"Thằng Khờ - Yonezawa Honobu full mobi pdf epub azw3 [Kỳ Bí] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thằng Khờ - Yonezawa Honobu full mobi pdf epub azw3 [Kỳ Bí] Ebooks Nhóm Zalo THẰNG KHỜ ~ HYOUKA #2 ~ Tác giả: Yonezawa Honobu Người dịch: Như Ý Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 07/2017 (tái bản 2019) —★— Sản phẩm ebook hợp tác giữa vctvegroup và hotaru-team!~ Mở đầu Số đăng nhập 00205 Hãy nhập tên: Có thật là, không còn cách nào khác không? Mayuko: Tớ xin lỗi! Hãy nhập tên: Cứ thế này thì cậu sẽ thành kẻ tội đồ đấy. Kể cả như vậy? Mayuko: Tớ sẽ xin lỗi mọi người Mayuko: Tớ nghĩ chỉ còn cách đó Hãy nhập tên: Không phải chuyện cứ xin lỗi là xong đâu Hãy nhập tên: Không phải tớ trách cậu Hãy nhập tên: Mà ý tớ đang nói là phải giải quyết bằng được Mayuko: Tớ hiểu Mayuko: Tớ Mayuko: Xin lỗi Hãy nhập tên: Vậy à? Tớ hiểu rồi Hãy nhập tên: Quả thật ngay từ đầu đã không đúng người đúng việc Hãy nhập tên: Cậu đã rất cố gắng đến tận bây giờ rồi Mayuko: Tớ xin lỗi Hãy nhập tên: Thôi được rồi! Cậu không phải xin lỗi nữa Hãy nhập tên: Phần còn lại cứ để tớ xử lý Mayuko: Cậu làm giúp tớ ư? Hãy nhập tên: Nếu có thể thì tớ đã làm ngay từ đầu rồi Hãy nhập tên: Tớ thì không thể. Nhưng tớ sẽ tìm cách Mayuko: ? Hãy nhập tên: Có điều, cho dù suôn sẻ đi chăng nữa cũng chưa chắc sẽ Hãy nhập tên: Theo hướng cậu mong muốn Số đăng nhập 00209 Mình ♪: Xin lỗi nha~! Hãy nhập tên: Không ạ Hãy nhập tên: Chuyện là như vậy, nên cũng không có cách nào Mình ♪: Kohai* dễ thương có lời nhờ mà, mình cũng muốn giúp lắm. Mình ♪: Chỉ có mỗi việc này là… Mình ♪: Quả thật mình không xoay xở được với khoảng cách và thời gian như vậy Hãy nhập tên: À… ừm… Hãy nhập tên: Sempai* có nhớ ra ai khác không? Hãy nhập tên: Ai có thể làm được việc đó Mình ♪: Ai khác à… Mình ♪: Không Mình ♪: … Hãy nhập tên: Sempai? Mình ♪: zzz… Hãy nhập tên: Sempai Mình ♪: Đùa đấy! Mình ♪: Không nhờ vả được nhưng mà, tùy theo cách sử dụng Mình ♪: Thì có thể sẽ sai khiến được hắn đấy Số đăng nhập 00214 Hãy nhập tên: Thế nào? L: Nhất định, em sẽ thi! L: Em nhầm, em sẽ đi Hãy nhập tên: Nếu được thế thì bên chị cũng mừng Hãy nhập tên: Thời gian và địa điểm chị sẽ thông báo sau L: Mất háo hức ạ! L: Mất ạ L: Rất Hãy nhập tên: Có thể em không biết Hãy nhập tên: Không cần đổi phông chữ đâu Hãy nhập tên: Cứ ấn Enter là được L: Chế ạ? L: Thế ạ? L: A, đúng thật này! Hãy nhập tên: Vậy, nhờ em nhé Hãy nhập tên: Phải rồi, nếu đằng nào cũng tới L: Vâng Hãy nhập tên: Em rủ thêm bạn đi cùng cũng được. Đúng rồi, chỉ ba người L: Được ạ? Hãy nhập tên: Là thành viên câu lạc bộ Cổ Điển phải không nhỉ? Hãy nhập tên: Chị rất vui nếu em dẫn các bạn thành viên khác cùng đến I Đi xem chiếu thử phim nào! C ó câu “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Lại cũng có câu “trời không cho ai tất cả”. Nếu coi những câu châm ngôn này là hợp lý thì có lẽ kỷ cương của ông trời phải được chỉnh đốn lại. Bởi có lấp liếm thế nào đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận thực trạng rằng giá trị của mỗi con người khác nhau tùy thuộc vào xuất thân, và rõ ràng không thiếu những người bẩm sinh đã được trời phú tài năng đầy mình chứ không phải chỉ vài tài lẻ. Mặc dù chúng ta - những kẻ bình thường - vẫn nhìn sự xuất chúng của các thiên tài mà ngưỡng mộ và ghen tỵ, thì ngày ngày tôi vẫn thường nghĩ ngợi biết đâu thực ra mình cũng có tài năng nào đó, nhưng có lẽ chỉ là mơ hão mà thôi. Những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè. Tôi mang chuyện đó nói với thằng bạn cũ - Fukube Satoshi - trên con đường đến trường. Nghe thế Satoshi gật đầu rõ mạnh ra ý tán đồng. “Chính xác. Tớ cũng đóng vai Fukube Satoshi được mười lăm năm nay rồi mà chẳng thấy trong cái hình hài này có chút tài năng thiên phú nào. Tớ cũng gửi gắm hy vọng vào câu ‘đại khí vãn thành’* nhưng chẳng có chuyên môn đặc biệt gì thì niềm hy vọng đó cũng mong manh mà thôi.” “Ừ thì, nếu nghĩ được rằng thiên tài sinh ra đã là thiên tài, người bình thường có hy vọng cả đời cũng không thể với tới được, thì chẳng cần phải ghen tỵ như vậy.” “Cậu lại thấy sống như người bình thường là hấp dẫn sao Hotaro?… Nếu là Hotaro thì cũng có thể lắm nhỉ.” Nói rồi Satoshi bổ sung vẻ hờ hững: “Nhưng mà, biết đâu Hotaro lại được ban cho thứ đó?” Tôi không hiểu ý nghĩa của câu nói đó. Trước vẻ mặt nghi hoặc của tôi, Satoshi nhếch mép đầy ẩn ý. “Tớ biết Fukube Satoshi chẳng có tài cán gì. Nhưng, điều đó có đúng với Oreki Hotaro hay không thì chưa dám chắc được.” “Hả?” Tên này vẫn thỉnh thoảng nói năng pha chút đùa cợt. Thế nên tôi hơi nghĩ ngợi xem liệu có thể hiểu những lời Satoshi nói theo đúng nghĩa đen được không. Có hai điều tôi muốn phản bác lại. Trước hết là: “Nếu để tớ nói, thì việc cậu tự nhận là người bình thường chứng tỏ cậu đã xem xét bản thân quá hời hợt đấy. Làm gì có tên nào thu thập được mớ kiến thức khổng lồ như cậu chứ?” Satoshi nhún vai. “Ờ thì… Tớ cũng tự hào vì điều đó. Nhưng dù có đạt đến trình độ bậc thầy trong việc này, cũng đâu trở thành giáo sư biết tuốt được. Mớ kiến thức của tớ thì nhằm nhò gì.” Thế ư? Sao đi nữa, vẫn còn điều này: “Việc cậu bảo tớ không phải người bình thường là do khả năng quan sát con người của cậu chưa thấu đáo.” “Tớ có nói không phải đâu. Tớ bảo là cần phải xem xét thêm rồi mới đánh giá.” “Ở đâu ra cái sự cần thiết đó vậy?” “Ở đâu à?” Satoshi làm bộ nghĩ ngợi chút xíu rồi giơ tay chỉ ngôi trường Kamiyama đang dần hiện ra. “Ở kia.” “Trường mình?” “Không phải trường mình, mà là lớp khoa học địa cầu. Là phòng họp của câu lạc bộ Cổ Điển bọn mình ấy… Vụ Kem Đá lần trước quả thật rất tài tình. Thành thực mà nói, tớ không ngờ Hotaro lại giải quyết được chuyện như thế đâu. Chừng nào còn chưa dõi theo đến cùng xem Hotaro có thể tiến xa đến đâu trong lĩnh vực đó thì chừng ấy tớ chưa thể đưa ra đánh giá gì được.” Rồi cậu ta cười. Trong khi đó, gương mặt tôi trở nên khổ sở. Vụ Kem Đá. Nói là “vụ” nhưng không phải vụ án hình sự gì. Mà có lẽ cũng chẳng phải dân sự. Kem Đá là nhan đề tập san của câu lạc bộ Cổ Điển - một hội tồn tại không rõ mục đích hoạt động mà tôi và Satoshi là thành viên. Tại sao tập san lại mang nhan đề kỳ lạ như vậy? Đằng sau đó là lý do không thể trình bày trong vài câu ngắn gọn. Xoay quanh lý do ấy mà mấy tháng nay vài vụ rắc rối đã xảy ra, và tôi đóng một vai trò nhất định trong chuyện này. Điều mà Satoshi đang nói đến chính là “vai trò” đó. Satoshi hồi tưởng lại. “Người đã phá giải vụ đó là Hotaro.” “Tớ chẳng làm gì to tát đến mức gọi là phá giải đâu. Thứ nhất, đó là may mắn.” “May mắn, hử? Tớ không hỏi cậu tự đánh giá bản thân ra sao. Vấn đề là tớ nhìn nhận Hotaro như nào.” Tên này nói chuyện hệ trọng cứ thản nhiên như không. Vì đã quen với giọng điệu đó nên tôi cũng chẳng hề bực bội. Fukube Satoshi. Bạn cũ và cũng là địch thủ đáng gờm. So với bọn con trai thì cậu ta hơi thấp, dáng vẻ nhìn từ xa trông cứ như một quả hồ lô xanh èo uột dễ nhầm với con gái. Thế nhưng thực chất lại là một gã gan cùng mình, chỉ theo đuổi những gì bản thân thấy hứng thú, và có thể thản nhiên đẩy những “việc cần thiết” xuống hàng thứ yếu. Đôi mắt và khóe miệng lúc nào cũng mỉm cười, luôn mang bên mình chiếc túi vải gút dây chẳng biết chứa những gì bên trong. “Cứ cho là thế đi, bây giờ mấy giờ rồi?” “Tự xem đồng hồ của mình đi!” “Ở trong này rồi. Lấy ra phiền lắm.” Cậu ta vỗ vỗ vào cái túi vải gút dây cho tôi xem. Satoshi hiếm khi mang đồng hồ đeo tay theo. Hắn thường xem giờ trên điện thoại di động. “Phiền à, qua mặt chuyên gia Hotaro này rồi đấy.” “ ‘Việc không cần làm thì khỏi làm. Việc bắt buộc phải làm thì làm cho qua quýt’ chứ gì?” Satoshi nói như thể châm biếm phương châm sống của chính tôi rồi cười. Tôi vừa xem đồng hồ của mình vừa đính chính lại: “ ‘Việc bắt buộc phải làm thì làm cho nhanh gọn’ chứ… Hơn mười giờ một chút rồi đấy.” “Nhớ từng câu từng chữ như thế cũng đâu đúng với phương châm to tát kia… Mà thôi, mười giờ à? Chắc cần nhanh chân hơn đấy. Dù Chitanda có châm chước cho việc tới trễ đi nữa thì Mayaka vẫn đáng sợ lắm.” Điều đó thì tôi gần như đồng ý hoàn toàn. Để Ibara Mayaka nổi đóa lên thì đáng sợ lắm. Tuy nhiên, không rõ Satoshi có biết hay không, chứ về điểm này thì Chitanda Eru cũng giống hệt. Cùng với Satoshi đang rảo bước nhanh hơn, tôi cũng tăng tốc. Sau khi đợi đèn đỏ và băng qua ngã tư, cổng trường đã hiện ra trước mắt. Vẫn là ngôi trường cấp ba Kamiyama như mọi ngày, dù đang trong kỳ nghỉ hè vẫn đông nghẹt học sinh. Bóng dáng các học sinh trong những bộ đồng phục và thường phục tràn ngập khắp sân trường và khu học xá. Tiếng thử âm từ các câu lạc bộ âm nhạc hòa lẫn vào nhau. Ở góc sân trường, hình như một tượng đài khổng lồ đang được lắp ráp, rồi còn có mấy tên không rõ của câu lạc bộ nào đang biểu diễn song đấu. Trường Kamiyama hừng hực khí thế dù đang trong kỳ nghỉ hè. Tất cả đều ráo riết chuẩn bị cho lễ hội văn hóa của trường. Trường Kamiyama có khoảng một nghìn học sinh. Ngoại trừ việc mang hơi hướng của một ngôi trường có tỉ lệ học sinh đỗ đại học cao, hoạt động của các câu lạc bộ khối văn hóa nghệ thuật tương đối sôi nổi, cùng với việc lễ hội văn hóa thực sự là một sự kiện hoành tráng, thì đây là một ngôi trường cấp ba bình thường. Trong khuôn viên trường có ba tòa nhà lớn. Dãy lớp học bình thường gồm các phòng học bình thường, dãy lớp học đặc biệt gồm các phòng học đặc biệt, và nhà thể chất. Câu lạc bộ Cổ Điển của chúng tôi đặt đại bản doanh tại lớp khoa học địa cầu nằm ở tầng bốn của dãy lớp học đặc biệt. Chúng tôi rảo bước qua sân trường nơi đang vút lên những âm thanh tuyệt vời của các giọng ca trong cuộc thi hát giữa câu lạc bộ Hợp Xướng và câu lạc bộ A Cappella. Phương châm sống của tôi, đúng như Satoshi đã nói, là “Việc không cần làm thì khỏi làm. Việc bắt buộc phải làm thì làm cho nhanh gọn”, nếu dùng một cách diễn đạt rõ ràng và trực tiếp hơn thì là “tiết kiệm năng lượng”. Phong cách này khác xa lối sống của “họ” - những người dốc hết sức lực vào lễ hội văn hóa và những khía cạnh khác của đời sống học đường. Thế nhưng, giờ thì tôi chẳng bận tâm gì tới sự khác biệt ấy nữa. Từ lối vào tòa nhà, chúng tôi đi qua hành lang rồi đến dãy lớp học đặc biệt. Lúc lên cầu thang, mắt tôi còn liếc thấy bức tranh dài ngoằng của câu lạc bộ nào đó đang được phơi ở hành lang. Leo một mạch bốn tầng cầu thang cũng muốn hụt hơi. Hơn nữa giờ còn đang là cuối mùa hạ, tôi dùng khăn tay lau mồ hôi đang rịn ra rồi bước vào lớp khoa học địa cầu. Ngay lập tức, một giọng quở trách vụt đến: “Muộn thế!” Đứng chống nạnh nghiêm trang chính giữa phòng học là Ibara - thành viên câu lạc bộ Cổ Điển, người chịu trách nhiệm chính về việc làm tập san Kem Đá của câu lạc bộ, và là mối duyên oan trái với tôi. Ibara Mayaka. Dù chẳng thân thiết gì nhưng không hiểu sao duyên nợ với cô nàng này mãi chẳng dứt. Hồi tiểu học mặt Ibara trông hơi bà cụ non một chút nhưng lên cấp ba các đường nét cứ giữ nguyên như thế nên đến bây giờ chỉ đơn thuần là một gương mặt trẻ con. Vẻ bề ngoài thì như vậy, nhưng cô nàng lại thực sự rất khắt khe với các lỗi lầm. Ibara không bao dung với sai sót của người khác đã đành nhưng cô nàng còn khắc nghiệt cả với sai lầm của chính mình. Lý do cô nàng đang tức giận lúc này rất đơn giản. Là vì hôm nay, câu lạc bộ Cổ Điển có lịch tập trung tại phòng họp lúc mười giờ sáng. Vẫn đứng chống nạnh, Ibara chất vấn: “Fuku-chan, cậu có gì để bào chữa không?” Satoshi cười nhăn nhó, trả lời: “Tại không được đi xe đạp…” “Việc đó cậu phải biết từ trước rồi chứ?” Chẳng là ở trường Kamiyama học sinh được tự do đi xe đạp tới trường trong kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, bãi gửi xe đang được tu sửa nên mấy ngày hôm nay nhà trường không cho để xe. “Liệu liệu mà nghiêm túc đi nhé, Fuku-chan. Bản thảo cũng chưa đâu vào đâu đâu đấy.” Satoshi dang hai tay, định chống chế một cách khổ sở. “Kh… khoan đã nào Mayaka. Hotaro cũng đến trễ cơ mà?” Định đẩy cho tôi à? Nhưng Ibara chỉ liếc nhìn tôi một cái, rồi lại quay sang Satoshi ngay. “Oreki thì sao cũng được.” Thế sao? Nếu phải bổ sung thêm một điều về Ibara, thì là cô nàng có tình ý với Satoshi. Bản thân Ibara cũng không giấu giếm điều này. Tuy nhiên, Satoshi thì tránh né Ibara suốt. Chuyện như vậy từ bao giờ thì tôi không biết. Cả lý do tại sao cũng không. Nhân tiện nói thêm. Câu lạc bộ Cổ Điển được hình thành từ bốn thành viên đều còn đang là học sinh lớp 10. Tôi, Satoshi, Ibara, và Hội trưởng Chitanda Eru. Mà chưa thấy bóng dáng Chitanda đâu cả nhỉ? “Thật quá đáng, bên trọng bên khinh nhé!” “Nói linh tinh, tớ không có như vậy nha!” Tôi xen vào giữa tràng đối đáp vô nghĩa đó: “Này Ibara, Chitanda cũng chưa tới đâu đấy!” “Bên trọng bên khinh cái gì chứ… Ơ, Chi-chan ấy à? Đúng rồi, vẫn chưa đến. Lo quá!” Quả là không phải bên trọng bên khinh. Satoshi rên rỉ. “Ra vậy, là bên trọng bên khinh bên bỏ qua hả.” Ibara nở nụ cười hiếm thấy. Ngay lập tức sau đó. “Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến liền,” cửa lớp học khe khẽ mở, Chitanda bước vào. Chitanda Eru. Mái tóc dài đen nhánh và thân hình mảnh mai yếu đuối khiến người ta liên tưởng đến một cô tiểu thư cành vàng lá ngọc. Và sự thực, cô nàng chính là lệnh nữ của “nhà hào nông Chitanda” - sở hữu điền trang mênh mông chiếm cả một góc thành phố Kamiyama. Chỉ có điều, đôi mắt của Chitanda lại to tròn quá đỗi, đối lập với khí chất thanh lịch tỏa ra khắp người. Đối với tôi mà nói thì đôi mắt ấy mới chính là điển hình của Chitanda. Nếu Ibara trông trẻ con bởi vẻ bề ngoài, thì Chitanda lại khiến người ta nghĩ đến một đứa trẻ bởi lòng hiếu kỳ mãnh liệt đối với mọi sự vật hiện tượng. Hơn thế, rất khó đối phó với đứa trẻ sở hữu trí thông minh rất có hệ thống này. Đồng hồ đã chỉ mười giờ rưỡi. Chitanda cúi gập đầu: “Tớ rất xin lỗi vì đã đến muộn.” Chitanda không phải là người hay bê trễ. Cũng không hẳn là nghiêm túc nhưng cô nàng hiếm khi đi muộn. Có lẽ Ibara cũng nghĩ vậy nên không xét nét mà hỏi: “Sao thế, có chuyện gì à?” “Ừm. Nói chuyện hơi lâu một chút.” Nói chuyện gì cơ? Không nói rõ ra sao gọi là giải thích được. Nhưng trước khi tôi kịp mở miệng thì Chitanda đã tiếp tục. “Nói chuyện gì thì mình sẽ giải thích sau.” Có vẻ âm mưu gì đây? Sao tôi lại có linh cảm chẳng lành. “Hừm… Thôi, không sao. Vậy bọn mình bắt đầu nhé!” Hôm nay câu lạc bộ Cổ Điển tập trung là để bàn bạc về thiết kế tổng thể, bao gồm chọn phông chữ, sắp xếp vị trí tranh ảnh, chất lượng giấy cho tập san Kem Đá của câu lạc bộ sẽ được phát hành tại lễ hội văn hóa. Bản thân tôi thì không có hứng thú ý kiến ý cò gì về mấy chuyện đó nên nghĩ mọi việc cứ phó mặc cho Ibara cũng được thôi, nhưng Ibara thì không chấp nhận như vậy. Lý lẽ của cô nàng là, vì đã đóng tiền và nộp bản thảo nên tôi có đầy đủ quyền lợi lẫn nghĩa vụ liên quan đến mọi vấn đề về làm tập san. Tôi đâu có cần cả hai thứ ấy, chẳng qua là vì tôi cũng không có việc gì khác đặc biệt muốn làm dù đang trong kỳ nghỉ hè. Ibara lấy từ trong cặp mình ra mấy tờ giấy mẫu. “Trong các loại vừa túi tiền thì đây là loại chất lượng tốt nhất. Còn loại này thì rẻ nhất. Khác hẳn đúng không? Không chỉ vẻ ngoài mà còn chất lượng mực khi in lên nữa…” Satoshi và Chitanda chăm chú lắng nghe những giải thích mà Ibara nhanh chóng tuôn ra. Tôi thì như đàn gảy tai trâu nhưng cũng cố làm ra vẻ nghe ngóng. Nếu không là Ibara nổi cơn ngay. Cuộc họp biên tập kết thúc sớm hơn dự kiến, chỉ mất khoảng hơn một tiếng. Ibara sẽ ghi chép lại những điều đã được quyết định và truyền đạt với cửa hàng in ngay trong ngày hôm nay. Hoàn thành chính xác nhiệm vụ quả là việc không dễ dàng chút nào. Tôi chắp hai bàn tay vào nhau để tỏ lòng biết ơn cô nàng. Giờ đã là buổi trưa. Cứ thế này đi về cũng được, nhưng tôi quyết định ở lại ăn phần cơm hộp đã mất công mua ở cửa hàng tiện lợi. Tôi vừa rút hộp cơm trưa có giá không tới bốn trăm yên từ trong túi đeo vai ra thì ba người còn lại cũng lần lượt lấy phần ăn của mình ra. Vừa gỡ miếng giấy nylon bọc cơm nắm, Satoshi nói, không hướng về một ai. “Thế rốt cuộc là khi nào tập san sẽ hoàn thành?” Người nắm rõ nhất việc này hiển nhiên là Ibara rồi. Ibara càu nhàu, đại loại là ít nhất cũng phải nhớ được chuyện đó chứ, rồi trả lời: “Khoảng đầu tháng Mười bọn mình sẽ có bản mẫu. Còn thực tế chắc phải ngay trước lễ hội văn hóa mới in xong đấy.” Bây giờ là cuối tháng Tám, còn một tuần nữa là hết nghỉ hè. Sang tháng Chín bắt đầu đi học rồi thì ngại viết bản thảo lắm. Chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng của tôi không khuyến khích việc trì hoãn nhiệm vụ rồi làm giảm hiệu suất công việc. Đây là lúc cần phải tiến hành khẩn trương. Tuy thế nhưng chúng tôi vẫn khá thư thả về thời gian. “Cạch!” Chitanda gây ra một tiếng động lơ đãng khi mở nắp hộp cơm. Bọn con gái cùng khối cũng có nhiều đứa dùng hộp cơm bé tẹo chẳng bằng phần ăn vặt, còn hộp cơm của Chitanda tuy bé thật nhưng lại có lượng thức ăn đáng kể. Fuki* hầm, trứng cuộn, thịt băm. Trước khi cầm đũa, Chitanda hỏi như không có ý gì: “Mà này mọi người, lát nữa có ai bận gì không?” Tôi là đứa vốn chẳng có việc gì muốn làm. Đương nhiên, thời gian thì có thừa. Tôi im lặng lắc đầu. Ibara cũng làm cử chỉ giống tôi. “Tớ phải mang cái này đến cửa hàng in, nhưng để chiều tối cũng được.” Satoshi hơi suy nghĩ. “Tớ định sang giúp bên câu lạc bộ Thủ Công. Dạo này không động gì vào kim chỉ cả. Cũng muốn đến gặp Hội học sinh nữa. Nhưng mà không bắt buộc.” Nghe xong câu trả lời của ba chúng tôi, gương mặt Chitanda tỏ vẻ không thể mừng rỡ hơn. Trước nụ cười ấy, tôi bất giác có linh cảm xấu. Tuy không thể lý giải nhưng theo kinh nghiệm thì tình hình có vẻ là chuyện phiền phức đang ập đến. Đặt đũa xuống, Chitanda lên tiếng hào hứng: “Thế thì, chúng mình đi xem buổi chiếu thử nhé!” Buổi chiếu thử? Quả là tôi không thấy có liên quan gì ở đây. Hay có sự việc nào đó đã được quyết định ngấm ngầm mà chỉ mình tôi không hay biết? Tôi bất giác quay sang nhìn Satoshi. Satoshi nghiêng đầu, tỏ ý cũng không biết gì cả. Ibara cũng mang vẻ mặt nghi hoặc. “Chi-chan, buổi chiếu thử là sao? Phim gì à?” “Ừm… À ờ, không, không phải phim, mà là phim video.” Phim video, nếu vậy thì chắc hẳn là kiểu phim tự quay rồi. “Câu lạc bộ Nghiên Cứu Điện Ảnh à hay là gì thế?” Chitanda lắc đầu. “Không.” “Thế thì là câu lạc bộ Nghiên Cứu Phim Video rồi!” Cái tên vừa phát biểu ngớ ngẩn là Satoshi. Ánh mắt lạnh lùng của tôi và Ibara chiếu thẳng vào vẻ mặt hớn hở của hắn. Thế nhưng, Satoshi vẫn bình thản như thường. “Có chứ sao không? Câu lạc bộ Cổ Điển còn có nữa là câu lạc bộ Nghiên cứu Phim Video.” Satoshi có thói hay pha trò tầm phào, nhưng không bao giờ vượt quá nguyên tắc “đùa chỉ là ngẫu hứng, nếu để lại hậu quả sẽ thành nói dối” do chính cậu ta đặt ra. Nếu hắn bảo là có thì chắc hẳn là có thật. Cũng chẳng kỳ lạ mấy, sự phong phú của các câu lạc bộ khối văn hóa nghệ thuật trường Kamiyama không phải dạng vừa đâu. Thế nhưng Chitanda lắc đầu, phủ nhận cả điều đó. “Cũng không phải. Đây là tác phẩm của lớp 11F, dành cho buổi chương trình riêng của lớp.” “Ồ, buổi chương trình riêng của lớp á?” Ibara gật đầu vẻ thán phục. “Tớ cứ tưởng là sẽ ít lớp tổ chức chương trình riêng trong lễ hội văn hóa trường mình. Vì hoạt động các câu lạc bộ áp đảo quá.” Đúng là thế thật. Lớp 10B của tôi còn không hề bàn về việc sẽ làm gì đó trong lễ hội văn hóa. Dốc hết sức lực cho hoạt động câu lạc bộ, xong lại còn tổ chức chương trình riêng của lớp hẳn đâu phải chuyện đơn giản. Nghĩ vậy thì Satoshi, cái tên lăng xăng ở cả câu lạc bộ Cổ Điển, câu lạc bộ Thủ Công lẫn Hội học sinh quả thật tài tình một cách vô nghĩa. “Nghe nói đó là kế hoạch được khởi xướng bởi các anh chị bên khối thể thao của lớp 11F nhất quyết muốn tham gia lễ hội văn hóa. Tớ có người quen ở lớp 11F rủ tới vì các anh chị ấy tổ chức buổi chiếu thử nên muốn nghe phát biểu cảm nghĩ. Thế nào, các cậu đi không?” “Quá được, đi chứ!” Satoshi hào hứng đồng ý ngay lập tức. Cũng không có gì lạ nếu xét tới sở thích của hắn. Ibara hơi chau mày, hỏi: “Cậu có hỏi là phim về gì không?” “À, nghe nói là phim trinh thám.” Ibara có vẻ mãn nguyện với câu trả lời đó. “Thể loại phim giải trí rồi. Thế thì tớ cũng muốn đi!” “Gì thế, Mayaka ghét phim nghệ thuật à?” “Không ghét… Nhưng phải là phim do những người thực sự đam mê điện ảnh thực hiện cơ.” Đúng thật là chắc chẳng có ai lại muốn xem thể loại phim nghệ thuật được quay với động cơ “vì muốn tham gia vào lễ hội văn hóa”. Còn tôi thì sao? Thú thực tôi không khoái phim ảnh mấy. Thành thật mà nói, dù là thể loại nghệ thuật hay thể loại giải trí thì cũng chẳng có gì khiến tôi đặc biệt muốn xem. Chính tôi cũng không rõ tại sao mình lại ghét phim nữa. Tôi nghĩ có lẽ là vì tôi không thích phải mất một lượng thời gian nhất định để tiêu hóa hết một bộ phim. Có lần tôi từng nói y như vậy trước mặt một đứa rất mê phim và bị đáp trả rằng “thế thì cậu đã lãng phí nửa cuộc đời rồi”. Không hẳn là ghét thậm tệ, cũng có vài bộ phim tôi thích, nhưng mà… Thôi, hay là đi về nghỉ nhỉ? Tôi đang định mở miệng nói vậy thì Chitanda đã cất giọng phấn khích: “Tuyệt quá rồi! Mọi người đều đi được nhé!” “Ơ không, tớ…” “Thực ra, chị rủ tớ bảo là muốn tớ dẫn khoảng ba người đến. Vừa vặn số thành viên của câu lạc bộ Cổ Điển.” Nghe người ta nói đi chứ! Nở nụ cười ranh ma, Satoshi giơ ngón tay cái chỉ vào tôi: “Chitanda, hình như Hotaro có gì muốn nói đấy.” “Oreki cũng đi mà đúng không?” Hơ. “… Cậu không đi sao?” Aaa. Lần nào cũng thế, cứ dính vào Chitanda là không sao suôn sẻ được. Trước khi đáp lại cô nàng, tôi cũng đã dự đoán được dù có trả lời thế nào thì kết cục vẫn cứ phải đi thôi. Tất nhiên nếu tôi kiên quyết từ chối thì chắc cô nàng cũng chẳng nài ép đâu, vấn đề ở chỗ tôi cũng không hẳn là muốn kiên quyết từ chối. Tôi nhún vai. Thôi thì về nhà cũng chẳng có gì đón đợi cả. Trong phòng chiếu, rèm che đã được kéo xuống. Ánh mặt trời cuối hạ được ngăn lại rất hiệu quả, trong phòng mờ tối. Bỗng nhiên bóng dáng một cô nữ sinh xuất hiện cứ như thấm ra từ trong góc không gian mờ tối ấy. Có lẽ vì cô ấy mặc bộ trang phục màu tím than thẫm nên tôi có ảo giác như vậy chăng? Dáng vóc của cô gái vẫn chưa hiện ra rõ ràng. Chitanda gọi cô nữ sinh ấy: “Bọn em đã đến theo lời chị đây.” Cô gái bước về phía chúng tôi. Nhờ vậy mà cuối cùng tôi đã có thể nhìn rõ vóc dáng ấy. Chị ấy cao tương đương Chitanda, hoặc có lẽ cao hơn chút. Thân hình mảnh dẻ. Đôi mắt hơi xếch và nhỏ, đường nét trên khuôn mặt thuôn gọn về phía cằm rất thanh thoát. Có thể nói là chị ấy có một dung mạo đẹp, nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi về chị ấy phải là vẻ lạnh lùng nghiêm nghị. Ở chị toát lên một không khí có thể gọi là uy nghiêm, khiến tôi khó có thể tin được chị cũng là học sinh cấp ba và chỉ hơn tôi một tuổi. Nếu không phải là học sinh cấp ba thì có thể gọi là gì nhỉ, phải rồi, kiểu cảnh sát điển hình hay giáo viên…, à không, thậm chí còn giống sĩ quan của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ấy chứ. Mà phải là quân hàm cấp úy trở lên. Chị ấy không cười. Nhưng cũng không mang vẻ mặt khó ưa. Thái độ của chị ấy gần như là không cảm xúc. Chị ấy cất giọng trầm và điềm tĩnh, rất hợp với phong cách đó. “À, các em đến thật rồi.” Chị đưa mắt nhìn lần lượt từng người trong chúng tôi. “Chào mừng các em. Cảm ơn các em đã nhận lời tới đây hôm nay.” Chitanda chỉ vào từng người chúng tôi và giới thiệu. “Đây là bạn Ibara Mayaka. Đây là bạn Fukube Satoshi. Đây là bạn Oreki Hotaro. Các bạn đều là thành viên câu lạc bộ Cổ Điển mà em tham gia ạ.” Tôi có cảm giác nét mặt chị thoáng dao động trong khi nghe lời giới thiệu của Chitanda. Có lẽ là mỉm cười chăng, tôi cũng không rõ vì phòng tối quá. Nhưng dù là gì thì chị ấy cũng đã ngay lập tức lấy lại vẻ mặt ban đầu. Chị cúi chào chúng tôi. “Hôm nay nhờ các em nhé… Chị là Irisu Fuyumi.” Chị ấy vừa xưng tên như vậy thì Satoshi đã phản ứng rất mạnh mẽ. Hắn cất giọng vẻ háo hức sung sướng: “A, đúng là Irisu-sempai thật mà! Em nghĩ là em đã từng gặp chị rồi!” Cô nữ sinh vừa tự xưng là Irisu đưa mắt nhìn Satoshi một cái. “Em là Fukube Satoshi hả? Xin lỗi, nhưng chị không nhớ đã gặp em.” “Thế ạ, em ngồi ghế cuối trong buổi họp cuối cùng của Ban tổ chức lễ hội văn hóa hồi tháng Sáu ấy.” “À, đã xảy ra chuyện gì thế nhỉ?” Irisu đáp lại như vậy, không biết là quên thật hay giả vờ ngây ngô nữa. Satoshi vẫn rất hào hứng tiếp tục: “Em đã chứng kiến chị hòa giải vụ bất đồng giữa câu lạc bộ Âm Nhạc và câu lạc bộ Kịch. Thực sự là rất tài tình! Em đã rất muốn được một lần nói chuyện với chị, không ngờ là lại trong hoàn cảnh này!” “À, chị nhớ rồi.” Irisu đáp cụt lủn. “Chị có làm gì đâu.” “Đúng, chính vì thế nên mới tài tình! Em vẫn còn nhớ đấy, chị chỉ nói ba lần câu ‘Trưởng ban, chúng ta cần phải nghe ý kiến của cậu ấy!’. Nhờ thế mà vụ bất đồng đó được hòa giải chỉ trong năm phút, lúc ấy em chỉ muốn đứng lên vỗ tay nhiệt liệt. Em nghĩ người mà trưởng ban cần cảm ơn chính là chị Irisu.” Nếu Ibara là đứa chẳng bao giờ ngợi khen ai thì thực ra Satoshi hay bông đùa cũng rất hiếm khi dành những lời tán dương bất tận cho người khác. Thế nhưng ngay lúc này đây, dù không tường tận diễn biến câu chuyện nhưng chắc hẳn nhân vật có tên Irisu Fuyumi này đã làm chuyện gì đó to tát. Tôi lơ đễnh nghĩ vậy trong khi nghe cuộc đối đáp của họ. Thế nhưng, trước ánh mắt kính phục của Satoshi, Irisu chẳng hề có chút phản ứng nào. “Chắc thế chăng.” “Chị Irisu, chị từng bảo là không hứng thú lắm với các hoạt động trong trường nhỉ?” Chitanda hỏi. Irisu gật đầu. “Chị chỉ đại diện đi họp ở Ban tổ chức mà em Fukube vừa nói thôi. Chắc là có chuyện như thế thật, nhưng chị không nhớ. Em đừng khó chịu nhé.” “Thế ạ? Dạ, không có chuyện khó chịu đâu ạ.” Tuy nói vậy nhưng Satoshi có vẻ thoáng chút thất vọng. Đứng bên cạnh, Ibara hỏi Chitanda. “Chi-chan, là quan hệ như nào thế?” “Tớ và chị Irisu ấy à?… Gia đình tớ với gia đình chị Irisu là chỗ quen biết. Từ nhỏ tớ đã hay được chị ấy quan tâm.” Vậy ra nhà Chitanda cũng có kiểu kết giao cả gia đình như thế à? Chí ít thì nhà Oreki tôi không có đối tượng nào như vậy. Chuyện danh gia vọng tộc cũng mệt phết chứ chẳng chơi. Nhưng vậy thì nhà Irisu chắc cũng phải danh giá lắm? Có thể thế. Có thể không phải thế. Mà dù thế nào thì cũng chẳng liên quan gì đến bản thân Irisu Fuyumi cả. “Mà thôi.” Irisu lái câu chuyện trở về chủ đề chính. Chị ấy giơ cho chúng tôi xem vật đang cầm trên tay. Cái hình chữ nhật đó chắc là băng video rồi. “Hôm nay các em được mời đến đây là để xem cuốn băng video này. Có thể các em đã nghe Chitanda nói rồi, đây là bộ phim do lớp chị quay. Sau khi xem xong, chị muốn được nghe ý kiến thẳng thắn của các em.” “Háo hức quá!” Chitanda hào hứng. Buổi chiếu thử xem chừng đúng là buổi chiếu thử thật. Nhưng tại sao? Thắc mắc nên tôi hỏi: “Chỉ cần như vậy thôi ạ?” Irisu nhìn thẳng vào mắt tôi. Ánh nhìn xuyên qua bóng tối sắc lạnh. Tôi cảm nhận được một áp lực mơ hồ nhưng vẫn tiếp tục: “Chỉ xem rồi phát biểu cảm tưởng?” “Vậy thì có gì kỳ à?” “Kể cả bọn em xem xong cuốn băng đó và phê bình đi chăng nữa, lớp chị cũng đâu thể nào quay lại từ đầu phải không? Nó cũng không nhằm mục đích quảng bá như một buổi chiếu thử đúng nghĩa. Em không hiểu ý nghĩa của việc chị cho bọn em xem cuốn băng này.” Nghe tôi nói vậy không hiểu sao Irisu gật đầu rất mạnh như thể hài lòng. “Thắc mắc phải lắm. Đúng là chỉ xem thôi thì không có ý nghĩa gì. Chị có thể trả lời bây giờ, nhưng chị nghĩ trước hết để các em xem đã thì sẽ hiệu quả hơn. Thế nào?” Hừm. Tôi không thích nổi vụ này. Nhưng “hiệu quả” là lời thoại yêu thích của tôi nên tôi quyết định không hỏi thêm gì nữa. Vì tôi tỏ ý tán thành nên Irisu tiếp tục. “Bộ phim video này vẫn chưa được đặt tên. Tạm thời gọi đơn giản là ‘Trinh thám’. Sau khi hết băng, chị muốn hỏi một điều nên mong các em chăm chú xem cho kỹ.” Lần này đến lượt Ibara hỏi: “Phim trinh thám tức là phim suy luận đúng không ạ?” “Em nghĩ vậy cũng được.” “Vậy thì nên ghi chú lại nhỉ?” “Đúng thế, các em xem và để ý kỹ như vậy thì càng tốt.” Thế nhưng, tiếc thay tất cả bọn tôi đều để cặp tại lớp khoa học địa cầu rồi. “Em đi lấy cặp có được không?” - Ibara hỏi vậy thì Satoshi đáp: “Để tớ ghi chép cho.” Cậu ta lấy cuốn sổ tay và bút từ trong cái túi gút dây lúc nào cũng mang theo bên mình ra… Hắn nhét cả mấy thứ đó vào cơ à? Irisu liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Một chiếc đồng hồ đeo tay màu bạc đơn giản. “Nào, chúng ta bắt đầu thôi. Các em cứ ngồi chỗ nào tùy thích.” Bọn tôi nghe theo lời Irisu, lần lượt ngồi xuống ghế gần mình. Satoshi mở cuốn sổ tay. Theo dõi đến đó xong, Irisu đi về phía phòng điều khiển. Khi đến trước cánh cửa sắt, chị ấy quay lại nhìn chúng tôi và nói: “Cố gắng chiến đấu nhé.” Cánh cửa nặng nề đóng lại, tiếng máy tời chuyển động khẽ vang lên, và màn hình trắng được buông xuống. Tôi tựa lưng thật sâu vào thành ghế để lấy tư thế thoải mái nhất. Nhưng mà Irisu chuẩn bị sơ sài quá. Chiếu phim mà lại không có bắp rang bơ à? Một bộ phim chưa được đặt tên thì tất nhiên sẽ không có cảnh giới thiệu tựa đề rồi. Hình ảnh đột nhiên hiện lên. Địa điểm chỉ nhìn thoáng qua cũng đủ nhận ra không phải nói đâu xa lạ mà chính là một lớp học bình thường của trường Kamiyama với bàn ghế xếp ngay ngắn. Nhìn ra ngoài cửa sổ được chiếu trên màn hình có thể thấy lúc đó đang là xế chiều. Giờ tan học. Tiếng người dẫn chuyện vang lên. Một giọng nam khàn khàn. “Để kể lại vụ án đó, có lẽ nên bắt đầu từ đây. Một nhóm học sinh cùng chí hướng của lớp 11F đã quyết định tham gia Lễ hội Kan-ya như một kỷ niệm của thời học sinh. Thế nhưng phải làm gì đây? Một ngày kia, sau giờ học, họ đã tập trung lại mở một cuộc họp.” Nhân tiện giải thích thì Lễ hội Kan-ya là biệt danh của lễ hội văn hóa trường Kamiyama. Tuy nhiên, thành viên câu lạc bộ Cổ Điển không ai sử dụng biệt danh đó. Lý do tại sao thì không thể nói ngắn gọn được. Một nhóm học sinh hiện lên trên màn hình. Có sáu người. Ghế được quây thành vòng tròn, mọi người ngồi đối diện với nhau. Có lẽ đây là cảnh “Cuộc họp” thảo luận về nội dung sẽ thực hiện tại Lễ hội văn hóa chăng? Máy quay lần lượt chầm chậm chiếu vào từng người trong số họ. Người dẫn chuyện bắt đầu giới thiệu tên. Một thanh niên thân hình lực lưỡng hợp với câu lạc bộ Võ Thuật. Anh ta để tóc húi cua, và là người cao nhất trong nhóm sáu người. Tên anh ta là Kaito Takeo. Tiếp theo là nam sinh đeo kính duy nhất, có thân hình cao gầy, mảnh khảnh. Đang quay phim mà trông anh ta cứ thấp thỏm, bồn chồn. Đây là Sugimura Jiro. Người thứ ba là một cô gái có làn da rám nắng, mái tóc ngang vai nhuộm màu nâu hạt dẻ. Trong vòng mấy giây được quay chị ấy vuốt tóc hai lần liền. Yamanishi Midori. Cô gái tiếp theo có thân hình thấp đậm. Chắc vì khuôn mặt bầu bĩnh khiến chị ấy trông như vậy chứ không hẳn là mập. Senoue Mamiko. Chàng trai thứ năm với nét mặt gây ấn tượng rằng anh ta có vẻ là người tốt. Mái tóc nhuộm màu hoe đỏ thật không ăn nhập với vẻ thành thật. Tên anh ta là Katsuta Takeo. Cô gái cuối cùng có đôi mắt hơi cụp xuống, mỗi lần máy quay lia đến là lại khẽ ngoảnh mặt đi. Chị ấy ăn mặc giản dị và thấp nhất trong nhóm. Konosu Yuri. Cứ mỗi lần tên nhân vật được xướng lên là lại nghe thấy tiếng Satoshi đưa bút ghi chép. Ở cảnh này vì vẫn chưa biết được tên của họ viết chữ Hán nào nên các tên được ghi lại bằng phiên âm. Phần giới thiệu kết thúc, ngừng lại một nhịp, rồi hình như có ai đó ra hiệu, Sugimura cò hương bốn mắt lên tiếng: “Tớ nghĩ hay là làm triển lãm về làng Narakubo?” “Ư.” Ibara rên lên. Tôi hiểu tâm trạng cô nàng, anh chàng này đọc lời thoại cứ như tụng kinh vậy. “Làng Narakubo?” Yamanishi hay vuốt tóc hỏi, Katsuta tóc đỏ trả lời: “Tớ từng nghe rồi. Nếu không nhầm thì là ở thị trấn Furuoka.” “Đúng thế, đó là một ngôi làng bỏ hoang. Nó ra đời khi người ta khám phá ra mỏ khoáng sản, và biến mất khi mỏ khoáng sản cạn kiệt.” Một chuỗi những lời thoại như tụng kinh. Nhưng chuyện này cũng dễ hình dung thôi. Nếu Chitanda đã bảo đây là “kế hoạch được khởi xướng bởi các anh chị bên khối thể thao của lớp 11F, nhất quyết muốn tham gia lễ hội văn hóa”, thì rõ ràng họ không phải thành viên câu lạc bộ Kịch rồi. Kaito lực sĩ khoanh hai cánh tay cơ bắp cuồn cuộn: “Hừm, thu thập thông tin về ngôi làng bỏ hoang à? Thú vị đấy chứ?” “Tớ từng đến một lần rồi, choáng ngợp lắm. Đáng để xem đấy. Lội ngược dòng lịch sử về những thăng trầm trong suốt quá trình tồn tại của một ngôi làng, cũng hay đấy.” “Tớ chẳng thấy thú vị tẹo nào.” Yamanishi nói lời thoại này với một giọng đầy vẻ chán chường rất đạt. Biết đâu lại chính là suy nghĩ thật của chị ấy. Trong khi đó, Senoue mặt bánh đúc nhoài người về phía trước vẻ rất kịch. “Nhưng đi thu thập thông tin thì có vẻ hay đấy. Bọn mình sẽ đến một khu bỏ hoang mà phải không? Tớ chưa từng thấy một khu bỏ hoang bao giờ.” Lúc này Konosu, người nãy giờ chỉ cụp mắt xuống mới xen vào: “Tớ cũng biết làng Narakubo… Nó nằm khá sâu trong núi đấy. Từ bến xe buýt gần nhất phải đi bộ gần một tiếng.” “Hả?” Yamanishi thốt lên vẻ bất mãn. Chị ấy hợp với vai kiểu này chăng. Trái lại Kaito tỏ vẻ ung dung. “Một tiếng thì có gì ghê gớm đâu. Còn không bằng đi bộ leo núi. Cùng lắm chỉ như một chuyến dã ngoại thôi.” “Vậy quyết định thế nhé. Chương trình trong lễ hội văn hóa sẽ là tìm hiểu về làng Narakubo.” Katsuta tỏ ý không đồng tình với câu nói đó của Sugimura. Rằng nếu chỉ tìm hiểu câu chuyện về ngôi làng bỏ hoang và đưa ra triển lãm thì có phần hơi nhạt. Yamanishi tán thành với Katsuta, đòi chuyển sang làm việc khác, Senoue thì quả quyết nếu vậy chỉ cần nghĩ cách triển lãm sao cho hấp dẫn là được nhưng lại cà lăm khi bị hỏi phải làm thế nào, Sugimura đề xuất biến nó thành một cuốn hồi ký thám hiểm nhưng bị bác bỏ vì ý tưởng xưa quá, Konosu gợi ý nếu làm phim kiểu thần bí thì sao và được mọi người khen ý tưởng thú vị, nhưng vẫn bị góp ý rằng nếu không có nguồn thông tin đầy đủ thì sẽ rất dở dang, nhưng Sugimura đã gật đầu cái rụp bảo rằng việc đó chỉ cần tìm hiểu thêm thôi, trong lúc đó thì hình ảnh các nhân vật được xây dựng một cách sơ sài lộn xộn kiểu bạn A thích bạn B, bạn C và bạn D là đối thủ…, nhưng tôi sẽ bỏ qua phần này. Nội dung quan trọng nhất của cảnh đầu tiên chắc chỉ thế này thôi. Lời người dẫn chuyện vang lên ngay sau khi màn hình phụt tắt về màu đen. “Một tuần sau, họ khởi hành đến làng Narakubo ở thị trấn Furuoka.” Màn hình vẫn tối đen một lúc, rồi hình ảnh lại hiện lên, bối cảnh lúc này không phải là trong trường nữa. Đó là khung cảnh núi rừng được bao bọc bởi một màu xanh ngắt đặc trưng giữa mùa hạ. Đây chắc là làng Narakubo rồi. Thị trấn Furuoka thì tôi biết. Đó là một thị trấn cách thành phố Kamiyama khoảng hai mươi cây số về phía Bắc. Nơi đó từng một thời rất phồn vinh nhờ có mỏ khoáng sản khai thác được kim loại như chì hay gì đó, nhưng về sau thì tàn lụi như định mệnh đã an bài khi mỏ khoáng sản bị đóng cửa, Furuoka trở thành một thị trấn xơ xác không có nổi một ngành kinh tế chủ chốt. Nhưng còn làng Narakubo thì sao? Ibara hỏi Satoshi về điều đó: “Fuku-chan có biết làng Narakubo không?” Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Satoshi biết. “À, đó là khu vực có hầm khai thác thời mà mỏ khoáng sản Furuoka còn hoạt động ấy. Đi lại thì bất tiện nhưng làng đó là nơi giàu có nhất khi mỏ khoáng sản ở vào thời kỳ hưng thịnh.’ Nói đoạn Satoshi liệt kê tên của hai, ba danh ca enka* nổi tiếng. “… Họ cũng từng đến đó đấy.” Ibara có vẻ ngạc nhiên không ít. Tôi thì cũng có thể nói là ngạc nhiên. Bởi những cái tên Satoshi vừa nêu, nói không ngoa chứ toàn nghệ sĩ kỳ cựu. “Có điều là…” Satoshi định tiếp tục nhưng Chitanda đã ngăn lại ngắn gọn: “Hình như bắt đầu rồi.” Cảnh phim quay một vòng cây cối xung quanh, rồi chuyển góc một trăm tám mươi độ chiếu vào nhóm học sinh ở đó. Khác với cảnh quay trước, mọi người đều mặc đồ thường. Trời nóng nên tất cả đều ăn vận gọn nhẹ. Mỗi người đều đeo trên lưng một chiếc ba lô nhỏ. Bên trong chứa những gì thì tôi không biết. Yamanishi lên tiếng trong khi vẫn đứng sững như trời trồng: “Nóng quá! Bọn mình đi được một đoạn khá xa rồi mà vẫn chưa tới à?” Sugimura đáp: “Một chút nữa thôi. Không đến năm phút đâu.” “Vừa nãy cậu cũng bảo thế còn gì. Trời thì nóng như này, tớ mệt lắm rồi đấy.” “Không phải chỉ mỗi mình cậu biết nóng đâu. Thôi, đi nào!” Cả hội lại bước tiếp theo lời Kaito như nghe hiệu lệnh. Máy quay bám theo sau đó. Làng Narakubo đúng là ở sâu trong núi. Hai bên đường là những hàng cây nối tiếp, không biết có phải do bàn tay của những người đã từng sinh sống ở đây trước kia trồng không, thỉnh thoảng nhìn xuyên qua rặng cây có thể thấy bóng dáng thị trấn Furuoka thấp thoáng rất xa phía chân núi. Mặt đường được rải nhựa nhưng lỗ chỗ đã có dấu hiệu hư hại. Lớp nhựa sát lề đường bong tróc nứt nẻ, lăn lóc đây đó những hòn đá to bằng nắm tay. Có lẽ vì điều kiện đường xá tệ hại nên hình ảnh quay được cứ rung lắc liên tục. Nếu các diễn viên đều nghiệp dư thì chắc quay phim cũng vậy rồi. Đến cả một đứa mù mờ phim ảnh như tôi còn thấy rõ được là tay quay phim rất a-ma-tơ trong việc ghi hình. Dẫu vậy đi nữa thì hình ảnh vẫn khó coi quá. Màn hình bỗng tắt phụp một cái rồi lại mở ra với một góc quay khác từ đằng sau nhóm học sinh đang đi trên đường. Sugimura dẫn đầu chỉnh lại kính, chỉ tay về phía trước, nói: “Thấy rồi kìa, kia chính là Narakubo!” Mọi người xếp hàng ngang với Sugimura. Theo hướng máy quay đang dõi về phía Sugimura chỉ, hiện ra một bồn địa trũng sâu giữa rừng núi, ở đó chỉ còn phế tích của một vùng đất đã hoang phế. “Phế tích”. Với một đứa đang sống ở Nhật Bản hiện đại (dù chỉ là một thành phố địa phương) như tôi, mà phải dùng từ đó để mô tả một nơi chỉ cách mình vỏn vẹn hai mươi cây số, cảm giác thật không tưởng. Rải rác vài ngôi nhà bám bụi bẩn với cửa sổ kính vỡ và mái nhà bong tróc dột nát, tất cả như đang lầm lũi tiến dần tới sự hủy diệt hoàn toàn. Nếu trước kia ở đây đã từng có mỏ khoáng sản thì hẳn kia là dãy nhà tập thể của công ty dành cho công nhân, dây thường xuân thả sức giăng khắp lối, không cần đếm xỉa đến việc có tồn tại con người hay không. Trước hiên một ngôi nhà có vẻ như từng là cửa hàng vẫn còn tấm biển tráng men treo lủng lẳng. Điều đó chỉ càng khiến cho ngôi làng bỏ hoang thêm vẻ thê lương. Thì ra là vậy, tuy không hẳn như lời thoại của Sugimura trong vở kịch, nhưng nơi này có vẻ đáng để thăm thú một lần. Máy quay lướt qua một loạt những khung cảnh đó. Những hình ảnh choáng ngợp đã đủ sức bù đắp cho kỹ thuật quay phim non nớt và trình độ diễn xuất dở ẹc của các diễn viên. Ngay cả các diễn viên dường như cũng không kém phần sửng sốt trước quang cảnh đó. Vẫn quay lưng về phía máy quay, tiếng ai đó thốt lên trầm trồ. Tôi nghĩ đó không phải lời thoại nằm trong kịch bản. Nhưng vở kịch lại được tiếp diễn. “Thì ra là vậy. Nơi này đúng là đáng để tìm kiếm thông tin đây.” Nói xong Katsuta rút từ trong túi ra một chiếc máy ảnh chụp ảnh lấy liền và bấm lia lịa. Senoue thì lấy ra một cuốn sổ và làm vẻ ghi chép gì đó. Đợi cho hai người đó xong xuôi, Kaito cất to giọng dõng dạc chỉ huy: “Trước mắt, chúng ta cần tìm một chỗ có thể ở qua đêm nay. Sau đó mới tính chuyện thu thập thông tin được.” “Nếu vậy thì chỗ kia được đấy chứ?” Konosu lại chỉ vào một trong những tòa nhà đổ nát. Máy quay chiếu cận cảnh vào hướng được chỉ. Ở đó là một tòa kiến trúc giống như nhà hát, quá lớn so với quy mô một ngôi làng. “Nếu ở đó thì không sợ trời mưa rồi.” “Vậy hả, thế đi nào!” Sáu người men theo con dốc dẫn xuống ngôi làng. Cảnh quay tạm ngừng. Cảnh tiếp theo là ở phía trước nhà hát. Nhóm bạn tập trung trước cửa kính hai cánh chỗ lối vào, và đồng loạt ngước lên nhìn tòa nhà. Máy quay cũng hướng lên trên bức tường bụi bẩn. Nhà hát được quay từ góc xiên phía dưới lên toát ra một ấn tượng lạ thường. Máy quay lại chiếu về phía nhóm bạn, Kaito mở cánh cửa kính rồi dẫn đầu bước vào, từng người còn lại lần lượt theo sau. Người cuối cùng chính là Konosu lúc nào cũng cụp mắt xuống. Chị ấy lẩm bẩm: “Sao mà mình có linh cảm không hay.” Nói rồi chị ấy cũng bước vào trong nhà hát. Cánh cửa vẫn mở, sáu người biến mất trong bóng tối. Hết cảnh. Bỗng nhiên cả Satoshi lẫn Ibara đều đồng loạt cất tiếng. Satoshi vẻ thích thú, còn Ibara vẻ khó chịu: “Có cả dinh thự kìa!” “Cả dinh thự cơ à?” Cảnh quay được tiếp tục ở bên trong “dinh thự”, à không, ý tôi là nhà hát. Tất nhiên một ngôi làng bỏ hoang thì không thể có điện, bên trong tòa nhà tối om. Nếu so với khung cảnh bên ngoài lúc nãy có đường nét rõ rệt nhờ ánh mặt trời mùa hè thì hình ảnh bây giờ khó nhìn hơn hẳn. Dù vậy cũng không đến mức không phân biệt được gương mặt của các diễn viên. Sàn nhà chắc được làm bằng đá. Tiếng bước chân của sáu người đi vào vang lên lộp cộp. “Toàn bụi là bụi…” Yamanishi làu bàu và phủi quần áo, vuốt vuốt mái tóc. Cảm nhận qua màn hình thì có lẽ đúng là bụi bặm thật. Đứng bên cạnh, Katsuta ngửa mặt nhìn lên: “Mái nhà có vẻ kiên cố nhỉ?” Senoue vẫn cầm quyển sổ trên tay, quay về phía Sugimura: “Tận sâu trong núi thế này mà cũng xây được nhà hát hoành tráng quá nhỉ?” “Mỏ khoáng sản là mỏ tiền mà, dù là chuyện xưa rồi. Hơn nữa, chính vì ở sâu trong núi thế này nên nếu không có thứ gì để giải trí, chắc chẳng ma nào trụ nổi đâu.” Satoshi - cái tên luôn thích những chuyện như vậy thốt lên một tiếng “Ồ!” rồi thì thầm với tôi: “Lời thoại thú vị phết đấy chứ nhỉ?” Về phần mình thì tôi chẳng trông mong gì ở lời thoại phim video cả. Trên màn hình Kaito đang giậm giậm chân. Thân hình lực lưỡng của anh ta khiến sàn nhà kêu rầm rập. Tôi đang không hiểu chuyện gì thì máy quay đã chiếu sát vào chân anh ấy. Chút ánh sáng le lói vừa lóe lên hình như là những mảnh kính vỡ. “Đêm nay chúng ta sẽ ngủ lại đây nhưng mà…” Kaito chau mày ra vẻ. “Ở đây thì nguy hiểm quá. Kính vỡ vương vãi khắp thế này…” Nói đoạn máy quay lia một vòng xung quanh đó. Vì tối nên tôi không rõ lắm nhưng nếu đây là nhà hát thì chỗ nhóm bạn đang đứng có lẽ là tiền sảnh. Có hai cầu thang và một căn phòng. Lại một lần nữa máy quay lia một vòng, lần này hơi hướng lên trên một chút. Tầng hai hiện ra. Có vẻ như trần tiền sảnh thông lên tận tầng hai. Sugimura và Katsuta lần lượt nói: “Chúng ta nên tìm chỗ có thể ngủ lại được.” “Đúng vậy, trước khi trời tối.” Kaito gật đầu rồi nhìn mọi người một lượt. “Chia nhau ra tìm nào. Không biết có sơ đồ không nhỉ?” “Ở đây này.” Konosu đứng cạnh tiền sảnh vẫy tay. Kaito hướng về phía đó và hết cảnh. Máy quay dừng một lúc tại tấm sơ đồ nhà hát mà Konosu đã tìm thấy được. Có lẽ ước chừng vì tối quá không nhìn được nên riêng khu vực này có ánh sáng như của đèn pin chiếu vào. “Ồ, sơ đồ nhà hát! Nó đây rồi!” Satoshi cất giọng phấn khích, và bắt đầu vẽ lại tấm sơ đồ. Hình ảnh không thấy rõ được hết các chi tiết, nhưng nhờ được chiếu rộng trên màn hình nên cũng có thể đoán được các chữ. Vì tấm sơ đồ được chiếu hẳn ba mươi giây nên hình như Satoshi cũng kịp vẽ lại nó vào sổ. Theo hình vẽ mà tôi được cho xem thì nhà hát này có hai tầng. Đi qua lối vào đầu tiên sẽ tới tiền sảnh. Chỗ nhóm bạn đang đứng chính là ở đây. Tiếp theo, ngay cạnh đó là văn phòng. Tiến sâu vào trong tòa nhà sẽ thấy một bức tường. Trên bức tường có một cánh cửa, bên trong là một hội trường. Phía trong hội trường đương nhiên là sân khấu. Bên cạnh đó, ở hai bên trái và phải của hội trường đều có lối đi về phía sân khấu, dọc theo lối đi đó mỗi bên đều có hai phòng chờ. Cuối mỗi lối đi là cánh gà sân khấu. Nhân tiện giải thích thêm, nhìn từ ghế khán giả thì phía bên phải được gọi là “cánh gà thượng” và phía bên trái được gọi là “cánh gà hạ”. Ở hai bên tiền sảnh có cầu thang dẫn lên tầng hai. Nếu lên bằng cầu thang bên phải, từ lối đi hẹp sẽ tới được phía trên sân khấu nơi có cánh cửa chếch bên dẫn vào phòng điều chỉnh ánh sáng. Nếu lên bằng cầu thang bên trái, ngoài phòng đạo cụ ở ngay phía trên văn phòng, còn có thể đến phòng điều chỉnh âm thanh nằm ở vị trí đối xứng với phòng điều chỉnh ánh sáng và tới cả được phía trên sân khấu. Tuy nhiên, vì lối đi hai bên thông với nhau ở phía trên cầu thang tiền sảnh nên cũng có thể đi đến phòng đạo cụ từ cầu thang bên phải. Nhóm bạn trên màn hình chắc cũng đang xem tấm sơ đồ này. Cảnh quay sơ đồ được chuyển sang hình ảnh Kaito. “Mọi người chia nhau ra tìm hiểu bên trong nào!” “Có nguy hiểm không nhỉ?” Katsuta hỏi. “Có gì nguy hiểm ở nơi hoang phế này chứ?” Trước lời quả quyết của Kaito, Senoue thắc mắc: “Nhưng liệu có vào phòng được không? Nhỡ đâu cửa bị khóa?” Konosu trả lời thay cho Kaito: “Chuyện đó thì khỏi lo. Tớ nghĩ chắc chắn có chìa khóa…” Konosu tiến vào văn phòng cạnh tiền sảnh. Thật kỳ lạ là văn phòng lại không bị khóa. Máy quay theo sau Konosu vào trong văn phòng. Konosu nhìn quanh hai, ba lần rồi lẩm bẩm “Quả nhiên là có mà!” và tiến lại hộp chìa khóa treo trên tường. “Nhìn này, nó đây!” Nói rồi chị ấy vơ chùm chìa khóa đem ra ngoài. Còn một chiếc được bỏ lại trong hộp khóa. Máy quay chiếu vào chiếc chìa khóa đó. Tôi đang nghĩ “tối quá!” thì ánh sáng đã được chiếu vào. Trên móc chìa khóa có ghi dòng chữ “Chìa chủ”. “Chỉ cần có cái này là bọn mình có thể khám phá tòa nhà rồi nhỉ!” Konosu quay về hội trường, đưa chùm chìa khóa cho Kaito xem. Kaito gật đầu, tự mình chọn lấy một chiếc. “Vậy thì mỗi người chọn lấy một cái rồi đi thôi. Chúng ta sẽ xem một lượt xem liệu có phòng nào sử dụng được không. Phòng chỉ hơi bừa bộn một chút thì không sao, nhưng phải kiểm tra cả xem có đốt lửa được không, nằm xuống có nguy hiểm không nữa nhé!” Quay về phía mọi người, Konosu giơ chùm chìa khóa lủng lẳng và lấy một chiếc cho mình. Mọi người lần lượt chìa tay ra lấy chìa khóa. Toàn bộ chìa khóa đã được chia hết. “Thật ra ấy…” Satoshi nói giọng cười cười. “Thật ra nếu đi vào chỗ như thế này, cậu có nghĩ là nên hành động theo cả nhóm không? Sao lại xé lẻ thế chứ?” “Ngay từ thời điểm bước vào căn phòng bỏ hoang ở khu đất bỏ hoang đã là phi thực tế rồi, cậu còn muốn bảo cảnh này đáng ngờ ấy hả?” Satoshi lại mỉm cười, khóe miệng sâu thêm: “Không, không phải là đáng ngờ. Mà là nếu không để mọi người hành động riêng rẽ thì vụ án sẽ không xảy ra được. Tớ cá đấy!” “Tức là?” “Đúng thế, sắp có chuyện rồi. Cá một cái xúc xích phô mai luôn, nếu mọi người chia nhau ra ở đây thì sẽ có một người không quay lại nữa.” Ngồi cạnh Satoshi, Ibara lườm tôi bằng ánh mắt sắc lẻm. Chắc ý cô nàng là trật tự ngồi xem đi đừng có nói linh tinh nữa… Tôi là người bị bắt chuyện cơ mà. Trên màn hình là cảnh các thành viên sau khi lấy chìa khóa lần lượt xem lại vị trí trên sơ đồ và biến mất vào sâu trong tòa nhà. Đầu tiên là Kaito. Rồi lần lượt là Sugimura, Yamanishi, Senoue, Katsuta và Konosu. Ngoài tiền sảnh không còn một ai. Tiền sảnh không một bóng người được chiếu thêm vài giây rồi hết cảnh. Trong bóng tối vang lên tiếng người dẫn chuyện. “Vụ án xảy ra sau đó.” “Tớ đã bảo mà!” Là giọng Satoshi. Đấy, Ibara lại lườm đây này. Cảnh tiếp theo là từ tiền sảnh. Vẫn chưa có ai cả. Sau đó, Konosu đi xuống từ cầu thang bên phải. Tiếp theo, Yamanishi xuất hiện từ lối đi bên trái. Ngừng một lúc, đến lượt Katsuta cũng đi ra từ lối đi bên trái. Katsuta cất tiếng hỏi hai người đã ra trước: “Bọn cậu thế nào?” Yamanishi đáp với vẻ giận dỗi: “Mảnh gương vỡ nhiều lắm, nếu không dọn dẹp thì không dùng được đâu.” Konosu thì im lặng lắc đầu. “Vậy à? Chỗ tớ cũng tương tự.” Cuối cùng thì Senoue cũng đi xuống từ cầu thang bên trái. Giữa chừng cầu thang chị ấy bắt tréo tay ra một dấu “X” cho mọi người thấy. Katsuta bỗng ngửa mặt lên trên. Máy quay chiếu theo tia nhìn đó. Hóa ra là từ tiền sảnh có thể thấy rõ cửa sổ phòng dụng cụ trên tầng hai. Sau khi chiếc cửa sổ đó được chiếu một khoảng lâu đến bất thường, Katsuta gọi với lên tầng hai: “Ê Sugimura, trên đó thế nào rồi?” Sugimura thò mặt ra từ cửa sổ. “Phòng này tương đối sạch đẹp đấy, cũng không có vật gì dễ cháy cả. Chắc là dùng được.” “Thế hả, tạm thời xuống đây đã.” “Ok.” Nói rồi Sugimura đi xuống ngay lập tức. Trên hành lang có năm người đang đứng. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Quả là thiếu một người thật. “Nạn nhân” đã được quyết định. Yamanishi lên tiếng: “Kaito đâu rồi?” “Vẫn còn đang tìm chăng?” Katsuta nghiêng đầu. “Thôi không sao, những người còn lại ở đây hết rồi. Chúng ta đi gọi cậu ấy vậy. Có phải cậu ấy đi hướng này không nhỉ?” Katsuta chỉ về lối đi bên phải. Tất cả lần lượt gật đầu. Katsuta dẫn đầu, cả nhóm bước vào lối đi bên phải. Máy quay theo sau. Vào trong lối đi, ánh sáng càng yếu dần, không còn phân biệt được cái gì đang chiếu trên màn hình nữa. Ai đó bật đèn pin. Ánh sáng chiếu vào một cánh cửa nằm trên lối đi. Katsuta kéo cửa mở ra. Bên trong là phòng chờ. Những chiếc gương xếp cạnh nhau, trên sàn vứt la liệt đồ biểu diễn. Không có ai cả. “Lạ nhỉ?” “Hay ở trong cánh gà?” Tiếp theo câu nói đó cả nhóm lại tiến sâu vào trong. Tối quá. Ánh đèn pin lại được bật lên, chiếu sáng cánh cửa có ghi “Không phận sự miễn vào” dẫn vào “cánh gà thượng”. Katsuta xoay nắm đấm cửa nhưng cửa không mở. “Sao thế?” “Cửa không mở. Bị khóa rồi.” “Làm sao bây giờ?” “… Có chìa chủ trong văn phòng đấy. Để tớ đi lấy.” Sau một hồi không rõ ai nói gì với ai, có tiếng bước chân ai đó hớt hải chạy. Hình như tiếng bước chân chồng lên nhau lẫn lộn. Chắc là có hai người đã chạy đi. Cảnh được ngắt trong tích tắc rồi ánh sáng lại được chiếu vào cánh cửa, và tiếng chìa khóa tra vào cửa vang lên. Cửa được mở ra, cả nhóm bước vào trong phòng. Trong “cánh gà thượng” có cửa sổ, bức rèm đáng lẽ được buông xuống đã bị tháo ra để ánh nắng chiếu vào. Trong góc phòng, cạnh cửa sổ có người đang nằm bất động. Đó tất nhiên là Kaito. “Kaito!” Sugimura lao đến. Katsuta cũng lao theo. Thế nhưng Sugimura trượt ngã ngay trước Kaito. Sau khi đứng dậy, Sugimura nhìn chằm chằm lòng bàn tay mình. Máy quay lại gần chiếu vào bàn tay đó. Vì thiếu ánh sáng nên rất khó nhìn, nhưng có vẻ như tay anh ta bị dây bẩn. Sugimura rên rỉ: “Là máu…” Có tiếng kêu thất thanh. Máy quay chiếu vào ba cô gái đang đứng ở lối vào phòng. Yamanishi im bặt lấy tay che miệng. Senoue ôm lấy cánh tay mình. Konosu thì nắm chặt bàn tay. Máu túa ra khắp phần bụng của Kaito đang nằm đó. Mắt anh ấy đang nhắm. Như thế còn hơn là mở mắt trừng trừng. Máy quay chiếu cận cảnh vào xung quanh Kaito. Anh ta ngã xuống với cánh tay bị đứt lìa. Chắc chắn đó là đạo cụ nhưng nhờ bóng tối nên cảnh quay khá nghẹt thở. Rơi bên cạnh cánh tay là chiếc chìa khóa Kaito đã cầm. “Aaa…” Tiếng thảng thốt ở ngay bên cạnh, là Chitanda. Trên màn ảnh đến lượt Katsuta la thất thanh: “Kaito! Chết tiệt, là kẻ nào?!” Hồi phục nhanh thật. Katsuta lao về phía cửa sổ, định mở nó ra. Theo như tôi thấy thì đây là loại cửa trượt lên trên. Cánh cửa sổ lâu ngày không được sử dụng nên bị rít, mãi không chịu mở. Katsuta nắm lấy khung cửa lắc lắc một hồi kêu ken két, cuối cùng anh ta gần như tì hẳn người xuống và đẩy nó lên. Cánh cửa mở ra sau một tiếng rít nặng nề, Katsuta nhoài người ra ngoài cửa sổ, nhìn xung quanh. Máy quay vẫn rung lắc và chiếu cảnh bên ngoài. Ngoài cửa sổ là bãi cỏ dại mùa hè mọc um tùm đến gần sát bức tường nhà hát. Katsuta xoay mình, lần này hướng về phía sân khấu. Vì máy quay đột ngột chuyển từ bên ngoài sáng sủa vào phía trong tối tăm nên màn hình đen sì trong giây lát. Nhưng dù vậy người xem vẫn biết được là máy quay đang đuổi theo sau Katsuta. Katsuta nhảy lên sân khấu, phi một hơi sang “cánh gà hạ”. Rồi Katsuta khựng lại ở đó. Cánh cửa nối “cánh gà hạ” với lối đi bên trái hoàn toàn bị chặn lại bởi những tấm gỗ vuông xếp chồng lên nhau. “Gì thế này…” Màn hình trở nên tối đen. Và rồi… Toàn bộ hình ảnh tắt phụt. “………” Chúng tôi thử đợi thêm một lúc. Nhưng trên màn hình không chiếu gì thêm nữa. “Hết rồi sao?” Ibara thì thầm bằng giọng ngơ ngác. “… Có vẻ thế đấy.” Cứ như lời đáp của Satoshi là hiệu lệnh, có tiếng máy tời chuyển động, và màn hình được kéo lên. Chitanda giơ tay trong không trung như thể muốn níu màn hình lại, trông đến tội nghiệp. “Ơ, ơ, vẫn chưa hết mà!” “Đợi đã nào, biết đâu máy chiếu bị hỏng.” Tôi vừa nói vậy thì đã có tiếng trả lời từ đằng sau: “Không phải đâu.” Tôi quay lại thì thấy Irisu đang đứng đó, không biết đã đi ra khỏi phòng điều khiển từ lúc nào nữa. Trên tay chị ấy cầm cuốn băng video. “Cuốn băng chỉ đến đây thôi.” Hoàn toàn không chút dao động. Đương nhiên là Irisu biết cuốn băng chỉ tới đây thôi. Satoshi nói như để xoa dịu bầu không khí: “Vậy câu chuyện đến đấy là hết đúng không ạ? Kết thúc kiểu đáp án nằm trong suy nghĩ mỗi người.” “Cái đó đương nhiên cũng không phải nốt.” Nếu thế tức là cuốn băng này chưa được hoàn thành. Mời người ta đến, rồi cho họ xem một bộ phim vẫn còn dang dở sao? Tôi uể oải lầm bầm: “Chị giải thích được không ạ? Chắc không phải ‘buổi chiếu thử’ đến đây là xong chứ?” Irisu nhìn tôi chằm chằm, gật đầu: “Chị sẽ giải thích. Nhưng trước đó cho chị hỏi một câu thôi… Cuốn phim vừa xem, bọn em thấy thế nào về mặt kỹ thuật?” Bọn tôi quay sang nhìn nhau. Không rõ Chitanda thấy thế nào, chứ ý kiến của ba người còn lại chắc y chang nhau rồi. Và người trả lời là Ibara. “Thành thật mà nói, em thấy non nớt lắm.” Có lẽ đó là một câu trả lời đã được dự đoán từ trước. “Chị cũng nghĩ vậy. … Có thể bọn em cũng biết, Kan-ya là lễ hội truyền thống của các câu lạc bộ khối văn hóa nghệ thuật. Đúng ra nó không có chỗ để cho hoạt động của lớp chen chân vào. Nhưng mọi người trong lớp chị thì không chịu như vậy. Những người có kỹ thuật cần thiết thì ai nấy đều dốc sức cho hoạt động câu lạc bộ rồi, dẫu vậy lớp chị vẫn muốn làm cái gì đó của riêng mình. Nhưng những người không có kỹ thuật dù có dốc hết nhiệt tình đi chăng nữa thì kết quả cũng dễ dàng đoán trước được. Như các em đã thấy đấy.” Một sự thật khắc nghiệt như vậy mà Irisu bình thản nói ra không chút cảm xúc. Nhưng thế cũng có sao đâu? Tôi đang nghĩ thế thì Irisu cũng nói điều tương tự: “Chị nghĩ như vậy cũng chẳng sao. Nếu chỉ là mọi người muốn làm ra thứ gì đó của riêng mình thì cứ việc làm tùy thích. Dù kết quả có bị người xem chế giễu đi chăng nữa thì bản thân họ chắc cũng chẳng bận lòng đâu. Tự thỏa mãn bản thân thôi mà. Chuyện nghe ngốc nghếch thật đấy, nhưng chị nghĩ có thể chấp nhận được.” “Ý chị là, vấn đề không phải ở chỗ chất lượng tốt hay dở?” Irisu gật đầu trước câu hỏi của Ibara. “Chị không bảo rằng chất lượng hoàn toàn không có ý nghĩa. Nếu làm tốt thì càng mãn nguyện chứ đúng không? Có điều chị không nghĩ rằng nó thật sự quan trọng về bản chất… Vậy thì, các em nghĩ yếu huyệt của kế hoạch này nằm ở đâu?” Nghĩ ngợi một lúc, Satoshi trả lời: “Là việc không hoàn thành xong, phải không ạ?” “Đúng vậy. Nếu bộ phim vẫn chưa hoàn thành thế thì không thể gọi là thỏa mãn bản thân được. Như các em thấy đấy, địa điểm đặc thù nên chỉ có thể quay trong kỳ nghỉ hè mà thôi.” “Việc quay phim không được trôi chảy hay sao ạ?” Chitanda hỏi với vẻ lo lắng. “Dù có rắc rối đi chăng nữa thì bọn họ cũng đã giải quyết được rồi. Việc quay phim được chia làm hai lần vì còn tính đến chuyện đi lại và tiến độ kịch bản, nghe nói kế hoạch được thực hiện theo đúng lịch trình. Về thời gian thì bộ phim sẽ được hoàn thành trong buổi quay Chủ nhật tiếp theo.” “Nhưng chuyện không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, nhỉ?” Trước câu nói như giễu cợt của tôi, Irisu nghiêm túc trả lời. “Sự méo mó trong việc để cho những người không có kỹ thuật đảm nhiệm vai trò đã dẫn đến vết thương trí mạng. Mọi người quyết định làm phim video, và nhất trí nội dung là ‘trinh thám’. Thế nhưng không ai có thể viết nổi kịch bản tương xứng với đề tài ấy. Chỉ có một người duy nhất từng có kinh nghiệm viết truyện. Người duy nhất ấy tên là Hongo Mayu, chị ấy chỉ từng vẽ truyện tranh một chút thôi, thế mà lại bị giao việc viết kịch bản cho bộ phim dài cả tiếng.” Đó là một tình huống khó khăn đến thế nào thì một kẻ chưa từng viết truyện như tôi không thể hình dung được. Tuy nhiên, tôi thấy Ibara ở bên cạnh đã cau mày. Cô nàng cũng là một người “chỉ từng vẽ truyện tranh một chút thôi”. Chắc hẳn Ibara thấy thông cảm được chăng? “Hongo đã rất cố gắng. Từ chỗ hoàn toàn chưa bao giờ tiếp cận thể loại trinh thám mà có thể viết được kịch bản đến thế này chị nghĩ là rất giỏi. Có điều, chị ấy kiệt sức mất rồi. Sau khi viết xong phần mà bọn em xem vừa nãy, chị ấy đã đổ bệnh.” “Đổ bệnh,” chuyện không tầm thường đâu. Chitanda thấp giọng: “Bị sao thế ạ?” “Đau dạ dày do căng thẳng thần kinh. Một dạng trầm cảm. Tuy không phải là bệnh nặng nhưng không thể đòi hỏi nhiều hơn ở chị ấy nữa. Bọn chị cần người thay chị ấy.” Tôi thấy lạnh cả sống lưng. “Đừng bảo là bọn em nhé?” Phải gánh việc bắt chước tác giả kịch bản à? Irisu khẽ cười. “Không, chị không có nhờ chuyện như thế. Chị chỉ tổ chức buổi chiếu thử thôi. Và muốn hỏi người xem là bọn em điều này… Thủ phạm của vụ án đó, các em nghĩ là ai?” Nghĩ mới thấy, cuốn phim đó tuy là thể loại trinh thám nhưng lại không có vai thám tử. Lý do thứ nhất có thể là vì cảnh quay chưa đến hồi kết thúc, thứ hai có lẽ là nếu nghĩ tới xuất phát điểm của kế hoạch thì vai diễn đã được chia đều cho tất cả những người tham gia. Nhưng dù thế đi chăng nữa cũng không thể ngờ rằng “vai thám tử” lại được phân cho bọn tôi. Nhưng… Trong khi tôi còn chưa thể hiểu nổi thì Ibara đã nhanh nhảu hỏi lại: “Nói thế đi chăng nữa, sempai. Cảnh quay mới chỉ đến đó chắc gì đã có thể tìm ra ai là thủ phạm?” Irisu lắc đầu. “Chuyện đó em không phải lo. Hongo chuẩn bị viết phần giải quyết vấn đề thì đổ bệnh nên chắc chắn cảnh tiếp theo là tới phần phá án rồi.” Satoshi cũng hỏi: “Nhưng một người lần đầu viết truyện trinh thám liệu có biết rải manh mối trong kịch bản không nhỉ? Nếu chỉ là đáp án bất ngờ vào phút chót thì bọn em cũng chịu.” “Chuyện đó cũng không thành vấn đề. Hongo đã dùng quá nhiều chất xám để viết nên kịch bản đó. Chị ấy cũng nghiên cứu cả tiểu thuyết trinh thám đấy. Tuân thủ đầy đủ ‘Mười điều răn’, ‘Chín mệnh đề’ và ‘Hai mươi luật’* nữa.” Một dấu hỏi chấm hiện trên mặt Chitanda. Có lẽ cả trên mặt tôi nữa. “Mười điều răn” à. “ ‘Mười điều răn’ có phải là ‘Ngươi không được dùng danh Chúa một cách bất xứng’ đúng không ạ?” Sao lại đưa ví dụ về một lời răn chẳng liên quan gì thế nhỉ? Satoshi trả lời vẻ đắc ý trước thắc mắc của Chitanda. “Không, đấy là Mười điều răn của Mô-sê*, còn chúng ta đang nói đến Mười điều răn của Knox phỏng theo đó cơ. Ví dụ như, không cho người Trung Quốc xuất hiện trong truyện, tức là những quy tắc khi viết tiểu thuyết trinh thám. Nếu chị Hongo tuân thủ đúng những điều đó thì đúng là chị ấy đã chơi rất đẹp đấy.” Người Trung Quốc không được xuất hiện là vì nếu người Trung Quốc xuất hiện trong những câu chuyện giải trí thì sẽ có vấn đề chính trị gì xảy ra à? Nhưng tôi thấy họ hay xuất hiện trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đấy chứ… Mà cũng chẳng liên quan gì đến chuyện chơi đẹp cả. Nếu tìm hiểu về cái ông Knox gì đó liệu có biết được không nhỉ? Trong khi tôi còn đang ngẫm nghĩ thì Irisu đã tóm lại vấn đề. “Nói cách khác câu hỏi đã được đưa ra một cách hợp lý… Dựa vào điều đó, các em nghĩ ‘hung thủ’ là ai?” Hung thủ của vụ giết người xảy ra tại ngôi làng bỏ hoang trong núi sâu là ai à? Thật nực cười. “Nếu chị hỏi là ai, thì nan giải đấy. Cơ sở dữ liệu không thể đưa ra kết luận được.” “Đúng thế, tôi cũng không tự tin lắm… Người khả nghi thì có đấy nhưng mà…” “Chị ơi, trong phim anh Kaito bị chết rồi à?” Mỗi đứa thắc mắc một câu, rồi gần như đồng loạt cả ba quay sang nhìn tôi. Vẫn ngồi dựa lưng sâu vào ghế, tôi như bị ba tia nhìn đó xuyên thủng. Tôi đưa mắt lảng sang chỗ khác. “… Gì đây?” “À không, chỉ là tớ nghĩ món này vào tay Hotaro là chuẩn rồi.” Satoshi nói giọng xấc xược với vẻ cười cợt vốn có. “Món này là món nào?” “Thì là ‘vai thám tử’ chứ sao.” Lúc đó, tôi hoàn toàn có thể dự đoán được vẻ mặt của mình đang như thế nào. Vẻ mặt như nào thì như lời Satoshi nói: “Cái mặt coi bộ khó chịu nhỉ?” Tôi gật đầu chẳng nói chẳng rằng. Với tư cách là một học sinh cấp ba bình thường, và là một kẻ tôn thờ chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng thì mấy chuyện không rõ sẽ đi đâu về đâu tôi xin kiếu. Bị đề cao không phải lối cũng rắc rối. Hơn nữa, quan trọng nhất là: “Tớ không xem kỹ đến thế.” Chitanda ngay lập tức lên tiếng: “Thế thì bảo chị ấy cho bọn mình xem lại lần nữa!” Thật đấy à? Như đọc được suy nghĩ trong bụng tôi, Irisu bắt đầu thuyết phục: “Chị chỉ muốn nghe ý kiến tham khảo thôi, em cứ nói thoải mái đi.” “Thế ạ? Vậy em nghĩ hung thủ là chị Yamanashi!” Chitanda nghiêng cổ: “Sao lại thế?” “Vì thái độ khó chịu.” “Oreki!” Ibara đanh giọng quát. Nhưng tôi chẳng run tí nào. Ibara đáng sợ là vì cô nàng rất nghiêm khắc với lỗi lầm của người khác, còn vừa rồi tôi chẳng có gì sai cả. “Thế thì là Katsuta. Trông anh ấy đô con đấy.” Satoshi thở dài, khoanh tay. “Hừ, xem chừng cậu không có hứng thật rồi. Đâu dễ mà phán bừa phải không?” Cũng đúng. Nhưng không phải chỉ có thế. Vì tôi không sao hiểu nổi. Tôi nói với Irisu đang nhìn thẳng vào mình: “Em có điều muốn hỏi.” “Cứ tự nhiên.” “Tại sao chị lại hỏi người ngoài như bọn em? Nếu là việc của lớp 11F thì nội bộ lớp 11F tự giải quyết là được rồi chứ?” Irisu gật đầu như thể tỏ ý “nói phải lắm”. “Bọn chị đã họp với nhau rồi, cũng đã lấy ý kiến nhiều người. Nhưng toàn là những phương án chẳng đâu vào đâu cả. Như chị đã nói hồi nãy là những người không có kỹ thuật cần thiết thì không làm nên trò trống gì được.” “Kể cả chị nữa?” “Tiếc thay là vậy. Chị thì cứ bị nghĩ theo hướng ai là thủ phạm thì sẽ êm thấm nhất. Hơn nữa, chị còn phải bao quát tổng thể. Chứ không thể dành thời gian cho mỗi việc này được.” “Nếu vậy thì tại sao ngay từ đầu chị không ngăn cản việc chọn đề tài là trinh thám?” Cuộc đối thoại bắt đầu giống như hỏi cung. Lúc này Irisu mới lần đầu tiên cụp mắt xuống. Nhưng giọng điệu lạnh băng thì không đổi. “Chị không tham gia vào kế hoạch ngay từ đầu. Ba tuần nay chị ở Hokkaido suốt. Khi quay về Kamiyama, chị mới được bạn đạo diễn kể cho nghe sự tình, và mới thực sự bắt tay vào giải quyết từ hôm kia. Nếu tham gia từ đầu, chị đã chẳng tiến hành một kế hoạch hời hợt thế này.” Nếu vậy thì chẳng phải là chuyện không liên quan gì đến chị sao? Kệ xác bọn họ không được à?… Quả là, tôi không thể mở miệng nói những điều đó. Tôi hỏi câu khác. “Thứ hai. Tại sao lại là bọn em? Hình như chị đã thuyết phục lòng vòng với Chitanda, nhưng có phải ngay từ đầu chị đã muốn gọi bọn em đến đúng không? Trường mình tuy nhỏ nhưng cũng có đến một nghìn học sinh, tại sao lại là câu lạc bộ Cổ Điển bọn em chứ?” “Trước hết là vì chị quen Chitanda.” Nếu vậy thì chắc còn có ngụ ý thế này: Vì chị biết nếu là Chitanda thì sẽ có hứng thú với chuyện này. Thế rồi ánh mắt của Irisu và tôi giao nhau: “Và, một lý do nữa, là vì có em.” “Em?” Câu trả lời này bất ngờ quá. Tôi có thể cảm thấy cặp mắt của Chitanda, Satoshi và Ibara đang đổ dồn về phía mình. Tuy hoàn toàn là do may mắn, nhưng trong vụ Kem Đá lần trước tôi cũng đã xuất thần đôi lần. Nhưng tại sao, một người chưa từng gặp tôi như Irisu lại…? Không biết tại sao nhưng khóe miệng Irisu hơi dãn ra. “Chuyện của em chị đã nghe từ ba người. Một người là Chitanda. Một người ở ngoài trường. Còn một người là Toogaito Masashi. Chắc em biết chứ?” Toogaito Masashi? “Ai nhỉ?” “Oreki! Sao ông đãng trí thế? Là chủ tịch câu lạc bộ Báo Tường đó!” À à, anh ta à. Tôi nhớ ra rồi. Nhớ lại vụ đó khiến tôi chưng hửng. Toogaito là một nam sinh lớp 12 mà lúc trước tôi đã có dịp chạm trán một chút. Tình tiết cụ thể thì tôi tạm lược bỏ, nhưng chuyện là tôi đã lợi dụng điểm yếu mà anh ta muốn che giấu để uy hiếp, cho dù cũng chẳng ghê gớm lắm. Một kỷ niệm không mấy ngọt ngào. Irisu dường như đã đọc được nét mặt của tôi. “Em đừng lo, Toogaito không nghĩ xấu về em đâu.” Ôi chao thế ư, vậy thì hãy cho em gửi lời hỏi thăm anh ấy nhé. “Lúc biết mọi người tham gia chẳng ai có đủ khả năng, chị đã nhớ tới em. Rằng nếu là em, biết đâu sẽ đảm đương được ‘vai thám tử’ của bộ phim này.” “……………” “Ghê à nha Hotaro! Công trạng được mọi người ghi nhận rồi kìa!” Tôi lườm Satoshi một cái. Quay lại nhìn Irisu, tôi không khỏi buông một tiếng thở dài. Tôi, đóng - vai - thám - tử ư? Tâm trạng thành thật của tôi là như thế này: “Thật rắc rối khi bị kỳ vọng một cách kỳ cục.” Không ngờ là Irisu lại nhượng bộ nhẹ nhàng. “Đúng vậy.” Ngừng một hơi, chị tiếp tục: “Việc cho bọn em xem bộ phim đối với chính chị cũng là một canh bạc. Đúng là chị đã ôm mộng rằng biết đâu mọi nút thắt sẽ được gỡ rối tài tình… Chắc đã làm phiền bọn em rồi. Chị xin lỗi các em nhé.” Nói rồi Irisu cúi đầu. “Em còn muốn hỏi điều gì nữa không?” Khí thế đã tiêu tan hết, tôi cũng chẳng còn muốn hỏi điều gì. Xác nhận xong rồi, Irisu nhanh chóng kéo màn xuống. “Nếu vậy thì buổi chiếu thử đến đây là kết thúc. Cảm ơn các em đã đến!” Tuy nhiên, chuyện không dễ dàng qua đi như vậy. Tôi quên béng mất, còn có một nhân vật đang hiện diện ở đây. Đúng thế, hiện thân của lòng hiếu kỳ lúc nào cũng thôi thúc khám phá hết bí ẩn của tất thảy vạn vật trong vũ trụ này, Chitanda Eru. Irisu toan quay gót thì Chitanda đã gọi với theo như kêu lên: “Chị ơi hãy đợi đã!” “… Còn chuyện gì hả em?” “Ơ, thế thì bộ phim sẽ kết thúc như thế nào? Chuyện sau đó sẽ ra sao ạ?” Irisu quay lại và trả lời: “Chị không biết. Bọn chị sẽ vẫn cố gắng. Nhưng cũng chuẩn bị tinh thần rằng có thể nó sẽ kết thúc trong dang dở.” “Thế thì rắc rối quá!” Có nói “rắc rối” đi chăng nữa… Irisu cũng đang gặp rắc rối mà. Chitanda tiến lại gần Irisu. “Nếu đúng như những gì chị Irisu vừa nói thì việc bộ phim không được hoàn thành là một điều rất đáng buồn. Em không thích như vậy.” Có nói “không thích” đi chăng nữa… Bản thân Irisu cũng nào thích như vậy. “Hơn nữa, hơn nữa…” Tôi nhíu mày. Không xong rồi. Thế là bắt đầu rồi. Irisu thật sáng suốt khi lôi kéo Chitanda vào vụ này. “Tại sao chị biên kịch Hongo Mayu lại phải hy sinh cả sức khỏe và sự tin tưởng của mọi người mà bỏ dở giữa chừng cơ chứ?… Em rất tò mò!” Đứng cạnh tôi, Satoshi nói: “Này Hotaro, chưa tính đến chuyện ‘vai thám tử’ gì gì vội, cậu có nghĩ là hơi ít manh mối để phá vụ án này không?” “Ừm, đúng thế thật.” “Vậy tức là, chỉ cần thu thập đủ thông tin thì có thể tìm ra đáp án nhỉ?” Làm gì có chuyện đơn giản như vậy. Nhưng nghe thấy thế và có lẽ đã mắc mưu của Satoshi, Chitanda quay người lại đầy khí thế: “Oreki, bọn mình cùng làm nhé! Cùng hoàn thành di nguyện của chị Hongo!” “Hongo chưa chết đâu em.” Chẳng biết lời đính chính lạnh lùng của Irisu có lọt vào tai tiểu thư không nữa. Satoshi nói thêm: “Mayaka, tiến độ làm tập san thế nào nhỉ? Nếu bây giờ bọn mình bỏ một tuần để lo vụ này thì vẫn kịp chứ?” Mayaka nhăn nhó đáp: “Hừ… hầy, phần của cậu là chậm nhất đấy Fuku-chan. Phần của tớ gần xong rồi.” “À à, thế thì chẳng phải lo nhỉ.” Nói rồi Ibara lẩm bẩm bổ sung: “Tớ cũng muốn xem phần kết của bộ phim đó. Không bàn đến kỹ thuật quay phim, nhưng tớ không ngờ là hình ảnh về một ngôi làng bỏ hoang của Nhật lại có sức hút như thế.” Còn tôi thì… Quả là cứ dính phải Chitanda thì không được yên thân mà. Đã đến nước này rồi thì có thoái thác cô nàng cũng chẳng để cho tôi thoát đâu. Càng muốn trốn thì lại càng tiêu tốn một khối năng lượng khổng lồ hơn hẳn việc ngoan ngoãn hợp tác. Như thế là lãng phí, mà tôi thì ghét phí phạm. Nhưng, chỉ có lần này là… Tôi không thể nhận “vai thám tử” như lời của Irisu được. Vì ngoài phương châm tiết kiệm năng lượng của tôi ra, còn một lý do khác nữa. Không biết ba người kia không nhận ra lý do đó hay nhận ra nhưng cố tình im lặng, tôi đành lấy hết sức lạnh lùng nói: “Vậy nếu giờ chúng ta nhận vụ này, lỡ không làm nên trò trống gì thì sao? Quỳ xuống đập đầu xin lỗi từng anh chị của lớp 11F đang đằng đằng sát khí hả?” Bọn tôi không phải hội nghiên cứu tiểu thuyết trinh thám. Mà là câu lạc bộ Cổ Điển, một hội tồn tại không rõ mục đích hoạt động. Ngay chính bản thân tôi cũng hoàn toàn tin rằng những đóng góp của mình trong vụ Kem Đá là nhờ Thần May Mắn giúp đỡ mà thôi. Giờ có dễ dàng nhận lời Irisu đi chăng nữa thì tỷ lệ thành công cũng rất thấp. Giữa tình cảnh như vậy mà hô hào chúng ta hãy gánh trách nhiệm cho kế hoạch của lớp 11F đi sao? Trước những lời khó nghe, trong khoảnh khắc Chitanda chùng xuống như bị giội một gáo nước lạnh. Ibara toan mở miệng, chắc định phản pháo tôi ngay chăng. Thế nhưng, vừa hay lúc đó Irisu đã đề xuất một phương án thỏa hiệp. “Nếu vậy thì chị sẽ không nhờ bọn em đóng ‘vai thám tử’ nữa. Trong lớp chị cũng có mấy người có nguyện vọng làm ‘thám tử’. Các em thấy sao nếu đóng vai người quan sát, tức là nghe chuyện của họ rồi nêu ý kiến đánh giá xem có chấp nhận được phương án đó không?” “Người quan sát” à? Nếu là quyết định xem suy luận ai là hung thủ có đúng hay không thì phải gọi là “trọng tài”, hay “bồi thẩm” sẽ chính xác hơn “người quan sát”. Quả là trong vai trò đó thì có thể tránh được trách nhiệm không cần thiết. Lần này dù tôi rất muốn từ chối với tư cách một kẻ theo chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng, nhưng rõ ràng là lý do này không thể thuyết phục được Chitanda đang ngân ngấn nước mắt. Không còn cách nào khác, tôi đành miễn cưỡng đáp. “Vậy đi ha.” Nghe thế Chitanda nhoẻn cười, Ibara khoanh tay, Satoshi thì giơ ngón tay cái lên với tôi. Còn Irisu cúi đầu trước thắng lợi. Lại dính vào rắc rối rồi. Chắc chỉ ngồi nghe thôi, đơn giản mà. Dẫu vậy, tôi vẫn thở dài trong bụng. … Nhưng mà, vẻ mặt của Irisu lúc ngẩng đầu lên trong khoảnh khắc trông như vừa đạt được điều gì rất mãn nguyện, hay chỉ là do tôi tưởng tượng? II Vụ án mạng tại ngôi làng bỏ hoang Furuoka T heo lời Satoshi khi vừa trở lại lớp khoa học địa cầu sau buổi chiếu thử thì: “Irisu Fuyumi, chị ấy nổi tiếng lắm đấy.” “Hô, bộ chị ấy từng được đưa vào bài xã luận trên báo hả?” “Không, cái đó thì tớ không biết. Nhưng nếu chị ấy có lên báo tớ cũng chẳng ngạc nhiên. Tớ nói với cậu chưa nhỉ? Irisu cũng là một danh gia ngang hàng với ‘Bộ tứ gia tộc lũy thừa’ đó.” “Bộ tứ gia tộc lũy thừa” ám chỉ nhà Juumonji, nhà Sarusuberi, nhà Chitanda và nhà Manninbashi*. Nghe nói họ đều là những danh gia vọng tộc rất bề thế ở thành phố Kamiyama này. Nói thêm thì cái biệt danh buồn cười đó là do Satoshi tự đặt, theo tôi biết thì chỉ có hắn dùng biệt danh đó. Satoshi chỉ tay ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài là đường phố. “Nhà Irisu điều hành bệnh viện Rengo.” Xem chừng Satoshi muốn chỉ bệnh viện Rengo ở gần trường. Ở thành phố Kamiyama, bệnh viện Rengo là bệnh viện đa khoa với quy mô lớn chỉ sau bệnh viện của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Vì chỉ cách trường Kamiyama năm phút đi bộ nên trong trường nếu có ai bị thương thì sẽ đến đó đầu tiên. Ra vậy, bảo sao Irisu Fuyumi nổi tiếng. Thế nhưng, nhìn vẻ mặt gật gù của tôi, Satoshi tiếp tục: “Có điều, Irisu Fuyumi nổi tiếng không phải chỉ vì thế đâu. Chị ấy có biệt danh đấy.” “Hả?” “Sao nào Hotaro? Muốn đoán thử không?” Dù không định thử sức với câu đố của hắn nhưng tôi cũng thử suy nghĩ. Satoshi mà đã mất công đặt câu hỏi thì chắc chắn không phải kiểu biệt danh “Iri-chan” theo lối Ibara được. Để xem nào, khí chất lạnh băng, thái độ đường đường chính chính. Rút lui trong tư thế ngẩng cao đầu. Và thực chất lại hết mình vì bạn bè trong lớp. Hừm. “… Theresia*?” Satoshi mỉm cười. “Chuẩn ghê, đoán đúng trọng tâm rồi đó! Câu trả lời là ‘Nữ Hoàng’. Tớ đã mấy lần nghe mọi người nhắc đến chị ấy kiểu như vụ này thì cứ để ‘Nữ hoàng’ giải quyết”. “Nữ Hoàng”. Lại một biệt danh được thổi phồng quá mức. Chị ta mà được tôn xưng như thế thì… “Chị ấy tàn ác thế sao?” Lúc này, Ibara đang tám chuyện gì đó với Chitanda ở đầu kia của lớp học mới quay lại: “Đấy là Nữ vương chứ?” Nói rồi cô nàng lại quay lưng đi. Đến phải ngả mũ kính phục cái tinh thần hơi tí là vặn vẹo ấy. “Thế hả? Vậy ‘Nữ Hoàng’ tức là sao?” “Thì dĩ nhiên là vì chị ấy đẹp này, không những thế nghe nói chị ấy dùng người rất giỏi và quyết liệt. Những người ở xung quanh sớm muộn cũng trở thành quân bài cho chị ấy.” “Ồ!” “Vụ họp ở Ban tổ chức lễ hội văn hóa mà tớ nhắc đến lúc nãy cũng là một ví dụ đấy. Chị Irisu đã nhìn ra được ba người xem xét vấn đề từ những khía cạnh khác nhau, khéo léo dẫn dắt họ lần lượt đưa ra ý kiến nên đã giải quyết được vụ việc êm thấm đấy.” Thế thì không phải tầm thường đâu. Dù lời của Satoshi chỉ nên nghe một nửa đi chăng nữa thì có vẻ Irisu đúng là típ tổng tư lệnh thích chỉ huy. Nhưng nếu vậy thì sự việc sẽ chẳng hay ho gì cho tôi rồi. Bởi lẽ tôi không có ý định hết mình vì ai cả, nhưng xem chừng kiểu gì cũng bị chị ta dắt mũi mất thôi. Trong khi tôi đứng khoanh tay thì Satoshi gõ gõ ngón tay lạch cạch xuống bàn. Những chuyển động nhịp nhàng tạo thành giai điệu vừa dứt thì hắn liền nhếch mép cười: “Có như thế đi chăng nữa…” “Gì cơ?” “Nhân dịp Nữ Hoàng xuất hiện, bọn mình ít nhất cũng phải có một biểu tượng chứ nhỉ?” “Biểu tượng?” Satoshi lơ đãng nhìn lên không trung một lúc. Cuối cùng, cậu ta đáp “đúng rồi”. “Đầu tiên, Mayaka sẽ là Công Lý.” “Nữ Hoàng” rồi đến “Công Lý”, dù tôi có là một kẻ lý tính thuần túy kiểu Kant không mê tín dị đoan thì cũng có thể hiểu cậu ta đang nhắc đến những lá bài Tarot. Vì Satoshi nói với giọng đủ để Ibara cũng nghe thấy nên tôi im lặng nghe ngóng diễn biến tiếp theo. Đúng như dự đoán, Ibara quay lại từ đầu kia lớp học và hằm hè: “Sao tớ lại là đồng minh của công lý thế?” Satoshi cũng xoay mình: “Ai bảo là đồng minh, chính là Công Lý luôn ấy. Dù tớ có hơi phân vân với lá Phán Xét. Mà này, Công Lý chẳng có đặc điểm là nghiêm khắc còn gì?” Tôi suýt phì cười. Dù không biết lá bài Công Lý trong Tarot ám chỉ điều gì, nhưng nếu là ý nghĩa như Satoshi vừa nói thì quả là Ibara hợp với Công Lý đấy. Tôi đang thầm nghĩ như vậy thì đã bị cô nàng lườm xéo: “Cười gì mà cười?” “Ơ kìa, muốn phản bác thì nhằm vào Satoshi nhé!” “Nói mà Fuku-chan chịu nghe thì tôi thèm mở miệng với ông làm gì?” … Thế cơ đấy. Không biết có phải vì thấy hứng thú không mà Ibara đứng dậy khỏi ghế. Chitanda cũng đứng lên theo, hai người tiến về phía chúng tôi. Ngay cạnh Satoshi, Ibara ưỡn cái vòng một màn hình phẳng ra. “Thế, Fuku-chan thì là gì?” “Tớ á? Ừ nhỉ. Là Thằng Khờ…, à không, có lẽ là Pháp Sư. Thằng Khờ là để chỉ Chitanda.” Cái tên coi trời bằng vung này. Dám gọi người khác là “thằng khờ”! Thế nhưng nhìn Chitanda không có vẻ gì khó chịu cả. Có lẽ để cho chắc, Satoshi nói thêm: “Không phải ý xấu đâu nhé. Tớ nghĩ là Chitanda hiểu.” Nghe vậy, Chitanda mỉm cười: “Ừ tớ hiểu. Đúng thật, cậu nói tớ mới thấy chắc mình cũng là Thằng Khờ thật. Dù tớ nghĩ đó là nhược điểm của mình… Fukube cũng rất hợp với hình ảnh Pháp Sư đấy.” Xem chừng câu chuyện này có liên quan đến ý nghĩa của những lá bài Tarot rồi. Có vẻ Satoshi và Chitanda am tường tên gọi của các lá bài Tarot nên nói chuyện ăn ý, nhưng tôi nghe cứ ù ù cạc cạc. Nhìn Ibara đang phụng phịu thì chắc là cô nàng cũng không hiểu lắm rồi. “Vậy còn Oreki thì sao?” Satoshi đáp ngay tắp lự: “Còn phải hỏi. Là Sức Mạnh.” “Sao lại thế? Tớ thì nghĩ cậu ấy giống Ngôi Sao hơn cơ…” “Không, phải là Sức Mạnh mới đúng. Chuẩn không cần chỉnh.” Nói rồi hắn tự cười chính lời nói của mình với vẻ mặt cứ như vừa nghĩ ra một câu châm chọc không chê vào đâu được. Chitanda lúc lắc đầu suy nghĩ một chút nhưng xem chừng cũng không lý giải nổi. Tôi và Ibara thì khỏi phải nói. “Tức là sao cơ?” “Ờ, thật ra thì Ngôi Sao cũng không tệ.” Satoshi đánh trống lảng như thế. Chitanda nghiêng đầu nghiêng cổ, nhưng may thay, cô nàng không kêu lên “tớ rất tò mò”. Tôi dựa lưng sâu vào chiếc ghế tựa, nói với vẻ khó chịu: “… Hừ, chắc không phải là đang khen rồi!” “Cũng chưa chắc đâu!” Nói rồi hắn lại cười cợt một lúc. Cái đồ quỷ tha ma bắt. Sau đó câu chuyện lại lạc đề sang một hướng khác. Vậy là thời gian đã trôi qua vô ích, nhưng vì không tiêu tốn năng lượng mấy nên tôi cũng không lăn tăn lắm. Dù sao bọn tôi vẫn còn có ngày mai. Ngày hôm sau. Tổng quân số của câu lạc bộ Cổ Điển chỉ có bốn người nên tuy không đến mức gọi là lũ lượt kéo đến nhưng các thành viên cũng đã tập kết đầy đủ tại đại bản doanh của câu lạc bộ. Mục đích là để giết thời…, à nhầm, để thảo luận về vụ án mạng. Cất công vác xác tới trường trong kỳ nghỉ hè thần thánh để làm một việc như thế này, tôi không khỏi tự cười nhạo bản thân đã trở nên thật “năng động” từ lúc nào không biết. Mọi chuyện rốt cuộc cũng chỉ tại Chitanda mà ra… Thú thực là tôi nhận ra quả tình mình không muốn đi nên đã báo với Satoshi như vậy, nào ngờ đại tiểu thư nghe tin xong đã đích thân đến tận tệ xá của tôi để rước đi. Khí thế ngút trời… Chitanda đang đứng một chỗ, tủm tỉm cười như có gì vui lắm. Tôi bất giác thở dài, bên cạnh là Satoshi và Ibara đang bàn luận về kế hoạch hành động của ngày hôm nay. “Chắc là cơ bản chúng ta sẽ phải khám xét hiện trường thôi.” “Nói vậy chứ bối cảnh là ở thị trấn Furuoka cơ mà? Cậu định đi đến tận đấy á? Có xe buýt chạy qua, nhưng mà đi tàu thì xa đấy.” “Thám tử là phải tự mình đi dò la tin tức. Nói vậy chứ những hai mươi cây à, đạp xe thì hợp lý phải biết.” “Dò la tin tức nghe giống điều tra viên hơn là thám tử í…” Tha cho tôi đi, hai mươi cây số? Bọn mình chỉ cần ngồi nghe suy luận của các anh chị muốn đóng vai “thám tử” trong lớp 11F là được rồi cơ mà. Nhưng thực tế thì sao nhỉ? Lớp 11F có mấy ai biết mặt mũi chúng tôi đâu. Bỗng dưng có mấy đứa lớp dưới mò đến bảo “các anh chị ơi, cho bọn em nghe chuyện với” xem chừng cũng không ổn. Bọn tôi quên không hỏi đầu tiên phải nói chuyện với ai. Đang nghĩ nên làm sao thì tôi để ý thấy Chitanda vẫn vô cùng bình tĩnh. “Này Chitanda, hôm nay bọn mình có việc để làm hả?” Tôi hỏi vậy thì cô nàng gật đầu cái rụp. “Hơ, làm gì thế?” “Chúng ta sẽ đợi người đại diện của chị Irisu tới, sau đó nghe chuyện của người đó.” Gì thế! Cử người đến, như vậy chẳng phải là đã thỏa thuận xong rồi sao? Ngẫm thử thì đó là việc đương nhiên, nhưng mà… “Cậu bàn với chị ấy hồi nào vậy?” Chitanda thầm thì như thể đang tiết lộ một bí mật. “Thật ra là… Tớ có thể dùng được trình duyệt.” Trình duyệt? “Dùng từ kỳ vậy. Tức là cậu dùng Internet chứ gì? Thời buổi này thì có gì lạ lùng đâu.” “Nói thế sai rồi Hotaro, phải nói là WWW tức World Wide Web.” Satoshi phản bác gay gắt nhưng tôi mặc kệ. “Thế Internet thì có liên quan gì ở đây?” “Trang chủ của trường Kamiyama có một phòng chat dành riêng cho học sinh.” “Cậu nói thế sai rồi Chitanda, đấy là trang con có trong trang chủ.” Không ngờ Chitanda cũng lờ tên này đi nốt. “Ở đó tớ đã nói chuyện với chị Irisu. Chị ấy bảo có thể sẽ không xuất hiện được, nhưng sẽ bố trí địa điểm và cử người đại diện đến hướng dẫn bọn mình.” Hừm, cũng khéo thu xếp đấy. Đúng là nếu chị ấy không chuẩn bị trước như vậy thì bọn tôi cũng chẳng biết xoay xở ra sao, nhưng xem chừng “nữ hoàng” này không phải kiểu chỉ biết ngồi ghếch chân trên ngai vàng nhỉ? Chitanda đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ treo phía trên bảng đen. Tôi nhìn theo thì thấy lúc này đã là một giờ. “Chị ấy hẹn lúc một giờ. Vậy là sắp rồi.” Cánh cửa bỗng khẽ mở ra, như chỉ chờ có câu nói đó. Bước vào lớp khoa học địa cầu là một nữ sinh. Thấp hơn Chitanda và cao hơn Ibara. Nói cách khác là vô cùng bình thường. Dáng người nhìn chung khá nhỏ nhắn. Đặc trưng nhất là mái tóc được cắt thẳng tắp ngang vai. Dù là đứa mù mờ về thời trang nhưng tôi cũng đủ biết rằng thời buổi này hiếm ai còn để kiểu tóc hiền lành như vậy. Mái tóc kết hợp hài hòa với đôi môi mỏng, khiến tôi có ấn tượng rằng chị là một cô gái nhã nhặn. Chị ấy cúi gập đầu chào chúng tôi trước. “Xin hỏi đây có phải là phòng họp của câu lạc bộ Cổ Điển không?” Chitanda đáp ngay lập tức. “Dạ vâng…. Chị ở lớp 11F đúng không ạ?” “Chị là Eba Kurako. Rất vui được gặp các em.” Nói rồi chị ấy lại cúi đầu một lần nữa. Dù biết bọn tôi học lớp 10 nhưng chị ấy thật nhũn nhặn quá. Nữ sinh tự xưng là Eba sau khi ngẩng đầu lên lần lượt nhìn bọn tôi. Giọng điệu của chị nghe đúng kiểu hành chính: “Chị nghĩ là Irisu đã nhờ các em. Hôm nay chị sẽ sắp xếp để các em gặp một người của đội làm phim trong chương trình… Nếu các em đã chuẩn bị xong thì chị sẽ dẫn đi.” Có gì đặc biệt phải chuẩn bị đâu. Tôi vừa đứng dậy khỏi ghế để tỏ ý có thể đi ngay thì ba đứa kia cũng lần lượt đứng lên. Eba gật đầu một cái: “Vậy chúng ta đi nào.” Nói rồi chúng tôi ra khỏi lớp khoa học địa cầu. Cứ nghĩ đến việc từ lúc này chúng tôi sẽ đi lấy lời khai là không hiểu sao tôi lại thấy khó chịu trong người, nhưng thôi, đây cũng là diễn biến của câu chuyện. Cứ để cho mọi việc xuôi chèo mát mái. Chúng tôi đi qua hành lang nơi câu lạc bộ Brassband* đang bắt đầu hòa âm. Tôi cứ thắc mắc sao giai điệu nghe quen thế, hóa ra là bài hát trong Lupin Đệ Tam*. Đang khe khẽ hát theo điệu nhạc thì Satoshi ghé sát lại, cố tình để âm thanh ồn ào át đi tiếng nói: “Cứ như là Người Hầu í nhỉ?” Tôi không hiểu là sao, nhưng chắc cậu ta ám chỉ Eba chăng? Nói mới thấy đúng là giống thật. Tiếng nhạc xa dần khi chúng tôi đi xuống cầu thang. Eba ngoảnh lại trong lúc vẫn bước tiếp. “Nếu các em có gì muốn hỏi thì cứ tự nhiên.” Làm ra vẻ bình thản, Ibara, cô nàng xem chừng khá hứng thú với vụ việc lần này, hỏi ngay lập tức: “Người sẽ nói chuyện với bọn em là ai ạ?” “Em hỏi tên à? Là Nakajo Junya.” Tôi đưa mắt sang Satoshi. Ngầm ý hỏi hắn ta có biết là ai không. Satoshi lắc đầu. Thế thì không phải người nổi tiếng rồi. “Anh ấy đảm nhận công việc gì ạ?” “Cậu ấy là phó đạo diễn của tổ quay phim. Là một trong những người nắm rõ nhất toàn bộ diễn biến của việc làm phim.” Hùa theo, Chitanda cũng hỏi: “Tổ quay phim? Tức là ngoài ra còn có các tổ khác nữa nhỉ?” Eba gật đầu. “Dự án được chia ra làm ba tổ. Ngoài tổ quay phim đã trực tiếp đến làng Narakubo, ở lại trường còn có tổ đạo cụ và tổ quảng cáo.” “Ồ, thế còn các diễn viên thì…” “Thuộc tổ quay phim. Vì thế tổ quay phim đông thành viên nhất với tổng cộng mười hai người. Còn lại thì tổ đạo cụ bảy người, tổ quảng cáo năm người.” Chị ấy liệt kê số người trôi chảy thế nhỉ? Thực tình là tôi thấy nể đấy. Chitanda lại tiếp tục hỏi một câu rất đương nhiên: “Chị Eba thì phụ trách công việc gì ạ?” Eba vẫn không hề có chút lưỡng lự nào. “Chị không tham gia vào dự án này… Vì không có hứng thú.” Tôi nhếch mép cười. Thật là một câu trả lời hợp phong cách của tôi. Trong khi hỏi chuyện này kia chúng tôi đã băng qua hành lang nối dãy lớp học đặc biệt với dãy lớp học bình thường. Dãy lớp học bình thường là tòa nhà với những phòng học bình thường theo đúng tên gọi, vào đến dãy nhà này thì không khí tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội văn hóa của trường Kamiyama đã lắng xuống một chút. Khác với dãy lớp học đặc biệt, nhiều lớp học ở đây hoàn toàn vắng bóng người. Eba dừng lại trước một phòng học có vẻ cũng đang không có ai như vậy. Nhìn lên biển hiệu thì đây là lớp 11C. Lớp của Irisu là 11F chứ nhỉ. Bắt gặp ánh mắt của tôi, Eba giải thích: “Bọn chị nghĩ một nơi yên tĩnh thì sẽ tốt hơn nên đã chọn phòng này. Lớp 11C không làm triển lãm lớp học nên chắc sẽ không có ai tới đâu.” Cánh cửa được mở ra. Bên trong là một phòng học bình thường. Một lớp học với bàn, ghế, bục giảng và bảng đen là tiêu biểu nhất, ngoài ra thì chẳng còn gì đáng xem cả. Chiếm một chỗ ngay hàng đầu tiên trong lớp học là một thanh niên đang ngồi khoanh tay. Cơ thể vạm vỡ có vẻ rất cơ bắp, cặp lông mày rậm và râu cũng rậm. Dù có vẻ là anh ta đã cạo bớt… Không phải hỏi chắc cũng biết đây chính là phó đạo diễn Nakajo Junya? Trông thấy bọn tôi, anh ta chậm rãi đứng dậy. Và bằng một giọng to không cần thiết: “Mấy đứa là chuyên gia trinh thám đấy hả?” Anh ta nói. Tôi chỉ muốn đáp trả rằng mình chẳng phải chuyên gia gì cả, nhưng đùa cợt như vậy rồi làm chuyện rối lên không phải sở thích của tôi. Chúng tôi im lặng, thế là Eba lên tiếng mào đầu câu chuyện: “Đúng thế. Đây chính là những nhân tài mà Irisu đã phải vất vả mới tìm ra được, nên cậu hãy cư xử cho lịch sự.” Nói rồi Eba quay sang chúng tôi, chỉ tay về phía Nakajo. “Cậu ấy là Nakajo Junya.” Nakajo chỉ khẽ hất cằm lên. Có lẽ là để chào. Tiến lên nửa bước, Chitanda xưng tên: “Em là Chitanda Eru ở câu lạc bộ Cổ Điển.” Tiếp theo đến phiên từng đứa một. Tôi kết thúc màn tự giới thiệu bằng câu “Em là Oreki Hotaro. Rất vui được gặp anh.” Theo hướng dẫn của Eba, chúng tôi ngồi xuống đối diện với Nakajo. Khi tất cả đã yên vị, Eba lên tiếng: “Vậy thì, phần còn lại trông cậy vào mọi người nhé.” Nói rồi chị bước ra khỏi lớp. Ủa, chị ấy không cùng tham gia sao? Có vẻ như đúng là chị ấy chỉ là “người đại diện của Irisu” mà thôi. Bốn đứa còn lại chúng tôi đối diện với Nakajo. Vào cuộc thôi. Nakajo từ từ buông hai cánh tay đang khoanh xuống. “Xin lỗi vì đã lôi mấy đứa vào chuyện phiền toái này. Kế hoạch ban đầu chỉ là ý thích nhất thời của bọn anh thôi, nhưng nếu không hoàn thành được thì cũng dở thật. Thôi thì mấy đứa giúp một tay nhé.” Thế à, ý thích nhất thời hả? “Chắc Irisu đã cho mấy đứa biết sự tình rồi chứ? Đấy, chuyện là như vậy.” Hừm, anh ta khá thẳng thắn đấy. Điều tôi đã lo lắng là liệu mọi người trong lớp 11F có khó chịu khi phải nghe mấy đứa lớp 10 chúng tôi phán xét hay không, nhưng cả Eba và cả Nakajo đều không có vẻ gì như vậy. Vậy thì chẳng việc gì phải nghĩ ngợi. Bên cạnh tôi, Satoshi thò tay vào chiếc túi vải. Cậu ta lấy ra một cuốn sổ tay bọc da và một cây bút máy. Satoshi mở cuốn sổ và cầm sẵn bút như muốn tuyên bố sẽ làm tròn vai trò của người thư ký. Đột nhiên vào thẳng vấn đề luôn cũng được thôi nhưng bọn tôi cũng không phải đã hoàn toàn nắm rõ tình hình. Ibara mở lời thận trọng bằng việc hỏi han một cách xã giao: “Tình hình căng thẳng ghê sempai nhỉ? Chắc anh đã rất ngạc nhiên khi biết kịch bản vẫn chưa được hoàn thành.” Nakajo gật đầu rất mạnh. “Hết biết luôn. Đã đi được đến tận đây rồi, anh không thể ngờ bọn anh lại vấp phải một chuyện như vậy.” “Việc làm phim khó khăn không ạ?” “Chuyện diễn xuất thì bọn anh chọn lối diễn ngẫu hứng tùy ý nên khá vui, vất vả là ở khâu di chuyển. Cả đi tàu và đi xe buýt hết một tiếng. Hơn nữa chỉ đi được vào Chủ nhật. Sao lại chọn một nơi như thế làm bối cảnh quay phim cơ chứ.” Tôi cảm giác Ibara nheo mắt lại. “Sao lại thế?” “Hử, địa điểm quay phim á? Là vì có kẻ cứ nhất quyết rằng chỗ đó trông hay lắm. Công nhận là bọn anh đã quay được những thước phim khá đắt. Ờ thì cũng được, nhưng mà vẫn xa quá.” Irisu đã gọi kế hoạch của lớp 11F là “cẩu thả”, quả là đúng như vậy, nếu là tôi thì không đời nào lại chọn một nơi mà tốn những hai tiếng đi đi về về cả. Có lẽ băn khoăn vì chuyện chẳng liên quan gì đến vấn đề chính nên Satoshi ngẩng đầu lên khỏi cuốn sổ, hỏi: “Em nghe nói Narakubo là ngôi làng bị bỏ hoang, thế mà vẫn có xe buýt tới đó ạ?” “À, bọn anh dùng một chiếc xe buýt nhỏ. Lớp anh có đứa là con nhà kinh doanh khách sạn nên đã sắp xếp xe đưa đón bọn anh.” “Các anh vào được trong làng cũng tài thật đấy nhỉ?” “Đấy cũng là nhờ quen biết cả. Nghe nói khu đó vẫn chịu sự quản lý của mỏ khoáng sản, nhưng có người đã dàn xếp cho bọn anh. Chính là cái tên đòi chọn Narakubo làm địa điểm ấy.” “Anh bảo chỉ đến được vào ngày Chủ nhật tức là sao ạ?” “Tuy bản thân Narakubo đã trở thành ngôi làng bỏ hoang, nhưng các cơ sở vật chất của mỏ khoáng sản thì vẫn còn hoạt động. Nếu quanh quẩn ở đó vào ngày thường thì sẽ làm phiền công việc của người ta, lại thêm xe cộ cũng chạy với tốc độ kinh hoàng lắm, không thể đảm bảo an toàn được nên họ cấm… Chuyện đó thì có liên quan gì à?” Satoshi cười. “Cảm ơn sempai vì thông tin hữu ích.” Đừng khó chịu nhé, Nakajo sempai! Hắn là một tên như thế đấy, tôi nói thầm trong lòng. Tiếp đến là Chitanda. “Người viết kịch bản là chị Hongo đúng không anh? Tình hình chị ấy ra sao rồi ạ?” “Hongo à? Anh không biết cụ thể nhưng có vẻ không ổn lắm đâu. Dù sao thì cũng không thể trách cô ấy được.” Nói rồi Nakajo cau mày lại. Nếu coi lời của Irisu là đúng sự thật thì tất cả mọi người trong lớp 11F đã dồn ép Hongo đến nỗi khiến chị ấy đổ bệnh. Đừng nói là trách, đáng lẽ phải xin lỗi mới phải ấy, tuy nghĩ thế nhưng nếu thử đặt mình vào vị trí của người trong cuộc thì có lẽ rất khó để suy nghĩ rạch ròi như vậy. Thái độ của Nakajo có vẻ như ẩn chứa điều gì. Không biết có nhận ra được sắc thái khó hiểu đó không, tôi đoán chắc là không, nhưng thái độ của Chitanda vẫn vô cùng nhẹ nhàng: “Chị Hongo là người mong manh nhạy cảm đúng không ạ?” Cặp lông mày của Nakajo bỗng tạo thành một góc nhọn hoắt. Hừ hừ, anh ta khẽ than. “Trông thì không có vẻ như thế đâu. Anh nghĩ nếu bảo thể trạng cô ấy như vậy thì dễ hiểu hơn là tinh thần.” “Người chị ấy mỏng lắm ạ?” Cái kiểu mô tả gì thế? Tôi không kìm được xen vào: “Ý là chị ấy không được khỏe mạnh đó.” “Đúng rồi. Cô ấy từng nghỉ học mấy lần, và cũng không tham gia quay phim.” “Không tham gia quay phim”, khi nói những lời này Nakajo có vẻ rất oán giận. Nhưng nếu nghĩ một cách hợp lý thì người viết kịch bản đâu nhất thiết phải tháp tùng đoàn làm phim? Nếu tiến độ viết kịch bản không được trôi chảy thì lại càng dễ hiểu, chẳng có gì khó đoán Hongo đã làm gì mà không cùng đi quay phim… Viết tiếp kịch bản chứ còn gì nữa. Tôi bỗng thấy hơi tò mò. Tôi cũng thử đặt câu hỏi: “Mọi người trong lớp không ưng kịch bản của chị Hongo ạ?” Nghe thế Nakajo thậm chí còn tỏ thái độ gần như phẫn nộ. “Chẳng ai bới móc gì cả. Không hề có chuyện bọn anh đổ lỗi cho cô ta.” “Tức là trong lòng mọi người thì muốn làm vậy?” “Vớ vẩn, ý chú mày là gì? Tất cả mọi người đều công nhận Hongo đã lập công lớn. Đương nhiên, cả anh cũng vậy.” Thế mà Hongo lại không thể hoàn thành công việc và đổ bệnh. Nếu vậy thì đúng như lời Chitanda là chị ấy rất mong manh nhạy cảm, có thể nhạy cảm quá mức cũng nên. Ibara khẽ đằng hắng như để phá vỡ bầu không khí căng thẳng. “À mà, sempai.” “Ờ.” “Người viết kịch bản không hé lộ tí ti gì về việc ai là thủ phạm ạ? Dù chị ấy giữ bí mật về các mánh khóe được sử dụng nhưng ít nhất việc phân vai thì sao nhỉ?” Một câu hỏi táo bạo đột nhiên xoáy vào trọng tâm. Nếu biết được điều đó thì quả là chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều, và bọn tôi cũng chẳng cần phải đóng vai “người quan sát” làm gì nữa. Nakajo lại khoanh tay, nhìn chằm chằm vào khoảng không trước mắt như thể lục lại trí nhớ. “… Hừ…m.” “Sao ạ?” “Theo anh biết thì không có chuyện đó. À mà khoan đã… Nói mới nhớ, hình như có lần cậu ấy nói gì đó với Konosu như là ‘Cố lên!’.” “Cố lên” thì nói với ai chẳng được. Chắc Ibara cũng chung ý nghĩ đó nên trong thoáng chốc khuôn mặt cô nàng lộ vẻ thất vọng. Nhưng vẫn chưa chịu bỏ cuộc, Ibara tiến thêm: “Thế thì anh hỏi các diễn viên giúp bọn em được không ạ? Xem có ai nghe được gì về chuyện đó không?” “Việc đó thì anh làm rồi. Chẳng ai biết ai là hung thủ cả.” Tôi thử xen vào, ngắn gọn: “Thế còn vai thám tử?” “Cũng không.” Hừ. Ibara vẫn cố gắng. Cô nàng hỏi tiếp: “Thế còn chuyện đó. Chị ấy có nói đã dùng thủ pháp vật lý hay thủ pháp tâm lý trong câu chuyện không?” Nhưng Nakajo lộ vẻ nghi hoặc, nói: “Khác gì nhau?” Tôi nhìn xem Ibara sẽ phản ứng thế nào thì bắt gặp luôn ánh mắt của cô nàng. Ibara với vẻ mặt không bực bội cũng chẳng nản lòng chỉ khẽ lắc đầu. Nếu không phải là Nakajo đang ở đây thì dám chắc là cô nàng đã thở một cái rõ dài và không giấu giếm gì thái độ ngán ngẩm rồi. Sau đó bọn tôi còn hỏi thêm vài câu nữa, nhưng kết cục là Nakajo có vẻ không nắm được thông tin gì đúng trọng tâm cả. Nhưng nếu có thông tin nào như vậy thì chắc đã chẳng có chuyện gì xảy ra, nên anh ta không biết gì cũng là đương nhiên thôi. Hơn nữa, bọn tôi chuẩn bị cũng tệ quá. Không sắp xếp vấn đề trước mà tới ngồi đây thì sao có thể đưa ra câu hỏi giúp khám phá những góc khuất của vụ án được chứ. Với một kẻ theo chủ nghĩa tiết kiệm năng lượng như tôi thì đúng là thất sách. “Việc bắt buộc phải làm thì làm cho nhanh gọn.” - trình tự thích hợp đáng lẽ là đầu tiên cần tìm ra trọng tâm của vấn đề. Nhưng với vẻ mặt hài lòng, Nakajo nói: “Thế này được rồi nhỉ?” Với nụ cười chẳng giống cô nàng lúc bình thường chút nào, Ibara đáp: “Nếu ý anh là không còn gì khác để hỏi thì thế này được rồi ạ.” Tôi nghĩ sự gai góc trong lời nói của cô nàng chĩa về cả hai phía. Việc thu thập thông tin bước đầu kết thúc ở đây. Satoshi quay bút máy giữa các ngón tay rất điệu nghệ. Như lấy đó làm dấu hiệu, Chitanda từ tốn hỏi: “Anh Nakajo nghĩ thế nào ạ? Chị Hongo Mayu định làm gì tiếp với bộ phim video đó?” Nhận ra nội dung chính đã bắt đầu, Nakajo nhếch mép cười: “Được rồi, mấy đứa nghe anh trình bày nhé. Có gì cũng đừng ném đá nha.” “Mời anh ạ.” Tôi nghĩ chắc Nakajo đã rất mong chờ thời điểm này. Liếm môi, Nakajo bắt đầu câu chuyện một cách rất sôi nổi. “Mọi người rối lên là vì phim mà không có đoạn kết thì không biết quay thế nào, nhưng theo anh thì khán giả chẳng thèm để ý tới các mánh khóe đâu. Tóm lại, có chất kịch tính là được rồi. Hung thủ bị vạch trần rồi vừa khóc vừa kể lại sự tình. Thế là giải quyết xong chuyện. Anh không làm được việc của Hongo, nhưng nếu cho anh ý kiến một câu thôi thì cô ấy hơi kém khoản đưa câu chuyện tới cao trào. Thậm chí còn chẳng biết ai là nhân vật chính nữa. “Để Kaito đóng vai kẻ bị sát hại thật hay. Chắc mấy đứa không biết chứ, sau vai diễn ấy Kaito nổi dữ lắm. Tổ đạo cụ đã bảo hắn sử dụng hết tài năng diễn xuất mà đóng cảnh chết chóc cho hoành tráng vào, mà hắn đóng đạt thật đấy chứ? Đúng là những đứa được bạn bè yêu quý thì sẽ được trọng dụng. Có điều nếu để hắn đóng vai thủ phạm hoặc nhân vật chính thì còn hay hơn, nhưng thôi đằng nào cũng xong đoạn đó rồi. Thế nên với cách suy nghĩ đó thì dễ thủ phạm là Yamanishi lắm. Cậu ta cũng có nhiều bạn phết.” …………… “Nhìn chung, lớp tụi anh có quá nhiều đứa câu nệ này kia. Nào là trinh thám thì phải thế này, trinh thám thì không được thế kia, chúng nó có khùng không? Bộ phim cùng lắm cũng chỉ một tiếng, thời gian đâu mà trau chuốt hết các yếu tố trong phim được. Mà dù có quay được đi chăng nữa, thì mấy đứa cũng xem rồi đấy, lúc chiếu lên màn hình những cảnh quay chi tiết đều bị vỡ hình cả. Cái cần phải tập trung là sự kịch tính mới đúng chứ? Ngay cả tựa đề cũng nên đặt một cái tên đi thẳng vào vấn đề như ‘Vụ án mạng ở ngôi làng bỏ hoang Furuoka’ để thu hút mọi người đến xem. Chắc Hongo cũng thừa hiểu điều đó.” Nói thế nào đây nhỉ? Phải một nửa câu chuyện của Nakajo khiến tôi muốn há hốc mồm khi nghe. Tôi không phải là người hâm mộ tiểu thuyết suy luận. Dù cũng hay mua mấy cuốn truyện rẻ tiền để đọc giết thời gian, trong đó cũng có nhiều cuốn thuộc thể loại “trinh thám”, nhưng tất cả chỉ đến thế. Dẫu vậy tôi vẫn thấy thật kinh ngạc khi Nakajo dám tự tin khẳng định khán giả không để ý tới các mánh khóe. … Nhưng thử nghĩ thì, thế nào nhỉ? Nếu bộ phim của lớp 11F được hoàn thành, ai sẽ là những người đến xem nó? Chắc hẳn cũng sẽ có thành viên của câu lạc bộ Nghiên Cứu Trinh Thám, nhưng phần lớn còn lại chẳng phải toàn là mấy đứa chưa bao giờ đọc tiểu thuyết suy luận sao? Nói có sách mách có chứng, Nguyệt san trường Kamiyama do câu lạc bộ Báo Tường phát hành từng có lần đăng bài “Tỷ lệ biết chữ của học sinh trường Kamiyama” trong mục “Chuyện phiếm” dựa trên kết quả một cuộc khảo sát toàn trường. Tôi nhớ là vì Satoshi đã ngấu nghiến đọc ra điều thích thú lắm, trong đó có thông tin chỉ khoảng bốn mươi phần trăm học sinh trong trường đã từng đọc ít nhất một cuốn “tiểu thuyết” trong một năm qua. Hơn nữa, trong số bốn mươi phần trăm đó, liệu được bao nhiêu phần trăm người đọc tiểu thuyết suy luận, mà lại còn đọc theo kiểu chú ý tới các mánh khóe? Nếu cân nhắc tới cả điều đó thì có lẽ không thể quy kết khẳng định của Nakajo là vô căn cứ. Hết khoanh tay rồi lại tréo chân, Nakajo tiếp tục: “Cơ mà, theo diễn biến thì phải quay sẵn cảnh hung thủ đã sát hại Kaito như thế nào. Thiếu cả đoạn cao trào nữa. Chính vì thế mà Irisu đã cất công đến nhờ mấy đứa… À phải rồi, mấy đứa thích trinh thám hở? Xin lỗi nhé, anh không có ý gì đâu. Chỉ là anh muốn hoàn thành bộ phim bằng mọi cách.” Vậy nên hiểu lầm là ở chỗ đó, tụi này là câu lạc bộ Cổ Điển chứ không phải Hội nghiên cứu tiểu thuyết trinh thám…, mà thôi, cũng chẳng cần mất công hóa giải hiểu lầm. """