"
Sự Trở Về Của Nidaime - Tomihiko Morimi & Đỗ Nguyên (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Light Novel]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sự Trở Về Của Nidaime - Tomihiko Morimi & Đỗ Nguyên (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Light Novel]
Ebooks
Nhóm Zalo
GIA TỘC THẦN BÍ - TẬP 02 SỰ TRỞ VỀ CỦA NIDAIME Tác giả: Morimi Tomihiko
Dịch giả: Đỗ Nguyên
Phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 01-2020 —✥—
ebook©hotaru-team
Xuất thân từ tộc Tanuki danh giá Shimogamo, cậu Tanuki Yasaburo kế thừa sự liều lĩnh của người cha vĩ đại, từ thuở còn là một cục banh lông
nhỏ xíu đã sớm khiến kẻ khác phải cau mặt nhăn mày. Dù là Thiên cẩu hay những Con người mà tất cả đều phải kính sợ, cậu cũng không ngần ngại nhúng mũi can thiệp vào chuyện của họ.
Một ngày nọ, kẻ thừa kế “Nidaime” của sư phụ Thiên cẩu già nua Akadama trở về từ Anh quốc, khiến làn sóng hiếu kỳ cồn lên khắp giới Tanuki. “Câu lạc bộ ngày thứ Sáu”, hội nhóm Con người với thói ăn uống xấu xa cũng tiếp tục tìm kiếm nguyên liệu cho nồi lẩu Tanuki trứ danh của họ. Tháng ngày bình yên lại trôi về đâu mất…
Và thế là “dòng máu ngốc nghếch” chảy trong Yasaburo lại bắt đầu sục sôi!
Morimi Tomihiko sinh năm 1979 tại Nara. Tác phẩm đầu tayTaiyou no Tou (Tháp mặt trời) đã đem về cho ông giải thưởng lớn ở hạng mục Tiểu thuyết Huyền ảo Nhật Bản. Tác phẩm Dạo bước phố đêm giành được giải thưởng Yamamoto Shugoro, tác phẩm Xa lộ chim cánh cụt được giải nhất giải thưởng Tiểu thuyết Khoa học viễn tưởng Nhật Bản. Ngoài ra ông còn viết Seinoru Nomokemono no Bouken (Cuộc phiêu lưu của gã lười thánh thiện), Yokou (Dạ hành) và nhiều tác phẩm khác.
Gia tộc thần bí là trường thiên tiểu thuyết gồm ba phần. Tập một và hai đều đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, và độc giả đang trông đợi sự ra mắt của tập thứ ba, Tengu Taisen (Thiên cẩu đại chiến).
“Hết nhúng mũi vào chuyện Thiên cẩu lại chọc tới Con người, tôi đã khiến cả thiên hạ nhăn mặt cau mày mà gọi là ‘Yasaburo quậy phá’. Nhưng trong thân thể con Tanuki tôi đây chảy dòng máu dòng máu ngốc nghếch kế thừa từ cha mình, liệu tôi còn có thể sống theo cách nào khác? Tôi không thể đi theo lối sống nào khác ngoài con đường này.
Tóm lại, những thứ vui vẻ là những thứ tốt lành.”
Chương một
Sự trở về của NIDAIME
N
goài sống một cuộc đời thú vị, chẳng cần làm gì khác nữa. Chúng ta cứ quyết như thế trước đã nào.
Tôi là một con Tanuki sống giữa lòng Kyoto hiện đại, nhưng quá kiêu hãnh để làm một con Tanuki tầm thường. Tôi ngưỡng mộ từ xa loài Thiên cẩu, và cũng rất yêu thích việc biến hình thành Con người. Cá tính phiền phức này chắc hẳn đã chảy trong huyết mạch truyền lại từ tổ tiên bao đời, người cha đã khuất của chúng tôi gọi nó là “dòng máu ngốc nghếch”.
Cha tôi chính là Shimogamo Soichiro, con Tanuki “Niseemon” thống lĩnh toàn bộ giới Tanuki đất cố đô, danh tiếng lẫy lừng khắp Lạc Trung Lạc Ngoại, cũng được giới Thiên cẩu kính nể phần nào. Nếu có điểm gì khiến người cha Soichiro của chúng tôi khác biệt với những con Tanuki hiện tại, chắc là việc ông dám gây sự với Thiên cẩu Kurama nên mới bị đẩy vào nồi lẩu Tanuki của Con người. Nhưng chính vì ông đủ ngốc nghếch để nhảy múa trên thành nồi lẩu sắt, nên mới để lại đủ mọi truyền thuyết cho thế gian này.
“Là do dòng máu ngốc nghếch gây nên.”
Cha tôi đã nói vậy đó.
Là con trai thứ ba của Niseemon Shimogamo Soichiro, tôi sinh ra và lớn lên trong rừng thiêng Tadasu.
Khi thân thể vẫn còn tỏa ra mùi thơm thơm như mầm chiên đàn mới nhú ra đôi nhành lá, bốn cẳng chân đệm thịt còn chưa đứng vững, tôi đã bị
coi là một thằng oắt đầu bò đầu bướng đầy lông khỏe mạnh mà lắm rắc rối trong giới Tanuki. Bắt đầu từ vụ việc dám dùng lá thông hun khói ngài đá Heso ở Lục Giác Đường làm dậy sóng dư luận, rồi tự do biến hình lung tung từ đồ mở nút chai rượu tới cả đội quân cưỡi ngựa trị an, hết nhúng mũi vào chuyện Thiên cẩu lại chọc tới Con người, tôi đã khiến cả thiên hạ nhăn mặt cau mày mà gọi là “Yasaburo quậy phá”. Nhưng trong thân thể con Tanuki tôi đây chảy dòng máu ngốc nghếch kế thừa từ cha mình, liệu tôi còn có thể sống theo cách nào khác? Tôi không thể đi theo lối sống nào khác ngoài con đường này.
Tóm lại thì, những thứ vui vẻ là những thứ tốt lành.
Một ngày tháng Năm, lúc những rặng hoa xuân khắp Lạc Trung đã rụng vãn, màu xanh của chồi non tràn ngập ba mươi sáu đỉnh núi Higashiyama*, câu chuyện đầy lông này bắt đầu khi con Tanuki tôi đây vẫn đang sống đời vui vẻ.
°°°
Tháng Năm luôn là khoảng thời gian tôi yêu thích từ thuở nhỏ, dòng máu ngốc nghếch không khỏi trào lên nhộn nhạo.
Những rừng cây căng tràn nhựa sống đang đâm chồi nảy lộc kia chẳng phải gọi ta nhớ tới loài Tanuki hay sao?
Ngày hôm đó, tôi ngâm nga một điệu bằng giọng mũi trong khi rời bước khỏi rừng thiêng Tadasu, đi dọc theo sông Kamogawa lộng gió xuân. Tôi hóa thân thành một cô em tóc vàng mắt xanh xinh đẹp lộng lẫy, tự hào khoe dáng vóc thon thả mỹ miều dọc bờ sông Kamogawa, quyến rũ mọi đứa sinh viên ngu ngốc lỡ bước ngang qua.
Tôi đang trên đường đi đến chung cư Masugata nằm ở mặt sau phố mua sắm Demachi. Những con ngách nhỏ của Kyoto vẫn luôn đầy ắp gió xuân khoan khoái, nhưng khu chung cư cũ nát này lại u u ám ám như thể lúc nào cũng trải sẵn cái ổ ngủ đã bốc lên mùi hôi thối.
Khu chung cư này là nơi cư ngụ của một Thiên cẩu già nua bị ép phải nghỉ hưu giữa chừng, hay còn gọi là sư phụ Akadama. Bình thường thầy không nổi điên thì cũng đờ ra héo rũ. Sư phụ có một cái tên rõ kêu là Nyoigadake Yakushibo, từng là đại Thiên cẩu trấn giữ toàn bộ khu vực núi Nyoigadake. Nhưng rồi sư phụ bị lũ Thiên cẩu Kurama hợp sức đánh bại, rơi vào đường cùng nên phải sống ở một xó xỉnh đằng sau khu phố mua sắm Demachi này, bao phẩm chất Thiên cẩu tiêu tán như mây tan sương tạnh chẳng còn chút dấu tích nào nữa.
“Thưa sư phụ, Yasaburo xin được phép bái kiến.”
Tôi cất tiếng chào vọng vào trong gian phòng bốn chiếu rưỡi, nghe thấy một giọng đáp lại “Yasaburo đó hả?”
“Ôi chao sư phụ, hôm nay thầy vẫn cảm thấy khó chịu trong người sao?”
“Kể từ khi bị kéo đi tắm nước nóng, tâm trạng tao có vui lên được lần nào đâu.”
“Xin sư phụ đừng nói vậy… Thầy coi, có mỹ nhân tới chơi này. Mái tóc nàng vàng ươm như sợi mì somen sanrin*, mời sư phụ ra thưởng lãm.” “Mày thôi ngay mấy trò biến hóa rẻ tiền đó đi, tao khinh!” Tôi đặt đồ ăn lên bếp rồi bước vào gian phòng bốn chiếu bên trong. Thầy tôi đang ngồi khoanh chân trên ổ chăn chiếu bẩn thỉu lem màu đỏ của rượu ngọt Akadama, chăm chăm nhìn một tảng đá đang đặt trên miếng
nệm nhỏ bằng lụa vân kim tuyến. Đó là một hòn đá màu xám không có gì đặc biệt, to cỡ nắm tay Con người.
“Ồ, đây hẳn là hòn đá Kanameishi cho nồi lẩu Thiên cẩu rồi!” Tôi thốt lên.
“Chỉ cần cái này là làm lẩu được cả thằng ngu độn như mày đấy.” “… Thầy nói gì mà phũ với con vậy.”
Món lẩu Thiên cẩu cần phải đổ nước vào nồi, rồi cho thêm đậu phụ, hành lá, cải thảo và thịt gà, sau đó ninh cùng hòn đá Kanameishi của sư phụ. Nếu chấm cùng chút giấm ponzu trộn thêm hành răm băm nhuyễn thì ăn khá ngon, nhưng cũng với chừng đó nguyên liệu mà thiếu đi hòn đá Kanameishi thì sẽ không thể cho ra hương vị của nồi lẩu Thiên cẩu. Trong nhiều năm, hòn đá này đã lênh đênh qua bao nhiêu nồi lẩu của các nhà hàng truyền thống khắp xứ Lạc Trung để tôi luyện thân mình nơi nhà bếp. Chỉ cần thả nó vào nồi lẩu một lần thôi, hương vị thơm ngon sẽ thấm nhuần qua không biết bao nhiêu bữa lẩu ngon lành. Một nhà hàng nọ bên cạnh đền Kodaiji cũng đang giữ một hòn đá tương tự, hiện vẫn đang trong quá trình tôi luyện.
Theo lời của sư phụ Akadama, nồi lẩu Thiên cẩu vốn dĩ là công thức nấu ăn được tạo nên trong quá trình nấu nướng nơi thâm sơn cùng cốc, vậy nếu không được ninh cùng với khí trời thanh sạch nơi rừng núi, thứ trong nồi lẩu hẳn cũng không phải là hàng thật giá thật. Trong một căn hộ chung cư tích đầy bụi và lồng Tanuki thế này chắc cũng chỉ cho ra được thứ hàng nhái phế phẩm. Loại cao lương mĩ vị có thể hợp được miệng loài Thiên cẩu, quả đúng là phiền phức.
“Con cảm ơn thầy.” Tôi nâng hòn đá Kanameishi lên quá đầu, lui ra ngoài bếp bắt đầu làm lẩu.
“Yasaburo này, mày vẫn đang truy lùng cái thứ Tsuchinoko đó hả?” “Sư phụ có tham gia cùng không? Ngày mai con tính ghé qua núi Nyoigadake đó.”
Nghe tôi nói vậy, thầy tôi hừ mũi trong gian phòng bốn chiếu rưỡi, “Thứ trò vô bổ”.
“Mày chỉ giống thằng Soichiro mấy điểm không đâu.”
°°°
Chúng tôi ăn xong nồi lẩu thì mặt trời bên ngoài ô cửa sổ cũng sắp lặn. Tôi vỗ cái bụng đã tròn ung ủng của mình, còn sư phụ Akadama đang thỏa mãn hút thuốc lá Thiên cẩu. Làn khói tím bay lên cuộn quanh bóng đèn tròn trông như một con rồng nhỏ đang giương nanh múa vuốt. “Ngày càng lúc càng dài sư phụ nhỉ?”
“Rốt cuộc một ngày buồn chán như mọi ngày cũng đã lui tàn rồi.” “Sư phụ có nhận được thư từ gì của cô Benten không?”
Nghe hỏi đến câu đấy, sư phụ liền liếc tôi một cái sắc lẻm. “Mày hỏi chuyện đó làm gì?”
“Tại sao sư phụ không chịu kể cho con hay?”
“Thằng lỏi phiền nhiễu này. Chuyện tao và Benten thư từ qua lại thì liên quan gì tới mày?”
Benten là cô học trò cưng được sư phụ Akadama chỉ dạy cho từng li từng tí để trở thành Thiên cẩu.
Benten dựa vào sức mạnh kinh hồn của loài Thiên cẩu để trấn áp những Thiên cẩu thực sự, mang sắc đẹp ma mị đi mê hoặc Con người, lại
còn có thói xấu thích ăn lẩu Tanuki, khiến toàn giới Tanuki xứ Lạc Trung đều nổi gai ốc vì ghê sợ. Chỉ cần nhắc tới chuyện cô ấy bị sư phụ Akadama cắp đi khi đang lững thững đi bên bờ hồ Biwa, mọi người chắc cũng tưởng tượng được cô ấy phải nổi bật tới mức nào.
Benten đã lừa tôi bẫy sư phụ Akadama, làm cho thầy ngã từ trên trời xuống, là nguyên nhân chính khiến thầy tuột dốc suy sụp. Không những thế, cô gái đó còn đem cha tôi làm lẩu Tanuki, cũng từng có ý định bỏ tôi vô nồi ăn nốt. Đã thế cô còn là mối tình đầu của tôi nữa, điều đó khiến cục diện càng thêm lằng nhằng. Tôi từng hỏi “Chẳng lẽ Tanuki thì không được sao?” Cô ấy liền đáp, “Vì tôi là Con người mà.” Mỗi lần nhớ lại đoạn hội thoại đó, đám lông nơi mông tôi lại thấy châm chích nhoi nhói.
Hồi tháng Tư vừa qua, vào lúc hoa anh đào mùa xuân đương độ rực rỡ, Benten tuyên bố mình sẽ “vượt biển”.
Tôi nghe được những lời đó khi cùng Benten đi dạo buổi sớm dọc theo bờ sông Kamogawa. Cô ấy thoăn thoắt bay nhảy từ cây anh đào rực rỡ hoa này sang cây anh đào rực rỡ hoa khác, đắm chìm trong trò chơi tàn nhẫn là lắc trụi hết cả hoa trên cành. Tôi đuổi theo cô ấy trong cơn bão hoa anh đào mà thốt lên câu hỏi “Sao cô đi đột ngột thế?” Ngồi lên một cành anh đào đã trụi lủi, cô ấy khoan khoái ngắm nghía đám cánh hoa đang bay lượn đẹp đẽ bên bờ sông rồi đáp gọn lỏn, “Tôi chán.”
“Yasaburo, hãy chăm sóc sư phụ giùm tôi. Nếu có hứng tôi sẽ viết thư về cho ông ấy.”
Đến khi hoa anh đào ở Kyoto sắp sửa rụng hết, cô ấy đã tìm cách lên được du thuyền sang trọng của một tay đại phú hào, rời cảng Kobe để bắt đầu chuyến hành trình vòng quanh thế giới. Sư phụ Akadama chỉ biết được chuyện cô ấy rời đi sau khi chuyến tàu đã xuất phát, liền cố đuổi
theo nhưng mọi sự đã quá muộn màng.
Kể từ khi bước chân lên chuyến tàu du lịch sang trọng miễn phí đó, Benten vẫn chưa trở về. Chỉ có những lá thư thi thoảng gửi về làm niềm an ủi trái tim sư phụ. Mà cũng chỉ cần Benten có lòng viết thư về đã đủ khiến sư phụ tôi hỉ hả tôn thờ lắm rồi, dẫu đó chỉ là những lá thư với vài dòng lạnh lùng như thể bỏ công ra viết đã là một sự ban ơn. Tử tế thì còn được dăm dòng, chứ mấy lúc quá đáng có khi chỉ được một dấu 0 hay X thôi. Vậy nhưng sư phụ Akadama vẫn mong chờ chúng, trân trọng đọc đến tưởng như muốn liếm từng con chữ rồi cất vào trong hộp karabitsu*, nâng niu như thể báu vật ở Shosoin*. Tôi chăm chỉ đến thăm nhà sư phụ như thế này, cũng là để lừa sư phụ say xỉn rồi đọc lén chỗ thư từ của Benten.
Sư phụ Akadama dòm vào nồi lẩu rỗng không mà than thở. “Con bé Benten đó giờ chắc đã tới Anh quốc rồi. Nó đi xa ta quá.” Sư phụ moi từ trong núi đồ lỉnh kỉnh ra quả địa cầu, quay quay lần tìm Anh quốc.
“Trời ạ, sao xứ ấy nhỏ xíu thế này.” Thầy lại than vãn. “Cứ hoài phí tài năng của mình dạo chơi lung tung khắp thế gian này làm gì? Hãy cứ ngồi yên một chỗ để chuyên tâm nghiên cứu ma đạo, rồi nhanh chóng kế thừa sự nghiệp vĩ đại của ta đi chứ.”
“Không biết cô ấy làm gì ở đó nhỉ?”
“Hừm, chắc tới Anh quốc ăn thịt Tanuki chứ làm gì?”
“Vì tôi thích cậu đến mức muốn ăn thịt luôn mà.” Những lời của sư phụ gợi lại trong tôi câu nói của nữ thiên địch xinh đẹp đó. Cô ấy đã phản bội lại ân sư, ăn thịt cha tôi, lại còn suýt ăn thịt cả tôi, vậy mà lòng tôi vẫn thầm mong cô ta trở về. Là do dòng máu ngốc nghếch đang ích kỷ khuấy động trong lòng làm phiền tôi sao.
“Trông mày buồn vậy, Yasaburo.”
Sư phụ gườm gườm nhìn tôi. “Do Benten không có ở đây. Tao nói trúng tim đen mày rồi hả?”
“A ha ha, sư phụ đang nói gì vậy?”
“Thằng khốn không biết thân biết phận. Đừng mong nó sẽ rủ lòng thương xót một con Tanuki như mày.”
Sư phụ nói vậy rồi lại đi rứt lông mũi.
“… Nếu mày muốn tự nhảy vào nồi lẩu sắt, tao cũng không cản đâu đấy.”
°°°
Mùa xuân đó, tôi mải mê truy tìm Tsuchinoko*.
Con người có câu “nhàn cư vi bất thiện”, có nghĩa là kẻ nhàn rỗi kiểu gì cũng nảy sinh tật xấu. Trong giới Tanuki cũng có câu nói tương tự*. Và để tránh bản thân nhàn rỗi lại sinh chuyện, tôi đã quyết tâm vì cõi trần thế mà lăn xả tìm kiếm Tsuchinoko. Hãy coi đó là một ơn huệ cho thế gian này đi. Tôi bắt đầu săn lùng Tsuchinoko vốn cũng là do ảnh hưởng từ người cha đã khuất. Hồi còn tuổi trẻ hừng hực, cha tôi cũng đỏ mắt tìm kiếm Tsuchinoko, chắc cũng là do dòng máu ngốc nghếch không có chỗ nào để giải tỏa.
Tsuchinoko là một loài rắn kỳ dị, cơ thể ngắn ngủn mà béo tròn, Hòa Hán Tam Tài Đồ Hội* gọi nó là rắn Nozuchi, một loài rắn chưa được chứng minh là có tồn tại. Trào lưu nhiệt huyết săn tìm loài rắn quái gở này đã có từ trước khi tôi chào đời, thi thoảng lại quét qua giới Tanuki. Người
ta đồn rằng thời thanh xuân cồn cào sóng nộ của cha tôi đã dành hết tám phần vào những chuyến phiêu lưu săn tìm Tsuchinoko. Nguồn gốc của vòng xoáy đam mê đó, không gì khác, chính là dòng máu ngốc nghếch đang chảy trong thân thể chúng tôi. Tsuchinoko có thể nói là nguyên nhân khiến toàn tộc chúng tôi trở thành những con Tanuki bê tha vứt bỏ hết mặt mũi.
Nhưng mẹ tôi lại chẳng hiểu chút gì về thú vui lãng mạn đó cả. “Tsuchinoko có giống bẹ măng* không?” Mẹ tôi hỏi vậy. “Hoàn toàn khác biệt mà mẹ.”
“Nhưng vẫn ăn được chứ?”
Khi tôi cho mẹ xem hình vẽ Tsuchinoko, mẹ liền lẩm bẩm, “Con rắn gì trông lạ ghê. Chắc thịt mềm lắm.” Mẹ tôi chỉ nhìn ra được khía cạnh dùng làm thực phẩm nấu ăn của Tsuchinoko.
“Thứ này chắc không ngon lành gì. Không ngon đâu!”
“Con đã bảo là không phải để ăn rồi mà.”
“Không ăn thì con đi săn nó làm gì.”
“Mẹ đúng là chẳng hiểu gì về lãng mạn cả.”
“Hình như hồi trẻ anh Sou cũng có đi tìm kiếm mấy con này thì phải. Mẹ đã vô cùng ngạc nhiên. Lũ nhóc Tanuki lại mê mấy thứ sinh vật kỳ quái đến vậy sao?”
Thế rồi, mẹ biến thành một thanh niên tuấn mỹ và đi xem Takarazuka. Tôi cũng mời anh thứ hiện đang nương náu dưới đáy giếng ở chùa Rokudo Chinno cùng mình đi tìm Tsuchinoko. Nhưng anh lại nói “Lỡ tìm được con Tsuchinoko đó, nó sẽ nuốt sống anh mất. Em xem, nó là rắn còn anh là ếch cơ mà.” Tôi không còn lời nào hơn để phản biện.
Dạo gần đây, anh cả của tôi thường bận đi đi về về chùa Nanzen suốt. Hình như anh đang âm thầm khôi phục “Hội thi cờ Shogi giới Tanuki chùa Nanzen” do gia chủ đời trước của nhà Nanzenji và cha tôi chung tay mở ra. Cha tôi thích Tsuchinoko, nhưng chơi cờ Shogi cũng là một thú vui khác của ông. Anh cả thấy cờ Shogi có nhiều giá trị văn hóa hơn con Tsuchinoko kia, bèn nói “Em thôi trò đuổi bắt mấy thứ mơ hồ không thực đó đi” rồi bắt đầu thuyết giáo tôi. Đúng là chẳng thể nói với nhau câu chuyện tử tế.
Rốt cuộc tôi đành lôi em út Yashiro miễn cưỡng đi cùng, lập nên đoàn thám hiểm “Đội săn lùng Tsuchinoko”. Đội trưởng thế hệ đầu là cha tôi, người kế nhiệm là tôi, còn thành viên số một là em trai tôi. Thành viên số hai hiện tôi đang tuyển lựa từ khắp Lạc Trung Lạc Ngoại.
°°°
Sau hôm tôi ghé thăm sư phụ Akadama, đội săn lùng Tsuchinoko chúng tôi lần bước từ Shishigatani vào trong rừng, lượn lờ quanh chân núi Nyoigadake. Khu rừng mới nhú sắc xanh non căng tràn như miếng bọt biển phình lên vì hút cạn dòng nước trong suốt, những cơn gió thổi vù vù qua hàng nghìn cột ánh sáng xuyên xuống qua những kẽ lá non.
“Anh ơi, có mùi của mùa xuân.”
“Này, em kiếm cho kỹ vào. Ta không biết được nó đang trốn ở nơi nào đâu.”
“Nhưng anh này, Tsuchinoko có thật không vậy?”
“Không ai dám chắc nó có tồn tại hay không, thế mới lãng mạn chứ.” Chính vì Tsuchinoko là một sinh vật bí hiểm chưa xác định được sự
tồn tại, nên cần phải dùng những cách thức thần bí để bắt nó. Đó là lý luận của tôi. Những phương thức dễ dàng quá thì chắc đã có kẻ khác thử qua. “Làm thế thì được cái gì chứ?” Tôi cho rằng những phương pháp càng như vậy sẽ càng có đất dụng võ. Tôi bày ra trứng gà luộc chín kỹ rắc muối và một bầu rượu rẻ tiền. Khi tìm thấy những dấu tích quái lạ trong rừng, tôi cũng lập tức ghi chép lại.
Tôi cũng giải thích cho em trai mình về thú vui khi săn tìm Tsuchinoko, cố đào tạo nên một nhà thám hiểm tài ba, nhưng thằng em tôi lại cứ nhắc mãi đến mấy cái cơ học điện từ khó nhằn, không mảy may tỏ ra hứng thú với trò săn tìm Tsuchinoko lãng mạn này. Đã thế nó còn mở khóa ba lô lấy ra một cuốn sách tham khảo, rồi vừa dạo bước vừa hớn hở đọc hệt như Ninomiya Sontoku* vậy. Sao nó không thể chia sớt một phần trăm niềm hứng khởi đó cho việc tìm kiếm Tsuchinoko chứ… Chẳng thèm thấu hiểu tí ti cái mong ước đó của tôi, thằng em trai tôi còn trích dẫn lời ông Edison nào đó với vẻ tự đắc, “Anh biết đó, thiên tài là chín mươi chín phần trăm mồ hôi và một phần trăm thông tuệ đấy.”
“Nhầm rồi, Yashiro. Thiên tài là chín mươi chín phần trăm ngốc nghếch và một phần trăm thông tuệ.”
“Vậy thì ta nỗ lực vào lúc nào?”
“… Cái đó phụ thuộc vào thiên mệnh.”
“Nhưng anh này, em thấy thế thì không làm nổi đâu.”
Tôi đang định thốt lên, “Cái thằng Edison lùn xủn này!” thì chợt thấy cả rừng cây bắt đầu xào xạc như có một người khổng lồ vô hình nào đó đang rung người.
Thế rồi, một âm thanh quái lạ rạch ngang bầu trời và lao lại gần chúng tôi.
“Có thứ gì đó đang bay tới, nguy hiểm!”
Tôi cong lưng ôm lấy đầu em trai, thứ đó rơi thẳng từ trên bầu trời xuống tàng cây xanh ngắt, rồi khựng lại ngay phía trên đầu chúng tôi. Hàng cây đang hứng ánh mặt trời rung lên dữ dội, những chồi lá non xanh bị xé toạc đồng loạt rơi lả tả. Một tiếng UỲNH âm vang đến tận bụng dội lên, rồi mọi thứ tĩnh lặng trở lại.
Chúng tôi run rẩy ngước nhìn.
Một cái trường kỷ bọc nhung bị mắc kẹt trên chạc cây đầy mầm xanh ngay trên đầu chúng tôi. Màu nhung đỏ tắm trong ánh nắng, sáng lấp lánh một cách mị hoặc.
“Anh ơi, cái này chắc là ‘của rơi Thiên cẩu’ nhỉ?” Em trai tôi thì thào. °°°
Hiện tượng mấy thứ đồ hiếm từ trên trời rơi xuống, lũ Tanuki chúng tôi vẫn hay gọi là “Của rơi Thiên cẩu”.
Thường thì đó là mấy trò quậy phá hoặc thức đồ do Thiên cẩu làm rơi, có thể là quà cáp, tiền xu cổ*, thùng rượu hay đám cá chép đủ màu. Đủ thứ có thể rơi xuống đầu chúng tôi. Hồi còn nhỏ, mẹ tôi từng thấy cả kẹo bông rơi xuống chỗ chân cầu nhỏ Sanjo. Có con Tanuki còn trở nên nổi tiếng nhờ thu thập mấy thứ đồ rơi rớt của Thiên cẩu rồi mở nguyên một phòng triển lãm cá nhân ở gần núi Funaokayama cơ mà. Hồi sư phụ Akadama còn có thể bay lượn trên bầu trời, lũ Tanuki dưới trướng thầy thi thoảng lại bị điều đi chạy đôn chạy đáo tìm đồ đánh rơi.
Tôi cũng biết chuyện mấy hôm vừa rồi có một đống của rơi Thiên cẩu khá hiện đại rớt xuống xứ Lạc Trung, khiến cả thiên hạ nháo nhác một
phen.
Nào là bộ đồ ăn bằng bạc sáng choang, nào là cây violin lâu năm trông như đồ của nhạc công chuyên nghiệp, nào là bồn tắm có mấy cái chân chống bằng vàng, rồi cả thảm bay Ba Tư nữa chứ, đủ thứ đồ đạc sang trọng bắt mắt. Theo đúng luật lệ từ thời Edo đến giờ, chỉ cần không có Thiên cẩu nào ra mặt khẳng định quyền sở hữu, thì kẻ nhặt được Của rơi Thiên cẩu sẽ là chủ nhân món đồ đó. Đám Tanuki khắp xứ Lạc Trung có làm loạn lên cũng là điều hiển nhiên thôi.
Theo luật của giới Tanuki, cái trường kỷ bọc nhưng này thuộc về nhà Shimogamo.
Tôi và em trai khổ cực lôi cái trường kỷ từ trèn cây xuống. Ngồi thử lên lớp nhung màu đỏ tôi thấy vô cùng êm mông, cảm tưởng như mình đã trở thành khách mời danh dự của một tòa biệt thự phương Tây lịch lãm nào đó. Cái mùi cũ kỹ thoang thoảng đâu đây dường như cũng là một dấu hiệu của sự cao sang. Hai thằng con trai nhà danh giá chúng tôi nằm ườn ra đó giãn gân cốt và thở hắt ra cảm khái. “Ngồi trên cái này thích đến mức mông như tan biến đâu mất ấy.” Em trai tôi thẻ thọt nhận xét.
“Cái ghế này thích thật. Sang chảnh ghê hồn.”
“Ta bê nó về chắc mẹ sẽ vui lắm.”
“Đúng rồi. Biệt đội săn lùng Tsuchinoko giờ tạm đổi thành đội vận chuyển trường kỷ. Thành viên số một hãy nhanh chóng nâng mép ghế bên kia lên!”
“Tuân lệnh!”
Chúng tôi nâng hai đầu cái trường kỷ lên, xăm xăm đi về phía chân núi
Nyoigadake. Cái trường kỷ cao quý lâu đời này cũng cao quý luôn về mặt trọng lượng, quá sức nặng nề đối với những cẳng tay gầy guộc của đám oắt Tanuki hiện đại hoàn toàn thiếu sức mạnh thể chất.
“Anh ơi, tay em tê dại cả rồi.” Em trai tôi kêu rên yếu ớt. “Tay em tê do nơi này là núi Jinjinyama* đó.” Tôi vừa nói xong, em trai tôi liền bật cười. “Anh cứ đùa, đây là núi Nyoigadake cơ mà.” Cuối cùng, em trai tôi lo lắng thì thào.
“Anh nè, chúng ta tới tận chốn này để tìm Tsuchinoko liệu có bị ăn mắng không?”
“Ai mắng chúng ta cơ?”
“Đấy chẳng phải là lãnh địa của Thiên cẩu Kurama sao?” “Ta săn tìm Tsuchinoko thì để tâm đến lũ Thiên cẩu Kurama làm gì? Dẫu sao thì núi Nyoigadake này vốn là lãnh địa của sư phụ Akadama nhà mình. Tuy bị trượt ngã từ cuộc chiến tranh giành lãnh thổ của Thiên cẩu, nhưng sư phụ vẫn vĩ đại hơn lũ Kurama nhiều. So với sư phụ, Thiên cẩu Kurama chỉ là đám ruồi muỗi thôi.”
“Ruồi muỗi sao?”
Chiếc trường kỷ đột nhiên nặng trịch. Tôi cố kéo mà chẳng chịu nhúc nhích gì. Tôi tính quay lại hỏi “Yashiro, em có khiêng cẩn thận không đấy?” thì thấy một giọng nói như tiếng cú kêu đêm cất lên “Hô hô”. Tôi còn đang rởn gáy vì hơi thở lạnh phả vào cổ thì kẻ kia đã thộp lấy cổ áo tôi.
“Thằng lớn miệng này. Mày là Tanuki nhà nào?”
Tôi rụt cổ nói.
“Ôi trời, ôi trời, chẳng phải là Thiên cẩu Kurama lừng lẫy đấy sao. Xin
chào ngài.”
°°°
Tôi và em trai bị con Thiên cẩu kia đưa về khu đốt bồi chữ Daimonji. Đứa em nhát cáy của tôi đã hiện nguyên hình banh lông, bị túm cổ mang đi y như mọi con Tanuki khác.
Hồi sư phụ Akadama còn dương dương tự đắc thống trị núi Nyoigadake, lũ Tanuki non xanh môn hạ của thầy là chúng tôi hay bị lôi đi khắp nơi trên danh nghĩa “huấn luyện”. Chúng tôi cũng từng bị đưa đến tận núi Iwaya ở gần cực Nam của Nhật Bản hay hồ Takaragaike ở phía Bắc Kyoto, nhưng thường chỉ là bám đầu gối sư phụ bay lòng vòng quanh Nyoigadake. Đám Tanuki nhóc con sẽ tập trung lại dưới khu đốt bồi chữ Daimonji mà tập biến hình, bày trận giả Genpei*. Thật nhiều kỷ niệm.
“Đằng này, theo tao.”
Tên Thiên cẩu Kurama hằm hè thúc giục, hai anh em tôi trèo lên triền dốc theo lối từ lò đốt bồi chữ Đại*.
Chúng tôi giẫm lên những đám cỏ non xanh mơn mởn trong khi ngoái đầu nhìn lại, bên kia bầu trời như tráng một màn sương mỏng, thành phố Kyoto rạng rỡ trải rộng bên dưới tầm mắt. Như cách Thiên cẩu nhìn xuống thế gian.
Nằm ở khoảng giữa triền dốc, một cái dù sọc đỏ trắng giống như mấy tiệm kem đặt cạnh bể bơi được dựng lên, bốn tên Thiên cẩu Kurama đang chụm quanh cái bàn tròn mải mê chơi bài hoa*. Có kẻ mặc vét trịnh trọng còn đeo cả cà vạt, cũng có kẻ đầu nổi đầy gân xanh với tay áo xắn cao. Mỗi khi họ ném ra một lá bài là lại vang lên tiếng leng keng như tiền xu.
Thiên cẩu vốn là loài dễ lên cơn thịnh nộ, có thể lỡ tay xé rách hay cắn nát lá bài trong khi mê mải với trò chơi. Chính vì lẽ đó, “bài hoa Thiên cẩu” đều làm bằng thép. Tay Thiên cẩu dẫn độ bọn tôi cất tiếng. “Hô hô, Reisanbo.”
Một con Thiên cẩu mặc áo sơ mi đeo kính râm quay phắt ra. “Hô hô, Tamonbo. Sao lại mang Tanuki về thế này?”
“Bọn chúng đã sỉ nhục chúng ta, nên tôi không thể nào bỏ qua được.” “Đúng, nhiệm vụ của chúng ta là dạy bảo lũ Tanuki mà. Vậy bọn chúng đã sỉ nhục ra sao?”
“Chúng nói ‘Thiên cẩu Kurama chỉ là lũ ruồi muỗi’.”
Đám Thiên cẩu Kurama vây quanh cái bàn tròn nắm chặt bài hoa, phụt ra cười. Điệu cười của Thiên cẩu như thể đám mây đen mang tới điềm chẳng lành, rồi chụm lại mà cùng nhau bay lên theo cơn gió thổi qua.
Lũ Thiên cẩu Kurama này chính là những kẻ đã đánh đuổi sư phụ Akadama để giành quyền thống trị Nyoigadake, là năm trong số mười Thiên cẩu thuộc hạ của Sojobo núi Kurama. Chúng là Reisanbo, Tamonbo, Teikinbo, Getsurinbo, Nichirinbo, nhưng mà kẻ nào kẻ nấy giống hệt nhau như một đống hạt dẻ, thành thử chẳng phân biệt được ai với ai. Khi tụ họp ở núi Atago, chúng bị sư phụ Akadama cười nhạo “Đám hạt dẻ mà cứ tỏ vẻ” cũng là chuyện dễ hiểu.
Tôi bị gió xuân thổi phù phù vào mặt, phải bò rạp ở khu đốt bồi mà rằng.
“Kẻ hèn tới làm phiền nơi đây là con trai thứ ba của Shimogamo Soichiro, Yasaburo xin được phép bái kiến. Còn đây là em trai tôi Yashiro.”
Đám Thiên cẩu Kurama đồng thanh “Danh môn! Danh môn!” trong khi ném tung chỗ bài hoa.
“Mày là Yasaburo nhà Shimogamo sao?”, “Cô Benten có vẻ thích mày lắm đấy”, “Khoan, khoan, Soichiro chẳng phải là con Tanuki đã bị rơi vào nồi lẩu đó sao?”, “Tao nhớ con Tanuki đó”, “Cái con Tanuki không biết thân biết phận ấy hả? Cũng tại Yakushibo nuông chiều nó đấy”, “Lão già đó lúc nào chẳng vậy. Luôn thỏa mãn khi được lũ Tanuki bên cạnh tung hô.” Chúng cứ nghênh ngang bình phẩm như thế.
Tên Reisanbo đeo kính râm ngậm điếu thuốc lá mà cười nhạo. “Yakushibo kể cũng hạnh phúc gớm. Lão ta đã trượt dài như thế mà vẫn có lũ Tanuki sẵn sàng bợ đỡ. Các ngươi nhớ nhắn lão rằng núi Nyoigadake này đã có chúng ta lo liệu, ‘Cứ yên tâm đê’.” “Chúng tôi xin phép nhận lời.”
Thế rồi tôi đứng dậy, lên tiếng phân bua.
“Thành thật xin lỗi vì tôi đã mở miệng nói rằng Thiên cẩu Kurama là lũ ruồi muỗi’. Nhưng các ngài là Thiên cẩu Kurama đế vương của bầu trời, các ngài sống cuộc sống cao sang như thế này, hẳn không thể hiểu thấu cách sử dụng ngôn ngữ của lũ Tanuki hèn mọn chúng tôi. Lũ Tanuki chúng tôi đã học theo ngôn ngữ của thời đại mới, nên ý nghĩa của nhiều từ cũng đã thay đổi rồi. Lời phỉ báng mang nghĩa ‘thứ nhỏ nhoi, hèn kém, giống hạt dẻ’ như từ ‘lũ ruồi muỗi’ cũng vậy, giờ nó mang ý nghĩa vô cùng tuyệt vời là ‘to lớn, mang phong cách trưởng thành, lịch lãm quý ông’. Chứ sao Tanuki dám có lời nói xấu Thiên cẩu Kurama cho đặng.”
Đám Thiên cẩu Kurama ngỡ ngàng, tiếng những lá bài hoa vang lên lách cách rồi lặng thinh. Reisanbo gẩy cái kính râm xuống, cười khẩy với ánh mắt bề trên. “Ra vậy, mày đúng là con Tanuki quái dị.”
“Thằng khốn Tanuki lẻo mép, tao không ưa nó.”
Tamonbo nói thế rồi chộp cổ đứa em trai rậm lông của tôi mà giơ lên cao.
“Để xem, tao ném con Tanuki này đi xa đến chừng nào nhé.” Mấy gã Thiên cẩu Kurama kia cũng ném tung hết bài hoa, làm loạn cào cào lên.
“Cược coi có qua được sông Kamogawa không nào.”
“Trò này thú hơn đánh bài đó.”
“Ai cược núi, ai cược thung lũng nào.”
Dẫu sao thì cha tôi cũng là Niseemon Shimogamo Soichiro, kẻ đã từng hóa thành ngọn núi Nyoigadake, lừa hết lũ Thiên cẩu Kurama đã hành hạ ân sư của mình, chính là “vụ việc núi Nyoigadake giả” lừng lẫy. Đây là một trang sử chói sáng không phải chỉ đối với mình gia tộc Shimogamo mà với toàn thể giới Tanuki. Nhưng chiến thắng vẻ vang trong lịch sử của chúng tôi lại là một vết nhơ lịch sử đối với bè lũ Thiên cẩu Kurama, chính do lũ Kurama thúc đẩy nên cha tôi mới rơi vào nồi lẩu của Câu lạc bộ ngày thứ Sáu.
Những con Tanuki tinh khôn phải học được từ câu chuyện này rằng, “Chọc vào Thiên cẩu chỉ có thiệt.” Thiên cẩu là loài bắt nạt Tanuki. Kẻ bắt nạt chính là loài Thiên cẩu.
“Sao thế, Yasaburo?” Reisanbo lên tiếng. “Ngươi có điều gì muốn nói?”
“Mỗi khi em trai bị bắt nạt, tôi liền bộc phát chứng bệnh mãn tính…” “Bộc phát? Bộc phát cái gì?”
“Ư ư, không được rồi. Hỡi Thiên cẩu Kurama, các ngài nên cẩn thận
đấy!”
Tôi vừa rên lên vừa bò toài ra bằng bốn chân, thân thể mỗi lúc một phình to. Lỗ đít của tôi bị nén chặt lại bởi hai cục mông khổng lồ, bốn chân nhanh chóng biến ra to đùng như cột thần điện Parthenon, cái lưng đang càng lúc càng lớn rồi trắng nhởn ra như một cái cọc bị trát thạch cao. Cái vòi dài nghênh ngang chổng lên bầu trời xanh. Tôi đã hóa thành một con voi trắng.
Lũ Thiên cẩu Kurama năm xưa bị cha tôi lừa vào trong núi Nyoigadake giả, vẫn còn nhớ ký ức cay đắng bị voi trắng truy đuổi. Tận dụng lúc bọn chúng đờ ra vì ký ức tủi nhục đó, em trai tôi đã nhanh nhảu trốn thoát khỏi bàn tay của Tamonbo, cong người lủi mất không khác gì Tsuchinoko.
“Này, này, Yasaburo. Đừng có đùa.”
Reisanbo nhăn mặt với vẻ khó chịu.
“Bọn ta ghét voi lắm. Quay lại dáng vẻ cũ đi. Nếu không…” Đúng lúc đó, một cái va li du lịch lao tới với một tốc độ kinh hồn từ bầu trời trong trẻo phía Tây, rồi đáp thẳng vào mặt Reisanbo như một món quà của Thiên đình giáng xuống. Reisanbo không nói được lời nào, ngã vật ra đó. Những con Thiên cẩu Kurama khác như bàn cờ Shogi vỡ thế, chiếc dù thì bị đánh bay, bài hoa bắn tung tóe khắp nơi.
“Uôm uôm, có chuyện gì vậy?”
Tôi giương cái vòi dài nhìn lên bầu trời phía Tây.
Kẻ nhẹ nhàng hạ cánh như vừa trượt xuống từ bầu trời mùa xuân đó là một quý ông Anh quốc.
°°°
“Ô kìa, hiếm thấy có voi ở Nyoigadake thật đấy.”
Vị quý ông Anh quốc đó hạ xuống ngay chỗ Daimonji, tay cầm gậy ba toong nhìn lên tôi.
Khi tôi thu nhỏ mình và biến lại dáng vẻ sinh viên đại học nhếch nhác kia, anh ta liền lầm bầm “Biết ngay là một màn biến hình của Tanuki, thật đáng nể”, rồi vỗ hai tay vào nhau mà không phát ra âm thanh nào bằng một dáng vẻ lịch thiệp.
Vị Thiên cẩu phương Tây này là một thanh niên đẹp trai trắng trẻo mang dáng dấp của người ngoại quốc, nổi bần bật như một kẻ sinh nhầm thời mới trở về cố hương. Cái mũ quý ông trơn mượt bóng loáng, bộ âu phục đen ba mảnh vừa vặn, áo sơ mi trắng tinh như thạch cao và chiếc nơ buớm màu đen, đôi bàn tay thanh mảnh đeo găng da đang cầm theo một cây gậy ba toong. Tuy Thiên cẩu là loài tuổi tác không rõ ràng, nhưng nếu áp vào tiêu chuẩn của Con người thì vẻ ngoài của chàng thanh niên này chắc mới độ ngoài ba mươi. Một anh chàng Thiên cẩu đẹp trai sáng láng.
Anh ta nhặt cái va li lên, rồi lên tiếng hỏi lũ Thiên cẩu Kurama đang bò lồm cồm gần đó.
“Ôi chà, các vị. Các vị đang chơi trò gì ở đây vậy?”
Lũ Thiên cẩu Kurama đứng phắt dậy, ngỡ ngàng nhìn quý ông kia. “Ngươi chẳng phải là Nidaime, kẻ kế thừa Yakushibo sao? Tại sao giờ này ngươi mới quay về?”
“Vì đã nhìn thấy thứ nên nhìn thấy. Mấy anh em Kurama có vẻ vẫn khỏe cả. Tôi đã tính khi nào ổn định hơn sẽ ghé qua chào hỏi. Mà tiện đây…”
Nidaime vẫn thao thao nói trong khi nghi hoặc nhìn quanh.
“Tôi nhớ mình đã gửi khá nhiều đồ đạc về đây cơ mà?”
“À, chỗ đó hả?” Reisanbo lạnh lùng nói. “Bọn tao thấy vướng víu nên quăng hết đi rồi.”
“… Sao các anh lại hành xử bừa bãi vậy? nơi đây còn không phải núi của các anh.”
Reisanbo ra hiệu bằng mắt, lũ Thiên cẩu Kurama liền lập tức vây lấy Nidaime. Bầu không khí nặng nề ngập tràn không gian.
“Ngươi chậm tin quá đấy, Nidaime. Nyoigadake giờ nằm dưới sự thống trị của bọn tao rồi.”
Tôi cứ ngỡ sắp có trận chiến Thiên cẩu diễn ra đến nơi, lông tơ dựng đứng vì phấn khích. Dẫu sao thì trận chiến Thiên cẩu cũng là điều vô cùng hiếm có. Trận chiến giữa sư phụ Akadama và lũ Thiên cẩu Kurama ở núi Atago, trận đại chiến tranh giành lãnh địa ở đảo Chikubu giữa Thiên cẩu Shiga và Thiên cẩu Kyoto, hay đại chiến phi đội bay Ibukiyama này kia đều là những câu chuyện sẽ sớm đi vào truyền thuyết. Một con Tanuki được chứng kiến cuộc chiến Thiên cẩu mang tính lịch sử như vậy, cả đời sẽ không lo thiếu chuyện để khoe khoang nơi bàn rượu.
Nhưng Nidaime vẫn không thay đổi thái độ, coi những lời thách thức của Thiên cẩu Kurama như gió thoảng.
“A, ra là vậy. Tôi biết rồi.”
“Ngươi chỉ nói được có vậy thôi sao?”
Reisanbo mất hứng nói. “Đúng là kẻ máu lạnh đến nỗi khiến người ta phải ngỡ ngàng. Cha ngươi đã bị chúng tao đuổi cổ khỏi ngọn núi này rồi đó.”
“Vậy tức là Nyoigadake giờ thuộc về quý vị hả?”
Nidaime nói với vẻ buồn chán. “Các anh thấy xấu hổ với hành động của mình à?”
“Tại sao bọn tao lại phải xấu hổ!?”
“Vậy thì cứ thẳng thắn lên. Dẫu sao quý vị cũng là loài Thiên cẩu ngạo nghễ, cứ tập trung vào đánh nhau đi, chẳng ai thèm than thở gì đâu… Ấy mà, giờ cha tôi ở nơi nào?”
“Ngõ sau khu phố mua sắm Demachi đó. Trong một cán hộ bẩn thỉu, để lũ Tanuki lo lót cho.”
“Vậy thì tôi cần phải đi xử lý gọn gàng vấn đề. Thế nhé, xin chào các vị.”
Nidaime chào đám Thiên cẩu Kurama với vẻ khinh thường, rồi uyển chuyển bay vút lên bầu trời như thể đang đứng trên một cái thang máy vô hình.
Lũ Thiên cẩu Kurama ngỡ ngàng nhìn theo dáng vẻ đó.
Khi Nidaime đã mất dạng, mấy tay đó bắt đầu bàn tán loạn lên. Chúng giẫm choanh choách lên những lá bài hoa bằng thép, mồm nói tía lia “Cái thằng đó vẫn khó chịu như ngày nào”, “Giờ này hắn còn về đây làm gì vậy kìa”, “Có nên báo lại cho thủ lĩnh không”, “Chẳng rõ bên núi Atago đã hay tin gì chưa.” Có lẽ chúng đã sớm chẳng còn để con Tanuki lớn gan dám gọi mình là “lũ ruồi muỗi” vào trong mắt.
Tôi chớp lấy thời cơ, biến lại hình dạng Tanuki rồi chạy thục mạng về phía chân núi.
Khi tôi chạy ra khỏi rừng, em trai tôi đang náu mình trong bụi rậm liền nhảy ra, vui vẻ hô lên “Anh vẫn còn sống kìa!” Sau khi hai đứa mừng mừng tủi tủi vì đã tai qua nạn khỏi, tôi biến về hình dạng sinh viên đại học
nhếch nhác còn em trai biến thành cậu thiếu niên, chúng tôi chạy qua hàng cây anh đào đang trổ lá ven sông bên dưới cổng lớn của đền Ginkaku đang nườm nượp du khách tham quan.
Giờ Tsuchinoko hay Của rơi Thiên cẩu cũng không còn là vấn đề nữa rồi. Ưu tiên lớn nhất bây giờ là sự an toàn của sư phụ Akadama. Tôi nghe rõ ràng Nidaime đã nói “phải đi xử lý gọn gàng”*, lại xét mối thâm thù đại hận kéo dài cả trăm năm giữa hai cha con Thiên cẩu bọn họ, chắc chắn Nidaime sẽ giở trò bạo lực ở chỗ sư phụ. Dù gì sư phụ Akadama cũng là ân sư đã nuôi dạy nên bao thế hệ chúng tôi, anh em chúng tôi, cha chúng tôi, rồi thì cha của cha chúng tôi, không thể đếm xuể số lượng banh lông đã được sư phụ dạy dỗ. Tuy giờ sư phụ đã không còn xứng với cái danh Thiên cẩu, nhưng để sư phụ phải nhận cái vé kết thúc cuộc đời Thiên cẩu theo cách ấy, tôi chẳng thể bàng quan đứng nhìn.
Tôi chạy thục mạng về phía đường Imadegawa, trong khi phân phó em trai tôi quay về rừng thiêng Tadasu.
“Hãy báo cho anh cả chuyện Nidaime đã về nước. Cũng cần phải báo cho cả chú Yasaka nữa.”
“Anh tính làm gì?”
“Anh tới Demachi-yanagi. Nếu Nidaime hận sư phụ, chắc chắn sẽ tới đó trả thù. Anh phải đưa sư phụ đi trốn trước đã.”
Em trai tôi vội vã chạy về rừng Tadasu báo tin. Tôi thì nhắm về hướng chung cư Masugata đằng sau khu mua sắm Demachi.
°°°
Cụ Thiên cẩu về hưu Iwayasan Kinkobo hiện đang kinh doanh một
tiệm máy ảnh cũ ở Nihonbashi, Osaka. Tôi cũng thường hay ghé nơi đó chơi. Kinkobo là một trong số những người bạn hiếm hoi của sư phụ Akadama, cũng là người kể cho tôi nghe tường tận về chuyện Nidaime. Nidaime sinh ra ở Kiyo, tức Nagasaki bây giờ.
Nidaime bị sư phụ Akadama bắt khỏi Nagasaki, đưa tới đất Kyoto vào năm Meiji thứ 20*, khi những xáo trộn nhiễu nhương của cuộc chuyển giao thời đại đã dần trở thành những câu chuyện xưa.
“Con trai tôi đấy.” Sư phụ Akadama đã giới thiệu Nidaime như vậy với Kinkobo.
Kinkobo vẫn còn nhớ như in dáng vẻ Nidaime khi lần đầu đặt chân tới Kyoto. Cậu ta là một mỹ thiếu niên với đôi gò má còn vương nét trẻ thơ nhưng nhãn lực lại vô cùng sắc bén, ẩn chứa bên trong mình một khối oán hận khổng lồ. Chỉ cần nhìn qua là biết dòng máu của sư phụ Akadama đang chảy trong huyết mạch cậu ta.
Đối với cậu thiếu niên tiếp nhận giáo dục Thiên cẩu từ sư phụ Akadama, thời đại Meiji và những phát triển vượt bậc của Nhật Bản dường như không hề có chút gì dính líu. Khi kênh đào Biwa đã được hoàn thành, điện chạy quanh thành phố, những tòa nhà được xây dựng nên trong thời đại Văn minh khai hóa, cậu thiếu niên đó vẫn ở sâu trong núi Nyoigadake chịu sự huấn luyện khắc nghiệt. Nhưng thiếu niên Nidaime không hề thỏa mãn với môi trường sống quanh mình. Cậu ta ôm cục tức đó mà chăm chỉ nhận sự huấn luyện của Thiên cẩu, có lẽ cũng vì quyết tâm nhanh chóng tới ngày mọc sừng mọc mỏ rồi sút ông bố đáng hận kia xuống đài.
Đời sống ẩn dật cứ thế trôi qua, chẳng mấy chốc đã tới thời Taisho*. Nidaime trở thành một thanh niên rực rỡ, chẳng thể bị giam cầm mãi
trong núi Nyoigadake được nữa. Anh ta làm bạn với thủ lĩnh đám Thiên cẩu Kurama, cùng với Kurama Sojobo lẩn vào trong trường cấp ba đóng giả làm sinh viên đại học, lôi kéo bọn Tanuki ra phố chơi đêm. Sư phụ Akadama khó chịu ra mặt trước hành vi của Nidaime, nhưng sức mạnh Thiên cẩu của Nidaime đã sớm mạnh mẽ, có thể đối đầu với sư phụ Akadama được rồi. Hai cha con đều gườm gườm chờ đợi thời cơ để phát nổ.
Thời cơ đó đến, mang theo bóng hình một thiếu nữ.
Hồi đó, có tháp đồng hồ một khách sạn kiểu Tây đột ngột xuất hiện trên đường Karasuma.
Người ấy là cô con gái yêu của ông chủ khách sạn “Thế kỷ hai mươi”. Nidaime đã rơi vào lưới tình nồng nhiệt với cô từ cái nhìn đầu tiên, nhưng sư phụ Akadama khi đó đã nói “Phải phạt tên đệ tử dám bước chệch khỏi ma đạo” và quấy rầy chuyện của bọn họ. Ngày đó sư phụ Akadama vẫn còn là một Thiên cẩu khí lực sung mãn, mấy trò tai ác như phá rối mối tình đầu của cậu con trai chắc cũng chỉ như mấy động tác khởi động trước khi dùng bữa sáng.
Chàng thanh niên đeo đuổi tình yêu nơi khách sạn sáng ngời ánh điện rơi vào hết vướng mắc này tới phiền phức nọ, cơn thịnh nộ tích tụ trong lòng từ tuổi thiếu niên cũng đến lúc phát nổ. Cha và con, họ chiến nhau một trận lớn ba ngày ba đêm không dứt, đến mức làm rung chuyển cả ba mươi sáu đỉnh núi Higashiyama.
Hai kẻ đó đánh nhau không thiết ngủ nghỉ, thương tích toàn thân thành ra cái bộ dạng không khác gì người rừng, bò lồm cồm trên mái lớn của tòa nhà Minamiza vẫn còn chưa được sửa sang xây lại. Một tia sét xé toạc bầu trời tăm tối, cơn mưa xối xả trút xuống khắp thành phố, hai cha con tập
hợp sức mạnh cuối cùng của mình cho đòn tấn công. Họ dùng ngón tay chọc vào lỗ mũi đối phương, tay giật tóc miệng cắn xé tứ tung chẳng giống trận chiến một sống một còn của Thiên cẩu gì cả, mà giống trẻ con đánh lộn hơn. Nhưng gừng càng già càng cay, sư phụ Akadama giống như một con sư tử hoang dã, đá Nidaime từ trên mái Minamiza xuống đường Shijo, rống lên tiếng hô vang chiến thắng. Nidaime thua cuộc bị mưa gió dập vùi, lặng lẽ biến vào trong thành phố.
Rồi, một trăm năm trôi qua.
Nyoigadake Yakushibo Nidaime đã từ Anh quốc trở về rẻo đất quê hương, uy phong đĩnh đạc thuê phòng ở khách sạn Okura tại Kawaramachi Oike.
Trong khi Nidaime đặt đống đồ đạc của mình trong căn phòng vô cùng thoải mái của khách sạn rồi chuẩn bị sẵn sàng để đi thăm cha, thì sư phụ Akadama đang rúc mình trong căn hộ rẻ tiền ở đằng sau khu mua sắm Demachi, ôm lấy con Daruma đã vẽ một bên mắt* mà lầm bầm “Benten, Benten”.
Cha và con, sao hai kẻ đó lại phải đối chọi nhau như sáng với tối vậy chứ.
Cũng là một câu chuyện đáng tiếc của loài Thiên cẩu.
°°°
Khi tôi lao đến căn hộ của sư phụ Akadama, may thay Nidaime vẫn chưa tới nơi.
Những tia nắng xuân khẽ luồn qua khe hở của chiếc rèm cửa bẩn thỉu như cắt ra từ miếng giẻ rách nào đó, chiếu sáng căn phòng bốn chiếu rưỡi
chất ti tỉ thứ rác rưởi linh tinh. Sư phụ Akadama mặc cái quần cộc màu cháo lòng mà nằm cao giọng ngáy trên mặt sàn cũ kỹ. Tuy tổng thể phong cảnh khiến người nhìn phải nhức nhối, nhưng gương mặt khi ngủ của sư phụ vẫn mang một vẻ tràn trề hạnh phúc. Lại đang mơ tới cặp mông của Benten cũng nên. “Dậy đi nào!” Tôi cố lay nhưng sư phụ chỉ trở mình rồi lại tiếp tục đu bám vào giấc mơ mông má đó, như thể đang đắm chìm dưới vực sâu của giấc mơ đẹp đẽ ngọt ngào.
“Đáng nể ghê. Không thèm dậy luôn…”
Trên mặt sàn quanh người sư phụ quăng bừa bãi đồ đạc cá nhân như thuốc lá Thiên cẩu, quạt Phong Thần Lôi Thần, mấy tấm bưu thiếp cộc lốc của Benten, rồi cả cái khăn tay yêu thích của sư phụ. Tôi thu gom chúng rồi gói lại và nhét vào trong bồn tắm, dựng sư phụ dậy rồi cõng lên lưng. Tôi cũng thấy miễn cưỡng khi phải đưa sư phụ về khu rừng của Tanuki trong cơn mơ màng, nhưng chẳng thể đợi đến lúc sư phụ mở mắt được.
Khi mở cửa định bước ra ngoài, tôi chợt nhìn thấy bên ngoài hàng rào chung cư, dáng vẻ quý ông Anh quốc không thể lẫn lộn ở khu Demachi yanagi.
“Chết rồi, Nidaime! Anh ta làm việc nhanh lẹ vậy!”
Tôi đành phải thối lui vào lại trong phòng.
Hình ảnh sư phụ Akadama trong đầu Nidaime vẫn là dáng vẻ của trăm năm trước, chắc chắn không thể tưởng tượng được hiện tại lão Thiên cẩu già đã rớt giá về mo như thế nào. Vậy thì tôi sẽ biến thành sư phụ Akadama, biết đâu lại có thể qua được mắt Nidaime. Nếu sư phụ Akadama giả chào đón Nidaime bằng cái ôm nồng ấm, biết đâu những mâu thuẫn trăm năm qua sẽ như tuyết chảy sương tan. Ừ, được đấy.
Tôi lôi mấy thứ linh tinh từ trong tủ âm tường ra rồi nhét sư phụ vẫn đang ôm con Daruma nằm lăn lóc trên sàn vào trong đó. Đúng lúc tôi đóng cửa tủ thì nghe thấy tiếng Nidaime gõ cửa.
“Nyoigadake Yakushibo có nhà không vậy?”
Tôi liền biến thành sư phụ Akadama, ngồi xếp bằng tròn giữa gian phòng bốn chiếu rưỡi.
“Vào đi!” Tôi lớn tiếng gọi vọng ra.
Cuối cùng, Nidaime cũng mở cửa ra rồi bước vào bên trong, từ ngoài bếp ngó vào gian phòng bốn chiếu rưỡi. Anh ta dùng một cái khăn tay trắng tinh che lấy mũi và miệng mình. Nào là khói thuốc lá Thiên cẩu, chai rượu Akadama còn sót lại một tí, hộp cơm Shokado đã sắp thối cả ra, đống bông ngoáy tai vàng khè dùng xong vứt bừa đấy, đồ lót cởi ra lung tung khắp chốn, rồi thì cái mùi già nua của sư phụ Akadama, mùi hôi và lông rụng của đám Tanuki chạy tới chạy về. Căn phòng dơ bẩn tới mức này chắc cũng làm Nidaime choáng ngợp, anh ta đứng đơ ra bên ngoài hiên cửa.
Kỹ thuật biến hình của tôi cực kỳ thành thục, tái hiện khá chuẩn cái uy quyền Thiên cẩu của sư phụ.
“Con đã về rồi, con trai yêu quý. Mọi chuyện trước giờ đều do ta quá đáng. Con có thể tha thứ cho ta không?”
Dù miễn cưỡng thế nào cũng là câu nói phát ra từ miệng một kẻ đi theo con đường ma đạo, nhổ nước bọt xuống cả thế gian như Nyoigadake Yakushibo, nên những lời đầy tính thỏa hiệp như thế vừa có mùi dối trá lại vừa khiến tôi cảm thấy xấu hổ.
Trong khi tôi dang rộng vòng tay, Nidaime thận trọng bước lại gần, cẩn
thận dùng khăn tay lau sạch vết bẩn trên chiếu rồi mới ngồi quỳ xuống, cũng cực kỳ cẩn thận để áo mình không bị lem bẩn rồi mới đón nhận cái ôm kia. Có vẻ như mối khúc mắc trăm năm giữa cha con Thiên cẩu đã kết thúc tại đây.
Đột nhiên, Nidaime thì thầm vào tai tôi.
“Người ám đầy mùi Tanuki kìa, cha.”
“Đám Tanuki hay lui tới quá đó mà. Chúng nó ám hết cả vào người ta.”
“Cha nói như thế, làm người ta tưởng cha yêu thích đám Tanuki lắm vậy.”
“Ngốc nghếch. Con đang nói chi vậy?”
“Vậy sao cha lại mọc đuôi giống lũ Tanuki thế?”
Nidaime đập một cái thật mạnh vào hông tôi, rồi thộp luôn cái đuôi vừa thòi ra từ đó.
Khoảnh khắc bị lột lớp vỏ hóa trang rồi xốc ngược lên, tôi liền thấy ân hận vì suy nghĩ nông cạn “biến thành Thiên cẩu lừa Thiên cẩu” của mình. Rốt cuộc lại trở thành một kỷ niệm vừa khổ đau vừa nhục nhã. Tanuki là loài không thể treo ngược thân mình. Trong khi đung đưa trong thế đất trời đảo ngược, tôi van nài Nidaime tha cho mình. “Xin lỗi! Xin lỗi!”
“Ơ kìa, cậu chẳng phải là con Tanuki ta mới gặp ở núi Nyoigadake khi nãy sao?”
Cánh mũi đẹp đẽ của Nidaime gí sát lại gần tôi trong thế bị xách ngược.
“Vậy là cậu đã quan sát tình hình rồi ra tay trước.”
Nidaime ghìm cơn giận lại mà thả tôi xuống chiếu.
Tôi vừa liếm láp cái đuôi bị đau mà nhìn lên Nidaime.
“Xin lỗi vì đã bày ra trò lừa ngớ ngẩn này. Con trai thứ ba của Shimogamo Soichiro, Yasaburo xin được bái kiến. Tôi có lời chân thành chúc mừng ngài Nidaime đã bình an về nước.”
“Màn giới thiệu trịnh trọng đấy nhưng vô ích thôi. Cha ta đang ở đâu?” “Ái chà. Cái này tôi cũng chẳng hay. Chắc cha ngài đi đâu đó mất rồi.” Nidaime chỉ hỉnh mũi “hừm, hừm” rồi nhìn quanh căn phòng bốn
chiếu rưỡi, ánh mắt dừng lại ở cánh cửa tủ âm tường tôi vừa vội vã đóng lại khi nãy. Trong đó, sư phụ Akadama đang nhỏ dãi mà ôm chặt con Daruma, mơ màng đến cặp mông của Benten. Tôi cứ ngỡ đã bị nhìn thấu cả rồi, nhưng Nidaime không hề tỏ ý muốn kiểm tra cái tủ đó, chỉ lầm bầm “Tanuki đúng là loài dũng cảm”, bằng một giọng chẳng rõ là đang buồn rầu hay ngạc nhiên nữa.
“Tanuki đúng là dũng cảm thật.” Tôi nói. “Nếu ngài có điều gì cần sai phái xin cứ ra lệnh. Ngài đã vắng mặt nhiều năm, chắc hẳn sẽ có những điều không thoải mái. Ngài cũng chưa tìm thấy tài sản cá nhân của mình cơ mà.”
“Đúng đấy. Đám Kurama đó đã ném đồ đạc của ta khỏi núi Nyoigadake mất rồi.”
“Hay là thế này, ngài hãy giao chuyện đó cho Yasaburo tôi đây?” Đám đồ đạc bị Thiên cẩu Kurama ném khỏi Daimonji hẳn đã được Tanuki khắp xứ Lạc Trung vui sướng thu thập về. Nhưng chỉ cần Nidaime khẳng định chủ quyền chỗ đồ đạc đó, đám Tanuki buộc phải cống trả bộ sưu tập của mình mà thôi.
Khi tôi tỏ lời ra như vậy, Nidaime liền nói “Được vậy thì tốt quá,” và
lấy vài đồng tiền từ trong túi ra dúi cho tôi. “Nhưng ta không thể ép cậu chạy việc cho mình được.”
“Nhưng Thiên cẩu có thể tùy nghi sai phái Tanuki cơ mà. Thiên cẩu đáng ngưỡng vọng hơn loài Tanuki chúng tôi nhiều.”
“Ta không thích làm phiền kẻ khác, cậu Yasaburo.”
Nidaime nói vậy.
“Vả lại, ta không phải là Thiên cẩu.”
°°°
Tin tức Nidaime quay về nhanh chóng trở thành làn sóng lan rộng khắp giới Tanuki.
Đối với những cục banh lông sinh mệnh ngắn ngủi, một vị Thiên cẩu mới đột nhiên xuất hiện quả là cơ hội hiếm có một đời mới được chứng kiến một lần. Nên đám Tanuki háo hức tò mò nườm nượp ra vào khách sạn Okura ở Kawaramachi Oike, cố gắng dòm vị Thiên cẩu mới đó một cái. Trong số đó có cả những cục banh lông già lụ khụ đến đỗi sắp sửa phải chuyển hộ khẩu vào Tanukidani Fudo tới nơi rồi. Lời đồn vô căn cứ “nhìn thấy Thiên cẩu mới sẽ giúp kéo dài được tuổi thọ” cũng đã lan truyền khắp chốn.
Trong khi giới Tanuki đang muôn phần phấn khích, thống lĩnh của giới Tanuki là Yasaka Heitaro lại có lời mời tôi cùng anh cả ghé thăm Gion. Lúc đi bộ từ đầu phía Đông của cầu lớn Shijo về phía đền Yasaka, tôi lầm bầm “Phiền phức rồi đây.”
Theo kinh nghiệm của tôi, Niseemon rất hiếm khi triệu ai đến gặp. Nếu bị gọi thì thường là phải nghe thuyết giáo trên nền nhạc Hawaii, hoặc
là được giao cho nhiệm vụ gì nguy hiểm. Còn theo lời giải thích của anh cả, thì hôm trước chú Yasaka Heitaro và anh đã mở một cuộc họp với hai người họ là chủ quản, tranh luận về chuyện giới Tanuki nên có thái độ thế nào với Nidaime nhưng mãi không ra được kết luận. Rốt cuộc, họ đã dùng một câu vô thưởng vô phạt, rằng “Vậy thì cứ hỏi ý kiến Yasaburo coi sao” để tạm đùn đẩy vấn đề.
“Dẫu sao cũng chỉ có mình em từng nói chuyện tử tế với Nidaime”, anh cả tôi nói. “Hơn nữa lâu nay em cũng hay qua lại chỗ sư phụ Akadama. Nếu nói đến Thiên cẩu, ắt phải hỏi tới Yasaburo rồi.” “Em có phải chuyên gia về Thiên cẩu đâu.”
“Đừng than thở. Phải biết cống hiến cho giới Tanuki chứ.” Con Tanuki đáng kính Yasaka Heitaro không chỉ là gia chủ của nhà Yasaka có lãnh địa trải dài từ công viên Maruyama tới khu vực Gion, mà còn giữ địa vị Niseemon thống lĩnh toàn bộ giới Tanuki tại Kyoto. Văn phòng của ông ấy nằm trên một con đường nhỏ phía sau Gion Nawate, một phòng khám chuyên trị bệnh liến quan đến hậu môn đã bỏ hoang từ lâu. Phòng khám này từng là nơi chăm lo chẩn trị cho mọi bệnh tật nơi mông đám Tanuki khắp xứ Lạc Trung. Hồi còn nhỏ tôi bị mọc nấm ở mông, cũng được phòng khám này ra tay cứu giúp.
Cả đống Tanuki đang tập hợp ở ngoài phòng chờ để đọi bái kiến ngài Niseemon, tôi cùng anh cả ngồi xuống một cái xô pha bọc da đã cũ nhàu mà kiên nhẫn chờ đọi. Cuối cùng, chúng tôi cũng được mời vào phòng khám vang vọng tiếng nhạc Hawaii, Yasaka Heitaro đang nằm xoài ra trên ghế mây, gảy tưng tưng cây đàn ukulele chào đón chúng tôi.
“Hây, mấy đứa tốn công tìm đến rồi. Chào mừng đến với Hawaii giả.” Tường phòng khám sơn một màu xanh mướt của biển trời, trong góc
bày mấy cây dừa giả, bên tường còn đặt búp bê hình cô gái Hawaii, rồi thì vòng hoa và áo sơ mi aloha này kia. Kể từ khi được du lịch tới Hawaii hồi còn trẻ, Yasaka Heitaro đã luôn ngưỡng mộ vùng đất ấy, chú chỉ muốn nhanh nhanh dúi cái chức Niseemon cho anh cả tôi để rồi chạy trốn đến vương quốc phương Nam trong mơ của mình. Ước nguyện của chú chính là được nằm dài trên bãi biển Hawaii mà uống nước dừa trong những ngày hưu trí.
“Buôn bán phát đạt ghê.” Tôi lên tiếng.
“Cả nghìn khách ùn ùn kéo tới mà chẳng kiếm được đồng nào. Thật khiến người ta bực mình.”
Thủ lĩnh Niseemon giới Tanuki có nhiệm vụ đứng ra tập hợp Tanuki trên khắp xứ Lạc Trung, nếu chuyện gì cần sự mềm mỏng thì chú ấy sẽ đứng ra điều đình giùm, nếu sự kiện tập trung những Tanuki tai to mặt lớn thì chú sẽ nắm quyền điều phối, những Tanuki nhỏ tuổi phiền não về cuộc sống lại có chú tận tình đưa đường chỉ lối. Đôi khi ông ấy còn nhận tư vấn chuyện tình cảm lứa đôi nữa. Tanuki là vậy đấy, lơ đi những vấn đề nhúc nhối nhất mà chỉ chăm chăm lo lắng những điều tủn mủn. Những vấn đề được đưa đến cho Yasaka Heitaro giải quyết thực ra cũng chẳng mấy khi đòi hỏi khôn khéo thiết diện vô tư như Ooka*. Chính vì vậy vấn đề từ trên trời rơi xuống của loài Thiên cẩu khiến ông ấy phiền não không ít.
Yasaka Heitaro mời anh cả và tôi ngồi xuống ghế, rồi lấy frappuccino xoài từ trong tủ lạnh ra mời. Cây đàn ukelele vẫn nẩy tưng tưng, mang theo phong vị của vương quốc phương Nam thổi tới.
“Yasaburo này, ta muốn hỏi ý kiến đứa hiểu biết về quyền uy của giới Thiên cẩu như cháu.”
Được khen đến vậy tôi thấy cũng không tệ.
“Nidaime đó… có phải hàng thật không?”
Ý tứ của Yasaka Heitaro là nếu Nidaime chân chính là Thiên cẩu, là người thừa kế chính danh của sư phụ Akadama, thì giới Tanuki cần có lời chào hỏi chính thức, và bọn tôi cũng phải tổ chức tiệc chào mừng cho phải đạo. Dẫu sao thì cũng cả trăm năm rồi vị đó mới quay lại cố quốc, chắc chắn phải làm đình làm đám rồi. Nhưng tất thảy đều biết đến vụ đánh lộn ầm ĩ trăm năm trước, giữa sư phụ Akadama và Nidaime có một mâu thuẫn khó hóa giải. Sư phụ Akadama không hề chấp nhận Nidaime, thậm chí còn có ý chọn Benten làm người thừa kế của mình. Giới Tanuki vẫn phải tỏ ra lễ nghĩa với Nidaime, nhưng cũng không thể làm mếch lòng sư phụ Akadama và Benten được.
Tôi kể hết những trải nghiệm sau khi tiếp xúc với Nidaime. “Theo những gì cháu thấy, vị đó nhìn thế nào cũng là Thiên cẩu. Nhưng chính miệng ngài ấy đã nói rằng mình ‘không phải Thiên cẩu’… Có lẽ ý thức Thiên cẩu của ngài ấy cũng nhạt nhòa lắm rồi.” “Thế thì khó xử ghê đấy.”
“Mối quan hệ giữa hai cha con bọn họ vẫn còn xấu lắm, khi nào cô Benten về nước kiểu gì cũng có đánh nhau to. Nếu không may bị cuốn vào, thể nào cũng cháy sém lông đuôi cho coi.”
“Em có vẻ hào hứng thật đấy, Yasaburo.” Anh cả quở tôi. “Thôi, cũng chẳng sao.” Heitaro nói vậy rồi hỏi rằng, “Yaichiro suy nghĩ sao về vụ này?”
Anh cả khoanh tay với vẻ mặt nghiêm nghị.
“Em trai cháu là thằng ngốc. Nhưng cháu nghĩ nó nhìn nhận đúng đấy.”
Yasaka Heitaro vừa gảy ukelele tưng tưng vừa suy nghĩ.
Kể từ khi kẻ nắm giữ vai trò Niseemon là cha tôi rơi vào nồi lẩu của Câu lạc bộ ngày thứ Sáu, Yasaka Heitaro chịu kế nhiệm vị trí của cha cũng chỉ bởi vì ông ấy là bạn bè với cha từ thuở còn thơ. Trong khi giới Tanuki đang như rắn mất đầu mà nháo nhác tứ phương không kẻ trấn áp, ông Heitaro đã thu gọn về một mối. Hồi đó Ebisugawa Soun cũng đã lăm le chiếm lấy vị trí Niseemon nhưng thực lực không đủ. “Nếu phải trao quyền cho kẻ đó thì chọn ngài Heitaro vẫn hơn”, phần đông Tanuki đều nghĩ vậy. Kể từ đó trở đi, tuy chẳng có thành tích đáng chú ý nào, nhưng ông ấy cũng chưa hề để xảy ra lỗi ngớ ngẩn đáng bị chỉ trích. Đối với giới Tanuki vô tâm này, hoàn thành tử tế một nhiệm vụ không phù họp với tính cách bản thân như vậy đã quá tài rồi.
“Dù sao chúng ta cũng là Tanuki. Cuống quýt lên chỉ có thiệt.” Cuối cùng, Yasaka Heitaro dừng bản đàn lại rồi vỗ đùi.
“Bô lão Tanuki ta đây quyết định sẽ lặng lẽ quan sát tình hình. Ngay khi giới Thiên cẩu có định hướng rõ ràng của bọn họ, chúng ta sẽ nương theo đó để biết nên vẫy đuôi hướng nào. Thay vì loay hoay thế này, hãy theo dõi sát sao tình hình của giới Thiên cẩu đi.”
°°°
Tôi nhờ Yasaka Heitaro loan tin rằng những thứ của rơi Thiên cẩu do đám Tanuki thu nhặt được thuộc quyền sở hữu của Nidaime, kêu gọi bọn họ mau mau cống nạp lại.
Tôi lại nhờ chủ tiệm đồ cổ Shimizu Chujiro trên đường Teramachi, lấy tạm một góc tiệm làm nơi thu gom Của rơi Thiên cẩu, xem xét kỹ lưỡng
những món đồ do lũ Tanuki mang tới. Những món đồ Thiên cẩu lỡ tay làm rơi hiếm hơi lắm mới cóp nhặt về được giờ lại phải buông tay, với Tanuki mà nói chẳng đau như đứt từng khúc ruột, một đống Tanuki đã diễn màn khóc lóc bi thương trước cửa tiệm. Còn bên trong, con Tanuki nào cũng chỉ dám cằn nhằn tôi “làm chuyện bao đồng” mà thôi.
Đồ đạc Nidaime đưa về từ Anh quốc chủng loại đa dạng đến kinh hồn. Nào là bàn viết, mười mấy cây gậy ba toong, chục đôi giày da kiểu quý ông, tủ đựng quần áo bằng gỗ, cả đống va li du lịch, rồi các thiết bị dùng để nghiên cứu thực nghiệm như bộ sưu tầm kính viễn vọng, kính lúp rồi kính hiển vi, còn cả đống dép đi trong nhà, bộ dụng cụ ăn bằng bạc với giá nến, đàn violin, bàn cờ, một chùm chìa khóa kỳ quặc, ba cái áo khoác, đèn bàn, bồn tắm, thảm Ba Tư, mũ nồi, vài trăm cuốn sách Âu, cả đống báo. Chỗ này chắc chắn chỉ là một phần mà thôi. Cái trường kỷ anh em tôi tìm thấy ở Nyoigadake cũng bị thu hồi.
Tôi bận rộn chạy đi chạy về suốt một tuần liền, không còn tâm trí lo tới vụ Tsuchinoko nữa.
Tsuchinoko là chuyện lãng mạn, nhưng Thiên cẩu lại là hiện thực. Trong thời gian đó, Nidaime vẫn ngụ tại khách sạn ở Kawaramachi Oike.
Dáng vẻ mỹ mạo và uy quyền Thiên cẩu của anh ta quyến rũ hết thảy nhân viên khách sạn, nên được đối xử không khác gì khách quý lâu năm. Cái phong cách quý ông Anh quốc lệch lạc thời đại lại hòa hợp với sảnh đợi và tiệm cà phê đầy phẩm giá. Danh tiếng của vị Thiên cẩu mới về nước không ngừng bay xa. Anh ta có thói quen hằng ngày ra ngoài đi dạo một tiếng vào độ năm giờ chiều, đoạn đường đi dạo luôn chỉ có một, nắng mưa cũng không đổi. Dáng vẻ của Nidaime nổi bần bật trên con đường
Shinkyogoku đông đúc, khiến người đi đường ai ai cũng phải ngoái nhìn. Mỗi lần quay về khách sạn, anh ta lại có thói quen kiểm tra giờ giấc ở ngay chỗ hiên vào. Từ dáng vẻ mở chiếc đồng hồ quả quýt cho tới góc độ nhìn xuống mặt đồng hồ đều ăn khớp như thể đã được tính toán từ trước. Những đồng vàng Napoleon lần lượt xuất hiện từ túi áo Nidaime đã ngầm ám chỉ sức mạnh tài chính của nhân vật này, nhưng anh ta không ném tiền vào những cuộc chơi đêm xa hoa phóng túng, mà duy trì một cuộc sống khá tĩnh tại.
Tôi cứ tính toán vào tầm chiều tối sau khi Nidaime đi dạo về, tôi sẽ mang những đồ đạc đám Tanuki trả lại gửi tới chỗ anh ta. “Chào, cậu Yasaburo. Hôm nay phiền cậu nhiều rồi.”
Mỗi lần tôi đến thăm, căn phòng của khách sạn lại thêm một phần giống với châu Âu giả hiệu. Chàng Thiên cẩu mới về nước mặc cái áo sơ mi trắng sạch sẽ tinh tươm mà chào đón tôi, thoải mái ấm cúng giữa những món đồ yêu quý quen thuộc. Thường thì anh chàng vẫn cứ cố nhét tiền vào túi tôi, nhưng tôi cứ khăng khăng nhắc tới cái phẩm giá Tanuki để nhẹ nhàng từ chối.
“Ta ghét mắc nợ người khác.” Nidaime nói.
“Ngài có nói như vậy thì tôi vẫn là Tanuki mà.”
“Vậy thì ta sẽ nói cách khác. Ta ghét mắc nợ Tanuki.”
“Nói thật ra thì, tôi muốn được trả bằng thứ lớn hơn cơ. Mấy đồng tiền vàng này chẳng thấm vào đâu cả. Cứ bận rộn thế này, tôi cũng chẳng rảnh rỗi để săn lùng Tsuchinoko nữa.”
“Chà, xem kìa? Không cẩn thận ta lại bị cậu lừa mất.”
“Nếu tôi đủ sức lừa kẻ khác thì tốt quá.”
“Khéo nói lắm. Đây là trí thông minh của loài Tanuki sao?” Nidaime cười méo xẹo, tôi vẫn bướng bỉnh không chịu nhận tiền. Với lại, món đồ mà Nidaime để tâm lo lắng nhất trong vụ thu gom này
là một “khẩu súng hơi Đức”. Khẩu súng hơi đó do một kỹ sư người Đức chế tạo vào thế kỷ 19, nó dùng lực bom khí nén cực mạnh bắn ra những viên đạn chì. Khẩu súng đã qua tay nhiều người, đi từ trong lục địa ra tới Đế quốc Anh, rồi nằm trong kho tàng của giới quý tộc nhiều năm cho tới khi được bán cho Nidaime. Lúc xem ảnh, tôi thấy nó đẹp đẽ như một loại nhạc cụ bằng kim loại. Khi nghe chữ “súng hơi” tôi đã liên tưởng tới một món đồ chơi bắn phụt ra cả đám banh lông bông bông mềm mại, nhưng Nidaime đã bật cười nói “Không phải thứ gì dễ thương đến vậy đâu.” Nghe đồn nó từng được dùng để ám sát nghị sĩ của nước nào đó, lỡ khẩu súng này vô ý cướp cò thì đám Tanuki chỉ có nước thăng thiên.
“Mấy cục banh lông các cậu chắc cũng ghét súng đạn chứ?” “Đương nhiên là ghét rồi. Nhưng tôi chưa từng nhìn thấy nó ở tầm gần bao giờ.”
“Mong cậu sóm tìm nó về cho ta. Nếu khẩu súng bị dùng vào mục đích xấu thì tệ lắm đó.”
Nhân tiện nói luôn, tuy tôi thường qua lại chỗ Nidaime như vậy, nhưng sư phụ Akadama vẫn chưa hay biết chuyện anh ta đã quay về nước. Cũng chẳng có con Tanuki nào dám cố tình nhắc đến chuyện đó để hứng chịu cơn thịnh nộ, sư phụ lại cứ rúc mình trong căn hộ nên càng khó có cơ hội biết được.
Trong một lần tôi mang cơm hộp Shokado ghé thăm căn hộ, sư phụ đang ngồi thu lu ở cái bàn trà đặt giữa gian phòng bốn chiếu rưỡi để viết thư tình mùi mẫn gửi cho Benten. Nhìn sư phụ chẳng hay biết gì như thế,
tôi cũng thấy buồn. Trong khi tôi đang lơ đãng suy nghĩ như vậy, sư phụ chợt nhìn chằm chằm về phía tôi.
“Yasaburo này.”
“Dạ thưa sư phụ?”
“Mày đang giấu tao chuyện gì hả?”
“Sao sư phụ tự nhiên hỏi vậy?” Tôi vội vàng hớn hở đáp lời. “Con có nhiều chuyện giấu sư phụ lắm.”
Sư phụ khịt mũi, rồi lại tiếp tục viết thư tình.
“… Thôi kệ mày, chắc cũng chỉ toàn mấy chuyện vớ vẩn.” °°°
Sư phụ Akadama hoàn toàn nằm ngoài vụ ồn ào vì sự trở về của Nidaime cho tới tận giữa tháng Năm, cũng tức là khi Nidaime đã về được khoảng hai tuần.
Kẻ dám đĩnh đạc đến báo tin này cho sư phụ đang nhốt mình trong căn hộ đó chỉ có thể là ông bạn đồng liêu Thiên cẩu mà thôi. Khi nghe tin báo rằng ngài Iwayasan Kinkobo đang xách theo một chai rượu đính dây trang trí mizuhiki đi dạo trên phố mua sắm Demachi, tôi đã nghĩ “Cũng đến lúc rồi.”
Tôi run sợ lò dò tìm tới căn hộ của sư phụ, nhưng mọi sự đã rồi. Kể từ đó, sư phụ Akadama biến mất khỏi Lạc Trung. Những con Tanuki nhanh nhảu đã náo loạn lên rằng, “Sư phụ sợ Nidaime tìm tới nên đã cưỡi mây bỏ trốn.” Trong khi đó tôi và những con Tanuki từng được sư phụ Akadama dạy dỗ lại ra sức phản bác, “Không có chuyện sư phụ bỏ
trốn đâu.”
Ân sư của chúng tôi đã mất khả năng bay lượn tự do trên bầu trời được vài năm, cũng chẳng còn lại năng lực gì của Thiên cẩu. Tuy vẫn luôn là một lão già ích kỷ chuyên chèn ép đám Tanuki, thu gom lại đủ thứ thói hư tật xấu của Thiên cẩu, nhưng chỉ riêng lòng kiêu hãnh của loài Thiên cẩu thì vừa dai vừa dài như đám dãi chảy thòng lòng ra từ mũi thầy. Lỡ để lọt vào tai sư phụ chuyện đám Tanuki dám chỉ trỏ sau lưng kháo thầy “sợ Nidaime nên bỏ trốn”, chắc sư phụ sẽ đâm đầu vào đậu phụ đông đá mà chết luôn quá. Chúng Tanuki dưới trướng sư phụ thì khẳng định chắc nịch, “Sư phụ chắc chắn sẽ trở về.”
Khoảng vài ngày sau, có con Tanuki báo rằng “Tôi thấy sư phụ đang đi dạo ở Kumogahata đấy.”
Kumogahata nằm ở Lạc Bắc, đi ngược dòng chảy của sông Kamogawa lên phía Bắc rồi rời khỏi thành phố hào hoa, tiến vào sâu trong rừng Kitayamasugi thuộc lãnh địa của Iwayasan Kinkobo từ rất xa xưa rồi. Rời khỏi cuộc sống thấp kém trần tục đầy lông Tanuki về đứng ở một nơi cao cao tại thượng như vậy, chúng tôi nghĩ sư phụ Akadama hẳn đã quyết tâm. Vị ân sư vĩ đại của chúng tôi muốn nghênh đón Nidaime trở về, nên đã rời xa cuộc sống bê bối nhiều năm để rèn luyện lại cả tinh thần lẫn thể chất.
“Thật xứng danh sư phụ Akadama. Dù có tàn tạ thế nào vẫn cứ là Nyoigadake Yakushibo.”
Danh tiếng của sư phụ trong giới Tanuki cứ thế mà phục hồi không ít. °°°
Tôi cũng có ý định khăn gói mang bánh mamemochi đi cổ vũ tinh thần
sư phụ Akadama đang trong quá trình tu luyện. Nhưng Kumogahata lại xa quá là xa.
Tôi đã đánh tiếng hỏi mượn chiếc xe kéo tự động của anh cả, nhưng ông anh keo kiệt đó mãi chẳng chịu ừ. Anh tôi lo sư phụ Akadama nơi núi sâu tâm trạng sẽ có lúc trồi sụt bất thường, lỡ nổi con thịnh nộ rồi giận cá chém thớt lên chiếc xe kéo của anh rồi biến nó thành đống gỗ vụn thì phiền. Không còn cách nào khác, tôi tính đi xe đạp, nhưng đường sá xa xôi quá khiến tôi thấy oải. Tôi đã tự mình xơi bánh mamemochi dùng để thăm hỏi thầy, trên đường đi cũng mấy bận nghĩ đến chuyện thoái lui trở về.
Tôi nghiến răng đạp lên những đoạn đường núi khúc khuỷu lên xuống, mãi mới tới nơi.
Ngọn núi này là nơi Thiên cẩu vẫn ẩn náu tu luyện, nên tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần phải tới chốn rừng thiêng nước độc, nhưng làng bản ở Kumogahata lại vô cùng yên bình êm ả. Những chồi non xanh mơn mởn vây bọc khắp các triền núi, ánh mặt trời trong veo phủ lên những dãy nhà và bậc đá của ngôi trường tiểu học cũ kỹ, chỉ có mỗi tiếng nước chảy róc rách của mương nước tưới ruộng là đủ lớn để lọt vào tai. Thời gian cứ kéo dài ra như kẹo đường mizuame.
Tôi đến trước trụ sở hành chính Kumogahata, ngồi nghỉ dưới một bóng cây xanh, chợt một giọng nói vang lên trên đầu.
“Ơ kìa, chẳng phải Yasaburo nhà Shimogamo đấy sao?”
Tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên nhìn thì thấy một ông lão đang ngồi trên phần mái chìa ra của văn phòng nhỏ, mặc áo sơ mi và đeo cà vạt dây với dáng vẻ lịch sự, đang mút túi thạch Fanta. Vị này chính là một trong số những người bạn ít ỏi sư phụ Akadama có được, quý ngài Iwayasan Kinkobo hiện đã lui về nghỉ hưu và mở một tiệm máy ảnh cũ tại
Nihonbashi ở Osaka.
“Ô kìa, ngài Kinkobo.” Tôi đứng bật dậy cúi đầu chào.
“Cậu tới hỏi thăm tình hình của Yakushibo đó hả?”
“Vâng, cháu cũng đang rảnh mà.”
“Ha ha ha. Cậu vẫn là đứa học trò giàu lòng thương thầy. Vậy chúng ta cùng đi thám ông ấy đi. Chỉ cần leo lên chỗ đó là tới nơi huấn luyện Thiên cẩu rồi.”
Trước mắt tôi là một cầu thang đá dốc dẫn lên chùa Kounji. Tôi được ngài Kinkobo xách qua đoạn bậc thang đó.
Kinkobo không vào đền, mà đi vào núi theo một đường nước chảy dọc lối bên trái. Khi đi qua hết những tàng cây xanh lá lấp lánh ánh sáng, chúng tôi bắt đầu bước theo dòng suối, vào trong rừng liễu sam mát mẻ. Nhìn trái nhìn phải thế nào cũng chỉ thấy những hàng cây liễu sam phủ tối bầu trời. Sự tĩnh lặng của núi non càng lúc càng trôi xa, phong vị Thiên cẩu mỗi lúc một nồng đậm hơn. Tiếng nhóc nhách phát ra từ cái hồ lô đựng rượu màu nâu nho nhỏ lắc lư nơi hông Iwayasan Kinkobo nghe mới dễ thương làm sao.
“Bình này đựng Long thủy đó.”
Khu vực chùa Shimei ở núi Iwayasan được biết đến như ngọn nguồn của sông Kamogawa, sâu trong ngọn núi đó có chôn một viên Long thạch. Nước rỉ ra từ tảng đá đó được gọi là Long thủy, Thiên cẩu coi đó là thứ nước giúp tinh lực tăng mạnh nên vô cùng ưa dùng. Thứ trong bình kia chắc là Long thủy giúp sư phụ Akadama chuẩn bị cho trận chiến với Nidaime đây. Ngài Kinkobo dường như cũng chẳng có ý định ngăn cản trận chiến giữa hai cha con Yakushibo.
“Thiên cẩu là loài không biết đến hòa hoãn.”
“Nhưng hai cha con họ cứ đối đầu nhau mãi như thế cũng phiền lắm.” “Ta rất thông cảm với tấm lòng cậu dành cho ân sư của mình, nhưng mâu thuẫn giữa cha con bọn họ không thể dàn xếp ổn thỏa bởi chân tâm của một Tanuki được đâu. Hãy cứ để họ làm những điều họ muốn đi.” Chúng tôi đi dọc theo con nước chừng mười lăm phút, cuối cùng cũng thấy hàng đống cây liễu sam hai bên ngả rạp ngổn ngang. Chắc chắn là tác phẩm của Thiên cẩu rồi. Ngài Kinkobo giơ tay bắt ấn rồi đọc chú gì đó, khi ngài xòe tay mở ấn, đám cây cối ngả rạp ở đó cũng lần lượt dựng thẳng lên, tạo đường cho chúng tôi đi tới.
Cứ đi theo con đường mới mở ra đó là tới nơi tu luyện của Thiên cẩu. Đó là một đồng hoang rộng lớn giống như dấu chân còn lưu lại của người khổng lồ, tại rẻo đất chìa ra chênh vênh có độc một cây liễu sam cổ thụ cao chọc trời. Dưới bóng cây, sư phụ trải cái ổ chăn cất công mang theo từ căn hộ đằng sau khu mua sắm Demachi. Sư phụ Akadama đang ôm con Daruma trên đùi mà phì phèo điếu thuốc lá Thiên cẩu. Tuy đã cố tình vào trong núi sống, nhưng cảnh sinh hoạt của sư phụ vẫn chẳng khác gì. Sau khi nhận cái bầu đựng đầy Long thủy từ ngài Kinkobo, sư phụ nhìn tôi chằm chằm.
“Yasaburo, mày ở đây làm cái trò gì vậy?”
“Con săn lùng Tsuchinoko rồi lạc đường đến đây đó ạ. Đây là bánh mamemochi con mang theo.”
“Mày đúng là đồ ham chơi.”
Chuyện tôi biết rõ Nidaime đã về nước mà vẫn tỏ ra như không, sư phụ chắc cũng đã biết mười mươi. Nhưng sư phụ không hề nổi con thịnh nộ
mà làm mình làm mẩy.
“Mà này… kẻ đó giờ đang ở đâu?”
“Đang trọ tại một khách sạn ở Kawaramachi Oike ạ.”
“Chắc nó tính vặn cổ ta trong giấc ngủ đây mà. Mãi chẳng khôn ra được tí nào.”
Sư phụ Akadama mở nắp hồ lô rồi tu Long thủy ừng ực, xong quẹt miệng.
“Cái thằng ngu độn đó. Nó đã bị những ham muốn cỏn con đánh chệch khỏi con đường ma đạo, giờ có dạy lại cũng không được nữa. Nyoigadake Yakushibo này không trốn tránh cũng chẳng cần nương náu. sẵn sàng chờ lúc sống mái, hây… hụ!”
“Thằng bé cũng chẳng còn là nó của ngày xưa nữa đâu, Yakushibo.” Ngài Kinkobo lặng lẽ nói vậy, sư phụ Akadama hừ mũi rồi cũng thôi. Hồi tôi còn là một cục banh lông bé xíu, sư phụ Akadama từng lấy
danh nghĩa ‘lớp học ngoại khóa” mà tập hợp đám Tanuki con do mình dạy dỗ, lèn cả vào trong một cái túi xách đưa chúng tôi bay tới nơi tu luyện này của Thiên cẩu. Trong lúc lũ Tanuki oắt con đang chạy chơi trên thảo nguyên rộng lớn, sư phụ ngồi hút thuốc lá Thiên cẩu trên ngọn liễu sam cổ thụ, thổi ra những đám mây nho nhỏ kỳ quái lên bầu trời xanh làm trò vui cho lũ Tanuki chúng tôi.
Lâu lắm rồi mới lại được thấy cây liễu sam này, tôi cảm thấy thật hoài niệm nên chậm rãi dạo một vòng quanh đó. Nó to lớn tới mức chẳng thể nhìn thấy được ngọn cây. Thân cây to đùng dán đầy những thẻ hành hương*, vài bình rượu chắc do Thiên cẩu bỏ quên, hay mấy mảnh ngói mặt quỷ* thu thập về cho vui, dăm chiếc khăn tay bạc phếch mắc lại trên
cành phất phơ trong cơn gió xuân.
Thuở còn thơ, tôi từng làm sư phụ nổi cơn thịnh nộ mà bị phạt treo trên đỉnh ngọn cây đó. Thế rồi sư phụ Akadama quên bẵng đi mà bỏ về mất, tôi cứ ở trên ngọn cây như vậy cho tới tận lúc anh cả tới đón.
Khi tôi nhắc lại kỷ niệm đó, sư phụ Akadama chỉ nói “Quên rồi, quên hết rồi.”
“Sư phụ sao lại không nhớ chứ, thật quá đáng mà.”
“Thằng cha mày, rồi thằng cha của thằng cha mày đều bị treo lên như thế. Tao làm sao mà nhớ hết từng đứa được.”
Cuối cùng, sư phụ Akadama cũng đứng dậy khỏi cái ổ của mình, lắc lắc bầu nước rồi bước lại gần chỗ gốc cây. Sư phụ dốc ngược cái bình, đổ Long thủy ra đến lúc cạn sạch.
“Làm vậy ổn không đấy?” Ngài Kinkobo hỏi.
“Cây liễu sam này cũng đã làm bạn với ta nhiều năm. Chỗ còn lại cho nó đi.” Sư phụ nói vậy.
Khi dốc chỗ Long thủy lên rễ cây, gương mặt nghiêng nghiêng của sư phụ tràn đầy vẻ uy nghiêm của Thiên cẩu Nyoigadake Yakushibo. Hình ảnh vị Thiên cẩu Nyoigadake thời còn uy chấn lẫy lừng mà nhổ nước bọt xuống thiên hạ bên dưới lại sống dậy trong trí óc tôi.
Sư phụ Akadama dúi cái bầu đã cạn sạch cho ngài Kinkobo, rồi lấy từ trong túi ra một phong thư. Tôi còn tưởng đó là thư tình, ai dè lại thấy chữ “Thư thách đấu”.
“Gửi cái này cho nó. Đây là mệnh lệnh đáng vinh dự dành cho mày đó.”
Tôi cầm phong thư, rồi cúi rạp mình.
“Shimogamo Yasaburo, vui mừng nhận lệnh.”
°°°
Khi gặp nhau ngoài sảnh khách sạn chỗ Kawaramachi Oike, tôi gửi cho Nidaime lá thư thách đấu của sư phụ Akadama. Dù là nhận lá thư thách đấu chất chứa giận dữ do cha ruột mình toàn tâm toàn lực viết ra, lông mày Nidaime cũng chẳng động xíu xiu, vẻ mặt lạnh tanh như nhận mấy cái tờ quảng cáo rác.
“Có thể ta sẽ tới, cũng có thể không.”
Nidaime nói vậy.
“Mong anh đừng làm sư phụ thất vọng.”
Trong khi Nidaime vẫn chẳng tỏ chút hứng thú gì, lời đồn về trận quyết đấu của Thiên cẩu đã sôi sục khắp giới Tanuki. Liệu mọi chuyện có lặp lại như lịch sử trăm năm trước, khi sư phụ Akadama chiến thắng vang dội rồi đá đít Nidaime khỏi Kyoto, hay Nidaime sẽ giành phần thắng để mở ra một thời đại Thiên cẩu mới? Đám Tanuki nuốt nước bọt trông chờ ngày quyết đấu.
Thiên cẩu là những kẻ kiêu hãnh ngự trên triền núi mà nhìn xuống sâm la vạn tượng* bên dưới. Thiên cẩu là loài đáng ngưỡng vọng, được ngưỡng vọng mới là Thiên cẩu. Theo đúng đạo lý trước mặt không có kẻ địch của Thiên cẩu, Tanuki chẳng khác gì quả banh lông, Con người cũng chẳng hơn lũ khỉ cởi trần, tất cả những giống loài khác ngoài bản thân Thiên cẩu cũng chỉ như những con hổ giấy mà thôi.
Khắp đất trời này chỉ có chúng ta đáng được ngưỡng vọng. Đó chính là Thiên cẩu.
Chính vì thế, cha muốn mình hơn con, con lại muốn mình hơn cha. Dẫu có suy nghĩ kiểu gì, cũng chẳng thể hòa hoãn.
°°°
Vào đêm quyết đấu, sư phụ Akadama lồm cồm bò lên trên mái tòa nhà Minamiza.
Từ cái băng hachimaki cuốn trên đầu và dây tasuki-kake bó gọn tay áo, ta có thể thấy được sĩ khí bừng bừng nơi sư phụ. Nhưng dáng điệu bò lồm cồm bằng cả tứ chi đó chẳng mang chút dáng vẻ nào của Thiên cẩu. Sư phụ cố tình chọn địa điểm là mái tòa nhà Minamiza, nơi thầy từng đá rơi con trai của mình xuống một trăm năm trước, nhưng mọi nỗ lực có vẻ cũng vô dụng. Bất chấp điều đó, sư phụ vẫn hừng hực tinh thần bất khuất mà bò lên trên mái nhà, cuối cùng cũng tới được đỉnh mái.
“Tự do bay lượn trên bầu trời, đó là Thiên cẩu, nhưng… Ái chà chà.” Sư phụ Akadama xếp bằng tròn lau mồ hôi, lôi thuốc lá Thiên cẩu ra châm lửa hút.
Cuộn khói của thứ thuốc lá nồng đượm đó nhẹ nhàng theo gió loang bay.
Từ đó nhìn về phía Đông sẽ thấy khu Gion Shijo đèn đuốc nhộn nhịp như lễ hội đêm, nhìn về phía Tây sẽ thấy ánh sáng lung linh nơi cầu lớn Shijo và những tòa nhà thành phố. Từ trên nóc nhà hàng Kikusui nằm phía bên kia đường Shijo, mùi thịt nướng cháy xèo xèo thơm lừng theo gió bay tới. Đám Thiên cẩu Kurama đã bao trọn quán bar vườn rực ánh đèn lồng, mở hội “Chọc ngoáy tận gốc rễ Yakushibo”. Chúng bạo gan ngồi ở ghế khách mời đặc biệt, nâng bia trong lúc theo dõi cuộc quyết chiến giữa sư
phụ Akadama và Nidaime. Đối với Thiên cẩu, những cuộc chiến loạn và thách đấu thế này có sức hấp dẫn chẳng khác gì mồi nhậu thượng hạng. Đám Thiên cẩu Kurama còn đu cả lên thành lan can mà nhoài nửa người ra bên ngoài bầu trời phía trên đường Shijo, vung vẩy không quạt thì cũng loa. “Yakushibo, hãy chiến đấu đi đừng khoan nhượng gì”, “Cứ để đó cho ta, ta sẽ nhặt xương giùm cho”, “Nhặt xương rồi quăng xuống sông Kamogawa!” Chúng quăng tới tấp những lời hô hào chọc ghẹo thừa thãi rồi còn đập vỡ cả vại bia khiến bọt văng tung tóe.
“Lũ dẻ núi kia. Rồi tao sẽ dìm cả đám xuống hồ Biwa.” Sư phụ nghiến răng kèn kẹt.
Thật ra thì không chỉ có mình đám Thiên cẩu Kurama hóng hớt đón xem.
Quanh khu vực cầu lớn Shijo, một lô một lốc Tanuki giả làm người say rượu đang tụ tập đông đảo, theo dõi diễn tiến cuộc quyết đấu. Cả ngài Niseemon Yasaka Heitaro lẫn anh cả Yaichiro của tôi cũng đều đang trông ngóng sự tình ngoài cầu lớn Shijo. Chưa kể, trên lầu thượng của quán Tokasaikan đang sáng rực như chuỗi đèn rồng*, bên bờ kia sông Kamogawa, Iwayasan Kinkobo đang nghiêng người khề khà uống Lão tửu* trong khi đợi cuộc quyết chiến của người bạn lâu năm ngã ngũ.
Cuối cùng, như một vệt mực đen trải dài trên bầu trời đêm, Nidaime trong bộ vét đen tuyền đáp xuống. Anh ta khẽ nhấc vành cái mũi lụa, chào sư phụ Akadama với vẻ cứng ngắc. Thế rồi, lên tiếng như đang bắt chuyện với một người hoàn toàn xa lạ.
“Ông cụ này, ông đang làm gì ở đây vậy?”
“Ta đang đợi người.”
“Kỳ lạ thật đấy. Ta cũng đang tới đây đợi người.”
“… Cậu đang đợi ai?”
“Một kẻ rất khó chịu. Ta cũng chẳng muốn nhắc tới.”
“Hô, kỳ lạ thật đấy. Kẻ ta đang đợi ở đây cũng thực sự rất khó chịu.” Sư phụ Akadama dập điếu thuốc lá Thiên cẩu, lập bập đứng lên. Lưng vẫn còng rạp, ánh mắt gườm gườm nhìn đứa con ruột thịt đã không gặp suốt trăm năm.
“Kẻ ngu ngốc đó là con trai ta, cũng là đồ đệ của ta, nhưng giờ nó chẳng là gì với ta cả. Thằng ngu đó đang tu luyện dở dang nhưng để lơ là dính vào chuyện trai gái, lại còn dám giở giáo chĩa vào ta. Đáng lẽ nó phải kế thừa sự nghiệp vĩ đại của ta và nắm giữ vận mệnh cả thiên hạ, cuối cùng lại chỉ vì một đứa con gái mà trượt chân khỏi ma đạo. Đã vậy, nó còn chẳng thèm nói lời từ giã mà bỏ nhà biệt tăm suốt bao năm tháng, đến tận bây giờ mới chịu thò mặt về. Ta đoán nó cũng chẳng có mặt mũi nào tìm đến chỗ ta chào hỏi, nên mới chủ động gửi cho nó một lá thư khiêu chiến. Ta sẽ lại đá tung mông nó từ trên này xuống dưới kia cho coi.”
Sư phụ Akadama nói ra một tràng sặc mùi khiêu khích là vậy, nhưng Nidaime vẫn thản nhiên chẳng nói năng gì.
Hai cha con Thiên cẩu bọn họ cứ hằm hằm nhìn nhau nhưng không cử động chút nào.
Cuối cùng, đám Thiên cẩu Kurama quá nóng ruột mà kêu loạn lên, “Vẫn chưa, vẫn chưa sao”, “Này, nhanh chiến đi”, “Chẳng lẽ định nối lại tình xưa”, “Cha con tình thâm thế mậy.”
Nidaime giơ bàn tay đeo găng da lên, tháo cái mũ quý ông sáng bóng ra.
Sau giây phút đặt cái mũ đó trước ngực như thể đang cầu khẩn trời đất
chuyện gì đó, anh chàng lạnh mặt quay ngoắt sang phía bọn Thiên cẩu Kurama đang hoan hỉ tiệc tùng mà ném vụt cái mũ đi một cách vô cùng dứt khoát. Cái mũ lụa quý ông đó dùng để hộ thể, người ta kháo nhau rằng nó được chế tạo ra từ những viên đạn đại bác dùng trong Thế chiến thứ nhất. Chiếc mũ lụa tạo ra một thanh âm chát chúa khi đập vỡ cái bàn, đám Thiên cẩu Kurama nhất loạt lặng thinh.
Nidaime quay người lại và khẽ cúi mình chỉnh lại tóc tai như chẳng có chuyện gì xảy ra.
“Nếu muốn đá ta xuống, thì cứ đá thử xem.”
“Ta sẽ đánh cho mày chừa. Chuẩn bị tinh thần đi.”
Sư phụ Akadama lấy từ trong áo ra chiếc quạt Phong Thần Lôi Thần. °°°
Quạt Phong Thần Lôi Thần là chiếc quạt thiên hạ vô địch, quạt một mặt có thể nổi gió to, quạt mặt còn lại có thể gọi mưa và sấm chớp. Nó là một trong bảy báu vật của Nyoigadake Yakushibo, nhưng sư phụ đối xử với nó rất tùy tiện. Sư phụ từng đem nó tặng cho Benten làm “tín vật định tình” và tự biến mình thành chuyện cười cho cả giới Thiên cẩu lẫn Tanuki. Sau bao thăng trầm xảy ra hồi năm ngoái, nó mới quay về tay sư phụ.
Hiện giờ, sư phụ Akadama đã không còn năng lực thổi ra gió Thiên cẩu nữa. Cố hết sức thì may ra cũng chỉ tạo được cơn gió nhẹ như gió xuân khẽ vờn mấy đóa hoa nở rộ, cùng lắm chắc chỉ khẽ phất phơ được mấy sợi tóc mai của Nidaime. Nhưng một khi nắm quạt Phong Thần Lôi Thần trong tay, thì với sức già của sư phụ chắc cũng đủ gọi ra một trận phong ba trên mái của Minamiza.
“Xem đây!”
Sư phụ Akadama gầm lên như sấm, định quạt một đường. Chiếc quạt trượt khỏi tay sư phụ, lộn vòng trong không trung bay về phía sông Kamogawa. Dù mang sức mạnh vô địch cỡ nào, nhưng chưa được quạt ra thì cũng chẳng có tích sự gì. Sư phụ Akadama vội với theo định bắt lấy chiếc quạt đã tuột khỏi tay nhưng lại chộp hụt. Thế là sư phụ mất thăng bằng ngã vật ra, lăn lông lốc chúi đầu xuống dưới. Chiếc quạt cũng khoan khoái nhẹ nhàng rơi xuống.
Thế này thì cả chiếc quạt Phong Thần Lôi Thần lẫn sinh mệnh của ân sư tôi đều sẽ rơi vào nguy hiểm.
Tôi vươn người ra khỏi góc khuất rồi lao vọt tới, chộp lấy Phong Thần Lôi Thần nhét vào trong áo, tiếp theo là chụm người kéo sư phụ Akadama lại. Sư phụ lặng lẽ gượng dậy, xếp bằng tròn bên cạnh tôi. Sư phụ bóp bóp cái mũi bị đập đau điếng, khóe mắt rơm rớm, nhưng dường như không có thêm vết thương nào khác.
Từ trên đầu, giọng nói gay gắt của Nidaime vọng xuống. “Kẻ dưới đó là cậu Yasaburo phải không?”
Tôi quỳ rạp trên rìa mái. “Shimogamo Yasaburo, xin được phép bái kiến.”
“Cậu ở nơi này làm gì vậy?”
“… Đây lại là do dòng máu ngốc nghếch gây nên đấy mà.” “Ý cậu là chạy ra cứu nguy đó hả?” Nidaime thở dài, “Tanuki đúng là giống xuẩn ngốc. Ta công nhận là các cậu thật sự dễ thương, nhưng điều đó cũng chẳng lay chuyển được sự thật rằng cậu thực ngu ngốc.” “Nidaime cũng nói những lời y chang Thiên cẩu nhỉ?”
“Ta chẳng phải Thiên cẩu. Thiên cẩu là thứ gì? Chẳng phải là lão già bạc nhược đằng kia sao?”
Nidaime chỉ thẳng vào mặt sư phụ Akadama.
“Lão ta cao ngạo phô bày quyền uy, huênh hoang rằng mình mang năng lực của thánh thần. Ấy vậy mà không bảo vệ được lãnh địa của riêng mình, để cho bè lũ Kurama cướp mất ngọn núi, còn mình thì bị tống vào trong một căn hộ nhếch nhác, sống lẫn lộn với Con người. Giờ lão vẫn còn tưởng bản thân cao quý lắm, nhưng cũng chỉ như bậc đế vương cởi truồng* đấy thôi. Lão ta giờ không làm được bất cứ điều gì của một Thiên cẩu thực thụ, còn chẳng thể bay lượn ở trên trời được nữa. Giờ thì lão có thể làm được gì? Chẳng phải là một kết cục vô nghĩa và nực cười hay sao? Nhưng đó lại chính là Thiên cẩu. Là kết cục tất yếu của Thiên cẩu… A, theo lão như thế thì được cái gì cơ chứ? Cuối cùng cũng phải dựa vào sự thương hại của Tanuki, vậy mà vẫn vật vờ sống qua ngày cho được.”
Nidaime nhăn đôi mày đẹp đẽ, ánh mắt lạnh băng nhìn xuống sư phụ Akadama.
“Biết nhục là tốt. Hãy biết nhục đi.”
Những lời của Nidaime đã khuấy lên cơn giận trong bụng, sư phụ Akadama hùng hổ đứng dậy hẩy tôi ra rồi tính bò ngược lên trên mái. Tuy người sư phụ cứ run rẩy vô lực rồi lại bị trượt xuống nhưng may sao cũng đu mình trụ lại được, định cố trèo lại lên ngang tầm cao Nidaime đang đứng.
Mái tóc bạc của sư phụ Akadama đã rối bời, hơi thở đứt quãng trong khi rên rĩ kêu.
“Mày không được trốn, cứ đứng đấy! Thằng cha mày sẽ đá mày xuống lần nữa cho coi.”
Lúc đó, thứ Nidaime ngạo nghễ nhìn xuống không phải là người cha đang cố sức trèo lên của mình, mà có thể là tôi, kẻ đang nuốt nước bọt trông theo, hoặc đám đông đang bò lổm ngổm ở thành phố bên dưới tầm mắt. Cả chốn trời đất này chỉ có mình ta là đáng ngưỡng vọng, ánh mắt băng giá đó như hùng hồn nói vậy. “Ta không phải là Thiên cẩu.” Nidaime đã khẳng định như thế, nhưng nơi đáy mắt lóe lên vệt sáng của loài Thiên cẩu đó lại khiến kẻ khác mê mệt.
Gò má trắng nhợt hếch lên, Nidaime cười khẩy rồi nói.
“Cha vẫn chưa chịu chết đi sao?”
Sư phụ Akadama trả lời bằng giọng nói như đang cố nghiến răng. “… Nếu mong ta chết thì giết ta đi.”
Nidaime khịt mũi cười vào những lời đó.
“Cha đâu có đủ giá trị để tôi giết. Hãy cứ chết bờ chết bụi đâu đó đi.” Chẳng thèm đợi sư phụ bò lên tới nơi, Nidaime đã nhảy khỏi mái nhà. Anh ta thong thả bay vút qua sông Kamogawa, cất lời chào hỏi
Iwayasan Kinkobo đang nhâm nhi Lão tửu trên nóc quán Tokasaikan, rồi bay mất hút vào thành phố đêm rực rỡ ánh đèn.
Sư phụ Akadama chỉ biết há hốc miệng mà ngơ ngẩn trông theo. Cuộc quyết đấu của Thiên cẩu đã hạ màn như thế đấy.
°°°
“Ái chà chà, nó lại bỏ trốn mất rồi. Cái thằng hèn nhát.”
Sư phụ Akadama lại ngồi xếp bằng tròn ngay giữa lưng chừng mái, hút thuốc lá với gương mặt thỏa mãn như đã hoàn thành xong một nhiệm vụ.
Tôi ngồi xuống bên cạnh sư phụ, vừa mân mê nghịch chiếc quạt Phong Thần Lôi Thần vừa dõi theo vệt sáng rực rỡ của thành phố đêm nơi Nidaime đã bay mất hút vào trong.
Cuối cùng, sư phụ Akadama cất lời với vẻ chán nản.
“Cái con Tanuki mày đâu cũng thấy xuất hiện.”
“Con luôn xuất quỷ nhập thần như vậy mà.”
Đột nhiên, sư phụ nói “Thấy sao?” rồi chọc chọc vào bụng tôi. “Vậy là tao thắng rồi đó nhỉ?”
“… Ầy, sư phụ đang nói thắng là thắng cái gì kia?”
“Mày cứ vờ không hiểu thế thì biết nói chuyện làm sao.” Sư phụ rít thuốc ngon lành rồi nhìn xuống dòng Kamogawa đang chảy trôi từ Nam lên Bắc phía dưới. Mấy quán hàng Noryo-yuka ven bờ sông đang bắt đầu rục rịch, chiếu ánh sáng mộng ảo của màn đêm xuống màn nước đen mực. Chắc cũng giống ánh mắt của Benten nhìn xuống trong mỗi cuộc chơi đêm sang trọng.
Lúc đó, có vẻ sư phụ và tôi đều mang cùng một suy nghĩ. Vẫn nhìn xuống dòng nước Kamogawa, sư phụ thẩn thờ lẩm bẩm. “Benten giờ đang ở đâu làm gì nhỉ?”
“Cô ấy trở về… chắc sẽ vui hơn đúng không sư phụ?”
“… Giờ đáng lẽ phải đến lượt nó xuất hiện rồi chứ.”
Sư phụ nhìn lên ánh trăng sáng trong đêm, nói như thở dài. “Tao muốn gặp Benten. Tao nhớ Benten quá đi.”
Chương hai
NANZENJl GYOKURAN
K
hi một con Tanuki đực yêu một con Tanuki cái, chúng được kết duyên bởi “sợi lông hồng định mệnh”.
Do cứ giữ mãi trong lòng câu chuyện truyền kỳ này, con Tanuki nào cũng chăm chỉ liếm láp khắp người cố tìm ra được sợi lông hồng đáng quý đó. Trong bao ngày tháng đó, bên dưới tàng cây trập trùng của núi Yoshida, trong đền thờ thần Kojin*, nơi nhà kính trồng cây của vườn thực vật Kyoto, cậu Tanuki và cô Tanuki nọ cùng trao nhau những lời trân trọng sâu sắc đến tận chân lông. Đó chắc là câu, “Trên đời này, chỉ có một con Tanuki như nàng!” Hay “Trên đời này, chỉ có một con Tanuki như chàng.” À thì đấy, cứ tận hưởng đi!
Ở chốn này cũng từng có một câu chuyện tình yêu sâu đậm đến tận chân lông.
Cũng hơi xưa xưa một chút, trong khu rừng quanh đền Tanukidani Fudo nằm ở Ichijoji thuộc quận Sakyo, có một cô Tanuki con tên là Tosen* sinh sống. Cô bé căng mọng và đầy sức sống như trái đào, thân thể lại nhẹ bẫng như tiên nhân. Cô cứ chạy chơi suốt trên hai trăm năm mươi bậc thang lên xuống của con đường lên thăm đền từ sáng sớm tới tối mịt. Cô chỉ cần dùng một câu “Cút xéo!” để đánh đuổi hết đám ngu độn dám khinh miệt mình. Đám Tanuki oắt con cùng khu giận lắm, chúng gọi cô là “Tosen trèo cầu thang”.
Một ngày nọ, một đám Tanuki non xa lạ tìm đến Tanukidani Fudo. Lúc
bấy giờ, khi giới Tanuki đang sôi sùng sục vì Tsuchinoko, đám Tanuki nghịch ngợm ấy đã lập ra “đội săn lùng Tsuchinoko” và sục sạo khắp các vùng núi non quanh đó. Trong lúc đám quậy phá kia vừa ư ử hát vừa chạy ùa lên bậc thang, chúng tình cờ gặp Tosen. Mấy con Tanuki đó không hề biết sự dũng mãnh của cô mà tỏ ra trịch thượng.
“Tránh ra nào, con lỏi.”
“Gì cơ, đám oắt kia?”
Tosen giận dữ điên cuồng, đá văng đám Tanuki quậy phá đó xuống dưới rồi kêu, “Cút xéo!”
Kể từ đó, trên những bậc thang đá lên thăm chùa dài thăm thẳm, chiến tranh giữa đám Tanuki con ở Tanukidani Fudo và đội săn tìm Tsuchinoko nổ ra liên miên. Tosen đã chiến đấu vô cùng dũng mãnh để bảo vệ lãnh địa của mình. Năm tháng trôi qua, cô Tanuki Tosen năm nào khoác lên mình bộ lễ phục trắng tinh khôi, bước xuống hai trăm năm mươi bậc thang mình từng hết lòng bảo vệ, rời Tanukidani Fudo về làm dâu tại rừng thiêng Tadasu.
Sau này, cô vẫn hay bồi hồi nhớ lại cảnh đội săn tìm Tsuchinoko đang cao giọng hát và leo lên những bậc thang, còn bản thân mình đứng nghênh ngang đón đợi. Con Tanuki đội trưởng đội săn lùng Tsuchinoko đã mở miệng nói “Tránh ra nào, con lỏi” năm đó chính là Shimogamo Soichiro, cũng tức là cha của chúng tôi. Còn cô bé giặc trời đã vặc lại “Gì cơ, đám oắt kia” càng khỏi phải nói, là mẹ của chúng tôi. Nếu thế gian không tồn tại những tình yêu sâu đậm đến tận chân lông như thế, đã chẳng có đám banh lông là anh em Shimogamo chúng tôi đây.
Trước khi sinh ra một đống banh lông tròn ung ủng, ta cần đến một câu chuyện tình sâu đậm đến tận chân lông đã.
°°°
Vào mùa mưa dầm đầu tháng Sáu, tôi ngồi thừ trong cái chuồng ở vườn thực vật Kyoto.
Vườn thực vật Kyoto nằm bên cạnh đền Heian Jingu ở Okazaki, trong khoảng không gian bao quanh bởì hàng rào bằng gạch là tiếng chim kêu vượn hú náo động khắp nơi. Và lẫn lộn giữa những cái chuồng nhốt các loài động vật cao quý như voi, sư tử, hươu cao cổ, hà mã, còn có cả chuồng dành cho Tanuki nữa.
Phải nói thêm là Tanuki rất sợ bị nhốt trong chuồng. Chuyện là thế này, năng lực biến hình của Tanuki liên quan mật thiết tới quan niệm về tự do của giống loài chúng tôi, một khi bị nhốt trong lồng và bị tước đi tự do, chúng tôi sẽ không tài nào náu mình trong lốt biến thân được nữa. Chẳng có con Tanuki nào lại thích mất tự do và không thể biến hình.
Chính vì lý do đó, những con Tanuki diễn vai ở trong sở thú là những con Tanuki Okazaki chuyên nghiệp, thay phiên nhau đảm trách nhiệm vụ này từ thời xa xưa. Mỗi khi bọn họ có việc đi vắng như đi du lịch tập thể chẳng hạn, đều phải kiếm Tanuki khác thay thế, nhưng đương nhiên là loại hình công việc này chẳng mấy ai mặn mà. Tôi nhận mối làm thuê này cũng chỉ vì tiền công khá cao. Để có thể nhận nhiệm vụ này, đầu tiên là phải “hành xử giống y như những con Tanuki sống trong sở thú”, thủ lĩnh Okazaki còn cẩn thận mở lớp huấn luyện riêng cho tôi. Mấy loại hoạt động khai hóa cho đám Tanuki khắp Lạc Trung về Tanuki tiêu chuẩn chính là niềm tự hào của Tanuki Okazaki.
“Quan trọng là phải thật duyên dáng, nhưng không được xu nịnh phỉnh phờ.”
Thủ lĩnh Okazaki đã dạy cho tôi triết lý của bọn họ.
“Hãy giữ lòng kiêu hãnh mà diễn vai Tanuki. Đó là điều căn bản. Không được buông mình theo thực tại. Làm như thế là hỏng bét. Thay vì để môi trường bóc trần bản thân, ta phải luôn giữ ý thức bản thân mình là Tanuki và hành xử như Tanuki. Đây cũng là một thuật biến hình đó.”
Lúc mới vào chuồng tôi cũng thấy khá khó chịu, cứ bồn chồn mãi không yên suốt ngày đầu tiên. Tôi không được biến thân, lại còn không được ra ngoài lang thang chơi bời, phải chịu đựng suốt bốn tới sáu tiếng bị kẻ khác nhìn mình chằm chằm, những con Tanuki chưa quen việc chắc chắn sẽ thấy mệt mỏi cùng kiệt.
Vào buổi chiều hôm đó, lo lắng cho tôi phải ở trong chuồng một mình, mẹ đã tìm tới thăm. Mẹ vẫn giữ dáng vẻ nổi bật của mỹ nam tử bước ra từ nhạc kịch Takarazuka như vậy, khiến con ếch xanh ngồi trên vai mẹ càng nổi bật hơn. Con ếch đó luồn qua song sắt, chui vào bên trong chuồng.
“Có Yajiro ở cùng, chắc con sẽ không thấy buồn nữa.” Mẹ nói vậy. Và thế là, tôi có anh thứ ở bên kể từ ngày thứ hai, tâm trạng cũng thoải mái hơn nhiều. Con ếch ngồi trên cái đầu đầy lông của tôi, rồi chúng tôi cùng nhau lượn lờ quanh chuồng, đám trẻ con tụ tập trước chuồng reo lên phấn khích, “Ếch đang lái Tanuki kìa!”
“Em tham gia vào đủ chuyện nhỉ? Anh phục em ghê đấy.” Anh thứ tôi nói.
“Em cũng có việc gì để làm đâu.”
“Mà em bắt được Tsuchinoko chưa vậy?”
“Này này, nếu bắt được nó rồi thì em còn ở đây làm gì nữa. Có khi bây giờ em đang bận cong mông tổ chức họp báo hay tiệc mừng rình rang rồi
ấy chứ.”
Đêm hôm đó, anh thứ tôi ngồi thu lu ở góc chuồng, toàn tâm suy nghĩ chuyện gì đó.
“Anh làm gì thế?” Tôi ngó lại gần thì thấy anh thứ tôi đang giải thế cờ. Hội thi cờ Shogi dành cho Tanuki do chùa Nanzen tổ chức sẽ diễn ra vào trung tuần tháng Sáu, anh thứ tôi có tham gia vòng loại. “Cây có cằn cũng khiến rừng thêm xôm,” anh thứ tôi bảo vậy. “Dẫu sao cũng chẳng có nhiều Tanuki thích chơi Shogi, hội cờ mà neo người tham gia cũng tội nghiệp nhà Nanzenji lắm.”
“Hơn nữa, sự kiện đó cũng là do cha yêu thích rồi tổ chức ra mà.” Cha chúng tôi, Shimogamo Soichiro, cực kỳ say mê cờ Shogi. Cha say mê Shogi tới nỗi còn bắt tay với gia chủ tiền nhiệm của nhà Nanzenji để tổ chức “Đại hội Shogi dành cho Tanuki”, nhưng khổ nỗi Tanuki lại là cái giống nhớ mặt quân cờ Shogi cũng khó, còn bắt chúng phải ngồi lì trước bàn cờ nữa thì chẳng mấy chốc đám lông nơi mông cũng ngứa ngáy hết cả. Mong ước đem cờ Shogi đến với giới Tanuki của cha tôi không thành, rồi chẳng bao lâu sau cũng cùng ông rơi vào nồi lẩu, khiến cho giải đấu đó bị trì hoãn suốt một thời gian dài. Bây giờ khôi phục được nó, chắc anh cả của tôi sẽ phổng mũi tự hào lắm lắm.
Đúng lúc đó, tôi chợt nhớ ra một chuyện.
“Ấy mà anh này, hình như từng có ‘căn phòng Shogi’ thì phải?” “Có chứ, có chứ. Đó là căn cứ địa bí mật của cha mà, một căn phòng rất thú vị.”
“Căn phòng đó giờ ra sao rồi nhỉ?”
“Chắc vẫn còn ở rừng thiêng Tadasu đấy, anh cũng không rõ nữa.”
Trong những phút tạm thoát ly khỏi địa vị thủ lĩnh giới Tanuki đầy bận rộn, “căn phòng Shogi” là chốn nương náu yêu thích giúp cha chúng tôi thư giãn. Căn phòng đó là một không gian rộng bốn chiếu rưỡi có chứa cả một bộ sưu tập sách dạy chơi Shogi hay những bàn cờ cổ, thi thoảng cha có dạy anh em tôi chơi Shogi trong căn phòng đó.
Hình ảnh căn phòng đầy thương nhớ đó hiện lên trong trí óc tôi. Nào là quân cờ to đại tướng chẳng biết để làm gì mà chiếm tới tận một chiếu, rồi thì đủ thứ bàn cờ hình thù kỳ quái chất chồng xung quanh, và cha tôi vui vẻ ngồi xếp bằng tròn trên nệm ngồi. Căn phòng đó có một cái cửa trời cực lớn. Tôi nhớ trên cửa trời là bầu trời xanh đến ngút ngàn, còn thấy cả nhánh hồng chín quả sà xuống nữa. “Con muốn quả hồng đó”, tôi nhớ mình từng quấy cha như vậy.
Điều kỳ quái là mỗi khi đưa bọn tôi đến nơi đó, cha đều bắt chúng tôi bịt mắt lại. Tôi chỉ nhớ được cảm giác gió thổi vù vù, như thể bản thân đang bay xuống đáy một cái lỗ sâu hun hút.
“Anh cả có biết căn phòng đó ở đâu không nhỉ?”
“Chắc cũng chẳng biết đâu”, anh thứ tôi nói. “Hình như anh ấy đã lục lọi tìm kiếm mọi ngóc ngách trong rừng, nhưng không tìm ra được bất cứ cái lỗ nào như vậy cả. Có lẽ cha đã khéo léo giấu nó đi mất rồi.”
Thế rồi, anh thứ tôi lẩm bẩm. “Một lúc nào đó, anh muốn quay lại nơi ấy.”
°°°
Một vị khách hiếm có đã đến thăm chuồng vào ngày cuối cùng tôi hoạt động tại sở thú.
Ngày hôm đó, từ sáng bầu trời đã trải một lớp mây mù mỏng, thi thoảng mưa lại lộp bộp rơi, nên sở thú cũng vắng bóng người. Cả đoàn tàu hỏa réo vang những tiếng chin chin với cái ống khói màu đỏ lẫn chiếc vòng đu quay bé xinh trông đều ảm đạm trong màn mưa xám xịt. Vào những ngày như thế này, tôi có cố diễn Tanuki đến thế nào cũng chẳng mấy người chịu dừng chân trước cửa chuồng. Thành thử tôi cũng chẳng hào hứng làm nhiệm vụ.
Trong lúc tôi ngáp dài vì buồn chán, một cô bé bước tới. Dáng vóc đó thì chắc tầm trẻ lớp mầm non, cô che ô đỏ và đi đôi ủng đỏ trông rất tươi sáng. Cô bé đó dường như không có chút hứng thú gì với đoàn tàu hỏa hay vòng đu quay, tay cứ xoay vòng vòng cái ô đỏ rồi bước thẳng tới chuồng Tanuki. Chắc cô bé thích Tanuki lắm đầy. Cô gí hẳn cái ô đỏ vào sát chuồng, đôi mắt to trong suốt nhìn tôi hớn hở bước lòng vòng bên trong. Thế rồi cô cười khì khì.
“Em đóng giả làm Tanuki xuất sắc quá nhỉ, bé Yasaburo.” Tôi giật mình khựng lại.
“Ơ kìa, chẳng phải là Gyokuran sao?” Anh thứ trên đầu tôi nói vậy. “Sao lại đến chỗ này?”
“Nghe bảo Yasaburo tạm vào chuồng diễn thay, nên tớ tới đây động viên em nó.”
“Hừm. Cô thấy công việc này hay ho không, cô giáo Gyokuran?” Nghe tôi nói vậy Gyokuran liền cười buồn, “Em đừng gọi chị là ‘cô giáo’ nữa đi.”
Cô Tanuki tên Nanzenji Gyokuran này là em gái của Shojiro, gia chủ nhà Nanzenji.
Hồi tôi còn là một con Tanuki bé nhỏ dưới trướng sư phụ Akadama, Gyokuran đã vô cùng uyên bác và rất được sư phụ Akadama yêu thương. Trong số những con Tanuki nhận được sự dạy dỗ của sư phụ, một vài con có thành tích ưu tú được đưa vào vai trò trợ giảng cho thầy. Nanzenji Gyokuran với anh cả Yaichiro của tôi được vinh dự trở thành trợ giảng của sư phụ Akadama, nhiệm vụ giống như mấy con chó chăn cừu đuổi dồn đám banh lông quậy phá hỗn độn bên dưới bục giảng ấy mà.
Tôi gọi chị là “cô giáo Gyokuran” cũng vì lẽ đó.
Gyokuran đứng trước chuồng, vui vẻ kể chuyện về Hội thi cờ Shogi dành cho Tanuki. Hôm nay, chị cũng vừa cùng anh trai Shojiro đi xem công tác chuẩn bị cho hội trường vòng loại mới về.
“Yasaburo cũng đến xem chứ?”
“Chả biết nữa ạ. Em không có hứng thú với Shogi.” Tôi ngáp dài. “Anh Yaichiro đã rất cố gắng khôi phục nó mà em lại không định tham gia ư? Sao lại phũ phàng vậy. Em tới sẽ thấy hội vui lắm đó.” “Chị Gyokuran đương nhiên là thích rồi.”
Từ thuở nhỏ Gyokuran đã nổi danh là cô Tanuki mê cờ Shogi. Gia tộc Nanzenji vốn đã là một tộc thích chơi cờ Shogi rồi, nhưng Gyokuran ham mê trò đó ở một mức độ khác hẳn những kẻ còn lại, có rớt xuống kênh đào Biwa cũng không thể ngăn chị giải một thế cờ bế tắc. Chị ấy yêu thích nó tới độ muốn ăn luôn cả quân cờ, hay đêm đêm ôm bàn cờ ngủ, người ta rỉ tai nhau vô số những truyền thuyết kiểu kiểu thế. Với Gyokuran thì đó toàn là chuyện nhảm nhí, nhưng hồi còn ở dưới trướng sư phụ Akadama, quả thật chị ấy đã ép uổng đám Tanuki nhỏ bé thơ ngây chơi Shogi, miệng kêu “Thú vị mà! Thú vị mà!” Tôi nhớ mình cũng từng
bị chị Gyokuran ôm bàn cờ đuổi chạy vòng quanh. Chị ấy mê cờ Shogi đến hết thuốc chữa. Mấy lời đồn thổi lan rộng khắp giới Tanuki về Gyokuran, có khi cũng là do đám Tanuki nhóc con kín miệng từng bị chị đuổi riết năm nào nói lộ ra đấy.
Gyokuran đột nhiên lầm bầm.
“Đến giờ anh Yaichiro vẫn không chịu động vào Shogi nhỉ?” “Anh cả đã không còn động đến Shogi nữa rồi.”
Anh thứ tôi mềm mỏng nói. “Gyokuran hiểu rõ lý do nhất mà?” “Anh ấy định bướng bỉnh đến bao giờ đây. Đã thành một cục banh lông trưởng thành thế cơ mà.”
“Đã nói với anh ấy chưa?”
“Không nói được… Chẳng hiểu sao nhưng tớ không nói được.” Cả bàn cờ Shogi mà cha tôi để lại ở rừng thiêng Tadasu lẫn chiếc xe kéo tự động vẫn luôn được anh cả tôi nâng niu. Bàn cờ đó được cất trong một cái hộp gỗ, trên bề mặt vẫn còn lưu lại dấu răng rất rõ. Đó là dấu vết khi anh cả nổi điên hóa hổ cắn xé bàn cờ. Hồi còn nhỏ, anh cả tôi có thói xấu là mỗi khi ván cờ của anh rơi vào thế bất lợi là máu dồn lên não mà hóa thành hổ. Anh cả không chịu động vào Shogi cũng vì căm ghét cái kiểu giận mất khôn của mình từ tận đáy lòng. Chơi cờ cùng một bạn gái đồng lứa mà để thua đến phát khóc rồi cắn xé bàn cờ, đây chắc chắn là một ký ức đầy tủi hổ đối với anh.
Cuối cùng, Gyokuran để lại một lời “Vậy hẹn gặp hai người ở Hội thi cờ Shogi nhé”, rồi đội mưa quay về khu rừng cạnh chùa Nanzen. Chị vừa bước đi vừa xoay xoay cái ô đỏ y như một đứa trẻ con thật vậy. Anh thứ vẫn cứ ngồi trên đầu tôi mà lầm bầm, “trên đời quả không thiếu những
tình yêu chấn động đến tận chân lông.”
“Gì vậy anh?”
“… Không, chẳng có gì.”
“Thâm sâu vậy.”
“Con ếch ngồi đáy giếng cũng có nhiệm vụ giữ bí mật mà em.” °°°
Vào một ngày trung tuần tháng Sáu, khi màn đêm vừa buông xuống, cả nhà tôi khởi hành đến chùa Nanzen.
Bầu trời giăng nặng mây mù chẳng có một đốm sao, cơn gió nồng ẩm của buổi đêm vẫn thổi vi vu. Thằng em trai Yashiro dẫn đầu với vẻ mặt đắc thắng như thủ lĩnh đội kèn trống, tay cầm cây đèn lồng có in gia huy. Dọc theo bức tường rào bao quanh căn biệt thự kéo dài hun hút từ thành phố tối thui vào bên trong khuôn viên chùa Nanzen, đám Tanuki khắp xứ Lạc Trung di chuyển tuần tự với đèn lồng trên tay. Hôm nay chính là ngày tổ chức “Hội thi cờ Shogi dành cho Tanuki” do nhà Nanzenji chủ trì.
Mẹ tôi háo hức nhìn quanh. “Tập trung đông đảo ghê.”
“Kể từ khi cha mất đi, Hội thi cờ Shogi cũng bị ngưng lại một thời gian dài mà.” Anh cả tôi tự hào vênh vang. “Cũng nhờ công con chạy đôn chạy đáo đó chứ. Chắc chắn cha sẽ thấy vui lòng.”
“Nếu anh thắng ván cờ tối nay, cha sẽ còn vui hơn nữa”, tôi lên tiếng nói vậy làm anh thứ ngồi trên vai tôi càng thêm bối rối. “Anh cũng chẳng biết nữa, em đừng trông đợi quá làm gì.”
“Đừng nói lời thối chí như vậy, Yajiro. Giữ gìn danh tiếng gia tộc
Shimogamo chút coi.” Anh cả tôi chen vào.
“Này này, anh ơi, em tham gia hội cờ đâu phải để giữ gìn danh tiếng cho gia tộc.”
“Em có thể thắng được cả Gyokuran ấy chứ.”
“Khó nói lắm.” Anh thứ tôi nói.
“Chắc con sẽ thắng thôi.” Mẹ tôi nói. “Nhưng thắng thua cũng tùy vào vận số.”
Phần lớn Tanuki tụ tập ở đây đều mù cờ Shogi hoặc chỉ biết chơi chút đỉnh, đến chỉ để cá cược với ăn tiệc mà thôi. Bên dưới cánh cổng tam quan tù mù dưới bóng thông của chùa Nanzen, chủ quán Akegarasu ở đường Teramachi đang bàn tán ỏm tỏi với đồng bạn về chuyện cá cược lần này. Lẽ sống của mấy kẻ đó chính là lấy mọi thứ ra để cá cược. Đang dạo bước, tôi bắt chuyện với chủ quán Akegarasu.
“Ối chà, ông không biết gì về cờ mà cũng tới cơ à?”
“Cố lên nhé, Yasaburo. Bọn này cũng đang mong được xem đánh lộn ngoài bàn cờ đấy.”
Ông ta còn dám cà khịa đấy.
“Tưởng đánh lộn là nghề của mấy ông chứ?” Tôi đang có ý phản pháo như vậy, thì em trai tôi đã vung vẩy cây đèn lồng in gia huy. “Chú Yasaka đến rồi đó anh.”
Đám Tanuki nhà Yasaka thổi kèn bùm bụp, rồi bước vào trong khuôn viên chùa Nanzen. Niseemon Yasaka Heitaro vẫn mặc áo aloha hoa hòe như mọi bận. Nhận ra chúng tôi đang bước qua cổng tam quan của chùa, chú ấy lại gần vỗ vai anh cả tôi với vẻ vui mừng.
“Ái chà, Yaichiro. Chúc mừng cậu đã phục hồi được Hội thi cờ Shogi
cho Tanuki.”
Từ dạo mùa xuân, Yasaka Heitaro đã chuẩn bị sẵn sàng để rút về nghỉ hưu, dần dần chuyển giao công việc của Niseemon cho anh cả. Anh cứ lầm bầm “Chẳng còn thời gian ngủ nghỉ nữa” như thể bất công lắm nhưng không có vẻ gì là bất mãn. Anh uống đám đồ uống dinh dưỡng mờ ám mua từ Shinkyogoku về một cách tự hào lắm, sau đó ngụp lặn khắp chốn Lạc Trung như một con cá đầy lông.
Yasaka Heitaro bắt chuyện với anh thứ đang ngồi chồm hỗm trên vai tôi.
“Chẳng ngờ Yajiro lại qua được vòng loại. Ta không biết cháu giỏi cờ Shogi đến vậy đấy.”
“Do cha cháu dạy mà. Với lại, cháu ở dưới đáy giếng cũng chẳng có việc gì khác để làm.”
“Cháu cũng học được mấy trò nghịch ngợm từ anh Sou đấy nhỉ? Chú cũng thế. Hồi còn nhỏ thì đi lùng kiếm Tsuchinoko, lớn lên thì nào là cờ Shogi, nào là rượu, còn cả Hawaii nữa. Toàn mấy điều vớ vẩn chẳng ra tiền bạc gì, nhưng thiếu nó đời chẳng thể vui được. Ấy mà, anh Sou lại giỏi tất tần tật mới hay.”
Mẹ tôi cười khì khì. “Còn cậu Heitaro thì kém mọi khoản nhỉ?” “Này chị, sao lại nói như vậy.”
“Ơ kìa, cậu kém thì kém thật nhưng lúc nào cũng có thể chơi bời vui vẻ như thế, chẳng đáng nể sao?”
“Chị ăn nói bừa bãi quá đi. vẫn chẳng thay đổi gì hết.”
Vị Niseemon mặc áo aloha nói rồi bật cười.
°°°
Chùa Nanzen là một ngôi chùa cổ thuộc thiền phái Lâm Tế, nằm ở đầu phía núi Higashiyama. Lãnh địa của nhà Nanzenji kéo dài từ chùa Nanzen hất ngược lên những khu rừng trải rộng quanh đó.
Chuyện kể rằng tám mươi năm về trước, trong thư phòng lạnh lẽo của chùa Nanzen, một kỳ thủ người Osaka tên Sakata Sankichi* đã nghênh chiến với một kỳ thủ khác đến từ Tokyo. Đó còn được gọi là “Trận quyết chiến chùa Nanzen”. Một kẻ mù mờ như tôi còn biết được ngài Sakata Sankichi sau khi tĩnh lặng nhiều năm đã dùng nước cờ “chọc thủng góc phải” cực kỳ quái chiêu, làm kinh động toàn thể giới chơi cờ. Cuộc chiến quỷ khốc thần sầu kéo dài tới tận bảy ngày đó đã làm chấn động những kẻ chứng kiến là tộc Tanuki của chùa Nanzen.
Dù truyền thuyết Sakata Sankichi đã dạy ba anh em nhà Nanzenji chơi cờ không có vẻ đáng tin lắm, nhưng chuyện cuộc chiến bảy ngày đó đã khai nhãn cho toàn tộc Nanzenji là sự thật. Kể từ khi ấy, gia tộc Nanzenji dồn nhiệt huyết đeo đuổi cờ Shogi, cũng dốc sức phổ cập bộ môn này khắp giới Tanuki. Ngày cha chúng tôi còn trẻ, ông bắt đầu chơi cờ cũng là do vị gia chủ tiền nhiệm của Nanzenji tận tay chỉ bảo.
Theo chỉ dẫn của Tanuki nhà Nanzenji, đám Tanuki ở trong chùa xách đèn lồng rảo bước đi.
Trong bóng tối lờ mờ, chúng tôi đi vòng qua cầu dẫn nước của chùa Nanzen rồi bước lên những bậc thang đá, tiếng nước róc rách của kênh đào Biwa vọng lại. Bóng núi ken núi nơi dãy Higashiyama, khu vực này ẩm ướt đến nghẹt thở. Chúng tôi men theo dãy đèn lồng rọi xuống vườn trong khu biệt viện của chùa, lần qua những dãy thông tối thui. Tôi nghe
thấy tiếng cười của chú Yasaka Heitaro trên đầu đoàn, ai đó lại thổi kèn toe toe.
Anh cả tôi vừa đi vừa dáo dác ngó trước sau trái phải với vẻ vô cùng tò mò.
“Không thấy hai thằng Kinkaku với Ginkaku đâu nhỉ?”
Vụ tai tiếng làm rung chuyển cả giới Tanuki cuối năm ngoái đã hạ màn với sự thất thế của gia chủ của nhà Ebisugawa, Ebisugawa Soun. Sau nhiều năm điều hành nhà máy Denki Bran giả, Soun cũng đã vơ vét đầy túi tham, lão đã cuỗm theo một phần lớn gia sản rồi bỏ đi bặt tăm từ bấy đến giờ. Cũng có kẻ đồn là lão ta đang thư thả nghỉ dưỡng ở một khu suối nước nóng nào đó.
Hai anh em ngu ngốc nhất nhì giới Tanuki là Kinkaku và Ginkaku đã thay Soun kế thừa công việc kinh doanh của nhà máy. Khi thiên hạ nghĩ rằng công việc kinh doanh của nhà máy Denki Bran giả lâu đời đang lay lắt như đèn treo trước gió, thì một nhà kinh doanh tài ba, tức cô con gái út Kaisei lại hiện ra như một vì sao chổi, cầm cương chỉ đạo hai anh em ngu độn đó. Thi thoảng người ta lại chứng kiến hai thằng oắt nọ khóc lóc than vãn ngoài cảng đêm “Bị Kaisei mắng!”
“Bọn đấy thì hứng thú gì với Shogi chứ? Rặt mấy đứa ngu.” “Tuy thảm bại trong vòng loại, nhưng chúng có bảo sẽ tham gia hội thi chính mà. Dẫu sao cũng đã có Kaisei một tay lo liệu cho nhà máy Denki Bran giả rồi, nhà Ebisugawa cũng không thể bỏ qua hội thi lần này được.” “Vậy thì bọn chúng sẽ lại giở trò gì cho coi.”
“Đừng có gây chuyện gì với nhóm tranh luận ngoài bàn cờ đó.” Cuối cùng chúng tôi cũng tới được hội trường nằm bên trong rừng.
Một đống lửa lớn chiếu sáng rực cả một góc rừng, rọi lên một cái bàn cờ khổng lồ chiếm phải đến mấy chục chiếu ở trung tâm hội trường. nơi đó chính là sàn diễn cho cuộc đấu chung kết lần này. Ba cạnh của bàn cờ đã xếp sẵn ghế cho người xem. Đằng trước đó đặt một cái bàn dài, những nồi oden sôi sùng sục, đống cơm nắm onigiri khiến thiên hạ hoa cả mắt. Thế rồi từng chai từng chai Denki Bran giả cỡ lớn xếp thành hàng dài hấp dẫn đến khó tả, đám Tanuki tụ tập ở đây hết thảy đều bị chúng cám dỗ.
Gia chủ nhà Nanzenji, tức anh trai Shojiro của Gyokuran, mặc một bộ hòa phục bước lên phía trước.
“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến quý vị đại biểu tới dự ‘Hội thi cờ Shogi chùa Nanzen dành cho Tanuki’ tại đây hôm nay. Sau khi ngài Shimogamo Soichiro qua đời, sự kiện này cũng không tránh khỏi bị đình trệ suốt một thời gian dài, nhưng nhờ sự ủng hộ nồng hậu của tất thảy quý vị, chúng tôi đã có thể êm đẹp tổ chức lại hội thi này. Tôi cầu mong Hội thi có thể mãi duy trì. Ngoài ra, tiểu thư Kaisei của nhà Ebisugawa đã hỗ trợ rất nhiều cho sự kiện lần này, tôi xin có lời tỏ lòng biết ơn.”
Đám Tanuki chỉ muốn mau chóng được nâng ly nên hoan hỉ đứng dậy hô vang.
“Hội thi cờ Shogi Tanuki muôn năm! Nhà máy Denki Bran giả muôn năm!”
Có vẻ như căn đúng giây phút những tiếng hô hào vang dội, một đoàn mặc trang phục quý ông Anh quốc đen sì xách đèn lồng trờ tới. Mấy cái đèn lồng đó in nổi chữ “Ebisugawa”. Kinkaku đội một cái mũ quý ông vàng chóe rẻ tiền, vẻ mặt dương dương tự đắc, chắc đang thấy thỏa mãn với câu reo hò “Nhà máy Denki Bran giả muôn năm!” Đằng sau thằng đó
là Ginkaku đội cái mũ quý ông màu bạc, cũng tỏ ra vui mừng không kém. “Xin chào xin chào, đã để chư vị đợi lâu. Tôi, Kinkaku đây.” “Đã để chư vị đợi lâu. Tôi, Ginkaku đây.”
Tôi ré lên “Ai đợi bọn mày chứ!” khiến cho cả đám Tanuki đang tụ lại cười ồ lên, khu rừng thêm náo động. Kinkaku phồng cặp má phúng phình lườm tôi. Thế rồi nó cùng Ginkaku kéo xệ mắt thè lưỡi lêu lêu tôi, nên tôi cũng kéo xệ mắt lêu lêu lại chúng nó.
“Hội thi cờ Shogi cho Tanuki của chùa Nanzen” là cuộc thi do gia chủ tiền nhiệm của nhà Nanzenji và cha tôi sáng lập. Vậy nhưng luật lệ cũng không khác gì với Hội thi cờ Shogi của Con người. Điểm khác biệt chỉ nằm ở chỗ chúng tôi dùng năng lực biến hình của Tanuki để biến thành những quân cờ Shogi đại tướng. Hai đối thủ sẽ ngồi ở vị trí dành cho quân Vương Tướng với một bàn cờ nho nhỏ đặt cạnh để đi nước, rồi những quân cờ do Tanuki biến thành sẽ dựa theo những nước đi đó để di chuyển qua lại trên bàn cờ khổng lồ. Cách thức này bảo là hoành tráng thì là hoành tráng, nhưng nói là ngu ngốc thì cũng cực kỳ ngu ngốc.
Nanzenji Shojiro đọc tên hai đấu thủ đã vượt qua vòng đấu loại. “Đội Tây, Nanzenji Gyokuran.”
Nanzenji Gyokuran xuất hiện trong bộ kimono, cúi đầu chào một lượt các Tanuki có mặt.
“Đội Đông, Shimogamo Yajiro.”
Cùng với tiếng gọi vang của Shojiro, tôi giơ cao hai tay nâng anh thứ mình lên.
“Ối chà! Mỹ nữ và ếch!” Ai đó thốt lên như thế làm tất thảy bật cười. Mẹ và Yashiro đã lấy đầy đĩa oden rồi đi lên ghế ngồi dành cho khách.
Anh cả và tôi đặt anh thứ lên trên nệm ngồi, đưa tới vị trí quân Vương Tướng trên bàn cờ. “Anh cứ thả lỏng nhé”, tôi càng cố giảm áp lực trên vai anh thứ, thì anh cả tôi càng “Nhớ giữ gìn danh dự gia tộc Shimogamo đấy. Thi đấu cho khí thế vào”, để tạo thêm áp lực cho anh ấy.
Anh thứ tôi chỉ cười khổ sở, “Anh cả với Yasaburo lại mỗi người một kiểu rồi.”
Trong khi chúng tôi làm công tác cổ động, Nanzenji Gyokuran ở phe địch cũng đã ra tới.
“Anh Yaichiro, xin chào.”
Anh cả thẳng đơ người ra.
“Xin chào, Gyokuran.”
“Anh đã bỏ rất nhiều công sức để tổ chức Hội thi cờ lần này, em xin chân thành cảm ơn. Có thể êm đẹp tổ chức sự kiện đến tận hôm nay đều nhờ công anh Yaichiro cả.”
“Em đã phí lời rồi. Anh cũng thấy nhẹ nhõm lắm.”
Thế rồi, chị Gyokuran cười với anh thứ. “Nhớ nương tay với tôi nhé, Yajiro.”
Nhìn theo Gyokuran đi về vị trí đối địch, anh thứ tôi nói. “Anh không tham dự cuộc thi, Gyokuran tiếc lắm đấy.”
“Anh chơi kém, có tham gia cũng chẳng thể lọt qua vòng loại được. Hoàn toàn không thể trở thành đối thủ của Gyokuran đâu.” Hồi anh cả và chị Gyokuran còn học dưới trướng sư phụ Akadama, ngoài chuyện đuổi bắt đám trẻ ranh tinh nghịch, hai người họ còn đối đầu trên bàn cờ Shogi. Tuy cùng nghiên cứu về cờ, nhưng khoảng cách về thực lực của họ cũng dần lộ rõ cách biệt theo thời gian. Sau một lần bị chị
Gyokuran đánh bầm giập lòng kiêu hãnh, anh cả đã lưu lại dấu cắn xé kia trên bàn cờ Shogi của cha.
°°°
Cờ Shogi không được phép đi nước nào thừa thãi, ngu bước nào khóc bước ấy.
Nhưng đồng thời Tanuki vẫn cứ muốn chọn những đứa đẹp mã để đóng vai quân cờ cho hay, nên còn phải tuyển chọn trước Tanuki để vào vai quân cờ, mỗi khi nhà Nanzenji đọc tên một con Tanuki vào vai quân cờ nào là con Tanuki đó lại vừa mừng vừa lo. Tôi được gọi vào làm quân Quế Mã trong đội Đông của anh thứ, còn anh cả tôi đắc thắng đóng quân Phi Xa. Ghé mắt trông sang phe địch, Kinkaku và Ginkaku ăn được vị trí hai quân Kim Tướng Ngân Tướng khá quan trọng của đội Tây nên vẻ mặt cũng dương dương tự đắc lắm. Cuối cùng, anh thứ được chọn là người đi nước đầu tiên, mở màn cuộc thi cờ Shogi Tanuki.
Chỉ được nhìn mấy quân cờ nhảy lò cò trên bàn cờ lớn, một kẻ mù cờ Shogi như tôi cũng sớm thấy chán. Đám Tanuki ngồi trên ghế khán giả cũng chẳng chú tâm mấy tới ván cờ trước mắt, chúng đang mải mê ăn oden và tán chuyện về nhà máy Denki Bran giả hay mấy tin vịt nào đó. Tôi chốc chốc lại nhìn anh thứ, thầm cầu nguyện “Anh ơi, cho quân Quế Mã hoạt động nhiều vào!”, nhưng anh chẳng thèm để mắt đến con Quế Mã đang ngứa ngáy tay chân, gương mặt tĩnh lặng đọc thế cờ.
Sự thú vị của cờ Shogi vẫn luôn là một bí ẩn lớn đối với tới. Bất chấp chuyện cha đã nồng nhiệt dạy dỗ suốt những ngày ấu thơ, cái gì là tạo thế hòa hay vây tướng, những chiêu thức khôn ngoan đó cứ
nhẹ nhàng đi từ tai này qua tai kia, chẳng lưu lại chút nào trong đầu óc. Tôi toàn ngây thơ lặp đi lặp lại mấy chiêu tấn công trực diện để thộp cổ Vương Tướng bên địch, trong khi Vương Tướng của mình cứ phô ra đó để bị kẻ thù vây chết làm thịt. Cuối cùng, tôi hét lên “Ngốc Lão Tiên”, “Tanuki Màu Hồng”, “Đại Thần Meriken” rồi bắt đầu đi cờ loạn lên, phá hỏng mọi quy tắc trong cờ Shogi, đến cha tôi cũng đành chịu không quản nổi. Tôi lánh xa Shogi từ đấy. Tôi hoàn toàn rời bỏ những cuộc được thua trên bàn cờ và tìm cho mình một lối sống không dính gì đến nó.
Trong khi tôi mải bồi hồi nhớ mấy chuyện đó thì ván cờ đã vào giữa trận, các quân cờ trên bàn cũng dần nhập cuộc giao tranh. Anh thứ tôi cuối cùng cũng cho quân Quế Mã tiến về phía trước, tôi liền nhảy tưng lên giữa bàn cờ.
Gyokuran cho Ngân Tướng đi lên, thành thử tôi và Ginkaku vào thế đối đầu nhau.
Ginkaku trong điệu bộ của một thân sĩ giả mạo, khoa trương kéo í éo một bản violin dở tệ.
“Ồn ào quá, Ginkaku.”
“Cái thằng như mày thì hiểu quái gì về nghệ thuật.” Ginkaku cười tự mãn rồi nói. “Bọn tao đang học hỏi cách hành xử của quý ông Anh quốc. Violin là thú vui tao nhã của giới quý tộc đó nha.”
“Nếu ngữ chúng mày có thể thành quý ông Anh quốc thì của nả trong Shogoin* cũng thành quý ông Anh quốc được rồi.”
“Á à, thằng này láo!”
Kinkaku từ sâu trong bộ sậu quân địch gào với ra “Bơ nó đi!” Rồi bồi thêm. “Chúng ta đang cô lập vinh quang, cơ mà!”
“Đúng đúng, cô lập vinh quang. Anh em tao đang học hỏi ‘sự cô lập vinh quang’ của đế quốc Anh khi xưa*. Sẽ không cãi nhau với mấy con Tanuki ngốc nghếch đâu.”
Lũ ngốc hay diễn tuồng cho thiên hạ xem như Kinkaku và Ginkaku đã luôn cô độc trong giới Tanuki rồi. Tôi chợt thấy lý tưởng cao quý của bọn chúng và cái nhìn thông thường của giới Tanuki gặp nhau trong một thoáng dị kỳ.
“Tao thấy cô lập không vinh quang thì chỉ là sự cô độc mà thôi?” Tôi thốt lên.
“Mày im đi.”
“Cứ làm mấy chuyện vớ vẩn rồi lại bị Kaisei mắng cho coi.” “Hừ. Tao ngán gì Kaisei.”
“Nói dối, lại chả bị mắng đến khóc om sòm ra đấy.”
“Không khóc! Tao đâu có khóc!”
Ginkaku kéo đàn violin trong hoảng loạn.
“Anh ơi, em phải nói lại nó sao bây giờ? Em tức quá đi!” “Đợi đấy, Ginkaku. Giờ anh ra cứu em đây!” Kinkaku gào lên.
°°°
Kinkaku nhanh chóng thu hồi tuyên ngôn “Cô lập vinh quang” khi nãy, Kim Tướng tự động di chuyển, xô đẩy đồng đội mà lao ra trước mặt tôi. Cả đống quân cờ khác bị đẩy ngã. Gyokuran gào lên “Không được tự ý di chuyển!” nhưng đám này nói có nghe đâu.
“Ai da, Yasaburo. Con Tanuki như mày thật tình có tốn bao nhiêu thời
gian cũng chẳng trở thành quý ông nổi.”
“Thằng này có bao giờ khá được đâu anh.”
“Riêng về điểm này, bọn tao khác mày. Bọn tao luôn biết tiến bộ phát triển.”
“Đã tiến bộ còn phát triển nữa cơ. Mày cứ cẩn thận!”
Kinkaku và Ginkaku đồng thanh ré lên rồi biến thành hai quân cờ to lớn hơn hẳn. Còn đề đôi từ đối “Túy Tượng” và “Dũng Lộc”. Tôi vừa nói “Ủa, có mấy quân cờ quái đản thế này sao”, thì Kinkaku liền cười khằng khặc. “Đúng là đồ Tanuki không có giáo dưỡng.”
“Đây là những quân cờ được sử dụng từ thời thượng cổ. Phi thường như bọn tao sao có thể làm mấy quân cờ tầm thường được chứ?” “Thấy chưa, anh tao hiểu biết lắm. Cờ Shogi thì anh ấy có hơi kém nhưng đầu óc thông minh ghê!”
“Đừng khen anh nhiều quá, Ginkaku. Mất chất quý ông giờ.” “A, thế thì thất kính rồi. Thật không phải phong thái quý ông.” Nhìn hai quân cờ to thồ lồ làm trò ngu ngốc trước mắt, hình ảnh bảy
mươi tư loại quân cờ từng bị mình xào xáo loạn lên rồi khóc lóc với cha chợt nhoáng qua tâm trí. Anh cả đã cẩn thận dặn trước tôi không được làm náo loạn ngoài bàn cờ, nhưng đây là bên trong bàn cờ, kẻ gây chuyện trước lại là lũ Kinkaku Ginkaku. Tôi cũng phải biến thành một quân cờ khổng lồ nào đó thật ngầu để đối đầu với chúng. Tôi đã dốc hết kiến thức có từ thuở còn thơ để biến thành một trong Tứ Đại Thiên Vương - “Ngốc Lão Tiên”.
Kinkaku và Ginkaku đồng thanh ré lên.
“Có quân cờ nào như vậy sao!”
"""