"
Tán Thuật Bãi Sậy Khởi Nghĩa 1883-1897 PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tán Thuật Bãi Sậy Khởi Nghĩa 1883-1897 PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : TÁN-THUẬT BÃI SẬY KHỞI NGHĨA (1883-1897)
(Lịch-sử tiểu-thuyết)
Tác giả : VÂN-HÀ
Nhà xuất bản : Á-CHÂU
Năm xuất bản : 1951
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : tmtuongvy, TiMon, Chau1011, ElvisRey, Lê Gia Thụy, Amovo, nonliving, nth_9195, blacktulip161, Aprilicious, meyeusoi, Duonghuyen, Vũ Đình Hào, Forgetmenot, Hanna Lê, Robinson1412,
Trúc Quỳnh Đặng, Mekhoaibi
Kiểm tra chính tả : Nguyễn Xuân Huy,
Dương Văn Nghĩa, Ngô Thanh Tùng
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 20/08/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U. ORG
Cảm ơn tác giả VÂN-HÀ và Nhà xuất bản Á-CHÂU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
I
II
III
IV
V
VI
VII
VIII
IX
X
XI
XII
XIII
XIV
XV
XVI
XVII
XVIII
XIX
XX
XXI
XXII
MẤY DÒNG THAY ĐOẠN KẾT
VÂN-HÀ
TÁN-THUẬT
Bãi Sậy khởi nghĩa (1883-1897) (Lịch-sử tiểu-thuyết)
Á-CHÂU
BÀI 29 : PHONG-TRÀO CÁCH-MẠNG TỪ NAM CHÍ BẮC
MIỀN BẮC : NGUYỄN-THIỆN-THUẬT
I. Lúc thiếu thời, ông nổi tiếng văn hay võ giỏi. Lớn lên, đỗ Cử-nhân, ra làm quan đời Vua Tự-Đức, Ông được bổ Tán tương quân-vụ, nên người ta gọi ông là Tán-Thuật.
II. Bỏ quan, lập chiến-khu : Sau khi Kinh-thành Huế thất thủ, ông cổi áo từ quan, chiến-khu ở Bãi-Sậy (Hưng-Yên) để chống Pháp. Bãi-Sậy chiến-khu vô cùng hiểm-trở với những ao đầm sâu rộng, lau sậy um-tùm, những đường hầm chằng-chịt đào sâu đủ. Lối vào là một con đường nhỏ hẹp, quanh co, đầy cạm-bẫy. Ông lại được Đề-đốc Tạ-Hiện và nhiều văn-thân theo bày vẽ mưu-kế và tập-luyện binh-sĩ.
III. Chiến-thuật tiêu mòn giặc : Nguyễn-thiện-Thuật liên-kết với các nhóm nghĩa-binh vùng lân-cận, nay đánh
thành này, mai phá đồn nọ, làm Pháp phải tổn-thất nặng-nề. Pháp nhiều lần cất binh đến đánh nhưng lần nào cũng hao binh mất súng, mà không phá được chiến-khu. Pháp phải tặng ông danh-hiệu là « Vua Bãi-Sậy ».
IV. Chiến-đấu đến cùng : Pháp cho người viết thơ dụ hàng, ông không trả lời. Pháp sai Tổng-đốc Hải-Dương là Hoàng-cao-Khải đi đánh dẹp. Biết rõ địa thế, Hoàng-cao-Khải cất đại-binh đến bủa vây chung quanh Bãi-Sậy…
I
CUỐI thế-kỷ thứ 19.
Một bức màn đen tối bao phủ kín khung trời Việt-Nam. Dân-tộc lao-đao khác chi con thuyền gặp bão táp giữa trùng dương. Những thủy-thủ quốc-gia, kẻ chèo người lái, gắng công gắng sức đấy, nhưng thuyền vẫn trùng-triềng trong bể sóng mênh mông nguy-hiểm.
Dân-tộc âm thầm nhỏ lệ !
Hồi đó, trước làn sóng cơ-khí của Tây-phương, người Việt bỡ ngỡ. Họ lạ lùng như đứng trước những quái-tượng của thiên-nhiên.
Họ sợ-hãi lắm. Tuy thế, tiếng gọi của nhiệm-vụ trước giang-sơn nguy-biến đã gieo vào lòng họ một nghị-lực đầy tin-tưởng. Một số đông đứng lên, không quản khó khăn, lăn mình vào thời cuộc.
Thế là trong hầu khắp đất nước, cảnh chém giết hãi hùng diễn ra liên-tiếp.
Tang tóc ngập trời !
Quân Pháp đã bước vào đất nước !
Nguyễn Triều lúng-túng, người thế này người thế khác, không có một giải-pháp gì khả dĩ cứu vãn tình-thế nguy vong đến nơi !
Trong toàn quốc, sĩ-khí ngùn ngụt ngất trời. Bao nhiêu nhà nho hoặc quăng bút cầm gươm, hoặc bỏ cả thi cống thi
nghè về nơi thôn-dã ẩn náu để sống nốt cuộc đời thúc-thủ tủi-nhục mình. Nhân dân lao-nhao, lo ngại, tưởng như đứng trước cảnh đất lở trời nghiêng nhưng họ cũng quen dần đi.
Loạn lạc đã hàng trăm năm nay rồi. Nào Trịnh-Nguyễn tranh giành ; nào Tây-Sơn khởi nghĩa ; nào quân Thanh xâm chiếm ; nào cuộc tranh hùng máu chảy thành sông giữa nhà Nguyễn và nhà Tây-Sơn. Tài-sản quốc gia vì thế mà kiệt quệ. Dân quê nghèo khổ, sợ đói rét hơn là sợ giặc-giã. Bởi thế, tuy khắp đất nước lúc này lâm vào cảnh khói đạn tơi bời, họ chỉ lo âu lúc đầu, rồi lại kiên nhẫn trong công việc đồng áng, mặc cho thế-sự xoay vần. Họ vẫn cười, nhưng trên đôi mắt hiền-hậu chất-phác thấy long lanh mầu lệ.
Muốn yên ổn làm ăn, vì chẳng còn có phương-châm gì khác, nhưng nào có được yên !
Khi các thành-đô cùng các thị-trấn các tỉnh đã lọt vào trong tay quân Pháp, các nghĩa-sĩ Việt-Nam len lỏi về khắp thôn quê. Họ lại tụ-tập, lại kéo cờ chống Pháp. Những nơi thôn-ổ của bao lũy tre, xưa nay vẫn lặng lẽ, bình thản trước gió sương, nay bỗng nhiên biến thành nơi hội-họp của nghĩa
quân, và rồi ra sẽ phải tan-tác tơi-bời !
Hưởng ứng với phong-trào trỗi dậy khắp bốn phương, ông Nguyễn-thiện-Thuật, con chim bằng của vùng xuôi xứ Bắc, cũng quyết tung cánh bay cao, chí những mưu đồ nghiệp lớn.
BÃY-SẬY ở Hải-Dương là nơi sào-huyệt vô cùng bí-mật và hiểm-hóc của con chim trời đó.
II
ÔNG Nguyễn-thiện-Thuật sinh năm 1841 (Tân-Sửu), giữa năm Vua Thiệu-Trị lên ngôi Hoàng-đế. Vừa ra đời, ông đã phải hô-hấp mùi thuốc súng khét lẹt của làn sóng văn-minh Tây-phương, từ ngoài khơi thoang thoảng bay vào nội địa. Sinh trưởng trong nề nếp nho-phong, quê ông thuộc làng Xuân-Dực, tổng Bạch-Xam, huyện Mỹ-Hào, tỉnh Hưng-Yên. Năm ông lên 6 tuổi, các cụ thân sinh ra ông đã rước thầy nuôi trong nhà để dậy ông học.
Ông Thuật, dáng người khỏe mạnh, nét mặt khôi-ngô. Suốt cả quãng đời nấu sử sôi kinh, ông đã tỏ rõ cái khí-độ của mình. Cụ Đồ, thầy dậy ông học thấy ông linh lợi khác thường nên đã nhiều lần vuốt râu mỉm cười, tự đắc nhìn ra quãng trời xa mà mường tượng thấy sự hiển-hách hiên
ngang của học trò mình sau này.
Một buổi chiều mùa đông, ông Thuật ngồi hầu chuyện thầy học bên chiếc hỏa-lò quạt nước. Người thanh-niên quắc thước ấy kính cẩn nâng cốc trà thơm mà thầy học vừa ban cho. Mùi thơm sen ướp thoang thoảng khắp gian phòng ; Cụ Đồ vẫn trầm-mặc ngồi nguyên giữa giường. Cụ như mải theo đuổi một viễn-vọng, có lẽ cụ nghĩ tới cảnh quốc phá gia vong đã mở màn trên dải đất yêu-dấu của cụ. Điếu thuốc-lào cụ cầm tay vo viên từ lúc nãy, mãi tới giờ cụ mới nhẹ nhàng bỏ vào điếu. Chiếc đèn dầu nhỏ tý hầu như gần tắt lại được khêu lên, cụ châm đóm, thong thả kéo một hơi dài. Tiếng kêu giòn liên hồi của chiếc điếu trắc khảm trai, bịt bạc vừa dứt, thì
khói ở miệng cụ tỏa ra và từ-từ bay không khác gì một đám mây mỏng giữa trời lặng gió. Đám khói lan rộng dần ra, bám sát vào cái cột treo lủng lẳng câu đối sơn son thiếp vàng, bị chia ra làm hai mảng rồi dần dần tan biến trong gian phòng tịch-mịch.
Thuật nguyên ngồi lặng thinh. Tai ông vẫn như nghe thấy rất nhiều động tĩnh trong cái yên lặng của hai thầy trò. Hôm nay ông ngồi dai, chắc có một tâm-sự muốn bẩm thầy để xem tôn-ý ra sao. Cụ Đồ cũng hiểu như vậy, nhưng cụ vẫn lặng lẽ, tuy rằng tinh-thần của cụ vẫn lắng nghe tiếng động trong lòng người học-trò mà cụ hằng yêu quý nhất.
Cái đức yên lặng trong suy-nghĩ của cụ đã thành một thói quen và bao quát nhiều ý-nghĩa.
Đến đây, thấy lòng nóng như lửa, hai mắt sáng lên, ông Thuật đứng dậy.
Vừa nghe thấy tiếng « bẩm thầy », cụ Đồ ngoảnh lại nhìn thẳng vào học-trò, ôn tồn hỏi : « Con có điều gì muốn hỏi thầy ? Con cứ ngồi xuống ».
Ông Thuật lại lễ-phép ngồi xuống nguyên chỗ cũ, ông khẽ thưa : « Bẩm thầy, con tuy còn nhỏ tuổi, nhưng lòng thật lấy làm quan ngại trước cảnh quốc-gia biến chuyển ! »
Cụ Đồ bỗng phác một cử-chỉ luống cuống và cảm-động, nhưng rồi cụ lại điềm-tĩnh nghe : « Bẩm, nước nhà ngày nay có khác chi chiếc nhà mục nát, chỉ một trận gió nhỏ là đủ tan tành. Bên trong thì giặc-giã tứ tung, dân tình cực khổ, bên ngoài thì sức mạnh Tây-phương dòm ngó ».
Cụ Đồ gật đầu, nét mặt cụ vừa như thoáng hiện qua một ý-tưởng thương tâm. Hai con mắt già căng thẳng trong hai vành kính trắng, cụ dõng-dạc nói : « Thầy biết cả. « Quốc gia khuynh nguy, thất-phu hữu trách », huống hồ là mình ! »
Cụ thở dài, trút nhẹ nỗi cảm-xúc trong lòng. Cụ tiếp : « Thầy già rồi, cái tay cầm bút nhẹ nhàng đã quen thói đi rồi. Trách nhiệm ! Ôi ! Trách-nhiệm ! »
- Bẩm, con bấy lâu được thầy truyền đạo Thánh-hiền, cũng mong có một ngày thành-đạt để khỏi phụ công thầy dậy bảo. Nhưng nay cơ-đồ nghiêng ngửa mà chỉ khư khư với khoa bảng riêng mình, con e kẻ sĩ như thế thì rồi phải mang trong lòng nhiều hận !
- Con có ý-tưởng gì khác ?
- Trình thầy, ngoài giờ đèn sách cho kịp kỳ thi, con xin phép thầy cho con được coi binh-thư và thao-luyện vũ-nghệ, cho kịp thời.
Cụ Đồ vuốt chòm râu dài bạc phơ. Cụ cười, hai mắt chăm chú nhìn học-trò, tỏ vẻ biểu đồng tình. Nhưng ông Thuật lại lo lắng, sợ thầy cố-chấp mà khinh thường vũ-biền như trăm nghìn ông khoa-bảng khác chăng.
Không, cụ Đồ vui vẻ giơ hai tay khẳng-khiu ra. Cụ muốn nói, nói thực nhiều, thật to, nhưng cụ vẫn chưa nói gì ! Ông Thuật vẫn hồi-hộp, trong chờ đợi lời chỉ giáo của thầy.
Cụ lại pha trà, rót ra hai chén. Hơi thơm thanh-khiết lại tỏa ra. Cụ uống một chén còn một ban cho học-trò. Uống xong, cụ khẽ đập-tay vào vai Thuật và vui vẻ nói : « Con
nghĩ phải. Văn hay khó bình được giặc, chữ tốt khó lui được thù. Các bậc khai-quốc công-thần đời xưa đều là văn-võ kiêm toàn cả đấy chứ ! Hoài-bão của con làm cho thầy rất hài lòng ».
Được thầy ưng-thuận sở-nguyện của mình, Thuật sung sướng cáo từ thầy bước ra.
Cụ Đồ lại một mình với trai phòng yên lặng. Cụ xếp lại chồng sách, một cái gia-tài đối với cụ quý hơn cả tiền vàng bạc-nén. Tay vê điếu thuốc lào, cụ lẩm-bẩm : « Ta biết thằng Thuật là người có chí lớn mà ! »
Năm 18 tuổi, ông Thuật đỗ Tú-tài. Ông trúng khoa thi hương năm 1871.
Tiếng tăm ông Cử Thuật văn-võ kiêm toàn đã lừng lẫy trong huyện Mỹ-Hào. Người ta thường gọi ông là ông Cử Xuân-Dực.
Quả xứng với những điều mà thời bấy giờ ca tụng ông. Ông là một người thông-minh đĩnh-ngộ, lại có sức khỏe và trí dũng hơn người. Gặp việc khó khăn, ông biện bạc rất trôi chẩy và đối phó rất mau chóng.
Tiếng đồn ông Cử Thuật còn trẻ mà đã văn-chương lỗi lạc, vũ-nghệ tinh-thông, đến tai ông Tổng-đốc Hải-Dương. Vị quan đầu tỉnh đó liền cho vời ông đến sảnh-đường.
Sau buổi hội kiến này, ông Thuật được các quan đầu tỉnh đều tỏ lòng mến tài và lưu tâm cất nhắc từ đấy.
Ít lâu, ông Thuật được gọi ra giữ chức Bang-tá. Trước khi lên đường nhận công-vụ, ông Thuật đến thăm
và chào thầy học. Lúc này cụ Đồ đã già nua lắm rồi. Cụ không dậy học nữa mà chỉ quanh quẩn với mấy chậu lan « Bạch-ngọc ». Hễ có học-trò tới thăm, cụ lại đem thời-sự hay đạo-nghĩa ra luận bàn.
Hôm nay, Thuật lại chơi, cụ mừng lắm hỏi ngay : « Thế nào? nhà ngươi bao giờ lên đường nhậm chức ? »
Ông Thuật rất đỗi ngạc nhiên, chẳng hiểu vì sao cụ lại biết tin mình ra làm quan. Ông cúi đầu kính cẩn chào thầy và thưa : « Con sang chào thầy, rồi nay mai lên đường ạ ».
Cụ Đồ cười xòa, vuốt chòm râu bạc. Bằng một giọng dò hỏi, cụ nói : « Ta biết Bang-tá đâu có phải là điều ước nguyện của nhà ngươi, nhưng nó là bước đầu ».
Bang-Thuật chỉ cười khẽ không đáp, theo thầy bước vào nhà.
Cụ Đồ lại lên giường chễm-chệ ngồi như ngày cụ còn dậy học. Cụ chỉ ghế bảo ông Thuật ngồi, rồi gọi người nhà pha nước.
Cuộc ẩm trà đàm luận giữa thầy trò Thuật thực là nồng nàn mật thiết.
Lần này, cụ khác hẳn những lần gặp Thuật trước. Xưa cụ nói rất ít, nhưng hôm nay cụ nói rất nhiều, mà bầu tâm-sự của cụ vẫn như chưa vơi chút nào. Cụ vẫn thường ngẫm nghĩ : Nếu cụ như ai thì cũng võng lọng nghênh-ngang, nhưng khốn nỗi hai con mắt cụ không nhìn thấy cái sung sướng trên sự lầm-than khổ-sở của mọi người. Óc cụ không hề tính toán để mưu lấy hạnh-phúc cho riêng mình. Cụ học
giỏi, lầu lầu thiên kinh vạn quyển nhưng chưa hề lều chõng một lần nào. Suốt cả một đời dậy học, cụ cam chịu tiếng đồ gàn mà người đời thường mệnh danh cho cụ.
Cụ yêu quý Thuật vì người học-trò này với cụ có nhiều tư tưởng gặp nhau. Bởi thế, thấy Thuật sắp lên đường đi vào hoạn-lộ nên cụ bắt ngay vào chuyện thời sự để giúp ý-kiến cho trò mình : « Tình thế nước ta nguy-ngập lắm rồi, con ạ ! Sự học-thuật và sinh-hoạt của thiên-hạ đã tiến bộ nhiều. Sự cạnh-tranh quyền-lợi của các nước cũng đang vào thời-kỳ kịch liệt ».
Ông Thuật ngồi khoanh tay chăm-chú nghe không khác gì khi xưa nghe thầy giảng sách.
Cụ Đồ lim-dim cặp mắt sâu hoắm, cất cao giọng nói, như gieo vào bầu không khí ướp lan thơm quanh cụ, một hằn học thương tâm : « Thế mà chán quá cho những người giữ cái trách-nhiệm chính-trị trong nước, chỉ chăm chú vào việc từ
chương. Hễ động bàn tới quốc-sự thì phi Nghiêu, Thuấn lại Hạ, Thương-Chu. Việc của hàng nghìn năm cũ rích đem áp dụng vào lúc này : nhân-tình và thế-cục đã khác trước nhiều. Như vậy, thắng làm sao được mà chẳng bại. Họ không chịu nhìn xa nghe rộng nguy mất ! »
Cụ lại ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Ông Thuật thấy trong lòng xao-xuyến. Ông như hiểu rằng : « mình có một chí lớn, có một tâm huyết nhưng chẳng biết đường tiến thân thế nào cho hợp lý ». Ông lặng lẽ nhìn thầy học như phủ lên cụ già một kính trọng chân thành.
Sau mấy phút trầm ngâm của hai thầy trò, cụ lại hạ
giọng nói : « Ấy các triều-thần bây giờ phần nhiều là thế cả. Các ông ấy cứ nghễu nghện cho mình là hơn người, còn thiên-hạ là dã-man. Hễ ai có suy-xét nghĩ đến công cuộc cải cách thì y như là bài bác, cho là chủ-trương bậy, bại hoại cả kỷ cương. Họ tự đắc quá, bởi thế nên những người biết đành làm câm giả điếc khoanh tay mà chờ đợi sự sụp vong. Nguy cấp vô cùng mà đã ai mở mắt ra đâu ! »
Nghe lời thầy nói đến đây, ông Thuật thấy ngượng nghịu vì ông vừa tự cảm thấy : Mình rồi đây thang mây nhẹ bước, khéo đến cũng như các Ngài mà thầy học mình đương mạt sát. Ông ngập-ngừng nói : « Bẩm, với chức nhỏ mọn của Triều-đình, con lo lắng không biết có thực hiện nổi được một phần hoài bão của thầy ? »
- Ấy cũng có kẻ tự nghĩ rằng mình đã có quyền cao tước trọng thì tất là tài giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng : tài giỏi đâu có ở tuổi nhiều, tuổi ít, khôn ngoan đâu có ở quan to quan nhỏ. Cái phẩm-giá bất tử của con người ta cốt ở tư
tưởng học thực, chứ không phải ở mũ cao áo dài hay biệt-thự nguy nga.
Lê dân đồ thán, tình thế nguy cấp đến nơi rồi mà vẫn khư khư tồn cổ. Cơ đồ tan nát mất !
Nghe cụ nói, ông Thuật nao núng trong thâm tâm. Cụ đã già lão lắm rồi. Cái chí khuông-phù của cụ không đạt, khiến cho lòng niên-thiếu của Bang-Thuật cũng phải bùi-ngùi.
Cuộc đàm luận kéo dài mãi. Thầy cứ nói không ngơi ; trò cứ nghe không chán.
Đến khi ông Thuật cáo lui ra về, cụ đồ lom-khom chống
chiếc gậy trúc đưa chân ra tận ngõ. Cụ còn níu học-trò lại dặn thêm rằng : « Thầy chỉ mong cho trò đạt được một phần tư-tưởng chung của thầy trò ta. Trò nên vì dân vì nước, đừng bắt chước thói thường uổng tài trí của mình mà không lưu lại cho hậu-thế được chút gì cả. Ý thầy thiển nghĩ : chết vinh còn hơn là sống nhục ».
Thuật vái cụ từ biệt ; Cụ trở lại phòng trà, ngậm-ngùi cho thế-sự ít người tri-kỷ.
III
GIÓ bụi tung trời !
Sáu tỉnh trong Nam đã thành nhượng-địa. Người Pháp bắt đầu hoạt-động ráo-riết ngoài Bắc, riêng có ở Trung là quyền chính còn hoàn-toàn trong tay Triều-đình Huế. Nhưng sự thực, người Pháp còn đợi khi nào thấy rõ thái-độ kháng-cự của Triều-đình ta là dùng đến võ-lực.
Còn Triều-đình Huế, mặc dầu đã ký những điều-ước tháng 3 năm 1874, lúc nào cũng nhằm nhằm tìm những phương-kế khôi-phục đất đai đã mất. Những chữ ký với nhau lúc ấy quả là không có một giá-trị và hiệu-lực gì, vì cả hai bên đều thiếu hẳn thiện chí.
Tin Đại-úy Francis Garnier hạ thành Hà-Nội, cụ Nguyễn Tri-Phương tuẫn-tiết đang làm cho Triều-đình Huế phẫn-nộ trước sự thiếu chân-thành của người Pháp. Tiếp đến tin Francis Garnier bị tử trận do toán nghĩa binh mai phục tại Cầu-Giấy chặn đánh bất thình lình.
Bởi những tin tức dồn dập đó, cuộc đàm-phán Việt-Pháp hầu như bị bế-tắc.
Ngoài Bắc, giặc-giã nổi lên tứ tung, kẻ xưng hùng, người xưng bá. Người Pháp tuy đã trả lại quyền-chính cho ta nhưng vẫn đóng quân tại Hà-Nội.
Tiêu-Viên là một tên bộ-hạ tối đắc-lực của Đại-úy Francis Garnier. Khi Đại-úy chiếm đóng thành-đô và lần lượt đánh các tỉnh nhỏ thuộc miền Trung-châu, Tiêu-Viên đã tỏ ra người
được việc và có tín-nhiệm. Các đồn của người Pháp được đặt khắp nơi để giữ gìn an ninh, trật tự. Tiêu-Viên được cử làm chủ đồn Kim-Môn.
Quyền hành tới tay, Viên mở rộng phạm-vi hoạt-động để tỏ tài và lòng trung của mình với chủ.
Đến nay, Đại-úy tuy bị tử trận, Viên vẫn cậy vào súng đạn đày đủ trong tay, tự cho mình là nhất khoảnh. Các đồn ải khác đều rút về Hà-Nội hay vào trong Nam, chính quyền đã trả lại cho các viên-chức Nam-Triều. Riêng có Viên quyết ở lại để mưu đồ ác nghiệp. Y cũng đắp đồn đào lũy, cũng bắt lính, dồn lương. Thế lực mỗi ngày một mạnh. Dân chúng hạt Kim Môn và mấy hạt lân cận oán thán vô cùng vì Viên đã ỷ thế làm nhiều điều bạo ngược. Chẳng những y ngang nhiên chống lại với các cơ-quan thuộc Nam-Triều mà y còn dẫm lên chủ-trương Bình-đẳng, Bác-ái, Tự-do của đội quân viễn chinh Pháp quốc.
Triều-đình Huế không thể làm ngơ trước sự khởi loạn ấy. Vua Tự-Đức khép y vào tội phản quốc, lên án tử hình.
Bản án vắng mặt ấy thi-hành thế nào nổi, khi tội nhân là một cường-đồ có súng ống, có quân đội ?
Các ông chủ tỉnh Hải-Dương bèn cho triệu Bang-Tá Nguyễn-thiện-Thuật và hạ lệnh cho ông đem quân dẹp bắt giặc Tiêu-Viên để thi hành bản án của nhà vua.
*
Gươm giáo lên đường !
Viên tướng trẻ tuổi Nguyễn-thiện-Thuật, đeo thanh gươm
trường làm nổi bật hẳn bộ võ-phục gọn-gàng. Ông ngồi trên con ngựa hồng trông thật là hiên-ngang oai-vệ.
Lệnh xuất quân được truyền ra bằng một hồi loa vang trong yên lặng. Đoàn quân chinh phạt chỉnh-tề trong hàng ngũ tiến thẳng về phía phủ Nam-Sách và đóng lại ở một làng có lũy tre chắc chắn xung quanh. Địa-điểm quân-sự này đóng sát ngay đất Kim-Môn, nơi mà Tiêu-Viên đương hoành-hành dữ-tợn.
Rồi một đêm cảnh vật dưới mầu trăng bàng bạc. Trên đường xuyên dọc các làng đã vắng tanh vắng ngắt. Chỉ còn thưa thớt ở một vài nhà trong xóm, tiếng chầy giã gạo nhịp nhàng. Bỗng thấy qua khúc sông con, chiếc đò nhỏ, lẳng lặng mang đám khách dạ hành bên kia bờ sang. Lần lượt bước lên, không một tiếng xì-xào, đoàn họ năm người đi dưới trăng, gươm sáng long lanh bên sườn. Họ băng băng qua hết làng nọ, xuyên vào làng kia, chỉ để lại đằng sau, tiếng chó sủa nghi-ngờ.
Đồn Kim-Môn bao bọc một hàng rào mắt cáo rất kiên cố, sừng sững trên một khoảng đất rộng. Nhà cửa xung quanh đều bị phá sạch, để đứng trong đồn dễ nhìn ra xa.
Khuya dần, thỉnh thoảng mấy tiếng trống cầm canh buông lắng vào đêm.
Sương xuống nhiều, năm người dạ hành bí-mật tản ra mỗi người một lối, nhưng đều bò sát đất, tiến cả vào tận hàng rào. Và chỉ một thoáng họ lẩn đâu mất cả.
Tiếng trống cầm canh vẫn bình thản. Chỉ thấy ba bóng đen đã lọt vào phía trong hàng rào. Họ đã tụ họp nhau cả
trên vòm cây nhãn lù lù ngay giữa sân trại. Một bóng đen trườn như con rắn lên mãi ngọn cây, nhô đầu ra ngoài lá. Bỗng thấy ở dẫy nhà bên trái có ánh đèn bật sáng, chiếu qua khe cửa ra ngoài. Một lát, cửa ở một phòng từ từ mở. Một tiểu-đội lính của Tiêu-Viên binh phục gọn ghẽ, kẻ súng người dao bước ra. Chúng xếp hàng một dưới ngay gốc nhãn.
Trăng khuya đã khuất sau lũy tre xa tít ; gió tiễn trăng từ xa lại, khua động những chòm cây túp lá. Tiếng sột sạt trên cây nhãn, làm cho bọn lính đứng dưới nhớn-nhác, dán mắt nhìn lên.
Một tên nói : « Có người nấp trên cây ! Khôn hồn xuống đi nào ! »
Một tên khác nói : « Người vào đây để tự tử à ! » - Thì bắn một phát súng lên, có biết ngay.
- Bắn cái gì để nguyên cho anh em người ta ngủ. - Anh nào trèo lên xem !
Mấy bóng đen trên chòm cây lo lắng, nằm dán vào cành cây, nín thở, nhìn xuống không chớp mắt, đề phòng.
May vừa lúc ấy người cai lật-đật bước ra. Hắn chỉnh đốn lại hàng ngũ rồi dẫn toán lính tuần-cảnh ra thẳng lối cổng đồn.
Chúng vừa ra khỏi, thì ba bóng đen cũng thoăn thoắt trên cây trụt xuống. Khi bám sát tường, khi bò sát đất, ba bóng người chẳng khác gì ba con rắn tìm mồi trong đêm tối. Vòng quanh xem xét tình hình phòng-thủ của trại giặc một lượt, ba bóng người lại dò dẫm trở ra phía bờ rào lúc nãy.
Lại thấy xuất hiện đủ năm bóng người ẩn-hiện trong sương lần theo bờ ruộng. Khi đã xa đồn trại, mấy bóng đứng thẳng lên, rảo bước về phía đường mà bọn lính tuần-cảnh vừa hút qua.
Đến một ngã ba đường cách đồn Kim-Môn độ hơn năm trăm thước, bọn dạ hành đứng lại xì-xào. Kiếm rút ra, đường gân tay nổi lên chắc nịch, họ chia nhau tản mát.
Những phút im lặng như tờ ! Cây đa tán với ngã ba đường, đương âm-thầm trong đêm khuya, giữa những tiếng dế kêu rời rạc, thì bọn lính tuần-cảnh đã trở lại.
Lúc ra đi, chúng im lặng và bí-mật bao nhiêu thì lúc về chúng trò chuyện ầm ầm bấy nhiêu. Chúng yên-chí rằng đồn Kim-Môn của chúng, nguyên trong kiêu căng, không ai dám dòm ngó.
Tiếng cười nói đang ha-hả, bỗng từ trên cây đa lao xuống, bốn phía ruộng xung quanh nhẩy lên. Năm bóng người dạ hành vũ lộng năm thanh đoản kiếm làm cho tiểu-đội lính tuần-cảnh của Tiêu-Viên không kịp chống cự chạy tán
loạn. Mấy đứa đầu rơi, bụng thủng toang lăn ra đất. Những tên thoát chết, chạy một mạch về gần tới cửa đồn, liền quay súng nhằm bóng cây đa bắn. Tiếng súng nổ vang xé tan cảnh trời đêm tịch-mịch. Lính trong đồn thấy biến hấp-tấp kéo ra và hùng hổ lùng khắp mọi nơi.
Nhưng, những bóng đen bí-mật đã biến xa rồi ! Họ dong hai tên lính của Tiêu-Viên mà họ đã cố tình bắt sống, đi thực nhanh về phía làng xa. Họ mặc cho cành đa nội cỏ vướng vít những linh hồn quân khốn kiếp và những tiếng súng nổ vu-vơ
hằn-học phía sau lưng.
Sau đêm phái năm bộ-hạ gan dạ mạo-hiểm vào thám thính nội tình đồn Kim-Môn và bắt sống được hai tên lính của đối-phương, ông Bang-Thuật lượm được nhiều tài-liệu cần thiết cho công cuộc phá giặc. Đôi ba phen, ông đã đốc thúc quân lính vây đồn giặc công phá, nhưng kết cục đều phải rút lui vì đạn ở trong bắn ra ngoài rát quá.
Nếu ông ra lệnh cho quân đội đánh tràn vào thì sào-huyệt của Tiên-Viên khó mà đứng vững được. Song ông e rằng trước khi thắng thì những viên đạn văn minh kia sẽ làm cho đội quân đầu-tiên của ông bị hao binh tổn tướng. Ông chủ
trương thắng mà vẫn giữ được toàn lực-lượng.
Không đường đường khai chiến với đối-phương nữa, ông bao vây đồn Kim-Môn bằng cách cho quân đóng lẫn trong dân chúng ở các làng chung quanh. Mục-đích của ông là ngăn ngừa không cho binh lính của giặc ra ngoài quấy nhiễu dân gian. Giặc không làm ăn gì được tất nhiên sẽ lâm vào tình trạng cạn lương-thực.
Hễ một tốp quân nào của Tiêu-Viên lần mò vào các làng mạc là bị mất tích. Lương-thực không khuân về được thành kho ăn mỗi ngày một cạn. Tiêu-Viên căm thù lắm. Hắn bèn họp 15 đồng bọn thân tín để bàn nhau mưu kế đối xử. Sau buổi bàn tán đó, chúng quyết định rằng phải quây một phiên chợ cách đồn độ 5 cây số để giải quyết vấn đề kho cạn. Tiêu
Viên sẽ tự cầm quân đem đại binh đi, nếu gặp quân Thuật thì cũng quyết một trận sống mái. Nếu thuận tiện, bọn Tiêu-Viên sẽ tràn vào các làng bắt cóc một số người giầu có để sau cho
chuộc dần lấy lương-thực.
Kế-hoạch đã sắp sẵn đâu vào đó, chỉ còn chờ tới ngày phiên chợ sẽ đem ra thi hành.
Mặt trời lên cao, một dải nắng vàng tỏa khắp thôn quê. Trên đường các làng, người đi tấp-nập, nào gánh, nào đội kéo nhau lũ lượt về cả phía chợ bên sông.
Phiên chợ hôm nay đông quá ; Người bán, người mua vào ra nhộn-nhịp chẳng khác gì một phiên chợ gần ngày Tết.
Khi ấy, cũng đến thẳng buổi, chợ vừa lúc đông nhất thì bỗng có mấy tiếng súng nổ ngay giữa chợ. Mọi người luống cuống lo sợ, mặt ai nấy tái mét như chàm đổ và chỉ một phút sau ai cũng hiểu là giặc đã vây kín chung quanh chợ rồi !
Binh-lính Tiêu-Viên chia các lối canh gác, còn bao nhiêu ập cả vào chợ, nét mặt hầm-hầm dữ-tợn. Một cuộc vơ-vét diễn ra, làm cho kẻ mua người bán trong chợ như di vỡ tổ, lạy van như cốc dế. Nửa giờ sau, thương hại cho những người trong chợ chỉ còn có hai bàn tay trắng, ngơ-ngác nhìn nhau.
Bỗng nhiên cục diện xoay hẳn lại. Một số đông quân lính của ông Bang-Thuật giả làm người đi chợ, kẻ dao, người súng không biết họ vừa mới lấy ở đâu ra, bất thình lình đánh úp tràn vào binh lính của Tiêu-Viên.
Cuộc xung sát và vật lộn vô cùng kinh khủng ! Những người dân đi chợ, cả đàn bà, đang xót xa mất của thấy thế cũng lăn sả vào trợ chiến. Tiêu-Viên cùng lũ bộ-hạ thân tín đóng ngoài ngõ chợ thấy biến, chĩa súng bắn bừa vào trong chợ. Chúng hò hét toan xông vào thì bị ngay làn sóng người
căm giận đang tràn ra như nước lũ ngăn lại. Đạn luôn luôn tự phía bọn Tiêu-Viên bay ra. Mười người lính trong đội quân ông Thuật và một số thường dân vừa vì trúng đạn gục xuống thì tự đám đông người hiện ra những thanh kiếm được sử dụng một cách vô cùng linh động. Những thanh kiếm rẽ hẳn một đường máu trong đám quân giặc và loang loáng bao vây lấy Tiêu-Viên. Bọn giặc cũng rút kiếm ra đối địch. Cuộc giáp kiếm chưa đầy 5 phút thì Tiêu-Viên cùng lũ đồng-bọn thân tín của y đều toang đầu vỡ mặt chết và bị thương gục cả xuống.
Thế là giặc Tiêu-Viên, quân cướp chợ tan. Dân chúng hoan hỉ được trả lại của cải.
Đoàn quân chinh phạt của ông Bang-Thuật toàn thắng, kéo thẳng vào đồn Kim-Môn sau khi đã bêu cao đầu tên phản quốc ở ngã ba đường.
*
Vì có công trừ được giặc Tiêu-Viên, ông Bang-Thuật được thưởng Quận-công Bội-tinh và thăng chức Tri-phủ.
Giữ chức Tri-phủ Từ-Sơn, ông Nguyễn-thiện-Thuật đem hết tài trí ra che chở cho dân được yên-ổn làm ăn. Ông thực là một ông quan thanh-liêm, công-minh và có tài cai-trị.
Những việc kiện cáo dù rắc rối tới đâu, những vụ án mạng dù bí-mật tới đâu, ông cũng kiên tâm đem hết tài trí ra khám xét và phân xử rất công-minh. Ông lại thẳng tay trừng trị những cường-hào ỷ quyền thế đè nén dân đen. Bởi thế dân chúng hạt Từ-Sơn được hưởng ân đức ông nhiều lắm.
Công việc cứu giúp dân vẫn còn được ghi mãi tới giờ
trong lòng những người của hạt Từ-Sơn. Nhất là, người ta không thể nào quên được việc trừ khử tên đại cường-hào trong Phủ, khi mà ông mới về nhậm chức chưa đầy một năm.
Biết trong phủ có hạng người thường quấy nhiễu dân tình ; chúng làm nhiều điều bậy bạ, ông phủ Thuật cùng mấy bộ-hạ thân tín giả làm người đi buôn về các thôn quê xem xét.
Trong hạt có tên cựu chánh-tổng vào bậc đại phú. Y cậy thế giầu sang, vả lại, ỷ thế giao thiệp với các quan trên nên hà-hiếp dân quá lắm. Tên cường-hào nay nghiễm nhiên hoành hành tự coi mình như ông chúa-tể trong một vùng không còn kiêng nể gì ai. Sức lực của đám dân cầy khỏe mạnh đã tạo nên cho y những cánh ruộng thẳng cánh cò bay. Những mồ-hôi nước mắt mọi người đã góp lại trong kho tàng nhà y : nào thóc gạo, lụa là, vàng bạc, châu báu, thôi thì chẳng còn thiếu thức gì là không có.
Dân cực lắm, nhưng hễ tỏ ý chống lại y là lôi thôi to ngay, thành ai cũng chỉ đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Tai hại và đau khổ nhất cho những gia-đình có con gái đẹp. Bất cứ con gái hay đàn bà, tên cường-hào đó đã cho là sành sạch mắt thì lập tức ở giữa sân nhà mỹ-nhân ấy có cái gậy cắm để làm hiệu. Khi thấy có cái gậy báo của tên gian ác ấy thì ngay đêm đó, bố mẹ, anh, em, chồng, con bồng bế, dắt díu nhau đi một nơi khác, chỉ để riêng người đẹp ở lại mà thôi. Tên cường-hào gian ác kia sẽ tới và ngang nhiên qua một đêm thỏa lòng dục vọng.
Ai muốn yên thì phải theo đúng sở thích của y, nếu trái
thì tai-vạ tầy đình xẩy đến ngay.
Dân chúng căm ghét y lắm, thật là thâm-thù, nhưng tuyệt không có ai dám nho nhoe. Biết bao nhiêu gia-đình đau khổ ngấm ngầm. Biết bao nhiêu thiếu-nữ, thiếu-phụ đã gầy mòn vì tủi nhục, tự vẫn vì uất ức.
Một hôm về dịp đầu xuân, ông Phủ Thuật cùng bọn lính cơ đi về các làng mạc để xem dân tình sinh sống ra sao.
Qua một làng nọ đang vào đám, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất, ông Phủ Thuật hỏi một người dân vừa gặp thì người ấy trả lời : « Bẩm Cụ, làng chúng con cứ vào xuân-tiết là làm lễ tế thần và rước cụ Chánh-cựu ra để dân làng tế chúc thọ một thể ».
Ông Phủ chưa kịp hỏi thêm thì người lý-trưởng sở tại và mấy người huynh-dịch trong làng nhìn thấy vội vàng chạy ra đón mời vào đình.
Ông Phủ Thuật thấy bên cạnh bàn thờ thần kê một cái sập sơn son thếp vàng, có quây chiếc màn hồng điều. Mở màn ra xem, ông thấy một người trạc độ 50 tuổi, mặc quần áo đỏ, đầu chít khăn nhiễu cũng mầu đỏ. Người đó chắp tay cúi chào ông Phủ, nhưng vẫn ngồi nguyên giữa sập như một vị thần sống.
Ông Phủ Thuật giận lắm quay ra, vì ông đã biết rõ tên cường hào này lắm rồi. Ông truyền bảo lý-trưởng và tất cả kỳ-lý có mặt ở đấy phải theo ông về phủ-đường có việc công thượng khẩn.
Khi đã biết rõ ràng đầu đuôi những hành động gian ác
của tên đại cường hào ấy, ông Phủ Thuật, một mặt tư lên cấp trên, một mặt ông bắt huynh-dịch và dân đinh ký giấy đầu đơn kiện y.
Xếp đặt công việc đâu vào đấy, ông lập tức đem lính tới vây nhà tên cường-hào đó. Bắt được y, ông hạ lệnh chém đầu ngay. Các kho tàng của cải đều ghi hết vào biên-bản và niêm-phong cả lại.
Tên cường-hào đã bị ghép vào tội dồn lương tích cốc ngấm ngầm mưu phản. Thế là cả một kiếp ngang tàng hống hách, cả một cơ nghiệp lớn lao, bỗng chốc bị tan như mây khói.
Được ít lâu về sau, khi tội chết của tên cường-hào đã được công khai tuyên-bố, ông Phủ Thuật bèn đem chia các của cải thu cho những người đã bị y hà-hiếp vơ-vét trước kia. Một số ruộng đất cũng được giao lại cho những người xưa kia bị ức bán.
Cả hạt Từ-Sơn trút được những nỗi lo âu sợ hãi. Từ đó, không còn tên nào dám giở trò hà hiếp dân gian. Trộm cướp cũng không xẩy ra nữa. Nhân dân được yên-ổn làm ăn.
Tiếng tăm công-minh và mẫn-cán của ông Phủ Thuật lừng lẫy trong khắp miền xuôi xứ Bắc.
*
Năm 1881, ông từ giã Phủ Từ-Sơn trong sự lưu-luyến chân-thành của lòng người trong hạt. Ông nhận chức Tán Tương-Quân-Vụ theo Nguyên-Soái Hoàng-kế-Viêm đi dẹp giặc khách đang quấy rối suốt từ Bắc-Giang lên tới Sơn-La.
Vẫn mang trong lòng một chí lớn, ông Tán-Thuật không bỏ lỡ một nhịp nào mà không bành-trướng thế-lực của mình.
Trong thời gian dẹp giặc, những công việc chính của ông là tỏ chí cả của mình để thu hút nhân tài và gây thêm vây cánh. Bởi thế, bọn giặc khách chỉ vì mến tài, phục đức ông mà về hàng rất nhiều. Công việc dẹp loạn không phải khó nhọc mấy.
Sau khi đã dẹp yên giặc-giã ở hai vùng Bắc-Giang, Sơn La rồi, ông được phong chức Chánh-Sứ coi 16 Châu thuộc hai tỉnh Sơn-Tây và Hưng-Hóa.
Phụng Sắc-chỉ Vua Tự-Đức, ông Chánh-Sứ, gắng công đôn-đốc khai khẩn ruộng đất giữa hai tỉnh Hòa-Bình và Sơn La. Chẳng mấy chốc mà quốc-gia đã có thêm những cánh đồng bát ngát. Công vụ này, ông đã thành công và mang lại cho nước nhà một nguồn lợi lớn lao và vô tận.
Xét công trạng ông đã nhiều, tài đức ông đã tỏ rõ, Vua Tự-Đức phong ông giữ chức Tổng-đốc Hải-Yên (Tổng-đốc coi ba tỉnh Hải-Dương, Hải-Phòng, Quảng-Yên), kiêm chức phó nguyên-soái đạo quân Đông-Bắc.
IV
TRỐNG tan hầu, buông từng tiếng một, rồi thu hồi để chấm dứt một ngày nhộn nhịp của công-môn.
Ông Chánh nhẩy tót lên mình ngựa, oai-vệ giữa hai tên người nhà điếu tráp chạy gằn theo.
Thầy Lý vội vàng ra quán trọ để gặp những nhân sự còn đợi chung quanh mâm rượu đặt trên giường.
Những người dân có việc trước tụng-đình, anh hí-hởn, anh thẹn-thùng đi tản mát ra khắp các ngả đường.
Cánh cổng dinh Tổng-đốc Hải-Yên bằng những tấm lim dầy từ từ đóng lại. Dinh-thự nguy-nga ấy sau một ngày hoạt động, giờ như mệt mỏi nặng-nề đi vào đêm tối.
Trăng lên, gió mát, mang theo mùi thơm lúa chín. Cảnh vật đương lắng chìm vào yên lặng của một đêm hè. Tiếng dế rên rỉ như những oan hồn vọng từ đáy lòng quả đất hòa với tiếng « Quốc » đổ hồi như chiêu hồn nước đang siêu bạt trong thời chinh chiến. Tiếng động ban đêm đã gợi trong lòng nhiều người bao nỗi quan-hoài khó ngủ.
Hai cánh cổng lim vừa được đóng lại lúc ban chiều, giờ lại sịch mở rộng. Ông Tổng-đốc Nguyễn-thiện-Thuật cùng hai em là Hai-Kế và Lãnh-Giang cưỡi ba con ngựa tiến ra ngoài. Tiếng chân ngựa gõ đều qua dẫy phố vắng, rồi biến vào sương đêm.
Đằng sau, tiếng trống cầm canh văng vẳng.
Tới một làng cách tỉnh-lỵ không xa mấy, ba ông cho ngựa
đi thong thả rẽ vào trong xóm.
Ông Tổng-Kinh, chủ-nhân chiếc trại hẻo lánh này đã đứng chờ sẵn ở ngõ. Ba anh em ông Thuật xuống ngựa, giao cho mấy tên người nhà ông Tổng-Kinh đứng đó. Sau khi hai bên thi lễ rồi, ba ông theo chủ-nhân đi qua sân vào thẳng nhà chính.
Chiếc nhà này năm gian, lợp ngói, cột, xà tuyền bằng gỗ gụ nhẵn bóng. Kiến trúc thô sơ tỏ ra nó đã được dựng lên từ lâu đời.
Đến hai mươi người trong đó, ai cũng khăn áo chỉnh-tề, đang trò chuyện. Thấy ba người vào, mọi người đều đứng lên vái chào và một phút yên-lặng chiếm cả năm gian nhà.
Muốn làm tan cái không-khí yên-lặng của mấy gian nhà cổ, ông Thuật vui vẻ nói : « Chư Tiên-sinh khỏe mạnh cả chứ. Nước non đang chờ mong ở sức khỏe của chúng ta nhiều lắm ».
Mọi người lại vui vẻ, ngồi xung quanh chiếc điếu khảm và bộ trà quần ẩm. Những câu chuyện dở được trở lại. Hơi nước thơm như hòa cùng sĩ-khí bao phủ lấy mọi người.
Mấy đĩa đèn dầu nam thiếu ánh sáng cũng đủ soi rõ nét mắt cương-quyết của nhóm người yêu nước…
Ông Tổng-Kinh, sau khi khêu bấc đèn cho cháy thêm sáng, chắp tay trịnh-trọng nói : « Xin thỉnh Nguyễn Đại-nhân cùng chư vị xuống nhà ngang vì đã tới giờ ».
Mọi người bỏ dở những câu chuyện đang nói, vội đứng dậy lần lượt theo sau chủ-nhân bước ra.
Ở nhà ngang đã được kê một chiếc bàn dài, ghế dựa đặt liền xung quanh. Mặt bàn phủ tấm thảm mầu xanh biếc. Một cái lư-hương nhỏ được kính cẩn đặt ở giữa bàn có khói trầm thơm phơn phớt bay lên. Gió nhẹ của đêm khuya mang vào trong nhà thơm mát của những bông lan « Bạch-ngọc » ngoài hiên.
Khi mọi người đã yên tọa trong phòng họp rồi, không-khí của nhà ngang như đượm một vẻ oai linh kỳ lạ.
Ai cũng đều có một cảm giác giống nhau là mình đang có trên vai một trách-nhiệm thiêng liêng và… vô cùng quan trọng.
Những câu khảng-khái, những lời tiết-tháo, những cử-chỉ anh-hùng, những tâm-hồn trung-liệt, đều là những tính-chất của cuộc hội-nghị này.
Có những phút bàn luận sôi nổi, tưởng như mọi người đang xông-pha giữa trận tiền.
Có những phút yên-lặng, mọi người say sưa nhìn xa xa trong tưởng-tượng những luồng kiếm sáng tung-hoành.
Nét mặt ai cũng tỏ vẻ quyết-liệt, họ đã ở trên đôi môi dấy một nụ cười tin-tưởng ở ngày mai, một ngày huy-hoàng của Dân-tộc.
Đêm đã gần tàn !
Ông Tổng-đốc Nguyễn-thiện-Thuật bế mạc cuộc nghĩa lại bằng những lời tâm-huyết biểu dương một tinh thần oanh liệt : « Nước còn hay mất là trông vào khí của quốc-gia còn hay mất. Nước mất mà biết nhục, ấy là nước vẫn còn. Chư
Tiên-sinh đây đã quyết tâm vì nghĩa lớn, hãy nỗ lực đem tài kinh-luân hoạt-động cho kỳ thành công. Quên mình vì Dân tộc, đó là nghiệp báu của các bậc anh-hùng tức là của cuộc hội-nghị đêm nay vậy. Chúc chư vị Tiên-sinh thành công ».
Mắt mọi người đều sáng ngời trong tin-tưởng và lúc này mùi trầm thơm đã thẩm thấu vào tận những tâm hồn thanh khiết của những bậc đã quyết chí đem thân hẹn cùng tiền đồ dân-tộc.
V
NĂM 1882 Đại-tá hải-quân Pháp Henri-Rivière tự nhiên đem quân ra Bắc. Hành-động đó làm cho cụ Tổng-đốc Hoàng-Diệu lo ngại và nghi kỵ rất nhiều ở người Pháp. Cuộc hội-kiến giữa ông Tuần-phủ Hoàng-hữu-Xứng và Đại-tá đã nẩy ra nhiều ý-kiến bất đồng. Bởi thế nạn binh đao đã tới thời-kỳ khó mà tránh được.
Thăng-Long như chìm trong thảm-đạm !
Sức phòng-thủ mỏng manh của đoàn người yêu nước tuy đổ dồn cả vào việc giữ thành, cứu nước đấy, nhưng người Pháp sẽ gây hấn, thành sẽ mất là điều mà các nhà cầm quyền Việt-Nam ở xứ Bắc không còn nghi-ngờ gì nữa.
Quả nhiên, 5 giờ sáng ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1882), bức tối-hậu-thư của Đại-tá Henri-Rivière gửi cho cụ Tổng-đốc Hoàng-Diệu hạn đến 8 giờ ngày hôm đó, quân đội Việt-Nam phải giải giáp và các võ-quan phải có mặt đông đủ tại Đồn-thủy đợi lệnh.
Thăng-Long âm-thầm đợi giờ thay chủ !
Đúng 8 giờ sáng, giữa lúc Đại-diện chính-quyền Việt-Nam đang xuống thành để ra thương-thuyết, thì quân Pháp nã súng, bắn phá thành.
Mười một giờ thành đổ !
Các quan văn võ bỏ chạy tán loạn, chỉ còn để lại trên cành cây, xác cụ Hoàng-Diệu lủng lẳng ẩn hiện trong khói đạn mịt mù !
Không trọn trọng-trách với Quốc-gia, cụ Hoàng chẳng thể mở mắt nhìn nước mất thành tan. Cụ đã chết trong khói đạn bằng chiếc thừng. Cái chết nghĩa khí này đã thổi một nguồn sinh lực trong khắp quốc dân và là một cái chết không bao giờ chết.
Hạ xong thành Hà-Nội, Đại-tá Henri-Rivière đem quân chiếm các tỉnh : Hưng-Yên, Thái-Bình, Nam-Định, v.v… Trong khi ấy, cụ Tiết-chế Hoàng-kế-Viêm và Phó-soái Nguyễn quang-Bích sai tướng Lưu-vĩnh-Phúc đem quân về đóng ở phủ Hoài-Đức. Toán quân này uy hiếp Hà-Nội rất hăng ; Quân Đại-úy Berthe Villers phải cố sức cầm cự trong thế-thủ.
Được tin Hà-Nội đang bị quân Việt-Nam phản công từ ngoài đánh vào, Đại-tá Henri-Rivière vội rút quân từ Nam Định về.
Hai toán quân của Đại-tá và của Đại-úy hợp lực chia đường đánh vào phủ Hoài. Đại quân vừa kéo tới Cầu-Giấy thì bị phục binh Việt-Nam bắn bất thình-lình như mưa.
Vì bất ngờ nên Đại-tá Henri-Rivière bị trúng liền mấy viên đạn tử trận ; Đại-úy Berthe Villers cũng bị thương nặng và quân đội bị thiệt hại khá nhiều. Vì thế, các tướng-tá dưới quyền Đại-úy và Đại-tá, đứng trước thế kháng chiến cực hăng của đối-phương không dám tiến nữa, đành phải rút cả quân về thành.
Trận đại thắng do Tướng Lưu-vĩnh-Phúc chỉ huy này là một áp lực mạnh mẽ khiến cho lòng người tin tưởng vào công cuộc chống Pháp.
Rất nhiều người của tứ phương đã đứng ra mộ lính dồn
lương, chỉ những mong để lại trong lòng dân tộc bốn chữ anh-hùng hào-kiệt.
Thời đã đến, ông Nguyễn-thiện-Thuật vẫn mang bao hoài-bão trong lòng, không thể ngồi yên được nữa. Chí của ông là vì dân vì nước, ông cũng như bao nhiêu nghĩa-sĩ thời bấy giờ, không thể không quan tâm đến cảnh quốc phá gia vong ! Cánh chim bằng quyết vỗ mạnh bay cao !
Một buổi sáng mùa hè, hai ông Kế và Giang hộ-vệ bao nhiêu gia đình đi về phía Đông-Triều.
Ra khỏi cổng dinh, ông Tổng-đốc Nguyễn-thiện-Thuật còn ngoảnh lại, đôi mắt thường sáng trong mà lúc này đục lệ. Ông ngậm ngùi đau xót vì chỉ ngày mai hay mấy hôm nữa là cùng : dinh-thự uy-nghi kia sẽ là nơi ngụ của người khác ; Dân chúng hiền lành mà ông chăn dắt bấy lâu nay sẽ quằn quại trong tay người.
Đoàn người ngựa vừa đi vừa nghỉ cả một ngày trời. Đêm đến họ vẫn còn lê gót trên đường trường và lẫn vào bóng tối của rừng sâu.
Ít ngày sau, các nho-sỹ và thân-hào đã cùng ông Thuật mưu lo việc lớn cũng dần dần kéo cả về Đông-Triều. Người nào cũng mang theo một số trai tráng và quân-nhu.
Bọn giặc khách xưa kia đầu hàng ông, vẫn đóng quanh vùng này để bành-trướng thế-lực. Ông bèn hợp tất cả lại thành một đội quân hơn 500 người. Ông cùng tướng-tá không quản khó nhọc để hết tâm trí trưởng thành quân đội.
Đằng đẵng ngót một năm trời, toán quân của ông đã
thông hiểu chiến-pháp và đã có một tinh-thần chiến đấu. Ai nấy nức lòng quyết tâm vì Dân-tộc.
Thấy quân đội đã trưởng thành một cách khả quan, ông Thuật bèn, một mặt phái các nho-sĩ đi khắp mọi vùng để gây một phong-trào phục quốc trong nhân dân, một mặt họp các tướng-tá để định ngày khởi sự.
*
Đêm ngày 12 tháng 11 năm 1883, một đêm của mùa đông giá lạnh.
Ở mấy làng thuộc phủ Nam-Sách, tự nhiên xuất hiện một toán quân cũng khá đông.
Toán quân này đi đêm rất tài tình. Trời tối đen như mực mà họ vẫn dò dẫm đi về phía tỉnh lỵ Hải-Dương. Mặc gió mưa lạnh buốt thấu xương, toán quân dạ-hành vẫn ngậm tăm qua hết làng này sang làng khác và vẫn giữ được yên giấc ngủ làng quê.
Tiếng trống cầm canh khoan mau từ trong thành vang vào đêm khuya, bình thản. Toán quân ấy đã bố trí quanh thành mà trong ngoài vẫn yên-lặng như tờ.
Chỉ còn đợi đội quân cảm tử tìm lối đột nhập vào trong là bốn phía sẽ nổ súng ập vào cướp thành.
Mọi người hồi-hộp ! Cảnh máu đổ, đầu rơi chỉ còn giây phút sẽ diễn ra !
Bỗng ở vòng ngoài, một loạt súng nổ dữ-dội ! Té ra là toán quân Tán-Thuật chiến phía hậu vừa chạm trán với đội quân Pháp đi tuần, trở về.
Hai bên chẳng rõ quân số nhau nhiều ít thế nào, thấy động là nổ súng bắn tràn. Những tiếng súng, đột ngột làm cho đội quân vây-thành hoảng-hốt chẳng hiểu đầu đuôi ra sao ? Từ trong thành tiếng kèn báo-động nổi lên : binh lính choàng dậy, hốt ha hốt hoảng dưới sự điều khiển của viên Thiếu-úy người Pháp.
Bên ngoài, ông Tán-Thuật ra lệnh cho quân lính nổ súng đánh thành. Nhưng quân đội Pháp bên trong cũng vừa kịp bố-trí phòng giữ. Lại có bọn lính khố-xanh, lính-cơ trung thành, nên các binh sĩ Pháp vẫn gan dạ giữ vững vị-trí mình. Mưa đạn vẫn từ ngoài tới-tấp bay vào ; súng trong cũng vẫn chưa hề nao-núng.
Toán lính ngoài của Tán-Thuật do Hai-Kế chỉ huy đang săn đuổi toán quân tuần-cảnh ráo riết. Những cảnh vật lộn, đâm chém kinh khủng rải rác khắp mấy xóm lân cận. Ở đây súng không nổ nữa, chỉ có tiếng chân chạy huỳnh-huỵch và tiếng sang sảng của giáo mác.
Thành Hải-Dương dần dần lâm vào thế nguy ! Đối phương càng thấy tấn công dữ-dội. Đạn từ ngoài bắn vào hết loạt này đến loạt khác. Bao nhiêu đồng đội đã bị trúng thương đang dẫy dụa trong vũng máu, nhưng quân Pháp vẫn can đảm cầm cự quyết ngăn không cho quân Thuật tràn vào.
Đội cảm-tử quân Tán-Thuật mấy lần toan vượt tường vào thành nhưng đều bị trúng đạn của đối-phương, không thể nào lọt qua được.
Trời gần sáng, quân ông Thuật hăng máu lắm rồi, họ hò hét ầm ầm xông vào sát cửa thành đánh phá.
Cổng thành sập đổ đến nơi ! Tuy một số nghĩa-binh đã quỵ, mà sức công phá của họ càng khủng khiếp. Thành trì Hải-Dương chỉ còn đợi giờ phút là lọt vào tay họ. Quân đội Pháp núng thế nhiều, đạn bắn ra thấy rời rạc.
Cũng vừa lúc ấy, toán quân Tán-Thuật tự nhiên cũng ngừng không công phá nữa. Họ bắn thưa thớt và rút lui dần ra xa. Phút chốc họ đã biến cả vào trong các làng mạc đang ủ-rũ dưới mưa bay.
Nửa giờ sau, trời sáng rõ ; quân Pháp từ Bắc-Ninh kéo tới nơi tiếp viện.
Tiếng súng của đội quân chưa mệt mỏi, nổ vang trời, nhưng đối-phương không thấy có một tiếng súng trả lời.
Họ đã rút đi hết, chỉ để lại một chiếc thành tơi-bời sau một đêm khói lửa, và suốt mấy ngày sặc mùi tử khí hôi tanh.
VI
CÁC tỉnh về hạ-lưu sông Hồng-hà thường hay bị nạn lụt. Hàng năm cứ đến mùa nguồn đổ về nhiều là hết mọi người lo âu.
Họ khiếp lắm ! Vì họ nhỏ nhiều mồ-hôi xây dựng và cũng đã khóc nhiều phen trước cảnh hung-tàn của nước cuồn cuộn tự sông cái tràn vào.
Cái cảnh đê vỡ thì thực không còn cảnh nào thảm-khốc cho bằng. Quân giặc giết người còn chán tay, vơ-vét của cải nhiều lắm, rồi cũng có lúc không cần nữa, nhưng ngọn nước hung hãn kia, khi mà đã phá được thành đê, tràn vào thì : Ôi thôi ! Tất cả đều bị cuốn theo và tan nát !
Có những cây to mà người ta trèo lên lánh nạn tưởng là chắc chắn nhất, nhưng nước chẩy xiết mạnh, cây cối rung chào-chào như đang bị vùi dập trong cơn phong vũ. Thế rồi người cũng cứ dần dần rụng xuống khác chi những quả chín lìa cành, thực là bi-thảm.
Bốn phía mênh mông. Đồng áng, cỏ cây, súc vật đều sạch sành sanh cả. Cát phù-sa và đá sỏi bị làn nước đưa vào làng mạc và các cánh đồng, làm lấp bờ, lấp ngõ, nghẽn đường.
Vì thế, sau trận lụt, những người còn sống sót của vùng không may đó, đều lâm vào đói khổ. Chẳng biết tới bao giờ, họ mới dựng được tí cửa tí nhà, cấy được sào khoai, sào lúa.
Bãi-Sậy là cái dấu vết của một trận lụt kinh khủng do khúc đê Văn-Giang thuộc tỉnh Hưng-Yên bị vỡ. Dân cư của
bao nhiêu làng qua cơn thủy-lạo này mất hết tài sản, chẳng còn lấy một mảy may gì để sinh sống. Nước rút ra rồi, nhưng phù-sa đã phủ khắp mặt đất.
Với những bắp tay gân guốc, những người dân bị nạn đó rất có thể gây dựng lại cơ đồ. Nhưng khổ cho họ, bữa ăn cần thiết cho ngày đầu tiên khi trở về, cũng chẳng còn biết đào đâu ra nữa. Như thế hỏi họ còn giở giói được việc gì ?
Họ đành bất lực bỏ làng ra đi, mặc cho lau sậy mọc đầy. Chẳng bao lâu mà cả một vùng bị lụt giáp đê Văn-Giang đã biến thành Bãi-Sậy rậm rạp và họa hoằn mới có một vài bóng người đi lại.
Dân bị lụt lang thang không nhà cửa, không sinh kế. Lại gặp phải thời buổi nhiễu-nhương, giặc-giã tứ tung, chỉ còn một đường là theo các hảo-hán đang xưng hùng xưng bá khắp nơi, miễn sao nuôi nổi được thân mình.
Nhằm vào cái kết quả tàn khốc này, ông Đồng-Quế người xã Thọ-Bình đã thu thập một số trai-tráng nạn nhân của thủy-lạo, lập thành một đội quân. Lúc khởi thủy, ông thường đem quân đi các vùng xa cướp của nhà giầu để nuôi quân và tích trữ lương thực. Thế lực sau dần dần mạnh, Đồng-Quế ngang nhiên chống với người Pháp dù rằng Triều-đình Huế đã công-nhận sự Bảo-hộ của chính-phủ Pháp.
Mưu đồ nghiệp lớn, tất nhiên phải có một căn-cứ quân-sự để thủ hiểm. Ý định của Đồng-Quế là đóng quân ngay ở đồng bằng để chống với quân Pháp vì ở các miền thượng-du đã có rất nhiều thủ-lĩnh cũng đang tích-cực hoạt-động rồi.
Bãi-Sậy là nơi ông lựa chọn và kiến-thiết rất công phu ;
nó đã biến thành một sào-huyệt vô cùng bí-mật.
Từ đấy chiến-khu Bãi-Sậy được ghi vào trang lịch-sử tranh-đấu của dân-tộc Việt-Nam. Nó là một khu đất danh-dự của tỉnh Hưng-Yên và lại là một kỳ công của dòng sông Nhị.
Sau ít lâu im hơi lặng tiếng, đảng Đồng-Quế chỉ nghĩ đến sự bành-trướng thế-lực và tổ-chức sào-huyệt cho thật chu đáo. Các đảng-viên cũng như các binh lính tốn bao công sức để hoàn thành chiến-lũy này.
Nhìn xa, người ta chỉ thấy bát ngát một rừng sậy mọc um-tùm và có lẽ là người ta chỉ mường tượng thấy những túp lều tre dựng rải rác trong đám sậy dầy là nơi ra vào của đảng Đồng-Quế.
Họ đã nhầm ! Không phải chỉ có thế mà thôi đâu ! Nếu họ được một đảng-viên của đảng Đồng-Quế cho theo thì họ sẽ được do một lối đường hầm đi xuống. Sau khi qua những đường ngách ngang dọc tối om, tất họ phải ngạc nhiên trước một tổ-chức dương-gian dưới âm-ty.
Công cuộc kiến-tạo chiến-lũy này thật là vô cùng vĩ-đại ! Đường hầm như mắc cửi mà cửa hầm thì thực là vô cùng bí mật. Không một ai có thể vào lọt trong Bãi-Sậy, vì chỉ có người của đảng Đồng-Quế mới rõ dấu hiệu mà tìm lối xuống hầm. Ngoài ra, còn ai dám bén mảng đến nơi nguy-hiểm này !
Ở ngay Bãi-Sậy đã chi-chít cạm bẫy ; người lạ lần mò vào thì đừng hòng mà ra nữa ! Nói đến dưới hầm, những gốc cây sậy kia thì thực là nói tất cả nguy-hiểm và bí-mật.
Người đảng Đồng-Quế quen thuộc với đêm tối. Bởi thế nên họ đi lại hay ăn ở dưới hầm như thường. Chỉ một chút ánh sáng của dĩa đèn dầu nam cũng làm cho họ nhận rõ sự vật xung quanh. Chỗ này kho lương, chỗ kia phòng họp, nơi quân đóng, nơi ăn ngủ, chốn ẩn nấp, đâu ra đấy, chẳng khác gì một tổ chức thành-trì trên mặt đất vậy.
Trong lòng Bãi-Sậy cũng như dưới hầm, chỗ nào cũng hình như chực nuốt sống ăn tươi những người muốn thám hiểm cơ-quan của đảng Đồng-Quế.
Những phút đắc chí, trong công trình kiến tạo của mình, đảng Đồng-Quế tự coi như một đoàn thể Diêm-Vương, khinh thường tất cả cái gì không thuộc vào phạm-vi Bãi-Sậy.
*
Bãi-Sậy ban ngày im lìm với nắng mưa, gió, bụi, ít khi thấy bóng người. Cứ tối đến một lúc những bóng người tự các cửa hầm bí-mật nhô lên hết toán này đến toán khác. Họ đi đánh đồn này, phá lũy nọ, gây nên không biết bao nhiêu là chuyện kinh thiên động địa.
Đại-bản-doanh đóng ở trung-tâm Bãi-Sậy. Tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, nhưng hết thẩy tiếng động đều biến mất tăm vào cái cảnh hoang-vu của lau sậy, không hề lọt ra ngoài lấy một tiếng ngân nhè nhẹ.
Đối-phương của đảng Đồng-Quế cứ nghe thấy tiếng Bãi Sậy là hú vía. Vì đã rất nhiều lần, từng toán quân vừa Pháp vừa Nam tiến vào nơi sào-huyệt đó, nhưng chưa có một lần nào có lấy một người ra thoát.
Bãi-Sậy đã bí-mật, càng ngày lại càng bí-mật !
Nhưng nếu cứ lờ đi, thì đảng Đồng-Quế càng phát triển và càng hoành-hành dữ-tợn. Để lâu, e thế-lực đảng này lan rộng ra thì khó mà dẹp được. Đại-úy Donnier nhận mật lệnh từ Hà-Nội, quyết mở một trận lớn tổng công phá sào-huyệt của đảng Đồng-Quế.
Đại-úy hành quân từ Hải-Dương xuống, bài-binh bố-trận theo như chiến-thuật đã định, bao vây Bãi-Sậy.
Không thấy một bóng đối-phương nào ! Đạn chỉ bí-mật từ trong sậy bay vèo ra, thưa thớt thôi, nhưng chẳng viên nào là viên không trúng đích.
Quân Pháp cũng như quân Nam, không ai dám cả gan xông vào, chỉ đứng ngoài nã từng loạt súng không đâu vào những đám sậy hoang rậm-rạp.
Đánh mãi, chỉ thấy phí đạn, mệt quân, không ăn thua gì, Đại-úy Donnier đành phải rút quân đi.
Cũng từ đấy, người Pháp đặc-biệt chú-ý đến Bãi-Sậy nên luôn luôn đem quân tới đánh.
Trong thời-kỳ giằng co của quân-đội đôi bên thì nhân dân tỉnh Hưng-Yên lâm vào tình cảnh vô cùng điêu đứng. Có nhiều lần nhà binh Pháp bắt những trai tráng vùng xung quanh Bãi-Sậy, tra khảo để hỏi lối ra vào. Nhưng nào ai có thể biết được ! Ví dù có biết, cũng không ai dám hé nửa lời. Bởi vì cứ một ai tò-mò hay bép-xép những câu có thể tiết-lộ một phần bí-mật của Bãi-Sậy là lập tức bị quân Đồng-Quế trừng phạt một cách kinh khủng ngay. Có một lần, dân đinh
bị xung phong dẫn đường cho quân Pháp tiến vào Bãi-Sậy. Rẽ đám sậy dầy chi-chít âm-u, họ đều chung một cảm-tưởng là dấn thân vào chỗ chết ! Đạn bên ngoài vẫn hằn học như dội vào những cây sậy âm thầm mà bên trong vẫn im lìm… Những người dân sợ quân Pháp đằng sau, khiếp quân Bãi
Sậy đằng trước, họ như những cái xác không hồn, thất thều bước bừa vào và… thỉnh thoảng lại một người bị gục xuống vì một viên đạn vô tình. Vào sâu một quãng độ hai trăm thước, toán lính đi sau bỗng sửng-sốt, họ ngạc nhiên vì lũ người đằng trước chẳng thấy đâu nữa ! Chẳng biết trong lòng những cạm bẫy của Bãi-Sậy, chúng còn sống hay đã chết cả rồi !
Những viên đạn ác-nghiệt lại thấy bắn nhiều hơn tước, cứ bí-mật bay ra và nguy-hiểm khôn lường được !
Quân lính Pháp – Nam mất hết cả tinh-thần chiến đấu. Bộ chỉ huy phải cho lệnh rút lui.
Bãi-Sậy lại nghênh ngang nổi bật lên giữa cảnh đồng rộng sông dài.
Sáng hôm sau, mặt trời lên đã cao, người ta thấy một chiếc cột làm bằng một bó nứa chẻ đôi buộc bụng ra ngoài chôn ngay ở ngã ba đường, nơi nhiều người qua lại.
Toán lính Bãi-Sậy trói chân tay một người đàn ông vào cột nứa đó mà họ bảo là người đã chỉ đường cho người Pháp đánh Bãi-Sậy. Một cái thừng buộc vào người tội nhân mắc lên cái còng ở trên đầu cột.
Thế rồi tiếng kêu van não-nuột rú lên, khi cái thừng được kéo lên thả xuống. Cứ thế cho tới khi nứa sắc xé rách tay,
rách mặt, rách đùi, rách bụng tội nhân. Y đã chết dần trong sự khiếp sợ của những người qua lại.
Khi mà tội nhân đã chết rồi, bọn lính thi hành án vùi chôn xác bên đường rồi kéo đi. Chiếc cột với nấm mồ mới rơi vào cảnh tịch-mịch của ngã ba đường lúc giữa trưa.
Lệnh của đảng Đồng-Quế nghiêm-khắc là như vậy ! Bất cứ quân hay dân hễ ai có công thì trọng thưởng mà ai có lỗi thì bị trừng phạt. Chỉ đường cho người Pháp thì không tài nào mà tránh được chiếc cột nứa với ngã ba đường.
Vì thấy, nên nhân dân không còn ai dám hở môi răng lạnh gì công việc của ông chúa Bãi-Sậy. Và cũng vì thế mà Bãi-Sậy vẫn giữ nguyên được vẻ oai hùng bí-mật ròng-rã bao nhiêu năm.
VII
DÂN Hưng-Yên ấp ủ trong lòng bao nhiêu là vinh-dự và cũng chứa chấp trong tâm bao nỗi dạn dầy uất-hận.
Trải mấy nghìn năm, mang bao nhiêu tên, đến mãi năm Minh-Mệnh thứ 11 (1831), Sơn-Nam trấn đổi ra Hưng-Yên tỉnh.
Khi người Pháp sang bình định xứ này, thì tỉnh Hưng-Yên thực là một tỉnh dẫn đầu phong-trào phản-đối ở vùng xuôi xứ Bắc.
Chiếm được tỉnh Hưng-Yên rồi, mà chính-phủ Pháp vẫn để quyền cai trị trong tay nhà binh cho mãi đến năm 1886. Đồn chốt nguyên đặt rải rác khắp các nơi trong hạt thế mà vấn-đề an-ninh chỉ là trong viễn vọng.
Về mặt Đông do các đội quân bản xứ đóng : Cai-Nênh, Duyên-Hà, Ứng-Lôi, Phủ-Cừ.
Về mặt Bắc do quân Pháp và quân Phi-Châu đóng : Kim Động, Phó-Nham, Khoái-Châu, Bình-Phù, Ân-Thi, Lực-Điền.
Lực-lượng bố trí như vậy mà an-ninh vẫn không sao đặt được. Dân chúng lâm trong vòng lửa đạn thực là trăm cay nghìn đắng, chẳng còn biết kêu ai ! Nay đồn này bị đánh úp, mai lũy khác bị phá tan. Khí-giới và lương-thực luôn luôn bị quân Bãi-Sậy cướp mất.
Đồng-Quế lại được toán quân của ông Nguyễn-thiện Thuật kéo về đóng ngay ở huyện Mỹ-Hào làm vây cánh.
Cá thêm vây, hùm thêm vuốt, hai toán quân này làm
mưa làm gió trên khắp tỉnh Hưng-Yên và mấy tỉnh lân cận. Tỉnh Hưng-yên như không còn là của người Pháp nữa.
Thế-lực của vị lãnh-tụ Cần-vương Nguyễn-thiện-Thuật hồi này đã bắt đầu lừng lẫy. Suốt từ Hưng-Yên sang tới Hải Dương, lên Bắc-Ninh, Phủ-Lạng-Thương, theo dọc hai dòng sông Thương và sông Lục-Nam, không một chỗ nào là không có quân ông chiếm đóng.
Nhờ vào địa thế đóng quân đó, ông Thuật tổ-chức một toán binh chuyên chở khí-giới từ ngoài nước vào được rất nhiều và rất dễ dàng.
Lưu-Kỳ chỉ huy đội quân người Khách là một cánh tay phải của ông, đã dồn binh lính hai chính-phủ Pháp – Nam vào những tình-trạng rất hiểm-nghèo.
*
Hồi ấy, tuy xứ Bắc đã vào tay người Pháp rồi nhưng sự cầm cự ở nhiều nơi của các lãnh-tụ Cần-vương, và quân-đội Trung-Hoa vẫn còn đóng rất đông ở mạn Lạng-Sơn, Cao Bằng và Lao-Kay.
Trong khi đàn-áp lực-lượng kháng-chiến của quân-đội chính-phủ Việt-Nam, chính-phủ Pháp mở cuộc thương-thuyết ngoại-giao với Trung-Quốc. Nhờ có Trung-tá Hải-quân Pháp Fournier quen với một người Đức là Détring làm quan Tầu coi về Thương-chánh ở Quảng-Đông, Détring là bạn thân với Lý
hồng-Chương, đã làm trung-gian cho sự điều-đình Pháp – Hoa này.
Ngày 18 tháng 4 năm Giáp-Thân (1884), Trung-úy
Fournier đại-diện nước Pháp và Lý-hồng-Chương đại-diện Trung-Quốc lập hiệp-ước tại Thiên-Tân.
Đại-lược hiệp-ước đó nói rằng : Nước Trung-Hoa thuận rút quân đóng tại Việt-Nam về và thuận công nhận những bản giao-ước mà chính phủ Việt-Nam đã ký với chính-phủ Pháp.
Dàn xếp với Trung-Quốc xong, chính-phủ Pháp lập tức cử ông Patenôtre và ông Rheinart ra Huế cùng Triều-đình Việt Nam thương-nghị.
Lẽ tất nhiên, lần này người Pháp tỏ rõ thái-độ chinh-phục Việt-Nam. Các đại-biểu Pháp cương-quyết giữ vững lập trường của chính-phủ họ và nhất định đi đến toàn thắng.
Còn Triều-đình Huế suy-nhược, đứng trước thế cờ bí, chẳng còn biết làm thế nào mà bước sang thế quân bình, để cho cuộc thương-thuyết giữ được tinh-thần bình đẳng. Người tính thế này, người tính thế khác, quẩn quanh trong giải
pháp cũ rích lỗi thời.
Chưa biết ăn nói với người Pháp ra sao, Triều-đình Huế bên trong lâm vào tình trạng rối bét : Một phái chủ-hòa, một phái chủ-chiến đã gây thành một mầm chia rẽ thương tâm khiến cho triều chính đã suy yếu lại càng suy yếu.
Bọn chủ-hòa cũng chẳng biết hóa thế nào để khả dĩ bảo tồn được quyền-lợi của xứ-sở, chỉ biết là không đánh nhau nữa, mất thì thôi !
Bọn chủ-chiến cũng chẳng có một kế-hoạch gì, chỉ biết nước của mình, nhà của mình mà kẻ khác đến chiếm thì
đánh. Chết hết thì thôi, tan nát hết không cần !
Bởi sự chia rẽ và thiếu sáng suốt đó, nên Triều-đình Huế đã bị hoàn toàn thất bại trước sự khôn ngoan và tài giỏi của người Pháp.
Đến ngày 13 tháng 5 năm Giáp-Thân (6-6-1884), một tờ hiệp-ước ra đời. Ông Patenôtre cùng ba ông Nguyễn-văn Tường, Phạm-thân-Duật và Tôn-thất-Phan ký kết.
Hòa-ước này là một bản văn-tự mà Triều-đình Huế công nhận cuộc bảo-hộ của Pháp và chia nước ra làm hai khu vực : Trung-kỳ và Bắc-kỳ, mỗi kỳ có một cách cai trị khác nhau : « Tuy trong hòa-ước cũng có nhiều điều tôn kính nền độc-lập của Việt-Nam, nhưng quyền chính sau cứ dần dần lọt vào tay người Pháp, Triều-đình Huế chỉ còn giữ cái hư vị mà thôi ». (V.N.S.L. của T.T.K.)
Bằng vào các hiệp-ước trên, quân Pháp đặc biệt chú-ý đến việc tổ-chức nền cai trị xứ Bắc và phái quân đóng giữ các nơi, nhất là miền thượng-du và trung-châu.
Chắc vào những điều-ước Thiên-Tân, thì quân-đội Trung Hoa đã rút cả về nước họ rồi, quân Pháp thẳng đường toan kéo vào đóng-giữ thành Lạng-Sơn.
Không ngờ bọn quân Khách thuộc quân-đội của ông Nguyễn-thiện-Thuật vẫn còn đóng quanh quẩn vùng này, phục kích giữa đường đánh úp, làm cho toán quân Pháp chiếm đóng Lạng-Sơn bị tan rã. Tàn quân Pháp rút đi, thì toán quân Khách này xuất đầu lộ diện đường hoàng chiếm đóng lấy.
Ông Nguyễn-thiện-Thuật lúc này ở Hưng-Yên nhận được tin báo thắng trận, vội vàng cùng một toán quân nhỏ kéo đi gấp đường lên Lạng.
Sau khi xem xét địa-hình, địa vật của vùng này, ông Thuật cấp tốc bố-trí khắp mọi mặt để bảo-vệ đất đai mới chiếm được.
Nhân lúc đối-phương vừa thất trận, tinh-thần còn hoang mang, ông liền hạ lệnh tiến quân đánh thành Tuyên-Quang. Tỉnh này có thế đất rất hiểm-yếu. Rừng sâu, núi đá đều là những thành trì thủ hiểm cho những toán quân đánh lén đánh úp. Lại có sông Thanh-Giang dùng để chuyên chở khí
giới từ Trung-Hoa sang. Khi giao chiến mà bị dồn vào thế cùng thì quân-đội có thể rút sang Quảng-Đông, Quảng-Tây cũng tiện.
Lệnh của nhà lĩnh-tụ Cần-vương Nguyễn-thiện-Thuật vừa truyền ra, tướng-tá, binh lính ai nấy súng đạn sẵn sàng, đợi giờ xuất quân.
*
Trời nhiều sương mù-mịt, toán quân Tán-Thuật này phần nhiều là người Khách lặng lẽ đi trong chướng khí của rừng núi đêm khuya. Họ luồn trong cây, len khe núi, khi ẩn khi hiện chẳng khác một đoàn âm-binh bí-mật !
Vào khoảng quá nửa đêm, toán quân ấy đã mai phục xung quanh thành Tuyên-Quang, chỉ chờ hiệu-lệnh là nổ súng phá thành. Ông Thuật và tướng-tá không định đánh ban đêm, để cho quân nghỉ ngơi lại sức, đợi trời sáng sẽ khởi sự.
Khí đất của buổi tinh sương, vẫn còn phủ kín cả một vùng. Tiếng trùng rên-rỉ thâu đêm chừng đã mỏi. Cảnh vật đương đổi mầu và xa xa tiếng gà rừng vội-vàng gáy sáng.
Mũi súng đã quay cả về thành, toán quân vây ngoài dở cơm nắm thịt khô ra ăn và khi lòng họ thấy sôi lên với thú giật giáo cướp cờ thì một phát súng nổ vang trời, trúng vào cột cờ vừa lờ mờ hiện ra trước mặt. Lập tức đạn từ bốn phía như hằn-học rót vào thành.
Sau mấy tiếng đồng-hồ, những viên đạn vùn vụt trong ngoài mắc cửi trên không trung. Thành Tuyên-Quang lâm vào tình-thế vô cùng nguy-hiểm.
Viên quản Bobillot và một số binh lính gan dạ trong nhiệm-vụ đã bị quị dần trước luồng đạn của đối-phương.
Đại-úy Dominé, tuy thấy thành trì bị uy-hiếp quá dữ-dội và binh lính bị hao hụt đã nhiều, vẫn cương quyết cầm quân chống giữ. Một điều mà ông e ngại nhất trong lúc này là nếu bọn lính « bản xứ » ở trong làm phản tất thành mất và người Pháp nào có mặt ở đây khó toàn được tính mệnh.
Ông là người thông-minh bình-tĩnh, nên lúc nguy nan vẫn sáng suốt chỉ huy. Vì thế, binh lính không bị mất tinh-thần chiến-đấu. Họ đặt nhiều tin-tưởng vào ông và hy-vọng sẽ thắng. Đồng lòng chịu cực khổ, ăn chẳng kịp ăn, ngủ chẳng kịp ngủ, họ quyết tâm cầm cự để chờ viện binh tới.
Hai ngày ròng-rã mà vẫn chưa hạ nổi được thành, đoàn quân ông Thuật nóng máu ran khắp người, họ hò hét vang lừng, lăn sả vào một cách kinh khủng ; họ đã sửa soạn để xung-phong vượt thành.
Nòng súng đã nóng quá rồi ! Cánh xung sát bằng gươm giáo sắp thay thế. Thành Tuyên-Quang chỉ còn trong giờ phút sẽ tơi bời trong máu.
Bỗng chiến-cục tự nhiên xoay hẳn lại ! Chẳng rõ từ đâu đạn đại bác ầm ầm rơi khắp xung quanh thành. Quân ông Tán-Thuật choáng váng vì tiếng súng đại bác long trời nổ ngay bên cạnh. Biết là quân Pháp đã từ các nơi kéo tới cứu nguy, ông Thuật bèn lập tức ra lệnh cho các tướng-tá chỉnh
đốn lại quân-đội đang tối tăm mắt mũi vì những phát đại bác nguy-hiểm, rồi rút lui dần dần về các ngã.
Đại-úy Dominé nghe tiếng súng lớn, biết ngay là đã có viện-binh và lại thấy quân-đội đối-phương lẻ tẻ rút đi, ông bèn hô quân mở cửa thành tiến ra ngoài, nhưng không còn thấy một bóng địch nào nữa !
Mãi ngoài xa, cách đấy chừng độ dăm cây số, cuộc giao tranh giữa toán quân rút lui của Thống-Soái Nguyễn-thiện Thuật và Thiếu-tướng Négrier vừa từ Lạng-Sơn kéo tới, diễn ra một cách vô cùng ác liệt.
Trong lúc toán quân ông Thuật vây hãm thành Tuyên Quang thì Thiếu-tướng Négrier được lệnh đem quân đánh lấy lại Lạng-Sơn. Sau một ngày giao chiến, toán quân Khách đóng ở đây bị tan vỡ. Négrier lưu lại một số quân, còn bao nhiêu gấp đường kéo thẳng tới cứu nguy toán quân Tuyên Quang. Gần tới nơi thì gặp quân ông Thuật rút lui, thế là hai bên bắn nhau dữ-dội. Một giờ sau, quân-đội đôi bên giáp lá cà giao chiến. Thây chất ngổn ngang ! Tiếng rên-rỉ của binh lính bị thương bi thảm lẫn trong những tiếng va chạm của
gươm đao sang sảng.
Thật là một trận kịch liệt và kinh khủng chưa từng có từ khi ông Tán-Thuật khởi-nghĩa.
Đại úy Dominé nhằm nơi súng nổ cũng vừa kéo quân tới. Ông Thuật tự lượng không thể nào đối chọi được với thế địch quân quá hùng hậu, ông phải ra lệnh cho quân mình vừa đánh vừa rút lui về phía rừng núi.
Đề-Vinh chỉ huy toán cảm-tử quân đứng lại chiến đấu bảo-vệ cho đại-quân rút lui. Viên tướng trẻ tuổi này tỏ ra vô cùng gan dạ. Vinh cùng toán quân của chàng như chôn chân trong địa-điểm, liều chết trước làn mưa đạn của đối-phương.
Xung tả, đột hữu, Đề-Vinh hô quân cầm cự rất có quy củ. Nhiều người trong đội cảm tử quân này đã chiến đấu một cách anh dũng phi thường. Mỗi người nấp vào một gốc cây, họ đã ngăn hẳn bước tiến của quân Pháp đang ồ ạt như chẻ tre. Nhờ thế, chủ-tướng của họ đã rút thoát vào rừng với một số tàn quân.
Ban mai, quân Đề-Vinh hết đạn ; quân Pháp thấy tiếng súng của đối-phương rời-rạc, bèn lập tức tiến lên, vẫn nổ súng ran như pháo. Đề-Vinh thấy thế địch hăng và đông quá, không thể nào dùng gươm giao mà chống lại được, hô quân bỏ các gốc cây tháo chạy. Nhưng một số cảm-tử quân, tình nguyện đi ngược lại luồng đạn của đối-phương và những người anh-hùng vô-danh ấy đã làm chùn bước tiến mạnh của đội quân Pháp, để cùng tan thây trong khói đạn.
Sau mấy trận giao tranh khốc liệt này, quân đội Pháp tuy bị thiệt-hại quá nặng nề nhưng vẫn là đội quân thắng trận.
Còn toán quân tinh nhuệ của ông Thuật vẫn thường làm mưa làm gió trên khu vực Lạng-Sơn, Tuyên-Quang thì hầu như bị tan vỡ. Quân Khách tìm đường trốn về Tầu một số đông ; Quân ta chạy lạc lõng chưa làm cách gì mà thu-thập lại được.
Ông Nguyễn-thiện-Thuật cùng một số bại quân chạy bừa vào rừng thẳm và ở đấy người anh-hùng đã phải chịu bao nhiêu nỗi gian lao cực khổ. Thế nhưng cánh chim bằng chưa mỏi. Khoảng không-trung bát ngát kia vẫn hẹn những ngày xoải cánh tung bay !
VIII
MÀN đêm buông dần !
Tiếng trùng khi khoan, khi mau như khúc đàn muôn điệu tiễn biệt một chuỗi ngày qua, những ngày ấy lại là những ngày của đạn nổ gươm reo !
Cảnh âm-u huyền-bí của rừng sâu !
Hình sắc hiên ngang hùng-vĩ của núi cao !
Tất cả, lúc này mờ mờ trong sương chiều, và… chìm hẳn vào đêm lại càng gợi trong tâm-trí người ta nhiều tưởng tưởng kỳ-lạ !
Trong đây là một xã-hội không danh không lợi.
Trong đây là một nơi ấp-ủ những linh-hồn cao khiết và là nơi nghỉ chân của những bậc khuấy nước chọc trời.
Ai là người đã sống những đêm trong trong rừng thẳm thì mới biết ở ngoài kia người ta ồn-ào chen-chúc đáng thương !
Ai là người đã đứng trên đỉnh núi cao, dưới bóng trăng vằng vặc, mới nhận thấy chung quanh là tất cả sự tầm thường.
Lắng nghe suối chảy ngàn đời – Ngắm những bông hoa rừng trăm sắc muôn hương – Ngắt những quả chín không ai ngăn cản mà chỉ có đàn chim hàng ngày thăm hỏi.
Có lạc lẻo vào chốn sơn-lâm mới tận hưởng được kỳ thú của trời đất.
Cảnh vật, cái gì cũng như kể lể thực nhiều với nhau
những tâm-sự của mình, nhưng người ta ngây-ngô, hiểu sao hết nỗi lòng của núi rừng trùng điệp ấy. Họa ra, chỉ biết đem mình hòa với nhịp thiên-nhiên để hưởng lấy một chút nồng say trong quãng đời không gợn dục.
Sáng hôm ấy, ánh nắng vàng nhạt vừa bắt đầu nhẩy múa trên chòm cây ngọn núi. Gió nhẹ nhàng thổi tới lào-xào trong cành lá và làm rụng rơi xuống những hạt sương đêm trong vắt.
Buổi bình-minh ấy đã đẹp lại càng đẹp bội phần khi nổi bật lên bóng dáng một thiếu-nữ của rừng xanh đang tung tăng đi tới :
« Núi cao ta ngắm cuộc đời,
Rừng xanh ta hát thương người làm trai !
A ha ! buồn cái kiếp ngai,
Những ai đau xót đất đai về người !
Trần ai, ai khóc, ai cười ?
Mà ai lận đận phương trời vì ai ?
Trăm năm một tiếng than dài ! »
Tiếng hát trong như thủy tinh và gợi rất nhiều nỗi u-ẩn trong lòng, đã làm tan phút trầm ngâm của Đề-Vinh, viên tướng bại trận đang ngồi ủ-rũ dưới gốc dừa bên suối.
Chàng vừa vớt nước trong lên mặt rửa cho sạch những bụi bậm của chiến chinh. Lòng chàng đang suy nghĩ lao lung, chưa biết xử-trí thế nào để cho chủ-tướng thoát lưới quân Pháp đang chăng kín khắp ngả. Tim chàng như se lại trong căm thù khi nghĩ đến bọn người thân tín của chàng nay đã làm mồi cho quạ rừng chó sói. Đội quân của chàng đã từng
mang lại bao nhiêu chiến công oanh liệt, giờ chỉ còn trơ có chàng và mấy người, cũng đang rên rỉ ở rừng sâu vì những vết thương trầm trọng.
Tiếng hát vừa xong khiến tráng-sĩ ngơ-ngác nhìn : Bên kia suối một cô gái bên sườn đeo đoản đao, xách chiếc lẳng thồ.
Đề-Vinh tự nhiên có một cảm giác vừa nhanh chóng chiếm đoạt tâm-hồn. Phong cảnh xung quanh đột nhiên biến thành một bài thơ tuyệt hữu tình, làm cho lòng tráng-sĩ bớt nặng trĩu sau chuỗi ngày lặn lội trong rừng gươm mưa đạn.
Chàng choàng tay vơ lấy khẩu súng để bên cạnh, túi đạn bên mình lẻng-sẻng. Người con gái thấy động nhìn sang, và im bặt tiếng hát.
Chợt thấy một chiến-sĩ, nào súng, nào gươm, nàng cảm thấy rờn rợn ! Bước đi đang mạnh bạo bỗng dè dặt. Hai má thẹn hồng, nàng vừa rón rén đi vừa nhìn chiến-sĩ, miệng gượng cười không khác gì bông hoa rừng nở trong màn sương bạc.
Lòng nàng hoang mang chẳng biết ai kia là hạng người nào ? Nàng càng bối rối khi Đề-Vinh, hai mắt trô trố nhìn nàng như phủ lên người nàng một mớ hào quang dìu dịu.
Ơ kìa ! Tráng-sĩ lại nhè nhẹ bước trên các mô đá ở lòng suối lần sang ! Nàng toan rảo bước đi, nhưng một cảm-giác là lạ như níu nàng lại !
Một phút sau, cử chỉ nàng bỗng trở nên bạo dạn, tay mân mê cán dao, nàng chăm chú nhìn khách lạ, hỏi : « Thưa ông,
chắc ông muốn hỏi thăm tôi điều gì ? Ông lạc đường chăng ? »
Đề-Vinh cũng đã sang qua suối. Chàng cũng thấy luống cuống vì chưa biết trả lời sao cho tiện. Lại thấy thiếu-nữ luôn luôn đề-phòng, chàng tự nghĩ người thiếu-nữ này chẳng phải là một cô gái tầm thường. Chàng khẽ nói : « Tôi là người lương-thiện bị lạc vào rừng, lần mò mãi mới ra tới đây, xin cô đừng e ngại mà phải đề phòng ».
Thiếu-nữ lúc đó mới vội để ý đến cử chỉ của mình, thì ra nàng đang giữ miếng võ thế-thủ. Nàng vội buông cán dao, nét mặt đỏ lên và tươi cười nói : « Thế ra ông bị lạc. Ông đi đâu hay về đâu bây giờ ? »
- Chẳng giấu gì cô, tôi là một quân-nhân bị bọn giặc Tán Thuật đánh đuổi rát quá nên chạy lạc vào rừng. May gặp cô đây, mong cô chỉ đường cho thoát lúc hiểm-nghèo này !
Những nét niềm nở vui tươi nở trên khuôn mặt xinh xắn vừa xong, bỗng biến đâu cả, nàng nói : « Tôi có bao giờ ra khỏi vùng này đâu mà biết lối chỉ cho ông được ! » Dứt lời, nàng rảo cẳng bước đi.
Đề-Vinh như bị rơi xuống hố sâu, chàng đứng thừ ra. Nhưng chỉ một phút sau, chàng hiểu ngay là mình đã nhân danh một cách không hợp lòng người. Chàng vội cắm cổ chạy theo cô gái, túi đạn xóc lên và tiếng chân huỳnh-huỵch nghe như tiếng vó ngựa lồng : « Này cô, cô hãy đứng lại, kẻo lỡ một dịp giúp người mà cô đang muốn làm ! »
- Ô hay ! Đã bảo tôi không biết gì kia mà !
Đề-Vinh thấy thiếu-nữ cứ bước tràn, chàng nắm cánh tay nàng níu lại. Cô gái giựt ra, rút dao hằn-học nói : « Cái ông này hay nhỉ, làm mất cả buổi của người ta ! »
Đề-Vinh bình-tĩnh nói : « Được lắm ! cô có thế dùng dao đó giết tôi đi, may cho tôi khỏi lọt vày tay quân Pháp ».
- ???
- Bất tất tôi cần phải dè dặt ! Những tiếng hát lúc nãy chẳng đã biểu lộ tâm-hồn cô đó sao ?
Thiếu-nữ càng bỡ ngỡ, nàng không nói gì. Nàng ngắm Đề-Vinh tự đầu tới chân, chăm-chú như muốn tìm lấy một vật chứng-minh gì ở người chàng : Thấy ngôn-ngữ, cử-chỉ của chàng là có vẻ bao hàm một cái gì quắc thước. Nhất là đôi mắt sáng quắc, long lanh trên nét mặt đanh và dầy dạn kia đã làm cho nàng tin rằng người đứng trước mặt không tầm thường !
Nghĩ thế, nàng bỗng nhiên bớt lạnh nhạt và tươi cười hỏi : « Nhưng ông là ai với được chứ ? »
- Tôi là tên giặc… của người Pháp… là Đề-Vinh, là bộ-hạ của Thống-soái Nguyễn-thiện-Thuật.
- Ông Đề-Vinh ?
- Vâng tôi là Đề-Vinh…
Như người đã biết từ trước, nàng nói : « Là người đã không biết bao lần xông-pha nơi rừng gươm mưa đạn, từng chịu bao nhiêu gian-lao nguy-hiểm và cũng đã từng làm cho địch quân nhiều lần thất-điên bát-đảo ? »
Đề-Vinh thấy thiếu-nữ nhắc lại quãng đời hoạt động của
mình, chàng ra chiều hả dạ lắm. Nhưng bỗng một u-ám lại đến phủ chiếm tâm-hồn chàng. Lòng se lại, chàng đau đớn nghĩ tới chủ tướng và các anh em đồng đội đang nóng lòng chờ chàng nơi rừng thẳm để rõ tình địch bên ngoài.
Gặp thiếu-nữ đây là một hồng-phúc cho bọn chàng, chàng không thể bỏ lỡ dịp may mà chẳng cùng nàng giãi bầy tâm-sự mình, một tâm-sự chung của những người thương nước yêu nòi.
Điều đó, chàng tưởng trong lúc loạn-ly, trước thế giặc mạnh như nước vỡ, thì rủ được người theo mình hay giúp đỡ mình là một điều cực khó khăn. Ai mà chẳng muốn yên thân ! Và nếu có ai còn nghĩ tới « Sơn-hà xã-tắc » thì cũng chỉ đến thở ngắn than dài. Hễ trông thấy bọn phản-đối thì tưởng mình đã sắp bị vạ lây đến nơi rồi.
Nhưng sáng nay, khác với nhiều lần đã vấp phải, Đề-Vinh thấy lòng héo hắt của mình vừa như được một trận mưa xuân tưới mát dịu. Thiếu-nữ đã gặp gỡ chàng bằng cả cái nghĩa của câu « thanh-khí tương phùng ».
Thiếu-nữ đây là con một ông đồ nho. Cha nàng không rõ quê quán ở đâu, chỉ biết ở một tỉnh về vùng xuôi, lên đây từ hồi còn niên thiếu. Mãi khi đã có tuổi mới đẹp duyên cùng mẹ nàng, một cô gái Thổ đảm đang. Kết tinh của hai dòng máu, nàng bẩm tính từ tâm của người mẹ và chí khảng-khái của người cha.
Đề-Vinh và nàng đã hiểu nhau, đi vào những chuyện thực nồng nàn và thi vị. Một lát sau, chàng mới để ý tới vẻ đẹp của bông hoa rừng núi, người vừa phủi bụi còn bám trên
mảnh áo xác-xơ của chàng. Nàng không đẹp lắm, nhưng đôi mắt sáng trong và phúc-hậu cứ như phủ khắp lên người chàng một mến thương, niềm mến thương của người chị hiền.
Cảnh thổ núi rừng xung quanh lúc này, không một mầu sắc gì, không một tiếng động gì là không liên quan đến sự tôn sắc đẹp của cô gái rừng xanh.
Tráng-sĩ và giai nhân ngồi bên bờ suối trong, họ thủ-thỉ với nhau tất cả mọi ngây ngất của tâm và hồn.
Mỗi lời nói lúc này, nếu không là một câu thơ hùng tráng thì là một điệu nhạc du hồn…
Càng quí mến nhau, chóng kính phục nhau, vì họ đã sẵn gặp nhau trong lý-tưởng.
Mặt trời lên cao, hai người bịn-rịn chia tay trong quyến luyến để mỗi người đi vào một nhiệm-vụ.
Đề-Vinh mang theo vào rừng sâu nhiều hy-vọng đặt ở người tình ; chàng cũng không quên mang theo chiếc lẳng đầy xôi mà nàng vừa trao tặng.
Còn cô Pheng, người thiếu-nữ, vui như con chim non cất cánh, bỏ dở cuộc hành-trình trở lại mái tranh trong xóm. Chân dùng-dằng bước đi, nàng còn quay lại nhắc : « Sớm mai, ba em và em sẽ tới đây để theo tráng-sĩ vào yết-kiến chủ soái. Thực sớm kia đấy ! »
Vinh mỉm cười : « Nhưng giai-nhân chớ quên cho biết rõ ràng những điều, tôi đã thay Nguyễn-đại-Nhân ủy-thác nhá ».
Chân bước đi nhưng mặt đều ngoảnh lại, cho tới khi chàng và nàng khuất sau những rặng cây bên đường !
Dòng suối thiên-nhiên với nước trong, với rặng dừa xanh, từ nay cũng mang một kỷ-niệm rất êm đềm.
IX
NGAI vàng đặt ở Triều-đình Huế hồi này bị nghiêng ngửa lắm rồi !
Tệ nhất là bọn quyền-thần đã gieo bao nhiêu thảm-họa nát bét khiến cho chính-sự rối lung tung.
Chính-phủ Pháp đã phái một đạo quân hùng hậu đóng ngay cạnh nách Triều-đình Huế.
Miệng hầm đã mở rộng, thế mà chốn triều trung, các cụ lớn cụ bé chỉ quẩn quanh trong bè phái. Một sự chia rẽ thương tâm khiến cho nước đã suy lại càng suy thêm.
Phái chủ-hòa cũng không có đường mà đi thế nào cho ích quốc lợi dân, chỉ nghĩ tới sự bảo-tồn danh-vọng mình.
Phái chủ-chiến cũng chẳng biết đánh chác ra làm sao, vì chẳng có một chút thực lực nào !
Bất quá, các ngài chỉ mơ màng nhìn ra ngoài có quân cờ đen, bên trong có cửa bể Thuận-An với khoảng một vạn quân cấm-vệ.
Cầm đầu phái quyết chiến là hai ông Nguyễn-văn-Tường và Tôn-thất-Thuyết. Hai ông này cậy quyền hống hách làm nhiều điều bạo ngược khiến cho Triều-đình Huế chẳng còn ra thể thống gì !
Vua Tự-Đức thăng-hà, di-chiếu lập ông Dục-Đức kế vị. Thế mà hai ông Tường và Thuyết áp đảo cả quần-thần bỏ ông Dục-Đức, lập ông Văn-lãng-Công tên là Hướng-Dật vì ông này đã vận-động với hai ông từ trước.
Ngày 30 tháng 7 năm 1883, ông Văn-lãng-Công lên làm Vua, hiệu là Hiệp-Hòa, còn ông Dục-Đức thì bị hạ ngục và chết đói trong đó.
Trong buổi đình-thần họp để quyết-nghị sự phế-lập này, ông Thuyết cho dàn trước triều 300 cấm-binh để thị oai. Ông dặn bọn lính này : « Hễ có ai phản-đối ta, thì phải theo ám hiệu của ta mà thi hành. Ta đập tay xuống bàn thì lập tức trói kẻ nào trái ý ta lại ; nếu ta đập tay xong rồi giơ lên thì lập tức chém đầu tên nào phản-đối ta ».
Ông làm hăng như thế nên mọi người tái xanh mặt trong uất ức mà không dám rỉ răng.
Sau mấy phút yên-lặng nặng-nề, có một ông quan nhỏ đã cương-trực làm đảo lộn cái bầu không khí oai-nghiêm sát khí ấy !
Đó là ông Phan-đình-Phùng Ngự-sử !
Ông Phan ngoài sự phản-đối cái chủ-trương phế-lập như thế là vô đạo, ông còn mắng nhiếc Tôn-thất-Thuyết thậm tệ nữa.
Ông Thuyết căm giận lắm nhưng chỉ cười lạt.
Sau một tiếng đập bàn, Đại-tướng Tôn-thất-Thuyết giơ cao tay lên. Lập tức bọn cấm-binh xô vào lôi ông Phan-đình Phùng ra. Ông Thuyết lúc này bỗng ngẩn người nhìn theo, rồi không hiểu sao ông vội chạy ra ngăn bọn cấm-binh không cho chém ông Phan. Ông ra lệnh giam ông Phan vào ngục, đợi sau sẽ xét xử.
Sau 10 ngày trong ngục tối, ông Phan-đình-Phùng được
tha ra, nhưng bị cách hết chức-tước. Ông chỉ còn có cái danh Tiến-sĩ trở về cố quận, ngẫm trông thời cục xoay vần, lòng nặng trĩu đau-đớn cho triều-chính lăng-loàn, cường-quyền hống-hách.
Sau vụ cất chức ông Phan-đình-Phùng và sau vụ chém ông Tô-hiến-Thành (ông này chủ trương hòa Tây), đình-thần không còn ai dám ngang ngạnh gì nữa. Công việc trong triều mặc hai ông Thuyết, Tường muốn làm gì thì làm.
Hai ông Thuyết, Tường đặt Vua Hiệp-Hòa lên ngôi, nhưng chẳng qua cũng chỉ để làm bù-nhìn thế thôi, chứ quyền hành ở trong tay hai ông nắm cả.
Cảm thấy mình đường đường là một Thiên-tử của một quốc-gia mà bị đè đầu đè cổ quá lắm, Vua Hiệp-Hòa mưu với bọn cận-thần giết hai ông Tường, Thuyết. Công việc bị bại lộ, không thi-hành được. Vua Hiệp-Hòa lại mật viết thư cho ông Khâm-sứ Champeaux, nằn-nì với ông này vì Ngài mà trừ hai kẻ bạo thần cho.
Ông Tường bắt được người mang thư, đem giết đi và lập tức họp đình-nghị bắt Vua Hiệp-Hòa bỏ ngục rồi ép uống thuốc độc chết ngày 28-11-1883. Ngay hôm sau, quần-thần theo lệnh hai ông Tường, Thuyết lập Ứng-Đông, con ông Kiến-thái-Vương mới 14 tuổi lên kế vị, tức là Vua Kiến-Phúc.
Lúc này, ông Thuyết rất yên tâm mặt trong vì vua còn ít tuổi dại-dột và bè-phái ông thì to lắm, không còn ai dám chống lại ông nữa.
Ông quay ra tàn-sát Gia-tô và mưu sự khôi phục.
Coi những hiệp-ước mà Triều-đình ta đã ký với chính-phủ Pháp như những mảnh giấy lộn, ông ngang nhiên khinh-bỉ và đe giết Khâm-sứ Champeaux đến nỗi ông ngày khiếp sợ không còn dám ló đầu ra khỏi khoảng nhượng địa.
Trước hành-động khiêu-khích đó, quân-đội Pháp bất bình lắm.
Tháng 6 năm 1884, quân Pháp kéo vào cửa bể Thuận-An và yêu cầu với Triều-đình ta cho chiếm đóng Mang-Cá (Mang Cá là một nơi hiểm-yếu trong kinh-thành).
Vua Kiến-Phúc chỉ thuận cho 100 lính Pháp vào đóng chứ không được quá con số đó.
Hai ông Thuyết, Tường giận Vua lắm vì hai ông đang chủ trương đánh Pháp mà Mang-Cá là một địa-điểm tối quan trọng cho quân-sự để bảo vệ thành-trì. Quân Pháp đã kéo vào đóng rồi, khác chi chẹn lấy cổ họng thì bây giờ còn biết tính-toán sao ?
Hai ông lo lắng sẽ còn nhiều sự nhượng-bộ nguy hại xẩy ra, vì thế nên Vua Kiến-Phúc khi bị cảm đã được ông Tường bốc cho một thang thuốc đưa Ngài sang thế-giới bên kia.
Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1884, đình-thần họp, tôn em ruột Vua Kiến-Phúc là Ưng-Lịch lên kế vị, tức là Vua Hàm Nghi, nhưng viên Khâm-sứ Pháp không ưng thuận.
Nửa tháng sau, quân Pháp kéo tới cổng thành uy-hiếp đông và mạnh quá, ông Thuyết bất-đắc-dĩ phải cho mở cửa thành để cho Vua tiếp Khâm-sứ tại điện Cần-Chính.
Các điều ước Pháp-Việt ký kết từ lâu, vẫn bỏ xó, nay
được đem ra thi hành. Tuy thế, sự thực hiện cuộc đô-hộ chỉ thực hiện được về phần danh-nghĩa mà thôi. Nước Việt-Nam cam chịu mất chủ quyền nhưng phần lớn dân-tâm sĩ-khí vẫn còn hăng máu ái-quốc chưa chịu khuất phục.
Đại-úy Gosselin và nhiều quan binh Pháp khác đã dự trong việc chinh-phục nước ta có chân-nhận rằng : « Người Việt-Nam có cái dân-tộc-tính là chiến đấu tới cùng. Dù biết là bị bại, họ cũng không khi nào bỗng chốc chịu khoanh tay khuất phục. Họ vẫn có cái tinh-thần kháng-chiến tự tồn trên con đường lịch-sử mấy nghìn năm trước quân đội xâm-lăng Trung-Quốc ».
Bởi thế, dù Triều-đình đã công-nhận nền bảo-hộ Pháp quốc mà khắp mọi nơi nghĩa-binh vẫn nổi dậy tứ tung. Ngay ở trong Triều, ông Tôn-thất-Thuyết không một giờ nào là không nghĩ tới sửa soạn đánh vào quân Pháp.
Mặc dầu ông Tường đã ngã lòng, ông Thuyết khăng khăng một mực : « Chơi nhau một phen, thân có tan nát cũng đành, chứ quyết không chịu nhục ! »
Ông mật triệu tập các tướng-sĩ tại bộ-binh mà nói rằng : « Lúc này quốc-gia mới chính thức là lúc cần dùng đến trái tim và tay súng của bọn ta. Vậy bọn ta phải cố sức làm sao, họa may có lôi kéo thời thế lại được, chẳng lẽ chưa chi đã bó tay mà chịu. Coi kia cái giường mình nằm xưa nay, người ta xa lạ ở đâu tới leo lên nằm ngủ ngáy khò khò, làm sao mình chịu được ».
Chí đã quyết, ông Tôn-thất-Thuyết liền sai lập Sơn-Phòng tại Cam-Lộ thuộc tỉnh Quảng-Trị. Ở đấy chứa rất nhiều vàng-
bạc châu-báu và thóc gạo. Nơi này là phòng tuyến thứ hai nhỡ khi bị bại sẽ rút quân về. Ông lại cho lập trường dậy võ và ra lệnh cho các Vệ, các Doanh phải siêng năng luyện tập. Nhất thiết cái gì cần dùng cho công việc dùng binh, ông Thuyết đều lưu hết tâm-trí và dự-bị sẵn sàng. Còn hột gạo nào trong kho, còn viên đạn nào trong nòng súng, ông nguyện đem trút hết, chừng nào thật là thế cùng lực kiệt sẽ hay.
Sắp đặt mưu cơ đâu đó xong, ông tưởng như chỉ nay mai là nuốt sống ngay người Pháp.
Rồi một hôm, ông mật lệnh cho các tướng-sĩ : « Canh hai ăn cơm, canh tư khai chiến và phải giết cho sạch địch quân, chỉ để sống sót vài thằng cho về báo tin cho bọn chúng là ta thắng trận… »
Đêm hôm ấy là đêm 22 tháng 5 năm Dậu (1885), Đại tướng Tôn-thất-Thuyết chia quân ra làm hai đạo.
Đạo thứ nhất do ông Tham-biện Tôn-thất-Trắc chỉ huy, được lệnh nửa đêm phải đem quân qua Hương-Giang, hội với ông Đô-đốc Thủy-sư, đánh vào tòa Khâm-sứ.
Đạo thứ hai, Đại-tướng tự chỉ huy, hội với Chưởng-vệ đạo quân Phấn nghĩa là Trần-xuân-Soạn đánh thẳng vào Trấn bình-Đài (Mang-Cá).
*
Tất cả kinh thành đang chìm đắm trong đêm khuya. Mặt nước Hương-Giang đang đón những làn gió nhẹ, lấp-lánh dưới mầu trắng bạc. Nhân dân kinh-kỳ đang miên man trong
giấc ngủ của đêm hè.
Sự yên-lặng quá bình-thản ấy chỉ còn phút chốc sẽ chuyển cả thành-đô vào vòng lửa đạn.
Đã được giờ khai chiến, một phát súng lệnh từ đại-bản doanh bắn ra long trời lở đất !
Đạo quân ông Thuyết chỉ huy lập tức rót đại-bác vào Trấn-bình-Đài, tiếp sau là tiếng súng tay nổ ran.
Nhân-dân trong kinh-thành mất mật, còn quân Pháp thì trút hết cả xuống hầm trú ẩn, thỉnh thoảng bắn trả lời ra một vài phát súng đại-bác. Ban đêm không thuộc đường lối và cũng không rõ lực-lượng đối-phương bố trí mạnh yếu ra sao, quân Pháp đành chỉ thế-thủ đợi sáng sẽ hay.
Đại-tướng Tôn-thất-Thuyết cứ việc hô quân bắn hoài bắn hủy vào vị-trí Pháp. Không thấy đối-phương động tĩnh, ngoài mấy phát đại-bác bắn lúc khởi thủy khai chiến ; quân ta cho là quân Pháp chết hết cả rồi. Đại-tướng Thuyết lại ra lệnh cho đại-bác trên mặt thành bắn vào phủ Khâm-sứ để trợ chiến cho đạo quân Tôn-thất-Trắc cũng đang bắn phá thành rất dữ.
Bắn kể cũng đã nhiều ! Dinh thự và nhà cửa ở hai nơi đó cũng đã bị thiệt hại nặng nề. Quân Pháp bên trong vẫn im lặng, quân ta vẫn nghi nghi hoặc hoặc chưa dám xung phong, mà thuốc súng thì cạn rồi.
Tang tảng sáng, đạn bắn vừa hết và cũng vừa lúc ấy quân Pháp thình lình khởi thế công.
Khói đạn mịt mù, bao nhiêu là súng đại-bác đặt trên đài bên kia bờ sông và ở tầu chiến đỗ ngoài xa, nhất loạt chĩa
mũi vào thành mà bắn.
Đạn bay như mưa rào, tiếng nổ ran như sấm dậy. Nào nhà cửa đổ tan, cây cối ngả nghiêng, nào quân dân bị đạn, thây chết ngổn-ngang dẫy dụa trong máu. Cả một thành sầu vang tiếng khóc thảm thương.
Thủy-quân Pháp ở ngoài lại đổ bộ lên, tiến sâu mãi vào làm cho hai đạo quân ta trong ngoài đều bị chẹn đánh.
Quân đội Việt-Nam bị thua to, chết như rắc rạ, mạnh ai nấy tìm đường tán loạn chạy trốn, chỉ những giầy xéo lên nhau mà chết cũng nhiều.
Vua Hàm-Nghi và Tam-cung cùng các thị-vệ cung-nhân khóc như di vỡ tổ, chỉ kịp mang theo ấn-quốc-bảo và một ít châu ngọc, thoát ra lối cửa Tây-Nam.
Ông hữu-quân Đô-thống Hồ-Hiển phò-giá lánh nạn chạy về phía Kim-Luông. Chạy đã xa xa ra ngoài vòng lửa đạn, Vua Hàm-Nghi đứng lặng nhìn về kinh-thành, mặt rồng xám ngắt, lòng nhường như tan nát : Thấp thoáng trên ngọn kỳ
đài, lá cờ ba sắc uốn mình theo gió.
Thế là cả một thành-trì đồ-sộ, nào ngai vàng, nào bệ ngọc uy-nghi đều lọt vào tay quân Pháp. Vua và các quần thần ngậm-ngùi sa lệ !
Trên bước lênh-đênh sóng gió, rồi đây Thiên-tử cũng không tránh được những gian-lao của kiếp phong trần.
Đại-tướng Tôn-thất-Thuyết cùng với Trần-xuân-Soạn và Tôn-thất-Trắc dẫn nhóm bại quân rút khỏi thành, nhắm đường theo xa giá. Lúc này ông Nguyễn-văn-Tường đã nhờ
Giám-mục Caspar ở Kim-Luông dẫn ra hàng Đô-đốc Courcy, để rồi sau đó ít lâu, ông đem cái thân phản bội sang đày ở Tahiti và chết tại đó.
Khi Tôn-thất-Thuyết theo kịp xa giá, phủ phục xuống mà tâu rằng : « Thần không giữ nổi thành, chưa trừ được giặc để nay chúa-thượng phải mộng-trần, thực là thần đáng tội ».
Vua Hàm-Nghi truyền cho Đại-tướng bình thân nhưng trên long nhan buồn thảm đầy vẻ tức giận.
Ngài buồn là buồn cho cảnh nước biến, ngai nghiêng mà không còn biết trông cậy vào ai là người có tài đứng ra gánh vác ; Ngài giận, giận Tôn-thất-Thuyết thì ít nhưng căm Nguyễn-văn-Tường thì nhiều. Ngài cười lạt trong hằn-học mà bảo Tôn-thất-Thuyết rằng : « Tường phản quốc, bất trung, y toan mãi chúa cầu vinh ; Đức của nhà Nguyễn ta còn dầy chứ không trẫm đã trong tay giặc rồi còn đâu ! Y đã trở về hưởng son phấn của người rồi ! »
Vua tôi lại gấp đường tỵ nạn.
Sau khi đã chiếm đóng kinh-thành, người Pháp chia quân canh giữ các cung điện và phái một đạo quân hết sức tầm nã vua tôi Hàm-Nghi.
Ở Sơn-Phòng Cam-Lộ không thể yên được, vua tôi Hàm Nghi trèo qua Mai-Lĩnh đến Lao-Bảo, rồi xuyên qua rừng âm u nguy-hiểm tới Hàm-Thao.
Đất nước mình mà nhà vua chạy mười mấy ngày trời vẫn không có chỗ nào đặt chân. Thảm nhất cho bầy công-chúa của lầu son gác tía, nay phải dãi gió dầm sương. Nét mặt âu
sầu, tóc tai rũ rượi, xiêm áo trễ tràng, người nào cũng sướt mướt như những cành liễu xác xơ, sau trận mưa gió phũ phàng.
Vua xót cho thân ngà ngọc của mình lại ngậm ngùi cho lũ bầy tôi trung-liệt tòng vọng. Ngài rơi lệ để cùng khóc cảnh nước mất thành tan.
Sau một buổi đình-nghị họp ở nơi rừng sâu hiu-quanh, Vua Hàm-Nghi xuống chiếu Cần-Vương đi các nơi. Nhân dân thấy lời kêu gọi thống-thiết của nhà vua, ai cũng chua xót cảm động.
Từ đấy, trong toàn quốc các văn-thân ứng nghĩa lại càng hoạt-động ráo riết gấp trước bội phần. Cũng là một dịp mà ông Tham-tán Nguyễn-thiện-Thuật đang lánh nạn ở Trung Quốc quyết chí trở về phò vua cứu nước.
*
Khi bị đại bại ở Lạng-Sơn, ông Nguyễn-thiện-Thuật cùng một số bộ-hạ chạy tán loạn vào rừng.
Bên ngoài lưới quân Pháp chăng kín khắp ngã. Không biết làm thế nào thu-thập được hết tàn quân lại, và mất hẳn liên lạc với các lực-lượng miền xuôi, nhóm ông Thuật bị cô độc trong rừng sâu, đầy lo ngại.
Cái cảnh nệm cỏ màn cây, sương gió lạnh lùng của rừng thẳm âm u gợi trong lòng nhóm người thất trận nhiều nỗi đau thương. Họ đâu có kịp nghĩ đến thân mình lao-đao cực-khổ phải nhịn đói nhịn khát, mà họ xót cho vận nước rồi đây chẳng biết sẽ xoay vần ra sao.
Tiếng vượn ru con, tiếng chim ríu-rít, không một tiếng động gì của núi rừng mà không nhắc nhở trong thâm tâm họ những nỗi buồn của kiếp xiêu-bạt. Họ buồn nhưng họ vẫn sống trong hi-vọng. Chính ông Thuật đã có lần nói với các bộ-hạ xung quanh rằng : « Quân Nguyên như lang sói thì có đức Hưng-đạo-Vương ; quân Minh như hùm beo thì có đức Lê-thái-Tổ ; Mười vạn quân Thanh rầm-rầm rộ-rộ tràn sang như nước vỡ bờ thì lại có đức Quang-Trung. Con thuyền quốc-gia có gặp phong ba thì mới rõ ai là thủy-thủ có tài lẫm liệt có gan sắt đá ».
Quân Pháp tầm nã bọn ông Thuật gắt gao quá. Lẩn quất mãi ở vùng này thì khó mà thoát được cạm bẫy đối phương ! Trong lúc ông Thuật đang phân vân thì Đề-Vinh đưa cha con ông già sơn-cước vào yết-kiến.
Và ông già này đã tình nguyện hướng đạo bọn ông Thuật đi tuyền đường rừng lẻn sang Tầu. Chỉ để lại mấy người giả làm tiều-phu theo con gái ông ra thoát được vòng lưới của người Pháp và gấp đường về vùng xuôi.
Lúc chia tay, ai nấy nghẹn ngào, cùng hẹn chóng tới ngày tái-hội. Nhất là Đề-Vinh lòng nặng trĩu sầu vương, nhưng chân hùng-dũng bước, mặc cho phía sau đôi mắt người tình ướt lệ nhìn theo.
Một phút sau, họ đã quên được nhiều rồi vì nhiệm-vụ thiêng-liêng vẫn còn bề bộn trước mặt họ. Với họ chỉ nhìn thấy đẹp đẽ của tình duyên khi việc nước đã thành…
Đến nay, đang ở xứ người, được tin kinh-thành Huế thất thủ, Thánh-thượng mộng-trần, ông Thuật đau xót vô cùng.
Lại tiếp được tin Vua Hàm-nghi xuống chiếu Cần-vương, ông Thuật sửa-soạn gấp rút kéo toán quân nhỏ mà ông đã thao luyện ở Long-Châu về nước.
Gặp giữa hồi quân Cờ-đen đóng ở các miền Sơn-Tây, Đáp-Cầu và Phủ-Lạng, đang kéo vây đánh quân Pháp ở Lạng Sơn, ông Thuật trở về nước không đến nỗi khó khăn.
Trận đánh liều lĩnh và gan dạ của đám quân Cờ-đen làm cho quân Pháp điêu đứng, thiệt hại rất nhiều, phải bỏ thành Lạng-Sơn chạy cả.
Thiếu-tướng Négrier cũng bị trọng thương, nhưng nhờ mấy người lính hộ-vệ can-đảm đã đưa ông ra thoát vòng vây.
Nhân cơ hội, ông Thuật trở về Lạng-Sơn. Sau khi hội kiến với mấy tướng lãnh Cờ-đen, ông kéo thẳng quân về chiến khu Quế-Sơn. Ở đây ông Thuật gặp ông Hoàng-giáp Nguyễn Quang-Bích là đại-diện triều Hàm-Nghi trực-tiếp chủ-trương phong-trào chống Pháp ngoài Bắc.
Ở lại ít ngày đàm luận, ông Thuật phụng chiếu chỉ nhà vua và nhận những kế-hoạch Quế-Sơn, rồi ông từ biệt núi rừng.
Chim đại-bằng lại vỗ cánh tung bay, che rợp cả một vùng đồng-bằng bát ngát.
X
TRONG khi ông Nguyễn-thiện-Thuật lánh sang đất nước người, ông Đông-Quế – Chúa Bãi-Sậy bị quân đội Pháp và Hoàng-cao-Khải luôn luôn kéo tới tấn công sào-huyệt.
Bao nhiêu trận xung-đột kinh-khủng xẩy ra. Dân chúng tỉnh Hưng-Yên chỉ ăn rồi nghe động tĩnh bồng bế nhau chạy, mặc cho làng mình thành chiến-địa, mặc cho nhà mình thành nơi ẩn nấp của binh lính đôi bên.
Chẳng còn làm gì được ; Nhân dân càng ngày càng lâm vào tình trạng túng đói. Chạy mãi, khi trở về nhà, họ chỉ thấy những tan hoang tẻ ngắt, sặc mùi tử khí.
Quân Pháp mới rút đi, nhưng trên đất Hưng-Yên, đạo binh Án-sát Hoàng-cao-Khải không để cho Bãi-Sậy được yên ổn mấy ngày. Toán binh này khôn ngoan và ranh mãnh vô chừng, nhất là Hoàng Án-sát lại là một người luồng lạch, mưu trí có thừa ; ông là một người đắc lực vào bậc nhất nhì trong thời bấy giờ.
Bãi-Sậy cũng bị đánh luôn và các đường lối bí-mật cũng đang bị đội do-thám của Hoàng-cao-Khải chú ý khám phá. Thế lực suy dần, bỏ hết cả các đồn chốt bên ngoài, ông Đồng-Quế rút quân về cả sào-huyệt.
Đã biết bao phen chúa đảng Bãi-Sậy chạm trán với trăm nguy nghìn hiểm mà ông chẳng hề sờn lòng. Ít lâu nay, ông không có lấy một phút nghỉ ngơi, dốc hết tâm trí ra giữ gìn sào-huyệt. Ngày đêm tận tụy, bỏ ăn quên ngủ, nên sức bị tàn, lực bị kiệt ông lâm trọng bệnh mà từ trần !
Tiếng lau sậy lào-xào, tiếng côn-trùng non-nỉ, hết thẩy đều vọng ra một điệu âm-thầm giữa một khung cảnh màn tang buồn thảm !
Cảnh Bãi-Sậy đang âu sầu tiễn người quá cố !
Người anh-hùng quá cố ấy đã mang theo đầy uất hận sang thế-giới bên kia vì mảnh dư-đồ còn tan nát và chìm đắm trong máu đào !
Đồng-Quế chết, sào-huyệt Bãi Sậy tưởng đến bị vỡ. Quân, tướng lao nhao như đàn gà con mất mẹ ! May gặp giữa lúc ông Nguyễn-thiện-Thuật về nước. Sào-huyệt đương ngửa nghiêng lại có người đứng mũi chịu sào. Bãi-Sậy lại vững như bàn thạch.
Ông Thuật lên giữ chức Thống-soái, cùng các cựu-thần và tướng-tá, hết sức mưu tính phương-pháp phòng-thủ sào huyệt. Chẳng mấy lâu sự hoạt-động lại mở rộng, rải-rác khắc nơi.
Được tin này, Án-sát Hoàng-cao-Khải lập tức đề binh tới đánh trước cho giảm bớt nhuệ-khí của đối-phương.
Phen này Hoàng-cao-Khải hợp lực cùng một số quân Pháp bài binh bố trận, quyết dồn đối-phương không còn đường mà tiến ra ngoài. Ông hạ lệnh cho binh lính phải vượt qua bãi bùn lầy mà tiến vào. Đến nơi chỉ thấy tuyền sậy là sậy, chẳng biết đường nào mà tiến bước, toán lính loanh quanh trong lo ngại. Ông Hoàng-cao-Khải bèn xuống lệnh đốt Bãi
Sậy : lửa bén vào lau khô, bốc cháy ngùn-ngụt. Vẫn chẳng thấy một bóng người, chỉ thấy từng đàn chim từ bụi rậm vội
vã tung cánh bay cao và biến vào xa xa lánh nạn. Quang cảnh vắng-ngắt của đối-phương càng gieo vào lòng binh lính một khủng-khiếp ! Lửa cháy làm cho mấy đám sậy chỉ còn trơ lại than đen, tuy thế cũng chưa có ai dám xông vào trước.
Bỗng một người lính nhìn thấy ở đám sậy cháy hở ra một cửa hầm. Họ xúm lại gạt than ra, nhìn xuống thấy sâu thăm thẳm !
« Muốn bắt cọp con phải vào tận hang cọp ». Một nghiêm lệnh truyền ra, binh lính cũng đành nhắm mắt tuân theo. Thế là một số lính của họ Hoàng cùng với hai viên đội và một viên quản tây lần lượt xuống hầm. Đường vừa tối đen vừa khó đi, họ phải dò từng bước và luôn luôn đề-phòng cẩn-thận. Ở ngoài, toán quân canh hầm cũng đều lên đạn sẵn sàng, hễ có động là bắn báo hiệu cho toán quân bên dưới.
Kẻ trong người ngoài, ai nấy hồi-hộp vì ai còn lạ gì nơi đây từ xưa tới nay ! Nơi đây là mồ chôn bao nhiêu người chống lại mục-đích của Bãi-Sậy !
Tuy thế, cũng có nhiều người hy-vọng có thể phá được sào-huyệt đối phương trong trận này ; vì thế, mặt họ đã bớt tái, hai mắt họ đã sắc sảo lên vì họ đã bắt đầu nghĩ tới những phút lập công sắp tới. Họ đang mơ màng trong một giấc mộng : lính lên cai, cai lên đội, đội lên quản, úi chà, cụ lớn Hoàng-cao-Khải thì to lắm !
Bỗng từ dưới đất nhoi lên, như những hình thù ma quỉ độn thổ xuất hiện, toán quân Bãi-Sậy tứ tung bắn lại. Một cuộc ác chiến kinh-khủng xẩy đến : họ kề súng vào tận mặt, tận bụng nhau mà bắn. Giết nhau bằng súng đạn chán rồi,
họ dùng đến dao trường, mã-tấu, lưỡi-lê. Thực là một cuộc xung sát giáp lá cà làm cho người ta thất đảm kinh-hồn. Mã tấu dao trường loang loáng như gió, phạt ngang phạt dọc : vai chẻ, đầu rơi ; lưỡi-lê lao mạnh như tên bay : thủng đùi loang bụng. Máu nhuộm đỏ cây cỏ, thây dọc ngang đầy đất. Tiếng rên rỉ kêu thương vẳng vào Bãi-Sậy um-tùm như
những oan-hồn than khóc !
Cuộc giáp chiến vẫn chưa bớt tàn ác, tiếng binh đao sang sảng lẫn trong tiếng hò hét nghe rùng mình sởn gáy. Quân Bãi-Sậy cứ ở các lối bí-mật nhô lên mỗi lúc một nhiều làm cho binh-lính Pháp – Nam không còn biết lối nào mà chống đỡ.
Tiếng súng nổ ầm ầm và tiếng gươm đao chạm nhau chan chát vọng xuống hầm. Toán lính mạo-hiểm nghe thấy, biết là trên mặt đất đang có cuộc giao phong, vội vã kéo lên. Nhưng cứ nhô lên khỏi cửa hầm thì đạn bí-mật ở trong đám sậy dầy lại bay tới. May mà toán quân canh cửa hầm gan dạ liều chết đứng lại chiến đấu, nên toán quân xuống hầm cũng có ít người lên thoát được.
Quân Hoàng-cao-Khải lâm vào tình-trạng vô cùng khốn đốn. Họ vừa tỉnh giấc mộng hoàng-lương, chẳng còn ai nghĩ đến tiến đánh nữa. Nếu không có những viên chỉ-huy đảm lược và táo-tợn thì đoàn quân này đã tan tác mà chạy thục mạng rồi !
Mặc cho những viên đạn vô cùng nguy-hiểm, bí-mật bay tới, mặc cho bao nhiêu đồng-đội gục xuống trước mũi gươm thù, họ vẫn kiên gan cầm cự để cho hàng ngũ rút lui ra ngoài
có trật-tự. Vì thế, tuy bị thiệt hại nặng nề, đội quân Hoàng cao-Khải không đến nỗi bị tan rã. Họ vừa đánh vừa lui và bãi bùn lầy từ nay cũng cùng sông Hồng mang hận một thời chinh chiến.
Chiếm phần thắng, quân Bãi-Sậy lấn mãi và đuổi dồn đám bại quân đối-phương về mãi tới Khoái-Châu.
Trận này tuy bị đại bại nhưng ông Hoàng-cao-Khải thu được một kết quả mà ông lấy làm đắc-chí lắm : một là binh lính của ông bị thua đau, ai ai cũng căm thù Bãi-Sậy, hăm-hở muốn phục thù ; hai là những chân tay của ông đã rõ được nhiều đầu mối bí-mật hiểm-hóc của sào-huyệt đối-phương.
Sau ông đem quân đánh Bãi-Sậy luôn, nhưng mục-đích chỉ là khám phá thêm manh mối bí-mật của Bãi-Sậy chứ chưa nghĩ gì tới sự công phá.
Về phía Bãi-Sậy, ông Thuật cũng ráo riết chỉnh đốn quân đội. Thanh thế càng ngày càng lừng lẫy. Áp dụng kế-hoạch Quế-Sơn, ông cho quân rải-rác đóng nhiều nơi và các tướng chỉ huy các toán quân đó phải tự trưởng thành quân đội mình. Vì thế, quân Pháp – Nam đóng giữ các nơi, chỗ nào cũng phải đương đầu cùng quân Bãi-Sậy.
Ở Hải-Dương, có Cử-nhân Nguyễn-Đức (người làng Thái Lạc, huyện Văn-Lâm, Hưng-Yên) điều-khiển một đám quân lưu-động, nay làng này mai làng khác quấy nhiễu các đồn-ải làm cho các tướng chỉ-huy Pháp rất bực mình.
Ở Bắc-Ninh, Đáp-Cầu thì có Lãnh-Giang, Hai-Kế chỉ huy những đám quân tinh-nhuệ, xuất quỷ nhập thần. Toán quân này hùng-dũng lắm, khi xuyên rừng khi vượt núi, người rám
"""