"Thách Đố Của Thế Kỷ XXI - Liên Kết Tri Thức - Edgar Morin & Chu Tiến Ánh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tham Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thách Đố Của Thế Kỷ XXI - Liên Kết Tri Thức - Edgar Morin & Chu Tiến Ánh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tham Khảo] Ebooks Nhóm Zalo Bìa Sau THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ XXI LIÊN KẾT TRI THỨC EDGAR MORIN (Chủ biên) Sách được viết trên cơ sở những cuộc Hội thảo chuyên đề “Nên giảng dạy những tri thức gì ở các trường trung học?” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Pháp bảo trợ. Các nhà khoa học, triết học và giáo dục suy tư về những vấn đề cơ bản của cải cách giáo dục trước những thách đố của thế kỷ XXI. Liên kết tri thức là câu trả lời cho những thách đố về tri thức, là cải cách tư duy, thay đổi căn bản tư duy giáo dục. Cuốn sách này được xuất bản trong khuôn khổ chương trình hợp tác xuất bản với sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa và Hợp tác của Đại sứ quán Pháp tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Cet ouvrage, publié dans le cardre du programme de participation à la publication, bénéficie du soutien du Centre Culturel et de Coopération de l’Ambassade de France en République Socialiste de Vietnam THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ XXI LIÊN KẾT TRI THỨC EDGAR MORIN Chủ biên LE DÉFI DU XXIE SIÈCLE RELIER LES CONNAISSANCES CHU TIẾN ÁNH – VƯƠNG TOÀN Dịch PHẠM KHIÊM ÍCH Biên tập & Giới thiệu NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI Tác phẩm này được xuất bản dựa trên Những ngày hội thảo chuyên đề do Bộ Giáo dục Quốc gia, Nghiên cứu và Công nghệ tổ chức trong khuôn khổ cuộc tư vấn toàn quốc: “Nên giảng dạy những tri thức gì ở các trường trung học?” với sự cộng tác của các tổ chức: Le Monde de l’éducation, de la culture et de la formation Association pour la Pensée complexe (APC – Paris) Mécénat Carrefour Universidade Candido Mendes (Rio de Janeiro - Brasil) Nguyên tác: Le défi du XXIe siècle RELIER LES CONNAISSANCES Journées thématiques conçues et animées par EDGAR MORIN Paris, du 16 au 24 mars 1998 ÉDITIONS DU SEUIL 1999 HIỆP HỘI CÂU LẠC BỘ UNESCO VIỆT NAM Chương trình Dịch thuật, Thông tin Khoa học Xã hội và Nhân văn TẦM NHÌN UNESCO LỜI GIỚI THIỆU CẢI CÁCH GIÁO DỤC TRƯỚC THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ XXI Edgar Morin là nhà xã hội học, nhân học và triết học nổi tiếng, hiện là Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (CNRS) nước Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hiệp hội Tư duy phức hợp (APC - Paris). Ông là tác giả của 50 cuốn sách viết về nhiều lĩnh vực, được xếp thành 8 loại, trong đó loại sách “Cải cách” (“Réforme”) gồm 3 cuốn, xuất bản liên tiếp trong hai năm 1999 và 2000 khi nhân loại bước sang thế kỷ XXI. Đó là cuốn La Tête bien faite (Bộ óc được rèn luyện tốt), Les Sept Savoirs nécessaires à l’éducation du futur (Những hiểu biết cần thiết về nền giáo dục của tương lai) và cuốn sách mà bản dịch được giới thiệu ở đây. Tổ chức UNESCO đánh giá rất cao những cống hiến to lớn của Edgar Morin cho khoa học và giáo dục. Trong buổi lễ tôn vinh Edgar Morin nhân dịp ông 80 tuổi được tổ chức trọng thể tại trụ sở UNESCO ở Paris ngày 10-7-2001, ông Tổng giám đốc UNESCO Koïchiro Matsuura nhấn mạnh rằng Edgar Morin “là người cha đẻ của tư duy phức hợp và là nhà cải cách lý trí con người” (“le père de la pensée complexe et un réformateur de l’entendement humain”). Bộ giáo dục Quốc gia nước Cộng hòa Pháp đã chọn mặt gửi vàng khi mời Edgar Morin tham gia Hội đồng khoa học và chủ trì “Những ngày hội thảo chuyên đề” bàn về một trong những vấn đề hệ trọng của giáo dục, cần có sự tư vấn toàn quốc: “Nên giảng dạy những tri thức gì ở các trường trung học?”. Bản thân Edgar Morin cũng nói rằng “sở dĩ tôi được chọn, chính là vì các ý tưởng của tôi”. Ông chủ trương phát triển tư duy phức hợp, cải cách tư duy, cải cách giáo dục để trả lời những thách đố của thế kỷ XXI. Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ đâu và bao hàm những nội dung gì? Nhiều người cho rằng phải bắt đầu từ đổi mới chương trình giáo dục, chỉ cần giao cho một số người tiến hành soạn thảo chương trình mới, tùy theo bộ môn khoa học của mình. Đó vẫn là cách làm cũ kỹ. Nếu thế thì chẳng cần luận bàn, chẳng cần có cuộc tư vấn toàn quốc về giáo dục này làm gì. Edgar Morin nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Những ngày hội thảo chuyên đề này không nhằm mục đích sau cùng là soạn thảo chương trình, mà là kích thích sự suy tư, bởi lẽ suy tư là cái thiếu hụt nhiều nhất” (tr. 603). Suy tư về giáo dục trước hết là suy tư về người thầy. Câu hỏi “Nên giảng dạy những tri thức gì ở các trường trung học?” là câu hỏi đặt ra cho toàn ngành giáo dục, trước hết cho các trường đại học và cao đẳng sư phạm, nơi đào tạo ra các giáo viên dạy trung học (professeur de lycée). Chính vì vậy mà cải cách giáo dục phải đột phá từ cải cách giáo dục Đại học. Edgar Morin nói rằng: “Nếu trong lĩnh vực này cần tiến hành cải cách thì phải nhằm vào Đại học; vả chăng từ trước đến nay trong đầu óc tôi chưa hề bao giờ coi giáo dục trung học là một thế giới khép kín và duy nhất cần xem xét lại cách thức trình bày các tri thức” (tr. 604). Suy tư về giáo dục cần phải tập trung chủ yếu vào mục đích, vào cứu cánh của nó. Các tác giả cuốn sách này cùng chia sẻ một quan niệm chung về mục đích cuối cùng của giáo dục: 1/ Hình thành những khối óc được rèn luyện tốt (la Tête bien faite), đào tạo những con người đủ năng lực tổ chức các tri thức, chứ không phải tích lũy các hiểu biết theo kiểu chất đầy vào kho; 2/ Giáo dục về hoàn cảnh con người (condition humaine), làm cho mỗi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người; 3/ Học cách sống, chuẩn bị cho thế hệ trẻ biết đối mặt với những khó khăn, bất trắc và những vấn đề của tồn tại con người; 4/ Thực tập tư cách công dân, hình thành và phát huy ở mỗi người tư cách công dân nước Pháp, đồng thời tư cách công dân châu Âu và tư cách công dân toàn Trái Đất, có năng lực đối thoại, khoan dung trong một thế giới đa dạng hơn bao giờ hết (xem tr. 31-35; tr. 334; tr. 593-598). Nền giáo dục hiện đại phải dạy cho con người biết học cách học, học cách làm, học cách tổ chức các tri thức, liên kết các tri thức, nhằm nâng cao hiệu quả hành động của mình. Nói về mục đích cơ bản của giáo dục, nhà sinh học Joël de Rosnay, một chuyên gia về ứng dụng lý thuyết hệ thống nhấn mạnh: “Học để học là một chuyện. Học để làm là một chuyện khác. Học để quán triệt các kết quả và các mục đích của hành động lại là một chuyện khác nữa. Hơn hẳn việc thường xuyên tích lũy tri thức, sự kết hợp giữa phân tích với hệ thống hóa sẽ cho phép liên kết các tri thức trong một bộ khung quy chiếu rộng lớn hơn, tạo thuận lợi cho thao tác phân tích và logic. Phải chăng đó chính là một trong những mục đích cơ bản của giáo dục?” Nói một cách tổng quát hơn, nhà trường phải giúp cho sinh viên thấm nhuần “một thứ văn hóa về tính phức hợp” (culture de la complexité), tức là nền văn hóa của thế giới ngày mai. Bởi vì thật là hiển nhiên, thế giới ngày mai sẽ càng thêm phức hợp. “Văn hóa là thứ vữa, thứ xi măng cho phép kiến tạo ý nghĩa bằng cách tích hợp các tri thức. Giáo dục về ngày mai tất nhiên sẽ phải làm cho mỗi em biết được một nghề, song trước hết phải mang lại cho các em một ý nghĩa về thái độ tôn trọng người khác, về mở cửa và khoan dung bằng cách đưa họ tham gia đầy đủ vào việc tìm tòi rất say mê, đó là tìm tòi sự hiểu biết” (tr. 611-612). Suy nghĩ về chương trình giáo dục của Pháp hiện nay (mà chẳng phải chỉ của Pháp), nhà vật lý học Sébastien Balibar, thành viên Hội đồng Quốc gia về Chương trình giáo dục đã cảnh báo về tình trạng lạc hậu của chương trình giáo dục trung học so với sự phát triển của khoa học đương đại. Môn vật lý học đang giảng dạy tại các trường trung học Pháp về thực chất chỉ là vật lý học thế kỷ XIX, mặc dù vẫn có những tiến triển nhất định. Ông so sánh giữa “khoa học sống” (science vivante) với “khoa học chết” (science morte), giữa khoa học đang tiến triển, đang sống động nhờ lao động sáng tạo của các nhà nghiên cứu, với một mớ tri thức học đường cứng nhắc để phục vụ cho việc thi cử. Từ đó, ông rút ra kết luận rằng cuộc cách mạng trong giáo dục không thể làm xong trong một ngày, cũng không thể cứ mỗi khóa Quốc hội mới lại sửa đổi các chương trình giáo dục. Vì vậy “hiện đại hóa việc giảng dạy là một nhiệm vụ khó khăn cần được tiến hành thường xuyên, nếu ta không muốn lâm vào thế đứt đoạn rất đáng tiếc giữa khoa học đương đại với các công dân tương lai” (tr. 92). Sự thiếu hụt nghiêm trọng tri thức hiện đại thể hiện trên tất cả các lĩnh vực giảng dạy, cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và nhân văn. Nhà trường vẫn thiên về việc đưa lại cho thế hệ trẻ những tri thức rời rạc, đóng khung trong các bộ môn riêng biệt. Điều đó không phù hợp với việc nhận thức các thực tại đa chiều và các vấn đề toàn cầu, siêu quốc gia. Nhà trường vẫn chỉ dạy học sinh, sinh viên phương pháp phân tích, tách biệt sự vật với môi trường, tách biệt các bộ môn với nhau, chứ không dạy họ biết liên kết tri thức. Giáo sư Jean - Louis Le Moigne diễu cợt tình trạng này như sau: “Các nhà giáo hẳn đã hạ bút phê lên bên lề bài làm của học sinh mấy chữ “phân tích hay”, “phân tích kém”. Nhưng ví thử ai đó hỏi tại sao thế, các vị ấy thường không đưa ra câu trả lời khác với câu sau đây: “Phân tích hay, tức là giống với cách phân tích của tôi, còn phân tích kém tức là khác hẳn”. Quả thật, người ta chưa làm quen với kiểu tư duy hệ thống” (tr. 669). Những hạn chế trên đây về nhận thức và tư duy, khiến cho con người không có khả năng nắm bắt được thế giới thực tại đa chiều, phức hợp. Edgar Morin gọi đó là “Những thách đố của tính phức hợp” (tr. 685-695). Tính phức hợp là gì và vì sao nó lại đặt tri thức con người trước những thách đố lớn? Tính phức hợp, hay cái phức hợp (la complexité, le complexus) có hai nghĩa. Thứ nhất, đó là “những gì được liên kết lại với nhau, đan dệt cùng nhau” (“ce qui est lié ensemble, ce qui est tissé ensemble”). Khác với cái đơn giản, có thể tách biệt hay tháo rời các bộ phận hợp thành của nó, cái phức hợp bao gồm vô vàn những tương tác, những mối liên hệ hữu cơ giữa các bộ phận hợp thành, tạo nên “tấm dệt chung” không thể phân cách và quy giản được. Thứ hai, phức hợp cũng bao hàm trong nó cái ngẫu nhiên, vô trật tự, không chắc chắn. Do vậy cái phức hợp cũng nhất thiết mang theo tính bất định (incertitude). Đó là hai thách đố lớn đối với tri thức, nhất là tri thức khoa học cổ điển. Từ hàng trăm năm nay, khoa học cổ điển dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản: 1/ Nguyên tắc trật tự, hay là nguyên tắc quyết định luận; 2/ Nguyên tắc phân cách; 3/ Nguyên tắc quy giản; 4/ Nguyên tắc logic “diễn dịch - quy nạp - đồng nhất”, bao gồm cả nguyên tắc nhân quả tuyến tính. Từ đầu thế kỷ XX, sự phát triển như vũ bão của khoa học đã làm cho những nguyên tắc trên đây bị lung lay, bị đặt thành vấn đề liệu có nên tiếp tục tồn tại hay không. Theo Edgar Morin, trong thế kỷ XX đã diễn ra hai cuộc cách mạng khoa học. Cuộc cách mạng khoa học thứ nhất (tính trong thế kỷ XX, còn trong lịch sử nhân loại thì cuộc cách mạng khoa học thứ nhất là cách mạng Copernic khởi đầu từ thế kỷ XVI) nảy sinh từ sự bung ra của cái vô trật tự, chủ yếu với vật lý học lượng tử và đã dẫn đến việc tất yếu phải đối xử với cái vô trật tự và hòa giải với cái bất định. Cuộc cách mạng khoa học thứ hai diễn ra trong nửa sau thế kỷ XX với sự nổi lên của những khoa học tiến hành các hoạt động tập hợp đa bộ môn như vũ trụ học, các khoa học Trái Đất, sinh thái học, các khoa học mới về thời tiền sử... Hai cuộc cách mạng khoa học này đã kéo theo những hệ quả tri thức học quan trọng, đòi hỏi các nhà triết học, nhà tri thức học (épistémologue) phải suy ngẫm về những nguyên tắc cơ bản của tri thức và tri thức khoa học. Gaston Bachelard (1884 - 1962) nhà tri thức học nổi tiếng người Pháp và Karl Popper (1902 - 1994) nhà triết học về khoa học Anh, suy ngẫm về khoa học và cho rằng không nên đồng nhất khoa học với tính tất định tuyệt đối. Quan niệm như vậy là thô thiển và sai lầm. Bachelard viết: “Người ta xây dựng khoa học và triết học trên một tập hợp những hình ảnh thô thiển và ngây thơ” (Bachelard. Épistémologie. Textes choisis [Tri thức học. Tuyển tập]. Xuất bản lần thứ VII. Paris: PUF, 2001, tr. 57). Khoa học cố nhiên phải xây dựng trên các dữ liệu chắc chắn. Nhưng cái chắc chắn, cái tất định này lại định vị trong không gian và thời gian cụ thể. Chỉ có thần học mới là tất định, cố nhiên đối với những người tin vào thần học. Còn khoa học thì không tất định. “Khoa học là cuộc đối thoại giữa con người với tự nhiên” (Ilya Prigogine). Lý thuyết khoa học luôn luôn có thể bị bác bỏ trước sự xuất hiện các dữ liệu mới, hay cách thức mới để xem xét các dữ liệu. Karl Popper đã dùng hai hình ảnh sinh động là những chiếc đồng hồ và những đám mây để so sánh vật lý học cổ điển với vật lý học đương đại. Một đằng quan tâm trước hết đến đồng hồ, còn một đằng quan tâm chủ yếu đến đám mây. Mô hình đồng hồ và độ chính xác của nó cứ tiếp tục ám ảnh tư duy của nhà nghiên cứu bằng cách làm cho nhà nghiên cứu vững tin rằng có thể vươn tới độ chính xác của thứ mô hình riêng biệt và trên thực tế là độc nhất ấy. Thế nhưng, cái ngự trị trong tự nhiên và trong môi trường của chúng ta thì lại chính là đám mây kia. Đó là một hình thức cực kỳ phức hợp, mờ ảo, luôn luôn thay đổi, thăng giáng, chuyển động. Trong vật lý học đã như vậy thì trong các khoa học khác, các khoa học xã hội và nhân văn càng như vậy. Rõ ràng khoa học cổ điển không có khả năng trả lời những thách đố của tính phức hợp. Muốn trả lời những thách đố ấy phải phát triển khoa học lên trình độ mới và “tất yếu phải có một cuộc cải cách đích thực đối với tư duy” (tr. 687). Vấn đề cải cách tư duy có nội dung rất rộng và sâu sắc. Edgar Morin đã dành nhiều tác phẩm cho đề tài này. Trong cuốn “Trái Đất - Tổ quốc chung”, ông có viết một chương riêng về “cải cách tư duy” và khẳng định: “Cải cách tư duy là một vấn đề then chốt của nhân học và lịch sử. Nó hàm chứa một cuộc cách mạng về tinh thần, tâm trí, với những quy mô to lớn hơn rất nhiều so với cuộc cách mạng Copernic” (Bản tiếng Việt, NXB khoa học xã hội, năm 2002, tr.380). Liên kết tri thức có liên quan mật thiết với cải cách tư duy. Thực chất của nó là “tiến hành một cuộc cách mạng trong việc tổ chức tri thức”, trả lời cho những thách đố về tri thức ở thế kỷ XXI: “Nếu ta muốn có một tri thức xác thực toàn diện, chúng ta cần phải liên kết, bối cảnh hóa, tổng hợp hóa các thông tin và hiểu biết của ta, tức là cần tìm tòi một tri thức phức hợp (connaissance complexe). Rất hiển nhiên là phương thức tư duy cổ điển với các quy tắc manh mún của nó, khiến cho việc bối cảnh hóa các tri thức là không thể thực hiện được” (tr. 694). Thay thế “phương thức tư duy cổ điển” mang nặng tính chất cơ giới, bằng tư duy hệ thống, tư duy phức hợp - đó chính là nội dung cơ bản của cải cách tư duy đang được tiến hành sâu rộng trên thế giới. Nền giáo dục hiện đại phải “hiện thực hóa tư duy phức hợp”. Giáo sư Jacques Ardoino, Chủ tịch Hiệp hội quốc gia phát triển các khoa học nhân văn ứng dụng đã khẳng định mạnh mẽ như vậy. Ông cho rằng: “Đối với tư duy phức hợp, dường như ngành giáo dục có thể cung cấp một địa bàn thực tiễn và một lĩnh vực lý thuyết đặc biệt phong phú” (tr. 680). Cuốn sách này thể hiện sự phong phú cả trong việc tìm tòi lý luận, cũng như thể nghiệm thực tiễn. Nhiều tác giả đã nêu lên những việc cụ thể cần làm trong nghiên cứu và giảng dạy. Viện sĩ Pierre Léna, nhà thiên văn học, giáo sư Trường Đại học Paris VII xác nhận rằng: “Tính phức hợp ồ ạt tràn vào công cuộc phát triển tri thức”. Tuy nhiên việc học tập tính phức hợp lại rất vất vả đối với thanh, thiếu niên. Đối với các em, khi khởi đầu chỉ cái đơn giản mới dễ hiểu. Bởi vậy nhiệm vụ cấp bách đối với nhà sư phạm là phải đề phòng sự lạm dụng việc đơn giản hóa, chú trọng bồi dưỡng cho các em đang độ giầu sức tưởng tượng, những biểu trưng có sức kích thích khả năng sáng tạo, đồng thời tránh cho các em phải tiêu thụ những ảo ảnh tạp nham và độc hại. Giáo sư Serge Gruzinski chuyên nghiên cứu lịch sử các xã hội thuộc địa châu Mỹ khẳng định rằng cần chú trọng đến các sự kiện, sự rẽ nhánh (bifurcation) các sự cố và ngẫu nhiên trong lịch sử, vượt ra khỏi những cách lý giải quen thuộc mang tính tất định luận và nhân quả tuyến tính về sự phát triển xã hội. Nhà sử học François Dosse cho rằng sử học và các khoa học nhân văn phải chú trọng việc “tái khám phá phần nhân văn”, vốn là đặc trưng của các khoa học này, vượt ra khỏi thứ nguyên nhân luận, vốn là riêng biệt cho các khoa học thực nghiệm. Việc thiết lập một thứ “vật lý học xã hội” dựa trên mô hình vật lý học cơ giới, theo quan điểm của chủ nghĩa thực chứng không còn hợp thời nữa. Để quán triệt tư duy phức hợp, nhà sử học phải kiên quyết từ bỏ thứ quyết định luận lịch sử để thay vào đó quan điểm nhiều yếu tố quyết định, phải từ bỏ nhãn quan quy giản. “Để hình dung được lịch sử, phải kết hợp Marx với Shakespeare” (Edgar Morin, tr. 689). “Kết hợp Marx với Shakespeare” là biểu hiện cụ thể của liên kết tri thức, cũng là thể hiện sinh động ý tưởng sâu sắc về việc xây dựng môn nhân văn học mới (nouvelle humanité) trên cơ sở tích hợp văn hóa khoa học với văn hóa nhân văn, nhằm đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp giáo dục con người trong thế kỷ XXI. Chọn dịch và xuất bản cuốn sách trên đây, Ban chủ nhiệm Chương trình Dịch thuật, Thông tin Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam cho rằng cuốn sách phù hợp với ý tưởng của UNESCO và đáp ứng kịp thời yêu cầu của bạn đọc Việt Nam. Đối với Việt Nam, giáo dục và cải cách giáo dục đang là vấn đề bức xúc. Báo cáo về giáo dục của Chính phủ và Nghị quyết về giáo dục của Quốc hội vừa qua, thể hiện sự quan tâm và mong mỏi của toàn xã hội về chấn hưng giáo dục và hiện đại hóa giáo dục. Chúng tôi hiểu rằng có sự khác biệt rất lớn giữa hai nền giáo dục Việt - Pháp. Nhưng như lời căn dặn của Marx, chúng ta có thể không phải “là người cùng thời về mặt lịch sử”, chứ không thể không “là người cùng thời về mặt triết học” với mọi người trên thế giới mà chúng ta muốn làm bè bạn. Hơn nữa trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập này, thách đố của thế kỷ XXI là chung cho tất cả mọi người ở bất cứ phương trời nào, còn cơ hội thì chỉ dành riêng cho những ai biết đón nhận và tận dụng nó. Trên tinh thần đó chúng ta trân trọng đón nhận công trình khoa học giầu suy tư và sáng tạo này của các nhà khoa học, các nhà triết học và các nhà giáo dục nước Cộng hòa Pháp. Cuốn sách bao quát hầu hết các lĩnh vực tri thức. Việc chuyển một công trình khoa học đồ sộ như vậy sang tiếng Việt là quá khó khăn đối với chúng tôi. Nhiều vấn đề rất mới về khoa học và triết học. Nhiều thuật ngữ chúng ta chưa có. Nhiều điển tích khá xa lạ đối với đông đảo bạn đọc Việt Nam. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Song chắc chắn không tránh khỏi những sai sót. Rất mong được quý vị bạn đọc chỉ ra cho những thiếu sót, bất cập. Chúng tôi xin chân thành cám ơn. Chúng tôi đặc biệt cám ơn Trung tâm Văn hóa và Hợp tác Đại sứ quán Pháp tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do ông Giám đốc Alain FREYNET làm đại diện, đã giúp cho việc dịch và xuất bản cuốn sách này. Để xuất bản cuốn sách đầu tiên này của Chương trình, chúng tôi nhận được sự hợp tác có hiệu quả của Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác phát hành của Nhà sách Thắng Nguyên do ông Giám đốc NGUYỄN NGỌC THẮNG đại diện. Chúng tôi thành thực cám ơn sự hợp tác đó. TM BAN CHỦ NHIỆM CHƯƠNG TRÌNH DỊCH THUẬT, THÔNG TIN KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN Phó Chủ nhiệm PHẠM KHIÊM ÍCH Tôi xin bày tỏ lời cảm tạ đặc biệt đối với các vị: Jean - Michel Djian lúc ấy là giám đốc tổ chức Le Monde de l’education, nếu như không có sự giúp đỡ của ông thì ấn phẩm này không thể ra đời, Ezzedine Mestiri, phụ trách tổ chức Carrefour Solidarité mà tình đoàn kết là cốt yếu, Didier Dacunha Castelle, văn phòng bộ trưởng giáo dục, người khởi xướng “Những ngày hội thảo chuyên đề”, đã góp sức vào việc hoàn chỉnh ấn phẩm, và giáo sư Candido Mendes người đã luôn luôn ủng hộ các nỗ lực của chúng tôi. Tôi cũng xin cảm tạ nhà xuất bản Éditions du Seuil đã gây thêm tin tưởng bằng việc chấp thuận và đảm bảo việc xuất bản. Edgar Morin • Người xa lạ: Này người bạn tuyệt hảo, nếu cứ nỗ lực để tách rời mọi cái với mọi cái khác thì không những là chuyện vô lý mà còn tỏ ra chẳng hay biết gì về các Nữ thần khoa học nghệ thuật và môn triết học đấy. Théetète: Tại sao thế? Người xa lạ: Tách rời mỗi sự vật với tất cả mọi sự vật khác là cách triệt để nhất để hủy hoại mọi luận chứng, bởi vì lý trí đến với ta từ mối liên hệ qua lại giữa mọi thứ. Platon, Le Sophiste, 259e. • Mọi sự vật đều xuất phát từ nguyên nhân và gây nên nguyên nhân, được trợ giúp và đi trợ giúp, gián tiếp và trực tiếp, tất cả đều gắn bó nhau bởi sợi dây liên hệ tự nhiên và không cảm nhận được nối liền các sự vật xa xôi nhất, khác biệt nhất, thành thử tôi cho rằng không thể nào nhận biết được các bộ phận mà không biết khối toàn thể, cũng không thể nhận biết được khối toàn thể mà không biết riêng các bộ phận. PASCAL, Pensées (Tư tưởng), éd. Brunschwicg, II, 72. • Các khoa học về tự nhiên sẽ bao quát các khoa học về con người, và các khoa học về con người sẽ bao quát các khoa học về tự nhiên. MARX, Manuscrit économico – philosophique (Bản thảo kinh tế - triết học) DẪN LUẬN NHỮNG NGÀY HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ Chiều ngày 15 tháng 11 năm 1997, ông Claude Allègre gọi điện đề nghị tôi chủ tọa một “Hội đồng khoa học” dành cho việc đề xuất các kiến nghị về giáo dục tri thức tại các trường trung học. Trước đó hai tháng, tại tổ chức Le Monde de l’éducation [Thế giới giáo dục], ông Bộ trưởng đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện khá dài, trong đó tôi có gợi ý về cuộc cải cách trong ngành Đại học, nên khi điện đàm tôi đã không từ chối mà trả lời một cách thận trọng rằng: “Việc khó khăn hơn hết là thay đổi các tâm trí”, và bởi lẽ tôi biết ông không chỉ là một con người mạnh dạn quyết đoán, mà còn là người đề xướng một trong các ngành khoa học đa - bộ môn mới mẻ đã phát triển trong nửa sau thế kỷ XX (các khoa học Trái Đất) nên tôi tin rằng sở dĩ ông chọn tôi chính là vì các ý tưởng của tôi. Trách nhiệm của tôi hiển nhiên là hạn định trong các trường trung học, nhưng vấn đề này liên quan tới toàn bộ ngành giáo dục mà chủ yếu là giáo dục cao đẳng, nơi đào tạo các giáo viên dạy trung học. Ông Bộ trưởng đã đề nghị với tôi một Hội đồng khoa học mà tôi chỉ có thể giới thiệu được một vài tên tuổi vào Hội đồng khoa học này và ngay lúc đó, ông đề nghị tôi tham gia vào Hội đồng. Hội đồng này không đại diện cho một “cộng đồng bác học”, bởi lẽ không tồn tại một kiểu hội đồng nào mà tại đó lại có những ý tưởng đối lập nhau không chỉ giữa các bộ môn rất đa dạng, mà cả trong nội bộ từng bộ môn nữa. Nhất là do tính không thuần nhất, nên Hội đồng này không thể làm nổi bật lên được một tư duy chung, điều ấy càng rõ ràng khi thời gian làm việc quá hạn hẹp. Dù sao chăng nữa, ngay cả một ủy ban gồm các nhân vật thiên tài với các tư tưởng đa dạng, thì may lắm cũng chỉ đi tới được mức độ bình quân của các đề xuất bình thường mà thôi. Các thách đố Trong buổi họp đầu tiên vào ngày 16 tháng Giêng năm 1998, tôi đưa ra trước Hội đồng khoa học nội dung mà theo tôi chính là vấn đề “kép” trọng yếu ở đây: 1. Thách đố của tính toàn cầu, tức là tình trạng bất cập ngày thêm sâu rộng, nghiêm trọng giữa một bên là tri thức tách biệt thành các bộ phận rời rạc và khu biệt riêng rẽ trong các bộ môn, với bên kia là các thực tại đa chiều, tổng thể, siêu quốc gia, toàn hành tinh và các vấn đề ngày thêm dàn rộng theo chiều ngang, đa - bộ môn, thậm chí xuyên - bộ môn nữa. 2. Do đó, diễn ra tình trạng không phù hợp của phương cách tri thức và phương cách giảng dạy của ta, cách giảng này dạy ta phân cách (phân cách sự vật với môi trường của chúng, phân cách giữa các bộ môn với nhau), chứ không dạy ta liên kết những điều trên thực tế đã được “đan dệt cùng nhau” (“tissé ensemble”). Trí thông minh nếu như chỉ biết phân cách như thế tất sẽ phá vỡ khối phức hợp của thế giới thành từng mảng rời rạc, chia nhỏ các vấn đề thành các phần manh mún. Các vấn đề càng trở nên nhiều chiều cạnh hơn thì cũng đồng thời càng bất lực để tư duy về tính đa - chiều cạnh của chúng; các vấn đề càng thêm nhiều tính toàn cầu thì càng khó suy ngẫm. Trí thông minh đã bất lực để hình dung được bối cảnh và khối phức hợp[1] toàn cầu, thì sẽ trở thành mù lòa và vô trách nhiệm. Tại buổi họp đầu tiên của Hội đồng khoa học, ý kiến này không được mấy ai quan tâm. Một số người muốn rằng từng người tùy theo bộ môn khoa học của mình nên đảm nhiệm việc chỉnh lý chương trình, có người nhấn mạnh cần hiện đại hóa, lại có người muốn giảm tải các chương trình. Nhà công nghiệp của ủy ban thì yêu cầu mọi người trụ vững đôi chân trên mặt đất, tức là đòi hỏi đưa việc giảng dạy phục vụ doanh nghiệp. Giống như bao giờ cũng thế, ai nấy đều vững tin rằng mình đang ở trong cái cụ thể để bảo vệ ý tưởng cố định của mình. Tôi đề xuất “những ngày hội thảo chuyên đề” chính là nhằm chứng minh sự vận động qua bước đi. Mục tiêu của hội thảo là định vị các khuôn khổ và tầm nhìn tâm trí mà các nhà giáo dục có thể đưa vào các bộ môn của họ, đem hiểu biết đối chiếu với nhau và đặt chúng vào trong một hệ thống vấn đề trọng yếu. Dụng ý của tôi quyết không phải là đem các bộ môn đối lập với nhau hay ưu ái bộ môn này để hạ thấp bộ môn kia, mà chính là dành một trọng lượng mạnh mẽ ngang nhau cho việc trau dồi các môn khoa học nhân văn, văn chương và lịch sử, cũng như khoa học tự nhiên, còn bản thân tôi thì không hề căn cứ vào lịch giờ giấc để dành cho môn này, môn khác. Mục tiêu của các hội thảo này hoàn toàn không phải là nhằm hoạch định chương trình mới. Hơn nữa, tôi còn chủ định đứng vững trên lập trường phản kháng chủ trương quy định bằng chương trình để ưu tiên khía cạnh suy ngẫm của công cuộc cải cách. Theo ý tôi, giai đoạn lập chương trình sau này cần bao gồm cả việc xem xét lại thuật ngữ “chương trình” để nó nhường chỗ cho thuật ngữ “dẫn dắt định hướng”, và đó là nội dung của một giai đoạn khác, với những nhân vật hữu trách khác. Trong các thành viên của Hội đồng khoa học, có nhiều vị đã bộc lộ thái độ ngỡ ngàng hay hoài nghi. Làm thế nào để phát biểu nhân danh một hội nghị mà không thể đưa ra bất cứ đề xuất nào? Lúc ấy, tôi có cảm thức thật kinh khủng. Ngay khi đó, thể hiện một thái độ ủng hộ vững chắc, một thiện cảm ưu ái về quan niệm thiết kế cũng như sự trợ giúp rất hữu nghị suốt tiến trình sau đó, đó là ông Didier Dacunha - Castelle đã thay mặt Bộ trưởng kết luận phiên họp đầu tiên này của Hội đồng bằng một ẩn dụ mật ngữ “vừng ơi, mở ra”, đại khái là: “Ông Morin đề xuất những ngày hội thảo chuyên đề, xin ông cứ thực hiện. Còn các vị khác, xin phát biểu kiến nghị riêng của mình”. Không có kiến nghị khác. Các thành viên của Hội đồng đều nhận lời đóng góp vào hội thảo, đó là các vị: René Blanchet, Yves Bonnefoy, Daniel Pennac, Joël de Rosnay, Mireille Delmas - Marty, André Burguière, Marc Fumaroli, Anne-Marie Perrin Naffakh, Pierre Léna, Armand Frémont, Éveline Andréani, Jean - Didier Vincent, Alain Touraine, Philippe Meirieu[2]. Nhận được tín hiệu “đèn xanh” của ngài Bộ trưởng, mọi việc được tiến hành thật mau chóng. Thời hạn ấn định vào cuối tháng Ba thì quả là rất bức bách. Tôi được dành một văn phòng riêng tại phố Descartes. Tiếp tục được sự giúp đỡ của cô trợ lý thường trực của tôi là Michèle Vié - Demarti, tôi còn được phân công phụ trách theo dõi công việc cho ông Nelsson Vallejo Gomez, người đã giúp việc tôi từ một năm trước tại Hiệp hội tư duy phức hợp. Cô Christiane Peyron - Bonjan, nhà triết học, người bạn tư tưởng thân cận của tôi, giáo sư khoa học giáo dục tại Đại học Aix - en - Provence, đã tận tâm giúp tôi đề phòng các bất trắc ngẫu nhiên; rồi tôi lại rất vui khi mời được sự giúp việc của nhà triết học Marius Mukungu Kakangu là người đã giới thiệu các quan điểm của tôi tại các Khoa Thiên Chúa giáo thuộc Đại học Kinshasa (Zaire). Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về tình cảm chung thủy và hữu nghị của các vị. Tôi cũng đặc biệt cảm tạ cả hai vị đã lao động vất vả, âm thầm để chuyển ngữ, đọc lại và sắp xếp một số văn bản mà nếu không được làm thì tính chất nhất quán của tác phẩm chắc sẽ bị sút kém nghiêm trọng. Sau cùng, cũng tại đây đã nảy sinh một quan hệ gắn bó qua lại với cô Liliane Le Mehauté, người được bổ nhiệm chức vụ thư ký của tôi. Cùng với các cộng sự, ngay từ cuối tháng Giêng, chúng tôi đã bắt tay ngay vào công việc tổ chức đầy kích thích bức xúc, gấp rút cả một đợt 8 ngày hội thảo chuyên đề trong những điều kiện chắp vá khó hình dung nổi: bất chấp hàng loạt vấn đề, ông Nelson Vallejo Gomez ngay từ lúc đầu đã thể hiện một ý chí mạnh mẽ, một tinh thần kiên trì không hề lay chuyển, tuy đôi khi nặng nề. Dẫu bị tổn thương tại trận Trafalgar[3], ông Nelson vẫn là Lazare Carnot đã tổ chức việc ra đời cho những ngày hội thảo. Việc soát xét tổng thể và chuẩn bị xuất bản cuốn sách này được giao cho cô Agnès Beaumier với sự trợ giúp của ông Marius Mukungu Kakangu. Tôi xin cảm ơn cô đã thực hiện công việc khó khăn ấy. Những ngày hội thảo chuyên đề được tiến hành sau ngày rằm[4] tháng Ba, từ ngày thứ hai 16 đến ngày thứ ba 24 tháng Ba. Đợt hội thảo này không tiện cho nhiều nhà giáo tham dự vì bận lên lớp, một số người khác không biết tin, lại bị một số người quá “năng nổ” tẩy chay, giới ký giả xem nhẹ, song đã được sự tán thành nhất trí và hào hiệp của nhiều vị mà tôi gửi đến lời mời tham gia, cả trong nội bộ và bên ngoài Hội đồng: Jacques Labeyrie, Michel Cassé, Pasquale Nardone, Pierre Léna, Sébastien Balibar, Jean - Marc Lévy - Leblond, Brandon Carter, Thomas Morvan, Maurice Mattauer, Auguste Commeyras, Robert Rocchia, Jean - Paul Déléage, Emmanuel Le Roy Ladurie, Jean - Marie Pelt, Vincent Labeyrie, Armand Frémont, René Blanchet, Jean Gayon, Henri Atlan, Piotr Slonimski, Jean - Didier Vincent, Robert Naquet, Jacques Ruffié, Étienne - Émile Baulieu, André Giordan, Boris Cyrulnik, Michel Brunet, Henry de Lumley - Woodyear, André Langaney, René Passet, Alain Touraine, Mireille Delmas - Marty, Mare Fumaroli, Yves Bonnefoy, François Bon, François L’Yvonnet, Gil Delannoi, Éveline Andréani, Arnaud Guigue, Daniel Pennac, Paul Ric∉ur, André Burguière, Serge Gruzinski, Jean - Pierre Rioux, Françis Caron, François Dosse, Albert Grosser, Dominique Borne, David Lepoutre, Georges Lerbet, Simon - Daniel Kipman, Patrick Mignon, Norbert Rouland, Philippe Meirieu, Henri Meschonnic, Philippe Quéau, Dominique Wolton, Jean Ladrière, Dominique Lecourt, Jean - Louis Le Moigne, Jacques Ardoino, Joël de Rosnay... Thế là sáu chục nhà giáo và nhà nghiên cứu đã tận tình tham dự suốt 8 hôm, hàng ngày từ 9 đến 18 giờ, để chỉ rõ tính nhất quán chặt chẽ và khả thi của những kiến nghị mà dưới đây tôi sắp trình bày, và cũng đã được chấp nhận bởi các thành viên hiện diện tại phiên thứ ba, cũng là phiên cuối cùng, của Hội đồng khoa học (8 tháng Tư). Tiếc thay, do các trục trặc về ghi nhận hoặc máy vi tính, nên một số tác giả tham dự không thể gửi kịp văn bản đúng thời hạn do nhà xuất bản ấn định, thành thử trong sách này thiếu một số bản thông báo: của Brandon Carter (Thế giới), Boris Cyrulnik (Sự sống), Philippe Meirieu (Văn hóa thanh, thiếu niên), Patrick Mignon (Văn hóa thanh thiếu niên), Thomas Morvan (Thế giới), Daniel Pennac (Văn hóa thanh thiếu niên), Jean - Pierre Rioux (Lịch sử), Piotr Slonimski (Sự sống), Alain Touraine (Loài người), Dominique Wolton (Văn hóa thanh thiếu niên). Xin bày tỏ với các tác giả trên tình trạng rất đáng tiếc này và hy vọng trong lần tái bản sẽ có thể bổ sung các đóng góp ấy của các vị. NHỮNG NGÀY HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ CÓ NHIỆM VỤ TẠO THUẬN LỢI CHO VIỆC HỘI NHẬP “KÉP” SAU ĐÂY: Hội nhập trong các cứu cánh giáo dục Hội nhập thứ nhất là đưa hết thảy mọi bộ phận, cả khoa học và nhân văn vào những cứu cánh giáo dục cơ bản mà việc chia cắt và tách biệt giữa các bộ môn trong hai khối đã làm lu mờ, nhằm: 1) đào tạo các trí tuệ đủ năng lực tổ chức các tri thức chứ không phải tích lũy các hiểu biết như kiểu “nhập kho” (“Một khối óc được rèn luyện tốt là hơn hẳn một khối óc chứa đầy ắp” Montaigne); 2) Giảng dạy về hoàn cảnh con người[5] (“Việc học hỏi chân chính của ta là học hỏi về điều kiện hoàn cảnh con người”, Rouseau, Émile); 3) học cách sống (“Sống là thứ nghề nghiệp mà tôi muốn dạy người học”, Emile); 4) xây dựng lại trường học về tư cách công dân. Chúng ta đang đứng trước những vấn đề kinh điển trong văn hóa của ta, nhưng đặt ra theo cách vừa đổi mới, vừa mở rộng và đào sâu thêm. Giảng dạy về hoàn cảnh con người: hoàn cảnh con người đang hoàn toàn vắng bóng trong nền giáo dục của ta vì nó bị phân rã thành các mảng rời rạc. Thế nhưng các thành tựu phát triển gần đây của các khoa học tự nhiên và truyền thống chủ lưu của nền văn hóa nhân bản sẽ cho phép phổ cập một nền giáo dục làm hội tụ mọi bộ môn giúp cho tâm trí mỗi người trong giới trẻ đều ý thức được thế nào là một con người. Thí dụ như ngành vũ trụ học đương đại, với tác động khởi sắc và đổi mới tri thức về thế giới, đã cho phép nhận biết về vị trí nhỏ nhoi của chúng ta trên hành tinh thứ ba của Mặt Trời nằm ở phía rìa của một thiên hà ngoại vi thuộc về một vũ trụ khổng lồ, đồng thời cũng cho biết từng người trong chúng ta mang trong bản thân những phần tử đã hình thành từ khi vũ trụ ra đời, đó là những nguyên tử được rèn luyện bởi những “mặt trời” xuất hiện trước Mặt Trời của chúng ta, những phân tử đã được hóa hợp trên Trái Đất trước khi xuất hiện mọi hình thức của sự sống. Các khoa học Trái Đất cho phép ta hội nhập trong hành tinh và giữa lòng sinh quyển. Các môn sinh học cho phép xác định vị trí của ta trong diễn trình tiến hóa của sự sống. Pho tiền sử mới từ nay đã chỉ cho ta rõ hành trình lâu dài của quá trình “nhân hóa” làm trỗi dậy ngôn ngữ con người và văn hóa khiến cho ta vẫn còn là những động vật nhưng đã là những con người thật sự rồi. Sau cùng, tổng thể các khoa học nhân văn cho phép ta phân tích rành rẽ vận mệnh cá nhân của ta, vận mệnh xã hội, vận mệnh lịch sử, vận mệnh kinh tế, vận mệnh tưởng tượng huyền thoại hoặc tôn giáo của ta. Từ phía văn hóa nhân bản, các ngành văn chương, sân khấu, điện ảnh cho ta nhìn nhận rõ các cá nhân trong tính đơn nhất và chủ quan của con người, việc hội nhập xã hội và lịch sử của cá nhân, những niềm say mê, tình yêu, hận thù, tham vọng và đố kỵ của họ. Các loại hình văn hóa này thúc đẩy ta phải ý thức được những thực tại nhân tính, nói riêng là trong những quan hệ cảm xúc và tình cảm của con người với con người, sự hội nhập trong gia đình, giai cấp, xã hội, dân tộc, lịch sử, tóm lại là ý thức được các tính cách phức hợp của các điều kiện hoàn cảnh con người. Thi ca và các loại hình nghệ thuật đưa ta vào những chiều cạnh thẩm mỹ của tồn tại con người, vào việc tìm tòi chất thơ của cuộc sống, tìm tòi triết học mở đường cho sự suy tư về hết thảy mọi vấn đề cơ bản mà thực thể con người đặt ra. Cho nên điều quan trọng là nhận biết thế nào là thực thể con người vốn nảy sinh vừa từ thiên nhiên vừa từ văn hóa, vốn phải chịu đựng cái chết như bất cứ động vật nào nhưng lại chính là sinh vật duy nhất biết tin tưởng vào một cuộc đời sau cái chết, và cuộc phiêu lưu lịch sử của con người đã dẫn ta đến kỷ nguyên toàn hành tinh. Thành thử, ta có thể phục tùng cứu cánh của giáo dục là giúp đỡ học sinh tự nhận biết bản thân giữa tình cảm nhân đạo của loài người, định vị vững chắc tính nhân đạo trên thế giới và quyết tâm thực hiện nó. Tất cả mọi nội dung ấy đều cần đóng góp vào việc hình thành một ý thức nhân bản và đạo đức vốn là sở thuộc vào nhân loại, đồng thời cần phải bổ sung vào đó ý thức về tính chất khuôn mẫu của Trái Đất đối với sự sống và của sự sống đối với nhân loại. Học cách sống có nghĩa là chuẩn bị cho tâm trí con người đủ sức chạm trán với những bất trắc và những vấn đề của tồn tại con người. Việc giảng dạy tính bất định của thế giới phải xuất phát từ các khoa học, khoa học chỉ rõ tính chất bấp bênh, đầy sự biến, đôi khi tới mức thảm họa của lịch sử vũ trụ (các hiện tượng va chạm xô đẩy của thiên hà, các vụ nổ sao), của lịch sử Trái Đất, của lịch sử sự sống (đánh dấu bằng hai tai họa lớn đã tiêu hủy phần lớn các giống loài) và lịch sử loài người với sự tiếp diễn các chiến tranh và phá hoại làm biến mất các đế chế thời Cổ đại, và sau cùng là tình hình bất định của thời đại hiện nay. Những vấn đề của cuộc sống xuất hiện trong văn chương, thơ ca, điện ảnh, mà thanh thiếu niên có thể nhận ra các sự thật của bản thân họ, tìm thấy ở đó những xung đột và bi kịch mà họ sẽ phải gặp. Quyển tiểu thuyết hay bộ phim cần được đánh giá không chỉ qua những phương diện hình thức mà cả những thể nghiệm hiện sinh liên quan đến chính bản sắc của thanh thiếu niên. Thi ca sẽ mang đến cho việc vun trồng các môn nhân văn học những chiều cạnh phong phú nhất, bởi lẽ nó chỉ ra rằng “cuộc sống đích thực” (mượn cách nói của Rimbaud) không phải chỉ thể hiện trong những điều nhu yếu thực dụng không một ai tránh khỏi, mà chủ yếu trong việc phát triển đầy đủ của bản thân cũng như chất thơ của sự tồn tại. Sau cùng, triết học sẽ cho phép làm nổi bật những vấn đề đạo đức của tồn tại con người. Thực tập tư cách công dân sẽ đòi hỏi việc giảng dạy dân tộc là gì, nhưng hiện thời việc này hoàn toàn thiếu vắng. Lịch sử nước Pháp sẽ định vị người học sinh trong điều kiện hoàn cảnh của người công dân Pháp ở giữa lòng dân tộc, lòng văn hóa và khối cộng đồng về vận mệnh. Việc dạy thực tập tư cách công dân cũng sẽ phải thông qua lịch sử châu Âu và lịch sử kỷ nguyên toàn hành tinh (tức là thời kỳ hiện đại) để bao hàm cả khả năng phát huy ở mỗi người tư cách công dân châu Âu và tư cách công dân toàn Trái Đất. Ngành giáo dục phải đóng góp để từng người thanh niên Pháp bắt rễ sâu vào lịch sử và văn hóa nước mình, đồng thời tiếp nhận rằng lịch sử ấy, văn hóa ấy là gắn liền với văn hóa, lịch sử của châu Âu, và rộng hơn nữa, của thế giới. Sau cùng, ngày hội thảo “Liên kết tri thức” tự định vị trong cứu cánh tạo ra “khối óc rèn luyện tốt”. Cuộc hội thảo xử lý một nội dung cũng đang thiếu vắng trong ngành giáo dục nhưng sẽ phải là một điều cốt yếu: nghệ thuật tổ chức tư duy, đồng thời vừa biết liên kết vừa biết tách biệt. Đây chính là việc tạo thuận lợi cho năng khiếu tự nhiên của trí tuệ con người để đặt vào bối cảnh và tổng thể, tức là hội nhập mọi thông tin hay mọi tri thức vào bối cảnh và tổng thể của nó. Đây chính là tăng cường cho năng khiếu đặt câu hỏi và liên hệ cái biết với cái hồ nghi, là phát huy năng khiếu hội nhập cái biết riêng biệt không chỉ vào bối cảnh tổng thể mà cả vào cuộc sống bản thân, năng khiếu tự hỏi về những vấn đề cơ bản của hoàn cảnh bản thân và của thời đại mình. Khuôn khổ toàn cầu của 4 ngày đầu (vũ trụ, Trái Đất, sự sống, nhân loại) có xu hướng phát huy mạnh mẽ, ở nhà giáo cũng như ở học sinh, việc định vị các hiểu biết riêng biệt hay chuyên môn hóa vào bối cảnh mà nó gắn liền, hoặc nếu có khả năng thì đưa vào tập hợp tổng thể của nó. Ở đây, ta phải nhấn mạnh đến khía cạnh cơ bản của thiên chức giảng dạy, tức là phát huy năng khiếu của trí tuệ để đặt vào bối cảnh và tổng thể, mà việc này lại càng thêm quan trọng khi hết thảy mọi vấn đề lớn mà các công dân của thiên niên kỷ mới sẽ gặp đều đòi hỏi nhiều hơn một thứ “thoi” thường trực từ các hiểu biết riêng biệt tới tri thức tổng thể. Tình trạng suy thoái năng khiếu đã khiến cho con người lo ngại trước các vấn đề cơ bản và tổng thể, do vậy mà ta phải quyết tâm tái tạo một thứ văn hóa không còn bị giới hạn trong những bộ môn nhân văn học cổ điển như trước nữa, mà sẽ phải cấu thành từ những nhân văn học mới xây dựng trên việc làm giầu lẫn nhau giữa văn hóa truyền thống với văn hóa khoa học. Phát biểu rằng tất yếu phải đem các hiểu biết vào bối cảnh và liên kết lại thì vẫn là chưa đủ; còn phải hình dung đầy đủ các phương pháp, công cụ, yếu tố vận hành và các quan điểm đảm bảo năng lực để tiến hành những việc liên kết đó. Chính các báo cáo trong hội thảo “Liên kết tri thức” đã được định vị trong ý nghĩa ấy. Hội nhập trong các “khách thể” tự nhiên và văn hóa Thêm nữa, các bộ môn còn phải được hội nhập trong các “khách thể”, cả tự nhiên và văn hóa, như thế giới, Trái Đất, sự sống, nhân loại. Sở dĩ gọi là tự nhiên bởi lẽ mọi người ai cũng nhận biết chúng trong tính tổng thể và đều là hiển nhiên đối với chúng ta. Ấy thế mà các khách thể tự nhiên này đã biến mất khỏi nội dung giảng dạy; giờ đây chúng đang bị chia năm xẻ bảy thành các mảnh vụn và hòa tan trong các bộ môn không chỉ có vật lý học, hóa học mà cả sinh học nữa (vì các bộ môn sinh học đề cập đến các phân tử, gen, hành vi ứng xử, v.v.. và vứt bỏ ngay cả bản thân khái niệm sự sống bị xem như vô ích); tương tự như vậy, các khoa học nhân văn đã cắt vụn nát và làm lu mờ “nhân tính” đích thực còn các nhà lý thuyết về cấu trúc luận thì thậm chí đang ngạo ngược suy nghĩ rằng sẽ phải giải thể khái niệm “con người” nữa. Với mọi thanh, thiếu niên, những khách thể tự nhiên trên đây đều có thể nhận dạng tức thời được. Chúng quả thật vẫn tương ứng với các đề tài không bao giờ vắng mặt trong các tiểu luận và thơ ca của ta, với những vấn đề không bao giờ không được đặt ra trong nền văn hóa truyền thống của ta và đến nay vẫn đang sống động. Chúng tương ứng với tính hiếu kỳ tự nhiên của trẻ nhỏ, của thanh, thiếu niên và xét cho cùng thì vẫn còn là đối tượng hiếu kỳ của người trưởng thành. Bằng những “khách thể” tự nhiên, chúng ta sẽ gặp lại những câu hỏi lớn đã lay động không hề ngừng nghỉ ý thức con người và vẫn được đặt ra trong tâm trí mọi thanh, thiếu niên: ta là ai, ta đang ở đâu, từ đâu tới, đi đến đâu? Chúng ta cần làm khởi sắc những câu hỏi vốn được duy trì trong văn chương và triết học, và hôm nay đây vẫn được nuôi dưỡng, làm giàu thêm và đổi mới bằng những thành tựu lớn lao của các khoa học đương đại. Trong khi cái hiểu biết manh mún không cung cấp được về lợi ích và ý nghĩa, thì chính nó lại có ý nghĩa và lợi ích khi giải đáp các câu hỏi và sự hiếu kỳ. Bởi lẽ thế giới của người dạy và thế giới của người học khi giao thoa với nhau là đồng thời gần gũi hơn mà lại xa xôi hơn, cho nên chúng tôi đã dự kiến phải có thêm một ngày hội thảo dành trọn cho suy tư về văn hóa thanh, thiếu niên. Đã không có ngày hội thảo nào dành riêng cho môn triết học. Tại sao vậy? Bởi lẽ triết học không phải là một bộ môn theo nghĩa chuyên môn hóa và đóng kín của thuật ngữ này, mà thực chất là bản thân thể hiện của suy tư về mọi vấn đề của kinh nghiệm thực tiễn và tri thức con người. Mong rằng các nhà triết học tự phân công mình vào mọi chuyên đề của hội thảo, vừa để mở đường tiến vào các thành quả của khoa học, vừa giúp cho các nhà khoa học có thể sáng tạo được phương thức suy tư cần thiết. * * * Ý nghĩa các ngày hội thảo chuyên đề là cung ứng các yếu tố về thông tin và suy ngẫm nhằm tái tạo một nền văn hóa nhân bản trần thế, thứ văn hóa có thể trang bị trí tuệ cho giới thanh, thiếu niên đối diện với thế kỷ XXI. Nhất định, những ngày này không phủ kín khắp được toàn bộ hiểu biết, và hẳn có những chỗ trống. Chẳng hạn, tôi vẫn ước ao tổ chức một ngày hội thảo về tư duy toán học. Đó không phải là bàn về các phép tính toán, mà là về tư duy và tính duy lý đầy sáng tạo và rất hùng mạnh của ngành toán học. Sở dĩ tôi không làm việc này, vì hội thảo đã kéo dài tới 8 ngày và khó lòng thêm nữa. Mấy ngày đó, dù mang tính toàn cảnh song cũng không phải là trải khắp bách khoa. Song theo ý chúng tôi thì dù các ngày hội thảo này chưa phải là đầy đủ nhưng vẫn phải cho phép ta tạo thuận lợi cho việc làm trỗi dậy các môn nhân văn học mới mẻ (nouvelles humanités) xuất phát từ hai cực bổ sung nhau chứ không đối kháng nhau, đó là văn hóa khoa học (culture scientifique) và văn hóa nhân bản (culture humaniste). Các môn nhân văn học này cho phép nhận rõ nhân tính trong những cội rễ vật lý học và sinh học, mà chủ yếu là trong các thành tựu tinh thần; cho phép tự nhận biết nhân tính ở bản thân và nhận biết ở người khác một sinh thể nhân tính phức hợp; cho phép trở thành đủ năng lực để tự định vị bản thân, trong thế giới trong vùng đất, trong lịch sử, trong xã hội của bản thân. Những môn nhân văn học mới như thế rõ ràng là tối cần thiết để tái tạo nền văn hóa nhân bản trần thế: một nền văn hóa như vậy có sứ mệnh khích lệ năng lực đặt vấn đề nghi vấn, năng lực hỏi người và tự hỏi mình, năng lực đặt sự vật trong bối cảnh, và sau cùng là ý thức và ý chí đối diện với sức thách đố to lớn của tính chất phức hợp mà thế giới tung ra, thế giới này đang là và sẽ là thế giới của các thế hệ mới. Chúng ta quyết trang bị một “niềm kiên trì dũng cảm”’… EDGAR MORIN NGÀY THỨ NHẤT THẾ GIỚI LỜI ĐỀ DẪN Edgar Morin Tôi nghĩ rằng mọi nền văn minh, mọi cộng đồng người đều có cách quan niệm về thế giới và có nỗi lo xác định vị trí, ghi nhận loài người trong vũ trụ. Vậy nên từ bốn chục năm nay, chúng ta có nhiều việc cần giải quyết với một thế giới đặc biệt mới mẻ. Và chúng ta phải đặt mình trong thế giới này, cái thế giới mà dĩ nhiên chúng ta chỉ là một phần nhỏ bé trong đó. Nhưng điều nghịch lý là nếu như cái phần nhỏ bé này tồn tại trong một tổng thể khổng lồ, thì cái tổng thể lại xuất hiện đồng thời bên trong những phần rất nhỏ, ấy là chúng ta. Bởi vì cái xa chúng ta nhất, nghĩa là những phần tử được tạo thành vào buổi đầu của vũ trụ, những nguyên tử được tôi luyện trong những vì sao, những phân tử được tạo thành trên Trái Đất hoặc ở những nơi khác tất thảy những cái đó cũng đều có ở bên trong chúng ta. Từ đó xuất hiện tình huống nghịch lý mà chúng ta càng ngày càng phải đảm nhận. Chúng ta là những đứa con của vũ trụ và ở đó, như Jacques Monod[6] đã nói, chúng ta như những người Di gan. Chúng ta cách biệt và khác biệt với vũ trụ ở văn hóa, tinh thần, tư duy, ý thức của chúng ta, và chính sự vượt xa này cho phép chúng ta thử nhận biết vũ trụ và đặt những câu hỏi về nó. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ đôi này - ghi nhận chúng ta vào thế giới và phân biệt chúng ta với thế giới - phải luôn hiện diện trong tâm trí chúng ta. 1 DẪN LUẬN VỀ HIỆN TRẠNG THẾ GIỚI Jacques Labeyrie Tựa đề “Dẫn luận về hiện trạng thế giới” này chỉ muốn nói một cách đơn giản là: “Ngày nay, con người tưởng tượng ra thế giới bao quanh họ thế nào?”. Ở đây, tôi muốn nói những tư tưởng lớn cho phép chúng ta hình dung ra vũ trụ. Dĩ nhiên, những biểu tượng này không phải ở thời nay, mà thực tế đã có từ xa xưa trong quá khứ. Tôi xin dẫn hai cuộc chinh phục khoa học vĩ đại: gần ba thế kỷ trước Công nguyên, nhà thiên văn Hy lạp Aristarque de Samos đã hiểu ra, và dạy ở Alexandrie rằng Trái Đất hình tròn, rằng mỗi ngày Trái Đất tự quay quanh mình nó, và Trái Đất cũng quay quanh Mặt Trời hàng năm; một thế kỷ sau, Eratosthène - một nhà thiên văn khác người Hy Lạp ở Ai Cập đã tìm ra cách đo bán kính của Trái Đất - và như vậy tính được chu vi của nó với độ chính xác rất cao. Trong một lĩnh vực chung hơn, Démocrite[7], rồi Lucrèce[8] quan niệm sự tồn tại của các nguyên tử theo trực giác thuần túy. Ngược lại, độ mươi mười lăm thế kỷ sau đó, ở phương Tây tín đồ Kitô giáo, người ta dường như không còn quan tâm đến sự hiểu biết vũ trụ nữa mà chỉ quan tâm đến sự hiểu biết những quy luật của tự nhiên. Rồi đến thời Phục hưng bừng tỉnh. Những cuộc khám phá bắt đầu dồn dập. Mười bảy thế kỷ sau Aristarque, vẫn trong lĩnh vực vũ trụ, Nicolas Copernic[9] lại khám phá ra rằng Mặt Trời tồn tại ở trung tâm của vũ trụ (thuyết mặt trời ở giữa, còn được gọi là thuyết Nhật tâm). Nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler tìm ra ba quy luật về sự quay của các hành tinh. Nhà thiên văn học Galilée[10], ở gần vùng Florence, lần đầu tiên dùng kính viễn vọng quan sát Mặt Trăng và những vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc. Ông cũng là người đã thí nghiệm về những quy luật về sự rơi của các vật thể. Còn Isaac Newton, ở Luân Đôn, thì hiểu ra rằng ánh sáng trắng do các ánh sáng màu tạo thành. Ông cũng hiểu rằng vật nào có khối lượng càng lớn thì sức hút đối với vật khác càng mạnh, ngay cả khi chúng cách xa nhau. Đó là một ý kiến phi thường. Nhà thiên văn học Olaus Romer[11] ở Đài quan sát Paris phát hiện ra ánh sáng có tốc độ và người ta có thể đo được tốc độ của nó. Nhà thiên văn học người Pháp Pierre Simon de Laplace hình dung hệ mặt trời được sinh ra từ một đám mây bụi vũ trụ. Chính tất cả những người khổng lồ về tư duy khoa học đó đã xây dựng nên vũ trụ quan của chúng ta hiện nay... Gần với chúng ta hơn, vào khoảng năm 1930, những quan sát của nhà thiên văn học người Mỹ Edwin Hubble chỉ ra rằng độ dịch chuyển quang phổ về phía màu đỏ trong các ngôi sao và dải Thiên hà tỷ lệ với khoảng cách tới chúng. Như vậy, hoặc là vũ trụ đang ngày càng nở rộng ra hoặc là có một sự tác động còn chưa biết đã ảnh hưởng đến năng lượng những tia ánh sáng theo dòng thời gian. Nếu vũ trụ đang nở rộng dần ra thì nó sẽ trở thành cái gì đây? Nó có thể làm chậm lại sự bành trướng được không? Và sau cùng, một ngày nào đó nó sẽ ngừng tăng thêm được không? Tuy nhiên, nếu như vũ trụ đang lớn dần lên, đó cũng là bởi vì nó vốn bé nhỏ hơn, như vậy là đông đặc hơn và do đó cũng nóng hơn. Như vậy, trạng thái ban đầu của vũ trụ là gì? Có phải nó vốn là một thứ khí hết sức nóng và bị nén lại hay không? Câu trả lời lúc này vượt quá những dự đoán của ngành vật lý học chúng ta. Ngoài vũ trụ hiện tại của chúng ta, có thể còn tồn tại ngay từ sự bùng nổ ban đầu một bức xạ điện từ, dù khá mạnh, nhưng chỉ được hình thành từ những hạt ánh sáng (photon - quang tử) chỉ mang một năng lượng rất nhỏ, cứ như là những phần tử này được tạo nên bởi vật chất ở nhiệt độ gần với độ không tuyệt đối. Thực ra, thuyết vũ trụ hình thành từ một sự kiện ban đầu được gọi là thuyết Big Bang nghe hay như vậy không đáng gọi là một học thuyết, bởi vì nó dựa trên những hiện tượng mà phần lớn thuần túy là tưởng tượng, những kết quả ngoại suy từ những thành tựu của môn vật lý học về những hạt cơ bản. Tuy nhiên, thuyết này hiện đang khá nổi danh, điều đó chứng tỏ rõ ràng rằng vũ trụ ngày nay còn chứa đựng một phần rất lớn trong ước mơ, cũng như ở mọi thời kỳ trước đây. Nhiều khám phá gần đây bổ sung cho vật lý học hiện đại. Một trong những khám phá quan trọng nhất đã được John Dalton[12], ở Manchester, thực hiện vào đầu thế kỷ 19: ông đã phát minh lại thuyết nguyên tử, từ đó về sau được dựa trên những phép đo thực sự. Một trăm năm sau, vẫn ở Manchester, Ernest Rutherford[13] khám phá hạt nhân nguyên tử và phát hiện cách người ta có thể biến đổi hạt nhân nguyên tử, như vậy là phát hiện cách làm thế nào để sự tổng hợp hạt nhân có thể thực hiện được. Mặt khác, phân tích quang phổ ánh sáng từ những ngôi sao cho ta biết rằng trên thế giới không có những loại nguyên tử nào khác ngoài những loại đang có trên trái đất. Vậy là từ nay, vật lý học và thuyết nguồn gốc vũ trụ hình thành nên cùng một môn khoa học rất phổ biến, và nó chứng tỏ khuynh hướng rõ ràng của con người muốn hiểu biết thuần túy về vũ trụ. Kiến thức về bề mặt các hành tinh đã đạt được một vài tiến bộ từ khi con người có máy thăm dò vũ trụ. Bằng tàu vũ trụ, con người đã đặt được máy thăm dò lên ba hành tinh: đó là Mặt Trăng, Sao Hỏa và Sao Kim; và thậm chí đã có tất cả khoảng mười hai người đặt chân lên Mặt Trăng. Con người cũng đã đi vòng quanh sát bốn hành tinh lớn khác và một số vệ tinh của chúng. Nhờ những phép đo đồng vị trong phòng thí nghiệm về những mẫu đất đá, chúng ta biết được rằng Mặt Trăng, Sao Hỏa và những thiên thạch có cùng độ tuổi với Trái Đất là 4,5 tỷ năm (điều này gần như chắc chắn đúng với tất cả những hành tinh khác và cũng đúng ngay cả đối với Mặt Trời). Bốn năm trước khi bắt đầu thế kỷ hai mươi, sự khám phá ra tính phóng xạ của vật chất ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris cũng đã cho phép chúng ta hiểu sức nóng của các sao là do chúng đốt cháy vật chất. Chẳng hạn Mặt Trời của chúng ta sản ra 3,8 x 10³³ erg/s và trong cùng thời gian đốt cháy 4,2 triệu tấn hydro (hoặc nói một cách chính xác hơn là biến đổi chúng thành khí hêli). Sau đó, trong khi già đi, Mặt Trời của chúng ta sẽ tổng hợp các nguyên tử khác, đặc biệt là các nguyên tử cần thiết cho sự sống: cacbon, nitơ, oxy, lưu huỳnh, v.v... (nhưng không có các nguyên tử nặng hơn sắt) nhờ vào nhiệt độ hàng triệu độ mà sức hút đã bắt đầu ở vùng trung tâm. Những nguyên tử này sẽ bay hơi dần dưới dạng gió mặt trời. Vậy là ở đó, trong lòng các sao tương tự đã dần dần hình thành cái chủ yếu của vật chất tạo ra vũ trụ. Chúng ta cũng biết những nguyên tử khác, những nguyên tử nặng nhất từ đâu đến. Chính là vào thời kỳ cuối cùng của đời sống các vì sao nặng nhất, trong một tiếng nổ lóa sáng, các nguyên tử này được tổng hợp lại trong chốc lát và sau đó, chúng được tung vào không gian vũ trụ như những hạt bụi. Cái thứ bụi nguyên tử này đến từ nhiều thiên thể trung tâm nhóm lại thành những tinh vân trong những khoảng tối của dải Thiên Hà, và đến một ngày nào đó, nhờ vào sức hút, nó có tác dụng tái lập những hệ mặt trời mới. Những nguyên tử nặng không được liên tục tạo ra như những nguyên tử nhẹ, mà chúng được hình thành từ những trận nổ lớn được người ta gọi là “sao siêu mới” (supernovae). Phần ngoài của vì sao gồm những nguyên tử nặng được tung vào không trung với tốc độ hàng nghìn kilômet/giây, và trong hàng nghìn năm, nó tiếp tục lan rộng. Chẳng hạn, một vụ nổ như vậy thấy được từ Trái Đất suốt mùa hè năm 1054. Nó phát sáng như Trăng tròn trong nhiều tháng, và người ta còn nhìn thấy tinh vân của nó nhờ một cái kính thiên văn tốt. Chính ở nơi là tâm của sao siêu mới đã hình thành nên một sao kỳ diệu nhỏ, một chút cặn của vật chất ở dạng khác thường, được gọi là sao pulsar. Đó là tổ hợp các neutron với mật độ dày đặc khác thường, tự quay quanh mình và bao quanh tổ hợp đó là các từ trường với cường độ rất lớn. Tổ hợp đó không ngừng phát ra, với số lượng khổng lồ, trong hàng nghìn năm, cả gam màu hạt ánh sáng đủ mọi sắc thái, đó là những quang tử, từ tia gama, tia X đến cả sóng radio. Thay đổi quy mô hình dung, chuyển sang sử dụng kích thước lớn gấp hàng chục tỷ lần, chúng ta thấy những dải Thiên Hà, ít ra là những dải trẻ nhất cũng chứa đựng một điều kỳ diệu. Và sao quasar[14] được sinh ra có thể là về phía tâm của chúng, trong một thể tích nhỏ mà vật chất trở nên phong phú và tập trung đến mức có thể gấp hàng nghìn tỷ lần các sao pulsar. Quasar còn kỳ diệu hơn khi nó phát ra những photon có thể nhìn thấy từ khoảng cách hàng tỷ năm - ánh sáng. Ở đây thì môn vật lý học của chúng ta trở nên lỗi thời. Chúng ta thấy những quasar này, nhưng chắc chắn là hiện tại, chúng ta không thể giải thích được cơ cấu của chúng. Việc nghiên cứu vũ trụ xa xăm đã cho phép quan sát những sự kiện đã làm thay đổi hẳn cách nhìn nhận về thế giới của chúng ta, ngay cả khi chúng ta thấy khó hiểu một số hiện tượng ngoài những cái mà chúng ta có thể thực hiện ở trong phòng thí nghiệm. Nhưng không phải chỉ những hiện tượng rộng lớn và xa xăm này là những hiện tượng duy nhất làm chúng ta lúng túng. Ví như từ đầu thế kỷ XX, thuyết tương đối rộng của Albert Einstein về nguồn gốc vũ trụ có ảnh hưởng đáng kể, nhất là từ khi chứng minh được rằng một tia sáng bị chệch hướng khi đi gần Mặt Trời. Vậy là như Einstein đã dự kiến, chắc hẳn quang tử có một khối lượng. Vào khoảng năm 1990, người ta đã khám phá ra những hình ảnh trọng lực của một Thiên Hà xa xăm, được tạo ra bởi khối lượng của một Thiên hà nằm giữa Thiên Hà đó và chúng ta, một lần nữa, điều này xác nhận đặc tính của những quang tử là có khối lượng. Từ đầu thế kỷ XX trở đi, môn vật lý học bị chi phối bởi việc nghiên cứu về những hạt cơ bản của vật chất (trước tiên là nguyên tử và điện tử) cũng như về những hạt ánh sáng (quang tử). Trong thế giới sự vật được xem xét kỹ lưỡng từng cái một, những điều xác thực tốt đẹp trước đây biến mất. Trước đây, những điều xác thực có được là do ta dựa vào những điều chúng ta biết về phần tử nhỏ nhất của vật chất khi đó, về dòng ánh sáng bé nhất mà chúng ta quen xem xét khi đó, về dòng điện cường độ nhỏ nhất chúng ta có thể đo được, chúng được tạo thành - ít ra là - từ vô số các yếu tố. Thế giới cá thể này thường hết sức nhỏ bé, và người ta có xu hướng gọi nó là thế giới lượng tử, rất khó có thể quan sát nó và việc tìm ra quy luật của nó thì còn khó hơn. Tuy nhiên, người ta đã có những ứng dụng rất quan trọng, hẳn là vượt xa các ứng dụng có được khi khám phá các quy luật của nhiệt động học, rồi sau đó là điện từ học vào đầu thế kỷ XX. Một trong số những hệ quả hiển nhiên nhất của những nghiên cứu mới này là hệ quả của thế giới chất bán dẫn và của việc phát triển hầu như tiếp ngay sau đó của tin học. Cả một lĩnh vực, lĩnh vực tính toán đủ mọi loại, đã bị xáo trộn trong vòng vài năm; một lĩnh vực khác, lĩnh vực báo chí, phát thanh, điện thoại cũng đang chịu chung một số phận, bởi vì ngày nay người ta có thể tìm thấy và truyền phát hầu như bất kỳ một loại thông tin nào, ngay khi nó được công bố ở một nơi nào đó. Từ nay trở đi, người ta cũng có thể chuyện trò với bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào trên Trái đất và vào bất cứ lúc nào mà người ta muốn. Sự thay đổi này hiện mới chỉ liên quan tới số ít người. Nhưng những người biết rõ sự đổi mới này có cảm tưởng khá mới mẻ rằng bề mặt Trái Đất như được thu hẹp lại, và không chỉ qua những tiến bộ lớn về kỹ thuật, ví như trong thời gian không đầy hai ngày hành trình, người ta có thể tới bất cứ nơi nào người ta muốn, ở tất cả mọi nơi trên hành tinh của chúng ta. Dường như phần lớn trẻ em tới trường được người ta dạy cho tất cả những chinh phục mới mẻ này của tri thức chẳng hề vất vả gì trong việc học tập và lĩnh hội chúng. Ngay cả khi không có phương diện vui chơi, thậm chí ngay cả khi bọn trẻ chỉ được thông tin qua những tạp chí phổ biến khoa học, hoặc bởi một số kênh truyền hình nào đó, mặc dầu vậy bọn chúng luôn say mê với những kiến thức trừu tượng cũng như những kiến thức về thiên văn học, thậm chí về vật lý học lượng tử, những kiến thức mới về khoa học Trái Đất hoặc những kiến thức khoa học về sự sống, và chúng luôn quyết định tìm hiểu sâu hơn những kiến thức này, một khi trưởng thành. Tôi tin rằng trước đây điều này không tồn tại, khi ở các trường trung học khắc khổ, hầu như chỉ có những người phân phát Kiến thức, người ta đã làm chúng ta chán chường với sự khô khan của môn vũ trụ học và môn toán học, bởi người ta đã quên nói với chúng ta rằng các môn học này phần lớn chỉ là một thứ công cụ kỳ diệu nhằm đơn giản hóa kiến thức về những quy luật của tự nhiên. Từ một vài thập kỷ nay, tôi thấy dường như có một luồng không khí mới thổi vào cách giảng dạy. Đã có một sự tiến bộ khác nữa, đó là ngày nay kiến thức này có thể tiếp cận được với nhiều người hơn trước đây. Từ tất cả những điều đó, tôi nghĩ rằng chúng ta nên vui mừng. 2 VŨ TRỤ: QUAN NIỆM VÀ GIẢ THUYẾT Michel Cassé Nội quan vũ trụ luận Trong phạm vi sáng chói và phức hợp của tri thức, để duy trì lòng hăng hái đang thì nảy nở cho việc nghiên cứu, tôi chọn “bầu trời”. “Bầu trời” gợi lên đây đó là những linh hồn phiêu diêu, cùng với những công nghệ bắt kịp thời đại. Từ bầu trời, chúng ta đã học được trong hai mươi năm nhiều hơn là hai nghìn năm, đó là nhờ vào sự liên kết của thiên văn học và vật lý học. Vật lý học thiên văn là sự phối hợp của Trời và đất trong tư duy con người, của vật lý học, thực hành trong phòng thí nghiệm, nhằm rút ra những quy luật của vật chất ở thế giới trần gian này, với thiên văn học, nhìn tới cái không thể tiếp cận. Không có vật lý học thì thiên văn học như không có đầu, nhưng không có thiên văn học thì vật lý học không có cánh. Dùng kính viễn vọng quan sát Mặt Trăng, Galilée phát hiện ra núi ở trên đó: Ông kết luận rất đúng rằng trên Mặt Trăng là đất. Chúng ta sẵn sàng đảo lại mệnh đề và nói rằng Đất là Trời. Phương trình đầu tiên của vật lý học thiên văn là: Đất = Trời. Mọi cái có trên Trái Đất như nguyên tử, ánh sáng và quy luật thì cũng như những cái ở trên bầu trời. Cái không có ở đây thì cũng chẳng có ở nơi nào khác. Không gian bị mất đi vì tất cả mọi nơi đều có giá trị như nhau, nhưng thời gian thì tìm lại được bởi vì chúng ta đang sống ở thời đại may mắn là vật chất biết nói. Người ta nhìn thấy sự vật trên bầu trời, còn chúng ta là những nhà vật lý học thiên thể, chúng ta nhìn thấy bầu trời trong các sự vật: các bạn uống cả vũ trụ trong một giọt nước mưa mà không biết điều đó bởi vì phân tử nước H2O kết hợp trong nó khí hydro, dấu tích của “vụ nổ nguyên thủy” hoặc còn gọi là thuyết Big Bang với khí oxy do các vì sao sản sinh ra từ trong lò của chúng. Vậy là có một chuỗi vật lý sinh thành. Gắn thế giới với sự lãng quên, chủ đề phả hệ vật chất liên hệ các yếu tố với các vì sao, Trái Đất với bầu trời, ánh sáng với vật chất, sự sáng tạo với sự phân rã, sự sinh thành với sự tận thế. Sự rối loạn mất trí nhớ về vũ trụ như thế, con người khắc phục nó bằng khoa học. Dự án triết học của chúng tôi không còn dừng ở sự làm chủ và sở hữu về thiên nhiên, mà mở ra đến tất cả mọi loại ánh sáng nhìn thấy được hoặc vô hình. Mehr Licht![15] Chúng ta luôn đòi hỏi nhiều ánh sáng hơn nữa, như Goethe trên giường trước lúc lâm chung. Để giải nghĩa những dấu hiệu trên bầu trời, chúng tôi đang giải mã thứ ngôn ngữ tinh tế từ những sứ giả trên trời, đó là những quang tử, những neutrino, và tới đây là những sóng hấp dẫn. Cái nhìn về thiên nhiên, về mặt trời nhường chỗ cho cái nhìn về vũ trụ. Nghệ thuật không còn ở trong một màu nữa, mà nó nằm trong sự kết hợp của mọi sắc màu ta nhìn thấy hoặc không thể nhìn thấy từ tất cả những bức xạ, từ những hạt chuyển động, đó là quang tử, nơtrino, và tia vũ trụ. Sự sáng tạo ra vật chất trở thành đối tượng nghiên cứu cho các ngành khoa học. Sự tồn tại các nguyên tử ngày nay được xác lập chắc chắn. Ta nên tìm hiểu nguồn gốc của chúng, và những nguồn gốc ấy nằm trong bầu trời. Thuyết Big Bang, con đẻ tự nhiên của thuyết tương đối rộng và của thiên văn học kết hợp với vật lý học hạt nhân, chỉ cho chúng ta rằng hydro và hêli là những nguyên tố cơ sở, rằng những sao - nơi xảy ra phản ứng tổng hợp nhiệt hạch - đã rèn trong lò luyện của chúng, từ những nguyên tố đơn giản ra tất cả mọi nguyên tố khác, từ cacbon đến urani. Chúng đã nở ra như những bông hoa và phát tán trong vũ trụ hằng hà sa số những nguyên tử có cánh, mầm mống tất yếu của sự sống, cũng chính là những nguyên tử mà các sao đã tạo nên. Nhân loại sinh ra ở đó, xung quanh những ngôi sao siêu mới, những ngôi sao nổ tung ra để cho vật chất của nó văng xa. Những vì sao luôn rất thân thiết gắn bó đối với trẻ em và các thi sĩ, nhưng họ không biết rõ vì sao lại như vậy. Vật lý học thiên văn hiện thân cho tình yêu này khi giải thích rằng các vì sao mang trong lòng mình những nguyên tử của chúng ta. Mối liên hệ giữa các vì sao và con người, và khái quát hơn là giữa mọi hình thái trong bầu trời, là mang tính biến sinh, vật chất và lịch sử. Bầu trời cũng làm nên lịch sử như nguyên tử. Tất cả mọi tia sáng đều trở thành lời nói. Thuyết Big Bang lớn tiếng bày tỏ với chúng ta. Phả hệ của vật chất Xuất phát từ bản chất của một sinh vật biết suy nghĩ, chúng ta tạo nên những ý niệm về số không, về cái vô tận và về vũ trụ, mê mẩn những ý niệm đó và hủy bỏ chúng. Từ sự cám dỗ này sinh ra một khoa học kết hợp vũ trụ (cosmos) với nguồn gốc của tư tưởng (logos), thành vũ trụ luận nhằm giải nghĩa cho từ “vũ trụ”. Giả thiết cơ bản cho rằng thế giới là một vũ trụ, hoặc nói khác đi, cái mất trật tự là một cái có trật tự bị che khuất. Lối “cá cược” này mà cơ sở vững chắc của nó được xác nhận hậu nghiêm - là nền tảng cho môn vật lý học về bầu trời. Một trật tự khác cần tìm ra, và trật tự này là nhất thời. Tài trí của người quan sát phải thâm nhập vào thời tuổi xuân xáo động của vũ trụ ngược mãi lên cho tới những ngày dông tố của thời sơ khai của thế giới. Vũ trụ phát triển trên hai bình diện liên tiếp: sự phát triển “vô hình” (cho tới khoảng một triệu năm đầu) và sự phát triển “hữu hình” (từ 1 đến 15 tỷ năm). Thời kỳ tối tăm thì lý thuyết tiếp cận được, ngoại trừ thời điểm số không. Thời kỳ trong sáng thì quan sát tiếp cận được, trong 15 tỷ năm - ánh sáng. Kịch bản về vũ trụ được chia ra thành nhiều hồi: 0. Sự trồi lên của vũ trụ do diễn tiến lượng tử không thể tồn tại. Vì sao có một vũ trụ chứ không phải là một cõi hư vô trong sự yên lặng không có mặt đối lập? Những quy luật bảo toàn của vật lý học đối lập với quan niệm cho rằng có một cái gì đó sinh ra từ cái hư không, trừ phi năng lượng toàn phần của vũ trụ bằng không cũng như điện tích của nó và tất cả những đại lượng bảo toàn khác. Vậy không có cái gì sinh ra từ hư không. Song không thể cấm nghĩ tới điều đó bởi vì trong vũ trụ có tồn tại những năng lượng dương như năng lượng khối, và những năng lượng âm, như thế năng của sức hút, và những năng lượng này có thể bù trừ cho nhau. Nếu như vũ trụ tồn tại như vậy, thì sự sáng tạo trong vũ trụ sẽ là vô tư và đúng luật vì nó không xâm phạm một quy tắc bảo toàn thiêng liêng nào. Trong các hội lượng tử, người ta viện dẫn một lối xuyên thủng do hiệu ứng đường hầm hoặc nữa là một sự thăng giáng của chân không. Một số người nói về sự tạo ra vũ trụ bắt đầu từ hư vô. Tất nhiên, mọi điều đó cứ như là việc dùng thêm một “hạt muối”, vì cũng cứ phải lưu ý người ta cho rằng vũ trụ mang tính thuộc lượng tử và tương đối, ngay cả trước khi nó tự cho mình cái hình hài bề ngoài. Vậy là người ta cho rằng các quy luật có trước vật chất và thậm chí có trước ngay cả không - thời gian, điều mà không phải là hư vô. I. Kỷ nguyên của sự hỗn độn lượng tử: sự thoát ra đám sương mù không - thời gian. Một khoảnh khắc trong bóng tối dày đặc hoàn toàn, thực sự cô quạnh trong tâm trí, kéo dài chỉ 10-43 giây, khiến chúng ta cách biệt sự phi lý của thời điểm số không. Suy lý thần học ngự trị vì thiếu cái khoảnh khắc này. Tự bản thân nó chính là bước chuyển từ cái không được xác định thành cái được hạn định, sự tạo ra thế giới vẫn không được lý tính tiếp cận. Về phương diện logic, thời gian số không là một giây lát trong khoảng thời gian chưa tồn tại. Về phương diện vật lý, người ta cũng không thể thoát khỏi kết cục tai hại về quan niệm: số không là quá chính xác để thuộc về lượng tử. Sự lờ mờ về lượng tử ngược lại với thuyết quyết định tương đối ở chỗ: một quầng bất định bao bọc sự bắt đầu. Bản thân thời gian cũng thăng giáng vì “lượng tử” đồng nghĩa với “thăng giáng”. Như thế, khi vũ trụ tiến tới số một, thì hoạt động ngôn ngữ tiến tới số không. Những quan niệm về lượng tử và tương đối luận chỉ có thể giúp chúng ta như một công cụ lý thuyết để xác định những giá trị tối cực hạn của các đại lượng vật lý tham gia: không một khoảng thời gian nào nhỏ hơn 10-43 giây, không một khoảng cách nào dưới 10-33 centimét, không một nhiệt độ nào trên 1.032 độ kelvins còn có ý nghĩa vật lý nữa. 10-43 giây không bằng một cái nháy mắt so với tuổi của vũ trụ! Nhưng cái phần rất nhỏ bé này của giây được coi như là một sự vĩnh hằng, dù lý trí có thể khó hiểu thấu được. Một giây là gì? Nếu thời gian đúng là số đo của sự thay đổi, thì một giây hồi đó không bằng với một giây ngày nay. Điều đã diễn ra trong một giây thời điểm đó là nhiều hơn suốt trong vòng 15 tỷ năm của chúng ta. Một viên ngọc không - thời gian nổi lên từ đá bọt, như cảm thấy mong muốn sinh trưởng và làm đẹp hơn lên. Không phải nó là chân không trống rỗng, vì nó bão hòa năng lượng. Tự nó có trật tự và những quy luật của mình. Và thứ bọt này biến thành vũ trụ do tác động của sự tăng quá nhanh của không gian trước sức ép của khoảng chân không sai lạc này. Những quy luật của vũ trụ có thể quan sát được là những quy luật của đá bọt. Vũ trụ này là của chúng ta. Nó giống như là một chiếc đồng hồ treo tường vận hành cách đây 15 tỷ năm. Khoảng thời gian dài này được so sánh với tuổi của những nguyên tử nhiều tuổi nhất và những ngôi sao cũ quen thuộc nhất. Mô hình vũ trụ luận theo thuyết quyết định từ nay hướng dẫn chúng ta một cách chắc chắn và là phần chính cho lịch sử vũ trụ. Sự tách biệt không - thời gian thành không gian và thời gian có thể thực hiện là do tính thuần nhất do không gian quy định. Vũ trụ đang tiến triển trong tất cả các miền của nó, nhưng vĩ đại nhất là sự tiến triển của hình học vũ trụ. Không gian nở ra. Vũ trụ bành trướng dần. Có sự tương ứng đơn nhất (một - một) giữa tuổi và độ dày đặc của vũ trụ và cũng như giữa tuổi và nhiệt độ. Một vũ trụ non trẻ thì dày đặc và nóng nực. Một vũ trụ già thì loãng và lạnh lẽo. Vũ trụ trải qua nhiều kỷ nguyên khác nhau với độ dài lớn dần, được xác định theo tỷ trọng năng lượng của thể dạng đang ngự trị, đó là: hỗn độn, chân không, bức xạ hoặc vật chất. II. Kỷ nguyên của chân không. Chân không không cảm nhận được có sự giãn nở của vũ trụ. Mật độ năng lượng của nó là không đổi. Vậy mà một mật độ năng lượng không đổi lại gây ra sự giãn nở của vũ trụ theo luật hàm số mũ. Chân không là yếu tố thúc đẩy mở rộng không gian: nó tăng nhanh tốc độ giãn nở của vũ trụ (Có thể chân không cũng gây ra sự giãn nở đó?). Sự giãn nở hết sức mãnh liệt này ngừng lại khi mật độ năng lượng của chân không tự (hoặc hầu như) triệt tiêu cho bức xạ gia tăng. Quyền lực được chuyển giao từ Chân không sang Ánh sáng. III. Kỷ nguyên bức xạ ánh sáng. Có một mối liên hệ vật lý chặt chẽ xâu chuỗi với nhau về sự sinh thành: Chân không - Ánh sáng - Vật chất. Mỗi cái lần lượt tồn tại khi mà tỷ trọng năng lượng của nó vượt những cái kia. Trong không gian ở thời điểm 10-32 giây, nối tiếp chân không là ánh sáng. Kỷ nguyên của nó kéo dài gần một triệu năm và kỷ nguyên của vật chất hơn 10 tỷ năm. Dưới sự ngự trị của ánh sáng, có sự hủy diệt phản vật chất bởi vật chất và sinh ra hêli. Vì rằng ánh sáng (sự chiếu sáng) là một thể vật chất trung tính, người ta có thể gán cho nó tín hiệu “0”, cho phép quan niệm rằng ánh sáng có thể sinh ra đồng thời thể vật chất (+) và thể phản - vật chất (-) trong việc tạo ra thế giới và ở thể biến mất của chúng trong sự tiêu hủy hoàn toàn, nếu ánh sáng có đủ năng lượng cần thiết. Sự loại trừ của dạng phản - vật chất, bản sao đối kháng và hủy diệt của vật chất, sinh ra cùng với vật chất, kết thúc bằng sự mất mát to lớn trong thế giới vật chất. Những vật thể sống sót (một trên một tỷ) lập nên thế giới vật chất: các bạn, các sao và tôi. Chúng ta là con đẻ của sự lệch đối xứng nhẹ nhàng. Lúc kết thúc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chỉ còn tồn tại một sự tập trung yếu ớt những proton, nơtron, electron, và nơtrino, treo lơ lửng trong đại dương photon. Ở giây đầu tiên, những phân tử nơtrino ngừng tác động qua lại với vật chất, vì sự bành trướng đã làm cho chúng mất năng lượng. Lúc đó nhiệt độ là 1 tỷ độ. Ở phút thứ ba, những proton có thể tự liên kết với những nơtron sống sót không bị quấy rầy bởi những photon bao quanh rất dễ tấn công do năng lượng mạnh mẽ của chúng. Ngọn lửa đầu tiên của phản ứng hạt nhân của vũ trụ kết thúc bằng sự tổng hợp năng lượng sơ khởi của các chất đeuteri, heli và liti và bằng sự thất bại của tổng hợp carbon. IV. Kỷ nguyên sao. Một triệu năm sau, nhiệt độ của vũ trụ giảm xuống khoảng 3.000 độ, nguyên tử hidro sinh ra từ sự chiếm lĩnh của các electron bởi các proton. Do đó, vũ trụ sáng ra vì các electron liên kết không giữ những các photon lại nữa. Đó là thời kỳ bình minh của vũ trụ. Ánh sáng rời vật chất để cho nó tự do kết cấu. Sóng điện từ được giải phóng vào lúc này, được giãn ra bởi sự nở ra của không gian, sẽ truyền đến trái đất mười lăm tỷ năm sau. Bằng hành động phân tách này, vũ trụ làm cho người ta tưởng rằng nó trong suốt và có khả năng sinh sản. Khí vũ trụ tự phân chia thành những tinh vân rất lớn và chúng sẽ phát triển thành những sao. Ở vị trí nở ra của vũ trụ, sự vận hành làm lan rộng theo hướng của sự khuếch tán và giá lạnh, về mặt cá thể những ngôi sao đối lập với cả những sức mạnh của chúng (hoặc đúng hơn là đối lập với cả những sức mạnh của hấp dẫn, thực chất là sự lôi cuốn của vật chất đối với vật chất). Chúng tập trung lại và sưởi ấm vật chất ngay trong lòng mình. Dưới ảnh hưởng của sức nóng, trong nơi dung hợp của mình, các sao biến đổi những hạt nhân hidro, hêli được thừa hưởng của thuyết Big Bang thành cacbon, nitơ, ôxy v.v... và như vậy trở nên động lực thực sự cho tiến trình hóa học của các thiên hà. Con đường dẫn đến từ vô số phần tử vô danh và trừu tượng sinh ra bởi “vụ nổ khởi thủy” ở trên những cánh đồng cỏ, ở mưa gió, ở vô số dạng hình thức và trạng thái, ở vô số tình cảm nhất thiết phải đi qua sao. Nằm lưng chừng giữa bay lên và rơi xuống, sao tồn tại ở nhiệt độ mấp mé tiêu hủy của nó. Sao là nơi mà vật chất tự hủy diệt, vì ở đó nó tự biến đổi một phần thành ánh sáng, ngược với Big Bang ở đó năng lượng tự vật chất hóa (một phần, chỉ một phần thôi). Nó lấp lánh bởi vì nó chuyển đổi các nguyên tố. Vậy, sao là nơi những kim loại tự hoàn thiện. Trong những lò dung hợp sao, khí hidro đơn giản biến đổi thành các chất phức tạp như cacbon, nitơ, ôxy, sắt, vàng, urani. Nếu muốn cho bọn trẻ vui thích, tôi sẽ nói rằng ở trung tâm các ngôi sao có hàng tỷ đám cưới giữa các hạt nhân nguyên tử tự diễn ra. Tiếng kêu lên của niềm vui, đó là ánh sáng. Và tôi muốn nói thêm để bọn trẻ ởng cái vị của toán học, thì đó là các sao làm phép tính số học: 3 heli thành 1 cacbon, như 3x4 = 12. Tuy nhiên những sao không cất giữ sản phẩm của “thuật giả kim” của chúng. Sau sự tồn tại tỏa sáng của chúng, các sao nở ra như những bông hoa. Chúng nhường cho gió trời hằng hà sa số nguyên tử “có cánh” của chúng. Từ sự việc này, ta thấy chúng đóng vai trò như những người thợ thủ công làm việc cẩn thận trong nền kinh tế chung của vũ trụ. Những sao lớn, những nhà cách mạng mà sự bùng nổ được tiếp nhận trên trái đất bằng những tiếng kêu vui sướng về “ngôi sao siêu mới”, tặng cho bầu trời những nguyên tử được làm bằng bầu sữa của chúng, và những sao nhỏ, như mặt trời chẳng hạn, chúng phân phát ánh sáng và sức nóng ổn định cho miền phụ cận. Những nguyên tử của các bạn ư? Các sao đã mang chúng trong lòng và ánh sáng ấp ủ chúng. Sau khi các thế hệ sao nối tiếp nhau và làm phong phú thêm chất khí của dải Ngân hà từ công trình hạt nhân của chúng, một thiên thể giản dị thuộc ngoại vi dải Thiên hà là Mặt trời tách biệt với tinh vân mẹ của nó và tập hợp quanh mình các hành tinh. Trên một trong các hành tinh đó bắt đầu xuất hiện cuộc sống và ý thức. Ngày nay, vật chất biết tư duy hướng ý nghĩ quan tâm đến quá khứ chất trơ của nó, của vật chất thuộc thế giới các sao và tinh vân. Khi các bạn ngắm nhìn các sao, hãy thay đổi tâm tình của mình. Hãy nhìn chúng như là chúng đang hiện hữu: các bà mẹ của những nguyên tử của các bạn. Đến từ các vì sao, các nguyên tử của chúng ta sẽ trở về với sao khi mặt trời khổng lồ và nóng rực sẽ làm bốc hơi Trái đất. Khi đó những nguyên tử của tất cả những xác chết chôn vùi dưới đất sẽ ở trong Mặt trời. Nhưng hiện giờ những nguyên tử này là bất tử, chúng tạo thành những loài có thể chết và có khả năng suy nghĩ đang ngưỡng mộ Mặt trời như một vị chúa, một người cha, một trung tâm hạt nhân. V. Kỷ nguyên mặt trời. Thực vậy, vỏ bọc rực sáng của Mặt Trời che khuất một lò phản ứng hạt nhân có cơ chế nén hấp dẫn. Trong lòng nó là địa ngục nhưng bề mặt nó thì bình lặng. Mỗi điểm của Mặt Trời đồng thời bị hút (sức hấp dẫn vật chất bởi vật chất) và đẩy bởi sức mạnh của áp suất nhiệt. Sự mềm dẻo của trạng thái khí cho phép điều chỉnh cấu trúc không nổ. Trên thực tế, nhiệt độ và ánh sáng của nó ổn định từ hàng tỷ năm nay đã làm thành một lồng ấp sinh học kỳ diệu. Con người là một thợ săn ban ngày và khí quyển thì trong suốt với phần lớn của bức xạ Mặt Trời, và tính thường xuyên của ánh sáng Mặt Trời đã rèn luyện đôi mắt của chúng ta: những nguyên tử của nó không ngừng nói với các nguyên tử của đôi mắt chúng ta bằng ngôn ngữ của ánh sáng. Đặc tính của mắt là do Mặt Trời: Từ thực tế này, chúng ta không nhìn thấy những sao nóng hơn hoặc sao lạnh hơn Phébus[16] có bộ tóc vàng rực. Tuy nhiên, khả năng nhìn của chúng ta là toàn năng: con người tự trang bị cho mình những bộ phận cho phép tìm hiểu kỹ bầu trời trong một phổ sóng (vô tuyến điện, hồng ngoại, tử ngoại, tia X và gamma). Cái không nhìn thấy là cái sắp tới sẽ thấy. Thiên văn học về cái vô hình, thiên văn học điện tử, thiên văn học tự động hóa và thiên văn học vệ tinh hóa chỉ rõ rằng bầu trời ban đêm lấp lánh các vì sao bức xạ mà con mắt tự nhiên của chúng ta không thấy được. Chúng ta sẽ không còn sống như mù trong cái thực tại trên cao cả của bầu trời nữa. Trái Đất thường xuyên tắm trong bức xạ vũ trụ. Rất lạnh, bức xạ này “run lập cập” bên bộ phận cảm thụ của các kính thiên văn vô tuyến của chúng ta. Mặt Trời của các nơtrino không bao giờ lặn. Ban đêm là lĩnh vực của những hiện tượng bề ngoài. Ban đêm không đen tối, chỉ có cái nhìn của chúng ta là tối tăm mà thôi. 3 CÁC THUYẾT VŨ TRỤ LUẬN VÀ VIỆC DẠY CÁC MÔN KHOA HỌC Pasquale Nardone Diễn ngôn logic vật lý cũng như một bài diễn văn về hệ tư tưởng. Vũ trụ luận chứng minh điều đó một cách từ từ. So với mọi chương khác về lịch sử tự nhiên, chương này không thể được xây dựng một cách xác thực. Số lượng ít ỏi những biện pháp thích hợp, không thể làm thí nghiệm đối tượng chú ý của chúng ta, đều áp đặt chúng ta vào một tư duy tư biện. Vũ trụ luận xuất hiện như sự lồng những con búp bê Nga vào với nhau, nơi mà chúng ta chồng chất những quan niệm, những tư tưởng, nhưng cũng rất ảo ảnh. Và đúng là như thế, ngay cả khi bộ môn này có thể là bổ ích. Để nhắc lại một lời hóm hỉnh cổ điển của những nhà vật lý học, chỉ có ba sự việc xác định về vũ trụ luận: - Thứ nhất, đó là màn đêm thì tối đen; - Thứ hai, đó là chúng ta đang bơi trong bức xạ điện từ (nó ở 2,75 độ kelvin, hay là có nguồn gốc vũ trụ lại là một chuyện khác); - Thứ ba, thực sự là phổ ánh sáng được phát ra từ các thiên hà được dịch chuyển một cách hệ thống về phía màu đỏ (sự dịch chuyển này liên quan đến sự giãn nở của vũ trụ và nó tỷ lệ với khoảng cách thì lại là một chuyện khác). Nhưng trừ ba sự việc này ra, tất cả hoặc hầu hết những cái còn lại đều chỉ là diễn ngôn. Về mặt này, vũ trụ học là tiêu biểu cho tình hình chung ở tất cả các lĩnh vực của vật lý học. Ngay cả khi người ta không nói nhiều về nó, cuộc tranh luận liên miên giữa những mô hình, lý thuyết, kinh nghiệm và hệ tư tưởng thực sự là công việc hàng ngày của những nhà vật lý học cũng như những nhà vũ trụ học. Mặc dù vậy, vật lý học như trong những chương trình dạy ở Trung học lại áp đặt tức thì cho các em thiếu niên của chúng ta một loạt tiên đề, quy tắc đặt ra như là những dữ kiện ổn định và có tính quyết định. Đó là điều hoàn toàn đáng tiếc. Ngay cả trước khi dẫn chúng đi dạo chơi trong thiên nhiên, chỉ cho chúng các sự vật là gì, cùng lập với chúng một danh mục các hiện tượng, cùng chúng xây dựng nên “những sự việc”, vậy trước khi giảng cho chúng nghe một “bài học về sự vật”, người ta đã vội giới thiệu cho chúng mô hình cuối cùng. Sự tiếp cận quá thuần khiết này đôi khi dẫn đến việc đưa câu trả lời cho những câu hỏi mà chúng không đặt ra. Mô hình truyền thống tiêu biểu nhất về mặt vật lý học là mô hình Newton vì nó sẽ sử dụng làm khuôn cho mọi mô hình khác. Vậy cho phép tôi nhắc lại ở đây những nét chính của nó. Không gian, thời gian, điểm Không gian không thể được định nghĩa “một cách thực tiễn”, người ta không thể làm cho nó cụ thể hơn, người ta nói một cách đơn giản là nó ở đó, tồn tại một cách tuyệt đối và hiển nhiên. Với Newton, không gian tuyệt đối này mang một ý nghĩa toán học. Người ta cho nó những “đặc tính” hình học. Bằng tư duy, người ta có thể vẽ ở đó những đường thẳng, tam giác, góc. Người ta có thể bắt không gian chịu một tư duy suy diễn logic mà không bao giờ nhờ đến việc đo hoặc việc kiểm tra những khẳng định bằng thực nghiệm. Newton cần một thời gian. Nhà vật lý học phải thuật lại lịch sử. Ông ta sẽ không đơn giản vẽ những hình hình học. Dựa vào những hình này phải thuật lại sự tiến hóa. Newton đưa ra một “mô hình thời gian, thời gian không thể hiện thực hóa được, nhưng hiển nhiên, có tính chất đặc biệt là trôi đi một cách đều đều. Newton cũng đưa ra cho ta một miêu tả về cái gọi là vật chất. Vật chất dù phức tạp biết bao vẫn có thể quy gọn vào một hệ chất điểm. Giữa các điểm không có gì hết: đó là “chân không”. Mô hình Newton theo thuyết quyết định: nếu đưa ra cái gọi là những điều kiện ban đầu thì người ta có thể đoán trước được tương lai. Mục đích của nhà khoa học là dự kiến một phần: khá tham vọng, thậm chí đó còn là vô cùng tham vọng, thế nhưng đó là vai trò chủ yếu của họ. Trong cái mô hình này đi tiếp đến một diễn ngôn phức tạp: đó là lực và làm thế nào để lực được gắn liền với vận động. Như là mảnh đất được hợp thức hóa, ngoài sự vận động của hành tinh là thành công lớn của cơ học Newton, người ta cũng tìm ra “cách bắn theo quĩ đạo parabôn” của súng đại bác, các pha của Mặt Trăng, của thủy triều, của sao chổi, tất cả điều đó đi kèm với sự tác động từ xa: định luật vạn vật hấp dẫn. Lực này quả thật kỳ diệu, nó không thông qua vật chất mà lập tức thiết lập một sợi dây vô hình giữa tất cả mọi vật thể với nhau! Các trường và các chất lỏng Điều rất quan trọng, đó là phải chờ đến thế kỷ thứ XIX mới xuất hiện một phép mô hình hóa khác của Maxwell. Để giải thích các lực điện và từ, Maxwell đưa ra một khái niệm cơ bản trong vật lý học hiện đại: khái niệm về trường. Như trong một bãi cỏ nơi mà mỗi mảnh đất mọc lên một cành nhỏ, một trường vật lý học gắn kết với mỗi điểm không - thời gian bằng một hoặc nhiều con số. Với Newton, người ta đã viết lịch sử của các điểm vật chất theo các lực; với Maxwell, đó là câu chuyện của chính những lực mà người ta đã kể. Hình ảnh tự đặt ra một cách tự nhiên để nắm bắt được những quan niệm mới do Maxwell đưa vào, đó là chất lỏng (chất lưu). Về cách viết và ký hiệu, các phương trình Maxwell rất khác so với các phương trình Newton: chúng được dựa trên “cơ học các chất lỏng”. Ở đó người ta sẽ nói về những dòng suối, những cơn lốc xoáy và như vậy sẽ làm đầy một cách hoàn toàn cái không - thời gian, cái mà sẽ không để lại một chỗ nào nữa giữa các điểm vật chất cho chân không tuyệt đối của Newton. Hệ quả đáng ngạc nhiên nhất từ các phương trình Maxwell, đó là tiên đoán sự truyền sóng của các lực điện và từ. Trong một vận hành tinh tế của sự bù trừ lẫn nhau, lan dần trong không gian và theo thời gian, điện trường sinh ra từ trường, và ngược lại. Sóng điện từ hình thành bằng thực nghiệm có cùng những tính chất vật lý học như ánh sáng. Như vậy, sự thống nhất đầu tiên về quan niệm được thực hiện từ đó. Ký hiệu và hình thức toán học của các phương trình được phát triển bởi Maxwell ngày nay vẫn còn là những quy chiếu cả ở thuyết trường lượng tử cũng như ở thuyết tương đối rộng. Xung đột và hợp nhất Vào năm 1905, Einstein nêu lên một mâu thuẫn giữa mô hình Newton với mô hình Maxwell. Một trong hai kiểu: hoặc là Newton hoặc là Maxwell có lý. Einstein chọn kiểu của Maxwell là lý thuyết chủ yếu của vật lý học. Vậy nghĩa vụ buộc ông phải trình bày lại môn cơ học một cách đúng và dễ hiểu hơn, làm cho nó tương hợp với cái tuyệt đối mà khái niệm tốc độ ánh sáng đã tạo nên. Mô hình gọi là “thuyết tương đối hẹp” đi đến kết quả hòa giải bằng sự chồng chất không gian và thời gian thành một thực thể duy nhất: không - thời gian. Tốc độ ánh sáng trở thành biên giới tuyệt đối, lần đầu tiên tạo nên khái niệm về “chân trời” trong không - thời gian này. Khái quát hóa Einstein tốn khoảng chục năm để nghiên cứu việc mở rộng mô hình của mình: từ thuyết tương đối hẹp đến thuyết tương đối rộng. Ông chỉ ra sự khái quát hóa áp đặt một liên hệ giữa không - thời gian và vật chất. Không - thời gian được thay đổi trong những khía cạnh hình học của nó bởi sự có mặt của vật chất. Và đặc biệt là lực hấp dẫn của Newton “chỉ” là sự biểu lộ về mặt cơ học của sự thay đổi hình học này. Quỹ đạo của Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời là “một đường thẳng” của khoảng không - thời gian bị thay đổi bởi sự hiện diện của Mặt Trời. Hậu quả quan trọng thứ hai là sự chệch hướng của tia sáng. Những tia sáng đi qua vùng lân cận một khối lượng lớn (và khối lượng duy nhất mà chúng ta có ở đây, đó là Mặt Trời) đã chệch hướng trong mô hình Einstein. Một cuộc “thám hiểm” tiến hành khi nhật thực cho phép đo được sự chệch hướng của tia sáng đến từ các vì sao phù hợp với mô hình của Einstein về lực hút (Mặt Trời phải bị che khuất để có thể đo được). Khi được biết những kết quả thực nghiệm này, Einstein không hề biểu lộ niềm vui sửng sốt nào, bởi vì mô hình của ông đã dự kiến trước điều đó! Hiện thực hoặc ảo, giai thoại này là có ý nghĩa trong chừng mực mà những mô hình và những sự kiện không “đối thoại” với nhau theo cùng một cách. Có một số nét đẹp trong mô hình đôi khi thúc đẩy nhà vật lý học nói rằng điều đó chỉ có thể là đúng, chỉ có thể là quá đẹp nên không sai. Vũ trụ Điều tối quan trọng trong thuyết tương đối rộng, đó là cuối cùng thì người ta cũng có một mô hình có thể miêu tả hoạt động của vũ trụ trong tính tổng thể của nó. Thế là người ta có thể thuật lại lịch sử của vũ trụ. Đó là điều mà người ta đã không thể làm được với mô hình Newton. Lịch sử này không đơn giản bởi vì, như Michel Cassé đã chỉ rất rõ, nó duy trì những mô hình khác. Mô hình vật lý hạt nhân, mô hình vật lý các hạt cơ bản, các mô hình nhiệt động học, tất cả đều được liên thông nhau để viết nên một thuyết nguồn gốc vũ trụ mà người ta muốn làm cho nhất quán. Chúng ta hãy trở về với bức xạ điện từ vũ trụ được nêu ra ở đầu bài thuyết trình này. Bức xạ này được gán vào “mô hình vũ trụ luận tiêu chuẩn”. Nó tìm thấy nguồn gốc của mình trong sự làm lạnh gây ra do vũ trụ giãn nở sau vụ Big Bang. Sự giải thích này thuộc về lĩnh vực nào? Cách hoạt động của “ánh sáng”, cân bằng với vật chất phát ra và hấp thu năng lượng điện từ này là vấn đề mở đầu cho cơ học lượng tử. Max Planck phải “chế tạo” một mô hình để có thể giải thích đường cong thực nghiệm đo năng lượng phát ra bởi vật thể nóng lên đến một nhiệt độ nào đó. Theo Planck, để “nhận ra” những giá trị đo được, vật chất phải hấp thụ và phát ra năng lượng theo các bội số nguyên của một lượng giới nội. Năng lượng phải được “định lượng”, trái với giả định trong tất cả các mô hình khác cùng thời kỳ: cơ học theo thuyết tương đối hoặc không theo thuyết tương đối đều hoàn toàn không cho phép sự gián đoạn năng lượng này. Một môn cơ học mới sẽ sinh ra, hơn nữa nó sẽ bao trùm lên tất cả những hiện tượng nguyên tử. Thế là người ta tìm ra trong lịch sử vũ trụ đường cong mở đầu cho mô hình nguyên tử. Ngày nay, điều đó có thể hiểu được một cách dễ dàng, bởi vì trong quá khứ “của mình”, vũ trụ đã phải trải qua những thời kỳ nóng đến mức chỉ những mô hình nguyên tử và hạt nhân mới có thể giải thích được các pha khác nhau và những tiến hóa của nó. Những tư biện Cuối cùng, cho phép tôi được nói vài lời về phương diện còn mang tính tư biện hơn, đó là: “sự sáng tạo ra vật chất”. Cơ học lượng tử và sự mở rộng của thuyết tương đối là thuyết lượng tử trường như thể là đã cố gắng dung hòa cách nhìn của Newton về chất điểm và cách nhìn của Maxwell về trường. Người ta nói “những hạt cơ bản” trong khi tất cả lý thuyết được viết bằng từ “trường”. Không đi vào những chi tiết kỹ thuật, người ta có thể nói rằng thuyết trường đưa ra một nội dung cho khái niệm về “sự sáng tạo”. Trong khuôn khổ quan niệm, có thể “sáng tạo ra” và “phá hủy” các phần tử. “Chân không” có thể có một “cấu trúc” được nuôi dưỡng thích hợp để sản sinh ra các kết quả thú vị về chất. Nếu người ta đưa lý thuyết lượng tử trường vào trong một “môi trường” hình học cong, như là thuyết tương đối rộng mong muốn, thì nó đưa ra khả năng có một “sáng tạo” vật chất ex nihilo[17], và có thể thiết lập những mô hình cho sự tồn tại của tất cả vật chất bao quanh chúng ta. Có phải đó là một đề xuất lớn không? Kết luận Vậy ta có thể nói rằng cũng như toán học đi từ số nguyên, rồi bổ sung thêm những thực thể mới làm nghiệm số cho những bài toán mới: các số âm, số hữu tỉ, số thực, số phức, vũ trụ luận duy trì những quan sát và các mô hình từ những vấn đề bằng câu trả lời để xây dựng nên một câu chuyện “se non è vero, è bene trovato”[18]. 4 CÁCH NHÌN CỦA CHÚNG TÔI VỀ THẾ GIỚI: MỘT VÀI SUY NGHĨ CHO GIÁO DỤC Pierre Léna Trong số những tiến triển trọng đại của các thập niên trước, điều trở nên tầm thường là khi nhớ lại rằng các cách nhìn của chúng ta về không gian, về thời gian, về Trái Đất, về vị trí và sự tiến hóa của con người trong vũ trụ đã bị hoàn toàn xáo trộn. Ngoài ra, sự nhận thức về đảo lộn này, không chỉ giới hạn ở một vài phạm vi khoa học và tri thức mà còn được nhìn nhận bằng những phương tiện truyền thông đại chúng và đã đạt được phần lớn trong thời đại của chúng ta: chỉ cần nhớ lại ở đây tất cả các hàm nghĩa mở rộng thông tục của thành ngữ Big Bang, “ngoài Trái Đất”, “du hành vũ trụ”. Như ở thời đại những cuộc thám hiểm thời Phục hưng hoặc ở thế kỷ XVIII, ý thức tập thể tự làm cho thích hợp với những thay đổi này theo kiểu của nó luôn dựa theo lối huyền thoại: những thế giới mới, sự thể hiện mới, cách nghĩ mới về con người. Làm sao giáo dục vẫn còn có thể cứ xa lạ với những điều cơ bản như trên một phiến kính nền như vậy? Bởi vì những vốn hiểu biết này chủ yếu là được dựa vào việc sử dụng khoa học và công nghệ, việc chiếm lĩnh đúng đắn là cần thiết cho điều đó nhằm cân bằng sức mạnh của huyền thoại bởi tính xác thực của lý trí. Vậy đề nghị của chúng tôi là biện hộ ở đây để thanh thiếu niên luôn được giúp đỡ tự định vị mình vào mọi lúc trong học tập. Mơ ước và hiện thực “Các bạn làm cho chúng tôi mơ ước!”: đây là tiếng thốt lên được nghe bao nhiêu lần khi những chân trời mới về kiến thức này được mở ra. Như vậy, thực tế được khám phá, hoặc được xây dựng bởi nhận thức, được đặt ngoài những trường cảm giác và trường tưởng tượng chung đến mức lập tức được thấy bị chuyển về bộ ghi nhận của mơ ước, rồi nhanh chóng chuyển ngay về bộ ghi nhận huyền thoại. Tuy nhiên không có gì bất ngờ về tiếng thốt lên này: những hình ảnh của không gian, của hành tinh quá gần hoặc các hình ảnh của dải thiên hà quá xa xôi bị xáo trộn từ sự mới lạ ngay khi chúng được bình luận, vì như vậy thời lượng, kích thước, năng lượng thực chất là không tưởng tượng được với trực giác có được trong sự việc hàng ngày của kinh nghiệm nhân loại. Thay vì triển khai theo tầm của một tổng, một tỉnh hoặc một quốc gia, ý thức của con người từ nay về sau phải được thể hiện trong một không gian không dấu hiệu chỉ đường, không biên giới, chịu sức uốn cong của lực hấp dẫn và sự hiện diện của vật chất, của không gian nơi mà Trái Đất chỉ còn là một con thuyền con yếu ớt, trong thời lượng dày dặn mà so với nó ý thức về lịch sử chỉ là một nháy mắt. Về các vật thường xuyên quanh chúng ta thì “Không có gì mới dưới Mặt Trời”, câu nói rất đúng bởi sự tỉnh ngộ của Giáo hội ở lý tưởng cổ điển về sự cân bằng; vậy mà nay tất cả tri thức của chúng ta lại đi đến cái ngược lại: vũ trụ từ đêm tối của thời gian không ngừng được lớn lên với nhiều điều mới lạ. Sự tiến triển thuộc về vũ trụ, thuộc về thế giới, không trừ cả Mặt Trời. Trạng thái mất cân bằng, nguồn sáng tạo, là quy luật của mọi vật ở khắp nơi. Người ta ít ra cũng bị chóng mặt, và tôi biết một số trong những người xưa thích không biết hơn để không bị hất ngã. Điện ảnh duy trì những sự bấp bênh về quan điểm không phải để làm cho ngạc nhiên. Nhưng người ta cũng không thể để dành riêng cho bộ phim “Nguyên tố thứ năm” hoặc là “Cuộc chiến giữa các vì sao” làm một nhiệm vụ rất lý thú nhưng đáng gờm là xây dựng lại những quy chiếu mới ở các qui mô mới này. Sự thăm dò hệ Mặt Trời Là những bước chân đầu tiên của thế giới mới và nơi xảy ra sự tranh đua ghê gớm của chiến tranh lạnh, cuộc chinh phục này huy động sự tưởng tượng của cả một thế hệ, từ Gagarine - nhà du hành vũ trụ người Nga đến các nhà thám hiểm của con tàu vũ trụ mang tên “Apollo”, “Ce right stuff” mà người ta thường dịch thành “tài năng của các anh hùng”. Nếu như các nhà du hành vũ trụ mà không thừa lòng dũng cảm thì kỳ tích ấy sẽ hao mòn đi: Thế vận hội bóng đá lôi cuốn nhiều người hơn là sự lắp ghép trên quỹ đạo Trái Đất cả 460 tấn của trạm quốc tế Alpha hoặc khả năng con người lên cư trú tại đây. Đó chính là một chiến công đáng giá nhất nhờ những sự chinh phục mà nó dự định và chuẩn bị: vậy mà sự phục hồi rất công phu hệ thống “ống” trên quỹ đạo qua những hợp đồng rất có lợi cho nền công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ lại dường như không còn được sắp xếp theo một mục tiêu dễ đọc cho tất cả mọi người. Mặc dù phải trả giá đắt và mạo hiểm cho trạm quỹ đạo, sự bất ổn này ngày nay được hiểu thấu một cách tốt hơn bởi NASA (National Aeronautics Space Administration) hơn là bởi nhóm những người lãnh đạo châu Âu vẫn đang thuyết phục rằng le panem et circenses[19] của tính hiện đại là thuộc về con người quỹ đạo thấp. Cần phải xem xét mục tiêu và khơi lại cơn sốt của việc nghiên cứu bằng cách hướng nó về phía những miền của hệ thống Mặt Trời vừa mới được khám phá: thung lũng sâu của sao Hỏa, sương mù dày đặc của sao Titan, băng nóng chảy của sao Europa, tuyết bẩn của các nhân sao chổi. Đưa ra câu hỏi về nguồn gốc của chúng ta và nguồn gốc không tưởng “thực dân thống trị”, sự nghiên cứu này phải chăng có đòi hỏi hoặc không đòi hỏi sự hiện diện của nhân loại? Cuộc trao đổi chắc chắn mang tính kỹ thuật, tuy nhiên nó cũng đề cập đến một cuộc tranh luận về văn minh. Sự phát triển những người máy đã kéo theo sự thay đổi sâu sắc về quan hệ của con người trong công việc, và luôn là một người không làm việc thì không hẳn đã là có sự giải trí, người ta đã biết rõ điều đó trong xã hội phát triển của chúng ta. Chính những người máy này được nuôi dưỡng trí thông minh nhân tạo và được lập chương trình để đương đầu với sự biến mất không thể tránh khả năng giao tiếp hầu như tức thời với Trái Đất, sẽ đảm nhận phần lớn những sự thăm dò ấy và chắc chắn mở đường cho con người. Làm thế nào để thanh thiếu niên không đối nghịch với sự nhận định về giá trị của những cuộc mạo hiểm này: chúng có đồng nhất hóa với các vị anh hùng của không gian hay không? Có cho là công nghệ coi nhẹ nỗi khổ của hành tinh của chúng ta bằng cách cho ra mắt những đồ ngũ kim xa xỉ? Đôi khi được sinh ra trong truyền thống văn hóa đáng kính nhưng dễ bị tổn thương với cú sốc của tính hiện đại, có lẽ chúng cho rằng con người trái với lẽ thường khi tấn công vào một lĩnh vực thần thánh hoặc một loại Tự nhiên được thần thánh hóa? Hoặc ngược lại, có lẽ chúng phát triển một cách nhìn kiêu ngạo về tất cả sức mạnh vô biên của công nghệ? Các câu trả lời đang được xây dựng vì không một đạo đức học nào về cuộc phiêu lưu giữa các hành tinh đã thực sự vươn lên. Trái đất, hành tinh trong số những hành tinh khác - Hồi I Không thể nghĩ đến con tàu nhỏ bé của chúng ta như trong quá khứ nữa. Trái Đất xưa kia tưởng là bằng phẳng, trở thành hình cầu mà người ta khám phá ra độ dẹt của các cực của nó. Trái Đất bây giờ là một khối “lỏng” chấn động vì các “mảng lục địa” đang di chuyển và đại dương đang thở, dễ biến dạng và luôn biến dạng, khi quay bị co giật mà hiện tượng El Nino bất ngờ làm chậm lại, và ổn định được phương trục quay nhờ sự hiện diện may mắn của Mặt Trăng. Theo nghĩa của từ ngữ, thì “đất” là “chất rắn”, song giờ đây rõ ràng là ta không còn cư trú trên chất rắn nữa, mà đang ở trên chất lỏng. May thay, khoa học chất lỏng đã ngang tầm với thực trạng và những dự đoán về đối ứng của con thuyền nhỏ bé là Trái Đất của chúng ta vẫn không ngừng tiến triển: xoáy lốc, động đất, phun trào núi lửa hay Mặt Trời, khí hậu không còn hoàn toàn là định mệnh nữa. Việc nhận thức chúng là hoàn toàn mới mẻ, nên trong khi nghiên cứu chúng rất khó nắm bắt hợp lý hành vi và động thái của các hệ thống liên kết và bất ổn định, tại đây có vô số biến lượng khiến cho sự kết nối các chuỗi nhân/quả là rất tinh tế và đôi khi không thể nắm bắt được. Nếu như đó là một chủ đề mà thiếu niên nhạy cảm thì người ta có thể nói về mặt sinh học đó là sự nhạy cảm với môi trường: sự tồn tại một nguy cơ đè nặng lên cuộc sống thực chất là không thể chấp nhận được ở những người sắp đến tuổi tiếp nhận cuộc sống này. Hình ảnh tưởng tượng về hành tinh quý giá và cần thiết mà những vệ tinh đưa ra cho chúng ta hẳn đặt ra một thách thức toàn cầu cho những vấn đề môi trường. Tuy nhiên, như những huyền thoại khác sinh ra từ khoa học, bài học về sự nhận định việc ấy là chủ yếu, nếu không thì bị chệch đường nghiêm trọng. Vậy mà, để có được nhận định này là khó, bởi vì nó xử lý cái không chắc chắn. Người ta có thể đề nghị một dự án cho giáo dục không chắc chắn không? Có thể người ta còn nhớ chứng cớ của các nhà hàng không vũ trụ tại một trong những sứ mệnh đầu tiên trên con tàu vũ trụ Apollo lần đầu tiên đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, họ đã bị mất hoàn toàn liên lạc với Trái Đất khi bay sang phía mặt khuất của vệ tinh chúng ta: một tâm thức hoảng sợ khó hiểu trong chốc lát bao trùm lên họ ở cái phút giây sợ mất liên lạc hẳn với Trái Đất. Điều đó nói lên ý thức nhân loại gắn liền với Trái Đất bao nhiêu thì tất cả sự thay đổi về ý thức này trong hình ảnh của chúng ta về Trái Đất có thể tác động đến chúng ta bấy nhiêu. Môn địa lý học có nhiệm vụ viết ra thành nhiều chương mới trong đó tâm lý học có thể không được vắng bóng! Trái Đất, hành tinh trong số những hành tinh khác - Hồi II Sự đa dạng của các hành tinh ở giữa hệ Mặt Trời được phát hiện bởi những cuộc thám hiểm lớn của các thập niên qua (Theo Pioneer, Voyager và nhiều tàu thám hiểm khác). Vậy Trái Đất bị mất đi tính đặc biệt của nó có thể gọi là tuyệt đối nhưng có lợi cho một tính đặc biệt khác: Trái Đất là tương đối hơn vì có những hành tinh khác để so sánh, nhưng cũng vì lý do ấy mà phong phú hơn. Hoạt động này biến sao Hỏa và sao Titan thành những anh em họ của hành tinh chúng ta, đối chiếu với lịch sử của Trái Đất và của sự sống trên Trái Đất ở sự hình thành hệ Mặt Trời trong tổng thể của nó song mới dẫn đến những kết quả rất sơ bộ. Tuy nhiên, thế là các biểu tượng của ta đã rung chuyển rồi. Tiếp theo cú sốc đầu tiên này, từ nay lại thêm một cú sốc thứ hai, cú sốc này có lẽ sẽ có một qui mô quan trọng khác hẳn sau khi tiến hành đầy đủ việc đo lường nó. Đó chính là cuộc khám phá thực hiện từ năm 1995 về sự tồn tại của những hành tinh quanh các sao gần nhất, tức là cách xa ta vài chục năm - ánh sáng. Dù khám phá này mới chỉ hạn chế ở việc quan sát các hành tinh rất lớn ngang với sao Mộc, và chắc chắn trong mấy năm tới chưa có hy vọng phát hiện cụ thể những “Trái Đất” ấy, song quả thật đã bước đầu mở ra một chương mới về thăm dò. Nhà hiền triết Épicure[20] lần đầu tiên đưa ra giả thuyết thiên niên kỷ về các vị trí tồn tại khác của sự sống; đến nay lại có thêm khả năng tiến hành việc kiểm chứng giả thuyết đó, mặc dầu vẫn phải nhận định nhất trí với nhau rằng khả năng ấy là khá mong manh. Thế kỷ XX là thế kỷ của sự phát hiện ra sự giãn nở vũ trụ, và sự chìm ngập trong bề sâu của thời gian và không gian làm sinh ra vũ trụ luận hiện đại. Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự phát hiện ra các “thế giới” khác mang trên mình sự sống, và sự sống ấy có dạng thức như thế nào? Cũng với mục đích đó, dưới ảnh hưởng vẫn còn nặng của huyền thoại, phải chuẩn bị cho thanh thiếu nhi một chỗ thật rộng lớn mà thật khiêm nhường cho nhận thức tinh tế về địa vị của con người trong vũ trụ, như quan niệm của Pascal là cách nhận thức chắc chắn tốt hơn bất cứ ai đã biết diễn tả điều đó. Một pho sử về lai ghép tri thức Nếu có một kết cấu tri thức biết rõ là bản thân được đan dệt từ những đóng góp phổ quát và làm giàu thêm từ những nền văn hóa đa dạng, thì đó chính là kết cấu tri thức bao gồm những biểu tượng của chúng ta về không gian, thời gian và các vật thể trong vũ trụ. Tầm nhìn hiện đại của chúng ta thực sự khác xa với cách hình dung một diễn tiến tuyến tính dần dần phát triển lên từ thế ưu việt của một thế giới quan riêng biệt. Từ điều này có thể rút ra được nhiều bài học. Bài học đầu tiên là biết rằng tầm nhìn sắc sảo của vũ trụ học hiện đại, việc thăm dò hợp lý đang tiến hành đối với hệ Mặt Trời, việc lập bản đồ chi tiết đối với vũ trụ gần hoặc xa, tất cả đều là những thành quả kỳ diệu đã thu hoạch được nhờ công lao tích lũy lâu dài và nhẫn nại của bao thế hệ nối tiếp qua 35 thế kỷ quan sát và nỗ lực lý giải, mặc dầu chắc chắn các kết quả ấy vẫn chỉ là tạm thời. Một đặc điểm hẳn là chung cho nhiều khoa học song thể hiện tới mức cực độ ở thiên văn học, mà nếu xem xét kỹ thì sẽ khám phá được sức mạnh của trí tuệ nhân loại, đó là đặc điểm phải đối mặt trước những khách thể không tiếp cận được đối với bộ môn này và đa số các bộ môn khác. Một chiếc thang dài đi từ Démocrite đến Einstein, từ Hipparque đến Hubble, đã nối liền những người không cam chịu những bí ẩn của bầu trời. Bài học thứ hai không thua kém về ý nghĩa: tri thức hiện đại của ta đã được xây dựng trong việc không ngừng lai ghép giữa các thành phần đóng góp. Thử hỏi thiên văn học Hy Lạp sẽ thế nào nếu như không có thiên văn học của Babylone hay của Ai Cập? Thiên văn học Arập sẽ thế nào nếu không có thiên văn học Hy Lạp, Ba Tư hay Ấn Độ. Nếu các danh mục quan sát từ ngàn xưa của Trung Hoa chỉ được đóng góp quá muộn màng trong vốn trí thức chung để giữ một vai trò trọng đại ở đó (trừ việc nhận dạng “mặt trời bừng sáng” tức là các sao - siêu mới [supernovae: siêu tân tinh]) thì chắc chắn các tư liệu đó cũng đã chuẩn bị nên các “thiên tử” để bây giờ và mai sau hội nhập vào cuộc vận động vĩ đại của tri thức đang lôi kéo toàn nhân loại. Vậy có phải mấy nhận xét trên đây là dành riêng cho vài sử gia về khoa học vốn bận tâm đến tính xác thực nghiêm ngặt và tính phổ quát? Ai tin điều đó sẽ không tránh được sai lầm. Thật ra những nhận xét đó đã góp phần cấu thành nên ý thức hiện đại, và đem so sánh với chuyện chinh chiến hay suy vong các đế chế thì chúng chẳng thua kém gì, thậm chí còn trội hơn, về tác dụng dẫn dắt các thanh thiếu niên đi vào bề dày của thời gian và tính đa dạng của những cống hiến văn hóa mà thường nhật các em luôn gặp phải bao mâu thuẫn. Trình bày cách đo bán kính Trái Đất theo phương pháp mà xưa kia Ératosthène thực hành là một thời lượng sư phạm rất quan trọng mà ta có thể diễn tả rất sống động cả ở lớp dự bị các cháu bé mới lên sáu cũng như ở lớp cuối cấp trung học. Một trường hợp thực hành khác cũng rất tốt, đó là so sánh văn bản của Aristote nói về kích thước và phép “cân” vũ trụ với phát biểu hiện đại của vũ trụ học, sử dụng con số không (zéro) do Ấn Độ phát minh và toán học Arập truyền bá. Tên gọi các sao, các hành tinh và vệ tinh của chúng ta, cũng nói lên một nguồn vốn chung của loài người, dù rằng chắc hẳn đã quên lãng các nền văn hóa của các dân tộc Maya, Aztèque hoặc Esquimau đã mai một và chôn vùi trong lòng đất. Tại một vùng “giáo dục ưu tiên” ở ngoại ô, một em bé gái người Sénégal đã bừng lên một cái nhìn chói lọi khi em được biết các chùm sao không phải là phát hiện của người Da Trắng, mà cũng đã sở thuộc vào nền văn hóa của dân tộc mình, tuy diễn tả có khác ít nhiều… Mấy nét mập mờ nước đôi Tuy nhiên, câu chuyện diệu kỳ trên đây về thế giới không phải là không bị gài bẫy, và ở cuối thế kỷ XX này chắc chắn không phải vô ích khi phá những cái bẫy ấy. Biết bao trang bìa tạp chí, cả những bìa sách mà nhiều nhà khoa học kiệt xuất ký tên, đều không đề cập gì đến việc rỡ bỏ cái bí ẩn về các cội nguồn, đến việc vén bức màn che phủ nguồn gốc của Trái Đất, của sự sống, vậy tại sao lại có thực trạng đó? Thế mà câu chuyện của vũ trụ hiện đại trước tiên phải là một công trình của trí tuệ, và do đó nhất thiết phải mang tính suy lý. Công trình này dựa trên những sự thật quan sát được, như: các thiên hà “tháo chạy”, bức xạ nền của bầu trời, mức độ phong phú của các nguyên tố hóa học trong vũ trụ. Công trình này được xây dựng trên các tri thức hiện tại, tức là tuy trung thực nhưng vẫn còn mỏng mảnh; nó muốn xem xét vô số biến đổi kế tiếp nhau tạo nên hình thù thế giới ngày nay xuất phát từ hình ảnh sẵn có từ hôm qua, hôm kia hay trước nữa. Kết quả này của công trình cũng có khá đủ sức thuyết phục, nhưng với những người “ngoại đạo” thì câu chuyện của nó rất nhanh chóng mang bộ mặt của thứ huyền thoại vũ trụ, bất kể khi đề cập tới quá khứ hay tương lai. Thế cho nên, “Vụ co lớn” (Big Crunch) kế tiếp theo “Vụ nổ lớn” (Big Bang) bị coi dường như minh chứng một vũ trụ bắt buộc phải biến mất. Cũng vì thế cho nên trong câu chuyện huyền thoại, sự nở phồng kinh khủng của một Mặt trời để trở nên khối khổng lồ màu đỏ trải qua suốt 4,5 tỷ năm, đã bị lạm dụng quá chừng để nói lên cái chết của loài người, mặc dầu trên thực tế thì loài người chỉ mới biết đứng thẳng thân hình trên các khu rừng “xavan” (savane) châu Phi cách đây chừng một triệu năm, và cho dù vậy đến nay cũng đã biết cách đưa một đồng loại của mình lên tận Mặt Trăng rồi. Hơn hẳn nhiều biểu tượng khác, biểu tượng về vũ trụ rất dễ dẫn đến mọi thứ lầm lẫn mà thiếu niên thường mắc phải, bởi lẽ lứa tuổi các em là nhạy cảm cực độ, lại có nhu cầu rất mãnh liệt về cảm thức ý nghĩa, trong lúc tính duy lý vẫn còn chưa vững vàng. Cũng phải nói thêm rằng ở các em vẫn chưa có được năng lực phân biệt rõ ràng giữa một bên là cái biến đổi vũ trụ mà khoa học nêu ra với bên kia là ý niệm về sáng thế hay sự trỗi dậy của cái tồn tại từ cái không - tồn tại vốn thuộc về tôn giáo hay siêu hình học mà các truyền thống lớn về tâm linh của loài người thường thể hiện ở giải thích theo nhiều cách khác nhau. Trong một lĩnh vực hoàn toàn khác, ta còn kể ra được những thứ tín ngưỡng mơ hồ, hoang đường vốn là cơ sở của tâm thức quá tin vào thuật chiêm tinh, những tín ngưỡng này thường dựa vào việc pha trộn các nhu cầu mạnh về tâm lý với những khái niệm khoa học không được “tiêu hóa” đúng. Lại thêm những thứ tín ngưỡng vin vào những “tác động từ xa” mà vật lý học đã phát hiện ở quy mô vũ trụ, để nhấn chìm tự do cá nhân cùng với mọi thứ “vinh/nhục” của con người ta trong một thứ chủ toàn luận bị đơn giản hóa. Thành thử, nhiệm vụ cấp bách đối với nhà sư phạm ở cuối thế kỷ XX là bồi dưỡng cho thanh, thiếu niên đang độ giàu sức tưởng tượng, dễ bùng cháy và đầy khát vọng, về các biểu trưng có sức kích thích khả năng sáng tạo của các em, đồng thời quyết không vì thế mà vô tình khiến các em phải tiêu thụ những ảo ảnh táp nham và độc hại. Tính phức hợp Chủ định của mấy dòng này nảy sinh từ ghi nhận sau đây: tính phức hợp ồ ạt tràn vào công cuộc phát triển tri thức. Thử tìm xem có một chủ đề nào khác với chủ đề “toàn thể vũ trụ” lại có thể minh họa tốt hơn tiến trình này, dù khoa học đến nay vẫn hiểu biết rất sơ sài về vũ trụ? Tuy nhiên, ta cần phải cẩn trọng trong nội dung này. Kể từ Aristote với “4 nguyên tố” cấu thành của ông, từ khi tách biệt độ sáng ban đêm giữa sao với hành tinh, từ khi phát hiện được các thiên hà khác hẳn với các tinh vân thuộc Ngân hà của chúng ta vào đầu thế kỷ XX, thì mọi tri thức của chúng ta về vũ trụ đã cố gắng phân biệt, nhận biết và tháo gỡ các ánh sáng đan xen quấn quýt vào nhau, nhằm phân loại và quy gọn cái “số nhiều” ngày thêm đông đảo ấy thành cái “tối giản” có thể lĩnh hội được. Xin chớ quá vội vã trong công việc này, cũng đừng hấp tấp dựng các bức tranh vũ trụ mà vì phải đạt yêu cầu tổng hợp lại hóa thành các biếm họa. Xem xét, quan sát, đo đạc, mô hình hóa rồi lại đo đạc thêm, mô hình hóa kiểu mới, đó chính là lộ trình của “tính minh triết”, một tính chất có thể đem lại chút ít trật tự mà chúng ta có đủ năng lực thực hiện giữa một thực tại mỗi lúc một thêm rắc rối. Như vậy, chỉ mở rộng phạm vi tầm nhìn cũng sẽ cho phép thấu hiểu một cách khác, và hiểu sâu hơn. Thế là việc xem xét Trái Đất như một hành tinh trong số những hành tinh khác sẽ cho ta một cái nhìn khác đi. Học tập tính phức hợp quả là vất vả, bởi vì đối với thanh, thiếu niên khi khởi đầu chỉ cái đơn giản mới dễ hiểu. Thành thử, cần đề phòng quá lạm dụng thái độ đơn giản hóa. Còn cần làm cho các em nhận ra rằng thực tế là khác biệt đến chừng nào so với diễn ngôn đưa ra (và về điều này thì các khoa học về vũ trụ là tiêu biểu, do phép tiếp cận hệ thống tối cần thiết cho việc thấu triệt các khách thể mà các môn này nghiên cứu). Nhưng cũng xin lưu ý để tránh đem một lộ trình quá tổng thể mà hòa tan niềm hân hoan tuyệt vời khi hiểu rõ và dự kiến được rằng vẫn có thể tìm kiếm được một mô hình về thế giới, dù mô hình ấy quá đơn giản. Đứng trước thái độ của thanh, thiếu niên không mấy ưu ái các môn khoa học, nên chăng phải nhắc lại ở đây rằng các em đang chờ đợi khoa học tạo được ý nghĩa thật sự, và ý nghĩa đối với cuộc sống của bản thân các em. Quả thật là một cuộc đợi chờ vất vả, một cuộc đời mà khoa học và các nhà giáo dạy khoa học không thể ngừng trông ngóng, dù đã có một số vị vươn lên tới những mảng chân lý bằng con đường “vương giả” xiết bao. """