" Thành Công Đâu Chỉ Tiền Quyền - Arianna Huffington full prc pdf epub azw3 [Self Help] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thành Công Đâu Chỉ Tiền Quyền - Arianna Huffington full prc pdf epub azw3 [Self Help] Ebooks Nhóm Zalo a Mục lục 1. Lời giới thiệu 2. Chương 1. Hạnh phúc 3. Một kế hoạch mới: Thời gian để tái cấu trúc cuộc sống của chúng ta 4. Chương 2. Sự thông thái 5. Cuộc đời giống như một lớp học 6. Chương 3. Sự kỳ diệu 7. Hành trình bay vào không gian trên con tàu vũ trụ 8. Chương 4. Sự cho đi 9. Mở rộng ranh giới sự quan tâm: Cuối tuần này chúng ta sẽ làm gì? 10. Lời kết 11. Phụ lục A 12. Phụ lục B 13. Chú thích Lời giới thiệu Vào buổi sáng ngày mùng 6 tháng 4 năm 2007, tôi đang nằm dài trên sàn văn phòng giữa một đống bừa bộn. Tôi đã gục đi vì kiệt sức và thiếu ngủ. Trong lúc cơ thể đổ xuống, đầu tôi va vào cạnh bàn, sượt qua mắt và khiến xương gò má bị vỡ. Trong tiềm thức, tôi thấy mình được đưa qua các phòng khám, từ phòng chụp cộng hưởng từ đến phòng chụp CT siêu âm tim, để kiểm tra xem có vấn đề nào khác về sức khỏe ngoài việc bị kiệt sức hay không. Kết quả là không có gì khác cả, nhưng trong phòng đợi của bác sĩ, tôi nhận ra đâylà một nơi phù hợp để tự đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân về cách mà tôi đang sống. Vào năm 2005, chúng tôi thành lập Huffington Post, và chỉ sau hai năm, tờ báo đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Tôi đã được lên trang bìa của các tạp chí và nằm trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” do tạp chí Times bình chọn. Nhưng sau cú gục ngã ấy, tôi đã tự hỏi bản thân: Đây được xem là sự thành công ư? Đây là cuộc sống mà tôi mong muốn sao? Tôi đã làm việc 18 tiếng một ngày, bảy ngày một tuần, cố gắng để xây dựng doanh nghiệp, mở rộng quy mô và thu hút các nhà đầu tư. Nhưng tôi nhận ra mình đang dần mất kiểm soát. Xét về các khía cạnh của sự thành công, tôi đã có được tiền bạc và quyền lực. Tuy nhiên, tôi lại không có được một cuộc sống thành công. Tôi biết có điều gì đó đã thay đổi hoàn toàn. Tôi không thể tiếp tục đi trên con đường đó nữa. Đây là một cuộc gọi đánh thức theo kiểu cổ điển. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi đã có những khoảng thời gian mà tôi nên thức tỉnh nhưng tôi đã không làm vậy. Lần này, tôi thực sự đã tạo được rất nhiều thay đổi trong cách sống, bao gồm cả việc luyện tập hằng ngày để giữ cho bản thân đi đúng hướng. Tôi rời khỏi phòng chờ của bác sĩ. Kết quả là tôi đã có một cuộc sống trọn vẹn hơn, với nhiều không gian để thởvà một góc nhìn sâu sắc hơn. Cuốn sách này được hình thành khi tôi cố gắng liên kết tất cả những hiểu biết mà tôi đã thu thập được về công việc và cuộc sống của bản thân. Trong suốt nhiều tuần, tôi dành thời gian viết bài luận để cung cấp cho các lớp của Đại học Smith. Hai cô con gái của tôi đang theo học đại học. Đó quả là thời điểm đặc biệt dành cho khóa tốt nghiệp – sự tạm ngừng, quãng nghỉ sau bốn (hoặc năm, sáu) năm không ngừng học tập và phát triển trước khi bắt đầu cuộc sống của một người trưởng thành – một cuộc sống để tiếp tục tiến lên và đưa tất cả kiến thức đã học vào thực tiễn. Đó là dấu mốc độc nhất trong cuộc sống của họ. Và trong khoảng 15 phút, tôi phải khiến các sinh viên tốt nghiệp phải chú ý. Thách thức ở đây là phải nói điều gì đó phù hợp với hoàn cảnh, điều gì đó sẽ hữu ích trong quãng thời gian sắp tới. Tôi nói với các sinh viên tốt nghiệp: “Theo truyền thống, những bài phát biểu sẽ trình bày cách để các sinh viên tốt nghiệp bước ra ngoài xã hội và leo lên các nấc thang của sự thành công. Nhưng thay vì định nghĩa lại thành công, tôi muốn đặt câu hỏi cho các bạn. Bởi thế giới mà các bạn sắp phải đối mặt rất cần điều này. Và cũng bởi các bạn sắp đón nhận nhiều thử thách cam go. Việc học tập tại Đại học Smith đã chỉ ra rất rõ ràng rằng, các bạn có quyền có được chỗ đứng ở bất kỳ nơi nào mình muốn. Các bạn có thể làm việc và dẫn dầu trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng những gì tôi mong mỏi ở các bạn không chỉ là đưa vị trí của các bạn lên top đầu của thế giới, mà còn làm thay đổi thế giới.” Phản ứng sau đó của các sinh viên đã khiến tôi nhận ra sự khao khát định nghĩa lại thành công có thể lan truyền rộng rãi đến thế nào. “Cuộc sống tốt đẹp là gì?” đã trở thành câu hỏi phổ biến của các nhà triết học kể từ thời Hy Lạp cổ đại. Nhưng ở một giai đoạn nào đó, chúng ta đã lãng quên câu hỏi đó và chuyển sự chú ý tới việc chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền, có thể mua căn nhà rộng đến đâu và leo lên được bao nhiêu nấc thang trong sự nghiệp, v.v.. Đó là những câu hỏi chính đáng, đặc biệt là tại thời điểm mà phụ nữ vẫn đang cố gắng để đạt được những vị trí bình đẳng trong công việc… Nhưng tôi đau đớn khi phát hiện ra rằng, chúng ta ngày càng cách xa với câu hỏi duy nhất để dẫn tới một cuộc sống thành công. Theo thời gian, khái niệm về sự thành công trong xã hội đã thu hẹp lại chỉ còn liên quan đến tiền bạc và quyền lực. Trên thực tế, sự thành công, tiền bạc và quyền lực đã thực sự được đánh đồng trong tâm trí của nhiều người. Ý tưởng về sự thành công này có thể hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài, nó sẽ giống như việc bạn có thể giữ thăng bằng trên một chiếc ghế đẩu có hai chân trong chốc lát, nhưng cuối cùng vẫn sẽ ngã nhào. Và hiện tượng những người rất thành công bị ngã nhào đang xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, những gì mà tôi chỉ ra cho các sinh viên tốt nghiệp Đại học Smith về cách chúng ta từng định nghĩa về sự thành công là không đủ. Nó không còn bền vững đối với loài người hoặc xã hội này nữa. Để sống cuộc đời mà chúng ta thực sự mong muốn, chúng ta cần một Thước đo thứ ba của sự thành công, vượt ra ngoài hai thước đo là tiền bạc và quyền lực, nó sẽ bao gồm bốn yếu tố chính: hạnh phúc (well-being), sự thông thái (wisdom), sự kỳ diệu (wonder) và cho đi (giving). Bốn điều đó cũng tạo nên bốn phần của cuốn sách này. Đầu tiên là hạnh phúc: nếu không định nghĩa lại thành công là gì, cái giá mà chúng ta phải trả về mặt sức khỏe và hạnh phúc sẽ tiếp tục gia tăng, tôi nhận ra điều này dựa trên trải nghiệm của chính mình. Dường như trong mỗi cuộc trò chuyện, tôi luôn gặp phải những tình huống khó xử mà con người thời nay thường phải đối mặt như sự căng thẳng quá độ, bận rộn quá mức, làm việc quá sức, kết nối quá nhiều trên mạng truyền thông và thiếu tương tác với chính bản thân và những người khác. Không gian, khoảng cách, sự lắng đọng, im lặng – những điều cho phép con người tái tạo và nạp lại năng lượng – tất cả đang dần biến mất trong cuộc sống của tôi cũng như của rất nhiều người khác nữa. Đối với cá nhân tôi, những người thực sự thành công trong cuộc sống là những người đã vươn lên vì sự hạnh phúc, thông thái, học hỏi và cho đi.Kể từ đó, “Thước đo thứ ba” (Third Metric) đã được tạo ra – cái chân thứ ba của chiếc ghế đẩu tạo nên một cuộc sống thành công. Việc xác định lại con đường của cuộc đời cùng những ưu tiên hàng đầu đã giúp tôi nhận ra một sự thức tỉnh đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới. Cách chúng ta đong đếm sự thành công đang dần thay đổi. Và sự thay đổi này diễn ra không hề sớm, đặc biệt là đối với phụ nữ, bởimột lượng dữ liệu ngày càng tăng cho thấy cái giá phải trả của phụ nữ đối với sự thành công đang thực sự cao hơn nam giới: phụ nữ bị căng thẳng trong công việc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng gần 40%, bệnh tiểu đường tăng 60%. Trong suốt 30 năm qua, khi phụ nữ đã có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp, mức độcăng thẳng đã tăng lên 18%. Cả những người chưa tham gia và mới tham gia vào lực lượng lao động đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng. Theo Hiệp hội Tâm thần học Mỹ, thế hệ Millennial1 đang đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ căng thẳng, nhiều hơn so với thế hệ Baby Boomers2. Văn hóa làm việc của phương Tây đã lan rộng sang nhiều nơi khác trên thế giới, dẫn đến sự căng thẳng, thiếu ngủ và kiệt sức. Tôi đã từng “mặt-đối-mặt” (hay nói đúng hơn là “mặt-đối-sàn nhà”) với những vấn đề khi tôi gục ngã. Trong khi sự căng thẳng làm suy yếu sức khỏe của chúng ta, việc thiếu ngủ cũng khiến rất nhiều người có những trải nghiệm tiêu cực trong công việc, ảnh hưởng đến sức sáng tạo, hiệu suất và quá trình ra quyết định của chúng ta. Sự cố đắm tàu Exxon Valdez, vụ nổ tàu con thoi Challenger, sự cố hạt nhân Chernobyl và sự cố Đảo Three Mike đều có ít nhất một phần nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu ngủ. Và vào mùa đông năm 2013, vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng tại Metro-North đã xảy ra do William Rockefeller, kỹ sư tại trạm điều khiển ngủ gật trong giờ làm việc. Vụ việc này đã khiến dư luận để tâm đếnsự nguy hiểm của thiếu ngủ trong ngành công nghiệp vận chuyển. Như lời John Paul Wright, kỹ sư của một trong những nhà khai thác vận tải đường sắt lớn nhất nước Mỹ, đã nói: “Vấn đề lớn nhất với những công nhân đường sắt là sự mệt mỏi chứ không phải thù lao. Dù được trả công rất tốt, nhưng họ đã hy sinh bản thân để làm việc trong nhiều giờ, chưa nói đến tỷ lệ ly hôn cao, dùng thuốc tùy tiện và căng thẳng.” Hơn 30% người dân tại Mỹ và Anh đang bị thiếu ngủ, nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đưa ra quyết định và nhận thức. Ngay cả những đặc điểm tính cách và các giá trị cốt lõi cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu ngủ quá ít. Theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, việc thiếu ngủ làm suy giảm trí tuệ cảm xúc, sự tự tôn, quyết đoán, ý thức độc lập, sự đồng cảm với người khác, chất lượng của các mối quan hệ cá nhân, suy nghĩ tích cực và kiểm soát ham muốn. Trên thực tế, điều duy nhất mà nghiên cứu nhận thấy rằng sẽ tốt hơn nếu thiếu ngủ là “tư duy huyền bí” và mê tín dị đoan. Vì vậy, nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực bói toán, hãy cứ tiếp tục thức khuya. Còn chúng ta phải xác định lại điều gì cần coi trọng và cố gắng thay đổi văn hóa làm việc: sự cống hiến và làm việc đến kiệt sức cần phải bị lên án thay vì được tán dương. Trong định nghĩa mới về sự thành công, chỉ xây dựng và chăm sóc nguồn tài chính là chưa đủ. Chúng ta cần phải làm mọi điều có thể để bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Mẹ tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tôi vẫn còn nhớ khi tôi 12 tuổi, một doanh nhân Hy Lạp rất thành công thường tới ăn tối với gia đình tôi. Ông ấy luôn tỏ vẻ mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng khi ngồi xuống dùng bữa, ông ấy nói với chúng tôi về những điều tốt đẹp đã đến với mình. Ông ấy rất vui mừng khi vừa giành được bản hợp đồng để xây dựng một viện bảo tàng mới. Mẹ tôi dường như không thấy ấn tượng lắm. Bà thẳng thừng nói: “Tôi không quan tâm công việc của anh đang diễn ra tốt như thế nào, anh đang không biết tự chăm sóc bản thân. Công việc của anh có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng bản thân anh mới chính là nguồn vốn quan trọng nhất. Anh có thể rút tiền nhiều lần từ tài khoản sức khỏe của mình, nhưng anh luôn chỉ rút ra. Anh có thể bị phá sản nếu không sớm gửi lại tiền vào đó.” Và quả thực, không lâu sau đó, ông ấy đã phải vào viện bởi một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột. Khi chúng ta gộp cả sức khỏe của bản thân vào định nghĩa về sự thành công, có một điều thay đổi là mối quan hệ của chúng ta với thời gian. Hiện nay, thậm chí còn có một thuật ngữ mô tả cảm giác căng thẳng của con người là “nạn đói thời gian” (time famine) – chỉ việc chúng ta không bao giờ cảm thấy đủ thời gian để làm những việc mình muốn. Mỗi lần nhìn vào đồng hồ, dường như nó luôn muộn hơn so với chúng ta nghĩ. Bản thân tôi đã luôn có một mối quan hệ rất căng thẳng với thời gian. Tác giả Dr. Seuss đã tóm tắt điều đó một cách đẹp đẽ, ông viết: “Biết tính thời gian sớm-muộn thế nào? Màn đêm có trước khi chiều tà xuất hiện. Tháng 12 đến trước tháng 6 một quãng xa. Lạy Chúa tôi, thời gian vẫn thế, ngày lại ngày mải miết trôi qua. Biết tính thời gian sớm-muộn thế nào?” Bạn nghe có quen không? Và khi đang sống trong tình trạng đói khát thời gian, chúng ta đã tự cướp đi khả năng trải nghiệm một trong những yếu tố quan trọng của Thước đo thứ ba: sự kỳ diệu – cảm giác vui sướng trước những bí ẩn của vũ trụ, các sự kiện hằng ngày và những phép lạ nhỏ bé lấp đầy cuộc sống của chúng ta. Mẹ tôi luôn ở trong một trạng thái kỳ diệu của thế giới xung quanh. Cho dù bà đang rửa chén, cho hải âu ăn tại bãi biển hay khiển trách những người làm việc quá sức, bà luôn duy trì cảm giác về sự kỳ diệu của cuộc sống. Và bất cứ khi nào tôi phàn nàn hoặc buồn rầu về điều gì đó, mẹ tôi lại đưa ra cùng một lời khuyên: “Con yêu, con chỉ cần ‘chuyển kênh’ thôi. Con đang nắm trong tay cái điều khiển mà. Đừng bật lại những bộ phim buồn rầu hay đáng sợ nữa.” Hạnh phúc và sự kỳ diệu đều là chìa khóa để tạo nên Thước đo thứ ba. Sau đó, trong việc tái định nghĩa sự thành công thì W cũng là chữ không thể thiếu: sự thông thái (wisdom). Trên thế giới, chúng ta có thể thấy những nhà lãnh đạo thông minh trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh, truyền thông đều đã từng đưa ra các quyết định tồi tệ. Những gì họ đang thiếu không phải là chỉ số IQ mà là sự thông thái. Không quá khó khăn để khai thác trí tuệ bên trong chúng ta, để làm như vậy, chúng ta phải ngắt kết nối với tất cả các thiết bị hiện có – đồ điện tử, màn hình, phương tiện truyền thông xã hội – và kết nối lại với chính chúng ta. Thành thật mà nói, đó không phải là điều gì đó đến với tôi một cách tự nhiên. Trước khi mẹ tôi mất, lần cuối cùng bà nổi giận với tôi là khi thấy tôi vừa đọc email vừa nói chuyện với các con của mình. “Mẹ ghét cay ghét đắng việc làm nhiều việc cùng một lúc,” bà nói với ngữ điệu Hy Lạp khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Nói cách khác, việc kết nối một cách hời hợt với toàn bộ thế giới có thể ngăn cản chúng ta kết nối sâu sắc với những người gần gũi, thân thương nhất – bao gồm cả chính bản thân chúng ta. Và đó chính là lúc sự thông thái được tìm thấy. Tôi tin vào hai chân lý cơ bản về con người. Điều đầu tiên là tất cả chúng ta đều có một nơi gọi là “trung tâm của trí tuệ, sự hài hòa và sức mạnh”. Đây là một sự thật mà tất cả những triết lý và tôn giáo trên thế giới đều thừa nhận: “Thiên đàng ở trong bạn.” Hay như Archimedes3 từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng cả thế giới lên.” Điều thứ hai là tất cả chúng ta đang đi chệch hướng. Đó là bản chất tự nhiên của cuộc sống. Trên thực tế, chúng ta có thể chệch khỏi hành trình đã định nhiều hơn là đi đúng hướng. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể trở về với trung tâm của trí tuệ, sự hài hòa và sức mạnh nhanh đến mức nào. Đó là nơi linh thiêng mà cuộc sống có thể biến đổi từ sự tranh đấu (struggle) sang sự khoan dung (grace),và chúng ta đột nhiên tràn đầy niềm tin cho dù gặp bất cứ trở ngại, thách thức hoặc nỗi thất vọng nào. Như Steve Jobs từng phát biểu trong bài diễn thuyết tại Đại học Stanford: “Bạn không thể kết nối các cột mốc khi bạn nhìn về tương lai phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vì vậy, bạn phải tin rằng các cột mốc hiện tại sẽ kết nối với nhau trong tương lai của bạn theo một cách nào đó. Bạn phải tin vào điều gì đó – ví dụ như sự quả quyết, dũng cảm, số phận, cuộc đời, nhân quả hay bất cứ điều gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ khiến tôi thất vọng, và nó đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của tôi.” Chúng ta luôn có mục đích đối với cuộc sống, ngay cả khi nó bị ẩn khuất đi. Thậm chí, những bước ngoặt hay những nỗi đau trong cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi chúng ta nhìn lại chứ không phải khi đang trải nghiệm chúng. Do đó, chúng ta có thể sống một cuộc sống tốt đẹp như cách mà nhà thơ Rumi đã diễn đạt. Tất cả mọi thứ đều được sắp đặt trong thiện ýcủa chúng ta. Nhưng để có thể thường xuyên trở về vị trí của sự thông thái, chúng ta phải rèn luyện và khiến nó trở nên quan trọng trong cuộc đời mình. Sự kiệt sức sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc khai thác và sử dụng trí tuệ của chúng ta. Theo một trích dẫn từ tờ New York Times, Erin Callan, cựu giám đốc tài chính của Lehman Brothers, người rời khỏi cương vị vài tháng trước khi công ty bị phá sản, đã viết về những bài học mà cô nhận được khi trải qua quãng thời gian kiệt quệ về sức lực: “Công việc luôn được đặt lên hàng đầu, trên cả gia đình, những người bạn và cuộc hôn nhân của tôi – điều đã kết thúc chỉ vài tháng sau đó.” Khi nhìn lại, Erin đã nhận ra tác hại khi làm việc quá sức. Cô viết: “Bây giờ, tôi tin rằng mình có thể đến một nơi tương tự với ít nhất một vài phiên bản tốt hơn của cuộc sống cá nhân.” Trên thực tế, làm việc đến mức kiệt sức không chỉ tác động xấu đến bản thân cô ấy, mà còn tác động xấu tới cả công ty Lehman Brothers. Sau tất cả, vai trò cốt yếu của người lãnh đạo là phát hiện ra tảng băng trước khi nó đâm chìm con tàu Titanic. Và khi bạn mệt mỏi hay kiệt sức, sẽ cực kỳ khó khăn để nhận ra những nguy hiểm hoặc các cơ hội ở phía trước một cách rõ ràng. Đó là sự kết nối mà chúng ta cần để bắt đầu thực hiện, nếu như muốn nhanh chóng thay đổi cách sống và cách làm việc. Hạnh phúc, sự thông thái và sự kỳ diệu. Yếu tố cuối cùng cho Thước đo thứ ba của sự thành công là sự cho đi, được khơi gợi bởi sự đồng cảm và lòng trắc ẩn của chúng ta. Nhóm lập quốc Mỹ đã nghĩ đủ mọi ý tưởng để tôn vinh “mưu cầu hạnh phúc” trong bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhưng quan điểm về “quyền bất khả xâm phạm” không có nghĩa là tìm nhiều cách hơn để hưởng thụ. Đúng hơn, đó là niềm hạnh phúc đến từ việc trở thành một phần hữu ích của cộng đồng và khiến nó trở nên tốt đẹp hơn. Có rất nhiều dữ liệu khoa học đã chỉ ra rằng sự đồng cảm và công tác thiện nguyện sẽ gia tăng cảm giác hạnh phúc của chúng ta một cách rõ ràng. Đó là cách mà các yếu tố thuộc về Thước đo thứ ba của sự thành công trở thành một phần của mộtvòng tròn phát triển. Nếu may mắn, bạn sẽ có một khoảnh khắc “giọt nước tràn ly” trước khi quá muộn. Đối với tôi, đó là lần ngã gục vì kiệt sức năm 2007. Nhà phê bình ẩm thực Mark Bittman của tờ New York Times kiểm tra email trên điện thoại dù đang ở trong một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, sau đó anh phải thú nhận rằng: “Tôi là một người nghiện công nghệ.” Còn đối với Carl Honoré, tác giả của cuốn In Praise of Slowness: How a Worldwide Movement Is Challenging the Cult of Speed (tạm dịch: Ca ngợi sự chậm chạp: Một phong trào toàn cầu đã thách thức sự sùng bái tốc độ như thế nào?),đó là kể những câu chuyện chỉ vỏn vẹn một phút trước giờ đi ngủ cho đứa con trai hai tuổi để tiết kiệm thời gian. Hay đối với Marl Bertolini, CEO của Aetna, đó là vụ tai nạn khi trượt tuyết khiển cổ ông bị chấn thương và phải tham gia tập luyện bộ môn Yoga và thiền định. Và với Pat Christen, chủ tịch của tổ chức HopeLab, đó lại là sự báo động về việc phụ thuộc vào công nghệ: “Từ lâu, tôi đã ngừng nhìn vào mắt những đứa con của mình.” Hay như Anna Holmes, nhà sáng lập trang web Jezebel, đó là sự hiện thực hóa thỏa thuận mà cô ấy tự tạo cho bản thân với một cái giá rất cao: “Tôi nhận ra rằng ‘Được thôi, nếu làm việc ở mức 110%, mình sẽ nhận được kết quả tốt. Nếu làm việc chăm chỉ hơn một chút, mình sẽ nhận được nhiều hơn thế.’ Đó là dấu hiệu của sự thành công. Tuy nhiên, nó lại gây ra những hậu quả cá nhân: tôi không bao giờ được nghỉ ngơi và ngày càng căng thẳng… Tôi không chỉ gửi bài cứ 10 phút một lần trong suốt 12 tiếng, mà còn làm việc thêm 2 tiếng rưỡi vào đêm muộn, trước khi bắt đầu gửi bài để chuẩn bị cho ngày hôm sau.” Cuối cùng, cô ấy đã quyết định rời khỏi Jezebel. “Phải mất hơn một năm để giảm bớt sức ép… cho đến khi tôi có thể tập trung vào bản thân hơn là những gì đang diễn ra trên internet.” Kể từ khoảnh khắc vượt quá sức chịu đựng cuối cùng của bản thân, tôi đã trở thành một nhà truyền giáo bởi nhu cầu ngắt kết nối với cuộc sống bận rộn và kết nối lại với chính mình. Điều đó đã chỉ dẫn triết lý trong bài xã luận dài 26 chương “Phong cách sống tại Mỹ” của tạp chí Huffington Post, trong đó tác giả khuyến khích chúng ta tự chăm sóc bản thân và hướng tới một cuộc sống cân bằng hơn, từ đó tạo ra sự khác biệt tích cực trên thế giới. Trong ký ức của tôi, chuyện đó như thể mới xảy ra ngày hôm qua. Khi ấy, tôi 23 tuổi và đang trong chiến dịch quảng bá cho cuốn sách đầu tay, The Female Woman (tạm dịch: Người phụ nữ nữ tính). Cuốn sách đó bất ngờ lọt vào danh sách best-seller. Lúc đó, tôi đang ngồi trong phòng của một khách sạn châu Âu nào đó. Căn phòng trông khá đẹp với những bông hồng vàng trên bàn làm việc, những thanh sô-cô-la Thuỵ Sĩ trên giường và rượu champagne Pháp trong xô đá. Âm thanh ồn ào duy nhất là tiếng lách cách của những viên đá đang tan ra. Bỗng một giọng nói vang lên trong đầu tôi. “Đó là tất cả sao?” Tựa như một đoạn thu âm rời rạc, câu hỏi nổi tiếng của Peggy Lee (đối với những ai đủ trải nghiệm để nhớ) đã liên tục lặp lại trong tâm trí tôi, cướp đi niềm vui mà tôi kỳ vọng tìm thấy trong thành công của mình. “Đó có thực sự là tất cả không?” Nếu như đây là “sống”, vậy cuộc sống là gì? Mục đích của cuộc sống có thực sự chỉ gói gọn trong tiền bạc và sự công nhận không? Từ sâu trong tâm trí, tôi đã đáp lại: “Không phải vậy!” Đó là một câu trả lời đã dần xoay chuyển tôi và bắt đầu đưa tôi vào một cuộc hành trình dài. Ngay từ giây phút đầu tiên, cuộc hành trình đã chỉ ra rằng tôi không muốn sống trong phạm vi của những điều mà nền văn hóa của chúng ta nhận định về thành công – nó không phải là một đường thẳng. Đôi khi, nó giống như một hình xoắn ốc với rất nhiều lối dốc xuống, tôi thấy mình bị cuốn vào cơn lốc xoáy mà tôi biết sẽ không dẫn tới cuộc sống mà mình mong muốn. Đó là sự mạnh mẽ của việc kéo hai thước đo đầu tiên (tiền bạc và quyền lực) lên, ngay cả với một người may mắn như tôi khi có một người mẹ sống cuộc sống Thước đo thứ ba thực thụ trước khi tôi biết điều đó nghĩa là gì. Đấy là lý do tại sao xét về một mặt nào đó, cuốn sách này là sự hồi hương dành cho tôi. Vào thập niên 80, khi lần đầu đặt chân tới New York, tôi nhớ mình đã dùng bữa trưa và bữa tối cùng với những người đã đạt được hai thước đo đầu tiên của thành công – tiền bạc và quyền lực – ngoại trừ những người vẫn đang tìm kiếm những gì hơn thế. Nước Mỹ đã vươn tới ngôi quán quân của tiền bạc và quyền lực. Kể từ khi một người có được vương quyền của ngày hôm nay không phải bằng số phận được định sẵn mà là bởi các dấu hiệu rõ ràng của thành công, chúng ta ấp ủ ước mơ rằng mình có thể được trao vương miện vào một ngày nào đó. Hoặc có lẽ đó là sự kỳ vọng đã tràn ngập trong tâm trí chúng ta từ thời thơ ấu, rằng chúng ta có thể đạt được giấc mơ Mỹ, bất kể nguồn gốc của chúng ta như thế nào. Và giấc mơ Mỹ đã lan truyền ra toàn thế giới, hiện đang được mô tả như việc sở hữu những thứ như: nhà cửa, xe hơi, tàu thuyền, máy bay phản lực... Nhưng tôi tin rằng thập niên thứ hai của thế kỷ mới này sẽ rất khác biệt. Đương nhiên, vẫn còn hàng triệu người đánh đồng thành công với tiền bạc và quyền lực – những người sẽ coi thường cái giá phải trả về mặt sức khỏe, các mối quan hệ và niềm hạnh phúc của họ. Nhưng ở các nước phương Tây và những nền kinh tế mới nổi, nhiều người đã nhận ra rằng tất cả sẽ dẫn đến những ngõ cụt, còn họ thì đang theo đuổi một giấc mơ không trọn vẹn. Chúng ta sẽ không thể tìm ra câu trả lời trong định nghĩa hiện tại về sự thành công, bởi như lời Gertrude Stein 4từng nói về Oakland: “Nó không có ở đó.” Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học và thống kê y tế cho thấy cách chúng ta làm chủ cuộc sống của mình – những gì chúng ta ưu tiên và đánh giá – đang không hoạt động. Và ngày càng có nhiều phụ nữ và đàn ông không muốn rơi vào danh sách nạn nhân. Thay vào đó, họ đang đánh giá lại cuộc đời của mình, tìm cách để trở nên vững mạnh chứ không chỉ đơn thuần là thành công dựa trên cách mà xã hội nhìn nhận. Những nghiên cứu khoa học mới nhất đã chứng minh rằng việc gia tăng sự căng thẳng và kiệt sức đang gây ra hậu quả rất lớn cho cả sức khỏe cá nhân và hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Melon chỉ ra rằng có sự gia tăng mức độ căng thẳng từ 10-30% trên tất cả các thành phần nhân khẩu học. Mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch và béo phì. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, gần 3/4 chi phí y tế tại Mỹ đang được chi trả để điều trị các loại bệnh như vậy. Khoa Tâm thần của Viện Benson Henry thuộc Bệnh viện Massachusetts General ước tính rằng 60- 90% trường hợp khám bệnh là để điều trị các bệnh liên quan đến sự căng thẳng. Trong khi đó tại Anh, sự căng thẳng, mệt mỏi đã nổi lên như là nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng ốm yếu trên quy mô toàn quốc trong những năm gần đây. Theo giải thích của Tim Straughan, giám đốc của Trung tâm Thông tin về Sức khỏe và Chăm sóc Xã hội Anh đã giải thích: “Có thể giả định rằng sự căng thẳng và lo lắng đã dẫn tới cuộc hành trình đến phòng tư vấn của một bác sĩ đa khoa thay vì đến bệnh viện. Tuy nhiên, số liệu của chúng tôi cho thấy rằng ở Anh có hàng ngàn ca bệnh được phát hiện mỗi năm khi những người bệnh cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu tới mức phải nhập viện.” Sự căng thẳng mà chúng ta chịu đựng cũng tác động tới cả con cái của chúng ta. Đúng vậy, các tác động của sự căng thẳng lên trẻ em (ngay từ trong bụng mẹ) đã được nhấn mạnh trong các số tạp chí của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ. Theo ý kiến của chuyên gia Nicholas Kristof trên tờ The New York Times: “Các tác động của một môi trường căng thẳng hay thờ ơ có thể làm xuất huyết dạ con, thậm chí là gây tử vong thai nhi. Các kích thích tố gây căng thẳng như cortisol sẽ làm gián đoạn sự trao đổi chất của cơ thể hoặc cấu trúc não. Kết quả là những đứa trẻ đó đôi khi bị suy yếu vĩnh viễn. Thậm chí ngay cả khi trưởng thành, chúng vẫn có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạnh, béo phì, tiểu đường và nhiều bệnh lý khác.” Một lý do chúng ta đưa ra để cho phép sự căng thẳng tồn tại trong cuộc sống là chúng ta “không có thời gian để tự chăm sóc bản thân”. Chúng ta quá bận rộn với việc theo đuổi sự ảo tưởng về một cuộc sống thành công. Sự khác biệt giữa thành công và điều thực sự làm cho chúng ta vững mạnh không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhưng nó sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tấm gương phản chiếu. Bạn có nhận thấy rằng khi qua đời, những bài điếu văn ca ngợi về cuộc đời của chúng ta rất khác với cách mà xã hội định nghĩa sự thành công không? Trên thực tế, những bài điếu văn cũng mang tính chất của Thước đo thứ ba. Tuy không quá khó để sống một cuộc sống với Thước đo thứ ba, nhưng cũng thậtdễ để không làm vậy. Thật dễ để chúng ta tính ra đã tiêu tốn bao nhiêu thời gian vào công việc. Thật dễ để cho phép những nghĩa vụ áp đảo chúng ta, và để quên đi những thứ hay những người thực sự cứu sống chúng ta. Thật dễ để cho công nghệ tàn phá chúng ta với sự căng thẳng không ngừng. Quả thực, thật dễ để bỏ lỡ những vấn đề thực sự quan trọng của cuộc đời, ngay cả khi chúng ta đang sống. Cho đến khi chúng ta không còn tồn tại nữa, một bài điếu văn thường là thủ tục đầu tiên mô tả chính xác cuộc sống của chúng ta. Đó là cách mọi người nhớ đến chúng ta và khiến chúng ta sống mãi trong trái tim của họ. Và các bài điếu văn thường nói lên những điều mà chúng ta chưa từng được biết. Chúng ta hầu như không bao giờ nghe được những câu như: “Thành tựu cao quý của cuộc đời ông ấy là được bổ nhiệm làm phó chủ tịch tập đoàn.” Hoặc: “Ông ấy đã giúp tăng rất nhiều thị phần cho công ty trong suốt nhiệm kỳ của mình.” Hay như: “Bà ấy chưa từng ngừng làm việc. Bà ấy dùng bữa trưa ngay trên bàn làm việc. Mỗi ngày.” Hoặc là: “Ông ấy chưa bao giờ chơi trò Little League với con cái, bởi ông ấy luôn phải rà soát lại những con số thêm một lần nữa.” Hoặc: “Dù ngoài đời không có những người bạn thực sự, nhưng cô ấy đã có 600 người bạn trên Facebook, và luôn giải quyết tất các email vào mỗi tối.” Hay là: “Những bài PowerPoint của anh ấy luôn được chuẩn bị hết sức công phu.” Những lời ca ngợi của chúng ta luôn xoay quanh các vấn đề như: những gì chúng ta đã cống hiến, cách chúng ta kết nối, chúng ta có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình và bạn bè, lòng tốt, những đam mê suốt đời và những điều làm cho chúng ta vui, v.v.. Vậy tại sao chúng ta lại dành quá nhiều thời gian hữu hạn của mình để tập trung vào những điều xuất hiện trong bài điếu văn – thứ sẽ không bao giờ được nhắc lại? “Bài điếu văn không phải là bản hồ sơ cá nhân,” David Brooks từng viết, “nó mô tả về sự quan tâm, sự thông thái, sự trung thực và lòng can đảm của con người. Nó diễn tả hàng triệu phán xét đạo đức xuất phát từ tinh thần.” Và chúng ta đã dành rất nhiều thời gian, sự nỗ lực cũng như năng lượng vào những bản sơ yếu lý lịch đó – những thứ sẽ không còn ý nghĩa ngay khi trái tim chúng ta ngừng đập. Ngay cả với những người đã qua đời với một bản hồ sơ Wikipedia tuyệt vời, những người sở hữu cuộc sống đầy tài năng và thành tích, bài điếu văn của họ cũng tập trung chủ yếu vào những gì họ đã làm khi họ thất bại và thành công. Chúng không bị ràng buộc bởi định nghĩa hiện tại của chúng ta về sự thành công. Hãy nhìn vào Steve Jobs, người đàn ông sở hữu một cuộc sống kỳ diệu (ít nhất là từ những gì công chúng nhìn thấy), đã sáng tạo nên những điều thực sự tuyệt vời làm thay đổi thế giới. Nhưng khi em gái ông, Mona Simpson, tôn vinh ông tại lễ tưởng niệm, thì đó lại không phải những gì cô ấy tập trung nói tới. Vâng, Simpson đã nói về công việc và nguyên tắc làm việc của Jobs. Cô đã nêu lên những điều thể hiện niềm đam mê của ông. Cô nói: “Steve đã làm những việc mà anh ấy yêu thích.” Bên cạnh đó, thứ thực sự lay chuyển Jobs chính là tình yêu: “Lòng yêu thương chính là đức tính tốt nhất của anh ấy, đó là vị thần tối cao trong số các vị thần mà anh ấy tôn sùng.” “Khi Reed (con trai của Steve Jobs) chào đời, anh ấy bắt đầu nói một thôi một hồi và không hề dừng lại. Đối với con cái, anh ấy là một người cha thực thụ. Anh ấy đã rất lo lắng khi Lisa có bạn trai, Erin đi du lịch, sự an toàn của Eve khi ở bên những con ngựa mà cô bé yêu mến.” Và sau đó cô nhắc đến hình ảnh cảm động này: “Những người đã tham dự buổi lễ tốt nghiệp của Reed sẽ không thể quên khung cảnh khi Reed và Steve khiêu vũ.” Em gái ông nói rõ ràng trong bài điếu văn rằng, Steve Jobs còn là một người tốt đẹp hơn rất nhiều so với việc chỉ là một nhân vật đã phát minh ra Iphone. Ông là một người anh, một người chồng cũng như một người cha biết được giá trị thực sự của những điều mà công nghệ có thể dễ dàng khiến chúng ta sao nhãng. Thậm chí, khi bạn xây dựng được một sản phẩm mang tính biểu tượng, một trong số đó sẽ tồn tại mãi trong cuộc sống của nhân loại, nhưng điều quan trọng nhất trong tâm trí của những người mà bạn thương yêu lại là những kỷ niệm và dấu ấn mà bạn mang lại trong cuộc sống của họ. Trong cuốn tiểu thuyết Memoirs of Hadrian (tạm dịch: Hồi ký của Hadrian) xuất bản năm 1951, Marguerite Yourcenar có viết về suy niệm của hoàng đế La Mã về cái chết của ngài: “Có vẻ như với ta, khi viết những dòng này hầu như không quan trọng để trở thành hoàng đế.” Văn bia của Thomas Jefferson đã mô tả ông là “Tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập củaMỹ… và là cha đẻ của Đại học Virginia,” chứ không hề đề cập đến nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Có một câu ngạn ngữ rằng: “Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng”, có nghĩa là chúng ta không nên chờ đợi đến khi cận kề cái chết mới bắt đầu ưu tiên cho những điều thực sự quan trọng. Bất cứ ai có một chiếc điện thoại thông minh và một hộp thư chứa đầy email đều biết thật dễ dàng để bận rộn, trong khi lại không nhận thức được rằng mình đang sống. Cuộc sống chứa đựng Thước đo thứ ba nghĩa là sống theo cách lưu tâm đến bài điếu văn mà mọi người sẽ dành cho chúng ta. George Carlin5 nói đùa: “Tôi luôn thấy yên lòng khi ai đó đọc một bài điếu văn và tôi nhận ra mình đang lắng nghe nó.” Có thể chúng ta không được tận tai lắng nghe bài điếu văn dành cho riêng mình, nhưng chúng ta thực sự đang viết nó từng ngày, từng giờ. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta đang cho những người ca tụng chúng ta làm việc đó nhiều đến mức nào. Vào mùa hè năm 2013, tờ cáo phó của một phụ nữ sống ở Seattle tên là Jane Lotter, người đã qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 60, được lan truyền trên mạng. Tác giả của tờ cáo phó chính là Lotter. Bà viết: “Một trong số ít ưu điểm của việc qua đời khi đang ở giai đoạn 3 của bệnh ung thư nội mạc tử cung, tái phát và di căn sang gan và ổ bụng là việc bạn có thời gian để viết cáo phó cho chính mình.” Sau khi đưa ra bản kê khai đáng yêu và sống động về cuộc đời mình, Lotter cho thấy mình đã sống với định nghĩa thực sự của sự thành công trong tâm trí. Bà viết: “Gửi tới Bob, Tessa và Riley, những người mà tôi yêu thương, những người bạn đáng mến và gia đình tôi. Thật đáng quý biết bao khi tất cả các bạn đều đã đến với tôi hôm nay. Thấu hiểu và yêu thương mỗi người trong số các bạn là câu chuyện thành công của cuộc đời tôi.” Cho dù bạn tin vào thế giới bên kia – như tôi – hay không, bằng cách hiện diện một cách trọn vẹn trong cuộc sống của những người mà bạn yêu thương, bạn không chỉ đang viết bài điếu văn cho chính mình; bạn còn tạo ra một phiên bản rất thực tế về thế giới bên kia của mình. Đây là một bài học vô giá chứa đầy sự tín ngưỡng khi chúng ta có được vận mệnh tốt với sự khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng cũng như sự tự do để tạo ra một cuộc sống có mục đích và ý nghĩa. Tin tốt là mỗi người trong số chúng ta vẫn có đủ thời gian để sống theo những phiên bản điếu văn tốt nhất của mình. Cuốn sách này được thiết kế nhằm giúp chúng ta chuyển từ việc “biết phải làm gì” sang thực sự hành động. Theo như tôi biết, đây là vấn đề không hề đơn giản. Thay đổi thói quen vốn rất khó khăn. Và khi rất nhiều trong số những thói quen đó là sản phẩm của một tiêu chuẩn đạo đức thâm căn cố đế, thì nó thực sự còn khó khăn hơn nhiều. Đây là thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong việc định nghĩa lại sự thành công, cũng như tạo ra Thước đo thứ ba trong cuộc sống hằng ngày. Cuốn sách viết về những bài học mà tôi đã học được và những nỗ lực để cụ thể hóa các nguyên lý của Thước đo thứ ba – một quá trình mà tôi sẽ tham gia trong suốt quãng đời còn lại. Nó cũng bao gồm các dữ liệu, nghiên cứu trừu tượng và những phát hiện khoa học mới nhất, điều mà tôi hy vọng sẽ thuyết phục được cả những độc giả hoài nghi nhất rằng: Cách chúng ta sống cuộc đời hiện tại là không hiệu quả và có nhiều cách mà khoa học đã chứng minh rằng chúng ta có thể sống khác đi – những cách sẽ tác động ngay lập tức đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Và cuối cùng, tôi cũng đề cập đến rất nhiều hoạt động thực hành hằng ngày, các công cụ và kỹ thuật có thể dễ dàng kết hợp với cuộc sống của chúng ta. Nội dung trong cuốn sách này đều hướng đến một mục tiêu chung: kết nối lại với bản thân, những người thân yêu và cộng đồng – để trở nên vững mạnh. Chương 1Hạnh phúc T rong một thời gian dài, cuộc sống dường như sắp bắt đầu đối với tôi – một cuộc sống thực sự. Nhưng luôn có một vài trở ngại. Một vài điều phải trải qua trước tiên, một số công việc chưa hoàn thành, một vài thứ vẫn phải đảm nhiệm, một khoản nợ phải trả. Sau đó, cuộc sống sẽ bắt đầu. Nhưng cuối cùng, tôi chợt nhận ra rằng những trở ngại này chính là cuộc sống của tôi. – Fr. Alfred D’Souza Một kế hoạch mớiThời gian để tái cấu trúc cuộc sống của chúng ta C húng ta đã được dạy rằng thành công không bao giờ là dư thừa. Nếu một chút gì đó là tốt, thì nhiều hơn nghĩa là tốt hơn. Vì vậy, làm việc 80 tiếng một tuần phải tốt hơn làm việc 40 tiếng. Và làm việc 24/7 được coi là yêu cầu tiêu chuẩn của mọi công việc có giá trị ngày nay – điều đó có nghĩa là nếu ngủ ít hơn và làm liên tục nhiều việc một lúc, bạn sẽ nhận được một chiếc thang máy hỏa tốc dẫn đến đỉnh cao trong sự nghiệp ngày nay. Phải vậy không? Đã đến lúc phải kiểm tra lại các giả định này. Khi chúng ta thực hiện, rõ ràng rằng cái giá mà chúng ta đang trả cho cách suy nghĩ và cách sống này là quá cao và không bền vững. Kết cấu trong cách sống của chúng ta thực sự cần được nâng cấp và sửa chữa. Những gì chúng ta nghĩ rằng thực sự giá trịlại không đồng bộ với cách sống của chúng ta. Và cần phải có một “bản kế hoạch mới” để điều hòa cả hai. Trong tác phẩm Lời xin lỗi của Plato, Socrates xác định sứ mệnh của cuộc đời ông là giúp người dân Athens nhận thức được tầm quan trọng tối cao của việc chú trọng chăm sóc cho linh hồn của họ. Ông nhận định rằng, kết nối với bản thân vẫn là cách duy nhất để bất kỳ ai trong số chúng ta thực sự trở nên vững mạnh. Có quá nhiều người đã và đang rời khỏi cuộc sống của chúng ta – và trên thực tế, những linh hồn của chúng ta. Thực ra, đây là chân lý dẫn dắt của chương “Hạnh phúc” và toàn bộ cuốn sách này. Tôi sực nhớ lại khi mình được giảng dạy trong một lớp học cổ điển ở Athens, như Socrates đã nói: “Cuộc sống không được thử thách thì không đáng sống.” Triết học của người Hy Lạp không phải là một mớ lý thuyết. Nó là một cách sống – một sự luyện tập hằng ngày trong nghệ thuật sống. Mẹ tôi chưa từng học đại học, nhưng bà vẫn luôn chủ trì những buổi họp gia đình của chúng tôi trong căn bếp nhỏ tại Athens, thảo luận về các nguyên tắc và giáo lý của triết học Hy Lạp để định hướng cho em gái Agapi và tôi khi đưa ra quyết định và lựa chọn. Khái niệm hiện tại của chúng ta về sự thành công là chúng ta tự ép bản thân lao động đến mức kiệt quệ tại một nền văn hóa mà nam giới làm chủ nơi làm việc. Nhưng đó là một mô hình của sự thành công không hề có hiệu quả với phụ nữ, và cũng không thực sự hiệu quả với cả đàn ông. Đây là cuộc cách mạng nữ quyền thứ ba của chúng ta. Hơn 100 năm trước, cuộc cách mạng nữ quyền đầu tiên được dẫn dắt bởi Suffragettes, khi những phụ nữ can đảm như Susan B. Anthony, Emmeline Pankhurst và Elizabeth Cady Stanton đã đấu tranh giành quyền bầu cử cho nữ giới; cuộc cách mạng thứ hai do Betty Friedan và Gloria Steinem dẫn dắt để mở rộng vai trò của phụ nữ trong xã hội cũng như trao cho họ toàn quyền ra vào các văn phòng quyền lực – nơi các quyết định hệ trọng được đưa ra. Cuộc cách mạng thứ hai này vẫn đang tiếp diễn. Nhưng chúng ta đơn giản là không thể chờ đợi lâu hơn nữa cho cuộc cách mạng thứ ba. Đó là bởi phụ nữ đang phải trả mức giá cao hơn so với nam giới khi tham gia vào một nền văn hóa làm việc bị thúc đẩy bởi sự căng thẳng, thiếu ngủ và kiệt sức. Đó là lý do tại sao có rất nhiều phụ nữ tài năng, với khả năng làm việc ấn tượng trong các công việc cường độ cao, cuối cùng lại kết thúc sự nghiệp của họ khi vẫn còn đủ khả năng để làm. Hãy để tôi tính những chi phí cá nhân không thể xác minh được: như đã đề cập trong lời giới thiệu (nhưng cần nhắc lại một lần nữa), phụ nữ làm những công việc có mức độ căng thẳng cao sẽ gia tăng gần 40% nguy cơ mắc bệnh tim và những cơn đau tim so với các đồng nghiệp chịu ít căng thẳng hơn, và hơn 60% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Những phụ nữ bị đau tim có tỷ lệ tử vong cao gấp đôi nam giới, và những phụ nữ làm các công việc căng thẳng nhiều khả năng sẽ nghiện rượu hơn những phụ nữ làm các công việc ít căng thẳng. Căng thẳng và áp lực từ sự nghiệp với cường độ cao cũng là một yếu tố gây nên chứng rối loạn ăn uống ở phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 60. Hầu hết thời gian, các cuộc thảo luận về những thách thức của phụ nữ tại các hội thảo danh tiếng đều xoay quanh sự khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp và con cái. Đó là lúc chúng ta nhận ra rằng rất nhiều phụ nữ không muốn đạt được địa vị cao và duy trì ở đó, bởi họ không muốn phải trả giá về mặt sức khỏe, sự hạnh phúc và ấm no. Khi phụ nữ thực sự từ bỏ những công việc cường độ cao, cuộc tranh luận chủ yếu xảy ra giữa các bà mẹ nội trợ với những phụ nữ có sự nghiệp. Nhưng trên thực tế, khi phụ nữ đạt được (hoặc gần đạt được) vị trí hàng đầu, họ thường quyết định không tiếp tục tham gia nữa,không phải chỉ vì con cái, mà còn vì những gì xảy ra trong công việc mà họ đã từ bỏ. Và những lý do họ từ bỏ cũng có ý nghĩa với cả nam giới. Caroline Turner, tác giả của cuốn Difference Works: Improving Retention, Productivity, and Profitability Through Inclusion (tạm dịch: Sự khác biệt về hoạt động: Cải thiện tỷ lệ giữ chân khách hàng, năng suất và lợi nhuận thông qua hoạt động bao hàm), là một trong những phụ nữ hàng đầu. Sau khi vươn lên vị trí lãnh đạo công ty, bà đã quyết định rời khỏi đó. Và không phải vì con cái. Bà viết: “Chỉ đơn giản là tôi không có đủ đam mê để tiếp tục công việc. Tôi bắt đầu để ý xem có bao nhiều công ty coi tôi như một cựu CEO,” bà viết, “tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì đã thực sự khiến tôi phải ra đi.” Bà đã tìm thấy một nghiên cứu chỉ ra rằng: chăm sóc trẻ em và người già là hai lý do được nhắc đến nhiều nhất dẫn đến việc phụ nữ phải từ chức. Nhưng sau đó, lý do thường được đưa ra là thiếu cam kết hoặc thiếu niềm yêu thích đối với công việc. Và tất nhiên, không có điều gì trong số ba lý do đó là riêng biệt. Turner viết: “Nếu một người phụ nữ không thực sự yêu thích công việc của mình, cô ấy có thể không sẵn sàng tự nguyện coi công việc và trách nhiệm với gia đình như hai quả bóng trong trò chơi tung hứng. Nếu cô ấy hoàn toàn đam mê với công việc, hành động tung hứng có thể sẽ đáng giá.” Vì vậy, điều thường được nhìn nhận là sự lựa chọn đơn giản để từ bỏ công việc và chăm sóc những đứa trẻ thực ra có thể phức tạp hơn. Trẻ em là một lựa chọn – thời gian dành cho chúng có thể có ý nghĩa hoặc khá hấp dẫn. Và nếu công việc này không còn ý nghĩa hay hấp dẫn nữa, một vài phụ nữ có thể sẽ nhận lại công việc cũ. Trên thực tế, 43% những người phụ nữ có con sẽ nghỉ việc trong một vài thời điểm. Khoảng 3/4 trong số họ sẽ quay lại làm việc, nhưng chỉ có 40% làm việc toàn thời gian. Như Turner viết, để phụ nữ chú tâm tham gia vào công việc, họ cần cảm thấy công việc đó có giá trị. Và cách mà nhiều nơi làm việc đã thiết lập, cách nam giới đạt được thành công được thúc đẩy bởi sự căng thẳng và mệt mỏi – thường mang lại nhiều giá trị hơn. Ví dụ, hãy nhìn vào Phố Wall, nơi Roseann Palmieri đã làm việc suốt 25 năm và trở thành CEO tại Merrill Lynch. Năm 2010, đột nhiên bà nhận ra rằng: “Tôi đang ngồi tại bàn làm việc. Tôi đã kết nối mạng, tôi đã lướt mạng, tôi đã nói ‘Có’, tôi đã nói ‘Không’, tôi đã đặt vào đây tất cả thời gian và nỗ lực, tôi đã không gây được ấn tượng. Những gì tôi đã và đang nhận lại là không thể chấp nhận được với chính bản thân tôi.” “Bạn không phải là tài khoản ngân hàng hay tham vọng của chính mình. Bạn không phải là cái xác lạnh lẽo với cái bụng phình to sau khi qua đời. Bạn không phải là bộ sưu tập về sự rối loạn nhân cách. Bạn là linh hồn, bạn là tình yêu.” Anne Lamott Tương tự như vậy, sau khi nhận được bằng thạc sĩ giáo dục tại Đại học Harvard và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Wharton, Paulette Light đã có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực tư vấn quản lý. 10 tuần sau khi con gái chào đời, bà đã trở lại với công việc. Bà viết: “Tôi là một cái xác kiệt quệ và đầy lo lắng.” Công ty đã cố gắng giữ bà lại, họ nói chỉ cần bà “hoàn thành công việc” là được. “Nhưng đó chính là vấn đề,” bà viết, “nhận một công việc tức là nhận tất cả mọi thứ liên quan đến công việc.” Vì vậy, bà quyết định nghỉ việc và có thêm ba đứa con nữa. Nhưng việc rời khỏi thế giới kinh doanh không có nghĩa là bỏ lại thành tích và thành tựu. Trong quãng thời gian sau đó, bà đã mở một trường mầm non, đồng sáng lập một giáo đường Do Thái và thành lập một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực internet, tập trung vào việc tạo dựng cuộc sống của các bà mẹ một cách dễ dàng hơn. Một nền kinh tế khỏe mạnh không chỉ thể hiện ở việc phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả, mà còn ở tài năng. Khi ngày càng nhiều người bắt đầu lựa chọn không ép bản thân làm việc quá sức, điều quan trọng là con đường trở lại với lực lượng lao động cần phải được mở ra một cách bao dung, nhờ vậy những kỹ năng của họ sẽ không bị đánh mất. Một ý tưởng là để mở rộng thế giới vận hành xoay quanh các dự án, các doanh nghiệp chỉ cần giao cho một nhân viên giàu kinh nghiệm cùng với thời hạn. Light viết: “Nếu bạn muốn những bà mẹ có thành tích cao trở lại với lực lượng lao động, đừng cho chúng tôi một văn phòng và một tuần làm việc với vô số các cuộc gọi, hãy cho chúng tôi một cái gì đó để làm và cho biết khi nào bạn cần nó.” Và không chỉ những người phụ nữ có con đang tìm kiếm một công việc thay thế. Sau khi tốt nghiệp đại học, Kate Sheehan nhanh chóng tiếp tục con đường trong ngành truyền thông và đã trở thành người viết diễn văn cho CEO của một công ty tài chính lớn ở tuổi 27. Nhưng sau bảy năm, cô ấy bắt đầu suy nghĩ khác về nơi mà cô sẽ tới. Đó là câu hỏi cho những gì đang thay đổi cô ấy. Cô nói: “Không phải là ‘Tôi muốn làm cái gì?’ mà là ‘Tôi muốn sống một cuộc sống như thế nào?’” Câu trả lời này đã khiến cô nhận ra mình phải thực hiện một số thay đổi. “Tôi không cố gắng để khiêu vũ tốt hơn ai khác. Tôi chỉ cố gắng để khiêu vũ tốt hơn bản thân mình.” Mikhail Baryshnikov Vì vậy, cô ấy đã chuyển tới Cape Cod và thành lập một doanh nghiệp tư vấn truyền thông. “Có điều gì đó rất kỳ diệu khi sống ở Cape Cod. Tôi đã được truyền cảm hứng bởi những cư dân ở vùng đấtxinh đẹp này,” cô nói. “Tôi đã bắt đầu suy nghĩ: ‘Mình có thể tạo ra một lối làm việc độc lập hơn cho bản thân.’ Tôi cảm nhận được nguồn cảm hứng từ thiên nhiên xung quanh, bằng cách ở gần vùng biển nơi tôi lớn lên. Về mặt tình cảm, tinh thần và thể chất, tôi đã có thêm nhiều không gian để sáng tạo.” Cô nói: “Có rất nhiều phụ nữ sẽ làm những điều tôi đang làm, nhưng họ sẽ làm nó trong 15, 20 năm sau. Tôi không muốn trở thành một người mà 15 năm sau có những vấn đề tồi tệ về sức khỏe và không tạo ra được một cuộc sống thực sự có ý nghĩa đối với mình.” Theo một cuộc khảo sát của Forbes Woman, thật đáng ngạc nhiên khi 84% công nhân nữ nói rằng việc ở nhà nuôi con là một điều xa xỉ mà họ mong muốn. Điều này cũng nói lên rất nhiều về kết quảmà chúng ta nhận được từ công việc cũng như tình yêu dành cho những đứa trẻ dễ thương của chúng ta. KIỆT SỨC – CĂN BỆNH CỦA NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI Pascal Chabot, triết gia người Bỉ, gọi sự kiệt sức là “căn bệnh của nền văn minh”. Nó chắc chắn là một triệu chứng trong thời hiện đại này. “Nó không chỉ là sự rối loạn ảnh hưởng đến một số người không thích hợp với hệ thống, hoặc quá tận tâm, hoặc những người không biết cách để đặt ra giới hạn cho cuộc sống và nghề nghiệp của mình,” ông viết. “Nó cũng giống như tấm gương phản chiếu một số giá trị thái quá của xã hội.” Marie Asberg, giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Karolinska ở Stockholm, mô tả sự kiệt sức giống như một “cái phễu kiệt quệ” mà chúng ta trượt xuống khi từ bỏ những điều mà chúng ta không cho là quan trọng. Mark Williams và Danny Peman viết trong cuốn Mindfulness: An Eight-Week Plan for Finding Peace in a Frantic World (tạm dịch: Chánh niệm: Kế hoạch kiếm tìm sự bình yên trong thế giới quay cuồng trong 8 tuần): “Thông thường, những điều đầu tiên mà chúng ta từ bỏ là những thứ nuôi dưỡng chúng ta nhiều nhất nhưng dường như không mấy cần thiết. Kết quả là chúng ta ngày càng bị bỏ lại với công việc hoặc những căng thẳng khác làm cạn kiệt nguồn lực của chúng ta. Và không có gì để bổ sung hoặc nuôi dưỡng chúng ta – kiệt sức chính là hậu quả tất yếu.” Nếu tôi được mời phát biểu đôi lời về bản chất của mọi việc mà tôi đang cố gắng trình bày như một tiểu thuyết gia và một nhà giảng đạo, nó sẽ giống như thế này: “Hãy lắng nghe cuộc sống của bạn. Hãy ngắm nhìn những bí ẩn sâu thẳm bên trong nó. Trong sự nhàm chán và nỗi thống khổ của cuộc đời, trong sự phấn khích và vui mừng: hãy chạm, nếm, ngửi theo cách của bạn để đến với trái tim thánh thiện và ẩn khuất của nó, bởi trong sự phân tích cuối cùng, tất cả mọi khoảnh khắc đều quan trọng, và bản thân cuộc sống đã là một sự ân sủng. Frederick Buechner Một hậu quả khác của việc định nghĩa sai lầm về thành công chính là sự nghiện ngập. Hơn 20 triệu người Mỹ đang sử dụng ma túy bất hợp pháp, hơn 12 triệu người đang sử dụng thuốc giảm đau bán theo đơn mà không vì bất cứ lý do sức khỏe nào, và gần 9 triệu người cần đến thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Và tỷ lệ người lớn sử dụng thuốc chống trầm cảm đã tăng lên 400% kể năm 1988. Kiệt sức, căng thẳng và trầm cảm đã trở thành dịch bệnh trên toàn thế giới. Tôi đã phát hiện ra điều đó khi tổ chức một hội nghị về Thước đo thứ ba – tại London năm 2013, và sau đó là tại Munich vào mùa thu, nhu cầu định nghĩa lại sự thành công là một nhu cầu toàn cầu. Tại Anh, các đơn thuốc chống trầm cảm đã tăng lên 495% kể từ năm 1991. Tại châu Âu, trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2009, tỷ lệ sử dụng thuốc chống trầm cảm đã tăng khoảng 20% mỗi năm. Và hậu quả liên quan đến sức khỏe do sự căng thẳng gây ra ngày càng được chứng minh bằng các dữ liệu trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu của Đan Mạch, những phụ nữ làm công việc có áp lực quá cao phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim tăng 25%. Như June Davison, một y tá tại Hiệp hội Tim mạch Anh Quốc từng cảnh báo: “Việc cảm thấy áp lực trong công việc nghĩa là những người lao động bắt đầu bị căng thẳng, điều đó có thể dẫn đến một số thói quen không lành mạnh và gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.” Tại Đức, hơn 40% công nhân nói rằng công việc của họ đã trở nên căng thẳng hơn trong những năm qua. Người Đức đã mất 59 triệu ngày lao động để điều trị các căn bệnh về tâm lý trong năm 2011, tăng hơn 80% trong 15 năm. Khi còn là Bộ trưởng Bộ Lao động Đức, bà Ursula von der Leyen, hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ước tính rằng sự kiệt sức đang tiêu tốn của đất nước này 10 tỷ euro mỗi năm. Bà nói: “Không có gì đắt đỏ hơn việc phải cho một công nhân giỏi về hưu khi mới ngoài 40 tuổi vì bị kiệt sức. Những trường hợp này không còn là ngoại lệ. Đó là xu hướng mà chúng ta phải làm gì đó để giải quyết.” Ở Trung Quốc, theo một cuộc khảo sát năm 2012, có 75% công nhân cho biết mức độ căng thẳng của họ đã tăng dần trong những năm trước đó (so với tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 48%). Theo một nghiên cứu của Trường Y khoa Harvard, một tỷ lệ đáng kinh ngạc là 96% các nhà lãnh đạo cho biết họ cảm thấy bị kiệt sức. Trên thực tế, một trong những lời biện giải hợp lý của Steve Cohen, CEO của SAC khi quỹ đầu tư bị truy tố năm 2013 với mức phạt kỷ lục 1,2 tỷ đô-la là: vì quá mệt mỏi, nên ông ấy đã bỏ lỡ một cảnh báo về tình trạng giao dịch nội gián trong số hàng ngàn email mà ông ấy nhận được mỗi ngày. Sau chưa đầy một năm làm CEO của tập đoàn Lloyds Banking, António Horta-Osorio đã nghỉ phép hai tháng trong năm 2011. Khi trở về, Horta-Osorio cho biết: “Với lợi ích nhận được từ sự nhận thức muộn màng, tôi nên đi chậm hơn một chút.” Ngài Winfried Bischoff, chủ tịch tập đoàn Lloyds thì đổ lỗi cho những sơ suất trong quá trình ra quyết định vì ông đã phải “làm việc quá sức, thiếu ngủ trầm trọng”. Và vào tháng 10 năm 2013, Hector Sants, người đứng đầutổ chức tại Barclays, đã xin phép vắng mặt. Một tháng sau, ông nghỉ việc hẳn sau khi được chẩn đoán bị kiệt sức và căng thẳng. Từ “căng thẳng” lần đầu tiên được sử dụng với ý nghĩa hiện đại vào năm 1036 bởi bác sĩ Hans Selye. Nó có nghĩa là “phản ứng không rõ ràng của cơ thể với một nhu cầu từ bên ngoài”, như nhà giải phẫu học Esther Sternberg đã nói trong cuốn Healing Spaces (tạm dịch: Những không gian để hồi phục): Người La Mã cổ đại sử dụng một từ đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa – stringere: “bóp chặt”, “vết bầm”, “tiếp xúc” hoặc “tổn thương”. Khi từ đó được đưa vào ngôn ngữ tiếng Anh trong thế kỷ XIV, nó tiếp tục đề cập đến những khó khăn mang tính chất vật lý của môi trường. Đến thế kỷ XIX, cụm từ này đã bắt đầu có một ý nghĩa kết hợp giữa các hiệu ứng vật lý của môi trường và phản ứng của cơ thể đối với chúng. Sau đó vào năm 1934, nhà sinh vật học Walter B. Cannon phát hiện ra các loài động vật đã sản sinh adrenaline6 để phản ứng với những căng thẳng như vậy. Đây là bằng chứng đầu tiên về việc môi trường có thể kích hoạt một phản ứng của cơ thể. Selye đã khiến khái niệm đó tiến tới một bước xa hơn, cho thấy rằng rất nhiều hoóc-môn khác được tiết ra để phản ứng với sự căng thẳng, và điều đó có thể sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt thể chất. Nguồn gốc sản sinh ra sự căng thẳng trong cơ thể chúng ta chính là sự chủ quan sâu sắc. Nó giống như sự căng thẳng luôn chuyển động xung quanh, tìm kiếm điều gì đó, hoặc một ai đó để bám vào. Và nó thường bám vào những điều hoàn toàn tầm thường và vô nghĩa. Chúng ta chỉ nhận ra rằng chúng tầm thường và không đáng để tâm khi một điều gì đó thực sự quan trọng xâm nhập vào những thói quen của chúng ta: sự mất mát của người thân, ốm đau, sự sợ hãi về sức khỏe. “Vũ khí lớn nhất để chống lại sự căng thẳng là khả năng chọn lựa một suy nghĩ khác hơn. “ William James Còn nhớ khi vừa chuyển đến Washington, tôi vô cùng bận rộn với việc trang trí ngôi nhà mới, xin cho hai đứa con vào học trường mới, trả lời các câu hỏi liên quan đến việc biên tập bản thảo, và tổ chức một bữa tối sinh nhật. Giữa lúc đang làm những việc đó, tôi đã lái xe đến bệnh viện Georgetown để khám sức khỏe định kỳ. Khi đến bệnh viện, tôi đã trải qua buổi khám trong vô thức, lặng lẽ xử lýnhữngviệc còn dang dở trong khi một y tá đo huyết áp cho tôi. Bác sĩ ra vào liên tục. Tại một vài thời điểm, điều gì đó chợt lóe lên trong đầu tôi rằng cô ấy đang nói với sự nghiêm trọng bất thường. Cô ấy đã khiến tôi chú ý với từ “khối u”. Nó cần được “loại bỏ càng sớm càng tốt”. Có một vấn đề trong triết lý sống của tôi là sự kiêu ngạo, cho đến khi lần đầu tiên chú ý đến khối u, tôi vẫn cho rằng nó chỉ là một u nang vô hại. Nó đã từng xảy ra trước đây và chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng hiện giờ, bác sĩ đã sử dụng các từ như “sinh thiết” và “phẫu thuật”, nói với tôi rằng sẽ không “hút” khối u, rằng cô ấy không lấy được chút dịch nào từ nó và cần cắt bỏ nó ngay lập tức. Tôi bỗng thấy choáng váng và hỏi rằng liệu mình có thể nằm xuống bàn khám trong khi nghe cô ấy giải thích chuyện này được không. Như thể xuyên qua một màn sương mù dày đặc, tôi nghe bác sĩ nói về việc phải mất bao lâu để “nhận được kết quả xét nghiệm sau khi phẫu thuật”, và rằng cô ấy muốn bệnh nhân tới văn phòng của mình để xem kết quả và đích thân thảo luận về các giải pháp. Trong khoảnh khắc, những thời hạn chót trong công việc đã biến mất và các vấn đề ưu tiên cần được tính toán lại. Một tuần sau cuộc phẫu thuật, tôi nhận được kết quả. Đó là khối u lành tính. Quả là một tuần dài với đầy rẫy những “nếu như”, một tuần đã mang lại một sự thật tuyệt vời về cuộc sống: những cơn khủng hoảng lớn có thể dễ dàng quét sạch những điều nhỏ nhặt tưởng chừng là quan trọng trong một giây trước đó. Tất cả những nỗi lo lắng và bận tâm tầm thường đều biến mất với sự công nhận về những gì thực sự quan trọng. Chúng ta được nhắc nhở về sự vô thường của nhiều điều mà chúng ta tưởng là mãi mãi, và giá trị của nhiều thứ mà chúng ta coi trọng. Lại một lần nữa, trên khắp thế giới, cuộc khủng hoảng sức khỏe của nhân loại thường phải mất một thời gian để khiến chúng ta chú ý. Khoảnh khắc đó đã đến với Lee Kai-Fu, cựu chủ tịch Google Trung Quốc vào mùa thu năm 2013 khi ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Lee đã công bố với 50 triệu người theo dõi ông trên Sina Weibo (một mạng xã hội của người Trung Quốc) rằng ông sẽ thay đổi cuộc sống của mình: “Tôi đã từng ngây thơ khi cạnh tranh với những người khác xem ai có thể ngủ ít hơn. Tôi đã thực hiện theo phương châm ‘chiến đấu cho tới lúc chết’… Chỉ đến bây giờ, khi bất ngờ phải đối mặt với khả năng đánh mất 30 năm cuộc đời, tôi mới có thể bình tĩnh và suy xét lại. Có thể sự cố chấp đó là một sai lầm.” Và kế hoạch mới của ông ấy là: “Ngủ đủ giấc, điều chỉnh chế độ ăn kiêng và bắt đầu tập thể dục trở lại.” “Và mỗi ngày, thế giới sẽ kéo tay bạn và kêu lên: ‘Đây là việc quan trọng! Và điều này rất quan trọng! Và việc này cũng rất quan trọng! Bạn cần phải lo lắng về điều này! Và điều này! Và cả điều này nữa!’ Cho đến một ngày, bạn sẽ rụt tay lại, đặt lên trái tim mình và nói: ‘Không. Đây mới là điều quan trọng.’” Lain Thomas Nhân viên khỏe mạnh, lợi nhuận ròng “khỏe mạnh” Nhìn vào môi trường làm việc phương Tây ngày nay, chúng ta có thể thấy hai thế giới rất khác nhau và đầy tính cạnh tranh. Trong một thế giới, chúng ta thấy biểu hiện rõ ràng của sự kiệt sức: một văn hóa làm việc ám ảnh với các báo cáo lợi nhuận hằng quý, tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn và vượt mức tăng trưởng kỳ vọng; mặt khác, chúng ta nhận thấy ngày càng có nhiều người công nhận môi trường làm việc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến phúc lợi của nhân viên và lợi nhuận ròng của công ty. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích lâu dài giữa lợi nhuận và sức khỏe của nhân viên trong công ty. Trên thực tế, có rất nhiều mối liên kết, và khi đối xử với chúng một cách riêng biệt, chúng ta sẽ phải trả một cái giá nặng nề cho cả cá nhân và tập thể. Cá nhân mà nói, chúng ta thỏa hiệp với sức khỏe và hạnh phúc của mình. Còn với các doanh nghiệp, những chi phí này sẽ được chi trả bằng tiền, sự giữ chân nhân tài và sự suy giảm năng suất. Nhưng ngược lại cũng đúng, những gì tốt cho các cá nhân thì cũng tốt cho các doanh nghiệp và đất nước. Việc chữa bệnh sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc chăm sóc sức khỏe thực sự. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức hằng năm tại Davos, Thuỵ Sĩ để tìm kiếm phương án giải quyết cho những vấn đề kinh tế lớn, là nơi để các ý tưởng được thông qua bởi các lãnh đạo chính trị và kinh doanh trên toàn thế giới. Trong năm 2013 và 2014, các lãnh đạo bắt đầu phải lưu tâm đến những phát hiện về thần kinh học, và thậm chí là “suy nghĩ lại về cuộc sống”, rõ ràng các cường quốc đang bắt đầu chấp nhận mối liên hệ giữa khả năng đối phó với khủng hoảng xoay quanh chúng ta và cách chúng ta chăm sóc cho cơ thể, tâm trí và linh hồn của mình. Phiên họp toàn thể mà tôi chủ tọa vào tháng 1 năm 2014 có chủ đề “Sức khỏe là tài sản” đề cập đến vấn đề sức khỏe của các cá nhân, công ty và các quốc gia. Nhiều nghiên cứu cho thấy các công ty Mỹ sẽ mất khoảng 200- 300% chi phí gián tiếp cho việc chăm sóc sức khỏe của nhân viên, dưới hình thức vắng mặt ở văn phòng, bị ốm và năng suất sụt giảm, nhiều hơn hẳn so với các khoản thanh toán chăm sóc sức khỏe thực tế. Tại Anh, sự căng thẳng dẫn đến hậu quả là 105 triệu ngày công lao động bị mất mỗi năm. Không có gì ngạc nhiên khi giáo sư Michael Porter của Trường Kinh doanh Harvard khuyến cáo rằng: “Các công ty nên trang bị một phương thức tiếp cận linh hoạt để chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, sàng lọc và quản lý hiệu quả các chứng bệnh mãn tính của nhân viên.” Âm thanh của sự thông tháiđang ngày càng tràn ngập trong thế giới kiệt quệ của chúng ta, thách thức sự thật phổ biến rằng chúng ta đã cắt giảm phúc lợi chăm sóc sức khỏe của người lao động trong suốt những thời kỳ khó khăn. Howard Schultz, CEO của Starbucks, đã phải đối mặt với sức ép từ các nhà đầu tư trong những năm Starbucks chỉ đạt lợi nhuận ít ỏi. Nhưng ông không bỏ cuộc. Khi bảy tuổi, Schultz đã thấy cha mình bị sa thải khỏi công việc lái xe cho một dịch vụ vận chuyển tã lót, sau khi bị vỡ xương hông và mắt cá chân do trượt ngã trên một băng chuyền tại nơi làm việc. Cha ông đã bị gửi trả về nhà mà không có bảo hiểm y tế, bồi thường lao động hay chấm dứt hợp đồng. Trong suốt những năm trước đó của Starbucks, Schultz đã kiên quyết mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, bao gồm cả những người đã làm việc bán thời gian với chỉ 20 giờ một tuần – một điều chưa từng có vào cuối những năm 1980. Hai thập kỷ sau, trong suốt giai đoạn khó khăn nhất về tài chính của công ty, Schultz đã nhanh chóng đứng dậy, từ chối cắt giảm những khoản phụ cấp bất chấp các nhà đầu tư thúc giục. Schultz cho rằng kế hoạch về những khoản phụ cấp “không phải là một sự trợ cấp hào phóng mà giống như một chiến lược cốt lõi. Hãy đối xử với nhân viên như chính gia đình của mình, họ sẽ trung thành và cho chúng ta tất cả những gì họ có.” Đó là sự khởi đầu dẫn đến việc hình thành BeanStock, kế hoạch cho nhân viên mua cổ phiếu của công ty – điều sẽ hợp thức hóa việc các nhân viên Starbucks trở thành đối tác của công ty. Có quá nhiều công ty vẫn chưa nhận ra lợi ích của việc chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân viên. Jeffey Pfeffer, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stanford nói: “Sự thiếu quan tâm đến nhu cầu của nhân viên giải thích lý do tại sao Mỹ chi trả nhiều hơn vào y tế so với các nước khác, nhưng lại nhận được kết quả tệ hơn. Chúng ta không có các ngày nghỉ phép vẫn được trả lương hoặc những ngày phép nghỉ ốm; chúng ta phải chịu sức ép bị đuổi việc, làm việc quá sức và căng thẳng. Đôi khi, làm việc trong một tổ chức đồng nghĩa với việc chuốc lấy rủi ro cho sức khỏe.” Một công ty đã thực sự thức tỉnh với tầm quan trọng của sức khỏe nhân viên là Safeway. Cựu CEO Steve Burd nhẩm tính rằng trong năm 2005, các hóa đơn chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của Safeway đã đạt mức 1 triệu đô-la và sẽ tăng tới 100 triệu đô-la một năm. Ông nói: “Những gì chúng tôi phát hiện ra là 70% chi phí chăm sóc sức khỏe bắt nguồn từ hành vi con người . Hiện giờ, với cương vị một người làm kinh doanh, tôi nghĩ nếu có thể gây ảnh hưởng tới hành vi của 200.000 người lao động, chúng ta có thể tạo ra một ảnh hưởng cụ thể đến chi phí chăm sóc sức khỏe.” Vì vậy, Safeway đã cung cấp những ưu đãi cho người lao động trong việc giảm cân, kiểm soát huyết áp và lượng cholesterol trong máu. Điều đó đã tạo lập nên một mức bảo hiểm y tế cơ bản với mức giảm giá dựa trên hành vi. Như Burd giải thích: “Nếu bạn là một người không hút thuốc, chúng tôi sẽ cung cấp một khoản chiết khấu cho bạn. Nếu mức cholesterol của bạn trong mức kiểm soát, bạn sẽ được giảm giá. Huyết áp được kiểm soát, bạn sẽ được giảm giá. Và do đó, hành vi sẽ trở thành một loại hình tiền tệ cho mọi người để thực hiện thay đổi lối sống của họ.” Và đó là một thành công lớn. “Bạn cho phép và khuyến khích nhân viên trở nên khỏe mạnh hơn, khi họ trở nên năng suất hơn, công ty của bạn sẽ trở nên cạnh tranh hơn,” Burd nói. Esther Sternberg giải thích rằng: “Chữa bệnh là một hành động; bản thân cơ thể sẽ liên tục tự chữa. Cuộc sống là như vậy. Bạn biết đấy, một tảng đá chỉ nằm đó và cuối cùng nó hóa thành cát, bùn hay một thứ gì đó tương tự như các yếu tố ảnh hưởng đến nó. Nhưng một cuộc sống được tự chữa lành liên tục sẽ chống lại tất cả những tác động khác nhau ở mức độ phân tử, mức độ tế bào hoặc mức độ tình cảm. Vì vậy, dịch bệnh sẽ xảy ra khi quá trình tự chữa không bắt kịp với quá trình tổn thương.” Ngay lúc này đây, trong phần lớn các công ty và cuộc sống của chúng ta, quá trình tự chữa đang không theo kịp quá trình tổn thương. Nhưng có rất nhiều con đường khác nhau để dẫn tới hạnh phúc, và trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá một trong số những con đường đó. Thiền định: không chỉ còn dành cho sự giác ngộ Một trong những cách tốt và dễ dàng nhất để chúng ta trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn là thông qua chánh niệm và thiền định. Niềm hạnh phúc sẽ được tăng cường bằng việc thực hành thiền định. Trong thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chánh niệm và thiền định có tác động tích cực tới ba yếu tố chính khác của Thước đo thứ ba – sự thông thái, sự kỳ diệu và sự cho đi. Lần đầu tiên nghe về chánh niệm, tôi cảm thấy khá bối rối. Tâm trí của tôi đã đủ đầy, tôi nghĩ rằng mình phải làm cho tâm trí trở nên trống rỗng, chứ không phải tập trung vào nó. Quan niệm của tôi về tâm trí giống như chiếc ngăn đựng đồ cũ trong gia đình: chỉ luôn nhồi nhét mọi thứ vào và hy vọng nó sẽ không bị mắc kẹt. Sau đó, tôi đọc những điều mà Jon Kabat-Zinn7 viết về chánh niệm và giúp tôi hiểu rõ hoàn toàn. Ông viết: “Trong ngôn ngữ của nhiều nước châu Á, từ dành cho ‘tâm’ và ‘trái tim’ là giống nhau. Vì vậy, khi nghe từ “chánh niệm”, chúng ta phải lắng nghe bên trong “bằng cả trái tim” để nắm bắt nó như một khái niệm, và đặc biệt như một cách hiện hữu.” Nói cách khác, chánh niệm không chỉ là về tâm trí mà còn về toàn bộ bản chất của chúng ta. Khi chúng ta dồn toàn bộ tâm trí vào công việc, mọi thứ có thể trở nên cứng nhắc. Khi chúng ta làm việc bằng tất cả trái tim, mọi thứ có thể trở nên hỗn loạn. Khi chúng ta sử dụng cả tâm trí lẫn trái tim, điều đó sẽ gây ra căng thẳng. Nhưng nếu chúng kết hợp với nhau, sự dẫn dắt của trái tim thông qua sự đồng cảm, tâm trí sẽ chỉ lối cho chúng ta với sự tập trung, chúng ta sẽ trở nên hài hòa. Thông qua chánh niệm, tôi đã tìm thấy một phương thức rèn luyện giúp tôi hoàn thiện bản thân trong hiện tại và ngay trong thời điểm này, thậm chí cả trong những lúc bận rộn nhất. “Đâu là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong ngày của bạn?… Thông thường, đó là khoảnh khắc khi bạn chờ đợi một ai đó, hay đang lái xe đến một nơi nào đó, hoặc có thể bạn đang đi bộ trên một bãi đậu xe và ngắm nhìn các vết dầu chảy xuống. Còn với tôi, đó là khi lái xe qua một ngôi nhà nào đó với ánh nắng tràn ngập trên tường, và rồi tôi lao qua những bóng cây đang hắt lên kính chắn gió.” Nicholson Baker Mark Williams và Danny Penman đã đưa ra nhiều cách nhanh chóng và dễ dàng để thực hành chánh niệm, bao gồm những gì mà họ gọi là “từ bỏ thói quen”. Vào mỗi ngày trong tuần, bạn sẽ lựa chọn một thói quen như đánh răng, uống cà phê buổi sáng hoặc đi tắm, và đơn giản là chú ý tới những gì xảy ra trong khi bạn làm điều đó. Nó đang lấy đi một thứ gì đó khi chúng ta lơ đãng và đưa nó trở lại danh sách những điều chúng ta chú ý đến. Họ viết: “Ý tưởng của chúng tôi không phải là khiến bạn cảm thấy khác biệt, mà đơn giản là để chấp nhận một vài khoảnh khắc trong ngày khi bạn ‘tỉnh táo’”… Nếu bạn nhận thấy tâm trí đang lang thang trong khi bạn làm việc gì đó, chỉ cần chú ý nơi mà nó đến, sau đó nhẹ nhàng hộ tống nó trở về thời điểm hiện tại.” Tôi yêu thích việc nhẹ nhàng hộ tống tâm trí mình trở lại thời điểm hiện tại mà không có bất kỳ phán xét tiêu cực nào về việc nó đã đi lang thang. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó sẽ là một quá trình quen thuộc đối với bất kỳ ai đã làm cha mẹ, điều này không phải là sự so sánh tiêu cực đối với tâm trí đa nhiệm hiện đại của chúng ta. Thiền định từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Mẹ tôi đã dạy em gái Agapi và tôi cách để thiền định khi tôi 13 tuổi. Mặc dù tôi biết lợi ích của việc đó ngay từ tuổi thiếu niên, nhưng việc tìm thời gian để thiền định vẫn luôn là một thách thức, bởi tôi có cảm tưởng rằng tôi buộc phải “thực hiện” thiền định, và tôi sẽ không có thời gian để “thực hiện” việc khác. May mắn là vào một ngày, một người bạn đã chỉ ra cho tôi rằng chúng ta không “thực hiện” thiền định; mà là thiền định “thực hiện” chúng ta. Điều đó đã mở ra một cánh cửa cho tôi. Điều duy nhất để “thực hiện” trong thiền định là không gì cả. Ngay cả việc viết rằng tôi không phải “thực hiện” một điều gì nữa cũng khiến tôi thư giãn. Chuỗi ngọc trên cổ rồi Tại sao lại không thấy Tìm phòng này phòng nọ Lòng vòng mỏi mệt thay RUMI8 Tôi đã nhận thấy thiền định thực sự có thể thực hiện trong các khoảng thời gian rất ngắn, ngay cả khi đang di chuyển. Chúng ta thường nghĩ rằng việc hít thở là do chúng ta chủ động, nhưng thực tế, đó là một hoạt động vô thức. Bất cứ lúc nào chúng ta lựa chọn, chúng ta đều có thể mất một chút thời gian để hướng sự chú ý đến sự lên xuống của hơi thở mà không có bất kỳ sự can thiệp có ý thức nào. Tôi biết khi nào mình đã “kết nối”, bởi tôi thường hít một hơi thật sâu hoặc hắt ra một tiếng thở dài. Vì vậy, theo một ý nghĩa nào đó, động cơcủa chánh niệm luôn hoạt động. Để thu thập những lợi ích của nó, tất cả những gì chúng ta phải làm là sẵn sàngvà chú ý. Hơi thở của chúng ta cũng ẩn chứa sự thiêng liêng. Đôi lúc khi đang trò chuyện, đầu tiên tôi sẽ yêu cầu mọi người trong phòng tập trung hít thở trong 10 giây. Thật đáng kinh ngạc khi chỉ trong khoảnh khắc trước, căn phòng vẫn tràn ngập sự ồn ào, đột nhiên sẽ được lấp đầy bởi một sự tĩnh lặng, một sự chú tâm, một sự thiêng liêng. Đó là một điều có thể cảm nhận được. Có rất nhiều hình thức thiền định, nhưng dù bạn chọn bất cứ hình thức nào, điều quan trọng là phải nhớ rằng lợi ích của nó chỉ là một hơi thở ra. Và cái giá duy nhất mà chúng ta phải trả là một vài khoảnh khắc của sự chú ý. Em gái tôi, Agapi, luôn có năng khiếu bẩm sinh trong tất cả những vấn đề về mặt tâm linh và trở thành người hướng dẫn của tôi trong suốt cuộc đời. Nó đã gửi những cuốn sách và thúc đẩy tinh thần khám phá của tôi, gọi điện thoại đánh thức tôi dậy vào lúc năm giờ sáng tại một khách sạn ở Kalamazoo, Michigan, để tôi có thể dành thời gian thiền định trước khi bắt đầu một ngày vất vả cho tour quảng bá sách. Khi tôi trưởng thành, thiền định được xem như một phương thuốc cho mọi thứ. Mẹ đã thuyết phục chúng tôi rằng nếu ngồi thiền, chúng tôi sẽ có thể làm bài tập về nhà nhanh hơn và cải thiện điểm số. Chúng tôi biết rằng thiền định giúp chúng tôi cảm thấy yên bình hơn và bớt buồn bực hơn khi một số việc không theo ý muốn, và điều đó khiến chúng tôi hạnh phúc hơn. Giờ đây, khoa học đã cung cấp bằng chứng cho tất cả những điều này. Có thể nói, mẹ tôi đã nắm rõ lợi ích của việc thiền định. Khoa học đã bắt kịp với trí tuệ cổ xưa, và kết quả ngày càng rõ ràng. Nhiều nghiên cứucho thấy thiền định và tập luyện chánh niệm ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt trong cuộc sống – cơ thể, tâm trí, sức khỏe thể chất, xúc cảm cũng như hạnh phúc của chúng ta. Đó không hẳn là suối nguồn tuổi trẻ, nhưng cũng gần như vậy. Khi xem xét những lợi ích của thiền định đang dần được khám phá, gọi thiền định là một phương thuốc diệu kỳ cũng không hề cường điệu. Đầu tiên, hãy nhìn vào khía cạnh sức khỏe thể chất. Thật khó để phóng đại những gì thiền định có thể làm cho chúng ta, và việc đưa nó vào sử dụng cho mục đích y học chỉ mới bắt đầu được khám phá. “Khoa học (khoa học quy giản được sử dụng để đánh giá các loại thuốc khác nhau và các thủ tục y tế) đã chứng minh rằng tâm trí có thể chữa lành cho cơ thể,” Herbert Benson và William Proctor đã viết như vậy trong cuốn Relaxation Revolution (tạm dịch: Cuộc cách mạng thư giãn). Thật vậy, các tác giả khuyến cáo rằng khoa học tâm-thân được coi như liệu pháp điều trị chính thứ ba trong y học, cùng với phẫu thuật và thuốc men. Họ viết về cách thiền định có thể tác động đến những triệu chứng buồn nôn, tiểu đường, hen suyễn, dị ứng da, viêm loét, ho, suy tim, xung huyết, chóng mặt, phù nề sau phẫu thuật và sự lo lắng: “Bởi vì tất cả tình trạng sức khỏe đều liên quan đến một vài hệ no-ron thần kinh căng thẳng.” Các tác giả kết luận: “Không quá lời khi nói rằng gần như mọi vấn đề về sức khỏe và bệnh tật đều có thể được cải thiện với phương pháp tiếp cận tâm-thân.” Một nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ cho thấy tỷ lệ tử vong ở những người thiền định giảm 23% so với những người không thiền định, tỷ lệ đột quỵ do các vấn đề tim mạch giảm 30% và tỷ lệ tử vong do ung thư cũng giảm đáng kể. Mark William và Danny Penman chỉ ra rằng: “Hiệu ứng này tương đương với việc khám phá một cấp độ hoàn toàn mới của dược phẩm (mà không có tác dụng phụ).” Một nghiên cứu khác đã cho thấy thiền định làm tăng mức độ kháng thể đối với vắc-xin cúm và tập luyện thiền định cũng làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian bị cảm lạnh. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Wake Forest còn nhận thấy thiền định làm giảm thiểu mức độ đau đớn. Bằng cách nào mà thiền định có thể làm tất cả những điều này? Nó không chỉ khiến chúng ta giảm đau đớn và căng thẳng; nó còn thay đổi chúng ta theo nghĩa đen ở mức độ di truyền. Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Massachusetts General, Trung tâm Y tế Beth Israel Deconess, và Trường Y khoa Harvard đã cho thấy phản ứng thư giãn – các trạng thái bình tĩnh được những bài tập thiền định, yoga và hít thở tạo ra – thực sự kích hoạt những gen có liên quan đến việc tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm viêm và chống lại một loạt các tình trạng từ viêm khớp, cao huyết áp cho đến bệnh tiểu đường. Với tất cả những kết quả này, không có gì đáng ngạc nhiên khi theo một nghiên cứu khác, thiền định có sự tương quan với việc cắt giảm chi phí y tế hằng năm. Nó cũng thay đổi bộ não của chúng ta về mặt thể chất. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thiền định có thể thực sự làm tăng độ dày của vùng vỏ não trán và làm chậm quá trình mỏng dần xảy ra khi chúng ta già, ảnh hưởng đến các chức năng nhận thức như xử lý cảm quan và xúc cảm. Richard Davidson, giáo sư tâm thần học của Đại học Wisconsin và là học giả hàng đầu về tác động của các thực hành thiền định lên não bộ, đã sử dụng máy chụp cộng hưởng từ (MRI) để nghiên cứu hoạt động não bộ của các nhà sư Tây Tạng. Các nghiên cứu của Davidson lần đầu tiên làm sáng tỏ việc “tiếp tục đạt đến sự dẻo dai và biến đổi của con người”. Ông gọi việc rèn luyện tinh thần trong thiền định là: “Những gì chúng ta thấy là một tâm trí hay não bộ đã được rèn luyện, hoàn toàn khác biệt về mặt thể chất so với một tâm trí không được rèn luyện.” Và khi não bộ thay đổi, đó là cách mà chúng ta trải nghiệm thế giới. Matthieu Ricard, một phật tử người Pháp và nhà nghiên cứu về di truyền học, đã nói: “Thiền định không chỉ là cảm giác hạnh phúckhi ngồidưới gốc cây. Nó hoàn toàn thay đổi não bộ của bạn, do đó cũng thay đổi những gì bạn đang có.” Và điều này sẽ tự động thay đổi cách mà bạn phản ứng với những gì xảy ra trong cuộc sống, mức độ căng thẳng và khả năng bạn có thể sử dụng sự thông thái khi đưa ra quyết định. “Bạn không học để lái thuyền trong vùng biển bão tố,” Ricard nói. “Bạn cần đến một nơi hẻo lánh, không phải để trốn tránh thế giới, mà để trốn tránh những phiền nhiễu cho đến khi bạn tạo dựng được sức mạnh và có thể đối phó với bất cứ điều gì. Bạn không thể thi đấu với Muhammad Ali ngay trong ngày đầu tiên.” Việc xây dựng sức mạnh, sự bình tĩnh và trí tuệ của bạn thực sự rất rõ ràng và có thể đo lường, đó là cách Matthieu Ricard9 được đặt biệt danh “người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới”. Sau khi đặt hơn 250 bộ cảm biến trên hộp sọ của Ricard, Richard Davidson nhận thấy Ricard đã đưa ra các mức sóng gamma (sóng não tần số cao) “chưa từng được báo cáo trong các tài liệu khoa học thần kinh”, biểu thị một công suất cao điển hình cho sự hạnh phúc và giảm bớt xu hướng thiên về cảm xúc tiêu cực. Như Ricard giải thích: “Niềm vui phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, và cũng có thể nó là một cái gì đó không tỏa đến những người khác. Hạnh phúc là cách cung cấp nguồn lực giúp bạn đối phó với những thăng trầm của cuộc sống, bao gồm cả nỗi buồn.” “Mọi người tìm kiếm sự tĩnh tâm cho bản thân, trên miền quê, bờ biển hoặc trên những ngọn đồi… Không có nơi nào để một người có thể tìm ra nhiều sự yên bình hay nơi tu hành đáng tin cậy hơn ngay tại tâm hồn mình… Vì vậy hãy luôn trao nơi tu hành đó cho bản thân, và làm mới bản thân mình.” Marcus Aurelius Thiền định cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến một loạt các biểu hiện tâm lý khác. Các nhà nghiên cứu tại UCLA nhận thấy chánh niệm và thiền định đã làm giảm cảm giác cô đơn ở người già, trong khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan cung cấp các tài liệu chỉ ra rằng, những cựu quân nhân lão luyện có thể hạ thấp mức độ rối loạn căng thẳng sau chấn thương sau khi rèn luyện chánh niệm. Thiền định cũng đã được sử dụng để giảm trầm cảm ở phụ nữ mang thai và thanh thiếu niên. Và không chỉ giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực, nó còn thúc đẩy những cảm xúc tích cực. Một nghiên cứu được giáo sư Barbara L. Fredrickson của Đại học Bắc Carolina tiến hành đã phát hiện ra thiền định làm tăng “cảm xúc tích cực, bao gồm tình yêu, niềm vui, lòng biết ơn, sự mãn nguyện, niềm hy vọng, niềm tự hào, sự quan tâm và thích thú”. Nó cũng dẫn đến việc “tăng một loạt các nguồn lực cá nhân, bao gồm sự chú ý, lưu tâm, sự công nhận bản thân, các mối quan hệ tích cực và sức khỏe thể chất tốt.” Một nghiên cứu về các bệnh nhân có tiền sử bị trầm cảm tại Đại học Cambridge cho thấy liệu pháp tâm lý dựa trên chánh niệm làm giảm nguy cơ tái phát ở những người tham gia đã trải qua ít nhất ba lần trầm cảm từ 78% xuống 36%. Thiền định có thể là một loại thuốc kỳ diệu, nhưng nó thực sự cần được làm đầy lại thường xuyên. Để nhận được tất cả những lợi ích này, chúng ta cần biến nó trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày. Niềm hạnh phúc và tinh thần khỏe mạnh không chỉ là những đặc điểm thần kỳ mà một số người may mắn có được, còn những người khác thì không. Richard Davidson đã tới để quan sát “hạnh phúc không phải là một đặc điểm mà là một kỹ năng, giống như quần vợt… Nếu muốn trở thành một vận động viên quần vợt giỏi, bạn không thể chỉ nhấc cây vợt lên và đánh, bạn phải rèn luyện nữa,” ông nói, “chúng ta có thể luyện tập để nâng cao niềm hạnh phúc của mình. Một số bằng chứng khoa học đã chỉ ra định hướng đó. Việc học chơi violin hay chơi golf cũng không có gì khác. Khi luyện tập, bạn sẽ chơi tốt hơn.” Tin tôi đi, nó dễ hơn nhiều so với việc trở thành một bậc thầy violin hay một tay golf chuyên nghiệp. Davidson nhận thấy “kết quả đáng ghi nhận với các học viên đã thực hiện 50.000 lần thiền định, cùng với 20 phút mỗi ngày trong ba tuần.” Mặc dù thiền định có thể là một hoạt động đơn độc có liên quan đến sự tập trung nhất định vào thâm tâm, nhưng nó cũng làm tăng khả năng kết nối với những người khác,và khiến chúng ta dễ cảm thông hơn. Các nhà khoa học từ Đại học Harvard đã nhận thấy thiền định “khiến con người sẵn lòng hành động một cách có đạo đức – để giúp một người nào đó đang đau khổ – ngay cả khi đối mặt với một quy tắc không cho phép làm vậy.” Và thiền định cũng làm tăng sự sáng tạo của chúng ta. “Ý tưởng giống như những con cá,” thiền giả lâu năm David Lynch đã viết trong cuốn Catching the Big Fish (tạm dịch: Bắt con cá lớn), “nếu muốn bắt được vài con cá nhỏ, bạn có thể câu ở vùng nước nông. Nhưng nếu muốn bắt được con cá lớn, bạn cần phải đi đến những vùng nước sâu hơn. Ở vùng nước sâu thẳm phía dưới, những con cá sẽ càng mạnh mẽ và tinh khiết hơn. Chúng khổng lồ, trừu tượng và cũng rất đẹp.” Steve Jobs đã khẳng định mối liên hệ giữa thiền định và sáng tạo: “Nếu chỉ ngồi và quan sát, bạn sẽ thấy tâm trí bồn chồn đến thế nào. Nếu bạn cố gắng để bình tâm, mọi việc chỉ trở nên tồi tệ hơn, nhưng theo thời gian, tâm trí sẽ thực sự bình tĩnh lại, và khi đó sẽ có chỗ để lắng nghe những điều tinh tế hơn – đó là khi trực giác của bạn bắt đầu khai mở, bạn bắt đầu nhìn mọi việc rõ ràng và thực tế hơn. Tâm trí của bạn trôi chậm lại và bạn sẽ thấy một không gian rộng lớn khác thường trong khoảnh khắc. Bạn thấy nhiều hơn những gì bạn có thể thấy trước đây.” Thiền định không chỉ giúp chúng ta tập trung, mà còn giúp chúng ta tập trung lại sau khi bị phân tâm – đó là một tình trạng nguy hiểm và ngày càng phổ biến trong cuộc sống công nghệ. Giuseppe Pagnoni, một nhà thần kinh học tại Đại học Emory, thấy rằng sau mỗi lần bị gián đoạn, tâm trí của những người ngồi thiền có thể quay trở lại trạng thái tĩnh tại nhanh hơn những người khác. “Thực hành thiền định thường xuyên có thể nâng cao khả năng hạn chế ảnh hưởng của những tư tưởng phân tâm,” ông nói. Điều này đặc biệt có giá trị với những người cảm thấy như ngày của họ dần trở nên ồn ào, inh ỏi, bế tắc vì những suy nghĩ rối bời. Không ngạc nhiên khi chánh niệm và thiền định đang ngày càng được các tập đoàn và tổ chức trên toàn thế giới công nhận. Ngân hàng Anh Quốc đã cung cấp những buổi thiền định cũng như lựa chọn tham gia một khóa học thiền định kéo dài sáu tuần cho nhân viên. Trong quân đội, khi thủy quân lục chiến Mỹ thử nghiệm chương trình “Rèn luyện tâm trí khỏe mạnh”, chiến dịch Warrior Wellness của tổ chức David Lynch đã giúp mang thiền định đến những cựu chiến binh, nhân viên hậu cần và gia đình của họ, giúp giảm đáng kể tình trạng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD)và các triệu chứng trầm cảm. Không lâu nữa, thiền định sẽ được xem như một phần của kỷ nguyên mới. Thiền định ngày càng chứng minh rằng: một sự rèn luyện giúp chúng ta tồn tại trên thế giới theo cách hiệu quả hơn, bận rộn hơn, khỏe mạnh hơn và ít căng thẳng hơn. Danh sách các nhân vật công chúng “nghỉ ngơi”bằng cách thiền định ngày càng nhiều, bao gồm chủ tịch tập đoàn Ford Bill Ford, CEO của LinkedIn Jeff Weiner, CEO của Aetna Mark Bertolini, CEO Saleforce Marc Benioff, đồng sáng lập mạng Twitter Evan Williams, chủ tịch ABC George Stephanopoulos, người phụ trách tờ New York Times và biên tập viên củaCNBC Andrew Ross Sorkin, Jerry Seinfeld, Kenneth Branagh, Oprah Winfrey, những người tham gia “21 ngày trải nghiệm thiền định với Deepak Chopra”, chương trình đã có gần 2 triệu người tham dự tại hơn 200 quốc gia, và Rupert Murdoch, người mà vào tháng 4 năm 2013 đã đăng một đoạn tweet: “Cố gắng học thiền siêu việt (transcendental meditation). Mọi người đều khuyến cáo là sẽ không dễ để bắt đầu, nhưng nó sẽ cải thiện tất cả mọi thứ!” Như lời Bob Roth, CEO của tổ chức David Lynch, người đã dạy thiền cho rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, từng nói với tôi: “Tôi đã thực hiện điều này trong 40 năm, và đã có một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về thiền định trong những năm qua.” Lena Dunham, ngôi sao của bộ phim truyền hình Girls, bắt đầu thiền định từ năm chín tuổi khi cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cô đùa rằng mình “xuất thân từ dòng dõi của một phụ nữ Do Thái giàu xúc cảm, và cần thiền siêu việt hơn bất cứ ai”, và mô tả thiền định tĩnh tâm là khi cô cảm thấy dường như thế giới đang “xoay một cách nhanh chóng” quanh mình: “Thiền định giúp tôi tập trung trong suốt một ngày và khiến tôi cảm thấy trật tự, hạnh phúc và có đủ khả năng để đối mặt với những thách thức của thế giới, cả trong lẫn ngoài.” Padmasree Warrior, giám đốc kỹ thuật của Cisco, gọi thiền định là “sự tái khởi động cho não bộ và tâm hồn”. Cô ngồi thiền mỗi đêm và dành cả ngày thứ Bảy để thực hiện một liệu trình thanh lọc những ảnh hưởng tiêu cực từ công nghệ. Warrior đã dựa vào việc luyện tập thiền định để quản lý 20.000 nhân viên trong vai trò giám đốc kỹ thuật của Cisco. Thật khó để nghĩ đến bất kỳ điều gì khác vừa đơn giản vừa mạnh mẽ như vậy.Đó là một công cụ quan trọng không chỉ đối với các cá nhân, mà còn cả với tập thể. Khi đã chế ngự được các căn bệnh truyền nhiễm, chúng ta lại phải sống chung với những căn bệnh mãn tính về lối sống và lão hóa,” Matthieu Ricard nói, “từ đó mở ra khả năng rằng y tế có thể tập trung vào việc phát triển con người bằng cách đặt lợi ích của con người – thân thể, tâm trí và tinh thần – làm trung tâm, cho phép họ đạt được cuộc sống tối ưu.” Dành cho những ai vẫn còn nghĩ thiền định và chánh niệm là kỳ cục: thật dễ dàng để chúng ta nhận ra rằng việc thực hiện những lời cầu nguyện và chiêm nghiệm theo truyền thống phương Tây và triết lý của nhà triết học Xtoic thời Hy Lạp cổ đại có nhiều nét tương đồng với việc thực hành thiền định theo truyền thống phương Đông. Triết lý Đạo giáo: “Nghỉ ngơi trước khi chuyển động và tĩnh lặng trước khi hành động” và mọi truyền thống của Kito giáo đều kết hợp với một số hình thức tương đương với chánh niệm. Trong thế kỷ XI, Saint Benedict đã thiết lập truyền thống của Lectio Divina (Đọc lời Thánh), một buổi thực hành gồm bốn phần về đọc, thiền định, cầu nguyện và chiêm nghiệm. Trên thực tế, các tín đồ phái Giáo hữu Quakers xây dựng hệ thống niềm tin xung quanh các nguyên tắc của chánh niệm. Họ tin rằng ánh sáng của Chúa chiếu sáng cho mọi người, họ xây dựng các mạng lưới dịch vụ được gọi là “những cuộc gặp mặt” trong tĩnh lặng. Ở đó, không có lãnh đạo hay mục sư, các thành viên thường tự sắp xếp theo một vòng tròn, đối mặt với nhau để nhấn mạnh tinh thần tập thể và không phân cấp. “Những cuộc gặp mặt” được lập ra cho tất cả mọi người dù thuộc bất kỳ tín ngưỡng nào, nó bắt đầu trong tĩnh lặng, cho tới khi đến lượt ai đó phát biểu. Nhưng sự tĩnh lặng không phải là kẽ hở hay thời gian nghỉ giải lao – mà là một chương trình chính. Nó cho phép tất cả những người có mặt ở đó chạm tới ánh sáng nội tâm của bản thân và được nuôi dưỡng bởi sự tĩnh lặng tập thể. Richard Alle, giáo sư tại Đại học South Wales đã viết: “Nếu buộc phải nói những gì họ đang làm trong các cuộc họp tôn giáo, có lẽ rất nhiều tín đồ phái Giáo hữu sẽ nói rằng họ đang chờ đợi từ tận cùng trái tim việc tiếp xúc với điều gì đó vượt ra ngoài bản thân thường ngày của họ. Một vài người sẽ gọi đó là ‘lắng nghe giọng nói yên tĩnh của Chúa’ mà không cần cố gắng để diễn giải.” Trong những năm 1970, Basil Pennington, một tu sĩ dòng Luyện tâm (Trappist monk)đã phát triển dạng thực hành được gọi là “tập trung cầu nguyện”. Nó đòi hỏi bốn bước sau: 1. Ngồi thoải mái, mắt khép lại, thư giãn và tĩnh tâm. Hãy yêu thương và tin vào Chúa trời. 2. Chọn một từ thiêng liêng hỗ trợ tốt nhất cho chân ý của bạn trong sự hiện diện của Chúa và mở ra hành động thiêng liêng của Ngài trong bạn (ví dụ như “Chúa ơi”, “Chúa”, “Thiên Chúa”, “Đấng Cứu thế”, “Abba”, “Thần thánh”, “Shalom”, “Thần linh”, “Tình yêu”). 3. Hãy để từ đó nhẹ nhàng hiện ra như biểu tượng cho chân ý của bạn trong sự hiện diện của Chúa và mở ra hành động thiêng liêng của ngài trong bạn. 4. Bất cứ khi nào bạn nhận thấy điều gì (những suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức, hình ảnh, sự kết nối), chỉ cần quay trở lại với cụm từ thiêng liêng của bạn. Thật đáng kinh ngạc khi những con đường kết nối chúng ta với bản thân lại giống nhau như vậy: các biểu tượng và câu thần chú khác nhau, nhưng bản chất và sự thật vẫn tồn tại qua các thời đại và trên rất nhiều châu lục, tôn giáo và sự rèn luyện tâm lý khác nhau. Công giáo bao gồm các chuỗi Mân côi (Rosary), một lời cầu nguyện dành cho Đức mẹ Maria, và còn là sự rèn luyện sâu sắc về chiêm nghiệm thông qua việc lặp lại nghi thức. Những hạt cầu nguyện được sử dụng như một phương pháp giải phóng tâm trí bằng cách dùng các ngón tay để đếm hạt. Những hạt cầu nguyện cũng được sử dụng trong rất nhiều tín ngưỡng truyền thống khác, bao gồm Phật giáo, Hindu giáo và Hồi giáo, trong đó họ thường khấn 99 danh xưng của Thánh Allah như là một phần của Kinh Mân côi. Như nhà tiên tri Muhammad đã nói: “Một giờ thiền định về công việc của Đấng Tạo hóa còn tốt hơn 70 năm cầu nguyện.” Sufi giáo – một tín ngưỡng truyền thống huyền bí của Hồi giáo dòng Sunni, nhấn mạnh sự giác ngộ nội tâm và tình yêu như những con đường dẫn tới chân lý tối hậu. Nó cũng đã sản sinh ra các tu sĩ Whirling Dervishes, những người thực hiện một điệu múa tôn giáo như một sự dâng tặng, một sự thiền định và một biểu hiện của tình yêu dành cho Thiên Chúa. Đạo Do Thái cũng có một tín ngưỡng truyền thống thần bí lâu đời nhấn mạnh vào trí tuệ nội tâm và sự giác ngộ. Các cuộc đàm phán Kabbalah trong thế kỷ XII liên quan đến việc sử dụng thực hành thiền định để “xuống tận cùng thế giới”, từ đó vượt qua bản chất bên ngoài và làm sâu sắc thêm sự ràng buộc của chúng ta với Chúa. Huấn luyện viên về Ngũ thư (Torah) Frumma Rosenberg-Gottlieb đã viết về việc rời bỏ trang trại ở vùng núi Colorado và chuyển tới New York để nghiên cứu Ngũ thư (cho thấy tinh thần duy linh cao không phải luôn liên quan đến việc chuyển từ thành phố lớn lên các vùng núi hẻo lánh). Bà viết: “Khi đã hiểu biết hơn về Ngũ thư, tôi nhận ra rằng chánh niệm và tâm hồn cân bằng, yên bình thực sự là mục tiêu trong cuộc sống của người Do Thái, và rằng các công cụ để đạt được nó được dệt thành tấm thảm kiến thức Ngũ thư một cách tinh tế. Ví dụ, tôi đã học được trong tiếng Hebrew từ ‘shalom’ngụ ý không chỉ là yên bình, mà còn là hoàn thành, hoàn thiện, sự trọn vẹn. Trong hòa bình, chúng ta cầu chúc an lành cho nhau; lời cầu nguyện hằng ngày của chúng ta sẽ đạt tới đỉnh cao khi cầu ước cho hòa bình.” Bà cũng lưu ý rằng thiền định trong đạo Do Thái đã được biết tới từ lâu, tất cả các con đường hướng tới Issac, con trai của Abraham, người mà Sách Sáng thế Chương 24 kể rằng đã “ra ngoài để thiền trên một cánh đồng vào khoảng chiều tối” khi ông chờ đợi cô dâu Rebecca của mình. Vì vậy, việc bạn theo hoặc không theo bất kỳ tín ngưỡng nào không quan trọng, vẫn có một số hình thức thiền định và chánh niệm có thể được hợp nhất vào cuộc sống của bạn. Và nếu bạn muốn tận hưởng những lợi ích của chánh niệm nhưng không muốn bắt đầu với thiền định, cầu nguyện hay chiêm niệm, chỉ cần đi câu cá bằng ruồi nhân tạo (fly-fishing) là được. Trong thực tế, một số người bạn của tôi từng nói cách thiền định của họ là “chạy bộ”, “nhảy dù” hoặc “làm vườn”. Nhưng liệu bạn có thể tạo ra những trạng thái tâm lý theo ý muốn mà không cần phải chạy bộ, mở dù, lấy xẻng, hoặc thả mồi câu xuống nước không? Mục đích là để tìm được một số hoạt động thường xuyên nhằm rèn luyện tâm trí và kết nối với chính bản thân bạn. Chỉ cần làm điều đó thường xuyên và tích hợp lợi ích vào trong cuộc sống hằng ngày của bạn là được. Và, tất nhiên, hãy ném con cá trở lại – chánh niệm không phải là trở về nhà với một chiến lợi phẩm để đặt trên lò sưởi. Trong cuốn sách Mindful London (tạm dịch: Chánh niệm London),Tessa Walt, một giảng viên và tư vấn viên về chánh niệm, đã viết về sự nhắc nhở kết hợp tâm trí vào cuộc sống nơi thành thị của chúng ta. Đây là ba điều trong số những sở thích của tôi, bạn có thể áp dụng chúng tại bất cứ nơi nào – dù là trong một đô thị ồn ào hay trong một ngôi làng bình yên: “Tận dụng việc xếp hàng tại trạm dừng xe buýt, bưu điện hay cửa hàng như một cơ hội để sống chậm lại và rèn luyện chánh niệm. Thay vì để cho những tiếng còi báo động thường xuyên kích thích chúng ta, chúng ta có thể sử dụng âm thanh để nhắc nhở mình tạm dừng và chú ý đến khoảnh khắc này. Trên đường đi, thay vì mất kiên nhẫn vì phải chờ đèn đỏ, hãy đánh giá cao đèn đỏ vì đã trao cho chúng ta cơ hội để dừng lại, hít thở và nhìn ngắm mọi thứ xung quanh.” “Chúng ta cần có được sự kiên nhẫn với mọi thứ, nhưng chủ yếu là cần có được sự kiên nhẫn với chính bản thân mình. Đừng đánh mất can đảm vì luôn xem xét sự không hoàn hảo của bản thân, mà hãy lập tức thiết lập một phương thuốc cho chúng, mỗi ngày hãy bắt đầu lại nhiệm vụ một lần nữa.” – Francis De Sales Tại sao Gazelles lại là hình mẫu lý tưởng của tôi? Tại Huffington Post, kể từ khi những tin tức mới trở nên dồn dập, các biên tập viên và phóng viên bị thúc đẩy để dần quen với vòng xoáy chuyển động của tin tức 24 giờ, điều chúng tôi phải làm là không để ai bị kiệt sức. Đầu tiên, chúng tôi làm đảm bảo rằng không ai phải kiểm tra email công việc và trả lời chúng trong những ngày cuối tuần. Mỗi người đều có ít nhất ba tuần nghỉ dưỡng – điều mà ai cũng được khuyến khích tận dụng. Và tôi đã phải năn nỉ mọi người (tuy không phải ai cũng nghe) dùng bữa trưa để kéo họ ra khỏi bàn làm việc. Chúng tôi có hai chỗ nghỉ trong phòng tin tức lúc nào cũng đông kín người, dù chúng từng bị hoài nghi và miễn cưỡng chấp nhận khi chúng tôi lắp đặt vào mùa xuân năm 2011. Rất nhiều người sợ rằng các đồng nghiệp có thể sẽ nghĩ họ đang trốn tránh trách nhiệm bằng một giấc ngủ ngắn. Chúng tôi đã giải thích rõ ràng, dù sao thì làm việc đến kiệt sức mới là điều đáng bị coi thường, chứ không phải là việc giải lao để nghỉ ngơi và hồi sức. Tại văn phòng ở New York, chúng tôi tổ chức các lớp học thiền, hít thở và yoga suốt cả tuần, trong khi văn phòng mới tại Washington D.C. đã có những phòng riêng dành cho thiền, yoga và nghỉ ngơi. Những lợi ích của việc đứng dậy và đi lại (trái ngược hoàn toàn với việc ngồi cả ngày dài) đã dẫn chúng tôi tới việc cung cấp một chiếc bàn đứng làm việc cho bất cứ ai có nhu cầu. Chúng tôi cũng có một phòng tập gym và tham gia vào các chương trình chăm sóc sức khỏe của Virgin Pulse, nơi mà nhân viên có thể kiếm được tới 500 đô-la mỗi năm bằng cách tham gia các buổi rèn luyện sức khỏe. Và để phục vụ cho điều đó, chúng tôi có những chiếc tủ lạnh với đồ ăn nhẹ lành mạnh, bao gồm sữa chua, món khai vị, trái cây và cà rốt bao tử – mặc dù tôi để ý thấy phần lớn số cà rốt bao tử vẫn còn nguyên, không ai lấy và trông khá trơ trọi cho đến tận cuối tuần. Điều này không chỉ tốt cho những người làm việc tại Huffington Post, mà còn tốt cho chính Huffington Post. Tại Facebook, COO Sheryl Sandberg đã tuyên bố rời văn phòng lúc 5 giờ 30 phút để ăn tối cùng hai con nhỏ và cô cũng khuyến khích những người khác tìm ra thời gian thích hợp để dành cho gia đình – hoặc chỉ đơn giản là dành thời gian cho bản thân họ. Mối quan hệ giữa làm việc quá sức và mất năng suất là hết sức mật thiết, bất kể ở quốc gia hay nền văn hóa nào. Dựa theo số liệu năm 2012 từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số các nước châu Âu, Hy Lạp đứng đầu về thời gian làm việc, Hungary xếp thứ hai và Ba Lan xếp thứ ba. Tuy nhiên, bảng xếp hạng năng suất của các nước đó lại lần lượt ở vị trí thứ 18, 24 và 25 (cuối bảng). Các nước lao động ít giờ nhất đó là Hà Lan, Đức và Na Uy lại đứng lần lượt ở vị trí thứ 5, thứ 7 và thứ 2 về năng suất lao động. Càng ngày, các công ty càng nhận ra rằng sức khỏe của nhân viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với “sức khỏe” của công ty. Trong những cuộc gọi hội nghị hết sức quan trọng ở Phố Wall, ngoài yêu cầu về báo cáo bán hàng, thị phần và lợi nhuận, các nhà phân tích kinh doanh nên được quyền khảo vấn các CEO về mức độ căng thẳng của các nhân viên của họ. Một trong những lớp học phổ biến nhất mà Google cung cấp cho các nhân viên của mình là SIY (Search Inside Yourself – Tìm kiếm trong chính bản thân bạn).Các lớp học được dẫn dắt bởi Chade Meng Tan, một kỹ sư và là nhân viên số 107 của Google. Tan đã viết một cuốn sách về các nguyên tắc của mình, Search Inside Yourself (tạm dịch: Tìm kiếm trong chính bản thân bạn). Khóa học được chia thành ba phần: rèn luyện sự chú tâm, tự nhận thức và xây dựng những thói quen tinh thần hữu ích. Richard Fernandez, đồng sáng lập của Wisdom Labs, người từng tham gia khóa học của Tan khi ông còn làm việc ở Google, giải thích giá trị của nó: “Là một nhà lãnh đạo, tôi đã trở nên kiên cường hơn nhiều so với trước đây… Nó giống như một tài khoản ngân hàng tinh thần chứa đầy cảm xúc vậy. Khóa học đã giúp tôi rất nhiều.” Xu hướng này đã vượt xa khỏi Thung lũng Silicon. Janice Marturano đã thiết lập một chương trình thực hành chánh niệm phổ biến tại General Mills khi bà là phó tổng giám đốc ở đó, với một phòng thiền tại mỗi tòa nhà trong khuôn viên. “Chánh niệm liên quan đến việc rèn luyện tâm trí của chúng ta để tập trung hơn, nhìn nhận rõ ràng hơn, có được không gian rộng rãi cho sự sáng tạo và cảm nhận sự kết nối,” bà nói. “Đó chính là lòng từ bi với chính bản thân và tất cả mọi người xung quanh chúng ta – đồng nghiệp, khách hàng – đó thực sự là tất cả những gì về sự rèn luyện chánh niệm. Chúng ta chỉ có một cuộc sống mà thôi, điều quan trọng nhất là bạn phải luôn tỉnh táo.” Chương trình đã thực sự có hiệu quả: 80% lãnh đạo cấp cao từ General Mills cho đến các công ty thuộc danh sách Fortune 500 tham gia vào các khóa đào tạo chánh niệm của bà đã nói rằng họ cảm thấy chương trình này đã cải thiện khả năng đưa ra các quyết định của họ. “Điển cứu kinh doanh chính cho thiền định là nếu đã hoàn toàn sẵn sàng trong công việc, bạn sẽ là một nhà lãnh đạo có ích,” Bill George, giáo sư thuộc Trường Kinh doanh Harvard và là cựu CEO của công ty dụng cụ thiết bị y tế Medtronic nói. “Bạn sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.” Một trong những trở ngại đầu tiên ngăn cản rất nhiều công ty chấp nhận những thước đo lành mạnh và sự thành công bền vững chính là sự cứng đầu (và cứng đầu đến mức nguy hiểm) khi cho rằng có sự đánh đổi giữa hiệu suất cao trong công việc với việc chăm sóc bản thân. Nhưng bây giờ, các công ty vẫn tin vào điều đó chỉ còn là thiểu số. Hiện tại, có khoảng 35% công ty có số lượng nhân công vừa và lớn tại Mỹ đangcung cấp một số chương trình làm giảm sự căng thẳng, bao gồm Target, Apple, Nike và Proter & Gamble. Vài chương trình trong số đó đang bắt đầu được ghi nhận hiệu quả, đặc biệt là từ các nhân viên. Hằng năm, Glassdoor.com, cộng đồng của các công việc xã hội và nghề nghiệpphát hành một danh sách gồm 25 công ty đứng đầu về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống: “Các công ty đã luôn nỗ lực hết mình cho đời sống của người lao động sau giờ làm việc sẽ thường xuyên thấy được lợi ích trong các đợt tuyển dụng và giữ chân nhân tài,” Rusty Rueff, tư vấn viên của Glassdoor nói. Trong năm 2013, một số công ty trong “100 công ty tốt nhất để làm việc” theo danh sách của Fortune đã thực sự trở nên nổi bật trong việc thực hiện điều này. Saleforce.com (nơi cung cấp lớp yoga miễn phí, một quỹ 100 đô-la/người cho việc chăm sóc sức khỏe và 48 tiếng tình nguyện) đã đứng ở vị trí thứ 19. Xếp thứ 4 là tập đoàn tư vấn Boston, công ty sẽ đánh dấu những nhân viên làm việc quá nhiều với một “dấu đỏ” và cho phép nhân viên mới hoãn việc bắt đầu công việc trong sáu tháng và trả 10.000 đô-la khi họ tình nguyện làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận. Tại Promega, một công ty công nghệ sinh học ở Wisconsin, nhân viên có quyền truy cập vào các lớp học trên trang web yoga, trung tâm thể dục thể thao, các bữa ăn lành mạnh, văn phòng tràn ngập ánh sáng tự nhiên và “không gian thứ ba” – những khu vực xã hội chẳng phải là văn phòng cũng không phải là nhà, ví dụ như quán cafe hay quán bar. “Chúng ta cần tạo ra một nền văn hóa giữ gìn sức khỏe thể chất và tâm hồn,” Ashley G. Anderson, Jr, giám đốc y tế của Promega, đã nói. “Nếu bạn tạo ra một phong cách sống đầy ắp sức sống và nghị lực đáng ngưỡng mộ, bạn đã đạt được rất nhiều điều. Một lực lượng lao động khỏe mạnh sẽ là một nguồn lực sản xuất hữu hiệu.” Công ty Salo tại Minneapolisđã tìm tới Dan Buettner, tác giả của một loạt sách best-seller để được giúp đỡ. Buettner là một chuyên gia trong “Vùng Xanh” (Blue Zone) – các khu vực trên thế giới có tuổi thọ cao nhất, bao gồm Okinawa, Nhật Bản; Nicoya, Costa Rica; và Ikaria, Hy Lạp, những nơi mà 100% người dân có thể sống tới 100 tuổi. Hiện giờ Buettner đang giúp Salo lần đầu tiên được chứng nhận là nơi làm việc thuộc Vùng Xanh. Với các phòng thiền, các bàn làm việc điều chỉnh được chiều cao, những lớp học nấu ăn và “các cuộc hội thảo có mục đích” giúp nhân viên đi theo những niềm đam mê ngoài công việc của họ, và các nỗ lực đang mang lại những kết quả tích cực – cho cả người lao động và tổ chức. “Có một nét văn hóa và danh tiếng đang phát triển tại Salo như một nơi đặt niềm vui và sức khỏe của nhân viên và đối tác lên trước lợi nhuận,” Buetter cho biết. “Chúng tôi đang trông thấy niềm vui, sức khỏe cũng như khả năng gia tăng tuổi thọ của nhân viên ở đó… Sự thành công đã giúpchúng tôi tin vào việc nâng cao khả năng lao động của nhân viên, chi phí y tế thấp hơn, năng suất cao hơn và tình trạng vắng mặt thấp hơn.” Tại chuỗi siêu thị đã hơn 100 tuổi Wedmans, Danny Wegman – cháu trai của nhà sáng lập, đã nhận ra lợi ích của việc khuyến khích 45.000 nhân viên có được sức khỏe tốt hơn. Công ty hiện cung cấp các lớp yoga, zumba, tư vấn dinh dưỡng và ngăn chặn bệnh cao huyết áp ngay tại cơ sở làm việc. Tại Aetna, nhà cung cấp bảo hiểm y tế lớn thứ ba tại Mỹ, CEO Mark Bertolini đã phát hiện ra những lợi ích sức khỏe của thiền định, yoga và châm cứu trong quá trình phục hồi sau tai nạn khủng khiếp khi trượt tuyết. Ông đã cho 49.000 nhân viên của mình được hưởng những lợi ích đó và đưa chúng vào Đại học Duke để tiến hành một nghiên cứu về các khoản tiết kiệm chi phí. Kết quả là gì? Chi phí chăm sóc sức khỏe giảm 7% vào năm 2012 và năng suất tăng thêm 69 phút/ngày đối với những nhân viên đã tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe của Aetna. Và việc tập luyện yoga một giờ mỗi tuần làm giảm sự căng thẳng giữa các nhân viên khoảng 1/3 lần. Ray Dalio, nhà sáng lập Bridgewater, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, người đã duy trì thói quen thiền định suốt 35 năm qua coi đây là “lý do quan trọng duy nhất” cho sự thành công của ông, đã chi trả một nửa cho các lớp thiền định của nhân viên và thanh toán toàn bộ hóa đơn nếu họ cam kết sẽ tới đó trong hơn sáu tháng. “Không một ai trong thời đại của chúng ta cảm thấy ngạc nhiên nếu một người đàn ông dành sự chú ý, cẩn thận hằng ngày cho cơ thể của mình, nhưng mọi người sẽ cảm thấy bị sốc nếu anh ta dành sự chú ý tương tự cho tâm hồn của mình.” Aleksands Solzhenitsyn Jeff Weiner, CEO của LinkedIn, đã đặt ra thuật ngữ “Quản lý một cách từ bi” (Managing compassionately). Ông viết rằng mục tiêu “mở rộng trí tuệ và lòng từ bi của thế giới đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong công việc của tôi… Lòng từ bi có thể và nên được giảng dạy, không chỉ trong suốt chương trình giảng dạy 12 năm của một đứa trẻ, mà còn trong bậc giáo dục cao hơn, học tập tại công ty và cả những chương trình phát triển cũng vậy.” Việc quản lý lòng từ bi bao gồm thực hành, mong muốn những thông tin rõ ràng và rèn luyện khi đứng ở vị trí của người khác: “Khi bất đồng gay gắt với người khác, hầu hết chúng ta đều có xu hướng nhìn nhận vấn đề bằng góc nhìn của riêng mình… Trong trường hợp này, chúng ta cần suy diễn để hiểu tại sao đối phương đã đi tới kết luận như vậy. Ví dụ, điều gì trong quá trình đào tạo của họ đã dẫn dắt họ tới được vị trí đó? Họ có sợ hãi về một kết quả không được rõ ràng không? Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này, và quan trọng hơn, hỏi những người khác những câu hỏi này, chúng ta sẽ đạt được những kết quả khác và biến đổi nó thành một thời điểm sẵn sàng học hỏi và kinh nghiệm cộng tác thực sự.” John Mackey, CEO của Whole Foodsm đã tổng kết lại tầm nhìn của mình về việc quản lý lòng từ bi tại hội nghị Thước đo thứ ba đầu tiên của Huffington Post vào mùa hè năm 2013 như sau: “Chúng tôi phải mang tình yêu ra khỏi phòng họp kín của công ty.” Và Thước đo thứ ba với việc thực hành chăm sóc sức khỏe đã được mở rộng vượt xa so với yoga và thiền định. Farhad Chowdhury, CEO của công ty phát triển phần mềm Fifth Tribe, đã kết nối với các đồng nghiệp trong suốt chuyến đi bộ kéo dài bốn dặm. Như Gregory Berns, tác giả cuốn Iconoclast: A Neuroscientist Reveals How to Think Differently (tạm dịch: Kẻ bài trừ: Một nhà thần kinh học tiết lộ cách suy nghĩ khác biệt)đã viết: “Não bộ cần phải đối mặt với những kích thích chưa từng gặp phải trước khi nó bắt đầu sắp xếp lại nhận thức. Sau đó, cách chắc chắn nhất để kích thích trí tưởng tượng là tìm ra môi trường mà bạn chưa từng trải nghiệm.” Điều quan trọng là chúng ta tìm thấy một cách (bất kỳ cách nào) để nạp lại năng lượng và làm mới bản thân. Trình bảo vệ màn hình máy tính của tôi là một bức tranh về đàn linh dương: Chúng là hình mẫu của tôi. Chúng chạy và lẩn trốn khi có nguy hiểm, nhưng ngay sau khi nguy hiểm qua đi, chúng dừng lại và quay trở lại gặm cỏ một cách yên bình mà không cần quan tâm đến thế giới. Nhưng con người thường không thể phân biệt được những nguy hiểm thực sự với những nguy hiểm tưởng tượng. Như Mark Williams giải thích: “Tín hiệu báo động của não bộ bắt đầu được kích hoạt không chỉ bởi nỗi lo sợ hiện tại, mà còn bởi các mối đe doạ trong quá khứ và những lo lắng cho tương lai… Vì vậy, khi chúng ta đưa vào tâm trí các mối đe dọa khác, hệ thống chiến đấu-hoặc-bỏ chạy (còn gọi là phản ứng chống căng thẳng) của cơ thể sẽ không tự tắt khi nguy hiểm đã qua. Không giống như đàn linh dương, chúng ta sẽ không ngừng chạy.” Đây cũng là điều đã được dự đoán bởi Montaigne: “Có nhiều điều khủng khiếp trong cuộc đời tôi, nhưng hầu hết chúng không bao giờ xảy ra.” Chúng ta cần phải giải phóng bản thân khỏi sự chuyên chế của cơ chế chiến đấu-hoặc-bỏ chạy. Và phần lớn cuộc sống của chúng ta đã thực sự được cấu trúc để chúng ta sống trong một trạng thái thường trực mang tên chiến đấu-hoặc-bỏ chạy – hàng tá email chỉ thị, phải ở lại muộn để hoàn thành dự án, v.v.. Theo định nghĩa hiện tại của chúng ta về sự thành công, tình trạng mãn tính của cơ chế chiến đấu-hoặc-bỏ chạy là một tính năng, chứ không phải là một thiếu sót kỹ thuật. SỰ KẾT NỐI QUÁ ĐỘ: CON RẮN TRONG KHU VƯỜN ĐỊA ĐÀNG KỸ THUẬT SỐ CỦA CHÚNG TA Thật không may khi sự luồn lách của công nghệ đang không ngừng gia tăng – chúng len lỏi vào cuộc sống, gia đình, phòng ngủ và não bộ của chúng ta, khiến việc làm mới bản thân trở nên khó khăn hơn. Hiện nay, những người sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra điện thoại trung bình sáu phút rưỡi một lần, tức khoảng 150 lần mỗi ngày. Não bộ của chúng ta được kết nối một cách tự động, vì vậy không dễ để từ chối các dạng kích thích kiểu như vậy. Nhưng sự kết nối đến từ công nghệ thường không hoàn chỉnh. Sự báo hiệu của nó (tiếng bíp, ánh sáng nhấp nháy) có thể làm giảm thời gian và năng lượng mà chúng ta dùng để kết nối thực sự với người khác. Tệ hơn nữa, có bằng chứng cho thấy nó có thể khiến chúng ta suy giảm kỹ năng kết nối với người khác. David Roberts, một cây viết cho tạp chí trực tuyến về môi trường Grist,đã trông thấy điều này xảy ra trong cuộc sống của mình. “Tôi bị căng thẳng tột độ,” ông viết trong một bức thư tạm-biệt-với internet-và-công-việc-trong-một-năm. Vì vậy, ông quyết định làm điều gì đó với nó: Tôi thích chia sẻ lên Twitter cả ngày; tôi thích viết dài, viết lung tung vào ban đêm. Nhưng lối sống đó có nhược điểm của nó. Tôi không bao giờ ngủ đủ giấc. Tôi không có bất kỳ sở thích nào. Tôi luôn ở chỗ làm… Tôi không bao giờ ngắt kết nối. Nó là những điều thực sự xảy ra trong trí não tôi. Tôi nghĩ về những dòng tweet ngay lúc này. Đôi tay tôi bắt đầu co giật nếu tôi rời khỏi điện thoại quá 30 giây. Tôi thậm chí không thể đi vệ sinh mà không được “quấy rầy”. Tôi biết mình không phải là người duy nhất tweet trong phòng tắm... Thế giới trực tuyến đã trở thành thế giới của tôi. Tôi đã dành nhiều thời gian ở đó hơn là ở thế giới thực. Ông không hề đơn độc. Một nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey vào năm 2012 cho thấy các nhân viên trong lĩnh vực kinh tế trung bình dành 28% thời gian để giải quyết email – nhiều hơn 11 tiếng một tuần. Còn theo SaneBox, công ty tạo ra phần mềm lọc email, nó lấy của chúng ta 67 giây để khôi phục lại sau mỗi email mới xuất hiện trong hộp thư. Dmitri Leonov của SaneBox đã nói: “Tại một số thời điểm, chúng ta phải hiểu rằng quá trình này đang làm tổn thương chúng ta.” Mối quan hệ của chúng ta với email đang ngày càng trở nên một chiều. Chúng ta cố gắng để “làm sạch” hộp thư đến của mình, tát nước giống những người trong một chiếc thuyền bị rò rỉ, nhưng càng có nhiều email hơn vẫn tiếp tục đổ vào. Cách chúng ta giải quyết email đã trở thành một phần nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng do công nghệ cao. Nó không chỉ là một cơn đại hồng thủy không bao giờ kết thúc của email, mà thậm chí là tất cả những gì mà chúng ta làm. Linda Stone đã làm việc với những công nghệ tiên tiến nhất ở cả Apple và Microsoft trong những năm 1980 và 1990. Vào năm 1997, bà đã đặt ra thuật ngữ “sự chú ý từng phần liên tục” (continuous partial attention) để mô tả trạng thái của việc luôn điều chỉnh từng phần trong tất cả mọi thứ, và những phần đó không bao giờ được điều chỉnh một cách hoàn toàn. Khi đó, nó giống như lời mô tả tốt đẹp về cuộc sống tương lai. Nhưng 10 năm sau, Stone phát hiện ra có điều gì đó hơi khó chịu đã xảy ra khi bà đọc email: Bà thường bất giác nín thở trong một thời gian ngắn. Vì vậy bà gọi nó là “ngạt email” (email apnea). Bà cũng đã tiến hành một nghiên cứu để xem có nhiều người khác gặp vấn đề tương tự hay không. Kết quả là có tới 80% đối tượng mà bà kiểm tra có triệu chứng của việc “ngạt email”. Nghe thì có vẻ không nghiêm trọng, nhưng thực tế thì không như vậy. Việc rối loạn nhịp thở có thể làm giảm sự cân bằng oxy, oxit nitric và carbon dioxit của cơ thể, điều này sẽ góp phần gây ra những biểu hiện căng thẳng trầm trọng liên quan. Công cụ đơn giản để ngăn ngừa triệu chứng “ngạt email” là gì? Hãy quan sát hơi thở khi bạn đối phó với đống email và kéo bản thân ra khỏi chế độ “lái tự động”. Và hãy nhớ lời khuyên của Tim Harford, người phụ trách một chuyên mục của tờ Financial Times: Hãy tắt tất cả các thông báo, bạn nên kiểm soát thông tin, chứ không phải là ngược lại. Vấn đề là với điện thoại thông minh, email không còn bị giới hạn vào văn phòng làm việc. Nó luôn đi cùng với chúng ta – đến phòng tập gym, ăn bữa tối, trên giường ngủ. Nhưng ngày càng có nhiều cách khéo léo hơn để chống lại nó. Giống như trò “xếp chồng điện thoại” khi bạn bè ăn tối cùng nhau: họ sẽ đặt điện thoại của mình trong một ngăn kéo giữa bàn và người đầu tiên kiểm tra điện thoại sẽ phải thanh toán hóa đơn. Kimberly Brooks, biên tập viên của Huffington Post, lại chơi kiểu khác tại bữa tối – trò chơi “không chụp ảnh bữa ăn”. Cô nói: “Trừ khi bạn là một bác sĩ hoặc một chuyên gia ẩm thực, hãy tắt điện thoại di động trong bữa ăn với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là với trẻ nhỏ, ở nhà hay ở tiệm. Cá nhân tôi cho rằng sự ràng buộc thiêng liêng của giờ ăn là một mái vòm nghi lễ-vô hình-mà theo đó-loài người-dẫn đầu-nền văn minh.”Cô ấy muốn thêm việc liên tục kiểm tra điện thoại vào danh sách những phép xã giao không thể chấp nhận được: “Tôi thực sự mong đến ngày mà việc kiểm tra điện thoại ở bất cứ nơi nào gần bữa ăn sẽ bị xem là phản cảm, giống như một người đang ngoáy mũi hoặc hút thuốc liên tục nơi công cộng.” Peter Davis, biên tập viên của tạp chí Scene, đã kể lại một bữa tiệc tối mà trong đó hệ thống máy chủ sẽ kiểm tra điện thoại thông minh của khách mời ngay tại cửa ra vào. Có lẽ những chiếc điện thoại thông minh tại một bữa tiệc nên được đối xử giống với áo khoác: chúng cần được đưa đến một căn phòng phía sau hoặc xếp gọn lại cho đến khi khách mời sẵn sàng ra về – đó là một tín hiệu (giống như việc cởi áo khoác) rằng bạn hạnh phúc khi được hòa mình tại đây. Leslie Perlow, giáo sư thuộc Trường Kinh doanh Harvard, đã giới thiệu vài điều được gọi là “thời gian nghỉ có thể dự đoán được” (PTO), trong đó bạn được lên kế hoạch để nghỉ ngơi – không email, không công việc, không điện thoại thông minh. Tập đoàn tư vấn Boston đã áp dụng thử điều này, kết quả lànăng suất đã tăng lên và nó hiện là một chương trình quy mô trên toàn tập đoàn. Sau khi nhận thấy các kỹ sư tại một công ty phần mềm đã kiệt sức vì phải làm việc vào tất cả các đêm và cuối tuần, Perlow đã đưa ra chế độ “quãng thời gian yên tĩnh”, thiết lập khoảng thời gian mà trong đó các nhân viên đồng ý để cho một công việc khác được giải phóng. Với việc giờ đây chúng ta khá “đa nhiệm” trong hầu hết các ngày, việc được tự do làm việc và giải trí – không làm nhiều việc một lúc – là điều phải được lên kế hoạch. Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học California và quân đội Mỹ cho thấy việc tránh xa hòm thư email của bạn để nhận lấy một “kỳ nghỉ email” (email vacation) sẽ làm giảm căng thẳng và giúp bạn tập trung hơn. Nó có thể có tác động lớn hơn nữa nếu toàn bộ công ty quyết định có một “kỳ nghỉ email”. Đó là điều mà Shane Hughes, CEO của Khóa học Lãnh đạo, đã quyết định thực hiện vào năm 2013, khi ông phát đi một thông báo rằng “tất cả email nội bộ sẽ bị cấm trong tuần tới”. Các nhân viên đã hoài nghi, nhưng ông nói kết quả rất rõ ràng. “Trạng thái tâm lý để-mắt-tới-bất cứ điều gì đang xảy ra-thông qua email của chúng tôi đã biến mất” ông viết trên Forbes. “Thay vào đó, chúng tôi đã trải nghiệm một nguồn năng lượng tập trung và hiệu quả hơn… Sự căng thẳng từ ngày này sang ngày khác đã giảm rõ rệt. Điều đó làm gia tăng năng suất của chúng tôi, kết nối chúng tôi lại với sức mạnh của sự tương tác con người vốn đã bị lãng quên.” Volkswagen có một chính sách đặc biệt dành cho những nhân viên được cung cấp một chiếc điện thoại thông minh: chiếc điện thoại này được lập trình để tự động tắt các email công việc từ 18 giờ tối cho đến 7 giờ sáng hôm sau để các nhân viên có thể chăm sóc bản thân và gia đình họ mà không cảm thấy mình phải ở lại cắm đầu vào công việc. FullContact, một công ty phần mềm đã quyết định tặng cho nhân viên một khoản tiền thưởng 7.500 đô-la nếu như họ tuân theo ba nguyên tắc: “1. Bạn phải đi nghỉ dưỡng. 2. Bạn phải ngắt kết nối. 3. Bạn không được làm việc trong thời gian nghỉ dưỡng.” Nghịch lý thay, một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất đưa ra những công cụ để giúp chúng ta đối phó với công nghệ lại chính là… công nghệ. Giai đoạn đầu tiên của internet luôn đòi hỏi dữ liệu và nhiều dữ liệu hơn nữa. Nhưng hiện tại, chúng ta có hàng tá dữ liệu (chúng ta thực sự đang chết ngộp trong chúng) và tất cả những sự phân tâm mà chúng ta chưa từng nghĩ đến. Công nghệ từng rất hữu ích, mang đến cho chúng ta những gì mà chúng ta muốn, nhưng không phải luôn là thứ chúng ta cần. Vì vậy giờ đây, rất nhiều người đã nhận ra đó là một cơ hội phát triển các công cụ giúp chúng ta tập trung và sàng lọc tất cả những dữ liệu cũng như sự mất tập trung. Tin tốt là, như nhà miễn dịch học Esther Sternberg đã giải thích: “Bạn không cần phải ngoại tuyến (ý tôi là rời mạng, tắt dòng suy nghĩ của trí não) trong một khoảng thời gian dài để thiết lập lại mọi thứ… Nếu cảm thấy mức độ căng thẳng của mình gia tăng, bạn chỉ cần quay đi và nhìn vào những hàng cây, nghe chim hót và yên tĩnh một lúc. Bạn có thể làm giảm sự căng thẳng đó xuống.” Việc ngoại tuyến (offline) có thể ngày càng khó hơn khi bạn tiến lên các nấc thang sự nghiệp. Gia tăng năng lực cũng mang theo nguy cơ của việc đánh mất những phẩm chất thiết yếu nhất để trở thành lãnh đạo. Một nghiên cứu cho thấy việc quyền lực được gia tăng khiến chúng ta “dễ bị sa thải” hoặc hiểu sai quan điểm của người khác. Và việc ngày càng dựa vào quá trình giao tiếp điện tử dường như chỉ làm trầm trọng thêm các xu hướng này. Vì vậy, bất kỳ công cụ nào có thể làm tăng sự tự nhận thức và khả năng lắng nghe trong thời điểm này đều vô giá. GIỮ CHẶT CHIẾC MẶT NẠ CỦA CHÍNH BẢN THÂN BẠN TRƯỚC TIÊN Từ xa xưa, thiền định, yoga, chánh niệm, giấc ngủ trưa và một hơi thở sâu đã được nghĩ đến như phong trào Thời đại mới (New Agey10) và một phần của sự phản văn hóa. Nhưng trong vài năm qua, phong trào này đã đạt đến đỉnh điểm khi ngày càng có nhiều người nhận ra rằng sự giảm căng thẳng và chánh niệm không chỉ liên quan đến việc hội tụ sự hài hòa và tình yêu vạn vật – mà còn liên quan đến việc tăng phúc lợi và hiệu suất tốt hơn. Quả thực, hiệu suất thực sự sẽ được cải thiện khi cuộc sống của chúng ta trở nên cân bằng hơn. Như Sheryl Sandberg đã nói với tôi: “Tôi nhận thấy mình đã cắt giảm vài tiếng làm việc từ khi có con, tôi không chỉ làm việc ít đi, mà còn nhận được nhiều hơn. Việc có con buộc tôi phải đối xử với mỗi phút trong thời gian của mình một cách quý giá – liệu tôi có thực sự cần cuộc họp đó không? Có phải đó là một chuyến đi quan trọng không? Và không chỉ mình tôi có được năng suất cao hơn, mà mọi người quanh tôi đều làm vậy, giống như tôi đã loại bỏ những cuộc họp không cần thiết đối với họ.” Trong năm 2008 và một lần vào năm 2012, tờ Huffington Post đã chứng minh một cuộc sống cân bằng là điều khả thi ngay cả trong những ngày bận rộn nhất theo lịch chính trị. Trong suốt Hội nghị Dân chủ Quốc gia 2008 tại Denver, tôi đã đưa ra đề nghị với những người tham dự hội nghị (bao gồm cả đại biểu và các thành viên của truyền thông) một cơ hội để gỡ bỏ và nạp lại năng lượng tại “khu nghỉ dưỡng Huffington Post”, nơi chúng tôi cung cấp các lớp học yoga, mát xa Thái, mát xa tay, mát xa mặt, đồ ăn nhẹ cùng nước giải khát lành mạnh, âm nhạc, chỗ ngồi có thể nằm dài và thư giãn. Hầu hết mọi người đều hưởng ứng và đồng tình. Trong thực tế, rất nhiều phóng viên kể với tôi rằng họ đã phải đấu tranh tư tưởng để quay trở lại với phiên họp, và cũng có khá nhiều người kể với tôi rằng việc dành thời gian để nạp lại năng lượng cho phép họ tham gia hội nghị với nhiều năng lượng hơn và vượt qua tuần lễ mệt mỏi mà không bị kiệt sức. Vì vậy, năm 2012, tôi đã thực hiện việc đó một lần nữa với một quy mô lớn hơn, mang “khu nghỉ dưỡng” của chúng tôi tới cả Hội nghị Cộng hòa ở Tampa và Hội nghị Dân chủ tại Charlotte. Sự kết nối giữa việc tạm ngừng, tái nạp năng lượng với việc suy nghĩ sâu sắc và hiệu quả hơn trong những vấn đề quan trọng (xóa đói giảm nghèo, giáo dục, môi trường và khủng hoảng việc làm) có thể chưa rõ ràng ngay lập tức. Nhưng mọi người sẽ làm tốt hơn trong việc chăm sóc bản thân, lý tưởng hơn là họ có thể chăm sóc cho cả những người khác, bao gồm gia đình, đồng nghiệp, cộng đồng và đồng bào của họ. Khi đang trên một chuyến bay, bạn được yêu cầu “giữ chặt chiếc mặt nạ của mình trước khi giúp đỡ người khác”, ngay cả đối với những đứa con của bạn. Sau tất cả, việc giúp ai đó dễ thở hơn sẽ không hề dễ dàng nếu bạn đang phải giành giật không khí cho chính mình. Như Aleksandr Solzhenitsyn đã hỏi trong cuốn tiểu thuyết In the First Circle (tạm dịch: Trong vòng tròn đầu tiên): “Nếu muốn thay đổi để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bạn nên bắt đầu với bản thân mình hay những người khác?” Tất nhiên, ý tưởng về việc dành thời gian trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để nghỉ ngơi bắt nguồn từ 10 điều răn của Chúa, khi ngài giảng truyền cho người dân Israel rằng: “Hãy ghi nhớ ngày Sabbath, giữ cho nó được linh thiêng. Trong sáu ngày các con sẽ lao động, và làm tất cả những công việc của mình, nhưng ngày thứ Bảy là ngày Sabbath dành cho Đức Chúa của các con. Vào ngày đó, các con sẽ không làm bất cứ việc gì… Vì trong sáu ngày Đức Chúa đã tạo nên thiên đàng và trái đất, tất cả muôn vật đều ở đó, nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy. Vì thế, Đức Chúa ban phước cho ngày Sabbath và khiến nó trở thành một ngày linh thiêng.” Đối với những thầy tu Do Thái, khoảng thời gian kể từ khi mặt trời lặn vào ngày thứ Sáu tới lúc mặt trời lặn vào ngày thứ Bảy là thời gian dành cho nội tâm, ở bên gia đình và bạn bè, hoặc làm bất cứ điều gì ngoại trừ làm việc – đây là một chỉ thị của Kinh Thánh cho việc nghỉ ngơi và nạp năng lượng. Và ngày Sabbath kết thúc với lễ Havdalah (sự tách biệt), trong đó những người tham gia nghi lễ sẽ cảm tạ Đức Chúa vì đã phân biệt giữa “ánh sáng và bóng tối” cũng như “ngày thứ bảy nghỉ ngơi và sáu ngày lao động”. Đối với những phụ nữ có công ăn việc làm và nghề nghiệp ổn định, việc chăm sóc bản thân sẽ trở nên khó khăn hơn khi họ trở thành các bà mẹ. Trong văn hóa công sở của chúng ta, việc có con thường được xem như một rào cản lớn để thăng tiến sự nghiệp. Chắc chắn có những thách thức rất lớn trong vấn đề giải quyết khéo léo việc gia đình và việc công ty, và đã có rất nhiều sự cải cách thể chế cực kỳ cần thiết để giảm bớt những thách thức đó. Nhưng đối với tôi, việc có con lại là liều thuốc giải tốt nhất cho căn bệnh nghiện công việc vốn luôn có xu hướng “tái phát” của mình. Tất nhiên, bạn không cần phải có con để có được những vấn đề ưu tiên theo chiều hướng lành mạnh, nhưng đối với tôi, chúng thực sự làm cho nó dễ dàng hơn.Tôi chỉ cần biết rằng mình sẽ được nhìn thấy con gái vào cuối ngày, gạt cả ngày làm việc của mình sang một bên. Ngay cả một cuộc gọi bình thường từ con gái cũng là một lời nhắc nhở với tôi rằng, điều gì mới thực sự quan trọng trong cuộc sống của tôi. Và đó là sự thật cho đến tận hôm nay, cho đến tận bây giờ, khi những đứa con của tôi đang trong độ tuổi đôi mươi. Dần dần, tôi dường như ít bị căng thẳng quá mức. Và nhân tiện, có bao giờ bạn trải qua một ngày mà không có những sự thất bại không? Có lẽ một ngày nào đó, một nhà khoa học tài giỏi (và người đó hẳn đã có một đại gia đình) sẽ nảy ra một cái tên cho hiệu ứng này. Nhưng bất kể nó là gì, nó cũng đã tác động lớn đến sự tự tin, tâm trạng và sự nhiệt tình của tôi – những điều thiết yếu tại nơi làm việc. Và giờ đây, khoa học cũng đã bắt kịp được. Theo một nghiên cứu vào năm 2009 của Đại học Brigham Young, việc lập gia đình có ảnh hưởng vừa phải tới sức khỏe, kể cả vấn đề về huyết áp của chúng ta. Thông qua việc gắn máy đo huyết áp cho gần 200 cặp vợ chồng, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những cặp vợ chồng có con có chỉ số huyết áp thấp hơn đáng kể so với những cặp chưa có con. Kết quả đo được thậm chí còn cao hơn ở những phụ nữ. Điều này không phải là để nói rằng, các công ty không cần phải khẩn trương chú tâm đến các trở ngại về cơ cấu khiến cho việc những nhân viên có con và có một sự nghiệp thành công trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều người (đặc biệt là phụ nữ) nhận được quá ít sự hỗ trợ tại chỗ làm để cân bằng sự nghiệp và gia đình – đó là điều rất quan trọng nếu chúng ta muốn định nghĩa lại thế nào là thành công. Thời gian linh hoạt, làm việc từ xa, làm việc theo dự án và một văn hóa công sở không kỳ vọng nhân viên sẽ kết nối và đáp ứng nhu cầu 24/7 sẽ trở thành tiêu chuẩn, nếu chúng ta muốn xây dựng nơi làm việc của mình thực sự bền vững. Những định nghĩa độc hại hiện nay về sự thành công và sự đam mê các thiết bị điện tử đang gây ra một tác động tiêu cực tới thế hệ tiếp theo. “Thế hệ Y” hay còn gọi là “thế hệ Millennials11”, có thể sẽ được đặt cái tên thứ ba đáng báo động hơn, đó là “thế hệ căng thẳng”. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Mỹ yêu cầu người tham gia tự xếp hạng mức độ căng thẳng của họ. Kết quả đã chỉ ra, những người thuộc thế hệ Y dẫn đầu nhóm người bị căng thẳng. Hơn thế nữa, những câu trả lời của họ đều nhất quán một cách đáng buồn qua hầu hết các câu hỏi. Gần 40% những người thuộc thế hệ Y đã nói rằng sự căng thẳng của họ tăng lên trong những năm qua, so với 33% thế hệ thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh và 29% những người Mỹ cao tuổi. Chỉ có 29% những người thuộc thế hệ Millennials nói rằng họ vẫn đang ngủ đủ giấc. Tại Anh, theo nghiên cứu của giáo sư Russell Foster tại Oxford, hơn một nửa thanh thiếu niên Anh đã bị tước đoạt giấc ngủ: “Họ chưa từng nhận được sự chỉ dẫn về tầm quan trọng của giấc ngủ, trong khi giấc ngủ lại là vật hy sinh cho rất nhiều nhu cầu khác.” Những cấp độ cao hơn của sự căng thẳng sẽ đặt thế hệ Millennials vào nguy cơ suy sụp (downstream), dẫn đến tất cả những hệ quả tiêu cực. Như chúng ta đã thấy, sự căng thẳng là một yếu tố lớn góp phần gây ra các căn bệnh về tim mạch, tiểu đường và béo phì. Và rồi, 19% những người thuộc thế hệ Millennials được chẩn đoán bị trầm cảm, so với với 12 % của thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh và 11% những người cao tuổi tại Mỹ. Không có gì đáng ngạc nhiên, một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự căng thẳng ở những người trẻ tuổi chính là công việc. 76% thế hệ Millennials nói rằng công việc là một tác nhân đáng kể gây ra căng thẳng (so với 62% của thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh và 39% những người cao tuổi tại Mỹ). Trong số những thách thức mà thế hệ Millennials phải đối mặt thì việc tốt nghiệp đại học với món nợ sinh viên khổng lồ và bước vào một thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt là một thách thức cực lớn. Vì vậy, thế hệ Millennials phải chịu đựng sự căng thẳng đã được tạo ra trong nền kinh tế của chúng ta nhiều hơn so với bất cứ thế hệ nào khác – hoặc là làm việc quá sức và bị mắc kẹt trong công nghệ, hoặc là không thể tìm được việc làm và phải vật lộn để chi trả các hóa đơn và tồn tại. Tất nhiên, rất nhiều trong số đó là những vấn đề phụ thuộc vào hành động chính trị và cải cách kinh tế. Nhưng dù thế nào, chánh niệm, thiền định hay các công cụ khác không chỉ giúp tăng cường khả năng phục hồi và sự linh hoạt khi đối mặt với nghịch cảnh, mà chúng còn dẫn đến hiệu suất lớn hơn tại nơi làm việc. Và đúng vậy, tôi nhận ra có một nghịch lý trong việc sử dụng ý tưởng nâng cao hiệu suất như một lợi điểm bán hàng độc nhất dành cho những sự rèn luyện mà có thể giúp chúng ta xác định lại về sự thành công. Sau tất cả, điều chúng ta đang nói tới là những thứ quan trọng cuối cùng trong cuộc sống của chúng ta. Nói cách khác, thiền định, yoga, ngủ đủ giấc và làm mới bản thân sẽ khiến chúng ta làm tốt hơn trong công việc, đồng thời sẽ khiến chúng ta biết rằng công việc không định nghĩa được chúng ta là ai. Bất kể điểm bắt đầu của bạn là gì – hãy cứ nắm lấy nó. Ngay bây giờ, có thể bạn chỉ muốn được thể hiện tốt hơn trong công việc, hoặc giúp công ty trở nên thành công hơn, và đó là lý do bạn bắt đầu thiền, rèn luyện chánh niệm hay ngủ nhiều hơn. Nhưng trong quá trình đó, bạn sẽ có khả năng gia tăng thêm một vài quan điểm về những gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Trong bài viết trên tờ New York Times về hội nghị Thước đo thứ ba mà tôi tổ chức vào tháng 6 năm 2013, Anand Giridharadas đã chỉ ra rằng: “Có rủi ro trong cách tiếp cận này... Việc chứng minh sự chú ý nhiều hơn đến phúc lợi có tác động đến hiệu suất làm việc có thể sẽ thành công trong việc đạt được mục tiêu nhỏ, nhưng thất bại trong việc đạt được mục tiêu lớn. Kẻ chiến thắng vẫn giữ ý kiến rằng điều gì tốt cho công việc thì cũng tốt cho chúng ta.” Tôi tin rằng chúng ta có thể giành chiến thắng trong một trận đấu và cả một cuộc chiến. Hãy chú trọng hơn vào phúc lợi của mình – với bất kỳ lý do nào. Hãy kết nối chúng ta với những phần khác của bản thân – những phần hiện đang không hoạt động và khiến chúng ta có nhiều cơ hội để nhận ra rằng sẽ không còn bất kỳ sự chia rẽ nào giữa thành công trong công việc và một cuộc sống thịnh vượng. Ủ Ể Ê Ỉ HÃY NGỦ ĐỂ LEO LÊN ĐỈNH CAO Sự thay đổi cơ bản nhất mà chúng ta có thể làm để xác định lại thành công trong cuộc đời mình là giải quyết mối quan hệ căng thẳng của chúng ta với giấc ngủ. Theo tiến sĩ Michael Roizen, giám đốc Bệnh viện Clevelad: “Giấc ngủ là thói quen sức khỏe bị đánh giá thấp nhất.” Hầu hết chúng ta đã thất bại trong việc thực hiện tốt một vai trò vô giá như vậy trong cuộc sống. Trên thực tế, chúng ta đã cố tình làm điều ngược lại. Chúng ta đã nhầm lẫn khi nghĩ rằng thành công là kết quả của lượng thời gian chúng ta dành cho công việc, thay vì chất lượng của thời gian mà chúng ta đã đặt vào. Giấc ngủ mà chúng ta cần đã trở thành một biểu tượng của năng lực. Chúng ta hình thành một sự tôn sùng đối với việc ngủ không đủ giấc, và chúng ta tự hào về việc chúng ta đã ngủ ít như thế nào. Có một lần tôi dùng bữa tối cùng một người đàn ông đã khoe khoang rằng anh ta chỉ ngủ bốn tiếng vào đêm hôm trước. Tôi đã phải cố gắng để không nói với anh ta rằng, bữa tối này sẽ có nhiều điều thú vị hơn nếu anh ta ngủ được năm tiếng. Không có một yếu tố thực tế nào trong cuộc sống mà không được cải thiện nhờ việc ngủ đủ giấc. Và cũng không có một yếu tố thực tế nào trong cuộc sống không bị suy giảm do thiếu ngủ, bao gồm cả những quyết định của các nhà lãnh đạo. Bill Clinton, người từng chỉ có năm tiếng để ngủ mỗi đêm, thừa nhận: “Mỗi sai lầm nghiêm trọng mà tôi đã gây ra trong cuộc đời mình đều được tạo ra khi tôi quá mệt mỏi.” Và trong năm 2013, khi Liên minh Châu Âu đang thực hiện kế hoạch cứu trợ tài chính cho Cộng hòa Síp, một thỏa thuận đã được các bên chấp thuận vào rạng sáng hôm sau, thỏa thuận đó đã được một người trong cuộc mô tả là “sự ngu ngốc ấn tượng”. Nhà báo tài chính Felix Salmon cho rằng quyết định này “sinh ra từ sự kết hợp kinh khủng giữa sự trì hoãn, thư tống tiền và nghệ thuật khiến đối thủ không còn tỉnh táo vì thiếu ngủ.”Vai trò của việc thiếu ngủ trong các cuộc đàm phán quốc tế sẽ tạo ra một công trình luận án tiến sĩ xuất sắc (nhưng đừng bắt bất kỳ người nào thức cả đêm để hoàn thành nó). Sự sáng tạo, khéo léo, tự tin, khả năng lãnh đạo và việc đưa ra quyết định của chúng ta đều có thể được cải thiện bằng cách ngủ đủ giấc. “Việc mất ngủ tác động tiêu cực tới tâm trạng, khả năng tập trung và nhận thức ở cấp độ cao hơn của chúng ta: sự kết hợp của các yếu tố này là những gì mà chúng ta thường gọi là ‘hiệu suất tinh thần’,” tiến sĩ Stuart Quan và Russell Sanna, đến từ Trường Y khoa Harvardđã nói như vậy. Tôi từng là một nhà truyền giáo về giấc ngủ suốt năm năm qua, nhưng khi được yêu cầu tham gia hội đồng điều hành của nó – một vai trò đã cung cấp cho tôi nền tảng kiến thức tuyệt vời trong công trình nghiên cứu giấc ngủ mới nhất, thì điều đó đã tiếp tục củng cố sự truyền giáo về giấc ngủ của tôi. Một nghiên cứu tại Đại học Duke đã phát hiện rằng một giấc ngủ kém có liên quan tới những mức độ căng thẳng cao hơn và nguy cơ tăng các bệnh tim mạch và tiểu đường. Họ cũng nhận thấy những rủi ro đó ở nữ giới cao hơn nam giới. Till Roeneberg, giáo sư thuộc Đại học Ludwig-Maximilians tại Munich, một chuyên gia về chu kỳ giấc ngủ, đã đặt ra thuật ngữ “sự mệt mỏi do hiện tượng lệch múi giờ xã hội” (social jetlag)để giải thích về sự khác biệt giữa những thứ mà đồng hồ sinh học của chúng ta cần với những thứ mà đồng hồ xã hội yêu cầu. Tất nhiên, tất cả sự mệt mỏi dù nhỏ nhất cũng có thể tàn phá đồng hồ sinh học của chúng ta – vì vậy, như một người đã đi qua rất nhiều múi giờ, tôi không ngừng thực hiện các quy tắc chống lại sự mệt mỏi trong mỗi chuyến bay của mình. Khi máy bay cất cánh, tôi uống nhiều nước nhất có thể, tránh xa hoàn toàn đường và rượu, di chuyển quanh những không gian hạn chế được cho phép trên máy bay, và ngủ lâu nhất có thể với sự trợ giúp từ danh sách nhạc thiền (và bằng cách đặt các thiết bị điện tử ra xa tầm tay – ngay cả khi chúng được cho phép). Giống với thiền định, các mô hình giấc ngủ có thể có một hiệu ứng vật lý tác động lên não bộ của chúng ta. Một nghiên cứu được tiến hành tại Trường Y khoa Harvard cho thấy sự gia tăng khối lượng chất xám trong não của những người ngủ nhiều hơn mức tối thiểu, và điều này sẽ cải thiện sức khỏe tâm lý của họ. Một nghiên cứu vào năm 2013 trên những chú chuột cho thấy trong khi ngủ, não bộ sẽ lọc bỏ những protein độc hại – thứ tích tụ giữa các tế bào não, và quá trình này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. “Nó giống như một cái máy rửa bát,” Maiken Nedergaard, một trong những tác giả của nghiên cứu, giáo sư về phẫu thuật thần kinh tại trường Đại học Rochester, cho biết. Giáo sư Nedergaard đã làm điều tương tự với một bữa tiệc tại nhà: “Bạn có thể chiêu đãi những vị khách hoặc dọn dẹp ngôi nhà, nhưng bạn không thể thực sự làm cả hai việc cùng một lúc được… Não bộ chỉ có năng lượng xử lý giới hạn, và sau đó nó phải lựa chọn giữa hai trạng thái chức năng khác nhau – tỉnh táo và nhận thức, hoặc ngủ và dọn dẹp.” Có quá nhiều người trong số chúng ta đã và đang thực hiện quá nhiều việc “chiêu đãi mà không dọn dẹp đủ”. Như kết quả cuộc khảo sát giấc ngủ của người Anh mới đây cho thấy, những người thiếu ngủ có thể cảm thấy bất lực gấp bảy lần và cảm thấy cô đơn gấp năm lần so với bình thường. Đây là những hậu quả có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ các mối quan hệ và khả năng của chúng ta để tập trung vào sức khỏe của mình. Việc thiếu ngủ cũng khiến nền kinh tế phải trả những cái giá ghê gớm. Một nghiên cứu năm 2011 của Trường Y khoa Harvard đã chỉ ra rằng việc mất ngủ có liên quan đáng kể với hiệu suất làm việc bị suy giảm, và khi xét trên toàn bộ lực lượng lao động ở Mỹ, nghiên cứu ước tính rằng hiệu suất bị sụt giảm bởi nguyên nhân mất ngủ đã bào mòn hơn 63 tỷ đô-la mỗi năm của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học đề cập tới những lợi ích không thể chối cãi của giấc ngủ. Một nghiên cứu được công bố trên tờ Science thậm chí đã tính ra rằng với những người thiếu ngủ, việc ngủ thêm một tiếng đồng hồ có thể giúp ích nhiều điều cho cuộc sống hạnh phúc hằng ngày của họ hơn là được tăng lương 60.000 đô-la. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã thất bại trong việc tìm kiếm mối liên hệ giữa việc tăng lương và hạnh phúc – sự gia tăng thu nhập ở các nước phát triển trong hơn một nửa thế kỷ qua đã không tương quan với sự gia tăng trong báo cáo về hạnh phúc. Giáo sư kinh tế Richard Easterlin của Đại học Nam California đã tiến hành một nghiên cứu phân tích mối tương quan giữa thu nhập với báo cáo phúc lợi và chỉ ra rằng tại Nhật Bản, các mức độ phúc lợi vẫn không đổi giữa năm 1958 và 1987, mặc dù thu nhập thực tế đã tăng 500%! Nhưng chúng ta sẽ làm gì nếu như, cho dù đó có là những mục đích tốt nhất, chúng ta vẫn không có được một giấc ngủ 7-8 tiếng một đêm mà chúng ta cần? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả những giấc ngủ trưa ngắn cũng có thể giúp chúng ta hành xử đúng đắn hơn. Xuyên suốt lịch sử, những người có giấc ngủ ngắn nổi tiếng bao gồm Leonardo da Vinci, Thomas Edison, Eleanor Roosevelt, Winston Churchill và John F. Kennedy. Charlie Rose, một người có giấc ngủ ngắn nổi tiếng trong thời đại của chúng ta, đã kể với tôi rằng ông hiện có đến ba giấc ngủ ngắn mỗi ngày: “Tôi có một giấc ngủ ngắn sau khi hoàn thành chương trình CBS buổi sáng, một giấc ngủ ngắn trước khi tôi ghi âm chương trình riêng của mình, và một giấc ngủ trước khi tôi ra ngoài vào buổi tối. Tôi không thích cảm giác trải qua một ngày mệt mỏi dai dẳng!” Theo David Randall, tác giả của Dreamland: Adventures in the Strange Science of Sleep (tạm dịch: Cuộc phiêu lưu khoa học kỳ lạ của giấc ngủ), thì một giấc ngủ ngắn sẽ “trang bị thông tin cho não bộ để chúng ta hoạt động ở mức độ cao hơn, cho phép chúng ta đưa ra những ý tưởng tốt hơn, tìm kiếm những giải pháp cho các câu hỏi hóc búa một cách nhanh chóng hơn, xác định các khuôn mẫu nhanh hơn và ghi nhớ lại thông tin chính xác hơn.” Tất nhiên, việc ngủ nhiều hơn nói thì dễ hơn làm – tin tôi đi, tôi biết mà! Điều này đặc biệt đúng trong một nền văn hóa kết nối 24/7 với internet. Và ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng màn hình điện thoại và giấc ngủ là những kẻ thù tự nhiên của nhau. Các nhà nghiên cứu tại Viện Bách khoa Rensselaer vừa công bố một nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng từ màn hình sẽ cản trở sự sản xuất melatonin – chất giúp quản lý đồng hồ sinh học bên trong cơ thể và điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Công nghệ cho phép chúng ta kết nối quá đà với thế giới bên ngoài, tới mức chúng ta có thể bị mất kết nối với thế giới bên trong của chính mình. Chúng ta thực sự cần phải thanh lọc cuộc sống khỏi sự độc hại của những gì mà Anne-Marie Slaughter gọi là “time macho” (hàm ý bạn sẽ mạnh mẽ và tốt đẹp hơn nếu làm việc nhiều hơn). Bà đã mô tả nó như là “sự cạnh tranh không ngừng của con người để làm việc chăm chỉ hơn, ở lại muộn hơn, kéo thêm nhiều đêm thức trắng.” Vào tháng 1 năm 2010, tôi đã thuyết phục Cindi Leive, tổng biên tập của tạp chí Glamour, tham gia cùng tôi trong một giải pháp của năm mới mà chúng tôi tin rằng sẽ cải thiện cuộc sống của nữ giới ở khắp mọi nơi trên thế giới: được ngủ nhiều hơn. Đối với chúng tôi, giấc ngủ là một vấn đề về nữ quyền. Bạn thấy đấy, trong số tất cả những người bị mất ngủ, phụ nữ là những người mệt mỏi nhất. Các bà mẹ đi làm có giấc ngủ ngắn nhất với 59% số người được phỏng vấn, và 50% nói rằng họ chỉ có những giấc ngủ trong sáu tiếng hoặc ít hơn. Cindi thừa nhận rằng do công việc ở công ty, chăm sóc hai đứa con nhỏ và nghiện xem tivi nên trung bình cô chỉ ngủ khoảng năm tiếng mỗi đêm. “Phụ nữ bị thiếu ngủ hơn đáng kể so với nam giới,” tiến sĩ Michael Breus, tác giả cuốn Beauty Sleep (tạm dịch: Giấc ngủ hồi phục sắc đẹp)đãkhẳng định như vậy. “Có thể họ cũng hiểu rằng giấc ngủ cần được coi là một ưu tiên, nhưng sau đó họ chỉ có thể đi ngủ như là điều cuối cùng cần phải làm. Và đó là khi tình trạng bắt đầu trở nên xấu đi.” “Sự gian lận” của bạn đã đưa cơ thể ra khỏi cơ chế R&R (Rest and Recupertation: sự nghỉ ngơi và hồi phục)mà nó cần, điều này sẽ khiến bạn dễ bị bệnh, căng thẳng, tai nạn giao thông và tăng cân. (Tiến sĩ Breus chắc chắn rằng việc ngủ đủ giấc sẽ thực sự giúp giảm cân hiệu quả hơn so với việc tập thể dục!) Nhưng có nhiều vấn đề dẫn đến việc thiếu ngủ hơn những vấn đề về thể trạng. Khi tước đoạt giấc ngủ của chính bản thân, bạn sẽ thấy mình không sử dụng các chức năng vào hành động một cách hiệu quả nhất. Điều này đúng trong những thời điểm bạn cần đưa ra quyết định, giải quyết các mối quan hệ thách thức, hay bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống đòi hỏi sự phán xét, cân bằng cảm xúc, giải quyết vấn đề và sự sáng tạo. “Bạn sẽ thực sự làm việc tốt hơn sau một đêm ngon giấc,” tiến sĩ Breus nói. Tuy nhiên, chúng ta lại không ngừng khiến bản thân ngủ ít đi, cho đến khi chúng ta không nhận biết được ở “đỉnh cao phong độ” có cảm giác như thế nào nữa. Có một nguyên nhân giải thích tại sao việc thiếu ngủ được phân loại như một hình thức tra tấn và là một chiến lược được sử dụng bởi các giáo phái tôn giáo. Họ thường áp chế và khiến đối thủ tỉnh táo suốt một khoảng thời gian dài nhằm giảm khả năng đưa ra quyết định và khiến họ trở nên dễ thuyết phục hơn. Vì vậy, sự lựa chọn là của chúng ta. Chúng ta có muốn trở thành người phụ nữ/đàn ông được trao quyền để chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình hay không? Hay chúng ta muốn kéo lê bản thân đi khắp nơi như những xác sống? Trở lại với giải pháp của năm mới. Trong một tháng, Cindi và tôi đã cam kết sẽ ngủ đủ giấc vào ban đêm – trong trường hợp của Cindi là ngủ bảy tiếng rưỡi, còn của tôi là tám tiếng. Tất nhiên, có một giấc ngủ ngon là một giải pháp dễ dàng thực hiện một lần hơn là có thể duy trì lâu dài. Chúng tôi đã phải từ chối mọi cám dỗ, và trên hết, chúng tôi đã phải lờ đi sự tham công tiếc việc, lờ đi việc ai đó nói rằng chúng tôi lười biếng để không sống theo gương của những người nổi tiếng vốn rất tự hào khi thiếu ngủ. Tất nhiên, sự thật bao giờ cũng ngược lại: nhiều người trong số chúng ta có khả năng trở thành một chuyên gia nếu chúng ta không ngủ gật. Vấn đề là phụ nữ thường cảm thấy họ không “thuộc về” bầu không khí trong câu lạc bộ của các chàng trai, những người vẫn chiếm ưu thế tại nơi làm việc. Vì vậy, họ cố gắng thay đổi bằng cách làm việc chăm chỉ hơn và lâu hơn so với những anh chàng ở bên cạnh. Làm việc chăm chỉ giúp phụ nữ được hòa nhập vào xã hội và giành được một sự đảm bảo nhất định. Và nó có thể có hiệu quả, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Vì vậy, họ bắt đầu làm việc ngày càng nhiều hơn và thường xuyên hơn, làm những công việc kéo dài vô tận của lối sống chuyên nghiệp. Nhưng sự nghiện công việc sẽ dẫn đến thiếu ngủ, và điều dẫn đến kết quả là chúng ta chẳng thể làm tốt việc gì. Có quá nhiều người trong số chúng ta sợ hãi rằng việc có được một giấc ngủ ngon đồng nghĩa với việc chúng ta không có đủ đam mê với công việc và cả cuộc sống của chúng ta. Trên thực tế, bằng cách ngủ nhiều hơn, chúng ta có thể trở nên thành thạo và kiểm soát tốt hơn cuộc sống của chính mình. Nó đem đến một lớp ý nghĩa mới cho những câu chuyện nhảm nhí, cũ rích về việc phụ nữ “lên giường để leo lên đỉnh cao”.Trên thực tế, phụ nữ đã hoàn toàn phá vỡ rào cản vô hình ngăn chặn nữ quyền tại quốc hội, các lĩnh vực như du hành vũ trụ, thể thao, kinh doanh và các phương tiện truyền thông – hãy tưởng tượng tới những điều chúng ta có thể làm khi hoàn toàn tỉnh táo. Việc có một người bạn thân chắc chắn sẽ khiến cho những nỗ lực để ngủ nhiều hơn của chúng ta trở nên dễ dàng hơn và nhiều niềm vui hơn. Tôi nhớ Cindi đã gửi email cho tôi vào ngày thứ ba: “Tôi đã ngủ bảy tiếng rưỡi vào đêm qua nhưng tôi thực sự cảm thấy khó để lên giường đúng giờ! Tôi đã đi đi lại lại giống như đang chờ đợi chuyến tàu của mình vậy!” Cô ấy đã giúp tôi xác định cảm giác tương tự trong bản thân mình. Vào một đêm, tôi đang thảo luận về một tiêu đề khá hay tại Huffington Post với biên tập viên Roy Sekoof vào lúc 22 giờ 30 phút và tôi bắt đầu thấy lo lắng rằng tôi sẽ lỡ mất “chuyến tàu của mình”. Vì vậy, Roy và tôi đã cùng nhau tăng tốc độ tư duy để đưa ra một tiêu đề mới trên trang web, giúp tôi không lỡ mất giờ ngủ của mình (có cảm giác như chúng tôi đang tháo ngòi nổ một quả bom trong một bộ phim hành động vậy). Và tôi đã phát hiện ra một số thứ tuyệt vời có thể hỗ trợ cho giấc ngủ: những bộ đồ ngủ bằng lụa màu hồng thơm tho mà Cindi đã tặng tôi. Chỉ cần mặc chúng lên người là tôi đã cảm thấy sẵn sàng để lên giường – tốt hơn rất nhiều so với những chiếc áo phông cotton mà tôi thường mặc khi đi ngủ. Những bộ đồ ngủ đó phải là “những bộ quần áo-để-đi-ngủ” không thể lẫn đi đâu được, không nên nhầm lẫn với “những bộ quần áo-để-đi-tập-thể dục”. Quá nhiều người trong chúng ta đã bỏ qua sự phân biệt giữa những gì bạn mặc trong ngày và những gì bạn mặc để đi ngủ. Việc mặc những bộ đồ ngủ sẽ trở thành một tín hiệu cho cơ thể rằng: Đến lúc ngừng làm việc rồi! Một tín hiệu thậm chí còn quan trọng hơn, đó là tắt tất cả các thiết bị xung quanh chúng ta: tôi đảm bảo rằng mình đã cắm sạc chiếc Iphone và BlackBerrys (vâng, tôi có nhiều hơn một chiếc điện thoại!) xa, rất xa giường của mình, để giúp tôi tránh khỏi cám dỗ-lúc-nửa đêm về việc kiểm tra tin tức hay email mới nhất. Và Cindi đã chia sẻ một mẹo mới nếu cô ấy gặp vấn đề với việc đi ngủ: “Đếm ngược ba lần từ 300 – nó hoạt động giống như một phép thuật và bạn không bao giờ có thể đếm đến dưới 250.” Vào vài dịp khi cảm thấy quá khó ngủ, liều thuốc của tôi là tắm nước nóng với loại muối tắm yêu thích. Vào ngày thứ tư của quá trình “phục hồi giấc ngủ”, tôi thực sự thức dậy mà không cần một tiếng chuông báo thức. Tôi lo lắng nhìn xung quanh xem có điều gì sai không, tự hỏi trường hợp khẩn cấp nào của cơ thể đã triệu tập sự chú ý của tôi như vậy. Tôi đã mất khoảng 1-2 phút để nhận ra lý do tôi hoàn toàn tỉnh táo là vì… tôi không cần phải ngủ nữa. Bạn hãy thử tưởng tượng về điều đó. Giáo sư Roenneberg giải thích rằng mặc dù 80% dân số thế giới sử dụng một chiếc đồng hồ báo thức để thức dậy, việc chúng ta phát hiện ra mình thực sự cần giấc ngủ bao lâu lại khá đơn giản: “Đôi khi chúng ta ăn quá nhiều, nhưng chúng ta lại thường không thể ngủ quá nhiều. Khi chúng ta tự động thức giấc và cảm thấy tràn đầy năng lượng, đó là lúc chúng ta đã ngủ đủ giấc.” Ông nói tiếp: “Với việc sử dụng bóng đèn điện một cách rộng rãi, đồng hồ sinh học của chúng ta đã chạy chậm hơn trong khi ngày làm việc về cơ bản vẫn giống như vậy. Chúng ta rơi vào giấc ngủ muộn hơn đồng hồ sinh học, và bị đánh thức sớm để đi làm bởi đồng hồ báo thức. Đó là lý do của bệnh thiếu ngủ kinh niên.” Nó giống như việc ngày càng lún sâu vào nợ nần, và chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra điều đó. Một trong những ích lợi của việc ngủ đủ giấc là tôi cảm thấy mình như một trong những người “thức dậy và tỏa sáng” , những người mà bình thường bạn sẽ muốn siết cổ khi bạn đang bị thiếu ngủ. Tôi đã hành động và loại bỏ được đám sương mù tinh thần vào buổi sáng. Nhiều người trong số chúng ta biết rằng tập thể dục thường xuyên giúp chúng ta ngủ ngon hơn, nhưng những gì tôi phát hiện ra, đó là một con đường hai chiều: ngủ thường xuyên cũng giúp chúng ta tập luyện được tốt hơn. Đó là một sự thật mà tôi cảm nhận từ tận trong xương tủy của mình, và điều đó đã được khoa học xác nhận. Theo một nghiên cứu gần đây trên tờ Journal of Clinical Sleep Medicine, sau một giấc ngủ tệ hại vào ban đêm, những người tham gia báo cáo rằng họ đã có những buổi tập thể dục bị rút ngắn. Khi bật máy tập thể dục như một phần của thói quen tập thể dục buổi sáng của mình, tôi đã nâng được mức tạ nặng hơn, nhấn nút máy chạy bộ nhanh hơn, và chỉnh một độ dốc cao hơn bình thường. Nếu ai đó biết thói quen tập thể dục của tôi mà nhìn thấy tôi đang trong tình trạng đó, gần như chắc chắn tôi sẽ bị yêu cầu trình ra phiếu xét nghiệm ma túy bắt buộc. Nhưng chất kích thích duy nhất để tăng cường hiệu suất của tôi là một vài đêm ngủ đủ tám tiếng. Đây là một trong những lý do tại sao ngủ nhiều hơn có thể dẫn đến việc giảm cân. Và năng lượng của tôi đã kéo dài nguyên một ngày. Tôi có một nhóm bạn mà tôi hay đi dạo cùng. Đây là một thông lệ của chúng tôi: bất cứ ai đang cảm thấy tràn đầy sinh lực nhất trong ngày hôm đó sẽ phải nói chuyện trên đường leo lên đỉnh đồi, những người còn lại sẽ nói chuyện trên đoạn đường đi xuống. Tôi được biết đến như một người thường nói chuyện ở đoạn đi xuống. Nhưng vào cuộc leo núi cuối cùng của mình, tôi đã nói chuyện không ngừng nghỉ trên chặng đường leo lên, chủ yếu là bài diễn thuyết cho những người bạn đồng hành của tôi để làm sao ngủ được nhiều hơn. Tôi cũng nhận được một gợi ý khác từ Cindi, cô ấy đã nghĩ ra một kế hoạch để coi giờ đi ngủ của mình như một cuộc hẹn – với tính cấp bách và tầm quan trọng như đối với tất cả các cuộc hẹn công việc. Trên thực tế, đó là một cuộc hẹp mà bạn đã lên lịch cho chính bản thân mình. Cô ấy tính toán khoảng thời gian mà mình cần để thức dậy, đếm ngược lại bảy tiếng rưỡi (đó là mục tiêu của cô ấy) và bất kể thời gian nào cũng có thể trở thành cuộc hẹn. Quá nhiều người nghĩ về giấc ngủ như những mục linh hoạt trong lịch trình của mình, rằng giấc ngủ có thể bị đổi chỗ tùy tiện để nhường chỗ cho các ưu tiên hàng đầu của chúng ta trong công việc. Nhưng giống như một chuyến bay hoặc chuyến tàu, giấc ngủ của chúng ta nên được coi như một điểm cố định trong ngày, và tất cả mọi thứ khác nên được điều chỉnh để chúng ta không bỏ lỡ nó. Và để giữ đúng cuộc hẹn của mình, Cindi đã sử dụng gợi ý của tiến sĩ Breus: thiết lập một chuông báo khi đến giờ đi ngủ. “Bạn sẽ bị buộc phải vào phòng ngủ để tắt tiếng chuông kinh khủng đó – và nó cũng sẽ dẫn bạn vào phòng ngủ đúng thời điểm”, cô nói. Việc công bố về quyết định của bạn để có được giấc ngủ nhiều hơn có thể là một cách để khiến cho cam kết đó trở nên có sức nặng. Bạn sẽ được bao quanh bởi những người bạn cảm thông, những người đã muốn làm điều tương tự và những người sẽ giúp bạn bám vào mục tiêu giấc ngủ của mình. Trong trường hợp của tôi, vì tôi đã viết về sự cam kết với giấc ngủ của mình trên tờ Huffington Post, nên tôi bắt đầu gặp được những người hoàn toàn xa lạ tại các sự kiện, họ liếc nhìn đồng hồ và hỏi tôi đã lên kế hoạch để ở lại trong bao lâu và không biết tôi có thể ngủ đủ tám tiếng hay không. Tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ trốn ngủ đêm tại một trường học – với hàng tá những người trông trẻ đang sốt sắng giúp tôi giữ vững cam kết của mình. Kết quả của việc ngủ nhiều hơn và sâu hơn đã dẫn đến sự gia tăng tần suất của những giấc mơ. Tôi không chắc rằng những giấc mơ của mình thực sự trở nên mạnh mẽ hơn, sinh động hơn và thú vị hơn, hay là chúng chỉ có vẻ trông giống như vậy bởi tôi không thức dậy với khao khát được ngủ nhiều hơn. Dù là lý do gì, tôi bỗng thấy bản thân mình sở hữu một cuộc sống trong mơ thật phong phú và hấp dẫn. Tôi luôn bị cuốn hút bởi những giấc mơ. Trên một chuyến đi tới Luxor, Ai Cập, tôi đã tới thăm một “phòng ngủ” tại đền Luxor, nơi những vị linh mục cấp cao và nữ tư tế nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng và nguồn cảm hứng trong giấc ngủ của mình bằng cách cầu nguyện và thiền định. Trái ngược với thói quen hiện đại của chúng ta về việc tự gây mê (uống thuốc ngủ) một cách vô nghĩa, hy vọng rằng mình sẽ “ngất lịm” vài giờ trước khi phải đối mặt với một ngày làm việc điên cuồng khác, người Ai Cập cổ đại đã đi vào giấc ngủ một cách đáng mong đợi. Việc chuẩn bị tinh thần cho giấc ngủ này đã cho phép họ nhớ chút gì đó về những giấc mơ và ghi chú lại chúng. Thậm chí ngay trước chuyến đi tới Ai Cập, từ lâu tôi đã bị quyến rũ bởi sự nhấn mạnh về những giấc mơ và các nguyên mẫu của Carl Jung. Cuốn tự truyện Memories, Dreams, Reflections (tạm dịch: Những ký ức, giấc mơ và sự phản ánh) của ông là một trong những cuốn sách yêu thích của tôi. Nó đã giúp tôi khám phá những khả năng mà thế giới của những giấc mơ (khác với việc bấm nút “tắt” trí óc chúng ta khỏi những thứ mà chúng ta coi là “thế giới thực”) thực sự dẫn chúng ta tới một thực tại khác – một nơi vô tận, cho phép chúng ta lắng nghe tâm hồn mình. Dựa theo chuyến đi tới Ai Cập ấy, và trong nhiều năm sau đó, tôi thường viết lại những giấc mơ của mình. Tôi viết kín quyển ghi chú này tới quyển ghi chú khác. Nhưng rồi cuộc sống – đặc biệt là vai trò làm mẹ – đã can thiệp vào. Và giữa việc dỗ dành một đứa trẻ đang khóc, hay ôm lấy một đứa trẻ đang sốt – thì giấc ngủ trở thành một khát vọng, một chiến thuật sống sót, không còn là một sự kết nối thiêng liêng và thần thánh. Ban đêm và giấc ngủ sớm đã trở thành điều xa xỉ: đầu tôi chỉ chạm gối khi thời gian biểu cho phép. Luôn phải thức muộn, luôn phải vội vàng. Cuộc sống đã trở thành một chu kỳ của gục ngã rồi vội vã, gục ngã rồi vội vã. Đó là một vòng xoay mà cuối cùng tôi đã trở nên quen thuộc. Có vẻ nó đã trở nên bình thường. ,cBác sĩ Breus đã giải thích tại sao việc nằm mơ là rất quan trọng: “Giấc mơ xảy ra thường xuyên nhất trong giấc ngủ REM (hay còn gọi là ‘ngủ say’) và chúng giúp củng cố trí nhớ. Vậy điều gì có thể có ý nghĩa cho bạn? Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy một sự cải tiến trong bộ nhớ tổng quát, khả năng tổ chức những suy nghĩ và hành động của mình.” Ngoài những lợi ích thiết thực của việc ghi nhớ giấc mơ, còn có những lý do tâm linh sâu sắc hơn, được tổng kết bởi Rumi: “Có một giỏ bánh mỳ tươi mới trong đầu bạn, và bạn đi tới gõ cửa từng nhà để hỏi xin những mẩu cùi bánh. Hãy gõ lên cánh cửa bên trong bạn chứ không phải ai khác.” Việc ghi nhớ giấc mơ là một cách để gõ lên cánh cửa bên trong mỗi chúng ta, tìm thấy được những hiểu biết và sự tự nhận thức sâu sắc hơn. Những chuyên gia về giấc ngủ đã cung cấp cho tôi một số mẹo để tăng cường giấc ngủ. Dưới đây là một số mẹo mà tôi thấy hữu ích nhất: Thay một chiếc gối mới. Và một chiếc vỏ gối mới. Làm cho phòng ngủ của bạn tối hơn và giữ nó mát mẻ. Luyện tập thở sâu trước khi ngủ. Tắm nước nóng trước khi ngủ. Tập thể dục hoặc ít nhất là đi bộ mỗi ngày. Nghiêm cấm tất cả những loại màn hình LCD (máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi) vào buổi đêm. Cắt giảm lượng cafein sau 14 giờ chiều và tránh xa rượu bia ngay trước giờ đi ngủ để cơ thể có thời gian chuyển hóa. Và trong suốt một ngày, để ngăn chặn căng thẳng từ việc chồng chất những điều khiến cho việc đi ngủ vào ban đêm trở nên khó khăn hơn, thì cứ sau vài giờ chúng ta hãy dành 60 giây tĩnh tâm để phục hồi – đây là cách mà các tay vợt hàng đầu tự phục hồi trong những trận đấu. Tất cả những gì bạn phải làm là dừng công việc, và đơn giản là chuyển ý thức của bạn tới lòng bàn tay, gan bàn chân hoặc cả hai. Hãy để ý thức của bạn dừng lại ở đó trong một phút, và cảm nhận tất cả sự căng thẳng đang rời khỏi cơ thể, trôi qua bàn tay và bàn chân của bạn. Bốn năm sau khi chương trình “Thử thách giấc ngủ” (Sleep Challenge)của chúng tôi kết thúc, Cindi và tôi đã bắt đầu khởi động chương trình “Thử thách ngắt kết nối” (Unplugging Challenge)–và lần này chúng tôi được tham gia cùng Mika Brzezinski, không chỉ là người cùng dẫn chương trình Morning Joe, cô còn là bạn dẫn của tôi trong loạt hội nghị Thước đo thứ ba. Vào tuần cuối cùng của tháng 12, tất cả chúng tôi đã cam kết rằng sẽ tắt tivi, mạng xã hội và email để chúng tôi có thể thực sự kết nối với những người thân yêu cũng như chính bản thân mình. Mika viết về phản ứng ban đầu của cô với việc tắt tất cả các thiết bị của mình: “Hãy thử ngắt kết nối, khi mà trong thập kỷ vừa qua, bạn đã ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa và tập thể dục cùng với chiếc Iphone trên tay. ‘Ám ảnh’ không phải là từ dành cho điều đó. Từ ‘Nghiện’ cũng không tổng kết được điều đó. ‘Bị buộc dây vào cổ’ ư? Hay là ‘Trên chiếc điện thoại bàn cố định’? ‘Vĩnh viễn cố định’? Gần đúng thôi.” Tuần lễ ngắt kết nối của Mika diễn ra trong kỳ nghỉ cùng gia đình cô, với đứa con gái tuổi teen nghiện điện thoại. Mika đã mô tả khoảnh khắc đầu tiên của nỗi ám ảnh đó thật đau đớn: “Khi đặt điện thoại xuống, tôi cảm thấy kỳ lạ, thiếu thốn, giống như việc tôi không mặc áo lót hay một thứ gì đó. Đôi khi trong suốt khoảng thời gian đầu của kỳ nghỉ, tôi thực sự đã cầm điện thoại ngay cả khi nó đã bị tắt. Nó chẳng khác gì việc cai sữa vậy.” Nhưng cô ấy đã nhận được phần thưởng hậu hĩnh. “Tôi đã thoát ra khỏi việc kết nối,” cô ấy viết. “Một cuộc trò chuyện trọn vẹn cùng cha mẹ. Một buổi bơi lội thú vị cùng với cháu gái. Thi chạy với Carlie. Chạy cùng Jim và Carlie. Đi dạo cùng Emilie. Tôi thậm chí còn ngắm mặt trời lặn mà không dừng lại để kiểm tra điện thoại.” Kết luận của Mika là: “Tôi cực kỳ khuyến khích việc ngắt kết nối! Vì sức khỏe của bạn. Vì các mối quan hệ của bạn. Và vì cuộc sống của bạn!” Đối với Cindi, cô cũng đã trải qua một quá trình cai nghiện đầy khó khăn, nhưng tuần lễ đó đã dạy cô một số bài học. Ví dụ, cô viết: “Khi không lướt điện thoại nữa, bạn sẽ ngay lập tức để ý xem những người khác như thế nào. Tôi trở về từ kỳ nghỉ ít thông tin cập nhật nhưng lại có nhiều niềm hạnh phúc.” Cô cũng đã quyết định thực hiện một số bài học trước đó: “Tôi long trọng tuyên bố sẽ tránh xa email trong hầu hết các buổi tối, cất điện thoại vào trong túi xách chứ không cầm trên tay, tôi sẽ làm những điều đó thường xuyên hơn trong năm nay. Ai sẽ tham gia cùng tôi nào?” Tôi khuyến khích bạn tham gia cùng cô ấy! LỜI KHUYÊN TỪ CÁC TRANG THỂ THAO: NHỮNG PHƯƠNG THUỐC TĂNG CƯỜNG - PHONG ĐỘ CƠ BẢN Điều cơ bản dẫn đến định nghĩa sai lầm về thành công, đó là niềm tin rằng làm việc quá sức là con đường duy nhất để nâng cao hiệu suất và đạt được kết quả kỳ vọng. Một cách dễ dàng để nhận thấy sự điên cuồng của niềm tin này là nhìn vào thế giới thể thao, nơi mà hiệu suất có thể định lượng và đo lường được. Thế giới thể thao là nguồn gốc của rất nhiều phép ẩn dụ trong thế giới kinh doanh – “ăn điểm trực tiếp” (home run), “úp rổ“ (slam dunk), “đánh rơi bóng” (dropping the ball12), “cầu thủ tài giỏi” (heavy hitters13), “bước đến khung gỗ” (step up to the plate14)... Những vận động viên hàng đầu là tất cả kết quả. Và bởi thể thao được định lượng một cách vô tận, nên sẽ rất dễ để đo lường cái gì hoạt động và không hoạt động. Thế giới không khoan nhượng của những môn thể thao ngày càng coi trọng thiền định, yoga, chánh niệm, ngủ đủ giấc và ngủ trưa một cách chính xác bởi các vận động viên và huấn luyện viên nhận ra rằng chúng có hiệu quả. Có lẽ không có cách nào tốt hơn để nhìn nhận những tác dụng hữu hình của chánh niệm và các công cụ giảm bớt căng thẳng hơn việc nhìn vào giới thể thao. Một trong những nghiên cứu thú vị và được trích dẫn rộng rãi nhất đến từ Stanford. Hơn 10 năm trước, Cheri Mah, một nhà nghiên cứu tại Phòng khám Rối loạn Giấc ngủ Stanford, đã xem xét ảnh hưởng của giấc ngủ lên não bộ. Một số chủ đề trong nghiên cứu của bà là về đội bơi Stanford. Họ đã tiết lộ cho Mah rằng trong suốt các bài kiểm tra, khi họ được yêu cầu ngủ nhiều hơn thì họ bơi tốt hơn và đạt phong độ tốt nhất. Bởi vậy Mah bắt đầu nhận thấy sự kết nối mạnh mẽ giữa việc tăng cường giấc ngủ và nâng cao hiệu suất. Một số nghiên cứu ban đầu – với các đối tượng gồm vận động viên bơi lội, cầu thủ bóng đá và vận động viên quần vợt – đã nhấn mạnh tới một kết nối mạnh mẽ. Vì vậy, Mah đã cho thực hiện một nghiên cứu lớn hơn, trong đó, như Peter Keating của kênh ESPN viết: “Làm chấn động thế giới của các vận động viên thể thao bằng việc chỉ ra rằng bạn có thể tăng nồng độ HGH (hoóc-môn tăng trưởng của con người) một cách hợp lệ chỉ bằng cách tắt đèn đi ngủ.” Trong ba mùa giải, Mah đã yêu cầu 11 vận động viên bóng rổ Stanford duy trì một lịch trình bình thường trong một vài tuần và sau đó yêu cầu họ ngủ trưa, ăn uống điều độ,và cố gắng để có được một giấc ngủ 10 tiếng vào ban đêm trong 5-7 tuần. Tất cả 11 vận động viên đều nhận ra những cải thiện về phong độ của họ. Cú chụp ba điểm tăng tới 9,2%. Những cú ném phạt tự do tăng 9%. Nhưng hiệu suất không chỉ được cải thiện ở trên sân, mà các vận động viên còn nói rằng tâm trạng của họ đã được thả lỏng và họ cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn. “Điều đó chứng tỏ các vận động viên đang hoạt động ở mức tối ưu,” Mah nói. “Họ đã tích lũy một khoản nợ giấc ngủ… Không phải là họ không thể hoạt động – họ vẫn đang chơi tốt – nhưng họ không thể phát huy được hết khả năng của mình.” Và trong giới thể thao, những cách rèn luyện mới đang được giới thiệu: Năm 2005, trong buổi tham vấn với chuyên gia về giấc ngủ Mark Rosekind, Ủy ban Olympic Mỹ đã quyết định nâng cấp những căn phòng tại trung tâm đào tạo Colorado Spring. Việc cải tạo bao gồm những tấm nệm tốt hơn, rèm chắn sáng tốt hơn, và khuyến khích các vận động viên ngủ khoảng 9-10 tiếng. Và nhiều người đã nhận được những lời khuyên dành cho tim mạch. “Giấc ngủ rất quan trọng trong sự nghiệp thể thao của tôi,” vận động viên maraton Ryan Hall nói, “tôi thường ngủ khoảng 8-9 tiếng mỗi đêm, mặt khác tôi phải đảm bảo 90 phút ngủ trưa trong ngày để nghỉ ngơi. Dallas Mavericks đến từ trung tâm Fatigue Science, Vancouver để theo dõi giấc ngủ của các vận động viên và sử dụng một thiết bị gắn trên cổ tay để so sánh nó với hiệu suất trên sân của họ. Pat Byrne, nhà sáng lập Fatigue Science, giải thích như sau: “Nếu một cầu thủ đang ngủ sáu tiếng mỗi đêm nói rằng: ‘Tôi cảm thấy ổn’, chúng tôi thực sự có thể nói: ‘Chúng tôi có thể giúp cho khả năng phản ứng của bạn trở nên tốt hơn nếu bạn đang ngủ tám tiếng mỗi đêm.’ Chúng tôi có thể chứng minh cho họ thấy điều đó.” Trước mỗi trận đấu, siêu sao Kobe của đội Los Angeles Lakers sẽ thường nán lại khách sạn của đội để ngủ thêm. Anh ấy cũng thực hiện thiền định – một cách luyện tập được cựu huấn luyện viên Phil Jackson đưa ra. Jackson cũng truyền dạy khái niệm “một hơi thở, một tâm trí“ cho các cầu thủ của mình và để họ tham gia vào các bài luyện tập. “Tôi tiếp cận điều đó cùng với chánh niệm,” ông kể với Oprah, “nhiều như việc chúng tôi nâng tạ và chạy để nâng cao thể lực, chúng tôi cần phải xây dựng sức mạnh tinh thần. Vậy nên chúng tôi có thể tập trung và có thể phối hợp tốt với nhau. Khi Michael Jordan còn là ngôi sao của đội Chicago Bulls, cả đội đã tập luyện cùng thiền sư Geogre Mumford. “Khi ở vào thời điểm đó, chúng tôi sẽ chơi với phong độ tốt nhất của mình,” Mumford giải thích. “Điều đó xảy ra một lần trong một thời gian ngắn, nhưng nó cũng xảy ra thường xuyên hơn nếu chúng tôi học cách quan tâm nhiều hơn.” Và đoạn băng ghi lại cảnh cầu thủ xuất sắc nhất trong bốn mùa giải LeBron James đang ngồi thiền trong lúc chờ đợi đã trở thành một hiện tượng trên YouTube. Ricky William, cựu cầu thủ của Miami Dolphins từng thiền trước mỗi trận đấu, và sau đó tham gia giảng dạy một khóa về thiền tại Đại học Nova Southeastern, Florida. “Đây là niềm đam mê của tôi”, ông nói, “tôi nghĩ rằng rất nhiều người thường bị căng thẳng, nhưng họ không nhận ra mình bị như vậy. Và tôi là một trong số những người đó.” Tay vợt nổi tiếng Ivan Lendl đã sử dụng các bài tập tinh thần để gia tăng khả năng tập trung. Anh thường xuyên ngủ trưa để thư giãn và hồi phục. Kể từ khi Lendl trở thành huấn luyện viên của Andy Murray vào năm 2012, tay vợt bốn lần giành ngôi vị á quân giải Grand Slam đã chiến thắng tại Giải Quần vợt Mỹ Mở rộng năm 2012 và giải Wimbledon năm 2013. Trong một cuộc phỏng vấn, Murray đã mô tả lại về trận """