" Tấn Trò Đời PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tấn Trò Đời PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo honoré de balzac Nhiều người dịch —★— TẤN TRÒ ĐỜI • la comédie humaine • TẬP 1 scan VC text, e-book absentMeow TRI THỨC TRẺ & NXB VĂN HỌC ebook©vctvegroup | 03-2022 CÁC DỊCH GIẢ CỦA TẬP NÀY Nguyễn Thị Bình Nguyễn Văn Đoan Đào Duy Hiệp Đỗ Đức Hiểu Trần Hinh Trịnh Thu Hồng Nguyễn Thúy Loan Đỗ Phương Mai Đường Công Minh Đinh Thị Reo Lê Hồng Sâm Nguyễn Thị Thìn Lộc Phương Thủy Cao Vũ Trân Lê Phong Tuyết LỜI GIỚI THIỆU Tấn trò đời tập hợp toàn bộ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của văn hào Honoré de Balzac (1799 – 1850), gồm trên 90 tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một đơn vị hoàn chỉnh, độc lập, có thể đọc riêng rẽ, đồng thời là bộ phận của một tổng thể toàn vẹn và duy nhất. Với phát kiến “nhân vật tái hiện”, Balzac miêu tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp, trong tính đa dạng và sự vận động. Cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục, với nhiều thắng lợi hay thất bại, bởi cuộc sống xã hội vẫn tiếp diễn. Theo dõi nhân vật qua nhiều tác phẩm, độc giả sẽ không bị giới hạn trong cảm thụ thẩm mỹ, sẽ cảm nhận được ba chiều không gian (André Wurmser) và cả chiều sâu thời gian (André Maurois) của Tấn trò đời. Sự tiếp cận đó hiện nay gần như không thể thực hiện, bởi bộ Tấn trò đời gồm 16 tập, với những tác phẩm được dịch trọn vẹn hoặc tóm tắt, nhưng điều quan trọng là được đặt trong hệ thống, do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành vào dịp kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh của Balzac, cách đây đã gần hai mươi năm, đến giờ rất khó sưu tầm đầy đủ. Bởi vậy, Nhà xuất bản Văn học liên kết với Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam (Trithuctrebooks) tái bản bộ tiểu thuyết với hy vọng đáp ứng nhu cầu của người đọc được tiếp cận tác phẩm trong tổng thể, để như nhận xét của George Sand, nữ tiểu thuyết gia cùng thời với Balzac “mỗi phần, kể cả những phần ban đầu ta không ưa nhất, đều lấy lại được giá trị đối với ta”. Nhà xuất bản Văn học THÀNH TỰU CỦA BALZAC* Balzac là một huyền thoại: con người cũng như tác phẩm. Nếu như con người nhiều lần sạt nghiệp vì những việc kinh doanh rồ dại và rủi ro, thì thành tựu văn chương của ông vô cùng lớn lao từ thuở sinh thời, ngày nay thật trọng đại và khiến ông thành một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất và được bình luận nhiều nhất trên thế giới. Là phòng tranh sinh động lạ thường, là bức họa về một xã hội vận động và rạn nứt, Tấn trò đời cung cấp cho độc giả một phối cảnh kỳ lạ những tính cách, những đam mê, mãi mãi làm say lòng người. Trong sự vận động của những năng lượng, sự vận động thực sự dệt nên các tác phẩm của ông, Balzac tỏ ra đồng thời là sử gia, là nhà phân tích, nhà tâm lý, nhưng trước hết ông là một nhà linh giác vĩ đại: ông là “nhà thơ của hiện thực” được Rodin thể hiện thật tài tình trong bức tượng ở đại lộ Raspail. Là nhà sáng tạo thiên tài, người “ganh đua với hộ tịch” theo như câu nói nổi tiếng của ông, Balzac thuộc số rất ít văn hào toàn thế giới đã nâng nhân vật của mình lên tầm huyền thoại, và các hình tượng Rastignac, Nucingen, đại tá Chabert hoặc lão Goriot đã thành những mẫu người, chỉ cần nêu tên là miễn phải miêu tả tính cách. Nhà văn và tác phẩm của ông giờ đây thuộc về di sản của nhân loại. Như vậy cần nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến của Nhà xuất bản Thế Giới, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào, đã tiến hành xuất bản có hệ thống, bằng tiếng Việt, các tiểu thuyết trong Tấn trò đời. Nếu như một số cuốn đã được dịch riêng rẽ ở Việt Nam thì cả bộ tiểu thuyết còn chưa được xuất bản một cách tổng quát và hệ thống. Công trình rất lớn lao có thể nói là “mang tính chất Balzac” này, xứng đáng với văn hào và sẽ tiến hành trong nhiều năm. Dĩ nhiên công trình lập tức được cơ quan văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hưởng ứng và ủng hộ. Đây là một công trình tập thể, hợp tác giữa Pháp và Việt Nam: Tổ chức Quốc tế Nghiên cứu về Balzac, do bà Nicole Mozet phụ trách đã động viên và giúp đỡ. Nhưng nếu không có lòng nhiệt tình của các nhà nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học ở Việt Nam, trước hết là bà Lê Hồng Sâm và nhóm dịch giả do các nhà nghiên cứu trên tập hợp, thì kế hoạch này sẽ chẳng bao giờ được thực hiện. Tôi tin rằng, cùng với sự cảm tạ hết sức lớn lao của Cơ quan văn hóa Pháp, sẽ là sự cảm tạ của độc giả Việt Nam trong khi phát hiện, hoặc tái phát hiện công cuộc “đi tìm tuyệt đối” này. François GAUTHIER Tham tán Văn hóa và Hợp tác Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội BALZAC VÀ TẤN TRÒ ĐỜI I. THÀNH BALZAC HOẶC KHÔNG GÌ CẢ (Nicole Mozet, Lê Hồng Sâm dịch) Honoré de Balzac là ai? Là một người trước hết ý thức được rằng mình thuộc về một thời đại mà dòng dõi gia tộc không còn đủ nữa để xác định một cá nhân. Toàn bộ Tấn trò đời dường như được tạo ra để minh họa một câu ông viết trong một bức thư: “Ngày nay quý tộc là 500.000 phơ-răng lợi tức hoặc một danh tiếng cá nhân” (Thư từ, II, tr. 710). Một người có cuộc đời riêng nhịp theo các đứt gãy chính trị: Đế chế, Trùng hưng, Quân chủ tháng Bảy, Cách mạng 1848. Con trai trưởng một gia đình khó xác định vị trí xã hội, lại thêm một ông bố tuổi rất cao và một bà mẹ rất trẻ. Một cậu bé đam mê. Một chàng trai không chịu trở thành công chứng viên như một ông anh họ tỉnh lẻ. Cuối cùng, một nhà văn, ở nhà văn này viết là tìm tòi bản sắc, và bản sắc không có nghĩa ngoài sự viết. Một nhà tiểu thuyết, nghĩa là một người, từ tác phẩm này sang tác phẩm khác, khẳng định và xác định qua việc ký tên tính độc đáo tác gia của mình, đồng thời khéo xoay trở đến vô cùng với những bản sắc vay mượn. Toàn bộ phần mở đầu Facino Cane nhắc tới, chỉ chuyển đổi chút ít, khả năng của chính ông, “khả năng sống cuộc sống” của một cá nhân khác: “Trong khi nghe những người ấy nói, tôi có thể hòa theo cuộc sống của họ, tôi cảm thấy áo quần rách rưới của họ trên mình tôi, chân tôi đi đôi giày thủng của họ; mong muốn của họ, nhu cầu của họ, tất cả chuyển sang tâm hồn tôi, hay là tâm hồn tôi chuyển sang tâm hồn họ. Đó là giấc mơ của người thức.” Tuổi thơ: từ Tours đến Paris Balzac ra đời ở Tours ngày 20 tháng 5 năm 1799 và hình như không chịu lễ rửa tội. Về sau nhà văn sẽ ghi ngày tháng tượng trưng này ở lần tái bản thứ hai Những người Chouans, tác phẩm đầu tiên ký tên khai sinh của ông. Vào thời đó, Tours có 20.000 dân và nước Pháp, xứ sở nông nghiệp, còn tắm mình trong một nền văn hóa truyền khẩu. Nền Đốc chính, sắp bước vào cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù, đang trên đường tiến tới Đế chế. Đường phố nơi Balzac ra đời mang tên Armée d’Italie, trước khi đổi thành Indre-et-Loire, rồi Napoléon, rồi Royale và cuối cùng là Nationale. Bố mẹ của Balzac, dù không có quan hệ thân tộc ở địa phương, vẫn thuộc hàng danh gia trong thành phố. Ông bố, phụ trách binh lương quân khu 22, được quận trưởng Pommereul che chở, quận trưởng cử ông làm chủ sự viện cứu tế. Ông cũng là bồi thẩm trợ tá cho pháp quan tạp tụng và từ 1803 đến 1808 là phó thị trưởng. Bởi vậy, ta có thể băn khoăn khó nghĩ khi đọc điều người con viết, trong một bài tựa Bông huệ trong thung, cho rằng cha mình “bị cách mạng làm cho tan nát”. Dù sự nghiệp của Bernard-François đã được Roger Pierrot* thuật lại và được những bài viết gần đây làm sáng tỏ, dòng dõi bên nội vẫn bí ẩn, cho đến cả cái họ mà nhà văn rất lấy làm tự hào. Con người xuất thân nông dân miền Tarn này, sinh năm 1746, thực ra mang họ Balssa nhưng sớm đổi thành Balzac, một họ quý tộc, họ Balzac d’Entraigues. Về sau, trong Ảo mộng tiêu tan, con trai ông cũng đã nhớ lại rằng đó là tên một thành phố nhỏ gần Angoulême và tên họ một nhà văn, “Guez danh tiếng, được biết nhiều hơn dưới tên Balzac”. Cả tiểu phẩm từ De cũng không nguyên gốc. Vậy là ngẫu nhiên Balzac ra đời ở Tours, và theo em gái ông, ngẫu nhiên ông được gọi là Honoré, cái tên không có tiền lệ ở một họ bản thân nó cũng cắt đứt với họ của tổ tiên, dường như ông bố muốn tái diễn cho con trai động tác định lại tính danh mà ông đã từng áp đặt cho họ gốc của mình. Hai cô con gái – Laure (20 tháng 9 năm 1800) và Laurence (18 tháng 4 năm 1802) – theo tên thánh của mẹ. Còn Henri-François, ra đời năm năm sau, ngày 21 tháng 12 năm 1807, có lẽ Bernard-François biết mình không phải là bố. Anh cả của Henri cũng biết điều đó, không hiểu bằng cách nào, và sau này sẽ đề cập trong một bức thư viết cho bà Hanska, ngày 19 tháng 6 năm 1848. Trong huyền thoại Balzac, miền Touraine giữ một vị trí thiên đường, cần rời bỏ để trở nên người trưởng thành. Và, còn hơn cả Tours, chính Saint-Cyr-sur-Loire, ở bên kia sông, được coi như khởi điểm. Cậu bé sống tại đó, ở nhà vú nuôi, cho đến bốn tuổi, sát gần ngôi nhà nhỏ của Thạch lựu trang (La Grenadière), sau này được nhà văn tạo thành một nơi gần như thiêng liêng. “Ở giữa lòng Touraine, nó là một Touraine nhỏ, nơi mọi loài hoa trái, mọi vẻ đẹp của xứ sở này đều được biểu trưng trọn vẹn”. Sau đó Honoré sống với bố mẹ trước khi vào học trường Vendôme gần sáu năm, từ tháng 6 năm 1807 đến tháng 4 năm 1813. Ở ký túc xá là quy tắc đối với các học sinh thuộc môi trường của Honoré, nhưng chế độ tại Vendôme rất nghiêm ngặt: không được phép ra ngoài và rất ít được đến thăm. Trải nghiệm này cung cấp chất liệu cho các truyện kể về trường trung học trong Louis Lambert, song cũng không nên biến những điều đó thành tư liệu tiểu sử. Năm 1813, Honoré bị trả về nhà vì một lý do không được biết rõ, vô kỷ luật hoặc ốm đau. Đầu mùa hè năm ấy, cậu được gửi trọ tại Paris, trong tòa nhà phố Marais, nay là Bảo tàng Picasso, và theo học ở trường Trung học Charlemagne. Gửi các cậu bé tỉnh lẻ còn ít tuổi như thế đến Paris học tiếp không phải là thông lệ nhưng hình như Balzac đã trải nghiệm việc “bứng đi” này như một sự khai tâm có lợi. Quả thực làm sao không nghĩ tới định thức trong Gaudissart trứ danh cho được? “Hãy bứng người dân Touraine đi nơi khác, các đức tính của anh ta sẽ phát triển và tạo nên những điều lớn lao (...) Người Touraine, ra ngoài thì xuất sắc đến thế mà ở nhà lại vẫn như người Ấn Độ trên chiếc chiếu, như người Thổ Nhĩ Kỳ trên trường kỷ của mình”. Giống như Félix de Vandenesse ở đầu truyện Bông huệ trong thung, Honoré được mẹ đưa trở lại Tours vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm 1814, vừa vặn trước khi Paris đầu hàng (ngày 30 tháng 3) và Napoléon thoái vị (ngày 10 tháng 4). Cậu học ngoại trú tại trường Trung học Tours, nhưng tháng 11 năm ấy lại rời Tours quay về Paris: trường Trung học Charlemagne rồi học luật. Việc lựa chọn dứt khoát trở thành nhà văn là vào năm 1819. Kể từ buổi đi vào văn chương ấy, tiểu sử và thư mục ngày càng ít tách bạch. Người sáng tác tiểu thuyết Khởi đầu Balzac giam mình trong “gác xép” nhà số 9 phố Lesdiguières, tầng bốn. Ông viết một vở kịch, vở Cromwell, mà vị Viện sĩ Hàn lâm được nhờ đánh giá sẽ phán quyết là dở, và một cuốn tiểu thuyết sẽ không xuất bản: Sténie. Balzac hãy còn chưa là Balzac, nhưng các chủ đề lớn mang tính chất Balzac về quan hệ cha con, về quyền lực, về sự trở lại Touraine đều đã hiện diện. Rồi đến ngôi nhà của bố mẹ tại Villeparisis và thời kỳ của các biệt danh: lord R’hoone, Horace de Saint-Aubin. Sau cảnh cô độc ở phố Lesdiguières, khởi đầu các mối kết giao và cộng tác văn chương. Cũng bắt đầu quan hệ yêu đương cùng Laure de Berny, với bà, Balzac được biết thế nào là tình ái đắm say, là lạc thú cùng chia sẻ và một sự đồng tình trọn vẹn về trí tuệ. Laure đóng một vai trò quyết định trong việc đào tạo Balzac, nhà văn thường tôn vinh điều đó. Ông tìm thấy ở Laure một người dìu dắt và một người tình, đồng thời là nữ độc giả lý tưởng, có khả năng khuyến khích trong khi phê phán. Suốt thời kỳ tiềm tàng và mò mẫm này, cho đến Những người Chouans năm 1829, Balzac – nhà văn tập luyện song chỉ nếm trải thất vọng. Làm xuất bản, ấn loát, lại còn tồi tệ hơn thế nữa. Ta chỉ có thể khâm phục sức sống giúp ông chống trả từ đáy sâu thất bại: “ở tuổi ba mươi sắp tới, tôi còn lại lòng can đảm và tên tuổi không hoen ố” (Thư từ, I, tr. 336). Ông viết điều đó ngày 1 tháng 9 năm 1828 cho tướng De Pommereul, ở Fougères, để xin lưu trú: “Tôi sẽ lại cầm bút và cánh bay linh hoạt* của chim quạ hoặc ngỗng cần phải giúp cho tôi sống và trả nợ mẹ tôi”. Đó là những năm vinh quang của tiểu thuyết lịch sử Pháp. Cuốn Cinq-Mars của Vigny, tái bản lần thứ ba do Balzac in, ra đời năm 1826, và chính Balzac cũng nghĩ tới điều này từ lâu. Trở lại văn chương, ông định sử dụng câu chuyện được nghe kể về “một sự kiện lịch sử năm 1798 có liên quan đến cuộc chiến của những người Chouans và người miền Vendée”, nghĩa là bên trong thể loại lịch sử, ông chọn một quá khứ rất gần. Thời kỳ của Tấn trò đời tương lai, về thực chất là truyện* về nửa đầu thế kỷ XIX, rốt cuộc đã tới. Viên đá đầu tiên của công trình lớn lao đến năm 1840 sẽ tìm được tiêu đề, được đặt vào tháng 3 năm 1829, với cuốn tiểu thuyết khi đó mang tên: Người Chouan cuối cùng hay là miền Bretagne năm 1800. Dù tác phẩm chỉ mới được hoan nghênh phần nào, một tác giả đã ra đời: ông Honoré Balzac, một thời gian rất ngắn không thêm tiểu phẩm từ. Kể từ Sinh lý học hôn nhân (tháng 12 năm 1829) và Những cảnh đời tư vào tháng 4 năm 1830, cỗ máy Balzac ra sức hoạt động, mỗi tác phẩm sản sinh một hoặc nhiều tác phẩm khác, như đâm cành hoặc mọc mầm. Tấm vải dệt bắt đầu từ Lão Goriot nhờ biện pháp “nhân vật tái hiện” là một hình ảnh hay về phương thức đan dệt sợi dọc sợi ngang lặp đi lặp lại với các biến thể, chuyển hóa và đảo ngược. Tôn ti đẳng cấp từ đó bị đảo lộn – một nhân vật trung tâm trong một tác phẩm, ở chỗ khác có thể bị ấn vào một xó –, và những sự tương phản thành ra tương đối: “người tỉnh lẻ ở Paris” được những “người Paris ở tỉnh lẻ” làm đối xứng, như Bianchon và Lousteau trong Nàng Thơ của quận, Vautrin lặp lại với Lucien de Rubempré mưu toan cám dỗ từng bị Eugène de Rastignac cự tuyệt, chàng trai này cũng từ Angoulême đến, các nữ công tước lộn xộn phóng túng còn các nhà tư sản ngày càng vênh vang dạn dĩ: dưới thời Louis-Philippe, nước Pháp đã chuyển từ một phu nhân De Beauséant sang một gã Beauvisage* tầm thường. Nên thêm vào các nhân vật trên cô nàng Nicole de Beaupertuys của Truyện cười. Năng suất tài chính của phương thức viết này chẳng phải là xoàng, năng suất sáng tạo dù sao cũng thật lớn lao. Những lần tái bản và những lần tái sử dụng mang tính hệ thống, hầu như bao giờ cũng kèm theo một chiến dịch viết lại kéo dài nhiều hoặc ít khiến việc thu tiền về chậm hơn nhưng việc sản sinh ý nghĩa tăng thêm. Chính sự kiến tạo/tái tạo vận động liên miên bất tuyệt này làm nên tính độc đáo của tiểu thuyết Balzac: mỗi văn bản cứ bật lên khi ta ngỡ nó đã hoàn tất. Giống hình ảnh tác giả, tác phẩm có thể được ví với chim phượng hoàng luôn tái sinh khi tưởng như tuyệt diệt. Bấy giờ Balzac sống một cuộc sống xã giao và yêu đương mãnh liệt. Laure de Berny, cho đến khi qua đời, năm 1836, vẫn giữ một vị trí ưu tiên bên nhà văn, tuy thế không thể ngăn ông yêu người phụ nữ khác. Năm 1832, Balzac nhận được một bức thư ký người đàn bà phương xa, bức thư sẽ hướng cả cuộc đời ông vào một quan hệ yêu đương xây dựng trên cơ sở vắng mặt trong một thời gian dài. Có một cái gì gây choáng váng trong mối tình say đắm xa vời vợi đến mức nó để cho hai bên được hoàn toàn tự do, đồng thời cung cấp cho trí tưởng tượng của họ chất dinh dưỡng mà cả người này lẫn người kia rõ ràng cùng có nhu cầu. Ngoài bà Hanska, rất quý phái và rất giàu, những người đàn bà có ý nghĩa nhất đối với ông, sau Laure de Berny, có lẽ là nữ công tước d’Abrantès năm 1825, nữ hầu tước De Castries năm 1832 và nữ bá tước Guidoboni-Visconti năm 1835. Ông còn có những người tình khác nữa. Hình như ông không tìm lại được với một ai trong những phụ nữ ấy, những người tuy thế đã ít hoặc nhiều yêu ông vì tài năng hay vì danh tiếng, vị ngọt ngào của tâm tình bộc bạch như thời Laure de Berny. Balzac là một người được săn đón, ân cần rất nhiều, nhưng rốt cuộc khá cô đơn. Thời kỳ trước khi xuất bản dồn dập Tấn trò đời cũng là thời của những chuyến đi đầu tiên ra ngoài nước Pháp, về cuối đời Balzac bất đắc dĩ phải du lịch rất nhiều, nhà du hành này năm 1832 mới ra khỏi biên giới lần đầu, để đến gặp bà De Castries tại Aix-les-Bains, lúc đó là một thành phố của Sardaigne (thuộc nước Ý – ND), rồi tại Genève: vụ này ông thất bại. Năm sau ông hai lần trở lại Thụy Sĩ để gặp bà Hanska. Ở Genève, vị phu nhân đài các người Ba Lan và nhà văn đã nổi tiếng thành đôi tình nhân: đó là sự phục thù tốt lành. Những chuyến đi sau đó xác nhận danh tiếng Âu châu của Balzac: năm 1835, tại Vienne, ông được Metternich tiếp. Năm 1836, 1837 và 1838 tại Ý, ở Turin, Venise, Gênes, Florence và đặc biệt ở Milan, mọi cánh cửa đều mở đón ông. Dị thường hơn nữa là vụ làm ăn dại dột đen đủi dẫn ông sang Sardaigne tìm mỏ bạc để khai thác. Đồng thời ông tiếp tục dọc ngang khắp miền Trung nước Pháp mà ông rất quen thuộc. Với Touraine, ông sẽ thủy chung trọn đời. Ông cũng lưu lại nhiều lần tại gia đình Carraud ở Angoulême và năm 1838, nhân ở gần Issoudun, vẫn tại gia đình Carraud, ông lưu lại nhà George Sand ở Nohant một tuần lễ. Tỉnh nhỏ trong Tấn trò đời cung cấp một ý niệm khá đúng về nước Pháp của Balzac, trừ ngoại lệ nổi tiếng là Douai trong Đi tìm tuyệt đối, ông không đến đó bao giờ. Vào mùa thu năm 1840, Balzac đến ở Passy, khi đó còn là một làng, trong ngôi nhà hiện nay là số 47 phố Raynouard, nơi đặt Nhà Balzac (cũng là Bảo tàng Balzac – ND). Ông ở đó cùng một phụ nữ, Louise Breugniot, tức bà De Brugnol, là quản gia đồng thời là tình nhân của ông, bà Hanska sẽ rất ghen tuông với bà này. Từ khi rời Villeparisis, ông vẫn luôn ở Paris, nhưng thường là ngoại ô, và đôi khi ẩn danh, để thoát được các chủ nợ, các kẻ quấy rầy và sự trưng tập của quốc dân quân Paris. Mới đầu ông ở một căn hộ phố Tournon, rồi một căn khác phố Cassini từ 1828. Năm 1835, ông náu mình dưới một tên giả tại làng Chaillot, phố Batailles, tại đó ông bố trí cho mình gian biệt thất xa hoa được mô tả trong Cô gái mắt vàng. Ông cũng sử dụng một nhà nhỏ ở tạm, phố Provence, vào năm 1837, khi ông tậu cơ ngơi Jardies tại Sèvres, trên đường Versailles, ba năm sau ông buộc phải bỏ cơ ngơi này. Vừa ở vừa làm việc tại Passy, ông vẫn giữ nơi tạm trú phố Richelieu, trong nhà của Buisson, người thợ may được ông đưa vào làm nhân vật trong Tấn trò đời. Người khởi xướng Tấn trò đời “Thời điểm” của Tấn trò đời tương ứng với một biến chuyển khó đánh giá trong cuộc đời và sáng tác của Balzac. Dĩ nhiên ai nấy đều nhất trí công nhận rằng con người năm 1845 lập nên “mục lục” của Tấn trò đời vẫn là một nhà xây dựng vĩ đại, nhưng đôi khi ta tự hỏi phải chăng sức sáng tạo mãnh liệt của ông sắp nhụt dần đi do tác động phối hợp của tuổi tác, sự mệt mỏi, những chuyến đi xa và tình trạng mối tình của ông với Eve Hanska chuyển thành nỗi ám ảnh từ 1842 khi bà thành quả phụ. Chắc chắn là cái chết của Venceslas Hanski đã khiến đời Balzac xoay chuyển bất ngờ. Quả thực tất cả đều biến đổi kể từ mồng 5 tháng 1 năm 1842, ngày ông nhận được thư của bà Hanska từ năm 1835 chưa gặp lại, báo tin bà góa bụa. Mong ước kết hôn với bà lại nảy sinh và không rời ông nữa. Bà Hanska ít nôn nóng hơn. Sau một thời gian dài cưỡng lại, cuối cùng bà đồng ý để ông đến gặp tại Saint-Pétersbourg vào mùa hè năm 1843. Chuyến đi bằng đường biển, lên tàu tại Dunkerque, mất 15 ngày. Ông lưu lại nhiều tuần, trong cảnh thân mật đầy hạnh phúc, rất ít thủ tục xã giao. Tuy vậy cuộc hôn nhân sẽ bị hoãn lại mãi vì Nga hoàng không cho phép bà Hanska lấy người ngoại quốc mà vẫn giữ đất đai điền sản, chưa kể niềm e ngại chính đáng có thể do tình hình tài sản của nhà văn gây nên. Kết thúc chuyến đi đầu tiên này, Balzac rời Saint-Pétersbourg ngày 7 tháng 10 bằng xe trạm, trước khi có thể lên tàu hỏa ở Berlin. Ông thăm Berlin, Dresde và đầu tháng 11 mới về Passy, bị đau đầu nặng do một tai biến màng não có lẽ không phải lần thứ nhất. Ông chỉ thực sự làm việc lại vào năm 1844. Năm 1845, ông khởi đầu một loạt các cuộc du hành lớn qua châu Âu với bà Hanska, con gái bà và chàng rể tương lai, bá tước Georges Mniszech. Họ tự xưng là những người leo dây múa rối, Balzac là Bilboquet*. Mùa hè ông đưa bà Hanska về Touraine, cuối năm đến Provence, trước khi sang Ý. Để bà và các con ở lại Ý, ông trở về Paris vào tháng 11, nhưng tháng 3 năm sau lại sang Rome gặp bà. Họ cùng nhau đi Thụy Sĩ. Tất cả những chuyến du lịch này đều có những cuộc viếng thăm các nhà bảo tàng và mua hàng tại các hiệu đồ cổ, từ đó sẽ xuất hiện Anh họ Pons. Người ta dễ dàng hiểu được rằng Balzac, con người của các danh mục và các sự phân bố, trở thành nhà sưu tập, với ông giữa sưu tập và sáng tạo không hề có mâu thuẫn. Ông về Paris vào cuối tháng 5 năm 1846 với hy vọng được làm cha, niềm hy vọng khơi lại mơ ước khi xưa về Thạch lựu trang, ước mơ tậu một ngôi nhà ở Touraine. Lần này, ông nghĩ tới lâu đài Moncontour, gần Vouvray. Đứa trẻ định mang tên Victor-Honoré song sẽ chẳng bao giờ ra đời. Moncontour không được tậu. Balzac lại sang Đức gặp bà Hanska cùng gia đình. Suốt thời kỳ này, Tấn trò đời vẫn tiếp tục và hai cuốn tiểu thuyết lớn, thuộc số tác phẩm mãnh liệt nhất mà Balzac từng viết, được khởi công và hoàn thành: Chị họ Bette, đăng làm bốn mươi kỳ trong báo Người lập hiến giữa tháng 10 và tháng 12 năm 1846, tiếp sau là Anh họ Pons, năm 1847. Cũng cần phải nêu Nghị viên miền Arcis và Hóa thân cuối cùng của Vautrin. Từ năm 1845, nghĩ đến việc ở Paris cùng bà Hanska, Balzac lùng mua nhà. Tháng 9 năm 1846, ông tậu tòa nhà phố Fortunée, ông sẽ qua đời tại đó. Nhưng phải có thời gian để sửa sang sắp đặt ngôi nhà. Tháng 2 năm 1847, khi bà Hanska đến Paris, do cuộc hôn nhân vẫn chưa tiến hành, bà ở phố Neuve-de-Berry, nay là phố Berri. Balzac vẫn ở Passy, làm việc rất nhiều. Tháng 5, ông đưa bà đến tận Francfort rồi trở lại Paris ngay. Vào tháng 6 hoặc đầu tháng 7, bà Hanska về Wierzchownia. Tháng 9, Balzac sang đó gặp bà và ở lại đến tháng 1 năm 1848. Thất vọng vì bà Hanska vẫn không chịu thành hôn, ông rời Wierzchownia bất kể mùa đông và về tới Paris vài ngày trước cách mạng tháng Hai. Từ 19 tháng 9, ông lại sang Nga. Quá ốm yếu không thể du lịch trong mùa hè 1849, ông ở lại Wierzchownia lâu hơn dự định, tới tháng 4 năm 1850, viết các kịch bản và vẫn hy vọng cho công diễn các vở kịch của mình tại Paris. Đó là một người mang nỗi ám ảnh, và bị việc hôn nhân trì hoãn giày vò cũng nhiều như bệnh tật. Từ lâu ông đã mắc căn bệnh mà y học thời đó gọi là chứng “tâm khuếch trương”, tức là chứng thiểu năng động mạch vành sẽ dẫn tới bệnh phù phổi khiến ông qua đời năm sau. Ông đã đoán ra những gì? Ông có tin đến cùng là mình bất tử, như bố ông hay không? Với bác sỹ Knothé, thầy thuốc của Wierzchownia, ông có niềm tin vững chắc như niềm tin ông phô ra trong các bức thư của mình hay không? Dù sao mặc lòng, thay vì chiến thắng bao lâu mong ước, việc trở về Paris sau khi kết hôn, chuyển thành tai họa như ngày tận thế: một cánh cổng đóng kín giữa đêm hôm phải nhờ thợ khóa mở ra, một gia nhân lên cơn mê sảng, một chị nấu bếp ốm nặng và một ông chủ hấp hối, gần như mù lòa, thở hết sức khó khăn. Điều này không ngăn được ông hễ hơi đỡ là phạm những điều bất cẩn, không ngăn được ông bông đùa cùng cô cháu gái, một tháng trước khi qua đời, kể với cô rằng người ta tiên đoán ông sẽ ốm rất nặng ở tuổi năm mươi nhưng sẽ chết ở tuổi tám mươi. Balzac mất ngày 19 tháng 8 năm 1850. Lập tức người ta lấy tên ông đặt cho phố Fortunée, nơi Eve de Balzac, mà mọi người lên án là nguôi khuây quá nhanh, ở cho đến khi chết, năm 1882. Ông được tặng Huân chương Bắc đẩu, đó là vinh dự chính thức duy nhất ông đạt được khi còn sống, nhưng bù lại, câu chuyện thần kỳ về ông hình thành rất nhanh. “Trong cùng một ngày, ông đi vào vinh quang và vào cõi chết”, Victor Hugo sẽ nói điều đó trong điếu văn đọc tại nghĩa trang Père-Lachaise. Trong tờ La Mode ngày 24 tháng 8 năm 1850, Barbey d’Aurévilly viết: “Cái chết ấy là một tai họa tinh thần thực sự, chỉ có cái chết của Byron mới so sánh được [...]”. Hạnh phúc lớn nhất của nhà văn sau khi qua đời có lẽ là niềm say mê ở một nhà sưu tập người Bỉ, nam tước Spoelberch de Lovenjoul (1836 – 1907), ông đã thu thập tất cả những gì có thể tìm lại được về các văn bản của Balzac – tác phẩm đã in, thư từ và bản thảo –, cũng như các tờ báo, tạp chí và các tư liệu khác của thời kỳ lãng mạn. Bộ sưu tập quý giá của ông được tặng cho Học viện Pháp quốc vào năm 1905. II. TẤN TRÒ ĐỜI – “MỘT TRONG NHỮNG CÔNG TRÌNH MÊNH MÔNG NHẤT MÀ MỘT CON NGƯỜI DÁM ĐƠN ĐỘC CẤU TỨ” (Lê Hồng Sâm) Một số tiểu luận và ghi chép của Balzac từ trước tuổi hai mươi đã cho thấy một khát khao hiểu biết rất mạnh mẽ đối với triết học và khoa học. Bản thân Balzac từng muốn là triết gia, trước khi nghĩ đến làm tiểu thuyết gia, và bộ tiểu thuyết của ông mang dấu ấn mối kỳ vọng “bao quát hết thảy, chế ngự hết thảy, lý giải hết thảy”*. Năm 1830, Những cảnh đời tư gồm sáu truyện vừa, là mầm mống của công trình sau này. Năm 1833, khi đã xuất bản trên hai mươi tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, ý định tập hợp các tác phẩm tản mạn vào một tổng thể rộng lớn hình thành rõ nét ở Balzac; ông phác họa Khảo luận phong tục thế kỷ XIX (được chia thành Những cảnh đời tư, Những cảnh đời tỉnh lẻ, Những cảnh đời Paris), nền móng đầu tiên của bộ tiểu thuyết. Năm 1834, một đề cương rành mạch cho thấy nhà văn đã ý thức được tính thống nhất của công trình đang thực hiện, bao gồm ba bộ phận lớn Khảo luận phong tục, Khảo luận triết học, và Khảo luận phân tích. Trong bức thư đề ngày 26 tháng 10 năm 1834, gửi bà Hanska, ông xác định phần Khảo luận phong tục sẽ trình bày các hiện tượng xã hội “không bỏ sót một hoàn cảnh nào, một gương mặt nào, một tính cách nào của đàn ông hay đàn bà, một lối sống nào, một nghề nghiệp nào, một giới xã hội nào...”. Hiện tượng phong phú muôn vẻ, bởi thế phần này bao gồm một số lượng rất lớn tác phẩm. Trên cơ sở đó, Khảo luận triết học lý giải nguyên nhân và cuối cùng, Khảo luận phân tích đề xuất nguyên lý. Cấu trúc tổng quát đã được tạo dựng, hệ thống đã xác lập, chỉ còn thiếu tiêu đề chung. Thoạt tiên, Balzac định chọn tiêu đề Khảo luận xã hội, nhưng cuối năm 1840, “cái tên tuyệt vời và sâu sắc”* Tấn trò đời được quyết định, biểu lộ rõ ý định thể hiện trọn vẹn một thực tế đang hoạt động, đang diễn tiến. Kiệt tác Thần khúc hẳn có gợi ý cho Balzac – năm 1835, mở đầu truyện Cô gái mắt vàng, ông viết rằng “địa ngục” Paris “một ngày kia, có lẽ sẽ có DANTE của nó”. Nhưng từ năm 1834, ông đã nhắc tới Shakespeare ở bài giới thiệu Khảo luận triết học, phát biểu tham vọng trình bày với người đương thời tấm gương soi thế gian: “Người ta bảo rằng xưa kia, trong các vở kịch của ông, Shakespeare từng tự đề ra một mục đích tương tự”. Và gần gũi hơn, trực tiếp hơn, là nhà hài kịch Pháp thế kỷ XVII, Balzac nói khi đã gần hoàn thành công trình: “Nếu như Molière sống ở thời chúng ta, hẳn ông sẽ viết Tấn trò đời”. Năm 1842, nhà văn viết Lời nói đầu cho cả công trình, một tuyên ngôn độc đáo biểu lộ nhiều quan điểm mỹ học, triết học, chính trị, với kết luận: “Một dàn ý mênh mông bao gồm cả lịch sử lẫn phê phán xã hội, cả sự phân tích những bệnh tật lẫn sự luận bàn những căn nguyên xã hội, thiết tưởng cho phép tôi đặt tiêu đề công trình xuất bản ngày hôm nay là Tấn trò đời. Liệu có đầy tham vọng không? Chẳng là chính xác hay sao? Đó là điều công chúng sẽ quyết định, khi tác phẩm hoàn tất”. Tác phẩm sẽ không hoàn thành. Năm 1845, Balzac lập danh mục toàn bộ Tấn trò đời, bao gồm 137 đầu sách, trong số này 87 cuốn được thực hiện. Ngoài ra, còn 5 cuốn viết sau năm 1845, chưa ghi tên trong danh mục, có những kiệt tác như Chị họ Bette (1846), Anh họ Pons (1847), hay Nông dân, tác phẩm lớn xuất bản sau khi ông qua đời. Khiếm khuyết rõ rệt nhất, như ông đã nêu trong Lời nói đầu, là ở Những cảnh đời binh nghiệp: trong 23 tác phẩm dự kiến, chỉ có 2 tác phẩm được hoàn thành. Và nếu nhìn tổng thể, phần Khảo luận phân tích thật ít tương xứng với công trình đồ sộ. Nhưng, Tấn trò đời là “một trong những công trình bát ngát mênh mông nhất mà một con người dám đơn độc cấu tứ”*, và cái chết của Balzac lại đến sớm. Sở dĩ Barbey d’Aurévilly coi “cái chết ấy là một tai họa tinh thần thực sự, chỉ có cái chết của Byron mới so sánh được” vì theo D’Aurévilly, khác với Walter Scott tắt đi như vừng dương êm ả sau một ngày dài, với Gœthe đã thành tượng hoa cương bất tử từ khi còn sống, Byron cũng như Balzac chết giữa lúc tài năng nở rộ, bỏ lại công trình dang dở... ※ ※ ※ Danh mục năm 1845 dưới dây do Balzac soạn cho nhà in sắp chữ. Về sau, ông có thay đổi đôi chút trật tự các tiểu thuyết. Các tác phẩm Chị họ Bette, Anh họ Pons, Một tay làm ăn, Gaudissart II và Những phiền hà trong đời sống vợ chồng chưa có tên trong danh mục. DANH MỤC Các tác phẩm sẽ có trong TẤN TRÒ ĐỜI Trật tự lập năm 1845 cho công trình xuất bản trọn bộ 26 tập. Các tác phẩm in chữ nghiêng đang còn tiến hành. PHẦN MỘT: KHẢO LUẬN PHONG TỤC PHẦN HAI: KHẢO LUẬN TRIẾT HỌC PHẦN BA: KHẢO LUẬN PHÂN TÍCH PHẦN MỘT: KHẢO LUẬN PHONG TỤC Sáu bộ sách: 1. Những cảnh đời tư; 2. Những cảnh đời tỉnh lẻ; 3. Những cảnh đời Paris; 4. Những cảnh đời chính trị; 5. Những cảnh đời binh nghiệp; 6. Những cảnh đời thôn dã. NHỮNG CẢNH ĐỜI TƯ (Bốn quyển, từ tập 1 đến tập 4) 1. Những đứa trẻ; 2. Một ký túc xá nữ; 3. Bên trong trường trung học; 4. Cửa hiệu Mèo-chơi-bóng; 5. Vũ hội ở Sceaux; 6. Hồi ký của hai người vợ trẻ; 7. Túi tiền; 8. Modeste Mignon; 9. Một bước khởi đầu trong đời; 10. Albert Savarus; 11. Thù truyền kiếp; 12. Một gia đình kép; 13. Yên ấm gia đình; 14. Bà Firmiani; 15. Khảo luận về phụ nữ; 16. Cô nhân tình hờ; 17. Một người con gái của Eve; 18. Đại tá Chabert; 19. Lời truyền đạt; 20. Thạch lựu trang; 21. Người đàn bà bị bỏ rơi; 22. Honorine; 23. Béatrix hay Tình yêu gượng ép; 24. Gobseck; 25. Người đàn bà tuổi ba mươi; 26. Lão Goriot; 27. Pierre Grassou; 28. Lễ cầu hồn của người vô thần; 29. Luật Đình chỉ; 30. Khế ước hôn nhân; 31. Chàng rể và mẹ vợ; 32. Khảo luận khác về phụ nữ. NHỮNG CẢNH ĐỜI TỈNH LẺ (Bốn quyển, từ tập 5 đến tập 8) 33. Bông huệ trong thung; 34. Ursule Mirouët; 35. Eugénie Grandet; – Những người độc thân; 36. Pierrette; 37. Cha xứ ở Tours; 38. Một gia đình trai chưa vợ ở tỉnh lẻ*; – Người Paris ở tỉnh lẻ; 39. Gaudissart trứ danh; 40. Những người nhăn nheo; 41. Nàng Thơ của quận; 42. Một nữ diễn viên trên đường du hành; 43. Người phụ nữ ưu việt; – Những sự đối địch; 44. Kẻ độc đáo; 45. Những người thừa kế họ Boirouge; 46. Cô gái già; – Người tỉnh lẻ ở Paris; 47. Phòng cổ vật; 48. Jacques de Metz; 49. Ảo tưởng tiêu tan: Phần 1. Hai chàng thi sĩ; Phần 2. Một vĩ nhân tỉnh lẻ ở Paris; Phần 3. Những đau khổ của nhà phát minh. NHỮNG CẢNH ĐỜI PARIS (Bốn quyển, từ tập 9 đến tập 12) Truyện mười ba người: (đoạn thứ nhất) 50. Ferragus; (đoạn thứ hai) 51. Nữ công tước De Langeais; (đoạn thứ ba); 52. Cô gái mắt vàng; 53. Những viên chức; 54. Sarrasine; 55. Bước thăng trầm của César Birotteau; 56. Nhà ngân hàng Nucingen; 57. Facino Cane; 58. Bí mật của nữ vương tước De Cadignan; 59. Vinh và nhục của kỹ nữ; 60. Hóa thân cuối cùng của Vautrin; 61. Các bậc quyền quý, bệnh viện và dân chúng; 62. Một ông hoàng của giới Lưu đãng; 63. Diễn viên hài nghiêm túc*; 64. Mẫu trò chuyện Pháp; 65. Cảnh tòa án; 66. Những người tiểu tư sản; 67. Giữa các nhà thông thái; 68. Hiện trạng kịch trường; 69. Hội đoàn An ủi*. NHỮNG CẢNH ĐỜI CHÍNH TRỊ (Ba quyển, từ tập 13 đến tập 15) 70. Một chuyện nhỏ dưới thời Khủng bố; 71. Lịch sử và tiểu thuyết; 72. Một vụ âm mưu; 73. Hai kẻ tham vọng; 74. Tùy viên sứ quán; 75. Tạo ra một Nội các như thế nào; 76. Nghị viên miền Arcis; 77. Z. Marcas. NHỮNG CẢNH ĐỜI BINH NGHIỆP (Bốn quyển, từ tập 16 đến tập 19) 78. Những người lính của nền Cộng hòa (ba đoạn); 79. Bước vào chiến dịch; 80. Người xứ Vendée; 81. Những người Chouans; Người Pháp ở Ai Cập: (đoạn thứ nhất); 82. Nhà tiên tri (đoạn thứ hai); 83. Quan tổng đốc (đoạn thứ ba); 84. Một mối đam mê nơi sa mạc; 85. Đạo quân lưu động; 86. Tổng tài vệ binh; 87. Thời Vienne: Phần thứ nhất: Một trận đánh; Phần thứ hai: Đạo quân bị vây; Phần thứ ba: Đồng bằng Wagram; 88. Chủ quán; 89. Người Anh ở Tây Ban Nha; 90. Mạc Tư Khoa; 91. Giao chiến ở Dresde; 92. Những người rớt lại phía sau; 93. Những người ủng hộ; 94. Một chuyến tuần tra; 95. Cầu nổi; 96. Chiến dịch Pháp; 97. Chiến trường cuối cùng; 98. Tù trưởng; 99. Pénissière; 100. Tên cướp biển người Algérie. NHỮNG CẢNH ĐỜI THÔN DÃ (Hai quyển, từ tập 20 đến tập 21) 101. Nông dân; 102. Thầy thuốc nông thôn; 103. Thẩm phán hòa giải; 104. Cha xứ làng quê; 105. Vùng phụ cận Paris. PHẦN HAI: KHẢO LUẬN TRIẾT HỌC (Ba quyển, từ tập 22 đến tập 24) 106. Phédon thời nay; 107. Miếng da lừa; 108. Jésus-Christ ở Flandre; 109. Melmoth quy thiện; 110. Massimila Doni; 111. Kiệt tác không người biết; 112. Gambara; 113. Balthazar Claës hay là Đi tìm Tuyệt đối; 114. Chủ tịch Fritot; 115. Nhà bác ái; 116. Đứa con bị nguyền rủa; 117. Vĩnh biệt; 118. Họ Marana; 119. Người trưng binh; 120. El Verdugo; 121. Thảm kịch bên bờ biển; 122. Tiên sinh Cornélius; 123. Quán đỏ; 124. Người tuẫn nạn thuộc giáo phái Calvin; 125. Lời bộc bạch của anh em Ruggieri; 126. Hai giấc mộng; 127. Chàng Abeilard mới; 128. Thuốc trường sinh; 129. Cuộc đời và sự phiêu lưu của một tư tưởng; 130. Những kẻ bị lưu đày; 131. Louis Lambert; 132. Séraphita. PHẦN BA: KHẢO LUẬN PHÂN TÍCH (Hai quyển, từ tập 25 đến tập 26) 133. Giải phẫu học giáo giới; 134. Sinh lý học hôn nhân; 135. Bệnh lý học đời sống xã hội; 136. Chuyên luận về đức hạnh; 137. Đàm thoại triết học và chính trị về những điều hoàn thiện của thế kỷ XIX. Mỗi tập ít ra phải gồm 40 tờ giấy khổ to (640 trang), cỡ chữ La Mã nhỏ, sao cho mỗi trang chứa ba nghìn chữ*. ※ ※ ※ Cuối thế kỷ XIX, Ferdinand Brunetière, giáo sư và nhà phê bình văn học, nhận định: “Có thể nói về Balzac rằng ông không chỉ là nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất, phong phú nhất, đa dạng nhất của chúng ta, mà là bản thân Tiểu thuyết”. Quả thực, với Balzac và Stendhal, tiểu thuyết Tây Âu được hoàn thiện. Những tìm tòi và đóng góp của Balzac cho nghệ thuật tiểu thuyết nhiều và cơ bản đến mức các điều đó thâm nhập tiểu thuyết sau ông một cách tự nhiên, tiểu thuyết Balzac đồng nghĩa với tiểu thuyết cổ điển và trở thành một cái mốc, một dẫn chứng bắt buộc đối với tất cả các tác giả đến sau ông, dù họ khâm phục hay phản đối. Balzac đã khai thác và phát triển tính linh động, uyển chuyển kỳ lạ của tiểu thuyết, tổng hòa các khuynh hướng sử thi, trữ tình, kịch; cho đến nay sự tổng hòa này vẫn là nét tiêu biểu của thể loại tiểu thuyết. Ông đã khắc phục sự “tách đôi” thể loại thành hai xu hướng “khách quan” và “chủ quan” ở thế kỷ XVIII, kết hợp tính rộng rãi sử thi của Fielding với chiều sâu tâm lý của Sterne, Rousseau; tiểu thuyết Balzac là “thiên lịch sử phong tục” đồng thời là “lịch sử trái tim con người”. Cuộc sống thường ngày của nhân vật được hiểu thấu trong mối quan hệ với lịch sử đương thời, các vấn đề của cá nhân được đặt trong tình huống lịch sử, dưới sự vận động bề mặt của các tình tiết là sự vận động sâu xa của lịch sử. Sự miêu tả không gian, tổ chức không gian trong tiểu thuyết, ngoài chức năng trang trí, biểu cảm, tạo ảo tưởng về cái có thật, được Balzac cấp cho một chức năng mới; chức năng nhận thức, lý giải. Theo nhà nghiên cứu Eric Auerbach, thuật ngữ môi trường xuất hiện lần đầu tiên với ý nghĩa xã hội học là trong Lời nói đầu của Tấn trò đời*. Balzac đã mở rất rộng phạm vi đề tài: tiểu thuyết Balzac không chỉ thu hẹp vào chuyện tình duyên giữa những con người cao nhã mà bao trùm mọi hoạt động của mọi tầng lớp. Nhân vật của ông là nhà quý tộc, thương nhân, chủ ngân hàng, nhà công nghệ, điền chủ, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, diễn viên, thẩm phán, luật sư, viên chức, linh mục, bác sĩ, quân nhân, thợ thủ công, thợ may, thợ mộc, chị hầu phòng, bác đánh xe, người gác cổng, nông dân, gái giang hồ... Việc đưa vào tiểu thuyết một khối lượng lớn các nghề nghiệp, các khoa học, kỹ thuật, dẫn tới mở rộng ngôn ngữ văn chương: với Balzac, các từ “bê tông”, “máy hơi nước”, “cacbon ”... lần đầu tiên đi vào tác phẩm nghệ thuật. Balzac đã trình bày một “thi pháp của tiểu thuyết”* trong Lời nói đầu bộ Tấn trò đời. Ông khẳng định nghệ thuật phải thể hiện chân thật thực tế: “Tiểu thuyết sẽ không là gì cả nếu trong lời nói dối uy nghiêm ấy, nó không chân thực trong chi tiết”. Nhưng cái thật của nghệ thuật không đồng nhất với cái thật của tự nhiên mà “trường cửu hơn, đích thực hơn” và vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng điển hình. Balzac là người đầu tiên đưa ra một lý thuyết hoàn chỉnh về điển hình – tính cách điển hình “phối hợp các nét của nhiều tính cách đồng chất” và hoàn cảnh điển hình “có những hoàn cảnh có mặt ở tất cả các cuộc đời, những khoảnh khắc điển hình, và đó là một trong những điều chân xác tôi đã ra công tìm kiếm”. Sáng tạo nghệ thuật là một hành động nhận thức, khám phá tính quy luật, phá vỡ tính ngẫu nhiên bên ngoài của sự vật, nghệ sĩ không thể dừng lại ở hiện tượng mà phải thấu hiểu bản chất “nắm bắt được ý nghĩa ẩn giấu trong khối tập hợp mênh mang những gương mặt, những dục vọng và biến cố”. Kết cấu mang tính kịch quán xuyến toàn bộ công trình, từ tiêu đề chung Tấn trò đời (La Comédie humaine) đến các Cảnh (Scenes), mỗi cảnh gồm nhiều tác phẩm. Trong bố cục từng tác phẩm, phần mở đầu thường chậm rãi, với những sự trình bày chi tiết, miêu tả tỉ mỉ, nhằm gây không khí, chuẩn bị cho hành động và kịch biến đột ngột sau này vì “nguyên nhân giúp đoán ra kết quả, cũng như mỗi kết quả cho ta tìm lại được nguyên nhân”*. Một phát kiến của Balzac, được ứng dụng lần đầu tiên năm 1834, từ Lão Goriot, là “nhân vật tái hiện”. Thủ pháp mới mẻ này cho phép miêu tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp, trong tính đa dạng và sự vận động. Cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột, trong một tác phẩm, mà còn tiếp tục ở nhiều tác phẩm khác, với nhiều thắng lợi hay thất bại, bởi cuộc sống xã hội vẫn tiếp diễn. Tất nhiên, trong số hơn hai nghìn nhân vật của Tấn trò đời, chỉ có hơn năm trăm nhân vật tái hiện và phần lớn tái hiện ở bình diện thứ hai, thứ ba, làm nền cho nhân vật chính, nhưng “một câu, một từ, một chi tiết ở mỗi tác phẩm gắn cuốn nọ với cuốn kia” tạo mối liên hệ nội tại giữa các đơn vị của tổng thể toàn vẹn và duy nhất là Tấn trò đời. André Wurmser cho rằng nhân vật tái hiện khiến Tấn trò đời không chỉ giống một bức họa, mà gần với công trình điêu khắc, có ba chiều không gian như thế giới thực. André Maurois lại thấy biện pháp này cho nhân vật có thêm một chiều thứ tư là chiều sâu thời gian. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một đơn vị hoàn chỉnh, độc lập, nhưng nếu theo dõi nhân vật Rastignac qua Lão Goriot, Ảo tưởng tiêu tan, Vinh và nhục của kỹ nữ, Nhà ngân hàng Nucingen, Luật Đình chỉ, Nghị viên miền Arcis... người đọc sẽ thấy được quá trình chàng sinh viên nghèo dần trở nên trang phong lưu công tử, rồi bộ trưởng, bá tước, kết hôn với cô thừa tự triệu phú như thế nào, hoặc tên tội phạm Vautrin trong Lão Goriot, qua Ảo tưởng tiêu tan, sang Vinh và nhục của kỹ nữ, cuối cùng trở thành người chỉ huy ngành cảnh sát! ※ ※ ※ Giữa thế kỷ XX, “thế kỷ hoài nghi”, các nhà tiểu thuyết mới khước từ quan niệm truyền thống về nhân vật, về cốt truyện, về điểm-nhìn thấu-suốt-mọi-sự của một người kể truyện chỗ-nào-cũng-có-mặt, tóm tại khước từ tiểu thuyết kiểu Balzac. Đặt lại vấn đề là điều rất bình thường, bởi nghệ thuật luôn phát triển. Eugénie Grandet, mà ngày nay ta coi như “mẫu gốc” của tiểu thuyết truyền thống, khi xuất hiện vào năm 1833, là một loại phản-tiểu thuyết, với những đổi mới quá táo bạo: nhân vật chính là con gái một bác phó thùng, lại không xinh, khung cảnh là một ngôi nhà bình thường nơi tỉnh lẻ, kết thúc chẳng có gì đặc biệt, không máu đổ, không chết chóc bi thảm. Mặc dù Tấn trò đời vẫn đòi hỏi ở mỗi độc giả ngày nay “thao tác đọc lại, ít nhất cũng đọc lại từng bộ phận, sao cho cuối cùng mỗi người tự vạch được hướng đi riêng” bởi đó là “một mê cung với các vách ngăn di động”, theo nhà nghiên cứu Nicole Mozet, hoặc một “công trình mở ra vô số nẻo vào”, theo nhà tiểu thuyết mới Michel Butor, song có lẽ chẳng nên coi hình thái tiểu thuyết Balzac là mẫu mực phi thời gian, bất biến. Bởi chính Balzac, gần hai trăm năm trước, đã nói về cách ông tiếp thu Walter Scott, nhà văn mà ông khâm phục: “Muốn bằng được Walter Scott, phải vượt ông”. LỜI NÓI ĐẦU HONORÉ DE BALZAC Khi đặt tiêu đề Tấn trò đời cho một công trình, đã tiến hành từ mười ba năm nay, cần thiết phải nói rõ ý tưởng của nó, phải kể nguồn gốc, giải thích ngắn gọn bố cục và cố gắng nói những điều đó như thể tôi không liên quan gì đến chúng. Việc này không đến nỗi khó như mọi người nghĩ. Có ít tác phẩm thường nhiều tự phụ, bỏ nhiều công sức thường lại vô cùng khiêm tốn. Nhận định này được chứng minh qua cách Corneille, Molière và một số tác giả vĩ đại khác xem xét tác phẩm của mình; nếu không thể sánh ngang các nhà văn ấy về những quan niệm tốt đẹp của họ, thì người ta có thể mong giống họ về tinh thần này. Ý tưởng ban đầu về Tấn trò đời, thoạt tiên, giống như một giấc mơ trong tôi, như một trong những dự định bất khả thi, được nâng niu và để cho bay bổng; một ảo ảnh mỉm cười, phô gương mặt phụ nữ rồi lập tức giương cánh bay trở lại bầu trời hư ảo. Nhưng ảo ảnh ấy, cũng như nhiều ảo ảnh khác, chuyển biến thành hiện thực; nó có những mệnh lệnh và sức mạnh khắc nghiệt phải chấp nhận. Ý tưởng ấy xuất phát từ sự so sánh giữa Nhân tính và Động vật tính. Có lẽ là một sai lầm khi cho rằng cuộc tranh cãi dữ dội giữa Cuvier và Geoffroy Saint-Hilaire cách đây ít lâu, là dựa trên một cách tân khoa học. Tính thống nhất về cấu tạo từng được những đầu óc vĩ đại nhất của hai thế kỷ trước quan tâm, song được gọi bằng những từ ngữ khác. Đọc những tác phẩm phi thường của các nhà văn thần bí chuyên nghiên cứu các bộ môn khoa học trong các mối liên hệ với cái vô tận, như Swedenborg, Saint-Martin, v.v., đọc lại những bài viết của các thiên tài kỳ vĩ nhất về lịch sử tự nhiên, như Leibniz, Buffon, Charles Bonnet v.v., người ta thấy trong những đơn tử của Leibniz, trong những phân tử hữu cơ của Buffon, trong lực sinh dưỡng của Needham, trong nguyên tắc lồng ghép những bộ phận tương tự của Charles Bonnet, người đã khá táo bạo viết năm 1760 rằng động vật cũng sinh trưởng như cây cỏ, theo tôi, người ta thấy những khái niệm cơ bản của quy luật kỳ diệu tự mình vì mình làm chỗ dựa cho tính thống nhất về cấu tạo. Chỉ có một động vật. Tạo hóa chỉ sử dụng một, và cùng một khuôn mẫu cho mọi sinh thể được cấu tạo. Động vật là một khởi nguyên có hình dạng bên ngoài, hay nói chính xác hơn là có những khác biệt về hình dạng bên ngoài tùy theo môi trường phát triển của nó. Các loài động vật là do các sự khác biệt đó sinh ra. Việc công bố và ủng hộ quy tắc trên, vả chăng quy tắc ấy lại hài hòa với những ý tưởng của chúng ta về quyền năng của Chúa, sẽ là vinh dự vĩnh cửu của Geoffroy Saint-Hilaire, người đã thắng Cuvier về điểm này trong khoa học cao siêu; thắng lợi của ông đã được bài viết gần đây của Goethe vĩ đại chào mừng. Tôi đã thấm nhuần hệ thống lý thuyết này từ trước khi có cuộc tranh luận và tôi thấy rằng, về phương diện này, Xã hội giống như Tự nhiên. Chẳng phải là xã hội cũng làm cho con người trở thành bao nhiêu kiểu người khác nhau, tùy theo môi trường hoạt động của họ, giống như bấy nhiêu loài trong động vật học hay sao? Những sự khác biệt giữa một người lính, một người thợ, một quan chức, một luật sư, một kẻ vô công rồi nghề, một nhà bác học, một chính khách, một nhà buôn, một thủy thủ, một nhà thơ, một kẻ khó, một thầy tu, tuy khó nắm bắt hơn, song cũng to lớn chẳng khác gì những khác biệt giữa con sói, con sư tử, con lừa, con quạ, con cá mập, con chó biển, con cừu cái, v.v... Vậy thì, đã tồn tại và sẽ còn tồn tại, ở mọi thời điểm, những Giống loài Xã hội, cũng như những Giống loài Động vật. Nếu Buffon đã viết được một công trình tuyệt vời nhằm trình bày trong một tác phẩm toàn bộ giới động vật thì sao lại không có một công trình tương tự về Xã hội? Nhưng Tự nhiên đã đặt những mốc giới hạn cho các loài động vật, mà Xã hội thì không bị hạn chế trong các mốc đó. Khi Buffon miêu tả con sư tử đực, ông chỉ thêm vài câu là tả xong con sư tử cái; còn trong Xã hội, người phụ nữ không phải bao giờ cũng là con cái của con đực. Trong xã hội, một cặp vợ chồng có thể là hai con người hoàn toàn khác biệt. Vợ một lái buôn đôi khi có thể xứng đáng là vợ một vương công và vợ một vương công nhiều khi không bằng vợ một nghệ sĩ. Thực trạng xã hội có những ngẫu nhiên mà Tự nhiên không thể có, bởi nó là Tự nhiên cộng với Xã hội. Vậy việc miêu tả những Giống loài Xã hội ít nhất phải nhiều gấp đôi việc miêu tả những Giống loài Động vật, đó mới chỉ là xét về hai giới tính. Sau cùng, giữa những động vật, có ít bi kịch; không có mấy sự hỗn đồng; chúng chỉ tấn công lẫn nhau; có thế thôi. Loài người cũng tấn công lẫn nhau nhưng trí thông minh hơn hay kém nhau khiến cho cuộc đấu tranh phức tạp theo kiểu khác. Nếu vài nhà bác học còn chưa công nhận rằng Động vật tính chuyển hóa sang Nhân tính do một luồng sự sống vô cùng, thì người chủ hiệu thực phẩm chắc chắn thành được nguyên lão nghị viên nước Pháp còn nhà quý tộc đôi khi tụt xuống tận cùng bậc thang xã hội. Buffon còn thấy cuộc sống cực kỳ đơn giản ở loài vật. Con vật có ít đồ đạc, nó chẳng có nghệ thuật, chẳng có khoa học; còn con người, thì do một quy luật còn cần phải tìm hiểu, có xu hướng biểu hiện phong tục, tư duy và cuộc sống của mình qua tất cả những gì nó làm cho thích ứng với những nhu cầu của nó. Mặc dù Leuwenhoëk, Swammerdam, Spallanzani, Réaumur, Charles Bonnet, Muller, Haller và những nhà động vật học kiên trì khác đã chứng minh rằng những tập quán của loài vật thật thú vị, song, ít nhất là theo con mắt chúng ta, những thói quen của mỗi con vật thời nào cũng giống nhau; còn thói quen, áo quần, lời ăn tiếng nói, nhà ở của một vương công, một chủ ngân hàng, một nghệ sỹ, một thị dân, một thầy tu và một kẻ nghèo, hoàn toàn khác nhau và biến đổi tùy theo trình độ văn minh. Như vậy, công trình cần làm phải bao gồm ba hình thái: đàn ông, đàn bà và đồ vật, tức là những con người và sự thể hiện vật chất biểu đạt tư tưởng của họ, tóm lại là con người và cuộc sống. Đọc những danh mục khô khan và chán ngắt của những sự kiện được gọi là lịch sử, ai mà không nhận thấy rằng các nhà văn đã quên nói đến, trong mọi thời đại, dù ở Ai Cập, Ba Tư, Hy Lạp hay La Mã, lịch sử những phong tục? Bài văn Pétrone viết về đời sống riêng tư của người La Mã chỉ kích thích hơn là thỏa mãn lòng hiếu kỳ của chúng ta. Sau khi nhận thấy khiếm khuyết to lớn ấy trong phạm vi lịch sử, tu viện trưởng Barthélémy dành cả đời mình để viết lại những phong tục của Hy Lạp trong tác phẩm Anacharsis. Nhưng làm thế nào để vở kịch có ba hay bốn nghìn nhân vật của một xã hội gây được hứng thú? Làm thế nào để hài lòng được cả nhà thơ, nhà triết học và quần chúng, những người này đòi hỏi thơ và triết lý dưới những hình ảnh đầy cảm kích? Nếu như tôi nhận thức được tầm quan trọng và chất thơ của pho lịch sử về trái tim con người, thì tôi lại không thấy một phương tiện nào để thực hiện, bởi vì, cho đến thời đại chúng ta, những nhà văn kể chuyện lừng danh nhất đã trổ hết tài năng để sáng tạo một hay hai nhân vật điển hình, để miêu tả một mặt của cuộc sống. Tôi đã đọc những tác phẩm của Walter Scott với ý nghĩ trên. Walter Scott, nhà thơ kể chuyện thời hiện đại, lúc bấy giờ đã khiến cho một thể loại văn học, mang tên gọi bất công là thể loại thứ yếu, có một bước tiến khổng lồ. Ganh đua với Hộ tịch nhờ những Daphnis và Chloë, Roland, Amadis, Panurge, Don Quichotte, Manon Lescaut, Clarisse, Lovelace, Robinson Crusoë, Gil Blas, Ossian, Julie d’Etanges, ông cậu Tobie, Werther, René, Corinne, Adolphe, Paul và Virginie, Jeanie Deans, Claverhouse, Ivanhoë, Manfried, Mignon, chẳng phải thực sự khó khăn hơn là sắp xếp trật tự những sự kiện gần giống hệt nhau ở mọi quốc gia, tìm tòi tinh thần các luật pháp đã lỗi thời, soạn thảo những lý thuyết làm lạc hướng những dân tộc, hoặc như một số nhà siêu hình học, giải thích cái tồn tại hay sao? Trước hết, hầu như mãi mãi, các nhân vật ấy mà đời sống trở nên lâu dài hơn, thật hơn đời sống của những thế hệ trong đó chúng được sáng tạo ra, lại chỉ sống được với điều kiện chúng là hình ảnh lớn lao của hiện tại. Vì các nhân vật này được thai nghén trong lòng thế kỷ của chúng, nên toàn bộ trái tim con người xúc động dưới hình hài của chúng; và nhiều khi cả một triết lý ẩn giấu nơi đó. Vậy, Walter Scott đã nâng tiểu thuyết lên tầm giá trị triết học của lịch sử, tiểu thuyết là loại văn học từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, khảm những hạt kim cương bất tử lên vương miện thi ca của những xứ sở mến chuộng văn chương. Ông đã đưa vào tiểu thuyết tinh thần của những thời đại xưa, ông đã quy tụ trong tiểu thuyết các chất liệu kịch, đối thoại, chân dung, phong cảnh, miêu tả; ông đã đưa vào tiểu thuyết cái huyền diệu và cái thật, tức là những yếu tố của sử thi, ông đã cho thơ ca chen vai thích cánh với cái bình dị hàng ngày của các ngôn từ mộc mạc nhất. Ông đã tìm thấy cách thức của mình mà ít quan tâm đến việc tạo ra một hệ thống, trong nhiệt tình hăng say của công việc hoặc là bởi cái lô-gích của công việc này, ông đã không nghĩ đến việc nối kết các tác phẩm của ông lại với nhau, để tạo nên một pho lịch sử hoàn chỉnh; ở đó, mỗi chương mục lẽ ra phải là một cuốn tiểu thuyết và mỗi cuốn tiểu thuyết là một thời kỳ. Do nhận thấy cái khiếm khuyết về sự liên kết ấy, điều khiếm khuyết cũng chẳng làm cho nhà văn xứ Écosse* này kém vĩ đại, tôi thấy được cái hệ thống thuận lợi cho việc thực hiện công trình của mình, đồng thời thấy khả năng thực hiện được công trình. Mặc dù có thể nói là tôi bị choáng ngợp trước tài năng phong phú đáng kinh ngạc của Walter Scott, lúc nào ông cũng là ông, và luôn luôn độc đáo, song tôi không tuyệt vọng, vì tôi thấy lý do của tài năng ấy, là ở sự đa dạng vô tận của bản chất loài người. Ngẫu nhiên là nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất của thế gian; muốn được phong phú, chỉ việc nghiên cứu nó. Xã hội Pháp sẽ là nhà sử học, còn tôi chỉ là người thư ký. Lập bảng liệt kê những thói hư và những đức hạnh, tập hợp những sự kiện chủ yếu của các đam mê, vẽ nên các tính cách, lựa chọn những biến cố chính yếu của Xã hội, cấu tạo những điển hình bằng cách phối họp các nét của nhiều tính cách đồng chất, thì có lẽ tôi có thể viết nên pho lịch sử mà biết bao nhà sử học đã bỏ qua, lịch sử các phong tục. Với rất nhiều kiên trì và can đảm, có lẽ tôi sẽ thực hiện được cuốn sách về nước Pháp thế kỷ mười chín, cuốn sách mà tất cả chúng ta đều lấy làm tiếc rằng La Mã, Athènes, Tyr, Memphis, Ba Tư, Ấn Độ, rủi thay, đã không để lại cho chúng ta, cuốn sách nói về các nền văn minh ấy; cuốn sách mà Monteil, nhà văn kiên trì và dũng cảm, theo gương tu viện trưởng Barthélémy, đã thử viết về thời Trung cổ, nhưng với một hình thức chẳng mấy hấp dẫn. Công việc ấy chưa là gì cả. Một nhà văn bám chắc vào việc thể hiện nghiêm ngặt đó, có thể trở thành một họa sỹ ít hay nhiều trung thực, ít hay nhiều thành công, kiên trì hay can đảm, vẽ nên những điển hình nhân loại, có thể trở thành người kể về những tấn kịch của đời sống tâm tình, nhà khảo cổ về các vật dụng trong xã hội, nhà lập danh mục các nghề nghiệp, người ghi chép cái thiện và cái ác; nhưng muốn xứng đáng với những lời khen ngợi, mà mọi nghệ sỹ hẳn đều mong muốn, phải chăng tôi cần nghiên cứu những lý do, hoặc cái lý do của những hệ quả xã hội ấy, cần nắm bắt ý nghĩa ẩn giấu của cái tập hợp mênh mông những khuôn mặt, những ham mê và những biến cố. Cuối cùng, sau khi tìm kiếm, chứ không phải tìm thấy, cái lý do ấy, cái động lực xã hội ấy, phải chăng cần suy ngẫm về những nguyên tắc tự nhiên và phải xem các Xã hội tách xa hoặc nhích gần nguyên tắc vĩnh cửu, cái thật, cái đẹp ở chỗ nào hay sao? Mặc dầu tầm sâu rộng của các tiền đề, tự chúng có thể là một tác phẩm, công trình muốn được hoàn chỉnh, còn phải có một kết luận. Xã hội được họa nên như vậy, ắt phải mang trong bản thân nó nguyên nhân sự vận động của nó. Quy luật của nhà văn, – điều làm cho nhà văn trở thành nhà văn, và tôi chẳng ngại nói trắng ra, điều khiến nhà văn ngang bằng và có lẽ hơn chính khách, là phải có một quyết định nào đó đối với các điều thuộc về con người, có một sự hy sinh tuyệt đối cho những nguyên tắc. Machiavel, Hobbes, Bonnet, Bossuet, Leibniz, Kant, Montesquieu, các nhà văn đó là khoa học được chính khách ứng dụng. Bonald đã nói rằng: “Một nhà văn, về đạo lý và về chính trị, phải có những ý kiến quyết đoán, ông ta phải tự coi như người thầy của mọi người, bởi vì để nghi ngờ thì chẳng ai cần đến thầy”. Từ lâu rồi, tôi đã lấy những lời nói thâm thúy ấy làm nguyên tắc, những lời nói ấy chính là quy luật của nhà văn theo tư tưởng quân chủ, cũng như quy luật của nhà văn dân chủ. Bởi vậy, khi người ta muốn đối lập tôi với chính bản thân tôi, có thể người ta giải thích sai một lời trào phúng nào đó, hoặc là người ta vặn vẹo không đúng chỗ, gán cho tôi lời nói của một nhân vật của tôi, – đó vẫn là thủ đoạn riêng của những kẻ vu khống. Còn về ý nghĩ sâu kín, về linh hồn của tác phẩm này thì sau đây là nguyên lý làm cơ sở cho nó: Con người không tốt, cũng không xấu; con người sinh ra với những bản năng và những thiên tư, Xã hội không hề làm hư hỏng con người, như Rousseau đã khẳng định, Xã hội hoàn thiện con người, làm cho con người tốt hon; song, quyền lợi làm cho những khuynh hướng xấu của con người phát triển mạnh quá đáng. Kitô giáo, nhất là Thiên chúa giáo, như tôi đã nói trong Thầy thuốc nông thôn, vốn là một hệ thống hoàn chỉnh để kiềm chế những khuynh hướng đồi bại của con người, là yếu tố quan trọng nhất của Trật tự xã hội. Khi xem kỹ bức tranh, có thể nói là giống y đúc trạng thái thật của xã hội, với tất cả cái thiện và cái ác, ta sẽ được biết rằng, nếu tư tưởng, hoặc sự đam mê, bao gồm tư tưởng và tình cảm, là yếu tố xã hội, thì đồng thời nó cũng là yếu tố phá hoại – về điểm này, cuộc sống xã hội giống như cuộc sống con người. Chỉ khiến cho các dân tộc trường thọ được bằng cách tiết chế hoạt động sống của họ. Vậy, điều răn dạy, hay đúng hơn, sự giáo dục của các Đoàn thể Tôn giáo là nguyên tắc sinh tồn lớn lao cho tất cả các dân tộc, là phương sách duy nhất để giảm tổng số cái ác và tăng tổng số cái thiện trong mọi xã hội. Chỉ có tôn giáo mới chuẩn bị, chế ngự và hướng dẫn được tư duy, khởi nguyên của mọi điều thiện và mọi điều ác. Tôn giáo duy nhất có khả năng là Kitô giáo (xem bức thư viết từ Paris trong tác phẩm Louis Lambert, của nhà triết học thần bí trẻ tuổi, nhân nói về học thuyết của Swedenborg, đã giải thích vì sao mà từ khởi thủy thế giới, vẫn chỉ có một tôn giáo). Kitô giáo đã tạo ra những dân tộc hiện đại và sẽ bảo tồn những dân tộc ấy. Chắc hẳn, từ đó, cần thiết phải có nguyên tắc quân chủ. Thiên chúa giáo và Vương quyền là hai nguyên tắc song sinh. Còn việc các thể chế định ra những giới hạn đó để không cho những nguyên tắc đó phát triển một cách tuyệt đối thì mọi người sẽ cảm nhận rằng một bài Tựa buộc phải ngắn gọn như bài Tựa này không thể chuyển thành một chuyên luận chính trị. Bởi vậy, tôi không thể đi vào những bất đồng về tôn giáo cũng như những bất đồng về chính trị hiện nay. Tôi viết dưới ánh sáng le lói của hai Chân lý vĩnh cửu: Tôn giáo và Nền quân chủ, hai điều thiết yếu đang được những sự kiện đương thời nêu rõ và mọi nhà văn có lương tri phải cố gắng đưa đất nước chúng ta đến với hai điều thiết yếu đó. Tôi không thù địch với chế độ Tuyển cử, nguyên tắc tuyệt vời để thiết định luật, song tôi bác bỏ Tuyển cử được coi như phương tiện xã hội duy nhất, và nhất là vì nó được tổ chức tồi như hiện nay, bởi vì nó không đại diện cho những cộng đồng thiểu số rất quan trọng có những ý tưởng, những quyền lợi của thiểu số đó sẽ được một chính phủ quân chủ quan tâm đến. Tuyển cử mở rộng đến toàn thể, sẽ đem đến sự cai trị của đám đông, sự cai trị duy nhất không hề có trách nhiệm và chuyên chế vô hạn, bởi vì ách chuyên chế ấy là pháp luật. Bởi thế, tôi cho rằng Gia đình mới là yếu tố xã hội chân chính, chứ không phải Cá nhân. Về phương diện này, mặc dù có thể bị coi là người có đầu óc lạc hậu, tôi vẫn đứng về phía Bossuet và Bonald, chứ không đi với những người canh tân hiện đại. Vì lẽ Tuyển cử đã trở thành phương tiện xã hội duy nhất, cho nên nếu tôi đã sử dụng nó cho chính bản thân mình, chớ nên suy luận ra rằng có chút gì mâu thuẫn giữa hành động và suy nghĩ của tôi. Một kỹ sư thông báo một cái cầu nào đó sắp đổ, ai đi qua sẽ gặp nguy hiểm; thế mà chính ông ta lại đi qua cầu, khi cầu ấy là lối duy nhất để tới thành phố. Napoléon đã làm cho Tuyển cử thích ứng tuyệt vời với tinh hoa của đất nước chúng ta. Bởi vậy, những đại biểu bé nhỏ nhất của cơ quan Lập pháp thời Napoléon là những nhà hùng biện danh tiếng nhất tại các Nghị viện thời Trùng hưng. Không một Nghị viện nào ngang tầm được với Cơ quan Lập pháp, khi so sánh từng người này với từng người khác trong các Nghị viện ấy. Vậy thì, hệ thống bầu cử dưới thời Đế chế tốt hơn, là điều không thể chối cãi. Một số người có thể thấy rằng lời tuyên bố trên có phần cao ngạo và khoe khoang. Người ta sẽ gây chuyện với nhà tiểu thuyết về việc anh ta muốn là nhà sử học; người ta yêu cầu anh ta giải thích quan niệm của anh ta. Ở đây, tôi tuân thủ một nghĩa vụ, đấy là tất cả câu trả lời của tôi. Công trình tôi đã tiến hành, sẽ có chiều dài một pho lịch sử; cần phải trình bày lý do, còn ẩn giấu, những nguyên tắc và đạo lý của nó. Buộc phải hủy bỏ các bài tựa đã in để trả lời những bài phê bình chủ yếu là nhất thời, tôi chỉ muốn giữ lại một nhận xét. Những nhà văn có một mục tiêu, dù đó là quay lại những nguyên tắc thời quá khứ, chính vì những nguyên tắc ấy vĩnh cửu, bao giờ họ cũng phải dọn đường. Thế mà, ai đó góp phần vào lĩnh vực tư tưởng, ai đó báo tin một sự lạm dụng, ai đó điểm mặt kẻ xấu để gạt bỏ nó, bao giờ người ấy cũng bị coi là vô đạo đức. Lời chê trách là vô đạo đức bao giờ cũng nhằm vào nhà văn dũng cảm, vả lại đó là việc cuối cùng người ta thực hiện, khi chẳng còn gì để nói với nhà văn nữa. Nếu anh chân thực trong miêu tả, nếu anh mài miệt ngày đêm để viết được thứ ngôn ngữ khó nhất trần gian này, người ta sẽ ném vào mặt anh cái từ vô đạo đức. Socrate đã là vô đạo đức, Jésus-Christ là vô đạo đức; Nhân danh những xã hội bị hai vị lật đổ hoặc cải tạo, người ta truy kích cả hai vị. Khi muốn giết ai, người ta quy cho anh ta cái tội vô đạo đức. Thật là điều sỉ nhục cho những kẻ sử dụng cái thủ đoạn quen thuộc của các bè đảng ấy. Luther và Calvin biết rất rõ mình làm cái gì, khi các vị sử dụng Quyền lợi vật chất bị phương hại làm một lá chắn! Bởi vậy, các vị đã sống suốt cả cuộc đời mình. Nhà văn, khi sao chép toàn bộ Xã hội, hiểu thấu nó trong vô vàn những náo động, có khi và tất nhiên phải như vậy, tác phẩm nào đó trình bày nhiều cái ác hơn là cái thiện, hoặc một phần nào đó của bức tranh thể hiện một nhóm người tội lỗi, thế là phía phê bình vội la lối là vô đạo đức, mà bỏ qua đạo đức ở một phần khác được xây dựng nhằm tạo nên một tương phản hoàn hảo. Bởi phê bình không biết bố cục tổng thể, nên tôi sẵn sàng tha thứ, càng tha thứ bởi không thể ngăn cấm phê bình cũng như không thể ngăn cấm người ta nhìn, người ta nói, người ta đánh giá. Thêm nữa, thời gian của sự vô tư chưa đến với tôi. Vả lại, tác giả nào chưa biết chịu đựng những ngọn đòn của phê bình, thì đừng có viết nữa, như thể một du khách chớ có lên đường, nếu cứ trông chờ vào một bầu trời lúc nào cũng quang quẻ. Về điểm này, tôi còn cần lưu ý rằng các nhà đạo đức có lương tâm nhất không hề tin rằng trong Xã hội có thể có những hành động tốt và những hành động xấu ngang bằng với nhau, thế mà trong bức tranh của tôi về xã hội, có nhiều nhân vật đức hạnh hơn nhân vật hư hỏng. Những hành động đáng trách, những lỗi lầm, những tội ác, từ những tội nhẹ nhất đến những tội nghiêm trọng nhất, bao giờ trong tác phẩm của tôi cũng bị con người hoặc Chúa trừng phạt, nhãn tiền hay ngấm ngầm. Tôi đã làm hơn nhà sử học, tôi tự do hơn. Ở dưới trần thế này, Cromwell chỉ chịu mỗi một hình phạt của nhà tư tưởng. Song, còn có những tranh luận từ phái này đến phái khác. Ngay Bossuet cũng gượng nhẹ với kẻ giết vua vĩ đại ấy. Guillaume d’Orange, kẻ tiếm quyền, Hugues Capet, một kẻ tiếm quyền khác, chết ở tuổi già, chẳng hề có những nghi ngờ và những sợ hãi hơn vua Henri IV và Charles Đệ nhất. Cuộc đời của Catherine II và của Louis XVI đem ra mà đối chiếu, sẽ dẫn tới kết luận trái với mọi đạo lý, xét về quan điểm đạo lý chi phối những người dân thường; bởi vì, với các nhà vua và các chính khách, như Napoléon đã nói, có đạo lý lớn và đạo lý nhỏ. Phần Những cảnh đời chính trị là dựa trên ý nghĩ rất hay này. Sử học không có quy luật hướng tới cái đẹp lý tưởng như tiểu thuyết. Sử học là hoặc lẽ ra phải là những gì đã như thế; còn tiểu thuyết phải là thế giới tốt đẹp hơn, như bà Necker đã nói, – bà là một trong những trí tuệ ưu tú nhất của thế kỷ trước. Song, tiểu thuyết sẽ không là gì cả nếu trong lời nói dối uy nghiêm ấy, nó không chân thực ở những chi tiết. Buộc phải thuận theo những ý tưởng của một xứ sở chủ yếu là đạo đức giả, Walter Scott đã không thật, xét về mặt nhân loại, khi miêu tả người phụ nữ, bởi vì các mẫu của ông đều là những người ly giáo. Người phụ nữ theo đạo Tin lành không có lý tưởng. Người phụ nữ ấy có thể trinh khiết, trong trắng, đức hạnh, song tình yêu thiếu dạt dào, bao giờ cũng lặng lẽ và nền nếp như một bổn phận đã làm tròn. Có vẻ hình như Đức mẹ Đồng trinh đã làm nguội lạnh trái tim những người ngụy biện, họ đã đuổi Người khỏi bầu trời, Người và tất cả châu báu của lòng từ bi. Ở đạo Tin lành, sau khi phạm lỗi lầm, người phụ nữ chẳng còn khả năng gì hết; còn ở Nhà thờ đạo Thiên chúa, hy vọng được dung thứ, khiến người phụ nữ trở thành cao thượng. Bởi vậy, với nhà văn theo đạo Tin lành, chỉ có duy nhất một người phụ nữ, còn nhà văn theo đạo Thiên chúa tìm thấy một người phụ nữ mới trong mỗi hoàn cảnh mới. Giả thử Walter Scott theo đạo Thiên chúa, giả thử ông tự nhận nhiệm vụ miêu tả chân thực những Xã hội khác biệt đã kế tiếp nhau ở Écosse, thì có lẽ khi thể hiện Effie và Alice (những ngày cuối đời, Walter Scott tự trách mình đã vẽ hai khuôn mặt này), nhà họa sỹ đã chấp nhận những say mê cùng những lỗi lầm và những hình phạt, cùng với những đức hạnh mà lòng hối hận khiến các nhân vật ấy nhận ra. Say mê là tất cả nhân loại. Không có say mê thì tôn giáo, sử học, tiểu thuyết, nghệ thuật đều là vô dụng. Khi thấy tôi thu lượm bấy nhiêu sự kiện và thể hiện các sự kiện ấy đúng như chúng tồn tại, với say mê là nguyên tố, vài ba người đã tưởng tượng rất sai lầm rằng tôi theo trường phái duy cảm và duy vật, hai mặt của cùng một sự kiện, thuyết phiếm thần. Nhưng, người ta có thể lầm và ắt phải lầm như vậy. Tôi không chia sẻ lòng tin vào một sự tiến bộ vô hạn, về các xã hội; tôi tin vào những tiến bộ của con người đối với bản thân nó. Vậy, những ai muốn thấy ở tôi ý định coi con người như một vật thể có hạn, là phạm một sai lầm kỳ lạ. Séraphita, học thuyết hành động của đức Phật Kitô giáo, có thể là câu trả lời đầy đủ cho lời buộc tội đưa ra một cách khá nông nổi ấy. Ở một số đoạn trong tác phẩm trường thiên này, tôi định truyền bá những sự kiện lạ lùng, tôi có thể nói là những điều kỳ diệu của điện lực đã biến hóa ở con người thành một sức mạnh chưa ước lượng được; nhưng những hiện tượng trí não và những hiện tượng thần kinh chứng tỏ sự hiện hữu của một thế giới tinh thần mới, làm xáo lộn những mối quan hệ chắc chắn và tất yếu giữa các thế giới với Chúa như thế nào? Và những giáo lý đạo Thiên chúa do đó sẽ bị lung lay như thế nào? Nếu, bằng những sự kiện không thể chối cãi, một ngày kia, tư duy được sắp xếp vào các thể lưu chuyển chỉ phát lộ qua những hiệu quả của chúng và thực chất của tư duy mà những giác quan của chúng ta không nắm bắt được, những giác quan ngày càng mở rộng tầm do biết bao phương tiện máy móc, thì sự việc này cũng giống như việc trái đất hình tròn, do Christophe Colomb nhận xét, và như trái đất quay vòng, được Galilée chứng minh. Tương lai của chúng ta sẽ vẫn là như thế. Từ tính động vật, từ năm 1820, tôi đã làm quen với những điều huyền diệu của nó; những công trình nghiên cứu tuyệt hay của Gall, người tiếp nối Lavater, tất cả những người từ năm mươi năm nay, đã nghiên cứu tư duy, như những nhà quang học nghiên cứu ánh sáng, hai vật thể hầu như giống nhau, tất cả các sự việc trên, một mặt xác định các nhà theo thuyết thần bí, những đệ tử của Thánh tông đồ Jean, là đúng, và mặt khác tất cả các nhà tư tưởng vĩ đại đã thiết lập thế giới tinh thần, lĩnh vực biểu hiện những mối quan hệ giữa con người và Chúa, cũng là đúng. Khi nắm vững ý nghĩa của tác phẩm này, người ta sẽ nhận ra rằng tôi trao cho những sự kiện thường kỳ, hàng ngày, âm thầm hay rõ rệt, cho những hành vi của đời sống cá nhân, cho các nguyên nhân và nguyên lý của những hành vi đó, tầm quan trọng ngang với tầm quan trọng mà các nhà sử học đã dành cho những biến cố trong đời sống chung của các quốc gia. Cuộc đấu tranh không ai biết tới, diễn ra tại một thung lũng miền Indre, giữa bà De Morsauf với sự đam mê có lẽ cũng lớn lao ngang cuộc đấu tranh lừng lẫy nhất mà mọi người đều biết (Bông huệ trong thung). Trong cuộc đấu tranh này, có vấn đề vinh quang của người đi chinh phục; trong cuộc đấu tranh trên, lại có Trời. Những bất hạnh của anh em nhà Birotteau, người tu sĩ và chủ hãng nước hoa, tôi thấy đó là những bất hạnh của loài người. Cô Fosseuse (Thầy thuốc nông thôn) và bà Graslin (Cha xứ làng quê) hầu như là tất cả người phụ nữ. Chúng ta ngày nào cũng đau đớn như vậy. Tôi đã hàng trăm lần phải làm cái việc Richardson chỉ làm có một lần. Lovelace có hàng ngàn hình thái khác nhau, bởi vì sự hư đốn trong xã hội mang những màu sắc của mọi môi trường nó nảy nở. Trái lại, Clarisse, hình ảnh đẹp ấy của đức hạnh đầy ham mê, lại có những đường nét thuần khiết đến não lòng. Muốn sáng tạo nhiều nàng trinh nữ, phải là Raphaël. Về mặt này, có lẽ văn học không thể bằng hội họa. Bởi thế, cho phép tôi được xin mọi người chú ý rằng có biết bao nhiêu khuôn mặt hoàn thiện (về đạo đức) trong các phần đã được xuất bản của công trình này: Pierrette Lorrain, Ursule Mirouët, Constance Birotteau, cô Fosseuse, Eugénie Grandet, Marguerite Claës, Pauline de Vilienoix, bà Jules, bà De La Chanterie, Ève Chardon, cô D’Esgrignon, bà Firmiani, những khuôn mặt thứ yếu, tuy không nổi trội như những khuôn mặt dưới đây, nhưng vẫn cho người đọc thấy hành động của những đức hạnh trong gia đình. Joseph Lebas, Genestas, Benassis, cha xứ Bonnet, thầy thuốc Minoret, Pillerault, David Séchard, hai anh em Birotteau, cha xứ Chaperon, thẩm phán Popinot, Bourgeat, gia đình Sauviat, gia đình Tascheron và nhiều người khác, chẳng đã giải quyết được vấn đề khó khăn của văn học là viết cho hay một nhân vật đức hạnh? Vẽ nên hai hay ba nghìn khuôn mặt nổi bật của một thời đại, đâu có phải là công việc nhỏ nhặt, bởi vì, tóm lại, đó là tổng số các điển hình của mỗi thế hệ, mà Tấn trò đời sẽ trình bày. Những khuôn mặt, những tính cách đông đảo ấy, vô vàn cuộc đời ấy đòi hỏi những khung cảnh và, xin các bạn bỏ qua cho cách nói này, những phòng trưng bày hội họa. Vì vậy mà có sự phân chia rất tự nhiên, như mọi người đã biết, tác phẩm của tôi thành Những cảnh đời tư, tỉnh lẻ, Paris, chính trị, binh nghiệp và thôn dã. Trong sáu quyển trên, được sắp xếp tất cả các khảo luận phong tục hợp thành bộ thông sử Xã hội, bộ sưu tập tất cả các sự kiện và các hoạt động của xã hội, như ngày xưa ông cha ta nói vậy. Vả lại, sáu cuốn đó đáp ứng những ý tưởng chung. Mỗi quyển có ý riêng, có nghĩa riêng của nó, và thể hiện một thời kỳ trong cuộc sống nhân gian. Đấy là tôi nhắc lại một cách ngắn gọn điều Félix Davin đã viết sau khi tìm hiểu bố cục tác phẩm của tôi, – ông là một tài năng trẻ mà cái chết quá sớm đã cướp đi của văn đàn. Những cảnh đời tư trình bày tuổi thơ và thời niên thiếu, với những lỗi lầm của những thời đó, cũng như Những cảnh đời tỉnh lẻ trình bày độ tuổi của ham mê, toan tính, quyền lợi và tham vọng. Rồi đến Những cảnh đời Paris đưa ra bức tranh về những thị hiếu, những thói hư và mọi điều cuồng loạn phóng túng được kích động bởi phong tục riêng của các chốn kinh kỳ, nơi gặp gỡ của cái cực thiện và cái cực ác. Mỗi phần trong ba phần trên đều có màu sắc địa phương: Paris và tỉnh lẻ, sự tương phản xã hội ấy, cung cấp những khả năng vô tận. Không chỉ những con người, mà cả các sự kiện chủ yếu của cuộc sống cũng thể hiện bằng những điển hình. Có những hoàn cảnh có mặt trong tất cả mọi cuộc đời, có những khoảnh khắc điển hình và đó là một trong những sự chính xác tôi đã ra công tìm kiếm. Tôi đã cố đưa ra một ý niệm về các miền khác nhau tại đất nước tươi đẹp của chúng ta. Tác phẩm của tôi có địa lý của nó, cũng như có phả hệ và các gia tộc, các nơi chốn và các sự việc của nó; cũng như có các gia huy, người quý tộc và người thị dân, thợ thủ công và nông dân, nhà chính trị và công tử bột, quân đội, tóm lại là cả thế giới của nó. Sau khi thể hiện cuộc sống xã hội trong ba quyển trên, còn phải trình bày những cuộc đời đặc biệt tóm thâu những quyền lợi của nhiều người hay của tất cả mọi người, những cuộc đời có thể nói là ngoài quy luật thông thường: từ đó, có Những cảnh đời chính trị. Một khi bức tranh rộng lớn này của xã hội đã hoàn chỉnh, trọn vẹn, chẳng phải trình bày nó trong trạng thái dữ dội nhất, khi nó vươn ra ngoài phạm vi của nó, để hoặc tự vệ, hoặc chinh phục hay sao? Từ đó, có Những cảnh đời binh nghiệp, cái phần thiếu hoàn chỉnh nhất trong tác phẩm của tôi, song sẽ được dành một chỗ trong kỳ xuất bản này; nó sẽ chiếm một phần, khi tôi hoàn thành tác phẩm. Sau cùng, Những cảnh đời thôn dã có thể coi là buổi tối của ngày dài đằng đẵng ấy, nếu tôi được phép gọi như vậy tấn kịch xã hội. Trong quyển này, có những tính cách chân chất nhất và sự ứng dụng các nguyên tắc lớn về trật tự, chính trị, đạo lý. Nền tảng là như vậy, đầy ắp những khuôn mặt, những hài kịch và bi kịch, trên nền tảng ấy, dựng lên những Khảo luận triết học, phần thứ hai của công trình bày tỏ phương sách xã hội dẫn tới mọi hậu quả chứng minh xã hội; ở đấy, những tàn phá của tư tưởng, được miêu tả từ tình cảm này đến tình cảm khác; và, có thể coi truyện đầu tiên, Miếng da lừa nối liền phần Khảo luận phong tục với phần Khảo luận triết học, bằng mắt xích của một sự tưởng tượng phóng khoáng gần như có tính chất phương Đông, vẽ nên chính Sự sống đấu tranh với Ham muốn, khởi nguyên của mọi Đam mê. Bên trên tất cả, sẽ là phần Khảo luận phân tích, về phần này, tôi sẽ chẳng nói gì, bởi vì tôi mới chỉ cho xuất bản một khảo luận duy nhất, Sinh lý học hôn nhân. Một thời gian ngắn nữa, kể từ nay, tôi phải viết hai tác phẩm khác thuộc loại này. Trước hết là Bệnh lý học đời sống xã hội rồi Giải phẫu học giáo giới và Chuyên khảo về Đức hạnh. Thấy tất cả những gì tôi còn phải làm, có lẽ người ta sẽ bảo tôi, như các nhà xuất bản đã bảo tôi: “Cầu Chúa cho ông sống lâu”. Tôi chỉ ước mong bớt bị giày vò bởi các con người và các sự vật như tôi đã phải chịu đựng, từ khi tiến hành công việc đáng hãi hùng này. Tôi có điều này cho riêng mình, và tôi xin cảm tạ Chúa, là những tài năng lớn nhất của thời đại chúng ta, những tính cách tuyệt vời nhất, những người bạn trung thành, vĩ đại trong cuộc sống riêng tư, cũng như những người trên vĩ đại trong đời sống công cộng, đều đã xiết tay tôi mà bảo: “Can đảm lên!”. – Và tại sao tôi không thú nhận rằng những tình bạn ấy, những biểu lộ nơi này nơi khác của những người không quen biết, tất cả đã nâng đỡ tôi trong sự nghiệp, đã giúp tôi đương đầu với chính bản thân mình và với những sự công kích bất công, sự vu khống thường vẫn theo đuổi tôi, với sự chán nản, với một niềm hy vọng quá nồng nhiệt, với biểu đạt qua những ngôn từ bị coi là tự tôn quá đáng? Tôi đã quyết định lấy sự thản nhiên khắc kỷ để đối chọi lại những sự công kích và những lời thóa mạ, nhưng có hai trường hợp, những lời vu khống hèn hạ đã dẫn đến sự tự vệ bắt buộc. Nếu những người chủ trương tha thứ cho sự thóa mạ lấy làm tiếc vì tôi đã tỷ thí sự hiểu biết của mình trong cuộc đọ sức văn chương, thì nhiều người Kitô giáo nghĩ rằng chúng ta đang sống ở một thời đại nên làm cho mọi người thấy rằng yên lặng đã bao gồm lòng quảng đại. Nhân đây, tôi phải nói rõ tôi chỉ công nhận các tác phẩm nào mang tên tôi mới thật là của tôi. Ngoài Tấn trò đời, tôi chỉ có Trăm truyện cười, hai vở kịch và những bài riêng lẻ cũng có ký tên tôi. Tôi sử dụng ở đây một quyền không thể chối cãi. Nhưng việc không thừa nhận, nếu có liên quan đến những tác phẩm tôi đã cộng tác viết, thì không phải do lòng kiêu căng, mà vì đó là sự thật. Nếu người ta khăng khăng gán cho tôi những tác phẩm mà tôi không thừa nhận là do mình viết, song bản quyền được giao cho tôi, thì tôi cứ để mọi người nói, vì cùng một lý do là tôi đã để cho tha hồ vu khống. Một dàn ý mênh mông bao trùm cả lịch sử lẫn phê phán xã hội, cả sự phân tích những bệnh tật lẫn sự luận bàn những căn nguyên của xã hội, thiết tưởng cho phép tôi đặt tiêu đề công trình xuất bản ngày hôm nay là Tấn trò đời. Liệu có đầy tham vọng không? Chẳng là chính xác hay sao? Đó là điều công chúng sẽ quyết định, khi tác phẩm hoàn tất. Paris, tháng Bảy 1842 Đỗ Đức Hiểu dịch Balzac và các nhân vật của ông (Tranh của Prosper Mérimée) KHẢO LUẬN PHONG TỤC NHỮNG CẢNH ĐỜI TƯ GIỚI THIỆU VỀ TÁC PHẨM CỬA HIỆU MÈO-CHƠI-BÓNG LÊ HỒNG SÂM Thoạt tiên, tác phẩm giản dị này mang tiêu đề Vinh quang và bất hạnh, và là một trong sáu truyện vừa, làm thành hai tập Những cảnh đời tư, xuất bản năm 1830, mầm mống ban đầu của Tấn trò đời. Cả sáu truyện đều đặt ra vấn đề hôn nhân, với ý định “dùng một nhành liễu đánh dấu các đoạn đường nguy hiểm trong đời như những người lái tàu thuyền trên sông Loire thường làm”* nhằm cảnh báo các thiếu nữ “non nớt ít kinh nghiệm” và các bậc cha mẹ có cách giáo dục con sai lầm. Thù truyền kiếp cho thấy xung đột giữa những tính cách cố chấp khiến cha con chia lìa, dẫn tới đau khổ và chết chóc; Những nguy cơ của sự vô hạnh, tên gọi ban đầu của truyện Gobseck, biểu lộ rõ ý định khuyên răn; Vũ hội ở Sceaux kể về cô tiểu thư cao ngạo, mang nặng thành kiến quý tộc, vì thế mà lỡ dở trong tình yêu và hôn nhân; Một gia đình kép chỉ ra đồng thời cả hậu quả tai hại của sự mộ đạo thái quá, cả thất bại của quan hệ yêu đương bất hợp pháp... Trong Vinh quang và bất hạnh (Cửa hiệu Mèo-chơi-bóng), mối tình sét đánh của chàng họa sĩ tài năng, quý phái Théodore de Sommervieux trước nhan sắc khiêm nhường trinh bạch của Augustine Guillaume nhanh chóng tàn lụi; cuộc hôn nhân “không tương xứng về tinh thần”, không phù hợp “về tập tục, địa vị” trở thành bi kịch với Augustine, trong khi cô chị xấu xí an phận bên người chồng vừa đôi phải lứa, thong dong tiếp nối nghề buôn dạ và “hạnh phúc bình thản” nơi cửa hiệu lâu đời. Tự coi mình “là nhà sử học nhiều hơn là nhà tiểu thuyết”, nhận thức rõ ảnh hưởng của xã hội, của môi trường đối với cá nhân, Balzac cố tái hiện chính xác thực tại, dù biết rằng sẽ bị chê trách vì “những chi tiết bề ngoài có vẻ như vô dụng”. Truyện nổi bật ở tính chân thực của khung cảnh, nhân vật, cảm xúc. Tài quan sát, sức mạnh ký ức đã giúp nhà văn không ít: gia đình bên ngoại Balzac mấy đời buôn dạ, tính tình khe khắt hẹp hòi của mẹ, dì, bà ngoại... cung cấp nhiều nét sống động để miêu tả bà Guillaume. Và nỗi bồi hồi lay động “người bạn” mỗi khi đi ngang qua tấm bia mộ đơn sơ phải chăng chính là rung cảm xót xa ở Balzac trước cái chết của em gái? Như Augustine Guillaume, Laurence Balzac lấy chồng dòng dõi quý tộc và chết ở tuổi hai mươi ba, sau bốn năm hôn nhân bất hạnh. Nhưng thực tế chỉ là điểm xuất phát, ký ức chỉ cung cấp chất liệu để nhà tiểu thuyết sáng tạo một cái gì hoàn toàn mới, thậm chí trái ngược: chồng Laurence, khoác lác, nợ nần chồng chất, chẳng có gì chung với Théodore de Sommervieux, và chính gia đình Balzac đã hối thúc cuộc hôn nhân, do chuộng hư vinh. Sự thật nghệ thuật “đích thực hơn” sự thật trong cuộc sống, vấn đề tác phẩm nêu lên cũng phong phú hơn, vượt xa hơn ý định khuyên nhủ ở lời Tựa. Những chủ đề cơ bản, sẽ xuất hiện thường xuyên trong cả Tấn trò đời, đã có ở đây: sự đối lập giữa vinh quang và hạnh phúc, giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ sĩ và giới trưởng giả, giữa sự khôn ngoan thận trọng giúp tồn tại lâu dài và đam mê đầy sức mạnh hủy hoại. Hầu hết vấn đề được để ngỏ: tưởng như truyện phê phán cách dạy dỗ tầm thường thiển cận của gia đình và việc “trèo cao” của các cô gái, nhưng về thực chất, lại trình bày mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và người trưởng giả. Nghệ sĩ chẳng được ca ngợi, chính cô gái trưởng giả có tâm hồn cao thượng, cô thất bại phần nào cũng do điều đó. Và một Virginie “biết điều” liệu có nhiều sức thuyết phục hơn một Augustine say đắm “tự hào vì những buồn đau của mình”, ghê sợ “cuộc sống náo động mà không vận động, một kiểu sinh tồn máy móc và bản năng như của loài hải ly”? Sâu xa hơn, bao quát hơn sai lầm hay bất hạnh của cá nhân, chính là tình trạng đáng buồn của quan hệ giữa các con người, là bi kịch của sự không thể giao tiếp. Trong tác phẩm đa thanh này, giữa các ngôn ngữ khác biệt chẳng có đối thoại, bởi không có khả năng tìm ra “mã”. Quan hệ vợ chồng, yêu đương là quan hệ thống trị và bị trị: “Người nào yêu nhiều hơn chính là người bị ngược đãi”, nữ công tước De Carigliano giải thích cho Augustine, như sau này, trong Lão Goriot, phu nhân De Beauséant khuyên Rastignac hãy giấu kín tình cảm thực sự – nếu có – kẻo “sẽ không là đao phủ mà sẽ thành nạn nhân”. Năm 1842, truyện được Balzac đặt tiêu đề mới Cửa hiệu Mèo chơi-bóng và chuyển thành tác phẩm đứng đầu Những cảnh đời tư, mở ra công trình đồ sộ Tấn trò đời*. Việc thay đổi vị trí và tên gọi mang nhiều ý nghĩa: xác định tính chất tiêu biểu hơn cả của truyện, đồng thời “chuyển mối quan tâm từ nhân vật sang địa điểm, từ tâm lý sang khảo cổ, từ truyện tình cảm sang xã hội học”. Nhìn từ góc độ này, mọi chi tiết tưởng như thừa, mọi sự tỉ mỉ bỗng lộ rõ tính thiết yếu, trong công việc khám phá, ghi lại những mẫu, những tiêu bản của các “loài” xã hội đang trên đường mai một. Và tính chất vận động không ngừng, thường xuyên kiến tạo, rồi tái tạo, chính là nét độc đáo của tiểu thuyết Balzac: “mỗi văn bản cứ bật lên khi ta tưởng nó đã hoàn tất”*. CỬA HIỆU MÈO-CHƠI-BÓNG La Maison du Chat-qui-pelote Tặng tiểu thư Marie de Montheau Giữa phố Saint-Denis, gần như ở vào góc phố Petit-Lion, cách đây không lâu còn có một trong những ngôi nhà quý giá giúp các sử gia dễ dàng dùng phương pháp loại suy để tái tạo Paris xưa. Những bức tường đáng ngại của căn nhà nhỏ này tựa như chằng chịt chữ tượng hình. Thì người thẩn thơ đi dạo biết đặt tên nào khác cho những nét X nét V do những thanh gỗ ngang hoặc chéo vạch trên mặt tiền, các khe nứt nhỏ song song khiến những thanh gỗ ấy in hình vào lớp vôi. Hiển nhiên là khi cỗ xe nhẹ nhất đi qua, mỗi thanh rầm đó đều chuyển rung trong lỗ mộng. Bên trên công trình đáng kính này là một nóc tam giác chẳng bao lâu sẽ không còn thấy mẫu hình nào nữa tại Paris. Lớp mái cong vênh vì dãi dầu thời tiết Paris thất thường, nhô ra mặt phố non một thước*, để tránh mưa cho bậc thềm, cũng để che cho bức tường của ngăn xép áp mái cùng với khuôn cửa trổ không có gờ. Ngăn gác trên cùng này được làm bằng những thanh ván đóng đanh ken vào nhau như những tấm đá lợp, chắc hẳn nhằm bớt gánh nặng cho ngôi nhà mỏng manh. Vào một buổi sáng mưa tháng ba, một chàng trai, áo choàng quấn kín người, đứng dưới mái hiên một cửa hiệu đối diện ngôi nhà cũ kỹ nọ, ngắm nhìn nó với nhiệt tình của nhà khảo cổ. Quả thật, di tích của giới trưởng giả thế kỷ XVI này đặt ra cho người quan sát nhiều vấn đề cần giải quyết. Ở mỗi tầng có một nét đặc biệt: tại tầng thứ nhất, bốn cửa sổ dài, hẹp, kề nhau, có những ô gỗ vuông bên dưới nhằm tạo thứ ánh sáng lờ mờ, nhờ vậy một thương nhân khôn khéo gán được cho vải vóc của mình màu sắc bạn hàng mong muốn. Chàng trai có vẻ hết sức khinh thị bộ phận chủ yếu này của ngôi nhà, chưa buồn để mắt tới nó. Chàng cũng chẳng chú ý gì hơn đến các cửa sổ tầng hai, mành cuốn lên để lộ những tấm rèm nhỏ bằng sa màu đỏ hoe thấp thoáng qua các ô kính Bohême khổ lớn. Chàng đặc biệt quan tâm đến tầng ba, đến những khuôn cửa sổ xuềnh xoàng chất gỗ đẽo tạc thô sơ đáng được đưa vào Viện Bảo tồn Nghệ thuật và Nghề nghiệp để biểu thị những nỗ lực đầu tiên của ngành mộc nước Pháp. Các cửa sổ này có những ô kính nhỏ màu lục, đậm đến mức ví thử chàng trai không tinh mắt thì sẽ chẳng nhận ra các tấm rèm vải kẻ ô vuông xanh lam giấu kín những điều bí ẩn của tầng gác trước mắt kẻ phàm tục. Thỉnh thoảng, buồn phiền vì ngắm nhìn mà không kết quả, hoặc vì ngôi nhà cũng như toàn khu phố chìm lấp trong thinh lặng, người quan sát đưa mắt xuống phía dưới. Lúc ấy một nụ cười bất giác nở trên môi chàng, khi chàng thấy lại cái cửa hàng quả là có những điều khá nực cười. Một thanh gỗ cực to, dựa theo chiều ngang trên bốn cây trụ như còng xuống vì sức nặng của ngôi nhà lụ khụ, đã được trát đi trát lại bao lớp sơn khác nhau, nhiều ngang những lớp phấn hồng trên má một bà công tước già. Chính giữa cây xà lớn chạm trổ tỉa tót ấy có bức họa cổ thể hiện một chú mèo đang chơi bóng. Tranh vẽ này khiến chàng trai thấy vui vui. Nhưng phải nói rằng, người hóm hỉnh nhất trong các họa sĩ hiện đại cũng chẳng sáng tạo nên bức biếm họa hài hước đến thế. Một chân trước cầm cây vợt lớn bằng cả thân hình, con vật đứng thẳng trên hai chân sau nhăm nhăm nhìn quả bóng to tướng do một nhà quý phái vận y phục thêu đánh sang cho nó. Hình vẽ, màu sắc, các thứ phụ trợ, tất cả đều được xử lý như thể họa sĩ muốn giễu cợt thương nhân cùng khách qua đường. Thời gian làm phai nhạt bức vẽ chất phác, khiến nó càng thêm thô kệch tức cười bởi mấy chỗ lờ mờ làm cho những người dạo chơi kỹ tính phải băn khoăn. Như cái đuôi lốm đốm của chú mèo được làm nổi lên thế nào mà ta có thể tưởng đó là một người đứng xem, bởi đuôi mèo thời các cụ tổ chúng ta to, cao và rậm quá thể. Bên phải bức tranh, trên một nền xanh da trời ngụy trang không hết được lớp gỗ mục, khách qua đường đọc thấy GUILLAUME; và bên trái, KẾ NGHIỆP ÔNG CHEVREL. Mưa nắng đã ăn mòn phần lớn chất vàng dát sẻn so trên các chữ của bảng hiệu, theo lề luật chính tả cổ, những chữ U thay cho chữ V và ngược lại. Để triệt thói kiêu ngạo ở những người cứ tưởng thế gian mỗi ngày một thêm tài tình hóm hỉnh, và tưởng trò phỉnh lừa hiện đại xuất sắc hơn hết thảy, cần lưu ý rằng các bảng hiệu kia, gốc gác dường như kỳ quặc đối với nhiều thương gia Paris, chính là hình ảnh chết của những cảnh sắc sống động nhờ đó các cụ tổ láu lỉnh của chúng ta dụ được bạn hàng vào cửa hiệu mình. Như Cô Lợn-Kéo sợi, Chú Khỉ xanh v.v., là những động vật nuôi trong lồng, có tài khéo khiến khách qua đường lạ lùng thích thú, và việc dạy dỗ chúng chứng tỏ lòng kiên nhẫn của nhà công nghệ thế kỷ XV. Những vật lạ này làm giàu cho các chủ sở hữu may mắn của chúng nhanh hơn là các tranh Thượng đế, Thiện-Ý, Ân phước-của-Chúa hay Chặt đầu Thánh Jean-Baptiste hiện còn thấy ở phố Saint-Denis. Tuy nhiên, chàng trai lạ mặt đứng đó hẳn không phải để ngắm chú mèo chỉ cần chú ý giây lát là đủ khắc vào trí nhớ. Chàng thanh niên cũng có những nét đặc biệt của mình. Áo khoác, xếp nếp theo kiểu tấm choàng thời cổ, để lộ đôi giày thanh nhã, càng đáng chú ý hơn nữa giữa cảnh bùn lầy Paris vì chàng đi tất lụa trắng, lấm tấm những vệt bẩn xác nhận sự nôn nóng nơi chàng. Chắc hẳn chàng ra về từ chốn tiệc tùng hay buổi vũ hội, vì vào giờ sớm sủa này, chàng cầm trong tay đôi găng trắng, và những búp tóc đen đã hết nếp quăn buông xõa xuống vai cho thấy cách chải đầu theo kiểu Caracalla, được ưa chuộng nhờ trường phái David, và cũng do niềm mê say các hình thể Hy Lạp và La Mã đánh dấu những năm đầu thế kỷ này. Bất kể tiếng ồn do mấy bác trồng rau đi muộn phi ngựa nước đại qua để tới chợ lớn, khu phố rất náo động này giờ đây có một trạng thái yên tĩnh, chỉ một số người được biết ma lực của sự yên tĩnh ấy, đó là những ai từng lang thang giữa Paris vắng ngắt vào giờ khắc khi sự huyên náo, lắng dịu trong chốc lát, đang hồi sinh và văng vẳng đằng xa như âm thanh lớn lao của biển. Chàng trai lạ lùng này hẳn cũng kỳ dị đối với các thương nhân hiệu Mèo chơi-bóng, như hiệu Mèo-chơi-bóng kỳ dị đối với chàng. Chiếc cà vạt ngời lên màu trắng khiến gương mặt băn khoăn dằn vặt của chàng thành xanh xao hơn thực tế. Ánh lửa khi u tối khi lóng lánh lóe ra từ cặp mắt đen, hài hòa với đường nét kỳ lạ của gương mặt chàng, với khuôn miệng rộng, uốn lượn, đang chúm chím cười nụ. Vầng trán, nhăn lại vì một mối bất mãn mãnh liệt, có nét gì đó định mệnh. Vầng trán chẳng phải là cái mang tính tiên tri hơn cả ở con người hay sao? Khi trán chàng trai lạ mặt biểu hiện mối đam mê, những nếp hằn trên đó gây một thứ kinh hãi bởi chúng nổi rõ, đầy khí lực; nhưng khi trở lại trạng thái bình tĩnh, rất dễ bị khuấy động, vầng trán toát lên vẻ đẹp sáng ngời khiến diện mạo thành hấp dẫn, niềm vui, nỗi đau, tình yêu, cơn giận, sự khinh thị lồ lộ qua dung mạo một cách chan hòa đến mức người lạnh lùng nhất cũng phải cảm kích. Chàng lạ mặt đang quá bực tức lúc người ta hấp tấp mở cánh cửa trổ ở ngăn xép áp mái, nên không nhìn thấy ba gương mặt phô ra, tươi vui, tròn trĩnh, hồng hào, trắng trẻo, nhưng cũng tầm thường như các gương mặt Thương mại chạm khắc tại một số tượng đài. Ba bộ mặt, đóng khung trong khuôn cửa, gợi nhớ mặt các thiên thần bụ bẫm lác đác trên những áng mây tháp tùng Thượng đế. Các chàng nhân viên tập sự hít thở làn hơi toát lên từ đường phố với nỗi thèm thuồng chứng tỏ không khí nơi gác xép nóng và ô uế biết chừng nào. Sau khi trỏ anh chàng đứng gác kỳ dị nọ, cậu nhân viên có vẻ vui tính nhất biến đi rồi quay trở lại, tay cầm một dụng cụ vừa thay chất kim khí cứng bằng thứ da mềm; rồi cả bọn cùng ra ý tinh quái nhìn chàng ngây, và phun lên chàng một màn mưa bụi trăng trắng có mùi thơm chứng tỏ ba chiếc cằm vừa được cạo râu xong. Kiễng chân lên, náu mình vào sâu bên trong gác xép để thích chí thưởng thức nỗi tức giận của nạn nhân, ba cậu nhân viên bỗng thôi cười khi thấy chàng trai rũ rũ áo choàng với vẻ khinh thường bất cần, và lúc ngước nhìn lên ô cửa trống không, mặt chàng biểu thị niềm miệt thị sâu sắc. Lúc đó, một bàn tay trắng trẻo và mảnh mai đẩy phần dưới một cửa sổ thô kệch tầng ba lên phía trên, nhờ những rãnh xoi có cái chốt xoay thường hay để rơi xuống bất thình lình tấm kính nặng nó phải chốt giữ. Thế là vị khách qua đường được thưởng công chờ đợi lâu dài. Một khuôn mặt thiếu nữ, tươi mát như đài hoa trắng nở giữa làn nước, xuất hiện dưới vành mũ xếp nếp tổ ong bằng sa mỏng nhàu nhàu khiến mái đầu có một vẻ thơ ngây tuyệt diệu, Tuy có lớp vải màu nâu nhạt che phủ, cổ và vai nàng vẫn lộ ra, qua những kẽ hở nho nhỏ do cử động trong giấc ngủ. Không một biểu hiện gượng gạo nào làm phai nét chân chất của gương mặt, cũng như vẻ điềm tĩnh của đôi mắt đã thành bất tử từ trước trong những bức họa tuyệt vời của Raphaël: cũng duyên sắc ấy, cũng sự bình lặng của những nàng trinh nữ đã đi vào ngạn ngữ. Có tình trạng tương phản dễ thương, do vẻ thanh xuân của đôi má, trên gương mặt như được giấc ngủ tôn thêm sức sống sung mãn, và sự già nua của khung cửa sổ nặng nề có đường nét thô kệch, bờ cửa màu đen. Giống những bông hoa nở ban ngày, buổi sáng còn chưa mở tà áo cuộn lại do khí lạnh ban đêm, thiếu nữ vừa tỉnh giấc, để cho cặp mắt xanh phiêu lãng trên các mái nhà lân cận và ngước nhìn bầu trời, rồi do một loại thói quen, nàng hạ mắt trông xuống những vùng mờ tối trên đường phố, và gặp ngay mắt của người say mê mình: chắc tính làm dáng khiến nàng phiền lòng vì để người thấy mình trong trang phục sơ sài, nàng lùi phắt về phía sau, cái chốt mòn xoay xoay, cánh cửa sổ lại hạ xuống rất nhanh, sự nhanh chóng khiến phát minh chất phác của tổ tiên chúng ta giờ đây phải mang một tên gọi khả ố, và ảo ảnh vụt biến. Với chàng trai nọ, ngôi sao mai rực rỡ nhất dường như đột ngột bị áng mây che. Trong lúc các biến cố nho nhỏ kia diễn ra, những cánh cửa chớp nặng ở bên trong, bảo vệ lớp kính mỏng của hiệu Mèo-chơi bóng đã được dỡ đi như ảo thuật. Một gia nhân, có lẽ cùng thời với bảng hiệu, mở ép vào tường phía trong cánh cửa ra vào cũ kỹ có chiếc búa gõ, đoạn đưa bàn tay run rẩy buộc lên đó mảnh dạ hình vuông, bên trên thêu chỉ tơ vàng cái tên Guillaume, kế nghiệp Chevrel. Chắc nhiều khách qua đường khó đoán được ông Guillaume buôn bán loại hàng gì. Qua các thanh sắt to bảo vệ bên ngoài cửa hiệu, người ta chỉ loáng thoáng nhìn thấy những bọc phủ vải màu nâu, nhiều vô số như cá mòi bơi qua Đại dương. Tuy mặt tiền kiểu gô-tích trông bề ngoài đơn sơ, trong tất cả các nhà buôn dạ thành Paris, ông Guillaume là người có cửa hiệu luôn nhiều hàng nhất, có các mối giao thiệp rộng rãi nhất, có đức chính trực trong kinh doanh không thể vương chút hiềm nghi. Nếu một vài đồng nghiệp ký kết bán hàng cho chính phủ, mà không có đủ lượng dạ mong muốn, ông luôn sẵn sàng cung cấp cho họ, dù số hàng họ nhận thầu lớn đến đâu chăng nữa. Vị thương gia tinh ranh biết trăm mưu ngàn kế để thu về mình phần lãi cao nhất mà không phải chạy chọt như họ, phải đến nhà các quan thầy để hạ mình cầu cạnh hay biếu xén quà cáp quý giá. Nếu đồng nghiệp chỉ có thể trả ông bằng hối phiếu có giá trị song hơi dài hạn, thì ông giới thiệu viên công chứng của mình như một người dễ thỏa thuận và ông còn biết nhất cử lưỡng lợi, nhờ cái mưu chước khiến các thương gia ở phố Saint-Denis thường nói câu này như một ngạn ngữ: – Cầu Chúa phù hộ cho anh thoát được viên công chứng của ông Guillaume! để chỉ một khoản chiết khấu nặng. Vị thương gia già đứng trên thềm cửa hiệu, như do phép màu, vào lúc người đầy tớ rút lui. Ông Guillaume nhìn phố Saint-Denis, nhìn các cửa hiệu lân cận và tiết trời, như một người vừa cập bến Havre và thấy lại nước Pháp sau một cuộc viễn du. Tin chắc là không có gì đổi thay trong khi mình an giấc, lúc đó ông chợt thấy người khách qua đường đang túc trực, về phía chàng cũng ngắm vị trưởng lão ngành dạ, có lẽ giống như Humboldt quan sát con cá chạch phóng điện đầu tiên ông thấy ở châu Mỹ. Ông Guillaume mặc quần cộc rộng bằng nhung đen, đi tất dài ngũ sắc, giày mũi vuông có khâu bạc. Lưng ông hơi khòm, mình mặc bộ áo dạ màu lục nhạt vạt vuông, có đuôi tôm vuông, cổ vuông, khuy to bằng kim loại trắng nhưng dùng lâu đã ố đỏ. Tóc hoa râm chải mượt ép thật sát vào chỏm đầu vàng vàng, khiến chỏm đầu giống như một cánh đồng được cày thành luống. Cặp mắt xanh lục, nhỏ ti hí, sáng quắc dưới hai vành cung có màu đo đỏ thay thế lông mày. Lo âu đã hằn lên trán ông những vết nhăn theo chiều ngang, cũng nhiều như các nếp trên áo. Bộ mặt xanh nhợt ấy biểu thị lòng kiên nhẫn, tính khôn ngoan nơi thương trường, và sự tham lam tinh quái do việc làm ăn đòi hỏi. Vào thời đó, dễ gặp hơn ngày nay những gia đình dòng dõi lâu đời vẫn còn duy trì, như những truyền thống quý báu, phong tục, phục trang đặc trưng cho nghề nghiệp của mình, những gia đình còn sót lại giữa nền văn minh tân kỳ như các di vật thời tiền hồng thủy mà Cuvier tìm lại được trong các hầm đá. Vị gia trưởng nhà Guillaume là một trong những người bảo vệ có tiếng cho các tập quán xưa: người ta bắt gặp ông nuối tiếc Pháp quan của các Thương gia* và chẳng bao giờ ông nói đến một điều xét xử của Tòa án Thương mại mà không gọi đó là sự phán quyết của các Chấp chính quan. Chắc hẳn chiểu theo những tập tục trên đây nên dậy sớm nhất nhà, ông vững lòng chờ đợi ba nhân viên đến, để trách mắng họ trong trường hợp chậm trễ. Các đồ đệ trẻ này của thần Mercure thấy không gì đáng sợ hơn sự tích cực lặng lẽ của ông chủ khi ông dò xét nét mặt và động tác của họ vào sáng thứ hai, kiếm tìm bằng chứng hoặc dấu vết cho thấy họ đã chuồn đi chơi. Thế nhưng, lúc này, ông già buôn dạ chẳng chú ý gì đến đám tập sự, ông đang bận tâm tìm hiểu lý do khiến chàng thanh niên đi tất lụa khoác áo choàng cứ ân cần đưa mắt nhìn luân phiên hết bảng hiệu lại đến mạn sâu bên trong cửa hàng nhà ông. Ánh mặt trời, đã chói lọi hơn, cho thấy được văn phòng ở phía trong, có chấn song sắt, che rèm lụa cũ màu lục, tại đó có những cuốn sổ đồ sộ, các vị tiên tri câm lặng của cửa hiệu. Chàng lạ mặt quá tò mò như thèm muốn căn nhà nhỏ này, như ghi lấy địa đồ một phòng ăn ở ngách bên, được chiếu sáng do trần nhà lắp kính, và gia đình quây quần tại đây trong các bữa ăn chắc dễ dàng nhìn thấy được những sự cố nhỏ nhặt nhất có thể xảy ra trên thềm cửa hiệu. Với một thương nhân từng chịu đựng chế độ Tối đa*, thì một sự mến yêu đến thế đối với ngôi nhà của mình, xem ra cũng khả nghi. Vậy ông Guillaume nghĩ ra một cách khá tự nhiên rằng nhân vật hiểm ác kia chỉ muốn cái két bạc của hiệu Mèo-chơi-bóng. Sau khi đã kín đáo thưởng thức trận đấu câm lặng giữa ông chủ và người lạ mặt, anh nhân viên lớn tuổi nhất đánh bạo tiến đến phiến đá lát nơi ông Guillaume đang đứng, lúc anh thấy chàng thanh niên lén lút ngắm các ô cửa sổ tầng ba. Anh bước hai bước ra ngoài phố, ngẩng đầu lên, và cho là đã thoáng nhìn thấy cô Augustine Guillaume đang hấp tấp lui vào. Không bằng lòng về sự sáng ý của chàng nhân viên số một, ông chủ hãng dạ liếc xéo anh chàng; nhưng đột nhiên, những mối lo sợ tương hỗ trong tâm hồn nhà buôn và anh nhân viên si tình do sự hiện diện của người khách qua đường nọ bỗng dịu đi. Chàng lạ mặt gọi một cỗ xe thuê đang trên đường tới một địa điểm gần đấy, rồi trèo lên rất nhanh, vờ vĩnh làm bộ thờ ơ. Việc chàng ra đi phần nào an ủi mấy nhân viên kia, các cậu hơi ngại gặp lại nạn nhân vừa bị mình trêu chọc. – Nào nào, các cậu, các cậu khoanh tay đứng đó làm gì thế? – Ông Guillaume bảo ba đồ đệ mới của mình. – Chà chà! Ngày xưa ấy à, khi còn học việc ở hiệu ông Chevrel, tôi đã xem xét xong hai tấm dạ là ít. – Thế thì thời ấy trời rạng sớm hơn bây giờ ạ, – cậu nhân viên thứ hai nói, – việc trên thuộc phận sự của cậu. Nhà buôn già không ghìm được nụ cười. Mặc dù trong ba chàng trai có hai chàng được các ông bố là những nhà công nghiệp giàu có ở Louviers và Sedan gửi gắm ông, và ngày nào đủ tuổi lập nghiệp, các cậu chỉ cần đề nghị là sẽ có ngay mười vạn phơ-răng, Guillaume vẫn cho rằng ông có bổn phận đặt các cậu dưới một ách chuyên chế cổ xưa, giờ đây không còn thấy ở các cửa hiệu tân tiến huy hoàng, nơi các nhân viên muốn nên giàu nên có ở tuổi ba mươi: ông bắt họ làm lụng quần quật. Chỉ có ba người thôi, song các cậu đảm đương một công việc có thể làm mệt lử mười gã nhân viên mà thói lười nhác kiêu sa khiến ngân sách ngày nay cứ phình ra. Không một tiếng ồn nào khuấy động niềm an bình của ngôi nhà trang trọng này, nơi các bản lề dường như luôn được tra dầu nhờn, nơi mỗi đồ đạc nhỏ nhặt đều sạch sẽ tinh tươm, cho thấy một trật tự và một sự căn cơ nghiêm ngặt. Cậu nhân viên tinh nghịch nhất đám thường hay viết đùa lên tảng pho-mát Gruyère dọn cho các cậu vào bữa sáng, và các cậu khoái để nguyên không động tới, ngày tháng nhận nó lần đầu. Trò tinh quái ấy và vài trò khác tương tự khiến cô con gái thứ của ông Guillaume đôi khi cười nụ, chính là nàng trinh nữ xinh đẹp vừa hiển hiện trước người khách qua đường hân hoan. Tuy mỗi chàng tập sự, ngay cả anh chàng kỳ cựu nhất, đều trả hậu hĩ khoản tiền ăn trọ, không anh nào đủ táo tợn ngồi lại bên bàn ăn của ông chủ vào lúc đồ tráng miệng được dọn ra. Hễ bà Guillaume nói đến việc trộn xà-lách, là các chàng trai tội nghiệp này run lên khi nghĩ rằng bàn tay thận trọng của bà biết cách rắc dầu ăn lên xà-lách sẻn so như thế nào. Họ chớ có tính chuyện đi ngủ nơi khác một đêm, nếu không nói trước từ lâu một lý do nghe được cho điều bất thường này. Mỗi chủ nhật, lần lượt theo phiên, hai nhân viên tháp tùng gia đình Guillaume đi dự lễ mi-xa ở Saint-Leu và đi nghe kinh văn khóa. Các cô Virginie và Augustine, mặc đồ vải bông giản dị, mỗi cô khoác tay một nhân viên bước phía trước, dưới đôi mắt sắc của bà mẹ đi sau rốt đoàn diễu hành gia đình, cùng với ông chồng được bà tập cho quen cắp hai cuốn sách kinh dày cộp đóng bìa da đen. Nhân viên thứ hai không có lương. Còn anh chàng đã mười hai năm trời kiên trì và kín đáo học các bí quyết của hãng, thì được lĩnh tám trăm phơ-răng thưởng cho công sức. Vào một số ngày lễ trong gia đình, anh được ban vài thứ quà tặng chỉ có giá trị nhờ bàn tay khô héo và răn reo của bà Guillaume: túi đựng tiền bằng sợi thưa, được bà cẩn thận nhồi đầy bông để làm nổi các hình trang trí rua thủng, dây đeo quần làm thật chắc, hoặc tất lụa rõ dày. Thỉnh thoảng, nhưng cũng ít khi thôi, chàng trợ thủ số một này được phép tham dự các cuộc vui gia đình, chẳng hạn khi cả nhà cùng về quê, hoặc sau nhiều tháng chờ đợi, họ quyết định sử dụng quyền của mình, thuê một lô ở nhà hát và đề nghị một vở mà Paris chẳng còn để ý đến nữa. Còn về ba nhân viên kia, thì hàng rào tôn kính ngày trước ngăn cách một chủ hãng dạ với đồ đệ tập sự, nay được đặt thật vững chắc giữa họ và vị thương gia già, đến mức ví thử phải ăn trộm một tấm dạ họ thấy còn dễ hơn là xáo trộn nghi thức oai nghiêm ấy. Ngày nay sự giữ gìn đó có vẻ nực cười; nhưng những cửa hiệu lâu đời này là trường học về phẩm hạnh và đức chính trực. Các ông thầy coi người học việc như con nuôi. Quần áo thường ngày của các chàng trai được bà chủ nhà chăm sóc, sửa sang, đôi khi thay mới. Một nhân viên bị ốm ư, mọi người chăm nom anh ta như mẹ chăm con. Trường hợp nguy cấp, ông chủ bỏ tiền túi mời các bác sĩ trứ danh nhất; bởi ông không chỉ đảm bảo về phẩm hạnh và tri thức của các chàng trai này trước phụ huynh họ. Nếu như một người trong số nhân viên tập sự, có tư cách đáng trọng, song gặp phải tai ương gì đó, các thương gia già biết đánh giá tài trí do mình mở mang, và chẳng ngần ngại giao phó hạnh phúc của con gái mình cho kẻ đã từ lâu được mình giao phó tài sản. Guillaume thuộc những con người cổ kính ấy, và nếu như ông có những nét nực cười của họ, thì ông cũng có mọi phẩm chất của họ; bởi vậy Joseph Lebas, nhân viên số một của ông, mồ côi và không tài sản, theo ông nghĩ, là người chồng tương lai cho cô con gái lớn Virginie. Nhưng Joseph không cùng chung ý tưởng tương xứng của ông chủ, ông này, giá có được một vương quốc, cũng chẳng bao giờ cho con gái thứ kết hôn trước con gái cả. Chàng nhân viên bất hạnh cảm thấy lòng mình hoàn toàn hướng về cô em Augustine. Để biện minh cho mối tình say đắm, đã phát triển một cách âm thầm này, cần đi sâu hơn nữa vào những động lực của chính thể chuyên chế thống trị trong nhà ông lão buôn dạ. Guillaume có hai con gái. Cô cả Virginie giống hệt mẹ. Bà Guillaume, con ông Chevrel, ngồi cứ thẳng đuồn đuỗn trên chiếc ghế nhỏ ở quầy hàng, thành thử nhiều lần bà đã nghe thấy những kẻ ưa khôi hài đánh cuộc rằng bà bị đóng cọc xiên vào ghế. Khuôn mặt gầy và dài biểu lộ một niềm mộ đạo thái quá. Vô duyên và chẳng có cung cách niềm nở dễ thương, bà Guillaume thường đội cho mái đầu xấp xỉ lục tuần một chiếc mũ trùm hình thù bất biến và có tua như mũ quả phụ. Hàng xóm láng giềng ai ai cũng gọi bà là bà nữ tu canh cửa. Lời lẽ của bà ngắn gọn, cử chỉ có cái gì đó giống như động tác giật cục của máy điện báo. Con mắt, nhạt màu tựa thể mắt mèo, dường như trách giận toàn thiên hạ về việc mình xấu xí. Cô Virginie, được nuôi dạy giống như em gái dưới luật lệ chuyên chế của mẹ, đã hai mươi tám. Tuổi trẻ giảm bớt vẻ vô duyên đôi khi lộ trên gương mặt, do giống mẹ; nhưng bởi mẹ hà khắc nên cô có được hai phẩm chất lớn có thể bù cho cân bằng mọi sự: cô dịu dàng và nhẫn nại. Cô Augustine, vừa xấp xỉ mười tám, không giống cha cũng chẳng giống mẹ. Cô thuộc số những người con gái, do không có chút liên quan gì về dung mạo với bố mẹ, khiến người ta tin vào câu ngạn ngữ của kẻ giả bộ nghiêm cẩn: Chúa ban những đứa con. Augustine bé nhỏ, hoặc, để miêu tả cô cho đúng hơn, xinh xắn. Duyên dáng và hết sức ngây thơ, một người đàn ông thuộc giới thượng lưu chỉ có thể chê trách ở con người khả ái này những cử chỉ hèn mọn hoặc vài dáng điệu tầm thường, và đôi khi là sự ngượng ngập. Gương mặt lặng lẽ và bất động của cô toát lên nỗi sầu thoảng qua thường chi phối tất cả những thiếu nữ quá yếu đuối không dám cưỡng lại ý mẹ. Bao giờ cũng ăn vận giản dị, hai chị em chỉ có thể thỏa mãn tính làm dáng bẩm sinh ở phụ nữ nhờ sự tinh sạch cực kỳ, thích hợp tuyệt vời với các cô khiến các cô hài hòa cùng những quầy hàng bóng lộn, những ngăn tủ mà lão bộc không cho vướng lấy một hạt bụi, hài hòa cùng vẻ đơn sơ cổ kính của mọi thứ quanh các cô. Do nếp sống gia đình buộc phải tìm hạnh phúc trong những công việc kiên trì, Augustine và Virginie cho đến bấy giờ chỉ toàn làm cho mẹ hài lòng, bà ngấm ngầm tự khen mình về tính cách hoàn hảo của hai con. Cũng dễ hình dung kết quả của sự giáo dục hai cô đã tiếp nhận. Được nuôi dạy để theo nghề buôn, chỉ quen nghe rặt những lý lẽ và những tính toán vụ lợi chán ngắt, chỉ được học có ngữ pháp, ghi chép sổ sách, một ít lịch sử Do Thái, lịch sử nước Pháp trong sách của Le Ragois, và chỉ đọc những tác giả được mẹ cho phép, tư tưởng của các cô không mấy mở mang: các cô thạo tề gia nội trợ, biết giá cả mọi thứ, hiểu được những khó khăn phải nếm trải để kiếm tiền, các cô tằn tiện và hết sức tôn trọng những phẩm chất của thương gia. Tuy cha các cô giàu có, các cô may vá cũng khéo như thêu viền; bà mẹ thường hay nói đến chuyện dạy con nấu nướng để các cô biết sắp đặt một bữa tiệc tối, và có thể hiểu rõ ngọn ngành mà mắng mỏ một chị bếp. Chẳng biết những lạc thú của thế gian và nhìn bố mẹ sống cuộc đời mẫu mực như thế nào, các cô rất hiếm khi phóng tầm mắt vượt khỏi phạm vi ngôi nhà cũ của cha ông, với mẹ các cô, đó là vũ trụ. Những dịp hội họp vì nghi thức gia đình là toàn bộ viễn cảnh niềm vui trần thế nơi các cô. Khi phòng khách lớn ở tầng ba định đón tiếp bà Roguin, thuộc dòng Chevrel, trẻ hơn bà chị họ mười lăm tuổi và đeo đồ trang sức kim cương; chàng Rabourdin, vụ phó ở Bộ Tài chính; ông César Birotteau, chủ hãng nước hoa giàu có, và bà vợ thường được gọi là bà César; ông Camusot, thương gia giàu nhất ngành tơ lụa ở phố Bourdonnais và nhạc phụ là ông Cardot, hai ba chủ ngân hàng già cả, và những người đàn bà đức hạnh vẹn toàn, thì công việc soạn sửa cần thiết do cách gói ghém các đồ dùng bằng bạc, hàng sứ Saxe, nến, đồ thủy tinh, là một sự giải khuây cho cuộc sống đơn điệu của ba người phụ nữ, họ đi đi lại lại tất bật chẳng khác các nữ tu chuẩn bị nghênh tiếp đức giám mục. Thế rồi, buổi tối, cả ba mệt nhoài vì đã lau chùi, kỳ cọ, mở các bao gói, sắp đặt những thứ trang trí cho buổi liên hoan, khi hai cô gái giúp mẹ đi nằm, bà Guillaume bảo các cô: – Ngày hôm nay chúng ta chưa làm được gì cả, các con ạ! Trong các buổi hội họp long trọng ấy, nếu bà nữ tu canh cửa cho phép khiêu vũ và dồn các nhóm chơi bài boston, whist, trictrac vào phòng ngủ của bà, thì sự châm chước này được kể vào số những hạnh phúc không ngờ nhất, và tạo nên niềm sung sướng ngang với khi được dự hai, ba cuộc khiêu vũ lớn mà ông Guillaume thường dẫn các con tới vào dịp lễ hội hóa trang. Cuối cùng, mỗi năm một lần, nhà buôn dạ chính trực mở một cuộc chiêu đãi, chi phí cho dịp này ông chẳng nề hà gì hết. Dù những người được mời có giàu sang và phong lưu lịch sự đến mấy, họ cũng không hề vắng mặt; bởi các gia đình có thế lực nhất trên thương trường cũng đều cầu viện đến uy tín lớn lao, đến của cải hay kinh nghiệm lâu đời của ông Guillaume. Nhưng hai cô con gái của vị thương gia đàng hoàng này chẳng lợi dụng được nhiều như thiên hạ tưởng, từ những điều mà xã hội giao tế dạy cho các tâm hồn non trẻ. Trong các cuộc hội họp, đã ghi sẵn trên sổ kỳ nhật của hãng, các cô mang những đồ trang sức bần tiện đến xấu hổ. Cách khiêu vũ của các cô chẳng có gì đáng chú ý, và sự giám sát của mẹ không cho phép các cô tiếp chuyện bạn nhảy bằng lời lẽ gì khác ngoài tiếng Vâng và Không. Rồi luật lệ của bảng hiệu lâu đời Mèo-chơi-bóng phán bảo các cô phải ra về vào lúc mười một giờ, giữa lúc các cuộc khiêu vũ, các buổi hội hè bắt đầu khởi sắc. Bởi vậy mà những thú vui của hai cô, bề ngoài có vẻ khá phù hợp với tài sản của ông bố, thường thành ra vô vị do các hoàn cảnh liên quan đến tập quán và nguyên tắc của gia đình này. Còn về cuộc sống thường nhật, thì một nhận xét duy nhất đủ miêu tả hết. Bà Guillaume bắt hai con phải y phục chỉnh tề từ sáng sớm, ngày nào cũng xuống nhà đúng giờ, và công việc phải đều đặn quy củ như trong nhà tu. Tuy nhiên Augustine đã ngẫu nhiên được phú cho một tâm hồn khá cao nhã để cảm thấy sự trống rỗng của cuộc sống này. Thỉnh thoảng cặp mắt xanh của cô ngước lên như muốn gạn hỏi chốn thẳm sâu của cầu thang âm u và các cửa hàng ẩm ướt nọ. Sau khi thăm dò sự thinh lặng như trong nhà tu kín kia, dường như cô lắng nghe xa xa những tiết lộ mơ hồ về cuộc sống đắm say đặt tình cảm cao giá hơn đồ vật. Những lúc ấy mặt cô khởi sắc, hai bàn tay thẫn thờ để rơi lớp vải sa trắng xuống mặt gỗ sồi bóng loáng của quầy hàng, và lập tức bà mẹ bảo cô bằng cái giọng bao giờ cũng chua eo éo ngay cả trong ngữ điệu êm ái nhất: – Augustine! Con đang nghĩ gì thế con yêu? Có lẽ Hippolyte bá tước De Douglas hay Bá tước De Comminges, hai cuốn tiểu thuyết mà Augustine tìm thấy trong tủ của một chị bếp vừa bị bà Guillaume cho thôi việc, có góp phần mở mang tư tưởng cho cô gái đã ngấu nghiến đọc trộm chúng trong những đêm dài mùa đông năm ngoái. Vậy là những vẻ khát khao mơ hồ, giọng nói dịu dàng, làn da như cánh hoa nhài, và cặp mắt xanh của Augustine đã nhen lên trong lòng chàng Lebas tội nghiệp một tình yêu mãnh liệt mà kính cẩn. Do một điều trớ trêu dễ hiểu, Augustine chẳng có một chút cảm mến nào đối với chàng trai mồ côi; có lẽ vì cô không biết mình được anh yêu. Ngược lại, cặp giò dài, mái tóc hung đỏ, những bàn tay to và vóc dáng cường tráng của anh nhân viên số một được Virginie ngấm ngầm ngưỡng mộ, tuy có năm mươi ngàn đồng ê-quy hồi môn, cô vẫn chưa được ai cầu hôn. Chẳng có gì tự nhiên hơn hai mối tình say đắm ngược chiều nảy sinh trong thinh lặng nơi những quầy hàng mờ tối này như những bông đổng thảo nở trong sâu thẳm một khu rừng. Sự ngắm nhìn bền bỉ và câm lặng liên kết ánh mắt những người trẻ tuổi nọ do nhu cầu mãnh liệt được giải khuây giữa các công việc kiên trì và giữa niềm an bình mang tính chất tu hành, sớm hay muộn ắt phải khơi gợi tình cảm yêu đương. Quen nhìn một gương mặt khiến ta vô tình phát hiện dần những phẩm chất tâm hồn trên gương mặt ấy, và rốt cuộc xóa mờ những khiếm khuyết của nó. – Cứ theo cái đà của con người này, thì chẳng bao lâu nữa, con gái chúng ta đến phải quỳ gối trước một vị hôn phu mất thôi! – Ông Guillaume tự nhủ khi đọc bản sắc lệnh thứ nhất của Napoléon tuyển trước thời hạn các lớp thanh niên đến tuổi đăng lính. Từ hôm ấy, thất vọng nhìn cô con gái lớn khô héo dần, nhà buôn già nhớ lại mình đã cưới cô Chevrel trong tình thế gần giống như tình thế hiện nay của Joseph Lebas và Virginie. Gả chồng cho con gái và trả được món nợ thiêng liêng, bằng cách trao lại cho một chàng trai mồ côi ân huệ xưa kia mình được bậc tiền bối ban cho trong những trường hợp tương tự, đó là một việc hay biết mấy! Đã ba mươi ba tuổi, Joseph Lebas nghĩ đến những trở ngại do mười lăm năm chênh lệch giữa anh và Augustine. Vả lại anh quá sáng ý nên đã đoán ra ý định của ông Guillaume, anh hiểu khá rõ các nguyên tắc không khoan nhượng nơi ông nên biết rằng chẳng bao giờ cô em lại lấy chồng trước cô chị. Vậy là chàng nhân viên tội nghiệp, có cặp giò dài bao nhiêu và thân hình vạm vỡ bao nhiêu thì tấm lòng cũng tốt bấy nhiêu, cứ lặng lẽ mà đau khổ. Sự thể đang là như vậy, trong cái xã hội nho nhỏ này, ở giữa phố Saint-Denis song lại khá giống một chi nhánh của dòng tu Khổ hạnh. Nhưng để thuyết minh cho chính xác các biến cố bên ngoài cũng như các tình cảm, cần ngược trở lại vài tháng trước cảnh mở đầu câu chuyện này. Vào lúc chập tối, một chàng trai đi ngang qua cửa hiệu Mèo-chơi-bóng tối tăm, đã dừng chân chốc lát để chiêm ngưỡng một cảnh tượng có thể cầm chân tất cả các họa sĩ trên đời. Cửa hàng còn chưa thắp sáng, tạo một nền đen, phía trong cùng lớp nền này hiện ra gian phòng ăn của thương gia. Một ngọn đèn treo tỏa làn ánh sáng màu vàng từng đem lại bao duyên dáng cho các bức họa của trường phái Hà Lan. Khăn bàn trắng, đồ dùng bằng bạc, đồ thủy tinh tạo nên những phụ tùng rực rỡ, còn được sự tương phản mạnh mẽ giữa tối và sáng tôn thêm vẻ đẹp. Gương mặt của vị gia trưởng và của bà vợ, diện mạo các nhân viên và những đường nét trong sáng của Augustine, cách nàng hai bước là một cô gái to béo má phình đang đứng, tất cả hợp thành một nhóm thật kỳ lạ, những dung mạo ấy thật độc đáo, và mỗi tính cách có một vẻ thật trung thực, người ta đoán được thật rõ ràng niềm an bình, sự lặng lẽ và cuộc sống khiêm nhường của gia đình này, thành thử, với một nghệ sĩ vốn quen thể hiện tự nhiên, có một điều gì như tuyệt vọng trong ước muốn diễn tả cảnh tượng không ngờ ấy. Người khách qua đường đó là một họa sĩ trẻ, bảy năm trước đây, đã đoạt giải thưởng lớn về hội họa. Chàng trở về từ Rome. Tâm hồn chứa đầy chất thơ, đôi mắt ngắm đã thỏa những Raphael và Michel-Ange, nay khát khao tự nhiên chân thực, sau một thời gian dài ở xứ sở tráng lệ, nơi nghệ thuật đã tung ra khắp chốn sự hùng vĩ của nó. Đúng hay sai, cảm xúc riêng của chàng là như vậy. Lâu nay thả tâm hồn theo niềm phấn khích của những đam mê nước Ý, giờ đây chàng mong mỏi một trinh nữ khiêm nhường và trầm mặc mà, buồn thay, chàng chỉ tìm thấy trong hội họa ở Rome. Từ mối nhiệt hứng do cảnh tượng tự nhiên đang ngắm nhìn truyền vào tâm hồn phấn khích, dĩ nhiên chàng chuyển sang ngưỡng mộ sâu sắc nhân vật chính: Augustine ra chiều tư lự và chẳng ăn uống gì; do vị trí của ngọn đèn rọi toàn bộ ánh sáng xuống mặt nàng, nửa thân trên nàng dường như cử động trong một vòng lửa khiến dáng hình của mái đầu thêm nổi bật và sáng rực lên một cách hầu như phi phàm. Nghệ sĩ bất giác so sánh nàng với một thiên thần bị lưu đầy đang hoài niệm thiên đường. Một cảm giác gần như chưa từng biết, một tình yêu trong trẻo và sục sôi tràn ngập lòng chàng. Sau một lát như bị đè bẹp dưới sức nặng của các ý tưởng, chàng dứt ra khỏi hạnh phúc của mình, trở về nhà, không ăn, không ngủ. Ngày hôm sau, chàng vào xưởng họa và chỉ ra khỏi xưởng sau khi đã ký thác trên khung vải ma lực của cảnh tượng kia, chàng như mắc chứng cuồng tín khi nhớ lại cảnh ấy. Chừng nào chưa có được một chân dung trung thành của thần tượng, hạnh phúc của chàng còn chưa trọn vẹn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần trước cửa hiệu Mèo-chơi-bóng; thậm chí chàng còn dám bước vào đó một hai lần dưới lốt ngụy trang, để được nhìn gần hơn người đẹp mê hồn mà bà Guillaume xòe cánh chở che. Suốt tám tháng ròng, miệt mài với tình yêu, với bút vẽ, những người bạn thân nhất chẳng thấy được mặt chàng, chàng quên giới giao tế, thơ ca, sân khấu, âm nhạc, và những tập quán thân thiết nhất của mình. Một buổi sáng, Girodet, phá mọi lệnh cấm mà giới nghệ sĩ hiểu rõ và biết cách tránh né, gặp được chàng và thức tỉnh chàng bằng câu hỏi này: – Cậu sẽ trưng bày gì ở Triển lãm? – Họa sĩ nắm lấy tay bạn, dắt vào xưởng vẽ, mở tấm che một bức họa khổ nhỏ và một chân dung. Sau khi từ tốn và háo hức ngắm nghía hai kiệt tác, Girodet nhảy lên ôm lấy cổ bạn mà hôn, không nói nên lời. Xúc động của anh chỉ có thể bộc lộ như anh cảm nhận, lòng hiểu lòng. – Cậu đang yêu ư? – Girodet hỏi. Cả hai đều biết rằng những bức chân dung đẹp nhất của Titien, của Raphael và Léonard de Vinci đều nhờ ở tình cảm hứng khởi, những tình cảm sản sinh ra tất cả các kiệt tác, trong những điều kiện không giống nhau. Họa sĩ trẻ chỉ gật đầu, thay cho mọi lời đáp. – Cậu thật hạnh phúc là từ Ý về mà lại si tình được ở đây! Mình không khuyên cậu đem những tác phẩm như thế này đến Triển lãm, – nhà danh họa nói thêm. – Cậu ạ, hai tác phẩm đó sẽ không được thưởng thức ở Triển lãm đâu. Những màu sắc chân thực này, kỳ công này, chưa thể được tán thưởng, công chúng không còn quen với nhiều chiều sâu như vậy nữa. Anh bạn ơi, tranh chúng mình vẽ, là những tấm mành, những bức bình phong. Này, thà rằng ta làm thơ đi, và dịch các tác gia cổ! Có thể trông đợi ở đó nhiều vinh quang hơn là ở những bức họa bất hạnh của chúng mình. Bất kể lời khuyên nhân ái này, hai bức tranh vẫn được trưng bày. Bức vẽ cảnh trong nhà tạo nên một cuộc cách mạng trong hội họa. Nó làm nảy sinh những bức tranh phong tục với số lượng phi thường du nhập mọi cuộc triển lãm, khiến người ta có thể ngỡ chúng hình thành do những thủ pháp thuần túy cơ giới. Còn về bức chân dung, chẳng mấy nghệ sĩ không lưu giữ kỷ niệm về bức tranh sống động được công chúng, đôi khi đông đảo mà lại công bằng, trao tặng vòng hoa vinh quang do đích thân Girodet đặt lên. Quanh hai bức họa, người xúm xít đông vô kể. Theo cách nói của phụ nữ, thì thiên hạ chen nhau đến chết. Những tay đầu cơ, những nhà đại quý tộc rắc ra cơ man nào là tiền vàng vì hai bức tranh, họa sĩ vẫn khăng khăng chẳng bán, và từ chối làm các bản sao. Người ta trả chàng một khoản tiền khổng lồ để chàng cho làm bản khắc, song nhà buôn cũng chẳng may mắn gì hơn người chơi tranh. Mặc dù sự kiện này được xã hội quan tâm, nó không thuộc loại sự kiện lọt tới nơi ẩn cư bé nhỏ phố Saint-Denis; tuy nhiên, nhân đến thăm bà Guillaume, bà vợ ông công chứng nói về cuộc triển lãm trước mặt Augustine, vốn được bà rất mến, và giảng giải cho cô mục đích của triển lãm. Lời trò chuyện ríu rít của bà Roguin tất nhiên khơi gợi trong Augustine mong muốn xem tranh, và nàng bạo gan bí mật đề nghị bà dì họ cùng đi với mình đến Louvre. Bà này thành công trong cuộc thương lượng với bà Guillaume, để được phép rứt cô cháu ra khỏi những công việc buồn tẻ của cô trong khoảng hai tiếng đồng hồ. Vậy là cô thiếu nữ đi xuyên qua đám đông, đến tận bức tranh được tán thưởng. Một cái rùng mình khiến nàng run rẩy như chiếc lá phong, khi nàng nhận ra mình. Nàng thấy sợ và nhìn quanh quất để tìm bà Roguin bị làn sóng người tách khỏi nàng. Lúc ấy, cặp mắt hoảng hốt của nàng bắt gặp gương mặt bốc lửa của họa sĩ trẻ. Đột nhiên nàng nhớ lại diện mạo người khách đi dạo mà nàng thường hay tò mò để ý, vì ngỡ là một láng giềng mới. – Nàng xem tình yêu đã xui khiến tôi làm được những gì, – nghệ sĩ nói khẽ bên tai con người bẽn lẽn, những lời này khiến nàng hết sức kinh hoàng. Nàng tìm được niềm can đảm phi thường để rẽ đám đông đến với bà dì đang còn chen lấn xuyên qua khối người dày đặc ngăn cản bà tới bên bức tranh. – Dì đến chết ngạt mất, – Augustine kêu lên, – ta đi thôi! Nhưng có những lúc, trong Triển lãm, hai người phụ nữ không dễ gì điều khiển được bước chân mình tại các gian trưng bày. Cô Guillaume và bà dì họ bị xô đến cách bức tranh thứ hai vài bước chân, sau những dịch chuyển bất thường vì đám đông dồn đẩy. Sự tình cờ muốn cho họ được cùng nhau lại gần bức họa được thời thượng tôn vinh, lần này thời thượng đồng tình với tài năng. Tiếng reo kinh ngạc do bà vợ ông công chứng thốt lên chìm trong sự ồn ào và những tiếng râm ran của đám đông; còn Augustine, nàng bất giác khóc khi nhìn cảnh tượng tuyệt diệu ấy, và một cảm xúc gần như không giải thích nổi xui nàng đặt một ngón tay lên môi khi nhìn thấy cách mình hai bước gương mặt ngất ngây của họa sĩ trẻ. Chàng gật đầu đáp lại và trỏ vào bà Roguin, như trỏ người phá đám, để cho Augustine biết rằng nàng được thấu hiểu. Màn kịch câm này như quăng lửa than hồng vào trong người cô gái tội nghiệp, nàng thấy mình phạm tội, vì hình dung rằng một giao ước vừa được ký kết giữa nàng và nghệ sĩ. Cái nóng ngột ngạt, những bộ y phục lộng lẫy nhất diễu liên miên trước mắt, và nỗi choáng váng do sự chân thực của sắc màu, do vô số những gương mặt sống hoặc được vẽ trong tranh, do những khung vàng đầy rẫy, làm cho Augustine cảm thấy như một niềm say sưa khiến nàng thêm lo sợ. Có lẽ nàng sẽ ngất đi, nếu như, mặc dù bao nhiêu cảm giác hỗn độn, trong lòng nàng không dâng lên một lạc thú chưa từng biết, khiến toàn bộ con người nàng thêm sinh khí. Song nàng lại ngỡ mình bị chi phối bởi con quỷ có những cạm bẫy khủng khiếp từng được lời nói vang rền như sấm của các nhà truyền giáo tiên báo. Với nàng khoảnh khắc này tựa như một khoảnh khắc điên rồ. Nàng thấy chàng thanh niên rạng rỡ vì hạnh phúc và tình yêu kia đưa tiễn mình ra tận cỗ xe của bà dì. Chịu tác động của một mối kích thích hoàn toàn mới mẻ, của một niềm say sưa như phó thác nàng cho bản tính tự nhiên, Augustine liền nghe theo tiếng nói hùng hồn của trái tim, nàng nhìn họa sĩ nhiều lần và để lộ sự bối rối nơi mình. Chưa bao giờ màu hồng trên má nàng lại tương phản mạnh mẽ đến thế với làn da trắng. Lúc này họa sĩ được thấy nhan sắc kia trong toàn bộ tinh hoa của nó, niềm e lệ kia trong toàn bộ hào quang của nó. Augustine cảm thấy như một niềm vui xen lẫn kinh hãi, khi nghĩ rằng sự hiện diện của mình tạo nên hạnh phúc cho con người mà ai ai cũng nhắc đến tên, mà tài năng khiến cho những hình ảnh nhất thời được thành bất tử. Nàng được yêu! Nàng chẳng thể hồ nghi điều đó. Khi không nhìn thấy họa sĩ nữa, những lời giản dị này vẫn còn vang vọng trong lòng nàng: – “Nàng xem tình yêu đã xui khiến tôi làm được những gì”. Và những mối hồi hộp sâu sắc thêm, dường như một nỗi đau, bởi khí huyết nồng nhiệt làm thức dậy trong con người nàng những sức mạnh chưa từng biết. Nàng vờ rất nhức đầu để tránh trả lời những câu hỏi của bà dì có liên quan đến các bức họa; nhưng về đến nhà, bà Roguin không kìm nổi mình, đã kể cho bà Guillaume về chuyện hiệu Mèo-chơi-bóng được nổi tiếng, và Augustine bủn rủn cả chân tay khi nghe mẹ nàng bảo rằng bà sẽ đến Triển lãm để xem ngôi nhà của bà. Cô lại nói nữa rằng mình bị khó ở, và được phép đi nằm. – Đấy, cứ đi xem những cảnh ấy thì được thế đó, – ông Guillaume thốt lên, – được cơn nhức đầu. Nhìn trong tranh những cái ngày nào cũng nhìn thấy ở phố nhà mình, liệu có thú vị gì lắm không? Đừng có nói với tôi về các họa sĩ ấy, họ cũng giống đám nhà văn của các người, đều là bọn-chết-đói. Ai khiến họ lấy cửa hiệu của tôi để bêu riếu nó trong tranh của họ chứ? – Chuyện này có thể làm ta bán thêm được vài thước dạ, – Joseph Lebas nói. Nhận xét đó chẳng khiến cho nghệ thuật và tư tưởng khỏi bị kết tội một lần nữa tại tòa án Thương nghiệp. Chắc hẳn những lời lẽ trên không đem lại nhiều hy vọng cho Augustine, ban đêm nàng buông mình vào mối trầm tư đầu của tình yêu. Các biến cố ngày hôm ấy như một giấc mộng được nàng thích thú tái hiện trong tâm tư. Nàng học biết thế nào là lo sợ, hy vọng, hối hận, học biết mọi gợn sóng tình cảm ắt hẳn phải vỗ về một tấm lòng chất phác như lòng nàng. Nàng bỗng nhận ra ngôi nhà tối tăm này trống vắng biết mấy, nàng bỗng tìm thấy trong tâm hồn mình nhiều châu báu biết mấy! Làm vợ một con người tài năng, chia sẻ vinh quang cùng chàng! Ý nghĩ ấy phải phá phách đến thế nào trái tim người con gái được nuôi dạy trong gia đình này? Nó phải làm dấy lên biết bao hy vọng ở một thiếu nữ cho đến bấy giờ toàn được giáo dưỡng những tôn chỉ tầm thường, song từng ao ước một cuộc sống thanh lịch? Một tia nắng đã lọt vào nhà ngục này. Augustine đột nhiên yêu. Bao nhiêu tình cảm trong nàng được vuốt ve cùng một lúc thành thử nàng xiêu lòng không hề tính toán. Ở tuổi mười tám, tình yêu chẳng tung lăng kính của nó ra giữa thế gian và mắt nhìn của một thiếu nữ hay sao? Không có khả năng ước đoán những va chạm dữ dội do sự kết hợp một người đàn bà giàu yêu thương với một người đàn ông giàu tưởng tượng, nàng ngỡ mình có số mệnh đem lại hạnh phúc cho con người đó, mà chẳng nhận thấy điều gì không hài hòa giữa mình và chàng. Đối với nàng, hiện tại là toàn bộ tương lai. Ngày hôm sau, khi cha mẹ nàng từ phòng Triển lãm về, vẻ mặt họ ủ ê báo hiệu điều thất ý nào đó. Trước hết, họa sĩ đã rút đi hai bức họa; thế rồi bà Guillaume đánh mất tấm khăn choàng ca-sơ-mia. Tin hai bức họa vừa biến đi sau khi mình đến xem triển lãm phát lộ cho Augustine một sự tế nhị về tình cảm mà phụ nữ bao giờ cũng biết tán thưởng, ngay cả khi tán thưởng theo bản năng. Buổi sáng mà Théodore de Sommervieux, cái tên nhờ tiếng tăm đưa tới được lòng Augustine, từ vũ hội về, bị cậu nhân viên hãng Mèo-chơi-bóng phun nước vào người trong lúc chàng chờ đợi cô bạn ngây thơ xuất hiện, hẳn cô không biết chàng đang ở đó, đôi người yêu chỉ mới gặp nhau lần thứ tư kể từ buổi trong phòng Triển lãm. Những trở ngại do phép tắc gia đình Guillaume đối kháng với tính cách hăng say của nghệ sĩ, khiến niềm đam mê Augustine có một tính chất mãnh liệt dễ lý giải. Làm thế nào tiếp cận được một thiếu nữ ngồi tại quầy hàng giữa hai người đàn bà như cô Virginie và bà Guillaume, làm thế nào liên lạc được với nàng, khi bà mẹ chẳng bao giờ rời nàng ra? Như mọi người đang yêu, khéo tạo cho mình những nỗi bất hạnh, Théodore tự sáng tác ra tình địch là một cậu nhân viên, và xếp các nhân viên khác vào phe gã tình địch nọ. Nếu như chàng thoát được vô số Argus* kia, thì chàng lại thấy mình thất bại dưới con mắt nghiêm khắc của vị thương nhân già hay của bà Guillaume. Đâu đâu cũng là trở ngại, đâu đâu cũng là thất vọng! Chính sự mãnh liệt trong đam mê khiến chàng họa sĩ không tìm ra những mưu chước khéo léo, với người tù cũng như với người đang yêu, dường như đó là nỗ lực tận cùng của lý trí được hun đốt bởi nhu cầu man rợ muốn tự do hoặc bởi lửa tình. Thế là Théodore cứ đi quanh đi quẩn trong khu phố chẳng khác người điên, dường như sự vận động có thể khơi gợi mưu mẹo cho chàng. Sau khi nghĩ ngợi nát óc, chàng có sáng kiến mua chuộc đắt giá cô hầu má phính. Vậy là vài lá thư thỉnh thoảng được trao đổi trong hai tuần lễ tiếp theo cái buổi sáng rủi ro ông Guillaume và Théodore quan sát nhau kỹ lưỡng đến thế. Tại thời điểm ấy, hai người trẻ tuổi đã hẹn gặp nhau vào một giờ nào đó ngày chủ nhật, ở Saint-Leu, trong buổi lễ mi-xa và nghe kinh vãn khóa. Augustine đã gửi cho chàng Théodore thân yêu danh sách họ mạc và bạn hữu của gia đình, họa sĩ tìm cách lui tới những nhà này, mong sao có thể làm cho một trong những tâm hồn mải lo toan chuyện tiền bạc, buôn bán kia, quan tâm đến mối tình si của chàng, những tâm hồn như thế ắt phải coi một đam mê đích thực như vụ đầu tư quái dị nhất, một vụ đầu tư lạ đời chưa từng thấy. Vả chăng, chẳng có gì thay đổi trong tập quán của hãng Mèo chơi-bóng. Nếu Augustine lơ đãng, nếu nàng không tuân thủ luật lệ trong hiến chương gia đình, mà lại lên phòng riêng để dùng một chậu hoa làm ám hiệu; nếu nàng thở dài, nói tóm lại nếu nàng suy nghĩ, thì chẳng người nào, ngay cả mẹ nàng, nhận ra những điều ấy. Tình huống này sẽ khiến những ai am hiểu tinh thần của cửa hiệu có phần ngạc nhiên, ở đây một ý nghĩ vương chất thơ hẳn phải tương phản với người và vật, ở đây không người nào có một cử chỉ, một ánh mắt mà lại không được nhìn thấy, không được phân tích. Tuy thế chẳng có gì tự nhiên hơn: con tàu hết sức bình yên lênh đênh trên biển động của thị trường Paris, dưới lá cờ Mèo-chơi-bóng, đang lâm vào một trong những trận bão có thể gọi là bão miền xích đạo, do tính chất định kỳ của chúng. Từ hai tuần nay, năm người đàn ông trong thủy thủ đoàn, bà Guillaume và cô Virginie cùng vùi đầu vào cái công việc bận rộn quá chừng mang tên kiểm kê. Họ lục mọi bao, gói và đo lại các tấm dạ để biết chắc chắn giá trị đích xác những mảnh còn lại. Họ xem xét kỹ tấm thẻ treo ở bọc hàng để nhận rõ thời điểm mua dạ vào. Họ xác định giá cả hiện nay. Luôn luôn đứng, thước đo trong tay, bút giắt sau tai, ông Guillaume giống như một thuyền trưởng chỉ huy tàu vận hành. Giọng ông the thé, lọt qua một lỗ nhỏ đục vào cửa để hỏi vọng xuống tầng sâu kho hàng bên dưới, phát ra những lời thoại thô dã của cuộc trao đổi toàn bằng ẩn ngữ: – Bao nhiêu H-N-Z? – Nhẵn. – Q-X còn mấy? – Hai thước. – Giá nào? – Năm-năm-ba. – Đưa lên ba A toàn bộ J-J, toàn bộ M-P, và chỗ V D-O còn lại. Hàng ngàn câu khác cũng dễ hiểu y như thế ngâm nga qua các quầy hàng, như những câu thơ của thi ca hiện đại mà các nhà lãng mạn dẫn ra với nhau nhằm duy trì niềm hâm mộ đối với một trong số các nhà thơ của họ. Buổi tối, đóng cửa ngồi riêng với bà vợ và anh nhân viên, Guillaume thanh toán các khoản, chuyển mục mới, viết thư cho những người chậm kỳ hạn, lập hóa đơn. Cả ba cùng chuẩn bị cho công trình to tát, kết quả công trình nằm trong một tờ giấy khổ 44x34, và chứng minh cho hãng Guillaume là có chừng này tiền mặt, chừng này hàng hóa, chừng này hối phiếu và tín phiếu; là hãng không mắc nợ một xu, là người ta nợ hãng một trăm hay hai trăm ngàn phơ-răng; là vốn đã tăng thêm, là các trại ấp, các ngôi nhà, các lợi tức sắp được mở rộng, hoặc sửa chữa, hoặc nhiều gấp đôi. Do những điều trên mà cần phải bắt đầu lại hăng hái hơn bao giờ hết nhặt nhạnh những đồng tiền mới, và chẳng bao giờ những con kiến dũng cảm kia nghĩ đến chuyện tự hỏi: – Để làm gì nhỉ? Nhờ cảnh náo động hàng năm này, nàng Augustine may mắn thoát được sự soi mói của các Argus. Cuối cùng, vào một tối thứ bảy, kiểm kê kết thúc. Các con số tổng cộng tài sản tích cực mang khá nhiều số không, thành thử trong trường hợp này Guillaume xóa lệnh cấm nghiêm khắc ban hành suốt năm về khoản tráng miệng. Nhà buôn dạ tinh ranh ngầm bèn xoa xoa hai bàn tay và cho phép các nhân viên ngồi lại bên bàn ăn. Mỗi người đàn ông trong thủy thủ đoàn vừa mới nhấp xong cốc rượu mùi gia dụng, thì có tiếng xe ngựa. Gia đình sẽ đi xem vở Lọ Lem ở rạp Tạp kỹ, hai nhân viên còn lại mỗi người được một đồng sáu phơ-răng và được phép đi đâu tùy thích, miễn là về nhà vào lúc nửa đêm. Dù có vụ du hí nọ, sáng chủ nhật, nhà buôn già vẫn cạo râu từ sáu giờ, khoác lên người bộ y phục nâu sẫm có những ánh tuyệt đẹp luôn làm ông hài lòng, ông thắt các khâu vàng vào đai chiếc quần lụa rộng; rồi khoảng bảy giờ, khi tất cả trong nhà còn yên ngủ, ông tiến về phía văn phòng nhỏ tiếp giáp cửa hàng ở tầng thứ nhất. Ánh sáng lọt vào phòng qua một cửa sổ nhỏ có chấn song sắt to, mở ra một khoảnh sân vuông con, quanh sân là những bức tường tối đen thành thử sân gần giống như giếng. Vị thương nhân già tự tay mở các cánh cửa lắp tôn hết sức quen thuộc với mình, rồi đẩy cửa kính theo rãnh soi, nâng lên một nửa. Gió lạnh giá ngoài sân làm mát bầu không khí nóng ẩm trong căn buồng tỏa mùi quen thuộc của các văn phòng. Thương gia vẫn đứng, bàn tay đặt lên tay vịn cáu bẩn của một ghế bành mây lót đệm da đã phai hết màu sắc ban đầu, dường như ông do dự chưa muốn ngồi xuống ghế. Ông nhìn ra chiều cảm động cái bàn giấy hai ngăn, có chỗ cho bà vợ ngồi, đối diện với ông, nhờ một khung bán nguyệt nho nhỏ trổ vào tường. Ông ngắm các hộp giấy được đánh số, các dây dợ, dụng cụ, sắt để ghi dấu lên dạ, két bạc, những đồ vật có gốc gác xa xưa không sao nhớ nổi, và ông tưởng như thấy mình đứng trước hương hồn ngài Chevrel đang được triệu về. Ông đẩy lên đúng chiếc ghế đẩu mình đã ngồi xưa kia trước ông chủ. Mặt ghế đẩu bọc da đen, lông ngựa nhồi bên trong thòi ra các góc đệm từ lâu nhưng không mất đi, ông đưa bàn tay run run đặt ghế đúng chỗ vị tiền bối từng đặt nó; rồi với niềm xúc động khó tả, ông kéo dây chiếc chuông mắc ở đầu giường Joseph Lebas. Làm xong điều có tính chất quyết định này, ông lão, chắc hẳn thấy kỷ niệm xưa quá nặng nề, bèn cầm lấy ba, bốn tờ hối phiếu mọi người đã trình với ông, nhìn mà chẳng thấy gì trên đó, vừa lúc Joseph Lebas đột ngột xuất hiện. – Anh ngồi xuống kia, – Guillaume vừa nói vừa chỉ cho Joseph chiếc ghế đẩu. Bởi ông già chủ hãng chưa bao giờ bảo nhân viên ngồi trước mặt ông, Joseph Lebas giật mình. – Anh nghĩ thế nào về các hối phiếu này? – Guillaume hỏi. – Chúng sẽ không được thanh toán. – Sao vậy? – Chả là ngày hôm kia cháu được tin Étienne và công ty đã thanh toán bằng tiền vàng. – Ô! Ồ! – Nhà buôn dạ kêu lên, – phải lâm bệnh nặng mới phô ra chất mật vàng. Joseph này, ta nói sang chuyện khác đi, kiểm kê đã xong. – Vâng, thưa ông, và phần lời thuộc loại mỹ mãn nhất xưa nay đấy ạ. – Anh chớ dùng những từ ngữ mới ấy. Hãy gọi là thu nhập, Joseph nhé. Này chàng trai, anh có biết rằng nhà ta đạt được kết quả như vậy phần nào nhờ anh hay không? Bởi thế, ta không muốn anh lĩnh lương nữa. Bà Guillaume đã gợi ý cho ta tặng anh một phần lợi tức. Hừ, Joseph! Guillaume và Lebas, những từ này chẳng thành một hội danh hay đấy sao? Ta có thể bổ sung và công ty để mở rộng thêm danh hiệu. Joseph rơm rớm nước mắt song cố che giấu. – Ôi, ông Guillaume, cháu làm sao xứng với lòng tốt đến như vậy? Cháu chỉ làm phận sự của mình thôi mà. Ông đã quá tốt rồi khi quan tâm tới một kẻ mồ c... Anh dùng ống tay áo bên phải phủi phủi lai tay áo trái, và chẳng dám nhìn ông lão, ông đang mỉm cười nghĩ rằng chắc hẳn chàng thanh niên khiêm tốn này cũng cần được động viên như ông ngày trước, để chuyện được giãi bày đến nơi đến chốn. Ông bố của Virginie nói tiếp: – Tuy vậy, anh chẳng xứng đáng với sự ưu đãi ấy đâu, Joseph ạ! Anh không tin cậy ta bằng ta tin cậy anh. (Chàng nhân viên ngẩng phắt đầu lên). – Anh thông tỏ điều cơ mật về ngân quỹ. Từ hai năm nay ta đã bảo cho anh hầu hết công việc làm ăn. Ta đã cử anh đi đến các nơi sản xuất. Tóm lại, đối với anh, ta chẳng để bụng điều gì. Còn anh?... Anh có một mối tơ vương, thế mà anh không hề hé răng với ta (Joseph đỏ mặt). Á! À! – Guillaume reo lên, – anh tưởng lừa nổi một con cáo già như ta ư? Anh đã thấy ta đoán trước được vụ phá sản Lecoq kia mà! – Thế nào ạ, thưa ông? – Joseph Lebas vừa đáp vừa quan sát ông chủ cũng chăm chú như ông chủ quan sát anh, – thế nào, ông biết cháu đang yêu ai ư? – Ta biết hết, đồ vô lại ạ, – vị thương nhân đáng kính và tinh quái vừa trả lời vừa véo tai Joseph. – Và ta tha thứ, trước kia, ta cũng vậy mà. – Và ông sẽ gả nàng cho cháu? – Phải, với hồi môn năm mươi ngàn ê-quy, ta cũng để cho con bằng chừng ấy nữa, thế rồi chúng ta sẽ tiến hành theo vốn mới và với hội danh mới. Chúng ta sẽ còn quơ lấy nhiều vụ làm ăn, chàng trai ạ, – nhà buôn già vừa reo lên vừa khua tay đứng dậy. – Rể của ta, con thấy đó, chỉ có buôn bán mà thôi! Những kẻ tự hỏi buôn bán thì thú vị nỗi gì là những kẻ ngu ngốc. Lần tìm công việc, biết chỉ huy tại chỗ, lo âu chờ đợi như khi đánh bạc, xem Étienne và công ty có phá sản hay không, nhìn một đoàn ngự lâm quân đi qua, mặc đồ dạ của hiệu mình, ngáng chân chủ hãng bên cạnh, dĩ nhiên là ngáng một cách trung thực! Sản xuất rẻ hơn những nơi khác; theo dõi một công việc do mình phác họa, việc ấy khởi đầu, phát triển, chao đảo rồi thành công, am tường như một bộ trưởng cảnh sát mọi thủ đoạn của các hãng buôn để mình khỏi lầm lẫn; đứng vững trước mọi thất bại; có bạn bè, qua thư từ trao đổi, ở mọi thành phố công nghiệp, chẳng phải là một cuộc chơi bất tận hay sao, Joseph? Nhưng thế mới là sống chứ! Ta sẽ chết đi giữa những mối lo phiền ấy, như ông già Chevrel, song ta chỉ còn gánh vác tùy theo ý mình mà thôi. Mải hăng say với bài ứng tác giỏi nhất của mình, ông lão Guillaume hầu như chẳng nhìn thấy anh nhân viên đang khóc sướt mướt. – Này! Joseph, chàng trai tội nghiệp, con làm sao vậy? – Ôi! Cháu yêu nàng biết mấy, thưa ông Guillaume, thành thử cháu chẳng đủ can đảm, cháu tưởng... – Này! Chàng trai, – vị thương gia cảm động nói, – con hạnh phúc hơn con tưởng đấy, vì nó yêu con. Ta biết điều đó mà! Và ông lim dim đôi mắt nhỏ màu lục, nhìn cậu nhân viên. – Cô Augustine, cô Augustine! – Joseph Lebas reo lên trong đà phấn khởi. Anh sắp lao ra khỏi phòng thì cảm thấy một cánh tay sắt giữ mình lại, và ông chủ kinh ngạc lôi mạnh anh trở về trước mặt ông. – Augustine thì liên quan gì đến chuyện này hử? – Guillaume hỏi bằng một giọng khiến Joseph Lebas lạnh buốt người tức thì. – Chẳng phải cháu yêu... nàng... hay sao? – Anh nhân viên ấp úng. Chưng hửng vì mình kém sáng suốt, Guillaume lại ngồi xuống, hai bàn tay ôm lấy mái đầu hay suy tính tỉ mỉ, để ngẫm nghĩ về tình thế kỳ quặc của mình. Joseph Lebas, hổ thẹn và thất vọng, vẫn đứng. Vị thương gia nói tiếp với vẻ đường hoàng lạnh lùng: – Joseph ạ, ta vừa nói với anh về Virginie. Ta hiểu rằng tình yêu không chỉ huy được. Ta biết anh kín đáo, tế nhị, chúng ta sẽ quên chuyện này đi. Ta không bao giờ gả chồng cho Augustine trước Virginie. Lợi tức của anh sẽ là mười phần trăm. Chẳng hiểu tình yêu khiến chàng nhân viên can đảm và hùng hồn đến mức độ nào, mà chàng chắp tay lại, cất tiếng, nói suốt một khắc đồng hồ với Guillaume, hết sức nồng nhiệt và xúc động, thành thử tình thế xoay chuyển. Giả sử là chuyện làm ăn buôn bán, thì vị thương gia sẽ quyết định theo những nguyên tắc bất di bất dịch; nhưng bị quẳng ra xa chốn thương trường hàng ngàn dặm, trên biển cả tình cảm, lại chẳng có la bàn, ông vật vờ bất định trước một sự kiện quá ư độc đáo, ông tự nhủ vậy. Bị cuốn theo bản chất nhân hậu, ông nói lung tung đôi chút. – Ờ, quái thật, Joseph, cháu biết là ta có hai đứa con gái cách nhau mười tuổi mà! Tiểu thư Chevrel xưa đâu có xinh đẹp, ấy thế nhưng bà chẳng phải phàn nàn về ta. Cháu hãy làm như ta ấy. Rốt cuộc, đừng có khóc, cháu ngốc thế? Làm sao bây giờ? Xem nào, có khi thu xếp được cũng nên. Bao giờ cũng có cách tháo gỡ. Đàn ông chúng ta không phải lúc nào cũng như những chàng Céladon* đối với vợ mình. Cháu hiểu ta chứ? Bà Guillaume mộ đạo, và... Nào, chà chà, con ạ, sáng nay con hãy đưa tay cho Augustine khoác để đi dự lễ mi-xa. Đó là những lời lẽ ông Guillaume buông ra hú họa. Cái câu kết thúc khiến anh nhân viên si tình hân hoan: anh đã nghĩ đến một người bạn của mình, cho Virginie, lúc anh siết tay nhạc phụ tương lai bước ra khỏi văn phòng đầy hơi ẩm, sau khi đã bảo ông với vẻ am tường rằng mọi việc sẽ ổn thỏa đâu vào đấy. – Bà Guillaume sẽ nghĩ ra sao đây? – Ý tưởng này làm vị thương gia trung hậu vô cùng bứt rứt khi ngồi lại một mình. Trong bữa ăn sáng, bà Guillaume và Virginie, mà nhà buôn dạ tạm thời chưa cho biết nỗi thất vọng của ông, cứ nhìn Joseph Lebas một cách khá ranh mãnh, anh chàng vô cùng lúng túng. Sự bẽn lẽn nơi chàng nhân viên khiến nhạc mẫu mến anh. Bà trở lại vui tính đến mức mỉm cười nhìn ông Guillaume và dám buông ra vài câu đùa nho nhỏ được vận dụng từ xửa từ xưa trong các gia đình hiền lành như thế này. Bà nêu vấn đề xem chiều cao của Virginie và Joseph có bằng nhau hay không, để bảo họ đo thử xem. Những trò vớ vẩn có tính chất chuẩn bị này khiến vầng trán vị gia trưởng u ám đôi chút, và ông còn tỏ ra trọng lễ thức đến mức hạ lệnh cho Augustine khoác tay chàng nhân viên số một trên đường đến Saint-Leu. Ngạc nhiên vì sự tế nhị ở nam giới, bà Guillaume gật đầu tán thưởng đức ông chồng. Vậy là đoàn người tiến ra khỏi nhà theo một trật tự không thể khiến xóm giềng hiểu theo cách ranh ma nào hết. Anh nhân viên run run nói: – Cô Augustine, cô có thấy rằng vợ một thương gia có uy tín vững vàng, như ông Guillaume chẳng hạn, có thể vui chơi nhiều hơn bà nhà một chút, có thể đeo kim cương, đi xe ngựa hay không? Ôi! Trước hết, nếu tôi lập gia đình, tôi muốn nhận hết phần khó nhọc, và nhìn vợ mình hạnh phúc. Tôi sẽ không để vợ ngồi ở quầy hàng. Cô thấy đó, trong ngành dạ, ngày nay không cần đến phụ nữ như xưa kia nữa. Ông Guillaume xử sự như ông đã làm là có lý, vả lại bà nhà ta thích như vậy. Nhưng một phụ nữ biết đỡ đần đôi chút công việc kế toán, thư từ, bán lẻ, đặt hàng, nội trợ, để khỏi ngồi chơi không, thế là đủ. Bảy giờ tối, đóng cửa hiệu rồi, là tôi sẽ vui chơi, sẽ đi xem hát, đến nơi giao tế. Nhưng cô có nghe tôi nói đâu. – Có chứ, anh Joseph. Anh nghĩ thế nào về hội họa? Đó là một nghề nghiệp tốt đẹp. – Phải, tôi có quen một thợ cả trang trí nhà cửa, ông Lourdois, giàu có lắm. Cứ chuyện trò như thế, cả nhà đi tới nhà thờ Saint-Leu. Đến đó rồi, bà Guillaume lấy lại quyền hành, và lần đầu tiên, bảo Augustine ở bên cạnh mình. Virginie ngồi ghế thứ tư, cạnh Lebas. Trong lúc nghe thuyết giảng, mọi sự diễn ra êm đẹp giữa Augustine và Théodore, chàng đứng sau một cây cột, nhiệt thành cầu nguyện Thánh mẫu của mình; nhưng đến mục dâng Thánh thể, bà Guillaume nhận ra, hơi muộn một chút, là cô con gái Augustine cầm ngược quyển kinh. Sắp sửa mắng cho con một trận nên thân, bỗng bà buông tấm mạng trùm đầu xuống, ngừng đọc và dõi theo hướng được mắt nhìn của con ưu ái. Nhờ cặp kính to, bà trông thấy chàng họa sĩ, coi vẻ lịch sự phù hoa ra dáng một đại úy kỵ binh nào đó đang nghỉ phép hơn là một thương nhân trong khu phố. Khó tưởng tượng nổi trạng thái dữ dằn ở bà Guillaume, vốn tự hào đã giáo dục tuyệt hảo hai cô con gái, nay nhận ra trong lòng Augustine một tình yêu giấu giếm, do dốt nát và làm bộ nghiêm cẩn, bà cường điệu nguy cơ của mối tình này. Bà cho là con mình đã bại hoại đến tận tâm can. – Này cô, trước hết hãy cầm sách cho xuôi, – bà bảo con khe khẽ nhưng run lên vì tức giận. Bà giật phắt lấy cuốn Kinh cáo giác, xoay lại để các chữ được đúng chiều, và nói thêm: – Đừng có vô phúc ngước nhìn đi đâu khác ngoài những lời nguyện, không thì liệu hồn đấy. Sau lễ mi-xa, cha cô và tôi sẽ nói chuyện với cô. Những lời này như sét đánh ngang tai nàng Augustine tội nghiệp. Nàng cảm thấy mình lả đi; nhưng bị giằng xé giữa nỗi đau và niềm sợ hãi gây náo loạn trong nhà thờ, nàng có can đảm che giấu âu lo. Tuy nhiên, cũng dễ đoán được trạng thái dữ dội của tâm hồn nàng, khi nhìn quyển kinh rung rung và những giọt lệ rơi xuống từng trang nàng lật giở. Thấy bà Guillaume đưa con mắt nảy lửa nhìn mình, họa sĩ hiểu rằng tình yêu của chàng đang lâm nguy, và giận dữ bước ra, quyết tâm liều mọi sự. Về đến nhà, bà Guillaume bảo con: – Này cô, vào phòng riêng đi! Chúng tôi sẽ cho gọi cô, và nhất là đừng có định ra khỏi phòng. Cuộc hội đàm giữa hai vợ chồng quá bí mật, thành thử ban đầu chẳng điều gì tiết lộ. Tuy thế, Virginie, đã dùng bao lời khuyên bảo dịu dàng để khích lệ em gái, còn chiều em đến mức lẻn tới gần cửa phòng ngủ của mẹ, nơi cuộc thảo luận đang diễn ra, để nhặt nhạnh lấy đôi điều. Trong chuyến đi đầu tiên từ tầng ba xuống tầng hai, cô nghe thấy cha mình kêu lên: – Này bà, bà định giết con gái bà chắc? – Em bé tội nghiệp, – Virginie nói với cô em đang rầu rĩ khóc than, – bố bênh em đấy! – Mà bố mẹ định làm gì Théodore đây? – Cô gái ngây thơ hỏi. Thế là cô Virginie tò mò lại xuống lần nữa; nhưng lần này cô ở lâu hơn: cô được biết rằng Lebas yêu Augustine. Số phận đã định là trong cái ngày đáng ghi nhớ này, một ngôi nhà bình thường vẫn hết sức êm ả sẽ thành một địa ngục. Ông Guillaume làm Joseph Lebas tuyệt vọng khi bảo với anh là Augustine yêu một người ngoài. Lebas đã báo cho anh bạn đến cầu hôn cô Virginie, thấy hy vọng của mình sụp đổ. Cô Virginie, khổ tâm vì biết rằng Joseph có thể coi như đã khước từ mình, bèn lên một cơn nhức đầu. Mối bất hòa do cuộc tranh luận gây nên giữa ông bà Guillaume – lần thứ ba trong cuộc đời họ, họ khác ý kiến nhau – biểu lộ ra một cách khủng khiếp. Rốt cuộc, vào bốn giờ chiều, Augustine, nhợt nhạt, run rẩy, mắt đỏ hoe, ra trình diện trước bố mẹ. Cô bé tội nghiệp kể lại một cách chất phác câu chuyện tình quá ngắn ngủi của mình. An lòng vì bài diễn từ ngắn của ông bố, hứa sẽ yên lặng nghe con nói, nàng phần nào can đảm thốt lên trước bố mẹ tên tuổi của chàng Théodore de Sommervieux thân thương, và ranh mãnh nhấn cho kêu cái tiểu từ quý tộc. Buông mình theo niềm thú vị chưa từng biết khi nói về tình cảm của mình, nàng đủ bạo dạn để tuyên bố một cách kiên quyết ngây thơ rằng nàng yêu ông De Sommervieux, nàng đã viết thư cho ông, và nước mắt lưng tròng, nói thêm: – Hy sinh con cho một người khác là làm con bất hạnh. – Nhưng này, Augustine, cô không biết thế nào là một họa sĩ ư? – Mẹ cô kêu lên với vẻ ghê sợ. – Kìa bà Guillaume! – Ông bố buộc bà vợ im tiếng. Ông bảo: – Augustine ạ, nhìn chung, nghệ sĩ là đám-chết-đói. Họ tiêu sài quá hoang phí thành thử luôn là những gã chẳng ra gì. Ta đã cung cấp hàng cho ông Joseph Vernet quá cố, ông Lekain quá cố, và ông Noverre quá cố. A! Nếu con mà biết được cái nhà ông Noverre, ông hiệp sĩ De Saint-Georges, và nhất là ông Philidor, đã chơi ông lão Chevrel tội nghiệp những vố như thế nào! Đó là những kẻ kỳ quặc, ta biết rõ điều ấy. Cả bọn đều có lối thỏ thẻ líu lo, có những cung cách... A! Chẳng khi nào cái nhà ông Sumer... Somm... – De Sommervieux, thưa cha! – Thế à! Ừ thì De Sommervieux! Chẳng khi nào ông ta sẽ dễ thương với con như ông hiệp sĩ De Saint-Georges đã dễ thương với cha, vào cái ngày cha đạt được sự phán quyết của các pháp quan đối với ông ta. Bởi thế đó mới là những nhà quý phái thời xưa. – Nhưng, thưa cha, chàng Théodore là quý tộc, và chàng đã viết cho con rằng chàng giàu có. Cha của chàng là hiệp sĩ De Sommervieux trước cách mạng. Nghe những lời này, ông Guillaume nhìn bà vợ ghê gớm của mình, bà nhón đầu bàn chân dậm dậm xuống sàn ra chiều phật ý và im lặng một cách ủ ê; thậm chí bà tránh không đưa cặp mắt phẫn nộ nhìn Augustine, và dường như bỏ mặc cho ông Guillaume gánh hết trách nhiệm về vấn đề nghiêm trọng đến như thế, bởi ý kiến của bà chẳng được nghe theo; tuy nhiên, bất kể vẻ lãnh đạm bề ngoài, khi thấy chồng đành chịu một cách nhẹ nhàng như vậy trước một tai họa không dính dáng gì đến thương mại, bà vẫn kêu lên: – Quả thực, ông ạ, ông thật là nhu nhược đối với con cái nhưng... Tiếng xe ngựa dừng trước cửa làm gián đoạn đột ngột tràng quở trách mà vị thương gia già đã lo ngại. Giây lát sau, bà Roguin đứng giữa căn phòng, nhìn ba diễn viên của màn kịch trong nhà này. Bà nói ra vẻ che chở: – Em biết cả rồi, chị ơi. Bà Roguin có một nhược điểm, đó là cứ tưởng vợ một công chứng viên có thể đóng vai bậc nữ lưu phong nhã. Bà nhắc lại: – Em biết cả rồi, và em đến đây, trong con tàu của Noé, như con chim câu, với nhành ô-liu. Em đã đọc được tỷ dụ này trong Tinh hoa đạo Thiên Chúa, – bà vừa nói vừa quay về phía bà Guillaume, – cách so sánh này hẳn được chị ưa, chị nhỉ. Cháu có biết rằng, – bà mỉm cười với Augustine mà nói thêm: ông De Sommervieux ấy là người dễ thương hay không? Sáng nay ông ta đã tặng dì bức chân dung vẽ với tài nghệ bậc thầy. Ít ra cũng đáng giá sáu ngàn phơ-răng đấy. Khi nói đến những từ này, bà vỗ nhẹ vào cánh tay ông Guillaume. Vị thương gia già không kìm nổi cái trề môi đặc biệt của riêng ông. Chim bồ câu nói tiếp: – Em biết ông De Sommervieux lắm. Khoảng hai tuần nay, ông ấy đến dự các buổi dạ đàm ở nhà em, ông ấy khiến cho các buổi này thật thú vị. Ông ấy đã kể với em mọi nỗi lo buồn và đã nhờ em làm người biện hộ. Sáng hôm nay em được biết là ông ấy yêu quý Augustine, và sẽ lấy được cháu. Chị ơi, chị đừng lắc đầu ra ý từ chối như thế. Anh chị nên biết rằng ông ấy sẽ được phong nam tước, và vừa được Huân chương Bắc đẩu do hoàng đế đích thân ban tặng, ở Triển lãm. Roguin đã thành công chứng viên cho ông ấy, và am tường công việc của ông. Và này! Ông De Sommervieux có của cải đàng hoàng chắc chắn là mười hai ngàn phơ-răng lợi tức. Anh có biết rằng nhạc phụ của một người như ông ta có thể thành cái gì đó hay không, quận trưởng của quận mình chẳng hạn! Anh chẳng thấy ông Dupont được phong bá tước của đế chế, rồi nghị sĩ, vì đã đến với tư cách quận trưởng chúc mừng hoàng đế khi ngài vào Vienne đó sao. Ô! Cuộc hôn nhân này sẽ thành. Em thì em yêu quý chàng thanh niên trung hậu ấy. Cách xử sự của chàng ta đối với Augustine chỉ thấy được trong tiểu thuyết mà thôi. Nào, cháu gái, cháu sẽ hạnh phúc, và ai ai cũng mong được ở vào địa vị cháu. Trong các buổi dạ đàm của dì, dì được tiếp công tước phu nhân De Carigliano, bà ấy mê tít ông De Sommervieux. Vài kẻ ác khẩu bảo rằng bà ấy đến nhà dì chỉ vì ông ấy thôi, cứ như thể một công tước phu nhân thời trước mà tới nhà một người họ Chevrel là rồng đến nhà tôm vậy, họ Chevrel thuộc dòng dõi tư sản lương thiện đã một trăm năm nay rồi. Ngừng một chút, bà Roguin nói tiếp: – Augustine này, dì đã được thấy bức chân dung. Chúa ơi! Đẹp làm sao chứ! Cháu có biết rằng hoàng đế muốn xem nó hay không? Ngài đã cười và bảo vị phó-nguyên súy rằng nếu như ở triều đình ngài mà có được nhiều phụ nữ như thế trong khi bao nhiêu vua chúa đến đó, thì ngài cam đoan duy trì mãi mãi hòa bình ở châu Âu. Thế có vẻ vang không cơ chứ? Những cơn dông bão khởi đầu ngày hôm ấy hẳn giống như dông bão trong thiên nhiên, đưa lại một tiết trời êm đềm quang quẻ. Bà Roguin trổ bao tài quyến rũ qua lời diễn thuyết, bà biết bật lên cùng một lúc bao sợi tơ trong cõi lòng khô khốc của ông bà Guillaume, thành thử cuối cùng cũng tìm ra được một sợi để mà lợi dụng. Vào thời đại đặc biệt này, giới thương mại và giới tài chính mắc phải nhiều hơn bao giờ hết cái thói điên rồ kết thông gia với các nhà quý tộc, và các viên tướng thời đế chế lợi dụng được khá nhiều những khuynh hướng trên. Ông Guillaume đơn độc phản đối thói ham mê đáng tiếc này. Các định lý được ông ưa chuộng là, để được hạnh phúc, một phụ nữ phải lấy người cùng tầng lớp; ai trèo cao thì sớm muộn cũng ngã đau; tình yêu rất ít chống đỡ được những mối phiền lụy trong gia đình, bởi thế người này phải tìm thấy ở người kia những phẩm chất thật vững vàng mới có hạnh phúc; hai vợ chồng không nên có một người biết nhiều hơn người kia, vì trước hết cần phải hiểu được nhau; ông nói gà bà nói vịt, sẽ có nguy cơ chết đói. Ông đã sáng tác ra câu ngạn ngữ trên. Ông so sánh những cuộc hôn nhân như thế với loại vải xưa dệt len lẫn tơ, cuối cùng bao giờ tơ cũng cứa đứt len. Ấy thế mà, trong đáy lòng con người ta, có biết bao sĩ diện, đến nỗi sự thận trọng của người hoa tiêu chỉ huy giỏi giang đến thế hiệu Mèo-chơi-bóng chịu thua tài liến thoắng công kích của bà Roguin. Bà Guillaume hà khắc là người đầu tiên thấy tình cảm của con gái bà là lý do để vi phạm những nguyên tắc trên, và đồng ý tiếp ông De Sommervieux tại nhà, bà tự hứa sẽ xem xét con người này thật nghiêm ngặt. Vị thương gia già đi tìm Joseph Lebas, và cho anh biết sự thể. Sáu giờ rưỡi chiều, gian phòng ăn, nổi tiếng nhờ họa sĩ, tập họp dưới mái kính ông bà Roguin, họa sĩ và Augustine yêu kiều của chàng, Joseph Lebas đành chấp thuận hạnh phúc và cô Virginie đã hết đau đầu. Ông bà Guillaume thấy triển vọng các con thành gia thất và vận mệnh hiệu Mèo-chơi-bóng được giao phó vào những bàn tay khôn khéo. Hai người hài lòng tới cực điểm khi Théodore, vào lúc dùng món tráng miệng, trao tặng họ bức họa phi thường họ chưa được xem, thể hiện cảnh bên trong cửa hiệu lâu đời này, cái cửa hiệu đã tạo lập nên bao hạnh phúc. Guillaume reo lên: – Dễ thương quá nhỉ! Nghe bảo họ định trả cái này ba mươi ngàn phơ-răng kia đấy! – Là vì họ thấy ở đó những tua mũ của tôi mà, – bà Guillaume tiếp lời. Lebas nói thêm: – Và những tấm dạ được dở ra kìa, cứ như thể cầm lên tay được. Họa sĩ đáp: – Màn trướng dạ bao giờ cũng có hiệu quả rất hay. Giá mà nghệ sĩ hiện đại chúng tôi đạt được tính hoàn mỹ của màn trướng thời cổ, thì chúng tôi sẽ hạnh phúc quá chừng. Ông Guillaume reo lên: – Vậy là anh yêu ngành dạ. Thế thì, chà chà! Hãy nắm lấy tay tôi nào, anh bạn trẻ. Bởi anh quý trọng nghề buôn bán, ta sẽ hiểu nhau. Này! Sao lại khinh nghề buôn chứ? Thế giới bắt đầu từ đó, bởi Adam đã bán thiên đường lấy một quả táo. Vụ đầu cơ ấy chẳng hay ho gì, nhỉ! Vị thương gia già phá lên cười ha hả, do rượu sâm-banh kích thích, ông đãi rượu mọi người hậu hĩ. Giải khăn bịt mắt chàng họa sĩ quá dày thành thử chàng thấy ông bà nhạc tương lai dễ thương. Chàng chẳng nề hà mua vui cho họ bằng mấy câu khôi hài tao nhã. Bởi vậy nói chung chàng được ưa. Buổi tối, khi người đã vắng trong phòng khách bày biện rất sang, theo cách nói của bà Guillaume, trong lúc bà Guillaume đi từ bàn đến lò sưởi, từ cây đèn này đến giá nến kia, hấp tấp thổi tắt các ngọn nến, thì vị thương gia già, luôn biết nhìn tỏ tường mỗi khi động đến chuyện làm ăn hay tiền bạc, kéo cô con gái Augustine lại bên mình, rồi, sau khi đặt con ngồi lên lòng, ông nói với con những lời sau: – Con thân yêu, con sẽ lấy anh chàng Sommervieux của con, vì con muốn như thế, con được phép đem vốn liếng hạnh phúc của con ra liều may rủi. Nhưng cha không để mình bị lừa vì ba chục ngàn phơ-răng người ta kiếm được bằng cách bôi vẽ làm hỏng những tấm vải tốt đâu. Tiền bạc đến quá nhanh cũng sẽ ra đi nhanh như thế. Tối nay cha chẳng đã nghe anh chàng dại dột ấy nói rằng đồng tiền tròn là để lăn đó sao! Nếu đồng tiền tròn với những kẻ hoang tàn, thì nó lại bẹt với những người căn cơ xếp nó thành từng chồng từng chồng. Vậy, con ạ, anh chàng đẹp trai ấy bảo sẽ tặng con xe ngựa, kim cương? Anh ta có tiền, anh ta cứ việc tiêu tiền cho con, tốt thôi! Cha chẳng có quan hệ gì với chuyện ấy. Nhưng về những gì cha cho con, thì cha không muốn những đồng ê-quy tích cóp xiết bao vất vả tiêu tan thành xe ngựa hay những vật tầm phào. Ai tiêu xài quá nhiều thì chẳng bao giờ giàu có. Với mười vạn ê-quy hồi môn của con, chưa mua được cả Paris đâu. Tuy rằng một ngày kia, con sẽ được thừa hưởng vài chục vạn phơ răng, song cha còn để con đợi lâu cơ, chà chà! Lâu được chừng nào hay chừng ấy. Vậy là cha đã kéo riêng vị hôn phu của con ra một chỗ, và một người từng điều khiển vụ phá sản Lecoq chẳng phải khó khăn lắm mới làm được cho một nghệ sĩ đồng ý kết hôn theo nguyên tắc tài sản vợ chồng riêng rẽ. Cha sẽ để mắt đến bản hôn ước, sao cho các khoản anh ta dự tính tặng con được quy định rõ. Nào, con ạ, cha hy vọng được làm ông ngoại, chà chà! Từ bây giờ cha đã muốn quan tâm đến cháu của mình: vậy con hãy thề với cha là chỉ ký cái gì liên quan đến tiền bạc khi cha khuyên nên ký; và nếu như cha đi gặp ông lão Chevrel quá sớm, con hãy thề là hỏi ý kiến Lebas, anh rể con. Hãy hứa với cha như vậy. – Vâng ạ, thưa cha, con xin thề với cha. Nghe những lời này thốt ra bằng một giọng dịu dàng, ông lão hôn lên hai má con gái. Tối hôm ấy, tất cả những người yêu nhau đều ngủ ngon giấc gần bằng ông bà Guillaume. Mấy tháng sau ngày chủ nhật đáng ghi nhớ nọ, bàn thờ chính ở Saint-Leu chứng kiến hai cuộc hôn nhân rất khác biệt. Augustine và Théodore đến trước bàn thờ rạng rỡ hạnh phúc, đôi mắt chan chứa tình yêu, trang phục thanh lịch, có ngựa xe lộng lẫy đón đợi. Virginie đi một cỗ xe thuê loại tốt đến cùng gia đình, cô tựa mình vào cánh tay bố, khiêm nhường, theo sau em gái, trong y phục giản dị hơn, như một bóng mờ cần thiết cho sự hài hòa của bức tranh. Ông Guillaume đã chạy vạy cực kỳ vất vả để nhà thờ đồng ý cho Virginie được làm lễ cưới trước Augustine; nhưng ông đau lòng thấy các tăng lữ cấp trên cấp dưới lúc nào cũng đon đả với cô dâu thanh lịch hơn. Ông nghe thấy vài bạn láng giềng đặc biệt tán thành sự biết điều của cô Virginie, họ bảo rằng cô tiến hành cuộc hôn nhân vững chắc nhất, và cô thủy chung với khu phố; trong khi họ buông vài lời châm chọc do đố kỵ với Augustine, đã lấy một nghệ sĩ, một nhà quý tộc; họ như kinh sợ nói thêm là nếu nhà Guillaume mà có tham vọng, thì ngành dạ nguy mất. Nghe một ông già buôn quạt bảo rằng cái gã phá-của kia chẳng mấy chốc sẽ khiến vợ lâm vào cảnh bần cùng, ông Guillaume tự khen ngầm trong lòng về sự thận trọng của mình trong các điều khoản hôn ước. Buổi tối, sau một vũ hội lộng lẫy, tiếp theo là một bữa tiệc đêm linh đình, hồi ức về những bữa tiệc như thế bắt đầu mai một trong thế hệ hiện tại, ông bà Guillaume ở lại tòa nhà trên phố Colombier, nơi tiến hành tiệc cưới, ông bà Lebas đi chiếc xe thuê trở về ngôi nhà cũ kỹ ở phố Saint-Denis để điều khiển con tàu Mèo-chơi-bóng, chàng họa sĩ say vì hạnh phúc ôm lấy nàng Augustine thân yêu, nhấc bổng nàng lên khi cỗ xe song mã của họ về tới phố Trois-Frères, và bế nàng vào một căn hộ được mọi nghệ thuật tôn thêm vẻ đẹp. Niềm đam mê đầy phấn khích chi phối Théodore khiến gần một năm trời vùn vụt trôi qua đối với đôi vợ chồng trẻ, họ sống dưới bầu trời không hề có một gợn mây nhỏ làm vẩn sắc thiên thanh. Với đôi tình nhân ấy, cuộc đời chẳng có gì nặng nề. Mỗi ngày được Théodore ban phát những hoan lạc điểm tô thêm thắt đến kỳ lạ, chàng thích đa dạng hóa các say mê bồng bột, nhờ sự uể oải buông lơi của những lúc ngơi nghỉ khi tâm hồn được thả lên cao vút trong trạng thái xuất thần, đến mức như quên đi sự kết hợp thể chất. Không có khả năng suy nghĩ, Augustine buông mình theo đà dập dờn uốn lượn của hạnh phúc: nàng cho rằng mình còn chưa làm đủ khi hiến dâng trọn vẹn cho tình yêu được phép và thánh thiện của hôn nhân; vả lại nàng chất phác và ngây thơ chẳng biết khước từ để làm dáng, chẳng biết chi phối chồng bằng những trò trái tính trái nết khôn khéo như một tiểu thư trong xã hội thượng lưu; nàng quá yêu nên chẳng tính toán tương lai, và nàng không hình dung được một cuộc sống tuyệt diệu đến như thế lại có khi chấm dứt. Sung sướng vì lúc này đây mình là mọi niềm hoan lạc của chồng, nàng ngỡ tình yêu không thể nguội tắt này sẽ mãi mãi là đồ trang sức đẹp nhất cho nàng trong tất cả các đồ trang sức, cũng như lòng tận tụy và sự phục tùng nơi nàng sẽ là sức quyến rũ bất diệt. Cuối cùng, hạnh phúc yêu đương khiến nàng thành cực kỳ lộng lẫy, thành thử nàng tự hào vì nhan sắc của mình và ý thức rằng mình có thể chi phối mãi mãi một con người dễ bốc lửa như ông De Sommervieux. Vậy là địa vị làm vợ chẳng chỉ bảo cho nàng biết thêm được gì ngoài những chỉ bảo của tình yêu. Ở giữa hạnh phúc ấy, nàng vẫn là cô bé dốt nát trong cảnh hàn vi phố Saint-Denis, và không hề nghĩ đến việc lĩnh hội cung cách, học thức, phong thể của cái xã hội trong đó nàng phải sống. Bởi lời lẽ của nàng là lời lẽ yêu đương, nên nàng có phát huy được một sự uyển chuyển nào đó trong tư duy, và một vẻ tế nhị nhất định trong diễn đạt; nhưng nàng lại sử dụng ngôn từ chung của mọi người đàn bà khi họ đắm mình trong mê say dường như là nơi chốn của họ. Nếu như tình cờ, Augustine phát biểu một ý tưởng không đồng điệu với các ý tưởng của Théodore, thì chàng họa sĩ cười như người ta cười các lỗi ban đầu ở một người ngoại quốc, nhưng lâu dần các lỗi ấy gây khó chịu nếu người kia không sửa. Tuy yêu đương nồng nàn đến thế, vào cuối cái năm êm đềm thú vị và cũng qua nhanh, một buổi sáng kia Sommervieux cảm nhận nhu cầu trở lại với công việc và các tập quán của mình. Vả lại vợ chàng đang mang thai. Chàng lại gặp bạn bè. Suốt thời gian khổ não dằng dặc, trong cái năm một người vợ trẻ nuôi con, lần đầu, chắc hẳn chàng nhiệt tâm làm việc; nhưng đôi khi chàng quay về tìm vài thú tiêu khiển trong xã hội thượng lưu. Nơi chàng ưa lui tới nhất là dinh cơ của nữ công tước De Carigliano, cuối cùng bà đã lôi kéo được họa sĩ danh tiếng đến nhà mình. Khi Augustine hồi phục, khi con trai nàng không còn đòi hỏi những sự chăm sóc chuyên cần thường ngăn cản người mẹ hưởng lạc thú nơi giao tế, thì Théodore đã đi tới chỗ muốn được cảm nhận niềm thích thú do tự ái mà xã hội cho ta hưởng, khi ta xuất hiện ở đó cùng một người vợ kiều diễm, mục tiêu ganh ghét và ngưỡng mộ. Lui tới các phòng khách, xuất hiện với ánh rực rỡ mượn từ vinh quang của chồng, thấy mình được phụ nữ ghen, là một vụ gặt hái mới những thú vui cho Augustine; nhưng đó là ánh phản quang cuối cùng tỏa ra từ hạnh phúc lứa đôi của nàng. Nàng bắt đầu làm tổn thương lòng sĩ diện của chồng, khi mà, bất kể những cố gắng vô hiệu, nàng để lộ sự dốt nát, cách nói năng không thích họp và những ý tưởng hẹp hòi. Gần hai năm rưỡi trời, để cho những phấn """