" Tận Cùng Là Cái Chết - Agatha Christie full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tận Cùng Là Cái Chết - Agatha Christie full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] Ebooks Nhóm Zalo LỜI TÁC GIẢ Bối cảnh của câu chuyện này là khoảng 2000 năm trước CN tại Thebes ở bờ Tây sông Nile. Cả thời gian lẫn địa điểm đều là ngẫu nhiên: bất kỳ địa điểm hay thời gian nào khác cũng đều phù hợp cho câu chuyện. Tuy nhiên, cảm hứng để xây dựng các tuyến nhân vật và sự kiện đã được hình thành từ vài ba lá thư thuộc Triều đại XI của Ai Cập mà đoàn thám hiểm Ai Cập thuộc Viện Bảo tàng Nghệ thuật New York đã tìm ra cách đây 20 năm trong một mộ đá đối diện với Luxor. Các lá thư này đã được Giáo sư (lúc đó còn là Ông) Battiscombe Gunn dịch nghĩa trong trong bản tin của Viện Bảo tàng. Bạn đọc nào quan tâm có thể hình dung rằng quản mộ—một nhân vật phổ biến trong văn minh Ai Cập cổ đại—có vai trò và lợi ích rất giống những người giữ mộ ở châu Âu thời Trung cổ. Đó là người được thụ hưởng phần tài sản và đất đai của người đã khuất để đổi lấy việc chăm sóc cho ngôi mộ của người này và tổ chức cúng bái vào một số dịp lễ cầu siêu trong năm. Những từ ‘anh trai’, ‘em gái’ dùng trong các văn bản Cổ Ai Cập thường được hiểu là ‘tình nhân’ và cũng thường được dùng để thay cho khái niệm ‘chồng’, ‘vợ’. Vì vậy, chúng được sử dụng với nghĩa trên trong tập sách này. Lịch Nông nghiệp của Ai Cập cổ gồm ba mùa, mỗi mùa bốn tháng và mỗi tháng ba mươi ngày, cộng thêm với năm ngày nhuận cuối năm hình thành nên lịch chính thức 365 ngày/năm. ‘Năm’ ở đây được khởi đầu từ mùa nước lũ của sông Nile vào tuần lễ thứ ba của tháng Bảy theo cách tính của chúng ta. Nhưng việc thiếu vắng năm nhuận khiến thời gian bị tụt lại qua nhiều thế kỷ, vì vậy vào thời gian diễn ra câu chuyện, ngày Năm Mới rơi vào khoảng sớm hơn sáu tháng so với ngày mở đầu của năm nông nghiệp, tức vào tháng Giêng thay vì tháng Bảy. Để giúp bạn đọc khỏi liên tục phải khấu trừ khoảng thời gian sáu tháng này, thời gian sử dụng ở đầu mỗi chương được căn cứ theo năm nông nghiệp vào thời đó: mùa Lũ (cuối tháng Bảy đến cuối tháng Mười một); mùa Đông (cuối tháng Mười một đến đầu tháng Ba); và mùa Hè (cuối tháng Ba đến cuối tháng Bảy). Agatha Christie (1944) PHẦN I MÙA LŨ Tháng thứ hai Ngày thứ 20, Mùa Lũ RENISENB ĐỨNG NHÌN RA SÔNG NILE. Từ xa xa, vẳng lại tiếng hai người anh trai của nàng, Yahmose và Sobek, đang tranh cãi về việc có cần phải gia cố bờ đê ở một chỗ nào đó hay không. Như thường lệ, giọng Sobek cất cao, đầy tự tin. Anh có thói quen khẳng định cách nhìn của mình với một sự quả quyết dễ dãi. Giọng Yahmose thì thấp, âm điệu thì làu nhàu, thể hiện nỗi nghi ngại và lo lắng. Yahmose luôn trong tâm trạng lo âu chuyện này hay chuyện nọ. Anh là con trưởng nên mỗi khi cha đi lên các điền trang miền Bắc, việc quản lý trang trại đều ít nhiều rơi vào tay anh. Yahmose vốn chậm chạp, thận trọng, có xu hướng thấy việc gì cũng khó. Trông anh chắc nịch, đi đứng chậm chạp, khác hẳn vẻ hơn hớn và tự tin của Sobek. Từ bé, Renisenb nhớ đã nghe hai anh trai nàng cãi cọ nhau, cũng với chính những thanh điệu đó. Điều này chợt khiến nàng có cảm giác an toàn… Nàng đã trở về nhà. Phải, nàng đã về đến nhà… Thế nhưng cứ nhìn lại con sông nhờ nhợ sáng, sự nổi loạn và nỗi đau trong nàng lại dâng lên. Khay, người chồng trẻ của nàng, đã qua đời… Khay, với khuôn mặt tươi cười, đôi bờ vai khỏe mạnh. Khay đã ở cùng Osiris tại Vương quốc của cái chết, còn nàng, Renisenb, người vợ mà anh yêu tha thiết, bị bỏ lại chơ vơ. Sau tám năm sống bên Khay—nàng đã đến với anh khi vừa mới trưởng thành—nay nàng lại trở về trang trại của cha với thân phận góa bụa cùng đứa con của Khay, Teti. Lúc này đây, nàng cảm thấy như chưa từng rời xa khỏi chốn này… Nàng thích ý nghĩ đó… Nàng muốn quên đi tám năm ấy, tám năm đầy ắp những niềm vui khôn xiết cùng những mất mát và nỗi đau làm tan nát cõi lòng. Phải, hãy quên nó đi, rũ nó ra khỏi tâm trí đi. Hãy trở lại thành Renisenb, con gái viên quản mộ Imhotep, cô bé vô tư và hời hợt ngày nào. Tình yêu của người chồng và người anh trai là một sự tai ác đã đày đọa nàng bằng chính sự ngọt ngào của nó. Nàng nhớ đôi bờ vai mạnh mẽ màu đồng thau và chiếc miệng tươi cười ấy… Giờ thì Khay đã bị liệm, bị quấn trong những lớp băng, được bảo vệ bằng những đạo bùa trong suốt cuộc hành trình đi đến thế giới bên kia. Không còn Khay trên thế gian này để giong buồm, bắt cá trên sông Nile nữa rồi. Không còn Khay cười rạng rỡ dưới nắng trong lúc nàng ngồi duỗi chân trên thuyền, bé Teti trên đùi, cười đáp trả lại anh… Renisenb nghĩ: “Mình sẽ không nghĩ về nó nữa. Nó đã qua đi rồi! Mình đã về lại nhà. Mọi thứ lại như xưa. Giờ đây bản thân mình cũng phải giống khi trước. Tất cả sẽ như cũ. Teti đã quên rồi đó thôi. Nó đang nô đùa, cười vui cùng những đứa trẻ khác.” Renisenb quay phắt lại. Nàng bước vội về nhà, băng qua những con lừa chất đầy hàng hóa đang được giong ra bờ biển. Nàng băng qua những vựa thóc, qua những căn nhà phụ, qua cánh cổng dẫn vào sân. Trong sân thật dễ chịu. Một chiếc hồ nhân tạo dưới tán những gốc sung, giữa những bụi trúc đào và những bông hoa nhài. Teti và đám trẻ đang chơi đùa ở đó. Giọng chúng cất lên chói lói và trong veo. Chúng đang chạy ra chạy vào căn nhà chòi nhỏ bên bờ hồ. Renisenb nhận thấy Teti đang chơi với con sư tử gỗ có thể điều khiển bằng dây để làm đóng mở miệng, món đồ chơi mà chính nàng rất thích lúc còn bé. Một lần nữa, nàng sung sướng nghĩ, “Mình đã về lại nhà…” Ở đây chẳng có gì thay đổi, vẫn hệt như ngày nào. Cuộc sống của nàng vẫn an toàn, đều đặn, bất biến. Giờ đây Teti là đứa bé còn nàng là một trong những bà mẹ khép giữa những tường nhà, nhưng cái khuôn khổ, cái cốt yếu của sự việc, vẫn không hề thay đổi. Quả bóng của một đứa bé lăn vào chân nàng. Nàng nhặt lên, cười cợt ném trả lại. Renisenb đi đến cổng vòm, nơi có những chiếc cột màu sắc rực rỡ. Rồi nàng bước vào nhà, băng qua sảnh lớn ở trung tâm, nơi có những dải viền trần nhiều màu sắc, mang họa tiết hoa sen và hoa anh túc. Nàng vào nhà sau, đến khu vực của phụ nữ. Những giọng nói cất cao đập vào tai khiến nàng lại dừng bước để một lần nữa thưởng thức sự dễ chịu của những âm thanh quen thuộc. Satipy và Kait vẫn cãi cọ nhau như muôn thuở! Vẫn là chất giọng khó quên ấy của Satipy, lanh lảnh, áp chế, hiếp đáp! Satipy là vợ của Yahmose, anh nàng. Đó là một phụ nữ cao ráo, năng nổ, miệng lưỡi, xinh đẹp trong kiểu cách cứng rắn và mệnh lệnh của cô ta. Cô muôn thuở đề ra những luật lệ, nhiếc móc các gia nhân, bắt lỗi tất tật mọi thứ, buộc người khác làm những việc không thể làm đơn thuần bằng cách mắng mỏ và bằng cá tính của mình. Mọi người đều khiếp hãi cái lưỡi của cô và chạy vắt giò để làm theo những gì cô sai khiến. Bản thân Yahmose cũng rất ngưỡng mộ cô vợ quyết đoán và dữ dằn của anh, vì vậy anh đã để cô bắt nạt cách chi đó, khiến Renisenb phải nhiều phen phẫn nộ. Trong những khoảng lặng, khi những lời chói tai của Satipy tạm thời ngưng nghỉ, giọng nói điềm đạm và lì lợm của Kait mới được nghe thấy. Kait là một phụ nữ có khuôn mặt rộng và chất phác. Cô là vợ của chàng Sobek vui tính và đẹp trai. Kait toàn tâm toàn ý lo cho con cái và hiếm khi cô nói năng hay suy nghĩ chuyện gì khác. Trong các cuộc cãi vã hằng ngày, Kait bảo vệ lập trường của mình trước người chị dâu bằng một chước đơn giản là lặp lại mọi lời lẽ mà cô đã nói ra lúc đầu với một vẻ điềm tĩnh, lì lợm, và bất di bất dịch. Cô không biểu hiện chút nhiệt tình hay đam mê nào, không bao giờ để ý đến khía cạnh nào khác của vấn đề ngoài khía cạnh của chính cô. Sobek tỏ ra cực kỳ quyến luyến vợ. Anh thoải mái trao đổi với cô về công việc và cảm thấy an tâm khi biết cô sẽ làm ra vẻ lắng nghe, thốt lên những âm thanh động viên dù cho có tán thành hay không. Và anh biết cô sẽ không ghim chuyện vì tâm trí cô chắc chắn đang quẩn quanh với một vấn đề nào đó liên quan đến đám trẻ. “Thật là quá lắm, tôi nói thế đấy,” Satipy la lối. “Nếu Yahmose mà cứng cỏi thì anh ấy sẽ không một giây phút nào chấp nhận được điều này! Khi Imhotep đi vắng, ai là người phụ trách nơi này? Là Yahmose! Tôi là vợ của Yahmose nên tôi phải là người đầu tiên được chọn chiếu và gối. Cái con hà mã thuộc giống mọi đen nô lệ đó phải…” Giọng nói trầm và nặng của Kait chợt xen ngang: “Không, không được đâu cưng, không được ăn tóc búp bê. Coi nè, ở đây có thứ này hay hơn—là kẹo đấy—ồ, ngon quá…” “Còn cô nữa, Kait, cô chẳng lịch sự chút nào cả. Tôi nói mà thậm chí cô cũng chẳng thèm nghe, chẳng thèm trả lời. Thái độ của cô khó coi quá đi.” “Gối màu xanh là của tôi từ hồi nào đến giờ… Ồ, coi bé Ankh kìa —nó đang muốn đi đó…” “Cô cũng ngốc như mấy đứa con của cô vậy, Kait ạ, điều này tôi đã nói mãi rồi! Nhưng cô không thoát được dễ dàng như thế đâu. Tôi sẽ giành được quyền của tôi, nói cho cô biết trước.” Renisenb giật mình khi nghe tiếng bước chân lặng lẽ ở phía sau. Nàng quay phắt lại, thấy lòng gợn lên cái cảm giác ghét bỏ cũ khi nhận ra Henet đang ở ngay sau lưng. Như thường lệ, khuôn mặt gầy của Henet vặn vẹo thành nụ cười bợ đỡ. “Renisenb, hẳn cô đang nghĩ mọi thứ không thay đổi là bao,” bà ta nói. “Làm sao mọi người chúng ta chịu đựng nổi miệng lưỡi của Satipy, tôi cũng chẳng biết nữa! Dĩ nhiên, Kait có thể trả treo. Nhưng những người như tôi thì không may mắn như thế đâu! Tôi biết thân phận của mình chớ, và tôi cũng biết ơn cha cô đã cho tôi mái nhà, cơm ăn và áo mặc. Ôi, cha cô quả là một người tốt bụng. Cho nên tôi luôn cố gắng làm việc. Tôi làm việc không ngừng nghỉ, xắn tay vào chỗ này, xắn tay vào chỗ nọ, và tôi nào có mong ai cảm ơn hay biết ơn đâu. Nếu người mẹ yêu của cô mà còn sống thì chắc là đã khác. Bà ấy đánh giá đúng tôi. Tôi với bà ấy giống như hai chị em vậy. Bà ấy là một người phụ nữ thật là đẹp. Cho nên tôi luôn làm tròn phận sự của mình và giữ lời hứa với bà ấy. ‘Henet, hãy chăm sóc bọn nhỏ,’ bà ấy đã nói thế lúc lâm chung. Và tôi vẫn luôn giữ lời hứa. Tôi đã hầu hạ tất cả các cô cậu mà nào mong ai biết ơn. Tôi chẳng bao giờ cầu xin và cũng chẳng bao giờ nhận được tiếng cảm ơn! ‘Bà già Henet ấy mà,’ người ta nói như thế, ‘bà ấy thì kể làm gì.’ Chẳng ai để tâm đến tôi cả. Mà tại sao phải để tâm cơ chứ? Tôi chỉ ráng sức sống sao cho hữu ích, thế thôi.” Như một con lươn, Henet luồn dưới tay của Renisenb để đi thẳng vào phòng trong. “Này Satipy, về chuyện mấy cái gối đó xin chị thứ lỗi cho, nhưng tôi có nghe Sobek nói…” Renisenb bỏ đi. Sự mất cảm tình xưa cũ đối với Henet lại trỗi dậy. Kể cũng lạ khi cả nhà cô đều không ưa Henet! Chính là bởi cái giọng điệu ca cẩm, cái lối than vãn không ngừng nghỉ và thi thoảng là niềm vui thâm độc của bà ta khi châm ngòi cho một cuộc cãi cọ. “Ừ nhỉ,” Renisenb nghĩ, “tại sao không?” Nàng cho đó là cách Henet tiêu khiển cho bản thân. Cuộc đời bà hẳn là rất buồn thảm. Và quả thật bà đã làm việc như trâu bò mà chẳng ai thèm biết ơn. Không cách chi hàm ơn Henet được. Cứ làm được việc gì hữu ích là bà lại kể lể dai như đỉa và chính điều đó đã làm nguội tanh mọi cảm xúc ân nghĩa. Renisenb nghĩ Henet là kiểu người mà số phận buộc phải tận tụy với người khác, trong khi chẳng ai thèm tận tụy với mình. Bà trông đã khó nhìn mà lại còn ngốc nghếch nữa. Tuy vậy, bà luôn biết rõ chuyện gì đang xảy ra. Kiểu đi đứng lẳng lặng của bà, đôi tai thính của bà, đôi mắt lẹ, tọc mạch của bà khiến mọi người đều nghĩ chẳng có bí mật nào giấu bà được lâu. Đôi lúc Henet giữ rịt những điều bà biết, đôi lúc bà đi đến từng người để rỉ tai rồi đứng lui ra sau để quan sát kết quả những lời mách lẻo của mình. Mọi người trong nhà đều đã đôi lần xin Imhotep sa thải Henet, nhưng Imhotep không muốn nghe chuyện đó. Có lẽ ông là người duy nhất yêu quý bà, và bà đã trả ơn cho sự bảo trợ này bằng sự tận tụy tột cùng khiến mọi người cảm thấy muốn lộn mửa. Renisenb đứng ngập ngừng hồi lâu, lắng nghe tiếng đôi co đang gia tốc giữa hai cô chị dâu, xen kẽ bởi những lời đâm chọt của Henet. Rồi nàng chậm rãi đi về căn phòng nhỏ, nơi bà nội Esa đang ngồi, hai cô bé nô lệ da đen đứng hầu hạ. Bà đang bận xem xét những trang phục bằng vải lanh mà chúng trình cho bà, mắng mỏ chúng theo kiểu cách thân thiện của riêng bà. Đúng vậy, tất cả đều như cũ. Renisenb đứng lắng nghe, chẳng ai để ý nàng ở đó. Bà Esa đã teo tóp hơn chút đỉnh, chỉ thế thôi. Nhưng giọng bà vẫn như xưa, những điều bà nói ra vẫn như cũ, hầu như từng lời từng lời một, theo những gì Renisenb vẫn còn nhớ khi nàng rời khỏi nhà tám năm trước… Renisenb len lén trở ra ngoài. Cả bà cụ lẫn hai cô bé nô lệ đều không hề hay biết nàng vừa đến. Renisenb dừng lại hồi lâu bên cánh cửa bếp để ngỏ. Mùi vịt nướng, rất nhiều lời huyên thuyên, tiếng cười, tiếng mắng mỏ… tất cả thoát ra cùng một lúc. Cả một ụ rau trái đang chờ được lặt rửa. Renisenb đứng lặng, mắt khép lại. Từ nơi nàng đứng có thể nghe được mọi diễn biến xung quanh. Những tiếng động phong phú và đa dạng từ nhà bếp, âm điệu chói lói trong chất giọng bà Esa, giọng nói lanh lảnh của Satipy và, loáng thoáng là giọng nữ trầm, ương ngạnh của Kait. Một mớ hỗn độn những giọng người: tiếng chuyện trò, tiếng cười, tiếng ta thán, tiếng mắng mỏ, tiếng la hét… Và Renisenb chợt cảm thấy ngột ngạt. Nàng cảm thấy như bị vây hãm giữa những lề thói đàn bà dai dẳng và ồn ào. Đàn bà— huyên náo, đàn bà—nhiều chuyện! Một ngôi nhà toàn đàn bà… không bao giờ im ắng, không bao giờ thanh bình… lúc nào cũng lải nhải, la lối, nói này nói nọ…và không bao giờ làm. Còn Khay, Khay im ắng và chăm chú trên con thuyền của anh, toàn bộ tâm trí dồn vào con cá mà anh sắp sửa xiên… Không hề có những trò khua môi múa mép, những trò nhặng xị chộn rộn, không ngưng nghỉ. Renisenb bước nhanh ra khỏi nhà, trở lại với sự yên ắng trong veo, hâm hấp nóng. Nàng thấy Sobek trở về từ ngoài đồng, và cách đó một khoảng là Yahmose đang hướng đến Khu Mộ. Nàng quay lại, men theo lối mòn đi lên những vách đá vôi, nơi tọa lạc Khu Mộ. Đó là khu mộ của Meriptah vĩ đại mà cha nàng chính là người quản mộ, chịu trách nhiệm chăm sóc nó. Toàn bộ khu điền trang và đất đai là một phần cơ ngơi của Khu Mộ. Khi cha đi vắng, nhiệm vụ quản mộ rơi vào tay Yahmose. Lúc Renisenb chậm rãi men theo lối mòn dốc lên đến nơi, Yahmose đang hội ý cùng Hori, người phụ trách công việc buôn bán làm ăn của cha nàng, trong căn phòng đá be bé sát bên phòng cúng của Khu Mộ. Một tấm giấy cói trải trên đùi Hori. Anh và Yahmose đang cặm cụi xem xét nó. Cả hai mỉm cười khi thấy Renisenb bước đến. Nàng ngồi xuống một mảng bóng râm ngay cạnh họ. Nàng xưa nay vẫn rất yêu mến Yahmose. Với nàng, anh vẫn luôn dịu dàng, trìu mến và tính khí anh thật ôn hòa, tử tế. Cả Hori cũng thế. Anh luôn tử tế và nghiêm nghị với bé Renisenb, đôi khi còn giúp nàng gắn lại những món đồ chơi gãy. Vào lúc nàng ra đi, anh là một chàng trai trẻ ít nói, nghiêm trang, với những ngón tay tinh tế và khéo léo. Renisenb nghĩ mặc dù anh có già hơn trước, trông anh chẳng thay đổi là bao. Nụ cười nghiêm nghị mà anh dành cho nàng cũng hệt như nụ cười nàng vẫn nhớ… Yahmose và Hori đang thì thầm với nhau: “Bảy mươi ba giạ lúa mạch của Ipi nhỏ…” “Tổng cộng là hai trăm ba chục bao lúa mì và một trăm hai chục giạ lúa mạch.” “Vâng, nhưng ta còn phần tiền gỗ và phần thu hoạch được trả bằng dầu ở Perhaa…” Họ tiếp tục trao đổi. Renisenb uể oải ngồi, hài lòng với cái nền âm thanh tiếng thì thầm của đàn ông. Lúc này Yahmose đã đứng dậy và đi khỏi sau khi trao lại cuộn giấy cói cho Hori. Renisenb ngồi lại trong sự im lặng thân thiết. Nàng chạm vào một cuộn giấy và cất tiếng hỏi: “Cái này cha em gửi hả?” Hori gật đầu. “Ông ấy nói gì vậy?” Nàng tò mò hỏi. Nàng duỗi tấm giấy ra, nhìn vào những ký tự vô nghĩa dưới cặp mắt không học vấn của nàng. Khẽ mỉm cười, Hori khom xuống sau vai nàng, dùng ngón tay lần theo những dòng chữ mà anh đọc. Lá thư được diễn đạt khá cầu kỳ theo phong cách các bậc thầy thư pháp của Heracleopolis. “Bề tôi của Điền trang, Quản mộ Imhotep viết rằng: “Cầu cho cuộc sống của các người được như của những ai đã trải qua hàng triệu cuộc sống. Cầu Thần Herishaf, cầu Chúa tể của Heracleopolis và tất cả các Thánh Thần độ trì cho các người. Cầu Thần Ptah đem lại niềm vui cho trái tim sống mãi của các người. Người con trai thổ lộ với mẹ mình, Quản mộ Imhotep thưa với mẹ Esa. Mẹ sống thế nào, có an toàn và khỏe mạnh không? Với cả nhà, mọi người ra sao rồi? Với con trai Yahmose của ta, cuộc sống của con ra sao, có an toàn và khỏe mạnh không? Hãy làm cho đất đai của ta sinh lộc tối đa. Hãy cố gắng tột bậc, hãy chúi mũi vào cày xới đất đai. Con biết đấy, nếu con siêng năng và cần cù, ta sẽ cầu Thần Thánh phù hộ cho con…” Renisenb bật cười. “Tội nghiệp Yahmose! Anh ấy đã làm việc nhọc nhằn lắm rồi, em biết chắc vậy mà.” Những lời dặn dò của cha khiến hình ảnh ông hiện lên sống động trước mắt nàng: cái kiểu cách phô trương có phần hơi nhặng xị của ông, cái lối dặn dò, chỉ bảo liên tục của ông. Hori đọc tiếp: “Hãy hết sức chăm sóc cho con trai Ipy của ta. Ta nghe nói nó đang bất mãn. Hãy nhắc Satipy đối xử tốt với Henet. Nhớ đấy nhé! Đừng quên viết về lanh và dầu. Hãy trông nom cho thóc gạo của ta sinh sôi. Hãy trông nom tất cả mọi thứ của ta, vì ta đã trao trách nhiệm cho con. Nếu đất đai của ta bị ngập lụt, con và Sobek sẽ bị quở trách đấy.” “Cha em vẫn không thay đổi,” Renisenb vui vẻ nói. “Ông ấy lúc nào cũng nghĩ nếu ông mà vắng mặt thì mọi thứ đều hỏng bét.” Nàng thả cho tờ giấy cói tự cuộn lại rồi dịu dàng bổ sung: “Mọi thứ vẫn như xưa…” Hori không trả lời. Anh cầm lấy cuộn giấy và bắt đầu viết. Renisenb lười nhác nhìn anh hồi lâu. Nàng cảm thấy quá vui, không thốt được lên lời. Một lúc sau, nàng mơ màng nói: “Biết viết trên giấy cói cũng thú vị ghê. Tại sao mọi người không học viết nhỉ?” “Vì không cần thiết.” “Có thể không cần thiết, nhưng nó rất thú vị.” “Em nghĩ vậy sao, Renisenb? Với em thì việc đó thay đổi được gì?” Renisenb suy nghĩ một hồi. Rồi nàng từ tốn nói: “Hori, anh đã hỏi em như thế thì thực sự em không biết.” Hori nói, “Hiện thời một điền trang lớn chỉ cần vài thầy ký là đủ, nhưng anh hình dung đến một ngày nào đó Ai Cập sẽ có nguyên cả một đội quân những thầy ký.” “Đó sẽ là một điều tốt,” Renisenb nói. Hori từ tốn nói: “Anh không chắc như vậy đâu.” “Tại sao anh không chắc?” “Renisenb ạ, bởi vì viết ra mười giạ lúa hay một trăm đầu gia súc hay mười đồng lúa mì là một việc quá dễ, chẳng tốn bao công sức. Và điều được viết ra có vẻ giống như đời thực, cho nên người viết và thầy ký sẽ đi đến chỗ coi thường những người cày bừa ở ngoài đồng, những người gặt lúa và chăn nuôi gia súc. Nhưng cuối cùng thì đồng ruộng và đám gia súc vẫn là những vật thật chứ không phải là những dấu mực trên giấy cói. Khi tất cả các ghi chép, tất cả các cuộn giấy bị tiêu hủy và những thầy ký đi tản mát hết cả thì những người cày bừa và gặt hái vẫn tồn tại, Ai Cập vẫn sống mãi.” Renisenb chăm chú nhìn anh. Nàng từ tốn nói: “Vâng, em hiểu ý anh rồi… Chỉ có những thứ ta thấy, ta chạm vào được, ta ăn được mới là thật… Có viết ra ‘tôi có hai trăm bốn chục giạ lúa’ thì cũng chẳng ý nghĩa gì trừ phi ta có những giạ lúa thật. Người ta có thể viết ra những điều gian dối.” Hori mỉm cười trước khuôn mặt nghiêm trang của nàng. Renisenb đột ngột nói: “Anh đã gắn lại con sư tử cho em… lâu lắm rồi, anh còn nhớ không?” “Có chứ, anh nhớ mà, Renisenb.” “Bây giờ thì Teti đang chơi với nó… Cũng con sư tử ấy.” Nàng ngưng lại rồi giản dị nói: “Lúc Khay đến với Osiris, em buồn lắm. Nhưng giờ thì em đã về nhà và em phải vui vẻ trở lại. Phải quên đi… vì tất cả mọi thứ ở đây đều như cũ. Chẳng có gì thay đổi cả.” “Em nghĩ vậy thật sao?” Nàng sắc sảo nhìn anh. “Ý anh là sao hả Hori?” “Ý anh là thay đổi vẫn cứ diễn ra. Tám năm thì vẫn là tám năm.” “Ở đây chẳng có gì thay đổi cả,” Renisenb tự tin nói. “Có lẽ rồi sau sẽ thay đổi.” Renisenb gay gắt nói: “Không, em muốn mọi thứ vẫn như xưa!” “Nhưng bản thân em đã ra đi cùng Khay và đâu còn như xưa nữa.” “Em vẫn như xưa mà! Còn nếu không thì em sẽ sớm trở lại như xưa thôi.” Hori lắc đầu. “Em không trở lại được đâu, Renisenb. Cũng giống như các đo đếm của anh đây. Anh lấy đi một nửa rồi bổ sung vào một phần tư, rồi tiếp đến là một phần mười, rồi một phần hai mươi bốn… Em thấy đó, cuối cùng thì con số tổng sẽ khác với con số ban đầu.” “Nhưng em vẫn là Renisenb.” “Nhưng Renisenb luôn có thứ gì đó cộng thêm vào, vì vậy em luôn là một Renisenb khác.” “Không, không đâu. Anh vẫn là Hori của ngày xưa.” “Em cứ nghĩ vậy đi nhưng không phải vậy đâu.” “Phải, phải mà! Cả Yahmose cũng như xưa, lúc nào cũng lo lo lắng lắng. Chị Satipy vẫn bắt nạt anh ấy như ngày nào. Chị ấy vẫn cãi cọ hằng ngày với chị Kait về mấy tấm chiếu hay mấy chuỗi hạt. Rồi sắp tới, khi em quay về, họ sẽ lại cười đùa với nhau như những người bạn thân nhất. Henet thì vẫn cứ lẩn lút, nghe lỏm, than vãn về sự tận tụy của bà ta. Và bà nội em thì vẫn mắng nhiếc cô hầu nhỏ về một bộ đồ vải lanh nào đó! Tất cả đều như xưa. Rồi sắp tới, khi cha em trở về, sẽ có một trận la mắng om sòm cho coi. Ông ấy sẽ nói ‘Tại sao các người không làm việc này? Tại sao các người không làm việc nọ.’ Rồi Yahmose sẽ tỏ ra lo lắng, còn Sobek thì xấc xược cười, và cha em sẽ làm hỏng Ipy mà lúc này đã mười sáu tuổi đầu vì ông thường xuyên nuông chiều nó từ hồi nó lên tám. Tất cả mọi thứ hoàn toàn không thay đổi!” Nàng hụt hơi, dừng lại. Hori thở dài. Anh nhỏ nhẹ nói: “Em không hiểu đâu, Renisenb. Có cái ác từ bên ngoài đến. Nó tấn công lộ liễu đến mức cả thế giới đều thấy. Nhưng cũng có một dạng mục ruỗng khác nảy mầm từ bên trong và không để lộ ra một dấu hiệu nào cả. Nó từ từ phát triển, từng ngày từng ngày một, cho đến khi toàn bộ trái cây bị thối rữa, bị dịch bệnh ăn sạch.” Renisenb trố mắt nhìn anh. Hori nói với vẻ xa vắng, chẳng giống như anh đang trò chuyện cùng nàng, mà tựa như đang lẩm nhẩm nói với chính bản thân. Nàng gay gắt la lên: “Anh muốn nói gì vậy, Hori? Anh làm em sợ đấy!” “Chính anh cũng còn sợ nữa là.” “Nhưng anh ám chỉ gì? Anh nói cái ác nào?” Hori nhìn nàng, chợt mỉm cười. “Quên những gì anh nói đi, Renisenb. Anh đang nghĩ về những dịch bệnh tấn công mùa màng ấy mà.” Renisenb thở dài nhẹ nhõm. “Em mừng quá. Em cứ tưởng… em không biết em tưởng gì nữa.” Tháng thứ ba Ngày thứ 4, Mùa Lũ SATIPY ĐANG TRÒ CHUYỆN với Yahmose. Giọng cô ở cung bậc rất cao và chẳng mấy khi đổi thang độ. “Anh phải kiên quyết lên, tôi nói vậy đó! Anh mà không kiên quyết thì không ai tôn trọng anh đâu. Cha anh nói phải làm xong việc này, phải làm xong việc kia, rồi tại sao không làm những việc khác nữa? Thế mà anh vẫn nhu nhược lắng nghe và trả lời vâng, ừ, rồi lại đi thanh minh cho những việc mà ông ta dặn phải làm, những việc mà, có Các Thần chứng giám, thường xuyên là bất khả thi! Cha anh đối xử với anh cứ như anh là con nít, là thằng nhóc vô trách nhiệm vậy! Bộ anh bằng tuổi chú Ipy hay sao vậy.” Yahmose ôn tồn nói: “Cha tôi không hề đối xử với tôi như Ipy.” “Còn không nữa.” Satipy chuyển sang đề tài mới với một sự thâm độc mới mẻ. “Ông ấy thật điên rồ khi nuông chiều cái thằng nhóc hư đốn đó! Càng ngày nó càng không thể nào chịu nổi. Nó khoác lác lung tung và chẳng làm được cái tích sự gì cả, cứ làm ra vẻ bị người khác bắt phải làm việc gì đó vượt quá sức không bằng! Thật là đáng ghét. Và tất cả đều tại nó biết cha anh sẽ bao che cho nó, đứng về phía nó. Về chuyện này anh và chú Sobek phải có ý kiến mạnh mẽ vào.” Yahmose nhún vai. “Để làm gì?” “Yahmose, anh làm tôi điên lên mất. Anh cứ như thế! Chẳng có ý chí gì cả. Anh nhu nhược như phụ nữ ấy! Cha anh cứ nói gì là anh tán thành ngay tức thì!” “Tôi rất yêu cha tôi.” “Phải rồi, cho nên ông ấy đã lợi dụng ngay điều đó! Thế là anh tiếp tục bạc nhược nhận những lời quở trách và thanh minh cho những thứ không phải lỗi tại anh! Anh phải lên tiếng, phải cự cãi lại ông ấy giống như chú Sobek vẫn hay làm. Chú Sobek chẳng sợ ai cả!” “Đúng, nhưng Satipy, cô nên nhớ rằng tôi mới là người mà cha tin tưởng chứ không phải Sobek. Cha tôi không đặt niềm tin vào chú ấy. Mọi việc đều giao cho tôi định đoạt chứ không phải chú ấy.” “Và đó là lý do vì sao anh dứt khoát phải được liên kết như đối tác trong cái điền trang này! Anh đại diện cho cha anh khi ông ấy đi khỏi, anh sắm vai quản mộ khi ông ấy vắng mặt, mọi việc đều dồn cả cho anh, thế mà anh có được trao quyền hành chính thức đâu. Phải có một thỏa thuận cho đàng hoàng chứ. Anh đã là đàn ông sắp đến tuổi trung niên rồi còn gì. Đối xử với anh như con nít thật không phải chút nào.” Yahmose nghi hoặc nói: “Cha thích nắm mọi quyền hành trong tay.” “Chính xác. Ông ấy thích mọi người trong nhà này phải lệ thuộc vào ông ấy, lệ thuộc vào những trò đồng bóng thất thường của ông ấy. Điều đó rất tệ, và nó sẽ còn tệ hơn nữa cơ đấy. Lần này, khi ông ấy về nhà, anh phải nói khó với ông ấy, phải đòi ông ấy một thỏa thuận bằng văn bản, đòi cho anh một vị thế thường trực.” “Ông ấy không nghe đâu.” “Thế thì anh phải làm cho ông ấy nghe. Ôi, giá như tôi là đàn ông! Tôi mà ở vị trí anh thì tôi sẽ biết phải làm thế nào! Đôi lúc tôi có cảm giác mình lấy phải sâu bọ vậy.” Yahmose đỏ bừng mặt. “Để xem tôi có thể làm được gì… Tôi có thể… phải… có lẽ tôi nên nói chuyện với cha… xin ông ấy…” “Không xin xỏ gì cả… Anh phải đòi! Dù sao anh cũng nắm đằng chuôi kia mà. Ngoài anh ra, ông ấy còn biết ủy thác cho ai khi đi vắng? Sobek thì quá ngang ngạnh. Cha anh không tin tưởng chú ấy, Ipy thì hãy còn quá non.” “Có Hori đấy thôi.” “Hori không phải là người nhà. Cha anh tin vào phán xét của Hori, nhưng ông ấy sẽ chỉ trao quyền hành vào tay con cái mình mà thôi. Nhưng tôi hiểu ra rồi. Anh quá nhu mì, bạc nhược. Trong huyết quản của anh làm gì có máu, chỉ có sữa mà thôi! Anh có nghĩ gì đến tôi và con cái chúng ta đâu. Chỉ trừ phi cha anh chết đi thì họa may chúng ta mới có được vị trí đích đáng.” Yahmose xẵng giọng nói: “Salipy, cô khinh tôi đấy à?” “Anh chỉ chọc tức tôi thôi.” “Nghe đây, tôi sẽ thưa với cha khi ông ấy trở về. Tôi hứa đấy.” Satipy thì thầm: “Được… Nhưng để coi anh nói như thế nào? Như đàn ông hay như con chuột nhắt?” • • • Kait đang chơi với đứa con út, bé Ankh. Bé vừa mới biết đi nên Kait động viên nó bằng những lời cười cợt. Cô quỳ gối trước bé, chờ đón nó bằng đôi tay dang rộng cho đến khi bé chập chững đổ tới trước, lảo đảo ngã vào vòng tay của mẹ. Kait muốn khoe thành tựu này với Sobek, nhưng cô chợt nhận ra anh không hề chú ý mà ngồi đó với vầng trán đẹp cau cau thành một cái nhăn nhó. “Ồ, Sobek, anh không xem gì cả. Anh bị lỡ mất rồi. Bé cưng, nói với ba đi, ba hư lắm, ba không chịu xem con.” Sobek cáu kỉnh nói: “Anh đang có chuyện phải suy nghĩ… Ừ, và phải lo lắng nữa.” Kait tựa gót ngả ra sau, rẽ lại mái tóc trên cặp chân mày rậm, nơi các ngón tay của bé Ankh vừa bám vào. “Sao vậy? Có chuyện gì không ổn hả anh?” Kait bâng quơ nói. Câu hỏi của cô quá nửa phần là máy móc. Sobek giận dữ đáp: “Rắc rối là ở chỗ anh không được tin tưởng. Cha anh là một lão già. Suy nghĩ của ông ấy vừa vô lý vừa hủ lậu. Ông ấy cứ nằng nặc áp đặt từng hoạt động ở nơi đây. Ông ấy không để anh định đoạt chuyện gì cả.” Kait lắc đầu, thì thào một cách lơ đễnh: “Phải rồi. Như vậy thì tệ thật.” “Giá như Yahmose cứng cỏi hơn một chút để hậu thuẫn cho anh thì họa may còn hy vọng làm cho cha biết lý lẽ. Nhưng Yahmose lại nhút nhát quá chừng. Anh ấy chỉ chăm bẳm làm theo từng chỉ thị mà cha ghi trong thư.” Kait lắc mấy hạt đậu cho bé nghe và thì thào: “Vâng, quả là vậy.” “Về chuyện mấy cây gỗ, khi nào cha về anh sẽ nói với ông ấy rằng anh đã tự định đoạt. Nhận thanh toán bằng sợi lanh tốt hơn nhiều so với nhận thanh toán bằng dầu.” “Em tin chắc là anh đúng.” “Nhưng cha cố chấp chưa từng thấy với lề lối của mình. Ông ấy sẽ la ó, sẽ hét toáng lên, ‘Tôi đã dặn anh trao đổi bằng dầu cơ mà. Tôi không có nhà là mọi thứ đều hỏng bét. Anh là một thằng ngốc chả biết gì cả!’ Ông ấy tưởng anh bao nhiêu tuổi? Anh là người đàn ông đương thời, còn ông ấy thì đã hết thời rồi, ông ấy có nhận ra điều đó đâu. Những chỉ thị của ông ấy và việc ông ấy không chịu bãi bỏ những giao dịch bất bình thường đang làm cho chúng ta không thể kinh doanh tốt như lẽ ra phải thế. Muốn giàu lên thì phải chấp nhận vài rủi ro chứ. Anh có tầm nhìn và có cả sự can đảm nữa. Cả hai thứ đó, cha anh đều không có.” Vẫn không rời mắt khỏi con gái, Kait nhẹ nhàng nói: “Anh mạnh mẽ và thông minh lắm, Sobek.” “Nhưng lần này nếu ông ấy còn dám trách mắng và quát nạt anh thì ông ấy sẽ phải nghe vài sự thật! Anh mà không được trao quyền chủ động thì anh sẽ đi. Anh sẽ đi khỏi đây.” Đang chìa tay cho con, Kait quay phắt lại, động tác của cô đột ngột dừng. “Đi khỏi đây? Anh định đi đâu?” “Đi nơi nào đó! Thật không thể chịu đựng nổi cứ bị bắt nạt và làm tình làm tội bởi lão già bắng nhắng, tự tôn tự đại đó. Lão không cho anh cơ hội nào để chứng tỏ năng lực.” “Không được,” Kait gay gắt nói. “Em nói là không được đâu, Sobek.” Sobek nhìn sững vợ. Chính vì giọng nói mà anh mới nhận ra sự hiện diện của cô. Anh đã quen với những lời vuốt đuôi dịu dàng của Kait mà quên mất sự tồn tại của cô như một phụ nữ đang sống và biết suy nghĩ. “Ý em là sao, Kait?” “Ý em là em sẽ không để anh làm điều dại dột đó. Cả cái điền trang này thuộc về cha anh, đất đai, mùa màng, gia súc, cây gỗ, những cánh đồng lanh… tất cả! Khi nào cha anh chết đi thì chúng mới thuộc về chúng ta, thuộc về anh, Yahmose và con cái chúng ta. Nếu anh cự cãi cha rồi bỏ đi thì ông ấy sẽ chia đều gia sản cho Yahmose và Ipy. Ông ấy đã sẵn yêu Ipy quá chừng rồi. Ipy biết điều đó và đang lợi dụng. Anh không nên làm lợi cho nó. Nó hưởng lợi quá nhiều nếu như anh cự cãi cha rồi bỏ đi. Chúng ta còn phải nghĩ cho con cái nữa chứ.” Sobek nhìn vợ hồi lâu. Rồi anh đột nhiên bật cười. “Phụ nữ luôn bất ngờ. Anh không ngờ em dữ dằn như vậy đấy, Kait.” Kait tha thiết nói: “Đừng cự cãi cha anh. Đừng trả treo ông ấy. Hãy khôn ngoan chờ thêm một thời gian ngắn nữa đi.” “Có lẽ em nói đúng, nhưng tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài nhiều năm. Lẽ ra cha nên liên kết với bọn anh thông qua một quan hệ đối tác.” Kait lắc đầu. “Ông ấy không làm vậy đâu. Ông ấy quá thích rao giảng rằng chúng ta đang ăn bánh mì của ông ấy, rằng tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào ông ấy, rằng nếu không có ông ấy thì tất cả chúng ta chẳng biết đi đâu để mà sống.” Sobek ngạc nhiên nhìn vợ. “Kait, em không ưa cha anh lắm nhỉ.” Nhưng Kait đã lại cúi xuống đứa bé đang chập chững. “Lại đây cưng. Coi, búp bê của con nè. Lại đây đi, giỏi, lại đây…” Sobek nhìn mái tóc đen của vợ đang cúi xuống. Rồi, với vẻ lúng túng, anh bỏ đi nơi khác. • • • Bà Esa cho người gọi cậu cháu Ipy. Thằng bé xinh trai tuổi mới lớn mang cái vẻ bất mãn đang đứng trước bà nội để nghe bà quở trách bằng một giọng the thé. Bà đang nhìn xoáy vào nó bằng đôi mắt mờ, trông bề ngoài vẫn tinh anh nhưng nhìn chẳng rõ được bao nhiêu. “Bà nghe người ta nói gì đây? Cháu sẽ không làm chuyện này, cháu sẽ không làm chuyện nọ, đúng không nào? Cháu muốn đi chăn trâu, cháu không muốn đi theo Yahmose hay đi thăm mùa màng, đúng không nào? Mọi chuyện sẽ ra sao nếu một thằng nhóc như cháu tự ý nói sẽ làm gì và không làm gì?” Ipy sưng sỉa nói: “Cháu không phải là thằng nhóc. Cháu lớn rồi, tại sao mọi người cứ đối xử với cháu như con nít vậy? Cứ dúi cho hết việc này đến việc nọ mà không hề hỏi ý kiến, và cũng không có việc nào ra việc nào cả. Suốt ngày bị Yahmose sai bảo. Yahmose tưởng anh ấy là ai cơ chứ?” “Nó là anh trai của cháu và nó phụ trách nơi đây mỗi khi cha cháu đi vắng.” “Yahmose ngốc lắm, vừa chậm lại vừa ngốc. Cháu thông minh hơn anh ấy nhiều. Sobek cũng ngu ngốc nốt dù anh ấy cứ ba hoa khoác lác, tự cho mình là thông minh! Cha cháu đã có viết thư nói rõ cháu được làm công việc nào tùy cháu chọn…” “Vậy là không có việc nào cả,” bà Esa luận suy. “Cha nói phải cho cháu thêm đồ ăn thức uống, và nếu cha nghe được cháu không vui, không được đối xử tốt thì ông ấy sẽ rất giận.” Ipy mỉm cười trong lúc nói, một nụ cười hơi nhếch mép. “Cháu là một đứa trẻ hư, hỗn xược,” bà Esa thịnh nộ nói. “Bà sẽ nói với cha Imhotep của cháu như vậy.” “Đừng, đừng mà bà. Bà không nên làm vậy.” Nụ cười của Ipy chợt thay đổi, trở nên xun xoe, có phần hơi trơ trẽn. “Bà và cháu là bộ não của gia đình này mà bà nội.” “Cháu là đồ vô liêm sỉ!” “Cha cháu luôn trông cậy vào phán xét của bà. Ông ấy biết bà là người khôn ngoan.” “Có lẽ là thế thật, nhưng bà không cần cháu nói với bà điều đó đâu.” Ipy phá lên cười. “Bà nội à, bà nên về phe cháu đi.” “Phe phái gì ở đây?” “Các anh cháu đang rất bất mãn, bà không biết chuyện đó sao? Dĩ nhiên là bà biết. Henet chẳng rỉ tai bà tất tật mọi thứ đó sao. Suốt ngày suốt đêm Satipy xúi bẩy Yahmose bất cứ lúc nào chị ấy tóm cổ được anh ta. Sobek đã làm chuyện dại dột là đi bán mấy cây gỗ và anh ta đang sợ cha nổi giận khi phát hiện ra. Bà nội, bà thấy đó, chỉ vài năm nữa thôi cháu sẽ liên kết với cha và ông ấy sẽ làm mọi thứ theo ý cháu.” “Theo ý cháu, đứa con út ít trong nhà này ấy à?” “Tuổi tác thì quan trọng gì? Cha cháu là người nắm quyền, và cháu là người biết cách điều khiển ông ấy!” “Nói năng bậy bạ,” bà Esa nói. Ipy mềm mỏng nói: “Bà nội à, bà đâu có ngốc đâu… Bà biết rõ quá rồi mà. Cha cháu mặc dù ăn to nói lớn là vậy, nhưng thật ra là một người yếu đuối…” Nó đột ngột khựng lại khi thấy bà Esa xê dịch đầu, nhìn ra sau lưng nó. Nó quay đầu lại và thấy Henet đứng ngay sát sau lưng. “Imhotep là người yếu đuối sao?” Henet nói bằng giọng mềm mỏng và rên rỉ. “Tôi nghĩ ông ấy chẳng hài lòng lắm đâu nếu nghe cậu nói thế về mình.” Ipy nở một nụ cười nhanh và lúng túng. “Nhưng bà sẽ không mách lại với ông ấy chứ, Henet… Thôi mà, Henet, hứa với tôi đi… Henet thân mến…” Henet lẩn đến chỗ bà Esa. Giọng bà cất lên với một chút âm điệu ta thán. “Dĩ nhiên rồi, tôi chẳng bao giờ muốn gây rối, cậu biết mà… Tôi tận tụy với tất cả các cô cậu. Tôi không bao giờ mách lại chuyện gì trừ phi tôi tin đó là bổn phận của tôi…” “Tôi đang chọc ghẹo bà nội, chỉ thế thôi,” Ipy nói. “Tôi sẽ nói với cha như thế. Ông ấy sẽ hiểu rằng tôi không thể nói điều đó một cách nghiêm túc.” Nó khẽ gật đầu quả quyết với Henet rồi bước ra khỏi phòng. Henet nhìn theo rồi nói với bà Esa: “Một cậu bé rất hay… rất hay và đã khôn lớn. Cậu ấy nói năng cũng táo tợn lắm nhỉ!” Esa gay gắt nói: “Nó nói năng nguy hiểm thì có. Tôi không thích những ý nghĩ trong đầu nó. Con trai tôi đã nuông chiều nó quá mức.” “Đẹp đẽ và quyến rũ như cậu ấy thì ai mà chẳng yêu chiều?” “Đẹp đẽ chả là gì cả,” bà Esa gay gắt nói. Im lặng một lúc, bà từ tốn nói tiếp: “Henet này… Tôi thấy lo quá.” “Lo ư? Bà lo gì vậy, bà Esa? Dù sao ông chủ cũng sắp về đến nơi rồi, tất cả mọi sự sẽ ổn thôi mà.” “Tôi tự hỏi có phải như vậy không?” Một lần nữa, bà chìm vào im lặng. Rồi bà nói: “Cháu nội Yahmose của tôi có nhà không vậy?” “Tôi mới thấy cậu ấy đi về phía cổng vòm.” “Ra gọi nó vào đây cho tôi nói chuyện.” Henet đi ra ngoài. Tại cánh cổng vòm tuyệt đẹp với những cây cột nhiều màu sắc rực rỡ bà gặp Yahmose và truyền đạt lại lời nhắn của bà Esa. Yahmose lập tức tuân theo lời triệu tập. Bà Esa đột ngột nói: “Yahmose, chẳng mấy chốc Imhotep sẽ về đến đây.” Khuôn mặt hiền hòa của Yahmose vụt sáng. “Vâng, vậy thì tốt quá rồi.” “Mọi việc đều theo sắp xếp của cha cháu cả chứ? Công việc làm ăn có phát đạt không?” “Các chỉ thị của cha đều đã được thực thi trong khả năng của cháu.” “Còn về Ipy thì sao?” Yahmose thở dài. “Cha cháu nuông chiều thằng bé đó quá mức. Điều đó thật không hay chút nào cho nó.” “Cháu phải làm rõ chuyện này với Imhotep.” Yahmose lộ vẻ ngờ vực. Esa quả quyết nói: “Bà sẽ hậu thuẫn cho cháu.” “Đôi lúc cháu chỉ thấy toàn những chuyện khó khăn,” Yahmose thở dài nói. “Nhưng có cha về tới thì mọi chuyện đều ổn. Khi đó ông ấy muốn gì thì ông ấy tự quyết. Thật khó mà làm theo ý của ông ấy khi ông ấy đi vắng, nhất là khi cháu chẳng có quyền hành gì mà chỉ là người được ông ấy ủy nhiệm.” Esa từ tốn nói: “Cháu là đứa con ngoan, trung hiếu. Cháu cũng là một người chồng tốt nữa. Cháu biết tuân thủ câu ngạn ngữ nói rằng một người đàn ông yêu vợ thì phải đem lại cho vợ một mái nhà, làm cho bụng của vợ luôn no đủ, cung cấp áo ấm cho vợ, tặng vợ những đồ trang sức đắt giá và làm cho trái tim của vợ luôn hạnh phúc chừng nào vẫn còn sống. Nhưng cũng còn một châm ngôn khác đại thể nói rằng: Hãy đừng để cho vợ được đằng chân lân đằng đầu. Cháu nội ạ, nếu bà mà là cháu thì bà sẽ thuộc nằm lòng câu châm ngôn này…” Mặt đỏ bừng, Yahmose nhìn bà rồi quay sang chỗ khác. Tháng thứ Ba Ngày thứ 14, Mùa Lũ CẢNH LĂNG XĂNG CHUẨN BỊ diễn ra khắp nơi nơi. Hàng trăm ổ bánh mì được nướng xong trong bếp, nay vịt đang được lôi ra chiên. Không khí tràn ngập mùi hành, tỏi và đủ loại gia vị. Cánh phụ nữ đang la lối, sai bảo nhau, đám gia nhân nam thì chạy lui chạy tới. Khắp nơi, mọi người đều thì thào: “Ông chủ… Ông chủ sắp về tới…” Renisenb đang phụ kết những bông sen và bông anh túc lên những vòng hoa. Nàng cảm thấy một niềm vui phấn khích sôi trào ở trong tim. Cha sắp về tới! Trong vài tuần qua nàng đã lẳng lặng luồn vào những ngóc ngách của cuộc sống xưa cũ. Nàng tin rằng cái cảm giác đầu tiên về sự lạ lẫm, không quen thuộc do những lời lẽ mà Hori gợi ra nay đã qua đi rồi. Nàng đã là Renisenb của ngày xưa. Yahmose, Satipy, Sobek và Kait đều như xưa. Và giờ đây, cũng giống như thuở nào, lại đang là sự lăng xăng chuẩn bị cho ngày về của cha Imhotep. Tin đến trước nói rằng ông sẽ về với họ trước đêm nay. Một gia nhân được cắt cử canh chừng ngoài bờ sông để báo động khi ông chủ về gần. Và bất chợt giọng anh ta vang lên to và rõ, truyền về cái mật hiệu đã được thỏa thuận trước. Renisenb buông những bông hoa, chạy ra cùng mọi người. Tất cả đều hối hả hướng về cánh đồng hoang bên bờ sông. Yahmose và Sobek đã ở sẵn nơi đó cùng một đám nhỏ dân làng, dân chài và nông dân, tất cả đều đang hò reo và chỉ trỏ đầy khích động. Đây rồi, một chiếc thuyền đang lướt nhanh trên sông với cánh buồm lớn vuông vức, phồng căng bởi gió Bắc. Bám sát ngay phía sau là chiếc thuyền bếp chật ních những người đàn ông và phụ nữ. Lúc này Renisenb đã thấp thoáng thấy cha ngồi cầm một đóa sen cạnh một người mà nàng đoán là con hát. Tiếng hò reo trên bờ tăng gấp đôi khi Imhotep vẫy tay chào và các thủy thủ bắt đầu nhấc, kéo sợi dây neo. Có những tiếng hô lớn “Mừng ông chủ đã về,” tiếng cầu nguyện Các Thần, lời tạ ơn cho sự trở về yên ổn. Ít lâu sau Imhotep đã bước lên bờ, thăm hỏi gia đình ông và đáp lại những chào mừng rầm rộ theo đúng như nghi thức. “Xin ngợi ca Sobek, con của Neith, vì đã vận chuyển ngài an toàn trên sông nước”, “Xin ngợi ca Ptah, miền Nam của bờ thành Memphite, vì đã đưa ngài trở về với chúng ta! Tạ ơn Ré đã soi sáng Hai Vùng Đất!” Renisenb len lên trước, say sưa với niềm phấn khích chung. Imhotep đứng thẳng dậy, vẻ trịnh trọng, và Renisenb chợt nghĩ: “Nhưng trông cha sao lại nhỏ bé vậy. Mình cứ nghĩ ông ấy phải to lớn hơn thế.” Một cảm giác hơi thất vọng chợt thoáng qua Renisenb. Cha nàng đã teo tóp đi chăng? Hay ký ức của nàng đã lầm lẫn? Nàng vẫn nghĩ về cha như một người kỳ vĩ, một hung thần thường xuyên nhặng xị, quát bên trái, nạt bên phải, đôi lúc khiến nàng phải nhịn cười, nhưng vẫn cứ là một nhân vật khả kính. Nhưng người đàn ông nhỏ thó, đẫy đà và già nua đó lại trông quá khệnh khạng và vì vậy cách chi đó không gây được ấn tượng. Nàng đã sai chỗ nào nhỉ? Cớ sao những ý nghĩ bất hiếu ấy lại lẻn vào đầu nàng? Kết thúc những lời lẽ khoa trương và long trọng, Imhotep bước đến sân khấu của những cuộc chào đón riêng tư hơn. Ông ôm hôn các con trai. “A, Yahmose ngoan của cha, trông tươi cười chưa kìa, cha tin chắc con đã rất siêng năng lúc cha đi vắng… Sobek hả, đứa con đẹp đẽ của cha, trái tim vẫn tràn ngập niềm vui, cha thấy rồi. Ipy đây, Ipy yêu quý nhất của cha đây, để cha xem con nào… đứng cách ra nhé… đúng rồi. Lớn hẳn ra, đàn ông hẳn ra, trái tim cha thật hoan hỉ khi lại được ôm con. Và Renisenb nữa, con gái rượu của cha nay đã trở về nhà. Satipy, Kait, các con dâu mà cha yêu thương không kém… Và Henet, Henet trung thành của ta…” Henet đang quỳ gối ôm chầm lấy chân ông, lộ liễu gạt những giọt nước mắt hân hoan. “Thật vui khi gặp lại cô, Henet. Cô ổn không, có hạnh phúc không? Lúc nào cũng tận tụy… thật là mát lòng mát dạ… “Còn Hori cừ khôi của ta nữa, tính toán và ghi chép rất giỏi giang! Mọi thứ đều sinh sôi phát đạt cả chứ? Ta tin chắc là như vậy.” Rồi khi những cuộc chào đón kết thúc, những tiếng rì rào xung quanh lắng dịu, Imhotep đưa tay lên ra hiệu cho mọi người im lặng. Ông nói to và rõ. “Hỡi các con trai, con gái của ta. Hỡi các bạn bè. Ta có chút tin cho các người. Như các người đã biết, suốt nhiều năm qua, ta là một người đàn ông cô độc xét theo một khía cạnh. Vợ của ta (mẹ của các con đó, Yahmose và Sobek) và em gái của ta (mẹ của con đó, Ipy) đều đã theo về với Osiris từ nhiều năm trước đây. Cho nên, Satipy và Kait, ta đem về cho các con một người chị em mới để chia sẻ mái nhà. Coi đây, đó là nàng thiếp của ta, Nofret, người mà các con sẽ vì ta mà yêu thương. Cô ấy theo ta về từ Memphis ở miền Bắc và sẽ ngụ lại đây cùng các con mỗi lúc ta đi xa.” Trong khi nói, ông chìa tay về phía một phụ nữ. Cô ta đứng sau ông, đầu hất ngược, đôi mắt ti hí, trông trẻ đẹp và dữ dằn. Nofret đứng yên như pho tượng. Một nụ cười thoáng hiện trên đôi môi. Nó hàm chứa nhiều giễu cợt hơn là sự lấy lòng. Cô ta có cặp mày đen rất rậm, một làn da màu đồng tươi, cặp lông mi dài và rậm đến mức hầu như che kín cả đôi mắt. Cả gia đình sửng sốt, lặng câm nhìn cô gái. Với một thoáng bồn chồn trong giọng nói, Imhotep lên tiếng: “Nào, các con, chào mừng Nofret đi chứ. Các con không biết chào mừng nàng thiếp của cha khi cha đưa cô ta về nhà hay sao?” Ngập ngừng và ngượng nghịu, những lời chào mừng bắt đầu tuôn ra. Cố tạo sự vui vẻ nhằm che giấu cơn bối rối, Imhotep hân hoan thốt lên: “Phải thế chứ! Nofret, Satipy, Kait và Renisenb sẽ đưa nàng đến khu vực của phụ nữ. Chiếc rương đâu rồi? Đã có ai đưa nó lên bờ chưa?” Chiếc rương du lịch nắp tròn đã được đưa xuống thuyền. Imhotep nói với Nofret: “Nữ trang và xiêm y của nàng đã về đến an toàn. Hãy tìm chỗ sắp xếp chúng đi.” Rồi khi cánh phụ nữ đã cùng nhau đi khỏi, ông quay sang các con trai. “Điền trang thế nào rồi? Mọi thứ ổn cả chứ?” “Các cánh đồng ở miệt dưới mà ta cho Nakht thuê…” Yahmose mở lời, nhưng cha anh đã cắt ngang. “Lúc này không đi vào chi tiết, Yahmose ngoan của cha. Không thể để họ chờ. Tối nay là tối vui chơi. Ngày mai cha sẽ cùng con và Hori bàn chuyện kinh doanh. Nào Ipy, con trai của cha, ta cùng về nhà thôi. Con lớn nhanh quá, cao vượt cả cha rồi kìa.” Vẻ quạu cọ, Sobek bước theo cha và Ipy. Anh rỉ tai Yahmose, nói nhỏ: “Nữ trang và xiêm y… anh đã nghe thấy chưa? Lợi nhuận của các điền trang miền Bắc đều tiêu cả vào đó. Lợi nhuận của chúng mình đấy.” “Suỵt,” Yahmose thì thầm. “Cha nghe thấy bây giờ.” “Nghe thấy thì đã sao? Tôi không sợ cha như anh đâu.” Về đến nhà, Henet đến phòng Imhotep để chuẩn bị nước tắm. Trông bà tươi hơn hớn. Imhotep rũ bỏ đôi chút sự vui vẻ đầy tính phòng thủ của mình. “Thế nào, Henet, cô nghĩ sao về lựa chọn của tôi?” Dù đã quyết xúc tiến mọi việc ở thế tay trên, ông vẫn ý thức rõ sự xuất hiện của Nofret sẽ gây ra cơn bão… chí ít là tại khu vực phụ nữ. Henet thì khác. Một người tận tụy và trung thành hiếm có. Và Henet đã không làm ông thất vọng. “Cô ta đẹp quá! Rất đẹp! Xem tóc cô ta kìa, đùi cô ta kìa! Cô ta thật xứng đáng được ông yêu, Imhotep ạ, Tôi còn biết nói gì thêm nữa đây? Người vợ yêu đã qua đời của ông hẳn sẽ rất vui mừng nếu biết ông đã chọn được một người bạn đời để làm rạng rỡ những tháng ngày.” “Cô nghĩ vậy sao, Henet?” “Tôi tin chắc như vậy, thưa ông Imhotep. Sau biết bao năm để tang bà ấy, nay đã đến lúc ông phải đi thêm bước nữa và tận hưởng cuộc đời. “Cô hiểu rõ bà ấy… Cả tôi cũng thế, tôi cảm thấy đã đến lúc phải sống cuộc đời của một người đàn ông đích thực. Ơ… Hừm… Cô nghĩ các con dâu và con gái tôi có oán trách gì không?” “Tốt nhất là họ không nên,” bà Henet nói. “Dù sao đi nữa, chẳng phải trong nhà này tất cả bọn họ đều lệ thuộc vào ông đó sao?” “Rất đúng, rất đúng,” Imhotep nói. “Ông đã hào phóng cho họ cơm ăn áo mặc. Phúc đức của họ hoàn toàn là nhờ cậy vào công khó của ông.” “Đúng, đúng vậy.” Imhotep thở dài. “Tôi vẫn đang tiếp tục làm việc vì lợi ích của chúng. Đôi khi tôi ngờ rằng chúng không biết chúng thiếu nợ tôi nhiều như thế nào.” “Ông phải nhắc nhở họ về điều đó,” Henet gật gù nói. “Bản thân tôi, Henet nhỏ bé và tận tụy này, không bao giờ quên ân nghĩa của ông. Nhưng mấy người trẻ đôi khi quá ích kỷ và không biết suy nghĩ. Có lẽ họ tự cho mình là quan trọng mà không nhận ra rằng họ chẳng qua chỉ làm theo những chỉ bảo của ông mà thôi.” “Quá đúng,” Imhotep nói. “Henet, tôi luôn nói cô là người thông minh mà.” Henet thở dài. “Giá như mấy người khác cũng nghĩ được như ông.” “Chuyện gì vậy? Có ai đối xử không tốt với cô hay sao? “Không, không đâu… chỉ là họ không để tâm thôi… Họ xem việc tôi làm lụng quần quật (mà tôi rất sung sướng vì được làm) là một chuyện đương nhiên, chẳng bao giờ họ có một lời tình cảm hay tán thưởng nào. Khác biệt chỉ là ở chỗ đó.” “Điều đó thì cô luôn nhận được nơi tôi,” Imhotep nói. “Nơi đây sẽ mãi mãi là mái nhà của cô, hãy nhớ lấy.” “Ông tốt với tôi quá, thưa ông chủ.” Bà ngừng lại rồi bổ sung: “Bọn nô lệ đã chuẩn bị xong phòng tắm, nước nóng đã sẵn sàng. Khi nào ông tắm rửa, thay đồ xong, mẫu thân ông dặn ông mau đến gặp bà ấy.” “A, mẹ của ta? Phải… Phải, dĩ nhiên rồi…” Imhotep chợt lúng túng. Ông che đậy sự bối rối này bằng cách nói thật nhanh: “Dĩ nhiên… Ta đã định như thế. Nói với bà ấy rằng ta sẽ đến ngay.” • • • Trong bộ áo khoác bằng vải lanh xếp nếp lộng lẫy nhất, bà Esa nhìn thẳng con trai với một vẻ trêu chọc xen lẫn chút nhạo báng. “Chào mừng con, Imhotep. Vậy là còn đã trở về… và không phải chỉ một mình, mẹ nghe nói như vậy.” Imhotep thẳng người, bẽn lẽn trả lời mẹ: “Ồ, mẹ đã biết rồi sao?” “Dĩ nhiên. Nhà này có giấu được tin gì. Nghe nói cô gái đó rất xinh đẹp, và lại còn rất trẻ nữa.” “Cô ấy mười chín tuổi và… ơ… trông cũng không đến nỗi tệ.” Bà Esa bật cười, một âm thanh khùng khục nghe hằn học của một bà lão. “A, hay nhỉ,” bà nói, “không có cái dại nào như cái dại của một thằng già.” “Thưa mẹ, con thực sự không hiểu ý mẹ muốn nói gì.” Bà Esa điềm tĩnh đáp: “Con lúc nào cũng dại dột cả, Imhotep ạ.” Imhotep đứng thẳng dậy, giận dữ thở hổn hển. Dù thường ngày vẫn thoải mái chấp nhận vai trò quan trọng của Imhotep, bà Esa vẫn luôn có khả năng chọc thủng lớp giáp cao ngạo của con trai. Đứng trước bà, ông luôn cảm thấy mình bé nhỏ. Chỉ một thoáng nhạo báng trong đôi mắt dở mù của bà cũng đủ khiến cho ông luống cuống. Mẹ ông chưa bao giờ có những đánh giá cường điệu về năng lực của ông, và bà cũng không chối điều đó. Mặc dù Imhotep biết rõ điền trang của ông là thứ hiện hữu còn mẹ ông chỉ là vấn đề huyết thống, chẳng có gì quan trọng, nhưng thái độ của bà vẫn luôn châm chích vào niềm vui tự mãn của ông. “Một người đàn ông mang nàng thiếp về nhà thì có gì là bất thường?” “Chẳng có gì là bất thường cả. Đàn ông vốn thường dại dột mà.” “Con không thấy dại dột ở chỗ nào cả.” “Con có hình dung sự hiện diện của cô gái đó tác động như thế nào đến sự yên bình của ngôi nhà này không? Satipy và Kait sẽ không chịu nổi và sẽ lôi kéo hai thằng chồng của chúng.” “Mắc mớ gì đến chúng? Chúng có quyền gì mà phản đối?” “Không có quyền gì cả.” Imhotep giận giữ đi tới lui. “Con không thể làm gì con thích trong cái nhà này sao? Con chăm lo cho mấy đứa con trai và vợ chúng còn chưa đủ hay sao? Từng mẩu bánh mì mà chúng ăn chẳng phải là nhờ con mà có hay sao? Con chẳng đã không ngớt lời nhắc nhở chúng điều đó hay sao?” “Con quá thích thốt ra những lời đó, Imhotep ạ.” “Đó là sự thật. Chúng lệ thuộc cả vào con, tất cả bọn chúng!” “Con có chắc điều đó là tốt không?” “Mẹ chẳng thường nói người đàn ông tốt thì phải biết chăm lo cho gia đình hay sao?” Bà Esa thở dài. “Chúng làm việc cho con đấy, chớ có quên.” “Mẹ muốn con khuyến khích chúng lười nhác hay sao? Dĩ nhiên chúng phải làm việc rồi.” “Chúng là những người đàn ông đã trưởng thành. Chí ít Yahmose và Sobek còn hơn cả trưởng thành nữa đấy.” “Sobek không biết suy xét. Nó làm việc gì cũng hỏng bét cả. Với lại nó thường xuyên hỗn hào, con không thể chịu đựng nổi. Yahmose là một thằng bé ngoan, biết vâng lời…” “Hơn hẳn một thằng bé nhỉ!” “Nhưng đôi khi con phải giải thích công chuyện với nó hai ba lần nó mới nắm bắt được. Con phải suy nghĩ đủ mọi việc, có mặt khắp mọi nơi! Mỗi lần đi xa con đều phải đọc cho các thầy ký, nhờ họ viết ra những chỉ thị để các con trai của con theo đó mà làm… Con chẳng nghỉ ngơi được là bao, chẳng ngủ nghê được là bao! Và giờ đây con trở về nhà, mới có được một chút yên bình thì đã lại nảy sinh những khó khăn mới! Ngay cả mẹ cũng bác bỏ cái quyền của con được có thê thiếp như những người đàn ông khác. Mẹ giận dữ với con…” Bà Esa ngắt lời ông: “Mẹ không giận dữ với con. Mẹ vui chứ. Sẽ có nhiều chuyện rầy rà để mà cảnh giác trong ngôi nhà này, nhưng mẹ vẫn nói rằng khi nào con lại lên miền Bắc, tốt nhất con hãy mang cô gái đó đi theo.” “Chỗ của cô ấy là ở đây, dưới mái nhà của con! Khốn nạn cho kẻ nào dám đối xử tàn tệ với cô ấy.” “Vấn đề không phải là đối xử tàn tệ. Đừng quên rằng châm lửa bằng rơm khô là điều quá dễ dàng. Người xưa đã nói rằng với phụ nữ thì ‘chỗ của mình không bao giờ là chỗ tốt…’” Bà Esa ngưng một lúc rồi từ tốn nói: “Nofret rất đẹp. Nhưng hãy nhớ điều này: Đàn ông thường phát cuồng vì cặp đùi mịn màng của phụ nữ, nhưng lạ chưa, trong thoáng chốc chúng đã trở thành những dải ngọc bạc màu…” Giọng bà trầm lắng khi đọc tiếp câu phương ngôn: “Một chút ít, một tí tẹo của cái giống như giấc mơ, và ở tận cùng sẽ là cái chết…” Tháng thứ ba Ngày thứ 15, Mùa Lũ TRONG SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ, Imhotep lắng nghe Sobek giải trình về việc bán gỗ. Khuôn mặt ông đỏ dừ, một mạch máu nhỏ giần giật trên thái dương. Phong cách dễ dãi, phớt tỉnh của Sobek đã có phần lung lạc. Anh định sẽ dẫn dắt câu chuyện ở thế thượng phong, nhưng đối diện với những nét cau có đang tề tựu trên khuôn mặt cha, anh trở nên lúng túng và ngập ngừng. Cuối cùng, Imhotep cũng sốt ruột ngắt lời. “Phải rồi, phải rồi! Anh nghĩ anh biết nhiều hơn tôi. Thế là anh phớt lờ những chỉ bảo của tôi. Lúc nào cũng thế cả. Trừ phi tôi có mặt ở đây để giám sát mọi chuyện…” Ông thở dài. “Thật không hình dung nổi nếu không có tôi thì các anh làm ăn ra sao nữa!” Sobek lì lợm nói: “Con nhận rủi ro khi thấy có cơ hội sinh lợi lớn. Không thể cứ cò con và dè dặt mãi được!” “Anh thì dè dặt cái nỗi gì, hả Sobek! Anh là đứa cẩu thả và quá ư liều mạng, cho nên những định đoạt của anh đều sai be bét cả.” “Con làm gì có cơ hội nào đâu mà định đoạt!” Imhotep lạnh nhạt nói: “Lần này thì anh đã định đoạt rồi đó thôi, và anh đã làm ngược lại những lệnh tôi đã ban…” “Lệnh nữa hả? Con suốt ngày cứ phải nghe theo lệnh hay sao? Con là đàn ông đã trưởng thành rồi cơ mà.” Mất bình tĩnh, Imhotep quát lớn: “Ai nuôi anh ăn, nuôi anh mặc? Ai suy tính cho tương lai? Ai lúc nào trong cũng lo toan cho cuộc sống ấm no của anh, của tất cả các người? Hồi nước Con Sông xuống thấp, chẳng phải tôi đã thu xếp gửi lương thực xuống miền Nam cho các anh đó sao? Các anh may mắn lắm mới có được người cha biết toan tính đủ điều như tôi! Và tôi đã yêu cầu gì để đền đáp? Tôi chỉ yêu cầu các anh làm việc cần mẫn, cố gắng hết sức, và tuân thủ theo các chỉ thị mà tôi gửi cho các anh…” “Phải rồi,” Sobek hét lên. “Tụi con phải làm việc cho cha như nô lệ, nhờ vậy cha mới mua được vàng bạc, nữ trang tặng nàng thiếp của cha!” Imhotep lao về phía Sobek, run rẩy vì giận dữ. “Thằng hỗn láo, dám nói với cha mày như thế sao. Liệu hồn đấy, nếu không tao nói cho mà biết nơi đây sẽ không còn là nhà của mày nữa. Mày muốn đi đâu thì đi!” “Còn ông mà không liệu hồn thì tôi sẽ đi đấy! Tôi có nhiều ý tưởng. Tôi đã nói với ông những ý tưởng hay. Chúng sẽ đem lại sự giàu có nếu như tôi không bị trói buộc bởi những trò thận trọng vớ vẩn và được định đoạt theo cách mà tôi chọn.” “Mày nói xong chưa?” Giọng của Imhotep đầy hăm dọa. Đã xả bớt được chút đỉnh, Sobek tức tối làu bàu: “Rồi đó. Bây giờ tôi không còn gì để nói nữa.” “Thế thì ra trông đàn gia súc đi. Không có thời gian đâu mà làm biếng.” Sobek quay đi, giận dỗi bước ra ngoài. Nofret đứng cách đó không xa. Khi Sobek đi ngang qua, cô dõi mắt nhìn theo và bật cười. Nghe tiếng cười đó, máu dồn cả lên mặt Sobek. Anh giận dữ dợm bước về phía cô. Nofret đứng yên như tượng, nhìn anh bằng đôi mắt khép hờ khinh khỉnh. Sobek lẩm bẩm câu gì đó rồi đi tiếp. Nofret lại phá lên cười, rồi chậm rãi bước về nơi Imhotep đang đứng. Lúc này ông đang chuyển sự tập trung vào Yahmose. “Anh bị ma ám hay sao mà lại để Sobek hành động theo cái kiểu rồ dại như thế hả?” Ông bực tức chất vấn. “Anh phải ngăn nó lại chứ! Giờ thì anh hiểu ra chưa? Nó không có quyền hành gì trong chuyện mua bán cả. Nó cứ tưởng nó muốn như thế nào thì mọi sự sẽ như thế ấy.” Yahmose nói, vẻ hối lỗi: “Cha chưa thấy hết những khó khăn của con đâu, thưa cha. Cha đã dặn con giao phó cho Sobek việc bán gỗ. Thế thì con phải để cho chú ấy định đoạt chứ.” “Định đoạt cái gì mà định đoạt? Nó biết gì đâu mà định đoạt! Nó chỉ việc làm theo những gì tôi dặn nó, và công việc của anh là theo dõi xem nó có làm chính xác như thế không.” Yahmose đỏ mặt. “Con ư? Con có quyền hành gì đâu?” “Quyền hành gì nữa? Thì quyền hành tôi trao cho anh đó.” “Nhưng con không có chính danh. Nếu con được hợp tác với cha trên cơ sở pháp lý thì…” Anh nín bặt khi Nofret tiến đến. Cô ta đang ngáp dài, tay xoay xoay một bông anh túc đỏ. “Chàng ra chỗ căn nhà chòi nhỏ ở ven hồ được không, Imhotep? Ở đó thích lắm, có cả trái cây và bia Keda đang chờ đón chàng đó. Chắc chàng đã ra lệnh xong xuôi cả rồi.” “Một lát nữa đi, Nofret. Chỉ một lát nữa thôi.” Nofret nói bằng giọng trầm nhẹ nhàng: “Đến ngay đi. Em muốn chàng đến ngay…” Imhotep trông sung sướng và phần nào ngượng nghịu. Yahmose nhanh miệng nói trước khi cha kịp lên tiếng. “Ta bàn chuyện này trước đi. Nó quan trọng lắm. Con muốn cầu xin cha…” Nofret nói trực tiếp với Imhotep, quay hẳn lưng với Yahmose: “Chàng không thể làm gì chàng muốn ngay tại nhà chàng sao?” Imhotep gắt lên với Yahmose: “Lần sau đi, con trai. Hãy để lần sau nhé.” Ông đi khỏi cùng Nofret, bỏ lại Yahmose đứng bên cổng vòm nhìn theo sau. Satipy từ trong nhà bước ra, tiến đến bên chồng. “Thế nào,” cô háo hức hỏi, “anh đã nói chuyện với cha chưa? Ông ấy nói sao?” Yahmose thở dài. “Đừng sốt ruột như thế, Satipy. Lần này không được… suôn sẻ lắm.” Satipy giận dữ thốt lên: “Biết ngay anh sẽ nói như thế mà! Anh luôn luôn nói như thế. Sự thật là anh sợ cha anh. Anh nhát như con cừu ấy. Trước mặt ông ấy anh chỉ kêu be be. Anh không dám cự cãi lại ông ấy như một người đàn ông! Anh không nhớ đã hứa gì với tôi sao? Tôi nói cho anh biết, giữa tôi và anh, tôi còn đàn ông hơn cả anh nữa đấy! Anh đã hứa rồi mà, anh nói: ‘Tôi sẽ xin cha ngay lập tức, ngay từ ngày đầu tiên.’ Và điều diễn ra là…” Satipy ngừng lại để lấy hơi chứ chưa phải nói xong, nhưng Yahmose đã ôn tồn cắt ngang: “Cô lầm rồi, Satipy. Tôi đang sắp nói thì bị xen ngang.” “Xen ngang ư? Ai xen ngang vậy?” “Nofret.” “Nofret! Lại cái con nhỏ đó! Cha anh lẽ ra không nên để nàng thiếp của ông ấy xen ngang khi đang bàn chuyện làm ăn với con trai trưởng. Phụ nữ không được phép dây vào chuyện làm ăn.” Có lẽ Yahmose cũng mong chính bản thân Satipy biết tuân thủ câu châm ngôn mà cô vừa nói ra một cách tinh tướng như thế, nhưng anh chẳng có cơ hội nào để lên tiếng. Vợ của anh lấn tới: “Cha anh phải làm rõ chuyện này ngay tức khắc.” “Cha tôi không hề tỏ ra bực bội.” Yahmose lạnh lùng nói. “Thật là nhục nhã,” Satipy thốt lên. “Cha anh bị con nhỏ đó bỏ bùa rồi. Ông ấy để cho nó thích thế nào thì cứ nói, cứ làm.” Yahmose trầm tư nói: “Cô ta rất xinh đẹp…” Satipy khịt mũi. “Ừ thì cũng đẹp đấy, nhưng mất dạy, cư xử kém! Nó thô lỗ với chúng ta ra sao nó cũng chẳng thèm biết. “Có thể các người cũng đã thô lỗ với cô ta chăng?” “Tôi là hiện thân của phép lịch sự. Kait và tôi đối đãi với nó lịch sự đủ đàng. Ồ, về chuyện đó nó không có cớ gì để càm ràm với cha anh đâu. Kait và tôi, hai chị em sẽ chờ thời cơ.” Yahmose ngước ánh mắt sắc lẻm. “Cô nói chờ thời cơ là ý làm sao?” Satipy bật cười đầy ngụ ý khi rời bước. “Ý tôi là ý của phụ nữ, anh không hiểu nổi đâu. Chúng tôi có cách của chúng tôi, có vũ khí của chúng tôi! Con Nofret lếu láo đó cần phải được rèn giũa. Xét cho cùng, đời người phụ nữ đi về đâu? Nó phải đi vào sau nhà, vào giữa những người phụ nữ khác.” Có một ý tứ bất thường nào đó trong âm điệu của Satipy. Cô bổ sung: “Cha anh sẽ không có mặt ở đây hoài… Ông ấy sẽ lại rời điền trang để đi lên miền Bắc. Đến lúc đó rồi sẽ thấy.” “Satipy…” Satipy phá lên cười, một giọng cười lanh lảnh, khó nghe… rồi cô đi vào nhà. • • • Đám trẻ đang chạy nhảy, nô đùa bên bờ hồ. Hai đứa con trai của Yahmose là những đứa bé khỏe mạnh, xinh đẹp, trông giống Satipy hơn giống cha. Có cả ba đứa con của Sobek, đứa bé nhất mới chập chững biết đi. Ngoài ra còn có Teti, một cô bé nghiêm trang, xinh xắn ở độ tuổi lên bốn. Chúng cười la, ném banh cho nhau. Thi thoảng lại bùng nổ một cuộc tranh chấp, có tiếng ré khóc giận dữ của con nít vang lên inh ỏi. Ngồi nhấm nháp bia bên Nofret, Imhotep thì thào: “Bọn trẻ thích chơi bên bờ nước. Ta nhớ xưa nay vẫn luôn là như thế. Nhưng, nhân danh Hathor, chúng ồn ào quá chừng!” Nofret nói ngay: “Vâng, lẽ ra nơi này phải yên ả biết bao… Sao chàng không bảo chúng đi chỗ khác chơi khi nào chàng ra đây? Dù sao chủ nhà muốn thư giãn thì mọi người phải biết tôn trọng chứ. Chàng đồng ý với em không?” “Ta… thật ra…” Imhotep ngập ngừng. Ý tưởng này là mới mẻ đối với ông nhưng nó nghe rất bùi tai. “Thật ra ta cũng chẳng trách gì chúng,” ông nói nốt câu, vẻ không dứt khoát. Rồi ông yếu ớt bổ sung: “Xưa nay chúng đã quen như thế, cứ thích thì ra đấy chơi đùa.” “Lúc chàng đi khỏi thì không sao,” Nofret nói ngay. “Nhưng Imhotep ạ, em nghĩ xét theo tất cả những gì chàng đã làm ra cho gia đình này thì họ phải biết tôn trọng hơn phẩm giá của chàng, địa vị của chàng chứ. Chàng nhân từ quá, dễ dãi quá.” Imhotep lặng lẽ thở dài. “Đó luôn là điểm yếu của ta. Ta không bao giờ câu nệ hình thức bề ngoài.” “Cho nên mấy ả đó, các con dâu của chàng đấy, họ mới lợi dụng lòng tốt của chàng. Họ phải hiểu rằng khi nào chàng về lại đây để nghỉ ngơi thì tất cả phải im ắng, phải thanh bình. Đợi đấy, em sẽ ra nói Kait đem các con của cô ta và cả mấy đứa bé kia ra chỗ khác. Thế là chàng sẽ có sự thanh bình, mãn nguyện ở nơi đây.” “Nàng là cô gái rất sâu sắc, Nofret ạ. Phải, một cô gái rất tốt. Nàng luôn nghĩ đến sự tiện nghi của ta.” Nofret thì thầm: “Miễn chàng vui là em vui.” Cô đứng dậy, đi ra bờ hồ, nơi Kait đang quỳ xuống nghịch nghịch chiếc thuyền đồ chơi be bé mà đứa con thứ hai của cô, một cậu bé trông khá hư, đang cố làm cho nổi. Nofret xẵng giọng nói: “Kait, cô đem mấy đứa nhỏ ra chỗ khác được không?” Kait ngước lên, ngơ ngác nhìn Nofret. “Đi chỗ khác? Ý cô là sao? Xưa nay chúng vẫn chơi ở đây mà.” “Hôm nay thì không. Imhotep muốn thanh bình. Đám con của các cô ồn ào quá.” Khuôn mặt nặng của Kait chợt ửng lên. “Nofret, cô sửa lại cái giọng điệu của mình đi! Imhotep thích nhìn các cháu của ông chơi đùa nơi đây. Ông ấy đã từng nói như thế.” “Hôm nay thì không,” Nofret nói. “Ông ấy phái tôi đến bảo cô đem cái lũ ồn ào đó vào trong nhà để ông ấy được yên tĩnh ngồi… với tôi.” “Với cô…” Kait nghẹn giọng, không nói được những điều định nói ra. Cô đứng dậy, bước đến chỗ Imhotep đang nửa nằm nửa ngồi. Nofret đi theo sau lưng cô. Kait nói không quanh co. “Nàng thiếp của cha nói con phải đem bọn nhỏ đi nơi khác. Tại sao vậy? Chúng có làm gì sai đâu? Cớ sao lại đuổi chúng đi?” “Tôi nghĩ chỉ cần đó là ý nguyện của chủ nhân ngôi nhà này là đủ rồi,” Nofret nhẹ nhàng nói. “Chính xác, rất chính xác!” Imhotep dằn dỗi nói. “Tại sao tôi phải đưa ra lý do. Ngôi nhà này là của ai?” “Con đoán chính là cô ta muốn đuổi chúng.” Kait quay lại nhìn Nofret từ đầu đến chân. “Nofret lo cho sự tiện nghi, sự thoải mái của ta,” Imhotep nói. “Đâu ai khác trong cái nhà này thèm quan tâm đến điều đó… có lẽ chỉ trừ mỗi Henet đáng thương.” “Vậy là bọn trẻ không được chơi ở đây nữa sao?” “Không được! Khi nào tôi về đây nghỉ ngơi thì không.” Cơn giận của Kait chợt bùng lên: “Tại sao cha lại nghe lời cô gái đó mà quay mặt với máu mủ của mình? Tại sao cô ta lại đến đây can thiệp vào lề lối trong nhà này, vào những quy củ đã tồn tại xưa nay?” Imhotep chợt hét lên. Ông cảm thấy cái nhu cầu phải biện bạch. “Tôi mới là người có quyền nói quy củ trong nhà này là gì chứ không phải là cô! Các người thông đồng với nhau để muốn làm gì thì làm, để sắp xếp mọi việc thuận lợi cho các người. Và khi tôi, chủ nhân ngôi nhà này, trở về nhà, chẳng ai thèm đếm xỉa gì đến những ý nguyện của tôi! Tôi ngày ngày lên kế hoạch và làm việc vì miếng cơm manh áo của các người nhưng có ai biết ơn tôi không? Ý nguyện của tôi có được tôn trọng không? Không hề. Đầu tiên, Sobek đã tỏ ra hỗn láo và bất kính, giờ thì đến phiên cô, Kait, cô muốn hăm dọa tôi! Tôi nuôi các người để làm gì? Liệu hồn đấy, nếu không tôi sẽ cắt trợ cấp của các người. Sobek nói nó sẽ đi, thế thì cho nó đi luôn đi, mang theo cả cô và đám con các người nữa.” Kait đứng như phỗng một hồi lâu, không chút xúc cảm nào trên khuôn mặt nặng và trống rỗng. Rồi cô lên tiếng bằng một giọng đã chắt bỏ mọi cảm xúc. “Con sẽ đem bọn nhỏ vào nhà…” Kait bước vài bước rồi dừng lại bên Nofret, cô hạ giọng: “Chuyện này là do cô gây ra, Nofret. Tôi sẽ không quên đâu, không bao giờ quên…” Tháng thứ Tư Ngày thứ 5, Mùa Lũ IMHOTEP HÀI LÒNG thở hắt ra khi hoàn tất các bổn phận nghi thức với tư cách một thầy tư tế—quản mộ. Nghi lễ được giám sát một cách chi li vì Imhotep dẫu sao cũng là người chu đáo bậc nhất. Ông rót rượu cúng, thắp nhang, khấn mời những món trái cây và thức uống theo đúng như thông lệ. Giờ đây, dưới bóng râm của căn phòng đá liền kề, nơi Hori đã đợi sẵn, Imhotep trở lại thành địa chủ kiêm nhà kinh doanh. Hai người cùng nhau bàn bạc chuyện làm ăn, giá cả hiện hành, và lợi nhuận thu về từ mùa màng, gia súc và cây gỗ. Sau khoảng nửa tiếng, Imhotep gật gù, vẻ hài lòng. “Anh có đầu óc làm ăn khá lắm đấy, Hori,” ông nói. Hori mỉm cười. “Thưa ông Imhotep, tôi phải như vậy thôi. Tôi là người trông nom chuyện làm ăn của ông từ bao nhiêu năm nay rồi còn gì.” “Và anh cũng là người trung tín nhất. Bây giờ tôi có chuyện muốn thảo luận với anh. Chuyện này liên quan đến Ipy. Nó càm ràm về vị thế phụ thuộc của nó.” “Cậu ấy còn trẻ lắm.” “Nhưng nó có nhiều năng lực. Nó cảm thấy các anh lớn không phải lúc nào cũng công bằng với nó. Hình như Sobek đã cư xử thô bạo và hống hách với nó, còn Yahmose thì lúc nào cũng thận trọng, nhút nhát khiến cho nó bất phục. Ipy là đứa có chí lớn. Nó không thích nghe lệnh. Ngoài ra, nó còn nói chỉ có tôi, cha của nó, là có quyền chỉ huy nó.” “Đúng vậy, thưa ông Imhotep,” Hori nói. “Và điều đó khiến tôi phải suy nghĩ về một nhược điểm ở điền trang này. Ông có cho phép tôi nói không ạ?” “Dĩ nhiên, Hori tài giỏi của tôi. Những lời lẽ của anh bao giờ cũng sâu sắc và được cân nhắc kỹ càng.” “Thế thì tôi xin nói như sau. Mỗi khi ông đi vắng, thưa ông Imhotep, phải có ai đó ở đây có quyền hạn thực sự.” “Ta đã giao phó chuyện làm ăn cho anh và Yahmose…” “Tôi biết chúng tôi được thay mặt ông trong lúc ông đi vắng, nhưng điều đó chưa đủ. Tại sao ông không chỉ định một trong các con trai ông làm đối tác liên kết với ông thông qua một văn bản pháp lý về nhượng quyền?” Imhotep nghiêm nghị đi tới lui. “Anh gợi ý đứa con nào của tôi? Sobek có phong thái quyết đoán, nhưng nó là đứa cứng đầu cứng cổ, tôi không thể tin nó. Tính tình nó không ổn.” “Tôi nghĩ Yahmose là thích hợp. Anh ấy là con trưởng của ông. Tính tình anh ấy lại hiền lành, dễ mến. Anh ấy cũng hết mực tận tụy với ông nữa.” “Phải, tính tình nó thì tốt rồi, nhưng nó quá rụt rè, quá nhường nhịn. Ai nó cũng nhường cả. Giá mà Ipy lớn hơn một chút…” Hori nói ngay: “Giao quyền cho người còn quá trẻ thì rất nguy hiểm.” “Đúng, đúng… Thôi được, Hori, tôi sẽ suy nghĩ điều anh nói. Yahmose chắc chắn là đứa con ngoan rồi… một đứa con biết vâng lời…” Hori nói nhẹ nhàng nhưng khẩn thiết: “Tôi nghĩ ông nên có lựa chọn khôn ngoan.” Imhotep tò mò nhìn anh. “Trong đầu anh nghĩ gì vậy hả, Hori?” Hori từ tốn nói: “Ban nãy tôi nói trao quyền cho người còn quá trẻ là nguy hiểm. Nhưng trao quyền cho người đó quá muộn thì cũng nguy hiểm nốt.” “Ý anh là nó sẽ quen với việc tuân lệnh chứ không phải là ra lệnh nữa chứ gì. Ừ thì có lẽ cũng có phần nào đúng.” Imhotep thở dài. “Cai quản một gia đình quả là một nhiệm vụ khó khăn! Nhất là quản đám phụ nữ. Satipy có tính tình bất trị, Kait thì thường hay sưng sỉa. Nhưng tôi đã dặn kỹ hai đứa nó phải đối xử với Nofret sao cho phải lẽ. Chắc tôi phải dặn…” Ông nín bặt. Theo lối đi hẹp, một nô lệ đang thở dốc lên tới. “Có chuyện gì?” “Thưa ông chủ, có một con thuyền vừa đến đây. Một thầy ký là Kameni vừa đến, mang theo một lá thư từ Memphis. Imhotep cuống quýt đứng bật dậy. “Lại thêm rắc rối nữa rồi,” ông thốt lên. “Chắc như Ra giong buồm băng qua các vùng trời, sẽ có thêm nhiều rắc rối nữa đây! Ta mà không sẵn sàng để giải quyết thì mọi thứ sẽ hỏng bét. Ông bước vội xuống lối mòn trong khi Hori ngồi lặng, nhìn theo. Một biểu hiện lo lắng thoáng hiện trên khuôn mặt anh. • • • Renisenb đang lang thang bất định dọc theo bờ sông Nile thì nghe tiếng la hét, tiếng ồn ào. Nàng thấy mọi người đang chạy đến bến tàu. Nàng chạy theo, hòa nhập vào dòng người. Trên con thuyền đang được giong lên bờ có một chàng trai trẻ. Và ngay lúc nhìn thấy dáng dấp anh ta trong luồng sáng chói lọi, trái tim nàng chợt như muốn ngừng đập. Một ý nghĩ điên rồ, kỳ quái chợt lẻn vào đầu nàng. “Là Khay,” nàng nghĩ. “Khay đã trở về từ Âm phủ.” Rồi nàng đã phải tự chế nhạo trí tưởng tượng mê tín của mình. Bởi lẽ trong ký ức, nàng luôn nghĩ về Khay đang giong buồm trên sông Nile, mà chàng trai trẻ này lại có dáng dấp khá giống Khay nên nàng đã tưởng tượng ra điều quái lạ. Người này trẻ hơn Khay. Anh ta có một sự thanh thoát, uyển chuyển, một khuôn mặt tươi cười, vui nhộn. Anh ta nói anh đến từ các điền trang miền Bắc của Imhotep. Anh là một thầy ký và tên anh là Kameni. Một nô lệ được phái đi báo tin cho cha nàng và Kameni được đưa về nhà, nơi đồ ăn thức uống được bày ra trước mắt. Lúc này cha nàng đã về tới và rất nhiều sự hỏi han, trò chuyện đang diễn ra. Nguyên cớ của sự kiện này được sàng sảy qua khu vực phụ nữ, như thường lệ, thông qua người thạo tin Henet. Đôi khi Renisenb cũng thắc mắc bằng cách nào Henet luôn xoay xở để biết được tất tần tật mọi thứ. Hình như Kameni là một thầy ký trẻ mới được Imhotep tuyển mộ. Anh là con một trong những người em họ của ông. Kameni đã phát hiện ra vài hành vi gian lận qua sửa đổi sổ sách, và do câu chuyện này có nhiều ngóc ngách, liên quan đến những người quản lý điền trang nên anh nghĩ tốt nhất là đích thân anh đến miền Nam để báo cáo lại. Renisenb không quan tâm nhiều lắm. Nàng nghĩ Kameni hẳn là rất thông minh nên mới phát hiện ra những chuyện đó. Cha nàng hẳn rất hài lòng về anh ta. Kết quả tức thì của sự việc này là Imhotep vội vã chuẩn bị để lên đường. Ông định chỉ rời khỏi nơi đây sau hai tháng, nhưng giờ thì ông phải có mặt tại chỗ càng sớm càng tốt. Cả nhà được triệu tập. Vô số những lời mào đầu và nhắc nhở được tuôn ra. Phải làm xong việc này, phải làm xong việc kia. Yahmose nhất thiết không được làm chuyện này, chuyện nọ. Sobek không được tự ý trong việc này, việc khác. Renisenb nghĩ tất cả đều rất quen thuộc. Yahmose chăm chú. Sobek giận dỗi. Hori, như thường lệ, lặng lẽ và hiệu quả. Những đòi hỏi và yêu sách của Ipy bị gác sang bên với sự gay gắt nhiều hơn thường lệ. “Con còn quá trẻ, chưa thể hành xử độc lập được. Nghe lời Yahmose đi! Anh ấy biết các nguyện vọng và chỉ thị của cha.” Imhotep đặt tay lên vai người con trưởng. “Cha tin tưởng con, Yahmose. Khi cha về, chúng ta sẽ thảo luận thêm về việc hợp tác.” Yahmose đỏ mặt vì sung sướng. Vai anh khẽ ưỡn ra. Imhotep nói tiếp: “Chỉ cần mọi thứ ổn thỏa khi ta đi vắng. Chỉ cần nàng thiếp của cha được đối xử tử tế, được trân trọng đích đáng. Cô ta là trách nhiệm của con đó. Con có nghĩa vụ dòm chừng mọi ứng xử của phụ nữ trong nhà. Hãy đảm bảo Satipy biết kiềm chế cái lưỡi của nó. Hãy đảm bảo cả việc Sobek dạy dỗ Kait đích đáng. Cả Renisenb nữa, con phải ứng xử hòa nhã với Nofret. Và cha cũng không muốn thấy ai bạc đãi Henet tốt bụng. Cha biết cánh phụ nữ đôi lúc thấy cô ta phiền toái. Cô ta ở đây đã lâu nên nghĩ mình có chút đặc quyền để nói vài điều mà đôi khi không được thuận tai. Cha biết cô ta không đẹp mà cũng chẳng thông minh sắc sảo gì, nhưng cô ta trung thành, đừng quên điều này, và cô ta luôn tận tụy với những lợi ích của cha. Cha không muốn cô ta bị khinh ghét và đối xử tồi.” “Con sẽ làm theo mọi chỉ dạy của cha,” Yahmose nói. “Nhưng Henet hay gây rối bằng cái lưỡi của bà ấy.” “Hừ! Vớ vẩn! Phụ nữ nào mà chẳng thế, đâu riêng gì Henet. Về phần Kameni thì nó sẽ ở lại đây. Cha có thể tìm một thầy ký khác, còn nó thì sẽ giúp việc cho Hori. Về phần đất mà chúng ta đã cho bà Yaii thuê…” Imhotep đi vào những chi tiết vặt vãnh. Cuối cùng, khi mọi việc đã sẵn sàng để có thể ra đi, Imhotep đột nhiên thấy băn khoăn. Ông kéo Nofret sang bên, dè dặt nói: “Nofret, nàng có bằng lòng ở lại đây không? Hay tốt hơn là nàng đi cùng ta?” Nofret lắc đầu, mỉm cười. “Chàng đâu vắng mặt lâu,” cô nói. “Ba tháng… có thể là bốn. Biết đâu được?” “Chàng thấy đó, cũng đâu lâu la gì. Em vui lòng ở đây mà.” Imhotep xun xoe nói: “Ta đã ra lệnh cho Yahmose và các con trai của ta, buộc chúng phải đối xử với nàng một cách trọng vọng nhất. Nếu nàng có điều gì than phiền thì chúng liệu hồn với ta!” “Họ sẽ nghe lời chàng mà, yên tâm đi, Imhotep.” Nofret ngưng một lúc rồi nói tiếp. “Ở đây ai là người em có thể tin tưởng tuyệt đối? Ai là người tận trung với những lợi ích của chàng? Em không kể những người trong gia đình đâu đấy.” “Hori, Hori tài giỏi của ta chăng? Nó thực sự là cánh tay phải của ta, một đứa rất có đầu óc và biết suy xét.” Nofret chậm rãi nói: “Anh ta và Yahmose giống như hai anh em vậy. Có lẽ…” “Kameni cũng được. Nó cũng là thầy ký. Ta sẽ ra lệnh cho nó phụng sự nàng. Nếu nàng có điều gì than phiền, nó sẽ dùng cây bút của nó để viết ra những lời lẽ của nàng và gửi đến cho ta.” Nofret gật đầu tán thưởng. “Ý này hay đó. Kameni từ miền Bắc tới. Anh ta có quen biết cha em. Anh ta sẽ không bị lôi kéo bởi các thành kiến gia đình.” “Còn Henet nữa,” Imhotep reo lên. “Còn Henet.” “Phải,” Nofret ngẫm nghĩ. “Còn Henet. Chàng nói chuyện với bà ta trước mặt thiếp được không?” “Ý tưởng rất hay.” Được triệu tập, Henet đến ngay với dáng điệu hăm hở và bợ đỡ như thường lệ. Bà khóc lóc thảm thiết về việc Imhotep phải ra đi. Imhotep thẳng thừng cắt ngang. “Được rồi, được rồi, Henet tốt bụng của tôi, nhưng chuyện đó không thể tránh được. Tôi là người hiếm khi nào trời cho một khoảnh khắc thanh bình để nghỉ ngơi. Tôi phải làm việc vất vả không ngừng để nuôi gia đình, thế mà chúng đôi lúc chẳng biết ơn là mấy. Bây giờ tôi muốn nói với cô một chuyện rất hệ trọng. Cô trung thành và tận tụy, yêu mến tôi thế nào, tôi biết chớ. Tôi có thể ra đi mà gửi gắm lòng tin nơi cô. Hãy bảo vệ Nofret đây. Với tôi, cô ấy rất quý giá.” “Ai quý giá với ông chủ đều quý giá với tôi, thưa ông,” Henet bày tỏ một cách nhiệt thành. “Tốt lắm. Vậy cô có chịu hết lòng vì lợi ích của Nofret không?” Henet quay sang Nofret mà lúc này đang nhìn bà qua mi mắt dưới. “Cô quá đẹp, Nofret ạ,” bà nói. “Đó chính là rắc rối. Đó là vì sao mọi người ganh ghét cô. Nhưng tôi sẽ lo liệu cho cô. Tôi sẽ báo cô biết tất cả những gì họ nói và làm. Cô có thể trông cậy nơi tôi!” Một khoảng lặng diễn ra khi mắt của hai người phụ nữ gặp nhau. “Cô có thể trông cậy nơi tôi,” Henet lặp lại. Một nụ cười từ từ nở ra trên đôi môi Nofret, một nụ cười kỳ lạ. “Vâng,” cô nói. “Tôi hiểu bà, Henet. Tôi nghĩ tôi có thể trông cậy nơi bà.” Imhotep ồn ào hắng giọng. “Ta nghĩ mọi chuyện đã thu xếp xong. Tốt lắm, mọi thứ đều ổn thỏa. Sắp xếp, tổ chức luôn là điểm mạnh của ta.” Có tiếng cười khan khùng khục. Imhotep quay phắt lại, thấy mẹ ông đang đứng ở lối vào căn phòng. Bà chống đỡ trọng lượng của mình bằng một cây gậy. Trông bà lạnh lùng và nghiệt ngã hơn bao giờ hết. “Tôi có đứa con trai mới hay chưa kìa!” Bà lên tiếng. “Con phải đi ngay. Con còn vài huấn thị cho Hori…” Làu bàu với vẻ hệ trọng, Imhotep bước vội ra khỏi phòng. Ông xoay xở tránh được cặp mắt của mẹ. Bà Esa ngạo nghễ hất đầu về phía Henet, và Henet ngoan ngoãn tuồn khỏi phòng. Nofret đứng dậy. Hai người phụ nữ đứng nhìn nhau. Bà Esa nói: “Vậy là con trai tôi đã để cô ở lại? Này Nofret, tốt nhất là cô đi theo nó.” “Ông ấy muốn tôi ở lại.” Giọng Nofret mềm mỏng và phục tùng. Bà Esa cất lên một tràng cười the thé. “Phải như cô muốn đi thì sẽ hay hơn một chút! Mà tại sao cô không muốn đi nhỉ? Tôi không hiểu cô đấy. Cô ở lại đây làm gì? Cô là một cô gái thành thị có lẽ đã từng đi đây đó. Tại sao cô lại chọn cuộc sống ngày nối ngày buồn tẻ ở nơi đây, giữa những người mà, tôi xin nói thẳng, chẳng ưa thích gì cô, thậm chí còn căm ghét cô nữa?” “Có nghĩa là bà ghét tôi?” Bà Esa lắc đầu. “Không, tôi không ghét gì cô. Tôi đã già rồi và mặc dù chỉ còn thấy lờ mờ, tôi vẫn nhìn ra được cái đẹp và biết thưởng thức nó. Cô rất đẹp, Nofret ạ, và hình dáng cô khiến đôi mắt già nua của tôi thấy dễ chịu. Vì sắc đẹp của cô mà tôi mong cho cô được tốt lành. Tôi đang cảnh báo cô đấy. Hãy lên miền Bắc với con trai tôi đi!” Một lần nữa, Nofret lặp lại: “Ông ấy muốn tôi ở lại.” Âm điệu phục tùng nay đượm rõ ý nhạo báng. Bà Esa gay gắt nói: “Cô ở lại đây có mục đích gì đó. Tôi thắc mắc đó là mục đích gì? Tốt lắm, hãy cứ để nó nằm trong đầu cô. Nhưng cẩn thận đấy. Hãy hành xử thận trọng. Và đừng tin ai cả.” Bà đột ngột quay lưng, đi ra ngoài. Nofret đứng im hồi lâu. Rất chậm, đôi môi cô nhếch lên thành một nụ cười rộng, trông như nụ cười của loài mèo. PHẦN II MÙA ĐÔNG Tháng Đầu tiên Ngày thứ 4, Mùa Đông RENISENB ĐÃ QUEN với việc hằng ngày đến Khu Mộ. Đôi lúc nàng thấy Yahmose và Hori cùng ở đó, đôi lúc chỉ có mỗi mình Hori, đôi lúc chẳng có ai cả, nhưng bao giờ Renisenb cũng cảm thấy thanh thản và khuây khỏa lạ thường, một cảm giác giống như sự giải thoát. Nàng thích nhất khi Hori ở đó một mình. Sự nghiêm nghị của anh, việc anh mặc nhiên đón nhận sự xuất hiện của nàng cách chi đó mang đến một cảm giác vui vui lạ. Nàng ngồi dưới bóng râm ở lối vào phòng đá, một bên gối kéo lên, hai tay quàng qua nó, nhìn ra vành đai xanh cây trồng, nơi mà sông Nile hiện một màu xanh nhợt và cách một khoảng xa xa là những dải êm ả màu vàng nâu, màu kem, màu hồng, tất cả mơ màng quyện vào nhau. Nàng đến đây lần đầu nhiều tháng trước, giữa mong ước bất chợt được thoát ra khỏi cái thế giới đậm đặc chất đàn bà. Nàng thèm sự yên tĩnh, thèm sự bầu bạn, và nàng đã tìm ra chúng ở nơi đây. Ước muốn trốn thoát vẫn còn đó trong nàng, nhưng nó không chỉ là sự khước bỏ những mối căng thẳng, những ngột ngạt gia chánh. Nó còn là thứ gì đó rõ rệt hơn, đáng ngại hơn. Một hôm, nàng nói với Hori: “Em thấy lo quá…” “Em lo gì vậy, Renisenb?” Anh dọ xét nhìn nàng. Renisenb nghĩ ngợi một lúc. Rồi nàng chầm chậm nói: “Anh nhớ không, anh từng nói với em rằng có hai cái ác, một cái ác ở bên trong và một cái ác từ bên ngoài?” “Phải, anh nhớ chứ.” “Rồi sau đó anh nói về những dịch bệnh tấn công cây trái và mùa màng, nhưng em nghĩ với con người thì cũng là như vậy.” Hori chầm chậm gật đầu. “Vậy là em đã hiểu ra rồi đó… Phải, em nghĩ đúng đấy, Renisenb.” Renisenb đột ngột nói: “Điều đó đang xảy ra phía dưới kia, trong nhà này. Cái ác đã tới… từ bên ngoài! Và em biết ai đã đưa nó tới. Đó là Nofret.” Hori từ tốn nói: “Em nghĩ vậy sao?” Renisenb quả quyết gật đầu. “Đúng, đúng vậy, em biết em nói gì chứ. Nghe đây Hori, hồi em lên đây gặp anh và nói rằng mọi thứ vẫn như xưa, thậm chí cả những vụ cãi cọ giữa Satipy và Kait, thì đó là sự thật. Nhưng, Hori ạ, những cãi cọ đó không phải là cãi cọ thật. Ý em là Satipy và Kait thích cãi nhau. Cãi nhau giúp hai chị ấy tiêu khiển thời gian, không ai thực sự giận ai! Nhưng giờ thì khác rồi. Giờ thì họ không chỉ nói những lời thô lỗ và khó nghe. Họ nói những điều gây đau đớn. Và khi họ thấy người ta đau đớn thì họ lại vui! Thật là kinh khủng, Hori ạ, kinh khủng! Hôm qua Satipy giận đến mức chị ấy đâm một cây kim thoa dài bằng vàng vào tay chị Kait. Và vài hôm trước, Kait đã làm rơi một chiếc chảo đồng chứa dầu sôi lên chân Satipy. Khắp nơi đều như vậy cả: Satipy xỉ vả Yahmose đến tận đêm khuya, ai cũng nghe thấy cả. Yahmose trông chán ngán, mệt mỏi và cùng quẫn. Sobek thì bỏ ra ngoài làng, ở lại đó với các cô gái rồi say khướt trở về nhà, la lối, khoác lác, tự cho là mình khôn ngoan.” “Có vài chuyện em nói là đúng, anh biết chứ,” Hori chậm rãi nói. “Nhưng sao em lại đổ cho Nofret?” “Vì những gì mà cô ta đang làm! Những thứ lặt vặt nhưng khôn ngoan mà cô ta nói ra luôn châm ngòi cho tất cả những chuyện đó. Cô ta giống như cây gậy thúc bò vậy. Cô ta còn tài tình cả trong việc biết phải nói gì. Đôi lúc em nghĩ Henet đã rỉ tai cô ta…” “Đúng,” Hori trầm tư nói. “Có thể là vậy.” Renisenb rùng mình. “Em không ưa Henet. Em ghét cái kiểu lẩn lút của bà ta. Bà ta rất tận tụy với tất cả chúng em, nhưng chẳng ai trong chúng em ưa nổi sự tận tụy đó. Chẳng hiểu sao mẹ em lại đưa bà ta về đây và quý trọng bà ta như vậy?” “Điều đó chỉ có Henet mới biết được,” Hori lạnh lùng nói. “Tại sao Henet lại mến mộ Nofret đến thế, cứ bám đuôi theo cô ta, rồi rỉ tai, rồi bợ đỡ? Ôi, Hori, em nói thật với anh là em sợ! Em ghét Nofret! Em cầu cho cô ta đi khỏi. Cô ta vừa đẹp vừa ác lại vừa xấu xa nữa!” “Em thật là con nít, Renisenb ạ.” Hori chợt hạ giọng: “Nofret sắp lên tới rồi.” Renisenb quay đầu lại. Cả hai nhìn Nofret đang chầm chậm men theo lối mòn dốc dẫn lên vách đá dựng đứng. Cô đang cười một mình, khẽ ngâm nga một giai điệu nhỏ. Đến chỗ hai người, cô nhìn quanh rồi mỉm cười. Một nụ cười tò mò thích thú. “Thì ra đây là nơi cô chuồn đi hằng ngày.” Renisenb không trả lời. Nàng có cái cảm giác giận dữ và thất bại của một đứa bé mà nơi trú ẩn riêng mới vừa bị phát hiện. Nofret nhìn quanh một lần nữa. “Còn đây là Khu Mộ nổi tiếng đó?” “Cô nói đúng đấy, Nofret,” Hori nói. Cô nhìn anh, chiếc miệng như miệng mèo nhếch lên thành nụ cười. “Hori, chắc anh thấy nó sinh lợi lắm hả. Nghe nói anh giỏi làm ăn lắm mà.” Có một thoáng hiểm ác trong giọng của cô ta, nhưng Hori vẫn thản nhiên nở nụ cười điềm tĩnh và nghiêm nghị. “Nó sinh lợi cho tất cả chúng ta… Cái chết luôn sinh lợi…” Nofret thoáng rùng mình khi đưa mắt nhìn quanh. Mắt cô lướt qua các bàn thờ, lối vào mộ và cánh cửa giả. Cô gay gắt thốt lên: “Tôi ghét Cái Chết!” “Cô không nên ghét nó.” Giọng Hori vẫn điềm đạm. “Cái chết là nguồn thịnh vượng ở đất nước Ai Cập này. Cái Chết chi trả cho những món trang sức mà cô đang đeo đấy, Nofret. Cái Chết nuôi cô ăn, cho cô mặc.” Cô nhìn anh. “Anh muốn nói gì vậy?” “Tôi muốn nói Imhotep là một Quản mộ. Tất cả đất đai, gia súc, cây gỗ, cây lanh, lúa mạch của ông ấy đều là phúc lợi từ Khu Mộ. Dừng lại một lúc, anh trầm ngâm nói tiếp: “Người Ai Cập chúng ta là những người kỳ lạ. Chúng ta yêu sự sống và vì vậy mà chúng ta chuẩn bị từ rất sớm cho cái chết. Đó là nơi mà của cải của Ai Cập rót vào: các kim tự tháp, các mộ phần và lăng mộ.” Nofret hung dữ nói: “Anh đừng nói về cái chết nữa, Hori! Tôi không thích nghe đâu!” “Vì chúng ta là người Ai Cập đích thực, vì chúng ta yêu sự sống, và đôi khi vì chúng ta cảm thấy bóng dáng của cái chết ở gần kề…” “Thôi ngay đi!” Cô dữ tợn quay sang anh. Rồi, cùng một cái nhún vai, cô quay lại, theo lối mòn trở xuống. Renisenb nhẹ nhõm thở hắt ra. “Hay quá, cô ta đi khỏi rồi,” nàng nói. “Hori, anh đã dọa được cô ta.” “Ừ… Thế anh có làm em sợ không, Renisenb?” “Kh… không.” Giọng Renisenb có phần không chắc chắn. “Anh nói đâu có gì sai, chỉ có điều trước đây em chưa từng nghĩ theo hướng đó. Cha em là quản mộ mà.” Hori nói, giọng đột nhiên chua chát: “Cả Ai Cập bị ám ảnh bởi cái chết! Và em có biết tại sao không, Renisenb? Vì cơ thể ta có những con mắt còn trí não thì chẳng có con mắt nào. Chúng ta không thể hình dung một cuộc sống nào ngoài cuộc sống này ra, cuộc sống sau khi chết. Chúng ta chỉ thấy sự tiếp nối của thứ mà chúng ta biết. Chúng ta không có lòng tin đích thực vào Thần Thánh.” Renisenb sửng sốt nhìn anh. “Sao anh lại nói như thế được, Hori? Chúng ta có rất rất nhiều vị thần, nhiều đến mức em không thể nhớ hết tên. Mới đêm qua chúng em còn hỏi nhau ai thích thần nào nhất. Sobek sùng bái Thần Sakhmet, Kait thì lúc nào cũng cầu khẩn thần Meskhant. Kameni là thầy ký nên tất nhiên chọn Thần Thoth. Satipy chọn Thần Horus đầu chim ưng và cả thần Mereseer của chúng ta nữa. Yahmose nói Ptah đáng được thờ phụng vì ông ấy đã tạo ra tất cả mọi thứ. Bản thân em rất thích Thần Isis. Henet thì toàn tâm toàn ý với Thần Thổ địa Amün. Bà ta nói trong giới tăng lữ đã có lời tiên tri rằng một ngày nào đó Amün sẽ trở thành vị thần vĩ đại nhất Ai Cập. Ngoài ra còn có Ra, Thần Mặt trời, và Osiris, vị thần mà trái tim người chết được cân đong trước mặt.” Renisenb dừng lại lấy hơi. Hori đang mỉm cười với nàng. “Giữa thần và người thì có gì khác nhau, Renisenb?” Nàng nhìn anh. “Các Thần, họ… có phép!” “Chỉ vậy thôi sao?” “Em chưa hiểu ý anh, Hori.” “Ý anh nói, với em, Thần chỉ là một người đàn ông hay đàn bà có khả năng làm được một số điều mà đàn ông và đàn bà không làm được.” “Anh nói nhiều điều lạ quá! Em không hiểu nổi anh.” Nàng nhìn anh với khuôn mặt bối rối. Rồi nàng nhìn xuống thung lũng, sự chú ý chợt tập trung vào một việc khác. “Nhìn kìa,” nàng thốt lên. “Nofret đang nói chuyện với Sobek. Cô ta đang cười. Ồ!” nàng chợt há hốc, “không, không có gì cả. Em tưởng anh ấy sắp đánh cô ta. Cô ta đang đi về nhà còn anh ấy đang lên đây.” Sobek xồng xộc đến như một đám mây dông. “Cầu cho cá sấu nuốt tươi con bé đó!” Anh la lối. “Cha lấy nó về làm thiếp thật là quá sức khờ khạo!” “Cô ta nói gì với anh vậy?” Hori tò mò hỏi. “Nó làm nhục tôi như mọi khi! Nó hỏi cha có giao cho tôi bán thêm gỗ nữa không. Cái lưỡi của nó độc như con rắn, tôi chỉ muốn giết phăng nó.” Anh đi quanh mặt bằng, nhặt lên một tảng đá, ném xuống thung lũng bên dưới. Âm thanh tảng đá nảy trên vách núi như làm anh nguôi ngoai. Anh nhấc một tảng đá lớn… và nhảy lui lại khi một con rắn nằm cuộn mình bên dưới chợt ngóc đầu. Nó vươn mình, rít lên, và Renisenb nhận ra đó là một con hổ mang. Chộp lấy cây trượng nặng, Sobek giận dữ lao vào nó. Một phát đập trúng đích làm gãy lưng con rắn, nhưng Sobek vẫn tiếp tục đập túi bụi, đầu anh hất ngược, mắt anh tóe lửa. Giữa hơi thở dồn anh làu bàu một từ mà Renisenb chỉ nghe loáng thoáng không rõ là từ gì. Nàng hét lớn: “Ngừng lại đi, Sobek, ngừng lại. Nó đã chết rồi mà!” Sobek dừng tay. Anh quẳng cây trượng và cười lớn. “Đời bớt đi một con rắn độc.” Anh lại cười vang. Tâm trạng vui vẻ được khôi phục, Sobek sùng sục đi xuống. Renisenb hạ giọng, nói nhỏ: “Em nghĩ Sobek… thích giết chóc!” “Đúng vậy.” Không có sự ngạc nhiên trong lời vừa thốt ra. Hori chỉ xác nhận một thực tế mà dĩ nhiên anh đã biết rất rõ. Renisenb quay sang nhìn anh. Nàng chầm chậm nói: “Rắn rất nguy hiểm… nhưng con hổ mang này trông thật đẹp…” Nàng nhìn xuống thi thể gãy gập của nó. Chẳng hiểu sao, nàng cảm thấy một cú nhói nơi tim. Hori mơ màng nói: “Anh còn nhớ, hồi bọn anh còn bé, Sobek từng tấn công Yahmose. Yahmose lớn hơn một tuổi, nhưng Sobek to khỏe hơn. Anh ta cầm một hòn đá giáng vào đầu Yahmose. Mẹ em chạy đến tách họ ra. Anh còn nhớ bà ấy nhìn xuống Yahmose và hét lên: ‘Con không được làm vậy, Sobek. Nguy hiểm lắm! Con có nghe mẹ không, nguy hiểm lắm!’” Anh ngưng giây lát rồi nói tiếp, “Bà ấy rất đẹp… Tuy chỉ là đứa bé, anh đã nghĩ như thế. Em rất giống bà ấy, Renisenb ạ.” “Thật sao?” Renisenb thấy sung sướng, ấm lòng. Nàng hỏi: “Yahmose có bị thương nặng không?” “Không, trông vậy thôi chứ không đến nỗi. Sobek thì đổ bệnh rất nặng ngày hôm sau. Chắc anh ấy ăn phải thứ gì đó, nhưng mẹ em nói đó là do cơn giận của anh ấy cộng thêm với trời nắng nóng… Chuyện đó xảy ra vào giữa hè.” “Tính khí Sobek thật kinh khủng,” Renisenb tư lự nói. Một lần nữa nàng nhìn con rắn chết rồi quay đi cùng một thoáng rùng mình. • • • Khi Renisenb về đến nhà, Kameni đang ngồi trước cổng vòm, tay cầm cuộn giấy cói. Anh đang hát và Renisenb dừng lại giây lát để lắng nghe ca từ. “Tôi sẽ đến Memphis,” Kameni hát, “Tôi sẽ đến gặp Ptah, Chúa tể của Sự thật. Tôi sẽ nói với Ptah, ‘Hãy trao em gái tôi cho tôi đêm nay.’ Dòng suối là rượu, Ptah là cuống của nó, Sekhmet là bông sen của nó, Earit là nụ của nó, Nefertum là bông của nó. Tôi sẽ nói với Ptah, ‘Hãy trao em gái tôi cho tôi đêm nay. Bình minh xuyên qua nhan sắc nàng. Memphis là chiếc đĩa đựng những trái táo yêu đương bày trước khuôn mặt đẹp…’” Anh ngước lên, nhoẻn cười với Renisenb. “Em thích bài hát của anh chứ, Renisenb?” “Bài gì vậy?” “Một bản tình ca của Memphis.” Không rời mắt khỏi nàng, anh dịu dàng hát tiếp: “Đôi tay nàng chất đầy những cành bứa, tóc nàng trĩu nặng xạ hương. Nàng như Công chúa của Chúa tể Hai Miền đất.” Renisenb đỏ mặt. Nàng bước nhanh vào nhà, suýt nữa va phải Nofret. “Làm gì mà vội vàng vậy, Renisenb?” Giọng của Nofret như có cạnh có khóe. Renisenb nhìn cô, hơi ngạc nhiên. Nofret không hề cười. Khuôn mặt cô trông dữ dằn và căng thẳng. Renisenb nhận thấy đôi tay cô đang bấu lại. “Xin lỗi cô, Nofret, tôi không trông thấy cô. Từ ngoài ánh sáng vào, ở trong này tối tăm quá.” “Phải, trong này tối tăm…” Nofret ngưng giây lát. “Ngoài kia chắc là dễ chịu hơn, chỗ cổng vòm ấy. Còn nghe được cả Kameni ca hát nữa. Anh ta hát hay đấy chứ?” “Phải… anh ta hát rất hay.” “Vậy sao cô không ở lại mà nghe đi? Kameni sẽ thất vọng lắm đấy.” Đôi má Renisenb lại nóng ran. Ánh mắt lạnh, khinh khỉnh của Nofret khiến nàng lúng túng. “Cô không thích nghe tình ca sao, Renisenb?” “Tôi thích hay không thích thì liên quan gì đến cô?” “Thì ra mèo con cũng có vuốt.” “Ý cô là sao?” Nofret cười. “Cô không ngốc như vẻ bề ngoài nhỉ, Renisenb. Vậy cô thấy Kameni có đẹp trai không? Cô mà nghĩ vậy chắc anh ta thích lắm đấy.” “Tôi thấy cô thật là phiền toái,” Renisenb bức xúc nói. Nàng lướt qua Nofret, chạy ra phía sau nhà. Nàng nghe thấy giọng cười nhạo báng của cô gái. Nhưng xuyên qua giọng cười đó, vang lên rõ mồn một trong ký ức nàng, là giọng ca vọng lại của Kameni và khúc nhạc anh đã hát với đôi mắt dán chặt lên khuôn mặt nàng… • • • Đêm hôm đó Renisenb đã nằm mơ. Nàng cùng Khay giong buồm trên con thuyền của Thần Chết tại Âm phủ. Khay đứng ở mạn thuyền, nàng chỉ nhìn thấy sau gáy anh mà thôi. Rồi khi họ đến gần nơi mặt trời mọc, Khay chợt quay đầu, và nàng nhận ra đó không phải là Khay mà là Kameni. Cùng lúc đó, mũi tàu mang hình đầu rắn chợt uốn éo. Nó biến thành con rắn sống, một con hổ mang, và Renisenb nghĩ: “Đó là con rắn chui ra từ nấm mồ để ăn linh hồn những người chết.” Nàng tê liệt vì sợ hãi. Rồi nàng thấy khuôn mặt rắn biến thành khuôn mặt của Nofret và nàng choàng tỉnh trong tiếng hét: “Nofret! Nofret!” Nhưng nàng không thực sự la hét. Tất cả chỉ là trong giấc mơ. Nàng nằm im, trái tim đập loạn, lòng tự nhủ tất cả những điều ấy là không thật. Rồi nàng chợt nghĩ: “Đó chính là từ mà Sobek đã thốt lên lúc giết chết con rắn ngày hôm qua. Anh ấy đã thốt lên: ‘Nofret’…” Tháng Đầu tiên Ngày thứ 5, Mùa Đông GIẤC MƠ CỦA RENISENB khiến nàng thao thức. Sau đó nàng chỉ chập chờn và đến sáng nàng vẫn không thiếp đi được giấc nào. Nàng thấy ám ảnh bởi một linh cảm đen tối về một điều xấu xa đang sắp sửa xảy ra. Nàng dậy sớm, ra khỏi nhà. Như bao lần khác, những bước chân đưa nàng ra sông Nile. Có những người đánh cá đã ra sông và một con thuyền lớn đang được lái về hướng Thebes bằng những nhịp chèo khỏe khoắn. Có cả những con thuyền khác, cánh buồm lất phất trong từng cuộn gió nhẹ. Có gì đó chộn rộn trong trái tim Renisenb, một ước muốn rạo rực thứ gì đó mà nàng không thể nói tên. Nàng nghĩ, “Mình cảm thấy… Mình cảm thấy…” Nhưng nàng không biết nàng cảm thấy gì nữa! Nói khác đi, nàng không biết dùng từ nào để mô tả những cảm xúc của mình. Nàng nghĩ, “Mình muốn… Nhưng mình muốn gì nhỉ?” Hay là nàng muốn Khay? Khay đã chết rồi… anh ấy sẽ không bao giờ trở lại. Nàng tự nhủ, “Không nên nghĩ về Khay nữa. Nghĩ để làm gì? Tất cả đã qua rồi, tất cả.” Rồi nàng nhận ra một dáng hình đang đứng nhìn con thuyền bơi về hướng Thebes. Có gì đó ở dáng hình này, một thứ cảm xúc thể hiện qua chính sự bất động của nó, khiến Renisenb sửng sốt, dù nàng đã nhận ra đó chính là Nofret. Nofret đang nhìn ra sông Nile. Nofret… chỉ một mình. Nofret… đang suy tư… suy tư gì nhỉ? Renisenb hơi giật mình khi chợt nhận ra rằng mọi người biết về Nofret quá ít ỏi. Họ coi cô như kẻ thù… như kẻ lạ… mà không hề quan tâm hay thắc mắc về cuộc đời cô, về môi trường mà từ đó cô đến. Renisenb chợt nghĩ, Nofret hẳn rất buồn và cô đơn nơi đây, không bạn bè, bị vây quanh bởi những người căm ghét mình. Renisenb thong thả bước tới, cho đến khi nàng đứng bên Nofret. Nofret quay đầu lại giây lát rồi lại quay đầu ra, tiếp tục cuộc điều nghiên con sông Nile. Khuôn mặt cô không một chút biểu cảm. Renisenb rụt rè nói: “Trên sông có nhiều tàu thuyền nhỉ.” “Vâng.” Renisenb nói tiếp, thuận theo nỗi bức bách khó hiểu muốn tìm đến sự thân thiện: “Nơi cô ở có giống như thế này không?” Nofret cười, một nụ cười ngắn khá chua chát. “Không hề. Cha tôi là một nhà buôn ở Memphis. Ở Memphis rất vui. Ở đó luôn có nhạc, có ca hát, có nhảy múa. Cha tôi đi nhiều lắm. Tôi từng theo ông ta đến Syria, đến Byblos, đến tận mũi Gazelle. Tôi theo ông ta ra biển trên một con tàu lớn.” Cô nói, kiêu hãnh và sinh động. Renisenb đứng rất yên, nàng suy nghĩ chậm chạp nhưng với mối quan tâm và đồng cảm lớn dần lên. “Ở đây chắc cô buồn chán lắm,” nàng ôn tồn nói. Nofret cười bực bội. “Ở đây là chết chóc… chỉ có chết chóc… Chẳng có gì cả ngoài cày bừa, gieo hạt, gặt hái và chăn nuôi… rồi kế đến là những bàn bạc về mùa màng… những cuộc cãi cọ về giá cây lanh.” Renisenb vẫn đang vật lộn với những ý nghĩ lạ lẫm trong khi nàng quan sát Nofret. Đột nhiên, như thứ gì đó vật chất, một đợt sóng lớn của giận dữ, đau khổ và tuyệt vọng chợt bùng thoát ra từ cô gái đứng bên nàng. Renisenb nghĩ: “Cô ta trẻ… giống như mình khi xưa. Thế mà cô ta lại là nàng thiếp của một người đàn ông lớn tuổi, một người đàn ông luôn nhặng xị, tuy cũng tử tế đấy, nhưng vẫn là một lão già lố bịch, và đó là cha mình…” Nàng, Renisenb, nàng biết gì về Nofret? Chẳng gì cả. Hori đã nói gì hôm qua khi nàng thốt lên, “Cô ta vừa đẹp vừa ác lại vừa xấu xa nữa!”? “Em thật là con nít, Renisenb ạ.” Anh ấy đã nói thế. Giờ đây Renisenb mới hiểu được ý anh. Những lời của nàng chẳng nghĩa lý gì cả… Không thể nào phủ nhận một con người một cách dễ dãi đến như vậy. Nỗi buồn nào, nỗi cay đắng nào, nỗi tuyệt vọng nào ẩn sau nụ cười hiểm độc của Nofret? Nàng, Renisenb, và những người trong nhà nàng, đã có ai làm gì để chào đón cô ta? Renisenb ấp úng nói bằng tất cả sự hồn nhiên: “Cô ghét tất cả chúng tôi… Tôi hiểu vì sao… Chúng tôi đã không tử tế… nhưng giờ thì… cũng không quá muộn đâu. Nofret, tôi và cô, sao chúng ta không thể là chị em? Cô đang ở cách xa tất cả những người cô quen biết… cô đang đơn độc… tôi giúp được gì cô không?” Lời của nàng chập choạng rơi vào tĩnh lặng. Nofret từ từ quay lại. Trong một phút, khuôn mặt cô không biểu cảm. Renisenb nghĩ thậm chí đã có một khoảnh khắc đôi mắt ấy dịu đi. Trong cái thinh lặng của buổi sớm mai trong vắt và thanh bình đến kỳ lạ, có vẻ như Nofret đã lưỡng lự… có vẻ như những lời của Renisenb đã chạm đến tận cùng sự do dự. Đó là một khoảnh khắc kỳ lạ, một khoảnh khắc mà Renisenb sẽ còn phải nhớ lại sau này… Rồi từ từ, biểu hiện của Nofret cũng thay đổi. Nó trở nên hiểm ác, đôi mắt cô long lên. Trước ngọn lửa hận thù và hung hiểm trong ánh mắt đó, Renisenb lui lại một bước. Nofret nói bằng giọng thấp và hung dữ: “Đi đi! Tôi chẳng mong chờ điều gì ở các người cả. Một lũ ngu ngốc, tất cả các người là như thế đấy, từng người từng người một…” Cô ngừng giây lát rồi xoay mình, hậm hực bước về nhà. Renisenb chầm chậm đi theo cô. Kỳ lạ thay, những lời của Nofret không khiến nàng giận dữ. Chúng mở ra trước nàng một vực thẳm đen tối của thù hận và khổ đau, điều mà nàng chưa một lần thể nghiệm. Trong đầu nàng chỉ lởn vởn một ý nghĩ mơ hồ, dọ dẫm về nỗi khủng khiếp khi phải đeo theo một cảm xúc như vậy. • • • Khi Nofret vào cổng và băng qua sân nhà, một trong các con của Kait đang chạy dọc lối đi, rượt theo một trái bóng. Bằng một cú đẩy giận dữ, Nofret xô đứa bé khỏi lối đi, khiến nó ngã sấp xuống. Nó khóc ré lên. Renisenb chạy tới đỡ nó dậy, phẫn nộ nói: “Nofret, cô không nên làm thế! Cô làm nó đau rồi đấy, cô thấy chưa. Cằm nó chảy máu kìa.” Nofret cười lanh lảnh. “Tôi phải cẩn thận, không được làm đau mấy đứa nhóc hư này sao? Tại sao tôi phải vậy? Mẹ chúng có quan tâm gì đến cảm xúc của tôi không?” Kait từ trong nhà chạy ra khi nghe tiếng con khóc. Cô lao tới, xem xét vết thương trên khuôn mặt đứa bé, rồi quay sang Nofret. “Đồ ác quỷ, rắn rít! Đồ đồi bại! Cứ chờ xem chúng tao làm gì mày.” Với toàn bộ sức mạnh của cánh tay, cô giáng một cú tát vào mặt Nofret. Renisenb la lên, chộp lấy cánh tay cô trước khi cô giáng đòn kế tiếp. “Kait! Kait! Chị không được làm vậy.” “Ai bảo không được? Cứ để con Nofret tự xem lại nó đi. Ở đây có """