" Tập San Sử Địa Tập 11 - Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn full prc pdf epub azw3 [Biên Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tập San Sử Địa Tập 11 - Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn full prc pdf epub azw3 [Biên Khảo] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : TẬP SAN SỬ ĐỊA 11 Tác giả : NHÓM GIÁO SƯ, SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM SÀI GÒN CHỦ TRƯƠNG Nhà xuất bản : Nhà sách KHAI TRÍ bảo trợ Năm xuất bản : 1968 ------------------------ Nguồn sách : Thích Đức Châu Đánh máy : vqsvietnam, thienlinh252, sakura2808, kimtientang, uzumi, quyche, lovelysnake289, windyclover, thuythaolien, yelgre, thanhvan Kiểm tra chính tả : Phạm Hoa, Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Ngọc Linh, Trần Diệu Quỳnh, Trịnh Vân Như, Max Phạm, Lã Phương Thúy, Thư Võ Biên tập chữ Hán – Nôm : Blue Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 13/05/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn NHÓM GIÁO SƯ, SINH VIÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM SÀI GÒN và nhà sách KHAI TRÍ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC LÁ THƯ TÒA SOẠN VIỆT-NAM VÀ CÁC ĐÔNG-ẤN CÔNG-TY ĐẠI CƯƠNG VỀ THỦY-TRIỀU VÀ THỦY-TRIỀU TẠI DUYÊN HẢI VIỆT-NAM I. ĐỊNH-NGHĨA VÀ ĐẠI-CƯƠNG VỀ HIỆN-TƯỢNG (Ở VEN BỜ) 1. Định-nghĩa 2. Các loại Thủy-triều (hay Triều) 3. Nước hơn và nước kém 4. Sự phân-phối biên-độ và chu-kỳ Thủy-triều ở trên mặt địa-cầu II. THỦY-TRIỀU Ở NGOÀI KHƠI CÁC ĐẠI-DƯƠNG 1. Triều sóng đứng và Triều sóng di-chuyển (tiệm tiến) 2. Dòng Triều III. NHỮNG LÝ-THUYẾT NHẮM GIẢI-THÍCH HIỆN-TƯỢNG THỦY-TRIỀU 1. Thuyết hấp-dẫn-lực của Newton và thuyết về lực ly-tâm 2. Thuyết cộng-hưởng và quán-tính của vật-chất 3. Máy ghi Thủy-triều, hay máy Triều ký 4. Vấn đề tiên đoán hiện-tượng IV. THỦY-TRIỀU TẠI DUYÊN-HẢI VIỆT-NAM 1. Triều tại Biển Nam-hải 2. Sự phân-phối các loại Triều dọc theo duyên-hải Việt Nam, với các đặc-tính 3. Vài kết-quả mới về Thủy-triều Việt-nam V. VÀI ÍCH-LỢI CỦA HIỆN-TƯỢNG THỦY-TRIỀU VI. KẾT-LUẬN SÁCH CÓ THỂ DÙNG ĐỂ THAM-KHẢO THÊM DANH-TỪ CHUYÊN-MÔN ĐỐI-CHIẾU VIỆT – PHÁP THỬ TÌM HIỂU VỀ LŨY TRƯỜNG-DỤC và LŨY ĐỒNG-HỚI I. NGUYÊN NHÂN XÂY LŨY II. TIỂU-SỬ TÁC-GIẢ HAI LŨY TRƯỜNG-DỤC VÀ ĐỒNG-HỚI, ĐÀO-DUY TỪ (1572-1634) III. CÁCH KIẾN-TẠO CÙNG CÔNG-DỤNG CHIẾN LƯỢC CỦA HAI LŨY TRƯỜNG-DỤC VÀ ĐỒNG-HỚI TÀI-LIỆU THAM-KHẢO SÁCH VIỆT-NAM SÁCH PHÁP VĂN NHỮNG TRƯƠNG ĐẦU CỦA LỊCH-SỬ HAI XỨ THUẬN – QUẢNG : NHỮNG ĐỢT DI DÂN ĐẦU-TIÊN TRONG CUỘC NAM-TIẾN CỦA DÂN-TỘC VIỆT-NAM CUỘC DUY-TÂN KHỞI-NGHĨA 1916 VÀ PHAN THÀNH TÀI (1882-1916) CUỘC KHỞI-NGHĨA NĂM 1916 HAY LÀ CUỘC DUY TÂN KHỞI-NGHĨA A. TRƯỚC NGÀY KHỞI-NGHĨA B. CHUẨN-BỊ KHỞI-NGHĨA C. NGÀY KHỞI NGHĨA D. CUỘC KHỞI-NGHĨA THẤT-BẠI VÀ ĐẢNG VIỆT-NAM QUANG-PHỤC BỊ TAN-RÃ NHỮNG BỨC THƯ CHỮ NÔM CỦA NGUYỄN-ÁNH DO GIÁO-SĨ CADIÈRE SƯU TẬP THƯ THỨ NHẤT THƯ THỨ HAI THƯ THỨ BA THƯ THỨ TƯ THƯ THỨ NĂM THƯ THỨ SÁU THƯ THỨ BẢY THƯ THỨ TÁM THƯ THỨ CHÍN THƯ THỨ MƯỜI THƯ THỨ MƯỜI MỘT THƯ THỨ MƯỜI HAI THƯ THỨ MƯỜI BA THƯ THỨ MƯỜI BỐN PHÉP THI HƯƠNG ĐỜI LÊ TRUNG HƯNG (TỪ 1678 VỀ SAU) NƠI THI VÀ NGÀY THÁNG TRƯỜNG QUAN CANH PHÒNG TRƯỜNG THI CUNG CẤP CÁC TRƯỜNG QUAN KHẢO HẠCH TRƯỚC KHI ĐI THI THỜI HẠN NỘP SỔ LỆ PHÍ NỘP QUYỂN THI THÍ SINH NHẬP TRƯỜNG ĐỀ BÀI TRỪNG PHẠT GIẢI NGẠCH ÂN ĐIỂN VÀ DANH DỰ TÌM HIỂU VỀ CÁC ĐẢNG PHÁI VIỆT-NAM TRONG THỜI PHÁP-THUỘC : VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TẠI HẢI NGOẠI (1930-1933) VIỆT NAM QUỐC-DÂN-ĐẢNG QUẢNG-CHÂU THÀNH LẬP VIỆT-NAM QUỐC-DÂN CÁCH-MẠNG ĐẢNG QUẢNG-CHÂU NGHỊ-HỘI 28-10-1930 SỰ BẤT TÀI CỦA LỆNH-TRẠCH-DÂN VỤ ÁM SÁT TY-THƯỢNG-MAI THAY ĐỔI DANH XƯNG CỦA ĐẢNG QUỐC-GIA QUẢNG CHÂU KẾ HOẠCH LẬP ĐỘI QUÂN VIỆT-NAM QUỐC-DÂN-ĐẢNG NGHỊ HỘI 28-4-1932 GIẢI TÁN VIỆT-NAM QUỐC-DÂN-ĐẢNG QUẢNG-CHÂU TỔNG KẾT HOẠT-ĐỘNG CỦA VIỆT-NAM QUỐC-DÂN ĐẢNG QUẢNG-CHÂU LỆNH-TRẠCH-DÂN ĐẾN NAM-KINH LỆNH-TRẠCH-DÂN CHẾT VIỆT-NAM QUỐC-DÂN-ĐẢNG VÂN-NAM LÊ-PHÚ-HIỆP VÀ TRUNG-VIỆT CÁCH MỆNH LIÊN QUÂN THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC VIỆT-NAM QUỐC-DÂN-ĐẢNG Ở VÂN-NAM NGUYỄN-KIM-NGỮ BỊ ÁM SÁT VÀ NGUYỄN-THẾ-NGHIỆP BỊ BẮT GIỮ VŨ-TIẾN-LỮ MANG LẠI MỘT PHẤN KHỞI MỚI CHO ĐẢNG VŨ-TIẾN-LỮ ĐI NAM-KINH TÌNH HÌNH KINH-TẾ CỦA ĐẢNG SỰ SÁT NHẬP HAI ĐẢNG VÀ THÀNH LẬP VIỆT-NAM QUỐC DÂN-ĐẢNG HẢI-NGOẠI BIỆN SỰ XỨ (BUREAU D’OUTRE MER DU VIỆT-NAM QUỐC-DÂN-ĐẢNG) Ở NAM-KINH VÀI NÉT VỀ TRƯỜNG CỔ ĐIỂN HỌC BA-LÊ VÀ PHƯƠNG PHÁP VIẾT SỬ I. TÌM TÒI TÀI LIỆU II. KHẢO SÁT TÀI LIỆU THỰC HAY GIẢ III. XÉT NỘI DUNG CỦA TÀI LIỆU KHÁCH QUAN HAY CHỦ QUAN IV. VIẾT SỬ VÀ SỬ DỤNG TÀI LIỆU BANG-GIAO LÀO – VIỆT VẠN-TƯỢNG NHỮNG SÁCH DÙNG ĐỂ THAM-KHẢO ĐẠI-NAM THỰC-LỤC CHÁNH-BIÊN – ĐỆ NHẤT KỶ : THỰC LỤC VỀ THẾ TỔ CAO HOÀNG ĐẾ VỤ BẮC SỨ NĂM CANH-THÌN ĐỜI CẢNH-HƯNG VỚI LÊ QUÍ-ĐÔN VÀ TRÌNH BÀY BẰNG VĂN NÔM TRÙ-BỊ TÀI-CHÁNH BAN CẤP SỨ-THẦN KHỞI-TRÌNH VÀ HÀNH-TRÌNH TỚI YÊN-KINH TÂY THÁI HẬU IV. 100 NGÀY DUY-TÂN V. CHÍNH BIẾN MẬU-TUẤT GIỚI THIỆU SÁCH BÁO HỘP THƠ SỬ ĐỊA SỬ ĐỊA TẬP-SAN – SƯU-TẦM KHẢO-CỨU – GIÁO-KHOA BAN CHỦ BIÊN : NGUYỄN THẾ ANH – BỬU CẦM – PHAN KHOANG – LÂM THANH LIÊM – PHẠM VĂN SƠN – THÁI VIỆT ĐIỂU – PHẠM CAO DƯƠNG – PHÙ LANG – ĐẶNG PHƯƠNG NGHI – QUÁCH THANH TÂM – TRẦN ĐĂNG ĐẠI – PHẠM ĐÌNH TIẾU – NGUYỄN KHẮC NGỮ – NGUYỄN HUY – TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG – PHẠM LONG ĐIỀN – TRẦN ANH TUẤN – NGUYỄN THÁI AN – TRẦN QUỐC GIÁM – NGUYỄN SAO MAI – MAI CHƯỞNG ĐỨC. VỚI SỰ CỘNG TÁC CỦA : HOÀNG XUÂN HÃN – CHEN CHINH HO – THÍCH THIỆN ÂN – LÊ VĂN HẢO – NGUYỄN VĂN HẦU – TẠ TRỌNG HIỆP – NGUYỄN TRẦN HUÂN – PHẠM VĂN DIÊU – BỬU KẾ – NGUYỄN KHẮC KHAM – TRƯƠNG BỬU LÂM – LÊ HỮU MỤC – NGUYỄN PHƯƠNG – HỒ HỮU TƯỜNG – LÊ THỌ XUÂN – ƯNG TRÌNH – NGHIÊM THẨM – TÔ NAM – BÙI QUANG TUNG. BAN TRỊ SỰ : Nguyễn Nhã – Nguyễn Nhựt Tấn – Phạm Thị Hồng Liên – Nguyễn Ngọc Trác – Trần Đình Thọ – Nguyễn Hữu Phước – Phạm Thị Kim Cúc – Trần Ngọc Ban – Phạm Văn Quảng – Phạm Đức Liên TRÌNH BÀY : Kha Thùy Châu, N.N. Tấn. LIÊN LẠC : Thư từ, bài vở, ngân chi phiếu, xin đề : NGUYỄN NHÃ, 221, Cộng Hòa Sài-gòn B.P : 380 TRƯƠNG MỤC : TẬP SAN SỬ ĐỊA Sài-gòn T/M 2763, Chánh Trung Khu chi phiếu – Sài-gòn LÁ THƯ TÒA SOẠN Tiếp theo số Xuân Mậu Thân, đặc khảo về Quang Trung, gộp hai số 9 và 10 làm một, Tập San Sử Địa kỳ này đã cố gắng ấn hành cho đúng kỳ hạn, mặc dù gặp nhiều khó khăn vì thời cuộc. Tập San Sử Địa rất lấy làm khích lệ trước sự chiếu cố nồng nhiệt của quí độc giả về số « Quang Trung ». Kỳ tới như chúng tôi đã loan báo, số đặc khảo về 100 năm Nguyễn Trung Trực sẽ được ấn hành. Mong quí vị có bài biên khảo hay tài liệu liên quan đến Nguyễn Trung Trực, xin gửi cho Tập San trước tháng 9 để kịp đăng vào số đặc khảo nói trên. Vì thời cuộc, việc công bố thể lệ thi sưu tầm, nghiên cứu về cuộc Nam Tiến của Dân Tộc Việt Nam do Tập San Sử Địa tổ chức sẽ được công bố vào đầu năm 1969. Sở dĩ có việc công bố chậm chạp như vậy, vì giải thưởng đặt nặng việc sưu tập các tài liệu mới mẻ, hiện đương tản mác khắp nơi ở miền Nam. Việc nghiên cứu không nhất thiết cả cuộc Nam-tiến, mà chỉ cần một giai đoạn nào đó của cuộc Nam-tiến. Thời cuộc hiện nay lại không thuận tiện cho việc sưu tập các tài liệu tản mác ấy. Số đặc khảo về Chiến Thắng Kỷ Dậu (Đống Đa) cũng đương được sửa soạn ấn hành vào dịp Xuân Kỷ Dậu tới. Ngoài những số đặc khảo về cuộc Nam-tiến, Sử Địa cũng sẽ sửa soạn những số đặc khảo về lịch-sử, sinh hoạt của Việt kiều tại Thái Lan, Ai Lao… và 100 năm Nguyễn Trường Tộ. TẬP SAN SỬ ĐỊA VIỆT-NAM VÀ CÁC ĐÔNG-ẤN CÔNG-TY NGUYỄN THẾ-ANH Sự buôn bán giữa Âu-châu và Việt-Nam từ thế-kỷ XVII tới đầu thế-kỷ XIX đã được biết rõ, sau những sự nghiên cứu của nhiều sử-gia, mà những người mở đầu là MAYBON và BUCH1, đã chú trọng tới hoạt động của các thương gia Âu-châu ở Việt-Nam. Trong bài này, tôi không muốn tóm lược lại những kết quả của các sự nghiên cứu của các sử gia nói trên, nhưng xác định vai trò của các Công-ty buôn bán gọi là Đông-Ấn Công-ty ở Việt-Nam, và những nguyên-nhân đã khiến các Công-ty này thất bại trong sự mậu dịch của họ. * Thế nào là một Đông-Ấn Công-ty ? Trong Âu-châu của thế-kỷ XVII đặt dưới dấu hiệu của chủ nghĩa trọng thương, các sự giao thiệp thương mãi với những miền trên bờ Ấn-độ dương và Thái-bình-dương (được bao gồm trong danh từ Đông-Ấn) được giao phó cho những công-ty buôn bán, thiết lập với sự hùn vốn của tư nhân, và được các chính phủ hiến cho độc quyền hoạt động trong miền Đông-Ấn đó. Bồ-đào nha đã không bao giờ để cho một công-ty tư nhân kiểm tra các sự mậu-dịch trong miền này ; những Đông-Ấn công-ty đã hoạt động ở Việt-Nam là những công-ty Hòa lan, Anh và Pháp. Đông-Ấn công-ty Hòa lan (Vereenigde Oos’ind’sche Compagnie) được thiết lập ở Amsterdam vào năm 1602. Vào năm 1605, các thương gia Hòa-lan đã đặt chân trên các thương khẩu quan trọng của miền Đông-Nam-Á, và đã lập thương quán trong quần đảo Nam-Dương ; trung tâm hoạt động của họ là Batavia, tức là Djakarta ngày nay vậy. Ngay từ đầu thế-kỷ XVII đã có những sự tiếp xúc giữa Công-ty Hòa-lan và chúa Nguyễn ; vào năm 1617, chúa Nguyễn có gửi thư mời các đại diện của công-ty ở Patani và Ligor (Mã lai) tới buôn bán trong các thị trường thuộc lãnh thổ của Nam-triều. Song các sự tiếp xúc đầu tiên đã không được hòa hảo cho lắm, các phương pháp buôn bán gần như cướp bóc của các con buôn Hòa-lan đã gây nên nhiều sự bất bình. Vì những sự xung đột đó mà phải đợi tới sau 1633 chúa Nguyễn mới cho phép công-ty đặt thương quán tại Qui-nhơn (Quinam)2và tự do buôn bán ở Hội An nữa. Tuy nhiên, bị nghi ngờ bởi quan lại, và bị cạnh tranh dữ dội bởi các nhà buôn Bồ-đào nha và Nhật-bản, công-ty đã muốn tìm một lãnh vực hoạt động dễ dãi hơn. Vào năm 1637, công-ty được chúa Trịnh cho phép mở thương quán ở Phố Hiến, rồi không bao lâu sau đấy ở Kẻ Chợ. Các điều kiện buôn bán thuận lợi hơn ở Bắc-triều khiến công-ty Hòa-lan tuyệt-giao với chúa Nguyễn vào năm 1638. Công-ty còn giúp thuyền chiến cho chúa Trịnh nữa trong cuộc chiến bùng nổ giữa Bắc triều và Nam triều vào năm 1642. Sau đó, và cho tới năm 1700, công-ty Hòa-lan chỉ còn buôn bán với Bắc-triều mà thôi. Đông Ấn Công-ty Anh (East India Company) được thiết lập ở Luân-đôn vào năm 1600, và có độc quyền buôn bán ở Ấn-độ và Trung quốc và tất cả Viễn Đông3. Trong quần đảo Nam Dương, vì cạnh tranh dữ dội với thương gia Hòa-lan để kiểm tra những vùng sản xuất gia-vị, Công-ty cũng đặt căn cứ ở Bantam, ngay bên cạnh Batavia. Các bước đầu của Công ty Anh ở Việt Nam gặp thất bại : nhân vật được công-ty phái tới Hội An, Richard Carwarden để xin chúa Nguyễn cho phép thông thương vào năm 1613, bị dân chúng giết chết. Vài năm sau, các sự cố gắng buôn bán với Bắc triều cũng bị cản trở bởi người Hòa-lan và Bồ-đào nha. Phải đợi tới năm 1672, công-ty Anh mới mở được một thương quán ở Phố Hiến ; 5 năm sau, Công ty còn được phép buôn bán ở Kẻ Chợ nữa. Song thương quán của Công-ty không được thịnh vượng lắm, và các sự khó khăn buộc Công-ty phải đóng cửa thương quán này vào năm 1697. Trước đó, Công-ty cũng tìm sự thông thương với Nam triều, nhưng bị chúa Nguyễn từ chối. Đông-Ấn công-ty Pháp (Compagnie française des Indes orientales) tới Việt-Nam chậm nhất. Cho tới giữa thế-kỷ XVII, Viễn Đông đối với Pháp là lãnh vực truyền bá Thiên chúa mà thôi. Nhưng để đưa các nhà truyền đạo tới đây, Pháp không thể nhờ ở thuyền Anh hay Bồ, còn đường bộ thì quá dài và đầy nguy hiểm. Vì thế, sau khi Hội Ngoại quốc Truyền-giáo được thiết lập vào năm 1660, mới nẩy ra ý kiến lập một Công-ty buôn bán Pháp, có mục đích trước tiên là để chuyên chở các cố đạo tới nơi truyền đạo, sau là để buôn bán với Trung-quốc và các vương quốc lân cận. Nhưng công ty này chết yểu, và độc quyền của nó được giao phó cho Đông-Ấn công ty Pháp. Năm 1671, Đông-Ấn công ty Pháp phái một chiếc thuyền buôn tới Bắc Việt, nhưng vì thiếu phương tiện, đã không muốn lập thương quán, tuy được chúa Trịnh cho phép cất nhà ở Phố Hiến và hiến cho những đặc quyền giống như đặc quyền của các nhà thương gia Hòa-lan. Phải đợi tới năm 1681, dưới áp lực của các nhà truyền đạo, nói là chúa Trịnh chỉ dung túng hoạt động của họ nếu có hi vọng mậu dịch với người Pháp. Đông-Ấn công ty Pháp mới lại phái một chiếc thuyền buôn khác tới Bắc Việt ; đại diện của Công ty là Chappelain lập thương quán ở Phố Hiến. Nhưng, thiếu tài chính, sau vài năm sống vất vơ, thương quán này đã phải đóng cửa vào năm 1686. Trong thế-kỷ XVII, các nhà cầm quyền Việt-Nam, chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn, đã không cấm đoán sự buôn bán của các Công-ty thương-mãi Tây phương, vì không những chúng cho phép các chúa tiếp nhận các hàng hóa cần dùng, mà còn hiến cho ngân khố những lợi tức khá lớn : để được phép buôn bán, các thuyền buôn ngoại quốc khi cập bến đều phải trả những món thuế cao thấp tùy nơi xuất xứ, nhưng phần nhiều đều là những món thuế lớn cả. Các sản phẩm thương gia Âu châu tới tìm ở Việt Nam là hạt tiêu, gỗ quí, trầm xạ hương được coi là tốt nhất hoàn cầu, quế, tơ sống, đường, trà, đồ sứ Tầu. Còn thị trường Việt-Nam tiêu thụ những hàng hóa như vải lụa Âu châu, thuốc súng, vài chế phẩm bạc, chì và nhất là đại bác. Xem như thế thì các hàng hóa nhập cảng vào Việt-Nam bởi các công-ty Đông Ấn không phải là để cho giới bình dân tiêu thụ. Nếu nhìn vào sự hoạt động của các Công-ty Đông-Ấn ở Việt-Nam trong thế-kỷ XVII, thì thấy chỉ có Công-ty Hòa-lan là tương đối thành công. Tới sớm hơn, Công-ty Hòa-lan đã lợi dụng được tình trạng phân tranh giữa Bắc và Nam triều ; cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn, ngoài sự thông thương với người Âu châu, còn chờ đợi ở người Âu châu sự cung cấp khí giới và sự giúp đỡ quân sự nữa. Nhưng, sau năm 1672, chiến tranh Bắc Nam chấm dứt, và thương phẩm chính mà Việt-Nam trước đó nhập cảng nhiều là khí giới không còn cần thiết nữa ; hoạt động của các thương quán của các Công-ty ngừng lại, và sự hiện diện của các thương quán ấy tổn ải cho các Công ty hơn là đưa lại lợi tức. Thêm vào đó, từ khi ít bị bận tâm vì chiến tranh hơn, các chúa trở nên nghi kỵ hơn đối với Tây phương, sợ Tây phương viện cớ thương mãi để xâm lấn về mặt chính trị. Cho nên, thái độ của Việt-Nam đối với các Công-ty Đông-Ấn sẽ thay đổi hẳn trong thế-kỷ XVIII. * Vào thế-kỷ XVIII, các chúa đã không còn muốn hiến cho các Công-ty thương mãi Âu-châu những đặc quyền như khi họ mới tới Việt-Nam nữa. Các sự mậu dịch vì thế mà giảm đi rất nhiều, đến nỗi mà về phương diện ngoại thương, Việt Nam chỉ còn buôn bán với các Hoa kiều ở Hội An mà thôi. Chúng ta có cảm tưởng như các chúa đã muốn đóng chặt các thương cảng Việt-Nam trước các thương gia Tây phương. Trong khi ấy, sự diễn biến lịch-sử ở Âu châu khiến chỉ còn hai cường quốc tranh giành ảnh hưởng ở Á đông : Anh và Pháp đều cố gắng kiểm tra sự mậu dịch với Trung-quốc. Muốn thế, cần phải chiếm một căn cứ điểm trên con đường biển đi từ Ấn-độ tới Trung-quốc và căn cứ ấy không đâu ngoài một vị trí trên bờ biển Việt-Nam. Ngay từ cuối thế-kỷ XVII, một nhân viên của Đông-Ấn Công-ty Pháp tên là Véret đã đề nghị chiếm đảo Côn Lôn làm căn cứ cho thương mãi của Công-ty ở Viễn-đông. Song nhanh chân hơn, Đông-Ấn Công-ty Anh đã lập thương quán ở Côn đảo vào năm 1702, và cố gắng biến đổi đảo này thành một căn cứ thương mãi và thủy quân Chúa Nguyễn đã không làm khó dễ, vì muốn dùng người Anh giúp chúa dẹp giặc biển hoành hành trên nhiều miền ven biển. Song, vào năm 1705, Đông-Ấn Công-ty Anh phải bỏ Côn đảo, và từ đấy không ai nghĩ tới Côn đảo làm căn cứ nữa. Đông-Ấn Công-ty Pháp, để bù đắp cho các sự thất bại gặp phải ở Ấn độ, đã để ý tới Việt Nam nhiều hơn, và muốn đặt một thương điếm trên bờ biển thuộc lãnh thổ của chúa Nguyễn : các bản báo cáo của các thương-gia Pháp quen buôn bán trong các biển Nam Hải đều đề nghị với Công-ty nên đặt thương quán ấy ở Đà nẵng, được coi như là có một vị-trí rất tốt, vì nằm giữa Trung-quốc Phi-luật-Tân và bán đảo Mã lai4. Nhưng các sự thăm dò của Công ty cho thấy dự định thiết lập thương quán ấy đầy khó khăn và tổn ải. Như trong năm 1749-1750, Đông-Ấn Công-ty Pháp phái Pierre Poivre tới xin chúa Võ Vương được quyền buôn bán ; nếu chúa Nguyễn đẹp lòng vì các món quà mà Công-ty biếu chúa ; thì Poivre lại vấp phải một tình trạng kinh tế và tài chính của Nam triều không được đẹp đẽ cho lắm, và nhất là vấp phải sự cản trở của các quan lại, làm Poivre lập một bản báo cáo rất bi quan về tương lai của các sự mậu dịch ở xứ « Cochinchine ». Song le, giữa năm 1753 và 1778, Đông-Ấn Công-ty Pháp còn nhận được nhiều dự án, trình bày với Công-ty là cần phải tiếp nối sự mậu dịch với Việt-Nam. Có vài dự án còn nghĩ tới sự chiếm lãnh thổ của chúa Nguyễn làm thuộc địa nữa, nhất là cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn hiện ra như là một cơ hội tốt để can thiệp vào nội bộ của Việt-Nam. Các dự tính này làm cho Đông Ấn Công ty Anh lo ngại, vì nếu Việt Nam rơi vào tay người Pháp, sự buôn bán của Công ty Anh giữa Ấn-độ và Trung Hoa sẽ bị đe dọa. Vì thế, vào năm 1778, thương gia Anh Charles Chapman được phái tới Đà nẵng để nghiên cứu tình hình. Trong bản báo cáo, Chapman đề nghị nên ủng hộ chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây-Sơn ; như thế, Công-ty Anh sẽ được lợi sau khi chúa Nguyễn thắng thế. Một trong những điều lợi ấy là người Anh sẽ kiểm tra Đà-nẵng, một căn cứ rất tốt về mặt chiến thuật cũng như về thương mãi. Nếu các thương gia Anh phải rời Quảng-châu, thì vẫn có thể mua hàng Trung-hoa ở Đà-nẵng, mà lại rẻ hơn nữa, vì ở Quảng châu, các thương gia Tây phương phải trả thuế nặng.5 Nhưng từ cuối thế-kỷ XVIII, với các biến cố xảy ra ở Âu châu, các mối chuyên tâm thương mãi không còn quan trọng bằng những vấn đề chính trị nữa. Nếu vào đầu thế-kỷ XIX, Đông Ấn Công-ty Anh tỏ ra chú ý tới Việt-Nam, là vì chính phủ Anh muốn giảm ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam, được cho là mạnh từ khi chúa Nguyễn Ánh thắng nhà Tây Sơn với sự giúp đỡ của giám mục Bá-đa-Lộc và một số sĩ quan Pháp. Năm 1803-1804, Công-ty Đông-Ấn Anh phái J.W. Roberts tới xin vua Gia Long đặc-quyền buôn bán, nhưng nhà vua nghi ngờ thiện chí của người Anh và sợ bị rơi vào cùng một tình cảnh như các ông hoàng Ấn-độ, đã không tiếp Roberts. Thái độ nghi kỵ đó dần dần cũng là thái độ của nhà vua đối với các thương gia Pháp nói riêng, và đối với tất cả các thương gia Tây phương nói chung.6 * Với đầu thế-kỷ XIX, giai đoạn hoạt động của các Đông Ấn Công-ty ở Việt Nam đã chấm dứt. Thật ra, các hoạt động thương mãi của các Công-ty buôn bán này không mạnh mẽ lắm ở Việt-Nam. Vì thế, cần đặt câu hỏi tại sao các Công-ty này đã không thành công ở Việt Nam như đã thành công ở Trung Hoa hay ở Ấn độ. Chắc chắn đã có những nguyên nhân sâu xa cho sự thất bại này. Nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng kinh tế của Việt-Nam : thị trường Việt-Nam rất hạn chế trước các hàng hóa của các Đông-Ấn công-ty ; dân chúng vì nghèo, vì không đủ lợi tức, nhưng cũng vì không cần hàng Tây, thành không mua những hàng hóa ấy. Các thương gia ngoại quốc đều đồng ý là Việt Nam nhập cảng rất ít chế phẩm Tây-phương ; ngoài khí giới ra, hàng hóa nhập cảng chỉ là vải quí và vài đồ xa xí cho sự tiêu thụ của triều-đình và của các quan đại-thần. Trong sự buôn bán với Việt-Nam các công-ty có lời được là nhờ vài thổ-sản có thể bán giá cao ở ngoài, như là tơ sống của Bắc Việt chẳng hạn. Nhưng trong sự mua bán tơ này, thương gia Âu châu bị cạnh tranh bởi con buôn người Tàu, tiếp xúc với người bản xứ dễ dãi hơn. Các thương gia Tây phương cũng gặp nhiều khó khăn vì tính cách giả tạo và cứng rắn của sự mậu dịch ở Việt Nam ; đây là một sự mậu dịch hoàn toàn bị kiểm tra bởi chính phủ, không cho phép có một sự tiếp xúc trực tiếp với giới sản xuất. Các quan-viên tự dành cho mình đặc quyền buôn bán với người ngoại quốc, vì được lợi nhiều nhờ những sự giao dịch này : không những các nhà buôn ngoại quốc phải cho họ nhiều tặng phẩm, mà còn phải dành các hàng hóa quí giá nhất cho họ nữa. Ở Kẻ Chợ, các quan chiếm độc quyền buôn bán bằng cách bắt các nhà nuôi tằm phải giao cho họ tất cả số tơ sản xuất, để có thể bán tơ ấy theo giá cả họ tự định đoạt. Vị quản lý thương quán của Đông-Ấn công-ty Hòa-lan ở Kẻ chợ, Van Riebeck, phải lén lút tới tận nhà các người nuôi tằm vào ban đêm để có thể mua tơ với giá cả phải chăng. Sự mậu dịch của thương gia Tây phương còn bị cản trở bởi những sự kiểm soát tỉ mỉ nữa : mỗi khi có một thương thuyền cặp bến, chủ thuyền bắt buộc phải rở tất cả hàng hóa để cân và để đếm ; chỉ khi nào kiểm soát xong và các quan đã giữ lại một phần đáng giữ, thì thương gia mới được đưa hàng về thương điếm. Còn thuyền muốn rời Việt-Nam thì phải xin giấy phép trước nhất là một tháng, bằng không thì nhỡ chuyến. Nhưng nguyên nhân thất bại của các Đông-Ấn công-ty cũng là do chính thương gia của họ. Đối với các thương gia này, mục đích chính yếu là làm thế nào nắm được nhiều hàng hóa mà phải trả ít tiền. Để đạt được mục đích ấy, họ áp dụng những thủ đoạn bất chính, gần như cướp bóc, đến nỗi mà vào năm 1662, chúa Trịnh phải cấm các người ngoại quốc ở chung với dân chúng, vì họ không còn tôn trọng luật pháp nữa. Các thủ đoạn cướp bóc che đậy dưới danh nghĩa thương mãi này không phải là hiếm ; các thương gia nhất là Anh và Hòa-lan đã quen dùng chúng ở Nam-dương. Còn Pierre Poivre, vì gặp khó khăn ở Đà-nẵng vào năm 1750, đã bắt cóc luôn người thông ngôn để trả thù7. Cách xử sự của các thương gia Âu châu đã hung bạo đến nỗi mà vào năm khi Đông-Ấn công-ty Anh muốn tái tục sự buôn bán với Việt- Nam, đã phải nhìn nhận rằng các hành động của các lái buôn Âu châu đã là nguyên nhân chính khiến sự buôn bán ấy phải chấm dứt trong quá khứ, và căn dặn phái-viên John Crawfurd phải tránh những lỗi lầm ấy.8 Các hành động vô trật tự của các nhà buôn Tây phương làm cho giai-cấp lãnh-đạo Việt-Nam đã khinh bỉ sẵn giai-cấp thương-gia, thêm nghi kỵ Đông-Ấn công-ty. Các chúa Trịnh cũng như các chúa Nguyễn ngại rằng nếu hiến những đặc quyền thương mãi cho các nhà buôn Tây phương, những người này sẽ lợi dụng để tấn công lãnh thổ của mình ; vì thế các chúa càng ngày càng ngần ngại để cho các Đông-Ấn công-ty đặt thương quán ở Việt Nam. Thêm nữa, nghi ngờ rằng các nhà buôn là đồng lõa với nhà truyền đạo, các nhà cầm quyền Việt-Nam tin rằng cần hạn chế các hoạt động của họ, để ngăn cản sự bành trướng một tôn giáo đe dọa cả cơ cấu của xã hội Việt-Nam nữa. Điều này giải thích cho chúng ta thái độ càng ngày càng dè dặt của vua Gia-Long trước những sự giao thiệp với Tây phương trong những năm 1815- 1819, và có lẽ cũng giải thích tại sao vua Gia Long đã chọn Minh-Mạng để nối ngôi, một vua Minh-Mạng cho rằng những sự tiếp xúc giữa nước Việt-Nam và Tây-phương không đưa gì tốt đẹp tới cho dân Việt cả. * Như thế, các sự giao thiệp của các Đông-Ấn công-ty Hòa lan, Anh và Pháp với Việt-Nam đã rất là ngắn ngủi, và đã không để lại một dấu vết cụ thể, mà cũng đã không đưa tới một hoạt động kinh tế mới mẻ nào ở Việt-Nam. ĐẠI CƯƠNG VỀ THỦY-TRIỀU VÀ THỦY TRIỀU TẠI DUYÊN HẢI VIỆT-NAM NGUYỄN HẢI I. ĐỊNH-NGHĨA VÀ ĐẠI-CƯƠNG VỀ HIỆN-TƯỢNG (Ở VEN BỜ) 1. Định-nghĩa Thủy-triều là hiện tượng, lên xuống của mực nước biển hàng ngày, tại ven bờ. Sự lên, xuống này gần như tuần hoàn, theo các chu-kỳ từ 12 đến 24 giờ. Theo định-nghĩa thì chu-kỳ của hiện-tượng là thời-gian giữa 2 lần nước lớn liên tiếp, hay 2 lần nước nhỏ liên tiếp, còn biên-độ thì bằng một nửa sự chênh-mực giữa lúc nước lớn và lúc nước nhỏ liên tiếp (hình 1). (Hình 1) 2. Các loại Thủy-triều (hay Triều) Có 3 loại thủy-triều chính được nhận thấy ở trên mặt địa cầu : - Triều bán-nhật : chu-kỳ chừng 12 giờ, cho 2 lần nước lớn và 2 lần nước nhỏ trong một ngày ; - Triều toàn-nhật : chu kỳ gần 24 giờ, cho 1 lần nước lớn và 1 lần nước nhỏ trong ngày ; - Triều hỗn hợp : có cả 2 loại đặc-điểm trên. Nói chung nó thường cho 2 lần nước lớn và 2 lần nước nhỏ trong một ngày như ở Triều bán nhật, nhưng với các độ chênh khác nhau. Trên thực-tế, người ta còn phân loại này ra làm 3, tùy theo độ chênh của các lần nước lớn hay nước nhỏ so với nhau. Sau này, để được dễ dàng hơn, Vander Stok (1897) đã nghĩ ra việc phân loại Triều căn-cứ trên công-thức : F = K1 + O1/M2 + S2. Ta sẽ nói rõ về đoạn này hơn ở phần sau. 3. Nước hơn và nước kém Người ta nhận thấy cứ cách nhau chừng 11 đến 14 ngày, trong tháng lại có một lần nước lên lớn nhất và bị ngăn ra, cùng số ngày tương-tự, bởi một lần nước xuống thấp nhất. Lần nước lớn nhất này được gọi là nước « hơn » trong tháng, còn lần nước nhỏ nhất thì được gọi là nước « kém » tương ứng. Người ta còn nói tới cả nước « hơn » và nước « kém » của mỗi năm nữa. 4. Sự phân-phối biên-độ và chu-kỳ Thủy-triều ở trên mặt địa-cầu a) Biên-độ Người ta ghi nhận được sự phân-phối như sau đây : - Độ chênh mực gần như triệt-tiêu được thấy ở biển Baltique và Hắc-hải (dưới 0,10m). - Độ chênh từ 0,10m tới 1m, gặp ở các địa-trung-hải và ở 1 số đảo nhỏ ở giữa các đại dương như : Polynésie, quần-đảo Nam Đại-tây-dương, Mascareignes. Thường thì ở miền tận cùng của một biển gần khép kín, mở rộng trên phần còn lại của biển, hay có độ cao quan trọng. - Độ chênh trung-bình, từ 1 đến 2m, thường thấy ở những nơi lục-địa có bờ biển thẳng. - Độ chênh lớn hơn hay được gặp tại các nơi ven biển ở phía trước có một thềm lục-địa rộng, hay ở trong các eo biển. Độ chênh cũng lớn ở miền cửa các sông quan-trọng. Dưới đây là vài nơi có độ chênh mực Thủy-triều đặc-biệt, được nhận thấy lớn nhất thế-giới : - Fundy (Gia-nã-đại) : 19,6 m - Savern (Anh-cát-lợi) : 16,8 m - Granville (Pháp) : 16,1 m - Bắc biển Okhotsk (Nga) : 14,7 m - Tận cùng vịnh Californie (Mễ-tây-cơ) : 12,3 m b) Chu-kỳ Tùy theo loại Triều mà ta có sự phân phối sau : - Triều bán-nhật : Thấy ở nhiều nơi ven Đại-tây dương, Nam Chí-lợi, vịnh Bengale, Tân tây-lan, miền Tây Ấn-độ dương. Đa số thường có biên-độ lớn. - Triều toàn-nhật : Ít phổ-biến hơn và cũng hiếm và có biên độ quan-trọng. Triều ở cửa sông Hải-phòng, biên-độ cực-đại gần 4m được thấy là duy-nhất trên thế-giới hiện-giờ. Người ta gặp loại Triều này ở : Địa-trung-hải Mỹ-châu, bờ Đông biển Nhật-bản, nhiều nơi ở duyên hải Đông dương và một số nơi rải-rác khác. Loại này thường cho Triều cao (nước lớn) vào ban ngày trong suốt gần một nửa năm liền, và Triều thấp (nước nhỏ) vào gần nửa năm còn lại. - Triều hỗn-hợp : Là Triều thông-thường của các bờ biển Thái-bình dương (trừ tại miền Nam) ; tại đây nó thường cho những độ cao nhỏ, nhưng đôi chỗ lại có thể đặc biệt lớn. Người ta còn gặp loại này ở : biển Oman, Ceylan, Nam Ấn độ, quần-đảo Falklands, Mascareignes, v.v… Về biên-độ, nói chung thì được thấy đặc-biệt lớn ở gần các điểm giao-hội và xung-đối của mặt Trời và mặt Trăng (so với trái Đất), nghĩa là vào lúc Sóc vọng, hay khi Trăng tròn hoặc Trăng non. Biên-độ rất nhỏ thường gần lúc 2 vị tinh-tú này ở vào vị-trí vuông góc nhau, tức là lúc Trăng thượng tuần và hạ-tuần. II. THỦY-TRIỀU Ở NGOÀI KHƠI CÁC ĐẠI-DƯƠNG 1. Triều sóng đứng và Triều sóng di-chuyển (tiệm tiến) Danh-từ Thủy-triều còn có thể được nới rộng dùng ở ngoài khơi (giữa) các đại dương ; vì tại các nơi đây vẫn có sự biến-đổi tuần-hoàn của mực nước biển, tuy rằng có điều khó nhận thấy được bởi các quan-sát thông-thường. Thủy-triều, như ta đã nói, là một hiện tượng tuần hoàn, vậy nó có tính-cách « ba động ». Ở ngoài khơi, theo lý- thuyết, Thủy triều có thể hoạt động dưới một trong hai dạng tổng-hợp : Thủy-triều sóng đứng là khi giao-động nước có một hay nhiều đường « nút » (tức là những đường dọc theo đấy biên-độ giao-động gần như không có), và Thủy-triều sóng di-chuyển là khi ba-động được lan-truyền đi theo chiều ngang (hình 2). (Hình 2) Triều sóng đứng thuần-túy chỉ xẩy ra nếu trái Đất không có quay xung quanh trục của nó, và sẽ được nhận ra ở ven biển bằng một số vùng có cùng một giờ Triều cao hay Triều thấp. Trên thực-tế, trái Đất chúng ta quay. Dưới tác-dụng của sức Coriolis tương-ứng, các phân-tử nước sẽ bị đẩy đi ngang, trong khi giao-động, theo một phương thẳng góc với đường nút. Do vậy giờ Triều (cao hay thấp) không còn giống như nhau ở trong cùng một miền rộng lớn nào nữa. Và thay vào đấy, người ta có một sự phân-phối những nơi cùng giờ Triều trên đại dương theo một đường cong gọi là đường « đẳng giờ ». Các đường đẳng giờ liên-tiếp sẽ cùng xoay quanh một điểm, gọi là điểm « amphidromique », như các nan quạt của một chiếc bánh xe quanh trục chung. Điểm amphidromique được biểu-hiệu bởi sự triệt-tiêu thường-trực của biên-độ. Thủy-triều tại nơi đó. Ở Bắc bán-cầu, các giờ Triều quay trái với chiều của kim đồng-hồ (hình 3). Điểm amphidromique gọi là ảo khi nó xuất-hiện (trong phép vẽ) ở trên bờ : trường hợp 2 biển Manche và Ái nhĩ lan. (Hình 3) Người ta có thể coi Triều sóng đứng như tình-trạng khởi phát của Triều sóng di-chuyển. Triều ở các biển phụ-thuộc của đại-dương, hay ở các eo biển thường do sóng Triều ở ngoài khơi đại-dương di-chuyển vào rồi được biến-tính đi đôi chút. 2. Dòng Triều Suốt trong thời-gian mà mực nước dâng cao dần (hay hạ thấp dần), trong khối nước biển rộng lớn có xuất-hiện một sự di-chuyển nước nằm ngang mà phương thì thay đổi nhiều nhất là 1800, và cường-độ biến thiên giữa 2 trị-số đối nhau sau khi đã ngang qua một cực-đại ; sự vận chuyển nước đó là dòng Triều dâng (hay rút). Tại các nơi rộng-rãi, dòng Triều đổi phương dễ-dàng và có tên là dòng Triều quay. Chiều quay của phương dòng Triều tại Bắc bán-cầu thì cùng với chiều của kim đồng-hồ, nghĩa là trái với chiều quay quanh điểm amphidromique của các đường đẳng giờ. Ở những nơi hẹp, hay ở gần bờ, dòng Triều gần như có một phương duy-nhất, với 2 chiều đối nhau, trong suốt một chu-kỳ của Thủy-triều. Dòng Triều này được gọi là dòng Triều đổi chiều (hình 4). (Hình 4) Trong các loại hải-lưu (dòng nước biển), dòng Triều thuộc về loại có vận-tốc lớn (cực-đại có thể tới dăm « nút »). Do đó nó chịu chung các định-luật về ảnh-hưởng của địa-thế đáy biển trên phương di-chuyển, như các hải-lưu quan-trọng khác. Nó cũng chịu sự chi phối của sức Coriolis. III. NHỮNG LÝ-THUYẾT NHẮM GIẢI-THÍCH HIỆN TƯỢNG THỦY-TRIỀU 1. Thuyết hấp-dẫn-lực của Newton và thuyết về lực ly-tâm Từ lâu, người ta đã nhận thấy có những liên-hệ giữa hiện tượng Thủy-triều và sự vận-chuyển của mặt Trăng và mặt Trời ở quanh trái Đất. Tuy nhiên, Newton là người đầu tiên đã tìm cách giải-thích Thủy-triều một cách khoa-học, bởi định- luật hấp-dẫn vũ-trụ của ông. Theo định-luật này thì 2 trọng khối M và M’ để gần nhau, sẽ chịu một hấp-lực trái chiều, có cường-độ chung tỷ-lệ với bình-phương khoảng cách D giữa 2 trọng-tâm : Vì các vị tinh-tú khác ở quá xa trái Đất, nên chỉ có mặt Trời và mặt Trăng là còn cho được một hấp dẫn lực đáng kể lên trên một trọng-khối đặt ở trên mặt Đất. Mặt Trăng tuy nhỏ, nhưng lại ở gần trái Đất nhiều, nên sức hấp-dẫn tương ứng rõ-rệt lớn hơn của mặt Trời. Newton cho rằng, riêng đối với mặt Trăng chẳng hạn, hấp-dẫn lực của nó sẽ có tác-dụng là làm phồng phần thủy-quyển của trái Đất ở về phía mặt Trăng, hướng về phía mặt Trăng (nghĩa là mực nước cao nhất ứng với lúc mặt Trăng ở Thiên-đỉnh, hay ở trên kinh-tuyến trên một nơi). Vì so với trọng-tâm chung của hệ-thống trái Đất – mặt Trăng, trái Đất còn có một chuyển-động tịnh-tiến tròn bao quanh, nên mỗi chất điểm nước ở trên mặt đất lại còn phải chịu thêm một sức ly-tâm bằng nhau, tương ứng ; khiến cho, sau cùng, phần thủy-quyển xuyên-tâm đối còn lại cũng bị làm phồng lên tương-tự. Đúng ra lực làm phồng 2 phần thủy-quyển nói trên là lực tổng-hợp của 2 lực hấp-dẫn và ly-tâm tại mỗi nơi : bên phía mặt Trăng, lực hấp dẫn chiếm ưu-thế ; tình-trạng ngược lại lại xảy ra ở phía bên kia. Tại tâm trái Đất, hai lực Newton và ly-tâm thì đặc-biệt trực đối (hình 5). (Hình 5) Như vậy, dưới sức hút của riêng mặt Trăng và của sức ly tâm, thủy-quyển. Trái Đất đã bị phồng lên ở 2 đầu, và dẹp xuống ở những phần còn lại làm 1 góc ở tâm 900 với 2 đầu này. Vì trái Đất còn xoay quanh trục của nó nên mỗi nơi ở trên mặt đất, trong 1 ngày, sẽ có 2 lần Triều cao và 2 lần Triều thấp : đó là Triều bán nhựt. Vấn đề Thủy triều phồng lên tại 2 đầu đã giải thích thêm được tại sao vào lúc Trăng non (hay không có Trăng) Thủy triều vẫn lớn được. Tuy-nhiên sức tạo ra Thủy-triều của mặt Trời so với mặt Trăng, tuy nhỏ hơn nhưng không phải là không đáng kể (nhỏ hơn ½ sức của mặt Trăng). Đàng khác, khoảng cách mặt Trời – Trái đất lại thay đổi nhiều, so với khoảng cách gần như bất biến của mặt Trăng – Trái đất. Nên trên thực-tế, hiện-tượng Thủy-triều phức-tạp hơn nhiều ; với nhiều chu-kỳ khác nhau và với những lần nước rông, nước ròng rõ-rệt trong năm, v.v… 2. Thuyết cộng-hưởng và quán-tính của vật-chất Tính-chất của các sức tạo ra Thủy-triều như thế, đã được biết, và ngay cả được thực-hiện ở trong phòng thí-nghiệm. Duy chỉ có hiệu-quả của chúng ở trên các đại-dương là còn phải được làm sáng tỏ ở một số điểm hệ-trọng. Thật vậy, cực-đại của sức tổng-hợp sinh ra Thủy-triều do mặt Trăng chẳng hạn, so với trọng-lực còn thật quá nhỏ (1/9 triệu của trọng-lực). Thật khó mà dùng giải-thích được trường-hợp của những biên-độ Thủy-triều thực-tế thường lớn như ta đã ghi nhận. Nhất là đối với các độ cao của Triều lớn hơn 10m tại một số nơi đặc-biệt mà ta nói ở phần trước. Ấy là chưa kể tới các trường-hợp « bất thường » của tỷ số biên độ Thủy-triều một nơi, không giống như đã được tiên đoán bởi các thuyết Newton và sức ly-tâm (theo 2 thuyết này thì lẽ ra cao-độ của 2 lần Triều lớn trong một ngày ở xích đạo phải tương-đương nhau, và phải rất khác biệt tại các vĩ-độ khác). Về giờ Triều lớn tại một nơi trên mặt đất cũng có sự chậm trễ ít, nhiều (có khi tới vài tiếng đồng-hồ) so với lý-thuyết. Và ngoài ra, còn có một số điểm khúc-mắc nữa, mà ta không thể liệt-kê cả ra ở đây. Để có thể giải-thích được các sự « bất thường » về cao độ, người ta đã phải viện tới thuyết Cộng hưởng. Áp-dụng của thuyết này (đề nghị bởi Harris) cho thấy kích-thước (hình-dạng) của vũng biển và đại-dương ảnh-hưởng rõ-rệt trên biên-độ Thủy-triều. Vì theo Fourrier thì Thủy-triều, một hiện-tượng gần như tuần-hoàn, có thể được phân ra làm nhiều ba-động thành-phần (hòa-ba) có chu-kỳ khác nhau : kích-thước của vũng biển và đại-dương sẽ chỉ làm khuếch-đại riêng biên-độ của một số chu-kỳ (sóng) nào có độ dài sóng thích-hợp, còn thì làm tiết-dảm rõ rệt các chu-kỳ (sóng) khác. Sự việc này cũng giúp ta hiểu được tại sao sự phân phối của các loại Thủy-triều lại quá phức-tạp ở trên mặt địa cầu Còn về các hiện-tượng Triều trễ, người ta ngày nay cũng đã cắt-nghĩa được nhờ ở quán-tính của các vật thể. Luật quán-tính nói rằng : bất cứ vật nào, khi có một trọng khối, đều không có phản-ứng tức-thời đối với mọi sự di-chuyển. Mà thuyết Newton lại không có nghĩ tới điều đó. Trước khi đề-cập tới phần khác, ta nên ghi thêm lại đây rằng : Laplace, áp-dụng phép phân-tích ra hòa-ba của Fourrier, đã coi Thủy-triều như kết-hợp bởi các Triều thành phần chính khác nhau như : M2(nguyệt-triều bán-nhật chính), S2(nhật-triều bán-nhật chính), K1(nguyệt-nhật-triều toàn-nhật), O1(nguyệt-triều toàn-nhật chính), v.v… Và hệ-số phân-loại Triều, F, của Vander Stok ấn-định : - Triều bán nhật khi F < 0,25 - Toàn-nhật khi F > 1.5 - Hỗn-hợp khi 0,25 < F < 1,5 3. Máy ghi Thủy-triều, hay máy Triều ký Để có thể khảo-sát một cách liên-tục hiện-tượng Thủy triều tại một nơi, người ta đã nghĩ ra các máy Triều ký. Các máy này thường được đặt tại ven biển, tuy-nhiên gần đây người ta đã tìm cách cải biến để có thể đặt được ở ngoài khơi. Về nguyên-tắc, đại-để có 2 loại chính, thường dùng (hình 6) : - Loại trực-tiếp ghi sự thay đổi của mực nước Thủy-triều và - Loại ghi gián-tiếp độ biến-đổi của mực nước này. Ở loại đầu, nước biển được dẫn vào một cái giếng (nhờ 1 cái lỗ kích thước tính trước) trong đó có thả sẵn một phao nổi. Độ di-chuyển thẳng đứng của phao sẽ cho biết ngay độ biến đổi của mực nước Thủy-triều ở bên ngoài. Một máy đồng-hồ được dùng để điều-khiển hoạt-động quay của trục giấy ghi. Trong loại sau sự thay đổi độ cao của mặt biển được diễn tả qua trung gian của sự biến-thiên áp-xuất của một chất khí bị giam-hãm ở trong một cái chuông, được ngâm sẵn ở trên mặt đáy biển. 4. Vấn đề tiên đoán hiện-tượng Phép phân-tích ra các sóng thành phần (hay hòa-ba) của Fourrier đã là căn-bản cho việc tiên-đoán Thủy-triều tại một nơi. Để áp-dụng, người ta phải có trước các tài-liệu ghi được về Thủy-triều nơi đó, suốt trong một thời-kỳ nhiều năm, rồi dùng tính ra một số hằng-số điều-hòa chính, cần-thiết. Ngày nay máy Tide Predictor của Lord Kelvin đã giúp đắc-lực các chuyên-viên trong các phép tính lẽ ra rất phức-tạp này. (Hình 6) (Hình 7) : Sóng TRIỀU trong Biển Nam-hải IV. THỦY-TRIỀU TẠI DUYÊN-HẢI VIỆT-NAM 1. Triều tại Biển Nam-hải Nói chung thì Triều ở Biển Nam-hải khá phức tạp. Theo Villain thì sóng toàn-nhật ưu thế, K1+O1là sóng đứng tại phần Bắc và Trung của Biển ; sóng này trở nên di-chuyển trong miền giữa Nam Việt-nam và đảo Bornéo. Sóng bán nhật M2 cũng là sóng đứng tại phần Bắc và Trung của Biển, tuy-nhiên tầm quan-trọng của sóng ở phần Trung tương-đối kém. Biên-độ đặc-biệt lớn của Triều toàn-nhật, nói riêng, tại cửa sông Hải-phòng chắc-chắn là do ở sự cộng hưởng của Vịnh Bắc-Việt với sóng Triều K1(hình 7). 2. Sự phân-phối các loại Triều dọc theo duyên-hải Việt-Nam, với các đặc-tính Từ Bắc xuống Nam, dọc theo duyên-hải Việt-Nam, các loại Triều ưu-thế thay đổi từ toàn-nhật, qua hỗn-hợp, tới hỗn-hợp thiên nhiều về bán-nhật. Triều ở Bắc và Trung-Việt không hoàn-toàn có dạng đường « sin ». Biên độ trung-bình lúc nước hơn, và loại triều ưu-thế, tại một số nơi ven biển Việt-Nam, theo vĩ-độ thoái dần, được liệt-kê ở trong bảng sau (Trích trong Niên-giám Thủy-triều của Sở Thủy-đạo Pháp) : NƠI – Biên độ trung-bình nước rông – Loại Triều ưu thế Cẩm-phả – 3m0 Hải-phòng – 3,1 – Toàn nhật Đồ-sơn – 3,0 – Toàn nhật Vinh – 2,5 Đà-nẵng – 1,0 – Hỗn-hợp Quy-nhơn – 1,4 – Hỗn-hợp Nha-trang – 1,4 – Hỗn-hợp Cam-ranh – 1,5 – Hỗn-hợp Cà ná – 1,6 Sài-gòn – 3,0 – Hỗn-hợp (b.n. có t.n. không đều) Vũng-tàu – 3,3 – Hỗn-hợp Hà-tiên – 0,8 Côn-sơn – 3,3 Ta nhận thấy tại miền Bắc và Nam Việt-nam (trừ Hà-tiên) biên-độ lớn, một phần thích-hợp với luật về thềm lục-địa rộng và về cửa sông ; còn ở miền Trung biên-độ có trị-giá trung-bình, cũng hợp với luật về bờ biển thẳng (hình 8) mà ta đã nói ở trên. Riêng ở miền Bắc, nơi Triều toàn-nhật chiếm ưu-thế, Triều cao nhất không ứng vào lúc các Phân điểm, mà vào lúc các Chí-điểm ; Nước kém xảy ra khi mặt Trăng ngang qua xích-đạo (độ xích-vĩ cực-tiểu). 3. Vài kết-quả mới về Thủy-triều Việt-nam Viện Hải-học Nha trang, với sự phối-hợp của Sở Hàng-hà Saigon, vào năm 19659, đã thực-hiện một cuộc khảo-sát một số đặc-điểm của Thủy-triều Việt-nam, căn-cứ trên các tài-liệu ghi nhận được trong mấy năm gần đây tại 1 số các trạm Triều-ký đang hoạt-động dọc theo duyên hải. Dưới đây là vài kết-quả thâu-lượm được đáng lưu-ý : - Mực cao trung-bình của mặt biển dọc theo duyên-hải : nói chung, có 2 cực-đại vào đầu và cuối mỗi năm, và một cực-tiểu ở khoảng giữa. Dạng biến-thiên này giống như dạng chung ở miền Tây Thái-bình-dương. Ảnh-hưởng của gió trong năm trên mực nước rất có thể có (ví-dụ : về mùa Đông và Xuân, gió từ Đông-Bắc tới, dưới tác-dụng của sức Coriolis rất có thể tạo ra một sự dồn nước từ ngoài khơi vào bờ v.v…). - Giờ Triều tại Nha-trang, trung-bình có thể trễ 35 phút so với giờ tiên-đoán bởi Niên-Giám Thủy-triều Pháp hiện nay. - Giờ Triều tại Qui-nhơn thường sớm hơn ở Nha-trang chừng 40 phút (trong khi Niên-giám trên phỏng tính là như nhau). Do vậy, rất có thể là sóng Triều di-chuyển đã có thể bắt đầu xuất-hiện từ một vĩ-độ cao hơn của Nha-trang (coi lại phần Triều tại Nam-hải của Villain, ở trên). V. VÀI ÍCH-LỢI CỦA HIỆN-TƯỢNG THỦY-TRIỀU Thủy-triều là một hiện-tượng thiên-nhiên thường-trực vừa có lợi, vừa có hại cho nhân loại. Kể về những tai-hại, ta có thể nói như : gây sóng lớn mỗi lúc Triều lên làm khó khăn một phần cho sự giao-thông trên mặt biển của các tàu nhỏ nhất là tạo nên hiện tượng Mascaret ở một số cửa sông lớn ; dễ làm cho tàu lớn bị mắc cạn ở gần bờ mỗi khi Triều xuống ; giúp thêm sóng biển trong việc làm soi mòn 1 số bờ biển ; v.v… Tuy-nhiên, các ích-lợi loài người được hưởng tương-đối nhiều hơn, đại để : - Giúp ta lưu-thông xa hơn được ở những nơi cạn, nếu biết lợi dụng đúng lúc Triều lên. - Giúp ta dễ-dàng thâm-nhập biển cả xa hơn, mỗi khi Triều xuống, để tăng phần năng-suất thâu-hoạch ngư-nghiệp ven bờ. - Tạo nên một số loại sinh-vật mới sống giữa 2 mực Triều. - Và gần đây, cung-cấp thế-năng dùng cho kỹ nghệ tại một số nơi thuận-tiện (chạy máy bơm, máy xay, máy phát điện : chương-trình nhà máy Thủy điện sông Rana. Nói riêng, Thủy-triều rất quan-hệ trong các công-cuộc khảo-cứu Hải sinh-vật học. VI. KẾT-LUẬN Thủy-triều là một hiện-tượng thiên-nhiên, tuần-hoàn, phức tạp ; được sinh ra do sức hấp-dẫn vũ-trụ giữa các vật chất, và sức ly-tâm ; được khuếch-đại bởi sự cộng hưởng, và chịu ảnh hưởng trễ nãi của quán-tính vật-chất. Triều được xếp theo ba loại chính tùy theo chu-kỳ ưu-thế và có thể được coi như khởi sự dưới dạng sóng đứng. Lúc Triều lên và Triều xuống đều có tạo ra một loại hải-lưu riêng, gọi là dòng Triều ; dòng Triều thuộc loại hải-lưu mạnh, nhưng phương, chiều và cường-độ lại thay đổi theo thời-gian. Thủy-triều vừa đem ích-lợi, vừa gây tai-hại cho nhân-loại ; nói riêng Triều cung cấp cho nhân-loại một lượng thế-năng khổng-lồ, hữu-ích nếu ta biết cách khai-thác. Người ta nghiên-cứu Thủy-triều một cách thường-trực bởi các máy Triều-ký, và có thể tiên-đoán được hiện-tượng dựa trên phép phân-tích ra hòa-ba Fourrier và nhờ ở việc xử-dụng máy Tide Predictor của Kelvin. (Hình 8) : Thủy-triều Nha Trang 1967 (Hình 8) : Thủy-triều Nha Trang 1967 (tiếp theo) SÁCH CÓ THỂ DÙNG ĐỂ THAM-KHẢO THÊM 1. Cours Océanographie : Hydrologie des océans et des mers của A. Guilcher, Giáo-sư Văn-khoa Đại-học Ba-lê (1957). 2. Bài giảng về Thủy-học các đại-dương, của Nguyễn-Hải, dùng cho các Đại-học Văn-khoa và Sư-phạm Saigon (1964- 67). 3. Sơ-khảo về Thủy-triều tại Việt-nam Cộng-hòa, của Trần-đăng-Đại, Tiểu-luận Cao-học, Đại-học Văn-khoa Saigon (1965) (dưới sự bảo trợ của Ô. Nguyễn Hải). 4. The Ocean, của Sverdrup, Johnson và Fleming ; Nữu ước (1954). 5. La Mer (1939) ; Physique des mers (1941) ; Traité d’Océanographie physique (1943-48), của Rouch. 6. Physical Océanography, của A. Defant (1961). DANH-TỪ CHUYÊN-MÔN ĐỐI-CHIẾU VIỆT – PHÁP Thủy triều : Marée (n.) océanique Tuần-hoàn : Périodique (a) Chu-kỳ : Période (n) Biên-độ : Amplitude (n) Độ chênh mực : Marnage (n.) Bán-nhật : Semidiurne (a) Toàn-nhật : Diurne (a.) Hỗn-hợp : Mixte (a) Nước lớn, Triều cao : Pleine mer, Haute mer Nước nhỏ, Triều thấp : Basse mer Công-thức : Formule (n.) Nước hơn : Vive-eau (n) Nước kém : Morte-eau (n.) Thềm lục-địa : Plateau continental Điểm giao-hội : Conjonction (n) Điểm xung đối : Opposition (n.) Điểm Sóc-vọng : Syzygie (n.) Tròn, non (Trăng) : Pleine, nouvelle (Lune) Hải-lưu : Courant marin Nút (vận tốc) : Noeud (n.) Hấp-dẫn lực : Force d’attraction Lực ly-tâm : Force centrifuge Trọng-khối : Masse (n.) Thủy-quyển : Hydrosphère (n.) Thiên-đỉnh : Zénith (n) Kinh-tuyến : Méridien (n.) Trọng tâm : Centre de gravité Tịnh-tiến tròn : Translation circulaire Chất điểm : Point matériel Xuyên-tâm đối : Diamétralement opposé Trực đối : Directement opposé Cộng-hưởng : Résonance (n) Quán-tính : Inertie (n) Trọng lực : Pesanteur (n.) Bất thường : Anomalie (n.) Vũng : Bassin (n.) Vuông góc nhau : En quadrature Thượng, hạ tuần : Premier, dernier quartier Sóng đứng : Onde stationnaire Sóng di-chuyển, tiệm tiến : Onde progressive Ba-động : Ondulatoire (a) Tổng-hợp : Résultant (a) Giao-động : Oscillation (n) Đường nút : Ligne nodale Phân-tử : Molécule (n) Phương : Direction (n.) Chiều : Sens (n) Đường đẳng giờ : Ligne cotidale Dòng Triều : Courant de marée Dòng Triều dâng (lên) : Courant de flot Dòng Triều rút (xuống) : Courant de jusanf Vận-chuyển : Mouvement (n.) Di-chuyển, rời chỗ : Déplacement (n.) Quay : Rotatif (a) Đổi chiều, thay chiều : Alternatif (a.) Hòa-ba : Harmonique (n.) Điều-hòa : Harmonique (a) Độ dài sóng : Longueur d’onde Triều-trễ : Retard de la marée Phản-ứng : Réaction (n) Máy Triều-ký : Marégraphe (n) Tiên-đoán : Prédire (v.), Prédiction (n) « Đường sin » : Sinusoïde (n.) Niên-giám : Annuaire (n.) Sở Thủy-đạo : Service Hydrographique Sở Hàng-hà : Service de la Navigation fluviale Viện Hải-học : Institut Océanographique Phân điểm : Equinoxe (n.) Chí điểm : Solstice (n) Xích-vĩ : Declinaison (n.) Mực cao trung-bình : Niveau moyen Giữa 2 mực Triều : Intertidale (a.) Thế năng : Energie potentielle THỬ TÌM HIỂU VỀ LŨY TRƯỜNG-DỤC và LŨY ĐỒNG-HỚI Bà và Ông TRẦN ĐĂNG-ĐẠI I. NGUYÊN NHÂN XÂY LŨY Sau khi Nguyễn-Uông, anh Nguyễn-Hoàng, bị Trịnh-Kiểm 10kiếm chuyện giết đi, Nguyễn Hoàng sợ Trịnh-Kiểm lại sẽ có ý ám-hại mình, mới cho người ra Hải-Dương hỏi ý-kiến Ông Nguyễn-bỉnh-Khiêm11 Ông ấy bảo rằng « Hoành-sơn nhất đái, vạn đại dung thân » (Một dãy Hoành-sơn kia12có thể yên thân được muôn đời) nên Nguyễn-Hoàng mới nói với chị là Ngọc-Bảo xin Trịnh-Kiểm cho vào trấn phía Nam. Năm Mậu-Ngọ (1558), Trịnh-Kiểm tâu vua Lê Anh-Tôn cho Nguyễn-Hoàng vào trấn Thuận-Hóa. Từ khi Nguyễn Hoàng về Thuận-Hóa rồi, bề ngoài tuy chưa ra mặt chống với họ Trịnh, nhưng bề trong hết sức lo sự phòng bị. Xem như năm Quí Sửu (1613), khi Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi người con thứ sáu là Nguyễn-phúc-Nguyên vào dặn rằng : « Đất Thuận, Quảng này bên Bắc thì có núi Hoành-Sơn, sông Linh Giang, bên Nam thì có núi Hải-Vân và núi Bi-Sơn, thật là một nơi trời để cho người anh-hùng dụng-võ, vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện-tập quân-sĩ để mà gây dựng cơ-nghiệp về muôn đời ».13 Miền Nam, tuy có nhiều sông, nhưng sông không giao thông với nhau, lòng sông thường có cồn cát, thuyền bè đi lại hay bị ngừng trệ, cho nên thủy-quân không thể bành-trướng như ngoài Bắc, có nhiều sông to lại có kinh đào liên-lạc. Vì vậy nhà Nguyễn chú-trọng đến việc mở mang lục quân và kiến-thiết các đồn ải. Năm Đinh Mão (1627) Nam, Bắc khởi cuộc binh-đao. Ngoài Bắc lúc này Trịnh-Tráng cầm quyền được rổi-rãnh vì bấy giờ nhà Minh bên Tàu đang chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao-Bằng đã về hàng nên mới nghĩ tới việc đối phó với miền Nam. Trịnh-Tráng sai quân vào Thuận-Hóa mượn tiếng vua Lê đòi tiền thuế từ ba năm về trước. Chúa Sãi, Nguyễn-phúc-Nguyên, tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh-Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ Chúa Sãi cho con ra chầu và nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh, Chúa Sãi lại cũng không chịu. Trịnh Tráng thấy vậy, bèn quyết định ý đánh họ Nguyễn ; sai Nguyễn Khải và Nguyễn-danh-Thế đem 5000 quân đi làm tiên-phong vào đóng ở xã Hà-Trung (tục gọi là Cầu Doanh) rồi đem đại binh, rước vua Lê đi đánh. Các tài-liệu14đều có chép là vào năm 1627, hai bên Trịnh – Nguyễn dàn quân trên tả-ngạn sông Nhựt-Lệ, tức sông Đồng-Hới, giới-hạn bởi một bức lũy15. Bên Nguyễn, chưa kịp chuẩn-bị, nên bị chết hại rất nhiều. Bọn Nguyễn-hữu-Dật (miền Nam) vì vây phải đặt kế phao rằng ở Bắc có Trịnh-Gia, Trịnh Nhạc (có họ với Trịnh Tráng) sắp làm loạn. Trịnh-Tráng nghe tin ấy trong bụng sinh nghi, không biết thực hư thế nào, bèn rước vua và rút quân về Bắc. Thế là, sau cuộc đụng độ đầu tiên với chúa Trịnh, nhận thấy lực-lượng hùng hậu của địch-quân, Sãi-vương càng phải nghĩ đến việc phòng-thủ cùng là tạo lập thêm đồn lũy ở các nơi hiểm yếu để ngăn quân địch. « Tại cửa ngõ vào miền Nam và sát cạnh ngay miền Bắc, theo lời linh-mục Alexandro de Rhodes, có một hải-khẩu thường gọi là Cửa Sài16là nơi mà các chiến thuyền nhà Trịnh muốn vào đất địch (đất Nguyễn) tất phải qua »17. Cho nên Cửa Sài và vùng phụ-cận là một nơi hiểm yếu mà người Bắc bao giờ cũng cố gắng để cướp lấy, và người Nam bắt buộc phải giữ-gìn. Chính trong thời-kỳ này Sãi-Vương đã cho xây hai lũy Trường-Dục và Đồng-Hới. Văn bia ở đò Cầu Dài18đã chép việc này như sau : « Mùa xuân, tháng hai, năm Canh-Ngọ (1630) nhằm năm thứ 17, đời Hi-Tôn Hiếu-Văn Hoàng-Đế (Sãi-Vương) Nội tán19. Đào duy-Từ tâu cùng vua rằng : « Phàm mưu-đồ sự-nghiệp vương-bá, cốt-yếu là phải tìm cách vạn toàn. Cổ-giả có câu : « không chịu khó nhọc một phen thì không được thong-thả lâu dài, không chịu tốn kém một lần thì không được yên ổn mãi-mãi »20. Thần xin đem quân dân hai trấn21ra đắp Trường Lũy, chạy từ núi Trường-Dục xuống đến phá22 Hạc Hải, nhân theo địa-thế hiểm-yếu mà đặt đồn lũy để củng-cố biên-phòng, quân địch dù có kéo đến cũng không thể làm gì chúng ta được ». Chúa bèn nghe theo và sai làm ngay lũy Trường-Dục »23. Mùa thu, tháng tám, năm Tân-Vị (Tân Mùi 1631) nhằm năm thứ 18 đời chúa Sãi-Vương, Đào-duy-Từ lại xin Chúa cho đi xem xét hình thế núi sông24. Đến khi về, Duy-Từ tâu lên cùng chúa rằng : « Thần đã quan-sát thấy từ cửa biển Nhựt- Lệ, cho đến núi Đầu Mầu25: ngoài có khe sông chảy trên đất bùn sình lầy, nhân theo đó mà làm hào-hố, trong đắp rặng lũy mới thì thế hiểm-yếu của nó hơn thập bội lũy Trường-Dục ». Chúa Sãi thuận và sai Đào-duy-Từ làm26. II. TIỂU-SỬ TÁC-GIẢ HAI LŨY TRƯỜNG-DỤC VÀ ĐỒNG HỚI, ĐÀO-DUY TỪ (1572-1634) Trước khi chúng ta xét công-trình từng chi-tiết một, tưởng chúng ta cũng nên biết qua tay thợ đã dựng nên. Văn-bia ở đò Cầu Dài có chép sơ lược, nhưng Đại-Nam liệt-truyện tiền biên và Đại-nam thực lục tiền-biên thì chép rõ ràng hơn và còn cho chúng ta biết thêm nhiều biến cố quan trọng xảy ra hoặc trước hoặc đồng thời với công-trình kiến trúc hai lũy. Đào-duy-Từ, sinh-năm 1572, người làng Hoa-Trai, huyện Ngọc-Sơn (nay là phủ Tỉnh-Gia), tỉnh Thanh-Hóa. Thân-sinh Từ là Đào-tá-Hán, làm nghề xướng ca27. Từ sinh ra thông minh đĩnh-ngộ khác thường, đã tinh thông kinh-sử lại sở trường về thơ văn ; ngoài ra, lại còn hiểu rõ lý số và binh pháp, binh-thư. Mùa thu năm 1592, Bình-An-Vương Trịnh-Tùng mở khoa thi hương. Từ mới 21 tuổi cũng nộp quyển ứng-thí, song quan trường cho là con nhà « xướng-ca vô loại » và chiếu theo luật-lệ thời đó không nhận quyển28. Nuốt hận, Từ trở về nhà, không nản chí vẫn cố gắng học-hành, chờ cơ hội khác lập thân. Khốn nỗi, cha mẹ mất sớm, nhà lại nghèo, không sẵn tiền để tìm thầy học riêng. Mãi rồi về sau Từ cũng xin vào học được tại trường Chiêu-văn Quán29mở tại Đông-Kinh (Hanoi). Tiền học đỡ phải lo, song lại khổ về thiếu ăn, thiếu mặc. May sao, Từ có bạn kết nghĩa là Lê-thời Hiến (quán làng Phú-Hào, huyện Lôi-Dương, tỉnh Hải-Dương) vì quý mến tài đức của Từ mà hết sức tư-trợ cho Từ. Giữa hồi này, đất nước lọt vào thế lực của hai họ : Trịnh ở ngoài Bắc, Nguyễn ở trong Nam, vua Lê chỉ là hư-vị. Từ nhận thấy chúa Trịnh không biết tôn-hiền đãi-sĩ lại ỷ-quyền lấn áp vua Lê, nên không phục. Lúc ấy, Từ lại được tin con thứ sáu của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc-Nguyên (tức Sãi Vương) lên kế-nghiệp, có lòng thương dân, yêu chuộng kẻ hiền-sĩ, nhiều người hào-kiệt đều theo về. Từ bèn quyết chí vào Nam 30. Ý-định này của Từ còn được ghi rõ ở Tang-Thương Ngẫu lục trong lời Từ nói với Lê-Thời-Hiến trước khi chia tay vào Nam là : « Tôi nghe xứ Quảng-Thuận đất hiểm mà dân giàu, vị chúa ở đấy lại biết đãi người một cách nhún-nhường, đó là tư cách của bậc bá-vương. Nếu ta đến theo, rồi đem mưu-kế thuyết cho họ nghe thì trên có thể làm được như Tề-Hoàn, Tấn-văn, dưới cũng không mất được cái thế chân vạc… »31 Đi hơn một tuần, Từ đến sông Giang (tức Linh Giang) là ranh-giới của Nam Bắc. Nơi này canh phòng rất nghiêm mật, Từ phải nghĩ kế dùng ống tre làm phao lội qua sông vào lúc tối trời. Theo Việt-Nam khai quốc chí truyện, khi vào Nam Từ đã thăm dò đến nơi dinh-thự chúa Nguyễn, xét thấy quả có vượng khí, lòng rất mừng, nhưng Từ cho chỗ này là nơi đô hội, khó lòng phân-biệt được kẻ dở người hay, nên Từ bèn đi nơi khác. Một hôm đến phủ Hoài-Nhơn (tức phủ Bồng-Sơn, tỉnh Bình-Định ngày nay) Từ thấy địa-thế rất đẹp, phong tục lại thuần-hậu nên thác thân vào một nhà giàu32, làng (thôn) Tùng-Châu33ở chăn trâu cho nhà ấy. Một ngày kia, phú gia này bày tiệc rượu hội-họp các tay danh-sĩ để đánh chén, vịnh thơ cho vui. Từ, chiều hôm ấy dẫn trâu về, bèn cầm roi đứng trước bàn tiệc, cùng các danh-sĩ đàm-luận cổ-kim kinh-sử bách-gia cùng tam-giáo cửu lưu, tất cả thảy đều thông-suốt, ai nấy trong bàn tiệc đều kinh. Riêng nhà điền-chủ tỏ vẻ mừng vô-hạn, và từ hôm ấy rất trọng-đãi Từ coi như khách quý, giữ luôn ở nhà trên để cùng bàn-luận về đạo-lý, kinh truyện. Nhà điền-chủ lại đem chuyện Từ nói với bạn thân là quan khám-lý Trần-đức-Hòa34ở Qui-Nhơn, vốn là một trọng thần của Chúa Sãi-Vương. Đức-Hòa hội-kiến cùng Duy-Từ, nhận thấy quả Từ là người học vấn rộng, kiến-thức nhiều, bèn đãi Từ cách đặc-biệt, mời Từ ở dạy học luôn trong nhà và gả con gái cho. Lúc thong thả, Đức-Hòa lần dở mấy tập văn của Từ ra xem, đọc tới bài Tư dung vãn và Ngọa long cương thấy từ-chương tao nhã, ý-tứ cao-kỳ, tỏ ý có tài làm cố-vấn cho vua không khác gì Khổng Minh Gia-cát-Lượng ngày trước, nên nghĩ thầm rằng : « Hay trời tựa chúa ta ? Trời đã sinh ra minh chúa để trị dân, tất phải có hiền thần lương tướng để giúp nước. Duy-Từ này có lẽ là Ngọa-long tiên-sinh 35đời nay của nước nhà chăng ? » Năm Đinh-Mão (1627) nhằm năm thứ 14 Hi-Tôn – Hiếu văn Hoàng-đế (Chúa Sãi) quân chúa Nguyễn đánh bại binh họ Trịnh ở Nhựt-Lệ, Đức-Hòa nghe tin báo tiệp bèn từ Hoài Nhơn về triều để mừng, khi chúa hỏi han việc dân tình Quảng-Nam xong36, Hòa bèn thung dung rút trong tay áo bài Ngọa long cương ngâm dâng lên Chúa và tâu rằng : « Bài ca này của thầy đồ dạy học ở nhà tôi tên Đào-duy-Từ làm ra ». Chúa Nguyễn xem xong, biết người soạn là bậc kinh-bang tế thế, lập tức cho đòi vào thử tài và hỏi chuyện. Khi Duy-Từ vào thấy chúa Sãi mặc áo lụa trắng, chân đi văn-hài xanh, tay chống gậy long-trúc, đứng đợi ở cửa dịch môn (cửa bên) thì lùi lại không vào. Chúa Sãi biết ý, tức thời chỉnh-nghi áo mão rồi cho triệu Từ vô. Chúa Sãi hỏi Từ về cách trấn giữ đất Thuận-Hóa, Từ trần-thuyết rất minh bạch. Chúa Sãi cả mừng, liền phong cho Từ làm Nha Úy37và Nội-tán, lại ban tước Lộc-Khê hầu, kiêm quản cả việc quân-cơ trong ngoài và xét định việc quốc chính. Biến-cố quan-trọng sau đây chứng cho ta biết tài-năng của Từ : Năm Kỷ-tị (1629) Trịnh Tráng bàn định muốn vào xâm chiếm trong Nam, bèn sai Nguyễn Khắc Minh mang tờ sắc thư vào tấn-phong cho Hi-Tôn làm Thái-phó Quốc công trấn giữ hai xứ rồi giục ngài kíp ra Đông đô (Hà-nội) để đi đánh họ Mạc ở Cao-Bằng38. Sãi Vương rất lấy làm khó nghĩ. Chúa coi tờ sắc thư kia như một việc lăng nhục vì Chúa nghĩ rằng : « từ hai mươi năm nay không có lệnh vua mà Chúa vẫn cai quản hai xứ và chúa chẳng đã từng đẩy lui đao binh của vua một lần hay sao ? ». Phần khác, tuy Chúa thắng trận đầu nhưng Chúa không dám chắc sẽ còn chiến-thắng được nữa vì binh lính Chúa chưa được thành-thạo và trên hết là vì biên thùy chưa được vững chắc. Chúa bèn hội quần-thần để nghị-bàn và Duy Từ tâu xin cùng Chúa là nên nhận sắc-phong để tránh sự nghi-ngờ của Chúa Trịnh, rồi khi mà biên-thùy đã củng cố chúng ta sẽ trả sắc chỉ. Sãi-Vương nghe theo, nhận lấy sắc thư, hậu-đãi sứ giả, cho về39. Chính lúc này, vào mùa thu năm 1630 Đào duy Từ xây lũy Trường-Dục. Theo Khâm-định Việt-sử Thông-giám Cương mục thì công-việc hoàn tất trong vòng một tháng mấy ngày. Lũy xây rồi, Từ vững tâm nghĩ kế trả lại sắc-thư. Từ xin Chúa 40làm một mâm đồng hai đáy, để tờ sắc-thư đã nhận năm trước vào giữa, rồi sắp phẩm-vật lên trên, cử Văn-Khuông41 trong ty Tướng-thần-lại42làm sứ-thần đi tạ ơn. Từ nghĩ sẵn 10 điều vấn-đáp để dặn Văn-khuông ứng đối. Tới Đông đô, Trịnh-Tráng triệu vào hỏi chuyện Nam-Hà. Văn-Khuông biện bác không chịu khuất43. Trịnh-Tráng đãi Văn Khuông rất hậu. Hiến xong mâm lễ vật, Văn-Khuông ra nghỉ-ngơi ở dịch-xá, mưu để cả đồ-đạc rương trấp đấy, lẻn xuống thuyền xuôi về Nam. Khi Chúa Trịnh cho soạn phẩm vật thấy mâm hai đáy, lấy làm lạ, sai tách ra thấy có một tờ sắc-thư năm trước và một cánh thiếp trên có bốn hàng chữ : Mâu nhi vô dịch Mịch phi kiến tích Ái lạc tâm trường Lực lai tương địch. Chúa Trịnh hỏi các đình-thần chẳng ai rõ nghĩa bốn câu trên. Sau có quan Thiếu-Úy Phùng-khắc-Khoan44giải đoán thành câu ẩn ngữ có 4 chữ : « Dư bất thụ sắc (予不受勑 nghĩa là ta không nhận sắc-phong)45. Ai nghĩ nổi mấy chữ này hẳn là bậc phi-thường lắm đấy ! ». Biết mình bị lừa, Chúa Trịnh cả giận cho người đuổi theo bắt Văn-Khuông, thì Khuông đã tếch xa lâu rồi, Tráng muốn dấy binh vào đánh ngay Chúa Sãi thì vừa gặp khi ấy ở Cao Bằng và Hải-Dương có giặc, nên bèn thôi đi. Còn Văn-Khuông sau khi trở về Nam được Chúa Sãi ân-thưởng rất hậu. Riêng Duy-Từ được khen là Tử-Phòng đời nay.46 Ngoài Bắc Chúa Trịnh dò tin biết rõ Duy-Từ bày mưu « đố chữ » để trả lại sắc-dụ vua Lê, bèn phái Thuyết khách đem vàng bạc vào Nam dụ Từ quay về Bắc. Nhưng Từ không bao giờ phụ ơn người tri-kỷ. Tương truyền Từ đã mượn lời người con gái tạ lại khách tình để trả lời như sau : Ba đồng một mớ trầu cay Sao anh không hỏi những ngày còn không ? Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng, như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ Chim vào lồng biết thuở nào ra ? Trịnh-Tráng đọc bài thơ trên dù đã rõ ý chí của Từ vẫn cứ phái người thuyết dụ hoài. Từ lại phải gởi thêm hai câu thơ để trả lời dứt-khoát : Có lòng xin tạ ơn lòng, Xin đừng đi lại nữa mà chồng em ghen. Thấy dụ không xong, Chúa Trịnh bèn cho đặt những câu hát để nói khích Từ : Rồng nằm hồ cạn phờ râu Mấy lời anh nói, dấu đầu hở đuôi Rồng khoe vượt gió tung mây Nào hay rồng đất có ngày rồng tan Có ai về tới đường trong Nhắn nhe « bố đỏ » liệu trông đường về Mãi tham lợi bỏ quê-quán tổ Đất nước người dù có như không ? Từ lại còn lo xa để đối phó với cuộc Nam-chinh không sớm thì chầy của Chúa Trịnh, nên tâu với Chúa Sãi ngay năm Canh-Ngọ (1630) sai tướng đem quân ra đất Nam Bố-chính (Bố Trạch bây giờ) chiếm lấy phía Nam-ngạn sông Gianh để chống với quân Trịnh và năm sau (1631) ông lại cho đắp thêm lũy Đồng-Hới. Từ giúp Chúa Sãi được tám năm thì mất vào tháng 10 năm 1634, thọ 63 tuổi.47 Trích : Khái-sinh DƯƠNG TỤ QUÁN, Đào duy Từ, Tri-Tân, số 168. 30 Nov. 1944, tr. 12 (1012) Trích : L. Cadière, Le mur de Đồng Hới in Bull. de L’Ecole Française d’Extrême-Orient, VI, 1906. Vị-trí Lũy Thầy (1) Đồng-hới và Lũy Trường-Dục (2) III. CÁCH KIẾN-TẠO CÙNG CÔNG-DỤNG CHIẾN LƯỢC CỦA HAI LŨY TRƯỜNG-DỤC VÀ ĐỒNG-HỚI Trên đây là tất cả tài-liệu mà các sách đã cho chúng ta biết về tác-giả của hai bức lũy. Bây giờ chúng ta thử xét qua về cách kiến-tạo cùng công-dụng chiến-lược của hai lũy. Như ta đã biết, công-nghiệp của Từ chia làm hai giai đoạn. Các tài-liệu cho chúng ta biết là lần đầu vào năm 1630, Duy-Từ đã đi quan-sát địa-thế và có kế-hoạch xây một bức lũy chạy dài từ chân núi Hoành-Sơn thuộc làng Trường-Dục đến các đầm lầy trải dài dưới chân cồn cát ở phía tây. Năm sau 1631 Từ lại tới xem địa-thế một lần nữa, và xin làm thêm một bức trường-thành cách cái trước 20 cây-số về phương Bắc. Thoáng nhìn vào địa-đồ (xem phụ-bản) chúng ta cũng đủ thấy rằng, tuy công trình của Đào duy Từ làm thành hai lần và có lẽ khi làm không phải với một ý-định liên-tục, vậy mà vẫn tạo nên một hệ-thống phòng thủ rất hòa-hợp với địa thế. Lũy Trường-Dục48hiện còn giữ một ít vết tích, là một rặng lũy lớn bắt đầu từ chân núi đá vôi Chùa Non (Thần đinh-Sơn)49dọc theo bờ sông Rào đá (hữu ngạn sông Nhựt Lệ) và sông Kiến-Giang. Lũy uốn theo tả ngạn sông Nhựt-Lệ, lên đến làng Quảng-Xá sau khi đã kinh qua các làng Trường Dục, Xuân-Dục, Cổ-Hiền rồi ngoặt đột ngột về phía đông và tới Bình Thôn. Lũy này chống giữ con đường núi và án ngữ địch quân xuôi sông Nhựt-Lệ xuống. Lũy dài 2.500 trượng (khoảng 10-12km), vài nơi cao đến 3 thước (m) và chân rộng từ 6 đến 8 thước (m). Về cực tây, lũy giáp xóm kho (nơi xưa để chứa lúa cho vua), phía trên là chợ Cộc vụ ruộng Dinh. Lũy này ở chặn vòng trên có xây cất dinh đồn để cho tướng binh trú-ngụ, một kho để chứa thức ăn cho lính, theo hình chữ dĩ 已 ở trong chữ hồi 囘 nên gọi là Hồi-văn-lũy. Năm 1648, họ Trịnh đến xâm-lăng, khi ấy Trương-phúc-Phấn cùng con là Hùng giữ lũy50, binh họ Trịnh không phá nổi nên lũy còn được gọi là Phấn-cố-trì. Bây giờ chúng ta khảo-sát qua lũy Đồng-Hới. Lũy này được gọi bằng nhiều tên : Cương mục và các tài-liệu khác gọi nó là Trấn-ninh-lũy (vì gọi theo tên làng ở về phía cực đông của lũy) ; Nhựt-lệ-lũy (vì nó nằm trên tả ngạn sông Nhựt-Lệ) 51; Đồng hới-lũy, hay có thể là Động-Hải, Đồng-Hới hay tệ hơn nữa là Đồng-giãn do sự sai lầm của người khắc chữ. Đồng-Hới là làng nằm ở địa-đầu tỉnh Quảng-Bình. Dân gian gọi lũy này là Lũy Thầy vì muốn tỏ lòng trọng-vọng Đào-duy Từ là người đã có công đắp lũy (theo Văn-Bia ở Đò Cầu Dài). Chữ Thầy viết thành chữ Hán Việt là Sài (nghĩa là củi) cho nên Lũy Thầy đôi khi còn được gọi là Lũy Sầy vì đọc trật. Những nhà truyền-giáo thì lại gọi là bức trường-thành của miền Nam, bức lũy ngăn cách hai miền v.v… Triệu-Trị năm 1842 gọi lũy là Định-Bắc Trường-Thành để kỷ niệm việc quân Nguyễn toàn thắng quân Trịnh. Giải Hoành-Sơn có một ngọn núi cao tên là Đâu-Mâu tỏa làm hai dãy núi trùng-trùng điệp điệp : một dãy chạy thẳng đến sông Nhựt-Lệ về địa-phận tỉnh Văn-La (các tài-liệu cổ gọi là Cẩm-La) gọi nôm na là Cồn-Hàu ; còn một dãy kéo dài xuống mé bể cách khoảng 15 cây-số về phía Bắc tới làng Phú-Hội, tên thông thường là Kẻ địa. Hai dãy núi tỏa hình như một càng cua vây bọc một cánh đồng bán-nguyệt, lầy lội, binh mã không qua lại được, nhất là về mùa đông, nước đồng ứ-trệ. Năm 1631, Đào duy Từ dùng quân-sĩ và dân phu đắp Trường-Lũy.52 Lũy bắt đầu từ cửa Nhựt-Lệ vòng xuống Nam, rồi kéo dài sang Tây cho đến sát giải Hoành-Sơn. Lũy cao một trượng, năm xích (độ 6m) ; mặt ngoài lũy chôn kè bằng gỗ lim, mặt trong đắp đất thành năm cấp, voi ngựa đều có thể đi được. Lũy dài trên 3.000 trượng nghĩa là hơn 30 lí. Cứ 3 hay 5 trượng (12 hay 20 thước)53, thì lại xây một pháo đài trang bị súng lớn, cứ một trượng (4m) lại đặt một khẩu súng Khóa Sơn. Hơn nữa, lại có nhiều ụ thuốc súng và đạn. Đây tức là một biên-phòng kiên-cố ngăn-cách giữa hai cõi Nam-Bắc54. Tầm quan-trọng và hiểm-trở của Lũy Thầy cũng đã được ghi rõ trong tục-ngữ, ca-dao đương thời : Thứ nhứt thì sợ Lũy Thầy Thứ nhì sợ lầy Võ Xá55 Đại-Nam Nhất thống-chí đã dịch ra hán văn như sau : Nhất khả kỵ hề Động hải Trường lũy Nhị khả kỵ hề Võ Xá Nê điền. Hoặc là : Có tài vượt nổi sông Gianh Dẫu thêm hai cánh, Trường-thành khó qua Đại Nam nhất thống chí chuyển dịch ra Hán văn là : Hữu trí dũng hề khả quá Thanh hà Túng hữu dực hề Trường lũy bất khả quá Quân địch từ Bắc xuống Nam tất phải theo hai đường : về phía đông theo dọc bể tức là đường cái quan ; về phía tây là đường núi hiểm trở khó trèo. Còn ở giữa thì đồng-bằng Đồng Hới lầy-lội không thể qua được. Lũy Đồng-Hới là một trở lực cho quân miền Bắc không thể theo đường bộ xuống Nam. Bây giờ chúng ta thử theo gót chân địch để xét công dụng của Trường-Lũy. Giả thử rằng, quân Trịnh đã đoạt được tất cả các trạm phía bắc lũy Đồng-Hới, họ sẽ tiến xuống bằng hai đường : đường thủy và đường bộ. Họ thường tấn công vào cuối Đông hay đầu Xuân. Khi ấy không còn bão lớn hay mưa to mà lại có gió mùa Đông-Bắc rất tiện cho việc xuôi thuyền từ Bắc vào Nam. Thỉnh thoảng họ cũng theo vừa đường bộ (đường núi) vừa đường thủy, nhưng thường thường họ tập trung lực-lượng tại cửa sông Nhựt-Lệ, rồi phối-hợp tấn-công hai mặt thủy, bộ. Nhưng trên bộ họ sẽ gặp Lũy Đồng-Hới và Lũy Trường-Sa (xem phụ bản)56. Dưới nước, họ sẽ gặp thủy-quân nhà Nguyễn được sự trợ-lực của cửa sông Nhựt-Lệ có đóng cọc và chăng dây xích. Chiến thuyền của họ vì thế không dễ gì từ ngoài khơi đột-nhập được vào. Nhưng nếu họ đánh thắng, họ sẽ theo dòng Nhựt-Lệ ngược lên hợp cùng với bộ-binh, vượt qua lũy Đồng Hới theo đường cái quan kéo xuống phía Nam. Nơi đây họ sẽ gặp một đồn binh hiểm yếu ở giữa thành Quảng-Bình thuộc địa-phận xã Võ-Xá ngày nay. Đồn binh này rộng tới vài cây số lại có nhiều quan-ải phòng-thủ về mặt bắc và nam. Năm 1648, quân Trịnh đã chiếm được Dinh Mười và lũy Đồng-Hới, tuy vậy họ vẫn chưa toàn thắng vì chưa chiếm được hẳn cả miền Nam, do lẽ ở phía Tây còn có Lũy Trường-Dục, là một trở lực nữa cho việc thống-nhất sơn-hà. Xem như thế thì những cơ-quan phòng thủ của Đào-duy-Từ ăn khớp với nhau, cho nên dù quân Trịnh có thắng được nhiều trận lẻ-tẻ, cuối cùng vì gặp những đồn lũy miền Nam, công cũng thành như « dã-tràng xe cát ». Và nếu họ Nguyễn vẫn được riêng biệt một cõi sơn-hà cũng là do phần lớn công tận-tụy của Đào-duy-Từ vậy. Tuy nhiên, đến năm 1885, một đạo-binh Pháp theo tiếng kèn, nhịp trống rầm rộ kéo vào thành Đồng Hới như vào chốn bình-địa không người. Lấy sức chọi sức thì được, chứ lấy sức chọi với văn-minh cơ-giới tối-tân thì không còn thành vấn-đề nữa. * Từ đó Trường-Lũy và thành Đồng-Hới, oanh-liệt một thời ; không còn công-dụng gì trong việc chiến-thủ. Đá gạch cứ dần dần từ-biệt cố-lũy để dùng vào việc xây cất các dinh-thự quan-trọng và ích-lợi cho đương thời, và theo thời-gian, ruộng dâu hóa bể, Trường-Lũy Đồng-Hới nay chỉ còn là một cái tên không, dù rằng xưa đã từng đóng một vai trò quân-sự lớn lao trong lịch-sử hai triều Nam-Bắc. tháng mười sáu sáu Bà và Ông TRẦN-ĐĂNG-ĐẠI * TÀI-LIỆU THAM-KHẢO SÁCH VIỆT-NAM A) Hán văn - Bài văn bia do vua Thiệu-Trị cho dựng năm 1842 ở đò Cầu Dài trên Quốc-lộ về khoảng một cây số phía Nam thành Đồng-hới. - Đại-Nam thực lục tiền biên, Quyển thứ nhì, tờ 8a-26a. - Đại-Nam liệt-truyện tiền biên, Quyển thứ ba, tờ 10b, 16a. - Đại-Nam nhất thống chí, Quyển thứ tám, Quảng-bình chí. - Đại-Việt sử-ký toàn thư. - Khâm-định việt-sử thông giám cương-mục, gọi tắt là Cương-mục. - Tang-thương ngẫu lục, Quyển thượng. - Việt-Nam khai-quốc chí-truyện. B) Quốc Ngữ a) Sách - BÙI VĂN-LĂNG và TÔ VĂN CẦN. Lịch-sử Đào-duy-Từ. Hà-nội, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, 1937. - Đại Nam nhất thống chí : tỉnh Quảng-Trị và tỉnh Quảng Bình do Tu-Trai Nguyễn Tạo dịch. Saigon, Nha Văn-Hóa bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1961. - Đào duy-Từ. Saigon, Trung tâm nghiên cứu Việt-Nam, 1960. - HOÀNG TÂM, Nam-hải Kỳ-nhân liệt-truyện, Hà-nội, nhà xuất bản Cây Thông, 1950. - Khái-Sinh DƯƠNG TỤ QUÁN biên tập Đào duy Từ, Tiểu sử và thơ văn. Hà-nội, Đông Tây thư quán, 1944. (Khái-sinh Dương-tụ-Quán « Một bậc danh thần đời Nguyễn sơ Đào duy-Từ (1572-1634) » (Trong : Tri tân, số 163 (19 Octobre 1944), từ trang 10-11 ; số 164 (26 Octobre 1944), từ trang 12-13 ; số 165 (2 Novembre 1944), từ trang 6-7 ; số 166 (16 Novembre 1944), trang 8 ; số 168 (30 Novembre 1944), từ trang 12-13) (Tạm dứt). - Lệ-thần TRẦN TRỌNG KIM, Việt Nam sử lược. Saigon, Tân Việt, In lần thứ năm sửa chữa cẩn thận, 1954. - NGUYỄN NGỌC-KIM, Danh nhân đất Việt (Quyển II) Hà nội, Nam-Hải, 1952. - PHAN KẾ-BÍNH. Nam-hải dị-nhân liệt-truyện. Hà-nội, Imprimerie tonkinoise, In lần thứ năm, Lê văn Phúc hiệu chính sửa và thêm nhiều bài, 1930. - Tang thương ngẫu lục do Trúc Khê dịch. Hà-nội, Tân dân, 1943. - VIỆT THƯỜNG, Người xưa. Hà-nội, « C.I.P.I.C ». xuất bản, 1941. b) Tạp chí - Phạm văn Diêu, « Một nhà thơ lục bát cổ nhất Đào-duy Từ (1572-1634) sinh bình và văn thơ » (Trong : Văn-Hóa Nguyệt-san, loại mới, số 63 (tháng 8-1961) từ trang 910-921 ; số 64 (tháng 9-1961), từ trang 1079-1094, số 65 (tháng 10-1961) từ trang 1265-1282). - HOÀI CỔ. « Người xây lũy Trường dục ». (Trong : Thời Nay, số 160 (15-5-1966), tr. 45-52). - NHẬT NHAM. « Lũy Thày tức lũy Đồng Hới » (Trong : Tri-Tân, số 9 (1-Août-1941), từ trang 12-13 ; số 10 (8-Août 1941), từ trang 19-20). - PHONG CẦM. « Nhân vật xuất sắc thời Nam Bắc phân tranh : Đào-duy-Từ, Khổng Minh của Việt-Nam ». (Trong : Phổ Thông, số 16 (30-7-1959), từ trang 110-113 ; số 17 (15-8-1959), từ trang 55-57). - TƯ-NGUYÊN. « Một bậc kỳ tài kiến quốc : Đào-duy-Từ (1572-1634) » (Trong : Văn-Hóa Nguyệt-san, loại mới, số 32 (tháng 7-1958) từ trang 677-692). SÁCH PHÁP VĂN - R.P. Cadière. « Géographie historique du Quảng-Bình d’après les Annales impériales » (In : Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient (BEFEO), Tome II, n01, Janvier Mars 1902, pp. 55-73). - Léophold Cadière. « Le mur de Đồng-Hới, Etude sur l’établissement des Nguyễn en Cochinchine » (In : Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient (BEFEO), Tome VI, N0s 1- 2, Janvier-Juin 1906, pp. 87-254 + 1 carte hors-texte). - R.P. Cadière. « Les lieux historiques du Quảng-Bình » (In : Bulletin de l’Ecole française d’Extrême Orient (BEFEO), Tome III, n02 : Avril-Juin 1903, pp. 164-205). - M. UNG HANH. « Le plateau de cuivre à double paroi » (In : Bulletin des amies du vieux Huế, 15è Année, N03 Juillet Septembre 1928, pp. 167-170). NHỮNG TRƯƠNG ĐẦU CỦA LỊCH-SỬ HAI XỨ THUẬN – QUẢNG : NHỮNG ĐỢT DI DÂN ĐẦU-TIÊN TRONG CUỘC NAM TIẾN CỦA DÂN-TỘC VIỆT-NAM Đất từ núi Hoành-sơn trở vào nam, đến tỉnh Bình-thuận ngày nay, trước thế-kỷ X là của người Chàm. Người Chàm thuộc giống người Malayo-polynésien, đến ở các đồng bằng dọc theo bờ biển này trước kỷ-nguyên tây lịch, theo văn-hóa Ấn-độ. Năm 214 Tần Thủy-hoàng Trung-quốc sai quân sang đánh phương nam, lấy đất đặt ra ba quận : Nam-hải tức tỉnh Quảng-đông ngày nay, Quế-lâm tức tỉnh Quảng-tây ngày nay, và Tượng-quận là đất Bắc Việt cho đến Quảng-nam của Trung Việt ngày nay. Nhà Tần mất (-210), Triệu Đà chiếm cứ Nam-hải, thôn tính Quế-lâm và Tượng-quận, rồi chia Tượng quận làm hai quận là Giao-chỉ và Cữu-chân ; quận Cữu-chân gồm đất từ Thanh-hóa đến Quảng-nam ngày nay. Đời Hán, vua Võ-đế, năm 111, bình Nam Việt, lấy đất ba quận đời Tần đặt làm 9 quận, thuộc bộ Giao-chỉ, lấy đất Tượng-quận của Tần mà Triệu Đà đã chia làm 2 quận Giao-chỉ và Cữu-chân, đổi đặt làm 3 quận là Giao-chỉ gồm 10 huyện, Cữu-chân gồm 7 huyện, Nhật-nam gồm 5 huyện. Sự phân chia khu vực và danh xưng có thay đổi, nhưng đất đai đã chiếm được ở phương nam thì từ Tần đến Hán không thay đổi. Ba quận Giao-chỉ, Cữu-chân, Nhật-nam là đất Bắc-Việt và bắc-bộ Trung-Việt ngày nay. Quận Nhật-nam là đất cực nam của Giao-chỉ bộ, và 5 huyện của Nhựt-nam, từ bắc vào nam là Lư-dung, Tị-cảnh, Châu-ngô, Tây-quyển, Tượng-lâm, quận lỵ đóng ở huyện Tây-quyển, và Tượng-lâm là huyện ở cực nam. Vị trí huyện Tượng-lâm là đâu ? Theo Đại-Nam nhất-thống chí thì Tượng-quận đời Tần, quận Nhật-nam đời Hán phía Nam vào đến tỉnh Phú-yên ngày nay ; theo L. Aurousseau trong bài La première conquête chinoise des pays annamites 57thì Tượng-quận của Tần phía nam đến mũi Varella ; nhưng các nhà học giả gần đây đã bác các thuyết ấy, cho rằng chính-lệnh của nhà Tần chưa thể đi xa như vậy ; và Giáo-sư Trần Kinh Hòa58cho rằng phía nam Tượng-quận nhà Tần, hoặc huyện Tượng-lâm nhà Hán là núi Hải-vân, tỉnh Quảng nam ngày nay. Dầu sao, các man di thủy tổ người Chàm ở trên đất Trung-Việt ngày nay đã bị các nhà Tần, Triệu, Hán đô hộ, nhưng tuy các triều đại Trung quốc có đặt các chức quan Thú, Lệnh, người Tàu chỉ cai trị một cách gián tiếp, các địa phương đều do thổ tù cầm quyền. Đến đời vua Quang-võ nhà Đông Hán, năm 40, hai chị em bà Trưng khởi nghĩa, man di ở Nhựt-nam có hưởng ứng. Nhà Đông Hán sai Mã Viện sang đánh dẹp, không đầy ba năm, Bình-định 2 quận Giao-chỉ, Cữu-chân, nhưng quân Hán vào đến 2 huyện Cư-phong, Võ-công của quận Cữu-chân rồi trở ra, chứ không vào đến quận Nhật-nam59. Người man di ở đấy được rảnh-rang để tự tổ chức. Rồi từ năm 100 trở đi, họ nhiều lần nổi dậy, cướp bóc, đốt phá các dinh thự công, giết trưởng lại ; đánh dẹp hoặc phủ dụ yên được một thời gian, rồi họ lại nổi lên chống đối. Cuối đời Đông Hán, thế lực quan Tàu ở bên này cũng theo triều-đình mà suy yếu, nhờ đó người man di ở Nhật-nam càng mạnh thêm. Năm 192, đời vua Hiến-đế nhà Đông Hán, con của viên Công-tào huyện Tượng-lâm là Khu-liên60giết quan Huyện-lệnh mà tự lập làm vua, dựng nước mà người Tàu gọi là Lâm-ấp, còn người ấy tự xưng là Chiêm-bà (Champa), lấy đất Quảng-nam ngày nay làm trung-tâm điểm, dựng đô ở Trà-kiệu hoặc Đồng-dương61tiến ra lập thành lũy, chứa binh khí, chiến cụ ở Khu-túc, gần Huế ngày nay, và giữ từ đấy cho đến núi Hoành-sơn, trong thời-gian nhà Ngô, nhà Tấn, nhà Tống (Lưu Dũ), nhà Tùy đô hộ, người Lâm-ấp thường đem quân ra bắc, đánh phá, cướp bóc các quận, huyện bắt giết Thái-thú Tàu, giết hại quan lại, dân tuy vẫn thỉnh thoảng sai sứ sang cống Trung-quốc. Quân Lâm ấp đã nhiều lần đánh hãm được quận lỵ quận Nhật-nam ; quân nhà Tống, nhà Tùy cũng đã hai lần vào chiếm Kinh-đô Lâm ấp ở Trà-kiệu (hoặc Đồng-dương), thu được vàng và của báu rất nhiều. Nhà Tùy sau khi đánh dẹp, Bình-định được Lâm-ấp, chia nước này làm 3 châu : Đảng-châu, rồi đổi làm quận Tỵ cảnh ; Nông-châu, rồi đổi làm quận Hải-âm ; Xung-châu rồi đổi làm quận Lâm-ấp. Ba quận ấy là Bắc-bộ quận Nhật nam đời Hán, đại khái bao quát các tỉnh Quảng-bình, Quảng-trị cho đến Thừa-thiên ngày nay. Nhà Tùy đặt 3 quận ấy chưa đầy 10 năm thì nước Tàu loạn, vua Lâm-ấp là Phạm-phạn-Chí khôi phục đất cũ, sai sứ sang tạ tội và vẫn nạp cống. Nhà Đường lên thay nhà Tùy, Lâm-ấp vẫn vào nạp cống. Nhà Đường chia đất Giao-châu làm 12 châu, thuộc An-nam Đô-hộ-phủ quản hạt, và châu cực nam là Hoan-châu là đất tỉnh Hà-tĩnh ngày nay. Như vậy, biên giới phía nam của An nam Đô-hộ-phủ là núi Hoành-sơn, và từ Quảng-bình trở vào nam là đất của Chiêm-bà. Vào khoảng năm 758, là năm vương-triều thứ năm của Chiêm-bà lên ngôi, thì sử Tàu đổi gọi tên nước này là Hoàn vương ; đến năm 859, vương-triều thứ năm cáo chung, vương-triều thứ sáu kế vị, thì sử Tàu đổi gọi là Chiêm-bà hoặc Chiêm-thành. Đến thời nước Việt-nam độc-lập, Chiêm-thành vẫn nuôi ý chí xâm lấn đất Bắc. Trong 12 sứ-quân mà Đinh Tiên-Hoàng đã dẹp, có Ngô Nhật Khánh, dòng dõi Ngô Quyền, chiếm cứ Đường-lâm (Phú-thọ, Sơn-tây). Muốn vỗ về Nhật Khánh, vua Đinh lấy mẹ Nhật-Khánh làm hậu, cưới em gái ông cho con mình là Đinh Liễn, lại gả con gái mình cho Nhật Khánh. Tuy vậy, Nhật Khánh vẫn oán giận, đem cả gia quyến chạy vào Chiêm thành xin viện binh62, năm kỷ-mão (979), đưa hơn nghìn binh thuyền về đánh Hoa-lư. Chẳng may, binh thuyền Chiêm thành vào cửa Đại-an (Nam định) thì gặp gió to, thuyền đắm, Nhật Khánh chết đuối, vua Chiêm thu quân về nước. Lê Hoàn lên ngôi rồi, năm nhâm-ngọ (982) sai sứ là Từ Mục, Ngô Tư Bửu sang giao hiếu với Chiêm-thành, hai sứ giả bị vua Chiêm giữ lại, Lê Hoàn bèn đem quân sang đánh, phá thành trì, hủy tông miếu, giết vua là Ti-mi-thuế (Parameçvara) và bắt nhiều người Chiêm, thu nhiều vàng bạc, bửu vật đem về. Ấy là cuộc nam phạt đầu tiên của vua ta. Và vua Chiêm-thành, từ đó, phải kính nể và sai sứ sang cống. Sau cuộc thất bại nặng nề năm nhâm ngọ, người Chiêm nhận thấy kinh-đô ở Indrapura (Trà-kiệu hoặc Đồng-dương ở Quảng-nam) gần đất Việt, rất dễ bị xâm lăng, nên vào khoảng năm 1000, đã thiên đô vào Vijaya, tức Trà-bàn ở Bình-định ngày nay. Đời Lý, ban đầu Chiêm-thành vẫn giữ lệ cống. Năm canh thân (1020), vua Thái-tổ sai Khai-thiên-vương Phật-mã và Đào Thạc Phụ đi đánh Chiêm-thành ở trại Bố-chính. Đến núi Long-tị63, Phật-mã giết được tướng Chiêm là Bồ-linh tại trận, quân Chiêm chết hơn một nửa. Đến vua Thái-tông lên ngôi đã 15 năm mà Chiêm-thành không chịu thông sứ, lại cứ sang quấy nhiễu ở ven biển, vì vậy năm Giáp-thân (1044), vua sai đóng hơn 100 chiến thuyền, rồi tháng giêng, vua thân chinh, bắt 5000 người64, 30 con voi của Chiêm, tướng Chiêm là Quách-gia-gi chém quốc-vương là Sạ-đẩu đem đầu sang hàng, quan quân chém giết đến 3 vạn người, vua Lý tiến binh đến kinh-đô Chiêm là Phật-thệ65, bắt vương-phi Mị-Ê, và cung nữ, nhạc nữ, rồi trở về. Từ đó, Chiêm-thành phải cống hiến như cũ, lúc dâng voi trắng, lúc dâng tê trắng. Từ đời Lý, nền độc lập của ta đã vững vàng, nên các triều đại đều muốn bành trướng về phía nam, và bắt buộc nước Chiêm-thành yếu nhỏ hơn mình, phải giữ bổn phận một phiên thuộc chư hầu, như mình đối với Trung-quốc vậy. Còn về Chiêm-thành thì vì cái thâm-thù đối lập và nhục nhã nhiều lần vua bị giết, kinh-đô bị tàn phá, vì cái bản tính hiếu chiến, cái nhu cầu của một xứ nghèo nàn, đã phải tìm mọi cách để chống đối, trong các cách ấy có sự thần phục và triều cống Trung-quốc để dựa thế mà Việt-nam muốn ngăn cản. Đó là những lý do khiến hai nước Chiêm, Việt tranh chấp, chiến tranh trong 8 thế-kỷ trên giải đất từ núi Hoành-sơn đến địa giới nước Chân-lạp, nhiều lần ra đến châu Hoan, châu Ái và tận Thăng-long nữa, để rồi Chiêm-thành vì đất đai bị tước đoạt lần lần, không còn đủ sức làm một nước chư hầu của triều Nguyễn nữa mà bị bôi tên hẳn trên bản đồ. Sau năm ất-tị (1065), Chiêm-thành không triều cống vua Lý nữa, vì có một vị vua mới lên ngôi là Chế Củ (sử Chiêm gọi là Rudravarman III hoặc Yan Pu Çri Rudravarmandra) quyết chí báo thù Đại Việt, đã luyện tập binh lính, sai sứ sang nhà Tống cống phương vật, mua ngựa, để chuẩn bị chiến tranh. Vì vậy, năm ất-dậu (1069), tháng 2, vua Thánh-tông phát binh, Lý Thường Kiệt làm Đại tướng, đem 5 vạn quân vào cửa Thi-nại (Qui-nhơn), rồi đổ bộ, tướng Chiêm là Bố-bi đà-la nghênh chiến, bị giết, quân Lý tiến vào kinh-đô Phật thệ (Trà-bàn), vua Chiêm là Chế Củ đã đương đêm bỏ thành đem vợ con chạy trốn. Vua Lý vào thành rồi sai Lý Thường Kiệt đuổi theo Chế Củ, gần đến biên giới Chân-lạp thì bắt được. Cầm tù 5 vạn quân Chiêm, đặt tiệc ăn mừng trong cung điện vua Chiêm, ra lệnh đốt hết 2500 khu nhà ở trong và ngoài thành Phật-thệ, rồi tháng 6, khải hoàn, giải Chế Củ và bộ thuộc về Thăng-long. Chế Củ phải xin dâng ba châu Bố-chính, Địa-lý, Ma-linh và được tha về nước. Nhưng rồi Chiêm-thành lại đem quân quấy nhiễu các miền duyên hải, nên năm ất-mão (1075) vua Nhân-tông sai Lý Thường Kiệt đi đánh, nhưng không thắng được ; Thường Kiệt bèn vẽ địa đồ hình thế núi sông ba châu ấy rồi trở về. Nhà Lý đổi tên châu Địa-lý làm châu Lâm-bình, châu Ma-linh làm châu Minh-linh, và vua Nhân-tông xuống chiếu chiêu mộ dân đến ở. Xem thế thì đất tuy đã cắt nhượng, trên pháp-lý đã thuộc về Đại Việt, nhưng sự thi hành không dễ. Có lẽ vua Lý nghĩ rằng dùng võ lực quân sự để ép buộc không bằng dùng người để xâm nhập, cách này tuy chậm chạp nhưng mới chắc-chắn đi đến sự chinh phục đất đai. Và bài học này, các chúa Nguyễn sẽ đem áp dụng ở đất Chân-lạp. Chiếu chiêu mộ di dân của vua Lý nói trên đây là một văn kiện quan trọng trong lịch-sử nước ta, ấy là bước đầu của cuộc nam tiến mà dân-tộc theo đuổi trong 6, 7 thế-kỷ sau này nữa. Đáp ứng chiếu ấy, nhiều người đã từ Bắc bắt đầu đến đất này khai khẩn đất đai. Trong số người di dân ấy, những người cùng một họ (tộc) thường tụ hợp một nơi ; rồi lập thành một làng (xã). Người ta thấy có những làng mà tiếng nôm gọi là nhà Phan, và tên chữ là xã Phan-xá, nôm gọi nhà Vàng và tên chữ là xã Hoàng-xá, nôm gọi nhà Ngô mà tên chữ là xã Ngô-xá, và xã Vũ-xá tức làng người họ Vũ, xã Bùi-xá tức làng người họ Bùi, xã Đặng-xá của người họ Đặng, xã Phạm-xá của người họ Phạm, xã Trương-xá của người họ Trương, xã Nguyễn-xá của người họ Nguyễn, xã Mai-xá của người họ Mai. Các làng ấy đã thành lập ở châu Lâm-bình, châu Minh linh tức là nam-bộ tỉnh Quảng-bình, và bắc-bộ tỉnh Quảng-trị ngày nay66, còn ở châu Bố-chính, tức bắc-bộ tỉnh Quảng bình thì không có những tên làng lấy tên họ mà đặt như thế 67. Theo R.P. Cadière là học giả đã dày công tìm tòi về địa-lý lịch-sử, di-tích lịch-sử trong tỉnh Quảng-bình thì đáp ứng tờ chiếu chiêu dân lập ấp của vua Lý Nhân-tông, nhiều người đã di cư vào nam lập nghiệp, nhưng họ không dừng ở châu Bố chính mà đi thẳng vào Lâm-bình là nơi đất thấp và phì nhiêu hơn, vì vậy Lâm-bình (nay là huyện Lệ-thủy, Quảng-ninh) được khai khẩn sớm hơn châu Bố-chính, châu này đến đời Lê Thánh-tông mới chiêu dân đến ở68(xem sau). Năm quí-mùi (1103) ở Diễn-châu (Nghệ-an), có người tên là Lý Giác nói học được phép lạ, có thể biến cây cỏ làm người, bèn chiêu tập bọn vong mạng, chiếm cứ châu ấy, đắp thành, làm loạn, vua sai Lý Thường Kiệt vào đánh, bình được, Giác chạy sang Chiêm-thành bày tỏ tình hình hư thực nước ta với vua Chiêm là Chế Ma-na. Nghe lời Giác, Chế Ma-na đem quân sang đánh lấy lại 3 châu Địa-lý, Ma-linh, Bố-chính. Năm sau, giáp-thân (1104) vua Nhân-tông sai Lý Thường Kiệt vào đánh, Ma-na thua, phải trả lại ba châu. Như vậy, đời Lý, tổ tiên chúng ta mới tiến vào đến nửa tỉnh Quảng-trị ngày nay ; và Chiêm-thành đã mất phần đất cực bắc, phần này địa thế thủy, lục đều rất quan trọng cho việc phòng thủ ; sau này các chúa Nguyễn chỉ thiết lập công cuộc phòng thủ ở đó mà chống được mọi cuộc nam xâm của quân Trịnh ; cửa Nhật-lệ rộng, sâu, chiến thuyền lớn vào được, thủy quân Chiêm thường tập trung ở đó để ra đánh bắc, sau này thủy quân Việt vào đánh Chiêm cũng ghé đó đã. Châu Bố-chính thời Minh-thuộc đổi là Trấn-bình, đời Lê chia làm 2 châu là Nội Bố-chính và Ngoại Bố-chính69, tức là đất các huyện Quảng-trạch, Bố-trạch, Tuyên-hóa tỉnh Quảng bình ngày nay, Châu Địa-lý, đổi làm Lâm-bình, đời Trần Duệ tông đổi là châu Tân-bình, thời thuộc Minh vẫn để tên ấy, Lê Trung-hưng đổi là châu Tiên-bình, nay gồm đất phủ Quảng ninh và huyện Lệ-thủy thuộc tỉnh Quảng-bình, Châu Minh linh thời Minh-thuộc đổi là châu Nam-linh, đời Lê đặt làm huyện, và đổi lại là Minh-linh, nay là đất hai huyện Vĩnh-linh, Do-linh thuộc tỉnh Quảng-trị. Đời nhà Trần, sau khi vua Thái-tông lên ngôi, Chiêm thành có sang cống hiến, nhưng thỉnh thoảng lại sang quấy phá ven biển, và cứ đòi lại ba châu đã cắt nhượng. Năm Nhâm-tí (1252) vua phải thân chinh, bắt được vương phi Chiêm là Bố-già-la, nhiều triều thần và người Chiêm đem về. Sau đó, Chiêm-thành sang cống và hai nước hòa hảo. Đời vua Anh-tông, năm tân-sửu (1301) Nhân-tông Thượng-hoàng sang Chiêm-thành xem phong cảnh, được Chiêm nghênh tiếp tử tế, có hẹn gả công-chúa Huyền-trân cho vua Chiêm là Chế Mân, bấy giờ đã có hoàng-hậu người Java. Sau đó, Chế Mân sai dâng vàng, bạc và sản vật để xin cưới. Triều-thần nhiều người không chịu, Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Lý để làm lễ cưới, vua Anh-tông mới thuận gả. Đến năm bính-ngọ (1306) đưa công-chúa sang Chiêm-thành ; và năm sau, vì dân các thôn La-thủy, Tác hồng, Đà-hồng không phục, vua Anh-tông sai Hành-khiển Đoàn Nhữ Hải vào hiểu dụ, đổi tên hai châu Ô, Lý làm Thuận châu và Hóa-châu, và chọn lấy người trong dân chúng cho làm quan cai trị, cấp ruộng đất và miễn tô thuế ba năm cho dân. Chắc đã có lệnh chiêu dân đến ở, nhưng sử không chép. Thuận-châu là đất huyện Đặng-xương (sau đổi làm Thuận-xương, nay là phủ Triệu-phong), huyện Hải-lăng thuộc tỉnh Quảng-trị, và huyện Phong-điền, huyện Quảng-điền, huyện Hương-trà thuộc tỉnh Thừa-thiên ngày nay ; Hóa-châu là đất huyện Phú-lộc, huyện Phú-vang thuộc tỉnh Thừa-thiên, và huyện Diên-phước (nay là đất huyện Đại-lộc và phủ Điện bàn), huyện Hòa-vang thuộc tỉnh Quảng-nam ngày nay. Người Chiêm đã mất cánh đồng Bình-Trị-Thiên, và mất thêm một cửa biển nữa, thời ấy rất sâu và tiện lợi cho thủy quân là cửa Tư-dung (nay là Tư-hiền). Việc gả Huyền-trân công-chúa cho vua Chiêm là một thủ đoạn chính-trị, có thể nói là noi theo một chính sách khởi xướng từ triều Lý, dùng hôn nhân vì mục-đích chính-trị. Như vua Lý Thái-tông gả công-chúa Bình-dương cho Châu-mục Lạng-châu (nay là Bắc-giang và Nam Lạng-sơn) là Thân Thiệu Thái, lại gả công-chúa Kim-thành cho Châu-mục Phong-châu (vùng Sơn-tây, Phú-thọ) là Lê Thuận Tông, gả công-chúa Trường-ninh cho Châu-mục Thượng-oai (Hòa-bình) là Hà Thiện Lãm ; vua Thánh-tông gả công-chúa Thiện-thành cho Châu-mục Lạng-châu là Thân Thận Cảnh (con Triệu Thái và công-chúa Bình-dương) ; vua Nhân-tông gả công-chúa Khâm-thánh cho Châu-mục châu Vị-long (châu Chiêm-hóa, tỉnh Tuyên-quang ngày nay) là Hà Di Khánh ; vua Anh-tông gả công-chúa Thiều-dung cho Dương Tự Minh, thủ lãnh phủ Phù-hương, cai quản các khe động ở biên giới. Nhờ các cuộc hôn nhân ấy mà các miền thượng-du Bắc-Việt và biên-giới là miền nhân dân rất phức tạp, khó kiểm soát và cai trị, được yên ổn, làm phên dậu vững chắc cho đất trung nguyên. Đời Lý thì công luận đối với các hôn nhân ấy không thắc-mắc gì, nhưng đến đời Trần, cuộc hôn-nhân Huyền-trân – Chế Mân đã bị nhiều người phản đối, dân gian đặt ra những câu ca để chế diễu : Tiếc thay cây quế giữa rừng, Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, Đã vo nước đục lại vần lửa rơm. Có lẽ vì đến đời Trần, Nho học đã thịnh, cái quan niệm « hoa, di » hẹp hòi đã gây ra sự kỳ thị ấy. Huống nữa, trước đó, vua Thái-tông đã đem công-chúa Ngoạn-thiềm gả cho Nguyễn Nộn, một tên giặc cỏ, vì không đánh được nó ; vua Nhân-tông, khi quân Nguyên mới đến, thấy khí thế mạnh quá, sai đưa công-chúa Thiên-tư (em út vua Thánh-tông) cho Thoát Hoan, nói là để « thơ nạn nước » ; hai cuộc gả bán ấy thật cũng không cao đẹp gì, nên đã khiến nhân dân có những thành-kiến không tốt đối với những cuộc hôn nhân chính-trị. Nhưng gả Huyền-trân thì thực là « đem má phấn để đổi lấy trường thành », ích lợi thiết thực là mở rộng lãnh thổ, và quả như lời một nhà thơ đời sau : « …Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm, Một gái Huyền-trân đáng mấy mươi !… »70 Chính sách ấy, sau này chúa Nguyễn là Hy-tông Nguyễn- phước Nguyên cũng dùng đến, và chính nhờ gả công-nữ cho vua Chân-lạp mà tổ tiên ta đã chinh phục đất Nam Việt hiện nay một cách dễ dàng. Huyền-trân về Chiêm-thành được hơn một năm thì Chế Mân mất, bà đã không tuân theo điển lệ của hoàng gia Chiêm là lên dàn hỏa để theo chồng, trái lại, đã được vua Trần sai người vào lén đưa về. Hành vi của Huyền-trân và của vua Trần khiến người Chiêm rất oán giận. Con Chế Mân là Chế Chí kế vị cha, cho rằng như vậy họ có quyền lấy lại hai châu Ô, Lý. Vì đó, năm tân-hợi (1311) vua Anh-tông cùng Trần Quốc Chân, Trần Khánh Dư đem quân sang đánh Chiêm thành, bắt Chế Chí đem về, và phong người em là Chế-đà-a bà, sử ta gọi là Chế Năng, làm vua. Chế Chí được vua Trần phong vương, an trí ở Gia-lâm, chẳng bao lâu thì mất. Từ đó, người Chiêm càng thêm oán giận nước ta, thường vào cướp phá. Chế Năng xua quân tái chiếm Ô, Lý, nên năm mậu-ngọ (1318), vua Minh-tông sai Huệ-võ-vương Trần Quốc Chân và tướng-quân Phạm Ngũ Lão đem binh vào đánh, Chế Năng thua, bỏ chạy, sang ẩn náu ở Java. Triều Trần bèn đặt một tướng lãnh Chiêm là Chế A-nan lên ngôi vua. A-nan chết, rể là Trà Hoa cướp ngôi, con là Chế Mộ chống lại, thua, năm 1346, chạy sang cầu cứu nhà Trần. Mãi đến năm 1353, vua Dụ-tông mới sai quân đưa Chế Mộ về nước, quân ta đến Cổ lũy (Quảng-ngãi) thì bị quân của Trà Hoa đánh thua, phải cùng Chế Mộ chạy về Thăng-long. Chế Mộ sau đó cũng chết, Trà Hoa thử kéo quân sang chiếm lại hai châu Ô, Lý nhưng thất bại. Trong các năm tân-sửu (1361), nhâm-dần (1362), bính-ngọ (1366), quân Chiêm ra đánh phá Bố-chính, Hóa- châu, Lâm-bình. Thấy quân Chiêm cứ sang đánh phá mãi, năm đinh-tị (1367), triều Trần sai Trần Thế Hưng, Đỗ Tử Bình đem quân vào đánh Chiêm-thành, đến Chiêm-động (Quảng nam) thì bị quân Chiêm phục kích, bắt Trần Thế Hưng, Đỗ Tử Bình phải rút quân về. Chiêm-thành bắt đầu khinh thường lực lượng của ta, huống Chiêm lại đương có một vị vua anh hùng, có tài chiến trận, giỏi việc trị nước, nuôi ý chí quật cường là Chế Bồng nga, nên họ vào đánh cướp mãi, mấy lần vào tận Thăng-long và cướp phá mãi cho đến khi nhà Trần mất ngôi. Vua Trần Dụ-tông mất, Dương Nhật Lễ kế vị được hai năm thì bị các thân vương và tôn thất nhà Trần đem quân truất phế, lập Nghệ-tông lên thay. Mẹ Nhật Lễ trốn sang Chiêm, khuyên vua Chiêm đem quân sang đánh Thăng-long. Năm tân-hợi (1371), Chế Bồng-nga đem quân đi đường biển, vào cửa Đại an, kéo lên đánh Thăng-long, quan quân chống không nổi, vua Nghệ-tông phải chạy sang Đông-ngạn (Bắc-ninh), quân Chiêm vào thành, cướp hết các đồ châu báu, đốt sạch cung điện, bắt đàn bà, con gái, rồi rút quân về. Sau đó, quân Chiêm năm nào cũng đem quân sang quấy nhiễu. Vua Duệ-tông lên ngôi rồi, quyết ý thân chinh. Năm đinh-tị (1377), vua đem 12 vạn quân thủy, bộ nam chinh, vào cửa Thi-nại, rồi đến trước thành Trà-bàn. Chế Bồng-nga cho một tiểu thần trá hàng đến tâu vua rằng vua Chiêm đã bỏ trốn, thành bỏ không, xin vua cứ vào. Mặc dầu Đại tướng Đỗ Lễ hết lời can ngăn, vua Duệ-tông cùng Ngự-câu-vương Húc cũng tiến vào thành, bị quân Chiêm phục sẵn đổ ra vây đánh, quân ta thua to, Duệ-tông chết tại trận, Đại-tướng Đỗ Lệ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành-khiển Phạm Huyền Linh đều bị giết, Ngự-câu-vương Húc bị bắt, tướng tá, quân lính mười phần chết đến bảy, tám. Thừa dịp thắng thế, tháng sau, Chế Bồng-nga lại xua quân tiến ra, vào Thăng-long, cướp phá lần nữa. Năm sau (1378), quân Chiêm tấn công Nghệ-an, rồi ra Thăng-long cướp phá Thăng-long lần nữa. Trong thời gian này, Chế Bồng-nga hầu như làm chủ được các đất Thuận-hóa, Tân-bình71, Nghệ-an, Chế Bồng-nga gả con gái cho Ngự-câu-vương Húc và sai tiếm xưng tôn hiệu, cai trị vùng Nghệ-an. Trong các năm canh-thân (1380), nhâm-tuất (1382) quân Chiêm đều có ra đánh cướp Nghệ-an, Thanh-hóa, nhưng bị quân nhà Trần chận lại, không ra Thăng-long được. Năm kỷ-tị (1389), Chế Bồng-nga đem quân ra đánh Thanh-hóa, các tướng nhà Trần được sai vào đối địch đều thua, quân Chiêm vào sông Hoàng-giang, nhà Trần sai Trần Khát Chân đi đánh. Đầu năm canh-ngọ (1390), Chế Bồng-nga đi thuyền đến xem hình thế trại quân Trần Khát Chân, bị bắn chết. Mất vị vua anh hùng, từ đây Chiêm-thành không còn cường kiện như trước nữa, và không chỉ lịch-sử Chiêm-thành, mà cả lịch-sử bang-giao Chiêm – Việt cũng đều lật sang một trang mới. Chế Bồng-nga chết, tướng là La Khải rút quân về nước, chiếm ngôi vua. Hai con của Bồng-nga là Chế Ma-nô-dã-nan và Chế San-nổ trốn sang hàng nhà Trần, đều được phong tước Hầu. Người Chiêm không phục La Khải, nhiều tướng, """