"
Tạp Ghi Việt Sử Địa - Nguyễn Đình Đầu full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tạp Ghi Việt Sử Địa - Nguyễn Đình Đầu full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo]
Ebooks
Nhóm Zalo
BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN DO THƯ VIỆN KHTH TP.HCM THỰC HIỆN General Sciences Library Cataloging-in-Publication Data
Nguyễn Đình Đầu, 1920-
Tạp ghi Việt Sử Địa. Cuốn 2 / Nguyễn Đình Đầu. - In lần thứ 1. - T.P. Hịa Chí Minh : Trẻ, 2017. 436tr. ; 23cm.
1. Việt Nam -- Lịch sử. 2. Việt Nam -- Địa lý lịch sử. 3. Việt Nam -- Văn minh. I. Ts. 1. Vietnam -- History. 2. Vietnam -- Historical geography. 3. Vietnam -- Civilization.
959.7 -- ddc 23
N573-Đ23
MỤC LỤC
• Một người đồng nghiệp đàn anh
(Thay lời giới thiệu) 9 • Cụ Hồ đã giải cứu tôi 13
• Nói rõ hơn về một số người bên cạnh Bác Hồ
trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946 17
• Tìm lại vị trí cầu tàu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh rời bến Sài Gòn ngày 5 tháng 6 năm 1911 23
• Đã tìm thấy nguyên quán của Quận công Lương Văn Chánh 28 • Võ Trường Toản – Nhà văn hóa bậc thầy của Sài Gòn xưa 35 • Sự thật về bản án Huỳnh Công Lý 40 • Nhân vật Trương Đăng Quế 45 • Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng với Công giáo Việt Nam 51
• Hoàng Xuân Hãn - người góp phần xây dựng
nền quốc học hiện đại 59 • Tiếp bước Vương Hồng Sển 66 • Ngày 30 tháng 4 năm nay, tôi tưởng nhớ đến một người... 75 • Cần nhận thức mới về nhà Nguyễn! 84 • Dân số đô thị Việt Nam 91
5
• Trước năm 1698 đã có người Việt Nam tới buôn bán và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mê Kông và
sông Mê Nam Chao Phraya 96 • Lưu dân Việt với vùng đất Cà Mau - Hà Tiên - Núi Linh Quỳnh 102
• Thăng Long dưới mắt người Âu từng sống ở Kẻ Chợ (Thế kỷ XVII) 111
• Sứ giả Anh Chapman triều kiến Nguyễn Nhạc 117 • Sứ giả Trung Quốc nhận xét về kinh đô Hoa Lư và Lê Hoàn 128 • Nam bộ với phong trào Đông Du 133 • Khảo về thước đo ruộng dưới triều Nguyễn 138 • 300 năm xây dựng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 143
• Từ Hội nghiên cứu Đông Dương đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh 148
• Đồ cổ Pháp Lam của kinh thành Huế 156 • Tiền tệ Sài Gòn (1859-1954) 160 • Quốc hiệu và cương vực Việt Nam 2 thế kỷ qua 164 • Gia Long với quốc hiệu Việt Nam 183 • Nam tiến 188 • Cương vực Việt Nam dưới triều Nguyễn 195 • Cương vực nước ta dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn 213
• Claude Ptolémée nhà địa lý Hy Lạp đầu tiên
vẽ địa cầu tròn trên bản đồ phẳng 225
• Phải chăng bản đồ Alexandre De Rhodes 1650
vẽ theo bản đồ Hồng Đức 1490? 231 • Giao Chỉ (gần) Tần 236 • Thử nhận xét về An Nam đại quốc họa đồ 240
6
• Bến Nghé – Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn và
Thành phố Hồ Chí Minh trên mấy bản đồ cổ 252
• Giới thiệu một số bản đồ cổ thềm lục địa, Biển Đông và hải đảo Việt Nam 264
• Hoàng Sa – Trường Sa đích thực là của Việt Nam 282 • Bình Định Qui Nhơn xưa và nay 290 • Thi hành phép quân điền tại Bình Định năm 1839 295 • Địa danh Bà Rịa – Đất Đỏ và dân tộc Mạ 301 • Địa lý lịch sử tỉnh Bến Tre 309 • Địa danh Phú Nhuận 312 • Địa danh Đồng Tháp Mười 317 • Địa lý lịch sử tỉnh Khánh Hòa 328 • 530 năm diên cách Phú Yên hình thành và phát triển 334 • Dinh trấn biên và quê hương thánh Anrê Phú Yên 344 • 300 năm Sa Đéc 348 • Đà Nẵng qua các thời đại 353 • Địa lý lịch sử Quảng Nam 356 • Vĩnh Long xưa và nay 363 • Động Phong Nha – kỳ quan thiên nhiên qua thư tịch cổ 369 • Công nghiệp Sài Gòn xưa 376 • Bến cảng Nhà Rồng 382 • Dinh Thống Nhất 388 • Tòa Xã Tây, di tích lịch sử của Sài Gòn xưa 396 • Phụ lục 399
7
Một người đồng nghiệp đàn anh (Thay lời giới thiệu)
Bác Nguyễn Đình Đầu năm nay tròn 90 tuổi. Cha tôi nếu còn
sống cũng trạc tuổi ấy. Tôi gọi là “đồng nghiệp đàn anh” chỉ muốn tạo sự gần gũi về nghề nghiệp là cái duyên khiến tôi có dịp gần để hiểu về con người đáng kính này.
Cái duyên quen biết bắt đầu từ ngày Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tái hoạt động (1988) sau ngót hai thập kỷ chìm lắng sau sự ra đi đột ngột của vị Chủ tịch sáng lập Hội là nhà sử học Trần Huy Liệu (1969). Thành phố Hồ Chí Minh lại là nơi các đồng nghiệp lập Hội sớm hơn cả, với vai trò tập hợp của Giáo sư Trần Văn Giàu.
Đại hội II phục sinh Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ấy đã “bẻ ghi” cuộc đời nghề nghiệp của tôi vào công việc của Hội suốt hai chục năm nay ở cương vị người điều hành gần như chuyên trách.
Lần đầu được gặp Nguyễn Đình Đầu, khi đó chưa vượt ngưỡng tuổi “cổ lai hy”, ấn tượng của tôi là sự lành hiền và cần mẫn. Cái hút hồn tôi từ con người này là niềm đam mê tư liệu.
9
Những bộ sưu tập cổ vật, chủ yếu là các món gốm sứ, và nhất là tủ sách của Nguyễn Đình Đầu đáng được coi là một thế mạnh không mấy nguời có được. Giữ được một sưu tập sách như vậy qua tất cả những biến cố của thời cuộc là một kỳ công kèm thêm là sự may mắn. Cuộc trình bày tại Câu lạc bộ Sử học ở Hà Nội năm 1992 về hình thể đất nước Việt Nam qua các đời, thực sự gây ấn tượng vì bộ sưu tập bản đồ mà đến nay vẫn được nhiều người biết đến.
Cái tư chất của một nhà khảo cứu thường thấy ở lớp người cũ và ngày càng hiếm hoi trong Nguyễn Đình Đầu được nhân lên khi ngay tại nhà riêng hình thành một cái “công xưởng” (labo) làm sử với người thợ cả Nguyễn Đình Đầu và một ê kíp những ngươì thợ lành nghề từ dịch thuật đến đánh máy, biên tập kỹ thuật... nhờ vậy mà bộ sách đồ sộ nghiên cứu một cách hệ thống địa bạ triều Nguyễn được công bố đã mang lại một trong những giải thưởng danh giá của nghề mang tên người đồng nghiệp cũng rất gần gũi với tác giả là Giáo sư Trần Văn Giàu... Cách làm của ông ở nước mình còn mới, nhận thức còn khác nhau nên sự hợp tác đôi khi gặp trúc trắc, nhưng những ê kíp như thế ngày nay chưa nhiều người ứng dụng, nhưng với riêng tôi, học được rất nhiều...
Sau này, gần gũi với Nguyễn Đình Đầu, tôi còn tìm thấy ở con người đó là một chứng nhân của lịch sử. Đôi điều về cuộc đời của nhà trí thức Công giáo nhưng sớm dấn thân vào thế sự ở những thời khắc hệ trọng đối với vận mệnh quốc gia như thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945 hay thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 30 năm sau đó (1975). Ở cái mốc thứ nhất, Nguyễn Đình Đầu làm việc trong Bộ Kinh tế của Chính phủ Hồ Chí Minh, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà, cũng là một trí thức Công giáo. Ở sự kiện thứ hai,
10
Nguyễn Đình Đầu tham gia “lực lượng thứ Ba” góp phần để Chiến thắng của Cách mạng gắn liền với Hòa giải Dân tộc. Vì thế, trên Tạp chí Xưa & Nay của Hội mà tôi là Tổng biên tập, Nguyễn Đình Đầu vừa là tác giả của nhiều bài khảo cứu những vấn đề lịch sử, lại vừa là nhân chứng kể lại những điều trải nghiệm lịch sử của mình... Bài viết của Nguyễn Đình Đầu xuất hiện ngay từ những số đầu tiên cho đến những số gần đây, suốt chặng đường 16 năm trưởng thành của Xưa & Nay (1994- 2010).
Bởi vậy, cuốn sách này là tập hợp những bài viết đã công bố trên Tạp chí Xưa & Nay như mộtsự ghi nhận và tri ân của chúng tôi với một đồng nghiệp đàn anh tận tụy với nghề và nhiệt tâm đóng góp cho công cuộc nghiên cứu và truyền bá những tri thức lịch sử. Đồng nghiệp đàn anh Nguyễn Đình Đầu bước vào tuổi 90 mà vẫn nung nấu nhiều đề tài hoặc đang dang dở hoặc chưa có điều kiện “đụng đến”.
Rất có thể và chắc chắn Nguyễn Đình Đầu, cũng như nhiều bậc đàn anh khác sẽ còn để lại nhiều khoảng trống mong được lấp đầy. Thì chính những người biết, đã từng biết đến hoặc sẽ được đọc những điều để lại tựa như cuốn sách này sẽ làm tiếp vì lòng ngưỡng mộ đối với các bậc đồng nghiệp đàn anh, trong đó có Nguyễn Đình Đầu.
Đó cũng là giá trị của những người làm khoa học nói chung, với sử học càng như vậy.
IV-2010
Duơng Trung Quốc
11
CỤ HỒ ĐÃ GIẢI CỨU TÔI
Sau lễ Độc lập 2-9-1945 ít lâu, tôi không nhớ rõ ngày nào,
quân đội Tưởng Giới Thạch tràn vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật. Chính phủ trao nhiệm vụ cho Bộ Kinh tế Quốc dân việc tiếp tế lương thực cho họ.
Bộ trưởng bộ Kinh tế lúc đó là anh Nguyễn Mạnh Hà, một người bạn vong niên của tôi và cùng tôi xây dựng phong trào JOC(1) tại Việt Nam. Tôi làm bí thư phụ tá bộ trưởng từ buổi đầu thành lập.
Nhiệm vụ khó khăn và phức tạp này vượt lên trên chức năng của Bộ Kinh tế, nên anh Hà đưa tôi đến Bắc bộ phủ để xin Hồ Chủ Tịch cho tôi một sự vụ lệnh đặc biệt. Vì là chuyện gấp rút, chúng tôi phải đến Bắc bộ phủ vào hồi 1 giờ trưa. Lên cầu thang rồi rẽ sang cánh phải, bên ngoài hành lang, tôi thấy mấy anh bảo vệ đang nghỉ ngơi, kẻ nằm người ngồi trên ghế dài. Một anh biết anh Hà và đoán có việc cần, liền đưa chúng tôi vào phòng rộng ở cuối dãy.
Chúng tôi vào phòng, thấy Bác đang đứng bên bàn, trên để nhiều báo chí, tay Bác cầm bút xanh đỏ gạch ngang dọc một đoạn nào đó. Bác quay ra bắt tay anh Hà và tôi. Tôi gọi Bác là
13
Cụ và xưng là con: do một phản xạ tự nhiên vì tôi thấy Bác thật đáng kính mến và hao hao như cha tôi. Anh Hà trình Bác xem lại dự thảo sự vụ lệnh cử tôi lo việc tiếp tế cho quân đội Tưởng. Bản văn ngắn gọn chỉ có mấy câu, Bác đọc, khi tới chữ cử tôi đi đong gạo, Bác liền chữa ngay là đi mua gạo.
Chỉ 3 phút sau, sự vụ lệnh đánh máy xong, do chính anh Hà thực hiện đánh một tay mổ cò (anh bị hỏng một tay). Trên một tờ giấy trắng nhỏ mang tiêu đề Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Bác ký tên rõ ràng dưới dòng chữ đánh máy: Chủ tịch Chính
phủ Việt Nam.
Trong khi chờ đánh máy, Bác chú ý nhìn tôi, không phải đắn đo mà để khích lệ. Tôi yên tâm, Bác bảo tôi: Việc này khó khăn và phức tạp, chú hãy ráng sức làm cho tốt giúp Chính phủ. Tôi chỉ biết vâng dạ, lòng rất bồi hồi song cũng cố tự tin.
Tiếc rằng tôi đã để thất lạc sự vụ lệnh đó vào tối ngày 19-12- 1946 khi kháng chiến bùng nổ.
Trở lại việc đi mua gạo. Tôi không biết việc định giá gạo và thanh toán giữa Chính phủ với quân đội Tưởng thế nào. Tôi chỉ biết một việc: lấy tiền từ Kho bạc đi mua gạo theo giá thị trường được bao nhiêu giao ngay cho sĩ quan tiếp vận của quân đội Tưởng. Bộ trưởng bộ Tài chính lúc đó là Phạm Văn Đồng. Sau khi xem xét sự vụ lệnh do Hồ Chủ Tịch ký và giấy giới thiệu công tác của anh Hà, anh Đồng liền lấy tấm danh thiếp nhỏ, gác chân lên bờ tường viết vắn tắt: yêu cầu Giám đốc Kho bạc Hải Phòng có bao nhiêu tiền quan kim (loại tiền quân Tưởng mang sang buộc dân phải sử dụng), thì trao cho tôi hết để mua gạo. Lúc ấy là khoảng 7 giờ tối, chúng tôi làm việc ngay ngoài cổng cơ quan (nay là đường Lê Lai sau tòa Đốc lý cũ).
14
BộKinh tế còn trao cho tôi mộtsố tiền loại bạc 500 đồngĐông Dương mà nay không nhớ là bao nhiêu, để gần đầy thùng xe con đưa tôi đi các nơi mua gạo, mà chủ yếu là ở Hải Phòng, chỉ có một thủ quỹ theo tôi. Tôi đâu có biết buôn bán, song chính sĩ quan Trung Hoa đã giới thiệu cho tôi mấy lái buôn người Hoa. Tôitựđitìmlái buônViệtđể khảogiá. Song rấtítngườiViệtbuôn gạo cỡ lớn. Khoảng 1 tháng sau, việc mua gạo đã tiến hành khá, nhưng vẫn chưa đủ số yêu cầu, tôi trở về Bộ báo cáo tình hình.
Mấy sĩ quan quân đội Tưởng từng tiếp xúc với tôi trong việc này, liền yêu cầu tôi phải đến hành dinh của họ (lúc ấy là nhà Shell, nay là trụ sở Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường ở góc đường Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền). Tôi liền xin cho vị Đổng lý Văn phòng Bộ là Vũ Đình Khoa cùng đi để bênh vực tôi. Khi đến nơi, họ đưa chúng tôi đến phòng khách rộng ngay trên đầu cầu thang ở lầu 1, đã có sẵn trên một chục sĩ quan cao cấp ngồi đó. Một người thông ngôn đã có mặt, mà tôi không nhớ là mặc thường phục hay quân phục. Liền đó, một sĩ quan cao cấp bệ vệ hơn cả, vào phòng qua cửa trong. Mọi người đứng dậy. Họ cho chúng tôi biết đó là tướng Tiêu Văn, phụ tá của tướng Lư Hán. Tiêu Văn nói ngay là nếu không tức thì bổ túc số gạo đã định thì tôi và cả anh Khoa cũng bị giam. Tôi ngu ngơ và thật thà nói là việc mua gạo trong lúc đồng bào tôi đang chết đói thật là việc rất khó, không dễ dàng và đơn giản. Họ liền ra lệnh bắt giữ. Tuy vậy, họ vẫn để chúng tôi ở phòng khách và được chiêu đãi nước nôi đàng hoàng. Tôi vẫn nói chuyện với mấy sĩ quan quen biết trước.
Anh Hà ở Bộ thấy chúng tôi lâu về, biết là có chuyện, lượng sức mình nên xin Bác Hồ trực tiếp tới giải cứu chúng tôi. Chúng tôi ở phòng khách của Tiêu Văn khoảng trên 1 giờ, trong lòng lo âu băn khoăn, không biết họ có bắt giam thực
15
không. Bỗng mọi người cùng nhìn ra cửa cầu thang, thấy Hồ Chủ Tịch tay cầm can, nhanh nhẹn, một mình lên cầu thang vào phòng khách. Mọi người đứng dậy. Có lẽ có tin báo trước nên Tiêu Văn ra kính cẩn chào Bác. Họ mời Bác ngồi vào ghế danh dự nhất, Tiêu Văn ngồi cạnh. Bác và Tiêu Văn nói chuyện bằng tiếng Hoa, khá to cho mọi người cùng nghe. Tôi không biết tiếng Hoa nên không hiểu gì hết. Tôi thấy mặt Bác vẫn điềm đạm, nói năng thanh thản. Mọi người im phắc lắng nghe, song thỉnh thoảng thấy cả phòng cùng cười rộ.
Độ 15 phút sau, Bác đứng dậy, Tiêu Văn và cả phòng đều đứng lên. Tiêu Văn lại cúi đầu và bắt tay chào Bác. Bác cười chào mọi người rồi bảo chúng tôi về theo, Bác đi chậm lại, đợi tôi tới gần, Bác nói nhỏ cho tôi đủ nghe để an ủi và khuyến khích tôi mấy câu. Tôi ứa nước mắt. Gần xuống tới chân cầu thang, Bác hỏi có xe về không, Bác đưa về. Chúng tôi trả lời “thưa có”. Sự thật, chúng tôi đâu biết đã có xe của anh Hà bảo đến đón chúng tôi về Bộ. Bác bắt tay chúng tôi. Tôi chỉ nói được mấy chữ: “Con cám ơn Cụ”.
Chuyện xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn nhớ như in, và cả đời có lẽ không thể nào quên.
1 Phong trào Thanh niên Lao động Công giáo. JOC là viết tắt theo tiếng Pháp.
16
NÓI RÕ HƠN VỀ MỘT SỐ NGƯỜI BÊN CẠNH BÁC HỒ TRONG CHUYẾN THĂM NƯỚC PHÁP NĂM 1946
Tôi được đọc cuốn sách Hồ Chí Minh ở Pháp năm 1946(1) do
Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành.
Đó là một quyển sách quý với nội dung chính là tư liệu Nhật ký hành trình bốn tháng sang Pháp ký tên là Đ.H., hiện bản gốc đang lưu giữ tại bảo tàng. Ngoàira còn có mộtsố tấm hình chụp có liên quan đến chuyến đi này. Tuy nhiên, trong chú thích của một số tấm hình còn những khoảng trống.
Vừa qua, tôi có dịp qua Pháp làm việc, nhờ đó sưu tầm thêm tư liệu để đóng góp đôi điều giúp bạn đọc có thêm những hiểu biết liên quan đến một sự kiện có ý nghĩa đã diễn ra cách đây nửa thế kỷ.
Trước hết, xin nói về một tấm hình ghi lại cuộc viếng thăm của Hồ Chủ Tịch tới phái đoàn Việt Nam tại Fontainnebleau mà đoàn trưởng là ông Phạm Văn Đồng. Trong hình, Hồ Chủ Tịch chụp chung với một số thành viên và chuyên viên của hội
17
nghị. Kẻ viết bài này nhấn mạnh về hai người không có tên: một Việt kiều và một phụ nữ Pháp.
- Một Việt kiều đứng ngay sau lưng Hồ Chủ Tịch, đó là Đại úy Phạm Ngọc Xuân, người có tên trong “Đoàn tùy tùng của Ngài Hồ Chí Minh” in ở tập Voyage en France de S. Exc. Ho Chi Minh... ấn hành do “nhà in quốc gia Pháp” (các tr.161-170). Đại úy Phạm Ngọc Xuân thường mặc binh phục sĩ quan hải quân đi cận kề Hồ Chủ Tịch trong các nghi lễ chính thức(2).
Vậy Đại úy Phạm Ngọc Xuân là ai? Ông tự giới thiệu là “cựu sĩ quan Không lực Hải quân Pháp (Aéronautique Navale). Cuối năm 1945, tôi làm việc ở Bộ Hải quân tại Paris, vào lúc đô đốc D’Argenlieu – ông thầy của tôi – qua làm Cao ủy ở Việt Nam. Vì cử chỉ của ông ta mà tôi đã được biết từ lâu, trái hẳn với sự mong muốn của tôi, hơn nữa tôi lại có chân trong bộ tham mưu 6ème flottille d’exploration, đóng ở Tân Sơn Nhất, nên tôi xin từ chức, theo phong trào kiều bào ở Paris, hết sức ủng hộ Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa”.
“Lúc đàm phán ở điện Fontainebleau, tôi đã được hân hạnh theo hầu cụ Hồ và sau cuộc đàm phán dở dang, cụ để tôi ở lại giúp việc ở phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Pháp. Sau vì không đi đến chỗ thỏa thuận, phái đoàn phải giải tán, riêng phần tôi phải gặp nhiều khó khăn”(3). Tháng 7-1981, ông Xuân nói rõ hơn về hậu quả những khó khăn đó: “Đời sống của tôi, sau lúc phái đoàn bị giải tán, gặp rất nhiều khó khăn, phải xoay ra làm nghề hàng cơm. Nay không được lãnh hưu bổng cựu chiến binh, nên đời sống rất chật hẹp”(4). Ông Xuân không than phiền về những mất mát cũ mà chỉ xin được đoàn tụ với gia đình và một người con để an ủi ông lúc tuổi già. Ông qua đời năm 1990 tại Bordeaux, thọ 78 tuổi. Theo người nhà kể lại(5): Phạm Ngọc Xuân sinh năm 1913 trong một gia đình vừa theo
18
Nho học vừa Tây học, lúc nhỏ học ở trường Pellerin mới đến năm thứ hai, có óc hiếu động và thích phiêu lưu, ra làm thợ chụp hình cho Thanh Ba photo ở Huế, năm 1939 đi Âu châu đầu quân vào Hải quân hoàng gia Anh lên tới cấp lieutenant de vaisseau (thiếu tá hải quân) rồi chuyển sang hàng ngũ De Gaulle của Pháp chống phát xít Đức.
- Còn người phụ nữ Pháp (con dâu của Việt Nam) thì chính là vợ của nguyên bộ trưởng Kinh tế quốc dân Nguyễn Mạnh Hà, thành viên của phái đoàn Fontainebleau. Bà Hà là phụ nữ duy nhất đi từ Việt Nam sang Pháp cùng với phái đoàn Fontainebleau và đoàn tùy tùng Hồ Chủ Tịch. Bà không hoàn toàn đóng vai trò “làm kiểng”, mà đã cùng chồng giúp việc đắc lực cho Phái đoàn và Hồ Chủ Tịch. Bà Hà nhũ danh là “Renée Marrane sinh tại Paris ngày 12 tháng Giêng năm 1916” theo như một Giấy chứng minh mà Hồ Chủ Tịch đã kí kèm đây. Có lẽ bà Hà là xướng ngôn viên tiếng Pháp đầu tiên có giọng “đầm” của đài phát thanh VNDCCH, nên thường xuyên phải có giấy đi lại cho dễ dàng. Người viết bài này còn nhớ: Sau ngày 2-9- 1945 ít lâu, một người Pháp tên là Jean Sainteny (lúc ấy chưa được biết là Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ, tr.162) đổ bộ xuống phi trường Gia Lâm rồi xin gặp ông bà Hà để trao đổi tin tức gia đình. Ông Hà đang là bộ trưởng Kinh tế, đoán là Pháp tìm đường liên lạc với Chính phủ ta, đem trình sự việc lên Hồ Chủ Tịch. Cụ cho ý kiến nên nhận tiếp xúc và chỉ mình bà Hà và một thư ký Việt Nam thôi. Đúng ngày giờ hẹn, ông Sainteny tới tư thất bộ trưởng Kinh tế tại số 4 đường Laubarède (bên hông tay phải Nhà Hát lớn), cho bà Hà biết tin tức về thân sinh bà là cụ Georges Marrane đang làm Phó thủ tướng trong chính phủ De Gaulle vẫn khỏe mạnh... Mấy ngày sau, qua trung gian ông bà Hà, cụ Hồ đã viết thư tay cho
19
cụ Marrane vì hai cụ quen thân nhau và cùng hoạt động cách mạng từ những năm 1920 (cụ Marrane có thời kỳ làm ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Pháp, dân biểu, nghị viên, phó thủ tướng, thị trưởng thành phố Ivry trên 40 năm cho tới khi mất, nay được lấy tên Georges Marrane đặt cho đại lộ ngang qua tòa thị sảnh Ivry, gần Paris).
Trong tấm hình sau, tr.40, có chú thích “Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris, khi ra cửa trường bay Le Bourger. Ảnh chụp ngày 22-6-1946”, Hồ Chủ Tịch đi giữa hai người, bên tay trái là ông Marius Moutet, “bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, đại diện chính phủ” (tr.166), bên tay phải là ông Nguyễn Mạnh Hà.
- Đôi điều về Nguyễn Mạnh Hà: sinh năm 1913 tại Hưng Yên, tốt nghiệp Trường khoa học Chính trị Paris (Ecole des Sciences Politiques), về nước năm 1938, làm thanh tra Lao động tại Hải Phòng và các khu mỏ,sáng lập phong tràoThanh niên Lao động Công giáo (JOD) ở vùng này, Giám đốc Kinh tế kiêm thanh tra Lao động Bắc phần (thời Phan Kế Toại), được mời làm Bộ trưởng bộ Kinh tế Quốc dân trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của Hồ Chủ Tịch. Có lẽ Nguyễn Mạnh Hà là người Công giáo duy nhất ở cấp bậc bộ trưởng từ 50 năm qua. Đã có lần Hồ Chủ Tịch nhờ Nguyễn Mạnh Hà cùng bạn thân là linh mục Cras (thuộc dòng Đa Minh chi Lyon) kín đáo đi Sài Gòn tiếp xúc với Đô đốc D’Argenlieu (cũng là một tu sĩ bị động viên vì chiến tranh) để thăm dò việc thâu hồi Nam bộ bằng phương pháp hòa bình. Cho nên khi thành lập phái đoàn Fontainebleau, Hồ Chủ Tịch đã cử Nguyễn Mạnh Hà làm đại biểu chính thức (tr.61) và đặc biệt cho bà Hà đi theo, vì cả hai đều có khả năng (ông Hà tốt nghiệp Chính trị học, bà Hà tốt nghiệp Luật khoa) lại cùng có những mối quan hệ tốt với chính giới và xã hội Pháp (3 đảng đang cầm quyền khi ấy là MRP Công giáo, Xã hội, Cộng sản –
20
tr.37 – và “người Pháp theo đạo Thiên Chúa đã lâu”, tr.109. Tuy không được nhận diện trên các hình in trong sách, ông bà Hà đã góp phần không nhỏ trong việc tiếp xúc và điều đình chính trị của Hồ Chủ Tịch ở Pháp năm 1946.
Ông Nguyễn Mạnh Hà qua đời ngày 4-5-1992 thọ 80 tuổi tại Ivry. Báo Le Monde ngày 7-5-1992 đã tóm tắt đời ông: “Sinh năm 1913, con rể của Georges Marrane, ông Nguyễn Mạnh Hà từng là bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ đầu tiên của Hồ Chí Minh (1945-1946). Là người có tín ngưỡng sâu sắc và nhiệt thành gắn bó với Việt Nam, ông đã sống với cường độ mãnh liệt qua cuộc tranh chấp giữa Đông và Tây. Ông luôn có ưu tư duy nhất là hòa giải Giáo hội La Mã với Việt Nam. Đến cuối đời, ông vẫn còn hoạt động cho người Công giáo hội nhập vào cộng đồng dân tộc”. Bà Hà thì nay cũng đã 80 tuổi, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nói tiếng Việt đặc giọng Hà Nội. Vừa qua, tôi đã tới viếng mộ anh Hà trên đỉnh đồi Ivry và thăm chị Hà trong căn hộ khiêm tốn chứa đầy hình ảnh, kỷ vật, tư liệu cá nhân có liên quan đến Chính phủ lâm thời, “Hồ Chủ Tịch ở Pháp năm 1946”, Hội nghị Fontainebleau, cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội nghị Genève năm 1954, cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hội nghị Paris năm 1973, cuộc hành hương về Hà Nội dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ Tịch năm 1990, các vấn đề Thiên Chúa giáo ở Việt Nam... 50 năm qua mau quá!
Ngoài các nhân vật có in hình mà không nêu tên như trên, tôi xin đính chính về một nhân vật khác mà tôi biết khá chắc. Trang 69 ghi: “Ngày 12-7, 9 giờ sáng, các kiều bào làm nghề thầy thuốc... đến chào Cụ Chủ tịch. Kiều bào ở Pháp, có nhiều người làm thuốc có tiếng như các bác sĩ: Hoàng Xuân Hãn...”.Có lẽ lẫn tên với ông Hoàng Xuân Mãn chăng? Ông Hoàng Xuân Hãn là cựu sinh viên trường Bách khoa (Ecole Polytechnique)
21
và đậu nhiều bằng cao cấp sau đại học, đã về nước dạy học từ trước Thế chiến II, làm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim, tham dự Hội nghị Đà Lạt mà trưởng đoàn phía Việt Nam là ông Võ Nguyên Giáp để chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau, là 1 trong 3 nhân vật Pháp cho là “tiêu biểu kháng chiến trong thành (Lestrois H: Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền), có mặt ở Pháp từ mùa thu năm 1951 đến nay, chuyên lo khảo cứu trước tác nhiều công trình khoa học xã hội, văn hóa dân tộc đặc sắc.
1 Bảo tàng Cách mạng Việt Nam – Hồ Chủ Tịch ở Pháp năm 1946, Nxb Hà Nội 1995, 208 trang, khổ 13x19cm. Không đề giá.
2 Nhận diện theo hình ảnh trong hồ sơ lưu trữ gia đình do bà Phạm Thị Hoàng Oanh – con ông Phạm Ngọc Xuân – cung cấp.
3 Trích thư ngày 12-6-1981 “Kính gửi ông Mai Chí Thọ, tại thành phố Hồ Chí Minh”, trong hồ sơ nói trên.
4 Trích thư ngày 26-7-1981 “Kính gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng”, cũng trong hồ sơ nói trên.
5 Theo lời kể của em ông Xuân là Phạm Ngọc Hương hiện tạm trú tại 33, Lê Quí Đôn, Q.3, TP.HCM.
22
TÌM LẠI VỊ TRÍ CẦU TÀU NƠI
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RỜI BẾN SÀI GÒN NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1911
Đến nay, người ta vẫn cho rằng Hồ Chủ Tịch xuống tàu ra đi
từ bến Nhà Rồng. Viện dẫn lý do là: tuy Bác tìm được chân phụ bếp trên tàuAmiral Latouche Tréville thuộc hãng Năm Sao. Nhưng hãng Năm Sao, đương thời, không có bến đậu, “nên tàu của hãng Năm Sao phải đậu nhờ bến cảng Nhà Rồng”.
Sự thật thì Hồ Chủ Tịch không ra đi từ bến Nhà Rồng, mà từ bến Nguyễn Huệ ở bên này Sài Gòn thuộc quận 1 ngày nay. Để giữ kín tung tích, Hồ Chủ Tịch đã lấy tên Văn Ba xin làm phụ bến dưới tàu Amiral Latouche Tréville của hãng chuyên chở Chargeurs Réunis (ta gọi là hãng Năm Sao, vì trên ống khói tàu có vẽ 5 ngôi sao). Anh Ba tới xin việc tại trụ sở hãng ở lầu một Café La Rotonde tại số 2 Catinat. Anh Ba xuống tàu làm việc ngày 3-6-1911, hai ngày sau, tàu nhổ neo đi Singapore rồi sang Pháp(1). Nhà Rồng và Năm Sao là hai hãng chuyên chở tàu biển lớn nhất khi ấy. Mỗi hãng cho tàu cập bến riêng, không thể lẫn lộn được.
23
Hãng Nhà Rồng tức Hãng Messageries Impériales là hãng chuyên chở kỳ cựu của Pháp, sang hoạt động ở Sài Gòn từ 1862. Hãng đã xây trụ sở đồ sộ bên rạch Bến Nghé với nóc nhà uốn cong và trang trí bằng hình lưỡng long tranh nguyệt. Trên ống khói các tàu của hãng có vẽ đầu ngựa, nên bình dân còn gọi là hãng Đầu Ngựa. Sau cuộc cách mạng năm 1870 ở Pháp, hãng đổi tên là Messageries Maritimes. Tất cả các tàu viễn dương của hãng Đầu Ngựa, khi cập bến Sài Gòn, đều tới đậu ở bến Nhà Rồng, nơi dành độc quyền cho hãng.
Hãng Năm Sao tức hãng Chargeurs Réunis mới tổ chức chuyên chở thường kỳ giữa Pháp và Đông Dương từ năm 1901. Hãng có một đội thương thuyền gồm 7 chiếc. Sáu chiếc tàu lớn chia nhau chạy các tuyến giữa hải cảng Pháp và Đông Dương. Chiếc Chợ Lớn nhỏ hơn, chạy bổ túc quanh năm. Từ Đông Dương đi Pháp có hai nơi khởi hành: từ Hải Phòng ngày 27 mỗi tháng, từ Sài Gòn ngày 4 mỗi tháng(2).
Tàu Amiral Latouche Tréville do xưởng đóng tàu La Loire kiến tạo trong vùng Saint Nazaire, hạ thủy ngày 21-9-1903, đăng ký tại cảng La Havre năm 1904. Đây là một trong những tàu cỡ lớn đầu thế kỷ XX, vừa chở người vừa chở hàng.
Theo tài liệu ghi lại rõ ràng(3): Tàu Amiral Latouche Tréville từ Hải Phòng vào cập bến Sài Gòn ngày 2-6-1911 có trọng tải 3.572 tấn, với thuyền trưởng Maisen và đoàn thủy thủ 69 người. Ngày 3-6-1911, anh Văn Ba xuống tàu làm phụ bếp, ngày 5-6- 1911 tàu nhổ neo. Ta hãy tìm xem tàu này cập bến nào khi tới cảng Sài Gòn.
Cảng Sài Gòn hồi 1911 chia làm 2 phần: quân cảng và thương cảng. Quân cảng dài chừng 600m, kể từ Nhà máy Ba Son tới công trường Mê Linh (khi ấy gọi là Quai Primauguet, nay là một
24
phần đường Tôn Đức Thắng). Thương cảng cũng dài 600m, kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội (khi ấy gọi là Quai Francis Garnier, nay cũng là một phần đường Tôn Đức Thắng). Bến Nhà Rồng ở bên Khánh Hội, coi như nối tiếp với thương cảng. Bờ sông bên Khánh Hội từ ranh Nhà Rồng tới cầu Tân Thuận dài trên 1km gọi là bến Tam Hội. Bến đó chưa có cầu tàu, kho hàng và trang bị cần thiết cho việc bốc xếp hàng hóa. Cầu Khánh Hội chưa làm kiên cố để nối đường xe hỏa từ Sài Gòn sang. Như vậy, các tàu lớn viễn dương chưa thể cập bến Tam Hội. Năm 1914, cảng Tam Hội – sau gọi cảng Khánh Hội – mới được khánh thành (đồng thời với chợ Bến Thành mới bây giờ). Do đó, tàu Amiral Latouche Tréville và các tàu khác của Hãng Năm Sao tất phải cập bến thương cảng Sài Gòn còn ở phía quận 1 nay.
Thương cảng hồi 1911 khá tấp nập, trang bị đầy đủ và ở vào đầu mối giao thông rất thuận lợi, chỉ dài 600m mà có tới 6 đại lộ châu đầu vô bến. Đó là các đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ), Krantz và Duperré (Hàm Nghi). Nhà ga đường sắt đi Mỹ Tho và đi Phan Thiết đặt ở đầu đường Hàm Nghi tiếp cận với thương cảng. Nhà ga tàu hơi (tramway) cũng ở ngay đầu đường Nguyễn Huệ. Tàu hơi chạy dọc suốt thương cảng và quân cảng, một phía đi Gia Định rồi Hóc Môn, phía kia đi Chợ Lớn. Chợ Bến Thành (cũ) nằm gần đầu đường Nguyễn Huệ, nay là kho bạc. Qua thương cảng, khối chuyên chở hành khách và hàng hóa ngày càng gia tăng (riêng lúa gạo, năm 1861 xuất khẩu 8 vạn tấn, năm 1891 xuất khẩu 44 vạn tấn, năm 1911 xuất khẩu trên 1 triệu 10 vạn tấn).
Thương cảng Sài Gòn khi ấy có 5 cầu tàu: 3 cầu tàu nhỏ ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi) dành cho các hãng chuyên chở
25
đường sông, 1 cầu tàu lớn ở đầu đường Charner (Nguyễn Huệ) dành cho các tàu viễn dương lớn và 1 cầu tàu nhỡ ở đầu đường Krantz Duperré (Hàm Nghi) dành cho hãng tàu người Hoa. Tình hình này đúng như Brébion đã mô tả thương cảng Sài Gòn hồi 1911: “Trên bến Francis Garnier (nay là một phần đường Tôn Đức Thắng kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội), phía bờ sông có nhiều loại cầu tàu chiếm chỗ. Một trong số cầu tàu lớn nhất là nơi cập bến các tàu lớn thuộc hãng Chargeurs
Réunis. Phía đầu cầu thương cảng (đầu đường Catinat – Đồng Khởi) là các cầu tàu dành cho tàu thuyền của hãng Messageries Fluvialles (chuyên chở đường sông)”(4). Như vậy, ta có thể khẳng định là tàu Amiral Latouche Tréville trên có anh Văn Ba làm phụ bếp đã cập bến ở cầu tàu lớn nơi đầu đường Nguyễn Huệ. Đây là một vị trí khang trang và khoảng khoát nhất thành phố: nhìn vào đất liền qua đường Nguyễn Huệ rộng rãi thấy trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố (nhà Xã tây cũ với kiến trúc đặc sắc ghi dấu một thời), nhìn sang phía sông thấy ngôi Nhà Rồng đồ sộ với dáng vẻ Âu Á pha trộn dễ gây ấn tượng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) và sông nước bao la rừng cây bát ngát lan rộng thẳng tới Thái Bình Dương...
Từ Sài Gòn, Bác ra đi năm 1911, Bác về Pắc Bó năm 1941. Sang năm 2001, sẽ kỷ niệm 90 năm Bác ra đi và 60 năm Bác trở về. Lúc Bác ra đi mới 21 tuổi. Làm thật tốt công việc “bảo vệ và phát huy tác dụng di tích lịch sử các mạng” về Bác sẽ góp phần giáo dục các thế hệ thanh niên trên đường tìm hiểu: Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới.
26
1 Hồng Hà – Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb Thanh niên TP.HCM, 1976, tr.16: “Anh Văn Ba cùng con tàu rời bến Nhà Rồng đi Singapore trên đường sang Pháp”.
2 Giám đốc Nhà máy Ba Son, Báo cáo đọc tại Khu lưu niệm Nhà Rồng ngày 19-5-1986.
3 Direction générale des TP – Port de Commerce de Saigon. Navires présents sur rade le 3 juin 1911, p.2. Sorties du 3 au 6 juin 1911, p.4. Imp. Phat Toan, Saigon, 1912.
4 Antoine Brébion – Monographie des Rues et Monument de Saigon, trong Revue Indochinoise, 1911, tr.357-376.
27
ĐÃ TÌM THẤY NGUYÊN QUÁN CỦA QUẬN CÔNG LƯƠNG VĂN CHÁNH
Quận công Lương Văn Chánh được coi là khai quốc công
thần, có tài kinh bang tế thế, mở mang bờ cõi, khẩn hoang lập ấp, kết đoàn và hòa hợp dân tộc trên vùng đất Phú Yên, tạo thành một truyền thống tốt đẹp cho cuộc Nam tiến để đất nước ta có thể tồn vong và phát triển. Nhưng tiếc thay, đến nay vẫn chưa khẳng định được nguyên quán đích thực của nhân vật lịch sử này.
1- Sách Đại Nam liệt truyện ghi: “Lương Văn Chánh là người huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tiên tổ là người Bắc Hà. Lúc trước, Văn Chánh làm quan nhà Lê, đến chức Thiên Võ vệ đô chỉ huy sứ. Đầu năm Mậu Ngọ (1558) theo Thái tổ (Nguyễn Hoàng) vào Nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp. Văn Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Thành Hồ...”(1). Tư liệu gốc này chỉ nói Lương Văn Chánh có “tiên tổ là người Bắc Hà”, nhưng chưa rõ ở xã, thôn, thuộc tỉnh, phủ, huyện nào.
2- Trong Gia phả Lương Văn Chánh(2), cũng không nói đến nguyên quán, nhưng có hai văn kiện nói đến địa điểm đền thờ
28
Lương Văn Chánh: 1) Sắc phong năm 1822 cho làm “Thượng đẳng thần và vẫn cho xã PhụngCác, huyện ĐồngXuân thờ cúng”. 2) Sắc gia phong năm 1843 cho làm Thượng đẳng thần và vẫn cho xã Phụng Tường, huyện Tuy Hòa thờ cúng”(3). Vậy Phụng Các – Đồng Xuân và Phụng Tường – Tuy Hòa là hai nơi khác nhau hay sao? Xin tra trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn tỉnh Phú Yên, trang 79, 169, 248-302, ta sẽ thấy 2 tên xã huyện Phụng Các – Đồng Xuân và Phụng Tường – Tuy Hòa chỉ là một địa điểm. Vì giữa thời điểm 2 sắc phong kể trên đã có sự đổi tên từ Phụng Các ra Phụng Tường và từ huyện Đồng Xuân chuyển sang huyện Tuy Hòa(4). Phụng Các hay Phụng Tường cũng sẽ giúp ta tìm ra nguyên quán của Quận công Lương Văn Chánh.
3- Trong tạp chí Xưa & Nay số 64B, tháng 6-1999, tác giả Ái Châu viết bài Đi tìm nguyên quán của quận công Lương Văn Chánh. Bài này thật có giá trị, xin tóm tắt nội dung chính yếu: “Chi họ Lương phát nguyên từ thôn Nguyệt Tiên Đông (tổng Thượng, huyện Đồng Xuân), nay định cư về Phường Tư – Tuy Hòa, có một bản gia phổ của đời trước để lại (có ghi): Tiên nghiêm ta khitạithế tu gia phổ có lược chú rằng:Thủy tổ nguyên người Thanh Hoa (tức tỉnh Thanh Hóa ngày nay, theo Lương Quý Phủ tức là Lương Công Chính vào Nam... Chúng tôi được giám thủ từ đường chi họ Lương cho mượn bản chữ Hán... Bên trong có chú bản ở phần phụ lục: Thủy tổ ta quán Thanh Hoa thừa tuyên, Hà Trung phủ, Hoàng Hóa huyện, Phượng Lịch xã, tùng Lương Quý Phủ, vãn Phú Yên tỉnh lập Phụng Hoàng ấp do Nguyệt Tiên Đông thôn, nay Ngọc Lãng xã...
“Chánh văn phòng sở Địa chính Thanh Hóa tra cứu mãi tư liệu ở sở Địa chính Thanh Hóa nói với chúng tôi là chịu, không tìm được địa danh Phượng Lịch ở Thanh Hóa và mách rằng các địa danh có chữ Phượng thì nên truy ở các vùng Phượng
29
Ngô, Phượng Khê (Khê Xá) thuộc Hoằng Lưu. Riêng cụ Đinh Xuân Vinh, thì cho rằng Phượng Lịch xưa có thể là Trạo Vinh, Hội Triều thuộc Hoằng Phong – Hoằng Hóa và các ông họ Lương theo chúa Nguyễn vào Nam chỉ có thể là dòng họ ở Hội Triều, thuộc dòng Lương Đắc Bằng, thầy học của Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm mà thôi...
“Chúng tôi nhờ UBND xã Hoằng Phong xác định giúp nhà tổ của họ Lương ở thôn Hội Triều ở làng nào và ai là trưởng tộc. May mắn là chính quyền xã Hoằng Phong rất nhiệt tình và chu đáo, không những tìm giúp mà còn yêu cầu các vị thuộc chi họ Lương ở Hội Triều trả lời thư ngay... Thư cụ trưởng họ Lương Hữu Lối và thư của ông Lương Hữu Lịch hậu duệ họ Lương ở Hội Triều vào định cư tận Thuận An – Bình Dương, được họ tộc gởi thư vào ủy nhiệm làm rõ các vấn đề chúng tôi nhờ giải đáp vì ông này là người có nghiên cứu sâu về tộc phả...
“Thư cụ Lương Hữu Lịch cho biết rằng chi họ Lương ở Hội Triều còn có quan hệ huyết thống với chi họ Lương ở Cao Hương – Nam Định... Người nổi tiếng của chi họ này là Trạng nguyên Lương Thế Vinh... Cụ Lịch lại khẳng định theo chúa Nguyễn vào Nam mà xác định được là quê Phượng Lịch – Hoằng Hóa thì chỉ có họ Lương ở Hội Triều chứ không có chi họ Lương nào khác...
Nhờ có 3 tư liệu nêu trên, chúng tôi tìm dần ra manh mối để khẳng định nguyên quán của Quận công Lương Văn Chánh. 4- Địa bạ các xã Phượng Lịch và Hội Triều.
Trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – trấn Thanh Hoa của chúng tôi chưa xuất bản, có ghi tóm tắt địa bạ 3 thôn của xã Phượng Lịch và xã Hội Triều, đều thuộc tổng Bái Cầu, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, như sau:
30
a) Thôn Phượng Lịch (xã Phượng Lịch). Đông giáp thôn Đông (xã Đông Hà), thôn Nghĩa Lập, thôn Phú Lễ, thôn Bảo Long, thôn Thụy Liên. Tây giáp xã Thứ Nhất – Nam giáp thôn Nghĩa Lập. Bắc giáp xã Khê Xả. Tổng diện tích ruộng đất khai thác là trên 455 mẫu 6 sào.
b) Thôn Phú Lễ (xã Phượng Lịch). Đông giáp thôn Phục Lễ, tây giáp xã Đại Trung. Nam giáp thôn Phục Lễ. Bắc giáp thôn Nghĩa Lập. Tổng diện tích ruộng đất khai thác là trên 73 mẫu 3 sào.
c) Thôn Nghĩa Lập (xã Phượng Lịch). Đông giáp thôn Phục Lễ, xã Hữu Cầu, thôn Bảo Long. Tây giáp thôn Ông Hòa, xã Đại Trung. Nam giáp thôn Phục Lễ. Bắc giáp thôn Phượng Lịch. Tổng diện tích ruộng đất khai thác là hơn 442 mẫu 6 sào.
d) Xã Hội Triều. Đông giáp xã Khúc Phụ và biển. Tây giáp thôn Phong Mỹ. Nam giáp thôn Bảo Long. Bắc giáp xã Liên Châu, thôn Phục Lễ. Tổng diện tích ruộng đất khai thác là hơn 316 mẫu 4 sào (mỗi mẫu rộng khoảng 5.000 m2).
Như vậy là có xã Phượng Lịch đã chia ra 3 thôn và xã Hội Triều riêng biệt. Sự tồn tại của xã Phượng Lịch quan trọng hơn xã Hội Triều nhiều.
5- Xã Phượng Lịch và xã Hội Triều được ghi rõ trên bản đồ Đồng Khánh địa dư chí.
Trên bản đồ huyện Hoằng Hóa trích sách Đồng Khánh địa dư chí, chúng ta thấy có ghi: 1) Tổng Bái Cầu. 2) Ba thôn Phượng Lịch, Phú Lễ, Nghĩa Lập (cùng chia ra từ xã Phượng Lịch). 3) Xã Hội Triều.
6- Ba thôn Phượng Lịch (đổi ra Phượng Ngô), Phú Lễ, Nghĩa Lập và xã Hội Triều được ghi rõ trên bản đồ Đông Dương tỷ lệ 1/100.000 của sở Địa Dư ấn hành năm 1954.
31
Trên bản đồ huyện Hoằng Hóa, chúng ta thấy thôn Phượng Lịch đã đổi ra Phượng Ngô. Nghiên cứu tứ cận giáp giới của thôn Phượng Lịch trong địa bạ nói trên, sẽ thấy rõ sự thay đổi ấy. Tuy nhiên sự đổi tên tiến hành lúc nào, thì chưa biết! Còn vị trí các thôn Phú Lễ, Nghĩa Lập và xã Hội Triều cũng đã rõ, khỏi phải bàn thêm.
Đối chiếu với bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa ngày nay(5), xã Phượng Lịch xưa (gồm cả 3 thôn Phượng Ngô – Phú Lễ - Nghĩa Lập) nằm trong địa bàn xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa nay. Còn xã Hội Triều, tuy cũng có họ Lương nhưng không phải tiên tổ trực hệ của Lương Văn Chánh, thì nay nằm trong địa phận xã Hoằng Phong cùng thuộc huyện Hoằng Hóa. Xưa kia, xã Phượng Lịch và xã Hội Triều giáp giới nhau.
***
Quận công Lương Văn Chánh có nguyên quán ở xã Phụng (cũng âm là Phượng) Lịch – Hoằng Hóa – Thanh Hóa và trú quán ở xã Phụng Các – Tuy Hòa – Phú Yên. Phụng Lịch sau đổi ra Phụng Ngô và Phụng Các sau đổi ra Phụng Tường. Giữa nguyên quán và trú quán (coi như quê hương lúc sinh thời) của Quận công Lương Văn Chánh ắt có nhiều mối quan hệ thân thiết, kể cả địa danh xã thôn yêu dấu. Nếu ta nghiên cứu kỹ gia phả của các bậc tiên hiền hậu hiền tới vùng đất mới khẩn hoang lập ấp, có lẽ ta sẽ thấy địa danh nguyên quán của các vị sẽ thay đổi chút ít để đặt tên cho xã thôn tân lập. Đây cũng là một môn khảo cứu ích lợi và thú vị đáng quan tâm.
Còn cụ “Thủy tổ ta quán Thanh Hoa thừa tuyên, Hà Trung phủ, Hoằng Hóa huyện, Phượng Lịch xã theo Lương Văn Chánh vào Nam sau là tỉnh Phú Yên, đã lập ấp Phụng Hoàng
32
ở thôn Nguyệt Tiên Đông, nay là xã Ngọc Lãng” là cụ đồng hương đồng tộc với Lương Văn Chánh cùng vào Nam và lập ra ấp Phụng Hoàng (cũng như Lương Văn Chánh lập ra xã Phụng Các). Trong sưu tập địa bạ Phú Yên có thôn Nguyệt Tiên Đông, nhưng không ghi ấp Phụng Hoàng. Tiếc rằng tác giả Ái Châu chưa nói rõ cụ Thủy tổ họ Lương này tên là gì.
7- Tác giả Trần Viết Ngạc viết bài Lương Văn Chánh người khai phá đất Phú Yên (trong Xưa & Nay số 106 tháng 12-2001) nói: “Lương Văn Chánh quê ở Thanh Hóa, làng Tào Sơn, xã Ngọc Lĩnh, huyện Tĩnh Gia – theo Lương Văn Kiệt, hậu duệ họ Lương, hiện ở Tuy Hòa”. Tra sưu tập địa bạ Thanh Hóa, chúng ta thấy thôn Tào Sơn thuộc tổng Văn Trường, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, có số ruộng đất khá lớn là trên 1.456 mẫu 6 sào (trên 700 ha) mà phần lớn là tư điền tư thổ.
Lại tra trong Gia phả Lương Văn Chánh do ông Đào Chuyên cháu ngoại đời thứ 11 của họ Lương Phụng dịch ngày 8-11- 1991, chúng ta không thấy tên Lương Văn Kiệt. Vậy, nếu các tư liệu trên đây đều chính xác, thì ta có thể kết luận là ông Lương Văn Kiệt tuy đồng tộc nhưng không đồng tông và đồng hương với Lương Văn Chánh.
***
Tóm lại, Quận công Lương Văn Chánh, người khai phá đất Phú Yên và lập làng Phụng Các ở Tuy Hòa nguyên quán tại làng Phụng Lịch ở Thanh Hóa, truyền đến nay được 11 đời (1991). Theo Lương Văn Chánh vào Nam lập nghiệp còn có Thủy tổ khác cũng họ Lương và đồng hương nhưng không phải hậu duệ Lương Văn Chánh đến lập làng Phụng Hoàng, Tuy Hòa. Ngoài ra, Thủy tổ của ông Lương Văn Kiệt nguyên quán tại làng
33
Tào Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, tới Phú Yên đồng thời hay sau Lương Văn Chánh. Nếu như Gia phả Lương Văn Chánh bỏ sót tên ông Lương Văn Kiệt, và nếu thông tin của ông Kiệt có cứ liệu chính đáng, thì giả thuyết nguyên quán Lương Văn Chánh có thêm yếu tố để nghiên cứu lại tới khi biết được lý lịch đầy đủ của ông bà cha mẹ Quận công Lương Văn Chánh.
Gia phả từng dòng họ hay tiểu sử từng nhân vật đều liên quan đến lịch sử dân tộc. Đất và người gắn bó với nhau rất mật thiết. Nghiên cứu gia phải hay nhân vật như vừa nêu trên sẽ giúp ta tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển vùng đất Phú Yên giàu đẹp.
1 Quốc sử quán, Đại Nam liệt truyện. Tiền biên. Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 89.
2 Gia phả Lương Văn Chánh. Tập viết tay, dày 89 trang, do ông Đào Chuyên cháu ngoại đời thứ 11 của họ Lương, kính cẩn phụng dịch.
3 Như trên, trang 15 và trang 17.
4 Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Phú Yên. Nxb TP.HCM, 1997.
5 Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa, Nxb Bản đồ, 2005, tr. 38.
34
VÕ TRƯỜNG TOẢN –
NHÀ VĂN HÓA BẬC THẦY
CỦA SÀI GÒN XƯA
Võ Trường Toản quê ở Gia Định, huyện Bình Dương, làng
Hòa Hưng (ở hai bên đường Cách mạng tháng Tám, quận 3 và quận 10 nay). Cụ mất ngày 9-6 năm Nhâm Tý (1792), chưa biết sinh năm nào(1).
Tiểu sử cụ được Phan Thanh Giản tóm tắt như sau: “Tiên sinh tính Võ, húy Trường Toản; đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Thừa Thiên), hoặc nói là người Bình Dương (Gia Định), trước học ai hiện chưa rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật, có thuật nghiệp uyên thâm, thông đạt. Xảy hồi biến động Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn, mở trường dạy học, học trò kể có mấy trăm. Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Bậc thượng hạng là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tĩnh. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Túc, ở ẩn dật, ngoài ra không kể hết được. Các ông ấy đều gặp hồi phong vân, thời trung hưng... thảy đều nên công nghiệp lớn trong đời.
35
“Lúc vào Gia Định, Nguyễn Ánh thường triệu tiên sinh tới đàm đạo. Lại nghe tiên sinh học rộng khắp các kinh, và sở trường nhất là bộ Tứ thư. Ông Chiêu là nhà túc nho ẩn dật học theo tiên sinh, học thấu nghĩa tri ngôn dưỡng khí... Sở học của tiên sinh thật là rộng lớn và tinh vi vậy, dẫu đọc bất cứ ngàn muôn kinh sách nào cũng rõ được nghĩa lý.”
“Tiên sinh không hứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều nhân tài mà còn truyền thuật, giảng luận trau dồi về sau, tới nay dân gian trong 6 tỉnh Nam kỳ vẫn tỏ lòng trung nghĩa, cảm phát dám hy sinh vì tính mạng. Xét ra tuy nhờ đức thân nhân của quân vương nhuần gội, có kết nhân tâm, nhưng nếu không có đức công mở mang huấn dục của tiên sinh từ thuở trước thì làm sao có được nhân tâm như thế”(2).
Đúng vậy, Võ tiên sinh là người ẩn dật, không làm quan với cả Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn. Ẩn dật với chính quyền – bất kể chính quyền nào – mà không ẩn dật với xã hội: Tiên sinh đã mở trường dạy bảo hàng trăm học sinh, nhiều người đỗ đạt làm quan lớn, nhiều người chỉ học để sống cho có đạo lý. Song tất cả đều là hào khí Đồng Nai. Hào khí ấy, được tiên sinh hun đúc cho người đương thời và còn tồn tại mãi về sau.
Gia Định tam gia là ba nhà văn thơ rất nổi tiếng ở cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX đều là học trò của Võ tiên sinh, gồm có: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh. Thơ văn của 3 nhà thơ này đã in thành sách Gia Định tam gia thi tập còn truyền đến ngày nay.
Nhóm thi văn tao đàn Hội Sơn xưa ở Sài Gòn cũng từng theo học Võ tiên sinh, họ là: Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, Hối
36
Sơn Hoàng Ngọc Uẩn, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tĩnh, Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng...
Nếu Trịnh Hoài Đức làm “chủ soái” Gia Định tam gia và Hội Sơn thì Ngô Nhơn Tĩnh lại đứng đầu Bình Dương thi xã nổi danh phong nhã. Tĩnh là người “viết đẹp, vẽ tài” nhất đương thời.
Học trò của Võ Trường Toản không phân biệt người Việt hay Minh Hương, trong số này nổi danh hơn cả là Trịnh Hoài Đức gốc Phước Kiến và Ngô Nhơn Tĩnh gốc Quảng Đông. Song toàn thể đều ca tụng cảnh vật bằng quốc âm.
Đất uyên cõi Việt rừng nho rậm
Hay là:
Phủ Gia Định! Phủ Gia Định! Nhà đủ người no chốn chốn. Xứ Sài Gòn! Xứ Sài Gòn! Ở ăn vui thú nơi nơi.
...
Đông đảo thay phường Mỹ Hội,
Sum nghiêm bấy làng Tân Khai.
...
Gái nhơ nhởn tay vòng tay xuyến,
Trai xênh xang chân hớn chân hài(3).
Họ là bọn xuất sĩ, không chỉ làm thơ văn yêu nước, mến cảnh Sài Gòn, mà còn đem tài năng ra thi thố lập được nhiều công danh, như Ngô Tùng Châu từng làm sư phó dạy Hoàng tử Cảnh, Trịnh Hoài Đức làm Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Binh, Lê Quang Định làm Thượng thư bộ Hộ kiêm quản Khâm thiên giám, Ngô Nhơn Tĩnh làm Thượng thư bộ Công lãnh chức Hiệp trấn thành Gia Định... Họ cũng cầm đầu ngành ngoại giao: Năm 1801, chánh sứ Trịnh Hoài Đức cùng hai phó sứ Ngô Nhơn Tĩnh và Hoàng Ngọc Ẩn đi sứ Trung Quốc để báo
37
tin thắng thế; Năm 1802, chánh sứ Lê Quang Định cũng đi Trung Quốc để cầu phong và xin đổi quốc hiệu (bỏ tên An Nam, lấy tên Nam Việt, nhưng vua Thanh chỉ nhận đổi là Việt Nam); Năm 1807, chánh sứ Ngô Nhơn Tĩnh đi La Bích để phong vương cho vua Chân Lạp. Ngoài ra, họ còn trước tác các công trình “khoa học sử địa”: Trịnh Hoài Đức với Gia Định thành thông chí, Lê Quang Định với Đại Việt thống nhất dư địa
chí. Ngô Nhơn Tĩnh (và chủ biên Bùi Dương Lịch) với Nghệ An phong thổ ký. Ở thời điểm này, phỉ những học trò của Võ Trường Toản đã thấm nhuần nền giáo dục “thật chất, có thuật nghiệp uyên thâm, thông đạt”, khó ai thực hiện được những công trình khoa học và bác học ấy.
Thế nên, “từ những học trò đỗ cao, quan sang (ấy) cho đến những người như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị (có thể kể thêm Hồ Huấn Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Học Lạc...) sở dĩ đã giữ tròn tiết tháo khi nước nhà bị xâm lăng, đều là người có chịu ảnh hưởng của cụ”(4). Lúc 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ mất vào tay Pháp, nhóm sĩ phu Phan Thanh Giản (cũng gốc Minh Hương), Nguyễn Thông, Phạm Hữu Chánh, Võ Gia Hội, Trương Ngọc Lang liền lo việc dựng mộ bia và di chuyển hài cốt Võ tiên sinh từ làng Hòa Hưng (Chí Hòa nay) về làng Bảo Thạnh (Bến Tre) nơi quê hương Phan Thanh Giản. Nhưng lúc bia đang dựng thì thực dân Pháp đã chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Trên mộ bia ở Hòa Hưng cũng như ở Bảo Thạnh, vẫn luôn có huy hiệu khắc trên đá Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh do chúa Nguyễn Ánh truy tặng. Đây là xử sĩ có công đầu trong sự nghiệp tạo hào khí Đồng Nai, nơi có “nhiều người trung dũng, khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dù hàng phụ nữ cũng thế”(5).
38
Suốt thời gian miền Nam chịu lệ thuộc và ảnh hưởng ngoại bang (1867-1975), rất ít ai nhắc đến Võ Trường Toản, ngoại trừ hai tác giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh và Nam Xuân Thọ đã nghiêm túc nghiên cứu sự nghiệp đào tạo nhân tài và hào khí của vị xử sĩ bậc thầy này(6). Mong rằng sẽ có những công trình nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc về nhà văn hóa bậc thầy này, một ngày không xa.
1 Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam liệt truyện tiền biên, Viện Sử học tổ chức dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, Q.6, tr.189.
2 Nam Xuân Thọ – Võ Trường Toản, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1957. 3 Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần Khuê – Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa, Nxb TP.HCM, 1987, tr.261-271. Các tác giả đặt nghi vấn chưa chắc đích xác Ngô Nhơn Tĩnh đặt bài phú này.
4 Nam Xuân Thọ, Sđd, tr.5.
5 Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí, Nguyễn Tạo dịch, Tập Hạ, Nhà Văn hóa xb Sài Gòn, 1972, tr.4.
6 Nam Xuân Thọ, Sđd, trích Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, từ tr.9-63.
39
SỰ THẬT VỀ BẢN ÁN HUỲNH CÔNG LÝ
Minh Mạng và Lê Văn Duyệt hầu như hoàn toàn nhất
trí trong bản án tử hình Phó tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý (HCL). Chỉ sau vụ Lê Văn Khôi và vụ xiềng mồ Lê Văn Duyệt, trong dân gian mới đồn thổi một huyền thoại ly kỳ rùng rợn quanh ngôi mộ HCL ở cánh đồng tha ma (nay là quận 3 và quận 10). Khoảng năm 1880, Trương Vĩnh Ký diễn thuyết về Sài Gòn xưa có nhắc lại chuyện: Mộ đó do Minh Mạng xây để tôn vinh HCL là bố vợ mình; Lý bị chặt đầu theo lệnh Lê Văn Duyệt; trong khi Duyệt về kinh vì công vụ, Lý giao du thân mật với các bà vợ của Duyệt; lúc trở lại nhiệm sở, Duyệt liền cho giết Lý không chứng cớ chính đáng và không vị nể Minh Mạng(1). Sau đó, các nhà nghiên cứu Pháp, các tiểu thuyết gia lịch sử thường lấy huyền thoại này thêm vào mối mâu thuẫn sâu sắc giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt. Sự thật lịch sử hoàn toàn trái ngược thế. Xin kể theo biên niên sử:
- Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1802), HCL được Nguyễn Ánh sai làm Vệ úy thuộc dinh Túc trực, coi 10 đội với 500 quân(2). Dinh Túc trực chia ra 10 vệ. Cầm đầu dinh là một Đô thống chế (như cấp tướng nay). Cầm đầu vệ là một Vệ úy (như cấp
40
tá nay). Lúc này, Nguyễn Ánh vừa thâu phục được Phú Xuân (Huế) và đã lấy được Qui Nhơn, xong chưa tiến quân ra Bắc. Tháng 5, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long và tháng 7 đem quân ra Bắc Hà.
- Tháng 10 năm Gia Long thứ 10 (1811) Vệ úy HCL đi làm Trấn thủ Bình Định(3).
- Tháng 9 năm Gia Long 14 (1815), HCL được gọi về kinh làm Tả thống chế coi 5 vệ binh. Sau 13 năm mới được thăng từ Vệ úy lên Thống chế(4).
-Tháng 8 năm Gia Long 17 (1818), HCL được sai làm Phó tổng trấn Gia Định thành(5) phụ giúp cho Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức. Đương thời, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp tổng trấn. Đó là 3 chức cao cấp nhất Gia Định thành gồm cả 5 trấn miền Nam.
- Mùa xuân năm Gia Long 18 (1819), Trịnh Hoài Đức ghi công HCL giám đốc 11.460 dân phu khai thông sông cũ Sài Gòn (tức rạch Bến Nghé từ Sài Gòn vào Chợ Lớn nay) làm cho “sâu rộng nhanh chóng, ghe thuyền đi lại... hát xướng, ngày đêm nối nhau, thực là nơi đô hội trên bến dưới thuyền”(6). Gia Long sai trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong lấy hơn 9.000 dân “đào cho kinh Vũng Gù ở cửa sông Vàm Cỏ Đông (Tân An) thông với sông Tiền (ở Mỹ Tho)”. Cũng với kinh Vĩnh Tế, việc chuyên chở từ Sài Gòn đi lại khắp miền Nam rất thuận tiện.
- Tháng 10 cùng năm, Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức chết. Gia Long cho Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhân thay(7). Nhưng đến ngày 19-12 cùng năm (Tây lịch đã sang 1820), Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi. Tháng 2 năm Minh Mạng 1 (1820) Nguyễn Văn Nhân xin về kinh chịu tang, cho Trịnh Hoài Đức giữ ấn quyền Tổng trấn(8).
41
- Tháng 5 năm Minh Mạng 1 (1820), lấy Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định. Một tháng sau, Trịnh Hoài Đức được triệu về Kinh. Tháng 7, Duyệt sai HCL đi đánh giặc Kế cướp phá trên các đạo Quang Hóa, Quang Phong và Thuận Thành (vùng biên giới Tây Ninh). HCL thắng trận(9).
- Tháng 9 cùng năm, Phó tổng trấn Gia Định là HCL tham lam trái phép bị quân nhân tố cáo hơn 10 việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Không ngờ HCL quá đến thế, công trạng hắn có gì bằng các khanh,... thế mà bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội nhưng dân đã khốn khổ rồi”. Đình thần hội bàn nội vụ: HCL bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành (Gia Định) mà tra xét thì tiện hơn. Vua (Minh Mạng) cho là phải, bèn hạ HCL xuống ngục, sai thiên sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần (quan án) ở thành (Gia Định) mà xét hỏi. Rồi thấy Trấn thủ Biên Hòa là Tống Văn Khương, ký lục là Hoàng Công Xuân, cai bạ là Bùi Phụ Đạo, vì trước thiện tiện bắt binh dân làm việc riêng cho HCL, việc phát giác, đều bị bắt(10).
Ít lâu sau, Minh Mạng lại nói: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam xảo quyệt... (như) gần đây HCL làm Phó tổng trấn Gia Định chẳng bao lâu mà bóc lột của dân đến trên 3 vạn...”.
- Tháng 3 năm Minh Mạng 2 (1821), lấy Trương Tiến Bửu làm Phó tổng trấn Gia Định (thay HCL). Bửu là người trọng hậu, giản dị và trầm tĩnh, tuổi hơn 70, khi bệ từ, Minh Mạng nói: Người lão thành từng trải thì không thể như HCL. Nhưng rộng rãi quá thì tôi tớ làm bậy, tội đến chủ nhà, nên tự răn mình thế(11).
42
- Tháng 5 cùng năm, HCL bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền, thành thần Gia Định đã xét hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu tài sản trả lại cho binh dân. Minh Mạng nói: Gia Định là nơi đất rộng dân đông, cha ta (Gia Long) mưu tính... khôi phục cơ đồ... Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn phủ cho muôn dân yên ổn. Không may có HCL lấy tư cách đê hèn, tham bạo, ăn trái pháp luật đến muôn vạn, bắt người làm việc riêng tốn hàng nghìn, mọt dân hại nước đến thế là cùng... Hồi HCL làm Tả thống chế (cấm binh),... ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng trên bờ sông Hương, nay việc phát giác, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó dụ rằng từ nay biền binh bên ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép đón đường xa giá (vua đi) mà tâu. Lại dụ cho đại thần văn võ nên lấy việc HCL làm răn(12).
Như vậy, không hề có những chuyện Lê Văn Duyệt chuyên quyền tiền trảm hậu tấu, Lê Văn Duyệt giết HCL rồi gởi thủ cấp cho Minh Mạng hay Minh Mạng bao che tội lỗi của HCL rồi xây lăng mộ cho bố vợ mình... Huyền thoại xuyên tạc này làm giảm giá trị cả Lê Văn Duyệt lẫn Minh Mạng – hai nhân vật lớn của lịch sử cận đại Việt Nam. Nếu có mâu thuẫn giữa hai người, dù là mâu thuẫn nổ ra sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, thì đó là mâu thuẫn về chiến lược bảo vệ và phát triển dân tộc ta. Xin trân trọng nói lên một sự thật.
43
1 Trương Vĩnh Ký – Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1997, tr.32 bản dịch, tr.77 bản nguyên văn tiếng Pháp.
2 Quốc sử quán – Đại Nam thực lục (ĐNTL), T.3, Viện Sử học phiên dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1963, tr.12.
3 ĐNTL, T.4, tr.133.
4 ĐNTL, T.4, tr.258.
5 ĐNTL, T.4, tr.356.
6 Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích, Nxb Giáo dục, 1998, tr.35.
7 ĐNTL, T.4, tr.391.
8 ĐNTL, T.5, tr.68.
9 ĐNTL, T.5, tr.125
10 ĐNTL, T.5, tr.150.
11 ĐNTL, T.5, tr.202.
12 ĐNTL, T.5, tr.223.
44
NHÂN VẬT TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
Trương Đăng Quế (TĐQ) sinh ngày 1-11 năm Quý Sửu
(1793) tại làng Mỹ Khê Tây, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Đỗ Hương cống (cử nhân) năm Gia Long thứ 18 (1819). Từ 1820 (Minh Mạng nguyên niên) đến 1829, làm Hành tẩu (viên chức nhỏ như tùy phái) bộ Lễ. Biên tu – thị độc Hàn lâm viện, Hành tẩu Văn thư phòng (của nhà vua sau là Nội các).
Từ 1830 đến 1832, TĐQ làm Tả thị lang (như cấp Vụ trưởng nay) bộ Công, sung biện Nội các sự vụ, quyền biện nha Thương bạc (quản việc ngoại thương và ngoại giao), Tả tham tri (Thứ trưởng thứ nhất) bộ Hộ, Phó chủ khảo thi Hội để lấy tiến sĩ, Chủ khảo thi hạch giáo chức, Độc quyển thi Đình (để chọn Thám hoa, Bảng nhãn).
Từ 1833 đến 1835, TĐQ làm Tá tham tri bộ Hộ kiêm ấn Đô sát viện (như viện kiểm sát hiện nay), thăng Thượng thư bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Tào chính vụ (vận chuyển chủ yếu lương thực), Chánh chủ khảo thi Hội, nhận hàm Thái tử thiếu bảo. Năm 1836, TĐQ được cử đi kinh lược Nam kỳ, lúc ấy TĐQ đã 44 tuổi, kinh nghiệm cai trị suốt 16 năm, trải qua các bộ Lễ – Công – Hộ và sự vụ ngoại giao – vận
45
chuyển – thi cử – Nội các rồi Cơ mật viện đại thần, rất có uy tín. Vấn đề duyệt dân tuyển lính và đo đạc ruộng đất lập sổ địa bạ tại Nam kỳ thật là khẩn thiết. Vì ở Đàng Ngoài, số địa bạ đã được lập minh bạch từ 3 hay 4 trăm năm trước và riêng dưới triều Nguyễn cũng đã tái lập được trên 30 năm, thế mà Nam kỳ gồm 6 tỉnh ruộng nương phì nhiêu bát ngát chưa hề được đo đạc ghi chép, tạo thành nạn cường hào bá chiếm, tranh tụng triền miên.
Kinh lược Nam kỳ năm 1836 để duyệt tuyển và lập địa bạ
Trước khi đoàn Kinh lược khởi hành, Minh Mạng nói đại khái: “Nay phái Kinh lược sứ đến Nam kỳ. Phàm tất mọi việc quân dân, hễ điều hại nên bỏ, điều lợi nên làm, thì chuẩn cho lần lượt tâu lên mà làm. Về việc ranh giới ruộng đất lại càng trọng yếu. Xưa nay ruộng đất các tỉnh khắp nước đều ghi diện tích rõ ràng bằng mẫu sào thước tấc, duy có 6 tỉnh Nam kỳ cứ ghi theo dây hay sở rất tùy tiện co giãn, phát sinh nhiều tệ hại”.
Đoàn Kinh lược gồm: Binh bộ thượng thư TĐQ và Lại bộ thượng thư Nguyễn Kim Bảng làm Kinh lược đại sứ, thự (tạm giữ chức) Lễ bộ thị lang Tôn Thất Bạch và thự Thông chánh sứ (giữ việc bưu chính thông tin) Nguyễn Đắc Trí làm Phó sứ, cùng mấy chục viên dịch tùy biện và đạc điền quan. Đoàn đi đường thủy ngày 18-2, tới Gia Định (Sài Gòn) sau 6 ngày. Kim Bảng ngã bệnh, Trấn Tây tướng quân Trương Minh Giảng thay thế.
Tháng 4, TĐQ tâu về kinh: Tuyển lính ở Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường là đủ số. Còn việc đo ruộng đất thì thiếu người biết đo và đã làm thử ở nơi gần trước, đa số dân chúng tán thành, vì học được xác lập quyền sỏ hữu. “Nay khám đạc thì mọi người cứ chiếm phần mình cày cấy, nộp thuế, không
46
còn bị cường hào ức hiếp. Trong số ruộng đem đo đạc... có chỗ trước gọi là một thửa mà dài rộng quanh co đi đến nửa ngày đường mới hết chỗ thực canh. Sự tình ấy không phải chỉ có một nơi, mà khá phổ biến. Cho nên có đo đạc, tất phải kê cứu, nên không tránh khỏi kéo dài”. TĐQ kể ra 14 điều khoản, theo đó đoàn kinh lý đạc điền lấy làm căn cứ để lập các sổ địa bạ. Như: kê khai cho đúng thực tế, ruộng đất riêng, ruộng cấy lúa hạng tốt hay xấu, đất trồng cây gì; đất gò đống dân cư thổ không ai nhận làm chủ thì miễn thuế, ai nhận nơi đất ở riêng thì tính thuế theo công thổ; ruộng đất có chủ phải chịu thuế theo hạng tư điền thổ, nếu còn nơi lưu hoang thì nên khuyến khích cho dân canh tác và đánh thuế theo hạng công điền thổ; những nơi xây dựng đền chùa, miếu mạo hay nghĩa trang thì tách ra làm hạng miễn thuế; ruộng đất nào trong sổ trước ghi là bản thôn đồng canh, thì cho làm hạng công điền thổ, xếp đặt lại địa giới xã thôn (trên 1.700 làng), người có ruộng đất trong thôn gọi là phân canh, ở thôn khác gọi là phụ canh; dân thôn nào ly tán để ruộng đất hoang phế, thì cho người ở gần đó khai báo và canh tác, đợi khi nào dân thôn đó về thì trả lại; dân thôn nào không có địa phận phải đi ở đậu thì cho tách số ruộng đất đã mua ở đậu đó làm địa phận làng mới lập...
Tóm lại, TĐQ – tất nhiên có cả Trương Minh Giảng tham gia – đã chủ trương hạn chế cường hào bá chiếm, phân chia công tư điền thổ minh bạch, làm cho ai cũng có ruộng đất làm ăn, làng nào cũng có địa phận rõ ràng. Đó là cách quản lý đất đai vừa có lợi an cư lạc nghiệp cho dân, vừa xác lập cương vực vững vàng cho nước. Có nghiên cứu kỹ 1.700 sổ địa bạ lục tỉnh xưa, ta mới thấy chính sách của Việt Nam truyền thống là tuyệt đối bảo vệ quyền phụ nữ (sở hữu 20% tư điền thổ), quyền gia đình, quyền xã thôn, không muốn ai giàu ba họ ai khó ba đời, lấy công điền
47
để chế ngự bất quân bình. Tổng lý không có nhiều ruộng đất, quan lại hầu như vô sản, xã hội Nam kỳ xưa vận hành đúng lề lối sĩ nông công thương, mặc dầu lục tỉnh có nhiều chủ điền với ruộng thẳng cánh cò bay nhất nước ta. Ngoài ra, TĐQ còn xếp đặt cho việc giao thông thuyền bè trên sông rạch được trật tự, củng cố việc canh phòng các cửa biển nhất là Cần Giờ, đưa thêm dân đi khai thác Côn Đảo – Phú Quốc, lập phủ Tây Ninh với tầm nhìn chiến lược để phát triển và bảo vệ phần phía Nam của Tổ quốc.
Ngày 10-5, địa bạ của Biên Hòa và Gia Định được ghi hoàn tất. Ngày 3-6, địa bạ của Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cũng ghi xong. Tổng kết: Trước đây (1836), ruộng đất có nộp thuế là linh 20.197 sở, 13 dây, 8 khoảnh và hơn 3.464 mẫu. Nay đọc thành linh 630.075 mẫu ruộng đất. Ngày 18-7 (kinh lý đạc điền toàn Nam kỳ đúng 5 tháng), đoàn TĐQ đi đường trạm về Huế. Hôm sau, Trương Minh Giảng trở lại Trấn Tây thành (Nam Vang).
Chủ khảo trường thi và sử quan chính yếu triều Nguyễn
Sau khi Kinh lược Nam kỳ (1836) tới lúc về hưu (1863), TĐQ liên tục giữ các trọng trách lớn trong triều đình Phú Xuân: Phụ chính đại thần, Thái bảo, Cần Chánh điện đại học sĩ, Binh bộ thượng thư, Cơ mật viện đại thần, quản lý Khâm Thiên giám, Quốc tử giám, Kinh diên Quốc sử quán, Tào chính, Thương bạc, hàm Tuy Thạnh quận công. Đó là những trọng trách lớn thường nhật. Ngoàira, TĐQ còn nhận những việc đột xuất như Kinh lý chiêu an tại 4 tỉnh Tuyên – Thái – Cao – Lạng (1833), Kinh lược quân binh Thanh Hóa (cuối năm 1836), duyệt tuyển 4 tỉnh Ninh – Thanh – Nghệ - Tĩnh (cuối năm 1837), khám lý
48
đèo Hải Vân, duyệt tuyển Khánh Hòa (1838), Kinh lý đê điều Bắc kỳ (1853)... Nhưng công nghiệp lớn khác của TĐQ là: Giáo dục thi cử và tổng tài các bộ sử.
TĐQ giảng dạy lâu năm tại Tập hiền viện, nhà Kinh diên và Quốc tử giám, đào tạo số lớn sĩ phu một thời. TĐQ làm Chủ khảo thi hạch giáo chức (1830), Chủ khảo thi Hội (1838) và trước sau 9 lần Độc quyển thi Đình lựa chọn cả thảy 78 tiến sĩ.
Được coi như một sử quan chính yếu của triều Nguyễn, TĐQ được giao xét kiểm và trước tác nhiều bộ sử, quan trọng nhất là làm Tổng tài bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên (1841), Tổng vựng bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gồm 262 quyển (1843), Tổng tài bộ Đại Nam thực lục, Tiền biên – Chính biên (1848), (Viện sử học dịch và xuất bản thành 38 tập).
Cũng xin đơn cử hai sự kiện sau đây để đánh giá tư cách và thái độ trung quân ái quốc của TĐQ: Tháng 8 năm Ất Mão, TĐQ dâng sớ xin nghỉ hưu, tâu: “... Tôi tự xét mình, tài giỏi không bằng ông Đặng Văn Thiêm, văn học không bằng ông Phan Thanh Giản, siêng năng không bằng ông Lâm Duy Hiệp, nay đã già yếu không ích gì cho chính sự nữa, xin cho thần nghỉ việc dưỡng bệnh”. Tháng 6 năm Kỷ Vị (1859), Pháp đề nghị điều kiện hòa đàm, TĐQ tâu: “Pháp xin 3 khoản: xin cắt đất, điều ấy quyết không nên chịu; xin thông thương, thì từ thời lập quốc đến nay đã có định lệ rồi; xin giảng đạo Thiên Chúa, thì từ thời Trần Lê cũng đã thế, nhân gần đây nghiêm cấm quá, nên chúng phải xin, nay ta bỏ điều nghiêm cấm mà nghỉ binh yên dân thì hơn là tiểu họa”.
Năm 1863, TĐQ mới được về hưu và năm 1865 thì mất tại quê nhà.
49
Tư liệu tham khảo:
- Quốc sử quán – Đại Nam thực lục, Bản dịch Viện sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1962-1978.
- Ban trị sự tộc Trương – Sưu tập tài liệu đã xuất bản về TĐQ, LHNB, 1993. - Nguyễn Đình Đầu – Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Lục tỉnh, Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, Nxb TP.HCM, 1991- 1994.
50
CỐ THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG VỚI CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Hơn nửa thế kỷ qua, với cương vị từ Bộ trưởng đến Thủ
tướng, từ Trưởng đoàn thương thuyết Fontainebleau năm 1946 đến Trưởng đoàn điều đình Genève năm 1954, ông Phạm Văn Đồng luôn tỏ ra là một chính khách lỗi lạc. Nhưng qua cái vỏ chính khách, ông đã thể hiện một nhân cách lớn của nhà cách mạng đấu tranh cho độc lập quốc gia và nhà văn hóa nặng lòng với bản sắc dân tộc. Trong một thời gian lâu dài, ông đã có nhiều mối quan hệ tốt với các tôn giáo – đặc biệt với Phật giáo và Công giáo. Như lời ông viết hồi 1950: “Ngôi chùa dưới bóng cây cổ thụ với tháp chuông nhà thờ trên đồi càng thêm vẻ đẹp cho đất nước. 20 triệu người, 20 triệu bộ óc, nhưng chỉ một chí...”. Sau khi ông qua đời, các giới tôn giáo đã có những phát biểu ca tụng và thương tiếc ông. Nên chăng có những thiên khảo luận về mối quan hệ giữa Phạm Văn Đồng với các tôn giáo, để các thế hệ chính quyền và đồng bào theo đạo có cơ sở học tập và rút kinh nghiệm... Riêng phần mình, tôi xin kể mấy chuyện tai nghe mắt thấy, mấy buổi gặp gỡ ông có liên quan ít nhiều đến Công giáo:
51
- Ngày 1-9-1945, ông Phạm Văn Đồng thay mặt chính phủ Cụ Hồ tới dự mít tinh trước cửa Nhà thờ lớn Hà Nội của đồng bào Công giáo thủ đô hoan nghênh và ủng hộ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đến nay tôi vẫn không biết sao tôi được cử làm trưởng ban tổ chức mít tinh mang nhiều ý nghĩa lịch sử này. Tôi đã đặt điều kiện: phải gỡ bỏ hết những khẩu hiệu căng ở hai tháp chuông như “Giáo hội Việt Nam trả lại... giáo sĩ Việt Nam”..., phải xin phép Đức cha Thịnh giám mục địa phận đương thời, phải chào hai lá cờ Quốc gia và Tòa Thánh (!), phải phân biệt đây là mít tinh của người Công giáo Việt Nam (chớ không phải mít tinh của người Công giáo theo Việt Minh kêu gọi người Công giáo Việt Nam). Ba diễn giả chính là linh mục Bằng, ông Nguyễn Mạnh Hà và chị Phạm Thị Tự. Cả ba đều là những nhân vật Công giáo có tính tiêu biểu nhất Hà Nội đương thời. Phần mít tinh chính thức chấm dứt, rồi anh Trần Công Chính – đại diện Công giáo Cứu quốc – mới lên tiếng hô hào người Công giáo tham gia việc nước. Tôi còn nhớ giới Công giáo đến dự mít tinh rất đông, đại diện thanh niên thiếu nữ các xứ đạo lân cận đều có mặt, các chú Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên phải đi bộ suốt đêm cho kịp mít tinh sáng hôm sau. Tôi còn nhớ lễ chào cờ là rất linh thiêng, thế mà có kẻ phá hoại đã lén cắt đứt dây cờ đỏ sao vàng, nên khi tôi hô “Chào cờ! Chào!” thì chỉ có cờ Tòa Thánh tung bay, tôi như đứng tim! Tôi còn nhớ lúc sắp đến giờ khai mạc, có mấy người lạ mặt đến bảo: “Hãy cho lệnh chúng tôi đến đòi các cố phải mở cửa Đại Chủng viện Liễu Giai để các thầy xuống dự mít tinh”. Hầu như có ơn trên soi sáng, tôi liền trả lời: “Đây là mít tinh tự do, không ép buộc, bây giờ đi vận động cũng không kịp nữa rồi!”.
Lúc ấy ông Phạm Văn Đồng tới, tôi ra đón và dẫn ông tới chỗ danh dự nhất gần cha Bằng, ông Hà và chị Tự. Mít tinh bắt đầu
52
ngay. Ông vui vẻ chăm chú tham dự từ đầu đến cuối. Ông tham dự để chứng kiến và ghi nhận thiện chí của giới Công giáo. Không biết ông có thấy những lúng túng, sơ sót, bất cập trong tổ chức cũng như lập trường của chúng tôi khi tiến hành mít tinh. Song nhiệt tình của chúng tôi khi hô vang khẩu hiệu Việt Nam độc lập muôn năm đã làm ông hoàn toàn cảm thông. Lúc ấy tôi mới 25 tuổi, xuất thân thợ thuyền, tuy là đàn anh trong phong trào Thanh Lao Công, nhưng đã biết gì về đạo và đời, tôn giáo và chính trị, đã có kinh nghiệm gì để áp dụng đúng đường hướng hội nhập văn hóa “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phụng vụ lợi ích đồng bào” – đường hướng mãi tới năm 1980 mới được Hội đồng Giám mục Việt Nam xác lập.
- Cuối tháng 10-1945, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Mạnh Hà và cố vấn VĩnhThụy đi Phát Diệm dự lễ tấn phong Đức Giám mục Lê Hữu Từ. Ông Đồng phụ trách các vấn đề tôn giáo, làm trưởng đoàn. Sau lễ tấn phong, hai đoàn thể Công giáo được thành lập và cùng mời Đức cha Lê Hữu Từ làm cố vấn: Hội Công giáo Cứu quốc và Liên đoàn Công giáo Việt Nam. Hội Công giáo Cứu quốc là đoàn thể chính trị nằm trong mặt trận Việt Minh được thành lập buổi sáng dưới sự chứng kiến của ông Đồng và phái đoàn chính phủ. Anh Trần Công Chính được cử làm Chủ tịch, anh Nguyễn Mạnh Hà làm thủ quỹ... Anh Chính nguyên là phó đoànThanh Lao CôngThái Hà Ấp thuộc Dòng Chúa Cứu thế, đã hoạt động cách mạng từ lâu, ra công khai cướp chính quyền nhân cuộc biểu tình công chức Trần Trọng Kim ngày 17-8-1945 tại trước Nhà hát lớn. Anh Nguyễn Mạnh Hà được cử làm Chủ tịch Liên đoàn Công giáo, họa sĩ Lê Văn Đệ - coi như đại diện Công giáo Nam bộ làm thủ quỹ, trong một phiên họp vào buổi chiều ngày 29-10- 1945 – không có phái đoàn Chính phủ tham dự trừ cố vấn Vĩnh
53
Thụy. Có lẽ lúc đầu, ông Đồng không hài lòng thấy giới Công giáo lập thêm đoàn thể ngoài vòng kiểm soát của Việt Minh. Sau ông hiểu là không thể quy tụ hết dân Công giáo vào hàng ngũ Cứu quốc, nên ông vẫn giữ tình cảm tốt đẹp với anh Hà và mặc nhiên chấp nhận Liên đoàn Công giáo. Tôi biết khá rõ chi tiết nội tình vụ này, vì anh Hà thường bàn bạc với tôi, mặc dầu tôi không có mặt tại Phát Diệm trong dịp ấy vì tôi đang bận công tác vào Nam lo chở gạo ra Bắc cứu đói.
- Ngày 16-4-1946, một phái đoàn Quốc hội Việt Nam lên đường sang thăm Quốc hội, chính đảng và nhân dân Pháp. Ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, cụ Tôn Đức Thắng làm Phó đoàn, cùng tám đoàn viên chính thức là các ông Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Tích Trí, Nguyễn Văn Luận, Huỳnh Văn Tiểng, Đỗ Đức Dục, Trình Quốc Quang, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Tấn Gi Trọng. Phái đoàn phân công ra: Ban trị sự, Ban liên lạc và các chính khách, Ban tuyên truyền, Ban kiều bào. Ông Hà và ông Trọng được phân vào Ban trị sự do ông Đồng phụ trách. Ngoài ra, bà Hà – nhũ danh Renée Marrane – “giúp đoàn như một thư ký của phái đoàn tại Paris để trông nom việc văn từ”. Ông bà Hà và ông Trọng là ba người Công giáo phục vụ phái đoàn thật đắc lực. Khi ấy chính trường Pháp rất phức tạp, ba đảng lớn chia nhau chi phối tình hình là đảng Cộng sản, đảng Xã hội cấp tiến và đảng Cộng hòa Nhân dân (MRP, Mouvement républicain populaire, thành phần đa số Công giáo). Chính phủ đương nhiệm Thủ tướng Georges Bidault thuộc đảng MRP lãnh đạo. Cho nên việc tranh thủ sự ủng hộ của giới Công giáo Pháp và kiều bào Công giáo được phái đoàn rất quan tâm, theo đề nghị của Nguyễn Mạnh Hà. Ba ông Đồng, Hà, Trọng đặt chương trình đi thăm MRP trước các đảng khác (ngày 30-4-1946) và ngày 3-5-1946 ba ông đến dự bữa cơm thân mật với kiều bào
54
Công giáo và các linh mục Việt Nam ở Paris (sau anh Hà nói với tôi đó là các cha Mai, Vinh, Luận, Khiết, Lập hiện ở Bình Triệu Fatima – nếu tôi không nhớ sai)... Qua những sinh hoạt chung ấy, ông Đồng hiểu biết Công giáo hơn và quí mến anh chị Hà. Tình bạn của họ suốt đời không suy suyển.
- Tháng 6-1954, từ Paris tôi theo anh Hà sang Genève thăm ông Đồng – trưởng đoàn Việt Nam dự hội nghị Đông Dương. Ông nói chuyện chính trị với anh Hà, chủ yếu về tương lai thống nhất đất nước. Ông hỏi tôi về tình hình Việt kiều Công giáo và báo giới Công giáo Pháp. Lúc ấy tôi làm thư ký tòa soạn báo Liên đào Công giáo cùng với cha Nguyễn Quang Lãm và cha Phạm Hân Quynh (nay là cha chính địa phận Hải Phòng), nên có điều kiện trả lời ông đại khái: số ít theo kháng chiến, số đông yêu nước nhưng ngại Cộng sản, phần nhiều báo chí Công giáo Pháp đã ngả về lập trường Hòa bình ở Việt Nam (Paix au Vietnam) như các báo Témoignage Chrétien, Esprit, La Quinzaine,... Ông Đồng đón tiếp chúng tôi rất ân cần thân mật.
- Khoảng tháng 4-1955, Công giáo Bắc ào ạt di cư vào Nam, anh Hà được ông Đồng mời về Hà Nội tham vấn. Anh Hà đề nghị nên có những cuộc hội kiến thường xuyên giữa những vị cao cấp nhất của hai bên Chính quyền và Giáo hội. Cụ thể đã có cuộc gặp gỡ, một bên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh phụ tá và bên kia là Đức Giám mục Trịnh Như Khuê với linh mục Phạm Hân Quynh làm phụ tá. Anh Hà liền rút lui sau đó. Không hiểu sao hình thức họp cấp cao này không được duy trì lâu bền. Mối quan hệ giữa hai bên ngày một băng giá do cuộc kháng chiến chống Mỹ xui khiến.
- Từ ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, tình hình Công giáo trong Nam ngoài Bắc rất phức tạp. Cũng may là ngày 1-5-
55
1980, lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Việt Nam hội họp và xác định đường hướng mục vụ: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Đó là kim chỉ nam cho mọi sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, vì mối quan hệ Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh chưa bình thường hóa và vì những hậu quả của một quá khứ nặng nề – không thể kể hết nơi đây – đã làm cho việc sinh hoạt Công giáo gặp muôn vàn khó khăn...
Ngày 19-5-1990, anh Hà và tôi ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhật Hồ Chủ Tịch. Bất ngờ Đức Hồng y Trịnh Văn Căn qua đời. Tòa Thánh cử Đức Hồng y Etchegaray sang dự tang lễ. Ngài ở nhà khách chính phủ, cũng gần buồng anh Hà ở. Anh Hà sang chào Ngài rồi hai người trao đổi về tình hình Giáo hội Việt Nam. Ngài nhờ cậy can thiệp với Chính quyền Việt Nam.
Sau khi dự lễ tang trọng thể an táng Đức Hồng y Trịnh Văn Căn, anh Hà và tôi đi gặp cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng – tôi còn ghi lại là 8 giờ 30 ngày 10-6-1990 – tại nhà quốc khánh tức Bắc bộ phủ cũ. Xin nhắc lại cuộc đàm thoại của chúng tôi tóm tắt như sau:
A. Hà: Khi kháng chiến chống ngoại xâm, ta cần đoàn kết dân tộc – như Bác Hồ đã thực hiện – nay cần phát triển kinh tế xã hội – cũng nên có đoàn kết dân tộc.
Ô. Đồng: Khi xây dựng càng cần đoàn kết hơn khi kháng chiến. Bất cứ ai là người Việt Nam đều phải chung vai góp sức, chỉ trừ người từ chối mình là Việt Nam. Đoàn kết là quyền và nhiệm vụ của mọi người Việt Nam.
A. Hà: Đức Hồng y Trịnh Văn Căn mới mất, hàng Giáo phẩm Việt Nam thêm trống chỗ. Lại còn nhiều vấn đề khó khăn chưa giải quyết. Có lẽ nên phục hồi sáng kiến từ năm 1956 (?) là
56
cần có những cuộc gặp gỡ thường xuyên ở cấp cao nhất (lúc ấy là Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Đức Giám mục Trịnh Như Khuê).
Ô. Đồng: Tôi tán thành ý kiến đó. Chứ nếu không thì khi có chuyện đột xuất hay rắc rối xảy ra, sẽ không biết đường nào giải quyết, sẽ đổ vỡ hết. Song muốn có hiệu quả thì bên Công giáo phải có người như Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình mới dễ bàn bạc.
A. Hà: Tôi xin giới thiệu anh Nguyễn Đình Đầu đây là người anh đã biết từ lâu và cùng tôi hoạt động Công giáo trên nửa thế kỷ nay. Anh ấy cũng như tôi và hiện là cố vấn xã hội của Tổng Giám mục Bình. Anh Đầu sẽ chuyển đạt ý tưởng đó.
Ô. Đồng: Hay quá! Xin anh Đầu chuyển lời thăm hỏi của tôi đến cụ Bình. Nay anh Đầu hoạt động ở đâu, cho tôi địa chỉ liên lạc (Tôi nói qua về hoạt động nghiên cứu và tôn giáo mình của mình, rồi đưa địa chỉ cho thư ký ông Đồng).
A. Hà: Hồng y Etchegaray đại diện Đức Giáo Hoàng sang dự lễ tang Hồng y Căn, ở nhà khách chính phủ gần phòng tôi, đề nghị tôi hai điều:
- Faites accepter Thuận par le Gouvernement Vietnamien (anh Hà nói tiếng Pháp với ông Đồng như vậy). - Sang Vatican để gặp những người của Tòa Thánh có phận sự quan hệ với Việt Nam.
Ô. Đồng: Cá nhân Giám mục Thuận tôi không nắm rõ. Khó đấy. Không phải vì lý lịch gia đình cho bằng lập trường trước đây của ông ta.
N.Đ.Đ: Thưa anh, chính Tổng Giám mục Bình tiến cử Giám mục Thuận kế nhiệm mình và Tổng giám mục Bình vẫn giữ thiện cảm và tín nhiệm Giám mục Thuận. Đó là theo chỗ tôi
57
biết vì tôi thường gặp Tổng giám mục Bình và gần đây cũng tiếp xúc thân mật với giám mục Thuận.
Ô. Đồng: Để xem thêm vấn đề đó, và chuyện anh Hà đi Vatican, tôi rất tán thành. Nên lắm, nên lắm. Còn nhiều khó khăn lắm đấy, khó khăn cả ở bên này lẫn bên kia. Song quyết tâm thì sẽ được. Tôi ghi nhận hết những điều anh em bàn bạc...
Ông Phạm Văn Đồng thôi không làm thủ tướng từ cuối năm 1986, mắt ông ngày càng kém, nhưng tinh thần và trí tuệ vẫn minh mẫn nồng nàn. Còn anh Nguyễn Mạnh Hà mất năm 1992 và Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình qua đời năm 1995. Tôi cũng hết điều kiện góp phần giải tỏa các khó khăn của Công giáo. Năm 1997, nhân đi Hội thảo quốc tế về Việt Nam học ở Hà Nội, tôi đã vào chào ông Đồng. Đó là lần cuối cùng gặp ông. Ông hỏi thăm gia đình anh Hà, ông hỏi thăm về sinh hoạt khoa học xã hội của tôi tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông vẫn thân mật và nhân hậu như bao giờ.
Khi được tin ông Phạm Văn Đồng qua đời, tôi chân thành cầu nguyện cho ông bình an siêu thoát ở cõi vĩnh hằng. Ông thật là mẫu mực một con người nhân hậu và công chính.
58
HOÀNG XUÂN HÃN - NGƯỜI GÓP PHẦN XÂY DỰNG NỀN QUỐC HỌC HIỆN ĐẠI
Trước hết, ta hãy nghe chính Giáo sư Hoàng Xuân Hãn kể:
“Từ khi vào các trường Vinh (1917) hay Hà Nội (1927), tôi đã sớm nhận thấy thiếu phần “Quốc học”, và càng lên càng thấy phần quốc học suy đồi... Tôi lại nhận thấy rằng nếu tiếng mình thiếu phần tối thiểu về khoa học, thì dân ta không thể có những lý luận chính xác nghiêm túc và những kiến thức “cách trí” không thể truyền bá vào tập quán dân ta, chỉ quen với từ chương mơ hồ luộm thuộm. Vì những lẽ ấy, khi tôi được vào trường Polytechnique (Bách khoa Pháp), năm 1930, tôi bắt đầu nghĩ đặt Danh từ khoa học cho có nền tảng hữu lý và quốc gia. Năm 1936, tôi về dạy toán học tại trường Bưởi cũ, nhưng nay đã đổi ra loại Lycée với hoàn toàn chương trình trung học “Tây”. Vấn đề giáo dục không thể gắn liền với vấn đề quốc học nữa. Nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc lập Danh từ khoa học... Tôi cùng một nhóm bạn lập ra tạp chí Khoa học, và tôi tự đem in tập Danh từ khoa học của tôi...
“Khoảng cuối tháng 4-1945, khi tôi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục, thì các trường trung học tại Huế, công cũng như tư,
59
đều dạy bằng tiếng Việt. Phương pháp từ ngữ thì chọn lấy mấy trăm chữ Pháp liên quan đến môn mình dạy, đem diễn ra bằng Việt ngữ, rồi đem “in thạch” mà phát cho các thầy trò. Các thầy theo đó mà giảng. Nhiều thầy đã mách với tôi rằng học trò nhớ tân ngữ chóng hơn thầy nhiều! Lúc đầu chương trình còn theo chương trình Trung học Pháp. Tôi liền họp các giáo sư trung học và yêu cầu lập chung một chương trình có tính cách hoàn toàn quốc gia Việt Nam. Tôi tự đặt ra một số nguyên tắc mới, mà sau này chính chương trình Trung học Pháp cũng theo (như vượt lên về toán, lý, hóa, bỏ chia trung học ra hai phần...). Chính tôi đã đặt ra những từ: Phổ thông và Chuyên khoa. Nhất là như tôi đã nói, tôi thấy về văn học, ta thiếu những người học sâu về cổ văn, để hiểu và dạy quốc văn nghiêm túc, và nhận văn bản đúng hay sai. Vì lẽ ấy, tôi đã đặt Ban chuyên cổ văn như trong các chương trình Âu châu. Trong những người có công lớn trong việc cải cách, có Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn... Cuối tháng 6, lần đầu mở kỳ thi trung học bằng tiếng Việt tại Huế. Những bài làm rất tốt, kể cả bài thi triết học. Đầu tháng 7 tôi phải ra Hà Nội để thu nhận các cơ quan Đại học mà Nhật trả, tôi đã mang theo bản Chương trình Trung học và bản tập lục những bài thi xuất sắc để đem in. Tiếc thay, nhà in bị cháy, tôi chỉ cứu được một bản in Chương trình trung học”(1).
Ta hãy trở lại sách Danh từ khoa học, một công trình rất đặc sắc để “khai đường mở lối” cho nền học thuật bằng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Năm 1942, sách ra đời. Năm 1943, Hội Khuyến học Nam kỳ (SAMIPIC) tặng giải thưởng.
Báo Tri tân số 30-3-1944 đưa tin thêm:“Giáo sư Hoàng Xuân Hãn ở Bắc Hà không ai còn không rõ. Hiện Giáo sư đang viết
60
giúp tờ Khoa học và đang gắng dùng Việt văn để viết khoa học thái tây”(2).
Trên báo Tri tân suốt từ năm 1942 đến cuối năm 1943, đã có nhiều bài bàn về việc viết khoa học bằng tiếng Việt, đáng chú ý hơn cả là loạt bài của ông Nguyễn Trọng Thuyết, một cựu học sinh trường Bưởi. Ông Thuyết mở đầu: “Tôi để ý đến công chuyện viết khoa học bằng tiếng ta từ hồi Phạm (Quỳnh) tiên sinh mới khởi xướng ra cái thuyết người Annam phải học bằng tiếng Annam, cái thuyết mà tôi cho là rất chí lý tuy rằng gần đây vẫn còn có người chỉ trích nó... Ông Laos dạy khoa học hồi đó ở trường Bưởi... hỏi chúng tôi một câu cũng rất chí lý: “Các anh muốn học bằng tiếng Annam? Phải lắm! Nhưng các anh lấy chữ đâu mà học khoa học?”... Các bạn đồng song của tôi còn nhiều người nhớ,... (cho nên) nhiều người thông chữ nho đã gắng sức dịch các môn khoa học ra tiếng ta như kỷ hà học, vật lý học, đại số học, hóa học, vạn vật học, tâm lý học... Nhưng sau đều bỏ dở cả. Tại sao? Có phải các ông thiếu nghị lực không? Không! Tại các ông đã đi lạc đường. Các ông không làm nổi vì các ông thông chữ nho! Các ông đã đi theo gót ông Tàu... (Mà) viết một cách cẩu thả, lộn xộn như ông Tàu, thì vạn kiếp nữa cũng không viết khoa học nổi”(3).
“Sau khi khảo cứu kỹ càng về khoa học và Việt ngữ, tôi đã thấy chắc chắn rằng muốn viết khoa học bằng tiếng ta thì phải viếtra làm sao mới biết nổi, mới dễ hiểu, mới dùng được. Những điều đó tôi đã đăng trong báo L’Annam Nouveau, từ ngày 11-1-1942 đến ngày 15-3-1942, cả thảy 9 số liên tiếp, đề là Adaptation de la langue Annamite à la langue scientifique”.
Sau đó, ông Nguyễn Trọng Thuyết cũng viết trên 16 số báo Tri tân hầu như liên tiếp(4). Chúng ta ngạc nhiên khi thấy ông Hoàng Xuân Hãn không có đối đáp gì lại, mà ông Thuyết cũng
61
không nhắc nhở đến tên ông Hãn, ngoại trừ một đoạn có lẽ ám chỉ ông Hãn thế này: “Trong khi tham khảo các tự vị cùng các bảng danh từ khoa học Tây, Tàu, Nhật, một nhà khoa học chuyên môn có nhận thấy rằng: Người Nhật dùng rất nhiều lối diễn âm tiếng châu Âu, mà người Tàu thì dùng lối ấy rất ít, họ dịch nhiều. Nhiều chữ của họ dịch khéo lắm, nhưng – ông hiểu thế - chưa chắc đã có công hiệu”(5). Để kết thúc loạt bài trên, ông Nguyễn Trọng Thuyết thông báo: “Tôi sẽ chủ trương một tủ sách khoa học, viết theo cái phương pháp của tôi... hiện có mấy ông giáo sư khoa học thành Nam, và ông Nguyễn Thụy Hưng, Giáo sư khoa học ở trường Bưởi giúp sức. Chúng tôi sẽ cho ra ba cuốn này trước: bộ Hóa học vô cơ, bộ Hình học và bộ Động vật học”(6).
Từ khi Danh từ khoa học Hoàng Xuân Hãn được giải thưởng của Hội Khuyến học Nam kỳ, thì ông Nguyễn Trọng Thuyết ngưng viết các bài Cách viết khoa học theo phương pháp của ông và ba bộ sách khoa học của ông cũng không thấy ra chào đời. Hầu như dư luận phổ biến chấp nhận Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn, không bàn cãi gì nữa, với phương pháp “tám điều kiện và ba phương sách” mà ông đã trưng lên rõ ràng trên đầu sách. Đó là: “Phàm đặt một danh từ khoa học, phải theo những điều kiện sau này:
1. Mỗi một ý phải có một danh từ để gọi.
2. Danh từ ấy phải riêng về ý ấy.
3. Một từ đừng có nhiều danh từ.
4. Danh từ phải làm sao cho dễ nhớ đến ý.
5. Danh từ trong các môn phải thành một toàn thể duy nhất và liên lạc.
6. Danh từ phải gọn.
62
7. Danh từ phải có âm hưởng Việt âm.
8. Danh từ phải đặt theo lối đặt các tiếng thường và phải có tính cách quốc gia.
Còn “Phương cách đặt danh từ khoa học đều là những phương sách người ta thường dùng mỗi lúc muốn nói tới một vấn đề chưa sẵn chữ. Những phương sách ấy gồm có: Phương sách dùng tiếng thông thường.
Phương sách phiên âm.
Phương sách lấy gốc chữ nho”(7).
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn rất cẩn trọng và nghiêm túc. Trước khi quảng diễn “Tám điều kiện và ba phương sách” trên đây, ông đã viết trong lời tựa: “... Chắc thế nào, độc giả cũng có người dị nghị và bắt bẻ... Nhưng trước khi bắt bẻ, tôi chỉ xin độc giả xét hết mọi lẽ mà tôi sẽ giải sau. Tôi đã tự hiểu rằng mọi vấn đề gì hễ xem qua tưởng dễ, chính là một vấn đề rất khó. Cho nên tôi đã rất thận trọng trong lúc làm việc, và tôi không phải chỉ trong một giờ quan tâm đến việc này mà thôi. Đó có lẽ vì trí não tôi chậm chạp. Xin độc giả lượng thứ, và xin độc giả cũng thận trọng trong sự chỉ trích, kẻo sự bàn dai thường hay làm mất lòng tự tin và làm phí thời gian mà chúng ta nên dùng để truyền bá khoa học(8).
Nay chúng ta trở lại thời điểm mùa thu năm 1945. Một tuần sau ngày tuyên bố độc lập 2-9, Hồ Chủ Tịch tiếp đoàn lãnh đạo Bộ Giáo dục gồm các ông Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng; Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Nha Đại học vụ; Ngụy Như Kontum, Giám đốc Nha Trung học vụ... để bàn vấn đề: “Ngay niên học tới đây, trong tất cả các trường, kể cả đại học, chỉ được dùng tiếng Việt khi học, khi dạy và trong các kỳ thi”. Hồ Chủ Tịch nói: “Hay đấy. Nhưng có sợ vội quá không?”. Các ông Huyên và
63
Kontum: “Thưa, ông Hoàng Xuân Hãn bộ trưởng trong chính phủ cũ, trước đây đã bắt đầu làm ở Trung bộ, xem ra cũng khá trơn tru đấy ạ. Vì các nhà khoa học nước ta mấy năm vừa rồi đã có quan tâm đến việc này. Các anh Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Thanh, Ngụy Như Kontum..., trong nhóm Tạp chí Khoa học đã soạn xong cuốn Danh từ khoa học”. Hồ Chủ Tịch tán thành: “Thế thì Bộ ra quyết định đi”(9).
Từ đó, Chương trình Trung học và Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn được áp dụng và thi hành ở mọi cấp bậc giáo dục trên toàn quốc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời kỳ chiến tranh và đất nước chưa phân do Hiệp định Genève, Chương trình Trung học và Danh từ khoa học Hoàng Xuân Hãn cũng được dùng làm tiêu chuẩn cho ngành giáo dục thuộc phạm vi quốc gia, như lời kể lại của các ông Phạm Đình Ái, nguyên Giám đốc Trung học vụ Trung bộ (1945-1952), Nguyễn Dương Đôn, nguyên Bộ trưởng Giáo dục (thời Ngô Đình Diệm), Phan Huy Quát, nguyên Bộ trưởng Giáo dục (thời 1965-1972)(10).
Nói tóm lại, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có công lớn trong việc dùng tiếng Việt và chữ Việt ở mọi cấp bậc học ở nước ta: Chúng ta không còn phải mượn tiếng người, chữ người nữa, tiếng Việt là vấn đề khỏi bàn, còn chữ Việt đây là chữ Quốc ngữ Latinh hóa. Ông đã mổ xẻ Quốc ngữ ra từng chữ i chữ tờ rồi đề nghị mở rộng cách ghi âm Quốc ngữ làm cho tiếng Việt phong phú hơn, đặc biệt về mặt khoa học. Ông rút kinh nghiệm của cả Tàu lẫn Nhật. Ông dịch các danh từ khoa học thông thường như Tàu. Ông phiên âm các danh từ khoa học chuyên môn như Nhật. Song với chữ Quốc ngữ Latinh hóa, thì việc phiên âm các danh từ khoa học chuyên môn – mà đa số là tiếng Latinh rồi – được thuận tiện hơn tiếng Nhật và chữ Nhật nhiều. Từ dạng chữ đến cách đọc Việt Nam sẽ rất gần với cách ghi âm và phát
64
âm quốc tế. Ông lại phục sinh nền quốc học và cho gắn liền với chương trình giáo dục. Việc đào tạo nhân cách Việt Nam phải bắt đầu bằng tiếng ta, chữ ta, văn hóa ta. Ông không chỉ sáng tạo Danh từ khoa học, không chỉ đặt Chương trình Trung học, mà còn trước tác rất nhiều công trình khoa học có giá trị lớn để làm mẫu mực cho việc giáo dục và quốc học nước ta.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có công lớn lắm vậy.
1 Nguyễn Q. Thắng – Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1994, tr.313-319.
2 Tri tân, số 136, Hà Nội, 30-3-1944.
3 Tri tân, số 66, Hà Nội, 6-10-1942.
4 Tri tân, số 66, 74, 77, 84, 88, 90, 92, 114, 117, 121.
5 Tri tân, số 123.
6 Tri tân, số 123.
7 Hoàng Xuân Hãn – Danh từ khoa học, Nxb Minh Tân, Paris, 1951. Bản in lần thứ ba, tr.11-19.
8 Như trên, tr.6.
9 Vũ Đình Hòe – Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nxb Văn hóa, Hà Nội – TP.HCM, 1994, tr.336-337.
10 Nguyễn Q. Thắng, Sđd, tr.320-329.
65
TIẾP BƯỚC VƯƠNG HỒNG SỂN
Nhà văn hóa lớn Vương Hồng Sển (VHS) ra đi nhưng còn
để lại cho đời một bộ sưu tập cổ vật cực kỳ quý giá gồm chủ yếu đồ gốm sứ và sách vở khảo cứu xưa.
Về gốm sứ, VHS nghiên cứu khá đầy đủ đồ cổ Trung Hoa. Ông đã viết Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, Cảnh Đức trấn đào lục, Đồ sứ men lam Huế (lò Trung Hoa làm theo đơn đặt hàng và mẫu mã Việt Nam). Vì bị hạn chế về tư liệu và các hiện vật để nghiên cứu, nên VHS chưa thực hiện được một cuốn sách – thậm chí một chương sách – nghiên cứu có hệ thống về gốm sứ Việt Nam. Tuy nhiên, từ những năm 1950 đến 1975, VHS đã viết trong tạp chí Nghiên cứu Đông Dương (BSEL bằng tiếng Pháp), tuần san Bách khoa và chủ yếu trong bộ Hiếu cổ đặc san gồm 9 tập của ông, những đoạn ngắn về gốm sứ Việt Nam một cách rất thận trọng và gợi mở giúp độc giả có phương hướng tìm tòi thêm.
Nói tới gốm là bao gồm cả đất nung-sành-sứ. Dưới thời Pháp và trong giai đoạn VHS nghiên cứu ở miền Nam, sự hiểu biết về gốm Việt Nam còn sơ sài và coi nhẹ. Người ta đã nói đến gốm trang trí Đại La (TK VII – VIII), đất nung Thổ Hà (TK XV),
66
sành sứ Bát Tràng (TK XVI – XVII) và đồ Tống đông thanh (Céledon) Thanh Hóa (mới phát hiện nhiều từ cuối những năm 1930) mà nhiều người – tất nhiên có cả VHS – rất lúng túng trong việc đánh giá như định niên đại và nơi xuất xứ. Năm 1958, nguyên nhân viên Viện Viễn Đông Bác cổ Lefebvre D’Argencé viết sách Đồ gốm chân nâu tại Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử Hà Nội nay). Argencé đem ra nghiên cứu 223 món đồ gốm, vừa một màu vừa lam trắng, được nhập viện dần từ 1915 đến 1944. Các món này có dấu hiệu chung là dưới trôn đều xoáy một lớp men nâu, hoặc dưới chân có một vòng men nâu. Số gốm lam trắng có những đặc tính của loại gốm mà người Nhật gọi là đồ Giao Chỉ (Kochi), được tìm thấy hay mua tại Hà Nội và Hà Đông. Số gốm một màu gọi là đồ Tống Thanh Hóa được phát hiện nhiều tại Thanh Hóa. Đối với loại gốm này, theo Argencé, còn những giả thuyết khác nhau, vì chưa tìm thấy lò nung đâu hết, kể cả ở miền Nam Trung Quốc! Argencé cho là 223 đồ gốm chân nâu nói trên có niên đại dàn trải suốt 4 thế kỷ XIV – XV – XVI – XVII và là những cổ vật chuyển tiếp từ cuối đời gốm Tống Thanh Hóa sang đầu đời gốm Bát Tràng.
Ngày nay, chúng ta không đồng ý với những danh xưng gốm Tống Thanh Hóa hay đồ đông thanh (Céladon) Thanh Hóa, nhưng thiên khảo cứu của Argencé cũng giúp ích ta rất nhiều, nhờ những ghi chú tài liệu phong phú và bình chọn rõ ràng cổ vật dẫn chứng (tuy còn để lẫn các đồ Chu Đậu trong đó). Tôi ngờ rằng VHS chưa khai thác kỹ tài liệu này, dù đây đó trong Hiếu cổ đặc san có nhắc đến Argencé. Cũng như Argencé, VHS không nói gì đến gốm Chu Đậu – phần rất quan trọng trong quá trình lịch sử gốm Việt Nam. Thực tế, cuối những năm 1980, lò gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng) mới được phát hiện.
67
Ngày 4-7-1971, VHS viết Đồ gốm Bát Tràng với câu mào đầu: “Tôi bạo gan viết và khảo về đồ gốm và đồ sành Trung Hoa, nhưng chưa ngán bằng khi viết bài này” vì “không có tài liệu nào vững chắc”! Sau những dẫn chứng thiếu mạch lạc, đôi khi lạc đề, VHS kết luận: “Tôi đây lại tiếc cho lò Bát Tràng, trọn miền Bắc không một ai hoan nghênh đồ gốm chế ra nơi đó, cho nên lò phải đổi tay và sản xuất gạch, và lu ghè”! Năm 1995, Phan Huy Lê – Nguyễn Đình Chiến – Nguyễn Quang Ngọc công bố tập sách lớn và khảo cứu công phu Gốm Bát Tràng – Thế kỷ XIV – XIX. Tiếc rằng sách chưa tới tay, VHS đã mãn phần.
Bài Đồ gốm Bát Tràng trên đây, VHS viết ở cuối sách Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa với bài Tự: “Năm nay đúng 70 tuổi, viết bộ sách này, muốn để lại thay tờ chúc ngôn. Bao nhiêu sở học ở trong ấy. Nòng cốt là những gì đã đọc trong bộ sách Pháp của bà Daisy Lion – Goldschimidt Les Poteries et Porcelaines Chinoises... Ý kiến của bà tôi vẫn giữ gần nguyên vẹn. Nhưng tôi có tháp một phần lớn của tôi, là những gì thâu lượm đó đây trong khoảng hơn 50 năm trời tìm hiểu đồ cổ”. Khi nói về đồ Céladon chế tạo tại Cao Ly, Xiêm La và An Nam, bà Goldschimidt nhận định: “Tại Trung kỳ và Bắc kỳ, cũng gặp nhiều đồ gốm céladon, nhưng chưa tìm được vị trí các lò sản xuất. Có lẽ do Tàu làm, nhưng về phẩm thì kém”. Tiếp lời bà là những ý kiến và kinh nghiệm riêng của VHS.
Trước hết, VHS khẳng định: “Theo tôi những đồ gốm đào được ở vùng Thanh Hóa, khi làm con đường sắt xuyên Đông Dương, không phải là đồ Tống đại như các nhà khảo cổ trường Viễn Đông Bác cổ đã giải thích. Theo tôi, đó là đồ làm vào khoảng đời Nguyên (1279-1368) đây thôi...”. Rồi VHS kể lại kinh nghiệm nhà buôn đồ cổ Passignat (ở đường Đồng Khởi gần ngã tư Lý Tự Trọng nay) nói: “Khi khai thông lộ hỏa xa
68
xuyên Đông Dương,... tại vùng Thanh Hóa, đồ gốm Tống đào gặp, không biết làm gì cho hết. Phần nhiều là đồ trong mộ lăng cổ của Tàu lấy lên, nào hũ đựng cốt, nào tô bát đĩa chén, cái màu xanh, cái màu vàng, dân phu lấy lên nhiều quá, cho nên họ bán đổ bán tháo... (lúc đầu cha tôi trả giá 10 xu, sau 5 xu một món – TG tóm tắt). Mua đến chiều tối, được quá nhiều, để đầy sân nhà... Mấy ngày sau, đào được hoài hoài, mà nếu không bán cho papa tôi, họ không biết đem làm gì, vì tánh người An Nam không thích để đồ đã chôn với xác người chết trong nhà, thậm chí đồ còn nguyên, tô chén lành lẽ họ cũng không dùng và bằng lòng để cho ai muốn lấy chơi thì lấy”.
“Trở lại đồ Tống, đào được ở Thanh Hóa”, VHS cho biết “có năm nhà có nhiều hơn ai hết:
1) Toàn quyền Đông Dương lúc đó, ông René Robin,... chúa tể trong xứ... muốn bao nhiêu cũng có...
2) Giám đốc sở Công chánh Đông Dương, ông Pouyanne, đầu dọc... việc đào lộ đặt đường rày,... cho nên ông mặc sức lựa chọn... đem về làm bộ sưu tập riêng... Khi ông mãn phần, các cổ vật ấy đã bị phát mãi tứ tán từ lâu...
3) Viện Bảo tàng Musée du Cinquantenaire ở Bruxelles nước Belgique (Bỉ). Bộ môn này, tôi có thấy năm 1963 và tôi cho là quí và đầy đủ nhất, có nhiều món như hũ đựng cốt thật lớn và vẽ màu thật khéo (kiểu chim lạc cao giò như trên bìa sách Le Việt Nam, Histoire et Civilisation của ông Lê Thành Khôi). Về bộ môn này nghe đâu cũng của một người Pháp coi làm đường tàu hỏa ở Thanh Hóa năm xưa, không biết duyên cớ nào viện Guimet không mua, để lọt về đây?
4) Người thứ tư có Tống ngọc nhiều là bà Bá tước Đ. (tức Diderot – TG). Chị ruột của bà Nam Phương hoàng hậu.
69
Bà không tước đoạt của ai, và tự nhiên của tìm người, mỗi khi nhân viên trường Bác cổ đến nhà, đều có tặng biếu, và bộ môn này, năm trước tôi có thấy tận mắt, quả là kỳ quan hãn hữu.
5) Người thứ năm, thủ vai chính, không ai khác hơn là trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp (EFEO), đúng là Viện Bảo tàng L.Finot Hà Nội (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nay). Viện này lãnh việc tồn giữ tất cả các món đào được... Viện chỉ giữ lại một phần quan trọng, còn 2 phần nữa gồm có số trùng và dư, thì chia cho: a)... Viện Bảo tàng Guimet ở Paris; b)... Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse” (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở TP.HCM)”.
Trong 5 nhà sưu tầm “đồ Tống đào được ở Thanh Hóa” trên đây, cả 3 nhà tư nhân là Robin, Pouyanne và Diderot. Còn 2 nhà thì hiện vật để tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Vương quốc Bỉ. Người viết bài văn này đặc biệt chú ý đến bộ sưu tập lưu trữ tại Bỉ, vì theo VHS đây là bộ “quí và đầy đủ nhất”. Đến nay, 30 năm đã trôi qua kể từ khi VHS đưa những thông tin ấy, hầu như chưa có sách báo nào nhắc đến bộ sưu tập Việt Nam quí giá tại Bảo tàng Vương quốc Bỉ.
Từ ngày thống nhất đất nước, việc sưu tầm và nghiên cứu “đồ Tống đào được ở Thanh Hóa” đã đi được rất xa. Thay danh xưng đồ Tống, chúng ta phát hiện được rất nhiều đồ Lý-Trần (TK XI – XIV), trong đó đồ men ngọc – trước gọi là đông thanh (céladon) – chỉ là phần nhỏ. Ngoài thời Tống (Lý-Trần), còn có thêm nhiều đồ từ đời Đường, Tùy và cả Hán nữa (đó là thời Bắc thuộc). Đồ “đào được ở Thanh Hóa” đều do các lò của ta sản xuất tuy chưa tìm ra địa điểm cụ thể đặt lò. Dưới thời Bắc thuộc, mẫu mã gốm làm ra có cái giống đồ Tàu, nhưng nhiều cái do bản địa – người Việt cổ - sáng tạo (bên Tàu không có).
70
Gần đây, tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), huyện Nông Cống (Thanh Hóa), nhân dân đào tìm được rất nhiều đồ quí hiếm. Tiếc rằng việc đào bới thiếu phương pháp khảo cổ học, làm cho việc đánh giá cổ vật bị hạn chế. Việc đào bới tiến hành bất hợp pháp như đi hôi của: tàng trữ và chuyên chở lén lút, nếu gặp công quyền tra xét thì có khi phi tang làm cho cổ vật tan vỡ mất hết giá trị...
Tháng 7 năm nay (2001), tôi có dịp đi Bỉ, quyết tâm vào thăm Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles nhằm mục đích chủ yếu tham quan bộ sưu tập “đồ Tống đào được ở Thanh Hóa” như VHS giới thiệu 30 năm trước đây. Bà Miriam Lambrechet Geeraerts, Giám đốc bộ môn Ấn Độ và Đông Nam Á ưu ái hướng dẫn tôi xem các hiện vật vừa quí hiếm vừa phong phú và tặng tôi một số bài nghiên cứu liên quan đến bộ sưu tập Việt Nam. Với người không chuyên môn như tôi, đây thực là một khám phá lớn cực kỳ quan trọng. Đáng lý phải viết nhiều thiên khảo luận hay thành sách nghiên cứu kèm theo các bản vẽ phân tích chi tiết và các hình ảnh cổ vật với ghi chú chất liệu, kích cỡ, xuất xứ, niên đại tạo tác... Nhưng đó là việc ngoài khả năng của tôi, nay chỉ xin tóm tắt như sau:
Bộ cổ vật này mệnh danh là Sưu tập Huet (Huet collection), nguyên thuộc sở hữu của Clément Huet (1874-1951). C.Huet (C.H) là người Bỉ sinh tại thủ đô Bruxelles. Từ năm 1896 đến 1912, đi Phi châu làm đại diện thương mại cho một hãng Bỉ rồi một hãng Pháp. Vì yêu thích cổ sứ và khảo cổ, C.H sưu tầm được một số cổ vật. Khi về Bỉ bèn đem tặng viện bảo tàng (nay gọi là Bảo tàng hoàng gia về Trung Phi - Musée royal d’Afrique Centrale). Năm 1912, C.H bỏ tiền riêng đi Đông Dương. Từ 1914 đến 1919, C.H làm nhân viên kế toán cho hãng Dệt Nam Định. Sau đó, C.H lập hãng xuất nhập khẩu tại Hà Nội và về
71
hẳn Bỉ năm 1938. Trong suốt 26 năm ở Việt Nam, C.H chỉ tạm hồi hương hai lần vào năm 1919 và 1930. Năm 1930, C.H về nước để giúp người em là Léon Huet mở tiệm bán đồ cổ Đông phương tại Bruxelles (chắc là đồ do C.H thu mua được). Sẵn máu mê cổ vật, C.H đích thân đi đào bới, khai quật các mộ cổ và những nơi chôn giấu đồ xưa, với sự giúp đỡ chuyên môn của Pajot, Peissonnaux và viện Viễn Đông Bác cổ. Lần cuối cùng năm 1938, C.H cho đóng gói cẩn thận 6.027 món đồ cổ quí gởi tàu thủy về Bỉ. Sợ thất thoát hoặc bể vỡ, C.H ghi chép và vẽ hình vào một danh mục rất chu đáo, lại ghi những đặc điểm đó trên một phiến nhỏ gắn trên mỗi món đồ. Tỉếc rằng danh mục đầy đủ ấy thất lạc, nay chỉ còn giữ được 4 tập ghi chép từ cổ vật mang số 1.750.
Vừa về Bỉ cùng người con nuôi tên là Nguyen Ho, C.H liền tặng Bảo tàng 170 công cụ bằng đá và đem trưng bày sưu tập cổ vật tại 3 phòng lớn của Bảo tàng. Sau đó là thời Thế giới đại chiến, sưu tập phải đem xuống hầm bảo quản. C.H đã viết trong tập san Bảo tàng 4 bài báo rất giá trị: Góp phần nghiên cứu
đồ gốm ở Đông Dương (Coutribution à I’étude de la Céramique en Indochine, 1941), Bình vôi và điếu hút thuốc lào (Les Pots à chaux et les Pipes à eau, 1942), Đồ đất nung Thổ Hà và bình hương Bát Tràng, 1942, Đồ đất nung trong kiến trúc thời Đại La (Terres cuites architecturalles de Dai La, 1942). Hiện vật được minh họa trong các bài báo đó, nay thất lạc gần hết. Đáng tiếc!
Khi thu thập cổ vật tại Việt Nam, C.H đã có ý định nhượng lại toàn bộ sưu tập cho vương quốc Bỉ. Chẳng may việc điều đình chưa xong, C.H đột ngột qua đời cuối năm 1951, thọ 77 tuổi. Người em là Léon Huet và người cháu ở bên Hoa Kỳ giữ việc thừa kế. Ngày 27-10-1952, họ bán cho vương quốc Bỉ 2.850 món cổ vật. Tháng 2 trước đó (8 tháng), Léon Huet đã đem bán
72
đấu giá 153 cổ vật rất quí: Bảo tàng Guimet mua được 22 món, Bảo tàng Mariemont Bỉ cũng mua được 22 món, các nhà sưu tầm Bỉ sau nhường lại cho Bảo tàng Dân tộc học Bỉ mua được 42 món, trong các sưu tập tư nhân kiểm kê được 53 món, các món còn lại thì mất tích! Thật khó lòng kiểm kê đầy đủ. Với ghi chép của chính C.H, toàn bộ sưu tập đem về Bỉ năm 1938 là 7.297 món, chia ra:
- Đồ gốm 6.027 món.
- Đồ ngọc 122 món.
- Gương đồng 189 món.
- Mẫu vật tiền sử 440 món.
- Đồ đồng Việt Nam 229 món.
- Đồ đồng Trung Hoa 181 món.
- Linh tinh khác: 10 món.
Nếu kể cả những cổ vật C.H đem về Bỉ trước năm 1938, số cổ vật quí hiếm của Việt Nam (nhiều món độc nhất vô nhị) có lẽ đến trên 10.000 món. Không phải những món độc đáo chắc không bao giờ Bảo tàng Guimet ở Paris chịu mua lại! Sưu tập Clément Huet rất có giá trị, thật đúng như sự nhận định từ xa của Vương Hồng Sển – nhà tiên tri đồ cổ.
Viết bài này, tôi ước nguyện phải nên Tiếp bước Vương Hồng Sển: tôi nghĩ đến 2 nhà nghiên cứu đồ cổ là ông Trần Đình Sơn và ông Phạm Hy Tùng – hai người học trò và bạn vong niên của Vương tiên sinh. Nhiều bài nghiên cứu về đồ cổ Việt Nam – đặc biệt về đồ men lam Huế - của 2 ông đã công bố được chính cụ Vương đánh giá là “trò đã hơn thầy”. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, 2 ông nên thành lập Câu lạc bộ Vương Hồng
Sển để góp phần nối tiếp và phát triển một sự nghiệp văn hóa cực kỳ quý báu cho dân tộc ta.
73
Thành thực ghi ơn VHS và nguyện chúc sự nghiệp của VHS không bị lãng quên mà còn được tiếp nối mãi mãi.
Sách tham khảo:
1. Vương Hồng Sển – Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, Sài Gòn, 1971. 2. Vương Hồng Sển – Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoại, Sài Gòn, 1972. 3. R.Y. Lefebore d’Argencé – Les Céramiques à base chocolatée, au Musée Louis – Finot, Paris, 1958.
4. Janine Schotsmans – Clément Huet and the origin of the Vietnamese, Collection of the Musées Royaux d’Art et d’Histoire, Bruxelles. Trong Tập san Khảo cổ Đông Nam Á (Southeast Asian Archaeology), 1988.
5. Tăng Bá Hoành (chủ biên) – Gốm Chu Đậu, Nxb Bảo tàng Hải Hưng, 1993. 6. Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc – Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV-XIX, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1995.
74
NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM NAY,
TÔI TƯỞNG NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI...
Người đó không phải là anh Trần Văn Trà mà tôi rất đỗi
kính trọng và thân quý vừa khuất trong cái vinh quang mà muôn người có cơ hội được bày tỏ trong một tang lễ trọng thể và vô cùng ấn tượng vừa qua. Ngày 30 tháng 4 này, lần đầu tiên vắng Anh trong lễ Chiến thắng chắc chắn sẽ có những người nhớ và nhắc đến Anh, vị tướng của những người thắng trận trong sự kiện 21 năm về trước.
Còn ở đây, tôi muốn nhớ đến một người đã mất cách đây cũng không lâu (26-10-1995), trong lặng lẽ, thanh thản và ít ai biết tới. Đó là Luật sư Nguyễn Văn Huyền (1913-1995), nguyên Phó Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, người có mặt và can dự vào sự kiện chứng kiến sự đầu hàng của phía bên này, sự thắng trận của phía bên kia và là sự toàn thắng chung của cả dân tộc Việt Nam kết thúc thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong sách Đại thắng Mùa Xuân (Nxb QĐND, H, 1987, tr.285-286), Đại tướng Văn Tiến Dũng kể lại rằng vào lúc 2 giờ sáng ngày 30-4, ông nhận được điện của phái đoàn quân sự
75
của ta từ trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch về việc có “bốn sứ giả” từ phía chính quyền Dương Văn Minh cử đến gặp ta để thăm dò việc “ngừng bắn”, cán bộ của ta mời họ ăn chuối do anh em tự trồng rồi giới thiệu bản Tuyên bố ngày 26-4 của Chính phủ ta; sau đó lại có thêm 3 người nữa đến và họ buộc phải ở lại vì đạn pháo ta bắn vào khống chế sân bay nguy hiểm chưa về được.
Ba người đến sau là linh mục Chân Tín, luật sư Trần Ngọc Liễng và bác sĩ Châu Tâm Luân. Còn bốn “sứ giả” đến trước là tổng trưởng Nguyễn Văn Diệp, nhà thầu Nguyễn Văn Hạnh, kỹ sư Tô Văn Cang và tôi, Nguyễn Đình Đầu. Bốn chúng tôi tới trại David vào trưa ngày 29-4 với nhiệm vụ chính thức do Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền ủy nhiệm. Sau này, khi trả lời câu hỏi của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng thành phố Hồ Chí Minh về việc vì sao tham gia Chính phủ Dương Văn Minh và những vấn đề liên quan đến thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh, trong lá thư đề ngày 24-8-1986, luật sư Nguyễn Văn Huyền đã viết:
1. Tôi nghĩ chính quyền Dương Văn Minh thành lập không phải để đối đầu mà để hòa giải dân tộc (theo tinh thần Hiệp định Paris) nên tôi nhận tham dự trong vai trò “Phó Tổng thống đặc trách hòa đàm”.
Sáng sớm ngày 29-4-1975, ông Nguyễn Đình Đầu gặp tôi và hỏi đã tiếp xúc được với “bên kia” chưa. Tôi liền xin ông đi trại David, nếu có thể, đặng tìm cách ngừng bắn. Rồi tôi đi báo cáo sự vụ với ông Dương Văn Minh (ông Nguyễn Đình Đầu chỉ là bạn sinh hoạt tôn giáo với tôi, chớ không phải cộng sự chính trị của tôi như một số tin nước ngoài đã nói).
76
Gần 5 giờ chiều, ông Nguyễn Đình Đầu đến trao cho tôi một bản “Dự thảo tuyên bố chấp nhận điều kiện ngưng bắn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” do ông Nguyễn Văn Diệp và ông Nguyễn Đình Đầu đã soạn thảo từ khi ở trại David về. Tôi liền đem bản dự thảo đó đến ông Dương Văn Minh thông qua rồi đến đài ghi âm phát sóng.
Khoảng 7 giờ tối, tôi lại cùng ông Nguyễn Đình Đầu đi gặp ông Dương Văn Minh gợi ý nên có sáng kiến gì thêm về phía quân đội nhằm ngừng tiếng súng, vì về phần chính trị thì tôi đã làm hết mình.
2. Sáng sớm ngày 30-4-1975, tôi gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh cùng với ông Dương Văn Minh, mà ông Dương Văn Minh cho mời tôi lên dinh Thủ tướng để làm việc. Trước khi đi, một sĩ quan đã báo cáo cho tôi tình hình chiến sự quanh thành phố, quân Giải phóng đã gần kề. Trên đường, tôi nói riêng với ông Nguyễn Đình Đầu là chỉ còn giải pháp đầu hàng. Khi tới dinh Thủ tướng, tôi đã sẵn sàng nhất trí với nội dung “tuyên bố chuyển giao quyền hành” của ông Dương Văn Minh. Sau đó, ông Nguyễn Đình Đầu từ biệt tôi và nhận đi tìm gặp ông Nguyễn Văn Diệp tới giúp ông Dương Văn Minh và chúng tôi trong việc tiếp xúc ban đầu với Chính quyền Cách mạng.
3. Ông Dương Văn Minh tiếp xúc với Vanuxem (đại diện của Pháp) rất ngắn gọn trước mặt ông Vũ Văn Mẫu và tôi. Tôi không nói gì. Kể như đã nhất trí rồi. Ông Dương Văn Minh dứt khoát từ chối “kế hoãn binh” của Vanuxem.
4. Tôi đã thở ra nhẹ nhõm khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn và Dinh Độc lập. Riêng phần tôi, không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng vì tinh thần trách nhiệm, sau khi được chích và uống thuốc, tôi đã từ nơi chữa bệnh trở vào Dinh Độc lập.
Đại ý, tôi xin trả lời như trên.
Ký tên: Nguyễn Văn Huyền.
77
Một nhân chứng lịch sử, cũng là một trong bốn sứ giả chúng tôi là ông Nguyễn Văn Diệp có kể lại trong một cuộc hội thảo tại Đại học Sư phạm TP.HCM những chi tiết sau:
“Đến ngày 28-4-1975, cái nhóm nhỏ chúng tôi (nhóm Trí Việt, thực chất là nhóm đòi thi hành Hiệp định Paris) có họp lại đánh giá: trong những ngày vừa qua ông Minh quan tâm quá nhiều về quân sự, về gom quân... còn vế thứ hai, chưa thấy ông ta đả động gì tới, tức là về thương thuyết. Trong nhóm mới cử anh Đầu đi gặp Nguyễn Văn Huyền đặt thẳng vấn đề tại sao chưa thấy chính phủ tiến hành việc thương thuyết như thiện chí đã nêu... Lúc 9 giờ ngày 29-4 thì anh Đầu đến tôi báo tin: các ông ấy đã đồng ý rồi. Ông Huyền cử tôi là người chính thức đại diện cho Phó Tổng thống để đi gặp phái đoàn ta trong trại David để đặt vấn đề thương thuyết... và anh Nguyễn Đình Đầu là phụ tá cho tôi trong chuyến đi này. Như vậy là ông Huyền có sự bàn bạc với ông Minh, và ông Minh đã đồng ý... Chúng tôi mới chạy đi tìm anh Cang, anh Hạnh, được biết các anh là người của mặt trận... Khoảng 11 giờ chúng tôi tới trại David, cửa mở, anh đại úy Tài ra tiếp mời chúng tôi vào và đưa luôn vô hầm. Sau khi nghe chúng tôi thay mặt ông Huyền tiếp xúc với Chính phủ Cách mạng lâm thời đã ra Tuyên bố ngày 26-4...”.
Thực tế là đến lúc đó chúng tôi vẫn chưa biết tới bản Tuyên bố ngày 26-3 cho nên xin phép được trở về để khẩn trương báo lại với ông Huyền để ra được một bản tuyên bố chính thức trên đài. Anh Tài đề nghị chúng tôi thực hiện nhanh độ 4 giờ chiều có thì tốt, chúng tôi sợ không kịp nên đề nghị sớm nhất là 5 giờ, rồi ra về.
Về đến nhà, anh Diệp và tôi bắt tay thảo bản tuyên bố chấp nhận thương thuyết theo tinh thần của tuyên bố 26-4 của bên Chính phủ Cách mạng. Sau đó tôi mang bản thảo vào gặp ông
78
"""