát đạt. Phu nhân của các viên tướng đổi những xâu chuỗi hổ phách lấy những bao bột mì. Đảng viên mặc cả với những người nông dân đã lẻn vào từ vùng nông thôn, cãi vã về chuyện bao nhiêu củ khoai tây đổi lấy một bộ đồ ăn cổ bằng bạc. Nếu cuộc mặc cả kéo dài quá lâu, nông dân sẽ khinh khỉnh xua tay và quay đi khỏi đám thị dân. “Vậy thì đi mà ăn đồ bạc của các người đi,” họ nói câu đó với một cái nhún vai. Hầu như lần nào họ cũng có được cái giá mà họ đòi hỏi. Bọn ta bước từ quầy này sang quầy khác, mắt nhìn những chồng ủng da, một số cái vẫn còn vấy máu từ chân những người chủ cũ. Súng trường và súng ngắn Tokarev đều rẻ, dễ dàng mua được chỉ với vài rúp hoặc hai trăm gam bánh mì. Súng Luger và lựu đạn thì đắt hơn, nhưng sẵn có nếu cháu hỏi đúng người. Một quầy bán những cốc đất với giá một trăm rúp một cốc Bùn Badayev, người ta gọi nó là thế, được lấy từ lòng đất bên dưới nhà kho thực phẩm bị ném bom và thắm đầy đường chảy ra. Kolya dừng lại ở quầy có một người đàn ông hom hem, lưng còng đeo một miếng che mắt và ngậm chiếc tẩu không châm lửa đứng bán những cái chai không nhãn mác chứa thứ rượu màu trắng. “Cái gì đây?” Kolya hỏi. “Vodka.” “Vodka? Làm từ cái gì?” “Gỗ.” “Đó không phải là vodka, ông bạn. Mà là cồn gỗ.” “Anh có muốn hay không thì bảo?” ”Chúng ta đến đây có phải vì cái này đâu,” ta bảo Kolya, còn anh ta thì phớt lờ ta. “Uống cái này bị mù mắt đấy,” anh ta nói với ông chủ sạp. Người đàn ông chột mắt lắc đầu, phát chán với sự dốt nát nhưng vẫn chịu khó bỏ chút công sức tối thiểu để bán được hàng. “Anh rót nó qua vải lanh,” lão ta nói. “Bảy lớp, sau đó là an toàn.” “Nghe như một thứ rượu tiên dành cho thánh thần nhỉ,” Kolya nói. “Ông nên gọi nó là Bảy Tầng Tội lỗi. Đó là cái tên hay cho một thứ đồ uống.” “Anh có muốn không?" “Tôi sẽ lấy một chai nếu ông uống một chút cùng tôi." “Còn quá sớm đối với tôi.” Kolya nhún vai. “Tôi thấy ông nhấp một ngụm, tôi sẽ mua cả chai. Còn không thì tôi biết nói gì với ông được, chiến tranh biến tôi thành một kẻ hoài nghi.” “Hai trăm rúp một chai.” “Một trăm. Uống đi nào.” “Anh đang làm gì vậy?” ta hỏi anh ta, nhưng anh ta thậm chí còn chẳng thèm liếc nhìn ta. Lão chột đặt cái tẩu lạnh tanh xuống bàn, tìm được một cái ly uống trà, và nhìn quanh quầy tìm một mảnh vải. “Đây,” Kolya nói, chìa ra một cái khăn tay màu trắng. “Sạch đấy. Tương đối.” Bọn ta nhìn lão gấp cái khăn tay lại ba lần và phủ nó lên miệng ly trà. Lão rót rượu từ từ. Ngay cả ở ngoài trời, gió rít ào ào, cái thứ đó còn bốc lên mùi như thuốc độc, giống như một chất tẩy được dùng rửa sàn nhà máy. Lão chột bỏ cái khăn tay qua một bên, lúc này nhìn nó loang lổ một thứ cặn đầy bọt. Lão ta nâng cái ly lên, nhấp, rồi lại đặt ly xuống bàn, vẻ mặt không hề thay đổi. Kolya kiểm tra mức dung dịch trong ly, để cho chắc là người bán hàng đã thực sự nhấp một ngụm. Hài lòng, anh ta cầm ly lên và chúc bọn ta. “Vì đất mẹ Nga!” Anh ta ực một hơi hết chỗ cồn gỗ, đập chát cái ly xuống bàn, quẹt miệng bằng mu bàn tay, và ặc ặc. Anh ta túm lấy vai ta, cố giữ người cho vững, mắt anh ta trợn tròn và ầng ậc nước. “Ông giết tôi rồi,” anh ta vừa nói, thều thào chỉ vừa đủ để những từ đó chui ra khỏi cổ họng, vừa chỉ tay đầy buộc tội vào lão chột. “Tôi có bảo anh uống nhanh thế đâu,” lão trả lời, mặt lạnh tanh, cắm cái tẩu trở lại vào miệng. “Một trăm rúp.” "Lev… Lev cậu còn ở đó chứ?” Mặt Kolya buông xuống chỗ ta, nhưng mắt anh ta không tập trung được, nhìn xuyên thẳng qua ta. “Buồn cười lắm.” Kolya nhăn nhở cười và đứng thẳng người lên. “Không thể lừa được một người Do Thái, lẽ ra tôi phải biết trước mới phải. Giỏi lắm, trả tiền cho ông ta đi.” “Gì cơ?" “Trả đi,” anh ta vừa nói vừa ra hiệu về phía lão bán hàng đang chờ đợi. “Trả tiền cho ông ta còn gì.” “Tôi làm gì có tiền.” “Đừng có cố lừa tao, thằng ranh!” Kolya gầm lên, chộp lấy cổ áo khoác của ta và lắc đến khi ta thấy xương cốt của mình kêu lách cách. “Tao sẽ không chấp nhận bất kỳ trò trộm cấp nào!” Bất thình lình anh ta buông ta ra, thọc tay vào túi áo khoác của ta, lôi ra những mẩu giấy vụn, một đoạn chỉ và băng vải thô, chẳng có gì gọi là gần giống với tiền cả. Kolya thở dài và quay sang người bán hàng. “Có vẻ như bọn tôi không có tiền rồi. Tôi e là tôi sẽ phải hủy giao dịch.” ”Mày tưởng,” lão chột vừa nói vừa phanh áo khoác để cho bọn ta thấy chuôi của một con dao Phần Lan, “tao không dám thẻo thịt mày chắc?” “Đằng nào trong bụng tôi cũng có một ly chất độc rồi. Vậy tại sao ông không thử đi?” Kolya mỉm cười với lão và chờ đợi phản ứng. Chẳng có gì đằng sau đôi mắt xanh của Kolya, không sợ hãi - không tức giận hay kích động trước viễn cảnh một trận đánh nhau - không gì hết. Cái này, về sau ta nhận ra, chính là biệt tài của anh ta: nguy hiểm làm anh ta trở nên bình tĩnh. Xung quanh anh ta mọi người sẽ đối mặt nỗi sợ hãi của mình bằng những cách thông thường: cam chịu, điên cuồng, giả vờ bỡn cợt, hoặc chút kết hợp nào đó của cả ba. Nhưng Kolya thì, ta nghĩ, không bao giờ hoàn toàn tin vào bất kỳ thứ gì trong đó. Tất cả mọi thứ về cuộc chiến tranh đều lố bịch: sự man rợ của bọn Đức, những luồng đạn vạch đường bắn chéo cánh sẽ sáng rực bầu trời đêm. Đối với anh ta thì tất cả dường như là câu chuyện của người khác, một câu chuyện chi tiết đến lạ lùng mà anh ta xỏ chân vào và giờ thì không thể nào thoát ra được. “Biến đi không tạo cắt mõm mày bây giờ," lão chột vừa nói vừa nhai đuôi chiếc tẩu không châm của mình, tay để trên cán dao găm. Kolya chào và cất bước sang quầy bên cạnh, hơn hớn và thư thái như thể toàn bộ cuộc mua bán đã diễn ra dễ dàng và sạch sẽ. Ta đi theo sau, tim còn đập thình thịch trong lồng ngực. “Chúng ta tập trung vào tìm trứng thôi," ta nói. “Tại sao anh cứ phải đi khắp nơi chọc ghẹo mọi người vậy?” “Tôi cần một hớp, tôi làm một hớp, và bây giờ tôi cảm thấy sống trở lại.” Anh ta hít một hơi thật sâu và thở ra qua cặp môi chu lại, ngắm nhìn hơi khói bốc lên không trung. “Lẽ ra cả hai đứa mình đều chết từ đêm qua rồi. Cậu có hiểu điều đó không? Cậu có hiểu là bọn ta may mắn thế nào không hả? Vì vậy cứ vui vẻ đi." Ta dừng lại ở quầy có một bà già nông dân đầu đội khăn đứng bán những miếng thịt màu xam xám. Kolya và ta nhìn chỗ thịt. Trông có vẻ khá tươi, bóng nhoáng mỡ, nhưng cả hai đều không muốn biết đó đã từng là con vật gì. ”Bà có quả trứng nào không?” ta hỏi bà già. “Trứng à?“ bà lão hỏi, nghiêng người lại để nghe cho rõ. ”Từ tháng Chín đến giờ làm gì có.” “Bọn cháu cần một tá,” Kolya nói. “Bọn cháu có thể trả giá cao." “Các cậu có trả một triệu rúp,” bà lão nói, “cũng Chẳng có quả trứng nào đâu. Ở Piter thì không.” “Vậy ở đâu?” Bà lão nhún vai, những nếp nhăn chằng chịt trên mặt bà sâu đến nỗi nhìn như được chạm khắc. "Tôi có thịt. Các cậu muốn mua thịt thì ba trăm hai miếng. Không có trứng.” Bọn ta đi từ quầy này sang quầy khác, hỏi tất cả mọi người xem họ có trứng không, nhưng không một ai ở Chợ Giời nhìn thấy quả nào từ tháng Chín đến giờ. Một vài người đưa ra giả thiết về các nơi có thể tìm thấy trứng: các sĩ quan cấp cao của quân đội có trứng được chở tới bằng máy bay từ Moscow; nông dân ở ngoài thành phố cung cấp trứng cho bọn Đức, cùng với bơ và sữa tươi, để đổi lấy mạng sống; một ông già sống ở gần Khải hoàn môn Narva nuôi gà trong một cái lồng trên sân thượng. Tin đồn cuối cùng này nghe rõ ràng là vô lý, nhưng thằng nhóc kể với chúng tôi quả quyết là đúng. “Anh giết một con gà, có thể sẽ ăn được cả tuần. Nhưng nếu anh giữ nó sống, ừm, mỗi ngày một quả trứng, cùng với khẩu phần được cấp, anh sẽ qua được đến tận mùa hè.” “Cậu sẽ phải cho gà ăn nữa chứ," Kolya nói. “Ai mà có thức ăn cho gà bây giờ?" Thằng nhóc, mái tóc đen xoăn của nó xòe ra bên dưới cái mũ lưỡi trai Hải quân Đế quốc Nga cũ, lắc đầu như thể đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. “Gà thì cái gì nó chả ăn. Một thìa mùn cưa, chúng chỉ cần có thế.” Thằng nhóc bán thứ mà mọi người gọi là kẹo thư viện, được làm bằng cách xé bỏ những bìa sách, lột lớp hồ dán gáy ra đem luộc kỹ, và biến nó thành những cái thanh mà ta có thể gói vào giấy. Thứ đó có vị như sáp vậy, nhưng có protein trong lớp hồ, protein giữ cho con người ta sống, vậy là những cuốn sách của thành phố biến mất hệt lũ chim bồ câu. “Và cậu đã nhìn thấy những con gà đó?” Kolya hỏi. “Anh trai em nhìn thấy. Đến đêm, ông già đó gác chuồng gà với một khẩu súng săn. Tất cả mọi người trong tòa nhà đều thèm muốn những con gà đó.” Kolya liếc nhìn ta và ta lắc đầu. Tất cả bọn ta ngày nào chẳng nghe cả chục chuyện hoang đường khác nhau về cuộc phong tỏa, câu chuyện về những tủ thịt bí mật chất đầy những tảng thịt bò đông lạnh, những kho thực phẩm xếp đầy hộp trứng cá và xúc xích thịt bê. Bao giờ cũng là anh trai hoặc anh họ của ai đó đã nhìn thấy kho báu. Mọi người tin vào những câu chuyện đó vì nó hợp với niềm xác tín của họ rằng ai đó, ở đâu đó, đang chè chén trong khi cả thành phố còn lại chết đói. Và họ nghĩ đúng, tất nhiên - con gái viên đại tá có lẽ không ăn tối với thịt ngỗng nướng, nhưng cô ta còn được ăn tối. “Ông già đó không thể ở trên chuồng gà suốt ngày được,” tôi bảo thằng nhóc. ”Ông ấy phải đi lấy khẩu phần chứ. Ông ấy phải đi lấy nước và đi vệ sinh. Chắc cả mấy tháng nay phải có người vồ lũ gà rồi.” "Ông ấy đái từ trên sân thượng xuống. Còn khi phải giải quyết khoản kia, em không biết, có thể đó chính là thứ ông ấy cho lũ gà ăn.” Kolya gật gù, có vẻ ấn tượng với cách thức rất thông minh của ông già để giữ cho bọn gà sống sót, mặc dù ta tin chắc rằng thằng nhóc đã bịa ra điều này khi môi nó mấp máy. “Lần gần đây nhất cậu đi ỉa là bao giờ?” Kolya hỏi ta, một cách đột ngột. “Tôi không biết. Chắc là một tuần rồi?” “Còn tôi là chín ngày rồi. Tôi đếm mà. Chín ngày! Khi cuối cùng nó cũng xảy ra, tôi sẽ mở một bữa tiệc lớn và mời những cô nàng xinh đẹp nhất ở trường đại học." “Mời con gái đại tá nữa.” “Tôi sẽ mời, nhất định rồi. Bữa tiệc cứt của tôi sẽ tuyệt hơn nhiều bữa tiệc cưới mà cô ấy đang chuẩn bị.” ”Bánh mì khẩu phần mới lúc chui ra đau lắm,” thằng bé tóc xoăn nói. “Bố em bảo là do chất cellulose người ta cho vào trong.” “Bọn anh tìm ông già với lũ gà ở chỗ nào?” “Em không biết địa chỉ. Nếu các anh bước về phía Stachek Prospekt từ Khải hoàn môn Narva, các anh sẽ đi qua tòa nhà của ông ấy. Có một tấm áp phích lớn của Zhdanov trên tường.” “Có áp phích của Zhdanov trên cả nửa số tòa nhà ở Piter,” ta nói, bắt đầu thấy bực mình. “Ta sẽ phải đi bộ thêm ba cây số nữa để tìm một lũ gà không hề tồn tại sao?” “Thằng bé không nói dối đâu,” Kolya vừa nói vừa vỗ vai thằng nhóc. “Nếu nó nói dối, bọn ta sẽ quay lại đây bẻ gãy ngón tay nó. Nó biết bọn ta là NKVD mà.” “Các anh không phải là NKVD,” thằng nhóc nói. Kolya lấy bức thư của đại tá từ túi áo khoác ra đập đập vào má thằng nhóc. “Đây là thư của một đại tá NKVD giao nhiệm vụ cho bọn anh đi tìm trứng. Cậu thấy thế nào về điều đó?” “Anh có cả một bức thư nữa từ Stalin, giao nhiệm vụ cho anh tự chùi đít mình chứ?” “Ông ấy sẽ phải giao nhiệm vụ cho anh ỉa đã.” Ta không ở lại đủ lâu để biết cuộc trò chuyện kết thúc thế nào. Nếu Kolya muốn lê la khắp thành phố tìm kiếm những con gà cổ tích ấy, đó là việc của anh ta, nhưng trời sắp tối và ta muốn về nhà. Đã hơn ba mươi tiếng đồng hồ nay ta không ngủ. Ta quay người bước về hướng Kirov, cố gắng nhớ xem ta đã nhét bao nhiêu bánh mì bên dưới viên gạch lát bị bong ra trong bếp. Có lẽ Vera có gì đó cho ta. Cô ta nợ ta sau cái cách cô ta bỏ chạy, không hề ngoảnh lại nhìn cho dù chính ta đã cứu cô ta. Ta chợt nhận ra rằng chắc hẳn Vera và mấy đứa kia nghĩ là ta đã chết. Ta tự hỏi không biết cô ta phản ứng như thế nào, cô ta có khóc không, vùi mặt vào ngực Grisha trong khi cậu ta vỗ về cô ta, hoặc có khi xô cậu ta ra, giận dữ, vì Grisha đã bỏ chạy, bỏ rơi cô ta, trong khi ta ở lại sau và cứu cô ta khỏi cái chết chắc. Còn Grisha thì nói, “Anh biết, anh biết, anh là đồ hèn, hãy tha thứ cho anh,” và cô ta sẽ tha thứ cho cậu ta, vì Vera tha thứ cho Grisha tất cả mọi chuyện, rồi cậu ta lau nước mắt cho cô ta, nói với cô ta rằng họ sẽ không bao giờ quên ta, sự hy sinh của ta. Nhưng tất nhiên là họ sẽ quên - trong vòng một năm thôi là họ sẽ không còn hình dung ra nổi khuôn mặt của ta nữa. "Cậu kia. Cậu là người đi tìm trứng à?” Mãi đắm chìm trong màn tưởng tượng tủi thân, mất một lúc ta mới nhận ra câu hỏi đó là dành cho mình. Ta quay lại thì thấy một gã hộ pháp để râu quai nón đang chằm chằm nhìn mình, hai cánh tay khoanh lại trước ngực, nhún tới nhún lui trên gót ủng. Gã là người to lớn nhất ta từng nhìn thấy, cao hơn nhiều so với Kolya và ngực cũng rộng hơn. Hai bàn tay để trần của gã nhìn đủ bự để đập vỡ sọ ta ra như đập một quả óc chó. Bộ râu quai nón của gã dày và đen bóng như được chải dầu. Ta tự hỏi một người to lớn như thế sẽ cần tọng bao nhiêu thức ăn mỗi ngày, và bằng cách nào mà gã giữ được thịt trên cái khung xương khổng lồ ấy của gã. “Ông có trứng à?” ta hỏi, mắt sáng rực nhìn gã. “Cậu có gì cho tôi?” “Tiền. Chúng tôi có tiền. Chờ đã, để tôi gọi bạn tôi." Ta chạy trở lại Chợ Giời. Lần đầu tiên kể từ khi gặp Kolya, ta sung sướng khi nhìn thấy cái đầu vàng hoe của anh ta. Anh ta vẫn đang đùa cợt với thằng bé tóc xoăn, có lẽ là đang miêu tả giấc mơ của anh ta về một bãi cứt hoành tráng. “Xin chào, cậu ta kia rồi!” anh ta hét lên khi nhìn thấy ta. “Tôi tưởng cậu bỏ trốn đi mà không có tôi rồi.” “Có một người bảo là ông ta có trứng đấy.” “Tuyệt vời!” Kolya quay sang thằng nhóc. “Con trai, rất vui được gặp đấy.” Bọn ta cuốc bộ trở lại lối ta đã đến, qua những quầy hàng lúc này đã đóng cửa nghỉ đêm. Kolya đưa cho ta một cái kẹo thư viện có gói giấy. “Của cậu đây, bạn của tôi. Đêm nay chúng ta mở tiệc.” “Thằng nhóc cho anh à?” “Cho tôi ấy à? Nó bán cho tôi đấy.” “Bao nhiêu?” “Một trăm hai cái." “Một trăm!” Ta trợn mắt nhìn Kolya trong lúc anh ta bóc thanh kẹo của mình và cắn một miếng, nhăn mặt vì cái mùi vị. “Vậy là chúng ta chỉ còn lại ba trăm?” “Đúng rồi. Số học rất ấn tượng.” “Tiền đó là để mua trứng mà.” “À thì chúng ta làm sao có thể đi săn trứng được nếu không có chút gì đó để giữ cho mình đứng vững.” Gã râu quai nón đang chờ bọn ta ở rìa Chợ Giời, vẫn đứng khoanh tay. Gã chăm chú nhìn Kolya khi bọn ta lại gần, ước lượng anh ta giống cách một võ sĩ quyền Anh đánh giá đối thủ. “Chỉ có hai người các cậu thôi à?” “Thế ông cần bao nhiêu người bọn tôi?“ Kolya hỏi lại, mỉm cười với gã hộ pháp. “Nghe nói là ông bán trứng.” “Tôi bán tất cả mọi thứ. Các cậu có gì cho tôi?” “Bọn tôi có tiền," ta nói, khá chắc chắn là bọn ta đã nói qua chuyện này rồi. "Bao nhiêu?” "Đủ," Kolya nói. “Bọn tôi cần một tá trứng.” Gã râu quai nón huýt sáo. “Các cậu gặp may rồi. Tôi chỉ có ngần ấy.” "Cậu thấy chưa?” Kolya vừa nói vừa chộp lấy vai ta. “Có khó khăn gì đâu.” "Theo tôi nào,” gã hộ pháp vừa nói vừa băng qua đường. “Chúng ta đi đâu đây,” ta hỏi trong lúc bọn ta đi theo. “Tôi cất mọi thứ ở trong nhà. Ở ngoài này không an toàn. Lính tráng cứ vài ngày lại đến, cướp tất cả mọi thứ họ muốn, ai nói gì là bị chúng bắn ngay." “À thì những người lính đang ở ngoài kia bảo vệ thành phố,” Kolya nói. “Họ không thể chiến đấu được nếu chết đói.” Tay hộ pháp liếc nhìn chiếc áo khoác quân đội của Kolya, đôi ủng cấp phát của anh ta. “Thế tại sao cậu không chiến đấu bảo vệ thành phố?” ”Tôi đang đi làm nhiệm vụ cho một ông đại tá. Ông không có gì phải lo lắng cả.” “Ông đại tá này cử cậu và anh chàng kia đi làm nhiệm vụ tìm mấy quả trứng, là thế à?” Gã hộ pháp nhăn nhở cười với bọn ta. Hàm răng gã lấp lóa như những con súc sắc không đánh dấu giữa bộ râu đen. Gã không tin Kolya, tất nhiên rồi. Ai mà tin được chứ? Bọn ta đi dọc theo kênh Fontanka đóng băng, mặt băng rải rác những xác chết bị bỏ mặc, vài cái xác được phủ tấm vải liệm được giăng bằng đá, những xác chết khác đã bị lột bỏ quần áo ấm, bộ mặt trắng nhợt của họ ngửa lên nhìn chằm chằm bầu trời đang tối dần. Gió bắt đầu thức giấc khi đêm đến và ta nhìn mái tóc vàng dài của một phụ nữ đã chết tung ngang mặt bà ta. Đã có thời bà ta rất tự hào về mái tóc đó, gội hai lần mỗi tuần, chải cả hai mươi phút trước khi đi ngủ. Giờ thì mái tóc đó đang cố gắng bảo vệ bà ta, để che chắn sự thối rữa của bà ta khỏi mắt những người xa lạ. Gã hộ pháp dẫn bọn ta đến một tòa nhà gạch năm tăng, tất cả các cửa sổ đều được đóng bít bằng gỗ ép. Một tấm áp phích khổng lồ, cao hai tầng nhà, miêu tả một người mẹ trẻ đang bế đứa con đã chết ra khỏi tòa nhà cháy. LŨ GIẾT TRẺ CON CHẾT ĐI! dòng chữ viết. Sau khi lục lọi trong túi áo khoác tìm chìa khóa, gã hộ pháp mở cánh cửa trước và giữ nó mở cho bọn ta. Ta túm lấy tay áo Kolya trước khi anh ta kịp vào trong. “Tai sao ông không mang trứng xuống đây?” ta hỏi gã hộ pháp. “Tôi còn sống vì tôi biết phải làm ăn như thế nào. Và tôi không làm ăn trên đường phố.” Ta có thể cảm thấy bìu dái của mình săn lại, hai quả cà nhút nhát của ta nép sát vào cơ thể. Nhưng ta sinh ra và lớn lên ở Piter, ta không phải là một thằng ngốc, và ta nói mà cố giữ giọng bình thản. “Tôi thì không làm ăn trong căn hộ của người lạ.” “Các quý ngài, các quý ngài,” Kolya vừa nói vừa cười ngoác miệng. “Không cần phải đa nghi thế chứ. Một tá trứng. Ra giá đi.” “Một nghìn.” “Một nghìn rúp? Cho một tá trứng?” ta cười phá lên. “Chúng là trứng Fabergé[9] chắc?” Gã hộ pháp râu đen, vẫn giữ cửa mở ngỏ, trùng mắt nhìn xuống ta. Ta ngừng cười. “Đằng kia người ta bán những ly đất giá một trăm rúp," gã bảo ta. “Cái nào hơn, một quả trứng hay một cốc đất?” “Nghe này,” Kolya nói, “Ông có thể đứng ở đây cả ngày mà mặc cả với anh bạn Do Thái nhỏ của tôi, hoặc chúng ta có thể nói chuyện như những người đàn ông trung thực. Bọn tôi có ba trăm. Chúng tôi chỉ có ngần ấy. Đồng ý chứ?” Gã hộ pháp vẫn gườm gườm nhìn ta. Gã vốn đã không ưa ta từ đầu; giờ đây khi đã biết ta là một người Do Thái ta có thể thấy là gã chỉ muốn lột da mặt ta. Gã chìa bàn tay khổng lồ ra cho Kolya, ra hiệu lấy tiền. “À không, ở điểm này thì tôi phải đứng về phe bạn đồng hành của mình,” Kolya vừa nói vừa lắc đầu. “Trứng trước, tiền sau.” ”Tôi sẽ không mang chúng ra đây đâu. Tất cả mọi người đều đang chết đói và ai cũng có súng.” “Ông to con kinh khủng thế này mà phải sợ cơ à,” Kolya châm chọc. Gã hộ pháp nhìn Kolya với vẻ như tò mò, như thể gã không thể tin nổi rằng gã đang nghe thấy câu xúc phạm đó. Cuối cùng, gã mỉm cười, khoe hàm răng trắng như súc sắc. “Có một người nằm úp mặt ở ngoài kia,” gã vừa nói vừa hất hàm về phía kênh Fontanka. “Không phải vì đói, không phải vì rét. Sọ của hắn bị đập vỡ bằng một hòn gạch. Các cậu có muốn hỏi tại sao mà tôi biết không?” “Tôi hiểu ý ông,” Kolya nói, rất nhũn nhặn. Anh ta nhòm vào trong bóng tối của tiền sảnh tòa nhà. “Ừm, nói gì thì nói chứ, gạch vẫn nhanh hơn." Kolya vỗ vào lưng ta và bước vào trong. Tất cả những gì ta biết mách bảo ta hãy bỏ chạy. Người đàn ông này đang dẫn bọn ta vào một cái bẫy. Chính hắn vừa mới thực sự khai báo mình là một tên sát nhân. Kolya đã ngu xuẩn thừa nhận chính xác bọn ta có bao nhiêu tiền trong người. Không nhiều nhặn gì, nhưng ba trăm rúp và hai cuốn sổ tem phiếu - thứ mà gã hộ pháp chắc hẳn đinh ninh bọn ta có là quá đủ để bị giết trong thời buổi này. Nhưng làm gì còn lựa chọn nào khác? Quay xuống Khải hoàn môn Narva và tìm một ông già cổ tích cùng cái chuồng gà của ông ta hay sao? Bọn ta đang đánh liều mạng sống của mình khi bước vào trong tòa nhà, nhưng nếu không sớm tìm được trứng thì đằng nào bọn ta cũng chết. Ta đi theo Kolya. Cánh cửa đóng lại sau lưng bọn ta. Bên trong tối âm u, không có điện cho những cái bóng đèn và chỉ có ánh ngày rơi rớt hắt vào qua những khe hở trong lớp gỗ ép che cửa số. Ta nghe thấy tiếng gã hộ pháp đi phía sau mình và ta quỳ xuống một bên gối, sẵn sàng rút dao ra. Gã đi qua ta lên cầu thang, hai bước một. Kolya và ta liếc nhìn nhau. Khi Râu Đen đã khuất tầm mắt, ta rút con dao Đức ra đút vào trong túi áo khoác. Kolya nhưỡng mày, có lẽ lấy làm ấn tượng bởi hành động đó, hoặc có lẽ chế giễu ta. Bọn ta đi lên cầu thang, lê tùng bậc một Vậy mà vẫn phải thở hổn hển khi lên đến tầng hai. “Ông kiếm được trứng ở đâu ra?” Kolya hỏi, gọi với lên gã hộ pháp đã ở phía trên bọn ta cả một nhịp cầu thang. Gã khổng lồ leo cầu thang dễ như chơi. Gã và con gái viên đại tá là hai người sung sức nhất ta từng nhìn thấy ở Piter mấy tháng nay. Ta lại tự hỏi không biết gã lấy đâu ra sức. “Tôi biết một tay nông dân, anh ta làm việc ở một nông trang gần Mga.” “Tôi tưởng quân Đức chiếm Mga rồi.” “Chúng chiếm rồi mà. Bọn Đức cũng thích trứng của họ. Ngày nào chúng cũng đến và vét tất cả những gì chúng tìm được, nhưng bạn tôi giấu được một ít. Không giấu được nhiều nếu không chúng phát hiện ra ngay.” Gã hộ pháp dừng lại trên tầng bốn và đập thình thình vào cửa một căn hộ. “Ai đấy?" “Anh đây,” gã nói. “Cùng với hai khách hàng." Bọn ta nghe thấy tiếng chốt cửa trượt lui và cánh cửa mở ra. Một người đàn bà đội mũ lông của đàn ông đeo cái tạp dề đồ tể lấm lem máu vừa hấp háy mắt nhìn Kolya và ta, vừa quệt mũi bằng mu bàn tay đi găng. “Điều tôi băn khoán là,” Kolya hỏi, “ông bà làm thế nào để giữ cho trứng không bị đông lại. Vì trứng mà bị đông thì chẳng ích lợi mấy cho bọn tôi, tôi e là thế.” Mụ đàn bà nhìn Kolya như thể anh ta đang nói tiếng Nhật. “Chúng tôi để chúng cạnh ấm samovar,” gã hộ pháp nói. “Đi nào, làm cho xong đi.” Gã ra hiệu cho bọn ta vào trong căn hộ. Mụ đàn bà lặng lẽ tránh sang bên cho bọn ta qua và Kolya bước thẳng vào, tỉnh bơ nhìn quanh với một nụ cười như thể anh ta vừa mới được mời vào chỗ ở của cô bạn gái mới. Ta chờ ở cửa cho đến khi gã hộ pháp đặt tay lên vai ta. Nói cho đúng thì gã không hề đẩy ta, nhưng với một bàn tay to như thế thì lực tác động cũng chẳng khác gì. Những chiếc đèn bấc thắp sáng căn hộ nhỏ và những cái bóng dài của bọn ta đổ lên tường, vắt ngang những tấm thảm sờn rách trên sàn, cái ấm samovar đồng ở góc, và một tấm vải trắng treo ở phía góc xa căn phòng - ngăn riêng một khu vực ngủ, ta đoán vậy. Khi gã hộ pháp đóng cửa, tấm vải căng phồng lên như váy của một người phụ nữ trong gió. Trong khoảnh khắc trước khi nó rũ xuống lại ta nhìn thấy những gì ở phía sau nó - không giường, không đồ đạc gì hết, chỉ là những tảng thịt trắng treo trên móc, treo bằng những dây xích nặng từ một ống sưởi, với tấm nhựa dưới sàn nhà để hứng thứ rỏ xuống. Có lẽ trong khoảng nửa giây đồng hồ ta nghĩ đó là thịt lợn, có thể não ta cố thuyết phục mắt ta rằng không phải chúng đang nhìn thấy những gì chúng nhìn thấy: một cái đùi đã lột da chỉ có thế là đùi của phụ nữ, một bộ xương lồng ngực trẻ con, một cánh tay cắt rời không còn ngón tay đeo nhẫn. Con dao nằm trong tay ta trước khi ta kịp nhận ra là ta cần nó - thứ gì đó cử động phía sau ta và thế là ta quay ngoắt lại mà rạch, hét ầm lên, không thể thốt lên thành lời nào, cổ họng thít chặt. Gã hộ pháp đã rút một đoạn ống thép dài hơn ba tấc từ túi áo khoác ra; gã nhảy ra xa, quá nhanh nhẹn so với vóc dáng to lớn như thế, dễ dàng né được lưỡi thép Đức. Vợ gã hộ pháp rút từ túi tạp dề ra một con dao phay. Mụ ta cũng nhanh, nhưng Kolya hóa ra lại là người nhanh nhất trong tất cả, vừa xoay trên chân sau vừa giáng cho mụ đàn bà một cú móc bằng tay phải vào hàm. Mụ đổ vật xuống sàn. “Chạy đi,” Kolya nói. Ta chạy. Ta tưởng cửa khóa, nhưng hóa ra không phải; ta tưởng cái ống nước của gã hộ pháp sẽ nện vỡ sọ ta, nhưng không phải; và ta đã ở bên ngoài hành lang, lao vọt xuống cầu thang, nhảy gần như cả một nhịp xuống thắng chiếu nghỉ phía dưới. Ta nghe thấy một tiếng hét to cuồng nộ hoàn toàn không thành lời và tiếng rầm rầm của đế ủng đóng đinh sắt của gã hộ pháp nện trên ván sàn khi gã lao qua phòng. Ta đứng đó với bàn tay đặt trên hàng tay vịn, thở không ra hơi, không muốn chạy thêm nữa, không thể leo lại cầu thang tối om lên căn hộ của những kẻ ăn thịt người. Ta nghe thấy âm thanh khủng khiếp của thép đập vào sọ hoặc gỗ dán. Ta đang phản bội Kolya, bỏ mặc anh ta khi anh ta không có một tấc sắt trong tay còn ta thì có một con dao tốt. Ta cố dồn ý chí nhúc nhắc đôi chân, đưa mình trở lại trận đánh, nhưng ta run cầm cập đến nỗi không thể nào giữ yên bàn tay cầm dao. Lại những tiếng thét, tiếng chan chát của ống nước đập vào cái gì? Vụn thạch cao từ trần nhà lả tả rơi xuống đầu ta. Ta co rúm người trên cầu thang, đinh ninh là Kolya đã đi tong rồi, đinh ninh là ta không thể nào chạy nhanh kịp để thoát khỏi gã hộ pháp - vợ gã sẽ róc thịt ta bằng vài cú chặt điệu nghệ với con dao phay nặng trịch đó, và chỉ trong giây lát thôi những bộ phận của ta sẽ treo lủng lẳng trên xích sắt trong khi những giọt máu cuối cùng của ta nhỏ xuống tấm nhựa. Tiếng gào thét tiếp tục, những bức tường rung chuyển, Kolya chưa chết. Ta nắm con dao bằng cả hai tay và đặt một chân lên bậc thang trước mặt. Ta có thể lẻn vào trong căn hộ trong lúc tên ăn thịt người đó không để ý, cắm con dao vào lưng gã nhưng lúc này đối với ta lưỡi dao dường như thật mỏng manh, quá nhỏ để giết những tên khổng lồ. Nó sẽ chọc vào gã, làm chảy chút máu và gã sẽ quay lại, chộp lấy mặt ta, và bóp cho mắt ta phọt ra khỏi hộp sọ. Ta bước thêm một bước nữa thì Kolya lao vọt ra khỏi căn hộ, đôi ủng của anh ta trượt miết trên sàn khi anh ta suýt nữa đã chạy qua cầu thang. Anh ta ngoặt lại, vừa lao người xuống cầu thang, vừa túm lấy cổ áo ta và lôi ta chạy theo. “Chạy đi, thằng ngốc! Chạy!” Bọn ta chạy, và cứ khi nào ta loạng choạng hoặc suýt vấp ngã trên một bậc thang trơn trượt là bàn tay của Kolya đã ở đó đỡ ta. Ta nghe thấy tiếng quát tháo phía trên, nghe thấy cái thân thể nặng nề quỷ dữ ấy nện uỳnh uỳnh xuống những bậc thang phía sau bọn ta, nhưng ta không lúc nào ngoảnh lại và ta chưa bao giờ chạy nhanh hơn thế. Giữa tất cả nỗi kinh hoàng đó, tiếng quát tháo và tiếng bước chân nện cùng tiếng gót ủng của bọn ta miết trên bậc thang gỗ, còn có một thứ khác nữa, một thứ kỳ quặc. Kolya đang cười. Bọn ta ra được đến cửa trước của tòa nhà và lao ra đường phố tối om, bầu trời đêm đã bị những ánh đèn pha chiếu loang loáng rạch ngang dọc. Hai bên vỉa hè cũng Vắng tanh; không có ai ở gần để giúp bọn ta. Bọn ta chạy ra giữa phố, lao một mạch qua ba khối nhà, ngoảnh lại nhìn qua vai để xem gã hộ pháp còn đuổi theo bọn ta không, nhưng không thấy gã đâu cả, không lúc nào giảm tốc độ. Cuối cùng bọn ta trông thấy một chiếc xe quân đội đang chạy qua và bọn ta lao ra chắn đường, giơ tay lên, buộc người lái xe phải đạp phanh, lốp xe trượt miết trên mặt đường đóng băng. “Tránh đường ngay, bọn chó đẻ này!" người lái xe quát. “Các đồng chí sĩ quan,” Kolya nói, hai bàn tay giơ lên, giọng bình tĩnh và với vẻ tự tin đáng sợ như mọi khi, “có những kẻ ăn thịt người trong tòa nhà đằng kia. Chúng tôi vừa thoát được chúng.” “Tòa nhà nào chẳng có bọn ăn thịt người," người lái xe nói. “Chào mừng đến Leningrad. Giờ thì tránh qua một bên.” Một giọng nói khác bên trong xe cất lên, “Chờ một chút." Một sĩ quan bước ra. Nhìn ông ta giống một giáo sư toán hơn là người của quân đội, bộ ria mép màu xám tỉa gọn và cái cổ gầy guộc. Ông ta chăm chú nhìn bộ quân phục của Kolya rồi nhìn thẳng vào mắt anh ta. “Tại sao đồng chí không ở cùng trung đoàn của mình?” ông ta hỏi. Kolya rút bức thư của viên đại tá trong túi áo ra đưa cho viên sĩ quan. Ta có thể thấy vẻ mặt của ông ta thay đổi. Ông ta gật đầu với Kolya và ra hiệu cho bọn ta vào trong xe. “Chỉ cho chúng tôi đi.” Năm phút sau Kolya và ta bước vào lại căn hộ của những kẻ ăn thịt người, lần này được hộ tống bởi bốn người lính chĩa những khẩu Tokarev vào các góc phòng. Ngay cả khi được những người có vũ khí bao quanh thì nỗi sợ hãi vẫn làm ta gần như chết ngộp. Khi ta nhìn thấy cái xương lồng ngực treo lủng lẳng trên xích sắt, cái đùi và cánh tay lột da, ta chỉ muốn nhắm tịt mắt lại và không bao giờ mở ra nữa. Những người lính, chai sạn đến thế, đã quen mang những thi thể nát bươm của đồng đội mình ra khỏi chiến trường, ngay cả họ cũng phải ngoảnh mặt khỏi những dây xích đang đung đưa. Gã hộ pháp và vợ gã đã biến mất. Chúng đã bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ, những chiếc đèn dầu vẫn còn sáng, trà còn nóng trong ấm samovar, nhưng chúng đã biến mất vào màn đêm. Viên sĩ quan lắc đầu, liếc nhìn quanh căn hộ. Những cái lỗ hoang hoác trên tường như những cái miệng há ra nơi cái ống sắt đã nện vào. “Chúng tôi sẽ đưa tên chúng vào danh sách, hủy tem phiếu của """