"Ta Thuộc Về Nhau - Alan & Irene Brogan full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ta Thuộc Về Nhau - Alan & Irene Brogan full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] Ebooks Nhóm Zalo TA THUỘC VỀ NHAU Tác giả: Alan và Irene Brogan Dịch thuật: Minh Phương Phát hành: Bách Việt Nhà xuất bản: Lao Động Ebook: nguyenthanh-cuibap Thể loại: Văn học; Tự truyện Nguồn text: Waka Tháng mười một năm 1959 Ð ó là một ngày trời lạnh và xám xịt. Tôi ngồi trên bậu cửa sổ trong phòng sinh hoạt chung, nhìn ra bên ngoài. Con đường vắng tanh và những cánh đồng ở phía xa. Tôi bảy tuổi, mồ côi mẹ, không biết bố và các anh trai mình ở đâu, hay liệu tôi có thể gặp lại họ hay không. Tôi đã bị mắc kẹt ở nơi này, nơi có vô số những luật lệ phải tuân theo và chẳng có ai tỏ ra thân thiện. Vừa lúc đó, một chiếc xe hơi lớn màu đen rẽ vào khúc quanh và dừng lại trước cửa ngôi nhà. Một người đàn ông bước ra, và sau đó là một cô bé. Cô ấy nhỏ hơn tôi, mái tóc đỏ cắt ngắn vuông vắn, mặc một chiếc áo không tay màu xám đám con gái vẫn mặc, đi đôi giày cao cổ nhỏ màu đen. Tôi nhìn cô ấy đi theo người đàn ông bước đến cửa trước. Chợt có gì đó vụt lên trong lòng tôi. Tôi biết cô ấy! Tôi không rõ ở đâu hay như thế nào. Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau, nhưng tôi biết cô ấy. Như thể mọi thứ bừng sáng và tôi cảm tưởng mình có thể chạy hàng dặm cùng cô mà không bao giờ mỏi mệt. Khoảnh khắc ấy tôi hiểu rằng mình sẽ không còn cô đơn nữa. Tôi rời bậu cửa sổ và chạy tới mở cửa… 1- Alan K hông lâu sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, vùng East End cũ của Sunderland xuất hiện một trong những khu ổ chuột tệ nhất châu Âu - một mê cung gồm toàn những ngôi nhà nhấp nhô xiêu vẹo. Đó là một nơi tối tăm và kinh khủng - nơi mà những gia đình đông người đều sống trong một căn phòng nhỏ. Chính những dãy nhà ẩm ướt đầy chuột bọ thuộc sở hữu của những người địa chủ không bao giờ chi dù chỉ một đồng để sửa chữa ấy, là ngôi nhà đầu tiên của tôi. Tôi được sinh ra ở đó, năm 1952, và ngôi nhà trên đường Moorgate của chúng tôi nằm ở nút giao của những con hẻm rải sỏi và những con đường chằng chịt vắt ngang khu ổ chuột. Ngôi nhà nằm trong một dãy nhà san sát nhau. Chúng tôi ở tầng trên, một gia đình khác ở tầng trệt. Gia đình tôi có bố, mẹ, các anh trai tôi: Michael - 4 tuổi, George - 2 tuổi, và tôi. Ngoài ra thường có một hoặc hai chú của tôi ghé qua, nhất là chú Willie mỗi khi chú bị vợ đánh. Bố tôi sinh ra trong một gia đình đông người, ông có 3 anh em trai và 6 chị em gái. Ông thường xuyên kể cho chúng tôi nghe về những lần chạy trốn khỏi những trận đòn bạo lực của ông nội - người thích trừng phạt con cái bằng chiếc thắt lưng da của mình. Chúng tôi chưa bao giờ gặp ông nội - ông hẳn đã chết trước khi tôi được sinh ra; chúng tôi chỉ được nghe về những hình phạt kinh khủng ông đã dành cho các con trai mình - và có thể cả con gái nữa - nếu họ làm ông khó chịu. Chúng tôi có một chiếc giường đơn dành cho mẹ tôi - Eileen - và một chiếc giường đôi dành cho tất cả đám đàn ông, người lớn nằm đầu giường, trẻ con nằm cuối giường. Tôi được ngủ với mẹ cho đến khi lên hai. Khi đó em trai Brian của tôi ra đời, và tôi chuyển sang chiếc giường đôi, gia nhập hội những người đàn ông còn lại trong gia đình. Thứ đồ nội thất duy nhất mà chúng tôi có là một chiếc bàn hình vuông với hai chiếc ghế gỗ. Chiếc bàn được đặt trước một lò than. Những ngày có đủ than, chúng tôi sẽ sưởi ấm căn phòng và nấu ăn. Ngoài ra, chúng tôi còn có vài cái thùng thiếc và một cái bồn tắm cũng bằng thiếc. Tường và sàn nhà đều chỉ là lớp bê tông trần, thêm vài sợi dây vắt ngang phòng để phơi quần áo. Vào giờ cơm, chúng tôi sẽ đứng quanh bàn đợi mẹ tôi lục tung tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn - và thường thì chẳng có nhiều. Hẳn mọi thứ đã thật khó khăn với mẹ tôi. Bà chắc chắn đã không ít lần nhịn đói, nhưng chúng tôi còn quá trẻ con để có thể biết lo lắng. Chúng tôi sẽ chỉ ngấu nghiến bất cứ thứ gì ăn được và rồi lại chạy đi chơi. Những đường phố bẩn thỉu đó là nhà, và miễn là chúng tôi có bố, có mẹ và có ai đó để chơi cùng, thì chẳng còn gì phải bận tâm. Dù có khó khăn, chúng tôi vẫn là một gia đình gắn bó, và chúng tôi đều cảm thấy được yêu thương. Cuối ngày, mẹ sẽ ôm từng đứa chúng tôi khi bà bảo chúng tôi lên giường đi ngủ, cha sẽ vuốt tóc hoặc vỗ lưng chúng tôi và nói “ngủ ngon nhé con trai”, rồi chúng tôi sẽ mau chóng chìm vào giấc ngủ. Chúng tôi luôn đen như than vì chơi trên những hố bom rải rác trong khu ổ chuột. Những đứa lớn tuổi hơn trèo vào giữa đống đổ nát, bòn mót trong những căn phòng đã bị chôn vùi và đào sâu bên dưới những lò sưởi cũ nát. Có vài bức tường vẫn còn nguyên giấy dán đầy hình hoa, và đôi khi có những bức tường còn cao tới hai tầng nhà, nằm trơ lại đó trong khi cả ngôi nhà đã đỏ sập. Những chỗ đó luôn hấp dẫn với chúng tôi vì chúng tôi chẳng có mẩu giấy dán tường nào ở nhà mình. Tắm rửa sạch sẽ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng đối với chúng tôi ngày ấy, bởi vì không có nhà tắm cũng không có vòi nước. Các nhà đều dùng những nhà giặt công cộng - cứ bốn hay năm dãy nhà mới có một nhà giặt như thế - điều đó cũng có nghĩa là chúng sẽ được dùng chung bởi 10 gia đình. Mỗi buồng giặt được xây như một cái chuồng nhỏ với cánh cửa bằng gỗ lúc nào cũng hỏng. Bên trong mỗi buồng có một vòi nước lạnh được cố định vào một bên tường và một chiếc bồn cầu ở bên còn lại, ngăn cách nhau bởi một tấm ga giường cũ kĩ người ta treo lên cho lịch sự. Một sấp báo treo trên tường dùng làm giấy vệ sinh. Giữa buồng là một hàng ấm và xô để giặt quần áo, cũng có lúc là để tắm rửa cho mấy đứa trẻ mà các bà mẹ phải khó khăn lắm mới túm được. Bên cạnh đám xô là một cái máy cán để vắt đồ. Vào những ngày giặt, mẹ tôi cũng như tất cả những người phụ nữ khác trong khu phải đi xuống cầu thang, tới nhà giặt, lấy một xô nước xách lên lầu để cho vào lò than đun nóng lên. Sau đó, bà sẽ xách xô nước trở xuống cầu thang một lần nữa để đổ vào các ấm để giặt. Cứ đi đi lại lại như vậy, giặt rồi xả nước. Thỉnh thoảng mẹ tôi sẽ đổ một vài xô nước vào bồn tắm thiếc đặt bên cạnh lò sưởi để bà có thể tắm khi không có ai ở nhà. Sau đó bà sẽ phải xách từng xô nước bẩn xuống lầu để đổ đi. Khu ổ chuột của chúng tôi giống như một hòn đảo cách biệt bẩn thỉu đặt cuối thị trấn. Chỉ cách đó vài trăm mét về phía Bắc là ba nhà máy đóng tàu được xây dựng bên bờ sông, và vài nhà máy nữa được xây bên bờ bên kia. Khi đó Sunderland là thị trấn đóng tàu lớn nhất thế giới với những nhà máy đóng tàu ở khắp nơi. Phía Đông là cửa ụ chính, các kho và bể chứa nhiên liệu. Phía Nam - nơi có khu của chúng tôi - là những cung đường sắt lớn dẫn tới những trạm cung cấp than - nơi suốt 24 giờ trong ngày than được đổ từ các toa tàu hơi nước xuống cầu trượt để đưa vào các tàu chở than trên biển. Những con tàu này sẽ khởi hành tới London và các cảng khác. Xuôi về phía Tây là một khu dân cư cũ kĩ gồm những tòa căn hộ bốn tầng cao với những đường cầu thang ngoài trời chạy xung quanh, nơi này chật ních các gia đình của những người làm ở bến tàu, ngư dân và thợ mỏ. Bụi bẩn từ các nhà máy bay tới chỗ chúng tôi và bao phủ lên tất cả mọi thứ. Nhiều ngôi nhà ổ chuột bị vỡ kính cửa sổ, chỉ lấy bìa các tông hoặc báo dán lên, do vậy bụi bẩn bay thẳng vào và bám thành lớp dày trên những món đồ đạc ít ỏi có trong nhà. Bụi bám lên da, lên tóc, lên quần áo, và khi trời gió, bụi bám cả lên những tấm ga vừa giặt phơi cạnh con hẻm. Ngoài bụi bẩn còn có tiếng ồn. Chúng tôi sống cùng những tiếng ầm ĩ không bao giờ dứt từ những nhà máy đóng tàu. Ngày cũng như đêm, đều vang lên tiếng tát tát liên tục của những người thợ tán đinh khi họ cố định những tấm thép với nhau, tiếng kim loại đập vào nhau và tiếng la hét của những người thợ. Rồi có cả tiếng lách cách của bánh xe lăn trên sỏi cuội khi những chiếc xe đẩy được dùng để vận chuyển tất cả mọi thứ. Và theo thường lệ, khi một chiếc tàu mới được hạ thuỷ, sẽ có tiếng hò hét của đám đông và hàng loạt tiếng còi tàu rền rĩ cất lên chào mừng. Khi đó con tàu mới sẽ trượt xuống mặt nước, rẽ nước sang hai bên, được phụ họa thêm bởi tiếng ầm ĩ của những sợi xích khổng lồ được dùng như phanh lái. Lũ trẻ con chúng tôi đã quá quen với những tiếng ồn đó đến nỗi gần như không nhận ra thế là ồn nữa. Hơn nữa, vốn dĩ những con phố chúng tôi ở tự nó cũng đã đủ ồn ào. Những đứa trẻ chơi đu trên những sợi dây thừng cũ kĩ buộc vào đầu những cột đèn, bọn con gái hát những bài hát khi chơi ném bóng hoặc nhảy dây, cái trò căng dây rồi nhảy chung - tới mười đứa cùng nhảy một lúc. Những đứa trẻ nhỏ hơn ngồi trong những chiếc xe đẩy lớn và khóc lóc, trong khi bọn con trai ầm ĩ giả tiếng bắn súng hoặc chơi Cao bồi và Người da đỏ, rượt đuổi nhau trên đống đổ nát của những hố bom rải rác trong khu ổ chuột. Những người phụ nữ đứng ở cửa nhà, quàng những chiếc khăn trùm đầu màu sắc hoặc mang lô cuốn tóc trên đầu và đeo những chiếc tạp dề hoa đốm. Họ nói chuyện, trong tiếng nền là âm thanh phát ra từ chiếc đài Rediffusion - một trong số ít những đồ dùng xa xỉ mà hầu hết các gia đình đều có - tiếng nhạc ầm ĩ của các ban nhạc tên tuổi và những bản nhạc jazz rất thịnh hành thời đó. Thi thoảng sẽ có tiếng lộp cộp của vó ngựa gõ xuống nền sỏi cuội. Đó là khi những người thu mua đồ cũ - những người buôn đồng nát thu lượm bất cứ thứ gì còn dùng hay bán được - đến và rao to "Quần áo ráchhhh, quần áo len!!!". Rồi còn có một bà bán cá đã già nua, bà Bulmer. Bà mang cá lấy từ bến cá gần đó đến, đựng trong một cái giỏ có lót vải và rao to "Cá tươiii!" bằng cái giọng cao the thé. Hiếm khi có chiếc xe hơi nào đỗ ở khu phố của chúng tôi, nhưng cũng có những lúc chúng tôi nghe thấy tiếng còi hiệu của xe cứu hỏa, xe cứu thương hoặc xe cảnh sát vang lên, và khi ấy tất cả lũ trẻ con sẽ ùa ra để xem đó là xe gì. Ngay cả vào ban đêm, tiếng ồn từ những nhà máy xung quanh vẫn không ngớt. Tiếng còi báo hiệu giờ giao ca của các ca làm việc nối nhau suốt ngày đêm. Chúng tôi nằm trên giường lắng nghe tiếng túc-túc của những con tàu kéo kéo những tàu chở hàng lớn từ ngoài biển ra vào cửa sông, tiếng còi xe lửa phía bên kia bức tường cao của nhà máy than đang hướng về phía bến tàu. Và trên những đường phố tối đen như mực chỉ có những ngọn đèn đường lờ mờ, có âm thanh của những người say xỉn hát nghêu ngao trên đường trở về nhà. Thường thì những trận cãi cọ sẽ xảy ra, những người phụ nữ la lối bắt người đàn ông đừng như vậy nữa, cùng theo đó là tiếng chai lọ hoặc tiếng hai người vật lộn trên nền gạch, tiếng thủy tinh vỡ, và tất cả những con chó trong khu sủa điên loạn. Cách nhà chúng tôi không xa là Welcome Arms, quán rượu nằm sát biển nhất của Sunderland. Phía sau quán là những bậc thang dốc dẫn xuống con đường có tường bao quanh chạy quanh bến cảng. Đây là khe hở duy nhất trong sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của bến cảng, là lỗ hổng duy nhất trong bức tường trải dài hàng dặm. Tôi không nghĩ chính quyền lại không biết về sự tồn tại của nơi này, nhưng có lẽ họ cảm thấy nên nhắm mắt cho qua, hoặc là tiền đã được trao vào tay những người bảo vệ an ninh vẫn thường xuyên tuần tra quanh khu này. Khe hở đó là con đường thuận lợi cho hàng hóa nhập lậu - những thứ vẫn được đưa vào dưới lớp vỏ của những chiếc tàu chở hàng nước ngoài và kho ngoại quan, nơi tất cả mọi thứ thường biến mất, bất chấp đôi mắt sắc lẹm của hải quan. Đi theo hướng khác vào trong bến cảng, là "những cô nàng chăm chỉ" tìm kiếm những công việc làm đêm đứng dọc bến. Nếu may mắn họ có thể được lén đưa lên thăm thú tàu, ở đó đồ uống sẽ được rót tràn và ngôn ngữ duy nhất là hình thái của yêu đương và tiền. Vào sáng sớm, lũ trẻ con chúng tôi sẽ đếm số người lảo đảo bước ra từ sau quán rượu đã đóng cửa. Những người khách đã dành cả đêm nằm trong bóng tối để tránh đám mông cớm (đó là tên gọi họ dành cho cảnh sát) ghé qua vẫn chưa tỉnh hẳn. Những cô gái tóc tai bù xù, son phấn trang điểm nhoè khắp mặt mũi, chân trần, xách giày trên tay, vẫn còn quay cuồng sau một đêm quá độ. Chúng tôi đã nghĩ họ hẳn rất mệt khi phải leo lên những bậc thang dốc chênh vênh. Như là đêm qua họ đã làm một cuộc hành quân xuống bến cảng vậy. Thời đó tất cả đàn ông ngày nào cũng đều mặc áo vét và quần dài, đội mũ nồi và quấn khăn choàng quanh cổ. Đó như kiểu là đồng phục, và cha tôi cũng không khác. Mỗi sáng sớm, ông đội mũ và choàng khăn, rồi tới cổng nhà máy để hi vọng có việc làm trong ngày. Nói cách khác là có thể nhận được phiếu từ quản đốc nếu ngày hôm đó nhà máy cần thêm người phụ giúp. Sau một ca làm, nếu người quản đốc nói ông làm tốt lắm, thì ông có thể nhận phiếu để tới quầy thanh toán và lấy tiền mặt. Một phiếu sẽ đổi được đủ tiền cho một bữa ăn của cả nhà hoặc mua một chút ga, nếu nhà đó có bình ga, và còn lại một ít tiền để dành. Chiếc phiếu đó giá trị đến nỗi thỉnh thoảng những vụ ẩu đả sẽ xảy ra giữa những người đang đợi việc ở cổng nhà máy. Đôi khi một quản đốc vô đạo sẽ ném ra vài chiếc thẻ để xem trận chiến sẽ diễn ra để tranh giành chúng. Cha tôi hình như cũng từng đánh nhau vài lần, và thường thắng, giành được một chiếc thẻ và con mắt thâm tím. Nếu không có việc, ông sẽ ra bãi biển cùng những người tuyệt vọng khác để nhặt những mảnh đồng thau trôi dạt lên bờ từ các xưởng đóng tàu. Nếu may mắn, nhặt nhạnh cả ngày có thể kiếm được vài lạng kim loại. Đó là một công việc nguy hiểm, vì việc đó là bất hợp pháp và cảnh sát sẽ đuổi bắt những người lấy tài sản của bến cảng. Vào cuối ngày, mọi người sẽ vội vã mang bất cứ thứ gì nhặt được đến bãi phế liệu để cân và nhận tiền ngay tại chỗ. Công việc cả ngày trời chỉ để kiếm vài đồng si-linh, nhưng cũng đủ mua bánh mì và sữa hoặc cá và khoai tây, là những đồ ăn rẻ nhất có khi đó. Tôi không biết tại sao cha tôi lại không có một công việc ổn định, bởi vì khi ấy dường như có rất nhiều việc ở những nhà máy xung quanh đó, cho dù là cho những người lao động không có tay nghề. Lương không cao, nhưng sẽ ổn định. Nhưng cha tôi cùng với một đám đàn ông khác trong khu lại ưa tìm kiếm cơ hội theo ngày hơn. Rất nhiều đàn ông trong khu chúng tôi đều thích uống rượu, và rất nhiều bà vợ đều phàn nàn rằng chút tiền họ có đã bị lãng phí vào quán rượu. Cha tôi không phải người như vậy, vì ông thích đua ngựa và cá cược hơn. Ước mơ làm giàu của ông thường xuyên đưa ông tới chỗ người đánh cược thuê, vì thế bữa tối của chúng tôi thường xuyên là một đống khoai tây chiên và mấy miếng cá đầu thừa đuôi thẹo, nằm trên tờ báo cũ, đặt giữa bàn. Mẹ không bao giờ nói ra bà cảm thấy thế nào khi đám chúng tôi ăn hết phần của mình chỉ trong vài giây, nhưng bà hẳn đã rất buồn. Tôi đã bị còi xương do thiếu dinh dưỡng, điều đó khiến xương chân tôi quá mềm và bị cong lại vì sức nặng của cơ thể. Bọn trẻ ngoài phố luôn trêu rằng tôi bị sinh ra trên lưng ngựa, hoặc gọi tôi là “chân vòng kiềng” - thuật ngữ dùng cho những đứa trẻ còi xương - có rất nhiều đứa như vậy - dù các anh tôi không ai bị thế cả. Chế độ phân phối được bắt đầu từ thời chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Những thứ như đường, kẹo và trà chỉ được phân phát trở lại vào khoảng giữa năm 1952-1953, còn thịt phải đợi đến tận năm 1954 mới có thể mua tự do. Cũng không ảnh hưởng gì lắm tới chúng tôi, vì chúng tôi chẳng bao giờ có tiền cho những thứ xa xỉ đó. Chúng tôi sống chủ yếu bằng bánh mì và khoai tây. Rau củ và hoa quả tươi gần như chưa bao giờ được nghe nói đến. Một ngày khi tôi mới lên ba hay bốn gì đó, tôi được cử tới cửa hàng để mua một ổ bánh mì. Thường là các anh tôi sẽ đi, nhưng vì lý do nào đó hôm ấy họ không ở nhà, nên tôi lang thang trên những con đường rải sỏi, hướng tới cửa hàng ở góc phố. Đúng lúc đó một cái gì đó trông giống như một xe tải kem xuất hiện ở cuối đường và hướng đến chỗ tôi. Chiếc đèn lớn của nó nhìn như những con mắt và tôi đã nghĩ chúng đang nhìn tôi. Chiếc xe lại gần và gần hơn nữa và tôi hơi sợ, vì thế tôi đi hẳn lên mé đường để tránh nó. Nó vẫn như thể nhắm đến chỗ tôi, nên tôi chạy qua đường, nhưng tôi vẫn nghĩ nó vẫn ở phía sau mình. Tôi chạy dọc con đường, đến cửa hàng và chạy vào trong. Có ba hay bốn phụ nữ mặc áo khoác dài và trùm khăn kín đầu đang đợi ở quầy thanh toán. Vẫn còn hoảng sợ sau khi đối mặt với chiếc xe nên tôi rất hốt hoảng. Tôi sợ nó lại đến và muốn nhanh về nhà, nên tôi đến quầy thu ngân ở cuối nơi không có ai đang đợi. Hóa ra đó là quầy bán kẹo. Tôi rời cửa hàng đó với một thanh sô cô la, một trong những loại của hãng Fry với gương mặt những đứa trẻ in trên vỏ. Hừm, chiếc xe đã không đuổi được tôi, nhưng mẹ tôi thì không được vui cho lắm và tôi không bao giờ được cử đi mua đồ nữa. Về phần sự sợ hãi của tôi khi đối mặt với chiếc xe, có thể là bệnh suy dinh dưỡng đã khiến tôi bị ảo giác. Thật khó nói tại sao cha mẹ tôi lại sống trong sự nghèo đói thảm khốc như vậy. Mẹ tôi chắc chắn đã có xuất thân rất khác. Nghe nói cha mẹ bà, tức ông bà ngoại của tôi rất giàu có và sở hữu biết bao tài sản quanh thành phố cũng như vài vườn táo ở Kent. Họ có hai người con, mẹ tôi và em gái bà, dì Margaret, người đã kết hôn với một thuyền trưởng. Khi mẹ tôi yêu cha tôi - người sống ở khu tồi tàn của thị trấn, ông bà ngoại đã rất giận. Cha tôi khi ấy là một chàng trai trẻ hỗn xược và tự mãn đến từ một gia đình đông người mang nhiều tai tiếng. Ông bà ngoại đã đe dọa sẽ từ mẹ tôi nếu mẹ lấy cha, và họ đã làm đúng như vậy. Theo như tôi biết, sau đó mẹ không bao giờ nghe tin tức gì từ ông bà ngoại nữa. Chuyện đó hẳn đã rất khó khăn với mẹ, nhưng bà đã yêu cha chúng tôi rất nhiều và hi sinh vì chúng tôi, và nếu như mẹ có gì hối tiếc, hẳn bà sẽ chôn giấu trong lòng. Sau khi sinh Brian, mẹ tôi bị bệnh. Mẹ phải nằm trên giường suốt, và rất mệt. Hàng ngày sau khi chơi chán bên ngoài, chúng tôi thường về nhà, nhảy lên giường bà, bà sẽ cười và cù chúng tôi. Chúng tôi không rõ bệnh tình của mẹ, chỉ nghĩ rằng một ngày nào đó bà sẽ khỏe lên và ngồi dậy. Nhưng bà đã không khoẻ lên được. Bà bị ung thư cổ tử cung. Bà chỉ mới 28 tuổi, nhưng bệnh đã không được phát hiện cho đến khi nó trở nên trầm trọng, và thời ấy hầu như không có cách chữa trị. Do vậy bà đã phải âm thầm chịu đựng, biết rằng mình sẽ không thể hồi phục, và chắc chắn hẳn đã không khỏi lo lắng về chúng tôi. Đám con trai chúng tôi khi ấy thiếu hiểu biết về những chuyện đang xảy ra, lúc nào cũng vui vẻ như chim. Chúng tôi ưa khám phá, nghịch ngợm và tràn đầy năng lượng. Ngày qua ngày tôi chạy quanh trong bộ đồ quần sooc và áo vét bẩn thỉu, bụng ỏng, chân trần và cong, nhưng luôn cười toe toét. Một tối sau khi rong chơi bên ngoài cả ngày, chúng tôi về nhà và nhận thấy có gì đó khang khác. Cha không cho chúng tôi nhảy trên giường mẹ. Vài người hàng xóm đã tới khiến căn nhà trở nên ồn ào. Mẹ khóc và nói điều gì đó với chúng tôi nhưng tôi không còn nhớ. Khi đó tôi mới bốn tuổi và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mẹ bỏ chúng tôi đi ngay sau đó, và tất cả đều im lặng. Như thể thời gian đã bị đóng băng và kí ức của tôi cũng đông cứng. Tôi không hề nhớ có một đám tang hay có cảnh gia đình mình quây quần để nói lời tạm biệt. Có thể khi đó tôi còn quá nhỏ để được tham dự. Nhưng không ai trong nhà nhắc lại chuyện đó. Cha tôi, và cả các anh trai, họ hẳn sẽ nhớ chuyện đó rõ ràng, hay cả các cô bác đã đến và đi, không một ai nói đến chuyện đó nữa. Tưởng chừng như một đám mây đen đã đến và che giấu mọi thứ. Cha đã gắng gượng nhất có thể. Chúng tôi vẫn chơi đùa trên phố trong khi ông tìm việc mỗi ngày, và hàng xóm trông chừng chúng tôi. Nhưng vài tuần sau đó, mọi thứ đã thay đổi. Đó là một ngày trời ẩm ướt khiến những viên sỏi cuội cũng mang một màu xanh xám. Đường phố ồn ào tiếng đám trẻ con đang nô đùa: bọn con gái hát những bài nhảy dây và đám con trai chúng tôi chơi đá bóng với một quả bóng tennis cũ. Cha đang ở cổng nhà máy tìm việc và em trai của cha, chú Willie - người đã chuyển tới sống cùng chúng tôi, đang ở ngoài bãi biển lượm đồng nát. Brian nhỏ bé khi ấy mới được hai tuổi, đang ở nhà hàng xóm. Đột nhiên một chiếc xe hơi cũ màu đen có những chiếc đèn pha lớn rẽ vào con đường trong khu phố. Không ai ở đây có xe hơi hoặc hầu hết cũng chẳng quen biết ai có xe hơi, vì thế chuyện này xuất hiện như một khung cảnh vĩ đại hiếm thấy và bọn trẻ chúng tôi đều ngừng chơi để nhìn chằm chằm. Một chiếc xe như thế thường không là chấp hành viên thì cũng là cảnh sát. Chiếc xe lăn bánh chậm rãi dọc con đường và chúng tôi chạy tới do thám. Một quý bà trung niên mặc bộ đồ vải tuýt và đi đôi giày màu nâu đậm bước xuống và bắt đầu nói chuyện với đám trẻ con, hỏi tên chúng. Bà đặc biệt hứng thú với các anh tôi và tôi và hỏi liệu chúng tôi có muốn ngồi lên xe đi một vòng. Chúng tôi không thể tin được mình lại may mắn đến thế và nhảy tưng tưng la hét “Vâng!”. Với chúng tôi, đó như là lần đầu đi vào vũ trụ. Những đứa trẻ khác la hét đòi đi, nhưng bà ta nói chỉ có thể đưa 3 đứa đi. Nên Michael, Geogre và tôi trèo lên ghế sau, gào hét phấn khích. Chiếc xe khởi hành đi dọc con phố với tốc độ rất chậm. Chúng tôi vẫy tay và hò hét với những người bạn chạy theo, những đứa đang chết vì ghen tị. Sau đó chiếc xe tăng tốc và bỏ xa bọn chúng. Chúng tôi rời khỏi những con đường rải sỏi ngang dọc và bước vào một thế giới khác. Chúng tôi kinh ngạc nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ khi đi qua những ngôi nhà, những khu vườn lớn, những chiếc xe buýt, xe hơi, những cửa hàng và những người ăn mặc rất đẹp dắt theo những đứa trẻ sạch sẽ. Chiếc xe tiếp tục đi lên một ngọn đồi với những hàng cây trải dài hai bên và những ngôi nhà rất lớn, cho đến khi đến một ngã ba gần đỉnh đồi. Bên kia đường là ngôi nhà lớn nhất, với hai ngọn tháp trên mái. Ngôi nhà được bao quanh bởi rất nhiều cây và một bức tường cao với lối vào là cổng gỗ. Chúng tôi đến cổng và người phụ nữ bấm còi. Một ông già xuất hiện mở cổng, và khi chúng tôi đi vào trong, những cánh cửa gỗ đóng lại phía sau. Lúc đó ba chúng tôi bắt đầu lo lắng. Nơi này là cái gì? Đáng ra khi kết thúc chuyến đi bà ta phải đưa chúng tôi về nhà mới phải. Ba đứa tôi ngồi thành một hàng ở ghế sau, nhìn chằm chằm người phụ nữ. Bà quay lại và nhìn chúng tôi. “Đi thôi, các cậu bé”. Bà nói. “Xuống xe nào. Chuyến đi đã kết thúc.” 2 - Irene N gôi nhà đầu tiên của tôi là ở Deptford, một vùng đất khiêm tốn của Sunderland nằm giữa một nhà máy sản xuất kính rất lớn và những bến tàu, có những con đường nhỏ gọn gàng bao quanh những dãy nhà nối tiếp nhau. Trước khi tôi được sinh ra vào tháng 10 năm 1950, cha mẹ tôi đã có 3 con gái - chị Joan 13 tuổi, chị hai Greta 10 tuổi và chị Pat mới 3 tuổi. Cha tôi, Jimmy, lái cần cẩu cho một công ty làm cần cẩu di động ở tại địa phương. Đó là một công việc đòi hỏi nhiều kĩ năng và ông nhận được mức lương xứng đáng nên gia đình tôi không quá nghèo. Nhưng ngày đó rất nhiều ngôi nhà bị ném bom trong chiến tranh mà chẳng có mấy ngôi nhà được xây mới, dẫn đến số lượng nhà ở bị thiếu hụt nghiêm trọng, do vậy cả những gia đình khá giả như nhà chúng tôi cũng chỉ có thể thuê một tầng của một ngôi nhà. Chúng tôi sống ở tầng một của một ngôi nhà nằm giữa trong một dãy nhà liền ba căn. Lối lên tầng đi vòng từ phía sau, bước lên những bậc thang gỗ. Gia đình sống ở tầng trệt dùng cửa trước và nhà họ và nhà chúng tôi dùng chung một nhà vệ sinh ở sân sau. Chúng tôi có một căn bếp lớn, một phòng khách và hai phòng ngủ, một phòng dành cho bố mẹ và một phòng dành cho tất cả chị em gái chúng tôi. Cha và mẹ tôi - tên bà là Greta - đã gặp nhau khi mẹ tôi mới 15 tuổi. Khi đó cha tôi chỉ lớn hơn mẹ 3 tuổi và đang ở trong quân đội. Mẹ tôi có thai và một đám cưới vội vàng được tổ chức vào tháng 6 năm 1937, khi ấy mẹ mới 16 tuổi và cha thì 19. Đó có thể là một đám cưới do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng cha mẹ tôi thực sự yêu nhau. Họ cùng nhau ổn định và không bao giờ hối hận, đó là một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc. Vài tháng sau lễ cưới, chị cả của tôi ra đời. Với cha mẹ tôi, việc trở thành bố mẹ khi còn quá trẻ như thế không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cha tôi đã đi làm và nhà tôi đã có thể thuê một căn nhà ở Deptford. Ba năm sau cha mẹ có thêm chị Greta, nhưng lúc đó chiến tranh nổ ra và cha phải nhập ngũ. Ông đi chiến đấu, và mẹ tôi, khi đó mới 19 tuổi, phải một mình nuôi một đứa trẻ lẫm chẫm và một đứa mới ra đời. Khi cha trở về, tới lượt chị Pat được sinh ra, và 3 năm sau đó tôi ra đời. Tôi hầu như không nhớ được những chuyện ngày đó, nhưng tôi nghe các chị tôi kể lại rằng chúng tôi là một gia đình hạnh phúc và náo nhiệt như bao gia đình khác. Mẹ ở nhà trông nom đám chúng tôi, trong khi cha đi làm và luôn về nhà đúng vào giờ bữa xế. Bi kịch xảy đến năm tôi 2 tuổi. Năm đó mẹ tôi 31 tuổi và bác sĩ chẩn đoán bà mắc bệnh lao - chứng bệnh phổi khủng khiếp phổ biến thời đó, và ai đã mắc phải thường không có cơ hội sống sót. Mẹ tôi bị đưa đến khu bệnh lao của bệnh viện Ryhope ở ngoại ô thị trấn, và bà đã ở đó suốt nhiều tháng. Hẳn thời gian đó đã rất khó khăn với bà, bị cách biệt với gia đình - như những bệnh nhân khác, và ngày càng ốm yếu hơn. Cha đã phải cáng đáng cả gia đình. Chị Joan và chị Greta, khi ấy 15 và 12 tuổi, đã đủ lớn để ở nhà một mình. Đi học về họ tự làm bài tập, dọn dẹp nhà cửa và nấu bữa xế cho cha. Nhưng cha không thể trông nom tôi và chị Pat. Chị gái cha, bác Jenny - người chúng tôi hay gọi là bác Jen - và chồng bác, bác Charlie, nhận chăm sóc Pat nhưng họ không thể nuôi thêm cả tôi nữa. Cha đã rất khó khăn khi quyết định phải gửi tôi đi, nhưng có lẽ ông không còn sự lựa chọn nào khác. Và tôi nghĩ hẳn cha và mẹ tôi đều đã ôm ấp một niềm hi vọng nhỏ nhoi rằng mẹ tôi sẽ khỏe lại và gia đình tôi sẽ lại được đoàn tụ như trước. Tôi bị đưa đến một trại trẻ tên là Burdon Hall, nằm ở ngoại ô Sunderland. Khi đó tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ được tôi đã đến đó bằng cách nào, nhưng sự hoảng loạn khi nhận ra gia đình mình đã biến mất và mình đang ở một nơi xa lạ, với những người lớn và những đứa trẻ không hề quen biết, vẫn hiển hiện rõ trong tâm trí tôi một thời gian dài. Đó là một quãng thời gian buồn bã và sợ hãi. Thật không ngờ Burdon Hall hóa ra lại gần bệnh viện nơi mẹ tôi ở. Chỉ cách nhau vài cánh đồng. Mãi đến nhiều năm sau tôi mới nghe bác Jen kể lại rằng nhiều lần mẹ tôi đã gượng dậy từ gường bệnh và lê lết qua những cánh đồng phủ tuyết trắng chỉ để thấy tôi. Tôi không nhớ đã gặp mẹ, nhưng chuyện đó có ý nghĩa rất nhiều với tôi khi biết bà đã cố gắng như vậy chỉ để được ở gần tôi. Bác Jen nói rằng sau những lần mẹ tôi đến thăm, tôi thường ngồi hàng giờ trên bậu cửa sổ, nhìn chằm chằm về hướng mẹ tôi rời đi, và một trong những kí ức đầu tiên tôi có là những dấu chân in trên tuyết trắng. Sau khoảng hơn một năm nằm viện thì mẹ tôi mất. Đó là tháng 3 năm 1954, 2 tuần trước sinh nhật tuổi 33 của bà. Tôi đã không được biết tin này. Nhưng một ngày cha đến đón tôi và nói ông sẽ đưa tôi về nhà. Khi đó tôi đã quá sung sướng vì được gặp cha và vì nghĩ rằng tôi sẽ được trở về nhà cũ của tôi, về với mẹ tôi. Nhưng ngôi nhà ông đưa tôi đến là một ngôi nhà khác. Trong thời gian tôi được gửi tới nhà trẻ, gia đình tôi đã chuyển đến một ngôi nhà mới tinh có 3 phòng ngủ ở một khu gọi là Pennywell. Một chương trình xây dựng lớn đang được tiến hành, và nhiều gia đình trên khắp thành phố được rời khỏi những ngôi nhà xuống cấp dột nát để chuyển đến những ngôi nhà mới nơi có những tiện nghi hiện đại như nhà vệ sinh khép kín trong nhà. Chúng tôi là một trong số những gia đình may mắn đó, mặc dù với tôi, khi ấy mới 3 tuổi rưỡi, nhà mới chỉ là một cú sốc chứ chẳng thích thú gì. Mẹ tôi đã mất, chị Pat đã ở lại với bác Jen và bác Charlie. Thay vào đó, anh trai của bố tôi, bác Bob, chuyển tới ở cùng chúng tôi. Ông là một người đàn ông nhỏ bé có nụ cười rộng ngoác và chân cong do di chứng còi xương từ nhỏ. Cha thực sự không thể nào vượt qua được chấn động từ cái chết của mẹ tôi. Ông đã quẫn trí và cũng không lấy ai nữa. Thay vào đó, ông bắt đầu uống rượu rất nhiều, chôn vùi nỗi buồn của mình dưới đáy những chai rượu. Do vậy bác Bob trở thành cha đại diện của chị em tôi, đảm nhận hầu hết các nghĩa vụ của phụ huynh và cố hết sức trông nom chúng tôi, trong khi cha bận vật lộn với nỗi buồn đau của ông. Tôi không nhớ nhiều về căn nhà đó ngoài việc chui rúc giữa các chị trong phòng ngủ của chúng tôi. Tôi chỉ ở đó được vài tuần, vì rõ ràng là cha và bác nhận ra họ không thể để tôi ở nhà. Họ đều phải đi làm, chị Joan cũng vậy. Chị Greta còn đi học, và vì thế chẳng có ai trông tôi cả ngày được. Cha muốn tất cả chúng tôi ở cùng nhau, nhưng khi đó ông đã quá đau buồn suốt cả ngày và không thể tìm ra cách giải quyết. Có lẽ nếu ông tỉnh táo hơn, ông đã có thể tìm ai đó trông tôi và đưa chị Pat về nhà. Nhưng chăm sóc trẻ con khi đó với ông là điều không thể, và dù bác Bob đã cố gắng hết sức, bác ấy cũng không thể chăm sóc cho một đứa trẻ lên ba, vì thế khi chị gái họ, bác Meg đề nghị được đón tôi về, cha tôi đã miễn cưỡng chấp nhận. Lại một lần nữa đồ đạc của tôi được đóng gói và tôi bị chuyển đi. Tôi đã khóc khi nhận ra mình lại phải xa các chị. Tôi bám chặt lấy chị Joan và van xin chị cho tôi ở lại. Tôi không thể hiểu nổi - tại sao tôi lại phải rời đi một lần nữa? Chẳng ai giải thích cho tôi. Cha chỉ đơn giản cầm túi đồ của tôi lên, nắm tay tôi và tách chúng tôi ra, sau đó ông kéo tôi đi. Tôi đã khóc nức nở suốt dọc đường. Bác Meg và con gái của bác, chị Kathleen, người vừa bước sang tuổi 16, sống cách đó khoảng một dặm rưỡi, trong một ngôi nhà nhỏ ở góc phố. Như rất nhiều căn nhà thời đó, cửa ra vào nằm ở phía sau nhà. Ngôi nhà khá lớn, với 3 phòng ngủ trên lầu và một căn phòng rất lớn ở tầng trệt được dùng làm phòng khách kiêm phòng ăn và bếp. Căn phòng này rất tối, được thắp sáng chỉ bởi một ngọn đèn leo lét giữa trần nhà. Những nguồn sáng khác là từ ô cửa sổ nhỏ nhìn ra sân sau và một lò sưởi. Căn phòng có một bếp than gang lớn với một bệ lò sưởi chiếm trọn toàn bộ bức tường đối diện cửa trước. Thường thì sẽ luôn có lửa cháy, với một cái ấm đun nước cũ đặt lên trên. Tôi thường ngồi say mê ngắm nhìn hơi nước bốc lên từ vòi ấm khi nước sôi. Căn nhà này khác hẳn với căn nhà tôi vừa rời khỏi. Nhưng bác Meg và chị Kathleen rất tốt với tôi nên khi tôi đã quen với sự xa lạ của một ngôi nhà khác, tôi cũng dần quen với họ. Bác Meg là một người phụ nữ vui vẻ và chăm chỉ, luôn cười với tất cả mọi người và sẽ xắn tay vào làm bất cứ việc gì mà không nề hà. Bà có dáng người nhỏ bé đầy đặn, nhưng điều đặc biệt ở bà là mái tóc đen dài rất đẹp. Hình như đó là gen di truyền; tất cả những người phụ nữ trong gia đình họ đều có mái tóc đẹp như vậy, Kathleen cũng thế. Chị ấy giống mẹ, luôn vui vẻ và hài hước. Bác Meg có một người con trai và ba người con gái, trong số đó Kathleen là con út và là người duy nhất vẫn sống ở nhà. Tôi chưa bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra với chồng bác và bà cũng chưa từng nói đến chuyện đó. Bác Meg nấu ăn ngon không tưởng và mùi bánh mì mới nướng luôn tràn ngập trong nhà. Tôi rất thích nhìn bà mở cửa lò nướng với khăn bao lót trên tay và lôi khay bánh ra. Bà sẽ đặt những chiếc bánh, khi đó đều đã chuyển sang màu vàng nâu và vỏ chín giòn, lên chiếc bàn gỗ lớn giữa phòng cho nguội bớt. Thỉnh thoảng bà sẽ cắt một lát bánh vẫn còn ấm, phủ lớp bơ ngon nhất lên và đưa nó cho tôi. Vị của nó đúng là thiên đường. Nhưng ngon hơn nữa là thịt băm và bánh bao bà làm - một bữa ăn tuyệt vời cho một cô gái nhỏ đang đói, với những miếng thịt dày và bánh bao to đùng, tất cả đang nổ lóc bóc trong bếp. Bà sẽ mở cửa lò để xem những đầu bánh đã giòn chưa trong lúc tôi nhảy nhót sốt ruột đợi đến giờ ăn tối. Cứ vài ngày một lần, bác Meg sẽ lôi chiếc xe đẩy lớn cũ kĩ trong nhà kho ở sân sau ra, bế tôi đặt lên trên và đẩy xe xuống sân than nằm bên cạnh tuyến đường sắt cũ gần đó. Bác ấy sẽ tìm người bán than ở đâu đó giữa những đống than, và ông ta sẽ dùng xẻng xúc than đổ vào một chiếc xô lớn đặt sẵn trên máy cân. Lúc đó bác Meg sẽ nhấc tôi xuống và đẩy chiếc xe tới gần để người bán than có thể xách xô than đổ vào xe, bụi than bay lên thành một đám mây nhỏ ám đen mặt tôi nếu tôi lỡ không may đứng sát quá. Khi bác ấy trả tiền xong chúng tôi sẽ đẩy xe đi, toát mồ hôi và thở hổn hển vì phải đẩy chiếc xe nặng ngược lên đồi để về nhà, rồi lại xúc than cho vào trong cái xô đặt bên cạnh lò sưởi. Mỗi tuần một lần bồn tắm thiếc sẽ được mang ra và đặt trên tấm thảm trước lò sưởi trong phòng ngủ. Lửa được nhóm lên và chiếc ấm đun nước kim loại cũ kĩ được đổ đầy nước và mang từ tầng dưới lên để đun nóng và sau đó đổ vào bồn. Bác Meg và chị Kathleen sẽ chạy lên chạy xuống cầu thang, lấy hết ấm nước này đến ấm nước khác ở sân sau. Phải rất rất lâu nước mới đầy được bồn tắm. Chị Kathleen sẽ tắm trước, và tôi tắm sau. Tôi ngủ chung với chị Kathlee trên chiếc giường đôi ấm cúng trong phòng chị ấy. Ban đêm, trên trần phòng sẽ hiện lên hình thù biến đổi của những chiếc bóng hắt lên bởi ánh sáng từ lò sưởi đang bập bùng và chúng tôi sẽ nằm sát cạnh nhau, ngắm nhìn chúng. Chị Kathleen sẽ kể cho tôi những câu chuyện về những nàng công chúa và những nàng tiên, những điều ước trở thành sự thực. Tôi thích những câu chuyện đó và tôi ước mình trở thành công chúa để những điều ước của tôi sẽ thành sự thực. Tôi nhớ mình đã mong ước điều gì - rằng được ở cùng với các chị tôi, với cha và mẹ tôi, tất cả chúng tôi sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng bên ngoài phòng ngủ của chúng tôi, những bóng ma đang rình rập. Từ cửa sổ phòng chúng tôi nhìn ra có thể thấy khu nhà Cottage Homes đáng sợ bên kia con phố chính. Bác Meg cảnh cáo tôi rằng nơi đó dành những đứa trẻ nghịch ngợm - chúng sẽ chẳng có gì để ăn và bị đánh đập nếu không làm theo những gì người ta sai bảo. Mọi bà mẹ ở đây đều cảnh cáo con họ rằng nếu chúng không ngoan ngoãn sẽ bị cho vào đó, vì thế tất cả bọn trẻ con đều sợ. Cottage Homes được ngăn cách với đường bằng một hàng rào dây thép gai dài. Lối vào chính là một chiếc cổng lớn bằng kim loại. Tôi có thể nghe thấy tiếng cọt kẹt mỗi khi người ta mở cổng, và âm thanh đó luôn khiến tôi sợ hãi. Tôi đã từng ngồi trên bậu cửa sổ phòng ngủ nhìn ra hàng rào gai và những tòa nhà bên trong ấy, tự nhủ mình phải thật ngoan để không bị cho đến đó. Một ngày nọ, khi tôi đã ở nhà bác Meg được vài tháng, có tiếng đập rầm rầm vào cửa trước. Tôi sợ hãi đến nỗi trốn đi. Sau đó, tôi nghe thấy giọng cha tôi nói chuyện với bác Meg. Bà trả lời ông, rồi đột nhiên giọng ông hét lớn đầy tức giận. Bác Meg cũng tức giận nói gì đó và lập tức cả hai người nạt nộ lẫn nhau. Tôi có thể nghe thấy ý cha muốn đưa tôi về nhà, và bác Meg thì bảo ông rằng ông không thể chăm sóc tôi và tốt hơn hết nên để tôi ở lại với bà. Cha cố gắng tiến đến và bà thì cố gắng ngăn cản ông. Hai người họ bắt đầu mắng chửi lẫn nhau, trong lúc đó tôi co rúm phía sau bàn vì sợ hãi trước những câu la hét giận giữ. Gạt bác Meg ra, cha cầm lấy cánh tay tôi và kéo tôi - khi đó đang khóc nấc vì sợ - ra khỏi nhà và trở về Pennywell. Tôi không hiểu tại sao cha lại đưa tôi đi, và tại sao ông lại tức giận như vậy. Tôi đã không thể chào tạm biệt bác Meg và chị Kathleen, thậm chí còn không thể mang theo đồ đạc của tôi nữa. Và một lần nữa tôi lại thấy mình trở về nhà. Có vẻ như cha đón tôi về vì chị Joan đã đồng ý bỏ việc để ở nhà trông tôi. Tôi rất vui vì được ở cùng chị và chúng tôi cùng đi chợ, dọn nhà và nấu nướng. Nhưng cha hầu như không để ý đến tôi - hoặc cũng có thể là chẳng để ý đến ai trong chúng tôi. Ông đã nghiện rượu nặng và phần lớn thời gian không ở nhà, thường ông ở chỗ làm và sau đó tới thẳng quán rượu. Bác Bob thường trách mắng ông vì sự thờ ơ của ông với con cái, cụ thể là với tôi, nhưng cũng chẳng ích gì. Có một ngày bác Meg lại đến. Tôi đã nghe thấy bà bảo cha tôi để bà đón tôi về. Nhưng cha đã giận dữ. Lại thêm một trận cãi vã nữa và cha kẹp chặt cánh tay bác Meg ở cánh cửa trong khi bà la hét không ngừng. Âm thanh đó thật khủng khiếp và tôi bắt đầu khóc lóc van xin chị Joan bảo cha ngừng lại, nhưng chị ấy đã không làm gì cả. Cuối cùng cha tôi cũng để bác Meg đi. Bà rời đi, và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà. Tôi đã không gặp lại bà suốt nhiều năm sau đó. Tôi rất buồn, và dù tôi hạnh phúc khi được ở nhà cùng với các chị của mình, bác Meg thực sự đã đối xử rất tốt với tôi. Ở một khía cạnh nào đó, việc cha không để bác Meg đưa tôi đi là một điều đáng tiếc bởi vì ở nhà bác Meg tôi đã cảm thấy an toàn và được yêu thương. Tôi nghĩ đằng sau cuộc cãi vã của họ chính là lòng tự trọng bướng bỉnh đã khiến cha làm thế. Đúng như vậy, khi chị Joan phải trở lại làm việc vài tuần sau đó, cha gửi tôi tới sống ở nhà một người anh trai khác của cha, bác Tom, và vợ bác là bác Jane. 4 tuổi, tôi lại đặt chân tới ngôi nhà thứ 5 của mình trong vòng 2 năm: một ngôi nhà chỉ có một tầng chia làm hai phòng ở khu Springwell của thị trấn. Bối rối và buồn rầu, tôi chấp nhận những thay đổi mà không phàn nàn. Tôi còn có thể làm gì khác? Mỗi khi tôi cảm thấy gần như đã gắn bó với nơi nào đó, tôi lại bị lôi đi và chuyển tới một nơi mới. Nhưng chẳng bao giờ tôi được thông báo trước rằng khi nào hay thậm chí cũng chẳng được giải thích tại sao tôi phải chuyển đi, và nếu tôi khóc hay thể hiện ra rằng tôi buồn thì cũng sẽ bị mặc kệ thôi. Vì thế tôi học cách giấu kín cảm xúc và im lặng. Con trai của vợ chồng bác Tom, anh Ned, đã 19 tuổi, mới lấy vợ và chuyển ra ngoài sống, vì thế nhà chỉ còn hai người họ và tôi. Họ không còn đứa con nào khác ngoại trừ một chị con gái đã mất lúc mới sinh. Căn hộ nhỏ và u buồn. Căn phòng chính được dùng như phòng khách kiêm bếp và phòng ăn. Chỉ có một cửa sổ nhìn ra vườn sau nên trong nhà lúc nào cũng tối. Có một cái bếp ga, một cái bồn rửa nơi tôi được đứng lên đó tắm mỗi tuần, một chiếc bàn có bốn ghế gỗ, hai cái ghế nệm - một cái cạnh lò than để bác Tom ngồi và một cái đặt cạnh đó cho bác Jane. Tôi phải ngồi ở một trong những chiếc ghế gỗ kia. Căn phòng thứ hai là phòng ngủ. Họ dành cho tôi một cái trường kỷ có mùi ẩm mốc làm bằng lông ngựa đặt bên kia căn phòng, đối diện với giường của họ. Nó sần sùi và không thoải mái chút nào, lại bốc mùi nữa. Không có sự ấm áp hay có những cái ôm từ hai bác. Cả hai người họ đều cứng nhắc và xa cách và không có biểu hiện nào của tình yêu thương. Họ muốn tôi chỉ làm những gì được bảo và đừng gây cho họ bất cứ rắc rối nào. Họ thường xuyên cáu giận với tôi và cho tôi thấy rõ mình là gánh nặng của họ. Tôi không thích ở đó. Luôn lo lắng nghĩ đến chuyện phải làm hài lòng hai bác, tôi đã cố gắng hết sức làm tốt mọi chuyện và im lặng hết sức có thể để không làm họ khó chịu, nhưng cứ như thể mọi thứ tôi làm đều sai trái. Tôi đã từng nằm trên chiếc giường lông ngựa của tôi và mường tượng tới vòng tay ấm áp của bác Meg hoặc tưởng tượng ra cảnh mình được trở về nhà với các chị của tôi. Không lâu sau đó bác Tom nói với tôi rằng cha tôi đã đi xa, tới London. Tôi không biết London là ở đâu hay tại sao cha lại tới đó. Đầu tiên là mẹ bỏ đi, và giờ là cha. Và tôi không thể hiểu tại sao cha lại không cho tôi ở nhà bác Meg, rồi lại bỏ đi để tôi phải sống với bác Tom và bác Jane trong cảnh thảm hại này. Chắc chắn cha lại thấy cuộc sống thật khó khăn khi không có mẹ, và có lẽ ông muốn bắt đầu lại. Nhưng ông đã để lại những đứa con mình bơ vơ. Chị Joan mới 17 tuổi và chị đã quyết định cưới một chàng trai trẻ, anh Alan Smith, và chị Greta đã chuyển đến sống với những người họ hàng khác. Chị Pat vẫn ở cùng bác Jen và bác Charlie. Nhưng tôi vẫn mắc kẹt ở đây, không có hy vọng được cứu thoát. Giờ ăn mới thường là một thử thách. Trong khi đồ ăn ở nhà bác Meg khiến người ta chảy nước miếng thì đồ ăn ở nhà bác Jane hoàn toàn ngược lại. Tôi sợ nhất là thứ Hai, vì hôm đó sẽ có lòng bò kèm bánh mì và bơ trong bữa xế. Lòng bò - niêm mạc của dạ dày con bò - là thứ ghê tởm nhất tôi từng ăn. Nó trơn tuột và lạnh ngắt, và dù tôi vừa ăn vừa uống nước trà nóng thì cũng vẫn không thể rửa sạch được cảm giác ghê tởm đó. Tôi không phải một đứa trẻ hay chống đối, nhưng ăn lòng bò là việc vượt ra ngoài sức chịu đựng của tôi. Tôi thường phải ngồi ở bàn hàng giờ, chật vật để nuốt chúng, trong khi bác Tom và bác Jane cau mày và lẩm bẩm về việc tôi là một đứa vô ơn như thế nào. Trước khi có thể ăn xong thì tôi đã phát khóc và mệt mỏi, và họ sẽ tống tôi vào phòng ngủ trong sự ô nhục. Bác Jane mới ở độ tuổi quãng cuối 30 nhưng giống như nhiều phụ nữ thời đó, bà nhìn già hơn tuổi rất nhiều. Bà có một thân hình béo lùn và mái tóc thẳng điểm bạc buộc gọn lại. Và lại cũng như nhiều phụ nữ quanh đó, lúc nào bà cũng đeo một cái tạp dề trước ngực. Bà còn bị nặng tai và lúc nào cũng phải đeo một cái máy trợ thính có những cục pin lớn đi kèm mà bà luôn để trong túi tạp dề, sẽ có dây tai nghe đeo ở hai bên tai bà. Bà có vấn đề lớn với việc điều khiển cái máy đó và hầu như không bao giờ điều chỉnh đúng cách dù bà lúi húi với nó suốt. Lúc nào cũng có tiếng ồn như tiếng huýt sáo phát ra từ tai nghe, và bà sẽ thường tắt nó đi. Nhưng ngay cả khi có máy trợ thính, bà cũng hầu như chẳng nghe được những gì người khác nói và thường trả lời chẳng liên quan, gây ra những chuyện nực cười. Vào buổi đêm khi bà đã đi ngủ, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng máy kêu rè rè, và bác Tom sẽ thức dậy và la lớn “Tắt ngay đi!”. Bà còn mắc một căn bệnh khiến bà bị co giật, cảnh tượng khiến tôi thấy rất kinh khủng. Tự nhiên không báo trước bà sẽ bắt đầu co giật dữ dội. Bà sẽ ngã xuống sàn nhà và sùi bọt mép, và mắt bà sẽ đảo tròng lên trên và bà chỉ nhìn trừng trừng lên trần nhà. Những lúc đó tôi thường chạy trốn cho đến khi bà trở lại bình thường. May mắn thay, phần lớn thời gian những cơn co giật đó xảy ra ở nhà, và bác Tom hay một người hàng xóm sẽ có mặt để giúp bà. Nhưng có một lần bác Jane đã lên cơn khi chúng tôi đang băng qua con đường chính đông đúc. Trước sự hoảng loạn của tôi, bà ngã xuống đất, co giật trước mặt tất cả các xe cộ. Tôi không biết phải làm gì. Toàn thân tê liệt, tôi đứng đó hoảng sợ, chỉ biết nhìn và cầu mong cho bà ngừng co giật rồi đứng lên lại. Buồn thay, chẳng có ai tới giúp chúng tôi. Có thể họ nghĩ bà bị say, nhưng vì lý do gì đi nữa thì giao thông cũng đã bị ngừng trệ cho đến khi bà có thể di chuyển trở lại. Bác Jane tội nghiệp đã bị thương khi ngã xuống, và khi bà đứng lên, máu chảy ra từ mũi và từ tay bà. Chuyện này khiến tôi càng khiếp sợ hơn. Tôi bắt đầu khóc nức nở, không biết phải làm gì ngoài nhìn quanh để xem có ai có thể giúp đỡ. Nhưng cuối cùng bác Jane đã có thể bò vào đến bên vệ cỏ, trong khi tôi vẫn khóc lóc và cố gắng đỡ bà đứng dậy. Chúng tôi chỉ còn cách nhà cỡ 100 mét, nhưng mất rất lâu sau đó chúng tôi mới về tới nhà. Một người hàng xóm nhìn thấy đã đưa bác Jane đến bệnh viện, người ta bảo bà bị dập mũi và gãy ngón tay. Bà về nhà với bàn tay được băng bó, và mặt bà bầm tím suốt vài tuần sau đó. Việc này đã khiến tôi bị sốc và sợ hãi đến nỗi sau đó tôi cứ lo sẽ phải đi đâu đó với bác Jane vì sợ chuyện đó xảy ra lần nữa. Nhưng chuyện đó có vẻ như cũng không ngăn cản bà tiếp tục đi tới chỗ này chỗ kia như thường - hoặc có thể đơn giản là bà chẳng còn sự lựa chọn nào khác - nhưng mỗi khi chúng tôi ra ngoài tôi sẽ đi sau lưng bà, lo sợ bất cứ lúc nào bà cũng có thể lại đổ gục lần nữa. Một vài tuần sau đó tôi tròn 5 tuổi và bắt đầu đến trường học của thị trấn. Như vậy tôi sẽ ít phải ra ngoài cùng bác Jane hơn, việc này khiến tôi thở phào, nhưng trường học lại mang tới một loạt những vấn đề hoàn toàn mới. Ngày đầu tiên bác Jane đưa tôi đến trường còn những ngày sau đó tôi phải tự đi đến trường và về nhà. Tìm trường không khó lắm, đứng từ cửa nhà tôi cũng đã nhìn thấy nó, và dù phải đi qua vài con đường mới tới được trường thì tôi cũng nhanh chóng nhớ được đường đi. Nhưng không may thay tôi lại ghét trường học, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên đặt chân tới đó. Chẳng có gì kinh khủng xảy ra - và bữa trưa miễn phí ngon hơn nhiều đồ ăn của bác Jane, nhưng sự hấp dẫn của một bữa ăn nóng mỗi ngày cũng không đủ để tôi thích trường học. Tôi thấy nơi đó thật đáng sợ và khiến tôi choáng ngợp, và vì hầu hết những thay đổi gần đây trong cuộc sống của tôi đều quá tệ, tôi tự mặc định trường học cũng chẳng vui vẻ gì. Tôi bắt đầu bảo bác Jane là tôi thấy mệt. Bà để tôi nằm trên giường và mặc kệ tôi cả ngày, chuyện này thật buồn chán nhưng vẫn tốt hơn là đến trường. Khi bà đã chán nản với những cơn cớ của tôi và bắt tôi phải đến trường, tôi bắt đầu trốn trong các cửa hàng. Bất cứ khi nào nhìn thấy cảnh sát tới tôi sẽ trốn thật kĩ, vì tôi lo sợ sẽ bị bắt và bị đưa tới khu nhà Cottage Homes. Nhưng không thể tránh khỏi, sau vài tuần cô giáo và bác Jane đã bắt quả tang được tôi và bắt tôi đi học. Sau đó cuối cùng tôi cũng đã quen được với trường học, được giúp đỡ bởi một trong số những giáo viên ở đó - người đã làm bạn với tôi. Cô giáo rất tốt bụng và chu đáo và luôn động viên tôi học tập, cô nói với tôi rằng chỉ có học tập mới là con đường để một đứa trẻ như tôi tránh được những gian khổ sau này. Lúc nào tôi cũng ăn mặc rất tồi tàn, và thỉnh thoảng cô lại mang đến cho tôi một túi quần áo cũ và cuối ngày đưa nó cho tôi mang về nhà. Thiện cảm với trường học của tôi dần tăng lên nhưng cuộc sống ở nhà mới của tôi vẫn ảm đạm như vậy. Tôi là một đứa trẻ sống với hai người lớn đứng tuổi không thực sự mong có tôi trong nhà họ. Tôi cảm thấy mình không được yêu thương và là người thừa. Trong khu chẳng có đứa trẻ nào để chơi cùng và tôi không thể rủ bạn bè nào ở trường tới chơi ở căn nhà bé tí đó. Vì thế phần lớn thời gian tôi chơi một mình, cứ ước rằng cha sẽ đến và lại đón tôi, đưa tôi về nhà. Vui nhất là những lúc tôi đến thăm các chị gái tôi. Chị Joan của tôi đã kết hôn và có một bé gái, và thỉnh thoảng chị sẽ đưa tôi về nhà chị chơi. Chị Greta cũng đã kết hôn với một chàng trai tên là Ken - anh ấy làm việc trên tàu, và hầu hết các ngày thứ Bảy bác Tom sẽ đưa tôi đi bộ ba bốn dặm gì đó để tới thăm chị. Tôi thích những lần đó. Chị Greta và anh Ken sống với mẹ anh ấy, bác Skinner, người luôn mặc một chiếc áo len màu đỏ nâu đã bạc màu những lần tôi đến thăm. Ngôi nhà của họ là một căn nhà tranh có hai phòng ngủ rất dễ thương, có một phòng khách nhỏ phía trước hiếm khi được sử dụng, một khu phòng bếp gộp phòng ăn lớn ở phía sau. Lò sưởi lúc nào cũng đỏ lửa để đun nước, và ở đó luôn tạo cảm giác ấm cúng. Bác Skinner thích nướng bánh, vì thế ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập mùi bánh mì mới nướng. Khi tôi đến bà sẽ dọn bàn và để tôi ngồi xuống, đưa cho tôi một, hai lát bánh mì nóng bà mới nướng và loại bơ ngon nhất. Sau đó chị Greta sẽ đưa tôi tới cửa hàng bánh Maws trên đường Hylton và chúng tôi sẽ mua bánh và đậu Hà Lan cho bữa tối. Bác Bob cũng tới thăm tôi, và bác thường đưa tôi ra ngoài chơi suốt cả buổi chiều, thường là lên tàu tới cảng Seaham để gặp chị Pat. Bác Bob là người vui vẻ và luôn tạo cảm giác ấm áp, chúng tôi đã có những khoảng thời gian ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu, thử đếm bò và cừu. Và khi chúng tôi tới nhà bác Jen, bà sẽ ôm tôi thật chặt và sẽ có bánh ăn cùng với trà. Những ngày đó thật đặc biệt. Tôi rất hạnh phúc mỗi lần gặp bất cứ ai trong gia đình và lúc nào cũng mong họ đến thăm tôi thường xuyên hơn. Tôi nhớ cha, nên khi chị Joan nói ông mới trở về từ London tôi đã ngày từng ngày mong mỏi ông sẽ đến đón tôi. Nhưng cuối cùng, khi ông đến, thì đó chỉ là một lần đến thăm không hơn không kém. Ông có vẻ bình thản, ông cũng không ôm tôi. Ông dẫn tôi xuống phố và chúng tôi ngồi cả chiều trong một quán rượu, ông ngồi uống bia còn tôi ngồi bên cạnh, cầu mong ông đừng mang tôi trở lại nhà bác Jane nhưng lại không đủ dũng cảm nói ra. Sau lần đó cha còn đến thăm tôi vài lần nữa. Nhưng những chuyến đến thăm của ông thưa thớt, và gần như chẳng còn hy vọng ông sẽ đưa tôi về nhà, vì vậy tôi đã cố gắng chấp nhận thực tế rằng tôi sẽ tiếp tục phải ở với bác Jane và bác Tom. Tôi cố hết sức để ngoan ngoãn vâng lời, phần lớn vì tôi lo sợ mình sẽ bị tống vào Cottage Homes, nơi bác Jane đã cảnh cáo tôi rằng tôi sẽ bị cho vào đó nếu phạm lỗi. Tôi biết rằng, dù bây giờ tôi không vui vẻ gì, nhưng nếu phải vào đó sẽ còn tệ hơn nhiều. Tôi đã nghe hàng tá những câu chuyện xảy ra ở đó khiến tôi rùng mình. Người ta đồn rằng tất cả trẻ con ở đó bị đánh đập và bỏ đói, và gần đây ở đó mới xảy ra một vụ cháy khiến một y tá trong một ngôi nhà gần đó đã chết cháy. Một lần khác, người ta kể rằng một con bò đã thoát khỏi lò mổ và chạy tới sân chơi phía trước khu nhà đó, khiến một đứa trẻ phải trốn trên khung xích đu trong khi con bò sùi bọt mép và nhỏ nước dãi bên dưới. Khi tôi tưởng tượng ra cảnh mình bị dồn vào chân tường bởi một con bò điên cuồng, tôi cảm thấy may mắn vì tôi chỉ phải đối mặt với đôi môi mím chặt và những cái cau mày của bác Jane. Chắc chắn dù ở đây tôi không được yêu thương cũng không được chào đón thì cuộc sống của tôi vẫn tốt hơn là cuộc sống của những đứa trẻ mắc kẹt trong cái nơi kinh khủng ấy. 3 - Alan C húng tôi bị đưa vào trong một ngôi nhà lớn và bước lên một đợt cầu thang rộng, rồi họ đi đâu đó, bảo chúng tôi đứng đợi. Sợ hãi và hoang mang, tôi đứng yên cho đến khi người phụ nữ đưa chúng tôi đến trở ra và dẫn tôi đi qua cánh cửa bước vào một căn phòng lớn. Ngồi bên cạnh cửa sổ là ba người phụ nữ và một người đàn ông. Vẻ ngoài của cả bốn người họ đều khiến tôi không có cảm tình. Tất cả đều mang những bộ mặt nghiêm nghị và họ nhìn tôi như thể tôi là thứ gì đó bẩn thỉu. Họ gọi tôi đến đứng trước mặt họ và bảo tôi cởi hết quần áo ra. Tôi cởi quần soóc, rồi đến áo sơ mi, nhưng không đồng ý cởi áo lót và quần đùi. Tôi không thích những người đang nhìn chằm chằm tôi này, và tôi chỉ muốn về nhà. Ngay lập tức tôi học được bài học đầu tiên về sự vâng lời khi một cái bạt tai làm tôi choáng váng, sau đó quần áo của tôi bị kéo ra. Họ để tôi đứng đó một lúc lâu để bình luận về cái chân cong của tôi, cái bụng ỏng của tôi, rồi sau đó là những chỗ kín trên người tôi, rồi nói “Cái gì thế kia?” và chỉ trỏ. Họ nói chuyện với nhau và không ngừng cười, trong khi tôi đứng đó, trần truồng và lạnh lẽo, cố gắng không khóc và tha thiết muốn được về nhà. Sau khi xem tôi xong họ cho tôi ra ngoài rửa ráy và mặc quần áo mới. Họ đưa cho tôi một đôi giày màu đen để đi, nhưng vì tôi chưa từng đi giày bao giờ nên chúng khiến tôi cảm thấy thật nặng nề khó chịu. Tôi ghét chúng. Tôi được dẫn tới một căn phòng có rất nhiều giường và họ bảo tôi rằng đây là chỗ ngủ, rồi sau đó thả tôi ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác. Ở đó tôi cũng tìm thấy các anh tôi, hai người họ cũng đều đang hoang mang và sợ hãi như tôi. Chúng tôi biết cha sẽ về nhà và nhận ra chúng tôi đã đi mất, nhưng chúng tôi không thể trốn khỏi những bức tường cao ngoài kia, mà kể cả nếu có thể chúng tôi cũng không biết đường về. Có hàng chục đứa trẻ ở đó, cả trai lẫn gái. Bọn chúng bảo với chúng tôi rằng đây là Ashbrooke Towers, một nhà trẻ. Thực tế sau này tôi đã biết được rằng Ashbrooke là một trung tâm đánh giá. Tất cả trẻ con được chính quyền xếp vào diện cần chăm sóc sẽ bị đưa đến đó trước khi gửi tới những trại trẻ dài hạn khác. Các anh trai tôi và tôi đã bị bắt cóc một cách hợp pháp và bị đưa vào chế độ cần chăm sóc. Lúc đó chính quyền cho rằng một người đàn ông không thể chăm sóc trẻ con đúng cách. Đó là văn hóa, những người phụ nữ ở nhà trông trẻ và những người đàn ông đi kiếm ăn. Vì thế những đứa trẻ mất mẹ được liệt vào dạng cần chăm sóc. Và nếu như họ xác định được thêm những yếu tố nào đó khác hỗ trợ quan điểm đó của họ, thì những đứa trẻ đó sẽ bị bắt cóc ngay trên đường phố, giống như chúng tôi đã bị. Chắc chắn họ đã phân loại chúng tôi vào nhóm trẻ bị bỏ rơi, nhưng thực tế chúng tôi không thấy thế. Chúng tôi yêu nhà mình, cảm thấy an toàn trên những con đường chúng tôi đã quen thuộc, với những người hàng xóm luôn để mắt đến chúng tôi và cha sẽ về vào cuối ngày. Giờ đây, đột nhiên chúng tôi ở trong thế giới xa lạ này, không một lời giải thích, không một lời đảm bảo. Họ cư xử như thể chúng tôi là những con vật nhỏ bẩn thỉu - là đối tượng cần xử lý, họ không coi chúng tôi là những đứa trẻ có cảm xúc. Cuối giờ chiều họ sẽ gọi chúng tôi vào ăn bữa xế. Chúng tôi ngồi thành hàng trong phòng ăn, ăn trong im lặng, trong lúc đó một người đàn ông có khuôn mặt u ám sẽ canh chừng chúng tôi, sẵn sàng phát hiện xem có đứa nào phạm lỗi. Mặc dù tôi đói, nhưng tôi phải cố gắng lắm mới ăn hết. Và đêm đó, chiếc giường mới thật lạ lẫm, lạnh lẽo và cô đơn. Tôi đã quen ôm ấp chui rúc trong chiếc giường đôi với các anh tôi và cha. Cha ở đâu rồi? Tôi muốn cha đến đón chúng tôi. Tôi vùi mặt vào gối và khóc, thật lặng lẽ để những người khác không nghe thấy. Tôi ghét ngôi nhà được khử trùng lạnh lẽo này, chẳng có ai cười hay nói những lời dịu dàng cả. Những ngày sau đó chúng tôi được dạy về cách sống ở đây. Mỗi một phút cũng đầy những luật lệ, những mệnh lệnh thức dậy, ăn, chơi, tắm và đi ngủ. Bất cứ chúng tôi có làm gì, cũng có một nguyên tắc nào đó nói đến việc làm nó khi nào và như thế nào. Trước đó cuộc sống của tôi chỉ có một nguyên tắc duy nhất là về nhà vào giờ bữa xế khi mẹ gọi chúng tôi về. Vì thế chúng tôi bị sốc trong thế giới mới này, nơi phải tuân theo hàng tá những luật lệ và bất kỳ sự vi phạm nhỏ nào cũng dẫn đến hậu quả là một trận đòn. Ashbrooke Towers được quản lý bởi những người chăm sóc, bọn trẻ con hay gọi là các dì và các bác. Ở mỗi trại trẻ thời đó, ai muốn làm nghề chăm sóc trẻ cũng được, mặc dù điều này rất nguy hiểm. Sự thăng tiến dựa vào thời gian làm việc chứ không phải năng lực. Bất cứ ai tìm việc cũng sẽ được nhận vào, và cũng chẳng có gì là lạ khi một người lau dọn có thể chuyển sang làm nghề chăm sóc trẻ. Trong số những kiểu người chăm sóc này có một số thiên thần, tận tụy với trẻ con và luôn cố gắng cải thiện cả hệ thống. Nhưng những người như thế rất ít. Phần lớn những người họ chỉ coi đó như một công việc để làm, hầu như không có sự cảm thông với những đứa trẻ. Và còn có cả những ác quỷ. Họ chiếm số ít thôi nhưng luôn lảng vảng. Chúng tôi nhanh chóng nhận thức được họ là ai - bọn trẻ con truyền tai nhau rằng có những người chúng tôi cần tránh như tránh bệnh dịch. Nhưng đôi khi, nếu bạn là một đứa trẻ hơi khác thường thì chẳng có cách nào thoát khỏi con quái vật. Trừ khi một thiên thần đến ngay lập tức thì bạn mới được cứu. Có một người chăm sóc đặc biệt tại Ashbrooke Towers - người là một trong những con quái vật như vậy. Ông Walter có một gương mặt lạnh lùng nghiêm nghị và như thể có một đôi mắt ở phía sau đầu. Ông ta không bao giờ cười, và chúng tôi đã được dặn phải tránh ông bất cứ khi nào có thể. Chỉ khổ những đứa trẻ tội nghiệp bị ông ta lôi vào phòng riêng. Những đứa đó sau đó sẽ bò về giường và khóc suốt đêm. Rất may tôi không phải là một trong số chúng; tôi ngỗ ngược và rắc rối nên ông ta không bao giờ dám thử bất cứ điều gì với tôi, mặc dù điều đó không ngăn ông ta đánh đập tôi. Chúng tôi bị đánh suốt ngày, bằng dép hoặc dây lưng. Rất ít người có thể tránh được cơn thịnh nộ của Walter; ông ta dường như thỏa mãn với việc chọn được nạn nhân của mình mỗi ngày. Mỗi sáng chúng tôi phải xếp hàng trong phòng ký túc để kiểm tra. Nghĩa là giường của mỗi người phải được gấp cẩn thận, xung quanh giường phải gọn gàng, quần áo đã mặc đầy đủ và sạch sẽ, giày đã được đánh bóng và tóc tai cũng phải gọn gàng. Người chăm sóc sẽ đi đi lại lại trong phòng, tìm xem có thứ gì đặt sai vị trí. Với tôi, một đứa trẻ khi đó mới bốn tuổi và không quen với kiểu lề thói này, đó là một cực hình. Tôi luôn làm sai gì đó, tóc rối hoặc giường không đủ gọn, và mỗi lần như thế tôi đều bị đòn. Tiếp theo là bữa sáng, và giống như tất cả những bữa ăn khác, đầu tiên phải cầu nguyện, và sau đó nếu không muốn bị đánh, chúng tôi phải ăn hết tất cả thức ăn có mặt trên đĩa của mình. Ăn xong những đứa lớn sẽ đi học, còn chúng tôi - những đứa nhỏ hơn bị đuổi ra ngoài chơi. Dù thời tiết có thế nào chúng tôi cũng phải ở bên ngoài và chúng tôi đã từng đứng chịn những cái mũi lạnh giá lên ô kính cửa sổ đầy hơi nóng của nhà bếp, ngửi mùi thức ăn và nhìn lửa cháy. Tôi đã rất cố gắng để nhớ hết các quy tắc, nhưng có một điều tôi không thể chịu đựng được, là những đôi giày. Tôi luôn cố tháo chúng ra và thường giấu trong hố cát nhưng rồi sau đó kiểu gì họ cũng sẽ tìm thấy và tôi sẽ bị trừng phạt rồi lại phải đi lại giày vào chân. Một ngày nọ, tôi ném đôi giày đáng ghét qua tường. Vài phút sau, khi đang chơi trong hố cát, tôi nghe thấy tiếng gọi, “Con trai, con trai, lại đây.” Tôi ngẩng lên và thấy cha, ở bên kia bức tường! Hóa ra cha đã đi tìm chúng tôi kể từ ngày ông về nhà và được hàng xóm kể lại rằng chúng tôi đã bị đưa tới Trung tâm chăm sóc. Ông đã cắm rễ ở trung tâm Dịch vụ xã hội hàng tuần trời, cố gắng tìm xem chúng tôi bị đưa đến đâu, không có nhiều may mắn cho lắm. Rồi sau đó có người nói với ông rằng trẻ con thường được đưa đến Ashbrooke Towers. Ông liền tới đây để ngó qua một chút và khi đang đi bộ quanh tường thì ngạc nhiên thay, tình cờ đôi giày tôi ném bay qua tường. Ông biết rằng có trẻ con ở bên trong và đã trèo lên trên yên xe đạp để ngó vào trong và thấy chúng tôi. Cả 3 chúng tôi chạy về phía bức tường, hét lớn “Cha, cha!” “Nhanh nào, trèo qua đây,” ông nói - và chúng tôi đã làm thế, người nọ đỡ người kia leo lên để cha nắm lấy tay và kéo chúng tôi qua. Khi đã trèo qua tường chúng tôi ngồi trên chiếc xe đạp cũ kĩ của cha. Michael ngồi trên yên sau, George ngồi trên cổ xe và tôi - khi đó đã đi lại đôi giày tôi ném đi - đứng trên hai bên đai ốc nhô ra ở bánh trước. Cha đạp xe hộc tốc về nhà. Nhưng đó không phải ngôi nhà mà chúng tôi đã biết. Cha đã chuyển tới ở với em trai ông, chú Willie, người có một ngôi nhà trên đường Cannon Cotton. Đó là một ngôi nhà to hơn nhưng bên trong cũng khá giống với ngôi nhà cũ của chúng tôi. Hóa ra em út của chúng tôi - Brian cũng đã bị đưa vào trung tâm chăm sóc và không ai biết nó ở đâu. Vì thế nhà chỉ còn 3 chúng tôi, và chú Willie được giao nhiệm vụ giấu chúng tôi cả ngày trong khi cha đi làm. Chú luyện cho chúng tôi trèo vào trong một tấm nệm đã cuộn thành ống và giữ yên lặng. Chúng tôi nghĩ đó là một trò chơi tuyệt vời. Chú Willie chỉ cao có 5.2 feet hoặc tầm tầm đó và là người đàn ông bé nhỏ mềm yếu nhất trên đời. Chúng tôi chăm sóc chú thì đúng hơn là chú chăm sóc chúng tôi. Chú ấy nhìn giống như một con khỉ, những động tác của chú thì y chang một con tinh tinh, thật sự là như vậy. Và tất cả bọn trẻ con trong khu phố đều nghĩ chú giống hệt nhân vật Tarzan trong phim (những đứa không có đủ 6 xu tiền vé đã phải xem lén) và đều yêu mến chú. Một ngày, có tiếng đập cửa lớn. Chú Willie nhìn ra ngoài và thấy cảnh sát! Ngay lập tức chú bảo chúng tôi chui ngay vào trong tấm nệm và giữ im lặng. Chúng tôi nghe tiếng chú Willie mở cửa, sau đó có những tiếng la hét lớn và tiếng chú Willie phản kháng. Những bước chân nặng chịch chạy lên lầu, vào phòng và bắt đầu tìm kiếm xung quanh. Chính lúc đó chúng tôi bắt đầu cười: chắc chắn là chú Willie chơi trò chơi - chú ấy vẫn luôn như thế, cố gắng làm chúng tôi hoảng sợ. Tiếng cười khúc khích của chúng tôi đã làm lộ nơi trú ẩn. Một viên cảnh sát rất cao nói “Xin chào các cậu bé” khi ông ta nghiêng người nhìn vào trong tấm nệm. Cùng lúc đó một cuộc ẩu đả đã xảy ra bên dưới chân cầu thang. Cha đã về và thấy cảnh sát ở nhà và thấy chú Willie đang vặn tay. Một nhân viên xã hội đi cùng với cảnh sát đã nói với cha là họ đến để đưa chúng tôi về Trung tâm chăm sóc. Cha đáp lại bằng cách đấm ngã anh ta và bắt đầu đánh lại những người cảnh sát đang cố gắng bắt giữ ông. Cuối cùng cha đã bị chở đi trên chiếc Maria màu đen - chiếc xe cảnh sát cũ họ dùng thời đó - và được hộ tống bởi vài cảnh sát mặt mũi thâm tím. Chúng tôi cũng bị đưa lên một chiếc xe có những chiếc đèn pha lớn để trở lại Ashbrooke Towers, và chú Willie đứng trên ngưỡng cửa, đau khổ vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Một lần nữa chúng tôi bị ném trở lại chế độ hà khắc của Ashbrooke với những luật lệ và những trận đòn vô tận. Điều may mắn duy nhất - dù lúc đó tôi chẳng lấy gì làm thích thú - là người ta đã cho tôi bộ nẹp chân để uốn chân cho thẳng, và cho tôi ăn thêm sữa bột đóng hộp của nhà nước để tôi bớt còi. Những chiếc nẹp sắt này rất nặng và tôi chỉ có thể tháo chúng ta vào ban đêm. Tôi không thích chúng, nhưng tôi cũng quen dần và không để chúng ngăn tôi chơi đùa. Thực ra chúng còn khá tiện, đặc biệt khi tôi chơi bóng. Bàn chân thép của tôi có thể hạ gục bất cứ kẻ nào ngáng đường mình! Bọn con trai thường chơi một trò chơi chúng tôi gọi là “làm vua”. Chúng tôi sẽ xếp thành hàng dựa vào tường, một đứa sẽ cầm quả bóng tennis cũ ném về phía cả bọn thật mạnh để trúng vào một đứa nào đó. Người bị ném trúng sẽ lại cầm quả bóng làm tương tự và cứ như thế cho đến hết. Người còn lại cuối cùng sẽ là vua. Tới một ngày bọn con gái cũng tham gia và một trong số họ đã thắng. Chuyện này khiến những cậu bé lớn hơn khó chịu, vì thế quả bóng đã được thay bằng một mẩu gạch. Kế này đã hiệu quả: bọn con gái không dám tham gia chơi nữa, và một vài cậu bé cũng bỏ cuộc. Họ đã nghĩ chúng tôi thật ngu ngốc, và tất nhiên họ đúng, nhưng chúng tôi đã không nghĩ thế. Từng người một lần lượt ra khỏi hàng, ai cũng bị thâm tím nhưng may thay không ai thực sự bị thương nặng, dù một đứa đã bị rách tai. Chỉ còn lại 3 người, trong đó có tôi. Và rồi tôi bị ném trúng. Viên gạch đập vào chân thép của tôi nên tôi không bị đau gì cả. Cuối cùng chỉ còn lại các anh tôi, và ngày hôm đó cả hai người đều là vua. Một trong những bức tường bao quanh khu vườn có một cánh cổng nhỏ cao khoảng 6 feet với một cái mái cong, trong khi đó bức tường bên cạnh nó cao tầm 7 feet. Cánh cổng này hầu như không được sử dụng bao giờ, nhưng vì lý do nào đó có một ngày chúng tôi đã được phép đi qua cổng. Bên kia cánh cổng là một sân cỏ trải dài cho tới chân bức tường bao quanh bên ngoài ngôi nhà. Bọn trẻ lại chơi “làm vua”, lần này đã dùng bóng, và tôi đứng cạnh bức tường xem họ chơi. Đội nhiên trong một khoảng khắc mọi thứ tối sầm lại. Khi tôi mở mắt ra tôi đã nằm trên cỏ với một cục u trên đầu và một tảng đá nằm bên cạnh tôi. Hẳn người ta đã ném qua tường và nó rơi trúng vào đầu tôi. Tôi đứng lên và đi men theo dọc bức tường, xoa đầu liên hồi. Những người khác vẫy vẫy tôi, họ đã nhìn thấy và ra hiệu cho tôi đến chỗ họ. Nhưng trước khi tôi đến được chỗ họ thì “bộp”, một hòn đá nữa lại rơi xuống đầu tôi và tôi ngã lăn ra đất. Bây giờ đầu tôi thật sự rất đau. Tôi ngó nhìn bọn trẻ, bọn chúng giờ cũng lăn ra đất vì cười. Hẳn cảnh tôi bị hòn đá đầu tiên rơi trúng đã buồn cười và khó tin, ai ngờ lại còn bị trúng tiếp lần thứ hai nữa. Tôi đứng dậy, cảm thấy hơi chóng mặt, và bắt đầu đi về phía các bạn thì “bộp”, hòn đá thứ ba, to hơn, lại rơi trúng tôi và tôi ngã xuống, hoàn toàn bất tỉnh. Lần này những tiếng cười đã tắt và bọn trẻ chạy đến và hét lớn. Cánh cửa mở ra và người làm vườn chạy tới để xem chuyện gì phiền phức. Khi nhìn thấy tôi ông ta đã bị sốc. Ông ta đã dọn vườn và ném những viên đã qua tường để đỡ phải dùng xe đẩy. Vì cánh cổng đó chẳng mấy khi mở, ông đã nghĩ không có ai ở đó. Khi tỉnh dậy tôi đã ở trong bệnh viện. Lúc trở về, đầu tôi được quấn băng kín mít, phải giữ như vậy hàng tuần. Bọn trẻ tôn tôi làm vua, nhưng đó chỉ là vì tôi đã cho chúng một trận cười đã đời. Đến một ngày, khi tôi đã ở Ashbrooke Towers được vài tháng, cánh cổng lại mở ra và chiếc xe màu đen cũ với những chiếc đèn pha lớn tiến vào, và người phụ nữ trung niên mặc đồ vải tuýt lại bước xuống. Lúc đó tôi đang đứng ở hố cát và một cơn rùng mình ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi khi tôi nhìn thấy bà ta, bởi vì cảnh đó khiến tôi nhớ lại cảnh chúng tôi đã bị bắt cóc khỏi nhà đến đây - hai lần - như thế nào. Ngày hôm đó tôi lại bị đặt lên xe, không kịp nói lời tạm biệt với các anh tôi và các bạn tôi, cũng không biết mình sẽ bị đưa đi đâu. Sau một quãng thời gian có vẻ như rất lâu, chúng tôi tới một dãy những căn nhà lớn ở cuối một cánh đồng dài. Nơi đây, nơi mà tôi sắp vào, là một trại trẻ được biết đến như khu nhà Cottage Homes. Có một dãy khoảng 10 ngôi nhà lớn, mỗi ngôi nhà có khoảng 12 - 13 đứa trẻ sống trong đó. Trước mặt dãy nhà là một sân chơi rộng và ở góc sân có xích đu và cầu trượt cho trẻ con. Tôi chưa bao giờ nghe nói về nơi này. Nhưng không lâu sau đó tôi đã biết đây là nơi nổi tiếng khắp thị trấn, bởi vì những đứa trẻ không ngoan bị dọa sẽ bị tống vào đây. Thực ra bọn trẻ con ở đây không hề hư, chúng rất đáng thương. Phần lớn đều đã mất cha mẹ hoặc bị lạm dụng hoặc đánh đập. Chế độ ở Cottage Homes cũng giống Ashbrooke, ngoại trừ việc bây giờ tôi chỉ có một mình. Tôi mới năm tuổi và tôi đã mất tất cả những người tôi yêu thương. Tôi mất cha mẹ, anh em và cả chú Willie. Rất rất lâu sau đó tôi mới được gặp lại họ. Đám trẻ con chúng tôi được phép chơi ở sân vận động trước dãy nhà. Một bên sân là hàng rào dây thép gai ngăn cách khu nhà với đường Hylton - con đường chính dẫn vào thị trấn, và bên kia là một dãy những nhà lều kiểu phong cách quân đội - chính là bệnh viện của nhà trẻ. Một trong những nhà lều đó đã được sử dụng như phòng dành cho y tá. Chúng tôi từng chui dưới những túp lều cũ kĩ ấy và tự coi đó như một nơi nhỏ bé để trốn khỏi thế giới một chốc trước khi bị gọi vào nhà. Nhưng sau chúng tôi đã không chơi ở đó nữa vì có lần một đứa đã thắp nến và vô tình làm đổ, gây ra một trận cháy nghiêm trọng làm cháy hết toàn bộ căn lều bên trên và có một y tá đang ngủ ở đó đã thiệt mạng. Phía bên kia đường có một lò mổ, và sau khi tôi đến đó chưa được bao lâu, có một con bò bị sổng chuồng. Nó chạy loạn trên đường và sau đó chạy qua cổng vào trong sân vận động. Nó chạy đến chỗ bọn trẻ con chúng tôi, và khi đó nó đã nổi điên. Bọn trẻ chạy toán loạn vào trong nhà, nhưng tôi bị kẹt lại ở hàng xích đu gần hàng rào vì con bò đã chặn đường tôi trước khi tôi có thể chạy. Tôi trèo lên trên cột, có hơi trơn trượt một chút nhưng cuối cùng cũng leo được lên đến đỉnh cột và ngồi trên thanh chắn ngang trong khi con bò húc đầu vào cây cột bên dưới tôi. Có một đám đông đứng bên đường quan sát tôi và con bò - khi ấy đương nhiên tôi vẫn an toàn. Hẳn cảnh tượng đó phải khôi hài lắm, một đứa trẻ mắc kẹt phía trên cùng của xích đu với một con bò to lớn tức giận quẩn quanh. Sau tầm một giờ đồng hồ tôi đã quá chán nản và thực sự muốn trèo xuống, nên tôi bắt đầu hát với con bò để đỡ chán. Ngạc nhiên thay, con bò bình tĩnh trở lại và cuối cùng bỏ đi. Vì thế tôi nhảy xuống và đi vào nhà. Ngay khi vào đến nhà tôi đã bị một trận đòn vì tội ở bên ngoài khi có một con bò điên ngoài đó và tôi bị bắt lên lầu đi ngủ. Khi tôi nằm trong chăn, lưng đau nhức, tôi đã nghĩ con bò và mình cũng có điểm chung: phải ở nơi chúng tôi không hề muốn. Một lúc sau tôi nhìn ra cửa sổ thì thấy một nhóm cảnh sát đang tiến vào sân vận động. Một người mang theo khẩu súng trường, và ông ta bắn con bò. Sau đó một cái máy kéo được lái đến và kéo nó đi. Tôi cảm thấy rất buồn. Sau đó vài ngày, khi đang đứng bên hàng rào nhìn mọi người đi lại ngoài đường, tôi nhìn thấy cha. Ông đang đi trên chiếc xe đạp cũ, và tôi chạy theo, la hét phấn khởi với ông. Ông dừng lại và tiến đến, nhưng ông có vẻ như miễn cưỡng và liên tục nhìn về phía sau. Ông chào tôi và cho tôi mấy chiếc kẹo, sau đó lẩm bẩm gì đó, nói rằng ông phải đi và rồi đạp xe đi. Tôi nhìn theo ông mãi, tự hỏi vì sao cha không có vẻ vui mừng khi nhìn thấy tôi. Có phải cha không yêu tôi nữa? Ông không muốn tôi về nhà nữa? Chẳng ai trả lời cho tôi và tôi cảm thấy thật khổ sở. Tôi rầu rĩ suốt mấy tuần sau đó, tự hỏi liệu tôi có thể gặp lại cha không, và hi vọng ông sẽ trở lại nói chuyện với tôi qua hàng rào vì giờ ông đã biết tôi ở đây mà. Nhưng ông không bao giờ đến nữa. Tới nhiều năm sau tôi mới được biết người ta đã đưa ông đến nhà tù Durham 6 tháng vì tội đón chúng tôi thoát khỏi Ashbrooke Towers và đánh nhân viên xã hội. Tôi chỉ được nghe kể chuyện đó một lần, và giống như những câu chuyện của nhiều người khác thời đó, nó có thể không phải là sự thật. Nhưng tôi tin ngay khi tôi được kể lại, vì nó giải thích tại sao ông lại sợ sệt khi nói chuyện với tôi, vì ông lo sợ sẽ lại gặp rắc rối. Ông đã bị trừng phạt khi cố gắng ở bên các con mình nên sau chuyện đó ông không dám đến gần chúng tôi nữa. Hàng năm trời sau đó tôi không gặp ông, trong suốt thời gian đó tôi không ngừng tự hỏi tại sao ông không có vẻ mừng vui khi gặp tôi ngày hôm đó và tại sao ông không cố gắng đưa tôi về nhà. Chính trong thời gian sống ở Cottage Homes là lần đầu tiên tôi tới trường. Ngôi trường có tên là Diamond Hall. Tất cả trẻ em ở Cottage Homes đều học ở đó, cùng với những đứa trẻ trong thị trấn. Ngay từ đầu tôi đã hơi bốc đồng, có gì đó bên trong tôi khiến tôi ngỗ ngược và không chịu ngồi yên, vì thế tôi không được các thầy cô giáo yêu mến lắm. Đám trẻ trong nhà cùng nhau đi bộ đến trường mà chẳng có người lớn nào trông chừng cả nên rất dễ bày trò nghịch ngợm, và tôi chẳng thể bỏ qua cơ hội đó. Những chiếc xe buýt cũ kĩ của thị trấn thường có biển số xe ở đằng sau, với một lỗ hổng bên trên đặt một chiếc đèn. Tôi từng bám chặt vào hốc đèn đó và đặt chân lên ba đờ sốc khi xe buýt bắt đầu rời bến và đi một chặng miễn phí tới trạm dừng tiếp theo. Khi đến nơi tôi sẽ buông lỏng tay bám và rồi thả tay ra và nhảy xuống. Chuyện đó thật tuyệt, cho tới một lần xe buýt không dừng ở trạm tiếp theo mà vẫn đi thẳng lên đường chính. Những chiếc ô tô bíp còi và những người đi bộ la ó khi họ phát hiện ra một đứa trẻ đang bám ở đuôi xe. Tay bám của tôi đã mỏi và tôi biết tôi sẽ không giữ được lâu nữa, may mắn thay đúng lúc đó chiếc xe dừng lại. Tôi nhảy xuống và chạy biến, cảm giác như người ở nửa hành tinh đều đuổi theo tôi vậy. Và dĩ nhiên tôi không tránh khỏi một trận đòn đau khi về đến nhà. Rất dễ để nhận biết những đứa trẻ của Trung tâm chăm sóc, vì quần áo chúng tôi luôn cũ kĩ và không bao giờ vừa vặn. Đó là bởi vì chẳng ai trong chúng tôi có quần áo của riêng mình: chúng tôi đều mặc chung. Người ta sẽ mang đến một túi lớn quần áo từ xưởng giặt là nào đó trong thị trấn, phân phát và bạn chộp lấy những gì bạn có thể. Chúng tôi mặc những chiếc quần soóc thùng thình dài qua đầu gối, những chiếc áo sơ mi gây ngứa ngáy và thêm cái áo cộc kẻ ngang, đi những chiếc tất dài màu xám, đương nhiên thường vá lỗ chỗ đoạn quanh mắt cá chân. Tất cả chúng tôi cũng có cùng kiểu tóc. Với bọn con trai thì cắt ngắn đằng sau và hai bên. Tôi vẫn nhớ vành tai tôi luôn rất lạnh. Bọn con gái còn tệ hơn vì con gái thường để tâm nhiều hơn đến ngoại hình, và kiểu tóc như cái mũ nồi chụp lên khiến tất cả bọn chúng đều đau khổ. Tôi đã ở Cottage Homes vài năm. Suốt thời gian đó tôi thường tự hỏi cha và các anh tôi đang ở đâu và liệu tôi có bao giờ gặp lại bác Willie già khôi hài nữa không. Chẳng có người lớn nào ở đó thể hiện bất cứ dấu hiệu nào của sự tốt bụng hay dịu dàng. Với họ tôi là một vấn đề cần giải quyết, một đứa trẻ cần được đưa vào khuôn phép. Điều tuyệt vời duy nhất trong thời gian này là lúc tôi tháo nẹp chân ra sau nhiều tháng nẹp thì chân tôi đã thẳng lại. Tôi rất sung sướng vì tôi không muốn lớn lên với đôi chân cong và thế đi lại khôi hài như vài người đàn ông tôi từng gặp. Tôi đã quen với nẹp chân và thậm chí mấy ngày đầu khi bỏ chúng ra tôi còn thấy hơi gượng gạo, và tôi cứ nhìn chằm chằm vào chân mình, ngạc nhiên sao chúng có thể thẳng như vậy. Sinh nhật và Giáng sinh chỉ làm tôi buồn và cô đơn hơn. Chỉ có một Giáng sinh là đặc biệt. Đó là buổi tối Giáng sinh mà tôi đứng từ cửa sổ phòng ngủ nhìn ra ngoài và thấy những ngọn đèn lắc lư đi từ sân vận động vào tới khu nhà dành cho y tá. Khi họ đến gần hơn tôi có thể thấy đó là một hàng dài các cô y tá mặc chiếc áo choàng màu xanh đậm của họ và mang theo lồng đèn có những cây nến được thắp sáng bên trong. Họ hát những bài hát chúc mừng và khi họ tới gần hơn tôi có thể nhìn thấy ánh đỏ phản chiếu từ lớp lót bên trong áo choàng của họ và những sợi dây thánh giá màu trắng phía trước ngực trên đồng phục của họ. Cảnh tượng thật huyền ảo. Tiếng hát của họ như tiếng hát của những thiên thần, và tôi đứng đó nhìn ngắm một cách say mê. Một ngày không lâu trước sinh nhật bảy tuổi của tôi, tất cả bọn tôi được lệnh gói ghém đồ đạc của mình. Toàn bộ ngôi nhà sẽ chuyển đi, kể cả các nhân viên. Cottage Homes chuẩn bị đóng cửa và tất cả chúng tôi sẽ tới những trại trẻ khác. Những túi, những hộp được đặt lên một chiếc xe tải lớn và đưa đi, và một chiếc xe buýt đưa chúng tôi băng qua sông tới một khu nhà mới. Cuối cùng chúng tôi đến trước một ngôi nhà hai mặt tiền mới xây, được bao quanh bởi những ngôi nhà vẫn chưa xây xong. Người ta bảo chúng tôi rằng đây là trại trẻ Rennie Road. Thơ thẩn vào trong, chúng tôi được một người phụ nữ gọi là dì Doris - một trong số những người chăm sóc mới của chúng tôi chỉ cho xem phòng của mình. Sau đó là cả chiều tháo đồ và xếp phòng. Con gái một phòng, con trai một phòng. Chúng tôi phải dọn giường và sắp xếp gọn gàng mọi thứ xong xuôi mới được ăn. Rennie Road mới xây và rất sạch sẽ, nhưng điều đó chẳng làm tôi hứng thú. Đó cũng chỉ là một trại trẻ khác, chẳng tốt hơn nơi cũ là bao. Điều duy nhất tôi thích là nó ở gần một ngọn đồi và chúng tôi có thể lên đó chơi, chạy trên sườn đồi dốc để gió lùa vào tóc. Chuyện đó thật hay, còn những thứ còn lại cũng vẫn vậy. Chúng tôi đi học ở trường mới, và những buổi tối sau giờ học chúng tôi không được ra ngoài chơi mà phải làm việc nhà. Việc của tôi là đánh sạch giày - 12 đôi mỗi tối - xong rồi mới được đi ngủ. Tôi thường mất hơn một giờ đồng hồ để cọ sạch và đánh bóng tất cả số giày đó, và lúc xong việc cả người tôi đều lấm lem xi. Nhưng không sao. Tôi thích ngồi đó đánh giày hơn là phải giặt giũ hay quét dọn. Mặc dù chúng tôi chỉ có 12 đứa, nhưng lại có chỗ cho 13 người, vì thế chúng tôi luôn tự hỏi không biết đứa mới sẽ là ai. Những đứa trẻ mới đến luôn bị tra hỏi kĩ càng - Đã từng ở đâu, biết chơi trò gì, đã từng bị làm phiền (bạn biết ý tôi là chuyện gì rồi đấy) bởi ông bác hay dì đó chưa? Nhưng thời gian trôi qua và đứa trẻ cuối cùng vẫn chưa đến, nên tôi đã nghĩ đứa trẻ đó sẽ chẳng bao giờ đến. 4 - Irene T ôi ở với bác Jane và bác Tom được khoảng ba năm thì bác Tom bị một cơn đột quỵ khiến ông liệt nửa người và mù một bên mắt. Mới gần 40 nhưng ông không thể trở lại làm việc trong nhà máy đóng tàu được nữa. Ông rất thích công việc đó và việc bị mắc kẹt ở nhà khiến ông rất chán nản. Ông thường giận run người vì không thể làm được cả những việc đơn giản nhất cho bản thân mình như là mặc quần áo hay đi quanh nhà. Mọi việc ông đều phải dựa vào bác Jane và ông không thể đi ra ngoài. Ông từng là một người rất thích đi bộ, thường đi cả hàng vài dặm một ngày, vì thế việc không thể đi lại hẳn khiến ông có cảm giác như bị tra tấn. Vì bệnh trầm cảm của bác Tom ngày càng nặng và bác Jane rất lo lắng, tôi thường quanh quẩn trong nhà, cố gắng hết sức để giúp đỡ hai người họ. Sáu tháng sau cơn đột quỵ của bác Tom, khi tôi đang ở trường thì một người hàng xóm tới trường báo cho tôi rằng bác Tom đang chuyển biến xấu và bảo tôi về nhà ngay. Khi tôi về đến nhà, hàng xóm đã đến chật, tất cả đều liên tục lắc đầu và tự lẩm bẩm gì đó. Tôi được đưa vào phòng ngủ, nơi bác Jane và một vài người tôi không biết đang ngồi quanh giường. Bác Tom đang ngồi dựa vào thành giường, đôi mắt lồi to và bọt sùi ra ở hai bên khoé miệng bác, không ngừng rên rỉ điên cuồng. Nhìn ông đáng sợ đến nỗi tôi muốn chạy ra khỏi căn phòng đó, nhưng khi ông nhìn thấy tôi, ông rướn người về phía trước và nắm lấy tay tôi trong bàn tay lành lặn của ông, kéo tôi lại gần. Đôi mắt lồi của ông nhìn tôi chằm chằm và miệng ông sùi bọt, níu lưỡi, ông cố gắng nói gì đó nhưng những âm thanh phát ra từ miệng ông chỉ là những tiếng rên rỉ thều thào. Tôi quá sợ hãi đến nỗi chết sững, tưởng như đã mọc rễ ở đó, há hốc miệng chằm chằm nhìn ông. Những tiếng thét hoảng sợ của tôi đông cứng, không thể phát ra được nữa. Một lúc sau có ai đó trong căn phòng đã kéo tôi ra khỏi tay ông và đưa tôi đến một căn phòng khác. Tôi ngồi đó, vẫn hoảng sợ bởi hình cảnh cặp mắt lồi và cái miệng sùi bọt mép của bác Tom. Chắc chắn mọi người có ý tốt khi đưa tôi đến đó, nhưng với một đứa bé mới bảy tuổi, hình ảnh một người đàn ông ở trong trạng thái sắp chết như vậy thật là một trải nghiệm kinh khủng. Bác Tom mất tối hôm đó. Sau khi ông đi, tôi vẫn không thể gạt được kí ức về lần gặp gỡ cuối cùng với ông ra khỏi tâm trí. Tôi đã bị ám ảnh bởi cảnh tượng ấy và lo sợ ông sẽ trở lại từ dưới nấm mồ để đem tôi theo. Mãi nhiều năm sau đó tôi mới biết ông đã cố tình uống aspirin quá liều để kết thúc cuộc sống bị giam cầm trong căn hộ nhỏ bé ảm đạm đó. Sau đám tang, bác Jane quyết định đi xa. Bà đưa tôi cùng theo đến trang trại của chị gái bà - bác Kate ở một thời gian. Chúng tôi mất 2 tiếng xe buýt để đến nhà bác Kate, và tôi tự hỏi tại sao trước đó chúng tôi lại chưa đứng đến đây. Sự đối lập giữa căn hộ chật chội u ám và không gian rộng mở của trang trại thật không thể tả hết. Ngay từ khi đặt chân đến đây, tôi đã yêu nơi này. Cảm giác như cả tấn nặng đã được nhấc khỏi vai tôi và tôi thậm chí có thể bay lên. Bác Kate đúng như những gì tôi tưởng tượng về một người vợ nông dân, to lớn và vui vẻ với cặp má đỏ như quả táo chín. Ấm áp và thân thiện, bà ôm tôi như ôm con mình và tôi cũng ước gì tôi thật sự là con bà. Cả chồng và con gái của bác Kate cũng vui vẻ thân thiện như vậy, và đều có cặp má đỏ hồng. Họ lúc nào cũng đi ủng và tôi hiếm khi nhìn thấy họ - trừ sáng sớm và buổi tối - vì hầu hết thời gian họ làm việc ngoài nông trại. Họ còn có một con trai đang ở trong RAF (không quân), và cứ có chiếc máy bay nào từ doanh trại gần đó nơi anh ấy đóng quân bay qua, bác Kate sẽ lại nói “Con trai ta đó!” Ngôi nhà của gia đình bác Kate là một tòa nhà một tầng chạy dài với một cái sân lớn. Bên trong nhà có một hành lang dài chạy dọc, một bên là những cửa sổ nhìn ra sân và bên kia là một hàng những cánh cửa dẫn vào những căn phòng khác nhau. Tôi nằm chung trên chiếc giường đôi ở trong phòng với bác Jane. Những ngày đó thời tiết ấm áp và có nắng, tôi suốt ngày quẩn quanh để giúp cho gia súc ăn hoặc ngắm đàn gà trong sân và những con lợn chạy quanh chuồng. Tôi còn kết bạn với hai cô gái nhỏ, cha mẹ hai cô mở một quán rượu cách đó vài trăm thước. Họ có một cái nhà nhỏ bằng gạch cho trẻ con chơi ở sân sau và chúng tôi thường chơi ở đó suốt hàng giờ đồng hồ. Vào những buổi tối chúng tôi ngồi quanh chiếc lò sưởi lớn trong phòng khách và tôi sẽ ngồi xem những tia lửa nhảy nhót trong lò và rồi những vụn lửa bay lên trên ống khói. Những giấc ngủ của tôi sẽ luôn rất sâu và ngon lành, vì tôi đã bị kiệt sức bởi đi chơi ngoài trời cả ngày. Ngay cả bác Jane cũng có vẻ vui vẻ hơn. Bà và tôi đi bộ qua cánh đồng, và có lần nhận ra chúng tôi đang đi qua một con bò có vẻ rất có hứng thú với chúng tôi. Chúng tôi chạy vào cổng, cười lớn và nhìn chiếc váy đỏ của tôi bác Jane bảo “Vì cháu mặc màu đỏ đấy!” Đó là những ngày thật hạnh phúc và tinh thần của tôi hứng khởi hẳn. Tôi lang thang trên những cánh đồng, nhìn lên bầu trời tươi sáng trên đầu và ước rằng mọi thứ sẽ luôn như thế này, rằng bằng cách nào đó tôi có thể ở lại trang trại dễ thương này mãi mãi. Buồn thay, sau một tuần tuyệt vời đó, bác Jane và tôi phải bắt xe buýt về lại thành phố. Mới tuần trước còn ở nông trại ấm áp là thế nên căn hộ cũ giờ đây lại càng tồi tệ. Cảm giác như nó là một cái hộp tối tăm bị khóa kín và tôi cứ hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp đẽ suốt một tuần trước đó, tuyệt vọng níu kéo những kỉ niệm gợi nhớ về những thứ tươi đẹp - nếu không có những kỉ niệm đó thì thế giới trong ngôi nhà này thật quá ảm đạm. Giờ tôi đã ngủ chung trên chiếc giường đôi với bác Jane, thay vì ngủ trên chiếc tràng kỉ sần sùi tôi đã ngủ suốt 4 năm. Chiếc giường khiến tôi thoải mái hơn, nhưng dù lúc ở nông trại tôi chẳng ngại ngần ngủ chung với bác Jane thì giờ đây, ở ngôi nhà này, tôi không thấy dễ chịu khi nằm bên cạnh bà bởi vì tiếng rè rè phát ra từ máy trợ thính của bà. Tôi không dám đánh thức bác ấy - Tôi sợ điều đó sẽ khiến bà nhớ đến bác Tom. Tôi bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng. Tôi không thể gạt hình ảnh cặp mắt lồi và cái miệng sùi bọt mép của bác Tom ra khỏi đầu. Vì những cơn ác mộng và tiếng máy trợ thính của bác Jane, tôi thường thao thức suốt đêm. Một hôm, tầm đã quá nửa đêm, khi tôi đang cố ngủ thì đột nhiên tôi thấy có gì đó trông giống như bác Tom, đó là hình ảnh phản chiếu lên bức tường từ ánh sáng của đèn đường hắt vào. Ông đội chiếc mũ vải của ông và nghiêng người về phía trước, như thể đang nhìn qua cửa sổ. Tôi cảm thấy bàn tay lạnh lẽo của ông túm chặt lấy tay tôi lần nữa và tôi kéo trùm chăn qua đầu để trốn. Từ lúc đó đến sáng tôi không thể nào ngủ được, tôi cứ nằm đó, thao thức lo sợ ông sẽ đến bắt tôi. Hình ảnh đó của bác Tom cứ ám ảnh tôi. Như thể đó là điềm báo, từ đêm đó tôi luôn lo sợ chuyện gì đó sẽ xảy ra. Rồi một buổi tối vài tuần sau đó, khi tôi đang ngồi trong phòng khách cùng bác Jane thì đột nhiên bà nhảy ra khỏi ghế và bắt đầu la mắng tôi. Tôi quá đỗi kinh ngạc - bác Jane thường xuyên không bằng lòng, nhưng bà chưa bao giờ hét lên hay đánh tôi. Bây giờ đột nhiên bà đỏ mặt và cuồng loạn lên. Sợ hãi, tôi chạy trốn phía sau ghế. Và bác Jane sải bước tiến đến, nắm lấy tay tôi và kéo tôi ra. Bà bắt đầu tát tôi, hét lên “Tại mày mà ông ấy chết!” Cái tát rất đau, nhưng những gì bà nói còn tệ hơn. Lỗi của tôi? Sao đó lại là lỗi của tôi? Cuối cùng bà cũng dừng lại và thả tôi ra. Tôi chạy đi trốn đằng sau ghế, nức nở và run rẩy. Vài phút sau bà bảo tôi lên giường đi ngủ. Tôi vào phòng ngủ, thay váy và co quắp trong chăn, khóc vùi vào gối. Tại sao bác Jane lại đổ lỗi cho tôi về cái chết của bác Tom? Tôi tự hỏi không biết có đúng thế thật không. Có phải tôi đã làm gì khiến bác Tom chết? Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ xấu xa khủng khiếp vì đã khiến bác Tom phải chết và bác Jane tức giận như vậy. Những ngày tiếp theo tôi yên lặng hơn bao giờ hết. Lo sợ rằng mình đã gây lên một cái gì đó đáng sợ mà không biết, tôi quẩn quanh trong nhà, đau khổ và sợ hãi. Bác Jane lúc nào cũng mang gương mặt cau có và hiếm khi nói chuyện với tôi - điều đó chỉ làm tăng thêm cảm giác tội lỗi của tôi. Vài tuần sau đó, khi tôi đang rửa bát sau bữa xế, có tiếng gõ cửa. Chúng tôi hiếm khi có khách, vì thế tôi tự hỏi không biết đó là ai. Bác Jane bảo tôi ra mở cửa, và ngạc nhiên sung sướng làm sao đó là chị Joan của tôi. Chị ra hiệu cho tôi ra ngoài và kéo tôi lại gần để nói nhỏ với tôi rằng bác Jane không thể chăm sóc tôi nữa và tôi sẽ về sống cùng chị. Mặt tôi sáng bừng - có thật thế không? Có thật là tôi sẽ được về nhà với chị Joan không? Chị Joan quay về phía bác Jane lúc đó đã đứng ở cửa. “Cháu lấy đồ của con bé được không?” chị hỏi. “Không cần đâu”, bác Jane trả lời. “Ta lấy ra đây rồi”, và bà giơ ra một cái túi nhỏ chứa tất cả quần áo của tôi, cùng với một con búp bê da đen và một con búp bê bác Bob đã cho tôi. Tôi đã giật mình - tôi không để ý rằng hôm đó bà đã đóng gói đồ đạc của tôi. Bà nhanh chóng gật đầu với chúng tôi, quay đi và không nói thêm lời nào đóng sầm cánh cửa lại sau lưng bà. Bối tối, tất cả những gì tôi có thể nghĩ ra để nói với chị Joan là “Còn cái xe hẩy của em”. Trừ quyển truyện và con búp bê, tài sản đáng giá nhất của tôi là một cái xe hẩy nhỏ mà bác Jane và bác Tom đã mua cho tôi. Họ đã đặt nó dựa vào thành giường tràng kỷ của tôi vào buổi sáng hôm Giáng sinh và tôi đã bước qua nó - họ đã phải dẫn tôi trở lại trong phòng để chỉ cho tôi. Tôi thích cái xe hẩy đó, tôi từng dùng nó đi tới đi lui trên vỉa hè bên ngoài căn hộ. Nhưng Joan nghĩ tốt nhất là không nên gõ cửa lần nữa nên tôi đành để nó ở lại. Tôi rất buồn về chiếc xe hẩy, nhưng cũng rất vui vì được thoát khỏi nhà bác Jane. Tôi lon ton chạy trên đường bên cạnh chị Joan, liếc nhìn qua vai về phía sau vì lo bác Jane sẽ đổi ý định. Sau 4 năm trong căn nhà nhỏ buồn bã đó, thật khó có thể tin rằng tôi đang được rời đi. Và được sống cùng chị Joan! Tin tức tốt nhất. Tôi muốn hát và nhảy và la hét lên vì hạnh phúc. Nhưng tôi chắc chắn đó không phải điều đúng đắn. Chị Joan nhìn rất lo lắng, vì thế tôi không nói gì cả. Nhưng trong lòng tôi đang rất hạnh phúc. Không còn bác Jane giận dữ buồn bã trong cuộc sống của tôi nữa. Không còn tiếng máy trợ thính rè rè bên tai nữa. Không còn món lòng ghê tởm nữa. Chị Joan và gia đình chị ấy đã chuyển đến một ngôi nhà mới, cách nhà bác Jane một chặng xe buýt và thêm một đoạn đi bộ. Nó nằm ở một vùng cư xá mới trong khu Redhouse - nơi tên tất cả các đường phố đều bắt đầu bằng chữ “R”. Căn hộ hai tầng của họ nằm trên đường Revenna, với 2 phòng lầu trên và 2 phòng lầu dưới. Đầu con đường đó là đồi Bunny, đứng trên đồi có thể nhìn qua phía cánh đồng. Hầu hết các con đường ở đó đều chật kín nhà, và những ngôi nhà mới vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Con đường bên cạnh nhà chị Joan là Rennie Road. Nhà cửa bên này đường đã xây xong, nhưng bên kia đường vẫn chỉ là những đống gạch gỗ ngổn ngang trên nền xi măng. Tất cả bọn trẻ quanh đây đều chơi giữa đám vật liệu này và dùng chúng làm nơi ẩn nấp. Ở nhà mới tôi ở cùng phòng với con gái chị Joan, bé Elaine - bé đang chập chững biết đi. Chị Joan đang mang bầu một đứa nữa và tôi rất háo hức không biết mình sẽ có một cháu trai hay cháu gái. Tôi rất hạnh phúc vì được ở với chị mình, tôi đã nghĩ mình sẽ giúp đỡ chị và làm vợ chồng chị cảm thấy vui vẻ vì đã đón tôi về. Nhưng một buổi tối tôi nghe thấy tiếng anh Alan cãi nhau với chị Joan, và anh ấy bảo chị rằng họ không thể nuôi tôi ăn hay mua quần áo cho tôi mặc. Bụng tôi bất giác thắt chặt và tôi nằm đó, thao thức, cảm thấy vô cùng sợ hãi. Một lần nữa tôi lại cảm thấy mình như một con chim cu trong tổ. Tôi có phải rời đi không? Tôi sẽ đi đâu được đây? Tôi không thể nghĩ ra được còn người họ hàng nào có thể nuôi mình. Tại sao không ai muốn nuôi tôi vậy? Trong suốt những tuần sau đó tôi cố gắng hết sức có thể để làm họ muốn nuôi tôi. Tôi giúp đỡ chị Joan và chăm sóc Elaine và cố gắng không gây phiền phức khi anh Alan ở nhà. Nhưng vài lần tôi nghe thấy anh ấy nói với chị Joan rằng họ không thể có tôi trong nhà. Chị Joan cãi nhau với anh, và tôi biết anh ấy sẽ thắng, anh ấy luôn thắng khi họ cãi nhau. Tôi quá sợ hãi đến nỗi không thể nghĩ được bất cứ chuyện gì khác. Tôi sẽ phải thế nào đây? Liệu còn người bác nào đón tôi không? Ngày đó cuối cùng cũng đã tới. Khi chị Joan gọi tôi đến và nói với tôi rằng họ không thể nuôi tôi nữa, đó gần như một sự giải thoát. Chí ít tôi đã biết nơi tôi sẽ đến. Chị Joan rất buồn, vì thế nên tôi cố gắng không khóc. Chị ấy bảo với tôi rằng họ cần chiếc giường của tôi cho đứa trẻ sắp sinh, nhưng tôi sẽ được đến sống trong một ngôi nhà lớn với nhiều bạn khác, ở đó tôi sẽ được chăm sóc tốt. Chị ấy nói đến ngôi nhà lớn nào vậy? Tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là tôi không muốn đi. Tôi muốn òa khóc và van xin chị cho tôi ở lại, nhưng tôi đã không làm thế. Tôi ngồi đó, mặt trắng bệch, môi run rẩy, tự nói với bản thân mình hàng nghìn lần rằng đừng khóc. Tôi sẽ không xử sự như một đứa bé con, sẽ không khiến chị Joan buồn thêm. Chị đóng gói đồ đạc của tôi, nhưng chị nói tôi không được mang búp bê của tôi đi nên chúng sẽ phải để lại. Tôi hôn chúng và bảo Elaine chăm sóc chúng giúp tôi, rồi tôi hôn tạm biệt con bé và, nuốt nước mắt vào trong, theo chị Joan ra bến xe buýt. Khi chúng tôi ngồi trên xe, túi đồ của tôi để dưới chân, chị Joan cố gắng trấn an tôi rằng mọi thứ sẽ ổn cả thôi và chị nói chị sẽ đến thăm tôi bất cứ khi nào chị có thể. Tôi cố gắng mỉm cười, nhưng trong lòng tôi đã tuyệt vọng. Chẳng có ai yêu quý tôi, và giờ đây tôi bị đưa đến một nơi mà tôi không biết ai, và tôi không thể có những con búp bê quý giá của tôi nữa. Trước khi chúng tôi xuống xe, tôi đã run rẩy trong nỗ lực cố gắng thật dũng cảm. Chúng tôi bước vào một con đường rộng lớn đầy lá rụng, toàn những ngôi nhà rất lớn mà tôi chắc chắn hẳn phải những người rất giàu có mới sống ở đó. Tôi tự hỏi mình đang đi đâu thế này. Chúng tôi bước đến trước ngôi nhà lớn nhất. Cái tên Ashbrooke Towers được viết lên biển tên trên tường bên cạnh những cánh cổng sắt lớn. Tôi nghĩ nó thật u ám và tối tăm. Chúng tôi bước đến cửa trước và tôi có thể thấy một sân cỏ với một hố cát bên trong. Cánh cửa mở ra và một người đàn ông dẫn chúng tôi vào bên trong. Có gì đó ở ông ta khiến tôi rất sợ. Tôi cúi gằm và không dám nhìn ông ta. Không nói lời chào hỏi nào, ông ta bảo tôi bước lên lầu và đợi trên đó. Chị Joan hôn và ôm tôi, hứa sẽ tới thăm, sau đó quay người bước đi. Tôi lê chân chầm chậm lên những bậc cầu thang. Lát sau người đàn ông đi theo tôi. Ông ta lạnh lùng nói với tôi rằng tên ông ta là Walter và từ nay về sau tôi sẽ phải làm chính xác những gì tôi được ra lệnh. Ông dẫn tôi vào một căn phòng tập thể có một hàng những chiếc giường, và phòng thay đồ nơi mọi thứ của tôi sẽ để đó, sau đó ông ta bảo tôi ra ngoài và chơi với những đứa trẻ khác cho đến giờ ăn tối. Tôi lại bước từng bước lo lắng xuống dưới bậc thang và đi ra bên ngoài, có 10 đến 12 đứa trẻ khác đang chơi trên sân. Tôi lang thang xung quanh rồi sau đó đến ngồi dưới một gốc cây, nhìn lên bức tường cao bao quanh ngôi nhà. Đây là nơi những đứa trẻ bị bỏ rơi được đưa đến, tôi đã nghĩ như vậy. Những đứa trẻ giống tôi. Tôi không nói chuyện với ai, tôi cảm thấy quá buồn và sợ hãi. Tôi không muốn ở đó, tôi muốn về với chị Joan. Tôi một mình đi quanh sân cho đến khi chúng tôi được gọi vào ăn bữa xế. Chúng tôi ngồi thành hàng dài quanh bàn ăn và cầu nguyện trước khi ăn. Tôi không thể nhận ra cái gì đang đặt trước mặt mình và tôi chỉ ăn nó bởi vì cô bé bên cạnh thì thầm với tôi rằng tôi sẽ bị đánh nếu không ăn. Trước khi đi ngủ tôi được đưa cho đồng phục mới và người ta bảo tôi sáng mai sẽ đến trường mới với những đứa trẻ khác. Tôi bị sốc. Trường mới? Vậy là tôi sẽ không trở lại trường của tôi nữa? Sau khi đèn tắt tôi khóc thầm trong chăn. Ý nghĩ về việc sẽ phải đổi trường thật kinh khủng. Đã mất một thời gian dài tôi mới có thể quen với trường cũ, thế mà giờ đây tôi sẽ không được gặp thầy cô và các bạn của tôi nữa. Tôi sẽ phải đến một ngôi trường mới toàn những người xa lạ và chẳng biết gì về mọi thứ. Tôi quá sợ hãi đến nỗi tôi tự hỏi liệu mình có thể chạy trốn trong đêm. Nhưng tôi biết sẽ chẳng có cách nào trốn khỏi ngôi nhà này. Tôi đã là một tù nhân rồi. Không có búp bê tôi không có gì để ôm ấp. Tôi nhớ chúng rất nhiều. Và tôi nhớ chị Joan. Thậm chí quay trở lại nhà bác Jane cũng vẫn tốt hơn ở đây. Nhưng bà không muốn nuôi tôi nữa. Chẳng ai muốn có tôi. Tôi đã bị từ chối bởi tất cả mọi người và giờ đây tôi chỉ có một mình ở cái nơi khủng khiếp này. Cuối cùng tôi cũng thiếp đi vì kiệt sức, chỉ thức dậy một vài giờ sau đó trong trạng thái mệt mỏi với đôi mắt sưng húp và đau nhức vì khóc. Tôi mặc đồng phục mới, đi xuống ăn sáng và đi theo những đứa khác đến trường. Tôi không nói lời nào, tôi chỉ cảm thấy trống rỗng, buồn bã và bị bỏ rơi. Tôi chẳng tin có chuyện gì tốt đẹp có thể xảy đến với tôi nữa. Tài sản duy nhất tôi được phép mang theo tới Ashbrooke Towers là cái túi xách da màu nâu bác Bob cho tôi. Tôi ôm chặt nó trên đường tới trường, đi đôi giày đen nặng, quá lạc lõng và cô đơn đến nỗi không thể nói chuyện với những đứa trẻ đi cùng. Đến trường tôi được dẫn tới lớp của tôi. Cô giáo rất dễ chịu, nhưng tôi cảm thấy không hiểu nổi và không thể tập trung. Tôi tự lang thang quanh sân chơi vào giờ nghỉ giải lao, và khi vào học tôi chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ. Những ngày đó thời gian trôi qua chậm chạp kinh khủng. Tôi tuân theo rất nhiều quy định ở Ashbrooke, và phần lớn tôi tránh vướng vào rắc rối, nhưng tôi chỉ là một cô bé nhỏ đau buồn, người đã gây nên đau khổ cho gia đình tôi. Tôi thực sự chẳng mấy quan tâm đến những chuyện xảy đến với mình nữa. Tôi ở Ashbrooke được vài tháng và chưa khi nào quen nổi nó. Mùa hè mà vẫn cảm thấy lạnh, và chẳng có chỗ nào để sưởi ấm được. Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, chúng tôi cũng bị giam ở ngoài sân. Những hôm trời xấu chúng tôi co cụm chen chúc trong những khe cửa để trú, cố gắng tự làm ấm mình. Phòng bếp lớn ở tầng hầm có một ô cửa sổ lớn hướng lên sân, và khi trong bếp nóng nực, người đầu bếp sẽ mở cửa sổ cho mát. Mùi thứ ăn sẽ theo đó bay ra sân và những con mắt của chúng tôi sẽ dán vào cửa sổ, nhìn đồ ăn được chuẩn bị đặt trên chiếc bàn gỗ lớn. Đầu bếp là một bà cô đáng yêu thường thương những đứa trẻ bị lạnh cứng ngoài sân. Bà thường để chúng tôi chen chúc quanh cửa sổ tìm hơi ấm, dù bà không dám mở cửa vì sợ bị sa thải. Khi trời lạnh hơn tôi sẽ đặt tay lên trên cửa sổ và bà sẽ cúi người qua bàn và nắm tay tôi để sưởi ấm chúng. Chúng tôi tự làm ra những trò chơi riêng, treo một cái chăn lên cửa phòng thay đồ để làm bóng với ánh sáng chiếu ra từ phía sau. Hàng giờ liền chúng tôi ở đó diễn những câu chuyện hoặc làm những con rối bằng bóng ánh sáng. Bộ quần áo duy nhất của chúng tôi là quần áo đồng phục. Cuối tuần một túi quần áo sẽ được mang đến kí túc xá và bày ra. Đó là quần áo mặc cuối tuần của chúng tôi và chúng tôi thường rất hớn hở vì được mặc đồ khác. Ngoại trừ điều đó thì hầu hết các lần chẳng ai tìm được bộ quần áo nào vừa vặn. Chúng tôi lục trong đống quần áo, thử mặc những thứ khác nhau và đổi cho nhau, nhưng cuối cùng vẫn là mặc những bộ quần áo quá rộng hoặc quá chật. Chúng tôi còn phải đi những đôi giày cao cổ màu đen xấu xí mà tất cả chúng tôi đều ghét. Vì thế chúng tôi để dành một ít tiền nhận được mỗi tuần để mua giày đế mềm. Mỗi ngày khi ra khỏi cổng, chúng tôi sẽ tháo đôi giày đáng ghét ra và giấu chúng trong một cái túi ném trở vào qua bức tường cuối khu vườn, ở đó chúng sẽ lọt thỏm dưới những lùm cây. Chúng tôi sẽ đi giày đế mềm đến trường và rồi cuối ngày chúng tôi sẽ cử ra một đứa - những đứa con trai lần lượt thay phiên nhau - trèo qua tường và ném đống giày ra ngoài. Chúng tôi đổi giày và lại giấu những đôi giày đế mềm trong những bụi cây cho ngày hôm sau. Người trong gia đình có thể đến thăm, và vì thế thỉnh thoảng chị Joan hoặc chị Greta lại đến và đưa tôi ra ngoài chơi một ngày. Chúng tôi sẽ lên xe buýt tới cảng Seaham để thăm chị Pat - người vẫn đang sống cùng với bác Jen và bác Charlie. Tôi đã từng chơi với những con búp bê của chị ấy và ước gì tôi có thể được ở lại đó với chị mà không phải trở lại Ashbrooke Towers. Bác Bob cũng đến thăm tôi, và cha cũng đến nữa, dù là hiếm khi thôi. Họ vẫn sống chung trong ngôi nhà ở Pennywell và tôi muốn cha đưa tôi về sống cùng ở đó, nhưng tôi không nói. Tôi biết ông sẽ không đồng ý vì chẳng có ai chăm sóc tôi. Một ngày, tầm 6 tháng sau khi tôi đến Ashbrooke và ngay sau sinh nhật thứ 9 của tôi, bác Walter bảo tôi đừng tới trường cùng mọi người mà hãy đợi ở hàng lang cửa trước. Tôi làm theo như vậy, tự hỏi không biết có chuyện gì. Tôi nhìn thấy một chiếc xe màu đen to tiến vào cổng và hướng đến cửa trước chỗ tôi đứng. Người lái xe xuống xe và bước đến. “Irene à?”, ông ta hỏi. Khi tôi trả lời vâng, ông ta bảo tôi lên xe. Một trong những người dì chăm sóc đưa cho tôi một túi nhỏ có toàn bộ đồ đạc của tôi trong đó, và chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra mình đang bị chuyển đi. Đây thực sự là một cách làm việc thật nhẫn tâm, mọi thứ đã được chuẩn bị, không lời giải thích, không lời tạm biệt. Giống như nhiều đứa trẻ khác trước đó, tôi không được ai báo trước và không được phép tạm biệt các bạn tôi. Tôi rất muốn cảm ơn người đầu bếp vì tất cả sự tốt bụng và bàn tay ấm của bà. Nhưng tôi đã bị mang đi xa, và những đứa trẻ khác khi đi học về sẽ nhận ra tôi đã biến mất. Đó là tháng 11 năm 1959, trời rất lạnh. Tôi ngồi ở ghế sau của chiếc xe, run rẩy, túi đồ đặt trên đầu gối. Chúng tôi đi qua cổng, đi xuống những con đường tôi chưa từng thấy trước đó. Tôi không dám hỏi mình đang được đưa đi đâu, và người đàn ông đó cũng không nói gì, ông ta chỉ nhìn đằng trước và tiếp tục lái xe. Chúng tôi đi qua cầu Alexander - cây cầu bắc qua sông và tôi nhìn thấy những con tàu cùng rất nhiều thuyền nhỏ đậu trên mặt nước, và dù ngồi trong xe tôi vẫn nghe thấy những âm thanh phát ra từ những nhà máy đóng tàu. Chúng tôi đi tiếp tới một khu khác của thị trấn, hai bên đường là những ngôi nhà ngói đỏ, và đột nhiên tôi nhận ra chúng tôi đang đi qua khu nhà chị Joan. Chúng tôi dừng lại ở con đường bên cạnh đó, Rennie Road - con đường mà thời tôi còn ở cùng chị Joan nó gồm toàn những ngôi nhà xây dở. Đây thực sự là nơi tôi sẽ sống ư? Bây giờ con đường này đã được hoàn tất, và nơi trước kia chẳng có gì ngoài khung nền móng và bê tông và gạch vụn thì nay đã là những ngôi nhà mới. Ngôi nhà chúng tôi dừng bên ngoài trông cũng giống những ngôi nhà khác, ngoại trừ việc nó có vẻ dài hơn và có một mái hiên nhỏ cùng những bậc thang dẫn lên cửa trước. Nó nhỏ hơn nhiều so với Ashbrooke Towers và nhìn giống như một ngôi nhà gia đình hơn là trại trẻ. Người lái xe bảo tôi xuống xe, và tôi xuống trước, đợi ông ta lấy hành lí của tôi xuống. Cánh cửa trước nhà được mở ra một một người phụ nữ nhìn đầy đặn và thân thiện. Bà nói với tôi “Cháu hẳn là Irene”. Đứng bên cạnh bà là một cậu bé với đôi mắt màu xanh đậm và mái tóc vàng. Cậu mặc một cái quần sooc dài qua đầu gối và một cái áo ba lỗ, có cùng kiểu tóc cắt ngắn và cạo hai bên giống tất cả bọn con trai ở trung tâm chăm sóc. Cậu cười với tôi, và nhìn cậu tôi cảm thấy lòng mình ấm áp. Tôi chắc chắn tôi nhận ra cậu, nhưng tôi không thể nghĩ ra được đã nhìn thấy cậu ở đâu. Như thể tôi đã biết cậu, nhưng chắc chắn sao tôi có thể biết được chứ? Bằng cách nào đó tôi biết cậu bé đang mỉm cười này sẽ là bạn của tôi. Có lẽ ở đây sẽ không quá tệ. Tôi mỉm cười lại với cậu ấy và bước vào trong. 5 - Alan Ð ó là một ngày trời lạnh và xám xịt. Tôi ngồi trong phòng sinh hoạt chung, trên bậu cửa sổ, nhìn ra ngoài. Con đường vắng tanh và những cánh đồng ở phía xa. Tôi bảy tuổi, mẹ tôi đã chết, và tôi không biết bố và các anh trai tôi ở đâu, hay liệu tôi có thể gặp lại họ hay không. Tôi đã bị mắc kẹt ở nơi này, nơi tôi phải tuân theo vô số những luật lệ và chẳng có ai ở đây tỏ ra thân thiện. Chính lúc đó, một chiếc xe hơi lớn màu đen rẽ vào khúc quanh và dừng lại trước cửa ngôi nhà. Một người đàn ông bước ra, và sau đó là một cô bé. Cô bé nhỏ hơn tôi, mái tóc màu đỏ cắt ngắn kiểu bát úp thông thường, mặc một chiếc áo không tay màu xám đám con gái vẫn mặc, đi đôi giày cao cổ nhỏ màu đen. Tôi nhìn theo khi cô bé đi theo người đàn ông bước đến cửa trước. Chợt có gì đó vụt lên trong lòng tôi. Tôi biết cô bé! Tôi không rõ ở đâu hay như thế nào. Chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau, nhưng tôi biết cô bé. Như thể mọi thứ bừng sáng và tôi cảm tưởng như mình có thể chạy hàng dặm cùng cô mà không bao giờ mỏi mệt. Chợt tôi hiểu rằng mình sẽ không còn cô đơn nữa. Tôi nhảy xuống khỏi bậu cửa sổ và chạy tới mở cửa. Tôi đứng ở hành lang nhìn dì Doris dẫn cô bé lên cầu thang cất đồ. Tôi biết mấy phút nữa thôi cô bé sẽ xuống đây cho bữa xế. Tôi rất háo hức được gặp cô bé nên tôi quanh quẩn dưới chân cầu thang. Khi cô bé bước đến chúng tôi mỉm cười với nhau lần nữa và hỏi tên nhau. Cô ấy bảo với tôi tên cô là Irene. Tôi dẫn cô đi vòng quanh một lượt cho đến khi dì Doris nhắc đã đến giờ ăn. Trong phòng ăn có một cái bàn gỗ dài để 13 đứa trẻ chúng tôi ngồi quanh lúc ăn. Con trai ngồi một bên và con gái ngồi một bên. Thỉnh thoảng bên con gái có nhiều hơn hoặc ngược lại, tùy thuộc xem lúc đó có ai rời đi và ai mới đến. Nhưng ngay cả khi một bên quá chật và một bên quá rộng thì con trai và con gái cũng không được phép ngồi cạnh nhau. Thời đó con trai và con gái không được phép ngồi cùng hay chơi cùng nhau, trừ khi chơi chung trong cả một nhóm đông người. Nhưng chuyện chơi nhóm đông như thế cũng bị hạn chế và những đứa trẻ quá thân thiện - dù còn quá nhỏ - cũng sẽ bị phạt. Vì thế Irene ngồi ở bên kia bàn, và tôi ngồi bên này, mỉm cười ngượng nghịu với cô bất cứ khi nào dì Doris quay đi. Sau bữa ăn chúng tôi đều phải làm việc. Tôi bận bịu với việc cọ giày, những đứa khác thì lau bàn, lau nhà hoặc giặt giũ, là ủi hoặc vá quần áo. Tối hôm đó tôi và Irene không có cơ hội nói chuyện, nhưng tôi lại mỉm cười với cô khi chúng tôi lên giường đi ngủ, và cô cười lại với tôi. Và đêm đó tôi nằm trên giường, sung sướng nghĩ rằng mình đã có một người bạn, một người bạn thực sự. Tôi vẫn có cảm giác rõ ràng là tôi đã biết cô. Những ngày sau đó tôi lúc nào cũng tìm cơ hội trò chuyện với Irene. Tên bọn trẻ gọi cô bé là Rusty, bởi vì mái tóc màu đỏ của cô, và cái tên đó thật tuyệt - nó hợp với cô biết bao! Mặc dù những quy định rất nghiêm ngặt, chúng tôi vẫn tìm cách lén chơi cùng nhau. Chúng tôi phải rất cẩn thận nên chỉ nói chuyện khi các dì không ở đó. Chúng tôi đã ngồi phía sau tấm rèm trong phòng chơi. Bệ cửa sổ đủ rộng để ngồi lên, vì thế chẳng ai phát hiện ra chúng tôi, đó là một nơi trú ẩn hoàn hảo. Và ở trong không gian ấm cúng đó chúng tôi nói chuyện với nhau bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi có rất nhiều điểm chung - Irene là một trong số bốn chị em gái, tôi là một cậu bé trong gia đình có 4 anh em trai, và cả hai chúng tôi đều bị đưa đến trại trẻ vì chúng tôi đã mất mẹ khi còn quá nhỏ. Tôi chưa bao giờ kể chuyện mẹ tôi mất cho bất kì ai, nhưng bằng cách nào đó tôi đã có thể kể cho Irene nghe chuyện đó, thậm chí kể với cô ấy tôi cảm thấy thế nào. Tôi nói với cô ấy tôi nhớ cha và các anh tôi nhường nào. Và cô ấy nói cô ấy cũng nhớ cha và các chị của cô. Thật tốt khi biết rằng có ai đó hiểu được cảm giác mất mẹ rồi mất cả gia đình và bị đưa đi đến những nơi xa lạ. Cũng ấm áp như chỗ trú ẩn bên bệ cửa sổ là những lúc chúng tôi ở bên ngoài, đó là những khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Đồi Bunny nằm ngay cuối đường, chỉ cách đó một vài thước. Tất cả chúng tôi được phép lên đồi chơi vào cuối tuần, và những lúc đó tôi và Irene thường lén tách ra khỏi những đứa khác và có những chuyến phiêu lưu cùng nhau. Chúng tôi đã từng ngồi bên kia đồi, nơi có thể nhìn xa hàng dặm, nhìn xuống lâu đài Hylton hơn 400 năm tuổi bên dưới. Phía sau nó là một cánh rừng trải dài đến bờ sông và đến chỗ đài tưởng niệm Penshaw ở phía xa. Đó là một công trình lớn tốn kém và phí phạm, xây dựa trên lối kiến trúc của những ngôi đền Hy Lạp cổ đại đứng đó đầy tự hào và oai vệ trên một ngọn đồi cách đó vài dặm. Chúng tôi ngồi trên sườn đồi, nhìn những chiếc máy bay tiến đến từ sân bay ở phía xa. Đó là một chốt RAF trong chiến tranh và bây giờ được dùng để huấn luyện nhảy dù. Thỉnh thoảng những chiếc máy bay bay đến khá gần chỗ chúng tôi ngồi, và chúng tôi đã nhìn những chiếc dù màu trắng cuộn phần phật trong gió và những thân hình nhỏ tí treo lơ lửng bên dưới chúng. Chúng tôi thường vẫy tay điên cuồng, nghĩ rằng họ có thể nhìn thấy mình. Khi có cơ hội, chúng tôi sẽ đi xuống đồi và băng qua đường. Việc này bị cấm nghiêm ngặt, nhưng tính khao khát phiêu lưu của chúng tôi đã thắng. Chúng tôi trèo qua bức tường đá và nhằm hướng tòa lâu đài tiến đến cho đến khi chúng tôi tới chỗ rừng cây vốn vẫn nhìn thấy từ phía xa. Thật tuyệt vời khi đi bộ dưới những tán cây. Chúng tôi đã quen với gạch và những bức tường, vì thế cảm giác trên đường ngập lá thật ngoài sức tưởng tượng. Đó là những cây hoa chuông với mùi thơm thật ngọt ngào, những đóa hoa xanh mỏng manh như trải thảm trên nền đất vào mùa xuân và Irene hái hàng bó, mặc dù cô không thể mang chúng về nếu không muốn chúng tôi bị tống khứ khỏi nhà. Đây trở thành nơi đặc biệt của chúng tôi. Sự bình yên tĩnh lặng và những màu sắc kì diệu của hoa chuông bỗng thật như một phép màu, và chúng tôi giả vờ coi nó như nhà của chúng tôi. Chúng tôi đi tới chỗ con sông phía bên kia bìa rừng, cứ đi dọc bờ sông cho đến khi tìm thấy một nhà thờ nhỏ đã được xây dựng từ rất lâu, bây giờ đã bị bỏ hoang và đầy cỏ mọc. Một nơi bé nhỏ, cỡ chỉ bằng một căn phòng, nhưng cánh cửa cũ kĩ luôn luôn mở rộng và chúng tôi đã từng ở đó trú mưa, trốn chạy khỏi thế giới bên ngoài. Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế cũ, chuyện trò trong tiếng thì thầm bởi vì đây là một nhà thờ, giọng nói lặng lẽ của chúng tôi cũng vang vọng lên khắp những bức tường đá. Chúng tôi thích nhìn những luồng ánh sáng màu sắc xuyên qua những ô cửa sổ kính màu, và nhìn ánh sáng chiếu lên cánh cửa có đôi lúc bị tắt mất khi có những đám mây bay ngang qua che mất ánh sáng mặt trời. Đôi khi ở nơi huyền bí này chúng tôi quên bẵng mất thời gian, và khi nhận ra đã muộn chúng tôi phải chạy hết tốc lực về nhà, thở hổn hển suốt đoạn đường leo lên sườn đồi. Chắc chắn chúng tôi không bao giờ về nhà cùng nhau, nên một trong hai đứa sẽ đợi, hoặc về cùng với những đứa trẻ khác. Nếu về muộn chúng tôi sẽ bị phạt. Tôi sẽ bị bạt tai, bị giao thêm việc rồi sau đó sẽ phải đi ngủ, lúc nào cũng như vậy. Hoặc ít nhất thì tôi cảm thấy mọi thứ sẽ mãi kéo dài như vậy. Còn Irene thì lớn tuổi hơn nên hình phạt sẽ nặng hơn - cô ấy sẽ phải làm việc gấp ba lần và đi ngủ sớm trong suốt một tuần. Nên chúng tôi phải chạy như bay để tránh gặp rắc rối. Tôi vốn luôn là một đứa trẻ ưa mạo hiểm. Một ngày khi đang ở bên ngoài chơi cùng Irene và những đứa trẻ khác tôi đã tự khơi mào để chứng minh với Irene rằng tôi là người dũng cảm nhất. Ở sườn đồi chỗ chúng tôi chơi có một cái hầm trú bom cũ được xây ẩn vào trong đồi. Chúng tôi không biết cánh cửa vào hầm ở chỗ nào, chỉ có một khe bê tông hẹp có thể những người ở bên trong dùng để nhìn ra bên ngoài. Vì cái khe đó rất hẹp nên hầu hết bọn trẻ không thể chui vào bên trong. Nhưng 2 trong 3 đứa nhỏ hơn, trong đó có tôi, có thể chui lọt. Chúng tôi sẽ chui qua khe hở vào bên trong hang, chỉ để từ khe hở đó nhìn ra bên ngoài. Bên trong hang tối đen, vì thế không ai dám đi sâu vào nữa, mặc dù có lối vào đường hầm ở phía sau. Ngày hôm đó tôi đã lấy hết can đảm để khám phá đường hầm đó. Tôi bước chầm chậm, dựa vào tường để cảm nhận đường đi vì bên trong quá tối đến nỗi không thể nhìn thấy gì. Tất cả những câu chuyện tôi từng được nghe kể, về những hố đen trên mặt đất mà khi rơi xuống sẽ không thể lên được và về những con quái vật đợi chờ trong bóng tối, ào đến trong tâm trí tôi, nhưng tôi cố gạt đi, nghĩ đến Irene đang ở bên ngoài đợi tôi cùng những người khác. Đường hầm đi sâu vào trong khoảng 50 feet. Đường đi hơi uốn cong một chút và khi đi qua khúc quanh tôi không còn nhìn thấy ánh sáng le lói từ khe hở ở lối vào nữa. Tôi càng sợ hơn, nhưng ngay khi đứng trong bóng tối tôi lại càng quyết tâm tìm xem cái gì ở cuối đường hầm. Nó giống như một bài kiểm tra, và tôi sẽ không bỏ cuộc. Cuối cùng, rất lâu sau khi lần mò đường dựa vào bức tường thô ráp, tôi nhìn thấy một khe nứt đủ cho ánh sáng lọt vào và tiến đến. Ở đó có một đoạn dốc đi lên một cái lỗ. Hơi khó để lên được đến chỗ cái lỗ đó, nhưng nó to hơn hẳn khe nứt tôi đã lách vào. Tôi vô cùng phấn khích - điều này có nghĩa là tất cả bọn trẻ sẽ đều có thể vào được hang bằng đường này. Tôi vạch ra một đám dày cây tầm ma, bảo sao chúng tôi không nhìn thấy lối vào: nó đã hoàn toàn bị dải cây này che mất. Chân tay tôi đau nhói. Nhưng khi tôi chạy lại chỗ bọn trẻ tôi đã trở thành anh hùng - ít nhất trong ngày hôm đó. Chúng rất sung sướng khi tất cả đều đã có thể chui vào trong hang, và khi chúng nhốn nháo hết cả lên Irene mỉm cười và nói thầm với tôi “Giỏi quá”. Sau đó tất cả chúng tôi chơi trong hang, và những cậu bé lớn hơn lại dùng nơi này khi họ muốn lén hút thuốc. Bài học vĩ đại tôi học được ngày hôm đó đã dẫn dắt tôi qua nhiều thử thách sau này. Lần tìm đường đi trong căn hầm đó dạy tôi rằng khi bạn ở nơi tối tăm nhất, sẽ luôn có ánh sáng ở ngã rẽ tiếp theo. Tất cả những gì bạn cần là sự kiên trì và một chút lòng tin sẽ chạm đến đích, và bạn chỉ cần vượt qua nỗi sợ hãi trong phút chốc để tiến tới vinh quang. Trước khi gặp Irene tôi bị coi là một đứa trẻ phiền hà nghịch ngợm. Tôi không bao giờ tập trung nổi dù chỉ một lúc. Bất cứ khi nào tôi định tập trung, trí tưởng tượng của tôi lại đưa tôi đến những thế giới khác, đặc biệt là khi tôi ở trường. Tôi luôn gặp rắc rối, chủ yếu là vì tôi thường quên mất thời gian và bị cuốn vào trò chơi nào đó. Có quá nhiều luật lệ nên làm sao có thể không phạm quy được. Và mỗi lần như thế tôi lại bị phạt, hết lần này đến lần khác. Nhưng từ khi có Irene, tôi bắt đầu người lớn hơn. Biết rằng mình có một người bạn thực sự đã giúp tôi hài lòng hơn với mọi thứ. Tôi bắt đầu tiến bộ ở trường và cư xử tốt hơn, và trở thành - gần như là - một cậu bé mẫu mực. Tôi cảm thấy mình chững chạc hơn và có thể tập trung vào những gì tôi làm. Tôi cũng học được cách che giấu phần ngỗ ngược ở tôi để tránh bị chú ý, vì nếu như vậy tôi sẽ khó ở cùng với Irene hơn. Dù tôi và Irene cố hết sức để che giấu sự khăng khít giữa chúng tôi, tất cả bọn trẻ đều biết, và có vài anh lớn hơn đã ghen tị. Vì cô ấy 9 tuổi và tôi chỉ mới 7 tuổi, họ nghĩ cô ấy nên chú ý tới họ chứ không phải tôi, vì thế nên họ bắt đầu trêu chọc cô. Có một lần năm đứa bọn chúng đã bắt đầu gây sự với cô, đẩy cô và chửi bới. Tôi đã lao vào họ trong cơn giận dữ. Nhưng một mình tôi sao địch lại nổi họ, nên cuối cùng tôi đã bị chảy máu mũi, nhưng tôi cũng đã khiến hai thằng trong số chúng bị thương nặng đến nỗi chúng không bao giờ dám trêu Irene nữa. Phần lớn thời gian bọn con trai trong nhà tụ tập chơi với nhau. Chúng tôi gặp một vài đứa con trai quanh vùng vào cuối tuần và cùng tụ tập trên đồi Bunny. Chúng tôi tự gọi mình là Người Redhouse vì nhà chúng tôi ở khu cư xá Redhouse. Dưới chân đồi, không xa lâu đài Hylton là mấy, có một khu cư xá nữa đang được xây dựng. Toàn bộ nơi đó như một công trường xây dựng, thật tuyệt với chúng tôi. Chúng tôi chơi giữa những đống gạch và gỗ. Những đứa trẻ khu này được gọi là Người Lâu đài và là kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi. Cả hai nhóm đều tin rằng ngọn đồi thuộc về mình, và mỗi bên đều quyết tâm trừng phạt những kẻ xâm lấn đến từ băng nhóm của đối thủ. Hai nhóm thường xuyên gặp gỡ và đánh nhau. Phần lớn thời gian là ném đá, còn lại là vật nhau, đá và đấm - gây nên hậu quả là những đôi mắt tím đen cho cả hai bên. Thường thì chúng tôi thắng vì chúng tôi đông hơn - khoảng 20 thằng tất cả. Thỉnh thoảng bọn con gái cũng tham gia cùng. Irene khá giống một cô nàng tomboy, cô ấy có thể đánh trúng mang tai một đứa con trai làm nó bò lê bò càng chỉ trong nháy mắt, và cô có thể đá như một con la. Bọn con trai đều tránh đụng phải đôi giày đen bé nhỏ của cô, chúng vừa nhanh vừa cứng. Một lần bọn trẻ Rennnie Road chúng tôi đang chơi trên đồi thì tôi đi lang thang và đụng phải nhóm đối thủ gồm toàn những đứa Người Lâu đài ở dưới chân đồi. Tôi đã nghĩ mấy đứa đó cùng hội với mình. Khi tôi nhận ra sai lầm của mình thì đã quá muộn và tôi đã bị bắt giữ. Tôi bị bọn chúng xét xử như là gián điệp và bị ra lệnh phải thú nhận tội. Đầy can đảm, tôi từ chối nên đã bị kết tội và kết án treo cổ. Tôi cũng chẳng nghĩ gì cho đến khi tôi nhìn thấy một cái cây ở đó và bọn chúng có một cái hộp và một sợi dây thừng. Lúc đó tôi bắt đầu hơi lo lắng, vì bọn chúng bắt tôi đứng lên cái thùng với một cái thòng lọng quanh cổ tôi, đầu dây còn lại buộc vào cái cây phía trên tôi. Nhưng tôi vẫn không nghĩ chúng thực sự sẽ làm gì mình, cho đến khi cái hộp bị đá ra chỗ khác. Cú sốc thật quá lớn. Đột nhiên tôi bị treo lủng lẳng và sợi dây thừng thắt chặt quanh cổ tôi. Tôi không thể nói gì cũng không thể la hét; tôi bị ngạt thở và cố gắng nắm lấy sợi dây thừng. Nhưng tôi càng cố gắng xoay sở bao nhiêu thì sợi dây càng thắt chặt thêm bấy nhiêu. Khi bọn Nhà Lâu đài nhận ra những gì chúng đã làm, chúng đã hoảng loạn và thay vì giúp tôi chúng lại chạy biến. Tất cả đều biến mất. Hoảng sợ, tôi cứ nhìn theo khi cả đám bọn chúng chạy xuống dưới chân đồi. Thở hổn hển, tôi biết mình đã thực sự gặp rắc rối. Nếu sợi dây thắt chặt hơn nữa, tôi sẽ bất tỉnh, và thế là xong. Tôi không muốn chết! Tôi phải tìm cách thoát ra. Cố gắng để không hoảng sợ, tôi xoay sở nắm lấy sợi dây phía trên đầu và rướn lên để tay kia của tôi có thể nắm được cành cây nơi sợi dây đang được buộc vào. Tôi là một đứa trẻ dẻo dai mạnh mẽ và may mắn là tôi không quá nặng, vì thế tôi có thể đẩy người mình leo lên trên cành cây, và sau đó nới lỏng sợi dây quanh cổ, tháo nó ra và nhảy xuống đất. Tôi nằm đó thở hổn hển trong vài phút. Không khí chưa bao giờ ngọt ngào đến thế. Tôi ôm tay quanh cổ. Tôi có thể cảm nhận được lớp da trầy trụa của mình và tôi nhăn mặt. Tôi đã bị dây thừng cứa vào cổ đến bỏng rát, và cổ họng tôi bị thương - cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi từ từ đứng lên và bắt đầu đi bộ về Rennie Road. Tôi biết mình đã bị muộn, nhưng ít nhất tôi cũng có thể kể với mọi người chuyện gì đã xảy ra. Khi tôi rẽ vào khúc quanh tôi nhìn thấy dì Nan đang đứng ở bậc thềm trước cửa. Khi bà nhìn thấy tôi, bà đã túm lấy tôi và áp tải tôi vào nhà. “Mày không biết mày đã làm gì đâu, cậu bé, nhưng mày gặp chuyện lớn rồi đấy”, bà quát tháo. “Mày về quá trễ và tất cả chúng ta đã phải ra ngoài tìm mày.” “Cháu có thể giải thích,” tôi nói, và kể lại câu chuyện bị bắt bởi bọn Nhà Lâu đài. “Vớ vẩn”, dì Nan khịt khịt mũi. “Tao không biết mày đã làm gì với chính mày, nhưng dựng lên chuyện những đứa trẻ khác bắt giữ mày làm con tin và treo mày lên thì thật là nực cười. Mày sẽ bị đòn và phạt ở trong nhà một tuần.” Tôi cố gắng giải thích, nhưng dì Nan không quan tâm. “Nói thêm một câu nào nữa thì hình phạt sẽ nặng hơn đấy,” bà rít lên, kéo tai lôi xềnh xệch tôi lên văn phòng. Bà đánh tôi rất đau, nhưng sự bất công mới khiến tôi đau đớn hơn. Đêm đó tôi nằm trên giường tức tưởi và giận dữ, căm ghét bà ta và ước rằng tôi có thể kể với Irene chuyện gì đã xảy ra. Tôi biết cô ấy sẽ tin tôi. Tuần sau đó tôi phải ở trong nhà cả tuần khi mà những đứa khác được ra ngoài chơi. Chuyện đó thật khó khăn. Tôi ghét bị giam cầm và mong mỏi được chạy nhảy. Và tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc khi người ta không tin tôi. Sao tôi có thể tin tưởng những người lớn được cơ chứ, khi mà họ không chịu nghe sự thật? Tuần đó tôi không có nhiều cơ hội nói chuyện với Irene, nhưng vào những giờ ăn cùng nhau và bất cứ khi nào chúng tôi đi qua nhau cô đều lén dành cho tôi những ánh mắt cảm thông, và tôi biết cô rất thương tôi. Cuối tuần đó tôi rất sung sướng vì được ra ngoài, và ngay lập tức nhóm chúng tôi trả thù bọn Người lâu đâì. Chúng tôi bắt giữ 3 tên trong số chúng và giữ làm tù binh. Chúng bị kết tội làm gián điệp và bị đưa đến mỏ đá sa thạch ở bên kia đồi. Chỗ đó luôn luôn ngập nước, sâu bốn hoặc năm feet gì đó - sẽ chẳng là gì nếu bạn biết bơi, nhưng nhiều đứa trẻ ở đó vốn không biết bơi. Những tù nhân bị đưa tới cạnh hố nước và bắt phải quỳ xuống, nhìn xuống mặt nước cách mặt đất khoảng 20 feet. Chúng được hỏi sẽ tự nguyện làm gián điệp cho chúng tôi hay muốn bị ném xuống nước để trả thù cho vụ treo cổ của tôi. Cả 3 đứa đều rất dũng cảm và từ chối làm gián điệp. Nhưng tôi không thể tin nổi một đứa trong nhóm tôi - nó có tên là Cổ Cao su - đã chạy ra phía sau ba tên gián điệp kia và nhanh như chớp, đẩy tất cả xuống hố. Và thế là chúng rơi xuống, mỗi đứa khi chạm đến mặt nước đều gây ra một tiếng “ùm” lớn và rồi chìm xuống. Nước rất lạnh và chúng lại trồi lên trên mặt nước, quẫy đạp và la hét. May thay tất cả bọn chúng đều xoay sở vào được đến bờ, và khi đã ở bên bờ bên kia, thoát khỏi chúng tôi, chúng hét lên những lời chửi rủa và thề hứa sẽ trả thù. Cổ Cao su có tên thật là Ray. Nó là một đứa trẻ cỡ tám hay chín tuổi, gầy nhẳng và cao. Nó có biệt danh như thế vì mỗi khi bị ngã hoặc bị đánh trúng, nó thường bật dậy ngay lập tức và không bao giờ bị thương. Nó không phải là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, nhưng thỉnh thoảng nó có thể rất tinh ranh. Vì thế khi chúng tôi cần ai đó cho một nhiệm vụ bí mật, chúng tôi đều đề cử Cổ Cao su. Nhiệm vụ lần này là một bài kiểm tra thực sự về độ nam tính, một bí mật không bao giờ được tiết lệ, một cuộc chiến khó nhằn: nó phải lấy kẹo cho tất cả chúng tôi, lúc đêm khuya. Chúng tôi đều có một ít tiền tiêu vặt mỗi tuần, đủ để mua một cuốn truyện tranh hoặc một ít kẹo. Nhưng ngoài số đó ra chúng tôi không bao giờ có thêm gì khác, và chúng tôi nghe nói có một nhà máy đầy kẹo ở bên kia thị trấn. Như một sự trừng phạt, một trong những đứa nhỏ hơn được chọn đi cùng Cổ Cao su. Chúng tôi gọi thằng đó là Sổ mũi vì nó luôn luôn như vậy. Nó sụt sịt rồi để nước mũi nhỏ tong tong và lau mũi vào ống tay áo. Và lúc nào nó cũng đeo một cặp kính cận viền dày màu đen luôn có một mẩu băng dính ở mặt trước viền kính. Nó được lệnh đi theo Cổ Cao su, giúp Cổ cao su nếu thằng này gặp rắc rối và chạy về thông báo với mọi người nếu Cổ Cao su bị bắt. Ai cũng biết Cổ Cao su sẽ làm bất cứ điều gì một khi nó đã được thách đố, nên lúc nào nó cũng cần có người cứu hộ. Hai đứa nó đi ra ngoài, trèo qua cửa sổ phòng ngủ lúc nửa đêm, nhằm hướng nhà máy kẹo gần sân bóng Roker Park ở bên kia thị trấn. Chúng len lỏi xuống đường, tránh những ánh đèn đường và những viên cảnh sát đi tuần theo giờ. Ngày đó xe cộ trên đường rất thưa thớt, đặc biệt là vào ban đêm, ngoại trừ những chiếc xe thùng Black Maria của cảnh sát chuyên đi bắt những kẻ say xỉn. Nên nếu có ánh đèn le lói, hai đứa nó sẽ nhanh chóng trốn cho đến khi xe đi qua. Sau một vài giờ săn lùng chúng cũng tìm thấy nhà máy. Chúng len lỏi quanh bức tường phía sau nhà máy và trèo theo một đường ống thoát nước lên trên mái nhà dốc. Mái nhà khi đó là những tấm tôn xi măng lượn sóng loại giòn, rất dễ bị vỡ. Cổ Cao su bắt đầu bước trên đó và nhanh chóng bị rơi xuyên qua mái nhà, với một tiếng vỡ lớn. Nó hạ cánh xuống sàn nhà máy cách mái khoảng 20 feet, và lại ngồi dậy mà không hề bị thương chút nào. Khi mắt nó đã quen với ánh sáng mờ mờ, nó bắt đầu nhìn quanh. Nó đã ở thiên đường, bao quanh bởi những giá nối tiếp giá đựng mọi loại kẹo và sô cô la trên đời! Và cứ hết hàng giá nọ đến hàng giá kia! Nó gần như không thể di chuyển nổi vì phấn khích. May mắn thay trợ tá của nó đã được đưa cho một cái vỏ gối phòng khi xảy ra những điều không thể. Sổ mũi ném cái túi xuống và Cổ Cao su bắt đầu nhét đầy bánh kẹo vào đó trong lúc vùi mặt vào đống sô cô la trong không gian tranh tối tranh sáng của nhà máy. Cuối cùng nó cũng trèo đến góc tường và chui qua lỗ hổng trên mái nhà. Trợ tá của nó cũng đã được ăn ngay tại chỗ, và bởi vì Sổ mũi có chút linh hoạt hơn, nên nó đã che lại chỗ mái nhà bị vỡ để che đậy dấu vết của chúng. Chúng trở về qua cửa sổ phòng ngủ vào khoảng 4 giờ sáng. Chúng tôi đã choáng váng và vui mừng như điên dại khi Ray ôm vào cái túi to phồng và khi câu chuyện được kể lại, hỗ trợ bởi người bạn đồng hành mồm miệng nhoe nhoét sô cô la của nó. Chúng chính thức nhận được những lời khen ngợi và xu nịnh của chúng tôi, sau đó chúng tôi bắt đầu thì thầm, to hết mức có thể, “Cái túi, cái túi!” Cổ Cao su cởi cái túi ra, chúng tôi vây quanh nó, và kiễng chân ngó xuống. Cái túi đổ ra, hàng đống - kẹo cao su! Không có một cái kẹo nào khác, chỉ toàn những hộp kẹo cao su. Chúng tôi suýt chút nữa đã giết nó. Nhưng chúng tôi đã khám phá ra một nguồn cung cấp kẹo vĩnh viễn, và cứ mỗi tháng sau đó một vài đứa con trai dũng cảm lại được chọn để làm nhiệm vụ. Tôi luôn chia phần kẹo của mình cho Irene, nhét chúng vào túi cho đến khi chúng tôi có thể lẻn đi đâu đó một, hai tiếng và nằm trong rừng, má phồng lên vì bánh kẹo khi chúng tôi ngắm những đám mây trôi trên đầu mình. Chúng tôi đã từng tưởng tượng mình sẽ đi đâu và ở nơi đó sẽ như thế nào. Chúng tôi sẽ nói về những cuộc chạy trốn và đến sống trong rừng hoa chuông, chỉ có hai chúng tôi, tự do và hạnh phúc. Chúng tôi chia sẻ với nhau rất nhiều mơ ước. Tất cả những mơ ước đều bắt nguồn từ những cuốn sách thiếu nhi đều có câu chuyện về một ngôi nhà tranh lợp mái rạ bao quanh bởi những bông hoa tươi sáng - nơi đó luôn luôn ấm áp, có một phụ nữ to lớn vui vẻ nướng bánh mì và bánh ngọt cho rất nhiều những đứa trẻ hạnh phúc sống ở đó. Chúng tôi biết ở đó giường ngủ sẽ rất mềm mại với những cái gối lớn và những cái chăn nhiều hoa văn, và ánh mặt trời sẽ luôn chiếu qua những ô cửa sổ nhỏ. Đôi khi, lúc đi bộ trở về Rennie Road, chúng tôi sẽ nhìn qua cửa sổ của những ngôi nhà trên đường để thấy những lò sưởi ấm áp, những chiếc thiệp mừng sinh nhật đặt trên bệ lò sưởi và những đứa trẻ chơi trong nhà. Chúng tôi thấy mẹ chúng ôm hôn chúng và bọn chúng đều cười, khi đó liền tự hỏi “Tại sao đó không phải là chúng tôi?” Tại sao chúng tôi không thể sống trong một ngôi nhà như vậy, với ai đó yêu thương chúng tôi? Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn còn có nhau. Có một ngày, ngồi trên đồi xem nhảy dù, tôi đã nói với Irene rằng khi nào lớn lên tôi sẽ cưới cô. Cô suy nghĩ một lúc rồi nói cô cũng sẽ cưới tôi, và chúng tôi bắt tay để niêm phong hẹn ước. Sau đó chúng tôi lén trao nhau một nụ hôn, rất nhanh thôi. Một cái chạm nhẹ của đôi môi, một khoảnh khắc của niềm hạnh phúc thuần thiết vương vấn mãi trong tôi suốt nhiều năm về sau. 6 - Irene T rước khi đến Rennie Road và gặp Alan, tôi đã trải qua một cuộc sống chỉ tuân theo mệnh lệnh của những người lớn quanh tôi. Như thể tôi đeo một miếng che mắt, ngậm miệng lại và kìm nén tất cả những cảm xúc đau đớn trong lòng. Tôi làm những gì tôi được bảo làm, và học cách không trông chờ những điều tốt đẹp sẽ đến bởi vì cuộc đời tôi đã có quá nhiều mất mát. Nhưng khi cánh cửa Rennie Road mở ra và Alan ở đó đợi tôi để nói lời chào, mọi thứ đã thay đổi. Tôi chưa từng được chào đón một cách thân thiện như thế. Ngày hôm đó tôi bước lên cầu thang với dì Doris, cầu mong cậu bé đáng yêu đó sẽ ở đó khi tôi trở xuống. Và cậu ấy ở đó thật. Giây phút ấy tôi biết mình đã có một người bạn thật sự. Chính Alan đã dẫn tôi đi vòng quanh giới thiệu và khiến tôi cảm thấy mình được chào đón ở đây. Sau đó chúng tôi chơi cùng nhau hoặc ngồi nói chuyện với nhau bất cứ khi nào chúng tôi có thể. Và có gì đó trong lòng tôi - vốn trống rỗng - đã được lấp đầy. Tôi biết mình có thể dựa vào Alan, và tin tưởng cậu ấy. Cậu ấy sẽ ở đó vì tôi, dù bất kể chuyện gì xảy ra. Mặc dù Rennie Road giống một ngôi nhà thật sự hơn, tôi cũng sớm phát hiện ra những quy tắc ở đây nghiêm ngặt chẳng khác gì Ashbrooke Towers. Ở đây có một phòng khách lớn và một phòng chơi, hai phòng ngăn cách nhau bởi một bức vách gỗ có thể gấp lại được. Tôi đã bị ấn tượng bởi chiếc TV đặt trong phòng khách, vì trước đó tôi chưa từng nhìn thấy TV. Có một phòng ăn và một phòng bếp, bên ngoài là một khoảng sân sau lát gạch để bọn trẻ chơi và phơi đồ. Trên lầu là phòng ngủ. Hai dì mỗi người đều có riêng một phòng ngủ - những căn phòng đó lúc nào cũng được khóa. Có một phòng ngủ lớn cho sáu đứa trẻ và hai phòng ngủ nhỏ hơn cho bảy đứa còn lại. Tôi được xếp vào phòng nhỏ nhất, ở chung với hai người nữa, một chị lớn hơn và một đứa nhỏ hơn tôi. Tôi cố gắng kết bạn với hai người họ, nhưng họ nói chuyện với nhau và lờ tôi đi nên cuối cùng tôi đã phải bỏ cuộc. Sau đó tôi phát hiện ra chẳng ai ở mãi trong một phòng. Việc phân chia phòng phụ thuộc vào việc lúc đó trong nhà có bao nhiêu con trai và con gái, và bạn có thể bị chuyển từ phòng này sang phòng khác khi có một đứa trẻ chuyển đến hoặc chuyển đi. Điều này thực sự đáng lo ngại, vì bạn sẽ không bao giờ có không gian riêng của mình quá lâu. Mặc dù 2 người bạn cùng phòng có vẻ không muốn chơi với tôi, có một vài người khác có vẻ thân thiện hơn. Họ đặt biệt danh cho tôi là Rusty, cũng chẳng sao vì hầu như ai cũng có biệt danh nào đó. Có một vài đứa có vẻ gặp khó khăn. Có một cặp chị gái và em trai nhỏ đến trước tôi không lâu, tầm năm hay sáu tuổi gì đó và cả hai đều rất gầy với hai hốc mắt khô nhợt xanh xao mỗi khi họ khóc nhiều. Họ nhìn như thể bị suy dinh dưỡng và lúc nào cũng có vẻ sợ hãi và co rúm vào nhau. Tôi thường tự hỏi không biết điều gì đã làm tổn thương họ đến thế, tôi bị ám ảnh bởi khuôn mặt nhỏ bé hốc hác của họ. Và mặc dù họ có vẻ như cần nương tựa vào nhau rất nhiều thì ngôi nhà này vẫn có những luật lệ cần được tuân thủ, nên họ không được phép ngủ chung trong một phòng. Rennie Road có 3 nhân viên: Dì Doris, dì Nan và bác Margaret là người dọn dẹp. Dì Doris có thân hình khá đầy đặn và ưa nhìn, với mái tóc ngắn uốn màu nâu xám. Bà là một người rất khắt khe trong việc phải tuân thủ những quy tắc, nhưng bà có một trái tim nhân hậu, và nếu bà bắt gặp chúng tôi cư xử không đúng hay không tuân thủ quy tắc bà sẽ không phạt chúng tôi quá nặng, trừ khi đó là lỗi rất nghiêm trọng. Bà không bao giờ thể hiện bà yêu thương chúng tôi quá nhiều, dù có nhiều lần tôi cảm thấy bà muốn thể hiện điều đó. Có thể bà sợ bị liên lụy, bởi vì tôi đã sớm hiểu được rằng những đứa trẻ có thể - và đã bị - biến mất chỉ qua một đêm, bị Hội đồng đưa đến những ngôi nhà khác. Dì Nan thì gầy, tóc dì màu nâu, cắt ngắn và cũng uốn. Lạnh lùng và xa cách, bà luôn nhanh chóng quát tháo và trừng phạt cả những lỗi nhỏ nhất. Nếu bà bắt gặp bạn mắc lỗi, chắc chắn không phải hỏi bạn sẽ bị phạt. Cứ đến phiên trực của bà là bọn trẻ chúng tôi đều im lặng hẳn. Người làm nhiệm vụ quét dọn – bác Margaret cũng có thân hình gầy gò với mái tóc đen dài. Các dì thường nấu ăn và bác Margaret sẽ giúp bày biện và lau dọn, nhưng việc chính của bà là giám sát việc giặt giũ và rửa bát của chúng tôi. Cũng không phải là bà không tốt bụng, nhưng bà không mấy khi nói gì và rõ ràng là đối với bà, ở cùng chúng tôi chỉ là một công việc. Bà sống với người mẹ đã già, và giống như hai dì, bà không kết hôn và cũng không có con. Mỗi đứa chúng tôi đều được giao những công việc nhà. Việc của tôi là rửa và lau khô bát đĩa, ba lần một ngày - sau bữa sáng, bữa xế và bữa tối vào những ngày đi học và bốn lần một ngày vào những ngày cuối tuần - khi mà chúng tôi ăn thêm bữa trưa ở nhà. Tôi rửa số bát ăn cho hai hoặc ba người lớn và mười ba đứa trẻ, đó là một công việc buồn tẻ mất của tôi một tiếng đồng hồ sau mỗi bữa. Tôi ghét sự lặp đi lặp lại vô tận này, tôi muốn được giao việc gì đó khác. Nhưng tôi không được phép - các dì bảo đó là việc của tôi và tôi phải làm. Mỗi tối, tôi còn phải lau phòng thay đồ và sàn nhà chỗ gần cửa sau. Khi mọi việc xong xuôi thì cũng chẳng còn mấy chốc là đến giờ đi ngủ. Và ngoài việc nhà, chúng tôi còn phải tự giặt tay tất và đồ lót của chính mình. Có hai phòng tắm, một cho con trai và một cho con gái. Mỗi sáng và mỗi tối chúng tôi đều phải xếp hàng bên ngoài, đợi đến lượt mình rửa ráy. Vào buổi sáng thì không quá tệ: rửa mặt nhanh chóng và đánh răng là xong. Nhưng buổi tối chúng tôi phải tắm rửa, giặt tất và cả quần áo nữa. Người dì ở trong ca trực sẽ kiểm tra đồ của chúng tôi, và nếu một vết bẩn hay vết mực bị phát hiện vẫn còn trên quần áo hoặc tất, đứa trẻ đó sẽ phải đi giặt lại. Nếu đứa trẻ đó vẫn trượt bài kiểm tra “không tì vết”, nó sẽ bị phạt một tuần phải đi ngủ sớm. Điều đó khiến chúng tôi ai cũng ở lì trong phòng tắm chà đến mòn tất của mình, trong khi bên ngoài những đứa khác mất kiên nhẫn vì chờ đến lượt. Tất cả chúng tôi thi thoảng đều trượt bài kiểm tra “không tì vết” - không dễ gì mà giặt sạch hoàn toàn tất của mình - đặc biệt với những đứa trẻ còn quá nhỏ. Đôi khi chúng òa khóc sau khi cố gắng giặt sạch đồ của mình mà vẫn thất bại. Chúng tôi luôn thương chúng và muốn giúp nhưng chúng tôi không dám. Bạn phải nhìn thấy đôi mắt đại bàng của dì Nan rà soát những đồ còn lỗi và bà ta sẽ quát tháo bắt đứa trẻ đó đi giặt lại. Những ngày đầu chuyện đó đôi lần xảy đến với tôi và tôi vô cùng ghét nó. Sau đó tôi đã học được cách giặt đồ thật cẩn thận, để không còn vết bẩn nào bị lôi ra nữa. Tất cả trẻ con, không cần biết ở độ tuổi nào, đều phải lên giường muộn nhất là 8:30 mỗi tối, đều đặn bảy tối một tuần. Dĩ nhiên chuyện này vô cùng khó khăn với những đứa trẻ lớn hơn, tầm 13 hoặc 14 tuổi. Những đứa lớn này thường lên giường cùng lúc với những đứa trẻ năm hoặc sáu tuổi và rồi nằm thao thức hàng giờ. Nhưng quy tắc ở ngôi nhà này rất cứng nhắc, và không ai được phép thắc mắc. Lần đầu tiên đến đây tôi không quá bận tâm vì giờ đi ngủ - ở Ashbrooke Towers chúng tôi còn phải lên giường từ sớm hơn, nên 8:30 với tôi cũng được. Lúc đó là tôi đã mệt, đặc biệt sau một buổi tối phải rửa bát và lau nhà. Những ngày trong tuần luôn giống nhau: ban ngày đến trường, tối làm việc nhà và làm bài tập. Chẳng bao giờ có thời gian cho chúng tôi ra ngoài và chơi. Tôi sẽ nghe tiếng những đứa trẻ khác trên phố chơi trò chơi và đôi khi tôi nhìn chúng qua cửa sổ. Nhưng chúng tôi chỉ được phép ra ngoài vào cuối tuần. Đó là khi tôi lén tách khỏi những đứa trẻ khác để đi cùng Alan. Trước đó tôi vốn luôn là một cô gái nhỏ thận trọng, luôn lo sợ sẽ gặp rắc rối, nhưng ở bên cạnh Alan tôi ngày càng trở nên mạnh bạo hơn. Tôi thích được đi lên đồi Bunny cùng cậu ấy, và trốn khỏi tất cả. Chúng tôi sẽ cù nhau hoặc ôm nhau thật chặt và lăn xuống đồi cho đến khi mỏi rã rời mới buông nhau ra, cười đùa và la hét. Chúng tôi đều biết mình sẽ bị chuyển đi nếu vi phạm bất cứ nguyên tắc nào. Và chuyện một đứa con trai và một đứa con gái chơi với nhau chắc chắn là một trong những điều đó. Vì thế chúng tôi rất cẩn thận. Chúng tôi rời nhà riêng rẽ và sau đó gặp nhau ở góc phố và chỉ cùng đi bộ đoạn đường từ đó đến trường. Ở trường chúng tôi cũng không chơi cùng nhau, chúng tôi học ở hai lớp khác nhau, nhưng chúng tôi sẽ đi cùng nhau phần lớn đoạn đường về và chỉ tách ra khi tới khúc quanh ở góc phố. Những đứa trẻ khác nghĩ chúng tôi cũng như họ, nhưng chúng tôi vẫn tránh không để chúng nhìn thấy chúng tôi đi cùng nhau, vì có nhiều đường đến trường và bọn trẻ không rời nhà cùng một lúc. Một ngày, khi chúng tôi đang ngồi trên đồi nhìn lên bầu trời xanh và những đám mây trắng mịn, Alan đã cầm tay tôi, nắm chặt và nhìn tôi bằng đôi mắt màu xanh trong veo của cậu ấy, nói rằng “Khi mình lớn lên mình sẽ cưới cậu. Cậu có cưới mình không?’. Tôi nói “Có, nhưng cậu phải đợi đến khi bọn mình lớn.” Chúng tôi bắt tay và sau đó, khi đã biết không có ai đang nhìn, Alan hôn tôi. Một nụ hôn thơ ngây, mềm mại và rất nhanh, để niêm phong hẹn ước. Mặt tôi đỏ bừng và đột nhiên tôi cảm thấy xấu hổ. Kể từ khoảnh khắc ấy không hiểu sao tôi có cảm giác an toàn và bình yên. Biết rằng có ai đó quan tâm và để ý đến mình khiến tôi cảm thấy tự tin. Sau một loạt những biến cố xảy, tôi đã luôn sống trong sự bất an, nhưng ở bên Alan tôi bắt đầu tìm thấy sự tự tin mới. Chúng tôi lén có những chuyến phiêu lưu cùng nhau. Chúng tôi sẽ chạy tới chỗ lâu đài Hylton và lang thang dưới những tán cây. Cảm giác đó rất thần kì và có chút đáng sợ, vì nghe nói lâu đài đã bị ma ám bởi Cauld Lad, một chàng trai trẻ sống trong lâu đài bị sát hại bởi chính ông chủ của mình - Baron Hylton, 350 năm về trước. Đi qua lâu đài, chúng tôi tới chỗ một chiếc cầu đá bắc qua suối, chính là con đường dẫn tới rừng hoa chuông. Bước vào khu rừng đó chúng tôi cảm thấy được tự do. Chúng tôi chạy vòng quanh và cười đùa, hái hoa hoặc nằm dài trên thảm lá, ngẩng nhìn những nhành cây. Tôi từng nghĩ tiếng lá cọ vào nhau xào xạc chính là tiếng thì thầm của những nàng tiên. Chúng tôi đã mơ ước về một cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ giữa rừng cây và những thảm hoa chuông, ấm áp và an toàn, tránh xa khỏi các dì và những công việc nhà. Thích nhất là chỗ nhà thờ nhỏ cũ kĩ. Nó có mùi ẩm mốc và ướt át, nhưng đó là nơi bí mật của chúng tôi. Chúng tôi ngồi đó hàng giờ, nhìn những vệt ánh sáng đầy màu sắc xuyên qua những ô cửa kính màu. Những năm sau này, khi nhìn lại khoảng thời gian đó, tôi đã nghĩ rằng, nếu có thể, tôi sẽ ngay lập tức làm đám cưới với Alan trong nhà thờ bỏ hoang đó, trong khu rừng kì diệu đó, chạy trốn khỏi tất cả mọi thứ. Chúng tôi không bao giờ ở lại đó được lâu như mong muốn. Chúng tôi không có đồng hồ nên phải ước chừng thời gian để trở về. Càng ở lâu sẽ càng phải chạy về thật nhanh. Đôi khi những đứa khác hỏi chúng tôi đã đi đâu, nhưng chúng tôi luôn cẩn thận về vào những giờ khác nhau để tránh bị nghi ngờ và tôi sẽ nói tôi đi chơi ở bên kia đồi. Vào giờ ăn, Alan và tôi sẽ nhìn nhau, ánh mắt sáng ngời, biết rằng nơi đó vẫn là bí mật của chúng tôi. Có vài đứa trẻ đã nghi ngờ, và thỉnh thoảng chúng sẽ tóm lấy tôi, cố gắng hỏi về tôi và Alan. Nhưng tôi không bao giờ nói ra bất cứ điều gì. Cả hai chúng tôi đều không nói với bất kì ai về những cuộc phiêu lưu của cả hai đứa, biết rằng nếu nói ra cả hai chúng tôi sẽ gặp rắc rối. Một lần Alan ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác và rồi biến mất. Chằng ai nhận thấy cậu ấy đã mất tích cho đến tận bữa xế. Dì Doris đến hỏi tôi có biết cậu ấy đi đâu không và điều này khiến tôi lo lắng - dì hỏi như thế có nghĩa là dì ấy đã biết chúng tôi thân thiết với nhau. Tôi biết sắp tới chúng tôi sẽ cần cẩn thận hơn nữa, nhưng khoảng khắc đó tất cả những gì tôi có thể nghĩ chỉ là cậu ấy đã mất tích. Tôi đến ngồi trên bậu cửa sổ trong phòng chơi, ẩn mình sau tấm rèm, nhìn ra ngoài đường, lo lắng không biết có chuyện gì đã xảy ra với Alan. Trời đã tối và các dì đang đứng bên ngoài cổng chờ cậu ấy. Họ còn bảo hai cậu bé lớn hơn đi lên đầu đường tìm xem Alan có ở đó không. Khi ai đó nói đến chuyện báo cho cảnh sát tôi bắt đầu hoảng sợ. Lát sau có tiếng náo động trong phòng khách. Tôi chạy tới xem chuyện gì xảy ra. Alan đứng đó, nhìn như thể mới bị kéo qua hàng rào, cả người cậu xước xát và đầy bụi bẩn. Cả hai dì đều đang tra hỏi cậu ấy xem chuyện gì đã xảy ra. Cậu ấy nói cậu ấy bị bọn Người Lâu đài bắt giữ, nhưng các dì đều không tin và lôi cậu ấy lên lầu để đánh đòn. Tôi cảm thấy rất thương Alan đến nỗi tôi đã muốn chạy đến ôm cậu, nhưng tôi không thể. Alan bị cấm ra ngoài một tuần, vì thế tôi phải đợi cho đến khi chúng tôi có thể gặp nhau giây lát ở chỗ bậu cửa sổ sau tấm rèm mới có thể bảo cậu kể cho tôi toàn bộ những gì đã xảy ra. Cuối cùng khi đã nghe toàn bộ câu chuyện, tôi nói với cậu ấy rằng cậu ấy thật dũng cảm biết bao khi có thể trốn thoát được như thế. Sau đó một vài anh lớn tuyên chiến với nhóm Người Lâu đài. Tôi cũng tham gia với họ vì đó là cách duy nhất để tôi thể hiện cảm xúc của mình mà không bị nghi ngờ. Có vài lần tôi đã đánh nhau với những đứa Người lâu đài cùng bọn con trai nhóm tôi, và dĩ nhiên tôi cũng nhận về con mắt thâm tím đen. Kết quả là mọi người đều nghĩ tôi là tomboy chính hiệu và những đứa con gái khác không muốn chơi với tôi lắm nữa. Lúc đó tôi thấy cũng chẳng sao, vì tôi thích chơi với con trai, đặc biệt là khi Alan cũng ở trong hội đó. Nhưng sau rồi chuyện đó cũng làm tôi phiền muộn, vì tôi muốn chơi với bọn con gái nhưng họ lại từ chối chơi cùng tôi. Thỉnh thoảng có những đứa trẻ đột nhiên biến mất, và chúng tôi đều biết chúng đã bị chuyển tới những nhà trẻ khác. Nhưng chuyện đó luôn xảy ra rất nhanh đến nỗi chẳng ai trong số chúng có cơ hội nói lời tạm biệt. Những đứa trẻ mới sẽ xuất hiện thay vào chỗ trống của đứa mới bị chuyển đi, và cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn với không một lời thông báo hay giải thích nào từ những người lớn. Nhưng dù chúng tôi không thể hiện cảm xúc gì ra ngoài mỗi lần đó, trong lòng chúng tôi đều có những sự xáo trộn sâu sắc. Một đứa trẻ chúng tôi đã sống cùng suốt nhiều tháng, chơi cùng mỗi ngày bỗng dưng một buổi chiều biến mất, không còn ở đó nữa. Đó là một mối đe dọa với tất cả chúng tôi, rằng bất cứ ai trong chúng tôi cũng có thể bị chuyển đi, và chỉ có chúa mới biết là đi đâu. Tất cả chúng tôi gần như đã hình thành một gia đình, gắn bó với nhau, và khi một đứa đột nhiên biến mất, đó sẽ là một cú sốc. Thường những ngày sau khi chuyện đó xảy ra bầu không khí giữa chúng tôi cũng yên ắng hẳn. Có nhiều lần tôi đã thầm đau khổ vì mất đi những người bạn. Cùng với những đứa trẻ khác tôi sẽ nhìn chằm chằm vào chỗ trống trên bàn ăn nơi đứa đó vẫn thường ngồi, cầu mong nó sẽ xuất hiện trở lại dù biết sẽ không bao giờ chuyện đó xảy ra. Chúng tôi không được phép hỏi các dì xem bạn mình đã bị chuyển đi đâu - bất cứ câu hỏi nào kiểu như vậy sẽ được đáp trả bằng gương mặt không hài lòng đầy bực bội và một lời trách mắng. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cố làm quen với sự mất mát và hi vọng đứa kia sẽ được chuyển đến nơi nào đó tốt đẹp. Đôi khi tôi tưởng tượng ra cảnh chúng sẽ vào những ngôi nhà tốt, có những bậc cha mẹ thương yêu. Ý nghĩ đó xoa dịu tôi, dù tôi biết chắc chắn chúng không bao giờ được như vậy. Tôi thích ứng với cuộc sống trong nhà trẻ bằng cách làm một cô gái ngoan. Tôi luôn luôn lo lắng giữ cho mọi chuyện thật trôi chảy, vì thế tôi cố gắng không vướng vào những rắc rối và rất ghét phải nhìn thấy ai đó gặp rắc rối. Tôi khao khát giữ được cuộc sống yên bình, khiến các dì vui vẻ, đến nỗi có lần tôi đã nhận cả tội tôi không làm. Đó là một buổi tối, sau khi tất cả chúng tôi đã lên giường đi ngủ, đèn đột nhiên bật sáng và tất cả mọi người bị gọi dậy. 13 đứa chúng tôi, vẫn nửa tỉnh nửa mơ, không biết có chuyện gì đang xảy ra, bị dì Doris giận dữ bắt xếp thành hàng. “Có kẻ trộm trong nhà này”, dì ấy cao giọng hét lên. “Có người đã vào phòng ta và ăn trộm.” Bà lần lượt đi tới chỗ từng đứa để tra hỏi. Trong tay bà là một chiếc dép, và tất cả chúng tôi đều biết nó được dùng để làm gì. Khi lần lượt từng đứa trẻ một đều phủ nhận, dì Doris bắt đầu la lối đến việc sẽ gọi cảnh sát. Tôi rất sợ, vì tôi biết cảnh sát sẽ bắt người và đưa đến Cottage Homes. Không ai trong chúng tôi khi ấy biết Cottage Homes đã bị đóng cửa, và trẻ con trên khắp thị trấn nhiều năm sau đó vẫn còn bị dọa sẽ bị tống vào đó. Tôi tưởng tượng tất cả đám chúng tôi, cả Alan, sẽ bị nhốt trong đó mãi mãi. Ý nghĩ đó khiến tôi không thể chịu nổi, tôi òa khóc và nhận tôi. “Là cháu,” tôi nức nở. Alan nhìn tôi trừng trừng, cậu ấy há hốc miệng vì kinh ngạc. Dì bước đến chỗ tôi và với một giọng thì thầm đầy đe dọa, bà nói. “Ồ, vậy cháu đã lấy cắp gì vậy, Irene?” Tôi nhìn bà chằm chằm, hoàn toàn không có ý niệm gì, và cuối cùng đành phải thì thầm “Cháu không biết”. Dì Doris lại quay sang những đứa trẻ khác và nhìn trừng trừng vào lần lượt từng đứa một. Khi bà nhìn đến Sổ mũi, má nó ửng đỏ hết cả lên. Nó không thể giấu cảm giác tội lỗi của mình lâu hơn được nữa và nó đành thú nhận đã lấy trộm trang sức và tiền mặt. Nó đã vào phòng dì Doris khi người dọn phòng sơ suất không khóa cửa lại, và nó đã trốn dưới gầm giường đợi đến khi người dọn phòng đi khuất hẳn. Nó giao nộp lại những gì nó đã lấy, nhưng những thứ đó vẫn không đủ để cứu nó. Ngay sau đó có tiếng đập dép rất mạnh và tiếng la khóc của nó vọng ra từ văn phòng của các dì. Tất cả chúng tôi đều thương xót cho nó. Ngày hôm sau Sổ mũi xuất hiện ở bữa sáng với gương mặt ủ rũ. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy nó. Khi chúng tôi từ trường trở về, nó đã biến mất. Vào bữa xế tôi nhìn vào chỗ ngồi trống nơi nó vẫn ngồi. Sổ mũi là bạn của chúng tôi, là một phần của hội. Chắc chắn nó không đáng bị đưa đi như vậy. Chắc chắn mỗi người đều được phép mắc lỗi - dù là một lỗi rất xấu như là ăn trộm - mà không làm thế giới của họ bị đảo lộn. Nhưng thế giới ở trại trẻ vốn khắc nghiệt và cực đoan như vậy. Tất cả chúng tôi đều nhớ Sổ mũi, nhưng chúng tôi không được phép hỏi chuyện gì đã xảy ra với nó, thậm chí cũng không được nhắc đến nó nữa. Chúng tôi không nói chuyện về nó nữa, kể cả trong nội bộ chúng tôi. Không hiểu sao việc nói chuyện về một người đã đi xa dường như khiến người ta càng đau buồn hơn. Hoặc có thể vì chúng tôi không dám, vì chúng tôi biết các dì sẽ làm gì nếu họ phát hiện ra chuyện đó. Những xáo trộn vì sự biến mất của Sổ mũi phải mất một vài tuần mới dần lắng xuống. Nhưng mọi thứ biến chuyển tươi sáng hơn một chút khi kì nghỉ hè đến. Viễn cảnh sáu tuần tự do ra ngoài chơi mỗi ngày khiến tất cả chúng tôi đều hào hứng. Và vào kì nghỉ các dì cũng ít dò xét hơn - sau khi làm xong hết việc nhà chúng tôi được tự do chơi đến giờ ăn trưa và lại chơi tiếp từ sau bữa trưa cho đến bữa xế. Thật hạnh phúc, và tôi cùng Alan đã có hàng giờ chơi đùa trên đồi Bunny và trốn vào rừng hoa chuông một vài lần. Khoảng gần cuối kì nghỉ hè, chúng tôi được thông báo sẽ được đến Whitby một tuần. Điều này thật quá sức tưởng tượng. Một kì nghỉ thực sự, đi bằng xe khách và sau đó nghỉ cạnh biển, nghe có vẻ thật quá tuyệt vời. Chúng tôi rất háo hức. Ngày hôm đó chúng tôi nối đuôi nhau leo lên một chiếc xe khách, đi cùng với những đứa trẻ ở các trại trẻ khác trong thị trấn. Chúng tôi chuyện trò sôi nổi suốt dọc đường và hát những bài hát nổi tiếng thời đó, như là “The Corporation Stores” và “The Driver’s Got a Lovely Pair of Legs”. Chúng tôi cắm trại ngay ở ngoại ô Staithes - một làng chài nhỏ ở phía Bắc của Whitby, trên bờ biển Yorkshire phía Bắc, cụ thể là ở trên đỉnh một con đồi rất dốc dẫn xuống dưới làng và bến cảng. Khu cắm trại có một dãy những lều trại bằng gỗ đã từng được quân đội sử dụng như kí túc xá: một nửa cho con gái, nửa còn lại cho con trai, và riêng một bên dành cho các dì. Chúng tôi đã có những ngày nghỉ tuyệt vời. Hít căng mùi của biển và tận hưởng niềm hạnh phúc của sự tự do, chúng tôi sẽ leo lên những vách đá và chơi trên bãi biển hàng giờ đồng hồ. Tất cả các dì cũng có vẻ thoải mái hơn và giảm bớt những mệnh lệnh, do vậy ngoại trừ giờ ăn và giờ đi ngủ, thời gian còn lại chúng tôi hầu như được tự do. Đám con gái chúng tôi sẽ tụ tập trong một quán café nhỏ có tên Lều tuyết, để uống những loại đồ uống có ga và nghe cái máy hát phát những bài hát mới nhất. Chúng tôi đều cảm thấy mình là những cô gái lớn, và việc đó thật hết sức thú vị vì ở Rennie Road chúng tôi không bao giờ có thể nghe nhạc. Nhưng tôi vẫn thích hơn cả những lúc được gặp Alan trên bãi biển. Vì chúng tôi được phép chơi mà không bị ai giám sát, chúng tôi có thể dành hàng giờ ở bên nhau. Chúng tôi sẽ lượn quanh những chiếc thuyền đánh cá hoặc đi bộ dọc bờ biển, tìm những con cua trốn trong lỗ khi thủy triều xuống. Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ tìm thấy một hố nước đã được mặt trời sưởi ấm. Chúng tôi sẽ ngồi xuống, thò chân vào làn nước và ngắm những gia đình đưa nhau đi dã ngoại. Bọn trẻ con trong những gia đình đó có vẻ rất hạnh phúc và chúng luôn tươi cười. Chúng tôi nhìn chúng chạy xuống nước, khua khoắng chân tay, và khi chúng chạy vào bờ mẹ chúng đã luôn đợi ở đó để lau khô người cho chúng bằng những chiếc khăn tắm to và rồi đưa cho chúng những miếng sanwich đã được chuẩn bị sẵn. Những lúc đó tôi luôn cảm thấy buồn buồn. Tôi không thể ngăn mình ước ao được cuộn tròn trong những chiếc khăn tắm to đùng ấy. Phần duy nhất của kì nghỉ mà tôi không thích là những cuộc chơi được tổ chức bởi các dì. Họ sẽ bảo 13 đứa chúng tôi xếp thành hàng và sau đó đi diễu hành, một dì đi đầu, một dì đi cuối hàng, để tất cả mọi người đều thấy chúng tôi đến từ trại trẻ. Chúng tôi phải đi theo hàng và mọi người đều sẽ nhìn chúng tôi. Thật nhục nhã và tôi chỉ muốn chui đầu xuống đất. Những lúc đó tôi sẽ nhìn thẳng về phía trước, hai má đỏ ửng, không dám nhìn bất cứ ai. Có đôi lần chúng tôi được đưa đến Whitby và sau đó được cho phép đi lang thang ở bãi biển phía trước. Tôi thích mọi thứ ở Whitby - những bãi biển, những bến tàu, những con thuyền, những cửa hàng và những khu vui chơi. Tất cả chúng tôi sẽ mau mau chạy vào, bỏ tiền vào những trò đua xe, gắp kẹo. Nếu không tiêu tiền thì chỉ vài ngày chúng tôi sẽ đủ tiền mua cá và khoai tây chiên - đó là những món ngon nhất trên đời. Nằm ngay trước biển là những con đường rải sỏi và những cửa hàng nhỏ, và trên đỉnh đồi, sau khi phải leo 199 bước chân là nhà thờ Đức mẹ, như thể luôn nhìn ra biển để tìm kiếm những người thủy thủ mất tích từ lâu. Phía sau nhà thờ là một tu viện đã bị tàn phá. Alan và tôi đến đó, ngước nhìn lên những mái vòm to lớn vẫn còn ở đó một cách đầy kính sợ. Chúng tôi từng chạy vào nghĩa trang để tìm kiếm ngôi mộ của cướp biển đã được nghe kể. Chúng tôi đã tìm thấy nó, nhưng dòng chữ trên bia mộ đã bị mờ và rất khó nhìn, chỉ càng khiến câu chuyện đã được nghe thêm huyền bí lung linh. Ở bến cảng chúng tôi nhìn ngắm những đoàn thuyền đánh cá trở về, theo sau họ là những chú mòng biển kêu ó. Các ngư dân sẽ mang những thùng lớn chứa hải sản đánh bắt được xuống khỏi tàu, xếp kéo về bến. Chúng tôi nhìn chằm chằm vào những thùng lớn đầy tôm cá, ngạc nhiên vì chưa từng nhìn thấy nhiều hải sản như thế. Alan lúc nào cũng rất tò mò. Cậu ấy sẽ hỏi chuyện những ngư dân và người ta sẽ chỉ cho cậu xem lưới đánh cá và những con thuyền và kể cho cậu nghe về cuộc sống trên biển. Đôi lần cậu ấy còn được họ cho ngồi lên thuyền, và gương mặt rạng ngời hạnh phúc, cậu ấy sẽ ngồi đó hỏi họ hàng tá những câu hỏi. Dọc theo bến cảng còn có hàng loạt những chiếc tàu lớn xếp hàng chờ cho thuê. Người ta thường nhét người đầy chật trên tàu và khi tàu khởi hành tất cả bọn họ đều đi về phía cầu tàu, tất thảy đều cười vang thích thú. Đi qua chiếc cầu quay, qua những con đường rải sỏi bé tí, chúng tôi tìm thấy đường dẫn tới một bãi biển nhỏ bên dưới khu nhà của những người dân chài. Ở đó chúng tôi cảm thấy thật an toàn, vì các dì và những đứa trẻ khác đều sẽ không nhìn thấy chúng tôi. Đó trở thành nơi đặc biệt của chúng tôi, nơi chúng tôi có thể biến mất hàng giờ. Chúng tôi dành thời gian chơi đùa trên cát hoặc đi dọc bờ biển để nhặt vỏ sò. Tôi đã từng nghĩ một ngày nào đó tôi và Alan sẽ quay lại bãi biển đó mà chẳng có người dì nào đi theo trông chừng, cũng không cần phải trốn bất cứ điều gì nữa. Người ngư dân già ngồi bên bến cảng kể cho chúng tôi nghe những truyền thuyết về ma cà rồng mà Bram Stoker - tác giả của Dracula - đã viết trên bãi biển đó. Ông ấy cảnh báo chúng tôi rằng những đêm tối, khi mặt trăng tròn, ma cà rồng sẽ chui lên từ dưới nấm mồ của họ để tìm ai đó và uống máu của họ. Chúng tôi rất thích những câu chuyện và sẽ giả vờ la hét hoảng sợ và rồi cùng cười. Chỉ tận đến khi trời tối, nơi đó mới đột nhiên trở nên đáng sợ thật, và một hoặc hai lần tôi đã nằm trên giường và cố gắng không nghĩ đến cảnh những chiếc răng nanh sắc nhọn cắm phập vào cổ tôi. Một ngày nọ, trên bãi biển ở Staithes, tất cả bọn trẻ chúng tôi được nhét lên một cái tàu đánh cá và được đưa ra biển tham quan nhanh. Tôi không rõ lắm về chuyện đi thuyền, nhưng tôi nghĩ hẳn nó rất an toàn vì tất cả chúng tôi đều túm tụm lại với nhau và chỉ có một người ngư dân lái tàu hướng dẫn. Nhưng khi chúng tôi bập bềnh tưởng như được khoảng một dặm trên quãng đường ra biển, có ai đó đột nhiên hét lên, “Có nước trong tàu!” Nước nhanh chóng dội vào quanh chân chúng tôi, và tôi bắt đầu hoảng sợ. Hầu hết bọn tôi đều như vậy - rất ít đứa biết bơi và chúng tôi đều nghĩ mình sắp chìm. Tôi nhìn Alan - gương mặt cậu ấy đã trắng bệch nhưng vẫn bình tĩnh trong cơn hỗn loạn. Tôi ước gì mình có thể đứng cạnh cậu ấy, nhưng cậu ấy ngồi ở phía bên kia tàu. Người lái tàu nhanh chóng lái con tàu vào bờ nhanh nhất có thể, điều đó không hề dễ chút nào với một con tàu đầy những đứa trẻ đang la hét. Tưởng chừng như phải mất cả một đời mới vào lại được đến bờ, và khi đó nước đã ngập qua mắt cá chân tôi. Bọn trẻ ngã nhào lên nhau khi ai cũng vội vã xuống khỏi tàu thật nhanh. Mọi người chạy dọc bãi biển vì đã nghe thấy những tiếng khóc, bế những đứa trẻ ướt nhẹp ra khỏi tàu. Hầu hết chúng tôi đều nước mắt ròng ròng, ướt đẫm và run rẩy. Sau ngày hôm đó tôi bỗng nhiên sợ nước sâu, và buồn thay điều đó có nghĩa là tôi không bao giờ học bơi được nữa. Nhưng không chỉ mình tôi - hầu hết chúng tôi đều tránh xa những con tàu từ hôm đó. Chẳng mấy chốc đã đến ngày cuối cùng của kì nghỉ. Ngày hôm sau là chúng tôi phải trở lại Rennie Road, trở lại với trường học và những công việc nhà, vì vậy chúng tôi tha thiết muốn chơi cho hết những giờ phút cuối cùng. Có thể đó là lý do tại sao Alan và tôi quên mất rằng trước mặt các dì chúng tôi cần phải thể hiện như không liên quan gì đến nhau, chúng tôi đã quên mất chuyện đó quan trọng và cần thiết đến mức nào. Hai chúng tôi đã nói chuyện ngay trên bãi biển và khi về tới cổng trại chúng tôi vẫn còn cười đùa và trêu chọc nhau. Trước đó chúng tôi vẫn luôn trở về riêng rẽ. Nhưng khi chúng tôi về đến chỗ lều trại đầu tiên, Alan bắt đầu cù tôi và tôi cù lại cậu ấy. Nó đã biến thành một cuộc chiến cù lẫn nhau và kết cục là chúng tôi cười lăn trên mặt đất, và tôi thì la hét. Nếu như không bị bắt gặp, đó có lẽ chỉ là một trò đùa trẻ con. Nhưng chúng tôi đã đùa không đúng lúc, vì lúc đó dì Nan bước ra khỏi cánh cửa lều người lớn. Bà bắt gặp chúng tôi trên nền đất và quát tháo bắt chúng tôi đứng lên. Giây phút tôi nhìn vào gương mặt giận tím tái của bà, tôi biết chúng tôi đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Khoảnh khắc đó tôi sẽ làm bất cứ điều gì để rút lại mấy phút vừa rồi. Nhưng đã quá muộn. Dì Nan tóm lấy tôi và tát mạnh vào mặt tôi, mắng tôi rằng một người con gái sẽ không nằm ra đất như thế với một đứa con trai. Sau đó bà lôi tôi vào trong lều. Tôi đã bị sốc, dì ấy chưa từng tát tôi. Tôi ngồi trên giường mình, vùi mặt vào hai lòng bàn tay. Tôi nghe tiếng bà la mắng Alan bên ngoài và tôi rất lo cậu ấy sẽ bị đánh thậm tệ. “Chúng cháu chỉ đang chơi thôi mà”, tôi thì thầm. Chắc chắn dì Nan sẽ không làm gì quá đáng với Alan. Chúng tôi đang trong kì nghỉ và đó chỉ là một trò đùa hơi quá một chút. Chắc chắn bà sẽ hiểu điều đó. Tôi cầu mong cậu ấy sẽ chỉ phải nhận vài cái bạt dép và thêm việc nhà khi chúng tôi trở về. Nhưng đêm đó khi tôi đã nằm trên giường đi ngủ, mặt tôi vẫn còn đau nhức, dù trong viễn cảnh tồi tệ nhất, tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng những gì xảy ra đã chia lìa thế giới của chúng tôi. 7 - Alan K ỳ nghỉ của chúng tôi như thể bảy ngày hạnh phúc bất tận, khi mà tất cả những quy tắc thông thường đã bị đặt sang một bên. Vào ngày đầu tiên đến đó tôi đã có một bất ngờ lớn - hai anh tôi cũng ở đó. Trẻ con ở tất cả các trại trẻ trong vùng đều được đưa đi cắm trại, vì thế nhưng đứa trẻ có anh chị cũng ở các trại trẻ khác đều được đoàn tụ. Tôi rất vui vì gặp lại Michael và George. Nhưng có lẽ, mà chắc chắn, vì chúng tôi đã quen với việc bị chia cách nên cuộc gặp gỡ không quá hào hứng: tôi chỉ nhớ chúng tôi đã cùng chơi trên bãi biển, và thật tốt khi được ở cùng họ như vậy. Phần lớn thời gian tôi ở cùng với Irene. Chúng tôi tay trong tay, lang thang dọc theo những con đường nhỏ của Staithes và xem những người ngư dân già mang nhím biển ra bán cho du khách. Tôi bị cuốn hút bởi cái vỏ cứng đầy gai nhọn của nhím biển - nó có màu giống như màu của những con sao biển. Chúng tôi sẽ đi bộ xuống một con hẻm rất hẹp phía sau khu nhà của các thủy thủ để tới chỗ một người đàn ông già ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ trong khu vườn bé xíu sau nhà ông ta. Xung quanh ông là những vỏ sò, những đoạn dây thừng, những chậu tôm hùm và lưới. Ông làm những mô hình thuyền buồm nhỏ bằng gỗ và vải, và đặt chúng trong những cái chai. Những mô hình thuyền đặt quanh vườn nhà ông ta, đặt trên những bậu cửa sổ, chờ được cho vào chai để đưa ra biển. Ông ấy không nói cho chúng tôi biết thủ thuật cho một con tàu đầy đủ cột buồm, với những cánh buồm đã giương cao, vào bên trong một cái chai nhỏ tí. Những năm sau đó tôi đã biết cách làm thế nào, nhưng khi đó tôi mới chỉ bảy tuổi và khi đứng nhìn những công trình của người đàn ông ấy, tôi đã nghĩ nó là một kiểu phép thuật. Irene và tôi sẽ ngồi xem cả những con lạch dần ngập nước khi thủy triều dâng. Khi nước đã lên đủ độ sâu, những ngư dân sẽ nhổ neo đi đánh bắt. Đôi khi họ để chúng tôi giữ lưới hoặc giữ những chậu thả tôm hùm khi chúng được sửa bởi một ông thủy thủ có bộ râu trắng. Và trong lúc đó ông sẽ kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về biển, những truyền thuyết về những kho báu chìm sâu dưới đáy đại dương. Trong suốt nhiều năm đó, tôi đã luôn có một giấc mơ kì lạ - những bóng đen không nhìn rõ mặt đuổi tôi chạy xuống một con hầm tối tăm. Nếu giấc mơ kéo dài, thì đến cuối, trên bức tường trong đường hầm sẽ mở ra một cánh cửa bí mật và tôi có thể lách sang phía bên kia. Bên đó bầu trời xanh trong vắt, những đám mây trắng nhuộm nắng vàng ươm, và những bãi cỏ xanh mướt mát chưa từng thấy. Cánh cửa sẽ đóng lại phía sau tôi và những bóng đen đeo đuổi tôi sẽ biến mất. Ở nơi thần tiên đó, tôi chỉ có một niềm vui sướng trong trẻo - ấm áp và an toàn khỏi thế giới bên ngoài. Và đó cũng là cảm giác tôi có vào kì nghỉ đó với Irene. Ở Whitby, chúng tôi lượn lờ trong những khu vui chơi, hay đi bộ qua chiếc cầu quay và qua con đường hẹp rải sỏi để đến “bãi biển của chúng tôi” ở phía nam bến cảng. Nơi đó rất yên tĩnh và rất ít người, nên chúng tôi sẽ chơi trên cát và nhặt những vỏ sò trên bờ biển, thoải mái vì thoát khỏi con mắt trông chừng của các dì. Một buổi chiều Irene bảo sẽ đi cùng các cô gái tới quán café Lều tuyết nhỏ ở Staithes để nghe những bài hát mới được phát qua máy hát, vì thế tôi đã nhanh chóng lên kế hoạch dạo chơi với các anh tôi. Muốn quậy phá trên bến cảng một chút, ba chúng tôi đã nhằm thẳng tới một bờ đất rất dốc dẫn tới bến cảng. Trên đường đi chúng tôi gặp vài đứa con trai khác. Một trong số chúng hét lên rằng nó đã nhìn thấy một đứa con gái ở trên vách đá phía Bắc, cao hơn chỗ chúng tôi đứng khoảng 100 feet. Một đứa khác nói đó là Irene và cô ấy chuẩn bị nhảy xuống. Tôi không thể tin được. Tôi ngẩng nhìn lên vách đã và tôi có thể thấy cô gái đó đã đến gần mép bờ vách. Nhưng cô ấy đứng quá xa nên chúng tôi không thể nhìn rõ đó là ai. Michael bắt đầu chạy, theo sau là Geogre và đến tôi, hướng về cây cầu nhỏ bắc qua con lạch dẫn đường tới vách đá. Tim tôi đập thình thịch suốt đoạn đường. Đoạn đường khá xa nên mất một lúc chúng tôi mới tới được đó. Chúng tôi phải chạy qua những cánh đồng, thậm chí đã bị một người nông dân đuổi theo vì chúng tôi đã chạy qua luống rau của ông ta. Nhưng tất cả những gì tôi có thể nghĩ chỉ là Irene. “Không thể nào”, tôi liên tục thầm nghĩ. “Không thể nào.” Cuối cùng, hụt hơi, chúng tôi cũng đã lên tới đỉnh vách đá và chạy đến chỗ cô gái kia đang đứng. Và cảm ơn Chúa đó không phải là Irene. Đó là một cô bé đến từ một trại trẻ khác, cỡ 9 tuổi. Chúng tôi biết em trai cô bé, nó ở Rennie Road vùng chúng tôi. Họ hẳn đã có một thời gian khó khăn trước khi bị đưa vào trại trẻ, nhưng chúng tôi không thể tưởng tượng nổi tổn thương khủng khiếp cỡ nào đã khiến cô bé ấy muốn rời khỏi thế giới này. Michael tiến lên trước. Khi nhìn thấy anh ấy, cô bé lao mình về phía vách đá. Nhưng Michael đã nhào lên và như một cú chuồi bóng bầu dục, anh ấy giữ lấy chân cô bé. Họ đều trượt đến chỗ vách đá, xuống một đoạn dốc ngắn chỉ cách vách đá dựng đứng có 3 feet. Geogre nhào đè lên họ và giữ lấy chân Michael, khiến họ không bị trượt đi, và tôi nhảy đến giữ lấy chân Geogre. Chúng tôi giữ lấy nhau như thế khi cô gái bắt đầu giật đá và la hét bảo chúng tôi để cô ấy đi. Chúng tôi không đời nào làm thế, nhưng chúng tôi không đủ lực kéo cô bé lên khỏi chỗ dốc để thoát khỏi chỗ nguy hiểm. Khi bị treo chênh vênh như thế, tôi đã cố không nhìn xuống vì sợ hãi những tảng đá lởm chởm và biển phía dưới. Một phút sau, một bác nông dân già hổn hển tiến đến và nhìn thấy những gì đang diễn ra, ông đã trượt xuống và nắm lấy một cánh tay đang vùng vẫy của cô bé. Sau đó một cảnh sát đến, có lẽ những người trên đồng đã báo cảnh sát vì nghĩ chúng tôi là những kẻ phá hoại. Ông tháo mũ, trượt xuống, giữ lấy cánh tay kia của cô và tất cả chúng tôi kéo cô bé lên. Cô bé đã bình tĩnh trở lại và viên cảnh sát đưa cô bé băng qua cánh đồng trở về, còn bọn con trai chúng tôi thở phào, vỗ lưng nhau vì đã làm rất tốt. Buồn là, chúng tôi biết chắc chắn cô bé đó sẽ lại tìm cách làm thế. Nghe nói cô ấy đã tự tử nhiều lần ở trại trẻ, và có vẻ như dù còn rất nhỏ cô cũng đã quyết định rời bỏ thế giới này. Khi chúng tôi trở lại bến cảng, chúng tôi gặp em trai cô, chắc mới chỉ tầm năm hoặc sáu tuổi. Chúng tôi nói với cậu bé chuyện xảy ra. Cậu òa khóc và chạy mất, và từ đó cho đến hết kì nghỉ chúng tôi không gặp lại chị em họ lần nào nữa. Ngày hôm đó tôi rất tự hào về các anh tôi và trong mắt tôi họ là những anh hùng. Họ không ngần ngại giúp đỡ dù chính họ cũng gặp nguy hiểm. Chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời và buồn bã khi nghĩ đến chuyện phải trở về. Irene và tôi đã đi chơi ở bãi biển lần cuối, chỉ trở lại lều khi bắt đầu cuộc chiến cù của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ gì cả, chỉ là hai đứa trẻ đuổi nhau và chơi vui vẻ. Nhưng khi dì Nan bắt gặp chúng tôi, chuyện đó đột nhiên trở thành chuyện lớn. Chúng tôi đã quên mất những quy tắc, và bây giờ chúng tôi phải trả giá. Chúng tôi bị đưa về lều của từng đứa, và một lúc sau dì Nan nói thẳng với tôi một cách rất gay gắt rằng tôi bị cấm đến gần bất cứ bạn gái nào, đặc biệt là Irene. Sau đó như thường lệ, tôi nhận được một cái bạt tai. Chỉ còn một ngày nữa là phải về Rennie Road, và tôi không thể đến gần để nói chuyện với Irene trong thời gian ít ỏi còn lại này. Tôi chơi trên bãi biển với một vài đứa con trai, nhưng tôi không biết rằng lúc đó có nhiều đứa đã bị các dì tra hỏi về mối quan hệ giữa tôi và Irene. Ở nhà Huấn luyện viên dẫn đoàn, tất cả trẻ con đều hát bài “Show me the way to go home”, nhưng tôi không cả muốn tham gia cất lời. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, buồn và có chút sợ hãi. Liệu có phải tôi sẽ không được chơi với Irene nữa? Các dì sẽ chia tách chúng tôi ra? Tôi cầu nguyện cho tất cả những chuyện này sẽ sớm bị lãng quên và tôi và Irene lại có thể trốn vào rừng, với những chuyến phiêu lưu mới. Về đến nhà chúng tôi bận bịu dỡ đồ và chuẩn bị quay lại trường. Dưới con mắt canh chừng của các dì, tôi và Irene chỉ có thể thỉnh thoảng trao nhau những cái nhìn cảm thông. Buổi sáng thứ hai đã tới, và tất cả chúng tôi đều đã sẵn sàng trở lại trường học. Tôi càng háo hức hơn vì chắc chắn tôi sẽ gặp Irene trên đường đi học. Một khi ra khỏi tầm mắt các dì, chúng tôi sẽ lại có thể gặp nhau và đi cùng nhau. Nhưng ngay trước giờ đi học, dì Nan gọi tôi ra một chỗ và bảo tôi đến đợi trong phòng chơi. “Ở đó cho đến khi ta gọi.” Bà ra lệnh cho tôi như vậy. Tôi ngồi trong phòng chơi, nhìn ra ngoài cửa sổ, tự hỏi chuyện gì xảy ra. Những đứa trẻ khác đã bắt đầu rời nhà đến trường. Có phải các dì vẫn còn tức giận chuyện tôi chơi với Irene? Có phải tôi sắp bị đánh? Nhưng tại sao không cho tôi đến trường? Tôi nhìn thấy Irene vẫy tay với tôi khi cô rẽ lên đường chính. Tôi ước sao mình có thể đi cùng cô, nói chuyện và lúc lắc cái cặp sách thay vì ngồi mãi ở đây một mình. Tôi chưa bao giờ phải ngồi trong một căn phòng và bắt chờ đợi như thế này. Tôi đợi và đợi, nhưng không ai xuất hiện. Tôi áp sát tai vào cánh cửa. Tôi có thể nghe thấy tiếng người quét dọn đang làm việc của bà và các dì đang tán gẫu với nhau, nhưng tôi không thể nghe được những gì họ nói. Cuối cùng rất lâu sau, có lẽ là một hay hai tiếng gì đó, tôi thấy một chiếc xe ô tô màu đen cũ kĩ đậu bên ngoài cửa trước. Đột nhiên, tôi bị sốc vì bàng hoàng nhận ra những chuyện sắp đến. Tất cả chúng tôi đều biết chuyện gì xảy ra khi một chiếc xe màu đen xuất hiện. Ai đó sắp bị đưa đi. Và lần này là tôi. Tôi sợ hãi và tuyệt vọng. Họ không thể - chắc chắn không thể - đưa tôi xa Irene. Họ đánh tôi hay cấm túc tôi hay bắt tôi làm thêm việc nhà một năm cũng không sao, miễn là họ đừng chuyển tôi đi. Một người phụ nữ có mái tóc xám tiêu, ăn vận gọn gàng trong bộ đồ vải tuýt bước xuống xe và bước tới cửa trước. Bà ta vào nhà và tôi nghe thấy bà ta nói chuyện với các dì. Tôi ngồi đó, chết sững, chờ đợi, tha thiết cầu mong chuyện đó không phải là sự thật. Tôi nhảy giật mình khi cánh cửa đột nhiên mở ra. Dì Nan bước vào và nói “Đi thôi”. Bà dẫn tôi ra khỏi nhà, mở cửa sau của chiếc xe ô tô và gật đầu bảo tôi bước lên. Tôi muốn gào khóc, la hét và van xin bà để tôi ở lại, nhưng nhìn gương mặt lạnh lùng của bà tôi biết mình chẳng còn hy vọng gì. Sững sờ, tôi leo vào trong xe, trong lúc đó dì Nan vào trong và trở ra với một vài túi đồ. Sau đó dì cho chúng vào cốp xe và rồi chẳng nói một lời, thậm chí không cả nhìn tôi, dì quay gót bước vào nhà, chỉ dừng lại một thoáng để nói gì đó với người phụ nữ kia trước khi đóng cánh cửa nhà lại sau lưng. Người phụ nữ lên xe và lái xe đi. Chiếc xe rẽ ở khúc quanh, tôi không còn nhìn thấy ngôi nhà nữa, cũng không còn thấy cả thế giới của tôi nữa. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là Irene. Cô ấy sẽ không biết tôi đi đâu. Sao tôi có thể nói với cô ấy tôi ở đâu được đây? Người phụ nữ đó nói chuyện rất thoải mái. Bà ta bảo tôi gọi bà là Matron và hỏi tôi có biết mình đang đi đâu không. Tôi bảo bà tôi không biết và bà nói, “Cháu sẽ đến sống với ta.” Mặc dù tôi đã biết mình đang bị chuyển đi, những lời bà ta nói vẫn khiến tôi choáng váng. Tôi không muốn đi cùng đến sống với bà ấy, tôi đã sống ở Rennie Road rồi. Lòng tôi quặn thắt và tôi cảm thấy hoảng sợ. Tôi muốn đập lên cửa xe, van nài bà ta đưa tôi trở lại. Nhưng tôi đã học được cách che giấu cảm xúc của mình trước những người lớn quản lý, vì nó sẽ chỉ dẫn đến nhiều hình phạt hơn. Tôi sẽ không cho họ thấy tôi bị tổn thương đến mức nào. Vì thế tôi vẫn ngồi im lặng, chỉ nhìn đăm đăm ra ngoài cửa kính, không nghe thấy bất cứ thứ gì người phụ nữ kia trò chuyện hỏi han. Đột nhiên tôi bừng tỉnh. Tôi phải nhớ đường mình đã đi, để có thể biết đường trở về gặp Irene. Chúng tôi băng qua một con sông, hướng lên phía bắc và đi qua trung tâm thị trấn. Nhưng sau đó có quá nhiều đường nhánh chằng chịt và dù tôi đã rất cố gắng, tôi không thể nhớ được đường đi nữa. Tôi không biết những mình đã đi qua những đâu, chỉ biết đó là một đoạn đường dài. Tôi có thể cảm thấy vết thương đau đớn dâng trên trong lòng mình nhưng tôi cố kìm nén lại, quyết tâm không thể hiện ra cho ai thấy. Tôi cảm thấy như thể mình ngã vào một cái hố đen. Thế giới an toàn và bí mật của tôi với Irene đã trôi xa theo từng dặm đường tôi đi và tôi bắt đầu cảm thấy mọi thứ vỡ vụn. Khi đến đến nơi ở mới, tôi đã không còn là đứa trẻ ở Rennie Road ngày xưa nữa. Tôi đã biến thành một con người khác, một tôi tối tăm hơn, một tôi mà trong lòng chất chứa đầy cay đắng và căm giận những người lớn đã khiến tôi bị tổn thương hết lần này đến lần khác, và tôi quyết tâm sẽ bằng cách nào đó khiến họ phải chịu đựng những tổn thương đó. Cuối cùng chúng tôi đã dừng lại bên ngoài một căn nhà lớn có những bậc cầu thang dẫn lên cửa trước. Người phụ nữ dẫn tôi vào. “Đây là Eslanade”, bà ta nói với tôi như vậy. “Từ nay trở đi cháu sẽ ở đây. Chúng ta có vài cậu bé khác - cháu sẽ gặp chúng khi chúng đi học về”. Bà có vẻ thân thiện, nhưng tôi chẳng quan tâm. Tôi không muốn ở nơi này, nó đã quá xa Irene của tôi, xa mọi thứ thân thuộc ở Rennie Road. Tại sao tôi lại bị chuyển đi? Có phải vì trận cù với Irene không? Tôi tha thiết cầu mong mình có thể quay ngược """