"Tâm Lý Học Tội Phạm - Phác Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội - Diệp Hồng Vũ full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Học] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tâm Lý Học Tội Phạm - Phác Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội - Diệp Hồng Vũ full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Học] Ebooks Nhóm Zalo THÔNG TIN EBOOK Tâm Lý Học - Phác Họa Chân Dung Kẻ Phạm Tội Diệp Hồng Vũ Đỗ Ái Nhi dịch BeBooks & Nhà Xuất Bản Thanh Niên More Books At fb.com/groups/yeukindlevietnam Notion Ebook Member tinyurl.com/downloadebookyeukindle “Mọi thông tin được trích xuất từ trí óc và cách gây án của một kẻ giết người chính là nguồn tiếp tế để tìm ra kẻ phạm tội tiếp theo." - Robert K. Ressler - LỜI NÓI ĐẦU Một người đàn ông đang tận hưởng chuyến đi dạo của mình tại núi Wopsononock ở Altoona thì bỗng vấp phải vật lạ. Cúi đầu nhìn kỹ, anh ta hoảng hốt phát hiện vật ngáng đường mình lại là một xác chết. Quá sợ hãi, người đàn ông này lập tức báo cảnh sát. Cảnh sát địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy thi thể bị cắt xẻ nghiêm trọng. Phần thi thể bị nhân chứng va vào vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Người chết có dấu hiệu bị đánh, hai mắt bầm tím, xương cằm dưới đứt lìa. Tình trạng khuôn mặt nạn nhân chỉ có thể miêu tả bằng hai từ “thê thảm”. Không chần chừ, cảnh sát vùng Altoona bắt tay vào điều tra án mạng, nhưng không thể tìm ra manh mối khiến vụ án rơi vào bế tắc. Để có thể nhanh chóng bắt được kẻ thủ ác1, họ đã cầu cứu FBI. Chuyên gia lập hồ sơ tội phạm của FBI, John Douglas đã tới trước để hỗ trợ. Sau khi nghiên cứu tình tiết vụ án, ảnh chụp hiện trường và báo cáo pháp y, Douglas đã phác họa được hồ sơ tâm lý cơ bản của hung thủ bao gồm độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và một số manh mối khác. Dựa theo những phán đoán của Douglas, cảnh sát địa phương đã tiến hành tìm kiếm và bắt giữ hai đối tượng tình nghi. Sau khi trải qua quá trình thẩm vấn nghiêm ngặt, quả thật một trong hai đối tượng chính là kẻ phạm tội. Làm thế nào mà John Douglas có thể phân tích được tuổi tác và trình độ học vấn của hung thủ? Rốt cuộc thủ phạm là ai? Vì sao hắn lại xuống tay tàn nhẫn như vậy? Chắc hẳn đây là những thắc mắc mà ai cũng có. Thông qua cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng đi tìm đáp án cho những câu hỏi trên. Thực chất, phương pháp này của Douglas chính là phác họa hồ sơ tâm lý tội phạm, ngày nay được biết đến với cái tên “hồ sơ tội phạm” hoặc “nghiên cứu hành vi”. Tổ khoa học hành vi thuộc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI2) được thành lập vào năm 1972 là đơn vị đầu tiên áp dụng kỹ thuật phân tích tâm lý tội phạm này. Trong quá trình phá án, các điệp vụ của FBI đã tìm hiểu quy luật hành vi và quy luật tâm lý của tội phạm trong quá trình giao tiếp với hung thủ. Sau này, các mật vụ FBI đã đề xuất thành lập một dự án có tính chiến lược và hệ thống để nghiên cứu chủ đề tâm lý và hành vi tội phạm, qua đó có một cái nhìn sâu sắc hơn về bối cảnh trưởng thành, phân tích hiện trường vụ án và các đặc điểm của nạn nhân để nắm bắt được phần lớn nội tâm, hành động và quy luật sinh hoạt của kẻ phạm tội. Trong quá trình nghiên cứu, FBI còn sử dụng nhiều dữ liệu từ các nhà chức trách, ví dụ như báo cáo điều tra của cảnh sát, biên bản thẩm vấn, lịch sử phạm tội,.. Những tài liệu này sẽ xác định phương hướng trinh sát, đồng thời thông qua hiện trường vụ án để phân tích hành vi, đoán biết đặc trưng tâm lý tội phạm. Tiếp theo đó, dựa vào những đặc điểm được suy đoán để xây dựng hình ảnh nghi phạm, bối cảnh gia đình và tính cách. Đây chính là “phác họa hồ sơ tâm lý tội phạm”. Về sau, kỹ thuật phác họa tâm lý dần dần được áp dụng vào nhiều vụ án khác nhau. Phương pháp này được biết đến rộng rãi hơn nhờ phim điện ảnh nổi tiếng thế giới “Sự im lặng của bầy cừu3”. Đoàn làm phim đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ FBI và được phép thực hiện một số cảnh phim tại chính trung tâm huấn luyện của Tổ khoa học hành vi. Ngoài ra, một số nhân viên của FBI cũng tham gia đóng những vai nhỏ trong phim. Sau thành công của “Sự im lặng của bầy cừu”, nhiều khán giả đã hiểu nhầm cũng như thần thánh hóa khả năng phác họa tâm lý và phân tích hành vi, cho rằng điều đó có thể giúp phá án tuyệt đối. Trên thực tế, tuy trực giác và kinh nghiệm rất quan trọng, nhưng mấu chốt vẫn là thu thập và đối chiếu số liệu. Một trong những thành viên sáng lập của Tổ khoa học hành vi John Douglas từng chia sẻ, trong quá trình điều tra, cảnh sát cần thẩm vấn tất cả những người có liên quan, đồng thời đi sâu vào tìm hiểu từng người, bởi như vậy mới có thể thu thập được thông tin tâm lý có giá trị. Tám chương của cuốn sách sẽ sử dụng những vụ án có thật để dẫn người đọc theo bước các chuyên gia lập hồ sơ tội phạm, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để phân tích được tâm lý và hành vi tội phạm, giúp chính quyền bắt được hung thủ. Ngoài ra, cuốn sách cũng giới thiệu cho độc giả quá trình phát triển, các kỹ năng và kiến thức lập hồ sơ tội phạm. Nhờ đó, độc giả sẽ có cái nhìn sâu sắc, rõ ràng hơn về bộ môn tâm lý tội phạm và trở thành những cao thủ phá án đích thực. PHẦN 1: BÓNG MA TUỔI THƠ GIEO MẦM CÁI ÁC Chương 1 Sát Thủ Uống Máu Người Richard Trenton Chase Ngày 23 tháng 1 năm 1978, tại một thị trấn nhỏ ở vùng Sacramento, California, tài xế xe tải David Walling kết thúc công việc sớm để trở về với người vợ đang có bầu của mình. Về đến nhà, David không thấy vợ chờ mình ở cửa như thường lệ, anh cất tiếng gọi nhưng không có ai trả lời. Nhất thời, một dự cảm không lành dâng lên trong lòng David. Sau khi tắt máy, David vội vào nhà tìm vợ. Trong phòng ngủ, cảnh tượng đập vào mắt khiến anh kinh hoàng: Người vợ đang mang thai nằm giữa một vũng máu, phần bụng bị rạch toang ra một cách tàn nhẫn. Quá sợ hãi, David chạy ra khỏi nhà và cầu cứu hàng xóm, gọi điện báo cảnh sát. Sau khi có mặt, cảnh sát ngay lập tức tiến hành điều tra sơ bộ. Họ phát hiện ra quần áo và đồ đạc trên người nạn nhân đều bị lột sạch nhưng lại không tìm thấy vật tùy thân ở hiện trường. Trên người nạn nhân có nhiều vết đâm, nội tạng bị móc ra, cắt nhỏ. Cạnh thi thể có một lọ sữa chua rỗng, bên trong vẫn dính máu của người bị hại. Vì vậy, cảnh sát kết luận rằng hung thủ là một kẻ vô cùng tàn ác, hắn ta đã đổ máu của người chết vào lọ sữa chua rồi uống. Thêm vào đó, cơ thể nạn nhân còn mất vài bộ phận. Ngoài những điều trên, cảnh sát không thu được manh mối nào khác. Sau vài lần điều tra, cảnh sát không tìm được động cơ gây án của hung thủ. Ngoại trừ quần áo mặc trên người nạn nhân, đồ đạc có giá trị trong nhà vẫn nguyên vẹn. Cuối cùng, chính quyền địa phương đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của FBI. Sau khi tiếp nhận vụ án, đặc vụ FBI Lars Volpagle đã liên hệ với Robert K. Ressler, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm được đào tạo đặc biệt của FBI. Sau khi nắm được thông tin về cách gây án, thời gian, địa điểm và đặc điểm của người bị hại, Ressler đã có những phác họa đầu tiên về hung thủ như sau: Nam giới, người da trắng, độ tuổi trong khoảng từ 25 đến 27, dáng người cao gầy, nơi ở bẩn thỉu, lộn xộn. Nhiều khả năng có thể tìm thấy tang chứng tại nơi ở của kẻ giết người. Ngoài ra, hắn cũng có tiền sử bệnh thần kinh, thậm chí là nghiện ma túy, tính cách quái gở, lầm lì, không giỏi giao tiếp. Người này thường một thân một mình, không có công ăn việc làm, sống dựa vào trợ cấp xã hội. Đồng thời, hắn cũng chưa từng nhập ngũ, bỏ học khi đang học cấp ba hoặc đại học, có một hoặc nhiều bệnh hoang tưởng. Với kinh nghiệm phá án dày dạn, Ressler có thể đoán được chủng tộc và độ tuổi của hung thủ là vì vụ án có tính chất xâm hại tình dục. Trong những vụ án tương tự, hung thủ thường là nam giới, tuổi từ 20 đến 30. Ngoài ra, có rất ít các vụ án xâm hại tình dục đa sắc tộc, thông thường chỉ có người da trắng tấn công người da trắng, người da đen tấn công người da đen. Thêm vào đó, nạn nhân sống trong khu vực của người da trắng, sự xuất hiện của một người da đen sẽ gây chú ý. Chính vì vậy, Ressler phán đoán rằng đây là án mạng cùng sắc tộc. Dựa vào các thành quả nghiên cứu về tội phạm, Ressler phân kẻ phạm tội thành hai loại: Kiểu thứ nhất gây án có logic, tuân theo những thủ pháp cố định. Kiểu thứ hai là những kẻ hành sự không có tính logic về mặt tâm lý và hành vi. Ảnh chụp hiện trường và báo cáo suy luận cho thấy hung thủ thuộc loại thứ hai. Kẻ giết người trong vụ án bà Walling không có quy tắc và cũng không dọn dẹp những dấu vết dễ để lộ thân phận. Từ đó có thể đoán ra hung thủ có bệnh thần kinh nghiêm trọng. Ngoài ra, những hành vi tàn ác của kẻ sát nhân đối với người bị hại cho thấy hắn đã chịu ảnh hưởng của bệnh tâm lý từ rất sớm. Kiến thức tâm lý học giúp Ressler suy đoán rằng hắn có thể mắc chứng hoang tưởng ảo giác. Hầu hết những giai đoạn đầu của chứng hoang tưởng ảo giác sẽ phát tác vào năm 19 tuổi. Vì loại bệnh tâm thần này có thời gian ủ bệnh khoảng mười năm nên Ressler nói rõ hơn độ tuổi của kẻ sát nhân có lẽ là từ 20 đến 30 tuổi. Những người mắc căn bệnh tâm thần này thường không ăn uống cẩn thận, dinh dưỡng kém, vì vậy có thể đoán được ngoại hình của thủ phạm khá gầy, dong dỏng. Đồng thời, trạng thái tâm lý cũng thường biểu hiện ra bên ngoài. Nhìn chung, người mắc bệnh không chú ý giữ gìn vệ sinh, bộ dạng nhếch nhác nên cũng không được người khác yêu quý, sống độc thân. Từ những điều này, Ressler kết luận rằng nơi ở của hung thủ chắc chắn sẽ rất bừa bộn, bẩn thỉu. Với những đặc điểm trên, mẫu người này cũng sẽ không được quân đội tuyển chọn, nhờ vậy mà Ressler có thể nói rằng hắn chưa từng nhập ngũ. Người mắc chứng hoang tưởng ảo giác thường có khả năng hoàn thành trung học phổ thông nhưng không thi đậu đại học. Vì vậy, những người này nếu có việc làm thì cũng sẽ là những công việc vặt vãnh hoặc bán thời gian. Tuy nhiên, vì tính cách quái dị, khả năng cao là họ cũng không làm được việc, chỉ có thể sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Bên cạnh việc tiến hành phân tích sơ bộ tâm lý tội phạm, Ressler còn đưa ra phán đoán ở những phương diện khác. Ví dụ như nếu hung thủ lái xe khi hành động, chắc chắn đó sẽ là một chiếc xe lụp xụp. Tuy nhiên, do kẻ sát nhân có tiền sử bệnh tâm thần, trạng thái tinh thần hỗn loạn nên không thể lái xe đến rồi lại lái xe về sau khi gây án. Vì lý do này, Ressler cho rằng thủ phạm là một người sống gần nhà người bị hại, hắn đã đi bộ đến và đi sau khi sát hại nạn nhân. Đồng thời, ông còn đưa ra giả thiết rằng kẻ phạm tội là một bệnh nhân được thả ra khỏi viện tâm thần khoảng một năm trước đó. Trong thời gian Ressler chuẩn bị tham gia tiếp nhận vụ án, hung thủ tái xuất. Ngày 26 tháng 1, tại một ngôi nhà cách hiện trường vụ án khoảng 1 km, ba người bị bắn chết bằng súng lục 22 ly. Nạn nhân lần lượt là Evelyn Milos 36 tuổi, con trai cô Jason 6 tuổi và người bạn Daniel J. Merris 32 tuổi. Cả ba người đều bị sát hại thê thảm, đặc biệt là Milos. Không những bị bắn, thi thể nạn nhân còn có nhiều vết dao, các cơ quan nội tạng bị moi ra, cắt nát. Trong phòng, nước bồn tắm bị máu nhuộm đỏ. Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện hung thủ còn uống huyết dịch của nạn nhân. Sau đó, một nạn nhân nữa xuất hiện khi cháu trai 22 tháng tuổi của Milos cũng biến mất, nhiều khả năng đã bị hung thủ dùng xe ô tô du lịch của Merris bắt đi. Vì vậy, cảnh sát xem xét kỹ lưỡng các khu vực lân cận và tìm thấy chiếc xe bị bỏ lại ở một nơi không xa. Lần theo vết máu dính ở hiện trường, có thể đoán rằng đứa bé lành ít dữ nhiều. Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy nhà của người bị hại không mất đồ đạc. Nạn nhân Milos là bảo mẫu, tính tình hiền lành, thân thiện, không có kẻ thù. Khi nghe tin cô bị sát hại, hàng xóm láng giềng đều cảm thấy khó hiểu. Vì vậy, phía cảnh sát lại rơi vào bế tắc, không thể tìm ra động cơ gây án của thủ phạm. Ressler nghe tin về vụ án bèn bổ sung thêm một số chi tiết trong hồ sơ phác thảo bao gồm sống một mình, nơi trú ẩn cách địa điểm vứt xe khoảng 800 - 1600m. Sau khi thảo luận cùng Lars Volpagle, Ressler cho rằng hung thủ còn có chứng ám ành cuồng tín, những thứ hắn lấy trộm không phải là đồ vật có giá trị mà là nữ trang. Trước khi phạm tội, hắn đã nhiều lần thực hiện hành vi trộm đồ nhằm thỏa mãn nỗi ám ảnh của mình, cội nguồn của căn bệnh này bắt nguồn từ trải nghiệm thời thơ ấu. Dựa trên những manh mối về chân dung tội phạm do Ressler cung cấp, đặc vụ FBI Lars Volpagle đã phối hợp cùng cảnh sát địa phương lấy chiếc xe du lịch bị bỏ lại làm trung tâm, thu thập vết tích trong bán kính khoảng 800m. Trong quá trình tìm kiếm, một người dân địa phương đã cung cấp cho cảnh sát thông tin hết sức quan trọng: Vào ngày bà Walling bị sát hại, cô đã gặp lại bạn cùng trường cấp ba mười năm trước là Richard Trenton Chase. Nhưng khi trông thấy bộ dạng của Chase, cô đã trở nên sợ hãi vì ngoại hình gầy gò, hai mắt trũng sâu, đầu tóc rối bời và chiếc áo phông dính máu. Lúc đó, cô đang ngồi trong xe hơi, Chase muốn trò chuyện nên đã nắm lấy cửa xe. Tuy nhiên, cô lập tức lái xe bỏ đi. Thông tin mà người dân này cung cấp có nhiều điều trùng khớp với chân dung kẻ sát nhân của Resser, vì vậy đặc vụ FBI Lars Volpagel và cảnh sát địa phương quyết định tiến hành một cuộc điều tra sâu và theo dõi Richard Trenton Chase. Họ phát hiện ra rằng Chase sống cách khu vực chiếc xe bị bỏ lại chưa đầy một con phố. Thêm vào đó, cạnh nơi ở của anh ta có một chiếc ô tô cũ nát, chứa đầy báo cũ, chai rượu, chăn màn, v.v... Ngoài ra, họ cũng tìm thấy một con dao phay dài 30cm và một đội ủng dính máu trong xe. Cảnh sát quyết định bắt giữ Richard Trenton Chase. Lường trước sát nhân là một kẻ độc ác, điên cuồng và sở hữu súng lục 22 ly, lực lượng chức năng dùng kế điệu hổ ly sơn để dụ hắn ra khỏi nơi trú ẩn. Một sĩ quan giả vờ làm người quản lý căn hộ để mượn điện thoại, trong khi đó, một người khác đi vòng qua cửa nhà Chase. Hắn ta nhanh chóng nhận ra điều bất thường, vội vàng cầm theo một chiếc vali, mở cửa và cố gắng tẩu thoát ra xe hơi của mình. Ngay lập tức, cảnh sát ập tới khống chế Chase. Họ tìm thấy súng và chiếc ví của Merris trên người hắn ta. Ngoài ra, vali mà Chase mang theo cũng dính đầy máu. Tại căn hộ của Chase, cảnh sát phát hiện phòng ở bừa bộn, quần áo vương vãi khắp nơi. Họ thu được manh mối gồm một số dây xích buộc động vật, ba máy xay lẫn máu và quần áo nhuốm máu. Tủ lạnh có lưu trữ bộ phận cơ thể người và nhiều bát đũa dính máu. Về sau, cảnh sát biết được rằng động cơ giết người của Chase là để uống máu người. Sau khi Chase bị bắt, nhiều phương tiện truyền thông đã đi sâu vào tìm hiểu và đưa tin về đời tư của hắn. Lúc này, tuổi thơ bi thảm của kẻ giết người mới được làm rõ. Mẹ của Chase là bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng điển hình, tính tình hung dữ, nóng nảy và thường xuyên cãi vã với chồng. Từ nhỏ, Chase đã mắc bệnh tâm thần, lớn lên không có bạn bè rồi dần dần sa ngã, hút cần sa và trở thành con nghiện. Hắn từng bị bắt vì tàng trữ cần sa. Sau khi sống một mình, Chase bắt đầu giết, cắt xác động vật và uống máu chúng. Hắn tin rằng đây là cách duy nhất có thể ngăn trái tim mình bị teo nhỏ. Chase từng bị đưa vào viện tâm thần vì những hành vi kỳ lạ. Trong thời gian điều trị, hắn thường bắt chim trong rừng của bệnh viện và uống máu chúng, trên miệng luôn luôn có vết máu. Vì vậy, các bệnh nhân khác gọi hắn là ma cà rồng. Một thời gian sau, Chase được phép xuất viện. Sau khi được thả tự do, bằng một cách nào đó hắn có được một khẩu súng lục và bắn chết vật nuôi nhà hàng xóm để uống máu. Dần dần, hắn trở nên tàn bạo hơn và bắt đầu giết người. May mắn thay, cảnh sát đã kịp thời ngăn chặn các vụ thảm sát đẫm máu của hắn. Nhờ hồ sơ tâm lý tội phạm của chuyên gia tâm lý Robert K. Ressler đã phác họa chính xác hình ảnh về kẻ sát nhân, cảnh sát mới có thể tiến hành khám xét và bắt giữ nghi phạm. Ressler viết trong nhật ký rằng: “Chỉ phác họa thôi không thể tìm được hung thủ, chúng tôi vẫn phải dựa vào cảnh sát tuần tra để bắt kẻ thủ ác... Hồ sơ tâm lý tội phạm của tôi chỉ là một công cụ trong quá trình phá án. Trong trường hợp này, phác họa chân dung giúp thu hẹp phạm vi truy tìm kẻ sát nhân nguy hiểm.” Ồ CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA LẬP HỒ SƠ TỘI PHẠM Trong quá trình điều tra, phác họa tâm lý tội phạm cần dựa vào những thông tin đã có về hành vi, đặc điểm tâm lý, động cơ gây án... của kẻ tình nghi để đi vào phân tích, từ đó dùng câu chữ để lột tả hình ảnh nhân vật, quy luật hành động của tội phạm. Điều này sẽ giúp cho việc phá án trở nên thuận lợi hơn. Phác họa tâm lý tội phạm còn có các cách gọi khác như phác họa hiện trường phạm tội, phác họa hồ sơ tâm lý, phác họa hung thủ, phác họa hành vi... Bộ môn này có nguồn gốc từ FBI, trong những năm 70 của thế kỷ 20, FBI đã thành lập Tổ khoa học hành vi, xây dựng những kỹ năng lập hồ sơ tội phạm dựa trên việc phân tích hiện trường vụ án. Lập hồ sơ tội phạm bao gồm bốn kỹ năng là điều tra hình sự, giám định pháp y, đánh giá tâm lý và nhân chủng học văn hóa. Thông thường, quy trình lập hồ sơ tội phạm bắt đầu từ việc bàn giao các thông tin về hiện trường vụ án, giám định pháp y, hành vi phạm tội và các chi tiết về người bị hại cho chuyên gia phác họa tâm lý. Sau đó, các chuyên gia sẽ tiến hành phân tích và gửi lại báo cáo về kẻ tình nghi. Nhìn chung, phác họa tâm lý tội phạm được xây dựng trên nguyên tắc của tâm lý học tội phạm và nhiều kiến thức từ các ngành khoa học khác. Thông qua phân tích tâm lý và các dấu vết hoặc chi tiết mà tội phạm để lại tại hiện trường có thể tìm ra đặc điểm tâm lý của hung thủ. Sau đó, tiếp tục hình dung ra độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, học vấn và các thông tin khác như thói quen cá nhân, bối cảnh gia đình và các mối quan hệ. Đặc điểm tâm lý gây án của kẻ thủ ác thường được hình thành dần dần từ những trải nghiệm xã hội và kinh nghiệm phạm tội trong thời gian dài. Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua những mối liên hệ mật thiết như môi trường sống, trình độ học vấn, công việc. Những điều này được xây dựng và củng cố trong quá trình sống thực tế và hình thành phong cách hành vi nhất định. Khi gây án, các đặc điểm tâm lý cá nhân của hung thủ sẽ lộ rõ qua sự vật khách quan, lưu lại đầu mối tâm lý. Vì vậy, thông qua việc phân tích tang chứng tại hiện trường, có thể suy ra manh mối và khắc họa tâm lý của kẻ gây án. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phá án. Chương 2 Xác Chết Không Nguyên Vẹn Ở Bãi Phế Liệu Betty Jean Shade là một cô gái 22 tuổi vui tươi và lạc quan. Cô làm bảo mẫu trong thời gian rảnh và rất có trách nhiệm với công việc. Vì vậy mà Shade luôn được các bậc phụ huynh yêu quý. Một tối nọ, Shade kết thúc công việc và trở về nhà như thường lệ. Tuy nhiên, tới tận đêm muộn của ngày hôm đó, gia đình Shade vẫn không thấy cô về nhà. Quá lo lắng, gia đình Shade đã gọi điện cho chỗ làm và bạn bè thân thiết của cô nhưng không một ai biết tung tích của cô gái trẻ. Rơi vào khủng hoảng, người thân của Shade lập tức báo cảnh sát. Bốn ngày sau vụ mất tích của Betty Jean Shade, một người đàn ông đã vấp phải một xác chết trong lúc đang tản bộ tại địa phận núi Wopsononock ở Altoona. Hoảng sợ tới mức hồn vía lên mây, người đàn ông này đã vội vã gọi điện cho cảnh sát. Bác sĩ pháp y Charles Burkey và cảnh sát sở tại tức tốc tập trung tại hiện trường vụ án. Điều tra sơ bộ cho thấy xác chết đã bị cắt xẻ nghiêm trọng, phần cơ thể mà nhân chứng va phải ở tình trạng khá nguyên vẹn. Mái tóc vàng của nạn nhân bị cắt và treo lên một thân cây gần đó. Người chết không những bị đánh đập tàn bạo, hai mắt sưng trũng, xương cằm dưới đứt lìa mà còn bị cưỡng hiếp. Vết thương chí mạng nhất nằm ở phần đầu, ngoài ra hai bầu ngực của nạn nhân cũng bị cắt bỏ. Tình trạng của thi thể khiến bác sĩ pháp y với kinh nghiệm dày dạn như Charles Burkey cũng phải thốt lên: “Thật khủng khiếp.” Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện ra người chết chính là Betty Jean Shade đang mất tích. Tuy nhiên, khi Charles Burkey khám nghiệm tử thi đã phát hiện ra trong dạ dày của nạn nhân vẫn còn thức ăn chưa tiêu hóa hết. Điều này cho thấy Shade đã bị giết hại không lâu ngay sau khi mất tích. Ngoài ra, thi thể của người bị hại ở trong trạng thái tốt, không có vết côn trùng đốt hoặc động vật cắn, chứng tỏ xác chưa bị vứt quá bốn ngày. Cảnh sát địa phương đi vào ngõ cụt nên đã tìm đến FBI để xin giúp đỡ, điệp vụ FBI Reid tiếp nhận vụ án. Sau khi tìm hiểu, để nhanh chóng bắt được kẻ thủ ác, Reid đã gửi hồ sơ vụ án cho Jonh Douglas - chuyên gia tâm lý tội phạm của FBI để được giúp đỡ. Đồng thời, Reid cũng đích thân gọi điện cho Douglas để trình bày chi tiết vụ việc. Sau khi nói chuyện với Reid và cẩn thận nghiên cứu tình tiết vụ án, Douglas đã nhập các thông tin về đặc điểm hiện trường và người bị hại vào kho dữ liệu hồ sơ tội phạm để tiến hành phác họa chân dung tâm lý. Ông đã hình dung về hung thủ như sau: Nam giới, da trắng, độ tuổi trong khoảng từ 17 đến 25, dáng người gầy nhưng rắn chắc, tính tình quái dị, thích đọc hoặc xem ấn phẩm khiêu dâm. Ngoài ra, hung thủ xuất thân từ một gia đình tan vỡ, chịu nhiều ảnh hưởng của người mẹ, được mẹ bao bọc, yêu chiều quá mức. Nhiều khả năng, mẹ của hung thủ đã gieo rắc vào đầu hắn ý nghĩ rằng ngoại trừ bà ta, tất cả những người phụ nữ khác đều là người xấu. Chính điều này khiến kẻ giết người không thể có mối quan hệ bình thường với phái nữ. Từ các vết thương trên người nạn nhân có thể nhìn thấy xu hướng này, khi tấn công, hung thủ đã nhanh chóng đánh ngất nạn nhân. Dựa vào các vết thương trên mặt và cơ thể, Douglas phỏng đoán, hung thủ rất quen thuộc với nạn nhân. Vì quá tức giận nên hắn đã tìm cách hủy hoại gương mặt và thân thể, cắt ngực và tóc của người bị hại. Tìm hiểu về nạn nhân, Douglas biết được rằng khi còn sống, Shade rất chú ý tới mái tóc của mình, hàng ngày cô luôn chải đầu cẩn thận. Vì vậy, hành động cắt tóc mang ý nghĩa hạ nhục Shade, thể hiện rằng kẻ giết người hiểu rõ nạn nhân mới có thể thực hiện hành vi xúc phạm này. Thêm vào đó, từ hiện trường vứt xác, Douglas suy đoán rằng kẻ giết người không có công việc tử tế, có thể làm những công việc liên quan đến bùn đất, chất bẩn. Thời gian Shade bị bắt cóc là buổi tối, cộng thêm dấu vết cho thấy thi thể bị di chuyển đến nơi khác càng khẳng định thời gian hoạt động chủ yếu của hung thủ là ban đêm. Hắn có thể đã đến nghĩa địa hoặc tham gia tang lễ. Trong ảo tưởng của hung thủ, hắn và nạn nhân có một mối quan hệ bình thường và bản thân hắn rất mực tin vào điều này. Vì vậy, nếu bắt được kẻ tình nghi và sử dụng máy phát hiện nói dối để thẩm vấn thì sẽ không có tác dụng. Từ vị trí gặp nạn của Shade có thể suy ra nơi ở của hung thủ ở giữa nhà và nơi làm việc của nạn nhân. Sau khi được cung cấp manh mối về hồ sơ tội phạm do Douglas xây dựng, Reid và cảnh sát sở tại đã xác nhận được hai đối tượng tình nghi: Charles Soult, bạn trai sống cùng nhà, tự xưng là vị hôn phu của Shade; còn lại là người đã phát hiện ra thi thể, anh ta từng là thợ cơ khí đường sắt nhưng nghỉ việc do gặp chấn thương. Reid và cảnh sát dồn sự nghi ngờ vào người thợ cơ khí bởi có nhân chứng khác đã nhìn thấy anh ta lảng vảng quanh hiện trường vụ án. Thêm vào đó, lời khai của anh ta thiếu nhất quán, quần áo mặc trên người cũng không phù hợp để đi dạo. Ngày báo án, trời mưa nhưng anh ta lại không bị ướt. Khi nói chuyện với giới chức năng, người này trông rất căng thẳng, thể hiện rằng bản thân vô cùng sợ hãi, lo lắng mình sẽ bị cuốn vào vụ án này. Reid cho rằng đây là cách hắn phân tán sự tình nghi từ phía cảnh sát. Theo điều tra của cảnh sát, người đàn ông này nghiện rượu và thuốc lá. Ngoài ra, anh ta cũng từng có tiền sử chống đối xã hội. Nhưng cả anh ta và vợ đều khai báo rằng vào thời điểm xảy ra vụ án (tối ngày Shade mất tích) cả hai đều ở nhà xem ti vi. Đây không phải là bằng chứng ngoại phạm thuyết phục, vì vậy, chuyên gia tâm lý tội phạm Douglas cho rằng người này sẽ thuê luật sư riêng và tỏ thái độ thiếu hợp tác. Kết quả đúng là như vậy, khi cảnh sát muốn điều tra sâu hơn, anh ta đã mời luật sư và từ chối sử dụng máy phát hiện nói dối. Tuy nhiên, trái ngược với suy đoán của Douglas, người đàn ông này đã kết hôn, sống cùng vợ và hai con. Điều này mâu thuẫn với cách gây án của hung thủ. Nếu kẻ giết người là một người đàn ông có vợ, hắn ta sẽ có xu hướng kéo dài thời gian cưỡng bức và hành hạ nạn nhân trước khi giết chết, đồng thời làm nhiều hành vi nhục mạ chứ không cắt xẻ xác chết. Ngoài ra, độ tuổi của người này cũng không phù hợp với phác họa ban đầu của Douglas do đã quá 30 tuổi. Douglas cho rằng Charles Soult đáng nghi hơn bởi hắn rất giống với phác họa chân dung tội phạm ban đầu. Bố mẹ của Soult ly hôn từ khi hắn còn rất nhỏ, họ can dự nhiều vào cuộc sống của con cái nên tới tận năm 26 tuổi hắn vẫn rất vụng về và ngờ nghệch trong chuyện tình cảm với phái nữ. Thông tin bổ sung cho biết, Soult rất yêu Shade, mặc dù hai người đã đính hôn nhưng anh ta vẫn đồng ý để Shade đi gặp gỡ, đi chơi với những người đàn ông khác. Trong tang lễ của Shade, anh ta khóc rất dữ dội, chỉ thiếu điều chui vào quan tài để cùng đồng quy vu tận với người yêu. Mỗi lần nói chuyện với cảnh sát, Soult luôn tỏ ra vô cùng đau đớn. Vào lúc Douglas chuyển sự nghi ngờ sang Soult, cảnh sát đã điều tra và phát hiện ra anh ta có một người anh trai tên là Michael, cả hai đều làm công nhân vận chuyển tại bãi rác. Chi tiết này khiến Douglas càng thêm khẳng định rằng Soult chính là hung thủ bởi hắn có thể tự do ra vào bãi phế liệu và có dụng cụ để di chuyển xác chết. Tuy nhiên, Douglas vẫn cảm thấy băn khoăn. Thứ nhất là Soult không cao hơn Shade là bao, anh ta dường như cũng không đủ sức khỏe để khiêng cái xác. Thứ hai, khám nghiệm tử thi cho thấy trong người nạn nhân có tinh dịch của nam giới, cho thấy Shade đã bị cưỡng hiếp. Nhưng Soult lại không có khả năng thực hiện hành vi này. Do bị mẹ ruột kiểm soát trong thời gian dài, chức năng sinh lý của anh ta rất kém. Vì vậy, Douglas phỏng đoán, Betty Jean Shade đã gặp Soult trên đường đi làm về vào tối ngày bị hại. Hai người cãi nhau, Soult đánh Shade nhưng lực đánh quá mạnh khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, hắn chuyển Shade đến một nơi vắng vẻ và giáng đòn đánh chí mạng, cắt tóc, phân xác và cắt bỏ bộ ngực để giữ làm kỷ niệm. Song, giữa thời điểm bị tấn công và bị giết, nạn nhân đã bị một người khác không phải Soult cưỡng bức. Sau khi phân tích, Douglas cho rằng Michael, anh trai của Soult là đồng phạm. Nguyên nhân là vì anh ta xuất thân từ cùng một gia đình với Soult, làm cùng một công việc, từng ở bệnh viện tâm thần một thời gian, có tiền án bạo lực và thiếu khả năng kiềm chế cơn tức giận. Thông tin điều tra còn cho biết, vào tối ngày Betty Jean Shade mất tích, vợ của Michael đang chuyển dạ tại bệnh viện. Việc người vợ mang thai đã gây ra kích thích lớn cho Michael, đồng thời trong khoảng thời gian đó hắn cũng không có cơ hội để giải tỏa ham muốn tình dục. Vì thế, Douglas nghĩ rằng sau khi tấn công Shade, Soult đã hoảng sợ và tìm đến anh trai của mình. Michael cưỡng hiếp Shade trong khi Soult đứng xem, sau đó giết hại Shade và cùng Michael phi tang xác. Khi cảnh sát bắt giữ Soult và Michael, cả hai không chịu thừa nhận tội ác của mình. Mặc dù kết quả cuộc thẩm vấn bằng máy kiểm tra nói dối cho thấy Soult đang thành thật nhưng những phản ứng cảm xúc của hắn lại không bình thường. Douglas đề nghị lực lượng chức năng đổi đối tượng, tập trung thẩm vấn Michael và thuyết phục rằng anh ta chỉ quan hệ tình dục với Shade và hỗ trợ xử lý thi thể. Nếu từ chối nói ra sự thật, anh ta sẽ phải ngồi tù với Soult. Cuối cùng, Michael đã nhận tội. Về cơ bản, mọi thứ giống như suy luận của Douglas: Soult luôn muốn quan hệ tình dục với Shade nhưng không thành công. Nỗi uất hận của anh ta tích tụ dần và rất dễ bộc phát. Đêm xảy ra vụ án, anh ta đã rất sợ hãi sau khi tấn công nạn nhân, vì vậy đã tìm đến Michael. Chứng kiến cảnh Michael cưỡng hiếp Shade, hắn càng cảm thấy bất lực và trở nên tức giận hơn. Hắn đã tiến hành phân xác người chết bốn ngày sau đó. Ngoài ra, Michael khai nhận rằng hắn và Soult còn nhận được sự giúp đỡ từ một đồng phạm khác để hỗ trợ phi tang thi thể. Đó là Catherine Wiesinger, người chị em tốt của Betty Jean Shade. Sau đó, cảnh sát tìm thấy bộ ngực bị cắt rời ở nơi trú ẩn của Soult. Hắn chịu tội giết người cấp độ một, Michael bị đưa vào bệnh viện tâm thần sau khi kết án. Chính nhờ phác họa chân dung và manh mối do chuyên gia tâm lý tội phạm John Douglas cung cấp mà cảnh sát đã phá án suôn sẻ hơn, kẻ sát nhân bị bắt về quy án và xét xử trước vành móng ngựa. CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM Có ba phương pháp chính để lập hồ sơ tâm lý tội phạm: Đầu tiên, phương pháp phân tích hiện trường vụ án. Kỹ thuật này được Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đề xuất và xây dựng. Phương pháp này yêu cầu người điều tra tập trung chú ý vào các đặc điểm khác nhau của hiện trường vụ án, nhập các thông tin này và báo cáo về nạn nhân vào kho dữ liệu tội phạm để tiến hành phác thảo chân dung tội phạm. Năm 1979, Tổ khoa học hành vi của FBI đã thiết lập cơ sở cho kho dữ liệu dựa trên cuộc phỏng vấn với 36 kẻ phạm tội giết người và hiếp dâm. Thứ hai, phương pháp điều tra tâm lý. Phương pháp này được Canter thành lập ở Vương quốc Anh, chủ yếu sử dụng các ý nghĩa tâm lý được phản ánh từ đặc điểm hành vi tại hiện trường vụ án để phác họa chân dung hung thủ. Chuyên gia tin rằng đặc điểm thủ pháp gây án của tội phạm sẽ được phản ánh trong hành động hàng ngày của họ. Vì vậy, họ đưa ra giả thiết về tính thống nhất của người phạm tội, cụ thể là tính nhất quán trong các mối quan hệ và không gian, áp dụng nó vào lĩnh vực tâm lý tội phạm. Thứ ba, phương pháp phán đoán đánh giá. Cách này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế. Chương 3 Sát Thủ Ăn Thịt Người Án Mạng Cậu Bé Giao Báo Một buổi sáng đẹp trời tại thành phố Bellevue, Danny rời giường như thường lệ để đạp xe vào thành phố. Cậu bé làm công việc giao báo để kiếm tiền tiêu vặt. Tính tình nghịch ngợm, Danny thường xuyên không chịu đi giày. Bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở của bố mẹ, cậu đạp xe bằng chân trần. Ở tuổi 13, Danny là một chú bé dễ thương với mái tóc vàng và đôi mắt xanh. Bố cậu là nhân viên bưu điện và cả Danny lẫn anh trai đều đi giao báo. Cậu bé vui vẻ đạp xe trên con đường đến cửa hàng nhận việc. Thế nhưng, đến khoảng 7 giờ sáng, quản lý cửa hàng nhận được cuộc gọi phàn nàn của một số người dân vì báo vẫn chưa đến tay. Tất cả những hộ dân này đều thuộc phạm vi phụ trách của Danny nên người quản lý đã đi tìm cậu bé. Tuy nhiên, sau khi đã đi một vòng quanh khu vực mà vẫn không thấy tung tích của Danny, quản lý đành gọi cho bố cậu, ông Eberle. Hay tin, ông Eberle vội đi tìm con trai nhưng cũng không có kết quả. Sau khi hỏi thăm, ông biết được rằng Danny đã giao báo cho ba nhà trước khi biến mất. Khi đi tới nhà thứ tư, ông phát hiện xe đạp của con trai dựng cạnh hàng rào, túi đựng báo vẫn còn treo trên xe. Quá lo lắng, ông Eberle lập tức báo cảnh sát. Cảnh sát địa phương tức tốc liên lạc với đặc vụ FBI Johnny Evans tại chi nhánh Omaha gần với Bellevue. Đồng thời, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm Robert K. Ressler của Tổ Khoa học hành vi FBI cũng nhận được thông báo nhờ giúp đỡ. Evans và lực lượng chức năng nhanh chóng đến hiện trường vụ án. Ban đầu, cảnh sát cho rằng có thể Danny đã bị chú ruột của mình bắt đi vì công ty của người chú hiện đang thiếu nhân lực. Tuy nhiên, sau khi cảnh sát liên hệ được với chú của Danny, họ biết rằng anh ta không dính líu đến vụ việc. Cảnh sát bắt đầu tiến hành khám xét từng nhà trong khu vực giao báo của Danny. Rất nhanh sau đó, thi thể của cậu bé được tìm thấy ở một bãi cỏ, tay chân trói cứng, miệng bị bịt kín. Nạn nhân chỉ mặc độc nội y, ngực và lưng có nhiều vết đâm. Dường như hung thủ đã coi nạn nhân như một món đồ chơi, rạch nát khuôn mặt tới mức máu thịt lẫn lộn, toàn thân chi chít vết thương. Ngoài ra, phần vai còn bị xẻo mất một miếng thịt. Báo cáo pháp y cho thấy, trong miệng nạn nhân có sỏi đá, rất có thể cậu bé đã bị giết hại rồi mới bị vứt xác lộ thiên. Hơn nữa, thi thể có dấu hiệu bị di chuyển nhiều lần nên đây không phải là hiện trường vụ án đầu tiên. Danny vẫn còn mặc đồ lót và cũng không có dấu hiệu bị lạm dụng, điều tra viên kết luận rằng nạn nhân không bị tấn công tình dục. Ressler nghiên cứu các bức ảnh hiện trường do cảnh sát gửi đến và đích thân khảo sát nơi tìm thấy thi thể nhưng không thu được manh mối nào đáng giá. Nhưng ông phát hiện cạnh nơi vứt xác có một con đường nhỏ, chính xác hơn là một ngõ cụt. Gần đó có một ngã tư, một trong bốn hướng dẫn ra bờ sông. Điều này khiến Ressler thắc mắc: Tại sao kẻ sát nhân không ném xác xuống sông? Nếu thả xác chết trôi sông, cảnh sát sẽ khó điều tra hơn, thêm vào đó, nơi vứt xác có nhiều vỏ chai bia rỗng cho thấy đây là khu vực tụ tập quen thuộc của người dân. Tại sao hung thủ lại chọn địa điểm này? Tuy nơi này cỏ mọc um tùm nhưng đứng từ trên đường cao tốc nhìn xuống có thể dễ dàng phát hiện ra thi thể. Vì vậy, Ressler phỏng đoán rằng kẻ giết người có thể đã rất vội vã hoặc sợ hãi, sau khi vứt xác bèn lập tức bỏ trốn trong đêm. Thông qua anh trai của Danny, cảnh sát biết thông tin về việc Danny thường xuyên bị theo dõi bởi một người đàn ông da trắng ngồi trong xe ô tô. Kết quả thẩm vấn các nhân chứng khác cũng tiết lộ họ nhiều lần nhìn thấy một người đàn ông da trắng lái xe chở một cậu bé khoảng hơn 10 tuổi đi hóng gió trên xe. Dựa trên các đầu mối và tình tiết vụ án, Ressler đã xây dựng nên chân dung tâm lý của hung thủ như sau: Sát thủ là nam giới, da trắng, khoảng 20 tuổi, người địa phương, độc thân, học xong cấp ba, hiện đang làm việc vặt hoặc thất nghiệp, giết người không có kế hoạch, hai tay khá linh hoạt, không có kinh nghiệm tình dục, có vấn đề tâm lý, thích đọc và xem văn hóa phẩm khiêu dâm, ấu dâm. Ressler có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ án giết người. Ông tin rằng hầu hết các vụ án tình dục đều xảy ra giữa người cùng chủng tộc và trường hợp này cũng vậy. Không chỉ vì lời khai của các nhân chứng đã xác nhận việc này mà còn vì nạn nhân biến mất trong khu vực của người da trắng. Sự xuất hiện của người da màu sẽ gây chú ý lớn. Lập luận cho rằng hung thủ khoảng 20 tuổi là vì địa điểm vứt xác không hợp lý, đây có thể là lần ra tay đầu tiên của hung thủ, hầu hết các trường hợp này đều do thanh niên thực hiện. Thêm vào đó, nhân chứng từng nhìn thấy kẻ khả nghi lái xe, lúc vứt xác cũng có khả năng sử dụng xe ô tô. Vì vậy, khả năng là hung thủ có bằng lái xe, đồng nghĩa trên 16 tuổi. Tại hiện trường không có dấu hiệu vật lộn, kháng cự nên Ressler cho rằng hung thủ có quen biết với nạn nhân. Nếu kẻ giết người có đồng phạm thì kịch bản là một người dụ dỗ Danny lên xe, người còn lại cưỡng chế, kiểm soát nạn nhân. Xem xét thời gian gây án, kẻ sát nhân chắc chắn phải xuất phát từ khoảng 6 giờ sáng. Vì vậy có thể đoán rằng hắn sống một mình, thời gian sinh hoạt hỗn loạn. Gần nơi vứt xác có một khu rừng nhưng kẻ sát nhân lại không phi tang thi thể tại đó, chứng tỏ cơ thể hắn không thuộc loại quá khỏe mạnh, cường tráng. Dây trói nạn nhân ở trong tình trạng tốt, thủ pháp cũng cho thấy hung thủ có một đôi tay nhanh nhẹn, linh hoạt. Đồng thời, báo cáo pháp y giúp Ressler xác định rằng Danny không bị trói trong thời gian dài. Nạn nhân không bị tra tấn trước khi chết. Mặc dù pháp y không tìm thấy bằng chứng lạm dụng tình dục nhưng Ressler tin rằng không thể loại trừ khả năng này, có thể kẻ giết người đã không đạt được ý muốn và Danny bị giết khi cố vùng vẫy, chống cự. Do thi thể bị hủy hoại nghiêm trọng, rất khó để nhận biết nạn nhân có phản kháng lại hay không. Tuy nhiên, việc Danny không bị tấn công tình dục cũng có thể là vì kẻ giết người không có kinh nghiệm tình dục thực tế. Ở Mỹ, việc một người trưởng thành trong độ tuổi 20 không có kinh nghiệm tinh dục là rất hiểm, điều này cho thấy hắn có vấn đề tâm lý trong giai đoạn trưởng thành. Ressler đã tiếp xúc với nhiều trường hợp tương tự, kẻ phạm tội cởi quần áo nạn nhân nhưng không quan hệ tình dục, ra tay rất tàn nhẫn. Chi tiết này không chỉ cho thấy tâm lý của hung thủ rất bất ổn mà còn thể hiện hắn có nhiều ảo giác, hoang tưởng kỳ quái. Ngoài ra, kẻ giết người sẽ thích đọc văn hóa phẩm đồi trụy hoặc mắc bệnh ấu dâm. Điều làm Ressler khó hiểu là lý do vì sao kẻ sát nhân lại xẻo mất một miếng thịt trên vai Danny. Liệu có phải là đang cố xóa đi một dấu vết mà hắn đã để lại? Dựa trên phân tích hiện trường vụ án, Ressler cho rằng hung thủ có thể quay lại nơi ném xác hoặc giả vờ giúp đỡ cảnh sát và gia đình nạn nhân để tìm hiểu tiến triển vụ án. Vì vậy, Ressler chỉ điểm cảnh sát công bố phác họa hung thủ dựa trên manh mối do nhân chứng cung cấp cho người dân thông qua các phương tiện truyền thông. Một khi kẻ phạm tội xuất hiện, hắn sẽ thu hút sự chú ý của mọi người. Ngoài ra, phân tích của các kỹ thuật viên cho thấy sợi dây dùng để trói Danny không thông dụng và cũng không có sẵn trên thị trường. Vì vậy, đặc vụ FBI Johnny Evans phán đoán rằng kẻ tình nghi là người sở hữu kiểu dây thừng đặc biệt, đồng thời quyết định sử dụng kỹ thuật thôi miên để tìm kiếm manh mối từ anh trai nạn nhân và các nhân chứng đã từng trông thấy thủ phạm với hy vọng họ có thể nhớ lại nhiều chi tiết hơn. Cả Ressler và Evans đều cho rằng hung thủ sẽ tiếp tục gây án, tuy nhiên, một thời gian dài sau không xuất hiện thêm vụ án tương tự khiến cho việc điều tra gặp nhiều trì hoãn. Cuối cùng, ở Omaha gần đó xảy ra một vụ bắt cóc bé trai như sau: Một buổi sáng, Christopher Paul Walden, con trai của một sĩ quan tại Căn cứ Không quân Offutt, biến mất trên đường đi bộ đến trường. Các nhân chứng khai báo đã nhìn thấy cậu bé lên xe với một người đàn ông da trắng. Ba ngày sau, một thợ săn tìm thấy xác đứa trẻ trong một khu rừng cách địa điểm mất tích 8 km. Hay tin, Ressler và Evans hội ngộ. Ressler cho rằng vụ việc rất giống với án mạng của Danny, nạn nhân chỉ mặc quần lót, toàn thân đầy vết thương. Đặc biệt hơn, cổ họng của cậu bé gần như bị cắt đứt, điều này chứng tỏ kẻ sát nhân đã trở nên tàn bạo hơn. Sau khi lực lượng chức năng có mặt ở hiện trường khoảng hai đến ba tiếng, một trận bão tuyết bất ngờ ập đến, vùi lấp mọi bằng chứng và đầu mối. May mắn thay, trước đó cảnh sát đã tìm ra manh mối vô cùng quan trọng là nhiều dấu chân tại hiện trường vụ án. Các dấu chân cho thấy có hai người bước vào nhưng chỉ có một người đi ra. Chi tiết này vừa cho thấy đây chính là hiện trường đầu tiên, vừa cho thấy hung thủ chỉ hành động một mình. Dựa trên những dữ liệu này, Ressler đã tiến hành mô phỏng phương pháp gây án và tâm lý của kẻ gây án: Lần phạm tội đầu tiên, tên sát nhân sử dụng một loại dây thừng đặc thù, vì FBI đã nghiên cứu sợi dây này nên trong lần ra tay tiếp theo, hắn đã không dùng loại dây này nữa. Đối với trẻ em, không nhất thiết phải trói hoặc bịt miệng bằng băng dính mà chỉ cần đe dọa hoặc dụ dỗ. Vì vậy, trong tình huống này, hung thủ có thể dắt đứa trẻ đến một nơi kín đáo, ra lệnh cho nạn nhân tự cởi quần áo rồi tiến hành sát hại. Kết thúc quá trình phỏng đoán, Ressler kết luận rằng kẻ sát nhân vào khoảng 20 tuổi. Cả hai nạn nhân đều không bị tấn công tình dục, vì vậy Ressler tin rằng hung thủ có vấn đề về sinh lý. Đối tượng hắn lựa chọn là những bé trai, điều này cho thấy hung thủ có thể đã từng bị người khác cười nhạo hoặc xem thường, tâm lý vô cùng mong manh, bất ổn. Ressler đã nghiên cứu kỹ lưỡng hai trường hợp và tìm ra sự khác biệt. Trong vụ án đầu tiên, hung thủ đang thử nghiệm, vụ án thứ hai là khi hắn tái phạm để cảm nhận được khoái cảm từ hành vị sát hại, vì vậy mà thủ pháp cũng độc ác hơn. Nếu tiếp tục phạm tội, hắn sẽ càng ngày càng tàn nhẫn. Tiếp đó, pháp y cung cấp những thông tin mới. Viên sỏi được tìm thấy trong miệng Danny không phải là chứng cứ của vụ án này, bác sĩ pháp y đã nhầm lẫn dữ liệu của hai vụ án khác nhau. Vì vậy, Ressler suy luận rằng trong vụ án Danny, hiện trường đầu tiên cách nơi vứt xác không xa. Sau khi biết được điều này, Ressler thay đổi phác họa chân dung tội phạm: Nam giới trẻ tuổi, da trắng, hành động một mình, sống ở Bellevue hoặc gần căn cứ không quân, học vấn thấp, làm các công việc như bảo trì hoặc kỹ thuật viên, thích đọc tiểu thuyết hoặc tạp chí trinh thám, có khả năng điều tra ở mức độ nhất định, có thể làm việc bán thời gian với tư cách huấn luyện viên đội bóng chày nam. Ngoài ra, các vết thương bằng dao trên cơ thể nạn nhân có thể là cách hung thủ che giấu dấu vết của mình, ví dụ như dấu răng. Ressler đoán rằng hung thủ sẽ tiếp tục gây án, thời điểm đó các trường học sắp nghỉ hè, kẻ thủ ác sẽ càng dễ hành động. Vì vậy, ông và điệp vụ FBI Evans cùng hợp tác với cảnh sát để đẩy nhanh quá trình điều tra, sớm ngày ngăn chặn tội ác. Cùng lúc, Ressler sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để kêu gọi bố mẹ không để trẻ nhỏ ra đường một mình, phát lệnh cho tất cả các cơ quan thi hành luật pháp báo tin ngay cho FBI khi bắt gặp người hoặc phương tiện khả nghi. Trong thời gian đó, cảnh sát tiến hành điều tra và thẩm vấn cẩn thận một lượt tất cả những người đã từng có tiền sử tội phạm tình dục trong khu vực. Một kẻ tình nghi lọt tầm ngắm, lực lượng chức năng cũng tìm thấy dây thừng và băng dính trong nhà của người này. Tuy nhiên, đối tượng vượt qua bài kiểm tra với máy phát hiện nói dối, xác nhận không phạm tội. Ngoài ra, khi nói chuyện với cảnh sát, anh ta rất thẳng thắn, rành mạch và cũng không che giấu việc mình là người đồng tính. Lúc này, một nhân chứng cung cấp đầu mối mới: Trước khi Walden mất tích vài ngày, anh ta đã nhìn thấy Walden lên xe của một thanh niên. Để có thêm thông tin chính xác, cảnh sát đã thôi miên nhân chứng. Tin tức thu được thêm cho biết Walden đã lên xe của một người đàn ông và nhân chứng nhớ được vài con số trên biển số xe. Cảnh sát tìm ra gần 1.000 chiếc xe tương tự với mô tả. Tuy nhiên, mẫu xe này ở Sabine County không nhiều, vì vậy cảnh sát địa phương đã tiến hành điều tra từng người một theo biển số. Trong lúc này, vụ án có bước đột phá mới: Một giáo viên đã gọi điện báo cảnh sát vì trông thấy một chiếc ô tô khả nghi chạy quanh nhà thờ, tài xế là một người đàn ông gầy gò. Hắn dùng xe và muốn mượn điện thoại nhưng nhân chứng từ chối. Đáp lại, người đàn ông nổi giận và dọa giết cô. Lời miêu tả của cô giáo này về đối tượng rất phù hợp với phác họa hung thủ của Ressler. Đồng thời, cô cũng cung cấp biển số xe của người đàn ông. Cảnh sát đã tiến hành điều tra sâu dựa trên biển số xe và phát hiện chiếc xe này được thuê từ một công ty cho thuê phương tiện. Người thuê xe sống ở khu vực Căn cứ Không quân Offutt, sau khi thuê phương tiện, anh ta nói rằng xe của mình bị hỏng nên để xe ở công ty đó. Sau khi kiểm tra, cảnh sát thấy rằng chiếc xe để lại ở công ty vô cùng khớp với manh mối của nhân chứng. Trong cốp xe, họ tìm thấy một con dao, dây thừng và băng dính. Thêm vào đó, chiếc xe cũng nằm trong danh sách 1.000 chiếc xe đang bị khám xét. Cảnh sát ngay lập tức cung cấp thông tin này cho FBI và Căn cứ Không quân, Evans và một số đặc vụ lập tức kiểm tra chiếc xe. Kết quả tìm ra chủ nhân chiếc xe là John Joseph Joubert, từng là kỹ thuật viên bảo dưỡng tại Căn cứ Không quân, 21 tuổi, vóc dáng gầy gò. Những đặc điểm này hoàn toàn trùng khớp với phác họa chân dung tội phạm của Ressler. Xác định được đối tượng tình nghi, cảnh sát đã lục soát nhà ở của Joubert và phát hiện ra một con dao săn, loại dây thừng đặc biệt và nhiều cuốn tiểu thuyết trinh thám, một trong số đó đã bị đọc đến nhàu nát. FBI thẩm vấn Joubert, ban đầu hắn không chịu nhận tội và cho rằng cảnh sát không có bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, khi FBI đưa ra tang chứng, vật chứng xác đáng, hắn ta đã thừa nhận tội ác. Ngay sau đó, Ressler đã tiến hành nghiên cứu sâu về hung thủ. Thì ra, ngay từ khi hắn mới 6,7 tuổi đã bắt đầu có ảo tưởng về việc giết người, muốn giết chết vú nuôi của mình để ăn thịt. Suốt quãng thời gian trưởng thành, hắn luôn đau đáu tâm niệm này. Mẹ của Joubert là nhân viên khách sạn, bố là bồi bàn, quan hệ giữa hai người không hòa thuận. Năm hắn 10 tuổi, người bố bỏ đi, chỉ còn mình hắn sống cùng mẹ. Mẹ Joubert là người nóng nảy, thường xuyên nổi giận và đập phá đồ đạc. Mỗi lần mẹ hắn nổi cơn tam bành, Joubert chỉ biết sợ hãi, trốn trong phòng riêng. Thiếu thốn sự quan tâm từ người mẹ, hắn dần mắc chứng tự kỷ. Năm 12 tuổi, hắn bị mẹ bắt gặp khi đang thủ dâm, sau đó bị bà đánh đập và mắng nhiếc thậm tệ. Từ đó, hắn chuyển đối tượng từ những cô gái trẻ sang các bé trai. Để có thể theo học trường Công giáo, Joubert đành đi giao báo kiếm thêm tiền. Mẹ hắn không đủ khả năng tài chính để cho hắn theo học trường chất lượng tốt. Sau khi nhập học, hắn bị bạn học chế giễu vì yêu người đồng giới. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, hắn thi vào một trường quân sự. Độ tuổi uống rượu hợp pháp ở khu vực mà Joubert sinh sống khá thấp, vì vậy hắn bắt đầu chìm đắm trong rượu chè dẫn đến bỏ bê tập luyện và thường cả đêm không về nhà. Kết thúc năm học đầu tiên, hắn bỏ học và trở về nhà. Không lâu sau đó, hắn gia nhập không quân và có mối quan hệ tốt với một đồng nghiệp trẻ. Cả hai cùng đến nhận nhiệm vụ tại Căn cứ Không quân Offutt và sống cùng một ký túc xá. Thời điểm này, Joubert bắt đầu trở nên ám ảnh với tiểu thuyết trinh thám. Sau đó, bạn của hắn nói rằng anh ta và người khác nảy sinh quan hệ tình cảm và người kia muốn anh ta giữ khoảng cách với Joubert. Nghe vậy, Joubert đã nổi giận và bỏ ra ngoài. Không lâu sau, người bạn cùng phòng chuyển đi, đây cũng chính là ngòi nổ kích thích Joubert thực hiện tội ác đầu tiên. Nguyên nhân khiến hắn dùng dao rạch nát, cắt xẻo người nạn nhân là vì muốn xóa đi vết cắn của mình. Tâm lý này phù hợp với những hoang tưởng về việc ăn thịt người của hắn khi mới 6,7 tuổi. Sở thích đọc tiểu thuyết trinh thám là dấu hiệu cho thấy hung thủ muốn trải nghiệm cảm giác hồi hộp và khoái cảm giết người giống như trong truyện. CHIA SẺ TỪ CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM Nghiên cứu của chuyên gia tâm lý tội phạm cho thấy, trẻ em từ giai đoạn sơ sinh đến 6,7 tuổi là thời kỳ dễ chịu ảnh hưởng từ người mẹ nhất vì đây là thời điểm trẻ nhỏ học cách thể hiện tình cảm. Các chuyên gia đã khảo sát nhiều tội phạm và thấy rằng họ thường bị mẹ ruột thờ ơ, bỏ mặc trong thời thơ ấu. Nhìn chung, mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái trong các trường hợp này rất xấu, có xu hướng thù ghét, bài trừ lẫn nhau. Do ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc và an ủi tinh thần nên họ không biết cách trân trọng đồng loại như những người bình thường. Ngoài ra, họ cũng không có khả năng bày tỏ nhu cầu được yêu thương và quý trọng. Điều này không chỉ khiến cuộc đời họ phải trả giá đắt mà còn là quả bom cho xã hội, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thê lương. Không chỉ người mẹ mà người bố cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Robert K. Ressler, chuyên gia về chân dung tâm lý tội phạm chia sẻ về một tình huống, bố của kẻ phạm tội thường xuyên bận rộn, thỉnh thoảng mới trở về nhà. Khi trở về, ông ta thường xuyên đánh đập mẹ và đứa con mỗi khi không hài lòng. Vì vậy, kẻ phạm tội lúc nào cũng sợ hãi bố mình. Thêm vào đó, người bố còn có hành vi lạm dụng tình dục đối với anh ta. Cuộc khảo sát cho thấy 40% tội phạm bị bố mẹ bạo hành hoặc quấy rối tình dục khi còn nhỏ, 70% người phạm tội đã từng chứng kiến cảnh bạo lực từ khi còn nhỏ và nhìn nhận mình với tư cách người bị hại. Chính vì nguyên nhân này, hầu hết tội phạm đều có vấn đề tâm lý khi còn nhỏ. Theo thời gian, các vấn đề tinh thần này sẽ có nhiều chuyển biến bất thường như rối loạn chức năng tình dục, mối quan hệ giữa người với người kém. Từ đó, họ dễ dàng đi vào con đường phạm tội. Chương 4 Thợ Săn Nữ Sinh Edmund Emil Kemper Thành phố Santa Cruz, Mỹ là một nơi xinh đẹp với ngôi trường Đại học California danh giá. Nữ sinh theo học tại trường đều là những cô gái xinh đẹp, họ thường ra khỏi trường đi chơi và bắt nhờ xe để quay về. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện liên tiếp những trường hợp sinh viên nữ mất tích và bị sát hại, ban giám hiệu nhà trường đã rơi vào khủng hoảng. Đây vừa là sự cảnh tỉnh cho những cô gái vô tư đi nhờ xe của người lạ, vừa là khởi nguồn cho câu chuyện kinh hoàng về “Thợ săn nữ sinh” của Đại học California, Santa Cruz. Ban đầu, nhà trường cho rằng chỉ cần giữ sinh viên trong khuôn viên sư phạm là đủ đảm bảo an toàn. Thế nhưng, cơn ác mộng vẫn không có hồi kết khi chưa đầy một tháng sau, hai nữ sinh Rosalind Thorpe và Allison Liu gặp nạn. Một tuần sau khi hai cô gái biến mất, có người đã phát hiện ra thi thể không nguyên vẹn bị vứt ở hẻm núi Eden gần San Francisco. Cảnh sát rơi vào thế khó, không biết nên điều tra theo hướng nào. Cùng lúc, giới truyền thông địa phương ồ ạt đưa tin về vụ án làm dấy lên làn sóng dư luận. Các cô gái trẻ sống trong khu vực đều hoảng sợ không thôi, không dám bước chân ra khỏi nhà nửa bước. Vì vậy, cảnh sát địa phương xin trợ giúp từ FBI, đồng thời gửi ảnh và thông tin người bị hại tới cho chuyên gia tâm lý tội phạm John Douglas. Sau khi nghiên cứu thông tin được cung cấp, Douglas và các chuyên gia FBI cho rằng những người phạm tội cướp giết thường rơi vào ba loại động cơ sau: thống trị, thao túng và kiểm soát. Nguyên nhân phạm tội thường do thất bại trong sự nghiệp và tình cảm, người phạm tội thường bị đối xử bất công, phần lớn đều bị ngược đãi về mặt tinh thần hoặc sinh lý. Vì vậy, họ sẽ vẽ ra ảo tưởng về chính mình, tự coi mình là người có quyền thực thi công lý, làm hại người khác để bảo vệ lợi ích cá nhân. Kẻ phạm tội sẽ cố trà trộn vào đội ngũ cảnh sát nhưng không thành công, chỉ có thể làm những công việc như vệ sĩ, bảo vệ... Do đó, trong quá trình phác họa chân dung hung thủ, Douglas đã lưu ý: Hung thủ sẽ lái những mẫu xe giống xe tuần tra của cảnh sát như Ford Victoria Crown hoặc Chevrolet Caprese. Hung thủ sẽ đến những địa điểm tụ tập quen thuộc của cảnh sát gồm nhà hàng và quán rượu, đồng thời tìm cách để tiếp cận, trò chuyện cùng cảnh sát để tìm hiểu tình hình điều tra, từ đó suy đoán bước đi tiếp theo của giới chức năng. Hành động này sẽ khiến kẻ phạm tội cảm thấy mình có quyền hành hơn và giống một người trong cuộc. Douglas phân tích, điểm mấu chốt trong các vụ án giết người liên hoàn là trí tưởng tượng của hung thủ, vì vậy khẳng định “Thợ săn nữ sinh” thích chìm đắm trong ảo tưởng. Những tên tội phạm kiểu này thường có nhiều điểm yếu và rất tự ti, cho rằng không có người phụ nữ nào muốn chấp nhận mình. Vì vậy, họ sử dụng các ảo tưởng như một sự bù đắp. Và, để có thể hoàn toàn kiểm soát hình mẫu trong trí tưởng tượng của mình, cuối cùng sẽ dẫn đến việc sát hại nạn nhân. Đối với những kẻ sát nhân có tính bạo dâm, để đi từ ảo ảnh đến hiện thực thì cần có chất xúc tác là văn hóa phẩm đồi trụy hoặc các hành vi biến thái với động vật, thậm chí là thái độ bạo lực với người cùng độ tuổi. Ngoài ra, bối cảnh gia đình của hung thủ khá phức tạp, không ổn định, chịu nhiều ảnh hưởng từ người mẹ hoặc họ hàng là nữ giới có tính kiểm soát mạnh. Kẻ phạm tội sẽ hình thành tâm lý muốn báo thù, sát hại tàn bạo những người phụ nữ khác. Ảnh chụp người bị hại cho thấy, hung thủ phân xác của nạn nhân sau khi họ đã chết. Điều này thể hiện hắn không phải là kẻ cuồng ngược đãi, cũng không có ý định trừng phạt nạn nhân mà thậm chí còn muốn giúp họ giảm bớt đau đớn. Khi Douglas và các thám tử đang phân tích vụ án, họ nhận được một cuộc gọi từ cảnh sát Santa Cruz, thông báo rằng kẻ sát nhân đã đầu thú. Hắn thừa nhận giết hại nhiều người, trong số đó có các sinh viên đại học gặp nạn. Hiện hung thủ đang ở vùng ngoại ô quận Pueblo, Colorado để chờ cảnh sát tới. Ban đầu, cảnh sát nghĩ rằng đây là trò đùa ác ý của ai đó, nhưng sau khi nghe người gọi điện trình bày chi tiết về cách gây án và nơi chôn xác, lực lượng chức năng bắt đầu tin rằng hắn chính là hung thủ. Tiếp đó, người gọi điện thú nhận rằng hắn đã giết hại mẹ ruột của mình vào đêm qua. Hắn cảm thấy mình làm vậy là điều không thể tránh khỏi vì chính mẹ hắn là người đã sỉ nhục, mắng nhiếc hắn từ nhỏ đến lớn. Kẻ sát nhân kể lại chi tiết vụ việc như sau: Hắn dùng búa đánh chết mẹ mình khi bà đang ngủ, sau đó tra tấn và hạ nhục xác chết. Tiếp theo, hắn gọi điện cho người bạn thân nhất của mẹ và mời bà đến ăn tối. Khi khách đến, hắn bóp cổ bà đến chết rồi phân xác. Sau khi bị bắt giữ, cảnh sát xác nhận tên của kẻ giết người là Edmund Emile Kemper, hắn vô cùng bình tĩnh và kiên nhẫn khi bị bắt. Sau cùng, Kemper bị kết tội giết người cấp độ một và bị kết án tù chung thân. Khi thẩm phán hỏi thấy hình phạt nào phù hợp với mình, hắn trả lời: “Tra tấn đến chết.” Rất nhanh, các phương tiện truyền thông đưa tin hàng loạt về Kemper. Lúc này, hình ảnh về kẻ giết người mới được đưa ra ánh sáng: Dáng người cao lớn, vạm vỡ, ăn nói nhẹ nhàng, hiền lành, không hề thô lỗ như những sát nhân liên hoàn khác. Những đặc điểm này khiến người khác khó mà nghĩ hắn lại là một tên sát nhân máu lạnh. Theo dòng thời sự, quần chúng hiểu hơn về Edmund Emile Kemper. Hắn ta và em gái được sinh ra trong một gia đình tan vỡ, tư chất thông minh nhưng không nhận được sự công nhận của bố mẹ. Ngược lại, Kemper bị mẹ ruột khinh thường, ngược đãi. Thường xuyên cãi vã khiến bố mẹ Kemper nhanh chóng ly hôn. Càng lớn, Kemper càng giống bố khiến mẹ hắn vô cùng phiền não, thái độ đối đãi cũng lạnh nhạt hơn. So với bạn bè đồng trang lứa, ngoại hình của Kemper khá thô kệch khiến nhiều bạn học xa lánh, cô lập. Sau đó, vì hình dáng quá khổ khiến người mẹ lo sợ rằng hắn có thể quấy rối em gái, bà đã bắt Kemper xuống ở tại tầng hầm tối tăm và lạnh lẽo. Điều này khiến cậu bé Kemper, lúc ấy mới 10 tuổi, rất sốc và sợ hãi, cảm thấy mình giống như một người bị cầm tù, bắt đầu nảy sinh lòng thù hận và những suy nghĩ chết chóc. Từ đó, Kemper có những hành động rất khác thường như chặt xác hai con mèo nuôi trong nhà, bẻ nát búp bê của em gái. Việc này chọc giận mẹ hắn khiến bà đánh đập và đuổi Kemper đến sống với người chồng đã ly hôn. Không lâu sau, Kemper trốn về nhà mẹ đẻ nhưng lại bị mẹ mình đưa đến sống với ông bà ngoại. Việc này khiến Kemper cảm thấy rất buồn chán và cô độc. Sống ở một nơi cách biệt với thế giới bên ngoài khiến những bóng tối tâm hồn hắn ngày càng lớn dần. Năm hắn 14 tuổi, vì bà ngoại kiên quyết bắt hắn ở nhà làm việc, không được đi cùng ông ngoại nên Kemper đã nổi giận, bắn chết bà bằng một khẩu súng trường. Sau khi bắn chết bà mình, hắn dùng dao làm bếp chém nhiều nhất vào thi thể nạn nhân. Mặc dù rất thân thiết với ông ngoại nhưng vì lo sợ ông không thể tha thứ cho mình nên khi ông ngoại trở về nhà, Kemper đã dùng súng giết chết ông một cách tàn nhẫn. Khẩu súng đó cũng chính là món quà ông ngoại tặng hắn làm quà sinh nhật. Sau khi giết ông bà ngoại, Kemper không hề hoảng sợ, hắn bình tĩnh gọi điện cho mẹ mình kể lại những việc mình đã làm. Sau khi cảnh sát đến và đưa hắn đi thẩm vấn, Kemper đã trả lời bằng thái độ nhẹ như không: “Tôi chỉ muốn biết cảm giác giết bà ta sẽ như thế nào. Vì vậy, Kemper được chẩn đoán là rối loạn nhân cách loại hung hăng thụ động. Hắn được chuyển đến điều trị trong một bệnh viện nhà nước dành cho các tội phạm mắc bệnh tâm thần. Thời gian nhập viện, Kemper có biểu hiện xuất sắc và nhanh chóng xây dựng mối quan hệ tốt với các bác sĩ, thậm chí còn trở thành trợ lý cho họ. Hắn học và nắm vững nhiều kiến thức tâm lý học, có cơ hội tiếp xúc với hầu hết các dữ liệu về bệnh nhân và kết quả chẩn đoán của bệnh viện. Sau khi biết về tiêu chuẩn của bài kiểm tra đánh giá tâm thần, Kemper đã ghi nhớ toàn bộ đáp án cho 28 câu hỏi một cách vô cùng thông minh. Năm 21 tuổi, Kemper thuận lợi vượt qua bài đánh giá tâm thần của bệnh viện và được xác nhận là không gây nguy hiểm cho xã hội. Được thả tự do, hắn quay về sống với mẹ ruột. Thời điểm đó, mẹ hắn vừa ly hôn người chồng thứ ba và đang làm thư ký tại Đại học Santa Cruz, California. Tuy nhiên, nhiều năm xa cách không khiến quan hệ giữa hai người hòa hoãn hơn, Kemper và mẹ thường xuyên tranh cãi, người mẹ vẫn tiếp tục nhục mạ hắn như trước. Vốn sáng da và hiếu học, Kemper tốt nghiệp với điểm số cao trường cao đẳng cộng đồng. Dự định của hắn là thi vào trường cảnh sát nhưng không đủ tiêu chuẩn do ngoại hình quá khổ. Do đó, Kemper thường xuyên lui tới các quán rượu và nhà hàng mà cảnh sát hay tụ tập để nghe ngóng những câu chuyện của họ như một sự an ủi. Trong khoảng thời gian này, Kemper nhận làm thêm một số việc lặt vặt. Hắn nộp đơn đăng ký tham gia Đội tuần tra xa lộ nhưng thất bại, tuy nhiên nhờ đó mà có cơ hội gia nhập vào Bộ Giao thông California. Từ đó, hắn sửa xe cá nhân cho giống với xe cảnh sát, lái xe đi vòng quanh và chở các cô gái trẻ cần đi xe trong khu vực Santa Cruz. Phải đối mặt với những lời nhục mạ từ mẹ đẻ, “ác quỷ” trong Kemper lớn lên từng ngày. Hắn bắt đầu lên kế hoạch cho những vụ giết người. Ngày 7 tháng 5 năm 1972, Kemper cho Mary Pesce và Anita Luchessa đi nhờ xe từ Đại học Bang Fresno. Hắn chở hai cô gái đến một nơi hẻo lánh và đâm chết họ, sau đó giấu xác ở nhà mẹ ruột, chụp ảnh người chết rồi mới phân xác. Ngày 14 tháng 9 cùng năm, Kemper đón nữ sinh trung học 15 tuổi Aiko Koo, bóp cổ nạn nhân tới chết, tra tấn thi thể sau đó di chuyển về nhà mẹ đẻ để phân xác. Ngày hôm sau, hắn đã để đầu của nạn nhân vào ô tô rồi lái xe đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ và giám định sức khỏe tâm thần. Kemper vượt qua bài xét nghiệm một cách suôn sẻ, bác sĩ cũng tuyên bố rằng hắn không còn là mối đe dọa cho xã hội và những người khác nữa. Ngày 7 tháng 1 năm 1973, Kemper đón Cindy Schall trong khuôn viên trường Cao đẳng Cabrillo, Santa Cruz. Sau khi sát hại nạn nhân một cách thô bạo, hắn chặt xác nạn nhân và mang đầu của Schall về chôn ở sân sau nhà mẹ ruột trong tư thế mặt ngửa lên, mắt hướng về phía cửa sổ phòng ngủ của bà mẹ. Nói về việc này, Kemper giải thích rằng mẹ hắn luôn muốn người khác phải “ngước nhìn mình”. Tiếp đó, ban giám hiệu trường Đại học California, Santa Cruz đã cảnh báo nữ sinh hạn chế ra ngoài nhưng vì mẹ của Kemper làm việc trong trường và xe của hắn có thể thông hành do chính trường đại học cung cấp nên hung thủ vẫn có thể thực hiện hành vi tàn ác của mình. Trong chưa đầy một tháng, hắn ra tay giết hại hai nữ sinh là Rosalind Thorpe và Alice Liu. Sau khi bị bắt giữ, Kemper từng cổ tự tử trong tù bằng cách cắt cổ tay nhưng không thành. Kẻ sát nhân cũng phải trải qua nhiều bài kiểm tra tâm lý, kết quả của các thí nghiệm này cho thấy hắn là người có chỉ số thông minh cao, có khả năng vận dụng các lý thuyết về bệnh tâm thần để phân tích hành vi của mình. CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM Các chuyên gia lập hồ sơ tội phạm cho rằng, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến sự hình thành của tội phạm giết người hàng loạt như Kemper là bối cảnh gia đình và tuổi thơ không trọn vẹn. Chịu nhiều kích thích do bị mẹ ruột bạo hành tâm lý, bạn bè cười nhạo và cô lập khiến nỗi căm hận trong lòng hung thủ lớn dần theo năm tháng. Kết quả, Kemper chỉ có thể trốn trong thế giới do chính mình tạo ra, ảo tưởng về việc được tôn trọng và nắm quyền kiểm soát. Đây cũng là khuôn mẫu phạm tội phổ biến, tội phạm nhận thức được hành động của mình là sai trái nhưng không thể dừng lại vì quá phấn khích và kích động. Chương 5 Sát Thủ Nhền Nhện Ác Mộng Của Người Đồng Tính Một buổi chiều đẹp trời nọ ở Illinois, bà Piest đứng đợi cậu con trai Robert, năm nay 15 tuổi, tan làm. Vì bận rộn với công việc làm thêm trong mùa hè nên Robert đã bỏ lỡ nhiều cuộc vui của gia đình. Tuy nhiên, hôm đó là sinh nhật của bà Piest và chắc hẳn Robert sẽ không muốn bỏ lỡ ngày đặc biệt của mẹ. Vì vậy, bà chủ động đến đón con trai tan làm. Nhưng, Robert không theo mẹ về nhà ngay sau khi tan làm mà nói với bà Piest rằng cậu phải đi gặp một chủ thầu ở bãi để xe. Robert nghe nói rằng người này đang tìm nhân viên bán thời gian và đưa ra mức lương cao gấp đôi thu nhập hiện tại của cậu. Bẵng đi một lúc lâu, bà Piest vẫn không thấy con trai quay trở về nên đã gọi điện cho cảnh sát vì quá lo lắng. Cảnh sát an ủi người mẹ rằng có thể cậu con trai đang tuổi mới lớn, ham chơi nên đi cùng bạn bè mà quên không báo lại cho gia đình, đây cũng là điều rất bình thường. Tuy nhiên, tới bảy rưỡi tối, bà Piest vẫn không thấy Robert về nhà. Không thể chờ lâu hơn nữa, bà nhất quyết yêu cầu lực lượng chức năng nhập cuộc tìm kiếm con trai mình. Sau khi nghe tin, Trung úy của đội hình sự tại địa phương, Joe Kozenczak đã lập tức chú ý đến vụ việc. Con trai anh là bạn cùng trường với Robert, Kozenczak biết Robert là một cậu bé ngoan, không bao giờ bỏ đi mà quên nói lời từ biệt. Anh đoán rằng cậu đã gặp chuyện bất trắc và chủ động dẫn cảnh sát tới nơi Robert làm thêm. Sau khi tìm hiểu, Kozenczak tra ra được chủ thầu mà Robert gặp hồi chiều tên là John Gacy, hiện đang làm thiết kế nội thất. Điều tra sơ bộ cho thấy John Gacy không hề ra ngoài vào ngày xảy ra vụ án mà chỉ làm việc trong nhà. Tuy nhiên, Kozenczak vẫn nghi ngờ Gacy và tìm kiếm lịch sử tiền án của đối tượng, đồng thời phát lệnh cho Gacy đến thẩm vấn. Khi Gacy tới buổi thẩm vấn, Kozenczak chưa tiến hành điều tra sâu về đối tượng nhưng vẻ ngoài của hắn lập tức khiến anh chú ý: Dáng người thấp lùn, mập mạp, hai cằm, râu đen. Đối tượng tự xưng là doanh nhân, từng tham gia các hoạt động chính trị của địa phương và chụp ảnh cùng đệ nhất phu nhân. Ngoài ra, hắn cũng có mặt trong một số hoạt động công ích như đóng vai chú hề trong các lễ hội để giải trí cho trẻ em. Khi được hỏi về Robert, Gacy cho hay mình không hề quen biết nạn nhân và cũng chưa từng có bất kỳ tiếp xúc nào. Tuy nhiên, khi Trung úy Kozenczak đề cập đến lời khai của nhân chứng đã từng trông thấy Gacy và Robert ở bãi để xe, đối tượng lập tức biện hộ rằng mình chỉ chào hỏi cậu bé rồi rời đi. Lời khai của Gacy nghe chừng hợp lý nhưng với trực giác nhạy bén của một cảnh sát lâu năm, Kozenczak cho rằng hắn đang nói dối. Sau khi khám xét nhà của đối tượng, cảnh sát tìm thấy một số quần áo của bé trai nhưng vì không có đủ bằng chứng nên không thể thực hiện bắt giữ với Gacy. Song, chỉ với ngần ấy thông tin cũng đủ để cảnh sát để mắt tới Gacy và giám sát hắn chặt chẽ hơn. Ban đầu, Gacy tỏ vẻ bàng quan nhưng chỉ sau một tuần, hắn không giữ được bình tĩnh và thuê luật sư để cáo trạng cảnh sát quấy rối công dân, cản trở việc kinh doanh. Ngay lúc Gacy chuẩn bị trình đơn tố cáo, Trung úy Kozenczak có được thông tin mới: Gacy đã từng bị kết án 10 năm tù vì tấn công tình dục một cậu bé ở Iowa nhưng được phóng thích sớm vì có biểu hiện tốt trong tù. Sau khi mãn hạn tù, Gacy chuyển đến Illinois. Không lâu sau đó, một cậu bé đã kiện hắn vì có hành vi bạo lực và không đúng mực. Trong quá trình tạm giam, đối tượng khai rằng người khởi tố muốn tống tiền mình, đồng thời yêu cầu cảnh sát bắt giữ cậu bé kia nhưng không được đáp lại. Vào ngày diễn ra vụ xét xử, do người khởi tố không xuất hiện nên Gacy được bác bỏ mọi cáo buộc. Vì vậy, phía lực lượng chức năng quyết định tiến hành lục soát toàn diện nơi ở của Gacy. Đối tượng tình nghi cũng góp mặt, hắn phủ nhận việc che giấu Robert khi bị cáo buộc nhưng lại thừa nhận bản thân đã từng giết bạn tình đồng tính để tự vệ, sau đó đốt xác và chôn dưới sàn xi măng của hầm để xe. Trong quá trình khám xét nơi ở của Gacy, cảnh sát tìm thấy một căn phòng bí mật, bên trong có ba thi thể bị cắt xẻ không lành lặn. Lực lượng chức năng lập tức bắt giữ Gacy, khởi tố hắn vì tội giết người. Phía cảnh sát điều tra nhà của hung thủ rất cẩn thận, tháo gỡ toàn bộ tường, trần và sàn nhà. Kết quả thu được rất nhiều vật chứng bao gồm dây chuyền, giày da, thắt lưng... Không nghi ngờ gì, đây đều là đồ vật tùy thân của người bị hại. Số xác chết được tìm thấy lên đến con số 29. Ngoài ra, Gacy cũng đã thừa nhận tội ác, tăng thêm 3 nạn nhân, trong đó có Robert đã bị hắn ném xác xuống sông Des Plaines. Lời thú tội của hắn khiến cảnh sát bàng hoàng, Gacy là một trong số những kẻ sát nhân tàn bạo nhất nước Mỹ khi lấy đi mạng sống của hàng chục người. Hầu hết các nạn nhân của hắn đều là nam giới trong khoảng từ 15 - 20 tuổi. Vụ án này đã thu hút sự chú ý của chuyên gia lập hồ sơ tội phạm FBI Robert K. Ressler và nhiều nhà tâm lý học khác. Ressler cũng có mặt trong buổi thẩm vấn của Gacy để nghiên cứu sâu về đối tượng. John Gacy cho biết, lần đầu tiên hắn giết người là tháng 1 năm 1970. Tối hôm đó, Gacy đã làm quen với một người đồng tính nam trạm xe buýt và rủ người này về nhà. Sáng hôm sau, đối tượng dùng dao để uy hiếp Gacy, trong lúc vật lộn, Gacy đã vô tình đâm dao vào ngực nạn nhân khiến anh ta tử vong. Sau đó, hắn chôn thi thể dưới sàn nhà. Không lâu sau, Gacy kết hôn cùng một người phụ nữ và sinh được hai đứa con. Sau khi hắn ngồi tù, hai người đã ly hôn. Về sau, hắn đi tới hôn nhân cùng một người phụ nữ khác và sống trong chính ngôi nhà mà hắn đã chôn xác nạn nhân. Được một thời gian, vợ của Gacy phàn nàn rằng ngôi nhà có mùi hôi thối nhưng hung thủ không hề lo lắng, ngược lại, hắn biện minh rằng mùi hôi xuất phát từ việc căn nhà đã lâu không được dọn dẹp cẩn thận. Nhân lúc vợ đi du lịch, Gacy đã bọc kín thi thể bằng bê tông. Gacy không nhớ chính xác về những lần giết người xảy ra sau đó. Tuy nhiên, kẻ sát nhân khai báo rằng vào năm 1975, hắn đã giết hại một nhân viên của mình tên John Butkovich. Khi ấy, Butkovich đã yêu cầu Gacy trả số tiền lương mà hắn thiếu nợ nhưng Gacy đã tìm cách trốn tránh cho qua chuyện. Gacy đã lừa nạn nhân về nhà mình, thực hiện tấn công tình dục, bắt ép nạn nhân tham gia trò chơi hiếp dâm mà hắn bày ra. Cuối cùng, Gacy siết cổ nạn nhân tới chết bằng dây thừng, chôn xác nạn nhân ở một phòng chứa đồ trong gara và đổ xi măng lên để xóa dấu vết. Theo thời gian, những chiêu trò dụ dỗ trai trẻ của Gacy ngày càng trở nên thuần thục, những tội ác mà hắn thực hiện cũng điên cuồng, hung tợn hơn. Hắn tự gọi bản thân là “Người nhện”, bởi không con mồi nào có thể thoát khỏi tấm lưới mà hắn đã dệt nên. Gacy thường lang thang, lưu vãng ở những nhà hàng, quán rượu dành cho người đồng tính nam để tìm kiếm đối tượng phù hợp. Đa số nạn nhân là khách tạm trú nên dù họ có mất tích cũng chẳng ai hay biết. Hung thủ sẽ mời họ về nhà uống rượu hoặc lén bỏ ma túy vào đồ ăn của họ. Sau đó, hắn sẽ rủ họ xem phim về đồng tính nam hoặc phim khiêu dâm. Nếu đối phương từ chối, kẻ tội phạm sẽ giở trò hiếp dâm. Cuối cùng, người bị hại không thể thoát khỏi nanh vuốt của ác quỷ và phải chịu số phận bi thảm. Trong phiên tòa xét xử John Gacy, hắn đã bị kết án giết chết 33 mạng người, bồi thẩm đoàn tuyên án tử hình trên ghế điện. Chuyên gia lập hồ sơ tội phạm Ressler tin rằng Gacy là một người rất thông minh với chỉ số IQ cao vượt trội, thuộc dạng tội phạm nguy hiểm. Hắn không chỉ có tài ăn nói, hùng biện mà còn biết cách khiến người khác mất cảnh giác, dẫn dắt họ từng bước đi vào cái bẫy mà hắn đã bày ra. Nếu kẻ thủ ác không tình nguyện nói ra sự thật, phía cảnh sát sẽ rất khó để tìm ra được chân tướng. Thêm vào đó, Gacy rất giỏi ngụy trang. Vì vậy, những vụ giết người liên tiếp của hắn mới không bị lực lượng chức năng phát hiện. Chính điều này càng làm hung thủ trở nên ngông nghênh và mất đạo đức hơn. Trong cuộc sống xã hội, hắn thường hóa trang thành chú hề để đến thăm trẻ nhỏ trong bệnh viện, tự tổ chức những bữa tiệc cộng đồng hoặc giúp hàng xóm sửa chữa đồ đạc. Gacy không bao giờ vắng mặt trong các hoạt động phúc lợi tại địa phương. Trên thực tế, tất cả đều là vỏ bọc của kẻ giết người. Ngay cả khi có một vụ án mạng xảy ra trong khu vực, cảnh sát cũng sẽ không dồn sự nghi ngờ vào “quý ông tốt bụng” này. Nhiều phương tiện truyền thống xây dựng hình ảnh về Gacy như một người đa nhân cách nhưng Ressler cho rằng hắn đơn giản là một tên tội phạm khôn khéo và mưu mô. Gacy từng giúp vợ mở một tiệm gà rán và lợi dụng chức quyền để quyến rũ nam nhân viên trẻ. Nếu họ đồng ý quan hệ tình dục với hắn, Gacy sẽ thưởng cho họ. Nếu không, những chàng trai này sẽ phải nhận sự trả thù tàn nhẫn. Một cậu bé từng tố cáo Gacy bạo hành nhưng hắn đã thuê một người khác đánh cậu đến chết và đe dọa người kia không được khai báo trước tòa. Vì vậy, vụ án này Gacy trắng án vì nguyên đơn từ chối làm chứng trước tòa. Ngoài ra, một số nhà tâm lý học cũng tiến hành phân tích tâm lý của Gacy. Từ những vụ án của hung thủ, có thể dễ dàng nhận thấy Gacy có nhiều sang chấn tâm lý. Hắn ta thích thao túng và kiểm soát người khác, điều này có thể biết được qua những trải nghiệm trong tù của Gacy. Hắn làm quen với nhiều bạn khác giới trong tù và thường xuyên viết thư cho họ để chỉ điểm, hướng dẫn đối phương cách cư xử, đối nhân xử thế... Có lẽ chính mâu thuẫn trong tính cách là nguyên nhân khiến Gacy đi vào con đường tội lỗi, không ngừng sát hại người khác. Tâm lý tàn bạo và méo mó của Gacy bắt nguồn từ những kỷ niệm thời thơ ấu: Gia sư nghiêm khắc quá mức, người bố nát rượu chỉ biết đánh đập vợ con sau mỗi lần chè chén. Năm Gacy 5 tuổi, hắn bị một cô gái vị thành niên xâm hại tình dục; năm 8 tuổi bị chủ một cửa hàng là đàn ông trêu chọc; 10 tuổi mắc bệnh động kinh, phải liên tục uống thuốc. Năm học cấp ba, do cơ thể có bệnh nên Gacy không thể tham gia các hoạt động thể thao dù chỉ là những sinh hoạt hàng ngày đơn giản nhất. Sau khi trưởng thành và tìm được việc làm, hắn bị sa thải chỉ sau vài ngày vì sức khỏe ốm yếu. Từ đó, tính cách của Gacy thay đổi đáng kể, sống dựa vào rượu và ma túy. CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM Trong một số trường hợp, sự hình thành của một kẻ giết người biến thái máu lạnh liên quan đến giai đoạn thứ hai của quá trình trưởng thành: Tuổi dậy thì. Nếu trong thời gian này, kẻ phạm tội nhận được sự giúp đỡ về tinh thần, họ sẽ không có những hành vi sai trái. Tuy nhiên, hầu hết tội phạm không được may mắn như vậy, chính điều này đã khiến họ một đi không trở lại trên con đường tội lỗi. Chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, thông thường, trẻ em trong giai đoạn từ 8 đến 12 tuổi có khả năng thay đổi tính cách nhanh chóng, dễ xuất hiện những đặc điểm tiêu cực. Trong thời gian này, người có ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ là bố ruột. Bố đẻ của những kẻ tội phạm thường không làm tròn trách nhiệm cơ bản của một người bố. Có người ly hôn, có người đi tù, cũng có người vẫn sống cùng con cái nhưng quan hệ bố con rất lạnh nhạt và xảy ra tình trạng bạo hành gia đình. Ví dụ, bố đẻ của John Gacy cũng không phải là một người bố tốt, ngày đêm uống rượu và đánh đập vợ con. Đây chính là ngòi nổ khiến những mặt tối trong tính cách của hung thủ trở nên trầm trọng hơn. PHẦN 2 : KỸ NĂNG LẬP HỒ SƠ TỘI PHẠM Chương 1 Xác Chết Kỳ Quái Án Mạng Cô Giáo Trẻ Francine Elverson là giáo viên tại một trường mẫu giáo dành cho trẻ em khuyết tật ở Bronx, New York. Cô có ngoại hình nhỏ nhắn, tính tình hiền lành, lịch sự và rất kiên nhẫn với trẻ nhỏ nên được các học sinh yêu mến. Một buổi sáng nọ, Elverson không xuất hiện ở chỗ làm, điều này khiến đồng nghiệp của cô lo lắng. Cô là người có trách nhiệm và sẽ không tùy ý bỏ lớp, nếu có việc đột xuất thì cũng sẽ báo cho người phụ trách hoặc đồng nghiệp biết tin. Chiều ngày hôm đó, một thi thể kỳ dị được tìm thấy trên nóc một chung cư ở Bronx. Sau khi nhận được tin báo, cảnh sát lập tức có mặt tại hiện trường. Lực lượng chức năng cũng rất bối rối khi trông thấy xác người bị hại, sau khám nghiệm ban đầu, xác định được người chết chính là Francine Elverson. Khi được tìm thấy, thi thể ở tình trạng khỏa thân, nội y bị cởi ra và đội lên đầu. Khuyên tai của Elverson được đặt ngay ngắn hai bên, cổ tay bị trói bằng quần tất của nạn nhân, quần áo vứt vung vãi xung quanh. Khám nghiệm sơ bộ cho thấy, phần mặt bị thương nghiêm trọng, nạn nhân bị siết cổ đến chết bằng dây túi xách da. Thêm vào đó, người chết đã bị hung thủ tra tấn tàn bạo bằng nhiều vết dao, đùi trong hằn rõ vết răng. Kẻ giết người dùng bút viết lên đùi và bụng nạn nhân dòng chữ: “Ngươi không thể ngăn cản ta.” Song, điều khiến cảnh sát thấy khó lý giải nhất là một dấu hiệu rất giống với chữ “chai” trong tiếng Do Thái trên xác nạn nhân. Về sau, bố mẹ Elverson nói rằng vòng cổ của nạn nhân có ký hiệu này nhưng khi khám xét hiện trường không tìm thấy vật chứng. Sau này, kết quả đã xác nhận là chi tiết này không liên quan đến vụ án. Bước đầu điều tra cho thấy, có thể nạn nhân đã bị tấn công ở tầng trệt. Sau khi đánh Elverson bất tỉnh, kẻ sát nhân đã mang cô lên tầng thượng và thực hiện những hành vi tàn ác của mình. Kết quả pháp y cho thấy, trong người nạn nhân có tinh dịch. Ngoài ra còn tìm thấy một sợi lông lạ màu đen. Cảnh sát đã tiến hành một cuộc tìm kiếm trên quy mô lớn, thẩm vấn gần 2.000 người và giới hạn được 22 đối tượng tình nghi. Những người này đều đã từng tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Elverson như: Người đàn ông da đen từng làm bảo vệ tại khu chung cư nhà nạn nhân; cậu bé 15 tuổi nhặt được ví của cô... Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy tuy nhân viên bảo vệ người da đen từng làm việc tại khu vực này nhưng đã nghỉ việc và trả lại chìa khóa tòa nhà. Cảnh sát thẩm vấn người nhặt ví và kết luận rằng nhân chứng nhặt được vật chứng khi đang chuẩn bị đi học và chỉ đơn giản là không giao nộp kịp thời. Những nghi phạm trong diện tình nghi đều bị loại từng người một, cuộc điều tra rơi vào bế tắc. Vì vậy, cảnh sát địa phương đã gửi điện xin trợ giúp tới FBI, đồng thời bàn giao toàn bộ ảnh chụp hiện trường và thông tin vụ án cho hai chuyên gia tâm lý tội phạm là John Douglas và Roy Hazelwood. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, John Douglas và Roy Hazelwood xác nhận rằng hung thủ ra tay không có kế hoạch chuẩn bị trước, vì vậy trường hợp này xếp vào loại phạm tội ngẫu nhiên. Hai người đưa ra phác thảo đầu tiên về chân dung tội phạm như sau: Nam giới, da trắng, độ tuổi từ 25 đến 35, sống cùng hoặc rất gần với tòa nhà chung cư nơi nạn nhân sinh sống. Kẻ giết người có quen biết nạn nhân, khả năng cao đang sống cùng bố mẹ hoặc người thân là nữ giới, lớn tuổi. Phán đoán dựa theo hiện trường cho thấy hắn không nghiện rượu hoặc ma túy, vẻ ngoài lôi thôi, bặm trợn. Vì án mạng không dự trù trước, có thể đoán rằng hung thủ mắc bệnh tâm thần. Dấu hiệu tra tấn, hủy hoại thi thể nạn nhân là bằng chứng cho thời kỳ ủ bệnh lâu dài, ít nhất cũng đã mười năm. Đây có thể là vụ án đầu tiên của kẻ thủ ác, nếu không kịp thời bắt giữ hung thủ, hắn sẽ tiếp tục ra tay sát hại người vô tội. Khả năng cao, hung thủ đã từng điều trị tại viện tâm thần và chỉ vừa được xuất viện trong khoảng một năm đổ lại, vẫn cần điều trị bằng thuốc. Từ những hành vi hắn thực hiện với nạn nhân, chuyên gia tâm lý cho rằng hung thủ đã bỏ học, thích xem, đọc văn hóa phẩm đồi trụy và thủ pháp giết người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những loại ấn phẩm này. Ngoài ra, sau khi xem xét ảnh chụp hiện trường và những vật chứng khác, Douglas cho rằng cọng lông lạ được tìm thấy ở hiện trường không liên quan tới vụ án. Quả thật, sau khi điều tra cẩn thận, cảnh sát phát hiện ra túi đựng xác Elverson đã được sử dụng trước đó và chưa kịp làm sạch. Điều này khiến pháp y nhầm lẫn và kết luận rằng cọng lông là của hung thủ để lại. Dựa trên hồ sơ tâm lý và những đầu mối mà Douglas cung cấp, cảnh sát đã điều tra những người nhập viện vì bệnh tâm thần trong khu vực sinh sống của nạn nhân. Sau cùng, Carmine Calabro, một nhân viên sân khấu đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng chức năng. Kẻ tình nghi hiện đang thất nghiệp, sống với bố trong cùng khu nhà với nạn nhân. Mẹ của Calabro mất khi hắn còn nhỏ. Trước đó, cảnh sát đã nói chuyện với bố của Calabro. Ông ta khai rằng khi vụ án xảy ra, kẻ tình nghi đang trong bệnh viện nên cảnh sát đã loại Calabro ra khỏi danh sách nghi phạm. Tuy nhiên, điều tra sâu hơn cho thấy bố Calabro đã nói dối. Nghi phạm có tiền sử bệnh tâm thần nên đã bỏ học từ những năm cấp ba và điều trị trong bệnh viện một khoảng thời gian. Sau khi xuất viện, Calabro đi làm quản lý sân khâu nhưng không lâu sau thì thất nghiệp. Trong một năm gần đây, hắn sống ở một bệnh viện tâm thần trong khu vực. Khi cảnh sát tới bệnh viện để điều tra, họ phát hiện ra hệ thống quản lý của bệnh viện rất lỏng lẻo, Calabro hoàn toàn có khả năng trốn ra ngoài để gây án sau đó quay về mà không bị ai phát hiện. Trên thực tế, Calabro đã xuất hiện những hành vi bạo lực từ rất sớm. Trước đó, hắn đã từng cố tự sát vài lần, đồng thời nhiều lần bị bắt quả tang quấy rối các cô gái trẻ. Douglas nhận định, nguyên nhân khiến Calabro phạm tội là do hắn không thể giao tiếp bình thường với nữ giới. Cảnh sát tìm thấy rất nhiều phim, truyện khiêu dâm tại nơi ở của nghi phạm. Một thông tin cho biết trong khoảng thời gian Elverson bị sát hại, trên tay Calabro có dính một miếng thạch cao. Lực lượng chức năng suy luận, hung thủ đã dùng vũ khí bằng thạch cao để đánh ngất nạn nhân. Ngoài ra, dấu răng được tìm thấy trên người Elverson cũng trùng khớp với kết quả nha khoa của Calabro. Cuối cùng, Carmine Calabro bị tuyên án 25 năm tù. CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM Tổ khoa học hành vi của FBI thường xuyên tiếp xúc với một số lượng lớn các vụ án kinh hoàng và kỳ lạ. Nhiệm vụ của họ là phân tích chi tiết và nguyên nhân của từng vụ án. Vì vậy, điều mà các chuyên gia tìm kiếm không phải là chứng cứ phạm tội mà là dữ liệu đằng sau mỗi vụ án. Từ đó về sau, tất cả thông tin về những vụ giết người, đánh bom, hãm hiếp... xảy ra trong phạm vi nước Mỹ đều được gửi đến FBI. Thông qua việc phân tích trạng thái tâm lý và hành vi phạm tội, các chuyên gia thiết lập được một hệ thống kho lưu trữ thông tin, cũng chính là nền tảng vững chắc nhất cho việc lập hồ sơ tội phạm. Người sáng lập ra Tổ Khoa học hành vi của FBI (sau này đổi tên thành tổ Hỗ trợ điều tra), John Douglas từng nói: “Tôi đã làm việc tại FBI 20 năm và dành nhiều sức lực nghiên cứu những kẻ giết người, tội phạm bạo lực nhất. Tất cả các vụ án đều có tính độc nhất nhưng cũng đồng thời, tồn tại một số khuôn mẫu nhất định.” Vì vậy, mỗi khi có vụ án mới xảy ra, các điều tra viên sẽ truy cập vào kho dữ liệu đã có để nhanh chóng tìm kiếm những vụ án tương tự. Không dừng lại ở đó, năm 1997, tổ Khoa học và hành vi đã xuất bản cuốn sách “Hướng dẫn phân loại tội phạm”. Ông cho biết cuốn sách này có thể giúp sắp xếp và phân loại các trường hợp phạm tội nghiêm trọng theo đặc điểm hành vi cũng như đưa ra lời giải thích hợp lý cho từng tình huống. Chương 2 Sát Nhân Ác Quỷ Henry Lee Lucas Tháng 10 năm 1982, cảnh sát Texas, Mỹ nhận được một cuộc gọi báo án: Một góa phụ đã mất tích vài ngày, người thân và bạn bè không ai có tin tức gì của nạn nhân. Vì vậy, cảnh sát địa phương đã lập tức tiến hành tìm kiếm những địa điểm mà nạn nhân thường hay lui tới. Một xác người được phát hiện trong bụi cây dại ven đường quốc lộ, sau khi khám nghiệm, xác nhận đó chính là người mất tích. Tại hiện trường, cảnh sát không tìm thấy túi xách của nạn nhân. Người cuối cùng trông thấy người bị hại đã khai báo rằng nạn nhân có cầm theo túi xách cá nhân. Vì vậy, cảnh sát suy đoán đồ vật đã bị hung thủ lấy mất. Lực lượng chức năng tổ chức khám xét những phương tiện qua lại trên đường. Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy một chiếc túi giống như mô tả trên xe của một người đàn ông, họ lập tức kiểm tra danh tính đối tượng. Chiếc xe thuộc về Henry Lee Lucas, một người có tật ở mắt. Ngoài ra, trong cốp xe của hắn có một con dao khá nguy hiểm, vì vậy cảnh sát đã tạm giữ nghi phạm với tội danh tàng trữ vũ khí. Tuy nhiên, sau khi đưa nghi phạm đến đồn và kiểm tra toàn diện chiếc túi xách khả nghi, kết quả lại cho thấy đó không phải là vật tùy thân của nạn nhân. Thêm vào đó, Lucas xuất trình một biên lai tại cây xăng làm bằng chứng ngoại phạm. Khi xảy ra vụ án, hắn đang ở một nơi cách đó 300km và không thể có đủ thời gian gây án. Mặc dù Lucas không liên quan gì đến vụ giết người nhưng loại vũ khí nguy hiểm mà nghi phạm cất giữ làm cảnh sát dấy lên nhiều nghi ngờ. Lực lượng chức năng quyết định giữ hắn lại để thẩm vấn thêm. Buổi thẩm vấn trở thành một sự kiện kinh hoàng khi Lucas tự tiết lộ mình là một tay sát nhân có nhiều kinh nghiệm. Hắn tuyên bố đã giết người ở mọi bang trên nước Mỹ và đã cướp đi mạng sống của hơn 200 người. Lucas thú nhận mình từng có tòng phạm là Otis Elwood Toole. Họ gặp nhau ở Florida, Toole kém Lucas 11 tuổi và là một kẻ mắc chứng lệch lạc tình dục4, ái tử thi5, đồng tính luyến ái. Lý tưởng lớn gặp nhau, lại có cùng những thú vui bệnh hoạn, nhiều nạn nhân đã trở thành “món ngon” cho hai kẻ thủ ác. Chúng xuống tay không từ thủ đoạn, một trong những cách giết người ưa thích của Lucas và Toole là đặt nạn nhân nằm thẳng trên đường rồi lái xe cán qua. Lucas và Toole bén duyên hai năm và mối quan hệ bắt đầu rạn nứt vì cháu gái của Toole, Becky Powell. Ban đầu, cả ba cùng chung sống để thuận tiện cho những hành vi phạm tội man rợ của mình. Về sau, Lucas - vốn là người song tính dần trở nên thân thiết với Becky khiến Toole nổi cơn ghen và chấm dứt với Lucas. Lời thú tội của “Sát nhân ác quỷ” Henry Lee Lucas không chỉ khiến giới cảnh sát nói riêng mà cả thế giới nói chung phải bàng hoàng. Không lâu sau khi Lucas bị bắt, Toole cũng đã cúi đầu quy án. Cả hai khai nhận kinh nghiệm giết người của mình với thái độ khoe khoang, miêu tả từng chi tiết một cách tự hào. Tuy nhiên, phía cảnh sát vô cùng nghi ngờ lời khai của hai kẻ giết người. Mặc dù nhiều tình tiết mà tội phạm đề cập đến có vẻ rất chân thật, đồng thời hắn cũng kể ra đầy đủ họ tên, nghề nghiệp và vị trí của nạn nhân nhưng đây đều là những thông tin đã được truyền thông công bố. Cảnh sát phỏng đoán rằng Lucas đã cố tình ghi nhớ những dữ liệu này để đánh lừa lực lượng chức năng. Vì vậy, họ chỉ tiến hành điều tra sâu với những tin tức án mạng chưa được truyền thông lan truyền, Lucas khai rằng mình từng phạm tội ở Tây Ban Nha và Nhật Bản. Nhưng sau khi tìm hiểu, cảnh sát phát hiện ra rằng cả hắn lẫn Toole đều chưa từng xuất ngoại. Ngoài ra, Lucas còn nói rằng mình đã giết một giáo viên nữ ở Virginia và cung cấp đầy đủ tên tuổi của nạn nhân. Tuy nhiên, theo điều tra của cảnh sát, nữ giáo viên này không hề bị hại và vẫn đang sống rất khỏe mạnh. Cũng có một số vụ án mà Lucas đã thú nhận song cảnh sát không thể tiến hành kiểm tra. Sau khi Lucas bị kết án tử hình, cảnh sát bắt đầu nghiên cứu vụ mất tích của Kate Rich, 80 tuổi. Lucas chia sẻ rằng hắn chôn xác của bà cụ ngay cạnh bếp nấu trong nhà mình. Khi cảnh sát khám xét vị trí được cung cấp, quả thật đã tìm thấy hài cốt nạn nhân. Các Cơ quan chức năng trên toàn nước Mỹ đều liên lạc với cảnh sát Texas để xin nhận được trợ giúp cho các vụ án còn tồn đọng. Trong quá trình điều tra những vụ án này, Lucas thường xuyên được phép ra khỏi nhà tù. Trong một khoảng thời gian, hắn sống như một ngôi sao, di chuyển bằng máy bay hoặc ô tô đường dài, được sắp xếp ở trong khách sạn và tận hưởng những bữa ăn ngon. Thế nhưng, cảnh sát nhận ra rằng, thực chất rất nhiều vụ án đã được Lucas bịa đặt hoặc ngụy tạo. Mỗi khi cảm thấy buồn chán với cuộc sống trong tù, hắn sẽ nhớ đến một nạn nhân bất kỳ và báo cáo với cảnh sát. Mục đích của kẻ tội phạm là thu hút sự chú ý của lực lượng chức năng, tránh để bản thân bị rơi vào quên lãng. Sau này, trường hợp của Henry Lee Lucas đã thu hút sự chú ý của tổ Khoa học hành vi FBI, các đặc vụ quyết định làm một cuộc nghiên cứu sâu về sự vụ. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra X quang não của Lucas và phát hiện ra rằng, phần não chịu trách nhiệm kiểm soát cảm xúc và hành vi của tên tội phạm bị chấn thương trên diện rộng. Theo lời kể của Lucas, hắn đã bị mẹ ruột đánh đập và mắng mỏ từ khi còn là một đứa trẻ. Sự bạo hành cũng giống như bài tập về nhà, trở thành một thứ quen thuộc mỗi ngày. Hắn thậm chí còn không nhớ rõ mình đã bị ảnh hưởng sức khỏe từ sau trận đánh nào. Năm hắn 12 tuổi, trong một lần bị mẹ đánh quá tay, Lucas bị thương nặng ở đầu và tổn thương trực tiếp đến não bộ. Các chuyên gia tâm lý cho biết, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng tâm thần phân liệt và những hành vi máu lạnh của kẻ giết người này. Bị ngược đãi trong thời gian dài không chỉ khiến Lucas mất khả năng đồng cảm mà còn khiến hắn không thể phát triển như người bình thường. Vì vậy, ngay từ bé hắn đã tìm bắt những con vật như chuột, chim và tra tấn chúng đến chết. Lucas không coi những hành động đó là tàn ác, man rợ mà ngược lại, tìm thấy cảm giác thỏa mãn thông qua hành vi này. Đây chính là cơ sở tiền đề cho những màn hành hạ nạn nhân của hắn trong tương lai. Khi còn nhỏ, trong vòng ba năm liên tiếp, mẹ của Lucas luôn bắt hắn mặc váy và làm tóc như con gái. Điều này khiến cho cậu bé Lucas bị các bạn cùng lớp chế giễu và bắt nạt. Các nhà tâm lý học phân tích rằng trải nghiệm này không chỉ phá hủy lòng tự trọng, sự tự tin của Lucas với tư cách một đứa trẻ mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng song tính. Mẹ của Lucas là gái làng chơi, bà ta không hề giữ gìn cho con trai mà ngông cuồng tới mức đưa khách về nhà và bắt Lucas phải chứng kiến cảnh họ làm tình. Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý cho rằng hành vi này của người mẹ đã khiến Lucas nảy sinh những quan niệm bất thường về tình dục và cảm thấy không cần thiết phải kiểm soát những hành vi tình dục của mình. Về sau, Lucas thú nhận rằng hầu hết các vụ sát hại của hắn đều do nạn nhân không đồng ý quan hệ tình dục. Theo lời khai của Lucas, hắn giết người lần đầu tiên vào năm 13 tuổi. Lúc đó, Lucas âm mưu cưỡng hiếp một cô gái 17 tuổi nhưng bị chống trả quyết liệt. Do không làm chủ được cảm xúc, hắn đã quá tức giận và siết cổ cô đến chết. Sau khi trấn tĩnh lại, phát hiện nạn nhân đã chết nên Lucas bèn vứt xác trong cánh rừng bên sông. Thế nhưng, kết quả điều tra khu vực sinh sống của nạn nhân thời trẻ cho thấy không có vụ án mạng thiếu nữ nào. Vì vậy, chuyên gia cho rằng đây chỉ là trí tưởng tượng của Lucas, do thời điểm đó hắn đã mắc bệnh tâm thần phân liệt nên không thể phân biệt giữa thực và ảo. Năm 23 tuổi, Lucas gặp gỡ và quen biết một cô gái tên là Sarah. Hai người đã gần tiến đến hôn nhân nhưng khi chuẩn bị đính hôn, mẹ Lucas ra mặt phản đối kịch liệt. Bà ta mong muốn con trai vĩnh viễn là món đồ chơi trong tay để có thể kiểm soát Lucas mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, người mẹ đã ra sức phá hoại tình cảm giữa Lucas và Sarah. Cuối cùng, Sarah cảm thấy bản thân không thể chung sống với người có tính cách quái gở như vậy nên đã đoạn tuyệt với Lucas. Theo phân tích của chuyên gia tâm lý, có thể nói rằng sự việc này chính là bước ngoặt, đồng thời dẫn đến vụ án có thật đầu tiên trong cuộc đời hắn. Sự ruồng bỏ của bạn gái khiến Lucas giận đến mất trí, trong lúc tranh cãi nảy lửa với mẹ ruột, hắn đã dùng một tay túm cổ, một tay dùng dao đâm bà đến chết. Sau khi giết chết mẹ ruột, hung thủ hủy hoại và làm nhục thi thể. Vụ án man rợ và biến thái này đã được tòa tuyên án giết người cấp độ hai, nhưng do luật sư của Lucas nhấn mạnh rằng hắn mắc chứng tâm thần phân liệt nên tòa tuyên án giam giữ trong bệnh viện tâm thần với mức án 40 năm. Tuy nhiên, sau khi chịu án vài năm, Lucas đã được tạm tha. Mặc dù Lucas tuyên bố rằng hắn chưa sẵn sàng xuất viện nhưng bệnh viện đã phớt lờ ý kiến cá nhân của tội phạm. Kể từ đó, Henry Lee Lucas bắt đầu sự nghiệp sát hại người vô tội đầy cuồng loạn. Hắn thường xuyên lái xe quanh các xa lộ của tất cả các bang trên khắp nước Mỹ, nạn nhân một khi đã bị hắn nhắm trúng thì bất kể độ tuổi và giới tính đều khó lòng thoát nạn. Việc bắt giữ Lucas xảy ra hoàn toàn tình cờ. Chuyên gia lập hồ sơ tội phạm đến từ Tổ khoa học hành vi Robert K. Ressler đã chia sẻ sau khi phỏng vấn Lucas: “Nếu chúng tôi có VICAP khi thẩm tra Lucas thì có thể sẽ đạt được kết quả tốt hơn, dễ dàng phân biệt giữa phần thực tế và hư cấu trong câu chuyện.” Cuối cùng, Lucas đã thẳng thắn thừa nhận với Ressler rằng hầu hết các vụ án mà hắn thú nhận đều không đúng sự thật. Trên thực tế, hắn có thể chỉ giết một vài người mà thôi. Thêm vào đó, Lucas cũng tuyên bố rằng hắn nói dối cốt chỉ để chơi đùa với cảnh sát và chứng minh cho người khác thấy rằng mình thông minh hơn pháp luật. CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM VICAP là chương trình bắt giữ tội phạm hình sự, một đơn vị hỗ trợ việc thu thập và phân tích thông tin về các vụ giết người ngẫu nhiên, bắt cóc trẻ em và các trường hợp khác. Bằng chứng từ những vụ án này sẽ được phân loại và lưu trữ một cách có hệ thống để các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn nước Mỹ có thể sử dụng chung. Đồng thời, những dữ liệu mà chương trình này đem lại cũng giúp tổng hợp sự tương đồng trong hành vi phạm tội. Nếu phát hiện ra những điểm giống nhau của các vụ án, các cơ quan sẽ cùng hợp tác điều tra sâu. Người đầu tiên phát triển VICAP là Pierce Brooks, một cố vấn cảnh sát. Ông đã đề xuất với Bộ Tư pháp về việc thiết lập một hệ thống máy tính trên toàn quốc: CHƯƠNG trình bắt giữ tội phạm hình sự (VICAP). Năm 1982, chính phủ đã quyết định nghiên cứu tính khả thi của đề xuất này. Sau khi thành lập VICAP, các chuyên viên của FBI đã làm biểu mẫu báo cáo phân tích tội phạm VICAP và phát đến các chi nhánh khu vực của FBI. Mẫu báo cáo bao gồm nhiều câu hỏi, các nhân viên FBI phụ trách vụ án cần có ba thông tin cơ bản: Tội phạm là kẻ giết người hàng loạt hay buôn ma túy, vụ án có liên quan đến người mất tích hoặc bị bắt cóc không và nếu là án mạng thì có phải là mưu sát có kế hoạch không... Sau khi thu thập thông tin, họ cần có mô tả các chi tiết của vụ việc. Ví dụ như thời điểm gây án, danh tính nạn nhân, đồ tùy thân của người bị hại, vết bớt, sẹo đặc biệt... Tiếp theo, họ sẽ phải tìm hiểu về phương pháp phạm tội, bao gồm các dữ liệu về hiện trường phạm tội. Ngoài ra, bác sĩ pháp y sẽ cung cấp những câu trả lời cho các vấn đề đặc biệt. Cuối cùng, phần cuối của báo cáo yêu cầu liệt kê các trường hợp khác mà họ cho rằng có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, mẫu báo cáo của VICAP không thể sử dụng đánh giá của chuyên gia tâm lý tội phạm. Đặc vụ FBI phụ trách vụ án cần tự mình liên hệ với chuyên gia tâm tội phạm nếu muốn có phác thảo của kẻ phạm tội. Sau khi tiến hành phân tích, nếu chuyên gia tâm lý tội phạm cảm thấy có thể đáp ứng được yêu cầu được đề xuất, họ sẽ chuyển hồ sơ vụ án đến Trung tâm phân tích tội phạm hình sự quốc gia. Quy trình phân tích của VICAP gồm sáu bước chính: 1. Nhập thông tin cần thiết. Bước này yêu cầu nhập tất cả thông tin cần thiết để xây dựng hồ sơ tâm lý tội phạm bao gồm biểu mẫu báo cáo VICAP, chứng cứ, ảnh chụp hiện trường, lục bút... vào máy tính. 2. Phân loại hành vi phạm tội. Các chuyên gia tâm lý tội phạm sẽ dựa theo thông tin thu thập được để tiến hành hệ thống tội phạm. Ví dụ như hình thức gây án, động cơ phạm tội, vị trí hiện trường... 3. Giám định tội phạm. Ở bước này, chuyên gia lập hồ sơ tội phạm sẽ cố gắng tái tạo hành vi của hung thủ và nạn nhân sau khi đã nắm được các tình tiết cơ bản. Ví dụ, vụ án được dàn dựng hay ngẫu nhiên, địa điểm gây án có bị thay đổi không... 4. Phác họa hung thủ. Hồ sơ tội phạm không chỉ bao gồm giới tính, chủng tộc, kinh nghiệm làm việc... mà còn là các đặc điểm tâm lý và tính cách của kẻ gây án. Ngoài ra còn có lịch sử tiền án tiền sự. Sau khi xây dựng hình ảnh về tội phạm, chuyên gia tâm lý tội phạm cần quay lại bước thứ hai để xác định xem miêu tả của mình có trùng khớp với thông tin tội phạm hay không. 5. Điều tra. Sau khi có hồ sơ tâm lý tội phạm, cảnh sát sẽ sử dụng nó như một manh mối để sàng lọc đối tượng tình nghi. Nếu thu thập thêm được thông tin, hồ sơ sẽ tiếp tục được thay đổi và điều chỉnh để phù hợp với thực tế. 6. Phá án. Mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng hồ sơ tâm lý tội phạm là bắt giữ được kẻ thủ ác. Sau khi bắt được đối tượng, lực lượng chức năng sẽ tiến hành thẩm vấn xác nhận các tình tiết của vụ án. Chương 3 Ai Đã Giết Người Thiếu Nữ? Cô bé Mary Frances Stoner 12 tuổi, sống ở Rome, Georgia. Mary luôn về nhà cùng các bạn bằng xe buýt của nhà trường. Dọc đường đi, cô bé cùng bạn mình luôn trò chuyện vui vẻ không dứt. Khi xe tới điểm trả học sinh gần nhà Mary, cô bé tạm biệt các bạn rồi bước xuống xe. Tuy nhiên, tới tận tối muộn ngày hôm đó, bố mẹ của Mary vẫn không thấy con gái về nhà. Quá lo lắng và sốt ruột, họ lập tức báo cảnh sát. Trong lúc cảnh sát đang nghiên cứu vụ việc, một cặp vợ chồng trẻ đã gọi điện và khai báo rằng có thi thể một đứa trẻ trong rừng cây ven đường. Cảnh sát tức tốc tới hiện trường vụ án. Khảo sát sơ bộ hiện trường cho thấy, nạn nhân bị đánh vào đầu bằng một loại vũ khí cùn, đây cũng chính là nguyên nhân tử vong. Mặt nạn nhân bị che lại bằng một chiếc áo khoác màu vàng, quần áo xộc xệch. Cổ có nhiều vết thương, chứng tỏ hung thủ đã dùng tay bóp cổ nạn nhân từ phía sau. Cảnh sát suy đoán rằng hung khí có thể là một hòn đá lớn ở hiện trường, nằm ngay gần đầu nạn nhân và còn dính máu. Sau khi tìm hiểu, xác nhận nạn nhân chính là Mary Frances Stoner bị mất tích. Đặc vụ Robert Leary của văn phòng thường trực FBI ở Rome, Georgia đã liên lạc với chuyên gia tâm lý tội phạm của FBI John Douglas với hy vọng ông có thể hỗ trợ điều tra. Muốn nắm được nhiều thông tin về nạn nhân hơn nữa, Douglas đã đề nghị cảnh sát sở tại tìm hiểu về Mary trước khi có hồ sơ vụ án. Kết quả, tất cả những người quen biết Mary đều dành cho cô bé những lời có cánh và nhận xét nạn nhân là một đứa trẻ lễ phép, ấm áp và dễ thương. Ở trường, Mary là đội trưởng đội cổ vũ và thường mặc áo đồng phục của đội khi đi học. Em không có tiền sử sử dụng ma túy, rượu bia và cũng chưa từng quan hệ tình dục. Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân còn trinh khi bị cưỡng hiếp. Theo logic này,Douglas xếp Mary vào loại người bị hại trong môi trường ít rủi ro. Kẻ giết người đã phạm tội ngẫu nhiên, không tính toán trước. Sau khi nghiên cứu kỹ càng các chi tiết và hồ sơ cùng với ảnh hiện trường của vụ án, Douglas đưa ra những phân tích sau: Trang phục xộc xệch của nạn nhân cho thấy cô bé đã bị hung thủ lột quần áo trong quá trình gây án, sau đó mặc lại một cách vội vàng; lưng và chân của Mary không dính bẩn, thể hiện rằng cô bé đã bị tấn công trong xe ô tô chứ không phải ở rừng cây như hiện trường. Hung thủ trùm áo khoác che mặt nạn nhân là dấu hiệu của việc hắn thấy không thoải mái. Trong trường hợp này, tội phạm là người thông minh, nhanh nhẹn và biết cách xử sự nên có khả năng tự suy xét về hành vi phạm tội, đổ lỗi cho người bị hại và hợp lý hóa hành vi của mình. Quá trình suy nghĩ diễn ra càng lâu, càng khó để khiến hung thủ thừa nhận tội ác. Ngay cả khi sử dụng máy phát hiện nói dối để thẩm tra, hắn cũng có thể khéo léo vượt qua. Nhân lúc cảnh sát chưa thắt chặt điều tra, hắn sẽ có cơ hội bỏ trốn và khiến cuộc truy bắt trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Douglas quyết tâm phải bắt được kẻ sát nhân càng sớm càng tốt. Đánh giá từ cách gây án, hung thủ có thể là người sống trong khu vực lân cận và đã gặp gỡ, lấy lời khai với cảnh sát. Trong lúc thẩm vấn, hắn sẽ bày ra một thái độ hợp tác tốt. Dựa trên độ phức tạp của vụ việc, cảnh sát suy đoán rằng hung thủ đã có tiền sử phạm tội nhưng có thể đây là lần đầu tiên hắn giết người. Đánh giá vị trí tìm thấy thi thể, đây là khu vực khá hẻo lánh, cho thấy hung thủ rất quen thuộc với địa lý xung quanh và biết rõ nơi nào thuận tiện để phạm tội. Phương tiện di chuyển của tội phạm khá cũ, có thể do tình hình kinh tế nên hắn không mua xe mới. Tuy nhiên, chiếc xe này vẫn hoạt động tốt và được bảo dưỡng thường xuyên. Từ hiện trường vụ án thấy được hung thủ hành sự đâu ra đấy, vô cùng ngăn nắp. Điều này là dấu hiệu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, những người mắc bệnh này có xu hướng thích xe tối màu. Dựa trên những phân tích này, Douglas đã dựng nên toàn bộ diễn biến vụ án như sau: Mary Frances là một cô bé có tính cách hướng ngoại, dễ tin người. Hung thủ đã cất lời dụ dỗ cô bé, khi nạn nhân đến gần hắn bèn lấy dao hoặc súng đe dọa, ép Mary lên xe. Hung thủ không có dự tính trước, có thể hắn đã lái xe đi ngang qua và bắt gặp Mary rồi mới nảy sinh ý định phạm tội. Hắn bị thu hút bởi sự vui tươi và đáng yêu của Mary, điều này kích thích trí tưởng tượng của kẻ giết người, tự coi đó là dấu hiệu cho thấy cô bé sẵn sàng quan hệ tình dục với mình. Thế nhưng, khi kẻ thủ ác tấn công và cưỡng hiếp nạn nhân, tiếng kêu cứu đầy sợ hãi của Mary đã phá vỡ sự ảo tưởng của hắn. Hung thủ bắt đầu rơi vào trạng thái hỗn loạn và không biết nên làm thế nào. Sau khi bình tĩnh lại, hắn cho rằng lối thoát duy nhất của mình là giết người. Để khiến Mary hợp tác hơn, hắn giục cô bé nhanh chóng mặc quần áo và nói rằng hắn sẽ thả em đi. Chờ lúc Mary quay lưng bỏ đi, hung thủ đã siết cổ nạn nhân từ phía sau. Tuy nhiên, bóp cổ bằng tay không thuận lợi nên hắn đã kéo Mary đến gốc cây gần đó và dùng một hòn đá lớn đập mạnh vào đầu khiến cô bé tử vong. Douglas xây dựng hồ sơ tâm lý về kẻ giết người bao gồm: Nam giới, da trắng, từ 24 - 29 tuổi; đã kết hôn nhưng cuộc sống hôn nhân không hòa thuận hoặc đã ly hôn, nghề nghiệp liên quan đến kỹ thuật, chẳng hạn như thợ sửa ống nước..., bỏ học khi đang học trung học cơ sở, chỉ số IQ ở mức trung bình, tính tình kiêu căng, ngạo mạn, có khả năng vượt qua bài kiểm tra nói dối; có tiền án tiền sự như đốt phá, cưỡng hiếp, sở hữu xe ô tô màu đen hoặc xanh đậm. Khi Douglas cung cấp những phân tích và phác họa hung thủ, cảnh sát địa phương vô cùng kinh ngạc bởi những mô tả của ông rất giống với một nghi phạm mà họ vừa thả. Ngay lập tức, cảnh sát nói cho Douglas về tình huống của kẻ tình nghi: Darrell Gene Devier, da trắng, 24 tuổi, đã kết hôn hai lần nhưng đều ly hôn, hiện đang sống cùng người vợ đầu tiên. Nghi phạm là một thợ làm vườn, cắt tỉa cây cối ở Rome, Georgia. Hắn từng có liên quan đến một vụ hiếp dâm nhưng không bị truy tố. Phương tiện di chuyển hàng ngày của đối tượng là một chiếc ô tô Ford màu đen. Hắn khai báo rằng đã có tiền sử bị giam giữ vì tàng trữ Cocktail Molotov6 khi còn trẻ. Darrell bỏ học khi đang học lớp Tám, kiểm tra IQ cho kết quả từ 100 - 110. Cảnh sát từng nói chuyện với nghi phạm vào ngày xảy ra vụ án. Darrell khai rằng hắn đang cắt tỉa cây cối gần đó khi xảy ra vụ việc. Sau đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu đối tượng tham gia bài kiểm tra nói dối và hắn đã vượt qua thành công. Douglas cho rằng, kiểm tra nói dối không có tác dụng với Darrell, vì vậy kết quả không đáng tin. Hung thủ nghĩ rằng bản thân có thể chiến thắng máy móc nên đã nghĩ cách để không bị phát hiện. Douglas chỉ điểm cảnh sát sắp xếp thời gian thẩm vấn vào buổi tối, địa điểm tại đồn cảnh sát. Đầu tiên, phải làm cho kẻ tình nghi cảm thấy thoải mái, thả lỏng tâm trí bởi hắn sẽ buông lỏng đề phòng và dần để lộ những điểm yếu của mình. Trong quá trình thẩm vấn, đặt hòn đá dính máu trên bàn ở một góc 45 độ từ tầm nhìn của nghi phạm mà không giải thích gì thêm. Mỗi lần quay đầu qua, đối tượng có thể nhìn thấy hung khí. Hãy quan sát mọi cử động và ngôn ngữ cơ thể bao gồm nhịp thở, biến hóa trên khuôn mặt. Nếu nghi phạm đích thực là kẻ giết người thì hắn sẽ không thể làm ngơ trước hòn đá, ngay cả khi cảnh sát không đưa ra bất kỳ nhận xét nào. Thực chất, đây là một kỹ thuật thẩm vấn được chuyên gia tâm lý tội phạm John Douglas phát triển trong nhiều năm. Mục đích của việc này là tạo ra cảm giác căng thẳng “như ngồi trên đống lửa”, khiến nghi phạm dễ để lộ điểm yếu. Ngoài ra, ông còn thiết kế một số loại ánh sáng yếu, mập mờ khu vực thẩm vấn. Theo lời khuyên của Douglas, chỉ nên có hai sĩ quan tham gia vào quá trình hỏi cung, một người là đặc vụ FBI và người kia là cảnh sát sở tại. Khi thẩm vấn, cảnh sát sẽ ngầm thể hiện cho nghi phạm thấy rằng họ đã hiểu được hoàn cảnh của đối tượng, đồng thời đứng từ góc độ của kẻ tình nghi và hướng mũi dùi vào nạn nhân. Điều này sẽ kích thích nghi phạm đưa ra lời lý giải cho hành vi phạm tội. Đặc biệt trong vụ án này, vì hung thủ đã dùng đá tảng để giết chết nạn nhân nên chắc chắn không thể tránh khỏi việc bị dính máu. Vì vậy, trong lúc hung thủ chìm vào những giây phút hồi tưởng, người thẩm tra chỉ cần nhìn thẳng vào mắt đối tượng và nói rằng trên người hắn có dính máu của nạn nhân. Khi ấy, hung thú nhất định sẽ trở nên mất bình tĩnh. Diễn biến sau đó đúng như những gì Douglas đã dự đoán. Khi Darrell được đưa vào phòng thẩm vấn, hắn lập tức chú ý đến hòn đá và bắt đầu đổ mồ hôi, thở gấp. Mọi ngôn ngữ cơ thể của hắn đều trái ngược với cuộc thẩm vấn trước đó. Khi cảnh sát đề cập đến vết máu, Darrell trở nên bồn chồn không yên. Chính hành động này đã giúp lực lượng chức năng xác nhận rằng Darrell Gene Devier chính là hung thủ. Cuối cùng, kẻ thủ ác thừa nhận hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên hắn khai rằng Mary đã uy hiếp mình nên mới dẫn đến vụ việc. Ngoài ra, hắn cũng nhận tội cưỡng hiếp cho một số vụ án khác Darrell Gene Devier bị kết án tử hình vì tội cưỡng hiếp và sát hạ Mary Frances Stoner. CHIA SẺ CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ TỘI PHẠM Các chuyên gia lập hồ sơ tội phạm cho biết, trong bất kỳ vụ án nào, muốn phá án cũng cần nắm được điểm mấu chốt của vụ án và tìm cách móc nối các thông tin. Đặc biệt là trong những trường hợp phạm tội tập thể, một khi đã nắm được nghi can dễ bại lộ nhất thì những phần tử khác không sớm thì muộn cũng sẽ phải quy án. Trong quá trình thẩm vấn, nên có ít nhất một cảnh sát thể hiện thái độ hiền hòa, thân thiện nhưng vẫn có uy để khiến nghi phạm thả lỏng. Đồng thời, nên bố trí địa điểm hỏi cung cho phù hợp để có tác dụng lên tâm lý nghi phạm và làm tăng không khí của cuộc thẩm tra. Ví dụ, có thể sử dụng một phòng biệt lập để hỏi cung vì điều này sẽ làm kẻ tình nghi cảm thấy cảnh sát rất thận trọng, sát sao với vụ án. Thêm vào đó, nên bài trí một số hình ảnh hoặc hồ sở dữ liệu được đánh dấu cẩn thận trên tường để thể hiện rằng cuộc điều tra đang diễn ra trên phạm vi rộng. Có thể viết rõ những hình phạt mà hung thủ sẽ phải đối mặt làm tiền đề răn đe tâm lý. Khi lấy cung, chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng nên chọn thời gian nửa đêm hoặc sáng sớm. Lúc này tội phạm thường không phòng bị tâm lý nên sẽ dễ để lộ ra điểm yếu. Ngoài ra, một cuộc thẩm vấn đêm khuya cũng mang hàm ý: Vụ án này không hề tầm thường và cảnh sát đang dốc toàn lực phá án. PHẦN 3 : HIỆN TRƯỜNG GIẤU ĐẦU HỞ ĐUÔI Chương 1 Cái Chết Của Mỹ Nhân Karla Brown là một cô gái người Mỹ trẻ trung, xinh đẹp với mái tóc vàng óng, thân hình quyến rũ, tính cách cởi mở, nhiệt thành. Cô có một vị hôn phu cao ráo, vạm vỡ tên là Mark Fair, cả hai vô cùng xứng đôi vừa lứa. Giờ đây, cặp đôi chuẩn bị chuyển nhà tới mái ấm mới trên đại lộ Acton, thị trấn Wood River. Tối thứ Ba, Karla và Mark tổ chức một bữa tiệc tân gia, mời bạn bè thân thiết đến nâng cốc thay lời cảm ơn vì đã hỗ trợ họ chuyển nhà. Sáng hôm sau, Mark đi làm còn Karla ở nhà dọn dẹp, đợi Mark tan sở. Một người bạn của Mark, Tom Feigenbaum đã hứa sẽ cho anh một ngôi nhà dành cho chó nên sau khi tan làm, Mark đánh xe đến gặp bạn. Họ cùng nhau cất nhà dành cho chó lên xe và trở về nhà Mark. Về đến cửa nhà, Mark xuống xe, cất tiếng gọi Karla để khoe với cô chiến lợi phẩm mới. Thế nhưng, dù anh có gọi bao nhiêu lần Karla cũng không đáp lại. Cho rằng vợ chưa cưới của mình đã ra ngoài mua sắm, Mark và Tom mang chiếc chuông ra đặt ở sân sau. Họ phát hiện cửa sân sau không khóa, điều này khiến Mark lưu ý và thắc mắc không biết vì sao Karla lại bất cẩn như vậy, anh thầm nhủ phải nhắc nhở cô nhiều hơn. Xong xuôi, Mark dẫn Tom đi thăm quan ngôi nhà mới. Sau khi xem hết một lượt các phòng chính, cả hai cùng xuống tầng hầm. Bước xuống căn hầm, Mark nhìn thấy vài chiếc bàn nhỏ nằm chỏng chợ, úp ngược trên mặt đất, ghế sofa và sàn nhà có nhiều vết nước. Khung cảnh lộn xộn khiến Mark không khỏi bất ngờ: “Chuyện gì thế này? Rõ ràng hai ngày trước bọn mình vừa dọn dẹp chỗ này mà!” Vào lúc Mark chuẩn bị quay lên để tìm Karla, anh chợt trông thấy cửa phòng giặt hé mở. Bước tới, một cảnh tượng khủng khiếp lộ ra trước mắt anh: Karla đang quỳ ở đó, thân trên mặc một chiếc áo len, từ eo trở xuống hoàn toàn lõa lồ7. Hai tay cô bị trói ngoặt về phía sau bằng dây điện, đầu nhúng vào xô nước. Mark và Tom vội vàng chạy đến kéo đầu Karla ra khỏi xô. Lúc này, khuôn mặt của cô đã tím tái, sưng phù lên. Trên trán và cằm đều có vết thương, cô gái đã không còn hơi thở. Mark gục xuống vì sốc và đau buồn, anh nhờ Tom tìm một tấm chăn để đắp cho Karla rồi mới gọi điện báo án. Ngay lập tức, cảnh sát địa phương nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khám nghiệm sơ bộ cho thấy đầu của nạn nhân bị chấn thương nghiêm trọng, có thể do một vũ khí cùn gây ra. Cổ nạn nhân bị buộc lại bằng hai chiếc tất, cho thấy cô đã bị siết cổ. Ngoài ra, Karla đã chết trước khi bị nhúng đầu vào xô nước. Cảnh sát hiểu rõ rằng hiện trường là nơi cung cấp manh mối quan trọng nhất để giải quyết vụ án, nhưng việc thu thập bằng chứng lại vấp phải nhiều khó khăn. Chiếc máy ảnh mà điều tra viên mang theo không hoạt động do đèn pin hỏng. Thêm vào đó, việc trích xuất vân tay không thuận lợi do Mark và Karla được nhiều bạn bè, người thân giúp đỡ khi chuyển nhà, dẫn đến loãng thông tin tại hiện trường. Sau đó, cảnh sát bắt đầu lấy lời khai của những người sống trong khu vực. Một người hàng xóm tên Paul Main cho biết, buổi chiều xảy ra vụ án, anh ta cùng bạn là John Plante đã dành phần lớn thời gian chuyện trò ngay trước hiên nhà. Plante khai báo, ngày hôm đó anh ta đi tìm việc, đến chơi với Main một lúc rồi lại tiếp tục đi đến nơi khác để kiếm việc. Ngoài ra, họ chia sẻ rằng đã cùng một người bạn khác tới giúp đỡ Mark và Karla dọn nhà trước khi xảy ra vụ án. Theo lý, cả ba sẽ được mời đến buổi tiệc của Mark và Karla, phần vì Main là hàng xóm của cặp đôi, phần vì người bạn còn lại là bạn cùng trường cấp hai với Karla. Nhưng cuối cùng, họ đã không nhận được lời mời nào, người bạn có quen biết kia cũng chỉ tới chào hỏi Karla bên ngoài nhà. Bob Lewis, một người tham dự bữa tiệc, nói rằng đã trông thấy một người có dáng vẻ thô lỗ hét tên của Karla nên cô đã nói chuyện đôi câu với anh ta. Cảnh sát phỏng đoán người này là bạn của Paul Main. Hỏi thăm người bạn cùng phòng cũ của Karla, cảnh sát biết được nạn nhân có mối quan hệ bất hòa với bố dượng và từng bị đánh đập. Tuy nhiên, điều tra sau đó cho thấy bố dượng của Karla không liên quan tới vụ việc. Lúc này, cảnh sát chuyển sự chú ý sang vị hôn phu của Karla là Mark Fair. Mark và Tom những người đầu tiên phát hiện ra thi thể, hơn nữa lại có thể tự do ra vào căn nhà. Thế nhưng, gia đình và bạn """