" Sự Thật Vụ Mất Tích Nữ Nhà Báo Stephanie Mailer - Joël Dicker & Nguyễn Thị Tươi (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sự Thật Vụ Mất Tích Nữ Nhà Báo Stephanie Mailer - Joël Dicker & Nguyễn Thị Tươi (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo ĐÔI LỜI VỀ CÁC SỰ KIỆN Ngày 30 tháng Bảy năm 1994 C hỉ có những người thân thuộc với vùng Hamptons thuộc bang New York mới phong thanh biết được những chuyện đã xảy ra vào ngày 30 tháng Bảy năm 1994 tại Orphea, một thành phố nhỏ phồn hoa nằm bên bờ đại dương. Tối đó, Orphea khai mạc Liên hoan sân khấu đầu tiên của thành phố, và sự kiện có quy mô toàn quốc này đã thu hút một lượng khán giả đông đảo. Ngay từ cuối buổi chiều, các du khách và cư dân địa phương đã bắt đầu tụ tập trên đường phố chính để tham dự rất nhiều hoạt động lễ hội do Tòa thị chính tổ chức. Người ta rời hết khỏi các khu dân cư, khiến những nơi này chẳng khác nào một thành phố ma: không còn người đi dạo trên vỉa hè, không còn cặp đôi dưới các mái vòm, không còn lũ trẻ trượt pa tanh trên đường phố, trong các khu vườn cũng chẳng còn một ai. Tất cả mọi người đều ở đường phố chính. Khoảng 20 giờ, trong khu phố Penfield vắng ngơ vắng ngắt, dấu vết duy nhất của sự sống chính là một chiếc xe hơi chậm rãi chạy dọc theo những con phố bị bỏ rơi. Ngồi sau tay lái, một người đàn ông chăm chăm nhìn vào các vỉa hè, trong đôi mắt ánh lên nỗi lo âu. Anh chưa từng cảm thấy cô độc đến thế trên đời. Chẳng có người nào giúp anh. Anh không còn biết phải làm gì. Anh đang tuyệt vọng đi tìm vợ: cô đã đi chạy thể dục và không trở về nữa. Samuel và Meghan Padalin thuộc số hiếm những cư dân quyết định ở lại nhà trong tối khai mạc Liên hoan sân khấu. Họ không mua được vé xem vở diễn mở màn, vì trước đó quầy bán vé chẳng khác nào bị tấn công, và họ cũng không thấy thích thú gì với việc chen lấn tham gia các hoạt động lễ hội trên đường phố chính và trên bến du thuyền. Đến cuối ngày, Meghan rời khỏi nhà, giống như tất cả những ngày khác, vào khoảng 18 giờ 30 phút, để chạy bộ. Ngoại trừ Chủ nhật, ngày cô cho phép thân thể mình nghỉ ngơi một chút, tất cả các tối trong tuần cô đều rèn luyện trên cung đường đó. Cô rời khỏi nhà và chạy ngược phố Penfield, lên đến tận Penfield Crescent, một đường vòng cung bao quanh một công viên nhỏ. Cô dừng lại ở đó để thực hiện một loạt những bài tập trên cỏ - luôn là những bài tập ấy - rồi quay trở về nhà vẫn theo con đường vừa rồi. Chuyến chạy bộ của cô kéo dài đúng bốn mươi lăm phút. Đôi khi là năm mươi phút, nếu cô kéo dài thời gian tập trên cỏ. Không bao giờ lâu hơn. Đến 19 giờ 30 phút, Samuel Padalin ngạc nhiên thấy vợ anh vẫn chưa về. Đến 19 giờ 45 phút, anh bắt đầu cảm thấy lo lắng. Đến 20 giờ, anh bắt đầu đi đi lại lại trong phòng khách. Đến 20 giờ 10 phút, không thể chịu đựng nổi nữa, rốt cuộc anh lấy xe hơi để đi quanh khu phố. Dường như đối với anh, cách làm hợp lô gic nhất là lần theo đúng cung đường chạy quen thuộc của Meghan. Và anh đã làm thế. Anh rẽ vào phố Penfield, rồi lái xe ngược lên đến tận Penfield Crescent, sau đó rẽ ngoặt. Đã 20 giờ 20 phút. Chẳng có một mống người nào. Anh dừng lại một lát để quan sát công viên nhưng không nhìn thấy ai. Chỉ đến khi nổ máy trở lại anh mới nhìn thấy một hình dạng trên vỉa hè. Lúc đầu anh tưởng rằng đó là một đống quần áo. Rồi hiểu ra rằng đó là một thân người. Anh vội lao ra khỏi xe, tim đập thình thịch: chính là vợ anh. Khi làm việc với cảnh sát, Samuel Padalin sẽ nói rằng lúc đầu anh tưởng rằng vợ anh bị mệt vì nóng. Anh sợ rằng vợ anh bị nhồi máu cơ tim. Nhưng khi lại gần Meghan, anh nhìn thấy máu và lỗ thủng ở đằng sau hộp sọ cô. Anh bắt đầu gào lên, gọi người đến cứu, không biết phải ở lại bên vợ hay chạy đi gõ cửa các nhà để nhờ ai đó gọi cấp cứu. Mắt anh mờ đi, anh có cảm giác hai chân không đủ sức nâng đỡ cơ thể mình nữa. Cuối cùng, những tiếng gào hét của anh cũng đánh động được một cư dân sống ở con phố song song, ông này đã gọi cấp cứu. Vài phút sau, cảnh sát phong tỏa khu phố. Chính là một trong số những nhân viên cảnh sát đầu tiên đến hiện trường, vào thời điểm thiết lập phạm vi phong tỏa, đã nhận thấy rằng cánh cửa nhà ông thị trưởng thành phố, căn nhà nằm ngay đằng trước xác Meghan mặc quần áo thể dục chạy bộ, đang hé mở. Cảm thấy tò mò, anh lại gần. Anh nhận thấy cánh cửa đã bị phá hỏng. Anh lấy súng ra khỏi bao, nhảy lên các bậc tam cấp và cất tiếng gọi. Không có ai trả lời. Anh giơ mũi chân đẩy cánh cửa và nhìn thấy xác một người phụ nữ nằm sõng soài trong hành lang. Anh lập tức gọi người chi viện, rồi chầm chậm tiến vào trong nhà, súng lăm lăm trên tay. Ở bên tay phải, trong phòng khách nhỏ, anh kinh hoàng phát hiện ra xác một cậu bé. Rồi, trong phòng bếp, anh nhìn thấy ông thị trưởng nằm trong vũng máu, ông cũng đã bị giết chết. Cả gia đình đã bị sát hại. PHẦN ĐẦU TIÊN Trong vực thẳm 7 Một phóng viên mất tích THỨ HAI NGÀY 23 THÁNG SÁU - THỨ BA NGÀY 1 THÁNG BẢY NĂM 2014 JESSE ROSENBERG Thứ Hai ngày 23 tháng Sáu năm 2014 33 ngày trước đêm biểu diễn khai mạc của Liên hoan sân khấu lần thứ 21 tại Orphea L ần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp Stephanie Mailer chính là khi cô thâm nhập bữa tiệc nhỏ được tổ chức để chúc mừng tôi chia tay lực lượng Cảnh sát bang New York. Ngày hôm đó, đông đảo cảnh sát thuộc đủ các bộ phận đã tụ tập trong ánh mặt trời giữa trưa, đằng trước cái bục gỗ được dựng lên vào những dịp trọng đại tại bãi đỗ xe của trung tâm vùng thuộc lực lượng cảnh sát bang. Tôi đứng trên cái bục ấy, bên cạnh cấp trên của tôi, thiếu tá McKenna, người đã dẫn dắt tôi trong suốt sự nghiệp cảnh sát của tôi, ông đang trịnh trọng vinh danh tôi. “Jesse Rosenberg là một đại úy cảnh sát trẻ tuổi, nhưng rõ ràng cậu ấy đang rất sốt ruột muốn rời khỏi ngành, thiếu tá McKenna tuyên bố khiến cử tọa cười rộ lên. Tôi không bao giờ tưởng tượng được là cậu ấy lại ra đi trước tôi. Dù sao, cuộc đời cũng thật bất công: tất cả mọi người đều muốn tôi ra đi, nhưng tôi vẫn ở đây, và tất cả mọi người đều muốn giữ Jesse ở lại, nhưng Jesse lại ra đi.” Tôi 45 tuổi và tôi rời khỏi ngành cảnh sát với tâm trạng thư thái, vui vẻ. Sau hai mươi ba năm phục vụ, tôi đã quyết định nhận khoản trợ cấp mà lúc này tôi có quyền được hưởng để thực hiện một dự án mà tôi vẫn nung nấu từ lâu. Tôi vẫn còn một tuần làm việc nữa, đến tận 30 tháng Sáu. Sau đó, có lẽ một chương mới trong cuộc đời tôi sẽ mở ra. “Tôi vẫn còn nhớ vụ án lớn đầu tiên của Jesse, thiếu tá McKenna nói tiếp. Một vụ giết người khủng khiếp với bốn nạn nhân, mà cậu ấy đã phá án xuất sắc, trong khi không có người nào trong đội cảnh sát tin rằng cậu ấy đủ khả năng làm việc đó. Khi ấy, Jeese vẫn còn là một cảnh sát trẻ măng. Kể từ thời điểm đó, tất cả mọi người đều hiểu Jesse kiên cường đến mức nào. Tất cả những người từng ở bên cậu ấy đều biết rằng cậu ấy là một điều tra viên ngoại hạng, tôi nghĩ có thể nói rằng thậm chí Jesse chính là người giỏi nhất trong số chúng tôi. Chúng tôi đã đặt biệt danh cho cậu ấy là đại úy 100% vì đã giải quyết được tất cả các vụ điều tra mà cậu ấy từng tham gia, điều này khiến Jesse trở thành điều tra viên có một không hai. Cậu ấy là cảnh sát được các đồng nghiệp ngưỡng mộ, là chuyên gia để các đồng nghiệp xin ý kiến tư vấn, là chuyên viên đào tạo thuộc Học viện cảnh sát trong suốt nhiều năm liền. Hãy để tôi nói với cậu điều này, Jesse ạ: đã hai mươi năm nay tất cả chúng tôi ghen tị với cậu!” Cử tọa lại cười rộ lên. “Chúng tôi không hiểu rõ lắm về dự án mới đang chờ đợi cậu, Jesse ạ, nhưng chúng tôi chúc cậu gặp nhiều may mắn trong dự án đó. Và hãy nhớ rằng chúng tôi sẽ rất nhớ cậu, ngành cảnh sát sẽ nhớ cậu, nhưng đặc biệt là các bà vợ của chúng tôi, những người thường ghé qua các hội chợ của ngành cảnh sát chỉ để nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống cậu.” Một tràng pháo tay vang dội tán thưởng bài diễn văn. Thiếu tá McKenna thân mật vỗ vai tôi, tôi xuống khỏi bục để đến chào tất cả những người đã thân thiện có mặt, trước khi họ lao đến chỗ bày đồ ăn tự chọn. Sau khi tôi còn lại một mình được một lát, thì một cô gái rất xinh đẹp, tuổi trạc ba mươi đi đến bên tôi, tôi không nhớ đã tùng gặp cô ta bao giờ chưa. - Vậy ra anh chính là viên đại úy 100% trứ danh đó? Cô ta hỏi tôi bằng giọng đầy quyến rũ. - Hình như thế, tôi mỉm cười trả lời. Chúng ta có quen biết nhau không? - Không. Tôi tên là Stephanie Mailer. Tôi là phóng viên làm việc cho tờ Thời báo Orphea. Chúng tôi bắt tay nhau. Stephanie liền bảo tôi: - Anh có ngại không nếu tôi gọi anh là đại úy 99%? Tôi nhíu mày: - Phải chăng cô đang muốn nói bóng gió rằng tôi đã không phá được một trong các vụ án mà tôi được giao điều tra? Thay cho toàn bộ câu trả lời, cô ta lấy từ trong túi ra bản sao một bài báo cắt từ tờ Thời báo Orphea, số ra ngày 1 tháng Tám năm 1994 rồi đưa cho tôi: ĐOẠT MẠNG BỐN NGƯỜI Ở ORPHEA: THỊ TRƯỞNG CÙNG CẢ GIA ĐÌNH BỊ SÁT HẠI Tối thứ Sáu, thị trưởng thành phố Orphea, Joseph Gordon, vợ ông cùng cậu con trai nhỏ 10 tuổi của họ đã bị sát hại tại nhà riêng. Nạn nhân thứ tư tên là Meghan Padalin, 32 tuổi. Người phụ nữ trẻ này đang chạy thể dục vào thời điểm xảy ra vụ việc, chắc hẳn cô chính là nhân chứng không may của vụ giết người. Cô đã bị bắn chết ngay giữa phố, đằng trước nhà của ông thị trưởng. Để minh họa cho bài báo, có một bức ảnh chụp tôi cùng đồng đội của tôi hồi đó, Derek Scott, tại hiện trường vụ án. - Ý cô muốn ám chỉ điều gì? Tôi hỏi cô gái. - Anh đã không phá được vụ án này, đại úy ạ. - Cô đang nói linh tinh gì vậy? - Năm 1994, anh đã bị nhầm thủ phạm. Tôi nghĩ anh muốn biết điều đó trước khi rời khỏi ngành cảnh sát. Thoạt tiên, tôi tưởng đây là một trò đùa tai ác của các bạn đồng nghiệp, nhưng rồi tôi hiểu ra rằng Stephanie đang nói rất nghiêm túc. - Phải chăng cô đang tự tiến hành điều tra? Tôi hỏi cô ta. - Theo một cách nào đó thì đúng thế, đại úy ạ. - Theo một cách nào đó ư? Cô cần phải cho tôi biết nhiều hơn thế nếu muốn tôi tin cô. - Tôi đang nói sự thật, đại úy ạ. Ngay sau đây tôi có một cuộc hẹn, có lẽ sẽ cho phép tôi có được một bằng chứng không thể phủ nhận. - Cuộc hẹn với ai vậy? - Đại úy này, cô ta nói với tôi bằng giọng thích thú, tôi không phải là đứa mới tập tọng vào nghề. Đây là loại tin đặc biệt mà một phóng viên không bao giờ muốn mạo hiểm để mất. Tôi hứa sẽ chia sẻ các phát hiện của tôi với anh ngay vào thời điểm thích hợp. Trong lúc chờ đợi, tôi có một việc cần nhờ anh đây: hãy cho tôi tiếp cận hồ sơ của Cảnh sát bang. - Cô gọi đó là một việc cần nhờ, còn tôi thì gọi đó là trò đe dọa! Tôi bẻ lại. Hãy bắt đầu bằng việc cho tôi xem vụ điều tra của cô, Stephanie ạ. Những lời cáo buộc vừa rồi của cô là rất nghiêm trọng đấy. - Tôi hoàn toàn biết rõ điều đó, đại úy Rosenberg ạ. Và rất tiếc là tôi không hề có ý định để mình bị Cảnh sát bang đánh lừa đâu. - Tôi nhắc lại để cô nhớ rằng cô có nghĩa vụ chia sẻ toàn bộ các thông tin nhạy cảm mà cô đang nắm giữ với cảnh sát. Đó là luật. Tôi cũng có thể đến tận tòa soạn báo của cô để khám xét đấy. Stephanie tỏ vẻ thất vọng trước phản ứng của tôi. - Đành vậy thôi, đại úy 99% ạ, cô nói. Tôi vẫn hình dung rằng chuyện này sẽ khiến anh quan tâm, nhưng chắc hẳn lúc này anh đã bận nghĩ đến việc về hưu và dự án mới mà cấp trên của anh vùa nói đến trong bài diễn văn của ông ấy. Dự án đó là gì vậy? Sửa sang một con tàu cũ chăng? - Chuyện đó chẳng liên quan gì đến cô cả, tôi cộc cằn đáp trả. Cô ta nhún vai, tỏ vẻ như sắp rời đi. Tôi tin chắc rằng đó là một mánh khóe lừa bịp của cô ta, và quả đúng thế, đi được vài bước Stephanie dừng lại rồi quay về phía tôi: - Câu trả lời nằm ngay trước mặt anh, đại úy Rosenberg ạ. Chỉ đơn giản là anh không nhìn ra nó thôi. Tôi cảm thấy vừa hiếu kỳ vừa cáu kỉnh. - Tôi không chắc là mình hiểu được ý cô, Stephanie ạ. Cô ta liền giơ tay lên và đặt nó ngang tầm mắt tôi. - Anh nhìn thấy gì, đại úy? - Bàn tay cô. - Tôi đang cho anh xem các ngón tay tôi, cô ta đính chính. - Nhưng tôi thì lại nhìn thấy bàn tay cô, tôi đáp lại, không hiểu cô ta có ý gì. - Đó chính là vấn đề đấy, cô ta bảo tôi. Anh đã nhìn thấy thứ anh muốn nhìn thấy, chứ không phải thứ người ta muốn cho anh thấy. Đó chính là điều anh đã bỏ lỡ cách đây hai mươi năm. Đó là những lời nói cuối cùng của cô ta. Nói xong, cô ta bỏ đi, để mặc tôi với câu đố hiểm hóc kia, tấm danh thiếp của cô ta cùng bản sao bài báo. Nhìn thấy Derek Scott, người đồng đội cũ hiện đang ăn sâu bám rễ ở bộ phận hành chính của sở cảnh sát, bên bàn đồ ăn tự chọn, tôi vội đi đến bên anh và cho anh xem bài báo. - Trông cậu chẳng thay đổi gì cả, Jesse ạ, anh vừa nói vừa mỉm cười với tôi, thích thú khi nhìn thấy bài báo cũ đó. Cô gái đó muốn gì ở cậu? - Cô ta là phóng viên. Theo cô ta, chúng ta đã mắc sai lầm vào năm 1994. Cô ta khẳng định là chúng ta đã đi chệch hướng điều tra và đã bị nhầm thủ phạm. - Cái gì? Derek nghẹn giọng, làm sao có thể như thế được. - Tôi biết. - Chính xác thì cô ta đã nói gì? - Rằng câu trả lời nằm ngay trước mắt chúng ta mà chúng ta không nhìn thấy nó. Derek vẫn tỏ vẻ băn khoăn. Dường như cả anh cũng thấy bối rối, nhưng anh quyết định xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi tâm trí. - Tôi không tin chuyện đó dù chỉ một phút, cuối cùng anh càu nhàu. Chỉ là một cô ả phóng viên hạng hai muốn tự quảng cáo cho bản thân mà thôi. - Có thể thế, tôi trầm ngâm trả lời. Cũng có thể là không. Tôi lướt ánh mắt nhìn quét qua bãi đỗ xe một lượt và thấy Stephanie đang lên xe. Cô ta vừa ra hiệu với tôi vừa hét lên: “Hẹn sớm gặp lại, đại úy Rosenberg.” Nhưng đã không có cái vụ “sớm gặp lại” đó. Bởi vì hôm đó chính là ngày cô ta mất tích. DEREK SCOTT T ôi vẫn còn nhớ cái ngày toàn bộ vụ việc này bắt đầu. Đó là thứ Bảy ngày 30 tháng Bảy năm 1994. Tối hôm đó, Jesse và tôi đang trong ca tuần tra. Chúng tôi dừng lại ăn tối ở Blue Lagoon, một nhà hàng thời thượng hồi đó, nơi Darla và Natasha đang làm nhân viên phục vụ. Hồi ấy, Jesse đã cặp với Natasha được nhiều năm. Darla là một trong những cô bạn gái thân thiết nhất của Natasha. Hai người họ dự định cùng mở một nhà hàng, và dành trọn nhiều ngày cho dự án đó: họ đã tìm được một địa điểm và đang xin giấy phép để thực hiện các công việc chuẩn bị cần thiết. Buổi tối các ngày trong tuần và dịp cuối tuần, họ làm nhân viên phục vụ ở Blue Lagoon, để dành một nửa số tiến kiếm được để tái đầu tư vào nhà hàng tương lai. Ở Blue Lagoon, hai cô gái hoàn toàn có thể đảm nhận công việc quản lý hoặc làm việc trong khu bếp, nhưng ông chủ nhà hàng đã bảo họ: “Với khuôn mặt xinh đẹp và bộ mông xinh xắn của các cô, thì chỗ của các cô là ở trong phòng ăn. Và đừng có than thở gì cả, tiền hoa hồng các cô nhận được sẽ còn nhiều hơn cả lương tháng nếu các cô làm bếp.” Về điểm này thì ông ta nói không sai: nhiều khách hàng đến Blue Lagoon chỉ để được hai cô phục vụ. Họ xinh đẹp, dịu dàng, tươi cười. Họ có mọi thứ. Không chút nghi ngờ gì là nhà hàng của họ sẽ thành công rực rỡ, và tất cả mọi người đã nói đến nó trước cả khi nó khai trương. Darla vẫn còn độc thân. Và tôi thú nhận là từ khi gặp nhau, tôi chỉ còn nghĩ đến cô. Tôi quấy rầy, bắt Jesse đến Blue Lagoon khi Natasha và Darla có mặt ở đó, để uống cà phê với hai cô. Và khi hai cô gái tụ tập ở nhà Jesse để bàn bạc về dự án nhà hàng của họ, tôi kiên cường bám trụ để giở bài quyến rũ Darla, nhưng mưu mô của tôi chỉ có tác dụng được một nửa. Khoảng 20 giờ 30 phút, vào cái buổi tối ngày 30 tháng Bảy trứ danh ấy, Jesse và tôi vừa ăn tối tại quầy bar vừa vui vẻ trò chuyện vài câu với Natasha và Darla, hai cô đang phục vụ quanh chúng tôi. Đột nhiên máy nhắn tin của tôi và của Jesse cùng kêu bíp bíp. Chúng tôi người nọ nhìn chòng chọc người kia, lo lắng. - Máy của cả hai người cùng kêu bíp một lúc như thế thì chắc là vụ việc phải nghiêm trọng lắm, Natasha nhận xét. Cô chỉ cho chúng tôi thấy buồng điện thoại của nhà hàng cùng một máy điện thoại đặt trên quầy. Jesse đi về phía buồng điện thoại, còn tôi chọn máy điện thoại ở quầy. Cuộc gọi của chúng tôi rất ngắn gọn. - Có lệnh điều động chung vì vừa xảy ra một vụ án mạng giết bốn người, tôi giải thích với Natasha và Darla sau khi gác máy, rồi lao ra phía cửa. Jesse đang mặc áo vest. - Nhanh lên, tôi mắng cậu ta. Đơn vị cảnh sát hình sự có mặt tại hiện trường đầu tiên sẽ được giao điều tra. Cả hai chúng tôi đều trẻ tuổi và tham vọng. Đây là cơ hội để chúng tôi có được vụ điều tra quan trọng đầu tiên cùng nhau. Hồi ấy, tôi giàu kinh nghiệm trong nghề hơn Jesse, và đã được đeo lon trung sĩ. Cấp trên đánh giá tôi rất cao. Mọi người đều nói rằng tôi sẽ rất thành công trong sự nghiệp cảnh sát. Chúng tôi lao ra phố, chạy đến tận chỗ để xe, rồi chui vào trong xe, tôi ngồi bên ghế lái, còn Jesse ngồi bên ghế phụ. Tôi nổ máy lao vọt xe đi còn Jesse nhặt chiếc đèn hiệu để trên sàn xe. Cậu ta bật nó lên rồi thò tay qua cửa sổ để mở đặt nó lên nóc chiếc xe dân sự hóa, chiếu sáng màn đêm bằng một luồng ánh sáng đỏ rực. Và tất cả đã bắt đầu như thế. JESSE ROSENBERG Thứ Năm ngày 26 tháng Sáu năm 2014 30 ngày trước đêm biểu diễn khai mạc ôi đã hình dung là sẽ dành tuần cuối cùng làm cảnh sát của mình để lang Tthang trong các hành lang và uống cà phê với các đồng nghiệp để nói lời chào tạm biệt họ. Nhưng từ ba ngày nay, tôi giam mình trong phòng làm việc từ sáng đến tối, chìm đắm trong hồ sơ điều tra vụ án giết bốn người xảy ra năm 1994, bộ hồ sơ mà tôi đã lấy ra khỏi kho lưu trữ. Chuyến viếng thăm của cô nàng Stephanie Mailer đó đã khiến tôi cảm thấy bất ổn: tôi không thể nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác ngoài bài báo đó, ngoài câu nói mà cô ta đã ném vào mặt tôi: “Câu trả lời nằm ngay trước mắt anh. Chỉ đơn giản là anh đã không nhìn thấy nó.” Nhưng tôi cảm thấy dường như chúng tôi đã nhìn thấy mọi thứ. Càng xem xét lại toàn bộ hồ sơ, tôi càng tin chắc với ý nghĩ rằng đây là một trong những vụ điều tra có cơ sở nhất mà tôi từng tiến hành trong sự nghiệp của mình: tất cả các yếu tố đều nằm ở đó, các bằng chứng chống lại người được coi là kẻ sát nhân đều rõ ràng không thể chối cãi được. Derek và tôi đã làm việc với thái độ nghiêm túc và tỉ mỉ, không ai có thể chê trách. Tôi không tìm thấy bất kỳ sai sót nào. Vậy thì làm sao chúng tôi có thể nhầm thủ phạm được? Vừa may, chiều hôm đó Derek xông vào phòng làm việc của tôi. - Cậu đang làm trò gì thế, hả Jesse? Mọi người đang chờ cậu ở căng tin. Các đồng nghiệp ở bộ phận hành chính đã làm tặng cậu một chiếc bánh ga tô. - Tôi đến đây, Derek, xin lỗi nhé, đầu óc tôi hơi lơ đãng một chút. Anh nhìn đống tài liệu rải khắp bàn làm việc của tôi, nhặt một tập lên xem rồi kêu lên: - Ôi không, đừng có nói với tôi là cậu nghe theo những lời nói ngớ ngẩn của cô ả phóng viên đó đấy nhé? - Derek này, tôi chỉ muốn kiểm tra để biết chắc chắn là… Anh không để tôi kịp nói hết câu: -Jesse, hồ sơ hoàn toàn thuyết phục! Cả cậu lẫn tôi đều biết rõ như thế. Thôi nào, đi thôi, mọi người đang chờ cậu. Tôi đồng ý. - Cho tôi thêm một phút nữa thôi, Derek. Rồi tôi sẽ xuống ngay. Anh thở dài rồi đi ra khỏi phòng tôi. Tôi nhặt tấm danh thiếp để trước mặt rồi bấm số điện thoại của Stephanie. Điện thoại của cô ta đang tắt. Hôm qua tôi đã cố gọi cho cô ta nhưng không được. Chính cô ta cũng không liên hệ lại từ sau khi gặp tôi vào hôm thứ Hai, và tôi quyết định là sẽ không bám riết thêm nữa. Cô ta biết phải gặp tôi ở đâu mà. Cuối cùng, tôi tự nhủ Derek nói đúng: không có điều gì cho phép nghi ngờ những kết luận của cuộc điều tra năm 1994, và với tâm trạng nhẹ nhõm, tôi đến nhập bọn với các đồng nghiệp ở căng tin. Nhưng một giờ sau, lúc quay trở lên phòng làm việc, tôi nhìn thấy một bản fax do cảnh sát Riverdale thuộc Hamptons gửi đến, thông báo về vụ mất tích của một phụ nữ trẻ: Stephanie Mailer, 32 tuổi, phóng viên. Không có tin tức gì về cô ta kể từ hôm thứ Hai. Tôi choáng váng. Giật tờ giấy từ máy fax, tôi lao đến bên điện thoại để liên hệ với đồn cảnh sát Riverdale. Ở đầu dây đằng kia, một cảnh sát giải thích với tôi rằng cha mẹ Stephanie Mailer vừa đến đó vào đầu giờ chiều nay, họ lo lắng vì không có thông tin gì về con gái họ kể từ hôm thứ Hai. - Tại sao cha mẹ cô ấy lại liên hệ trực tiếp với cảnh sát bang mà không phải là cảnh sát địa phương? Tôi hỏi. - Họ đã làm thế rồi, nhưng có vẻ như cảnh sát địa phương không cho rằng việc này là nghiêm trọng. Nghe họ báo xong, tôi đã tự nhủ rằng tốt hơn hết là gửi thẳng vụ này đến bộ phận cảnh sát trọng án. Có thể không có gì đáng ngại đâu, nhưng tôi vẫn muốn thông tin cho các anh. - Anh đã làm rất đúng. Tôi sẽ phụ trách việc này. Mẹ của Stephanie, người mà tôi gọi điện thoại liên hệ ngay lập tức, cho tôi biết rằng bà rất lo lắng. Lần cuối cùng bà nói chuyện với con gái là vào sáng thứ Hai. Kể từ đó trở đi, không có thông tin gì hết. Điện thoại của Stephanie tắt máy. Các bạn của Stephanie cũng không thể liên hệ được với cô. Cuối cùng, bà đã đến căn hộ của con gái cùng cảnh sát địa phương, nhưng không có ai ở đó. Tôi lập tức đi gặp Derek tại phòng làm việc của anh thuộc bộ phận cảnh sát hành chính. - Stephanie Mailer, tôi bảo anh, cô nàng phóng viên đến đây hôm thứ Hai ấy, đã mất tích rồi. - Cậu đang nói linh tinh gì vậy, hả Jesse? Tôi đưa cho Derek tờ thông báo mất tích. - Anh tự xem đi. Phải đến Orphea thôi. Phải đến xem đang xảy ra chuyện gì ở đó. Tất cả những chuyện này không thể là trùng hợp được. Derek thở dài: - Jesse này, không phải cậu sắp rời khỏi ngành cảnh sát hay sao? - Phải bốn ngày nữa cơ. Tôi vẫn còn là cảnh sát trong bốn ngày nữa. Hôm thứ Hai, khi gặp tôi, Stephanie đã nói là có một cuộc hẹn sẽ bổ sung những thông tin còn thiếu trong hồ sơ của cô ấy… - Hãy để vụ này cho một trong các đồng nghiệp của cậu, Derek gợi ý với tôi. - Không bao giờ có chuyện đó đâu! Derek này, cô gái ấy đã khẳng định với tôi rằng vào năm 1994… Anh không để tôi nói hết câu: - Chúng ta đã kết thúc vụ điều tra đó, Jesse ạ! Đó là chuyện quá khứ rồi! Tự nhiên cậu lại bị làm sao thế? Tại sao cậu lại muốn nhúng mũi vào chuyện này bằng mọi giá thế? Cậu thực sự muốn một lần nữa trải qua tất cả những chuyện này sao? Tôi tiếc nuối vì không có được sự ủng hộ của Derek. - Thế có nghĩa là anh không muốn đến Orphea cùng với tôi? - Không đâu, Jesse ạ. Tôi xin lỗi. Tôi nghĩ cậu hoàn toàn mê sảng rồi. Vậy là tôi một mình đến Orphea, hai mươi năm sau khi đặt chân đến đó lần cuối cùng. Từ sau vụ án mạng giết chết bốn người đó. Phải mất đến một giờ đi đường tính từ trụ sở của Cảnh sát bang ở trung tâm vùng, nhưng để tiết kiệm thời gian, tôi vi phạm mọi quy định về hạn chế tốc độ bằng cách bật còi hụ và đèn hiệu trên chiếc xe công vụ của mình. Tôi đi theo đường quốc lộ 27 đến tận lối rẽ về phía Riverhead, rồi đi theo đường 25 thẳng hướng Tây Bắc. Ở chặng cuối cùng này, con đường băng qua một vùng thiên nhiên hùng vĩ, với một khu rừng sum suê tươi tốt và những ao hồ nở đầy hoa súng. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đến đường số 17, con đường thẳng tắp và vắng vẻ dẫn đến Orphea, và xe tôi lao đi như một mũi tên trên đường. Một biển báo đường bộ khổng lồ nhanh chóng cho biết rằng tôi đã đến đích. CHÀO MỪNG ĐẾN ORPHEA, NEW YORK Liên hoan sân khấu toàn quốc, từ 26 tháng Bảy đến 9 tháng Tám Đã 17 giờ. Tôi đi vào đường phố trung tâm xanh tươi và được trang trí sặc sỡ. Tôi nhìn thấy những nhà hàng, những hàng hiên và những cửa hàng lướt qua. Khung cảnh rất đỗi yên bình của một địa điểm nghỉ hè. Để chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội ngày 4 tháng Bảy*, những ngọn đèn đường được tô điểm bằng những lá cờ hiệu đầy sao, và những tấm biển thông báo giờ bắn pháo hoa trong đêm Độc lập. Dọc bến du thuyền viền hoa và cây cảnh trang trí, những người đi dạo lang thang giữa những căn lều giới thiệu các tua ngắm cá heo và cho thuê xe đạp. Cứ như thể thành phố này vừa được lấy ra từ một phim trường. Chặng dừng đầu tiên của tôi là ở đồn cảnh sát địa phương. Đồn trưởng Ron Gulliver, người điều hành đồn cảnh sát Orphea, tiếp tôi trong phòng làm việc của ông. Không cần nhắc ông rằng hai mươi năm trước chúng tôi đã gặp nhau: ông vẫn còn nhớ tôi. - Anh chẳng thay đổi gì cả, ông vừa nói vừa lắc lắc tay tôi. Tôi không thể nói câu tương tự với ông. Ông đã trở thành một ông già, và rõ ràng là béo lên. Mặc dù đã quá giờ ăn trưa và chưa đến giờ ăn tối, nhưng ông vẫn đang ăn món mì Ý đựng trong một cái khay nhựa. Và trong lúc tôi giải thích lý do mình đến đây, ông ngốn nốt nửa suất ăn còn lại, cách ăn của ông khiến tôi thực sự cảm thấy ghê sợ. - Stephanie Mailer ư? Ông vừa nhai vừa nói, vẻ ngạc nhiên. Chúng tôi đã xử lý xong vụ ấy rồi. Không phải là một vụ mất tích. Tôi đã giải thích với bố mẹ cô ta, họ đúng là hai kẻ quấy rầy khó chịu. Họ bám tôi nhằng nhẵng, không thể nào đuổi đi được! - Có thể chỉ đơn giản là vì họ lo lắng cho con gái họ, tôi nhận xét. Họ không có tin tức gì của Stephanie suốt ba ngày nay, và họ nói rằng chuyện đó là rất bất thường. Mong ông hiểu cho rằng tôi muốn xử lý vụ này với sự mau chóng và cẩn trọng cần thiết. - Stephanie Mailer đã 32 tuổi, cô ta muốn làm gì tùy ý, không phải thế sao? Tin tôi đi, nếu tôi mà có ông bố bà mẹ giống như họ, có lẽ tôi cũng muốn bỏ trốn, đại úy Rosenberg ạ. Anh có thể yên tâm, Stephanie chỉ đi vắng một thời gian thôi. - Làm sao ông có thể chắc chắn như vậy? - Chính sếp của cô ta, tổng biên tập tờ Thời báo Orphea, đã cho tôi biết chuyện. Cô ta đã gửi cho ông ấy một tin nhắn từ điện thoại di động của mình, vào tối thứ Hai. - Tối hôm cô ấy mất tích, tôi nhận xét. - Tôi đã bảo với anh là cô ta không mất tích! Ông trưởng đồn Gulliver cáu kỉnh nói. Cứ mỗi lời ông thốt ra, là một màn pháo hoa al pomodoro* lại bắn ra từ miệng ông. Tôi lùi lại một bước để cho thứ đó nước sốt không bắn vào chiếc áo sơ mi trắng tinh của mình. Sau khi nuốt ực một cái, Gulliver nói tiếp: - Đồn phó của tôi đã đi cùng họ đến nhà cô ta. Họ đã mở cửa nhà bằng chùm chìa khóa dự phòng và kiểm tra một lượt: tất cả đều rất ngăn nắp. Tin nhắn gửi cho ông tổng biên tập tờ báo cũng khẳng định rằng không có lý do gì phải lo lắng cả. Stephanie không có nợ nần gì với bất kỳ ai. Cô ta làm gì với cuộc đời mình cũng chẳng liên quan gì đến chúng tôi cả. Về phần mình, chúng tôi đã làm tròn công việc một cách đúng mực. Thế nên, làm ơn đừng đến đây quấy rầy tôi nữa. - Bố mẹ cô ấy rất lo lắng, tôi nhấn mạnh thêm, và nếu ông đồng ý, tôi sẽ chỉ tự kiểm tra lại một lần nữa để biết chắc rằng mọi việc đều ổn mà thôi. - Nếu anh muốn lãng phí thời gian, đại úy ạ, thì đừng làm phiền tôi làm gì. Anh chỉ việc chờ đồn phó của tôi, Jasper Montagne, đi tuần về. Chính anh ấy là người phụ trách toàn bộ chuyện này. Khi rốt cuộc trung sĩ - đồn phó Jasper Montagne xuất hiện, tôi nhận thấy mình đang đứng trước một cái tủ đá khổng lồ, cơ bắp cuồn cuộn, đầy vẻ đáng gờm. Jasper giải thích với tôi rằng anh đã đi cùng ông bà Mailer đến nhà Stephanie. Họ kiểm tra căn hộ của Stephanie: cô không có ở đó. Không có gì đáng báo động cả. Không có dấu hiệu vật lộn, không có gì bất thường. Sau đó, Montagne đã kiểm tra các con phố xung quanh để tìm kiếm chiếc xe của Stephanie, nhưng không thu được kết quả gì. Anh còn cẩn thận đến mức gọi điện thoại đến các bệnh viện và các đồn cảnh sát trong vùng: không có gì hết. Chỉ đơn giản là Stephanie Mailer đang đi vắng, không có ở nhà. Bởi vì tôi muốn xem qua căn hộ của Stephanie, anh đề xuất đi cùng tôi. Cô ta sống ở Bendham Road, một con phố nhỏ yên tĩnh gần đường phố chính, trong một tòa nhà ba tầng chật hẹp. Một cửa hàng ngũ kim chiếm trọn tầng trệt, một khách trọ thuê căn hộ duy nhất trên tầng hai, còn Stephanie thuê căn hộ trên tầng ba. Tôi bấm chuông cửa căn hộ của cô ta hồi lâu. Tôi gõ cửa, hét gọi, nhưng không ích gì: rõ ràng là trong nhà không có ai. - Anh cũng thấy đấy, cô ấy không có ở nhà, Montagne bảo tôi. Tôi xoay tay nắm cửa: nó đã bị khóa. - Chúng ta có thể vào trong không? Tôi hỏi. - Anh có chìa khóa không? - Không. - Tôi cũng không. Hôm trước là bố mẹ cô ấy mở cửa. - Vậy là chúng ta không thể vào được? - Không. Chúng ta sẽ không vô cớ mà phá cửa nhà người khác được. Nếu anh muốn hoàn toàn yên tâm, thì hãy đến trụ sở của tờ báo địa phương và nói chuyện với ông tổng biên tập, ông ấy sẽ cho anh xem tin nhắn Stephanie đã gửi cho ông ấy vào tối hôm thứ Hai. - Thế còn người thuê nhà tầng dưới thì sao? Tôi hỏi. - Brad Melshaw ư? Hôm qua tôi đã hỏi chuyện anh ta, anh ta chẳng nhìn thấy cũng chẳng nghe thấy gì đặc biệt hết. Có bấm chuông cửa nhà anh ta cũng chẳng ích gì: anh ta là đầu bếp ở Café Athéna, nhà hàng đang được ưa chuộng ở đầu phố chính, giờ này anh ta đang ở đó đấy. Tuy nhiên, tôi không vì thế mà bối rối: tôi xuống tầng hai và bấm chuông cửa nhà cái người có tên là Brad Melshaw kia. Tốn công vô ích. - Tôi đã bảo với anh rồi mà, Montagne vùa thở dài vừa đi xuống cầu thang trong khi tôi vẫn còn nấn ná một lát trên thềm nghỉ, với hy vọng là sẽ có người mở cửa. Khi đến lượt tôi đi xuống cầu thang, Montagne đã ra khỏi tòa nhà. Đến sảnh vào, tôi nhân dịp chỉ có một mình để kiểm tra hộp thư của Stephanie. Liếc mắt qua khe hộp thư, tôi nhìn thấy bên trong có một bức, liền thò ngón tay vào nhón lấy. Tôi gập bức thư làm đôi rồi kín đáo nhét nó vào túi quần sau. Sau khi dừng chân tại tòa chung cư nơi Stephanie sống, Montagne đưa tôi đến tòa soạn Thời báo Orphea, cách đường phố chính chỉ vài bước chân, để tôi có thể nói chuyện với Michael Bird, tổng biên tập của tờ báo. Tòa soạn nằm trong một tòa nhà xây bằng gạch đỏ. Nếu bên ngoài có vẻ sang trọng, thì bên trong lại ngược lại, rất xập xệ. Michael Bird, tổng biên tập tờ báo, tiếp chúng tôi trong phòng làm việc của ông. Ông đã ở Orphea vào năm 1994, nhưng tôi không còn nhớ là đã từng gặp ông. Bird giải thích với tôi rằng, do một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông đã tiếp nhận việc chèo lái tờ Thời báo Orphea ba ngày sau khi xảy ra vụ giết chết bốn người, và do đó, hồi ấy ông dành gần như toàn bộ thời gian để chúi mũi vào đống giấy tờ, chứ không ra hiện trường. - Stephanie Mailer làm việc cho ông được bao lâu rồi? Tôi hỏi Michael Bird. - Khoảng chín tháng. Tôi tuyển dụng cô ấy vào tháng Chín năm ngoái. - Cô ấy có phải là một phóng viên giỏi không? - Rất giỏi. Cô ấy đã giúp nâng tầm tờ báo. Điều đó rất quan trọng đối với chúng tôi, bởi vì rất khó để đảm bảo cho nội dung tờ báo luôn có chất lượng. Anh biết đấy, tình hình tài chính của tờ báo đang rất khó khăn: chúng tôi sống sót được là bởi tòa thị chính đã cho chúng tôi mượn trụ sở. Ngày nay người ta đâu có đọc báo, nên các nhà quảng cáo không còn quan tâm đến nữa. Trước đây, chúng tôi là một tờ báo quan trọng trong vùng, được mọi người đọc và tôn trọng. Ngày nay, tại sao anh phải đọc Thời báo Orphea khi mà anh có thể đọc New York Times trên mạng? Đấy là tôi chưa nói đến những người không còn đọc bất cứ báo gì mà chỉ bằng lòng với việc tìm thông tin trên Facebook. - Ông gặp Stephanie lần cuối cùng là khi nào? Tôi hỏi ông. - Sáng thứ Hai. Trong cuộc họp hằng tuần của Ban biên tập. - Thế ông có nhận thấy điều gì đặc biệt không? Một hành vi bất thường nào đó chẳng hạn? - Không, không có gì đặc biệt cả. Tôi biết rằng bố mẹ Stephanie lo lắng, nhưng như hôm qua tôi đã giải thích với họ cũng như với đồn phó Montagne, Stephanie đã gửi cho tôi một tin nhắn vào tối thứ Hai, rất muộn, để nói với tôi rằng cô ấy phải đi vắng một thời gian. Ông lấy chiếc điện thoại di động ra khỏi túi và cho tôi xem tin nhắn ông vừa nói đến, nhận được lúc nửa đêm ngày thứ Hai: Tôi phải đi vắng khỏi Orphea một thời gian. Chuyện quan trọng. Tôi sẽ giải thích với ông mọi chuyện sau. - Và kể từ sau tin nhắn này, ông không có tin tức gì về cô ấy nữa? Tôi hỏi. - Không. Nhưng nói thật lòng, chuyện này không hề khiến tôi lo lắng. Stephanie là một nữ phóng viên có tính cách độc lập. Cô ấy tìm thông tin cho các bài viết của mình theo một nhịp điệu riêng. Tôi không can thiệp quá nhiều vào những việc cô ấy làm. - Trong thời gian này cô ấy đang làm về chủ đề gì? - Liên hoan sân khấu. Năm nào cũng thế, vào cuối tháng Bảy, ở Orphea này chúng tôi có một Liên hoan sân khấu lớn… - Vâng, tôi có biết chuyện đó. - Thế là, Stephanie muốn kể về Liên hoan sân khấu từ trong nội bộ. Cô ấy viết một loạt bài báo về chủ đề này. Vào thời gian này, cô ấy đang phỏng vấn các tình nguyện viên đảm bảo cho tính bền vững của liên hoan phim. - Cô ấy có thuộc kiểu người hay “mất tích” như thế này không? Tôi hỏi. - Tôi sẽ nói là “đi vắng”, Michael Bird chỉnh lại. Có, cô ấy thường xuyên đi vắng. Anh biết đấy, nghề phóng viên thường xuyên yêu cầu ta rời khỏi văn phòng. - Stephanie có nói với ông về một vụ điều tra tầm cỡ mà cô ấy đang thực hiện không? Tôi hỏi thêm. Cô ấy khẳng định là có một cuộc gặp quan trọng liên quan đến vụ điều tra đó vào tối thứ Hai… Tôi cố tình nói mập mờ, vì không muốn đi sâu hơn vào các chi tiết. Nhưng Michael Bird lắc đầu. - Không, ông ta bảo tôi, cô ấy chưa từng nói gì với tôi về cuộc điều tra nào cả. Khi ra khỏi tòa soạn, cho rằng không có điều gì phải lo lắng, Montagne đề nghị tôi rời khỏi thành phố. - Sếp Gulliver muốn biết liệu anh có đi khỏi đây bây giờ không. - Có, tôi trả lời, tôi nghĩ tôi đã đi hết những nơi cần đi rồi. Khi quay trở vào trong xe của mình, tôi mở chiếc phong bì lấy được trong hộp thư của Stephanie. Đó là một bản sao kê thẻ tín dụng. Tôi chăm chú xem xét. Ngoài những chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày (xăng xe, mua sắm ở siêu thị, vài lần rút tiền ở cây ATM, vài lần mua sắm ở nhà sách Orphea), tôi nhận thấy có nhiều khoản phí đường bộ tại cổng vào Manhattan: thời gian gần đây Stephanie thường xuyên đến New York. Nhưng đáng chú ý nhất là cô đã mua một vé máy bay đi Los Angeles: một chuyến bay khứ hồi từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Sáu. Vài khoản chi tiêu tại chỗ - đặc biệt là tiền thuê phòng khách sạn - khẳng định rằng đúng là cô đã thực hiện chuyến đi đó. Có lẽ cô có bạn trai ở California. Dù sao đi nữa, đây là một cô gái trẻ di chuyển rất nhiều. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cô vắng mặt thế này. Tôi hoàn toàn có thể thông cảm với cảnh sát địa phương: không có yếu tố nào thiên về giả thuyết một vụ mất tích. Stephanie đã trưởng thành và có quyền tự do làm điều gì cô muốn mà không phải báo cáo với bất cứ ai. Không có thông tin gì thêm, đến lượt tôi sắp sửa từ bỏ vụ điều tra này, thì bỗng một chi tiết đập vào mắt tôi. Có một yếu tố không ổn: tòa soạn Thời báo Orphea. Cách bài trí của nó không phù hợp chút nào với hình ảnh mà tôi tự xây dựng cho mình về Stephanie. Đúng là tôi không biết rõ về cô ta, nhưng thái độ táo bạo của cô khi chất vấn tôi ba ngày trước đã khiến tôi hình dung rằng cô phải làm việc cho New York Times thì đúng hơn là cho một tờ báo địa phương tại một thành phố nhỏ ở bờ biển Hamptons. Chính chi tiết này đã thôi thúc tôi tìm hiểu sâu hơn, và đến thăm bố mẹ Stephanie, họ sống ở Sag Harbor, cách nơi tôi đang ở chừng hai mươi phút lái xe. Lúc đó là 19 giờ. ••• Cùng lúc ấy, trên đường phố chính của Orphea, Anna Kanner dừng xe trước nhà hàng Café Athene nơi cô có hẹn ăn tối cùng với Lauren, cô bạn thân từ thuở thiếu thời, và Paul, chồng Lauren. Lauren và Paul nằm trong số những bạn bè mà Anna gặp gỡ thường xuyên nhất kể từ khi cô rời khỏi New York để đến lập nghiệp tại Orphea. Bố mẹ Paul sở hữu một căn nhà nghỉ mát tại Southampton, cách đây chừng mười lăm dặm, nơi họ thường đến nghỉ những kỳ nghỉ cuối tuần dài, rời khỏi Manhattan ngay từ thứ Năm để tránh tắc đường. Đang sắp sửa xuống xe thì Anna nhìn thấy Lauren và Paul, hai người họ đã ngồi vào bàn trên hàng hiên của nhà hàng, và nhất là cô nhận thấy có một người đàn ông ngồi cùng họ. Lập tức hiểu đang xảy ra chuyện gì, Anna gọi điện thoại cho Lauren. - Cậu đã thu xếp cho tớ một cuộc hẹn đấy à, Lauren? Cô hỏi Lauren ngay khi cô nàng này nhấc máy. Một khoảng im lặng ngượng ngùng. - Có lẽ là đúng thế, cuối cùng Lauren cũng trả lời. Làm sao cậu biết được chuyện đó? - Bản năng của tớ, Anna nói dối. Rốt cuộc, cậu nói đi Lauren, tại sao cậu làm thế với tớ? Lời trách móc duy nhất mà Anna có thể nói với cô bạn gái là Lauren đã dành thời gian để can dự vào cuộc sống tình cảm của cô, bằng cách cố gán ghép cô với bất cứ người đàn ông nào mà Lauren tìm được. - Người này ấy, cậu sẽ thích anh ấy thôi, Lauren đảm bảo, sau khi đi xa khỏi bàn để người đàn ông đi cùng họ không nghe thấy nội dung câu chuyện. Hãy tin tớ, Anna ạ. - Cậu biết gì không, Lauren, thực ra tối nay không phải là thời điểm lý tưởng đâu. Tớ vẫn đang ở văn phòng và còn cả đống giấy tờ phải giải quyết cho xong. Anna thích thú nhìn Lauren khua khoắng chân tay trên hàng hiên. - Anna, tớ cấm cậu cho tớ leo cây! Cậu 33 tuổi rồi, cậu cần một anh chàng! Đã bao lâu rồi cậu không được ngủ với ai, hả? Đó chính là lập luận mà Lauren viện đến như giải pháp cuối cùng. Nhưng Anna không thực sự có tâm trạng phù hợp để chấp nhận một cuộc hẹn đã được sắp đặt trước. - Tớ rất tiếc, Lauren ạ. Hơn nữa, tớ đang phiên trực… - Ồ, đừng có giở cái bài phiên trực ra với tớ nữa! Chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra ở cái thành phố này đâu. Cậu cũng có quyền vui vẻ một chút chứ! Đúng lúc đó, một tài xế bấm còi và Lauren nghe thấy tiếng còi của anh ta cả trên đường phố lẫn qua điện thoại. - Ái chà, cô bạn, cậu bị lộ tẩy rồi nhé! cô kêu lên và lao chạy ra vỉa hè. Cậu đang ở đâu? Anna không kịp phản ứng. - Tớ nhìn thấy cậu rồi! Lauren hét lên. Cậu tưởng bây giờ mà cậu vẫn có thể cứ thế mà chuồn rồi cho tớ leo cây được chắc? Cậu nhận ra là phần lớn các buổi tối cậu đều ở một mình, chẳng khác nào một bà già! Cậu biết đấy, tớ đang tự hỏi liệu cậu có lựa chọn đúng không khi đến chôn vùi bản thân ở đây… - Ôi, làm ơn đi, Lauren! Tớ có cảm giác như đang nghe bố tớ nói vậy! - Nhưng nếu cứ tiếp tục thế này, cậu sẽ chết trong cô độc đấy, Anna ạ! Anna phá lên cười rồi ra khỏi xe. Nếu mỗi lần nghe thấy câu nói ấy mà cô được cho một đồng xu, thì có lẽ ngày nay cô đã bơi trong một bể bơi đầy tiền rồi. Tuy nhiên, cô cũng buộc phải thú nhận rằng đến giai đoạn này, cô không thể cho rằng Lauren nói không đúng: cô vừa mới ly hôn, không con cái, và đang sống một mình ở Orphea. Theo Lauren, có hai nguyên nhân dẫn đến những thất bại liên tiếp trong tình trường của Anna: một mặt là do Anna thiếu thiện chí, và một mặt là do nghề nghiệp của cô “khiến đàn ông sợ hãi”. “Tớ không bao giờ nói trước với họ về công việc của cậu, Lauren đã nhiều lần giải thích khi nói với Anna về những cuộc hẹn mà cô nàng sắp xếp cho Anna. Tớ nghĩ chuyện đó sẽ khiến họ cảm thấy e ngại.” Anna đến bên hàng hiên, ứng cử viên của ngày hôm nay tên là Josh. Anh ta có cái vẻ kinh khủng của những người đàn ông quá tự tin vào bản thân. Anh ta chào Anna và ngấu nghiến cô bằng ánh mắt một cách ngượng ngùng, phả ra thứ hơi thở mệt mỏi. Cô lập tức biết rằng tối nay sẽ không phải là tối cô gặp được bạch mã hoàng tử Nhà hát. ••• - Chúng tôi rất lo lắng, đại úy Rosenberg ạ, ông bà Trudy và Dennis Mailer, bố mẹ của Stephanie, đồng thanh nói với tôi, trong phòng khách căn nhà điệu đà của họ ở Sag Harbor. - Tôi đã gọi điện thoại cho Stephanie vào sáng thứ Hai, bà Trudy Mailer giải thích. Con bé nói với tôi rằng nó đang họp ban biên tập tờ báo, và sẽ gọi lại cho tôi. Nhưng sau đó nó không hề gọi lại. - Stephanie luôn gọi lại, ông Dennis Mailer khẳng định. Tôi lập tức hiểu ra tại sao ông bà Mailer lại khiến cảnh sát khó chịu. Với họ, mọi chuyện đều trở nên trầm trọng, bi thảm, kể cả cốc cà phê mà tôi từ chối khi mới đến: - Anh không thích uống cà phê sao? Bà Trudy Mailer hỏi bằng giọng đầy tuyệt vọng. - Có lẽ anh thích dùng trà hơn chăng? Ông Dennis Mailer hỏi. Cuối cùng, sau khi đã thu hút được sự chú ý của họ, tôi hỏi họ vài câu mào đầu. Stephanie có vấn đề gì không? Không, họ kiên quyết khẳng định. Cô ấy có dùng ma túy không? Cũng không. Cô ấy có đính hôn với ai không? Có bạn trai không? Theo họ biết thì không. Liệu có lý do gì khiến cô ấy biến mất khỏi dòng đời không? Không có lý do nào hết. Ông bà Mailer bảo đảm với tôi rằng con gái họ không thuộc loại người giấu giếm họ bất cứ chuyện gì. Nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra là mọi chuyện không chính xác như thế. - Tại sao Stephanie lại đến Los Angeles hai tuần trước? Tôi hỏi. - Đến Los Angeles ư? bà mẹ ngạc nhiên. Ý anh muốn nói gì? - Cách đây hai tuần, Stephanie đã đi một chuyến ba ngày đến California. - Chúng tôi không biết gì vế chuyện đó cả, ông bố tỏ vẻ buồn rầu. Đi Los Angeles mà không báo cho chúng tôi biết như thế chẳng giống cách hành xử của con bé chút nào. Có thể chuyện đó liên quan gì với tòa soạn báo chăng? Con bé lúc nào cũng giữ kín thông tin về các bài báo mà nó đang thực hiện. Tôi nghi ngờ việc Thời báo Orphea có thể cho phép mình cử phóng viên đến đầu kia đất nước để làm phóng sự. Và chính câu hỏi về công việc của Stephanie tại tờ báo đó khiến tôi nảy sinh một số băn khoăn khác. - Stephanie đến Orphea khi nào, và vì lý do gì? Tôi hỏi. - Những năm trước con bé sống ở New York, bà Trudy Mailer giải thích với tôi. Con bé học ngành văn chương ở Đại học Notre-Dame. Từ khi còn rất nhỏ, nó đã muốn trở thành nhà văn. Nó đã xuất bản được một số truyện ngắn, hai trong số đó được đăng tải trên tờ Người New York. Sau khi học xong, nó làm việc cho Tạp chí văn chương New York, nhưng nó đã bị sa thải hồi tháng Chín. - Vì lý do gì vậy? - Hình như là do khó khăn về tài chính. Mọi việc diễn ra nhanh chóng: nó đã tìm được một công việc ở Thời báo Orphea và quyết định quay về sinh sống trong vùng này. Có vẻ con bé hài lòng khi rời xa Manhattan và tìm được một môi trường yên bình hơn. Hai người họ phân vân một lát. Rồi ông bố của Stephanie nói với tôi: - Đại úy Rosenberg này, chúng tôi không thuộc loại người thích làm phiền cảnh sát vô cớ, anh hãy tin tôi. Vợ chồng tôi, chúng tôi sẽ không báo động nếu không tin chắc rằng đang xảy ra một chuyện gì đó bất thường. Cảnh sát Orphea đã nói rõ để chúng tôi hiểu rằng không có bất cứ chi tiết nào là có thể xác thực được. Nhưng, ngay cả khi chỉ đi New York rồi lại về ngay trong ngày, Stephanie luôn gửi tin nhắn cho chúng tôi, hoặc gọi cho chúng tôi khi về đến nhà để báo rằng mọi chuyện đều ổn cả. Tại sao con bé lại gửi tin nhắn cho ông tổng biên tập mà không gửi cho bố mẹ nó? Nếu không muốn chúng tôi lo lắng, nó cũng sẽ gửi tin nhắn cho cả chúng tôi nữa. - Nhân nói đến New York, tôi bật lại, tại sao Stephanie lại đến Manhattan thường xuyên như thế? - Tôi không nói là con bé đến đó thường xuyên, ông bố giải thích, tôi chỉ đang lấy một ví dụ thôi. - Không, cô ấy đến đó rất thường xuyên, tôi nói. Thường là vào những ngày và những giờ nhất định. Như thể cô ấy có một cuộc hẹn đều đặn. Cô ấy đến đó làm gì? Một lần nữa, có vẻ như ông bà Mailer không biết tôi đang nói với họ chuyện gì. Hiểu rằng mình đã không hoàn toàn thuyết phục được tôi về mức độ nghiêm trọng của tình hình, bà Trudy Mailer liền hỏi tôi: - Anh đã đến nhà con bé phải không, đại úy Rosenberg? - Không, tôi cũng rất muốn vào kiểm tra căn hộ của cô ấy, nhưng cửa khóa mà tôi thì không có chìa khóa. - Anh có muốn đến đó xem qua một chút bây giờ không? Có thể anh sẽ nhìn thấy điều gì đó mà chúng tôi không nhìn thấy. Tôi chấp nhận, chỉ với mục đích duy nhất là kết thúc vụ này. Ghé qua nhà Stephanie một lần sẽ giúp tôi tự thuyết phục bản thân rằng cảnh sát Orphea có lý: không có bất cứ yếu tố nào có thể khiến ta nghĩ rằng đây là một vụ mất tích đáng lo ngại. Stephanie có thể đến Los Angeles hoặc New York bao nhiêu lần tùy thích. Còn về công việc của cô ta tại Thời báo Orphea, ta hoàn toàn có thể cho rằng sau khi bị sa thải, cô ta đã nắm bắt một cơ hội trong lúc chờ đợi một thời vận tốt hơn. Vừa đúng 20 giờ khi chúng tôi đến dưới chân tòa nhà nơi Stephanie ở, trên đường Bendham Road. Cả ba chúng tôi leo lên đến tận căn hộ của cô ta. Bà Trudy Mailer đưa chìa khóa cho tôi để tôi mở cửa, nhưng khi tôi xoay chìa trong ổ khóa thì nó bị vướng lại. Cánh cửa không khóa. Tôi cảm thấy một luồng adrenalin bốc lên: trong nhà đang có người. Là Stephanie chăng? Tôi khẽ ấn tay vào tay nắm cửa, cánh cửa liền mở hé. Tôi ra hiệu cho ông bà Mailer im lặng. Tôi nhẹ nhàng đẩy cánh cửa, nó mở ra êm ru. Lập tức tôi nhìn thấy phòng khách rất bừa bộn: có ai đó đã đến lục lọi ở căn hộ này. - Ông bà xuống dưới đi, tôi thì thầm với bố mẹ của Stephanie. Hãy quay trở ra xe và chờ đến khi tôi xuống gặp ông bà. Ông Dennis Mailer gật đầu và kéo bà vợ đi cùng với mình. Tôi rút súng ra khỏi bao, đi vài bước vào trong căn hộ. Mọi thứ đều bị đảo lộn. Tôi bắt đầu bằng việc kiểm tra phòng khách: các giá sách bị lật tung, những chiếc gối tựa trên ghế xô pha bị chọc thủng lòi ruột. Đủ loại đồ đạc vứt ngổn ngang khắp sàn thu hút sự chú ý của tôi, khiến tôi không nhìn thấy cái bóng đầy đe dọa đang lặng lẽ tiến lại gần. Chỉ khi quay người để vòng sang các phòng khác, tôi mới thấy mình đang mặt đối mặt với một bóng người, kẻ đó xịt thẳng hơi cay vào mặt tôi. Hai mắt tôi bỏng rát, hơi thở tôi nghẹn lại. Tôi gập người làm đôi, không nhìn thấy gì nữa. Và lãnh trọn một cú đánh. Một tấm rèm đen tối chụp xuống. ••• 20 giờ 05 phút tại nhà hàng Café Athéna. Có vẻ như Tình yêu luôn xuất hiện mà không báo trước, nhưng rõ ràng là vị thần này đã quyết định ở nhà vào tối hôm nay, đồng thời vẫn bắt Anna phải chịu đựng bữa tối này. Cho đến lúc ấy, đã là một tiếng đồng hồ Josh nói không ngừng nghỉ. Màn độc thoại của anh ta quả là một kỳ tích. Mặc dù đã không còn nghe anh ta nói nữa, nhưng Anna vẫn thích thú đếm những từ tôi và của tôi phát ra từ miệng anh ta, chẳng khác nào những con gián nhỏ cứ sau mỗi từ lại khiến cô chán ghét anh ta thêm một chút. Lauren không còn biết phải trốn vào đâu, cô nàng đã uống đến cốc vang trắng thứ năm, trong khi Anna chỉ nhấm nháp những ly cocktail không cồn. Cuối cùng, hẳn là mệt nhoài vì phải nghe những lời nói của chính mình, Josh vớ lấy một cốc nước và uống một hơi cạn sạch, việc đó khiến anh ta phải im lặng trong một lát. Sau khoảng im lặng đúng lúc ấy, anh ta quay sang phía Anna và hỏi cô bằng giọng đầy kiểu cách: “Thế còn em, Anna, công việc của em là gì? Lauren không muốn nói cho anh biết.” Đúng lúc đó, điện thoại của Anna đổ chuông. Nhìn thấy số điện thoại hiển thị trên màn hình, cô lập tức hiểu ra là có việc gấp. - Xin thứ lỗi, cô lên tiếng, tôi phải nhận cuộc gọi này. Cô đứng dậy rời khỏi bàn, và bước tách ra xa vài bước, trước khi nhanh chóng quay trở lại bàn và thông báo rằng rất đáng tiếc nhưng cô phải đi. - Đã đi rồi ư? Josh tiếc nuối, tỏ rõ vẻ thất vọng. Thậm chí chúng ta còn chưa kịp làm quen với nhau. - Em biết hết mọi thông tin về anh rồi, thật sự là rất… thú vị. Anna hôn tạm biệt Lauren và chồng cô bạn, khẽ vẫy tay chào Josh, cử chỉ của cô có nghĩa là “không bao giờ gặp lại nữa!”, rồi nhanh chóng rời khỏi hàng hiên. Có lẽ anh chàng Josh tội nghiệp kia thấy cô rất vừa mắt, bởi vì anh ta bám theo cô, đi cùng cô ra đến tận vỉa hè. - Em có muốn anh chở em đến đâu không? Anh chàng hỏi Anna. Anh có một… - Một chiếc Mercedes Coupé, cô ngắt lời anh ta. Em biết, anh đã nói với em điều đó hai lần. Anh thật tốt bụng, nhưng em đỗ xe ở ngay đây rồi. Cô mở cốp xe, trong lúc Josh đứng sững đằng sau cô. - Anh sẽ xin Lauren số điện thoại của em, anh ta nói, anh thường qua lại khu này, chúng ta có thể hẹn nhau đi uống cà phê. - Cũng được, Anna trả lời cốt để cho anh chàng đi khỏi, đồng thời mở một cái túi vải to tướng choán hết chỗ trong cốp xe. Josh nói tiếp: - Mà này, em vẫn chưa nói cho anh biết em làm nghề gì đấy. Anh ta vừa nói xong câu đó, thì Anna lấy từ trong túi ra một chiếc áo chống đạn và mặc lên người. Trong lúc chỉnh áo cho vừa với thân hình, cô thấy Josh trợn tròn mắt và nhìn chăm chăm vào tấm phù hiệu phản quang, trên đó ghi rõ ràng bằng những chữ cái viết hoa: CẢNH SÁT - Em là đồn phó đồn cảnh sát Orphea, cô vừa bảo với anh ta vừa lấy ra cái túi đựng khẩu súng, rồi giắt nó vào thắt lưng. Josh chăm chăm nhìn cô, vừa sững sờ vừa nghi hoặc. Anna bước vào trong chiếc xe công vụ rồi nổ máy phóng vù đi, bật đèn hiệu để những ánh xanh đỏ sáng lên lấp lóa trong bóng chiều chạng vạng, rồi cho còi hụ hú vang, thu hút ánh nhìn của tất cả các khách bộ hành. Theo tin báo từ trung tâm, một nhân viên cảnh sát bang vừa bị tấn công trong một tòa chung cư ngay gần đó. Tất cả các đội tuần tra hiện có cũng như sĩ quan trực đều được huy động để can thiệp. Anna lái xe lao hết tốc lực dọc đường phố chính: những người đi bộ đang qua đường quay trở lại ẩn náu trên vỉa hè, và ở cả hai hướng lưu thông, những chiếc xe tạt vào lề đường khi thấy xe cô lại gần. Cô lái xe như bay giữa đường, chân ga nhấn sát sàn xe. Cô đã có kinh nghiệm với những cuộc gọi khẩn cấp vào giờ cao điểm ở New York. Khi Anna đến chân tòa chung cư, một đội cảnh sát tuần tra đã có mặt từ trước. Khi xông vào tiền sảnh, cô gặp ngay một trong các đồng nghiệp đang chạy xuống cầu thang. Anh chàng hét lên với cô: - Kẻ tình nghi đã bỏ trốn qua cửa sau của tòa nhà! Anna băng qua toàn bộ tầng trệt, đến tận lối thoát hiểm ở đằng sau tòa nhà, thông ra một con phố nhỏ vắng hoe. Nơi đây im ắng đến lạ lùng: cô căng tai lắng nghe, rình chờ một âm thanh có thể định hướng cho cô, trước khi tiếp tục lao chạy đến tận công viên nhỏ vắng vẻ. Một lần nữa, lại là tĩnh mịch hoàn toàn. Dường như cô nghe thấy một tiếng động trong lùm cây rậm rạp: cô rút súng ra khỏi bao rồi lao vào trong công viên. Không có gì hết. Đột nhiên, dường như cô nhìn thấy một bóng người đang chạy. Cô lao mình đuổi theo, nhưng nhanh chóng để mất dấu vết. Cuối cùng, cô dừng lại, mất phương hướng, thở hổn hển. Mạch máu ở hai bên thái dương nện thình thịch. Cô nghe thấy một tiếng động đằng sau rặng cây bụi: cô chậm rãi tiến lại gần, tim đập loạn lên. Cô nhìn thấy một bóng người đang nhón bước rất khẽ khàng. Cô chờ đến thời điểm thuận lợi, rồi nhảy bổ ra, giương súng nhắm thẳng vào kẻ tình nghi, ra lệnh cho hắn không được cử động. Chính là Montagne, anh ta cũng đang giơ súng nhắm vào cô. - Chết tiệt, Anna, cô điên à? Anh ta hét lên. Anna thở dài rồi bỏ lại súng vào bao, đồng thời gập người làm đôi để hít thở trở lại. - Montagne, anh làm trò gì ở đây thế? Cô hỏi anh ta. - Cho phép tôi đặt lại câu hỏi đó với cô! Tối nay có phải phiên trực của cô đâu! Với tư cách là đồn phó, về mặt kỹ thuật, Montagne là cấp trên trực tiếp của Anna. Cô chỉ là đồn phó thứ hai. - Tôi thuộc bộ phận thường trực, Anna giải thích. Trung tâm đã gọi cho tôi. - Suýt thì tôi đã tóm được hắn rồi! Montagne cáu kỉnh nói. - Tóm được hắn ư? Tôi đã đến trước anh. Chỉ có một đội cảnh sát tuần tra đằng trước tòa nhà. - Tôi đi từ con phố đằng sau. Lẽ ra cô phải cho biết vị trí của mình qua bộ đàm. Các thành viên trong một đội đều phải làm như thế. Người ta trao đổi thông tin với nhau, chứ không hành động theo kiểu bốc đồng. - Lúc ấy tôi chỉ có một mình, tôi không có bộ đàm. - Cô có bộ đàm trong xe mà, không phải sao? Cô thật phiền phức, Anna ạ! Ngay từ ngày đầu tiên đến đây, cô đã làm phiền tất cả mọi người! Montagne nhổ phẹt xuống đất rồi quay trở về phía tòa nhà. Anna đi theo anh ta. Lúc này, đường Bendham Road đang đầy xe cấp cứu. - Anna! Montagne! Đồn trưởng Ron Gulliver hét gọi khi nhìn thấy họ đi đến. - Chúng ta để mất hắn rồi, sếp ạ, Montagne càu nhàu. Lẽ ra tôi đã tóm được hắn nếu Anna không làm hỏng việc, như thường lệ. - Anh cút đi, Montagne! Anna kêu lên. - Cô mới là người nên cút khỏi đây, Anna ạ! Montagne nổi xung. Cô có thể về nhà được rồi đấy, đây là vụ án của tôi! - Không, đây là vụ án của tôi! Tôi đến đây trước anh. - Hãy trả lại công việc cho chúng tôi rồi biến khỏi đây ngay! Montagne gầm gừ. Anna nghiêng người sang phía Gulliver, những mong được ông ủng hộ. - Sếp… ông có thể can thiệp không? Gulliver rất ghét những vụ xung đột. - Hôm nay không phải phiên trực của cô, Anna ạ, ông nói bằng giọng xoa dịu. - Tôi thuộc bộ phận thường trực! - Hãy để vụ này cho Montagne, Gulliver dứt khoát. Montagne nở một nụ cười chiến thắng rồi đi về phía tòa nhà, để mặc Anna đứng lại cùng Gulliver. - Như thế là không công bằng, thưa sếp! Cô nổi nóng. Mà sao ông lại để Montagne ăn nói với tôi kiểu đó? Gulliver không muốn nghe gì hết. - Làm ơn đi, Anna, đừng có gây chuyện rắc rối nữa! Ông ân cần bảo cô. Mọi người đang nhìn chúng ta đấy. Lúc này, tôi không cần chuyện đó đâu. Ông chăm chú nhìn vào mặt cô gái trẻ bằng ánh mắt tò mò, rồi hỏi cô: - Cô có hẹn sao? - Sao ông lại nói thế? - Cô đã đánh son. - Tôi thường xuyên đánh son mà. - Lần này thì khác. Cô đang có vẻ mặt của một người có hẹn. Tại sao cô không quay lại đó? Ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau ở đồn cảnh sát. Đến lượt Gulliver tiến về phía tòa nhà, để Anna đứng lại một mình. Đột nhiên, cô nghe thấy một giọng nói gọi tên cô, liền quay đầu lại. Là Michael Bird, tổng biên tập tờ Thời báo Orphea. - Anna này, ông vừa hỏi vừa đi đến bên cô, ở đây đang xảy ra chuyện gì vậy? - Tôi không biết phải bình luận thế nào, Anna trả lời, tôi không phụ trách bất cứ chuyện gì hết. - Cô sắp thành người phụ trách rồi, ông mỉm cười. - Ý ông muốn nói gì? - À, nghĩa là khi cô nắm quyền chỉ đạo sở cảnh sát thành phố! Phải chăng vì việc đó mà cô vừa cãi nhau với đồn phó Montagne? - Tôi không biết ông đang nói gì, Michael ạ, Anna khẳng định. - Thật sao? Ông đáp lại, cố giả vờ ngạc nhiên. Tất cả mọi người đều biết rằng cô sẽ là đồn trưởng đồn cảnh sát kế tiếp mà. Anna bỏ đi mà không trả lời, cô quay trở ra xe. Cô cởi áo chống đạn, ném nó lên băng ghế sau rồi nổ máy. Cô có thể quay trở lại nhà hàng Café Athéna, nhưng không muốn thế chút nào. Cô về nhà mình, rồi ngồi dưới mái vòm với một ly rượu và một điếu thuốc lá, tận hưởng bầu không khí mát dịu của buổi tối. ANNA KANNER T ôi đến Orphea vào thứ Bảy, ngày 14 tháng Chín năm 2013. Thời gian đi đường, bắt đầu từ New York, mất chừng gần hai giờ lái xe: tuy nhiên, tôi có cảm giác đã đi qua cả địa cầu. Từ những tòa nhà chọc trời của Manhattan, tôi đã đến thành phố nhỏ yên bình này, nơi đang tắm mình trong ánh mặt trời ấm áp cuối ngày. Sau khi đi ngược đường phố chính, tôi băng qua khu phố mới của mình để đến ngôi nhà tôi đã thuê. Tôi lái xe chậm rãi, quan sát những người đi dạo, những đứa trẻ đang tụ tập đằng trước chiếc xe tải nhỏ của một người bán kem, những cư dân đầy ý thức sống hai bên đường đang chăm chút những bồn hoa. Nơi đây ngự trị một bầu không khí yên bình tuyệt đối. Cuối cùng tôi cũng đến trước ngôi nhà. Một cuộc sống mới đang mở ra trước mắt tôi. Những di sản duy nhất còn lại từ cuộc sống trước là đống đồ đạc mà tôi đã cho chuyển từ New York đến. Tôi mở khóa cửa nhà, bước vào bên trong, và bật đèn để chiếu sáng căn phòng ngoài đang chìm trong bóng tối. Tôi vô cùng ngạc nhiên phát hiện ra rằng trên sàn chất đầy những thùng đồ đạc của tôi. Tôi rảo bước đi một lượt tầng trệt: toàn bộ bàn ghế vẫn còn nguyên gói bọc, chưa có thứ gì được dỡ ra, toàn bộ đồ đạc của tôi vẫn chất đống trong những cái thùng xếp chồng lên nhau, để khắp các phòng. Tôi lập tức gọi cho công ty chuyển nhà mà tôi đã thuê. Nhưng người nghe máy trả lời tôi bằng giọng cộc lốc: “Tôi nghĩ là cô nhầm rồi, cô Kanner ạ. Tôi đang cầm hợp đồng của cô trong tay đây, và rõ ràng là cô đã tích nhầm ô rồi. Dịch vụ mà cô yêu cầu không bao gồm việc dỡ và lắp đặt lại đồ đạc.” Cô ta gác máy. Tôi ra khỏi nhà để khỏi phải nhìn thấy cái cảnh tượng lộn xộn đó và ngồi xuống bậc tam cấp ngoài cổng. Tôi rất bực mình. Một bóng người hiện ra, mỗi tay cầm một chai bia. Là hàng xóm của tôi, Cody Illinois. Tôi đã gặp anh hai lần: khi đi thăm nhà, và sau khi ký hợp đồng thuê nhà, khi tôi đến để chuẩn bị chuyển đồ. - Tôi muốn chào mừng cô đến đây, Anna ạ. - Anh thật tốt quá, tôi vừa trả lời vừa khẽ bĩu môi. - Trông cô không được vui vẻ cho lắm, anh bảo tôi. Tôi nhún vai. Anh đưa cho tôi một chai bia rồi ngồi xuống cạnh tôi. Tôi giải thích cho anh nghe việc tôi đã nhầm lẫn thế nào với công ty chuyển nhà, anh liền đề nghị giúp tôi tháo dỡ đồ đạc, và vài phút sau chúng tôi bắt tay lắp đặt chiếc giường trong căn phòng sẽ được dùng làm phòng ngủ của tôi. Tôi liền hỏi anh: - Tôi nên làm gì để hòa nhập với nơi này? - Cô không phải lo lắng gì về việc đó đâu, Anna ạ. Mọi người sẽ yêu quý cô thôi. Cô vẫn có thể tham gia làm tình nguyện viên cho Liên hoan sân khấu, từ hè sau. Đó là một sự kiện mang tính kết nối rất cao. Cody là người đầu tiên giúp tôi gắn bó với Orphea. Anh có một hiệu sách tuyệt vời trên phố chính, nơi đó nhanh chóng trở thành ngôi nhà thứ hai đối với tôi. Tối đó, sau khi Cody ra về, trong lúc đang bận rộn dỡ các thùng quần áo, tôi nhận được điện thoại của chồng cũ. - Em không nói thật đấy chứ, hả Anna? Anh ta hỏi khi tôi nhấc máy. Em rời khỏi New York mà không thèm nói lời tạm biệt anh. - Em đã nói lời tạm biệt với anh từ lâu rồi, Mark ạ. - Ái chà! Thật đau đớn quá! - Anh gọi cho em có việc gì vậy? - Anh muốn nói chuyện với em, Anna ạ. - Mark này, em không muốn “nói chuyện”. Chúng ta sẽ không quay trở lại với nhau nữa đâu. Mọi chuyện chấm dứt rồi. Anh ta lờ câu nói của tôi đi. - Tối nay anh vừa ăn tối với bố em. Rất tuyệt. - Hãy để cho bố em yên, được không? - Chẳng lẽ ông ấy yêu quý anh lại là lỗi của anh sao? - Tại sao anh phải làm thế với em, hả Mark? Để trả thù chăng? - Em đang khó chịu phải không, Anna? - Đúng thế, tôi nổi khùng, em đang khó chịu đây! Đồ đạc của em đang bị tháo rời từng mảnh, và em không biết phải lắp chúng lại như thế nào, thế nên em thực sự có nhiều việc khác cần làm hơn là nghe anh nói chuyện! Tôi lập tức hối tiếc vì đã nói ra những lời đó, bởi vì anh ta đã nhân ngay cơ hội đó để đề nghị đến giúp tôi. - Em cần người hỗ trợ phải không? Anh đang ở trong xe rồi, anh đến ngay đây! - Không, anh đừng có đến! - Hai giờ nữa anh sẽ có mặt. Chúng ta sẽ dành cả đêm để lắp đồ đạc cho em và tái tạo thế giới… Sẽ giống như trước đây. - Mark, em cấm anh đến đây. Tôi chấm dứt cuộc gọi và tắt máy để được yên thân. Nhưng sáng hôm sau, tôi vừa ngạc nhiên vừa khó chịu khi nhìn thấy Mark xuất hiện trước cửa nhà. - Anh làm gì ở đây thế? Tôi hỏi bằng giọng khó chịu trong lúc mở cửa. Anh ta nở một nụ cười tươi rói. - Đón tiếp mới nồng nhiệt làm sao! Anh đến giúp em mà. - Ai đã cho anh địa chỉ của em? - Mẹ em. - Ồ, không thể thế được, em sẽ giết bà ấy! - Anna, mẹ em mong ước được nhìn thấy chúng ta quay lại với nhau. Bà muốn có cháu! - Tạm biệt, Mark. Anh ta chặn cánh cửa lại đúng lúc tôi định đóng sập nó trước mũi anh ta. - Chờ đã, Anna: ít ra hãy để anh giúp em. Tôi quá cần giúp đỡ nên không thể từ chối. Vả lại, dù sao anh ta cũng đã ở đây rồi. Anh ta giở bài người đàn ông hoàn hảo với tôi: anh ta chuyển đồ, treo các bức tranh lên tường rồi lắp một ngọn đèn chùm. - Em sẽ sống một mình đơn độc ở đây sao? Cuối cùng anh ta cũng hỏi tôi, giữa hai lần khoan. - Đúng thế, Mark ạ. Chính ở nơi đây, em sẽ bắt đầu cuộc sống mới của mình. ••• Thứ Hai tuần tiếp theo đánh dấu ngày đầu tiên của tôi tại sở cảnh sát. Đúng 8 giờ sáng, tôi trình diện tại cửa đón tiếp, trong trang phục dân sự. - Cô có chuyện gì cần thưa kiện phải không? Viên cảnh sát hỏi tôi nhưng vẫn chúi mũi vào tờ báo. - Không, tôi trả lời. Tôi là đồng nghiệp mới của anh. Anh ta ngước mắt nhìn tôi, mỉm cười thân thiện với tôi rồi hét vống lên: “Anh em ơi, cô gái ấy đến đây rồi!” Tôi nhìn thấy một nhóm cảnh sát xuất hiện, quan sát tôi cứ như thể tôi là một con vật kỳ lạ. Sếp Gulliver tiến đến, thân thiện đưa tay cho tôi: “Chào mừng cô đến đây, Anna.” Mọi người đón tiếp tôi rất nhiệt tình. Tôi lần lượt chào hỏi từng đồng nghiệp mới, chúng tôi trò chuyện vài câu, họ mời tôi một cốc cà phê, họ đặt cho tôi rất nhiều câu hỏi. Một người nào đó vui vẻ kêu lên: “Anh em, tôi bắt đầu tin là có ông già Noel thật đấy: một tay cớm già cằn cỗi về hưu và được thay thế bằng một cô nàng trẻ trung xinh đẹp! ” Tất cả họ cùng phá lên cười. Thật không may, bầu không khí vui nhộn đó không kéo dài được lâu. JESSE ROSENBERG Thứ Sáu ngày 27 tháng Sáu năm 2014 29 ngày trước đêm biểu diễn khai mạc N gay từ sáng sớm, tôi đã lên đường đi về phía Orphea. Tôi nhất quyết muốn tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra hôm trước, trong căn hộ của Stephanie. Theo đồn trưởng Gulliver, đó chỉ là một vụ trộm đơn thuần. Tôi không hề tin vào giả thuyết đó. Các đồng nghiệp của tôi trong bộ phận cảnh sát khoa học đã ở lại rất muộn đêm qua để cố gắng lấy các dấu vân tay, nhưng họ không tìm thấy bất cứ dấu vết nào. Về phần mình, căn cứ vào mức độ tàn bạo của cú đánh, tôi nghiêng nhiều về ý tưởng cho rằng kẻ tấn công tôi là một gã đàn ông. Phải tìm cho ra Stephanie. Tôi cảm thấy thời gian đang rất gấp rút. Lúc này, đang chạy xe trên đường 17, tôi nhấn ga trên làn đường ngoài cùng bên phải trước khi vào thành phố, không bật đèn hiệu cũng không rú còi hụ. Chỉ đến khi vượt qua biển tín hiệu đường bộ đánh dấu ranh giới của thành phố Orphea, tôi mới nhìn thấy chiếc xe công vụ của cảnh sát ẩn đằng sau tấm biển và lập tức đuổi theo tôi. Tôi tạt xe vào vệ đường, và nhìn thấy qua gương chiếu hậu một cô gái trẻ xinh đẹp mặc đồng phục cảnh sát bước ra khỏi xe và đi về phía tôi. Tôi liền chuẩn bị tinh thần để làm quen với người đầu tiên chấp nhận giúp tôi làm sáng tỏ vụ việc vừa rồi: Anna Kanner. Trong lúc cô lại gần cửa sổ xe để mở cửa, tôi giơ thẻ cảnh sát ra và mỉm cười. - Đại úy Jesse Rosenberg, cô đọc thẻ của tôi. Một vụ án khẩn cấp chăng? - Hình như tôi đã nhìn thấy cô hôm qua, trong một thoáng, trên phố Bendham Road. Tôi chính là viên cảnh sát bị đánh ngất. - Đồn phó Anna Kanner, cô gái trẻ tự giới thiệu. Đầu anh thế nào rồi, đại úy? - Đầu tôi rất ổn, cảm ơn cô. Nhưng thú thật với cô là tôi rất bối rối trước những chuyện đã xảy ra trong căn hộ đó. Sếp Gulliver nghĩ rằng đó là một vụ trộm, nhưng tôi thì không tin như thế một phút nào. Tôi tự hỏi liệu có phải mình đã đặt chân vào một vụ án lạ lùng không. - Gulliver không ngốc chút nào đâu, Anna bảo tôi. Tốt hơn hết là hãy kể cho tôi nghe về vụ án của anh, tôi rất quan tâm. Tôi hiểu ra rằng Anna có thể là một đồng minh quý giá của tôi ở Orphea. Sau này, tôi sẽ phát hiện ra rằng hơn thế nữa, cô còn là một cảnh sát ngoại hạng. Tôi liền đề nghị với cô: - Anna này, nếu cô cho phép tôi xưng hô thân mật, tôi có thể mời em đi uống cà phê chứ? Tôi sẽ kể hết mọi chuyện với em. Vài phút sau, ngồi cạnh chiếc bàn trong một quán nhỏ yên tĩnh nằm bên đường, tôi giải thích với Anna rằng mọi chuyện đã bắt đầu khi Stephanie Mailer đến tìm tôi hôm đầu tuần để nói chuyện về một vụ điều tra mà cô ta đang tiến hành liên quan đến vụ án mạng giết chết bốn người ở Orphea vào năm 1994. - Vụ án mạng giết chết bốn người vào năm 1994 đó là thế nào vậy? Anna hỏi. - Thị trưởng thành phố Orphea và gia đình của ông ấy đã bị sát hại, tôi giải thích. Cùng với một phụ nữ đang chạy thể dục qua đó. Một vụ thảm sát thực sự. Hôm đó là tối khai mạc Liên hoan sân khấu ở Orphea. Và đặc biệt, đó là vụ án lớn đầu tiên mà tôi phụ trách. Hồi ấy, một người đồng đội, Derek Scott, đã cùng với tôi giải quyết vụ án. Thế nhưng thứ Hai tuần trước, Stephanie lại đến nói với tôi rằng cô ấy nghĩ hồi đó bọn tôi đã nhầm: vụ điều tra vẫn chưa kết thúc và bọn tôi đã bắt nhầm thủ phạm. Sau đó, cô ta mất tích còn căn hộ của cô ta thì bị đột nhập hôm qua. Anna có vẻ rất tò mò khi nghe chuyện của tôi. Sau khi uống cà phê, cả hai chúng tôi liền đến căn hộ của Stephanie, hiện nó đã được khóa và niêm phong, nhưng bố mẹ cô ta đã để chìa khóa lại cho tôi. Toàn bộ đồ đạc trong căn hộ đều bị đảo lộn, tất cả đều lộn xộn. Chi tiết cụ thể duy nhất mà chúng tôi có được là cánh cửa ra vào căn hộ không bị phá khóa. Tôi bảo Anna: - Theo lời ông bà Mailer, thì chùm chìa khóa phụ duy nhất do ông bà ấy giữ. Điều đó có nghĩa là kẻ đột nhập vào đây đang giữ chùm chìa khóa của Stephanie. Bởi vì trước đó tôi đã kể với cô về tin nhắn do Stephanie gửi đến cho Michael Bird, tổng biên tập tờ Thời báo Orphea, Anna liền suy luận: - Nếu kẻ nào đó có chùm chìa khóa của Stephanie, thì có lẽ hắn cũng đang cầm điện thoại di động của cô ấy. - Em muốn nói rằng có thể cô ấy không phải là người đã gửi tin nhắn đó? Nhưng thế thì là kẻ nào? - Một kẻ nào đó muốn kéo dài thời gian, cô gợi ý. Tôi rút từ trong túi quần sau ra chiếc phong bì lấy được hôm qua trong hộp thư của Stephanie và đưa nó cho Anna. - Đây là bản sao kê thẻ tín dụng của Stephanie, tôi giải thích. Cô ta đã đi một chuyến đến Los Angeles hồi đầu tháng, và ta cần phải xác minh xem chuyến đi đó nhằm mục đích gì. Theo kết quả kiểm tra của tôi, kể từ đó đến nay cô ta không đi máy bay thêm lần nào nữa. Nếu cô ta tự ý bỏ đi, thì là đi bằng xe hơi. Tôi đã gửi một thông báo tìm kiếm chung liên quan đến biển đăng ký xe: nếu Stephanie đang ở đâu đó trên đường, thì cảnh sát đường bộ sẽ nhanh chóng tìm thấy cô ta. - Anh không chần chừ chút nào nhỉ, Anna bảo tôi với vẻ đầy ấn tượng. - Không còn thời gian để mất nữa, tôi trả lời. Tôi cũng đã đề nghị lấy các sao kê điện thoại và thẻ tín dụng của cô ta trong các tháng vừa rồi. Hy vọng ngay tối nay tôi sẽ có được những sao kê đó. Anna xem qua bản sao kê. - Thẻ tín dụng của cô ấy được sử dụng lần cuối cùng vào tối thứ Hai, lúc 21 giờ 55 phút tại Kodiak Grill, cô nhận xét. Đó là một nhà hàng trên phố chính. Có lẽ chúng ta nên đến đó. Có thể có người đã nhìn thấy gì đó. Nhà hàng Kodiak Grill nằm ở cuối phố chính. Người quản lý nhà hàng, sau khi kiểm tra lịch phân công nhân sự trong tuần, đã cho chúng tôi biết tên những người phục vụ vào tối thứ Hai, trong số các nhân sự có mặt. Một trong số các nhân viên nữ khi được chúng tôi hỏi đã nhận ra Stephanie trên bức ảnh mà chúng tôi cho cô ta xem. - Có, cô ta bảo chúng tôi, tôi có nhớ cô ấy. Cô ấy ở đây vào đầu tuần. Một cô gái xinh đẹp, đi một mình. - Có điều gì đó mà cô đặc biệt để ý, khiến cô nhớ ra cô ấy trong số tất cả các khách hàng ngày nào cũng ghé qua đây không? - Không phải là lần đầu tiên cô ấy đến đây. Cô ấy luôn yêu cầu ngồi ở chiếc bàn đó. Cô ấy thường nói đang chờ một ai đó, nhưng người ấy chẳng bao giờ đến. - Thế hôm thứ Hai vừa rồi, đã xảy ra chuyện gì? - Cô ấy đến nhà hàng vào khoảng 18 giờ, đầu ca trực. Và cô ấy đợi. Cuối cùng, cô ấy đã gọi một đĩa xa lát César và một lon Coca, rồi rốt cuộc lại bỏ đi. - Chính xác là vào khoảng 22 giờ. - Có thể thế. Tôi không nhớ giờ cụ thể, nhưng cô ấy ngồi lại rất lâu. Cô ấy trả tiền rồi bỏ đi. Tôi chỉ nhớ có thế thôi. Khi ra khỏi Kodiak Grill, chúng tôi nhận thấy rằng tòa nhà bên cạnh là một ngân hàng có cây rút tiền tự động bên ngoài. - Chắc chắn là họ có gắn camera, Anna bảo tôi. Có thể họ đã ghi được hình ảnh Stephanie vào hôm thứ Hai. Vài phút sau, chúng tôi đã ở trong phòng làm việc chật hẹp của một nhân viên an ninh ngân hàng, anh ta cho chúng tôi xem các góc quay camera khác nhau của tòa nhà. Một camera ghi lại hình ảnh vỉa hè, và chúng tôi nhìn thấy hàng hiên của nhà hàng Kodiak Grill. Nhân viên an ninh cho chúng tôi xem băng ghi hình ngày thứ Hai, kể từ lúc 18 giờ. Chăm chú vào những người qua đường lướt trên màn hình, đột nhiên tôi nhìn thấy Stephanie. - Stop! Tôi kêu lên. Chính là cô ấy, chính là Stephanie. Nhân viên an ninh dừng hình lại. - Bây giờ, hãy cho băng chạy ngược lại, chậm thôi, tôi bảo anh ta. Trên màn hình, Stephanie bước lùi lại. Điếu thuốc mà cô ngậm trên môi được tái dựng lại, rồi cô châm nó với một chiếc bật lửa vàng rực, cầm nó giữa các ngón tay và cất nó vào một bao thuốc trước khi bỏ lại bao thuốc vào trong túi xách. Cô vẫn tiếp tục lùi và đi chệch khỏi quỹ đạo trên vỉa hè, đến tận một chiếc xe nhỏ gọn màu xanh da trời rồi ngồi vào trong xe. - Đó là xe của cô ấy, tôi nói. Một chiếc Mazda ba cửa màu xanh da trời. Tôi đã nhìn thấy cô ấy lên chiếc xe đó vào hôm thứ Hai, trên bãi đỗ xe tại trụ sở cảnh sát bang. Tôi yêu cầu nhân viên an ninh cho chạy tiếp đoạn băng, và chúng tôi nhìn thấy Stephanie ra khỏi xe, châm một điếu thuốc, rồi vừa hút vừa đi vài bước trên vỉa hè, trước khi tiến về phía nhà hàng Kodiak Grill. Sau đó, chúng tôi tua nhanh đoạn băng đến tận 21 giờ 55 phút, thời điểm Stephanie trả tiền bữa ăn tối bằng thẻ tín dụng của mình. Chừng hai phút sau, chúng tôi nhìn thấy cô xuất hiện trở lại. Cô bồn chồn đi đến tận chỗ chiếc xe. Lúc lên xe, cô lấy điện thoại ra khỏi túi xách. Có ai đó gọi cho cô. Cô trả lời điện thoại, cuộc gọi rất ngắn gọn. Có vẻ Stephanie không nói gì mà chỉ lắng nghe. Sau khi gác máy, cô ngồi vào khoang lái và bất động trong một lát. Có thể nhìn thấy cô rất rõ ràng qua cửa kính xe. Cô tìm kiếm một số điện thoại trong danh bạ rồi gọi cho số đó, nhưng lập tức gác máy. Như thể cuộc gọi không thực hiện được. Cô chờ thêm chừng năm phút, vẫn ngồi sau tay lái. Stephanie có vẻ căng thẳng. Rồi cô thực hiện cuộc gọi thứ hai: lần này chúng tôi nhìn thấy cô nói chuyện. Cuộc gọi kéo dài chừng hai mươi giây. Rồi cuối cùng, cô khởi động xe và lái xe mất hút về phía Bắc. - Có lẽ đây chính là hình ảnh cuối cùng của Stephanie Mailer, tôi thì thầm. Chúng tôi dành ra nửa buổi chiều để hỏi thông tin từ bạn bè của Stephanie. Phần lớn họ sống ở Sag Harbor, quê cô. Không người nào trong số họ có tin tức gì về Stephanie kể từ hôm thứ Hai, và ai nấy đều lo lắng. Nhất là khi ông bà Mailer cũng gọi cho họ, càng khiến họ hoang mang hơn. Họ đã cố gắng liên hệ với cô qua điện thoại, qua thư điện tử, qua các trang mạng xã hội, họ đã đến gõ cửa nhà cô, nhưng chẳng thu được kết quả gì. Từ các cuộc trò chuyện, chúng tôi biết được rằng Stephanie là một cô gái tốt về mọi phương diện. Cô không sử dụng ma túy, không uống rượu thái quá và có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người. Bạn bè của cô còn biết nhiều về cuộc sống riêng tư của cô hơn là ông bà Mailer. Một trong số các bạn gái của cô khẳng định với chúng tôi rằng thời gian gần đây cô mới có bạn trai: - Đúng thế, có một anh chàng, một người nào đó tên là Sean, cô ấy đã dẫn anh ta đến một bữa tiệc tối. Thật kỳ lạ. - Kỳ lạ thế nào? - Mối quan hệ giữa họ. Có điều gì đó không ổn. Một cô bạn khác khẳng định với chúng tôi rằng Stephanie rất tham công tiếc việc: - Thời gian gần đây chúng tôi gần như không gặp Stephanie. Cô ấy nói đang có vô cùng nhiều việc phải làm. - Cô ấy làm gì? - Tôi không biết. Cô bạn gái thứ ba kể với chúng tôi về chuyến đi của Stephanie đến Los Angeles: - Đúng thế, cô ấy đã đi một chuyến đến Los Angeles cách đây mười lăm ngày, nhưng lại bảo tôi đừng có nói gì về chuyện đó. - Cô ấy đi Los Angeles làm gì? - Tôi không biết. Người cuối cùng trong đám bạn bè từng nói chuyện với Stephanie là Timothy Volt. Stephanie đã gặp anh ta vào tối Chủ nhật tuần trước. - Cô ấy đến nhà tôi, anh ta giải thích. Lúc đó tôi đang ở một mình, chúng tôi đã uống vài ly rượu. - Anh có thấy cô ấy căng thẳng hay lo lắng gì không? Tôi hỏi. - Không. - Stephanie thuộc kiểu phụ nữ nào? - Một cô gái lý tưởng, vô cùng xuất sắc, nhưng có tính cách khá khó chịu, thậm chí cô ấy còn là một kẻ ương bướng. Một khi đã có ý tưởng gì trong đầu, thì cô ấy không bao giờ chịu từ bỏ. - Cô ấy có cho anh biết gì về công việc mình đang làm không? - Một chút. Cô ấy nói thời gian này đang theo đuổi một dự án lớn, nhưng không nói chi tiết. - Loại dự án gì? - Một cuốn sách. Nói cho cùng thì chính vì cuốn sách đó mà cô ấy quay về vùng này. - Thế là thế nào? - Stephanie rất nhiều tham vọng. Cô ấy mơ ước trở thành một nhà văn nổi tiếng, và cô ấy sẽ làm được điều đó. Bên cạnh đó, cô ấy kiếm sống bằng cách làm việc cho một tờ báo văn chương đến tận tháng Chín năm ngoái… tôi quên mất tên rồi… - Đúng thế, tôi gật đầu, Tạp chí văn chương New York. - Đúng rồi, là tạp chí đó. Nhưng thực sự đấy chỉ là việc làm thêm để kiếm tiền thanh toán các hóa đơn thôi. Khi bị sa thải, cô ấy đã nói muốn quay trở lại Hamptons để được yên tĩnh và có thể viết lách. Tôi nhớ là có một hôm cô ấy đã bảo tôi: “Sở dĩ tớ quay về đây, là để viết một cuốn sách.” Tôi nghĩ hồi ấy Stephanie cần thời gian và sự yên tĩnh, cô ấy đã tìm thấy những thứ đó ở đây. Vả lại, nếu không phải thế, thì tại sao cô ấy lại chấp nhận cái chân phóng viên quèn ở một tờ báo địa phương cơ chứ? Tôi đã nói rồi, cô ấy là người rất tham vọng. Cô ấy muốn lên đến tận Mặt trăng kia. Sở dĩ cô ấy về Orphea, là vì có lý do chính đáng. Có lẽ cô ấy không thể tập trung được trong bối cảnh ồn ào náo nhiệt ở New York. Ta thường xuyên chứng kiến cảnh các nhà văn về nông thôn để nghỉ ngơi lấy sức, không phải sao? - Cô ấy viết ở đâu? - Ở nhà cô ấy, tôi cho là thế. - Trên một chiếc máy vi tính ư? - Tôi làm sao biết được. Có chuyện gì vậy? Khi ra khỏi nhà Timothy Volt, Anna nhận xét với tôi rằng ở nhà Stephanie không có máy vi tính. - Trừ khi “vị khách” tối qua đã cuỗm mất nó, tôi đáp. Chúng tôi nhân dịp đang ở Sag Harbor để đến gặp bố mẹ Stephanie. Ông bà Mailer chưa từng nghe nói đến người bạn trai có tên là Sean, và Stephanie không để máy vi tính ở nhà họ. Vì cẩn trọng, chúng tôi đề nghị được xem qua phòng riêng của Stephanie. Cô không còn ở phòng này kể từ sau khi tốt nghiệp trung học, và mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn: những tấm áp phích trên tường, những chiếc cúp vô địch trong các giải đấu thể thao, những con thú bông trên giường và những cuốn vở học trò. - Đã nhiều năm nay Stephanie không ngủ ở đây nữa, bà Trudy Mailer kể với chúng tôi. Sau khi tốt nghiệp trung học, con bé đi học đại học, và ở lại New York đến tận khi bị sa thải khỏi Tạp chí văn chương New York hồi tháng Chín năm ngoái. - Có lý do cụ thể nào khiến Stephanie chuyển về sống ở Orphea không? Tôi hỏi nhưng không tiết lộ những chuyện mà Timothy Volt đã kể với chúng tôi. - Như tôi đã nói với anh hôm qua, con bé bị mất việc ở New York và muốn quay trở lại vùng Hamptons. - Nhưng tại sao cô ấy lại ở Orphea? Tôi vẫn hỏi tiếp. - Bởi vì đây là thành phố lớn nhất trong vùng, tôi cho là thế. Tôi mạo hiểm hỏi thêm: - Bà Mailer này, liệu Stephanie có kẻ thù nào ở New York không? Cô ấy có mâu thuẫn với ai không? - Không, không hề có chuyện như thế. - Cô ấy sống một mình ở đó sao? - Con bé thuê nhà cùng một người nữa, một cô gái trẻ cũng làm việc cho Tạp chí văn chương New York. Alice Filmore. Chúng tôi đã gặp cô ấy một lần, khi đến giúp Stephanie lấy lại một số đồ đạc sau khi con bé quyết định rời bỏ New York. Con bé chỉ có mấy thứ đồ đạc, và chúng tôi đã mang hết đến căn hộ của nó ở Orphea. Vì không tìm thấy thứ gì cả ở nhà Stephanie lẫn nhà bố mẹ cô ta, chúng tôi quyết định quay trở lại Orphea và xem xét máy vi tính của Stephanie ở tòa soạn Thời báo Orphea. Đã 17 giờ khi chúng tôi đến trụ sở tòa báo. Chính Michael Bird dẫn chúng tôi đi qua bàn làm việc của các nhân viên. Ông ta chỉ cho chúng tôi bàn làm việc của Stephanie, rất gọn gàng, trên đó có đặt một màn hình máy vi tính, một bàn phím, một hộp khăn giấy, vô số những chiếc bút giống hệt nhau cắm trong một chiếc cốc uống trà, một tập giấy ghi nhớ và vài tờ giấy rời. Tôi nhanh chóng xem hết một lượt, nhưng không thấy có thứ gì đặc biệt thú vị, rồi lên tiếng hỏi: - Liệu có người nào tiếp cận được với máy tính của Stephanie khi cô ấy vắng mặt những ngày vừa qua không? Vừa nói, tôi vừa ấn nút bật máy tính trên bàn phím. - Không, Michael đáp, các máy tính đều được bảo vệ bằng mật khẩu cá nhân. Bởi vì máy vi tính không lên hình, tôi lại ấn ngón tay lần nữa vào phím khởi động, và tiếp tục hỏi Michael: - Vậy là không có khả năng một người nào đó có thể tra cứu thông tin trên máy tính của Stephanie mà cô ấy không biết? - Không có khả năng đó, Michael khẳng định với chúng tôi. Chỉ một mình Stephanie biết mật khẩu. Không ai khác biết, kể cả kỹ thuật viên vi tính. Vả lại, tôi cũng không biết anh làm thế nào để tra cứu thông tin trên máy tính của cô ấy nếu như anh không biết mật khẩu. - Chúng tôi có các chuyên gia, họ sẽ phụ trách việc đó, ông đừng lo. Nhưng tôi vẫn muốn bật nó lên đã. Tôi cúi xuống nhìn dưới gầm bàn, để chắc chắn là cây máy vi tính có cắm điện, nhưng không nhìn thấy cây máy tính. Chẳng có gì hết. Tôi ngẩng đầu lên và hỏi: - Máy vi tính của Stephanie đâu rồi? - Chẳng phải nó đang ở dưới đó sao? Michael hỏi lại tôi. - Không, chẳng có gì cả! Michael và Anna lập tức cúi xuống, để rồi nhận thấy rằng chỉ có mấy sợi dây điện lòng thòng trên một khoảng trống. Michael liền kêu lên, giọng sững sờ: - Có kẻ nào đó đã lấy cắp máy vi tính của Stephanie! Lúc 18 giờ 30 phút, một làn sóng lộn xộn xe của cảnh sát Orphea và xe của cảnh sát bang đỗ dọc đằng trước tòa nhà của tờ Thời báo Orphea. Bên trong, một sĩ quan thuộc đội cảnh sát khoa học khẳng định với chúng tôi rằng quả đúng là đã có kẻ đột nhập để lấy trộm cây máy tính. Michael, Anna và tôi đi thành một đoàn bám theo anh ta đến tận phòng kỹ thuật dưới tầng hầm, cũng được dùng làm nơi chứa đồ và lối thoát hiểm. Ở góc trong cùng, một cánh cửa mở ra một cầu thang dốc đứng ngược lên phố. Cửa kính đã bị vỡ, và chỉ cần thò tay vào bên trong qua chỗ vỡ đó là có thể xoay tay nắm cửa bên trong và mở cửa ra. - Ông không bao giờ xuống căn phòng này sao? Tôi hỏi Michael. - Không bao giờ. Chẳng ai xuống tầng hầm làm gì. Ở đây chỉ toàn là tài liệu lưu trữ, chẳng bao giờ có ai tra cứu cả. - Không có hệ thống báo động, cũng không có camera sao? Anna hỏi. - Không, ai mà muốn trả tiền cho những thứ đó chứ? Tin tôi đi, nếu có tiền, thì trước hết phải đổ vào hệ thống ống nước đã. - Chúng tôi đã cố gắng lấy các dấu vết trên tay nắm cửa, viên cảnh sát khoa học giải thích, nhưng có không biết bao nhiêu dấu vân tay và đủ loại vết bẩn, cũng có nghĩa là về mặt này thì chẳng khai thác gì được. Chúng tôi cũng không tìm thấy gì xung quanh bàn làm việc của Stephanie. Theo ý kiến tôi, thì kẻ kia đột nhập qua cửa này, hắn lên tầng trên và lấy cây máy tính đi, vẫn chuồn qua đường này. Chúng tôi quay trở về phòng biên tập. - Michael này, tôi hỏi, liệu có thể là một thành viên trong ban biên tập đã làm việc này không? - Không có chuyện đó đâu! Michael tức tối. Làm sao anh có thể tưởng tượng ra một chuyện như thế? Tôi hoàn toàn tin tưởng vào các phóng viên của tôi. - Thế thì, ông giải thích thế nào về việc một người lạ bên ngoài tòa soạn lại có thể biết được đâu là máy vi tính của Stephanie? - Tôi chẳng biết gì cả, Michael thở dài. - Sáng nay, ai là người đến tòa soạn đầu tiên? Anna hỏi. - Shirley. Nhìn chung, cô ấy chính là người mở cửa văn phòng vào tất cả các buổi sáng. Chúng tôi cho gọi Shirley đến. Tôi hỏi cô ta: - Thời gian gần đây, có buổi sáng nào cô nhận thấy có điều gì bất thường khi đến văn phòng không? Thoạt tiên, Shirley có vẻ bối rối, cô ta cố nhớ lại, rồi ánh mắt đột nhiên sáng lên. - Tôi thì chẳng nhận thấy gì cả. Nhưng đúng là sáng hôm thứ Ba, Newton, một trong các phóng viên, đã bảo với tôi rằng máy vi tính của anh ta được bật lên từ trước. Anh ta nhớ rõ là hôm trước đã tắt máy tính, bởi vì anh ta là người cuối cùng ra về. Anh ta mắng tôi ầm ĩ, khẳng định rằng có ai đó đã lén bật máy tính của anh ta, nhưng tôi thì nghĩ chỉ đơn giản là anh ta đã quên tắt nó. - Bàn làm việc của Newton đâu? Tôi hỏi. - Bàn đầu tiên, bên cạnh bàn làm việc của Stephanie. Tôi ấn nút khởi động máy tính, biết rằng trên đó không thể còn lưu lại những dấu vân tay có thể khai thác được, bởi vì từ đó đến nay Newton đã dùng máy tính. Màn hình sáng lên: MÁY TÍNH CỦA: Newton MẬT KHẨU: - Hắn đã bật chiếc máy tính đầu tiên, tôi nói. Hắn nhìn thấy tên hiện lên và hiểu rằng đây không phải là chiếc hắn cần lấy. Hắn liền bật máy tính thứ hai, và tên Stephanie hiện lên. Hắn không cần tìm kiếm thêm nữa. - Điều này chứng tỏ rằng một kẻ lạ mặt bên ngoài ban biên tập đã làm việc đó, Michael nói xen vào, đầy vẻ yên tâm. - Điều đó chủ yếu cho thấy rằng vụ trộm đã xảy ra vào đêm thứ Hai sáng ngày thứ Ba, tôi nói tiếp. Có lẽ là đêm Stephanie mất tích. - Stephanie mất tích ư? Michael sửng sốt nhắc lại. Anh nói mất tích là có ý gì? Thay cho câu trả lời, tôi hỏi ông ta: - Michael này, ông có thể in giúp tôi toàn bộ các bài báo mà Stephanie đã viết từ khi vào làm việc tại tờ báo không? - Đương nhiên là được. Nhưng anh cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì đi, đại úy? Phải chăng các vị nghĩ rằng đã có chuyện gì đó với Stephanie? - Tôi cho là thế, tôi tiết lộ với ông ta. Và tôi nghĩ rằng chuyện rất nghiêm trọng. Rời khỏi tòa soạn, chúng tôi gặp đồn trưởng Gulliver và thị trưởng Orphea, Alan Brown, hai người đang đứng trên vỉa hè tranh luận về tình hình. Ông thị trưởng lập tức nhận ra tôi. Cứ như thể ông vừa nhìn thấy một bóng ma. - Anh ở đây sao? Ông ngạc nhiên hỏi. - Thực ra tôi muốn gặp lại ông trong hoàn cảnh khác kia. - Hoàn cảnh nào? Ông hỏi tôi. Có chuyện gì vậy? Từ khi nào mà cảnh sát bang lại phải hành động vì một vụ trộm tầm thường vậy? - Anh không có thẩm quyền hành động ở đây! Đồn trưởng Gulliver nói thêm vào. - Đã xảy ra một vụ mất tích trong thành phố này, đồn trưởng Gulliver ạ, và các vụ mất tích đều thuộc thẩm quyển của cảnh sát bang. - Một vụ mất tích ư? Thị trưởng Brown nghẹn lời. - Chẳng có vụ mất tích nào cả! Đồn trưởng Gulliver cáu kỉnh kêu lên. Anh không có bất cứ bằng chứng nào, đại úy Rosenberg ạ! Anh đã gọi cho văn phòng công tố chưa? Lẽ ra anh phải làm thế rồi, nếu anh tự tin về bản thân mình đến thế! Có lẽ tôi nên gọi cho họ một cuộc chăng? Tôi không nói gì mà chỉ bỏ đi. Đêm đó, lúc 3 giờ sáng, sở cảnh sát cứu hỏa Orphea nhận được thông báo về một vụ hỏa hoạn xảy ra tại số 77 đường Bendham Road, địa chỉ của Stephanie Mailer. DEREK SCOTT uổi tối ngày 30 tháng Bảy năm 1994, buổi tối xảy ra vụ án mạng giết chết B bốn người. Khi chúng tôi đến Orphea là 20 giờ 55 phút. Chúng tôi đã xuyên qua Long Island trong một thời gian kỷ lục. Chiếc xe còi hụ ầm ĩ của chúng tôi đến góc phố chính, nơi đã bị chặn để phục vụ cho đêm biểu diễn khai mạc Liên hoan sân khấu. Một chiếc xe của cảnh sát địa phương đang đỗ tại đó mở đường cho chúng tôi đi qua khu Penfield. Khu vực này đã bị phong tỏa hoàn toàn, đầy kín những chiếc xe cấp cứu đến từ tất cả các thành phố lân cận. Những nhóm cảnh sát được huy động đứng xung quanh Penfield Lane, đằng sau họ tập trung rất nhiều những kẻ hiếu kỳ từ phố chính đổ xô đến để không bỏ sót bất cứ cảnh tượng nào. Jesse và tôi là những điều tra viên đầu tiên thuộc đội cảnh sát hình sự có mặt tại hiện trường. Kirk Harvey, trưởng đồn cảnh sát Orphea, là người đón chúng tôi. - Tôi là trung sĩ Derek Scott, cảnh sát bang, tôi vừa tự giới thiệu vừa giơ thẻ ra, còn đây là người phụ tá của tôi, điều tra viên Jesse Rosenberg. - Tôi là đồn trưởng Kirk Harvey, viên cảnh sát chào chúng tôi, rõ ràng là ông ta cảm thấy nhẹ nhõm vì có thể bàn giao công việc cho một ai đó. Không giấu gì các anh, tôi hoàn toàn bị ngợp vì vụ án này. Chúng tôi chưa bao giờ phải đối mặt với một vụ như vậy. Bốn người chết. Một cuộc tàn sát thực sự. Các cảnh sát chạy khắp phía, hét to các mệnh lệnh và những câu hủy lệnh. Trên thực tế, tôi là sĩ quan có cấp bậc cao nhất tại hiện trường, nên tôi quyết định làm chủ tình thế. - Phải chặn tất cả các ngả đường, tôi ra lệnh cho đồn trưởng Harvey. Hãy lập các trạm chắn đường. Tôi yêu cầu sự tăng cường hỗ trợ của cảnh sát đường bộ cũng như của tất cả các đơn vị cảnh sát bang hiện có. Cách chúng tôi chừng hai chục mét là thi thể một người phụ nữ mặc quần áo thể thao đang nằm trong vũng máu. Chúng tôi chậm rãi lại gần cái xác. Một cảnh sát đứng gác gần đó, anh ta cố gắng không nhìn cảnh tượng. - Chính người chồng đã tìm thấy cô ấy. Anh ta đang ở trong một chiếc xe cứu thương, ngay đằng kia, nếu các anh muốn hỏi thông tin anh ta. Nhưng cảnh tượng kinh khủng nhất là ở bên trong nhà, viên cảnh sát vừa nói với chúng tôi vừa chỉ vào ngôi nhà bên cạnh nơi chúng tôi đang đứng. Một bé trai và mẹ cậu ấy… Chúng tôi lập tức đi về phía ngôi nhà. Chúng tôi muốn cắt ngang bằng cách đi qua thảm cỏ, và thế là giày của chúng tôi ngập trong nước, mực nước cao chừng bốn xăng ti mét. - Mẹ kiếp, tôi rủa, chân tôi ướt sũng rồi, tôi sẽ làm vấy nước ra khắp nơi mất. Tại sao nước lại dềnh lên ở đây thế? Đã mấy tuần nay trời không mưa. - Một ống dẫn nước trong hệ thống tưới tự động bị vỡ, thưa trung sĩ, một cảnh sát đang đứng gác nói với tôi từ trong nhà. Chúng tôi đang cố ngắt nước. - Nhất là đừng có chạm vào thứ gì cả, tôi ra lệnh. Chúng ta để nguyên trạng mọi thứ chừng nào cảnh sát khoa học còn chưa can thiệp. Và hãy cử cho tôi hai nhóm cảnh sát đứng hai bên thảm cỏ để nhắc mọi người đi lên lối đi lát đá. Tôi không muốn toàn bộ hiện trường vụ án bị sũng nước. Tôi cố lau khô chân được chừng nào hay chừng ấy trên các bậc cầu thang ở cửa vòm. Rồi chúng tôi vào trong nhà: cánh cửa đã bị phá hỏng bởi những cú đạp chân. Ngay trước mặt chúng tôi, trong hành lang, một phụ nữ nằm sõng soài trên sàn, trên người có ba vết đạn. Bên cạnh bà ta, một chiếc va li mở phanh, chứa đồ đạc đến một nửa. Ở bên phải là một phòng khách nhỏ, nơi có xác của một cậu bé chừng mười tuổi, cậu bị bắn chết và ngã gục trong đám rèm cửa, như thể cậu đã bị bắt gặp trước khi kịp lẩn trốn. Trong bếp, một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi nằm sấp trong một vũng máu: ông ta bị giết trong lúc đang tìm cách chạy trốn. Mùi tử khí và mùi máu tanh nồng thật không thể chịu nổi. Chúng tôi nhanh chóng ra khỏi nhà, mặt mũi tái nhợt, quá sốc trước những gì vừa nhìn thấy. Ngay sau đó, người ta gọi chúng tôi vào ga ra của ông thị trưởng. Cảnh sát đã tìm thấy những chiếc va li khác trong cốp xe. Rõ ràng là ông thị trưởng và gia đình đang chuẩn bị rời đi. ••• Trời đêm nóng bức và phó thị trưởng trẻ tuổi Brown đầm đìa mồ hôi bên trong bộ com lê: anh đi ngược đường phố chính nhanh hết mức có thể, bằng cách xuyên qua giữa đám đông. Anh đã rời sân khấu ngay khi được thông báo về sự việc, và quyết định đi bộ đến Penfield Cressent, tin chắc rằng như thế còn nhanh hơn là đi xe hơi. Anh đã làm đúng: trung tâm thành phố đông đặc người, không thể lái xe qua đó được. Ở góc phố Durham, dân chúng đã nghe được lời đồn kinh khủng kia nên khi nhìn thấy anh, họ dồn lại xung quanh để hỏi thăm tin tức: nhưng anh không trả lời mà bắt đầu chạy như điên. Anh rẽ phải vào đường Bendham Road và tiếp tục chạy đến tận một khu nhà ở. Lúc đầu, anh chạy qua những đường phố vắng vẻ và những ngôi nhà tối om không bật đèn. Rồi anh nhìn thấy cảnh náo động từ đằng xa. Khi lại gần, anh nhìn thấy rõ rệt hơn một vùng ánh sáng và những tiếng nổ lốp bốp phát ra từ những ngọn đèn hiệu trên các xe cấp cứu. Đám đông người hiếu kỳ lớn dần. Một số người gọi anh, nhưng anh mặc kệ họ và không dừng lại. Anh lách qua họ đến tận đằng trước những dải băng cách ly của cảnh sát. Nhìn thấy anh, đồn phó Ron Gulliver lập tức để anh đi qua. Thoạt tiên, Alan Brown choáng váng vì cảnh tượng trước mặt: tiếng ồn, ánh sáng, một xác người phủ ga trắng trên vỉa hè. Anh không biết mình phải đi đâu nữa. Và nhẹ cả người khi nhìn thấy khuôn mặt quen thuộc của Kirk Harvey, trưởng đồn cảnh sát Orphea, người đang nói chuyện cùng tôi và Jess. - Kirk này, phó thị trưởng Brown vừa nói với trưởng đồn cảnh sát vừa rảo bước đến bên ông, lạy Chúa, đang xảy ra chuyện gì vậy? Tin đồn đó có thật không? Joseph và gia đình ông ấy bị sát hại rồi sao? - Cả ba người, Alan ạ, trưởng đồn cảnh sát Harvey trả lời bằng giọng nghiêm trọng. Ông hất đầu về phía căn nhà, nơi các cảnh sát đang ra vào. - Chúng tôi đã tìm thấy cả ba người họ trong nhà. Một vụ thảm sát toàn diện. Trưởng đồn cảnh sát Harvey giới thiệu chúng tôi với viên phó thị trưởng. - Các anh có hướng điều tra nào chưa? Có dấu vết gì không? Brown hỏi chúng tôi. - Lúc này thì chưa có gì, tôi trả lời. Tôi đang băn khoăn suy nghĩ về việc chuyện này xảy ra đúng vào tối khai mạc Liên hoan sân khấu. - Anh cho rằng có mối liên hệ ư? - Còn quá sớm để nói thế. Thậm chí tôi còn không hiểu thị trưởng đang làm gì ở nhà ông ấy. Lẽ ra ông ấy phải ở Nhà hát lớn rồi chứ? - Đúng thế, chúng tôi có hẹn gặp nhau lúc 19 giờ. Không thấy ông ấy đến, tôi đã cố gắng gọi về nhà ông ấy, nhưng không có ai trả lời. Do vở diễn phải bắt đầu, tôi đã ứng biến một bài phát biểu khai mạc thay cho ông ấy, còn ghế của ông ấy thì vẫn để trống. Đúng lúc nghỉ chuyển hồi thì có người báo cho tôi về chuyện đã xảy ra. - Alan này, đồn trưởng Harvey nói, chúng tôi đã tìm thấy mấy va li hành lý trong xe của thị trưởng Gordon. Có vẻ như ông ấy và gia đình đang sắp sửa rời đi. - Sắp sửa rời đi ư? Sắp sửa rời đi nghĩa là sao? Đi đâu? - Tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ, tôi giải thích với Alan. Nhưng thời gian gần đây anh có thấy thị trưởng có vẻ gì là lo lắng không? Ông ấy có kể với anh là có người đe dọa ông ấy không? Ông ấy có lo lắng về sự an toàn của mình không? - Đe dọa ư? Không, ông ấy chẳng nói gì với tôi về những chuyện như thế cả. Liệu… liệu tôi có thể vào xem bên trong nhà không? - Tốt hơn hết là không nên xáo trộn hiện trường vụ án, đồn trưởng Harvey thuyết phục anh. Với lại cảnh tượng nhìn cũng không dễ chịu chút nào đâu, Alan ạ. Một lò mổ thực sự. Thằng bé bị giết trong phòng khách, vợ của Joseph, Leslie, bị giết trong hành lang, còn Joseph thì bị bắn hạ trong bếp. Phó thị trưởng Brown cảm thấy choáng váng. Đột nhiên anh có cảm giác hai chân hẫng đi, đành ngồi xuống vỉa hè. Một lần nữa, ánh mắt anh lại bắt gặp tấm ga trắng cách anh vài chục mét. - Nhưng nếu cả nhà họ đều chết trong nhà, thì kia là ai? Anh vừa hỏi vừa chỉ vào cái xác. - Một phụ nữ trẻ, Meghan Padalin, tôi trả lời. Cô ấy đang chạy bộ. Có lẽ cô ấy đã bắt gặp kẻ sát nhân đúng lúc hắn ra khỏi ngôi nhà, và thế là cô ấy bị hắn giết chết. - Không thể như thế này được! Viên phó thị trưởng vừa nói vừa úp mặt vào hai bàn tay. Đây là một cơn ác mộng! Đúng lúc ấy, đồn phó Ron Gulliver nhập bọn với chúng tôi. Ông nói với Brown: - Báo chí đang đặt ra rất nhiều câu hỏi. Có lẽ phải có ai đó đứng ra tuyên bố chính thức. - Tôi… tôi không biết mình có thể đối mặt với việc đó hay không, Alan lúng búng, mặt tái nhợt. - Alan, đồn trưởng Harvey trả lời, anh phải làm. Từ giờ trở đi, anh là thị trưởng của thành phố này rồi. JESSE ROSENBERG Thứ Bảy, ngày 28 tháng Sáu năm 2014 28 ngày trước đêm biểu diễn khai mạc 8 giờ sáng. Trong lúc Orphea nhẹ nhàng thức dậy, trên đường phố Bendham Road đầy xe chữa cháy, cảnh náo động đã lên đến đỉnh điểm. Tòa nhà nơi Stephanie từng sống chỉ còn là một đống đổ nát nghi ngút khói. Căn hộ của cô đã bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Trên vỉa hè, tôi và Anna quan sát cảnh tượng tất bật của các cảnh sát cứu hỏa, họ đang bận rộn cuộn những ống nước và thu dọn trang thiết bị. Đội trưởng đội cứu hỏa nhanh chóng đến gặp chúng tôi. - Đây là một vụ hỏa hoạn cố ý, anh ta nói với chúng tôi bằng giọng chắc nịch. May mà không có ai bị thương. Trong tòa nhà lúc đó chỉ có người thuê nhà ở tầng hai, và anh ta đã kịp thoát ra. Chính anh ta là người thông báo cho chúng tôi. Hai người có thể đi cùng tôi không? Tôi muốn chỉ cho hai người xem thứ này. Chúng tôi đi theo anh ta vào bên trong tòa nhà, rồi lên cầu thang. Không khí đặc sệt mùi khói cay sè. Đến tầng ba, chúng tôi phát hiện ra rằng cánh cửa căn hộ của Stephanie mở toang. Trông nó vẫn hoàn toàn nguyên vẹn. Cả ổ khóa cũng còn nguyên. - Làm sao các anh có thể vào bên trong mà không phá cửa cũng không phá khóa? Anna hỏi. - Đây chính là thứ tôi muốn chỉ cho hai người thấy, đội trưởng đội cứu hỏa trả lời. Khi chúng tôi đến nơi, cánh cửa đã mở toang như hai người đang nhìn thấy lúc này. - Kẻ phóng hỏa có chìa khóa, tôi nói. Anna nghiêm nghị nhìn tôi: - Jesse, tôi tin rằng kẻ mà anh bắt gặp ở đây vào tối thứ Năm đã quay lại để kết thúc công việc của hắn. Tôi bước đến tận thềm cửa để quan sát bên trong căn hộ: chẳng còn lại bất cứ thứ gì. Bàn ghế đồ đạc, các bức tường, sách vở: tất cả đều đã cháy đen. Kẻ phóng hỏa căn hộ này chỉ có một mục đích duy nhất: thiêu rụi tất cả. Trên phố, Brad Melshaw, người thuê nhà ở tầng hai, đang ngồi trên bậc tam cấp của tòa nhà bên cạnh, quấn người trong một cái chăn. Anh ta vừa uống một cốc cà phê vừa ngắm nghía mặt tiền của tòa nhà giờ đã cháy đen. Brad Melshaw cho chúng tôi biết rằng anh ta đã kết thúc ca làm ở nhà hàng Café Athéna vào khoảng 23 giờ 30 phút. - Tôi đã về thẳng nhà, anh ta nói. Tôi không nhận thấy bất cứ điều gì đặc biệt cả. Tôi nằm ra ghế xô pha, xem ti vi một chút rồi ngủ thiếp đi, tôi vẫn thường ngủ như thế. Vào khoảng 3 giờ sáng, tôi giật mình tỉnh dậy. Căn hộ đầy khói. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng khói bốc vào từ khoang cầu thang, và khi mở cửa ra vào, tôi nhìn thấy tầng trên đang cháy. Tôi lập tức chạy xuống phố và dùng điện thoại di động gọi cứu hỏa. Hình như Stephanie không có ở nhà. Cô ấy đang gặp chuyện gì đó, phải không? - Ai nói với anh như thế? - Tất cả mọi người đều nói thế. Nơi này là một thành phố nhỏ, anh biết đấy. - Anh có thân với Stephanie không? - Không. Chỉ là hàng xóm biết mặt thôi. Giờ giấc của chúng tôi rất khác nhau. Cô ấy chuyển đến đây hồi tháng Chín năm ngoái. Cô ấy rất dễ mến. - Cô ấy có nói với anh là sắp đi du lịch không? Cô ấy có bảo là sắp đi vắng không? - Không. Như tôi vừa nói rồi, chúng tôi không thân thiết đến mức cô ấy kể với tôi những chuyện kiểu đó. - Có thể cô ấy nhờ anh tưới cây hoặc lấy thư từ hộ chẳng hạn? - Cô ấy chưa từng nhờ tôi những việc như thế. Đột nhiên, ánh mắt Brad Melshaw có vẻ bối rối. Rồi anh ta kêu lên: - Có! Làm sao tôi có thể quên chuyện đó được nhỉ? Tối hôm trước cô ấy đã cãi nhau với một cảnh sát. - Khi nào? - Tối thứ Bảy tuần trước. - Đã xảy ra chuyện gì vậy? - Lúc ấy tôi đang từ nhà hàng đi bộ về. Vào khoảng nửa đêm. Có một chiếc xe cảnh sát đỗ trước tòa nhà, còn Stephanie thì đang nói chuyện với người lái xe. Cô ấy bảo anh ta: “Anh không thể làm chuyện đó với em, em cần anh.” Rồi anh ta trả lời: “Tôi không muốn nghe nói đến cô nữa. Nếu cô còn gọi cho tôi, tôi sẽ kiện đấy.” Anh ta nổ máy xe rồi phóng đi. Cô ấy đứng lại một lát trên vỉa hè. Cô ấy có vẻ vô cùng hoang mang. Tôi đã đứng chờ ở góc phố, từ chỗ đó tôi có thể quan sát cảnh tượng vừa xảy ra, cho đến khi cô ấy lên nhà. Tôi không muốn khiến cô ấy khó xử. - Chiếc xe cảnh sát đó thuộc loại nào? Anna hỏi. Là cảnh sát Orphea hay của một thành phố khác? Cảnh sát bang? Cảnh sát đường bộ? - Tôi không biết gì cả. Ngay lúc ấy, tôi không để ý. Với lại trời rất tối. Chúng tôi bị cắt ngang bởi vì thị trưởng Brown đến gặp tôi. - Tôi cho rằng anh đã đọc báo hôm nay, phải không đại úy Rosenberg? Ông hỏi tôi bằng giọng giận dữ, rồi giở ra trước mặt tôi một tờ Thời báo Orphea. Trên trang nhất có đăng một bức ảnh chân dung Stephanie kèm dòng tít: BẠN CÓ NHÌN THẤY NGƯỜI PHỤ NỮ TRẺ NÀY? Stephanie Mailer, nữ phóng viên làm việc tại Thời báo Orphea, đã không có dấu hiệu gì là còn sống kể từ hôm thứ Hai. Xung quanh vụ mất tích của cô còn xảy ra nhiều sự kiện lạ lùng. Cảnh sát bang đang điều tra. - Tôi không biết gì về bài báo này, thưa thị trưởng, tôi đảm bảo. - Biết hay không biết, thì đại úy Rosenberg ạ, chính anh là người đã gây ra toàn bộ những chuyện náo động này! Brown giận dữ. Tôi quay nhìn về phía tòa nhà bị ngọn lửa thiêu rụi. - Ông khẳng định là không có chuyện gì xảy ra ở Orphea? - Không xảy ra chuyện gì nằm ngoài khả năng xử lý của cảnh sát địa phương. Thế nên anh đừng có đến đây để gây thêm rắc rối nữa, được không? Tình hình tài chính của thành phố đang không ổn, và tất cả mọi người đều trông đợi vào mùa lễ hội cùng Liên hoan sân khấu này để khôi phục nền kinh tế. Nếu các du khách e sợ, họ sẽ không đến nữa. - Cho phép tôi nhấn mạnh lại, thưa thị trưởng: tôi tin rằng đây có thể là một vụ án rất nghiêm trọng… - Anh không có bất cứ bằng chứng nào cho chuyện đó, đại úy Rosenberg ạ. Hôm qua, đồn trưởng Gulliver đã cho tôi biết rằng người ta không nhìn thấy xe của Stephanie kể từ hôm thứ Hai. Thế nếu chỉ là cô ấy đi đâu đó thì sao? Tôi đã gọi vài cuộc điện thoại để tìm hiểu về anh, hình như thứ Hai này anh sẽ về hưu phải không? Anna nhìn tôi chằm chằm với một vẻ mặt lạ lùng. - Jesse, cô hỏi tôi, anh rời khỏi ngành cảnh sát sao? - Anh sẽ không đi đâu hết nếu không làm sáng tỏ được vụ án này. Tôi hiểu rằng thị trưởng Brown có thế lực rất mạnh khi mà, trong lúc tôi và Anna rời khỏi Bendham Road để quay trở lại sở cảnh sát Orphea, tôi nhận được một cuộc gọi từ cấp trên của tôi, thiếu tá McKenna. - Rosenberg này, ông bảo tôi, thị trưởng Orphea đang quấy rầy tôi qua điện thoại đấy. Ông ta khẳng định rằng cậu đang gieo rắc nỗi sợ hãi trong thành phố của ông ấy. - Thưa sếp, tôi giải thích, một phụ nữ đã mất tích và chuyện đó có thể có liên quan đến vụ án mạng giết bốn người vào năm 1994. - Vụ án mạng giết bốn người đó đã giải quyết xong rồi, Rosenberg. Và lẽ ra cậu phải biết điều đó, bởi vì chính cậu là người phá án. - Tôi biết, thưa sếp. Nhưng tôi bắt đầu tự hỏi liệu hồi ấy chúng tôi có bỏ sót điều gì đó không… - Cậu đang nói linh tinh cái gì vậy? - Cô gái trẻ mất tích là một nữ phóng viên, cô ta đã điều tra lại về vụ án đó. Đó chẳng phải là dấu hiệu mà chúng ta cần đi sâu tìm hiểu sao? - Rosenberg này, thiếu tá McKenna nói với tôi bằng giọng bực bội, theo lời trưởng đồn cảnh sát địa phương, cậu không có bất cứ bằng chứng nào dù là nhỏ nhất. Cậu đang phá hỏng ngày thứ Bảy của tôi, và sẽ bị coi là một thằng ngu trong khi chỉ còn hai ngày nữa là cậu rời khỏi ngành cảnh sát. Cậu có thực sự muốn thế không? Tôi im lặng, và McKenna tiếp tục bằng giọng thân tình hơn: - Nghe tôi nói này. Kỳ nghỉ cuối tuần này tôi sẽ đi cùng gia đình đến hồ Champlain, tôi sẽ khéo léo để quên điện thoại di động ở nhà. Sẽ không ai có thể liên lạc với tôi cho đến tận tối mai, và tôi sẽ quay lại sở cảnh sát vào sáng thứ Hai. Như vậy, cậu có thời gian đến tận đầu giờ sáng thứ Hai, để tìm ra bất cứ điều gì chắc chắn và báo cáo lại với tôi. Nếu không tìm được, cậu sẽ vui vẻ quay trở lại sở cảnh sát, như không hề có chuyện gì xảy ra. Chúng ta sẽ uống một ly để chia tay cậu, và tôi không bao giờ muốn nghe nói về chuyện này nữa. Cậu đã nghe rõ chưa? - Tôi hiểu rồi, thưa sếp. Cảm ơn ông. Thời gian đang rất gấp rút. Trong phòng làm việc của Anna, chúng tôi bắt đầu ráp các sự kiện lại với nhau trên một tấm bảng từ tính. - Theo lời chứng của các phóng viên, tôi nói với Anna, vụ lấy cắp chiếc máy vi tính trong tòa soạn có lẽ đã xảy ra vào đêm thứ Hai sang ngày thứ Ba. Vụ đột nhập vào căn hộ của Stephanie xảy ra vào tối thứ Năm, và rốt cuộc đêm qua thì xảy ra vụ cháy. - Qua đó anh muốn đi đến kết luận gì? Anna vừa hỏi vừa đưa cho tôi một cốc cà phê nóng bỏng. - À thì tất cả các sự kiện đều khiến ta nghĩ rằng thứ mà kẻ kia tìm kiếm không nằm trong chiếc máy tính ở tòa soạn, điều đó đã buộc hắn phải đến lục lọi ở căn hộ của Stephanie. Có vẻ như kẻ đó không đạt được kết quả gì, bởi vì hắn đã phải mạo hiểm quay trở lại vào tối hôm sau và phóng hỏa căn hộ. Tại sao hắn phải hành động như thế nếu không phải với hy vọng là phá hủy các tài liệu, bởi vì không thể tìm được chúng? - Vậy là thứ chúng ta tìm kiếm có thể vẫn đang nằm ở đâu đó! Anna thốt lên. - Chính xác, tôi gật đầu. Nhưng ở đâu? Tôi có mang theo các sao kê điện thoại và ngân hàng của Stephanie lấy được hôm qua tại trụ sở cảnh sát bang, tôi liền trải chúng lên mặt bàn. - Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc cố gắng tìm ra ngựời nào đã gọi điện thoại cho Stephanie khi cô ấy ra khỏi Kodiak Grill, tôi vừa nói vừa lục trong đống giấy tờ cho đến khi tìm thấy danh sách những cuộc gọi đi và đến gần nhất. Stephanie đã nhận một cuộc gọi vào lúc 22 giờ 03 phút. Rồi cô gọi hai lần liên tục cho cùng một số thuê bao. Lúc 22 giờ 05 phút và lúc 22 giờ 10 phút. Cuộc gọi đầu tiên kéo dài chưa đầy một giây, cuộc gọi thứ hai kéo dài 20 giây. Anna ngồi vào trước máy vi tính. Tôi đọc cho cô số điện thoại gọi đến máy Stephanie lúc 22 giờ 03 phút, cô liền nhập vào hệ thống tìm kiếm để xác định chủ thuê bao. - Hóa ra là thế, Jess ạ! Anna kêu lên. - Gì vậy? Tôi hỏi và vội bước đến bên màn hình. - Số điện thoại đó tương ứng với buồng điện thoại của nhà hàng Kodiak Grill. - Có ai đó đã gọi cho Stephanie từ Kodiak Grill ngay sau khi cô ấy ra khỏi đó sao? Tôi ngạc nhiên. - Có ai đó đã quan sát cô ấy, Anna nói. Trong suốt thời gian cô ấy chờ đợi ở đó, có kẻ đã quan sát cô ấy. Nhặt lại tờ danh sách, tôi dùng bút đánh dấu tô vào số điện thoại cuối cùng mà Stephanie đã gọi. Tôi đọc số đó cho Anna để cô nhập vào hệ thống. Cô đờ người trước cái tên hiện ra trên màn hình. - Không thể nào, hẳn là có sự nhầm lẫn ở đây! Cô bảo với tôi, mặt đột nhiên tái nhợt. Cô yêu cầu tôi đọc lại số điện thoại và cuống cuồng gõ trên bàn phím, nhập lại dãy số vào hệ thống một lần nữa. Tôi lại gần màn hình và đọc cái tên hiển thị trên đó: - Sean O’Donnell. Có vấn đề gì thế, Anna? Em quen anh ta sao? - Em biết anh ta rất rõ, cô kinh hãi trả lời. Đó là một trong các cảnh sát ở chỗ em. Sean O’Donnell là cảnh sát ở Orphea. ••• Đồn trưởng Gulliver, khi nhìn thấy bản sao kê điện thoại, không thể từ chối nên đành cho phép tôi chất vấn Sean O’Donnell. Ông cho gọi anh ta từ đội tuần tra về, và ngồi trong một phòng hỏi cung. Khi tôi bước vào phòng cùng với Anna và đồn trưởng Gulliver, Sean khẽ nhổm dậy khỏi ghế, như thể hai chân anh ta bị rủn ra. - Có ai nói cho tôi biết đang xảy ra chuyện gì không? Anh ta hỏi bằng giọng lo lắng. - Cậu ngồi xuống đi, Gulliver bảo anh ta. Đại úy Rosenberg đây muốn hỏi cậu vài câu. Anh ta làm theo. Gulliver và tôi ngồi xuống bên bàn, đối diện với anh ta. Anna đứng lùi ra sau một chút, tựa lưng vào tường. - Sean này, tôi bảo anh ta, tôi biết là Stephanie Mailer đã gọi điện thoại cho anh vào tối thứ Hai. Anh là người cuối cùng mà cô ấy tìm cách liên lạc. Anh đang che giấu chúng tôi điều gì vậy? Sean đưa hai bàn tay lên ôm lấy đầu. - Đại úy ạ, anh ta rên rỉ, tôi rối trí quá rồi. Lẽ ra tôi phải nói chuyện này với Gulliver. Mà tôi cũng đã muốn làm thế! Tôi hối hận quá… - Nhưng anh đã không làm thế, Sean! Thế nên, anh phải nói cho chúng tôi biết tất cả, ngay bây giờ. Anh ta thở ra một hơi dài rồi mới nói: - Stephanie và tôi có đi lại với nhau một thời gian ngắn. Chúng tôi gặp nhau trong một quán bar, cách đây không lâu. Chính tôi là người tiếp cận cô ấy, và nói thật với mọi người, cô ấy không có vẻ gì là thích thú cho lắm. Cuối cùng cô ấy cũng đồng ý để tôi trả giúp một ly rượu, chúng tôi trò chuyện đôi chút, tôi đã nghĩ là chuyện sẽ chẳng đi đến đâu cả. Cho đến khi tôi nói với cô ấy tôi là cảnh sát ở đây, tại Orphea này: thông tin ấy lập tức khiến cô ấy sôi nổi hẳn lên. Cô ấy thay đổi thái độ ngay, và đột nhiên tỏ ra rất quan tâm đến tôi. Chúng tôi trao đổi số điện thoại, và gặp lại nhau vài lần. Không hơn. Nhưng hai tuần gần đây, mọi chuyện đột ngột được đẩy nhanh. Chúng tôi đã ngủ với nhau. Chỉ một lần. - Tại sao chuyện giữa hai người lại không kéo dài? Tôi hỏi. - Bởi vì tôi hiểu rằng tôi không phải là đối tượng cô ấy quan tâm, mà là phòng tài liệu lưu trữ của sở cảnh sát. - Phòng tài liệu lưu trữ ư? - Đúng thế, đại úy ạ. Chuyện rất đỗi kỳ lạ. Cô ấy đã nhiều lần nói với tôi về cái phòng ấy. Cô ấy nhất quyết muốn tôi dẫn đến đó. Tôi đã nghĩ là cô ấy đùa, và bảo cô ấy rằng chuyện đố đương nhiên là không thể thực hiện được. Nhưng khi tôi thức dậy trên giường cô ấy cách đây nửa tháng, cô ấy đã đòi tôi đưa đến phòng tài liệu lưu trữ. Cứ như thể tôi phải trả một món nợ vì đã qua đêm cùng cô ấy. Tôi đã cảm thấy vô cùng tổn thương. Tôi giận dữ bỏ đi sau khi nói với cô ấy rằng tôi không muốn gặp lại cô ấy nữa. - Cậu không hề tò mò muốn biết tại sao cô ấy lại quan tâm đến thế tới phòng tài liệu lưu trữ sao? Đồn trưởng Gulliver hỏi. - Tất nhiên là tôi có quan tâm chứ. Một phần trong tôi nhất quyết muốn biết. Nhưng tôi không muốn tỏ cho Stephanie thấy rằng tôi quan tâm đến câu chuyện của cô ấy. Tôi cảm thấy mình đang bị thao túng, và bởi vì tôi thực sự thích cô ấy, chuyện đó khiến tôi đau lòng. - Thế sau đó anh có gặp lại cô ấy không? Tôi hỏi. - Một lần duy nhất. Thứ Bảy tuần trước. Tối hôm đó, cô ấy gọi tôi nhiều lần, nhưng tôi không trả lời. Tôi nghĩ rằng cô ấy sẽ chán, nhưng cô ấy vẫn gọi liên tục. Hôm đó tôi đang có ca trực, và không thể chịu nổi sự bám riết của cô ấy. Cuối cùng, vì hết kiên nhẫn, tôi bảo cô ấy gặp tôi ở dưới chân tòa nhà nơi cô ấy ở. Thậm chí tôi còn không ra khỏi xe, tôi bảo cô ấy rằng nếu cô ấy còn gọi lại, tôi sẽ kiện cô ấy tội quấy rối. Cô ấy bảo tôi là cô ấy cần được giúp đỡ, nhưng tôi không tin. - Chính xác thì cô ấy nói gì? - Cô ấy bảo rằng cô ấy cần tra cứu một tài liệu liên quan đến một tội ác xảy ra ở đây, và cô ấy đang nắm được một số thông tin. Cô ấy nói: “Có một vụ điều tra đã bị kết luận nhầm. Có một chi tiết, một điều gì đó mà hồi ấy không ai nhìn ra, tuy nhiên lại rất rõ ràng.” Để thuyết phục tôi, cô ấy giơ bàn tay ra trước mắt tôi rồi hỏi tôi nhìn thấy gì. “Bàn tay em”, tôi trả lời. “Lẽ ra anh phải nhìn vào các ngón tay em.” Với câu chuyện bàn tay và ngón tay của cô ấy, tôi tự nhủ cô ấy coi tôi như một thằng ngốc. Tôi bỏ đi và để mặc cô ấy trên phố, tự thề rằng không bao giờ để cô ấy thao túng nữa. - Không bao giờ nữa ư? Tôi hỏi. - Không bao giờ nữa, đại úy Rosenberg ạ. Từ hôm đó tôi không nói chuyện với cô ấy nữa. Tôi để bầu không khí im lặng bao trùm một lát rồi mới chìa con át chủ bài ra: - Đừng có coi chúng tôi là lũ ngốc, Sean ạ! Tôi biết anh đã nói chuyện với Stephanie vào tối thứ Hai, buổi tối ngày cô ấy mất tích. - Không đâu, đại úy ạ! Tôi thề với anh là tôi không nói chuyện với cô ấy! Tôi giơ tờ sao kê cuộc gọi ra trước mặt anh ta. - Đừng có nói dối nữa, tất cả có ghi rõ ở đây: hai người đã nói chuyện với nhau trong vòng 20 giây. - Không, chúng tôi không nói chuyện với nhau! Sean kêu lên. Cô ấy đã gọi cho tôi, đúng là thế. Hai lần. Nhưng tôi không trả lời! Ở cuộc gọi cuối, cô ấy đã để lại lời nhắn vào hộp thư trả lời tự động của tôi. Điện thoại của chúng tôi quả là có kết nối đúng như trong tờ sao kê này, nhưng chúng tôi không nói chuyện với nhau. Sean không nói dối. Khi kiểm tra điện thoại của anh ta, chúng tôi phát hiện một tin nhắn nhận vào ngày thứ Hai, lúc 22 giờ 10 phút, với thời lượng 20 giây. Tôi nhấn nút nghe và giọng Stephanie đột ngột vang lên từ loa điện thoại. Sean, là em đây. Em nhất định phải nói chuyện với anh, gấp lắm. Làm ơn đi…[Ngừng.] Sean, em sợ. Em thực sự rất sợ. Giọng cô gái thể hiện chút lo lắng. - Tôi đã không nghe lời nhắn này ngay. Tôi nghĩ lại là trò khóc lóc gì đó của cô ấy. Cuối cùng tôi đã nghe nó vào thứ Tư, sau khi bố mẹ cô ấy đến sở cảnh sát để báo tin cô ấy mất tích, Sean giải thích. Và tôi không biết phải làm gì nữa. - Tại sao anh không nói gì cả? Tôi hỏi. - Tôi sợ, đại úy ạ. Và tôi cảm thấy hổ thẹn. - Stephanie có cảm thấy mình bị đe dọa không? - Không… Dù thế nào, cô ấy cũng không bao giờ nói đến chuyện đó. Đấy là lần đầu tiên cô ấy nói rằng mình sợ. Tôi trao đổi một ánh mắt với Anna và đồn trưởng Gulliver, rồi hỏi Sean: - Tôi cần biết anh đã ở đâu và làm gì vào tối thứ Hai, khoảng 22 giờ, khi Stephanie cố liên lạc với anh. - Lúc đó tôi đang ở một quán bar ở Đông Hamptons. Một trong các bạn của tôi là quản lý của quán, tôi ở đó cùng cả một nhóm bạn. Chúng tôi ở đó cả tối. Tôi sẽ cho anh tên tất cả bọn họ, anh có thể kiểm tra. Nhiều nhân chứng khẳng định rằng Sean có mặt trong quán bar mà anh ta nhắc đến, từ 19 giờ đến tận 1 giờ sáng hôm sau, vào ngày Stephanie mất tích. Trong phòng làm việc của Anna, tôi viết lên tấm bảng từ tính câu đố hóc búa mà Staphanie đã đặt ra: Những gì ở trước mắt chúng ta mà chúng ta không nhìn thấy vào năm 1994. Chúng tôi cho rằng Stephanie muốn vào phòng tài liệu lưu trữ của sở cảnh sát Orphea để tiếp cận hồ sơ điều tra vụ án mạng giết bốn người vào năm 1994. Do đó, chúng tôi đến phòng tài liệu lưu trữ, và dễ dàng tìm thấy chiếc hộp các tông lớn dùng để đựng bộ hồ sơ kia. Và chúng tôi vô cùng sửng sốt khi thấy chiếc hộp trống rỗng. Tất cả đã biến mất. Bên trong, chỉ có một tờ giấy đã ố vàng vì thời gian, trên đó có một dòng chữ đánh máy: Nơi đây ĐÊM ĐEN bắt đầu. Chẳng khác nào điểm khởi đầu của một trò chơi săn tìm kho báu. ••• Chi tiết cụ thể duy nhất mà chúng tôi có được là cú điện thoại gọi đi từ nhà hàng Kodiak Grill ngay sau khi Stephanie rời đi. Chúng tôi đến đó và gặp lại cô nàng nhân viên đã được chúng tôi hỏi chuyện hôm trước. - Phòng điện thoại công cộng của nhà hàng nằm ở đâu? Tôi hỏi cô ta. - Các anh có thể dùng điện thoại ở quầy, cô ta trả lời. - Cô thật tốt bụng, nhưng tôi muốn xem phòng điện thoại công cộng. Cô ta liền dẫn chúng tôi băng ngang nhà hàng, đến tận khu đằng sau nơi chúng tôi nhìn thấy hai hàng mắc treo áo gắn trên tường, khu vệ sinh, một máy rút tiền tự động, và trong một góc là chiếc điện thoại trả bằng tiền xu. - Có camera không? Anna vừa hỏi vừa chăm chú quan sát trần nhà. - Không, trong nhà hàng không có chiếc camera nào. - Buồng điện thoại này có được sử dụng thường xuyên không? - Tôi không biết, lúc nào cũng có nhiều người ra vào khu vực này. Khu vệ sinh là dành cho khách hàng, nhưng lúc nào cũng có nhiều người vào và ngây thơ hỏi ở đây có điện thoại không. Chúng tôi trả lời là có. Nhưng chúng tôi không biết họ có thực sự cần gọi điện thoại không, hay họ cần đi vệ sinh. Ngày nay, ai mà chẳng có điện thoại di động, đúng không? Đúng lúc đó, điện thoại của Anna đổ chuông. Người ta vừa tìm thấy xe của Stephanie ở gần bờ biển. ••• Anna và tôi phóng hết tốc lực trên Ocean Road, con đường nối từ phố chính đến tận bãi biển của Orphea. Cuối đường là một bãi đỗ xe tạo bởi một vòng cung lớn bằng bê tông, trên đó những người đi tắm biển đỗ xe của họ mà không có vé cũng chẳng có giới hạn nào về thời gian. Vào mùa đông, chỉ còn lại thưa thớt vài chiếc xe của những người đi dạo và những ông bố đến đây buông diều với lũ trẻ. Bãi đỗ xe bắt đầu kín chỗ vào những ngày đẹp trời mùa xuân. Vào giữa hè, nơi này bị tấn công ngay từ giờ phút đầu tiên của những buổi sáng nóng nực và số lượng xe đến đây đậu quả là đáng kinh ngạc. Cách bãi đỗ xe chừng một trăm mét, một chiếc xe cảnh sát đỗ trên lề đường. Một nhân viên cảnh sát vẫy tay ra hiệu với chúng tôi, và tôi đỗ xe ngay sau xe anh ta. Ở vị trí này, một con đường nhỏ chạy thẳng vào trong rừng. Viên cảnh sát giải thích với chúng tôi: - Là những người đi dạo đã nhìn thấy chiếc xe. Có vẻ như nó đã đậu ở đây từ hôm thứ Ba. Khi đọc báo sáng nay, họ đã kết nối thông tin lại với nhau. Tôi đã kiểm tra rồi, biển đăng ký xe tương ứng với số xe của Stephanie Mailer. Chúng tôi phải đi bộ chừng hai trăm mét để đến bên chiếc xe, nó được đỗ ngay ngắn ở một khoảng thụt vào bên lề đường. Đúng là chiếc Madza màu xanh da trời mà camera của ngân hàng đã ghi lại được. Tôi xỏ tay vào một đôi găng tay cao su rồi nhanh chóng đi một vòng, kiểm tra bên trong qua cửa kính. Tôi muốn mở cửa xe, nhưng nó bị khóa. Cuối cùng, Anna cũng thốt lên thành lời ý nghĩ đang quanh quẩn trong đầu tôi: - Jesse, anh có nghĩ là cô ấy ở trong cốp xe không? - Chỉ có một cách để biết điều ấy thôi, tôi trả lời. Viên cảnh sát mang đến cho chúng tôi một cây xà beng. Tôi lách nó vào một đường rãnh ở cốp xe. Anna đứng ngay sau lưng tôi, nín thở. Ổ khóa bung ra dễ dàng và cốp xe đột ngột bật mở. Tôi khẽ lùi lại, rồi cúi người về phía trước để nhìn bên trong cho rõ hơn, và tôi nhận thấy cốp xe trống rỗng. “Không có gì cả, tôi vừa nói vừa tách xa khỏi chiếc xe. Chúng ta hãy gọi cho cảnh sát khoa học trước khi hiện trường bị phá hỏng. Tôi nghĩ rằng lần này, thị trưởng sẽ đồng ý là phải dùng đến những phương tiện đáng kể.” Việc phát hiện ra chiếc xe của Stephanie quả thực đã làm thay đổi cục diện. Được báo tin, thị trưởng Brown đã cùng Gulliver đến hiện trường, và khi hiểu rằng cần phải tiến hành các chiến dịch tìm kiếm, rằng cảnh sát địa phương sẽ sớm bị choáng ngợp trước tình huống này, ông đã cho gọi viện trợ từ lực lượng cảnh sát của các thành phố lân cận. Trong vòng một giờ đồng hồ, Ocean Road hoàn toàn bị phong tỏa, từ giữa đường cho đến tận bãi đỗ xe bên bờ biển. Các đơn vị cảnh sát trên toàn quận đã cử người chi viện, với sự hỗ trợ của các đội tuần tra thuộc cảnh sát bang. Những nhóm người hiếu kỳ tụ tập hai bên những dải băng cách ly của cảnh sát. Từ phía khu rừng, các cảnh sát khoa học đang biểu diễn vũ điệu của mình trong những bộ áo liền quần màu trắng, xung quanh chiếc xe của Stephanie, đối tượng được họ kiểm tra kỹ càng từng li từng tí. Những nhóm cảnh sát điều khiển chó nghiệp vụ cũng được cử đến. Ngay sau đó, người phụ trách đội chó nghiệp vụ cho gọi chúng tôi đến bãi đỗ xe bên bờ biển. - Toàn bộ lũ chó đều đi theo một hướng duy nhất, anh ta nói khi chúng tôi đi đến nơi. Chúng xuất phát từ chiếc xe và đi theo con đường nhỏ len lỏi dẫn từ khu rừng, giữa đám cỏ cao, tới tận đây. Anh ta giơ ngón tay chỉ cho chúng tôi thấy vệt đường tắt được những người đi dạo men theo để đi từ bãi biển đến tận con đường mòn trong rừng. - Toàn bộ lũ chó đều dừng lại ở bãi đỗ xe. Ở đúng nơi tôi đang đứng. Sau đó, chúng mất dấu vết cô ấy. Viên cảnh sát đang đứng ngay giữa bãi đỗ xe, theo đúng nghĩa của từ này. - Như thế có nghĩa là gì? Tôi hỏi. - Có nghĩa là cô ấy đã lên một chiếc xe ở đây, đại úy Rosenberg ạ. Và cô ấy đã đi khỏi đây trong chiếc xe đó. Ông thị trưởng quay sang phía tôi. - Anh nghĩ gì về chuyện này, đại úy? Ông ta hỏi tôi. - Tôi nghĩ rằng có ai đó đã đợi Stephanie. Cô ấy có hẹn. Người hẹn gặp cô ấy ở nhà hàng Kodiak Grill đã ngồi ở một bàn trong góc nhà hàng và theo dõi cô ấy. Khi cô ấy ra khỏi nhà hàng, người đó gọi cho cô ấy từ phòng điện thoại công cộng và hẹn cô ấy ở bãi biển. Stephanie cảm thấy lo lắng: cô ấy đã nghĩ đến một cuộc gặp ở nơi công cộng, để rồi thấy mình phải đi đến bãi biển, một nơi vắng vẻ vào giờ đó. Cô ấy gọi cho Sean nhưng anh ta không trả lời. Cuối cùng, cô ấy quyết định đỗ xe trên con đường mòn trong rừng. Có thể là để có một giải pháp rút lui chăng? Hoặc để rình chờ đối tượng hẹn gặp bí ẩn kia xuất hiện? Dù sao đi nữa, cô ấy cũng khóa cửa xe. Cô ấy đi đến tận bãi đỗ xe và lên chiếc xe của người hẹn gặp cô ấy. Cô ấy đã bị đưa đi đâu? Chỉ có Chúa mới biết. Một khoảng im lặng lạnh lẽo. Rồi đồn trưởng Gulliver, như thể đang xem xét tình hình, cất giọng thì thầm: - Vụ Stephanie Mailer mất tích bắt đầu như thế đấy. DEREK SCOTT ối 30 tháng Bảy năm 1994 này, ở Orphea, phải mất một thời gian để rốt cuộc T những đồng nghiệp đầu tiên của chúng tôi trong đội cảnh sát hình sự cũng như cấp trên của chúng tôi, thiếu tá McKenna, đến được hiện trường vụ án. Sau khi tổng kết tình hình, ông kéo tôi ra một góc rồi hỏi: - Derek này, chính cậu là người đầu tiên đến hiện trường phải không? - Đúng thế, thưa sếp, tôi trả lời. Tôi và Jesse đã ở đây hơn một giờ đồng hồ. Là sĩ quan có cấp bậc cao nhất, tôi đã phải đưa ra vài quyết định, đặc biệt là dựng các chốt chặn trên đường quốc lộ. - Cậu đã làm rất đúng. Và tôi thấy tình hình có vẻ được quản lý tốt. Cậu cảm thấy mình có đủ khả năng phụ trách vụ này không? - Có, thưa sếp. Tôi sẽ rất vinh dự được nhận vụ này. Tôi cảm thấy thiếu tá McKenna có chút lưỡng lự. - Đây sẽ là vụ án lớn đầu tiên của cậu, ông nói, mà Jesse thì vẫn còn là một điều tra viên ít kinh nghiệm. - Rosenberg có bản năng cảnh sát rất tốt, tôi đảm bảo. Hãy tin tưởng ở chúng tôi, thưa sếp. Chúng tôi sẽ không làm ông thất vọng đâu. Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng thiếu tá McKenna cũng gật đầu: - Tôi muốn dành cơ hội này cho các cậu, Scott ạ. Tôi rất quý Jesse và cậu. Nhưng đừng có làm hỏng việc đấy. Bởi vì, khi đồng nghiệp của các cậu biết được rằng tôi giao phó cho các cậu một vụ án tầm cỡ như thế này, họ sẽ ra sức mà bép xép. Mà này, họ chỉ có mỗi một việc là đến đây! Bọn họ đâu cả rồi, chết tiệt thật? Đi nghỉ chăng? Bọn khốn chết tiệt… Thiếu tá McKenna gọi Jesse đến rồi cao giọng thông báo để các đồng nghiệp của chúng tôi cũng nghe thấy: - Scott và Rosenberg, hai người sẽ phụ trách vụ này. Tôi và Jesse đã quyết tâm không để cấp trên phải hối tiếc về quyết định của mình. Chúng tôi ở lại Orphea cả đêm, để thu thập những mắt xích đầu tiên phục vụ cho việc điều tra. Gần 7 giờ sáng tôi mới thả Jesse xuống trước cửa nhà anh, tại khu Queens. Anh mời tôi vào trong nhà uống cà phê và tôi nhận lời. Cả hai chúng tôi cùng mệt nhoài nhưng rất phấn khích trước vụ án này, nên khó mà ngủ được. Trong bếp, trong khi Jesse chuẩn bị pha cà phê, tôi bắt đầu ghi chép. - Kẻ nào lại thù oán thị trưởng đến mức giết ông ấy cùng cả vợ con? Tôi cao giọng băn khoăn trong lúc ghi lại câu đó vào một tờ giấy mà Jesse dán trên cửa tủ lạnh. - Phải hỏi những người gần gũi với ông ấy, Jesse gợi ý. - Gia đình ông ấy đang làm gì trong tối khai mạc Liên hoan sân khấu nhỉ? Lẽ ra họ phải ở Nhà hát lớn chứ. Lại còn những va li đầy quần áo mà chúng ta tìm thấy trong xe. Tôi tin rằng họ đang chuẩn bị rời đi. - Họ bỏ trốn ư? Nhưng tại sao? - Jesse ạ, tôi nói, đó chính là điều chúng ta cần phải tìm ra. Tôi dán một tờ giấy thứ hai lên tờ giấy trên đó cậu ta đã viết: Thị trưởng có kẻ thù không? Natasha, hẳn là bị giọng nói của chúng tôi đánh thức, xuất hiện ở cửa bếp, vẫn còn ngái ngủ. - Tối qua đã xảy ra chuyện gì vậy? Cô vừa hỏi vừa nép sát vào người Jesse. - Một vụ thảm sát, tôi trả lời cô. - Những vụ án mạng trong Liên hoan sân khấu ư? Natasha đọc trên cánh cửa tủ lạnh rồi mở tủ lạnh ra. Nghe có vẻ là một vở diễn trinh thám thú vị đó. """