"
Suy Tưởng - Blaise Pascal full mobi pdf epub azw3 [Triết Học]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Suy Tưởng - Blaise Pascal full mobi pdf epub azw3 [Triết Học]
Ebooks
Nhóm Zalo
TỦ SÁCH TRIẾT HỌC
BLAISE PASCAL
SUY TƯỞNG
Quách Đình Đạt dịch
Phạm Viêm Phương hiệu đính & chú thích
NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI ebook©tudonald78 | 06-01-2022
Ebook này được thực hiện theo dự án “SỐ HÓA SÁCH CŨ” của diễn đàn TVE-4U.ORG
TÁC GIẢ
--------
BLAISE PASCAL
(1623-1662)
Blaise Pascal (1623 - 1662) là nhà toán học, vật lý, nhà phát minh, tác giả, và triết gia Công giáo người Pháp, được coi là một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong lịch sử trí thức Tây phương.
Là cậu bé thần đồng, Pascal sớm có những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu về chất lưu, và làm sáng tỏ những khái niệm về áp suất và chân không bằng cách khái quát hóa công trình của Evangelista Torricelli.
Năm 1642, Pascal phát minh ra máy tính cơ học, chế tạo 20 máy tính loại này (gọi là máy tính Pascal) trong vòng mười năm. Pascal là một nhà toán học tài danh, giúp kiến tạo hai lĩnh vực nghiên cứu quan trọng: viết một chuyên luận xuất sác về hình học xạ ảnh khi mới 16 tuổi, rồi trao đổi với Pierre de Fermat về lý thuyết xác suất, có ảnh hưởng sâu đậm trên tiến trình phát triền kinh tế học và khoa học xã hội đương đại. Tiếp bước Galileo và Torricelli, năm 1646, ông phản bác những người theo Aristotle chủ trương thiên nhiên không chấp nhận khoảng không. Kết quả nghiên cứu của Pascal đã gây ra nhiều tranh luận trước khi được chấp nhận.
Sau một trải nghiệm tâm linh xảy ra cuối năm 1654, ông từ bỏ nghiên cứu khoa học, và hiến mình cho triết học và thần học. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Pascal đánh dấu giai đoạn này: Lettres provinciales (Những lá thư tỉnh lẻ) và Pensées (Suy Tưởng).
--------
LỜI NGƯỜI DỊCH VÀ NGƯỜI BIÊN TẬP
Chúng tôi thực hiện bản dịch này dựa chủ yếu vào bản tiếng Anh của W. F. Trotter được Trường Đại học Adelaide công bố tại https:// ebooks.adelaide.edu.au/p/pascal/blaise/p27pe/index.html với tựa Pensées; Dự án Gutenberg công bố tại http://www.gutenberg.org/ files/i8269/i8269- h/i8269-h.htm#Footnote_A_1 với tựa Pascal's Pensées; và bản tiếng Anh trong Tủ sách Kinh điển Harvard (Harvard Classics: https://www.bartleby.eom/48/1/1.html. Ngoài ra, chúng tôi còn đối chiếu với bản Anh, The Thoughts of Blaise Pascal, của Charles Kegan Paul, được Online Library of Liberty công bố tại http://oll.libertyfund.org/titles/pascal the-thoughts-of-blaise-pascal; bản tiếng Pháp do Thư viện Trường Đại học Freiburg công bố tại https://www.ub.uni freiburg.de/fileadmin/ub/referate/04/pascal/pensees.pdf; bản in tiếng Pháp: Pensées của nhà xuất bản Agora (2003) do Philippe Sellier biên soạn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố theo sát bản tiếng Pháp mỗi khi thấy có khoảng cách giữa hai bản, dù không phải lúc nào cũng thành công.
Tác phẩm kinh điển này đã được bao thế hệ biên tập viên sắp xếp và sửa chữa, bao thế hệ học giả nghiên cứu, phê bình và chú giải, nhưng do khả năng có hạn, chúng tôi không thể tham khảo rộng rãi nhiều công trình lớn trong số đó, mà chỉ khai thác những nguồn có sẵn và dễ tiếp cận trên Internet. Trang mạng mà chúng tôi tin cậy và khai thác nhiều nhất, khi dịch cũng như khi soạn cước chú, là http://www.penseesdepascal.fr/, một trang chuyên về tác phẩm này, và tập hợp rộng rãi nhiều kết quả nghiên cứu và chú giải gần đây nhất.
Về những nhân danh và địa danh trong Kinh Thánh, chúng tôi giữ nguyên cách phiên âm của bản dịch tiếng Việt hiện đang lưu hành vì chúng đã quen thuộc với bạn đọc, nhất là bạn đọc Công giáo.
Với tình hình như thế, chắc chắn bản dịch này còn thiếu sót và sai lạc nên chúng tôi mong nhận được góp ý và chỉ bảo để hoàn thiện hơn cho những lần tái bản sau này. Chúng tôi cũng mong rằng sau này sẽ có những dịch giả và nhà nghiên cứu khác bắt tay vào tác phẩm này để khai quật đến hết kho tàng tư tưởng trong đó.
--------
LỜI GIỚI THIỆU CỦA THI SĨ T. S. ELIOT
Có thể dường như mọi điều cần nói về Blaise Pascal, và về hai tác phẩm làm nên tên tuổi cho ông, đều đã được phát biểu rồi. Các chi tiết về cuộc đời của ông đã được biết đầy đủ đến hết mức chúng ta muốn biết; những khám phá về toán và vật lý của ông đã được mổ xẻ nhiều lần; cảm nghĩ tôn giáo và quan điểm thần học của ông đã được bàn đi bàn lại; và bút pháp văn xuôi của ông đã được các nhà phê bình Pháp phân tích đến từng chi tiết tinh tế nhất. Nhưng Pascal là một trong những tác giả vốn sẽ và phải được nghiên cứu tiếp tục trong mỗi thế hệ. Không phải là ông ấy thay đổi mà là chúng ta thay đổi. Không phải kiến thức của chúng ta về ông ấy tăng thêm mà vì thế giới của chúng ta và thái độ của chúng ta đối với thế giới đó đã thay đổi. Lịch sử các ý kiến của con người về Pascal và những người có tầm vóc như ông chính là một phần trong lịch sử nhân loại. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ông.
Những dữ kiện về cuộc đời của Pascal, trong chừng mực cần thiết cho bài giới thiệu ngắn gọn này cho cuốn Pensées, là như sau. Ông sinh ra ở Clermont, Auvergne, năm 1623. Gia đình ông nằm trong nhóm khá giả thuộc giai cấp trung lưu lớp trên. Cha ông là một viên chức chính phủ, người có khả năng, lúc qua đời, để lại một tài sản đầy đủ cho một cậu con trai và hai cô con gái của ông ta. Năm 1631, cha của ông chuyển đến Paris, và vài năm sau đó đã nhận một chức vụ công quyền khác tại Rouen. Dù sống nơi nào cha của Pascal có vẻ đều hòa nhập vào giới tinh hoa nhất, và với những người nổi tiếng trong khoa học và nghệ thuật. Blaise Pascal được cha giáo dục hoàn toàn ở nhà. Ông đã phát triển sớm, thực sự quá sớm, vì việc chuyên chú học tập trong tuổi thiếu niên và thanh niên đã làm
suy yếu sức khỏe của ông, và là nguyên nhân cho cái chết của ông ở tuổi 39. Người ta còn giữ được những mẩu chuyện lạ thường, mặc dù không phải không đáng tin, nhất là về sự phát triển rất sớm của ông trong toán học. Trí óc của ông chủ động hơn là tích lũy; ông đã cho thấy từ lúc còn rất nhỏ cái thiên hướng muốn tự mình tìm ra mọi thứ, vốn đã đặc trưng cho tuổi thơ của Clerk-Maxwell và các nhà khoa học khác. Trong những khám phá sau này của ông về vật lý không cần đề cập đến ở đây; mà chỉ phải nhớ rằng ông được coi là một trong những nhà vật lý và toán học vĩ đại nhất mọi thời đại; và những khám phá của ông đã được thực hiện trong độ tuổi mà hầu hết các nhà khoa học vẫn còn là người học nghề.
Cha của Pascal, ông Étienne, là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành. Vào khoảng năm 1646, ông tán đồng vối một số đại diện của phong trào phục hưng tôn giáo trong Giáo hội mà sau này được gọi là phái Jansen [đạo lý khắc khổ] - theo tư tưởng của Jansenius, Giám mục Ypres, với tác phẩm thần học được xem như nguồn gốc của phong trào. Giai đoạn này thường được xem là thời điểm của việc “cải đạo lần đầu” của Pascal. Tuy nhiên, từ “cải đạo” có tính quá cưỡng bách không thể áp dụng được vào thời điểm này cho chính Blaise Pascal. Gia đình ông luôn mộ đạo, và chàng trai trẻ Pascal, mặc dù chìm trong công trình khoa học, dường như không bao giờ bị ảnh hưởng bôi sự mất đức tin. Chắc chẳn, mối quan tâm của ông lúc đó đã được hướng đến các vấn đề tôn giáo và thần học; nhưng thuật ngữ cải đạo chỉ có thể được áp dụng cho các chị em của ông - bà chị, đã là Bà Périer, và nhất là cô em, Jacqueline, người lúc đó đã hình thành thiên hướng cho một đời sống tôn giáo. Bản thân Pascal tuyệt không có ý định từ bỏ thế gian. Sau khi cha của họ mất vào năm 1650, Jacqueline, một thiếu nữ trẻ có sức mạnh và vẻ đẹp tính cách đáng kể, mong muốn được khấn trọn đời làm nữ tu ở tu viện Port-Royal, và có thời gian, ước muốn của cô không được hoàn thành do sự phản đối của ông anh. Sự phản đối
của ông dựa trên lý do hoàn toàn thể tục rằng cô muốn chuyển phần thừa kế của cô cho tu viện; trong khi cô sống với ông, phần tài sản kết hợp của hai người khiến ông có thể sống gần với một mức độ chi tiêu phù hợp với sở thích của ông hơn. Trên thực tế, ông không những muốn gia nhập vào tầng lớp tinh hoa nhất, mà còn có được xe và ngựa - có lúc xe của ông được thắng tới sáu con ngựa. Mặc dù ông không có quyền pháp định để ngăn em gái mình tùy nghi sử dụng phần tài sản của cô ấy theo cách cô ấy chọn, nhưng Jacqueline dễ thương cũng không muốn làm vậy mà không có sự sẵn sàng tán thành của ông anh. Mẹ bề trên Angélique - chính bà cũng là một nhân vật nổi bật trong lịch sử của phong trào tôn giáo này - cuối cùng đã thuyết phục đưực cô tập sinh bước vào dòng tu mà không được thỏa mãn trong việc mang theo tài sản kế thừa của mình; nhưng Jacqueline vẫn rất đau khổ vì tình trạng này đến độ ông anh của cô cuối cùng phải đổi ý.
Cho đến nay như được biết, cuộc sống ngoài đời của Pascal trong giai đoạn này khó có thể được xem là “phung phí”, và chắc chắn không phải là “trụy lạc”. Ngay cả cờ bạc có lẽ chỉ thu hút ông chủ yếu là do nó đem lại một nghiên cứu về xác suất toán học. Ông dường như đã sống một cuộc sống mà bất kỳ người trí thức có học nào với địa vị tốt và sinh kế độc lập có thể sống và xem mình là một kiểu mẫu của sự trung thực và đức hạnh. Thậm chí chẳng có chuyện tình ái nào bị gán cho ông, mặc dù ông được cho là đã nghĩ đến hôn nhân. Nhưng phái Jansen, được đại diện bởi cộng đoàn tôn giáo ở Port-Royal, về mặt đạo đức là một phong trào Thanh giáo trong Giáo hội, và các tiêu chuẩn ứng xử của nó ít nhất cũng nghiêm khắc như của bất kỳ phái Thanh giáo nào ở Anh hay Mỹ. Tuy nhiên, thời kỳ của xã hội thời thượng, trong cuộc sống của Pascal, lại rất quan trọng trong sự phát triển của ông. Nó mở rộng kiến thức của ông về con người và tinh lọc thị hiếu của ông; ông trở thành một người lịch duyệt và không bao giờ mất đi những gì ông học được; và khi ông hướng tư tưởng của mình hoàn toàn
về tôn giáo, tri thức thế tục của ông là một phần trong kết cấu vốn thiết yếu cho giá trị của tác phẩm của ông.
Sự quan tâm của Pascal đối với xã hội không làm ông xao lãng nghiên cứu khoa học; giai đoạn này cũng không chiếm nhiều không gian trong một cuộc sống rất ngắn và chen chúc. Một phần do sự không thỏa mãn tự nhiên của ông với một cuộc sống như vậy, một khi ông đã học được tất cả những gì mà nó có thể dạy cho ông, một phần do ảnh hưởng của cô em thánh thiện Jacqueline, một phần do đau đớn thể xác tăng dần khi sức khỏe của ông suy sụp, tất cả hướng ông ngày càng rời xa thế gian và đi tới những suy tưởng về vĩnh cửu. Và năm 1654 đã xảy ra sự kiện được gọi là “lần cải đạo thứ hai” của ông, nhưng có thể được gọi đơn giản là cải đạo.
Ông ghi lại trải nghiệm thần cảm của mình, điều mà ông luôn giữ kín bên mình, và người ta tìm thấy chúng, sau khi ông chết, được khâu vào chiếc áo khoác mà ông đang mặc. Trải nghiệm này xảy ra vào ngày 23.11.1654, và không có lý do gì để nghi ngờ tính xác thực của nó trừ khi chúng ta muốn phủ nhận mọi trải nghiệm thần cảm. Bây giờ, Pascal không phải là một nhà thần cảm, và các tác phẩm của ông không được xếp vào loại văn phẩm thần cảm; nhưng những việc chỉ có thể được gọi là trải nghiệm thần cảm vẫn xảy ra với nhiều người không trở thành nhà thần cảm. Tác phẩm mà ông viết ngay sau đó, Lettres écrites à un provincial (Những bức thư cho một bạn tỉnh lẻ), là một kiệt tác về tranh luận tôn giáo ở cực đối lập với thuyết thần cảm. Chúng ta biết rất rõ rằng vào lúc nhận được sự soi sáng từ Thiên Chúa ông đang trong tình trạng sức khỏe tệ hại; nhưng chuyện một số dạng bệnh tật lại cực kỳ thuận lợi cũng là điều thường gặp, chứ không riêng cho sự soi sáng về tôn giáo, mà còn cho sáng tạo nghệ thuật và văn chương. Một văn phẩm được nghiền ngẫm, dường như không chút tiến triển, trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể đột nhiên hiện rõ hình vóc và lời lẽ; và trong trạng thái này, những đoạn văn dài
có thể ra đời mà không đòi hỏi, hoặc chỉ đòi hỏi chút ít, sửa chữa. Tôi không có lời lẽ hùng hồn để nói về việc phát triển lối viết tự động như kiểu mẫu cho sáng tác văn học; tôi không chắc lắm liệu tác giả có thể phát triển những khoảnh khắc này hay không; nhưng những người mà gặp được điều này chắc chắn sẽ có cảm giác mình là công cụ chứ không phải là kẻ tạo tác. Không có kiệt tác nào có thể được ra đời hoàn toàn bằng phương tiện như vậy; nhưng ngay cả dạng thần hứng tôn giáo cao hơn cũng không đủ cho đời sống tôn giáo; ngay cả nhà thần cảm cao nhất cũng phải trở về với thế giới, và dùng lý trí của mình để vận dụng những kết quả từ trải nghiệm của mình trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể gọi nó là sự hiệp thông với thần linh, hoặc bạn có thể gọi nó là sự kết tinh tạm thời của tâm trí. Cho đến khi khoa học có thể dạy chúng ta tái tạo hiện tượng như vậy theo ý muốn, khoa học vẫn không thể tuyên bố đã giải thích được chúng; và chúng chỉ có thể được đánh giá qua thành quả của chúng.
Từ thời điểm đó cho đến khi qua đời, Pascal gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn Port-Royal mà em gái Jacqueline, người chết trước ông, đã tham gia như một nữ tu sĩ; cộng đoàn này lúc đó đang chiến đấu với Dòng Tên để tồn tại. Năm tuyên bố, vốn bị một ủy ban gồm các hồng y và nhà thần học tại Roma phán xét là dị giáo, đã được xác định là được nêu ra trong tác phẩm của Jansenius; và cộng đoàn Port-Royal, đại diện của phái Jansen giữa các cộng đồng mộ đạo, bị một đòn trí mạng mà sau đó nó không còn phục hồi lại được. Đây không phải là chỗ để xem xét những tranh cãi và xung đột cay đắng; tường thuật tốt nhất, từ quan điểm của một nhà phê bình thiên tài vốn không đứng về phe nào, không phải là người theo phái Jansen hay Dòng Tên, chẳng phải người Thiên Chúa giáo hay dân ngoại đạo, là tường thuật trong tác phẩm tuyệt vời của Sainte-Beuve, Port-Royal. Và trong cuốn sách ấy, những phần dành cho chính Pascal nằm trong số những trang phê bình tuyệt vời nhất mà Sainte-Beuve từng viết. Nó đủ để
nhận thấy rằng công việc kế tiếp của Pascal, sau khi cải đạo, là viết mười tám “Lettres”, mà như áng văn xuôi nó có tầm quan trọng lớn lao trong nền móng của bút pháp cổ điển Pháp, và về mặt bút chiến thì chẳng ai vượt qua được, dù là Demosthénes, hoặc Cicero, hoặc Swift. Những lá thư ấy có những hạn chế của mọi tác phẩm bút chiến và tranh luận: chúng thuyết phục, chúng quyến rũ, chúng không sòng phẳng. Nhưng cũng thật không sòng phẳng khi khẳng định rằng, trong Lettres écrites à un provincial, Pascal đã tấn công bản thân Dòng Tên. Nói đúng hơn, ông tấn công vào một trường phái giải nghi học cụ thể vốn nới lỏng các đòi hỏi của tòa giải tội; một trường phái chắc chắn đã phát triển mạnh trong Dòng Tên vào thời điểm đó, và trong đó hai tu sĩ Tây Ban Nha, Antonio de Escobar y Mendoza và Luis de Molina, là những vị thẩm quyền lớn nhất, ông rõ ràng đã lạm dụng nghệ thuật trích dẫn, vì một tác giả bút chiến khó tránh được việc đó; nhưng đã có những lạm dụng để ông lạm dụng; và ông đã làm việc đó tới nơi tới chốn. Những bức thư của ông trong tác phẩm trên không thể được gọi là thần học. Thần học hàn lâm không phải là bộ môn mà Pascal thông thạo; khi cần thiết, các cha cố ở Port-Royal đã đến giúp ông. Các thư ấy là công trình của một trong những bộ óc toán học tốt nhất của bất kỳ thời đại nào, và của một người lịch duyệt muốn nối chuyện, không phải vời các nhà thần học, mà với mọi người nói chung - tất cả những người có học thức và nhiều người ít học thức hơn trong đám đông thế tục ở Pháp; và với công chúng này, những bức thư ấy đã đạt được thành công đáng kinh ngạc.
Trong thời gian này, Pascal không hề hoàn toàn từ bỏ những mối quan tâm với khoa học. Mặc dù trong các tác phẩm tôn giáo, ông viết chậm chạp và vất vả, và chỉnh sửa thường xuyên, nhưng trong các vấn đề toán học tâm trí của ông dường như di chuyển với sự uyển chuyển và thoải mái tự nhiên tột bậc. Những khám phá và phát minh nảy ra từ bộ não của ông không chút vất vả; trong số các tiện ích nhỏ của giai đoạn sau này, dịch vụ
xe ngựa chuyên chở công cộng đầu tiên ở Paris được cho là có nguồn gốc từ tài phát minh của ông. Nhưng sự suy sụp sức khỏe mau lẹ, và sự miệt mài trong công việc lớn mà ông có trong tâm trí, khiến ông không còn lại bao nhiêu thời gian và năng lượng trong hai năm cuối đời.
Kế hoạch của công trình mà chúng ta gọi là Pensées này đã hình thành vào khoảng năm 1660. Cuốn sách hoàn chỉnh hẳn đã là một lời biện hộ cho Thiên Chúa giáo được kết cấu cẩn thận, một Apologia đích thực và một loại tựa như Grammar of Assent,1 đưa ra những lý do vốn sẽ thuyết phục dân trí thức. Như tôi đã nói ở trên, Pascal không phải là nhà thần học, và về thần học tín lý ông đã nhờ cậy các cố vấn tâm linh của ông. Ông cũng không thực sự là một triết gia có hệ thống. Ông là một người với một tài năng thiên bẩm to lớn về khoa học, và đồng thời là một nhà tâm lý học và luân lý tự nhiên. Vì ông là một nghệ sĩ văn chương vĩ đại, cuốn sách của ông hẳn cũng là cuốn tự truyện tâm linh của ông; bút pháp của ông, tránh dùng mọi phong cách đặc thù giảm nhẹ, nhưng vẫn đầy cá tính. Hon hết, ông là người có những đam mê mãnh liệt; và niềm đam mê trí tuệ của ông đối với chân lý đã được củng cố bởi sự bất thỏa mãn dữ dội với cuộc sống con người trừ khi có thể tìm thấy một lời giải thích tâm linh.
Chúng ta phải coi Pensées chỉ là những ghi chú sơ khởi cho một tác phẩm mà ông để lại khi chưa có chút dấu hiệu hoàn thành nào; chúng ta có, theo cách nói của Sainte-Beuve, một tòa tháp gồm những viên đá được đặt chồng lên nhau, nhưng không có hồ vữa, và cấu trúc chưa hoàn thành. Trong những năm đầu, trí nhớ của ông đã ghi nhớ một cách đáng kinh ngạc bất cứ điều gì ông muốn nhớ; và nếu nó không bị suy yếu do bệnh tật và đau đớn ngày càng tăng, có lẽ ông sẽ không hề cảm thấy buộc lòng phải chép lại những ghi chú này. Nhưng đón nhận tác phẩm này như nó được để lại, chúng ta vẫn thấy rằng nó chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử văn
học Pháp và trong lịch sử suy niệm tôn giáo.
Để hiểu được phương pháp mà Pascal sử dụng, người đọc phải được chuẩn bị để dõi theo tiến trình tinh thần của tín hữu thông minh này. Nhà tư tưởng Thiên Chúa giáo - và tôi muốn nói tới con người đang cố gắng một cách có ý thức và tận tâm để giải thích cho chính mình cái trình tự vốn lên đến đỉnh điểm trong đức tin, chứ không phải là người biện bạch với công chúng - tiến bước bằng sự từ chối và loại bỏ. Ông ta thấy thế giới là như vậy và như vậy; ông thấy tính chất của nó không thể giải thích được bởi bất kỳ lý thuyết phi tôn giáo nào; trong số các tôn giáo, ông tìm thấy Thiên chúa giáo, và Công giáo, để giải thích thỏa đáng nhất cho thế giới và nhất là cho thế giới đạo đức nội tại; và do đó, qua những cái mà Newman gọi là những lý do “mạnh mẽ và đồng thời”, ông thấy mình gắn bó chặt chẽ không rời được với giáo lý về Nhập thể. Đối với người vô tín ngưỡng, phương pháp này có vẻ sai sự thực và trái khoáy; bởi vì người vô tín ngưỡng, như một quy luật, thì không lao tâm khổ tứ như vậy để giải thích thế giới cho chính mình, cũng không quá lo âu như vậy trước sự rối loạn của nó; họ cũng thường không quan tâm (theo thuật ngữ hiện đại) đến việc phải “bảo tồn các giá trị”, ông không cho rằng nếu những trạng thái cảm xúc, sự phát triển tính cách nào đó, và điều có thể được gọi là “tính linh thánh” theo nghĩa cao nhất vốn dĩ và được biết là tốt qua kiểm tra, thì lời giải thích thỏa đáng về thế giới phải là lời giải thích thừa nhận “thực tại” của những giá trị này. Ông cũng không xem cách suy luận như vậy là chấp nhận được; có thể nói, ông cắt tỉa giá trị của mình theo [kích cỡ] tấm vải của mình, bởi vì với ông những giá trị như vậy không có giá trị lớn. Người vô tín ngưỡng khởi hành từ đầu ngược lại, và rất có thế với câu hỏi, “Một trường hợp sinh sản đơn tính [sinh sản không thụ tinh] ở người thì có đáng tin cậy không?” và điều nay ông có thể gọi là việc đi thẳng vào trung tâm của vấn đề. Bây giờ phương pháp của Pascal là, nhìn chung, phương pháp
tự nhiên và phù hợp với tín đồ Thien Chúa giáo; và phương pháp ngược lại là do Voltaire chủ trương. Thật đáng giá khi nhớ rằng Voltaire, trong nỗ lực bác bỏ Pascal, đã nêu ra một cách dứt khoát kiểu bác bỏ như vậy; và rằng những kẻ sau đó phản đối Apologie de la religion chrétienne (Biện hộ cho đạo Thiên Chúa) của Pascal đã không đóng góp gì nhiều ngoài những điều không liên quan về tâm lý học. Bởi vì Voltaire đã trình bày, tốt hơn bất kỳ ai kể từ đó về sau, quan điểm không tín ngưỡng là gì; và cuối cùng tất cả chúng ta phải chọn cho chính mình giữa một quan điểm này hay một quan điểm khác.
Tôi đã nói ở trên rằng phương pháp của Pascal “nói chung” là phương pháp của người biện hộ Thiên Chúa giáo tiêu biểu; và sự dè dặt này được nhắm tới niềm tin của Pascal vào những phép lạ, điều này đóng vai trò lớn hơn trong kết cấu của ông, ít nhất, cũng lớn hơn mức ta thấy ở tín đồ Công giáo tự do hiện đại. Sẽ thật tuyệt vời khi chấp nhận Thiên Chúa giáo bởi vì trước tiên chúng ta tin rằng những phép lạ trong Phúc âm là có thực, và dường như thật là bất kính khi chấp nhận tôn giáo ấy chủ yếu bởi vì chúng ta tin rằng những phép lạ gần đây là đúng; chúng ta chấp nhận các phép lạ, hay một số phép lạ, là có thực bởi vì chúng ta tin Phúc âm về Đức Giêsu: Chúng ta đặt niềm tin của mình vào những phép lạ dựa trên Phúc âm, chứ không phải đặt niềm tin của chúng ta vào Phúc âm dựa trên phép lạ.
Nhưng ta phải nhớ rằng Pascal đã bị ấn tượng sâu sắc bởi một phép lạ đương thời, được gọi là phép lạ của Cây gai thánh: một cây gai được cho là lấy ra từ vương miện gai của Giêsu rồi được ép vào một vết loét và nó lành lại nhanh chóng. Sainte-Beuve, một bác sĩ, cảm thấy chính mình có cơ sở vững chắc, thảo luận rốt ráo lời giải thích có thể có về phép lạ rõ ràng này. Đúng là phép màu đã xảy ra tại Port-Royal, và nó đến đúng lúc đế hồi sinh tinh thần suy sụp của cộng đồng trong những phiền não chính trị của
nó; và rất có thể rằng Pascal có nhiều ý hướng tin rằng một phép lạ đã được thực hiện với cô em yêu dấu của mình. Trong mọi trường hợp, nó có thể khiến ông dành một chỗ đứng cho phép lạ trong nghiên cứu của ông về đức tin, một chỗ đứng mà chưa chắc chính chúng ta sẽ dành cho chúng.
Giờ đây, đối thủ lớn mà Pascal quyết định phản bác, kể từ thời điểm của các cuộc trò chuyện đầu tiên của ông với M. de Sad tại Port- Royal, là Montaigne. Người ta không thể phá hủy Pascal, chắc chắn; nhưng trong số tất cả các tác giả, Montaigne là một trong nhưng vị khó có thể bị phá hủy nhất. Bạn cũng có thể xua tan một màn sương mù bằng cách ném lựu đạn vào đó. Vì Montaigne là một màn sương mù, một loại khí, một chất lỏng, yếu tố ngấm ngầm. Ông ta không biện luận, ông ta gợi ý, quyến rũ, và gây ảnh hưởng; hoặc nếu ông ta biện luận, bạn phải được chuẩn bị cho việc ông ta có sẵn ý đồ nào đó dành cho bạn hơn là thuyết phục bạn với lập luận của ông ấy. Hầu như không quá đáng khi nói rằng Montaigne là tác giả thiết yếu nhất cần biết, nếu chúng ta muốn hiểu được tiến trình tư tưởng của Pháp trong ba trăm năm qua. Trong mọi phương diện, ảnh hưởng của Montaigne là đáng ghét đối với những người ở Port-Royal. Pascal nghiên cứu ông ta với ý định đánh đổ ông ta. Tuy nhiên, trong Pensées, vào đoạn cuối cuộc đời của Pascal, chúng ta thấy hết đoạn văn này đến đoạn văn khác, và càng sơ lược thì chúng càng quan trọng, gần như đều “móc” ra từ Montaigne, tới tận một hình thái tu từ hay một từ. Những điểm song hành2 thường gặp nhất là với tiểu luận dài của Montaigne có tựa là “Apologie de Raymond Sébond” [Biện hộ cho Raymond Sébond] - một văn phẩm lạ lùng mà Shakespeare có lẽ cũng đã dựa vào đó khi viết Hamlet. Thật vậy, cho tới lúc mà ai đó hiểu Montaigne đủ rõ để công kích ông ấy thì người đó hẳn đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng của ông ấy rồi.
Tuy nhiên, sẽ thật là không công bằng với Pascal, với Montaigne, và
thực sự đối với văn học Pháp, khi bỏ lửng vấn đề ở đó. Nó không phải là việc hạ thấp tầm vóc của Pascal, mà chỉ là một động tác nâng cao cho Montaigne. Nếu Montaigne là một người hoài nghi bình thường, một người nhỏ bé như Anatole France, hoặc thậm chí là một người to lớn hơn như Ernest Renan, hoặc thậm chí là người hoài nghi lớn nhất, Voltaire, “ảnh hưởng” này sẽ làm mất uy tín của Pascal; nhưng nếu Montaigne không hơn gì Voltaire, ông ta hẳn đã không ảnh hưởng gì tới Pascal. Những hình ảnh của Montaigne vốn tự hiện ra trước hết với chúng ta, hình ảnh của một “tính cách” cô lẻ độc đáo và độc lập, chìm đắm trong việc phân tích bản chất rất thú vị, thì đầy tính lừa dối. Montaigne không hề là chủ nghĩa hoài nghi giới hạn, giống như chủ thuyết của Voltaire, Renan, hoặc France. Ông tồn tại, có thể nói, trên một bình diện của rất nhiều vòng tròn đồng tâm, rõ ràng nhất trong số đó là vòng tròn nhỏ nhất, một chủ nghĩa hoài nghi tinh quái cá nhân có thể dễ dàng bị bắt chước nếu không muốn nói là bị mô phỏng. Nhưng điều khiến Montaigne trở thành một nhân vật rất lớn là việc ông đã thành công, có Chúa mới biết làm thế nào - vì Montaigne rất có thể không biết rằng ông đã làm được thế - đó không phải là loại chuyện mà người ta có thể nhận thấy ở mình, vì nó cơ bản lớn hơn ý thức của cá nhân - ông đã thành công trong việc đưa ra biểu hiện cho chủ nghĩa hoài nghi của mỗi con người. Bởi vì mọi người nghĩ và sống bằng tư tưởng phải có thái độ hoài nghi riêng của mình, điều đó dừng lại ở câu hỏi, kết thúc từ chối, hoặc điều dẫn tới đức tin và bằng cách nào đó được tích hợp vào đức tin vốn vượt qua nó. Và Pascal, như biểu trưng cho một loại tín đồ tôn giáo, vốn thiết tha và nồng nhiệt, nhưng chỉ thiết tha qua một trí tuệ mạnh mẽ và được điều tiết, trong những phần đầu của Apologie de la religion chrétienne chưa hoàn thành của ông, lại đối mặt không nao núng với con quỷ của lòng nghi hoặc vốn không thể tách rời khỏi tinh thần của niềm tin.
Như thế, có một điều gì đó hoàn toàn khác với ảnh hưởng vốn sẽ chứng tỏ điểm yếu của Pascal; có một mối liên hệ thực sự giữa sự nghi hoặc của ông và của Montaigne; và thông qua quan hệ họ hàng chung với Montaigne, Pascal liên quan đến truyền thống cao quý và lỗi lạc của các nhà đạo đức Pháp, từ La Rochefoucauld về sau. Trong sự trung thực khi đổi mặt với những dữ kiện của thể giới thực, truyền thống [tư tưởng] Pháp này có một phẩm chất độc đáo trong văn học Âu châu, và trong thế kỷ XVII, so với họ Thomas Hobbes là loại còn thô lậu và kém khai hóa.
Pascal là một người lịch duyệt giữa những người khổ hạnh, và là một nhà khổ hạnh giữa những người lịch duyệt; ông có kiến thức về tính thế tục và niềm đam mê của tinh thần khổ hạnh, và trong ông hai mặt này được hợp nhất thành một tổng thể cá nhân. Đa số nhân loại thì lười suy nghĩ, thờ ơ, chìm đắm trong những phù phiếm, và hờ hững trong cảm xúc, và do đó không có khả năng có nhiều nghi ngờ hoặc nhiều niềm tin; và khi người bình thường tự xưng là người hoài nghi hoặc vô tín ngưỡng, thì đó thường là một tư thế đơn giản, che giấu sự miễn cưỡng không muốn suy nghĩ bất cứ điều gì cho đến rốt ráo. Phân tích trần trụi của Pascal về cảnh nô lệ của con người đôi khi được lý giải là Pascal thực sự và rốt cuộc là một người vô tín ngưỡng, một người mà, trong nỗi tuyệt vọng, không có khả năng chịu đựng được thực tại và vui hưởng sự thỏa mãn dũng mãnh trong việc chẳng sùng bái đấng nào cả của con người tự do. Sự tuyệt vọng, sự vỡ mộng của ông, tuy nhiên, không hề minh họa cho sự yếu đuối cá nhân; chúng hoàn toàn khách quan, bởi vì chúng là những khoảnh khắc quan trọng trong bước tiến của linh hồn có trí tuệ; và đối với loại ngươi như Pascal, chúng tương tự như hạn hán, đêm tối, vốn là một giai đoạn thiết yếu trong tiến trình của nhà thần cảm Thiên Chúa giáo. Một nỗi tuyệt vọng tương tự, khi nó xảy đến với một tính cách bệnh hoạn hoặc một linh hồn uế tạp, có thể phát lộ trong những hậu quả tai hại nhất mặc dù thông qua
những biểu hiện tuyệt vời nhất; và như thế chúng ta có Gulliver phiêu lưu ký; nhưng trong Pascal chúng ta thấy không có sự biến dạng như vậy; nỗi tuyệt vọng của ông thì khủng khiếp hơn so với của Swift, bởi vì trái tim của chúng ta nói với chúng ta rằng nó tương ứng chính xác với các dữ kiện và không thể bị loại bỏ như bệnh tâm thần; nhưng đó cũng là một nỗi tuyệt vọng vốn là khúc dạo đầu cần thiết của, và là một yếu tố trong, niềm vui của đức tin.
Tôi không muốn đi sâu hơn mức cần thiết vào câu hỏi về tính dị giáo của phái Jansen; và nó không phải là mối quan tâm của bài viết này, liệu năm tuyên bố bị lên án ở Roma có thực sự được Jansenius khẳng định trong cuốn Augustinus của ông ta hay không; hoặc liệu chúng ta có nên bác bỏ hoặc tán đồng sự tàn lụi sau đó (thực ra do sự bức hại nào đó) của Port Royal hay không. Thật không thể thảo luận vấn đề này mà không bị dính líu với tư cách là một nhà tranh biện ủng hộ hoặc chống lại Roma. Nhưng ở một người thuộc loại của Pascal - và loại người này luôn tồn tại - tôi nghĩ, họ luôn có một thành phần của những thứ có thể được gọi là thuyết Jansen về tính khí, mà không đồng nhất nó với thuyết Jansen của Jansenius và của các tiến sĩ mộ đạo và chân thành, nhưng không có tài năng thiên bẩm lớn.3 Do đó, thật cần thiết phải xác định ngắn gọn học thuyết nguy hiểm của Jansenius là gì, mà không tiến quá xa vào điều tinh túy về thần học. Trong thần học Thiên Chúa giáo và thực ra trên một bình diện thấp hơn vơi mọi con người vướng trong công việc hằng ngày, người ta công nhận rằng ý chí tự do hoặc nỗ lực tự nhiên và năng lực của cá nhân, và cả ân sủng siêu nhiên, một món quà được chúng ta hoàn toàn không biết thế nào, cả hai đều cần thiết, trong sự kết hợp, cho sự cứu rỗi. Mặc dù nhiều nhà thần học đã đặt trí thông minh của họ vào vấn đề này, nhưng nó vẫn kết thúc trong một bí ẩn mà chúng ta có thể cảm nhận nhưng cuối cùng không giải mã được, ít nhất, rõ ràng là, giống như bất kỳ học thuyết nào,
một bước đi hơi quá giới hạn hoặc hơi chệch sang bên này hoặc bên kia sẽ thúc đấy một dị giáo. Phái Pelagius, vốn bị Thánh Augustinus bác bỏ, nhấn mạnh tính hiệu quả của nỗ lực của con người và coi nhẹ tầm quan trọng của ân sủng siêu nhiên. Phái Calvin nhấn mạnh sự xuống cấp của con người qua Tội tổ tông, và coi nhân loại đã hư hỏng; đến mức ý chí cũng chẳng ích gì; và do đó rơi vào học thuyết tiền định, phái Jansen dựa vào chính học thuyết ân điển theo Thánh Augustinus; và cuốn Augustinus của Jansenius đã được trình bày như là một giải thích vững chắc cho quan điểm của Augustinus.
Những dị giáo như vậy không bao giờ là cổ lỗ, bởi vì chúng mãi mãi khoác những hình thức mới. Ví dụ, sự khăng khăng đòi hỏi những công việc và “phục vụ” tốt vốn được rao giảng từ nhiều miền, hoặc đức tin đơn sơ rằng bất kỳ ai sống một cuộc sống tốt lành và hữu ích thì không cần “lo lắng” thiếu lành mạnh về sự cứu rỗi, là một hình thức của thuyết Pelagius. Ngược lại, người ta thỉnh thoảng nghe thấy quan điểm rằng sẽ chẳng có ảnh hưởng thực sự gì nếu mọi biện pháp trừng phạt tôn giáo theo truyền thống đối với hành vĩ đạo đức bị sụp đổ, bởi vì những người được sinh ra và nuôi dạy thành người tốt sẽ luôn muốn ứng xử tử tế, và những người không được nuôi dạy như vậy sẽ cư xử theo cách khác hẳn trong mọi trường hợp: và đây chắc chắn là một tành thức tiền định - vì may rủi của việc sinh ra làm người tử tế hay không thì cũng kém chắc chắn như món quà ân sủng vậy.
Rất có thể rằng Pascal đã bị thu hút bởi những thành quả của phái Jansen trong đời sống của Port-Royal cũng như bởi chính bản thân giáo lý này. Hội đoàn mộ đạo, khổ hạnh, chu đáo này phấn đấu một cách anh hùng giữa một khối Thiên Chúa giáo thoải mái và lơi lỏng, được thành lập để thu hút một bản chất tập trung, say mê, và chu đáo như của Pascal. Nhưng việc nhấn mạnh mãi vào tình trạng suy đồi và trơ trọi của con người, trong phái
Jansen, cũng là điều chúng ta phải biết ơn, vì nhờ nó mà chúng ta có được sự phân tích tuyệt vời về động cơ nghề nghiệp của con người vốn sẽ cấu thành phần đầu của tác phẩm này của ông. Và ngoài thuyết Jansen vốn là tác phẩm của một vị giám mục không nổi tiếng lắm, ngươi đã viết một luận văn bằng tiếng Latin mà bây giờ chưa được đọc, ta cũng có, cứ tạm nói như thế, một thuyết Jansen của tiểu sử cá nhân.
Một khoảnh khắc của phái Jansen có thế tự nhiên diễn ra, và diễn ra đúng, trong cá nhân; đặc biệt là trong cuộc đời của một người có năng lực trí tuệ lớn và mãnh liệt vốn không thể tránh nhìn thấy qua con người và quan sát được sự phù phiếm trong những suy nghĩ và những việc tiêu khiển của họ, sự thiếu trung thực và tự lừa dối của họ, sự thiếu thành thật của cảm xúc, sự hèn nhát, sự vụn vặt của những tham vọng thực sự của họ. Thực tế, với việc Pascal qua đời ở tuổi 39, người ta phải ngạc nhiên trước sự cân bằng và công chính trong các quan sát của ông; người ta cần phải trưởng thành hơn nhiều thì mới có được những phẩm chất này, trong khi bất kỳ sự vĩ đại về toán học hay khoa học nào cũng không đòi hỏi độ trưởng thành như thế. Ngẫm nghĩ của ông về cảnh đau khổ của con người khi không có Thiên Chúa hẳn đã có thể khuyến khích trong ông mầm tội lỗi của dục vọng tinh thần, concupiscence de resprit, dễ dàng làm sao, và ông giữ tính khiêm nhường vững chắc biết bao!
Và mặc dù Pascal đem vào tác phẩm này của ông cùng những năng lực mà ông từng sử dụng trong khoa học, nhưng ông không thể hiện mình như một nhà khoa học. Ông không hề có vẻ muốn nói với người đọc: Tôi là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất thời nay; tôi hiểu nhiều vấn đề vốn sẽ luôn là điều bí ẩn đối với bạn, và thông qua khoa học tôi đã đến với đức tin; do đó các bạn vốn không quen thuộc với khoa học cần phải có đức tin nếu tôi có đức tin đó. Ông ý thức rất rõ sự khác biệt của đề tài; và cách phân biệt lừng danh của ông giữa esprit de géométrie và esprit de
finesse4 là một điều để ta suy ngẫm. Chính sự gắn kết hợp lý giữa nhà khoa học, homme honnête,5 với bản chất tôn giáo với sự khao khát đam mê hướng tới Thiên Chúa, đã làm cho Pascal trở nên độc đáo. Ông thành công ở chỗ Descartes thất bại; bởi vì trong Descartes, esprit de géométrie thì thái quá.6 Và trong một vài đoạn về Descartes, trong cuốn sách này, Pascal đã chỉ ra chỗ yếu.
Người đọc cuốn sách này sẽ thấy ngay tính chất rời rạc của nó; nhưng chỉ sau một nghiên cứu nào đó sẽ nhận ra rằng tính rời rạc ấy nằm trong cách biểu đạt hơn là trong suy tưởng. “Suy tưởng” không thể tách rời nhau và được trích dẫn như thể từng suy tưởng đã tự nó trọn vẹn. Le cœur a ses raisons que la raison ne connaît pointé:7 Người ta thường nghe câu này được trích dẫn biết bao lần, và biết bao lần nó được trích dẫn không đúng mục đích! Bởi vì đây không hề có ý đề cao “trái tim” so với “đầu óc”, một biện hộ cho sự vô lý. Trái tim, trong thuật ngữ của Pascal, tự nó thực sự hợp lý nếu nó thực sự là trái tim. Đối với ông, trong các vấn đề thần học, vốn có vẻ lớn hơn, khó khăn hơn, và quan trọng hơn nhiều so với các vấn đề khoa học trong mắt ông, toàn bộ tính cách đều có liên quan.
Chúng ta không thể hoàn toàn hiểu được bất kỳ phần nào, khi chúng rời rạc như vậy, mà không có hiểu biết nào đó về tổng thể. Phân tích trọng yếu của ông là về ba trật tự: trật tự của thiên nhiên, trật tự của tinh thần, và trật tự của lòng kính Chúa yêu người. Ba trật tự này không liên tục; cái ở tầm cao hơn thì không ẩn tàng trong cái ở tầm thấp hơn như thường thấy trong một học thuyết tiến hóa.8 Trong sự phân biệt này, Pascal nêu ra rất nhiều điều mà thế giới hiện đại nên dành nhiều suy nghĩ cho chúng. Và quả thực, do sự kết hợp độc đáo và sự cân bằng giữa các phẩm chất của ông, tôi không thấy có tác giả tôn giáo nào trong thời đại của chúng ta phù
hợp hơn ông.
Các nhà thần cảm vĩ đại như Thánh Juan de la Cruz [Gioan Thánh Giá], chủ yếu dành cho độc giả với một xác quyết đặc biệt về mục đích; các tác giả sùng kính, chẳng hạn như Thánh François de Sales, chủ yếu dành cho những người đã khao khát tình yêu Thiên Chúa một cách có ý thức; các nhà thần học vĩ đại thì dành cho những người quan tâm đến thần học. Nhưng tôi không thể nghĩ ra tác giả Thiên Chúa giáo nào, cả Newman cũng không, xứng đáng hơn Pascal đế giới thiệu cho những người còn nghi hoặc, nhưng cũng có tinh thần để tiếp thu, và có độ nhạy để cảm nhận, sự rối loạn, vô ích, vô nghĩa, mầu nhiệm của cuộc sống và đau khổ, và cũng là những người chỉ có thể tìm thấy bình yên thông qua sự thỏa mãn của toàn bộ bản thể.
Phạm Viêm Phương dịch
SUY TƯỞNG
I
--------
VỀ TINH THẦN VÀ PHONG CÁCH
1. Sự khác biệt giữa tinh thần toán học và tinh thần trực giác - Với tinh thần toán học, các nguyên lý thực sự rõ ràng, nhưng khác hẳn với lối dùng thông thường; cho nên khi không có thói quen, thật khó mà hướng tâm trí về phía đó: nhưng dù hướng tâm trí về phía đó ít đến vậy, ta vẫn thấy trọn vẹn các nguyên lý, và ta phải có một tâm trí hoàn toàn thiếu chính xác thì mới suy đoán sai lạc lìa khỏi các nguyên lý vốn rõ ràng đến độ hầu như không thể không nhận thấy chúng.
Nhưng trong tinh thần trực giác, các nguyên lý hiện diện trong cách sử dụng thông thường và nằm ngay trước mắt mọi người. Ta chỉ cần nhìn, và không cần phải nỗ lực gì cả; nó chỉ là vấn đề về một thị lực tốt, nhưng thực sự phải tốt, bởi các nguyên lý thì tinh tế và nhiều đến nỗi hầu như không thể không nhận thấy chúng, ngoại trừ một số trong đó. Do việc bỏ sót một nguyên lý sẽ có thể dẫn tới sai lầm; nên ta phải có một cái nhìn thấu suốt để thấy mọi nguyên lý và, kế đó, phải có một tinh thần chính xác để không rút ra những suy đoán sai lạc từ những nguyên lý mà ta đã biết.
Mọi nhà toán học rồi sẽ có thể có tính trực giác nếu họ có được cái nhìn sáng suốt, bởi họ không suy đoán sai lạc từ những nguyên lý mà họ đã biết; và những tâm trí trực giác có thể mang tính toán học nếu họ có thể nhìn ra các nguyên lý toán học mà họ vốn không quen thuộc.
Vì thế, lý do khiến một số tinh thần trực giác không có tính toán học là ở chổ họ không thể hướng sự chú ý của mình vào cácnguyên lý toán học. Và lý do khiến các nhà toán học không có tính trực giác là ở chỗ họ không
nhìn thấy cái ngay trước mắt, và ở chỗ, do đã quen thuộc với những nguyên lý toán học chính xác và rõ ràng, và không lập luận cho đến khi họ kiểm tra và sắp xếp mạch lạc những nguyên lý của mình, họ bị lạc hướng trong những vấn đề trực giác vốn là chỗ mà trong đó các nguyên lý [toán học của họ] không cho phép sự sắp xếp như vậy. Chúng [những vấn đề trực giác] hiếm khi được nhìn thấy; chúng được cảm thấy hơn là nhìn thấy; nên khó khăn lớn nhất là việc giúp cho ai đó cảm được những vấn đề này khi mà họ không tự mình nhận thức được chúng. Những nguyên lý này thì tinh vi và nhiều đến mức ta cần phải có một ý thức nhạy bén và sáng suốt để nhận thức được chúng, và để phán đoán một cách chính xác và đúng đắn khi đã nhận thức được chúng, mà phần lớn không có khả năng trình bày chúng theo trật tự như trong toán học, vì chúng ta không hiểu các nguyên lý ấy theo cùng một cách, và bởi vì tiến hành việc đó có thể là một vấn đề bất tận. Chúng ta cần phải lập tức nhìn thấy vấn đề, chỉ bằng một cú liếc mắt, chứ không phải bằng một tiến trình suy luận, ít nhất ở một mức độ nào đó. Và như thế, hiếm khi các nhà toán học có được tính trực giác và những người có khả nàng trực giác lại là nhà toán học, bởi vì các nhà toán học muốn xử lý những vần đề trực giác theo lối toán học và khiến chúng trở nên buồn cười, khi mong muốn bắt đầu với những định nghĩa và sau đó là với các tiên đề, đó không phải là phương cách tiến hành trong hình thức suy luận này. Không phải rằng tâm trí không làm như thế, mà bởi nó làm một cách lặng lẽ, một cách tự nhiên, và không cần đến các quy tắc chuyên môn; bởi sự biểu hiện ngoài tầm với của mọi người, và chỉ một số ít có thể cảm thấy được.
Những người mang tinh thần trực giác, ngược lại, do đã quen thuộc như thế với việc đánh giá qua chỉ một cái nhìn, nên họ rất ngạc nhiên khi phải đối mặt với những mệnh đề mà họ chẳng hiểu chút gì, và cách tiếp cận những mệnh đề ấy qua những định nghĩa và tiên đề thì không có kết
quả, và họ lại không quen với việc xem xét những mệnh đề ấy một cách tỉ mỉ như vậy, đến nỗi họ thấy khó chịu và chán nản.
Nhưng những tâm trí trì độn thì chẳng bao giờ có tính toán học hoặc trực giác.
Những nhà toán học, vốn chỉ là những nhà toán học, thì có đầu óc chính xác, miễn là mọi chuyện đều được giải thích cho họ thông qua những định nghĩa và tiên đề, nếu không những điều ấy là không chính xác và không thể chấp nhận được, bởi chúng chỉ đúng khi những nguyên lý đều hoàn toàn rõ ràng.
Và những người thiên về trực giác vốn chỉ có tính trực giác thôi thì không có kiên nhẫn để đạt tới những nguyên lý đầu tiên của những thứ có tính tư biện và khái niệm, mà họ chưa bao giờ thấy trên đời và hoàn toàn khác thường.
2. Có nhiều kiểu khác nhau của việc hiểu đúng; một số người có cách hiểu đúng trong một trật tự nhất định của sự vật hiện tượng, chứ không phải trong những trật tự khác mà họ đi lạc vào đó. Một số người rút ra những kết luận tốt từ một vài tiên đề, và điều này cho thấy óc phán đoán sắc bén.
Một số khác rút ra những kết luận tốt khi đã có sẵn nhiều tiên đề.
Ví dụ, loại người thứ nhất dễ dàng học được môn thủy tinh học, lĩnh vực vốn không có nhiều tiên đề, nhưng các kết luận tinh tế đến mức chỉ có những trí tuệ sắc bén nhất mới có thể đạt tới được.
Và mặc dù những người này có lẽ không phải là những nhà toán học vĩ đại, bởi toán học chứa đựng một số lượng tiên đề rất lớn, và có lẽ có một kiểu trí tuệ có thể dễ dàng xem xét đến rốt ráo một số ít tiên đề và không thể thâm nhập một chút nào vào những vấn đề mà ở đó có nhiều tiên đề.
Vì thế có hai loại trí tuệ: một có khả năng thâm nhập sắc bén và thâm sâu vào trong những kết luận được đưa ra từ những tiên đề, và đó là trí tuệ chính xác; loại kia có thể hiểu được một số lượng lớn những tiên đề mà không nhầm lẫn chúng, và đây chính là trí tuệ toán học. Một có sức mạnh và sự chính xác, một có được tầm bao quát. Khi ấy phẩm chất này có thể tồn tại mà không có phẩm chất kia; trí tuệ có thể mạnh và đi vào chi tiết, và cũng có thể rộng và yếu.
3. Những người quen với cách xem xét mọi việc qua cảm giác không nắm được quá trình suy lý, bởi họ thường hiểu ngay từ đầu và không quen với việc truy tầm những nguyên lý. Và ngược lại, những người khác vốn quen với việc tư duy từ những nguyên lý, không hiểu chút gì những vấn đề thuộc cảm giác, khi truy tầm những nguyên lý và không có khả năng thấy được trong thoáng chốc.
4. Toán học, trực giác - Tài hùng biện thực sự xem nhẹ sự hùng biện, phẩm hạnh thực sự xem nhẹ bài học đạo đức. Điều đó muốn nói rằng, đạo đức của sự xét đoán, vốn không có quy tắc, xem nhẹ đạo đức của khả năng lập luận.
Bởi tri giác thuộc về sự xét đoán, cũng như tri thức thuộc về trí lực. Trực giác là một phần của năng lực xét đoán, toán học là một phần của trí lực.
Một triết gia thực sự thì xem nhẹ triết học.
5. Những người đánh giá một công trình theo quy tắc khi so với người khác thì cũng giống như người có đồng hồ so với những người không có. Một người nói, “cách đây hai tiếng”, người khác nói, “chỉ mới bốn mươi lăm phút”. Tôi nhìn đồng hồ của mình, và nói với người này, “Bạn mệt mỏi”, và nói với người kia, “Thời gian quá nhanh với bạn”, bởi chỉ mới một tiếng rưỡi trôi qua, và tôi cười những người nói với tôi rằng đối với
tôi thời gian trôi thật chậm và rằng tôi nhận định qua trí tưởng tượng. Họ không biết tôi đưa ra ý kiến nhờ chiếc đồng hồ của mình.
6. Giống như việc gây tổn hại cho sự thấu hiểu, chúng cũng gây tổn hại cho những cảm xúc.
Sự thấu hiểu và cảm xúc được định hình nhờ sự giao thiệp, và cũng bị làm hỏng bởi sự giao thiệp. Do vậy, xã hội tốt hay sẽ giúp cải thiện hoặc làm hỏng chúng. Do đó, biết chọn lựa như thế nào để cải thiện hoặc không làm hỏng chúng là điều quan trọng hơn cả; và chúng ta không thể thực hiện việc chọn lựa này, nếu chúng chưa được cải thiện và chưa bị làm hỏng. Vì thế, một vòng tròn được hình thành, và những ai thoát khỏi nó thi thực sự may mắn.
7. Người trí tuệ hơn sẽ thấy nhiều sự độc đáo hơn bên trong con người. Những người bình thường không thấy được sự khác biệt giữa con người với con người.
8. Có nhiều người nghe một bài thuyết giáo giống cách họ nghe kinh chiều.
9. Khi chúng ta, với chút lợi thế, mong muốn sửa lỗi người khác và cho người khác thấy anh ta sai lầm, chúng ta phải chú ý tới việc anh ta nhìn nhận vấn đề ấy từ khía cạnh nào, bởi theo góc độ đó anh ta thấy vấn đề thường là đúng, và thừa nhận sự thật đó đối với anh ta, nhưng cũng cho anh ta thấy vấn đề là sai trên phương diện nào. Anh ta hài lòng với việc đó, bởi anh ta thấy rằng mình không mắc lỗi mà chỉ chưa nhìn được vấn đề từ mọi khía cạnh thôi. Như thế không ai bị xúc phạm khi không nhìn thấy được tất cả; nhưng người ta không thích bị mắc lỗi, và điều đó có thể nảy sinh từ thực tế rằng con người theo lẽ tự nhiên không thê nhìn thấy hết mọi thứ, và một cách tự nhiên anh ta không thể phạm lỗi từ góc độ nhìn của mình, bởi sự nhận thức thông qua các giác quan của chúng ta luôn đúng.
10. Nhìn chung, con người được thuyết phục tốt hơn qua những lý lẽ do chính họ tìm thấy hơn là qua những gì đến từ tinh thần người khác.
11. Mọi trò tiêu khiển cao độ đều nguy hiểm đối với đời sống Thiên Chúa giáo; nhưng trong tất cả những trò mà thế gian đã tạo ra chẳng gì đáng ngại hơn kịch. Đó là một sự trình diễn tự nhiên và vi tế của những nhiệt huyết, đến mức nó khơi dậy và làm nảy sinh chúng trong trái tim chúng ta, và đặc biệt là làm nảy sinh những cảm xúc mạnh của tình yêu; nhất là khi thể hiện tình yêu đó vô cùng trong trắng và tiết hạnh. Bởi tình yêu càng có vẻ ngây thơ đối vời những tâm hồn ngây thơ, nó càng dễ gây xúc động cho những tâm hồn đó. Sự bạo liệt của nó làm hài lòng tình yêu bản ngã của chúng ta, thứ ngay lập tức tạo nên ham muốn gây ra những kết quả tương tự mà người ta thấy điều đó được thể hiện rõ thế nào; và đồng thời, chúng ta tự biến mình thành một tâm thức dựa trên sự đứng đắn của những tình cảm mà chúng ta thấy ở đó, qua đó nỗi sợ của những tâm hồn thuần khiết sẽ bị loại bỏ, bởi họ [những tâm hồn thuần khiết] tưởng tượng rằng sự thuần khiết của họ không thể bị phương hại khi yêu với một tình yêu dường như đúng mực như thế với họ.
Như thế, người ta rời vở kịch với trái tim tràn đầy những vẻ đẹp và sự dịu dàng của tình yêu, tâm hồn và tâm trí thực sự bị thuyết phục về sự vô tội của nó, đến mức người ta gần như sẵn sàng nhận lấy những ấn tượng ban đầu của nó, hay đúng hơn là tìm kiếm cơ hội để đánh thức chúng trong trái tim của ai đó, để nhận lấy những niềm vui và sự hy sinh tương tự mà chúng ta đã thấy được thể hiện rất rõ trong vở kịch ấy.
12. Scaramuccia [Pháp, Scaramouche], người chỉ nghĩ đến một điều.
Dottore, nói trong khoảng mười lăm phút sau khi đã nói tất cả, đầy ham muốn được nói đến vậy.9
13. Người ta thích nhìn thấy sai lầm, đam mê của Cléobuline,10 bởi cô ta không ý thức được về nó. Cô ta hẳn không vừa lòng, nếu cô ta không bị lừa dối.
14. Khi một diễn văn tự nhiên vẽ lên một niềm đam mê hay một hiệu ứng, người ta cảm thấy được bên trong chính mình sự thật của điều mà người ấy đọc, cái sự thật đã có ở đó từ trước, tuy rằng người ta không biết đến nó. Vì thế, người ta bị hướng đến việc yêu người giúp chúng ta cảm thấy được sự thật ấy, bởi anh ta đã không chỉ cho chúng ta thấy cái hay cái đẹp của anh ta, mà của chúng ta. Và vì thế điều tốt đẹp này khiến anh ta trở nên đáng yêu trong mắt chúng ta, bên cạnh đó cảm giác về cộng đồng trí tuệ như thế mà chúng, ta có với anh ta tất yếu khiến trái tim chúng ta có xu hướng yêu anh ấy.
15. Tài hùng biện, thuyết phục bằng sự ngọt ngào, chứ không bằng quyền lực; như một bạo chúa, chứ không như một vị vua.
16. Tài hùng biện là một nghệ thuật nói những điều theo cách mà những người mà ta cùng trò chuyện có thể nghe chúng với niềm vui mà không đau đớn; rằng họ cảm thấy bản thân được quan tâm, cốt để tình yêu bản thân đưa họ đến việc suy nghĩ về điều đó một cách tự nguyện hơn.
Điều đó, khi ấy, cốt ở một sự tương hợp mà chúng ta tìm cách thiết lập, một mặt, giữa khối óc và trái tim những người mà chúng ta nói chuyện, và, mặt khác, giữa tư tưởng và cách diễn đạt mà chúng ta sử dụng. Việc này giả định rằng chúng ta đã nghiên cứu cẩn thận tâm hồn con người để biết những sức mạnh của nó và, sau đó, để tìm ra tỷ lệ chính xác cho bài diễn văn mà chúng ta muốn phù hợp với những sức mạnh đó. Khi ấy cần phải đặt bản thân vào vị trí của người nghe, và tiến hành thử nghiệm với chính tâm hồn mình về chiều hướng mà chúng ta muốn đem đến cho bài diễn văn, nhằm để xem cái này có thực sự tương hợp với cái kia không, và liệu
chúng ta có thể đảm bảo với chính mình rằng người nghe sẽ, có thể nói, bị thuyết phục không. Chúng ta phải giới hạn bản thân, hết mức có thể, vào những điều đơn giản và tự nhiên, và không phóng đại cái nhỏ, hay hạ thấp những điều lớn lao. Một điều đẹp đẽ thôi chưa đủ, mà còn phải phù hợp với chủ đề, và tuyệt không gì thái quá hay khiếm khuyết trong đó cả.
17. Sông là con đường luôn chuyển động, và nó sẽ mang chúng ta đi đến nơi chúng ta muốn.
18. Khi chúng ta không biết sự thật về một điều, thì thật là thuận lợi rằng ắt phải có một lỗi chung gắn vào tâm trí của con người, như chuyện, ví dụ, mặt trăng, được cho là nguyên nhân của sự thay đổi các mùa, của sự phát triển các căn bệnh... Bởi căn bệnh chủ yếu của con người là sự tò mò không yên về mọi thứ mà họ không thể hiểu; và việc anh ta vướng phải sai lầm thì cũng tốt như chuyện tò mò vô ích thôi.
Cách mà Epíktetos [Pháp, Épictète; Anh, Epictetus], Montaigne, và Salomon de Tultie11 viết là thường dùng nhất, có tính chất gợi ý nhất, được ghi nhớ nhiều nhất, và được trích dẫn thường xuyên nhất, bởi nó hoàn toàn chứa đựng những tư tưởng được sinh ra từ câu chuyện thông thường về cuộc sống. Như khi nói về lỗi lầm thường gặp ở nhiều người rằng mặt trăng là căn nguyên của mọi thứ, chúng ta chưa bao giờ quên không nói rằng Salomon de Tultie nói điều đó, khi chúng ta không biết sự thật về một điều, thì thật là thuận lợi khi có một lỗi chung cho tất cả...; chính là ý nghĩ ở trên.
19. Điều cuối cùng mà người ta tìm được khi viết một cuốn sách chính là điều mà người ta nên nêu ra trước tiên.
20. Trật tự - Tại sao tôi nên chia đức hạnh của mình thành bốn hơn thành sáu? Tại sao tôi nên xác lập đức hạnh thành bốn, thành hai, hay một?
Tại sao chia thành abstine et sustine hơn là “thuận theo tự nhiên”,12 hay, “Hãy làm những việc riêng tư không chút bất công” như Pláton, hay bất cứ điều gì khác? Nhưng bạn sẽ nói, tất cả được chứa đựng trong một từ. Vâng, nhưng chẳng ích gì nếu không có sự giải thích, và khi đi tới việc giải thích từ đó, ngay khi khai mở châm ngôn này vốn chứa đựng tất cả những điều còn lại, những điều ấy xuất hiện ngay trong sự rối loạn đầu tiên đó mà bạn muốn tránh. Vì thế, khi tất cả chúng bị bao gồm trong một, chúng bị giữ kín đi và không có ích gì, như trong một chiếc rương, và không bao giờ xuất hiện ở đâu khác ngoại trừ trong sự rối loạn tự nhiên của chúng. Tự nhiên đã thiết lập nên tất cả mà không bao gồm cái này trong cái khác.
21. Mọi lẽ thật của tự nhiên luôn tồn tại độc lập với nhau. Nghệ thuật của chúng ta lại khiến cái này phụ thuộc vào cái khác, điều này phi tự nhiên; mỗi sự thật đều có chỗ riêng của nó.
22. Đừng để ai nói rằng tôi đã không nói được điều gì mới; sự sắp xếp đề tài là mới. Khi chơi quần vợt, chúng ta chơi với cùng một quả bóng, nhưng người này đánh bóng tốt hơn người khác.
Tôi cũng thích người ta bảo tôi rằng tôi sử dụng những từ được dùng trước đó. Và tương tự nếu những ý nghĩ y hệt nhau, theo một cách sắp xếp khác, lại không tạo được một diễn ngôn khác, thì những từ ngữ giống hệt nhau, theo một cách sắp xếp khác, cũng không tạo ra những ý nghĩ khác được nữa.
23. Nhưng từ được sắp xếp theo cách khác đi sẽ có một ý nghĩa khác, và những ý nghĩa được sắp xếp theo cách khác đi sẽ có ảnh hưởng khác.
24. Ngôn ngữ - Ta không nên chuyển hướng tâm trí từ điều này sang điều khác, ngoại trừ để thư giãn, và [làm điều đó] khi cần thiết và vào thời điểm thích hợp, và không theo cách nào khác. Bởi người nào thư giãn
không đúng lúc sẽ mệt mỏi, và ai làm chúng ta mệt mỏi không đúng lúc sẽ khiến chúng ta lừ đừ, vì chúng ta quay lưng với mọi thứ. Lòng ham muốn đồi trụy của chúng ta rất thích làm điều trái ngược với điều mà ta muốn có được từ chúng ta mà không đem lại cho chúng ta niềm vui, đó là thứ tiền bạc mà để có được nó chúng ta sẽ làm [cho đi] mọi thứ mà người ta muốn.
25. Tài hùng biện - cần phải có cái thú vị và cái thực hữu; nhưng bản thân cái thú vị phải được rút ra từ thực tại.
26. Tài hùng biện là một bức tranh của ý tưởng; và như thế những ai sau khi vẽ còn thêm vào một số thứ, sẽ tạo nên một bức họa thay vì một chân dung.
27. Thứ đa tạp. Ngôn ngữ - Những ai tạo ra phản đề bằng cách o ép ngôn từ cũng giống như những người làm ra những cửa sổ giả để có được sự đối xứng. Quy tắc của họ không phải để nói đúng, mà để tạo ra hình thái tu từ thích hợp.
28. Sự cân đối là thứ ta nhìn thoáng qua là thấy; dựa vào thực tế rằng ta không có lý do để làm khác đi, và cũng dựa vao hình dáng con người; từ đó hóa ra người ta chỉ muốn có sự cân đối theo chiều ngang, mà không theo chiều cao hay chiều sâu.
29. Văn phong. Khi gặp một văn phong tự nhiên, ta ngạc nhiên và vui thích; vì ta đinh ninh sẽ gặp một tác giả mà ta lại thấy một con người. Trong khi những người có khiếu thường ngoạn tốt, và họ, khi gặp một cuốn sách, hy vọng tìm thấy một con người, lại hoàn toàn ngạc nhiên khi gặp một tác giả. Lại thêm poetic quam humane locutus es.13 Những người xem trọng Thiên nhiên cũng dạy rằng Thiên nhiên có thể nói về mọi thứ, thậm chí cả về thần học.
30. Người ta chỉ hỏi ý kiến đôi tai vì thiếu trái tim. Quy tắc là sự chính
trực.
Cái đẹp của sự bỏ quên, của năng lực phán đoán.
31. Mọi Vẻ đẹp giả tạo mà người ta chê trách trong Cicero vẫn có những người hâm mộ với số lượng rất nhiều.
32. Có một kiểu mẫu nào đó về sự thanh nhã và vẻ đẹp vốn chủ yếu nằm trong mối liên hệ nào đó giữa bản chất của chúng ta, tạm gọi là thế, yếu hoặc mạnh và thứ khiến chúng ta hài lòng.
Bất cứ những gì được hình thành dựa trên kiểu mẫu này đều làm chúng ta hài lòng, dù là ngôi nhà, bài hát, diễn văn, thơ, văn, phụ nữ, chim chóc, những dòng sông, cây cối, những căn phòng, thói quen... Những gì không được tạo ra theo kiểu mẫu này đều không làm vừa lòng người có khiếu thẩm mỹ tốt.
Và vì có một mối liên hệ hoàn hảo giữa một bài hát và một ngôi nhà vốn được tạo ra theo một kiểu mẫu tốt, bởi chúng tương đồng với kiểu mẫu tốt này, dẫu mỗi thứ có khác nhau về tính chất; thậm chí có một mối quan hệ hoàn hảo giữa những thứ được làm phỏng theo một kiểu mẫu tồi. Kiểu mẫu tồi đó không phải là duy nhất, mà có vô cùng nhiều; nhưng mỗi bài sonnet tồi, chẳng hạn, được hình thành theo bất kỳ kiểu mẫu sai lạc nào, thì cũng giống một phụ nữ ăn mặc theo kiểu mẫu đó.
Chẳng gì khiến chúng ta hiểu rõ vẻ nực cười của một bài sonnet lạc điệu hơn là việc xem xét thiên nhiên và kiểu mẫu ấy, và tiếp theo đó hình dung một người phụ nữ hay một ngôi nhà được làm theo kiểu mẫu đó.
33. Vẻ đẹp thi ca - Vì nói về vẻ đẹp thi ca, nên cũng cần phải nói về vẻ đẹp toán học và vẻ đẹp y học; nhưng chúng ta không làm như vậy vì lý do, chúng ta biết rõ cái gì là đối tượng của toán học và nó cốt ở những chứng minh, cái gì là đối tượng của y học và nó cốt ở việc chữa bệnh; nhưng
người ta không biết sự thanh nhã vốn là đối tượng của thi ca cốt ở điều gì. Người ta không biết kiểu mẫu tự nhiên cần phỏng theo; và vì sự thiếu hiểu biết này nên đã tạo ra những thuật ngữ kỳ dị, “siècle d’or” (thời kỳ hoàng kim), “merveille de nos jours” (kỳ quan của thời đại chúng ta), “fatals” (tiền định)..., và gọi biệt ngữ này là vẻ đẹp thi ca.
Nhưng người nào hình dung một người phụ nữ theo kiểu mẫu này, nằm ở việc nói về những thứ nhỏ nhặt bằng những lời to tát, sẽ thấy một cô gái đẹp được tô điểm với đầy gương và trang sức, anh ta sẽ cười vì biết vẻ duyên dáng của một người phụ nữ cốt ở điều gì rõ hơn vẻ duyên dáng của câu thơ. Nhưng ai không biết hẳn sẽ chiêm ngưỡng cô ấy trong trang phục này, và có nhiều ngôi làng ở đó cô ta được xem như nữ hoàng; và vì thế chúng ta gọi những bài sonnet được làm theo kiểu mẫu này là “reines de village” (nữ hoàng làng).
34. Trên thế gian, không ai được xem là có tài thơ nếu anh ta không trưng bảng hiệu của một nhà thơ, một nhà toán học... nhưng những người có hiểu biết đầy đủ không muốn một bảng hiệu và không phân biệt gì nhiều giữa nghề nghiệp của một nhà thơ và của một thợ thêu.
Những người có hiểu biết toàn vẹn không được gọi là nhà thơ hay nhà toán học...; nhưng họ là tất cả [những nhà đó] và đánh giá được về tất cả những người này. Người ta không đoán biết được họ. Khi bước vào, họ nói về những gì người khác đang nói. Người ta không nhận ra nơi họ một phẩm chất này thay vì một phẩm chất khác, trừ khi họ phải dùng tới nó. Nhưng sau đó, người ta nhớ phẩm chất ấy, bởi nó là đặc trưng của những người như thế, đến độ ta không nói về họ rằng họ là người nói tốt, khi vấn đề đang bàn không phải là về nghệ thuật diễn thuyết, và người ta nói về họ rằng họ nói giỏi khi đương bàn đến việc như vậy.
Bởi thế, khi một người bước vào, và ta nói anh ta là một nhà thơ rất
hay, thì đó chỉ là một lời khen giả tạo; và hẳn là một bảng hiệu tồi khi người ta không yêu cầu một người đưa ra nhận định về mấy câu thơ nào đó.
35. Chúng ta không nên diễn tả về một người, “Anh ta là một nhà toán học”, hay “một nhà truyền giáo” hay “nhà hùng biện”; mà anh ta là “một người đàng hoàng”- chỉ riêng giá trị phổ quát này mới khiến tôi hài lòng. Khi gặp một người, bạn nhờ đến cuốn sách của anh ta, đó là một bảng hiệu tồi. Tôi thích hơn việc bạn không thấy phẩm chất nào cho tới khi gặp và có cơ hội sử dụng nó, Ne quid nimis,14 vì ngại rằng một giá trị nào đó nổi bật lên và định danh con người đó; rằng người ta không nghĩ anh ta là một diễn giả giỏi, trừ phi đang bàn đến nghệ thuật diễn thuyết, và khi ấy hãy để người ta nghĩ như thế.
36. Con người đầy những nhu cầu. Người ta chỉ yêu những ai có thể thỏa mãn tất cả những nhu cầu ấy. Đó là một nhà toán học giỏi, người ta sẽ nói, nhưng tôi chẳng có liên quan gì với toán học; anh ta sẽ xem tôi như một mệnh đề. Đây là một người lính tốt: anh ta sẽ xem tôi như một thị trấn bị bao vây. Khi ấy, tôi cần một người ngay thẳng, người có thể điều tiết bản thân với mọi nhu cầu của tôi nói chung.
37. Bởi chúng ta không thể toàn năng bằng cách biết tất cả những gì có thể được biết về mọi thứ, cần phải biết một chút về mọi thứ, vì rõ ràng tốt hơn khi biết điều gì đó về mọi thứ hơn là biết mọi điều về một thứ. Tính toàn thể này là tốt nhất. Nếu có thể có cả hai còn tốt hơn, nhưng nếu phải chọn thì cần phải chọn điều đầu tiên. Và nhân loại biết điều này và làm vậy, vì nhân loại thường xét đoán tốt.
38. Một nhà thơ và một người không lương thiện.
39. Nếu sét đánh vào những nơi thấp,..., các nhà thơ và những ai chỉ
biết lý luận về những việc kiểu này, sẽ thiếu những minh chứng.
40. Các ví dụ mà người ta dùng để chứng minh những điều khác, nếu người ta muốn chứng minh những ví dụ thì phải lấy những thứ khác nữa làm ví dụ. Vì người ta luôn tin rằng có sự khó khăn trong điều mình muốn chứng minh, người ta thấy những ví dụ thì rõ ràng hơn và giúp cho việc chứng minh điều đó.
Như thế khi muốn chứng minh một điều có tính chất tổng quát, ta cần đưa ra quy tắc riêng cho một trường hợp cụ thể; nhưng nếu muốn chứng minh một trường hợp cụ thể thì cần phải bắt đầu với quy tắc chung. Bởi vì người ta luôn nhận thấy điều họ muốn chứng minh thì tối tăm còn điều họ dùng làm bằng chứng thì rõ ràng; bởi vì khi đưa ra một điều cần chứng minh, trước tiên người ta để tâm trí chìm trong tưởng tượng rằng điều đó, như thế, rất tối tăm, và ngược lại, những gì sắp chứng minh cho điều đó thì rõ ràng, và như thể ta dễ dàng hiểu được nó.
41. Thơ trào phúng của Martialis - Con người thích tính thâm hiểm, nhưng không nhằm chống lại những người chột mắt hay những người thiếu may mắn, mà chống lại những người may mắn và kiêu hãnh. Người ta nhầm khi nghĩ khác, vì dục vọng là nguồn cơn mọi sự biến động của chúng ta, và nhân loại,... cần làm vui lòng những ai có những tình cảm dịu dàng và nhân bản.
Bài thơ trào phúng đó về hai người chột mắt thì chẳng có giá trị gì, bởi nó không an ủi được họ và chỉ mang lại vinh quang cho tác giả. Tất cả những gì chỉ mang lại lợi ích cho tác giả thì chẳng có giá trị gì. Ambitiosa recidet ornamenta.15
42. Gọi một vị vua là “ông hoàng” người ta thấy thoải mái, bởi nó hạ thấp đẳng cấp của ông ta.
43. Một số tác giả, khi đề cập đến những công trình của mình, họ nói: “Cuốn sách của tôi”, “Bài bình luận của tôi”, “Lịch sử của tôi”… Họ giống người thuộc tầng lớp trung lưu có một ngôi nhà của riêng mình và luôn có cụm từ “Nhà của tôi” nơi cửa miệng. Có lẽ tốt hơn nếu họ nói: “Cuốn sách của chúng tôi”, “Bài bình luận của chúng tôi”, “Lịch sử của chúng tôi”…, bởi vì trong chúng có nhiều của người khác hơn của chính họ.
44. Bạn muốn mọi người tin tưởng vào điều tốt đẹp của bạn? Đừng nói.
45. Ngôn ngữ là mật mã, ở đó chữ không được chuyển thành chữ, mà từ thành từ, để cho một ngôn ngữ mới lạ có thể giải mã được.
46. Người nói những lời hoa mỹ, một tính cách tồi.
47. Có một số người nói hay và viết dở. Vì khung cảnh, người nghe sưởi ấm họ, và rút được từ tâm trí họ nhiều thứ hơn mức họ nghĩ khi không có sự sưởi ấm này.
48. Khi trong một bài diễn văn có những từ lặp lại và qua việc cố gắng chỉnh sửa chúng, ta thấy rằng chúng thích hợp đến nỗi bài diễn văn bị ta làm hỏng, ta cần để chúng yên. Đây là sự kiểm định; và nỗ lực của ta là việc làm thể hiện sự đố kỵ, một việc mù quáng, và không biết rằng sự lặp lại đó ở đoạn này không phải là một khuyết điểm; vì không có quy tắc chung.
49. Che giấu bản chất và ngụy trang nó. Không còn vua, giáo hoàng, giám mục nữa, mà là quốc vương uy nghiêm...; không còn Paris, mà là thủ đô của vương quốc. Có những nơi mà ở trong đó ta phải gọi Paris là “Paris”, và những nơi khác mà ở trong đó ta phải gọi nó là thủ đô của vương quốc.
50. Vẫn ý nghĩa ấy sẽ thay đổi theo ngôn từ thể hiện nó. Những ý nghĩa
nhận được chân giá trị của chúng từ ngôn từ thay vì gán giá trị đó cho chúng. Cần tìm kiếm những ví dụ.
51. Người theo chủ nghĩa hoài nghi, bởi ngoan cố.
52. Không ai gọi người khác là thị thần [courtisan] hơn những người không phải thị thần, gọi thông thái rởm hơn người không thông thái rởm, gọi dân tính lẻ hơn người không phải dân tỉnh lẻ; và tôi đánh cuộc rằng chính thợ in đặt nó vào tiêu đề của tập Lettres au provincial.16
53. Một chiếc xe ngựa bị đổ hay bị lật ngược tùy theo ý định [của người nói]. Tràn ra hay đổ tùy theo ý định. (Bài biện hộ của M. le Maistre về một vụ cưỡng ép đi tu).
54. Đa tạp - Hình thức phát biểu. “Tôi lẽ ra phải thích chuyên tâm vào việc đó”.
55. Công dụng giải tỏa của một chiếc chìa khóa, công dụng hấp dẫn của một thanh móc (croc).
56. Đoán: “Phần mà tôi góp vào sự khó chịu của ngài”. Ngài Hồng y không muốn bị đoán.
“Tôi có tâm trí đầy lo lắng”; [viết hoặc nói rằng] tôi đầy lo lắng thì tốt hơn.17
57. Tôi luôn cảm thấy không thoải mái với những lời này: “Tôi đã khiến bạn thực sự vất vả”, “Tôi sợ khiến bạn buồn chán”, “Tôi e rằng việc này quá lâu”. Chúng ta hoặc lôi cuốn người nghe, hoặc khiến họ buồn chán.
58. Bạn thiếu sự nhã nhặn: “Xin ông tha lỗi cho tôi”. Không có lời xin lỗi ấy tôi đã không nhận ra đã có điều gì sai. “Xin thứ lỗi cho chứ”. Điều tồi tệ duy nhất là lời xin lỗi của họ.
59. “Dập tắt ngọn đuốc phản loạn”; quá hoa mỹ. “Sự bất an của thiên tài anh ta”: hai từ mạnh quá mức.
II
--------
SỰ ĐAU KHỔ CỦA CON NGƯỜI KHÔNG THIÊN CHÚA
60. Phần thứ nhất: Sự đau khổ của con người không Thiên Chúa Phần thứ hai: Hạnh phúc của con người có Thiên Chúa.
Hay là,
Phần thứ nhất: Rằng bản chất con người suy thoái, được chứng minh bởi chính bản chất ấy.
Phần thứ hai: Rằng có một Đấng Cứu thế, được chứng minh qua Kinh Thánh.
61. Trật tự - Bài luận này của tôi có thể được làm theo trật tự như thế này: để chỉ ra tính hư ảo của mọi dạng hoàn cảnh, chỉ ra tính hư ảo của những đời sống thông thường, và tiếp đến là tính hão huyền của đời sống triết học, của những người hoài nghi, của những người theo trường phái khắc kỷ; nhưng trật tự đó không được tuân thủ. Tôi biết một chút điều đó là gì, và số người hiểu điều đó thì ít tới đâu. Không khoa học nhân văn nào có thể tuân thủ được nó. Thánh Tommaso d’Aquino [Pháp, Thomas d’Aquin; Anh, Thomas Aquinas] đã không giữ được nó. Toán học giữ được nó, nhưng toán học vô ích vì chiều sâu của nó.
62. Lời giới thiệu phần thứ nhất - Để nói về những ai đã luận giải quanh tri thức về cái tôi; về những cách phân chia của Charron,18 điều làm chúng ta phiền muộn và mệt mỏi. Về sự nhầm lẫn của Montaigne, rằng ông ta đã nhận thấy được khá rõ về sự thiếu phương pháp của mình, và lảng
tránh nó bằng việc nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác; rằng ông ta đang tìm bầu khí dễ chịu.19
Dự án của ông ta mô tả chính bản thân mình thực ngu ngốc! Và điều này không ngẫu nhiên và đi ngược lại những châm ngôn của ông ta, vì ai cũng mắc sai lầm, nhưng bởi chính những châm ngôn của ông ta, và bởi chính ý đồ ban đầu. Vì nói những điều ngớ ngẩn tình cờ và non kém là một lỗi thông thường, nhưng việc nói chúng một cách cố ý thì không thể dung thứ, và nói đến điều như thế...
63. Montaigne - Những sai lầm của Montaigne là rất lớn. Những từ ngữ khiêu dâm. Điều này không ra gì, bất kể [công sức của] Tiểu thư de Gournay20. Nhẹ dạ: những người không có mắt. Dốt nát: việc nan giải, một thế giới lớn hơn. Những cảm tưởng của ông ta về tự sát, về cái chết. Ông ta đặt vấn đề về sự không quan trọng của việc cứu vớt linh hồn, không có sự sợ hãi và không ăn năn. Vì cuốn sách của ông ta không được viết ra nhằm đưa mọi người tới lòng mộ đạo; nhưng không để con người quay lưng lại với tâm tình đó luôn là bổn phận của chúng ta. Người ta có thể tha thứ cho những quan điểm có phần phóng túng và trụy lạc của ông ta trong những mối quan hệ cuộc sống; nhưng không thể tha thứ cho những cái nhìn nghịch đạo về cái chết. Bởi nhìn chung phải từ bỏ lòng mộ đạo nếu người ta ít nhất không muốn chết như một người Thiên Chúa giáo. Giờ thì qua toàn bộ cuốn sách, quan niệm duy nhất của ông ta về cái chết chỉ là một cái gì đó hèn nhát và yếu đuối.
64. Không phải ở Montaigne mà ở chính tôi mà tôi thấy được tất cả những gì tôi nhận ra trong ông ta.
65. Cái gì tốt có ở Montaigne thì chỉ có thể đạt được với sự khó khăn. Cái xấu ở ông ta, tôi muốn nói là ngoại trừ quy tắc đạo đức của ông ta, có thể được sửa đổi trong chốc lát nếu người ta cho ông ấy biết rằng, ông ấy
đã tạo ra quá nhiều chuyện không đáng và nói quá nhiều về bản thân mình.
66. Cần phải hiểu được bản thân. Nếu điều này không phục vụ việc tìm kiếm chân lý, thì ít nhất cũng là một nguyên tắc sống, và chẳng gì tốt hơn.
67. Tính hư ảo của khoa học - Khoa học về những thứ bên ngoài sẽ không an ủi được tôi trong việc tôi thiếu hiểu biết về giá trị đao đức khi sầu não, nhưng khoa học về đạo đức luôn an ủi tôi trong việc tôi thiếu hiểu biết về những khoa học bên ngoài.
68. Người ta không được dạy cách trở thành người đức hạnh, và được dạy về mọi điều còn lại. Và họ chưa bao giờ tự đắc về khối kiến thức còn lại của họ cho bằng tự đắc về việc biết cách trở thành người đức hạnh. Họ chỉ tự đắc về việc biết được điều duy nhất mà họ không biết gì cả.
69. Cái vô hạn lượng, cái trung bình - Khi chúng ta đọc quá nhanh hoặc quá chậm, chúng ta chẳng hiểu gì.
70. Thiên nhiên... - Thiên nhiên đã đặt chúng ta ở trung tâm tốt đến nỗi nếu chúng ta thay đổi một bên của sự cân bằng, chúng ta cũng, thay đổi cả bên kia. Điều này khiến tôi tin rằng trong cái đầu của chúng ta có những lò xo động lực được điều chỉnh sao cho ai đó chạm vào cái này thì cũng chạm vào cái đối cực bên kia.
71. Quá nhiều và quá ít rượu. Không đem gì cho anh ta: anh ta không thể tìm ra sự thật. Đem cho anh ta quá nhiều: cũng thế.
72. Sự bất tương xứng nơi con người - Đây là nơi những tri thức tự nhiên dẫn chúng ta tới. Nếu những tri thức này không thật, thì chẳng có sự thật nào trong con người; và nếu chúng thật, anh ta tìm thấy ở đó lý do lớn lao của tình trạng bị làm nhục, khi buộc phải hạ thấp bản thân theo cách này hay cách khác.
Và vì anh ta không thể còn tồn tại mà không tin vào những tri thức này,
tôi mong rằng, trước khi bước vào những nghiên cứu sâu hơn về bản chất con người, anh ta có thể xem xét nó một lần thực sự nghiêm túc và không vội vàng, rằng anh ta cũng nhìn vào bản thân và đánh giá xem liệu có một sự tương xứng nào đó với bản chất con người không, bằng việc so sánh mà anh ta sẽ tiến hành với hai đối tương này.
Hãy để con người khi ấy lặng ngắm toàn thể tự nhiên trong vẻ uy nghi lớn lao và đầy đủ của nó, và đưa cái nhìn của anh ta rời khỏi những đối tượng thấp kém xung quanh mình. Hãy để anh ta nhìn vào ánh sáng rực rỡ đó, được đặt như một ngọn đèn vĩnh cửu soi sáng vũ trụ; hãy để trái đất với anh ta chỉ là một điểm khi so với đường tròn khổng lồ mà thiên thể này vẽ ra; và hãy để anh ta ngạc nhiên về chính cái vòng tròn khổng lồ này chỉ là một điểm rất tinh tế so với đưòng tròn mà những thiên thể này ôm trọn khi chuyển động trong bầu trời. Nhưng nếu cái nhìn của chúng ta bị giam hãm ở đó, hãy để trí tưởng tượng của chúng ta vượt ra ngoài; nó sẽ cạn kiệt sức tưởng tượng nhanh hơn thiên nhiên cạn kiệt sức cung ứng [chất liệu cho tưởng tượng]. Toàn bộ thế giới thấy được này chỉ là một nguyên tử không thể trông thấy giữa lòng thiên nhiên rộng lớn. Chẳng ý tưởng nào tiếp cận được nó. Chúng ta có thể mở rộng những khái niệm của mình vượt xa khỏi những không gian có thể tưởng tượng; chúng ta chỉ tạo ra những vật vô cùng nhỏ bé so với thực tại của những sự vật hiện tượng. Đó là một cõi vô tận mà trung tâm của nó ở khắp mọi nơi, chẳng có chu vi.21 Nói tóm lại, đó là một biểu hiện lớn nhất có thể cảm thấy được về sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa mà trí tưởng tượng của chúng ta biến mất trong suy nghĩ ấy.
Hãy để con người, khi quay trở về vời chính mình, nhìn nhận xem anh ta là gì trong mối tương quan với toàn bộ sự tồn tại này; hãy để anh ta thấy bản thân như bị lạc mất trong cái góc xa xôi này của thiên nhiên; và từ căn
phòng tối tăm nhỏ bé mà anh ta thấy mình trú ngụ trong đó, tôi muốn nói đến vũ trụ, hãy để anh ta nhận định giá trị thực sự của trái đất, những vương quốc, những thành phố, và bản thân anh ta. Một con người là gì, trong cái vô tận?
Nhưng để cho anh ta thấy một điều kỳ diệu khác cũng gây ngạc nhiên, hãy để anh ta tra xét những thứ vi tế nhất mà anh ta biết. Hãy mang đến cho anh ta một con mạt, với một thân thể nhỏ bé và những bộ phận còn nhỏ hơn nữa, chân tay với khớp, tĩnh mạch trong chân tay, máu trong tĩnh mạch, dịch trong máu, giọt trong dịch, hơi trong giọt. Bằng cách tiếp tục chia nhỏ những thứ cuối cùngnày, hãy để anh ta cạn kiệt sức tưởng tượng, và rằng lúc này đây mục tiêu cuối cùng anh ta có thể đến được chính là mục tiêu của bài luận của chúng ta. Có lẽ anh ta sẽ nghĩ rằng đây là điểm phân chia nhỏ nhất trong thiên nhiên.
Tôi muốn khiến anh ta thấy ở bên trong đó một vực thẳm mới. Tôi muốn vẽ cho anh ta không chỉ một vũ trụ có thể nhìn thấy được, mà còn cả sự rộng lớn của thiên nhiên mà anh ta có thể mường tượng ra trong lòng của nguyên tử được thu lại này. Hãy để anh ta nhìn thấy trong đó một sự vô hạn của các vũ trụ, mỗi vũ trụ có bầu trời riêng, những hành tinh riêng, trái đất riêng, cùng một tỷ lệ với thế giới nhìn thấy được ấy; trong trái đất ấy của các loài vật, và sau cùng của cả những con mạt, mà trong đó anh ta sẽ lại tìm thấy tất cả những gì mà trái đất đầu tiên đã có, và còn tìm thấy ở những trái đất khác điều tương tự như thế không có hồi kết và không bao giờ ngừng lại. Hãy để anh ta chìm trong những kỳ quan đáng ngạc nhiên trong sự nhỏ bé của chúng, cũng như những kỳ quan khác đáng ngạc nhiên trong sự rộng lớn của chúng. Bởi ai sẽ không thực sự kinh ngạc với thực tế rằng cơ thể chúng ta, thứ mà mới đây vô cùng nhỏ trong vũ trụ, bản thân nó vô cùng nhỏ trong lòng của cái toàn thể, nay lại là một thứ khổng lồ, một thế giới hay đúng hơn là một toàn thể so với với hư không mà chúng ta
không thể thấu đạt? Ai tự soi mình trong ánh sáng này sẽ khiếp sợ chính mình, và khi quan sát bản thân được bảo vệ trong cơ thể mà tự nhiên đã ban cho anh ta giữa hai vực thẳm của Vô tận và Hư vô, anh ta run rẩy khi thấy những điều kỳ diệu này; và tôi tin rằng, khi tính tò mò chuyển thành sự khâm phục, anh ta sẽ có khuynh hướng trầm tưởng chúng trong sự im lặng hơn là xem xét chúng với sự suy đoán.
Bởi cuối cùng về bản chất con người là gì? Một Hư vô so với Vô tận, một Tất cả so với Hư vô, một trung điểm giữa Không và Tất cả. Từ khi con người bị tách vĩnh viễn khỏi nhận thức thấu đáo về những điều tối hậu, sự kết thúc của mọi thứ và những nguyên lý22 của chúng đã bị che giấu một cách vô vọng khỏi tầm mắt con người vào trong một bí mật không thể thâm nhập; anh ta cũng không có khả năng thấy được cái Hư vô mà từ đó anh ta được tạo ra, và cái Vô tận bao trọn anh ta trong đó.
Trong nỗi thất vọng vĩnh viễn [không mong gì] biết được hoặc nguyên lý hoặc kết thúc của chúng, anh ta sẽ làm gì ngoài việc nhận thức biểu hiện nào đó trong đoạn giữa của vạn vật. Mọi thứ khởi đi từ Hư vô, và hướng về Vô tận. Ai sẽ dõi theo những tiến trình kỳ diệu này? Tác giả của những kỳ quan này [tức Thượng đế, đấng tạo hóa] hiểu được chúng. Không ai khác có thể làm vậy.
Thiếu việc trầm tưởng về những cái Vô tận này, con người đã lao vào việc nghiên cứu tự nhiên một cách liều lĩnh như thể họ có một sự cân xứng nào đó với nó. Thật kỳ lạ rằng họ đã mong muốn hiểu những nguyên lý của vạn vật, và từ đó đi tới sự hiểu biết về cái toàn bộ, với một giả định cũng vô tận như đối tượng của họ. Bởi rõ ràng rằng, ý định này không thể được hình thành mà không có một giả định hay một khả năng vô hạn, như cõi tự nhiên.
Khi được thông tin đầy đủ, người ta hiểu rằng tự nhiên đã tạc hình ảnh
của nó và hình ảnh của Tác giả [đấng tạo ra nó] lên tất cả mọi thứ, chúng hầu như đều có phần trong tính vô hạn kép của nó. Như vậy, chúng ta thấy rằng mọi khoa học là vô hạn trong phạm vi nghiên cứu của chúng. Vì ai nghi ngờ, ví dụ, hình học có một số lượng vô hạn bất tận những vấn đề phải giải quyết? Chúng cũng vô hạn trong sự đa dạng và tinh vi của những tiên đề của chúng; bởi những gì được đưa ra như những thứ sau cùng thì bản thân chúng không tự chứng minh được, mà dựa trên những cái khác vốn, do cũng dựa trên nhưng cái khác nữa, không cho phép có cái cuối cùng. Nhưng chúng ta xem một số thứ là tối hậu đối với lý trí, như khi xem xét các đối tượng vật chất ở chỗ mà chúng ta gọi là điểm không thể phân chia, vượt khỏi điểm đó các giác quan của chúng ta chẳng nhận thức được gì nữa, dù về bản chất nó có thể được phân chia vô cùng tận.
Trong hai mặt vô hạn này của khoa học, vô hạn về độ lớn thì rõ rệt nhất, và vì thế dẫn tới việc hiếm có người tự nhận là biết hết thảy mọi thứ. “Tôi sẽ nói về cái toàn thể”, Demókritos23 từng nói.
Nhưng sự vô hạn về độ nhỏ lại rất khó thấy. Nhiều triết gia tuyên bố đã thấu đạt được nó, và chính ở đây hầu hết đã bị vấp ngã. Điều này đã làm nảy sinh những tựa đề phố biến như Những nguyên lý của vạn vật, Những nguyên lý của triết học,24 và những thứ tương tự, thực tế mang vẻ hoa mĩ dù không thể hiện rõ ra bên ngoài, như cái tựa đề làm đui mù chúng ta, De omni re scibili.25
Một cách tự nhiên chúng ta tin rằng bản thân có nhiều khả năng tới được trung tâm của sự vật hơn là bao trọn chu vi của chúng, và phạm vi thấy được của thế giới rõ ràng vượt quá sức của chúng ta. Nhưng bởi chúng ta vượt qua được những thứ nhỏ nhặt nên chúng ta tin rằng có nhiều khả năng nắm bắt chúng hơn, và trong khi chúng ta cần nhiều khả năng không kém để đi từ Hư vô tới Toàn thể. Cần khả năng vô hạn cho cả hai, và
dường như đối với tôi bất cử ai hiểu được những nguyên lý tối hậu của vạn vật đều có thể đạt tới được sự nhận thức về cái Vô hạn. Cái này phụ thuộc vào cái kia, cái này dẫn dắt tới cái kia. Những đầu mút này xích gần nhau và kết hợp với nhau do khoảng cách và lại tìm thấy nhau nơi Thiên Chúa, và chỉ nơi Thiên chúa.
Bởi thế cần nhận thức được tầm mức của bản thân. Chúng ta là cái gì đó, và chúng ta không là tất cả. Bản chất sự tồn tại của chúng ta che giấu chúng ta tri thức về những nguyên lý đầu tiên vốn được sinh ra từ Hư vô; và tính nhỏ bé của sự hiện hữu của chúng ta khiến chúng ta không thấy được cái Vô hạn.
Trí tuệ chúng ta trong trật tự của những cái khả tri chiếm một cấp bậc giống như cấp bậc của cơ thể chúng ta trong cõi tự nhiên.
Khi chúng ta bị hạn chế theo mọi cách như thế, trạng thái này, vốn chiếm trung điểm giữa hai thái cực, lại có mặt trong mọi khả năng của chúng ta. Các giác quan của chúng ta không nhận thức được điều thái quá nào, nhiều âm thanh quá sẽ làm chúng ta chói tai, nhiều ánh sáng quá sẽ làm chúng ta lóa mắt, khoảng cách quá xa hoặc quá gần ngăn cản tầm nhìn. Quá dài hoặc quá ngắn gọn khiến một bài diễn văn có thể trở nên khó hiểu; nhiều sự thật quá sẽ khiến chúng ta kinh ngạc. Tôi biết một vài người không thể hiểu rằng không (o) trừ bốn (4) còn lại không (o).26 Những nguyên lý đầu tiên27 quá hiển nhiên đối với chúng ta; nhiều vui thú quá sẽ khiến chúng ta không hài lòng, nhiều hòa âm quá sẽ khiến bản nhạc chán ngán, và quá nhiều tác dụng tốt gây khó chịu. Chúng ta muốn có cái gì đó vượt quá khoản nợ. Bénéficia eo usque laeta sunt dum vindentur exsolvi posse; ubi multum antevenere, pro gratia, odium redditur.28 Chúng ta không cảm thấy được mức cực nóng hoặc cực lạnh. Những phẩm chất thái quá là kẻ thù của chúng ta và không cảm thấy được, chúng ta không cảm
nhận chúng mà chúng ta chịu đựng chúng. Quá trẻ hoặc quá già cũng cản trở tinh thần; cũng như quá nhiều hoặc quá ít sự giáo dục.
Tóm lại, những thứ cực độ là dành cho chúng ta mặc dù chúng không phải là như thế, và chúng ta không nằm trong tầm ghi nhận của chúng. Chúng vượt ngoài tâm chú ý của ta, hoặc ta vượt ngoài tầm chú ý của chúng.
Đó chính là tình trạng thật sự của chúng ta. Đây là điều khiến chúng ta không có khả năng biết một cách chắc chắn và rơi vào cảnh thiếu hiểu biết hoàn toàn. Chúng ta giong buồm trong một phạm vi rộng lớn, luôn luôn bất định và dạt trôi, bị đẩy từ đầu này đến đầu kia. Đôi khi chúng ta nghĩ đến chuyện gắn mình với điểm nào đó và buộc mình vào nó, nó lung lay và rời khỏi chúng ta; và nếu chúng ta đuổi theo, nó thoát khỏi mỗi lần ta chụp bắt, trượt qua và biến mất mãi mãi. Chẳng gì ở lại vì chúng ta. Đó là tình trạng tự nhiên đối với chúng ta và gần như đi ngược lại hoàn toàn với khuynh hướng của chúng ta. Chúng ta hừng hực ham muốn tìm được một nền tảng vững chắc, và một cơ sở chắc chắn sau cùng để xây dựng một tòa tháp vươn tới cái Vô hạn. Nhưng toàn bộ nền tảng của chúng ta rạn nứt, và mặt đất mở ra vực thẳm.
Do đó, đừng nên tìm kiếm sự đảm bảo và sự vững bền; lý trí của chúng ta luôn bị lừa dối bởi những cái bóng hay thay đổi: chẳng gì có thể cố định được cái hữu hạn giữa hai cái Vô hạn kia, vốn vừa bao hàm vừa thoát khỏi nó.
Nếu hiểu rõ điều này thì tôi tin rằng chúng ta sẽ được nghỉ yên, mỗi người trong trạng thái mà tự nhiên đã đặt họ vào.
Vì môi trường mà chúng ta rơi vào như là số phận của chúng ta luôn xa hai điểm tận cùng, điều gì có ý nghĩa khi một người có thêm chút kiến thức về vũ trụ nếu anh ta có kiến thức ấy, và nếu anh ta đưa mọi thứ lên cao
hơn một chút, liệu anh ta không luôn hết sức tránh xa khỏi sự kết thúc, và thời gian sống của chúng ta không phải là cũng rất nhỏ nếu đem so với sự vĩnh cửu, cho dù có kéo dài thêm mười năm nữa, hay sao?
Xét theo những cái vô hạn này, mọi cái hữu hạn đều tương đồng và tôi thấy không có lý do gì để người ta đặt trí tưởng tượng của mình vào cái này hơn là cái khác. Chỉ riêng sự so sánh bản thân với cái hữu hạn cũng khiến chúng ta đau khổ.
Nếu con người biến bản thân mình thành mục tiêu nghiên cứu trước nhất, hắn sẽ thấy bản thân không có khả năng tiến xa nhường nào. Làm thế nào một bộ phận hiểu được cái toàn thể? Nhưng có lẽ ít nhất anh ta cũng khát khao được biết những bộ phận mà anh ta có tương quan tỷ lệ nào đó. Nhưng các bộ phận của thế giới kia lại liên hệ và kết nối với nhau đến độ tôi tin rằng không thể biết được cái này mà không có cái kia và tách rời cái toàn thể.
Ví dụ như, con người có liên quan với mọi thứ anh ta biết. Anh ta cần một nơi để ở, quãng thời gian để sống qua, hoạt động để sống, những yếu tố để làm nên anh ta, nhiệt và thức ăn để nuôi dưỡng anh ta, không khí để thở. Anh ta nhìn thấy ánh sáng, cảm thấy những cơ thể, tóm lại là tất cả trong một mối quan hệ phụ thuộc. Bởi thế để nhận biết được con người, cần phải biết làm thế nào mà con người lại cần không khí để sống, và, để hiểu không khí, chúng ta phải hiểu nó quan hệ với đời sống con người như thế nào...
Ngọn lửa không tồn tại thiếu không khí; bởi thế muốn hiểu cái này cần phải hiểu cái kia.
Như thế, mọi thứ khi ấy đồng thời là nguyên nhân và là kết quả, được trợ giúp và có tính trợ giúp, gián tiếp và trực tiếp, và tất cả được kết hợp cùng nhau trong một mối quan hệ tự nhiên và không dễ cảm thấy được vốn
nối kết những thứ xa xôi nhất và khác nhau nhất, tôi nghĩ ta cũng không thể biết được bộ phận mà không biết cái toàn thể, và ngược lại.
(Sự vĩnh hằng của mọi thứ trong bản thân chúng hay trong Thiên Chúa hẳn khiến chúng ta kinh ngạc trong khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình. Sự bất động không đổi và ổn định của tự nhiên, trong mối tương quan với sự thay đổi liên tục diễn ra trong chúng ta, hẳn có cùng hiệu ứng).
Và điều khiến chúng ta bất lực hoàn toàn trong việc nhận thức được các thứ là ở chỗ, bản thân chúng thì đơn giản còn chúng ta được tạo nên từ hai bản chất đối lập, khác biệt về tính chất, [ấy là] tâm hồn và thể xác. Bởi không thể có chuyện phần duy lý bên trong chúng ta lại không có tính tinh thần; và nếu ai đó cho rằng chúng ta chỉ đơn giản là thân xác, điều này sẽ càng khiến chúng ta không thể có được sự hiểu biết về mọi thứ, bởi chẳng có gì khó tưởng tượng cho bằng việc nói rằng vật chất tự biết chính nó. Không thể hình dung được bằng cách nào nó biết được chính bản thân nó.
Và như thế, nếu chúng ta chỉ đơn giản là vật chất, chúng ta không thể biết gì cả; và nếu chúng ta được hợp thành từ tinh thần và từ vật chất, chúng ta không thể biết một cách trọn vẹn những thứ đơn giản dù thuộc về tinh thần hay thể xác.
Do đó mơi có việc hầu hết các nhà triết học đều có những ý tưởng lẫn lộn về sự vật hiện tượng, và nói về những thứ vật chất qua những thuật ngữ tinh thần, và ngược lại, nói về những thứ tinh thần qua thuật ngữ vật chất. Bởi họ liều lĩnh nói rằng thể xác có xu hướng suy thoái, rằng họ đi tìm đến trung tâm của thể xác, tránh khỏi sự đổ nát của chúng, sợ sự trống rỗng, rằng họ có những luyến ái, thông cảm, ác cảm, tất cả những thứ thuộc về chỉ tinh thần. Và khi nói về tinh thần, họ xem chúng như ở một chỗ, và gán cho chúng chuyển động từ nơi này đến nơi kia, tất cả những điều này chỉ thuộc về thể xác.
Thay vì thâu nhận các ý tưởng về những điều này trong sự thuần khiết của chúng, chúng ta nhuộm màu chúng với những phẩm chất của chính chúng ta, và in dấu bản thể phức hợp của chúng ta lên mọi thứ thứ đơn giản mà chúng ta quan sát.
Ai không tin rằng, khi nhìn chúng ta tạo nên mọi thứ tinh thần và thể xác, thứ pha trộn này có thể hiểu được một cách rõ ràng với chúng ta? Đó chính là thứ chúng ta hiểu được ít nhất. Con người, đối với bản thân nó, là tạo vật kỳ dị nhất của tự nhiên; bởi nó không thể nhận thức được thân thể là gì, và hiểu ra tâm trí là gì thì còn ít hơn nữa, và chẳng biết chút nào về cách một thân thể nên được hợp nhất với một tâm trí như thế nào. Đó chính là đỉnh điểm của những khó khăn của anh ta, song đó chính là con người thực sự của anh ta. Modus quo corporibus adhaerent spiritus comprehendi ab hominibus non potest, et hoc tamen homo est.29
Tóm lại, để hoàn thành việc chứng minh sự yếu đuối của chúng ta, tôi sẽ kết luận qua hai nhận xét này...
73. Nhưng có lẽ chủ đề này vượt quá tầm với của lý trí. Bởi thế hãy cùng xem xét những gì được lý trí tạo ra cho những thứ trong khả năng của nó. Nếu có bất cứ điều gì mà mối quan tâm riêng khiến nó phải chú tâm vào một cách nghiêm túc nhất, đó chính là việc tìm kiếm điều tối hảo của nó. Bởi thế hãy xem những tâm hồn mạnh mẽ và sáng suốt kia đã đặt nó ở đâu và liệu nó có đồng ý việc này hay không.
Có người nói rặng điều tối hảo là ở nơi đức hạnh, người thì cho là ở nơi sự khoái lạc, người thì cho là trong sự hiểu biết về thiên nhiên, người khác cho là ở nơi lẽ thật, Felix qui potuit rerum cognoscere causas,30 người khác cho là trong sự dốt nát hoàn toàn, có người nghĩ là trong sự lười nhác, người thì cho là ở trong việc chống lại những biểu hiện bề ngoài, có người cho là ở việc chẳng ngạc nhiên với điều gì, nihil admirari
prope res una quae possit facere et servare beatum,31 và những người hoài nghi thực sự cho rằng nó nằm trong sự lãnh đạm, nghi ngờ, và sự phân vân không dứt của họ. Và nhiều người khác, khôn ngoan hơn, nghĩ có thể tìm ra một định nghĩa tốt hơn. Chúng ta thực sự hài lòng.
Cần xét xem phải chăng triết lý tốt đẹp này đã không đạt được bất cứ điều gì chắc chắn qua sự làm việc rất dài và căng thẳng như vậy; có lẽ chí ít tâm hồn biết được bản thân nó. Hãy nghe những giáo sư nơi thế gian nói về chủ đề này. Họ đã nghĩ gì về nội dung chính của nó? 394. Liệu họ có hạnh phúc hơn khi định vị được nó?395. Họ đã tìm ra những gì về nguôn gốc, thời gian tồn tại, và điểm khởi đầu của nó? Harum sententiarum,32 399
Như thế, liệu linh hồn có là một chủ đề quá tầm mức đối với trí tuệ yếu ớt của họ không? Khi ấy, thử hạ nó xuống tầm mức vật chất và xem liệu nó có biết thân thể mà nó khiến cho hoạt động, và những thân thể khác mà nó dự tính và dịch chuyển tùy ý nó được làm từ cái gì ra.
Những người theo chủ nghĩa giáo điều được xem là vĩ đại kia, vốn không gì là không biết, đã biết gì về vấn đề này? 393.33
Điều này rõ ràng là đủ nếu lý trí có lý tính. Nó có lý tính đủ để thừa nhận rằng nó không có khả năng tìm thấy bất cứ thứ gì bền vững, nhưng nó không tuyệt vọng trong việc tìm kiếm điều đó; ngược lại nó mãi say mê với việc tìm kiếm này, và tin chắc bên trong nó có những sửc mạnh cần thiết cho cuộc chinh phục ấy. Chúng ta bởi thế phải kết luận, và, sau khi xem xét những sức mạnh của nó trong hiệu lực của chúng, nhận biết chúng trong chính bản thân chúng, và xem liệu lý trí có sức mạnh và khả năng nào đó có thể nắm bắt được sự thật hay không.
74. Một bức thư về sự ngu ngốc của khoa học nhân văn và triết học.
Bức thư này trước sự tiêu khiển.
Felix qui potuit... Nihil admirari.34
280 loại tối hảo ở Montaigne.35
75. Phần 1,1, 2, c. 1, đoạn 4.36
Sự phỏng đoán - Sẽ không khó để đặt một trường hợp xuống mức thấp hơn, và khiến nó có vẻ nực cười. Liệu có gì vô lý hơn khi nói rằng những thân thể không sinh khí lại có những nhiệt huyết, sự e dè, nỗi khiếp sợ - rằng những thân thể không có cảm giác, không có sự sống và không thể sống, lại có những cảm xúc vốn cần phải có trước một tâm hồn ít nhất đủ nhạy cảm để cảm thấy chúng.
Hơn thế nữa, đối tượng của nỗi khiếp sợ này chính là sự trống rỗng? Có gì ở trong sự trống rỗng lại có thể khiến chúng sợ ai. Chẳng gì nông cạn và vô lý hơn. Đây chưa phải là tất cả; rằng trong bản thân những thân thể này có một nguồn vận động để tránh được sự sống rỗng. Phải chăng chúng có tay, chân, cơ bắp, hệ thần kinh?
76. Viết chống lại những ai đã nghiên cứu khoa học quá sâu. Descartes.
77. Tôi không thể bỏ qua cho Descartes: ông ta muốn, trong toàn bộ triết học của mình, tỏ rõ ý định không cần tới Thiên Chúa. Nhưng ông ta đã phải cậy nhờ Ngài đưa ra một cái búng tay để khiến thế giới đi vào hoạt động; ngoài điều này, ông ta không cần đến Thiên Chúa nữa.
78. Descartes vô dụng và không chắc chắn.
79. Descartes - cần phải nói một cách cô đọng: “Điều này được tạo ra bởi hình ảnh và chuyển động”, vì nó đúng. Nhưng để nói những thứ này là gì, và để tạo ra máy móc, thì thật nực cười. Bởi điều đó vô ích, không chắc chắn, và khó chịu. Và nếu điều đó đúng, chúng ta không nghĩ toàn bộ triết
học đáng một giờ đau khổ.
80. Làm sao mà có chuyện một người què quặt thì không khiến chúng ta bực tức, nhưng một tinh thần què quặt thì có? Lý do chính là người què quặt thừa nhận rằng chúng ta bước đi thẳng, trong khi một tinh thần què quặt tuyên bố rằng chính chúng ta que quặt; nếu không như thế, chúng ta nên thấy thương hại và không tức giận.
Epíktetos còn hỏi một cách mạnh mẽ hơn: “Tại sao chúng ta không giận dự nếu người ta nói rằng chúng ta đau đầu, và lại giận dữ khi bị nói là suy đoán tồi, hay lựa chọn sai lầm?” Lý do là chúng ta hoàn toàn chắc chắn rằng mình không bị đau đầu, hay không què quặt, nhưng không chắc chắn bản thân lựa chọn đúng. Như thế, khi có sự tin tưởng chắc chắn bởi vì chúng ta nhìn với toàn bộ nhãn lực, chúng ta do dự và ngạc nhiên khi ai đó với toàn bộ nhãn lực của anh ta thấy điều ngược lại, và còn hơn thế nữa khi hàng ngàn người khác cười nhạo sự lựa chọn của chúng ta. Bởi chúng ta phải thích sự thông minh của mình hơn của nhiều người khác. Và điều đó quả là liều lĩnh và khó khăn. Chẳng bao giờ có sự mâu thuẫn này trong những tình cảm hướng đến một người què quặt.
81. Tâm trí tin một cách tự nhiên và ý chí yêu một cách tự nhiên đến mức, chúng phải gắn liền với cái giả tạo bởi thiếu những mục tiêu thực sự.
82. Trí tưởng tượng - Đó chính là phần nổi trội nhất trong con người, bà chủ của sự hư hỏng và lầm lạc này, và còn dễ khiến cho lầm lẫn hơn khi không phải lúc nào nó cũng như vậy; vì nó là một nguyên tắc không thể sai của sự thật, nếu nó là một nguyên tắc không thể sai của sự giả dối. Nhưng do nó thường là sai nên nó không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào về bản chất của nó, đồng thời tạo tính chất như nhau cho cả cái đúng và cái sai.
Tôi không nói về những kẻ khờ dại, tôi nói về những người khôn ngoan nhất; và chính trong họ trí tưởng tượng có tài thuyết phục tuyệt vời.
Lý trí phản đối vô ích; nó không thể thiết lập giá trị thực sự cho các thứ.
Kẻ thù kiêu ngạo đầy sức mạnh này của lý trí, thích chỉ huy và ngự trị lý trí, để chứng tỏ nó mạnh đến nhường nào, đã thiết lập trong con người một bản chất thứ hai. Nó khiến con người hạnh phúc và buồn bã, khỏe mạnh và ốm đau, giàu có và nghèo khổ; nó ép buộc lý trí tin tưởng, nghi ngờ, và phủ nhận; nó làm cùn các giác quan, hoặc làm nhanh nhạy hơn; nó có những kẻ ngu ngốc và những nhà hiền triết của riêng mình; và chẳng gì làm chúng ta khó chịu hơn khi thấy nó đem lại cho những người sùng mộ nó một sự hài lòng đầy đủ và toàn diện hơn lý trí. Những kẻ ma mãnh nhờ trí tưởng tượng hài lòng với bản thân hơn rất nhiều so với những người thận trọng có thể hài lòng vơi chính họ một cách hợp lý. Những kẻ ma mãnh ấy nhìn người khác với sự ngạo mạn, tranh luận với sự liều lĩnh và tự tin - những người khác với sự e sợ và ngờ vực - và sự vui vẻ của dung mạo thuờng mang đến cho họ nhiều lợi thế hơn trong ý kiến của ngưòi nghe, sự ưu ái như vậy, trong mắt của những người đánh giá có bản chất tương tự, có sự khôn ngoan hoang tưởng. Trí tưởng tượng không thể khiến cho kẻ đần trở nên thông thái có thể khiến họ hạnh phúc, trước sự ganh tỵ của lý trí vốn chỉ khiến những người yêu chuộng nó phiền muộn; một cái khoác lên họ vinh quang, còn cái kia khoác lên nỗi hổ thẹn.
Cái gì phân phát được danh tiếng, ban tặng được sự kính trọng và lòng sùng bái cho những con người, những công trình, những luật lệ, và những điều vĩ đại, ngoài năng lực tưởng tượng này? Mọi sự giàu có của mặt đất là không đủ khi thiếu sự ưng thuận của nó.
Liệu bạn không nói rằng vị quan tòa này, mà sự già cả đáng kính của ông ta xứng với sự tôn trọng của toàn thể người dân, bị chi phối bởi lý tính thuần túy và cao cả, và rằng ông ta xét đến các nguyên nhân theo bản chất thực sự của chúng mà không đánh giá những hoàn cảnh vô nghĩa vốn chỉ
ảnh hưởng đến trí tưởng tượng của người yếu đuối? Hãy nhìn ông ta bước vào một bài lên lớp dài dòng, đầy nhiệt tình thành kính, củng cố cho sự vững chắc của lý trí ông ta bằng sự nhiệt thành của tình yêu. Ông ấy sẵn sàng lắng nghe vời sự tôn trọng mẫu mực. Hãy để người thuyết giáo xuất hiện, nếu tự nhiên đã ban cho ông ta một giọng khàn đặc hay một diện mạo kỳ dị, rằng người thự cắt tóc vừa làm cho ông ta một bộ râu xấu xí, hay tình cờ quần áo của ông ta bẩn hơn bình thường, lúc đó, cho dù những sư thật mà ông ta công bố có lớn lao đến đâu, tôi đánh cược rằng nghị viên của chúng ta cũng đánh mất đi sự nghiêm trang của mình.
Triết gia vĩ đại nhất thế giới trên một tấm ván rộng hơn mức cần thiết, nếu ở bên dưới đó là một vực thẳm, dẫu cho lý tính có thuyết phục được ông ta về sự an toàn của bản thân, nhưng trí tưởng tượng vẫn chiếm ưu thế. Đa phần đều không chịu được ý nghĩ này mà không tái nhợt và toát mồ hôi.
Tôi không muốn nêu ra mọi ảnh hưởng của nó. Ai cũng đều biết rằng hình ảnh của mấy con mèo hay chuột, việc nghiền than đá… có thể khiến lý trí bị rối loạn. Âm vực của giọng nói ảnh hưởng đến những người ngôn ngoan nhất, và thay đổi sức mạnh của một bài diễn thuyết hay một bài thơ.
Tình yêu hay sự thù ghét tác động đến diện mạo công lý, và một luật sư được trả trước một khoản hậu hĩnh sẽ cảm thấy tự tin hơn biết bao nhiêu trong việc tranh tụng của anh ta. Cử chỉ táo bạo của anh ta khiến vụ kiện của anh ta có vẻ chính đáng hơn tới mức nào trước những vị thẩm phán bị lừa mị bởi dáng vẻ bên ngoài này. Lý tính thực khôi hài biết bao, khi bị chi phối bởi một chuyện hão huyền theo mọi nhẽ!
Tôi cần phải liệt kê ra hầu hết mọi hành động của những người hầu như chỉ nao núng bởi những cuộc tấn công của nó. Bởi lý trí đã buộc phải đầu hàng, và lý trí khôn ngoan nhất dùng như là những nguyên tắc của
riêng nó những gì mà trí tưởng tượng của con người đưa bừa vào mọi lĩnh vực. (Ai muốn chỉ nghe theo lý trí thôi thì bị xem là ngu xuẩn, chúng ta phải đánh giá theo quan điểm của đa số nhân loại. Bởi trí tưởng tượng làm họ hài lòng, chúng ta phải làm việc cả ngày để có được những niềm vui được xem là không thực và sau giấc ngủ làm cho lý trí mệt mỏi của chúng ta trở nên khoan khoái, cần phải nhanh chóng thức dậy và chạy theo những mộng tưởng, và quét sạch những ấn tượng của bà chủ này của thế giới [tức lý trí]. Đây là một trong những căn nguyên của sai lầm, nhưng đó không phải là duy nhất).
Những quan tòa của chúng ta đã biết rõ bí ẩn này. Những áo choàng màu đỏ của họ, bộ lông chồn éc-min [hermine] mà họ quấn kín mình trông như những con mèo lông xù, những tòa án nơi họ thực thi công lý, những biểu tượng hoa ly [fleurs de lys], toàn bộ trang bị tôn nghiêm như thế đều thực sự cần thiết; nếu những thầy thuốc không có áo choàng và con la của mình, nếu những bác sĩ không có những chiếc mũ bônê [bonnet] hình vuông và áo thụng gấp bốn lần bình thường, chắc họ chẳng bao giờ lừa dối đưực cái thế gian vốn không thể cưỡng lại được vẻ ngoài độc đáo đến thế. Nếu các thẩm phán có sự công bằng thực sự, nếu những thầy thuốc có nghệ thuật chữa bệnh thực sự, họ sẽ không có cơ hội cho những chiếc mũ vuông, vẻ uy nghi của những khoa học này tự nó đủ đáng kính. Nhưng chỉ có kiến thức không thực, họ mới phải viện tới những công cụ ngớ ngẩn đó để tác động tới trí tưởng tượng mà họ phải đối phó; và qua đó, trong thực tế, chúng khơi gợi sự tôn kính. Chỉ riêng những người lính là không trá hình theo cách này bởi trong thực tế nhiệm vụ của họ là quan trọng nhất. Họ khẳng định vị trí của mình bằng sức mạnh, những người khác khẳng định bằng sự phô trương.
Chính vì vậy, những vị vua của chúng ta đã không tìm kiếm những sự trá hình hày. Họ đã không giấu mình trong những trang phục lạ thường để
xuất hiện như thế. Nhưng họ được tháp tùng bởi những người lính gác, những gã mặt thẹo. Nhóm người được vũ trang đó chỉ có những đôi tay và sức mạnh cho riêng họ, những kèn và trống đó đi trước, và những quân đoàn đó bao quanh họ, khiến những kẻ can đảm nhất cũng phải run rẩy. Họ không chỉ có áo xống, họ có cả sức mạnh, cần phải có một lý trí được thanh tẩy để xem một đại vương với bốn mươi ngàn vệ binh xung quanh trong cung điện lộng lẫy như một người bình thường.
Chúng ta thậm chí không thể nhìn một luật sư trong chiếc áo choàng và mũ bô-nê ở trên đầu mà lại không có ý kiến đề cao khả năng của anh ta. Trí tưởng tượng sắp đặt mọi thứ; nó tạo ra vẻ đẹp, công lý, và hạnh phúc, vốn là tất cả trên thế gian. Tôi rất muốn được thấy một tác phẩm của Ý mà tôi chỉ biết tên sách, mà riêng cái tên ấy đã có giá trị ngang với nhiều cuốn sách, Della opinione repina del mondo [Về ý kiến, nữ vương của thế giới]. Tôi tán thành cuốn sách mà không biết nó, ngoại trừ điều không tốt trong ấy nếu có. Đây gần như là những hiệu ứng của khả năng đánh lừa này, thứ dường được đưa ra cốt để dẫn chúng ta đển sai lầm tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều nguồn gốc sai lầm khác.
Không chỉ những ấn tượng cũ có khả năng lừa gạt chúng ta, sự quyến rũ của cái mới lạ cũng có khả năng như thế. Từ đó làm nảy sinh mọi tranh cãi nơi con người vốn chê trách nhau về việc hoặc theo đuổi những ấn tượng sai lầm của tuổi thơ, hoặc chạy theo cái mới một cách thiếu cẩn trọng. Ai giữ sự trung dung? Hãy để anh ta xuất hiện và chỉ ra nó. Chẳng có một nguyên lý nào, dù tự nhiên đến đâu đối với chúng ta từ thời thơ ấu, mà không bị coi như một ấn tượng sai lầm hoặc của sự dạy dỗ hoặc của các giác quan.
“Bởi vì”, người ta nói, “bạn đã tin từ khi còn nhỏ rằng một cái rương là trống rỗng khi không thấy gì trong đó, bạn tin vào sự khả hữu của cái trống
rỗng. Đây là một ảo giác của những giác quan, được gia cố bởi thói quen, cần được uốn nắn lại bởi sự thông hiểu.” Và những người khác nói, “vì ở trường bạn được dạy rằng không có sự trống rỗng, người ta đã làm hỏng tri giác thông thường vốn có thể hiểu được điều đó một cách rõ ràng trước khi mắc phải ấn tượng sai lầm này, và bạn phải uốn nắn lại bằng cách quay trở về trạng thái đầu tiên của mình”. Như thế cái gì đã lừa dối bạn? Các giác quan hay sự dạy dỗ?
Cái sai trong chúng ta còn có một nguồn gốc nữa: những căn bệnh. Chúng làm hại sự xét đoán và giác quan; và nếu những căn bệnh nghiêm trọng gây ra một sự thay đổi đáng kể, tôi dám chắc rằng những căn bệnh nhẹ hơn cũng gây ra cảm tưởng tương ứng với chúng.
Lợi ích riêng của mỗi người còn là một công cụ tuyệt vời để làm mù mắt chúng ta. Người chính trực nhất không được phép là quan tòa trong vụ việc liên quan đến anh ta. Tôi biết vài người, để không rơi vào tình cảm ưu ái bản thân này, đã trở thành cực kỳ bất công vì muốn chống sự ưu ái này. Cách chắc chắn để mất đi một chính nghĩa là nhờ người khác tuyên truyền về nó cho những họ hàng thân thiết của họ.
Công lý và sự thật là hai điểm vi tế đến độ những công cụ của chúng ta quá cùn để chạm vào chúng một cách chính xác. Nếu chạm tới điểm đó, hoặc chúng nghiền nát nó, hoặc dựa quá nhiều, vào điều sai lầm hơn là điều đúng đắn.
Con người được tạo ra thực tài tình đến nỗi anh ta không có bất cứ yếu tố đúng đắn nào của lẽ phải, trong khi lại có cái trội của sai lầm. Giờ hãy xem bao nhiêu... Nhưng nguyên nhân thú vị nhất của những sai lầm chính là sự xung đột giữa giác quan và lý tính.
83. Bởi thế, chúng ta phải bắt đầu phần nói về những khả năng gây lầm lẫn. Con người chỉ là một chủ thể đầy sai lầm tự nhiên và không thể xóa
bỏ, không có sự miễn thứ. Chẳng gì cho anh ta thay sự thật. Mọi thứ lừa phỉnh anh ta. Có hai nguồn sự thật, lý tính và các giác quan, bên cạnh việc cả hai đều thiếu tính chân thật, chúng còn lần lượt lừa dối lẫn nhau. Giác quan lừa dối Lý trí bằng những vẻ ngoài hư giả, và nhận lại từ lý trí cũng chính sự lừa bịp mà chúng đã tạo ra; Lý trí đã có sự trả thù của nó. Những đam mê của tâm hồn quấy rối và tạo ra những ấn tượng sai lầm với các giác quan. Chúng thù nghịch nhau trong sự sai lầm và dối trá.
Nhưng ngoài ra, những sai lầm này vốn nảy sinh một cách ngẫu nhiên và bởi sự thiếu hiểu biết giữa những khả năng không đồng nhất này...
84. Trí tưởng tượng thổi phồng những điều nhỏ nhặt cho đến khi làm đầy tâm hồn chúng ta với một sự đánh giá phi thực tế; và, với sự ngạo mạn liều lĩnh, nó hạ thấp những điều lớn lao về vừa với tiêu chuẩn đánh giá của nó, như khi nói về Thiên Chúa.
85. Những thứ tác động đến chúng ta nhiều nhất, như việc che giấu chút tài sản ít ỏi của mình, thường chẳng là gì cả. Đó là một con số không mà trí tưởng tượng của chúng ta biến thành ngọn núi. Một bước ngoặt nữa của trí tường tượng có thể giúp chúng ta nhân ra sự phóng đại này chẳng mấy khó khăn.
86. Sự tưởng tượng khiến tôi ghết một người bi quan, và một người thở hổn hển khi đang ăn. Trí tưởng tượng có sức nặng lớn. Liệu chúng ta sẽ lợi dụng được nó? Hay phải quy phục sức nặng này bởi điều đó là đương nhiên? Không, mà bằng cách chống lại nó…
87. Nae iste magno conatu magnas nugas dixerit.37
Quasi quidquam infelicius sit homini cui sua figmenta dominantur. 583.38
88. Đám trẻ con khiếp sợ khuôn mặt mà chúng đã bôi lem luốc. Đó là
những đứa trẻ; nhưng một người quá yếu đuối khi còn nhỏ làm sao thực sự mạnh mẽ khi anh ta lớn tuổi hơn! Chỉ cần thay đổi trí tưởng tượng. Tất cả những gì hoàn thiện qua sự tiến triển thì cũng tiêu tan bởi sự tiến triển. Tất cả những gì đã yếu đuối sẽ chẳng bao giờ trở nên tuyệt đối mạnh mẽ. Người ta nói vô ích, “Anh ta đã lớn, anh ta đã thay đổi”, nhưng anh ta vẫn thế.
89. Quen theo lệ thường là bản chất của chúng ta. Ai quen với đức tin thì tin tưởng vào nó, và có thể không còn sợ hãi địa ngục, và không tin vào điều gì khác nữa. Người quen với việc tin rằng nhà vua đáng kinh sợ... Ai nghi ngờ, khi ấy, rằng tâm hồn chúng ta, khi quen với việc nhìn thấy con số, không gian, chuyển động, lại tin điều đó và chẳng tin thứ gì khác?
90. Quod crebro videt non miratur, etiamsi curfiat nescit; quod ante non viderit, id si evenerit, ostentum esse cens et.39
91. Spongia soils40 - Khi nhìn thấy kết quả luôn như trước, chúng ta suy ra có một tất yếu tự nhiên trong nó, như là luôn có một ngày mai... Nhưng Tự nhiên thường dối gạt chúng ta, và không tự buộc phải tuân theo những quy tắc riêng của nó.
92. Những nguyên tắc của chúng ta là gì nếu không phải là những nguyên tắc do dần quen mà có? Và ở những đứa trẻ, đó là những gì chúng nhận được từ thói quen của tổ tiên, như hoạt động săn mồi ở động vật. Một thói quen khác sẽ đưa đến những nguyên tắc tự nhiên khác. Điều này được thấy qua kinh nghiệm; và nếu có những nguyên tắc tự nhiên nào đó mà thói quen không xóa bỏ được, thì cũng có một số thói quen đối nghịch với tự nhiên, không thể xóa bỏ được bởi tự nhiên hay bởi một thói quen thứ hai. Điều này phụ thuộc vào thiên hướng.
93. Cha mẹ sự rằng tình yêu tự nhiên của con cái sẽ nhạt dần. Như thế
cái bản chất mà có thể bị xóa đi ấy là loại bản chất nào? Thói quen là một bản chất thứ hai vốn phá hủy thói quen trước. Nhưng bản chất là gì? Tại sao thói quen không mang tính tự nhiên? Tôi thực sự e rằng bản chất này bản thân nó chỉ là một thói quen đầu tiên, như thói quen là bản chất thứ hai.
94. Bản chất của con người thì hoàn toàn tự nhiên, omne animal.41
Không gì mà người ta không thể biến thành tự nhiên; không gì tự nhiên mà người ta không thể mất.
95. Tình cảm. Ký ức, niềm vui là những tình cảm và ngay cả những định lý toán học cũng trở thành tình cảm, bởi lý tính tạo ra những tình cảm tự nhiên và những tình cảm tự nhiên phai mờ bởi lý tính.
96. Khi đã quen với việc sử dụng những lý lẽ tồi để chứng minh những tác động của tự nhiên, người ta không còn muốn đón nhận những lý lẽ tốt khi chúng được tìm thấy. Có thể đưa ra ví dụ từ việc lưu thông máu là lý do khiến mạch máu phồng lên dưới dây buộc.
97. Việc quan trọng nhất trong cuộc sống là lựa chọn nghề nghiệp, tính ngẫu nhiên sắp đặt việc này. Thói quen làm nên những người thợ hồ, những người lính, những thợ lợp ngói. “Anh ta là một người thự lợp ngói giỏi”, một người nói, và khi nói về những người lính “Đó là những kẻ thực sự ngốc”. Nhưng những người khác nói điều ngược lại, “Chẳng có gì lớn hơn chiến tranh, đám đàn ông còn lại kia thực vô dụng.” Những gì chúng ta nghe thấy khi còn là đứa trẻ dẫn tới sự lựa chọn những nghề nghiệp này và chối bỏ những nghề nghiệp khác. Bởi chúng ta yêu đức hạnh và ghét sự điên rồ như một lẽ tự nhiên; những gì nghe được thúc đẩy chúng ta; người ta chỉ mắc sai lầm trong việc áp dụng. Sức mạnh của thói quen lớn đến nỗi, ngoài những gì thuộc về bản chất làm nên với con người, mọi hoàn cảnh con người đều được tạo ra.
Bởi có những nơi toàn thợ hồ, những nơi khác toàn là lính... Rõ ràng bản chất không đồng nhất như vậy; mà chính thói quen đã tạo ra điều đó, bởi nó bó buộc bản chất. Nhưng đôi lần bản chất vượt qua thói quen và giữ con người trong bản năng của họ bất chấp mọi thói quen dù tốt hay xấu.
98. Thành kiến dẫn tới sai lầm - Là một điều tệ hại khi nhìn thấy những người chỉ cân nhắc những phương tiện, mà không chú ý tới mục đích. Mỗi người nghĩ bằng cách nào làm tròn bổn phận trong hoàn cảnh của mình, nhưng đối với việc chọn hoàn cảnh, hay xứ sở, số mệnh ban nó cho chúng ta.
Quả là điều đáng tiếc khi nhìn thấy nhiều đến thế những người Thổ, người dị giáo, người không có niềm tin tôn giáo, đi theo con đường của tổ tiên họ vì một lý do duy nhất là mỗi người thấm đẫm định kiến rằng đó là điều tốt nhất. Và chính điều đó quyết định mỗi con người gắn chặt với hoàn cảnh của người thợ khóa, người lính...
Chính theo nhẽ ấy những kẻ man rợ chẳng quan tâm chút gì đến Thượng đế.
99. Có một sự khác biệt chung và căn bản giữa hành động của ý chí và những hành động khác.
Ý chí là một trong những yếu tố chủ chốt của sự tin, chứ không tạo ra niềm tin, nhưng bởi mọi thứ đúng hay sai tùy theo góc nhìn mà ta quan sát. Ý chí thích góc nhìn này hơn góc nhìn khác, nên nó khiến tâm trí quay lưng lại với việc đánh giá những phẩm chất của những gì nó không muốn thấy; và do đó tâm trí, chuyển động phù hợp với ý chí, dừng lại và đánh giá khía cạnh mà nó thích và như thể đánh giá dựa trên cái nó thấy.
100. Tự luyến. Bản chất của tự luyến và của cái Ngã con người là chỉ
yêu bản thân và quý trọng chính nó. Nhưng con người sẽ làm gì? Anh ta không thể giúp đối tượng mà anh ta yêu tranh khỏi chìm ngập trong sai lầm và thiếu sót. Anh ta muốn trở nên lớn lao, và thấy mình nhỏ bé. Anh ta muốn hạnh phúc và thấy mình khốn khổ. Anh ta muốn toàn hảo, và thấy mình đầy khiếm khuyết. Anh ta muốn được những người khác yêu và quý mến, và thấy rằng sai lầm của mình chỉ đáng vời sự ghê tởm và khinh thường của họ. Cảnh lúng túng mà anh ta lọt trong đó đã sản sinh ra trong anh ta thiên kiến bất công nhất và tội lỗi nhất có thể tưởng tượng được; vì anh ta thai nghén một sự thù nghịch chết người chống lại sự thật đó, thứ đã chê trách anh ta và khiến cho anh ta thừa nhận những khiếm khuyết của mình. Anh ta mong muốn tiêu diệt nó, và, khi không thể hủy hoại nó trong bản chất của nó, anh ta hủy hoại nó càng nhiều càng tốt, trong nhận thức của mình và của người khác; có nghĩa là, anh ta dành hết sự chú ý của bản thân vào việc che giấu lỗi lầm của mình khỏi tầm mắt của những người khác và của chính mình, và không thể chịu được việc người khác nhìn thấy những lỗi lầm ấy, hay chỉ cho anh ta thấy chúng.
Quả thực việc mắc đầy những sai lầm là chuyện xấu xa, nhưng còn xấu xa hơn khi mắc đầy những lỗi lầm ấy và không muốn nhận ra chúng, bởi vì như thế có nghĩa là cộng thêm vào điều xấu xa kia sư sai lầm của một ảo tưởng cố ý. Chúng ta không thích những người khác lừa dối mình; chúng ta không cảm thấy thỏa đáng khi họ muốn được chúng ta đánh giá cao hơn những gì họ xứng đáng; bởi thế cũng là không công bằng khi chúng ta lừa dối họ mà lại mong muốn được đánh giá cao hơn những gì chúng ta xứng đáng.
Như thế, khi họ đơn thuần phát hiện ra những khiếm khuyết và tật xấu trong thực tế của chúng ta, rõ ràng là họ không làm gì sai với chúng ta, bởi không phải họ gây ra những điều ấy; họ làm được một việc tốt cho ta nữa, vì họ giúp chúng ta giải phóng bản thân mình khỏi điều xấu, đó là sự thiếu
hiểu biết về những khiếm khuyết đó. Chúng ta không nên tức giận vì họ thấy được những lỗi lầm ấy và xem thường chúng ta; thật quá đúng khi họ được biết chúng ta theo đúng bản chất của chúng ta, và xem thường chúng ta nếu chúng ta đáng khinh.
Đó là những tình cảm có thể sinh ra nơi trái tim đủ đầy vô tư và công bằng. Như thế chúng ta phải nói gì về lòng dạ chúng ta, khi nhìn thấy nó theo một khuynh hướng hoàn toàn trái ngược? Bởi liệu có phải quả thực rằng chúng ta ghét sự thật và những ai nói sự thật với chúng ta, và rằng chúng ta thích họ bị lừa dối theo cách có lợi cho chúng ta, và rằng chúng ta thích được người khác đánh giá cao hơn thực chất của chúng ta?
Một dẫn chứng về điều này khiến tôi rùng mình ghê sợ. Công giáo không buộc người ta phải xưng tội một cách bừa bãi với tất cả mọi người; mà cho phép giữ bí mật về những tội đó với mọi người khác, ngoại trừ một người mà tôn giáo này yêu cầu cởi mở những gì thầm kín nhất trong trái tim và thể hiện đúng bản chất của ta với người đó. Chỉ có một người như thế trên thế gian mà tôn giáo lệnh cho ta không được lừa dối, và kết buộc người này với một bí mật bất khả xâm phạm, điều khiến tri thức này như thế không tồn tại bên trong anh ta. Người ta liệu có thể hình dung ra bất cứ điều gì nhân từ hơn, ôn hòa hơn? Và tuy thế sự sa ngã của con người đã đến độ họ thậm chí cảm thấy quy định này thực sự khắc nghiệt; và đó là một trong những lý do chính khiến phần lớn châu Âu chống lại Giáo hội.42
Lòng dạ con người quả là bất công và phi lý, vì nó cảm thấy thật tồi tệ khi bị buộc phải làm đối với một người cái việc, ở chừng mực nào đó, là đúng khi làm với những người khác! Bởi có đúng rằng chúng ta nên lừa dối mọi người không?
Có những mức độ khác nhau trong việc ghét bỏ sự thật này; nhưng có thể nói rằng mọi người đều có tình cảm ghét bỏ này ở một mức độ nào đó,
bởi nó gắn liền với tình yêu bản thân. Chính sự tế nhị giả tạo này đã khiến những ai có nhu cầu trách mắng người khác đều chọn nhiều cách thức quanh co và những giải pháp dung hòa đề tránh gây mất lòng. Họ cần phải giảm nhẹ những khiếm khuyết của chúng ta, làm ra vẻ như tha thứ cho những khiếm khuyết ấy, trộn thêm những lời khen và sự biểu lộ của lòng trìu mến và yêu thương. Mặc cho toàn bộ điều này, liều thuốc trên vẫn đắng nghét đối với tình yêu bản thân. Thứ tình yêu này dùng thuốc đó ở mức ít nhất có thể, luôn với sự chán ghét, và thường kèm thêm oán giận ngấm ngầm đối với người kê toa thứ thuốc đó.
Từ đó xảy ra việc, nếu một người có mối bận tâm nhất định đến việc có được sự yêu mến từ chúng ta, người đó không mang đến cho chúng ta điều mà anh ta thấy không phù hợp; người ta đối xử với chúng ta như chúng ta muốn được đối xử: chúng ta ghét sự thật, và họ giấu đi sự thật; chúng ta muốn được tâng bốc, họ tâng bốc chúng ta; chúng ta muốn được lừa dối, họ lừa dối chúng ta.
Vì thế, mỗi khi vận may nâng chúng ta lên một bậc cao hơn ở đời này, chúng ta càng rời xa sự thật, bởi người ta e ngại nhiều hơn trong việc làm thương tổn những người mà tình cảm của những người này đem lại nhiều lơi ích nhất và sự ghét bỏ của họ là vô cùng nguy hiểm. Một hoàng thân có thể là trò cười của châu Âu, và chỉ mình ông ta không biết điều đó. Tôi không ngạc nhiêm việc nói ra sự thật thì hữu ích với những người nghe, nhưng không có lợi cho người nói, bởi điều này khiến người nói ra điều đó không được yêu mến. Giờ những người sống với những ông hoàng lại yêu lợi ích của bản thân hơn lợi ích của ông hoàng mà họ phụng sự; và như thế, họ không quan tâm đến việc đem lại lợi ích cho ông hoàng ấy nếu việc đó gây hại đến bản thân họ.
Rõ ràng điều bất hạnh này lớn hơn và phố biến trong tầng lớp giàu có;
nhưng những tầng lớp thấp hơn cũng không phải ngoại lệ, bởi luôn có lợi ích nào đó trong việc làm cho người khác yêu mến mình. Như thế, đời sống con người chỉ là một cơn ảo mộng bất tận; con người lừa dối và phỉnh phờ lẫn nhau. Không ai nói về chúng ta khỉ ta có mặt giống như khi ta vắng mặt. Xã hội loài người được lập dựng trên sự lừa dối lẫn nhau, và hiếm có tình bạn nào tồn tại lâu dài nếu mỗi người biết rằng bạn mình nói những gì về mình khi mình vắng mặt, dẫu cho anh ta đã nói một cách chân thành và không thiên kiến.
Như thế, con người chỉ là sự ngụy trang, giả dối, và đạo đức giả, trong bản thân nó và đối với người khác. Bởi thế, con người không mong bất kỳ ai nói cho họ nghe sự thật; họ tránh nói sự thật với người khác, và tất cả những khuynh hướng này, quá xa rời công lý và lý trí, có một nguồn gốc tự nhiên trong trái tim con người.
101. Tôi cho là trong thực tế nếu biết được những điều người ta nói về nhau, trên thế giới này sẽ không có tới bốn người bạn. Điều này lộ ra qua những tranh cãi nảy sinh do những câu chuyện hớ hênh đôi khi vẫn được kể lại. Tôi nói, hơn nữa, mọi người hẳn là...
102. Có những thói xấu chỉ bấu chặt chúng ta do những thói xấu khác, và chúng, như những cành cây, sẽ bị mang đi khi người ta đốn hạ thân cây.
103. Tấm gương về đức hạnh của Alexandros43 [Pháp, Alexandre; Anh, Alexander] đã không tạo ra nhiều người biết chế dục bằng tấm gương về thói say xỉn của ông ta đã tạo ra những kẻ rượu chè quá độ. Chẳng phải là điều xấu hổ khi không đức hạnh như ông ta, và dường như việc không trụy lạc hơn ông ta lại được bỏ qua. Người ta không nghĩ bản thân sống trong những thói xấu của người bình thường khi họ thấy mình chìm trong những thói xấu của những con người vĩ đại này. Thế nhưng ta không nhận ra rằng trong những vấn đề này họ [những người vĩ đại] cũng là những
người bình thường. Ta bám chặt lấy họ theo cùng kiểu như họ bám lấy đám đông. Bởi dù cho được đề cao đến đâu thì họ vẫn có những điểm chung nào đó với những người thấp kém hơn. Họ không treo lơ lửng trên không trung, tách biệt với xã hội chúng ta. Không, không, nếu họ vĩ đại hơn chúng ta, đó là vì cái đầu của họ cao hơn nhưng đôi chân họ cũng thấp như chúng ta. Tất cả ở cùng một cấp độ, và đứng trên cùng một mặt đất; và với cái giới hạn đó họ cũng thấp như chúng ta, như những kẻ thấp kém nhất, như những đứa trẻ, như những con thú.
104. Khi để sự ham mê dẫn dắt làm một việc gì đó, người ta quên mất bổn phận của mình; như khí mê mẩn một cuốn sách, người ta đọc nó trong khi cần làm một việc khác. Giờ để nhắc nhở bản thân về nghĩa vụ của mình, người ta phải tự đặt ra một nhiệm vụ mà mình không thích; bấy giờ người ta lấy cớ rằng có việc gì đó khác cần làm và nhớ ra bổn phận của mình qua cách ấy.
105. Thực khó để đưa ra điều gì đó cho người khác đánh giá mà không tác động đến đánh giá của anh ta qua cách ta đưa ra điều đó! Nếu nói: “Tôi nghĩ nó đẹp”, “Tôi thấy nó không rõ ràng”, hay lời nào đó tương tự, chúng ta lôi kéo trí tưởng tượng vào nhận xét này, hay khích động nó đi theo hướng ngược lại. Tốt nhất là không nói gì và khi ấy người khác sẽ nhận xét theo nội dung thực của nó có nghĩa là, theo bản chất của nó lúc ấy, và theo những hoàn cảnh khác, không phải do chúng ta tạo ra, đã đặt ra nó. Nhưng chúng ta ít nhất sẽ không thêm vào điều gì, trừ phi sự im lặng đó cũng sinh ra một hiệu ứng, theo chiều hướng và cách diễn giải mà người khác sẵn sàng đưa ra, hoặc như anh ta sẽ đoán nó qua những cư chỉ hay sắc mặt, hoặc âm vực giọng nói, nếu anh ta là một người giỏi đoán việc qua tướng mạo. Thực khó để không làm suy suyển một nhận xét từ cơ sở tự nhiên của nó, hay, đúng hơn, rất hiếm khi một đánh giá thực sự vững chắc và ốn định!
106. Khi biết đam mê nổi trội của mỗi người, người ta chắc chắn làm hài lòng anh ta; và tuy vậy mỗi người có những sự cuồng tưởng, đi ngược với cái tốt riêng của anh ta, trong chính ý tưởng mà anh ta có về cái tốt. Đó là một điều kỳ lạ gây khó nghĩ.
107. Lustravit lampade terras44 - Có ít sự kết nối giữa thời tiết và tính khí của tôi. Có những ngày sương mù và cả những ngày đẹp trời trong tôi; điều tốt lành hay những việc tệ hại của tôi thậm chí chẳng mấy liên quan tới vấn đề này. Đôi lần tôi nỗ lực chống lại số mệnh. Vinh quang của việc làm chủ nó giúp tôi chế ngự nó một cách thoải mái; trong khi thỉnh thoảng tôi chán ngấy giữa sự may mắn tốt lành.
108. Cho dù con người không có tư lợi trong điều họ đang nói, nhưng ta tuyệt đối không được phép kết luận từ đó rằng họ đang không nói dối; bởi có một số người nói dối đơn giản chỉ để nói dối.
109. Khi khỏe mạnh người ta tự hỏi rằng mình sẽ làm gì nếu bị bệnh, khi bị bệnh chúng ta vui vẻ uống thuốc; sự đau ốm thuyết phục chúng ta làm vậy. Chúng ta không còn cảm xúc mạnh và ham muốn nữa với những trò tiêu khiển và việc đi dạo vốn là những việc sức khỏe đã đưa đến cho chúng ta, mà những việc này không thích hợp với tính cần thiết của bệnh tật. Thiên nhiên, khi ấy, đem đến những cảm xúc mạnh và ham muốn phù hợp với tình trạng hiện tại. Chúng ta bồn chồn không yên do những nỗi sợ hãi mà chúng ta, không phải tự nhiên, đem đến cho chính bản thân mình, bởi những nỗi sợ ấy thêm vào tình trạng hiện tại mà chúng ta ở trong đó những cảm xúc mạnh của tình trạng mà chúng ta không ở trong đó.
Không phải lúc nào thiên nhiên cũng khiến chúng ta hạnh phúc ở mọi hoàn cảnh, những ham muốn của chúng ta vẽ ra cho chúng ta một trạng thái hạnh phúc bằng cách thêm vào trạng thái hiện tại những niềm vui của trạng thái mà chúng ta không ở trong đó. Và khi đạt tới những niềm vui này,
chúng ta sẽ không hạnh phúc vì điều này, bởi tất yếu chúng ta sẽ có những ham muốn khác phù hợp với trạng thái mới này.
Cần phải đi sâu vào mệnh đề có tính tổng quát này...
110. Ý thức về tính giả tạo của những niềm vui hiện tại và sự thiếu hiểu biết về tính hư ảo của những niềm vui vắng mặt gây ra tính bất ổn.
111. Tính bất ổn - Người ta nghĩ mình đang chơi dàn đàn ống [orgues] thông thường khi tác động đến con người. Con người thực ra đúng là dàn đàn ống, nhưng kỳ quặc, hay thay đổi, đa dạng với những ống không được sắp xếp theo đúng trật tự. Những ai chỉ biết chơi những chiếc đàn ống thông thường sẽ không phù hợp với loại đàn này. cần phải biết những phím đàn nằm ở đâu.
112. Tính bất ổn - Các thứ trên đời có những đặc điểm khác nhau, và tâm hồn có những khuynh hướng khác nhau; vì những thứ hiện ra trước tâm hồn chẳng có gì đơn giản, và tâm hồn không bao giờ là đơn giản đối với bất cứ đối tượng nào. Từ đó dẫn tới việc người ta khóc và cười cùng về một thứ.
113. Tính bất ổn và tính kỳ dị - Chỉ sống bằng lao động, và cai trị quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là hai việc trái ngược nhau. Chúng được hợp nhất trong con người của đại chúa tể của dân Thổ Nhĩ Kỳ.
114. Tính đa dạng thì cũng phong phú như mọi âm sắc của giọng nói, mọi kiểu đi đứng, ho, hỉ mũi, hắt hơi. Người ta phân biệt nho với các loại trái cây, rồi trong đó lại có nho làm rượu xạ, rồi tới nho Condrieu, nho Desargues, và nho ghép cành kia. Đó là tất cả sao? Liệu có cây nho nào từng cho ra hai chùm y hệt nhau, và một chùm nho có hai quả giống hệt nhau không...?
Tôi chưa bao giờ nhận xét cùng một thứ hoàn toàn theo cùng một cách
giống nhau. Tôi không thể nhận xét một tác phẩm khi đang làm nó. Tôi cần phải làm như các họa sĩ, đứng xa ra một khoảng, nhưng không quá xa. Như thế thì xa bao nhiêu? Hãy đoán....
115. Tính đa dạng - Thần học là một khoa học, nhưng cùng một lúc đó là bao nhiêu khoa học? Con người là một tổng thể; nhưng anh ta sẽ là gì khi bị chia nhỏ? Đầu, tim, dạ dày, những mạch máu, mỗi phần của mạch máu, máu, dịch trong máu?
Một thị trấn, một vùng quê, nhìn từ xa đó là một thị trấn và một vùng quê. Nhưng, khi đến gần, đó là những ngôi nhà, cây cối, ngói, lá, cỏ, kiến, chân của kiến, đến vô cùng. Tất cả điều này được gói trong cái tên vùng quê.
116. Nghề nghiệp. Những suy nghĩ - Tất cả là một, tất cả khác nhau. Liệu có bao nhiêu bản chất tồn tại trong con người? Có bao nhiêu thiên hướng? Và bởi sự ngẫu nhiên nào mà mỗi người theo cách thông thường chọn nghề, mà anh ta nghe thấy, được coi trọng? Một sự chuyển hướng hay.
117. Gót giày - “Ồ! Sự chuyển hướng này thực hay! Đó là một người thự khéo léo! Anh lính kia thực can trường!” Đó chính là nguồn gốc của những khuynh hướng và của sự lựa chọn hoàn cảnh. “Người này uống được nhiều vậy! Người kia uống ít quá!” Đó là điều khiến nhiều người tỉnh táo hoặc say, thành những người lính, kẻ hèn nhát...
118. Tài năng chính quy định những tài khác.
119. Thiên nhiên phỏng mẫu chính nó. Một hạt giống gieo trên mảnh đất tốt sinh trưởng tốt. Một nguyên tắc gieo vào một tâm trí tốt cho ra những điều tốt đẹp.
Những con số mô phỏng không gian, một thứ vốn có bản chất rất khác.
Tất cả được tạo ra và được dẫn dắt bởi cùng người thầy, gốc rễ, những cành, những quả, những nguyên lý, những hệ quả.
120. Thiên nhiên đa dạng hóa và mô phỏng; tài khéo mô phỏng và đa dạng hóa.
121. Thiên nhiên luôn bắt đầu lại những thứ tương tự: những năm, những ngày, những giờ; những không gian, theo cách tương tự, và các con số nối tiếp nhau từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc; một kiểu vô hạn và vĩnh cửu được tạo ra như thế. Không phải bất cứ điều gì trong tất cả những điều này là vô hạn và vĩnh tồn, mà những hữu hạn này được nhân lên vô hạn [lần]. Như thế dường như với tôi chỉ có con số, vốn nhân bội những điều kia lên, là vô hạn.
122. Thời gian chữa lành những nỗi đau và những mối bất hòa, bởi người ta thay đổi và không còn là chính những con người đó nữa. Cả người xúc phạm lẫn người bị xúc phạm đều không còn là họ nữa. Đó giống như một dân tộc mà người ta đã chọc giận, rồi gặp lại sau hai thế hệ. Đó vẫn là những người Pháp, nhưng không còn như trước.
123. Anh ta không còn yêu người mà anh ta từng yêu mười năm trước. Tôi tin chắc điều đó: cô ta không còn là con người cũ, anh ta cũng thế. Anh ta từng trẻ, cô ta cũng thế; cô ta giờ khác hoàn toàn. Có lẽ anh ta còn yêu cô ta, nếu cô ta vẫn là con người hồi đó.
124. Chúng ta không chỉ nhìn mọi thứ từ những khía cạnh khác nhau, mà với những đôi mắt khác; chúng ta không mong muốn thấy chúng y như thế.
125. Những tính đối lập - Con người thì cả tin, hoài nghi, rụt rè, hấp tấp, một cách tự nhiên.
126. Mô tả con người: phụ thuộc, mong muốn độc lập, những nhu cầu.
127. Thân phận của con người: bất ổn, buồn chán, lo lắng.
128. Người ta cảm thấy buồn phiền khi rời bỏ những mối bận tâm theo đuổi mà mình từng gắn bó. Một người đàn ông ở nhà với niềm vui thú; nhưng nếu anh ta gặp một người đàn bà quyến rũ được anh ta, anh ta vui chơi thỏa thích chừng năm sáu ngày, anh ta sẽ buồn khổ khi quay trở lại lối sống cũ. Chẳng gì thường thấy hơn thế.
129. Bản chất của chúng ta ở trong sự chuyển động; nghỉ ngơi hoàn toàn nghĩa là chết.
130. Sự bồn chồn - Nếu một người lính, hay một người làm công, phàn nàn về khó khăn gặp phải, hãy để họ không làm gì cả.
131. Buồn phiền - Với một người, chẳng gì không thể chịu đựng nối bằng việc hoàn toàn nghỉ ngơi, không đam mê, không công việc, không tiêu khiển, không nghiên cứu. Khi ấy anh ta cảm thấy sự hư vô, sự cô độc, sự khiếm khuyết, sự phụ thuộc, sự bất lực, sự trống rỗng nơi bản thân mình. Từ sâu nơi trái tim anh ta lập tức nảy sinh sự buồn chán, ảm đạm, sầu muộn, bực bội, phiền toái, thất vọng.
132. Dường như với tôi, Xêda [Latinh & Anh, Caesar; Pháp, César] quá già để tạo dựng niềm vui cho bản thân với việc chinh phục thế giới. Thú vui như thế tốt cho Augustus hay Alexandras. Đó là những con người trẻ tuổi và khi ấy thực khó đế ngăn cản, nhưng mà Xêda hẳn phải chín chắn hơn.
133. Hai khuôn mặt giống nhau, mỗi khuôn mặt trong số đó không khiến ta cười, nhưng khi cùng xuất hiện lại khiến chúng ta cười bởi sự giống nhau của chúng.
134. Hội họa thực hão huyền, nó thu hút sự chiêm ngưỡng bởi sự giống nhau của các sự vật, trong khi người ta không thán phục những nguyên mẫu
của chúng!
135. Không gì khiến chúng ta hài lòng bằng việc chiến đấu, chứ không phải chiến thắng.
Người ta thích nhìn những trận chiến của loài thú, không phải kẻ thắng giận điên lên với kẻ bại. Người ta chỉ nhìn thấy kết thúc thắng lợi; và ngay khi nó xảy ra, người ta thỏa mãn. Cũng như thế trong trò chơi, trong việc kiếm tìm chân lý. Trong những cuộc tranh luận, người ta thích nhìn thấy sự xung đột giữa các ý kiến, nhưng còn việc ngẫm nghĩ về chân lý vừa được tìm thấy ư? Không chút nào. Để quan sát và nhận ra chân lý với niềm vui, ta cần phải thay nó hiện ra từ cuộc tranh luận. Cũng như thế trong những cảm xúc mạnh mẽ, có niềm vui khi thấy sự va chạm giữa hai điều đối lập, nhưng khi một bên chiếm ưu thế, chẳng còn gì hơn vẻ hung ác.
Chúng ta chưa bao giờ tìm kiếm điều gì vì bản thân điều đó, mà tìm kiểm chỉ đế tìm kiếm. Tương tự trong các vở kịch, những phân cảnh không khơi dậy cảm xúc sợ hãi thì chẳng có giá trị gì, những nỗi khố cùng cực vô vọng, tình yêu bạo liệt, và sự dã man cực điểm thì cũng vậy.
136. Ít thứ làm ta khuây khỏa, vì ít chuyện gây cho ta phiền não.
137. Không cần xem xét mọi mục tiêu theo đuổi cụ thể, mà chỉ cần hiểu các mục tiêu đó dưới góc độ tiêu khiển.
138. Nhiều người dễ dàng làm thợ lợp ngói và làm được mọi nghề, trừ trong căn phòng của họ.
139. Sự tiêu khiển - Khi đôi lần tôi quyết tâm xem xét những sự bất an khác nhau của con người, những hiểm nguy, và những nỗi đau mà họ đối diện ở tại tòa án hay trong chiến tranh, từ đó nảy sinh nhiều đến thế những cuộc tranh cãi, những thiên kiến, những việc liều lĩnh và thường là xấu... Tôi vẫn hay nói rằng mọi sự bất hạnh của con người nảy sinh từ một điều
duy nhất, đó là không thể an tĩnh trong chính căn phòng của họ. Một người có đủ điều kiện tốt để sống, nếu biết ở trong nhà của mình với niềm vui, người đó không rời khỏi đó để ra bờ biển hay xúm quanh một nơi nào đó; người ta mua một chức vụ trong quân đội với giá đắt như thế chỉ vì họ thấy việc không di chuyển khỏi thành phố là không thể chịu đựng nổi; và nhiều người chỉ tìm kiếm những cuộc nói chuyện và những trò tiêu khiển, bởi họ không thể tiếp tục vui vẻ ở nhà.
Nhưng, khi đã xem xét xa hơn, và sau khi tìm thấy nguyên nhân cho mọi điều không may của chúng ta, tôi đã tìm ra lý do của nó, tôi đã phát hiện một lý do rất thực, vốn nằm ở trong sự nghèo nàn tự nhiên của hoàn cảnh yếu đuối và chết người của chúng ta, và nó khốn khổ tới mức chẳng gì có thể an ủi chúng ta khi chúng ta suy xét về nó một cách kỹ lưỡng.
Bất kể hoàn cảnh nào mà ta hình dung cho mình, nếu tập hợp được tất cả những gì tốt nhất có thể thuộc về chúng ta, thì ngôi vua là đáng thèm khát nhất thế gian và lúc ấy, người ta hình dung một vị vua, kèm với mọi khoái lạc ông ta có thể chạm tới được, nếu vị vua ấy không có sự tiêu khiển và phải suy ngẫm về việc ông ta là gì - hạnh phúc mỏng manh này không giữ vững được ông ta - ông ta tất yếu sẽ rơi vào những linh tính về các hiểm họa, về những cuộc cách mạng có thể xảy ra, và cuối cùng về cái chết và những căn bệnh không thể tránh khỏi; do đó, nếu không có cái được gọi là sự tiêu khiển thì ông ta sẽ không hạnh phúc, và kém hạnh phúc hơn chí ít những thần dân đang vui chơi và làm vui lòng bản thân ông ta.
(Bởi thế, điều tốt duy nhất của con người cốt ở được vui thích khi nghĩ về hoàn cảnh của họ hay bởi một mối bận tâm khiến họ xoay sang hướng khác, hay bởi đam mê nào đó dễ chịu và mới mẻ xâm chiếm họ, hay bởi trò chơi, việc đi săn, buổi biểu diễn hấp dẫn nào đó, và sau cùng bởi cái mà người ta gọi là sự khuây khỏa).
Từ đó dẫn đến cuộc cờ bạc và việc giao du với phụ nữ, chiến tranh, những địa vị cao quý được tìm kiếm nhiều đến vậy. Chẳng phải rằng trong thực tế có bất cứ niềm hạnh phúc nào trong những điều đó, cũng chẳng phải người ta hình dung khoái lạc thực sự nằm trong tiền nong thắng được trong cuộc cờ bạc, hay trong con thỏ mà họ săn đuổi; người ta không muốn những thứ đó được trao tặng như một món quà. Người ta không tìm kiếm số mệnh dễ dàng và yên bình, vốn cho phép chúng ta nghĩ về hoàn cảnh không hạnh phúc của bản thân, cũng không phải những nguy hiểm của chiến tranh, cũng không phải sự mệt mỏi của công việc, mà chính việc tìm kiếm sự huyên náo ngăn ta nghĩ về những điều ấy và làm ta khuây khỏa.
Đó là lý do tại sao người ta thích cuộc săn đuổi hơn là con mồi săn được.
Đó là lý do nhiều người yêu sự ồn ào, náo động đến thế. Đó là lý do mà việc bị cầm tù là một hình phạt khủng khiếp đến thế, bởi thế mới có chuyện niềm vui cô đơn là một điều gì đó không thể hiểu nổi. Và trong thực tế, nguồn hạnh phúc lớn nhất của địa vị vua chúa là ở chỗ mọi người không ngừng nỗ lực để làm những vị vua ấy khuây khỏa và mang đến cho họ mọi kiểu khoái lạc.
Vua được vây quanh bởi những con người chỉ nghĩ cách có thể làm ông ta vui vẻ và quên đi việc nghĩ về bản thân. Bởi vua không hạnh phúc, dù là vua, nếu nghĩ về bản thân mình.
Đây là tất cả những gì con người có thể khám phá ra để khiến mình hạnh phúc. Và những ai ngẫm luận về vấn đề đó, và những ai nghĩ thực phi lý khi dành cả ngày cho việc săn đuổi một con thỏ mà mình chắc không buồn mua, hầu như không hiểu được bản chất của chúng ta. Con thỏ này không đảm bảo cho chúng ta khỏi nhìn thấy cái chết và những tai ương; mà việc săn đuổi đảm bảo được việc đó. Và như thế lời khuyên mà người ta
đưa ra cho Pyrrhos, hãy hưởng sự nghỉ ngơi mà ông ta tìm kiếm với nhiều công sức đến vậy, thực chẳng dễ dàng.
Bảo một người rằng anh ta đang thảnh thơi chính là bảo họ đang sống hạnh phúc. Đó chính là khuyên anh ta sống trong một trạng thái hạnh phúc một cách hoàn toàn, trong đó anh ta có thể suy nghĩ nhàn nhã mà không cần tìm ra nguồn gốc của phiền muộn. Đây chính là việc hiểu sai bản chất vấn đề.
Cũng như những người vốn sẵn hiểu được tình trạng của chính họ thì không tránh né gì ngoài sự thư thái; chẳng gì mà họ không làm để kiếm tìm sự náo nhiệt. Không phải đó là họ có một nhận thức bản năng về hạnh phúc thực sự...
Vì thế, chúng ta sai khi trách cứ họ; lỗi của họ không nằm trong việc tìm kiếm sự náo nhiệt. Nếu họ tìm kiếm nó chỉ như một cách tiêu khiển; mà điều tệ hại chính là việc tìm kiếm sự náo động đó như thể việc sở hữu những thứ mà họ tìm kiếm khiến họ trở nên thực sự hạnh phúc. Và trên phương diện này, người ta có lý khi gọi việc tìm kiếm này là việc làm vô ích. Bởi thế trong toàn bộ việc này, cả người phê bình và người bị phê bình đều không hiểu được bản chất thật sự của con người.
Và như thế, khi chê trách họ rằng thứ họ tìm kiếm với lòng nhiệt thành đến vậy không khiến họ thỏa mãn, nếu họ đáp lại - vì họ cần phải làm việc đó, nếu họ xem xét vấn đề đó cẩn thận - rằng họ chỉ tìm kiếm trong đó một mối bận tâm lớn và mãnh liệt giúp quên đi việc suy nghĩ về bản thân, và rằng chính vì điều đó họ đã chọn một đối tượng hấp dẫn để quyến rũ và lôi cuốn họ đi theo một cách nhiệt thành, họ bỏ lại những người chống đối mình mà không có một câu trả lời. Nhưng họ không trả lời như vậy, vì họ không biết bản thân. Họ không biết rằng chính việc săn đuổi, chứ không phải con mồi, mới là thứ mà họ tìm kiếm.
"""