"Sự Trở Lại Của Kinh Tế Học Suy Thoái Và Cuộc Khủng Hoảng Năm 2008 - Paul Krugman full prc pdf epub azw3 [Tài Chính] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sự Trở Lại Của Kinh Tế Học Suy Thoái Và Cuộc Khủng Hoảng Năm 2008 - Paul Krugman full prc pdf epub azw3 [Tài Chính] Ebooks Nhóm Zalo VỀ tác giẢ Paul Krugman nhận giải Nobel Kinh tế năm 2008. Ông phụ trách chuyên mục op-ed xuất hiện hai lần một tuần trên tờ Thời báo New York, đồng thời viết blog “Lương tâm của một người tự do” (The conscience of a Liberal – tên blog lấy từ tên một tác phẩm khác của ông). Krugman từng đoạt giải “Phóng viên chuyên mục của Năm” (The Columnist of the Year) do tạp chí Editor and Publisher bình chọn. Ông là giáo sư môn kinh tế và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, sáng tác và biên tập hơn 20 cuốn sách, hơn 200 bài viết trên các tạp chí chuyên ngành. Thông tin thêm về Krugman có thể xem ở website www.krugmanonline.com. PAUL KRUGMAN Nobel kinh tế năm 2008 * Paul Krugman, 55 tuổi, người Mỹ, giáo sư đại học Princeton, vừa được Hàn lâm viện Khoa học Thụy Điển cho biết là sẽ được giải Nobel Kinh tế năm 2008 (lễ trao sẽ vào tháng 12), qua những đóng góp của ông về thuyết thương mại và kinh tế địa lý. Việc Krugman được giải này không gây nhiều ngạc nhiên. Đối với đa số đồng nghiệp, ông đã nằm trong danh sách “đáng được Nobel” từ lâu. Tuy vậy, cũng có vài lời đàm tiếu. Có người nhắc là, từ khoảng mười năm nay (từ khi ông cộng tác với tờ New York Times) hầu như Krugman không có đóng góp gì mới (có kẻ nói móc: Ủy ban Nobel đã vi phạm điều lệ là chỉ trao giải cho người còn sống, vì “nhà kinh tế Krugman” đã qua đời gần mười năm rồi!). Ngược lại, có người cho rằng, dù ông có xứng đáng, trao gỉải cho ông năm nay là không đúng lúc, đáng lẽ nên đợi Bush hết nhiệm kỳ, những công trình khoa học của Krugman (một người cực lực chống Bush) sẽ được đánh giá khách quan hơn, và giải thưởng sẽ không bị nghi ngờ là cách các giám khảo Nobel mượn Krugman để làm bẽ mặt Bush! Dù sao thì Paul Krugman cũng được giải năm nay, vậy cũng nên biết về hai đóng góp, quả là quan trọng, mà ông đã được tuyên dương. Thứ nhất là cái gọi là “thuyết thương mại mới” (“new trade theory”) và thứ hai là “kinh tế địa lý mới” (new economic geography). 1 Trước hết, nên biết “thuyết thương mại cũ” nói gì. Đây là lý thuyết được dạy trong các lớp kinh tế nhập môn ở hầu hết các đại học: Quốc gia này khác quốc gia kia về năng suất của từng công nghiệp, và về các nguồn lực (vốn, lao động, v.v...) mà quốc gia ấy sở hữu. Những khác biệt đó là động cơ của thương mại. Chẳng hạn, quốc gia vùng nhiệt đới thì trồng trọt và xuất khẩu chuối, quốc gia vùng ôn đới thì trồng trọt và xuất khẩu lúa mì; quốc gia có lao động nhiều học vấn thì xuất khẩu hàng công nghệ cao, còn quốc gia mà lao động học vấn kém thì xuất khẩu hàng công nghệ thấp... “Thuyết thương mại mới” phát sinh từ nhận định rằng, dù “thuyết thương mại cũ” soi sáng rất nhiều cơ cấu thương mại toàn cầu, vẫn còn một số hiện tượng quan trọng mà nó không giải thích được. Khối lượng thương mại giữa Pháp và Đức, chẳng hạn, là rất cao, dù hai nước khá giống nhau về tài nguyên cũng như khí hậu. Mậu dịch giữa Mỹ và Canada cũng thế. Hơn nữa, hàng hóa mà các nước đã phát triển buôn bán với nhau thường là cùng một thứ (chẳng hạn như Mỹ xuất khẩu ôtô mà cũng nhập khẩu ôtô), chứ không phải luôn luôn xuất khẩu thứ này, nhập khẩu thứ khác. (Nên để ý rằng sự kiện này đã được phát giác từ thập kỷ 1950, Krugman không phải là người đầu tiên nhận thấy.) Tuy đã có một số lý thuyết giải thích hiện tượng này (thường được gọi là “thương mại nội ngành” – intra-industy trade) nhưng hầu hết đều vá víu, tùy tiện, chỉ áp dụng cho vài trường hợp thật cá biệt. Đóng góp to lớn của Krugman là chứng minh rằng “thương mại nội ngành” hoàn toàn có thể là hậu quả của (sự đa dạng) chủng loại sản phẩm và đặc tính sản xuất. Cụ thể, có khá nhiều sản phẩm không giống lúa mì, hoặc chuối (mà rất nhiều nơi trên thế giới sản xuất được), nhưng lại giống loại máy bay khổng lồ (jumbo jet), mà chỉ vài nơi trên thế giới sản xuất. Tại sao? Lý do chính là một số công nghiệp có đặc tính mà kinh tế học gọi là “tính tiết kiệm do quy mô” (economies of scale): số lượng sản xuất càng cao thì giá phí bình quân càng thấp. Đối với loại hàng hóa có tính này thì thế giới chỉ cần vài cơ xưởng sản xuất là đủ. Những cơ xưởng này tất nhiên phải tọa lạc ở nơi nào đó, và quốc gia nào “may mắn” có chúng thì sẽ xuất khẩu những loại hàng ấy, còn các quốc gia khác thì phải nhập khẩu từ họ. Cách giải thích của Krugman tất nhiên dẫn đến câu hỏi: Quốc gia nào sẽ là nơi có cơ xưởng sản xuất máy bay, hoặc một loại máy chuyên dụng, hoặc một kiểu ôtô đặc biệt mà một số người tiêu dùng khắp thế giới đều muốn? “Thuyết thương mại mới” của Krugman đưa câu trả lời, khá bất ngờ và thú vị: Điều đó không quan hệ! Rất nhiều loại hàng có tính “tiết kiệm do quy mô”; quốc gia nào cũng có một số hàng như vậy; mọi chi tiết khác (có thể là do tình cờ của lịch sử) đều không là quan trọng! Quan trọng là cái bức tranh toàn cảnh của thương mại thế giới: Bức tranh ấy được định đoạt bởi những yếu tố như tài nguyên và khí hậu (như trong thuyết thương mại “cũ”), nhưng thêm vào đó là rất nhiều những chuyên biệt hóa căn cứ trên tính tiết kiệm do quy mô, như thuyết thương mại “mới” vừa cho thấy. Đó là lý do tại sao khối lượng thương mại toàn cầu trên thực tế rất lớn, nhất là giữa những nước khá giống nhau, hơn là khối lượng mà thuyết thương mại “cũ” (chỉ căn cứ trên sự khác biệt tài nguyên và khí hậu) tiên đoán. 2 Khoảng mươi năm sau khi trình làng “thuyết thương mại mới”, Krugman đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu như vài (nhưng không tất cả) nguồn lực kinh tế (cụ thể là lao động và vốn) có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác? Trong thế giới của “thuyết thương mại cũ”, thương mại (hoặc, nói cách cầu kỳ, “sự lưu động của hàng hóa”) có thể được thay thế bằng “sự lưu động của yếu tố sản xuất”: nếu nhà máy và công nhân có thể tự do di chuyển từ vùng này sang vùng khác, thì những nhà máy và công nhân này sẽ phân tán đến “gần” nông dân, để “tối thiểu hóa” phí vận chuyển nông phẩm lẫn hàng công nghiệp. Song, trong thế giới “tiết kiệm do quy mô” mà Krugman hình dung thì “hiệu ứng ly tâm” này (đẩy các hoạt động kinh tế ra xa nhau) sẽ gặp sự đối kháng của “hiệu ứng hướng tâm” kéo những hoạt động ấy đến những thị trường lớn. Hiệu ứng hướng tâm này có khuynh hướng tập trung hóa các hoạt động kinh tế. Lấy trường hợp vua ôtô Henry Ford và kiểu xe “Model T” nổi tiếng, làm thí dụ. Ford có thể xây nhiều nhà máy rải rác khắp nước Mỹ để gần khách hàng. Tuy nhiên, ông sáng suốt tiên đoán rằng dù phí chuyên chở đến khách hàng có là cao nếu tập trung sản xuất ở chỉ một nhà máy ở bang Michigan, tập trung như thế sẽ cho phép ông khai thác “tiết kiệm do quy mô”, phí sản xuất sẽ rất thấp, và rốt cuộc thì giá bán sẽ rẻ hơn là sản xuất ở nhiều nhà máy nhỏ, dù gần khách hàng. Tất nhiên, sẽ có câu hỏi: nếu tập trung sản xuất vào một số ít địa phương để tận dụng tiết kiệm do quy mô thì nên chọn những địa phương nào? Krugman trả lời: đó là những địa phương có sẵn một thị trường lớn – tức là những địa phương mà các nhà sản xuất khác cũng đã chọn để sản xuất hàng của họ! Qua thời gian, nếu lực hướng tâm này đủ mạnh, chúng ta sẽ có một hiệu ứng tích lũy: những vùng, do một tình cờ lịch sử nào đó, là nơi đầu tiên có những trung tâm sản xuất thì những vùng ấy sẽ thu hút thêm các nhà sản xuất, trở thành trung tâm kinh tế, trong lúc những vùng khác trở thành “ngoại vi”. Chính vì thế mà, theo Krugman, cho đến gần đây, hầu hết công nghiệp của Mỹ đều nằm trong một “vòng đai” địa lý tương đối hẹp, trải từ miền Tân Anh Cát Lợi (New England) đến vùng Trung Tây (Midwest) của quốc gia này. Tương tự, Krugman nói cách ấn tượng: 60 triệu người Mỹ sống dọc bờ biển miền Đông chẳng phải vì so với nơi khác thì phong cảnh ở đây hữu tình hơn, hoặc khí hậu dễ chịu hơn (trái lại là khác!), song mỗi người sống ở đây vì 60 triệu người khác cũng sống ở đây. Với cùng một lôgíc, Krugman giải thích tại sao một số công nghiệp nào đó tập trung ở một địa phương nhất định, dù rằng trong trường hợp này thì cái lôgíc sẽ dính líu đến những yếu tố như: ở địa phương ấy số lao động chuyên môn về một ngành nào đó thì đặc biệt hùng hậu, hoặc là ở nơi ấy có nhiều nguồn cung cấp một loại đầu vào mà nơi khác không có. Có thể hỏi thêm: Điều gì quyết định một công nghiệp định cư ở nơi nào? Trả lời: Thường, là một ngẫu nhiên! Ví dụ như thung lũng Silicon (Silicon Valley, trung tâm công nghiệp điện tử của Mỹ) sở dĩ được như ngày nay cũng vì hai chàng William Hewlett và David Packard (sáng lập viên đại công ty Hewlett-Packard), tẩn mẩn rị mọ trong gara của họ ở một ngôi nhà vùng đó... Một ví dụ khác: Thành phố New York là thủ phủ đồ may mặc của nước Mỹ, phần lớn là vì số lượng mậu dịch về hàng vải đã sẵn có ở đây, và vì đông đảo khách hàng đang sống ở thành phố (lớn nhất nước Mỹ) này. 3 Ngày nay, hầu như ai trong giới kinh tế cũng chấp nhận căn bản của thuyết “thương mại mới” và thuyết “địa lý kinh tế” như là hiển nhiên. Nhưng trước Krugman thì những cách mô tả này rất là xa lạ (một ngoại lệ: hình như Paul Samuelson, “trưởng lão” kinh tế gia Mỹ, người Mỹ đầu tiên được Nobel kinh tế, cũng đã nghĩ đến vai trò của tiết kiệm do quy mô trong thương mại, dù nhà kinh tế này không khai triển thêm). Thiên tài của Krugman là nhận ra, trước mọi người, cốt tính của một hiện tượng kinh tế quan trọng, rồi dùng một mô hình cực kỳ đơn giản (nhưng không quá đơn giản!) để phân tích nó, trình bày nó một cách thật dễ hiểu, mở đường cho hàng trăm nhà kinh tế khác (trong đó có người viết bài này!) theo chân ông, khai triển thêm mô hình ấy. Krugman cũng đã may mắn vào nghề đúng lúc kinh tế học có nhiều tiến bộ khác mà ông có thể sử dụng trong mô hình của ông (ví dụ như tiếp cận áp dụng thuyết trò chơi trong các phân tích về cạnh tranh công nghiệp, hay “hàm tiêu dùng” cực kỳ giản dị, nhưng súc tích, của Avinash Dixit và Joseph Stiglitz – từ một lý thuyết nổi tiếng của Kelvin Lancaster – theo đó người tiêu dùng không chỉ ham muốn số lượng (nhiều) và chất lượng (cao) của một loại hàng mà còn ưa chuộng sự đa loại của hàng hóa nữa). Những lý thuyết trên đây của Krugman có áp dụng nào cho chính sách kinh tế? Chính Krugman cũng nhìn nhận rằng điều này không là rõ ràng. Khi mới xuất hiện thì “thuyết thương mại mới” thường được xem là cho nhà nước một lý do để can thiệp vào thương mại (cụ thể là bảo hộ những công nghiệp có tính tiết kiệm do quy mô), thậm chí nó đã được nhiều công ty viện dẫn để biện hộ cho yêu cầu nhà nước giúp đỡ. (Trong thời kỳ này, Krugman rất “đắt sô”, được các công ty mời đi diễn thuyết mọi nơi, trả tiền khá sộp!). Tuy nhiên, dần dà Krugman và những người có đóng góp vào thuyết này (như James Brander, Barbara Spencer, Anthony Venables...) đâm “hoảng” về sự lạm dụng mà các công ty dùng thuyết của họ để yêu cầu chính phủ tài trợ, bảo hộ. Họ phải quay ra viết nhiều bài để “thanh minh”. Chẳng hạn, họ cảnh báo rằng nhà nước cần xác định ảnh hưởng của chính sách bảo hộ một công nghiệp đến những công nghiệp khác (giúp cái này có thể hại cái kia), hoặc là vạch rõ rằng công cụ bảo hộ (nếu quyết định là sẽ bảo hộ) tùy vào cách mà các công ty cạnh tranh với nhau (cạnh tranh bằng giá cả thì khác cạnh tranh bằng số lượng, chẳng hạn), và nhiều điều khó tiên liệu khác. Đàng khác, thuyết thương mại mới cũng có thể được dùng để chứng minh lợi ích của tự do mậu dịch, bởi vì thương mại trên cơ sở này sẽ đem đến cho người tiêu dùng nhiều chủng loại hàng hóa hơn. Nói chung, Krugman tin rằng tuy bảo hộ có thể có ích trên lý thuyết nhưng trên thực tế thì cái lợi của bảo hộ hầu như luôn luôn bất cập hại. Theo Krugman, những công trình của ông về thương mại và địa lý như tóm lược trên đây là để gia tăng kiến thức của chúng ta về thế giới thực tế, không có một dụng ý chính trị nào. Một chi tiết khá thú vị là người ủng hộ Krugman mạnh mẽ nhất (đã vận động để New York Times mời Krugman về cộng tác) chính là Thomas Friedman, nổi tiếng với ý niệm “thế giới phẳng”. Oái oăm là, theo lý thuyết địa lý của Krugman thì toàn cầu hóa sẽ làm thế giới ... kém phẳng: chính tiến trình này sẽ củng cố vai trò của những “thành phố toàn cầu” như New York, Luân Đôn... vì lẽ ngày càng dễ cho những thành phố này buôn bán với cả thế giới. 4 Tuy không được Ủy ban Nobel chính thức tuyên dương, hai lãnh vực nghiên cứu khác của Krugman cũng có nhiều dấu ấn đáng kể, đó là những phân tích của ông về khủng hoảng tiền tệ và về sự phân bố thu nhập ở Mỹ. Về khủng hoảng tiền tệ thì ông là trong số ít người bào chữa quyết định kiểm soát ngoại hối của thủ tướng (lúc ấy) Mahathir của Malaysia, thay vì nghe lời IMF, trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997. Còn về vấn đề phân bố thu nhập ở Mỹ thì phe bảo thủ luôn luôn phủ nhận là sự chênh lệch trong phân bố này ngày càng tăng, và họ cho rằng nếu có tăng thì cũng là do những yếu tố khách quan, cụ thể là tiến bộ công nghệ. Krugman mạnh mẽ phản bác ý kiến này. Dựa vào những con số thống kê khó chối cãi, ông chứng minh rằng hố chênh lệch thu nhập ở Mỹ phần lớn là hậu quả của chính sách của đảng Cộng Hòa, nhất là vào thời tổng thống Reagan.5 Trong những nhà kinh tế được Nobel từ trước đến nay, có lẽ Paul Krugman là người được biết nhiều nhất ngoài giới kinh tế, qua hai bài bình luận mà ông viết hàng tuần cho tờ New York Times vào thứ hai và thứ sáu, và cụ thể là sự công kích kịch liệt chính sách của Bush nói riêng và đảng Cộng Hòa nói chung. Có thể nói là trong giới bình luận gia, ông là cái gai khó chịu nhất trong mắt của Bush và đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, liên hệ giữa Krugman và phe phóng khoáng (chống Bush) cũng có nhiều “phức tạp”. Vào giữa thập niên 1990, ông viết một số bài báo, cực lực chỉ trich (đôi khi hơi cao ngạo) những nhà kinh tế mà ông cho là “đem kinh tế đi bán dạo”. Dù có học vị cao, dạy trường danh tiếng, song, theo Krugman, những người này dùng những lập luận lỏng lẻo, lý thuyết lỗi thời, thậm chí sai lầm, để biện hộ cho những mục tiêu chính trị, hoặc chỉ để kiếm tiền hay vì háo danh. Không may, trong số những người mà ông chỉ trích lại là những nhân vật phóng khoáng có hạng (như Lester Thurow, Robert Kuttner, Robert Reich, Laura Tyson) được nhiều người mến mộ. Song, cũng phải nói, từ khi viết thường xuyên cho New York Times thì Krugman có vẻ “điềm đạm” hơn đối với người cùng phe phóng khoáng (có thể vì đôi khi chính Krugman cũng bị cáo buộc là “đem kinh tế đi bán dạo”!). Nhưng rồi gần đây, trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ, Krugman lại làm nhiều người trong hàng ngũ phóng khoáng “nhức đầu” vì ông kịch liệt ủng hộ bà Hillary Clinton, đến độ lắm khi nặng lời với phe ủng hộ Barack Obama, cho là họ quá mê muội! 6 Paul Krugman sinh trưởng ở Long Island (kế cận thành phố New York). Thuở nhỏ, ông mê truyện khoa học giả tưởng của Isaac Asimov (có lẽ đây là lý do ông viết một bài đùa “lý thuyết thương mại giữa các ngôi sao” (theory of interstellar trade) khi còn là sinh viên). Sau khi lấy tiến sĩ ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 1977, ông dạy ở Yale, MIT, Stanford, trở lại MIT, và từ năm 2000 về trụ trì ở Princeton, do lời mời của Ben Bernanke (hiện là chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang của Mỹ) lúc ấy là chủ nhiệm khoa kinh tế ở trường đại học này. Ông cũng có làm việc vài năm trong chính phủ (vào thời Reagan, cùng nhóm với Lawrence Summers, do Martin Felstein mời về làm trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế). Năm 1991 ông được huy chương John Bates Clark của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ. Đây là một huy chương rất có uy tín, được trao hai năm một lần cho một kinh tế gia dưới 40 tuổi, và thường được xem là dấu hiệu của “tương lai Nobel”. Krugman cũng có viết hai cuốn sách giáo khoa bán rất chạy, một cuốn về kinh tế quốc tế mà đồng tác giả là Maurice Obstfield, một cuốn về kinh tế nhập môn viết chung với bà Robin Wells. Bà này là vợ kế của Krugman. Trần Hữu Dũng Dayton, 25/10/2008 * Được sự đồng ý của Giáo sư Trần Hữu Dũng - Wright State University, DT Books đăng nguyên văn bài viết của ông, đã được giới thiệu trên trang web www.viet-studies.info, như một lời giới thiệu chính thức về Giáo sư Paul Krugman. GIỚI THIỆU Đa số các nhà kinh tế, trong mức độ mà họ suy nghĩ về đề tài này, đều cho rằng cuộc Đại suy thoái của thập niên 1930 chỉ là một thảm họa vu vơ và vô cớ. Phải chi Herbert Hoover[1]không cố gắng cân bằng ngân sách trong bối cảnh kinh tế suy thoái; phải chi Cục Dự trữ Liên bang không bảo vệ chế độ bản vị vàng bất chấp cái giá phải trả là nền kinh tế quốc nội; phải chi người ta cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn để làm dịu sự sợ hãi trong hệ thống ngân hàng những năm 1930-31… thì vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 cũng chỉ dẫn tới một cuộc suy thoái bình thường, không đáng để ý và chắc chắn sẽ rơi vào quên lãng. Do các nhà kinh tế và những nhà làm chính sách đã “thuộc bài” – chẳng hạn sẽ không có ông bộ trưởng tài chính nào dám lặp lại giọng điệu của Andrew Mellon[2]trong lời khuyên khét tiếng “loại bỏ và thanh lý hết các lao động, các chứng khoán, những nông trại, bất động sản … bất cứ thứ gì kém hiệu quả và độc hại ra khỏi hệ thống kinh tế” – dường như một cuộc Đại suy thoái tương tự sẽ không bao giờ có cơ may xảy ra nữa. Liệu điều này có đúng hay không? Cuối thập niên 1990 một loạt nền kinh tế châu Á – những nền kinh tế chiếm một phần tư sản lượng của kinh tế toàn cầu, với dân số cỡ bảy trăm triệu người – đã trải qua một đợt suy thoái có những nét tương đồng một cách đáng sợ với cuộc Đại suy thoái năm nào. Và cũng như cuộc Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng lần này cũng đột ngột xuất hiện như tiếng sét giữa bầu trời xanh; trong khi các chuyên gia vẫn khăng khăng dự đoán kinh tế tiếp tục tăng trưởng ngay khi suy thoái đã manh nha hé lộ. Như thập niên 1930, những “phương thuốc” kinh tế truyền thống tỏ ra không hiệu quả, đôi khi còn phản tác dụng. Khi nghĩ đến việc lịch sử u ám đó đang lặp lại, dường như ai trong chúng ta cũng phải rùng mình! Đó chính là cảm giác của tôi lúc này. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách trên tay các bạn đã được hình thành để trả lời cho cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 1990. Hồi đó, trong khi một số người xem đây là một hiện tượng thuần túy châu Á, tôi đã cho rằng đây là một điềm báo chẳng lành cho tất cả chúng ta, là một cảnh báo cho thấy các vấn đề của kinh tế học suy thoái ( depression economics ) chưa hề biến mất trong thời hiện đại. Đáng buồn thay, những điều tôi đã lo ngại hóa ra lại là đúng. Khi ấn bản mới của cuốn sách này ra đời, đa phần thế giới (trong đó có cả nước Mỹ) đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế và tài chính. Cuộc khủng hoảng này thậm chí, so với khủng hoảng kinh tế châu Á thập niên 1990, còn tương đồng hơn nhiều với thời Đại suy thoái. Những vấn đề kinh tế mà châu Á trải qua một thập kỷ trước đây, cũng như những gì mà chúng ta đang đối mặt hiện nay, hóa ra lại chính là những gì người ta tưởng rằng đã học được cách phòng ngừa hiệu quả. Trong thời kỳ đen tối trước đây, những nền kinh tế lớn và phát triển với những chính phủ ổn định như nước Anh hồi thập niên 1920 có thể không tìm ra lời giải đáp cho những thời kỳ đình đốn và giảm phát kéo dài; song trong giai đoạn giữa John Maynard Keynes và Milton Friedman, chúng ta đã từng nghĩ rằng mình đã học được cách ngăn ngừa hiệu quả những khủng hoảng tương tự. Trước kia những nền kinh tế nhỏ như nước Áo hồi năm 1931 từng phải chịu phó mặc số phận cho những cơn thủy triều tài chính và không thể tự quyết định vận mệnh kinh tế của mình; nhưng ngày nay những chuyên gia ngân hàng và viên chức chính phủ dày dạn kinh nghiệm (đó là chưa kể đến Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF) được cho là hoàn toàn có khả năng dàn xếp những gói giải cứu hữu hiệu, có thể khống chế dễ dàng những cuộc khủng hoảng trước khi chúng kịp lan rộng. Chính phủ Mỹ những năm 1930-31 có thể chỉ biết khoanh tay đứng nhìn hệ thống ngân hàng trong nước sụp đổ, nhưng trong thời hiện đại, bảo hiểm tiền gửi và việc Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng bơm tiền mặt cho các định chế tài chính gặp khó khăn được người ta kỳ vọng có thể ngăn chặn những cảnh tượng tương tự. Tất nhiên chẳng ai nghĩ rằng những quan ngại về kinh tế đã đi qua, song chúng ta đều chắc chắn rằng dù có gặp phải bất kỳ vấn đề gì trong tương lai, thì chúng cũng chẳng thể có nét gì tương đồng với những khủng hoảng thời 1920 và 1930 cả. Tuy nhiên, lẽ ra một thập niên trước đây chúng ta đã phải nhận ra rằng sự tự tin nói trên đã được đặt nhầm chỗ. Gần suốt thập niên 1990, nước Nhật rơi vào một cái bẫy kinh tế, vốn chẳng xa lạ gì với Keynes và những người cùng thời với ông. Trong khi đó, một số nền kinh tế nhỏ hơn tại châu Á đã rơi tõm từ đỉnh cao tăng trưởng xuống vực sâu thảm họa chỉ sau một đêm – và câu chuyện buồn của họ rất giống với những gì đã diễn ra hồi thập niên 1930. Vào thời gian đó, tôi có suy nghĩ như sau: những gì xảy ra giống như một loài vi khuẩn gây bệnh dịch chết người đã được y học khống chế một thời gian dài, nay bất thần xuất hiện trở lại dưới một dạng thức mới, mà không một dạng kháng sinh thông thường nào có khả năng ngăn chặn. Trong phần giới thiệu cho ấn bản đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã viết như sau: “Cho đến nay mới chỉ có một số ít người là nạn nhân của giống vi khuẩn mới này; song thật là khờ khạo nếu những ai chưa bị bệnh không chịu tìm ra những phương thuốc hay cơ chế phòng bệnh mới bằng bất cứ giá nào; điều đó sẽ biến họ thành những nạn nhân kế tiếp của bệnh dịch!”. Vâng, đúng là chúng ta đã khờ khạo, thậm chí ngu ngốc. Và hôm nay bệnh dịch đang hoành hành trên đầu chúng ta. Đa phần cuốn sách này dành để viết về cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á thập niên 1990, cái hóa ra là “đợt tổng diễn tập” cho cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, tôi cũng bổ sung khá nhiều tài liệu mới, trong nỗ lực giải thích bằng cách nào mà nước Mỹ hôm nay rơi vào tình cảnh như nước Nhật mười năm trước đây; bằng cách nào mà Iceland hôm nay giống Thái Lan trước kia; và bằng cách nào mà những quốc gia từng bị khủng hoảng mười năm trước kinh hãi nhận ra một lần nữa họ lại đang đứng bên bờ vực thẳm… Về cuốn sách này Tôi xin nói ngay từ đầu rằng về bản chất mà nói, đây là một cuốn sách phân tích. Theo đó, tôi không nói quá nhiều về “cái đã xảy ra” bằng việc nói về lý do tại sao mọi việc đã xảy ra như vậy. Tôi tin rằng điều quan trọng là hiểu được bằng cách nào thảm họa đã có thể xảy ra, làm sao những nạn nhân của nó có thể “sống sót”, cũng như cách thức phòng ngừa thảm họa trong tương lai. Điều này có nghĩa mục tiêu sau cùng của cuốn sách là, như người ta hay nói trong các trường kinh doanh, phát triển lý thuyết từ tình huống thực tế – hay nói cách khác, tìm ra cách thức suy nghĩ và lý giải tất cả những hiện tượng này. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng tránh làm cho cuốn sách trở thành một sự trình bày khô khan về lý thuyết. Không có những phương trình, những biểu đồ bí hiểm, và (tôi hy vọng) cũng không có cả những thuật ngữ chuyên ngành quá ư khó hiểu. Là một nhà kinh tế có tên tuổi, tôi hoàn toàn có khả năng viết ra những điều khó hiểu tới mức … không ai đọc nổi. Thực ra mà nói, những tài liệu không-ai-đọc-nổi đó ( những tài liệu chuyên ngành kinh tế với đầy những thuật ngữ – ND ) của chính tôi và nhiều người khác đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp tôi đi đến những kết luận trong cuốn sách này. Tuy nhiên, điều mà thế giới hiện đang cần là một cách hành động khôn ngoan và có hiểu biết. Mà để có được cách hành động đó, các ý tưởng phải được trình bày bằng ngôn ngữ sao cho dễ đọc dễ hiểu với những ai liên quan, chứ không chỉ giới hạn trong những ông tiến sĩ về Kinh tế học. Những phương trình và biểu đồ rối rắm khó hiểu nói trên chẳng qua chỉ đóng vai trò làm giàn giáo trong việc xây một tòa lâu đài tri thức. Một khi tòa lâu đài đã được xây tới một mức nào đó, người ta sẽ dỡ bỏ giàn giáo kia đi, những gì còn lại chỉ là ngôn ngữ giản dị và dễ hiểu. Ngoài ra, dù mục tiêu sau cùng của cuốn sách là phân tích (analytical), đa phần nội dung lại bao gồm lối văn kể chuyện (narrative). Một phần là vì thứ tự trước sau của các sự kiện (ở đây có thể xem như cốt truyện) là một minh chứng quan trọng cho ý nghĩa và tính chính xác của lý thuyết đề ra (chẳng hạn, quan điểm “chính thống” về khủng hoảng kinh tế xem khủng hoảng là một hình phạt đích đáng dành cho một số nền kinh tế, đã không thể được biện minh khi đối mặt với thực tế: vài nền kinh tế có vẻ ngoài rất khác biệt cùng gặp khủng hoảng trong vài tháng gần nhau – một sự trùng hợp đặc biệt thú vị!). Ngoài ra, tôi cũng nhận ra rằng các sự kiện nối tiếp nhau cũng cung cấp bối cảnh cần thiết cho các nỗ lực tìm hiểu và giải thích của tôi, và rằng không phải ai cũng có điều kiện theo dõi sâu sát những sự kiện đặc biệt kịch tính trong mười tám tháng vừa qua. Cũng như ít ai nhớ chính xác những gì Thủ tướng Mahathir phát biểu tại Kuala Lumpur hồi tháng 8 năm 1997 và liên hệ chúng với những gì Donald Tsang đã làm ở Hongkong một năm sau đó! Trong những trường hợp như vậy, những câu chuyện được kể trong cuốn sách này sẽ giúp các bạn cùng hồi tưởng lại và suy ngẫm. T ôi cũng xin nói đôi lời về phong cách trình bày của mình. Các tác gia về kinh tế học khi viết về những đề tài nghiêm trọng và to lớn thường bị cám dỗ sử dụng những ngôn từ và cách trình bày quá sức trịnh trọng, tự đề cao. Không phải ý tôi nói những vấn đề liên quan ở đây không quan trọng, ngược lại là khác, đôi khi chúng là những vấn đề sinh tử. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế rất thường nghĩ rằng do vấn đề mà họ trình bày và xem xét là nghiêm trọng, lớn lao, cách tiếp cận nó cũng phải hết sức nghiêm trang, theo kiểu “vấn đề lớn – từ ngữ lớn”, tuyệt đối tránh những từ ngữ và cách diễn đạt bông lơn, thoải mái, không trang trọng. Tuy nhiên, chúng ta đều đã từng thấy rằng để có thể nắm bắt và hiểu được các hiện tượng mới và lạ, người ta phải sẵn sàng để có thể “chơi” với các ý tưởng. Tôi dùng động từ “chơi” ở đây một cách rất có suy nghĩ: những người quá ư trịnh trọng, nghiêm túc và thiếu óc khôi hài, sẽ chẳng bao giờ có thể đưa ra những kiến giải mới mẻ, về kinh tế học hay bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy. Chẳng hạn hãy nghe tôi phát biểu “Nhật Bản đang chịu thiệt hại từ sự không thể thích nghi và điều chỉnh về bản chất, do mô hình tăng trưởng lấy Nhà nước làm trung tâm của họ dẫn tới sự cứng nhắc về cơ chế”. Rõ ràng tôi chẳng diễn tả hay “nói” được điều gì cả, có chăng chỉ tạo cho các bạn cảm giác rằng vấn đề tôi đang nói tới là một vấn đề rất khó khăn, không có câu trả lời dễ dàng – một cảm giác có thể hoàn toàn sai lầm. Giả sử tôi trình bày chính vấn đề trên đây của nước Nhật bằng một câu chuyện nhẹ nhàng về những thăng trầm của một hợp tác xã giữ trẻ (thực tế cuốn sách này có vài ví dụ như vậy) thì sao nhỉ? Thoạt nghe có vẻ kỳ dị, song chính sự khôi hài, bông lơn của phong cách này có đích nhắm riêng của nó: thức tỉnh và đưa tư duy của chúng ta sang hẳn một kênh khác, chẳng hạn trong ví dụ trên là việc nhận ra rằng có thể có một cách giải quyết khác đơn giản hơn, ít ra là cho một phần của vấn đề mà Nhật Bản đang gặp phải. Do đó xin độc giả đừng kỳ vọng nơi đây một cuốn sách viết theo lối hàn lâm trang trọng, ngược lại tuy mục tiêu đặt ra là hoàn toàn nghiêm túc, lối viết của tôi lại mang vẻ giản dị và đùa bỡn, như đề tài này đòi hỏi nó phải thế! Và bây giờ hãy bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta, bắt đầu với một thế giới với vẻ ngoài của nó, chỉ vài năm trước đây thôi. [1]Tổng thống thứ 31 của Mỹ, nhiệm kỳ 1929-1933; trước đó là Bộ trưởng Thương mại (1921-1928) [2]Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ 1921 đến 1932, nổi tiếng với quan điểm cứng rắn trong thời suy thoái, chẳng hạn từ chối bơm thanh khoản cho các ngân hàng yếu, từ chối bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế v.v… 1 “VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT” Năm 2003, ông Robert Lucas, giáo sư Đại học Chicago và là người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1995, đọc bài phát biểu với tư cách Chủ tịch tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (American Economic Association). Sau khi giải thích rằng kinh tế học vĩ mô (macroeconomics) được hình thành nhằm đáp lại những đòi hỏi đặt ra trong thời Đại suy thoái, ông này tuyên bố rằng nay đã đến lúc lĩnh vực này phải phát triển thêm nữa, bởi “vấn đề trọng tâm – ngăn ngừa suy thoái – trên thực tế đã được giải quyết xong”. Lucas không có ý nói rằng chu kỳ kinh tế, bao gồm những đợt suy thoái và tăng trưởng nối tiếp nhau bất thường mà chúng ta đã chứng kiến ít nhất là một thế kỷ rưỡi vừa qua, đã đi qua. Nhưng ông ta cho rằng chu kỳ này đã được chế ngự đến mức chẳng cần phải làm gì thêm nữa, bởi việc nỗ lực dẹp bỏ hoàn toàn những “lắc lư” trong tăng trưởng kinh tế hầu như không đem lại mấy lợi ích cho cái chung. Thay vào đó, nên chuyển sự tập trung sang những vấn đề như tăng trưởng kinh tế dài hạn. Mà cũng chẳng phải chỉ có mình Lucas tin rằng vấn đề phòng ngừa suy thoái đã được giải quyết trọn vẹn. Một năm sau Ben Bernanke (cựu Giáo sư trường Princeton, sau này tham gia Hội đồng thống đốc và hiện là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang) trong bài phát biểu cực kỳ lạc quan mang tên “Thời kỳ ôn hòa vĩ đại” (The great moderation) cũng nói tương tự như Lucas, đại ý rằng chính sách kinh tế vĩ mô trong thời hiện đại đã giải quyết vấn đề chu kỳ kinh tế, hay nói chính xác hơn là giảm thiểu độ ảnh hưởng của nó xuống chỉ còn là một sự phiền phức vặt vãnh, chứ không phải là một vấn đề bức thiết nữa. Chỉ vài năm sau, khi cả thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính rất giống những năm 1930, khi nhìn lại chúng ta có thể thấy những tuyên bố nói trên dường như ngạo mạn đến mức khó tin. Điều đáng kinh ngạc nhất về sự lạc quan thái quá đó chính là việc ngay từ thập niên 1990, những vấn đề kinh tế tương tự như hồi Đại suy thoái đã xuất hiện tại một số quốc gia, trong đó có cả Nhật – nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Đến những năm đầu thế kỷ XXI này, các vấn đề suy thoái vẫn chưa ảnh hưởng tới nước Mỹ, trong khi lạm phát – nỗi kinh hoàng của những năm 1970 – lại có vẻ đã được kiểm soát tốt. Trong khi đó, những tin tức khá êm dịu về kinh tế lại hòa quyện với một bối cảnh chính trị rất dễ khiến người ta lạc quan: trong suốt 9 thập kỷ gần đây, thế giới chưa bao giờ lại thuận lợi cho kinh tế thị trường hơn thế! Sự thành công của Chủ nghĩa tư bản Đây là cuốn sách về kinh tế học, nhưng kinh tế học tất nhiên diễn ra trong một bối cảnh chính trị cụ thể. Do đó, bạn sẽ không thể cắt nghĩa sự lạc quan về kinh tế nói trên nếu không xét tới một sự kiện chính trị căn bản của thập niên 1990: đó là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội, không chỉ như một hệ tư tưởng chủ đạo, mà còn với tư cách một ý tưởng có thể làm thay đổi tư duy của mọi người. Thật kỳ lạ khi sự sụp đổ này bắt đầu từ Trung Quốc. Đến nay, người ta vẫn cảm thấy kỳ lạ khi nhận ra rằng Đặng Tiểu Bình đã dẫn dắt đất nước của ông đi theo con đường kinh tế thị trường từ năm 1978, chỉ ba năm sau khi những người cộng sản thắng lợi trong cuộc chiến Việt Nam, hai năm sau thất bại của những người Mao-ít cấp tiến đang muốn khôi phục lại Cách mạng Văn hóa. Có lẽ chính ông Đặng cũng không nhận ra con đường đó lại dẫn đất nước của ông đi xa đến vậy so với những tư tưởng kinh tế lúc đầu của họ; và phần còn lại của thế giới đã mất một thời gian khá dài để nhận ra rằng hơn một tỷ người Trung Quốc đã “lẳng lặng” đi theo kinh tế thị trường! Thực sự mà nói, mãi cho đến đầu thập niên 1990 công cuộc cải cách của Trung Quốc vẫn chưa được giới trung lưu[1]và những người quan tâm đến chính trị – xã hội trên thế giới nhận ra và đánh giá đúng đắn. Trong các sách vở bán chạy nhất thời kỳ đó, kinh tế thế giới vẫn được cho là cuộc đối đầu trực diện giữa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Còn Trung Quốc nếu có được nghĩ đến thì vẫn với tư cách một đối thủ hạng hai, cùng lắm chỉ là một phần của khối “yên Nhật” ( yen bloc ) đang trỗi dậy mà thôi. Tuy nhiên, lúc đó mọi người đều nhận thấy quả là có một điều gì đó đang diễn ra. “Điều gì đó” chính là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Không ai thực sự hiểu điều gì đã xảy ra với chế độ Xô viết. Ngày nay, khi mọi việc đã qua, chúng ta có thể thấy cấu trúc của nó có nhiều vấn đề đến mức chắc chắn cuối cùng sẽ sụp đổ. Thế mà chế độ đó đã từng đứng vững qua nội chiến và nạn đói, đã từng chiến thắng chủ nghĩa phát xít, đã từng có khả năng tập trung và huy động những nguồn lực khổng lồ về khoa học và công nghiệp để thách thức sức mạnh hạt nhân của nước Mỹ. Việc siêu cường này tan rã một cách đầy bất ngờ không dưới sức ép của một “cú đánh” nào quả là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất của kinh tế chính trị học. Có lẽ đó chỉ đơn thuần là vấn đề thời gian; bởi dường như nhiệt tình cách mạng và sự sẵn sàng tiêu diệt mọi đối thủ vì một lợi ích cao cả nào đó không thể kéo dài quá một vài thế hệ. Hoặc bởi vì chế độ đó dần dần bị xói mòn do phe tư bản chủ nghĩa mãi không chịu suy thoái và tan rã. Cá nhân tôi thì có một quan điểm riêng (hoàn toàn không dựa trên chứng cứ nào!) rằng chính sự trỗi dậy của các nền kinh tế tư bản châu Á đã, một cách tinh tế nhưng rất sâu sắc, làm nản lòng chế độ Xô viết, bằng việc làm cho tuyên bố của họ về việc nắm được quy luật lịch sử (trong phát triển kinh tế xã hội) trở nên kém tin cậy hơn bao giờ hết. Cuộc chiến gây hao tổn tài lực mà không thể kết thúc thắng lợi tại Afghanistan và việc thất bại rõ ràng của nền công nghiệp trong cuộc chạy đua vũ trang với chính quyền Reagan cũng khiến quá trình sụp đổ của họ diễn ra nhanh hơn. Dù lý do gì đi nữa, vào năm 1989 khối phụ thuộc Liên Xô tại Đông Âu thình lình tan rã, và hai năm sau đó thì chính Liên bang Xô viết cũng sụp đổ luôn. Cả thế giới, với những mức độ nhiều ít, rõ ràng hay kém rõ ràng khác nhau, đều cảm thấy tác động của những sự kiện nói trên. Và tất cả những tác động, ảnh hưởng của chúng đều có lợi cho sự ưu thắng về chính trị và tư tưởng của chủ nghĩa tư bản. Trước hết, hàng trăm triệu người trước đây sống trong các nước xã hội chủ nghĩa nay trở thành công dân của những nước sẵn sàng đón nhận và thử áp dụng kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là điều này hóa ra lại là hậu quả ít quan trọng nhất của sự sụp đổ (của Liên Xô) nói trên. Ngược với kỳ vọng của nhiều người, các nền kinh tế chuyển đổi tại Đông Âu không hề nhanh chóng trở thành một lực lượng quan trọng và có tiếng nói trên thị trường toàn cầu, hay trở thành một đích đến được đánh giá cao của đầu tư nước ngoài. Thời gian chuyển đổi của họ nhìn chung rất khó khăn, chẳng hạn với nước Đức thống nhất thì Đông Đức trở thành một vùng tương tự như vùng Mezzogiorno[2]của nước Ý – chậm phát triển và gây ra những quan ngại về xã hội và tài chính. Đến nay, tức là chỉ sau hai thập kỷ kể từ ngày khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, một số nước như Ba Lan, Estonia và Cộng hòa Sec mới bắt đầu có vẻ thành công. Bản thân nước Nga thì trở thành một nguồn bất ổn về chính trị và tài chính cho phần còn lại của thế giới. Nhưng thôi, chúng ta hãy quay trở lại câu chuyện này trong Chương 6. Một hậu quả trực tiếp nữa của sự sụp đổ của Liên Xô là việc một số chính phủ vốn quá phụ thuộc vào viện trợ hào phóng của siêu cường này từ nay phải tự xoay xở một mình. Trước đây những quốc gia này vẫn được những đối thủ của chủ nghĩa tư bản lý tưởng hóa, thậm chí thần tượng hóa; còn bây giờ sự nghèo khó đột ngột cùng những hé lộ về sự phụ thuộc của họ vào Liên Xô trong quá khứ đã khiến những phong trào phản đối chủ nghĩa tư bản trở nên kém giá trị và bị xói mòn. Cuba chẳng hạn, trước kia là biểu tượng hấp dẫn cho phong trào cách mạng tại châu Mỹ Latinh, khi nước này hiên ngang và đơn độc thách thức Mỹ – một biểu tượng đẹp hơn nhiều so với những quan chức quan liêu tại Moscow. Giờ đây, một nước Cuba thời hậu Xô viết gặp rất nhiều khó khăn đã chỉ rõ rằng hình ảnh và vị thế quả cảm của họ trước kia được hỗ trợ rất rất nhiều bởi chính những quan chức quan liêu đó! Tương tự, cho đến tận những năm 1990, Chính phủ Bắc Triều Tiên vẫn còn mang vẻ kỳ bí và hấp dẫn với những người cấp tiến trong giới sinh viên Hàn Quốc. Còn giờ đây, khi người dân Bắc Triều Tiên đang thật sự khó khăn vì thiếu viện trợ của Liên Xô, sức hấp dẫn đó cũng đã bay đi! Ngoài ra, một ảnh hưởng nữa là sự “biến mất” của nhiều phong trào cấp tiến, mà dù tuyên bố theo đuổi mục tiêu cách mạng cao đẹp nào đó, nhưng không thể tồn tại nếu thiếu tài trợ và cung cấp vũ khí của Moscow. Các nước châu Âu từng tuyên bố rằng những nhóm cấp tiến của thập niên 70 và 80 như Baader-Meinhof tại Đức hay Red Army Brigades tại Ý hoàn toàn không có liên hệ gì với các nước xã hội chủ nghĩa, song đến nay chúng ta đều biết rằng họ rất phụ thuộc vào khối Xô viết, nên khi khối này tan rã, những tổ chức kia cũng biến mất luôn. Trên mọi thứ, sự sụp đổ của Liên Xô cũng làm tan vỡ luôn giấc mơ chủ nghĩa xã hội. Trong suốt một thế kỷ rưỡi trước đó, ý tưởng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” của chủ nghĩa xã hội là ý tưởng cốt lõi cho những ai chống lại bàn tay của thị trường. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa quốc gia viện dẫn những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khi muốn ngăn cản đầu tư từ nước ngoài hay từ chối trả những khoản nợ nước ngoài; các công đoàn cũng dùng chúng khi đòi tăng lương; ngay cả một số doanh nhân cũng nói đến những nguyên tắc chủ nghĩa xã hội mơ hồ khi đòi bảo hộ bằng thuế quan hay trợ cấp cho sản phẩm của họ. Một số Chính phủ ít nhiều đi theo kinh tế thị trường cũng e ngại chính sách triệt để cam kết với thị trường hoàn toàn tự do sẽ bị xem là quá vô nhân đạo, phản xã hội (anti-social)… Nhưng nay liệu còn ai có thể đường hoàng tự tin sử dụng những lập luận trên của chủ nghĩa xã hội nữa? Vốn là một người thuộc thế hệ bùng nổ dân số sau Thế chiến II, tôi có thể nhớ được khoảng thời gian lúc các ý tưởng về cách mạng, về những con người can đảm có khả năng thúc đẩy lịch sử đi về phía trước tươi sáng hơn có sức hấp dẫn lớn lao với mọi người. Ngày nay, sau tất cả những cuộc thanh trừng và gulag, nước Nga vẫn lạc hậu và tham nhũng như ngày trước, sau Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt, người Trung Quốc nay đã nhận ra rằng làm ra tiền của là sứ mệnh tốt đẹp nhất. Tất nhiên vẫn còn những người cánh tả cấp tiến bướng bỉnh tuyên bố rằng một chủ nghĩa xã hội thực thụ vẫn chưa được xây dựng, và những người cánh tả ôn hòa hơn khi cho rằng (không phải là không có lý) người ta có thể không đi theo lý tưởng Mác – Lênin mà không nhất thiết phải trở thành môn đệ của Milton Friedman. Nói gì thì nói, sự nhiệt tình đã biến mất khỏi những phong trào đối lập với chủ nghĩa tư bản. Lần đầu tiên kể từ năm 1917, chúng ta nay sống trong một thế giới mà quyền tư hữu về tài sản và thị trường tự do được xem như những nguyên tắc cơ bản chứ không phải là những phương cách miễn cưỡng phải làm; còn những khía cạnh tiêu cực của thị trường như thất nghiệp, bất bình đẳng và bất công thì được chấp nhận như những thực tế của cuộc đời này. Như trong thời Victoria, chủ nghĩa tư bản được chấp nhận không chỉ vì sự thành công của nó (điều hoàn toàn là sự thực, như chúng ta sẽ xét dưới đây) mà còn vì con người hiện chẳng có giải pháp thay thế nào khả dĩ tốt hơn thế. Tình hình này không phải mãi mãi bất biến. Sớm muộn cũng sẽ có những tư tưởng, chủ thuyết và những giấc mơ mới xuất hiện, nhất là nếu cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại còn kéo dài và trầm trọng thêm. Nhưng hiện tại thì chủ nghĩa tư bản vẫn thắng thế trên thế giới. Việc thuần phục chu kỳ kinh tế Kẻ thù lớn nhất đối với sự ổn định của chủ nghĩa tư bản là chiến tranh và suy thoái. Đương nhiên chiến tranh sẽ còn tiếp tục xuất hiện với con người. Nhưng những cuộc chiến giữa các siêu cường suýt làm tan vỡ chủ nghĩa tư bản hồi giữa thế kỷ XX thì có lẽ khó có khả năng tái diễn trong một tương lai gần đây. Còn suy thoái thì sao? Cuộc Đại suy thoái năm nào đã gần như hủy hoại cả chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ, và ít nhiều nó cũng là nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh. Tuy nhiên, sau thời suy thoái là một giai đoạn tăng trưởng kinh tế bền vững trong thế giới công nghiệp, trong đó những đợt suy thoái diễn ra ngắn ngủi và không mấy nặng nề, còn những đợt phục hồi lại mạnh mẽ và bền vững. Đến cuối thập niên 1960, nước Mỹ đã trải qua một giai đoạn không suy thoái kéo dài đến mức mà các nhà kinh tế đã có thể tổ chức những cuộc hội thảo với tiêu đề đại loại như “Phải chăng chu kỳ kinh tế đã lỗi thời?”. Thực tế đã cho thấy vấn đề trên được đặt ra hơi sớm. Thập niên 70 được xem là thập niên của đình trệ – một kết hợp của suy giảm kinh tế và lạm phát. Tiếp theo hai cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1973 và 1979 là những đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm g y g 1930. Tuy nhiên đến những năm 1990 thì vấn đề thuần phục chu kỳ kinh tế lại được đặt ra một lần nữa, và như đã trình bày trong phần trên, cả Robert Lucas và Ben Bernanke vài năm trước đây đã mạnh dạn tuyên bố rằng tuy nền kinh tế có thể phải chịu những suy giảm lúc này hay lúc khác, nhưng các đợt suy thoái nghiêm trọng (chứ chưa nói tới suy thoái toàn cầu) đã ở phía sau lưng chúng ta. Bằng cách nào chúng ta có thể đi tới những kết luận và tuyên bố như trên, ngoài việc chỉ nhận thấy rằng nền kinh tế gần đây đã không trải qua một đợt suy thoái nặng nề nào? Để trả lời câu hỏi này có lẽ chúng ta phải đi lạc đề một chút, bằng việc tìm hiểu lại lý thuyết về chu kỳ kinh tế. Cụ thể hơn, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao các nền kinh tế thị trường lại trải qua những đợt suy thoái? Dù làm gì đi nữa, xin bạn đừng đưa ra những câu trả lời rõ ràng và hiển nhiên, kiểu như suy thoái xảy ra vì một lý do X nào đó, trong khi X đó chỉ là một lựa chọn thiên kiến của bạn. Sự thật là nếu bạn suy nghĩ về điều đó – nhất là khi bạn tin rằng thị trường sẽ cân bằng cung và cầu, thì rõ ràng suy thoái là một hiện tượng kỳ lạ và khó hiểu. Bởi trong trường hợp suy thoái kinh tế nghiêm trọng, dường như cung có khắp mọi nơi còn cầu thì hoàn toàn mất hút! Công nhân muốn làm việc nhưng không ai thuê, nhà máy thì không nhận được đơn đặt hàng, cửa hiệu thì không có khách… Tất nhiên có thể lý giải được tại sao cầu cho một số mặt hàng sút giảm: chẳng hạn nếu người ta sản xuất quá nhiều búp bê Barbie trong khi người mua thích loại Bratz hơn thì đương nhiên sẽ có một số lượng Barbie bán không được. Nhưng sẽ lý giải sao đây khi hầu như không có lượng cầu cho nhiều loại hàng hóa nói chung? Phải chăng người ta không phải xài tiền vào một thứ gì đó? Một phần của vấn đề chúng ta gặp phải khi nói về suy thoái là việc khó mà hình dung điều gì sẽ xảy ra trong thời gian này, ít ra là với tầm vóc con người. Nhưng tôi thích dùng câu chuyện sau đây vừa để giải thích về suy thoái, vừa như là một cái “bơm trực giác” cho những suy nghĩ của riêng mình. Đây là một chuyện có thật, song trong Chương 3 tôi sẽ dùng một chút tưởng tượng để liên tưởng đến sự khó khăn của nước Nhật. Câu chuyện này được kể trong một bài báo của Joan và Richard Sweeney hồi năm 1978, với tiêu đề “Lý thuyết tiền tệ và cuộc Đại khủng hoảng của hợp tác xã giữ trẻ Đồi Capitol[3]”. Xin đừng vội cười tiêu đề này, đây là một câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Trong những năm 1970, vợ chồng nhà Sweeney tình cờ trở thành thành viên của một “hợp tác xã giữ trẻ”, nói đúng ra là một hội các cặp vợ chồng trẻ (đa số là những người làm việc tại Quốc hội), thỏa thuận chăm sóc và giữ con cái cho nhau. Hợp tác xã này khá đông với khoảng 150 cặp vợ chống, điều này không chỉ có nghĩa rằng có khá nhiều người giữ trẻ “tiềm năng”, mà còn cho thấy việc quản lý sao cho mọi cặp vợ chồng đều thực hiện những phần việc công bằng khi hỗ trợ nhau không hề là một việc dễ dàng chút nào! Là một tổ chức theo kiểu trao đổi, hỗ trợ qua lại nên hợp tác xã giữ trẻ Đồi Capitol cũng thực hiện việc phát hành các phiếu (coupon): người cầm phiếu sẽ nhận được một giờ giữ trẻ (cho con cái của họ). Khi giữ trẻ cho người khác, người giữ trẻ sẽ nhận được số coupon tương ứng từ người có con đang nhờ họ giữ hộ. Như vậy, hệ thống này hướng đến việc tạo công bằng cho mọi cặp vợ chồng tham gia hợp tác xã: theo thời gian, cặp nào cũng nhận được dịch vụ giữ trẻ bằng với số thời gian mà họ đã giữ con cho người khác. Nhưng mọi chuyện diễn ra không đơn giản như vậy. Người ta nhận ra rằng cần phải có một lượng coupon khá lớn được “lưu hành”. Này nhé, chẳng hạn một cặp vợ chồng có mấy buổi tối liên tục được tự do, nhưng chưa có kế hoạch đi đâu chơi cả, sẽ cố dự trữ coupon để dùng sau này (bằng cách đi giữ trẻ cho người khác), điều này sẽ kéo theo việc dự trữ coupon của một số gia đình khác bị giảm theo. Nhưng sau một thời gian thì gia đình nào cũng cố dự trữ một số coupon nhất định để dành cho những chuyến đi chơi giữa những giai đoạn phải trông con. Việc phát hành coupon cũng rắc rối: các cặp vợ chồng nhận coupon khi gia nhập và phải trả lại khi rời hợp tác xã, nhưng cũng phải trả một ít phí bằng các coupon dành cho các nhân viên hành chính của hợp tác xã đó. Nói chung chi tiết ở đây còn dài và không mấy quan trọng, vấn đề là ở chỗ sẽ đến một lúc mà có rất ít coupon lưu hành trong cộng đồng này, quá ít để có thể đáp ứng nhu cầu của các thành viên. Kết quả xảy ra lúc này là rất đặc biệt. Những cặp vợ chồng cảm thấy dự trữ coupon của họ không đủ sẽ nóng lòng muốn đi giữ trẻ hộ người khác và không muốn đi chơi nữa. Nhưng quyết định đi chơi của một cặp vợ chồng lại chính là cơ hội giữ trẻ của một cặp khác, cho nên những cơ hội này trở nên hiếm hoi đi, điều này đến lượt nó lại khiến người ta càng miễn cưỡng sử dụng coupon (trừ những khi bất đắc dĩ). Kết quả là các cơ hội được giữ trẻ tiếp tục giảm đi nhiều hơn nữa… Nói ngắn gọn, hợp tác xã giữ trẻ này đã rơi vào suy thoái. OK, câu chuyện đã hết. Bạn cảm thấy như thế nào? Nếu ai đó cảm thấy bối rối – đây là cuốn sách về khủng hoảng kinh tế, chứ đâu phải về chăm sóc trẻ em? – thì người đó đã không hiểu được vấn đề. Cách duy nhất để hiểu một hệ thống phức tạp như kinh tế toàn cầu là phải xem xét các hình mẫu đơn giản của nó. Những hình mẫu (model) đó có thể chỉ là những hệ thống phương trình, hay chương trình máy tính (như trong dự báo thời tiết); nhưng cũng có khi chúng giống như những mô hình máy bay được thử nghiệm khí động học trong đường hầm gió, giúp các nhà thiết kế kiểm tra và quan sát dễ hơn. Theo đó, hợp tác xã giữ trẻ Đồi Capitol chính là một nền kinh tế thu nhỏ, hay đúng hơn là nền kinh tế nhỏ nhất có khả năng rơi vào suy thoái. Nhưng sự suy thoái mà hợp tác xã này trải qua hoàn toàn là thật, giống như sức nâng mà cánh của máy bay mô hình tạo ra là thật vậy. Và cũng giống như hoạt động của máy bay mô hình giúp nhà thiết kế hiểu hơn về hoạt động của máy bay thực, những thăng trầm của hợp tác xã trong ví dụ trên cũng sẽ giúp chúng ta có được những cái nhìn sâu sắc và thông hiểu hơn về lý do tại sao toàn bộ nền kinh tế có thể thành công hay thất bại. Còn nếu bạn không bối rối mà cảm thấy bực mình, vì chỉ được nghe một câu chuyện mang tính chất răn dạy về những cặp vợ chồng trẻ ở thủ đô Washington thay vì bàn luận về những vấn đề nghiêm túc, thì bạn cũng sai nốt! Hãy nhớ lại điều tôi nói trong phần giới thiệu: óc khôi hài, hay sự sẵn sàng “chơi đùa” với các ý tưởng không những làm cho mọi việc trở nên vui vẻ dễ chịu mà còn đặc biệt quan trọng trong những thời điểm như hiện nay. Đừng bao giờ tin một nhà thiết kế máy bay nào nói “không” với các mô hình máy bay, cũng như đừng bao giờ tin vào một chuyên gia kinh tế nào từ chối nghiên cứu những mô hình kinh tế! Khi xảy ra, câu chuyện về hợp tác xã giữ trẻ nói trên đã trở thành một công cụ hữu hiệu để hiểu được những vấn đề không hề khôi hài chút nào của nền kinh tế thực. Các mô hình lý thuyết theo phương pháp toán học mà các nhà kinh tế hay sử dụng thường nghe có vẻ phức tạp hơn nhiều, song kết quả của chúng hoàn toàn có thể diễn đạt một cách đơn giản thành những câu chuyện như về hợp tác xã nói trên (còn nếu không thể diễn đạt đơn giản như vậy thì dường như mô hình lý thuyết …có vấn đề!). Tôi sẽ còn quay trở lại câu chuyện về hợp tác xã giữ trẻ này một vài lần nữa, trong những ngữ cảnh khác nhau. Còn bây giờ, hãy xem xét hai hàm ý của câu chuyện: bằng cách nào mà suy thoái có thể xảy ra, và bằng cách nào để đối phó với chúng. Đầu tiên, tại sao hợp tác xã giữ trẻ lại rơi vào suy thoái? Lý do không phải vì các thành viên không hoàn thành tốt dịch vụ giữ trẻ: họ có thể làm tốt hoặc không, nhưng đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Cũng không phải là do hợp tác xã gặp rắc rối từ những “giá trị Đồi Capitol” hay “chủ nghĩa giữ trẻ thân hữu”[4], hoặc không thể điều chỉnh công nghệ giữ trẻ theo kịp những đối thủ của nó. Vấn đề không phải là khả năng “sản xuất” của hợp tác xã, mà đơn giản chỉ là một sự thiếu hụt về “lượng cầu thực sự” (effective demand): có quá ít tiêu xài vào hàng hóa thực (ở đây là thời gian giữ trẻ) bởi mọi người đều đua nhau tích trữ tiền mặt (ở đây chính là các coupon). Bài học cho nền kinh tế thực là: tính dễ tổn thương và chịu thiệt hại từ chu kỳ kinh tế ít hoặc chẳng liên quan gì đến các sức mạnh và điểm yếu cơ bản của nền kinh tế cả; những điều tồi tệ có thể xảy ra ngay với cả những nền kinh tế “khỏe mạnh”. Thứ hai, trong trường hợp này, đâu là giải pháp? Bài báo của Sweeney cho biết thoạt tiên ban quản trị của hợp tác xã (bao gồm đa phần là các luật sư làm việc tại Quốc hội) không tin rằng đây chỉ là một vấn đề mang tính kỹ thuật và có thể giải quyết một cách dễ dàng. Thay vào đó, họ xem đây là một vấn đề mang tính “cơ cấu” (structural problem, theo cách nói của các nhà kinh tế), đòi hỏi một hành động trực tiếp. Do đó, họ đưa ra một quy tắc buộc mỗi cặp vợ chồng phải ra ngoài đi chơi ít nhất 2 lần mỗi tháng (qua đó tăng cơ hội giữ trẻ cho những người khác). Tuy nhiên, cuối cùng thì những nhà kinh tế và giải pháp của họ đã thắng thế, người ta quyết định phải tăng số lượng coupon phát hành. Kết quả rất ấn tượng: với dự trữ coupon tăng lên, các cặp vợ chồng sẵn lòng đi chơi nhiều hơn, tạo nhiều “cơ hội việc làm” hơn, từ đó lại khiến người ta đi chơi nhiều hơn nữa v.v…Tổng sản phẩm[5]của hợp tác xã – đo lường bằng số giờ giữ trẻ – tăng vọt. Một lần nữa, điều này xảy ra không do chất lượng giữ trẻ tốt hơn hay do một quá trình cải cách căn bản nào, mà chỉ là do sự căng thẳng về coupon được giải tỏa. Nói cách khác, suy thoái có thể được xử lý dễ dàng đến mức đáng ngạc nhiên qua việc… in thêm tiền. Bây giờ chúng ta quay lại với chu kỳ kinh tế và thế giới thực! Nền kinh tế của một quốc gia, dù là một quốc gia nhỏ bé, cũng phức tạp hơn nhiều so với hợp tác xã trong ví dụ ở phần trên. Người ta có thể xài tiền không chỉ cho những nhu cầu hiện tại mà còn để đầu tư cho tương lai (hãy tưởng tượng tình huống bạn thuê các thành viên hợp tác xã để đóng các xe đẩy cho con mình, thay vì thuê họ giữ trẻ). Trong nền kinh tế thực còn tồn tại thị trường vốn, nơi người dư tiền cho người cần tiền vay với một khoản tiền lãi nhất định. Nhưng các vấn đề cơ bản thì vẫn tương tự: suy thoái xảy ra khi toàn thể công chúng cố gắng tích trữ tiền mặt hoặc những thứ tương đương, tiết kiệm nhiều hơn đầu tư; và vấn đề suy thoái thông thường có thể được giải quyết đơn giản bằng việc in thêm tiền/phát hành thêm coupon! Người phát hành coupon trong thế giới hiện đại là các ngân hàng trung ương: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) v.v… Nhiệm vụ của họ là giữ cho nền kinh tế trong trạng thái cân bằng thông qua việc bơm vào hay rút ra lượng tiền mặt cần thiết. Nhưng nếu mọi chuyện dễ dàng như vậy, tại sao chúng ta vẫn trải qua những đợt suy giảm kinh tế? Tại sao các ngân hàng trung ương không luôn in đủ tiền để tạo đủ việc làm cho tất cả mọi người? Trước Thế chiến II, nói một cách đơn giản thì những nhà làm chính sách chẳng có khái niệm gì về những việc họ phải làm. Còn ngày nay toàn bộ các nhà kinh tế từ Milton Friedman cho đến những người cánh tả, đều đồng ý rằng Đại suy thoái là do sự sụt giảm của lượng cầu thực sự, do đó Cục Dự trữ Liên bang lẽ ra phải chống suy thoái bằng việc bơm tiền vào nền kinh tế. Nhưng vào thời gian khủng hoảng 1929–1933 quan niệm này còn chưa hề được chấp nhận như một “lẽ thường”. Nhiều nhà kinh tế sáng giá lúc đó theo thuyết định mệnh, coi suy thoái như là hậu quả tất yếu của sự phát triển kinh tế quá mức trước đó, và xem đây là một quá trình tốt. Theo Joseph Schumpeter, việc phục hồi của nền kinh tế “… chỉ thực sự lành mạnh nếu phát sinh từ nội tại của nó. Bất kỳ phục hồi nào do những kích thích nhân tạo sẽ làm cho giai đoạn suy thoái không hoàn tất, và do đó sẽ mang lại thêm những vấn đề mới do (nền kinh tế) không điều chỉnh kịp, từ đó đặt nền kinh tế trước nguy cơ khủng hoảng tiếp theo”. Thuyết định mệnh này biến mất sau chiến tranh, và suốt một thế hệ sau đó các nước đã nỗ lực thành công trong việc kiểm soát chu kỳ kinh tế: suy thoái hiếm khi xảy ra, việc làm trở nên dồi dào trong nền kinh tế. Đến cuối thập niên 1960 nhiều người bắt đầu tin rằng chu kỳ kinh tế không còn là một vấn đề nghiêm trọng; ngay cả Tổng thống Richard Nixon cũng hứa hẹn sẽ “điều chỉnh” (fine-tune) nền kinh tế. Thật là một sự ngạo mạn, và khiếm khuyết chết người của chính sách toàn dụng nhân công trở nên rõ ràng vào thập niên 1970. Nếu Ngân hàng trung ương quá lạc quan về số việc làm được tạo ra, nếu họ bơm quá nhiều tiền vào lưu thông, thì hậu quả sẽ là lạm phát. Và khi lạm phát ăn sâu vào kỳ vọng của công chúng, nó sẽ chỉ có thể được giải quyết thông qua một thời kỳ với tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài. Thêm vào một số cú sốc bất chợt về giá – chẳng hạn việc giá dầu tăng gấp đôi – thế là bạn đã có suy thoái kinh tế quy mô nhỏ. Nhưng đến giữa thập niên 80, lạm phát dịu bớt xuống những tỷ lệ chấp nhận được, cung về dầu khá dồi dào, và các Ngân hàng trung ương dường như bắt đầu hiểu được cách quản lý kinh tế. Thực sự mà nói, cú sốc mà nền kinh tế trải qua dường như củng cố niềm tin rằng chúng ta đã hiểu được hoàn toàn rõ ràng về suy thoái và khủng hoảng. Chẳng hạn năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, với mức sụt giảm có ngày lên tới mức sụt giảm trong ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng năm 1929. Nhưng Cục Dự trữ Liên bang bơm tiền vào hệ thống, nền kinh tế thực không suy giảm và chỉ số Dow phục hồi một cách nhanh chóng sau đó. Đến cuối những năm 1980 những quan chức ở Ngân hàng trung ương quá lo lắng trước một đợt tăng nhẹ của lạm phát đã bỏ qua những dấu hiệu của suy thoái và chuyển sang chống lạm phát. Tuy điều này khiến Tổng thống George H. W. Bush phải trả giá bằng vị trí của mình, đợt suy thoái lần này tiếp tục bị khống chế thành công với những “toa thuốc” thông thường, và nước Mỹ lại bước vào một giai đoạn tăng trưởng bền vững mới. Đến cuối những năm 1990 có vẻ như người ta chắc chắn rằng chu kỳ kinh tế, nếu không được loại trừ hoàn toàn, thì ít ra cũng đã được “thuần phục” và khống chế một cách dứt khoát. Công trạng lớn nhất trong thành tích kiểm soát được chu kỳ kinh tế dành cho những nhà quản lý tiền tệ: có lẽ trong lịch sử chưa có chuyên gia Ngân hàng trung ương nào mang vẻ thần bí như Alan Greenspan. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cấu trúc nội tại của nền kinh tế đã có những thay đổi phù hợp, tạo điều kiện cho sự phát triển thịnh vượng liên tục. Công nghệ là người cứu tinh Xét trên phương diện thuần túy công nghệ chúng ta có thể nói thời đại công nghệ thông tin hiện đại bắt đầu khi hãng Intel giới thiệu bộ vi xử lý (microprocessor) – tức là một bộ máy computer trên một con chip – vào năm 1971. Đầu thập niên 80 các sản phẩm sử dụng công nghệ này như máy fax, trò chơi điện tử và máy tính cá nhân đã trở nên phổ biến. Nhưng vào thời đó tất cả những điều này chưa có vẻ gì giống một cuộc cách mạng cả. Mọi người cho rằng các ngành công nghiệp thông tin sẽ tiếp tục bị thống trị bởi những tập đoàn cỡ bự và quan liêu như IBM; hoặc mọi công nghệ mới đều đi theo con đường chúng đã đi với các sản phẩm như máy fax, VCR và trò chơi điện tử – tức là công nghệ do người Mỹ phát minh ra nhưng chỉ trở thành các sản phẩm bán được qua tay những nhà sản xuất Nhật Bản. Tuy nhiên đến những năm 90 của thế kỷ XX thì mọi người đều thấy rõ rằng các ngành công nghiệp thông tin làm thay đổi tận gốc vẻ ngoài và bên trong của nền kinh tế của chúng ta. Lợi ích của công nghệ thông tin rốt cuộc lớn đến mức nào đến nay vẫn còn chưa rõ. Nhưng điều không thể chối cãi là những công nghệ mới này đã có những ảnh hưởng rõ rệt lên cách thức chúng ta làm việc, nhiều hơn bất kỳ thay đổi gì trong hai hay ba mươi năm trở lại đây. Người lao động Mỹ điển hình ngồi làm việc ở văn phòng, và suốt tám thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX hình ảnh cơ bản của một văn phòng là máy đánh chữ và ngăn chứa hồ sơ, các memo và các cuộc họp – nghĩa là đa số là “tĩnh” (vâng, máy photocopy Xerox cũng loại bỏ hoàn toàn giấy than nữa). Rồi đó, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi thứ thay đổi hoàn toàn với PC nối mạng trên từng bàn làm việc, email và Internet, hội nghị truyền hình (videoconference), làm việc từ xa qua mạng (telecommuting). Đó là những thay đổi về chất một cách hiển nhiên, tạo ra những tiến bộ vượt bậc theo một cách mà những tiến bộ về lượng không thể nào đạt được. Và chính ý thức về tiến bộ đó đã kéo theo một ý thức lạc quan về chủ nghĩa tư bản. Hơn thế nữa, các ngành mới này mang trở lại một hiện tượng mà chúng ta từng gọi tên là “sự lãng mạn tư bản chủ nghĩa”: những doanh nhân khởi nghiệp thành công với một mô hình kinh doanh hay một phát minh mới, trở nên thành đạt và giàu có. Kể từ thời Henry Ford, hình ảnh anh hùng ấy nay chỉ còn là huyền thoại, khi nền kinh tế càng lúc càng do những tập đoàn lớn thống trị, với nhà lãnh đạo là những viên chức quan liêu chẳng khác gì những quan chức nhà nước! Năm 1968 John Kenneth Galbraith đã viết: “Với sự xuất hiện của các công ty hiện đại, sự nổi lên của các tổ chức do đòi hỏi của công nghệ và việc lập kế hoạch, cũng như sự tách rời quyền sở hữu vốn và quyền điều hành công ty; doanh nhân khởi nghiệp (entrepreneur) với tư cách cá nhân nay không còn tồn tại nữa trong các ngành công nghiệp trưởng thành”. Và ai còn có thể nhiệt tình với chủ nghĩa tư bản mang màu sắc chủ nghĩa xã hội như vậy nữa? Tuy nhiên, chính những ngành công nghệ thông tin đã thay đổi hoàn toàn trật tự ấy. Như những câu chuyện hồi thế kỷ XIX, câu chuyện thành công hiện nay mang đậm tính cá nhân: những người có ý tưởng tốt, phát triển chúng trong những garage hay nhà bếp, và làm giàu từ nó. Các tạp chí kinh doanh trở nên đặc biệt hấp dẫn, thành công kinh doanh được ngưỡng mộ theo cách thức chưa từng xảy ra trong một thế kỷ trở lại đây. Và điều này tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng thị trường tự do. Bốn mươi năm trước đây, những người bảo vệ thị trường tự do và việc tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh khởi nghiệp gặp phải một vấn đề về hình ảnh: khi họ nói “doanh nghiệp tư nhân”, người ta nghĩ ngay đến General Motors; còn khi nói “doanh nhân”, đa số mọi người liên tưởng đến một người lịch lãm trong bộ đồ vest. Đến những năm 90, ý tưởng cũ về việc giàu có là kết quả của đạo đức, hay ít nhất là của sáng tạo, đã quay trở lại. Tuy nhiên, lý do lớn nhất cho sự lạc quan về kinh tế chính là tình trạng phồn vinh không chỉ ở những nước phát triển (ở đây sự phồn vinh thực ra không tới mức người ta đã kỳ vọng) mà còn ở nhiều nước khác, vốn không lâu trước đây vẫn bị coi là tuyệt vọng về kinh tế. Trái ngọt của toàn cầu hóa Cụm từ “Thế giới thứ ba” nguyên được tạo ra như là một biểu tượng của lòng tự hào: Jawaharlal Nehru sáng tạo ra cụm từ này để nói về những quốc gia không ngả theo cả phương Tây lẫn Liên Xô để giữ gìn tính độc lập, không liên kết của mình. Tuy nhiên chẳng bao lâu sau ý định chính trị đã phải nhường chỗ cho thực tế kinh tế: “thế giới ý p g g thứ ba” nay chỉ còn mang nghĩa nghèo đói, lạc hậu, kém phát triển. Hàm ý của cụm từ này nay không còn là một đòi hỏi chính đáng mà chỉ là sự vô vọng. Chính toàn cầu hóa đã gây ra những thay đổi đó: sự di chuyển của vốn và công nghệ từ các quốc gia có lương cao sang các quốc gia với mức lương thấp hơn, kéo theo tăng trưởng của xuất khẩu tại thế giới thứ ba, nơi thâm dụng lao động. Khó mà hình dung ra thế giới trước toàn cầu hóa, do đó chúng ta sẽ cùng quay trở lại khoảng một thế hệ trước đây tại thế giới thứ ba (thực ra hiện nay một số nước vẫn còn giữ nguyên những hình ảnh này!). Vào những ngày đó, mặc dù một số ít quốc gia Đông Á đã bắt đầu tăng trưởng nhanh và gây ra sự chú ý, đa số các nước đang phát triển (như Philippines, Indonesia hay Bangladesh) vẫn không có gì thay đổi: xuất khẩu nguyên liệu thô, nhập khẩu hàng chế tạo. Khu vực chế tạo trong nền kinh tế của họ có quy mô nhỏ, kém hiệu quả, được bảo hộ bởi hàng rào hạn ngạch nhưng vẫn tạo ra ít công ăn việc làm. Trong khi đó sức ép về dân số buộc nông dân phải canh tác cả trên những khu đất xấu hoặc tìm bất cứ cách nào khả dĩ để kiếm sống, chẳng hạn sống ngay trong những khu ổ chuột gần các thành phố. Trong tình hình đó, người ta có thể thuê nhân công ở Djakarta hay Manila với mức thù lao rẻ mạt. Nhưng vào thời gian giữa thập niên 70 thì giá nhân công rẻ là hoàn toàn chưa đủ để các nước đang phát triển có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới về hàng hóa chế tạo. Các nước phát triển với những lợi thế cố hữu (cơ sở hạ tầng và công nghệ, quy mô thị trường, khả năng tiếp cận gần gũi với các nhà cung cấp của các bộ phận lắp ráp chính, tính ổn định chính trị, những điều chỉnh xã hội tinh tế nhưng sâu sắc giúp nền kinh tế vận hành tốt) dường như vẫn chiếm ưu thế, dù chênh lệch về chi phí lao động giữa họ với những nước đang phát triển có thể lên tới mười hay hai mươi lần đi chăng nữa. Ngay cả những người cấp tiến cũng cảm thấy tuyệt vọng trước khả năng lật ngược tình thế này: vào thập niên 70 những lời kêu gọi về một “trật tự kinh tế thế giới mới” chỉ tập trung vào việc nâng giá nguyên liệu thô, hơn là làm sao để các nước thuộc thế giới thứ ba gia nhập vào hàng ngũ các nước công nghiệp hiện đại. Rồi mọi việc bắt đầu thay đổi. Sự kết hợp của một số yếu tố mà chúng ta chưa hiểu được một cách thấu đáo, như giảm hàng rào thuế quan, phát triển viễn thông, sự xuất hiện của vận chuyển hàng không giá rẻ… đã làm giảm những bất lợi của việc sản xuất tại những nước đang phát triển. Bên cạnh đó, dù việc sản xuất tại các nước phát triển vẫn có lợi hơn (chúng ta thường nghe những câu chuyện về các doanh nghiệp chuyển sản xuất sang Mexico hay Đông Á, sau khi vấp phải những bất lợi về môi trường kinh doanh tại đây đã quyết định bỏ đi), nhưng ngày nay càng lúc càng có nhiều ngành mà chi phí lao động rẻ tạo lợi thế cạnh tranh cho các nước đang phát triển gia nhập thị trường thế giới. Một số nước trước kia chỉ xuất khẩu sợi đay và cà phê nay đã có thể sản xuất quần áo và giày dép để xuất khẩu. Những công nhân sản xuất quần áo và giày dép này chắc chắn sẽ được trả lương rất thấp và phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ. Tôi nói “chắc chắn” vì những ông chủ của họ chẳng hề kinh doanh hay sản xuất vì sức khỏe của công nhân, nên họ sẽ làm sao để chi phí lương cho người lao động là thấp nhất, mức thấp nhất này được quyết định bởi số lượng các cơ hội việc làm mà người lao động có thể có. Và trong đa số trường hợp đây vẫn là những nước rất nghèo. Tuy nhiên, chính trong những nước bắt đầu phát triển xuất khẩu đó đã có những tiến bộ không thể chối cãi trong mức sống của người dân nói chung. Một phần là do những ngành mới nổi cần đưa ra một mức lương hấp dẫn hơn để kéo công nhân từ những ngành khác. Quan trọng hơn là sự phát triển của ngành chế tạo cùng những công việc mới do các ngành xuất khẩu tạo ra đã gây ra một hiệu ứng gợn sóng [6] trong nền kinh tế. Sức ép lên nông nghiệp giảm khiến mức lương tại nông thôn tăng. Số người thất nghiệp tại đô thị cũng thu hẹp, khiến các nhà máy phải giành giật nhân công, dẫn tới mức lương tại các thành phố cũng tăng lên. Tại những quốc gia mà quá trình này diễn ra trong một thời gian đủ dài, như Đài Loan và Hàn Quốc, mức lương đã tăng lên ngang bằng với một số quốc gia phát triển. (Năm 1975 mức lương trung bình tính theo giờ tại Hàn Quốc chỉ bằng 5% so với Mỹ, nhưng đến năm 2006 tỷ lệ này đã vọt lên 62%). Tại những nền kinh tế công nghiệp hóa mới nổi, lợi ích của tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đối với công chúng không chỉ là một vấn đề mang tính chất phỏng đoán. Lấy ví dụ một nước nghèo như Indonesia chẳng hạn, nơi mà sự phát triển phải đo bằng lượng thực phẩm một người bình thường được nhận: trong giai đoạn từ 1968 đến 1990 khẩu phần bình quân đã tăng từ 2.000 lên 2.700 calorie/người/ngày, và tuổi thọ trung bình tăng từ 46 lên 63 tuổi. Người ta cũng ghi nhận những tiến bộ tương tự khắp vùng vành đai Thái Bình Dương, ngay cả những nơi như Bangladesh. Tiến bộ và phát triển không đến do những người từ tâm ở phương Tây – các khoản viện trợ nước ngoài, vốn chưa bao giờ là nhiều, đã liên tục thu hẹp trong những năm 1990 xuống đến mức gần như không còn gì. Mà đây cũng không hề là kết quả của những chính sách tốt đẹp của các chính phủ, vốn vẫn tham nhũng và nhẫn tâm như trước kia. Thực ra có thể nói đây là kết quả gián tiếp của các tập đoàn đa quốc gia và cả các doanh nghiệp địa phương tham lam, những người sẵn sàng chụp lấy những cơ hội kiếm lời nhờ nguồn nhân công giá rẻ. Rõ ràng đây chẳng phải là một hình ảnh hay câu chuyện mang tính đạo đức gì cho lắm, nhưng dù động cơ của các bên liên quan có tồi tệ tới đâu đi nữa thì kết quả của quá trình này vẫn là hàng trăm triệu người thoát nghèo và cuộc sống trở nên tốt hơn (dù vẫn còn khó khăn nhất định). Và một lần nữa, chủ nghĩa tư bản lại rất xứng đáng được ngợi khen vì thành tích này. Những người theo chủ nghĩa xã hội từ lâu đã hứa hẹn sẽ phát triển được kinh tế; đã có thời các nước thuộc thế giới thứ ba coi các kế hoạch 5 năm kiểu Stalin là hình ảnh một quốc gia lạc hậu có thể tự chuyển mình bước vào thế kỷ XX. Và ngay cả khi Liên Xô đã mất đi vòng hào quang của sự tiến bộ, rất nhiều trí thức vẫn tiếp tục tin rằng chỉ bằng việc từ bỏ cạnh tranh với những nền kinh tế phát triển hơn, các nước nghèo mới có cơ thoát khỏi cái bẫy của họ. Tuy nhiên đến thập niên 1990, đã có những hình mẫu chứng minh rằng phát triển nhanh chóng là hoàn toàn có thể; và điều này được thực hiện không phải qua việc tự cách ly bản thân mà qua việc hội nhập càng nhiều càng tốt với chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Những người hoài nghi và phê phán Không phải ai cũng vui vẻ với trật tự kinh tế thế giới mới sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong khi nước Mỹ có một thời gian thịnh vượng đáng kể, những quốc gia phát triển khác gặp một số phiền toái. Nước Nhật chưa thể phục hồi sau bong bóng kinh tế đầu thập niên 1990, trong khi châu Âu phải chịu tình trạng “Eurosclerosis” [7]– tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhất là trong giới trẻ, bất chấp những phục hồi về kinh tế. Sự thịnh vượng và những lợi ích có được từ tăng trưởng cũng không được phân chia một cách công bằng ngay tại Mỹ. Sự bất bình đẳng về thu nhập tăng cao đến mức chưa từng có kể từ thời “đại gia Gatsby”[8] , và theo những tính toán chính thức, tiền lương thực tế đã giảm đối với nhiều người lao động. Ngay cả khi người ta có thể nghi ngờ các con số thống kê, thì rõ ràng sự phát triển kinh tế Mỹ đã khiến 20-30 triệu người ở những bậc thấp nhất trong thang phân phối thực sự đã tụt lại phía sau! Ngoài ra, một số người cũng cảm thấy không hài lòng ở những điểm khác. Lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ tại các nước xuất khẩu thuộc thế giới thứ ba gây ra những chỉ trích về mặt đạo đức, và những người phê phán không thể chấp nhận nổi cách giải thích theo kiểu “công việc tồi tệ, mức lương tồi tệ còn hơn là … không có việc gì để làm!”. Ngoài ra, các nhà hoạt động nhân quyền cũng chỉ ra nhiều khu vực lớn của thế giới chẳng hề được hưởng lợi gì từ toàn cầu hóa: châu Phi chẳng hạn, đến nay vẫn là lục địa chìm trong nghèo khó, bệnh tật lan tràn và xung đột bất tận. Và như thường lệ, luôn có những người dự báo tin xấu. Nhưng kể từ những năm 1930, bất cứ khi nào có ai dự đoán sẽ có suy thoái mới sắp xảy ra, những người quan sát có lý trí lại học được cách … phớt lờ những cảnh báo đó. Đó chính là lý do tại sao những sự phát triển mang điềm báo xấu ở châu Mỹ Latinh nửa đầu thập niên 1990 – những gì mà nay chúng ta đã biết là báo hiệu cho khả năng quay lại của kinh tế học suy thoái – nhìn chung đã bị phớt lờ. [1] Nguyên bản là từ “chattering classes”: thuật ngữ thường được các nhà bình luận chính trị bảo thủ sử dụng, dùng để chỉ một bộ phận giai cấp trung lưu thành thị có học thức cao, quan tâm đến chính trị và xã hội, nhất là những người trong giới học thuật, chính trị hoặc truyền thông. [2]Tức vùng miền Nam và vùng đảo (Sicily và Sardegna) của nước Ý, xưa nay vốn kém phát triển hơn miền Bắc Ý. [3] Nơi có Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington. [4] Nguyên văn “crony baby-sittingism”, một lối chơi chữ theo từ “crony capitalism” – chủ nghĩa tư bản thân hữu, ám chỉ tình trạng “bố làm chính trị, con làm kinh tế” trong một số nước, nơi thành công kinh doanh dựa vào các quan hệ thân hữu với chính quyền và các quan chức Nhà nước. Có thể xem thêm bài viết sau của TS Nguyễn Sĩ Dũng trên báo điện tử Vietnamnet (http://vietnamnet.vn/nhandinh/2006/10/622194/). [5] Nguyên văn là GBP (Gross Baby-sitting Product), nói nhại theo cụm từ GDP – Tổng sản phẩm quốc nội. [6] Nguyên văn “ripple effect”, trong kinh tế mang hàm ý những đợt tăng trưởng hay tăng giá lan nhanh từ hoạt động hay nhóm dân cư này sang những hoạt động/nhóm dân cư khác như những gợn sóng nước. Alvin Toffler cũng sử dụng một khái niệm tương đương là “những làn sóng phát triển” (waves of development). [7]Eurosclerosis là thuật ngữ hình thành vào những năm 1980 để nói về hình mẫu kinh tế châu Âu, trong đó thất nghiệp tăng, khả năng tạo việc làm thấp dù kinh tế nhìn chung vẫn tăng trưởng. Tình trạng này ngược với tình trạng của Mỹ trong cùng giai đoạn, khi sự mở rộng và tăng trưởng đi kèm với việc tạo ra nhiều công ăn việc làm. Sau này, eurosclerosis được dùng để chỉ tình trạng đình đốn về kinh tế (economic stagnation). [8]Tên một tiểu thuyết nổi tiếng của F. Scott Fitzgerald (xuất bản lần đầu năm 1925) với bối cảnh “kỷ nguyên Jazz” – nước Mỹ những năm 1920, một thời kỳ tăng trưởng kinh tế sau Đại chiến thế giới I, nhưng đi kèm theo là sự bất bình đẳng trong thu nhập và suy thoái về các giá trị tinh thần. 2 KHỦNG HOẢNG TẠI CHÂU MỸ LATINH - LỜI CẢNH BÁO BỊ PHỚT LỜ Hãy hình dung một trò chơi mang tên “ghép từ”: một người nói ra một từ hay một cụm từ nào đó, người kia phải trả lời ngay bằng một từ khác liên quan đến từ chủ đề, từ đầu tiên nảy ra trong đầu anh ta. Giả sử người chơi này là một giám đốc ngân hàng, một viên chức tài chính hay một nhà kinh tế nhiều kinh nghiệm. Mãi cho đến gần đây, và thậm chí là ngay lúc này, nếu từ chủ đề mà bạn nêu lên là “khủng hoảng tài chính”, chắc chắn người kia sẽ đáp “Châu Mỹ Latinh”! Suốt nhiều thế hệ, các nước Mỹ Latinh liên tục chịu khủng hoảng tiền tệ, những vụ sụp đổ ngân hàng, các đợt siêu lạm phát, nói chung là đủ mọi loại “bệnh tật” về tiền tệ mà loài người hiện đại có thể biết tới! Những chính phủ yếu ớt được bầu lên được xen kẽ bằng những nhà độc tài quân sự, cả hai đều cố gắng giành sự ủng hộ của nhân dân bằng những chương trình dân túy tham vọng mà họ… không thể thực hiện nổi. Trong nỗ lực kiếm nguồn tài trợ cho những chương trình đó, các chính phủ xoay xở rất nhiều cách khác nhau, từ việc vay nợ nước ngoài dẫn tới khủng hoảng cán cân thanh toán và vỡ nợ, tới việc in thêm tiền dẫn tới siêu lạm phát. Tới nay, khi các nhà kinh tế trình bày những ví dụ về nguy hại của “chủ nghĩa dân túy trong kinh tế vĩ mô” trong đó kể về những cách làm đồng tiền một quốc gia bị ảnh hưởng, thì nghiễm nhiên ví dụ nêu tên đồng peso! Nhưng đến cuối thập niên 1980, dường như các nước Mỹ Latinh đã rút ra bài học. Hầu như chẳng ai ủng hộ nhà độc tài Pinochet, nhưng những cải cách mà ông ta thực hiện ở Chile đã rất thành công và được tiếp tục giữ nguyên khi đất nước này quay lại chính thể dân chủ vào năm 1989. Việc Chile quay lại các giá trị của thời Victoria[1]– tiền tệ lành mạnh[2]và thị trường tự do – đã trở nên rất ấn tượng và hấp dẫn, khi tốc độ tăng trưởng của nước này tăng mạnh. Hơn nữa, các chính sách cũ dường như đã khiến người ta hết sức chịu đựng: cuộc khủng hoảng nợ nần của khu vực kéo dài từ 1982 đến cuối thập kỷ, và ai cũng thấy rõ sự đòi hỏi cần có những thay đổi hết sức cấp bách và quyết liệt. Và thế là châu Mỹ Latinh cải cách. Các công ty quốc doanh được tư hữu hóa, hạn chế nhập khẩu được dỡ bỏ, thâm hụt cán cân thanh toán được thu hẹp. Kiềm chế lạm phát trở thành một ưu tiên, và chúng ta sẽ thấy một số quốc gia thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để lấy lại niềm tin vào đồng nội tệ của họ. Những nỗ lực này mau chóng được tưởng thưởng, không chỉ qua hiệu quả cao hơn của nền kinh tế mà còn qua sự tin tưởng trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Những quốc gia khốn khổ về tài chính suốt thập niên 80 (đến tận năm 1990, những chủ nợ muốn chạy khỏi các món nợ của khu vực này bằng cách bán quyền đòi nợ cho người khác sẵn sàng chịu rủi ro cao hơn đã phải chấp nhận mức giá khoảng 30 cent cho 1 USD nợ gốc!) nay đã trở thành con cưng của thị trường vốn quốc tế, với các nguồn tiền đổ vào làm giảm hẳn các khoản nợ của ngân hàng, điều gây ra cuộc khủng hoảng nợ trước đó của họ. Truyền thông quốc tế bắt đầu nói về một châu Mỹ Latinh “mới”, nhất là về “điều kỳ diệu Mexico”. Tháng 9/1994, báo cáo thường niên về tính cạnh tranh toàn cầu, do những người điều hành các hội nghị ở Davos soạn thảo, đã có đăng một thông điệp đặc biệt từ “người hùng” là ngài tổng thống Mexico, Carlos Salinas. Vỏn vẹn ba tháng sau, đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của họ – được biết đến dưới cái tên “khủng hoảng tequila”[3], một trong những đợt suy thoái nặng nề nhất mà một quốc gia đơn lẻ phải gánh chịu kể từ những năm 1930. Hậu quả của nó lan ra khắp vùng châu Mỹ Latinh, hầu như phá hủy hệ thống ngân hàng của Argentina. Sau này khi nhìn lại sự việc, người ta thấy lẽ ra cuộc khủng hoảng tequila phải được xem như một cảnh báo, rằng những đánh giá tốt của thị trường không phải là bất biến, những lời ngợi khen của báo chí hôm nay không hề đảm bảo bạn tránh khỏi sự mất lòng tin (của công chúng) vào ngày mai! Thế nhưng, cảnh báo đó đã bị bỏ qua. Để hiểu lý do của tất cả những việc này, chúng ta cần xem lại toàn bộ câu chuyện về cuộc khủng hoảng châu Mỹ Latinh đã bị người ta xem nhẹ như thế nào. Mexico: cất cánh từ thập niên 1980 Không ai có thể nói rằng chính phủ Mexico kém chuyên nghiệp. Ban tham mưu của ngài tổng thống gồm toàn những chuyên gia trẻ trung và có học thức cao – những người được gọi là Científicos, quyết tâm đưa đất nước thành một quốc gia hiện đại, đồng thời tin rằng để làm được điều đó cần hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Người ta hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài, quyền tư hữu của họ được bảo đảm. Ấn tượng với sự lãnh đạo rất tiến bộ như vậy, đầu tư nước ngoài tràn vào với khối lượng lớn, đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. OK, tôi đã đùa một chút với độc giả! Những dòng trên không mô tả chính phủ gần đây của Mexico. Mà đó là những dòng tôi mô tả về chế độ của Porfirio Díaz, tổng thống Mexico từ năm 1876 đến khi bị lật đổ vào năm 1911. Một thập niên nội chiến sau đó tiếp nối bằng một chính phủ mạnh mẽ, theo con đường dân túy, quốc gia, nghi ngờ đầu tư nước ngoài nói chung và nước Mỹ nói riêng. Các thành viên chính phủ mới của một chính đảng có cái tên rất “kêu” là Đảng Thể chế Cách mạng (PRI) muốn hiện đại hóa Mexico theo cách của họ: phát triển các ngành nội địa để phục vụ thị trường trong nước, hạn chế nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Ngoại tệ được chấp nhận khi nó không kéo theo sự kiểm soát của đối tác nước ngoài: Chính phủ Mexico cho phép các công ty vay tiền từ các ngân hàng Mỹ, với điều kiện cổ phần có quyền biểu quyết (voting shares) vẫn thuộc về bên Mexico. Chính sách kinh tế hướng nội này có thể đã không mấy hiệu quả. Trừ các maquiladoras (các nhà máy hướng về xuất khẩu được phép hoạt động ở một vùng hạn chế gần biên giới với Mỹ), nói chung Mexico không tận dụng được những lợi ích của làn sóng toàn cầu hóa. Nhưng một khi đã hình thành, chính sách phát triển này ăn sâu vào hệ thống chính trị và xã hội, được củng cố và bảo vệ bởi một “tam đầu chế” gồm: các ông trùm công nghiệp (có đặc quyền tiếp cận tín dụng và giấy phép nhập khẩu), các chính trị gia (nhận hối lộ từ các ông trùm này) và các công đoàn (đại diện cho một nhóm nhỏ những người lao động được trả lương cao trong những ngành được Chính phủ bảo hộ). Đến thập niên 1970, phải nói là Mexico đã rất cẩn trọng để không làm gì “quá sức” mình: tăng trưởng chỉ ở mức đáng thất vọng, nhưng hoàn toàn không xảy ra khủng hoảng kinh tế. Nhưng đến cuối những năm 1970 thì sự cẩn trọng đó đã bị “cuốn theo chiều gió”. Nền kinh tế Mexico tăng trưởng mạnh mẽ, hưởng lợi từ việc khám phá ra nhiều mỏ dầu mới với giá bán cao, cùng những khoản nợ lớn vay được từ các ngân hàng nước ngoài. Ít ai nhận ra những dấu hiệu cảnh báo khi tiền bạc đổ vào và nền kinh tế nóng lên. Lác đác vài bài báo nêu lên một số vấn đề về tài chính có thể xảy ra, song nhìn chung công luận xem Mexico (và châu Mỹ Latinh nói chung) hầu như không có rủi ro về tài chính. Điều này có thể được cụ thể hóa bằng những con số: đến tháng 7/1982, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mexico thậm chí còn thấp hơn lợi suất trái phiếu của ngay cả những tổ chức có uy tín và hầu như không có rủi ro như Ngân hàng Thế giới (World Bank)! Điều này có nghĩa các nhà đầu tư đánh giá khả năng không trả được nợ đúng hạn của quốc gia này là hoàn toàn không đáng kể. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, vào giữa tháng 8/1982, một phái đoàn các quan chức Mexico đã phải bay sang gặp bộ trưởng tài chính Mỹ để thông báo Mexico đã hết tiền và không có khả năng thanh toán các khoản nợ của họ. Trong vòng vài tháng, khủng hoảng lan rộng khắp châu Mỹ Latinh, khi các ngân hàng dừng việc cho vay và đòi người đi vay trả nợ. Bằng các nỗ lực tuyệt vọng – các khoản vay khẩn cấp từ chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements – BIS), các biện pháp điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, và những biện pháp được gọi dưới cái tên mỹ miều “cho vay hợp vốn” (concerted loan – các ngân hàng buộc phải cho quốc gia vỡ nợ vay tiền để trả tiền lãi trên dư nợ gốc!) – đa số các nước trong khu vực phải vật lộn để tránh tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, cái giá phải trả để tránh thảm họa tài chính theo những cách trên đây chính là một cuộc suy thoái nặng nề, sau đó nền kinh tế phục hồi chậm chạp và không liên tục. Năm 1986, thu nhập bình quân đầu người thực tế của Mexico thậm chí còn giảm đi 10% so với năm 1981; còn tiền lương thực tế giảm 30% so với thời kỳ trước khủng hoảng do ảnh hưởng của lạm phát cao bình quân khoảng 70% trong bốn năm trước đó. Một thế hệ những nhà cải cách mới xuất hiện. Qua những năm 1970, đã hình thành một “giai cấp” mới với ảnh hưởng ngày càng tăng trong bộ máy chính quyền và chính phủ tại Mexico. Đó là những người học thức cao (với những bằng cấp từ Harvard hay MIT), thông thạo tiếng Anh và có quan điểm quốc tế. Họ vừa có đủ chất Mexico để thích hợp với việc lèo lái “con thuyền PRI” vốn mang nặng phong cách gia trưởng, lại vừa đủ “Mỹ hóa” để hiểu rằng cần phải có những điều chỉnh thích hợp. Khủng hoảng kinh tế khiến những người theo đường lối kinh tế cũ lúng túng không tìm ra câu trả lời, và tạo cơ hội cho những nhà kỹ trị – những người có khả năng giải thích lý do thành công của những cải cách thị trường tại Chile, sự tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Hàn Quốc hay cách ổn định lạm phát tại Israel – bước lên diễn đàn. Họ không hề đơn độc trong quyết định của mình: đến giữa thập niên 80 nhiều nhà kinh tế trong khu vực đã từ bỏ quan điểm nhà nước ( statist views: ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế) của những năm 50-60 để ủng hộ cái gọi là “đồng thuận Washington”, với nội dung: tăng trưởng sẽ là cao nhất thông qua việc duy trì ngân sách lành mạnh, lạm phát thấp, thị trường phi điều tiết (deregulated markets) và tự do thương mại. Năm 1985 Tổng thống Miguel de la Madrid bắt đầu đưa học thuyết trên vào thực tiễn, chủ yếu thông qua việc tự do hóa thương mại của Mexico: giảm thuế quan và danh sách các mặt hàng nhập khẩu cần có giấy phép của chính phủ. Chính phủ bắt đầu bán một số công ty quốc doanh, nới lỏng các quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc sắc nhất là Tổng thống de la Madrid đã chỉ định người kế vị không phải là một lãnh tụ PRI như thường lệ, mà là một nhà cải cách hàng đầu: Bộ trưởng Kế hoạch và Ngân sách Carlos Salinas de Gortari, vốn có bằng tốt nghiệp Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard và được hỗ trợ bởi các cộng sự là các nhà kinh tế xuất sắc, đa phần học ở MIT. Tôi dùng cụm từ “chỉ định người kế vị” ở đoạn trên không phải là vô cớ. Hệ thống chính trị của Mexico trong giai đoạn từ 1920 đến 1990 quả là độc nhất vô nhị. Trên giấy tờ thì đó là chế độ dân chủ đại nghị, nhưng thật ra điều này chỉ thành sự thực vài năm trở lại đây mà thôi. Còn vào năm 1988, khi Salinas đắc cử tổng thống, thực ra đó chỉ là một phiên bản của trường phái chính trị truyền thống kiểu Chicago: hệ thống độc đảng (one-party system), trong đó các lá phiếu bầu sẽ được kiếm thông qua sự bảo trợ, thiếu hụt phiếu bầu sẽ được bù đắp bởi…việc kiểm phiếu sáng tạo (tức là gian lận trong kiểm phiếu – ND). Cái khác biệt tại Mexico chỉ là: tuy bản thân Tổng thống gần như là một ông vua trong nhiệm kỳ sáu năm và trở nên cực kỳ giàu có, ông ta không thể tái ứng cử mà phải rút lui và chuyển giao quyền lực cho một người kế vị được chỉ định (do đảng PRI đề cử), người này chắc chắn sẽ thắng cuộc trong kỳ bầu cử tiếp theo. Đến năm 1988 thì hệ thống này, cũng như chính đất nước Mexico, trở nên rất căng thẳng. Salinas gặp một đối thủ khó chơi trong kỳ bầu cử, đó là Cuauhtémoc Cárdenas [4], con trai của một cựu tổng thồng từng được nhân dân ưa chuộng. Ông này thách thức đường lối cải cách theo hướng thị trường tự do của Salinas bằng một đường lối truyền thống hơn, mang tính dân túy và chống tư bản chủ nghĩa. Đó là một cuộc bầu cử đóng, và Cárdenas dường như đã thắng. Tuy nhiên, kết quả chính thức thì lại không phải như vậy[5]. Salinas vẫn trở thành tổng thống, song khác với bất kỳ người tiền nhiệm nào, ông ta phải thực hiện các cam kết của mình (đã tuyên bố trong khi tranh cử). Để làm được điều này, ông ta phải trông cậy vào đội ngũ các chuyên gia kinh tế được đào tạo từ Cambridge của mình. Thành công của Salinas sau đó dựa trên hai động thái chính sách quan trọng. Một là việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Đầu năm 1989, sau khi bầu cử tại Mỹ kết thúc thành công, Chính phủ Mỹ bắt đầu thể hiện quyết tâm đối mặt với các thực tế khó khăn của họ. Chính phủ Mỹ bắt đầu thừa nhận một điều mà ai cũng đã biết từ lâu, rằng một số tổ chức tiết kiệm và cho vay đã đánh bạc với tiền đóng thuế của người dân, và do đó cần bị đóng cửa. Cùng lúc đó, trong một bài phát biểu gây ngạc nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nicholas Brady tuyên bố các khoản nợ của châu Mỹ Latinh là không thể hoàn trả đầy đủ, và các biện pháp xóa nợ cần được đặt ra. Cái gọi là kế hoạch Brady mang tính chất tình cảm hơn là một kế hoạch thực sự – bài phát biểu của Brady xuất hiện như một âm mưu trong serie phim hài Yes, Minister (Vâng, thưa Ngài Bộ trưởng), trong đó những quan chức chính phủ có khả năng lập ra một kế hoạch giảm nợ bị che mắt vì sợ rằng họ sẽ phản đối. Tuy nhiên điều này đã tạo cho những người Mexico một khởi đầu cần thiết: trong vòng vài tháng họ tạo ra một kế hoạch khả thi. Kết quả sau đó là Mexico đã thay thế phần lớn dư nợ quốc gia của mình bằng những trái phiếu Brady[6]có mệnh giá nhỏ hơn. Việc giảm nợ của kế hoạch Brady tại Mexico chỉ có kết quả khiêm tốn, song nó đánh dấu một bước ngoặt về tâm lý. Người Mexico vốn hay bị từ chối cho vay nay cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi các ngân hàng nước ngoài chịu chấp nhận phần nào giải pháp của họ, khiến nợ nần tạm không còn là vấn đề chính trị nóng bỏng của quốc gia nữa. Trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài từng e sợ khi bỏ tiền vào Mexico cảm thấy kế hoạch này đã giúp chấm dứt sự âu lo của họ và lại sẵn sàng mang “tiền tươi” vào đầu tư. Lãi suất mà Mexico buộc phải trả để giữ cho dòng tiền khỏi quay ra giảm mạnh, và do Chính phủ không phải trả lãi suất cao trên các khoản nợ, thâm hụt cán cân thanh toán mau chóng giảm theo. Chỉ một năm sau kế hoạch Brady, tình hình tài chính của Mexico hoàn toàn thay đổi. Giải pháp trên cho vấn đề nợ nần không phải là con bài duy nhất trong tay Salinas. Năm 1990 ông ta làm cả thế giới ngạc nhiên với đề nghị thành lập khối thương mại tự do với Mỹ và Canada (hai nước này đã thương lượng ký thỏa thuận tự do thương mại với nhau trước đó). Về mặt thực chất mà nói, NAFTA (Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ) không phải là một bước tiến lớn, bởi trước đó thị trường Mỹ nhìn chung đã mở cửa cho các sản phẩm của Mexico, đồng thời cựu Tổng thống de la Madrid đã đặt nền móng cho quá trình tự do hóa thương mại của Mexico từ trước đó. Nhưng giống như gói giải pháp làm giảm gánh nặng nợ nần nói ở phần trên, NAFTA cũng đánh dấu một bước ngoặt mang tính tâm lý. Bằng việc biến chính sách “mở cửa cho hàng hóa và đầu tư nước ngoài” từ một đường lối nội bộ thành một phần của một hiệp ước quốc tế, Salinas hy vọng làm cho thị trường tin rằng những động thái này là không thể đảo ngược. Đồng thời, ông ta cũng hy vọng người Mỹ sẽ đáp lại nỗ lực này một cách thích đáng, qua việc mở cửa vĩnh viễn thị trường Mỹ cho các sản phẩm Mexico. George H. W. Bush đã chấp nhận đề nghị của Salinas. Làm sao ông ta có thể từ chối được? Vào năm 1982, khi khủng hoảng nợ nổ ra ở Mexico, rất nhiều người Mỹ e ngại điều này sẽ dẫn đến sự tái xuất hiện của chủ nghĩa cấp tiến cực đoan trong nền chính trị Mexico, rằng những lực lượng chống Mỹ, thậm chí cả những người cộng sản, sẽ nổi dậy trong những cuộc bạo loạn. Nhưng thay vào đó, các lực lượng thân Mỹ và ủng hộ thị trường tự do đã nắm được chính quyền và nay đề nghị gỡ bỏ mọi hàng rào trong thương mại. Cho nên, từ chối họ sẽ là một cái tát vào mặt phong trào cải cách, chắc chắn sẽ kéo theo sự bất ổn và thù địch ở quốc gia láng giềng này. Rồi dựa trên những lý lẽ hấp dẫn về mặt chính sách đối ngoại, các nhà ngoại giao Mỹ trở nên rất nhiệt tình với NAFTA. Sau này việc thuyết phục Quốc hội có trở nên khó khăn đôi chút, nhưng khi đó, trong làn sóng nhiệt tình cao độ, điều này vẫn còn chưa rõ ràng. Thay vào đó, khi quá trình cải cách ở Mexico tiếp diễn, với nhiều công ty quốc doanh được tư nhân hóa, hàng rào nhập khẩu được dỡ bỏ, đầu tư nước ngoài được chào đón…thì kỳ vọng về tương lai của Mexico cũng tăng theo. Tôi vẫn còn nhớ lần gặp gỡ một số lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đang phụ trách các cơ sở tại châu Mỹ Latinh ở Cancún hồi năm 1993. Tôi có trình bày một số lo ngại và bảo lưu nhẹ nhàng về tình hình phát triển tại Mexico, rằng hậu quả của cải cách có thể đôi chút không đáng hài lòng. Khi đó người ta lịch sự nhắc tôi “Ông là người duy nhất trong phòng này có những ý kiến tiêu cực về Mexico!”. Và những nhà đầu tư như những người tôi gặp hôm đó quả đã làm đúng như những gì họ nói: năm 1993 hơn 30 tỷ USD đầu tư nước ngoài đã đổ vào Mexico. Argentina đoạn tuyệt quá khứ “Giàu như người Argentina” là câu nói phổ biến ở châu Âu hồi trước Thế chiến I, khi mà Argentina còn được công chúng và các nhà đầu tư xem là một miền đất của cơ hội. Như Úc, Canada và Mỹ, đây là một đất nước giàu tài nguyên, một điểm đến hứa hẹn của cả dân nhập cư và vốn đầu tư từ châu Âu. Thời đó Buenos Aires là một thành phố xinh đẹp mang vẻ châu Âu với mạng lưới đường sắt do người Anh bỏ tiền xây dựng, với những đoàn tàu chuyên chở thịt và bột mì từ những đồng bằng để xuất khẩu ra thế giới. Kết nối với kinh tế toàn cầu bằng thương mại và đầu tư, kết nối với thị trường vốn toàn cầu qua hệ thống điện tín, Argentina thực sự là một thành viên quan trọng của hệ thống quốc tế thời tiền chiến. Sự thật thì cũng có lúc Argentina có xu hướng in quá nhiều tiền và gặp những khó khăn nhất định với các khoản nợ nước ngoài của họ. Nhưng lúc đó người Mỹ cũng gặp những vấn đề tương tự. Và chẳng ai có thể tiên đoán rằng sau này Argentina lại có thể tụt hậu xa đến như vậy!Những năm tháng giữa hai cuộc thế chiến, cũng như những quốc gia xuất khẩu tài nguyên khác, Argentina đặc biệt gặp khó khăn. Giá nông sản sụt giảm trong thập niên 1920 và thực sự “bổ nhào” trong những năm 1930. Tình hình còn tệ hơn vì những khoản nợ đã tích lũy trong những năm tăng trưởng trước đó. Nói ngắn gọn, Argentina giống như một nhà nông đã vay quá nhiều tiền khi tình hình tốt đẹp, nay khổ sở vì bị kẹt giữa giá nông sản giảm và mức trả nợ giữ nguyên không đổi! Tuy nhiên, trong thời Đại suy thoái tình hình với Argentina cũng chưa đến nỗi nào. Chính phủ tỏ ra ít giáo điều hơn một số nước phát triển khác, những nước kiên quyết duy trì giá trị tiền tệ của họ bằng bất cứ giá nào. Còn tại đây, nhờ vào việc phá giá đồng peso, kiểm soát chặt dòng vốn và việc tạm hoãn trả nợ, Argentina đã phục hồi mạnh mẽ từ sau năm 1932. Trên thực tế, đến khoảng năm 1934 dân nhập cư châu Âu lại bắt đầu kéo đến Argentina vì ở đây họ kỳ vọng kiếm được những công việc tốt hơn tại quê nhà. Tuy nhiên, thành công của những chính sách không mấy chính thống trong thời kỳ suy thoái đã tạo ra những phong cách quản lý kém hiệu quả sau đó. Quản lý ngoại hối trong tình hình khẩn cấp trước đó nay trở thành một loạt các luật lệ phức tạp, làm nản lòng các doanh nghiệp và nuôi dưỡng tệ tham những. Hạn chế nhập khẩu tạm thời biến thành những hàng rào thường xuyên, giúp sức cho những ngành nội địa kém hiệu quả sống sót. Các doanh nghiệp quốc doanh là điểm đến của đầu tư công, thu dụng hàng trăm ngàn lao động nhưng hiệu quả lại rất kém. Ngoài ra, thâm hụt chi tiêu cũng tiếp diễn, gây nên nhựng đợt lạm phát mới. Đến những năm 1980, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Sau thất bại trong cuộc chiến Falklands [7]năm 1982, chính quyền quân sự tại Argentina được thay thế bằng Chính phủ dân sự của Rául Alfonsín, với lời hứa tái kiến thiết kinh tế đất nước. Nhưng khủng hoảng nợ của châu Mỹ Latinh cũng tác động tới Argentina không kém các nước lân cận, khiến nỗ lực bình ổn giá qua việc đưa ra đồng nội tệ mới (đồng austral) của Chính phủ đã thất bại hoàn toàn. Đến 1989, đất nước này chìm trong siêu lạm phát, với mức giá bình quân hàng năm tăng đến 3.000%! Cuộc bầu cử 1989 mang thắng lợi cho Carlos Menem, ứng viên của chính đảng được thành lập bởi cựu Tổng thống Juan Perón (người mà đường lối quốc gia và bảo hộ đã góp phần lớn trong việc biến Argentina thành một nước thuộc thế giới thứ ba!). Tuy nhiên, hóa ra Menem lại mang đến những cải cách kinh tế cho Argentina, theo phong cách tương tự như chuyến thăm của Nixon tới Trung Quốc[8]! Ông bổ nhiệm Domingo Cavallo, một tiến sỹ từ Harvard (cùng khóa với Pedro Aspe, bộ trưởng tài chính Mexico giai đoạn trước khủng hoảng) vào vị trí bộ trưởng tài chính, và ông này đưa ra một kế hoạch cải cách thậm chí còn cấp tiến hơn cả người Mexico lúc đó. Một phần của kế hoạch này là mở cửa thị trường Argentina ra thế giới, nhất là việc từ bỏ truyền thống bảo hộ nông sản nội địa thâm căn cố đế. Việc tư nhân hóa các tập đoàn quốc doanh có quy mô lớn và hết sức kém hiệu quả được đẩy mạnh (khác Mexico, Argentina thậm chí còn tư nhân hóa các công ty dầu mỏ quốc doanh!). Do các chính sách trước đó của Argentina thuộc vào hàng… kém nhất thế giới, nên những cải cách vừa nêu thực sự tạo ra một khác biệt to lớn. Tuy nhiên điểm nhấn trong các biện pháp của Cavallo là cải cách tiền tệ. Nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn lạm phát của đất nước, ông ta áp dụng lại một hệ thống tiền tệ tưởng như đã hoàn toàn bị lãng quên trong thế giới hiện đại: hệ thống tỷ giá chuẩn (currency board). Hệ thống tỷ giá chuẩn này từng rất phổ biến ở các thuộc địa của các nước châu Âu trước đây. Các thuộc địa được phép phát hành đồng tiền riêng của họ, song giá trị của chúng phải gắn chặt với giá trị đồng tiền của chính quốc. Sức mạnh và sự ổn định của các đồng tiền tại thuộc địa được đảm bảo bằng một đạo luật, theo đó quy định việc phát hành chúng được đảm bảo bằng dự trữ đồng tiền chính quốc. Cụ thể, công chúng được phép chuyển đổi nội tệ ra bảng Anh hoặc franc Pháp (đồng tiền chính quốc) với một tỷ giá luật định, và ngân hàng trung ương tại thuộc địa có trách nhiệm dự trữ đủ số bảng Anh/franc Pháp cần thiết để chuyển đổi toàn bộ số nội tệ kia. Trong những năm sau chiến tranh, với sự suy tàn của hệ thống thuộc địa và sự nổi lên của quản trị kinh tế, tỷ giá chuẩn dần chìm vào quên lãng. Tất nhiên có một trường hợp ngoại lệ là Hongkong năm 1983, khi đối mặt với khủng hoảng nội tệ, đã áp dụng tỷ giá chuẩn neo đồng HKD (dollar Hongkong) với đồng USD theo tỷ giá USD/HKD 7.80. Tuy nhiên bản thân Hongkong cũng là một dạng thuộc địa cũ (dù là một khu vực rất năng động), do đó sự kiện này không được quan tâm cho lắm. Tình hình ở Argentina đòi hỏi phải khôi phục lòng tin một cách vô cùng khẩn cấp, chính vì vậy mà Cavallo đã quay lại với phương thuốc cũ kỹ là tỷ giá chuẩn! Đồng austral bị thay thế bởi đồng peso như trước, nhưng đồng peso “mới” này được bảo đảm bằng dự trữ USD của Chính phủ, theo tỷ giá 1 USD ăn 1 peso. Sau nhiều thập kỷ lạm dụng đồng nội tệ, nay Argentina đã chính thức từ bỏ khả năng in thêm tiền, trừ phi ai đó muốn đổi 1 USD lấy 1 peso! Kết quả có được hết sức ấn tượng. Lạm phát tụt xuống gần như bằng zero. Giống như Mexico, Argentina cũng thương lượng một gói kế hoạch Brady và được tưởng thưởng bằng sự quay lại của dòng vốn đi vào (capital inflow), dù với quy mô nhỏ hơn. Nền kinh tế thực tăng trưởng nhanh chóng: sau nhiều năm suy giảm, nay GDP của họ tăng thêm một phần tư chỉ trong vòng ba năm sau đó. Năm tồi tệ của Mexico Cuối năm 1993, liệu có đám mây nào đe dọa ở chân trời của châu Mỹ Latinh? Các nhà đầu tư thì hết sức phấn khởi; họ thấy dường như định hướng thị trường tự do đã đưa khu vực này thành miền đất của các cơ hội. Các doanh nhân nước ngoài, như những người tôi đã gặp và trao đổi ở Cancún, cũng chia sẻ tinh thần đó: môi trường tự do hóa tạo cho họ vô số cơ hội làm ăn mới. Chỉ một số ít các nhà kinh tế đặt ra vài vấn đề, nhưng hầu hết đều nhẹ nhàng, không đáng kể. Một câu hỏi phổ biến cho cả Mexico và Argentina là về tính thích hợp của tỷ giá. Cả hai nước đều ổn định tỷ giá và giảm lạm phát, song sự ổn định về lạm phát đều đi sau rất xa so với tỷ giá. Ở Argentina đồng peso được neo với USD từ năm 1991, nhưng trong hai năm kế đó giá tiêu dùng tăng 40% (so với mức tăng ở Mỹ trong cùng thời gian chỉ là 6%). Mexico cũng không khác hơn. Trong cả hai trường hợp, kết quả đều là khiến cho giá hàng hóa của họ đắt hơn trên thị trường thế giới, khiến các nhà kinh tế nghi ngờ liệu đồng tiền của hai nước này có bị đánh giá quá cao hay không. Một vấn đề khác là cán cân thương mại (chính xác hơn là cán cân thanh toán vãng lai, tức bao gồm cả khu vực dịch vụ, trả lãi nước ngoài v.v… – nhưng tôi sẽ dùng cả hai thuật ngữ này). Đầu những năm 1990 xuất khẩu của Mexico tăng khá chậm, chủ yếu do đồng peso mạnh khiến giá hàng hoá xuất khẩu mất tính cạnh tranh. Cùng thời gian đó thì nhập khẩu lại tăng do việc dỡ bỏ những rào cản nhập khẩu và sự bùng nổ của tín dụng. Kết quả là thâm hụt lớn trong cán cân thương mại: thâm hụt lên tới mức chưa từng có trong lịch sử nước này là 8% GDP vào năm 1993. Liệu đó có phải là một dấu hiệu chẳng lành hay không? Các quan chức Mexico, cũng như nhiều người khác trên thế giới, trả lời là không. Lập luận của họ dường như đi thẳng từ sách giáo khoa ra! Xét về mặt kế toán thuần túy, cán cân thanh toán lúc nào cũng cân bằng: bất kỳ một khoản mua hàng từ nước ngoài nào cũng đều được cân bằng bởi một khoản bán hàng với giá trị tương đương (các sinh viên kinh tế đều biết một chút kỹ thuật để giải thích lập luận trên, liên ỹ g p quan đến những khoản chuyển tiền tặng, cho v.v…). Nếu một quốc gia thâm hụt tài khoản vãng lai (tức là mua nhiều hàng hóa hơn là bán ra), thì quốc gia đó sẽ có thặng dư tương đương trong tài khoản vốn (tức là bán nhiều tài sản[9]hơn là mua vào). Điều ngược lại cũng đúng: nếu một quốc gia thặng dư tài khoản vốn thì sẽ bị thâm hụt tài khoản vãng lai. Điều này nghĩa là thành công của Mexico trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài làm thặng dư tài khoản vốn sẽ kéo theo thâm hụt tài khoản vãng lai; do đó việc thâm hụt này chỉ là cách nói khác đi của việc “các nhà đầu tư nước ngoài xem Mexico là địa điểm đầu tư tốt”. Theo những người lạc quan này, vấn đề nếu có chỉ là khi luồng vốn vào mang tính “nhân tạo”, tức là khi chính phủ tự mình vay tiền nước ngoài (như Mexico đã làm trước năm 1982), hoặc có thâm hụt ngân sách dẫn tới thiếu hụt tiết kiệm trong nước. Trong khi chính phủ Mexico duy trì ngân sách cân bằng và thực tế đã duy trì tài sản ở nước ngoài (thông qua dự trữ ngoại hối) thay vì các nghĩa vụ nợ nần. Thế thì tại sao chúng ta lại phải lo lắng? Nếu khu vực tư nhân muốn đổ tiền vào đầu tư tại Mexico, tại sao chính phủ phải lo ngăn dòng tư bản này lại? Tuy nhiên có một khía cạnh không như ý trong thành tích của Mexico: bất chấp những cải cách và dòng vốn đổ vào, tăng trưởng đã không diễn ra. Trong thời gian từ 1981 đến 1989, kinh tế Mexico tăng trưởng bình quân 1,3%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng dân số, khiến thu nhập bình quân đầu người giảm sâu so với đỉnh của năm 1981. Trong giai đoạn “phép màu Mexico” từ 1990 đến 1994, tốc độ tăng trưởng khá hơn – 2,8%/năm, nhưng con số này cũng chỉ vừa bằng mức tăng dân số, nên đến năm 1994 (theo chính những thống kê của nước này) kinh tế Mexico vẫn thua xa mức đạt được của năm 1981. Vậy thì phép màu ở đâu, hay nói cách khác, đâu là kết quả thực sự của những cải cách và dòng vốn đầu tư nước ngoài? Năm 1993 Rudiger Dornbusch, nhà kinh tế từ MIT, người đã nghiên cứu kinh tế Mexico trong nhiều năm và là “sư phụ” của nhiều nhà quản lý kinh tế Mexico, kể cả Aspe, đã trình bày một phân tích mang tính cảnh báo, có tựa đề “Mexico: ổn định, cải cách và KHÔNG tăng trưởng”. Những người ủng hộ thành tích của Mexico cho rằng những con số vừa nêu chưa phản ánh đúng những tiến bộ của nền kinh tế, đặc biệt là việc chuyển từ nền công nghiệp lạc hậu, hướng nội sang một nền kinh tế hướng về xuất khẩu mang tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, rõ ràng là lượng vốn đổ vào nền kinh tế rất lớn mà kết quả cụ thể lại không mấy đáng kể. Chuyện gì đã xảy ra? Dornbusch và nhiều người khác cho rằng vấn đề nằm ở giá trị đồng peso: đồng nội tệ được định giá quá cao khiến giá hàng hóa xuất khẩu kém tính cạnh tranh, từ đó không cho phép nền kinh tế hưởng lợi từ việc tăng quy mô của nó. Điều cần làm là phá giá đồng peso so với USD để kích thích kinh tế. Tương tự, năm 1992 dưới sức ép của thị trường tài chính (và nhất là George Soros – xem chương 6) nước Anh cũng đã buộc phải giảm giá trị đồng bảng, kết quả là suy thoái tại Anh đã chuyển thành một đợt tăng trưởng mạnh mẽ. Những người như Dornbusch cho rằng Mexico cần một “liều thuốc” tương tự nước Anh (những đề xuất tương tự cũng được đặt ra cho Argentina, nơi mà kinh tế còn tăng trưởng nhanh hơn Mexico nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao). Những ngườì Mexico gạt phăng những ý kiến trên, trấn an các nhà đầu tư rằng nền kinh tế của họ vẫn đang đi đúng hướng, rằng họ không cần và cũng không hề có ý định phá giá đồng nội tệ. Lý lẽ này đặc biệt quan trọng vì cùng thời gian đó Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) đang cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, nhưng đang gặp những phản đối không hề nhỏ. Ứng cử viên tổng thống Ross Perot đã công khai phản đối NAFTA với lập luận nó sẽ khiến nước Mỹ mất vô số việc làm về tay Mexico, ngoài ra rất nhiều người có uy tín khác cũng lên tiếng phản đối. Năm 1993 chính phủ của Clinton, thừa hưởng NAFTA từ người tiền nhiệm, đã hết sức cố gắng mới khiến hiệp định này được thông qua – một việc làm rất kịp thời. Bởi trong năm 1994, một số điềm xấu đã bắt đầu hiện diện tại Mexico. Vào ngày đầu năm xảy ra một cuộc bạo loạn ở vùng nông thôn Chiapas, một khu vực vốn không bị ảnh hưởng cả về chính trị và kinh tế bởi những thay đổi đang diễn ra trên khắp đất nước này. Chính phủ chưa bị đe dọa, nhưng sự kiện này cho thấy tham nhũng và nghèo khó tại nông thôn vẫn là một phần quan trọng trong bối cảnh Mexico. Nghiêm trọng hơn là vụ ám sát Donaldo Colosio vào tháng ba. Colosio là người kế vị được Salinas chỉ định, một nhà cải cách và chính trị gia được yêu mến, người được thừa nhận rộng rãi là đại diện cho những phương pháp mới trong quản lý kinh tế. Việc ám sát Colosio không những tước đi một nhà lãnh đạo mà Mexico đang cần, mà còn cho thấy những thế lực ngầm (các chính trị gia tham những hay những trùm buôn ma túy?) không cho phép một nhà cải cách thực thụ lên nắm quyền. Ứng cử viên thay thế, Ernesto Zedillo, là một nhà kinh tế đào tạo tại Mỹ, với lòng chính trực và trình độ không ai dám nghi ngờ, nhưng liệu ông ta có chỉ là một “con nai tơ” trên chính trường hay không? Cuối cùng, trong cuộc chạy đua bầu cử, đảng PRI đã chi tiêu rất nhiều, những đồng peso được chuyển thành USD và làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Zedillo thắng cử khá dễ, vì ông ta thuyết phục cử tri rằng đường lối dân túy của Cárdenas sẽ làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính nữa. Một người bạn Mexico kể tôi nghe rằng PRI nói với các cử tri như sau: nếu bạn không bầu cho Zedillo, “chuyện cũ sẽ lặp lại” (ý nói khủng hoảng). Nhưng, lạy Chúa, khủng hoảng tài chính vẫn cứ đến! Cuộc khủng hoảng tequila Tháng 12 năm 1994, chính quyền Mexico buộc phải lựa chọn một giải pháp khi dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt. Họ có thể nâng lãi suất khiến dân chúng có động lực giữ peso nhiều hơn, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh và tiêu dùng, trong khi đất nước này đang trên bờ suy thoái sau nhiều năm có thành tích tăng trưởng tệ hại. Hoặc họ cũng có thể phá giá đồng peso với hy vọng có những kết quả tích cực như người Anh mười sáu tháng trước đó. Theo đó, trong kịch bản tốt nhất thì hàng xuất khẩu Mexico trở nên cạnh tranh hơn, đồng thời có thể thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài rằng tài sản ở Mexico có giá trị tốt, từ đó sẽ làm giảm lãi suất. Chính phủ Mexico chọn phương án phá giá đồng tiền. Nhưng họ làm việc này quá tệ. Khi một quốc gia phá giá đồng tiền, người ta kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ nghĩ “OK, mọi chuyện đã qua” và thôi không đánh cược vào khả năng đồng tiền tiếp tục bị mất giá nữa. Đó chính là những gì đã xảy ra khi Anh và Thụy Điển phá giá đồng tiền năm 1992. Nguy cơ xảy ra khi các nhà đầu tư, thay vào đó, cho rằng đợt phá giá này chưa phải là cuối cùng, và do đó, tiếp tục đầu cơ tỷ giá xuống. Để tránh điều này, chính phủ phải tuân theo một số quy tắc. Một là, khi đã quyết định phá giá thì sự phá giá đó phải đủ lớn đến mức cần thiết; nếu không bạn chỉ làm tăng kỳ vọng đồng tiền sẽ còn tiếp tục bị phá giá. Hai là, sau khi phá giá đồng tiền, chính phủ phải đưa ra các dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang được kiểm soát, rằng chính phủ hiểu rõ tầm quan trọng trong chính sách với các nhà đầu tư… Ngược lại, sự phá giá có thể làm tăng thêm mối nghi ngờ về tình trạng lành mạnh của nền kinh tế và dễ dàng dẫn đến hoảng loạn. Mexico không tuân theo cả hai quy tắc trên. Lần phá giá đầu tiên chỉ là 15%, tức là bằng phân nửa mức mà các nhà kinh tế như Dornbusch đề nghị. Cách hành xử của các quan chức chính phủ thì hoàn toàn không đem lại cảm giác an toàn, đảm bảo cho các nhà đầu tư. Bộ trưởng Tài chính mới, Jaime Serra Puche, tỏ ra cao ngạo và thờ ơ trước những ý kiến của các chủ nợ nước ngoài. Mọi việc còn tệ hơn khi chẳng bao lâu người ta nhận ra rằng một số doanh nhân Mexico đã được thông báo trước về việc phá giá đồng tiền, cho phép họ hưởng lợi từ những thông tin nội gián mà các nhà đầu tư nước ngoài không có được. Sự tháo chạy của luồng vốn là không thể tránh được, và chính phủ Mexico sớm muộn cũng phải từ bỏ chính sách tỷ giá cố định. Serra Puche bị thay thế, và chính phủ bắt đầu đưa ra những tuyên bố có vẻ đúng đắn. Người ta hy vọng rằng những cải cách từ năm 1985 sẽ có ảnh hưởng nhất định. Nhưng không, các nhà đầu tư nước ngoài đã bị sốc thật sự khi phát hiện ra rằng Mexico chẳng phải là miền đất hứa, và muốn rút vốn ra bằng bất kỳ giá nào. Chẳng mấy chốc, giá trị của đồng peso giảm xuống chỉ còn phân nửa so với trước khủng hoảng. Vấn đề cấp bách nhất là ngân sách của Chính phủ. Khi gặp vấn đề về tín nhiệm tài chính, các chính phủ sẽ rất khó bán trái phiếu dài hạn và thông thường sẽ phải chịu những khoản nợ ngắn hạn khổng lồ, đòi hỏi tái tục trong những khoảng thời gian ngắn liên tiếp. Mexico không phải là ngoại lệ, và việc phải trả lãi suất cao trên số nợ đó đã là vấn đề tài khóa lớn nhất trong những năm 1980. Như chúng ta đã biết, một trong những lợi ích lớn nhất của thỏa thuận Brady năm 1989 là tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư, cho phép chính phủ Mexico tái tục các khoản nợ ngắn hạn với lãi suất thấp hơn rất nhiều. Nay những lợi ích đó đã không còn, trái lại, đến tháng 3 Mexico đã phải trả lãi suất lên tới 75% cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, trong một nỗ lực thuyết phục thị trường rằng đồng tiền sẽ không bị phá giá, Mexico trước đó đã chuyển hàng tỉ peso nợ ngắn hạn thành cái gọi là tesobonos, một loại trái phiếu chính phủ ngắn hạn được đảm bảo bằng USD. Khi đồng peso rớt giá, quy mô của các khoản nợ được đô la hóa này phình to lên một cách dữ dội, và vì vấn đề này được công chúng đặc biệt quan tâm nên nó càng làm tăng sự hoảng loạn. Khủng hoảng tài chính của chính phủ mau chóng lan s ang khu vực tư nhân. Năm 1995, GDP thực của Mexico giảm 7%, sản xuất công nghiệp giảm 15%, tệ hơn nhiều so với bất kỳ mức sụt giảm nào tại Mỹ năm 1930 – thậm chí còn tệ hơn cả cuộc suy thoái sau khủng hoảng nợ 1982. Hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng trăm ngàn công nhân thất nghiệp. Vấn đề chính là tại sao khủng hoảng tài chính lại có ảnh hưởng nặng như thế lên nền kinh tế thực, và tại sao chính phủ Mexico lại không thể, theo phong cách của hợp tác xã giữ trẻ, hành động để ngăn chặn cuộc suy thoái. Nhưng chúng ta hãy khoan tranh luận, và xem xét thêm một vài cuộc khủng hoảng nữa. Điều đáng kinh ngạc hơn hết là khủng hoảng không chỉ hạn chế ở Mexico mà thôi. “Hiệu ứng tequila” lan ra khắp thế giới, nhất là khu vực châu Mỹ Latinh, trầm trọng nhất là Argentina. Điều này thật sự gây ngạc nhiên. Argentina và Mexico có vị trí địa lý ở hai cực của khu vực, hầu như không có những liên kết về thương mại và tài chính. Hơn nữa, hệ thống tỷ giá chuẩn của Argentina được cho là bảo đảm độ tin cậy của đồng peso của họ. Vậy tại sao họ lại bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính ở tận Mexico? Có lẽ lý do là vì với các nhà đầu tư Mỹ, mọi quốc gia châu Mỹ Latinh đều giống nhau. Tuy nhiên, khi người ta bắt đầu đầu cơ chống lại đồng peso Argentina, mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng hệ thống tỷ giá chuẩn đã không mang lại sự bảo đảm cho đồng nội tệ mà các tác giả của nó mong muốn. Đúng là mỗi peso đang lưu hành được đảm bảo bằng một USD trong dự trữ ngoại hối, do đó, về mặt kỹ thuật thì Argentina luôn luôn có thể bảo vệ giá trị của đồng peso. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi công chúng, có lý hay không có lý, bắt đầu đổi một số lớn peso ra USD? Câu trả lời sẽ là các ngân hàng Argentina mau chóng tiến đến bờ vực sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của cả nền kinh tế. Mọi việc đã xảy ra như sau: một nhân viên tín dụng ở New York lo lắng trước những tin tức từ Mexico, quyết định giảm danh mục đầu tư tại khu vực châu Mỹ Latinh, đồng thời cảm thấy không cần giải thích cho sếp của anh ta, như Ronald Reagan đã từng nói, rằng “họ là những quốc gia khác nhau”. Thế là anh ta nói với một khách hàng Argentina rằng hạn mức tín dụng sẽ không được gia hạn và dư nợ hiện tại phải được hoàn trả. Ông khách hàng này rút peso từ ngân hàng địa phương, chuyển sang USD một cách dễ dàng bởi vì ngân hàng trung ương Argentina có USD trong tay. Nhưng ngân hàng địa phương này cần bù đắp cho khoản thiếu hụt tiền mặt do khách hàng vừa rút ra, họ phải đòi lại khoản tiền đã cho một doanh nghiệp Argentina khác vay. Vấn đề nảy sinh từ đây. Để trả nợ, doanh nghiệp này phải có peso, rút từ một ngân hàng khác. Vòng luẩn quẩn lại tiếp tục, kết quả là có nhiều đợt rút tiền hơn, tín dụng bị thắt chặt hơn. Nói cách khác, việc giảm tín dụng ban đầu từ nước ngoài đã có một hiệu ứng theo cấp số nhân lên Argentina: một USD tín dụng giảm đi từ New York sẽ dẫn tới nhiều peso tín dụng giảm đi ở Buenos Aires. Khi tín dụng co lại, tình hình kinh doanh ở Argentina trở nên nguy hiểm. Các doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị ngân hàng đòi nợ, đồng thời các khách hàng của họ cũng phải chịu sức ép tài chính tương tự. Những người gửi tiền bắt đầu tự hỏi liệu các ngân hàng có thể thu nợ được không, do đó cũng rút tiền để đề phòng, do đó càng làm tăng tình trạng thắt chặt tín dụng… và thế là chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn của thắt chặt tín dụng và rút tiền hàng loạt tại ngân hàng đã tàn phá nền kinh tế Mỹ những năm 1930-1931. Ngày nay, các quốc gia hiện đại đã có những rào cản phòng hộ đối với những việc trên. Trước tiên, tiền gửi được chính phủ bảo hiểm nên người gửi tiền không còn phải lo lắng về khả năng trả nợ của ngân hàng. Sau nữa, ngân hàng trung ương sẽ thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng (lender of last resort), cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu rút tiền. Bằng cách đó, Argentina có thể bóp chết khủng hoảng từ trong trứng. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như vậy. Những người gửi tiền tại Argentina có thể tin rằng những đồng peso gửi ngân hàng của họ được an toàn, nhưng họ không tin giá trị của chúng so với USD được đảm bảo. Do đó, họ muốn chắc ăn bằng cách đổi ra USD ngay bây giờ. Ngân hàng trung ương không thể hành động như người cho vay cuối cùng bởi vì họ không thể in thêm peso khi không có thêm USD. Chính những quy tắc được thiết kế để bảo vệ hệ thống khỏi khủng hoảng lòng tin đã khiến nó trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết trước một loại khủng hoảng khác. Thế là, đến đầu năm 1995, cả Argentina và Mexico rơi vào hoảng loạn. Dường như những thí nghiệm cải cách ở hai quốc gia này chắc chắn sẽ sụp đổ trong thảm họa. Cuộc giải cứu vĩ đại Cái mà châu Mỹ Latinh cần nhất lúc này là USD: với nó, Mexico có thể thanh toán các tesobonos đến hạn, còn Argentina có thể in thêm peso và cho các ngân hàng địa phương vay. Gói giải cứu của Mexico có quy mô lớn hơn, gấp rút hơn, khó khăn về chính trị hơn. Trong khi đa số tiền giải cứu đến từ các tổ chức quốc tế như IMF, châu Âu và Nhật Bản lại cho rằng Mexico chỉ là một vấn đề của người Mỹ, do đó, người Mỹ cần phải tự mình bỏ ra một phần lớn trong khoản tiền giải cứu này. Không may là có những lực lượng chính trị hùng mạnh chống lại bất kỳ một cuộc giải cứu nào. Những người đã từng phản đối NAFTA coi cuộc khủng hoảng tại Mexico là minh chứng cho sự đúng đắn của họ và không đồng ý dùng tiền đóng thuế của dân Mỹ để hỗ trợ người dân và các ngân hàng Mexico. Những người bảo thủ thì phản đối việc chính phủ can thiệp vào thị trường cũng như vai trò của IMF, coi đây là một bước tiến đến một “chính phủ toàn cầu” (World government). Chẳng bao lâu sau, mọi người đều thấy rằng Quốc hội Mỹ sẽ không chuẩn y bất kỳ một khoản chi nào cho việc giải cứu nền kinh tế Mexico. Thật may mắn là Bộ Tài chính Mỹ có thể sử dụng quỹ bình ổn tỷ giá (Exchange Stabilization Fund –ESF), tức một số tiền để dành cho việc can thiệp cấp thời vào thị trường ngoại hối. Mục đích ban đầu của quỹ này đương nhiên là bình ổn giá trị của đồng USD, có điều ngôn từ của văn bản pháp quy không nói rõ như vậy. Thế là, với một sự sáng tạo đáng ngưỡng mộ, Bộ Tài chính Mỹ nay sử dụng quỹ này để bình ổn giá trị của đồng peso! Cùng với các nguồn khác, ESF lập tức đưa ra một hạn mức tín dụng lên tới 50 tỷ USD cho Mexico, và sau vài tháng hồi hộp, tình hình tài chính đã bắt đầu đi vào ổn định. p Gói giải cứu dành cho Argentina có quy mô bé hơn, thực hiện qua Ngân hàng Thế giới (World Bank), nhưng cũng có giá trị hỗ trợ các ngân hàng nội địa lên tới 12 tỷ USD. Cuộc giải cứu Argentina và Mexico thực ra không hề ngăn chặn được đà suy thoái kinh tế – tình hình lúc này còn tồi tệ hơn so với những năm đầu của cuộc khủng hoảng nợ thập niên 1980. Tuy nhiên, phải thừa nhận là đến cuối năm 1995 các nhà đầu tư bắt đầu lấy lại bình tĩnh, tin tưởng rằng dù sao thì các quốc gia này cũng không sụp đổ (vỡ nợ). Lãi suất hạ nhiệt, Mexico và Agentina phục hồi khá nhanh chóng. Với hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu công nhân thì cuộc khủng hoảng này thật quá nặng nề, nhưng nó đã kết thúc sớm hơn đa số người ta lo sợ hay kỳ vọng. Không rút ra được bài học đúng đắn Hai năm sau cuộc khủng hoảng tequila, dường như mọi chuyện đã tạm ổn trở lại. Cả Mexico và Argentina đều tăng trưởng, những nhà đầu tư còn trụ lại được cũng làm ăn phát tài. Và do đó cái đáng lý phải xem là một lời cảnh báo lại được coi là một lý do để tự mãn! Trong khi chẳng có ai đưa ra được bài học từ khủng hoảng, nhìn chung người ta đúc kết cuộc khủng hoảng tequila như sau: Thứ nhất, cuộc khủng hoảng này không mang tính phổ quát toàn cầu, nó chỉ là một vấn đề riêng lẻ của người Mexico. Khủng hoảng là do những sai lầm chính sách của chính phủ Mexico, cụ thể là định giá nội tệ quá cao, mở rộng tín dụng khi việc đầu cơ chống lại peso bắt đầu, thực hiện phá giá đồng tiền một cách kém cỏi, gây mất lòng tin nơi các nhà đầu tư. Tình trạng nghiêm trọng của đợt suy thoái sau đó được cho là chủ yếu liên quan đến đặc thù kinh tế chính trị của đất nước, với di sản của chủ nghĩa dân túy và tinh thần bài Mỹ (anti Americanism). Nói chung, chúng ta có thể nói suy thoái là sự trừng phạt đích đáng cho sự gian lận trong bầu cử năm 1988. Từ đó, với đa số, bài học rút ra là cuộc khủng hoảng Mexico hầu như chẳng liên quan gì đến phần còn lại của thế giới. Đúng là khủng hoảng đã lan rộng khắp châu Mỹ Latinh, song ngay cả tình hình tồi tệ ở Argentina cũng chẳng khiến dư luận thế giới quan tâm, một phần là do họ hồi phục khá nhanh sau đó. Từ đó người ta tin rằng khủng hoảng kiểu này sẽ không thể xảy ra ở những nền kinh tế được vận hành tốt, không chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa dân túy về kinh tế vĩ mô – những nền kinh tế đang được ca tụng là “sự thần kỳ châu Á”. Một bài học khác không chỉ liên quan đến Mexico mà cả Washington – tức là IMF và Bộ Tài chính Mỹ. Cuộc khủng hoảng cho thấy Washington đủ khả năng khống chế tình hình, họ có đủ nguồn lực và sự thông minh để hạn chế ngay cả những khủng hoảng tài chính g g y g g g nghiêm trọng. Người ta đã mau chóng tập trung một số lượng lớn tiền bạc để giải cứu Mexico, và việc này đã mang lại kết quả. So với bảy năm khủng hoảng đầu thập niên 1980, lần này khủng hoảng tequila chỉ kéo dài hơn một năm rưỡi. Dường như những người có trách nhiệm giải quyết khủng hoảng càng ngày càng giỏi giang hơn trong công việc của họ! Hôm nay, mười bốn năm sau khủng hoảng tequila, khi mà gần như cả thế giới đang chịu khủng hoảng tài chính mang nhiều nét tương đồng với những năm 1994-95, điều rõ ràng là chúng ta đã rút ra những bài học hoàn toàn sai lầm từ châu Mỹ Latinh năm nào. Điều chúng ta cần hỏi, cũng là câu hỏi mà Guillermo Calvo (nhà kinh tế từ Ngân hàng Thế giới và sau đó là Đại học Maryland) đã nhiều lần đặt ra, là: “Tại sao một lỗi lầm nhỏ lại phải chịu một sự trừng phạt khủng khiếp đến như vậy?”. Sau khủng hoảng tequila, người ta dễ dàng lật lại các chính sách của Chính phủ Mexico trong thời gian trước đó và nhận ra chúng hoàn toàn sai lầm. Nhưng vấn đề là khi ban hành, những chính sách đó đều dường như rất hợp lý, đồng thời người ta cũng khó có thể dẫn ra một sai lầm chính sách nào đủ lớn đển giải thích cho thảm họa năm 1995. Có lẽ chúng ta cần xét tới lập luận của Calvo, hàm ý rằng có một cơ chế biến những lỗi lầm nhỏ trong chính sách thành những thảm họa to lớn về kinh tế. Chúng ta nên nhìn nhận nhiều hơn đến những lập luận của một số nhà bình luận cho rằng thực ra chẳng có lỗi lầm chính sách nào nghiêm trọng, ngoại trừ một số lỗi nhỏ của chính phủ khiến thị trường mất niềm tin và rơi vào hoảng loạn. Đồng thời cũng cần nhận ra rằng những gì xảy ra ở Mexico hoàn toàn có thể tái hiện ở những nơi khác, rằng sự thành công của một nền kinh tế cùng với những ngưỡng mộ mà thị trường và truyền thông dành cho những người quản lý hoàn toàn không mang lại sự đảm bảo “miễn dịch” trước những khủng hoảng tài chính bất thường. Ngoài ra, khi nhìn lại mọi việc thì rõ ràng người ta đã quá tin tưởng vào Washington, vào IMF và Bộ Tài chính Mỹ. Đúng là họ đã hành động một cách can đảm và quyết đoán, minh chứng qua những kết quả thực tế mà ai cũng thấy. Tuy nhiên khi xem xét kỹ thì tất cả những điều này không đảm bảo cho một thành tích tương tự trong những lần sau. Trước hết, việc huy động một lượng lớn tiền bạc vào đợt giải cứu đã được thực hiện theo cách khá ranh ma, chủ yếu là do tầm quan trọng đặc biệt của Mexico đối với lợi ích của nước Mỹ. Điều này rõ ràng không dễ thực hiện trong những cuộc khủng hoảng tương lai, tại những nơi khác. Kế hoạch cứu Mexico cũng trôi chảy hơn do sự phối hợp của chính phủ nước này: những người của Zedillo không có mấy niềm tự hào về lịch sử và truyền thống dân tộc, sẵn lòng nghe theo Washington về mọi việc cần làm ngay lúc bấy giờ. Với các quốc gia châu Á quen thương lượng từ thế mạnh, với các nhà lãnh đạo “cứng đầu”, mọi chuyện có thể sẽ rất khác. Có lẽ quan trọng nhất là việc người ta đã không đánh giá đúng mức độ “ăn may” mà cả Mexico và Washington đã có trong cuộc khủng hoảng này. Cuộc giải cứu không hề là một kế hoạch được nghiền ngẫm kỹ càng nhằm giải quyết căn nguyên khủng hoảng, trái lại chỉ là một đợt bơm tiền mặt cấp thời cho một chính phủ khốn khó, chọn lựa biện pháp “đau thương” này chỉ để giành lại lòng tin từ thị trường hơn là vì chúng thực sự liên quan đến các vấn đề kinh tế. Các biện pháp giải cứu tuy thành công (chỉ sau khi nền kinh tế đã bị tàn phá nặng nề!) nhưng không có lý do gì để đoan chắc rằng chúng sẽ lại hiệu quả trong những khủng hoảng sắp tới. Do những lập luận lạc quan trên, không ai chuẩn bị đối phó với một cuộc khủng hoảng tương tự ở châu Á vài năm sau đó, cũng như tính đến hiệu quả của một cuộc giải cứu như đã từng áp dụng với Mexico. Chúng ta thậm chí còn không chuẩn bị nhiều hơn cho khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2007. Điều đáng ngạc nhiên về sự lãng quên của mọi người là việc nước Nhật – nền kinh tế lớn nhất châu Á – đã thực sự lâm vào khó khăn trước đó, đồng thời quản lý nền kinh tế rất kém hiệu quả. [1]Thời Victoria là giai đoạn nước Anh dưới sự trị vì của Nữ hoàng Victoria từ 1837 đến 1901, trong thời gian này đế quốc Anh phát triển thịnh vượng trên nhiều mặt. [2] Nguyên văn “sound money”, ý nói đồng tiền được quản lý tốt nên không xảy ra lạm phát quá cao. [3]Tequila là tên một loại rượu có độ cồn cao truyền thống của Mexico. [4] Một chính trị gia Mexico, cựu thành viên PRI, rời bỏ Đảng này vì phản đối việc đề cử Salinas là ứng viên Tổng thống, cũng như chính sách kinh tế của Tổng thống de la Madrid, sau đó trở thành ứng cử viên tranh cử của liên minh cánh tả mang tên Mặt trận dân chủ quốc gia (PRD), thất bại trong kỳ bầu cử 07/1988. [5] Cuộc bầu cử Tổng thống Mexico vào tháng 7/1988 là một ví dụ điển hình về gian lận trong bầu cử. Đúng ngày kiểm phiếu, hệ thống đếm phiếu bầu của Chính phủ (do Bộ Nội vụ triển khai) bất ngờ…bị hỏng, và sau khi sửa xong thì Salinas được tuyên bố thắng cuộc (trong khi các nguồn thông tin sơ bộ trước đó cho thấy Cárdenas dẫn trước khá xa về số phiếu). Đây là lần đầu tiên Đảng PRI thắng cử một cách khó khăn và gây tranh cãi kể từ khi họ tham gia chính trường Mexico năm 1929! [6]Trái phiếu Brady ( Brady bonds ) là loại trái phiếu định giá bằng đồng USD, có thể giao dịch trên thị trường trái phiếu quốc tế, cho phép các nước đang phát triển có thể chuyển các dạng trái phiếu không có khả năng thanh toán quốc tế thành loại trái phiếu khả hoán. Loại trái phiếu này được xây dựng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước nhằm giúp các nước đang phát triển giảm nợ. Trái phiếu Brady cho phép các nước này tìm kiếm nguồn tiền từ các ngân hàng thương mại thay vì các khoản vay hỗ trợ giữa các chính phủ, ít nhiều mang tính chính trị. [7] Cuộc chiến xảy ra năm 1982 giữa Anh và Argentina giành quyền kiểm soát quần đảo Falklands (người Argentian gọi là Manvinas) trên Đại Tây Dương, nơi chỉ vỏn vẹn 150.000 dân. [8] Cuộc viếng thăm của Nixon tới Trung Quốc năm 1972 là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sau này thường được dẫn chiếu với hàm ý “một hành động bất thường, không theo phong cách thường thấy của một nhà chính trị”. [9]Bao gồm tài sản thực (bất động sản) và tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu v.v…) 3 CÁI BẪY KINH TẾ CỦA NHẬT BẢN Cách đây không lâu, có một thời gian người Mỹ rất bị ám ảnh bởi hình ảnh Nhật Bản. Sự thành công của ngành công nghiệp Nhật Bản khiến cho người Mỹ vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi. Họ không thể bước vào hiệu sách ở sân bay mà không đi xuyên qua các dãy bìa sách có hình mặt trời mọc và các chiến binh samurai. Một số những quyển sách này thì lại hứa hẹn chỉ dạy các bí mật của phong cách quản lý Nhật Bản; những quyển khác thì tiên đoán (hay thậm chí đòi hỏi) người Mỹ phải có một cuộc chiến kinh tế với Nhật. Dù với vai trò là hình mẫu đáng học hỏi hay kẻ ác cần phải hủy diệt, hoặc cả hai, thì Nhật Bản đều đã hiện diện rất nhiều trong tâm trí người Mỹ. Bây giờ thì tất cả đã khác. Thỉnh thoảng hình ảnh Nhật Bản vẫn xuất hiện rầm rộ, nhưng đó thường là khi có các tin xấu – ví dụ như chỉ số Nikkei giảm quá mạnh, hoặc “kinh doanh chênh lệch lãi suất” (carry trade) bị gián đoạn (“kinh doanh chênh lệch lãi suất” xảy ra khi các quỹ đầu cơ vay tiền với lãi suất thấp ở Nhật và cho vay ở nơi khác với lãi suất cao hơn). Nhưng chúng ta không quan tâm phần lớn những thông tin đó. Công chúng dường như đã kết luận rằng Nhật Bản cũng không phải là một đối thủ khó nuốt cho lắm, nên đây là lúc người Mỹ có thể phớt lờ họ. Điều này thật điên rồ. Mọi thất bại hay thành công của Nhật Bản đều rất quan trọng đối với người Mỹ. Những gì đã xảy ra với Nhật Bản vừa là một thảm kịch lại vừa là một điềm báo. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn được may mắn là có nguồn lao động có kiến thức và quyết tâm, có nguồn vốn hiện đại và bí quyết sản xuất ấn tượng về công nghệ. Nhật Bản có chính phủ ổn định nên không gặp khó khăn trong việc thu thuế. Không giống châu Mỹ Latinh, hoặc các nền kinh tế châu Á nhỏ hơn khác, đó là một quốc gia thặng dư cán cân thanh toán lũy kế (creditor nation), không phụ thuộc vào thiện chí của các nhà đầu tư nước ngoài. Và nhờ nền kinh tế có quy mô to lớn (sheer size), nghĩa là các nhà sản xuất chủ yếu bán hàng ở thị trường trong nước, nên Nhật Bản – cũng như Mỹ – có thể có sự tự do trong hành động chính sách, điều mà những nước nhỏ hơn không có được. Tuy nhiên, Nhật Bản đã trải qua phần lớn những năm 1990 trong khủng hoảng, xen kẽ với các giai đoạn tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và không có chất lượng là những đợt suy thoái chưa bao giờ trầm trọng đến thế. Vốn đã từng đạt được sự tăng trưởng cao nhất trong số các nước tiên tiến, sản lượng của ngành công nghiệp Nhật Bản năm 1998 lại ít hơn năm 1991. Và điều tệ hại hơn những số liệu kinh tế kém cỏi đó là những ý nghĩ phó mặc cho định mệnh: người dân không còn tin rằng các chính sách công sẽ có thể giúp đảo ngược tình thế. Đây quả là một thảm kịch: một nền kinh tế lớn như vậy không cần thiết hoặc không đáng phải trải qua một cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ. Tai họa của Nhật Bản không trầm trọng như các nước châu Á khác, nhưng chúng đã diễn ra quá lâu, với ít lý lẽ để bào chữa hơn. Đó cũng là một điềm báo: nếu điều đó đã có thể xảy ra với Nhật Bản thì ai có thể nói được nó sẽ không thể xảy ra cho chúng ta? Và không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó đã xảy ra. Điều đó đã xảy ra với Nhật Bản như thế nào? Nhật Bản – Quốc gia số một Không có quốc gia nào – kể cả Liên bang Xô viết trong những ngày thực hiện những kế hoạch năm năm của Stalin – đã từng trải qua một thời kỳ chuyển đổi kinh tế gây ấn tượng sâu sắc như Nhật Bản trong những năm tăng trưởng nhanh từ 1953 đến 1973. Qua hai thập kỷ, từ một quốc gia có nền kinh tế phần lớn dựa vào nông nghiệp, Nhật Bản đã trở thành quốc gia xuất khẩu thép và ô tô lớn nhất thế giới. Tokyo đã lớn mạnh, trở thành khu vực đô thị lớn nhất và có thể xem là sôi động nhất thế giới, tiêu chuẩn sống cũng đã có một bước đột phá. Và một số chuyên gia phương Tây đã chú ý. Ngay từ năm 1969, nhà dự đoán tương lai Herman Kahn đã xuất bản quyển Nhật Bản – Siêu cường quốc đang lên (The Emerging Japanese Superstate), dự đoán các tỷ lệ tăng trưởng cao của Nhật Bản sẽ làm cho nó trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2000. Nhưng phải đến cuối những năm 1970 – khi Ezra Vogel viết quyển sách bán chạy Nhật Bản – Quốc gia số một (Japan as Number One) – công chúng mới bắt đầu nhận ra những gì Nhật Bản đã đạt được. Và chỉ khi các sản phẩm tinh vi của Nhật Bản – nhiều nhất là ô tô và hàng tiêu dùng điện tử – tràn ngập các thị trường phương Tây, mọi người mới bắt đầu tự hỏi về bí mật thành công của đất nước này. Làn sóng tranh luận mạnh mẽ về thành công của Nhật Bản diễn ra ở một thời điểm thật trớ trêu: sự thật là “thời hoàng kim” của sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã kết thúc vào đúng lúc các nước phương Tây bắt đầu nghiên cứu về Nhật Bản một cách nghiêm túc. Vào đầu thập niên 1970, vì một số lý do đến nay vẫn chưa rõ ràng, tốc độ tăng trưởng của các nước tiên tiến đã chậm lại. Nhật Bản, vốn đã từng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, cũng đã bị sụt giảm mạnh nhất – từ 9% một năm trong thập niên 1960 xuống còn thấp hơn 4% sau năm 1973. Mặc dù tỷ lệ này vẫn còn cao hơn các quốc gia tiên tiến khác (tốc độ của Nhật Bản nhiều gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng của Mỹ), nhưng nếu chỉ với tỷ lệ đó, ít nhất cũng phải đến thế kỷ XXI mới tới ngày Nhật Bản có thể trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới. Dù sao thì thành tích tăng trưởng của Nhật Bản cũng đã là sự khao khát của nhiều quốc gia khác. Nhiều người tranh luận rằng thành công của Nhật Bản không chỉ nhờ vào cách quản lý nền kinh tế tốt hơn, mà phần nào còn nhờ vào chính sự sơ sẩy của các đối thủ cạnh tranh phương Tây khá ngây thơ nữa. Ở đây chúng ta không cần phải thuật lại toàn bộ cuộc tranh luận về lý do tại sao Nhật Bản đã thành công. Về cơ bản thì có hai ý kiến trái ngược nhau. Một bên giải thích rằng sự tăng trưởng là sản phẩm của những nguyên tắc cơ bản đúng đắn, trên hết là nền giáo dục cơ bản tuyệt vời và tỷ lệ tiết kiệm cao. Ý kiến này cũng sử dụng một ít kiến thức xã hội học thông thường để giải thích vì sao Nhật Bản đã rất thành công trong việc sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với giá thành thấp. Một bên khác lại cho rằng Nhật Bản đã phát triển một hệ thống kinh tế khác biệt về cơ bản, một hình thức chủ nghĩa tư bản mới mẻ và tiên tiến hơn. Cuộc tranh luận về Nhật Bản cũng đã trở thành một cuộc tranh luận về triết lý kinh tế, về giá trị của tư tưởng kinh tế phương Tây nói chung và các ưu điểm của thị trường tự do nói riêng. Một yếu tố khác nữa trong hệ thống được cho là tiên tiến của Nhật Bản chính là sự chỉ đạo và điều tiết của chính phủ. Vào thập niên 1950 và 1960, chính phủ Nhật Bản – kể cả Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (Ministry of International Trade and Industry – MITI) danh tiếng, và Bộ Tài chính (Ministry of Finance) tuy im ắng hơn nhưng thậm chí còn ảnh hưởng lớn hơn – đã đóng vai trò rất lớn trong việc chỉ đạo nền kinh tế. Ít nhất thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã phần nào được định hướng nhờ các thiết kế chiến lược của chính phủ, ví dụ như tiền vay ngân hàng và giấy phép nhập khẩu được tập trung vào các ngành và các công ty được ưu đãi. Đến khi phương Tây thực sự tập trung vào Nhật Bản thì sự kiểm soát của chính phủ nước này đã được nới lỏng nhiều, nhưng hình ảnh “Tập đoàn Nhật Bản” (Japan Inc.,), một nền kinh tế chỉ đạo tập trung hướng vào việc chi phối các thị trường thế giới, vẫn là một trong những hình ảnh có sức thuyết phục vào những năm 1990. Một đặc trưng khác của nền kinh tế Nhật Bản là các công ty lớn không chịu áp lực về tài chính ngắn hạn. Các thành viên của các keiretsu Nhật Bản – một nhóm các công ty có quan hệ với nhau được thành lập xoay quanh một ngân hàng chính – thường sở hữu số lượng đáng kể cổ phần của các công ty khác trong nhóm, nên việc quản lý công ty trở nên khá độc lập với các cổ đông bên ngoài. Các công ty Nhật Bản cũng không cần phải lo lắng nhiều về giá cổ phiếu hoặc lòng tin của thị trường, vì họ hiếm khi tự tài trợ bằng cách bán cổ phiếu hoặc trái phiếu. Thay vào đó, ngân hàng trong nhóm đã cho họ vay số tiền cần thiết. Vì vậy, các công ty này cũng không cần phải lo nghĩ về lợi nhuận ngắn hạn, hay thực chất là về lợi nhuận. Người ta có thể nghĩ rằng điều kiện tài chính của một ngân hàng keiretsu cuối cùng sẽ đưa các khoản đầu tư của công ty vào nề nếp: nếu các khoản cho vay của ngân hàng dành cho các công ty trong nhóm có vẻ không hiệu quả thì chẳng phải ngân hàng sẽ bắt đầu mất khách hàng gửi tiền hay sao? Nhưng tại Nhật Bản cũng như hầu hết các nước, những người gửi tiền tin rằng chính phủ không bao giờ để cho họ bị mất tiền tiết kiệm, nên họ rất ít chú ý đến việc các ngân hàng làm gì với số tiền gửi đó. Theo nhận xét của cả những người ngưỡng mộ và những người lo ngại, kết quả là hệ thống này đã hình thành một quốc gia có thể có tầm nhìn dài hạn. Chính phủ Nhật Bản nhắm vào từng ngành “chiến lược” có thể đóng vai trò như các động cơ của sự tăng trưởng. Khu vực kinh tế tư nhân sẽ được chỉ đạo đầu tư vào các ngành đó, thời gian đầu sẽ được giúp đỡ bảo hộ khỏi sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Trong thời gian đó, các doanh nghiệp có thể trau dồi kỹ năng trong thị trường nội địa. Sau đó sẽ có một làn sóng xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp sẽ bỏ qua lợi nhuận khi đang xây dựng thị phần và làm giảm sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài. Cuối cùng, khi các doanh nghiệp trong nước đảm bảo thống trị thị trường, Nhật Bản sẽ chuyển sang ngành tiếp theo. Nhật Bản đã thành công với ngành thép, xe hơi, đầu máy VCR, ngành bán dẫn – và trong tương lai gần là ngành máy tính và sản xuất máy bay. Những người hay hoài nghi đã tìm ra nhiều lỗ hổng trong các khía cạnh của câu chuyện này. Nhưng ngay cả những người không buộc tội Nhật Bản về cách hành xử không công bằng này, những ai đã nghi ngờ liệu các quyền năng của MITI có thực sự tài giỏi như quảng cáo hay không, cũng có xu hướng đồng ý rằng chính các đặc trưng của hệ thống quản lý kinh tế Nhật Bản có liên quan đến thành công của nước này. Chỉ sau đó rất lâu, các đặc trưng tương tự – mối quan hệ dễ chịu giữa chính phủ và doanh nghiệp, việc cấp tín dụng dễ dàng của các ngân hàng được chính phủ bảo lãnh dành cho các công ty trong nhóm – mới được gọi tên là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” và được xem như là nguồn gốc của những bất ổn về kinh tế. Nhưng với những ai sẵn sàng chứng kiến thì các yếu kém của hệ thống đã bộc lộ rõ ràng vào cuối những năm 1980. Nền kinh tế bong bóng, công việc vất vả và vô vàn khó khăn Đầu năm 1990, mức vốn hóa thị trường Nhật Bản – tổng giá trị cổ phiếu của tất cả các công ty trong nước – đã lớn hơn mức vốn hóa của thị trường Mỹ, nơi có dân số đông gấp đôi và GDP hơn gấp đôi Nhật Bản. Đất đai, vốn chưa bao giờ rẻ ở xứ đông dân như Nhật Bản, đã trở nên đắt đỏ không ngờ: theo một tài liệu chưa xác thực được trích dẫn rộng rãi, đất đai trong vòng một dặm vuông gần Cung điện Hoàng gia Tokyo còn đáng giá hơn toàn bộ tiểu bang California. Đó, xin chào mừng bạn đến với “nền kinh tế bong bóng” (bubble economy) của Nhật Bản, có thể được ví như những năm 20 sôi động [1]của phương Tây thuở nào. Những năm cuối thập niên 1980 đã tượng trưng cho một thời kỳ thịnh vượng của Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trong các dữ liệu kinh tế cơ bản nói trên, không có gì biện minh được cho việc giá đất đai và cổ phiếu đã tăng gấp ba lần trong suốt thời gian đó. Thậm chí vào lúc đó, nhiều nhà quan sát đã nghĩ rằng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính có gì đó bất thường và khá vô lý – rằng các công ty truyền thống thuộc những ngành tăng trưởng chậm không nên được đánh giá như các cổ phiếu đang tăng trưởng, với hệ số giá trên thu nhập (P/E) lớn hơn hoặc bằng 60. Nhưng cũng như thường xảy ra ở các thị trường rơi vào các hội chứng bất thường, những người hay hoài nghi thì không có khả năng hoặc can đảm để có sức thuyết phục; trong khi những người khác dễ dàng dùng những lý lẽ thông thường để tìm ra mọi minh chứng bảo vệ cho việc đẩy giá lên tận mây xanh. Bong bóng tài chính không phải là một điều mới mẻ. Cũng như chứng nghiện hoa tulip[2]và Internet, ngay cả những nhà đầu tư sáng suốt nhất cũng thấy rất khó cưỡng lại sức hút để bình tĩnh nhìn nhận trong khi mọi người khác đều đang giàu có lên. Nhưng do Nhật Bản vốn nổi tiếng về tư duy chiến lược dài hạn, và nhận thức phổ biến rằng Japan Inc., như một nền kinh tế được hoạch định hơn là một thị trường tự do, quy mô của bong bóng vẫn có phần đáng ngạc nhiên. Giờ đây, danh tiếng của Nhật Bản về việc thực hiện các khoản đầu tư dài hạn và được kiểm soát công khai luôn luôn vượt xa thực tế. Các nhà đầu cơ bất động sản thường được nhận thêm nhiều ưu đãi nhờ hối lộ các chính khách, và nhiều hơn nữa thông qua các mối quan hệ của yakuza[3], hóa ra đã đóng vai trò là một phần quan trọng đáng ngạc nhiên trong bối cảnh Nhật Bản từ rất lâu. Các khoản đầu tư mang tính đầu cơ vào bất động sản đã suýt làm nổ ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong thập niên 1970; tình hình chỉ ổn định sau khi bùng nổ một cuộc lạm phát, khiến giá trị thật sự của các khoản nợ của nhà đầu cơ giảm xuống và giúp chuyển các khoản nợ xấu thành tốt trở lại. Tuy nhiên, quy mô quá lớn của bong bóng Nhật Bản thật đáng ngạc nhiên. Liệu đã có một lời giải thích nào khác cho hiện tượng này ngoài yếu tố tâm lý đám đông? Người ta đã nhận ra rằng bong bóng Nhật Bản chỉ là một trong vài đợt bộc phát của cơn sốt đầu cơ trên toàn thế giới trong thập niên 1980. Tất cả các cơn bộc phát này có đặc điểm chung là được tài trợ chủ yếu bằng các khoản vay ngân hàng – cụ thể là các định chế tài chính vốn rất thận trọng và nhiều uy tín nay bắt đầu cung cấp tín dụng cho các công ty yêu thích rủi ro, thậm chí có hoạt động kinh doanh không minh bạch để đổi lại lãi suất cao hơn thị trường. Trường hợp nổi tiếng nhất là của các hiệp hội tiết kiệm và cho vay Mỹ. Hình tượng của các định chế tài chính này đã từng được khắc họa thông qua Jimmy Stewart – nhân viên ngân hàng ở một thị trấn nhỏ với sự đứng đắn tiêu biểu cho nước Mỹ đã được miêu tả trong phim Cuộc sống tuyệt vời (It’s a Wonderful Life)[4]. Nhưng đến thập niên 1980, các tổ chức này được nhận diện qua hình ảnh ngày một nhiều những người có thế lực lớn về bất động sản tại Texas. Nhưng những đợt bùng phát cho vay thiếu minh bạch tương tự cũng đã xảy ra ở đâu đó, đáng chú ý là tại Thụy Điển, một quốc gia không thường xuyên liên quan đến những cơn sốt đầu cơ. Từ lâu, các nhà kinh tế học đã lập luận rằng đằng sau tất cả các câu chuyện này là một nguyên lý kinh tế giống nhau – nguyên lý giống như mô hình giữ trẻ cơ bản của cuộc suy thoái, sẽ xuất hiện lại nhiều lần trong quyển sách này. Nguyên lý đó được gọi là rủi ro về đạo đức (moral hazard). Thuật ngữ “rủi ro về đạo đức” bắt nguồn từ ngành bảo hiểm. Ngay từ lúc đầu, các công ty bảo hiểm hỏa hoạn nói riêng đã nhận thấy rằng các chủ tài sản đã mua bảo hiểm đầy đủ cho tổn thất này có xu hướng tự gây ra những đám cháy phá hoại – đặc biệt là khi các điều kiện thay đổi làm cho giá trị thị trường của tài sản còn thấp hơn mức bảo hiểm (Vào giữa thập niên 1980, thành phố New York đã phát hiện một số chủ tài sản cố ý gây hỏa hoạn. Vài người trong số đó mua một tòa nhà với mức giá được thổi phồng từ một công ty giả do chính họ sở hữu, rồi sử dụng giá đó làm cơ sở cho một hợp đồng bảo hiểm lớn, sau đó, ngẫu nhiên tòa nhà đó lại bị hỏa hoạn. Thật sự đây chính là rủi ro về đạo đức). Cuối cùng thì thuật ngữ này được sử dụng để chỉ một tình huống bất kỳ trong đó một người quyết định việc nhận lấy bao nhiêu rủi ro, trong khi một người khác phải gánh chịu chi phí nếu mọi việc xấu đi. Vốn dĩ chính khoản tiền vay đã có khả năng phát sinh rủi ro về đạo đức. Giả sử tôi là một người thông minh nhưng không có vốn, và dựa trên sự thông minh đã được kiểm chứng đó mà bạn quyết định cho tôi vay một tỷ USD để đầu tư vào bất cứ dự án nào phù hợp, miễn là tôi hứa trả nợ trong vòng một năm. Thậm chí nếu bạn tính lãi suất cao thì đó vẫn là một giao dịch tốt: Tôi sẽ có một tỷ USD để đầu tư vào một cái gì đó cuối cùng có thể tạo nhiều tiền nhưng cũng có thể vô dụng (tức là mất sạch!), và tôi cứ hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra. Nếu khoản đầu tư thành công thì tôi sẽ giàu có; nếu không, tôi sẽ tuyên bố phá sản và bỏ đi. Chắc chắn phần thắng thuộc về tôi. Tất nhiên, đó là lý do tại sao không ai cho người không có vốn vay một tỷ USD để đầu tư vào những gì thấy phù hợp, cho dù người đó có vẻ thông minh đến đâu đi nữa. Những người cho vay thường hạn chế những gì người đi vay có thể làm với số tiền đã vay, và thông thường người đi vay cũng bị bắt buộc phải có một số vốn tự có lớn trong khoản đầu tư đó để họ có lý do chính đáng mà ngăn ngừa tổn thất. Đôi khi những người cho vay có vẻ bỏ quên các quy tắc này và cho những người làm ra vẻ rất hiểu biết về việc họ đang làm vay những số tiền rất lớn một cách không ngần ngại. Chúng ta sẽ được biết câu chuyện đáng ngạc nhiên về các quỹ đầu cơ (hedge funds) ở Chương 6. Vào những lúc khác, bản thân yêu cầu rằng bên đi vay phải đưa đủ vốn tự có vào khoản đầu tư có thể là nguồn gốc cho sự bất ổn của thị trường. Khi tài sản bị mất giá, những ai đã mua bằng tiền vay có thể phải đối mặt với một “yêu cầu tăng ký quỹ”[5](margin call): hoặc nhà đầu tư phải đưa thêm tiền riêng vào hoặc phải trả nợ vay bằng cách bán tài sản, làm cho giá xuống thấp hơn nữa. Đây là quy trình đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Nhưng nếu bỏ những nguyên lý về khiếm khuyết của thị trường (market pathologies) như vậy qua một bên, thì vẫn còn có một lý do khác cho việc tại sao đôi khi các quy tắc bị phá vỡ: vì chỉ có người nộp thuế phải trả giá cho trò chơi rủi ro về đạo đức này. Hãy nhớ lại những gì chúng ta đã nói về các ngân hàng chính trong keiretsu của Nhật Bản: các khách hàng gửi tiền tin rằng tiền gửi của họ được an toàn vì có chính phủ đứng sau lưng. Sự thật đúng như vậy với hầu hết ngân hàng trong Thế giới thứ nhất ( gồm Mỹ và các nước đồng minh – ND ), và các ngân hàng khắp mọi nơi. Các quốc gia tiên tiến, ngay cả khi không bảo đảm các khoản tiền gửi một cách rõ ràng thì về mặt lương tâm, họ cũng không thể cho phép các quả phụ và trẻ mồ côi bị mất các khoản tiền tiết kiệm chỉ đơn giản là vì họ gửi nhầm vào một ngân hàng tồi, cũng như họ không thể khoanh tay đứng nhìn khi con sông đang cuồn cuộn cuốn đi những ngôi nhà được xây dựng một cách dại dột trong vùng đồng bằng bị lũ lụt. Chỉ có những con người bảo thủ sắt đá nhất mới mong muốn mọi việc khác đi. Nhưng kết quả là mọi người rất không thận trọng về nơi xây nhà, và thậm chí còn lơ đễnh nhiều hơn trong việc cất giữ tiền ở đâu. Sự bất cẩn này tạo ra một cơ hội hấp dẫn cho các doanh nhân không có đạo đức: chỉ cần thành lập một ngân hàng, đảm bảo rằng nó tọa lạc ở một tòa nhà ấn tượng và có một cái tên hào nhoáng. Hãy thu hút thật nhiều tiền gửi bằng cách trả lãi suất cao nếu được phép, nếu không được phép thì có thể bằng cách tặng quà gì đó. Sau đó, cho các nhà đầu cơ không ổn định vay tiền với lãi suất cao (tốt nhất là bạn bè, hoặc có thể thậm chí là chính ngân hàng đó đứng sau lưng một công ty khác). Những người gửi tiền sẽ không thắc mắc về chất lượng các khoản đầu tư vì biết rằng họ được bảo vệ trong mọi trường hợp. Và giờ đây bạn đã có một sự lựa chọn chỉ có thắng mà thôi: nếu các khoản đầu tư tốt đẹp, bạn sẽ trở nên giàu có; còn nếu chúng thất bại, bạn có thể chỉ cần bỏ đi và để cho chính phủ dọn dẹp tình trạng hỗn độn đó. Tất nhiên, cũng không phải dễ dàng làm được những điều thiếu đạo đức này, vì những người điều hành chính phủ không hoàn toàn ngớ ngẩn. Trong thực tế, từ thập niên 1930 đến 1980, dạng hành vi này khá hiếm khi xảy ra vì các cơ quan quản lý (regulators) hầu như cũng đã yêu cầu những điều tương tự như khi một tổ chức cho vay tư nhân thường làm trước khi cho tôi vay một tỷ USD để đầu tư. Họ nỗ lực ngăn chặn việc các ngân hàng nhận lấy rủi ro vượt hạn mức bằng cách giới hạn những gì ngân hàng có thể thực hiện với số tiền gửi nhận được. Các cơ quan quản lý yêu cầu các chủ ngân hàng phải có một số vốn tự có đáng kể, thông qua yêu cầu về vốn đầu tư. Và theo một cách đánh giá tinh tế hơn, có thể là không chủ ý thì trong quá khứ cơ quan quản lý đã giới hạn sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ( ý nói giấy phép thành lập ngân hàng được cấp ra hạn chế hơn – ND ) khiến cho giấy phép ngân hàng trở thành một vật có giá trị nội tại: khi sở hữu một “giá trị nhượng quyền thương mại” (franchise value) đáng kể, những người được cấp phép không muốn hủy hoại giá trị nhượng quyền này bằng cách nhận lấy các rủi ro có thể làm ngân hàng sụp đổ. Tuy nhiên, trong thập niên 1980, các ràng buộc này đã bị phá vỡ ở nhiều nơi. Nguyên nhân chủ yếu là do việc giảm bớt các quy định quản lý thị trường (giải quy – deregulation). Các ngân hàng truyền thống đều an toàn, nhưng cũng rất bảo thủ; người ta có thể cho rằng họ đã không sử dụng vốn cho những mục đích có hiệu quả nhất. Các nhà cải cách lập luận rằng có một giải pháp mang tính tự do hơn và cạnh tranh hơn: hãy cho phép các ngân hàng cho vay những nơi mà họ nghĩ rằng tốt nhất, và cho phép tổ chức cạnh tranh thu hút tiết kiệm từ công chúng. Thế là những nhà cải cách đã quên rằng việc này sẽ khiến các ngân hàng cũng tự do hơn trong việc nhận lấy các rủi ro xấu hơn và rằng những hành vi làm giảm giá trị nhượng quyền thương mại kiểu như thế sẽ không khuyến khích họ tránh được việc này. Các thay đổi trên thị trường, đáng chú ý là sự gia tăng của các nguồn tài chính khác của công ty đã khiến cho lợi nhuận biên của các ngân hàng trung thành với các phương thức kinh doanh an toàn, cổ điển giảm đi nhiều. Và do đó, trong thập niên 1980 đã có một nạn dịch rủi ro về đạo đức trên toàn cầu. Rất ít quốc gia có thể tự hào rằng đã kiểm soát được tình trạng này, và chắc chắn đó không phải là Mỹ, nơi mà việc không kiếm soát được vấn đề tiết kiệm và cho vay đã trở thành một ví dụ kinh điển của việc hoạch định chính sách không thận trọng, tầm nhìn ngắn hạn và đôi khi sai lạc. Nhưng Nhật Bản đã đặc biệt không thích hợp với một cơ chế tài chính nới lỏng. Ở đó, tất cả mối quan hệ thông thường giữa chính phủ và doanh nghiệp, giữa các ngân hàng và khách hàng, giữa những gì được và không được chính phủ đảm bảo đã đặc biệt hoen ố. Các ngân hàng Nhật Bản cho vay nhiều hơn nhưng lại ít chú ý hơn về chất lượng tín dụng của người vay. Khi làm như vậy, họ đã làm cho nền kinh tế bong bóng phồng lên đến quy mô kỳ dị. Không sớm thì muộn các bong bóng cũng luôn nổ tung. Sự bùng nổ của bong bóng Nhật Bản không hoàn toàn mang tính tự phát: do lo ngại tình trạng đầu cơ quá mức, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan) đã bắt đầu tăng lãi suất vào năm 1990 trong nỗ lực giúp bong bóng bớt phình to. Lúc đầu, chính sách này không thành công, nhưng bắt đầu từ năm 1991, giá đất đai và cổ phiếu đã bắt đầu giảm sâu, chỉ trong vòng một vài năm đã giảm khoảng 60% so với mức giá đỉnh điểm. Ban đầu, và thực sự là một vài năm sau đó, chính phủ Nhật Bản có vẻ đã xem tất cả những điều này là lành mạnh, chỉ là các tài sản được đánh giá hợp lý và thực tế hơn. Nhưng ngày càng rõ ràng rằng đoạn kết của nền kinh tế bong bóng đã không chỉ mang lại sự lành mạnh cho nền kinh tế mà còn mang đến những bất ổn sâu sắc hơn. Sự đình trệ thầm lặng Không giống như Mexico năm 1995, Hàn Quốc năm 1998 và Argentina năm 2002, Nhật Bản chưa bao giờ trải qua một năm suy giảm kinh tế rõ ràng và thảm hại như vậy. Trong thập niên sau khi bong bóng tài chính nổ tung, Nhật Bản chỉ trải qua hai năm có GDP thực giảm. Nhưng liên tục nhiều năm, tốc độ tăng trưởng đã không những không thể đạt đến thành tích trước đây mà còn không đạt được bất kỳ g y g ỳ ước tính hợp lý nào về sự tăng trưởng tương ứng với khả năng của nó. Trong thập niên sau 1991, chỉ có một năm trong đó Nhật Bản đã tăng trưởng nhanh chóng như mức trung bình của thập kỷ trước. Ngay cả khi bạn ước tính một cách thận trọng về sự tăng trưởng của “sản lượng tiềm năng” Nhật Bản, sản lượng mà nền kinh tế có thể đã sản xuất với tất cả nguồn lực, thì sản lượng thực tế cũng chỉ tăng trưởng nhanh tương ứng với tiềm năng vốn có được một năm mà thôi. Các nhà kinh tế học đã đề cập đến một trong các cụm từ nổi tiếng rắc rối về những gì Nhật Bản đã trải qua: “tình trạng đình trệ trong tăng trưởng” (growth recession). Tình trạng suy thoái trong tăng trưởng là những gì xảy ra khi một nền kinh tế tăng trưởng nhưng sự tăng trưởng này không đủ nhanh để theo kịp năng lực đang mở rộng của nền kinh tế, do đó ngày càng nhiều máy móc và công nhân không có việc làm. Thông thường tình trạng suy thoái trong tăng trưởng khá hiếm hoi, vì cả sự tăng trưởng vượt bậc và sự khủng hoảng đều có tính xu thế, nghĩa là hoặc tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng hoặc sự giảm sút rõ ràng. Tuy nhiên, cơ bản là Nhật Bản đã trải qua một cuộc suy thoái trong tăng trưởng kéo dài một thập niên, làm cho tình trạng kinh tế tồi tệ hơn rất nhiều so với quá khứ, đến nỗi thiên về một hiện tượng mới: tình trạng suy thoái trong tăng trưởng (growth depression). Bản thân sự đình trệ đi cùng với việc nền kinh tế Nhật Bản đang xấu đi là nguồn gốc của nhiều sai lầm. Vì tình trạng đình trệ đã lan ra khắp đất nước, nên công chúng không bao giờ phản đối buộc chính phủ phải thực hiện một điều gì đó mạnh mẽ. Vì bộ máy kinh tế của Nhật Bản đang mất dần động lực hơn là đột ngột mất khả năng hoạt động, bản thân chính phủ đã nhất quán hạ thấp dần định nghĩa về sự thành công, xem sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế đã là minh chứng thuyết phục cho các chính sách, mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với những gì có thể và lẽ ra đã đạt được. Và cùng thời điểm đó, các nhà phân tích của cả Nhật Bản và nước ngoài đều có xu hướng cho rằng vì nền kinh tế đã tăng trưởng quá chậm trong một thời gian quá dài nên nó không thể phát triển nhanh hơn chút nào nữa. Vì vậy, các chính sách kinh tế của Nhật Bản đã được đánh dấu bằng một sự kết hợp kỳ quặc của tính thiển cận và việc phó mặc cho định mệnh – sự né tránh đáng ngạc nhiên đối với việc suy nghĩ kỹ rằng mọi việc có thể đã diễn tiến quá sai lệch như thế nào. Bẫy kinh tế của Nhật Bản Không có gì huyền bí về sự bắt đầu cuộc khủng hoảng Nhật Bản năm 1991: không sớm thì muộn, bong bóng tài chính cũng phải nổ tung, và khi đó sẽ làm đầu tư, tiêu dùng và tổng cầu đều giảm. Tình g g g g trạng tương tự cũng đã xảy ra cho Mỹ sau khi bong bóng thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ vào thập niên 1990, và một thập kỷ sau đó, bong bóng nhà đất lại nổ ra lần nữa. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản, cụ thể là ngân hàng trung ương, đã không thể đưa nền kinh tế chuyển động trở lại. Đây là lúc chúng ta quay lại câu chuyện của hợp tác xã giữ trẻ. Giả sử thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư. Liệu điều này có chắc chắn gây ra tình trạng đình trệ thảm hại hay không? Bạn hãy nghĩ như thế này: khi lòng tin của người tiêu dùng giảm xuống, ví dụ như vì lý do gì đó mà các thành viên tiêu biểu của hợp tác xã trở nên ít muốn ra ngoài, lo lắng hơn trong việc tích lũy coupon cho thời điểm khó khăn. Thực sự điều này có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng, nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu ban quản lý được cảnh báo và phản hồi bằng cách đơn giản là phát hành thêm coupon. Đó chính là những gì mà giám đốc bộ phận phát hành coupon của chúng ta, Ngài Alan Greenspan, đã thực hiện vào năm 1987. Hoặc giả sử rằng bộ phận phát hành coupon không đáp ứng đủ nhanh, dẫn đến nền kinh tế thực sự rơi vào khủng hoảng thì chúng ta cũng không cần hoảng sợ: ngay cả khi giám đốc bộ phận phát hành coupon tạm thời chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ông ấy vẫn có thể xoay chuyển tình hình bằng cách phát hành thêm. Đó là chính sách tiền tệ mở rộng mạnh mẽ, như các chính sách đã giúp đẩy lùi các cuộc suy thoái của Mỹ những năm 1981 - 1982, 1990-1991 và năm 2001. Vậy còn tất cả các khoản đầu tư không hiệu quả đã phát sinh trong suốt thời kỳ phát triển vượt bậc thì sao? Quả là có rất nhiều vốn đầu tư bị lãng phí. Nhưng không có một lý do rõ ràng cho thấy tại sao các khoản đầu tư không hiệu quả trong quá khứ lại dẫn đến thời kỳ khủng hoảng thực sự về sản lượng trong hiện tại. Năng lực sản xuất có thể không tăng như dự đoán, nhưng nó đã không thực sự giảm, vậy tại sao không đơn giản là in đủ tiền để tiếp tục chi tiêu giúp nền kinh tế sử dụng hiệu quả hết khả năng của nó? Hãy nhớ rằng câu chuyện của hợp tác xã cho bạn biết rằng những cuộc khủng hoảng kinh tế không phải là hình phạt cho sai lầm của chúng ta, không phải là những sự đau đớn mà chúng ta tất yếu phải gánh chịu. Hợp tác xã Đồi Capitol đã không gặp rắc rối do các thành viên là những người giữ trẻ không tốt, không hiệu quả; các vấn đề của nó đã không bộc lộ những sai sót cơ bản của “các giá trị Đồi Capitol” hoặc “chủ nghĩa giữ trẻ thân hữu” (crony baby-sittingism). Hợp tác xã này đã gặp phải một rắc rối kỹ thuật là có quá nhiều người đuổi theo quá ít nguồn lực, điều này có thể được, và đã được, giải quyết với một tư duy khá rõ ràng. Và do đó câu chuyện của hợp tác xã đã giúp chúng ta phòng chống việc phó mặc cho định mệnh và sự bi quan. Điều này dường như ngụ ý rằng tình trạng suy thoái luôn luôn có thể giải quyết một cách thật sự dễ dàng. Nhưng trong trường hợp đó, tại sao Nhật Bản không nỗ lực đứng lên sau khi bong bóng đã vỡ? Làm thế nào mà Nhật Bản có thể bị sa lầy trong một thời kỳ khủng hoảng có vẻ khó vượt qua – một cuộc khủng hoảng không có vẻ dễ dàng thoát ra được chỉ đơn giản bằng cách in thêm những “coupon”? Nếu chúng ta mở rộng câu chuyện của hợp tác xã hơn một chút thì không khó tạo một điều gì đó trông rất giống với những vấn đề của Nhật Bản. Trước tiên, chúng ta phải tưởng tượng ra một hợp tác xã với các thành viên nhận thấy một điều bất tiện không cần thiết trong quy tắc là có những khi một cặp vợ chồng cần phải đi ra ngoài nhiều lần liên tục và sẽ hết coupon. Khi đó họ không thể nhờ người khác giữ trẻ hộ, cho dù họ hoàn toàn sẵn sàng giữ trẻ bù lại vào một ngày sau đó. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta giả định rằng hợp tác xã cho phép các thành viên vay mượn coupon từ ban quản lý khi cần thiết, rồi sau đó trả lại bằng các coupon có được ở những lần giữ trẻ tiếp theo. (Chúng ta có thể đưa tình huống này đến gần thực tế hơn một chút bằng cách tưởng tượng rằng các cặp vợ chồng cũng có thể vay mượn coupon của nhau; lãi suất trong thị trường vốn sơ khai này sẽ đóng vai trò “tỷ lệ chiết khấu” của ban quản lý hợp tác xã trong câu chuyện của chúng ta). Tuy nhiên, để ngăn các thành viên không lạm dụng đặc quyền này, ban quản lý cần phải áp đặt một số tiền phạt, yêu cầu người đi vay phải trả lại nhiều coupon hơn số đã vay. Theo quy tắc mới này, các gia đình sẽ dự trữ ít coupon hơn trước đây vì biết rằng họ có thể vay thêm nếu cần thiết. Tuy nhiên, ban quản lý hợp tác xã sẽ phải có một công cụ quản lý mới. Nếu các thành viên báo cáo rằng việc tìm người giữ trẻ là rất dễ dàng và họ khó có việc làm thì các điều khoản cho thành viên vay mượn coupon có thể được ưu đãi hơn, khuyến khích nhiều người đi ra ngoài hơn. Ngược lại, nếu số người giữ trẻ khan hiếm, các điều kiện có thể sẽ trở nên xấu hơn để khuyến khích mọi người ở nhà nhiều hơn. Nói cách khác, hợp tác xã khá phức tạp này sẽ có một ngân hàng trung ương có thể kích thích nền kinh tế đình trệ bằng cách cắt giảm lãi suất, giúp một nền kinh tế đang phát triển nóng dịu đi bằng cách nâng cao lãi suất. Nhưng ở Nhật Bản, lãi suất đã giảm xuống gần đến 0% và nền kinh tế vẫn còn khủng hoảng. Có phải cuối cùng câu chuyện của chúng ta đã không còn có ích nữa? Hãy hình dung rằng cung cầu của việc giữ trẻ cũng mang tính thời vụ. Vào mùa đông, khi trời lạnh và tối, các gia đình không muốn ra ngoài nhiều mà sẽ sẵn sàng ở nhà và trông nom trẻ con của những gia đình khác, qua đó họ tích lũy điểm để có thể sử dụng vào các buổi tối mùa hè dịu mát. Nếu tính thời vụ này không quá rõ rệt, hợp tác xã có thể vẫn giữ được cung cầu của việc giữ trẻ ở mức cân bằng bằng cách tính lãi suất thấp hơn cho những tháng mùa đông và cao hơn vào những tháng mùa hè. Tuy nhiên, giả sử rằng tính thời vụ thật sự rất mạnh mẽ. Như vậy vào mùa đông, thậm chí với lãi suất 0% thì cũng sẽ có nhiều cặp vợ chồng tìm kiếm cơ hội giữ trẻ hơn là số cặp ra ngoài, điều đó có nghĩa là cơ hội giữ trẻ sẽ khó kiếm hơn, đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng đang tìm cách tích lũy cho mùa hè vui nhộn thậm chí sẽ ít sẵn sàng sử dụng các số điểm này trong mùa đông hơn, nghĩa là lại càng ít cơ hội giữ trẻ hơn... và hợp tác xã sẽ trượt dài vào tình trạng suy thoái ngay cả ở mức lãi suất 0%. Và thập niên 1990 chính là mùa đông của sự bất mãn ở Nhật Bản. Có lẽ do tình trạng dân số lão hóa và vì sự lo lắng chung về tương lai, công chúng Nhật Bản đã không có vẻ sẵn sàng chi tiêu hết khả năng của nền kinh tế, cho dù ở lãi suất 0%. Các nhà kinh tế học cho rằng Nhật Bản đã rơi vào “bẫy thanh khoản” (liquidity trap) đáng sợ. Và những gì bạn vừa đọc được là một sự giải thích dễ hiểu về bẫy thanh khoản là gì và nó có thể xảy ra như thế nào. Sự trôi giạt của con thuyền Nhật Bản Khi đối mặt với tình trạng suy thoái, giải pháp thông thường là cắt giảm lãi suất, điều đó cho phép mọi người vay coupon giữ trẻ với giá rẻ, khuyến khích họ bắt đầu ra ngoài trở lại. Nhật Bản đã chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất sau khi bong bóng tài chính nổ tung, nhưng cuối cùng thì cũng đã cắt hết mức chỉ còn 0%. Vẫn chưa đủ! Vậy bây giờ phải làm gì tiếp theo? Câu trả lời kinh điển, vốn đã được gắn liền với nhà kinh tế học John Maynard Keynes [6], là nếu khu vực kinh tế tư nhân không chi tiêu đủ để duy trì toàn bộ việc làm thì khu vực kinh tế công phải bao trùm phần thiếu hụt. Hãy để chính phủ vay tiền và sử dụng vốn tài trợ cho các dự án đầu tư công cộng – nếu có thể là cho mục đích tốt, nhưng đó chỉ là mối quan tâm thứ yếu – để từ đó tạo ra việc làm, giúp mọi người sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, rồi sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn và còn nhiều điều khác nữa. Cuộc Đại suy thoái ở Mỹ đã kết thúc bằng một chương trình việc làm cho cộng đồng được tài trợ bằng khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, được biết đến với tên gọi Chiến tranh Thế giới thứ II. Tại sao không thử khởi động sự tăng trưởng của Nhật Bản bằng một phiên bản hòa bình tương tự? Nhật Bản đã thử. Trong suốt thập niên 1990, chính phủ đã đưa ra một loạt các gói kích thích, vay tiền để xây dựng đường sá và cầu bất kể đất nước có cần chúng hay không. Những gói kích thích này đã tạo việc làm trực tiếp và thúc đẩy mạnh mẽ tổng thể nền kinh tế mỗi khi được thử. Vấn đề là các chương trình này không đủ mạnh để cứu đồng yen. Năm 1991 chính phủ Nhật Bản đã có thặng dư ngân sách khá lớn (2,9% GDP). Năm 1996 quốc gia này lại thâm hụt rất cao là là 4,3% GDP. Lúc bấy giờ bộ máy kinh tế vẫn còn chưa trơn tru. Trong khi đó, sự thâm hụt cao chưa từng có, liên quan đến trạng thái ngân sách trong dài hạn, đã bắt đầu làm Bộ Tài chính Nhật Bản lo lắng. Vấn đề lớn là đặc điểm nhân khẩu học (đặc điểm này cũng có thể liên quan nhiều đến tình trạng tiết kiệm cao và nhu cầu đầu tư thấp của Nhật). Giống như các nước khác, Nhật Bản đã có thời kỳ bùng nổ dân số rồi sau đó lại hạn chế sinh, và đối mặt với khả năng tỷ lệ người về hưu so với người trong độ tuổi lao động tăng cao. Nhưng vấn đề của Nhật Bản rất cực đoan: dân số trong độ tuổi lao động thật sự giảm đều đặn, trong khi số người về hưu tăng rất nhanh. Và vì các công dân đã nghỉ hưu là một gánh nặng về tài chính cho chính phủ hiện nay – những người về hưu được hưởng trợ cấp và chăm sóc sức khỏe công cộng đắt tiền – nên các nguyên tắc tài chính chuẩn mực cho rằng Nhật Bản cần phải xây dựng một quỹ ủy thác đầu tư (trust fund) để đáp ứng các chi tiêu trong tương lai, để không còn phải chịu những khoản thâm hụt chưa từng có như vậy. Năm 1997, các ý kiến về trách nhiệm tài khóa đã chiếm ưu thế, và Thủ tướng Ryutaro Hashimoto đã tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách. Nền kinh tế nhanh chóng lún sâu vào tình trạng suy thoái. Và đất nước lại trở về tình trạng thâm hụt chi tiêu (deficit spending). Năm 1998, Nhật Bản đã giới thiệu một chương trình việc làm công khai mới mẻ rộng khắp đất nước. Nhưng giờ đây vấn đề tài khóa đã được nêu ra, và nó không thể bị loại bỏ. Các nhà đầu tư sớm nhận ra rằng Nhật Bản đang dự tính thâm hụt 10% GDP và tỷ lệ nợ của chính phủ so với GDP đã hơn 100%. Đây là những dạng con số thường gắn liền với các quốc gia Mỹ Latinh có nguy cơ lạm phát phi mã. Không ai thực sự mong đợi lạm phát phi mã xảy ra với Nhật Bản, nhưng ít nhất thì các nhà đầu tư đang dần lo lắng về sự lành mạnh trong dài hạn của nền tài chính của chính phủ. Tóm lại, cố gắng khởi động nền kinh tế với tình trạng thâm hụt chi tiêu dường như đang đạt đến giới hạn. Vậy có còn lựa chọn nào khác không? Nếu chi tiêu của chính phủ là một câu trả lời chuẩn mực cho một nền kinh tế bị sa lầy, thì việc vực dậy các ngân hàng là một câu trả lời khác. Một ý kiến được thừa nhận bởi đa số về cuộc Đại suy thoái là: suy thoái kéo dài quá lâu vì đợt khủng hoảng ngân hàng giai đoạn 1930-31 đã giáng những thiệt hại dài hạn lên các thị trường tín dụng. Theo ý kiến này, có những doanh nhân sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn nếu có thể tiếp cận tín dụng, và trên thực tế họ chính là những người đủ điều kiện đi vay. Nhưng những ngân hàng có thể cho vay ra thì hoặc đã phá sản hoặc không thể gây quỹ vì lòng tin của công chúng vào các ngân hàng đã bị lung lay. Trong trường hợp của hợp tác xã giữ trẻ, điều này chung quy là có những người sẵn sàng ra ngoài vào mùa đông và giữ trẻ vào mùa hè, nhưng họ cũng chính là những người không thể vay mượn coupon khi cần thiết. Giờ đây, các ngân hàng Nhật Bản đã có rất nhiều nợ xấu trong những năm kinh tế bong bóng, và tình trạng đình trệ kéo dài sau đó cũng đã làm cho các khoản nợ khác xấu đi. Vì vậy, có một lý thuyết về tình trạng khủng hoảng của Nhật Bản là đất nước gặp khó khăn về thanh khoản chủ yếu do tình trạng tài chính yếu kém của các ngân hàng; vậy chỉ cần tái tổ chức các ngân hàng thì nền kinh tế sẽ hồi phục. Vào cuối năm 1998, cơ quan lập pháp của Nhật Bản đã đưa ra kế hoạch giải cứu ngân hàng trị giá 500 tỷ USD. Còn có một lựa chọn khác cho Nhật Bản là làm mọi cách có thể để vẫn tiếp tục có được một tỷ lệ lạm phát nhẹ. Chúng ta cần giải thích thêm lựa chọn này. Sự thật là từ rất lâu rồi các nhà kinh tế đã không nghĩ nhiều về chủ đề các “bẫy thanh khoản”. Trước khi xảy ra các vấn đề của Nhật Bản vào thập niên 1990, lần cuối cùng một nền kinh tế lớn có vẻ lâm vào khó khăn như vậy là kinh tế Mỹ vào cuối những năm 1930. Các nhà sử học kinh tế đã có xu hướng đánh giá thấp tầm quan trọng của những trải nghiệm đó bằng cách lập luận rằng nó không phải là một cái bẫy thanh khoản thật sự – rằng Fed đã có thể giải quyết việc này nếu chịu cố gắng hết sức – hoặc cho rằng chúng ta đã rơi vào bẫy chỉ vì các sai lầm về chính sách bất thường, và điều này ít có khả năng được lặp lại. Do đó khi những nét chính của “cái bẫy Nhật Bản” dần trở nên rõ ràng vào giữa thập niên 1990, về cơ bản thì các nhà kinh tế đã không có sự chuẩn bị – và nếu tôi có thể chỉ trích nghề nghiệp của mình, thì thậm chí họ cũng không quan tâm. Tôi tiếp tục lấy làm ngạc nhiên khi thấy rất ít nhà kinh tế học trên khắp thế giới nhận ra vấn đề “cái bẫy Nhật Bản” quan trọng như thế nào, cả với vai trò là một vấn đề thực tế và là một thử thách cho các học thuyết kinh tế của chúng ta. Nhưng theo lời nhà kinh tế học vĩ đại thời nữ hoàng Victoria Alfred Marshall[7]đã nói, “kinh tế học không phải là một chân lý cụ thể mà là một động cơ để khám phá chân lý”. Hay nếu nói theo ngôn ngữ thông dụng hơn là người ta có thể giảng dạy các mô hình cũ nhằm thực hiện các thủ thuật mới. Như chúng ta đã thấy trong câu chuyện có chỉnh sửa của tôi về hợp tác xã giữ trẻ, một mô hình được thiết kế để giải thích tại sao ngân hàng trung ương có thể khắc phục tình trạng suy thoái một cách bình thường bằng cách cắt giảm lãi suất cũng có thể làm sáng tỏ các trường hợp mà cách khắc phục trực tiếp này không có hiệu quả. Và chúng ta đã thấy rằng câu chuyện được sửa đổi này cũng đưa ra một số cách giúp thoát khỏi bẫy thanh khoản, hay ít nhất là làm thế nào ngăn chặn việc rơi vào bẫy ngay từ đầu. Hãy nhớ rằng vấn đề cơ bản của hợp tác xã giữ trẻ là mọi người muốn tiết kiệm số điểm kiếm được từ việc giữ trẻ trong mùa đông để sử dụng vào mùa hè, ngay cả với mức lãi suất 0%. Tuy nhiên, trong tổng thể, các thành viên của hợp tác xã không thể tiết kiệm số giờ giữ trẻ trong mùa đông để sử dụng vào mùa hè, do đó các nỗ lực cá nhân để làm như vậy sẽ không đưa đến kết quả gì cả, ngoại trừ một mùa đông đình trệ. Bất kỳ một nhà kinh tế học nào cũng nhận ra ngay câu trả lời là phải có được mức giá đúng: nói rõ hơn là số điểm kiếm được trong mùa đông sẽ bị giảm giá trị nếu được giữ đến mùa hè – ví dụ như năm giờ giữ trẻ vào mùa đông sẽ giảm chỉ còn tương đương bốn giờ vào mùa hè. Điều này sẽ khuyến khích người dân sử dụng giờ giữ trẻ sớm hơn, và qua đó tạo thêm nhiều việc giữ trẻ khác. Bạn có thể nghĩ rằng ở đây có điều gì đó bất công, rằng nó đang tước đoạt tiền tiết kiệm của người dân. Nhưng thực tế là toàn thể hợp tác xã không thể tiết kiệm thời gian giữ trẻ vào mùa đông để sử dụng vào mùa hè, do đó, nó thực sự bóp méo động lực của các thành viên trong chuyện cho phép họ trao đổi một giờ mùa đông với một giờ mùa hè. Nhưng điều gì trong nền kinh tế không-giữ-trẻ tương ứng với việc số lượng các coupon của chúng ta giảm đi vào mùa hè? Câu trả lời là lạm phát , khiến cho giá trị thực sự của tiền giảm dần theo thời gian. Hoặc nói chính xác hơn, một yếu tố có thể đưa nền kinh tế ra khỏi bẫy thanh khoản là lạm phát kỳ vọng , nó không khuyến khích người dân tích trữ tiền. Một khi bạn xem xét khả năng xảy ra bẫy thanh khoản một cách nghiêm túc – và trường hợp của Nhật Bản cho thấy rõ rằng chúng ta nên làm như vậy – thì chúng ta không khỏi kết luận rằng lạm phát kỳ vọng có thể là một điều tốt, vì nó giúp ta thoát khỏi khó khăn. Tôi đã giải thích các ưu điểm của lạm phát dưới hình thức câu chuyện kỳ lạ của hợp tác xã giữ trẻ, nhưng bạn cũng sẽ có được kết luận tương tự từ việc ứng dụng các mô hình toán học tiêu chuẩn bất kỳ mà các nhà kinh tế học thường sử dụng để thảo luận chính sách tiền tệ. Thật vậy, từ lâu đã có ý kiến cho rằng lạm phát có thể là cần thiết để chính sách tiền tệ có thể đánh bại tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, những người tán thành lạm phát đã phải đấu tranh với một tư duy tồn tại lâu đời là người ta luôn mong muốn giá cả ổn định, còn ủng hộ lạm phát sẽ tạo ra những động cơ sai lầm và nguy hiểm. Niềm tin vào tầm quan trọng của sự ổn định giá cả không dựa trên các mô hình kinh tế chuẩn – mà ngược lại là dựa vào lý thuyết thông thường, mà khi áp dụng vào các tình huống bất thường của Nhật Bản đã chỉ ra rằng lạm phát là giải pháp tất yếu. Nhưng lý thuyết kinh tế truyền thống và sự hiểu biết về kinh tế truyền thống không phải lúc nào cũng giống nhau, đó là một cuộc xung đột ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi các quốc gia phải thực hiện những chọn lựa khó khăn khi đối mặt với khủng hoảng tài chính. Sự phục hồi của Nhật Bản Cuối cùng thì nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu phục hồi vào khoảng năm 2003. GDP thực t ế bắt đầu tăng nhẹ hơn 2% một năm, tỷ lệ thất nghiệp giảm và tình trạng giảm phát tệ hại đang gây khó khăn cho nền kinh tế (và làm cho bẫy thanh khoản xấu hơn) dịu đi, mặc dù không có dấu hiệu của lạm phát thực sự. Điều gì đã giúp nền kinh tế chuyển mình? Câu trả lời là chủ yếu nhờ vào xuất khẩu. Vào giữa thập niên này, Mỹ đã bị thâm hụt thương mại nghiêm trọng do nhập khẩu quá nhiều hàng hóa thành phẩm. Mặc dù sự gia tăng lớn nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển khác nhưng cũng có một số hàng hóa nhập từ Nhật. Ngoài ra Nhật Bản còn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc, vì rất nhiều hàng hóa thành phẩm của Trung Quốc có chứa các thành phần nguyên vật liệu từ Nhật Bản. Thật buồn cười là sự bùng nổ nhập khẩu Mỹ là đã làm gia tăng xuất khẩu Nhật Bản, giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi. Tuy nhiên, việc Nhật Bản thoát ra khỏi khó khăn vẫn chỉ là tạm thời. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại Nhật, tương đương với lãi suất của Liên bang (lãi suất được Cục dự trữ Liên bang quy định), đã chỉ còn 0,5% tại thời điểm tôi viết quyển sách này. Điều này có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chỉ còn có thể giảm lãi suất rất ít khi đối mặt với cuộc suy thoái có vẻ đang lờ mờ hiện ra. Và nếu tình trạng suy thoái quá tồi tệ, Nhật Bản sẽ ngay lập tức lâm vào khó khăn, tức là rơi lại vào cái bẫy trước đây. [1] Nguyên văn “Roaring twenties”: chỉ thời kỳ phát triển sôi nổi về mọi mặt tại Bắc Mỹ và châu Âu trong thập niên 1920, ngay sau Thế chiến I. [2]“Tulip mania” chỉ một giai đoạn hồi thế kỷ XVII, khi hoa Tulip trở thành sự đam mê và trưng diện của tầng lớp quý tộc, một loại hàng hoá được đầu cơ tích trữ. Tất cả dân chúng Hà Lan, từ kẻ giàu đến người nghèo đều tìm cách lao vào công việc kinh doanh béo bở này. Họ thế chấp nhà cửa, cầm cố tất cả những gì mình có chỉ để có tiền kinh doanh Tulip. [3] Yakuza: từ thường được dùng để chỉ mafia hay các tổ chức tội phạm truyền thống ở Nhật Bản. [4]Tên một bộ phim kinh điển của Frank Capra năm 1946, với diễn viên chính James (Jimmie) Stewart. [5] Yêu cầu tăng ký quỹ (margin call): Khi giá trị tài sản thế chấp xuống thấp hơn mức ký quỹ tối thiểu, tổ chức môi giới sẽ yêu cầu nhà đầu tư phải tăng mức ký quỹ. Nếu nhà đầu tư không thực hiện yêu cầu tăng ký quỹ, tổ chức môi giới có quyền bán tài sản / chứng khoán trong tài khoản cho đến khi đạt yêu cầu. [6]John Maynard Keynes (5/6/1883-21/4/1946) là một nhà kinh tế học người Anh. Những ý tưởng của ông, hình thành nên Kinh tế học, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế học hiện đại và chính trị cũng như các chính sách tài chính của nhiều chính phủ. Ông là người khai sinh kinh tế học vĩ mô hiện đại. [7] Alfred Marshall (26/07/1842-13/07/1924): là nhà kinh tế học người Anh và là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở thời đại của mình. Tác phẩm “Các nguyên lý kinh tế” (Principles of Economics – 1890) của ông đã mang đến ý tưởng về cung cầu, thuyết hữu dụng biên và chi phí sản xuất trong một tổng thể mạch lạc. Quyển sách này đã trở thành một trong những lý thuyết về kinh tế học có ảnh hưởng lớn tại Anh trong một thời gian dài. 4 SỰ SỤP ĐỔ CỦA CHÂU Á Thái Lan không thực sự là một quốc gia nhỏ bé. Dân số của Thái Lan lớn hơn cả Anh hoặc Pháp; và Bangkok là một cơn ác mộng đô thị rộng lớn với tình trạng giao thông thật tồi tệ. Mặc dù vậy, so với quy mô nền kinh tế thế giới lớn đến mức không thể hình dung nổi thì Thái Lan có quy mô kinh tế khá nhỏ bé. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm 1980 và 1990, đó vẫn là một quốc gia nghèo khó; sức mua của cả nước cũng không lớn hơn sức mua của riêng thành phố Massachusetts. Người ta có thể nghĩ rằng các vấn đề kinh tế của Thái Lan, không giống như những vấn đề của một nền kinh tế khổng lồ như Nhật Bản, chỉ được người Thái, các nước láng giềng lân cận và các doanh nghiệp có sở hữu tài chính trực tiếp với đất nước này quan tâm mà thôi. Nhưng sự mất giá của đồng baht Thái vào năm 1997 đã kích hoạt một cơn bão tài chính chôn vùi phần lớn châu Á. Có các câu hỏi rất quan trọng là tại sao điều đó đã xảy ra và thật sự là làm thế nào mà nó có thể xảy ra. Nhưng trước khi biết được lý do tại sao và như thế nào, chúng ta hãy xem lại câu chuyện về sự phát triển vượt bậc của Thái Lan, sự sụp đổ của nó và sự lan rộng ra khắp châu Á. Sự phát triển vượt bậc Thái Lan là quốc gia phát triển khá trễ trong giai đoạn thần kỳ châu Á (Asian miracle). Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu nông sản truyền thống, Thái Lan đã bắt đầu trở thành một trung tâm công nghiệp lớn chỉ trong thập niên 1980, khi các doanh nghiệp nước ngoài – đặc biệt là Nhật Bản – bắt đầu xây dựng các nhà máy tại đây. Nhưng khi nền kinh tế đã cất cánh thì sự phát triển của Thái Lan thật sự rất ấn tượng: có sự chuyển dịch người nông dân từ các công việc nhà nông sang các công việc thành thị mới, các kết quả tốt có được nhờ làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đã khuyến khích các kết quả khác, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Thái Lan đã là 8% hay nhiều hơn. Không lâu sau các đền thờ nổi tiếng của Bangkok đã nép mình trong bóng râm của các tòa cao ốc văn phòng và căn hộ. Cũng như các nước láng giềng, Thái Lan đã trở thành nơi mà hàng triệu người dân bình thường đã bắt đầu chuyển từ sự nghèo khó tuyệt vọng sang ít nhất là sự khởi đầu của một cuộc sống tươm tất, và là nơi mà một số người đã trở nên hết sức giàu có. Cho đến đầu những năm 1990, hầu hết các khoản đầu tư gắn liền với sự tăng trưởng này xuất phát từ các khoản tiền tiết kiệm của chính người Thái. Tiền từ nước ngoài được dùng để xây dựng các nhà máy xuất khẩu lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ hơn thì được tài trợ bởi tiền tiết kiệm của các doanh nhân địa phương, các tòa nhà văn phòng và căn hộ mới thì được tài trợ bằng tiền gửi ngân hàng của các hộ gia đình trong nước. Năm 1991, nợ nước ngoài của Thái Lan thấp hơn một chút so với lượng xuất khẩu hàng năm – không phải là một tỷ lệ không đáng kể, nhưng cũng là một tỷ lệ nằm trong các giới hạn an toàn thông thường. (Trong cùng năm đó, các khoản nợ của châu Mỹ Latinh trung bình gấp 2,7 lần xuất khẩu.) Tuy nhiên, trong suốt những năm 1990, sự độc lập về tài chính của Thái Lan đã bắt đầu kém đi, với áp lực chủ yếu đến từ bên ngoài. Như đã mô tả ở chương 2, hướng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Mỹ Latinh đã khiến cho các khoản đầu tư vào Thế giới thứ ba tăng trở lại. Sự sụp đổ của Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, đi cùng với việc giảm đi các mối đe dọa công hữu tài sản thường trực, đã khiến cho việc đầu tư bên ngoài thế giới an toàn của phương Tây có vẻ ít rủi ro hơn trước đây. Vào đầu thập niên 1990, lãi suất ở các nước phát triển đặc biệt thấp vì các ngân hàng trung ương đã cố gắng đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng suy thoái từ từ nên nhiều nhà đầu tư bắt đầu ra nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Có lẽ chủ yếu hơn hết là các quỹ đầu tư đã hình thành một tên gọi mới cho các quốc gia mà trước đó đã được gọi là thế giới thứ ba hoặc các nước đang phát triển: bây giờ đó là những “thị trường mới nổi” (emerging market), một khu vực có nhiều cơ hội tài chính mới. Hàng loạt nhà đầu tư đổ vào các thị trường này. Năm 1990 dòng vốn tư nhân đổ vào các nước đang phát triển là 42 tỷ USD, và các cơ quan chính thức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ nhiều khoản đầu tư vào Thế giới thứ ba hơn tất cả các nhà đầu tư cá nhân cộng lại. Tuy nhiên, năm 1997, trong khi dòng vốn chính thức thực sự chậm lại thì dòng vốn tư nhân vào các nước đang phát triển đã tăng gấp năm lần, lên đến 256 tỷ USD. Lúc đầu, phần lớn số tiền này được đổ vào Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là Mexico, nhưng sau năm 1994 thì hình như vốn đổ vào các nền kinh tế an toàn hơn ở khu vực Đông Nam Á ngày càng tăng. Tiền đã đi từ Tokyo hay Frankfurt đến Bangkok hoặc Djakarta như thế nào? (Hầu hết các khoản vay của châu Á đến từ Nhật Bản hoặc châu Âu – nhờ sự khôn ngoan hoặc may mắn mà các ngân hàng Mỹ chủ yếu vẫn đứng bên lề). Tiền đổ vào các nước đó để làm gì? Chúng ta hãy theo dõi tiếp. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một giao dịch điển hình: Một ngân hàng Nhật Bản cho một “công ty tài chính” của Thái Lan vay tiền. Công ty tài chính này vốn là một định chế có mục đích hoạt động chính là làm trung gian chu chuyển tài chính cho các quỹ nước ngoài. Vậy là công ty tài chính này có yen Nhật , và sử dụng số yen này để cho một công ty phát triển địa ốc trong nước vay với lãi suất cao hơn. Nhưng công ty phát triển địa ốc lại muốn vay baht, không phải yen, vì họ mua đất và trả tiền công nhân bằng đồng nội tệ. Do đó công ty tài chính tham gia thị trường ngoại hối để đổi yen lấy baht. Như những thị trường khác, thị trường ngoại hối cũng được chi phối bởi quy luật cung cầu: khi nhu cầu gia tăng thì thông thường giá cũng sẽ tăng. Như vậy, nhu cầu về đồng baht của công ty tài chính sẽ có xu hướng làm cho baht tăng giá so với các đồng tiền khác. Nhưng trong suốt những năm kinh tế phát triển vượt bậc, ngân hàng trung ương Thái Lan đã được cam kết duy trì tỷ giá ổn định giữa đồng baht và USD. Để làm được điều này, Thái Lan sẽ phải đáp ứng mọi gia tăng trong nhu cầu về đồng baht bằng cách tăng nguồn cung: bán baht và mua ngoại tệ như USD hoặc yen Nhật. Do đó kết quả gián tiếp của khoản vay bằng yen ban đầu là dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương và nguồn cung tiền của Thái tăng lên. Đó cũng là một sự mở rộng tín dụng trong nền kinh tế – không chỉ mở rộng các khoản cho vay trực tiếp được các công ty tài chính cung cấp mà còn là tín dụng bổ sung của các ngân hàng nhận gửi phần baht Thái mới được tạo ra. Và vì phần lớn khoản tiền được cho vay ra cuối cùng sẽ quay về các ngân hàng dưới hình thức các khoản tiết kiệm mới, nên ngân hàng sẽ sử dụng tiền này để tài trợ cho các khoản vay mới, và cứ tiếp tục như vậy trong quy trình “đồng tiền tăng theo cấp số nhân / số nhân tiền tệ” (money multiplier) cổ điển được giảng dạy trong môn Kinh tế học cơ bản[1]. (Mô tả của tôi về cuộc khủng hoảng ngân hàng Argentina năm 1995 là một ví dụ của quy trình tương tự, nhưng diễn biến theo chiều ngược lại). Sau đó, vì ngày càng nhiều khoản vay từ nước ngoài đổ vào nên tín dụng được mở rộng mạnh mẽ, kích thích một làn sóng đầu tư mới. Một số khoản đầu tư nằm dưới hình thức xây dựng thật sự, chủ yếu là các tòa nhà văn phòng và căn hộ, nhưng cũng đã có nhiều khoản đầu tư hoàn toàn mang tính đầu cơ, chủ yếu là vào bất động sản và một phần là vào chứng khoán. Đầu năm 1996, các nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu có nhiều điểm tương đồng với “nền kinh tế bong bóng” của Nhật Bản vào cuối những năm 1980. Tại sao các cơ quan quản lý tiền tệ không kiềm chế sự phát triển vượt bậc mang tính đầu cơ này? Câu trả lời là họ đã cố gắng nhưng không thành công. Ngân hàng trung ương của tất cả các nước châu Á đều đã cố gắng trung hòa các dòng vốn vào: khi bị buộc phải bán baht trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cố gắng mua lại baht ở nơi khác bằng cách phát hành trái phiếu, thực chất là vay lại số tiền vừa in ra. Nhưng khoản vay này làm cho lãi suất trong nước tăng lên, khiến cho việc đi vay từ nước ngoài thậm chí còn hấp dẫn hơn và thu hút càng nhiều yen và USD hơn. Nỗ lực kiềm chế đã thất bại: tín dụng vẫn tăng trưởng. Cách duy nhất mà ngân hàng trung ương có thể làm để ngăn chặn quả bóng tiền và tín dụng không bị căng lên là không tiếp tục cố gắng cố định tỷ giá ngoại hối mà để cho đồng baht tự do tăng giá. Và đây thực sự là những gì mà những nhà phê bình chính sách[2]hiện nay cho rằng người Thái lẽ ra nên làm. Nhưng tại thời điểm đó đây có vẻ là một ý tưởng tồi: đồng baht mạnh hơn sẽ khiến cho hàng xuất khẩu của Thái khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới (vì tiền lương và các chi phí khác sẽ cao hơn nếu tính bằng USD), và nói chung người Thái nghĩ rằng tỷ giá ổn định sẽ tốt cho việc kinh doanh, vì đất nước của họ quá nhỏ để có thể chịu đựng tỷ giá thả nổi dao động mạnh như Mỹ. Và vì thế sự bùng nổ đã được phép diễn ra. Cuối cùng, như những gì bạn được học trong sách giáo khoa của môn kinh tế học, sự mở rộng tiền tệ và tín dụng cũng bị tự giới hạn. Đầu tư tăng rất nhanh, cùng với làn sóng chi tiêu của những nhà giàu mới nổi đã dẫn đến làn sóng nhập khẩu, trong khi nền kinh tế đang phát triển vượt bậc làm tiền lương tăng, khiến hàng xuất khẩu Thái giảm tính cạnh tranh (đặc biệt là vì Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh quan trọng của Thái Lan, đã phá giá đồng nội tệ vào năm 1994). Vì vậy tăng trưởng xuất khẩu chậm lại. Kết quả là một khoản thâm hụt thương mại khổng lồ. Thay vì được dùng để trợ giúp cho tiền tệ và tín dụng trong nước, các khoản vay bằng ngoại tệ lại bắt đầu được sử dụng để trả tiền hàng nhập khẩu. Và tại sao không? Một số nhà kinh tế học đã cho rằng – cũng giống như những người ủng hộ Mexico đã lập luận vào đầu thập niên 1990 – các khoản thâm hụt thương mại của Thái Lan, Malaysia và Indonesia không phải là dấu hiệu của sự yếu kém của nền kinh tế mà là của sức mạnh kinh tế, của các thị trường đang vận hành như mong đợi. Tôi xin nhắc lại lập luận này: đứng ở góc độ chung về kế toán, một quốc gia đang thu hút các dòng vốn đầu tư đi vào thì phải chịu thâm hụt tài khoản vãng lai với quy mô tương đương. Vì vậy, miễn là bạn nghĩ rằng các dòng vốn đầu tư đi vào khu vực Đông Nam Á có thể thật sự có hiệu quả có tính thuyết phục về mặt kinh tế, thì các nước sẽ phải có thâm hụt thương mại. Và tại sao việc thế giới đầu tư nhiều vốn vào khu vực Đông Nam Á lại không hợp lý, nếu xét về lịch sử tăng trưởng và sự ổn định kinh tế? Xét cho cùng, không phải chính phủ nào cũng chi tiêu lu bù: trong khi Malaysia và Indonesia đầu tư nhiều vào các dự án công cộng quy mô lớn, những gì họ nhận được lại dựa trên các nguồn thu hiện tại, và ngân sách hầu như đã được cân bằng. Do đó các khoản thâm hụt thương mại này là kết quả của những quyết định kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân; vậy thì tại sao các quyết định này lại bị phê bình? Tuy nhiên, ngày càng nhiều những nhà quan sát bắt đầu cảm thấy lo lắng khi thâm hụt của Thái Lan và Malaysia tăng đến 6, 7 hay 8% GDP – các dạng con số mà Mexico đã từng có trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tequila (đã nói đến ở chương 2). Kinh nghiệm của Mexico đã làm cho một số nhà kinh tế học nhận ra rằng các nguồn vốn quốc tế, ngay cả khi chúng là kết quả của các quyết định đúng đắn của khu vực kinh tế tư nhân, cũng không nhất thiết là đáng tin cậy. Sự đánh giá cao của các nhà đầu tư về triển vọng châu Á cũng có gì đó giống với đánh giá của họ về châu Mỹ Latinh một vài năm trước đó. Và kinh nghiệm của Mexico cũng đã cho thấy nếu xuất hiện một sự đảo chiều trong tâm lý thị trường thì tình hình đó sẽ rất nghiêm trọng và khó đối phó. Chúng ta cũng phải chú ý nhận định rằng các khoản vay của châu Á là kết quả của những quyết định kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân tự do không hẳn là sự thật. Khu vực Đông Nam Á, như Nhật Bản trong những năm kinh tế bong bóng, cũng đã xuất hiện vấn đề rủi ro về đạo đức, vấn đề có thể sẽ sớm bị gán cho cái tên “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Chúng ta hãy trở lại trường hợp công ty tài chính của Thái Lan, định chế đã vay tiền yen gây ra toàn bộ quy trình mở rộng tín dụng. Chính xác các công ty tài chính này là gì? Thông thường, đó không phải là các ngân hàng bình thường: nếu có khách hàng tiết kiệm thì họ cũng chỉ có rất ít khách hàng lớn. Công ty đó cũng không giống các ngân hàng đầu tư phương Tây, vốn là những tổ chức có được các thông tin đặc biệt có thể giúp sử dụng vốn cho những mục đích có lợi nhất. Vậy chúng tồn tại vì lý do gì và đã làm được những gì? Về cơ bản, câu trả lời là nhờ vào các mối quan hệ chính trị. Thật vậy, thông thường chủ sở hữu của công ty tài chính là thân nhân của một quan chức chính phủ nào đó. Vì vậy, nhận định cho rằng các quyết định vay bao nhiêu và đầu tư bao nhiêu là kết quả đánh giá của khu vực kinh tế tư nhân, vốn không hề bị phê bình hay nghi ngờ, thật là sáo rỗng. Đúng là các khoản nợ của các công ty tài chính không cần được đảm bảo như đối với các khoản tiền gửi tại các quỹ tiết kiệm và cho vay ở Mỹ. Nhưng các ngân hàng nước ngoài cho công ty tài chính của cháu trai một bộ trưởng Thái Lan vay tiền có thể được miễn trách vì tin rằng họ an toàn hơn, rằng bộ trưởng sẽ tìm cách giải cứu công ty nếu các khoản đầu tư của nó không hiệu quả như dự kiến. Và các tổ chức cho vay nước ngoài đã đúng: khoảng chín trong mười trường hợp, các tổ chức cho vay nước ngoài tài trợ các công ty như thế đã thực sự nhận được giải cứu từ chính phủ Thái Lan khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Bây giờ chúng ta hãy xem xét tình huống này theo quan điểm của cháu trai ngài Bộ trưởng, chủ sở hữu công ty tài chính. Về cơ bản, ông ta có thể được vay tiền với lãi suất thấp, không nghi ngờ gì nữa. Vậy thì còn gì có thể tất yếu hơn là lấy số tiền đó cho một người bạn vay với lãi suất cao hơn, người bạn đó vốn là công ty phát triển bất động sản mới đầu cơ vào một tòa nhà văn phòng. Việc làm này có thể tạo ra một món lời to, nhưng cũng có thể không. Nếu tất cả đều tốt đẹp thì cả hai có thể kiếm được rất nhiều tiền. Còn nếu mọi việc không diễn ra như hy vọng thì cũng không nên hoảng sợ: ngài Bộ trưởng quý hóa sẽ tìm được cách bảo vệ công ty tài chính. Phần thắng luôn thuộc về người cháu đó, chỉ có những người nộp thuế thua cuộc mà thôi. Dù bằng hình thức này hay hình thức khác, các trò chơi tương tự cũng đã được diễn ra ở tất cả các quốc gia có thể sẽ sớm bị rơi vào khủng hoảng. Tại Indonesia, những người môi giới đóng vai trò ít quan trọng hơn: chúng ta có ví dụ về một giao dịch đáng ngờ điển hình là một ngân hàng nước ngoài cấp một khoản tín dụng trực tiếp cho một công ty được kiểm soát bởi một người thân của tổng thống (Một ví dụ hoàn hảo là khoản vay đã làm sụp đổ Quỹ đầu tư Peregrine của Hongkong, được cấp trực tiếp cho công ty taxi của con gái Suharto). Tại Hàn Quốc, những con nợ lớn chính là các ngân hàng được kiểm soát một cách hiệu quả bởi chaebol , các đại công ty đã thống trị nền kinh tế và chính trị quốc gia, cho đến rất gần đây. Sau đó trên toàn khu vực, các bảo lãnh ngấm ngầm của Chính phủ đã giúp cam kết tài trợ cho các khoản đầu tư vốn dĩ rủi ro hơn và ít triển vọng hơn nếu không có sự bảo lãnh đó, và điều này đã tiếp thêm hơi sức cho một quả bong bóng đầu cơ dù sao đi nữa cũng đã được bơm quá căng. Căn cứ vào tất cả những điều này, sự phát triển của một số dạng khủng hoảng không phải là điều đáng ngạc nhiên lắm. Một số người trong chúng ta thậm chí có thể tuyên bố rằng đã dự đoán được các cuộc khủng hoảng tiền tệ từ hơn một năm trước. Nhưng đã không ai nhận ra cuộc khủng hoảng sẽ khốc liệt như thế nào. Ngày 2 tháng 7 năm 1997 Trong suốt năm 1996 và nửa đầu 1997, cỗ máy tín dụng đã từng tạo nên sự phát triển vượt bậc của Thái Lan bắt đầu vận hành theo chiều ngược lại. Một phần là do các sự kiện bên ngoài: các thị trường của một số mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan đã giảm sút nhẹ, sự mất giá của đồng yen Nhật đã làm ngành công nghiệp Đông Nam Á mất đi một ít tính cạnh tranh. Tuy nhiên, phần lớn là do tình trạng xảy ra khi những con bạc đang bị thua tiền cho nhà cái, một kết quả tất yếu trong dài hạn: ngày càng nhiều các khoản đầu tư mang tính chất đầu cơ đã được tài trợ, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, bởi các khoản vay giá rẻ từ nước ngoài đã trở nên tồi tệ. Một số nhà đầu cơ vỡ nợ và một số công ty tài chính phá sản. Các tổ chức cho vay nước ngoài đã cho vay thêm tiền ngày càng miễn cưỡng hơn. Sự mất lòng tin đã đạt đến một mức độ nhất định của quá trình tự củng cố (self-reinforcing process). Miễn là giá bất động sản và thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ thì thậm chí những khoản đầu tư đáng nghi vấn cũng có vẻ tốt đẹp. Khi thời kỳ phát đạt bắt đầu qua đi, thiệt hại bắt đầu tăng lên, làm giảm lòng tin và khiến cho việc cung cấp các khoản vay mới còn giảm nhiều hơn. Ngay cả trước cuộc khủng hoảng ngày 2 tháng 7, giá trị đất đai và cổ phiếu đã giảm rất sâu so với mức giá đỉnh điểm. Sự giảm sút của các khoản vay nước ngoài cũng gây ra nhiều vấn đề cho ngân hàng trung ương. Đồng yen và USD đi vào ít hơn làm cho nhu cầu về baht trên thị trường ngoại hối giảm; trong khi đó, nhu cầu đổi baht lấy ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu vẫn tiếp tục không suy yếu. Để giữ đồng baht không bị mất giá, Ngân hàng trung ương Thái Lan đã phải thực hiện ngược lại những gì đã làm khi dòng vốn bắt đầu đi vào: ngân hàng tham gia vào thị trường để trao đổi đôla và yen lấy baht, hỗ trợ đồng nội tệ. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa việc cố gắng giữ không cho đồng nội tệ lên giá với việc nỗ lực không cho nó xuống giá là: Ngân hàng Trung ương Thái Lan có thể tăng cung baht bao nhiêu tùy thích, vì họ chỉ việc in thêm baht, nhưng Ngân hàng Trung ương Thái Lan lại không thể in USD. Như vậy khả năng giữ giá của đồng baht của ngân hàng cũng bị hạn chế. Không sớm thì muộn dự trữ ngoại hối cũng sẽ cạn kiệt. Cách duy nhất để duy trì giá trị đồng baht là giảm lượng baht trong lưu thông, tăng lãi suất và từ đó một lần nữa làm cho việc vay ngoại tệ để tái đầu tư bằng baht hấp dẫn trở lại. Nhưng điều này đã gây ra nhiều vấn đề thuộc dạng khác. Khi cơn sốt đầu tư nổ ra, nền kinh tế Thái Lan đã phát triển chậm lại – các hoạt động xây dựng ít diễn ra hơn, nghĩa là ít việc làm hơn, thu nhập thấp hơn, có nhiều vụ sa thải trong toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù đất nước không chính thức lâm vào tình trạng suy thoái nhưng nền kinh tế cũng không còn duy trì phong cách quen thuộc. Việc tăng lãi suất có thể sẽ không khuyến khích đầu tư hơn nữa và có thể đẩy nền kinh tế vào một tình trạng khủng hoảng thật sự. Phương án thay thế là thả nổi đồng nội tệ: dừng mua baht và thả nổi tỷ giá. Nhưng đây cũng là một sự lựa chọn không hấp dẫn, không chỉ vì việc phá giá đồng tiền sẽ làm tổn hại danh tiếng của chính phủ, mà còn vì rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính và các doanh nghiệp Thái Lan khác đang vay nợ bằng USD. Nếu giá trị của USD so với baht tăng lên, nhiều tổ chức sẽ mất khả năng chi trả. Vì vậy, chính phủ Thái Lan đã do dự. Chính phủ không sẵn sàng để cho đồng baht mất giá; cũng không sẵn sàng áp dụng các biện pháp nghiêm khắc trong nước có thể giúp ngăn chặn suy giảm dự trữ ngoại hối. Thay vào đó, chính phủ chơi trò chơi chờ đợi, hình như hy vọng rằng cuối cùng một điều gì đó sẽ xuất hiện. Tất cả điều này đi theo một kịch bản chuẩn: đó là cách mở đầu kinh điển cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ, một thứ mà các nhà kinh tế học thích mô hình hóa và những nhà đầu cơ thích châm ngòi cho nó diễn ra. Khi rõ ràng rằng chính phủ không đủ khả năng xoay chuyển được nền kinh tế trong nước, thì ngày càng có nhiều khả năng là cuối cùng đồng baht được phép giảm giá. Nhưng vì điều đó chưa xảy ra nên vẫn còn thời gian để tận dụng lợi thế của sự kiện sắp tới. Miễn là tỷ giá đồng baht so với USD có vẻ ổn định, thực tế là lãi suất ở Thái Lan cao hơn ở Hoa Kỳ một ít đã khuyến khích mọi người đi vay USD và cho vay lại bằng baht. Nhưng một khi có khả năng lớn là đồng baht sẽ sớm bị phá giá thì việc khuyến khích đã đi theo cách khác, mọi người đi vay baht và mong rằng trị giá theo USD của những khoản nợ này sẽ sớm giảm xuống, và mua USD với hy vọng trị giá theo baht của các tài sản này sẽ sớm tăng lên. Các doanh nhân địa phương vay baht và thanh toán hết các khoản vay bằng USD; những người Thái giàu có thì bán chứng chỉ nợ của Chính phủ và mua trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là một số quỹ đầu cơ quốc tế lớn đã bắt đầu vay baht và chuyển đổi doanh thu sang USD. Tất cả những hành động này bao gồm việc bán baht và mua các ngoại tệ khác, có nghĩa là chúng đòi hỏi ngân hàng trung ương thậm chí phải mua nhiều baht hơn để giữ đồng tiền không bị giảm giá, khiến cho dự trữ ngoại hối cạn kiệt nhanh hơn, càng làm củng cố thông tin rằng đồng baht sẽ bị phá giá sớm hơn. Một cuộc khủng hoảng tiền tệ kinh điển đã xuất hiện. Bất kỳ nhà tư vấn tài chính nào cũng có thể cho bạn biết rằng một khi mọi việc đã đạt đến điểm đó thì chính phủ phải hành động một cách dứt khoát, bằng cách này hay cách khác: hoặc cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ đồng tiền bằng mọi giá hoặc thả nổi nó. Nhưng chính phủ các nước thường trải qua một giai đoạn rất khó khăn trong việc quyết định thực hiện theo hướng nào. Giống như nhiều chính phủ trước đây và chắc chắn sẽ còn nhiều nước khác, chính phủ Thái Lan đã chờ đợi trong khi dự trữ đang giảm đi; họ vẫn cố gắng chứng minh cho các thị trường thấy rằng các trạng thái hiện tại của quốc gia đang mạnh hơn trước đây, chính phủ còn làm cho các khoản dự trữ này có vẻ nhiều hơn thông qua “các giao dịch hoán đổi tiền tệ” (currency swap) không được thông báo rộng rãi (trên thực tế là hôm nay vay USD để sau này trả lại). Nhưng dù đôi khi áp lực có vẻ yếu đi, nó luôn luôn hồi phục như cũ. Rõ ràng là trò chơi đã kết thúc vào đầu tháng 7. Ngày 2 tháng 7, Thái Lan thả nổi đồng baht. Cho đến thời điểm này, chưa có điều gì đáng ngạc nhiên xảy ra cả. Sự cạn kiệt của các khoản dự trữ, các giao dịch đầu cơ tấn công lên một đồng tiền rõ ràng đã suy yếu là những điều có thể đọc được từ bất kỳ cuốn sách giáo khoa kinh tế nào. Nhưng cho dù mới trải qua cuộc khủng hoảng tequila gần đây, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng sự mất giá của đồng baht sẽ gần như kết thúc câu chuyện: Chính phủ bị bẽ mặt, có thể là một cú sốc khó chịu đối với một số doanh nghiệp phát triển quá nóng, nhưng đã không gây ra thảm họa nào. Chắc chắn Thái Lan không có gì giống với Mexico. Không ai có thể buộc tội nó vì đã đạt được “ổn định hóa, cải cách, và không tăng trưởng”; không có Cárdenas của Thái Lan chờ đợi ở hai bên cánh gà sân khấu để thực hiện một chương trình dân túy. Và như vậy cũng sẽ không có tình trạng suy thoái tàn phá được. Họ đã sai. Sự sụp đổ Có hai câu hỏi khác nhau về tình trạng suy thoái lan khắp châu Á theo sau sự mất giá của đồng baht Thái. Câu hỏi đầu tiên thuộc về cơ chế: Cuộc khủng hoảng này đã xảy ra như thế nào? Tại sao chỉ một sự mất giá của một nền kinh tế nhỏ lại có thể gây ra một sự sụp đổ trong đầu tư và sản lượng trong cả một khu vực rộng lớn? Câu hỏi thứ hai chi tiết hơn là tại sao các chính phủ đã không, hay có lẽ là đã không thể, ngăn chặn thảm họa này? Điều gì đã xảy ra với chính sách kinh tế vĩ mô? Chúng ta cần có thời gian để trả lời câu hỏi thứ hai, ít nhất một phần vì nó là một vấn đề bất đồng nghiêm trọng giữa những con người có hiểu biết. Do đó chúng ta sẽ bàn đến vấn đề đó ở chương kế tiếp, còn bây giờ chỉ cần cố gắng miêu tả những gì đã xảy ra. Khi mọi việc tốt đẹp thì việc một đồng tiền được phép giảm giá cũng không dẫn đến một điều gì khủng khiếp. Khi Anh không còn bảo hộ đồng bảng vào năm 1992, bảng đã xuống giá khoảng 15% và sau g g g g g g đó ổn định: các nhà đầu tư chỉ ra rằng tình hình xấu nhất đã qua, rằng đồng tiền có giá trị thấp hơn sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu và do đó đất nước sẽ trở thành một nơi đầu tư tốt hơn trước đây. Các tính toán thông thường cho thấy đồng baht sẽ phải giảm giá khoảng 15% để giúp cho ngành công nghiệp Thái có chi phí cạnh tranh một lần nữa, do đó, dường như có khả năng xảy ra một sự phá giá đáng kể. Nhưng thay vì vậy, đồng tiền đã rơi tự do: tỷ giá USD so với baht đã tăng 50% trong vài tháng sau đó, và đã có thể tăng nhiều hơn nữa nếu Thái Lan không tăng lãi suất một cách mạnh mẽ. Vậy tại sao đồng baht đã lại giảm giá mạnh như vậy? Câu trả lời ngắn gọn là do “sự hoảng loạn”. Nhưng có rất nhiều sự hoảng loạn, vậy đâu là nguyên nhân? Đôi khi sự hoảng loạn chỉ là sự hoảng loạn: đó là một phản ứng phi lý của các nhà đầu tư và không được lý giải bởi các thông tin thực tế. Chúng ta có thể lấy ví dụ là đợt giảm nhẹ của đồng USD năm 1981, sau khi một tay súng loạn trí ám sát Tổng thống Ronald Reagan. Đó là một sự kiện gây sửng sốt; nhưng ngay cả nếu Reagan chết trong vụ ám sát đó, sự ổn định của chính phủ Hoa Kỳ và tính liên tục của chính sách quốc gia cũng hầu như không bị ảnh hưởng. Những ai đã giữ bình tĩnh và không tháo chạy khỏi đồng USD đã được tưởng thưởng nhờ những cái đầu lạnh. Tuy nhiên, trong kinh tế học, điều quan trọng hơn nhiều là khi sự hoảng loạn tự biến thành sự thật[3]: dù bất kể điều gì đã khởi động nó thì chính bản thân tình trạng hoảng loạn sẽ khiến người ta cảm thấy hoảng loạn là một hành vi hợp lý! Một ví dụ kinh điển là sự sụp đổ của ngân hàng: khi tất cả khách hàng tiết kiệm của ngân hàng cố gắng rút tiền cùng một lúc, ngân hàng buộc phải bán các tài sản với giá quá thấp, khiến cho ngân hàng phá sản; những khách hàng không hoảng loạn cuối cùng lại có kết quả xấu hơn những ai đã hoảng loạn. Và thực sự đã có một số vụ sụp đổ ngân hàng tại Thái Lan, thậm chí tại Indonesia còn nhiều hơn. Nhưng nếu chỉ tập trung vào những vụ sụp đổ này thì chúng ta đã nhìn nhận vấn đề không được sâu sắc. Những gì thật sự đã xảy ra là một quá trình khép kín – một vòng luẩn quẩn của sự tồi tệ về tài chính và sự suy giảm lòng tin, trong đó những vụ sụp đổ ngân hàng chỉ là một khía cạnh. Hình vẽ dưới đây minh họa quá trình này dưới dạng biểu đồ, xảy ra ở một số nền kinh tế châu Á phải gánh chịu khủng hoảng. Bạn có thể bắt đầu từ bất kỳ chỗ nào trong vòng tròn – ví dụ như với sự suy giảm lòng tin vào đồng tiền và nền kinh tế Thái Lan. Sự suy giảm lòng tin này có thể khiến cho các nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài, muốn đưa tiền ra khỏi đất nước. Nếu những yếu tố khác không đổi, điều này sẽ làm cho đồng baht giảm giá trị. Vì Ngân hàng Trung ương """