" Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 5 - Nhiều Tác Giả full prc pdf epub azw3 [Lịch sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 5 - Nhiều Tác Giả full prc pdf epub azw3 [Lịch sử] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : TẬP SAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA 5 Tác giả : NHIỀU TÁC GIẢ Nhà xuất bản : BAN NGHIÊN CỨU VĂN HỌC LỊCH SỬ ĐỊA LÝ Năm xuất bản : 1955 ------------------------ Nguồn sách : Thích Đức Châu Đánh máy : bornfree, Phạm Đức Thảo, vdbnlc2005, tieuphu, ThaiThaiCJ, Kim Ho, Lion Kiểm tra chính tả : Trần Trung Hiếu, Võ Nữ Kim Như, Trương Thu Trang Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 03/06/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả CÁC TÁC GIẢ và BAN NGHIÊN CỨU VĂN HỌC LỊCH SỬ ĐỊA LÝ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC VIỆT NAM LÀ MỘT KHỐI THỐNG NHẤT TỪ BẮC ĐẾN NAM DÂN TỘC VIỆT-NAM THÀNH HÌNH TỪ BAO GIỜ ? I. ĐẶT VẤN ĐỀ II. DÂN TỘC VIỆT-NAM THÀNH HÌNH TỪ BAO GIỜ ? VẤN ĐỀ TIÊU CHUẨN ĐỂ PHÂN ĐỊNH NHỮNG THỜI KỲ LỊCH SỬ NƯỚC TA I. MẤY Ý KIẾN VỀ TIÊU CHUẨN ĐỂ PHÂN CHIA THỜI KỲ LỊCH SỬ II. TIÊU CHUẨN ĐÚNG ĐỂ PHÂN CHIA THỜI KỲ LỊCH SỬ III. NHỮNG THỜI KỲ LỊCH SỬ VIỆT NAM IV. KẾT LUẬN BÀI HỊCH TƯỚNG SĨ CỦA TRẦN HƯNG ĐẠO VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ THỊNH CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN I. XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN THỊNH CỦA CHỂ ĐỘ PHONG KIẾN 1) Quý tộc và nhân dân trong công cuộc xây dựng chính quyền quốc gia 2) Kinh tế thái ấp và kinh tế hàng hóa phát triển song song trong giai đoạn thịnh của chế độ phong kiến 3) Tác dụng của chế độ phong kiến lãnh chủ trong lịch sử dân tộc GIỚI THIỆU BÀI THƠ « CHIM TRONG LỒNG » CỦA QUẬN HE ĐỊA LÝ LỊCH SỬ ÔN LẠI CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA HAI BÀ TRƯNG TỪ PHONG TRÀO CHỐNG THUẾ Ở TRUNG KỲ ĐẾN PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH I. NHỮNG KHẨU HIỆU ĐẤU TRANH II. ĐỐI TƯỢNG ĐẤU TRANH III. TỔ CHỨC ĐẤU TRANH TÀI LIỆU THAM KHẢO I. LỊCH SỬ LÀ GÌ ? II. VẤN ĐỀ THỜI KỲ TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM TÀI LIỆU THAM KHẢO : HỌC TẬP HỌC THUYẾT LỊCH SỬ TRONG TƯ TƯỞNG MAO TRẠCH ĐÔNG TẬP SAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA BAN NGHIÊN CỨU VĂN HỌC LỊCH SỬ ĐỊA LÝ XUẤT BẢN VIỆT NAM LÀ MỘT KHỐI THỐNG NHẤT TỪ BẮC ĐẾN NAM VIỆT nam là một khối thống nhất từ Bắc đến Nam. Đó là một hiện thực. Mà đã là một hiện thực thì không ai có thể phủ nhận được. Khối thống nhất ấy là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam từ miền biên giới Việt Hoa ở Bắc đến các tỉnh Cà mâu, Hà tiên ở Nam. Khối thống nhất ấy đã gắn bó với nhau trong một ngôn ngữ chung, một lãnh thổ chung, một đời sống kinh tế chung và một đời sống văn hóa chung. Đó là khối thống nhất đã ổn định. Có ai dám chối cãi và nói rằng : người Việt nam ở Hà nội và người Việt nam ở Sài gòn nói hai thứ tiếng khác nhau ? Có ai dám chối cãi và nói rằng : lãnh thổ miền Bắc và lãnh thổ miền Nam không phải cùng trong lãnh thổ của dân tộc Việt nam ? Có ai dám chối cãi và nói rằng : đời sống kinh tế miền Bắc và đời sống kinh tế miền Nam không khăng khít chặt chẽ với nhau ? Có ai dám phủ nhận : nhân dân Việt nam không cùng chung một đời sống văn hóa ? Trong ngót một trăm năm vừa qua, bọn thực dân tham lam rắp tâm phá hoại hiện thực ấy, trơ tráo phủ nhận lịch sử của dân tộc Việt nam. Chúng mưu tách khối thống nhất của chúng ta ra làm ba mảnh. Nhưng kết quả như thế nào ? Những tiếng kêu gọi của các nhà ái quốc Việt nam kế tiếp thế hệ này sang thế hệ khác, ở Bắc, ở Trung, ở Nam đã vang dội ra toàn quốc, làm nổi lên một làn sóng phẫn khích, đả phá mọi mưu mô gian trá của bọn cướp nước. Rồi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt nam ra đời và Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt nam dân chủ cộng hòa xuất hiện càng làm cho khối thống nhất của nhân dân ta vững hơn, chặt hơn. Trong tám chín năm vừa qua, do đế quốc Mỹ giật dây, thực dân Pháp hiếu chiến chưa nhận được những bài học đã qua, vẫn lăm le đi ngược lại hiện thực. Hiện thực đã kết án những tên vào loại như Nguyễn Văn Thinh, con đẻ của chính sách Đác-giăng-li-ơ và Bô-la-e, mưu lập ra nước gọi là « Nam kỳ tự trị ». Nhưng bất kỳ sức phản động nào cũng không đối lập được với hiên thực. Kẻ chia rẽ dân tộc đã phải chết một cách thảm hại. Và mưu mô phá thống nhất của dân tộc ta đã bị lột trần. Nhân dân Việt nam từ Bắc đến Nam càng xiết chặt với nhau hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt nam, Chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa và Hồ Chủ tịch, kiên quyết đấu tranh bắt buộc ngay cả những kẻ ngoan cố nhất như đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp phải ngẩng mặt lên mà nhìn vào hiên thực. Hội nghị Giơ-ne-vơ họp. Tiếng súng chiến tranh đã ngừng. Hòa bình được lặp lại. Quân đội đế quốc phải tạm tập kết ở miền Nam. Một giới tuyến quân sự tạm thời đặt ra ở vĩ tuyến 17. Ngày tổng tuyển cử trong khắp lãnh thổ nước Việt nam phải được thực hiện trong năm 1956. Như vậy tức là : ai ai cũng đã thừa nhận rằng Việt nam là một khối thống nhất từ Bắc đến Nam không thể nào tách rời nhau được. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt nam ở Bắc bộ, ở Trung bộ, ở Nam bộ, ở đồng bằng cũng như ở miền núi trên lãnh thổ Việt nam. Đó là thắng lợi của hiện thực, của chân lý, của công lý. * Việt nam đã là một khối thống nhất, ai cũng đã phải thừa nhận, thì quan hệ giữa người Việt nam với nhau trên lãnh thổ của mình chỉ là một việc bình thường. Ngày nay trong hòa bình, mối quan hệ bình thường giữa miền Nam và miền Bắc phải sớm được lập lại. Đó là yêu cầu khẩn thiết của toàn thể nhân dân Việt nam. Nhưng muốn thực hiện được yêu cầu ấy, không phải chỉ ngồi yên mà có. Lịch sử đã chứng rõ cho ta thấy : khối thống nhất của dân tộc là kết quả của một quá trình đấu tranh của nhân dân. Ngày nay, muốn lập lại quan hệ bình thường trong khối thống nhất của dân tộc, chúng ta phải đấu tranh mới thực hiện được. Đứng trên địa hạt nghiên cứu lịch sử, văn học, địa lý, chúng ta sẽ tham gia cuộc đấu tranh đòi lập lại quan hệ bình thường giữa Bắc và Nam như thế nào ? « Một người theo chủ nghĩa Lê-nin không thể chỉ là một chuyên gia về môn khoa học mình đã chọn lựa ; họ phải đồng thời là một nhà chính trị, một người làm việc giữa xã hội, tha thiết đến vận mệnh của xứ sở, biết những qui luật phát triển xã hội, dựa vào những qui luật ấy và nhận một phần tích cực việc chỉ đạo chính trị của xứ sở. » (Sta-lin). Xứ sở chúng ta hiện nay đang cần gì ? Một nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là lập lại quan hệ bình thường giữa miền Nam và miền Bắc. Công tác nghiên cứu giảng dạy và học tập lịch sử, văn học, địa lý Việt nam trong lúc này hơn bao giờ hết phải làm sao nêu rõ được nước ta là một khối thống nhất không thể chia cắt được, và đó là kết quả của bao nhiêu công sức của cha ông chúng ta ngày trước mà thế hệ ngày nay phải ra sức kế tục. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Những nhà nghiên cứu sử, văn và địa của Việt nam, những giáo sư về sử, văn và địa ở Việt nam ở miền Bắc và ở miền Nam còn phải làm sao trao đổi với nhau kinh nghiệm sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy, để cùng nhau góp phần vào công cuộc xây dựng sử học, văn học, địa lý học Việt nam. Lịch sử dân tộc Việt nam là lịch sử những cuộc đấu tranh anh dũng để xây dựng tổ quốc thống nhất của Việt nam. Văn học Việt nam là nền văn học đã phản ánh và tác động tích cực vào những cuộc đấu tranh ấy của nhân dân Việt nam. Địa lý Việt nam là khoa học phải nói lên được công sức của nhân dân ta trong việc khai phá giao thông, xây dựng nền thống nhất của tổ quốc Việt nam và thị trường dân tộc Việt nam ; biến cải lãnh thổ nước ta thành một nước giàu mạnh. Trong cuộc đấu tranh lập lại quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam, trách nhiệm của những người nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử, văn học, địa lý ở Sài gòn cũng như ở Hà nội, hay bất cứ ở nơi nào trong đất nước, không phải là nhỏ. Chúng ta hãy cùng nhau sát cánh đấu tranh đòi thực hiện cho được việc lập lại quan hệ bình thường giữa miền Bắc và miền Nam. BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA DÂN TỘC VIỆT-NAM THÀNH HÌNH TỪ BAO GIỜ ? của TRẦN HUY LIỆU I. ĐẶT VẤN ĐỀ TRƯỚC hết, phải nói rõ rằng : viết bài này, tôi không có cái tham vọng trình bày toàn bộ vấn đề dân tộc Việt nam từ nguồn gốc của nó và quá trình phát triển của nó, mà chỉ gọn trong câu hỏi : dân tộc Việt nam của chúng ta đã thành hình chưa và thành hình từ lúc nào ? Vấn đề này cũng được đem ra tranh luận giữa các nhà sử, nhà văn ở Trung Quốc xung quanh câu hỏi : « Dân tộc Trung-hoa thành hình từ bao giờ ? » Ai nấy đều dựa vào kiến giải của Sta-lin để nghiên cứu lịch sử dân tộc Trung-quốc. Tuy vậy, trả lời dứt khoát câu hỏi trên thì vẫn có chỗ khác nhau. Câu hỏi này đặt ra ở giữa chúng ta cũng là câu hỏi mới. Nó chưa được chính thức đặt ra trên báo chí hay giữa một cuộc tranh luận công khai nào. Nhưng nó đã thành vấn đề trong khi nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt-nam. Một số người hiểu nghĩa dân tộc một cách đơn giản thì cứ yên trí cho rằng dân tộc ta xuất hiện từ lâu đời rồi, không cần phải bàn đến nữa. Một vài tài liệu chưa in ra mà tôi được biết thì việc nhận định thời kỳ thành hình dân tộc ta cũng có chỗ khác nhau. Bạn Nguyễn Lương-Bích trong bài nhận xét về vai trò Lê Long Đĩnh, tức vua Ngọa-triều, đã đặt yêu cầu sinh hoạt của nhân dân và yêu cầu phát triển của xã hội Việt nam từ giữa thế kỉ thứ 10 đến đầu thế kỷ thứ 11… là phải làm nhiều đường giao thông vận tải cả thủy lẫn bộ, để nối liền các địa phương với nhau, thuận tiện cho việc giao lưu hàng hóa, không những trên thị trường toàn quốc mà cả với những thị trường ngoài nước ; …là phải phá vỡ chế độ phong kiến cát cứ, xóa bỏ ranh giới tự trị từng địa phương, tiến tới một chế độ xã hội tiến bộ hơn là phong kiến tập quyền, thống nhất quốc gia… Và hai yêu cầu căn bản của nhân dân và xã hội Việt nam thời bấy giờ, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn đều đã làm theo đúng… Và Lê Long Đĩnh đã là người kế thừa xứng đáng của những sự nghiệp vẻ vang ấy. Rồi, trong khi gán cho Lê Long Đĩnh cái sự nghiệp « củng cố khối dân tộc », bạn Nguyễn Lương Bích đã viết : « Dân tộc Việt nam cũng như hết thảy các dân tộc khác trên thế giới đã trưởng thành ngày càng lớn mạnh là vì đã được xây dựng trên nền tảng của sự cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng kinh tế, cộng đồng ngôn ngữ và cộng đồng tâm lý, nó là bốn yếu tố không thể thiếu cho sự hình thành và tồn tại của một dân tộc. Ở đầu thế kỷ thứ 11, những sự nghiệp của Lê Long Đĩnh đã góp một phần không nhỏ vào sự bồi đắp những nền tảng cộng đồng ấy của dân tộc Việt nam ». Phá bỏ chế độ phong kiến cát cứ, thống nhất quốc gia, Lê Long Đĩnh đã góp một phần tích cực và quyết định vào việc củng cố nền cộng đồng lãnh thổ của dân tộc. Đắp đường, đào sông để mở rộng việc giao lưu hàng hóa và khuếch trương nông nghiệp, thông suốt các địa phương, Lê Long Đĩnh đã đẩy mạnh sự phát triển khối cộng đồng kinh tế của dân tộc. Việc xin kinh sách và phổ biến kinh sách của đạo Nho, đạo Phật đi khắp nơi cũng giúp ít nhiều cho sự xây dựng nền cộng đồng tâm lý của dân tộc. Nước nhà lúc ấy thiếu một nền văn tự để biểu đạt ngôn ngữ, việc phổ biến những kinh sách trên bằng chữ Hán cũng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nền cộng đồng ngôn ngữ của dân tộc. Nhờ có được những sự bồi đắp tích cực ấy, khối dân tộc Việt nam, từ thời Lê Long Đĩnh trở đi, đã càng ngày càng lớn mạnh, đủ khả năng làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình trong một quốc gia đa dân tộc, là thống nhất lãnh thổ, thắt chặt sự đoàn kết rộng rãi toàn dân, đa số cũng như thiểu số, luôn luôn sát cánh và dẫn đầu các dân tộc anh em trong toàn quốc để cùng xây dựng và bảo vệ đất nước trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm nay. Tóm lại, theo bạn Nguyễn Lương Bích thì khối dân tộc Việt nam đã được củng cố ngay từ thế kỷ thứ 10 và 11. Một tài liệu khác viết rằng chữ Pháp mà chúng tôi mới nhận được của một bạn Việt kiều từ bên Pháp gửi về, dưới đầu đề : « Việt nam vào thế kỷ thứ 19, có phải là một dân tộc đương thành hình không ? », tác giả cũng đem một số sự việc dẫn chứng để đi tới kết luận là : « Lãnh thổ dân tộc đã ổn định ngôn ngữ nhân dân ngày càng tiến bộ hơn chữ nho chính thức, thị trường thương mại dân tộc đã nẩy mầm, văn hóa và « phong tục » có những nét đặc biệt tuy chưa đầy đủ ; nhưng tất cả những yếu tố gây nên sinh hoạt dân tộc Việt nam đã khá rõ rệt vào thế kỷ 19, ngay đến những nhà quan sát phương tây cũng phải chú ý ». Sau đó, tác giả có dẫn những câu nói của mấy nhà quan sát phương tây xác nhận về dân tộc Việt nam. Như thế, vấn đề dân tộc Việt nam mặc dầu chưa có dịp thảo luận công khai, nhưng nó đã được một số người nghiên cứu lịch sử đem ra phân tích, nhận xét rồi đấy ! Viết bài này, tôi làm cái việc là đem nó ra để công khai thảo luận với một giả thuyết theo sự nghiên cứu và nhận định của mình. Cố nhiên là một vấn đề mới mẻ và sâu rộng như vấn đề này, còn cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa và thảo luận kỹ hơn nữa. II. DÂN TỘC VIỆT-NAM THÀNH HÌNH TỪ BAO GIỜ ? Trong khi vào đề, tưởng cũng cần nhắc lại những yếu tố kết thành một dân tộc do Sta-lin đã nêu ra : « Dân tộc là một cộng đồng thể của những người ổn định thành hình trong quá trình lịch sử, có ngôn ngữ chung, lãnh thổ chung, sinh hoạt kinh tế chung và trạng thái tâm lí chung biểu hiện ở văn hóa chung. Trong bốn yếu tố kể trên, nếu thiếu một cũng không thể kể là một dân tộc ». Tiếp theo đoạn kể trên, Sta lin còn nói rõ thêm : « Trước khi chưa có chủ nghĩa tư bản thì không có, mà cũng không thể có dân tộc được, vì lúc đó vẫn chưa có thị trường dân tộc, vẫn chưa có trung tâm kinh tế dân tộc, cũng chưa có trung tâm văn hóa dân tộc, do đó, chưa tiêu diệt được trạng thái kinh tế phân tán của mỗi dân tộc và cũng chưa liên kết được các bộ phận tách biệt của một dân tộc để thành nhân tố của một dân tộc trọn vẹn ». Căn cứ vào kiến giải trên đây để nghiên cứu dân tộc Việt nam, cố nhiên chúng ta phải đi sâu vào từng yếu tố trong quá trình lịch sử thành hình một dân tộc và tìm coi xem trường dân tộc đã có chưa, có vào lúc nào, với những điều kiện gì ? Một điều nữa mà chúng ta cũng không được quên là : trong khi nghiên cứu việc thành hình của dân tộc Việt nam, còn cần phải biết đến những đặc điểm của nó trong thời gian cũng như trong không gian. Có như thế mới giúp cho việc nhận thức vấn đề một cách thông suốt hơn, khỏi rơi vào chỗ kinh điển máy móc. Một sự thật hiển nhiên là : trên giải đất Việt nam gồm có nhiều giống người : Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mán, Mèo, Ra dê, v.v… Dân tộc Việt nam nói chung, gồm nhiều dân tộc. Tuy vậy, nếu đem so sánh điều kiện địa lý, xã hội ờ Việt nam ta với nhiều nước khác thì ta có những điều kiện thuận tiện, đơn giản hơn để thành nhân tố của một dân tộc trọn vẹn. Vì nước ta là một nước nhỏ, lãnh thổ nước ta từ nam chí bắc không có một tình trạng cách biệt theo kiểu « vạn lý trường thành », ngăn khu vực này với khu vực khác. Cộng vào đấy, dân tộc Việt nam, mà tiêu biểu là người Kinh, chiếm tối đại đa số trong dân tộc. Người trong nước đều gần gũi, hiểu biết lẫn nhau, không có cái tình trạng như ở một vài nước khác : người tỉnh này gặp người tỉnh kia vẫn không phân biệt được và còn có khi lầm lẫn là người nước ngoài. Chính những điều kiện thuận tiện ấy nó làm cho mấy nhân tố kết thành dân tộc Việt nam không phiền phức như nhiều dân tộc khác. Bây giờ hãy điểm qua từng nhân tố một. Thứ nhất là ngôn ngữ, chúng ta có thể nói rằng người Việt nam từ Nam đến Bắc đều cùng chung một tiếng nói. Nếu có chỗ khác nhau thì chỉ là giọng nói của từng địa phương. Ví dụ : giọng nói của người miền Bắc, miến Nam, miền Trung có chỗ khác nhau (khác về âm, chứ không phải về tiếng), nhưng không phải đến không hiểu nhau như nghe một thứ tiếng nói khác. Ông đồ xứ Nghệ ra Bắc dạy học, mặc dầu nói giọng trọ trẹ, nhưng quyết không phải dùng đến thông ngôn. Người Bắc vào Nam chỉ ít lâu đã có thể nói cùng một giọng. Như vậy, ngôn ngữ chung giữa người Việt nam hầu như không thành vấn đề. Ngoài ra, những thiểu số dân tộc1ở rải rác tại miền rừng núi trong nước, thì mặc dầu tiếng nói khác nhau nhưng trong việc giao dịch thông thương, tiếng Kinh vẫn cần thiết và dần dần trở nên tiếng phổ thông. Thứ hai là lãnh thổ. Điều này càng rõ rệt lắm. Từ lâu rồi, những người Việt nam trên giải đất từ Mục-Nam-quan đến mũi Cà-mâu đều sống trên một đất nước chung, một lãnh thổ chung và có một ngôn ngữ chung. Nó chẳng phải như người Anh, người Mỹ cùng một tiếng nói, nhưng lại ở hai lục địa khác nhau. Nó cũng chẳng phải như người Thái ở Việt nam và người Thái ở Trung quốc khác nhau về lãnh thổ. Thứ ba là sinh hoạt kinh tế chung. Điểm này cần phải nghiên cứu nhiều. Nước Việt nam ta từ trước, về căn bản, là một nước nông nghiệp. Bên cạnh nông nghiệp là thủ công nghiệp và thương mại. Dưới chế độ phong kiến, việc tự cấp tự túc ở các địa phương đã thành một nếp sống quen. Nhưng trên con đường dần dần phát triển của công thương nghiệp, việc liên lạc kinh tế giữa các địa phương cũng ngày càng mật thiết. Những đồng bào thiểu số ở trên các núi cao rừng thẳm vẫn cần có muối từ miền bể mang lên. Những nông cụ sản xuất ở đồng bằng vẫn đem lên bán tại miền ngược. Ngay từ năm 1724, Lê Dụ Tôn đã đặt 20 sở tuần ty từ Hưng hóa, Thái nguyên, Sơn tây, Cao bằng, Quảng yên, Kinh bắc đến Thanh hóa, Nghệ an để thu thuế buôn bán, và từ năm 1725, đã qui định rõ những hàng hóa phải chịu thuế như rượu, dầu thắp, chiếu, gấm hoa, vải trắng nhỏ sợi, vải thâm, tơ lụa trắng, lụa vàng, the, v.v… cùng những thổ sản khác như muối, than đá, cói, gỗ, tre, nứa, sơn, v.v… Như thế đã tỏ ra lúc bấy giờ việc buôn bán giao thông, ít ra từ miền Bắc đến miền Trung đã thành một hệ thống và những hàng hóa lưu hành, bên thổ sản có cả công nghệ phẩm. Một điểm nữa đáng ghi nhớ là : trên con đường nam tiến của dân tộc Việt nam, đại khối nông dân đã không bị ứ đọng một chỗ, mà đã được chuyển di trên một hành trình khá dài. Do đó, kỹ thuật canh tác cũng như tập quán sinh hoạt đã được phổ biến cho nhau, đẩy cho những yếu tố dân tộc mạnh thêm. Tới khi dân tộc Việt nam tràn đến Thủy Chân-lạp tức Nam bộ bây giờ, thì không những lãnh thổ mở rộng nguyên vẹn từ Bắc đến Nam, mà sinh hoạt kinh tế chung cũng ngày càng tiến bộ. Thứ tư là trạng thái tâm lý chung biểu hiện ở văn hóa chung. Điều này cũng khá rõ rệt. Không kể những văn hóa chính thống của giai cấp thống trị Việt nam rập theo văn hóa của phong kiến Trung quốc, nếp sống của nhân dân từ thói ăn ở, phục sức đến tính tình, tập tục vẫn có những nét riêng của dân tộc. Những câu phương ngôn tục ngữ, những bài ca dao đã truyền khẩu, phổ biến từ Nam chí Bắc. Không nói đâu xa, quyển Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, xuất bản từ thế kỷ thứ 19, nó chẳng những đánh dấu về trình độ ngôn ngữ của dân tộc Việt nam đã tới một cao độ, mà còn là bản « nhật tụng » của dân tộc Việt nam, từ người biết chữ đến người không biết chữ đều ngâm vịnh, đều thông cảm ; có thể nói là đã biểu hiện một trạng thái tâm lý chung trên một tác phẩm văn hóa. Bằng bốn yếu tố kể trên, thiếu một chưa thể thành hình một dân tộc. Nếu điểm qua bốn yếu tố ấy, đối chiếu vào dân tộc Việt nam thì thấy, cũng vì hoàn cảnh đặc biệt ở Việt nam, dân tộc Việt nam dễ có những điều kiện mau thành hình một dân tộc. Cố nhiên là những yếu tố kết thành một dân tộc không phải một lúc, mà là dần dần lâu ngày xây dựng nên. Hiện nay, câu hỏi dứt khoát đặt ra là : dân tộc Việt nam thành hình từ bao giờ ? Và chúng ta cũng phải trả lời dứt khoát. Theo Sta-lin thì dân tộc chỉ có thể thành hình một khi đã có thị trường dân tộc, mà thị trường dân tộc chỉ có thể có một khi chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện, trạng thái kinh tế phân tán của phong kiến đã bị thủ tiêu. Nói rõ hơn, chỉ có thời kỳ chủ nghĩa tư bản, đường sá đã giao thông, tình trạng cát cứ của phong kiến không còn nữa, thì những nhân tố kết thành dân tộc như ngôn ngữ chung, lãnh thổ chung, sinh hoạt kinh tế, văn hóa chung mới hoàn toàn thực hiện được. Đến đây, tôi thấy cần nhắc đến ý kiến của bạn Nguyễn Lương Bích. Cố nhiên tôi không bàn với bạn Nguyễn Lương Bích về vai trò của Lê Long Đĩnh, mà chỉ nhắc đến những điểm có liên quan tới vấn đề dân tộc ở trong bài ấy. Thế nào là khối cộng đồng kinh tế của dân tộc ? Thế nào là thị trường dân tộc ? Nó chỉ có thể xuất hiện dưới một điều kiện lịch sử nào ? Bạn Nguyễn Lương Bích nếu nghiên cứu kỹ những trạng thái kinh tế của nước ta trong thế kỷ thứ 10 và đầu thế kỷ 11 thì sẽ thấy nông nghiệp, công, thương nghiệp và giao thông có mở mang hơn trước, nhưng chưa thể nói được rằng dân tộc ta đã có một sinh hoạt kinh tế chung. Chế độ phong kiến tập quyền hồi ấy được mạnh lên là do ý chí chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước của nhân dân, chớ không phải do điều kiện kinh tế đã chín mùi để làm cơ sở cho chế độ tập quyền. Huống chi một trong những yếu tố kết thành dân tộc không thể thiếu được là lãnh thổ chung, mà hoàn cảnh của nước ta bấy giờ đã có một lãnh thổ trọn vẹn như thế kỷ thứ 18 và ngày nay chưa ? Điều này rõ ràng lắm. Chúng ta đừng quên câu nói của Sta-lin : « Dân tộc không phải là một phạm trù lịch sử đơn giản, mà là một phạm trù lịch sử của một thời kỳ nhất định, của thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang lên » (l’époque du capitalisme ascendant). Vậy thì hoàn cảnh nước ta vào thế kỷ thứ 10 và đầu thế kỷ 11 đã có thể nói là một thời kỳ lịch sử nhất định, thời kỳ của chủ nghĩa tư bản đang lên chưa ? Điều này càng rõ ràng lắm. Tuy vậy, không đồng ý với bạn Nguyễn Lương Bích, tôi càng không đồng ý với một số người khác trong khi đọc qua bốn yếu tố dân tộc của Sta-lin, không kể gì đến hoàn cảnh đặc biệt và thực tế ở nước ta, đã vội cho rằng : như vậy, dân tộc ta chỉ có thể thành hình sau khi tư bản Pháp đã chiếm trị nước ta và vào lúc giai cấp tư sản dân tộc đã thành hình. Điều mà tôi muốn đề ra ở đây là : trước khi tư bản Pháp chiếm trị Việt nam thì Việt nam đã có thị trường dân tộc, có trung tâm kinh tế dân tộc, trung tâm văn hóa dân tộc chưa ? Và với những điều kiện thuận tiện về địa lý, về xã hội như trên kia đã nói, dân tộc Việt nam có cần phải đợi tới ngày chủ nghĩa tư bản phát triển, kinh tế phân tán của phong kiến đã hết, mới có đầy đủ những yếu tố thành hình một dân tộc như lãnh thổ chung, ngôn ngữ chung, sinh hoạt kinh tế, văn hóa chung không ? Theo tài liệu lịch sử, thì trước khi tư bản Pháp chiếm trị Việt nam, mầm mống của chủ nghĩa tư bản đã phát hiện. Chưa ngược dòng lịch sử để đi xa hơn nữa, từ giữa thế kỷ thứ 17 trở đi, mặc dầu có những cuộc chiến tranh và cát cứ giữa các phe phong kiến như Trịnh – Nguyễn (1627- 1785), Trịnh Nguyễn và Tây sơn (1771-1802), công thương nghiệp trong nước vẫn có từng phần phát triển. Công trường thủ công đúc súng đạn, đóng thuyền ở Quãng ngãi từ năm 1659, ở Mỹ tho năm 1688. Khai mỏ đồng, bạc ở Tuyên quang năm 1758. Trong thời kỳ này, Kinh kỳ, phố Hiến là những nơi trung tâm kinh tế, trung tâm văn hóa ở miền Bắc ; Hội an, Gia định, Hà tiên là những thị trấn buôn bán sầm uất ở miền Nam. Ngoài việc buôn bán ở trong nước, còn có sự giao thiệp buôn bán với nước ngoài. Những tầu ngoại quốc đến bán hàng ở Việt nam từ đầu thế kỷ thứ 17 : tầu Bồ đào nha đến Hội an năm 1614, tầu Hà lan và Xiêm la đến phố Hiến năm 1635, tầu Anh đến năm 1672, tầu Pháp năm 1680. Đồng thời, nhiều tầu của Bồ đào nha, Hà lan, Anh, Pháp lui tới các cửa bể Việt nam để bán hàng, như sắt, gang, vải, đồ sứ và mua các sản vật ở Việt nam. Trong bản đồ thể lệ đánh thuế các tầu buôn ngoại quốc của triều đình Việt nam, chúng ta thấy có cả những tầu từ Thượng hải, Quảng tây, Mã cao, Nhật bản và các nước phương Tây lại. Năm 1740, ở ngoài Bắc có sở tuần ty Biện sơn đặt hẳn ra ngoài biển để giao dịch với tầu buôn các nước ngoài và thu thuế. Năm 1746, tầu Trung quốc đem đồ đồng, đồ dệt, đồ sứ vào bán ở cửa bể Hội an và mua của ta hồ tiêu ở Quảng trị, tơ ở Quảng nam, đường ở Quảng ngãi, lúa gạo ở Đồng nai. Sau năm 1679, mấy thị trấn miền Nam, như Đồng nai, Mỹ tho, đã trở nên buôn bán sầm uất thì các nhà buôn Nhật bản, Chà-và và phương Tây cũng đưa hàng hóa đến bán. Trong thời kỳ này, mặc dầu đất nước chưa được hoàn toàn thống nhất, nhưng sự trao đổi sản vật ở trong nước đã được lưu thông nhiều. Thêm vào đấy là sự xúc tiếp với tư bản phương Tây làm cho kinh tế hàng hóa nước ta thêm phần tiến bộ. Nhiều chợ và phố xá thành lập. Chế độ tiền tệ và thuế khóa có tổ chức hơn trước. Việc trao đổi hàng hóa với nước ngoài đã kích thích thêm những tiểu công nghệ như nghề dệt, nghề làm đường và xuất cảng lúa gạo được phát triển. Sau cuộc thắng lợi của Tây sơn, từ Nam ra Bắc, nông nghiệp và thương nghiệp lại được phục hồi. Có những chợ lớn ở Bình-thủy-quan (Cao bằng) và Du-thôn ải (Lạng sơn) mở ra để trao đổi hàng hóa giữa ta và Trung quốc. Người đi chợ được miễn thuế. Số Hoa kiều tập trung ở Kinh kỳ, Kinh bắc và Sơn nam đến hơn một vạn. Bằng những tài liệu kể trên, chúng ta thấy việc buôn bán trong nước và với nước ngoài trong thế kỷ thứ 17, 18 đã tạo nên những điều kiện để hàng hóa lưu thông, kẻ Nam người Bắc đi lại gần gũi với nhau. Cố nhiên là bằng những phương tiện giao thông bấy giờ, nước ta chưa thể có một thị trường dân tộc theo kiểu các nước mà chủ nghĩa tư bản đã phát triển, các cát cứ phong kiến đã bị thủ tiêu. Nhưng không ai có thể nói được rằng người Việt nam lúc ấy chưa có ngôn ngữ chung, lãnh thổ chung, sinh hoạt kinh tế và văn hóa chung. Hơn nữa, không ai có thể nói được rằng người Việt nam lúc ấy còn ở vào thời kỳ bộ tộc, chưa phải là một dân tộc đường hoàng ! Chưa nói gì những tầu thuyền buôn bán qua lại từ Bắc chí Nam, non sông đất nước cũng không phải xa lạ, cách biệt giữa người trong một nước. « Nhớ em, anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ2, sợ phá Tam giang »3thì đã được trả lời rằng : « Phá Tam giang ngày rày đã cạn, Truông nhà Hồ, nội tán cấm nghiêm4». Và người con trai đương thời đã có thể tự hào : « Làm trai cho đáng nên trai, Phú xuân5đã trải, Đồng nai6 cũng từng ». Cho đến câu : « Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng ». Câu này chưa biết có từ thời nào, nhưng nhất định phải vào lúc mà nghề thủ công trong nước đã phát triển tới một bậc nào, người thợ dệt đã biết dệt nhiễu điều, người thợ mộc đã biết đóng giá gương và theo nghi lễ phong kiến, nhiễu điều phủ trên giá gương để tượng trưng cho tinh thần thương yêu bao bọc lấy nhau của người trong một nước. Mà người trong một nước đây nhất định phải hiểu tiếng nhau, sống chung với nhau một nền kinh tế, một trạng thái tâm lý, nghĩa là phải thành hình một dân tộc rồi. Như vậy, khác với một bạn Việt kiều ở bên Pháp, tôi muốn nói dân tộc Việt nam đã thành hình vào quãng thế kỷ thứ 18, khi mà những phe phong kiến (Mạc, Trịnh, Nguyễn, Lê, Tây sơn) từ chỗ cát cứ, phân tranh đến chỗ thống nhất lãnh thổ trọn vẹn từ Bắc đến Nam và cũng vào lúc mà hệ thống phong kiến bắt đầu tan rã, những cuộc khởi nghĩa của nông dân nổi dậy liên tiếp, đồng thời với mầm chủ nghĩa tư bản đã phát sinh. Sta-lin cũng nói : « Quá trình tan vỡ của chế độ phong kiến và phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng là lúc cấu tạo những người thành dân tộc ». Như vậy là ngay trong thời kỳ phong kiến, chủ nghĩa tư bản đương phát triển và chế độ phong kiến đương tan vỡ đã có dân tộc rồi. Cố nhiên là trong khi nghiên cứu sự thành hình của dân tộc Việt nam, chúng ta không thể chỉ định dứt khoát theo lối ngày, tháng, năm, của một tờ giấy « khai sinh », vì những yếu tố kết thành một dân tộc cũng chỉ có thể xây dựng một cách dần dần. * Có một điều là : dưới chế độ phong kiến, tình trạng phân tranh và cát cứ đã làm ngăn trở nhiều cho việc sản xuất và lưu thông hàng hóa, cho việc đi lại của nhân dân trong nước. Sử cũ nói : « Vì thuế sơn mà dân phải chặt cây, vì thuế vải lụa mà dân phải phá khung cửi, vì thuế mật mà dân không trồng mía ». Năm 1746, Lê Hiển tôn hạ lệnh : « Nay xét thấy phú hào cũng như nhân dân vì thuế đò được bãi bỏ mà ganh nhau phát triển nghề buôn, ít chú ý đến nghề nông… Để theo đúng chính sách « trọng nghề nông, ép nghề buôn », từ nay những sở tuần ty ở các bến đò lại đặt như cũ… » Thế là việc thông thương từ vùng này sang vùng khác bị giảm sút. Việc buôn bán với nước ngoài cũng bị hạn chế. Năm 1700, các nhà buôn Hà lan ở phố Hiến phải bỏ đi vì bị Trịnh Căn làm khó dễ. Những người buôn Trung quốc theo luật định, không được ở lẫn với nhân dân Việt nam. Về hàng hóa nhập cảng chỉ được phép mang vào những thứ mà triều đình cần dùng như sắt, chì, gang, lưu hoàng để làm súng đạn. Về hàng hóa xuất cảng, cấm thuyền nước ngoài không được mua tơ, lụa, thóc gạo ở nước ta7. Thậm chí mua cột buồm hay bơi chèo cũng phải được quan địa phương phê chuẩn mới được phép. Ấy là chưa kể nhiều tầu buôn ngoại quốc xin đi lại buôn bán hay mở nhà buôn mà không được. Tất cả những cái đó đã nói rõ rằng một khi chế độ phong kiến chưa bị hủy bỏ thì thị trường dân tộc vẫn chưa được tự do phát triển và tập trung, ngăn trở cho việc thống nhất dân tộc, làm cho những yếu tố thành hình dân tộc chưa tới một mực độ thật đầy đủ. Do đó, dân tộc Việt nam có khác với nhiều nước khác, bắt đầu thành hình trong một quốc gia mà quan hệ phong kiến còn tồn tại và bắt đầu tan vỡ. Sau đó là cuộc xâm lược của tư bản ngoại quốc. Cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt nam chống bọn xâm lược ngoại quốc và bọn phong kiến trong nước là một cuộc trường kỳ. Chủ nghĩa tư bản nẩy nở ở Việt nam, đồng thời thị trường dân tộc cũng được thành lập. Giai cấp tư sản dân tộc xuất hiện trong cuộc đại chiến lần thứ nhất. Nhưng vì dưới ách đế quốc chủ nghĩa, giai cấp tư sản dân tộc bị chèn ép, rất non yếu, mực phát triển tư bản còn rất thấp. Do đó, tư bản ngoại quốc là vật chướng ngại cho sự phát triển của giai cấp tư sản dân tộc, cho cuộc kinh doanh công, thương nghiệp của dân tộc. Đồng thời, chúng duy trì những tàn tích phong kiến, làm ngăn trở cho việc sản xuất ở nông thôn, dùng bọn phong kiến làm tay sai, mong phá vỡ khối đoàn kết dân tộc. Tuy vậy, cũng trong chế độ bóc lột của đế quốc, một lực lượng mới của dân tộc được trưởng thành là giai cấp công nhân. Nó thay cho giai cấp tư sản để đoàn kết dân tộc, lãnh đạo dân tộc chống đế quốc và phong kiến, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sang một giai đoạn mới từ năm 1930 và làm xong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày nay, sau tám năm kháng chiến thắng lợi và đương tiến hành việc cải cách ruộng đất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt nam và Hồ chủ tịch, dân tộc Việt nam đương đấu tranh để hoàn thành việc thống nhất tổ quốc, kiến thiết quốc gia trên nền dân chủ nhân dân. Theo lời Sta-lin, « dân tộc đó phải gọi là dân tộc xã hội chủ nghĩa ». * Kết luận bài này, tôi muốn đặt vấn đề thành hình dân tộc Việt nam trong một hoàn cảnh đặc biệt của Việt nam. Đúng như lời Sta-lin đã nói, dân tộc không phải là một cộng đồng thể về chủng tộc, về bộ lạc, mà là một cộng đồng thể của những người được xây dựng lên trong quá trình lịch sử. Dân tộc Việt nam, với hoàn cảnh đặc biệt của nó đã có đủ bốn yếu tố để thành hình từ lâu ; đó là một sự thực lịch sử. Quan hệ phong kiến vẫn không ngăn cản được sự thành hình của dân tộc Việt nam ; tư bản chủ nghĩa phát triển càng làm củng cố thêm sự thành hình của dân tộc Việt nam ; đó cũng là một sự thực lịch sử. Và, cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dân tộc Việt nam là một khối thống nhất và nguyên vẹn ; hiện là một sự thực lịch sử. Trong quá trình thành hình của dân tộc, đã biểu lộ ra những công sức vĩ đại về sản xuất và chiến đấu của dân tộc. Chúng ta càng tin vào sức sống mãnh liệt của dân tộc cũng như tương lai chói rạng của dân tộc Việt nam yêu quí. TRẦN HUY LIỆU 14-2-1955 VẤN ĐỀ TIÊU CHUẨN ĐỂ PHÂN ĐỊNH NHỮNG THỜI KỲ LỊCH SỬ NƯỚC TA của MINH-TRANH TRONG việc học, giảng và nghiên cứu lịch sử một nước, điều quan trọng vào bậc nhất là cần phân định những thời kỳ lịch sử của nước ấy, và trong mỗi thời kỳ lại phân ra những giai đoạn. Khoa học lịch sử là khoa học của sự tiến triển xã hội. Những bước tiến triển ấy không phải chỉ là tuần tự mà đến một lúc nào đó thì nhảy vọt, khoa học lịch sử phải giải thích cho được những bước nhảy vọt ấy ; nếu không thì lịch sử sẽ không phải là khoa học mà chỉ còn là sự ghi chép sự việc. Những bước nhảy vọt ấy chính là những bước chuyển biến thời kỳ này sang thời kỳ khác. Mỗi thời kỳ, lại chia ra những bước chuyển mạnh kết thúc một giai đoạn, để chuyển sang một giai đoạn khác. Nhưng giải thích được những bước nhảy vọt của lịch sử, hoặc nói một cách khác, phân định được thời kỳ lịch sử, không phải là dễ dàng ; nó đòi hỏi chúng ta trước hết phải nắm chắc được tiêu chuẩn để phân chia thời kỳ của lịch sử. Vấn đề tiêu chuẩn để phân chia những thời kỳ lịch sử của nước ta là vấn đề chúng ta phải cùng nhau giải quyết. I. MẤY Ý KIẾN VỀ TIÊU CHUẨN ĐỂ PHÂN CHIA THỜI KỲ LỊCH SỬ Đầu năm 1954, Ban nghiên cứu Văn Sử Địa có gửi tới nhiều bạn một số câu hỏi trưng cầu ý kiến về nhiều vấn đề thuộc về lịch sử nước ta, trong đó có câu : Nên phân chia thời kỳ lịch sử nước ta như thế nào ? Chúng tôi đã nhận được ý kiến trả lời của nhiều bạn, trong đó có ý kiến của bạn Nguyễn Đổng Chi và của một cuộc hội nghị các giáo sư khu Học xá trung ương. Chúng tôi rất hoan nghênh các bạn đã sốt sắng tham gia vào cuộc trưng cầu ý kiến của chúng tôi, vì đó là biểu hiện lòng nhiệt thành góp vào việc xây dựng, việc soạn một bộ lịch sử nước ta, một công cuộc quan trọng cho việc nghiên cứu khoa học xã hội của nước ta. Chúng tôi tin rằng sau này còn có nhiều bạn sẽ sốt sắng góp thêm ý kiến nữa. * Ý kiến của bạn Nguyễn Đổng Chi, chúng tôi đã đăng trong tập san số 3. Ý kiến của các bạn ở khu Học xá đăng ở số này. Bạn Nguyễn Đổng Chi đi ngay vào việc giải quyết vấn đề phân chia thời kỳ lịch sử mà không đề ra tiêu chuẩn. Song qua ý kiến của bạn Nguyễn Đổng Chi, chúng ta thấy rằng : 1) Về thời kỳ xã hội thị tộc thì tác giả căn cứ vào dấu vết văn hóa của các bộ lạc trên dãy Trường sơn hồi cận đại. 2) Về thời kỳ xã hội phong kiến sơ kỳ thì bạn Nguyển Đổng Chi căn cứ vào đồ đồng và đồ sắt tức là công cụ sản xuất. 3) Về thời kỳ phong kiến tập quyền thì tác giả căn cứ vào việc bóc lột của phong kiến, tức là vào quan hệ sản xuất. Như vậy là việc phân định ba thời kỳ ấy đã dựa vào ba tiêu chuẩn khác nhau. Những tiêu chuẩn ấy có đúng hay không, chúng ta sẽ bàn sau. * Ý kiến của những bạn giáo sư ở khu Học xá trung ương trong buổi họp ngày 4-7-54 và 21-7-54 về vấn đề tiêu chuẩn để phân chia thời kỳ lịch sử nước ta có những điểm chưa được nhất trí. Song đấy không phải là việc quan trọng, vì trong việc nghiên cứu khoa học, trước khi đi tới một kết luận, sự tranh biện hết sức cần thiết. Ở đây chúng tôi xin sao lại một vài đoạn trong biên bản hai buổi họp. Bản thuyết trình (thuyết trình viên là giáo sư Trần Văn Khang) nêu mấy điểm chủ yếu như sau : 1. Muốn chia thời kỳ lịch sử nước ta, cần phải căn cứ vào cách phân chia thời kỳ của lịch sử thế giới, vì nước ta cũng là một bộ phận của thế giới, sự phát triển của xã hội Việt nam cũng nằm trong qui luật phát triển chung của nhân loại. 2. Trong cách phân chia thời kỳ từ trước tới nay, có hai lối : a) Nếu theo quan điểm xã hội phát triển sử, lấy phương thức sản xuất làm tiêu chuẩn thì có thể chia lịch sử xã hội loài người làm 5 giai đoạn lớn : Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và đế quốc chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. b) Nếu theo quan điểm lịch sử, lấy các biến cố lịch sử quan trọng làm tiêu chuẩn để định mốc thời gian, thì người ta thường chia lịch sử làm 4 thời kỳ : thượng cổ, trung cổ, cận đại, hiện đại. 3. Vì xã hội sử có liên quan mật thiết với lịch sử, nên ta thấy có thể phối hợp cả hai lối chia trên… 4. Đối với lịch sử Việt nam chúng ta, thuyết trình viên đề nghị cũng chia ra thượng cổ, trung cổ, cận đại và hiện đại. … … … Sau khi thuyết trình viên giải đáp một số thắc mắc… thì hội nghị bước sang phần thảo luận. Hội nghị đồng ý với quan điểm của thuyết trình viên về mấy nguyên tắc lớn : 1. Việt nam là một bộ phận của thế giới, nên cách chia lịch sử Việt nam cũng phải căn cứ vào cách phân chia thời kỳ của lịch sử thế giới. Tuy vậy, mỗi quốc gia có đặc sắc riêng nên chia thời kỳ không thể máy móc coi Đông phương cũng như Tây phương, coi Việt nam cũng như các nước Tây phương khác. 2. Tiêu chuẩn để chia thời kỳ là căn cứ vào các biến chuyển lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ; những biến chuyển này làm thay đổi tính chất của xã hội nước ta trong từng giai đoạn. Như thế có thể kết hợp lối phân chia theo xã hội sử và lối phân chia theo lịch sử. Rồi hội nghị thảo luận vào những điểm cụ thể, trong những điểm này có những điểm vẫn còn có sự bất đồng ý giữa thuyết trình viên và hội nghị. Những ý kiến trên đây đặt ra khá nhiều vấn đề : vấn đề quan điểm xã hội phát triển sử và quan điểm lịch sử, vấn đề liên quan giữa sử Việt Nam và sử thế giới. Nhưng đó là những vấn đề ngoài phạm vi bài này. Ở đây đang bàn về vấn đề tiêu chuẩn để phân chia thời kỳ lịch sử nước ta, cho nên chúng ta chỉ nên đứng trong phạm vi ấy thôi. Trong ý kiến của giáo sư Trần Văn Khang có những điểm căn bản, theo ý chúng tôi, cần được rõ ràng hơn và có những điểm cần thảo luận : a) Nói rằng căn cứ vào những biến cố lịch sử để chia thời kỳ lịch sử thì thế nào là biến cố ? Đó là chưa kể những cái gọi là quan điểm lịch sử và quan điểm xã hội phát triển sử. b) Những điểm chính mà hội nghị cuối cùng đã đồng ý : tiêu chuẩn để chia thời kỳ lịch sử là căn cứ vào những biến chuyển lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, những biến chuyển làm thay đổi tính chất của xã hội nước ta trong từng giai đoạn. Nhưng thế nào là biến chuyển lớn ? Nội dung cuộc biến chuyển lớn về kinh tế là thế nào, v.v… ? Tóm lại, trong những ý kiến về vấn đề tiêu chuẩn để phân chia thời kỳ lịch sử, thì ý kiến của bạn Nguyễn Đổng Chi thiếu nhất trí ngay trong một bài ; ý kiến của giáo sư Trần Văn Khang chưa được rõ ràng và có những điểm còn cần thảo luận nhiều. II. TIÊU CHUẨN ĐÚNG ĐỂ PHÂN CHIA THỜI KỲ LỊCH SỬ Cuối năm 1949, tạp chí « Vấn đề lịch sử » ở Liên Xô có đề ra cuộc thảo luận về phân chia thời kỳ lịch sử. Cuộc thảo luận này tiến hành từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1951. Tham gia cuộc thảo luận này, ngoài các nhà sử học Liên Xô, còn có những nhà sử học Ba Lan, Tiệp khắc và Bảo. Đây là kết luận về tiêu chuẩn phân chia thời kỳ lịch sử trong cuộc thảo luận ấy : Muốn phân chia thời kỳ lịch sử, phải căn cứ vào sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và tác động biến hóa lẫn nhau giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong quá trình phát triển ; phải căn cứ vào sự phát triển của những mâu thuẫn giai cấp và sự đấu tranh giai cấp để xem xét biểu hiện của tác động biến hóa ấy và lấy đó làm cơ sở để phân chia thời kỳ lịch sử. Đấu tranh giai cấp, đặc biệt là hình thức cao nhất của nó (tức khởi nghĩa) là những cái mốc chính đánh dấu sự phát triển xã hội và phải căn cứ vào đấy để phân chia thời kỳ lịch sử. Kết luận trên đây đã được tất cả các nhà bác học tham gia thảo luận đồng ý. Tuy nhiên, nếu trong việc phân các thời kỳ lịch sử Liên Xô không có ý kiến bất đồng thì trong việc thảo luận sự phân chia giai đoạn trong thời kỳ phong kiến và tư bản chủ nghĩa, ý kiến vẫn chưa được nhất trí. Chúng tôi được tin rằng sau đó tạp chí « Vấn đề lịch sử » lại kêu gọi các nhà sử học tiếp tục thảo luận. Kết luận trên đây có thể giúp chúng ta soi lại những ý kiến của bạn Nguyễn Đổng Chi, của giáo sư Trần Văn Khang và của cuộc hội nghị ở khu Học xá trung ương. Chúng ta không thể căn cứ vào văn hóa để phân định thời kỳ lịch sử được. Vì văn hóa, thật ra chỉ là một biểu hiện của chế độ kinh tế của thời đại, mà nói đến chế độ kinh tế tức là nói đến quan hệ sản xuất. Văn hóa, theo bạn Nguyễn Đổng Chi là công cụ sản xuất (đồ đồng và đồ sắt) nhưng định nghĩa văn hóa như vậy là một điều cần xét lại. Riêng công cụ sản xuất có đủ là tiêu chuẩn để phân chia thời kỳ lịch sử không ? Công cụ sản xuất chỉ là một yếu tố nằm trong những lực lượng sản xuất của xã hội ; mặc dầu công cụ sản xuất là yếu tố quan trọng, nhưng không thể lấy nó làm tiêu chuẩn phân chia thời đại được, vì « những lực lượng sản xuất và những quan hệ sản xuất tương đương, không phải xuất hiện ở ngoài chế độ cũ, sau khi chế độ cũ tiêu tán ; nó xuất hiện ngay trong chế độ cũ. » (Sta-lin : chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử). Trong xã hội cũ, đã có công cụ sản xuất mới thì không thể nào lấy công cụ sản xuất làm căn cứ để phân chia thời đại lịch sử được. Bạn Nguyễn Đổng Chi trong khi nói đến thời đại phong kiến tập quyền, đã dựa vào tiêu chuẩn bóc lột của chế độ phong kiến, tức là một phương diện của quan hệ sản xuất. Câu của Sta-lin ở trên đã chứng rõ cho ta thấy rằng : chỉ riêng quan hệ sản xuất không có thể (huống hồ là chỉ một phương diện của quan hệ sản xuất là bóc lột thì lại càng không có thể) coi là tiêu chuẩn để phân chia thời kỳ lịch sử được. Về ý kiến của giáo sư Trần Văn Khang, trước hết chúng tôi thấy không nên kết luận rằng : chia các thời đại xã hội thành thời đại cộng sản nguyên thủy, thời đại nô lệ, thời đại phong kiến, thời đại tư bản chủ nghĩa, thời đại cộng sản chủ nghĩa, tức là đứng về quan điểm xã hội phát triển lịch sử ; còn chia các thời đại xã hội thành : thượng cổ, trung cổ, cận đại, hiện đại tức là đứng về quan điểm lịch sử. Vì một đằng là đứng về sự phát triển của hình tức tổ chức xã hội trong những quan hệ sản xuất nhất định mà nói, còn một đằng là đứng về thời gian mà nói. Và dù chia ra thời cổ đại hay thời chiếm hữu nô lệ, thời trung cổ hay thời đại phong kiến v.v… thì nếu muốn chia thời đại cho đúng, đều phải đứng ở quan điểm lịch sử, mà đã đứng ở quan điểm lịch sử thì làm sao lại không nói đến sự phát triển của xã hội được ? Cho nên cũng không nên kết luận rằng « có thể phối hợp cả hai lối chia trên », hoặc « có thể kết hợp lối phân chia theo xã hội sử và lối phân chia theo lịch sử ». Vấn đề đặt ra ở đây là vấn đề tiêu chuẩn để chia các thời kỳ lịch sử. Theo hội nghị các vị giáo sư ở khu Học xá thì : « Tiêu chuẩn để chia thời kỳ là căn cứ vào các biến chuyển lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội : những biến chuyển này làm thay đổi tính chất của xã hội nước ta trong từng giai đoạn ». Kết luận như trên chung chung quá và không lấy gì làm rõ ràng cho lắm. Nó đặt ra những câu hỏi như sau : - Như thế nào là những biến chuyển lớn ? - Biến chuyền lớn về kinh tế là thế nào ? - Biến chuyển lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, làm thay đổi tính chất của xã hội trong từng giai đoạn. Như vậy tất cả những biến chuyển ấy đồng thời diễn ra một lúc hay là có cái có trước, có cái có sau ; tính chất của xã hội trong từng giai đoạn là thế nào ? - Biến chuyển lớn về kinh tế là như thế nào ? Sự sáng chế ra công cụ sản xuất mới cũng là một biến chuyển lớn về kinh tế. Sự phát triển đến một mực độ nào đó của kinh tế hàng hóa cũng là một biến chuyển lớn về kinh tế. Và cũng còn có thể trả lời bằng nhiều câu khác được. Cho nên cần nói cho rõ : đấy là sự biến chuyển của chế độ kinh tế, tức là « cơ sở của xã hội ở một giai đoạn nhất định trong sự phát triển của nó » (Sta-lin). Cơ sở của xã hội ấy tức là « toàn bộ những quan hệ sản xuất8trên đó dựng lên một thượng tầng kiến trúc pháp luật và chính trị, và do đó có những hình thức ý thức xã hội nhất định » (Mác). Giáo sư Trần Văn Khang kết luận và hội nghị cũng đồng ý rằng : « tiêu chuẩn là những biến chuyển lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội làm thay đổi tính chất xã hội ». Khốn nỗi thực tế lịch sử đã chứng rõ những tiêu chuẩn ấy lại không đi cùng với nhau một lúc. Đầu tiên là sự xuất hiện những lực lượng sản xuất mới. Đến một lúc nào đó thì lực lượng sản xuất mới này xung đột với quan hệ sản xuất cũ. Sự xung đột từ nhỏ rồi lan ra sâu rộng, rồi trở nên kịch liệt và làm nổ ra cách mạng. Nổ ra cách mạng hoặc khởi nghĩa tức là có sự biến chuyển về chính trị. Trong thời gian xung đột ấy thì những biến chuyển về văn hóa cũng diễn ra, có khi lại diễn ra trước cuộc cách mạng. Nếu cách mạng thắng thì chế độ chính trị mới được thiết lập, chế độ kinh tế mới cũng được củng cố và phát triển, và cả chế độ văn hóa cũng vậy. Nếu cách mạng không thắng thì quan hệ xã hội vẫn chưa biến chuyển được. Cho nên, theo ý chúng tôi, cần kết luận một cách khoa học như kết luận của các nhà sử học Liên xô, Trung quốc, hoặc nói cho nôm na hơn thì : Những cái mốc để phân chia các thời kỳ lịch sử là : Những cuộc xung đột kịch liệt giữa lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất cũ, sau đó xã hội thiết lập ra quan hệ sản xuất mới, tức là chế độ kinh tế mới, chế độ chính trị mới, chế độ văn hóa mới. Những cuộc xung đột ấy biểu hiện ra ở hình thức cao nhất của cuộc đấu tranh giai cấp là những cuộc cách mạng lật đổ chế độ xã hội cũ. Nếu chúng ta thỏa thuận với nhau về tiêu chuẩn phân chia các thời kỳ lịch sử rồi, thì chúng ta bắt tay vào việc phân chia thời kỳ lịch sử nước ta một cách thuận lợi hơn. Thuận lợi hơn tất nhiên không phải là không có khó khăn vì hiện nay : 1) chúng ta còn thiếu nhiều tài liệu về lịch sử ; 2) hiểu biết của chúng ta về những khoa học liên quan đến sử học (tỉ dụ kinh tế học) còn cần được chắc chắn hơn ; 3) lịch sử nước ta có những đặc điểm của nó và có biết áp dụng đúng những tiêu chuẩn nêu ra thì vấn đề phân chia thời kỳ mới giải quyết được. III. NHỮNG THỜI KỲ LỊCH SỬ VIỆT NAM Dựa vào tiêu chuẩn đã nói trên, chúng ta hãy cùng nhau thử phân chia những thời kỳ lịch sử nước ta. Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Vấn đề này chắc chắn là còn có nhiều sự bất đồng ý kiến. Vì như trong bài « Vấn đề ruộng đất trong lịch sử Việt Nam » đăng trong tập san số 2, chúng tôi đã nêu ra : hiện nay có nhận định cho rằng ở nước ta không có chế độ chiếm hữu nô lệ, lại có nhận định rằng ở ta chế độ chiếm hữu nô lệ bắt đầu từ thời Triệu Đà ; lại có ý kiến cho rằng chỉ nên nói từ hai bà Trưng trở lại đây, vì việc về trước là huyền hoặc. Căn cứ vào sử cũ nước ta, ta thấy có cuộc chiến tranh giữa Văn lang và Thục, và sau đó thì Thục thắng, lập ra nhà nước Âu lạc. Nhà nước Âu lạc đề ra việc xây thành Cổ Loa. Đó là những việc có ghi trong lịch sử và vết tích hiện nay vẫn còn lại. Căn cứ vào những đồ đã phát quật được thì ta thấy có đồ đá, đồ bằng xương thú, đồ đồng và đồ đồng trộn với sắt. Truyền thuyết đức Thánh Gióng lại cho ta biết có đồ sắt. Những truyền thuyết về thời Hồng Bàng : ăn lông ở lỗ, truyện Sơn tinh, Thủy tinh, v.v… cho ta thấy lúc bấy giờ có sự tồn tại của thời cộng sản nguyên thủy. Dựa vào những tài liệu ấy, ta thấy rằng : lực lượng sản xuất trong thời cộng sản nguyên thủy (từ đồ đá đến đồ đồng rồi đến đồ sắt, kinh nghiệm lao động và người lao động) dần dần phát triển lên trên lãnh thổ nước ta, làm biến hóa quan hệ sản xuất, và làm cho xã hội cộng sản nguyên thủy bắt đầu có sự thay đổi. Lạc vương, lạc hầu, lạc tướng, bồ chính xuất hiện, quan hệ tư hữu bắt đầu ngay trong xã hội cộng sản nguyên thủy. Tuy nhiên, những quan hệ ấy chưa phổ biến, và vẫn cản trở cho sự phát triển lực lượng sản xuất mới, tức là đồ dùng bằng sắt và kinh nghiệm lao động của người sản xuất. Cuộc chiến tranh giữa bộ tộc Thục và bộ tộc Văn lang nổ ra. Đó là cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giữa một bên là bộ tộc Thục nhằm lật đổ quan hệ sản xuất cộng sản nguyên thủy và một bên là những người cầm đầu bộ tộc Văn lang do Lạc vương đứng đầu muốn duy trì quan hệ sản xuất cộng sản nguyên thủy. Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc thắng lợi về phía Thục. Nhà nước đầu tiên thành lập. Việc xây thành Cổ loa bắt đầu, các lạc tướng, bồ chính được duy trì lại những địa vị của họ nhưng họ không phải như xưa nữa, mà đã thoát ly lao động và thống trị nhân dân. Cuộc chiến tranh năm 257 trước công lịch giữa Văn lang và Thục, theo ý chúng tôi là cuộc đấu tranh giai cấp đã chuyển xã hội nước ta từ cộng sản nguyên thủy sang xã hội chiếm hữu nô lệ. Năm 257 trước công lịch là năm có sự tác động biến hóa giữa lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất cũ (cộng sản nguyên thủy) trong quá trình phát triển ; năm 257 trước công lịch là năm nổ ra hình thức cao nhất của cuộc đấu tranh giai cấp giữa một bên là Thục Phán, đại biểu cho nền sản xuất mới và một bên là Lạc vương ở Văn lang, đại biểu cho nền sản xuất cũ. Vì vậy, năm ấy là cái mốc để phân chia thời kỳ cộng sản nguyên thủy và thời kỳ chiếm hữu nô lệ. * Bây giờ ta xét đến cái mốc của thời kỳ phong kiến. Nó bắt đầu từ bao giờ ? Trước khi nói đến cái mốc của thời phong kiến, chúng ta cũng cần biết rõ đặc điểm của thời này như thế nào đã. Đây là lời của Sta-lin trong « Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử » : « Dưới chế độ phong kiến, chính quyền sở hữu của chúa phong kiến đối với những tư liệu sản xuất và quyền sở hữu có hạn của nó đối với người lao động, người nông nô, và bọn phong kiến không có thể giết, nhưng có thể bán và mua – hình thành cơ sở của những quan hệ sản xuất. Quyền sở hữu phong kiến tồn tại song song với quyền sở hữu cá nhân của người nông dân và thợ thủ công về công cụ sản xuất và về kinh tế tư hữu, dựa trên lao động riêng. Những quan hệ sản xuất ấy thích nghi về căn bản, với trạng thái lực lượng sản xuất trong thời kỳ ấy. Cải tiến việc luyện gang và rèn sắt, sử dụng phổ biến cày và khung cửi, phát triển liên tục về nghề nông, nghề làm vườn, kỹ nghệ nho, chế tạo dầu ; xuất hiện những công trường thủ công bên cạnh những xưởng của thợ thủ công, đó là những đặc điểm của trạng thái lực lượng sản xuất ». Những đặc điểm trên đây soi đường cho chúng ta nghiên cứu để tìm cái mốc của thời kỳ phong kiến ở nước ta. Từ năm 257 trước công lịch đến năm 111 trước công lịch, tài liệu về sử nước ta cần được tìm kiếm thêm nhiều trong những cuộc phát quật sau này. Từ năm 111 trở về sau, qua các sách sử của Trung quốc, số tài liệu về sử nước ta tương đối có nhiều hơn. Trong nửa đầu thế kỷ thứ I, ta thấy những việc quan trọng sau này đáng chú ý : 1) Nhâm Diên và Tích Quang tích cực du nhập phương thức canh tác mới vào nước ta : cày sắt, tát nước, kinh nghiệm canh tác. 2) Lạc tướng và bọn đô hộ xung đột với nhau, rồi nổ ra cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng. Hai bà Trưng đã giành lại toàn bộ lãnh thổ và xưng vương. Chế độ lạc tướng bị xóa bỏ. 3) Sau khi khởi nghĩa hai bà Trưng thất bại, Mã Viện cải tổ lại chính trị, xây thành quách, đào sông ngòi, phân phong ruộng đất. Căn cứ vào những việc quan trọng ấy, ta thấy rằng lực lượng sản xuất đã phát triển. Việc phổ biến cày sắt và phương thức canh tác là bằng chứng. Nhưng chế độ lạc tướng đến bấy giờ vẫn được duy trì, tức là quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ vẫn được duy trì. Ta lại thấy lạc tướng xung đột với bọn đô hộ, cuối cùng lạc tướng thắng và sau năm 40, ta không còn thấy nói đến lạc tướng trong sử nước ta nữa. Những hiện tượng ấy cần được giải thích. Trong bài « Một vài nét về vấn đề ruộng đất trong lịch sử Việt nam », chúng tôi đã thử giải thích như sau : « Đến khi nhà Tây Hán cướp Nam Việt thì lúc đầu sức sản xuất không thay đổi gì nhiều, mãi đến đầu thế kỷ thứ I, Tích Quang ở quận Giao Chỉ và Nhâm Diên ở quận Cửu chân mới tích cực truyền bá kinh nghiệm canh tác của Trung quốc vào nước ta. Việc dùng cày sắt và việc dùng trâu bò được phổ biến, việc tát nước làm cho năng suất tăng lên. Trạng thái sức sản xuất đổi mới nhưng quan hệ sản xuất vẫn như cũ, vì vậy sức sản xuất mới không phát triển được. Lạc hầu và lạc tướng (lạc tướng vẫn được duy trì địa vị cũ trong thị tộc) mà quyền lợi xung đột gắt gao với chế độ đô hộ của nhà Hán, là những người muốn thoát ách đô hộ của ngoại tộc. Họ cần tích xúc lực lượng, cho nên chắc chắn rằng các lạc tướng một mặt thuận theo ý chí của lạc dân đã phải hạn chế bóc lột tức là bóc lột theo lối phong kiến, một mặt du nhập phương thức canh tác mới vào những thị tộc của họ. Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, theo ý chúng tôi là sự biểu hiện của mối xung đột không thể điều hòa được giữa sức sản xuất mới và quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ cũ. Cuộc khởi nghĩa ấy đã lôi cuốn được đông đảo lạc dân và chỉ trong một thời gian ngắn, đã lật đổ được ách đô hộ… » Từ sau năm 40, việc bóc lột không còn hạn định, được thay thế bằng sự bóc lột có hạn định, tức là như Sta-lin đã nói : quyền sở hữu có hạn của chúa phong kiến đối với tư liệu sản xuất (ruộng đất, nông cụ sản xuất). Đồng thời từ đấy nghề nông được phát triển liên tục. Qua những đồ cống về sau của Sĩ Nhiếp, chúng ta thấy nghề thủ công cũng có dịp tiến lên… Tóm lại, có thể kết luận : Năm 40 là năm mà lực lượng sản xuất mới tác động làm biến hóa quan hệ sản xuất cũ. Và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là hình thức cao nhất của cuộc đấu tranh giai cấp giữa một bên là lạc dân và lạc tướng nước ta và một bên là chế độ đô hộ muốn duy trì quan hệ bóc lột theo lối chiếm hữu nô lệ kiểu gia trưởng. * Xã hội phong kiến nước ta từ năm 40 dần dần phát triển lên qua các giai đoạn. Trong quá trình phát triển của nó, mầm mống của chủ nghĩa tư bản cũng nảy nở đồng thời với bước tiến lên của kinh tế hàng hóa. Nếu sự phát triển của xã hội phong kiến cứ tiến lên thì nhất định sớm chầy, nó sẽ tiến lên sản xuất tư bản chủ nghĩa. Những mầm mống ấy đã nhú lên trong đầu thế kỷ thứ 15, khi mà Hồ Quí Ly thống trị, và bắt đầu đâm chồi thêm trong thế kỷ thứ 17, 18 khi mà Kinh kỳ, phố Hiến, Hội an trở thành những thị trường lớn trong nước. Nhưng bọn phong kiến nhà Nguyễn, tiêu biểu của lực lượng phản động, đã kìm hãm những chồi lộc của kinh tế hàng hóa. Rồi chủ nghĩa tư bản Pháp lan tới, cấu kết với phong kiến phản động cướp nước ta. Bắt đầu từ 1862, xã hội nước ta chuyển sang một thời kỳ mới. Thời kỳ thực dân và phong kiến. Tính chất xã hội từ đấy bắt đầu đổi khác. Ở đây, ta lấy tiêu chuẩn trên kia để giải thích như thế nào ? Nếu những tiêu chuẩn nói trên có thể áp dụng vào sự tiến triển bình thường, sự tiến triển biện chứng của hết thảy mọi xã hội, thì trong trường hợp có sự biến hóa xã hội do một yếu tố ngoại lai xen vào, ta cần coi đó là trường hợp đặc biệt và ta phải căn cứ vào những hiện thực đương thời để xét. Tuy nhiên, những yếu tố của tiêu chuẩn nói trên trong một phạm vi nào vẫn có tác dụng của nó. Trước nhất, ta thấy từ 1862, bắt đầu có những lực lượng sản xuất mới ở nước ta. Chủ nghĩa tư bản đặt chân tới và dìu chủ nghĩa phong kiến cùng tồn tại. Nhưng sự du nhập của chủ nghĩa tư bản ở ngoài vào không phải diễn ra một cách êm thấm, hòa bình. Một cuộc đấu tranh đã diễn ra giữa một bên là tầng lớp phong kiến yêu nước và một bên là chủ nghĩa tư bản Pháp và bọn phong kiến bán nước. Cuối cùng, chủ nghĩa tư bản xâm lược tạm thắng và đặt được nền thống trị trên đất nước ta. Như vậy, phải chăng có thể kết luận được rằng : tầng lớp phong kiến yêu nước là phản động còn chủ nghĩa tư bản Pháp xâm lược là chính nghĩa không ? Không, đến đây ta phải đứng trên địa hạt tiến triển chung của tình hình thế giới lúc bấy giờ mà xét và ta sẽ thấy lực lượng chống lại chủ nghĩa tư bản Pháp xâm lược là chính nghĩa, là tiến bộ còn lực lượng phi nghĩa, phản tiến bộ chính là chủ nghĩa tư bản Pháp xâm lược và bọn phong kiến phản động. Đứng về toàn bộ tình hình thế giới mà nói thì chủ nghĩa tư bản thế giới vào nửa cuối thế kỷ XIX đã tỏ ra phản động trong các nước tư bản và đối với các nước thuộc địa thì nó lại kìm hãm bước tiến của các nước này. Trong khi nghiên cứu những hiện tượng lịch sử, đáng lẽ chúng ta không được dùng tới tiếng nếu ; song để cho dễ nhận, ở đây chúng ta hãy cùng nhau đặt ra giả thuyết : nếu chủ nghĩa tư bản Pháp không xâm lược thì do sự tiếp xúc với thời kỳ máy móc, xã hội nước ta có tiến lên nhanh được không ? Nhất định là có thể tiến nhanh hơn, nếu không có chế độ thực dân kìm hãm xã hội nước ta lại ; nhất định là tiến nhanh hơn nếu tầng lớp phong kiến yêu nước thắng kẻ xâm lược, vì họ sẽ bắt buộc phải đẩy xã hội tiến lên để bảo vệ ngay địa vị thống trị của họ, và họ sẽ phải làm một cuộc cách mạng từ bên trên xuống như ta thấy trường hợp đã diễn ra trong lịch sử nước Nga năm 1861… Vì cần phải ngừa trước những hiểu lầm, nên chúng tôi đã trình bày qua về nhận định của chúng tôi về ý nghĩa bước chuyển của lịch sử nước ta năm 1862. Bước chuyển ấy không phải là bước chuyển biện chứng, nó là bước chuyển máy móc. Nó bắt đầu bằng sự thay đổi thượng tầng kiến trúc trong lúc cơ sở chưa chín mùi. Nhưng dầu sao, đây cũng là một bước chuyển trong lịch sử nước ta. Cho nên theo ý chúng tôi, có thể lấy năm 1862 làm cái mốc để phân chia thời kỳ phong kiến với thời kỳ thực dân và phong kiến. Chúng ta không thể coi năm 1862 như năm 111 trước công lịch được. Vì năm 111 trước công lịch, khi triều đình Tây Hán cướp nước ta thì tính chất xã hội nước ta không có gì đổi khác và mãi tới đầu thế kỷ thứ I, lực lượng sản xuất mới du nhập vảo nước ta ; còn từ 1862 thì phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tới ngay với bọn thực dân và quan hệ sản xuất đã có sự thay đổi. IV. KẾT LUẬN Trên đây chúng tôi đã giới thiệu một số ý kiến về tiêu chuẩn phân chia thời kỳ lịch sử nước ta của mấy bạn, đồng thời cũng giới thiệu tiêu chuẩn đã thành kết luận của các nhà sử học Liên xô, Ba lan và Bảo trong cuộc thảo luận từ cuối 1949 đến 1951. Chúng tôi cũng trình bày ý kiến của chúng tôi đối với việc phân chia những thời kỳ lịch sử của nước ta. Xã hội phong kiến ở nước ta tồn tại khá lâu dài, nó lại chia ra từng giai đoạn lớn mà chúng ta cần phân định cho đúng để cùng nhau góp phần vào việc soạn bộ sử Việt nam có giá trị. Việc phân chia thời kỳ lịch sử và các giai đoạn lớn của mỗi thời kỳ là một việc quan trọng đầu tiên của tất cả những ai muốn nghiên cứu lịch sử một nước. Nhưng việc ấy là một việc khó khăn. Nó đòi hỏi tài liệu tương đối đầy đủ, nó đòi hỏi người nghiên cứu có một quan điểm khoa học, nó đòi hỏi một sự thảo luận kỹ càng. Chúng tôi tự thấy rằng trong tay chưa có tài liệu đầy đủ ; đã thế lại đang lúc bắt đầu học tập khoa học lịch sử, nên những ý kiến trình bày ở trên cần được thảo luận và bổ sung thêm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mạnh dạn góp ý kiến của chúng tôi thêm vào những ý kiến của nhiều bạn về vấn đề này, mong rằng rồi đây, nhiều bạn khác sẽ xây dựng thêm vào việc phân chia các thời kỳ của lịch sử nướcta. MINH-TRANH BÀI HỊCH TƯỚNG SĨ CỦA TRẦN HƯNG ĐẠO VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ THỊNH CỦA CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN của TRẦN ĐỨC THẢO MỘT bài viết bằng Hán văn có thuộc về văn học Việt nam hay không, đó là một vấn đề phức tạp ; muốn giải đáp, phải đi sâu vào định nghĩa và quan niệm văn học nói chung : vì một mặt thì ngôn ngữ là yếu tố căn bản để định nghĩa một nền văn học dân tộc ; nhưng, một mặt khác, đấy không phải là một yếu tố độc nhất, và xét đến nội dung thì nếu không nhận bài Hịch của Trần Hưng Đạo vào văn học Việt nam thì cũng khó lòng mà đưa nó vào văn học Trung hoa. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, chúng tôi không có ý mở một cuộc thảo luận rộng rãi đến thế. Đây chỉ nhằm đi đến một nhận định cụ thể về giá trị bài Hịch tướng sĩ. Dù có được kể vào văn học Việt nam hay không, bài ấy cũng đánh dấu một bước quyết định trong công cuộc xây dựng tinh thần dân tộc, phản ánh một thời đại vinh quang trong lịch sử Việt nam. Vậy chúng ta hãy nhận đây là một tác phẩm thiên tài của văn hóa dân tộc, và đi vào nội dung cụ thể. Bài Hịch của Trần Hưng Đạo là một sản phẩm điển hình của tinh thần quốc gia phong kiến. Đứng về mặt giá trị tư tưởng, nó tỏ lòng ái quốc, tinh thần hy sinh và quyết chí tiêu diệt xâm lăng. Nhưng xét đến nội dung thiết thực và động cơ tư tưởng, thì chúng ta lại thấy biểu lộ một cách có thể nói là « trắng trợn », những ý nghĩ của một giai cấp chuyên môn bóc lột. Đành rằng đoạn đầu có nêu gương hy sinh của những anh hùng thời xưa, « bỏ mình vì nước », nhưng đến mấy đoạn sau lại thấy rõ cái « nước » đây chỉ được quan niệm như tổng số những thái ấp và bổng lộc của bọn phong kiến thống trị, mà chúng cần phải bảo vệ để hưởng một đời phú quí xa hoa với vợ con. Không có một câu nói đến những nỗi gian khổ của nhân dân, không được một câu biểu lộ tư tưởng cứu dân. Một thế kỷ rưỡi về sau, Nguyễn Trãi mở đầu bài Bình Ngô đại cáo, lấy ngay dân sinh làm lý do biện chính quyền thống trị của giai cấp phong kiến dân tộc : « Làm điều nhân nghĩa cốt ở yên dân, Muốn cứu dân, phạt tội, phải trừ kẻ tàn bạo ». Những mối lo lắng của Trần Hưng Đạo kêu gọi tướng sĩ, qui lại chỉ là sợ mất địa vị bóc lột nhân dân : « Đến lúc bấy giờ, thày trò ta bị bắt, đau đớn lắm thay ! Chẳng những thái ấp của ta bị tước, mà bổng lộc của các ngươi cũng về tay kẻ khác ». Đây thật là tư tưởng phong kiến thuần túy. Tuy nhiên chúng ta vẫn thông cảm với những lời cương quyết của vị anh hùng, đại diện cho tinh thần bất khuất của dân tộc. Đọc bài Hịch của Trần Hưng Đạo, chúng ta lại nhớ lại cuộc kháng chiến anh dũng của toàn dân chống giặc Nguyên. Và hình ảnh chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong lịch sử lại là một nguồn cảm xúc chân chính, củng cố lập trường dân tộc bây giờ. Sở dĩ như thế, căn bản là vì trong một thời gian, quyền lợi của giai cấp phong kiến còn phù hợp với quyền lợi của nhân dân, nhà nước phong kiến đã lãnh đạo một cách xứng đáng cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Nhưng đó mới là lý luận một cách chung chung. Cần phải đi vào nội dung cụ thể, và phân tích toàn bộ xã hội phong kiến đương thời và nguyên nhân giá trị chân chính của bài Hịch tướng sĩ. I. XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN THỊNH CỦA CHỂ ĐỘ PHONG KIẾN Để nhận định rõ về tính chất xã hội phong kiến đời Trần sơ, chúng ta phải nhắc sơ qua quá trình phát triển của chế độ phong kiến dân tộc. 1) Quý tộc và nhân dân trong công cuộc xây dựng chính quyền quốc gia Trong thời Bắc thuộc, giai cấp phong kiến Việt nam lúc đầu xuất hiện như một ngành phụ của giai cấp phong kiến thực dân, nhưng dần dần củng cố quyền lợi riêng và xây dựng địa vị dân tộc, nhờ phong trào nhân dân chống chế độ quan lại thực dân. Đến khi công trình giải phóng dân tộc thành công, do mười thế kỷ đấu tranh anh dũng của nhân dân, bọn phong kiến dân tộc trở thành giai cấp thống trị và chia nhau đất nước. Chế độ phong kiến Việt nam xuất hiện dưới hình thức sơ kỳ, tức là hình thức lãnh chủ : một phần lớn ruộng đất bị tập trung trong những thái ấp dưới quyền chiếm hữu của lãnh chủ bóc lột nông nô và gia nô. Nhờ cơ sở kinh tế tự túc tự cấp và quyền hành vô kiểm soát đối với nông nô và gia nô, bọn lãnh chủ có tổ chức võ trang và nắm quyền tự trị địa phương. Tất nhiên quyền tự trị đó cũng là tương đối, vì bọn lãnh chủ nhỏ phải thần phục bọn lãnh chủ lớn. Nhưng bọn này, có quân đội mạnh, trở nên bá chủ từng khu vực quan trọng và tranh giành nhau đất nước : đây là thời kỳ Thập nhị sứ quân. Nhưng vì cuộc chiến thắng của dân tộc, đánh đổ chế độ quan lại thực dân, đã phá bớt một tầng áp bức bóc lột, và giải phóng sức sản xuất của toàn bộ xã hội, những tầng lớp bình dân cũng được phát triển. Những tầng lớp này gồm những nông dân tự do, thợ và chủ thủ công, thương nhân và tiểu địa chủ bóc lột tá điền. Lãnh chủ bóc lột nông nô hay địa chủ bóc lột tá điền cũng đều là phong kiến bốc lột tô. Nhưng bọn địa chủ thường thì không có đặc quyền chính trị và tổ chức võ trang, vậy dễ bị bọn quý tộc áp bức. Đặc biệt là bọn tiểu địa chủ trong thời phong kiến lãnh chủ, phải coi như là một tầng lớp bình dân. Những tầng lớp nông dân tư hữu (bần, trung, phú nông) và tiểu địa chủ, tuy nói chung vẫn sống theo kiểu gia đình tự túc, tự cấp, và trao đổi trong phạm vi thôn xã, nhưng vì tổ chức tiểu qui mô, ít nhiều cũng phải mang nông phẩm ra chợ để đổi lấy công phẩm. Họ là cơ sở phát triển của công thương nghiệp tư nhân. Tức là lực lượng của quần chúng nhân dân là lực lượng của kinh tế hàng hóa, thúc đẩy luồng giao thông vận tải giữa các địa phương, và làm vỡ lở tổ chức tự chủ hẹp hòi của những thái ấp phân tán. Quyền lợi của những người bình dân đòi hỏi một chính quyền quốc gia bảo đảm tự do trao đổi hàng hóa trong toàn quốc và an ninh trong xã hội nói chung. Mâu thuẫn căn bản giữa kinh tế hàng hóa và kinh tế thái ấp phát hiện trong cuộc đấu tranh giữa quần chúng nhân dân và bọn lãnh chủ địa phương chủ nghĩa. Cứ xét tương quan lực lượng giữa triều đình và bọn quý tộc địa phương, thì rõ ràng rằng bản thân nhà vua cũng chỉ là một chúa phong kiến giữa những chúa phong kiến khác, vậy dù có nhiều thái ấp hơn, cũng không đủ sức để thống trị bọn chúa kia, nếu không dựa vào quần chúng nhân dân. Thực tế thì lực lượng quyết định, bảo đảm uy thế của chính quyền quốc gia, chính là lực lượng của mọi tầng lớp bình dân, chủ yếu là nông dân tự do, đóng thuế, đi phục dịch và đi lính cho triều đình. Bọn lãnh chủ quý tộc thì dựa vào chế độ chiếm hữu nông nô và gia nô để giữ quyền tự trị địa phương và tổ chức quân đội riêng. Nông nô và gia nô không có tên trong sổ trưởng tịch : họ là cơ sở riêng của mỗi lãnh chủ. Bộ đội của nhà nước căn bản là một bộ đội nông dân tự do bảo vệ nền dân tộc thống nhất chống những âm mưu chia rẽ của bọn lãnh chủ quý tộc. Vì thế mà nhà Lý, tổ chức cơ sở của chính quyền quốc gia, đã cấm không cho tư nhân mua hoàng nam tức là dân tự do từ 18 tuổi. Nếu để bọn lãnh chủ biến họ thành nông nô hay gia nô thì họ không còn nhiệm vụ đối với triều đình nữa. Rõ ràng rằng quan hệ giữa chính quyền quốc gia trung ương và uy quyền phong kiến địa phương là được xây dựng trên quan hệ giữa quần chúng nhân dân và giai cấp lãnh chủ quý tộc. Tất nhiên cuộc đấu tranh của mọi tầng lớp bình dân chống bọn quý tộc địa phương chủ nghĩa, lại dựa vào cuộc đấu tranh sâu hơn nữa của nông nô và gia nô chống chế độ phong kiến lãnh chủ. Chính những nông nô và gia nô không chịu được ách áp bức bóc lột của bọn lãnh chủ và trốn khỏi các thái ấp, là một nguồn lực lượng luôn luôn tăng cường quần chúng nhân dân và là đội quân tiền phong trong những cuộc bạo động. Vậy chúng ta có thể nói rằng : mâu thuẫn chính thúc đẩy cuộc tiến hóa của xã hội phong kiến sơ kỳ, đưa đến quốc gia tập quyền, là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân, chủ yếu là nông dân, tự do và không tự do, và giai cấp lãnh chủ quý tộc. Sự nghiệp thống nhất dân tộc là sự nghiệp của nhân dân. * 2) Kinh tế thái ấp và kinh tế hàng hóa phát triển song song trong giai đoạn thịnh của chế độ phong kiến Tuy nhiên, trong giai đoạn thịnh của chế độ phong kiến, mâu thuẫn nói trên vẫn bị thống nhất dưới quyền thống trị của bọn lãnh chủ quý tộc. Từ đời Thập nhị sứ quân, những tầng lớp bình dân càng ngày càng phát triển, gây cơ sở thống nhất quốc gia, làm giảm bớt uy quyền của bọn quý tộc, nhưng bọn này vẫn giữ cơ sở địa phương, những thái ấp lớn và đặc quyền chính trị. Đời nhà Trần, bọn vương hầu vẫn có quân đội riêng, đồng thời lại giữ đặc quyền được bổ vào những trọng chức trong triều đình và được đi trấn những địa phương quan trọng. Tức là chế độ căn bản vẫn giữ tính chất phân quyền, giai cấp thống trị vẫn là giai cấp lãnh chủ quý tộc. Đến đời nhà Lê, các tầng lớp bình dân đã lên mạnh, kinh tế thái ấp hết tác dụng tích cực, chế độ lãnh chủ bóc lột nông nô phải nhường chỗ cho chế độ địa chủ bóc lột tá điền, một hình thức suy đồi của chế độ phong kiến. Bộ máy nhà nước không còn ở trong tay bọn quý tộc địa phương, nhưng được tập trung dưới quyền tuyệt đối của nhà vua : tức là dưới áp lực của nhân dân, giai cấp phong kiến đã phải bỏ một số đặc quyền chính trị địa phương chủ nghĩa, và công nhận nền dân tộc thống nhất ; đồng thời chúng lại tập trung lực lượng để cố bám lấy chính quyền và kéo dài một chế độ suy đồi dưới hình thức quốc gia tập quyền. Chế độ nhà Trần chưa phải là tập quyền, nó còn là một hình thức quân chủ phong kiến phân quyền, sắp chuyển sang tập quyền. Nghĩa là bộ máy nhà nước xây dựng trên cơ sở nhân dân, với tác dụng là trấn áp những xu hướng chia rẽ của bọn quý tộc địa phương, lại vẫn nằm trong tay bọn này. Chế độ phong kiến còn ở trong thời kỳ thịnh, và bọn lãnh chủ còn đủ sức để thống nhất những mâu thuẫn trong xã hội và lãnh đạo công trình xây dựng lực lượng dân tộc và chiến đấu chống ngoại xâm. Sở dĩ như thế là vì kinh tế thái ấp hãy còn tác dụng thúc đẩy sự phát triển của sức sản xuất. Từ ngày giải phóng, dưới quyền lãnh đạo của giai cấp phong kiến lãnh chủ, nông nghiệp luôn luôn tiến bộ, nhiều công trình thủy lợi được thực hiện, diện tích giồng giọt được mở rộng, công thương nghiệp càng ngày càng phát đạt. Trong cuộc phát triển chung của sức sản xuất, bọn thống trị chiếm nhiều lời nhất, nhưng các tầng lớp bình dân cũng được một phần, tức là càng ngày càng lên. Nhà Lý còn phải bảo hộ dân tự do bằng cách cấm không cho mua hoàng nam. Đến nhà Trần thì không thấy nói đến lệnh cấm ấy nữa. Chúng ta có thể hiểu rằng hết nhà Lý thì quần chúng nhân dân đã khá mạnh, nhà nước phong kiến không cần phải bảo hộ họ nữa, thậm chí còn có xu hướng thu dụng những phần tử mạnh dạn nhất, tức là những đám dân nghèo lưu vong và biến họ thành nông nô hay gia nô, để tránh những cuộc bạo động. Sở dĩ mà còn dùng được phương pháp đó, cũng là vì kinh tế thái ấp còn khả năng phát triển song song với sức sản xuất của xã hội. Đời Trần sơ là thời kỳ toàn thịnh của chế độ phong kiến dân tộc. Một mặt thì tổ chức thái ấp được sử dụng triệt để bằng cách khuyến khích bọn vương hầu, công chúa, phò mã triệu tập những dân nghèo lưu vong làm nô tỳ để khai khẩn đất hoang và lập thành biệt trang. Một mặt khác thì việc mở rộng thành Thăng long và tổ chức các phố xá thành 61 phường chuyên nghiệp chứng minh bước tiến bộ của kinh tế hàng hóa. Hệ thống đê điều được xây đắp lần đầu tiên trên sông Nhị, sông Mã và sông Chu, chứng minh cụ thể sự phát triển nhanh chóng của toàn bộ nền sản xuất dân tộc. Tức là lực lượng nhân dân tuy đã lên cao nhưng chưa đi đến chỗ đối kháng sắc bén với chế độ thái ấp. Quyền lợi của nhân dân và quyền lợi của giai cấp thống trị tuy căn bản là đối lập, nhưng đồng thời lại được thống nhất một cách chặt chẽ : đó là điều kiện chủ yếu đã gây tinh thần đoàn kết cao độ trong dân tộc trước những cuộc xâm lăng của giặc Nguyên. * 3) Tác dụng của chế độ phong kiến lãnh chủ trong lịch sử dân tộc Đây lại xuất hiện một vấn đề khó khăn. Theo nhận xét thông thường thì xã hội Việt nam cuối thời Bắc thuộc đã đi đến một hình thức phong kiến tập quyền, với bộ máy cai trị của bọn quan lại thực dân. Vậy đúng lẽ thì sau khi phong trào giải phóng dân tộc thành công, sức sản xuất cũng được giải phóng, cuộc tiến hóa phải kết thúc giai đoạn lãnh chủ bóc lột nông nô, củng cố bộ máy tập quyền, đào sâu mâu thuẫn giữa kinh tế hàng hóa và kinh tế địa chủ, và qua những cuộc nông dân khởi nghĩa, hạn chế chế độ bóc lột tô. Đây trái lại, bọn phong kiến dân tộc lại phát triển kinh tế thái ấp, lập một chế độ lãnh chủ quý tộc phân quyền, chế độ này căn bản lại được duy trì đến nhà Trần. Vậy cứ xét hình thức bề ngoài thì hình như phong trào giải phóng dân tộc, một khi đã thành công, lại đưa xã hội vào một bước lùi. Nhưng nếu thế thì vì đâu mà chế độ phong kiến dân tộc, chính trong giai đoạn phân quyền của nó, lại có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của sức sản xuất ? Tuy tài liệu còn rất thiếu sót nhưng đây cũng có thể đề ra một vài ý kiến để thảo luận. Theo ý chúng tôi thì bộ máy tập quyền của bọn quan lại thực dân chỉ là một hiện tượng nông cạn, không thể nào định nghĩa thực chất của xã hội Việt nam cuối thời Bắc thuộc. Đành rằng xung quanh những phủ và đồn thực dân, những thái ấp phong kiến đã phát triển, đồng thời cũng đã xuất hiện một số nông dân tư hữu, nhưng không có lý do gì cho phép chúng ta nói rằng xã hội cũ đã bị phá bỏ ở cơ sở nông thôn, xa những nơi trung tâm của bộ máy cai trị thực dân. Tất nhiên ở miền núi thì bọn tù trưởng vẫn giữ nguyên chế độ trước, hiện giờ còn kéo dài ở nhiều vùng thiểu số, đặc biệt là ở những khu vực người Mường. Nhưng ngay ở đồng bằng, sự thay đổi theo ý chúng tôi, cũng còn hời hợt. Đây phải xét lại sơ qua quá trình tiến triển của xã hội Việt nam từ đời lạc hầu, lạc tướng. Xã hội Việt nam trước thời Bắc thuộc là một xã hội thị tộc tan rã, tiền nô lệ. Tức là trong đó đã có nhiều nô lệ, nhưng quan hệ chiếm hữu nô lệ chưa phải là quan hệ sản xuất chính, chế độ xã hội chưa phải là chế độ chiếm hữu nô lệ. Trạng thái của sức sản xuất chưa cho phép thoát khỏi phạm vi chế độ thị tộc nói chung. Trong những công cụ đào được ở Đông sơn, và thuộc về thời đó, đã có một vài lưỡi cuốc và thuổng bằng đồng, nhưng chưa có lưỡi cày. Một mặt khác thì sử cũ cũng chép rằng đến đời Tích quang, Nhâm diên, dân Giao chỉ, Cửu chân mới bắt đầu biết cày bằng trâu bò. Tức là đến đầu công nguyên sức sản xuất còn ở tình trạng nông nghiệp sơ kỳ, giồng giọt bằng cuốc thuổng. Vậy trước thời Bắc thuộc, chế độ nước Âu Lạc chỉ có thể là một chế độ quân chủ bộ lạc, vì chưa có cơ sở để đặt một bộ máy nhà nước chiếm hữu nô lệ, đánh đổ những giới hạn hẹp hòi của chế độ thị tộc. Trong lịch sử thế giới, bộ máy nhà nước chiếm hữu nô lệ là xây dựng trên cơ sở nông nghiệp phát triển, nhờ kỹ thuật cày bằng trâu bò. Tức là trước thời Bắc thuộc, chế độ sở hữu vẫn còn ở trong phạm vi thị tộc, tuy thực tế thì quyền sở hữu cộng đồng của thị tộc chỉ còn là một hình thức, và bọn tộc trưởng và gia trưởng đã chiếm quyền phân phối và sử dụng của công như của riêng. Vì chính cái quyền chiếm đoạt đó vẫn còn dựa vào cơ sở thị tộc, tức là dựa vào quan hệ liên đới cộng đồng giữa dân trong thị tộc. Quan hệ liên đới này vẫn là quan hệ căn bản trong xã hội và hạn chế phương thức sản xuất một cách rất là chặt chẽ. Ruộng đất của mỗi thị tộc được tổ chức thành một hay một số công xã tự chủ, dưới quyền chiếm đoạt của bọn tộc trưởng và gia trưởng. Đồng thời vì sức sản xuất đã phát triển đến kỹ thuật đồ đồng, và nhờ đó đã phát sinh một luồng trao đổi giữa các địa phương, bọn gia trưởng và tộc trưởng cũng có tổ chức cống nạp cho bọn lạc hầu, lạc hướng, lạc vương. Nhưng cơ sở sản xuất vẫn bị hạn chế trong phạm vi làng xã, và bọn tộc trưởng và gia trưởng lại bảo vệ quyền tự trị của chúng bằng cách cản trở sự giao thông trao đổi và duy trì kỹ thuật sản xuất trong trạng thái cựu truyền. Đến đời nhà Hán ở Trung hoa, thương mại quốc tế phát triển trên thế giới, bờ biển Việt nam thành một trung tâm đi lại và trao đổi hàng hóa giữa Trung hoa, Mã lai, Ấn độ, và Tây phương. Đó là điều kiện căn bản để thúc đẩy sự phát triển của sức sản xuất và phá vỡ những giới hạn hẹp hòi của chế độ thị tộc. Nhưng đồng thời bọn quan lại Trung hoa lại đến chiếm đất nước và đặt một chế độ thực dân, cản trở cuộc tiến hóa của xã hội Việt nam. Lúc đầu thì chúng giữ nguyên tổ chức lạc hầu, lạc tướng để bắt bọn này cống nạp người của cho chúng. Chế độ chiếm hữu nô lệ, bấy giờ đã đến thời kỳ toàn thịnh ở Trung hoa9sát nhập vào đất Giao chỉ, Cửu chân một cách rất là hạn chế, tức là nói chúng vẫn duy trì những giới hạn hẹp hòi của phương thức sản xuất cũ. Đến đời Tích quang và Nhâm diên, bọn thực dân mới bắt đầu đặt cơ sở điền trang bằng cách cướp ruộng công xã. Nhưng sự thay đổi còn rất là hời hợt, không xứng đáng với những đòi hỏi phát triển của sức sản xuất, đồng thời lại tăng cường phương thức áp bức bóc lột và uy hiếp trực tiếp nhân dân thị tộc. Nhưng những đám nô lệ mới đã vùng dậy, lôi cuốn các thị tộc dưới sự lãnh đạo của hai Bà Trưng, và sau cuộc khởi nghĩa đó, bọn quan lại thực dân đã bắt buộc phải bãi bỏ quyền thống trị của bọn lạc hầu, lạc tướng và đặt một bộ máy cai trị thống nhất đến cấp huyện. Từ đấy bọn chủ nô và sau này là phong kiến thực dân, và tay sai của chúng tiếp tục chiếm đoạt ruộng đất của các thị tộc xung quanh những trung tâm hành chính và quân sự của chế độ thống trị. Nhưng ngoài những khu vực đó, thì tổ chức công xã vẫn được bảo tồn vì bọn quan lại thực dân dựa vào đấy để bóc lột nhân dân và các địa phương. Một khi đã đánh đổ bọn lạc hầu, lạc tướng, chúng lại trực tiếp lợi dụng cơ sở của bọn này ở các làng xã, tức là bắt bọn tộc trưởng và gia trưởng đi thu thuế, bắt phu, bắt lính, bắt nô lệ cho chúng. Tất nhiên trong quá trình tiến triển, bọn chủ nô và phong kiến dân tộc cũng dần dần lấn về các địa phương, nhưng chưa đi đến chỗ biến chất cơ sở xã hội địa phương nói chung. Chế độ công xã càng ngày càng tan rã nhưng căn bản vẫn được duy trì : bằng chứng là đến cuối thời Bắc thuộc, bộ máy thực dân vẫn chỉ có tổ chức ở cấp huyện, tức là vẫn sử dụng tổ chức thị tộc ở xã. Mãi đến đời Khúc Hạo mới thấy chép đến việc đặt lệnh trưởng ở xã, và đấy cũng là bước đầu của chế độ phong kiến dân tộc. Nói tóm lại, trong thời Bắc thuộc, xã hội Việt nam có chuyển sang chế độ phong kiến phần nào mà sự biến chuyển đó liên quan với quyền lợi thực dân. Một mặt khác thì giai cấp phong kiến dân tộc đã dựa vào những cuộc khởi nghĩa của nhân dân để phát triển ít nhiều, nhưng sự thay đổi nói chung còn là nông cạn, chưa đi sâu vào cơ sở địa phương. Xét đến căn bản và toàn bộ, chế độ quan lại thực dân đã cản trở sự phát triển của sức sản xuất, kìm hãm cuộc tiến hóa của xã hội. Đến khi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt nam kết hợp với phong trào nông dân Trung hoa, đã giải phóng đất nước, chế độ thị tộc còn tồn tại ở các làng xã tất nhiên cũng phải sụp đổ. Vì chế độ ấy, từ lâu đã hoàn toàn mâu thuẫn với trạng thái của sức sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật đồ sắt và cày bằng trâu bò, và sở dĩ nó đã kéo dài đến thế, cũng chỉ là vì nó đã được bọn quan lại thực dân bảo thủ. Trong điều kiện lịch sử bấy giờ, công cuộc giải phóng sức sản xuất phải thông qua một hình thức phong kiến lãnh chủ. Cuối thời nhà Đường, nhân dân Trung hoa nổi dậy khắp nơi, chống triều đình thối nát, nhân dân Việt nam cũng khởi nghĩa và đập tan chế độ thực dân. Bọn phong kiến Việt nam, nhờ đó thoát khỏi ách đô hộ của bọn quan lại Trung hoa, lại lợi dụng ngay tình hình rối ren, và trong hai chục năm, cuối thế kỷ thứ IX và đầu thế kỷ thứ X, đua nhau cướp ruộng của các công xã, biến một phần dân thị tộc thành nông nô hoặc gia nô. Và để củng cố quyền áp bức bóc lột của chúng, chúng lại cấu kết với bọn thực dân cũ : năm 906, Khúc thừa Dụ dựa vào phong trào nhân dân lên cầm quyền, nhưng lại nhận chức Tiết độ sứ, tức là một chức thực dân, vì còn muốn duy trì bộ máy cai trị cũ. Nhưng ở các địa phương, cuộc đấu tranh của nhân dân giải phóng dân tộc đã đánh đổ những giới hạn hẹp hòi của tổ chức công xã thị tộc. Khúc Hạo, lên thế cha làm Tiết độ sứ không thể dựa vào cơ sở cũ của chính quyền thực dân, tức là uy thế của bọn tộc trưởng, gia trưởng, vậy đã phải đặt lệnh trưởng ở xã, để thu hút trong khuôn khổ chế độ phong kiến những sức sản xuất mới được giải phóng, và bảo đảm những quyền lợi mà bọn phong kiến dân tộc mới chiếm đoạt ở các địa phương. Nhờ cơ sở được xây dựng ở cấp xã, giai cấp phong kiến dân tộc lên mạnh và có đủ sức để lãnh đạo phong trào nhân dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau khi Khúc thừa Mỹ thất bại trước giặc Nam Hán, Dương diên Nghệ nổi dậy hiệu triệu nhân dân đánh đuổi bọn xâm lăng. Họ Dương lên cầm quyền cũng chỉ tự xưng là Tiết độ sứ, tức là vẫn còn dựa vào lớp quan lại trước. Nhưng vì bọn này càng ngày càng bị thế kém trước sự phát triển của giai cấp phong kiến dân tộc, chúng đã phản lại chính quyền mới, âm mưu lập lại chế độ thực dân : Kiều công Tiễn giết Dương diên Nghệ, cướp lấy chính quyền và xin thần thuộc nhà Nam Hán. Nhưng từ mấy chục năm, chế độ phong kiến dân tộc đã bắt rễ sâu bền trong đất nước : Ngô Quyền nổi dậy giết Kiều công Tiễn, lãnh đạo toàn dân bảo vệ tổ quốc và tiêu diệt giặc xâm lăng ở sông Bạch đằng. Sau cuộc chiến thắng lịch sử của dân tộc, bọn quan lại thực dân cũ đã hết ảnh hưởng, giai cấp phong kiến Việt nam xác định lập trường độc lập : họ Ngô xưng vương, đóng đô ở Loa thành, địa điểm cũ của An dương vương, và đặt quan chế, lễ nghi theo truyền thống các triều Trung hoa. Nhưng cùng thời với lớp quan lại cũ, thực chất của bộ máy cai trị tập quyền đã bị tan rã. Vì bộ máy này trước kia là dựa vào lực lượng ngoại tộc, bây giờ lại không có cơ sở trong nước. Với những sức sản xuất còn lạc hậu, mới thoát khỏi những cản trở hẹp hòi của chế độ thực dân thị tộc, kinh tế quốc dân phải trải qua một giai đoạn phát triển những đại điền trang phong kiến. Trên cơ sở đó, chỉ có thể xây dựng một chế độ lãnh chủ phân quyền. Vậy bộ máy nhà nước mà họ Ngô đặt ra chỉ là một hình thức nông cạn, dựa vào uy tín cá nhân của vị anh hùng dân tộc. Và đến lúc Ngô Quyền chết thì bọn thổ hào nổi dậy vùng vẫy khắp nơi, gây tình trạng cát cứ đời Thập nhị sứ quân. Xem như thế thì giai cấp phong kiến dân tộc tuy có trách nhiệm lãnh đạo, nhưng căn bản là không có tinh thần đấu tranh triệt để, và luôn luôn tìm cách thỏa hiệp với chế độ cũ. Sở dĩ chúng đã đi đến lập trường độc lập là vì đến một lúc nào đấy chúng đã chiếm đoạt nhiều quyền lợi quá, vậy không thể nào dũng túng được bọn thực dân nữa. Mà một khi công cuộc giải phóng dân tộc thành công, nhờ công trình đấu tranh bền bỉ của nhân dân, bọn phong kiến thống trị cũng chỉ biết đua nhau chia xẻ đất nước. – Tuy nhiên kinh tế thái ấp có tính cách tiến bộ đối với kinh tế thị tộc. Đành rằng bộ máy cai trị tập quyền bị phá vỡ, nhưng căn bản là nông nghiệp ở các làng xã được phát triển. Vì chế độ quan lại thực dân bảo tồn tổ chức thị tộc, chế độ lãnh chủ dân tộc là hình thức tất yếu để giải phóng sức sản xuất. Đây cũng phải nhận rõ : công trình giải phóng sức sản xuất căn bản là ở phong trào nhân dân đánh đổ chế độ thực dân, làm chế độ thị tộc ở xã mất chỗ dựa. Nhưng công cuộc giải phóng phải thông qua hình thức lãnh chủ. Với trạng thái của sức sản xuất lúc bấy giờ, nông dân chưa có thể tổ chức nông nghiệp tự canh thành phương thức sản xuất chính, để thế vào phương thức sản xuất thị tộc. Mà chính trong quá trình chiếm đoạt của bọn phong kiến dân tộc, lợi dụng tình hình rối loạn để cướp ruộng đất thị tộc, quan hệ liên đới cộng đồng thị tộc lại bị phá hủy. Một phần dân thị tộc thì bị bắt làm nông nô hay gia nô, nhưng phần còn lại đã trở thành nông dân tự do trong xã hội phong kiến, và đặt cơ sở để phát triển kinh tế hàng hóa, thống nhất dân tộc và xây dựng quốc gia. Tức là hình thức phong kiến lãnh chủ lúc bấy giờ là hình thức phát triển của lực lượng dân tộc nói chung, và đó là tác dụng của nó trong lịch sử. Nhưng tất nhiên đấy cũng còn là hình thức. Vì xét đến cơ sở và nội dung, thì vai trò quyết định là ở cuộc đấu tranh bền bỉ của nhân dân lao động giải phóng đất nước và mở đường phát triển cho những sức sản xuất của xã hội. TRẦN ĐỨC THẢO (Sẽ đăng tiếp : II. Bài Hịch tướng sĩ và vai tròn anh hùng dân tộc) GIỚI THIỆU BÀI THƠ « CHIM TRONG LỒNG » CỦA QUẬN HE của VĂN-PHONG NHIỀU người thường phàn nàn : kho tàng văn học của Việt-nam ta trước kia nghèo quá. Câu kết luận ấy, chúng tôi tưởng rằng quá vội vàng. Một dân tộc đã từng có hai ngàn năm lịch sử chiến đấu để xây dựng đất nước của mình nhất định phải có một đời sống rất phong phú, và đời sống phong phú ấy tất phải được biểu hiện ra ở văn học. Kho tàng văn học ấy hiện nay như thế nào ? Cứ nhìn vào những cái sẵn có thì quả là nghèo nàn thật. Nhưng hầu như chúng ta quên mất rằng : có rất nhiều hạt ngọc của văn học Việt nam trước kia mà hiện nay ta còn cần tìm kiếm vì nó đã bị vùi lấp đi trong thời chế độ phong kiến thống trị, trong ngót 100 năm thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nhiệm vụ của những nhà quan tâm đến văn học nước ta ngoài công việc tìm hiểu cho thấu đáo những tác phẩm sẵn có, còn là tìm kiếm, giới thiệu những hạt ngọc hiện nay đã bị bỏ quên, hoặc còn đang rải rác trong khắp nước đất nước ta chưa thu thập lại được. Nếu chúng ta cùng nhau ra công tìm kiếm rồi tìm hiểu nền văn học của dân tộc ta, thì theo ý kiến riêng của chúng tôi, kho tàng văn học của Việt nam nhất định không phải là quá nghèo nàn như chúng ta tưởng. Nghĩ như vậy nên chúng tôi lục xem trong kho tàng văn học của ta, có những bài thơ, bài hịch của các lãnh tụ nông dân không ? Chúng tôi đã tìm được một bài thơ của Quận He, một bài hịch của Nguyễn Nhạc và một bài hịch của Nguyễn Huệ. Hôm nay, chúng tôi giới thiệu với các bạn bài thơ « chim trong lồng » của Quận He, đồng thời, thử tìm hiểu bài thơ ấy và trình bày ý kiến với các bạn. Đây là nguyên văn bài thơ : CHIM TRONG LỒNG Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu10 Vạn lý phong vân cử mục tần11 Hỏi sao sao lụy cơ trần ? Bận tài bay nhẩy sót thân tang bồng. Nào khi vỗ cánh rỉa lông. Hót câu thiên túng12trong vòng lao lung13 Chim oanh nọ vẫy vùng dậu bắc14 Đàn loan kia túc tắc cành Nam15 Mặc bay đông ngữ tây đàm16 Chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung17 Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán18 Phá vòng vây bạn với Kim ô19 Giang sơn khánh diệc tri hồ ?20 Bài thơ này có dùng một số chữ Trung quốc và một ít điển cố. Để các bạn dễ hiểu nội dung của nó, chúng tôi xin giải thích những chữ Trung quốc và những điển cố ấy như sau : Đây là bài thơ làm ra trong khi tác giả đang bị bắt giam để đợi ngày ra pháp trường xử chém. Đọc hết cả bài, ta có thể cảm thấy thấm thía cái khí phách của một anh hùng nông dân trong thế kỷ thứ 18 ở ta, cái khí phách của một người chiến sĩ tha thiết với tự do, tin tưởng ở tự do và không bao giờ tuyệt vọng. Ý nghĩ của anh hùng một thời, trong phạm vi nào đó là kết tinh ý nghĩ của nhân dân một thời cho nên đây cũng là khí phách của nhân dân ta trong thế kỷ thứ 18, một thế kỷ mà làn sóng nông dân ở nước ta đã cuồn cuộn dâng lên mãnh liệt quét hết cả ngai vàng của chúa Trịnh vua Lê ở Bắc và hất bọn chúa Nguyễn ở phía Nam ra bể khơi. Trong những vị anh hùng nông dân lúc bây giờ, Quận He tức Nguyễn hữu Cầu là một người kiện xuất. Quận He tức Nguyễn hữu Cầu là người xã Lôi động, huyện Thanh Hà, trấn Hải dương sinh ra ngày nào ta không rõ nhưng biết rằng vào đầu thế kỷ thứ 18. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, thuở nhỏ có được đi học và là một người học trò giỏi. Lớn lên, ông lãnh đạo phong trào nông dân chống lại chế độ vua Lê chúa Trịnh trong 10 năm, tung hoành ở miền Hải dương và lân cận. Năm 1750, ông bị kẻ thù bắt được và bị chém. Trong khi ở ngục, ông đã làm ra bài thơ giới thiệu ở trên. Có hiểu qua xã hội nước ta trong đầu thế kỷ thứ 18 thì mới hiểu rõ tinh thần của bài thơ, và ngược lại, đọc thơ văn lúc bấy giờ, ta càng hiểu rõ hơn xã hội đương thời. Vậy xã hội đương thời như thế nào ? Cuộc chiến tranh phong kiến giữa Trịnh và Nguyễn vẫn tiếp diễn. Hai chúa phong kiến gầm ghè nhau, vơ vét nhân lực và tài lực trong địa phương mà chúng thống trị để hòng tiêu diệt lẫn nhau, mưu nắm lấy bá quyền trên bờ cõi nước ta. Tất cả các tầng lớp nhân dân, bị điêu đứng khốn khổ vì chính sách của chúng. Nạn nông dân bỏ làng mạc lưu vong rất phổ biến. Thợ thủ công và thợ các mỏ không có kế sinh nhai. Nhà buôn bị làm khó dễ trong việc buôn bán. Cho đến khi cả tầng lớp nho sĩ cũng không yên tâm được vì không còn hòng dùng ngòi bút để tìm đường tiến thân mà phải dùng tiền bạc đút lót quan trường mới may ra thi đỗ. Nói tóm lại, tất cả các tầng lớp nhân dân đều khao khát một sự đổi mới, một cuộc giải phóng, một cuộc sống tự do. Họ nhìn thấy chế độ đương thời quá chật hẹp đối với bản thân họ. Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu. Cái lồng trời đất trong khuôn khổ vua Lê chúa Trịnh không dung được đời của mỗi người dân, càng không thể dung được thân của người anh hùng như Quận He. Nó hẹp hòi, nó làm cho người ta nghẹt thở. Vì vậy nguyện vọng của nhân dân, của Quận He là ở ngoài cái lồng chật hẹp ấy, là phá bỏ cái lồng ấy đi, để hút thở cái không khí tự do, để phóng mắt nhìn ra những mây, gió hàng vạn dậm : Vạn lý phong vân cử mục tần ; Đó là cái tự do mà người anh hùng nông dân và toàn thể nhân dân trong thế kỷ 18 vẫn khát khao mong ước. Không phải họ chỉ khát khao mong ước suông, họ bắt tay vào hành động để thực hiện nguyện vọng ấy. Phong trào Quận He, Quận Hẻo, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Hoàng công Chất chính là những hành động ấy. Nhưng trong điều kiện xã hội lúc bấy giờ, một giai cấp tiền tiến có khả năng lãnh đạo thực hiện nguyện vọng của nhân dân chưa xuất hiện, cho nên phong trào nông dân cuối cùng bị thất bại và lãnh tụ nông dân cuối cùng bị bắt và bị xử tử. Trong ngục thất của chúa Trịnh vua Lê, người anh hùng lãnh tụ nông dân tự hỏi về lẽ thất bại « Hỏi sao, sao lụy cơ trần » đã làm cho « tài bay nhảy » của mình bị vướng, làm cho « thân tang bồng » bị giam hãm. Nhưng Quận He không thất vọng ; không một chút nào bi quan tuyệt vọng. Tác giả ôn lại quãng đời : Nào khi vỗ cánh rỉa lông và ngay « trong vòng lao lung », tác giả vẫn ca bài ca thiên túng bài ca tự do, vẫn ôm ấp nguyện vọng của mình. Những lúc ấy, tác giả nghĩ đến bọn Phạm đình Trọng, bọn quan lại đang hèn hạ quì gối làm tay sai cho chúa Trịnh đàn áp nông dân đang mỉa mai những chiến sĩ làm việc cho dân. Tác giả bị giam cầm nhưng vẫn hát bài ca thiên túng ; còn bọn quì gối kia tuy tự do song có khác gì trong dậu ? Lời của chúng có gì đáng đếm xỉa tới. Cho nên : Mặc bay đông ngữ tây đàm còn tác giả thì : Chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung. Cái « vân lung » giam tác giả không thể tồn tại mãi mãi được ; cái « vân lung » giam hãm nhân dân ta nhất định sẽ bị phá. Lòng tin tưởng của Quận He thật là chắc nịch, tâm hồn tác giả trong chốn ngục tù thật là bình thản. Phải tin ở sức mình, tin ở tương lai lắm mới có được tâm hồn ấy. Không những chỉ « chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung » mà thôi, tác giả còn nhìn tới ngày : Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán. Phá vòng vậy bạn với kim ô. Cái ngày giải phóng, cái ngày phá vòng vây để sống một cuộc đời tự do, hiên ngang hút thở không khí thoát vòng lao lung của vua Lê chúa Trịnh, đã hiện ra trước mắt tác giả từ ngày tác giả bị giam vào bốn bức tường kín mít. Một người làm việc cho chính nghĩa, tin tưởng ở thắng lợi của chính nghĩa, ai mà không nghĩ tới ngày ấy ? Nguyễn hữu Cầu, xuất thân từ nhân dân, làm việc cho nhân dân, cho chính nghĩa có ý nghĩ ấy chỉ là tất nhiên. Giang sơn nhất định là vọng vang lên bài thơ của Nguyễn hữu Cầu, vì vậy làn sóng nông dân từ sau khi ấy dội lên, cuộn lên và cuối cùng phá tan cả phủ chúa lẫn cung vua, dưới sự lãnh đạo của một người anh hùng khác kế tục sự nghiệp của Quận He : người anh hùng khác ấy là Nguyễn Huệ. Tác giả hỏi người nghe có hiểu tiếng gọi của tác giả không ? Người nghe hiểu lắm, họ nhớ và họ làm, và họ đã thực hiện được mong ước của tác giả trong phần nào đó. Nhưng đấy là nói về người nghe trong thế kỷ thứ 18. Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt nam, với chế độ dân chủ cộng hòa thì cái mơ ước của Quận He từ thế kỷ thứ 18 đã bắt đầu được thực hiện. Cái lồng trời đất không phải là của chế độ phong kiến nữa, nó đã bị phá vỡ nhiều, đang bị phá vỡ và nhất định sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Ngọn gió cách mạng do giai cấp công nhân đưa lại cho nhân dân ta đã thổi mạnh ; điều kiện « dứt dàm vân lung » để « bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán » và « phá vòng vây bạn với Kim ô » đã đến với nhân dân ta, đã đến với nông dân. Điều kiện ấy là sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, của Đảng. Trong sách « Quốc văn giáo khoa thư » của một lớp tiểu học do thực dân in ra trước kia, có một bức tranh vẽ : Nguyễn hữu Cầu bị nhốt trong cũi, và sau cũi là Phạm đình Trọng đội mũ cánh chuồn và đi ngựa. Nguyên văm bài có bức tranh ấy như thế nào tôi không nhớ rõ, nhưng tôi cũng còn phảng phất tác giả dạy học trò rằng Nguyễn hữu Cầu là giặc, Phạm đình Trọng là trung, nên học theo Phạm đình Trọng và nên căm ghét Nguyễn hữu Cầu. Thế nào là giặc, thế nào là trung ? đó là vấn đề mà chúng ta phải nhận định cho rõ. Nguyễn hữu Cầu đã bị bọn phong kiến và thực dân coi là giặc, thì tất nhiên văn thơ của Nguyễn hữu Cầu không thể đem ra dạy được. Không những chúng không đem ra dạy mà chúng còn tìm cách xóa đi, bôi đi, vùi lấp đi. Văn thơ của Nguyễn hữu Cầu như vậy, văn thơ của bao nhiêu anh hùng nông dân khác cũng như vậy. Nhưng đối với chúng ta ngày nay, đó là cái kho tàng rất quí. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm cho ra, phải hiểu cho được, phải giới thiệu cho rõ và phổ biến cho nhân dân ta biết. Kho tàng văn học của nước ta không phải là quá nghèo nàn nếu các nhà nghiên cứu văn học của ta tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm kiếm, xây đắp làm thế nào cho phong phú thêm lên mãi mãi. Một dân tộc có một hiện tại như dân tộc Việt nam phải có một quá khứ văn học súc tích dồi dào. VĂN-PHONG ĐỊA LÝ LỊCH SỬ (do Vương Trác dịch ở bộ Đại bách khoa toàn thư của Liên Xô, quyển 19, và đăng trong tạp chí Địa Lý Tri Thức tháng 5 và 6 năm 1954) ĐỊA lý lịch sử là một bộ môn của sử học. Nó nghiên cứu địa lý kinh tế và địa lý chính trị trong quá khứ. Lịch sử địa lý nghiên cứu lịch sử phát triển của khoa học địa lý, nên địa lý lịch sử không phải là một với lịch sử địa lý. Địa lý lịch sử có đối tượng nghiên cứu riêng của nó : nó nghiên cứu những điều kiện địa lý cụ thể của những thời đại xã hội phát triển khác nhau. Đối với sử học, những tài liệu địa lý lịch sử đều có ý nghĩa bổ trợ. Tài liệu địa lý lịch sử đem cụ thể hóa những tư liệu phát triển sản xuất tại một khu vực nhất định trong những giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người. Nó lại nghiên cứu những địa điểm địa lý có những sự kiện lịch sử quan trọng, tìm ra những đặc trưng nào đó của những sự kiện lịch sử ấy. Sự nghiên cứu những vấn đề của địa lý lịch sử là một ngành trong toàn thể nhiệm vụ của sử học, đồng thời sự nghiên cứu ấy cũng không thể làm riêng rẽ ngoài sự phát triển của khoa địa lý được. Vì rằng, đối với địa lý lịch sử, những kết quả nghiên cứu của khoa địa lý có đầy đủ ý nghĩa to lớn. Nguồn gốc tài liệu của địa lý lịch sử là : tư liệu văn vật, tư liệu địa danh, tư liệu khảo danh, tư liệu ngữ ngôn, cho đến cả những tài liệu của một số bộ môn khoa học tự nhiên có liên quan tới sự cải tạo địa lý tự nhiên trong quá khứ. Tài liệu địa lý lịch sử là cơ sở cho việc làm bản đồ lịch sử. Sự phát triển của địa lý lịch sử có quan hệ chặt chẽ với toàn thể sự phát triển của sử học. Tại nước Nga cũ, báo « Địa lý lịch sử » cùng một nội dung với sử biên niên. Những trước tác của Lô-mô-nôt-sôp (Lomonossou), của các nhà sử học thế kỷ thứ 18 Tháp-khế-xá phu (?), Bao-nhĩ-diên (?) là những giai đoạn phát triển của môn địa lý lịch sử nước Nga. Những trước tác của Lê-nin, trước tiên là quyển « Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Nga », đều có tính chất kinh điển về việc đem tư liệu địa lý lịch sử vận dụng một cách rất khoa học vào sự nghiên cứu lịch sử. Trong lịch sử khoa học Xô-viết, các vấn đề địa lý lịch sử đã được nghiên cứu nhiều. Nhưng địa lý lịch sử vẫn không thể tách rời khỏi khoa sử học để thành một khoa học độc lập, vì địa lý lịch sử vốn có liên hệ chặt chẽ với nhiều bộ môn khoa học khác và phải có tác dụng bổ trợ rất lớn đối với khoa sử học. H.T. dịch ÔN LẠI CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA HAI BÀ TRƯNG của NGUYỄN MINH NĂM 39, nhân dân ta do hai Bà Trưng đứng đầu đã nổi lên đánh đuổi bọn phong kiến nhà Tây Hán, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của chúng. Năm nay chúng ta kỷ niệm hai Bà Trưng trong hoàn cảnh hòa bình đã được lập lại. Nhưng đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định cùng bè lũ tay sai đang âm mưu phá hoại hòa bình, phá hoại thống nhất nước ta. Nhân dân ta với truyền thống đấu tranh anh dũng, hàng ngàn năm chống quân ngoại xâm, chúng ta cương quyết phản đối đế quốc Mỹ hiếu chiến, xâm lược, và ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất đất nước. Nhân dịp này chúng ta ôn lại cuộc khởi nghĩa của hai vị nữ anh hùng dân tộc. Năm 111 trước công lịch, phong kiến nhà Tây Hán đặt ách đô hộ ở ba quận Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam. Dân ta phải lên rừng tìm ngà voi, sừng tê, xuống bể mò ngọc trai là những thứ rất hiếm để cống nộp. Ruộng đất các làng xã bị quan lại nhà Hán cướp đoạt rất nhiều. Lạc dân quanh năm phải phục dịch cho bọn đô hộ, không được yên ổn làm ăn. Nhất là từ năm 34, Thái thú Tô Định sang cai trị quận Giao chỉ, dân Giao chỉ càng khổ cực. Ngà voi, sừng tê, ngọc trai, lông trả, gỗ quí phải nộp nhiều. Lúa gạo sản xuất ra bị vơ vét hết. Càng sản xuất nhiều thì càng bị bóc lột nhiều. Chế độ phu đài tạp dịch liên miên và cống nạp vô hạn định đã ngăn trở sự sản xuất nông nghiệp. Chế độ đô hộ không những đè nặng chĩu trên đầu lạc dân mà còn đụng chạm đến quyền lợi và địa vị của các lạc tướng. Lạc tướng cũng bất bình với chế độ đô hộ. Một số được lạc dân ủng hộ đã phản đối lại sự nhũng nhiễu của quan lại nhà Hán. Thi sách, một lạc tướng trong quận Giao chỉ (Châu diên, huyện Vĩnh tường, Vĩnh yên) bị thái thú Tô Định giết chết. Nhân dân các quận theo hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng các lạc tướng nổi lên khởi nghĩa. Ngọn lửa đấu tranh của lạc dân từ lâu âm ỷ, nay có người dẫn đầu đã nổ bùng lên chống lại chế độ thống trị tàn ác của phong kiến nhà Hán. Quân đô hộ bị đánh đuổi ra khỏi nước ta. Tô Định phải chạy trốn ra Quận Nam hải. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà được thắng lợi hoàn toàn. Sử cũ còn chép rằng hai Bà thu được 65 thành trì, xưng làm vua đóng đô ở Mê linh (Vĩnh yên) là nơi quê nhà. Nhân dân ta được độc lập, tự do. Chế độ đô hộ của Tây Hán tan vỡ. Cuộc khởi nghĩa do hai Bà cầm đầu không những mở một thời kỳ mới cho nền độc lập thống nhất ở nước ta mà còn thúc đẩy xã hội nước ta phát triển từ chế độ chiếm hữu nô lệ tiến lên chế độ phong kiến. Hơn một thế kỷ dưới sự thống trị của phong kiến Tây Hán, xã hội nước ta về căn bản vẫn ở trong chế độ chiếm hữu nô lệ kiểu gia trưởng. Trực tiếp thống trị các địa phương là lạc hầu, lạc tướng. Ruộng đất thuộc về các thị tộc, công xã, do lạc tướng, lạc hầu giao cho tộc trưởng, gia trưởng, rồi chia cho lạc dân giồng cấy. Lạc dân phải nộp thóc gạo và đi phu dịch tùy theo ý muốn của lạc tướng. Lạc tướng chịu trách nhiện trước thái thú và thứ sử nhà Hán. Phương thức bóc lột là bắt cống nạp vô hạn định chưa phải là bóc lột bằng địa tô. Nông cụ bằng sắt ở trong nước làm ra và do một số thương nhân Trung quốc bán sang và việc dùng cày bừa sắt, đào sông (dùng phổ biến từ hồi Tích quang, Nhân diêm) không những chưa làm cho đời sống của lạc dân được cải thiện mà lạc dân còn bị bóc lột nhiều hơn. Lạc dân không hứng thú sản xuất. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mâu thuẫn nhau sâu sắc biểu hiện trên sự phản kháng ngấm ngầm của lạc dân và cuối cùng nổ ra cuộc khởi nghĩa to lớn do hai Bà Trưng đứng đầu. Đất nước nhà vừa được giải phóng lại bị Mã Viện đem quân xâm lược ngay. Ta chưa rõ quan hệ địa tô lúc đó thế nào. Nhưng sau khi phong kiến Đông Hán thống trị, chúng không dám lặp lại chế độ thống trị như dưới thời Tây Hán đô hộ nữa. Về tổ chức chính quyền thì chế độ thị tộc với các lạc hầu, lạc tướng bị thủ tiêu, thay bằng chế độ huyện lệnh có các viên huyện lệnh đứng đầu. Huyện lệnh trực tiếp thi hành mệnh lệnh của thái thú và thứ sử, họ không có toàn quyền tự ý bắt dân cống nạp như lạc tướng nữa. Ruộng đất trước kia thuộc thị tộc thì nay thuộc các quan lại người Hán và những người bản xứ có thế lực do bọn đô hộ cấp cho. Lạc dân trở thành nông nô làm cho địa chủ phong kiến. Lối bóc lột bằng địa tô nghĩa là bóc lột có hạn định thay thế lối bóc lột bằng cống nạp vô hạn định. Mặc dầu nông dân phải nộp tô nặng nề, chế độ tô nhân công thịnh hành, ách đô hộ của phong kiến Đông Hán ngày càng nặng, nhưng sự bóc lột có giới hạn làm cho nông dân hứng thú áp dụng phương thức canh tác mới, sản xuất tăng lên và đời sống nông dân nhất định được cải thiện hơn. Xã hội nước ta chuyển từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến, đó là một tiến bộ lớn. Tiến bộ ấy không phải tự nhiên mà có, càng không phải bọn phong kiến nhà Hán tự ý đem đến cho nhân dân ta. Nó do nhân dân ta đã anh dũng đấu tranh giành được. Ngay từ đầu thời kỳ Tây Hán đô hộ nông cụ bằng sắt và phương thức canh tác mới đã dần dần phổ biến ở nước ta. Đáng lẽ nó phải thích hợp với chế độ địa tô phong kiến. Nhưng bọn quan lại phong kiến nhà Hán vẫn cứ khư khư bóc lột bằng cống nạp vô hạn định. Chế độ lạc hầu, lạc tướng vẫn duy trì. Tình trạng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chỉ có thể giải quyết một khi nhân dân ba quận Giao chỉ, Cửu chân, Nhật nam nổi dậy đấu tranh xóa bỏ sự thống trị của nhà Hán xâm lược. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng đã làm nhiện vụ ấy. Bọn phong kiến Đông Hán sang xâm lược nước ta, chúng không dám theo con đường của nhà Tây Hán nữa. Chế độ chiến hữu nô lệ bị xóa bỏ. Chế độ phong kiến được thành lập. Chúng ta càng thấy rõ lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp. Và chỉ khi nào giai cấp bị trị có đứng dậy đấu tranh chống lại giai cấp thống trị thì đời sống mới được cải thiện, xã hội mới phát triển lên được. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng thắng lợi còn do tinh thần đoàn kết chặt chẽ của nhân dân ta. Nhân dân Giao chỉ nổi lên thì nhân dân Cửu chân và Nhật nam đều tích cực hưởng ứng. Chế độ đô hộ tàn khốc của triều Tây Hán ở ba quận đã làm nhân dân ba quận đều căm thù sôi sục. Sử cũ còn ghi rằng chẳng bao lâu hai Bà thu được 65 thành trì, chứng tỏ sức đoàn kết đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta hồi đó. Cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng còn nói lên vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử. Ngoài hai vị nữ anh hùng dân tộc, từ đó đến nay biết bao nhiêu nữ anh hùng vô danh khác đã góp xương máu xây dựng tổ quốc. Ngay trong cuộc nổi dậy của hai Bà sử cũ còn ghi lại : trong số hào kiệt hưởng ứng theo Trưng vương khởi nghĩa, phụ nữ chiếm một số đông. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng thắng lợi, chủ yếu là do nhân dân ta đã đoàn kết đấu tranh. Nhưng một yếu tố quan trọng đã giúp cho nhân dân ta thắng lợi là những cuộc khởi nghĩa liên tiếp của nông dân ở Trung quốc lúc bấy giờ. Phong kiến nhà Hán không những là kẻ thù của nông dân ba quận Giao chỉ, Cửu nhân và Nhật nam mà còn là kẻ thù của nông dân Trung quốc. Đầu thế kỷ thứ I, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung quốc nổ ra chống lại chế độ địa tô của giai cấp địa chủ phong kiến nhà Hán, giết quan lại, đốt phá công đường phủ huyện. Phong trào nông dân đã ảnh hưởng và phân hóa nội bộ giai cấp phong kiến, làm nảy sinh ra phong trào Vương Mãng với chủ trương nộp tô 1/30, không được mua bán nô tỳ. Cuộc đấu tranh kéo dài trong suốt 15 năm đầu thế kỷ thứ I, làm cho triều Tây Hán suy yếu. Nông dân nước ta thêm điều kiện thuận lợi tiêu diệt quân đô hộ Tây Hán. Nếu nhìn lại tất cả những cuộc nông dân khởi nghĩa của nhân dân ta chống lại chế độ đô hộ phong kiến Trung quốc trước kia, chúng ta đều thấy nông dân Trung quốc cũng nổi lên chống lại chính sách bóc lột của bọn chúng. Cho nên không phải ngày nay nhân dân Trung quốc mới là bạn chí thiết của nhân dân ta trong cuộc chống đế quốc Mỹ hiếu chiến và phe lũ để bảo vệ hòa bình của Châu Á và thế giới, mà từ xưa tới nay nhân dân hai nước luôn luôn khăng khít với nhau trong việc chống lại giai cấp địa chủ phong kiến Trung quốc. Tất nhiên trong điều kiện lịch sử lúc đó chưa thể có tinh thần quốc tế có ý thức được. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng là tiêu biểu cho ý chí độc lập của nhân dân ta lúc bấy giờ. Tinh thần đấu tranh anh dũng của hai vị nữ anh hùng dân tộc sống mãi trong lòng nhân dân ta, và hàng năm đến ngày 6 tháng hai âm lịch, nhân dân ta lại tổ chức kỷ niệm hai Bà. * Cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng đã giúp chúng ta nhiều bài học trong cuộc đấu tranh ái quốc ngày nay. - Thực tế lịch sử đã cho ta rõ, muốn giải phóng đất nước, muốn đẩy xã hội được phát triển tiến lên thì phải đấu tranh chống lại bọn xâm lược. Không đấu tranh không thể có thắng lợi được. Mà muốn đấu tranh thắng lợi thì nhân dân ta phải đoàn kết chặt chẽ. Cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng thắng lợi là do nhân dân Giao chỉ, Cửu chân, Nhật nam đã đoàn kết và đấu tranh chống phong kiến nhà Hán. Hòa bình ngày nay là do nhân dân ta đã đoàn kết và chiến đấu anh dũng trong 8 năm gian khổ. Muốn củng cố được hòa bình và thực hiện được thống nhất đất nước, chúng ta càng cần phải đoàn kết chặt chẽ và ra sức đấu tranh chống lại âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. - Dưới thời thuộc Pháp cũng như ngày nay trong vùng tạm kiểm soát của quân đội Pháp, mỗi lần kỷ niệm hai Bà Trưng cùng các vị anh hùng dân tộc khác như Trần hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v… kẻ thù đều lợi dụng để xuyên tạc lịch sử, nói là nhân dân Trung quốc đã xâm lược nước ta, hòng chia rẽ nhân dân ta và nhân dân Trung quốc. Nhưng cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng cũng như bao nhiêu cuộc khởi nghĩa khác của nông dân Việt Nam cùng với nông dân Trung quốc chống bọn phong kiến Trung quốc đã chứng tỏ nhân dân hai nước là bạn chiến đấu qua bao nhiêu thế kỷ. Ngày nay mối tình hữu nghị của nhân dân hai nước càng bền chặt hơn bao giờ hết. Ôn lại sự nghiệp của hai vị anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị chúng ta nâng cao thêm tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính. NGUYỄN MINH TỪ PHONG TRÀO CHỐNG THUẾ Ở TRUNG KỲ ĐẾN PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH của NGUYỄN CÔNG BÌNH NĂM 1908, nông dân Quảng Nam và hầu khắp các tỉnh Trung kỳ biểu tình chống phu, chống thuế. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông dương lãnh đạo nông dân Nghệ Tĩnh biểu tình chống sưu thuế, nắm chính quyền ở nông thôn. Đều là hai phong trào lớn, về căn bản là phong trào nông dân, nhưng nông dân Nghệ-Tĩnh năm 1930 có giai cấp công nhân dìu dắt nên đã thu được nhiều thắng lợi rực rỡ. Cuộc đấu tranh tiến bộ hơn về mọi mặt. I. NHỮNG KHẨU HIỆU ĐẤU TRANH Bắt đầu khai thác Việt nam, thực dân Pháp bắt nông dân đào sông, đắp đường để tiện việc chuyên chở nguyên liệu, hàng hóa và phải nộp sưu thuế. Nông dân đã chịu tô tức của địa chủ lại thêm bóc lột của thực dân Pháp ngày càng nặng nề. Cuối thế kỷ 19, nông dân Trung kỳ phải đắp đường vào mỏ vàng Bông Miêu (Quảng Nam), phải đào sông Cu nhí để thuyền lớn chở than từ mỏ Nông sơn ra Đà nẵng, phải đắp đường từ Đà nẵng đến đèo Ai Lao, từ Phan rang đi Lang biền để tiếp tế cho quan lại ở Djiring. Còn vô số những việc khác kéo dài từ năm này qua năm khác. Nhân dân gọi những việc không công ấy là đi « xâu ». Ai đi xâu phải mang tiền gạo của nhà đi, bỏ bễ ruộng nương, sinh kế. Mỗi năm có người phải đi tới 15, 16 lần. Quan lại lợi dụng ăn hối lộ, tha người giầu bắt người nghèo. Đi xâu đã là một tai nạn lớn, nông dân còn phải nộp thuế thật nặng. Thuế đinh thời phong kiến là 2 hào thì nay tăng lên 2$5 tức là gấp 12 lần. Thuế điền không được nộp bằng thóc như trước, phải nộp bằng tiền. Xong mùa gặt ai cũng phải bán thóc lấy tiền nộp thuế. Thực dân Pháp và con buôn mua rẻ để xuất cảng và đầu cơ. Khổ cực quá, năm 1908, nông dân Quảng Nam tự động nổi lên chống « xâu », không nộp thuế. Những yêu sách thiết thực, đòi quyền lợi kinh tế sống còn đã lôi kéo nông dân các tỉnh Trung kỳ lần lượt nổi lên hưởng ứng. Yêu sách cụ thể phát xuất từ chỗ bị áp bức và bóc lột. Chỗ nào người ta cũng nói tới thuế và phu. Mọi người hăng hái đi biểu tình. Ngày 13- 3-1908 hơn một vạn người vây quanh tòa sứ Hội an đòi miễn xâu, miễn sưu thuế. Ngày 20-3 hàng trăm người kéo vào dinh Tổng đốc Hồ đắc Trung (Quảng Nam) yêu cầu giảm thuế cho dân. Ngày 30-3, hơn 4 ngàn người vây quanh phủ Tam kỳ (Quảng Nam) bắt đề Sự, người hay đánh đập nhân dân khi đi phu. Ở Quảng ngãi ngày 28-3, nhân dân tổng Bình hoa bắt 25 lý trưởng lên tòa xứ xin thuế. Ngày 31-4 hơn 1.500 người vây quanh tòa sứ đòi công sứ Pháp trả lời yêu sách của dân cày. Ở Bình định ngày 18-4, hơn một vạn người vây thành Bình định yêu cầu giảm thuế. Ngày 28-5, từng đoàn dân chúng đi lùng bắt và đánh các lý dịch thu thuế cho giặc. Phong trào chống thuế kéo dài gần 3 tháng. Cho đến năm 1930, các thứ thuế tăng nhiều hơn. Ngân """