"
Thần Thoại Quyển 3C - Doãn Quốc Sỹ full mobi pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thần Thoại Quyển 3C - Doãn Quốc Sỹ full mobi pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : THẦN THOẠI (QUYỂN 3C)
(Nhật-Bản – Đại-Dương-Châu – Hy-Lạp – Bắc-Âu) Tác giả : DOÃN QUỐC SỸ
Nhà xuất bản : SÁNG TẠO
Năm xuất bản : 1972
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : Nguyễn Thị Kiều Tiên
Kiểm tra chính tả : Hoàng Thị Bùi Thu, Max Pham, Nguyễn Thị Huyền, Trần Khang
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 17/12/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả DOÃN QUỐC SỸ và nhà xuất bản SÁNG TẠO đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
LỜI CẢM TẠ
CHƯƠNG 1 : THẦN THOẠI NHẬT BẢN
1) NGUỒN GỐC
2) KOJIKI (Cổ Sự Ký)
3) NIHONGI (Nhật Bản Kỷ)
4) THỜI HỒNG HOANG
5) THIÊN ĐỊA KHAI TỊCH
6) CÁI CHẾT CỦA NỮ THẦN IZANAMI
7) IZANAGI XUỐNG THĂM ĐỊA PHỦ
8) NỮ THẦN MẶT TRỜI AMATERASU VÀ NAM THẦN SUSANO-O
9) CÁI NGẠO NGƯỢC CỦA SUSANO-O
10) NỮ THẦN TSUKI-YOMI VÀ NỮ THẦN UKEMOCHI 11) SUSANO-O VÀ CON RẮN TÁM ĐẦU
12) CON THỎ Ở INABA
13) NHỮNG TRUYỆN PHIÊU LƯU KẾ TIẾP CỦA ÒKUNINUSHI
14) ANH LÙN SUKUNA BIKONA
15) PHÂN CHIA QUYỀN UY
16) ÁNH LỬA VÀ BÓNG LỬA
17) TRUYỆN CHÀNG ĐÁNH CÁ URASHIMA TARÔ 18) TỔNG KẾT VỀ THẦN THOẠI NHẬT
19) SÁCH THAM KHẢO
CHƯƠNG 2 : THẦN THOẠI ĐẠI DƯƠNG CHÂU I. THẦN THOẠI PÔLYNÊSIA
1) THUỞ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA
2) THUỞ AN BÀI NHÂN GIAN
II. THẦN THOẠI HY-LẠP
1) VÀI NÉT TỔNG LUẬN
2) PROMETHEUS ĂN CẮP LỬA TRÊN TRỜI
3) MỘT PHÉP MÀU TRÊN NÚI PARNASSUS 4) APOLLO VÀ DAPHNE
5) HERA VỊ NỮ HOÀNG CẢ GHEN
6) HERA VÀ CALLISTO
7) EROS VÀ PSYCHE
8) PHAETHON VÀ NGỰA CỦA THẦN MẶT TRỜI 9) VỢ THẦN PLUTO
10) ECHO VÀ NARCISSUS
11) ORPHEUS VÀ EURYDICE
12) PERSUS
a) ĐI SĂN ĐẦU QUÁI VẬT GORGON
b) CỨU NÀNG ANDROMEDA
c) NGƯỜI THÀNH ĐÁ
d) LỜI SẤM NGHIỆM
13) HERACLES
a) MƯỜI HAI CÔNG VIỆC
b) DEIANIRA VÀ QUÁI VẬT ĐẦU NGƯỜI MÌNH NGỰA c) NESSUS TRẢ ĐƯỢC THÙ
14) JASON
a) NGƯỜI MANG MỘT CHIẾC DÉP
b) VIỆC LÀM CỦA JASON
c) BỘ LÔNG CỪU VÀNG
d) ĐƯỜNG VỀ
e) MEDEA VÀ JASON
f) KHI TẤM MÀN ĐƯỢC VÉN LÊN
g) DAEDALUS
h) THESEUS VÀ CON QUÁI VẬT ĐẦU BÒ MÌNH NGƯỜI ĐÔI DÉP VÀ THANH KIẾM
i) TRÊN ĐƯỜNG TỚI ATHENS
j) THESEUS GẶP VUA CHA
k) CON QUÁI VẬT MINOTAUR
15) OEDIPUS
a) VUA BỊ GIẾT
b) CÂU ĐỐ CỦA CON QUÁI VẬT ĐẦU NGƯỜI MÌNH SƯ TỬ SPHINX
c) ÔNG THẦY BÓI MÙ TIRESIAS
d) MÀN BÍ MẬT ĐƯỢC VÉN LÊN
16) KẾT LUẬN VỀ THẦN THOẠI HY LẠP
17) TÀI LIỆU THAM KHẢO
CHƯƠNG 4 : THẦN THOẠI BẮC ÂU
1) VÀI NÉT TỔNG LUẬN
2) TẠO LẬP TRỜI ĐẤT RỒI LOÀI NGƯỜI
3) NHỮNG CUỘC VUI Ở VALHALLA
4) NGƯỜI VALKYRIOR
5) NGƯỜI ELVES
6) SỰ TÍCH CHIẾC BÚA CỦA THẦN THOR
7) ODIN ĐI TỚI SUỐI NGUỒN MIMIR
8) NÓI VỀ THẦN THOR VÀ CÁC THẦN KHÁC
9) NÓI VỀ THẦN LOKI VÀ CON CHÁU
10) THẦN THOR TRẢ LƯƠNG NGƯỜI KHỔNG LỒ TRÊN NÚI NHƯ THẾ NÀO ?
11) THẦN THOR LẤY LẠI BÚA
12) TRUYỆN THẦN FREY VỚI NGƯỜI ĐẸP KHỔNG LỒ GERDA
13) NHỮNG TRÁI TÁO CỦA NÀNG IDUNA
14) TRUYỆN THẦN THOR THUA CUỘC
15) CÁI CHẾT CỦA BALDUR
16) LOKI BỊ TRỪNG TRỊ
17) RAGNAROK, HOÀNG-HÔN CỦA CHƯ THẦN 18) SÁCH BÁO THAM KHẢO
TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG QUYỂN BA (C)
THẦN THOẠI
(Nhật-Bản – Đại-Dương-Châu – Hy-Lạp – Bắc-Âu)
DOÃN QUỐC SỸ
Sưu tập và dịch thuật
SÁNG TẠO
1972
LỜI CẢM TẠ
Soạn giả thành thực tri ân giáo sư Nguyễn Văn Nha và bác sĩ Trần Quý Nhu. Hai vị thân hữu này đã giúp soạn giả những ý kiến quý báu khi phối hợp tài liệu, tìm những từ ngữ Hán tương đương với từ ngữ Nhật, và đặc biệt việc sử dụng cuốn Thế Giới Đại Bách Khoa Sự Điển bằng tiếng Nhật trong việc truy tìm những nghi vấn, so sánh những nguồn gốc khác nhau về thần thoại Nhật.
Soạn giả thành thật cảm tạ ông Phạm Văn Bông cho thêm ý kiến và gửi thêm tài liệu, cuốn Contes et Légendes du Japon của Félicien Challaye (Fernand Nathan, 1955).
Về những từ ngữ Nhật xin độc giả dọc theo thông lệ sau đây : o = ô (tiếng Việt) ; e = ê ; d = đ ; u = ư ; g = ng.
CHƯƠNG 1 : THẦN THOẠI NHẬT BẢN
1) NGUỒN GỐC
Những truyện thần thoại Nhật thường rất tản mạn, khó sắp xếp thành hệ thống khít khao. Vào đầu thế kỷ thứ VIII xuất hiện hai cuốn : Kojiki (Cổ Sự Ký) và Nihongi (Nhật Bản kỷ). Hai cuốn này được coi như ghi lại những truyện đã có từ trước thế kỷ thứ VIII. Kojiki (Cổ Sự Ký) ra đời vào năm 712 ; còn cuốn Nihongi (Nhật Bản Kỷ), thì vào năm 720. Cả hai đều viết bằng chữ Hán dùng cốt để ghi âm tiếng Nhật và đều có chủ ỷ chứng tỏ rằng về mặt chính trị, văn hóa, những bộ tộc tự xưng là Yamata (Đại Hòa Quốc cư trú trong vùng Kyoto – Osaka hiện nay) hơn tất cả những bộ tộc ở nơi khác 1. Sách ghi chép mô phỏng theo phương pháp của Trung Quốc, rất nhiều sử liệu hay truyện tích cổ thời được phân tích, lý giải theo tư tưởng học thuật Trung Quốc. Gạt bỏ những thiên kiến của tác giả, hai cuốn sách này vẫn là tài liệu lịch sử cổ Nhật Bản và là nguồn chính yếu của thần thoại Nhật Bản.
2) KOJIKI (Cổ Sự Ký)
Còn gọi là Furu oto bumi (Những liên hệ với các sự kiện cổ) được viết vào cuối thế kỷ thứ VII nhưng mãi đến năm 712 mới xuất bản. Đây là tác phẩm cổ nhất hiện có tại Nhật. Công cuộc biên khảo được thực hiện dưới triều vua Temmu (672-686) do sáng kiến của nhà vua vào năm 681. Nhà vua đã ban lệnh sưu tập tài liệu lịch sử các thời trước, ghi chép lại cho khỏi thất lạc. Tương truyền có một nhân vật
nhớ việc rất tài trong đoàn Kataribe (Đoàn xướng vịnh) được nhà vua giao phó công việc kể lại cho viên quan chép sử Ono Yasumaro (mất năm 723) ghi. Bài tựa phản ảnh rõ những ý tưởng chịu ảnh hưởng học thuật Trung Quốc đương thời, lấy lịch sử làm nền tảng luân lý soi sáng những hành động thường nhật. Kojiki (Cổ Sự Ký) quả đúng là một tập truyện cổ được lưu truyền hữu dụng cho đời.
3) NIHONGI (Nhật Bản Kỷ)
Cuốn này được xuất bản tám năm sau. Cũng như Cổ Sự Ký Kojiki, cuốn Nhật Bản Kỷ Nihongi này ghi chép lịch sử Nhật từ thời tiền sử cho đến năm 700 (riêng Cổ Sự Ký thì kết thúc vào năm 628). Nhật Bản Kỷ mô phỏng theo lối chép sử Trung Quốc nhiều hơn cuốn Cổ Sự Ký, từ quan niệm âm dương trong truyền kỳ khai thiên lập địa cho đến lối biên niên theo các triều vua Trung Quốc. Thêm nữa mỗi đoạn trong Nhật Bản Kỷ còn nhiều phần phụ đưa ra nhiều lối giải thích, thêu hoa dệt gấm cho câu chuyện thêm linh động và có ghi niên biểu rõ ràng cho đúng khuôn sáo của sử sách Trung Hoa. Thậm chí tác giả đã táo bạo sửa đổi niên biểu các triều vua đầu tiên, do đó chỉ có thể tin cậy vào niên biểu kể từ đầu thế kỷ thứ sáu trở đi.
Ngoài hai cuốn trên còn một số tác phẩm khác nữa cũng góp phần vào công cuộc tìm hiểu thần thoại Nhật, tuy không được dồi dào cho lắm.
4) THỜI HỒNG HOANG
Khởi thủy là một khối bầy nhầy, mờ mịt như một trái trứng khổng lồ chứa sẵn những mầm tự sinh. Rồi từ giữa khối hỗn độn mờ mịt ấy nẩy sinh ra một chồi lau sậy linh thiêng. Chồi lau sậy trở thành đấng thần thông biến hóa, các vị thần phụ thuộc khác cũng lần lượt xuất hiện để rồi cùng tan biến đi. Như thế trải bảy thế hệ thần kỳ, cứ từng đôi anh trai, em gái xuất hiện rồi biến diệt. Đến thế hệ thứ tám thế hệ ngắn ngủi mong manh, nhưng lại cực kỳ quan trọng, lần lượt nam thần anh Izanagi và nữ thần em Izanami ra đời.
5) THIÊN ĐỊA KHAI TỊCH
Theo lệnh truyền của các vị thiên thần kỳ cựu, Izanagi và Izanami cùng tiến qua chiếc cầu nổi nhà trời (ama no uki hashi – thiên phù kiều) lấy cây ngọc mâu linh thiêng khuấy động làn nước nhớt hỗn độn dưới cầu. Khi nước cô đọng dần rồi đặc lại, họ rút cây linh mâu lên, những giọt nước như chất tương muối rớt xuống mặt đại dương kết hợp thành hòn đảo Onogoro (có nghĩa là hòn đảo tự nó đọng lại mà thành). Những con chim hải âu bắt đầu bay lượn nhịp nhàng quanh đảo.
Izanagi và Izanami cùng đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp đó, lòng bâng khuâng tràn ngập một niềm vui khôn tả. Họ nhớ lời các thiên thần kỳ cựu đã hứa rồi đây sau khi họ đã thành đôi, họ sẽ có những đứa con thật khôi ngô tuấn vĩ.
Izanami ngắm Izanagi, ngắm đôi mắt long lanh của chàng, ngắm mái tóc dài của chàng, ngắm những cánh tay, những bắp chân và cả thân hình lực lưỡng cuồn cuộn bắp
thịt của chàng. Trời, sao lại có một thân hình nam giới đẹp đến thế !
Nàng nói trước :
- Chúng ta kết đôi với nhau thành vợ chồng, chàng ưng chăng ?
Đôi bên nhìn nhau say đắm, cái nhìn thuở ban đầu, miệng cùng mỉm cười âu yếm.
Họ thành vợ chồng và đợi sinh hạ được những đứa con khôi ngô dĩnh ngộ như lời các vị thiên thần kỳ cựu đã hứa. Nhưng không, đứa con đầu tiên của cặp vợ chồng này là một quái vật, một đứa bé mang hình con đỉa lớn (điệt tử). Họ bèn bỏ Bé Đỉa lên một chiếc thuyền bằng sậy thả theo dòng.
Cặp vợ chồng hy vọng ở đứa con kế tiếp, thì đứa con này kinh khủng không kém, mang hình một con sứa khổng lồ bập bềnh như một chiếc đảo bằng bọt biển.
Vô cùng thất vọng Izanagi và Izanami tìm gặp các vị thiên thần kỳ cựu, chất vấn vì sao mà họ không hề sinh hạ những đứa con tuấn vĩ như các vị đã hứa.
Họ được các thiên thần kỳ cựu giải đáp :
- Chính đàn ông phải hỏi xin cưới đàn bà mới đúng với ý trời. Izanami đã xin cưới trước. Đó, vì sao các ngươi đã sinh ra những quái thai.
Izanagi và Izanami cúi đầu nhận lỗi. Họ trở lại đảo. Lần này Izanami tiến lên, e lệ cúi đầu chờ đợi. Izanagi sung sướng và hãnh diện nhìn vẻ đẹp kiều diễm của Izanami.
Chàng cất tiếng hỏi trước :
- Nàng có muốn trở thành vợ ta chăng ?
Nàng mỉm cười ưng thuận. Và lần này họ thành vợ chồng theo đúng như ước nguyện của các thần linh. Và cặp vợ chồng thiên thần trẻ măng này đã sinh hạ những đứa con đẹp làm sao, khôi ngô, tuấn vĩ làm sao ! Đó là những hòn đảo Nhật Bản. Vâng, đó là những hòn đảo Nhật Bản xinh đẹp tuyệt vời với núi, với sông, với rừng thông cao vút, với hoa anh đào đua nở, với người và vật sinh sôi nảy nở phồn thịnh trên đó. Tất cả, vâng tất cả đều là hậu duệ của Izanagi và Izanami.
PHỤ CHÚ : Soạn giả thuật truyện Izanagi và Izanami trên theo bản văn thanh nhã trong Contes et Légendes du Japon của Félicien Challaye. Cũng truyện này, trong Mythologies des Steppes, des Forêts et des Iles của P. Grimal, sát với nguyên bản hơn, như sau :
IZANAGI VÀ IZANAMI THÀNH LỨA ĐÔI
Iganagi và Izanami cùng đặt chân lên hòn đảo mới ấy. Đảo này trở thành trụ trời trung ương (thiên ngự trụ) để xây ngự điện.
Izanagi hỏi cô em gái :
- Thân thể em được cấu tạo bằng cách nào ?
Cô em đáp :
- Mọi bộ phận trên người em đều tăng trưởng trừ một chỗ.
Izanagi tiếp lời :
- Thế ư ? Anh cũng thế, tất cả cơ thể đều nảy nở duy có bộ phận nảy nở hơn hết. Chi bằng lấy chỗ dư thừa của anh lấp vào nơi thiếu sót của em để sinh sản ra nhiều vùng có phải là hay không.
Cô em đáp :
- Quả là chí lý vậy.
Kế đó theo lời đề nghị của một vị thiên thần chủ về Nam tinh cao cả, hai anh em quyết định đi quanh hòn đảo Izanami ca ngợi cái đẹp của thân hình Nam thần mà rằng :
- Trời, sao lại có một thân hình Nam giới đẹp đến thế !
Nam thần Izanagi cũng tán tụng cái đẹp của thân hình nữ giới của cô em gái, nhưng trách ngay nàng đã bồng bột phát biểu trước :
- Anh là trai, và trai có quyền phải nói trước. Em là gái mà nói trước như vậy e có điềm chẳng lành. Chúng ta nên đi quanh đảo thêm một vòng nữa.
Nói đoạn hai anh em mỗi người đi một ngả như trước. Lần này khi gặp nhau Izanagi phát biểu trước, sau đó mới đến lượt Izanami cho đúng nghi thức hợp cẩn. Và hai vị thần giao hoan với nhau. Thoạt Nam thần, Nữ thần lúng túng không biết giao hoan với nhau ra sao, sực ngắm đôi chim tích linh trên cành rung cổ vẫy đuôi rồi sáp lại bên nhau, hai thần bèn bắt chước mà làm nghĩa vụ vợ chồng. Do đó sinh ra nhiều đảo mới cùng một số thần linh. Tương truyền trong số thần linh con cái của hai thần có một thần tàn phế ba tuổi không đứng nổi nên lzanagi và Izanami mới
đặt tên là Hiruko (Điệt tử : Bé đỉa) bỏ trên chiếc thuyền bằng sậy (lô châu) thả theo dòng sông.
Nữ thần Izanami coi Hoàng Tuyền quốc (địa phủ) sinh ra các vị thần Sông, thần Biển, thần Núi, thần Lửa.
6) CÁI CHẾT CỦA NỮ THẦN IZANAMI
Izanagi và Izanami đã sinh ra khoảng bốn ngàn thần linh và những đảo Nhật Bản. Sau đó hai thần còn sinh thêm nhiều thần linh khác nữa mà sau cùng là Thần Lửa.
Tương truyền khi sinh ra Thần Lửa, Amaterasu bị bỏng nặng rồi từ trần sau một cơn sốt kinh khủng.
Izanagi buồn đau, thương nhớ đi vòng quanh chỗ nằm của vợ mà than khóc. Nước mắt biến thành các thần của thế hệ sau. Khóc lóc chán rồi bèn rút thanh trường kiếm chém đầu con là Thần Lửa. Máu Thần Lửa trở thành các vị thần của thế hệ thứ ba.
7) IZANAGI XUỐNG THĂM ĐỊA PHỦ
Không chịu nổi cảnh cô đơn buồn bã, Izanagi quyết chí đi thăm Địa Phủ để gặp lại mặt vợ.
Tại Izumo có một nơi hẻo lánh, thông mọc um tùm với nhiều phiến đá ngổn ngang. Dưới một phiến đá hình dáng kỳ quái nọ có một cửa hang bí mật, bên trong tối om.
Izanagi biết đó là lối xuống Địa Phủ. Tay nắm chặt đốc gươm, chàng chui vào cửa hang, càng vào sâu ánh sáng càng yếu dần cho đến khi hoàn toàn tối hẳn. Gặp vị thần canh Địa-Phủ đầu tiên, Izanagi được dẫn tới lâu đài Izanami
ở. Chàng dừng bước trước cửa, lòng nấu nung muốn được gặp mặt vợ ngay. Chợt một giọng nói êm như gió thoảng rót vào tai chàng :
- Hỡi đức lang quân kính mến, thiếp được chàng hạ cố từ trên dương gian xuống thăm thế này thật vạn hạnh, vạn hạnh.
- Hiền thê, hiền thê quý mến, ta không phải chỉ đến thăm nàng mà thôi, ta tới để mang hiền thê trở về dương thế. Nơi đó chúng ta đã chung sống những ngày hạnh phúc bao nhiêu, vả lại nhiệm vụ sinh sản của chúng ta còn dang dở. Hãy trở lại, xin nàng hãy ở lại cùng ta.
- Than ôi, chàng đến quá muộn, không ai có thể trở lại dương gian khi đã ăn thực phẩm âm phủ, mà thiếp thì đã chót ăn thực phẩm âm phủ mất rồi.
- Nhưng hiền thê há chẳng cũng ao ước được xum họp lại cùng ta như ta vẫn ao ước được xum họp lại cùng nàng ?
- Ao ước lắm chứ, thiếp ao ước được trở lại làm vợ chàng biết chừng nào !
- Vậy thì hiền thê còn đợi gì mà không xin với những vị thần ngự trị nơi âm phủ này hãy trả nàng về dương thế ?
- Vâng, xin tuân theo lời chàng. Nhưng trong khi chờ đợi, chàng phải hứa là không được tìm cách gặp mặt thiếp. Lệ luật nơi này tuyệt đối như vậy.
- Ta xin hứa với nàng như vậy. Nàng hãy vào xin phép gấp đi, ta chờ, ta chờ !
Được nghe giọng nói thoảng êm của Izanami, lòng Izanagi tràn ngập niềm vui tưởng đến phát khóc lên được…
Chàng đứng trước cửa lâu đài chờ, tin rằng thế nào người vợ yêu quí của chàng cũng xin được phép trở về dương thế.
Chàng đợi. Chàng đợi. Giây phút đợi chờ dăng dăng dài tưởng như ngày này qua ngày khác…
Kỷ niệm những ngày chung sống hạnh phúc xưa rộn rã trong tâm trí. Chàng nhớ lại thuở khi giọt nước tự cây ngọc mâu linh thiêng rớt xuống đọng lại thành hòn đảo, chàng và nàng cùng đặt chân trên hòn đảo cô quạnh lần đầu, ngày đó chàng nhìn nàng, ôi, dáng yêu kiều xinh đẹp biết chừng nào ! Phải nhìn lại mặt nàng tức khắc dù chỉ trong giây phút !
Izanagi không cầm nổi lòng nữa, bèn bẻ một răng lược dương ở phía bên trái, châm lửa soi đường. Âm phủ chợt bùng sáng nhưng cảnh tượng hãi hùng biết chừng nào ! Khi ánh lửa vừa bùng lên từ răng lược, vợ chàng, nàng Izanami, ngã lăn xuống đất. cơ thể rũa nát, khuôn mặt xanh lợt, tóc rụng từng tảng, đôi mắt trợn trừng, thất tinh lạc, ròi bọ lúc nhúc.
Xác chết của nàng thét lên :
- Quân khốn kiếp, hãy cuốn xéo ngay đi ! Mi đã lừa dối ta, làm nhục ta !
Những tia chớp bao quanh lấy thân thể nàng ; tám vị thần sét xuất phát tự đầu, bụng, hai vú, hai tay, hai chân
nàng đâm bổ ra.
Izanagi hốt hoảng lùi vội lại, rồi chạy trốn ra khỏi địa phủ. Lũ nữ quỷ ùa đuổi theo. Ngoái nhìn thấy lũ chúng bám riết, chàng lột nón quăng lại phía sau. Chiếc nón biến thành những chùm nho mọng ; lũ quỉ đứng lại, nhặt lấy, chia nhau ăn. Ăn xong chúng lại chạy đuổi theo. Izanagi gỡ chiếc lược cài mái tóc tay mặt, quăng lại phía sau. Chiếc lược biến thành cụm măng tre mơn mởn, lũ quỷ đua nhau bẻ ăn. Izanami bèn tung thêm 1500 quân trợ lực tám vị thần sét bám sát lấy Izanagi. May thay lúc đó Izanagi vừa nhận thấy có ba trái đào lớn, liền lấy hết bình sinh dùng ba trái đào này ném lui lũ quỹ, đoạn chàng lăn phiến đá lớn lấp chặn lối đi về giữa dương gian và âm phủ.
Từ đó chàng và nàng trở thành hai kẻ tử thù. Nàng hăm chàng là hàng ngày sẽ cho quân sát hại một ngàn sinh linh. Chàng phải bảo tồn bằng cách mỗi ngày cho tăng gia sinh sản lên một ngàn năm trăm sinh linh để duy trì lấy sự sống trên dương gian.
8) NỮ THẦN MẶT TRỜI AMATERASU VÀ NAM THẦN SUSANO-O
Sau khi tiếp xúc với cảnh địa phủ về, Izanagi tẩy uế cho thanh khiết. Chàng xuống tắm ở một dòng sông nhỏ tại Tsukushi (nay là Kyu-shu). Quần áo và đồ trang sức chàng để trên bờ biến hóa ra thành 12 vị thần linh. Để tránh khúc thượng lưu nước chảy xiết và khúc hạ lưu nước chảy lờ đờ, chàng di chuyển đến khúc trung lưu. Những dấu tích chàng di chuyển dưới dòng sông cũng biến hóa thành 14 vị thần
khác nữa. Sau chót mắt trái chàng sinh ra Nữ-thần Mặt Trời Amaterasu làm chói lọi cả bầu trời, mắt phải chàng sinh ra thần Tsuki yomi (Mặt Trăng, Nguyệt Dạ Thần) ; mũi chàng sinh ra nam thần Susano-o, Thần Bão.
Amaterasu sáng láng chói lọi nên được Izanagi ban cho một vòng ngọc và cho cai quản Cánh Đồng Trên Trời Cao, còn Susano-o, Thần Bão, vừa hung hăng vừa thảm đạm nên được trao cho cánh đồng Biển Cả.
Thần Susano-o chẳng lúc nào nguôi lòng, luôn luôn gào la vang rền. Tiếng than gào của chàng làm núi non tàn úa, làm biển cả cạn vơi, các vị thần khác chẳng còn biết xử trí ra sao. Izanagi triệu thần Susano-o đến hỏi vì sao than khóc ầm ĩ, quấy rầy đến chư thần và sao lãng bổn phận được giao phó ? Susano-o bộc trực nói thẳng vì quá nhớ mẹ (Izanami), muốn tới địa phủ gặp mẹ mà chưa được nên không lúc nào thấy an tâm, nguôi lòng.
Bực bội về thái độ xấc xược của đứa con rắn đầu cứng cổ, Izanagi đuổi Susano-o ra khỏi đất nước. Susano-o quyết đi thăm cô chị, nữ thần mặt trời Amaterasu. Chàng lên đường, miệng không ngớt kêu la ầm ĩ. Nữ thần mặt trời Amaterasu ngờ rằng chàng muốn giẫm chân lên công việc riêng của nàng, do đó nàng chuẩn bị xuất vân nghênh địch. Nàng đeo lên vai hai ống tên, một ống đựng một ngàn tên, một ống đựng năm trăm tên, với lấy cây cung rồi vận nội công đứng thủ thế, đất lún sâu ngập tới ngang đùi đúng như một dũng sĩ. Susano-o vội giải thích với chị là chàng đến thăm với thiện chí, tuyệt không có một tà ý gì.
Chàng đề nghị thề nguyền xích tâm minh ước. Nàng ưng lời, nhận cây trường kiếm chàng trao bẻ ra làm ba, đoạn cho vào miệng nhai ; chàng nhận chuỗi ngọc nàng tặng và cũng làm theo nàng. Những mảnh này đã biến hóa ra nhiều vị thần linh khác.
9) CÁI NGẠO NGƯỢC CỦA SUSANO-O
Susano-o ở với chị gái là nữ thần mặt trời Amaterasu trên Cao Thiên Nguyên. Mặc dầu cô chị nhiều lần khuyên nhủ mà tật la gào, ngang ngạnh của chàng đã chẳng chừa lại còn tệ hơn nữa. Susano-o phá hủy cả những phân ranh đồng lúa mà nữ thần đã thiết lập thành những hào dẫn nước. Tuy vậy cô chị vẫn bỏ qua, cho rằng chàng lỡ chén say sưa nên mới xảy ra cơ sự như thế.
Nhưng tới bữa kia chàng lột da con ngựa lang trắng vung tay ném vào phòng, nơi nàng cùng các nữ thần phụ tá khác đang dệt, làm những thoi cửi buột tung ra ngoài văng vào họ khiến họ đều bị trọng thương cả. Lần này thì quá lắm, Amaterasu hết sức bất bình bèn lánh vào Thiên Nham Cung (hang trời) lấp kín cửa vào, vì vậy dương gian chìm đắm trong tăm tối không còn ngày đêm.
Nàng tuyên bố hễ chư thần còn chấp nhận cho Susano-o sống chung, nàng sẽ ở lì trong Thiên Nham Cung không xuất hiện nữa. Chư vị thần linh hết sức bối rối, cùng tập hợp trên dòng Thiên Hà cạn khô, thoạt còn ít, sau đông dần, tới tám triệu vị, bàn nhau kiếm cách nào hiệu nghiệm nhất khiến Amaterasu dời khỏi Thiên Nham Cung.
Vì thần mưu cơ là Taka-mi-misubi nói :
- Thường thường nữ thần Amaterasu ló rạng mỗi khi nghe tiếng gà gáy, vậy chúng ta nên buộc chạc, rồi cho những con gà trống thật tốt giọng đậu lên đó thay phiên nhau gáy.
Việc đó được thực hiện ngay, nhưng vô hiệu quả, Amaterasu vẫn bằn bặt trong cùng thẳm Hang Trời.
Thần mưu cơ Taka-mi-musubi lại tìm ra kế gợi trí tò mò của nữ thần Mặt Trời. Thần sai một thần thợ rèn độc nhỡn làm một tấm gương thật sáng, đặt trước Hang Trời. Trên tấm gương thần có treo những chuỗi ngọc trắng hình cánh cung và những đồ lễ tết bằng chỉ bạch, rồi tất cả hát lễ van vái (norito).
Tuy nhiên cuộc vận động của chư thần chỉ hiệu nghiệm khi nữ thần Amano Uzume xuất hiện với một vũ khúc đặc biệt ngộ nghĩnh.2
Amaterasu nghe tiếng chư thần cười vang, động lòng hiếu kỳ mở hé cửa hang. Rồi cất tiếng hỏi lớn :
- Ta ngỡ vắng ta, tám triệu chư vị thần linh sẽ buồn bã trong đêm tối dầy đặc, làm sao chư vị lại vui cười hả hê như vậy được ?
Nữ thần Uzume lanh trí trả lời ngay :
- Làm sao chúng tôi vui ư ? Xin thưa, vì bọn chúng tôi đã kiếm được một vị nữ thần mới nhan sắc còn kiều diễm hơn Người nữa.
Nghe vậy Amaterasu càng động lòng hiếu kỳ, và lòng ghen tức nữa, bèn mở rộng cửa bước ra, thoạt nhận thấy
bóng mình phản ánh rõ ràng trong gương. Một vị thần tiến tới cầm lấy tay Amaterasu, chư thần khác lập tức chăng dây ngang phía sau, chặn lối vào động.
Kể từ lúc đó ánh sáng lại chan hòa khắp dương thế, ngày đêm lại bắt đầu vận chuyển.
10) NỮ THẦN TSUKI-YOMI VÀ NỮ THẦN UKEMOCHI Nữ thần mặt trời Amaterasu ủy cho Nữ thần Mặt Trăng Tusuki-yomi sứ mạng xuống phụ tá nữ thần Nuôi Dưỡng Ukemochi dưới trần. Hay tin đó nữ thần Ukemochi bèn cúi xuống đất thổ ra cơm chín, hướng ra bể thả các giống cá, ngước lên phía núi rừng phóng ra chim muông để làm đại tiệc khoản đãi nữ thần Mặt Trăng.
Tsuki-yomi nổi giận cho là nữ thần Nuôi Dưỡng Ukemochi khinh mạn mình, dám thổ ra cơm chín làm tiệc đãi mình, bèn tuốt ngay gươm ra chém chết và trở về thuật lại mọi việc cho nữ thần Mặt Trời nghe. Amaterasu giận lắm, hết lời mắng mỏ Tsuki-yomi và không bao giờ còn dằn mặt Tsuki-yomi nữa.
Mặt Trời, Mặt Trăng cách biệt ở hai đối cực từ đấy. Mặt Trời chỉ xuất hiện ban ngày còn Mặt Trăng ban đêm.
Sau khi Ukemochi chết, Amaterasu lại sai một sứ giả nữa xuống thì thấy xác nữ thần đã biến thành nhiều thứ : đầu hóa thành con bò, con ngựa ; trán hóa thành cây kê ; lông mày thành tằm ; mắt thành lúa tắc ; bụng thành lúa ; bộ phận sinh dục thành lúa mì và đỗ. Thần sứ giả thu lượm những thứ đó về trình với nữ thần Mặt Trời. Nữ thần bèn lấy
ngũ cốc làm hạt giống, trao cho một vị thần linh đem gieo, rồi ngậm con tằm mà rút tơ ra. Từ đó bắt đầu có thuật nuôi tằm lấy tơ dệt lụa.
PHỤ CHÚ : Trong Thế Giới Đại Bách Khoa Sự Điển, người Nhật không định danh Amaterasu là Thái Dương Thần Nữ như người Trung Hoa. Theo Cổ Sự Ký gọi là « Thiên Chiếu Đại Ngự Thần ». Theo Nhật Bản Kỷ thì gọi là « Thiên Chiếu Đại Thần ». Các sách khác cũng gọi theo như thế, hoặc đổi phần bổ ngữ về tước hiệu ở dưới thành « Thiên Chiếu Tọa Hoàng Đại Thần », hoặc viết tắt là « Nhật Thần ». Nữ thần được tôn sùng là tổ thần của dân tộc Nhật Bản, các giòng vua Nhật đều là hậu duệ của vị nữ thần đó. Họ tôn xưng Amaterasu là « Đại Hòa Triều Đình Tối Cao Thần » (vị thần tối cao của các triều vua giống Đại Hòa – Yamato), hay « Hoàng Thất Tổ Thần ». Cho đến nay danh xưng Đại Hòa Quốc – nước của giòng Yamato – vẫn còn được sử dụng trong sách báo và các từ điển của Nhật. Nữ thần Amaterasu có uy quyền soi sáng trái đất, bảo vệ lẽ sinh tồn nơi dương thế nên có những uy hiệu : Cao chiếu, Quốc chiếu, Khoa Chiếu và Cao quang đại thần. Bảng tên tại các thần xã hay thần cung – tức đền thờ – là Thiên Chiếu Hoàng Đại Thần Cung.
11) SUSANO-O VÀ CON RẮN TÁM ĐẦU
Vì tính tình quá ngạo ngược, Susano-o vẫn chứng nào tật ấy luôn luôn làm mất lòng chị, sau cùng nữ thần Amaterasu cương quyết đuổi chàng ra khỏi thiên cung.
Susano-o đọa lạc xuống vùng Izumo 3. Thấy có đôi đũa trôi ở cửa sông lớn, sông Hii, chàng cho rằng vùng đất hẳn có người ở. Chàng men ngược dòng sông lên phía thượng lưu. Chàng gặp một lão trượng, một lão bà và cô con gái đang khóc lóc thảm thiết. Hỏi ra mới hay rằng vị lão trượng tên là Asinazuci, con thần núi, lão bà tên là Tenazuci, cô con gái là công chúa Kunisada. Sở dĩ cả ba khóc lóc thảm thiết vì vùng này đang bị một con rắn thành tinh tám đầu tác yêu tác quái. Bảy năm qua, nó đã ăn thịt bảy cô con gái của hai vị, năm nay nó sắp ăn thịt nốt nàng công chúa thứ tám này. Mãng xà tinh là một quái vật khủng khiếp nằm phủ kín cả tám ngọn đồi và tám thung lũng, mắt như than hồng, lưng rêu mốc thếch, tùng, bách mọc cả trên đó, bụng đỏ như máu, khắp mình phun ra lửa.
Susano-o cho vị lão trượng hay chàng là em nữ thần Amaterasu, chàng sẽ diệt mãng xà tinh và mong rằng vị lão trượng sẽ gả cô gái cho chàng sau khi công việc xong xuôi. Chàng bảo kiếm cho tám vò rượu sake hảo hạng, đặt trên tám bệ xây, quây rào cọc lớn xung quanh, nhưng mở ngỏ tám cửa vào. Mãng xà tinh tới ngửi thấy mùi rượu ngon bèn lách tám đầu qua tám cửa uống xong say khướt ngủ lăn như chết. Lúc đó Susano-o mới xuất hiện, rút thanh trường kiếm đâm sâu vào mạng sườn phía trái con mãng xà tinh. Máu đỏ chảy ra xối xả, nó rống lên một tiếng kinh hồn táng đởm nhưng vẫn không ngóc sao nổi đầu lên. Susano-o đâm nhát kiếm thứ hai bên mạng sườn phải, máu nó khi đó đã chảy ra tới sông, nhuộm đỏ cả dòng. Mãng xà gục đầu chết. Muốn cho chắc, Susano-o đâm một nhát kiếm thứ ba vào
khoảng chính giữa thân rắn, thanh kiếm bị gẫy làm đôi, cũng may mà nó chết thật rồi. Tò mò muốn biết vật gì cứng đã làm gẫy kiếm, Susano-o bèn rạch phăng khoảng đó như rạch một trái dưa bở, thì thấy bên dưới là một thanh bảo kiếm. Chàng bèn gửi biếu thanh kiếm đó lên nữ thần Amaterasu, gọi là kiếm Kuzanagi (Thiên-Tùng-Vân kiếm).
Susano-o cho xây một cung điện tráng lệ ở Suga thuộc vùng Izumo, rồi cưới nàng công chúa diễm lệ Kunisada làm vợ. Nàng rất kính yêu chồng, người đã cứu nàng thoát chết khỏi mãng xà tinh. Cung điện luôn luôn được tám lớp mây dày bao phủ, không cho những cặp mắt tò mò nhòm ngó vào nơi ở hạnh phúc của đôi lứa. Họ sinh hạ được nhiều linh thần khác, người con xuất sắc nhất là Òkuninushi. 4
12) CON THỎ Ở INABA 5
Òkuninushi có nhiều anh. Những vị này đều khao khát lấy công chúa Yakami xứ Inaba, một miền không xa Izumo cho lắm. Òkuninushi phải đi theo phục dịch các anh như tên quân hầu, vác một bao vật dụng rất nặng. Trên đường đi Inaba, đám bào huynh của Òkuninushi thấy một con thỏ bị tróc hết lông nằm dí trên mặt đất. Tâm địa hiểm độc, họ xúi dại con thỏ xuống tắm ở vùng biển nước mặn rồi leo lên sườn núi phơi mình hong nắng gió, đợi lông mọc như xưa. Con thỏ ngây thơ nghe theo, da dẻ khô xác, nứt nẻ, nó quằn quại rên la thảm thiết. Òkuninushi đến sau cùng thấy thỏ như vậy, hỏi han mới rõ sự tình. Nguyên thủy truyện thỏ bị trụi lông như sau :
Khi còn ở trên đảo Oki ngoài khơi, thỏ muốn vượt eo biển trở lại đất liền mà không có phương tiện. Nó bèn nghĩ ra một kế, tụ tập bầy cá sấu lại đề nghị một cuộc thi xem dân số loài nào đông đảo hơn. Thỏ bảo cá sấu hãy nối đuôi nhau trong eo biển để nó đếm đầu trước rồi sẽ đến lượt sấu điểm giòng nhà thỏ. Đàn sấu y theo, con nọ ngậm đuôi con kia nối dài tới đất liền.
Con thỏ bèn đi trên lưng chúng như đi trên một cây cầu nổi, giả bộ đếm. Sắp bước lên đất liền rồi, con thỏ dại dột nói lộ mưu chước cho con cá sấu cuối cùng nghe. Con sấu này giận quá lấy răng gậm hết lông thỏ. Kế đó thỏ bị các vị thần bào huynh của Òkuninushi xúi dại để chịu cực hình như kia.
Òkuninushi động lòng trắc ẩn bảo thỏ hãy đến chỗ có nước ngọt tắm rửa sạch sẽ rồi dùng phấn cỏ tranh thoa khắp mình thì sẽ thấy dễ chịu và lông mọc lại được. Thỏ nghe quả nhiên bình phục. Thỏ đó chính là vị thần thỏ xứ Inaba. Để đền ơn Òkuninushi thần thỏ đã giúp chàng lấy được công chúa Yakami. Các thần anh căm giận vì việc hôn nhân bất thành, lại bị phỗng tay trên, nên cùng bàn mưu trừ khử thằng em tốt phúc đi. Khi cả bọn tới núi Tema cùng săn một con lợn lòi, các thần anh bảo sẽ lùa con thú xuống chân núi cho Òkuninushi bắt, rồi xúm nhau nung nóng một tảng đá lớn trên núi đẩy xuống đánh lừa. Thần em tưởng là con thú, ôm chầm lấy nên bị phỏng nặng chết. May bà mẹ ngự du trên thiên đình biết chuyện liền sai thần Hến biển, thần Ngao biển xuống cứu. Thần Hến biển biến vỏ mình thành bột phấn, còn thần Ngao biển thì hút khô nước ở vết
thương. Phút chốc Đại Quốc Chủ (Òkuninushi) sống lại, trẻ đẹp khác thường.
Các thần anh họp nhau bày cách khác cố sát hại kỳ được Đại Quốc Chủ. Họ hạ một cổ thụ xẻ ngang một kẽ lớn, lừa đẩy thần em vào giữa rồi xúm nhau ép lại khiến Òkuninushi bị kẹp chết. Lần này cũng nhờ bà mẹ thần thông biến hóa biết mà cứu kịp. Bà mẹ lúc ấy mới tỉnh ngộ về những âm mưu đen tối của các con lớn, bèn khuyên Òkuninushi hãy trốn đi thật xa, Òkuninushi cắm cổ chạy chối chết mới thoát được những mũi tên của các thần anh bắn theo. Chàng luồn qua chẽ ba của cành cây mà chạy biến đi.
13) NHỮNG TRUYỆN PHIÊU LƯU KẾ TIẾP CỦA ÒKUNINUSHI
Òkuninushi đi xuống Hoàng Tuyền Quốc (địa phủ) để thỉnh ý cha là Susano-o đương ở đó. Khi tới gần điện thì gặp công chúa Gan Dạ, con Susano-o đi ra. Mới gặp nhau lần đầu mà đôi mắt cùng liếc đôi lòng cùng ưa, họ lấy nhau luôn. Công chúa vào báo cho cha hay là có một nam thần điển trai tới. Vốn ngang bướng hung hăng Susano-o bèn mệnh danh Òkuninushi là « gã xấu xa của xứ lau sậy » rồi cho vào ngủ đêm tại một lều nuôi rắn. Công chúa Gan Dạ phải đưa cho chàng tấm áo lốt rắn mới thoát khỏi hiểm nghèo.
Đêm sau Susano-o lại bắt chàng ngủ ở căn lều có con rết và con ong bò vẽ. Vợ chàng vội trao cho một tấm khăn
choàng đặc biệt để bảo vệ chàng khỏi bị ong và rết đốt chết.
Hôm sau Susano-o bắn một mũi tên vào cánh đồng cỏ ngút ngàn rồi bắt chàng đi kiếm lại mũi tên đó. Chàng vừa đi khuất vào cánh đồng, Susano-o bèn nổi lửa đốt cỏ. Đang cơn nguy khốn đã tưởng mình lần này thật chết thì một con chuột nhỏ xuất hiện chỉ cho cái hang lánh nạn, rồi còn mang đến cho chàng mũi tên mà nó đã cất giấu không để lửa đốt. Bực mình về sự thành công của Òkuninushi, Susano-o dẫn chàng vào cung bắt chàng bắt chấy cho mình. Đại Quốc Chủ phải nhai mấy trái cây muku mà vợ chàng đưa cho cùng ít đất đỏ, rồi nhả ra quết đỏ tươi làm như đó là những xác chấy đỏ mọng. Susano-o lấy làm thích thú mà ngủ thiếp đi. Nhanh như cắt Òkuninushi cột tóc Susano-o lên sà nhà, với lấy kiếm, cung tên và cây đàn của ông bố tàn nhẫn, rồi cõng công chúa Gan Dạ chạy trốn. Trong lúc vội vàng chạy chàng để dây đàn cọ vào cành cây bật thành tiếng khiến Susano-o choàng tỉnh, đứng phắt lên đuổi theo, tóc lão lôi sập cả cung điện. Đuổi tới ranh giới dương gian và âm phủ thì lão dừng lại, lúc ấy lão đành miễn cưỡng bảo con (tức Òkuninushi) đem cung tên về giết bọn ác thần, và cho chàng lấy công chúa Gan Dạ.
14) ANH LÙN SUKUNA BIKONA
Òkuninushi bắt đầu xây dựng một thế giới trên mặt đất. Có một vị thần kỳ dị xuống phụ tá, đó là anh lùn Sukuna Bikona lướt sóng trên con thuyền tí hon làm bằng vỏ cây có lợp mái và trang trí bằng lông ngỗng. Òkuninushi nhón anh
lùn đặt lên mu bàn tay để ngắm cho rõ, bất thần bị anh lùn nhảy lên má cắn chàng một cái thật đau. Thấy sự lạ lùng Đại Quốc Chủ kể lại câu chuyện này cho chư vị thiên thần nghe, thì một trong số thiên thần nhận ra đó là con mình, một đứa con tinh quái ngỗ nghịch đã lọt từ khe tay rớt xuống đất.
Òkuninushi bắt đầu cùng anh lùn Sukuna Bikona xây dựng cho nhân gian. Khởi thủy họ tìm ra cách chữa trị những bệnh tật của con người, rồi dạy người phương pháp tránh cái họa của chim muông cầm thú, loài bò sát bằng cách nuôi dạy chúng phục vụ cho loài người. Khi mọi nhiệm vụ đã hoàn tất, một bữa kia Sukana Bikona leo lên bông kê, thân kê rung động làm bắn vọt anh về trời.
15) PHÂN CHIA QUYỀN UY
Òkuninushi cai trị xứ Izumo cho đến ngày nữ thần Amaterasu cho cháu đích tôn Ninigi xuống chiếm vùng bình nguyên lau sậy trung ương mà tự xưng Hoàng Đế.
Òkuninushi bị buộc phải hiến đất xưng thần. Quyền hành được chia xẻ như sau : Với Ninigi, khởi sự quyền uy thiêng liêng ngự trị trên dương thế, còn Òkuninushi thì trông coi việc cơ mật tức quyền tôn giáo. Để tiêu biểu cho quyền uy của cháu nội, Amaterasu ban cho Ninigi ba báu vật : viên ngọc quý hình cong, một chiếc gương báu và thanh Thiên-tùng-vân kiếm lấy ở Mãng Xà Tinh tám đầu).
Hiện nay ba báu vật này vẫn còn là biểu hiệu của ngôi báu Nhật hoàng.
PHỤ CHÚ : Sự phân chia quyền lực thế quyền cho Ninigi ở Yamato và thần quyền cho Òkuninushi ở Izumo chứng tỏ Nhật có ít nhất là hai trung tâm văn hóa chính và thần thoại Nhật bắt nguồn tự hai nơi này. Còn một trung tâm khác ở Tsukushi (Kyushu).
Các nhà khảo cứu sau này tìm ra có tới 10 thuyết khác nhau về vị Thiên hoàng thứ nhất Ninigi (âm Hán : Quỳnh Quỳnh Sử Tôn). Trong Cổ Sự Ký ghi : Ninigi, cháu đích tôn của nữ thần Mặt Trời Amaterasu, tự Taka maha gara (Cao thiên nguyên) giáng lâm, cai trị nước Mizuko (Thụy Tuệ) bình định nước Ashi hara (Vi Nguyên : đồng lau sậy) trong khi Òkuninushi đã cai trị nước Izumo (Xuất Vân). Do đó các học giả cho rằng hai chữ « giáng lâm » có một ý nghĩa là từ nơi xa tới xâm chiếm khu Yamato (Đại Hòa : Osaka-Kyoto).
Danh hiệu Ninigi có thể chỉ là biểu thị cái ý lúa đạo phát triển dồi dào (đạo tuệ chi nhiêu nhiêu) nghĩa là vì canh nông phát triển mà dân Nhật bắt đầu có hình thức sống định cư. Thần Lúa, cháu nữ Thần Mặt Trời, như vậy hao hao giống truyện Thần Nông của Tàu mà Nhật đã vay mượn. Mô phỏng theo Trung Quốc, nhà vua phải làm lễ gặt mùa thu. Nhật gọi là Đại Thường Tế hay Thu Hoạch Lễ, rồi có thể do nghi lễ mô phỏng đầu tiên về việc tế tự Thần Lúa đó mà người đương thời đặt ra truyện Ninigi chăng ?
16) ÁNH LỬA VÀ BÓNG LỬA
Trong đám con của Ninigi có hai vị hoàng tử Ánh Lửa và Bóng Lửa đặc biệt hơn cả : Ánh Lửa là anh cả sinh sống bằng nghề chài lưới, bắt cá vây lớn, vây nhỏ ; còn hoàng tử
Bóng Lửa thì sinh sống ở trên đất liền bắt loài lông cứng lông mềm.
Một bữa kia Bóng Lửa đề nghị đổi nghề với anh nghĩa là kẻ sinh sống ở đất liền thì ra gần biển làm nghề bắt cá, kẻ ở gần biển thì vào đất liền làm nghề săn muông thú. Bóng Lửa được anh đồng ý và trao cho một lưỡi câu báu, nhưng chẳng những chàng chẳng bắt nổi con cá nào mà còn làm mất lưỡi câu xuống đáy biển. Bóng Lửa xin bồi thường anh 500 lưỡi câu thường, nhưng Ánh Lửa không chịu, nằng nặc đòi cho được lưỡi câu báu. Bóng Lửa ra bờ sông khóc than, thì có vị thần biển hiện ra hỏi vì sao mà khóc. Khi rõ nguyên do, thần thương tình tạo thành một con thuyền cho Bóng Lửa lướt sóng ra khơi tới được cung điện của vị chúa tể biển cả là vua Thủy Tề.
Cung điện xây toàn bằng vảy cá tuyệt đẹp. Bóng Lửa trèo lên một cây gần cái giếng bên cạnh cung điện. Khi các nữ thần hầu công chúa con của Thủy Tề Đại Vương ra lấy nước thì thấy Bóng Lửa. Chàng mon men tới xin nước uống. Các nữ thần lấy một bát nước đưa cho Bóng Lửa, chàng không uống, móc lấy viên ngọc mang theo trong mình, đưa lên miệng rồi nhả vào trong bát nước, viên ngọc dính chặt ở đáy bát không tài nào dứt ra được. Đám nữ tì đành đưa bát về trình. Cả phụ hoàng lẫn công chúa đều ngạc nhiên, cùng ra xem. Gặp Bóng Lửa, cả hai nhận rằng đó là một vị thần linh, long trọng đón tiếp, và ngay hôm đó cử hành hôn lễ giữa Bóng Lửa với Công-chúa. Ba năm trôi qua êm đềm nhưng rồi càng về sau Bóng Lửa càng thấy nhớ nhà, suốt ngày thở dài buồn bã. Công chúa gạn hỏi, chàng kể lại
chuyện sở dĩ ra khơi rồi hạnh ngộ gặp nàng cũng vì trót đánh mất lưỡi câu báu của người anh, bị anh thúc bách phải kiếm cho bằng được.
Vua Thủy Tề tra hỏi mọi giống cá dưới biển, phát giác ra Cá Điêu đã nuốt lưỡi câu đó còn mắc ở cổ. Vua bèn lấy ra trao cho Bóng Lửa, đoạn phán cho chàng trở về trả lại anh. Trước khi ra đi, vua tặng chàng hai viên ngọc báu, dặn dò cặn kẽ cách xử dụng.
Vua dặn :
- Khi nào ngươi trao trả lưỡi câu cho người anh thì nói : đây là chiếc lưỡi câu đồ sộ, lưỡi câu tham lam, lưỡi câu mang tai họa và lưỡi câu xuẩn ngốc. Sau đó nếu anh ngươi khai thác ở miền cao thì ngươi khai thác ở miền thấp, cứ như thế chỉ trong ba năm anh ngươi sẽ nghèo túng khổ sở. Sau cùng nếu anh ngươi sinh sự ngươi sẽ xử dụng hai viên ngọc báu.
Bóng Lửa cỡi cá sấu trở về chốn cũ.
Sau khi Ánh Lửa gặp em, lấy lại được lưỡi câu, thì mỗi ngày một lụn bại, khốn đốn. Cuối cùng, chán nản, bực bội, Ánh Lửa tìm cách sát hại đứa em. Bóng Lửa đem viên ngọc quý thứ nhứt ra niệm chú theo lời dặn của Chúa Thần Biển Cả, nước ào ào cuốn lên. Ánh Lửa trốn lủi lên miền cao, nước càng dâng mạnh 6. Đến lúc sắp sửa chết đuối, Ánh Lửa mới than van hối hận. Bóng lửa thương hại, mang viên ngọc thứ nhì ra niệm chú thì đột nhiên nước rút hết ra biển. Ánh Lửa cảm động xin quy phục hoàn toàn người em, không còn cạnh tranh ghen tị như trước nữa.
Ở cung điện ngoài khơi, công chúa con Thần Biển trở dạ. Nàng nghĩ thầm thật là bất hạnh nếu để con một thiên thần phải chào đời ở lòng biển, nên nàng vượt biển vào đất liền, tức nước Đại Hòa của chồng. Nàng hóa phép làm thành một tòa nhà trang trí bằng lông chim công cốc, ngay trên bờ biển, làm nơi sinh. Nàng dặn Bóng Lửa khi nàng sinh thì không được dòm ngó. Bóng Lửa không kiềm chế nổi tính tò mò, đứng ngoài lén nhìn vào, thấy vợ mình lúc sinh hóa ra một con cá sấu khổng lồ. Công chúa xấu hổ vì bị chồng biết rõ nguyên hình, trốn biệt ra ngoài biển. Tuy rằng kể từ đó hai người chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa nhưng cả hai vẫn trọn đời nhớ tới nhau và tình yêu của họ thường được nhắc nhở như một mối tình thiên thu.
17) TRUYỆN CHÀNG ĐÁNH CÁ URASHIMA TARÔ Giữa quần đảo Nhật-Bản có một vùng biển nội địa cảnh trí đẹp như gấm như hoa, núi vàng, đất đỏ, rừng xanh. Quanh vịnh sóng biếc thanh bình này có vô số những làng thuyền chài, xa xa là những đảo nhỏ nhấp nhô với những cây tùng cao vút, gió thổi rì rào.
Khoảng hai mươi lăm thế kỷ trước đây, tương truyền vào một sáng hạ đẹp trời, chàng thuyền chài Urashima Tarô đẹp trai và hiền lành, người tại vùng này, xuống thuyền buông câu. Chàng buông câu đã lâu mà chẳng được con gì. Chợt dây câu bị kéo nặng chĩu, chàng giật lên được một con rùa nhỏ.
Urashima cười thương hại nói :
- Tội nghiệp con rùa nhỏ, sở vật của Long Vương, mi có thể sống lâu hàng ngàn tuổi mà sao lại dại dột cắn câu của ta thế này. Thôi, ta thả mi trở về với Long Vương, nghe !
Nói đoạn chàng gỡ con rùa ra khỏi lưỡi câu, thả xuống biển, rồi chán câu nằm khểnh trên thuyền nhìn trời xanh, mây trắng, mặc cho sóng vỗ đu đưa, thiu thiu ngủ lúc nào không biết. Chợt có bàn tay ai ve vuốt, chàng sực tỉnh, mở mắt. Trước mặt chàng là một trang tuyệt sắc giai nhân, tóc đen như mun, mềm óng, dài chấm gót chân ; nàng mặc chiếc áo màu đỏ rực và xanh da trời.
Chính nàng vừa lướt sóng tới, cất giọng êm như ru nói với chàng :
- Xin chàng chớ ngạc nhiên, thiếp chính là con gái Long Vương. Phụ vương thiếp cảm tấm lòng nhân hậu của chàng đã tha chết con rùa nhỏ, nên cho phép chàng được gá nghĩa với thiếp, nếu chàng ưng chúng ta sẽ chung sống ở miền bồng lai tiên cảnh quanh năm bốn mùa xuân bất tận…
Chàng ngắm nàng say đắm không thốt nên lời. Biết ý, nàng lẳng lặng ngồi xuống đối diện với chàng, tay cầm một mái chèo, chàng cũng cầm một mái chèo, cả hai cùng chèo… Con thuyền lướt sóng phút chốc đã tới một hòn đảo kỳ thú, đất trải đầy ngọc trai, cây cối trang hoàng toàn ngọc bích long lanh. Nàng đưa chàng vào cung điện trình diện phụ vương. Một trăm tên hầu trai, một trăm nàng hầu gái tấp nập sửa soạn lễ cưới cho tân lang và tân giai nhân. Long Vương ngồi trên ngai nạm kim cương chứng kiến hôn lễ. Nửa đêm, yến tiệc linh đình vừa dứt, chàng và nàng động
phòng hoa chúc. Niềm hạnh phúc lứa đôi nếu cứ thế sẽ kéo dài bất tận. Nhưng đôi khi lòng nhớ quê xúc động, Urashima đoán ở nhà cha mẹ đương thương nhớ mình, tưởng lầm mình đã làm mồi cho cá dưới đáy biển… Rồi chàng thở vắn than dài suốt ngày. Chàng ngỏ lời xin người đẹp cho chàng về thăm quê cũ đôi ba ngày, báo cho gia đình rõ sự tình, rồi trở lại ngay. Vợ chàng lặng thinh không nói, khuôn mặt buồn rười rượi, thỉnh thoảng thở dài não nuột. Chàng quả quyết với nàng là cuộc về thăm quê sẽ không lâu, chỉ vài ngày thôi.
Sau cùng nàng lên tiếng :
- Thiếp e rằng một khi chàng dời khỏi nơi đây, chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn gặp mặt nhau nữa. Để thiếp tặng chàng một món quà giúp chàng có thể trở lại đây, nếu chàng muốn…
Đoạn nàng trao tặng chàng một hộp lược nạm ngọc bên ngoài có buộc một dải lụa, và ân cần dặn chàng dù có thế nào đi nữa cũng chớ bao giờ mở hộp ra, nếu chàng còn muốn cùng nàng tái ngộ.
Nàng nhìn chàng lau mắt lệ, chàng an ủi để nàng vững tâm :
- Xin nàng đừng nghi ngại điều gì, không bao giờ ta tháo dải lụa mở hộp này. Khi đã thăm gia-đình xong ta sẽ tức khắc trở lại đây xum họp cùng nàng.
Urashima trở về quê hương bằng chính chiếc thuyền cũ của chàng. Thuyền cập bến dưới chân đồi quê hương. Neo thuyền lại chàng vội vã theo đường cũ dẫn về làng. Bốn bề
vắng lặng, văng vẳng tiếng thác đổ từ xa vọng lại, và gió trong không gian từng đợt buồn bã thở dài. Nhà cửa đôi chỗ được cất lại rộng lớn hơn hoặc mới hơn. Cả những thửa ruộng cũng thay hình đổi dạng. Tới nơi nhà cũ của cha mẹ xưa, chàng thấy đã biến thành một khu rừng thông nhỏ. Đôi người qua lại kín đáo nhìn chàng tỏ vẻ lạ lùng. Một cụ già lưng còng râu tóc bạc phơ, chống gậy đi qua. Urashima nghĩ rằng không còn gì hơn là hỏi thăm vị lão trượng này. Chàng bèn xưng tên họ và xin vị lão trượng, nếu có thể, chỉ giúp hiện gia đình chàng đã thiên cư về nơi nào ?
Vị lão trượng nghe chàng xưng danh như vậy thì cười ngất :
- Chú điên rồi sao mà lại mạo xưng là Urashima Tarô ! Chú há không biết, tương truyền cách đây bốn thế kỷ, chàng Urashima Tarô đã mất tích trên miền biển lặng này vào một dịp chàng đi câu ? Sau đó người làng cũng không tìm thấy xác chàng và thuyền của chàng đâu cả. Thật là kỳ dị. Hiện nay tại khu nghĩa địa cũ, vẫn còn chiếc lăng nhỏ người ta xây lên để tưởng nhớ chàng.
Nói đoạn ông già chống gậy đi thẳng. Urashima Tarô theo đường ra khu nghĩa địa cũ, quả nhiên thấy chiếc lăng nhỏ xưa kia người ta đã xây cho chính chàng. Trên những tấm bia rêu phủ và đã mòn mỏi nhiều với thời gian chàng nhận dần ra mộ cha, mẹ, anh, em và cháu, chắt trong giòng họ.
Urashima cảm thấy cõi lòng buâng khuâng, buồn thảm. Đứng tựa vào tấm bia mộ của chính mình chàng cúi đầu suy
nghĩ. Tiếng gió chiều vi vu trong rặng thông nghe thê thiết làm sao ! Tay chàng khi đó vẫn cầm hộp tặng vật của công chúa con Long Vương, vợ chàng.
Chàng nghĩ thầm :
- Biết đâu mở hộp ra mình lại chẳng tìm được lời giải đáp nào giúp mình khỏi bỡ ngỡ trước hoàn cảnh bí ẩn này.
Chàng thong thả cởi nút giải lụa và thận trọng mở nắp hộp. Từ trong hộp bốc lên một làn khói trắng nhẹ, làn khói bay miết về phương Nam, hướng biển.
Urashima chợt hiểu là mình đã dại dột làm ngược với lời dặn của vợ và chắc là vĩnh viễn không bao giờ nữa chàng còn hy vọng gặp lại nàng. Văng vẳng trong gió dường như có tiếng nàng nhắn nhủ chàng đừng bao giờ lãng quên nàng.
Chàng dậm chân than khóc, hối tiếc mọi việc lỡ dở. Phút chốc máu như lạnh trong huyết quản, chân tay khô héo đi, mớ tóc thay màu bạc phơ như bông như tuyết, da mặt nhăn nheo, răng rụng, sức lực kiệt quệ, bốn thế kỷ chợt đè nặng lên cơ thể, lên tâm trí, chàng ngã lăn xuống đất héo hon mà chết. 7
18) TỔNG KẾT VỀ THẦN THOẠI NHẬT
Trước đây Trung Quốc coi Nhật là một thứ Đông di – dân mọi rợ về phía Đông – văn hóa chẳng có gì đáng kể. Thái độ Trung Quốc vốn kiêu ngạo, ngoài mình là « Trung hoa » ra, còn bốn bề đều là man ri mọi rợ cả. Tuy nhiên về trường hợp Nhật Bản, gần đây xem ý các học giả Nhật khi soạn
cuốn Thế Giới Đại Bách Khoa Sự Điển cũng đã cố ý lược bỏ những đoạn tạp nhạp bộc lộ cá tính quá thô lậu cổ thời.
Tỉ dụ Cổ Sự Ký ghi truyện vị đệ nhứt anh hùng hiệp sĩ được cả dân Nhật tôn sùng nhắc nhở : Yamato dake (âm Hán : Nhật Bản Vũ Tôn). Đại lược như sau :
Yamato dake vốn tên là Yamato takeru no mikoto. Chàng là con thứ Cảnh Hành Thiên hoàng, người anh song sinh là Oousu nomikoto.
Một lần phụ vương sai chàng trừ khử người anh cả hỗn hào lười biếng không hầu hạ cơm nước chu tất. Sớm tinh sương đó chàng nấp sẵn ở nhà vệ sinh, chờ người anh tới đập chết, nhặt những mảnh tay chân gãy nát, bó trong một chiếc chiếu, rồi quăng ra nơi xa. Một lần khác cũng được cha sai trừ hai dũng sĩ khoác lác mà lại lỗ mãng tục tằn. Chàng bèn giả trang làm thiếu nữ, mê hoặc cả hai, lơi lả mời rượu. Phục cho hai tên say mềm rồi rút kiếm đâm suốt qua một tên, ấn mũi kiếm qua hông tên kia, rạch ngược lên phanh thây tên thứ hai này chẳng khác một trái dưa chín mõm vậy. Chàng không từ một thủ đoạn nào để diệt trừ địch thủ. Chàng kết thân với một dũng sĩ xứ Izumo mà chàng chủ tâm hạ sát. Chàng làm sẵn một cây kiếm gỗ, khi hai người rủ nhau ra sông tắm, chàng đề nghị trao đổi kiếm với bạn rồi sau đó lại thách thức đấu kiếm để nhân dịp hạ sát bạn một cách dễ dàng và tàn nhẫn. Xong xuôi chàng đi sang phía Đông, dọc đường gặp Công chúa Miyazu, đính ước với nàng, rồi sau cưới nàng làm vợ.
Có lần trên đoạn đường đi biển có người tình nhân Ototachibana cùng đi, sóng đánh dữ quá, thuyền chỉ chực lật úp. Ototachibana đã khấn nguyện tự hiến thân cho thần biển, lao mình xuống nước để cứu mạng cho chàng. Về sau cuộc đời chàng kết thúc ở trên cánh đồng Tagi, tâm trí chàng lúc đó còn thanh thản mà đôi chân thì kiệt lực xụm xuống, chàng gục ngã mà chết.
Để tưởng niệm chàng, dân chúng đã xây một ngôi lăng đồ sộ ở Ise, mọi người đến điếu tang khóc thương một đại dũng sĩ anh hùng. Chàng đã hóa thành con chim Óc-Cau trắng mà biến đi. Lăng chàng từ đó mang danh là « Lăng Óc Cau Trắng ».
Chúng ta thấy thành tích Yamato dake xảo quyệt, tầm thường là vậy mà được tôn sùng là đệ nhất anh hùng dũng sĩ thì quan niệm về anh hùng của nền văn hóa cổ thời Nhật Bản quả thật là thô thiển. Cuốn Thế Giới Đại Bách khoa Sự Điển đã cố ý lược đi những hành vi ti tiện của Yamato dake, mà chỉ ghi vắn tắt đại ý :
« …Vào năm Cảnh Hành thứ 28 chàng vâng lệnh phụ hoàng đi chinh thảo xứ Kumaso (âm Hán : Thái tộc), đã giả trang nữ giới, thắng lợi, sau được xưng là Yamato dake (âm Hán : Nhật Bản Vũ Tôn). Năm Cảnh Hoàng thứ 40 thì đánh Đông di Azamaebisu cũng đại thắng. Vào lễ thần Yamato hime no mikoto thì được thần ban cho Thiên-tùng-vân kiếm. Sau xuôi dòng sông Suruga, vượt biển Karusu đến nước Ise ở phía Đông Bắc, rồi chết ở vùng Nomono, được mọi người ngưỡng mộ xây lăng lớn mà sùng bái ».
(Văn hóa cổ thời Nhật Bản thô lậu như vậy mà rồi nhờ có những người lãnh đạo thời Minh Trị sáng suốt đã đưa nước Nhật tiến vượt mức trong vòng một thế kỷ, điều này thực đáng khiến cho chúng ta phải suy ngẫm).
Không kể những phần bạc tạp của thần thoại Nhật mà chúng tôi đã lược bỏ, căn cứ vào những truyện đã tuyển chọn trên, chúng ta có thể kết luận :
- Sự khai thiên lập địa theo thần thoại Nhật Bản không phải là hậu quả của một thế lực ngoại tại, Prima Causa, mà là thể hiện theo cung cách tự sinh.
- Nói chung thần thoại Nhật vừa có chỗ sống sượng vừa có chỗ tế nhị, tinh khiết, mỹ lệ. Đôi khi đượm buồn nhưng chẳng bao giờ thảm đạm, khuynh hướng chung là dung hòa, tuyệt nhiên không đưa đến tai họa như thần thoại nhiều nước khác, đặc biệt là thần thoại Hy Lạp.
19) SÁCH THAM KHẢO
- Challaye, Félicien. Contes et Légendes du Japon. Paris : Fernand Nathan, 1955.
- Grimal, P. Mythologies des Steppes, des Forêts et des Iles. Paris : Librairie Larousse, 1963.
- Mythologie Asiatique Illustrée. Paris : Librairie de France, 1928.
- Thế Giới Đại Bách Khoa Sự Điển. Tokyo, Heybonsha, 1970.
CHƯƠNG 2 : THẦN THOẠI ĐẠI DƯƠNG CHÂU 8
Đại Dương Châu gồm nhiều nền văn minh dị biệt gặp nhau giữa vùng Thái-Bình-Dương mênh mông này. Có thể kể bốn thành phần chính :
- ÚC
- PÔLYNÊSIA gồm những quần đảo ở phía Đông Mêlanêsia và Micrônêsia, trải dài từ Nam Hawai tới Tân Tây Lan.
- MÊLANÊSIA gồm những quần đảo Nam Thái-Bình Dương, Đông Bắc Úc.
- MICRÔNÊSIA gồm những đảo nhỏ miền Bắc Xích-đạo, phía Đông Phi-Luật-Tân (những đảo chánh : Marianas, Caroline, Marshall).
I. THẦN THOẠI PÔLYNÊSIA
1) THUỞ KHAI THIÊN LẬP ĐỊA
Thuở hỗn mang đó Mẹ Đất Papa với Cha Giời Rangi luyến ái nhau mà có sự sống xuất hiện. Những đấng thần nhân được sinh thành ra như vậy cứ bị tù túng hoài giữa vòng ôm của Cha Giời, Mẹ Đất. Họ bèn họp bàn nhau tìm cách giải tỏa cho sự sống khỏi bị tù túng.
TU, sau này thành thần Chiến Tranh, đề nghị hủy diệt Papa và Rangi.
TANE, thần Rừng và Chim, đề nghị tách rời cha mẹ ra một cách ôn hòa.
TAWHIRI, thần Gió và Bão, muốn giữ nguyên, phản đối mọi thay đổi tình trạng.
TANE bèn ra sức tách rời cha mẹ, lấy thân mình làm trụ chống. Ánh sáng do đó xuất hiện tại thế gian. Nhưng Tawhiri đứng về phía cha, tung gió bão ra làm dữ khiến các anh em thoạt đầu phải bỏ chạy, chỉ còn TU là ở lại đương đầu và đòi trừng trị những kẻ đào tẩu. Thế rồi trận chiến cứ kéo dài hoài giữa đám anh em đó.
Trận quyết liệt sau cùng TANE thắng TU, đuổi TU ra khỏi Trời, và đầy TU xuống hạ giới. Còn lại một mình TANE lấy đất sét và cát nặn thành một người đàn bà, HINE, rồi lấy làm vợ. Khi HINE khám phá ra chồng mình cũng là người cha tạo ra mình thì xấu hổ lắm bèn trốn xuống thế giới âm phủ thành nữ-hoàng và mang danh là HINE-NUI TE-PO (Nữ hoàng cõi U-Minh). Vì tội loạn luân đầu-tiên đó mà có sự
chết trên thế gian, và cũng kể từ đó HINE-NUI-TE-PO không ngớt thu hút những kẻ sống vào thế giới âm phủ của mình.
PHỤ-CHÚ : Các thần thoại khác nhau về thuở khai thiên lập địa của quần đảo Pôlynêsia thường được kể dưới hai hình thức. Một hình thức trừu tượng : từ cái không phát sinh ra tư-tưởng, tự tư tưởng mà có không gian, từ đó tuần tự sinh ra mọi yếu tố trong cõi hữu hình. Hình thức thứ hai, thường nhắc đến 10, đấng Thượng đế vô ngã đầu tiên đã thổi sinh khí vào vũ trụ. Cả hai hình thức thần thoại trên đều mang chung ý hướng giải thích vũ trụ từ cái Một nguyên-thủy mà ra, rồi mới biến hóa thiên sinh vạn biệt. Thần thoại chúng ta vừa đọc trên đây cũng không ra ngoài thông lệ giải thích từng cặp mâu thuẫn Ngày-Đêm Trời-Đất, Sống-Chết, Động-Tĩnh…
Và mọi nỗ lực tranh đấu của con người là chỉ muốn thực hiện lại được cái Một hòa-hài nguyên-thủy, và thường là thất bại. Âu đó cũng là định mệnh con người.
2) THUỞ AN BÀI NHÂN GIAN
Người có công an bài cuộc sống nhân gian là Maui Bà mẹ Maui thuở mang thai sinh chàng thiếu tháng. Tin rằng đó là điềm gở, bà ném đứa con sơ sinh của mình xuống đại dương. May thay đứa bé được tổ phụ là thần Mặt Trời cứu sống mang lên thiên cung nuôi nấng, dạy dỗ, đến khi khôn lớn thì vẫn cho trở về hạ giới sống với gia-đình. Mặc dầu không hợp tánh tình với các anh cho lắm, Maui vẫn quyết định ở lại chung sống với họ. Thấy Maui có tài biến hóa, người cha đẹp lòng bèn đứng ra làm lễ chúc phúc cho Maui,
chẳng may khi làm lễ ông cụ sơ ý phạm giới luật khiến Maui sau này tất bị sát hại bởi thần nhân.
Tuy nhiên Maui vẫn bắt đầu cuộc sống hào hùng của mình. Chàng thoạt đi tới giới tuyến cuối cùng của nhân gian, tỉ thí và hạ được vị thần nhân tổ phụ tên là Muri Ranga. Chàng quyết định lấy xương quai hàm của vị tổ phụ bại trận đó làm một thứ khí giới vô địch cho mình.
Có khí giới rồi Maui mới tính xem nên làm gì trước nhất. Nhận thấy vào thuở đó mặt trời có tật chạy nhanh vun vút trên vòm trời, ngày ngắn quá không đủ cho thế nhân làm xong bất kỳ việc gì. Maui lẻn đến nấp tại cửa trời, đợi sớm hôm sau lúc mặt trời vừa ló ra bèn xuất kỳ bất ý dùng chiếc xương quai hàm giáng xuống một chùy thật mạnh. Mặt trời què cẳng, từ đó buộc lòng phải đi chậm, kéo dài thời gian trong suốt cuộc hành trình từ Đông sang Tây.
Kế đó, Maui dã dùng cả uy vũ lẫn mưu cơ để đoạt được lửa của một vị tổ phụ khác tên là Mahuika ngự trị khoảng giữa hai miền dương thế và âm phủ.
Sau cùng Maui quyết giúp con người thực hiện mộng trường sinh bất tử. Chàng theo đường xuống âm phủ, đợi lúc vị tổ mẫu khổng lồ Hine-Te-Po ngủ say mới tự cởi hết quần áo rồi lén chui vào bụng tổ mẫu bằng đường giữa háng. Nếu chàng chui lọt được vào để phá phách nội tạng, tất vị nữ hoàng cõi U-minh phải mạng vong, do đó con người trên dương thế sẽ trường sanh bất tử. Không may Maui mới chui vào được nửa người, thì một con chim thấy cảnh đó khôi hài quá bèn cười phá lên.
Hine-Nu-Te-Po giựt mình tỉnh dậy và kịp thời kẹp chết Maui. Từ đấy loài người đành chịu kiếp sống phù du với sinh lão, bệnh, tử, và chết là hết không còn được trở lại dương thế sau một thời gian nương náu ở cõi âm nữa.
PHỤ CHÚ : Hiếm có một truyện thần thoại giải thích lịch-trình xây dựng nếp sống văn hóa của con người khít khao đăng đối như truyện trên. Con người ngay từ thuở ban đầu đã mang nặng nghiệp của ba điều mâu thuẫn :
- Nếp sống lặng lờ giữa thiên nhiên và văn hóa.
- Vì là con cháu tội lỗi của Tane và Hine nên con người có sinh rồi có tử.
- Nhưng cũng vì là con cháu của Tane và Hine nên con người mang trong bản thân cả hai tính chất thần-linh và phàm-giới.
Maui là đứa con của thế gian, lại được thần Mặt Trời nuôi dưỡng ở chốn thiên cung tất nhiên khi trở về thế gian chàng có nhiều triển vọng giúp thế nhân giải quyết được ba mâu thuẫn trên.
Việc lầm lỗi của người cha khi làm lễ chúc phúc cho chàng khiến thế quân bình giữa sống với chết không còn, Maui đã thấy trước là chàng sau này phải chết. Nhưng nếu vì làm lễ chúc phúc mà chàng bị hại, thì vì tội bất kính giết chết tổ phụ lấy xương quai hàm mà chàng có được khí giới vô địch. Sự tương xứng là ở chỗ đó.
Việo kéo dài ánh sáng ban ngày để làm việc và việc đoạt được lửa đều tượng trưng cho nếp sống văn hóa đã
thắng nếp sống thiên nhiên.
Sau cùng về nỗ lực của Maui muốn đoạt trường sinh bất tử, chúng ta có thể nghĩ đấy là một nỗ lực quyết liệt để được trở về với cái Một hòa hài nguyên-thủy. Con người mà trường sinh bất tử thì tự nhiên giải quyết được mọi nhức buốt của những mâu thuẫn nguyên-thủy.
Nhưng thất bại. Tất nhiên.
Định mệnh con người là vậy : Phải chịu đựng những mâu thuẫn nguyên thủy kia !
Và khí giới để chịu đựng : Văn hóa của chúng mình !
Maui lọt lòng mẹ chào đời một cách khác thường, thực hiện những việc phi thường, chết cũng một cách khác thường, đúng lúc đương chui vào lòng tổ mẫu. Tình tiết câu chuyện tương sứng, cân đối, lại như vẽ thành một chu kỳ.
II. THẦN THOẠI HY-LẠP
1) VÀI NÉT TỔNG LUẬN
Có thể nói toàn thể văn hóa Tây phương đều có con dấu thấm nhuần của thần thoại Hy Lạp. Những kiệt phẩm văn chương, nghệ thuật Tây phương cổ thời cũng như cận đại và hiện đại không ngớt tìm nguồn cảm hứng ở thần thoại Hy Lạp, hoặc lấy đó làm khởi điểm khai thác cho một cái nhìn, một cách giải thích mới.
Hai nguồn gốc chính của thần thoại Hy Lạp là văn chương và nghệ thuật cổ thời.
Về văn chương cổ còn truyền lại thì khoảng từ năm 1200 đến năm 850 trước Thiên Chúa có The Iliad và The Odyssey của Homer. Kế đó từ năm 600 đến năm 400 là những hài kịch, bi kịch, lịch sử, thơ trữ tình… với những tên tác giả Hy-Lạp chói lọi : Aeschylus, Sophocles, Euripides, Aristophanes, Herodotus… Sang thế kỷ đầu kỷ nguyên này có sử gia Hy Lạp Diodorus Siculus, và các tác giả La Mã bất hủ : Horace, Ovid, Vergil…
Về nghệ thuật là những đền đài cổ còn để lại cùng những tác phẩm điêu khắc trên đá, những nét vẽ khắc trên vàng, trên ngà, trên những bình, những ly, những dĩa… tất thẩy đều lấy đề tài thần thoại đã quá bình dân phổ biến như cuộc vây thành Trojan, Orpheus và Eurydice, Oedipus và Sphynx, Ariadne trên bờ biển Naxos… Những đề tài thần thoại đó mãi tới thời Phục Hưng và sau đó nữa cũng đâu có suy giảm trong những tác phẩm của những bậc thầy
Correggio, Michelangelo, Millet, Raphael, Rem-brandt, Rubens, Van Dyck…
Trở lại nhận xét nền văn chương gần đây của Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Tây-ban-nha… chúng ta thấy những Shelley, John Keats, Wordsworth không ngớt đem vào thi văn những đề tài lấy trong thần thoại.
Văn học hiện đại của thế kỷ XX cũng vậy : Jean Anouilh viết Antigone, Eurydice, Medée ; Jean Paul Sartre viết Les Mouches ; John Updike viết The Centaur ; James Joyce viết Ulysses…
Ấy là không kể trong ngôn ngữ Âu Mỹ đầy rẫy những từ ngữ có ngữ căn bắt nguồn tự thần Hy Lạp : Aurora, auroral, aurore 9; Bacchus, bacchis, bachique ; Hypnos, hynotic, hypnotique ; Luna, lunacy, lunatique…
Phải tìm đâu xa, hãy xin kiểm điểm ngay tên những phi thuyền hay những chương trình không gian của Mỹ gần đây : Gemini, Apollo, Mercury…
Nói tóm lại đi vào văn hóa Tây phương chúng ta không thể không biết tới thần thoại Hy Lạp.
2) PROMETHEUS ĂN CẮP LỬA TRÊN TRỜI Ngày xưa không có thần thánh chỉ có Trời và Đất thôi, Trời và Đất là bậc phụ mẫu đầu tiên sinh ra giống người khổng lồ Titans. Giống người này cai trị thế giới hằng bao nhiêu thời đại. Sau cùng các vị thần, con của giống khổng lồ Titans này nổi loạn và lật đổ họ. Thần Zeus làm chúa tể
toàn vũ trụ, vợ và cũng là em của thần tên Hera trở thành hoàng hậu.
Vẫn chưa có người trên trái đất và cũng chưa có loài thú vật nào. Một người khổng lồ tên Prometheus được chọn để cai quản trái đất. Thế là Prometheus xuống hạ giới. Chàng lấy đất sét trộn với nước rồi nặn thành một hình người đứng thẳng vì chàng muốn loài người nhìn lên các vì sao chứ không nhìn xuống đất như loài vật vậy. Rồi Prometheus nghĩ :
- Ta sẽ cho sinh vật này đủ các tài năng để vượt được muôn loài
Nhưng không may, người em chàng tên Epimetheus, đã đem tất cả những tài năng đó ban cho loài vật : sức mạnh, lòng can cảm, sự khôn ngoan, lanh lẹ, lại cho tất cả cánh, móng, vuốt, sừng, vẩy… Chẳng còn giữ lại gì.
Chàng Prometheus nhanh trí bèn nghĩ tới lửa. Ồ một món quà vĩ đại và huyền diệu !
Prometheus nghĩ :
- Với lửa con ngưòi có thể làm vũ khí áp chế được súc vật, làm các dụng cụ cày đất và thực hiện nghệ thuật. Con người không lông, không vẩy ư ? Lửa sẽ sưởi ấm chỗ ở, con người không còn cảnh phải lo sợ mưa, tuyết cùng gió bấc.
Prometheus trở lại trời, châm ngọn đuốc ở xe mặt trời rồi đem lửa xuống cho loài người. Chàng cảm thấy thật sung sướng.
Nhưng trên trời cao ở Olympus, thần Zeus thấy vậy chau mày ghen tỵ với quyền lực của Prometheus. Thần Zeus nghĩ :
- Sinh vật này đã biết cậy vào trời thì quả là nó hơn loài vật. Còn phải nói nó là địch thủ xứng đáng của chư thần, nhưng ta sẽ có cách kiểm soát quyền lực bất chính của nó.
Thế là thần Zeus dựng lên một người đàn bà đẹp như một nữ thần. Tất cả những vị thần khác đều ban cho nàng những tài năng. Tên nàng là Pandora có nghĩa là tài hoa nhất bậc. Đích thân thần Zeus đem xuống tặng.
Prometheus thấy vậy bèn lưu ý Epimetheus ngay :
- Hãy coi chừng, tôi ngại quà của thần Zeus xảo quyệt này ! Thần giận tôi lắm, vì tôi cả ăn cắp lửa đem xuống cho loài người.
Nhưng Epimetheus dã say mê nàng Pandora và đem nàng về nhà.
Chàng Epimetheus còn giữ trong nhà một cái bình đựng ít quà mà chàng chưa phân phát cho loài vật khi chàng dựng lên chúng. Chàng hết lời dặn Pandora đừng đụng đến chiếc bình đó.
Nhưng Pandora tính nết tò mò vừa khi ở nhà một mình nàng bèn tới gần chiếc bình, tự nhủ :
- Ta chỉ ghé mắt nhìn vào xem có gì bên trong chắc chả sao đâu.
Rồi nàng mở nắp bình, thế là một đàn bệnh dịch bay ra cùng là lòng đố kỵ hận thù, báo oán tức khắc lan tràn khắp
nơi. Pandora vội đậy nắp bình, nhưng muộn rồi. Bình rỗng, chỉ còn xót lại hy vọng. Và hy vọng không bao giờ rời bỏ loài người kể từ đó.
Thế là thần không còn sợ người kình địch nữa, vì con người còn phải đương đầu với những địch thủ còn khủng khiếp hơn mãnh thú nhiều. Ấy vậy mà thần Zeus vẫn chưa tha Prometheus. Thần tuyên bố : Tên ăn cắp lửa trời kia sẽ bị trừng phạt nặng bằng tình thương của hắn đối với loài người. Hắn sẽ bị xích vào một tảng đá cao nhất trên núi Caucasus, nơi không ai trèo tới được. Hắn sẽ bị xém nắng, ta sẽ cho con chim kên kên mổ gan hắn, chim mổ tới đâu gan sẽ mọc ra tới đó.
Rồi thần cho gọi Hephaestus. Thần thợ rèn này bèn đóng đinh chàng Prometheus vào tảng đá trên đỉnh núi.
Tảng đá, con kên kên, sợi dây xích đã làm khổ chàng biết chừng nào, nhưng chàng cắn răng chịu đựng không rên la, không van xin và cũng không ân hận về những điều chàng đã làm.
3) MỘT PHÉP MÀU TRÊN NÚI PARNASSUS Những năm đầu tiên của con người trên trái đất là những năm đầy hạnh-phúc. Đó là cả một thời Vàng Son của sự thực và lẽ phải. Sau đó là thời Bạc, sau nữa là thời Đồng, nghĩa là mỗi ngày một kém. Nhưng đến thời Sắt thì còn tệ nữa. Vào thời này con người trở nên ác độc đến nỗi máu đổ khắp nơi. Vợ chồng, anh em không còn tin nhau nữa. Con mong cho cha chết để hưởng gia tài. Khách cảm thấy không được an toàn trong nhà bạn. Thần thánh thì bị lãng quên.
Sau cùng thần Zeus không chịu đựng được nữa, mới triệu các thần rồi truyền :
- Hỡi chư thần ! Chúng ta từ lâu không ngửi thấy mùi thịt nướng thơm dâng cúng nữa. Con người đã không thờ phụng thánh thần, bàn thờ hương lạnh, đền đài vắng hoe, ta sẽ tận diệt loài người xấu xa này ! Ta sẽ tạo dựng nên một giống người khác xứng đáng với cuộc sống và phải biết thờ phụng thánh thần !
Thần sấm sét đứng dậy định khạc chớp để đốt cháy trái đất nhưng lại thôi vì thần nghĩ rằng ngọn lửa cháy lớn quá sẽ có thể đốt cháy luôn thiên đình. Rồi thần quyết định :
- Ta sẽ làm cho con người phải chết đuối.
Xích tất cả những ngọn gió làm tan mây lại, thần chỉ sai ngọn gió Nam gom góp tất cả mây. Bầu trời đen như mực sấm nổ vang. Rồi mưa như trút nước. Cùng lúc thần Poseidon làm cho trái đất rung lên và những ngọn sóng khổng lồ tràn vào bờ.
Rồi thần kêu gọi các dòng sông :
- Hãy chảy tràn đi ! Cuốn nhà cửa đi ! Cuốn gốc vườn cây trái đi ! Làm vỡ đập nước đi !
Và các dòng sông vâng lời.
Thế là đồng ruộng ngập lụt. Mùa màng hư thối. Nhà cửa, súc vật bị nước cuốn đi. Đất liền biến thành biển cả, trừ có ngọn núi Parnassus là nhô khỏi mặt nước. Có một cặp vợ chồng già ẩn trên núi này, ông già là con của Prometheus tên Deucalion, một con người trung trực. Bà vợ
là con gái của Pandora, tên Pyrrha, một người đàn bà ngoan đạo luôn luôn thờ phụng thánh thần. Cặp vợ chồng này được Prometheus báo trước trận lụt nên đã kịp thời lên ẩn trên núi, Hình ảnh hai con người cuối cùng sót lại làm động lòng thần Zeus. Cơn thịnh nộ của ngài lắng xuống.
Thần nghĩ :
- Cặp vợ chồng này đã sống một đời đạo hạnh, ta hãy cho phép họ được tiếp tục sống.
Thần sấm bấy giờ mới cởi xích các ngọn gió cho gió thổi mây tan còn thần Poseidon, em thần sấm, dùng cây đinh ba làm dịu sóng. Những dòng sông chảy êm ả dần. Trời và đất lại nhìn thấy nhau. Thanh bình. Yên lặng. Trời hết tối lại sáng. Con người phải trả giá cho sự ác độc thật đắt…
Nhìn xuống mặt đất đặc nghẹt những xác người, Deucalion vỗ tay thất vọng nói với vợ :
- Phải chi cha tôi đã dạy tôi ngón xảo thuật của người ! Phải chi chúng ta cũng biết nặn người bằng đất sét ! Thôi đành hãy hỏi thần thánh xem chúng ta phải làm gì bây giờ.
Một bàn thờ hoang phế thờ Nữ-thần Công Bình ở cách chỗ hai người không xa. Cặp vợ chồng này bèn tới đó, quỳ xuống khấn hỏi :
- Xin Nữ-thần hãy dạy chúng con phải làm gì ? Lập tức có giọng nói trả lời họ :
- Hãy ra khỏi đây, choàng đầu lại, cởi nút áo ra và hãy ném xương của mẹ các ngươi ra đằng sau.
Cặp vợ chồng quá kinh ngạc. Họ sợ đến không thốt nên lời. Mãi sau Pyrrha mới nói được :
- Xin Ngài hãy tha thứ cho chúng con. Chúng con không dám coi rẻ xương của cha mẹ chúng con.
Họ rời khỏi bàn thờ, đi vào rừng để suy nghĩ lời sấm truyền, Deucalion chợt nghĩ ra bèn bảo vợ :
- Này, chúng ta có thể theo lời sấm dạy ! Trái đất không phải là mẹ của loài người ư ? Những tảng đá chính là xương trái đất. Vậy chúng ta. có thể ném đá ra phía sau. Nào hãy thử xem.
Thế là họ che mặt lại, cởi nút áo ra, lượm những viên đá ném ra đằng sau. Và kìa, thật là huyền diệu, các viên đá đó lớn lên, có hình dáng giống như những khối cẩm thạch chưa được người thợ điêu khắc hoàn tất.
Những hòn đá Pyrrha ném trở thành đàn bà, còn những hòn Deucalion ném thành đàn ông. Và thế là một giống người mới ra đời, một giống người thích hợp với cần lao, như chúng ta ngày nay vậy.
4) APOLLO VÀ DAPHNE
Daphne con gái thần sông Peneus, là nữ thần của cỏ cây suối nước, và là mối tình đầu của thần Apollo. Truyện đó do sự tinh nghịch quái ác của Eros (Cupid) mà ra. Nguyên do một lần Apollo bắt gặp chú bé đương rỡn với cây cung và tên. Vào dịp đó Apollo vừa bắn chết xong con trăn khổng lồ Python vẫn nấp ở hang núi Parnassus phá hoại mùa màng khủng bố dân chúng.
Nay thấy chú bé nghịch cung tên thì lên tiếng :
- Này chú bé, nghịch đồ chinh chiến đó làm gì, hãy trao cho ta là kẻ giỏi xử dụng những thứ đó.
Chú bé đó chính là Eros con trai nữ thần Aphrodite, bèn đáp :
- Ông xử dụng cung tên của ông có thể bắn được mọi vật, nhưng cung tên của tôi dùng vào việc khác hẳn, tôi có thể bắn trúng ông.
Nói đoạn Eros đứng thẳng người trên một mỏm đá của núi Parnassus, giương cung bắn liền hai mũi tên khác nhau. Mũi tên nhọn sắc bằng vàng khêu gợi tình yêu trúng phải Apollo, mũi tên cùn nhụt bằng chì làm ghê sợ tình yêu trúng phải nàng Daphne. Thế là Apollo đắm đuối say mê Daphne, trong khi Daphne hoảng hốt khi nghĩ đến tình yêu.
Cha nàng, thần sông Peneus, đã nhiều lần bảo nàng :
- Con gái quý của cha, con còn nợ cha một chàng rể và một lũ cháu ngoại.
Và nàng đáp :
- Xin cha yêu quý hãy dung tha cho con điều đó, con muốn là sử nữ suốt đời như Diana.
Cha nàng không ép buộc nhưng cũng nói :
- Chỉ có khuôn mặt của con mới cấm được việc đó thôi.
Apollo say đắm nàng biết là chừng nào. Apollo còn là vị thần tiên tri nữa mà nào có tiên tri nổi ngay số phận mối tình đầu của thần. Nhìn mái tóc xõa phủ trên vai Daphne,
nhìn đôi mắt sáng như sao của nàng, đôi môi thắm như san hô của nàng, cái cổ và đôi cánh tay trần mịn màng của nàng, Apollo những khao khát mộng lứa đôi với nàng sớm thành tựu bèn đuổi theo và nàng hốt hoảng chạy trốn nhanh như gió. Apollo gọi :
- Hỡi con gái của thần Peneus, ta đâu là thú dữ, vì yêu quý nàng mà ta theo đuổi thế này, xin hãy dừng chân. Đừng chạy trốn ta như con cừu non chạy trốn chó sói, như chim câu bay trốn diều hâu. Đừng chạy hấp tấp như vậy lỡ nàng vấp phải đá mà ngã thì lòng ta sầu khổ biết chừng nào. Xin nàng chạy chậm chứ, ta không dám đuổi nhanh nữa đâu. Ta đâu phải là tên hề, ta đâu phải là tên thô tục, ta là con thần Zeus, là chủ đảo Tenedos phì nhiêu trong khoảng biển Aegean, ta là thần ca hát và là chủ cây đàn ly-tao. Mũi tên thần của ta luôn luôn trực chỉ trúng đích, nhưng chính ta lại là nạn nhân một mũi tên oan nghiệt hơn của Eros, ta là thần y dược, ta biết hết các loại cây chữa lành bệnh, mỉa mai thay bệnh ta thì không thuốc nào chữa khỏi.
Daphne không ngừng chạy, nàng càng chạy nhanh càng đầy vẻ quyến rũ, mớ tóc đẹp tung bay theo gió, dáng nàng uyển chuyển nhịp nhàng theo gió. Apollo càng nồng men say đắm quyết tình dượt bắt nàng kỳ được như con chó săn muốn dượt cho kỳ được con thỏ rừng. Apollo đuổi theo Daphne do sức mạnh của tình yêu, Daphne chạy trốn Apollo thúc đẩy bởi lo sợ. Apollo gần bắt kịp nàng. Daphne đã cảm thấy hơi thở của Apollo phà lên tóc.
Nàng tự thấy như sắp ngã khuỵu xuống bèn cất tiếng kêu cứu thần sông :
- Cha ơi hãy mở lòng đất ra cho con chạy xuống, hay hãy biến hình con đi cho con thoát hiểm.
Nàng vừa dứt lời mọi cử động tay chân nàng chợt ngưng đọng, trái tim nàng được nhốt lẩn dưới lần vỏ cây mềm, tay nàng biến thành cành cây, chân nàng thành rễ cây bắt sâu xuống lòng đất, khuôn mặt nàng thành ngọn cây. Apollo sững sờ đứng lại. Tuy đã biến hình thành cây mà vẻ thướt tha kiều diễm của Daphne còn y nguyên.
Apollo âu yếm ôm lấy cây hôn miên man lên thân cây lên cành lên lá thiết tha mà rằng :
- Nàng đã không là vợ ta thì từ nay cành lá nàng ta sẽ kết thành vòng vương miện cho ta, cành lá nàng sẽ dùng để trang điểm cho cây cung thần của ta, cho cây đàn ly tao của ta. Người đời sẽ dùng nàng kết thành vòng chiến thắng, tuổi trẻ của nàng vĩnh viễn với màu lá xanh mướt như nhung.
Nghe vậy tiên nữ Daphne đã biến thành cây nguyệt quế (laurel tree) cúi đầu ưng thuận.
5) HERA VỊ NỮ HOÀNG CẢ GHEN
Hôm đó nữ hoàng Hera ngồi trên thiên đình chợt thấy mây trời tối xầm. Nghi ngờ ngay là chồng mình – thần Zeus – hẳn đương làm điều gì khuất tất, nữ thần bèn quét tan mây quả nhiên thấy thần Zeus đương đứng bên một con bò cái xinh đẹp ngay trên bờ một con sông nước trong như pha lê ; Hera ngờ ngay đó là một nữ thần hay một nữ thế nhân trá hình chi đây. Quả thực đó là nàng Io, con gái của thần sông Inachus. Vì biết bị Hera theo rõi nên Zeus vội biến
nàng tình nhân xinh đẹp thành con bò xinh đó. Hera đã hiện tới vồn vã chào Zeus và khen con bò cái xinh đẹp làm sao, lại hỏi bò đó của ai ? Zeus bèn trả lời cho xong chuyện rằng đó là một sáng tạo phẩm tân kỳ mới từ dưới đất lên. Hera ngỏ lời xin con bò đó như một tặng vật của chồng. Zeus không biết ăn làm sao nói làm sao cho Hera khỏi nghi đành phải vui vẻ nhận lời ngay. Hera đâu đã hết nghi ngờ bèn ủy con bò cái cho tên khổng lồ Argus chăn nuôi. Argus có trăm mắt bao giờ cũng chỉ có một đôi mắt ngủ mà thôi, vì vậy mà Io bị canh chừng thường xuyên. Io không còn lời để kêu cứu cha, không còn tay để van xin Argus. May thay tên nàng ngắn và dễ viết, một lần gặp cha, nàng bèn dùng móng chân nguệch ngoạc tên mình trên mặt cát. Thần sông Inachus nhận ra cô con gái yêu mà thần đã nhọc công tìm kiếm, bèn ôm lấy con, âu yếm hôn lên cổ trắng của con. Argus thấy vậy bèn dắt bò đi nơi khác rồi ngồi trên một mỏm cao để có thể canh chừng được tứ phía.
Zeus cũng xót ruột thương cho cô tình nhân bé bỏng bèn ủy cho thần Hermes (Mercury) hãy sớm tìm bất kỳ diệu kế nào mà giết quách Argus đi cho rồi. Hermes vội vàng cầm gậy ngủ đi dép có cánh, đội mũ xuống trần gian tức khắc. Nơi đây thần giấu dép dấu mũ chỉ còn cầm chiếc gậy ngủ hiện hình như thể một chú mục đồng, vừa chăn bò vừa thổi khèn. Đó là loại khèn Syrinx hay Pandean.
Argus coi bộ thích tiếng khèn đó bèn gọi :
- Này chú chăn bò, chẳng còn nơi nào tốt hơn cho bò gặm cỏ là nơi đây, hãy ngồi dưới bóng mát này với ta.
Hermes bèn chống gậy ngủ tới ngồi kể nhiều chuyện xưa cho Argus nghe, thỉnh thoảng lại đưa ống khèn lên miệng thổi những cung điệu thật êm ả mà cũng thật não nùng. Thời gian đã muộn, một số lớn mắt Argus đã ngủ, nhưng vẫn còn một số mở để canh chừng. Hermes tiếp tục kể thêm những chuyện khác đặc biệt là sự tích cái khèn Syrinx này.
« Nguyên xưa có một nàng tiên của miền rừng suối tên là Syrinx. Biết bao nhiêu thần rừng say mê nàng mà nào nàng có để ý đến ai, chỉ một lòng phục vụ nữ thần Diana trong những cuộc săn bắn. Mà thực dung nhan Syrinx đẹp chẳng kém gì Diana chỉ khác cung của nữ thần Diana thì bằng bạc, mà cung của Syrinx thì bằng sừng. Một lần vừa tháp tùng nữ thần Diana tự một cuộc săn về thì Syrinx gặp thần Pan (Faunus) 10. Thần Pan cũng buông lời ca ngợi vẻ vãn. Syrinx không nghe mà chạy trốn. Pan đuổi theo và bắt kịp nàng trên bờ sông, nàng chỉ kịp kêu cứu các bạn là những nàng tiên suối nguồn. Vì vậy mà khi Pan vừa kịp ôm lấy nàng thì nàng đã biến thành một khóm lau. Pan thất vọng thở dài, không khí chui qua ống lau vang lên tiếng nhạc ai oán. Pan có cảm tình ngay với tiếng nhạc trầm buồn đó mà rằng : « Ít nhất nàng cũng thuộc về ta như vậy ». Nói đoạn Pan lấy mấy ống lau dài ngắn khác nhau ghép lại thành thứ nhạc cụ gọi là khèn Syrinx để kỷ niệm mối tình thần muốn được trao đổi với nàng mà không được ».
Hermes kể dứt lời nhìn Argus thì thấy cả trăm mắt của tên khổng lồ đều ngủ, đầu hắn gục xuống ngực. Hermes chém một nhát, đầu tên khổng lồ rơi lăn lông lốc. Thế là cả
trăm mắt của Argus chẳng bao giờ còn nhìn thấy ánh mặt trời nữa. (Sau này Hera còn tiếc rẻ dùng chúng trang điểm cho lông đuôi loài công là loài chim mà nữ thần rất ưa thích).
Vậy mà Hera chưa hả giận, nữ hoàng còn cho một con mòng (nhặng) đuổi đốt Io khiến nàng phải chạy trốn khắp nơi, qua núi đèo, qua rừng suối, qua đồng lầy, qua biển, chạy mải miết tới bờ sông Nile. Sau cùng Zeus phải cam kết với Hera là không còn lưu luyến nàng nữa, lúc đó Hera mới cho phép Io trở lại nguyên hình, về xum họp với cha và các chị em.
6) HERA VÀ CALLISTO
Thần Zeus đã từng gian díu với Callisto để sinh ra Arcas làm vua xứ Arcadia sau này. Hera biết chuyện bèn thốt lời nguyền :
- Ta sẽ hủy diệt vẻ đẹp của kẻ đã cả gan cướp chồng ta. Rồi biến Callisto thành con gấu.
Chân tay nàng trở thành to lớn lông đen phủ dài, miệng xinh chúm chím của nàng từng được thần Zeus ca ngợi nay biến thành miệng gấu rộng ngoạc với hai chiếc răng nanh to, nhọn hoắt và trắng nhởn. Tiếng kêu thương của nàng biến thành tiếng gầm gừ kinh khủng. Nàng luôn miệng gầm gừ than vãn cho số phận và vẫn cố gắng đứng thẳng chừng nào hay chừng nấy để kêu van cứu vớt và dường như tỏ ý oán than là thần Zeus đã chẳng đoái hoài gì đến việc cứu nàng. Năm tháng tuyệt vọng trôi qua. Bi thảm hơn nữa là
có lần kia nàng đương lang thang trong rừng thì gặp một chàng trai đi săn. Nhận ra đó là đứa con trai đã trưởng thành của mình, nàng dừng lại và tiến tới muốn ôm con, hôn con. Chàng trai hoảng hốt vung giáo lên sắp thẳng cánh phóng vào ngực mẹ mà không biết. May sao Zeus kịp thời nhận ra tấn thảm kịch vội chụp lấy ngăn xa mỗi người một phía rồi đưa cả hai mẹ con lên vòm trời thành hai chòm sao đại hùng tinh và tiểu hùng tinh.
Hera giận lắm, bà muốn trừng phạt Callisto mà rồi cả hai mẹ con Callisto lại được cái vinh hạnh thành những chòm tinh tú trên trời.
Hera bèn đích thân đến yêu cầu thần đại dương Oceanus và nữ thần biển cả Thethys là đừng cho hai chòm sao đó được xuống dầm mình tắm mát trong khoảng biển bao la của hai thần. Vì vậy mà ngày nay chúng ta thấy hai chòm sao Đại-Hùng-Tinh và Tiểu-Hùng-Tinh cứ vần vụ xoay quanh đỉnh trời mà không bao giờ được sa xuống dưới mặt biển mênh mông như các vì sao khác.
7) EROS VÀ PSYCHE
Có một ông vua và bà hoàng hậu kia sinh được ba nàng công chúa. Hai cô chị nhan sắc trên trung bình, nhưng cô út thì thực là đẹp đến chim sa cá lặn, lời phàm không sao tả xiết. Hàng vạn ức người từ các xứ lân cận nườm nượp kéo tới chiêm ngưỡng nhan sắc nàng và hầu như thiên hạ quên khuấy mất nữ thần nhan sắc Aprodite (Venus).
Chính vì vậy mà nữ thần nói :
- Nhan sắc ta bị bỏ rơi rồi sao. Lời Zeus từng công nhận nhan sắc ta còn trên Athena và Hera thành ngoa ngôn rồi sao ? Ta đâu có để kẻ kia tiếm quyền ta dễ dãi như thế được. Rồi đây kẻ đó tới lúc biết hối thì đã muộn.
Aphrodite bèn cho gọi Eros (Cupid) cậu con có cánh của nữ thần tới, nói cho con biết mọi lẽ và yêu cầu Eros hãy đi trả thù cho mẹ bằng cách bắn mũi tên yêu đương vào tim cô gái khiến nàng phải say mê một tên hèn hạ, xấu xí, khốn kiếp nào đó đến phải sượng sùng, xấu hổ, nhục nhằn cho xứng với những vinh quang mà cô gái đó hiện đương được hưởng.
Eros vâng lời mẹ. Tại khu vườn của Aphrodite có hai suối nước, một dòng nước ngọt dịu và một dòng nước đắng cay. Eros đựng đầy hai bình màu hổ phách hai thứ nước khác nhau đó, treo lên chóp túi đựng cung rồi tàng hình bay vào phòng Psyche khi đó đương thiêm thiếp ngủ. Eros nhỏ mấy giọt nước đắng cay lên môi nàng, trong khi chính Eros cũng cảm thấy xúc động trước nhan sắc tuyệt vời của nàng. Kế đó Eros dùng chiếc tên vàng định ấn mạnh vào bên sườn nàng. Nhưng Psyche cũng vừa thức giấc mở mắt vô tình nhìn thẳng vào mặt Eros (lúc đó vẫn tàng hình), khiến chàng giật mình rụt tay lại khiến chính chàng cũng bị thương vì mũi tên của mình. Về vết thương bản thân thì chàng không lo, giờ đây Eros chỉ còn tìm cách cứu gỡ những lỡ lầm về phía nàng. Chàng nhỏ những giọt nước thơm tho lên những lọn tóc tuyệt đẹp của nàng.
Psyche từ lúc bị Aphrodite chau mày đố kỵ, chưa được hưởng lợi lộc gì về tấm nhan sắc chim sa cá lặn của nàng.
Và cũng kể từ đấy, mặc dù vương tôn công tử vẫn dập dìu đông đúc, vẫn không ngớt lời ca ngợi, mà chẳng một ai quyết tâm hỏi nàng làm vợ. Hai chị nàng đã lần lượt thành đôi lứa, duy nàng vẫn phòng không lẻ bóng.
Cha mẹ nàng lo lắng, e nàng đã phạm thượng với vị thần nào chăng, bèn đi xin lời sấm dạy của thần Apollo, thì lời sấm truyền rằng :
- Nàng trinh nữ sẽ không là cô dâu của người thường, mà là cô dâu của một thứ quái vật mà cả thần lẫn người đều không chống nổi. Chú rể hiện chờ đợi nàng trên đỉnh núi cao.
Lời sấm làm bao người rụng rời, cha mẹ nàng lo phiền quá đỗi. Nhưng Psyche thì đã quyết định, nàng nói :
- Thưa cha mẹ yêu quý của con, việc gì cha mẹ phải nhọc lòng vì con. Lẽ ra cha mẹ nên phiền trách những lời thiên hạ đã quá lời khen tặng con là hiện thân của Vệ nữ thần. Con biết chính lời khen đó đã khiến con thành nạn nhân của nữ thần. Số phận đã an bài như vậy con đành cam chịu chứ còn biết tính sao. Xin cha mẹ hãy đưa con lên mỏm đá trên đỉnh cao kia.
Thế là cha mẹ nàng cùng đám dân chúng ngưỡng mộ làm lễ rước cô dâu lên đỉnh núi. Phải nói đó là đám tang sống sầu thảm chứ đâu có phải là đám rước dâu ! Tiếng khóc than nghẹn ngào nức nở khi mọi người xuống núi để lại Psyche một mình trên đỉnh núi hiu hắt, tịch mịch đến rợn người. Chợt thần gió Zephyr thổi tới nâng nhẹ nàng Psyche lên cao rồi lại từ từ hạ nàng xuống một thung lũng xinh hoa
nở ngút ngàn. Tâm trí nàng trở lại bình tĩnh dần, nàng thản nhiên nằm xuống bờ cỏ êm bên suối thiu thiu ngủ. Khi nàng tỉnh dậy, tâm hồn khoan khoái hẳn, nàng nhận ra gần đấy có một đám cây lớn trông rất ngoạn mục, nàng tiến vào thấy khoảng giữa có một dòng nước phun trong mát và ngay sát đấy là một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ làm sao, nhất định không phải chốn ở của thường nhân phàm tục mà phải là của đấng thần linh nào đây. Nàng tò mò đi vào : cột vàng, mái bạc, vòm cao, bốn bề tường là hình vẽ hình khắc những con vật săn, những cảnh đồng quê bát ngát, xung quanh phòng chính này còn nhiều phòng khác chứa biết bao phẩm vật cũng như ngọc ngà châu báu.
Trong khi nàng đắm đuối xem ngắm như vậy thì có tiếng ai vô hình thì thầm bên tai :
- Thưa lệnh bà, lâu đài, phẩm vật, ngọc ngà châu báu, tất cả đều là của lệnh bà. Giờ xin lệnh bà hãy lên nằm nghỉ trên giường êm kia, khi tỉnh giấc lệnh bà đi tắm, rồi tới gian bên đây ngồi lên ghế là chúng tôi dọn bữa.
Sau khi ngủ một giấc ngon lành trên giường êm nệm ấm, Psyche tắm mát rồi sang gian bên ngồi xuống ghế. Tự nhiên bàn ăn đưa tới sơn hào hải vị cùng rượu quý ngạt ngào trong khi đó tiếng đàn tiếng sáo nhịp nhàng hòa với lời đồng ca.
Đời sống thần tiên như vậy nhưng Psyche vẫn chưa hề được nhận rõ mặt chồng nàng. Bao giờ chàng cũng đến vào lúc đêm tối và ra đi trước bình minh. Lời chàng trong đêm tối đầm ấm thiết tha làm sao. Đã nhiều lần nàng khẩn
khoản chàng hãy cho nàng biết mặt, nhưng chàng nói đó là điều tối kỵ, không bao giờ nàng được nuôi hy vọng nhận biết mặt chàng. Vả lại cần gì phải biết, nàng có điều gì không hài lòng đâu, nàng nghi ngờ tình yêu của chàng sao. Rất có thể khi biết mặt chàng, nàng sẽ sợ hoặc sẽ kính trọng, nhưng chàng chỉ muốn nàng yêu chàng như yêu một người chứ không kính sợ chàng như một thần linh.
Lời chàng nói nghe cũng xuôi tai. Psyche yên lòng. Qua một thời gian hạnh phúc, nàng nhớ và thương cha mẹ ở nhà vẫn lo lắng vì không biết số phận nàng ra sao, nhớ hai chị và muốn hai chị được biết nếp sống nhàn hạ thần tiên của mình. Một đêm kia nàng bày tỏ nỗi lòng sầu muộn với chàng và ngỏ ý xin chàng cho đón hai chị tới với nàng ít bữa. Chàng miễn cưỡng ưng thuận. Thần Zephyr được lệnh truyền. Quả nhiên hai chị nàng được đưa tới. Được chứng kiến nếp sống thần tiên của em, hai người chị nảy lòng đố kỵ. Lại khi được em thú thật là chỉ gặp chồng trong đêm tối nên vẫn chưa biết mặt chồng, thì hai chị nhắc lại lời sấm truyền xưa, nêu ngay nghi vấn chồng em là một quái vật, không chừng là con rắn khổng lồ thành tinh như lời đồn đại, khuyên em hãy dấu sẵn một con dao thật nhọn, thật sắc cùng một cái đèn rồi vào lúc chồng ngủ say thì soi đèn lên nhận mặt, nếu quả là quái vật thành tinh thì cắt lấy đầu ngay để trừ hậu họa cho mình về sau.
Psyche thoạt hết sức phản đối lời xui đó, nhưng khi hai chị nàng đã về rồi trí tò mò của nàng nổi dậy thúc đẩy ngày một mạnh, sau cùng vào một đêm kia đúng lúc chồng đang ngủ say nàng bèn đốt đèn lên. Dưới ánh đèn chồng nàng
đâu là quái vật, trái lại một thiên thần đẹp nhất trong các hàng thiên thần, tóc vàng từng cụm quanh cổ, bên hai vai là hai chiếc cánh nhỏ trắng như tuyết và mịn như cánh hoa xuân. Trong khi nàng say đắm ngắm vẻ đẹp thiên thần, một giọt dầu tự đèn rơi nóng xuống vai, thiên thần sực tỉnh ngỡ ngàng nhìn vợ rồi hiểu chuyện, không nói một lời xoè đôi cánh trắng bay ra khỏi cửa sổ. Psyche vùng đuổi cố níu xin theo chàng nhưng không được, ngã xuống đất.
Eros dừng cánh nói :
- Psyche, nàng thật điên dại ! Ta đã không tuân lời mẹ ta và lấy nàng làm vợ, nàng còn nghĩ ta là quái vật mà muốn chặt cổ ta sao ? Giờ thì nàng hối cũng chẳng kịp, hãy trở về với hai cô chị mà nàng tin theo tình nghĩa giữa ta với nàng đến đây là hết, tình yêu không thể sống chung với nghi kỵ !
Psyche phủ phục xuống đất khóc than, khi nàng ngẩng lên thì lâu đài vườn suối đều biến đi đâu mất cả, nàng thấy mình đương nằm phủ phục trên một cánh đồng quang đãng ngay gần nơi hai chị ở. Psyche tìm gặp hai chị kể hết sự tình. Hai chị không những không thương lại còn tự nghĩ : « Có thể là bây giờ thiên thần đó chọn đến mình ». Rồi không ai bảo ai hai cô chị lần lượt lên đỉnh núi khấn thần Zephyr hãy đón mình đến với thiên thần, rồi nhảy xuống. Thần Zephyr nào có tới đón đi : hai cô chị ngã nát thây dưới đáy vực.
Trong khi đó Psyche đêm quên ngủ ngày quên ăn cứ thế lang thang đi tìm chồng. Ngắm một ngôi đền nguy nga trên
đỉnh cao một ngọn núi, Psyche nghĩ biết đâu chồng nàng lại chẳng có trên đó. Nàng bèn lần lên thì thấy bên trong có hai đống lúa, một đống lúa mì ném vô trật tự, một đống lúa mì đã được buộc gọn thành từng bó nhưng có lẫn lúa mạch. Lại thấy liềm và cào để ngổn ngang bừa bãi ngoài sân tựa như những người thợ gặt vì quá mỏi mệt trong một ngày oi bức đã bỏ bê ra thế chưa kịp dọn dẹp. Psyche bèn thu xếp cho gọn vì nàng nghĩ rằng chốn thờ phụng thần linh cần giữ cho tôn nghiêm trật tự. Thì ra đó là đền thờ nữ thần Demeter (Ceres).
Thấy Psyche biết giữ đạo tôn kính thần linh như vậy, nữ thần ban lời khuyên nhủ :
- Psyche ngươi thật đáng thương. Ta không thể che chở cho ngươi chống lại sự phẫn nộ của Aphrodite, tuy nhiên ta có thể chỉ dẫn cho ngươi cách làm nguôi lòng Aphrodite : ngươi hãy đích thân đến quy thuận hầu hạ nữ thần. Với lòng nhẫn nhục đó ta tin rằng ngươi sẽ được nữ thần rủ lòng thương mà cho phép tái hợp với chồng ngươi.
Psyche đã tuân theo lời nữ thần Demeter mà tới đền thờ Aphrodite. Nữ thần này giận dữ hỏi :
- Có thật ngươi đến để hầu hạ ta hay chỉ cốt đến để tìm chồng, hiện y đương thương đau sầu não vì chính ngươi. Nếu thực tình ngươi tới đây để chuộc lỗi, ngươi phải chăm chỉ lắm, cần mẫn lắm. Để ta thử xem.
Nói đoạn nữ thần dẫn Psyche tới kho chứa ngũ cốc : lúa mì, lúa mạch, vừng, đỗ trộn lẫn lộn làm lương thực nuôi lũ chim câu. Nữ thần ra lệnh :
- Psyche, nội trong ngày nay ngươi hãy lọc lại cho ta đống ngũ cốc này thứ nào riêng thứ ấy. Chiều nay ta về, ngươi phải làm xong rồi.
Nói đoạn Aphrodite đi liền.
Psyche ngồi lại sững sờ, chân tay không hề động đậy vì tự biết không tài nào làm nổi việc đó.
Eros vẫn theo dõi hành động người vợ yêu của mình, lúc đó bèn kích thích đám kiến xúc động từ tâm mà tới giúp Psyche. Kiến chúa huy động toàn thể đám thần dân sáu chân của mình hàng hàng lớp lớp tiến tới cần cù làm công việc lọc đống ngũ cốc lẫn lộn đó phân riêng ra từng đống thứ nào đi thứ ấy. Công việc xong đám kiến rút lui có trật
tự.
Aphrodite dự tiệc trên thiên đình trở về vào lúc hoàng hôn, nhận thấy công việc giao phó đã được chu toàn mỹ mãn, nữ thần sẵn giọng với Psyche :
- Ta biết việc này, chính người chồng đương thương đau sầu não của ngươi giúp ngươi, chứ tài sức ngươi làm sao chu toàn nổi.
Tuy nhiên nữ thần cũng cho Psyche miếng bánh đen để ăn cho đỡ đói lòng.
Sớm hôm sau nữ thần cho gọi Psyche tới bảo rằng :
- Hôm nay ngươi hãy tới khu rừng ven theo dòng nước kia, ngươi sẽ thấy một đàn cừu lông vàng lấp lánh trên lưng, không có người chăn, ngươi hãy thu thập cho ta một
bó lông cừu vàng gồm đủ mẫu lông của từng con trong đám cừu đó.
Psyche ngoan ngoãn tuân theo lời nữ thần tiến tới bờ sông hăm hở muốn sang sông để thực hiện công việc được giao phó thì tựa như tiếng dòng nước chảy hòa với tiếng thì thầm của ngàn lau thành lời nhắn nhủ :
- Hỡi nàng kiều nữ, đừng dại dột lội qua dòng nước nguy hiểm này, và cũng đừng dại dội tới gần đàn cừu vào lúc mặt trời đương lên, bởi vào lúc này đàn cừu hung hăng không khác một đàn thú dữ, hễ gặp người là chúng húc hoặc ngoạm chết tươi. Nàng hãy chịu khó đợi mặt trời lên đến chính ngọ, lúc đó đàn cừu bảo nhau tìm tới nghỉ ngơi dưới bóng cây, thần sông hát ru cho chúng ngủ, lúc đó nàng qua sông dễ dàng và chỉ việc tới lượm những lông cừu dính ở thân cây, ở các bụi rậm.
Psyche theo đúng lời chỉ dẫn của thần sông, quả nhiên nàng thu lượm được thành quả mỹ mãn. Nhưng nào nữ thần Aphrodite có ban khen nàng, trái lại còn đay nghiến :
- Ta biết việc này cũng chẳng phải tự người làm nổi. Ta còn một công việc nữa giao phó cho ngươi. Hãy cầm cái hộp này đi xuống âm phủ tìm gặp Persephone xin nàng hãy gửi tặng ta chút ít nhan sắc của nàng. Ngươi khá nói rõ nguyên do vì ta mải săn sóc cho đứa con trai thương đau sầu muộn của ta mà nhan sắc ta hiện bị suy giảm đôi phần. Ngươi hãy đi ngay, ta cần gấp cái đó, chiều nay ta đã phải lên Thiên đình hội họp với chư thần.
Psyche nghĩ số phận nàng đến đây vô phương cứu chữa, làm sao nàng đích thân xuống âm phủ gặp vợ Diêm chúa là nàng Persephone cho được. Nàng bèn lên đỉnh một tháp cao định đâm đầu xuống tự vẫn, đó là cách xuống âm phủ bằng đường gần nhất.
Chợt nàng nghe có giọng nói :
- Hỡi nàng thiếu nữ bạc phước đáng thương, sao nàng vội tính chuyện tự kết liễu cuộc đời một cách thê thảm như vậy khi mà những khó khăn trước nàng đã dễ dàng vượt qua.
Kế đó giọng nói tiếp tục chỉ cho nàng biết chọn hang nào có đường đưa xuống âm phủ, phải biết gìn giữ ra sao để tránh mọi hiểm nguy dọc đường, phải biết cư xử như thế nào để qua mặt được con chó ba đầu canh giữ cửa vào âm phủ, phải nói như thế nào để thuyết phục thần Charon khiến thần này chịu chở thuyền cho qua sông rồi lại đón về.
Sau cùng giọng nói ân cần dặn Psyche :
- Nhưng có điều này nàng phải ghi nhớ kỹ là khi đã được Persephone trao cho hộp có đựng nhan sắc của nữ vương thì trên đường về nàng tuyệt đối không được tò mò mở hộp ra xem.
Psyche đã tuân đúng theo lời chỉ dẫn tới gặp Persephone, được nữ vương trao lại cho chiếc hộp có đựng nhan sắc và nàng trở lại dương gian. Thấy mình thành công quá dễ dàng Psyche nảy ý tò mò muốn mở hộp ra xem chất nhan sắc ra sao.
Nàng tự nhủ :
- Tại sao ta đã mang được chiếc hộp quý giá này về mà lại không lấy ra một chút nhan sắc thoa lên má cho thêm duyên với người chồng yêu qúy của ta nhỉ.
Và nàng thận trọng mở hé hộp ra. Nhưng trong đó nào có nhan sắc gì, mà chỉ là khí âm lạnh của con sông âm phủ Styx bị nhốt gọn nay nắp hộp mở ngỏ hơi âm lạnh thoát ra choán lấy Psyche khiến nàng xây xẩm mặt mũi ngã xuống bất tỉnh giữa đường.
May sao Eros khi đó vừa lành khỏi vết thương đau, vội luồn qua khe cánh cửa sổ bỏ ngỏ bay thẳng xuống nơi người vợ yêu của chàng đương nằm bất tỉnh. Eros thu thập khí âm lạnh tản mạn trong cơ thể Psyche, nhốt lại vào hộp đậy kín như cũ rồi dùng một mũi tên của chàng đánh thức nàng dậy mà rằng :
- Lại một lần nữa nàng tự hại mình vì tính tò mò cố hữu đó. Thôi nàng hãy mang hộp này về trao gấp cho mẹ ta, mọi sự về sau ta sẽ lo liệu.
Đoạn Eros bay thẳng lên thiên đình, tìm gặp vị thần chúa tể Zeus trình bày hết mọi chuyện và cầu khẩn thần Zeus hãy bênh vực cho đôi lứa. Thần Zeus đồng ý, và thuyết phục được Aphrodite.
Sau đó thần sai nữ thần Hermes xuống đón Psyche lên Thiên đình và trước chư vị thần linh thần Zeus rót chén bồ đào trao cho Psyche mà rằng :
- Con hãy uống chén rượu tiên này để trở thành bất tử. Từ nay chuyện đôi lứa của con với Eros sẽ không còn gặp cản trở nào nữa, các con sẽ sum vầy với nhau mãi mãi.
Psyche thỏa niềm ước mong từ đấy, chẳng bao lâu nàng sinh hạ được cô gái mang tên là nàng Lạc Thú.
CHÚ THÍCH : Truyện chàng Eros và nàng Psyche trong thần thoại Hy Lạp được coi là hàm ngụ ý nghĩa tượng trưng như sau : Psyche tiếng Hy Lạp có nghĩa là bươm bướm và cũng còn có nghĩa là linh hồn. Thiết tưởng không còn hình ảnh tượng trưng nào đẹp hơn khi biểu lộ sự bất tử của linh hồn bằng hình ảnh con bướm thoát khỏi kiếp xấu xí, hèn mọn vẫy đôi cánh rực rỡ bốc lên cao giữa ánh sáng chan hòa và nuôi thân bằng những nhụy hoa xuân thơm ngát và bất tận. Psyche chính là linh hồn nhân loại được chuốt lọc và thanh khiết hóa qua bao khổ đau bất hạnh để rồi sau cùng được hưởng niềm vui chân tình và trong sạch.
8) PHAETHON VÀ NGỰA CỦA THẦN MẶT TRỜI Cậu Phaethon giận sôi lên. Các bạn chọc cậu hoài khi nghe cậu tự khoe là con Mặt Trời. Nhưng đó là sự thực mà ! Mẹ cậu, nữ hải tinh Clymene, đã nói với cậu bao lần như vậy.
Bà thường chỉ vào Mặt Trời đang chiếu sáng mà bảo cậu :
- Cha con đó, người cha lẫy lừng của con đó. Nhìn xem cha con lái chiếc xe ngựa khéo léo làm sao !
Giờ đây mặt Phaethon đỏ bừng vì hổ thẹn và tức giận, cậu đứng trước bà mẹ van xin :
- Thưa mẹ, nếu quả con là con Mặt Trời, xin mẹ cho con bằng chứng !
Bà Clymene trả lời :
- Mẹ biết lấy bằng chứng nào cho con bây giờ ? Rồi bà giơ lên trời, nghiêm trang nói :
- Mẹ xin Mặt Trời đang nhìn xuống chúng ta đây làm chứng cho mẹ. Nếu mẹ nói sai, thì đây là lần cuối mẹ nhìn thấy ánh sáng mặt trời ! Nhưng sao con không đi hỏi thẳng cha con ? Phần đất nơi Mặt Trời mọc rất gần đây. Con nên đi hỏi Apollo xem có đúng con là con trai của Người không ?
Mặt Phaethon sáng lên. Cậu lên đường đi ngay tới Ấn-Độ và chả bao lâu, cậu đứng trước tòa lâu đài rực rỡ của Mặt Trời.
Tim cậu đập mạnh vì kiêu hãnh, cậu hy vọng và ngạc nhiên khi ngắm nhìn hàng cột cao vút, những phiến đá quý chiếu lấp lánh, trần nhà bằng ngà voi đánh bóng, cửa toàn bằng bạc. Nhưng cậu không thể dừng lại lâu hơn nữa để ngắm nhìn cảnh trời, đất, biển cả mà Hephaestus đã khéo léo đúc luyện thành hình nổi trên tường. Cậu sốt ruột quá rồi. Cậu chạy như bay lên bậc thềm, vào một phòng rộng. Tới đó cậu buộc lòng phải ngừng vì ánh sáng chói lòa quá. Ở cuối phòng cậu nhìn ra một vị thần, mặc áo đỏ, ngồi trên ngai bằng kim cương lấp lánh. Hai bên có quần thần đứng chầu. Đó là những thần Ngày, Tháng, Năm, Giờ và Mùa.
Thần Mùa Xuân kết hoa trên đầu, thần Mùa Hạ phục sức bằng những bông lúa vàng, thần Mùa Thu mình tưới rượu nho, còn thần Mùa Đông có những lọn tóc trắng như tuyết.
Vị thần nhìn thấy cậu bé đứng ở cửa mới hỏi to : - Ai đem nhà ngươi tới đây ?
Cậu bé bật trả lời :
- Hỡi ánh sáng của thế giới vô bờ, kính thưa ngài Phoebus, cha thân yêu của con, con là Phaethon, con van xin cha hãy cho con bằng chứng để mọi người phải công nhận rằng con đích thực là con của cha.
Thần Apollo bấy giờ mới bỏ những tia sáng chói lòa ở trên đầu xuống. Rồi ngài nói :
- Hãy lại gần đây con yêu dấu của ta.
Rồi ngài ôm ghì lấy Phaethon và tiếp :
- Cha xác nhận điều mẹ con đã nói với con. Để chấm dứt mọi nghi ngờ trong lòng con, cha xin thề bên dòng sông Styx-nơi (các chư thần vẫn thề)-là cha sẽ ban cho con bất cứ điều gì con muốn.
Nghe vậy Phaethon vội xin :
- Vậy con xin cha hãy cho con lái chiếc xe mặt trời của cha trong một ngày thôi.
Thần Phoebus Apollo giật mình lắc đầu bốn lần, vì lời yêu cầu của con. Rồi thần nói bằng một giọng đầy hối hận :
- Cha đã nói lỡ, cha đành phải từ chối lời yêu cầu này của con. Hãy chọn điều khác ! Điều con vừa yêu cầu không
thích hợp với tuổi và sức khỏe của con đâu. Không một ai, kể cả thần Zeus đuổi được sấm chớp, lái được chiếc xe ngút lửa này ngoại trừ cha, và ngay cả cha cũng phải cố gắng hết mình. Đường đi lúc khởi hành dốc đến nỗi ngựa khó khăn lắm mới trèo lên được, ấy là lúc đó ngựa còn rất khoẻ. Đi được nửa đường, thì xe ở quá cao đến nỗi cha đứng thẳng trên xe mà cũng thấy chóng mặt không dám nhìn xuống mặt đất. Còn đoạn đường chót thì lại dốc xuống quá đến nỗi các hải-thần đón cha về cứ băn khoăn không hiểu làm sao mà cha giữ được khỏi ngã. Nếu cha cho con mượn cỗ xe, làm sao con cầm nổi cương ngựa mà đi được ? Con lầm tưởng rằng con sẽ được đi qua nơi chư thần ở. Không đâu, trái lại con sẽ gặp toàn những ác quỷ kinh dị : Con Bò mộng, con Sư tử, con Bọ cạp, và con Cua càng… Thôi con nhé. Con đòi cha cho bằng chứng con là quý tử của cha, vậy nỗi lo âu của cha đây không phải là bằng chứng xác đáng sao ? Cha phải giữ lời thề nhưng cha xin con hãy lựa chọn khôn ngoan hơn ! Hãy nhìn quanh toàn thế giới này và hãy lựa cái gì quý giá nhất, cha chỉ khuyên con đừng đòi lái xe mặt trời.
Phaethon lắng nghe, nhưng cậu cương quyết không thay đổi lời yêu cầu. Và thần Apollo đành dẫn cậu tới chỗ để cỗ xe. Cỗ xe này cũng là công trình của thần Hephaestus, một công trình tuyệt xảo. Trục xe và bánh xe toàn bằng vàng, nan hoa xe bằng bạc, chỗ ngồi lấp lánh ánh lục thạch và kim cương. Nhưng cậu không còn thì giờ ngắm cỗ xe lộng lẫy nữa vì Binh-Minh đã mở rộng cánh cửa phương Đông. Các vì sao mờ đi và quả đất bắt đầu sáng. Mặt Trăng ra lệnh
đóng yên cương ngựa và thần Giờ thả những con vật bốn cánh ra khỏi chuồng. Thần Phoebus lấy lọ thuốc ra, tự tay thoa thuốc lên mặt Phaethon rồi đặt những tia nắng lên đầu cậu.
Ngài dặn :
- Con không cần dùng roi nhiều. Ngựa chạy nhanh lắm. Hãy cầm cương cho chắc. Hãy theo dấu xe, đừng lên cao quá kẻo con sẽ đốt cháy nhà cửa của chư thần, cũng đừng xuống thấp quá e rằng trái đất sẽ phát hỏa. Cha đành phó mặc con cho số phận. Hãy cầm cương đi, không thể chậm trễ được nữa.
Phaethon lắp bắp cám ơn cha rồi nhảy phắt lên xe và nắm lấy dây cương. Chà, giá mà các bạn cậu thấy được cậu lúc này nhỉ !
Trong khoảnh khắc, cánh đồng bằng vô tận trải dài trước mắt cậu. Đoàn ngựa dũng mãnh lướt qua mây, nhanh hơn gió bình minh. Nhưng chẳng bao lâu, chúng cảm thấy bàn tay lạ cầm cương, thế là chúng hí lên và cứ thế đâm thẳng phía trước, bỏ cả lộ trình ấn định. Cỗ xe lắc lư, nhồi lên nhồi xuống. Phaethon nhìn xuống đất mặt tái lại, hai chân run lên, đầu choáng váng, mắt mờ đi. Biết vậy nghe lời cha không đòi cưỡi xe. Nhưng bây giờ thì cậu không thể lựa chọn lại được nữa. Cậu phải tiếp tục, đành như con thuyền nổi trôi trong cơn bão táp.
Cậu mở mắt sợ hãi nhìn quanh. Cậu muốn gọi ngựa nhưng cậu lỡ quên tên chúng. Tim cậu đập như trống làng, cậu cố nghĩ phải làm gì. Không biết cậu nên cầm chặt dây
cương hay nới lỏng ra. Cậu còn đang lưỡng lự thì dây cương tuột khỏi tay. Đám ngựa xổng cương cứ thế chạy như bay lên vùng xa lạ trên trời rồi chạy tuột xuống gần tới mặt đất. Mây bốc khói, các ngọn núi bốc lửa, đồng ruộng cháy xém, Toàn thế giới phát hỏa.
Nhìn lửa bốc lên, cậu thấy nóng không chịu nổi. Cậu thở như thở trong lò lửa. Nước biển cạn, cá phải lặn xuống đáy.
Sau cùng trái đất không chịu nổi nóng mới kêu cầu thần Zeus :
- Kính lạy vị thần chúa tể của chư thần hãy cứu chúng tôi khỏi ngọn lửa ác nghiệt !
Nghe xong thần Zeus mới lên tháp cao cho nổi sấm chớp, thần ném một tia chớp vào Phaethon làm cậu ngã nhào đâm thẳng xuống đất như một ngôi sao đổi ngôi, tóc bốc lửa… Và xa xa dưới đất dòng sông Eridanus đón nhận thân thể gãy vụn và đen như than của cậu.
9) VỢ THẦN PLUTO
Ở sâu dưới lòng ngọn núi Aetna, các thần đã chôn sống một số ngưòi khổng lồ khạc ra lửa. Đám người này cố vùng vẫy để thoát thân. Họ vùng vẫy mạnh đến nỗi đất rung chuyển và thần Pluto, vua trị vì cõi âm, phải kinh hoảng. Thần nghĩ : « Họ có thể xẻ đôi ngọn núi và để lộ cõi âm ra ánh sáng mặt trời ». Rồi thần cỡi cỗ xe ngựa vàng lên khỏi mặt đất xem có hư hao gì không ?
Vị nữ thần Tình Yêu và Mỹ Lệ, tức nữ thần Aphro-dite đang ngồi trên sườn núi chơi với cậu con trai Eros, nhìn thấy
thần Pluto cỡi xe mải miết đi vòng quanh.
Nữ thần bèn bảo con :
- Này con kẻ kia thách thức mẹ con ta đấy. Lẹ lên con, hãy giương cung và bắn một mũi tên vào giữa ngực tên Hắc vương đó. Mẹ con ta phải cho hắn nếm mùi vị yêu đương.
Nghe lời mẹ, cậu Eros đứng thẳng dậy, lựa một mũi tên nhọn nhất và chính xác nhất lắp vào cung rồi bắn thẳng vào tim thần Pluto.
Thần Pluto đã gặp nhiều thiếu nữ đẹp ở cõi âm. Nhưng tim thần chưa hề rung động. Giờ đây tự nhiên một luồng hơi ấm lan trong huyết quản. Đôi mắt lạnh lùng của thần dịu lại. Trước mặt thần là một thung lũng nở đầy hoa, và kìa một nàng con gái đang hái hoa. Nàng tên là Persephone con gái của Demeter nữ thần Mùa Màng. Nàng vừa lạc khỏi đám bạn giỏ của nàng đầy hoa, nàng mải xếp những bông hoa tím vào vạt áo. Thần Pluto ngắm thiếu nữ và cảm thấy yêu nàng ngay. Thần bèn giơ tay ra cắp lấy nàng và lái xe đi nhanh. Nàng Persephone kêu thét lên : « Mẹ ! Mẹ ! » Hoa ở vạt áo nàng rơi lả tả xuống đất. Rồi nàng gọi tên từng người bạn. Nhưng thần Pluto đi nhanh quá nên không ai nghe được tiếng nàng. Phút chốc xe tới dòng sông Cyane. Nàng Pessephone cố vùng vẫy, dây lưng của nàng tuột ra rơi xuống đất. Tới đây thần Pluto cầm cây đinh ba đập mạnh xuống bờ sông. Mặt đất nẻ ra, thế là cả người và ngựa đi xuống lòng đất.
Nữ thần Demeter tìm con gái khắp nơi mà không thấy. Sau cùng quá mệt mỏi và thất vọng thần quay về Sicily, và
đứng bên dòng sông Cyane, đúng chỗ thần Pluto xẻ đất. để xuống cõi âm. Một nữ thủy thần đã nhìn thấy thần Pluto cùng nàng Persephone muốn mách nữ thần Demeter nhưng lại sợ nên đành câm nín. Trước đây nàng đã nhặt được sợi dây lưng của Persephone bèn gửi sóng đưa đẩy tới chân nữ thần Demeter. Bấy giờ nữ thần mới chắc là con gái mình đã mất tích thực, nhưng vẫn không ngờ thần Pluto đánh cắp con. Chẳng biết sao nữ thần lại giận mặt đất vô tội.
Nữ thần nói :
- Hỡi đất vô ơn ! Ta làm cho ngươi phì nhiêu, ta may áo bằng cỏ và hạt ngũ cốc cho ngươi, vậy mà giờ đây ngươi đối xử với ta như vậy đó – ngươi đừng hòng ta ban ơn cho nữa !
Năm đó thật là một năm kinh hoàng. Cây cối không đâm chồi nảy lộc, súc vật chết, hạt giống không nảy mầm, người và trâu bò làm việc vô hiệu. Khi nắng thì nắng gắt, khi mưa thì mưa dầm. Chỉ có cỏ may và cỏ lau là mọc nổi.
Loài người cơ hồ sắp chết đói đến nơi. Thần Zeus trên thiên đình nói :
- Tình thế này không thể kéo dài được, ta phải can thiệp vậy.
Rồi thần Zeus sai từng vị thần xuống thuyết phục nữ thần Demeter nhưng nữ thần một mực trả lời :
- Chỉ khi nào ta tìm thấy con gái ta thì đất mới lại sinh hoa lợi được.
"""